Ngày 12-11-2019
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thi ca suy niệm Chúa Nhật tuần 33C thường niên
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
09:12 12/11/2019
Chúa Nhật 33 THƯỜNG NIÊN. C
(Luca 21: 5-19)
NGÀY SẼ ĐẾN


Trầm trồ khen ngợi đền thờ,
Trang hoàng đá quí, không ngờ phá tan.
Giê-su báo trước ngày tàn,
Đá tường bình địa, kêu than thấu trời.
Chừng nào biến cố tới nơi?
Dấu nào nhận biết, những lời Thầy đây.
Coi chừng lừa dối bao vây,
Mạo danh Chúa đến, để gây ưu phiền.
Chiến tranh loạn lạc mọi miền,
Các con đừng sợ, thiên nhiên chuyển vần.
Xảy ra động đất xa gần,
Trên trời điềm lạ, từng phần xảy ra.
Mọi nơi ôn dịch mưa sa,
Con người đói khát, sa đà chiến tranh.
Ngục tù bắt bớ tranh dành,
Hội đường cấm cách, phạm danh Chúa Trời.
Quan quyền uy hiếp người đời,
Chứng nhân sự thật, gọi mời hy sinh.
Cầu xin ân sủng Thánh Linh,
Khôn ngoan đối đáp, bình sinh an hòa.

Bước gần vào cuối năm Phụng vụ, Giáo Hội cho chúng ta nghe bài Phúc âm về những sự sẽ xảy ra ngày cuối đời. Chúa Giêsu tiên báo về ngày sụp đổ của Thành Thánh Giêrusalem. Chúa phán rằng: Những gì các con nhìn ngắm đây, sau này sẽ đến ngày không còn hòn đá nào mà chẳng bị tàn phá. Thành Giêrusalem đã bị phá đổ và cháy rụi vào năm 70 sau Công Nguyên. Nhiều người đương thời muốn biết dấu chỉ để nhận ra ngày đó. Chúa chỉ nhắc nhở: Các con hãy ý tứ kẻo bị người ta lừa dối.

Tòa Soạn tờ báo Tiếng Chuông, tại New Jersey, có một bài viết về Ngày tận thế đã được khẳng định. Họ là những chuyên viên Kinh Thánh và Mục sư, học giả cho rằng ngày tận thế sẽ là ngày 31 tháng 12 năm 1999. Đây không phải là lần đầu tiên người ta tiên báo về ngày tận thế. Ngày đó đã qua hơn 15 năm vẫn chưa thấy gì xảy ra. Chúng ta đã nghe biết bao lời sấm, tiên báo về ngày cùng tận nhưng thời gian vẫn cứ trôi và trái đất vẫn xoay tròn tiếp tục. Vậy ngày tận thế bao giờ sẽ đến? Câu hỏi lôi cuốn rất nhiều người muốn tò mò tìm xem để biết về tương lai. Ngày đó chắc chắn sẽ đến. Chúng ta không biết ngày nào và giờ nào. Chưa xảy ra nhưng sẽ xảy ra, ngày đó không ai biết trước.

Việc quan trọng mà Chúa muốn chúng ta là luôn ở trong tư thế sẵn sàng. Nếu chúng ta chuẩn bị tâm hồn và sẵn sàng thì ngày tận thế sẽ là ngày đang mong đợi để kết hợp với Chúa. Truyện kể: Có một ông cụ ngoài 70 tuổi đang trên giường bệnh đau đớn chờ chết. Tâm hồn không được thanh thản, ông dằn vặt, lo lắng và không tâm sự được. Qua những cuộc viếng thăm và an ủi, ông đã lên tiếng phá vỡ bầu khí yên lặng, ông nói rằng: Ngày trước, khi tôi còn trẻ, tôi thường chơi ở cánh đồng gần giao lộ. Nơi đó có tấm bảng chỉ đường, tôi thường nghịch xoay các bảng chỉ đường làm biết bao nhiêu người đã bị lạc và nguy hiểm. Còn nhiều việc khác nữa, tôi đã làm gương mù, gương xấu cho con cháu qua cách sống của tôi, Giờ đây tôi hối hận. Không biết bao nhiêu người vì tôi mà đã bị lầm lạc trong cuộc sống.

Điều quan trọng không phải là ngày nào hay giờ nào tận thế đến, nhưng là chúng ta có sẵn sàng để đón Chúa đến hay không. Lạy Chúa, xin Chúa cho chúng con tỉnh thức và sẵn sàng để bất cứ khi nào Chúa đến, chúng con sẽ sẵn sàng cầm đèn cháy sáng trong tay chờ đợi Chúa.

THỨ HAI, TUẦN 33 THƯỜNG NIÊN
(Lc 18, 35-43).
MẮT SÁNG


Người mù nghe ngóng xôn xao,
Vệ đường hành khất, biết bao khổ sầu.
Đám đông liền hỏi đôi câu,
Chuyện gì xảy đến, ngõ hầu khấn van.
Giê-su Đức Chúa thương ban,
Anh liền kêu lớn, hỏi han thưa Thầy,
Xin Ngài thương xót con đây,
Bao năm mù tối, bao vây cuộc đời.
Cho con xem thấy đất trời,
Chúa Giê-su bảo, mắt thời mở ra.
Lòng tin cứu chữa người ta,
Mắt anh lập tức, ánh pha rạng ngời.
Khấu đầu ca tụng Chúa Trời,
Hồn trong mắt sáng, ngàn đời suy tôn.
Toàn dân kinh ngạc vọng đồn,
Quyền năng cao cả, kính tôn Vua Trời.

THỨ BA, TUẦN 33 THƯỜNG NIÊN
(Lc 19, 1-10).
THU THUẾ


Một người tên gọi Gia-kêu,
Làm nghề thu thuế, dám liều trèo cây.
Ông ta thủ lãnh bậc thầy,
Giầu sang phú quí, tiền đầy bạc dư.
Mong tìm xem Chúa nhân từ,
Chạy nhanh đến trước, ngắm từ cây sung.
Ngang qua Chúa ngó quanh vùng,
Thấy ông trên đó, hòa chung tâm tình.
Hôm nay Ta muốn độ sinh,
Ghé thăm lưu lại, thật tình cảm thông.
Bao ngày Chúa vẫn đợi trông,
Vui mừng đón tiếp, đám đông phàn nàn.
Sao Thầy đến trọ cửa quan,
Một người tội lỗi, lạm càn thuế thu.
Ông thưa con sẽ đền bù,
Nửa phần bố thí, gây thù xin tha.

THỨ TƯ, TUẦN 33 THƯỜNG NIÊN
(Lc 19, 11-28).
NÉN BẠC


Dụ ngôn Chúa dạy hôm nay,
Có người qúi tộc, tới ngày đi xa.
Phong vương cai trị dân ta,
Gọi mời tôi tớ, phân ra gia tài.
Chín người nén bạc miệt mài,
Ra công gắng sức, gấp hai tiền lời.
Mỗi người mỗi nén vào đời,
Tận tâm chịu khó, gọi mời lập công.
Vua khen đầy tớ thưởng công,
Quản cai thành thị, non sông góp phần.
Có người lười biếng nợ nần,
Dèm pha chống đối, đến gần kêu ca.
Là người hà khắc rầy la,
Không gieo đòi gặt, thật là oái oan.
Khốn thay những kẻ đa đoan,
Diệt trừ kẻ nghịch, lăng loàn xấu xa.

THỨ NĂM, TUẦN 33 THƯỜNG NIÊN
(Lc 19, 41-44).
THÀNH THÁNH


Thương Thành, Thầy khóc ủi an,
Giê-ru-sa-lém sẽ tàn,
Bây giờ lộng lẫy, ngập tràn vinh quang.
Mai ngày phá đổ tan hoang,
Hòa bình sứ điệp, không màng lắng nghe.
Mắt ngươi phủ kín bao che,
Chối từ Thiên Tử, vào bè chống nhau.
Vào ngày tai họa trước sau,
Quân thù đắp lũy, thương đau đổ dồn.
Vây ngươi siết chặt mồ chôn,
Phá tan bình địa, tiền môn chẳng còn.
Lòng người u uất héo hon,
Gia đình tan tác, bồ hòn đắng cay.
Không còn hòn đá xếp ngay,
Rụi tàn thiêu hủy, tới ngày khóc than.
Vì ngươi không nhận ân ban,
Con Người thăm viếng, chứa chan phúc lành.

THỨ SÁU, TUẦN 33 THƯỜNG NIÊN
(Lc 19, 45-48).
ĐỀN THỜ


Đền thờ Chúa ngự cao sang,
Là nơi cầu nguyện, khói nhang kính thờ.
Các người buôn bán đợi chờ,
Đổi trao súc vật, bạc cờ đỏ đen.
Gian tham lừa lật bon chen,
Đấu tranh cãi vã, hư hèn trí tâm.
Nhà Cha, trộm cắp, lỗi lầm,
Biến thành sào huyệt, âm thầm dối gian.
Chúa thường rao giảng diễn đàn,
Trong Đền giảng dậy, ơn ban chữa lành.
Các thầy Thượng Tế phàn nàn,
Hội đồng Kỳ Lão, làm càn tẩy chay.
Ghen tuông thù ghét trả vay,
Gây phiền ám hại, đợi ngày triệt tiêu.
Dân lành ngưỡng mộ tín điều,
Thành tâm tôn kính, huyền siêu ơn Trời.

THỨ BẢY, TUẦN 33 THƯỜNG NIÊN
(Lc 20, 27-40).
SỐNG LẠI


Các Thầy Sa-đốc không tin,
Chối từ sống lại, mải nhìn đời nay.
Truyện đời so sánh nơi này,
Lấy chồng gả vợ, phúc may sống đời.
Anh em nối dõi gọi mời,
Người anh lỡ chết, em thời gả theo.
Bảy người tiếp nối giá treo,
Cùng nhau một vợ, thể theo luật truyền.
Mọi người đều chết vô duyên,
Không con nối dõi, thề nguyền giống tông.
Một bà mà cưới bảy chồng,
Qua đời thiếu phụ, chẳng trông mong gì.
Tới ngày sống lại uy nghi,
Ai là chồng vợ, phụ tùy qua mau.
Con người sống lại đời sau.
Không còn chồng vợ, giống nhau Thiên Thần.
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:20 12/11/2019

80. Chúng ta đều là những người yếu đuối, nhưng bạn nên nghĩ rằng không có ai yếu đuối hơn bạn.

(sách Gương Chúa Giê-su)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:24 12/11/2019
60. VƯƠNG TƯ BỒN CHỒN

Thời Tam Quốc, quan tư nông Vương Tư của nước Ngụy, có tính rất là bồn chồn.

Có lần viết chữ, ruồi vu vu bay tới đậu đầy trên nghiên mực, ông ta cầm bút huơ huơ đuổi đi thì chập sau chúng nó lại bay tới quấy rầy, năm lần bảy lượt đều như thế.

Thế là ông ta bèn rút cây kiếm ra chém đầu ruồi nhưng không đạt mục đích, ông ta rất phẫn nộ liệng bút lông xuống đất dùng chân giẫm nát.

(Cổ kim tiếu sử)

Suy tư 60:

Tính bồn chồn rất không thích hợp với những người có trách nhiệm lớn, bởi vì bồn chồn thì sinh ra hấp tấp và thường đi đến những quyết định hấp tấp không hiệu quả, và có khi làm hỏng việc lớn.

Có người khi bồn chồn lo lắng thì hết trách người này đến chửi người nọ; có người khi bồn chồn thì đi lui đi tới không yên và thường hay giậm chân giựt tóc mình… tất cả những hành động ấy đều nói lên một tâm hồn…bồn chồn, chẳng khác gì Vương Tư rút kiếm chém đầu con ruồi.

Cái bồn chồn lo lắng của người Ki-tô hữu là:

- Bồn chồn lo lắng khi mình phạm tội.

- Bồn chồn lo lắng khi trong họ đạo mình có nhiều tệ nạn xảy ra, có nhiều con chiên không thèm trở về ràn chiên.

- Bồn chồn lo lắng khi có người anh em bệnh nặng chưa chữa trị kịp thời.

- Bồn chồn lo lắng khi con cái của người bên cạnh nhà hôm nay không có gì ăn cả.

- Bồn chồn lo lắng khi con cái mình càng ngày càng hư đi, theo bạn bè xấu, không thích đến nhà thờ…


Người có những bồn chồn lo lắng trên đây rất đáng chọn làm người lãnh đạo, bởi vì họ có một tâm hồn phục vụ vô vị lợi, một tinh thần vì lợi ích của mọi người…

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


-----

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Các Thánh Tử Đạo Việt Nam
Lm JB Nguyễn Minh Hùng
21:06 12/11/2019

Ngày 17.11.2019, Chúa nhật thứ XXXIII thường niên

Hội Thánh tại Việt Nam, kể từ buổi bình minh rao truyền Tin Mừng, dù chẳng bao giờ mất ơn bình an nội tâm, vẫn chưa bao giờ có một ngày bình yên trong tương quan với xã hội trần thế.

Các Kitô hữu, dù luôn thể hiện tinh thần hiếu hòa, vẫn chưa một ngày tự do hoàn toàn trong việc trung thành thờ phượng Thiên Chúa, chưa bao giờ có tự do tôn giáo đúng nghĩa.

Tuy nhiên, Hội Thánh của Chúa Kitô tại mảnh đất hình chữ S này, dù phải trải qua muôn ngàn lao khổ và phải đối đầu cùng vô số sức chống đối, vẫn mạnh mẽ tuyên xưng đức tin của mình, vẫn trung thành với lòng kính thờ Chúa đến ngày nay và sẽ còn mãi về sau.

Chỉ là một Hội Thánh còn non trẻ, chỉ được khai sinh khoảng 500 năm, nhưng Hội Thánh tại Việt Nam đã tự hào vượt lên trên mọi đầu sóng ngọn gió, dù nguy hiểm nhất, dữ dằn nhất, để có được cả một bề dày kinh nghiệm giữ lấy đức tin cho đức tin ngày một tinh ròng đến muôn đời sau.

Tất cả là nhờ ơn Chúa, tất cả là do sự linh hoạt mạnh mẽ của Chúa Thánh Thần.

Theo sử liệu, hạt giống đức tin được ghi nhận trên đất Việt với sự hiện diện của một thừa sai là giáo sỹ Inikhu vào năm 1533. Hạt giống ấy trổ sinh kết quả khởi đi từ cái chết vì đạo tiên khởi của Thầy giảng Anrê Phú Yên năm 1644. Từ đấy, khai màu cho cả một dòng máu Tử đạo không ngơi nghỉ, cứ chảy mãi, chảy mãi đến hôm nay.

Có nhiều lý do dẫn đến sự bách hại Hội Thánh:

- Các định chế hay thể chế, một mặt, không ít thì nhiều, đều tỏ ra dè dặt, tỏ ra hồ nghi đời sống đức tin của các Kitô hữu và biểu hiện của đời sống ấy.

Mặt khác, họ sợ ảnh hưởng của Hội Thánh, vì Hội Thánh có sức mạnh tinh thần, sức mạnh của một lối sống thuộc về linh thánh.

- Nhiều nơi, nhiều người nắm giữ quyền hành lại tỏ ra ghen tương, đố kỵ, hiểu lầm, nhiều lý do chính trị khác…

Không ai biết chính xác người Công giáo Việt Nam chịu tử đạo từ trước đến nay có số lượng bao nhiêu, vì không thể thống kê hết, chỉ biết rằng đó là một con số khổng lồ.

Dịp mừng kính các thánh Tử Đạo Việt Nam, là con cháu của các ngài, chúng ta phải khám phá ra nhiều bài học có lợi cho đức tin mà các ngài để lại:

- Sẵn sàng tha thứ cho những người bắt bớ, giết chết mình;

- Cầu nguyện nhiều hơn nữa cho các nhà lãnh đạo quốc gia khôn ngoan để nhận ra đâu là đường lối lãnh đạo theo chân lý, đâu là đường lối lãnh đạo sai lầm để đừng giết chính đồng bào vô tội của mình như đã từng làm mà lịch sử không bao giờ quên;

- Biết ơn Hội Thánh đã cưu mang và sinh ra chúng ta trong ơn Chúa;

- Biết đáp trả tình yêu vô cùng của Chúa bằng tất cả đời sống chứng tá của mình dẫu phải hiến dâng mạng sống.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã hiến thân cho chúng con. Các thánh Tử Đạo Việt Nam nói riêng, tất cả các vị Tử Đạo tại Việt Nam từ xưa đến nay nói chung, đã nhìn lên Chúa, học đòi bắt chước gương Thánh giá Chúa mà can đảm hy sinh đến cùng.

Xin cho chúng con là con cháu các ngài, biết trung thành gìn giữ đức tin là gia sản quý giá mà các ngài để lại cách hết sức trọn vẹn, để hoàn thành tốt đẹp nhất hiến lễ cuộc đời chúng con
. Amen.
 
Tình yêu mạnh hơn sự chết
Lm Đan Vinh
22:52 12/11/2019
LỄ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM

Mt 10,17-26

I.HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Mt 10,17-26

(17) Hãy coi chừng người đời. Họ sẽ nộp anh em cho các Hội đồng, và sẽ đánh đập anh em trong các hội đường của họ. (18) Và anh em sẽ bi điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy để làm chứng cho họ và các dân ngoại được biết. (19) Khi người ta nộp anh em, thì anh em đừng lo phải nói làm sao hay phải nói gì, vì trong giờ đó, Thiên Chúa sẽ cho anh em biết phải nói gì. (20) Thật vậy, không phải chính anh em nói, mà là Thần Khí của Cha anh em nói trong anh em. (21) Anh sẽ nộp em, em sẽ nộp anh cho người ta giết. Cha sẽ nộp con, con cái sẽ đứng lên chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết. (22) Vì Danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát. (23) Khi người ta bách hại anh em trong thành này, thì hãy trốn sang thành khác. Thầy bảo thật anh em: anh em chưa đi hết các thành của Ít-ra-en, thì Con Người đã đến. (24) Trò không hơn thầy, tớ không hơn chủ. (25) Trò được như thầy, tớ được như chủ đã là khá lắm rồi. Chủ nhà mà người ta còn gọi là Bê-en-dê-bun, huống chi là người nhà. (26) Vậy anh em đừng sợ người ta. Thật ra, không có gì che giấu mà sẽ không được tỏ lộ. Không có gì bí mật, mà người ta sẽ không biết. (27) Điều Thầy nói với anh em lúc đêm hôm, thì hãy nói ra giữa ban ngày. Và điều anh em nghe rỉ tai, thì hãy lên mái nhà rao giảng.

2. Ý CHÍNH:

Khi sai mười hai Tông đồ đi giảng, Đức Giê-su tiên báo cho các ông biết những sự bách hại vì Danh Người đang chờ đón các ông. Tuy nhiên chính khi bị bách hại lại là cơ hội tốt để các ông làm chứng trước tòa án Do thái và các chính quyền ngoại đạo. Các ông sẽ gặp những sự bất hòa ngay trong gia đình và sự thù ghét nơi người đời. Nhưng ai giữ vững đức tin và trung thành với Chúa đến cùng thì sẽ được cứu độ. Các ông cũng cần phải khôn ngoan để tránh bị bắt bớ. Dù gặp hoàn cảnh bất lợi nào đi nữa, cũng đừng sợ hãi, nhưng hãy can đảm làm chứng cho Chúa. Hãy vững lòng trông cậy vì các ông đang nắm giữ chân lý là điều luôn có sức chinh phục lòng người.

II.SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA:

“Anh em sẽ bị điệu ra trước mặt Vua chúa quan quyền vì Thầy, để làm chứng cho họ và các dân ngoại được biết” (Mt 10,18).

2. CÂU CHUYỆN:



1) CAN ĐẢM LÀM CHỨNG CHO CHÚA: BÀ I-NÊ LÊ THỊ THÀNH (ĐÊ).

Trong số 117 vị thánh Tử đạo tại Việt nam, chỉ có một phụ nữ là thánh nữ I-NÊ LÊ THỊ THÀNH (hay cũng gọi là bà thánh I-NÊ ĐÊ). Bà là mẹ của 8 người con. Trước khi trở thành thánh tử đạo, bà đã là một người mẹ hiền gương mẫu. Cô con gái út của bà đã khai về mẹ mình trước tòa phong thánh rằng: “Thân mẫu chúng tôi rất quan tâm giáo dục con cái. Người dạy chúng tôi học chữ và học giáo lý. Về sau còn dạy chúng tôi cách thức dự lễ và xưng tội rước lễ”.

Bà Đê đã dùng căn nhà của mình làm nơi trú ẩn cho các linh mục thừa sai, để tránh sự ruồng bắt của vua quan. Vào buổi sáng lễ Phục Sinh năm 1861, tổng đốc Nam Định đã sai quân đến nhà bắt giữ bà. Bấy giờ bà đang trong tuổi lục tuần. Bà đã bị tra khảo tàn nhẫn để buộc phải khai báo nơi trú ẩn của các linh mục thừa sai. Nhưng bà tỏ ra kiên cường, không hề hé môi nói nửa lời. Sau đó bà lại bị bắt ép khiêng qua cây Thánh giá, bị bỏ rắn độc vào người. Khi con gái bà đến thăm và tỏ vẻ đau lòng thấy quần áo của mẹ mặc bị loang lổ những vết máu đỏ tươi, thì bà đã an ủi con rằng: “Con ơi, đừng khóc nữa. Mẹ mặc áo hoa hồng đấy. Mẹ chịu khổ vì Danh Chúa Giê-su thì sao con lại phải khóc?” Sau ba tháng chịu đủ mọi cực hình, người đàn bà kiên cường ấy đã từ giã cuộc đời, để lại cho hậu thế một tấm gương anh dũng trung thành với Chúa cho đến hơi thở cuối cùng.

2. GƯƠNG CAN ĐẢM CỦA MỘT VỊ LINH MỤC:

Một viên sĩ quan trẻ trong quân đội Nga xin được nói chuyện riêng với vị mục sư người Hungary. Khi hai người ở trong một căn phòng đã đóng kín cửa, viên sĩ quan hung hãn chỉ lên cây thánh giá treo trên tường và nói với vị mục sư rằng:

- Ông biết không, cái đó là sự dối trá cho các ông bày đặt ra để làm mê hoặc dân chúng. Ở đây bây giờ chỉ có tôi và ông. Ông hãy thú nhận rằng: Ông không hề bao giờ tin rằng ông Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa.

Vị mục sư cười và trả lời:

- Này anh bạn ơi, tôi tin thật đấy, vì đó là sự thật.

Viên sĩ quan hét lên:

- Ông đừng có lừa dối tôi, đừng diễu cợt tôi.

Rồi anh rút ra một khẩu súng lục, chĩa vào vị mục sư và hăm dọa:

- Nếu ông không nhận rằng đó là một sự dối trá thì tôi sẽ nổ súng.

Vị mục sư điềm tĩnh trả lời:

- Dù anh giết tôi, tôi cũng không thể nói điều anh muốn tôi nói. Đối với tôi, Đức Giêsu Kitô thật sự là Con Thiên Chúa.

3. SUY NIỆM:

1) Các Thánh Tử Đạo Việt Nam là những ai?

+ Các ngài là hằng trăm ngàn giáo dân Việt Nam không rõ danh tánh, đã sẵn lòng chịu chết để làm chứng cho Chúa. Các Ngài đã bị giết hại dưới thời chế độ phong kiến, do các phong trào Cần Vương và Văn Thân thực hiện. Câu chuyện sau đây cho thấy điều đó: Một người đàn ông nọ bị quân lính bắt giải đến cho quan tòa xét xử. Quan tòa truyền lấy một chiếc dùi nung đỏ khắc lên đôi gò má của ông bốn chữ: “Gia-Tô Tả Đạo” rồi tống giam vào ngục. Ngồi trong tù suy nghĩ lại, ông cảm thấy áy náy vì lúc bị khắc dấu đã không dám can đảm nói lên quan điểm của mình, vì “Gia-Tô” đâu phải là “tả đạo”. Ngay trong đêm hôm ấy, ông đã yêu cầu bạn tù dùng dao rạch bỏ hai chữ “tả đạo” trên má, chỉ để lại hai chữ “Gia-tô” là thánh Danh Chúa Giê-su. Sáng hôm sau, ông lại bị điệu ra trước tòa án với khuôn mặt còn loang lổ máu, ông đã can đảm bênh vực đức tin và sau đó đã bị khép tội phản nghịch và được chết vì đạo.

+ Các ngài cũng là phụ nữ: Có một bà nọ bị bắt vì đã theo đạo và bị tòa kết án bị “voi giày”. Hai ngày trước khi ra pháp trường, bà viết thư cho người nhà yêu cầu gửi cho bà bộ quần áo cưới mà bà đã mặc khi trước, vì bà nghĩ rằng: “Ngày tôi bị chết vì đức tin chính là ngày tôi được gặp gỡ vị Tân Lang là Chúa Giê-su”. Hôm bị xử tử, khi ba hồi chiêng trống vang lên, người ta thấy quân lính dẫn ra một thiếu phụ mặc áo như cô dâu trong ngày cưới. Sau đó bà đã bị voi dùng vòi quấn ngang thắt lưng tung lên cao, rồi khi bà rơi xuống đất thì nó dẫm đạp lên người cách tàn bạo.

+ Các ngài thuộc mọi lứa tuổi: Có một cụ ông 80 tuổi như linh mục Lê Bảo Tịnh, có một bà lão 60 như bà thánh I-nê Đê, một thiếu niên 14 tuổi như Phao-lô Bột, một trẻ nữ 12 tuổi như Lu-xi-a Liễu, một cậu bé lên 10 như Phao-lô Đạm, một em bé mới 9 tuổi như Gio-an Túc...

+ Các ngài đủ mọi ngành nghề trong xã hội: Có người làm linh mục như cha Phi-líp-phê Minh, làm thầy giảng như thày An-rê Phú Yên, làm nữ tu như 270 dì phước dòng Mến Thánh Giá, làm chủng sinh như chú Tô-ma Thiện, làm quan chức triều đình như Hồ Đình Hy, làm quân lính như Trần Văn Trông, làm trùm họ như Nguyễn Đích, làm công chức như Nguyễn Huy Mỹ, làm lái buôn như Lê Văn Gẫm, làm nông dân như Đa-minh Ninh... Hầu như mọi thành phần, lứa tuổi hay nghề nghiệp đều có đại diện. Người ta đã thống kê được 58 các vị giám mục va linh mục thừa sai, 25 linh mục Việt Nam, 340 thầy giảng, 270 nữ tu và khỏang trên 100 ngàn giáo dân đã chết vì đạo. Trong số đó, vào ngày 19 tháng 06 năm 1988, Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II đã tôn phong lên bậc hiển thánh 117 vị và sau đó tới lượt thày giảng An-rê Phú Yên được phong lên bậc Chân Phước hay Á thánh. Đây là những vị có đầy đủ hồ sơ chứng minh đã anh dũng chịu chết vì đức tin. Còn hằng hà sa số các tín hữu đã bị giết chết với nhiều cách khác nhau, nhưng do thiếu hồ sơ cụ thể để xin phong thánh, nên vẫn còn chờ sẽ được tôn phong sau này.

2) Phương cách hữu hiệu nhất để làm chứng cho Chúa hôm nay là gì ?

+ Về sự bách hại đức Tin thời nay: Ngày nay ma quỷ không dùng cực hình đau khổ thể xác để bắt buộc người tín hữu bỏ đạo như vua chúa xưa, nhưng chúng dùng tiền bạc và đầu độc người tín hữu nhất là giới trẻ bằng những băng đĩa phim ảnh đồi trụy, các video games bạo lực dâm đãng, hút chích ma túy, rượu chè bài bạc… khiến các thanh thiếu niên chán ngại đọc kinh lần hạt, bỏ dự lễ Chúa Nhật... Rồi do không được nghe giảng Lời Chúa và thiếu ơn Chúa nên họ chỉ còn biết tìm kiếm tiền bạc và lao đầu vào việc hưởng thụ mà không nghĩ đến đời sau… và cuối cùng sẽ mất đức tin lúc nào không hay.

+ Ý nghĩa của tử đạo trong cuộc sống hôm nay: Tử đạo trước hết là sống Đức Tin bằng sự hy sinh quên mình phục vụ, sẵn sàng chấp nhận thua thiệt, kể cả hy sinh mạng sống của mình noi gương các thánh Tử Đạo. Sứ mệnh của người tín hữu là phải trở thành muối mặn ướp cho người đời khỏi hư hỏng, thành nắm men tin yêu làm cho thúng bột xã hội dậy lên men tình yêu của Chúa (x. Mt 5,13), nên đuốc sáng chiếu soi cho u tối trần gian như lời Chúa dạy: “Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời” (Mt 5,16).

+ Tử đạo chính là làm chứng cho Chúa: Đức Giê-su đã sai các Tông đồ đi rao giảng Tin mừng và tiên báo các khó khăn sẽ gặp phải như sau: “Anh em sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy để làm chứng cho họ và các dân ngoại được biết” (Mt 10,18). Người cũng truyền cho các Tông đồ phải làm chứng nhân cho Người: “Anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giê-ru-sa-lem, trong khắp các miền Giuđê, Samari và cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1,8). Các thánh Tử đạo Việt Nam đã chu toàn sứ mệnh làm chứng cho Chúa bằng việc chấp nhận chịu chết vì đức Tin. Con chúng ta hôm nay tuy không có cơ hội chịu chết vì Danh Chúa như xưa, nhưng chúng ta vẫn có thể làm chứng cho Chúa bằng một lối sống hy sinh quên mình, khiêm nhường vị tha và luôn yêu thương phục vụ tha nhân vô vụ lợi.

+ Phải làm chứng cho Chúa như thế nào ?: Hôm nay nếu ta chọn làm theo ý riêng ích kỷ là chúng ta đã gián tiếp chối bỏ đức tin; Khi ta chọn làm những việc xấu xa, lỗi phép công bằng và đức bác ái, là ta đang chối Chúa cách gián tiếp và bước qua Thánh giá Chúa bằng chính cuộc sống không tốt của mình. Trái lai, nếu ta năng cầu nguyện dự lễ, kèm theo lối sống công minh chính trực, sẵn sàng dấn thân quên mình và khiêm tốn phục vụ tha nhân vô vụ lợi là ta đang làm chứng cho Chúa noi gương các thánh Tử Đạo Việt Nam.

4. THẢO LUẬN:

Người ta thường nói: “Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”. Bạn quyết tâm sẽ làm gì để làm chứng cho Chúa tại nhà trường, công sở, nhà máy, các tụ điểm giải trí vui chơi... để xứng đáng là con cháu các thánh Tử đạo Việt nam?

5. NGUYỆN CẦU:

- LẠY CHÚA GIÊ-SU. Hôm nay chúng con mừng kính các thánh Tử đạo Việt nam, là tổ tiên chúng con. Các ngài đã can đảm làm chứng cho Chúa bằng sự kiên cường bất khuất, sẵn sàng chịu chết vì đức tin. Các ngài đã làm rạng danh dân tộc Việt nam trước toàn thể thế giới khi sống đến cùng ơn gọi làm tín hữu của mình. Sự hy sinh của các ngài đã nói lên chân lý này là: “Tình yêu mạnh hơn sự chết”, và chết không phải là đi vào cõi tiêu diệt, nhưng là cánh cửa bước vào cõi sống vĩnh hằng. Dù mang thân phận mỏng dòn yếu đuối, nhưng nhờ ơn Chúa giúp, các ngài đã chiến thắng sợ hãi và nêu gương sáng đức tin can trường cho chúng con hôm nay.

- LẠY CHÚA. Xin cho chúng con biết luôn sống đức tin noi gương các thánh Tử Đạo Việt Nam. Xin cho chúng con biết nhiệt thành làm chứng cho Chúa, bằng một lối sống hy sinh quên mình và khiêm nhường phục vụ. Ước gì ngọn lửa đức tin mà các thánh Tử đạo đã thắp lên sẽ được chúng con tiếp tục làm bùng sáng trên quê hương Việt nam thân yêu. Ước gì máu các ngài đổ ra sẽ làm phát sinh thêm nhiều Ki-tô hữu vừa có lòng mến Chúa lại vừa yêu mến xây dựng quê hương Việt Nam ngày càng tăng tiến tốt đẹp.

X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.
 
Chuẩn bị đón chờ Chúa đến
Lm Đan Vinh
22:57 12/11/2019

CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN C
Ml 3,19-20a ; 2Tx 3,7-12 ; Lc 21,5-19.

I.HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Lc 21,5-19

(5) Nhân có mấy người nói về Đền thờ được trang hoàng những viên đá đẹp và những đồ dâng cúng, Đức Giê-su bảo: (6) “Những gì anh em đang chiêm ngưỡng đó sẽ có ngày bị tàn phá hết, không còn tảng đá nào trên tảng đá nào”. (7) Họ hỏi Người: “Thưa Thầy, vậy bao giờ các sự việc đó sẽ xảy ra, và khi sắp xảy ra thì có điềm gì báo trước?” (8) Đức Giê-su đáp: “Anh em hãy coi chừng kẻo bị lừa gạt. Vì sẽ có nhiều người mạo danh Thầy đến nói rằng: “Chính Ta đây, và thời kỳ đã đến gần”. Anh em chớ có theo họ. (9) Khi anh em nghe có chiến tranh loạn lạc, thì đừng sợ hãi. Vì những việc đó phải xảy ra trước. Nhưng chưa phải là chung cục ngay đâu”. (10) Rồi Người nói tiếp: “Dân này sẽ nổi dậy chống dân kia, nước này chống nước nọ. (11) Sẽ có những trận động đất lớn, và nhiều nơi sẽ có ôn dịch và đói kém. Sẽ có những hiện tượng kinh khủng và điềm lạ lớn lao từ trời xuất hiện”. (12) Nhưng trước khi tất cả các sự ấy xảy ra, thì người ta sẽ tra tay bắt và ngược đãi anh em, nộp cho các hội đường và nhà tù, và điệu đến trước mặt vua chúa quan quyền vì danh Thầy. (13) Đó sẽ là cơ hội để anh em làm chứng cho Thầy. (14) Vậy anh em hãy ghi lòng tạc dạ điều này, là anh em đừng lo nghĩ phải bào chữa cách nào. (15) Vì chính Thầy sẽ cho anh em ăn nói thật khôn ngoan, khiến tất cả địch thủ của anh em không tài nào chống chọi hay cãi lại được”. (16) Anh em sẽ bị chính cha mẹ, anh chị em, bà con và bạn hữu bắt nộp. Họ sẽ giết một số người trong anh em. (17) Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. (18) Nhưng dù một sợi tóc trên đầu anh em cũng không bị mất đâu. (19) Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình.

2. Ý CHÍNH:

Bài Tin mừng hôm nay mở đầu "diễn từ chung luận" (x. Lc 21,5-36). Trọng tâm của bài Tin Mừng hôm nay là Đức Giê-su loan báo việc đền thờ Giê-ru-sa-lem sẽ bị phá hủy và liên kết với việc tàn phá đền thờ, Đức Giê-su đề cập đến ngày tận thế. Trong khi chờ đợi “Ngày của Chúa” tức là ngày Chúa đến lần thứ hai, các tín hữu sẽ phải trải qua nhiều gian nan thử thách, phải qua một thời kỳ bị bách hại. Nhưng họ đừng sợ, hãy cứ kiên trì vì sự bách hại sẽ là một cơ hội để họ làm chứng cho Tin Mừng. Chính Chúa sẽ giúp họ chiến thắng với điều kiện họ phải luôn kiên trì giữ vững đức tin và trung thành với Chúa cho đến cùng.

3. CHÚ THÍCH:

- C 5-7: + Có mấy người nói về Đền thờ được trang hoàng những viên đá đẹp và những đồ dâng cúng: Đền thờ nói đây đã được vua Hê-rô-đê Cả trùng tu vào năm 19 trước Công nguyên và bốn mươi sáu năm sau mới hoàn thành (x. Ga 2,20). Vì Đền thờ vừa được xây xong nên rất đẹp. + “Những gì anh em đang chiêm ngưỡng đó, sẽ có ngày bị tàn phá hết, không còn tảng đá nào trên tảng đá nào”: Nhiều ngôn sứ đã tiên báo Đền thờ thứ nhất sẽ bị tàn phá (x. Mk, Gr, Ed), tượng trưng cho Giao ước sẽ bị phá hủy, vì dân Do thái đã bất trung với Giao ước ấy. Hôm nay Đức Giê-su lại tiên báo Đền thờ mới này cũng sẽ trở nên hoang tàn vì tội của dân Ít-ra-en đã từ chối Đấng Thiên Sai. Lời tuyên bố này về sau sẽ trở thành lý do khiến Đức Giê-su bị kết án (x. Mt 26,61). Tuy nhiên lời tiên báo này đã được ứng nghiệm vào năm 70 sau Công Nguyên, khi Đền thờ bị quân Rôma đốt cháy và đã sụp đổ thành bình địa. + “Vậy bao giờ các sự việc đó sẽ xảy ra, và khi sắp xảy ra, thì có điềm gì báo trước?”: Nghe Đức Giê-su tiên báo về sự sụp đổ của Đền Thờ, mọi người đều sợ hãi. Họ muốn biết đích xác ngày giờ xảy ra cùng những điềm báo trước để chuẩn bị.
- C 8-9: + Đức Giê-su đáp: Anh em hãy coi chừng...: Đức Giê-su không trả lời trực tiếp câu hỏi về thời gian và dấu chỉ tiên báo Đền Thờ sắp bị phá hủy, nhưng dựa vào đó Người mặc khải về ngày tận thế sẽ xảy ra giống như vậy. + Khi anh em nghe có chiến tranh loạn lạc thì đừng sợ hãi, vì những việc đó xảy ra trước, nhưng chưa phải là chung cục ngay đâu: Đức Giê-su cảnh giác các môn đệ là đừng tưởng chiến tranh loạn lạc là dấu chỉ của ngày tận thế. Những điều đó sẽ xảy ra, nhưng chưa phải là dấu tiên báo ngày tận thế đã đến.
- C 10-11: + Dân này sẽ nổi dậy chống dân kia...: Chiến tranh và những thiên tai như động đất, ôn dịch, đói kém, cùng những điềm lạ trên trời cũng không phải là những dấu chỉ của ngày tận thế, vì nó luôn xảy ra và hầu như thời nào cũng có. Nó chỉ cho thấy vũ trụ này sẽ không tồn tại mãi mãi.
- C 12-15: + Người ta sẽ tra tay bắt và ngược đãi anh em....: Đức Giê-su tiên báo về một thời kỳ lịch sử, trong đó các môn đệ phải chu tòan sứ mệnh làm chứng cho Người giữa những cơn bách hại. Nhưng như Đức Ki-tô phải chịu khổ hình rồi mới vào vinh quang (x. Lc 24,26), thì các môn đệ cũng phải trải qua thử thách giống như Thầy mình. + Nộp cho các hội đường và nhà tù: Tại mỗi hội đường địa phương đều có nơi dành riêng cho việc xét xử và phạt tù các tội nhân vi phạm các tội thông thường về tôn giáo. Còn các tội nghiêm trọng sẽ được xét xử trước Thượng Hội Đồng tại thủ đô Giê-ru-sa-lem. + Đó sẽ là cơ hội để anh em làm chứng cho Thầy: Trong Tin mừng Lu-ca, việc làm chứng cho Đức Giê-su là sứ mệnh của Nhóm Mười Hai (x. Lc 24,48) và của Phao-lô (x. Cv 22,15). Làm chứng là công bố Đức Giê-su đã chết, đã sống lại và được đặt làm “Chúa”. Sau này làm chứng còn có nghĩa là tử vì đạo. + Vì chính Thầy sẽ cho anh em ăn nói thật khôn ngoan: Đức Giê-su hứa chính Người sẽ trợ giúp các chứng nhân của Người (x. Ga 14,21), và sẽ sai Thánh Thần đến giúp đỡ các ông (Lc 12,11-12).
- C 16-19: + Anh em sẽ bị chính cha mẹ, anh chị em... bắt nộp: Sự thử thách của các tín hữu xảy ra từ gia đình, nơi được coi là an toàn nhất. + Họ sẽ giết một số người trong anh em: Một số tín hữu sẽ bị giết, một số khác sẽ bị bắt bớ (x. Lc 11,49). + Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét: Kiểu nói bị mọi người thù ghét không có ý nói theo nghĩa tuyệt đối là hết mọi người, nhưng chỉ muôn nói là: Những kẻ chối bỏ Thiên Chúa sẽ thù ghét các môn đệ Đức Giê-su. + Nhưng dù một sợi tóc trên đầu anh em cũng không bị mất đâu: Đây là lời động viên các tín hữu hãy can đảm và tín thác mọi sự trong tay Chúa quan phòng. + Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình: Trong bất cứ cơn thử thách nào, nếu biết kiên trì, trung thành với đức tin thì chắc chắn các tín hữu sẽ được vào Nước Thiên Chúa (x. Cv 14,22).

4. CÂU HỎI:

1) Như các ngôn sứ xưa, Đức Giê-su đã tiên báo thế nào về số phận của Đền thờ Giê-ru-sa-lem ? Tai họa của Đền thờ tượng trưng cho điều gì sau này ?
2) Theo Đức Giê-su thì chiến tranh lọan lạc và các điềm lạ cả thể trên trời có phải là dấu hiệu của ngày tận thế đã đến hay chưa ?
3) Đức Giê-su tiên báo về số phận của các tín hữu sẽ như thế nào ?
4) Người dạy họ phải có thái độ ra sao khi bị bách hại?

II. SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: “Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình” (Lc 21,19).

2. CÂU CHUYỆN:

1) MỌI SỰ XẢY RA ĐỀU HỮU ÍCH CHO PHẦN RỖI CỦA TÔI:

Một người kia có đức tin mạnh vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Trong bất cứ hoàn cảnh nào dù may hay rủi, anh ta cũng đều cầu nguyện: “Lạy Chúa, con tạ ơn Chúa về điều Chúa mới để xảy ra cho con, vì con tin rằng điều đó hữu ích cho phần rỗi đời đời của con”. Một hôm, anh ta mua vé tàu sang nước Anh. Sáng hôm ấy vì thức dậy trễ, nên anh vội leo lên tắc-xi yêu cầu tài xế lái thật nhanh đến bến tàu cho kịp giờ tàu chạy. Nhưng khi xe chở anh tới bến cảng thì cũng là lúc con tàu bắt đầu nhổ neo khởi hành. Anh vội chạy ra bến và hét gọi thật to, vẫy tay ra hiệu cho con tàu dừng lại. Nhưng dường như thuyền trưởng không nhìn thấy anh ta và con tàu vẫn từ từ rời khỏi bến cảng ra khơi. Trong lúc chạy theo con tàu, chẳng may anh vấp chân vào một mấu sắt trồi lên ở cầu tàu và bị té ngã. Chiếc va-li nặng đang cầm trên tay đè lên làm gẫy một chân của anh. Mọi người đổ xô đến giúp đỡ và chở anh đến bệnh viện gần nhất cấp cứu. Sau khi hồi tỉnh và được các phóng viên hỏi cảm tưởng khi bị trễ tàu và bị gẫy chân, thì anh đã trả lời rằng: “Tôi cảm tạ Chúa vì Người đã ban cho tôi bị trễ chuyến tàu này”. Họ lại hỏi: “Bị trễ tàu và gãy chân như thế mà là ơn lành của Thiên Chúa sao?” Anh ta trả lời: “Tôi không biết lý do tại sao, nhưng tôi tin rằng Chúa quan phòng biết rõ điều đó có ích cho tôi. Đối với tôi như thế đã là đủ lắm rồi”.
Quả thật, chỉ mấy ngày sau, báo chí đã đồng loạt đăng lên trang nhất tin một con tàu rời bến cảng vào đúng buổi sáng ngày anh bị trễ tàu, và sau đó đã đụng phải đá ngầm ở ngòai khơi và bị chìm khiến tất cả hành khách trên con tàu ấy đều bị chết chìm ! Bấy giờ anh chàng bị què chân kia lại càng thêm xác tín rằng: chính Chúa quan phòng đã thương gìn giữ anh tránh được một cái chết thê thảm, bằng cách để anh bị trễ tàu và còn để anh bị té gẫy chân nữa. Qua câu chuyện trên, chúng ta cũng có thể rút ra bài học này là: Thiên Chúa có thể rút từ sự dữ ra sự lành cho những ai biết cậy trông phó thác trong tình thương quan phòng của Ngài.

2) NHẬT KÝ ANNE FRANK:

Anne Frank là một cô bé người Do Thái đã bị bọn Đức Quốc Xã bắt giam vào trong trại tập trung người Do thái. Tại đây cô đã chứng kiến bao cảnh đau khổ, đã thấy có nhiều người vì quá khổ mà đã đánh mất nhân phẩm, mất lý tưởng, mất cả đức tin của mình. Chính cô cũng gặp nhiều đau khổ và có lần đã tự hỏi: “Có Thiên Chúa không? Có công lý không?” Nhưng sau những lúc giao động ấy, cô vẫn giữ vững được đức tin của mình: Cô tin rằng dù con người có những hành vi gian ác như thế nào chăng nữa thì trong lòng họ vẫn là người tốt; Dù hiện tại có xấu xa đến đâu đi nữa nhưng cuối cùng sự thiện cũng sẽ chiến thắng sự ác; Dù hiện nay xem ra Thiên Chúa vắng mặt, nhưng chính Thiên Chúa sẽ có tiếng nói cuối cùng. Những suy tư ấy đã được cô ghi lại trong nhật ký hằng ngày. Sau chiến tranh thế giới thứ II, quyển “Nhật ký Anne Frank” đã được xuất bản, được dịch ra nhiều thứ tiếng, và nổi tiếng khắp thế giới.
Trong Tin Mừng Chúa Giê-su đã nói với các môn đệ: “Anh em đừng sợ hãi”. “Đừng sợ” không có nghĩa là không có cảm giác sợ, mà là không để cho cảm giác ấy đè bẹp mình, nhưng phải làm chủ cảm giác ấy và chiến thắng nó như có người đã nói: “Anh hùng không phải là người không biết sợ mà là người chiến thắng được nỗi sợ” (Solzhenitsyn)

3) TA PHẢI LÀM GÌ ĐỂ CHUẨN BỊ CHO NGÀY TẬN THẾ ?

JULIANÔ là một vị hoàng đế Rôma, lên làm vua vào năm 360. Ông là người rất ghét đạo Công Giáo, nên đã ra lệnh cấm đạo. Ông biến nhà thờ thành chùa miếu. Cấm việc rao giảng Tin Mừng và giết các tín hữu. Ông muốn làm cho lời tiên báo của Chúa Giê-su về đền thờ Giê-ru-sa-lem không đúng sự thật. Trong Phúc Âm Chúa Giêsu đã bảo: Sẽ tới một ngày Đền Thờ không còn hòn đá nào chồng trên hòn đá nào. Mặc dù điều này đã xảy ra vào năm 70 khi tướng Ti-tus đem quân vây hãm Giê-ru-sa-lem. Thế nhưng hoàng đế Ju-li-a-nô vẫn ra lệnh xây dựng một đền thờ mới để dâng kính các thần minh ngay trên nền của đền thờ Giê-ru-sa-lem. Theo các sử gia thì khi đào bới để đặt nền móng cho ngôi đền thờ mới này, những người thợ đã kinh hoàng và sợ hãi vì một sức nóng bốc lên từ lòng đất khiến họ không thể tiếp tục công việc.
Vậy chúng ta phải làm gì để chuẩn bị không phải chỉ cho ngày tận thế chung, nhưng còn cho ngày tân thế riêng là giờ chết của mỗi chúng ta, khi đó ta sẽ gặp gỡ Chúa.

3. SUY NIỆM:

Tin mừng Chúa Nhật hôm nay ghi lại lời Đức Giê-su tiên báo về sự hủy diệt Đền thờ Giê-ru-sa-lem. Đây cũng là dịp để chúng ta suy nghĩ về giờ chết của mỗi người chúng ta và về ngày tận thế chung của toàn thể nhân loại. Đồng thời chúng ta biết nên làm gì để chuẩn bị cho ngày ấy.

1) TIÊN BÁO VỀ ĐỀN THỜ BỊ PHÁ HỦY VÀ NHỮNG ĐIỀM BÁO TRƯỚC:

Tin mừng Lu-ca ghi lại lời Đức Giê-su tiên báo về sự hủy diệt của Đền thờ Giê-ru-sa-lem như sau: “Những gì anh em đang chiêm ngưỡng đó sẽ có ngày bị tàn phá hết, không còn tảng đá nào trên tảng đá nào” (Lc 21,6).
Nghe Đức Giê-su tiên báo về sự sụp đổ của Đền Thờ như vậy, mọi người đều kinh hãi và muốn biết rõ hơn về thời gian và dấu chỉ báo trước cho biến cố ấy. Đức Giê-su đã cho biết một số điềm báo về ngày này, ám chỉ ngày tận thế của nhân loại, khi Người sẽ tái lâm trong vinh quang để phán xét chung như sau:
-Sẽ có nhiều người sẽ mạo danh Người đến nói rằng: “Chính Ta đây, và thời kỳ đã đến gần”.
-Sẽ có chiến tranh loạn lạc: Dân này sẽ nổi dậy chống dân kia, nước này chống nước nọ.
-Sẽ có những trận động đất lớn, và nhiều nơi sẽ có ôn dịch và đói kém.
-Sẽ có những hiện tượng kinh khủng và điềm lạ lớn lao từ trời xuất hiện.
-Nhưng trước khi các sự ấy xảy ra, các tín hữu sẽ trải qua thời kỳ bị bắt bớ ngược đãi, bị nộp cho các hội đường và nhà tù, bị điệu đến trước mặt vua chúa quan quyền vì danh Đức Giê-su.

2) PHẢI ỨNG PHÓ THẾ NÀO ?:

-Hãy kiên trì và đừng nản chí: Đức Giê-su đã khích lệ các môn đệ như sau: ”Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình” (Lc 21,19). Kiên trì là dù gặp phải những gian truân thử thách, họ cũng không được chùn bước, không nản chí bỏ cuộc, nhưng phải luôn kiên trì giữ vững đức tin và quyết tâm đi theo con đường của Đức Giê-su là: “Qua đau khổ vào trong vinh quang” (x. Lc 18,32). Cụ thể là “Từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo” (Lc 9,23).
-Làm chứng cho Chúa bằng lòng tín thác cậy trông:
Đối với Đức Giê-su, bách hại và thử thách không đáng sợ, nhưng là cơ hội để các môn đệ "làm chứng" cho Chúa, dù phải chịu thử thách đau khổ kể cả sự chết, như thánh Phao-lô đã quả quyết như sau: “Tôi tin chắc rằng: Cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, chiều cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta” (Rm 8,38-39).
Đây cũng là thời gian thuận tiện để các tín hữu chúng ta làm chứng đức tin về sự hiện hữu của một thế giới mới đây ánh sáng và tình thương, trong đó mọi người đều tin thờ một Thiên Chúa là Cha và đối xử với nhau như anh chị em trong đại gia đình của Thiên Chúa. Thế giới ấy bắt đầu từ Hội Thánh hôm nay và sẽ biến thành “Trời Mới Đất Mới” là thiên đàng mai sau (x. Kh 21,1-4).

3) CHUẨN BỊ THẾ NÀO CHO GIỜ CHẾT VÀ NGÀY TẬN THẾ:

- Đừng sợ hãi lo lắng trước cái chết: Đức Giê-su dạy các môn đệ "Đừng sợ !" không có nghĩa không được sợ, nhưng phải biết làm chủ cảm giác sợ ấy và chiến thắng nó như Đức Giê-su trong vườn Cây Dầu: tuy lo sợ đổ mồ hôi máu khi đối diện với cái chết đang tới gần (x. Lc 22,44), nhưng Người đã can đảm thưa với Chúa Cha: “Đừng theo ý con mà xin vâng ý Cha” (Mt 26,38-39).
- Chu toàn việc bổn phận: Thời thánh Phao-lô có nhiều tín hữu ở Thê-sa-lô-ni-ca tưởng lầm ngày tận thế đã đến gần, nên bỏ bê công việc làm ăn rồi chỉ biết ăn bám vào người khác. Ngài đã cảnh cáo họ như sau: ”Khi còn ở với anh em, chúng tôi đã chỉ thị cho anh em: Ai không chịu làm thì cũng đừng ăn! Thế mà chúng tôi nghe nói: trong anh em có một số người sống vô kỷ luật, chẳng làm việc gì, mà việc gì cũng xen vào. Nhân danh Chúa Giê-su Ki-tô, chúng tôi truyền dạy và khuyên nhủ những người ấy hãy ở yên mà làm việc, để có của nuôi thân“ (2 Ts 3,10-13). Cũng vậy, trong khi chờ đợi giờ Chúa đến, mỗi người chúng ta cần phải chu toàn các việc bổn phận của mình. Phải luôn kiên trì giữ vững đức tin dù gặp phải bất cứ khó khăn ngược đãi nào để được hưởng ơn cứu độ như lời Chúa: ”Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình” (Lc 21,19).
- Dọn mình chết lành: Hiện nay có nhiều người sống như không bao giơ phải chết. Họ không biết mình sống để làm gì và không biết chết rồi sẽ ra sao ? Do đó, họ chỉ lo hưởng thụ các đam mê lạc thú bất chính và không làm gì để chuẩn bị cho đời sau. Còn các tín hữu hôm nay cần ý thức về ngày giờ chết của mình để chuẩn bị chết lành, bằng việc thực hiện những việc như sau: Thanh toán nợ nần sòng phẳng, hồi tâm sám hối mỗi tối và năng lãnh bí tích Hòa giải, dọn mình dự lễ rước lễ mỗi ngày. Thực hành các việc bác ái cụ thể như kinh “Thương Người có mười bốn mối” và “Kinh Hòa Bình” (của thánh Phan-xi-cô) đề ra. Ngoài ra còn phải chu toàn công việc bổn phận như: học tập, nội trợ, lao động trí óc chân tay… Làm được như vậy thì khi giờ chết đến gần, chúng ta sẽ không cảm thấy bồn chồn lo lắng, nhưng sẽ vui mừng chờ đón Chúa đến trong niềm tin tưởng cậy trông sẽ được Người thương đón nhận vào hưởng hạnh phúc Nước Trời đời sau.

4. THẢO LUẬN:

1) Câu chuyện bị trễ tàu và thoát chết cho thấy đức tin của nhân vật chính thế nào ?
2) Đã bao giờ bạn gặp hoàn cảnh “rủi biến thành may” như anh chàng này chưa ?
3) Bạn quyết tâm làm gì để chuẩn bị giờ chết bất ngờ có thể đến với bạn ?

5. NGUYỆN CẦU

LẠY CHÚA GIÊ-SU. Chính tiền tài, danh vọng, quyền lực và những đam mê lạc thú bất chính làm cho tâm hồn chúng con luôn cảm thấy bất an. Xin cho chúng con biết sáng suốt xác định cùng đích đời mình là Nước Trời đời sau. Xin cho chúng con biết luôn chu toàn các việc bổn phận và sẵn sàng đón Chúa đến bất cứ lúc nào trong giờ chết để xứng đáng nhận được ơn cứu độ của Chúa.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON

 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
9g30 sáng thứ Tư 13/11, Tối Cao Pháp Viện Úc sẽ công bố có chấp nhận thụ lý kháng cáo của ĐHY George Pell hay không.
Đặng Tự Do
03:46 12/11/2019
Lúc 9g30 sáng thứ Tư 13 tháng 11, hai vị thẩm phán Tối Cao Pháp Viện Úc, tại Canberra, sẽ công bố liệu họ có chấp nhận thụ lý đơn kháng cáo của Đức Hồng Y George Pell hay không.

Nếu Tối Cao Pháp Viện Úc đồng ý xử lại vụ án này, phiên tòa sắp tới của Đức Hồng Y Pell sẽ được xử bởi bảy thẩm phán trong vài tháng tới.

Tối Cao Pháp Viện Úc thường bác bỏ khoảng 90% đơn kháng cáo. Tuy nhiên, có một vài chi tiết khiến nhiều người lạc quan tin rằng Tối Cao Pháp Viện Úc sẽ chấp nhận đơn kháng cáo của Đức Hồng Y Pell.

Thứ nhất, vụ án này gây nhiều tranh cãi, và đã thu hút sự chú ý của công chúng, và đông đảo người Công Giáo cũng như không Công Giáo cho rằng ngài không thể có hành vi lạm dụng tình dục trong giáo đường sau Thánh lễ, nơi luôn đông người, mà không ai để ý. Các luật sư của Đức Hồng Y Pell, đã lập luận rằng hai thẩm phán tòa phúc thẩm ở tiểu bang Victoria đã mắc sai lầm khi họ bác bỏ đơn kháng cáo của ngài vào tháng Tám vừa qua. Đức Hồng Y Pell đã được yêu cầu chứng minh rằng mình không thể phạm tội, thay vì, theo luật pháp của các quốc gia dân chủ, bên công tố phải chứng minh ngài có tội.

Thứ hai, Tối Cao Pháp Viện Úc sẽ đưa ra quyết định của mình mà không cần nghe các tranh cãi từ các bên. Điều này thường chỉ xảy ra khi Tối Cao Pháp Viện thấy quyết định của họ là hiển nhiên. Hiển nhiên thứ nhất là bản án của tòa dưới được xã hội đồng tình, với các chứng lý không còn tranh biện vào đâu được. Đó không phải là trường hợp bản án của Đức Hồng Y Pell tại Victoria. Hiển nhiên thứ hai, trường hợp của Đức Hồng Y Pell là một ví dụ. Bản án có quá nhiều vấn đề, và dư luận xã hội không đồng tình. Nhận định này còn được củng cố bởi chi tiết là quyết định của Tối Cao Pháp Viện Úc sẽ được đưa ra mà không có các lý do được viết thành văn bản.

Đức Hồng Y Pell, năm nay 78 tuổi, đã bị kết án vào ngày 11 tháng 12 năm 2018, với năm cáo buộc rằng ngài lạm dụng tình dục hai cậu bé hợp xướng 13 tuổi sau Thánh lễ Chúa Nhật khi còn là Tổng giám mục Melbourne năm 1996 và 1997.

Ngài bị kết án sáu năm tù, trong đó ngài phải thụ án ít nhất ba năm và tám tháng trước khi đủ điều kiện để nộp đơn xin tạm tha.

Tháng 8 vừa qua, đơn kháng cáo chống lại bản án của ngài đã bị Tòa phúc thẩm Victoria bác bỏ trong bản án với tỷ số 2-1.

Như Ông Mark Weinberg, vị thẩm phán phúc thẩm bất đồng với hai người kia đã nhận xét, việc kết án Đức Hồng Y chỉ dựa đơn thuần vào các cáo buộc hoàn toàn không bằng không cớ của người tố cáo duy nhất, trong đó “chứa đựng những điểm thiếu nhất quán và những bất cập hiển nhiên”, và “thiếu giá trị để chứng minh”.

Một số độc giả có thể ngạc nhiên rằng tại sao lại có thể buộc tội hoàn toàn trên cơ sở không bằng không chứng của một người về một sự kiện đã diễn ra hơn 20 năm về trước. Nhưng đó thật sự là những gì đã diễn ra tại Australia như xác nhận của Thẩm phán Weinberg:

“Một đặc điểm khác thường của vụ án này là nó phụ thuộc hoàn toàn vào việc chấp nhận lời khai của người khiếu nại, coi anh ta là một nhân chứng đáng tin cậy và xác thực, bất kể sự nghi ngờ hợp lý. Bồi thẩm đoàn đã được kêu gọi chấp nhận chứng cứ của anh ta mà không có bất kỳ sự hỗ trợ độc lập nào khác.”

Người Công Giáo nhất quyết không tin rằng Đức Hồng Y George Pell phạm tội vì bạn càng hiểu cách một nhà thờ hoạt động, những gì một tổng giám mục làm, thì những lời buộc tội của phía công tố càng kém tin cậy. Trước hết là rượu lễ của nhà thờ được giữ trong một két an toàn; và Hồng Y Pell không thể rời khỏi cuộc rước sau Thánh lễ mà sự vắng mặt của ngài không ai hay biết; các nhân chứng tuyên thệ trước tòa là điều này không bao giờ xảy ra. Hơn nữa, nếu ai đó rất muốn phạm tội tình dục đối với trẻ vị thành niên, người ấy cũng sẽ không làm như vậy vào một trong những ngày Chúa Nhật đầu tiên của mình trong ngôi nhà thờ mới được trùng tu, ở một nơi công cộng, trong khi những người khác đang đợi mình. Một người dám phạm tội như vậy, hẳn phải có một chuỗi các nạn nhân bị lạm dụng trong những tình huống ít hiểm nghèo hơn? Nhưng tuyệt nhiên không có.

Người Công Giáo có những lý do khác để có những nghi ngờ hợp lý. Lịch sử của chúng ta tràn ngập các giáo sĩ đi tù vì niềm tin của mình; và đối với hầu hết những người Công Giáo quen biết Đức Hồng Y Pell, cảm mến sự thánh thiện của ngài, thì ngài rõ ràng nằm trong trường hợp này.

Đức Hồng Y Pell, cho đến nay, vẫn là gương mặt đáng chú ý nhất của Công Giáo Úc trong thời gian cả một thế hệ trong cương vị là Tổng Giám Mục Melbourne, sau đó là Tổng Giám Mục Sydney, rồi là Hồng Y, và cuối cùng là người được Đức Thánh Cha Phanxicô chọn vào năm 2013 để chỉnh đốn nền tài chính của Vatican. Ngài là một cây bút viết các bài chính luận thường xuyên trên báo chí, và là một bình luận viên truyền hình và đài phát thanh, một người rất thích tranh luận trước những người tấn Công Giáo Hội về phá thai, quyền của người đồng tính, phong chức cho phụ nữ, và vô số các vấn đề cấp tiến khác. Ngài là tiêu điểm của trào lưu chống Công Giáo, chống giáo sĩ và chống chủ nghĩa bảo thủ ở một đất nước rất thế tục đang phát động một cuộc chiến chống tôn giáo qua hàng loạt các chiến dịch mà đáng chú ý nhất là việc buộc các linh mục phải vi phạm ấn tín Tòa Giải Tội.

Ủy ban Hoàng gia trong giai đoạn 2013-17 về Phản Ứng Của Các Định Chế Đối Với Lạm Dụng Tình Dục Trẻ Em tập trung phần lớn sự chú ý vào việc tạo ra một ấn tượng rằng Giáo Hội gần giống như một tổ chức tội phạm bao che cho nhau để bảo vệ các thành viên khỏi bị truy tố về tội ác chống lại trẻ vị thành niên.

Ngay trước khi Hồng Y Pell bị tuyên án tờ The Independent chạy hàng tít lớn “Giáo Hội Công Giáo hết thời rồi”. Như thế đã rõ là qua vụ kết án Đức Hồng Y, những lực lượng siêu thế tục tại Úc đang muốn triệt hạ Giáo Hội Công Giáo mà Đức Hồng Y Pell và một biểu tượng.


Source:Catholic News Agency
 
Tân chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ: Đức Tổng Giám Mục Jose Gómez của Los Angeles
Đặng Tự Do
12:09 12/11/2019
Đức Tổng Giám Mục Jose Gómez của Los Angeles đã được bầu làm chủ tịch Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ (USCCB).

Đức Tổng Giám Mục Gomez - vị giám mục gốc Tây Ban Nha đầu tiên đứng đầu USCCB – đã thắng cử dễ dàng trong cuộc bỏ phiếu tại cuộc họp USCCB ở Baltimore vào ngày thứ Ba 12 tháng 11. Ngài sẽ kế vị Đức Hồng Y Daniel DiNardo của Galveston/Houston trong nhiệm kỳ ba năm.

Việc Đức Tổng Giám Mục Gomez trở thành chủ tịch USCCB đã được dự kiến. Ngài đã từng là phó chủ tịch của Hội Đồng Giám Mục, và các thành viên USCCB theo truyền thống đã bầu phó chủ tịch đương nhiệm trở thành chủ tịch tiếp theo.

Đức Tổng Giám Mục Allen Vintner của Detroit đã được bầu làm phó chủ tịch USCCB, trong cuộc bỏ phiếu sít sao hơn. Sau cuộc bỏ phiếu đầu tiên, Đức Tổng Giám Mục Vigneron đã giành được 151 phiếu so với 90 phiếu dành cho Đức Tổng Giám Mục Timothy Broglio, của tổng giáo phận quân đội Hoa Kỳ.

Đức Tổng Giám Mục Gomez, tân chủ tịch của USCCB, nổi tiếng là người bảo vệ quyền lợi của người nhập cư. Sinh tại Mễ Tây Cơ, ngài trở thành công dân Hoa Kỳ năm 1995.

Được phong chức linh mục trong giáo hạt tòng nhân Opus Dei vào năm 1978, ngài được bổ nhiệm làm Giám Mục Phụ Tá của Denver vào năm 2001. Ngài trở thành Tổng giám mục của San Antonio, Texas, vào năm 2004, sau đó là Tổng Giám Mục Phó của Los Angeles vào năm 2010. Với việc từ chức của Đức Hồng Y Mahony một năm sau đó, ngài đã đảm nhiệm chức Tổng giám mục Los Angeles. Trong 66 năm qua, Đức Tổng Giám Mục Los Angeles, tổng giáo phận có đông người Công Giáo nhất nước Mỹ, luôn nhận được mũ Hồng Y - một vinh dự chưa được trao cho Đức Tổng Giám Mục Gomez.


Source:Catholic World News
 
Tin thêm về tân Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ , Đức TGM Jose Gomez là một di dân nhập cư
Nguyễn Long Thao
12:46 12/11/2019
Sáng thứ Ba ,12/11/2019, các Giám Mục Hoa Kỳ trong phiên họp khoáng đại đã bầu Đức Tổng Giám Mục Jose Gomez của Tổng Giáo Phận Los Angeles làm Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ. Đồng thời, đại hội cũng đã bầu Đức Tổng Giám Mục Allen Vigneron của Tổng Giáo Phận Detroit làm Phó Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ

Có 10 ứng viên được đề cử vào chức vụ Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, nhưng ngay từ vòng bỏ phiếu đầu tiên, Đức TGM Gomez đã được 176 phiếu tín nhiệm, nhiều hơn gấp hai lần số phiếu của ứng viên về nhì.

Về chức vụ Phó Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, đại hội đã bỏ phiếu ba vòng mới chọn được đức TGM Allen Vigneron.

Được biết, trong nhiệm kỳ trước, Đức TGM Gomez giữ chức Phó Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ. Năm nay Ngài, 67 tuổi, sinh tại Monterrey, Mexico, thụ phong linh mục ở Tây Ban Nha. Điều đặc biệt là Đức TGM Gomez là người Châu Mỹ Latinh nhập cư đầu tiên lãnh đạo Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ.

Phó Chủ Tịch là Đức TGM Vigneron sinh tại Michigan, cai quản tổng giáo phận Detroit từ năm 2009. Ngài thụ phong linh mục năm 1975 làm Giám Mục Phụ Tá cho giáo phận Detroit vào năm 1996. Năm 2003, Ngài được bổ nhiệm làm giám mục Giáo phận Oakland , California.
 
Đức Thượng Phụ Giáo Hội Công Giáo Can-đê kêu gọi tín hữu ăn chay ba ngày để cầu nguyện cho hòa bình trở lại ở Iraq
Lm. Nguyễn Tất Thắng OP
12:53 12/11/2019
Bắt đầu từ thứ Hai ngày 11 đến thứ Tư ngày 13 tháng 11, "các con trai và con gái" của Giáo Hội Công Giáo Can-đê được kêu gọi ăn chay và cầu xin Chúa ban cho món quà hòa bình và ổn định trở lại ở Iraq. Điều này đã được Đức Hồng Y Louis Raphael Sako, Thượng Phụ của những tín hữu Can-đê tại Babylon, yêu cầu sử dụng những vũ khí tinh thần là ăn chay và cầu nguyện để kêu gọi chấm dứt sự hỗn loạn và bạo lực đang gây Quốc gia đẫm máu. Giáo chủ của Giáo Hội Công Giáo Can-đê cũng đã lập lại thỉnh cầu lên chính phủ và những người biểu tình để tất cả thực thi "sự khôn ngoan và điều độ ưu tiên cho lợi ích chung" của toàn bộ người dân Iraq, tránh đổ máu vô tội và cướp bóc hoặc gây thiệt hại tài sản công cộng và tư nhân. DHY Thượng phụ kêu gọi cầu nguyện cho quốc gia Iraq sau các cuộc biểu tình chống chính phủ đã bùng nổ vào đầu tháng 10 và kết thúc bằng máu. Ít nhất là 320 người Iraq đã thiệt mạng trong các cuộc đụng độ giữa người biểu tình và lực lượng an ninh.

Những tín hữu Kitô đã trải qua nhiều hoàn cảnh đau thương tại Iraq : 1225 tín hữu bị thiệt mạng trong nhiều thời kỳ bạo lực; 120 ngàn người ở Mosul và đồng bằng Ni-ni-ve đã phải trốn chạy và sống trong các trại tị nạn trong vài năm không được chính phủ quan tâm; 1 triệu dân Iraq rời đất nước, 58 nhà thờ bị đánh bom hoặc phá hủy; khoảng 23 ngàn tài sản của các Kitô hữu bị các phe nhóm địa phương chiếm đoạt.

Giáo hội Can-đê theo nghi lễ đông phương, hiệp thông trọn vẹn với Tòa Thánh và Giáo Hội Công Giáo. Theo thống kê Tòa thánh năm 2017, có 240 ngàn tín hữu Can-đê tại Iraq; 3,400 tại Iran; 4,000 tại Jordan; 20,000 tại Lebanon; 2,000 tại Ai cập; 10,000 tại Syria; 32,000 tại Thổ Nhĩ Kỳ; 250,000 tại Hoa Kỳ; 35,000 tại Úc và 32,000 tại Canada. Tổng số là 628,405 tín hữu Can-đê.

ĐHY Raphael Sako đã chủ tọa Thượng Hội đồng của Giáo Hội Công Giáo Can-đê diễn ra tại Iraqi Kurdistan của Iraq từ ngày 4-10/8/2019 với sự tham dự của các giám mục đến từ các giáo phận của Iraq, Iran, Syria, Lebanon, Mỹ, Canada và Úc. Các Thượng phụ của Thượng Hội đồng đưa ra 5 khuyến nghị trong tuyên bố kết thúc: 1/ Kêu gọi các linh mục của giáo hội Canđê tuân thủ luật Giáo hội, khuyến khích họ bền đỗ trong ơn gọi và tận tâm trong việc phục vụ bất chấp những khó khăn. 2/ Thúc giục các tín hữu trong và ngoài Iraq hiệp nhất và giữ vững bản sắc Can-đê, những nguyên lý của đức tin, đạo đức Kitô giáo và liên kết với Giáo hội, quê hương và ngôn ngữ Can-đê; 3/ Tỏ lòng biết ơn và niềm vui vì sự trở lại của các gia đình sau khi bị Nhà nước Hồi giáo chiếm đóng tại Đồng bằng Mosul và Nineveh. Các nghị phụ hứa hỗ trợ quá trình tái thiết và dấn thân giúp các tín hữu đối diện với những thách đố khác nhau; 4/ Ủng hộ lập trường của Toà Thượng phụ trong việc bảo vệ các Kitô hữu và các quyền chính đáng của họ tại các tổ chức chính phủ; 5/ Khuyến khích các Kitô hữu trở nên cầu nối của những cuộc đối thoại chân thành giữa các nhóm khác nhau, để thúc đẩy sự cùng tồn tại và nâng cao tiếng nói của sự thật.

Lm. Nguyễn Tất Thắng OP
 
Kẻ tặng Đức Phanxicô cây thánh giá quái đản đã bỏ chạy, Đức Thánh Cha và HĐGM kêu gọi dân chúng bình tĩnh
Đặng Tự Do
16:28 12/11/2019
Các Giám Mục tại Bôlivia đã kêu gọi bình tĩnh sau khi tổng thống Evo Morales bất ngờ từ chức trước các cuộc biểu tình trên đường phố vì những cáo buộc gian lận bầu cử. Vào chiều ngày thứ Ba 12 tháng 11, người ta đã thấy ông bỏ chạy sang Mễ Tây Cơ trong một chuyến bay đặc biệt.

Các Giám Mục cũng khẳng định sự ra đi của Tổng thống Evo Morales, không phải là một cuộc đảo chính, mặc dù quân đội đã lên tiếng chấm dứt sự ủng hộ đối với ông ta.

Các Giám Mục nói trong bản tuyên bố hôm 10 tháng 11 rằng:

“Những gì xảy ra ở Bôlivia không phải là một cuộc đảo chính. Chúng tôi long trọng tuyên bố điều này với các công dân Bôlivia và toàn thể cộng đồng quốc tế.” Bản tuyên bố đã được đưa ra chỉ vài giờ sau khi Morales từ chức.

“Chúng tôi kêu gọi người dân Bôlivia bình tĩnh và đừng thực hiện các hành động phá hoại, trả thù hay bất cứ điều gì mà chúng ta có thể phải hối tiếc sau này. Chúng ta có nghĩa vụ nghiêm trọng phải bảo vệ cuộc sống của tất cả người dân Bôlivia.”

Các Giám Mục cũng nói thêm:

“Chúng tôi đồng ý với đề xuất theo đó Quốc hội Bôlivia tìm ra một giải pháp hòa bình và hợp hiến, trong đó bao gồm các cuộc bầu cử mới theo cách mà mọi người có thể bày tỏ ý kiến của mình một cách tự do và hòa bình”.

Morales, 60 tuổi, là tổng thống người bản địa đầu tiên của Bôlivia, đã từ chức sau người đứng đầu quân đội, là tướng Williams Kaliman, nói hôm 10 tháng 11 rằng: “Chúng tôi đề nghị tổng thống từ chức để tái lập hòa bình và duy trì sự ổn định vì lợi ích của đất nước chúng ta.”

Cảnh sát đã bỏ ngũ đồng loạt và tham gia các cuộc biểu tình ở một số thành phố. Người biểu tình lục soát nhà của các quan chức chính phủ. Morales nói nhà của ông ta cũng bị lục soát.

Morales nói việc loại bỏ ông ta là một cuộc đảo chính, nhưng nói ông sẽ từ chức để đem lại hòa bình cho đất nước và đề cao các thành tích của ông ta trong thời gian cầm quyền.

Được bầu lần đầu tiên vào năm 2006, chính quyền Morales đã đem lại một sự bùng nổ tài nguyên và đưa số tiền thu được vào các dự án cơ sở hạ tầng và giảm nghèo. Nền tài chính của Bôlivia cũng được khởi sắc. Tuy nhiên, ông ta theo đường lối cộng sản, chống Mỹ và đã liên minh với Cuba và Venezuela.

Morales muốn tranh cử nhiệm kỳ thứ tư vào năm 2019, mặc dù theo hiến pháp nước này ông chỉ có thể đảm nhiệm 3 nhiệm kỳ. Ước muốn tranh cử nhiệm kỳ thứ tư của ông đã thất bại trong một cuộc trưng cầu dân ý vào năm 2016, nhưng ông đã nhận được phán quyết thuận lợi từ Tòa án Tối cao.

Sau khi việc kiểm phiếu đột nhiên bị dừng lại một cách khó hiểu, tỷ lệ phiếu bầu cho Morales đã tăng lên một cách đầy ngỡ ngàng đối với người dân Bôlivia.

Sau cuộc bầu cử ngày 20 tháng 10, Morales tuyên bố mình là người chiến thắng.

Tuy nhiên, các cuộc biểu tình đã nổ ra và Tổ chức các quốc gia châu Mỹ cho biết cuộc bỏ phiếu có sự thao túng rõ ràng của Morales. Ông ta hứa hẹn các cuộc bầu cử mới, nhưng các cuộc biểu tình vẫn tiếp diễn.

Áp lực gia tăng đối với Morales vào hôm thứ Bảy vừa qua khi các nhân viên cảnh sát bên ngoài dinh tổng thống đồng loạt bỏ ngũ. Cảnh sát cũng trèo lên mái nhà của một đồn cảnh sát gần đó treo cờ quốc gia và các biểu ngữ tuyên bố “Cảnh sát đứng về phía Nhân dân”. Cảnh sát cũng đã rút lui về doanh trại của họ tại ít nhất ba thành phố.

Tại Vatican, Giáo hoàng Phanxicô kêu gọi người dân Bôlivia, bao gồm cả các chính trị gia, bình tĩnh chờ đợi kết quả của cuộc tái xét kết quả bầu cử. Hôm Chúa Nhật, Đức Thánh Cha nói với những người hành hương và khách du lịch tại quảng trường Thánh Phêrô rằng ngài phó dâng Bôliavia cho Đức Mẹ trong những lời cầu nguyện cho đất nước Bolivia yêu dấu, giáp ranh với quê hương Á Căn Đình của ngài.

Đức Phanxicô đã mời gọi “tất cả những người Bôlivia, đặc biệt là những đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực chính trị và xã hội, hãy chờ đợi với một tinh thần xây dựng, và không có bất kỳ điều kiện tiên quyết nào, trong bầu không khí hòa bình và thanh thản, kết quả của cuộc kiểm tra bầu cử.”

Tưởng cũng nên nhắc lại hôm 8 tháng 7, 2015 Đức Thánh Cha đã đáp máy bay sang La Paz, thủ đô Bolivia. Ngài đến nơi vào 4 giờ rưỡi chiều. Sau đó, ngài đã đến thăm Tổng thống Morales tại tòa nhà chính phủ lúc 6 giờ chiều. Dịp này, Morales đã trao tặng Đức Thánh Cha Phanxicô một cây thánh giá được hình thành với những biểu tượng cộng sản như búa, liềm.

Sáng thứ Sáu 15 tháng Tư, 2016, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp Morales, đang ở Rôma để tham dự một hội nghị về các vấn đề kinh tế được tài trợ bởi Học viện Giáo hoàng về Khoa học Xã hội. Một lần nữa, Morales lại trao tặng Đức Thánh Cha một món quà rất độc đáo: đó là một cuốn sách bàn về những lợi ích sức khỏe của lá coca. Lá coca được sử dụng làm nguyên liệu chính để sản xuất ma túy.


Source:Crux

 
Tòa án Tối cao Liên bang chấp thuận đơn kháng cáo cuối cùng của ĐHY Pell
Thanh Quảng sdb
18:10 12/11/2019
Tòa án Tối cao Liên bang chấp thuận đơn kháng cáo cuối cùng của ĐHY Pell



Lúc 9.41 sáng 13/11/2019 Toán án Tối cao Australia đã chấp thuận đơn kháng cáo, một cơ hội cuối cùng cho Đức Hồng Y George Pell kháng cáo về bản án cáo buộc ngài lạm dụng tính dục hai cậu bé trong ca đoàn của Nhà thờ chính tòa Melbourne.

Tòa án tối cao cho hay ĐHY 78 tuổi, hiện đang thụ án 6 năm tù sẽ được tái xét xử vào năm tới. Quyết định này mở ra cho ĐHY Pell một cơ hội cuối cùng hầu có thể được minh oan và trả tự do cho ngài!

ĐHY Pell, một nhân vật cao cấp nhất của Giáo Hội Công Giáo đang bị tù vì tội lạm dụng đã không được về Canberra để nhận cái quyết định này cũng như ngài không được xuất hiện qua truyền hình video; mà quyết định này được chuyển đến phòng giam của Ngài tại trại tù Melbourne, nơi ngài đang bị giam giữ chờ ngày được kháng cáo.

Một bồi thẩm đoàn của Tòa án Tiểu bang Victoria đã kết án ngài vào tháng 12 năm ngoái. ĐHY Pell, nguyên là Tổng trưởng bộ tài chính của Đức Tánh Cha Phanxicô bị kết tội lạm dụng hai ca viên 13 tuổi của ca đoàn Nhà thờ Chính tòa St. Patrick vào cuối thập niên 1990, sau khi ĐHY Pell được bổ nhiệm làm Tổng giám mục của một Tổng giáo phận đông tín hữu nhất tại một thành phố lớn thứ hai của nước Úc.

Quyết định được kháng cáo này cũng xảy ra cùng một lúc - người cha của một cậu bé mà bị cho là bị ĐHY Pell lạm dụng, đã chết vì dùng ma túy quá liều ở tuổi 31 - đã viết một lá thư về Vatican, tra vấn về nhiều vấn nạn quan trọng như: Tại sao ĐHY Pell vẫn còn tước hiệu Hồng Y?

Tòa thánh Vatican đã nhiều lần từ chối bình luận về vụ việc này cho đến khi ĐHY Pell tận dụng hết tất cả các phương tiện hợp pháp để kháng cáo.

Tòa phúc thẩm Tiểu bang Victoria đã mở phiên tòa kháng cáo cho ngài với kết quả phán quyết 2-1 trong phiên tòa hồi tháng 8/2019.

ĐHY Pell bị kết án sáu năm tù vào tháng 3/2019 và không còn là thành viên của Hội đồng 9 Hồng Y cố vấn cho Đức Thánh Cha Phanxicô hay một quan chức của Vatican trong việc cải tổ Tòa thánh.

Các luật sư của ĐHY Pell, đã lập luận trong đơn 12 trang kháng cáo lên Tòa án Tối cao rằng hai thẩm phán Tòa phúc thẩm tiểu bang đã sai phạm trong việc bác bỏ kháng cáo của ĐHY vào tháng Tám, chứng minh là hành vi phạm tội này là không thể xảy ra được! Trong lúc đó họ lại tin là lời tố cáo của kẻ khởi tố là khả tín và các phán quyết của bồi thẩm đoàn là hợp lý.

Các luật sư biện hộ cho ĐHY Pell lập luận rằng có sự nghi ngờ hợp lý về việc liệu có cơ hội cho các tội ác này xảy ra hay không.

Các luật sư của ĐHY Pell, cũng lập luận rằng không có một sự nhất quán trong các lời khai về các sự kiện...

Trong văn bản đệ trình lên Tòa án Tối cao, các công tố viên đã viết nhóm pháp lý Pell, đang yêu cầu các thẩm phán Tòa án Tối cao tra xét các tình tiết của vụ án, đã được tòa phúc thẩm Tiểu bang tra xét cẩn thận kỹ lưỡng.

ĐHY Pell bị kết án phần lớn được dựa vào lời khai của một nạn nhân. Nạn nhân thứ hai đã chết vì dùng thuốc quá liều vào năm 2014 khi anh ta 31 tuổi và anh chưa từng than trách là anh ta bị lạm dụng.

Còn nạn nhân còn sống cho biết sau khi ĐHY Pell bị thua ở phiên tòa phúc thẩm hồi tháng 8 năm nay phát biểu rằng anh hy vọng rằng mọi việc đã xảy ra như vậy!

Việc lạm dụng tính dục trong hàng giáo sĩ và việc xử lý các trường hợp tương tự như vậy trên toàn thế giới trong Giáo Hội Công Giáo đã khiến cho Giáo hội và Đức Thánh Cha Phanxicô phải đương dầu với một tình huống vô cùng hoang mang...

Chỉ trong vòng hơn một năm, Đức Thánh Cha đã phải thừa nhận rằng Ngài đã thiếu xót trong các vụ bao che tại Chile, nhức nhối trong vụ ĐHY Pell bị kết án lạm dụng; một Hồng Y người Pháp bị kết án vì không báo cáo về tội ấu dâm, và một Hồng Y thứ ba là Hồng Y, cựu Chủ tịch Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ, ĐHY Theodore McCarrick, sau cuộc điều tra của Vatican, đã phải nhìn nhận ngài là kẻ lạm dụng trẻ em và cả người lớn.

ĐHY Pell đang phải thụ án ít nhất là ba năm và tám tháng tù giam trước khi ngài hội đủ điều kiện để được tạm tha.

Là một người bị kết án, ngài bị quản thúc và giám thị biệt giam 23 tiếng mỗi ngày.

Chúng ta hãy cầu nguyện cho chân lý được thể hiện và nếu ĐHY Pell có tội thì ngài sẽ tiếp tục bị đền trả; còn nếu ngài vô tội thì công lý được thể hiện và danh dự cho ngài và Giáo hội được phục hồi.
 
TTX Reuters phỏng vấn Nữ Tu em họ ĐGH Phanxicô đang phục vụ tại Thái Lan
Nguyễn Long Thao
23:01 12/11/2019
Udon Thani: Nhân dịp ĐGH Phanxicô tông du Thái Lan vào hạ tuần tháng 11, tờ Bankok Post đã đang một bài của thông tấn xã Reuters viết về ngươi em họ của ĐGH Phanxicô đang phục vụ công việc truyền giáo tại Thái Lan.

Đó là nữ tu Ana Rosa Sivori, 77 tuổi. ĐGH và nữ tu Sivori là con Chú con Bác. Nữ tu Sivori kém người anh họ của mình là ĐGH Phanxicô 6 tuổi. Hai người sinh ra và lớn lên ở Argentina, trong một gia tộc theo đạo Công Giáo.

Khi phóng viên của Reuters đến phỏng vấn nữ tu Ana Rosa Sivori thì bà đang quỳ gối cầu nguyện trong nhà nguyện trước khi đi ra dậy học.Hiện giờ bà là phó hiệu trưởng trường Thánh Mẫu (St Mary) ở một tỉnh đông bắc Thái Lan, cách thủ đô Bankok 600 km.

Trả lời phóng viên Reuters, nữ tu Sivori cho biết bà đang mong từng ngày ĐGH đến Thái Lan vào ngày 20 đến 23 tháng 11 năm 2019. Bà sẽ về Bangkok trước để đón ĐGH và theo tin từ Tòa Thánh Vatican, Bà sẽ tháp tùng ĐGH, là thông dịch viên trong suốt thời gian Ngài tông du Thái Lan.

Nữ tu Sivori theo ơn gọi truyền giáo từ thời còn rất trẻ. Năm 1966 bà đã đến Thái Lan và phục vụ tại đây cho đến ngày nay là lúc bà đã 77 tuổi. Bà nói với phóng viên Reuters:

“Lúc còn trẻ, tôi rất thân với Jorge Mari Bergoglio (tên trong gia đình của ĐGH Phanxicô), tôi thường gọi anh ây bằng tên Jorge. Đối với tôi, thật là một niềm vui khi anh ấy đến đây. Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng anh ấy sẽ đến Thái Lan”.

Bà nói thêm : "Tôi mừng cho mọi người. Tôi muốn mọi người nhìn thấy anh ấy, được gần gũi với anh ấy."

Bà kể thêm về sự liên lạc giữa hai anh em:

“Mỗi khi có dịp về thăm gia đình ở Argentina, trên đường về tôi đều ghé Vatican để gặp anh ấy trong vài ngày.

Lần cuối cùng tôi gặp anh tôi là vào năm 2018 . Anh ấy đưa tôi lên phòng có rất nhiều sách. Anh ấy bảo tôi chọn cuốn sách tôi muốn Khi chúng tôi nói chuyện, chúng tôi cảm thấy như anh chị em ngày nào. Tất nhiên tôi biết rằng anh ấy là Giáo hoàng ... nhưng chúng tôi nói chuyện đơn giản."

ĐGH sẽ hội kiến với Quốc Vương Thái Lan, Đức Tăng Thống Phật Giáo Thái Lan, Hội Đồng Giám Mục và các giới chức cao cấp Công Giáo Thái Lan trước khi sang Nhật Bản vào ngày 23 tháng 11 năm 2019.

Nguyễn Long Thao
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Ngày Sắp Đến ?
Đinh Văn Tiến Hùng
22:22 12/11/2019

Lê Thánh Tông, vị vua nổi bật trong lịch sử Việt Nam với tài trị quốc thương dân đã để lại di ngôn nổi tiếng sau :
“Ta phải giữ cho cẩn thận, đừng để ai lấy một phần núi, một tấc sông do vua Thái Tổ để lại. Nếu ngươi dám đem một thước núi, một tấc đất làm mồi cho giặc thì phải tru di…”


*Nhục Thành Đô khiến dày vò thân xác,
Khí Non Sông vẫn đọng mãi tâm hồn,
Tổ tiên xưa quyết chống Tàu dựng Nước,
Con cháu nay phải dẹp Cộng giữ Nhà.

Ôi ngày sắp đến Thành Đô nghiệt ngã !
Sẽ chôn vùi sự nghiệp của cha ông,
Cả rừng vàng biển bạc giống Lạc Hồng,
Khi trở thành thuộc địa của Tàu cộng.

Ôi ngày sắp đến Thành Đô nghiệt ngã !
Dân tộc ta đâu còn có tương lai,
Rồi sẽ biến thành một lũ tay sai,
Và cúi đầu sống trong vòng nô lệ.

Ôi ngày sắp đến Thành Đô nghiệt ngã !
Hãy bừng tỉnh trong mộng tưởng hoang đàng,
Bọn tà quyền đừng tham vọng giàu sang,
Ngày ấy đến phải tan tành mây khói.

Ôi ngày sắp đến Thành Đô nghiệt ngã !
Sao lớp trẻ vẫn chen chúc vui chơi,
Say sưa nghiện hút nhảy nhót vùi đời,
Nhận cầu thủ siêu sao làm thần tượng.

Ôi ngày sắp đến Thành Đô nghiệt ngã !
Nhìn gương tuổi trẻ bất khuất Hồng Kông,
Lớp trẻ Việt Nam có theo gương không,
Hay vẫn cuốn hút sống cuồng sống vội ?

Ôi ngày sắp đến Thành Đô nghiệt ngã !
Thế hệ trẻ bị đầu độc tan hoang,
Bởi một chế độ thối nát tham tàn,
Bị uốn nắn thành lớp người vô cảm.

Ôi ngày sắp đến Thành Đô nghiệt ngã !
Muốn Việt Nam còn tên trên địa cầu,
Phải lật đổ những tên thái thú Tàu,
Đang dâng dần biển đảo đất Nước Việt.

ĐINH VĂN TIẾN HÙNG

(*) Chú thích : Ngày 3&4/9/1990 tại Thành Đô, Tứ Xuyên, Trung Quốc, bọn đầu xỏ Cộng sản VN đã âm mưu ký ‘Mật ước bán nước Thành Đô’ biến Việt Nam thành khu tự trị thuộc quyền Trung cộng giống như
Tây Tạng, Nội Mông…Hiệp ước sẽ bắt đầu thi hành từ 2020.
-Đại diện CSVN gồm có TBT Nguyễn văn Linh, CT Đỗ Mười và Cố vấn Phạm văn Đồng.
-Đại diện Trung cộng có TBT Giang Trạch Dân và Thủ tướng Lý Bằng
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Giải đáp phụng vụ: Tự động một mình đặt Mình Thánh chầu được không?
Nguyễn Trọng Đa
10:21 12/11/2019
Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), giáo sư phụng vụ và thần học Bí tích, Giám đốc Viện Sacerdos tại Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Là một tu sĩ sống trong cộng đoàn, con đã nhận thấy rằng cả các linh mục và các thầy đang học thần học thường đặt Mình Thánh được cất trong một loại Mặt nhật nhỏ, trong Nhà tạm của nhà nguyện riêng của cộng đoàn. Ai cũng làm điều này hoàn toàn một mình, mà không sử dụng bất kỳ lễ phục nào, có thể thắp vài ngọn nến, và đặt Mặt nhật có Mình Thánh trên một khăn thánh trên bàn thờ. Các sách phụng vụ hiện nay nói rõ ràng rằng việc đặt Mặt nhật có Mình Thánh đòi hỏi có cộng đoàn, bốn hoặc sáu ngọn nến thắp sáng, xông hương, hát, và mặc lễ phục. Tuy nhiên, với mọi loại cử hành phụng vụ khác có tính đơn giản hóa, việc đặt Mặt nhật có Mình Thánh dường như cũng đi theo chiều hướng này. Thưa cha, có bất cứ điều gì rõ ràng hơn những gì đã có trong tài liệu De sacra Communione et de Cultu mysterii eucharistici extra missam (Rước lễ và Chầu Thánh Thể ngoài Thánh lễ) không? Có lẽ một cái gì đó từ trước Công đồng chung Vatican II vẫn còn có thể áp dụng chăng? Con nhớ lại việc đọc một ghi chú của một nhà bình luận trước Công đồng Vatican II, nói rằng việc linh mục đặt Mình Thánh để chầu một mình là hoàn toàn bị cấm rõ ràng, nhưng con không nhớ là đã đọc ở đâu. Xin cha giúp con. - F. R., Rôma.


Đáp: Theo như tôi biết, không có các quy chế phổ quát mới liên quan đến việc đặt Mình Thánh, mặc dù một số quy chế đã được làm sáng tỏ bởi các trả lời chính thức cho các nố hoài nghi. Và có một số tài liệu từ các Hội Đồng Giám Mục cung cấp giải thích tốt cho các quy định.

Về vấn đề này, tôi nghĩ điều quan trọng là phải nhớ lại rằng các phương thức chầu thông thường trong Giáo Hội Công Giáo là chầu trước Nhà tạm.

Chúng ta cũng nên nhớ lại sự phân biệt giữa việc chầu đơn giản và chầu trang trọng. Trong kỷ luật của Hội Thánh hiện nay, việc chầu đơn giản là với hộp đựng Mình Thánh (pyx) hoặc Bình Thánh (ciborium) đậy nắp. Không có hình thức chầu đơn giản khác.

Nếu Mình Thánh có thể được nhìn thấy rõ, thì đó là việc chầu trang trọng và cần có xông hương. Không có sự khác biệt nào cho dù Mặt nhật là lớn hay nhỏ, được đặt trên bàn thờ (tùy chọn ưa thích nhất) hoặc trong Nhà tạm.

Trong số các giải thích được cung cấp bởi các Hội Đồng Giám Mục, có tài liệu của Ủy ban Phụng tự thuộc Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ mang tên “Chín câu hỏi về Nghi thức chầu Thánh Thể” (Nine Questions on the Rites for Adoration of the Blessed Sacrament), tháng 9-2006:

“Trong các tháng gần đây, Ủy ban Phụng tự đã nhận được một số câu hỏi liên quan đến các nghi thức chầu Thánh Thể. Trong khi một vài trong số các câu hỏi này được trả lời trong ấn phẩm của Hội đồng Giám Mục “Ba mươi mốt câu hỏi về nghi thức chầu Thánh Thể”, một vài lời giải thích thêm được cung cấp ở đây để thông tin cho bạn đọc:

“1. Việc chầu Thánh Thể được đặt trên bàn thờ có khác gì với việc chầu Thánh Thể được giữ trong Nhà tạm?

“Việc chầu Thánh Thể được giữ trong Nhà tạm là một việc đạo đức. Còn việc chầu Mình Thánh được đặt trên bàn thờ là một hành động phụng vụ, mà qua đó Mình Thánh được đưa ra ngoài Nhà tạm, được đặt trong Mặt nhật hoặc Bình thánh cho các tín hữu chầu công khai. Giữa Thánh lễ và việc Tôn Thờ Thánh Thể ngoài Thánh lễ có một mối liên hệ nội tại. ‘Cử hành Hy tế Thánh Thể là nguồn gốc và đích tới của việc tôn thờ được tỏ bày đối với Thánh Thể ngoài thánh lễ’ (Huấn thị Eucharisticum mysterium, số 3)

“2. Các nghi thức phụng vụ cho việc chầu Mình Thánh được đặt trên bàn thờ là gì? Các nghi thức này được tìm thấy trong chương thứ ba của cuốn “Rước lễ và Chầu Thánh Thể ngoài Thánh lễ” (HCW), mang tên ‘Các hình thức thờ phượng Thánh Thể.’ Các nghi thức chầu Thánh Thể được đặt trên bàn thờ được tìm thấy trong các số 82-100. Các nghi thức này bao gồm việc Đặt Mình Thánh, Chầu, Phép lành và Cất Mình Thánh.

“3. Các nghi thức Đặt và Chầu Mình Thánh là gì? Trong khi Mình Thánh Thể được đưa ra, và Bình thánh hoặc Mặt nhật được đặt trên bàn thờ, cộng đoàn hát một bài. Nếu dùng Mặt nhật (hơn là Bình thánh), thừa tác viên xông hương (xem HCW, số 93). Trong khi chầu, 'cần có các lời kinh, bài hát, và bài đọc để hướng sự chú ý của tín hữu đến việc thờ phượng Chúa Kitô.' (HCW, số 95) Một bài giảng ngắn hay suy niệm củng là phù hợp, cũng như có thời gian thinh lặng kéo dài.

"4. Các nghi thức Phép lành và Cất Mình Thánh là gì? Về nghi thức Phép lành, được mô tả trong HCW, số 97, linh mục xông hương Mình Thánh trong Mặt nhật, đọc các lời nguyện ghi sẵn (xem HCW, số 98, 224-229), và sau khi mang khăn vai, cầm Mặt nhật và ban phép lành cho mọi người. (x. HCW, số 99). Sau đó, trong khi linh mục cất Mình Thánh vào Nhà tạm, mọi người có thể hát một bài tung hô. (xem HCW, số 100)

“5. Khi chầu Mình Thánh, dùng bao nhiêu cây nến? ‘Để chầu Mình Thánh trong Mặt nhật, cần 5-6 cây nến thắp sáng và có xông hương. Để chầu Mình Thánh trong Bình Thánh, ít nhất hai ngọn nến phải được thắp sáng, và có thể xông hương.’ (HCW, số 85)

“6. Lễ phục nào cần mang cho các nghi thức Chầu Mình Thánh trên bàn thờ? ‘Thừa tác viên, nếu là một linh mục hoặc phó tế, nên mặc áo chùng trắng, hoặc áo các phép bên ngoài chiếc áo dòng, và dây các phép. Các thừa tác viên khác nên mặc trang phục phụng vụ, được sử dụng trong khu vực hoặc bộ áo phù hợp với thừa tác này và đã được Đấng Bản quyền chấp thuận. Linh mục hoặc phó tế nên mặc áo choàng trắng và khăn vai để ban phép lành vào cuối giờ chầu, khi Mình Thánh được đặt trong Mặt nhật; trong trường hợp Mình Thánh ở trong Bình thánh, linh mục hoặc phó tế nên mang khăn vai’ (HCW, số 92)

“7. Các nghi thức này có thể được điều chỉnh hoặc rút ngắn cho các trường hợp đặc biệt không? Không. Các nghi thức phụng vụ không có thể được điều chỉnh hoặc rút ngắn vượt quá phạm vi được hình dung bởi các chữ đỏ của HCW. Chỉ đơn giản mở của Nhà tạm để thúc đẩy cầu nguyện riêng tư hoặc việc đạo dức, là không phù hợp với các yêu cầu phụng vụ của HCW, các số 83-85. Tuy nhiên, có thể lưu ý rằng nghi thức Ban phép lành được bỏ qua, khi một giáo dân hướng dẫn giờ chầu. (xem HCW, số 91)

"8. Có được phép dùng ‘Nhà tạm chầu,’ vốn bao gồm một cửa sổ nhỏ có nắp trượt, để trưng Mình Thánh không? Không. ‘Mình Thánh phải được lưu giữ trong một Nhà tạm vững chắc. Nhà tạm phải là mờ đục và không thể phá vỡ.’ (HCW, số 10; Bộ Giáo luật, điều 938 §3; Quy chế Tổng Quát Sách lễ Rôma, số 314.)

“9. Giờ kinh Chiều có thể cử hành trong sự hiện diện của Thánh Thể không? Được. ‘Phần Phụng vụ Giờ Kinh, đặc biệt là các giờ kinh chính, có thể được cử hành trước Thánh Thể, khi có thời gian dài đặt Mình Thánh. Giờ kinh này mở rộng sự ngợi khen và tạ ơn dâng lên Thiên Chúa trong cử hành Thánh Thể cho nhiều giờ kinh trong ngày; nó hướng các cầu nguyện của Hội Thánh lên Chúa Kitô, và qua Người lên Chúa Cha nhân danh cả thế giới.’ (HCW, số 96)

Như có thể thấy, tất cả các điều giải thích sáng tỏ này đều dựa vào luật phổ quát, chứ không riêng cho Hoa Kỳ.

Như vậy rõ ràng rằng việc chầu Thánh Thể luôn là một hoạt động cộng đồng và công khai, tôn vinh Chúa Kitô trong phép Thánh Thể, và không bao giờ chỉ là một sự trợ giúp thuần túy cho lòng đạo đức cá nhân. Hoạt động cộng đồng và công khai này có thể được thực hiện trong các thời chầu chung ngắn, hoặc bằng cách lần lượt trong một thời gian chầu kéo dài (Nghi thức rước lễ và chẩu Thánh Thể bên ngoài thánh lễ: 82; 89-90).

Việc chầu Mình Thánh không nên được xem là một trợ giúp tâm lý cho việc cầu nguyện tinh thần. Đó không phải là chức năng của nó trong Hội Thánh. Hội Thánh ban ân xá như nhau cho việc chầu trước Nhà tạm, cũng như trước Mình Thánh được đặt ra.

Kết quả là, không một linh mục hay bất kỳ thừa tác viên nào khác có thể đặt Mình Thánh chỉ vì lòng đạo đức riêng của mình. Năng quyền được ban cho bất cứ thừa tác viên nào là vì lợi ích của tín hữu, ngay cả khi thừa tác viên cũng có được thành quả thiêng liêng cho việc này.

Trước khi có cải cách của Công đồng Vatican II, các linh mục có thể mở của Nhà tạm để chầu đơn giản với Bình thánh có nắp, như là một phương tiện cho lòng đạo đức cá nhân. Mặc dù khả năng này chưa được chính thức bãi bỏ, nhưng nó là khá hiếm trong thực tế hiện nay. (Zenit.org 12-11-2019)

Nguyễn Trọng Đa

https://zenit.org/articles/solitary-exposition-of-blessed-sacrament/
 
Văn Hóa
Nhận chìm mình trong Chúa
Lm JB Nguyễn Minh Hùng
05:50 12/11/2019
(Suy niệm tĩnh tâm linh mục tháng 11.2019)

Đức Hồng Y Phanxicô Nguyễn Văn Thuận từng viết về chân dung người tông đồ truyền giáo: Đó "là người có Chúa Kitô trong lòng, Chúa Kitô trên khuôn mặt, Chúa Kitô nơi môi miệng, Chúa Kitô trên đôi tay, Chúa Kitô trên vai... Tắt một lời, là người đầy tràn Chúa Kitô và cho kẻ khác Chúa kitô" (Đường hy vọng).

Hơn ai hết, Đức Maria chính là kiểu mẫu, là hình tượng vững chắc về người tông đồ truyền giáo biết nhận chìm chính mình trong Chúa Kitô như thế.

1. Đức Mẹ nhận chìm mình trong Chúa.

Những trang Tin Mừng có liên quan đến Đức Mẹ, đều diễn tả sự nhận chìm mình trong Chúa của Đức Mẹ:

- Phía sau sự đơn thành, giản dị của cuộc sống đời thường, Đức Mẹ chăm chút từng đường nét của ơn Chúa. Để một ngày, hoa trái của sự chăm chút ấy được dịp bung nở khi mạnh dạn thốt lời "xin vâng", dẫu chưa hiểu nổi tiếng "xin vâng" sẽ dẫn mình đến đâu, miễn sao ý Chúa thành toàn. Sự cộng tác triền miên cùng ơn Chúa, đã cho Đức Mẹ niềm tín thác không dễ gì cưỡng lại.

- Đón nhận Chúa Giêsu trong sự can đảm của lòng tin mạnh, Đức Mẹ vội vã mang niềm vui được Chúa ở cùng đến với hài nhi Gioan và gia đình tư tế Giacaria.

Bằng cách "ra đi" "đến với", Đức Mẹ đưa Con Thiên Chúa, buổi đầu làm người, thăm gia đình đại diện mọi gia đình nhân loại. Gia đình tư tế Giacaria trở thành gia đình đầu tiên đón nhận Chúa Kitô ngay buổi đầu Người làm người.

- Đức Mẹ tiếp tục chứng tỏ hình ảnh người tông đồ truyền giáo, khi bồng ẵm Chúa Kitô cho các mục đồng, các đạo sĩ chiêm ngưỡng, bái thờ.

- Đức Mẹ đem niềm hạnh phúc, khi tiếp tục trao Nguồn Ánh sáng, Nguồn Hạnh phúc vào tay hai cụ Simeon và Anna. Thỏa niềm mong đợi Đấng Cứu Thế - Đấng mà đất trời không thể chứa, lại nên bé nhỏ trên tay mình - lớn đến nổi, cụ già Simeon thốt lên trong ngỡ ngàng, khoan khoái, nhưng tin tưởng, mến yêu: "Giờ đây Chúa hãy để tôi tớ Chúa ra đi bình an"...

- Đó chỉ là những cá nhân và gia đình riêng. Năm tháng thinh lặng và chìm khuất giữa làng quê nghèo, càng là dịp để Đức Mẹ nhận chìm mình trong Chúa cho sứ mạng tông đồ truyền giáo.

Đức Mẹ âm thầm chu toàn trọn bổn phận làm mẹ. Nhờ đó, Đức Mẹ chuẩn bị mang đến, không phải chỉ những cá nhân, nhưng là cả nhân loại qua mọi thời đại Tin Mừng lớn lao: Sự Sống của nhân loại, Chúa Giêsu Kitô, "Đấng nhân danh Thiên Chúa mà đến" (Lc 13, 35).

- Trên hành trình truyền giáo và tử nạn của Chúa con, không lúc nào ánh mắt Đức Mẹ không dõi theo để uống lấy từng lời, thực hành lời ấy và vâng phục thánh ý Thiên Chúa đến mức kiên cường, đến mức anh dũng.

Chính lúc nhận lấy thân xác cứng đờ của con bên chân thánh giá, chính lúc tiếng xin vâng trở nên nghiệt ngã, chính lúc sự bất khuất của một người mẹ thành hình tượng vững chãi, chính lúc tình yêu hiến dâng đạt tới đỉnh cao, chính lúc mũi gươm không phải cứa vào thân xác, nhưng đâm nát tâm hồn (x.Lc 2, 35), Đức Mẹ hoàn thành cách đẹp nhất, trọn hảo nhất hình ảnh người tông đồ truyền giáo nhận ngập đời mình trong Chúa Kitô để trao Nguồn sống và Hạnh phúc cho muôn thế hệ trần gian.

2. Và chúng ta.

Bổn phận làm cho tinh thần Phúc âm của Chúa thấm nhuần trong đời sống người đã biết Chúa và người chưa biết Chúa là bổn phận hàng đầu của hàng linh mục.

Nhưng bổn phận ấy chỉ có thể thực hiện và mang về kết quả khả dĩ khi người truyền giáo biết cộng tác với ơn Chúa thánh hóa mình. Sự thánh hóa mình ở mức vững vàng chỉ có thể bắt chước Đức Mẹ, là nhận chìm mình trong Chúa Kitô.

Hơn ai hết, càng là linh mục, ta càng phải đào tạo trái tim mình, đời sống mình thành tông đồ truyền giáo như Đức Hồng Y dạy: Có Chúa ngập đầy trong từng biểu hiện sống, tương quan sống.

Như Đức Mẹ, ta đón nhận Chúa qua tất cả những biến cố hằng ngày, dù đó là niềm vui hay nỗi buồn, mạnh mẽ hay chán nản, bi quan hay hạnh phúc.

Đức Mẹ chưa từng bỏ qua một hoàn cảnh nào dù nhỏ nhất, để được thấm đẫm trong ơn Chúa. Cũng vậy, sự đón nhận cách tốt nhất của ta để trở thành người tông đồ truyền giáo nhận chìm mình trong Chúa, chính là lắng mình trong suy tư và nội tâm hóa tất cả.

Không có gì xảy ra mà không có ích cho ta, dẫu có thể đang lúc xảy ra, ta chỉ thấy toàn mất mát, vô vọng. Bởi để trở thành người tông đồ truyền giáo, người ta đâu chỉ là ra đi trên đôi chân, nhưng trước hết là ngập mình trong Chúa để có thể lớn lên và trưởng thành, xứng tầm của một tông đồ truyền giáo.

Hoàn cảnh nào, biến cố nào cũng có thể đặt ta trên đường tìm đến Chúa, ngập trong Chúa và tích lũy Chúa để có thể bước ra thành tông đồ truyền giáo đưa Chúa vào lòng người.

Hãy nhớ: điều trước tiên của việc truyền giáo không là ra đi, mà là sống sát với Chúa đến nỗi ngập đầy Chúa nơi cõi hồn mình.
 
Nén Hương Mùa Các Đẳng
Sơn Ca Linh
10:30 12/11/2019
Mặc kệ đời, mặc kệ
Dẫu cho em là hồn “ma không chồng”
Một kiếp phôi pha hoa cỏ má hồng,
Nên giờ hoang lạnh nấm mồ hoang vô chủ.

Dẫu cho anh,
Khét tiếng một thời du thực du thủ,
Đâm chém rành nghề, đủ món ăn chơi.
Rồi cũng xong, một bản án, một cuộc đời,
Một cõi đi về, một nấm mồ hoang tái.

Dẫu cho em, những linh hồn bé dại,
Bỏ lại cuộc đời khi vừa biết mộng biết mơ.
Người ta bảo em
hoá thành ma đêm đêm thơ thẩn dật dờ,
Đi tìm người yêu, đi tìm chút hương hoa hạnh phúc.

Cho dẫu các bạn,
Thuộc bên nầy, ở bên kia, chết oai hùng hay tủi nhục,
Làm ma không đầu hay câm lặng những âm binh,
Lát cắt cuộc đời bằng những vết đạn vô tình,
Giờ “Nằm xuống” đơn côi may chỉ còn loài chim tưởng nhớ.

Cho dẫu ngoài kia,
chập chùng cõi âm những cuộc đời mang duyên nợ,
Nợ nghĩa, nợ tình, nợ ân oán bao la.
Chưa trả hết nợ đời nên đành lầm lũi kiếp ma,
Ngày mong tháng đợi nén nhang thừa tưởng nhớ…

Quyền lực giàu sang hay mạt phần tôi tớ,
Chính trực cao dày hay bại hoại ô nhơ,
Một khi cõi dương đã tận tuyệt nương nhờ,
Về cõi âm mang theo linh hồn cô thân cô thế…

Vì ta tin chết không là hết nên “mặc kệ”,
Mặc kệ đời, mặc kiếp phận có là ai.
Một lời kinh, một nén hương ta gởi xuống tuyền đài,
Xin Trời thương, xin Trời mở mùa hồng ân siêu độ !

Sơn Ca Linh
Mùa Các Đẳng 11.2019
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Phù Vân
Nguyễn Trung Tây Lm.
22:57 12/11/2019
PHÙ VÂN
Ảnh của Nguyễn Trung Tây Lm. (SVD)

Phù vân nối tiếp phù vân!
Tất cả đều chỉ là phù vân
(Cách Ngôn)
 
VietCatholic TV
Tin mừng lớn: Tối Cao Pháp Viện Úc xử lại vụ án Đức Hồng Y George Pell
Giáo Hội Năm Châu
16:43 12/11/2019
Chúng tôi vui mừng loan báo với quý vị và anh chị em rằng lúc 9g30 sáng thứ Tư 13 tháng 11, hai vị thẩm phán Tối Cao Pháp Viện Úc, tại Canberra, đã công bố chấp nhận thụ lý đơn kháng cáo của Đức Hồng Y George Pell.

Phiên tòa sắp tới của Đức Hồng Y Pell sẽ được xét xử bởi bảy thẩm phán trong vài tháng tới.

Giờ đây chúng ta hãy dâng lời tạ ơn Chúa, và cầu nguyện để công lý được hiển trị.

Tối Cao Pháp Viện Úc thường bác bỏ khoảng 90% đơn kháng cáo. Tuy nhiên, ngay từ đầu chúng tôi vẫn lạc quan tin rằng Tối Cao Pháp Viện Úc sẽ chấp nhận đơn kháng cáo của Đức Hồng Y Pell.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Vụ án này gây nhiều tranh cãi, và đã thu hút sự chú ý của công chúng, và đông đảo người Công Giáo cũng như không Công Giáo cho rằng ngài không thể có hành vi lạm dụng tình dục trong giáo đường sau Thánh lễ, nơi luôn đông người, mà không ai để ý. Các luật sư của Pell, đã lập luận rằng hai thẩm phán tòa phúc thẩm ở tiểu bang Victoria đã mắc sai lầm khi họ bác bỏ đơn kháng cáo của ngài vào tháng Tám vừa qua. Đức Hồng Y Pell đã được yêu cầu chứng minh rằng mình không thể phạm tội, thay vì, theo luật pháp của các quốc gia dân chủ, bên công tố phải chứng minh ngài có tội.

Hôm thứ Ba 12 tháng 11, Tối Cao Pháp Viện Úc cho biết sẽ đưa ra quyết định của mình mà không cần nghe các tranh cãi từ các bên. Điều này thường chỉ xảy ra khi Tối Cao Pháp Viện thấy quyết định của họ là hiển nhiên. Hiển nhiên thứ nhất là bản án của tòa dưới được xã hội đồng tình, với các chứng lý không còn tranh biện vào đâu được. Đó không phải là trường hợp bản án của Đức Hồng Y Pell tại Victoria. Hiển nhiên thứ hai, trường hợp của Đức Hồng Y Pell là một ví dụ. Bản án có quá nhiều vấn đề, và dư luận xã hội không đồng tình. Nhận định này còn được củng cố bởi chi tiết là quyết định của Tối Cao Pháp Viện Úc sẽ được đưa ra mà không có các lý do được viết thành văn bản.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Đức Hồng Y Pell, năm nay 78 tuổi, đã bị kết án vào ngày 11 tháng 12 năm 2018, với năm cáo buộc rằng ngài lạm dụng tình dục hai cậu bé hợp xướng 13 tuổi sau Thánh lễ Chúa Nhật khi còn là Tổng giám mục Melbourne năm 1996 và 1997.

Ngài bị kết án sáu năm tù, trong đó ngài phải thụ án ít nhất ba năm và tám tháng trước khi đủ điều kiện để nộp đơn xin tạm tha.

Tháng 8 vừa qua, đơn kháng cáo chống lại bản án của ngài đã bị Tòa phúc thẩm Victoria bác bỏ trong bản án với tỷ số 2-1.

Như Ông Mark Weinberg, vị thẩm phán phúc thẩm bất đồng với hai người kia đã nhận xét, việc kết án Đức Hồng Y chỉ dựa đơn thuần vào các cáo buộc hoàn toàn không bằng không cớ của người tố cáo duy nhất, trong đó “chứa đựng những điểm thiếu nhất quán và những bất cập hiển nhiên”, và “thiếu giá trị để chứng minh”.

Một số độc giả có thể ngạc nhiên rằng tại sao lại có thể buộc tội hoàn toàn trên cơ sở không bằng không chứng của một người về một sự kiện đã diễn ra hơn 20 năm về trước. Nhưng đó thật sự là những gì đã diễn ra tại Australia như xác nhận của Thẩm phán Weinberg:

“Một đặc điểm khác thường của vụ án này là nó phụ thuộc hoàn toàn vào việc chấp nhận lời khai của người khiếu nại, coi anh ta là một nhân chứng đáng tin cậy và xác thực, bất kể sự nghi ngờ hợp lý. Bồi thẩm đoàn đã được kêu gọi chấp nhận chứng cứ của anh ta mà không có bất kỳ sự hỗ trợ độc lập nào khác.”

Người Công Giáo nhất quyết không tin rằng Đức Hồng Y George Pell phạm tội vì bạn càng hiểu cách một nhà thờ hoạt động, những gì một tổng giám mục làm, thì những lời buộc tội của phía công tố càng kém tin cậy. Trước hết là rượu lễ của nhà thờ được giữ trong một két an toàn; và Hồng Y Pell không thể rời khỏi cuộc rước sau Thánh lễ mà sự vắng mặt của ngài không ai hay biết; các nhân chứng tuyên thệ trước tòa là điều này không bao giờ xảy ra. Hơn nữa, nếu ai đó rất muốn phạm tội tình dục đối với trẻ vị thành niên, người ấy cũng sẽ không làm như vậy vào một trong những ngày Chúa Nhật đầu tiên của mình trong ngôi nhà thờ mới được trùng tu, ở một nơi công cộng, trong khi những người khác đang đợi mình. Một người dám phạm tội như vậy, hẳn phải có một chuỗi các nạn nhân bị lạm dụng trong những tình huống ít hiểm nghèo hơn? Nhưng tuyệt nhiên không có.

Người Công Giáo có những lý do khác để có những nghi ngờ hợp lý. Lịch sử của chúng ta tràn ngập các giáo sĩ đi tù vì niềm tin của mình; và đối với hầu hết những người Công Giáo quen biết Đức Hồng Y Pell, cảm mến sự thánh thiện của ngài, thì ngài rõ ràng nằm trong trường hợp này.

Đức Hồng Y Pell, cho đến nay, vẫn là gương mặt đáng chú ý nhất của Công Giáo Úc trong thời gian cả một thế hệ trong cương vị là Tổng Giám Mục Melbourne, sau đó là Tổng Giám Mục Sydney, rồi là Hồng Y, và cuối cùng là người được Đức Thánh Cha Phanxicô chọn vào năm 2013 để chỉnh đốn nền tài chính của Vatican. Ngài là một cây bút viết các bài chính luận thường xuyên trên báo chí, và là một bình luận viên truyền hình và đài phát thanh, một người rất thích tranh luận trước những người tấn Công Giáo Hội về phá thai, quyền của người đồng tính, phong chức cho phụ nữ, và vô số các vấn đề cấp tiến khác. Ngài là tiêu điểm của trào lưu chống Công Giáo, chống giáo sĩ và chống chủ nghĩa bảo thủ ở một đất nước rất thế tục đang phát động một cuộc chiến chống tôn giáo qua hàng loạt các chiến dịch mà đáng chú ý nhất là việc buộc các linh mục phải vi phạm ấn tín Tòa Giải Tội.

Ủy ban Hoàng gia trong giai đoạn 2013-17 về Phản Ứng Của Các Định Chế Đối Với Lạm Dụng Tình Dục Trẻ Em tập trung phần lớn sự chú ý vào việc tạo ra một ấn tượng rằng Giáo Hội gần giống như một tổ chức tội phạm bao che cho nhau để bảo vệ các thành viên khỏi bị truy tố về tội ác chống lại trẻ vị thành niên.

Ngay trước khi Hồng Y Pell bị tuyên án tờ The Independent chạy hàng tít lớn “Giáo Hội Công Giáo hết thời rồi”. Như thế đã rõ là qua vụ kết án Đức Hồng Y, những lực lượng siêu thế tục tại Úc đang muốn triệt hạ Giáo Hội Công Giáo mà Đức Hồng Y Pell và một biểu tượng.

Chúng ta hãy tiếp tục vững tin và thêm lời cầu nguyện sốt sắng cho ngài.
 
Morles Eva, người tặng Đức Phanxicô cây thánh giá quái đản đã bỏ chạy, tuyên bố của HĐGM Bolivia
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
18:22 12/11/2019
Các Giám Mục tại Bôlivia đã kêu gọi bình tĩnh sau khi tổng thống Evo Morales bất ngờ từ chức trước các cuộc biểu tình trên đường phố vì những cáo buộc gian lận bầu cử. Vào chiều ngày thứ Ba 12 tháng 11, người ta đã thấy ông bỏ chạy sang Mễ Tây Cơ trong một chuyến bay đặc biệt.

Các Giám Mục cũng khẳng định sự ra đi của Tổng thống Evo Morales, không phải là một cuộc đảo chính, mặc dù quân đội đã lên tiếng chấm dứt sự ủng hộ đối với ông ta.

Các Giám Mục nói trong bản tuyên bố hôm 10 tháng 11 rằng:

“Những gì xảy ra ở Bôlivia không phải là một cuộc đảo chính. Chúng tôi long trọng tuyên bố điều này với các công dân Bôlivia và toàn thể cộng đồng quốc tế.” Bản tuyên bố đã được đưa ra chỉ vài giờ sau khi Morales từ chức.

“Chúng tôi kêu gọi người dân Bôlivia bình tĩnh và đừng thực hiện các hành động phá hoại, trả thù hay bất cứ điều gì mà chúng ta có thể phải hối tiếc sau này. Chúng ta có nghĩa vụ nghiêm trọng phải bảo vệ cuộc sống của tất cả người dân Bôlivia.”

Các Giám Mục cũng nói thêm:

“Chúng tôi đồng ý với đề xuất theo đó Quốc hội Bôlivia tìm ra một giải pháp hòa bình và hợp hiến, trong đó bao gồm các cuộc bầu cử mới theo cách mà mọi người có thể bày tỏ ý kiến của mình một cách tự do và hòa bình”.

Morales, 60 tuổi, là tổng thống người bản địa đầu tiên của Bôlivia, đã từ chức sau người đứng đầu quân đội, là tướng Williams Kaliman, nói hôm 10 tháng 11 rằng: “Chúng tôi đề nghị tổng thống từ chức để tái lập hòa bình và duy trì sự ổn định vì lợi ích của đất nước chúng ta.”

Cảnh sát đã bỏ ngũ đồng loạt và tham gia các cuộc biểu tình ở một số thành phố. Người biểu tình lục soát nhà của các quan chức chính phủ. Morales nói nhà của ông ta cũng bị lục soát.

Morales nói việc loại bỏ ông ta là một cuộc đảo chính, nhưng nói ông sẽ từ chức để đem lại hòa bình cho đất nước và đề cao các thành tích của ông ta trong thời gian cầm quyền.

Được bầu lần đầu tiên vào năm 2006, chính quyền Morales đã đem lại một sự bùng nổ tài nguyên và đưa số tiền thu được vào các dự án cơ sở hạ tầng và giảm nghèo. Nền tài chính của Bôlivia cũng được khởi sắc. Tuy nhiên, ông ta theo đường lối cộng sản, chống Mỹ và đã liên minh với Cuba và Venezuela.

Morales muốn tranh cử nhiệm kỳ thứ tư vào năm 2019, mặc dù theo hiến pháp nước này ông chỉ có thể đảm nhiệm 3 nhiệm kỳ. Ước muốn tranh cử nhiệm kỳ thứ tư của ông đã thất bại trong một cuộc trưng cầu dân ý vào năm 2016, nhưng ông đã nhận được phán quyết thuận lợi từ Tòa án Tối cao.

Sau khi việc kiểm phiếu đột nhiên bị dừng lại một cách khó hiểu, tỷ lệ phiếu bầu cho Morales đã tăng lên một cách đầy ngỡ ngàng đối với người dân Bôlivia.

Sau cuộc bầu cử ngày 20 tháng 10, Morales tuyên bố mình là người chiến thắng.

Tuy nhiên, các cuộc biểu tình đã nổ ra và Tổ chức các quốc gia châu Mỹ cho biết cuộc bỏ phiếu có sự thao túng rõ ràng của Morales. Ông ta hứa hẹn các cuộc bầu cử mới, nhưng các cuộc biểu tình vẫn tiếp diễn.

Áp lực gia tăng đối với Morales vào hôm thứ Bảy vừa qua khi các nhân viên cảnh sát bên ngoài dinh tổng thống đồng loạt bỏ ngũ. Cảnh sát cũng trèo lên mái nhà của một đồn cảnh sát gần đó treo cờ quốc gia và các biểu ngữ tuyên bố “Cảnh sát đứng về phía Nhân dân”. Cảnh sát cũng đã rút lui về doanh trại của họ tại ít nhất ba thành phố.

Tại Vatican, Giáo hoàng Phanxicô kêu gọi người dân Bôlivia, bao gồm cả các chính trị gia, bình tĩnh chờ đợi kết quả của cuộc tái xét kết quả bầu cử. Hôm Chúa Nhật, Đức Thánh Cha nói với những người hành hương và khách du lịch tại quảng trường Thánh Phêrô rằng ngài phó dâng Bôliavia cho Đức Mẹ trong những lời cầu nguyện cho đất nước Bolivia yêu dấu, giáp ranh với quê hương Á Căn Đình của ngài.

Đức Phanxicô đã mời gọi “tất cả những người Bôlivia, đặc biệt là những đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực chính trị và xã hội, hãy chờ đợi với một tinh thần xây dựng, và không có bất kỳ điều kiện tiên quyết nào, trong bầu không khí hòa bình và thanh thản, kết quả của cuộc kiểm tra bầu cử.”

Tưởng cũng nên nhắc lại hôm 8 tháng 7, 2015 Đức Thánh Cha đã đáp máy bay sang La Paz, thủ đô Bolivia. Ngài đến nơi vào 4 giờ rưỡi chiều. Sau đó, ngài đã đến thăm Tổng thống Morales tại tòa nhà chính phủ lúc 6 giờ chiều. Dịp này, Morales đã trao tặng Đức Thánh Cha Phanxicô một cây thánh giá được hình thành với những biểu tượng cộng sản như búa, liềm.

Sáng thứ Sáu 15 tháng Tư, 2016, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp Morales, đang ở Rôma để tham dự một hội nghị về các vấn đề kinh tế được tài trợ bởi Học viện Giáo hoàng về Khoa học Xã hội. Một lần nữa, Morales lại trao tặng Đức Thánh Cha một món quà rất độc đáo: đó là một cuốn sách bàn về những lợi ích sức khỏe của lá coca. Lá coca được sử dụng làm nguyên liệu chính để sản xuất ma túy.


Source:Crux