Ngày 15-11-2022
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Vua Tình Yêu
Lm. Thái Nguyên
00:58 15/11/2022


VUA TÌNH YÊU
Chúa Nhật 34 Thường Niên năm C : Lc 23, 35-43

Suy niệm

Bài đọc I cho chúng ta biết, vì mến mộ tài đức của Đavít nên các chi tộc miền Nam cũng như miền Bắc Israel đều phong Đavít làm vua của họ. Như thế là đất nước thống nhất dưới quyền lãnh đạo một vị vua duy nhất (x. 2 Sm 5,1-3). Vua Đavít là hình ảnh tiên báo về Vị Thiên Vương Tối Cao thời Tân Ước là Đức Giêsu Kitô.

Bài Tin Mừng hôm nay cho ta biết Đức Giêsu đăng quang làm Vua khi bị đóng đinh trên thập giá. Phía trên đầu Ngài, bản án ghi là: “Ðây là vua người Do Thái”. Ngài làm vua hoàn toàn khác biệt với mọi ông vua trần gian: không ngồi ngai vàng mà nằm trên thập giá; không có vương miện, mà chỉ có vòng gai; không có cẩm bào, mà chỉ có tấm thân trần trụi; không oai vệ mà hoàn toàn yếu nhược; không có câu tung hô tán tụng, mà chỉ có lời nhạo báng khinh chê; không có thái độ kính mến, mà chỉ có hành vi ngạo nghễ và thách thức:“Hắn đã cứu người khác, thì cứu lấy mình đi, nếu thật hắn là Ðấng Kitô của Thiên Chúa”.

Khi thách thức như như thế, xem ra các thủ lãnh đã cuồng trí vì ghen ghét và hận thù. Bởi vì nếu Đức Giêsu muốn cứu lấy mình thì đã chẳng tự nộp mình. Ngài muốn buông mình cho Cha, đón nhận cái chết với niềm vâng phục và tín thác. Chính trong mầu nhiệm thập giá mà vị Vua bị đóng đinh lại hé lộ vương quyền của Ngài cho anh trộm lành có lòng thống hối và tin tưởng. “Hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Ðàng.” Với lời công bố đó, Đức Giêsu đã khai mạc vương quốc của Ngài: vương quốc của tình yêu. Vì Ngài đã mang lấy tất cả tội lỗi nhân loại, gánh chịu mọi khổ đau và nhục nhã của kiếp người. Chính tình yêu chiến thắng của Vua Giêsu đã cứu chuộc nhân loại, đã nối kết con người lại với Thiên Chúa, như thánh Phaolô đã xác quyết: “Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời” (Cl 1, 20).

Chúng ta hay nhìn sự việc và con người dưới những lăng kính phàm nhân, mang nặng tính vinh nhục, thành bại, hơn thua, được mất. Nhưng sự thật thường không thể đong đo bằng những gì đã xảy ra bên ngoài như chúng ta thấy. Thấy vậy mà không phải vậy. Trước một hoàn cảnh vẫn có hai cái nhìn khác nhau. Có những điều huyền diệu, không thể thấy bằng đôi mắt của thể xác, mà thấy bằng đôi mắt của tâm hồn, của đức tin. Bởi vậy có những lúc được là mất, có những lúc thắng là thua, có những lúc vinh là nhục. Cuộc sống có khi là một định lý đảo. Chân lý vẫn trái ngược với đời thường. Hơn nữa, con người không phải là đối tượng để cho ta chinh phục, chiến thắng hay loại trừ, mà là đối tượng để yêu thương, hy sinh và phục vụ cho đến cùng.

Nhìn vào thập giá Đức Giêsu, chúng ta thấu hiểu điều đó: lúc tất cả tưởng chừng như đã sụp đổ và hoàn toàn thất bại, thì lại là lúc mà sự sống mới bắt đầu, lúc mà sự giải thoát và ơn cứu độ khai mở cho những kẻ tin. Quả thật, Đức Giêsu đã chết cho sự gian ác, kiêu căng và ảo tưởng của con người. Ngài không còn gì hết vì đã ban phát hết. Có lẽ vì cảm động tột cùng trước vị vua Giêsu này, mà R. Tagore đã dâng lời khẩn nguyện: “Ước mong tôi chẳng còn gì để được Ngài là tất cả”.

Mừng lễ Chúa Kitô Vua, chúng ta ý thức mình là công dân Nước Trời, toàn thể cuộc đời chúng ta thuộc về Chúa. Hãy để Chúa chiếm trọn tất cả con người mình, từ tư tưởng, lời nói đến việc làm. Chúng ta không còn thuộc về thế giới của bóng tối và tội lỗi. Chúng ta thuộc về vương quyền của Vua Giêsu là vương quyền tuyệt đối, đem lại sự sống và hạnh phúc vĩnh cửu cho nhân loại. Đó là niềm vui lớn lao mà thánh Phaolô nhắn nhủ các tín hữu: “Anh em hãy vui mừng cảm tạ Chúa Cha… Đấng đã giải thoát chúng ta khỏi quyền lực tối tăm và đưa vào vương quốc Thánh Tử chí ái; trong Thánh Tử, ta được ơn cứu chuộc, được tha thứ tội lỗi.” (Cl 1,12-13).

Đặt lễ Chúa Kitô Vua trong Chúa nhật cuối cùng năm phụng vụ, Giáo Hội nhắc nhở chúng ta: Đức Kitô chính là Vua của vũ trụ, là Chủ thời gian, Chủ sự sống, Chủ của lịch sử nhân loại, và là Chủ cuộc đời mỗi người chúng ta. Đón nhận Ngài, chúng ta hãy khước từ những thần tượng giả mạo, để suy tôn một mình Vua Giêsu là tất cả trong mọi lãnh vực của cuộc sống con người. Cuộc đời này có ý nghĩa và giá trị hay không là tùy thuộc ở thái độ và mức độ tiếp nhận của mỗi người đối với Đức Kitô. Hãy để Ngài hoàn toàn làm Vua ngự trị trong tâm hồn ta, để ta phát khởi một tình yêu sâu xa chan hòa, đầy tính sáng tạo, để góp phần với Chúa đem lại niềm vui ơn cứu độ cho đời.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giê-su là Vua vũ trụ,
Chúa làm Vua một cách thật lạ lùng,
không dùng quyền năng mình để chinh phục,
mà chỉ dùng tình yêu để thu phục.
Chúa đã không loại trừ kẻ mê lầm,
nhưng chỉ nhằm vào giải phóng nhân tâm,
Chúa không hề trị vì như ông chủ,
nhưng luôn trong tư thế người phục vụ.
Chúa không ngự trên ngai báu ngọc ngà,
nhưng Ngài lại đăng quang trên thập giá,
không có câu tung hô của người thế,
mà chỉ có lời nhạo báng khinh chê,
không vương miện không áo mão cân đai,
mà vòng gai với bao điều oan trái,
Đám dân chúng chẳng một ai thương đoái,
nhưng may thay còn một kẻ trộm lành,
Chúa đã dành cho anh ân huệ lớn lao,
là được hưởng vinh phúc chốn trời cao,
chính lúc đó Chúa hé lộ vương quyền,
của một vương quốc vô biên siêu việt.
Lạy Chúa Giê-su là Vua muôn vua,
xin cho mọi Ki-tô hữu chúng con,
ý thức là thần dân trong Nước Chúa,
sống yêu thương và khiêm nhu phục vụ,
hướng mọi người về Nước của Giê-su,
Nước tình yêu và bình an vĩnh cửu.
Xin cho chúng con để Chúa làm chủ,
đừng manh động theo đường xưa lối cũ,
dám khước từ danh lợi và lạc thú,
vì mọi sự cũng chỉ là phù du,
niềm vui con nơi Chúa là quá đủ,
để vững vàng tới vương quốc ngàn thu. Amen.
 
Ngày 16/11: Hãy làm sinh lợi nén bạc Chúa trao – Lm. Giuse Phêrô Vũ Hải Đăng, SDD
Giáo Hội Năm Châu
02:44 15/11/2022

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán thêm một dụ ngôn nữa, vì Người đã đến gần Giêrusalem, mà dân chúng lại cứ tưởng là Nước Thiên Chúa sắp xuất hiện trong giây lát. Vậy Người phán rằng:

"Có người quý tộc kia đi phương xa để được phong vương rồi trở về. Ông cho gọi mười người tôi tớ đến, giao cho họ mười nén bạc và dặn rằng: 'Hãy làm lợi cho đến khi ta trở về'. Nhưng các người dân của ông ấy ghét ông, sai người đi theo mà rằng: 'Chúng tôi không muốn ông ấy làm vua chúng tôi'. Được phong vương rồi ông trở về, cho gọi các tôi tớ mà trước kia ông đã giao tiền cho, để biết mỗi người đã làm lợi được bao nhiêu.

"Người thứ nhất đến và thưa: 'Tâu vua, nén bạc của vua đã sinh lợi được mười nén'. Nhà vua bảo: 'Được, hỡi người tôi tớ tốt lành, ngươi đã trung tín trong điều nhỏ mọn, ngươi sẽ được quyền cai trị mười thành'. Người thứ hai đến thưa: 'Tâu vua, nén bạc của vua đã sinh lợi được năm nén'. Nhà vua đáp: 'Ngươi cũng vậy, hãy cai quản năm thành'.

"Người thứ ba đến thưa: 'Tâu vua, đây nén bạc của vua, tôi còn giữ trong khăn, vì tôi sợ ngài: ngài là người hà khắc, và lấy cái ngài không gửi, gặt cái ngài không gieo'. Vua phán rằng: 'Hỡi đầy tớ bất lương, ta cứ lời ngươi mà xử ngươi. Ngươi đã biết ta là người hà khắc, lấy cái ta không gửi, gặt cái ta không gieo, sao ngươi không gửi bạc ta ở ngân hàng, để rồi khi ta trở về, ta có thể lấy cả vốn lẫn lời'.

"Vua liền bảo những người đứng đó rằng: 'Hãy lấy nén bạc của nó mà trao cho người đã có mười nén'. Họ tâu rằng: 'Tâu vua, người ấy đã có mười nén rồi'. Vua đáp: 'Ta nói cùng các ngươi: Ai có sẽ cho thêm, và người đó sẽ được dư dật; còn ai không có, người ta sẽ lấy đi cả cái nó đang có. Còn những kẻ nghịch cùng ta, không muốn ta làm vua, hãy đem chúng ra đây và giết chúng trước mặt ta". Nói thế rồi Chúa liền dẫn họ lên Giêrusalem.

Đó là lời Chúa
 
Từng xu một
Lm. Minh Anh
22:29 15/11/2022

TỪNG XU MỘT
“Hãy làm lợi cho đến khi ta trở về!”.

Carl Sandburg nói, “Thời gian là nén bạc cuộc đời của bạn. Đó là số vốn duy nhất bạn có và chỉ bạn mới có thể xác định nó sẽ được sử dụng như thế nào. Hãy cẩn thận, bằng không người khác sẽ ‘tiêu’ nó thay bạn. Hãy làm lợi những gì bạn được trao, bắt đầu với ‘từng xu một!’”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Hãy làm lợi những gì bạn được trao, bắt đầu với ‘từng xu một!’”. Thật thú vị, ý tưởng của Carl Sandburg được gặp lại trong Tin Mừng hôm nay. Chúa Giêsu dạy chúng ta nên làm gì trong thời gian đợi chờ Ngài trở lại. Dụ ngôn cho biết, sau khi đã trao cho mỗi gia nhân một nén bạc, ông chủ nói, “Hãy làm lợi cho đến khi ta trở về!”. Làm lợi bằng cách nào? Làm lợi ‘từng xu một!’.

Mỗi Chúa Nhật, đọc Kinh Tin Kính, chúng ta chứng thực niềm tin của mình rằng, Chúa “sẽ lại đến trong vinh quang, để phán xét kẻ sống và kẻ chết”; nhưng chúng ta không biết, ngày nào, giờ nào Chúa đến như Ngài đã nói, “Về ngày giờ đó thì không ai biết”. Vậy, chúng ta nên làm gì trong thời gian này? Câu trả lời rất đơn giản! Hãy tận dụng thời gian Chúa ban để trung thành sống các giá trị của Vương Quốc, hãy chứng tỏ Chúa Kitô là Vua của bạn ngay bây giờ; và chứng tỏ sự trung thành đó bằng cách làm lợi nén bạc đã nhận, bắt đầu với ‘từng xu một!’.

Trong dụ ngôn, hầu như mỗi người chỉ nhận được một nén, nhưng một số sẽ đầu tư nó tốt hơn những người khác. Lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội, chúng ta lãnh nhận như nhau các ân tứ đức tin, hy vọng và tình yêu dưới dạng hạt giống. Và việc nhận lãnh này tuỳ thuộc vào mỗi người để bảo đảm rằng, chúng được chăm bón, tưới tiêu và có đủ ánh sáng mặt trời để phát triển và sinh hoa trái. Những món quà này không chỉ được ban vào những ngày mưa bão hoặc những khoảnh khắc thử thách, nhưng được ban mọi ngày, từng ngày, để mỗi người biết rằng, chúng ta là con cái rất yêu dấu của Thiên Chúa và là người thừa kế Nước Trời. Thực hiện các nhân đức này tựa hồ kiếm được bạc, được vàng, ‘từng xu một!’.

“Thiên Chúa là tình yêu”, bản chất của Ngài là “Thánh”. Bài đọc Khải Huyền và Thánh Vịnh đáp ca khẳng định sự “Thánh Thiện” của Ngài, “Thánh! Thánh! Chí Thánh! Chúa là Thiên Chúa toàn năng!”. Sự thánh thiện của Thiên Chúa thể hiện qua sự ‘tự hiến’ của Ngài. Vì thế, người giấu nén bạc của mình sẽ không thể khám phá hoặc hiểu được thực tế ‘tự hiến’ này, nhưng những ai đã ‘dám tiêu’ nén bạc của mình sẽ khám phá ra điều này và họ có thể kiếm được nhiều hơn. Chúa Giêsu từng nói, “Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất không chết đi, không thối đi thì nó chỉ trơ trọi một mình”. Nhưng nếu nó chết đi, một sự biến đổi sẽ xảy ra làm cho nhiều hạt lúa mới ra đời. Cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá là một ví dụ hoàn hảo về sự biến đổi và sự tự hiến trổ sinh hoa trái này. Ngài không thể là Vua của chúng ta trừ khi chúng ta sẵn sàng đi lên Giêrusalem với Ngài; ở đó, cái chết đang chờ đợi. Còn nhiều điều khác phải từ bỏ, nhưng chúng ta vẫn có thể trổ sinh hoa trái nhiều hơn bằng cách sử dụng tài năng và thời gian của mình để sinh lợi cho Vương Quốc, trong khi bòn bọt ‘từng xu một’ qua việc chết đi từng ngày.

Anh Chị em,

“Hãy làm lợi cho đến khi ta trở về!”. Thiên Chúa là ông chủ vô cùng rộng lượng, Ngài muốn chúng ta quảng đại sinh lợi cho Ngài. Mỗi ngày, Ngài đổ vào tài khoản từng người 86.400 giây, việc chúng ta phung phí hay sử dụng nó một cách có ý nghĩa tuỳ thuộc vào mỗi người. Vấn đề là làm sao chúng ta biết sử dụng thời gian Chúa ban một cách hữu ích cho mình và cho tha nhân. Tin Mừng dạy chúng ta học ‘tự hiến’ như Thiên Chúa, như Chúa Giêsu, giữ lòng mình hướng về những sự trên trời và sống bác ái với anh chị em. Thiên Chúa ghê tởm sự thờ ơ và thái độ cho rằng nén bạc Ngài trao không đáng để làm lợi; nhưng Ngài sẽ tôn vinh những ai sử dụng nó để làm điều tốt khi dám tự hiến như Ngài. Những ai trung thành với việc sinh lợi dù chỉ từng chút một, ‘từng xu một’ sẽ được giao phó nhiều hơn; những ai bỏ bê hoặc phung phí những gì Chúa trao sẽ đánh mất những gì họ đang có.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin giúp con sử dụng mọi tài năng, biết chắt chiu ‘từng xu một’, và nhận ra rằng, con không có gì để mất; tất cả là của Chúa, tất cả cho vinh quang Vương Quốc Ngài!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Các Giám mục Ukraine kêu gọi ăn chay liên đới với người Ukraine khi mùa đông dưới không độ đang ập đến
Đặng Tự Do
17:31 15/11/2022


Các giám mục Công Giáo Ukraine tại Canada đang kêu gọi tất cả người Công Giáo cầu nguyện, đóng góp cho các hoạt động bác ái và ăn chay trong ba ngày từ 24 đến 26 tháng 11 để thể hiện tình liên đới với những người Ukraine đang sống trong tình trạng thiếu lương thực và đối mặt với những ngày không có nhiệt, ánh sáng và nước khi Nga tiếp tục nhắm mục tiêu vào cơ sở hạ tầng dân sự, đặc biệt là các mạng lưới điện của Ukraine.

Trong một lá thư mục vụ được công bố thông qua Hội đồng Giám mục Công Giáo Canada, các Giám mục Lawrence Huculak, David Motiuk và Bryan Bayda so sánh các cuộc tấn công của Nga vào các mục tiêu dân sự với kế hoạch của Joseph Stalin năm 1932-33 nhằm khiến Ukraine phải khuất phục trước nạn đói — một sự kiện được người Ukraine nhớ đến với cái tên Holodomor, đó là một tội ác diệt chủng được quốc tế công nhận.

“Đối với tôi đó là một loại liên kết tự nhiên,” Đức Cha Edmonton David Motiuk nói với The Catholic Register. “1932-1933 là một cuộc diệt chủng. Một lần nữa, một cuộc diệt chủng đang được thực hiện để nói rằng quốc gia Ukraine không tồn tại.”

Vào tháng 2, khi cuộc xâm lược của Nga bắt đầu, Vladimir Putin đã phủ nhận rõ ràng rằng Ukraine chưa từng có “tư cách nhà nước thực sự”. Ông cho biết Ukraine là một phần không thể thiếu trong “lịch sử, văn hóa, không gian tâm linh” của Nga.

Tuần đầu tiên của tháng 11, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky báo cáo rằng 4.5 triệu người Ukraine, tức là hơn 10% dân số trước chiến tranh, không có điện vì các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Nga vào các máy biến áp và nhà máy điện. Đồng thời, chính quyền quân sự Nga tại các khu vực bị chiếm đóng của Ukraine đã bắt đầu một chương trình “di dời hàng loạt” người Ukraine.

“Chúng ta hãy cầu nguyện cho những người phải chịu đựng chiến tranh, những người bảo vệ đất nước và quốc gia của họ, những người sống trong sợ hãi và những người buộc phải rời bỏ nhà cửa của họ,” các giám mục Ukraine của Canada đã viết trong lá thư mục vụ của các ngài. “Chúng ta hãy cầu nguyện cho những người đã chết vì chiến tranh và cho những người đã chết hôm nay và những người sẽ chết vào ngày mai.”

Các giám mục liệt kê Hiệp hội Phúc lợi Công Giáo Cận Đông - Canada, gọi tắt là CNEWA, Phát triển và Hòa bình - Caritas Canada, tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ Canada, và Cứu trợ quốc tế của Dòng Tên Canada là những cơ quan đáng tin cậy để quyên góp cho những người Ukraine đang chịu đựng chiến tranh.

Ba ngày chay tịnh trong tình đoàn kết với Ukraine được sắp xếp trùng với lễ kỷ niệm Holodomor hàng năm ở Canada.

“Chay tịnh nhiều nhất có thể. Đối với một số người, điều đó có nghĩa là chỉ có bánh mì và nước, đối với một số người không có đồ ngọt, đối với những người khác chỉ một bữa mỗi ngày,” các giám mục viết. “Tuy nhiên, bạn hãy chọn nhịn ăn để hiệp nhất trong suy nghĩ và lời cầu nguyện trước Chúa vì hòa bình cho người dân Ukraine.”

Ăn chay có ý nghĩa nếu anh chị em muốn đoàn kết với những người đang đói, Đức Cha Motiuk nói.

“Có những người ở Ukraine đang đói và thực sự chật vật để bày thức ăn lên bàn.”
Source:National Catholic Register
 
Vatican mở cuộc điều tra sơ bộ về lạm dụng đối với Hồng Y người Pháp
Đặng Tự Do
17:32 15/11/2022


Vatican cho biết hôm thứ Sáu rằng họ đã quyết định mở một cuộc điều tra sơ bộ về lạm dụng tình dục đối với một Hồng Y nổi tiếng của Pháp sau khi ngài thừa nhận đã cư xử một cách “đáng trách” với một bé gái 14 tuổi cách đây 35 năm.

Người phát ngôn của Vatican Matteo Bruni cho biết một cuộc tìm kiếm đang được tiến hành để tìm ra một điều tra viên chính với “sự tự chủ, vô tư và kinh nghiệm cần thiết”.

Đức Hồng Y Jean-Pierre Ricard, tổng giám mục đã nghỉ hưu của Bordeaux và là cựu chủ tịch hội đồng giám mục Pháp, đã thú nhận về vụ lạm dụng trong một lá thư vào tuần trước trong khi các giám mục Pháp đang họp tại hội nghị thường niên của họ ở Lộ Đức. Tiết lộ này càng làm dấy lên những hoang mang trong Giáo Hội Công Giáo Pháp, vốn đang quay cuồng với những tiết lộ được nêu chi tiết trong một báo cáo vào năm ngoái.

Các công tố viên Marseille tuần này thông báo rằng họ đã mở một cuộc điều tra về Đức Hồng Y Ricard liên quan đến những cáo buộc chống lại ngài nhưng “không có khiếu nại” nào được đệ trình chống lại vị Hồng Y.

Việc Vatican quyết định mở cuộc điều tra riêng trong khi cuộc điều tra tội phạm của Pháp đang được tiến hành là một điều bất thường và cho thấy mức độ nghiêm trọng của vấn đề đối với Rôma. Là Hồng Y từ năm 2006, Đức Hồng Y Ricard là thành viên cấp cao của một số văn phòng quan trọng của Vatican. Đáng chú ý nhất, ngài là thành viên bỏ phiếu trong Bộ Giáo lý Đức tin của Vatican, có nghĩa là ngài đã tham gia xét xử các vụ lạm dụng tình dục các giáo sĩ khác trong nhiều năm.

Không có thông tin nào về việc liệu ngài sẽ bị đình chỉ hay chỉ bị loại khỏi các chức vụ thành viên Vatican của mình trong khi chờ các cuộc điều tra. Hồng Y Ricard cho biết trong lá thư của mình rằng ngài đang đặt mình theo quyết định của Giáo Hội và chính quyền dân sự.

Khi thông báo về cuộc điều tra của họ, các công tố viên Marseille cho biết họ lần đầu tiên nhận được báo cáo về Hồng Y Ricard là vào tháng 10 vừa qua từ Đức Giám Mục Nice. Đức Cha Jean-Philippe Nault cho biết đã nhận được một bức thư từ cha mẹ của nạn nhân bị cáo buộc sau khi Hồng Y Ricard đã được Vatican bổ nhiệm vào một nhóm điều tra một hiệp hội Công Giáo điều hành các nhà nuôi dưỡng. Họ không đồng ý với bổ nhiệm này và chỉ muốn Tòa Thánh rút lại việc bổ nhiệm nói trên. Tuy nhiên, theo các giao thức do Hội Đồng Giám Mục Pháp thông qua, Đức Cha Jean-Philippe Nault phải báo cáo cho cảnh sát. Đến nay, vẫn không rõ các công tố viên Marseille có tiến hành cuộc điều tra hay không vì không có người tố cáo, sai phạm không nghiêm trọng và vụ việc xảy ra đã lâu.

Các công tố viên của Marseille cho biết khi Đức Giám Mục Nice Jean-Philippe Nault đối chất với Hồng Y Ricard về bức thư của cha mẹ người phụ nữ, vị Hồng Y “thừa nhận với vị giám mục này rằng, hơn 40 năm trước, ngài đã hôn cô con gái của cặp vợ chồng này. Sau này ngài đã cử hành hôn lễ cho cô gái ấy.”

Sơ Véronique Margron, người đứng đầu hội nghị các dòng tu ở Pháp, nói với tờ báo Công Giáo La Croix của Pháp trong tuần này rằng chính nạn nhân đã hai lần viết thư cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô - một lần cách đây 5 năm, và một lần nữa vào tháng 5 hay tháng 6 năm nay sau khi cô không viết thư mà không nhận được phản hồi.

Ông Matteo Bruni, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh, không trả lời khi được hỏi liệu Đức Giáo Hoàng có nhận được một trong hai bức thư hay không. Nhưng ông cho biết quyết định mở cuộc điều tra sơ bộ về Hồng Y Ricard được đưa ra “để hoàn tất việc kiểm tra những gì đã xảy ra, dựa trên các yếu tố đã xuất hiện trong những ngày gần đây và tuyên bố của Hồng Y.”

Đức Phanxicô đã tuyên bố “không khoan nhượng” đối với các giáo sĩ lạm dụng và trong những năm gần đây đã cách chức một số giám mục và một số Hồng Y vì lạm dụng và che đậy.
Source:AP
 
Phá thai và các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tại Hoa Kỳ
Vu Van An
19:27 15/11/2022

Jonathan Van Maren, trên tờ First Things ngày 11 tháng 11, cho biết:



Trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ vào tuần này, năm tiểu bang—California, Kentucky, Michigan, Montana và Vermont—đã tổ chức các cuộc trưng cầu dân ý về vấn đề phá thai, với kết quả bi thảm. Các cử tri ở Michigan và California, trong căn bản, đã ủng hộ việc phá thai cho đến khi sinh, và Montana bác bỏ việc chăm sóc y tế bắt buộc cho các trẻ sơ sinh sống sót sau các vụ phá thai. Đó là một dấu hiệu cho thấy ở Hoa Kỳ thời hậu phán quyết Dobbs, các đảng viên Đảng Dân chủ ủng hộ phá thai đang áp dụng một vở kịch tương tự như sách lược của các nhà hoạt động ở Ái Nhĩ Lan trước cuộc trưng cầu dân ý về phá thai ở đó năm 2018. Bây giờ phán quyết Roe đã bị lật ngược, phong trào ủng hộ sự sống phải học cách chống lại chiến lược dân chủ trực tiếp của phong trào phá thai.

Công chúng bỏ phiếu nói chung có thể được chia thành ba nhóm chính: những người ủng hộ sự sống hết mình, những người ủng hộ phá thai hết mình và nhóm mà các nhà chiến lược gọi là “trung lưu ủy mị”— tức những người nhận thấy chương trình nghị sự của phong trào phá thai là cực đoan nhưng vẫn ủng hộ việc phá thai trong một số trường hợp nhất định. Các nhà hoạt động của cả hai bên phải thuyết phục nhóm này, và trong các cuộc trưng cầu dân chủ trực tiếp, các nhà hoạt động phá thai có một số lợi thế đáng kể.

Một trong số lợi thế đó là họ sở hữu các phương tiện truyền thông. Ở Ái Nhĩ Lan, không quan trọng gì khi nhiều cuộc điều tra xác định rằng Savita Halappanavar không chết do bị từ chối phá thai. Điều quan trọng là các phương tiện truyền thông liên tục đăng tải những lời khẳng định rằng cô ấy chết vì vậy, tạo ra một trình thuật đơn giản, mạnh mẽ: rằng Tu chính án thứ 8 của hiến pháp Ái Nhĩ Lan phải chịu trách nhiệm về cái chết của một người phụ nữ. Mặc dù Trung lưu Ủy mị của Ái Nhĩ Lan không ủng hộ việc phá thai theo yêu cầu, nhưng các phương tiện truyền thông đã thuyết phục họ rằng phụ nữ sẽ chết nếu họ không bỏ phiếu bãi bỏ. Các nhà hoạt động không phải rao bán phá thai theo yêu cầu. Họ đơn giản thuyết phục tầng lớp trung lưu ủy mị rằng luật phò sự sống đã giết chết phụ nữ.

Các kịch bản tương tự đã diễn ra trong các cuộc trưng cầu dân ý giữa nhiệm kỳ về phá thai ở Hoa Kỳ. Hàng tràng khôn nguôi các câu chuyện trên báo chí, rao bán và quảng cáo trên mạng xã hội đã dồn dập đưa ra một trình thuật đơn giản này: Hãy bỏ phiếu cho việc phá thai, nếu không phụ nữ sẽ chết. Những người ủng hộ sự sống đã đẩy ngược những tuyên bố này, nhưng những đẩy lui của họ không nhận được sự chú ý tương tự—và thực tế, thường bị giới truyền thông phản bác trực tiếp. Tục ngữ có câu: Trong chính trị, nếu bạn giải thích là bạn đang thua. Những người phò sự sống bị buộc phải liên tục giải thích.

Rất khó để những phản ứng phức tạp đó có thể vượt qua được tiếng la ó của thông điệp “ủng hộ sự lựa chọn” đơn giản, được khuếch đại trên phương tiện truyền thông đại chúng—đặc biệt là khi các nhà hoạt động phá thai không chỉ nhận được sự ủng hộ của các phương tiện truyền thông chính thống mà còn của cả những rương bạc chiến tranh khổng lồ được cung cấp bởi ngành kỹ nghệ phá thai và các nhà hảo tâm có thiện cảm. Điều này đúng ở Ái Nhĩ Lan và đúng với các cuộc chiến phá thai ở Hoa Kỳ. Ví dụ, ở Michigan, phong trào Quyền Tự do Sinh sản Cho Tất cả đã huy động được ít nhất 40.2 triệu đô la và chi ít nhất 22.5 triệu đô la cho các quảng cáo bầu cử giữa nhiệm kỳ. Ngược lại, liên minh phò sự sống chỉ huy động được 16.9 triệu đô la. Các nhà hoạt động phá thai có quyền truy cập các quỹ lớn hơn nhiều, chi tiêu vượt xa những người ủng hộ sự sống trong thời gian giữa nhiệm kỳ theo tỷ lệ 35 chống 1.

Trước cuộc trưng cầu dân ý ở Ái Nhĩ Lan, những người ủng hộ sự sống đã có được một vượt trội hơn nhiều ở bình diện cơ sở quần chúng, một sự thật hiển nhiên đến mức các phương tiện truyền thông công khai lo lắng về điều đó. Các nhà hoạt động chống phá thai đã đi gõ cửa hàng triệu ngôi nhà và dành nhiều tuần trên đường để gõ cửa như thế. Ở Michigan và những nơi khác, những người ủng hộ sự sống cũng đi đập cửa và vượt qua với một số lượng gây ấn tượng. Nhưng trong mỗi trường hợp này, lợi thế của cuộc chiến nhằm chiến thắng ở cơ sở quần chúng không thể vượt qua các quảng cáo liên tục đến với cử tri từ mọi màn hình và các thành kiến chống định chế đã khiến “những người kiểm tra thực tế” ủng hộ phá thai cưỡng lại thông điệp phò sự sống. Xu hướng cấp tiến của “Big Tech” (công ty Kỹ thuật Lớn) cũng bảo đảm để những người phò sự sống gặp khó khăn hơn trong việc truyền bá trực tuyến lập luận của họ (ở Ái Nhĩ Lan, Google thực sự đã quyết định tạm dừng quảng cáo sau khi các quảng cáo phò sự sống dường như có tác động). Đa số thầm lặng không ủng hộ sự sống. Nó cũng không ủng hộ việc phá thai. Nhưng các công cụ thuyết phục chính lại nằm trong tay các nhà hoạt động phá thai.

Rồi, còn có sự căng thẳng cố hữu giữa các nhà hoạt động phò sự sống và các chính trị gia phò sự sống. Hầu hết các nhà hoạt động phò sự sống đều phản đối việc phá thai—việc giết một đứa trẻ chưa được sinh ra—trong bất cứ hoàn cảnh nào. Các chính trị gia tìm cách lập pháp từ cơ sở chung, mà ở hầu hết các tiểu bang đỏ [cộng hòa] tạo ra các hạn chế phá thai với nhiều ngoại lệ được chen vào. Điều này cho phép các nhà hoạt động phò sự sống chỉ trích các chính trị gia ủng hộ sự sống trong một số trường hợp hiếm hoi (ví dụ như hiếp dâm và loạn luân), khiến họ chắc chắn bị đa số công chúng Mỹ coi thường. Các chính trị gia đưa ra các luật phò sự sống với các ngoại lệ thường bị lên án bởi các nhà hoạt động, những người coi những sự cắt xén này là sự phản bội căn bản đối với trẻ em vô tội. Động lực này càng làm phức tạp thêm các sáng kiến dân chủ trực tiếp—những người ủng hộ sự sống dành nhiều thời gian để bảo vệ các lập trường không đẹp lòng dân nhất của chúng ta, trong khi các nhà hoạt động phá thai tránh thảo luận các lập trường của họ.

Phong trào ủng hộ sự sống phải đáp ứng theo hai cách. Đầu tiên, từ góc độ giáo dục, chúng ta phải đơn giản hóa thông điệp của mình. Lập luận mạnh mẽ nhất của chúng ta là chụp ảnh nạn nhân, bằng chứng bằng hình ảnh về những gì xảy ra với em bé trong diễn trình phá thai. Dữ liệu thăm dò cho thấy hình ảnh này có ảnh hưởng rất lớn đến cách mọi người quan niệm việc phá thai, loại bỏ vấn đề khỏi lĩnh vực trừu tượng của “chăm sóc sức khỏe” và khiến công chúng phải đối diện với thực tại của một con người có khuôn mặt. Tiến sĩ Michael New gần đây đã làm nổi bật việc chiến lược này đã thành công như thế nào trong cuộc trưng cầu dân ý ở Michigan năm 1972 (và quả thực, các nhóm như Created Equal thường xuyên sử dụng các chiến thuật này). Nếu chúng ta không chỉ cho mọi người biết phá thai là gì, họ sẽ không thể hiểu được rủi ro.

Thứ hai, từ góc độ chính trị, điều cần thiết là phải loại bỏ những lợi thế mà nền dân chủ trực tiếp mang lại cho phong trào phá thai. (Mặc dù điều đáng nói là, như Ông New đã cho thấy, những người phò sự sống đã sử dụng thành công nền dân chủ trực tiếp để chấm dứt tài trợ thuế cho việc phá thai ở Tây Virginia vào năm 2018 và đạt được luật đồng ý của cha mẹ ở Montana, Alaska và Florida.) Đúng là phong trào phò sự sống đã trải nghiệm những tổn thất nặng nề trong giai đoạn giữa nhiệm kỳ. Cũng đúng là các thống đốc từng ký các luật phò sự sống mạnh mẽ—Ron DeSantis (Florida), Greg Abbott (Texas), và Mike DeWine (Ohio)—đã giành chiến thắng với biên tế khá lớn. Các tiểu bang đã nhất quán thông qua luật phò sự sống, và những luật đó đã dẫn đến sự sụt giảm rõ rệt về tỷ lệ phá thai. Mặc dù thất bại, tuyệt vọng là không chính đáng.

Theo lời của Christen Pollo của phong trào Protect Life Michigan, một trong nhiều nhà hoạt động không mệt mỏi đã để lại mọi sự trên chiến trường: “Hôm nay chúng tôi thương tiếc. Nhưng ngày mai, chúng tôi sẽ trở lại làm việc. Bây giờ tất cả chúng ta phải là những người bênh vực cho thai nhi. Bây giờ, chúng ta được cần đến hơn bao giờ hết. Hãy yên tâm: nếu nạn phá thai không dừng lại thì chúng ta cũng thế”.
 
VietCatholic TV
Táo bạo: Ukraine đánh suốt ngày đêm để vượt sông truy kích. Trung Tá Nga đói quá ra kiếm ăn bị bắt
VietCatholic Media
03:40 15/11/2022


1. 510 binh sĩ Nga đã bị loại khỏi vòng chiến cùng với 8 xe tăng và 6 xe thiết giáp

Trong bản báo cáo sáng thứ Ba 15 tháng 11, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết từ bên trong lãnh thổ Nga, quân Putin đã bắn phá và phá hủy gần như hoàn toàn một ngôi làng biên giới của cộng đồng Bilopillia ở vùng Sumy.

“Ngôi làng biên giới của cộng đồng Bilopillia gần như bị tàn phá. Sau trận pháo kích của Nga vào ngày 13 tháng 11, người dân đã rời bỏ trang trại để tự cứu mình. Ngôi làng nằm trên biên giới với Liên bang Nga. Và chỉ trong một ngày, gần 70 quả đạn pháo và súng cối của địch đã nổ ở đây”. Hai quận của vùng Dnipropetrovsk cũng bị tấn công bằng hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt và pháo hạng nặng.

“Tại quận Nikopol, quân xâm lược Nga đã tấn công cộng đồng Myrove và Marhanets. Ở Myrove, họ đã làm hư hại khoảng 15 ngôi nhà riêng và các trang trại, cắt một đường dây điện và đường ống dẫn khí đốt”

Ở các quận khác của vùng Dnipropetrovsk, không có vụ pháo kích nào trong ngày hôm nay.

Trong ngày 14 tháng 11, 510 binh sĩ Nga đã bị loại khỏi vòng chiến cùng với 8 xe tăng và 6 xe thiết giáp. Tính chung, khoảng 81,370 binh sĩ Nga đã bị loại khỏi vòng chiến trong khoảng thời gian từ ngày 24 tháng 2 đến ngày 14 tháng 11.

Theo Trung Tá Motuzianyk, từ ngày 24 tháng 2 đến ngày 14 tháng 11, Lực lượng Phòng vệ Ukraine đã phá hủy 2,848 xe tăng Nga, 5,748 xe thiết giáp, 1,839 hệ thống pháo, 393 hệ thống hỏa tiễn hàng loạt, 206 hệ thống tác chiến phòng không, 278 máy bay, 261 máy bay trực thăng, 1,509 máy bay không người lái tác chiến-chiến thuật, 399 hỏa tiễn hành trình, 16 tàu chiến, 4,316 phương tiện chuyển quân và nhiên liệu, và 160 đơn vị thiết bị đặc biệt.

2. Không quân Ukraine truy kích quân Nga ở tả ngạn Dnipro

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Ba 15 tháng 11, phát ngôn nhân của lực lượng không quân Ukraine Yurii Ihnat cho biết trong 24 giờ trước đó, không quân Ukraine đã tấn công bốn cụm nhân lực, vũ khí và thiết bị của Nga ở tả ngạn sông Dnipro thuộc vùng Kherson là nơi quân Nga rút về sau khi bỏ chạy khỏi Kherson.

“Quân xâm lược tiếp tục thiết lập các tuyến phòng thủ ở tả ngạn sông Dnipro, cố tạo thêm các tuyến phòng thủ và giữ các tuyến đã chiếm được. Họ tiếp tục gây thiệt hại về hỏa lực cho quân đội của chúng ta và các khu định cư đã được giải phóng dọc theo bờ Đông của Dnipro, sử dụng máy bay, pháo hạng nặng, hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt và súng cối”.

Người Nga đã tấn công bằng hai hỏa tiễn Kh-31 ở quận Beryslav của vùng Kherson. Không có thương vong hoặc cơ sở hạ tầng nào bị phá hủy đã được báo cáo.

Kẻ thù cũng đã tấn công cộng đồng Marhanets của khu vực Nikopol hai lần bằng Uragan MLRS. Không có thương vong.

Đáp lại, lực lượng Không quân Ukraine đã tấn công 4 cụm nhân lực, vũ khí và thiết bị của địch ở tả ngạn sông Dnipro.

Các đơn vị hỏa tiễn và pháo binh của Lực lượng vũ trang Ukraine đã mở 33 cuộc tấn công bằng pháo binh.

“Cho đến nay, thiệt hại của kẻ thù lên tới 40 xe tăng và 7 phương tiện chiến đấu bọc thép đã được xác nhận. Các tổn thất khác đang được xác minh.”

3. Truyền thông Nga la hoảng rằng Ukraine đang tấn công cường tập để vượt sông Dnipro truy kích quân Nga

Hãng thông tấn nhà nước Nga RIA Novosti nói rằng các lực lượng Ukraine đang “tiến hành các cuộc bắn pháo dữ dội và tàn nhẫn vào khu vực thị trấn Oleshky” trong vùng Kherson.

Oleshky nằm trên bờ đông của sông Dnipro, cách thành phố Kherson tám km, nằm ở bờ đối diện với khu vực gần đây đã được lực lượng Ukraine tái chiếm.

Một phóng viên của RIA Novosti có mặt tại hiện trường báo cáo rằng người ta đã nghe thấy những tiếng nổ trong thị trấn.

“Họ đang tấn công liên tục cả ngày lẫn đêm, khu rừng ở ngoại ô đang bốc cháy”

Phát ngôn nhân của Cơ quan quản lý quân sự khu vực Odesa Serhiy Bratchuk cho biết đã có các cuộc tấn công nhằm vào các cơ sở quân sự của Nga ở bờ Đông sông Dnipro, cụ thể là tại Hola Prystan và Hornostayivka, hai thị trấn ở bờ sông đối diện với thành phố Kherson. Bratchuk cho biết đã có thương vong.

Quân Nga cho rằng các cuộc tấn công cường tập này nhằm thiết lập một đầu cầu vượt sông Dnipro tấn công vào các lực lượng Nga vừa rút lui khỏi vùng Kherson.

Vadym Boychenko, thị trưởng Mariupol, cho biết trong ngày thứ hai liên tiếp, gần Mariupol, xe tăng, thiết giáp và hàng trăm quân nhân và dân thường Nga rút chạy khỏi Kherson đang đến trên những chiếc xe mang biển số Nga. Họ đang được định cư trong các khu nhà trọ và trung tâm giải trí.

“Trong ngày thứ hai liên tiếp, người ta đã quan sát thấy sự xuất hiện ở thành phố Mariupol của quân xâm lược từ hướng Kherson. Hôm qua, những đoàn xe lớn gồm hàng trăm xe chở quân đã đến dọc theo đường cao tốc Mangush-Urzuf. Những người mới đến đang được giải quyết cư trú trong các nhà trọ và trung tâm giải trí ở các khu định cư Yalta, Nova Yalta và Yuriyivka,” Boychenko nói.

4. Hoa Kỳ và Nga đồng loạt xác nhận các cuộc gặp gỡ đang diễn ra ở Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ

Điện Cẩm Linh đã xác nhận các cuộc đàm phán giữa các quan chức Mỹ và Nga đã diễn ra tại Ankara vào hôm thứ Hai 14 tháng 11, hãng thông tấn nhà nước Nga Tass đưa tin, dẫn lời phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov.

Tòa Bạch Ốc cũng đã xác nhận rằng Giám đốc CIA, William J Burns, đang ở Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ để nói chuyện với phía Nga. Phát ngôn nhân của hội đồng an ninh quốc gia nói với CNN:

Chúng tôi rất cởi mở về việc chúng tôi có các kênh liên lạc với Nga về quản lý rủi ro, đặc biệt là rủi ro hạt nhân và rủi ro đối với sự ổn định chiến lược. Là một phần của nỗ lực này, hôm nay Bill Burns có mặt tại Ankara để gặp người đồng cấp tình báo Nga.

Cả hai bên đều không nêu ra các chi tiết của cuộc gặp gỡ.

5. Tư Lệnh quân Ukraine Zaluzhnyi khẳng định Lực lượng vũ trang sẽ không chấp nhận bất kỳ cuộc đàm phán, thỏa thuận hoặc quyết định thỏa hiệp nào

Lực lượng Vũ trang Ukraine sẽ không chấp nhận bất kỳ cuộc đàm phán, thỏa thuận hoặc quyết định thỏa hiệp nào liên quan đến việc nhường lãnh thổ hợp pháp của Ukraine cho quân xâm lược Nga.

Điều này đã được Tổng tư lệnh Lực lượng Vũ trang Ukraine, Valeriy Zaluzhnyi, tuyên bố trong một cuộc điện đàm với Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ, Tướng Mark Milley.

“Tôi bảo đảm rằng chúng tôi sẽ chiến đấu chừng nào còn sức. Mục tiêu của chúng tôi là giải phóng toàn bộ đất Ukraine khỏi sự chiếm đóng của Nga. Chúng tôi sẽ không dừng lại trên con đường này trong bất kỳ trường hợp nào. Quân đội Ukraine sẽ không chấp nhận bất kỳ cuộc đàm phán, thỏa thuận hay quyết định thỏa hiệp nào. Chỉ có một điều kiện cho các cuộc đàm phán là Nga phải rời khỏi tất cả các vùng lãnh thổ đã chiếm được”, Tướng Zaluzhnyi nói.

Tổng Tư lệnh Lực lượng Vũ trang cũng nói với Tổng Tham Mưu Trưởng Hoa Kỳ về tình hình hoạt động và các nhu cầu ưu tiên của Lực lượng Phòng vệ. Ông lưu ý: “Tình hình ở phía trước ổn định và được kiểm soát.”

Theo Zaluzhnyi, “chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ các hành động của kẻ thù ở biên giới với Cộng hòa Belarus và đang xây dựng một lá chắn đáng tin cậy để bảo vệ Ukraine từ phía bắc. Lực lượng phòng thủ, bất chấp sự kháng cự quyết liệt của lực lượng chiếm đóng, tiếp tục các hành động tấn công theo hướng Kharkiv. Kẻ thù đang tích cực tấn công vào các tuyến biên giới Bilohorivka-Soledar-Bakhmut-Mayorsk và Avdiivka-Opytne-Vodiane-Pisky-Marinka-Pavlivka, nhưng không thành công. Chúng tôi giữ vững phòng tuyến nhờ sự kiên cường của các đơn vị tiên tiến và các lực lượng sẵn sàng chiến đấu. Ở hướng Kherson, chúng tôi đang tiến hành các biện pháp ổn định và củng cố các tuyến phòng thủ”.

“Bộ Tổng tham mưu Lực lượng vũ trang Ukraine tiếp tục tập trung nỗ lực đạt được các mục tiêu chiến lược là ổn định tình hình tại các khu vực hoạt động được chỉ định, tiến hành các hành động tấn công hơn nữa để giải phóng toàn bộ đất nước và ngăn chặn kẻ thù đột nhập vào các khu vực cuộc tấn công có thể xảy ra”, Tổng tư lệnh Lực lượng Vũ trang Ukraine cho biết.

6. An ninh Ukraine bắt được hàng trăm lính Nga cải trang thành thường dân lẩn trốn tại Kherson

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv hôm thứ Ba 15 tháng 11, cơ quan an ninh nhà nước Ukraine, gọi tắt là SBU, cho biết hàng trăm lính Nga đã bị bắt sau khi bị bỏ lại ở Kherson. Họ cải trang thành dân thường nhưng đã bị người dân tố cáo.

Phát ngôn nhân cho biết “hàng trăm tên như vậy đã bị bắt trong vài ngày qua”. SBU cho biết một Trung Tá Nga cố gắng xin việc làm trong một trang trại ở ngoại ô thành phố Kherson đã bị bắt. Y là người Ukraine, con cháu của người Nga, sống trong vùng Donbas, và đã gia nhập cái gọi là lực lượng vũ trang Cộng hòa Nhân dân Donetsk. Các nông dân thật sự trong trang trại đã nghi ngờ về thân thế của anh ta và báo cáo cho quân Ukraine.

Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Nga, Trung tướng Igor Konashenkov tuyên bố rằng Nga đã di tản hết tất cả các binh lính và sĩ quan khỏi Kherson. SBU bác bỏ điều này và nhấn mạnh rằng một số binh lính và sĩ quan Nga đã được cố ý cài cắm lại. Một số khác đơn giản là di tản không kịp, bị bỏ lại phía sau, như trường hợp của ah chàng Trung Tá này.

SBU cũng đặc biệt nhắc đến trường hợp một xạ thủ xe tăng thân Nga bị buộc tội bắn vào các tòa nhà dân cư ở thành phố cảng Mariupol của Ukraine. Anh ta vừa bị kết án 12 năm tù vì tội phản quốc.

Phát ngôn nhân SBU cho biết, tên này là người Ukraine gốc Nga đã gia nhập cái gọi là lực lượng vũ trang của Cộng hòa Nhân dân Donetsk. Hắn ta có biệt danh “Phil”, đã bắn “ít nhất 20 phát súng vào các tòa nhà cao tầng dân cư ở Mariupol”.

Cơ quan An ninh Ukraine đã thu thập bằng chứng không thể chối cãi về tội ác của chiến binh thuộc tổ chức khủng bố Cộng hòa Nhân dân Donetsk có biệt danh là 'Phil'. Bằng chứng cho phép tòa án bỏ tù anh ta trong 12 năm.

Người đàn ông này đã bị lực lượng Ukraine bắt gần làng Rivnopil phía đông vào tháng 4 sau khi xe tăng của anh ta bị tấn công.

Anh ta bị kết tội phản quốc và “thành lập các nhóm vũ trang trái phép hoặc tham gia vào các hoạt động của nó”, SBU cho biết.

7. Stoltenberg nhận xét rằng mục đích của Putin là 'lưu đầy người Ukraine trong lạnh giá và tăm tối trong mùa đông này'

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết mục tiêu của Tổng thống Nga Vladimir Putin là “lưu đầy người Ukraine lạnh giá và tăm tối trong mùa đông này”.

Người đứng đầu liên minh quân sự cho biết trong cuộc họp báo với các thành viên của chính phủ Hà Lan ở The Hague rằng việc Nga rút quân khỏi Kherson thể hiện “lòng dũng cảm đáng kinh ngạc” của các lực lượng vũ trang Ukraine.

Khi được hỏi về một thoả thuận đầu hàng của Nga đang được dư luận chú ý đặc biệt, Ông Stoltenberg nói, tùy thuộc vào Ukraine trong việc quyết định những điều khoản nào là có thể chấp nhận được đối với các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt chiến tranh, đồng thời cho biết thêm vai trò của NATO là hỗ trợ Kyiv.

Stoltenberg nói:

Chúng ta không nên phạm sai lầm khi đánh giá thấp Nga. Các lực lượng vũ trang Nga vẫn duy trì được những năng lực đáng kể, cũng như một số lượng lớn binh lính và dân thường Nga đã thể hiện sự sẵn sàng chịu những tổn thất đáng kể. Họ cũng đã thể hiện sự tàn bạo cực độ.

Anh ấy nói thêm:

Những tháng tới sẽ khó khăn. Mục đích của Putin là lưu đầy người Ukraine trong lạnh giá và tăm tối trong mùa đông này. Vì vậy, chúng ta phải tiếp tục hỗ trợ người dân Ukraine nhiều hơn nữa.

8. Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua nghị quyết về thiệt hại do cuộc xâm lược của Nga gây ra cho Ukraine

Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã thông qua nghị quyết “Tăng cường biện pháp khắc phục và bồi thường cho hành vi gây hấn đối với Ukraine,” do Ukraine soạn thảo và được hơn 50 quốc gia đồng bảo trợ.

94 quốc gia đã bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết, 13 nước bỏ phiếu chống và 74 nước bỏ phiếu trắng. Việt Nam bỏ phiếu trắng.

Nghị quyết tái khẳng định cam kết của các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc đối với chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine và yêu cầu Liên bang Nga chấm dứt ngay lập tức việc sử dụng vũ lực chống lại Ukraine và Liên bang Nga phải rút ngay lập tức, hoàn toàn và vô điều kiện tất cả các lực lượng của mình khỏi lãnh thổ Ukraine trong biên giới được quốc tế công nhận.

Đại hội đồng công nhận rằng Nga phải chịu trách nhiệm về bất kỳ hành vi vi phạm luật pháp quốc tế nào trong hoặc chống lại Ukraine, bao gồm hành vi gây hấn vi phạm Hiến chương Liên Hiệp Quốc, cũng như bất kỳ hành vi vi phạm luật nhân đạo quốc tế và luật nhân quyền quốc tế nào, và rằng nó phải chịu hậu quả pháp lý của tất cả các hành vi sai trái quốc tế của mình, bao gồm cả việc bồi thường thiệt hại, kể cả bất kỳ thiệt hại nào, do các hành vi đó gây ra.

Ngoài ra, Đại hội đồng “công nhận sự cần thiết của việc thiết lập, hợp tác với Ukraine, một cơ chế quốc tế để bồi thường thiệt hại, mất mát hoặc thương tích.”

Tài liệu “khuyến nghị các Quốc gia Thành viên hợp tác với Ukraine tạo ra một Sổ đăng ký thiệt hại quốc tế để phục vụ như một hồ sơ, dưới dạng tài liệu, bằng chứng và thông tin khiếu nại về thiệt hại, mất mát hoặc thương tích cho tất cả các thể nhân và pháp nhân có liên quan, cũng như tình trạng của Ukraine, gây ra bởi các hành động sai trái quốc tế của Liên bang Nga trong hoặc chống lại Ukraine, cũng như để thúc đẩy và phối hợp thu thập bằng chứng.”

9. Người dẫn chương trình truyền hình nhà nước Nga tranh luận với chuyên gia thắc mắc về mục tiêu chiến tranh của Putin

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia State TV Host Spars With Pundit Who Questioned Putin's Goals for War”, nghĩa là “Người dẫn chương trình truyền hình nhà nước Nga tranh luận với chuyên gia thắc mắc về mục tiêu chiến tranh của Putin”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Trong bối cảnh Nga tiếp tục thảm bại ở Ukraine, các nhà phân tích xuất hiện trên các phương tiện truyền thông nhà nước của quốc gia này đã bắt đầu đặt vấn đề về mục tiêu và ý định của cuộc xung đột.

Nga đã phải chịu một trong những thất bại lớn nhất trong cuộc xâm lược Ukraine kéo dài và bị bao vây khi các lực lượng Ukraine giải phóng thành phố trọng điểm Kherson. Kể từ thứ Sáu, binh lính Ukraine lần đầu tiên tiến vào thành phố kể từ khi thủ phủ này bị lực lượng Nga chiếm đóng vào tháng Ba. Nga vẫn còn duy trì quyền kiểm soát một phần đối với khu vực Kherson, sau khi tuyên bố sáp nhập khu vực này và bốn khu vực khác vào Nga hồi tháng 9, không khu vực nào được quốc tế công nhận.

Hôm thứ Hai, Francis Scarr của BBC News, người chuyên phân tích các phương tiện truyền thông Nga, đã chia sẻ một đoạn clip từ một chương trình thời sự gần đây, trong đó các chuyên gia Nga chất vấn mục tiêu của nước này trong cuộc xâm lược Ukraine.

“Họ đã mất một thời gian, nhưng các chuyên gia trên truyền hình nhà nước Nga đang bắt đầu chất vấn mục tiêu của cuộc xâm lược Ukraine,” Scarr viết trong một tweet bên cạnh đoạn clip. “Dmitry Abzalov thuộc Trung tâm Truyền thông Chiến lược của Điện Cẩm Linh nói rằng sẽ rất tốt nếu biết chúng thực sự là gì.”

Trong clip, Abzalov thảo luận về sự cần thiết phải có sự rõ ràng từ lãnh đạo đất nước liên quan đến cuộc xâm lược, cụ thể là cần phải biết “triển vọng dài hạn” trong ít nhất hai tháng tới của cuộc xung đột này là gì. Khoảng nửa đoạn video, người dẫn chương trình đưa ra lời phản bác, nhấn mạnh rằng “chiến dịch đặc biệt” ở Ukraine “đang được lên kế hoạch” và rằng “các mục đích và mục tiêu của nó sẽ đạt được”.

“Tôi muốn biết những mục tiêu đó là gì và tại sao lại có sự thay đổi,” Abzalov trả lời.

Đáp lại người chủ trì chương trình một lần nữa trả lời bằng cách nhắc lại như một con vẹt những tuyên bố trước đây của Điện Cẩm Linh rằng mục tiêu của cuộc xâm lược là “phi quân sự hóa và phi Quốc Xã hóa Ukraine.”

“Tất cả Ukraine à?” Abzalov hỏi vặn lại. “Toàn bộ phương Tây nữa à? Tôi muốn có sự rõ ràng nào đó trong quan điểm của chúng ta vì nó thực sự rất quan trọng đối với công chúng, đối với Ukraine, đối với Âu Châu và đối với cả Trung Quốc”.

Trong những ngày đầu của cuộc xâm lược, các lực lượng Nga đã cố gắng kiểm soát toàn bộ lãnh thổ Ukraine. Điều này đã kết thúc trong thất bại.

Khi các mục tiêu lớn hơn là chiếm toàn bộ đất nước Ukraine đã tan thành từng mảnh, quân đội Nga cuối cùng bắt đầu rút lui và tập trung sự chú ý vào các khu vực ly khai đang tranh chấp ở Đông Ukraine, nơi từng là chìa khóa để bắt đầu cuộc xâm lược. Tổng thống Nga Vladimir Putin ban đầu tuyên bố rằng định kiến đối với người dân tộc Nga ở các khu vực này, được gọi chung là Donbas, là nguyên nhân dẫn đến cuộc xâm lược vào cuối tháng 2, mặc dù ông ta chẳng có bằng chứng nào về định kiến này.

Tham vọng hạn chế hơn là chiếm cho được toàn vùng Donbas đã thất bại. Ngay cả thành phố Kherson mà họ chiếm được ngay từ đầu cuộc chiến giờ đây cũng đã về tay người Ukraine.

Newsweek đã liên hệ với các quan chức Nga để bình luận.
 
Éo le: Sau bao khốn khổ người Ukraine không thể ngưng cười. Hoãn phiên tòa xử linh mục chống Putin
VietCatholic Media
04:56 15/11/2022


1. Hoãn phiên tòa xử một linh mục Chính Thống Giáo chống báng Putin và Thượng Phụ Kirill

Một phiên tòa xét xử một linh mục Chính Thống Giáo đã được hoãn lại mà không có các lý do rõ ràng khiến người ta đồn đoán rằng Putin đang vuốt ve thế giới Chính Thống Giáo Nga trước một quyết định khó khăn mà ông ta sẽ phải sớm đưa ra là đầu hàng trong cuộc chiến tại Ukraine.

Bối cảnh phiên tòa xét xử vị linh mục Chính Thống Giáo can đảm.

Nhân dịp sinh nhật lần thứ 70 của Vladimir Putin, người đã gây ra cuộc xâm lược Ukraine khiến cho hàng chục ngàn người Nga phải tử trận, kinh tế của Nga lao đao, Thượng Phụ Kirill đã tuyên bố với người đứng đầu Điện Cẩm Linh: “Chúa đã đặt ngài lên nắm quyền để ngài có thể thực hiện một công việc có tầm quan trọng đặc biệt và trách nhiệm lớn lao đối với vận mệnh của đất nước và nhân dân được Chúa giao cho ngài chăm sóc”.

Cha Ioann Burdin của Nhà thờ Phục sinh ở vùng Kostroma phía tây của Nga đã cảm thấy rất sốc trước những lời lẽ này của Thượng Phụ Kirill. Vị linh mục đã nhận xét cay đắng với cộng đoàn của ngài và trên các mạng xã hội rằng “Ngài Kirill lại bán đứng Chúa, bất kể đang trong tình trạng nguy ngập vì coronavirus.” Tưởng cũng nên nhắc lại là trong khoảng thời gian đó, cụ thể là vào cuối tháng Chín vừa qua, Thượng Phụ Kirill đang bị nhiễm coronavirus.

Cha Ioann Burdin đã bị giam giữ trong vài ngày và dự kiến phải ra hầu tòa vào ngày 14 tháng 11 với cáo buộc là làm mất uy tín của lực lượng quân đội Nga. Phiên tòa đã bị đình hoãn vô thời hạn.

Là nhà lãnh đạo của Chính thống Nga từ năm 2009, Thượng phụ Kirill là người ủng hộ trung thành các chính sách của Tổng thống Vladimir Putin.

2. Năm nay, danh hiệu “Nhân vật của năm” ở Ba Lan thuộc về mọi công dân giúp đỡ người Ukraine

Tuần báo nổi tiếng của Ba Lan Wprost đã vinh danh tất cả những người Ba Lan giúp đỡ những người tị nạn chạy trốn chiến tranh ở Ukraine như những “người có ảnh hưởng nhất” của đất nước vào năm 2022.

Lãnh đạo đảng Luật pháp và Công lý cầm quyền, Jaroslaw Kaczyński, và Thủ tướng Mateusz Morawiecki cũng nằm trong số ba người đứng đầu trong số 50 người Ba Lan có ảnh hưởng nhất.

Như văn phòng biên tập của Wprost đã giải thích, cả thế giới đã viết về viện trợ đáng kinh ngạc của Ba Lan cho người Ukraine.

“Ba Lan đã có thể giúp đỡ hàng nghìn người tị nạn từ Ukraine chủ yếu nhờ vào những người Ba Lan bình thường. Do đó, những người Ba Lan đã giúp đỡ và tiếp tục giúp đỡ những người tị nạn chạy trốn chiến tranh ở Ukraine được chọn là những người có ảnh hưởng nhất. Đó là những người nhờ họ mà hệ thống giúp đỡ người tị nạn không sụp đổ, giúp Ba Lan đứng vững trong việc hỗ trợ những người chạy trốn khỏi sự man rợ của người Nga”

Tờ báo cho biết cuộc chiến tại Ukraine cũng cho thấy ảnh hưởng ngày càng tăng của một số nhân vật chính trị đối với chính trường Ba Lan. Wprost lưu ý rằng trong danh sách năm nay, Bộ trưởng Quốc phòng Mariusz Blaszczak được xếp hạng cao, lọt vào 10 nhân vật hàng đầu so với vị trí thứ 24 của ông vào năm ngoái. Danh sách 50 người Ba Lan có ảnh hưởng nhất năm nay còn có các tướng Ba Lan Waldemar Skzypczak và Roman Polko, những người bình luận hàng ngày trên các phương tiện truyền thông Ba Lan về tình hình hoạt động trên các chiến trường Ukraine, cũng như nhà báo Slawomir Sierakowski, người tổ chức chiến dịch gây quỹ để mua máy bay không người lái tấn công Bayraktar cho Ukraine.

Khoảng 3.5 triệu người Ukraine đang ở Ba Lan vào thời điểm hiện tại.

3. Hỗ trợ nhân đạo từ các tổ chức quốc tế chuyển đến Kherson

Một đoàn xe nhân đạo với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế đã đến Kherson.

Cao Ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc, gọi tắt là UNHCR, đã cho biết như trên.

Đoàn xe do Điều phối viên Nhân đạo Liên Hiệp Quốc, UNHCR, Cơ quan Tị nạn Liên Hiệp Quốc và các cơ quan liên kết của Liên Hiệp Quốc như Tổ chức Di cư Quốc tế, Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc và Chương trình Lương thực Thế giới dẫn đầu, vào ngày 14 tháng 11 đã tới thành phố Kherson để cung cấp hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp cho các cộng đồng dân sự.

Đoàn xe nhân đạo liên cơ quan này, là chuyến đầu tiên kể từ khi lực lượng Nga giành quyền kiểm soát thành phố vào tháng 3 năm nay, đã đến nơi chưa đầy 72 giờ sau khi Chính phủ Ukraine giành lại quyền kiểm soát thành phố.

Đại diện UNHCR cho biết: “Chúng tôi đã nhìn thấy những ngôi nhà dọc đường đã bị phá hủy hoặc hư hại nghiêm trọng và nghe mọi người đang phải vật lộn để đáp ứng những nhu cầu cơ bản nhất của họ như thức ăn, nước uống và giữ ấm khi các đường dây cung cấp điện đã bị phá hủy”.

Là một phần của nỗ lực ban đầu nhằm tiếp cận 6,000 người này, UNHCR đã cung cấp chăn giữ nhiệt cao, túi ngủ, khăn trải giường, đèn năng lượng mặt trời, và các thiết bị khác.

“Điều quan trọng là phải nhanh chóng cung cấp đoàn xe đầu tiên này với sự hỗ trợ. Bây giờ, ưu tiên là tiếp tục mang lại số lượng hỗ trợ lớn hơn cho người dân thành phố Kherson đặc biệt khi mùa đông đang cận kề và thời tiết sẽ thêm một lớp dễ bị tổn thương nữa.”

UNHCR trước đó đã đóng góp vào hai đoàn xe liên cơ quan đến khu vực Kherson, vào tháng 10 và tháng 11, tới các khu định cư nơi Chính phủ Ukraine đã giành lại quyền kiểm soát, hỗ trợ khoảng 10,000 người.

Kể từ khi bắt đầu chiến tranh, UNHCR đã cung cấp viện trợ nhân đạo thông qua 489 đoàn xe, tiếp cận khoảng 325,000 người bị ảnh hưởng bởi xung đột và phải di dời với các mặt hàng thiết yếu và đông lạnh.

4. 'Tôi không thể ngừng mỉm cười': người dân chào đón quân đội Ukraine ở thị trấn tiền tuyến Snihurivka

Ký giả Isobel Koshiw của tờ The Guardian có trụ sở ở London có bài tường trình nhan đề “‘I can’t stop smiling’: residents welcome Ukrainian troops in the frontline town of Snihurivka, nghĩa là “'Tôi không thể ngừng mỉm cười': người dân chào đón quân đội Ukraine ở thị trấn tiền tuyến Snihurivka”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Miền nam Ukraine vào tháng 11 là một vùng đất nông nghiệp màu nâu xám, trông cằn cỗi. Màu xanh tươi và màu vàng của cánh đồng đã tàn lụi và tuyết vẫn chưa rơi. Nhưng tâm trạng lạc quan ở thị trấn nhỏ Snihurivka hoàn toàn trái ngược với mùa khó khăn này.

Xung quanh các tòa nhà bị đánh bom của thị trấn, những núi rác do binh lính Nga để lại và đường phố ngổn ngang những mảnh đạn, những nhóm cư dân tươi cười, vui vẻ tụ tập lại với nhau để trò chuyện. Khi những chiếc xe chạy ngang qua, họ vẫy tay và mỉm cười. Họ mô tả cảm giác sung sướng khi nhìn thấy quân đội Ukraine và tranh luận về những lời xúc phạm phù hợp nhất đối với binh lính Nga: đó là bọn “lợn” hay bọn “lòng lang dạ thú”, họ hỏi nhau.

Nga mất Kherson báo hiệu những thay đổi trong chiến lược của Putin

Snihurivka ngồi sát trên tiền tuyến, chỉ cách các vị trí của Ukraine một km, và đã được lực lượng Ukraine tái chiếm lại hôm thứ Năm, một ngày trước khi đại quân Ukraine tiến vào Kherson. Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố rút quân chiến thuật ở miền nam sau khi Ukraine liên tục phá hủy các tuyến đường tiếp tế và kho đạn dược của họ.

Sự bùng nổ của niềm vui lan tỏa trên khắp vùng lãnh thổ phía nam mới được tái chiếm bắt nguồn từ niềm hy vọng được gieo vào lòng người dân bởi cuộc tấn công phía nam được nhắc đến từ lâu, lần đầu tiên được công bố bởi tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelenskiy, vào cuối tháng 6 và sau đó một lần nữa vào cuối tháng 8. Các lực lượng của Ukraine đã có những bước tiến quyết định đầu tiên vào đầu tháng 10.

Không giống như các khu vực phía bắc của Ukraine, bao gồm các khu vực gần Kyiv, đã được giải phóng ngay khi đất nước vẫn còn quay cuồng bởi quy mô của cuộc xâm lược; hoặc khu vực Kharkiv, đã được tái chiếm lại nhanh chóng trong khi thế giới đang tỏ ra nản lòng, việc giải phóng khu vực Kherson đã bị trì hoãn khá lâu đến mức nhiều người ở đó đã xem ngày giải phóng là một viễn cảnh mờ mịt.

“ Tôi có một chiếc radio chạy bằng pin,” Sasha, một người đàn ông mảnh khảnh khoảng 60 tuổi, cẩn thận bước qua một đống cát đề phòng quân Nga bỏ mìn bên dưới. “Tôi biết quân ta sẽ đến. Chúng tôi chờ đợi.”

“Tôi không thể nói cho bạn biết cảm giác khi nhìn thấy quân ta. Chúng tôi đã ngồi trong 8 tháng không điện, không nước”, Olga Ivanovna, hàng xóm và bạn của Sasha, cho biết. “Chúng tôi ngủ trong tầng hầm, mặc quần áo phong phanh. Biết bao nhiêu tháng! Biết bao nhiêu tháng, chúng tôi đã chờ đợi!”

Người dân cho biết họ đã cố gắng cập nhật tin tức bằng mọi cách có thể sau khi điện bị cắt và binh lính Nga đi từng nhà tịch thu điện thoại. Một số có máy phát điện và có thể bắt được TV Ukraine; một số ít giữ được điện thoại và leo lên đỉnh các căn hộ chung cư năm tầng bỏ hoang để bắt tín hiệu.

Đứng bên ngoài ngôi nhà của mình, nói chuyện với bạn bè, Vera Borisovna, 65 tuổi, chỉ vào ngôi vườn thường là đầy hoa của mình và cười rạng rỡ, nói “Không còn gì cả, chúng tôi đã lấy tất cả hoa để tặng cho các chàng trai của chúng tôi”, giọng bà run rẩy khi nói về thời điểm binh sĩ Ukraine tiến vào thị trấn.

“Tôi không thể ngừng cười vì đã tám tháng không có gì để mỉm cười,” Borisovna, người có nhà bị quân Nga chiếm làm trụ sở và từng phải chui ra sau hàng rào của mình để tránh những mảnh đạn đầy trên đường phố của cô ấy. Cô ấy nói rằng cô ấy giữ một cuốn nhật ký vì đó là cách duy nhất để cô ấy có thể theo dõi ngày tháng mà không có điện.

Hầu như không có bất kỳ cư dân nào của Snihurivka rời đi khi cuộc xâm lược bắt đầu, hoặc sau khi họ bị chiếm đóng. Họ đã quá già hoặc không có đủ tiền, hoặc cả hai. Họ tự mô tả mình như những con tin, né tránh đám cháy đang bay đến trong khi cố gắng tìm nguồn cung cấp và tránh binh lính Nga.

Khó khăn đã nuôi dưỡng ý thức cộng đồng và tình đoàn kết mà người dân cho biết đã gắn kết họ lại với nhau. Ví dụ, người đứng đầu ngôi chợ của thị trấn, Oleksandr Shevachuk, đã cùng vợ của mình, Valentyna, tự chịu rủi ro đến Kherson để mua thực phẩm cho cửa hàng duy nhất trong thị trấn mà họ đã thiết lập trong nhà để xe của mình.

Nhưng cũng như ở các thị trấn và làng mạc khác trên khắp Ukraine, có những người, đa số là đàn ông, rất vui khi những người lính Ukraine đã trở lại, nhưng họ phải mang theo những vết sẹo của sự chiếm đóng trong suốt phần đời còn lại của họ.

Volodymyr Perepilnitsia, 58 tuổi, đã bị người Nga giam giữ ba lần, bị đánh đập, tra tấn và thường xuyên bị đe dọa. Là một cựu đại úy quân đội và sĩ quan cảnh sát Ukraine, tên của anh ta nằm trong danh sách những kẻ gây rối thân Ukraine của đặc vụ Nga.

Lần đầu tiên người Nga bắt anh ta đi để thẩm vấn, họ đã buộc tội anh ta là “gián điệp”. Lần thứ hai anh ta bị bắt vì anh ta từ chối nhận viện trợ nhân đạo của người Nga, sau đó, họ đã cướp ngôi nhà của anh ta như một sự trừng phạt.

Lần thứ ba anh ta bị giam giữ là vì một người lính Ukraine 20 tuổi, người mà anh ta đã chứng kiến bị quân đội Nga đánh đập nặng nề một ngày trước đó, đã biến mất. Perepilnitsia cho biết anh ta không tham gia vào cuộc giải thoát cho người lính. Chính vợ anh ta đã làm điều đó. Sau khi anh ta bị lính Nga đánh đập gần chết, vợ anh ấy đã xin đưa chồng về nhà mai táng. Nửa đêm, chị lái một chiếc xe gắn máy chở chồng bỏ trốn.

Perepilnitsia cho biết: “Họ đã cách ly tôi trong 5 đêm liên tiếp và đánh đập tôi”, đồng thời cho biết người Nga đã sử dụng đồn cảnh sát địa phương làm trung tâm thẩm vấn của họ. “Họ đánh chết một thanh niên. Tôi biết vì tôi đã nghe hết mọi chuyện. Tôi ở phòng giam bên cạnh và tôi nghe thấy họ đánh anh ấy và sau đó tôi nghe thấy họ lôi anh ấy ra ngoài.”

Perepilnitsia cho biết ông không biết người chết được chôn cất ở đâu nhưng ông nói rằng có “nhiều” người đàn ông đã mất tích kể từ khi người Nga nắm quyền kiểm soát vào tháng Ba.

Trước khi người Nga rời Snihurivka, điều mà người dân địa phương cho biết chỉ diễn ra trong vài giờ, họ đã gieo rắc những thứ có thể sẽ là nỗi khốn khổ trong tương lai cho cư dân thị trấn.

“Tất cả các cánh đồng đều bị gài mìn,” Perepilnitsia nói, chỉ vào vùng đất xung quanh thị trấn. “Một cậu bé nông dân hôm qua đi ra ngoài để thăm mộ cha em và bị nổ tung. Chưa có ai dám đi lấy xác em. Em sống ở đây và chết ở đó. Tôi có thể nói gì hơn?”

Người đứng đầu hội đồng an ninh quốc gia Ukraine, Oleksiy Danilov, nói với kênh truyền hình Ukraine rằng người Nga đã gài mìn “những bãi đất rộng lớn” trong khu vực trước khi rút lui, cũng như để lại nhiều chất nổ.

“Dù sao thì cô cũng thấy những gì họ đã làm ở đây – họ là những con lợn,” Perepilnitsia nói, chỉ vào những tòa nhà cháy đen và biển rác xung quanh họ.
 
Thiên bất dung gian: Trùm đặc vụ Nga bất ngờ bị bắt ở Kherson. Sợ HIMARS, tầu sân bay Nga bỏ chạy
VietCatholic Media
15:26 15/11/2022


1. Sĩ quan Nga cải trang thành người địa phương bị bắt ở Kherson

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv hôm thứ Tư 15 tháng 11, Cơ quan An ninh Ukraine, gọi tắt là SBU, cho biết các viên chức của họ đã bắt giữ một sĩ quan Nga ở Kherson, là thành phố vừa được giải phóng ở miền nam Ukraine. Người đàn ông mặc quần áo dân sự và cố gắng giả vờ là “người địa phương”. Anh ta đi dạo phố và vẫy tay hoan hô các binh sĩ Ukraine trên các đường phố như mọi người dân Ukraine khác. Tuy nhiên, một phụ nữ, đã từng bị hắn ta sàm sở đã nhận ra anh ta, và lén đi theo hắn ta để biết hắn ta cư ngụ ở đâu.

Người phụ nữ đã báo cáo cho SBU. Cơ quan an ninh cho biết người đàn ông đầu tiên chỉ thừa nhận rằng anh ta là một người lính của lữ đoàn biệt lập số 69 của lực lượng vũ trang Nga, trong tập đoàn quân số 35 của Nga.

Khám xét nơi ở của tên này, SBU tìm thấy một số tiền mặt rất lớn và các loại vũ khí tấn công. Cơ quan An ninh cho biết họ đã xác định rằng anh ta không phải là lính của lữ đoàn biệt lập số 69 vì lực lượng này không tham chiến tại Kherson và đang làm nhiệm vụ biên phòng ở biên giới với Trung Quốc.

Cuối cùng, người này nhìn nhận anh ta là sĩ quan của cơ quan đặc vụ Nga, gọi tắt là FSB, và nhiệm vụ của anh ta ở Kherson “là thu thập thông tin, giúp điều chỉnh hỏa lực nhắm vào Lực lượng Vũ trang Ukraine và thực hiện các hành vi phá hoại.”

2. Tổng viện trợ quân sự cho Ukraine từ Liên Hiệp Âu Châu và các quốc gia thành viên đạt 8 tỷ EUR

Tổng viện trợ quân sự do Liên minh Âu Châu và các quốc gia thành viên cung cấp cho Ukraine đạt 8 tỷ EURO, tương đương khoảng 45% số tiền viện trợ mà Kyiv nhận được từ Hoa Kỳ.

Đại diện cấp cao của Liên Hiệp Âu Châu Josep Borrell cho biết điều này tại cuộc họp báo sau cuộc họp của ngoại trưởng các nước Liên Hiệp Âu Châu.

“Chúng ta không nên nhầm lẫn khoản tiền 3.1 tỷ euro từ Quỹ Hòa bình Âu Châu với sự hỗ trợ quân sự kết hợp của Liên minh Âu Châu và các Quốc gia Thành viên cho Ukraine. Đôi khi bạn có thể đọc một số số liệu, so sánh giữa nỗ lực của Hoa Kỳ và nỗ lực của Âu Châu. Tôi đã yêu cầu các nhân viên quân sự của mình ước tính chính xác nhất về số lượng hỗ trợ quân sự của chúng tôi cho Ukraine, và tôi có thể đưa ra một con số mà ngày mai sẽ được thảo luận với các Bộ trưởng Quốc phòng. Tôi nghĩ rằng tôi có thể nói rằng ít nhất 8 tỷ euro thiết bị quân sự đã được Liên minh Âu Châu và các quốc gia thành viên cung cấp cho Ukraine. Đó là khoảng 45% nỗ lực do Hoa Kỳ thực hiện, vì vậy nó là đáng kể,” Borrell nói.

Ông lưu ý rằng vào ngày thứ Ba 15 tháng 11, Hội đồng Liên Hiệp Âu Châu sẽ tiếp tục thảo luận về những số liệu này với các Bộ trưởng Quốc phòng và nghiên cứu “các nguồn lực này đã được triển khai như thế nào, với loại vật liệu quốc phòng nào và hiệu quả của nó”.

3. Hạm Đội Hắc Hải của Nga duy trì 12 tàu chiến trực chiến, nhưng không có tàu sân bay Kalibr vì sợ HIMARS từ Kherson bắn tới

Nhóm hải quân của Nga được triển khai ở Hắc Hải ngoài khơi bờ biển Crimea hiện chỉ còn 12 tàu chiến, và không có một tàu sân bay nào trong số đó.

Phát ngôn nhân Bộ Tư Lệnh Phía Nam Nataliya Humenyuk đã cho biết như trên và nhấn mạnh rằng “Đây không phải là lý do để thư giãn. Trong vòng vài giờ nữa, tình hình có thể trải qua những thay đổi đáng kể và một tàu sân bay hỏa tiễn sẽ được đặt trong tình trạng báo động cao”.

“Mối đe dọa từ biển là có thật, một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái có thể xảy ra, pháo binh và các cuộc pháo kích khác vào các khu vực liên quan rất có thể xảy ra, và tất cả những điều này cùng nhau tạo nên một mối đe dọa”

4. HIMARS của Mỹ đã giúp Ukraine tái chiếm Kherson như thế nào

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “How U.S. HIMARS Helped Ukraine Retake Kherson”, nghĩa là “HIMARS của Mỹ đã giúp Ukraine tái chiếm Kherson như thế nào.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân

Viện Nghiên cứu Chiến tranh, gọi tắt là ISW, cho biết thành công của Ukraine trong việc đẩy lùi quân đội Nga ra khỏi thành phố trọng điểm Kherson ở miền nam Ukraine phần lớn nhờ vào vũ khí HIMARS do Mỹ cung cấp.

Nhóm chuyên gia cố vấn của Hoa Kỳ cho biết hôm Chúa Nhật rằng thành công của Kyiv phần lớn là nhờ việc Lực lượng Vũ trang Ukraine sử dụng sáng tạo hệ thống hỏa tiễn chính xác HIMARS để phá vỡ các tuyến tiếp tế của Nga.

Lực lượng đặc nhiệm “Kakhovka” của Ukraine trước đây đã ghi nhận HIMARS đã hỗ trợ quân đội của họ phá hủy gần như tất cả các cây cầu lớn do Nga kiểm soát ở khu vực phía nam Kherson, nhờ đó đã cắt đứt phần lớn lực lượng của Nga khỏi các nguồn cung cấp vũ khí, thiết bị quân sự và nhân sự quan trọng từ bán đảo Crimea bị sáp nhập từ năm 2014.

Ukraine cũng đã sử dụng vũ khí này để tấn công các kho tiếp liệu và đạn dược, và sở chỉ huy.

ISW cho biết mặc dù các loại đạn HIMARS mà Hoa Kỳ cung cấp cho Ukraine không phù hợp để phá hủy các cây cầu do đầu đạn của chúng quá nhỏ và không được tối ưu hóa cho các cuộc tấn công như vậy, nhưng Ukraine đã có thể giải quyết vấn đề này.

Lực lượng vũ trang Ukraine “đã phát triển một chiến thuật để khắc phục hạn chế đó bằng cách tiến hành nhiều cuộc tấn công chính xác qua cầu Antonivskiy trọng yếu và con đường chạy trên đập Kakhovka theo cách phá vỡ các tuyến đường chạy ngang qua chúng, khiến chúng không thể sử dụng được nhưng không thực sự phá hủy cơ sở hạ tầng của cây cầu, hoặc làm hư hại nghiêm trọng con đập.

Các chuyên gia lưu ý rằng quân đội Ukraine tiếp tục tấn công các cây cầu khi người Nga tìm cách sửa chữa chúng, tấn công vào các thiết bị sửa chữa cũng như các con đường cho đến khi người Nga cuối cùng phải bỏ cuộc.

Các lực lượng Nga cũng đã cố gắng xây dựng một cây cầu phao bên dưới Cầu Antonivskiy, nhưng quân đội Ukraine cũng tấn công nỗ lực đó, khiến người Nga cũng phải từ bỏ nó.

ISW cho biết: “Người Nga cuối cùng bị bỏ lại với các sà lan chở vật tư, thiết bị và quân tiếp viện từ bờ đông sang bờ tây. Lực lượng vũ trang Ukraine cũng tấn công các sà lan và các loại phà phao. Tuy nhiên, cho dù họ không tấn công các phà phao này đi chăng nữa thì hệ thống phà trong mọi trường hợp không đủ để cung cấp cho 40,000 binh sĩ và các xe cơ giới của Nga đang cố gắng trấn giữ căn cứ của họ ở bờ tây của con sông”.

Trong chuyến thăm Kherson hôm thứ Hai, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã cảm ơn các đồng minh và Hoa Kỳ, nói rằng HIMARS đã tạo ra sự khác biệt lớn.

Ông cũng nói chuyện với các binh sĩ, và nhận xét rằng Ukraine đang “tiến lên phía trước” và sẵn sàng cho hòa bình, khi thm dự một buổi lễ chào cờ chính thức.

Tổng thống cho biết điều quan trọng đối với ông là phải đến thăm thành phố và chứng minh rằng “chúng ta thực sự đang trở lại, chúng ta thực sự đang giương cao ngọn cờ của mình.”

“ Tôi rất mừng, có thể thấy phản ứng của người dân, phản ứng của họ không hề bị dàn dựng. Người dân đã chờ đợi quân đội Ukraine, cho những người lính của chúng ta, cho tất cả chúng ta”, Zelenskiy nói.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga để đưa ra bình luận.

5. Lithuania giao cho Ukraine súng cối hạng nặng Tampella

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Ba 15 tháng 11, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết Lực lượng vũ trang Cộng hòa Lithuania đã chuẩn bị súng cối hạng nặng Tampella 120 ly để bàn giao cho chiến trường Ukraine.

Bộ trưởng Quốc phòng Lithuania Arvydas Anusauskas cho biết: “Súng cối hạng nặng 120 ly 'Tampella' được tích hợp trên thiết giáp M113 A2 để chuyển ra chiến trường cho những người anh em Ukraine. Chúng tôi đã chuẩn bị kỹ lưỡng và bàn giao các bộ dụng cụ chiến đấu và các thiết bị khử mìn. Các binh sĩ Ukraine sẽ có thể chiến đấu với kẻ thù ở khoảng cách lên tới 7 km”.

Trước đó, vào tháng 8, Bộ trưởng Quốc phòng Lithuania Arvydas Anusauskas cho biết chỉ riêng viện trợ quân sự của Lithuania cho Ukraine đã lên tới hơn 120 triệu euro, trong khi tổng số tiền hỗ trợ sẽ vượt quá nửa tỷ euro.

6. Hoa Kỳ đang nghiên cứu cách sửa đổi máy bay không người lái vũ trang mạnh mẽ hơn khi nhu cầu của Ukraine tăng lên

Khi các lực lượng Nga rút lui ở miền nam Ukraine, chính quyền Biden đã công bố một loạt gói viện trợ quân sự mới cho Ukraine - nhưng tất cả đều thiếu một loại vũ khí mà quân đội Ukraine đã tìm kiếm từ lâu: máy bay không người lái đa năng Grey Eagle, được trang bị hỏa tiễn Hellfire.

Theo hai quan chức quốc phòng, Hoa Kỳ đã xem xét các sửa đổi có thể được thực hiện đối với máy bay không người lái chết người này. Những thay đổi sẽ làm cho khả năng mất bất kỳ thứ gì — với công nghệ nhạy cảm trên tàu — ít nguy hiểm hơn và có thể làm tăng khả năng Ukraine nhận được chúng.

Một quan chức quốc hội cho biết: “Có những điều chỉnh và trung hòa cụ thể và rất kỹ thuật có thể được thực hiện đối với những điều này để có thể thực hiện được trong thời gian tới”. “Nhưng những thứ đó cần có thời gian và khá phức tạp.”

Một quan chức Hoa Kỳ xác nhận rằng Lục quân đang dẫn đầu các nỗ lực nghiên cứu những thay đổi nào có thể xảy ra đối với máy bay không người lái, được thực hiện bởi General Atomics và được gọi trong Quân đội là MQ-1C.

“Khi bạn đang nói về máy bay không người lái, loại này là thứ tốt nhất có thể. Đây là những chiếc máy bay không người lái thực sự tinh vi.”

Grey Eagle, có thể mang 4 hỏa tiễn Hellfire và bay ở độ cao 25.000 feet trong gần 30 giờ. Tuy nhiên, nếu không đạt được những thay đổi cần thiết, Mỹ không dám trao cho Ukraine vì sợ các công nghệ tiên tiến lọt vào tay người Nga nếu máy bay không người lái này bị bắn hạ.

7. Tổng thống Latvia kêu gọi thành lập tòa án đặc biệt về Nga

Tổng thống Latvia Egils Levits ủng hộ ý tưởng thành lập một tòa án đặc biệt để điều tra cuộc chiến toàn diện của Nga chống lại Ukraine. Ông Levits kêu gọi cộng đồng quốc tế điều tra hành vi gây hấn của quân đội Nga đối với Ukraine và đưa ra đánh giá pháp lý.

Ông lưu ý rằng “lỗ hổng trong luật pháp quốc tế” là việc điều tra vụ Nga xâm lược Ukraine vẫn không thuộc thẩm quyền của bất kỳ cơ quan tư pháp quốc tế nào. Theo Levits, mặc dù có thể thành lập tòa án đặc biệt từ góc độ pháp lý, nhưng điều này đòi hỏi ý chí chính trị.

Nhà lãnh đạo Latvia đề xuất tạo cơ hội pháp lý để hướng các tài sản của Nga bị các nước phương Tây đóng băng vào các nỗ lực nhằm tái thiết Ukraine. Ông nhấn mạnh, đây sẽ là một biểu hiện rõ ràng của công lý cơ bản.

Levits nói thêm: “Nếu không có một trật tự thế giới dựa trên luật pháp quốc tế, thế giới sẽ lại rơi vào tình trạng hỗn loạn do quân phiệt gây ra”, đồng thời chỉ ra sự tương đồng giữa cuộc chiến của Nga chống lại Ukraine và Chủ nghĩa Quốc Xã của Đức trong Thế chiến 2.

Trong bối cảnh đó, ông đánh giá tích cực “sự hiểu biết về quá khứ tàn nhẫn” của xã hội Đức, nhờ đó mà nền tảng vững chắc cho các giá trị dân chủ đã được xây dựng. Levits nói thêm rằng xã hội Nga không bao giờ làm như vậy bất kể sự tàn bạo của người Nga trong thế chiến thứ hai cũng không thua kém bao nhiêu so với Đức.

“Việc không thể thực hiện công việc khó khăn là đánh giá quá khứ đã mở đường cho sự hồi sinh của hệ tư tưởng tàn bạo của chủ nghĩa đế quốc Nga”

Như đã đưa tin, Bộ trưởng Ngoại giao Cộng hòa Tiệp Jan Lipavsky cho biết, nước ông ủng hộ ý tưởng thành lập một tòa án đặc biệt vì lãnh đạo tối cao của Nga phải chịu trách nhiệm về tội ác của mình.

8. Tổng thống Biden nhận xét rằng Ukraine giải phóng Kherson là “một chiến thắng quan trọng, có ý nghĩa rất lớn đối với cuộc chiến tại Ukraine”

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden phát biểu trong cuộc họp báo sau cuộc gặp gỡ với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, trước hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo G20, tại Bali, Indonesia, vào ngày 14 tháng 11.

Việc Ukraine giải phóng Kherson “là một chiến thắng quan trọng, có ý nghĩa đối với cuộc chiến tại Ukraine”, Tổng thống Joe Biden nói với các phóng viên đi cùng ông tới hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali hôm thứ Hai. Ông nhấn mạnh rằng bất kỳ cuộc đàm phán nào hướng tới một lệnh ngừng bắn sẽ cần phải có Ukraine trên bàn thương thảo.

“Trước hết, đó là một chiến thắng quan trọng, có ý nghĩa đối với cuộc chiến tại Ukraine - một chiến thắng có ý nghĩa - và tôi không thể làm gì khác ngoài việc hoan nghênh lòng dũng cảm, quyết tâm và năng lực của người dân Ukraine và quân đội Ukraine. Ý tôi là, họ thực sự rất tuyệt vời,” Biden nói. “Tôi đã rất rõ ràng rằng chúng tôi sẽ tiếp tục cung cấp khả năng để người dân Ukraine tự vệ - và chúng tôi sẽ không tham gia vào bất kỳ cuộc đàm phán nào nếu không có Ukraine, đây là một quyết định mà Ukraine phải đưa ra”.

Trong một cuộc họp báo vào đầu ngày thứ Hai, Oleh Nikolenko, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Ukraine, nói rằng Nga “không có tư cách” để thiết lập các quy tắc cho các cuộc đàm phán, họ chỉ có thể chấp nhận việc đầu hàng theo công thức hòa bình của Ukraine.

“Công thức hòa bình cho Ukraine vẫn không thay đổi: Chấm dứt chiến tranh ngay lập tức, rút toàn bộ quân đội Nga, khôi phục toàn vẹn lãnh thổ Ukraine, bồi hoàn thiệt hại và cung cấp các bảo đảm hiệu quả về việc không tái diễn hành động gây hấn”, ông Nikolenko nói.

9. Bộ trưởng Ngoại giao Zambia phản đối Nga đưa công dân của họ ra tiền tuyến

Zambia đã yêu cầu Nga giải thích vì sao một trong những công dân của nước này, người đang thụ án tù ở Mạc Tư Khoa, lại đến chiến trường ở Ukraine, nơi anh ta bị giết, Bộ trưởng Ngoại giao Zambia cho biết như trên hôm thứ Hai.

Stanley Kakubo cho biết trong một tuyên bố rằng Nga đã thông báo cho Zambia về cái chết của thanh niên 23 tuổi vào tháng 9, nhưng không cung cấp thông tin chi tiết.

Kakubo cho biết sinh viên Zambia đang thụ án tù tại một nhà tù an ninh trung bình ở ngoại ô Mạc Tư Khoa sau khi bị kết tội làm trái luật pháp Nga, Kakubo cho biết, nhưng không nêu rõ hành vi phạm tội xảy ra vào tháng 4 năm 2020.

“Chính phủ Zambia đã yêu cầu chính quyền Nga khẩn trương cung cấp thông tin về các hoàn cảnh mà một công dân Zambia, đang thụ án tù ở Mạc Tư Khoa, có thể được tuyển dụng để chiến đấu ở Ukraine,” Kakubo nói.

Không rõ tù nhân được tuyển dụng như thế nào và bởi ai. Reuters không thể xác minh độc lập các chi tiết xung quanh cái chết của anh ta. Bộ Quốc phòng Nga đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận.

10. Bộ trưởng cơ sở hạ tầng cho biết đường sắt Ukraine bắt đầu sửa chữa trên tuyến Kherson

Theo Bộ trưởng Cơ sở hạ tầng, Oleksandr Kubrakov, dịch vụ đường sắt nhà nước của Ukraine, Ukrzaliznytsia, đã bắt đầu sửa chữa đường ray và cơ sở hạ tầng bị hư hỏng trên tuyến Kherson. Cơ quan này dự kiến sẽ khôi phục các dịch vụ đường sắt đến Kherson trong vòng 10 ngày tới.

“Chúng tôi đang triển khai một tuyến đường sắt trực tiếp giữa Kyiv và Mykolaiv phía bắc Kherson. Chuyến tàu đầu tiên sẽ khởi hành vào tối nay để tiếp tế cho Kherson.”

11. Công dân Hoa Kỳ bị Nga giam cầm ở Kherson đã được giải phóng

Một thành viên của quốc hội Ukraine nói rằng một công dân Hoa Kỳ đã được giải thoát khỏi nhà tù nhờ việc giải phóng Kherson.

“Với việc giải phóng Kherson, một trong những tù nhân đã được trả tự do, là một công dân Hoa Kỳ Suedi Murekezi,” Dân biểu Alexandr Kovaliov nói.

Kovoliav nói thêm rằng Murekezi đã “bảo vệ nền độc lập của đất nước chúng tôi, vì lý do đó mà ông ấy đã bị bắt giữ.”

“Các hành động phối hợp của nhóm chúng tôi đã dẫn đến việc thả một công dân Hoa Kỳ khác khỏi bị giam cầm. Hôm nay anh ấy đã được tự do và đang trở về nhà,” Kovaliov nói thêm.

Kovaliov cho biết Murekezi đã bị bắt ở Kherson, “và trong một thời gian dài không có liên lạc với anh ta. Nhưng nhờ những nỗ lực của nhóm chúng tôi, địa điểm của ông Murekezi đã được thành lập và ông ấy đã được trả tự do sau thời gian bị giam cầm “.

Theo các báo cáo được công bố, Murekezi đã bị giam giữ ở Kherson vào tháng Bảy.

Phát ngôn nhân của Bộ Ngoại giao cho biết họ “không có bình luận gì thêm về vấn đề này” do những cân nhắc về quyền riêng tư “.

“Chúng tôi cũng một lần nữa nhắc lại công dân Hoa Kỳ không nên đến Ukraine do xung đột vũ trang đang diễn ra và các quan chức an ninh của chính phủ Nga có chủ ý tìm cách bắt giữ các công dân Hoa Kỳ ở Ukraine. Các công dân Hoa Kỳ đang ở Ukraine cũng nên rời đi ngay lập tức nếu thấy an toàn để làm như vậy, hãy sử dụng bất kỳ phương tiện giao thông đường bộ thương mại hoặc tư nhân nào có thể được,” phát ngôn nhân nói.
 
Các Giám mục Ukraine kêu gọi liên đới khi mùa đông dưới không độ ập đến. Trường hợp HY người Pháp
VietCatholic Media
17:31 15/11/2022


1. Các Giám mục Ukraine kêu gọi ăn chay liên đới với người Ukraine khi mùa đông dưới không độ đang ập đến

Các giám mục Công Giáo Ukraine tại Canada đang kêu gọi tất cả người Công Giáo cầu nguyện, đóng góp cho các hoạt động bác ái và ăn chay trong ba ngày từ 24 đến 26 tháng 11 để thể hiện tình liên đới với những người Ukraine đang sống trong tình trạng thiếu lương thực và đối mặt với những ngày không có nhiệt, ánh sáng và nước khi Nga tiếp tục nhắm mục tiêu vào cơ sở hạ tầng dân sự, đặc biệt là các mạng lưới điện của Ukraine.

Trong một lá thư mục vụ được công bố thông qua Hội đồng Giám mục Công Giáo Canada, các Giám mục Lawrence Huculak, David Motiuk và Bryan Bayda so sánh các cuộc tấn công của Nga vào các mục tiêu dân sự với kế hoạch của Joseph Stalin năm 1932-33 nhằm khiến Ukraine phải khuất phục trước nạn đói — một sự kiện được người Ukraine nhớ đến với cái tên Holodomor, đó là một tội ác diệt chủng được quốc tế công nhận.

“Đối với tôi đó là một loại liên kết tự nhiên,” Đức Cha Edmonton David Motiuk nói với The Catholic Register. “1932-1933 là một cuộc diệt chủng. Một lần nữa, một cuộc diệt chủng đang được thực hiện để nói rằng quốc gia Ukraine không tồn tại.”

Vào tháng 2, khi cuộc xâm lược của Nga bắt đầu, Vladimir Putin đã phủ nhận rõ ràng rằng Ukraine chưa từng có “tư cách nhà nước thực sự”. Ông cho biết Ukraine là một phần không thể thiếu trong “lịch sử, văn hóa, không gian tâm linh” của Nga.

Tuần đầu tiên của tháng 11, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky báo cáo rằng 4.5 triệu người Ukraine, tức là hơn 10% dân số trước chiến tranh, không có điện vì các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Nga vào các máy biến áp và nhà máy điện. Đồng thời, chính quyền quân sự Nga tại các khu vực bị chiếm đóng của Ukraine đã bắt đầu một chương trình “di dời hàng loạt” người Ukraine.

“Chúng ta hãy cầu nguyện cho những người phải chịu đựng chiến tranh, những người bảo vệ đất nước và quốc gia của họ, những người sống trong sợ hãi và những người buộc phải rời bỏ nhà cửa của họ,” các giám mục Ukraine của Canada đã viết trong lá thư mục vụ của các ngài. “Chúng ta hãy cầu nguyện cho những người đã chết vì chiến tranh và cho những người đã chết hôm nay và những người sẽ chết vào ngày mai.”

Các giám mục liệt kê Hiệp hội Phúc lợi Công Giáo Cận Đông - Canada, gọi tắt là CNEWA, Phát triển và Hòa bình - Caritas Canada, tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ Canada, và Cứu trợ quốc tế của Dòng Tên Canada là những cơ quan đáng tin cậy để quyên góp cho những người Ukraine đang chịu đựng chiến tranh.

Ba ngày chay tịnh trong tình đoàn kết với Ukraine được sắp xếp trùng với lễ kỷ niệm Holodomor hàng năm ở Canada.

“Chay tịnh nhiều nhất có thể. Đối với một số người, điều đó có nghĩa là chỉ có bánh mì và nước, đối với một số người không có đồ ngọt, đối với những người khác chỉ một bữa mỗi ngày,” các giám mục viết. “Tuy nhiên, bạn hãy chọn nhịn ăn để hiệp nhất trong suy nghĩ và lời cầu nguyện trước Chúa vì hòa bình cho người dân Ukraine.”

Ăn chay có ý nghĩa nếu anh chị em muốn đoàn kết với những người đang đói, Đức Cha Motiuk nói.

“Có những người ở Ukraine đang đói và thực sự chật vật để bày thức ăn lên bàn.”
Source:National Catholic Register

2. Vatican mở cuộc điều tra sơ bộ về lạm dụng đối với Hồng Y người Pháp

Vatican cho biết hôm thứ Sáu rằng họ đã quyết định mở một cuộc điều tra sơ bộ về lạm dụng tình dục đối với một Hồng Y nổi tiếng của Pháp sau khi ngài thừa nhận đã cư xử một cách “đáng trách” với một bé gái 14 tuổi cách đây 35 năm.

Người phát ngôn của Vatican Matteo Bruni cho biết một cuộc tìm kiếm đang được tiến hành để tìm ra một điều tra viên chính với “sự tự chủ, vô tư và kinh nghiệm cần thiết”.

Đức Hồng Y Jean-Pierre Ricard, tổng giám mục đã nghỉ hưu của Bordeaux và là cựu chủ tịch hội đồng giám mục Pháp, đã thú nhận về vụ lạm dụng trong một lá thư vào tuần trước trong khi các giám mục Pháp đang họp tại hội nghị thường niên của họ ở Lộ Đức. Tiết lộ này càng làm dấy lên những hoang mang trong Giáo Hội Công Giáo Pháp, vốn đang quay cuồng với những tiết lộ được nêu chi tiết trong một báo cáo vào năm ngoái.

Các công tố viên Marseille tuần này thông báo rằng họ đã mở một cuộc điều tra về Đức Hồng Y Ricard liên quan đến những cáo buộc chống lại ngài nhưng “không có khiếu nại” nào được đệ trình chống lại vị Hồng Y.

Việc Vatican quyết định mở cuộc điều tra riêng trong khi cuộc điều tra tội phạm của Pháp đang được tiến hành là một điều bất thường và cho thấy mức độ nghiêm trọng của vấn đề đối với Rôma. Là Hồng Y từ năm 2006, Đức Hồng Y Ricard là thành viên cấp cao của một số văn phòng quan trọng của Vatican. Đáng chú ý nhất, ngài là thành viên bỏ phiếu trong Bộ Giáo lý Đức tin của Vatican, có nghĩa là ngài đã tham gia xét xử các vụ lạm dụng tình dục các giáo sĩ khác trong nhiều năm.

Không có thông tin nào về việc liệu ngài sẽ bị đình chỉ hay chỉ bị loại khỏi các chức vụ thành viên Vatican của mình trong khi chờ các cuộc điều tra. Hồng Y Ricard cho biết trong lá thư của mình rằng ngài đang đặt mình theo quyết định của Giáo Hội và chính quyền dân sự.

Khi thông báo về cuộc điều tra của họ, các công tố viên Marseille cho biết họ lần đầu tiên nhận được báo cáo về Hồng Y Ricard là vào tháng 10 vừa qua từ Đức Giám Mục Nice. Đức Cha Jean-Philippe Nault cho biết đã nhận được một bức thư từ cha mẹ của nạn nhân bị cáo buộc sau khi Hồng Y Ricard đã được Vatican bổ nhiệm vào một nhóm điều tra một hiệp hội Công Giáo điều hành các nhà nuôi dưỡng. Họ không đồng ý với bổ nhiệm này và chỉ muốn Tòa Thánh rút lại việc bổ nhiệm nói trên. Tuy nhiên, theo các giao thức do Hội Đồng Giám Mục Pháp thông qua, Đức Cha Jean-Philippe Nault phải báo cáo cho cảnh sát. Đến nay, vẫn không rõ các công tố viên Marseille có tiến hành cuộc điều tra hay không vì không có người tố cáo, sai phạm không nghiêm trọng và vụ việc xảy ra đã lâu.

Các công tố viên của Marseille cho biết khi Đức Giám Mục Nice Jean-Philippe Nault đối chất với Hồng Y Ricard về bức thư của cha mẹ người phụ nữ, vị Hồng Y “thừa nhận với vị giám mục này rằng, hơn 40 năm trước, ngài đã hôn cô con gái của cặp vợ chồng này. Sau này ngài đã cử hành hôn lễ cho cô gái ấy.”

Sơ Véronique Margron, người đứng đầu hội nghị các dòng tu ở Pháp, nói với tờ báo Công Giáo La Croix của Pháp trong tuần này rằng chính nạn nhân đã hai lần viết thư cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô - một lần cách đây 5 năm, và một lần nữa vào tháng 5 hay tháng 6 năm nay sau khi cô không viết thư mà không nhận được phản hồi.

Ông Matteo Bruni, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh, không trả lời khi được hỏi liệu Đức Giáo Hoàng có nhận được một trong hai bức thư hay không. Nhưng ông cho biết quyết định mở cuộc điều tra sơ bộ về Hồng Y Ricard được đưa ra “để hoàn tất việc kiểm tra những gì đã xảy ra, dựa trên các yếu tố đã xuất hiện trong những ngày gần đây và tuyên bố của Hồng Y.”

Đức Phanxicô đã tuyên bố “không khoan nhượng” đối với các giáo sĩ lạm dụng và trong những năm gần đây đã cách chức một số giám mục và một số Hồng Y vì lạm dụng và che đậy.
Source:AP

3. Ba triều đại giáo hoàng và Công đồng Vatican II

Tiến sĩ George Weigel là thành viên cao cấp của Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công cộng Washington, và là người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Ông vừa có bài viết nhan đề “Three pontificates and Vatican II”, nghĩa là “Ba triều đại giáo hoàng và Công đồng Vatican II”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân

Vào sáng ngày 17 tháng 10 năm 1978, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị mới được bầu đã đồng tế thánh lễ với Hồng Y Đoàn và cam kết rằng chương trình giáo hoàng của ngài sẽ là việc thực hiện đầy đủ Công Đồng Vatican II. Đó là “nhiệm vụ tối hậu của ngài”, vì Công đồng là “một sự kiện có ý nghĩa quan trọng nhất” trong hai thiên niên kỷ của lịch sử Kitô giáo. Như tôi giải thích trong cuốn “To Sanctify the World: The Vital Legacy of Vatican II” nghĩa là “Để Thánh Hóa Thế Giới: Di quản quan yếu của Vatican II” do nhà xuất bản Basic Books in, 26 năm rưỡi tiếp theo chứng kiến Đức Gioan Phaolô II thực hiện lời cam kết đó, vì triều đại giáo hoàng của ngài là một bản hùng ca về giáo huấn và chứng tá đã giúp cung cấp cho Công Đồng các diễn giải chủ yếu mà chính Công Đồng đã không đưa ra.

Không giống như 20 công đồng chung trước đây, Công đồng Vatican II đã không trình bày rõ ràng hoặc xác định một chìa khóa cuối cùng để giải thích đúng đắn Công Đồng: một điều gì đó làm rõ rằng “Đây là ý của chúng tôi”. Các Công Đồng khác đã viết các tín điều, xác định tín điều, lên án dị giáo, lập pháp thành luật Giáo hội và xác lập các giáo lý. Công đồng Vatican II đã không làm những điều đó, đó là một lý do tại sao một tình huống mơ hồ liên quan đến ý định và ý nghĩa của Công đồng đã xảy ra sau đó.

Trong tông huấn năm 1975 Evangelii Nuntiandi (Công bố Tin Mừng), Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục đã bắt đầu quá trình trao cho Công đồng không-có-chìa-khoá một cách giải thích có thẩm quyền bằng cách nhắc lại ý định ban đầu của Đức Gioan XXIII đối với Công đồng: Công đồng Vatican II là để khởi động Giáo hội trên một sự hồi sinh sứ mệnh truyền giáo lấy Chúa Kitô làm trung tâm. Đức Gioan Phaolô II đã điền vào chỗ trống về những gì mà nỗ lực Tân Phúc Âm Hóa sẽ liên quan đến huấn quyền rộng lớn của ngài - và bằng chuyến thăm mục vụ của ngài đến Thánh Địa vào tháng 3 năm 2000, điều này nhắc nhở Giáo hội rằng Kitô giáo bắt đầu bằng cuộc gặp gỡ cá nhân với Chúa Phục sinh, Đấng phải luôn luôn là trung tâm của mọi đề xuất và công bố của Giáo hội cho thế giới.

Ở bên cạnh Đức Gioan Phaolô II trong công việc vĩ đại nhằm cung cấp các chìa khóa diễn giải cho Công đồng là Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, người sẽ kế vị Đức Giáo Hoàng người Ba Lan với tư cách là Đức Giáo Hoàng Bênêđictô 16. Giống như vị giáo hoàng tiền nhiệm, Đức Hồng Y Ratzinger là người của Công đồng; trên thực tế, nhà thần học trẻ người Bavaria đã từng là một trong ba cố vấn thần học có ảnh hưởng nhất đối với các giám mục trong công đồng. Vì vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi trong bài diễn văn Giáng Sinh đầu tiên của mình trước Giáo triều Rôma năm 2005, Đức Bênêđictô XVI đã thẳng thắn đề cập đến câu hỏi về cách giải thích đúng đắn Công đồng Vatican II.

Giống như người đã triệu tập Công Đồng, là Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII, Đức Bênêđíctô biết rằng Công đồng không được triệu tập để tái tạo Công Giáo; đó không phải là những gì các Công Đồng Chung thực hiện. Đúng hơn, Công Đồng nhằm mục đích khơi lại niềm tin của Giáo Hội nơi Chúa Giêsu Kitô và đổi mới kinh nghiệm của Giáo Hội về Chúa Thánh Thần, để, giống như các môn đệ sau Lễ Hiện Xuống Kitô đầu tiên, Giáo hội sẽ được khích lệ cho việc truyền giáo triệt để. Thành ra, ngài dạy rằng Công đồng Vatican II, nên được hiểu như một Công đồng đã phát triển truyền thống của Giáo hội một cách hữu cơ. Công đồng Vatican II không phải là một sự đoạn tuyệt với truyền thống, mà là sự đào sâu sự hiểu biết về bản thân của Giáo hội trong sự liên tục sự mặc khải của Thiên Chúa.

Đó là lý do tại sao, trong cuốn “Để Thánh Hóa Thế Giới”, tôi đề nghị rằng các triều đại giáo hoàng của Đức Gioan Phaolô II và Đức Bênêđíctô XVI nên được hiểu như một cung đường diễn giải liên tục, kéo dài 35 năm, cung cấp những chìa khóa mở ra giáo huấn có thẩm quyền và sức mạnh truyền bá Phúc âm của Vatican II.

Còn triều đại giáo hoàng hiện nay thì sao?

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói lên sự tôn trọng của ngài đối với Công đồng. Và lời kêu gọi của ngài về một Giáo hội “truyền giáo vĩnh viễn” chắc chắn phản ánh ý định ban đầu của Đức Gioan XXIII đối với Công đồng Vatican II, mà Đức Giáo Hoàng Gioan đã tóm tắt trong một câu ngắn gọn vào tháng 9 năm 1962: “Mục đích của Công đồng là…. Phúc âm hóa”. Tuy nhiên, triều đại giáo hoàng hiện nay đã khác xa với giáo huấn của Công đồng về một số phương diện.

Chính sách hiện tại liên quan đến Trung Quốc của Vatican mâu thuẫn với giáo huấn của Công đồng rằng không có quyền lực nào hoặc đặc quyền nào được trao cho các chính phủ trong việc bổ nhiệm giám mục - một giáo huấn hiện được thể hiện hợp pháp trong Giáo luật 337 triệt 5. Việc Tòa Thánh tuân thủ Tuyên bố Abu Dhabi năm 2019 và tuyên bố rằng sự đa dạng của các tôn giáo là sự thể hiện thánh ý của Thiên Chúa không dễ dàng tương hợp với tuyên bố của Công đồng về Chúa Giêsu Kitô là Đấng cứu chuộc độc tôn, và duy nhất của nhân loại: Chúa là trung tâm của lịch sử và vũ trụ. Một trong những thành tựu đáng chú ý của Công đồng Vatican II là sự khẳng định mạnh mẽ về thẩm quyền cai quản được trao bằng bí tích truyền chức cho hàng giám mục; những cải cách gần đây của Giáo triều Rôma, việc phế truất các giám mục mà không theo thủ tục hợp pháp và các quy định của giáo triều về việc cử hành Thánh lễ đúng cách (và thậm chí cả nội dung của các bản tin giáo xứ!) đã cắt xén thẩm quyền đó. Và cách giải thích hạn hẹp đặc biệt của Đức Giáo Hoàng đối với giáo huấn của Công đồng về phụng vụ đã làm cho việc thực hiện Công đồng Vatican II thậm chí còn gây tranh cãi hơn nữa.

Những khác biệt này sẽ là trọng tâm của mật nghị giáo hoàng tiếp theo.


Source:First Things
 
Putin vừa liều lĩnh phóng hỏa tiễn tấn công Ba Lan. Mỹ cam kết bảo vệ NATO. Mở đầu thế chiến thứ ba?
VietCatholic Media
18:36 15/11/2022


1. Phản ứng của thế giới sau khi Nga tấn công Ba Lan bằng hỏa tiễn

Chiều thứ Ba theo giờ địa phương, tức là rạng sáng ngày thứ Tư 16 tháng 11, Nga đã bắn hàng trăm hỏa tiễn vào tất cả các thành phố trọng yếu của Ukraine để phá hoại các cơ sở hạ tầng dân sự. Đặc biệt, lần đầu tiên Nga đã phóng hỏa tiễn vào Ba Lan. Trong khi những người dẫn chương trình trên đài truyền hình quốc gia của Nga kêu gọi tấn công cả vào Hoa Kỳ. Tất cả những điều này làm dấy lên lo ngại là Putin toan tính khởi đầu chiến tranh thế giới lần thứ ba.

Tổng Thư Ký Nato Jens Stoltenberg cho biết NATO đang xem xét các báo cáo rằng một hỏa tiễn hoặc nhiều hỏa tiễn đã hạ cánh xuống quốc gia thành viên Ba Lan và rằng họ đang phối hợp chặt chẽ với chính quyền Ba Lan.

“Chúng tôi đang xem xét các báo cáo này và phối hợp chặt chẽ với đồng minh Ba Lan của chúng tôi,” ông nói và cho biết thêm hệ thống hỏa tiễn pháo binh cơ động cao M142 của Hoa Kỳ, hay HIMARS, đã bay tới Rumani như một phần của cuộc tập trận để chứng minh nó có thể được triển khai nhanh như thế nào.

Lực lượng Không quân Hoàng gia Vương quốc Anh đã chuyên chở các HIMARS từ Vương quốc Anh đến Sân bay Quốc tế Mihail Kogălniceanu ở Constanta, trên bờ biển phía đông nam của Rumania. Cuộc tập trận do Mỹ dẫn đầu mang tên ATREUS đã giúp các binh sĩ Rumani làm quen với hệ thống phóng hỏa tiễn, giúp NATO có khả năng tiến hành các cuộc tấn công chính xác tầm xa mạnh mẽ. Cuộc tập trận ATREUS cũng đã bắt đầu diễn ra ở Ba Lan và Na Uy.

Trong video vừa được NATO đưa ra, máy bay vận tải của không quân Vương quốc Anh đang hạ cánh, HIMARS lăn bánh và được các binh sĩ Rumania điều khiển cũng như các đoạn ghi âm từ Thiếu tướng Iulian Berdilă, Tư Lệnh Lục Quân Rumani.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã có cuộc nói chuyện với Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan. Cuộc gọi được đưa ra sau khi có báo cáo rằng một hỏa tiễn hoặc nhiều hỏa tiễn được cho là đã giết chết hai người sau khi bắn trúng một trang trại ở Ba Lan gần biên giới với Ukraine vào chiều thứ Ba, theo truyền thông Ba Lan.

Vương quốc Anh cho biết họ đang “liên lạc chặt chẽ” với các đồng minh sau các báo cáo rằng Putin đã bắn hỏa tiễn vào Ba Lan

“Chúng tôi đang điều tra những báo cáo này và liên lạc chặt chẽ với Đồng minh,” một phát ngôn viên của Văn phòng Đối ngoại, Khối thịnh vượng chung và Phát triển Vương quốc Anh nói với CNN.

Các quốc gia Baltic bày tỏ tình đoàn kết với Ba Lan sau khi có các tin tức cho biết Putin đã phóng hỏa tiễn vào Ba Lan

Bộ Ngoại giao Estonia bày tỏ lo ngại về các báo cáo về việc Nga bắn hỏa tiễn vào một trang trại ở Ba Lan gần biên giới Ukraine.

“Tin tức mới nhất từ Ba Lan là đáng lo ngại nhất. Chúng tôi đang tham vấn chặt chẽ với Ba Lan và các nước Đồng minh khác. Estonia sẵn sàng bảo vệ từng centimet lãnh thổ của NATO. Chúng tôi hoàn toàn đoàn kết với đồng minh thân thiết của chúng tôi là Ba Lan”.

Bộ trưởng Quốc phòng Latvia Artis Pabriks nói rằng “Latvia hoàn toàn sát cánh với những người bạn Ba Lan.”

Tổng thống Lithuania Gitanas Nausea nói rằng nước này đang “giữ liên lạc chặt chẽ” với Ba Lan.

Ông nói: “Lithuania đoàn kết mạnh mẽ với Ba Lan,” và nói thêm rằng “từng centimet lãnh thổ của NATO phải được bảo vệ!”

Quan chức chính phủ Ba Lan cho biết cuộc họp an ninh quốc gia được triệu tập do “tình huống khẩn cấp”

Phát ngôn nhân của chính phủ Ba Lan cho biết một cuộc họp của các quan chức an ninh quốc gia vào tối thứ Ba đã được triệu tập “do tình hình khẩn cấp.”

Ông nói thêm rằng các chi tiết sẽ được công bố sau cuộc họp.

2. Mối quan tâm về Thế chiến thứ ba tràn ngập Twitter sau khi hỏa tiễn Nga được báo cáo tấn công Ba Lan

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “World War 3 Concerns Flood Twitter After Russian Missiles Reportedly Hit Poland”, nghĩa là “Mối quan tâm về Thế chiến III tràn ngập Twitter sau khi hỏa tiễn Nga được báo cáo tấn công Ba Lan.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Khi các báo cáo xuất hiện hôm thứ Ba rằng một hỏa tiễn của Nga đã tấn công một ngôi làng Ba Lan, giết chết hai người, một số người dùng mạng xã hội đã chia sẻ những lo ngại về khả năng xảy ra Thế chiến thứ ba.

Một quan chức Hoa Kỳ đã xác nhận cuộc tấn công với Associated Press vào chiều thứ Ba, nhưng thông tin chi tiết hơn về cuộc tấn công vẫn chưa được biết. Các nhà chức trách Ba Lan đã tổ chức một cuộc họp khẩn cấp do “tình hình khủng hoảng” nhưng không bình luận ngay lập tức về các báo cáo. Truyền thông Ba Lan đưa tin hai người thiệt mạng sau vụ tấn công ở làng Przewodów, nằm gần biên giới Ba Lan-Ukraine, theo AP.

Ba Lan là một quốc gia thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, gọi tắt là NATO. Bất kỳ quốc gia thành viên NATO nào cũng có thể viện dẫn Điều 5 trong trường hợp bị tấn công, điều này sẽ dẫn đến phản ứng quốc tế từ các thành viên khác, bao gồm cả Hoa Kỳ.

“World War Three” nhanh chóng trở thành xu hướng trên Twitter giữa các báo cáo này, với một số người dùng bày tỏ lo ngại về khả năng xảy ra sự gia tăng các phản ứng quân sự. Tuy nhiên, Ba Lan chưa viện dẫn Điều 5—và làm như vậy cũng sẽ không tự động kích hoạt Thế chiến Thứ Ba.

Phóng viên Jesse Aaron Paul của Colorado Sun đã tweet: “Tôi không muốn có Thế chiến thứ Ba trong danh sách các cuộc khủng hoảng trong đời mình vào tuần này”.

Những người khác khuyến khích một đường lối kiên nhẫn hơn, bình tĩnh hơn.

“Ghi chú quan trọng về Điều 5. Người ta thường nói rằng một cuộc tấn công vào một đồng minh NATO có thể 'Kích hoạt' phản ứng theo Điều 5 nhưng các quan chức NATO thực sự nhấn mạnh rằng Điều 5 là một cuộc đối thoại, không phải một cỗ máy. 'Phản ứng theo Điều 5' có thể có đủ loại hình thức. Nó không phải là một nút khởi động Thế chiến thứ ba,” biên tập viên DefenseOne Patrick Tucker đã cho biết như trên.

3. Mỹ cam kết bảo vệ NATO sau thông tin cho biết hỏa tiễn Nga tấn công Ba Lan

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “U.S. Commits to Defending NATO After Report Russia Missiles Hit Poland”, nghĩa là “Mỹ cam kết bảo vệ NATO sau thông tin cho biết hỏa tiễn Nga tấn công Ba Lan.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Một quan chức Ngũ Giác Đài tái khẳng định cam kết của Mỹ với các đồng minh NATO đồng thời nhấn mạnh rằng các báo cáo về hỏa tiễn của Nga tấn công Ba Lan vẫn đang được xem xét.

Các báo cáo bắt đầu xuất hiện vào chiều thứ Ba rằng hỏa tiễn của Nga đã tấn công vào Ba Lan, giết chết hai người. Hiện vẫn chưa rõ đây là một cuộc tấn công có chủ đích hay vô tình. Vụ việc đã gióng lên hồi chuông cảnh báo quốc tế và khiến nhiều người đặt câu hỏi liệu các quốc gia như Mỹ, với tư cách là đồng minh NATO của Ba Lan, có phản ứng hay không.

Phát biểu tại một cuộc họp báo được phát trực tiếp, phát ngôn nhân Ngũ Giác Đài, Chuẩn tướng Pat Ryder, nhấn mạnh rằng các báo cáo từ Ba Lan mới chỉ là sơ bộ để Hoa Kỳ đưa ra các tuyên bố dứt khoát, nhưng đã tái khẳng định những bình luận trước đây của Tổng thống. Joe Biden về việc bảo vệ “từng tấc đất” của các đồng minh NATO.

“Như tôi đã đề cập, chúng tôi đang xem xét các báo cáo này, không có bất kỳ thông tin nào để chứng thực vào thời điểm này, vì vậy tôi không muốn suy đoán hay đưa ra các giả thuyết,” Tướng Ryder nói. “Khi nói đến các cam kết an ninh của chúng tôi và Điều 5 của NATO, chúng tôi đã nói rõ rằng chúng tôi sẽ bảo vệ từng tấc lãnh thổ của NATO.”

NATO là một liên minh quốc phòng đa chính phủ được thành lập sau Thế chiến thứ hai, hiện bao gồm 30 quốc gia thành viên, trong đó có Hoa Kỳ, Canada và 28 quốc gia Âu Châu. Theo Điều 5 của NATO, các thành viên đồng ý bảo vệ quân sự cho các thành viên khác, như Ba Lan nếu họ bị tấn công từ một quốc gia không phải là thành viên.

Newsweek đã liên hệ với Ngũ Giác Đài để bình luận.

4. Mỹ, Ba Lan mở cuộc điều tra khả năng hỏa tiễn Nga đánh trúng lãnh thổ NATO gần Ukraine

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “U.S., Poland Probe Possible Russian Missile Hit on NATO Soil Near Ukraine”, nghĩa là “Mỹ, Ba Lan mở cuộc điều tra khả năng hỏa tiễn Nga đánh trúng lãnh thổ NATO gần Ukraine.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Các quan chức Ba Lan và Mỹ đang gấp rút điều tra các báo cáo về một vụ nổ chết người có khả năng do hỏa tiễn của Nga gây ra ở phía Ba Lan giáp biên giới với Ukraine.

Các báo cáo địa phương đã xuất hiện hôm thứ Ba về một vụ nổ giết chết hai người ở làng Przewodów thuộc tỉnh Lublin dọc biên giới phía đông của Ba Lan với Ukraine.

Một phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Ba Lan nói với Newsweek rằng “chúng tôi đang xác minh và kiểm tra thông tin liên quan đến vụ việc ở Przewodów ở Tỉnh Lubelskie trên biên giới với Ukraine.”

Thiếu tướng John Kirby, điều phối viên truyền thông của Hội đồng An ninh Quốc gia nói với Newsweek: “Chúng tôi biết về những báo cáo ban đầu này nhưng không có bất kỳ thông tin nào để chứng thực những báo cáo này vào thời điểm này. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi tình hình.”

Bộ Tư lệnh Âu Châu của Hoa Kỳ đã cung cấp cho Newsweek một phản hồi giống hệt và Thư ký Báo chí Ngũ Giác Đài, Chuẩn tướng Không quân Pat Ryder đã đưa ra một báo cáo tương tự trong một cuộc họp báo được tổ chức ngay sau khi các báo cáo về vụ việc xuất hiện.

“Chúng tôi biết báo chí đưa tin cáo buộc rằng hai hỏa tiễn của Nga đã tấn công một địa điểm bên trong Ba Lan gần biên giới Ukraine,” Ryder nói. “Tôi có thể nói với các bạn rằng chúng tôi không có bất kỳ thông tin nào vào lúc này để chứng thực những báo cáo đó và đang xem xét thêm về vấn đề này.”

Ông liên tục từ chối giải thích chi tiết, viện dẫn một cuộc điều tra đang diễn ra về những gì đã xảy ra.

Trong khi Mạc Tư Khoa vẫn chưa bình luận về vụ việc, vụ nổ xảy ra sau một loạt cuộc tấn công bằng hỏa tiễn của Nga vào các thành phố của Ukraine, bao gồm cả thành phố cực tây Lviv, trong cuộc oanh tạc mới nhất vào quốc gia láng giềng sau khi Điện Cẩm Linh phát động cuộc chiến ở đó vào tháng Hai. Bộ Năng lượng Ukraine gọi đây là cuộc tấn công “lớn nhất” vào lưới điện của nước này và đã gây thiệt hại nặng nề, nhấn chìm các thành phố trong bóng tối.

Lực lượng Không quân Ukraine cho biết khoảng 90 hỏa tiễn, bao gồm hỏa tiễn hành trình Kalibr, máy bay không người lái Shahed-131 và 136 và một máy bay không người lái Orion, đã được phóng vào nước này, 70 trong số đó được cho là đã bị đánh chặn thành công.

Cuộc tấn công diễn ra vài giờ sau khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy có bài phát biểu trực tuyến về hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra ở Indonesia. Trong đó, ông đưa ra đề xuất 10 điểm để chấm dứt xung đột, và nhấn mạnh rằng sẽ không đàm phán cho đến khi Mạc Tư Khoa rút hết quân khỏi Ukraine.

Newsweek đã liên hệ với NATO, Ngũ Giác Đài, Đại sứ quán Ba Lan tại Washington, DC, Bộ Ngoại giao Ba Lan, Đại sứ quán Nga tại Washington, DC, Lực lượng Không quân Ukraine và Bộ Tổng tham mưu Lực lượng Vũ trang Ukraine để bình luận.
 
Thánh Ca
Giêsu Vua Tình Yêu
Lm. Thái Nguyên
00:59 15/11/2022