Ngày 13-11-2018
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Chọn Đấng chịu đóng đinh
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
06:06 13/11/2018
LỄ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM

Năm 1837, vua Minh Mạng triệu tổng đốc Nam Định Trịnh Quang Khanh về kinh và trao cho 40 cây Thánh Giá, rồi ra lệnh phải áp dụng gắt gao chiếu chỉ cấm đạo. Từ đó, tổng đốc Khanh trở thành “Hùm xám Nam định”.

40 cây Thánh Giá trở thành dụng cụ để thử thách niềm tin của người tín hữu. Người có đạo khi bị bắt, buộc phải “quá khoá” phải bước qua Thánh Giá. Nếu bước qua sẽ được sống, được trả lại tất cả những gì đã mất, và còn được tặng thêm phú qúi vinh hoa. Không bước qua phải bị tù đày, gông cùm đòn vọt và mất cả mạng sống.

Thánh Giá chính là cột mốc để phân định giữa sống và chết, giữa Thiên Chúa và thế gian. Khi đối diện với Đấng Chịu Đóng Đinh, người tín hữu luôn phải thực hiện một sự chọn lựa có tính quyết định.Chỉ cần một bước chân thôi là mọi sự thay đổi. Đã có người bước qua, và cũng có người không.

Có người bị khiêng qua thánh giá nhưng đã co chân lên, như thánh Antôn Nguyễn Đích. Có người bước qua, nhưng sau lại hối hận. Đó là trường hợp của ba vị thánh quân nhân: Âutinh Huy, Nicôla Thể và Đaminh Đạt. Cũng có những vị được quan quân khuyến dụ hãy giả vờ bước qua thập giá để cho quan có cớ mà tha, còn sau đó về nhà thì muốn sao tuỳ ý; nhưng các thánh tử đạo vẫn không chấp nhận một thoả hiệp như thế. Các ngài vẫn khẳng khái nói không. Không bước qua thập giá, không bỏ đạo, không chối Chúa.

Đứng trước thập giá là đứng trước một lựa chọn. Tôi chọn Chúa hay tôi chọn tôi? Không có giải pháp dung hoà hay lấp lửng.Giây phút đứng trước thập giá là giây phút quan trọng.Quyết định không bước qua thập giá là kết tinh của những đêm dài cầu nguyện, của việc chiến thắng những mời mọc khéo léo, của việc thắng vượt những sợ hãi, giằng co nội tâm, của những Vườn Dầu trong ngục thất...

Các Thánh Tử Đạo có chung một chọn lựa dứt khoát : theo Đức Kitô hay theo vua quan? Theo Đức Kitô là vác thập giá, sống trong gông cùm và chết trong đau thương. Theo vua quan là thừa hưởng vinh hoa phú quý nơi trần gian. Các Ngài có chung một quyết định tối hậu là theo Đức Kitô. Giây phút quyết định ấy chỉ có các Ngài với Thiên Chúa, chỉ có linh hồn với cõi phúc vô biên. Giây phút ấy không bị ảnh hưởng bởi gia đình, tổ quốc, nhân sinh. Người chết trong máu tử đạo đã coi nhẹ nghĩa phu thê, đã xem thường đường phụ tử. Họ khao khát một tình yêu vô biên mỹ lệ như giải ngân hà sao sa vời vợi, như vầng nhật nguyệt huy hoàng khôn tả. Các Ngài đã hoan hỉ chấp nhận chết để được sống một cuộc đời mà không mỹ từ nào diễn tả nổi, không bút hoạ nào vẽ thành và không hùng biện nào tuyên dương cho trọn. Người chết trong gông cùm mòn mỏi đã đặt tổ quốc đàng sau những giá trị vĩnh cửu. Ước vọng của họ không phải là được người đời tưởng niệm, được hậu thế tôn phong. Họ chết là vì đức tin thúc đẩy. Họ chỉ muốn thực hiện điều đã từng nghe biết : “Ai tuyên xưng danh Ta trước mặt trần gian, Ta sẽ tuyên danh nó trước mặt Cha Ta trên trời” (Mt 10,32). (x.Thiên Hùng Sử trang 4).

Trải qua sáu triều Vua: Trịnh, Nguyễn, Tây Sơn, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Giáo Hội Việt Nam đã có hơn 100 ngàn Đấng Tử Đạo được ghi nhận trong sổ sách. Trong đó, có 58 Giám mục và Linh mục ngoại quốc thuộc nhiều nước như Pháp, Tây Ban Nha, Bồ đào Nha, Hà Lan, Italia, 15 Linh mục Việt Nam, 340 Thầy Giảng, 270 Nữ tu Mến Thánh Giá, 99.182 Giáo dân. Đó là chưa kể con số rất đông các tín hữu bị chết mất tích trong các đợt bắt Đạo vì lưu đày, vì phải trốn tránh vào những nơi hẻo lánh.Đó là chưa kể rất nhiều tín hữu phải chết do cuộc Phân Sáp 400 ngàn người Công Giáo dưới triều Vua Tự Đức.Đó còn là chưa kể con số hơn mười mấy vạn người Công Giáo bị chết khi có Phong trào Văn Thân nổi lên tàn sát người Công Giáo...Như thế, con số Tử Đạo phải tính lên đến 300 ngàn người trong vòng 300 năm. Nếu tính theo tỷ lệ, 100 năm thì có 100 ngàn Vị Tử Đạo. Và theo tỷ lệ này, cứ một năm, có một ngàn Vị Tử Đạo; và đổ đồng, cứ một ngày, có hơn hai Vị Tử Đạo!

Thánh Giá luôn là điểm hẹn tình yêu,là nơi gặp gỡ của những người sống cho tình yêu và chết cho tình yêu. Nếu thập giá là biểu tượng của đau khổ thì Đấng Chịu Đóng Đinh đã chiến thắng đau khổ. Chúa Kitô đã tạo ra sự khác biệt hoàn toàn giữa thập giá và kẻ bị đóng đinh. Khi nhận lấy thập giá, Chúa Kitô đã dùng tình yêu biến đau khổ thành niềm vui. Tình yêu làm cho thập giá trở thành Thánh Giá.

Thánh Giá biểu tượng cho cuộc chiến đấu của Chúa Giêsu và cũng là biểu tượng cho tình yêu mạnh hơn sự chết và cho sự Thiện sẽ giành chiến thắng cuối cùng trên sự Ác.Thánh Giá là cánh cổng dẫn vào sự sống, thất bại chuyển thành chiến thắng, sự sống bị tước đoạt trở thành sự sống viên mãn. Ai đánh mất mạng sống mình sẽ tìm gặp lại sự sống. Ai can đảm chết cho Chúa Kitô sẽ được sống muôn đời. Thánh Giá là sự khôn ngoan và quyền năng của Thiên Chúa, bởi lẽ “Sự điên rồ nơi Thiên Chúa thì khôn ngoan hơn loài người, và sự yếu đuối nơi Thiên Chúa thì mạnh sức hơn loài người” (1Cr 1, 24 -25).Thánh Giá đã trở thành dấu chỉ của tình yêu hy vọng và sự sống. Thánh Phaolô có một ước muốn: “Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá Đức Giêsu Kitô” (Gl 6,14).

Đức Cha Lambert de la Motte sáng lập Dòng Mến Thánh Giá. Đây là Hội Dòng chọn Đức Kitô chịu đóng đinh là đối tượng duy nhất của tình yêu của lòng trí. Không chọn cái gì nhẹ nhàng mà lại chọn Đấng chịu đóng đinh trên Thánh Giá. Chọn con đường theo Chúa là đi vào con đường hẹp. Một chọn lựa khôn ngoan vì đã chọn chính Đấng Cứu Độ. Thánh Giá là đỉnh cao ơn cứu độ.

Thánh Giá đã in sâu và gắn chặt với Chúa Giêsu Kitô. Ngay cả sau khi Chúa sống lại vinh quang, các vết thương khổ nạn thập giá vẫn hiển hiện vẫn không bị xóa nhòa. Thánh Giá Chúa Kitô xuyên qua thời gian và hiện diện trong mỗi giây phút cuộc đời chúng ta. Sự hiện diện ấy làm thay đổi tất cả.

Chúa Giêsu ở giữa nhân loại trong Bí tích Thánh Thể. Để trở nên nguồn sống tâm linh trong Thánh Thể, Chúa Giêsu đã đi qua Tử nạn và Thập giá.

Thánh Thể là Mình Chúa hy sinh bị nộp, bị giết vì chúng ta: “Đây là Mình Thầy hy sinh vì anh em”. Chén Máu của Chúa là Máu giao ước đổ ra, Máu của Đấng Cứu thế bị giết chết trên thập giá. Bởi đó Thánh Thể và Thánh Giá là hai mầu nhiệm của một tình yêu tự hiến của Chúa Kitô. Không có Thánh Giá, Thánh Thể không có ý nghĩa. Không có Thánh Thể, Thánh Giá chỉ là thất bại.Từ Thánh Giá đến Thánh Thể là hành trình của con đường tình yêu tự hiến. Thánh lễ là cử hành hy tế cứu độ của Chúa Giêsu từ mầu nhiệm Thánh Giá đến tình yêu Thánh Thể.

Các Thánh Tử Đạo Việt Nam nhờ sức mạnh của Thánh Thể nên đã chọn Thánh Giá cách tuyệt đối và quyết liệt, dám liều mất cả mạng sống cho sự lựa chọn của mình. Các ngài thật khôn ngoan. Là con cháu của các Ngài, xin cho chúng con luôn khôn ngoan trong những chọn lựa của đời sống hàng ngày. Amen.


 
Sẵn sàng đón Chúa lại đến
Lm Đan Vinh
06:18 13/11/2018
Chúa Nhật 33 Thường niên B
Đn 12,1-3 ; Dt 10,11-14.18 ; Mc 13,24-32

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Mc 13,24-32

(24) Trong những ngày đó, sau cơn gian nan ấy, thì mặt trời sẽ ra tối tăm, mặt trăng không còn chiếu sáng, (25) Các ngôi sao từ trời sa xuống, và quyền lực trên trời bị lay chuyển. (26) Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến. (27) Lúc đó, Người sẽ sai các thiên sứ đi, và Người sẽ tập hợp những kẻ được Người tuyển chọn từ bốn phương về, từ đầu mặt đất cho đến cuối chân trời. (28) Anh em cứ lấy thí dụ cây vả mà tìm hiểu. khi cành nó mềm ra và trổ lá, thì anh em biết là mùa hè đã đến gần. (29) Cũng vậy, khi thấy những điều đó xảy ra, anh em hãy biết là Người đã đến gần, ở ngay ngoài cửa rồi”. (30) Thầy bảo thật anh em: Thế hệ này sẽ chẳng qua đi, trước khi mọi điều ấy xảy ra. (31) Trời đất sẽ qua đi, nhưng những lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu. (32) Còn về ngày hay giờ thì không ai biết được, ngay cả các thiên sứ trên trời hay Người Con cũng không. Chỉ có Chúa Cha biết mà thôi.

2. Ý CHÍNH:

Bài Tin Mừng hôm nay nằm trong diễn từ về “Cuộc quang lâm của Đức Giê-su” (x. Mc 13,1-37). Bằng những hình ảnh tượng trưng về sự sụp đổ của Đền Thờ kèm theo những điềm báo trước, Đức Giê-su nhắc nhở các tín hữu về “Ngày của Chúa” tức là ngày tận thế. Khi đó sẽ có những cơn bách hại xảy ra, trời đất cũ sẽ bị rung chuyển và biến đổi thành “Trời Mới Đất Mới” (x Kh 21,1), trước khi Con Người đến trong đám mây.

3. CHÚ THÍCH:

- C 24-25: + Trong những ngày đó: Ngày nói đây là ngày Đền Thờ Giêrusalem nguy nga tráng lệ bị tàn phá bình địa. + sau cơn gian nan ấy: Cơn gian nan như một điềm báo trước về Ngày Tận Thế. + Mặt trời sẽ ra tối tăm, mặt trăng không còn chiếu sáng, các ngôi sao từ trời sa xuống, các quyền lực trên trời bị lay chuyển: Những hình ảnh trong các sách Cựu Ước này nói về “Ngày của Đức Giavê”. Ở đây các hình ảnh này nhằm đề cao sự uy nghiêm của Đức Ki-tô trong Ngày Tận Thế: bấy giờ các tầng trời sẽ bị rung chuyển, công trình sáng tạo xưa kia sẽ biến mất và một Trời Đất Mới sẽ xuất hiện.
- C 26-27: + Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến: Con Người là hình ảnh một nhân vật trong sách Đanien, trổi vượt hơn hình ảnh “Đấng Mê-si-a Con Vua Đavít”. Ngài đến trong đám mây trời, tiến lên trước toà Thiên Chúa và nhận lãnh một vương quyền phổ quát (x Đn 7,13). Trong các sách Tin Mừng, Đức Giê-su đã xưng mình là Con Người tới 70 lần (x. Mt 8,20; Ga 3,13...): Người tự xưng là Con Người với 2 ý nghĩa. Một là Người Tôi Tớ của Đức Giavê: “Tôi, Người Tôi Tớ bị loại bỏ, bị giết chết nhưng sẽ được tôn vinh và sẽ cứu độ muôn người” (x. Mc 8,31). Hai là Chúa Con, được đưa lên trời ngự bên hữu Chúa Cha (x. Tv 110,1) và đến ngày tận thế, sẽ lại đến (x. Đn 7,13). + “Đến trong đám mây”: Mây không phải là một phương tiện di chuyển, nhưng chỉ là một biểu tượng về sự hiện diện của Thiên Chúa (x. Xh 13,21; Mt 17,5) + Người sẽ sai các thiên sứ đi và Người sẽ tập họp những kẻ được Người tuyển chọn từ bốn phương về, từ đầu mặt đất cho đến cuối chân trời: Từ khắp nơi, Đấng Ki-tô sẽ ra lệnh cho các thiên thần qui tụ tất cả những người lành thánh được tuyển chọn tập trung lại.
- C 28-29: + Lấy thí dụ cây vả... khi thấy những điều đó xảy ra: Các ngôn sứ thường dùng hình ảnh mùa hè và mùa gặt để diễn tả ngày cánh chung hay ngày tận thế. Ở đây Đức Giê-su dùng hình ảnh cây vả báo trước mùa hè sắp tới, để ám chỉ về ngày cùng tận của Đền Thờ Giêrusalem là hình ảnh tiên báo về ngày tận thế (x Mc 13,4-19).
- C 30-31: + Thế hệ này sẽ chẳng qua đi, trước khi mọi điều ấy xảy ra: Việc tàn phá Đền Thờ Giêrusalem xảy ra vào năm 70, là thời điểm những ai nghe lời Đức Giê-su giảng vẫn còn sống và chứng kiến những điều Người tiên báo được ứng nghiệm. + Trời đất sẽ qua đi, nhưng lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu: Vũ trụ vật chất sẽ có ngày tan biến (x Is 24,19.23), nhưng Lời Đức Giê-su sẽ luôn tồn tại nhờ quyền năng của Thiên Chúa.
- C 32: + Về Ngày Giờ đó: câu này nói về ngày tận thế sẽ xảy ra. + chỉ có Chúa Cha biết mà thôi: Ngày Giờ cánh chung hay tận thế thuộc quyền Chúa Cha định liệu. Đức Giê-su vốn dĩ là Thiên Chúa (x. Pl 2,6), với tư cách là Ngôi Lời, đồng bản tính vơi Chúa Cha nên dĩ nhiên Người biết mọi sự giống như Chúa Cha. Nhưng với tư cách là Đấng Thiên Sai (x. Pl 2,8), Người “nên giống chúng ta mọi đàng chỉ trừ không có tội” (x. Gl 4,4), nên Người không biết được Ngày Giờ ấy, hầu mọi người phải luôn tỉnh thức và sẵn sàng chuẩn bị cho ngày ấy (x. Mc 13,33).

4. CÂU HỎI:

1) Trong Tin Mừng, Đức Giê-su đã tự xưng là “Con Người” mấy lần? Đức Giê-su muốn mặc khải mình là ai khi tự xưng mình là Con Người?
2) “Con Người ngự trong đám mây mà đến”: Phải chăng đám mây là phương tiện Đức Giê-su dùng để di chưyển?
3) Đức Giê-su có biết rõ ngày cùng tận của thế giới là ngày nào không? Tại sao?

II. SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến (Mc 14,26).

2. CÂU CHUYỆN:

1) DỌN MÌNH CHẾT LÀNH:

Khi Thánh Giáo Hoàng Gio-an XXIII ngã bệnh nặng, các bác sĩ không nói gì về bệnh tình của ngài, nhưng ngài biết mình khó sống thêm nên thường nói với những người chung quanh: “Tôi đã sắp sẵn hành trang”. Đến ngày cuối cùng khi giờ chết sắp đến, thư ký riêng tới bên giường hôn tay Đức Giáo Hoàng và hỏi thăm xem ngài cảm thấy trong mình thế nào. Đức Gio-an trả lời: - Cha thấy dễ chịu và an bình trong tay Chúa, nhưng cũng hơi lo.
Vị thư ký nói: - Cha không phải lo. Nhưng chúng con đang lo đây. Chúng con mới nói chuyện với các bác sĩ…
Đức Giáo Hoàng ngắt lời hỏi: - Họ nói với con thế nào?
Vị linh mục nghẹn ngào nói: - Thưa Đức Thánh Cha, con phải nói sự thật: Hôm nay là ngày của Chúa. Hôm nay Cha về Thiên đàng.
Nói xong, vị thư ký quỳ xuống bên giường ôm mặt khóc. Đức Giáo Hoàng âu yếm xoa đầu vị thư ký và ôn tồn nói:
- Mọi khi con can đảm lắm, sao giờ mềm yếu vậy? Con vừa cho ta nghe những lời hay đẹp nhất mà một vị linh mục có thể nói: Hôm nay Cha sẽ về Thiên đàng.

Phải có một niềm tin vững mạnh, người ta mới có thể bình thản như vậy lúc từ giã cõi đời.

2) TRÁNH NGHE NHỮNG TIN ĐỒN NHẢM VỀ NGÀY TẬN THẾ:

Vào cuối năm 1992, hàng chục ngàn tín đồ của một giáo phái tại Hàn quốc đã tụ tập nhau trong hơn 150 nhà thờ để đón chờ ngày tận thế, đón Đức Giê-su tái lâm trong vinh quang để phán xét chung. Theo những người lãnh đạo của giáo phái này thì chính xác ngày tận thế là vào lúc nửa đêm ngày 28/10/1992. Các tín đồ của giáo phái trương lên biểu ngữ: ”Chúng ta sẽ gặp nhau trên trời”. Đồng thời hàng ngàn cảnh sát Hàn quốc cũng được đặt trong tình trạng báo động cao trên toàn quốc để phòng ngừa một cuộc tự sát tập thể, nếu ngày tận thế không xẩy ra. Bởi vì, rất nhiều người do quá tin tưởng đã bán hết nhà cửa và phát tán mọi tài sản gia đình… để chuẩn bị cho ngày tận thế này. Nhưng cuối cùng ngày tận thế đã không xẩy ra, nên sau đó giáo phái này đã tự giải thể.

Đây chỉ là một trong nhiều tiên báo không chính xác về ngày tận thế trên thế giới. Sở dĩ người ta đóan sai là do đã hiểu lời Chúa cách lệch lạc và không đúng theo Lời Chúa Giê-su dạy. Đối với các tín hữu chúng ta: nhân dịp cuối năm phụng vụ, Hội Thánh muốn nhắc nhở chúng ta ý thức về ngày tận thế chắc chắn sẽ xảy ra, nhưng không xác định cụ thể ngày giờ. Việc đề cập đến ngày này nhằm giúp chúng ta canh tân đời sống và tích cực chuẩn bị cho ngày Chúa đến viếng thăm trong giờ chết của mỗi người.

3. THẢO LUẬN:

1) Bạn hiểu thế nào về ngày tận thế?
2) Chết là gì?
3) Bạn làm gì để chuẩn bị đón Chúa đến trong giờ chết mỗi người và ngày tận thế chung tòan nhân lọai?

4. SUY NIỆM:

1) Ngày tận thế chắc chắn sẽ đến:

Tin mừng Mác-cô hôm nay nói về ngày tận thế: Hôm ấy các môn đồ chỉ cho Đức Giê-su thấy cảnh huy hoàng của Ðền Thờ khi được ánh sáng mặt trời chiếu vào! Nhưng Đức Giê-su đã tiên báo cảnh ấy có ngày sẽ không còn nữa và Đền Thờ sẽ bị phá hủy không còn hòn đá nào chồng trên hòn đá nào, vì dân Giêrusalem đã từ chối đón nhận ngày Thiên Chúa đến viếng thăm.

Ðức Giê-su đã dùng những hình ảnh về thời kỳ chiến tranh, cũng như các công thức về thời cánh chung trong các sách ngôn sứ để diễn tả cảnh tàn phá của Giêrusalem. Từ đó, Người đề cập đến ngày cùng tận của thế giới. Nhưng lời của Đức Giê-su được các thánh sử ghi lại sau khi Ðền Thờ đã bị sụp đổ và Hội Thánh bị bách hại khắp nơi. Qua Lời Chúa hôm nay, Mác-cô muốn trình bày các điều sau: Một là các hiện tượng trời đất như mặt trời tối sầm, mặt trăng mất sáng, tinh tú sa xuống và các thiên thể lay chuyển… là điềm báo Chúa đến trong ngày tận thế. Hai là mặt trời tối sầm, mặt trăng mất sáng, tinh tú sa xuống… cho thấy vũ trụ này sẽ quay trở lại lúc khởi nguyên hỗn mang khi chưa có ánh sáng. Và như thế, ngày tận thế là lúc vũ trụ sẽ biến mất để cho “trời mới và đất mới” xuất hiện. Ba là người ta sẽ thấy “Con Người đến trong đám mây”. Con Người chính là Ðức Giê-su Cứu thế. Hình ảnh mây trời nhấn mạnh tính cách "hiển linh" của việc Người đến. Và như vậy "ngày của Chúa" sẽ trở thành ngày của Thiên Chúa đến “trong” và “nhờ” Con Người là Đức Giê-su. Bốn là Vua Ki-tô sẽ sai các thiên thần đi khắp cùng mặt đất thâu họp những kẻ được chọn lại, để đưa họ vào hưởng vinh quang của Người trên trời.

2) khi nào điều ấy xảy ra?

Đây là thắc mắc của mọi thế hệ loài người. Theo Tin mừng Mác-cô: Ðức Giê-su dạy các môn đệ phải tiên liệu: Khi thấy các điềm kia xảy ra, thì hãy biết rằng “Con Người đã đến gần bên cửa” (x Mc 13: 28-29).

Các điềm báo về ngày tận thế như: Mùa hè ám chỉ thời kỳ tận thế, các chi tiết khác như: Ðền thờ bị tàn phá, chiến tranh lọan lạc, các Ki-tô giả xuất hiện, niềm tin trở nên nguội lạnh, các tầng trời bị lay chuyển v.v... cho thấy tính không bền vững của vũ trụ vật chất.
Nghe lời Chúa hôm nay, nhiều người đã lầm tưởng ngày tận thế sắp đến. Nhưng ngay sau đó Đức Giê-su đã khẳng định: "Về ngày ấy hay giờ ấy, thì chẳng ai biết được... cả Con Người nữa, trừ phi là Chúa Cha" (Mc 13,32).

Thực ra, với bản tính Thiên Chúa, Đức Giê-su ngang hàng với Chúa Cha, nên cũng biết rõ ngày tận thế. Nhưng với bản tính lòai người thì cũng như chúng ta, Người không biết rõ đó là ngày nào.

3) Chúng ta phải làm gì?

- Không nên hỏang sợ nhưng hãy hy vọng chờ đón Chúa đến:

Đức Giê-su báo trước sẽ có ngày tận thế, nhưng lại dạy môn đệ không nên hoảng sợ. Người đến để phán xét mọi người, nhưng “đối với những ai mong đợi trong yêu mến ngày Chúa lại đến” (2 Tm 4,8), thì Người sẽ là Đấng Cứu Độ và là vinh quang của họ : ”Người sẽ sai các thiên thần đi quy tụ từ bốn phương trời, những người được tuyển chọn”. Giáo hội bị bắt bớ nhưng cũng được an ủi vì “sẽ thấy vinh quang của Đức Giê-su Ki-tô” (Tt 2,13). Đứng trước các tin đồn về ngày tận thế, thái độ đúng đắn nhất của các môn đệ là: ”tỉnh thức và cầu nguyện luôn”, trong niềm mong chờ, vì Chúa sẽ đến bất ngờ như Người đã nói: ”Anh em hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến” (Mt 24,44).

- Chuẩn bị cho giờ chết của mỗi người và ngày tận thế chung tòan nhân lọai:

Người Ki-tô hữu chỉ có thể “đứng vững trước mặt Con Người” khi biết thanh luyện tội lỗi, tránh xa sự dữ và các thói hư, nhất là thói ích kỷ, tham lam…, và góp phần xây dựng một thế giới mới yêu thương, trong đó mọi người luôn quan tâm, cảm thông và chia sẻ phục vụ lẫn nhau, cùng nhau xây dựng cho gia đình, cộng đòan và môi trường sống ngày một tốt đẹp hơn.

- Cần ý thức tính tập thể của ơn cứu độ:

Đường về trời không dành riêng cho từng người, nhưng là con đường chung cho hết mọi người. Trong ngày phán xét, Đức Ki-tô sẽ tái lâm xét xử nhân lọai dựa trên tiêu chuẩn thực thi bác ái chia sẻ và phục vụ tha nhân. Ai sống trong yêu thương, người đó sẽ được sống lại và hưởng hạnh phúc trường sinh, còn kẻ “ghét anh em chính là kẻ sát nhân” (1 Ga 3,15) cũng sống lại để chịu hình phạt “khóc lóc và nghiến răng” (x Mt 25,31-46). Còn “Ai làm cho người ta nên công chính sẽ chiếu sáng muôn đời như những vì sao”(Đn 12,3).

- Ma-ra-na-tha: Lạy Chúa Ki-tô, xin hãy đến:

Các tín hữu thời Hội Thánh sơ khai đã mong ước ngày trở lại của Chúa qua lời cầu nguyện: “Ma-ra-na-tha - Lay Chúa Giê-su, xin ngự đến” (Kh 22,20). Trong Thánh lễ, sau khi truyền phép, các tín hữu chúng ta cũng dâng lời xin: ”Lạy Chúa, chúng con loan truyền việc Chúa chịu chết, và tuyên xưng việc Chúa sống lại cho tới khi Chúa đến”. Mỗi tín hữu chúng ta cần năng hồi tâm sám hối và tích cực chuẩn bị cho ngày Chúa đến bằng việc làm các việc bác ái chia sẻ phục vụ cho tha nhân nhằm “Làm vinh danh cho Thiên Chúa và vì phần rỗi các linh hồn”, kèm theo một lời nguyện như sau: “Lạy Chúa Ki-tô, xin hãy đến“.

5. LỜI CẦU:

Lạy Chúa Giê-su, xin ban cho chúng con một quả tim mới và một thần trí mới để chúng con sẵn sàng góp phần xây dựng Hội Thánh và phục vụ Chúa trong mọi người chung quanh ngay từ hôm nay. Xin cho chúng con sẵn lòng chấp nhận các đau khổ trái ý xảy đến để thành tâm sám hối tội lỗi, khử trừ thói hư và tích cực góp phần làm cho gia đình, cộng đòan, xã hội… trở nên công bình yêu thương và bình an hoan lạc hơn, hầu đón chờ Chúa sẽ tái lâm và biến trần gian trở thành một “Trời Mới Đất Mới” vào ngày tận thế.

X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ)XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.

 
Thi ca suy niệm Chúa nhật tuần 33 thường niên B
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
08:40 13/11/2018
Chúa Nhật 33 THƯỜNG NIÊN. B
(Mt 13, 24-32)
NƯỚC CHÚA


Dụ ngôn Nước Chúa kể rằng:
Người gieo giống tốt, ruộng bằng phì nhiêu.
Chăm nom săn sóc sáng chiều,
Trong khi đêm ngủ, ra chiêu phá vùng.
Kẻ thù gieo vãi cỏ lùng,
Chen vào phá hoại, rục tùng phí công.
Cỏ lùng giữa lúa mênh mông,
Lúa thơm kết hạt, trổ bông cỏ lùng.
Bằng lòng đầy tớ đi cùng,
Ra đồng nhổ cỏ, đem nung đốt lò.
Chủ rằng đợi đó đừng lo,
Tới mùa thợ gặt, thu kho lúa vàng.
Cỏ lùng gom lại bó ngang,
Đốt đi từng bó, dễ dàng hủy tiêu.
Con người tốt xấu bao nhiêu,
Tới ngày phán xét, thiên triều thẳng ngay.

Nước Trời dưới thế bao gồm cả người tốt lẫn kẻ xấu. Mọi người cùng chung sống với nhau. Giống như cỏ lùng được gieo vào giữa ruộng lúa. Cả hai cứ tiếp tục mọc lên cho đến khi sinh bông hạt. Tới mùa thu hoạch, ông chủ sẽ thu góp cỏ lùng lại và đem đốt đi. Hình ảnh Nước Trời nơi trần gian cũng tương tự như thế. Nước Trời còn gọi là Hội Thánh, không phải tất cả mọi người trong Hội là thánh cả đâu. Chúng ta tuyên xưng Giáo Hội thánh thiện là vì có Chúa Kitô là đầu nhiệm thể, Ngài chính là Đấng Thánh.

Chúa mời gọi mọi người gia nhập vào Nước Chúa. Nước Chúa bao gồm cả người thánh thiện lẫn các tội nhân. Cuộc lữ hành trần thế là một cuộc tôi luyện. Không ai sinh ra đã là thánh. Chúng ta phải trở nên thánh mỗi ngày. Chúa ban đủ ơn và tạo điều kiện cho mỗi người được nên tốt lành và thánh thiện. Chúa không ép buộc nhưng Chúa mời gọi chúng ta hãy nên trọn lành như Cha chúng ta ở trên trời.

Truyện kể có một ông chủ giầu có đến thăm một làng quê nghèo. Ông muốn chia xẻ tài sản cho người nghèo để giúp họ có vốn làm ăn. Nhiều người nghe thế, vội vã đến xin giúp đỡ. Họ nghĩ ông chủ qúa tốt bụng và độ lượng. Nhưng có một số người khác tính toán kỹ hơn tự hỏi: Tại sao ông ta rộng lượng như thế? Chắc ông ta có ý đồ lợi dụng điều gì đây? Họ đã chối từ sự giúp đỡ. Ông chủ ra đi, những người nhận phần vốn đã sinh hoa lợi và làm lại cuộc đời. Còn những người cố hữu trong tư tưởng nghi ngờ. Họ vẫn chịu cảnh nghèo nàn và vất vả hằng ngày.

Chúa là Cha nhân hậu và quảng đại vô cùng. Chúa đã trao ban cho chúng ta biết bao hồng ân. Chúng ta được sinh ra làm người và rồi được sinh lại làm con của Chúa. Chúng ta được gia nhập vào Nước Chúa và có quyền làm con Chúa. Chúa trao ban cho chúng ta có khả năng, có trí khôn và có linh hồn. Chúng ta phải làm gì để đáp lại lòng yêu thương vô bờ của Chúa. Đôi khi trong cuộc sống, chúng ta nghĩ rằng tất cả những gì chúng ta có, đều là do công lao khó nhọc của chúng ta.

Nước Trời như hạt giống gieo xuống sinh nhiều hoa trái. Hạt giống mà chúng ta đã lãnh nhận cho dù có nhỏ bé đều là ân sủng được trao ban. Không có gì nhưng không hay tự nhiên mà có. Tất cả đều là hồng ân của Chúa. Chúng ta đã nhận lãnh hạt giống ân sủng, chúng ta có bổn phận làm sinh hoa kết trái yêu thương.

THỨ HAI, TUẦN 33 THƯỜNG NIÊN
(Lc 18, 35-43).
MẮT SÁNG


Người mù nghe ngóng xôn xao,
Vệ đường hành khất, biết bao khổ sầu.
Đám đông liền hỏi đôi câu,
Chuyện gì xảy đến, ngõ hầu khấn van.
Giê-su Đức Chúa thương ban,
Anh liền kêu lớn, hỏi han thưa Thầy,
Xin Ngài thương xót con đây,
Bao năm mù tối, bao vây cuộc đời.
Cho con xem thấy đất trời,
Chúa Giê-su bảo, mắt thời mở ra.
Lòng tin cứu chữa người ta,
Mắt anh lập tức, ánh pha rạng ngời.
Khấu đầu ca tụng Chúa Trời,
Hồn trong mắt sáng, ngàn đời suy tôn.
Toàn dân kinh ngạc vọng đồn,
Quyền năng cao cả, kính tôn Vua Trời.

THỨ BA, TUẦN 33 THƯỜNG NIÊN
(Lc 19, 1-10).
THU THUẾ


Một người tên gọi Gia-kêu,
Làm nghề thu thuế, dám liều trèo cây.
Ông ta thủ lãnh bậc thầy,
Giầu sang phú quí, tiền đầy bạc dư.
Mong tìm xem Chúa nhân từ,
Chạy nhanh đến trước, ngắm từ cây sung.
Ngang qua Chúa ngó quanh vùng,
Thấy ông trên đó, hòa chung tâm tình.
Hôm nay Ta muốn độ sinh,
Ghé thăm lưu lại, thật tình cảm thông.
Bao ngày Chúa vẫn đợi trông,
Vui mừng đón tiếp, đám đông phàn nàn.
Sao Thầy đến trọ cửa quan,
Một người tội lỗi, lạm càn thuế thu.
Ông thưa con sẽ đền bù,
Nửa phần bố thí, gây thù xin tha.

THỨ TƯ, TUẦN 33 THƯỜNG NIÊN
(Lc 19, 11-28).
NÉN BẠC


Dụ ngôn Chúa dạy hôm nay,
Có người qúi tộc, tới ngày đi xa.
Phong vương cai trị dân ta,
Gọi mời tôi tớ, phân ra gia tài.
Chín người nén bạc miệt mài,
Ra công gắng sức, gấp hai tiền lời.
Mỗi người mỗi nén vào đời,
Tận tâm chịu khó, gọi mời lập công.
Vua khen đầy tớ thưởng công,
Quản cai thành thị, non sông góp phần.
Có người lười biếng nợ nần,
Dèm pha chống đối, đến gần kêu ca.
Là người hà khắc rầy la,
Không gieo đòi gặt, thật là oái oan.
Khốn thay những kẻ đa đoan,
Diệt trừ kẻ nghịch, lăng loàn xấu xa.

THỨ NĂM, TUẦN 33 THƯỜNG NIÊN
(Lc 19, 41-44).
THÀNH THÁNH


Thương Thành, Thầy khóc ủi an,
Giê-ru-sa-lém sẽ tàn,
Bây giờ lộng lẫy, ngập tràn vinh quang.
Mai ngày phá đổ tan hoang,
Hòa bình sứ điệp, không màng lắng nghe.
Mắt ngươi phủ kín bao che,
Chối từ Thiên Tử, vào bè chống nhau.
Vào ngày tai họa trước sau,
Quân thù đắp lũy, thương đau đổ dồn.
Vây ngươi siết chặt mồ chôn,
Phá tan bình địa, tiền môn chẳng còn.
Lòng người u uất héo hon,
Gia đình tan tác, bồ hòn đắng cay.
Không còn hòn đá xếp ngay,
Rụi tàn thiêu hủy, tới ngày khóc than.
Vì ngươi không nhận ân ban,
Con Người thăm viếng, chứa chan phúc lành.

THỨ SÁU, TUẦN 33 THƯỜNG NIÊN
(Lc 19, 45-48).
ĐỀN THỜ


Đền thờ Chúa ngự cao sang,
Là nơi cầu nguyện, khói nhang kính thờ.
Các người buôn bán đợi chờ,
Đổi trao súc vật, bạc cờ đỏ đen.
Gian tham lừa lật bon chen,
Đấu tranh cãi vã, hư hèn trí tâm.
Nhà Cha, trộm cắp, lỗi lầm,
Biến thành sào huyệt, âm thầm dối gian.
Chúa thường rao giảng diễn đàn,
Trong Đền giảng dậy, ơn ban chữa lành.
Các thầy Thượng Tế phàn nàn,
Hội đồng Kỳ Lão, làm càn tẩy chay.
Ghen tuông thù ghét trả vay,
Gây phiền ám hại, đợi ngày triệt tiêu.
Dân lành ngưỡng mộ tín điều,
Thành tâm tôn kính, huyền siêu ơn Trời.

THỨ BẢY, TUẦN 33 THƯỜNG NIÊN
(Lc 20, 27-40).
SỐNG LẠI


Các Thầy Sa-đốc không tin,
Chối từ sống lại, mải nhìn đời nay.
Truyện đời so sánh nơi này,
Lấy chồng gả vợ, phúc may sống đời.
Anh em nối dõi gọi mời,
Người anh lỡ chết, em thời gả theo.
Bảy người tiếp nối giá treo,
Cùng nhau một vợ, thể theo luật truyền.
Mọi người đều chết vô duyên,
Không con nối dõi, thề nguyền giống tông.
Một bà mà cưới bảy chồng,
Qua đời thiếu phụ, chẳng trông mong gì.
Tới ngày sống lại uy nghi,
Ai là chồng vợ, phụ tùy qua mau.
Con người sống lại đời sau.
Không còn chồng vợ, giống nhau Thiên Thần.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Giáo Hoàng Phanxicô gặp gỡ các thành viên của Học Viện Khoa Học Giáo Hoàng.
Giuse Thẩm Nguyễn
01:55 13/11/2018


Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhắc nhở Học Viện Khoa Học Giáo Hoàng “Mong sao cho việc nghiên cứu của các bạn đem lại lợi ích cho tất cả và các bạn đã được tin giao cho chìa khóa kiến thức.”

ĐGH kêu gọi các nhà khoa học hãy thuyết phục các nhà lãnh đạo về tính vô đạo đức của Vũ Khí Hạt Nhân.

Hôm nay 12 tháng 11, 2018 ĐGH đã nhấn mạnh đến điều này với các tham dự viên trong hội nghị toàn thể của Viện Khoa Học Giáo Hoàng, đang diễn ra tại Tòa Thánh từ 12-14 tháng 11, 2018 với chủ đề “Vai trò biến đổi của Khoa Học trong Xã Hội: Từ chỗ Khoa học cơ bản tiến tới những giải pháp vì sự phồn thịnh của con người.”

ĐGH thừa nhận ra rằng trong quá khứ, thế giới khoa học “có khuynh hướng khẳng định về tính độc lập, tự mãn và cho thấy một sự khả nghi nào đó với các giá trị tinh thần và tôn giáo,” nhưng bây giờ dường như lại “tăng cường nhận thức về thực tế phức tạp hơn của thế giới và con người.”



“Chúng ta nhìn thấy dấu hiệu của sự thiếu an toàn nào đó và nỗi sợ hãi trước những tiến hóa có thể về một nền khoa học và kỹ thuật, nếu cứ để tự nó bùng phát, có thể đi ngược lại lợi ích của cá nhân hay dân tộc. Phải chú ý nhiều hơn về những giá trị và đạo đức cơ bản là nền tảng trong các mối liên hệ giữa các dân tộc, xã hội và khoa học.”

“Mối liên hệ này đòi hỏi một sự suy nghĩ chín chắn nhằm thúc đẩy sự phát triển liên đới của mỗi con người và của lợi ích chung. Mở rộng đối thoại và nhận thức đầy đủ là không thể thiếu, đặc biệt khi khoa học trở nên phức tạp hơn và những chân trời mà nó mở ra đem lại những thách đố có tính quyết định cho tương lai của nhân loại.

ĐGH nhắc nhở các tham dự viên: “Cộng đồng khoa học là một phần của xã hội và không được coi là tách biệt và độc lập; thực ra, khoa học được kêu gọi để phục vụ cho gia đình nhân loại và sự phát triển liên đới của toàn thể”

Hoa trái của Khoa học.

ĐGH cám ơn các nhà khoa học và học giả và nói với họ rằng những thành quả có thể có của việc phục vụ này là “ vô số”, nhưng nhấn mạnh rằng cuộc chiến chống thay đổi khí hậu và “đe dọa hạt nhân” là then chốt: “Theo chân những vị tiền nhiệm của tôi, tôi tái xác định tầm quan trọng cơ bản của sự cam kết cho một thế giới không có vũ khí hạt nhân.”

ĐGH kêu gọi, “Cũng như Thánh Giáo Hoàng Phaolo VI và Giáo Hoàng Gioan Phaolo II, tôi kêu gọi các nhà khoa học hãy cộng tác tích cực để thuyết phục các nhà lãnh đạo quốc gia về tính vô đạo đức của loại vũ khí như thế, bởi vì sự nguy khiểm không thể khắc phục được của nó gây ra cho nhân loại và hành tinh này.”



“Như thế, tôi tái khẳng định nhu cầu của việc giải trừ vũ khí, một đề tài mà dường như càng ngày càng ít được nêu lên tại các buổi họp mà có những quyết định lớn được đưa ra. Chớ gì tôi có thể tạ ơn Thiên Chúa như Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II đã làm trong phần Di chúc của ngài, rằng trong triều đại Giáo Hoàng của tôi, thế giới đã thoát khỏi một thảm kịch lớn lao của bom nguyên tử.”

ĐGH nhấn mạnh rằng sự thay đổi toàn cầu đang tăng nhanh do ảnh hưởng bởi những việc làm của con người và vì thế có một nhu cầu đáp ứng thích hợp nhằm bảo vệ môi sinh của hành tinh và sức khỏe của dân chúng. ĐGH cũng cám ơn các nhà khoa học vì sự tập trung vào những kiến thức mới cần thiết để đối phó với những tai họa của xã hội đương đại.

“Các quyền phổ quát mà chúng ta công bố phải trở thành hiện thực cho tất cả và khoa học có thể đóng góp mang tính quyết định vào tiến trình này và phá bỏ những rào cản trên đường thực hiện. Xin cám ơn Viên Hàn Lâm Khoa học vì sự hợp tác quý giá trong cuộc chiến tội phạm chống lại con người đó là việc buôn người để cưỡng bức lao động, mại dâm và buôn bán nội tạng.

Ngài nói “Tôi đứng bên cạnh các bạn trong cuộc chiến vì nhân loại này.”

ĐGH nhìn nhận đó là con đường dài để tiến tới một sự phát triển liên đới và bền vững, nhấn mạnh rằng sự xóa bỏ đói khát, tỉ lệ cao về tử vong và nghèo, nhất là trong số 800 triệu người nghèo và bị khước từ trên trái đất của chúng ta, sẽ không thành công nếu không có sự thay đổi trong cách sống của chúng ta.

Giáo Hội không mong mỏi khoa học chỉ tuân theo những nguyên tắc về đạo đức, là một tài sản vô giá của con người. Giáo hội mong mỏi một sự phục vụ tích cực mà chúng ta có thể gọi cùng với Thánh Phaolo VI là “bác ái tri thức”.

Tin Giao chìa khóa kiến thức

ĐGH Phanxicô nhắc nhở rằng,“Các nhà khoa học và các bạn thân mến, các bạn đã được tin giao chìa khóa kiến thức. Tôi muốn được đứng trước các bạn như là một người bênh vực cho những người chỉ nhận được rất ít và từ xa những lợi ích từ kiến thức mênh mông của nhân loại và những thành tựu của nó, đặc biệt trong các lãnh vực về dinh dưỡng, y tế, giáo dục, kết nối, hạnh phúc và hòa bình.

“Cho phép tôi được nói với các bạn nhân danh những con người ấy, mong rằng sự nghiên cứu của các bạn đem lại lợi ích cho tất cả, để mọi dân tộc trên trái đất này sẽ được ăn no, uống đủ, được chữa lành và được giáo dục. Mong cho đời sống chính trị và kinh tế nhận được những chỉ dẫn của các bạn để con người có thể biết cách tiến lên với sự chắc chắn về lợi ích chung, đặc biệt vì lợi ích của những người nghèo, những người khốn cùng và tôn trọng hành tinh của chúng ta.

ĐGH nói rằng đây là viễn cảnh bao la mở ra cho các nhà khoa học khi họ đưa ra những kỳ vọng của các dân tộc, “những kỳ vọng sống động bằng hy vọng tín thác, nhưng cũng bằng sự lo lắng và bất ổn.”

ĐGH Phanxicô đã chúc lành cho các nhà khoa học, cho công việc và sáng kiến của họ, cám ơn họ vì những việc họ đang làm và nhắc nhở họ cầu nguyện cho ngài.

.
Source: Zenit.org ‘May Your Research Benefit All,’ Pope Reminds Pontifical Academy of Sciences ‘You Have Been Entrusted With Keys of Knowledge’
 
Tuyên bố của Đức Hồng Y Daniel DiNardo vào lúc khai mạc phiên khoáng đại mùa thu của HĐGM Hoa Kỳ
Đặng Tự Do
04:32 13/11/2018
Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ, gọi tắt là USCCB, nhóm phiên khoáng đại mùa thu 2018 tại Baltimore từ ngày 12 đến 14 tháng 11.

Theo dự trù, cuộc họp khoáng đại mùa thu của các Giám Mục Hoa Kỳ bắt đầu với một diễn từ của Đức Hồng Y Daniel N. DiNardo, Tổng Giám Mục Galveston-Houston và là Chủ tịch USCCB. Sau đó là diễn từ của Sứ thần Tòa Thánh tại Hoa Kỳ, là Đức Tổng Giám Mục Christophe Pierre.

Sau khi nghe hai diễn từ này, các giám mục tĩnh tâm tại nhà nguyện ngay trong khuôn viên của địa điểm này trong suốt một ngày để suy tư và cầu nguyện. Ngày tĩnh tâm sẽ được kết thúc bằng một Thánh lễ vào tối thứ Hai 12/11.

Ngày thứ Ba, các giám mục thảo luận và bỏ phiếu về một loạt các biện pháp cụ thể để đối phó với cuộc khủng hoảng lạm dụng, bao gồm hai mục quan trọng là tiêu chuẩn trách nhiệm của các giám mục đối với các vụ lạm dụng tính dục xảy ra trong giáo phận của các ngài, và việc hình thành một ủy ban đặc biệt do giáo dân điều hành để nhận khiếu nại chống lại các giám mục.

Tuy nhiên, vào “giờ thứ 11”, Tòa Thánh đã yêu cầu các Giám Mục Hoa Kỳ không bỏ phiếu về hai mục quan trọng này. Các phương tiện truyền thông tại Hoa Kỳ đã tung ra nhiều đồn đoán rất bất lợi cho Tòa Thánh liên quan đến ý chí muốn giải quyết tận căn vấn nạn lạm dụng tính dục của hàng giáo sĩ.

Để làm sáng tỏ vấn đề, chúng tôi xin giới thiệu với quý vị và anh chị em toàn văn lời loan báo của Đức Hồng Y Daniel DiNardo về sự can thiệp của Tòa Thánh, cả bằng văn bản và video.


Chào buổi sáng các chư huynh đệ. Thông báo đặc biệt từ chủ tịch Hội Đồng, vào lúc bắt đầu ngày hôm nay.

Thưa các chư huynh đệ, tôi phải bắt đầu thời gian chúng ta tụ họp cùng nhau với một thông báo quan trọng:

Thể theo sự nhất quyết của Tòa Thánh, chúng ta sẽ không bỏ phiếu cho hai mục hành động trong tài liệu của chúng ta về khủng hoảng lạm dụng, đó là tiêu chuẩn trách nhiệm của các giám mục và ủy ban đặc biệt nhận khiếu nại chống lại các giám mục.

Tòa Thánh đã yêu cầu chúng ta trì hoãn bỏ phiếu về những điều này để các cuộc thảo luận của chúng ta có thể bổ sung và được bổ sung bởi cuộc họp toàn cầu của các chủ tịch Hội Đồng Giám Mục mà Đức Thánh Cha đã kêu gọi triệu tập tháng Hai năm 2019.

Tôi xin lỗi vì đã thông báo muộn nhưng thực ra, tôi cũng chỉ mới được thông báo vào chiều ngày hôm qua.

Mặc dù tôi thất vọng rằng chúng ta sẽ không thực hiện những hành động này vào ngày mai liên quan đến việc bỏ phiếu, tôi vẫn hy vọng rằng lời cố vấn bổ sung này cuối cùng sẽ cải thiện phản ứng của chúng ta đối với cuộc khủng hoảng mà chúng ta phải đối mặt.

Dưới ánh sáng của diễn biến này, tôi đề nghị chúng ta sẽ tiến hành như sau:

Đầu tiên, sau khi chào mừng các vị khách của chúng ta tại cuộc họp này bao gồm cả Sứ Thần Tòa Thánh, chúng ta sẽ nghe ngài nói và sau đó tôi sẽ đưa ra một số nhận xét của riêng tôi.

Sau đó, chúng ta sẽ tạm hoãn để sang nhà nguyện theo kế hoạch cầu nguyện và suy tư của chúng ta trong ngày hôm nay.

Ngày mai, chúng ta chính thức bắt đầu cuộc họp và giới thiệu với các chư huynh đệ một chương trình nghị sự đã được sửa đổi cho công việc chung của chúng ta để các chư huynh đệ thảo luận và phê duyệt.

Các chư huynh đệ,

Tôi chắc chắn rằng anh em có những quan tâm về diễn biến mới nhất này như chính tôi cũng vậy. Thay vì đề cập đến chuyện đó ngay lúc này này, chúng ta hãy bắt đầu bằng cách dâng những quan tâm của chúng ta lên với Chúa trong lời cầu nguyện và tìm kiếm thượng trí của Ngài cho sự đáp trả của chúng ta. Như thế, chúng ta có thể an tâm rằng Chúa Thánh Thần có thể có mặt trong các cuộc thảo luận của chúng ta và hướng dẫn các cuộc thảo luận này vào ngày thứ Ba khi chúng ta trở lại công việc.

Transcript from video:

Good morning Brothers. Special announcement from the president, I have at the beginning today.

Dear Brother's I need to open our time together with an important announcement:

At the insistence of the Holy See, we will not be voting on the two action items in our documentation regarding the abuse crisis that is the standards of accountability for bishops and the special commission for receiving complaints against bishops.

The Holy See has asked that we delay voting on these so that our deliberations can inform and be informed by the global meeting of the conference presidents that the Holy Father has called for February 2019.

I'm sorry for the late notice but in fact this was conveyed to me late yesterday afternoon.

Although I am disappointed that we will not be taking these actions tomorrow in terms of vote I remain hopeful that this additional consultation will ultimately improve our response to the crisis we face.

In light of this, I propose that we proceed as follows:

First, after greeting our guests at this meeting including the Apostolic Nuncio, we will hear from him and then I will offer some remarks of my own.

Then we will adjourn to the chapel for our plan today of prayer and reflection.

Tomorrow, I will call us to order and present you with a revised agenda for our shared business together for your consideration discussion and approval.

Brothers, I am sure that you have concerns about this latest development as I do myself. Rather than addressing those at this moment let us start by bringing them to the Lord in prayer and seeking his wisdom for our response. In that way we can be assured that the Holy Spirit may be present in our discussions and guide them when we turn to business on Tuesday.
 
Sứ Điệp của Đức Thánh Cha nhân Ngày Thế Giới Người Nghèo Lần II
Phan Du Sinh dịch
16:10 13/11/2018
Sứ Điệp Của Đức Thánh Cha Nhân Ngày Thế Giới Người Nghèo Lần II Chúa Nhật XXXIII Thường Niên 18/11/2018

“Người nghèo này kêu lên, và Chúa lắng nghe họ” (Tv 33,7)

“Người nghèo này kêu lên, và Chúa lắng nghe họ” (Tv 33,7). Những lời của Vịnh gia trở thành lời của chính chúng ta khi chúng ta đi gặp những hoàn cảnh đau khổ và loại trừ khác nhau mà rất nhiều anh chị em chúng ta đang sống, những người mà chúng ta thường quen gắn nhãn là “người nghèo”. Vịnh gia không phải là người xa lạ với đau khổ; hoàn toàn ngược lại. Ngài có kinh nghiệm trực tiếp về đói nghèo và biến nó thành một bài ca ngợi và tạ ơn Chúa. Đối với chúng ta đang quan tâm đến nhiều hình thức nghèo khổ khác nhau, Thánh vịnh này cho phép chúng ta ngày hôm nay biết ai là những người thực sự nghèo khổ. Nó giúp chúng ta mở mắt để nhìn thấy họ, nghe tiếng than khóc của họ và nhận ra nhu cầu của họ.

Ngay từ đầu chúng ta được nói cho biết rằng Chúa lắng nghe người nghèo đang kêu lên Ngài; Ngài đối xử tốt với những ai tìm nơi trú ẩn trong Ngài, khi trái tim của họ bị vỡ nát bởi buồn phiền, cô đơn và loại trừ. Chúa lắng nghe những con người dù bị khinh dể trong phẩm giá của mình, vẫn tìm thấy sức mạnh để tìm kiếm nơi Ngài ánh sáng và sự ủi an. Ngài lắng nghe những người bị bức hại nhân danh một thứ công lý sai lầm, bị áp bức bởi những chính sách không xứng tầm với tên gọi, và kinh hoàng bởi bạo lực, nhưng biết rằng Thiên Chúa là Đấng Cứu độ của họ. Điều nổi bật nhất từ lời cầu nguyện này là sự buông bỏ và tín thác vào một người Cha có thể lắng nghe và thấu hiểu. Cùng những dòng này, chúng ta có thể đánh giá cao hơn ý nghĩa của lời nói của Chúa Giêsu: “Phúc thay những ai có tinh thần khó nghèo, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5,3).

Chính kinh nghiệm độc đáo này, và theo nhiều cách, tuy không xứng đáng và không thể diễn đạt hoàn toàn được, mà chúng ta muốn chia sẻ, trước tiên với những người, như Vịnh gia, nghèo khổ, bị từ khước và bị gạt ra bên lề. Không ai lại cảm thấy bị loại trừ khỏi tình yêu của Chúa Cha, đặc biệt là trong một thế giới thường trình bày sự giàu có như là mục tiêu hàng đầu và khép kín vào chính mình.

2. Thánh vịnh 33 sử dụng ba động từ để mô tả người nghèo trong mối quan hệ với Thiên Chúa. Trước hết, tiếng "kêu". Nghèo đói không thể tóm tắt trong một từ; nó trở thành tiếng kêu lên trời và thấu tận Thiên Chúa. Tiếng kêu của người nghèo thể hiện điều gì, nếu không phải là nỗi đau khổ và sự cô độc của họ, sự thất vọng và niềm hy vọng của họ? Chúng ta có thể tự hỏi làm sao lời cầu xin của họ, vang lên trước tôn nhan Thiên Chúa, lại có thể không đến được tai của chúng ta, hoặc để mặc chúng ta lạnh lùng và thờ ơ. Vào Ngày Quốc tế hướng về Người nghèo này, chúng ta được kêu gọi thực hiện một cuộc kiểm điểm lương tâm nghiêm túc, để xem liệu chúng ta có thật sự có khả năng nghe tiếng kêu của người nghèo không.

Để nghe tiếng nói của họ, điều chúng ta cần là sự thinh lặng của những người sẵn sàng lắng nghe. Nếu chúng ta nói quá nhiều, chúng ta sẽ không thể nghe thấy chúng. Đôi khi tôi sợ rằng nhiều sáng kiến, đáng phục và tự nó là cần thiết, có nghĩa nhiều hơn là để thoả mãn những người thực hiện chúng hơn là để đáp trả tiếng kêu thực sự của người nghèo. Nếu đây là trường hợp, tiếng kêu của người nghèo vang lên, nhưng phản ứng của chúng ta không phù hợp và chúng ta không thể cảm thông với tình trạng của họ. Chúng ta bị mắc kẹt trong một nền văn hóa khiến chúng ta nhìn vào trong gương và nuông chiều chính mình, khiến chúng ta nghĩ rằng một cử chỉ vị tha là đủ, mà không cần phải trực tiếp tham gia.

3. Động từ thứ hai là “trả lời”. Vịnh gia nói với chúng ta rằng Chúa không chỉ lắng nghe tiếng kêu của người nghèo, mà còn trả lời. Câu trả lời của Ngài, như được thấy trong toàn bộ lịch sử cứu độ, là âu yếm chia sẻ số phận người nghèo. Điều đó đã xảy ra khi Ápram nói với Thiên Chúa về ước mong có con nối dõi, mặc dù sự thực là ông và Sarah vợ ông, đã già nua và không có con (xem Sáng thế Ký 15,1-6). Điều đó đã xảy ra khi Môisê, đứng trước một bụi cây rực cháy mà không bị tiêu rụi, đã nhận được sự mặc khải về danh Thiên Chúa và sứ vụ giải phóng dân Chúa khỏi Ai Cập (Xh 3,1-15). Đây cũng là trường hợp trong khi Israel lang thang trong sa mạc, bị đói khát (xem Xh 16,1-6; 17,1-7), và rơi vào loại nghèo đói tồi tệ nhất, nghĩa là, bất trung với giao ước và thờ ngẫu tượng (xem Xh 32,1-14).

Lời đáp trả của Thiên Chúa cho người nghèo luôn luôn là một hành động cứu độ để chữa lành vết thương của cơ thể và tâm hồn, phục hồi công lý và giúp sống cuộc sống khác trong nhân phẩm. Lời đáp trả của Thiên Chúa cũng là một lời kêu gọi những người tin vào Ngài cũng hãy làm như vậy, trong giới hạn của những khả năng con người. Ngày Quốc tế hướng về Người nghèo mong muốn là một lời đáp trả nhỏ bé mà Giáo hội trên khắp thế giới trao tặng cho những người nghèo thuộc mọi thể loại và trong mọi miền đất, để họ không còn nghĩ rằng tiếng kêu của họ chưa từng được nghe thấy. Nó cũng có thể giống như một giọt nước trong sa mạc nghèo đói, nhưng nó có thể phục vụ như một dấu hiệu của việc chia sẻ với những người thiếu thốn, và cho phép họ cảm nhận sự hiện diện tích cực của một người anh em hoặc một người chị em. Người nghèo không cần người trung gian, mà cần sự tham gia cá nhân của tất cả những ai nghe tiếng kêu của họ. Mối quan tâm của các tín hữu theo cái nhìn của họ thì không thể chỉ giới hạn trong một thứ trợ giúp - hữu ích và có thể tức thời lúc ban đầu - nhưng đòi hỏi một "sự chú tâm tràn ngập yêu thương" (Evangelii Gaudium, 199), kính trọng họ như họ là và tìm lợi ích tốt nhất cho họ.

4. Động từ thứ ba là “giải phóng”. Trong Kinh Thánh, người nghèo sống trong sự xác tín rằng Thiên Chúa can thiệp cho họ để khôi phục phẩm giá của họ. Nghèo đói không phải là điều gì mà người ta mong muốn, nhưng do sự ích kỉ, kiêu căng, tham lam và bất công gây ra. Đây là những điều dữ, cũ rích như chính loài người, nhưng cũng là những tội lỗi mà trong đó người vô tội bị chộp bắt, với những tác động bi thảm ở bình diện đời sống xã hội. Hành vi giải phóng của Thiên Chúa là một hành vi cứu độ cho những ai dâng lên Ngài nỗi buồn khổ và khốn cùng của họ. Mối giây ràng buộc của nghèo đói bị phá vỡ bởi sức mạnh là sự can thiệp của Thiên Chúa. Nhiều Thánh vịnh kể lại và cử hành lịch sử cứu độ này, được phản ánh trong đời sống cá nhân của người nghèo: “Bởi vì Chúa đã chẳng coi thường, chẳng khinh miệt kẻ nghèo hèn khốn khổ, cũng không đành ngoảnh mặt làm ngơ, nhưng đã thương nghe lời cầu cứu.”(Tv 22,25). Khả năng nhìn thấy dung nhan Thiên Chúa là dấu hiệu của tình bạn, sự gần gũi và sự cứu rỗi của Ngài. " Được Ngài thương, con vui mừng hớn hở, vì Ngài đã đoái nhìn phận con cùng khốn. Con lâm cảnh ngặt nghèo, Ngài lo lắng chăm nom… nhưng cho con rộng bước thênh thang." (Tv 31, 8-9). Cho người nghèo được “rộng bước thênh thang” nghĩa là giải thoát khỏi “lưới kẻ thù giăng” (Tv 91, 3); giải thoát họ khỏi cái bẫy ẩn trên đường đi, để họ có thể tiến lên với sự thanh thản trên con đường sự sống. Sự cứu rỗi của Thiên Chúa là một cánh tay giơ ra cho người nghèo, một cánh tay chào đón, bảo vệ và giúp họ trải nghiệm tình bạn mà họ cần. Từ sự gần gũi cụ thể và hữu hình này, một con đường giải thoát đích thực xuất hiện. “Mỗi cá nhân và mỗi cộng đoàn kitô hữu được kêu gọi trở thành một dụng cụ của Thiên Chúa để giải phóng và thăng tiến người nghèo, ngõ hầu họ có thể được hội nhập cách trọn vẹn vào xã hội. Việc này đòi chúng ta phải mở lòng và chăm chú lắng nghe tiếng kêu của người nghèo và đến cứu giúp họ”(Evangelii gaudium, 187).

5. Tôi cảm động khi biết rằng nhiều người nghèo đồng hoá với người mù ăn xin Batimê mà Tin mừng Máccô nói tới (xem 10, 46-52). Batimê " đang ngồi ăn xin bên vệ đường" (câu 46); nghe nói Chúa Giêsu đi ngang qua, “anh bắt đầu kêu lên rằng: "Lạy ông Giê-su, Con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi! " (câu 47). “Nhiều người quát nạt bảo anh ta im đi, nhưng anh ta càng kêu lớn tiếng”(câu 48). Con Thiên Chúa nghe tiếng van xin của anh ta và nói: “Anh muốn tôi làm gì cho anh? " Anh mù đáp: "Thưa Thầy, xin cho tôi nhìn thấy được."” (câu 51). Câu chuyện Phúc Âm này cho thấy những gì Thánh Vịnh loan báo như một lời hứa. Batimê là một người nghèo, thấy mình thiếu những thứ cần thiết như thị lực và khả năng kiếm sống. Hôm nay có bao nhiêu người cảm thấy như vậy! Thiếu những phương tiện cơ bản của tồn tại, bị gạt ra bên lề vì khả năng làm việc hạn chế, nhiều hình thức nô lệ xã hội, mặc dù tất cả tiến bộ của con người. .. Ngày nay có biết bao nhiêu người nghèo như Batimê, ngồi bên lề đường và tìm kiếm ý nghĩa trong cuộc sống của họ! Có bao nhiêu người trong số họ tự hỏi tại sao họ đã rơi xuống tận cùng như thế và làm thế nào để có thể trốn thoát! Họ đang chờ ai đó đến với họ và nói: “Cứ yên tâm, đứng dậy, Người gọi anh đấy”(câu 49).

Đáng buồn thay, điều ngược lại thường xảy ra, và người nghèo nghe thấy những tiếng nói trách mắng họ, bảo họ im lặng và cam chịu. Những tiếng nói này thường nghiêm khắc, thường là do sợ người nghèo, những người được xem là không chỉ thiếu thốn mà còn mang đến bất an và bất ổn, làm thay đổi thói quen và cần phải bị từ chối và tránh xa. Chúng ta có xu hướng tạo ra khoảng cách giữa họ và chúng ta, mà không nhận ra rằng theo cách này, chúng ta đang tách mình khỏi Chúa Giêsu, Đấng không từ chối người nghèo, nhưng gọi họ đến gần và an ủi họ. Những lời của Tiên tri Isaia nói cho các tín hữu biết cách sống là thích hợp nhất trong trường hợp này. Họ phải "mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc, trả tự do cho người bị áp bức, đập tan mọi gông cùm… chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ… thấy ai mình trần thì cho áo che thân”(58, 6-7). Những việc như vậy làm cho tội lỗi được tha thứ (xem 1 Pr 4, 8), công lý được sáng tỏ, và khi chúng ta kêu lên với Chúa, Ngài sẽ trả lời và nói: “Này Ta đây!” (Xem Is 58, 9).

6. Người nghèo là người đầu tiên nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa và làm chứng cho sự gần gũi của Ngài trong cuộc sống của họ. Thiên Chúa vẫn trung thành với lời hứa của Ngài; và ngay cả trong bóng tối của đêm đen, Ngài vẫn không khước từ sự ấm áp của tình yêu và sự an ủi của Ngài. Tuy nhiên, để người nghèo vượt qua tình trạng nặng nề của họ, họ cần phải cảm nhận sự hiện diện của các anh chị em đang quan tâm đến họ và, bằng cách mở cánh cửa trái tim và cuộc sống, khiến họ cảm thấy như bạn bè và gia đình. Chỉ bằng cách này, người nghèo mới có thể khám phá "quyền năng cứu độ đang hành động trong cuộc sống của họ" và "đặt họ vào trung tâm của cuộc hành hương của Giáo hội" (Evangelii Gaudium, 198).

Vào Ngày Quốc tế này, chúng ta được yêu cầu thực hành những lời của Thánh Vịnh: “Kẻ nghèo hèn được ăn uống thoả thuê” (Tv 22,26). Chúng ta biết rằng trong Đền Thờ Giêrusalem, sau nghi thức hiến tế, một bữa tiệc được bày ra. Chính kinh nghiệm này, trong nhiều giáo phận năm ngoái, làm phong phú thêm việc cử hành Ngày Quốc tế hướng về Người nghèo lần đầu tiên. Nhiều người gặp được sự ấm áp của một ngôi nhà, niềm vui của một bữa tiệc và sự liên đới của những người muốn ngồi bàn cùng nhau cách đơn sơ và huynh đệ. Tôi muốn năm nay, và tất cả các Ngày Quốc tế tương lai, được tổ chức theo tinh thần của niềm vui khi khám phá lại khả năng sống cùng nhau. Cầu nguyện với nhau như một cộng đoàn và chia sẻ một bữa ăn vào ngày Chúa Nhật là một kinh nghiệm đưa chúng ta trở lại cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi, được mô tả bởi Luca, tác giả sách Tin mừng, trong tất cả sự đơn sơ nguyên thủy của nó: “Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng… Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau, và để mọi sự làm của chung. Họ đem bán đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tuỳ theo nhu cầu. (Cv 2,42.44-45).

7. Vô số các sáng kiến được thực hiện hàng ngày bởi cộng đoàn Kitô giáo để trao ban sự gần gũi và cánh tay giúp đỡ khi đối mặt với nhiều hình thức nghèo đói xung quanh chúng ta. Thông thường, sự hợp tác của chúng ta với các sáng kiến khác được truyền cảm hứng không phải bởi đức tin mà bởi sự liên đới nhân bản, làm cho việc giúp đỡ chúng ta có thể thực hiện được, bằng không chúng ta không thể trao ban. Nhận thức rằng khi đối mặt với biết bao nghèo đói, năng lực hành động của chúng ta bị giới hạn, yếu kém và không đủ, dẫn chúng ta tiếp cận với người khác để thông qua hợp tác lẫn nhau, chúng ta có thể đạt được mục tiêu của mình hiệu quả hơn. Kitô hữu chúng ta được truyền cảm hứng bởi đức tin và luật bác ái, nhưng chúng ta cũng có thể thừa nhận các hình thức hỗ trợ và liên đới khác nhắm phần nào đó đến cùng mục tiêu, miễn là chúng ta không làm giảm vai trò cụ thể của chúng ta, đó là dẫn đưa mọi người đến cùng Thiên Chúa và sự thánh thiện. Đối thoại giữa những trải nghiệm khác nhau và sự khiêm tốn trong việc cộng tác mà không cần tìm kiếm sự vẻ vang, là một câu trả lời phù hợp và hoàn toàn phúc âm mà chúng ta có thể cung cấp.

Trong việc phục vụ người nghèo, không có chỗ cho sự cạnh tranh. Thay vào đó, chúng ta nên khiêm nhường nhận ra rằng Chúa Thánh Thần là nguồn gốc của các hành động của chúng ta để tỏ lộ sự gần gũi của Thiên Chúa và sự đáp trả lời cầu nguyện của chúng ta. Khi chúng ta tìm kiếm những nẻo đường đến gần người nghèo, chúng ta biết rằng vai trò thứ nhất thuộc về Thiên Chúa, Đấng mở mắt và tấm lòng của chúng ta để hoán cải. Người nghèo không cần những người quảng cáo chính mình, mà là một tình yêu biết cách giữ kín và không nghĩ về tất cả những điều tốt đẹp mà nó có thể làm được. Chúa và người nghèo phải luôn luôn ở trung tâm. Bất cứ ai ham muốn phục vụ là một công cụ trong tay của Thiên Chúa, một phương tiện biểu lộ sự hiện diện cứu độ của Ngài. Thánh Phaolô nhắc lại điều này khi ngài viết thư cho các kitô hữu ở Côrinhtô đang cạnh tranh vì các ân huệ lớn lao hơn: “Mắt không có thể bảo tay: "Tao không cần đến mày"; đầu cũng không thể bảo hai chân: "Tao không cần chúng mày."”(1 Cr 12,21). Phaolô đưa ra một điểm quan trọng khi lưu ý rằng những bộ phận xem ra yếu đuối nhất thì lại là cần thiết nhất (xem câu 22), và rằng “những bộ phận ta coi là tầm thường nhất, thì ta lại tôn trọng hơn cả. Những bộ phận kém trang nhã, thì ta lại mặc cho chúng trang nhã hơn hết. Còn những bộ phận trang nhã thì không cần gì cả.”(câu 23-24). Phaolô cung cấp cho cộng đoàn một giáo lý căn bản về ân sủng, nhưng cũng còn về thái độ mà lẽ ra phải có, trong ánh sáng của Tin Mừng, đối với các thành viên yếu đuối hơn và thiếu thốn hơn. Các môn đồ của Chúa Kitô không hề nuôi dưỡng những cảm xúc khinh thường hoặc thương hại đối với người nghèo. Trái lại, chúng ta được kêu gọi tôn trọng người nghèo và dành ưu tiên cho họ, khởi từ xác tín rằng họ là một sự hiện diện thực sự của Chúa Giêsu ở giữa chúng ta. “Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,40).

8. Ở đây chúng ta có thể thấy lối sống của chúng ta phải khác xa lối sống của trần gian, lối sống đề cao, theo đuổi và bắt chước người giàu và người quyền thế, trong khi bỏ bê người nghèo và coi họ vô dụng và đáng xấu hổ. Những lời của Tông đồ Phaolô mời chúng ta đến một sự liên đới hoàn toàn mang tính Tin mừng với những thành viên yếu đuối hơn và ít tài năng hơn trong thân thể Đức Kitô: “Nếu một bộ phận nào đau, thì mọi bộ phận cùng đau. Nếu một bộ phận nào được vẻ vang, thì mọi bộ phận cũng vui chung”(1 Cr 12,26). Trong thư gửi cho người Rôma, thánh Phaolô cũng nói với chúng ta: “Vui với người vui, khóc với người khóc. Hãy đồng tâm nhất trí với nhau, đừng tự cao tự đại, nhưng ham thích những gì hèn mọn (12,15-16). Đây là ơn gọi của mỗi kitô hữu; lý tưởng mà chúng ta phải liên tục phấn đấu là nên đồng hình đồng dạng hơn nữa với “tâm tình của Chúa Giêsu Kitô” (Pl 2,5).

9. Đức tin đương nhiên truyền cảm hứng cho một sứ điệp hy vọng. Thường thì chính người nghèo phá vỡ sự thờ ơ của chúng ta, được sinh ra từ một quan điểm sống trần tục và hẹp hòi. Tiếng kêu của người nghèo cũng là tiếng kêu của hy vọng tỏ lộ sự xác tín về sự giải thoát trong tương lai. Niềm hy vọng này đặt nền tảng trên tình yêu của Thiên Chúa, Đấng không bỏ rơi những ai đặt niềm tin vào Ngài (xem Rm 8,31-39). Như thánh Têrêxa Avila viết trong Đường Hoàn Thiện: “Nghèo đói bao gồm nhiều đức hạnh. Đây là một lãnh vực rộng lớn. Tôi nói với bạn rằng ai khinh chê của cải trần thế đều là chủ nhân của mọi sự”(2,5). Chính trong mức độ mà chúng ta có thể phân biệt được sự thiện đích thực, chúng ta trở nên giàu có trước mặt Thiên Chúa và khôn ngoan trong chính mắt của chúng ta và trong con mắt của những người khác. Nó thực sự là như vậy. Trong phạm vi mà chúng ta hiểu được ý nghĩa thực sự của sự giàu có, chúng ta lớn lên trong nhân tính và có khả năng chia sẻ.

10. Tôi mời gọi các giám mục, linh mục và đặc biệt là các phó tế, những người đã nhận được sự đặt tay để phục vụ người nghèo (xem Cv 6,1-7), cũng như các tu sĩ và tất cả tín hữu giáo dân – nam cũng như nữ - đang ở trong giáo xứ, các hiệp hội và các phong trào giáo hội, làm cho nên hữu hình lời đáp trả của Giáo Hội đối với tiếng kêu của người nghèo, để trải nghiệm Ngày Quốc tế này như một thời điểm nổi bật của việc phúc âm hoá mới. Người nghèo phúc âm hoá chúng ta và giúp chúng ta mỗi ngày khám phá ra vẻ đẹp của Tin Mừng. Chúng ta đừng lãng phí cơ hội đầy ân sủng này. Vào ngày này, tất cả chúng ta có thể cảm thấy rằng chúng ta đang mắc nợ người nghèo, bởi vì, trong bàn tay đang dang rộng với nhau, một cuộc gặp gỡ cứu độ có thể diễn ra để củng cố đức tin của chúng ta, truyền cảm hứng cho lòng bác ái của chúng ta và cho phép niềm hy vọng tiến bước cách vững vàng trên con đường hướng tới Chúa là Đấng sẽ đến.

Từ Vatican, ngày 13 tháng 6 năm 2018

Nhân ngày lễ thánh Antôn thành Padua


+Đức Giáo Hoàng Phanxicô
 
ĐGH Phanxicô sẽ thăm Marốc vào tháng 3 năm 2019
Nguyễn Long Thao
16:46 13/11/2018
Thông cáo báo chí của Tòa Thánh loan báo vua Mohammed VI và Hội Đồng Giám Mục Marốc đã mời ĐGH Phanxicô viếng thăm quốc gia của họ mà 99% dân chúng theo Hồi Giáo phái Sunni

ĐGH sẽ thăm Maroc từ ngày 30 đến 31 tháng Ba năm 2019. Ngài sẽ thăm các thành phố Rabat và Casablanca.

Chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng Phanxicô diễn ra 34 năm sau chuyến viếng thăm của ĐGH Gioan Phaolô II vào ngày 19 tháng 8 năm 1985.

Năm 1985 là năm dầu tiên trong lịch sử một Đức Giáo Hoàng phát biểu trước những người trẻ Hồi Giáo. Thời đó, ĐGH Gioan Phaolô II đã gặp gỡ các bạn trẻ tại sân vận động Casablanca. Cả sân vận động chật ních người trẻ. Tất cả họ đều mặc áo trắng giống như Vua Hassan II đẻ bày tỏ tinh thần đón tiếp ĐGH Gioan Phaolô II một cách nồng nhiệt.

Những người trẻ đã lắng nghe lời Đức Giáo Hoàng Ba Lan nói về niềm tin của hai tôn giáo có chung một Thiên Chúa và nhân quyền. Ngài nói: "Các người Kitô giáo và Hồi giáo đã biết nhau, và đôi khi, trong quá khứ, hai bên đã chống đối và thậm chí còn dốc toàn lực tiêu diệt lẫn nhau trong các cuộc chiến tranh. Tôi tin rằng, ngày nay, Thiên Chúa mời gọi chúng ta thay đổi. Chúng ta phải tôn trọng lẫn nhau, phải khuyến khích nhau trong những công việc tốt trên con đường của Thượng Đế.

ĐTC cũng nói về quyền con người có nền tảng từ Thượng đế":Tự do lương tâm và tôn giáo không bị ràng buộc bởi những giới hạn bên ngoài vì tự do biểu thị đặc điểm phẩm giá con người. Tự do tôn giáo và nhân quyền cần có sự tượng nhượng lẫn nhau.

ĐGH cũng nhấn mạnh đến sự tôn trọng cả đàn ông lẫn đàn bà": "họ phải được thừa nhận và phải được kính trọng như nhau"

Nguyễn Long Thao
 
Diễn từ khai mạc phiên khoáng đại mùa thu 2018 Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ của Đức Hồng Y Daniel DiNardo
J.B. Đặng Minh An dịch
19:07 13/11/2018
Dưới đây là toàn văn diễn từ của Đức Hồng Y Daniel N. DiNardo, Tổng Giám Mục của Galveston-Houston, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ trước các Giám Mục tại buổi khai mạc phiên khoáng đại diễn ra tại Baltimore ngày 12 tháng 11, 2018.

Nguyên bản tiếng Anh: President of U.S. Conference of Catholic Bishops Delivers Opening Address at Start of 2018 General Assembly in Baltimore, Nov. 12-14


Thánh Augustinô đã viết “Để sự yếu đuối [của con người chúng ta] có thể nên mạnh mẽ, sức mạnh [của Thiên Chúa] đã trở nên yếu đuối [nơi hài nhi Giêsu]”.

Các anh em thân mến của tôi,

Dưới ánh sáng của tin tức sáng nay, bài diễn từ của tôi đã thay đổi về bản chất. Chúng ta vẫn cam kết theo đuổi chương trình cụ thể về trách nhiệm giải trình lớn hơn mà chúng ta sẽ thảo luận trong những ngày này. Các cuộc trao đổi sẽ diễn ra. Việc bỏ phiếu sẽ không diễn ra trong tuần này. Nhưng chúng ta sẽ chuẩn bị để tiến lên phía trước.

Giờ đây, xin cho phép tôi nói vài lời trực tiếp với những nạn nhân bị lạm dụng tính dục.

Những nơi tôi đã vô tâm hay không nhạy bén trước nhu cầu của anh chị em, bất cứ nơi nào tôi đã thất bại, tôi hối tiếc một cách sâu xa. Lệnh của Chúa và là Đấng Cứu Độ của chúng ta thật rõ ràng. “Điều Thầy nói với anh em đây, Thầy cũng nói với hết thảy mọi người là: phải tỉnh thức!” Trong sự yếu đuối của chúng tôi, chúng tôi đã say ngủ. Giờ đây, chúng tôi khiêm tốn cầu xin sức mạnh của Thiên Chúa ban cho ơn biết cảnh giác ở phía trước.

Thánh Augustinô cũng cảnh báo rằng có hai thái cực chúng ta có thể rơi vào – đó là tuyệt vọng hoặc giả định.

Chúng tôi, và các tín hữu, có thể rơi vào tuyệt vọng – khi tin rằng không có hy vọng cho Giáo Hội hay không thể có những thay đổi tốt đẹp trong Giáo Hội. Chúng tôi cũng có thể tin rằng không có hy vọng chữa lành những tội lỗi này. Nhưng chúng ta phải luôn luôn nhớ rằng có một điều được gọi là đức tin tín thác và điều đó dẫn chúng ta đi trên hành trình hiện tại của mình. Đức tin tín thác này mang đến cho chúng ta những căn cội cho một ký ức sống động. Người dân của chúng ta cần ký ức sống động này của hy vọng.

Chúng ta cũng phải nhớ đến một thái cực khác: là sự giả định. Chúng ta có thể bị quyến rũ vào một thái độ vô vi, không làm gì hết, khi giả định rằng chuyện này rồi cũng qua đi, mọi sự sẽ trở lại bình thường. Một số người nói chuyện này hoàn toàn chỉ là một cuộc khủng hoảng trong quá khứ. Không phải như thế đâu. Chúng ta không bao giờ lại một lần nữa biến những người bị lạm dụng tính dục trở thành những nạn nhân bằng cách buộc họ chữa lành theo thời gian biểu của chúng ta. Đúng là hầu hết những trường hợp lạm dụng tính dục đã diễn ra hàng mấy thập niên trước. Nhưng nỗi đau vẫn tiếp diễn hàng ngày.

Số lượng những cáo buộc mới ngày nay là một phần rất nhỏ so với trong quá khứ. Nhưng Chúa Giêsu đặt ra một câu hỏi, “Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà bị mất một con, lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất?” Công tâm mà nói, chúng ta phải tìm kiếm mọi con cái Thiên Chúa, những người mà sự hồn nhiên của họ đã bị cướp mất bởi một kẻ săn mồi khốn nạn bất cứ vào thời nào, cách đây nhiều thập kỷ hoặc ngày nay.

Sự chữa lành có thể xảy đến, nếu như có sự tha thứ. Có biết bao những kẻ biết rõ mình đã phạm tội với anh chị em của mình nhưng lại không sẵn lòng nói: xin tha thứ cho tôi. Chúng ta không chỉ phải sẵn lòng làm điều này mà thôi nhưng còn phải sẵn sàng và thiết tha mưu cầu sự tha thứ. Với những người bị lạm dụng tính dục mà tôi đã làm anh chị em thất vọng, xin hãy tha thứ cho tôi. Đối với những người đã mất niềm tin vào Giáo Hội, xin hãy tha thứ cho chúng tôi vì những thất bại của chúng tôi.

Việc chống lại tội ác tấn công tình dục trong Giáo Hội sẽ đòi hỏi tất cả các nguồn lực tâm linh và thể chất của chúng ta. Chúng ta phải đến gần Chúa Kitô trong mọi nỗi muộn phiền, sỉ nhục và day dứt trong lòng, để nghe rõ hơn tiếng nói của Ngài và phân định đâu là thánh ý Chúa. Chỉ sau khi lắng nghe Ngài, chúng ta mới có thể thực hiện những thay đổi cần thiết. Những thay đổi mà dân Chúa đòi hỏi một cách chính đáng.

Công việc của chúng ta phải tôn vinh những hoạt động liên tục của rất nhiều người trên khắp đất nước này nhằm bảo vệ trẻ em và những người khác khỏi nỗi lo sợ bị xâm hại. Hàng chục ngàn người - bao gồm cả các giáo sĩ, tu sĩ, và giáo dân – đang làm việc hoặc đang tình nguyện làm việc trong các thừa tác vụ Công Giáo sẵn lòng theo học các khóa về môi trường an toàn và sẵn sàng chịu trải qua các kiểm tra về lý lịch. Hàng trăm cha mẹ, nhân viên xã hội, những người thực thi pháp luật và các chuyên gia khác đang phục vụ trong các ủy ban tái xét nhằm bảo đảm việc xem xét công bằng tất cả các cáo buộc. Các điều phối viên hỗ trợ của nạn nhân đang sẵn sàng trong mọi giáo phận để hỗ trợ những người bị lạm dụng. Và kể từ năm 2002, các linh mục của chúng ta và những người khác đang phục vụ Giáo Hội dưới một chính sách không khoan dung sau khi cáo buộc lạm dụng trẻ em được thừa nhận hoặc chứng minh.

Thưa các Giám Mục anh em,

Miễn trừ bản thân chúng ta khỏi những tiêu chuẩn cao về trách nhiệm giải trình này là không thể chấp nhận được và không thể được. Trái lại, chúng ta, trong tư cách là những người kế vị các Thánh Tông đồ, phải giữ mình theo những tiêu chuẩn cao nhất có thể được. Làm bất cứ điều gì ít hơn như thế là xúc phạm đến những ai đang hoạt động để bảo vệ và chữa lành tai ương lạm dụng tính dục.

Tuy nhiên, trước các sự kiện được công bố rõ ràng trong năm nay, chúng ta phải mở rộng hiểu biết của chúng ta về sự phòng ngừa và cảnh giác. Những hành vi sai trái tình dục phải được đối phó một cách mạnh mẽ hơn trong các giáo phận của chúng ta và trong các chính sách của chúng ta. Ý thức về công lý được xây dựng trên bản năng đức tin chân chính của con người khiến chúng ta phải chịu trách nhiệm.

Giáo Hội được Chúa Giêsu Kitô thành lập là một Giáo Hội hy vọng và sống động. Các giám mục anh em thân yêu của tôi, chúng ta phải đề phòng sao cho hành vi của chúng ta không dẫn dắt người nào rời xa Chúa. Liệu chúng ta sẽ được nhớ đến như những người bảo vệ cho những người bị ngược đãi hay cho những kẻ ngược đãi sẽ được xác định bởi hành động của chúng ta bắt đầu từ tuần này. Hôm nay, chúng ta hãy đến gần Chúa Kitô, hy sinh cho Ngài những tham vọng riêng của chúng ta, và khiêm nhường trao phó trọn vẹn chúng ta cho những gì Ngài đòi buộc chúng ta trong tình yêu và công lý.

Giáo Hội đã và sẽ luôn luôn là Nhiệm Thể của Chúa Kitô - là Giáo Hội của Ngài. Ngài chỉ yêu cầu chúng ta phục vụ tốt nhất có thể. Và khi chúng ta thất bại, chúng ta hãy cúi đầu nhận lỗi trước Đức Thánh Cha và trước nhau trong tinh thần sửa lỗi huynh đệ.

Tôi đã trích dẫn lời Thánh Augustinô vào đầu diễn từ này. Ngài cũng viết, “bất cứ nơi nào một người sa ngã, ở nơi đó người ấy phải tìm được sự nâng đỡ để có thể đứng dậy.” Thưa anh em, chúng ta đã vấp ngã vào một yếu đuối lớn lao. Chúng ta cần phải cầu nguyện và hành động ngay bây giờ ở nơi này để bắt đầu vươn lên một sự liêm chính mới.

Chúng ta phải luôn luôn nhớ rằng để chúng ta, những người yếu đuối, trở nên mạnh mẽ, Chúa Kitô đã trở nên yếu đuối. “Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục.” Nhờ ân sủng và lòng thương xót của Chúa Giêsu Kitô, cầu xin cho chúng ta có thể trở nên mạnh mẽ - không phải để an ủi chính mình, nhưng để phục vụ tốt hơn anh chị em chúng ta.

Chúng ta hãy là một gương mẫu về cách một tội nhân khiêm tốn quỳ trước mặt Chúa để có thể nhận được lòng thương xót của Người. Như thế, chúng ta mới có thể bắt đầu thanh tẩy và chữa lành các vết thương trên Nhiệm Thể Chúa Kitô. Xin Chúa ban phước lành cho anh em.


Source: USCCB President of U.S. Conference of Catholic Bishops Delivers Opening Address at Start of 2018 General Assembly in Baltimore, Nov. 12-14
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Giải đáp phụng vụ: Cách linh mục đọc thầm lời nguyện trước khi rước lễ.
Nguyễn Trọng Đa
09:23 13/11/2018
Giải đáp phụng vụ: Cách linh mục đọc thầm lời nguyện trước khi rước lễ.

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Số 84 của Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma (GIRM) nói rằng vị linh mục, trước khi chính ngài Rước Lễ, “chuẩn bị mình bằng đọc thầm lời nguyện xin cho rước Mình và Máu Thánh có hiệu quả. Giáo dân thinh lặng cầu nguyện để chuẩn bị” (Bản dịch Việt ngữ của Linh mục Phanxicô Xavier Nguyễn Chí Cần, Giáo phận Nha Trang). Có hai lựa chọn cho lời nguyện riêng này của linh mục theo hình thức thông thường của Nghi lễ Rôma. Tuy nhiên, thông thường, lời cầu nguyện này của linh mục được đọc trong khi các tín hữu đang đọc hoặc hát kinh “Agnus Dei, lạy Chiên Thiên Chúa”, và ngay sau khi kinh này kết thúc, linh mục đọc lời mời “Đây Chiên Thiên Chúa…”. Rõ ràng là theo Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma, linh mục phải chờ cho đến khi kinh “lạy Chiên Thiên Chúa” kết thúc, trước (deinde) khi ngài đọc thầm lời nguyện, trong khi giáo dân thinh lặng. Đây là một cơ hội đặc biệt, tại một thời điểm quan trọng của Phụng vụ, để trải nghiệm sự thinh lặng thánh mà Công đồng kêu gọi. Thật hợp lý là trường hợp kinh này và các kinh riêng khác, được đọc bởi linh mục, nên được đọc cùng với một tốc độ tương tự như các lời kinh đọc lớn tiếng trong Thánh Lễ. Tuy nhiên, kinh nghiệm dường như chỉ ra rằng các linh mục thường nói rằng các kinh này được đọc nhanh hơn, có lẽ theo nghĩa rằng giáo dân không muốn chờ đợi lâu. - L. B., Port Elizabeth, Nam Phi.


Đáp: Tôi đồng ý với bạn đọc này về tầm quan trọng của sự thinh lặng trong Thánh Lễ, và chữ đỏ đưa ra một sự mở rất rộng cho lời kinh thầm lặng tại một thời điểm trang trọng nhất của Nghi Lễ Rôma. Tuy nhiên, như chúng ta sẽ thấy, các khoảnh khắc thinh lặng này là không phổ biến trong cử hành Thánh Lễ.

Người ta có thể phản bác rằng việc giải thích liên quan đến sự buộc phải chờ cho đến khi kinh Lạy Chiên Thiên Chúa kết thúc, trước khi linh mục đọc lời nguyện riêng, không được tôn trọng trong mọi trường hợp.

Thí dụ, khi mô tả việc rước lễ của các linh mục trong một lễ đồng tế, Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma nói:

“240. Trong khi hát hay đọc "Agnus Dei, Lạy Chiên Thiên Chúa", các phó tế và vài vị đồng tế có thể giúp chủ tế bẻ bánh thánh để cho các vị đồng tế và giáo dân rước lễ.

“241. Khi hoà bánh thánh vào rượu thánh xong, một mình chủ tế đọc thầm kinh "Domine Iesu Christe, Fili Dei vivi, qui ex voluntate Patris, cooperante Spiritu Sancto, per mortem tuam mundum vivificasti, libera me per sacrosanctum Corpus tuum, quod ego indignus sumere praesumpsi, ab omnibus iniquitatibus meis et universis malis, et fac me tuis semper inhaerere mandatis et a te numquam separari permittas. Amen. Lạy Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống, bởi thánh ý Chúa Cha và nhờ sự hợp tác của Chúa Thánh Thần, Chúa đã chết để ban cho thế gian được sống, xin dùng Mình và Máu Thánh Chúa đây cứu con khỏi mọi tội lỗi và mọi sự dữ; xin cho con hằng tuân giữ giới răn Chúa, và đừng để con lìa xa Chúa bao giờ. Amen", hay kinh "Perceptio Corporis et Sanguinis tui, quod ego indignus sumere praesumo, non mihi proveniat in iudicium et condemnationem; sed pro tua pietate prosit mihi ad tutamentum mentis et corporis et ad medelam percipiendam: Qui vivis et regnas in saecula saeculorum. Amen. Lạy Chúa Giêsu Kitô, con sắp rước Mình và Máu Thánh Chúa, xin đừng để con vì thế mà bị xét xử và luận phạt, nhưng nhờ lòng Chúa nhân từ, xin che chở và cứu chữa hồn xác con. Amen".

“242. Sau khi đọc xong lời nguyện trước rước lễ, chủ tế bái gối, lui ra một chút. Các vị đồng tế từng người một đến giữa bàn thờ, quì gối và kính cẩn cầm lầy Mình Thánh Chúa tại bàn thờ, và tay phải cầm Mình Thánh, có tay trái đở phía dưới mà lui về chỗ của mình. Tuy nhiên, các vị đồng tế có thể đứng tại chỗ và nhận lấy Mình Thánh từ đĩa do vị chủ tế hoặc một hay nhiều vị đồng tế cầm đi ngang qua trước mặt các ngài, hay, chuyền đĩa cho người kế tiếp cho đến người cuối cùng” (Bản dịch, như trên).

Ít nhất, trong trường hợp này, các quy định nói rằng linh mục bắt đầu đọc lời nguyện sau khi hoà bánh thánh vào rượu thánh. Tuy nhiên, bởi vì Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma số 242 dự liệu việc chỉ trao bánh thánh cho các vị đồng tế sau khi lời nguyện được hoàn tất, một khoảnh khắc thinh lặng diễn ra, vốn sẽ thay thế, có thể nói như vậy, sự thinh lặng thánh được dự liệu khi linh mục cử hành thánh lễ một mình.

Tuy nhiên, đây không phải là luôn luôn như vậy. Trong nhiều thánh lễ đồng tế đông linh mục, kinh “Agnus Dei, Lạy Chiên Thiên Chúa” có thể chiếm toàn bộ thời gian trao bánh thánh cho linh mục rước lễ. Trong các trường hợp khác, các vị đồng tế đi theo một lựa chọn hợp pháp khác, và không bắt đầu Rước lễ cho đến sau khi vị chủ tế bắt đầu cho giáo dân rước lễ, và vì vậy khoảng thời gian thinh lặng, vốn có thể phát sinh theo Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma số 242, biến mất về cơ bản.

Tôi nghĩ rằng sự khác biệt này trong lễ đồng tế có thể dẫn đến sự việc rằng nhiều linh mục giờ đây đã bắt đầu đọc kinh chuẩn bị rước lễ, ngay sau khi hoà bánh thánh vào rượu thánh.

Tôi nghi ngờ rất nhiều nếu bất cứ điều gì có thể được làm để thay đổi điều này. Trước hết, có thể lập luận tốt rằng cả hai sự thực hành đều hợp pháp, và thứ hai là các linh mục, giống như hầu hết mọi người, có khuynh hướng làm theo các khuôn mẫu trong các hoạt động thường lệ của chúng ta.

Tuy nhiên, câu hỏi này giúp chúng ta nhớ đến dấu hiệu của Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma số 84 là nhằm cung cấp cho mọi người một cơ hội để chuẩn bị rước lễ trong thinh lặng.

Như Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma số 45 nêu ra:

“45. Sự thinh lặng thánh, kể như thành phần của việc cử hành Thánh Lễ, cũng phải được tuân giữ đúng lúc. Bản chất của sự thinh lặng tùy thuộc vào lúc phải giữ trong Thánh Lễ. Thật vậy, trong nghi thức sám hối và sau lời mời cầu nguyện, mỗi người hồi tâm lại; sau bài đọc và bài diễn giảng, mỗi người suy gẫm vắn tắt về những gì đã nghe; còn sau khi hiệp lễ thì ca ngợi và cầu xin Chúa trong lòng.

“Trước khi cử hành, rất nên giữ thinh lặng trong thánh đường, trong phòng thánh và những nơi kế cận để mọi người dọn mình cách sốt sắng tham dự các lễ nghi thánh” (Bản dịch, như trên).

Mặc dù, văn bản này không đề cập cách đặc biệt khoảnh khắc thinh lặng để chuẩn bị rước lễ, ý kiến của tôi là rằng nó không phải là sự suy niệm, nhưng đúng hơn là một khoảnh khắc hồi tâm về những gì sắp xảy ra trong việc rước lễ. Các thái độ, bày tỏ trong hai lời nguyện được cung cấp cho linh mục trong Sách lễ, có thể là nguồn cảm hứng cho lời nguyện của mọi người trong sự chuẩn bị thinh lặng này.

Thời gian chuẩn bị thinh lặng này về cơ bản là thời gian của lời nguyện được đọc một cách không vội vàng. Bởi vì chúng là các lời nguyện ngắn, sự thinh lặng này có thể kéo dài từ 20 giây đến 25 giây cho hầu hết mọi người. (Zenit.org 13-11-2018)

Nguyễn Trọng Đa
 
Văn Hóa
Đêm Nhạc Giao Hưởng'' Nước Non Ngàn Đặm II'' tại Houston thành công mỹ mãn
Đồng Nhân
09:36 13/11/2018
HOUSTON, Texas – Chương trình “Nước Non Ngàn Dặm II” của Giáo Sư Lê Văn Khoa đã được trình diễn vào Chúa Nhật, 11 Tháng Mười Một, lúc 2 giờ chiều tại Dunham Theater, 7502 Fondren Road, Houston, TX 77074 đã thành công vang dội.

Xem hình ảnh - Photos Nguyễn Ký

Giáo Sư Lê Văn Khoa cho biết chương trình “Nước Non Ngàn Dặm I, cũng tại Houston, diễn ra cách nay 21 năm. Cả hai lần đều do Hội Văn Hóa Khoa Học Việt Nam tổ chức”. Linh Mục Phạm Hữu Tâm làm trưởng ban tổ chức chương trình Nước Non Ngàn Dặm II lần này.

Ðây có thể nói là chương trình giao hưởng nhạc Việt lớn nhất năm nay. Ðặc biệt có một nghệ sĩ đến từ Ukraine sử dụng nhạc cụ dân tộc là đàn Bandura để trình diễn nhạc Việt Nam. Ngoài ra nữ nhạc sĩ Hải Yến sẽ biểu diễn nhạc cụ dân tộc là đàn T’rưng và đàn tranh.

Dàn nhạc giao hưởng Houston Civic Symphony, dưới sự điều khiển của nhạc trưởng Brian Runnels, hòa âm với những giọng ca Bích Vân, Teresa Mai, Ngoc Hà, Thiên Tôn, Halyna Bodnar và Hải Yến.

“Nước Non Ngàn Dặm II” gồm có các sáng tác bất hủ của các nhạc sĩ Việt Nam là Phạm Duy, Văn Cao, Lê Văn Khoa, Lê Thương, Cung Tiến, Phạm Ðình Chương, Nguyễn Văn Ðông, Ðan Thọ, và những bản dân ca đặc sắc của ba miền đất nước. Tất cả được GS Lê Văn Khoa soạn hòa âm. Thành phần trình diễn bao gồm dàn nhạc giao hưởng Houston Symphony với 80 nhạc công; một số ca sĩ Việt như Teresa Mai, Bích Vân, Thiên Tôn; một ban hợp xướng với 86 ca viên; ca đoàn Chân Lý thuộc dòng nữ tu Ða Minh thuộc tỉnh Dòng Đức Maria Vô Nhiễm và các nam tu sĩ với 40 ca viên. Các ban hợp xướng này đã dầy công tập dượt với nhau hàng tuần từ nhiều tháng qua.

“Nước Non Ngàn Dặm II” cũng là dịp để vinh danh giáo sư, nhạc sĩ, nhiếp ảnh gia Lê Văn Khoa – người đã tận tụy phục vụ cho nghệ thuật Việt Nam suốt hơn 60 năm qua.
 
Ghi Chú về Kinh Lạy Cha của Raissa Maritain, Chương III, tiết 5
Vũ Văn An
20:38 13/11/2018
Tiết 5: Và Tha Nợ Chúng Con Như Chúng Con Cũng Tha Kẻ Có Nợ Chúng Con

Et dimitte nobis debita nostra. "Xâm phạm" hoặc "nợ", cùng là một điều dưới hai tên gọi khác nhau. Trong Tin Mừng Mátthêu (6:12), chúng ta đọc: "Và Tha Nợ Chúng Con Như Chúng Con Cũng Tha Kẻ Có Nợ Chúng Con"; còn trong Tin Mừng Luca (11: 4): "Và tha tội cho chúng con, vì chính chúng con cũng tha cho mọi người mắc lỗi với chúng con”.

Tha tội là một tin mừng. Một điều kỳ diệu xiết bao! Nó tùy thuộc chúng ta; một chuyển động của trái tim chúng ta (không dễ dàng, đúng ra, có lẽ khó khăn nhất đối với bản nhiên con người) đủ để Cha ở trên trời tha thứ các thất vọng và vết thương chúng ta đã gây ra cho tình yêu của Người. Người vốn bảo đảm nó; nhân danh Người, Chúa Con đã hứa nó với chúng ta. Đó là lề luật căn bản của nhiệm cục thần thiêng đã được Tin Mừng dạy cho chúng ta. Thiên Chúa yêu việc chúng ta yêu nhau xiết bao! "Chỉ cần chúng ta tha thứ đủ để có được sự bảo đảm được Thiên Chúa tha thứ " {1}. Nếu tôi tha thứ thực sự, thì không còn nghi ngờ gì nữa, tôi sẽ được, thậm chí, đã được tha thứ.

Luật này đã được nhận ra trong Cựu Ước, nhưng một cách không hoàn hảo. Nếu bản văn các Thánh Vịnh (2) được Thánh Augustinô trích dẫn (3) về chủ đề này không có tính kết luận, thì ít nhất, sách Huấn Ca nói rất rõ: " Hãy tha thứ cho người hàng xóm của ngươi nếu người đó làm hại ngươi: và sau đó tội lỗi của ngươi sẽ được tha thứ cho ngươi khi ngươi cầu khẩn. Người với người cứ nuôi lòng hờn giận, thế mà lại xin Đức Chúa chữa lành! Nó chẳng biết thương người đồng loại, mà lại dám xin tha tội cho mình!” (4). Tuy nhiên, vẫn cần ghi nhận với Cha Lagrange rằng "ý tưởng người hàng xóm thường được giới hạn vào Israel"{5}; và ngoài ra, ngay khi ý tưởng công lý - một thứ công lý quá khắc nghiệt - can thiệp vào, giới luật cảm thương đã bị phản công bằng luật trả đũa; và lời hứa thần thiêng: ngươi sẽ được tha thứ nếu ngươi tha thứ, vẫn chưa được minh nhiên diễn dịch thành luật vàng của nhiệm cục cứu rỗi.

Luật vàng này đã được mạc khải cho chúng ta trong Kinh Lạy Cha. Ở đây, chúng ta nằm ở trung tâm Tin Mừng. Người Kitô hữu là gì đối với những con người đã quá quen thuộc với luật trả thù chính đáng và nơi họ, Tin Mừng đang thực hiện được những chinh phục đầu tiên? Người ấy là người tha thứ{6}. "Anh em đã nghe nói, 'Mắt đền mắt và răng đền răng' {7}. Còn Thầy, Thầy nói với anh em, đừng chống lại kẻ bất lương ... Anh em đã nghe nói rằng, 'Ngươi hãy yêu mến người hàng xóm {8} và ghét bỏ kẻ thù. Nhưng Thầy bảo anh em, hãy yêu kẻ thù của anh em và cầu nguyện cho những người bách hại anh em, để anh em trở thành con cái của Cha anh em ở trên trời; vì Người làm cho mặt trời của Người tỏa sáng trên kẻ ác lẫn người lành, và Người đổ mưa cho người công chính lẫn kẻ bất chính”{9}.

Không có bình luận nào về lời cầu xin thứ năm khác hơn chính Tin Mừng. Ngay sau khi truyền lại cho chúng ta bản văn Kinh Lạy Cha, Tin Mừng Thánh Mátthêu tiếp tục{10}: "Vì nếu anh em tha thứ cho người ta các lỗi phạm của họ, Cha của anh em ở trên trời sẽ tha thứ cho anh em, nhưng nếu anh em không tha thứ các lỗi lầm cho họ, thì Cha anh em cũng sẽ không tha thứ cho anh em các lỗi phạm của anh em". Đoạn văn song song được đưa ra trong Máccô ở một nơi khác, nhân dụ ngôn cây vả cằn cỗi: “Khi anh em đứng cầu nguyện, nếu anh em có chuyện bất bình với ai, thì hãy tha thứ cho họ, để Cha của anh em là Đấng ngự trên trời, cũng tha lỗi cho anh em” {11}.

Người sẽ tha thứ cho chúng ta các vi phạm của chúng ta. Có phải điều này muốn nói Người sẽ tha tội cho những người được chúng ta tha thứ không? Quyền chìa khóa{12}, tức quyền bí tích tha tội chỉ được dành cho các tông đồ và những người kế vị các ngài, chứ không dành cho người Kitô hữu. Những người xúc phạm đến chúng ta và những người được chúng ta tha thứ - lẽ nào Thiên Chúa lại tụt hậu phía sau chúng ta và ít sẵn sàng hơn chúng ta trong việc tha thứ cho họ? Tuy nhiên, về hiệu quả của ơn thánh trong sự tha thứ của chúng ta phụ thuộc vào ý chí tự do của chính họ và lòng thương xót của Thiên Chúa. Đây là lý do tại sao Sách Châm ngôn phát biểu{13}, trong một đoạn văn được Thánh Phaolô tiếp nhận: "Nếu kẻ thù của anh em đói, hãy cho họ ăn, nếu người ấy khát, hãy cho họ uống; vì làm như vậy ngươi sẽ chất than hồng lên đầu nó "{14}.

Than hồng mầu nhiệm - chắc chắn không phải là tức giận, nếu không thì làm thế nào sách Châm ngôn có thể viết thêm: "Và Chúa sẽ thưởng công ngươi", và Thánh Phaolô: "Đừng bị khắc phục bởi điều ác, nhưng hãy khắc phục điều ác bằng điều tốt"? Những viên than hồng rực sáng này được đốt cháy bằng nguồn lửa khủng khiếp và ngọt ngào của ý chí thần thiêng khôn dò. Khi làm điều tốt cho kẻ thù của mình, chúng ta giao phó họ cho Thiên Chúa, chúng ta xin đổ xuống đầu họ ngọn lửa sáng kiến và quan tâm của Thiên Chúa. Nếu họ chống lại ngọn lửa ơn thánh, bất chấp mong muốn của chúng ta, họ sẽ rơi vào ngọn lửa của công lý. Nhưng nếu họ để cho mình được chiến thắng bởi ơn thánh và sửa chữa đường đi nước bước của họ và ăn năn tội lỗi của họ trước mặt Thiên Chúa, họ sẽ nhận được hiệu quả của ngọn lửa thương xót, theo ước muốn của chúng ta, và tội lỗi mà họ đã phạm chống chúng ta sẽ được tha thứ.

Như thế, sự kiện vẫn là khi tha thứ cho những người đã xúc phạm đến chúng ta, chúng ta làm việc theo một cách nào đó (chuẩn bị) và cho tới chừng chúng ta có thể, nhằm đạt mục đích: điều ác ở nơi họ được vượt qua bởi điều tốt và họ nhận được sự tha thứ của Thiên Chúa; chúng ta góp phần, trong phạm vi có trong chúng ta, vào việc gia tăng tổng số điều tốt trên trái đất và làm cho công trình của Hoàng tử Hòa bình được hoàn thành ở đó.



Như đã viết trên đây, nếu tôi thực sự tha thứ, không còn nghi ngờ gì nữa, tôi sẽ được, thậm chí, đã được tha thứ.

Tuy thế, có bao giờ tôi chắc mình đã được tha thứ không? Vấn đề là biết liệu tôi có tha thứ thật sự hay không, cũng như biết liệu tôi có thật sự yêu mến Thiên Chúa và người lân cận của tôi hay không. Và điều này chỉ Thiên Chúa mới biết một cách chắc chắn mà thôi. Chỉ một mình Thiên Chúa mới biết một cách chắc chắn liệu tôi có tha thứ từ tận đáy lòng, như Tin Mừng đã khuyên tôi hay không. Vào cuối dụ ngôn người đầy tớ được tha nợ nhưng lại không tha nợ cho những người bạn cùng làm việc với anh ta, chúng ta đọc trong Tin Mừng Mátthêu: "Bấy giờ, tôn chủ cho đòi y đến và bảo: ‘Tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết số nợ ấy cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta, thì đến lượt ngươi, ngươi không phải thương xót đồng bạn, như chính ta đã thương xót ngươi sao?’ Rồi tôn chủ nổi cơn thịnh nộ, trao y cho lính hành hạ, cho đến ngày y trả hết nợ cho ông. Ấy vậy, Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình" {15}. Còn Thánh Gioan thì nói gì? "Hỡi anh em là những người con bé nhỏ, chúng ta đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi,
nhưng phải yêu thương cách chân thật bằng việc làm” {16}.

Dù sao, nếu chúng ta làm hết sức mình, tại sao chúng ta phải hành hạ bản thân mình? Tìm cách biết một cách chắc chắn, một cách được chứng minh và chứng tỏ, liệu chúng ta có thực sự yêu thương và liệu chúng ta có thực sự tha thứ từ tận đáy lòng không, sẽ chỉ là một sự tò mò hư danh của tâm trí và một sai lầm nghiêm trọng. Vì điều Thiên Chúa muốn là chúng ta quên mình đi và đặt tất cả sự âu lo của chúng ta vào Người. Người muốn chúng ta hy vọng vào Người: như thế, điều chúng ta không thể biết một cách chắc chắn về phương diện tri thức, chúng ta có thể có sự tin tưởng hoàn toàn được bảo đảm về nó, nhờ lòng tốt thuộc về Người và nhờ ý muốn Người muốn trợ giúp chúng ta, hai điều đều là những điều tuyệt đối chắc chắn.

Theo nghĩa trên, sau khi khuyên chúng ta không nên yêu thương bằng lời, bằng ngôn từ, nhưng bằng hành động, một cách đích thực, Thánh Gioan viết thêm: “Căn cứ vào điều đó, chúng ta sẽ biết rằng chúng ta đứng về phía sự thật, và chúng ta sẽ được an lòng trước mặt Thiên Chúa. Vì nếu lòng chúng ta có cáo tội chúng ta, Thiên Chúa còn cao cả hơn lòng chúng ta, và Người biết hết mọi sự” {17}.

Nếu người anh em của anh xúc phạm đến anh, thì hãy khiển trách nó; nếu nó hối hận, thì hãy tha cho nó. Dù nó xúc phạm đến anh một ngày đến bảy lần, rồi bảy lần trở lại nói với anh: ‘Tôi hối hận’, thì anh cũng phải tha cho nó"{18}.

Si poenitentiam egerit. Si septies in die conversus fuerit ad te: poenitet me. Chữ Si là điều kiện tiền giả định bởi điều các nhà thần học gọi là “sự tha thứ thông thường” hay “sự tha thứ cần để được cứu rỗi”, khác với “sự tha thứ riêng với những người hoàn thiện”. Nếu người anh em tôi, trầm trọng đến có thể giết tôi, xin tôi tha thứ, tôi cũng sẽ tha thứ tận đáy lòng tôi. Nhưng nếu họ không đến với tôi để xin lỗi, tôi cũng sẽ sẵn sàng tha thứ cho họ (secundum praeparationem animae – theo sự sẵn sàng của linh hồn), nhưng không nhất thiết tôi phải đi bước trước (devancer) họ; và do sự kiện tôi tha thứ mọi kẻ thù của tôi cách chung, họ sẽ thấy họ được bao gồm trong số này, nhưng một cách tiềm thể (virtuellement), và không vì riêng họ mà tôi phải thực hiện hành vi cho đi này qua đó tôi làm điều đối với tôi công lý không tác động gì đối với họ. “Cần biết rằng có hai loại tha thứ. Một loại thuộc riêng những người hoàn thiện; lúc đó, theo điều người ta thường nói: hãy tìm kiếm hòa bình và hãy theo đuổi hòa bình (19), người bị xúc phạm đi trước người xúc phạm. Loại kia là sự tha thứ thông thường, là loại mọi người buộc theo giới răn, và qua đó, ta tha thứ cho người yêu cầu được tha thứ (20).

Ngay học lý trong Summa Theologia, về tình yêu đối với kẻ thù: “giới răn này buộc chúng ta yêu kẻ thù nói chung; nó không buộc ta yêu kẻ thù này hay kẻ thù nọ cách riêng, nếu điều này không phù hợp với sự chuẩn bị sẵn sàng của linh hồn, đến nỗi, ta sẵn sàng yêu cả kẻ thù đặc thù này và giúp đỡ họ trong trường hợp khẩn cấp {21} hoặc nếu họ yêu cầu chúng ta tha thứ. Nhưng yêu và giúp đỡ các kẻ thù cá nhân của ta một cách vô điều kiện, điều này là một hành vi hoàn thiện. Và cũng thế, thuộc vấn đề nghĩa vụ là chúng ta không được loại trừ các kẻ thù của mình khỏi những lời cầu nguyện chung mà chúng ta dâng cho người khác; nhưng, thuộc vấn đề hoàn thiện, chứ không phải nghĩa vụ, là việc cầu nguyện riêng cho từng cá nhân họ, ngoại trừ trong một số trường hợp nào đó”{22} Và một lần nữa: "khởi từ một chuyển động yêu thương đối với các kẻ thù của chúng ta xét riêng từng cá nhân đặc thù, giới răn đức ái không đặt lên chúng ta một sự cấp thiết vô điều kiện, cũng không phải yêu thương mọi người xét từng cá nhân một, vì điều này là điều bất khả. Tuy nhiên, thuộc lãnh vực nghĩa vụ được đức ái áp đặt một cách nhất thiết nếu tâm trí chúng ta đã chuẩn bị sẵn sàng: đến nỗi, người ta phải có một linh hồn sẵn sàng phải yêu thương các kẻ thù cá biệt, nếu có sự cấp thiết xảy ra. Việc con người nên thực sự làm như vậy, và yêu thương kẻ thù của mình vì Chúa, mà không có sự cấp thiết khiến họ phải làm như vậy, thì thuộc phạm vi hoàn thiện của đức ái”{23}.

Một học lý như vậy là chính đáng và hợp nhân bản; nó ngăn cản chúng ta chất chồng lên các linh hồn những gánh nặng mà họ không thể mang nổi, và yêu cầu nơi người khác những điều chính chúng ta có lẽ không có khả năng làm được. Tha thứ thực sự - không phải bằng môi bằng mép mà từ tận đáy lòng - là một điều nghiêm trọng đáng sợ; vì ngay trong "sự tha thứ thông thường", đã có câu phải chuẩn bị linh hồn sẵn sàng, một điều giả thiết chúng ta không cố tình nuôi dưỡng trong mình bất cứ cảm giác hận thù nào chống lại kẻ thù này hay kẻ thù nọ cách riêng{24}, bất kể thứ chuyển động bất đồng nào, và tha thứ, dù chỉ là secundum praeparationem animae (tùy theo sự chuẩn bị sẵn sàng của linh hồn), không phải chỉ là từ bỏ sự trả thù {25}, mà còn sẵn sàng cho người phạm tội ngay cả điều họ đã lấy mất của chúng ta, và qua đó lo liệu làm sao (ít nhất là những gì liên quan đến chúng ta, và liên quan đến các lời cầu xin của chúng ta với Thiên Chúa) để họ từ nay sống phù hợp với công lý của Thiên Chúa và không còn mắc lỗi (quitte) đối với Người – họ được giải thoát, nợ nần của họ được tha hết. Sự tha thứ ngụ ý không gây tổn hại đến công lý (26). Nhưng nó buộc người ta từ bỏ các biện pháp trừng phạt mà công lý thường áp đặt (trừ khi một ích lợi cao hơn sự oán giận của tôi phải được bảo vệ). Và đối với người đôi mắt chưa được rửa sạch đủ bởi nước mắt và linh hồn chưa mềm dịu đủ bởi đức ái, điều này cũng bị cảm nhận – một cách sai lầm- như là một thiếu sót đối với công lý. Trái tim tội nghiệp băn khoăn, nó cảm thấy bị xâu xé giữa hai mệnh lệnh mâu thuẫn nhau, nó đau đớn thống khổ. Trong trường hợp cấp thiết, hành vi tha thứ cần thiết đối với người đáng thương đã phá hủy hoặc xúc phạm điều mà người ta vốn coi là thân yêu nhất rất có thể đòi ta phải mua bằng chính sự sống mình.



Còn điều này nữa: trong trường hợp cấp thiết, hành vi tha thứ như thế được Tin Mừng đòi hỏi. Và Tin Mừng dành cho các nhà thần học việc phải quan tâm đến sự khác biệt mà chúng ta vừa đề cập giữa sự tha thứ thông thường và sự tha thứ của người hoàn thiện. Chính Tin Mừng đã biến tinh thần tha thứ thành bổn phận cho chúng ta; và Tin Mừng ít lưu ý tới viễn ảnh của điều được truyền lệnh hay không được truyền lệnh là cần thiết để được cứu rỗi, mà lưu ý nhiều hơn tới viễn ảnh của luật tương ứng giữa tác phong thần thánh và tác phong của chúng ta: tha thứ như Người tha thứ; ngươi đã tha thứ ra sao, ngươi sẽ được tha thứ như thế. Hơn nữa, trong phần lớn các trường hợp cụ thể, lương tâm tôi phải xử lý không phải với các kẻ thù của tôi nói chung, nhưng với kẻ thù này hoặc kẻ thù nọ nói riêng, mà đòn dao găm của họ tôi vừa nhận được. Thế thì, bất cứ điều gì tôi chống lại họ, chính họ cách riêng tôi phải tha thứ trong lòng, từ tận đáy lòng tôi nếu tôi muốn lương tâm của tôi được nghỉ yên, thoát khỏi sự bối rối không thể nào chịu đựng được. Chúa ơi, xin Chúa tha thứ cho con như con tha thứ cho họ.

Tôi không hoàn thiện đối với những điều đó. Nhưng khi thổi, Thần Khí vượt quá mọi giới hạn đã có trước đây; tinh thần tha thứ thúc đẩy mọi Kitô hữu, hoàn thiện hoặc không hoàn thiện, nhưng mong muốn vâng theo Tin Mừng, vượt qua giới luật nghiêm ngặt - dù chỉ một lần, thích đáng đối với cơn bão táp tôi đang gặp hôm nay. Và sự tha thứ thông thường, một sự tha thứ, như chúng ta đã ghi nhận trên đây, có tính đòi hỏi hơn nó biểu kiến, buộc chúng ta, trong nhiều trường hợp, phải dấn thân, một lần, dù muốn dù không, vào sự tha thứ của người hoàn thiện.

"Thầy nói với anh em là những người đang nghe Thầy đây: hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em, hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em. Ai vả anh má bên này, thì hãy giơ cả má bên kia nữa. Ai đoạt áo ngoài của anh, thì cũng đừng cản nó lấy áo trong. Ai xin, thì hãy cho, ai lấy cái gì của anh, thì đừng đòi lại. Anh em muốn người ta làm gì cho mình, thì cũng hãy làm cho người ta như vậy. Nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì có gì là ân với nghĩa? Ngay cả người tội lỗi cũng yêu thương kẻ yêu thương họ... Nếu anh em cho vay mà hy vọng đòi lại được, thì còn gì là ân với nghĩa? Cả người tội lỗi cũng cho kẻ tội lỗi vay mượn để được trả lại sòng phẳng. Trái lại, anh em hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn và cho vay mà chẳng hề hy vọng được đền trả. Như vậy, phần thưởng dành cho anh em sẽ lớn lao, và anh em sẽ là con Đấng Tối Cao, vì Người vẫn nhân hậu với cả phường vô ân và quân độc ác.

"Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ. Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha. Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy" {27}.

Kỳ sau: Tiết 6: Chớ để chúng con sa chước cám dỗ
_________________________________________________________________________________
{1} M. J. Lagrange, Evang. selon saint Matthieu, p. 132, n. 14.
{2} Tv 132 (131): 1; Tv. 7:4.
{3} Ad Probam, P.L., 33, 503 (n. 22).
{4} Huấn Ca 28:2-4.
{5} Lagrange, Evang. selon saint Matthieu, p. 132, note.
{6} Là điều Cha Lebbe nói với chúng tôi khi ngài nói với chúng tôi về kinh nghiệm truyền giáo của ngài ở Trung Hoa.
{7} Xh. 21:24-25.
{8} Lv. 19:18.
{9} Mt. 5:38-39, 43-45.
{10} Mt. 6:14-15.
{11} Mc 11:25-26.
{12} "Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ" Ga 20:22-23.
{13} Cn 25:21-22.
{14} Rm. 12:20.
{15} Mt. 18:32-35.
{16} 1 Ga 3:18.
{21} Cf. Summa theol., II-II, 25, 9. "Talia beneficia vel dilectionis signa inimicis exhibere non est de necessitate salutis nisi secundum praeparationem animae, ut scilicet subveniatur eis in articulo necessitatis."
{22} Summa theol., II-II, 83, 8.
{23} Ibid., II-II, 25, 8.
{24} “Phàm ai ghét anh em mình, ấy là kẻ sát nhân. Và anh em biết: không kẻ sát nhân nào có sự sống đời đời ở lại trong nó” (1 Ga 3:15).
{25} "Ý muốn trả thù tước hết nơi anh em mọi hy vọng được tha thứ các tội lỗi khác của anh em”, nó “lấy mất quyền của anh em được nói: như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”. Thánh Augustinô, Serm. 57, P.L., 39, 392.
{26} Xem Thánh Tôma Aquinô, Summa theol., I, 21, 3, ad. 2.
{27} Lc 6:27-38. (xem Mt. 5:38-48.)
 
VietCatholic TV
Suy Niệm với ĐTC 12/11/2018: Phép lạ Lộ Đức mang lại đức tin cho một nhà khoa học đoạt giải Nobel
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
01:22 13/11/2018
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Đừng biến nhà thờ thành nơi chợ búa kinh doanh

Các thánh đường phải được tôn trọng một cách xứng hợp như là “nhà Chúa” và không được biến thành nơi chợ búa kinh doanh hoặc những nơi tụ họp ngoài đời bị chi phối bởi những sự “thế gian”. Đức Thánh Cha đã đưa ra lời kêu gọi trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Sáu 9 tháng 11 tại nhà nguyện Santa Marta. Ngài cũng cảnh báo rằng thánh đường có nguy cơ bị biến thành những nơi các bí tích, lẽ ra phải được trao ban cách nhưng không, lại được rao bán.

Ngày thứ Sáu 9 tháng 11 là ngày Giáo Hội kính nhớ việc cung hiến Đền Thờ Thánh Gioan Latêranô, là một trong bốn đại Vương Cung Thánh Đường ở Rôma, và cũng là nhà thờ chánh tòa của Đức Giáo Hoàng trong tư cách là Giám Mục Rôma.

Mở đầu bài giảng, Đức Thánh Cha đã trình bày những suy tư của ngài về Tin Mừng trong ngày tường thuật việc Chúa Giêsu đánh đuổi những người mua bán trong đền thờ Giêrusalem, và cảnh cáo họ không được biến ngôi nhà của Cha mình thành nơi chợ búa kinh doanh.

Chúa Giêsu đã lưu ý rằng đền thờ đầy chật những kẻ tôn thờ ngẫu tượng. Họ là những con buôn sẵn sàng phục vụ “thần tài” thay vì Thiên Chúa. Đức Thánh Cha nói: “Đằng sau tiền có một ngẫu tượng,” và cảnh cáo thêm rằng các ngẫu tượng luôn luôn nô dịch con người.

Ngài tự hỏi liệu chúng ta có xem “các đền thờ, các thánh đường của chúng ta” như là nhà của Chúa, nhà cầu nguyện, một nơi gặp gỡ Chúa hay không; và liệu các linh mục có đối xử với những nơi này như thế không.

Đức Thánh Cha đã nhắc nhớ các trường hợp trong đó người ta đưa ra một bảng giá cho các bí tích mà lẽ ra phải được trao ban miễn phí. Đối với những người biện minh rằng đó là một sự dâng cúng, Đức Thánh Cha nói, dâng cúng thì phải được đặt một cách kín đáo vào trong thùng tiền của nhà thờ mà không ai biết đến. Ngài cảnh báo rằng chuyện rao bán các bí tích không phải là chuyện của quá khứ, sự nguy hiểm này vẫn còn cả cho đến ngày hôm nay.

Đức Thánh Cha Phanxicô thừa nhận Giáo Hội cần phải được nâng đỡ bởi các tín hữu để có thể duy trì được nhưng điều này cần phải được thực hiện qua các thùng tiền dâng cúng trong nhà thờ, chứ không phải qua một bảng giá.

Một nguy cơ khác mà Đức Thánh Cha cảnh báo là sự cám dỗ của tinh thần thế gian. Ngài lưu ý rằng trong một số lễ kỷ niệm hoặc tưởng niệm trong Giáo hội, người ta không phân định nổi thánh đường là nhà của Thiên Chúa, là một nơi thờ phượng hay là một nơi tụ họp ngoài đời.

Ngài nói rằng một số cử hành trong nhà thờ đã trượt vào tinh thần thế gian. Các cử hành phải huy hoàng nhưng không xa hoa thế gian, bởi vì, theo Đức Thánh Cha, xa hoa thế gian phụ thuộc vào thần tiền. Ngài gọi đây là sự tôn thờ ngẫu tượng và nói rằng điều này phải khiến chúng ta suy nghĩ về lòng nhiệt thành của mình đối với các thánh đường và sự kính trọng cần phải có khi chúng ta bước vào nhà Chúa.

Đức Thánh Cha sau đó đã hướng cộng đoàn chú ý đến Thư thứ nhất của Thánh Phaolô gởi cho dân thành Côrinhtô trong đó mô tả tâm hồn chúng ta như là đền thờ của Thiên Chúa. Bất kể tình trạng đầy tội lỗi của chúng ta, mỗi người chúng ta nên tự hỏi liệu trái tim của mình có đầy “tinh thần thế gian và ngẫu tượng” hay không.

Đức Thánh Cha nói rằng đó không phải tự vấn xem tội lỗi của chúng ta là những tội nào, nhưng tìm ra xem trong lòng chúng ta có ông thần tài hay không. Nếu chúng ta có tội, chúng ta đã có Chúa, Thiên Chúa của lòng thương xót, là Đấng sẽ tha thứ cho chúng ta nếu chúng ta chạy đến với Ngài. Nhưng nếu trong lòng chúng ta có một chúa tể khác, thần tài chẳng hạn, thì chúng ta là một người tôn thờ ngẫu tượng, một kẻ băng hoại, chứ không đơn thuần là một người tội lỗi.

Đức Thánh Cha kết luận rằng cốt lõi của băng hoại chính xác là sự tôn thờ ngẫu tượng, trong đó chúng ta bán linh hồn mình cho thần tiền, cho thần quyền lực.

2. Phép lạ Lộ Đức mang lại đức tin cho một nhà khoa học từng được giải Nobel

Trên tờ Aleteia số ra ngày thứ Năm 8 tháng 11 vừa qua, cha Robert Spitzer có kể về gương hoán cải của nhà khoa học Alexis Carrel là người đã từng đoạt giải Nobel về Y Khoa về những phát minh tiên phong trong kỹ thuật khâu mạch máu.

Từ lần xuất hiện đầu tiên của Đức Mẹ với sơ Bernadette Soubirous, nước từ hang đá Lộ Đức đã là một nguồn chữa lành kỳ diệu, cả cho những người đã đến thăm Lộ Đức lẫn những người đã sử dụng nước này ở những nơi xa xôi. Kể từ thời sơ Bernadette đến nay, hơn 7,000 trường hợp khỏi bệnh cách lạ lùng đã được báo cáo cho Ủy ban Y Khoa Lộ Đức bởi những người hành hương viếng thăm thánh địa này. Con số 7,000 phép lạ này không bao gồm những phép lạ đã xảy ra bên ngoài Lộ Đức.

Từ năm 1883 đến nay, chỉ có 69 trường hợp được công nhận là “phép lạ” theo các tiêu chuẩn rất nghiêm ngặt của Ủy ban Y Khoa Lộ Đức.

Bác sĩ Alessandro di Franciscis, giám đốc Ủy ban Y Khoa Lộ Đức cho biết:

“Một trường hợp khỏi bệnh được công nhận là phép lạ nếu nó diễn ra tức khắc, bệnh tật được chữa khỏi vĩnh viễn, và không thể giải thích được về mặt khoa học”.

69 trường hợp được Ủy ban Y Khoa Lộ Đức xác nhận đã được kiểm tra bởi một số lượng lớn các bác sĩ và các nhà khoa học, và không một trường hợp nào có thể gây ra tranh cãi.

Giáo sư Sarah Goldingay của Đại Học Exeter, một thành viên trong Ủy ban Y Khoa Lộ Đức cho biết:

“Điều này không có nghĩa là 7,000 trường hợp khác không phải là các phép lạ. Những trường hợp này chỉ đơn giản là chúng tôi không có các phương tiện điều tra đến nơi đến chốn như các bệnh nhân ở quá xa, hay người ta có thể giải thích ít nhiều một cách khoa học mặc dù sự lành bệnh là tức khắc, và thật sự là ngoại thường”.

Một trong những trường hợp quan trọng nhất là sự chữa lành cho Marie Bailly. Trường hợp của cô đã được chứng kiến tận mắt bởi tiến sĩ Alexis Carrell, và cuối cùng đã mang lại cho ông ơn hoán cải.

Năm 1902, một bác sĩ bạn của tiến sĩ Carrell đã mời ông cùng đi chung để giúp chăm sóc một bệnh nhân bị bệnh đang được vận chuyển trên một chuyến tàu từ Lyons đến Lộ Đức. Carrell, vào thời điểm đó, là một người vô thần không tin vào phép lạ, nhưng đồng ý giúp đỡ, không chỉ vì tình bạn, mà vì ông lấy làm lạ trước làn sóng khách hành hương tuôn đến Lộ Đức.

Trên tàu, ông gặp Marie Bailly. Cô bị viêm phúc mạc cấp tính; bụng cô bị sưng lên rất lớn. Mặc dù Marie Bailly vẫn còn nửa tỉnh nửa mê, Carrell tin rằng cô sẽ qua đời trước khi đến được Lộ Đức. Các bác sĩ khác trên tàu cũng đồng ý với chẩn đoán này.

Trái với dự đoán của các bác sĩ, Marie Bailly đến được Lộ Đức và có phần bớt mệt hơn.

Tiến sĩ Carrell ghi lại diễn tiến việc Đức Mẹ chữa lành cho cô Marie Bailly như sau:

“Khi xe lửa đến Lộ Đức, Marie được đưa đến hang đá, nơi ba bình nước được đổ lên bụng bệnh nhân. Sau lần rót đầu tiên, bệnh nhân có vẻ đau đớn, nhưng sau lần rót thứ hai, cơn đau có vẻ dịu đi, và sau lần đổ thứ ba, gương mặt bệnh nhân ánh lên một cảm giác dễ chịu. Khối u ở bụng cô bắt đầu xẹp dần và nhịp tim của cô trở lại bình thường.”

“Tôi đứng ngay cạnh Marie cùng với các bác sĩ khác và ghi chú cẩn thận những phản ứng khi nước được đổ lên bụng cô. Trong vòng 30 phút khối u đã biến mất hoàn toàn bất kể là không hề có sự bài tiết nào được từ cơ thể bệnh nhân được ghi nhận.”

Marie sau đó ngồi dậy đi ăn tối, và tự mình ra khỏi giường và mặc quần áo vào ngày hôm sau. Sau đó, cô lên tàu, đi trên băng ghế cứng về đến Lyons như một con người mới.

Khi Carrel chứng kiến phép lạ nhanh chóng và không thể giải thích được về mặt y khoa này, ông tin rằng mình đã thấy một thứ gì đó giống như phép màu, nhưng là một khoa học gia vô thần sống trong chủ thuyết bất khả tri thâm căn của mình - ông vẫn chưa trở về đức tin Công Giáo thời thơ ấu của mình.

Mãi về sau này, sau khi chứng kiến thêm các phép lạ khác nữa, vào năm 1942, tiến sĩ Carrel mới công bố chính thức rằng ông tin nơi Thiên Chúa, tin sự bất diệt của các linh hồn, và các giáo huấn khác của Giáo Hội Công Giáo.

3. Đưa ra chứng tá Kitô chứ đừng rù rì bỏ nhỏ

Đức Thánh Cha cảnh báo chống lại tội “rù rì”, là một phần trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, và nhắc nhở chúng ta rằng luận lý của Tin Mừng trái ngược với luận lý của thế gian. Làm chứng, phàn nàn, đặt câu hỏi là ba từ mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã tập trung vào trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Năm 8 tháng 11 tại nhà nguyện Santa Marta.

Đức Thánh Cha đã trình bày các suy tư của ngài về bài Tin Mừng trong ngày (Lc 15: 1-19), bắt đầu bằng chứng tá của chính Chúa Giêsu: Ngài đã ăn uống với những người thu thuế và những người tội lỗi đến với Ngài và lắng nghe Ngài.

Từ đầu tiên, là “chứng tá” của Chúa Giêsu, mà theo Đức Thánh Cha “là một điều mới lạ vào thời điểm đó, bởi vì đi với những người tội lỗi làm cho ta ra ô uế, như chạm vào một người phong cùi vậy.” Vì lý do này, các thầy thông luật tránh xa họ. Đức Thánh Cha Phanxicô lưu ý rằng việc làm chứng chưa bao giờ “là một điều dễ dàng, cho cả các chứng nhân – là những người thường phải trả giá cho chứng tá của mình bằng việc tử đạo – và cho cả những kẻ quyền thế.”

Đưa ra chứng tá là phá vỡ một thói quen, một lối sống. .. Phá vỡ nó, thay đổi nó để hướng đến điều tốt hơn. Vì lý do này, Giáo Hội thăng tiến nhờ các chứng tá. Điều lôi cuốn [mọi người] là chứng tá. Chứ không phải là những lời nói, tuy cũng giúp [làm thăng tiến Giáo Hội], nhưng chứng tá là điều hấp dẫn, và là điều làm cho Giáo Hội phát triển. Đó là một điều mới mẻ, nhưng không hoàn toàn mới lạ, bởi vì lòng thương xót của Thiên Chúa đã có trong Cựu Ước. Tuy nhiên, các thầy thông luật này không bao giờ hiểu được ý nghĩa của từ ngữ: 'Ta muốn lòng nhân chứ không cần của lễ' Họ đã đọc về lòng thương xót, nhưng họ không hiểu nó là gì. Và Chúa Giêsu, qua cách hành động của Ngài, tuyên bố lòng thương xót này với chứng tá sống động của Ngài.

Đức Thánh Cha lặp lại rằng chứng tá “luôn luôn phá vỡ một thói quen,” và cũng “đặt anh chị em vào tình trạng hiểm nghèo.”

Đức Thánh Cha nhận xét rằng chứng tá của Chúa Giêsu khiến mọi người thì thầm với nhau. Những người Pharisêu, các kinh sư và các thầy thông luật than phiền về Ngài. Họ rù rì với nhau rằng: “Người này đón tiếp những quân tội lỗi, và ăn uống với chúng.” Họ không nói, “Hãy xem, người này thật nhân lành vì ông ấy tìm cách hoán cải những người tội lỗi.” Đức Thánh Cha cảnh cáo rằng đố kỵ thường là phản ứng đầu tiên của con người trước một việc thiện. Thái độ đó luôn bắt đầu bằng cách đưa ra những nhận xét tiêu cực “nhằm tiêu diệt một chứng nhân.” Tội rù rì bỏ nhỏ nói xấu người khác là một phần của cuộc sống hàng ngày, với các quy mô lớn nhỏ. Trong cuộc sống của chính chúng ta, chúng ta có thể thấy mình đang lẩm bẩm “bởi vì chúng ta không thích cái này, cái kia”; và thay vì đối thoại, hoặc “cố gắng giải quyết một tình huống xung đột, chúng ta bí mật rù rì bỏ nhỏ, luôn bằng một giọng thì thầm, bởi vì chúng ta không có can đảm để nói rõ ràng.”

Và điều đó xảy ra, ngay cả trong các xã hội nhỏ hơn, “trong các giáo xứ.” Đức Thánh Cha đặt thẳng câu hỏi “Trong giáo xứ anh chị em biết bao nhiêu lần người ta thì thầm với nhau?” Đức Thánh Cha chỉ ra rằng bất cứ khi nào “Tôi không thích điều này, hay tôi không thích người kia, rù rì bỏ nhỏ ngay lập tức nổ ra.”

Và trong các giáo phận? 'Xung đột giữa các giáo phận với nhau'... xung đột trong nội bộ giáo phận. Anh chị em biết rõ điều này. Và điều đó cũng xảy ra trên trường chính trị. Và đó là một điều xấu. Khi một chính phủ không trung thực, nó tìm cách làm bôi nhọ đối thủ của mình với những tin đồn thất thiệt. Luôn luôn có những chuyện phỉ báng, vu khống, luôn tìm kiếm điều gì đó [để chỉ trích]. Và anh chị em biết rõ các chính quyền độc tài, bởi vì anh chị em đã có kinh nghiệm. Điều gì tạo nên một chính phủ độc tài? Trước hết là kiểm soát các phương tiện truyền thông bằng một sắc luật, và từ đó, nó bắt đầu thì thầm, chê bai tất cả mọi người mà nó coi là một mối nguy hiểm cho chính phủ. Rù rì là cơm bữa của chúng ta, ở mọi cấp độ từ cá nhân đến gia đình, giáo xứ, giáo phận, và xã hội.

Đức Thánh Cha nhận xét tiếp rằng: rù rì bỏ nhỏ là tìm cách “không nhìn vào thực tại, không cho phép mọi người suy nghĩ.” Chúa Giêsu biết điều này, nhưng Chúa là Đấng nhân lành, và “thay vì lên án họ đang lẩm bẩm với nhau”, Ngài đặt ra một câu hỏi. “Ngài sử dụng phương pháp mà họ sử dụng.” Họ đặt ra những câu hỏi với ý định xấu xa, để thử thách Chúa Giêsu, “làm cho Ngài sa bẫy”; chẳng hạn như họ hỏi Ngài về việc có nên nộp thuế cho Cêsarê hay không, có được rẫy bỏ vợ mình không. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu hỏi họ: “Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà bị mất một con, lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất?” Đó là một điều bình thường những người chăn chiên vẫn làm như thế, còn họ thì tính toán “Tôi còn tới 99 con, mất một con thì đã sao?”

“Chúng ta cứ để kẻ này hư mất, và tính toán thiệt hơn thì chúng ta sẽ cứu được những người này.” Đây là luận lý của các thầy thông luật. “Người nào trong các ông?” Và lựa chọn của họ đối lập với lựa chọn của Chúa Giêsu. Vì lý do đó, họ không đến với những người tội lỗi, họ không đến với những người thu thuế, họ không đi bởi vì 'tốt hơn là đừng để dơ bẩn bản thân mình với những người đó, đừng dây với hủi. Chúng ta hãy tự cứu lấy mình.” Chúa Giêsu thật thông minh khi hỏi họ câu hỏi này: Ngài biết quỷ kế của họ, nhưng đặt họ vào một vị trí trái ngược với những gì là đúng. “Người nào trong các ông?” Và không một ai trong số họ nói, “Vâng, đúng là phải như thế”, nhưng tất cả họ đều nói, “Không, không, tôi sẽ không làm điều đó.” Và vì lý do này, họ không thể tha thứ, không thể thương xót, không thể đón nhận.

Để kết luận, Đức Thánh Cha đã tóm tắt ba “từ” trọng điểm mà ngài đã xây dựng bài suy niệm của mình xung quanh ba từ ấy. Thứ nhất là “chứng tá”, đó là một lời mời gọi đầy thách thức nhưng làm cho Giáo Hội phát triển. Thứ hai là “rù rì”, nó giống như “người phòng ngự cho nội tâm của tôi khiến cho tôi dửng dưng trước các chứng tá”. Cuối cùng là câu hỏi của Chúa Giêsu. Đức Thánh Cha thêm vào một từ nữa là niềm vui, bàn tiệc, mà những thầy thông luật này không biết: “Tất cả những ai đi theo con đường của các thầy thông luật, không biết niềm vui của Tin Mừng”. Và Đức Thánh Cha kết thúc bài chia sẻ Tin Mừng của ngài với lời cầu nguyện sau: “Cầu xin Chúa cho chúng ta hiểu được luận lý này của Tin Mừng, là điều trái ngược với tư duy của thế gian.”

4. Chúa Giêsu mời chúng ta đến bàn tiệc Thiên quốc

Nước Thiên Chúa thường được ví như một bữa tiệc. Chúa Giêsu mời chúng ta đến cùng Ngài trong bữa tiệc này - nhưng, Đức Thánh Cha nhận xét rằng biết bao lần chúng ta viện hết lý do này đến lý do khác để từ chối lời mời của Ngài! Chúa Giêsu, là Đấng nhân lành, Ngài cho chúng ta hết cơ hội này đến cơ hội khác, nhưng Ngài cũng rất công minh. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Ba 6 tháng 11 tại nhà nguyện Santa Marta.

Bài Tin Mừng trong ngày xoay quanh một bữa tiệc được tổ chức bởi một trong những người Pharisêu có thế giá trong dân, và Chúa Giêsu đã được mời đến dự. Tin Mừng cho thấy tại bữa tiệc, Chúa Giêsu đã chữa lành một người bệnh ra sao, và Ngài đã quan sát thấy nhiều vị khách đã cố tìm cách chiếm giữ chỗ nhất trong bàn tiệc. Chúa nói với người chủ nhà rằng ông ta nên mời những người nghèo khó nhất, những người không thể đáp lễ.

Chúa phán cùng người chủ nhà rằng: “Khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. Họ không có gì đáp lễ, và như thế, ông mới thật có phúc: vì ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại.” (Lc 14: 13-14)

Nghe vậy, một trong những kẻ đồng bàn nói với Đức Giêsu: “Phúc thay ai được dự tiệc trong Nước Thiên Chúa!”

Chúa Giêsu liền đưa ra dụ ngôn này: “Một người kia làm tiệc lớn và đã mời nhiều người. Đến giờ tiệc, ông sai đầy tớ đi thưa với quan khách rằng: ‘Mời quý vị đến, cỗ bàn đã sẵn’. Bấy giờ mọi người nhất loạt bắt đầu xin kiếu. Người thứ nhất nói: ‘Tôi mới mua một thửa đất, cần phải đi thăm; cho tôi xin kiếu’. Người khác nói: ‘Tôi mới tậu năm cặp bò, tôi đi thử đây; cho tôi xin kiếu’. Người khác nói: ‘Tôi mới cưới vợ, nên không thể đến được’.”

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhận xét một cách cay đắng rằng biết bao lần chúng ta đã tìm cách đưa ra hết lý do này đến lý do khác để thoái thác lời mời gọi của Chúa. “Luôn luôn có một cái cớ nào đó để thoái thác”, Đức Thánh Cha nói. “Họ xin lỗi. Xin lỗi là từ lịch sự mà chúng ta sử dụng để khỏi phải nói: ‘Tôi từ chối.’”

Bấy giờ chủ nhà nổi cơn thịnh nộ bảo người đầy tớ rằng: “Mau ra các nơi công cộng và đường phố trong thành, đưa các người nghèo khó, tàn tật, đui mù, què quặt vào đây.”

Bình luận về đoạn này, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng khi ai đó từ chối Chúa Giêsu, “Chúa chờ đợi họ, cho họ cơ hội thứ hai, thậm chí thứ ba, thứ tư, thứ năm. .. nhưng cuối cùng, đến lượt Ngài từ chối họ”.

Và sự từ chối này khiến chúng ta nghĩ về chính mình, đến những lần Chúa Giêsu mời gọi chúng ta cử mừng với Ngài, kề cận bên Ngài, để thay đổi cuộc sống của chúng ta. Chúng ta hãy suy nghĩ đến việc Chúa Giêsu tìm kiếm những người bạn thân thiết nhất của Ngài và họ từ chối! Rồi Ngài tìm đến những người tàn tật, đui mù, què quặt. .. và họ đến; nhưng có lẽ một số cũng từ chối. Đã bao nhiêu lần chúng ta nghe tiếng kêu của Chúa Giêsu đến với Ngài, để làm một công việc bác ái, cầu nguyện, gặp gỡ Ngài, và chúng ta nói: ‘Xin lỗi Chúa, con bận quá, không có thời gian. Vâng, ngày mai thì may ra chứ hôm nay thì không được đâu. ..” Và Chúa Giêsu vẫn ở đó.

Đức Thánh Cha cũng yêu cầu chúng ta hãy suy nghĩ về việc chúng ta thường xuyên thoái thác những lời mời gọi của Chúa để gặp gỡ Ngài, trò chuyện với Ngài. Đức Thánh Cha nhận xét: “Cả chúng ta, chúng ta cũng từ chối Ngài”

Mỗi người chúng ta nên suy nghĩ: Trong cuộc đời, bao nhiêu lần tôi cảm nhận được nguồn cảm hứng của Chúa Thánh Thần để thực thi các công việc bác ái, gặp gỡ Chúa Giêsu trong các việc lành phúc đức, cầu nguyện, thay đổi cuộc sống của mình trong những lãnh vực chưa hay, chưa tốt? Và tôi luôn tìm ra lý do để thoái thác, để từ chối.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng, cuối cùng, những người không chối bỏ Chúa Giêsu, và không bị Ngài từ chối, sẽ được vào Nước Thiên Chúa. Nhưng Đức Thánh Cha cảnh cáo rằng chúng ta chớ nên nghĩ rằng “Chúa Giêsu thật nhân lành, cuối cùng Ngài sẽ tha thứ hết mọi sự”.

Vâng, Ngài tốt lành, Ngài thương xót - Ngài rất từ bi, nhưng Ngài cũng rất công thẳng. Và nếu anh chị em đóng cửa trái tim mình từ bên trong, Ngài không thể mở nó, bởi vì Ngài rất tôn trọng trái tim chúng ta. Từ chối Chúa Giêsu là đóng cửa từ bên trong, và Ngài không thể vào được.

Cuối cùng, Đức Thánh Cha đã suy ngẫm về một điểm cuối cùng: Chính Chúa Giêsu là Đấng trả mọi chi phí cho bàn tiệc. Trong bài đọc một, Thánh Phaolô cho chúng ta thấy giá phải trả của bàn tiệc: Chúa Giêsu “đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự.” Qua đó, Đức Thánh Cha nói, Chúa Giêsu “trả mọi chi phí cho bàn tiệc bằng cuộc sống của Ngài.”

“Nhưng tôi lại nói,‘Tôi không thể đến được’”.

Đức Thánh Cha kết luận bài giảng của ngài với lời cầu nguyện. “Xin Chúa ban cho chúng ta ân sủng để hiểu được mầu nhiệm về sự chai cứng của con tim, sự bướng bỉnh, sự khước từ của chúng ta và ban cho chúng ta ân sủng để biết khóc.”

5. Đố kỵ và ưa chuộng hư danh phá hủy các cộng đồng

Đức Thánh Cha Phanxicô đã cảnh báo rằng “đố kỵ và ưa chuộng hư danh” có sức mạnh phá hủy nền tảng của các cộng đồng bằng cách gieo rắc chia rẽ và xung đột. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Hai 5 tháng 11 tại nhà nguyện Santa Marta.

Phân tích bài Tin Mừng trong ngày, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng giáo huấn của Chúa Giêsu thật là rõ ràng: “đừng làm những gì chỉ vì tư lợi”, đừng kết bạn nhằm thủ lợi cho riêng mình.

Đức Thánh Cha cảnh giác rằng luận lý dựa trên cơ sở “lợi lộc” cho chính mình là “một hình thái ích kỷ, phân biệt đối xử và tự tư tự lợi” trong khi thông điệp của Chúa Giêsu “hoàn toàn ngược lại”.

Đề cập đến bài đọc một, trích từ thư Thánh Phaolô gởi dân thành Philípphê, ngài khích lệ các tín hữu “đừng làm những gì chỉ vì lòng ích kỉ hay thói chuộng hư danh” nhưng hãy khiêm nhường xem những người khác quan trọng hơn chính bản thân mình.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha cũng đề cập đến những tác động tiêu cực của tin đồn, mà theo ngài, bắt nguồn từ thái độ đố kỵ và được sử dụng để tiêu diệt những người khác.

“Đố kỵ là một thái độ xấu xa: anh chị em có thể phạm vào điều này một cách công khai, huỵch tẹt, hoặc tế nhị lịch sự hơn một chút. Nhưng nó luôn nhắm đến việc hủy diệt người khác và ‘tự nâng cao bản thân mình lên’ bằng cách kéo người khác xuống. Thái độ đố kỵ, theo Đức Thánh Cha, bắt nguồn từ tâm lý tự tư tự lợi.

Đức Thánh Cha nói tiếp rằng một mối nguy khác cho các cộng đoàn là thái độ kênh kiệu, tự hào coi mình trỗi vượt và đáng được ưu tiên hơn những người khác.

Thái độ này phá hủy các cộng đồng và gia đình: “Anh chị em hãy suy nghĩ về sự cạnh tranh giành giật gia tài giữa anh chị em ruột với nhau chẳng hạn”, đó là điều chúng ta thấy mỗi ngày.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng các Kitô hữu phải noi theo gương của Con Thiên Chúa và rèn luyện “sự nhưng không”, nghĩa là làm điều thiện mà không mong hồi báo, gieo trồng hiệp nhất và từ bỏ “thói đố kỵ và ưa chuộng hư danh”.

Đừng cho đó là những chuyện nhỏ vì “xây dựng hòa bình với những cử chỉ nhỏ mở ra một con đường hòa hợp trên toàn thế giới”, Đức Thánh Cha nói.

Để kết luận, Đức Thánh Cha nhắc nhở những người hiện diện rằng:

“Khi chúng ta nghe tin tức về các cuộc chiến, về nạn đói của trẻ em ở Yemen gây ra bởi cuộc xung đột ở đó, chúng ta nghĩ rằng “chỗ đó xa lắm, tội nghiệp mấy đứa trẻ. .. sao chúng lại không có thức ăn như vậy?”

“Chiến tranh tương tự như thế đang được tiến hành ngay tại nhà chúng ta và ngay trong các tổ chức của chúng ta xuất phát từ thói đố kỵ với nhau: đó là nơi chiến tranh bắt đầu! Và đó là nơi hòa bình phải được thực hiện: trong gia đình, trong giáo xứ, trong các tổ chức, tại nơi làm việc, chúng ta phải luôn tìm kiếm sự đồng tâm nhất trí và hài hòa chứ không phải những mối quan tâm của riêng mình.”