Ngày 14-11-2021
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 15/11: Xin cho con được sáng mắt - Linh mục Anthony Nguyễn Hữu Quảng, SDB
Giáo Hội Năm Châu
04:50 14/11/2021


Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca - Lc 18, 35-43

Khi Chúa đến gần thành Giêricô, thì có một người mù ngồi ăn xin bên vệ đường. Khi nghe tiếng đám đông đi qua, anh liền hỏi có chuyện gì. Người ta nói cho anh biết có Ðức Giêsu Nazareth đang đi qua. Bấy giờ anh liền kêu lên rằng: “Lạy ông Giêsu con vua Ðavít, xin thương xót tôi!” Những người đi trước mắng bảo anh nín đi, nhưng anh lại càng kêu lớn tiếng hơn: “Lạy con vua Ðavít, xin thương xót tôi!” Vậy Chúa Giêsu dừng lại, truyền dẫn anh đến cùng Người. Khi anh đến gần bên Người, Người hỏi anh: “Ngươi muốn Ta làm gì cho ngươi?” Anh thưa: “Lạy Ngài, xin cho tôi được xem thấy”. Chúa Giêsu bảo anh: “Hãy nhìn xem, lòng tin của ngươi đã cứu chữa ngươi”. Tức khắc anh thấy được và anh đi theo Người, và ca tụng Thiên Chúa. Thấy vậy toàn dân liền ca ngợi Thiên Chúa.

Đó là Lời Chúa
 
Con Chẳng Đáng Chúa Ngự Vào Nhà Con
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa –
10:22 14/11/2021
Con Chẳng Đáng Chúa Ngự Vào Nhà Con

(Thứ Ba sau Chúa Nhật XXXIII TN – Lc 19,1-10)

Bài Tin Mừng hôm nay, thứ Ba sau Chúa Nhật XXXIII TN là một trong những bài Tin mừng trích đọc trong Thánh Lễ Cung hiến đền thờ đó là đoạn Tin mừng kể về chuyện ông Giakêu, người đứng đầu những người thu thuế. Người Do Thái thời bấy giờ liệt quy người thu thuế vào nhóm những người tội lỗi, ngang hàng với phường bán thân nuôi miệng. Người thu thuế bị xem phạm hai tội lớn. Tội thứ nhất là làm tay sai cho đế quốc Rôma, đế quốc đang đô hộ nước Israel lúc ấy và tội thứ hai là bóc lột đồng bào vì họ thường thu thuế cao hơn mức ấn định để tư lợi. Giakêu lại là người đứng đầu nhóm thu thuế, hẳn ông biết định kiến của người Do Thái thời bấy giờ đối với ông.

Nghe biết Chúa Giêsu sắp đi ngang qua, Giakêu vội trèo lên một cây sung. Trèo lên cây sung để nhìn xem Ngài Giêsu mặt mũi ra sao mà người tiếng tăm đang lừng lẫy khắp nơi. Vóc dáng không cao bằng ai thì phải trèo lên cây, nhưng cũng có thể vì không muốn đám đông phát giác ra mình. Ẩn mình là một cung cách thường thấy của tội nhân đang còn chút lương tri.

Tưởng đâu kế hoạch, chương trình êm xuôi. Ai ngờ Ngài Giêsu chợt đứng lại bên gốc cây sung, ngước lên và gọi: “Này ông Giakêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải lưu lại nhà ông”. Chưng hửng trước một lời ngõ ý mà chẳng khác gì mệnh lệnh, ông Giakêu vội tụt xuống ngay. Ngài gọi đích danh là Ngài đã biết rõ mình. “Lạy Chúa, Chúa Ngài dò xét con và ngài biết rõ, biết cả khi con đứng con ngồi…”(Tv 139). Ngài biết rõ mình mà Ngài còn ngỏ ý ngự vào nhà mình. Chuyện như không tưởng mà đang hiện thực. Chuyện thật khó tin mà đang xảy ra. Sự chưng hửng, sự bất ngờ không át được niềm vui.

Điều gì làm cho một nơi nào đó, một công trình kiến trúc nào đó thành đền thờ? Là nơi đã được làm phép hay cung hiến để các tín hữu quy tụ nhau tham dự Thánh Lễ, lãnh nhận các Bí tích… Một câu trả lời thật chính xác, nhưng chưa thật bao quát và cũng chưa đúng trọng tâm, vì mới chỉ mô tả những dữ kiện bên ngoài. Với câu trả lời ở trên thì không thể giải thích vì sao gọi tâm hồn, thân xác chúng ta cũng có thể là đền thờ. Vẫn có đó những nơi đã được làm phép dành cho việc tế tự nhưng đã trở thành nơi buôn bán, thành hang trộm cướp (x.Ga 2,16; Lc 19,46).

Đền thờ là nơi có Chúa ngự. Một câu trả lời ngắn gọn mà khá đủ đầy ý nghĩa. Ở đâu có Chúa ngự thì đó chính là đền thờ. “Giakêu, xuống mau đi, vì hôm nay, tôi ở lại nhà ông”. Chúa Giêsu tự nguyện đến với nhà Giakêu. Hôm ấy, nhà Giakêu, đúng hơn là con người Giakêu đã thành đền thờ chăng? Theo lôgich thì chắc chắn như thế. Tuy nhiên ta vẫn cứ ngờ ngợ làm sao. Cũng như đám đông dân Do Thái lúc bấy giờ, chúng ta có thể tự hỏi: “Sao Chúa có thể ngự vào cái nơi không xứng đáng được?

Theo triết học, khi biết đặt vấn đề là lúc ta biết cách giải quyết vấn đề một cách nào đó. Nào ta lại đặt câu hỏi: Vì nơi ấy xứng đáng, vì ta xứng đáng nên Chúa mới ngự vào hay ngược lại nhờ Chúa đoái thương ngự đến nên ta hay nơi ấy trở nên xứng đáng? Quả thật thế gian này, chẳng có ai, chẳng có nơi nào xứng đáng làm nơi Chúa ngự, vì trời là ngai của Chúa và đất là bệ chân của Người. Dù là rực rỡ như đền thờ vua Salômon xây, hay nguy nga tráng lệ như các ngôi Thánh Đường ở Rôma, thì tự chúng cũng chẳng đáng chút nào dành cho Đấng Tối Cao, Đấng ngàn trùng chí thánh. “Thưa Ngài, tôi chẳng đáng Ngài vào nhà tôi…”(Mt 8,8 tt). Câu nói của viên bách quản như là một lời tuyên tín khiến Chúa Giêsu đã khen ngợi: “Tôi bảo thật các ông: tôi không thấy một người Israel nào có lòng tin như thế.” (Mt 8,10). Hội Thánh đã lấy lại lời của viên bách quản để tuyên tín trước khi đón nhận Chúa Giêsu Thánh Thể: “Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con…”. Chúng ta đừng quên, không chỉ đoàn tín hũu tham dự Thánh Lễ mà cả vị chủ tế (các vị đồng tế, nếu có) đều phải đọc lời này trước khi rước Thánh Thể vào lòng.

Chính nhờ Chúa đến, Chúa thương ngự vào thì ta mới nên xứng đáng. Chúa đến và Giakêu đã nên xứng đáng: “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này” (Lc 19,9). Chính nhờ Chúa đến, một Lêvi đã trở thành Tông đồ Matthêu. Chính nhờ Chúa đến mà trần gian đang chìm trong bóng tối đã trở nên sáng láng huy hoàng (x.Ga 1,5). Nhờ Chúa đến, con tim của Giakêu trước đây vốn đóng kín bằng sự hám lợi ích kỷ nay đã mở ra trong sự công bằng và tình yêu: “Thưa Ngài, này đây phân nửa gia tài của tôi, tôi chia cho người nghèo; và nếu tôi đã cưỡng đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn” (Lc 19,8).

“Nhà Ta là Nhà cầu nguyện” (Lc 19,46). Với các đền thờ vật chất hữu hình thì không gì hơn hãy tích cực làm cho chúng trở thành là nhà cầu nguyện. Nghĩa là làm cho chúng trở thành nơi gặp gỡ giữa Chúa và ta, giữa chúng ta với nhau trong tình Chúa. “Này đây, Ta đứng trước và gõ. Ai nghe tiếng ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta” (Kh 3,20). Thiên Chúa đi bước trước, nhưng Người vẫn luôn tôn trọng sự tự do đáp trả của chúng ta. Để cho chính tâm hồn và thân xác chúng ta trở nên đền thờ, thì cần có sự đáp trả chân thành. Một vài thái độ đáp trả cần có:

- Tin vào tình thương và quyền năng của Chúa.

- Khiêm nhu nhìn nhận sự yếu đuối, tội lỗi, bất xứng của chính mình.

- Quyết tâm đổi thay đời sống, biết mở tấm lòng để sống xứng với ân tình của Chúa.

Các đền thờ gỗ đá vẫn luôn là cần thiết. Tuy nhiên chính tâm hồn chúng, thân xác chúng ta là nơi Chúa thích ngự vào hơn cả. Tích cực góp phần xây dựng các đền thờ gỗ đá là một hành vi đáng quý, nhưng nỗ lực dệt xây các đền thờ sống động vẫn đáng quý hơn nhiều. Những tâm hồn đầy tràn đức ái trên nền tảng đức công bình, những con người biết sống yêu thương cách liêm chính đúng thực là những đền thờ, vì “đâu có tình yêu thương là ở đấy có Đức Chúa Trời hiện diện”.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:25 14/11/2021

63. Nên coi thường tất cả loài thụ tạo, chỉ dùng tâm hồn của con kỳ vọng vào sự hoan lạc của Thiên Chúa mà thôi.

(Thánh Augustine)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


--------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:28 14/11/2021
10. BẢNG HIỆU BIẾN BIẾN

Có một ông chủ mở cửa hàng cầm đồ, tiền vốn rất ít.

Khai trương được một tháng đầu, trên bảng hiệu viết một chữ “cầm”, qua tháng thứ hai, tiền vốn hết sạch, khách cầm đồ lại không đến chuộc đồ đã cầm về, chỉ có cách là viết thêm chữ “ngưng” trước chữ “cầm”.

Tháng thứ ba, khách đến chuộc đồ từ từ nhiều lại, tiền vốn thu lại đủ, ông chủ lại viết thêm chữ “không” trước chữ “ngưng cầm”.

(Tiếu Đảo)

Suy tư 10:

Trong làm ăn buôn bán thì phải có kiên nhẫn, khi mở một hàng ăn uống hay một cửa hiệu thì cần phải...chịu lỗ trong một hoặc hai tháng đầu, và để cho người ta quen biết với cửa hàng của mình.

Đi làm việc truyền giáo cũng như...đi buôn, nhưng nguy hiểm hơn nhiều, bởi vì khi lời thì chỉ có lời linh hồn người ta, nhưng khi lỗ thì lỗ nhiều lắm, như: lỗ mất mạng sống mình, lỗ tiền bạc vật chất bỏ ra, lỗ mất các linh hồn, và có khi mất tất cả, sạch sành sanh cùng một lúc. Cho nên làm người truyền giáo thì phải kiên nhẫn trong mọi hoàn cảnh, phải chịu lỗ trong...mấy năm đầu, để mọi người nhìn thấy cách ăn nết ở của mình có thực sự là như mình đã rao giảng không, có như thế họ mới tin Đấng mà mình đang rao giảng và yêu mến là Chúa Giê-su Ki-tô.

Cái bảng hiệu quan trọng lắm, không nên hôm nay viết chữ này mai thêm chữ khác, nhưng phải cố định.

Làm việc truyền giáo thì quan trọng hơn nhiều, đừng nói một đường làm một nẻo, đừng sống khác với những gì mà mình đã rao giảng, đừng nói nhiều làm ít, bởi vì con người thời nay thích nhìn hơn là thích nghe đối với những người truyền giáo..

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Ngồi bên vệ đường
Lm. Minh Anh
23:47 14/11/2021
NGỒI BÊN VỆ ĐƯỜNG

“Có một người mù ăn xin ngồi bên vệ đường!”.

Ira David Sankey, một ca sĩ, một nhà soạn nhạc thánh ca; sau nhiều năm bị mù, đã chia sẻ, “Như một người ‘ngồi bên vệ đường’, tôi chỉ còn một chút bóng tối trần gian nữa; và sau đó, là ánh mặt trời rạng rỡ trên ngai vàng của Cha. Thiên Chúa là Tình Yêu. Chúc ngủ ngon, chúc ngủ ngon!”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Chúc ngủ ngon, chúc ngủ ngon!”, những lời của Ira Sankey mù loà khá chua xót khi ông cho thấy trần gian ông sắp từ giã như là một nơi dành cho ‘những người đang ngủ’; nơi mà ‘ngồi bên vệ đường’, ông “chỉ còn một chút bóng tối” nữa thôi, đợi ngày về với Thiên Chúa, mặt trời ngời ánh bình minh. Và với câu chuyện Tin Mừng hôm nay, sẽ khá bất ngờ, khi chúng ta cũng có thể gặp lại chính mình nơi một người mù khác, Bartimê, cũng là một người đang ‘ngồi bên vệ đường!’.

Đã bao nhiêu lần trong cuộc đời, chúng ta cảm thấy mình rất giống với người mù ăn xin, ‘ngồi bên vệ đường’; người này vừa không thể thấy gì, vừa không thể đứng lên và chỉ có thể ngồi bẹp bên đường; anh không thể ra giữa chính lộ. Mỗi người chúng ta có thể cũng đã trải nghiệm một sự thất vọng và không gặp may nào đó; không chỉ thể chất, mà còn tinh thần hay tình cảm! Nhiều người đi ngang qua, chứng kiến cảnh xót xa của chúng ta, một số người có thể ném cho chúng ta một đồng xu, dẫu chúng không thực sự giúp chúng ta thoát khỏi sự chán nản hoặc khó khăn của mình; số khác, có thể đã chế nhạo hoặc không dám nhìn chúng ta; số khác, thậm chí, có thể đã mắng mỏ chúng ta, “Hãy im đi!” như những người trong Tin Mừng đã mắng mỏ Bartimê, anh mù. Thế nhưng, giữa dòng người đó, vẫn còn có một người khả dĩ có lòng xót thương thật sự, Giêsu; Ngài có thể cho Bartimê điều anh không thể tự cho mình, thị giác. Cũng vậy, bao lần Chúa Giêsu đi qua cuộc đời chúng ta, Ngài cũng dừng lại để cho chúng ta điều chúng ta không thể tự cho mình, cũng là điều cần nhất, đức tin. Nhưng chúng ta tự hỏi, tôi có la lên, có van vỉ Ngài như người mù đã van vỉ khi anh biết Ngài đi ngang qua không? Hoặc tôi có thường xuyên cầu xin Ngài gia tăng lòng tin cho mình không? Tôi có biết mình cần một đức tin mạnh mẽ đến mức nào không?

Trong cuộc đời Kitô hữu, sẽ không có gì đáng ngạc nhiên khi chúng ta chịu một số lời mắng mỏ, một số cú đánh thực sự, một số thất bại, và thậm chí, một số sa ngã trong một tội lỗi nào đó… Thế nhưng, Chúa Giêsu không muốn chúng ta nản lòng, Ngài muốn chúng ta coi đây là cơ hội để hướng về Ngài, nguồn sức mạnh và sự đỡ nâng. Những la ó sẽ dành cho chúng ta, “Hãy im đi!” vẫn còn mãi; thế nhưng, khó khăn trong cuộc đời có thể có một trong hai tác động. Hoặc chúng đánh bại chúng ta, hoặc chúng khiến chúng ta mạnh mẽ hơn. Cách chúng làm cho chúng ta mạnh mẽ, như đã làm cho anh mù, là nuôi dưỡng trong chúng ta một sự tin tưởng và một sự lệ thuộc hoàn toàn vào lòng xót thương của Thiên Chúa, “Lạy con vua Đavít, xin thương xót tôi!”.

Anh Chị em,

Sở dĩ Ira David Sankey đã mong mỏi được thấy ánh mặt trời rạng rỡ trên ngai vàng Thiên Chúa vì ông đã trải nghiệm sự tối tăm trong cuộc đời mình. Cũng thế, chúng ta chỉ thực sự hướng về Thiên Chúa và tìm thấy nguồn ủi an vô biên nơi Ngài khi chúng ta cũng đã nếm trải bao nỗi ê chề của sự khốn cùng chốn trần ai. Đúng vậy, khi người ta đạp tôi ra, chính là lúc họ đang đẩy tôi đến gần Thiên Chúa. Chúng ta có Thiên Chúa là Cha, Ngài nguồn sáng, sức mạnh nâng chúng ta dậy và dìu chúng ta hiên ngang bước đi trong nẻo chính đường ngay. “Ai có thể tách tôi ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa”. Hãy tin tưởng vào lòng thương xót của Ngài và đừng bao giờ tần ngần để kêu lên, “Lạy Giêsu, Con Thiên Chúa, xin dủ lòng xót thương con!”. Đó là lời nguyện tắt xinh đẹp mà Đức Thánh Cha mời gọi chúng ta thì thầm với Thiên Chúa trong từng hơi thở của đời mình.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin gia tăng niềm tin cho con, hầu con có thể cảm nghiệm được ý muốn của Chúa, Đấng không để con ‘ngồi bên vệ đường’ nhưng sẽ bứng con lên, để con có thể đi trên nẻo ngay chính lộ mà chúc khen Danh Ngài”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Chương trình chuyến tông du thứ 35 của Đức Thánh Cha đến Síp và Hy Lạp
Đặng Tự Do
04:44 14/11/2021


Trong thông báo được đưa ra hôm thứ Bẩy 13 tháng 11, Tòa Thánh đã cho biết chương trình chi tiết chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Síp và Hy Lạp.

Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ tông du Síp và Hy Lạp từ ngày 2 đến ngày 6 tháng 12. Đây là chuyến tông du thứ 35 của Đức Thánh Cha trong triều Giáo Hoàng của ngài, và là chuyến tông du thứ ba sau khi đại dịch coronavirus bùng phát trên thế giới làm gián đoạn các chuyến tông du của ngài trong 15 tháng.

Phòng Báo Chí Tòa Thánh đã công bố lịch trình dự kiến của ngài trong năm ngày, bao gồm một lịch trình bận rộn với các cuộc họp với chính quyền địa phương, các nhà lãnh đạo Giáo hội, các cử hành phụng vụ và các cuộc gặp gỡ đại kết. Đức Giáo Hoàng cũng sẽ trở lại đảo Lesbos của Hy Lạp để thăm những người di cư.

Vào ngày thứ Năm, 2 tháng 12, ngài sẽ rời Rôma để bay đến quốc đảo Síp, tiếng Anh là Cyprus, hạ cánh xuống Sân bay Quốc tế Larnaca lúc 3 giờ chiều, nơi sẽ có lễ nghi chào đón chính thức. Vào lúc 4 giờ chiều, ngài sẽ gặp gỡ các linh mục, những người thánh hiến, phó tế, giáo lý viên, và các thành viên của các hiệp hội Tông đồ hiện diện ở Síp tại Nhà thờ Đức Mẹ Đầy Ân Phúc của Công Giáo nghi lễ Maronite. Sau đó lúc 17h15, sẽ có lễ nghi đón tiếp tại Phủ Tổng thống Nicosia. Kế đó, là cuộc gặp gỡ xã giao với Tổng thống Síp và cuộc gặp gỡ với chính quyền địa phương, xã hội dân sự và ngoại giao đoàn.

Ngày hôm sau, vào sáng thứ Sáu, Đức Giáo Hoàng sẽ có chuyến thăm xã giao tới Đức Tổng Giám Mục Chrysostomos II, Tổng Giám mục Chính thống của Síp tại Tòa Tổng Giám mục ở Nicosia, sau đó là cuộc gặp với Thánh Công Đồng tại Nhà thờ Chính thống ở Nicosia. Kế tiếp, Đức Thánh Cha sẽ cử hành một thánh lễ tại “Sân vận động GSP” ở Nicosia. Vào buổi chiều, ngài sẽ tham dự một buổi Cầu nguyện Đại kết với những người Di cư tại Nhà thờ Giáo xứ Thánh Giá ở Nicosia.

Thứ Bảy, 4 tháng 12, Đức Giáo Hoàng sẽ rời Síp để bay đến thủ đô Hy Lạp là Athens, hay còn gọi là Nhã Điển, nơi ngài dự kiến sẽ đến lúc 11:10 giờ địa phương. Lễ nghi tiếp đón chính thức sẽ diễn ra tại Sân bay Quốc tế Athens, sau đó là buổi lễ đón tiếp tại Phủ Tổng thống. Tại đây, Đức Thánh Cha sẽ có cuộc gặp gỡ xã giao với Tổng thống Cộng hòa, và Thủ tướng, và sau đó là cuộc họp với chính quyền địa phương, xã hội dân sự và ngoại giao đoàn.

Buổi chiều, Đức Thánh Cha sẽ có một chuyến thăm xã giao đến Đức Tổng Giám Mục Hieronymos II, của Athens và Toàn Hy Lạp, tại Tòa Tổng Giám mục Chính thống giáo, tiếp theo là cuộc gặp gỡ của phái đoàn Tòa Thánh và hàng giáo phẩm Chính Thống Giáo Hy Lạp tại “Phòng ngai vàng”.

Cuối ngày hôm đó, ngài sẽ gặp gỡ các giám mục, linh mục, tu sĩ, những người thánh hiến, chủng sinh và giáo lý viên của cộng đồng Giáo hội địa phương tại Nhà thờ Thánh Dionysius ở Athens. Kết thúc buổi tối, ngài sẽ có cuộc gặp gỡ riêng với các linh mục, tu sĩ Dòng Tên tại Tòa Sứ thần Tòa thánh ở Athens.

Sáng Chúa Nhật, Đức Giáo Hoàng sẽ đến Đảo Lesbos của Hy Lạp để thăm những người tị nạn tại “Trung tâm Tiếp nhận và Nhận dạng” ở thị trấn Mytilene. Sau đó, ngài quay trở lại Athens vào buổi chiều để cử hành thánh lễ lúc 16:45 tại “Phòng hòa nhạc Megaron”. Buổi tối, ngài sẽ chào đón chuyến viếng thăm xã giao đáp lễ của Đức Tổng Giám Mục Hieronymos II tại Tòa Sứ thần Tòa Thánh ở Athens.

Cuối cùng, vào sáng thứ Hai, ngày 6 tháng 12, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ tiếp đón Chủ tịch Quốc Hội tại Tòa Sứ thần Tòa Thánh ở Athens. Sau đó, ngài sẽ gặp gỡ những người trẻ tại Trường Thánh Dionysius do các Nữ tu Dòng Ursula ở Maroussi, Athens điều hành. Sau cuộc gặp gỡ này, Đức Thánh Cha ra sân bay quốc tế Athens. Tại đây sẽ có lễ nghi tiễn biệt. Đức Thánh Cha sẽ khởi hành về Rôma lúc 11:30.

Chi tiết chuyến tông du

Thứ Năm, ngày 2 tháng 12 năm 2021
Rôma - Larnaca - Nicosia
11h00 Khởi hành bằng máy bay từ Sân bay Quốc tế Rome / Fiumicino đến Larnaca
15h00 Đến Sân bay Quốc tế Larnaca
15h00 Nghi thức chào đón chính thức tại Sân bay Quốc tế Larnaca
16:00 Gặp gỡ các linh mục, những người thánh hiến, phó tế, giáo lý viên, và các thành viên của các hiệp hội Tông đồ hiện diện ở Síp tại Nhà thờ Đức Mẹ Đầy Ân Phúc của Công Giáo nghi lễ Maronite
17:15 Lễ nghi đón tiếp tại Phủ Tổng thống ở Nicosia
17:30 Cuộc gặp gỡ xã giao tại văn phòng tổng thống ở Phủ Tổng thống ở Nicosia
18:00 Cuộc gặp gỡ với chính quyền địa phương, xã hội dân sự và ngoại giao đoàn tại “Phòng nghi lễ” của Phủ Tổng thống ở Nicosia

Thứ Sáu, ngày 3 tháng 12 năm 2021
Nicosia
8:30 Chuyến thăm xã giao tới Đức Tổng Giám Mục Chrysostomos II, Tổng Giám mục Chính thống của Síp tại Tòa Tổng Giám mục ở Nicosia
9:00 Cuộc gặp gỡ với Thánh Công Đồng tại Nhà thờ Chính thống ở Nicosia
10h00 Thánh lễ tại “Sân vận động GSP” ở Nicosia
16:00 Buổi Cầu nguyện Đại kết với những người Di cư tại Nhà thờ Giáo xứ Thánh Giá ở Nicosia

Thứ Bảy, ngày 4 tháng 12 năm 2021
Nicosia - Larnaca - Athens
9:10 Lễ nghi từ biệt tại Sân bay Quốc tế Larnaca
9:30 Khởi hành bằng máy bay đến Athens
11:10 Đến sân bay quốc tế Athens
11:10 Lễ nghi chào mừng chính thức tại Sân bay Quốc tế Athens
12h00 Lễ nghi chào mừng tại Phủ Tổng thống ở Athens
12:15 Cuộc gặp gỡ xã giao với Tổng thống tại văn phòng riêng tại Phủ Tổng thống ở Athens
12:30 Cuộc gặp gỡ xã giao với thủ tướng chính phủ tại Phủ Tổng thống ở Athens
12:45 Cuộc họp với chính quyền địa phương, xã hội dân sự và ngoại giao đoàn.
16:00 Thăm xã giao Đức Tổng Giám Mục Hieronymos II, của Athens và Toàn Hy Lạp, tại Tòa Tổng Giám mục Chính thống giáo
16:30 Cuộc gặp gỡ của phái đoàn Tòa Thánh và hàng giáo phẩm Chính Thống Giáo Hy Lạp tại “Phòng ngai vàng” của Tòa Tổng Giám Mục Chính Thống Giáo Athens.
17:15 Gặp gỡ các giám mục, linh mục, tu sĩ, những người thánh hiến, chủng sinh và giáo lý viên của cộng đồng Giáo hội địa phương tại Nhà thờ Thánh Dionysius ở Athens
18:45 Cuộc gặp gỡ riêng với các linh mục, tu sĩ Dòng Tên tại Tòa Sứ thần Tòa thánh ở Athens

Chúa Nhật, ngày 5 tháng 12 năm 2021
Athens - Mytilene (Lesvos) - Athens
9:15 Khởi hành bằng máy bay đến Mytilene
10:10 Đến sân bay Mytilene
10:45 Thăm người di cư tại “Trung tâm Tiếp nhận và Nhận dạng” ở Mytilene
12:15 Khởi hành bằng máy bay trở lại Athens
13:10 Đến sân bay quốc tế Athens
16:45 Thánh lễ tại “Phòng hòa nhạc Megaron” ở Athens
19:00 Chuyến viếng thăm xã giao đáp lễ của Đức Tổng Giám Mục Hieronymos II tại Tòa Sứ thần Tòa Thánh ở Athens

Thứ Hai, ngày 6 tháng 12 năm 2021
Athens - Rome
8:15 Tiếp Chủ tịch Quốc Hội tại Tòa Sứ thần Tòa Thánh ở Athens
9:45 Gặp gỡ những người trẻ tại Trường Thánh Dionysius của các nữ tu Ursula ở Maroussi, Athens
11:15 Lễ nghi tiễn biệt tại Sân bay Quốc tế Athens
11:30 Khởi hành bằng máy bay về Rôma
12:35 Đến Sân bay Quốc tế Rome / Ciampino


Source:Vatican News
 
Đức Tổng Giám Mục phẫn nộ trước việc lực lượng an ninh Chad tấn công một linh mục ngay trong nhà thờ
Đặng Tự Do
04:44 14/11/2021


Trong một thông điệp được công bố trên Vatican News, Đức Tổng Giám M><ục Goetbé Edmond Djitangar của tổng giáo phận N'Djamena, đã phản ứng với sự phẫn nộ trước vụ hành hung một linh mục ngay trong nhà thờ của ngài bởi lực lượng an ninh Chad.

Đức Tổng Giám Mục Djitangar cho biết, vào sáng ngày 3 tháng 11 năm 2021, “những người đàn ông mặc quân phục,” tự xưng là thành viên của quân đội Chad, đã tiến vào sân của Giáo xứ Chân phước Isidore Bakanja ở thủ đô N'Djamena. Đức Tổng Giám Mục tố cáo rằng các binh sĩ này đã cư xử ngang tàng “không có bất kỳ sự tôn trọng nào đối với người dân và nơi mà họ đang đứng”. Khi Cha xứ hỏi tại sao họ lại ở đó và liệu họ có lệnh khám xét để biện minh cho sự hiện diện của họ hay không, thì “trước tiên họ xúc phạm ngài, sau đó hành hung và giật điện thoại của ngài”.

Đức Tổng Giám Mục Djitangar viết: “Chúng tôi tố cáo những thái độ và hành vi khinh miệt mà một số đồng hương đã thể hiện với niềm tin tôn giáo của những người khác. Đây là một hình thức bất khoan dung đáng lẽ không có chỗ đứng trong một xã hội đa nguyên như xã hội chúng ta”. Những người hành xử theo cách này “gây chiến với Thiên Chúa” bởi vì Chúa không khinh miệt bất kỳ lời cầu nguyện nào được thực hiện với tấm lòng chân thành, bất kể tín đồ thuộc tôn giáo nào”.

Đối với Tổng giám mục N'Djamena, trường hợp này rất đáng quan tâm vì nó khẳng định sự khinh thường người dân và nơi thờ phượng của những người lẽ ra phải bảo vệ những người và những nơi thờ phượng ấy.

Đức Tổng Giám Mục Chad nhấn mạnh rằng “những gì đã xảy ra không phải là một sự việc cá biệt.” Ngài nhắc nhớ lại một số lá thư phản đối của mình đã không được các nhà chức trách của đất nước quan tâm.

Đức Tổng Giám Mục từng gửi cho Bộ trưởng Bộ An ninh Chad một lá thư sau khi xảy ra việc cảnh sát đàn áp các cuộc biểu tình của giới trẻ vào ngày 6 tháng 2 năm 2018. “Lựu đạn cay đã được cố tình bắn vào trong sân của Giáo xứ Thánh Matthias Mulumba, làm bị thương các tín hữu đang ra khỏi nhà thờ sau thánh lễ buổi sáng. Vào ngày 29 tháng 3 năm ngoái, các nhân viên cảnh sát đã ngăn không cho một linh mục vào Giáo xứ Thánh Tâm ở Chagoua, nơi ngài cử hành Bí tích Thánh Thể Chúa Nhật với một chương trình phát sóng trực tiếp trên Radio Arc-en-ciel. Đây là thời kỳ lockdown vì COVID-19”.

Sau những vi phạm liên tục đối với các nơi thờ tự của Công Giáo, kèm theo bạo lực, bất họp pháp và không có bất kỳ lý do nào, Đức Tổng Giám Mục nói rằng ngài không có lựa chọn nào khác ngoài việc công khai với dư luận quốc tế.

Đức Tổng Giám Mục bày tỏ mong muốn rằng các cơ quan chức năng làm rõ về việc thường xuyên thiếu tôn trọng các nơi thờ tự Công Giáo. Ngài nói rằng những gì đang xảy ra là một sự vi phạm rõ ràng điều đầu tiên của Hiến pháp, trong đó tuyên bố rằng Cộng hòa Chad là một quốc gia thế tục.

Những người lính Chad cố tình vi phạm các thể chế thiêng liêng đang đặt mình lên trên luật pháp và đang hành động ngang tàng mà không bị trừng phạt.

Đức Tổng Giám Mục nói rằng bất kể động cơ của lực lượng an ninh là gì, không thể chấp nhận được việc xúc phạm và tấn công một tín hữu hay một giáo sĩ đang thực thi trách nhiệm của mình, ngay cả khi người đó là người nước ngoài.

Đức Tổng Giám Mục N'Djamena tự hỏi: “Chúng tôi tự hỏi liệu địa điểm tiếp theo bị tấn công có phải là nhà thờ chính tòa, nơi ngay bên cạnh, một khu chợ cung cấp quân nhu đủ loại đang được dựng lên trước sự chứng kiến của tất cả mọi người”.

Đức Tổng Giám Mục đã yêu cầu các tín hữu Công Giáo của đất nước, cầu nguyện cho sự hoán cải con tim của những người không tôn trọng những điều thánh thiêng, vì thiếu hiểu biết hoặc khinh thường. Ngài cũng kêu gọi họ đừng ngại tố cáo mọi hành vi và hoạt động đáng ngờ có khả năng làm tổn hại đến tính cách linh thiêng của nơi thờ tự. Tuy nhiên, ngài cũng khuyến khích tất cả các giáo xứ và cơ sở Công Giáo tăng cường an ninh tại cơ sở của họ. Trên hết, Đức Tổng Giám Mục Djitangar nói rằng các tín hữu nên cầu xin Chúa tha thứ cho tất cả những ai làm hại Giáo hội.


Source:Vatican News
 
Bethlehem mở cửa kinh doanh, chờ đón khách du lịch
Đặng Tự Do
04:58 14/11/2021


Khi Christy Zeidan, giám đốc văn phòng của cửa hàng lưu niệm Three Arches 2, đặt chìa khóa vào ổ khóa cửa lần đầu tiên sau gần 20 tháng, cô nổi da gà trên cánh tay.

“Tôi rất xúc động. Tôi như được thở lại, nhưng tôi muốn khóc khi thấy mọi thứ phủ đầy bụi”, Zeidan, người cùng với chủ cửa hàng Lillian Canawati đang chuẩn bị cửa hàng với mong đợi sự trở lại của khách du lịch và những người hành hương sau nhiều tháng xảy ra đại dịch COVID-19 và những hạn chế nghiêm nhặt.

“Hai năm nay không có khách du lịch, không có sự sống ở Bethlehem. Hôm nay, chúng tôi vui vẻ, lạc quan và đang chờ đợi họ. Chúng tôi đang hy vọng có nhiều nhóm hơn vào tháng 12 và tháng 11”.

Vào ngày 1 tháng 11, Israel đã mở cửa biên giới cho những khách du lịch đã được tiêm vắc-xin COVID-19 hoặc có bằng chứng về sự hồi phục trong vòng sáu tháng qua; điều này có nghĩa là khách du lịch cũng sẽ có thể đến được Bethlehem. Nhưng khách du lịch phải đối mặt với một số trở ngại với các tài liệu cần phải điền và các yêu cầu du lịch khác khi ngành du lịch cố gắng bắt đầu hoạt động trở lại.

Canawati cho biết sẽ mất một thời gian cho đến khi mọi thứ trở lại bình thường và mặc dù cô đã thấy một số nhóm khách du lịch đến Bethlehem, nhưng người mua sắm vẫn chưa vào cửa hàng, nơi thường rất đông đảo trước đại dịch.
Source:OSV News
 
Tại sao việc đào tạo các linh mục hiện bao gồm một năm tẩy trần?
Đặng Tự Do
04:58 14/11/2021


Cả Thánh Gioan Phaolô II và Đức Thánh Cha Phanxicô đều chỉ đạo các chủng viện cung cấp một năm “tẩy trần” trước khi nam giới bắt đầu được đào tạo để trở thành linh mục.

50 năm qua đã bộc lộ một cách đau đớn nhiều điểm yếu trong chương trình chuẩn bị của Giáo Hội Công Giáo để đào tạo nam giới cho ơn gọi linh mục. Vô số người đàn ông đã trải qua quá trình đào tạo ở chủng viện, được phong chức tư tế, và sau đó phải oằn mình dưới tác động của cám dỗ thế gian.

Điều này đã thúc đẩy Thánh Gioan Phaolô II viết trên Tông Huấn Pastores Dabo Vobis, được công bố ngày 25 tháng Ba, 1992 về sự cần thiết phải cung cấp thêm một năm dự bị.

Vị Thánh Giáo Hoàng Ba Lan viết:

“Tôi yêu cầu phải có một thời gian chuẩn bị đầy đủ trước khi được đào tạo tại đại chủng viện: Thật là tốt khi có một thời gian chuẩn bị về nhân bản, Kitô, trí tuệ và tâm linh cho các ứng viên đại chủng viện. Những ứng viên này phải có những phẩm chất nhất định: một ý định đúng đắn, một mức độ trưởng thành của con người, một kiến thức đủ rộng về giáo lý đức tin, một số khái niệm nhập môn về các phương pháp cầu nguyện và hành vi phù hợp với truyền thống Kitô. Họ cũng nên có thái độ phù hợp, qua đó họ có thể bày tỏ nỗ lực của mình để tìm kiếm Thiên Chúa và đức tin”.

Yêu cầu của Đức Gioan Phaolô II đã được đưa vào một tài liệu do Bộ Giáo sĩ của Vatican xuất bản vào năm 2016, với sự hỗ trợ của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Giai đoạn hình thành chủng viện này chính thức được gọi là “giai đoạn chuẩn bị”, và đang được các giáo phận và chủng viện trên khắp thế giới điều chỉnh.

Ví dụ, Chủng viện Thánh John Vianney ở Denver, Colorado tổ chức “Năm Tâm linh”, bao gồm một cuộc “tẩy trần” toàn diện về mặt tâm linh, để chuẩn bị cho chủng sinh tương lai cho ơn gọi của họ. Một bài báo của Mary Farrow từ Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, đưa ra một bản tóm tắt ngắn gọn về năm đặc biệt này.

Bên cạnh việc dứt bỏ hoàn toàn điện thoại và internet, các chủng sinh còn phải kiêng mua sắm, họ không được phép mua hàng. Ngày duy nhất mà họ không phải kiêng cữ những thứ này là ngày thứ Bảy, khi họ có thể gọi điện cho bạn bè và gia đình hoặc mua những thứ họ cần.

Những hy sinh này nhằm mục đích tẩy sạch mọi ảnh hưởng tiêu cực của thế gian có thể ảnh hưởng đến chủng sinh. Nhiều nam giới trong nền văn hóa ngày nay mắc chứng nghiện nội dung khiêu dâm, một thói quen cần phải loại bỏ trước khi một chủng sinh có thể tiến lên trên con đường đến với chức linh mục.

Ngoài ra, Năm Tâm linh có các cơ hội để “hướng dẫn và tư vấn về tâm linh, cũng như các khóa tĩnh tâm để giúp phân định ơn gọi, đỉnh điểm là khóa tĩnh tâm 30 ngày Linh Thao theo phương pháp của thánh Y Nhã.

Chủng viện Thánh Phaolô ở tổng giáo phận St. Paul, Minnesota cung cấp một năm tương tự, tập trung vào việc đào tạo môn đệ. Giáo sư Jeff Cavins là một trong số các giảng viên tham gia vào năm nay, giúp những người đàn ông này phát triển mối quan hệ với Chúa Kitô, trước khi họ chuyển sang học ở chủng viện.

Người ta hy vọng rằng năm “tẩy trần” mới này sẽ thúc đẩy sự thánh thiện cá nhân giữa các ứng viên, bảo đảm rằng quá khứ không lặp lại.
Source:Aleteia
 
Họ gán cho ngài cái tội ngài ghê tởm nhất
Đặng Tự Do
04:59 14/11/2021


Trong những tuần trước khi bị bắt vì cáo buộc tội download hình ảnh khiêu dâm trẻ em, Linh mục James W. Jackson đã viết rất dài trong bản tin giáo xứ của mình về các vụ bê bối lạm dụng tình dục do các linh mục “rối loạn chức năng tâm lý” gây ra. Ngài lên án cựu Hồng Y Theodore McCarrick là một “kẻ ranh ma”, có một cuộc sống riêng tư tội lỗi được che đậy bởi những việc làm tốt bên ngoài với sự giúp đỡ của những người bạn hư hỏng trong hàng giáo phẩm Công Giáo.

“Bất kỳ người đàn ông nào cố gắng sống độc thân mà không có đức tin, ân sủng thánh hóa và một đời sống cầu nguyện nghiêm túc và cống hiến cho đời sống nội tâm, thì cuối cùng, và đôi khi điều này chỉ mất vài năm, sẽ chuyển sang say mê các thú vui trống rỗng và ham mê ăn uống, hoài mong các kỳ nghỉ và các nội dung khiêu dâm và theo đuổi các mối quan hệ tình dục ở mức tồi tệ nhất,” ngài viết.

“Không có đức tin, ý tôi muốn nói là niềm tin thực sự vào Chúa; và không theo đuổi việc thăng tiến cuộc sống nội tâm thì đời sống độc thân linh mục chỉ tạo ra một lớp những người độc thân chuyên nghiệp vẫn đang văn hóa thánh lễ và làm lễ rửa tội, nhưng bị cô lập và thậm chí trầm cảm.”

Ngài cảnh báo: “Lẽ tự nhiên họ sẽ quay ra tìm sự an ủi. Và với sự quay lưng lại với Chúa, địa ngục bầy ra trước mắt.”

Các bài viết của Cha Jackson xuất hiện trong các bản tin hàng tuần của nhà thờ ở giáo xứ cũ của ngài, là giáo xứ Đức Bà ở Providence, Rhode Island. Theo đánh giá của Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, các bài viết này cung cấp một cửa sổ đi vào các suy nghĩ của vị linh mục vào thời điểm các nhà chức trách cáo buộc ngài sở hữu và phát tán tài liệu lạm dụng tình dục trẻ em trực tuyến.

Cha Jackson, 66 tuổi, bị bắt vào ngày 30 tháng 10 bởi các thành viên của lực lượng đặc nhiệm tiểu bang Rhode Island đang thực hiện lệnh khám xét tại nhà xứ Đức Bà. Ngài bị buộc tội sở hữu nội dung khiêu dâm trẻ em, download nội dung khiêu dâm trẻ em và xem hình ảnh khiêu dâm trẻ em bị cấm.

Hai ngày sau khi bị bắt, các nhà chức trách liên bang đã đệ trình các cáo buộc bổ sung chống lại ngài tại Tòa án Quận Hoa Kỳ ở Providence.

Theo các khung hình phạt hiện nay, tội phát tán nội dung khiêu dâm trẻ em có thể bị trừng phạt đến 20 năm trong nhà tù liên bang, với thời hạn bắt buộc tối thiểu là 5 năm. Sở hữu và truy cập với mục đích nhìn ngắm nội dung khiêu dâm trẻ em có thể bị phạt tù lên đến 20 năm.

Một nhà phân tích pháp y của Cảnh sát tiểu bang Rhode Island đã tìm thấy “hàng trăm file hình ảnh và video mô tả cảnh lạm dụng tình dục trẻ em” trong quá trình khám xét pháp y tại hiện trường, được chứa trong một ổ cứng hai terabyte được gắn bên ngoài computer nằm trong khu vực văn phòng liền kề với phòng ngủ của Cha Jackson, theo một tờ khai có tuyên thệ được nộp để ủng hộ các cáo buộc liên bang.

“Những file hình ảnh và video này mô tả những phụ nữ trước tuổi dậy thì, bao gồm cả trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi, tham gia vào các hành vi tình dục”, bản tuyên thệ nêu rõ.

Bản tuyên thệ cho biết trát khám xét bắt nguồn từ cuộc điều tra của lực lượng đặc nhiệm tiểu bang xác định một máy tính hoặc một thiết bị điện tử “chia sẻ file tài liệu lạm dụng tình dục trẻ em qua mạng chia sẻ file peer-to-peer, nghĩa là từ người này trực tiếp đến người khác”. Các nhà điều tra đã truy tìm dấu vết của thiết bị này, và từ đó lần đến nhà xứ của giáo xứ Đức Bà.

Bản tuyên thệ giải thích rằng: Mạng chia sẻ file peer-to-peer “được thiết kế để tạo điều kiện thuận lợi cho việc chia sẻ các hồ sơ điện tử giữa các thành viên tham gia trong nhóm qua Internet”.

“Để trở thành thành viên của mạng peer-to-peer, người dùng máy tính cài đặt một nhu liệu chia sẻ hồ sơ trên máy tính để tạo 'thư mục chia sẻ', trong đó có thể đặt bất kỳ hồ sơ điện tử muốn chia sẻ với các thành viên khác trong nhóm”.

“Người dùng cũng được quyền sao chép bất kỳ hồ sơ điện tử nào từ các ‘thư mục chia sẻ’ của các thành viên khác trong nhóm. Một mạng peer-to-peer có thể bao gồm hàng nghìn máy tính được kết nối với nhau và các hồ sơ điện tử có sẵn trên mạng đều được lưu trữ trên máy tính của từng thành viên thay vì trên một máy chủ trung tâm”.

Cuộc điều tra của lực lượng đặc nhiệm tiểu bang cho thấy một người đăng ký Internet được định vị địa lý tại nhà thờ Đức Bà đã chia sẻ tài liệu lạm dụng tình dục trẻ em qua mạng peer-to-peer bốn lần từ ngày 4 tháng 9 đến ngày 17 tháng 10 năm nay.

Trong bản tiểu sử của ngài, được đăng trên trang web của giáo xứ Đức Bà, Cha Jackson cho biết:

“Thời niên thiếu của tôi dành để chơi thể thao, săn bắn, câu cá, cắm trại và tham gia Đội hướng đạo sinh.”

“Tôi đặc biệt thích cắm trại mùa đông. Tôi học trượt tuyết tại Steamboat Springs, Colorado vào năm 1963 và tôi đã trở thành một vận động viên trượt tuyết từ đó. Tôi cũng đã chọn học lặn biển. Tôi thậm chí còn lặn xuống biển để nhìn thấy một chiếc U-Boat của Đức mà Hải quân Hoa Kỳ đã đánh chìm vào năm 1945 nằm cách Narragansett một phần tư hải lý “.

Cha Jackson cho biết vkhi teo học tại Đại học Kansas, nơi ngài chơi bóng bầu dục trong ba năm, đặt ngài trên một con đường mới.

“Trong chương trình này, tôi yêu không chỉ học mà còn yêu sự thật. Đó là nền tảng của việc tôi chuyển đổi sang Đức tin Công Giáo”. Ngài cho biết đã được rửa tội năm 1976.

“Tôi nghĩ rằng tôi muốn có một sự nghiệp trong Thủy quân lục chiến và được tham gia Lớp Lãnh đạo Trung đội vì mục đích đó, nhưng sau khi được rửa tội, một mong muốn mãnh liệt trong tôi là phục vụ Thiên Chúa trực tiếp hơn”

“Tôi gia nhập một Tu viện Biển Đức ở Pháp - Notre Dame de Fontgombault. Sau đó, tôi gia nhập Giáo phận Wichita, Kansas và được thụ phong năm 1985 “.

Cha Jackson rất say mê Thánh lễ Latinh Truyền thống, và ngài đã gia nhập Tuyên úy Hải quân Hoa Kỳ, phục vụ với Sư đoàn Thủy quân lục chiến số 1.

“Tôi gia nhập FSSP vào năm 1994 và đó là một ngôi nhà tốt đối với tôi,” Cha Jackson viết ở phần kết của tiểu sử của mình.


Source:Catholic News Agency
 
Bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô trong thánh lễ Ngày Thế Giới Người Nghèo 14/11/2021
Bản dịch Việt Ngữ của J.B. Đặng Minh An
06:22 14/11/2021


Đức Thánh Cha Phanxicô đã thiết lập Ngày Thế giới của Người nghèo vào năm 2016 vào cuối Năm Thánh Lòng Thương Xót của Giáo hội. Ngày này được tổ chức hàng năm vào Chúa Nhật thứ 33 Mùa Thường Niên, một tuần trước lễ Chúa Kitô Vua.

“Khi kết thúc Năm Thánh Lòng Thương Xót, tôi muốn cung cấp cho Giáo hội một Ngày Thế giới của Người nghèo, để trên khắp thế giới, các cộng đồng Kitô có thể trở thành một dấu chỉ lớn hơn bao giờ hết về lòng bác ái của Chúa Kitô đối với những người yếu nhất và khó khăn nhất,” Đức Giáo Hoàng đã viết trong thông điệp Ngày Thế giới vì Người nghèo đầu tiên vào năm 2017.

Chủ đề của Ngày Thế giới về Người nghèo năm nay là “Người nghèo thì lúc nào các ông chẳng có bên cạnh mình”, đó là những lời của Chúa Giêsu được ghi lại trong Phúc Âm Thánh Máccô 14: 7 sau khi một phụ nữ xức dầu quý cho ngài.

Trong thông điệp của mình cho lễ kỷ niệm năm nay, Đức Thánh Cha Phanxicô đã mô tả những gì ngài quan sát thấy là xu hướng ngày càng gia tăng trong việc loại bỏ người nghèo do bối cảnh của cuộc khủng hoảng coronavirus.

“Có vẻ như ngày càng có nhiều quan niệm cho rằng người nghèo không chỉ phải chịu trách nhiệm về tình trạng của họ, mà họ còn là gánh nặng không thể chịu đựng được đối với một hệ thống kinh tế tập trung vào lợi ích của một số nhóm đặc quyền,” Đức Giáo Hoàng nói.

Ngài nhận xét rằng: “Hiện chúng ta đang chứng kiến việc tạo ra những cái bẫy đói nghèo và loại trừ mới, được đặt ra bởi các tác nhân kinh tế và tài chính vô đạo đức, thiếu ý thức nhân đạo và trách nhiệm xã hội”.

Trong bài giảng, thánh lễ Ngày Thế Giới Người Nghèo lần thứ 5 vào lúc 10g sáng 14/11 tại Đền Thờ Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha nói:

Những hình ảnh Chúa Giêsu sử dụng, trong phần đầu của Tin Mừng hôm nay, để lại sự thất vọng: mặt trời sẽ ra tối tăm, mặt trăng sẽ mất sáng, các ngôi sao sẽ từ trời rơi xuống và các sức mạnh trên trời sẽ bị lay chuyển (x. Mc 13, 24- 25). Tuy nhiên, ngay sau đó, Chúa mở ra cho chúng ta niềm hy vọng: chính xác trong khoảnh khắc hoàn toàn tăm tối đó, Con Người sẽ đến (xem câu 26); và hiện tại, chúng ta đã có thể chiêm ngưỡng những dấu chỉ Ngài sắp đến, như khi chúng ta thấy một cây vả bắt đầu ra lá vì mùa hè đã đến gần (xem câu 28).

Do đó, Tin Mừng này giúp chúng ta đọc lịch sử bằng cách nắm bắt hai khía cạnh: những nỗi đau của ngày hôm nay và niềm hy vọng của ngày mai. Một mặt, tất cả những mâu thuẫn nhức nhối mà hiện thực của con người vẫn còn đắm chìm trong mọi thời đại đều được gợi lên; mặt khác, có tương lai của ơn cứu rỗi đang chờ đợi nó, đó là cuộc gặp gỡ với Chúa sắp quang lâm, để giải thoát chúng ta khỏi mọi điều ác. Chúng ta hãy nhìn hai khía cạnh này với cái nhìn của Chúa Giêsu.

Khía cạnh thứ nhất: nỗi đau hôm nay. Chúng ta đang ở trong một lịch sử được đánh dấu bằng những khổ nạn, bạo lực, đau khổ và bất công, đang chờ đợi một sự giải phóng dường như không bao giờ đến. Trên tất cả, đó là những người nghèo, những mắt xích mỏng manh nhất trong dây chuyền, những người bị tổn thương, bị áp bức và đôi khi bị nghiền nát. Ngày Thế Giới Người Nghèo, mà chúng ta đang cử hành, đòi hỏi chúng ta đừng quay lưng lại, đừng ngại nhìn kỹ vào nỗi đau khổ của những người yếu đuối nhất, mà bài Tin Mừng hôm nay đề cập đến rất phù hợp: mặt trời của cuộc đời họ thường bị che khuất bởi sự cô đơn, vầng trăng mong đợi của họ bị dập tắt; những ngôi sao trong giấc mơ của họ đã rơi vào cảnh cam chịu và chính sự tồn tại của họ mới là điều đáng buồn. Tất cả những điều này là do bởi cái nghèo mà họ thường bị ép buộc, họ là những nạn nhân của sự bất công và bất bình đẳng của một xã hội lãng phí,

Tuy nhiên, mặt khác, có khía cạnh thứ hai, đó là niềm hy vọng vào ngày mai. Chúa Giêsu muốn mở ra cho chúng ta niềm hy vọng, để giải thoát chúng ta khỏi nỗi thống khổ và sợ hãi khi đối mặt với nỗi đau của thế giới. Đây là lý do tại sao Ngài khẳng định rằng, giống như mặt trời đang tối dần và mọi thứ dường như sụp đổ, thì Ngài đang đến gần. Trong tiếng rên rỉ của lịch sử đau thương của chúng ta, có một tương lai của ơn cứu rỗi đang bắt đầu nảy mầm. Niềm hy vọng ngày mai nảy nở trong nỗi đau hôm nay. Đúng vậy, ơn cứu rỗi của Thiên Chúa không chỉ là một lời hứa mai hậu, nhưng nó đã phát triển trong lịch sử bị tổn thương của chúng ta vì tất cả chúng ta đều có một trái tim bệnh tật - ơn cứu rỗi vượt thắng trên những áp bức và bất công của thế giới. Ngay giữa tiếng khóc của người nghèo, Nước Chúa nở hoa như những chiếc lá non của cây và hướng dẫn lịch sử đến mục tiêu, đến cuộc gặp gỡ cuối cùng với Chúa, Vua của Vũ trụ, Đấng sẽ giải thoát chúng ta một cách dứt khoát.

Vào lúc này, chúng ta hãy tự hỏi mình: Kitô Hữu chúng ta cần làm gì khi đối mặt với thực tế này? Thưa: Chúng ta được yêu cầu nuôi dưỡng hy vọng của ngày mai bằng cách chữa lành nỗi đau của ngày hôm nay. Chúng có mối liên hệ với nhau: nếu anh chị em không tiếp tục chữa lành những nỗi đau của ngày hôm nay, anh chị em sẽ khó có hy vọng vào ngày mai. Thật ra, niềm hy vọng đến từ Phúc Âm không nằm ở việc thụ động chờ đợi mọi thứ trở nên tốt đẹp hơn vào ngày mai, điều này không khả thi, chúng ta phải biến lời hứa cứu rỗi của Thiên Chúa trở nên cụ thể ngay ngày hôm nay. Hôm nay, mỗi ngày. Niềm hy vọng của Kitô Hữu thực ra không phải là một niềm lạc quan vui vẻ tột độ, ngược lại, tôi muốn nói là một niềm lạc quan ở tuổi vị thành niên, của những người hy vọng rằng mọi thứ sẽ thay đổi và trong thời gian chờ đợi tiếp tục tạo dựng cuộc sống của chính mình, bằng những cử chỉ cụ thể xây dựng mỗi ngày Vương quốc của tình yêu, công lý và tình huynh đệ mà Chúa Giêsu đã khai mạc. Chẳng hạn, niềm hy vọng của Kitô Giáo đã không được gieo bởi thầy Lê-vi và thầy tư tế đi qua trước mặt người đàn ông bị những tên cướp đánh trọng thương. Niềm hy vọng đã được gieo bởi một người lạ ( Lc 10:30-35). Và hôm nay, như thể Giáo hội đang nói với chúng ta rằng: “Hãy dừng lại và gieo hy vọng nơi sự nghèo khó. Đến gần người nghèo và gieo hy vọng”. Hy vọng của người đó, hy vọng của anh chị em và hy vọng của Giáo hội. Điều này được yêu cầu nơi chúng ta: giữa những tàn tích hàng ngày của thế giới, những người xây dựng hy vọng không mệt mỏi; sáng lên khi mặt trời sắp tắt nắng; trở thành nhân chứng của lòng trắc ẩn trong khi sự phân tâm ngự trị xung quanh; trở thành những người yêu thích và chăm chú giữa sự thờ ơ tràn lan, và là chứng nhân của lòng thương xót. Chúng ta sẽ không bao giờ có thể làm điều tốt nếu không trải qua lòng trắc ẩn. Cùng lắm là chúng ta sẽ làm được những điều tốt đấy, nhưng điều đó không liên quan gì đến đường lối của Kitô Hữu vì chúng không chạm đến trái tim. Điều khiến chúng ta chạm đến trái tim của mình là lòng trắc ẩn: chúng ta đến gần, chúng ta cảm thấy mủi lòng và chúng ta thực hiện những cử chỉ âu yếm. Đúng với phong cách của Chúa: gần gũi, từ bi và dịu dàng.

Gần đây, tôi được nhắc nhở về điều mà một Giám mục gần gũi với người nghèo và chính ngài cũng là người có tinh thần thanh bần, Don Tonino Bello, đã từng lặp đi lặp lại rằng: “Chúng ta không thể giới hạn mình trong hy vọng, chúng ta phải tổ chức hy vọng”. Nếu niềm hy vọng của chúng ta không được chuyển thành những lựa chọn và cử chỉ cụ thể của sự quan tâm, công lý, tình liên đới, chăm lo cho ngôi nhà chung, thì nỗi đau khổ của người nghèo không thể nguôi ngoai, nền kinh tế lãng phí buộc họ phải sống bên lề sẽ không thể thay đổi được, và như thế thì kỳ vọng của họ sẽ không thể phát triển trở lại. Điều đó tùy thuộc vào chúng ta, đặc biệt là các tín hữu Kitô, hãy tổ chức hy vọng - cách diễn đạt này của Đức Cha Tonino Bello rất hay: tổ chức hy vọng, biến nó thành cuộc sống cụ thể mỗi ngày, trong các mối quan hệ của con người, trong cam kết xã hội và chính trị. Nó khiến tôi nghĩ đến công việc mà rất nhiều Kitô Hữu đã làm với các công việc bác ái, công việc từ thiện của các Tông đồ… Điều gì đang được thực hiện ở đó? Hy vọng đang được tổ chức. Không phải là anh chị em trao ra một đồng xu, không phải như thế, nhưng anh chị em tổ chức hy vọng. Đây là một động lực mà Giáo hội yêu cầu chúng ta ngày nay.

Có một hình ảnh về niềm hy vọng mà Chúa Giêsu đưa ra cho chúng ta ngày hôm nay. Nó vừa giản dị vừa mang ý nghĩa biểu tượng: đó là hình ảnh những chiếc lá cây vả âm thầm đâm chồi nảy lộc, báo hiệu mùa hè đã gần kề. Và những chiếc lá này xuất hiện, Chúa Giêsu nhấn mạnh, khi cành trở nên xanh tươi (x. Mc 13:28). Anh chị em thân mến, đây là từ làm cho hy vọng nảy mầm trên thế giới và xoa dịu nỗi đau của người nghèo: sự dịu dàng. Lòng trắc ẩn dẫn anh chị em đến sự dịu dàng. Tùy thuộc vào chúng ta trong việc vượt qua sự khép kín, sự cứng nhắc bên trong, vốn là cám dỗ của ngày nay, của những “nhà phục hưng”, những người muốn có một Giáo hội hoàn toàn trật tự, cứng nhắc: ý tưởng này không phải là của Chúa Thánh Thần. Và chúng ta phải vượt qua điều này, và làm cho hy vọng nảy mầm trong sự cứng nhắc này. Và cũng tùy thuộc vào chúng ta để vượt qua sự cám dỗ chỉ giải quyết các vấn đề của chúng ta, để có thể mềm lòng khi đối mặt với những bi kịch của thế giới, và ngậm ngùi với những nỗi đau. Giống như những chiếc lá cây, chúng ta được kêu gọi hấp thụ ô nhiễm xung quanh chúng ta và biến nó thành tốt: chúng ta không cần phải nói về các vấn đề, những tranh cãi, những tai tiếng - tất cả chúng ta đều biết cách làm điều này, đó là chúng ta cần bắt chước những chiếc lá, không thu hút sự chú ý hàng ngày nhưng lặng lẽ biến không khí bẩn thành không khí sạch. Chúa Giêsu muốn chúng ta là những người “cải thiện”: những người, (Rô-ma 12:21) hành động: bẻ bánh cho người đói, nỗ lực vì công lý, nâng cao người nghèo và phục hồi phẩm giá của họ, như người Samaritanô đã làm.

Thật là đẹp và có tính truyền giáo một Giáo Hội trẻ trung vượt ra khỏi chính mình và giống như Chúa Giêsu, loan báo tin mừng cho người nghèo (x. Lc 4,18). Tôi dừng lại ở tính từ đó, tính từ cuối cùng: một Giáo hội như vậy là trẻ trung; tuổi trẻ để gieo hy vọng. Đây là một Giáo hội tiên tri, với sự hiện diện của mình, nói với trái tim lạc lối và bị bỏ rơi của thế giới: “Can đảm lên, Chúa đã đến gần, vì anh em cũng có một mùa hè đến giữa lòng mùa đông. Ngay cả từ nỗi đau của anh chị em, hy vọng có thể sống lại”. Thưa anh chị em, chúng ta hãy mang cái nhìn hy vọng này đến với thế giới. Chúng ta hãy dịu dàng đón nhận người nghèo, gần gũi, với lòng trắc ẩn, không phán xét họ - để chúng ta khỏi bị phán xét. Vì ở đó, với họ, với người nghèo là Chúa Giêsu; bởi vì ở đó, trong họ, là Chúa Giêsu, Đấng đang chờ đợi chúng ta.
Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana
 
Thông điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô đánh dấu 75 năm thành lập UNESCO
J.B. Đặng Minh An dịch
17:14 14/11/2021


Hôm thứ Sáu 12 tháng 11, Tòa Thánh đã công bố video thông điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô đánh dấu 75 năm thành lập tổ chức UNESCO.

Thưa bà tổng giám đốc

Thưa quý vị, những người hình thành nên cộng đồng làm việc của UNESCO,

Từ thâm tâm, tôi bày tỏ lời chúc mừng nhân kỷ niệm 70 năm thành lập Cơ quan Liên hợp quốc này. Giáo hội có một mối quan hệ đặc biệt với nó. Thật vậy, Giáo hội phục vụ Tin Mừng, và Tin Mừng là sứ điệp nhân bản nhất mà lịch sử từng biết đến. Một thông điệp về cuộc sống, tự do và hy vọng, đã truyền cảm hứng cho vô số sáng kiến giáo dục ở mọi thời đại và ở mọi nơi, và đã truyền cảm hứng cho sự phát triển khoa học và văn hóa của gia đình nhân loại.

Đây là lý do tại sao Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc là đối tác đặc quyền của Tòa thánh trong việc phục vụ chung cho hòa bình và đoàn kết giữa các dân tộc, cho sự phát triển toàn diện của con người và bảo vệ di sản văn hóa của nhân loại.
Source:Vatican News
 
Cựu đại sứ Gia Nã Đại tại Trung Hoa: Nền Ngoại giao Vatican và tương lai Đài Loan
Vũ Văn An
18:25 14/11/2021
Trên tờ First Things, ngày 11 tháng 11, 2021, có bài nhận định của David Mulroney, cựu đại sứ Gia Nã Đại tại Trung Hoa, về Liên hệ Vatican – Đài Loan (https://www.firstthings.com/web-exclusives/2021/11/vatican-diplomacy-and-taiwans-future):



Chi tiết về thỏa thuận năm 2018 của Vatican với Trung Quốc liên quan đến việc bổ nhiệm các giám mục chưa bao giờ được tiết lộ công khai. Những gì chúng ta biết về thỏa thuận Trung Quốc -Vatican vô cùng đáng lo ngại. Nhưng những hậu quả tiềm tàng của nó đối với Đài Loan vẫn chưa xuất hiện đầy đủ sau màn sương mù của tin đồn, rò rỉ và suy đoán đi kèm với thỏa thuận vẫn còn được giữ bí mật.

Chỉ nhìn như một vấn đề Trung Quốc-Vatican, thỏa thuận đã đủ tồi tệ rồi. Nó bỏ rơi những người Công Giáo trung thành cho một Giáo hội được nhà nước bảo trợ, một Giáo Hội đang dần dần kết hợp ý thức hệ và hình tượng nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình. Cũng gây lo ngại sâu xa là việc Vatican gần như im lặng trước các hành vi vi phạm nhân quyền của Trung Quốc, bao gồm cả chiến dịch diệt chủng chống lại người Hồi giáo Tân Cương của nó.

Nhưng thiệt hại còn có thể đi xa hơn. Khi Vatican tìm cách chính thức hóa mối liên hệ của mình với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa cộng sản, một số người lo ngại Bắc Kinh đang ngày càng gây sức ép buộc Tòa Thánh phải từ bỏ liên hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan (tên chính thức là Trung Hoa Dân Quốc). Những lời trấn an ngược lại của Vatican cùng lắm chỉ có tính nửa nóng nửa lạnh. Lúc gia hạn thỏa thuận tạm thời giữa Vatican với Bắc Kinh vào năm ngoái, Quốc Vụ Khanh Vatican, Hồng Y Parolin, nói một cách đơn giản: “Hiện tại không có cuộc nói chuyện về liên hệ ngoại giao. Chúng tôi đang tập trung vào Giáo hội”.

Thật không may, đó chưa bao giờ là trọng tâm của Trung Quốc, nhất là không phải lúc này. Tập Cận Bình đang leo thang nỗ lực để chinh phục Đài Loan, điều mà hắn gọi là “sự trẻ trung hóa vĩ đại đất nước Trung Hoa”. Các cuộc xuất kích đe dọa của máy bay chiến đấu và máy bay ném bom từ đại lục được phát động gần như hàng ngày trong nỗ lực thử nghiệm và dần dần làm suy giảm khả năng phòng không của Đài Loan. Nếu Trung Quốc có thể thuyết phục Vatican từ bỏ Đài Loan, điều đó sẽ làm xói mòn lòng tự tin của hòn đảo, làm mất tinh thần của những người dân đang bị vây khốn.

Việc cả đại lục lẫn Đài Loan đều được gọi là “Trung Hoa” là di sản của một cuộc nội chiến chưa bao giờ thực sự kết thúc. Mặc dù những người cộng sản tuyên bố chiến thắng trên đất liền vào năm 1949 thay mặt cho một nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa mới, nhưng các nhà lãnh đạo của Quốc dân Đảng bị đánh bại lúc đó chỉ đơn giản vượt biển qua Đài Loan. Tại đó, họ tiếp tục đòi tính hợp pháp như là Trung Hoa Dân Quốc, tên gọi mà họ đã cai trị từ năm 1912. Khi cuộc đàn áp Giáo Hội ngày càng trở nên tồi tệ hơn ở đại lục hiện là cộng sản, phái bộ ngoại giao của Tòa thánh cũng chuyển sang Đài Loan.

Được che chở bởi hạm đội 7 của Hoa Kỳ, Trung Hoa Dân Quốc tồn tại trên Đài Loan, phát triển mạnh mẽ về kinh tế và từ từ phát triển thành một điều hoàn toàn mới. Sự cai trị quân sự đã nhường chỗ cho nền dân chủ, một phần vì các nhà lãnh đạo sáng suốt coi tính hợp pháp được lòng dân là điều kiện tiên quyết để giành được sự ủng hộ quốc tế cần thiết để giữ cho Trung Quốc phải ở yên. Theo thời gian, các thế hệ mới trên đảo tự coi mình là người Đài Loan hơn là người Trung Quốc. Cao vọng cai trị toàn bộ Trung Quốc đã được cẩn thận gạt sang một bên vì các công dân mới nắm quyền bắt đầu tập trung chăm chú hơn vào việc thiết lập nhân quyền, quản trị tốt và pháp quyền trên hòn đảo quê hương của họ.

Cẩn trọng đã và hiện vẫn còn cần thiết bởi vì bất cứ sự thay đổi nào trong danh pháp chính thức đều là một cớ gây chiến đối với Trung Quốc. Những người cộng sản có thể xỉ vả danh xưng “Trung Hoa Dân Quốc”, nhưng cho đến gần đây, họ vẫn sẵn sàng sống với ảo tưởng rằng Đài Loan ngày nay giống hệt như năm 1949, một tỉnh hẻo lánh che chở cho một đối thủ bại trận nhưng rõ ràng là Trung Quốc.

Đài Loan vẫn bị mắc kẹt trong ảo tưởng này vì nó giữ gìn hòa bình, mặc dù là một nền hòa bình không dễ chịu, và đã giành được cho hòn đảo này một sự hiện diện khiêm tốn, từng gây tranh cãi trên trường quốc tế.

Với tư cách là Trung Hoa Dân Quốc, Đài Loan đã duy trì quan hệ ngoại giao đầy đủ với một số quốc gia, một cộng đồng đang dần thu hẹp lại vì trò gian xảo kết hợp hối lộ và áp lực không ngừng của Trung Quốc. Sự công nhận của các quốc gia khác giúp Đài Loan duy trì được lập trường về tính hợp pháp quốc tế của mình. Và không đối tác ngoại giao nào làm nhiều hơn thế để củng cố lập trường đó cho bằng Tòa thánh.

Nhiều người Đài Loan vốn tin rằng sự công nhận chính thức của Vatican là một sự thừa nhận đối với lập trường dân chủ, nhân quyền và tự do tôn giáo của họ. Nó cũng mang lại cho các nhà lãnh đạo Đài Loan cơ hội được nhìn thấy và lắng nghe ở châu Âu, trên một sân khấu mà Trung Quốc không thể cản trở. Điều đó rất quan trọng, bởi vì trong khi nhiều quốc gia không chính thức công nhận Đài Loan vẫn duy trì một số hiện diện nào đó ở đó, các mối liên hệ được giới hạn cẩn thận và không bao gồm các cuộc trao đổi đích thân, giữa các nhà lãnh đạo với nhau vốn rất quan trọng đối với nền ngoại giao hiện đại.

Mất đi sự công nhận của Tòa thánh sẽ là một thảm họa đối với Đài Loan, gần như sẽ chắc chắn đẩy nhanh việc ra đi của mười bốn đồng minh ngoại giao còn lại của họ. Có thể lập luận rằng bất cứ thỏa thuận nào, dù là thỏa thuận với ma quỷ, đều đáng giá nếu nó giúp cho sự lớn mạnh của Giáo hội ở Trung Quốc. Nhưng điều này nằm ở một trong những khía cạnh làm nản lòng nhất của chính sách ngoại giao bị coi là thiếu sáng suốt của Vatican với Trung Quốc: Ở tâm điểm nó là ảo tưởng rằng những người cầm quyền cộng sản của Trung Quốc, một cách nào đó, sẽ cho phép Giáo Hội Công Giáo phát triển mạnh mẽ trên đất liền.

Đảng cộng sản của Trung Quốc sẽ không dung dưỡng bất cứ đối thủ nào. Đảng đã buộc các cộng đồng tín ngưỡng chấp nhận sự kiểm soát của nó, một bước mở đầu cho việc biến họ thành các tổ chức phi chính phủ ngoan ngoãn, mất hết mọi ý nghĩa. Tập Cận Bình đã ra lệnh tôn giáo phải được “Trung Hoa hóa”, điều này thực sự có nghĩa là được lên khuôn lại theo hình ảnh và họa ảnh của ông ta.

Vatican, vốn không có gì để khoe khoang đối với thỏa thuận của mình với Bắc Kinh, hiện đang dễ dàng bị tổn thương cách đặc biệt. Các nhà đàm phán cứng rắn của Trung Quốc luôn đặt tiền tố trước, khi họ thấy sự tuyệt vọng của đối thủ lên cao. Không thể quan niệm được việc họ không đẩy mạnh áp lực buộc Vatican II từ bỏ Đài Loan.

Trong các vấn đề ngoại giao, cũng như trong các vấn đề đức tin, đôi khi không làm gì lại là lựa chọn tốt nhất. Trong trường hợp quan ngại về vị thế quốc tế mong manh của Đài Loan, đó hiện là lựa chọn duy nhất, một thực tại mà cộng đồng quốc tế, bao gồm cả Tòa thánh, phải thông báo cho Trung Quốc một cách rõ ràng, nhất quán và khẩn cấp.

Stalin được cho là đã đánh giá thấp quyền lực thực sự của Đức Giáo Hoàng khi ông ta bâng quơ hỏi Giáo hoàng có bao nhiêu sư đoàn. Có lý do để lo lắng rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô và các nhà ngoại giao của ngài đã đánh giá quá cao giá trị của mối liên hệ với ông Tập và chế độ của ông ta. Bị quyến rũ bởi sức mạnh và ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc, họ có nguy cơ quên rằng chính sách ngoại giao của Vatican phải được xác định bởi chiều kích đạo đức của nó: sự cống hiến của nó cho hòa bình, công lý và tự do của con người. Một thỏa thuận Trung Quốc -Vatican nhằm cô lập thêm Đài Loan sẽ gây nguy hiểm cho cả ba điều vừa kể.
 
Huấn dụ của Đức Thánh Cha trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 14/11/2021
J.B. Đặng Minh An dịch
22:20 14/11/2021
Chúa Nhật 14 tháng 11, Giáo Hội trên toàn thế giới cử hành Chúa Nhật thứ 33 Mùa Quanh Năm cũng là Chúa Nhật cuối cùng của Mùa này và là Ngày Thế Giới Người Nghèo lần thứ 5. Bài Tin Mừng theo Thánh Máccô có chủ đề “Người sẽ quy tụ những người được tuyển chọn từ khắp bốn phương trời”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Trong những ngày ấy, sau cảnh khốn cực, mặt trời sẽ ra tối tăm, mặt trăng sẽ mất sáng, các ngôi sao sẽ từ trời rơi xuống và các sức mạnh trên trời sẽ bị lay chuyển. Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người ngự đến trên đám mây với đầy quyền năng và vinh quang. Và bấy giờ Người sẽ sai các thiên thần của Người đi quy tụ những kẻ đã được tuyển chọn từ khắp bốn phương, từ chân trời cho đến cùng kiệt trái đất. Nhìn vào cây vả, các con hãy tìm hiểu dụ ngôn này. Khi nó đâm chồi nảy lộc, các con biết rằng mùa hè gần đến. Cũng vậy, khi các con nhìn thấy tất cả những điều đó xảy ra, thì các con hãy biết là Người đã tới gần ngoài cửa rồi. Thầy bảo thật các con: Thế hệ này sẽ chẳng qua đi trước khi mọi sự đó xảy đến. Trời đất sẽ qua đi, nhưng lời Thầy nói sẽ chẳng qua đi.

“Còn về ngày đó hay giờ đó, thì không một ai biết được, dù các thiên thần trên trời, dù Con Người cũng chẳng biết, chỉ có mình Cha biết thôi”.

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em,

Bài Tin Mừng của Phụng Vụ hôm nay mở đầu bằng một câu nói của Chúa Giêsu khiến chúng ta phải kinh ngạc: “Mặt trời sẽ ra tối tăm, mặt trăng sẽ mất sáng, các ngôi sao sẽ từ trời rơi xuống” (Mc 13, 24-25). Như thế thì sao, chẳng lẽ ngay cả Chúa cũng là một tiên tri của ngày thế mạt. Không, đây chắc chắn không phải là ý định của Ngài. Ngài muốn chúng ta hiểu rằng mọi thứ trên đời này sớm muộn gì cũng qua đi. Ngay cả mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao tạo nên “firmamento” - “bầu trời” - một từ biểu thị “fermezza” - “sự vững chắc”, “sự ổn định” - cũng sẽ qua đi.

Tuy nhiên, cuối cùng, Chúa Giêsu đề cập đến điều không sụp đổ: “Trời và đất sẽ qua đi”, Ngài nói, “nhưng lời Thầy nói sẽ không qua đi” (câu 31). Lời của Chúa sẽ không qua đi. Ngài phân biệt giữa những thứ áp chót, sẽ trôi qua; và những thứ cuối cùng, sẽ còn lại. Đó là một thông điệp cho chúng ta, hướng dẫn chúng ta đến những quyết định quan trọng trong cuộc sống, hướng dẫn chúng ta những gì đáng để đầu tư cuộc sống của chúng ta. Đầu tư vào một cái gì đó nhất thời, hay vào những lời của Chúa là những điều còn mãi mãi? Rõ ràng là chúng ta sẽ chọn những điều còn mãi. Nhưng điều đó không dễ chút nào. Thật vậy, những điều đến trước mắt chúng ta và cho chúng ta sự hài lòng ngay lập tức thường thu hút chúng ta, trong khi những lời của Chúa, mặc dù đẹp đẽ, vượt ra ngoài cái nhìn trước mắt và đòi hỏi sự kiên nhẫn. Chúng ta bị cám dỗ để bám vào những gì chúng ta nhìn thấy và chạm vào được, và vào những gì có vẻ an toàn hơn đối với chúng ta. Đó là lẽ thường tình của con người, đó là cám dỗ. Nhưng đây là một sự lừa dối, bởi vì “trời đất sẽ qua đi, nhưng lời Thầy nói sẽ không qua đi”. Vì vậy, đây là lời mời gọi: đừng xây dựng cuộc sống của anh chị em trên cát. Khi ai đó xây nhà, họ đào sâu và đặt nền móng vững chắc. Chỉ có kẻ ngốc mới nói rằng tiền sẽ bị lãng phí vào một thứ không thể nhìn thấy được. Theo Chúa Giêsu, người môn đệ trung thành là người sống vững chắc trên đá tảng, là Lời của Người (x. Mt 7, 24-27), trên những gì không qua đi, trên sự vững chắc của Lời Chúa Giêsu: đây là nền tảng của sự sống mà Chúa Giêsu muốn ở chúng ta, và sự sống sẽ không qua đi.

Khi chúng ta đọc Lời Chúa, các câu hỏi luôn luôn nảy sinh, cho nên bây giờ chúng ta tự hỏi đâu là trung tâm, đâu là nhịp đập của Lời Chúa? Nói cách khác, điều gì mang lại sự vững chắc cho cuộc sống, và sẽ không bao giờ kết thúc? Thánh Phaolô nói điều đó với chúng ta. Thánh Phaolô nói: “Đức mến không bao giờ mất được” Tình yêu không bao giờ kết thúc (1Cr 13: 8). Những người làm điều tốt, đang đầu tư vào cõi vĩnh hằng. Khi chúng ta thấy một người quảng đại và hữu ích, hiền lành, nhẫn nại, không đố kỵ, không buôn chuyện, không khoe khoang, không kiêu căng, không bất kính (x. 1 Cr 13: 4-7. ), thì chúng ta nhận ra đây là một người xây dựng Thiên đường trên trái đất. Họ có thể không được chú ý hoặc sự nghiệp không gây được tiếng vang, tuy nhiên, những gì họ làm sẽ không mất đi vì cái tốt không bao giờ mất đi, cái tốt tồn tại mãi mãi.

Và chúng ta, anh chị em thân mến, hãy tự hỏi: chúng ta đang đầu tư cuộc sống của mình vào điều gì? Về những thứ đã qua, chẳng hạn như tiền bạc, thành công, ngoại hình, thể chất? Chúng ta sẽ không mang được theo với mình những thứ này. Chúng ta có gắn bó với những thứ trần gian, như thể chúng ta sẽ sống ở đây mãi mãi không? Khi chúng ta còn trẻ và khỏe mạnh, mọi thứ đều tốt đẹp, nhưng đến thời điểm phải ra đi, chúng ta sẽ phải bỏ lại tất cả.

Lời Chúa cảnh báo chúng ta hôm nay: thế giới này sẽ qua đi. Và sẽ chỉ còn lại tình yêu. Do đó, đặt cuộc sống của một người dựa trên Lời Chúa không phải là trốn tránh lịch sử, nhưng là đắm mình vào những thực tại trần thế để làm cho chúng trở nên vững chắc, biến đổi chúng bằng tình yêu thương, khắc ghi vào chúng dấu chỉ vĩnh cửu, dấu chỉ của Thiên Chúa. Sau đây là một số lời khuyên để đưa ra những lựa chọn quan trọng. Khi tôi không biết phải làm gì, không biết phải làm thế nào để đưa ra một lựa chọn dứt khoát, một quyết định quan trọng, một quyết định liên quan đến tình yêu của Chúa Giêsu, tôi phải làm gì? Trước khi quyết định, chúng ta hãy tưởng tượng rằng chúng ta đang đứng trước mặt Chúa Giêsu, như vào cuối cuộc đời, trước mặt Đấng là tình yêu. Và tưởng tượng mình ở đó, với sự hiện diện của Ngài, trước ngưỡng cửa của cõi đời đời, và chúng ta đưa ra quyết định cho ngày hôm nay. Chúng ta phải quyết định theo cách này: luôn nhìn về cõi vĩnh hằng, nhìn vào Chúa Giêsu. Đó có thể không phải là điều dễ dàng nhất, cũng có thể không phải là điều ngay lập tức có thể làm được, nhưng nó sẽ là điều đúng đắn (xem Thánh Inhaxiô thành Loyola, Linh Thao, 187), chắc chắn là như thế.

Xin Đức Mẹ giúp chúng ta có những lựa chọn quan trọng trong cuộc đời như Mẹ đã làm: đó là theo tình yêu, theo Chúa.

Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói thêm như sau:

Anh chị em thân mến,

Hôm nay chúng ta kỷ niệm Ngày Thế Giới Người Nghèo lần thứ 5, bắt đầu như một hoa trái của Năm Thánh Lòng Thương Xót. Chủ đề của năm nay là lời của Chúa Giêsu: “Người nghèo sẽ luôn ở bên anh em” (Mc 14: 7). Và quả đúng như vậy: nhân loại tiến bộ, phát triển, nhưng người nghèo luôn ở với chúng ta, luôn có người nghèo, và trong họ, Chúa Kitô hiện diện, Chúa Kitô hiện diện trong người nghèo. Ngày hôm kia, tại Assisi, chúng ta đã trải qua một khoảnh khắc làm chứng và cầu nguyện mạnh mẽ, mà tôi mời anh chị em lặp lại vì điều đó sẽ có ích cho anh chị em. Và tôi biết ơn vì nhiều sáng kiến liên đới đã được tổ chức trong các giáo phận và giáo xứ trên khắp thế giới.

Tiếng kêu của người nghèo, hòa với tiếng kêu của Trái đất, đã vang lên trong những ngày gần đây tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc COP26 ở Glasgow. Tôi khuyến khích tất cả những người có trách nhiệm chính trị và kinh tế hành động ngay bây giờ với lòng dũng cảm và một tầm nhìn xa; đồng thời kêu gọi mọi người có thiện chí thực hiện quyền công dân tích cực vì sự nghiệp chăm lo cho ngôi nhà chung. Vì vậy, hôm nay, nhân Ngày Thế giới vì Người nghèo, nền tảng Laudato si, nền tảng thúc đẩy hệ sinh thái toàn diện, sẽ bắt đầu nhận ghi danh.

Hôm nay cũng là Ngày Bệnh tiểu đường Thế giới, một căn bệnh mãn tính đang làm khổ nhiều người, kể cả thanh niên và trẻ em. Tôi cầu nguyện cho tất cả họ và cho những người chia sẻ sự mệt mỏi của họ hàng ngày, cũng như cho các nhân viên chăm sóc sức khỏe và tình nguyện viên hỗ trợ họ.

Và bây giờ tôi xin chào tất cả anh chị em, những tín hữu của Rôma và những người hành hương từ nhiều quốc gia khác nhau. Tôi thấy rất nhiều lá cờ ở đó... Đặc biệt là những người đến từ Tây Ban Nha và Ba Lan. Tôi chào nhóm hướng đạo từ Palestrina và các tín hữu từ giáo xứ San Timoteo ở Rome và từ giáo xứ Bozzolo.

Chúc anh chị em một ngày Chúa Nhật nhiều may lành. Và xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và xin chào tạm biệt!
Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Thánh Lễ Khai Mạc 90 Năm Hồng Ân Dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ
Lê Đình Thông
10:30 14/11/2021
Thánh Lễ Khai Mạc 90 Năm Hồng Ân Dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ

Sáng 13/11/2021, linh mục Ignatio Nguyễn Duy Lam, giám tỉnh dòng Phanxicô Việt Nam cùng với hai LM Giuse dòng Phanxicô : cha Nguyễn Xuân Thảo và cha Giuse Lê Thanh Đề đã cử hành Thánh lễ khai mạc 90 năm Hồng ân của tỉnh dòng Phan Sinh Thừa sai Đức Mẹ (1932-2022) tại nguyện đường tỉnh dòng 269, Nguyễn Văn Đậu, Saigon. 90 năm hiện diện bắt đầu với 6 nữ tu của tỉnh dòng FMM Pháp, tính đến năm 1975 đã có 46 nữ tu khấn trọn, 8 khấn tạm, 6 tập sinh, và ngày nay : 146 khấn trọn, 59 khấn tạm, 12 tập sinh, 50 nữ tu truyền giáo ngoài biên thùy. Màu nâu trên cung thánh tượng trưng tinh thần Phan Sinh, hình chân phước Marie de la Passion, đấng sáng lập dòng là biểu tượng của Thừa sai và thánh tượng Đức Mẹ, ghép lại là Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ.

Mở đầu Thánh lễ, LM Nguyễn Duy Lam đã nhắc lại câu nói của thánh Phanxicô : ‘‘Hãy sửa lại nhà ta’’. Ngài đã mời gọi các chị nữ tu góp phần trùng tu Hội thánh, xã hội và thực tại, sửa lại bản thân vốn là ngôi nhà đầu tiên cần sửa chữa. Áo lễ và lãng hoa trên cung thánh màu vàng nói lên ý nghĩa trọng đại của Thánh lễ khai mạc.

Ý nghĩa này được nữ tu giám tỉnh Anna Nguyễn Thị Tạo nói đến trong thư gửi Sr Françoise Massy, Bề trên Tổng quyền FMM : ‘‘Chúng em muốn tận dụng cơ hội phúc lành này để đọc lại đời sống tâm linh của mình với tư cách là Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ, trở về nguồn và làm mới cách đáp trả của chúng em để có khả năng sống trọn vẹn ơn gọi Phan Sinh Thừa sai Đức Mẹ trong Giáo Hội và trong đất nước Việt Nam.’’

Bài đọc 1 là lời Chúa hướng về các nữ tu ‘‘lập một hôn ước vĩnh cửu, trong công minh và chính trực, trong ân tình và xót thương’’ (Hs, 2,20-22). Bài đọc 2 nói lên sứ mạng thừa sai : ‘‘chính Người là Đấng chúng tôi rao giảng, khi khuyên bảo mỗi người và dạy dỗ mỗi người với tất cả sự khôn ngoan, để giúp mỗi người nên hoàn thiện trong Đức Ki-tô.’’ (Cl 1,24-29).

Bài Phúc âm theo thánh Luca là lời kinh Magnificat : ‘‘Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng độ tôi. Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới; từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc. Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn! Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người. Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng. Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường. Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư, người giàu có, lại đuổi về tay trắng. Chúa độ trì Ít-ra-en, tôi tớ của Người, như đã hứa cùng cha ông chúng ta, vì Người nhớ lại lòng thương xót dành cho tổ phụ Áp-ra-ham và cho con cháu đến muôn đời’’ (Lc 1, 39-56).

Trong bài giảng, LM Nguyễn Duy Lam nói đến sứ mạng phi thường của Đức Mẹ vốn chỉ là một bổn phận bình thuờng. Chúa Giêsu sống cuộc đời lữ hành trong sự bình dị. Ngài rao giảng Tin Mừng bằng những lời lẽ đơn sơ. Thánh Phanxicô đã sống đơn sơ và giản dị để yêu mến Chúa nhiều hơn. Mẹ Marie de la Passion đề cao lối sống nghèo khó, đơn sơ của thánh Phanxicô. Ngài cầu bầu cùng Chúa ban cho các chị sự bình an và hạnh phúc trong đời tu.

Các nữ tu đã cầu xin Thiên Chúa, nhờ lời cầu bầu của thánh Phanxicô và chân phước Marie de la Passion, ban ơn cho Giáo hội, cho thế giới, cho các hội viên hội Yểm trợ Ơn gọi, cho các FMM đã qua đời và các FMM hôm nay.

Sau cùng, chị Anna Nguyễn Thị Tạo, giám tỉnh dòng Phan sinh Thừa sai Đức Mẹ đã bày tỏ lòng biết ơn cha Giám tỉnh và quý cha đã cử hành Thánh lễ trong tình huynh đệ Phan sinh. Thánh lễ khai mạc là một sự hiệp thông linh thiêng, trong hoàn cảnh cách ly của dịch bệnh. Vì vậy, thánh lễ được truyền đi trực tuyến để các thành viên trong gia đình Phan Sinh cùng hiệp thông cầu nguyện.

Lê Đình Thông
 
Từ Washington DC: Hình ảnh sinh hoạt cuả Giáo Xứ Đức Mẹ Việt Nam
Trần Mạnh Trác
17:26 14/11/2021
Xem hình ảnh

Trở lại vùng Washington DC lần đầu tiên sau 2 năm đại dịch, để thăm gia đình người con đỡ đầu từ hồi còn sống ở Vũng Tàu VN trước năm 75, hiện đang sinh hoạt trong ca đoàn cuả Giáo Xứ Đức Mẹ Việt Nam, chúng tôi đã có dịp quan sát một số sinh hoạt cuả Giáo Xứ và được gặp gỡ vị linh mục vừa rất trẻ vừa rất vui vẻ hiếu khách, Cha sở Phaolô Trần Xuân Tâm.

Nếu kể chuyện dông dài về Gx Việt Nam tại thủ đô Hoa Kỳ này, thì có lẽ có nhiều điều phải nói lắm, nhưng xin để dành cho các vị cao minh và hiểu biết nhiều hơn về lịch sử.

Riêng ở đây chúng tôi chỉ xin đưa ra một nhận xét rất vui mừng là sau 2 năm mà cà Thế Giới đã phải chùm chăn sống trong lo sợ vì cơn đaị dịch cuả Tàu, Giáo Xứ Đức Mẹ Việt Nam ở đây hình như đã đi trước nhiều nơi trong việc phục hồi các sinh hoạt đoàn thể.

Những hình ảnh ghi nhận ở đây là một bằng chứng sống động. Hy vọng lần sau sẽ có nhiều chuyện vui hơn để tường trình với quí độc giả.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Lễ Các Thánh Tử Đâo VN : Quá Khóa: Một Trong Các Biện Pháp Triều Đình Huế Ép Buộc Người Theo Đạo Da Tô Phải Bỏ Đạo
Nguyễn Văn Nghệ
10:20 14/11/2021
Quá Khóa: Một Trong Các Biện Pháp Triều Đình Huế Ép Buộc Người Theo Đạo Da Tô Phải Bỏ Đạo

Đạo Da Tô(1) dưới thời vua Gia Long và những năm đầu thời vua Minh Mạng tương đối bình yên. Lệnh bắt đạo được manh nha bắt đầu từ vụ tranh nhau đất làng giữa hai làng Dương Sơn và Cổ Lão(2): “Dương Sơn, Cổ Lão cơ cầu/ Kiện nhau giới hạn, tranh nhau đất làng/ Dương Sơn có đạo vẹn toàn/ Cổ Lão không đạo quyết toan gây thù/ Bởi lòng giận ghét phao vu/ Trước vô phủ huyện, sau vô pháp đường/ Rằng: “ Đạo ỷ thế Tây dương/ Phan Kinh đạo trưởng(3) mối giường đôi co/ Cao minh chậu úp khôn dò/ Việc đầu thời nhỏ sau to bằng trời”(4).

Theo linh mục Đặng Đức Tuấn (1806-1874) sau vụ “Kiện nhau giới hạn, tranh nhau đất làng” đã dẫn đến việc vua Minh Mạng ban hành lệnh cấm đạo trên toàn quốc: “Chỉ truyền cấm đạo mọi nơi/ Minh Mạng trị đời năm thứ mười ba/ Bắc Nam khắp chốn gần xa/ Đạo đường triệt hạ các cha tử hình/ Giáo nhơn ai chẳng thuận tình/ Trảm giảo lập tức lôi đình oan gia/ Ai mà thập tự bước qua/ Ấy là thiên thiện chỉ tha về nhà”.

Trong bản điều trần của Linh mục Đặng Đức Tuấn dâng lên vua Tự Đức (nguyên bản điều trần không có đề tựa, người đời sau đặt cho bản điều trần đó tên “Minh đạo bình Tây sách”) có đoạn nhắc đến việc vua Minh Mạng ra lệnh cấm đạo: “Chí Minh Mạng thập tam niên, nhân hữu thù tật đạo giáo trung nhân, kỳ thủy giả đồ mưu vụ hại, dĩ khoái kỷ tư thù, kỳ chung dã toại trí la hình nhi nhương thành đại họa. Tự thị, thủy hữu cấm chỉ chi lịnh. Ty âm nhứt giáng, thiên hạ chi nhân đô mục chi vi vô quân vô phụ chi đồ, nhi phàm tạ đoan tư sự giả, mỗi mỗi chấp thử lệ dĩ vi sấu nhân phì kỷ chi tư! Sử tuân phụng Thiên Chúa giả, hình ngục tương kế, bị lụy vô cùng, động nhiếp hiệt sưu, vô sở khống tố. Trí an phận thư pháp chi lương dân, thụ hàm oan ư quang thiên hóa nhật chi hạ”. (Kịp đến năm Minh Mạng thứ 13, nhân có người thù hiềm với giáo dân, lúc đầu chỉ là việc vu cáo, hãm hại để trả thù riêng mà về sau oan ngục liên miên, gây thành họa lớn. Từ đó, mới bắt đầu có chỉ dụ cấm đạo. Tiếng ty ngôn đưa xuống, sợi tơ vụt lớn như bánh xe, người trong nước đều coi giáo dân là phường không vua không cha rồi những kẻ hiếu sự, bất cứ việc gì cũng cứ vin theo lệ ấy để cho thỏa lòng tham bạo, lấy của người làm giàu cho nhà mình.Thành ra, những người theo đạo Da Tô kế tiếp nhau vào nhà tù, bị lụy vô cùng, xiềng xích gông cùm, không mở miệng kêu oan vào đâu được. Đến nỗi, dưới ánh mặt trời sáng sủa, trong vòng giáo hóa nhân ái của nhà vua mà một lũ dân tuân giữ phép nước, phụng sự hoàng triều lại chịu hàm oan thảm thiết – Giáo sư Lam Giang dịch)

Sự thực là sau vụ Dương Sơn, Cổ Lão, những viên chức làng Công Giáo Dương Sơn “bị đóng gông một tháng, khi mãn hạn phải đánh 100 trượng, rồi phân phát đi làm lính ở các nơi Quảng Ngãi, Thanh Hoa(5). Ngoài ra đàn bà đàn ông ở dân ấy bị đánh roi, đánh trượng rồi tha. Đạo trưởng Phan Văn Kinh thì tâu xin xử tội giảo giam hậu, đợi lệnh, nhà thờ đạo thì dỡ đi”. Riêng đạo trưởng Phan Văn Kinh “vì là người ngoại di ở phương xa, chưa thuộc pháp độ, được gia ơn cho làm lính ở phủ Thừa Thiên, nhưng bị quản thúc nghiêm nhặt hơn và không cho ra ngoài để truyền giáo”(6)

Cho tới cuối năm Minh Mạng thứ 13, nhà vua chỉ mới ban hành những biện pháp ngăn chặn sự xâm nhập và hạn chế hoạt động của các vị Thừa sai nước ngoài (gom các Thừa sai về Kinh đô gọi là để dịch sách) chứ chưa ban hành một biện pháp chung nào chống lại đạo Công Giáo.

Tháng 11 năm Nhâm Thìn (1832) vua Minh Mạng dụ bộ Hình rằng: “Đạo Da Tô nguyên từ người Tây dương đem vào truyền bá đã lâu, dân ngu phần nhiều bị mê hoặc mà không biết hối. Thử nghĩ: cái thuyết thiên đường, tóm lại chỉ đều là chuyện hoang đường, không có bằng chứng. Hơn nữa không kính thần minh, chẳng thờ tiên tổ, rất trái với chính đạo. Thậm chí lập riêng nhà giảng tụ tập nhiều người, cám dỗ dâm ô phụ nữ, lừa gạt lấy mắt người ốm. Những việc trái luân lý, hại phong hóa, điều ấy kể ra còn nhiều, thực đã phạm đến pháp luật. Đạo ấy lại quy là tà thuật hơn đạo nào hết. Trong luật đã có điều cấm rõ ràng rồi…”

Tiếp đến vua Minh Mạng “truyền dụ Tổng đốc, Tuần phủ các tỉnh bá cáo khắp quan, quân, dân, thứ trong hạt. Có ai trước đã trót theo đạo Da Tô, nay nếu cảm phát lương tâm, biết sợ, biết hối, thì cho phép được đến bày tỏ với quan sở tại, tình nguyện bỏ đạo. Quan địa phương xét quả thành thực thì sai làm ngay tại chỗ: bước qua cây thập tự. Rồi làm tập tâu lên vua, sẽ được chuẩn cho miễn tội. Còn những nhà thờ, nhà giảng, thì ra lệnh cho hủy triệt đi. Bao nhiêu việc mê tín sai lầm trước đó đều không xét nữa. Sau phen răn bảo thiết tha này, nếu kẻ nào không chừa thói cũ còn dám lén lút tụ tập nhau, cam tâm vi phạm lệnh cấm, một khi phát giác ra thì liền trị tội nặng. Lại nghiêm cấm lũ võ biền, lại dịch và các tổng lý không được tạ sự mà nộ nạt, hống hách, bắt càn nhiễu dân. Kẻ nào vi phạm sẽ phải tội”(7).

Như vậy vào tháng 11 năm Nhâm Thân (cuối năm 1832, đầu năm 1833) lệnh bắt đạo được chính thức ban hành. Khi người Công Giáo bị bắt tới công đường, biện pháp đầu tiên là “quá khóa” (nhảy qua thập tự).

Bước qua( nhảy qua) thập tự gọi là “quá khóa” (“quá khóa” là âm Hán Việt. Trong chữ Hán, “Quá” thuộc bộ “sước” 9 nét có nghĩa là qua, vượt qua; “Khóa” thuộc bộ “túc” 6 nét có nghĩa là vượt qua, nhảy qua. “Quá khóa” có nghĩa là vượt qua, nhảy qua).

Triều đình đã “Truyền dụ cho các quan trực tỉnh thông sức cho quân dân trong hạt biết, ai trót theo đạo Da Tô, đã từng được quan cho nhảy qua thập ác xin bỏ đạo thì nay nên hối cải, hẳn không được mặt thuận lòng trái, lại theo tà giáo; ai chưa bỏ đạo thì đều đến tỉnh thành trình bày thú thật, liền cho nhảy qua thập ác, giày đạp lên 2, 3 lần, xét là do ở chân thành thì lập tức cho về”(8).

Khi bị bắt tới quan mà không chịu quá khóa: “Tới quan truyền bảo một khi/ Hễ bay xuất giáo tao thì tha cho/ Đứa nào cứng cổ cượng co/ Dây roi có đó, nọc vồ có đây/ Bây đừng quen thói dại ngây/ Đạo Ta thời bỏ, đạo Tây lại thờ/ Khá tua cải quá bây giờ/ Bước qua thập tự ngõ nhờ ơn tha/ Chẳng nghe tao cũng xẻ da/ Phước đâu chưa thấy tội ra hằng hà”.

Bản thân Linh mục Đặng Đức Tuấn đã từng bị quan tỉnh Quảng Ngãi bắt quá khóa, nhưng do Linh mục ứng đối có tình có lý nên thoát khỏi “tấn tra” và được quan trên khen: “Sáng ngày Bố, Án(9) ngồi cao/ Đòi Tuấn vào đó, lẽ nào phải khai/ Dạy đem sách lễ ra ngoài/ Giở nơi có ảnh hình hài Chúa ta/ Quan rằng: “ Tuấn phải bước qua/ Chẳng làm thì phải tấn tra bây giờ”/ “ Bẩm ông xuống phước tôi nhờ/ Ảnh này hình Chúa tôi thờ xưa nay/ Thờ vua còn phải hết ngay/ Thờ Chúa đâu dám đạp giày thế ni?/ Ngày xưa lòng đã kính vì/ Ngày nay trở mặt đạp đi sao đành?/ Ông lớn rộng lượng thẩm tình/ Vốn tôi chẳng dám mạn khinh Triều đình”/ Bố rằng: “ Hắn nói cũng minh”/ Dạy đem sách lễ ngoài dinh trở vào”.

Những người đạo đức “linh chinh” thấy quan trên hù dọa liền bước qua thập giá xin bỏ đạo: “Những người đạo đức linh chinh/ Lo sợ xác đất, u minh phước trời/ Vào quan chưa hỏi một lời/ Đã lo xuất giáo ở đời cho an/ Nghĩ rằng: liều mạng bước ngang/ Mai sau thỉnh thoảng sẽ toan lo liều”.

Ngoài những người “đạo đức linh chinh” quá khóa, cũng có vài đạo trưởng (linh mục) cũng quá khóa. Đại Nam thực lục cho biết: “Còn như Phạm Văn Duyệt, Mai Văn Hiền là người nước nhà học đạo trở thành đạo trưởng, một khi chịu đạp phá thập giá mà bỏ tà đạo về chính giáo thì triều đình lập tức tha tội, nay chúng hiện ở nhà an dưỡng, hưởng trọn tuổi trời, sung sướng biết dường nào”(10).

Gioan Phạm Văn Duyệt(11) thuộc địa phận Tây Đàng Ngoài, Vincente Mai Văn Hiền(12) thuộc địa phận Đông Đàng Ngoài. Theo báo cáo của các Thừa sai là hai vị này đã được hòa giải nhưng không cho thi hành chức vụ. Theo Louvet: “Đó là hai linh mục bản xứ duy nhất chối đạo”(13).

Nhưng theo Đại Nam thực lục còn có linh mục Nguyễn Văn Thiều tuy bước qua thập tự nhưng vẫn bị xử chém: “Tỉnh Nam Định bắt được các tên đạo trưởng Da Tô là Đinh Viết Dụ, Nguyễn Văn Xuyên (đều người bản quốc)(14), sai nhảy qua thập tự, chúng đều không chịu. Quan tỉnh đem việc ấy tâu lên. Vua sai giết chết và thưởng cho kẻ tố giác 600 quan tiền. Lại có tên đạo trưởng là Nguyễn Văn Thiều lẩn trốn ở nhà dân, đào hầm ẩn thân, làm vách hai lần để giấu kinh đạo, lại làm bài “ Thán đạo ngâm” (Thở than cho đạo Da Tô) dụ dỗ những kẻ theo đạo kiên tâm giữ đạo. Tỉnh phái thám bắt được. Thiều xin nhảy qua thập tự cầu tha cho tội chết. Quan tỉnh cho là tình tội của y tương đối nặng, điều mà y thỉnh cầu không phải xuất phát tự chân tâm, xin khép tội trảm quyết. Vua theo lời”(15).

Có những người sau khi nhảy qua Thập tự, xin bỏ đạo, sau đó hồi tâm ăn năn và đến trước quan tuyên xưng đức tin. Tháng 8 năm Mậu Tuất (1838)Tổng đốc Định- Yên (Nam Định và Hưng Yên)là Trịnh Quang Khanh tâu nói: “Biền binh các cơ thuộc tỉnh ấy phần nhiều theo đạo Da Tô, đã sức cho bước qua thập tự, trong đó có bọn Phạm Viết Huy, Đinh Đạt, Bùi Đức Thể 2, 3 lần dụ bảo, đều xin chết theo Thiên Chúa, vẫn không chịu bước qua, xin nên xử tội chém”.

Vua Minh Mạng bảo: “Bọn chúng chỉ ngu xuẩn chấp mê nhất thời, so với người cưỡng hiếp tội nặng, tình tội có khác, gươm búa đã chém, muốn hối sao được, lòng trẫm thương xót hiếu sinh, không nỡ thế, chuẩn cho đem đến bãi biển, sai bước qua chữ thập, bảo cho bọn chúng tính mệnh ở giây phút, nếu không bước qua, tức thì chém đầu quăng xuống biển, rất không có lý lại thấy giáo chủ Da Tô, nếu chúng bước qua ngay thì là còn biết sợ, còn có một điểm lòng người cảm hối, tức cứ thực tâu lên, không thế thì chém cũng chưa muộn”. Quang Khanh bèn đem bọn Viết Huy bảo cho họa phúc, chúng đều bước qua hơn 10 lần, sai tha cho và thưởng cho mỗi người 10 quan tiền, để khuyến khích người trót theo tả đạo hối(16).

Đến tháng 5 năm Kỷ Hợi (1839): Binh tỉnh Nam Định là bọn Phạm Viết Huy, Bùi Đức Thể(17) đến Kinh vượt bậc kêu rằng: “ Ông cha chúng tôi đời đời theo đạo Da Tô, năm ngoái chúng tôi nhảy qua giá thập ác là do quan tỉnh bắt ép, không phải chân tâm chúng. Nay xin vẫn theo đạo ấy để giữ tròn đạo hiếu làm con, chết cũng không hối hận”.Tam pháp ty đem việc ấy tâu lên vua. Vua lấy làm lạ nói: “ Bọn chúng bị tà giáo dụ dỗ đã lâu, mê muội không biết hối cải. Trước tỉnh đã làm án, bộ đã phúc thẩm, người người đều nói đáng giết. Nhưng trẫm còn chưa nỡ vội khép vào pháp luật, tìm mọi cách hiểu bảo, mong chúng tỉnh ngộ. Kịp khi tỉnh ấy tâu chúng đã thành tâm bỏ đạo, thì lập tức tha ngay và lại thưởng cho. Nay chúng lại một mực ngoan ngạnh tối tăm, dám bỏ hàng ngũ vào Kinh khiếu khống. Vậy truyền cho vệ Cẩm y áp giải chúng ra bãi biển dùng búa lớn chặt ngang lưng vứt xác xuống biển”.

Riêng Đinh Đạt(18) không vào Kinh khiếu khống : “Ở tỉnh cho đem gạn hỏi lại, cũng một mực không chịu bỏ đạo, cùng đem giết cả”(19)

Vua Tự Đức lên ngôi vua chưa đầy một năm, quần thần là Nguyễn Đăng Giai, Tôn Thất Bật, Nguyễn Văn Chấn bày tâu 13 việc trong đó có việc cấm đạo Da Tô: “Xin từ nay phàm những đạo trưởng ở Tây dương lẻn đến nước ta thì cho quân dân mọi người ai có thể bắt được giải nộp quan, thưởng cho 300 lạng bạc. Còn người đạo trưởng Tây dương ấy do quan sở tại xét hỏi rõ ràng lai lịch, lập tức đem việc dâng tâu, cho đem đích thân tên phạm ấy ném bỏ xuống sông, biển. Còn như những đạo trưởng và bọn theo đạo người nước nhà, xin do các nha xét việc hình 2-3 lần mở cho biết tội, nếu họ biết hối cải bỏ đạo, bước qua cây giá chữ thập, thì thả ra ngay. Người nào không chịu nhảy qua cây giá chữ thập, thì người đạo trưởng cũng xin xử tử; các con chiên theo đạo, thì hãy tạm thích chữ vào mặt, đuổi về sổ dân. Nếu biết hối cải, thì cũng cho đến quan để trừ bỏ chữ thích ấy đi. Lại các người can phạm về theo đạo Da Tô hiện đang giam cấm, xin cũng phân biệt đạo trưởng và con chiên theo đạo, chiểu theo như trên mà làm”. Những lời tâu ấy: “giao xuống cho đình thần bàn. Xin y lời tâu bày. Vua đều y theo cả, chuẩn cho chép để làm lệ”(20)

Ngày 1/9/1858 Liên quân Pháp và Y Pha Nho tấn công Đà Nẵng, do nghi ngại người dân theo đạo Da Tô: “Rằng quân Tả đạo với Tây/ Một lòng sinh sự phá rày biên cương”, cho nên vào ngày 24/9 năm Tự Đức thứ 11 (tức 30/10/1858) bộ Binh đã mật tư cho tỉnh Quảng Bình và phủ Thừa Thiên: “Lâu nay dương di gây sự ở tấn Đà Nẵng, gian dân tả đạo ở các nơi không khỏi ngóng trông ngầm thông tin tức, cần phải xét hỏi nghiêm ngặt để dứt tuyệt mầm mống. Xét ra ở quý hạt có hai cửa quan là Quảng Bình và Hoành Sơn(21) là hai nơi quan yếu và xa cách, vậy xin chuyển sức cho các viên biền trấn thủ hai cửa quan ấy hãy chế tạo ảnh tượng Da tô và thập tự giá đặt tại cửa quan, tất cả những ai ra vào, dù nam phụ lão ấu, đều bắt bước qua lại hai, ba lần, rồi mới cho đi. Nếu ai tránh né, có vẻ không bằng lòng, không chịu bước qua, tức đúng là người gian, cho phép cứ vặn hỏi do lai, lục soát khắp thân thể, nếu gặp có sách Tây dương, đồ vật Tây dương thì giải tỉnh cứu xét trị tội không để cho bọn gian qua lại mưu đồ gây chuyện mới được(…). Nay tư cho quan tỉnh Quảng Bình tuân hành. Lại nữa (châu điểm) tư di cho phủ Thừa Thiên chuyển sức cho cửa quan Hải Vân đồng thấu” (Châu bản triều Tự Đức, Q. 94, Binh bộ, tr.33-34)(22)

Sau khi Liên quân Pháp và Y Pha Nho quay vào đánh chiếm Gia Định, vua Tự Đức đã ban dụ ra lệnh dùng các biện pháp để ngăn ngừa đạo Công Giáo ở Nam Kỳ, làm cho họ đừng đi theo, đừng buôn bán và liên lạc với giặc Pháp: Ra lệnh làm hình Chúa Giê su và cây thập tự đặt trên đường đi đến đồn giặc, để giáo dân không dám đi qua(23).

Hòa ước Nhâm Tuất (5/6/1862)được ký kết, triều đình bãi bỏ lệnh bắt đạo vào ngày 17/6 năm Nhâm Tuất ( dương lịch: Chúa nhật 13/7/1862): “Mười bảy tháng sáu chỉ ra/ Nam tráng đầu mục thảy tha phản hồi”. Đại Nam thực lục ghi: “Lại tha tội cho những dân xấu chưa bỏ đạo ở các hạt, lấy cớ là hòa nghị đã xong, nên bỏ lệ cấm đó. (Trừ ra những người thực có đích tình thông đồng với giặc do quan địa phương xét rõ trị tội thì không kể, còn các người bị giam hay an trí, thì những người đầu sỏ và trai tráng đều cho tha hết, ruộng vườn, gia sản, ra lính, tạp dịch các khoản đều tuân theo Dụ trước mà làm. Vì lệnh giam giữ năm trước, ở Nam Định rất nghiêm ngặt, đem chém hơn 4800 người, Nguyễn Đình Tân sợ bọn dân đạo để lòng thù oán theo giặc, xin một hạt Nam Định, hãy cứ giam giữ như cũ. Vua không cho) (24)

Thánh giá (Thập tự) là gì mà tổ tiên những người theo đạo Công Giáo một mực hết lòng yêu mến và cung kính, thà chết chớ không bao giờ dám nhảy qua thánh giá?

Chúng ta hãy lắng nghe lời Giáo hoàng Gioan-Phao lô II giải thích trong ngày Quốc tế Giới Trẻ năm 2002: “Hỡi các bạn trẻ yêu quý, qua việc tham dự chăm chỉ và nhiệt tình của các con vào việc cử hành trọng thể này, các con chứng tỏ các con không hổ thẹn vì thánh giá. Các con không sợ thánh giá Chúa Ki tô. Ngược lại các con yêu mến thánh giá và các con cung kính thánh giá, bởi vì thánh giá là dấu chỉ Đấng Cứu thế chết và sống lại vì chúng ta. Kẻ nào tin vào Chúa Giê su chịu đóng đinh và phục sinh thì ca tụng thánh giá, như bằng chứng chắc chắn Chúa là tình yêu”

Nguyễn Văn Nghệ

Giáo xứ Cây Vông- Diên Khánh- Khánh Hòa

Chú thich:

1-Da Tô: Các văn bản xưa nay đại đa số ghi là Gia Tô. Da Tô được phiên âm từ chữ Hán. Trong chữ Hán, bên trái là chữ “nhĩ”, bên phải là bộ “ấp” đọc là Da chứ không phải Gia. Từ “Da Tô” không có ý nghĩa miệt thị như nhiều người nghĩ. Hán Việt tự điển của Thiều Chửu giải thích Da Tô là: “ dịch âm chữ Jésus, ông Chúa sáng tạo ra đạo Thiên Chúa”. Người Việt Nam nếu không gọi ông Jésus mà gọi ông Da Tô cũng cùng một nghĩa mà thôi. Trong bài “Hoán mê khúc” cụ Ngụy Khắc Đản có câu: “ Ba rằng: sự Chúa Da Tô/ Tội mình chưa khỏi mà mua tội người”

2- Dương Sơn, Cổ Lão: nay hai làng đều thuộc xã Hương Toàn, huyện Hương Trà. Trên đường từ Huế ra ra Văn Xá nhìn về bên tay phải, xa xa thấy tháp chuông nhà thờ Dương Sơn. Phía đông nam cách nhà thờ Dương Sơn khoảng hơn 500 mét là đình làng Cổ Lão.

3- Phan Kinh đạo trưởng là linh mục Francois Jaccard, sinh ngày 6/9/1799 tại Pháp, tên Việt là Phan. Bị xử giảo ngày 21/9/1838 tại pháp trường Nhan Biều (bờ bắc sông Thạch Hãn, nay thuộc thôn Nhan Biều, xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong).

4- Thơ trích từ tác phẩm “Đặng Đức Tuấn tinh hoa Công Giáo ái quốc Việt Nam” của Giáo sư Lam Giang Nguyễn Quang Trứ và Linh mục Hòa Tâm Võ Ngọc Nhã hợp trứ, In lần thứ nhất, Tác giả tự xuất bản, 1970.

5- Thanh Hoa: Thời Minh Mạng gọi là tỉnh Thanh Hoa, sang thời Thiệu Trị do kỵ húy tên mẹ mình là Hồ Thị Hoa, nên phải đổi thành Thanh Hóa vào tháng 7 năm Quý Mão (1843) (x. Đại Nam thực lục tập 6, Nxb Giáo dục, tr.515)

6- Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tập 3, Nxb Giáo dục, tr. 317.

7- Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tập 3, Nxb Giáo dục, tr.415-416

8- Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tập 5, Nxb Giáo dục, tr. 502.

9- Bố, Án: là quan Bố chánh sứ và Án sát sứ tỉnh Quảng Ngãi. Tự Đức năm thứ 13(1860) Bố chánh sứ và Án sát sứ Quảng Ngãi là Nguyễn Tăng Tín và Nguyễn Đăng Hành (x. Châu bản triều Tự Đức[1848-1883], Nxb Văn học, tr.105). Vào trước tháng 3 năm Nhâm Tuất (1862) Nguyễn Đăng Hành đã đổi vào giữ chức Bố chánh sứ tỉnh Khánh Hòa (x.Đại Nam thực lục tập 7, Nxb Giáo dục, tr. 763). Tháng 7 năm Quý Hợi (1863) Nguyễn Tăng Tín vẫn còn giữ chức Bố chánh sứ Quảng Ngãi. Riêng viên Án sát sứ cùng ngồi xử với Nguyễn Tăng Tín chưa tìm được danh tánh.

10- Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tập 5, Nxb Giáo dục, tr.554

11- “ Phạm Văn Duyệt là linh mục thuộc Địa phận Tây Đàng Ngoài- Thừa sai Retord trong thư viết tháng 12/1838 (APF 12 [Annales de la Propagation de la Foi], tr.514), nói đến Gioan Duyệt đã bị bề trên cấm thi hành chức vụ: “ Tên khốn nạn này, bê tha trước khi phản đạo, đã giậm lên thánh giá nhiều lần, mặc dầu giáo hữu la ó, bạn bè khuyên nhủ…Tất cả đều vô ích”. Nhưng trong phúc trình 4/3/1842, Giám mục Retord cho biết là Linh mục Duyệt đã được hòa giải và được lãnh nhận các bí tích (SOCP[ Scripture Original delle Cogregatione Particolari delle Indie Orienali] 1841-1845 fd. 463v”. Dẫn lại từ Trương Bá Cần (Chủ biên), Lịch sử phát triển Công Giáo ở Việt Nam tập II, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, tr. 89

12-“ Mai Đạo Hiền ( Đại Nam thực lục ghi Mai Văn Hiền- TG) là linh mục thuộc Đông Đàng Ngoài- Thừa sai Hermosilla, trong thư 22/4/1839 (APF tập 12, trang 397) viết: “ Vincent Sien (có lẽ in lầm), linh mục triều 87 tuổi”. Vị linh mục này sau khi giẫm chân lên Thánh giá đã hối hận, viết thư cho linh mục Hermosilla xin tha thứ. Linh mục Hermosilla tha tội, nhưng không cho thi hành chức vụ”. Dẫn lại từ Trương Bá Cần (Chủ biên), Lịch sử phát triển Công Giáo ở Việt Nam tập II, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, tr. 89)

13-Eugène Louvet, La Cochinchine Religieuse, tome II, p. 110 – Paris, 1883-1885. Dẫn lại từ Trương Bá Cần (Chủ biên), Lịch sử phát triển Công Giáo ở Việt Nam tập II, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, tr. 89.

14-Linh mục Đinh Viết Dụ, OP, bị bắt ngày 20/5/1839 tại Liễu Đề, trảm quyết ngày 26/11/1839. Linh mục Nguyễn Văn Xuyên, OP, bị bắt ngày 18/8/1839, trảm quyết ngày 26/11/1839.

15- Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tập 5, Nxb Giáo dục, tr.583.

16- Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tập 5, Nxb Giáo dục, tr. 376.

17- Theo Trương Bá Cần thì tại địa phương họ Hạ Linh (nay là Giáo xứ Liên Thượng, Giáo phận Bùi Chu) quê hương của Phạm Viết Huy ghi là Phan Viết Huy. Phạm Viết Huy Huy bị xử tử ngày 13/6/1839 “nhà vua đích thân ra lệnh chém đầu vứt xuống biển ở cửa Thuận An”. Bùi Đức Thể xử tử cùng ngày, cùng địa điểm như Phạm Viết Huy (X. Trương Bá Cần[Chủ biên], Lịch sử phát triển Công Giáo ở Việt Nam tập II, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, tr. 776, 777. Theo Đại Nam thực lục thì hai vị này bị “dùng búa lớn chặt ngang lung vứt xác xuống biển”.

18- Đinh Đạt đã chịu xử giảo ngày 18/7/1839 tại Nam Định (X. Trương Bá Cần[Chủ biên], Lịch sử phát triển Công Giáo ở Việt Nam tập II, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, tr.777.

19- Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tập 5, Nxb Giáo dục, tr. 503

20-Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tập 7, Nxb Giáo dục, tr. 83

21- Ở tỉnh Quảng Bình có hai cửa quan là Hoành Sơn quan trên Đèo Ngang và Quảng Bình quan ở Đồng Hới.

22- Dẫn lại từ Trương Bá Cần (Chủ biên), Lịch sử phát triển Công Giáo ở Việt Nam, tập II, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, tr. 220

23- Trung tâm nghiên cứu Quốc học, Châu bản triều Tự Đức[1848-1883],Nxb Văn học, tr. 67

24- Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tập 7, Nxb Giáo dục, tr.780
 
Văn Hóa
Tình Yêu Và Nỗi Nhớ - Nt Anna Hiền Linh MTGQN
Nt. Anna Hiền Linh - MTGQN
10:26 14/11/2021
Tình Yêu Và Nỗi Nhớ

(Chắc trên đời này không có gì có thể bù đắp được công ơn của cha mẹ và những người mà ta hằng yêu thương gắn bó… Chút tâm tình chia sẻ như một lời tri ân các bậc sinh thành đã một đời hy sinh quên mình để nuôi dưỡng con cái nên người mà nay đã ra đi vĩnh viễn…)

Trong cuộc đời chúng ta ít nhiều ai cũng đã một lần chứng kiến và trải qua cảnh chia lìa. Có những cuộc chia xa với những miền ký ức, có những cuộc chia xa với những vùng đất lưu giữ cả một thời thơ ấu; hay có những cuộc chia xa với một con người. Riêng tôi, tôi đã từng trải qua một cuộc chia lìa đầy tiếc nuối để rồi hôm nay cứ mỗi lần nhớ về cảm giác ngày ấy trong tôi như nghèn nghẹn trái tim và đong đầy nỗi nhớ thương.

Nhớ về cha, một người đáng kính đã ra đi để lại cho tôi một mẫu gương cao cả, một tấm lòng quảng đại thứ tha, một tinh thần hăng say, yêu thương và phục vụ gia đình trong tình Chúa và tình người, tình gia đình...

Cha! Tiếng gọi yêu thương ấy giờ đã không còn nữa, cha đã ra đi mãi mãi. Tuy hôm nay cha không còn hiện diện nhưng hình bóng và gương sáng của cha vẫn còn ghi dấu trong tâm hồn con. Con còn nhớ gia đình mình ngày ấy thắm đượm tình cha con, hạnh phúc có, buồn đau có và khó khăn vất vả cũng không thiếu… Những lúc như thế, cha như là chiếc cầu, chấp nhận chịu người khác giẫm lên để nối lại bến bờ yêu thương. Là gia đình nông thôn, lao động vất vả ngược xuôi nhưng chưa bao giờ cha để con thua kém bạn bè; nghèo về vật chất nhưng cha cho con cả một gia tài vững chắc về tinh thần. Cha là động lực, là sức mạnh và niềm vui cho con trong những lúc khó khăn. Cha tận tụy, chịu cực, chịu khổ, lên rừng, xuống ruộng, cày sâu, cuốc bẫm, dầm sương dãi nắng để lo cuộc mưu sinh cho gia đình. Cuộc sống của cha dường như không bị lệ thuộc vào tuổi tác, cha luôn sống vui và đồng hành với con trong mọi công việc. Cha mong con được mạnh khỏe và bình an. Khi con bắt đầu bước vào trường đời, cha là người bạn trung thành với con trong suốt quãng đường dài. Con còn nhớ năm ấy khi con còn học tiểu học, tấm lưng cha là phương tiện đưa con đến trường trong những ngày mưa gió, đôi chân cha không biết mỏi mệt để đi với con đến trường mỗi ngày, ánh mắt cha dường như không muốn chớp khi đứng quan sát con nhảy nhót cùng chúng bạn trong sân trường, tình thương của cha không bao giờ vơi cạn, tâm hồn cha luôn luôn phấn khởi và tư tưởng cha luôn phong phú, cha có nhiều sáng kiến để làm động lực cho con trên đường đời, nhất là mỗi khi kết thúc học kỳ, phần thưởng cha tặng cho con có lẽ không khi nào quên được. Mỗi năm học cha đều ra mức giải thưởng: Học sinh giỏi là cha cho kẹo kéo, học sinh tiên tiến là bánh mì nướng làm từ củ mì. Vì thèm kẹo kéo cha làm nên cố gắng học thật giỏi để được ăn kẹo kéo.

Những ngày tháng tiếp theo trong cuộc đời, nhất là khi con đi học xa nhà, cha luôn dõi bước theo con từ việc học hành đến nơi ăn chốn ở. Con biết thời gian này gia đình khó khăn, điều kiện sinh hoạt nơi con học cũng rất phức tạp nếu không có ý chí dễ chán nản, bỏ cuộc nhưng bằng mọi giá cha bắt con phải đi học và không để hoàn cảnh làm nhụt ý chí, phá hủy tương lai. Vì thương con mà cha bất chấp tất cả, vượt qua tuổi tác để hy sinh cho con. Khi con bước vào cấp ba là lúc tuổi cha cũng bắt đầu “ngã bóng” nhưng cha luôn luôn đồng hành, lo lắng cho con. Khi con sống xa nhà mỗi tuần cha đạp xe 15 cây số để thăm, có lúc mỗi tuần đến 2 lần mà còn chở theo gạo, đậu phộng, củi và những thứ khác để con có điều kiện sinh sống học tập. Cuộc sống xa nhà tự lập cũng không đơn giản với con, một cô gái nhà quê lên tỉnh, tất cả đều lạ lẫm và sợ hãi. Từ thầy cô, bạn bè, trường lớp, kiến thức và cảnh sống nhà trọ…, điều làm con ám ảnh nhất là bạn bè ở phố thường xuyên bắt nạt bạn bè thôn quê nên những ngày đầu đến trường đối với con là một gánh nặng, nhiều lúc muốn trốn học… Tất cả như đưa con vào một thế giới khác và phải mất rất nhiều thời gian để ổn định tâm lý. Cha là người bạn thân thiết nhất của con để con can đảm bước tiếp.

Những khi con muốn buông xuôi bỏ cuộc, cha là người đã chia sẻ, cảm thông. Lúc này cha vừa là anh, vừa là chị, đồng thời cũng là người mẹ cho con những lời khích lệ ngọt ngào nhất để mong con bắt đầu lại. Như đôi vai của Simon ngày xưa đã chia sẻ bớt gánh nặng Thập Giá và cùng Chúa vác Thập Giá đi đến đỉnh đồi Canvê. Đôi vai của cha đã gánh con đi vào đời bằng những hy sinh cực khổ mà cha đã dành cho con.

Thật đúng như triết gia Cicero từng nói: “Trên trái đất này, không có món quà nào ngọt ngào bằng tình yêu thương của người cha cho con mình". Cha ơi! Giờ này cha đã đi xa nhưng tình cha dành cho con thì không bao giờ cạn. Khi con cất tiếng gọi “ba…ba” thì con đã chợt nhận ra tình cha dành cho con là tình của một người cha hiền hòa và đầy trách nhiệm. Hành trang cha chuẩn bị cho con là tình thương, lòng bao dung tha thứ, niềm tin và tình yêu gia đình mà cha đã dành cho con. Có lúc cha là người mẹ cho con giấc ngủ bằng lời ru à ơi từ trái tim; có lúc cha là người bà đưa con vào giấc ngủ bằng những câu chuyện cổ tích thần tiên; đôi khi cha là người anh, người chị và là người bạn đồng hành cùng con trong cuộc sống… Bao yêu thương cha dành cho con chẳng lẽ không đủ để con nói lên một lời hay một câu yêu thương đáp lại tình cha sao? Con biết hôm nay cha không còn, cuộc sống của con từ rất lâu đã vắng bóng cha; con mất đi một chỗ tựa vững chắc mà bao nhiêu năm con tự hào với bạn bè và hàng xóm láng giềng. Làm sao con quên được hình ảnh của cha mỗi ngày cõng con đến trường trong những lúc mưa gió; cha còn đứng chờ con trước cửa lớp, cha cho con ngồi trên vai cha vì sợ con lội nước dơ chân khi đi qua con đường làng thôn quê lầy lội. Những ngày nắng đẹp cha cõng con đi hái trái dại ven đường, cha cùng con sánh bước trên con đường làng như hai người bạn cùng làng thân thiết. Những tháng năm con học gần nhà hầu như thầy cô giáo đều biết cha, không những biết mà còn quen thân. Vì thế những lỗi lầm con phạm ở trường không thể nào qua mặt cha được. Trước những kỳ thi, cha luôn thách thức con bằng những phần thưởng để mong con đạt được điểm cao. Quà cha cho con tuy đơn sơ bé nhỏ nhưng chưa đựng cả một chân trời yêu thương mà cha đã tích góp bằng cả tấm lòng của một người cha đầy trách nhiệm đối với gia đình và con cái. Cha ơi! Con còn nhớ rất rõ mùa đông năm ấy đang học con bị sốt cha đón con về sớm, cõng con trên vai cha nói: “Con à! Năm nay trời lạnh quá phải không con?”. Con biết cha đang nghĩ gì nhưng con chỉ im lặng. Cha nói tiếp: “Để mai mốt cha đem mấy ghim thuốc lá cha để dành hút trong năm ra chợ bán rồi mua cho con cái áo ấm”. Con chợt nhìn xuống quanh mình mới biết là mình không có áo ấm vậy mà bao mùa đông qua đi sao con chẳng thấy lạnh, và ngay lúc này con cũng không thấy lạnh. Hơi ấm của cha đã sưởi ấm con bao mùa đông giá rét, cha đã cho con hơi ấm của tình phụ tử, một hơi ấm mà dù khoa học có tiến bộ đến đâu cũng không thể có một phương tiện sưởi ấm nào có thể thay thế được. Cha đã truyền cho con hơi ấm của tình gia đình, tình làng xóm, hơi ấm của niềm tin, tình yêu và cuộc sống. Cha đã cho con tất cả. Cha nghèo về vật chất nhưng cha đã cho con một gia tài rất lớn về tình yêu và cách sống của một con người. Cha là người gieo cho con niềm hy vọng, là trường học đầu tiên dạy con biết cách mến Chúa và yêu thương con người… Tình cha là thế đấy nhưng giờ thì:

Cha đi rồi ngày tháng cũng héo hon
Bao hối tiếc làm mỏi mòn ký ức
Con chông chênh với nỗi niềm day dứt
Chữ thâm tình chia cắt nẻo trần gian.

Cha đi rồi theo mây khói dần tan
Con ở lại với muôn vàn thương nhớ
Đường âm dương câu hiếu thân đành lỡ
Cha đi rồi từng mảnh vỡ hồn đau.

(Trích nguồn: uct.edu.vn)

Cảm ơn cha đã cho con tình yêu và niềm tin trong cuộc sống để làm hành trang cho con trong suốt thời gian qua; và hôm nay trên hành trình con đi, có cha cùng song hành với con. Và con luôn tin rằng “Bên dưới nấm mồ là một phần của lịch sử”; vâng, một sự thật lịch sử đã diễn ra và để lại cho con một bài học đáng kính. Một bài học về tình yêu, sự hy sinh, phục vụ trong âm thầm và lặng lẽ theo con trong suốt cuộc đời để hôm nay trong con chỉ còn lại tình yêu và nỗi nhớ về cha.

Cầu chúc cho những ai còn cha mẹ hãy biết trân trọng những đôi tay run rẩy, những đôi chân không còn đứng vững, những đôi tai không còn nghe được và những đôi mắt không còn phân biệt ngày hay đêm nữa… nhưng chính những đôi tay, đôi chân, đôi tai và đôi mắt ấy đã đưa ta vào đời, đã nâng niu và dạy dỗ ta nên người như ngày hôm nay.

Nt. Anna Hiền Linh - MTGQN
 
Vấn Vương Mùa Các Đẳng
Sơn Ca Linh
10:40 14/11/2021
Vấn Vương Mùa Các Đẳng

(Chút cảm nhận lần viếng nghĩa trang Làng sông Mùa Các Đẳng)

Chuồn chuồn ngược gió liêu xiêu,
Nghe mưa tí tách nghe chiều lập đông.
Nghe xôn xao gọi trong lòng,
Về thăm cổ mộ Làng Sông mùa nầy !
Lặng thầm chen giữa cỏ cây,
Lời thiên thu gọi về đây nguyện cầu.
Hoang liêu mấy độ bể dâu,
Từng ngôi mộ cổ từng câu tự tình.
Nhắc ai một cuộc đăng trình,
Rồi đây cát bụi lặng thinh đợi chờ.
Đời như một thoáng cơn mơ,
Mới hôm qua đó bây giờ ngàn thu !
Cội sao già hát vi vu,
Chuồn chuồn vụt cánh xa mù mù sương.
Mỗi mùa Các Đẳng vấn vương,
Đủ đâu duyên nợ khói hương nghĩa tình !

Sơn Ca Linh (14.11.2021)
 
VietCatholic TV
Tòa Thánh lên tiếng: Một linh mục bị hành hung trong nhà thờ. Chương trình ĐTC tông du Síp và Hy Lạp
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
04:42 14/11/2021


1. Chương trình chuyến tông du thứ 35 của Đức Thánh Cha đến Síp và Hy Lạp

Trong thông báo được đưa ra hôm thứ Bẩy 13 tháng 11, Tòa Thánh đã cho biết chương trình chi tiết chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Síp và Hy Lạp.

Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ tông du Síp và Hy Lạp từ ngày 2 đến ngày 6 tháng 12. Đây là chuyến tông du thứ 35 của Đức Thánh Cha trong triều Giáo Hoàng của ngài, và là chuyến tông du thứ ba sau khi đại dịch coronavirus bùng phát trên thế giới làm gián đoạn các chuyến tông du của ngài trong 15 tháng.

Phòng Báo Chí Tòa Thánh đã công bố lịch trình dự kiến của ngài trong năm ngày, bao gồm một lịch trình bận rộn với các cuộc họp với chính quyền địa phương, các nhà lãnh đạo Giáo hội, các cử hành phụng vụ và các cuộc gặp gỡ đại kết. Đức Giáo Hoàng cũng sẽ trở lại đảo Lesbos của Hy Lạp để thăm những người di cư.

Vào ngày thứ Năm, 2 tháng 12, ngài sẽ rời Rôma để bay đến quốc đảo Síp, tiếng Anh là Cyprus, hạ cánh xuống Sân bay Quốc tế Larnaca lúc 3 giờ chiều, nơi sẽ có lễ nghi chào đón chính thức. Vào lúc 4 giờ chiều, ngài sẽ gặp gỡ các linh mục, những người thánh hiến, phó tế, giáo lý viên, và các thành viên của các hiệp hội Tông đồ hiện diện ở Síp tại Nhà thờ Đức Mẹ Đầy Ân Phúc của Công Giáo nghi lễ Maronite. Sau đó lúc 17h15, sẽ có lễ nghi đón tiếp tại Phủ Tổng thống Nicosia. Kế đó, là cuộc gặp gỡ xã giao với Tổng thống Síp và cuộc gặp gỡ với chính quyền địa phương, xã hội dân sự và ngoại giao đoàn.

Ngày hôm sau, vào sáng thứ Sáu, Đức Giáo Hoàng sẽ có chuyến thăm xã giao tới Đức Tổng Giám Mục Chrysostomos II, Tổng Giám mục Chính thống của Síp tại Tòa Tổng Giám mục ở Nicosia, sau đó là cuộc gặp với Thánh Công Đồng tại Nhà thờ Chính thống ở Nicosia. Kế tiếp, Đức Thánh Cha sẽ cử hành một thánh lễ tại “Sân vận động GSP” ở Nicosia. Vào buổi chiều, ngài sẽ tham dự một buổi Cầu nguyện Đại kết với những người Di cư tại Nhà thờ Giáo xứ Thánh Giá ở Nicosia.

Thứ Bảy, 4 tháng 12, Đức Giáo Hoàng sẽ rời Síp để bay đến thủ đô Hy Lạp là Athens, hay còn gọi là Nhã Điển, nơi ngài dự kiến sẽ đến lúc 11:10 giờ địa phương. Lễ nghi tiếp đón chính thức sẽ diễn ra tại Sân bay Quốc tế Athens, sau đó là buổi lễ đón tiếp tại Phủ Tổng thống. Tại đây, Đức Thánh Cha sẽ có cuộc gặp gỡ xã giao với Tổng thống Cộng hòa, và Thủ tướng, và sau đó là cuộc họp với chính quyền địa phương, xã hội dân sự và ngoại giao đoàn.

Buổi chiều, Đức Thánh Cha sẽ có một chuyến thăm xã giao đến Đức Tổng Giám Mục Hieronymos II, của Athens và Toàn Hy Lạp, tại Tòa Tổng Giám mục Chính thống giáo, tiếp theo là cuộc gặp gỡ của phái đoàn Tòa Thánh và hàng giáo phẩm Chính Thống Giáo Hy Lạp tại “Phòng ngai vàng”.

Cuối ngày hôm đó, ngài sẽ gặp gỡ các giám mục, linh mục, tu sĩ, những người thánh hiến, chủng sinh và giáo lý viên của cộng đồng Giáo hội địa phương tại Nhà thờ Thánh Dionysius ở Athens. Kết thúc buổi tối, ngài sẽ có cuộc gặp gỡ riêng với các linh mục, tu sĩ Dòng Tên tại Tòa Sứ thần Tòa thánh ở Athens.

Sáng Chúa Nhật, Đức Giáo Hoàng sẽ đến Đảo Lesbos của Hy Lạp để thăm những người tị nạn tại “Trung tâm Tiếp nhận và Nhận dạng” ở thị trấn Mytilene. Sau đó, ngài quay trở lại Athens vào buổi chiều để cử hành thánh lễ lúc 16:45 tại “Phòng hòa nhạc Megaron”. Buổi tối, ngài sẽ chào đón chuyến viếng thăm xã giao đáp lễ của Đức Tổng Giám Mục Hieronymos II tại Tòa Sứ thần Tòa Thánh ở Athens.

Cuối cùng, vào sáng thứ Hai, ngày 6 tháng 12, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ tiếp đón Chủ tịch Quốc Hội tại Tòa Sứ thần Tòa Thánh ở Athens. Sau đó, ngài sẽ gặp gỡ những người trẻ tại Trường Thánh Dionysius do các Nữ tu Dòng Ursula ở Maroussi, Athens điều hành. Sau cuộc gặp gỡ này, Đức Thánh Cha ra sân bay quốc tế Athens. Tại đây sẽ có lễ nghi tiễn biệt. Đức Thánh Cha sẽ khởi hành về Rôma lúc 11:30.

Chi tiết chuyến tông du

Thứ Năm, ngày 2 tháng 12 năm 2021
Rôma - Larnaca - Nicosia
11h00 Khởi hành bằng máy bay từ Sân bay Quốc tế Rome / Fiumicino đến Larnaca
15h00 Đến Sân bay Quốc tế Larnaca
15h00 Nghi thức chào đón chính thức tại Sân bay Quốc tế Larnaca
16:00 Gặp gỡ các linh mục, những người thánh hiến, phó tế, giáo lý viên, và các thành viên của các hiệp hội Tông đồ hiện diện ở Síp tại Nhà thờ Đức Mẹ Đầy Ân Phúc của Công Giáo nghi lễ Maronite
17:15 Lễ nghi đón tiếp tại Phủ Tổng thống ở Nicosia
17:30 Cuộc gặp gỡ xã giao tại văn phòng tổng thống ở Phủ Tổng thống ở Nicosia
18:00 Cuộc gặp gỡ với chính quyền địa phương, xã hội dân sự và ngoại giao đoàn tại “Phòng nghi lễ” của Phủ Tổng thống ở Nicosia

Thứ Sáu, ngày 3 tháng 12 năm 2021
Nicosia
8:30 Chuyến thăm xã giao tới Đức Tổng Giám Mục Chrysostomos II, Tổng Giám mục Chính thống của Síp tại Tòa Tổng Giám mục ở Nicosia
9:00 Cuộc gặp gỡ với Thánh Công Đồng tại Nhà thờ Chính thống ở Nicosia
10h00 Thánh lễ tại “Sân vận động GSP” ở Nicosia
16:00 Buổi Cầu nguyện Đại kết với những người Di cư tại Nhà thờ Giáo xứ Thánh Giá ở Nicosia

Thứ Bảy, ngày 4 tháng 12 năm 2021
Nicosia - Larnaca - Athens
9:10 Lễ nghi từ biệt tại Sân bay Quốc tế Larnaca
9:30 Khởi hành bằng máy bay đến Athens
11:10 Đến sân bay quốc tế Athens
11:10 Lễ nghi chào mừng chính thức tại Sân bay Quốc tế Athens
12h00 Lễ nghi chào mừng tại Phủ Tổng thống ở Athens
12:15 Cuộc gặp gỡ xã giao với Tổng thống tại văn phòng riêng tại Phủ Tổng thống ở Athens
12:30 Cuộc gặp gỡ xã giao với thủ tướng chính phủ tại Phủ Tổng thống ở Athens
12:45 Cuộc họp với chính quyền địa phương, xã hội dân sự và ngoại giao đoàn.
16:00 Thăm xã giao Đức Tổng Giám Mục Hieronymos II, của Athens và Toàn Hy Lạp, tại Tòa Tổng Giám mục Chính thống giáo
16:30 Cuộc gặp gỡ của phái đoàn Tòa Thánh và hàng giáo phẩm Chính Thống Giáo Hy Lạp tại “Phòng ngai vàng” của Tòa Tổng Giám Mục Chính Thống Giáo Athens.
17:15 Gặp gỡ các giám mục, linh mục, tu sĩ, những người thánh hiến, chủng sinh và giáo lý viên của cộng đồng Giáo hội địa phương tại Nhà thờ Thánh Dionysius ở Athens
18:45 Cuộc gặp gỡ riêng với các linh mục, tu sĩ Dòng Tên tại Tòa Sứ thần Tòa thánh ở Athens

Chúa Nhật, ngày 5 tháng 12 năm 2021
Athens - Mytilene (Lesvos) - Athens
9:15 Khởi hành bằng máy bay đến Mytilene
10:10 Đến sân bay Mytilene
10:45 Thăm người di cư tại “Trung tâm Tiếp nhận và Nhận dạng” ở Mytilene
12:15 Khởi hành bằng máy bay trở lại Athens
13:10 Đến sân bay quốc tế Athens
16:45 Thánh lễ tại “Phòng hòa nhạc Megaron” ở Athens
19:00 Chuyến viếng thăm xã giao đáp lễ của Đức Tổng Giám Mục Hieronymos II tại Tòa Sứ thần Tòa Thánh ở Athens

Thứ Hai, ngày 6 tháng 12 năm 2021
Athens - Rome
8:15 Tiếp Chủ tịch Quốc Hội tại Tòa Sứ thần Tòa Thánh ở Athens
9:45 Gặp gỡ những người trẻ tại Trường Thánh Dionysius của các nữ tu Ursula ở Maroussi, Athens
11:15 Lễ nghi tiễn biệt tại Sân bay Quốc tế Athens
11:30 Khởi hành bằng máy bay về Rôma
12:35 Đến Sân bay Quốc tế Rome / Ciampino


Source:Vatican News

2. Đức Tổng Giám Mục phẫn nộ trước việc lực lượng an ninh Chad tấn công một linh mục ngay trong nhà thờ.

Trong một thông điệp được công bố trên Vatican News, Đức Tổng Giám Mục Goetbé Edmond Djitangar của tổng giáo phận N'Djamena, đã phản ứng với sự phẫn nộ trước vụ hành hung một linh mục ngay trong nhà thờ của ngài bởi lực lượng an ninh Chad.

Đức Tổng Giám Mục Djitangar cho biết, vào sáng ngày 3 tháng 11 năm 2021, “những người đàn ông mặc quân phục,” tự xưng là thành viên của quân đội Chad, đã tiến vào sân của Giáo xứ Chân phước Isidore Bakanja ở thủ đô N'Djamena. Đức Tổng Giám Mục tố cáo rằng các binh sĩ này đã cư xử ngang tàng “không có bất kỳ sự tôn trọng nào đối với người dân và nơi mà họ đang đứng”. Khi Cha xứ hỏi tại sao họ lại ở đó và liệu họ có lệnh khám xét để biện minh cho sự hiện diện của họ hay không, thì “trước tiên họ xúc phạm ngài, sau đó hành hung và giật điện thoại của ngài”.

Đức Tổng Giám Mục Djitangar viết: “Chúng tôi tố cáo những thái độ và hành vi khinh miệt mà một số đồng hương đã thể hiện với niềm tin tôn giáo của những người khác. Đây là một hình thức bất khoan dung đáng lẽ không có chỗ đứng trong một xã hội đa nguyên như xã hội chúng ta”. Những người hành xử theo cách này “gây chiến với Thiên Chúa” bởi vì Chúa không khinh miệt bất kỳ lời cầu nguyện nào được thực hiện với tấm lòng chân thành, bất kể tín đồ thuộc tôn giáo nào”.

Đối với Tổng giám mục N'Djamena, trường hợp này rất đáng quan tâm vì nó khẳng định sự khinh thường người dân và nơi thờ phượng của những người lẽ ra phải bảo vệ những người và những nơi thờ phượng ấy.

Đức Tổng Giám Mục Chad nhấn mạnh rằng “những gì đã xảy ra không phải là một sự việc cá biệt.” Ngài nhắc nhớ lại một số lá thư phản đối của mình đã không được các nhà chức trách của đất nước quan tâm.

Đức Tổng Giám Mục từng gửi cho Bộ trưởng Bộ An ninh Chad một lá thư sau khi xảy ra việc cảnh sát đàn áp các cuộc biểu tình của giới trẻ vào ngày 6 tháng 2 năm 2018. “Lựu đạn cay đã được cố tình bắn vào trong sân của Giáo xứ Thánh Matthias Mulumba, làm bị thương các tín hữu đang ra khỏi nhà thờ sau thánh lễ buổi sáng. Vào ngày 29 tháng 3 năm ngoái, các nhân viên cảnh sát đã ngăn không cho một linh mục vào Giáo xứ Thánh Tâm ở Chagoua, nơi ngài cử hành Bí tích Thánh Thể Chúa Nhật với một chương trình phát sóng trực tiếp trên Radio Arc-en-ciel. Đây là thời kỳ lockdown vì COVID-19”.

Sau những vi phạm liên tục đối với các nơi thờ tự của Công Giáo, kèm theo bạo lực, bất họp pháp và không có bất kỳ lý do nào, Đức Tổng Giám Mục nói rằng ngài không có lựa chọn nào khác ngoài việc công khai với dư luận quốc tế.

Đức Tổng Giám Mục bày tỏ mong muốn rằng các cơ quan chức năng làm rõ về việc thường xuyên thiếu tôn trọng các nơi thờ tự Công Giáo. Ngài nói rằng những gì đang xảy ra là một sự vi phạm rõ ràng điều đầu tiên của Hiến pháp, trong đó tuyên bố rằng Cộng hòa Chad là một quốc gia thế tục.

Những người lính Chad cố tình vi phạm các thể chế thiêng liêng đang đặt mình lên trên luật pháp và đang hành động ngang tàng mà không bị trừng phạt.

Đức Tổng Giám Mục nói rằng bất kể động cơ của lực lượng an ninh là gì, không thể chấp nhận được việc xúc phạm và tấn công một tín hữu hay một giáo sĩ đang thực thi trách nhiệm của mình, ngay cả khi người đó là người nước ngoài.

Đức Tổng Giám Mục N'Djamena tự hỏi: “Chúng tôi tự hỏi liệu địa điểm tiếp theo bị tấn công có phải là nhà thờ chính tòa, nơi ngay bên cạnh, một khu chợ cung cấp quân nhu đủ loại đang được dựng lên trước sự chứng kiến của tất cả mọi người”.

Đức Tổng Giám Mục đã yêu cầu các tín hữu Công Giáo của đất nước, cầu nguyện cho sự hoán cải con tim của những người không tôn trọng những điều thánh thiêng, vì thiếu hiểu biết hoặc khinh thường. Ngài cũng kêu gọi họ đừng ngại tố cáo mọi hành vi và hoạt động đáng ngờ có khả năng làm tổn hại đến tính cách linh thiêng của nơi thờ tự. Tuy nhiên, ngài cũng khuyến khích tất cả các giáo xứ và cơ sở Công Giáo tăng cường an ninh tại cơ sở của họ. Trên hết, Đức Tổng Giám Mục Djitangar nói rằng các tín hữu nên cầu xin Chúa tha thứ cho tất cả những ai làm hại Giáo hội.


Source:Vatican News
 
Làm nhục linh mục bằng cách vu cáo tội lỗi mà ngài chỉ trích mạnh nhất. Bê Lem mở cửa đón Giáng Sinh
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
04:56 14/11/2021


1. Bethlehem mở cửa kinh doanh, chờ đón khách du lịch

Khi Christy Zeidan, giám đốc văn phòng của cửa hàng lưu niệm Three Arches 2, đặt chìa khóa vào ổ khóa cửa lần đầu tiên sau gần 20 tháng, cô nổi da gà trên cánh tay.

“Tôi rất xúc động. Tôi như được thở lại, nhưng tôi muốn khóc khi thấy mọi thứ phủ đầy bụi”, Zeidan, người cùng với chủ cửa hàng Lillian Canawati đang chuẩn bị cửa hàng với mong đợi sự trở lại của khách du lịch và những người hành hương sau nhiều tháng xảy ra đại dịch COVID-19 và những hạn chế nghiêm nhặt.

“Hai năm nay không có khách du lịch, không có sự sống ở Bethlehem. Hôm nay, chúng tôi vui vẻ, lạc quan và đang chờ đợi họ. Chúng tôi đang hy vọng có nhiều nhóm hơn vào tháng 12 và tháng 11”.

Vào ngày 1 tháng 11, Israel đã mở cửa biên giới cho những khách du lịch đã được tiêm vắc-xin COVID-19 hoặc có bằng chứng về sự hồi phục trong vòng sáu tháng qua; điều này có nghĩa là khách du lịch cũng sẽ có thể đến được Bethlehem. Nhưng khách du lịch phải đối mặt với một số trở ngại với các tài liệu cần phải điền và các yêu cầu du lịch khác khi ngành du lịch cố gắng bắt đầu hoạt động trở lại.

Canawati cho biết sẽ mất một thời gian cho đến khi mọi thứ trở lại bình thường và mặc dù cô đã thấy một số nhóm khách du lịch đến Bethlehem, nhưng người mua sắm vẫn chưa vào cửa hàng, nơi thường rất đông đảo trước đại dịch.


Source:OSV News

2. Tại sao việc đào tạo các linh mục hiện bao gồm một năm “tẩy trần”?

Cả Thánh Gioan Phaolô II và Đức Thánh Cha Phanxicô đều chỉ đạo các chủng viện cung cấp một năm “tẩy trần” trước khi nam giới bắt đầu được đào tạo để trở thành linh mục.

50 năm qua đã bộc lộ một cách đau đớn nhiều điểm yếu trong chương trình chuẩn bị của Giáo Hội Công Giáo để đào tạo nam giới cho ơn gọi linh mục. Vô số người đàn ông đã trải qua quá trình đào tạo ở chủng viện, được phong chức tư tế, và sau đó phải oằn mình dưới tác động của cám dỗ thế gian.

Điều này đã thúc đẩy Thánh Gioan Phaolô II viết trên Tông Huấn Pastores Dabo Vobis, được công bố ngày 25 tháng Ba, 1992 về sự cần thiết phải cung cấp thêm một năm dự bị.

Vị Thánh Giáo Hoàng Ba Lan viết:

“Tôi yêu cầu phải có một thời gian chuẩn bị đầy đủ trước khi được đào tạo tại đại chủng viện: Thật là tốt khi có một thời gian chuẩn bị về nhân bản, Kitô, trí tuệ và tâm linh cho các ứng viên đại chủng viện. Những ứng viên này phải có những phẩm chất nhất định: một ý định đúng đắn, một mức độ trưởng thành của con người, một kiến thức đủ rộng về giáo lý đức tin, một số khái niệm nhập môn về các phương pháp cầu nguyện và hành vi phù hợp với truyền thống Kitô. Họ cũng nên có thái độ phù hợp, qua đó họ có thể bày tỏ nỗ lực của mình để tìm kiếm Thiên Chúa và đức tin”.

Yêu cầu của Đức Gioan Phaolô II đã được đưa vào một tài liệu do Bộ Giáo sĩ của Vatican xuất bản vào năm 2016, với sự hỗ trợ của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Giai đoạn hình thành chủng viện này chính thức được gọi là “giai đoạn chuẩn bị”, và đang được các giáo phận và chủng viện trên khắp thế giới điều chỉnh.

Ví dụ, Chủng viện Thánh John Vianney ở Denver, Colorado tổ chức “Năm Tâm linh”, bao gồm một cuộc “tẩy trần” toàn diện về mặt tâm linh, để chuẩn bị cho chủng sinh tương lai cho ơn gọi của họ. Một bài báo của Mary Farrow từ Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, đưa ra một bản tóm tắt ngắn gọn về năm đặc biệt này.

Bên cạnh việc dứt bỏ hoàn toàn điện thoại và internet, các chủng sinh còn phải kiêng mua sắm, họ không được phép mua hàng. Ngày duy nhất mà họ không phải kiêng cữ những thứ này là ngày thứ Bảy, khi họ có thể gọi điện cho bạn bè và gia đình hoặc mua những thứ họ cần.

Những hy sinh này nhằm mục đích tẩy sạch mọi ảnh hưởng tiêu cực của thế gian có thể ảnh hưởng đến chủng sinh. Nhiều nam giới trong nền văn hóa ngày nay mắc chứng nghiện nội dung khiêu dâm, một thói quen cần phải loại bỏ trước khi một chủng sinh có thể tiến lên trên con đường đến với chức linh mục.

Ngoài ra, Năm Tâm linh có các cơ hội để “hướng dẫn và tư vấn về tâm linh, cũng như các khóa tĩnh tâm để giúp phân định ơn gọi, đỉnh điểm là khóa tĩnh tâm 30 ngày Linh Thao theo phương pháp của thánh Y Nhã.

Chủng viện Thánh Phaolô ở tổng giáo phận St. Paul, Minnesota cung cấp một năm tương tự, tập trung vào việc đào tạo môn đệ. Giáo sư Jeff Cavins là một trong số các giảng viên tham gia vào năm nay, giúp những người đàn ông này phát triển mối quan hệ với Chúa Kitô, trước khi họ chuyển sang học ở chủng viện.

Người ta hy vọng rằng năm “tẩy trần” mới này sẽ thúc đẩy sự thánh thiện cá nhân giữa các ứng viên, bảo đảm rằng quá khứ không lặp lại.


Source:Aleteia

3. Họ gán cho ngài cái tội ngài ghê tởm nhất.

Trong những tuần trước khi bị bắt vì cáo buộc tội download hình ảnh khiêu dâm trẻ em, Linh mục James W. Jackson đã viết rất dài trong bản tin giáo xứ của mình về các vụ bê bối lạm dụng tình dục do các linh mục “rối loạn chức năng tâm lý” gây ra. Ngài lên án cựu Hồng Y Theodore McCarrick là một “kẻ ranh ma”, có một cuộc sống riêng tư tội lỗi được che đậy bởi những việc làm tốt bên ngoài với sự giúp đỡ của những người bạn hư hỏng trong hàng giáo phẩm Công Giáo.

“Bất kỳ người đàn ông nào cố gắng sống độc thân mà không có đức tin, ân sủng thánh hóa và một đời sống cầu nguyện nghiêm túc và cống hiến cho đời sống nội tâm, thì cuối cùng, và đôi khi điều này chỉ mất vài năm, sẽ chuyển sang say mê các thú vui trống rỗng và ham mê ăn uống, hoài mong các kỳ nghỉ và các nội dung khiêu dâm và theo đuổi các mối quan hệ tình dục ở mức tồi tệ nhất,” ngài viết.

“Không có đức tin, ý tôi muốn nói là niềm tin thực sự vào Chúa; và không theo đuổi việc thăng tiến cuộc sống nội tâm thì đời sống độc thân linh mục chỉ tạo ra một lớp những người độc thân chuyên nghiệp vẫn đang văn hóa thánh lễ và làm lễ rửa tội, nhưng bị cô lập và thậm chí trầm cảm.”

Ngài cảnh báo: “Lẽ tự nhiên họ sẽ quay ra tìm sự an ủi. Và với sự quay lưng lại với Chúa, địa ngục bầy ra trước mắt.”

Các bài viết của Cha Jackson xuất hiện trong các bản tin hàng tuần của nhà thờ ở giáo xứ cũ của ngài, là giáo xứ Đức Bà ở Providence, Rhode Island. Theo đánh giá của Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, các bài viết này cung cấp một cửa sổ đi vào các suy nghĩ của vị linh mục vào thời điểm các nhà chức trách cáo buộc ngài sở hữu và phát tán tài liệu lạm dụng tình dục trẻ em trực tuyến.

Cha Jackson, 66 tuổi, bị bắt vào ngày 30 tháng 10 bởi các thành viên của lực lượng đặc nhiệm tiểu bang Rhode Island đang thực hiện lệnh khám xét tại nhà xứ Đức Bà. Ngài bị buộc tội sở hữu nội dung khiêu dâm trẻ em, download nội dung khiêu dâm trẻ em và xem hình ảnh khiêu dâm trẻ em bị cấm.

Hai ngày sau khi bị bắt, các nhà chức trách liên bang đã đệ trình các cáo buộc bổ sung chống lại ngài tại Tòa án Quận Hoa Kỳ ở Providence.

Theo các khung hình phạt hiện nay, tội phát tán nội dung khiêu dâm trẻ em có thể bị trừng phạt đến 20 năm trong nhà tù liên bang, với thời hạn bắt buộc tối thiểu là 5 năm. Sở hữu và truy cập với mục đích nhìn ngắm nội dung khiêu dâm trẻ em có thể bị phạt tù lên đến 20 năm.

Một nhà phân tích pháp y của Cảnh sát tiểu bang Rhode Island đã tìm thấy “hàng trăm file hình ảnh và video mô tả cảnh lạm dụng tình dục trẻ em” trong quá trình khám xét pháp y tại hiện trường, được chứa trong một ổ cứng hai terabyte được gắn bên ngoài computer nằm trong khu vực văn phòng liền kề với phòng ngủ của Cha Jackson, theo một tờ khai có tuyên thệ được nộp để ủng hộ các cáo buộc liên bang.

“Những file hình ảnh và video này mô tả những phụ nữ trước tuổi dậy thì, bao gồm cả trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi, tham gia vào các hành vi tình dục”, bản tuyên thệ nêu rõ.

Bản tuyên thệ cho biết trát khám xét bắt nguồn từ cuộc điều tra của lực lượng đặc nhiệm tiểu bang xác định một máy tính hoặc một thiết bị điện tử “chia sẻ file tài liệu lạm dụng tình dục trẻ em qua mạng chia sẻ file peer-to-peer, nghĩa là từ người này trực tiếp đến người khác”. Các nhà điều tra đã truy tìm dấu vết của thiết bị này, và từ đó lần đến nhà xứ của giáo xứ Đức Bà.

Bản tuyên thệ giải thích rằng: Mạng chia sẻ file peer-to-peer “được thiết kế để tạo điều kiện thuận lợi cho việc chia sẻ các hồ sơ điện tử giữa các thành viên tham gia trong nhóm qua Internet”.

“Để trở thành thành viên của mạng peer-to-peer, người dùng máy tính cài đặt một nhu liệu chia sẻ hồ sơ trên máy tính để tạo 'thư mục chia sẻ', trong đó có thể đặt bất kỳ hồ sơ điện tử muốn chia sẻ với các thành viên khác trong nhóm”.

“Người dùng cũng được quyền sao chép bất kỳ hồ sơ điện tử nào từ các ‘thư mục chia sẻ’ của các thành viên khác trong nhóm. Một mạng peer-to-peer có thể bao gồm hàng nghìn máy tính được kết nối với nhau và các hồ sơ điện tử có sẵn trên mạng đều được lưu trữ trên máy tính của từng thành viên thay vì trên một máy chủ trung tâm”.

Cuộc điều tra của lực lượng đặc nhiệm tiểu bang cho thấy một người đăng ký Internet được định vị địa lý tại nhà thờ Đức Bà đã chia sẻ tài liệu lạm dụng tình dục trẻ em qua mạng peer-to-peer bốn lần từ ngày 4 tháng 9 đến ngày 17 tháng 10 năm nay.

Trong bản tiểu sử của ngài, được đăng trên trang web của giáo xứ Đức Bà, Cha Jackson cho biết:

“Thời niên thiếu của tôi dành để chơi thể thao, săn bắn, câu cá, cắm trại và tham gia Đội hướng đạo sinh.”

“Tôi đặc biệt thích cắm trại mùa đông. Tôi học trượt tuyết tại Steamboat Springs, Colorado vào năm 1963 và tôi đã trở thành một vận động viên trượt tuyết từ đó. Tôi cũng đã chọn học lặn biển. Tôi thậm chí còn lặn xuống biển để nhìn thấy một chiếc U-Boat của Đức mà Hải quân Hoa Kỳ đã đánh chìm vào năm 1945 nằm cách Narragansett một phần tư hải lý “.

Cha Jackson cho biết vkhi teo học tại Đại học Kansas, nơi ngài chơi bóng bầu dục trong ba năm, đặt ngài trên một con đường mới.

“Trong chương trình này, tôi yêu không chỉ học mà còn yêu sự thật. Đó là nền tảng của việc tôi chuyển đổi sang Đức tin Công Giáo”. Ngài cho biết đã được rửa tội năm 1976.

“Tôi nghĩ rằng tôi muốn có một sự nghiệp trong Thủy quân lục chiến và được tham gia Lớp Lãnh đạo Trung đội vì mục đích đó, nhưng sau khi được rửa tội, một mong muốn mãnh liệt trong tôi là phục vụ Thiên Chúa trực tiếp hơn”

“Tôi gia nhập một Tu viện Biển Đức ở Pháp - Notre Dame de Fontgombault. Sau đó, tôi gia nhập Giáo phận Wichita, Kansas và được thụ phong năm 1985 “.

Cha Jackson rất say mê Thánh lễ Latinh Truyền thống, và ngài đã gia nhập Tuyên úy Hải quân Hoa Kỳ, phục vụ với Sư đoàn Thủy quân lục chiến số 1.

“Tôi gia nhập FSSP vào năm 1994 và đó là một ngôi nhà tốt đối với tôi,” Cha Jackson viết ở phần kết của tiểu sử của mình.


Source:Catholic News Agency
 
Tin vui từ Thái Lan. ĐTC khẳng định Tin Mừng là thông điệp nhân bản nhất trong lịch sử nhân loại
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
17:12 14/11/2021


1. Lễ phong chức linh mục lớn nhất tại Bangkok trong 5 năm qua

Những hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy đây là lễ phong chức linh mục cho 5 tân chức tại nhà thờ chính tòa Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời của tổng giáo phận Bangkok.

Tử vong tại Thái Lan tính cho đến hôm thứ Bẩy 13 tháng 11, đã lên đến 19,934 người, trong số 2,004,274 trường hợp nhiễm coronavirus.

Trong ngày 12 tháng 11, Thái Lan đã chứng kiến 7496 ca nhiễm mới, và 57 trường hợp tử vong. Cho đến nay, 34.8 triệu người Thái đã được tiêm 2 liều vắc xin, chiếm 49.8% dân số. Tỷ lệ chích ngừa tại thủ đô Bangkok được ước tính là trên 70% dân số.

Trong bối cảnh đó, các thánh lễ vẫn được cử hành như bình thường với các biện pháp y tế nghiêm nhặt.

Trong bài giảng, Đức Hồng Y Kriengsak Kovitvanit, Tổng Giám Mục Bangkok đã mời gọi cộng đoàn cầu nguyện cho các tân chức. Ngài nói:

Anh chị em thân mến,

Chúa Giêsu là thầy cả thượng phẩm duy nhất của Tân Ước; nhưng trong Người, tất cả dân thánh của Thiên Chúa đều được lập thành dân tư tế. Trong số tất cả các môn đệ của mình, Chúa Giêsu muốn đặc biệt chọn một số người, để bằng cách công khai thực thi chức vụ tư tế trong Giáo Hội nhân danh Ngài vì thiện ích của tất cả mọi người, họ sẽ tiếp tục sứ mệnh của Người trong tư cách là các thầy dậy, tư tế và mục tử.

Sau khi suy tư chín chắn, giờ đây chúng ta sắp nâng những anh em này lên hàng tư tế, để khi phục vụ Chúa Kitô, như các thầy dậy, tư tế và mục tử, họ hợp tác xây dựng nhiệm thể Chúa Kitô, tức là Hội thánh, là dân Chúa và là đền thánh của Chúa Thánh Thần.

Chúng ta hãy cầu nguyện nhiệt thành cho các tân chức.

Tổng giáo phận Bangkok, Thái Lan được thành lập từ năm 1662, khi Miền Giám quản Tông Tòa Xiêm La được thành lập trên lãnh thổ tách ra từ Miền Giám quản Tông Tòa Cochin bao gồm cả Việt Nam.

Lãnh thổ này sau đó được gọi là Miền Giám quản Tông Tòa Đông Xiêm hay Siam Orientale vào ngày 10 tháng 9 năm 1841, sau khi bị mất một phần lãnh thổ để thành lập Miền Giám quản Tông Tòa Tây Xiêm. Vào ngày 5 tháng 5 năm 1899, Miền Giám quản Tông Tòa Đông Xiêm bị mất thêm lãnh thổ để thành lập Miền Giám Quản Tông Tòa Ai Lao.

Ngày 3 tháng 12 năm 1924, Tòa Thánh chính thức thành lập Miền Giám quản Tông Tòa Bangkok.

Miền Giám quản Tông Tòa này mất nhiều lãnh thổ hơn vào ngày 30 tháng 6 năm 1930 để thành lập Miền Giám quản Tông Tòa Rajaburi, vào ngày 11 tháng 5 năm 1944 để thành lập Miền Giám quản Tông Tòa Chantaburi và vào ngày 17 tháng 11 năm 1959 để thành lập Miền Giám quản Tông Tòa Chieng-Mai.

Vào ngày 18 tháng 12 năm 1965, Miền Giám quản Tông Tòa được nâng cấp thành tổng giáo phận Thủ đô.

Vào ngày 9 tháng 2 năm 1967, tổng giáo phận Bangkok bị mất lãnh thổ để thành lập Giáo phận Nakhon Sawan.

Tổng giáo phận Bangkok đã được Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II viếng thăm vào tháng 5 năm 1984, và được Đức Thánh Cha Phanxicô thăm vào tháng 11, 2019.

Tổng giáo phận Bangkok hiện có diện tích 18,831 km², với 121,100 người Công Giáo, trong tổng số 13,748,000 dân, chiếm 0.9% dân số.

Trước lễ phong chức này, tổng giáo phận có 148 linh mục triều, 92 linh mục dòng, 251 nam tu sĩ, 424 nữ tu, sinh hoạt trong 55 giáo xứ.

2. Video thông điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô đánh dấu 75 năm thành lập UNESCO

Hôm thứ Sáu 12 tháng 11, Tòa Thánh đã công bố video thông điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô đánh dấu 75 năm thành lập tổ chức UNESCO.

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Ánh Tuyết

Thưa bà tổng giám đốc

Thưa quý vị, những người hình thành nên cộng đồng làm việc của UNESCO,

Từ thâm tâm, tôi bày tỏ lời chúc mừng nhân kỷ niệm 70 năm thành lập Cơ quan Liên hợp quốc này. Giáo hội có một mối quan hệ đặc biệt với nó. Thật vậy, Giáo hội phục vụ Tin Mừng, và Tin Mừng là sứ điệp nhân bản nhất mà lịch sử từng biết đến. Một thông điệp về cuộc sống, tự do và hy vọng, đã truyền cảm hứng cho vô số sáng kiến giáo dục ở mọi thời đại và ở mọi nơi, và đã truyền cảm hứng cho sự phát triển khoa học và văn hóa của gia đình nhân loại.

Đây là lý do tại sao Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc là đối tác đặc quyền của Tòa thánh trong việc phục vụ chung cho hòa bình và đoàn kết giữa các dân tộc, cho sự phát triển toàn diện của con người và bảo vệ di sản văn hóa của nhân loại.
Source:Vatican News

3. Hội đồng Giám mục Canada thông báo chuyến đi của các Giám mục và thổ dân sang Vatican

Hôm 10 tháng Mười Một vừa qua, Hội đồng Giám mục Canada đã thông báo một phái đoàn đại diện thổ dân bản xứ và một nhóm nhỏ các giám mục sẽ sang Rôma gặp Đức Thánh Cha Phanxicô, từ ngày 17 đến ngày 20 tháng Mười Hai tới đây.

Phái đoàn sẽ gồm từ 25 đến 30 thổ dân: những người thuộc các sắc dân đầu tiên, thường được gọi là First Nations, người Inuit, và các kỳ lão người lai, những người giữ gìn tri thức, các cựu học sinh các trường nội trú thổ dân và người trẻ.

Đức Cha Raymond Poisson, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Canada, nói rằng “Hành trình tiến tới sự chữa lành và hòa giải là một con đường dài, nhưng chúng tôi tin rằng đây sẽ là một cột mốc quan trọng trong quyết tâm của Giáo Hội Công Giáo canh tân, củng cố và hòa giải tương quan với các thổ dân trên toàn quốc. Với phái đoàn này, chúng tôi hy vọng đồng hành một cách mới mẻ để lắng nghe trong khiêm tốn, và phân định những bước kế tiếp mà Giáo hội có thể thực hiện để hỗ trợ những người sống sót từ các trường nội trú thổ dân, gia đình và cộng đoàn của họ”.

Chuyến đi của phái đoàn đã được hoạch định qua tiến trình liên tục đối thoại với các đại diện thổ dân, và kế hoạch cũng như lộ trình chuyến đi đang được phối hợp trực tiếp với đại biểu; các đại diện của Tòa Thánh xác nhận rằng Đức Thánh Cha sẽ tham dự các cuộc gặp gỡ với các nhóm đại diện thổ dân để nghe những câu chuyện cá nhân của họ về hậu quả của các trường nội trú. Đoàn cũng có cơ hội nói với Đức Thánh Cha về những hy vọng và mong đợi nơi chuyến viếng thăm hành hương của ngài tại Canada.

Sẽ có cuộc tiếp kiến kết thúc với Đức Thánh Cha. Tập trung vào các nguyên tắc tín nhiệm nhau, tôn trọng, chia sẻ ước muốn tiến tới một tương lai hy vọng hơn, các giám mục và các thổ dân đã đồng ý về đề tài: “Các thổ dân và Giáo hội đồng hành tiến tới sự chữa lành và hòa giải”.

Phí tổn di chuyển và trú ngụ của phái đoàn sẽ do Hội đồng Giám mục Canada đài thọ. Sẽ có các nhân viên về sức khỏe tâm thần cùng đi với phái đoàn, xét vì có thể có những tình cảm đau thương mà nhiều đại biểu có thể cảm thấy.


Source:CBC
 
Phóng sự đặc biệt: Thánh Lễ Ngày Thế Giới Người Nghèo 14/11/2021 tại Vatican
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
19:03 14/11/2021


Đức Thánh Cha Phanxicô đã thiết lập Ngày Thế giới của Người nghèo vào năm 2016 vào cuối Năm Thánh Lòng Thương Xót của Giáo hội. Ngày này được tổ chức hàng năm vào Chúa Nhật thứ 33 Mùa Thường Niên, một tuần trước lễ Chúa Kitô Vua.

“Khi kết thúc Năm Thánh Lòng Thương Xót, tôi muốn cung cấp cho Giáo hội một Ngày Thế giới của Người nghèo, để trên khắp thế giới, các cộng đồng Kitô có thể trở thành một dấu chỉ lớn hơn bao giờ hết về lòng bác ái của Chúa Kitô đối với những người yếu nhất và khó khăn nhất,” Đức Giáo Hoàng đã viết trong thông điệp Ngày Thế giới vì Người nghèo đầu tiên vào năm 2017.

Chủ đề của Ngày Thế giới về Người nghèo năm nay là “Người nghèo thì lúc nào các ông chẳng có bên cạnh mình”, đó là những lời của Chúa Giêsu được ghi lại trong Phúc Âm Thánh Máccô 14: 7 sau khi một phụ nữ xức dầu quý cho ngài.

Trong thông điệp của mình cho lễ kỷ niệm năm nay, Đức Thánh Cha Phanxicô đã mô tả những gì ngài quan sát thấy là xu hướng ngày càng gia tăng trong việc loại bỏ người nghèo do bối cảnh của cuộc khủng hoảng coronavirus.

“Có vẻ như ngày càng có nhiều quan niệm cho rằng người nghèo không chỉ phải chịu trách nhiệm về tình trạng của họ, mà họ còn là gánh nặng không thể chịu đựng được đối với một hệ thống kinh tế tập trung vào lợi ích của một số nhóm đặc quyền,” Đức Giáo Hoàng nói.

Ngài nhận xét rằng: “Hiện chúng ta đang chứng kiến việc tạo ra những cái bẫy đói nghèo và loại trừ mới, được đặt ra bởi các tác nhân kinh tế và tài chính vô đạo đức, thiếu ý thức nhân đạo và trách nhiệm xã hội”.

Trong bài giảng, thánh lễ Ngày Thế Giới Người Nghèo lần thứ 5 vào lúc 10g sáng 14/11 tại Đền Thờ Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha nói:

Những hình ảnh Chúa Giêsu sử dụng, trong phần đầu của Tin Mừng hôm nay, để lại sự thất vọng: mặt trời sẽ ra tối tăm, mặt trăng sẽ mất sáng, các ngôi sao sẽ từ trời rơi xuống và các sức mạnh trên trời sẽ bị lay chuyển (x. Mc 13, 24- 25). Tuy nhiên, ngay sau đó, Chúa mở ra cho chúng ta niềm hy vọng: chính xác trong khoảnh khắc hoàn toàn tăm tối đó, Con Người sẽ đến (xem câu 26); và hiện tại, chúng ta đã có thể chiêm ngưỡng những dấu chỉ Ngài sắp đến, như khi chúng ta thấy một cây vả bắt đầu ra lá vì mùa hè đã đến gần (xem câu 28).

Do đó, Tin Mừng này giúp chúng ta đọc lịch sử bằng cách nắm bắt hai khía cạnh: những nỗi đau của ngày hôm nay và niềm hy vọng của ngày mai. Một mặt, tất cả những mâu thuẫn nhức nhối mà hiện thực của con người vẫn còn đắm chìm trong mọi thời đại đều được gợi lên; mặt khác, có tương lai của ơn cứu rỗi đang chờ đợi nó, đó là cuộc gặp gỡ với Chúa sắp quang lâm, để giải thoát chúng ta khỏi mọi điều ác. Chúng ta hãy nhìn hai khía cạnh này với cái nhìn của Chúa Giêsu.

Khía cạnh thứ nhất: nỗi đau hôm nay. Chúng ta đang ở trong một lịch sử được đánh dấu bằng những khổ nạn, bạo lực, đau khổ và bất công, đang chờ đợi một sự giải phóng dường như không bao giờ đến. Trên tất cả, đó là những người nghèo, những mắt xích mỏng manh nhất trong dây chuyền, những người bị tổn thương, bị áp bức và đôi khi bị nghiền nát. Ngày Thế Giới Người Nghèo, mà chúng ta đang cử hành, đòi hỏi chúng ta đừng quay lưng lại, đừng ngại nhìn kỹ vào nỗi đau khổ của những người yếu đuối nhất, mà bài Tin Mừng hôm nay đề cập đến rất phù hợp: mặt trời của cuộc đời họ thường bị che khuất bởi sự cô đơn, vầng trăng mong đợi của họ bị dập tắt; những ngôi sao trong giấc mơ của họ đã rơi vào cảnh cam chịu và chính sự tồn tại của họ mới là điều đáng buồn. Tất cả những điều này là do bởi cái nghèo mà họ thường bị ép buộc, họ là những nạn nhân của sự bất công và bất bình đẳng của một xã hội lãng phí,

Tuy nhiên, mặt khác, có khía cạnh thứ hai, đó là niềm hy vọng vào ngày mai. Chúa Giêsu muốn mở ra cho chúng ta niềm hy vọng, để giải thoát chúng ta khỏi nỗi thống khổ và sợ hãi khi đối mặt với nỗi đau của thế giới. Đây là lý do tại sao Ngài khẳng định rằng, giống như mặt trời đang tối dần và mọi thứ dường như sụp đổ, thì Ngài đang đến gần. Trong tiếng rên rỉ của lịch sử đau thương của chúng ta, có một tương lai của ơn cứu rỗi đang bắt đầu nảy mầm. Niềm hy vọng ngày mai nảy nở trong nỗi đau hôm nay. Đúng vậy, ơn cứu rỗi của Thiên Chúa không chỉ là một lời hứa mai hậu, nhưng nó đã phát triển trong lịch sử bị tổn thương của chúng ta vì tất cả chúng ta đều có một trái tim bệnh tật - ơn cứu rỗi vượt thắng trên những áp bức và bất công của thế giới. Ngay giữa tiếng khóc của người nghèo, Nước Chúa nở hoa như những chiếc lá non của cây và hướng dẫn lịch sử đến mục tiêu, đến cuộc gặp gỡ cuối cùng với Chúa, Vua của Vũ trụ, Đấng sẽ giải thoát chúng ta một cách dứt khoát.

Vào lúc này, chúng ta hãy tự hỏi mình: Kitô Hữu chúng ta cần làm gì khi đối mặt với thực tế này? Thưa: Chúng ta được yêu cầu nuôi dưỡng hy vọng của ngày mai bằng cách chữa lành nỗi đau của ngày hôm nay. Chúng có mối liên hệ với nhau: nếu anh chị em không tiếp tục chữa lành những nỗi đau của ngày hôm nay, anh chị em sẽ khó có hy vọng vào ngày mai. Thật ra, niềm hy vọng đến từ Phúc Âm không nằm ở việc thụ động chờ đợi mọi thứ trở nên tốt đẹp hơn vào ngày mai, điều này không khả thi, chúng ta phải biến lời hứa cứu rỗi của Thiên Chúa trở nên cụ thể ngay ngày hôm nay. Hôm nay, mỗi ngày. Niềm hy vọng của Kitô Hữu thực ra không phải là một niềm lạc quan vui vẻ tột độ, ngược lại, tôi muốn nói là một niềm lạc quan ở tuổi vị thành niên, của những người hy vọng rằng mọi thứ sẽ thay đổi và trong thời gian chờ đợi tiếp tục tạo dựng cuộc sống của chính mình, bằng những cử chỉ cụ thể xây dựng mỗi ngày Vương quốc của tình yêu, công lý và tình huynh đệ mà Chúa Giêsu đã khai mạc. Chẳng hạn, niềm hy vọng của Kitô Giáo đã không được gieo bởi thầy Lê-vi và thầy tư tế đi qua trước mặt người đàn ông bị những tên cướp đánh trọng thương. Niềm hy vọng đã được gieo bởi một người lạ ( Lc 10:30-35). Và hôm nay, như thể Giáo hội đang nói với chúng ta rằng: “Hãy dừng lại và gieo hy vọng nơi sự nghèo khó. Đến gần người nghèo và gieo hy vọng”. Hy vọng của người đó, hy vọng của anh chị em và hy vọng của Giáo hội. Điều này được yêu cầu nơi chúng ta: giữa những tàn tích hàng ngày của thế giới, những người xây dựng hy vọng không mệt mỏi; sáng lên khi mặt trời sắp tắt nắng; trở thành nhân chứng của lòng trắc ẩn trong khi sự phân tâm ngự trị xung quanh; trở thành những người yêu thích và chăm chú giữa sự thờ ơ tràn lan, và là chứng nhân của lòng thương xót. Chúng ta sẽ không bao giờ có thể làm điều tốt nếu không trải qua lòng trắc ẩn. Cùng lắm là chúng ta sẽ làm được những điều tốt đấy, nhưng điều đó không liên quan gì đến đường lối của Kitô Hữu vì chúng không chạm đến trái tim. Điều khiến chúng ta chạm đến trái tim của mình là lòng trắc ẩn: chúng ta đến gần, chúng ta cảm thấy mủi lòng và chúng ta thực hiện những cử chỉ âu yếm. Đúng với phong cách của Chúa: gần gũi, từ bi và dịu dàng.

Gần đây, tôi được nhắc nhở về điều mà một Giám mục gần gũi với người nghèo và chính ngài cũng là người có tinh thần thanh bần, Don Tonino Bello, đã từng lặp đi lặp lại rằng: “Chúng ta không thể giới hạn mình trong hy vọng, chúng ta phải tổ chức hy vọng”. Nếu niềm hy vọng của chúng ta không được chuyển thành những lựa chọn và cử chỉ cụ thể của sự quan tâm, công lý, tình liên đới, chăm lo cho ngôi nhà chung, thì nỗi đau khổ của người nghèo không thể nguôi ngoai, nền kinh tế lãng phí buộc họ phải sống bên lề sẽ không thể thay đổi được, và như thế thì kỳ vọng của họ sẽ không thể phát triển trở lại. Điều đó tùy thuộc vào chúng ta, đặc biệt là các tín hữu Kitô, hãy tổ chức hy vọng - cách diễn đạt này của Đức Cha Tonino Bello rất hay: tổ chức hy vọng, biến nó thành cuộc sống cụ thể mỗi ngày, trong các mối quan hệ của con người, trong cam kết xã hội và chính trị. Nó khiến tôi nghĩ đến công việc mà rất nhiều Kitô Hữu đã làm với các công việc bác ái, công việc từ thiện của các Tông đồ… Điều gì đang được thực hiện ở đó? Hy vọng đang được tổ chức. Không phải là anh chị em trao ra một đồng xu, không phải như thế, nhưng anh chị em tổ chức hy vọng. Đây là một động lực mà Giáo hội yêu cầu chúng ta ngày nay.

Có một hình ảnh về niềm hy vọng mà Chúa Giêsu đưa ra cho chúng ta ngày hôm nay. Nó vừa giản dị vừa mang ý nghĩa biểu tượng: đó là hình ảnh những chiếc lá cây vả âm thầm đâm chồi nảy lộc, báo hiệu mùa hè đã gần kề. Và những chiếc lá này xuất hiện, Chúa Giêsu nhấn mạnh, khi cành trở nên xanh tươi (x. Mc 13:28). Anh chị em thân mến, đây là từ làm cho hy vọng nảy mầm trên thế giới và xoa dịu nỗi đau của người nghèo: sự dịu dàng. Lòng trắc ẩn dẫn anh chị em đến sự dịu dàng. Tùy thuộc vào chúng ta trong việc vượt qua sự khép kín, sự cứng nhắc bên trong, vốn là cám dỗ của ngày nay, của những “nhà phục hưng”, những người muốn có một Giáo hội hoàn toàn trật tự, cứng nhắc: ý tưởng này không phải là của Chúa Thánh Thần. Và chúng ta phải vượt qua điều này, và làm cho hy vọng nảy mầm trong sự cứng nhắc này. Và cũng tùy thuộc vào chúng ta để vượt qua sự cám dỗ chỉ giải quyết các vấn đề của chúng ta, để có thể mềm lòng khi đối mặt với những bi kịch của thế giới, và ngậm ngùi với những nỗi đau. Giống như những chiếc lá cây, chúng ta được kêu gọi hấp thụ ô nhiễm xung quanh chúng ta và biến nó thành tốt: chúng ta không cần phải nói về các vấn đề, những tranh cãi, những tai tiếng - tất cả chúng ta đều biết cách làm điều này, đó là chúng ta cần bắt chước những chiếc lá, không thu hút sự chú ý hàng ngày nhưng lặng lẽ biến không khí bẩn thành không khí sạch. Chúa Giêsu muốn chúng ta là những người “cải thiện”: những người, (Rô-ma 12:21) hành động: bẻ bánh cho người đói, nỗ lực vì công lý, nâng cao người nghèo và phục hồi phẩm giá của họ, như người Samaritanô đã làm.

Thật là đẹp và có tính truyền giáo một Giáo Hội trẻ trung vượt ra khỏi chính mình và giống như Chúa Giêsu, loan báo tin mừng cho người nghèo (x. Lc 4,18). Tôi dừng lại ở tính từ đó, tính từ cuối cùng: một Giáo hội như vậy là trẻ trung; tuổi trẻ để gieo hy vọng. Đây là một Giáo hội tiên tri, với sự hiện diện của mình, nói với trái tim lạc lối và bị bỏ rơi của thế giới: “Can đảm lên, Chúa đã đến gần, vì anh em cũng có một mùa hè đến giữa lòng mùa đông. Ngay cả từ nỗi đau của anh chị em, hy vọng có thể sống lại”. Thưa anh chị em, chúng ta hãy mang cái nhìn hy vọng này đến với thế giới. Chúng ta hãy dịu dàng đón nhận người nghèo, gần gũi, với lòng trắc ẩn, không phán xét họ - để chúng ta khỏi bị phán xét. Vì ở đó, với họ, với người nghèo là Chúa Giêsu; bởi vì ở đó, trong họ, là Chúa Giêsu, Đấng đang chờ đợi chúng ta.
Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana