Ngày 17-11-2015
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Tân phúc âm hóa 4 hình thái phục vụ của Linh Mục
Lm. Phêrô Nguyễn Đức Thắng
07:20 17/11/2015
TÂN PHÚC ÂM HOÁ 4 HÌNH THÁI PHỤC VỤ CỦA LINH MỤC

Sống trong một đất nước của các khẩu hiệu, chúng ta thấy các biểu ngữ tràn lan và chen chúc nhau trên đường phố, nhưng rất nhiều câu vô bổ, thậm chí vô cảm hay phản cảm nữa. Ngay giữa Sài Thành tất bật, đặc quẹo khói xe thì đây đó đập vào mắt một màu đỏ rực: “KHÔNG RA KHƠI KHI CÓ BÃO”. Oái ăm thay, khẩu hiệu nào cũng như thét thành tiếng cả:

“Vượt đèn đỏ chỉ dành cho người ít học”.

“Các em gái không thể tự mình mang thai, các em trai phải là một phần của giải pháp”.

Số khác hưởng ứng trên lưng áo: “thà hôn em rồi bị tát còn hơn nhìn thằng khác nó hôn em”.

Chính vì thế, người ta dị ứng và thậm chí sợ hãi cả những khẩu hiệu mượt mà như “đầy tớ của nhân dân” “khách hàng là thượng đế” vv... Ngay trong nhà đạo thì sự thận trọng, nghi ngại trước cái gọi là: “chúng tôi là những đầy tớ vô dụng”, “các linh mục là tôi tớ, là người phục vụ” là điều dễ thấy.

Lời Chúa trong tin mừng Luca 17, 7-10 mời gọi mỗi người thay đổi cung cách phục vụ của mình trong thế giới hôm nay như một cách thức tân phúc âm hoá: “chúng tôi chỉ là đầy tớ vô dụng, vì chúng tôi đã làm điều chúng tôi phải làm”.

1. Phục vụ thật nhẹ nhàng chứ không áp đặt.

Là người phục vụ thầy Giêsu nhân lành, người phục vụ cần biểu lộ một khuôn mặt bao dung, đồng cảm và đồng hành với con người, để có thể chia vui sẻ buồn của họ, để họ có thể cảm nhận “gánh của Chúa thì êm ái, ách của Chúa thì nhẹ nhàng”.

Người phục vụ gánh lấy nỗi thống khổ của dân, chứ không thuộc về loại người “buộc những bó nặng và chất lên vai người ta, còn chính mình lại không muốn giơ ngón tay lay thử”. Thánh Tôma Aquinô chỉ ra rằng các giới luật mà Đức Kitô và các tông đồ truyền cho dân thì “rất ít”. Do vậy các giới luật mà Hội Thánh thời sau truyền dạy nên được nhấn mạnh một cách vừa phải thôi “để không đè nặng lên đời sống các tín hữu” và biến đạo chúng ta thành một dạng nô lệ, trong khi “lòng thương xót của Thiên Chúa muốn chúng ta phải được tự do”. Đây là một trong các tiêu chuẩn chúng ta phải lưu ý khi suy nghĩ về một cuộc cải tổ Hội Thánh và việc giảng dạy của Hội Thánh. (EG 43)[1]

2. Phục vụ thầm lặng theo “tinh thần men muối”.

Các gam màu tươi sáng làm cho bức tranh cuộc sống hấp dẫn, sống động. Cuộc sống cần có các điểm nhấn là các các phong trào để gây ý thức cộng đồng. Tuy vậy, thời gian mới là lời đáp trả cho mọi vấn đề. Các lễ hội không nên được đặt ưu tiên hàng đầu trong chương trình mục vụ.

Là người phục vụ một Hội Thánh tham gia, hiệp thông và sứ vụ, chúng ta duy trì sự hiệp nhất các chi thể nơi thân thể mầu nhiệm của Chúa Kitô, quan tâm tới sự hiện diện cùng với nhau, nhất là quanh bàn tiệc Thánh thể. Tuy nhiên, cần biết rằng, sự hiệp thông không chỉ là sự quy tụ, càng không phải là bầu khí của các cuộc tụ họp lễ hội linh đình. Đôi khi một sự hiện diện khiêm nhường và âm thầm lại cho kết quả tốt hơn. Lời khuyên của Đức Thánh Cha Phanxicô với các giám mục trong Tông huấn Evangelii Gaudium về việc duy trì hiệp thông cũng nên là kim chỉ nam cho mỗi linh mục. Thật vậy, số 31 của tông huấn nói: “Giám mục phải luôn luôn nuôi dưỡng sự hiệp thông truyền giáo trong Giáo Hội địa phương của mình, theo lý tưởng của các cộng đoàn Kitô giáo tiên khởi, ở đó các tín hữu đều một lòng một trí với nhau. Để làm điều này, có khi ngài sẽ đứng trước dân, chỉ đường cho họ và giữ cho niềm hi vọng của họ luôn sống động. Khi khác, ngài chỉ cần ở giữa họ bằng một sự hiện diện khiêm tốn và nhân từ”. Đây chính là tinh thần làm men, làm muối giữa đời. Tinh thần ấy cần có thời gian, cần được nuôi dưỡng dài hạn.

Nếu không có tinh thần men muối, các lễ hội cũng giống như những chiếc bong bóng màu. Phong trào tuần lễ xanh sạch, ngày hội ra quân vệ sinh môi trường tiêu tốn rất nhiều công sức nhưng nhanh chóng xì hơi và để lại bộ mặt thành phố nhếch nhác, bẩn thỉu như nó vốn có, còn những người tham gia thì mệt mỏi, chán chường.

3. Người phục vụ hôm nay phải là người bình thường.

Thế giới chúng ta đang sống rất hời hợt và trọng hình thức. Đi ngược với giòng chảy đó cần nhiều can đảm, bản lĩnh. Thoát ra được thói chuộng vẻ bề ngoài sẽ làm cho chúng ta nhẹ nhàng hơn khi bước theo Thánh Giá Chúa Kitô. Là những người phục vụ thì càng phải xoá mình đi. Không thiếu các linh mục lúc nào cũng khoác lên người chiếc áo chùng thâm và xưng mình là cha với tất cả mọi người với dụng ý “để dễ dàng làm việc”.

“Chúng ta cần phải bình thường”, đó là lời ĐTC Phanxicô nhắn nhủ. Lắm lúc người mục tử sợ sự bình thường sẽ làm mất đi sự kính trọng, khó điều hành. Đó chỉ là lo lắng không có cơ sở. Cha Andrea Riccardi, nhận xét rằng, “Phong cách không hình thức và sự gần gũi của Đức Phanxicô làm cho trách vụ quản trị Giáo Hội trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. ... Điều này không có nghĩa là mất đi thẩm quyền, nhưng ngược lại, làm tăng thêm sự tín nhiệm”. Người phục vụ hôm nay cần có tinh thần gần gũi, giản dị.

4. Người phục vụ hành động theo nguyên lý bổ trợ.

Cơn cám dỗ ngọt ngào của người tông đồ là muốn xen vào chuyện của tất cả mọi người thuộc về mình, cho đó là bổn phận của mình. Tuy nhiên trách vụ cao cả hàng đầu của mục tử là “phải nâng cao phẩm giá và trách nhiệm của giáo dân, sẵn sàng chấp nhận các ý kiến khôn ngoan của họ”, LG[2]. 37, “cần giao cho họ các trách vụ cũng như trao cho họ tự do và quyền hạn để khuyến khích họ đảm nhận công việc theo sáng kiến riêng”. Để có được sự tin tưởng này, người phục vụ cần học biết một nguyên tắc đặc thù của Hội Thánh: Nguyên Lý Bổ Trợ, theo đó cơ quan cấp trên hãy chăm lo và giúp đỡ kịp thời các phần tử cấp dưới nhưng không quyết định thay cho cấp dưới. Một sự buông bỏ trước quyền lực, địa vị để có thể giúp các đặc sủng trong dân Chúa có cơ hội phát huy cách tốt đẹp hơn. Cũng thế, các đoàn thể trong giáo xứ cần sự quan tâm chăm sóc của mục tử, và họ cũng rất cần được tự do và quyền hạn để hành động. Có một số nữ ca viên trong một ca đoàn nọ than phiền rằng “Chúng con có nhiều áo dài đồng phục với màu khác nhau cho từng dịp lễ. Thế nhưng màu áo nào của các chị em cũng phải do cha quyết định. Chúng con thích màu hồng phấn, nhưng cha nhất định phải là màu hồng nóng”(!).

Một sự can thiệp quá sâu vào nội bộ cấp dưới sẽ đi ngược với nguyên lý bổ trợ, và do đó đi ngược với tinh thần giáo huấn về phục vụ của Hội Thánh.

Lạy Chúa Giêsu. Xin Chúa dạy con biết sống quảng đại. Biết phụng sự Chúa như Chúa đáng được phụng sự. Biết cho đi mà không tính toán. Biết chiến đấu không ngại thương tích. Biết làm việc không tìm nghỉ ngơi. Biết hiến thân mà không mong chờ phần thưởng nào hơn là được biết con đang thi hành ý Chúa. Amen[3]

Lm. Phêrô Nguyễn Đức Thắng

Bài chia sẻ trong Thánh Lễ tuần tĩnh tâm linh mục đoàn Long Xuyên năm 2015


[1] Evangelii Gaudium
[2] Lumen Gentium
[3] Kinh Quảng Đại của Thánh Inhã
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Thượng Hội Đồng về Gia Đình năm 2015, Tường Trình Sau Cùng, Phần II, chương 1
Vũ Văn An
17:49 17/11/2015
PHẦN II

Gia đình trong kế hoạch Thiên Chúa

35. Việc biện phân ơn gọi gia đình trong nhiều tình huống ta gặp ở phần đầu cần một hướng dẫn vững chắc về cả con đường lẫn việc đồng hành. La bàn ấy chính là Lời Thiên Chúa trong lịch sử, một Lời mà đỉnh cao là chính Chúa Giêsu Kitô, Đấng là “Đường, Sự Thật, và Sự Sống” của mọi người nam nữ lập gia đình. Bởi thế, chúng tôi lắng nghe những điều Giáo Hội giảng dạy về gia đình dưới ánh sáng Thánh Kinh và Thánh Truyền. Chúng tôi tin chắc rằng Lời này đáp ứng mọi khát mong sâu xa nhất của con người liên quan tới tình yêu, sự thật và lòng thương xót, và đánh thức khả thể hiến tặng và chào đón cả nơi các tâm hồn tan nát và bị hạ nhục. Dưới ánh sáng này, chúng tôi tin rằng Tin Mừng gia đình đã khởi đầu từ việc dựng nên con người giống hình ảnh Thiên Chúa, Đấng vốn là tình yêu, và là Đấng đã mời gọi người đàn ông và người đàn bà yêu nhau theo hình ảnh của Người (xem St 1:26-27). Ơn gọi vợ chồng và gia đình bước vào hiệp thông tình yêu và sự sống sẽ kéo dài suốt mọi giai đoạn trong kế hoạch của Thiên Chúa, bất chấp các giới hạn và tội lỗi của nhân loại. Ơn gọi này, ngay từ đầu, đã được đặt nền trên Chúa Kitô Cứu Chuộc (xem Eph 1:3-7). Chính Người đã phục hồi và hoàn thiện giao ước hôn nhân ngay từ những ngày đầu của nó (xem Mc 10:6), đã chữa lành trái tim con người (xem Ga 4:10), đã ban cho nó khả năng yêu thương như Người yêu thương Giáo Hội, bằng cách hiến mình cho Giáo Hội (Eph 5:32).

36. Ơn gọi này nhận được hình thức Giáo Hội và truyền giáo từ sợi dây bí tích; sợi dây này thánh hiến mối liên hệ hôn nhân bất khả tiêu giữa hai người phối ngẫu. Đối với họ, việc trao đổi lời ưng thuận, điều thiết lập ra hôn nhân, có nghĩa họ cam kết hiến thân cho nhau và chấp nhận nhau, một cách toàn diện và dứt khoát trong “một thân xác” (St 2:24). Ơn Chúa Thánh Thần làm cho cuộc kết hợp của hai người phối ngẫu trở thành dấu chỉ sống động của dây liên kết giữa Chúa Kitô và Giáo Hội. Do đó, cuộc kết hợp suốt đời của họ trở nên mạch suối của vô vàn ơn thánh: ơn sinh hoa trái và làm chứng, ơn chữa lành và tha thứ. Hôn nhân tự thể hiện trong cộng đồng sự sống và tình yêu, và gia đình trở thành người truyền giảng Tin Mừng. Nhờ trở nên môn đệ của Người, vợ chồng được Chúa Giêsu đồng hành trên đường Emmau, họ nhận ra Người lúc bẻ bánh, và trở lại Giêrusalem trong ánh sáng phục sinh (xem Lc 24: 13-43). Giáo Hội công bố cho gia đình sợi dây liên kết của mình với Chúa Kitô, nhờ việc Nhập Thể, qua đó, Người là thành viên của Thánh Gia Nadarét. Trong sợi dây bất khả tiêu nối kết vợ chồng, đức tin nhận ra sự phản ảnh của tình yêu Chúa Ba Ngôi, được mạc khải qua sự hợp nhất của sự thật và lòng thương xót do Chúa Giêsu công bố. Thượng Hội Đồng là người giải thích chứng tá của Giáo Hội, một chứng tá đem đến cho dân Chúa một sứ điệp rõ ràng về sự thật gia đình theo Tin Mừng. Không một khoảng cách nào ngăn cản gia đình không được lòng thương xót này vươn tới và không được sự thật này đụng tới.

Chương 1

Gia đình trong lịch sử cứu rỗi

Sư phạm Thiên Chúa


37. Vì trật tự tạo dựng được xác định bởi xu hướng của nó hướng về Chúa Kitô, nên điều chủ yếu là phải phân biệt mà không tách biệt các giai đoạn khác nhau qua đó, Thiên Chúa thông truyền cho nhân loại ơn phúc giao ước. Về sư phạm Thiên Chúa, theo đó, kế hoạch tạo dựng đã được hoàn tất trong kế hoạch cứu chuộc, qua nhiều giai đoạn nối tiếp nhau, điều cần là phải hiểu tính mới mẻ của bí tích hôn phối trong liên tục tính của nó với hôn nhân tự nhiên nguyên thủy, đặt căn bản trên trật tự tạo dựng. Theo lối nhìn này, ta có thể hiểu cung cách Thiên Chúa hành động cứu rỗi trong cuộc sống Kitô hữu. Vì mọi sự đều đã được dựng nên nhờ Chúa Kitô và vì Chúa Kitô (xem Cl 1:16), Kitô hữu rất “vui mừng khám phá ra và sẵn sàng tôn trọng các hạt giống Lời Chúa ẩn tàng kia; đồng thời, họ nên hiểu rõ các thay đổi sâu xa đang diễn ra nơi các dân tộc” (AG, 11). Việc tháp nhập tín hữu vào Giáo Hội nhờ Phép Rửa được hoàn tất trọn vẹn với các bí tích khai tâm khác. Trong Giáo Hội tại gia là gia đình này, người tín hữu nhận lãnh “diễn trình đầy năng động ấy, một diễn trình diễn ra từ từ qua việc tháp nhập một cách tiệm tiến các ơn phúc của Thiên Chúa” (FC 9), nhờ việc hoán cải không ngừng, biết quay về với tình yêu cứu ta khỏi tội và ban cho ta sự sống viên mãn. Trong các thách đố xã hội và văn hóa hiện nay, đức tin dõi mắt nhìn vào Chúa Giêsu Kitô để chiêm ngưỡng và thờ lạy gương mặt Người. Người từng dõi nhìn những người đàn ông và đàn bà Người gặp một cách đầy yêu thương và dịu dàng, đồng hành với họ trong sự thật, kiên nhẫn và thương xót, trong khi vẫn công bố các đòi hỏi của Nước Thiên Chúa. Mỗi lần, ta quay trở về với mạch suối kinh nghiệm Kitô Giáo, những nẻo đường mới và những cơ hội không ngờ tới đều được mở ra cho ta” (Đức Phanxicô, Diễn văn tại Buổi Canh Thức Cầu Nguyện cho Thượng Hội Đồng về gia đình, 4 tháng 10, 2014).



Hình ảnh Chúa Ba Ngôi trong gia đình

38. Thánh Kinh và Thánh Truyền giúp ta có được sự hiểu biết về Chúa Ba Ngôi, vốn được mạc khải qua các đặc điểm giống như gia đình. Gia đình là hình ảnh của Thiên Chúa, một hình ảnh cho thấy “trong mầu nhiệm thẳm sâu nhất của Người, không phải là sự cô đơn, mà đúng hơn là một gia đình, vì trong Người, Người có cả tình Cha, tình Con và yếu tính của một gia đình là tình yêu” (Đức Gioan Phaolô II, Bài giảng trong Thánh Lễ tại Chủng Viện Palafoxiana ở Puebla de Los Angeles, 28 tháng 1, 1979). Thiên Chúa là một hiệp thông các ngôi vị. Trong phép rửa, tiếng Chúa Cha gọi Chúa Giêsu là Con yêu quí, và tước hiệu này được ban cho ta để ta nhận ra Chúa Thánh Thần trong tình yêu này (xem Mc 1:10-11). Chúa Giêsu, Đấng hòa giải mọi sự trong chính Người và đã cứu chuộc con người khỏi tội lỗi, không những phục hồi hôn nhân trở lại hình thù nguyên thuỷ, mà còn nâng nó lên hàng bí tích làm dấu chỉ tình yêu của Người dành cho Giáo Hội (Mt 19:1-12; Mc 10:1-12; Eph 5:21-32). Trong gia đình nhân loại, được Chúa Kitô soi sáng, “hình ảnh và họa ảnh” của Chúa Ba Ngôi được phục hồi (St 1:26), là mầu nhiệm từ đó mọi tình yêu đích thực phát sinh. Từ Chúa Kitô, qua Giáo Hội, hôn nhân và gia đình nhận lãnh ơn Chúa Thánh Thần, làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa cho tới lúc hoàn tất Giao Ước vào ngày cuối cùng của tiệc cưới Chiên Con (xem Kh 19:9; Đức Gioan Phaolô II, Giáo lý về tình yêu nhân bản). Giao ước tình yêu và lòng trung thành, vốn được Thánh Gia Nadarét đem ra sống, soi sáng cho buổi ban đầu, giúp lên khuôn cho mọi gia đình và làm gia đình có khả năng đương đầu với các thăng trầm của đời sống và lịch sử. Trên nền tảng này, mọi gia đình, ngay trong sự yếu đuối của họ, vẫn có thể trở thành ánh sáng soi cho đêm tối thế giới. “Ở đây, ta hiểu sống trong một gia đình có nghĩa gì. Nadarét nhắc nhở ta gia đình nghĩa là gì, hiệp thông tình yêu, vẻ đẹp chân phương và đơn giản của nó, tính thánh thiêng và bất khả xâm phạm của nó có nghĩa gì; nó làm ta nhìn thấy việc dưỡng dục trong gia đình ngọt ngào và bất khả thay thế biết chừng nào, nó dạy ta đó là nơi tự nhiên trong trật tự xã hội” (Đức Phaolô VI, Diễn văn tại Nadarét, 5 tháng 1, 1964).

Gia đình trong Thánh Kinh

39. Bằng tình yêu phong phú và sinh sản của họ, người đàn ông và người đàn bà tiếp tục công trình sáng tạo và cộng tác với Đấng Tạo Hóa trong lịch sử cứu rỗi qua các thế hệ nối tiếp nhau (xem St 1:28; 2:4; 9:17; 10; 17:2, 16; 25:11; 28:3, 35:9, 11; 47:27; 48:3-4). Bản chất đích thực của hôn nhân, trong hình thức mẫu mực của nó, đã được phác họa trong sách Sáng Thế, được chính Chúa Giêsu nhắc đến trong viễn kiến của Người về tình yêu hôn nhân. Người đàn ông cảm thấy mình không đầy đủ vì họ thấy thiếu một trợ thủ “tương xứng” với họ, một trợ thủ “đứng trước họ” (St 2:18, 20) trong một cuộc đối thoại bình đẳng. Do đó, người đàn bà chia sẻ cùng một thực tại như người đàn ông, được biểu thị một cách tượng trưng bằng chiếc xương sườn, tức cùng một xương thịt, như chính người đàn ông đã hát trong bài tình ca của mình: “Đây quả là thịt bởi thịt tôi, xương bởi xương tôi” (St 2:23). Do đó, cả hai nên “một xương thịt” (xem St 2:24). Thực tại nền tảng của kinh nghiệm hôn nhân này đã được hiển dương trong công thức thuộc về nhau, tìm thấy trong bài tự thú tình yêu mà người đàn bà xướng lên trong Diễm Ca. Lời lẽ của nàng lần giở lại những lời trong giao ước giữa Thiên Chúa và dân Người (xem Lv 26:12): “Người tôi yêu là của tôi và tôi thuộc về chàng... Tôi thuộc người tôi yêu và người tôi yêu thuộc về tôi” (Dc 2:16; 6:3). Trong Ca Khúc tính dục, sự quấn quýt khôn nguôi giữa dục (eros) và yêu (love) giống như cuộc gặp gỡ thân xác trong dịu dàng, xúc cảm, say mê, linh thiêng và hoàn toàn hiến mình. Dù ý thức rằng có thể có những đêm đen xa vắng và đứt đoạn đối thoại giữa chàng và nàng (Dc 3 và 5), sự xác tín vào sức mạnh của tình yêu sẽ vượt thắng mọi trở ngại vẫn còn nguyên đó: “tình yêu mạnh như sự chết” (Dc 8:6). Khi ngợi ca giao ước tình yêu giữa Thiên Chúa và dân Người, các tiên tri trong Thánh Kinh đã sử dụng không những tính biểu tượng của hôn nhân (xem Is 54; Gr 2:2; Ed 16) mà trọn cả kinh nghiệm gia đình nữa, như tiên tri Hôsê đã làm chứng một cách hết sức sâu sắc. Cuộc hôn nhân đầy cảm kích và kinh nghiệm cuộc sống gia đình của tiên tri (xem Hs 1-3) đã trở thành biểu tượng của mối liên hệ giữa Thiên Chúa và Israel. Sự bất trung của dân không hủy diệt được tình yêu vô địch của Thiên Chúa, Đấng mà tiên tri mô tả như người Cha, người luôn hướng dẫn và cột chặt Người Con của mình vào chính Người “bằng những sợi dây của tình yêu” (xem Hs 11:1-4).

40. Trong các lời nói về sự sống đời đời mà Chúa Giêsu để lại cho các môn đệ cùng với giáo huấn của Người về hôn nhân và gia đình, ta có thể nhận ra ba giai đoạn trong kế hoạch của Thiên Chúa. Khởi đầu, có gia đình nguyên thủy, khi Thiên Chúa Hóa Công thiết lập ra cuộc hôn nhân nguyên khởi giữa Ađam và Evà, làm nền tảng vững chắc cho gia đình. Thiên Chúa không những dựng nên con người có nam có nữ (xem St 1:27), mà còn chúc phúc cho họ để họ sinh hoa trái và nẩy nở (xem St 1:28). Do đó, “người đàn ông sẽ rời bỏ cha và mẹ mình để kết hợp với vợ, và cả hai sẽ trở nên một xương một thịt” (St 2:24). Sự kết hợp này, một sự kết hợp sau đó bị tội lỗi làm cho bị thương, đã kinh qua nhiều thăng trầm trong truyền thống Israel: giữa đơn hôn và đa hôn, giữa ổn định và ly dị, giữa tính hỗ tương và việc người đàn bà lệ thuộc người đàn ông. Việc Môsê nhượng bộ để người ta rẫy vợ (xem Đnl 24:1tt), một nhượng bộ kéo dài mãi tới tận thời Chúa Giêsu, phải được hiểu trong bối cảnh này. Cuối cùng, việc hòa giải thế giới sa ngã, bằng việc xuất hiện của Đấng Cứu Thế không những đã phục hồi kế hoạch nguyên thủy của Thiên Chúa, mà còn dẫn lịch sử Dân Chúa tới chỗ thành toàn mới. Không nên coi tính bất khả tiêu của hôn nhân (xem Mc 10:2-9) như một gánh nặng đặt lên người ta mà đúng hơn như một hồng phúc được ban cho những người kết hợp trong hôn nhân.

Chúa Giêsu và gia đình

41. Gương sáng của Chúa Giêsu lên chương trình cho Giáo Hội. Con Thiên Chúa đã bước vào thế giới này qua một gia đình. Trong 30 năm Người sống ẩn dật ở Nadarét, tại một khu ngoại vi về xã hội, tôn giáo và văn hóa của Đế Quốc Rôma (xem Ga 1:46), Chúa Giêsu thấy nơi Đức Mẹ và Thánh Giuse một lòng trung thành sống nhờ yêu thương. Người đã khởi đầu cuộc sống công khai của Người bằng một dấu lạ ở Cana, trong một tiệc cưới (xem Ga 2:1-11). Người công bố tin mừng hôn nhân như là sự viên mãn của mạc khải nhằm phục hồi kế hoạch nguyên thủy của Thiên Chúa (xem Mt 19:46). Người chia sẻ các dịp tỏ tình bạn bè hàng ngày với gia đình Ladarô và các chị của ông (xem Lc 10:38) và với gia đình Thánh Phêrô (xem Mt 8:14). Người lắng nghe tiếng than khóc của cha mẹ mất con cái, phục sinh chúng (xem Mc 5:41; Lc 7:14-15) và tỏ bầy ý nghĩa chân thực của lòng thương xót, một lòng thương xót bao hàm việc phục hồi Giao Ước (xem Đức Gioan Phaolô II, Dives in Misericordia, 4). Điều này khá rõ ràng trong cuộc gặp gỡ của Người với người đàn bà Samaria (xem Ga 4:1-30) và người đàn bà bị bắt quả tang ngoại tình (xem Ga 8:1-11), người mà ý thức tội lỗi đã được đánh thức nhờ sự hiện diện của tình yêu nhân hậu của Chúa Giêsu. Hoán cải là “một cam kết liên tục đối với Giáo Hội, người ‘ôm lấy kẻ tội lỗi vào lòng’ và “vừa thánh thiện vừa cùng một lúc cần được thanh tẩy, luôn không ngừng thống hối và canh tân’ (CCC, 1428)”. Việc cố gắng hoán cải này không phải là việc làm của một mình con người. Nó là năng động tính của một “tâm hồn biết ăn năn” được ơn thánh lôi kéo và đánh động để đáp lạitình yêu hay thương xót của Thiên Chúa, Đấng đã yêu ta trước (CCC, 1428). Thiên Chúa ban ơn tha thứ nhưng không của Người cho bất cứ ai mở lòng ra đón nhận hành động ơn thánh của Người. Việc này diễn ra qua thống hối, đi đôi với ý định điều hướng đời mình cho phù hợp với thánh ý Thiên Chúa, vốn là hiệu quả lòng thương xót của Người nhờ đó, Người giao hòa ta với Người. Thiên Chúa đặt trong trái tim ta khả năng biết bước theo con đường mô phỏng Chúa Kitô. Giáo huấn và thái độ của Chúa Giêsu rõ ràng cho ta thấy Nước Thiên Chúa là chân trời tại đó mọi mối liên hệ đều được xác định (xem Mt 6:33). Các dây nối kết quen thuộc của gia đình, dù căn bản, vẫn “không tuyệt đối” (CCC, 2232). Một cách hết sức gây ngỡ ngàng cho những ai nghe Người, Chúa Giêsu đã tương đối hóa các liên hệ gia đình dưới ánh sáng Nước Thiên Chúa (xem Mc3:33-35; Lc 14:26; Mt 10:34-37; 19:29; 23:9). Cuộc cách mạng tình cảm được Chúa Giêsu đưa vào gia đình nhân bản này đã dẫn tới chủ trương triệt để về tình huynh đệ phổ quát. Không ai ở bên ngoài cộng đồng mới hợp nhất nhân danh Chúa Giêsu, vì mọi người đều được mời gọi trở nên thành phần của gia đình Thiên Chúa. Chúa Giêsu cho ta thấy sự hạ mình của Thiên Chúa đã đồng hành với con người trong cuộc hành trình của họ bằng ơn thánh như thế nào, biến đổi trái tim chai đá của họ bằng lòng thương xót của Người ra sao (xem Ed 36:26), và đã điều hướng trái tim họ tới chỗ thành toàn nhờ mầu nhiệm vượt qua như thế nào.

Còn tiếp
 
Thánh lễ với Đức Thánh Cha: Kitô hữu không sống hai mặt
Vũ Đức Anh Phương
10:01 17/11/2015
Thánh Lễ Sáng Ngày 17-11-2015 - VATICAN. “Chúng ta cần cảnh giác trước tinh thần thế gian vì nó có thể dẫn chúng ta đến một cuộc sống hai mặt. Đây là lời khuyên của Đức Thánh Cha Phanxicô trong bài giảng thánh lễ sáng hôm nay, 17.11, tại nhà nguyện thánh Marta.” Vẫn theo lộ trình mà Giáo Hội mời gọi trong những ngày cuối năm phụng vụ, Đức Thánh Cha tiếp tục chia sẻ về việc chúng ta phải hành xử như thế nào trong những cơn bách hại. Quả thực, bài giảng hôm nay tiếp nối bài giảng ngày hôm qua, ở đó ngài đã suy tư về ba khái niệm: tinh thần thế gian, bỏ đạo và sự bách hại.

Đức Thánh Cha chia sẻ những suy tư của ngài dựa theo bài đọc một, trích sách Ma-ca-bê, quyển thứ 2, để một lần nữa khuyến khích các Kitô hữu biết cảnh giác trước những cám dỗ của cuộc sống thế tục: “Vị bô lão E-la-da không hề bị lung lay, suy sụp trước tinh thần thế gian, sẵn sàng chọn lựa cái chết hơn là chối đạo. Quả thực, ông E-la-da đã chín mươi tuổi, không chấp nhận ăn thịt heo cũng như từ chối lời khuyên của nhưng ‘người bạn thế tục’ ăn một món thịt khác rồi giả vờ như thể đang ăn thịt cúng do vua truyền để không bị giết. Nhưng ông đã kiên trì giữ vững phẩm giá cao quý của mình. Ông là người có cuộc sống minh bạch, lập trường rõ ràng, sẵn sàng đón nhận cái chết như hồng ân tử vì đạo để làm chứng cho Chúa. Ông nói: ‘Ở tuổi chúng tôi, giả vờ là điều bất xứng. Tôi muốn làm chứng về đạo cho con cháu và các thế hệ trẻ sau này’.

Đây thật sự là mẫu gương sáng ngời về một đời sống minh bạch giúp đẩy lui tinh thần thế gian. Tuy nhiên, có nhiều người lại chọn một cuộc sống hai mặt: giả vờ như thế này nhưng lại sống như thế khác. Tinh thần thế gian len lỏi vào tâm hồn con người và dần dần chiếm đoạt nó. Nhưng thật khó để nhận ra tinh thần thế gian ấy ngay từ lúc đầu, vì nó giống như mối mọt từ từ gặm nhấm phá hoại để đến một ngày cây gỗ bị hỏng, không còn sử dụng được nữa. Cũng vậy, một người theo đuổi tinh thần thế gian sẽ đánh mất căn tính Kitô hữu của mình, cuộc sống bị mục rữa không còn minh bạch và hội nhất nữa. Có nhiều người nói rằng: ‘Ồ, con là một tín hữu đạo gốc đấy cha ơi. Con tham dự thánh lễ mọi Chúa Nhật. Tuy nhiên, trong cuộc sống hằng ngày hay trong công việc, người ấy lại không có khả năng sống hội nhất và minh bạch. Thật đáng buồn thay!

Đấy là một cuộc sống mang đậm tinh thần thế gian. Và chính tinh thần thế gian sẽ dẫn đến kiểu sống hai mặt: vẻ bên ngoài hoàn toàn khác biệt những suy nghĩ nội tâm. Và như thế, người ấy sống xa rời Thiên Chúa và đánh mất căn tính Kitô hữu của mình. Như vậy, ta có thể hiểu tại sao Đức Giêsu đã khẩn nài tha thiết với Thiên Chúa Cha: ‘Lạy Cha, con không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần, vì ác thần hay tinh thần thế gian ấy sẽ phá hỏng căn tính Kitô hữu nơi họ.’

Kinh thánh, đặc biệt là câu chuyện về ông E-la-da là một minh chứng hùng hồn chống lại tinh thần thế gian. Không phải ngẫu nhiên mà ông E-la-da thốt ra những lời này: ‘Nếu thanh niên nghĩ rằng tôi đã chín mươi tuổi đầu, mà còn theo những lề thói dân ngoại, vì tôi giả vờ và ham sống thêm một ít lâu nữa; họ bị lầm lạc vì tôi, còn tôi thì chuốc lấy vết nhơ và ô nhục cho tuổi già.’ Ông E-la-da đã ý thức được chuyện gì sẽ xảy ra nếu ông ham sống mà đầu hàng. Như vậy, tinh thần Kitô hữu hay căn tính Kitô hữu không bao giờ toan tính vị kỷ nhưng luôn nghĩ tới sự ảnh hưởng đến người khác, tránh tạo ra những gương mù, gương xấu và dùng chính sự minh bạch của một đời sống công chính như một chứng tá tốt lành để chữa lành và củng cố tha nhân.

Tuy nhiên, có người sẽ lý luận rằng: Chuyện này chẳng dễ dàng chút nào, vì con người phải sống trong một thế giới đầy dẫy những cám dỗ và cạm bẫy của một đời sống hai mặt luôn rình rập, gọi mời. Bởi thế, sống được như ông E-la-da quả là khó. Và câu trả lời là đúng vậy. Đối với chúng ta, không những rất khó mà còn là không thể được. Chỉ có Đức Kitô mới có thể làm được. Bởi vậy, những bài đọc ngày hôm nay mời gọi chúng ta hãy biết cầu nguyện như lời Thánh vịnh: ‘Lạy Đức Chúa, xin đỡ nâng con.’

Chính Thiên Chúa bênh đỡ chúng ta chống lại tinh thần thế gian đang nhăm nhe muốn hủy hoại căn tính Kitô hữu và muốn dẫn dụ chúng ta vào một kiểu sống lập lờ, hai mặt. Chỉ có Thiên Chúa mới cứu được chúng ta. Vì thế, chúng ta hãy khiêm nhường nài xin: ‘Lạy Chúa, con là kẻ tội lỗi chẳng đáng kêu cầu trước mặt Chúa, nhưng xin Chúa dủ lòng thương ra tay bênh đỡ và gìn giữ, để con đừng rơi vào tình trạng giả vờ sống như một Kitô hữu nhưng thực tế lại sống như dân ngoại hay như mọi người khác trong xã hội.’

Nếu anh chị em có thời gian rảnh, hãy lấy Kinh thánh, sách Ma-ca-bê quyển thứ 2, chương 6 và đọc để biết câu chuyện ông E-la-da. Qua đó, anh chị em sẽ sống tốt hơn, có can đảm để làm chứng cho Chúa trước mặt mọi người, đồng thời cũng thêm lòng vững mạnh để gìn giữ căn tính Kitô hữu của mình chứ không thỏa hiệp để sống một cuộc sống hai mặt” (SD 17.11.15).

(Nguồn: http://vi.radiovaticana.va/news)
 
Hội thảo khoa học quốc tế về Triết học và Tôn giáo học tại Hà Nội
Triết Giang
15:03 17/11/2015
Hội thảo khoa học quốc tế về Triết học và Tôn giáo học

Từ khi thành lập năm 2006 đến nay, Trung tâm Nghiên cứu Tôn giáo đương đại của Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội, được sự giúp đỡ của tổ chức Missio Đức, hàng năm đều tổ chức cuộc hội thảo quốc tế. Năm nay, trong 2 ngày 12 và 13-11-2015, Trung tâm và Khoa Triết học của trường tổ chức cuộc hội thảo quốc tế với chủ đề: Nghiên cứu và giảng dạy tư tưởng Đức ở các trường đại học (ảnh trên).

Mở đầu cuộc hội thảo, sau lời chào mừng của GS.TS Nguyễn Văn Kim, Hiệu phó nhà trường, TS Harald Suermann, Giám đốc Viện Nghiên cứu Khoa học về Tôn giáo của Missio và TS Anke Stahl , đại diện Quỹ trao đổi Hàn lâm Đức DAAD đã chúc mừng Hội thảo và Quý vị tham dự đồng thời hứa sẽ tiếp tục tài trợ cho nghiên cứu, trao đổi khoa học của Trung tâm. Đã có 59 báo cáo được gửi đến và được chia làm 3 tiểu ban: Các vấn đề triết học, siêu hình học, nhận thức luận, đạo đức, mỹ học; triết học xã hội; Các vấn đề thần học và nghiên cứu tôn giáo và việc giảng dạy tư tưởng Đức ở các trường đại học.

Năm nay, có nhiều học giả đến từ Áo, Đức, Đài Loan, Australia, Indonesia, Nga, Hoa Kỳ và Việt Nam (ảnh dưới). Các báo cáo đều đánh giá cao các nhà tư tưởng Đức từ triết học, thần học, xã hội học đến văn học, mỹ học, đạo đức học đã gây dấu ấn trong lịch sử tư tưởng của thế giới nhưng tiếp thu thì rất khác nhau. Ví dụ, GS.TS Bernie A. Risakotta từ Đại học Gadjah Mada, Indonesia cho rằng, Mác khi nhận xét tôn giáo có cả yếu tố tích cực, có yếu tố tiêu cực nhưng có nước chỉ nói đến những nhận xét tiêu cực, có nước lại chỉ dẫn ra yếu tố tích cực mặc dù đều dẫn lời của Mác. Tại Indonesia, cấm dạy chủ nghĩa Mác, còn Việt Nam coi là hệ tư tưởng chính. GS.TS Winfietd Loffler đến từ Đại học Innbruck, Austria đã trình bày cuộc tranh luận giữa Đức và Pháp về Triết học Kitô giáo có hay không? Rất hấp dẫn. Một tham dự viên hỏi: GS có tin Chúa không và cơ sở của niềm tin đó là gì? GS Loffler trả lời: Tôi là tín đồ Công Giáo nên đương nhiên tôi tin có Chúa, vì có Chúa mới lý giải được sự tồn tại của vũ trụ và loài người. TS. Savio Pham đến từ Hoa Kỳ trước khi trình bày tham luận đã làm trắc nghiệm: Quý vị nào tin vào chủ nghĩa Mác giơ tay? Chỉ có những đại biểu đứng tuổi của Việt Nam giơ tay. GS Trần Văn Đoàn cho rằng không nên làm thế vì ở Việt Nam tế nhị lắm, nếu làm thì nên làm phiếu kín, kết quả sẽ rất khác. TS Savio Phạm nói rằng, học Triết học là cung cấp phản tư cho người học. Nếu học Triết mà không biết tự vấn lương tâm, không phản tư, phản biện là thất bại. Khi TS Pao Shen Ho đến từ Đại học Fujen, Đài Loan trình bày cuộc tranh luận giữa hai triết gia Lebniz và Rowe về chuyện Chúa có toàn năng, tự do và hoàn thiện không? Vì Chúa dựng lên loài người, vũ trụ đầy khiếm khuyết, tội ác. TS Phạm Huy Thông đã nhận xét rằng, câu chuyện tranh luận trên đây chỉ là tư biện chứ không có tính thực tiễn vì các triết gia có phải Chúa đâu mà biết suy nghĩ của Chúa thế nào, bởi Kinh thánh chỉ nói con người giống hình ảnh Thiên Chúa chứ không nói con người nghĩ như Chúa, giống như truyện cổ Trung Hoa, Trang Tử dẫn người bạn đến bên bể cá và nói, trông đàn cá sung sướng chưa, nó đang tung tăng bơi lội. Người bạn bảo: ông có phải là cá đâu mà biết nó sung sướng? Trang Tử phản công lại: Vậy ông có phải là cá đâu mà ông biết nó không vui? Khi đại diện Khoa Triết ước mong có được tài trợ học bổng cho sinh viên đi học ngoại ngữ ở Đức, ở Anh để dịch các tác phẩm của các triết gia kinh điển vì hiện trạng tai Việt Nam tam sao thất bản, ảnh hưởng không tốt đến việc học tập, nghiên cứu các triết gia. GS.TS Trần Văn Đoàn, đến từ Đại học quốc gia Đài Loan hiến kế. Đừng làm thế, tốn tiền và chậm lắm. Hãy học ngoại ngữ ngay trong nước và dịch ngay trong nước. Trước đây, ở miền Nam, dưới sự hướng dẫn của giáo viên, sinh viên năm 1 đã dịch các tác phẩm kinh điển và giáo viên chỉ việc hiệu đính là đem in vì dịch tác phẩm không cần mất thời giờ học ngoại ngữ như nói. TS. Phạm Huy Thông đã trình bày tham luận nhan đề: Có Triết lý, Triết học Kitô giáo không? Quan niệm và giảng dạy triết học ở các chủng viện Công Giáo Việt Nam. Tác giả đã cho rằng, có Triết lý Kitô giáo nhưng không có Triết học Kitô giáo đúng như GS Nguyễn Văn Trung đã nhận định về Việt Nam: có triết lý nhưng không có Triết học.

Sau 2 ngày làm việc , cuộc Hội thảo đã thành công tốt đẹp.

Triết Giang
 
Quốc Vụ Khanh Toà Thánh cho biết Vatican là mục tiêu khủng bố, ủng hộ hành động quân sự toàn cầu chống lại ISIS.
Trần Mạnh Trác
21:04 17/11/2015

"Những gì xảy ra ở Pháp cho thấy rằng không ai có thể tránh khỏi các mối đe dọa khủng bố", Đức Hồng Y Pietro Parolin nói với tờ báo Pháp La Croix trong một cuộc phỏng vấn được công bố ngày 15 tháng 11.

Ngài ủng hộ hành động quân sự toàn cầu chống lại bọn ISIS, là nhóm đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công hôm thứ Sáu ở Paris, Ngài lặp lại lời tuyên bố cuả Đức Giáo Hoàng Phanxicô hồi tháng 8 năm ngoái trên đường từ Hàn Quốc trở về Roma, khi đề cập đến sự can thiệp của quốc tế ở Iraq, rằng "việc ngăn chặn những kẻ xâm lược bất chính là hợp pháp".

"Vì có ý nghĩa quan trọng về tôn giáo cho nên Vatican có thể là một mục tiêu. Chúng tôi có khả năng gia tăng mức độ an ninh tại Vatican và các khu vực xung quanh. Nhưng chúng tôi sẽ không để cho mình bị tê liệt vì sợ hãi," Ngài nói.

Một video cuả bọn ISIS đã đe doạ các thành viên của liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu là các mục tiêu kế tiếp cuả chúng. Trong số các địa điểm bị đe dọa là London, Washington, Roma và Iran.

Mặc dù bản thân Đức Giáo Hoàng Phanxicô là mục tiêu lớn nhất ở Roma, Đức Hồng Y Parolin nói rằng Đức Giáo Hoàng sẽ không để sự sợ hãi ngăn chặn Ngài tiến tới. "Sự kiện ấy không thay đổi chương trình nghị sự của Đức Giáo Hoàng."

Đức Hồng Y nhắc lại quan điểm cuả Đức Giáo Hoàng khi tuyên bố về cuộc tấn công ở Paris là một phần của "cuộc chiến tranh tiệm tiến cuả Thế Chiến thứ ba."

Đức Hồng Y giải thích "tiệm tiến" có nghĩa là một cuộc chiến tranh "không được công bố, một cuộc chiến tranh không đối xứng; một cuộc chiến tranh không có chiến trường, trong đó các nạn nhân là những người vô tội, từ bé cho đến lớn và những người già cả. "

Nó cũng có nghĩa là "chúng ta không biết các sự cố tiếp theo sẽ diễn ra ở đâu", Ngài nói. Sau Paris, "Bọn Daesh [tên khác của ISIS] đã cảnh báo rằng đây chỉ là sự khởi đầu. Không trừ một nơi nào, là hành động khủng bố cuả phong trào Hồi giáo cực đoan. "

Khi được hỏi rõ hơn về câu nói cuả DGH ("ngăn chặn kẻ xâm lược bất chính là hợp pháp") thì Toà Thánh có ý nói đến các cuộc không kích liên tục ở Syria là hợp pháp không? Đức Hồng Y Parolin nói, "Vâng, bởi vì bạo lực mù quáng là không thể chấp nhận được, bất kể nguồn gốc là từ ở đâu tới."

Nhắc lại, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói với các phóng viên: "Trong những trường hợp bất chính đó, tôi chỉ có thể nói rằng việc ngăn chặn kẻ xâm lược là hợp pháp."

"Tôi muốn nhấn mạnh động từ 'stop.' Tôi không nói "đánh bom" hoặc "gây chiến", (nhưng)'ngăn chặn nó," DGH đã nói.

Đức Hồng Y Parolin giải thích rằng DGH Phanxicô đã không nói bất cứ điều gì mới, nhưng chỉ là trích dẫn sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, trong đó 'điều 2308' nêu ra rằng trong khi "mọi công dân và tất cả các chính phủ có nghĩa vụ phải tránh chiến tranh," nhưng các chính phủ "không thể bị từ chối quyền tự vệ hợp pháp " khi mà nguy hiểm của chiến tranh còn đe doạ, khi không một cơ quan quốc tế có quyền lực nào ngăn chặn được chiến tranh và khi tất cả các nỗ lực hòa bình đã thất bại.

"Vì lý do này, những người có thẩm quyền hợp pháp cũng có quyền sử dụng vũ khí để đẩy lùi quân xâm lược và để bảo vệ cộng đồng dân sự đã được giao phó cho họ," Đức Hồng Y Parolin nói.

Sách Giáo lý năm 1992 ban hành dưới triều đức Gioan Phaolô II đưa ra nhiều "điều kiện nghiêm ngặt", theo đó một lực lượng quân sự có thể phản ứng tự vệ chính đáng (điều 2309):

- Thiệt hại gây ra bởi kẻ xâm lược trên đất nước hoặc cộng đồng các quốc gia là kéo dài, nghiêm trọng và chắc chắn;
- Tất cả các phương tiện khác nhằm chấm dứt nó không thể thực hiện được một cách thực tế hoặc không có hiệu quả;
- Phải có triển vọng thành công một cách nghiêm chỉnh;
- Việc sử dụng vũ khí không thể tạo ra những sự dữ lớn hơn và rối loạn nghiêm trọng hơn là những sự dữ muốn được loại bỏ đó.

Đức Hồng Y Parolin nói rằng những điều kiện này cũng áp dụng "vào việc phòng vệ chính đáng của một quốc gia trong phạm vi biên giới của mình để bảo vệ công dân của mình và đẩy lùi những kẻ khủng bố."

Trong cuộc phỏng vấn với báo La Croix, Đức Hồng Y Parolin nói rằng "không có sự biện minh nào cho những gì đã xảy ra" ở Paris và một sự huy động toàn cầu là cần thiết để có thể đáp trả.

"Cần huy động tất cả các phương tiện an ninh, lực lượng cảnh sát và thông tin - để nhổ tận gốc tệ nạn này của chủ nghĩa khủng bố," Ngài nói, và lưu ý rằng cũng phải cần huy động các nguồn lực tinh thần, để cung cấp "một hiệu quả tích cực đối với điều ác. "

Cần phải giáo dục người dân về tầm quan trọng là phải bác bỏ hận thù và đưa ra câu trả lời cho những người trẻ đang muốn tham gia vào các hoạt động thánh chiến.

Mọi cấp độ của xã hội phải tham gia vào việc giáo dục này, Ngài nói, bao gồm mọi người trong các lĩnh vực chính trị và tôn giáo, quốc gia và quốc tế.

"Cần phải có nỗ lực chung trong cuộc chiến này. Nếu không có sự đoàn kết này, thì trận chiến khó khăn này sẽ không thể thắng được. "

Đức Giáo Hoàng Phanxicô trước đây đã đưa ra quan điểm là cần phải đối thoại với những kẻ cực đoan, nói rằng, dù có khó khăn, nhưng vẫn có thể.

Nhưng Đức Hồng Y Parolin đã không lạc quan. Ngài nói với tờ báo Công Giáo CNA ngày 29 tháng 10 rằng: "Tôi nghĩ việc đối thoại với các phong trào cực đoan là không thể làm được."

"Đối thoại," Ngài nói "được thực hiện với những cuộc nói chuyện nhỏ (giữa những) người cùng tham gia vào một mối quan hệ, phải không? Vì vậy, không thể có một sự bắt đầu được với những người từ chối đối thoại."

"Tôi không nghĩ rằng có thể đối thoại được với một phong trào cực đoan. Người ta có thể đề nghị đối thoại, nhưng tôi không thấy cơ hội trong việc thiết lập một cuộc đối thoại. "

Tuy nhiên, trong khi không thể đối thoại với các phần tử cực đoan, DHY Parolin cũng nói với báo La Croix rằng những người Hồi giáo bình thường cần phải được bao gồm và tham gia vào cộng đồng, và họ "phải là một phần của giải pháp" chống khủng bố.

Điều này đặc biệt đúng trong bối cảnh của Năm Thánh Thương Xót sắp tới. "Trong một thế giới đang bị giằng xé bởi bạo lực, đây là thời điểm thích hợp để khởi động một cuộc tấn công của lòng thương xót," Đức Hồng Y nói.

Ngài nói rằng những cảm giác của sự trả thù là tự nhiên sau những cuộc tấn công như ở Paris, nhưng nhấn mạnh rằng "chúng ta phải chiến đấu chống lại sự thôi thúc này."

"Đức Giáo Hoàng muốn Năm Thánh giúp mọi người nhìn thẳng vào mắt nhau, hiểu nhau và vượt qua sự hận thù. Sau các cuộc tấn công khủng bố vừa qua, thì mục tiêu (vượt qua sự hận thù) này phải được củng cố thêm. Chúng ta sẽ nhận được lòng thương xót của Thiên Chúa để sử dụng thái độ (thương xót) này đối với người khác. "

Người Hồi giáo gọi Thiên Chúa là "đấng Xót Thương," DHY nói, đó là "tên gọi đẹp nhất", mà họ cho Ngài biết.

Ngài bày tỏ hy vọng người Hồi giáo cũng sẽ tham gia vào năm thánh, đó là một mong muốn rõ ràng của Đức Giáo Hoàng.
 
Thượng Hội Đồng về Gia Đình năm 2015, Tường Trình Sau Cùng, Phần II, chương 4
Vũ Văn An
22:24 17/11/2015
Chương 4

Hướng về sự viên mãn gia đình theo nghĩa Giáo Hội
Dây liên kết chặt chẽ giữa Giáo Hội và gia đình


52. Ơn phúc và trách nhiệm của gia đình mới, được đóng ấn trong bí tích của Giáo Hội, bao hàm việc sẵn sàng, cùng với cộng đồng Kitô hữu, trở nên người ủng hộ và cổ vũ giao ước nền tảng giữa người đàn ông và người đàn bà này. Trong bối cảnh các liên hệ xã hội, tức việc sinh sản con cái, việc bảo vệ những người yếu đuối nhất và cuộc sống cộng đồng, sự sẵn sàng này mang theo nó một trách nhiệm; trách nhiệm này có quyền được nâng đỡ, thừa nhận và trân trọng. Nhờ bí tích hôn nhân, mỗi gia đình, trong mọi khía cạnh của nó, trở thành nguồn thiện ích cho Giáo Hội. Căn cứ vào viễn ảnh này, suy tư về tính hỗ tương giữa gia đình và Giáo Hội chắc chắn là một hồng phúc vô giá đối với Giáo Hội ngày nay: Giáo Hội là nguồn thiện ích của gia đình và gia đình là nguồn thiện ích của Giáo Hội. Duy trì hồng phúc bí tích của Chúa không chỉ liên hệ tới các gia đình cá thể, mà liên hệ tới toàn thể cộng đồng Kitô hữu, một cách rất chuyên biệt. Trước các khó khăn đang xuất hiện, có khi rất trầm trọng, đối với việc duy trì sự kết hợp hôn nhân, vợ chồng cần phải tìm cách biện phân các thành tựu cũng như các thất bại liên hệ, với sự giúp đỡ của các mục tử và cộng đồng.

Ơn hoán cải và các thực hiện của nó

53. Giáo Hội luôn gần gũi với các cặp vợ chồng mà mối liên hệ giữa họ đã trở nên yếu ớt đến độ có nguy cơ phải ly thân. Trong trường hợp mối liên hệ có cơ sở đi đến một kết thúc buồn thảm, Giáo Hội luôn cảm thấy có nghĩa vụ phải đồng hành với họ trong thời khắc đau buồn này; đồng hành một cách không để các lập trường chống chọi đầy phá hoại bị căng phồng thêm. Cần phải đặc biệt chú ý đến con cái, là những người đầu tiên bị cuộc chia tay tác động, để chúng càng bớt đau khổ càng hay: “khi bất ổn xẩy ra với cha và mẹ, linh hồn mấy xấp nhỏ chịu khổ một cách đau đớn” (Đức Phanxicô, Yết Kiến Chung, 24 tháng Sáu, 2015). Cái nhìn của Chúa Kitô, Đấng soi sáng mọi con người (xem Ga 1:9; GS, 22), gợi hứng để Giáo Hội lo lắng về mục vụ cho các tín hữu chỉ đơn giản sống chung với nhau và kết hôn ngoài dân sự hay đã ly dị và tái hôn. Theo viễn ảnh sư phạm Thiên Chúa, Giáo Hội nhìn bằng con mắt yêu thương những người chỉ tham dự vào đời sống của Giáo Hội một cách không trọn vẹn: Giáo Hội khẩn cầu cho họ được ơn hoán cải, khích lệ họ làm điều tốt, yêu thương chăm sóc lẫn nhau và hiến thân phục vụ cộng đồng nơi họ sinh sống và làm việc. Điều đáng ước ao là các giáo phận nên cổ vũ các khóa học để những người này biện phân và dấn thân, như một trợ giúp và một khuyến khích để họ tiến tới việc trưởng thành hóa các lựa chọn có ý thức và nhất quán của họ. Nên giúp các cặp này để họ biết họ có thể sử dụng diễn trình tuyên bố vô hiệu cho cuộc hôn nhân của họ.

54. Bất cứ khi nào cuộc kết hợp đạt được một sự ổn định đáng kể nhờ sợi dây gắn bó công khai, và được nhận rõ qua việc âu yếm nhau thắm thiết, có trách nhiệm đối với con cái, có khả năng vượt qua các thử thách, thì đây đều có thể coi là cơ hội để đồng hành với họ nhằm tiến tới bí tích hôn nhân, khi có thể. Còn việc sống chung mà không có sự sắp xếp nào hướng tới một cuộc hôn nhân khả hữu trong tương lai và thiếu ý hướng ổn định hóa bất cứ liên hệ có tính định chế nào thì lại là một vấn đề khác. Thực tại hôn nhân dân sự giữa một người đàn ông và một người đàn bà, các cuộc hôn nhân truyền thống và các thực tại sống chung với nhau, tuy có khác nhau, vẫn là một hiện tượng đang xuất hiện ở nhiều quốc gia. Đàng khác, tình huống của các tín hữu đã thiết lập cuộc kết hợp mới đòi phải có một nền chăm sóc mục vụ đặc biệt: “Trong các thập niên này... càng ngày người ta càng ý thức rõ hơn sự cần thiết phải có thái độ chào đón có tính huynh đệ và thận trọng, trong yêu thương và chân lý, đối với những người đã rửa tội nhưng nay đã lập ra cuộc chung sống mới sau sự thất bại của cuộc hôn nhân bí tích; thực vậy, những người này trên thực tế không bị tuyệt thông” (Đức Phanxicô, Yết Kiến Chung, 5 tháng Tám, 2015).

Lòng thương xót nằm ở trung tâm mạc khải

55. Giáo Hội khởi đi từ các tình huống đời thực của các gia đình ngày nay, tất cả đều cần lòng thương xót, bắt đầu là các gia đình chịu đau khổ hơn cả. Với trái tim hay thương xót của Chúa Giêsu, Giáo Hội phải đồng hành với những đứa con yếu ớt hơn, đầy thương tích và bối rối trong đường tình, bằng cách tái lập niềm tin và niềm hy vọng, giống như ánh sáng hải đăng tại hải cảng hay đuốc sáng giương cao để soi đường cho những người lạc lối giữa bão táp. Lòng thương xót là “trung tâm việc mạc khải của Chúa Giêsu Kitô” (MV, 25). Trong nó, sự tối cao của Thiên Chúa sáng ngời, với nó, Người mãi mãi trung thành với hữu thể của Người, tức tình yêu (xem 1Ga 4:8), và với lời đoan hứa của Người. “Trên hết, chính qua lòng thương xót, Thiên Chúa biểu lộ quyền lực tối cao của Người” (Thánh Tôma Aquinô, Summae Theologiae, II-II, q.30, art.4; xem Sách Lễ Rôma, Lời Nguyện Chúa Nhật 26 Mùa Thường Niên). Công bố sự thật bằng tình yêu, tự nó, là một hành vi thương xót. Trong Tự Sắc Misericordia Vultus, Đức Giáo Hoàng Phanxicô tuyên bố: “Lòng thương xót không bác bỏ công lý nhưng nói lên thái độ của Thiên Chúa đối với người có tội”. Và ngài nói tiếp: “Thiên Chúa không bác bỏ công lý. Nhưng Người phong phú hóa nó và vượt quá nó trong một biến cố cao hơn, nơi mà tình yêu được cảm nhận như nền tảng của công lý đích thực” (MV, 21). Chúa Giêsu là gương mặt thương xót của Chúa Cha: “Thiên Chúa yêu thương thế gian rất nhiều... để thế gian nhờ Người (Chúa Con) mà được cứu rỗi” (xem Ga 3:16-17).

Còn tiếp
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Tân phúc âm hóa 4 hình thái phục vụ của Linh mục
Lm. Phêrô Nguyễn Đức Thắng
09:19 17/11/2015
TÂN PHÚC ÂM HOÁ 4 HÌNH THÁI PHỤC VỤ CỦA LINH MỤC
(Bài chia sẻ trong Thánh Lễ tuần tĩnh tâm linh mục đoàn Long Xuyên năm 2015)

Sống trong một đất nước của các khẩu hiệu, chúng ta thấy các biểu ngữ tràn lan và chen chúc nhau trên đường phố, nhưng rất nhiều câu vô bổ, thậm chí vô cảm hay phản cảm nữa. Ngay giữa Sài Thành tất bật, đặc quẹo khói xe thì đây đó đập vào mắt một màu đỏ rực: “KHÔNG RA KHƠI KHI CÓ BÃO”. Oái ăm thay, khẩu hiệu nào cũng như thét thành tiếng cả:

“Vượt đèn đỏ chỉ dành cho người ít học”.
“Các em gái không thể tự mình mang thai, các em trai phải là một phần của giải pháp”.
Số khác hưởng ứng trên lưng áo: “thà hôn em rồi bị tát còn hơn nhìn thằng khác nó hôn em”.

Chính vì thế, người ta dị ứng và thậm chí sợ hãi cả những khẩu hiệu mượt mà như “đầy tớ của nhân dân” “khách hàng là thượng đế” vv... Ngay trong nhà đạo thì sự thận trọng, nghi ngại trước cái gọi là: “chúng tôi là những đầy tớ vô dụng”, “các linh mục là tôi tớ, là người phục vụ” là điều dễ thấy.

Lời Chúa trong tin mừng Luca 17, 7-10 mời gọi mỗi người thay đổi cung cách phục vụ của mình trong thế giới hôm nay như một cách thức tân phúc âm hoá: “chúng tôi chỉ là đầy tớ vô dụng, vì chúng tôi đã làm điều chúng tôi phải làm”.

1. Phục vụ thật nhẹ nhàng chứ không áp đặt.

Là người phục vụ thầy Giêsu nhân lành, người phục vụ cần biểu lộ một khuôn mặt bao dung, đồng cảm và đồng hành với con người, để có thể chia vui sẻ buồn của họ, để họ có thể cảm nhận “gánh của Chúa thì êm ái, ách của Chúa thì nhẹ nhàng”.

Người phục vụ gánh lấy nỗi thống khổ của dân, chứ không thuộc về loại người “buộc những bó nặng và chất lên vai người ta, còn chính mình lại không muốn giơ ngón tay lay thử”. Thánh Tôma Aquinô chỉ ra rằng các giới luật mà Đức Kitô và các tông đồ truyền cho dân thì “rất ít”. Do vậy các giới luật mà Hội Thánh thời sau truyền dạy nên được nhấn mạnh một cách vừa phải thôi “để không đè nặng lên đời sống các tín hữu” và biến đạo chúng ta thành một dạng nô lệ, trong khi “lòng thương xót của Thiên Chúa muốn chúng ta phải được tự do”. Đây là một trong các tiêu chuẩn chúng ta phải lưu ý khi suy nghĩ về một cuộc cải tổ Hội Thánh và việc giảng dạy của Hội Thánh. (EG 43) [1]

2. Phục vụ thầm lặngtheo “tinh thần men muối”.

Các gam màu tươi sáng làm cho bức tranh cuộc sống hấp dẫn, sống động. Cuộc sống cần có các điểm nhấn là các các phong trào để gây ý thức cộng đồng.Tuy vậy, thời gian mới là lời đáp trả cho mọi vấn đề.Các lễ hội không nên được đặt ưu tiên hàng đầu trong chương trình mục vụ.

Là người phục vụ một Hội Thánh tham gia, hiệp thông và sứ vụ, chúng ta duy trì sự hiệp nhất các chi thể nơi thân thể mầu nhiệm của Chúa Kitô, quan tâm tới sự hiện diện cùng với nhau, nhất là quanh bàn tiệc Thánh thể.Tuy nhiên, cần biết rằng, sự hiệp thông không chỉ là sự quy tụ, càng không phải là bầu khí của các cuộc tụ họp lễ hội linh đình.Đôi khi một sự hiện diện khiêm nhường và âm thầm lại cho kết quả tốt hơn. Lời khuyên của Đức Thánh Cha Phanxicô với các giám mục trong Tông huấn Evangelii Gaudium về việc duy trì hiệp thông cũng nên là kim chỉ nam cho mỗi linh mục. Thật vậy, số 31 của tông huấn nói: “Giám mục phải luôn luôn nuôi dưỡng sự hiệp thông truyền giáo trong Giáo Hội địa phương của mình, theo lý tưởng của các cộng đoàn Kitô giáo tiên khởi, ở đó các tín hữu đều một lòng một trí với nhau. Để làm điều này, có khi ngài sẽ đứng trước dân, chỉ đường cho họ và giữ cho niềm hi vọng của họ luôn sống động.Khi khác, ngài chỉ cần ở giữa họ bằng một sự hiện diện khiêm tốn và nhân từ”.Đây chính là tinh thần làm men, làm muối giữa đời.Tinh thần ấy cần có thời gian, cần được nuôi dưỡng dài hạn.

Nếu không có tinh thần men muối, các lễ hội cũng giống như những chiếc bong bóng màu. Phong trào tuần lễ xanh sạch, ngày hội ra quân vệ sinh môi trường tiêu tốn rất nhiều công sức nhưng nhanh chóng xì hơi và để lại bộ mặt thành phố nhếch nhác, bẩn thỉu như nó vốn có, còn những người tham gia thì mệt mỏi, chán chường.

3. Người phục vụ hôm nay phải là người bình thường.

Thế giới chúng ta đang sống rất hời hợt và trọng hình thức. Đi ngược với giòng chảy đó cần nhiều can đảm, bản lĩnh. Thoát ra được thói chuộng vẻ bề ngoài sẽ làm cho chúng ta nhẹ nhàng hơn khi bước theo Thánh Giá Chúa Kitô. Là những người phục vụ thì càng phải xoá mình đi.Không thiếu các linh mục lúc nào cũng khoác lên người chiếc áo chùng thâm và xưng mình là cha với tất cả mọi người với dụng ý “để dễ dàng làm việc”.

“Chúng ta cần phải bình thường”, đó là lời ĐTC Phanxicô nhắn nhủ.Lắm lúc người mục tử sợ sự bình thường sẽ làm mất đi sự kính trọng, khó điều hành.Đó chỉ là lo lắng không có cơ sở. Cha Andrea Riccardi, nhận xét rằng, “Phong cách không hình thức và sự gần gũi của Đức Phanxicô làm cho trách vụ quản trị Giáo Hội trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. ... Điều này không có nghĩa là mất đi thẩm quyền, nhưng ngược lại, làm tăng thêm sự tín nhiệm”. Người phục vụ hôm nay cần có tinh thần gần gũi, giản dị.

4. Người phục vụ hành động theo nguyên lý bổ trợ.

Cơn cám dỗ ngọt ngào của người tông đồ là muốn xen vào chuyện của tất cả mọi người thuộc về mình, cho đó là bổn phận của mình. Tuy nhiên trách vụ cao cả hàng đầu của mục tử là “phải nâng cao phẩm giá và trách nhiệm của giáo dân, sẵn sàng chấp nhận các ý kiến khôn ngoan của họ”, LG . 37, [2] “cần giao cho họ các trách vụ cũng như trao cho họ tự do và quyền hạn để khuyến khích họ đảm nhận công việc theo sáng kiến riêng”. Để có được sự tin tưởng này, người phục vụ cần học biết một nguyên tắc đặc thù của Hội Thánh: Nguyên Lý Bổ Trợ, theo đó cơ quan cấp trên hãy chăm lo và giúp đỡ kịp thời các phần tử cấp dưới nhưng không quyết định thay cho cấp dưới. Một sự buông bỏ trước quyền lực, địa vị để có thể giúp các đặc sủng trong dân Chúa có cơ hội phát huy cách tốt đẹp hơn.Cũng thế, các đoàn thể trong giáo xứ cần sự quan tâm chăm sóc của mục tử, và họ cũng rất cần được tự do và quyền hạn để hành động.Có một số nữ ca viên trong một ca đoàn nọ than phiền rằng “Chúng con có nhiều áo dài đồng phục với màu khác nhau cho từng dịp lễ. Thế nhưng màu áo nào của các chị em cũng phải do cha quyết định. Chúng con thích màu hồng phấn, nhưng cha nhất định phải là màu hồng nóng”(!).

Một sự can thiệp quá sâu vào nội bộ cấp dưới sẽ đi ngược với nguyên lý bổ trợ, và do đó đi ngược với tinh thần giáo huấn về phục vụ của Hội Thánh.

Lạy Chúa Giêsu. Xin Chúa dạy con biết sống quảng đại. Biết phụng sự Chúa như Chúa đáng được phụng sự.Biết cho đi mà không tính toán.Biết chiến đấu không ngại thương tích.Biết làm việc không tìm nghỉ ngơi.Biết hiến thân mà không mong chờ phần thưởng nào hơn là được biết con đang thi hành ý Chúa. Amen [3]

[1] Evangelii Gaudium
[2] Lumen Gentium
[3] Kinh Quảng Đại của Thánh Inhã

 
Mừng Kính Các Thánh Tử Đạo Việt Nam tại Woodville, Adelaide, tiểu bang Nam Úc
Jos. Vĩnh
23:40 17/11/2015


MỪNG KÍNH CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM
BỔN MẠNG CỦA GIÁO ĐOÀN WOODVILLE VÀ CA ĐOÀN HY VỌNG
Chiều Chúa Nhật 15/11/2015, khung cảnh nhà thờ Mẹ Thiên Chúa (Mater Dei) Woodville được trang trí rực rỡ với những hàng cờ phướn giăng khắp nơi xen kẽ những tấm biểu ngữ nhiều mầu sắc. Trong khuôn viên nhà trường bên cạnh giáo đường là khu vực tập trung khởi đầu cuộc rước. Quý khách, và mọi tín hữu từ nhiều nơi quy tụ về trong niềm hân hoan gặp gỡ nhau trong ngày vui, đánh dấu thêm một năm nữa mừng ngày bổn mạng của giáo đoàn các Thánh Tử Đạo VN tại Woodville và cũng là ngày bổn mạng của ca đoàn Hy Vọng thuộc giáo xứ Công Giáo Croydon Park.
Đúng 4.30 chiều, ánh nắng có phần dịu dần, Cha chánh xứ Maurice Shinnick và quý cha đồng tế cùng ban lễ sinh đã từ từ tiến đến bên kiệu các Thánh Tử Đạo VN với di ảnh của 117 vị anh hùng tử đạo được bài trí trên một cỗ kiệu sơn son thiết vàng theo lối cổ truyền VN. Cuộc rước bắt đầu với thánh giá nến cao, tiếp đến là các đoàn thể mang đồng phục và theo sau là quý tín hữu trang nghiêm tiến bước. Sau cùng là các em tung hoa, kiệu di ảnh các Thánh Tử Đạo và đoàn đồng tế .
Kết thúc phần rước kiệu thật sốt sáng mọi người tiến vào nhà thờ để tham dự thánh lễ trọng thể mừng kính các Thánh Tử Đạo VN. Thánh lễ đồng tế được cử hành với cha Maurice Shinnick OAM chánh xứ Croydon Park là chủ tế, cùng với quý cha Cha Anthony Trần Quang Vinh, phụ tá giáo xứ Noarlunga, Cha Phêrô Trần Quang Tòng phó giáo xứ Salisbury và thầy Phó tế Giuse Nguyễn Long Hải.

XEM VIDEO
XEM HÌNH

Thánh lễ diễn ra thật sốt sáng, đặc biệt có sự tham dự của các vị khách mời Úc Việt đại diện các đoàn thể, cơ sở, tổ chức đạo đời và với khoảng trên 400 tín hữu tham dự. Thánh lễ được diễn ra bằng 2 ngôn ngữ Anh và Việt. Đặc biệt thầy Phó Tế Nguyễn Long Hải đã thay cha chủ tế công bố Phúc Âm và giảng Lời Chúa. Riêng cha Chủ tế đọc những câu kinh phụngï vụ bằng tiếng Việt ngắn gọn, thông dụng để cho cộng đoàn đối đáp, hiệp thông thật sốt sắng.
Trong phần thánh nhạc, ca đoàn hy vọng đã chọn lọc, tập luyện để có được những bài thánh ca hay và ý nghĩa tử đạo trong ngày đặc biệt này, đã giúp cho cả cộng đoàn hiệp dâng thánh lễ thật sốt mến và long trọng.
Kết thúc thánh lễ là lời cám ơn của vị đại diện Ban Mục Vụ đến cha xứ, quý cha cùng mọi người. Trong dịp này cha xứ cũng đã có lời chúc mừng giáo đoàn cũng như ca đoàn Hy Vọng trong ngày lễ Bổn Mạng và cầu chúc mọi người sức khỏe để tiếp tục góp phần xây dựng giáo đoàn và giáo xứ. Sau phần thánh lễ là tiệc mừng ngoài trời với nhiều món ăn rất ngon miệng do các vị ân nhân và những người thiện nguyện đóng góp.
Sau cùng là phần cắt bánh Mừng Bổn Mạng và cùng thưởng thức bánh, đánh dấu một ngày vui, đầy ý nghĩa mà mọi người đã chung tay góp sức để thể hiện tình yêu thương đoàn kết trong ý hướng phục noi gương các thánh tử đạo cha ông.
Truyền Thông Nam Úc
Tường trình từ Woodville, South Australia State



 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Giải đáp phụng vụ: Tiêu chuẩn chọn bài đọc ngày thường Mùa Thường Niên
Nguyễn Trọng Đa
20:14 17/11/2015
Giải đáp phụng vụ: Tiêu chuẩn chọn bài đọc ngày thường Mùa Thường Niên

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Xin cha cho biết luật về việc chọn các bài đọc ngày thường Mùa Thường Niên. Đâu là các tiêu chuẩn thần học và động lực đằng sau các bài đọc được chỉ định? Thí dụ, từ thứ Hai của tuần đầu tiên đến tuần thứ tư trong năm lẻ, chúng ta đọc Thư gửi tín hữu Hipri, sau đó đến sách Sáng Thế, vv... Tuy nhiên, trong năm chẳn, lại đọc Samuel I và II, sau đó đến Các Vua, vv... Con rất muốn biết điều này và xin cha giải thích cho. - D. Z., Bắc Kinh, Trung Quốc.


Đáp: Phần Dẫn nhập Sách Bài Đọc nêu ra lời giải thích phong phú cho các tiêu chuẩn được sử dụng trong việc lựa chọn các bài đọc. Ý tưởng chung là trình bày cho các tín hữu, trong chu kỳ hai năm, một lựa chọn rộng rãi của hầu hết các phần của Kinh Thánh. Chu kỳ hai năm là độc lập với chu kỳ ba năm của ngày Chúa Nhật, vì thế đôi khi có các bài đọc tương tự vào ngày Chúa Nhật và ngày trong tuần. Phần giới thiệu nói:

"59. Quyết định về việc duyệt lại Sách Bài Đọc cho Thánh lễ là để xây dựng và biên tập một trật tự duy nhất, phong phú, và đầy đủ của bài đọc, vốn phải là hoàn toàn phù hợp với mục đích và quy định của Công Đồng chung Vatican II. Tuy nhiên, đồng thời, trật tự này cũng phải đáp ứng các yêu cầu và tập lệ của Giáo Hội địa phương và các cộng đoàn cử hành. Vì lý do này, những người chịu trách nhiệm cho việc duyệt lại đã bỏ ra nhiều công sức để bảo toàn truyền thống phụng vụ của Nghi Lễ Rôma, nhưng đánh giá cao các thành tích của tất cả các hệ thống lựa chọn, sắp xếp, và sử dụng các bài đọc Kinh Thánh trong các gia đình phụng vụ khác và trong một số Giáo Hội địa phương. Các người duyệt lại đã sử dụng các yếu tố mà kinh nghiệm đã khẳng định, nhưng với một nỗ lực lớn để tránh các thiếu sót nhất định được tìm thấy trong hình thức trước đây của truyền thống.

"60. Thứ tự hiện tại của các bài đọc cho Thánh Lễ là một sự sắp xếp các bài đọc Kinh Thánh, vốn cung cấp cho các tín hữu một kiến thức của toàn bộ lời Chúa, trong một mô hình phù hợp với mục đích. Trong suốt năm phụng vụ, nhưng nhất là trong mùa Phục Sinh, Mùa Chay, và Mùa Vọng, sự lựa chọn và thứ tự của các bài đọc là nhằm giúp các tín hữu của Đức Kitô một nhận thức ngày càng sâu hơn của đức tin, mà họ tuyên xưng và của lịch sử cứu độ. Theo đó, thứ tự của các bài đọc tương ứng với các yêu cầu và lợi ích của Kitô hữu".

Về việc sắp xếp các bài đọc cho các ngày trong tuần, tài liệu này tiếp tục nói:

"69. Các bài đọc ngày trong tuần đã được sắp xếp theo cách sau đây.

"1. Mỗi Thánh Lễ có hai bài đọc: bài đọc thứ nhất là lấy từ Cựu Ước hay từ một vị Tông Đồ (nghĩa là, hoặc từ một thư hoặc từ Sách Khải Huyền), và trong mùa Phục Sinh, từ sách Công Vụ Tông Đồ; bài đọc thứ hai lấy từ các sách Tin Mừng.

"2. Chu kỳ hàng năm cho Mùa Chay có các nguyên tắc sắp xếp riêng, vốn có tính đến đặc điểm phép rửa và thống hối của mùa này.

"3. Chu kỳ cho các ngày trong tuần của Mùa Vọng, mùa Giáng sinh, và mùa Phục Sinh, cũng là hàng năm, và do đó các bài đọc vẫn như nhau mỗi năm.

"4. Đối với ba mươi bốn tuần của Mùa Thường Niên, các bài đọc Tin Mừng ngày thường được sắp xếp trong một chu trình đơn giản, được lặp lại mỗi năm. Tuy nhiên, bài đọc thứ nhất được sắp xếp trong một chu kỳ hai năm, và do đó được đọc mỗi hai năm một lần. Năm I được sử dụng trong các năm lẻ; và Năm II, trong các năm chẵn.

"Giống như thứ tự cho các ngày Chúa Nhật và các ngày lễ, thứ tự các bài đọc ngày trong tuần được qui định bởi sự áp dụng tương tự của các nguyên tắc về sự hài hòa và việc đọc bán liên tục, đặc biệt là trong trường hợp của các mùa với đặc tính riêng của mùa”.

Trong số các tiêu chuẩn được dùng, có tiêu chuẩn duy trì một số truyền thống liên quan đến các bài đọc trong các mùa đặc biệt:

"74. Trong trật tự các bài đọc, một số sách Kinh Thánh được dành cho mùa phụng vụ đặc biệt, trên cơ sở cả về tầm quan trọng nội tại của chủ đề và cả truyền thống phụng vụ. Thí dụ, truyền thống Tây phương (Ambrôxiô và Tây Ban Nha) và truyền thống Đông phương vẫn duy trì việc đọc Công Vụ Tông Đồ trong mùa Phục sinh. Việc sử dụng này là kết quả trong một sự trình bày rõ ràng về cách thức toàn bộ đời sống của Giáo Hội bắt nguồn từ mầu nhiệm Vượt qua. Truyền thống của cả Tây phương và Đông phương cũng được duy trì, cụ thể là việc đọc Tin Mừng theo thánh Gioan trong các tuần cuối của mùa Chay và mùa Phục Sinh.

"Truyền thống gán việc đọc Isaia, đặc biệt là phần đầu tiên, cho Mùa Vọng. Tuy nhiên, một số phần của sách này được đọc trong mùa Giáng sinh, và Thư Thứ Nhất của Thánh Gioan cũng được gán cho thời kỳ này".

Cùng với tiêu chuẩn này, chúng tôi cung cấp một bản tóm tắt các tiêu chuẩn dành cho các bài đọc hàng ngày:

"Mùa Vọng

"94. Có hai loạt bài đọc: một loạt dành sử dụng từ đầu Mùa Vọng cho đến ngày 16-12, và một loạt dành cho từ ngày 17 đền ngày 24-12.

"Trong phần đầu của Mùa Vọng, có bài đọc từ Sách Isaia, được phân phối phù hợp với trình tự của chính cuốn sách, và bao gồm các đoạn văn quan trọng hơn, vốn cũng được đọc vào ngày Chúa Nhật. Vì sự lựa chọn bài Tin Mừng của ngày trong tuần, bài đọc thứ nhất cần được xem xét cho phù hợp. Vào ngày thứ năm của tuần thứ hai, bài đọc Tin Mừng có liên quan đến thánh Gioan Tẩy Giả. Cho nên bài đọc thứ nhất hoặc là một sự tiếp nối đoạn văn trong Isaia, hoặc một đoạn văn có liên quan đến bài Tin Mừng. Trong tuần cuối cùng trước lễ Giáng sinh, các sự kiện chuẩn bị trực tiếp cho việc Chúa Giáng sinh được trình bày từ Tin Mừng theo thánh Mátthêu (chương 1) và thánh Luca (chương 1). Các bài đọc thứ nhất, lựa chọn nhắm theo Tin Mừng, là từ các sách Cựu Ước khác nhau và bao gồm các sứ ngôn quan trọng về Đấng Mêsia.

"Mùa Giáng Sinh

"96. Từ ngày 29-12, có việc đọc liên tục toàn bộ Thư Thứ Nhất của Thánh Gioan, vốn thực sự được đọc sớm hơn, vào ngày 27-12, lễ thánh Gioan, và vào ngày 28-12, lễ các Thánh Anh Hài. Các sách Tin Mừng liên quan việc Chúa tỏ mình ra: sự kiện thời thơ ấu của Chúa Giêsu trong Tin Mừng theo Thánh Luca (ngày 29 và 30-12); các đoạn từ chương đầu của Tin Mừng theo Thánh Gioan (từ 31-12 đến 5-1); các việc tỏ mình khác của Chúa từ bốn Phúc âm (từ 7 đến 12-1).

”Mùa Chay

"98. Các bài đọc từ sách Tin Mừng và Cựu Ước đã được lựa chọn bởi vì chúng có liên quan với nhau. Chúng diễn tả các chủ đề khác nhau của huấn giáo Mùa Chay, vốn là thích hợp với ý nghĩa tinh thần của mùa này. Bắt đầu từ thứ Hai của tuần thứ Tư Mùa Chay, có việc đọc gần như liên tục Tin Mừng theo Thánh Gioan, gồm các đoạn văn tương ứng chặt chẽ hơn với các chủ đề riêng của Mùa Chay. Bởi vì các bài đọc về người phụ nữ Samaria, người mù bẩm sinh, và việc làm cho Ladarô sống lại được chỉ định cho ngày Chúa Nhật, nhưng chỉ cho Năm A (còn Năm B và Năm C, các bài đọc là tùy chọn), các bài đọc này cũng dùng trong các ngày trong tuần nữa. Như vậy vào đầu các tuần thứ Ba, thứ Tư, và thứ Năm của Mùa Chay, các Thánh Lễ tùy chọn với các bài trên cho Tin Mừng được đưa vào sẵn, và có thể dùng thay cho bài đọc của bất cứ ngày nào trong tuần của tuần tương ứng. Trong các ngày đầu của Tuần Thánh, các bài đọc nói là về mầu nhiệm cuộc Khổ Nạn của Chúa Kitô. Về Thánh Lễ Truyền Dầu, các bài đọc nói về cả Sứ vụ Thiên sai của Chúa Kitô, và cả sự tiếp nối của nó trong Giáo Hội qua các bí tích.

"Mùa Phục Sinh

"101. Cũng như các ngày Chúa Nhật, bài đọc thứ nhất là việc đọc gần như liên tục sách Công Vụ Tông Đồ. Các bài đọc Tin Mừng trong tuần bát nhật Phục Sinh là trình thuật các lần Chúa hiện ra. Sau đó là việc đọc gần như liên tục Tin Mừng theo thánh Gioan, nhưng với các đoạn văn có đặc tính Phục sinh, để hoàn thành việc đọc Tin Mừng theo thánh Gioan trong Mùa Chay. Việc đọc bài mùa Phục sinh bao gồm trong phần lớn diễn từ và lời nguyện của Chúa vào cuối bữa tiệc ly.

"Mùa Thường Niên

"103. Mùa thường niên bắt đầu vào ngày thứ Hai sau Chúa Nhật sau ngày 6-1, và kéo dài cho đến ngày thứ Ba trước Mùa Chay. Mùa này lại bắt đầu từ ngày thứ Hai sau Chúa Nhật Hiện Xuống và kết thúc trước kinh chiều I của Chúa Nhật thứ nhất Mùa Vọng. Trật tự các bài đọc cung cấp các bài đọc cho ba mươi bốn ngày Chúa Nhật và những tuần sau đó. Tuy nhiên, trong một số năm, chỉ có ba mươi ba tuần của mùa Thường Niên. Hơn nữa, một số Chúa Nhật hoặc thuộc về một mùa khác (Chúa Nhật lễ Chúa Giêsu chịu phép Rửa và Chúa Nhật Hiện Xuống) hoặc bị cản trở bởi một lễ trọng trùng với ngày Chúa Nhật (ví dụ như lễ Chúa Ba Ngôi hoặc lễ Chúa Kitô Vua).

"109. Các sách Tin Mừng được sắp xếp để Tin Mừng theo thánh Máccô được đọc đầu tiên (từ tuần 1 đến tuần 9), sau đó Tin Mừng theo thánh Mátthêu (từ tuần 10 đến tuần 21), và Tin Mừng theo thánh Luca (từ tuần 22 đến tuần 34). Các chương từ 1 đến 12 của Tin Mừng theo thánh Máccô được đọc toàn bộ, với ngoại lệ duy nhất của hai đoạn của chương 6 được đọc vào các ngày trong tuần của các mùa khác. Từ Tin mừng theo thánh Mátthêu đến Tin Mừng theo thánh Luca, các bài đọc bao gồm tất cả các chủ đề không có trong Tin Mừng theo thánh Máccô. Còn các đoạn, vốn có thể hoặc được trình bày riêng trong mỗi Tin Mừng, hoặc là cần thiết cho một sự hiểu biết riêng của tiến triển của nó, được đọc hai hoặc ba lần. Diễn từ cánh chung của Chúa Giêsu, vì dược chứa trọn trong Tin Mừng theo thánh Luca, được đọc vào cuối năm phụng vụ.

"110. Bài Đọc I được thực hiện trong khoảng thời gian nhiều tuần, trước tiên từ đoạn văn này đến đoạn văn khác của Cựu Ước; số tuần phụ thuộc vào độ dài của các sách Kinh Thánh được đọc. Các đoạn văn dài hơn được đọc từ Tân Ước, để cung cấp nôi dung sâu lắng của các Thư. Từ Cựu Ước, có chỗ cho một số đoạn chọn lọc, vốn trong mức độ có thể được, nêu ra đặc tính của mỗi sách. Các bản văn Lịch sử đã được lựa chọn theo một cách để cung cấp một cái nhìn tổng thể của lịch sử cứu độ, trước khi Chúa nhập thể. Nhưng các trình thuật dài hơn khó được trình bày, nên đôi khi một số câu của các trình thuật này được chọn để làm cho bài đọc có độ dài vừa phải. Ngoài ra, ý nghĩa tôn giáo của các sự kiện lịch sử đôi khi được đưa ra nhờ các đoạn văn từ các sách Khôn ngoan, vốn được đặt như lời nói đầu hoặc lời kết luận cho một loạt các bài đọc lịch sử.

"Gần như toàn bộ các sách Cựu Ước tìm thấy một vị trí trong trật tự của bài đọc cho các ngày trong tuần của Mùa riêng. Các đoạn duy nhất được bỏ qua là ngắn nhất trong các sách Ngôn sứ (Obadiah ‘Ôvađia’ và Zephaniah ‘Xôphônia’) và sách thi ca (Diễm ca). Trong số các trình thuật của việc xây dựng trật tự đòi hỏi một sự đọc dài, nếu họ có thể được hiểu, có Tôbia và Ruth ‘Rút’, nhưng các trình thuật (Esther ‘Étte’ và Judith ‘Giuđitha’) được bỏ qua. Tuy nhiên, các đoạn văn của hai sách này được chỉ định cho các Chúa Nhật và các ngày trong tuần vào các thời điểm khác trong năm... Cuối năm phụng vụ, các bài đọc lấy từ các sách, vốn tương ứng với đậc tính cánh chung của thời kỳ, đó là sách Đanien và Sách Khải Huyền". (Zenit.org 17-11-2015)

Nguyễn Trọng Đa
 
Văn Hóa
Paris bị khủng bố : Tam Tài lệ ứa
Lê Đình Thông
08:21 17/11/2015
Tam Tài Lệ Ứa

Tam tài khóc người dân cũng khóc
Tự Do Xanh mệt nhọc buồn đau
Trắng đêm Bình Đẳng lệ sầu
Máu đào huyết nhục thắm màu lệ rơi.
Cờ tam sắc tả tơi tang chế
Thương bao người ngạo nghễ ra đi
Đạn bom khủng bố cuồng si
Mưa rơi lã chã chia ly đất trời.
Súng đạn nổ rụng rời thành phố
Cũng không làm hoen ố màu cờ
Tự do tằm dệt nên tơ
Bình quyền, Bác ái nhỏ to tấc lòng.
Này lũ quỷ đừng hòng lung lạc
Dùng đạn bom lất át hình hài
Quốc kỳ phất phới tung bay
Xưa đi bóng tối độc tài quỷ ma.
Paris, ngày 13 tháng 11 năm 2015

Lê Đình Thông

 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Cửa Sổ
Joseph Nguyễn Tro Bụi
21:51 17/11/2015
CỬA SỔ
Ảnh của Joseph Nguyễn Tro Bụi
Cửa sổ để em nhìn vào khoảng trống
Để mở ra trời nắng
Để khép lại trời mưa
Và trong những ngày sương mù
Em chờ anh gõ cửa
(Trích thơ của Bình Nguyên Trang)