Ngày 13-11-2017
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Hội nghị tại Vatican chống bất công trong lãnh vực y tế
Lm. Trần Đức Anh OP
09:11 13/11/2017
VATICAN. Hội nghị quốc tế tại Vatican chống những bất công trong các hệ thống y tế sẽ tiến hành từ ngày mai, 16 đến 18-11 tới đây với chủ đề ”Đương đầu với những chênh lệch trên thế giới về vấn đề sức khỏe”.

Đây là Hội nghị quốc tế thứ 32 về y tế được Tòa Thánh tổ chức, lần này do Bộ Phục vụ phát triển nhân bản toàn diện đảm trách.

Các tiểu đề của Hội nghị này là: ”thông tin để biết, biết để hành động, hành động để thay đổi, thay đổi để cung cấp một dịch vụ sức khỏe, bảo vệ quyền sống của mỗi người, với cái nhìn hy vọng hướng về một câu trả lời chung cho thách đố chênh lệch trên thế giới”.

Tuyên bố hôm 13-11-2017 với giới báo chí tại Vatican, Ông Anthony Tersigni, Chủ tịch Hiệp hội quốc tế các tổ chức sức khỏe Công Giáo, nói rằng: ”Dưới thời ĐGH Phanxicô, vấn đề những chênh lệch và bất công trong các thệ thống sức khỏe trên thế giới càng được quan tâm hơn nữa”.

Ông Tersigni cũng là Chủ tịch tổ chức y tế ”Ascension” qui tụ 150 ngàn cộng tác viên, nhân viên ở Mỹ”.

Trong 3 ngày nhóm họp, các tổ chức của Liên hiệp sức khỏe Công Giáo tìm cách tăng cường sự liên kết với nhau, trao đổi những phương pháp tốt đẹp nhất để học hỏi với nhau”. Việc trao đổi này sẽ được tổ chức qua một diễn đàn internet.

Một đề tài khác được hội nghị bàn tới là làm sao duy trì căn tính Công Giáo của các tổ chức y tế, đứng trước những phí tổn gia tăng và tại nhiều nơi có tình trạng ơn gọi tu trì giảm bớt. Vì thế, theo ông Tersogni, một đàng cần gia tăng sự hiện diện của giáo dân trong các vị trí lãnh đạo của Giáo Hội. Tại Bắc Mỹ và Âu Châu điều này đã được thực hiện từ lâu. Ngoài ra, các tổ chức y tế của Giáo Hội phải học cách làm việc hữu hiệu hơn, và gia tăng việc săn sóc miễn phí cho những người túng thiếu.

Trong chương trình 3 ngày họp, có rất nhiều bài thuyết trình và thông báo về y khoa, săn sóc sức khỏe, chính sách y tế, và hội hoặc dược khoa. Trưa ngày họp cuối cùng, 18-11, các tham dự viên sẽ được ĐTC tiếp kiến (KNA 13-11-2017)
 
ĐGH Phanxicô hỏi : Nếu hôm nay bạn chết, liệu bạn đã sẵn sàng chưa?
Giuse Thẩm Nguyễn
17:57 13/11/2017
(EWTN News/CNA) Vào hôm Chúa Nhật, ĐGH Phanxicô đã khuyên mọi người không nên chờ đến một ngày nào đó mới xem xét lại đời mình, nhưng phải tự hỏi mình: Nếu hôm nay là ngày cuối cùng của đời tôi, liệu tôi đã chuẩn bị chưa? Tôi có cộng tác với ơn sủng của Chúa không?

“Quả là khôn ngoan để suy nghĩ một chút về một ngày cuối đời. Nếu hôm nay là ngày cuối ấy thì tôi đã chuẩn bị chưa? Do đó đây chính là ý nghĩa của sự khôn ngoan và thận trọng. Xin đừng chờ cho tới cái giây phúc cuối cùng của đời mình mới cộng tác với ân sủng của Thiên Chúa, nhưng hãy sẵn sàng ngay từ bây giờ.”

Điều cơ bản của bài huấn dụ mà ĐGH muốn nhắc bảo để chuẩn bị cho Vương Quốc Thiên Đàng là đoạn Tin Mừng nói về dụ ngôn mười trinh nữ: năm cô khôn ngoan và năm cô khờ dại.

ĐGH nói rằng dụ ngôn này “nhắc cho chúng ta điều kiện để vào Vương Quốc Thiên Đàng” với câu chuyện về năm cô trinh nữ khôn ngoan và thận trọng, mang dầu với đèn của họ trong khi chờ chàng rể đến. Trái lại, năm cô khác thì khờ dại, mang đèn mà không mang dầu.

Vì vậy khi tin báo chàng rể đến, năm cô trinh nữ khờ dại mới nhận ra, lúc đó thì đã quá trễ, là họ đã không chuẩn bị. Cho nên, những trinh nữ khôn ngoan đã cùng chú rể vào tiệc cưới và cửa đã đóng lại với những người khờ dại.

“Chúa Giêsu muốn dạy chúng ta điều gì qua dụ ngôn này?”. Chúa muốn nhắc nhở chúng ta phải luôn sẵn sàng để trình diện Thiên Chúa, nghĩa là chúng ta không những cần có đức tin, nhưng cũng còn phải có lối sống của một người tín hữu, “chan hòa yêu thương, bác ái đối với những người lân cận.”

Trong dụ ngôn này, dầu là biểu tượng cho lòng bác ái, là hành động như là ánh sáng của đức tin, làm cho đức tin chiếu sáng và sinh hoa kết trái. Ngược lại, nếu chúng ta sống mà chỉ nghĩ đến mình và vì những lợi ích của mình thì đời sống của chúng ta cằn cỗi và đức tin của chúng ta “bị tắt ngúm.”

ĐGH khẳng định, nhưng “Nếu chúng ta tỉnh thức và cố gắng làm những điều lành, với cung cách của tình yêu, chia sẻ, phục vụ những người lân cận trong lúc ngặt nghèo, chúng ta kiên nhẫn chờ đợi ngày chú rể đến.”

Dù rằng “Thiên Chúa có thể đến bất cứ lúc nào, ngay cả cái chết của sự chết cũng không làm cho chúng ta sợ hãi bởi vì chúng ta đã có dầu tích lũy qua những việc lành phúc đức mỗi ngày.”

Hãy nhìn lên Mẹ Maria, Đấng luôn khuyến khích chúng ta để làm cho đức tin của chúng ta sống động “để đèn của chúng ta luôn chiếu sáng trên trái đất này, trên hành trình dương thế và trong tiệc cưới trên thiên đàng đến muôn đời.”

Sau khi kết thúc Kinh Truyền Tin, ĐGH Phanxicô nói về thánh Vincente Queralt Lloret và 20 bạn hữu và Thánh Jose Maria Fernandez Sanchez và 38 bạn hữu, tất cả đã được phong thánh tại Madrid vào ngày 11 tháng Mười Một.

Trong số các vị thánh này gồm có một số thành viên của Cộng Đoàn Truyền Giáo như các linh mục, thày dòng và thày tập. Những số khác là giáo dân của Miraculous Medal Association. Tất cả đều được phúc tử đạo trong thời kỳ bách hại tôn giáo vào những năm Nội Chiến ở Tây Ban Nha khoảng giữa năm 1936-1937.

ĐGH nói rằng “Chúng ta cảm tạ Chúa về những ơn phúc cao vời là những chứng nhân gương mẫu của Chúa và Tin Mừng.”

Cuối cùng ĐGH chào thăm các khách hành hương gồm những nhóm từ Wahsington, Philadelphia, Brooklyn và New York. Cùng lúc ấy, một nhóm cất tiếng hát và ĐGH đã lắng nghe. Sau đó ngài đã cám ơn họ trước khi cầu nguyện kết thúc và chúc lành cho mọi người.

Giuse Thẩm Nguyễn
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Thiếu Nhi Thánh Thể Sydney Rước Lễ Lần Đầu
Diệp Hải Dung.
08:35 13/11/2017
Chiều Chúa Nhật 12/11/2017. Có 34 em Thiếu Nhi Thánh Thể thuộc Liên Đoàn Nữ Vương Hòa Bình TGP Sydney đã đến nhà thờ Sacred Heart Cabramatta Sydney lãnh nhận Bí tích Thánh Thể (Rước Lễ Lần Đầu) do Cha FX Nguyễn Văn Tuyết Đặc trách Liên Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể Chủ tế và cùng đồng tế gồm có các Cha Giuse Đinh Thế Hoài, Cha Toma Trần Quốc Tuấn và Cha Giuse Trần Anh Thụ.

<b>Xem Hình>

Ngoài quý Phụ Huynh còn có Sơ Bernadet Đoàn Thị Phục Trợ Úy Liên Đoàn, quý Huynh Trưởng, quý Giảng Viên Giáo Lý và quý Quan Khách tham dự.

Trong bài giảng Thánh lễ, Cha Nguyễn Văn Tuyết chúc mừng các em hôm nay được lãnh nhận Bí tích Thánh Thể rước Chúa Giêsu KiTô ngự vào trong tâm hồn và Cha cũng nhắn nhủ với các em là hãy ngoan ngoãn vâng lời cha mẹ như Chúa Giêsu luôn vâng lời cha mẹ của Ngài...

Trước khi kết thúc Thánh lễ một em đại diện các em Thiếu Nhi lên ngỏ lời cám ơn Cha FX Nguyễn Văn Tuyết,quý Cha, Sơ Trợ Úy, quý Huynh Trưởng, quý Giảng Viên Giáo Lý đã nâng đỡ hướng dẫn dạy dỗ các em trong những lớp Giáo Lý suốt năm qua để hôm nay được vinh hạnh đón nhận Anh Cả Giêsu vào tâm hồn. Các em cũng cám ơn quý ân nhân đã giúp đỡ vật chất lẫn tinh thần, quý Ban Mục Vụ Giáo Đoàn Thánh Mẫu La Vang Cabramatta, và tất cả mọi người đã đến tham dự cầu nguyện cho các em trong Thánh lễ hôm nay. Các em hứa sẽ cố gắng sống ngoan hiền đạo đức và noi gương Chúa Giêsu KiTô là Vị Anh Cả Tối Cao của Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể.

Sau cùng ông Đào Huy Thái Trưởng Ban Mục Vụ Giáo Đoàn Cabramatta ngỏ lời chúc mừng các em.

Sau khi kết thúc Thánh lễ, qúy Cha và Sơ Trợ úy phát Chứng Chỉ và qùa cho các em và và cùng các em chụp chung tấm hình kỷ niệm.

Diệp Hải Dung
 
Thánh lễ khai mạc tuần Tĩnh Tâm Linh Mục Giáo Phận Phan Thiết tại Trung Tâm Thánh Mẫu Tàpao.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
09:27 13/11/2017

Từ ngày 13.11.2017 đến ngày 17.11.2017, Giáo Phận Phan Thiết tổ chức tuần tĩnh tâm Linh mục với chủ đề “Niềm vui Đức ái : Ân sủng – Tình yêu – Thông hiệp ”, tại Trung Tâm Thánh Mẫu Tàpao. Đức Cha Emmanuel Nguyễn Hồng Sơn, Giám Mục Giáo phận Bàrịa, giảng phòng.

Xem Hình

S
áng ngày 13.11, Đức cha Tôma Nguyễn Văn Trâm, Giám quản Tông tòa Giáo phận Phan thiết chủ sự thánh lễ khai mạc tuần Tĩnh Tâm Linh Mục Giáo Phận Phan Thiết tại Trung Tâm Thánh Mẫu Tàpao. Đoàn đồng tế có Đức cha Emmanuel và Linh mục đoàn Phan thiết. Hiệp chung trong thánh lễ có 13 phó tế, các chủng sinh, tu sĩ nam nữ và hàng ngàn khách hành hương tham dự.

Khởi đầu Thánh Lễ, Đức cha Tôma ngỏ lời với cộng đoàn.

Kính thưa các Tu sĩ, Chủng sinh và tất cả anh chị em tín hữu thân mến,

Hôm nay, anh chị em thấy có một sự hiện diện rất đặc biệt, sự hiện hiện của Linh mục đoàn Giáo phận Phan thiết, gồm có 132 linh mục và 13 phó tế.

Linh mục đoàn Giáo phận Phan thiết dâng thánh lễ khai mạc tuần tĩnh tâm thường niên. Tuần tĩnh tâm này kéo dài từ hôm nay cho đến sáng thứ sáu. Tuần tĩnh tâm của Linh đoàn Giáo phận đặt dưới sự bảo trợ và tình yêu của Đức Maria Tàpao.

Anh chị em hãy cầu nguyện cho các Linh mục chúng tôi biết tĩnh tâm cho sốt sắng, trong tuần này chúng tôi kiểm điểm đời sống đạo đức thiêng liêng của mình. Chúng tôi kiểm điểm đời sống mục vụ trong năm 2017 vừa qua và nhận ra những điểm nhấn cho năm mục vụ 2018: “đồng hành với các gia đình trẻ”. Anh chị em hãy cầu nguyện để làm sao cho cuộc tĩnh tâm này thực sự mang lại ơn ích cho chúng tôi và cho tất cả anh chị em.

Thánh lễ hôm nay, tôi cùng với Đức cha Giáo phận Bà rịa đứng bên cạnh tôi cùng với cha Tổng đại diện, các cha Quản hạt, các cha cố và các cha trong Giáo phận dâng lễ để cầu xin ơn bình an cho tất cả và từng người anh chị em và thánh lễ cầu nguyện theo ý những người xin khấn hôm nay. Và để hiệp dâng thánh lễ này được sốt sắng và xứng đáng mỗi người chúng ta trước hết hãy thật lòng ăn năn thống hối về những lỗi phạm của mình.

Chia sẻ trong bài giảng sau Tin Mừng hôm nay, Đức Cha Tôma triển khai chủ đề “Sự hiện diện và đồng hành của Đức Maria”, ngài nói:

Cộng đoàn thân mến,

Chủ đề mục vụ năm 2017 là đồng hành với các bạn trẻ trong việc chuẩn bị bước vào đời sống hôn nhân. Hội đồng Giám Mục Việt Nam tiếp tục chủ đề mục vụ này trong năm 2018 với định hướng đồng hành với các gia đình trẻ.

“Đồng hành” nghĩa là cùng hiện diện, cùng đi, cùng hướng dẫn, cùng chỉ bảo để cho các bạn trẻ cũng như các gia đình trẻ đi đúng hướng Tin Mừng. Và chính trong ý nghĩa của việc đồng hành này, tôi xin khai sẻ với anh chị em về “sự hiện diện và đồng hành của Đức Maria”.

Trước tiên, Đức Maria đã hiện diện và đồng hành với Chúa Giêsu: Từ biến cố thụ thai bởi quyền phép Chúa Thánh Thần ở làng quê nghèo Nazareth cho đến dưới chân Thập giá, Đức Maria vẫn đồng hành với con của mình là Đức Giêsu Kitô.

Và không những Đức Maria đã hiện diện và đồng hành với Chúa Giêsu Kitô, người vẫn tiếp tục việc đồng hành này với các tông đồ và các môn đệ của Chúa Giêsu – những linh mục mà Chúa Giêsu đã thiết lập nhờ Bí tích Thánh Thể trong chiều Thứ Năm Thánh “các con hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy”. Đức Maria hiện diện với các môn đệ lúc Chúa Giêsu lập Bí tích Thánh Thể nơi phòng tiệc ly và hiện diện trong những buổi cầu nguyện của các tông đồ chờ đón Chúa Thánh Thần ngự xuống.

Đức Maria luôn hiện diện, có mặt, đồng hành để cầu nguyện và nâng đỡ các môn đệ của Chúa Giêsu. Và ý nghĩa việc đồng hành của Đức Maria là suy niệm và ghi nhớ mọi việc xảy ra, cũng có thể tóm tắt trong sự tin yêu và phó thác của Đức Maria vào thánh ý của Thiên Chúa.

Đức Maria mãi mãi là tấm gương cho chúng ta biết sống niềm vui Tin Mừng, niềm tin vào Đức Giêsu Kitô – Đấng Cứu Độ loài người. Và sống niềm vui Tin Mừng này giữa những thử thách của cộng đoàn Kitô hữu Hội Thánh sơ khai, đồng tâm nhất trí trong các sinh hoạt, chuyên cần cầu nguyện và luôn có sự hiện diện của Mẹ Maria giữa các tông đồ như sách Công vụ ngay từ đoạn đầu tiên đã ghi lại.

Đức Maria hiện diện, đồng hành với các tông đồ và các tín hữu thời sơ khai ấy như một chứng nhân của Chúa Giêsu từ khi Người được thụ thai cho đến dưới chân Thánh giá đồi Núi Sọ. Thụ thai bởi quyền năng Chúa Thánh Thần, Chúa Giêsu sinh ra trong khó nghèo bị xếp vào hàng những người nghèo khổ, bị xua đuổi ngay từ thuở ấu thơ, sống âm thầm nơi làng quê Nazareth không gia sản, không địa vị, không chức phận, chỉ là con của bác thợ mộc Giuse và bà Maria.

Mẹ Maria là chứng nhân của thời thơ ấu, thiếu niên và thanh niên của Chúa Giêsu. Nhất là Đức Maria là chứng nhân về những lời giảng dạy, các việc lạ, cuộc Khổ Nạn, cái chết tất tưởi và sự Phục Sinh của con mẹ là Đức Giêsu. Các thánh sử, nhất là thánh sử Luca và Gioan đã viết Tin Mừng dựa vào lời chứng của Mẹ Maria.

Mẹ Maria hiện diện và đồng hành với các tín hữu như một gương mẫu sống đức tin và đức ái. Thánh Luca ghi lại thái độ của Mẹ Maria là thái độ “xin vâng”, Mẹ là người tín hữu hoàn hảo của Chúa Kitô khi Mẹ nghe và vâng giữ Lời Chúa như lời khẳng định của Chúa Giêsu trước đám đông “ai là mẹ Ta, ai là anh chị em Ta? Đó là kẻ biết lắng nghe và vâng giữ Lời Chúa”.

Trong những ngày kỷ niệm 100 năm Đức Maria hiện ra tại Fatima, chúng ta siêng năng thăm viếng Đức Mẹ ở linh địa Tà pao này hay ở bất cứ nơi đâu tại nước Việt Nam hay trên thế giới, chúng ta hãy nhớ rằng chúng ta không đi tìm một Đức Mẹ hay làm phép lạ, hay biến hình, nhưng là tìm một Đức Maria luôn đồng hành cùng chúng ta – các tín hữu của Chúa Kitô – bằng gương mẫu sống đức tin và đức ái.

Chính qua việc suy niệm và sống Mầu nhiệm Kinh Mân Côi, Đức Maria người tín hữu hoàn hảo đi trước - dạy chúng ta và mời gọi chúng ta đồng hành bước theo Mẹ Maria để sống đời Kitô hữu chân chính. Nơi Mầu nhiệm Mân Côi, chúng ta nhận rõ, rất rõ Đức Maria khiêm nhượng và yêu người.

Đức Maria vui sống cảnh nghèo trong vâng lời và đi tìm thánh ý; Đức Maria ngắm nhìn Con Thiên Chúa thánh thiện, tinh tuyền đang cúi mình xin Gioan làm phép rửa; Đức Maria đang hiểu rõ những ưu tư và bối rối của đôi tân hôn tại tiệc cưới Cana; Đức Maria đang cùng đoàn người khẩn cầu lòng thương xót Chúa và xin ơn giao hòa; Đức Maria đang giang rộng vòng tay đón nhận ân sủng Thánh Thần khi chiêm ngưỡng Chúa biến hình trên nơi cao; Đức Maria sốt sắng tham dự Bí tích Thánh Thể và rước lấy Thánh Thể; Đức Maria rất nhạy cảm khi thấy con mình mồ hôi đẫm máu, khi thấy con bị đánh đòn và chịu sỉ vả không ngơi.

Hơn nữa, Đức Maria cùng con vác thập giá và hình phạt trên con đường hẹp tiến về đỉnh cao Núi Sọ, bị đinh và lưỡi đòng đâm xuyên chân tay và cạnh sườn. Mẹ khóc thương con Mẹ như một người mẹ và Mẹ đã góp phần đau khổ của mình vào sự Thương Khó của con để hoàn thành những gì còn thiếu trong sự Thương Khó của Chúa Giêsu trong việc đền thay tội lụy và ban ơn Cứu độ cho loài người. Và chúng ta thấy Đức Maria vui mừng vì Chúa Giêsu – Con Mẹ - đã Phục Sinh từ cõi chết để mọi người được hưởng việc sống lại về phần linh hồn, được hướng tâm về cõi trời vinh phúc dưới ân sủng Chúa Thánh Thần; nhờ đó mà sẽ được vinh thăng và vinh hưởng cõi trời như Mẹ.

Anh chị em thân mến,

Hôm nay, sự hiện diện của linh mục đoàn giáo phận cùng với Đức cha Emmanuel – Giám mục Giáo phận Bà Rịa, người đồng hành với linh mục đoàn trong tuần tĩnh tâm này – muốn nói lên rằng “chúng tôi, các linh mục của giáo phận luôn hiện diện, đồng hành với anh chị em, chia sẻ những ưu tư, những đau khổ, những thách thức, những cám dỗ, những khủng hoảng… để cùng với Mẹ Maria chúng ta tìm ra Thánh ý Chúa trong mọi tình huống của cuộc sống. Để anh chị em, không những các gia đình, các gia đình trẻ mà còn tất cả những người đã tin vào Đức Giêsu Kitô nhận ra rằng các mục tử đang ưu tư, đang lo lắng, đang vui mừng và hy vọng, đang phấn đấu để vượt lên những thử thách cam go, để cùng với anh chị em vượt qua hành trình đức tin và đức ái qua gương mẫu sống đức tin và đức ái của Đức Maria, Mẹ Tàpao và Mẹ của tất cả mỗi người chúng ta. Amen.

Thánh lễ diễn ra trong trang nghiêm và sốt sắng dưới ánh nắng sớm mai đang dần gay gắt chiếu xuống khách hành hương trên quảng trường Tàpao.

Trước khi Đức Cha ban phép lành, làm phép nước và ảnh tượng kết thúc Thánh lễ, cha Tổng Đại Diện – Giuse Hồ Sĩ Hữu – thay mặt linh mục đoàn Giáo phận bày tỏ tâm tình biết ơn và chào mừng đến Quý Đức Cha, đặc biệt với Đức Cha giảng phòng Emmanuel.

Kính thưa Đức cha Tôma Giám quản Giáo phận Phan thiết.

Chúng con xin được bày tỏ tâm tình với Đức cha Emmanuel Giám mục Giáo phận Bà rịa, sẽ giảng phòng cho tuần tĩnh tâm của linh mục chúng con từ hôm nay.

Kính thưa Đức cha Emmanuel, trong bầu khí của những ngày cuối năm phụng vụ và bầu khí rất đặc biệt của thánh lễ ngày 13.11, tại Trung tâm Thánh Mẫu Tàpao, con đại diện linh mục đoàn Phan thiết có những niềm vui.

Niềm vui thứ nhất chúng con bày tỏ với Đức cha là tâm tình và lời nguyện ước cho Đức cha. Đây là lần đầu tiên Giáo phận Phan thiết chúng con và TTTM Tàpao chính thức chào đón Đức cha đến linh địa Tàpao hiệp dâng thánh lễ cùng với quý khách hành hương và nhất là cùng với linh mục đoàn giáo phận chúng con.

Niềm vui thứ hai, đây là lần đầu tiên tuần tĩnh tâm của linh mục đoàn Giáo phận Phan thiết được tổ chức tại TTTM Tàpao và Đức cha nhận lời hiện diện với chúng con trong suốt tuần này.

Niềm vui thứ ba, hôm nay là ngày đầu tiên chúng con khai trương nhà tĩnh tâm của TTTM Tàpao và có sự hiện diện của Đức cha.

Điều thứ hai là chúng con muốn bày tỏ một chút tâm tình của chúng con với đức cha bởi vì tất cả chúng con nhìn lên

Đức cha thật gần gũi vì có nhiều bạn bè tại Giáo phận Phan thiết trong môi trường đào tạo ngày xưa tại Giáo hoàng Học viện thánh Piô X Đà Lạt, rồi tại Học viện Công Giáo Paris,. Nhất là trong môi trường làm việc tại Ủy ban Giáo lý Đức tin, Đức cha thuộc tổ thần học của Ủy ban, chúng có cũng có nhiều lần gặp gỡ với Đức cha.

Chúng con thấy có một sự gần gũi đặc biệt bởi mối giây liên hệ mật thiết giữa Đức cha đối với Đức cha Tôma quý mến của chúng con. Đức cha Tôma, nguyên Giám mục Chính tòa Giáo phận Bà rịa và Đức cha Emmanuel kế vị. Chúng con bày tỏ tâm tình đó, chúng con mong rằng giữa Giáo phận Bà rịa và Giáo phận Phan thiết có một sự gần gũi không những về địa dư vì hai Giáo phận nằm sát cạnh nhau, sinh ra cũng cận kề nhau, Giáo phận thứ 25 và Giáo phận thứ 26, những mối dây thật gần gũi. Khi Đức cha đến với Trung tâm, đến với Giáo phận, chúng con mong rằng sự gắn bó đó càng thắm thiết hơn nữa.

Thánh Bổn mạng của Đức cha: Emmanuel - Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Chúng con nhìn lên Đức Trinh Nữ Maria tại Trung tâm Thánh Mẫu Tàpao. Đức Mẹ qua tiếng xin vâng để cho công trình Emmanuel của Thiên Chúa được thực hiện, nhờ Đức Mẹ mà Con Thiên Chúa xuống thế làm người ở cùng nhân loại. Ngày hôm nay, chúng con cũng xin dâng Đức cha cho Đức Mẹ, để Đấng được đầy tràn quyền năng Chúa Thánh Thần cầu bầu cho Đức cha được đầy ơn Chúa Thánh Thần để truyền lửa cho chúng con trong tuần tĩnh tâm và hướng đến năm mục vụ mới 2018 “Đồng hành với các gia đình trẻ”.

Chúng con chân thành cám ơn Đức cha đã hiện diện với chúng con. Cùng với các lẵng hoa tươi thắm, chúng con xin dâng lên Đức cha và Đức cha Tôma là tâm tình của Linh mục đoàn Giáo phận Phan thiết chúng con cùng với quý khách hành hương trọn lòng yêu mến thảo hiếu.

Thánh lễ kết thúc lúc 8 giờ sáng, mọi người chia tay ra về. Hai Đức cha và quý cha cùng quý thầy phó tế chụp hình lưu niệm chung toàn thể và theo từng Giáo hạt trước khán đài Trung tâm.

Đến 10g30, Đức cha Tôma ban huấn từ khai mạc tuần tĩnh tâm.

Buổi chiều, Đức cha Emmanuel bắt đầu giảng phòng. Trong tuần, ngài lần lượt chia sẻ theo chủ đề “Niềm vui của Đức ái: Ân sủng – Tình yêu – Thông hiệp” với 7 bài sau đây :

- Dẫn nhập : bắt đầu và lại bắt đầu.

- Niền vui của Đức ái.

- Thừa tác viên của niềm vui.

- Tương quan với Thiên Chúa – niềm vui của Đức ái linh mục.

- Thương quan với tha nhân – niềm vui của Đức ái mục tử.

- Tương quan với anh em – niềm vui của Đức ái huynh đệ.

- Fiat – Magnificat – Stabat.

Nguyện xin Đức Mẹ Tàpao ban ơn trợ lực cho anh em Linh mục chúng con được sốt mến tuần tĩnh tâm này với tâm tình cầu nguyện và những quyết tâm đạo đức, nhờ đó chúng con được chan chứa niềm vui bình an trong tình yêu - ân sủng và ơn thông hiệp của Thiên Chúa Ba Ngôi. Amen.

Lm Giuse Nguyễn Hữu An
 
Ca Đoàn Cêcilia giáo xứ Việt Nam Seattle mừng 40 năm thành lập.
Nguyễn An Qúy
18:05 13/11/2017
Tukwila.- Giáo xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam thuộc Tổng Giáo Phận Seattle có khá nhiều Ca đoàn . Ca Đoàn Cêcilia là ca đoàn được thành lập sớm nhất nơi đây kể từ khi người Công Giáo Việt Nam qui tụ về cư ngụ chung quanh thành phố Seattle của Tiểu Bang Washington và họ thành lập một nhóm Việt Nam để lo việc thờ phượng Chúa theo đức tin Việt Nam. Ca Đoàn Cêcilia được thành hình ngay từ năm 1977 tức sau 2 năm, khi người Việt bỏ nước ra đi.

Cuối tuần lễ giữa tháng 11, Ca Đoàn Cêcilia mừng kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Ca Đoàn. Chương trình mừng 40 năm thành lập khá long trọng với buổi họp mặt thân hữu vào tối thứ bảy ngày 11 tháng11 và thánh lễ tạ ơn vào sáng Chúa Nhật ngày 12 tháng 11 năm2 107 lúc 11 giờ 30.

Xem Hình

Mở đầu chương trình mừng 40 năm thành lập Ca Đoàn là buổi liên hoan văn nghệ được tổ chức vào chiều thứ bảy ngày 11 tháng 11 tại Hội trường giáo xứ. Đây là buổi họp mặt thân hữu của toàn thể Ca viên trong Ca Đoàn gồm có một số cựu Ca viên và những ân nhân đã từng là những cổ động viên của Ca Đoàn. Ca Đoàn Cêcilia có thể nói là Ca Đoàn tiên khởi kể từ khi Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam được thành hình tại Tổng Giáo Phận Seattle và vẫn còn sinh hoạt một cách năng động đến khi Cộng Đồng trở thành giáo xứ cho đến hôm nay mừng 40 năm thành lập. Bốn mươi năm nhìn lại, nhiều Ca Viên xuất thân từ Ca Đoàn đã có nhiều vị trở thành linh mục như Lm Hoàng Phượng, Lm Nguyễn Anh Tuấn, Lm Châu, Lm Hiệp...

Buổi liên hoan mừng 40 năm thành lập được bắt đầu lúc 7 giờ 30 tối thứ bảy với phần giới thiệu đoạn Slide Show “40 NĂM TIẾNG LÒNG CON" ghi lại những hình ảnh từ lúc mới qui tụ nơi xứ lạ quê người gồm những anh chị em đến với nhau bằng tất cả tâm tình của những người Việt xa xứ khá cảm động.

Slide Show" 40 năm tiếng lòng con" vừa dứt, cha chánh xứ Đào Xuân Thành xuất hiện và ngỏ lời chào mừng toàn thể anh chị em ca viên cũ cũng như mới, ngài nói: chào mừng toàn thể quý gia đình ca đoàn Cêcilia, quý vị cựu ca viên ca đoàn Cêcilia và quý thân hữu cùng quý đại diện các đoàn thể hiện diện và cùng chung vui với ca Đoàn Cêcilia hôm nay, xin cho một tràng pháo tay chúc mừng Ca Đoàn mừng 40 năm thành lập. ( tiếng vỗ tay vang dội cả hội trường cùng tiếng reo hò bày tỏ sự ủng hộ Ca Đoàn ) Sau lời chúc mừng cha chánh xứ đã trịnh trọng ban phép lành và chúc mừng bữa tiệc.

Tiệc mừng với chủ đề "40 NĂM TIẾNG LÒNG CON''do đôi MC duyên dáng Tuyền Bình điều khiển chương trình khá sinh động . Hiện diện trong bữa tiệc có quý cha trong giáo xứ, quý tu sĩ Nam Nữ, quý cựu ca viên và đại diện các Giáo Đoàn, Hội Đoàn, Các Ban ngành khá đông đảo. Buổi tiệc mừng được diễn tiến qua một chương trình khá phong phú với nhiều tiết mục rất sinh động gồm những màn hoạt cảnh khá cảm động, những ca khúc pha lẫn các Games có giải thưởng xen kẻ với đoạn Video ghi lại những hình ảnh xa xưa khiến mọi người hiện diện hồi tưởng lại những kỷ niệm của một thời khi chân ướt chân ráo về qui tụ nơi đây để gầy dựng nên một cộng đoàn đức tin Việt Nam, và lớn mạnh đến hôm nay khi trở thành một giáo xứ với bao gian lao thử thách trong sự quyết tâm bảo vệ đức tin của người Công Giáo Việt Nam nơi hải ngoại.

Một câu chuyện khá cảm động khi đôi MC mời một ca viên của Ca Đoàn đã trải nghiệm qua những năm tháng dài khi cộng tác với ca đoàn đến hôm nay, đó là chị Hương cháu của cha cố Phan Hữu Hậu. LM Phan Hữu Hậu là vị linh mục đầy nhiệt huyết đã đem hết khả năng và bầu nhiệt huyết của ngài trong sự quyết tâm qui tụ và gầy dựng nên Cộng Đồng Các Thánh Tử Đạo VN thuộc TGP Seattle. Chị Hương đã kể câu chuyện khá dài trong sự đam mê muốn trở thành một ca viên của Ca Đoàn. Chị thuật lại những buổi chiều ngồi trên bãi biễn Aiki để lắng đọng tâm hồn với những suy nghĩ làm sao mình vào được ca đoàn Cêcilia.Thế rồi vào một ngày nọ, khi những anh chị em trong ca đoàn đang ngồi tập hát, chị bình thản đi băng qua trước mặt các anh chị, và có một chị lên tiếng: Hương mày có muốn tập hát không ? sao có lượn hoài vậy? Thế là chị Hương vui mừng nhảy vào tập hát ngay với câu kể lại thật dễ thương khi nói với cặp MC Bình-Tuyền : thế là chị trở thành ca viên ca đoàn Cêcilia từ đó " cả hội trường vỗ tay vang dội . Câu chuyện khá dễ thương của một ca viên đam mê trong việc góp lời ca tiếng hát khi gia nhập ca đoàn để cùng nhau phục vụ giáo xứ và giáo hội. Đêm liên hoan mừng "40 năm tiếng lòng con" đã nói lên tất cả tâm tình của một khoảng thời gian dài kể từ những năm tháng đầu mà anh chị em mới rời khỏi quê hương Việt Nam sau biến cố 30 tháng 4 năm 1975 đã cùng nhau qui tụ và vững mạnh kéo dài đến nay. Buổi liên hoan chấm dứt vào khoảng hơn 11 giờ đêm.

Chúa Nhật 12 tháng 11 năm 2017 thánh lễ tạ ơn lúc 11giờ 30. Thánh lễ tạ ơn được cử hành long trọng do linh mục chánh xứ Đào Xuân Thành chủ tế, cùng đồng tế có lm Nguyễn Sơn Miên, Lm Trần Hữu Lân và thầy phó tế Nguyễn Đức Mậu phụ tế thánh lễ. Tham dự thánh lễ có các cựu ca viên và gia đình cùng đông đảo giáo dân trong giáo xứ.

Mở đầu thánh lễ cha chánh xứ chào mừng Ca Đoàn Cêcilia, ngài nói: Hôm nay giáo xứ chào mừng Ca Đoàn Cêcilia trong ngày vui mừng lễ tạ ơn 40 năm thành lập, chào mừng quý ông bà, qúy anh chị cựu ca viên của Ca Đoàn đã tham gia và cộng tác với ca đoàn trong suốt 40 năm qua, ngài nhấn mạnh, những vị cựu ca viên cũng đã trở thành những vị làm việc cho các Ban Thường Vụ trước đây còn là Cộng Đồng, cũng có nhiều ca viên của Cêcilia đã trở thành linh mục như cha Phượng, cha Tuấn, cha Châu, cha Hiệp..., ngài nói tiếp: xin cho một tràng pháo tay chúc mừng Ca Đoàn Cecilia mừng 40 năm thành lập và cùng chào đón nhau" (tiếng vỗ tay kéo dài)

Thánh lễ được tiếp nối qua phần phụng vụ Lời Chúa theo phụng vụ Chúa Nhật 32 mùa Thường Niên. Chúa Nhật mà thánh Matthêu đã giới thiệu câu chuyện Chúa Giêsu nêu dụ ngôn nước Trời giống như 10 cô Trinh Nữ gồm 5 cô khôn ngoan và 5 cô dại khờ chuẩn bị đón chừng rễ giữa ban đêm. tin mừng kết luận: "Vậy hãy tỉnh thức, vì các ngươi không biết ngày nào, giờ nào".Đoạn tin mừng như sau : "Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ dụ ngôn này: "Nước trời giống như mười trinh nữ cầm đèn đi đón chàng rể. Trong số đó có năm cô khờ dại và năm cô khôn ngoan. Năm cô khờ dại mang đèn mà không đem dầu theo; còn những cô khôn ngoan đã mang đèn lại đem dầu đầy bình. Vì chàng rể đến chậm, nên các cô đều thiếp đi và ngủ cả.

"Nửa đêm có tiếng hô to: Kìa chàng rể đến, hãy ra đón người. Bấy giờ các trinh nữ đều chỗi dậy, sửa soạn đèn của mình. Những cô khờ dại nói với các cô khôn ngoan rằng: "Các chị cho chúng em chút dầu, vì đèn của chúng em đã tắt cả". Các cô khôn ngoan đáp lại rằng: "E không đủ cho chúng em và các chị, các chị ra (nhà) hàng mà mua thì hơn". Song khi họ đang đi mua, thì chàng rể đến. Những trinh nữ đã sẵn sàng thì theo chàng rể cùng vào tiệc cưới, và cửa đóng lại. Sau cùng các trinh nữ kia cũng đến và nói: "Thưa Ngài, xin mở cửa cho chúng tôi". Nhưng Người đáp lại: "Ta bảo thật các ngươi, ta không biết các ngươi".

"Vậy hãy tỉnh thức, vì các ngươi không biết ngày nào, giờ nào".

Cha chủ tế phụ trách giảng lễ với bài giảng ngắn gọn khi đề cập đến tin mừng ngài nhấn mạnh: "Chúng ta hãy bắt chước 5 cô thiếu nữ khôn ngoan luôn tích trữ dầu cho cây đèn của mình để sẵn sàng đón chú rễ là lúc Chúa đến với mỗi người chúng ta." Trong bài giảng ngài lễ, cũng đã nhắc lại thành quả của một đoạn đường dài 40 năm mà Ca Đoàn Cêcilia đã duy trì và phát triển đến hôm nay, ngài nói: Ca Đoàn Cêcilia là Ca Đoàn tiên khởi bắt đầu hoạt động từ khi thành hình Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam tại tổng giáo phận Seattle đến hôm nay là giáo xứ, Ca Đoàn Cêcilia luôn giữ được phong thái của một ca đoàn trưởng thành trong giáo xứ, xin Chúa chúc lành cho Ca Đoàn, xin quý ông bà anh chị em tiếp tục cầu nguyện cho Ca Đoàn ngày càng thêm vững mạnh..."

Thánh lễ được tiếp nối qua phần phụng vụ Thánh Thể. Sau lời nguyện kết lễ, cha chủ tế một lần nữa cám ơn Ca Đoàn , cám ơn các cựu ca viên hiện diện, ngài mời gọi tất cả cựu ca viên hiện diện và toàn thể anh chị em Ca Đoàn Cêcilia đứng dậy để quý cha chúc lành cho tất cả. Đoàn đống tế đã trân trọng ban phép lành cho tất cả các cựu ca viên và anh chị em Ca Đoàn Cêcilia, sau khi quý cha ban phép lành trọng thể, toàn thể cộng đoàn dân Chúa đã hát bài Happy anniversary với tiếng vỗ tay vang dội để chúc mừng Ca Đoàn. Ngoài ra cha chánh xứ cũng đã ân cần trao tặng Ca Đoàn một món quà với lòng ưu ái của quý cha và giáo xứ trong sự cám ơn Ca Đoàn đã phục vụ giáo xứ. Chị Nguyễn Trang Ca Trưởng Ca Đoàn Cêcilia đón nhận món quà từ tay cha chánh xứ trao tặng Ca Đoàn với tiếng vỗ tay cám ơn anh chị em trong Ca Đoàn.

Thánh lễ kết thúc lúc 12giờ 40 phút, toàn thể anh chị em Ca Đoàn và các Cựu Ca Viên đã chụp hình lưu niệm với quý cha và mọi người chia tay ra về trong tâm tình tạ ơn.

Nguyễn An Quý
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Ý Niệm Chết Trong Thánh Kinh và Thần Học (3)
Vũ Văn An
04:31 13/11/2017
2.Mầu Nhiệm Sự Chết

Mặc khải Thiên Chúa cho con người biết rằng nói chung, sự chết và sự chết đặc thù của mỗi cá nhân đều nằm trong kế hoạch sắp đặt đầy khôn ngoan và tình yêu hiến mình của Thiên Chúa. Dưới ánh sáng của mạc khải này, sự chết trở nên một mầu nhiệm chứ không còn là một vấn đề. Nghĩa là: nó không còn là một tổng hợp các mâu thuẫn nữa, mà là một thực tại mà ý nghĩa trọn vẹn của nó đụng tới cõi vô biên và do đó, vượt quá sự thấu hiểu trọn vẹn của con người. Ở đây, ta không còn nhấn mạnh tới bóng tối và dấu kín nữa, mà nhấn mạnh tới ánh sáng và sự phong phú của điều được Thiên Chúa mạc khải cho con người.

Nhìn như trên, sự chết như một biến cố tự nhiên không những biểu lộ sự gần gũi của con người với vũ trụ vật chất, nó còn soi sáng cho mối liên hệ có tính yếu tính của họ với Thiên Chúa nữa. Họ nhìn ra sự khác biệt về yếu tính với Thiên Chúa và sự lệ thuộc hoàn toàn của họ vào Người. Một mình Thiên Chúa là Đấng tuyệt đối bất tử; con người là loài tử sinh. Thiên Chúa tự do ban sự sống cho con người. Cũng thế, Người tự do lấy nó đi. Người là chúa tể hữu thể yếu tính của con người. Sự tự do và quyền chúa tể này không hàm nghĩa thất thường hay chuyên chế, nhưng chúng quả nhấn mạnh tới sự kiện này: số phận của con người, xét cho cùng, không nằm trong tay họ mà là nằm trong tay Thiên Chúa.

Điều trên đặc biệt có liên hệ với vấn đề sống còn của linh hồn con người sau khi thân xác họ chết. Mặc dù sinh hoạt có tính nhân bản chuyên biệt đã nhắc đến trên đây cho thấy nguyên lý của sự sống có khả năng hiện hữu và hoạt động tách biệt khỏi thân xác, nhưng bất cứ mưu toan nào nhằm quan niệm rằng sinh hoạt này có thể thực hiện bất cần các điều kiện thời gian và không gian vốn phát sinh từ thân xác thì mưu toan này đều rất ít thành công. Ở đây, con người phải sẵn lòng phó thác sự chết của mình cho Thiên Chúa như họ vốn phó thác sự sống của họ cho Người. Sự tín thác trước bóng đêm và tối tăm này là thái độ tôn giáo sớm sủa nhất của người Do Thái đối với sự chết.

Nhưng, trong trật tự lịch sử thực sự của sự vật, phản ứng của con người đối với sự chết như một điều phi lý và không được chào đón có cơ sở khá vững. Như Sách Khôn Ngoan từng dạy ta, “Vì Thiên Chúa không tạo nên sự chết, mà Người cũng không hân hoan trước cái chết... Thiên Chúa đã tạo nên con người để được bất diệt; Người đã tạo nên họ giống hình ảnh bản tính của Người. Nhưng vì sự ác ghen ghét, nên sự chết đã nhập vào thế giới” (1:13; 2:23-24). Sự chết là hậu quả của tội lỗi, của việc con người tự do chấp nhận sự cám dỗ của ma qủy. Thiên Chúa cho phép tội lỗi này và hậu quả của nó, và trong đức khôn ngoan đầy yêu thương của Người, Người rút sự tốt lành từ đó mà ra.



Sự chết, hậu quả của tội lỗi

Câu truyện dựng nên con người và sự sa ngã của họ trong Sáng Thế chương 2 và 3 thuộc các truyền thống tôn giáo lâu đời nhất của Israel. Tác giả thánh cố gắng giải thích hiện tượng tội lỗi và chết chóc phổ quát trong thế giới. Thiên Chúa là Chúa Tể sống động và thánh thiện, làm thế nào sự chết và sự dữ lại có thể có chỗ đứng trong công trình của Người được? Chúng không thể có trong kế hoạch và ý định nguyên thủy của Người được. Do đó, Thiên Chúa đã được mô tả như Đấng đặc biệt lưu ý tới việc tạo nên con người, thổi sự sống vào con người, phú ban cho họ một đời sống kết hợp thân mật với Người trong một điều kiện ngây thơ nguyên khởi. Sống là chia sẻ điều vốn thuộc quyền một mình Thiên Chúa hằng sống một cách viên mãn. Bao lâu con người còn duy trì được sự kết hợp này với Thiên Chúa hằng sống, không bao giờ họ đánh mất hồng ân sự sống. Nhưng nếu họ quay lưng khỏi Thiên Chúa trong bất phục, thì việc mất sự sống là điều không thể tránh được. Thần dữ cám dỗ con người tìm cách sống độc lập khỏi Thiên Chúa và con người đã chiều theo ảo tưởng này và tự làm mình ra xa lạ với Người. Kết quả, con người bị cắt đứt khỏi Thiên Chúa hằng sống và sa vào vòng hư nát và chết chóc.

Sự hỗn loạn trên trở thành thân phận nguyên khởi của con người. Nó ảnh hưởng tới toàn bộ loài người, vì nó ảnh hưởng tới nguyên thủy của nòi giống. Bản tính con người như được truyền từ nguyên tổ tới mọi con người về sau mất đi mối liên kết với Thiên Chúa, mối liên kết vốn đảm bảo sự không hư nát và sự sống. Về phương diện lịch sử, sự nhất thiết phải chết của mọi người cho thấy không những sự gần gũi của con người với thế giới vật chất, mà cả sự thất bại của họ trong việc bám vào Người, Đấng vốn là sự sống. Và, trừ khi được Thiên Chúa ban phương thuốc cứu chữa, kinh nghiệm chết trong thân xác hẳn đã đóng ấn tín cho việc con người ra xa lạ với Thiên Chúa.

Như thế, sự chết đơn giản không phải là một hình phạt chuyên chế của tội lỗi, một trong các cách khả hữu để thi hành công lý. Từ trong nội tại, sự chết liên kết với việc xa lìa Thiên Chúa. Quả thực, nếu con người không được mời gọi sống đặc biệt thân mật với Thiên Chúa, một việc vốn tạo ra trật tự siêu nhiên, thì sự chết, như một hiện tượng tự nhiên, đã không bị chứng tỏ là một sự lạc xa thánh Ý Chúa về phương diện luân lý. Nhưng, trong trật tự hiện nay của sự vật, tính bất tử của con người không thể tồn tại ở nơi tội lỗi đã cắt đứt gốc rễ tính bất tử ấy trong mối liên hệ của con người với Thiên Chúa; mà tính bất tử có lẽ cũng sẽ không mất bao lâu gốc rễ kia vẫn tồn tại.

Điều trên cũng giải thích chiều kích sâu sắc hơn của việc con người co rúm vì sợ chết. Do tội lỗi, con người không bao giờ đánh mất việc họ được sắp đặt cho một mục đích siêu nhiên, dù họ có đánh mất các tài nguyên bên trong đáng lẽ có thể dẫn họ tới mục đích này. Do đó, con người luôn duy trì được một sự sắp xếp nền tảng hướng tới tính bất tử ngay trong thân xác của họ. Bởi thế, nỗi sợ sự chết là một phản ứng phát sinh từ một ý thức có tính bản năng rằng họ có thể đánh mất số phận bất tử của mình.

Nơi những kẻ tội lỗi không được Chúa Kitô cứu chuộc, sự chết là một hình phạt không những vì tội nguyên tổ mà còn vì tội riêng chính họ phạm nữa. Không phải một bản tính nhân loại cụ thề chết, mà là một nhân vị độc đáo. Nếu nhân vị này, bằng các chọn lựa có chủ tâm, tự ý phê chuẩn việc xa lìa Thiên Chúa mà bản nhiên họ vốn thừa hưởng từ Ađam, thì vào lúc chết, họ sẽ sống thực việc xa lìa Thiên Chúa mà họ đã tự ý chọn làm kinh nghiệm bản thân của họ, làm kết quả của việc họ đã bác bỏ sự sống trong Thiên Chúa.

Hình phạt mà sự chết mang theo có hai khía cạnh. Nó là việc hủy diệt thân xác và cô lập linh hồn. Hạnh phúc của con người không thể tìm thấy bên ngoài sự thống nhất và hòa hợp nội tâm của họ cũng như việc họ hòa hợp với toàn thể vũ trụ. Sự chết tiêu diệt cả hai phương diện này nơi kẻ tội lỗi. Qua việc hồn lìa khỏi xác và sau đó thân xác bị hủy hoại, sự thống nhất và hòa hợp nội tâm của con người sẽ không còn. Hơn nữa, linh hồn con người chỉ tự nhiên được lồng vào vũ trụ nhờ sự kết hợp của nó với thân xác, bằng cách tổ chức vật chất thành dụng cụ cho kinh nghiệm, cho việc phát triển và tự diễn tả của nó. Khi mất thân xác, sự hiện hữu của nó bị cô lập khỏi mọi sự vật khác, chỉ còn lại bơ vơ một mình không lối thoát trong chính sự bất toàn và tiềm năng chưa thể hiện của mình.

Sự chết của người có tội là một sự qui phục sau cùng đối với đế quốc Satan. Tội luôn mang theo mối tương quan nào đó với ảnh hưởng ma qủi; không phải vì mọi cơn cám dỗ đều trực tiếp phát xuất từ ma qủi, nhưng sự bất trung nguyên thủy của con người và việc họ đánh mất sự toàn vẹn bên trong quả là gợi ý của ma qủi và chính sự đánh mất này tiếp tục tự biểu lộ cách nào đó trong mọi cuộc nổi loạn về sau. Mỗi tội cá nhân là nối dài thêm sự hỗn loạn của ma qủi, và sự chết của người có tội biến điều kiện này thành ổn định và vĩnh viễn. Dĩ nhiên, người ta có thể lầm khi tưởng tượng vương quốc Satan như một quyền lực có thể điều hướng người ta hay các biến cố vào việc phục vụ các mục đích của nó; Satan, thực ra, chỉ thống trị theo nghĩa rút lại một điều gì đó khỏi mục đích tức khắc mà Thiên Chúa đã định cho điều này. Sự chết của người có tội sau cùng đã rút họ khỏi con đường trong đó Thiên Chúa vốn muốn tỏ mình Người ra trong họ và cho họ, đó là con đường cứu rỗi. Như thế, sự chết này quả là thành tích tối hậu của quyền lực ma qủi

Thánh Kinh mô tả bằng nhiều cách việc con người cần sự cứu rỗi. Họ được trình bầy như bị cầm tù hay câu thúc, bị làm nô lệ, lang thang lạc đường, mắc nợ, sống theo xác thịt (theo nghĩa yếu đuối của Thánh Phaolô, vì bị cắt đứt khỏi sức mạnh của Thiên Chúa), bệnh hoạn, sống trong bóng tối, lệ thuộc phù hoa. Nhưng tất cả các cách mô tả này cũng như nhiều lối mô tả khác chung qui có ý nói rằng con người tội lỗi là kẻ tử sinh, sống trong bóng sự chết, thực sự đã chết trong tội. Sự chết trong các lối mô tả này không hoàn toàn chỉ có nghĩa cái chết thể chất của thân xác hoặc cái chết thiêng liêng của linh hồn, mà là cái chết toàn diện vì nó ảnh hưởng tới trọn bản vị của con người. Như thế, sự cứu rỗi phải được hiểu là việc biến đổi thân phận tử sinh của con người, sự thay đổi từ chết qua sống.

Việc Thiên Chúa quyết định cứu rỗi con người không có nghĩa Người xóa bỏ sự chết và giả vờ coi tội lỗi của con người như chưa bao giờ diễn ra. Việc Thiên Chúa tôn trọng tự do và sinh hoạt của tạo vật không bao giờ cho phép Người hành động như thể một biến cố thực sự nào đó chưa xẩy ra. Sự kiện con người phạm tội còn đó và các hậu quả của sự kiện này cũng còn đó. Nhưng Thiên Chúa có thể thay đổi ý nghĩa bên trong của các hậu quả này, và, chỉ miễn là con người sẵn lòng, thì căn cứ vào đó Thiên Chúa sẽ làm cho các hậu quả này có lợi cho hạnh phúc tối hậu của con người, chứ không có lợi cho sự hủy diệt tối hậu của họ. Sự thay đổi này không thể là một cách nhìn khác từ bên ngoài đối với sự chết, cũng không phải là một nối kết sự chết một cách võ đoán vào một số hậu quả hữu ích mà nó không hề có bất cứ tương quan nội tại nào. Đúng hơn, chính bản chất sự chết phải được thay đổi để nó có thể dẫn tới Thiên Chúa và sự sống, thay vì ra xa Người mà bước vào sự hủy diệt vĩnh viễn.



Sự chết của Chúa Kitô

Để thể hiện sự biến đổi cái chết từ bên trong và thân phận con người này, Thiên Chúa đã sai Con của Người xuống thế gian “trong sự tương tự của xác thịt tội lỗi” (Rm 8:3). Con Thiên VChúa trở thành con người tử sinh; vô tội trong chính Người, Người mang lấy một bản tính vốn được tạo nên để chịu đau đớn và chết chóc vì tội lỗi con người. Khi tính vị kỷ, sự dốt nát, và ma quái của người đương thời buộc Người phải chết, Người tự ý và sẵn lòng chấp nhận cái chết trong một tinh thần yêu thương vâng theo thánh ý Cha Người. Nơi Chúa Kitô, sự chết, mà bản chất nội tại vốn đầy rẫy bất tuân và bác bỏ, nay tràn ngập yêu thương và tuân phục. Nó trở thành hành vi hiến tế, biểu lộ cách cao nhất việc hiến mình và từ bỏ mình hoàn toàn của Người. Tình yêu đầy thờ phượng này, một tình yêu vốn thuộc một Ngôi Vị Thiên Chúa, mang theo nó một quyền lực chuyển Chúa Kitô trong bản tính nhân loại của Người vào lãnh vực thần linh của sự sống và vinh quang bất tử. Việc Người hiến mình trong sự chết được Cha của Người chấp nhận, Đấng làm cho Người sống lại từ cõi chết và đổ đầy nơi Người sự sống không bao giờ chết của Chúa Thánh Thần. Sự chết bị nuốt chửng trong vinh thắng. Nơi Chúa Kitô, ý nghĩa sự chết đã hoàn toàn được biến đổi. Nó không còn có nghĩa việc con người phản loạn chống lại Thiên Chúa nữa; nay nó là dấu chỉ sự hiện diện của tình yêu cứu rỗi của Thiên Chúa trong trần gian.

Điều quan trọng phải ghi nhận là: trong hành vi hiến tế của Người, Chúa Kitô không hành động như một cá nhân tư riêng nhưng như thầy cả thượng phẩm được Thiên Chúa thiết lập cho loài người. Người chịu chết vì con người, không theo nghĩa chịu hình phạt mà con người đáng phải chịu và nhờ thế thỏa mãnh các đòi hỏi vô bản vị của một lề luật bị vi phạm, mà theo nghĩa chia sẻ với các người đồng loại của Người sự chiến thắng Người giành được nhờ sự chết. Là Ađam mới, người tạo lập một nhân loại mới, tóm gọn trong Người toàn bộ giống nòi nhân loại, trở thành một với con người bằng thịt bằng máu, Người vì con người vâng lời cho đến chết. Nhờ thế, Người được Chúa Cha tôn vinh và đưa lên địa vị hoàn toàn hoàn hảo bên tay phải Thiên Chúa. Được hoàn hảo như thế, Chúa Kitô là nguồn cứu rỗi của con người, là nguyên lý Thần Khí, Đấng dẫn dắt con người trong tư cách con cái Thiên Chúa qua đau khổ và sự chết mà bước vào hưởng gia tài vĩnh viễn cùng với Chúa Kitô, Chúa chúng ta. Điều này có nghĩa: toàn bộ tình huống của con người sa ngã đã thay đổi. Họ không còn ngụ cư trong bóng sự chết nữa, mà ánh sáng sự sống chiếu soi trên họ. Vì giữa nòi giống nhân loại, nơi một trong các thành viên của nó đã chiến thắng sự chết và tội lỗi, có cả một nguồn sự sống vĩnh cửu đầy hiệu quả và không hề hư hại.

Sự chết của Kitô hữu

Sự chết của người ở trong Chúa Kitô, sự chết của người Kitô hữu, do đó, cực kỳ khác với sự chết của người có tội, người chết trong Ađam. Đã đành sự chết mà họ đang tới gần vẫn tỏ ra đen tối và hãi hùng, vì nó vẫn là hậu quả của tội lỗi. Nhưng nay, sự chết không bị coi là hình phạt của tội lỗi nữa, vì không còn điều gì nơi người Kitô hữu đang sống trong Chúa Kitô bị lọt vào sự phán xét kết án của Thiên Chúa (xem Rm 8:1). Vì sự chết hoàn toàn có tính tự nhiên đối với con người, nên Thiên Chúa có thể để nó là thành phần của hiện hữu con người nhưng không vì thế hàm ý bất cứ sự bác bỏ hay thiếu yêu thương tha thứ nào, bất kể sự kiện này: theo lịch sử, sự hiện diện của nó vốn biểu thị cho sự kiện sa ngã của con người, còn nay sự chết biểu thị mục đích cứu chuộc của Thiên Chúa, và đối với Kitô hữu, cũng như đối với chính Chúa Kitô, nó trở thành một đối tượng để chấp nhận một cách khiêm nhường. Nó trở thành dịp để thể hiện sự sống Thiên Chúa một cách nồng nàn và tinh trong mà nó không thể đạt được cách khác.

Sự biến đổi cái chết trong trường hợp Kitô hữu cá thể không hẳn là hậu quả tự động của sự chết và sự sống lại của Chúa Kitô. Nó là kết quả tuyệt đỉnh của toàn bộ đời sống thiêng liêng và bí tích của người Kitô hữu, nhờ đó, lúc còn sống, họ đã mở lòng ra cho quyền lực Thiên Chúa, một quyền lực vốn hành động xuyên suốt đời sống, sự chết và sự phục sinh của Chúa Kitô, và tiếp tục hoạt động trong nhân tính vinh hiển của Người. Điều này đặc biệt thấy rõ trong việc phát triển các nhân đức đối thần tin, cậy, mến, vốn tạo nên sinh hoạt yếu tính của đời sống thiêng liêng, và trong hậu quả của mọi bí tích, có thể chỉ trừ bí tích Truyền Chức và bí tích Hôn Phối, là các bí tích, trong tư cách các bí tích ơn gọi, có liện hệ trực tiếp nhiều hơn với cách sống của người Kitô hữu trong thế gian.

Kỳ sau: Sự chết: sự nên trọn của cuộc sống ơn thánh
 
Ý Niệm Chết Trong Thánh Kinh và Thần Học (4)
Vũ Văn An
17:28 13/11/2017
Sự chết: Sự nên trọn của cuộc sống ơn thánh

Đức tin là sinh hoạt nền tảng của đời sống siêu nhiên, tức đời sống ơn thánh. Ở đây, con người mở lòng mình cho mạc khải cứu rỗi mà Thiên Chúa đã thực hiện trong và qua Con của Người, là Chúa Giêsu Kitô. Nhờ đức tin, con người trả lời mạc khải này bằng hành vi hoàn toàn chấp nhận và hoàn toàn hiến dâng, chấp nhận từ Thiên Chúa ý nghĩa tối hậu của đời mình trong một định mệnh vượt quá sự hiểu biết của mình và các khả năng thực hiện từ bên trong của mình, và tự dấn thân bước tới việc thể hiện định mệnh này. Như thế, nhờ đức tin, con người tự hướng mình về một mục đích vốn vượt quá các giới hạn hữu hình của sự sống tử sinh này. Do đó, đức tin nhất thiết nói lên một thái độ đối với sự chết thể xác. Đối với tín hữu, sự chết đang tới gần là bức màn che dấu mục đích họ đã dấn bước tới. Sự chết không phải là thất bại, cũng không phải là tiêu diệt, hay tối hậu ra xa lạ với Thiên Chúa. Chính nhờ diễn ra nơi một con người mà tâm trí đã tin tưởng hướng về sự thật đời đời của Thiên Chúa, tự biểu lộ như Đấng Cứu Rỗi, nên kinh nghiệm sự chết nay có nghĩa việc vén mở thánh nhan Thiên Chúa. Đức tin được biến thành thị kiến. Đúng là những tội nhẹ hơn chưa được tha thứ hay một hình phạt chưa được đền trả cho các tội đã được tha thứ có thể triển hạn hậu quả trọn vẹn của việc biến đổi sau cùng này cho tới khi sự thanh tẩy hoàn tất; nhưng trong sự chết, nó đã được hoàn tất triệt để và chủ yếu rồi. Nếu linh hồn trong luyện ngục chưa được thấy tận mắt, thì nó cũng không thấy như trong gương mờ. Ánh sáng chói lọi của Thiên Chúa đã bắt đầu rõi chiếu trên nó một cách không thể lầm lẫn được nữa, và lời hứa sự rạng sáng sắp đến đã thể hiện trong cảm nghiệm, dù chưa có chứng cớ bề ngoài. Cũng có thể nói một điều như thế về đức cậy, đức mến và các bí tích.

Đức cậy là sinh hoạt đang phát triển của đời sống siêu nhiên. Ở đây, con người, vì bị thách thức bởi các khó khăn và sự yếu đuối bên trong của họ, nên phải luôn dựa vào sự tốt lành, quyền lực và sự khôn ngoan lớn lao hơn của Thiên Chúa. Sự dựa vào này, lúc gặp thử thách, liên tục kéo họ tới gần Thiên Chúa hơn và làm cho sự sống thần linh nở rộ mạnh mẽ và tinh trong hơn. Nhưng tất cả các gian nan mà con người phải chịu và mọi sự yếu đuối bên trong mà họ cảm thấy ở trong đời đều tập trung trong biến cố chết thể xác. Không có đức cậy, con người chỉ có thể kinh qua sự chết trong vô vọng; không có trung điểm. Đối với những người mà trọn tín thác và sức mạnh của họ đều ở nơi Thiên Chúa, thì sự chết sẽ biến đổi sự tin tưởng chắc chắn của đức cậy thành niềm vui chiếm hữu.

Sau cùng, đức mến là sinh hoạt hoàn hảo, chín mùi của đời sống siêu nhiên. Ở đây, con người đáp trả sáng kiến đầy yêu thương của Thiên Chúa bằng một hành vi tự hiến trọn vẹn và đồng hóa xúc cảm. Họ không còn sống cho họ nữa mà là sống cho Thiên Chúa, và cho Đấng đã chết và sống lại vì họ. Diễn trình từ bỏ mình để qua đó, con người cố gắng yêu Thiên Chúa với hết tâm, trí, sức lực và ý chí họ sẽ đạt tới chỗ hoàn toàn thể hiện trong biến cố chết thể xác hoàn toàn từ bỏ mình này. Đối với người biết yêu thương, giây phút tan rã này là giây phút hoàn thành tối hậu, trong đó, cùng với Chúa Kitô, họ phó linh hồn họ trong tay Thiên Chúa, Cha của Người.

Sự chết: việc hoàn tất các bí tích

Chính nhờ các bí tích mà con người bước một cách thấu đáo nhất vào quyền lực biến đổi của cuộc khổ nạn, sự chết và sự phục sinh của Chúa Kitô. Trong mỗi bí tích (ngoại trừ bí tích truyền chức thánh và bí tích hôn phối như đã nói trên đây), điều đã khởi sự khi lãnh nhận bí tích sẽ được hoàn hảo hóa trong kinh nghiệm chết của người Kitô hữu. Phép Rửa là một cuộc tái sinh siêu nhiên; nó là bước quá độ từ chết qua sống nhờ được mai táng và trỗi dậy với Chúa Kitô. Mầu nhiệm vượt qua, một mầu nhiệm được hoàn tất nơi Chúa Kitô, được áp dụng cho con cháu Ađam vốn bị nguyên tội nhiễm độc; nó chuyên chở họ từ bóng tối vào vương quốc Con yêu qúy của Thiên Chúa. Chúa Thánh Thần được ban cho họ như lời đoan hứa, một khởi đầu thực sự của sự sống đời đời sắp tới. Đây là khởi đầu của cuộc hành trình mà đích điểm sẽ đạt tới qua kinh nghiệm sự chết. Việc con người được tích nhập vào sự chết của Chúa Kitô qua Phép Rửa là một chuẩn bị cho sự chết của chính họ qua đó sự tích nhập kia trở thành hoàn hảo và lâu dài.

Thêm Sức là bí tích của việc trưởng thành Kitô Giáo. Thần Khí Chúa Kitô được ban cho không như ban cho một đứa trẻ mà như ban cho một thành viên đã trưởng thành của Nhiệm Thể Chúa Kitô. Qua hồng ân này của Chúa sống lại, người Kitô hữu được lên sức mạnh để làm chứng bằng lời và việc làm cho thực tại hiện thời của vương quốc Chúa Kitô trong trần gian. Nhưng không ở nơi nào việc làm chứng này trọn vẹn bằng trong sự chết. Vì lý do này, những ai chịu chết vì lòng trung thành với Chúa Kitô được gọi là các vị tử đạo, mà nguyên ngữ Hy Lạp chỉ có nghĩa là nhân chứng, nhân chứng ngoại hạng. Nhưng, cũng như các vị tử đạo từng làm một cách đáng thán phục khi chịu mất mọi sự vì Chúa Kitô, cùng một việc làm chứng như thế đã được thực hiện, không kém trung thực tuy tầm thường hơn, trong việc hàng ngày sống thực đời sống Kitô hữu, và nhất là, trong việc tin tưởng chấp nhận sự chết ở cuối đường đời. Cuối cùng, mọi Kitô hữu chết trong Chúa Kitô đều đã hiến mạng sống mình cho đức tin; và sứ mệnh được trao phó cho họ lúc chịu Thêm Sức, nhờ đó, đã được hoàn thành một cách hoàn hảo.

Việc cử hành Thánh Thể trong Thánh Lễ là thực tại của hành vi hiến tế chết và sống lại của Chúa Kitô được làm cho hiện diện và có tác dụng nơi con người, giúp họ hàng ngày biết liên kết mọi chuyển vần của cuộc sống họ với các chuyển vần của sự sống Người. Việc lãnh nhận Thánh Thể lúc Hiệp Lễ là tham dự vào sự sống của Lễ Vật hiển vinh, làm cho con người được cư ngụ nơi Người và Người cư ngụ nơi họ và hướng dẫn bản chất tử sinh của họ tới vinh thắng phục sinh tương lai. Như thế, qua Phép Thánh Thể, con người vừa liên tục đổi mới việc dâng hiến đời họ cho Thiên Chúa trong sự kết hợp với Chúa Kitô vừa được nuôi dưỡng bằng nhân tính hiển vinh của Người để hàng ngày sống thực việc dâng hiến này. Trong kinh nghiệm chết thực của họ, việc dâng hiến này, cuối cùng, đã hoàn toàn đạt được. Vì lý do này, trong truyền thống Giáo Hội, hơn bất cứ bí tích nào khác, Phép Thánh Thể là bí tích của người hấp hối. Của ăn đàng, theo truyền thống, vốn là lương thực của cuộc hành trình xuyên qua sự chết mà vào cuộc sống trường sinh trong tinh thần vâng phục và yêu thương đầy thờ lạy.

Mặc dù lòng đạo bình dân từ thời Trung Cổ coi Phép Xức Dầu Bệnh Nhân là bí tích đặc biệt của người hấp hối, nhưng trong quan niệm lâu dài hơn của truyền thống Kitô Giáo, phạm vi của nó rộng hơn thế, cho dù người ta tập chú vào ý nghĩa đặc biệt của nó trong giờ chết. Bệnh tật là bằng chứng cho thấy sự thống trị của Satan đối với nhân loại do hậu quả của Sự Sa Ngã. Tân Ước phản ảnh quan điểm này, nhất là trong việc thuật lại các phép lạ chữa bệnh của Chúa Kitô. Theo đó, bệnh tật, nhất là bệnh nặng, có thể là thời gian thử thách lớn lao về thiêng liêng, khi các lực lượng của sự dữ hành động trên con người trong tình huống suy yếu, khiến họ ra uể oải trong việc thực hành yêu thương, chỉ chú ý đến mình và đòi hỏi khắt khe, lo lắng và mất tin tưởng vào tình yêu bền vững của Thiên Chúa dành cho họ. Trong thời điểm đặc biệt cần thiết này, Chúa Kitô đến với họ trong Phép Xức Dầu Bệnh Nhân để nâng tâm hồn họ lên và tăng sức cho họ. Như thế, rõ ràng là cơn bệnh sau cùng của họ là thời gian thử thách đặc biệt. Các Giáo Phụ và Công Đồng Trent dạy rằng giờ chết là giờ con người tranh đấu lớn lao lần cuối với ma qủy. Nếu Kitô hữu nào từng sống một cuộc sống trung thành sùng kính Thiên Chúa, Sa tan sẽ ráng lôi kéo họ ra khỏi lòng sùng kính này. Nếu họ từng sống một cuộc sống tắc trách và tội lỗi, ma qủy sẽ cố gắng củng cố họ trong việc ra xa lạ với Thiên Chúa bằng cách cám dỗ họ ngã lòng và làm lòng kiêu căng của họ ra chai đá thêm. Trong giờ phút này, Chúa Kitô đến với họ để trang bị cho họ trong cuộc chiến đấu này và khuyến khích họ qua Phép Xức Dầu Bệnh Nhân. Sự chết, do đó, trở thành giây phút bác bỏ tối hậu và đầy chiến thắng mọi quyền lực của Satan đối với con người.



Thống Hối, bí tích tha các tội phạm sau Phép Rửa, được Chúa Kitô ban cho Giáo Hội vào ngày Người sống lại từ cõi chết. Nhờ nó, các Kitô hữu lấy lại được sự sống họ đã đánh mất vì các tội trọng bản thân phạm sau khi được tái sinh trong Chúa Kitô. Bí Tích Thống Hối có chức năng đặc biệt là làm cho hữu hiệu trước mặt Thiên Chúa cả sự buồn sầu vì tội lỗi mình của người Kitô Hữu lẫn các việc họ làm trong sự kết hợp với Chúa Kitô để đền bù cho các tội lỗi này. Vì các hậu quả của nó kéo dài trong đời sống hàng ngày của Kitô hữu, bí tích này không những che chở họ khỏi các tội tương lai mà còn biến đổi các đau khổ và việc làm trong đời thành sức mạnh canh tân thực sự, đền bù được sự hỗn loạn và vi phạm của tội lỗi bản thân. Điều này làm cho chính sự chết trở thành việc đền bù và đền tội cho các tội lỗi quá khứ. Thực vậy, cái chết được hoàn toàn chấp nhận trong kết hợp với Chúa Kitô có thể biến sự chết của Người ở trong mình thành của mình nhờ Phép Thống Hối. Điều này sẽ hoàn tất việc rửa sạch tội lỗi và làm cho luyện ngục không còn cần thiết. Mọi thứ tình yêu mình và dính bén vô trật tự sẽ biến mất, và tình yêu cứu chuộc của Thiên Chúa sẽ sản sinh ra hậu quả đầy đủ của nó trong hồng ân tức khắc là hưởng phúc sáng lạn. Việc hoàn toàn chấp nhận sự chết trong tinh thần thống hối, chủ yếu, không phải là việc làm của con người, mà là việc làm của Thiên Chúa nơi con người, sản sinh ra qua Bí Tích Thống Hối, được thực sự lãnh nhận hay trong ước muốn thành thực được lãnh nhận nhiệm cục tha thứ và thanh luyện này của Người.

Sau cùng, mặc dù các bí tích ơn gọi, tức Hôn Phối và Truyền Chức Thánh, xem ra không sản sinh ra hậu quả trực tiếp trong sự chết, tuy nhiên, việc cam kết với Thiên Chúa sống cuộc sống phục vụ trong Giáo Hội mà các bí tích này thánh hiến đã được sự chết của người Kitô hữu đem đến kết thúc và được tiếp nối bằng một quan tâm phổ quát hơn đối với toàn bộ hiệp thông các thánh.

Sự chết: Việc xuất hiện của Nước Thiên Chúa

Sự chết của người tội lỗi là một nối dài của đế quốc Satan thế nào, thì sự chết của người Kitô hữu là một bước tiến tới việc xuất hiện phổ quát của Nước Thiên Chúa như thế. Qua cái chết trong sự kết hợp với Chúa Kitô này, một phạm vi của sáng thế đã vĩnh viễn được cứu vớt khỏi quyền lực sự dữ và sẵn sàng được nhập vào nước cánh chung của tình yêu Thiên Chúa. Đối với chính cá nhân, sự sống đời đời đã dứt khoát bắt đầu. Việc được lồng vào sự chết và sự sống lại của Chúa Kitô trong thời kỳ trước đó chỉ có tính phôi thai. Thần Khí được lãnh nhận và chiếm hữu lời đoan hứa cuộc sống vĩnh cửu như các hoa trái đầu tiên. Theo quan điểm con người, tất cả các điều này đều mỏng manh và tạm thời. Nhưng giờ đây, sự chết đã làm cho việc lồng vào này trở thành dứt khoát; Chúa Thánh Thần được chiếm hữu một cách không thể nào còn mất được nữa.

Ngoài ra, biến cố này vượt quá phạm vi cá nhân, đụng tới việc thể hiện tối hậu, toàn diện, và không thể thất bại sự khôn ngoan, quyền lực, và tình yêu Thiên Chúa trong thành thánh các người được chúc phúc, tức vương quốc đời đời của Chúa Giêsu Kitô, Đấng là Chúa và là Đấng Cứu Rỗi ta. Từng viên một, các viên đá sống động của Giêrusalem thiên giới, được chuẩn bị sẵn sàng cho tới ngày tận cùng và Chúa Con sẽ dâng nước này lên Chúa Cha.

Cũng vì lý do trên, việc chia lìa do cái chết đem lại không toàn diện và tuyệt đối như người ta tưởng. Đã đành, ngay trong trường hợp Kitô hữu, sự chết vẫn phá hủy mọi mối liên hệ quen thuộc với người khác. Nhưng đây không hề muốn nói: sự cô lập khủng khiếp này là một hình phạt tội lỗi. Vì sự chết trong Chúa Kitô không chỉ thâm hậu hóa và củng cố cuộc sống siêu nhiên, mà nó còn thâm hậu hóa và củng cố các mối liên hệ mà Kitô hữu vốn có với mọi người khác ở trong Chúa Kitô. Sự chết của Kitô hữu là khởi đầu của việc kết hợp tối hậu với Chúa Kitô, của sự hiện diện đầy thân mật với Chúa Kitô, nơi Người, mọi người đã trở nên một. Điều này có nghĩa: được kết hợp một cách đầy hiểu biết và yêu thương hỗ tương với mọi người đã chết trong Chúa Kitô. Điều này cũng có nghĩa: được liên hệ mới mẻ trong yêu thương với mọi người mà sự sống vẫn còn đang bị thử thách, mà giây phút cam kết cuối cùng trong sự chết vẫn còn cần được thể hiện.

Sau cùng, cái chết của Kitô hữu đã được liên kết với sự phục sinh của thân xác. Vì sự tan rã của việc kết hợp thể xác trong yêu thương và vâng lời đã mở cửa cho linh hồn đón nhận sự viên mãn của Thần Khí Chúa Kitô. Chính Thần Khí cư ngụ này, nay đang lên năng lực trọn vẹn cho linh hồn, sẽ ban quyền lực của Người cho cả thân xác phục sinh. Linh hồn được vinh quang biến đổi sẽ là dụng cụ thích đáng để quyền lực Chúa Kitô làm cho thân xác trỗi dậy từ cõi chết. Nó chỉ chờ đợi lời ra lệnh, lời quả quyết rằng công trình của Thiên Chúa đã hoàn tất, cùng đích đã vươn tới, và nước trời đã đến.

Như thế, hiện tượng chết nói lên một cách hữu hình một mặt của mầu nhiệm vượt qua của Chúa Kitô đang được tái tạo trong sự sống của người Kitô hữu. Mặt kia, mặt mà nó có liên hệ nội tại, là việc phục sinh thân xác của người chết, một sự biến đổi được thực hiện bởi việc Chúa Kitô đã làm cho thân xác thấp hèn của con người đồng hình đồng dạng với thân xác vinh hiển của Người nhờ uy quyền Người vốn có trong việc bắt mọi sự phải quy phục Người khi phái Thần Khí ban sự sống tới.

Kỳ sau: III. Cái hiểu thần học về mầu nhiệm sự chết
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Nắng Thu Bên Cầu Chờ Ai
Dominic Đức Nguyễn
09:22 13/11/2017
NẮNG THU BÊN CẦU CHỜ AI
Ảnh của Dominic Đức Nguyễn
Vạt nắng thu vàng gợi nhớ thương
Yêu ai hồn mộng tim vấn vương
Tao phùng xa lắc, chờ chờ mãi
Biết đến bao giờ vai tựa nương !! .
(Trích thơ của Việt Dương Nhân)
 
VietCatholic TV
TV Thời Sự Giáo Hội và Thế Giới Ngày Nay, Thứ Hai 13/11/2017
VietCatholic Network
01:23 13/11/2017
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây

Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô. VietCatholic xin kính chào quý vị và anh chị em trong tình yêu thương của Chúa Kitô và Mẹ Maria. Kính thưa quý vị và anh chị em, chương trình Truyền Hình của chúng tôi hôm nay gồm có các tin chính như sau:

1- Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha, Chúa Nhật ngày 12 tháng 11.

2- Đức Thánh Cha tái lên án việc sở hữu và sử dụng võ khí hạt nhân.

3- Đức Thánh Cha tiếp kiến Giáo Hoàng Học Viện Ucraina.

4- Đức Thánh Cha gặp lãnh đạo Hồi Giáo Ai Cập Ahmed al-Tayeb.

5- Lời vị Cha Chung: Thánh Lễ là Bí Tích Thánh Thể chứ không phải là hình ảnh, xin đừng chụp hình!

6- Hội Đồng Giám Mục Pháp quyết định sửa lại một chữ trong Kinh Lạy Cha.

7- Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ đã mua lại Web site Catholic.Bible.

8- Hội Caritas ở Venezuela cảnh báo, khoảng 280,000 trẻ em có thể chết do suy dinh dưỡng.

9- Từ Giám Mục “chui” trở thành Giám Mục chính thức ở Trung Quốc.

10- Giới thiệu Thánh Ca: Con Có Chúa.

Xin mời quý vị theo dõi phần tin chi tiết
 
Giáo Hội Năm Châu 13/11/2017: Những thách đố đang chờ đợi Đức Thánh Cha tại Miến Điện
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
02:05 13/11/2017
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Trong chương trình hôm nay chúng tôi xin giới thiệu với quý vị và anh chị em chương trình chi tiết chuyến tông du của Đức Thánh Cha tại Miến Điện và Bangladesh và bài bình luận về những khó khăn đang chờ đợi Đức Thánh Cha tại Yangon.

1. Chương trình chi tiết chuyến tông du của Đức Thánh Cha tại Miến Điện

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Phòng Báo Chí Tòa Thánh đã cho biết chi tiết về chuyến tông du thứ 21 của Đức Thánh Cha đến Miến Điện và Bangladesh như sau:

Chúa Nhật 26 tháng 11

Lúc 21:40 Chúa Nhật 26 tháng 11, theo giờ Rôma, Đức Thánh Cha sẽ khởi hành từ phi trường Fiumicino của Rôma để bay sang Yangon, bắt đầu chuyến tông du thứ 21 của ngài bên ngoài Italia.

Yangon trước đây là thủ đô của Miến Điện với đầy đủ các cơ sở hạ tầng như sân bay, các cơ sở hành chánh và kinh tế. Tuy nhiên, từ ngày 6 tháng 11 năm 2005, thủ đô của Miến Điện đã được chính thức dời về Nay Piy Taw cách thủ đô cũ Yangon 320 km về phía Bắc.

Thứ Hai 27 tháng 11

13:30 chiều ngày thứ Hai 27 tháng 11, máy bay của Đức Thánh Cha sẽ đáp xuống phi trường quốc tế Yangon. Tại đây sẽ có các nghi lễ chào đón Đức Thánh Cha Phanxicô.

Thứ Ba 28 tháng 11

Sau một ngày nghỉ ngơi, trưa thứ Ba 28 tháng 11 vào lúc 14:00 giờ địa phương, Đức Thánh Cha sẽ đáp máy bay đi Nay Piy Taw là thủ đô mới của Miến Điện.

Sau hơn một giờ bay, Đức Thánh Cha sẽ đáp xuống sân bay Nay Piy Taw vào lúc 15:10.

Sau lễ nghi đón tiếp chính thức tại phi trường Nay Piy Taw, Đức Thánh Cha sẽ đi xe về dinh tổng thống nơi sẽ diễn ra cuộc gặp gỡ chính thức với các nhà lãnh đạo dân sự Miến Điện.

Tại dinh tổng thống, lúc 16:00, Đức Thánh Cha sẽ có cuộc hội đàm với tổng thống Htin Kyaw trong nửa giờ, trước khi có cuộc gặp gỡ với bà Aung San Suu Kyi vào lúc 16:30. Bà Suu Kyi vừa là bộ trưởng ngoại giao, vừa là cố vấn tối cao của chính phủ dân sự Miến Điện.

Lúc 17:15, Đức Thánh Cha sẽ có cuộc gặp gỡ với các nhà lãnh đạo dân sự Miến Điện và ngoại giao đoàn tại Trung tâm Hội Nghị quốc tế của thủ đô Nay Piy Taw.

Lúc 18:20, Đức Thánh Cha sẽ từ giã thủ đô Nay Piy Taw để đáp máy bay trở về phi trường quốc tế Yangon và lên xe về Tòa Tổng Giám Mục, kết thúc ngày thứ hai trong chuyến tông du Miến Điện.

Thứ Tư 29 tháng 11

Tất cả các sinh hoạt của Đức Thánh Cha trong ngày thứ Tư 29 tháng 11, sẽ diễn ra tại thủ đô cũ Yangon.

Lúc 9:30 sáng, Đức Thánh Cha sẽ cử hành thánh lễ tại sân thể thao Kyaikkasan.

Sau thánh lễ tại đây, Đức Thánh Cha sẽ trở về tòa Tổng Giám Mục để nghỉ ngơi.

Ban chiều, lúc 16:15, Đức Thánh Cha sẽ có cuộc gặp gỡ với Hội Đồng Tối Cao Phật Giáo Miến Điện, thường được gọi tắt là Sangha, tại chùa Kaba Aye.

Kết thúc cuộc gặp gỡ với Hội Đồng Tối Cao Phật Giáo Miến Điện, vào lúc 17:15, Đức Thánh Cha sẽ có cuộc gặp gỡ với các Giám Mục Miến Điện tại nhà thờ chính tòa của Yangon.

Thứ Năm 30 tháng 11

Tại nhà thờ chính tòa Đức Bà của Yangon, sáng thứ Năm 30 tháng 11, vào lúc 10h15 sáng, Đức Thánh Cha sẽ cử hành thánh lễ dành cho giới trẻ Miến Điện.

Sau đó, lúc 12:15, Đức Thánh Cha sẽ ra phi trường quốc tế Yangon để đáp máy bay sang thăm Bangladesh là quốc gia thứ hai trong chuyến tông du thứ 21 của ngài bên ngoài Italia.

2. Chương trình chi tiết chuyến tông du của Đức Thánh Cha tại Bangladesh

Lúc 15:00 theo giờ địa phương, Đức Thánh Cha sẽ đáp xuống phi trường quốc tế Dhaka, thủ đô của Bangladesh.

Sau các nghi lễ đón tiếp tại phi trường quốc tế Dhaka, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đi xe đến thăm đài tưởng niệm các vị anh hùng liệt sĩ của Bangladesh tại Savar. Đài tưởng niệm này được xây dựng vào năm 1978 và hoàn thành vào năm 1982 để tưởng nhớ đến những người bỏ mình trong cuộc chiến tranh giành độc lập khỏi tay người Pakistan. Địa điểm này nằm cách thủ đô Dhaka 35km về hướng Tây Bắc.

Liền đó, Đức Thánh Cha sẽ thăm bảo tàng viện Bangabandhu, nơi ngài dự kiến sẽ đặt vòng hoa và viết vào sổ lưu niệm. Bảo tàng viện này được thành lập để vinh danh ông Mujibur Rahman, người được coi là “cha già dân tộc” của Bangladesh. Ông Mujibur Rahman là người khởi xướng phong trào giành độc lập khỏi tay người Pakistan và là vị tổng thống đầu tiên của Bangladesh. Sau khi quốc gia này quyết định theo quốc hội chế, ông được bầu làm thủ tướng đầu tiên của Bangladesh vào tháng Ba, 1971. Ông bị ám sát vào ngày 15 tháng 8 năm 1975. Con gái ông là bà Hasina hiện là thủ tướng của Bangladesh.

Lúc 5:30, Đức Thánh Cha viếng thăm xã giao tổng thống Abdul Hamid tại dinh tổng thống. Cũng tại dinh này, Đức Thánh Cha sẽ có cuộc gặp gỡ với các nhà lãnh đạo dân sự và ngoại giao đoàn.

Thứ Sáu 1 tháng 12

Lúc 10 giờ sáng, Đức Thánh Cha sẽ chủ sự lễ phong chức cho các tân linh mục tại công viên Suhrawardy Udyan.

Lúc 15:20, ngài sẽ có cuộc gặp gỡ với Thủ tướng Hasina tại Tòa sứ thần Tòa Thánh.

Lúc 16 giờ, Đức Thánh Cha sẽ đến thăm nhà thờ chính tòa của thủ đô Dhaka.

Sau đó, Đức Thánh Cha sẽ có cuộc gặp gỡ với các giám mục Bangladesh tại nhà hưu dưỡng các linh mục.

Vào lúc 5 giờ chiều, Đức Thánh Cha sẽ có cuộc gặp gỡ với đại diện các tôn giáo trong khu vườn của tòa tổng giám mục.

Thứ Bảy 2 tháng 12

Lúc 10 giờ sáng Đức Thánh Cha sẽ thăm Nhà Mẹ Teresa ở khu vực Tejgaon của thủ đô Dhaka.

10:45 sáng, Đức Thánh Cha sẽ có cuộc gặp gỡ với các linh mục, nam nữ tu sĩ, chủng sinh và dự tu tại Nhà thờ Mân Côi.

Lúc 15:20, Đức Thánh Cha có cuộc gặp gỡ với những người trẻ tuổi tại trường Đại học Notre Dame.

Lúc 16:45, lễ chia tay sẽ diễn ra tại sân bay quốc tế Dhaka.

17:05 chiều, máy bay cất cánh hướng về Rôma.

Dự kiến, Đức Thánh Cha sẽ về đến phi trường Ciampino ở Rôma vào lúc 22 giờ cùng ngày.

3. Phép lạ Sri Lanka có thể được lặp lại tại chùa Kaba Aye hay không?

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Như chúng tôi vừa tường trình, theo dự kiến Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ có cuộc gặp gỡ với Hội Đồng Tối Cao Phật Giáo Miến Điện, thường được gọi tắt là Sangha, tại chùa Kaba Aye vào lúc 16:15 ngày thứ Tư 29 tháng 11.

Câu hỏi nhiều người đang đặt ra là trong cuộc gặp gỡ với hàng tăng sĩ Phật Giáo Miến Điện, may mắn liệu có mỉm cười với Đức Thánh Cha Phanxicô như đã từng xảy ra tại Sri Lanka hay không?

4. Câu chuyện hàng trăm nhà sư Phật Giáo Sri Lanka lắng nghe Đức Giáo Hoàng nói về khoan dung tôn giáo

Sau cuộc gặp gỡ xã giao với tổng thống Sri Lanka, lúc 6h45 chiều thứ Ba 13 tháng Giêng, 2015, Đức Thánh Cha Phanxicô đã có cuộc gặp gỡ với các nhà lãnh đạo các tôn giáo tại Bandaranaike Memorial International Conference Hall cách dinh tổng thống khoảng 4km, gần với quảng trường Độc Lập nơi vẫn thường diễn ra các lễ tuyên thệ tổng thống Sri Lanka.

Trong những năm gần đây, Sri Lanka đã vướng vào những xung đột tôn giáo trầm trọng. Mặc dù trong cuộc xung đột này cũng không thiếu những trường hợp các nhà thờ Kitô Giáo bị đốt hay phá phách nhưng chủ yếu là xung đột giữa Phật Giáo và Hồi Giáo.

Tác nhân chủ yếu là phong trào Bodu Bala Sena gọi tắt là BBS được thành lập bởi hai nhà sư là Kirama Wimalajothi và Galagoda Aththe Gnanasaara với hội nghị đầu tiên vào ngày 28 tháng 7 năm 2012. BBS là thế lực Phật Giáo mạnh nhất tại Sri Lanka được chế độ của cựu tổng thống Rajapaksa ngầm ủng hộ. Phong trào này đã gây ra nhiều vụ tấn công bạo lực nhắm chủ yếu vào các cộng đồng Hồi Giáo tại Sri Lanka.

Trước chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô, BBS đã mở nhiều chiến dịch nhằm tẩy chay chuyến viếng thăm này. Mười ngày trước chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Sri Lanka, quốc gia này đón nhà sư Wirathu của Miến Điện đến thuyết pháp nhằm hô hào tẩy chay chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Tuy nhiên, vẫn có hàng trăm nhà sư đến dự và họ im phăng phắc lắng nghe Đức Giáo Hoàng nói về khoan dung tôn giáo.

Đức Thánh Cha đã cám ơn sự lắng nghe của các nhà sư như sau:

“Các bạn thân mến, tôi cảm ơn các bạn một lần nữa vì sự chào đón hào phóng của các bạn và sự chú ý của các bạn. Cầu xin cho cuộc gặp gỡ huynh đệ này củng cố tất cả những nỗ lực của chúng ta để sống hòa hợp và để truyền bá những phước lành của hòa bình.”

Khi so sánh với chuyến tông du của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II vào ngày 20 tháng Giêng, 1995, nhiều người không ngại nói một cách có phần quá đáng rằng đây là một phép lạ.

5. Chuyến tông du của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tại Sri Lanka

Thật vậy, chuyến tông du của thánh Giáo Hoàng đã được chào đón một cách lạnh nhạt. Cuốn sách “Vượt Qua Ngưỡng Cửa Hy Vọng” của ngài được xuất bản vài tháng trước đó, vào năm 1994, đã được dịch ra 40 thứ tiếng và chỉ riêng tại Italia đã bán được hàng triệu cuốn. Tuy nhiên, cuốn sách này gây xôn xao trong giới Phật Giáo vì một nhận xét rất xác đáng của ngài: “Sự giác ngộ mà đức Phật đã trải qua xuất phát từ niềm tin rằng thế giới này là xấu.” Thánh Giáo Hoàng cũng bình luận về khái niệm nirvana (người Việt gọi là “niết bàn” - một trạng thái thờ ơ hoàn toàn với thế giới) và đặt câu hỏi: “Liệu chúng ta có đến gần với Thiên Chúa hơn khi xa lánh cuộc đời này không?”

Chính phủ Sri Lanka bị nhiều áp lực hủy bỏ chuyến tông du của ngài, nhưng họ vượt qua được.

Khi đến Colombo, Đức Gioan Phaolô II cẩn thận trích dẫn kinh điển Dhammapada và đề cập đến những giá trị của tình yêu, từ bi, hỉ xả, thông cảm và an nhiên tự tại mà các Phật tử tôn vinh. Ngài nói: “Tôi bày tỏ sự kính trọng cao nhất của mình đối với các tín đồ Phật giáo”.

Dù thế, chẳng có mấy nhà sư đến dự cuộc gặp gỡ với ngài, thậm chí một nhà thờ còn bị đốt!

6. Ashin Wirathu là ai?

Ashin Wirathu là nhân vật đã được tờ Times trong số ra ngày 20 tháng Sáu năm 2013, đưa lên trang bìa với nhan đề “The Face of Buddhist Terror”, nghĩa là “Bộ mặt của khủng bố Phật giáo”; trong đó tờ này cáo buộc ông là người đứng đằng sau tất cả những biến loạn đang diễn ra tại Miến Điện.

Nhà sư Ashin Wirathu là người nổi tiếng tại Miến Điện với những bài phát biểu nẩy lửa đầy hận thù kêu gọi các Phật tử nước này hãy thức tỉnh trước nguy cơ bị Hồi Giáo hóa, mặc dù trong tổng số 57 triệu dân 88% là Phật tử và người Hồi Giáo chỉ có 4.3%. Các Kitô hữu chiếm 6.3%.

Không những nổi tiếng tại Miến Điện, Nhà sư Wirathu còn nổi tiếng trên thế giới vì đã dám chửi đặc phái viên nhân quyền Liên Hiệp Quốc là bà Yanghee Lee bằng những từ rất hạ cấp mà chúng tôi không dám nêu ra ở đây.

Wirathu sinh năm 1968, đến năm 14 tuổi thì bỏ học để đi tu.

Năm 2003, ông đã bị kết án 25 năm tù giam vì tham gia vào một tổ chức rất cực đoan nhằm chống lại người Hồi Giáo nhưng được trả tự do vào năm 2010 cùng với các tù nhân chính trị khác.

Sau khi ra tù, Wirathu sử dụng rất thành công các phương tiện truyền thông xã hội. Ông truyền bá thông điệp chống Hồi Giáo của mình bằng cách đăng các bài giảng trên YouTube và Facebook, thu hút hàng trăm ngàn người theo dõi và nhanh chóng được tôn vinh là nhà lãnh đạo tinh thần của 969 nhóm bảo vệ Phật pháp.

Bài giảng của ông chủ yếu dọa các Phật tử về nguy cơ bị Hồi Giáo hóa. Ông lặp đi lặp lại các tuyên bố vô căn cứ về tỷ lệ sinh sản của người Hồi Giáo và tổ chức các cuộc biểu tình kêu gọi tống cổ người Rohingya sang một nước thứ ba.

Ông cũng tuyên bố rằng phụ nữ Phật giáo đang bị người Hồi Giáo buộc cải đạo bằng vũ lực và dẫn đầu các cuộc biểu tình rầm rộ đòi sửa đổi hiến pháp nhằm ngăn chặn phụ nữ Phật giáo Miến Điện không được kết hôn với nam giới thuộc các tôn giáo khác mà không có sự cho phép chính thức của các nhà sư.

Ít ai dám chống lại ông vì ông chủ trì một tu viện Phật giáo có tới 2,500 nhà sư tại Mandalay; và được sự hậu thuẫn tuyệt đối của quân đội, của những tướng tá cùng một quan điểm với ông là Phật giáo tại Miến Điện đang bị lâm nguy, và người dân Miến Điện cần phải có một quân đội hùng mạnh để bảo vệ Phật pháp.

Một chính phủ trên danh nghĩa là dân sự nhưng sau gần nửa thế kỷ bị cai trị bởi quân đội, vẫn chưa hoàn toàn tự chủ, nên nếu quân đội ủng hộ ông thì chính quyền cũng chẳng có ai dám chống lại ông. Hơn thế nữa, nhiều người tin rằng chính quyền Miến Điện để yên cho Wirathu, vì ông nói lên chính quan điểm của họ, về người Rohingya, và về đạo Hồi, mà họ không thể tự mình nói lên vì những lý do ngoại giao.

7. Ngôi chùa Kaba Aye

Chùa Kaba Aye là một ngôi chùa nằm cách Yangon khoảng 11 km về phía bắc. Nó được xây dựng vào năm 1952 bởi U Nu để chuẩn bị cho Hội đồng Phật giáo Thứ Sáu mà ông ta tổ chức trong hai năm từ năm 1954 đến năm 1956. Chùa có kích thước tất cả đều là 34 thước: Tháp chùa cao 34 m, chiều dài và chiều rộng cũng 34 m. Chùa Kaba Aye mở cửa từ 6 giờ sáng đến 8 giờ tối hàng ngày. Khách tham quan mua vé vào cửa với giá 5 Mỹ Kim.

U Nu là Thủ tướng đầu tiên của Miến Điện sau khi Hiến pháp Liên minh Miến Điện năm 1947 được thông qua. U Nu là một Phật tử mộ đạo và ông đã cố gắng thiết lập Miến Điện như là một quốc gia Phật giáo. Vào ngày 29 tháng 8 năm 1961, Quốc hội tuyên bố rằng Phật giáo là tôn giáo chính thức của quốc gia này, chủ yếu là do những nỗ lực của U Nu. Giết mổ bò chính thức bị cấm ở Miến Điện. Tuy nhiên, năm 1962 Ne Win, người kế vị U Nu, đã bãi bỏ những cấm đoán này và chấm dứt những nỗ lực để làm cho Miến Điện một quốc gia Phật giáo.

Có rất nhiều dân tộc thiểu số ở Miến Điện, chẳng hạn như người Kachins và Karens, cảm thấy bị gạt ra ngoài lề xã hội bởi những nỗ lực nâng Phật giáo lên hàng quốc giáo Hơn nữa, nhiều Phật tử cũng không tin rằng Phật giáo nên là một phần của một thể chế chính trị. Họ muốn Miến Điện là một xã hội đạo lý nhưng không muốn tôn giáo của họ bị áp đặt lên các công dân khác. Nhiều nhà sư muốn Phật Giáo độc lập, không lệ thuộc nhà nước, đã không liên kết với những ngôi chùa quốc doanh. Những nhà sư như thế đều không muốn dính líu đến Kaba Aye.

8. Vụ đánh bom năm 1996

Vào ngày 25 tháng 12 năm 1996, hai quả bom phát nổ tại chùa Kaba Aye và Động Maha Pasana, bên trong ngôi chùa này, giết chết năm người và làm bị thương 17 người khác. Vụ nổ ban đầu diễn ra tại chùa Kaba Aye lúc 8:20 tối nhưng không ai bị thương. Tuy nhiên, vụ nổ thứ hai nổ ra hai giờ sau đó đã gây tử vong và thương tích.

Cho đến nay, nhiều người vẫn cho rằng hai vụ nổ này đều là do chính quân đội Miến Điện gây ra nhằm có cớ đàn áp những người đối lập.

Việc xây dựng chùa Kaba Aye của U Nu, và vụ nổ năm 1996, theo ý kiến nhiều người, đều phản ảnh những nỗ lực muốn lèo lái Phật Giáo của các thế lực chính trị tại Miến Điện.
 
Suy Niệm với Đức Thánh Cha Phanxicô 13/11/2017: Câu chuyện các tu sĩ hiện về từ luyện ngục
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
14:36 13/11/2017
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Việc thanh luyện Giáo hội được bắt đầu nơi chính tâm hồn mỗi người.

Xây dựng Giáo hội, bảo vệ Giáo Hội, thanh tẩy Giáo hội. Ðó là ba điểm quan trọng Ðức Thánh Cha chia sẻ trong thánh lễ sáng thứ Năm mùng 9 tháng 11 tại nhà nguyện Marta.

Hôm nay kỷ niệm ngày Cung hiến Ðền Thờ Latêrano. Ðây là Vương Cung Thánh Ðường Roma, được mệnh danh là “Nhà Thờ Mẹ của tất cả các nhà thờ”. Danh hiệu này không phải là để tự hào nhưng để phục vụ và yêu thương.

Trước hết, Đức Thánh Cha nói về việc xây dựng Giáo hội; và ngài đặt câu hỏi nền móng của Giáo hội là gì? Đức Thánh Cha trả lời rằng đó chính là Chúa Giêsu Kitô.

Chúa Giêsu Kitô là đá tảng góc tường của tòa nhà Giáo hội. Nếu không có Chúa Giêsu Kitô thì không có Giáo hội. Tại sao lại thế? Tại vì nếu không có Chúa Giêsu thì làm gì có nền tảng, và như thế lấy đâu ra tòa nhà Giáo hội. Anh chị em thử nghĩ tới việc xây dựng một nhà thờ bằng vật chất mà xem. Nếu không có nền không có móng, thì làm sao xây được nhà. Không có móng, thì nhà sẽ sụp đổ. Cũng thế, nếu không có Chúa Giêsu Kitô sống trong Giáo hội, thì tòa nhà Giáo hội sẽ sụp đổ.

Đức Thánh Cha nói tiếp:

Còn chúng ta, chúng là là ai, chúng ta là gì? Chúng ta là những viên đá sống động, chúng ta không giống nhau, mỗi người mỗi khác, và đó chính là sự đa dạng phong phú của Giáo hội. Mỗi người chúng ta xây dựng Giáo hội tùy theo ơn Chúa ban. Chúng ta không thể nghĩ về một Giáo hội mà chỉ có một kiểu một dạng. Không, không phải thế, không có Giáo hội theo kiểu đồng phục.

Tiếp đến là việc bảo vệ Giáo hội. Chúng ta cần ý thức rằng Thần Khí Thiên Chúa ở trong chúng ta, hoạt động trong chúng ta.

Ngày nay có biết bao Kitô hữu biết Chúa Giêsu Kitô là ai, họ biết Chúa Cha là ai, bởi vì họ cầu nguyện với Cha của chúng ta, cầu nguyện bằng Kinh Lạy Cha. Nhưng khi nói về Chúa Thánh Thần, thì người ta nói: “Vâng, vâng... à thì Ngài tựa chim bồ câu, tựa chim bồ câu” và rồi dừng lại tại đó. Thế mà Chúa Thánh Thần chính là sức sống của Giáo hội, là sức sống của cuộc đời anh chị em, là sức sống của cuộc đời tôi. Chúng ta là Ðền Thờ của Chúa Thánh Thần và chúng ta phải yêu mến Chúa Thánh Thần. Ðến nỗi thánh Phaolô khuyên các tín hữu rằng chớ làm phiền lòng Chúa Thánh Thần. Ðiều ấy có nghĩa là chúng ta đừng có những hành vi trái với sự hòa hợp mà Chúa Thánh Thần đang thực hiện trong chúng ta và trong Giáo hội. Ngài là Ðấng tạo nên sự hòa hợp trong tòa nhà Giáo hội.

Trong phần kết luận Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng

Việc thanh luyện Giáo hội được bắt đầu nơi chính tâm hồn mỗi người chúng ta.

Tất cả chúng ta đều là những kẻ tội lỗi. Tất cả. Tất cả chúng ta. Nếu ai giữa anh chị em mà không có tội, xin hãy giơ tay lên, bởi vì có lẽ đó sẽ là một điều lạ lùng vui thú đấy. Tất cả chúng ta đều là tội nhân. Ðó là lý do mà mỗi người chúng ta phải liên tục thanh tẩy chính mình. Khi thanh tẩy chính mình, khi thanh luyện chính mình, chúng ta cũng góp phần thanh luyện cộng đoàn giáo phận, cộng đoàn Kitô hữu, cộng đoàn Giáo hội phổ quát. Và khi làm được điều ấy, chúng ta góp phần làm cho Giáo hội phát triển.

2. Câu chuyện các tu sĩ hiện về từ luyện ngục

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Nhân tháng các linh hồn, Như Ý xin thuật thêm một câu chuyện nữa do chính cha Thánh Piô Năm Dấu Thánh kể.

Câu chuyện này xảy ra vào buổi tối tháng 2 năm 1922, nơi Tu Viện San Giovanni Rotondo. Cha Pio kể lại như sau:

Tối hôm ấy tôi xuống phòng chung nơi có đốt lửa để sưởi. Bỗng tôi trông thấy 4 tu sĩ, chưa bao giờ gặp, đang ngồi chung quanh ngọn lửa, đầu phủ mũ cappuccio và giữ thinh lặng. Tôi cất tiếng chào: “Laudetur Gesù Cristo - Ngợi khen Đức Chúa Giêsu Kitô”, nhưng không ai trả lời. Ngạc nhiên, tôi chăm chú nhìn kỹ 4 tu sĩ để xem họ là ai thì thấy rằng đó là 4 tu sĩ lạ, tôi chưa từng bao giờ gặp. Cùng lúc, tôi có cảm tưởng các tu sĩ này đang chịu đau khổ. Tôi lập lại lời chào, vẫn không ai trả lời. Tôi trở lên phòng Cha coi nhà khách và hỏi xem có tu sĩ khách nào đến Tu Viện không. Nghe vậy, Cha Bề Trên, lúc ấy là Cha Lorenzo da San Marco in Lamis trả lời ngay:

- Cha Pio à, đâu có tu sĩ khách nào đến đây vào một đêm đông tuyết lạnh như thế này!

Tôi nói với Cha coi nhà khách:

- Cha à, có 4 tu sĩ ngồi sưởi nơi phòng chung. Tôi cất tiếng chào nhưng không ai trả lời. Tôi nhìn kỹ thì thấy đó là các tu sĩ lạ!

Cha coi nhà khách nói:

- Có lẽ khách lạ đến mà tôi không biết chăng? Vậy chúng ta cùng xuống xem!

Khi chúng tôi trở lại phòng chung thì không còn ai. Phòng chung vắng lặng như tờ.

Tôi hiểu ngay đây là 4 tu sĩ quá cố, đang làm việc đền tội nơi xưa kia họ xúc phạm đến Thiên Chúa. Tôi thức trắng suốt đêm đó để cầu nguyện trước Chúa Giêsu Thánh Thể và xin Chúa cho 4 tu sĩ sớm được giải thoát khỏi chốn Luyện Hình và về Thiên Đàng vui hưởng Nhan Thánh Chúa.... “Từ vực thẳm, con kêu lên Ngài, lạy Chúa, muôn lạy Chúa, xin Ngài nghe tiếng con. Dám xin Ngài lắng tai để ý nghe lời con tha thiết nguyện cầu. Ôi lạy Chúa, nếu như Ngài chấp tội, nào có ai đứng vững được chăng? Nhưng Chúa vẫn rộng lòng tha thứ để chúng con biết kính sợ Ngài. Mong đợi Chúa, con hết lòng mong đợi, cậy trông ở lời Người. Hồn con trông chờ Chúa, hơn lính canh mong đợi hừng đông. Hơn lính canh mong đợi hừng đông, trông cậy Chúa đi, Israel hỡi, bởi Chúa luôn từ ái một niềm, ơn cứu chuộc nơi Người chan chứa. Chính Người sẽ cứu chuộc Israel cho thoát khỏi tội khiên muôn vàn”

3. Bí tích Thánh Thể là trọng tâm đời sống Giáo Hội

Các Bí Tích, đặc biệt là việc cử hành Thánh Thể đáp ứng ước mong trông thấy Chúa Kitô, sờ mó Ngài và hiểu biết Ngài hơn. Chúng là các dấu chỉ tình yêu thương của Thiên Chúa và là các con đường đặc ân giúp chúng ta gặp gỡ Ngài.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với hàng chục ngàn tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi gặp gỡ chung sáng thứ tư hàng tuần hôm 8 tháng 11. Ngài nhấn mạnh rằng lòng ngài buồn vô hạn khi thấy có quá nhiều người chụp hình trong các thánh lễ.

Giải thích đoạn Phúc Âm thánh Gioan chương 6 viết rằng: “Thật, tôi bảo thật các ông, ai tin thì được sự sống đời đời. Tôi là bánh trường sinh. Tổ tiên các ông đã ăn man-na trong sa mạc, nhưng đã chết. Còn bánh này là bánh từ trời xuống, để ai ăn thì khỏi phải chết. Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống”, Đức Thánh Cha cho biết ngài bắt đầu một loạt giáo lý mới về Bí Tích Thánh Thể, là trọng tâm của cuộc sống Giáo Hội. Kitô hữu cần phải hiểu biết rõ ràng giá trị và ý nghĩa của Thánh Lễ để luôn sống một cách tràn đầy hơn tương quan của mình với Thiên Chúa. Nêu bật tầm quan trọng của Thánh Lễ Đức Thánh Cha nói:

Chúng ta không thể quên con số lớn lao tín hữu kitô trên toàn thế giới trong hai ngàn năm lịch sử, đã kháng cự tới chết để bênh vực Thánh Thể, và biết bao nhiêu người cả ngày nay nữa liều mạng sống để tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật. Vào năm 304 dưới thời hoàng đế Diocleziano bắt đạo, có một nhóm kitô hữu ở Bắc Phi đã bị bắt thình lình trong khi họ đang cử hành Thánh Lễ trong một căn nhà. Trong cuộc hỏi cung quan tổng tài Roma hỏi họ tại sao lại làm điều đó, khi biết nó bị cấm triệt để. Họ đã trả lời: “Không có Chúa Nhật chúng tôi không thể sống được”, có nghĩa là nếu chúng tôi không thể cử hành Thánh Thể, chúng tôi không thể sống, cuộc sống kitô của chúng tôi sẽ chết.

Thật thế, Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ Ngài rằng: “Nếu anh em không ăn thịt Con Người và không uống máu Người, anh em không có sự sống. Ai ăn thịt Ta và uống Máu ta thì có sự sống vĩnh cửu và Ta sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết” (Ga 6,53-54).

Các kitô hữu Bắc Phi này đã bị giết vì cử hành Thánh Thể. Họ đã làm chứng rằng người ta có thể khước từ cuộc sống trần gian vì Thánh Thể, bởi vì Thánh Thể trao ban cho chúng ta sự sống đời đời, bằng cách khiến cho chúng ta thông phần vào chiến thắng của Chúa Kitô trên cái chết. Đây là một chứng tá gọi hỏi chúng ta tất cả, và đòi một câu trả lời liên quan tới ý nghĩa việc từng người trong chúng ta tham dự Hy tế Thánh Lễ và tiến tới Bàn Thánh của Chúa.

Chúng ta đang tìm về suối nguồn “vọt lên nước hằng sống” cho cuộc đời vĩnh cửu, khiến cho cuộc sống chúng ta trở thành một hy lễ tinh thần của việc chúc tụng và tạ ơn, và làm cho chúng ta trở thành một thân thể duy nhất với Chúa Kitô. Đó là ý nghĩa sâu xa của Thánh Thể, có nghĩa là tạ ơn. Thánh Thể, Eucaristia, có nghĩa là tạ ơn: tạ ơn Thiên Chúa Cha, Con và Thánh Thần, lôi cuốn chúng ta và biến đổi chúng ta trong sự hiệp thông tình yêu của Ngài.

Trong các bài giáo lý tới tôi sẽ trả lời vài câu hỏi quan trọng liên quan tới Thánh Thể và Thánh Lễ, để tái khám phá ra hay khám phá ra qua mầu nhiệm này của đức tin tình yêu của Thiên Chúa rạng ngời như thế nào.

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói: Công Đồng Chung Vaticăng II đã được linh hoạt một cách mạnh mẽ bởi ước mong dẫn đưa các kitô hữu tới chỗ hiểu biết sự cao cả của đức tin và vẻ đẹp của việc gặp gỡ Chúa Kitô. Vì thế trước tiên, với sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, cần hiện thực một việc canh tân Phụng vụ thích hợp, bởi vì Giáo Hội liên tục sống nhờ Thánh Thể và canh tân nhờ Thánh Thể.

Có một đề tài chính mà các Nghị Phụ đã nhấn mạnh đó là việc đào tạo phụng vụ cho các tín hữu, là điều không thể thiếu đối với một việc canh tân đích thực. Và đây cũng chính là mục đích của loạt bài giáo lý chúng ta bắt đầu hôm nay: lớn lên trong việc hiểu biết ơn cao cả Thiên Chúa đã ban cho chúng ta trong Bí Tích Thánh Thể. Đức Thánh Cha định nghĩa Thánh Thể như sau:

Thánh Thể là một biến cố tuyệt diệu trong đó Chúa Giêsu Kitô, sự sống của chúng ta, hiện diện. Tham dự Thánh Lễ “là sống một lần nữa cuộc khổ nạn và cái chết cứu chuộc của Chúa. Đó là một sự hiển linh: Chúa hiện diện trên bàn thờ để được hiến dâng cho Thiên Chúa Cha cho ơn cứu độ của thế giới” (Bài giảng Thánh Lễ, Nhà trọ Thánh Marta, 10-2-2014). Chúa ở đó với chúng ta, Ngài hiện diện. Nhưng biết bao lần chúng ta đến đó, chúng ta nhìn các sự việc, chúng ta nói chuyện bép xép với nhau, trong khi linh mục cử hành Thánh Thể… Nhưng chúng ta không cử hành gần Ngài. Nhưng đó là Chúa!

Nếu hôm nay tổng thống Cộng hoà hay vài nhân vật rất quan trọng trên thế giới đến đây, thì chắc chắn là mọi người chúng ta sẽ gần gữi ông, sẽ đến chào ông. Nhưng hãy nghĩ coi: khi bạn đi tham dự Thánh Lễ, có Chúa ở đó! Thế mà bạn lại lo ra, quay qua quay lại… Đó là Chúa! Chúng ta phải nghĩ tới điều này! “Thưa cha, vì các thánh lễ nhàm chán quá! – “Mà bạn nói gì thế, rằng Chúa là nhàm chán à!” – “ Không, không. Thánh Lễ không, các linh mục thì có”. Ôi, ước chi các liinh mục hoán cải, nhưng mà Chúa ở đó nhé! Anh chị em đã hiểu chưa? Xin đừng quên điều ấy! Tham dự Thánh Lễ “là sống một lần nữa cuộc khổ nạn và cái chết cứu chuộc của Chúa”

Giờ đây chúng ta hãy đặt cho mình vài câu hỏi đơn sơ. Thí dụ, tại sao ta làm dấu thánh giá và có cử chỉ sám hối ở đầu Thánh Lễ? Một câu hỏi. Và ở đây tôi muốn mở một dấu ngoặc. Anh chị em đã trông thấy các em bé làm dấu thánh giá như thế nào chưa? Bạn không biết chúng làm gì, không biết đó là dấu thánh giá hay hình vẽ gì. Chúng làm như thế này này… Mà phải học chứ, phải dậy cho trẻ em làm dấu thánh giá hẳn hoi, và Thánh Lễ bắt đầu như vậy, cuộc sống bắt đầu như vậy, ngày sống bắt đầu như vậy. Điều này có nghĩa là chúng ta được cứu chuộc với thập giá của Chúa. Anh chị em hãy nhìn các trẻ em và dậy chúng làm dấu thánh giá hẳn hoi. Và các bài đọc trong Thánh Lễ, tại sao chúng ở đó. Tại sao ngày Chúa Nhật có ba bài đọc và các ngày khác lại chỉ có hai bài đọc thôi? Tại sao chúng ở đó? Bài đọc Thánh Lễ có ý nghĩa gì? Tại sao lại đọc chúng, chúng có liên quan gì? Hay tại sao tới một lúc nào đó vị linh mục chủ sự buổi cử hành nói: “Hãy nâng tâm hồn lên?”. Ngài không nói hãy giơ điện thoại di động lên để chụp hình nhé! Không. Đây là điều xấu! Và tôi xin nói, tôi rất buồn khi cử hành Thánh Lễ tại quảng trường này hay trong Đền thờ và trông thấy biết bao nhiều điện thoại di động giơ lên, không phải chỉ các tín hữu, mà cả vài linh mục và cả giám mục nữa. Tôi xin anh chị em. Thánh Lễ không phải là một cuộc trình diễn: đó là việc đi gặp gỡ cuộc khổ nạn, sự phục sinh của Chúa. Chính vì thế linh mục mới nói: “Hãy nâng tâm hồn chúng ta lên!”. Điều này có nghĩa là gì? Xin anh chị em hãy nhớ: không phải giơ điện thoại di động lên đâu nhé!

Thật rất quan trọng trở về với các nền tảng, tái khám phá ra điều nòng cốt, qua điều chúng ta sờ mó và trông thấy trong việc cử hành các Bí Tích. Lời tông đồ Tôma xin (x.Ga 20,25) được trông thấy và sờ vào các vết đanh trên thân xác Chúa Giêsu, là ước mong, trong một cách thức nào đó có thể “sờ mó” Thiên Chúa để tin nơi Ngài. Điều thánh Tôma xin Chúa là điều chúng ta tất cả cần đến: đó là trông thấy Chúa và sờ mó Chúa và có thể nhận biết Ngài. Các Bí Tích đáp trả lại đòi hỏi ấy của con người. Các Bí Tích, và một cách đặc biệt việc cử hành Thánh Thể, là các dấu chỉ tình yêu của Thiên Chúa, là các con đường đặc ân giúp chúng ta gặp gỡ Ngài.

Như thế, qua các bài giáo lý, mà hôm nay chúng ta bắt đầu, tôi muốn cùng anh chị em tái khám phá ra vẻ đẹp dấu ẩn trong việc cử hành Thánh Thể, và một khi được vén mở nó trao ban ý nghĩa tràn đầy cho cuộc sống của từng người trong chúng ta. Xin Đức Mẹ đồng hành với chúng ta trên đoạn đường mới này.

4. Nếu đánh mất khả năng cảm nhận tình yêu thương, anh chị em sẽ đánh mất tất cả.

Ðừng đánh mất khả năng yêu thương, bởi vì nếu đánh mất khả năng cảm nhận rằng mình được yêu thương, thì anh chị em sẽ đánh mất tất cả. Ðức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng thứ Ba mùng 7 tháng 11 tại nhà nguyện Marta.

Trong bài Tin Mừng theo thánh Luca (Lc 14,15-24), Chúa Giêsu kể cho chúng ta nghe dụ ngôn minh họa cho lời chúc phúc: “Phúc cho kẻ được ăn tiệc trong Nước Thiên Chúa!”. Ðó là dụ ngôn về việc các thực khách được mời dự tiệc. Chúa khuyên chúng ta hãy mời đến dự tiệc tất cả những ai không có khả năng mời lại chúng ta.

Có một người dọn tiệc linh đình và mời nhiều người tới dự. Nhưng những người được mời đều không muốn tới dự tiệc, cũng không thích thú gì chủ nhà, và cũng chẳng đoái hoài gì đến lời mời của Chủ. Họ hành xử như thế, bởi lẽ đối với họ, lợi lộc lợi ích quan trọng hơn lời mời. Trong số họ, kẻ thì bận đi xem đất, kẻ thì bận mua bò, kẻ thì nói là do mới cưới vợ. Thực tế, điều quan trọng đối với họ là có thể kiếm lợi được gì, có thể sở hữu được gì. Họ bận rộn giống như ông phú hộ lo lắng tích trữ kho tàng rồi chết đi ngay trong đêm.

Đức Thánh Cha nói:

Họ bị ràng buộc, bị lệ thuộc vào các lợi lộc đến nỗi đóng cửa lòng trước Thần Khí. Và như thế, họ không thể hiểu được tính vô vị lợi của lời mời. Nếu không hiểu được tính vô vị lời của lời mời của Thiên Chúa, thì anh chị em chẳng thể hiểu gì cả. Lời mời của Thiên Chúa luôn luôn là vô vị lợi. Nhưng mà, để được dự bàn tiệc này thì phải trả giá nào? Tấm vé vào cửa là dành cho những người đau ốm, những người nghèo, những kẻ tội lỗi. Có thể đối với anh chị em, họ bị gạt ra bên ngoài cửa, nhưng kỳ thực, vé vào cửa là dành cho những ai cần được chữa lành cả thể lý lẫn tâm hồn. Tấm vé là dành cho những ai cần được chăm sóc, cần được chữa bệnh, cần tình yêu mến

Như thế, có hai điều ở đây. Một mặt, Thiên Chúa không đòi hỏi gì hết, mà Ngài nói với các đầy tớ đi mời tất cả những ai nghèo đói, tàn tật, đau ốm, cả tốt lẫn xấu vào dự tiệc. Vé vào cửa là miễn phí và không giới hạn. Thiên Chúa đón tiếp mọi người, Ngài đón nhận tất cả chẳng trừ một ai. Nhưng mặt khác, những người đã được mời trước, lại không hiểu được tính vô vị lợi trong lời mời của chủ tiệc. Họ giống như người anh trai cả trong dụ ngôn người con hoang đàng. Anh không muốn đến dự tiệc do người cha mở ra để đón mừng người em trở về. Anh ta hiểu lầm người cha.

Như người anh cả, chúng ta có thể hỏi rằng: “Nhưng mà thằng đó đã tiêu xài hết tiền bạc, xài hết cả phần thừa kế, nó lại còn ăn chơi tội lỗi nữa, cớ gì tôi phải vào dự tiệc với nó?” Chúng ta cũng có thể nói rằng: “Tôi là một người Công Giáo, thực hành đạo đàng hoàng. Tôi đi lễ mỗi Chúa Nhật. Tôi hoàn thành các bổn phận. Chẳng lẽ tôi không được gì?” Nếu chúng ta tiếp tục nghĩ như thế, chúng ta chẳng hiểu gì về tính nhưng không, tính vô vị lợi của ơn cứu độ. Chúng ta cứ nghĩ rằng, ơn cứu độ là kết quả của những việc ta làm. Ta cứ nghĩ rằng, ta đã trả giá để mua ơn cứu độ. Ta cứ nghĩ rằng, ta đã trả giá điều này, trả giá điều kia, trả giá điều nọ. Không. Không phải thế. Vì ơn cứu độ là ơn nhưng không! Nếu anh chị em không hiểu được điều này. Nếu anh chị em không hiểu được đặc tính nhưng không, đặc tính vô vị lợi của ơn cứu độ, thì anh chị em chẳng hiểu gì cả. Ơn cứu độ là quà tặng Thiên Chúa trao ban, và để đáp lại, chúng ta cần đáp lại ơn ấy với tất cả tấm lòng.

Tuy nhiên có những người luôn nghĩ tới lợi ích này nọ, lợi lộc riêng này kia. Với họ, khi có món quà này, ngay lập tức họ nghĩ tới món quà khác, nghĩ theo kiểu ăn đi trả lại, nghĩ theo kiểu trao đổi. Dịp này, tôi tặng anh món quà này, và dịp khác, anh sẽ tặng lại tôi món qua khác.

Ðối với Thiên Chúa thì khác, Ngài không đòi hỏi bất cứ điều gì. Ðối với Ngài, chỉ có tình yêu thương và lòng thành tín. Bởi vì Ngài là tình yêu và mãi mãi trung thành. Ơn cứu độ không phải là điều gì đó để mua bán đổi chác. Ơn cứu độ là lời mời gọi nhưng không mà Thiên Chúa dành cho chúng ta. Ngài mời chúng ta vào dự tiệc Nước Thiên Chúa. Phúc cho những ai được dự tiệc Nước Thiên Chúa. Ðó chính là ơn cứu độ.

Thế nhưng có những người không sẵn lòng để vào dự tiệc, vì họ muốn cảm thấy mình an toàn, vì họ đánh mất đi ý nghĩa của tính nhưng không, đánh mất ý nghĩa của đặc tính vô vị lợi. Và như thế, nếu như có thể nói, con đường của tình yêu thương là điều đẹp nhất; thì cũng có thể nói, điều xấu xa nhất là đánh mất khả năng yêu thương và đánh mất khả năng cảm nhận mình được yêu thương.

Đức Thánh Cha kết thúc bài giảng với lời cảnh cáo sau:

Tôi không nói rằng, anh chị em có thể đánh mất khả năng yêu thương, bởi lẽ khả năng yêu thương tự nó có thể phục hồi. Nhưng tôi nói rằng, khi anh chị em đánh mất khả năng cảm nhận tình yêu thương, thì anh chị em không còn có hy vọng, và khi ấy anh chị em đánh mất tất cả. Chúng ta cần suy ngẫm điều này trước Chúa: “Lạy Chúa, tại sao Chúa lại nói với chúng con rằng, Chúa muốn chúng con ở đầy trong nhà Chúa!” Chúa chúng ta thật vĩ đại, vì Ngài là Ðấng yêu thương vô cùng, Ngài muốn nhà của Ngài rộng mở vô vị lợi cho tất cả mọi người. Chúng ta hãy nài xin Chúa ban cho ta ơn có khả năng cảm nhận mình được yêu thương.
 

© 2025 - VietCatholic News - Designed by VietCatholic News