Ngày 11-11-2024
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
02:51 11/11/2024

18. Cầu nguyện là tiếng nói bốc lên của trái tim, cảm kích và ái mộ.

(Thánh Teresa of Lisieux)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
02:54 11/11/2024
90. HUYỆN QUAN ĐÁNH RẮM

Có một quan huyện ngồi trên công đường thì đánh rắm một cái, bèn hỏi tả hữu hai bên:

- “Ai đánh rắm đấy, thúi quá !”

Thủ hạ cung kính bẩm báo:

- “Không phải lão gia đánh rắm ạ, cũng không phải là tiểu nhân ạ, đó là con chó đánh rắm ạ !”

(Thời Hưng tiếu thoại)

Suy tư 90:

Sợ quan lớn mắc cở nên đổ thừa cho chó thì không những làm nhục quan, mà lại còn làm cho câu chuyện ra nặng nề hơn...

Thời xưa và thời nay, thời nào cũng có những ông quan thích sĩ diện, dù cho sĩ diện ấy không đúng thời đúng lúc; thời xưa và thời nay, thời nào cũng có những người nói những lời nịnh bợ, nhưng những lời nói nịnh bợ ấy vô tình làm cho quan lớn mất mặt xấu hổ.

Có một vài người Ki-tô hữu có “biệt tài bàu chữa” cho mình, bằng cách đổ tội lên đầu người khác mà không biết xấu hổ, họ là những người chỉ biết quý danh dự cá nhân mình, còn danh dự cá nhân của người khác thì họ lại cho đó là chuyện nhỏ, cho nên người bị đổ lỗi không mắc cở mà lại mắc cở cho giùm cho người đã đổ lỗi cho mình, đó chính là đức ái của người Công Giáo vậy !

Đừng vì nịnh quan lớn mà đánh mất mình, nhưng hãy cho quan lớn biết sự thật thà ngay thẳng chính là danh dự của mỗi một con người vậy !

Đánh rắm thì không có gì là xấu hổ cả, đó là chuyện tự nhiên nơi con người, cái xấu hổ là đem cái xấu cái khuyết điểm của mình đổ trên đầu người khác.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Ngày 12/11: Chúng ta hãy sống đúng với bổn phận của mình - Lm Giuse Lăng Kinh Luân, CS
Giáo Hội Năm Châu
03:02 11/11/2024

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.

Khi ấy, Đức Giê-su nói với các Tông Đồ rằng: “Ai trong anh em có người đầy tớ đi cày hay đi chăn chiên, mà khi nó ở ngoài đồng về, lại bảo nó : ‘Mau vào ăn cơm đi’, chứ không bảo: ‘Hãy dọn cơm cho ta ăn, thắt lưng hầu bàn cho ta ăn uống xong đã, rồi anh hãy ăn uống sau!’? Chẳng lẽ ông chủ lại biết ơn đầy tớ vì nó đã làm theo lệnh truyền sao? Đối với anh em cũng vậy: khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói: chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi.”

Đó là lời Chúa
 
Ngay lành và yêu mến
Lm. Minh Anh
15:38 11/11/2024
NGAY LÀNH VÀ YÊU MẾN
“Chẳng lẽ ông chủ lại biết ơn đầy tớ vì nó đã làm theo lệnh truyền sao?”.

Một người cha nằm xuống; nhật ký của ông viết, “Lạy Chúa, con không ước làm một anh hùng với hy sinh của một thừa sai, với việc đánh tội của một đan sĩ thời Trung Cổ. Con chỉ muốn sống bình dị, dù có phần đơn điệu, với một tâm hồn quả cảm không mệt mỏi. Con biết, đó là con đường ân sủng Chúa vạch cho con. Vì thế, con yêu quý nó, con ôm lấy nó. Cho con trung thành làm mọi sự trong ngay lành và yêu mến!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Lời cầu nguyện chân thành trên đưa chúng ta về với điều Chúa Giêsu dạy trong Tin Mừng hôm nay: hãy phục vụ trong ‘ngay lành và yêu mến’, “Chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi!” cho dẫu ông chủ xem ra có phần độc đoán và thờ ơ khi “Chẳng lẽ ông lại biết ơn đầy tớ?”.

‘Ngay lành và yêu mến’ toát ra từ một tâm hồn khiêm tốn. Đây là tâm thế của một tôi tớ trước chủ, một người con trước Cha. Ở đâu có khiêm tốn, ở đó có niềm vui; ở đâu có niềm vui, ở đó có an bình! Nhiều người nghĩ, “Việc nhỏ, lòng nhỏ; việc lớn, lòng lớn”, đó là một sai lầm! Thế giới này có biết bao ‘lòng lớn’, những ‘trái tim vàng’ ẩn kín trong những con người - không ở dưới ‘ánh đèn sân khấu’ - làm những việc nhỏ xem ra rất nghèo khó, nhưng tự bản chất, họ rất giàu có và quảng đại; đó là những người mẹ, người cha âm thầm hy sinh mà chẳng ai biết. Với họ, “Việc nhỏ, nhưng lòng lớn”, đang khi với không ít người, “Việc lớn, mà lòng nhỏ!”.

Tin Mừng còn dạy chúng ta trung tín trong việc nhỏ để có thể trung tín trong việc lớn, chuyên chăm trong việc ‘không lớn’ để có thể bền đỗ trong việc ‘không nhỏ’; bởi lẽ, “Không có việc nào là nhỏ, chỉ có những tâm hồn nhỏ!”, cũng như “Chẳng có việc nào là ‘không lớn’ với một Thiên Chúa vô cùng lớn!”. Trong thư Titô hôm nay, Phaolô nhắn nhủ bậc cha mẹ và con cái hãy chắt chiu mọi sự với “tiết độ, chừng mực, vững mạnh trong đức tin, đức mến và đức nhẫn nại”. Hãy sống như “Dân riêng của Người, một dân hăng say làm việc thiện”, vì “Người công chính được Chúa thương cứu độ!” - Thánh Vịnh đáp ca.

Anh Chị em,

“Chẳng lẽ ông chủ lại biết ơn đầy tớ?”. “Chính cách làm việc của ông chủ làm nổi bật cốt lõi thực sự của dụ ngôn, đó là thái độ sẵn sàng của người hầu. Đây là cách người có đức tin sống với Thiên Chúa: họ hoàn toàn phó mình cho ý muốn của Ngài, không tính toán hay viện cớ. Thái độ này cũng được phản ánh trong cách cư xử với cộng đồng: nó được phản ánh trong niềm vui khi phục vụ lẫn nhau, tìm thấy phần thưởng của mình ngay trong đó, chứ không phải trong sự công nhận và lợi ích có thể có được từ đó” - Phanxicô. Hãy làm mọi việc với “một trái tim quả cảm và không mệt mỏi”, vì “đó là con đường vô vàn ân sủng Chúa vạch” cho chúng ta, đó là đường nên thánh Chúa hoạch định cho mỗi người. Ước mong sao bạn và tôi “yêu quý nó”, “ôm lấy nó”; và mỗi ngày, với ơn Chúa, chúng ta trung thành làm mọi sự trong ‘ngay lành và yêu mến!’.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con tính toán tìm lợi cho bản thân khi làm mọi việc. Ngược lại, biết tính toán sao để lợi ích nhất cho Vương Quốc, cho cộng đồng!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Người sẽ đến và đang đến
Lm Phan Văn Lợi
23:17 11/11/2024
CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN NĂM B : MC 13,24-32

24 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ về ngày quang lâm của Người rằng : “Trong những ngày ấy, sau cơn gian nan lớn lao, thì mặt trời sẽ ra tối tăm, mặt trăng không còn chiếu sáng, 25 các ngôi sao từ trời sa xuống, và các quyền lực trên trời bị lay chuyển. 26 Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến. 27 Lúc đó, Người sẽ sai các thiên sứ đi, và Người sẽ tập họp những kẻ được Người tuyển chọn từ bốn phương về, từ đầu mặt đất cho đến cuối chân trời.

28 “Anh em cứ lấy thí dụ cây vả mà học hỏi. Khi cành nó xanh tươi và đâm chồi nẩy lộc, thì anh em biết là mùa hè đã đến gần. 29 Cũng vậy, khi thấy những điều đó xảy ra, anh em hãy biết là Con Người đã đến gần, ở ngay ngoài cửa rồi. 30 Thầy bảo thật anh em : thế hệ này sẽ chẳng qua đi, trước khi mọi điều ấy xảy ra. 31 Trời đất sẽ qua đi, nhưng những lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu. 32 Còn về ngày hay giờ đó thì không ai biết được, ngay cả các thiên sứ trên trời hay người Con cũng không, chỉ có Chúa Cha biết mà thôi”.


NGƯỜI SẼ ĐẾN VÀ NGƯỜI ĐANG ĐẾN

Chương 13 Tin Mừng Mác-cô (thường được gọi là “Diễn từ Cánh chung”, kể từ câu 5 đến hết, c. 37) đã được trích đọc vào Chúa nhật 1 Mùa Vọng (cc.33-37) để khai mạc năm phụng vụ B, mà cũng được trích đọc hôm nay để kết thúc năm phụng vụ này. Bài Tin Mừng hôm nay là thành phần của Diễn từ Cánh chung đó.

Sau các câu 5-13 bàn tới các nguy hiểm khác nhau và các câu 14-23 mô tả cơn thử thách tột đỉnh của các tín hữu là đến đoạn văn ta đang suy niệm. Trên cái nền u tối vừa thấy, bản văn diễn tả cuộc chiến thắng cuối cùng của Con Người, cuộc quy tụ vĩ đại của toàn thể nhân loại; nó đồng thời trở lại với câu hỏi đã khiến Đức Giê-su nêu lên Diễn từ C.cánh chung : “Bao giờ các sự việc ấy xảy ra, và khi tất cả sắp đến lúc tận cùng, thì có dấu hiệu gì báo trước?” (c.4).

Bản văn sử dụng ngôn ngữ khải huyền (đã có từ trong Cựu Ước) là một ngôn ngữ có những nét đặc trưng : không được hiểu các chi tiết theo mặt chữ, bao giờ cũng hướng về tương lai, hướng về chung cục, “ngày của Đức Chúa”, lúc Thiên Chúa toàn thắng, và sau hết nhắm mục đích giúp tín hữu vượt qua các quẫn bách hiện thời.

1. Đức Ki-tô đang đến với chúng ta

Trước tiên, Đức Giê-su nói : “Mặt trời sẽ ra tối tăm, mặt trăng không còn chiếu sáng, các ngôi sao từ trời sa xuống.” Đó sẽ là kết thúc của một lịch sử rất dài, vốn đã khởi đầu với “big-bang”, vụ nổ lớn nguyên thủy làm phát sinh vũ trụ. Kinh Thánh đã kể điều không thể kể này với nhiều từ của loài người : “Lúc khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo trời và đất… Người làm ra hai vầng sáng lớn : vầng sáng lớn hơn để điều khiển ngày, vầng sáng nhỏ hơn để điều khiển đêm; Người cũng làm ra các ngôi sao” (St 1,1.16). Cũng với các từ của loài người chúng ta mà Đức Giê-su đã gợi lên cảnh tận thế trong thể văn khải huyền truyền thống, với cùng bộ tam : mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao, nghĩa là thế giới, vũ trụ. Lúc khởi đầu đã nổi lên một thế giới với không gian và cuộc tiến hóa của nó qua bao thế kỷ. Lúc cùng tận sẽ nổi lên một thế giới khác, trong một không gian khác và sẽ tồn tại đời đời.

Xuyên qua những dò dẫm, những đảo lộn, những khốn khổ, thậm chí những đại họa, lịch sử của vũ trụ luôn quy hướng về Con Người đang đến. Cuộc “tiến hóa” vật chất vô sinh rồi hữu sinh đã dẫn tới sự xuất hiện của con người. Với nội lực là tinh thần, con người từ đó thực hiện cuộc “văn hóa” (động từ), cố gắng biến mọi sinh hoạt của mình và thế giới quanh mình nên tốt (thiện), đúng (chân) và đẹp (mỹ). Nhưng công cuộc này đã chẳng mấy thành công, duyên do là vì tội lỗi và cái chết. Cần phải có một nội lực mới mẻ, nội lực Thánh Thần, đã được Ngôi Lời nhập thể mang lại, để nâng đỡ cuộc văn hóa và chuyển nó thành cuộc “thánh hóa”. Công cuộc thánh hóa này đưa con người tới Con người mới (x. Ep 2,15), hay nói cách khác tới Con Người mà trong đó tất cả nhân loại được quy tụ, có Đức Ki-tô phục sinh là đầu, về với Thiên Chúa Đấng Thánh là Chân, Thiện, Mỹ đích thực.

Và đó là điều mà bản văn Kinh Thánh hôm nay muốn cho trình bày cho ta. Nó không tìm cách làm chuyện khoa học (như ta có thể thoạt nghĩ qua những hình ảnh mô tả) nhưng làm chuyện tôn giáo, nó mạc khải dự định của Thiên Chúa là : như đã có một khởi đầu, Sáng tạo, thì cũng sẽ có một kết thúc và một tái khởi đầu in dấu cuộc Quang lâm (đến trong vinh quang) của Đức Ki-tô : “Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến. Lúc đó, Người sẽ sai các thiên sứ đi, và Người sẽ tập họp những kẻ được Người tuyển chọn.” Đây là điều chủ yếu, là không gian mới, là lịch sử mới : mọi người đều sống vĩnh cửu với Đức Ki-tô.

Một Đức Ki-tô mặc lấy những chiều kích đích thực của mình (chiều kích vũ trụ) : chính Người là kết điểm của thế giới chúng ta, chính Người là khởi điểm của thế giới mới, chính Người là tụ điểm, là vĩnh cửu. Mác-cô đã viết Tin Mừng của ông để nói với ta rằng Đức Giê-su là Con Thiên Chúa. Làm sao diễn tả điều ấy tốt hơn nữa? Thì với nhãn quan này : Đức Giê-su Ki-tô sẽ đến, Người sẽ tổ chức lại mọi sự, và đó sẽ là sự sống vĩnh cửu, đời đời.

Không quan trọng mấy những điểm tối tăm, khó hiểu ở cuối bản văn : như việc Đức Giê-su chẳng biết ngày giờ cùng tận và nghĩa chính xác của thành ngữ “thế hệ này”. Chớ hoang mang về chuyện vô tri này, đó chỉ là cực điểm của mầu nhiệm Nhập thể : Đức Giê-su Ki-tô sẽ là vĩnh cửu của chúng ta, nhưng lúc nói ở đây, ngay trước khi bước vào cái chết, Người không biết ngày và giờ của big-bang cuối cùng được ! Dầu sao chỉ có một chuyện đáng kể : “Thiên hạ sẽ thấy Con Người ngự trong đám mây mà đến,” Cuộc Sáng tạo đã được thực hiện là để hướng về cuộc Quang lâm. Lịch sử đi qua một tiến trình “tam hóa” : từ tiến hóa sang văn hóa rồi đến thánh hóa, một công cuộc kết thúc với việc Đức Ki-tô tái xuất hiện huy hoàng.

Nhân loại được sinh ra cho buổi sáng rạng ngời nầy. Lịch sử của loài người là sự cưu mang, là sự chuẩn bị cho cuộc đản sinh thứ hai và chung quyết của họ, sinh vào thế giới của Đức Ki-tô, thế giới của Thiên Chúa. Trong lúc chờ đợi, bất chấp những nước mắt, những đêm tối và những tiếng kêu thét, loài người đang sống một mùa xuân, phải dám khẳng định điều này, cành cây uốn mềm và lá cây xuất hiện. Chỉ Thiên Chúa mới có thể thấy điều đó và mới có thể nói một ngày kia : “Ta sắp làm mùa hè cho các con rồi”.

2. Chúng ta đang tiến đến cùng Người

Phần chúng ta, chúng ta phải tin vào mùa hè, tin rằng Đức Giê-su “ở ngay ngoài cửa”. Theo nghĩa là hết thảy những gì được loài người sống từ khởi thủy đang tiến đến ngày và giờ sẽ biến mất thế giới cũ và sẽ khởi đầu một thế giới mới, thế giới mà Cha chúng ta trên trời đã mơ ước cho loài người và đã tổ chức chung quanh Đức Ki-tô.

Chúng ta đang tiến về cùng tận. Trước hết về cùng tận của riêng mình. Dẫu chúng ta già hay trẻ, Đức Ki-tô vẫn đứng ngoài cửa chúng ta; mỗi ngày đều loan báo ngày sau hết, mỗi ngày biên giới giữa đời này với đời sau càng trở nên mỏng hơn nữa. Đây chẳng phải là một cái nhìn đầy hãi sợ song là một cái nhìn thanh thản, nếu quả thật là chúng ta tin vào mùa hè. Mùa hè của chúng ta khi chúng ta đặt chân vào thế giới của Đức Giê-su, một mùa hè kỳ diệu khi nổi lên trống kèn loan báo cuộc đại phục sinh của toàn thể vũ trụ.

Nhưng đâu là mùa xuân hiện thời của tôi? “Anh em hãy tỉnh thức !” (Mc 13,37), Đức Giê-su nói vào cuối diễn từ. Có nghĩa là ở trong tình trạng chuẩn bị cho mùa hè vĩnh cửu. Người đã mạc khải cho ta ý nghĩa của thời kỳ ta đang sống : đấy là thời kỳ chờ đợi, trong đó môn đệ phải là kẻ canh thức, trông ngóng chủ trở về (13,35). Đấy là thời kỳ đầy mơ hồ cần biết phân định, và chúng ta được mời gọi phải canh phòng cần mật, chớ để mình bị phỉnh gạt chạy theo những Ki-tô trả giá (x. 13,6.22). Đấy là thời kỳ phấn đấu và chịu bách hại (x. 13,9-13), thời kỳ chuyển bụng của một thế giới đang đau đớn trước khi sinh con. Đấy là thời kỳ được ban cho các chứng nhân để rao giảng Tin Mừng cho mọi dân mọi nước (x. 13,10). Đấy là thời kỳ của Thần Khí, Đấng hướng dẫn miệng lưỡi các vị tử đạo (x. 13,11). Đấy là thời kỳ để thực thi lòng bác ái hầu chuẩn bị cho và chuẩn bị đi vào thế giới yêu thương của Cha trên trời.

Vậy phải chăng các cành của tôi trở nên xanh tươi nhờ tình yêu đối với anh em? nhờ lòng can đảm bênh vực sự thật? nhờ ý chí chống lại thế gian dối trá? Phải chăng các hành vi công bình và quảng đại của tôi đã đâm chồi, các thái độ hiên ngang vì công lý và cương quyết chống bạo quyền của tôi đã nảy lộc? Lạy Chúa Giê-su Ki-tô, chỉ mình Chúa mới có thể làm cho các ngày sống của con thành những ngày vừa đầy sự sống vừa đầy chờ đợi. Xin biến chúng con thành những người canh thức cho thế giới, những kẻ nhắc nhân loại biết sẽ có ngày tất cả sẽ được tính sổ, thanh tẩy và hoàn thiện. Lạy Chúa Giê-su Ki-tô, xin hãy đến, xin hãy đến mỗi sáng trước buổi sáng vĩ đại cuối cùng. Maranatha !
 
Các Thánh Tử đạo VN - những thợ gặt của Nước Trời
Lm Phêrô Phan Văn Lợi
23:27 11/11/2024
Ý NGHĨA SỰ TUẪN GIÁO CỦA CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM

1- Gian khổ, con đường làm chứng cho Chúa Ki-tô tử nạn

Trong Tin Mừng, Chúa Giê-su Ki-tô đã loan báo cho các Tông đồ và các môn đệ mọi thời rằng ai bước theo Người cách đích thật chắc chắn sẽ phải chịu bách hại: “Thầy bảo thật anh em: Chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất, vì Thầy và vì Tin Mừng, mà ngay bây giờ, ở đời này, lại không nhận được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con hay ruộng đất, gấp trăm, cùng với sự ngược đãi, và sự sống vĩnh cửu ở đời sau” (Mc 10,30). Chúa còn cảnh báo: “Hãy coi chừng người đời. Họ sẽ nộp anh em cho các hội đồng, và sẽ đánh đập anh em trong các hội đường của họ. Và anh em sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy để làm chứng cho họ và các dân ngoại được biết” (Mt 10,17-18). Với thói quen trình bày sự thật một cách thẳng thừng và toàn vẹn, Chúa đã chuẩn bị cho môn đệ mình đón nhận điều tồi tệ nhất: “Em sẽ nộp anh cho người ta giết; cha sẽ nộp con, con cái sẽ đứng lên chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết. Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét.” (Mt 10,21-22).

Đó là vì các môn đệ sẽ phải làm chứng về Thiên Chúa, Đấng tạo dựng đất trời, Đấng luôn đòi hỏi nhân loại nên thánh thiện như Người, nghĩa là yêu thương đến tột độ; và làm chứng về Đức Kitô chịu đóng đinh, “sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa” (1Cr 1,24). Nghĩa là công bố cho mọi người tình yêu vĩ đại của Thiên Chúa, thể hiện qua việc cứu rỗi thế gian nhờ Thập giá Đức Ki-tô, một mầu nhiệm lớn lao và cùng lúc không thể hiểu được đối với loài người.

Để làm được điều ấy, một điều hầu như luôn luôn kéo theo sự bắt bớ, Ki-tô hữu cần có sự khôn ngoan và sức mạnh từ trời cao. Đó là Chúa Thánh Thần: “Khi người ta nộp anh em, thì anh em đừng lo phải nói gì; không phải chính anh em nói, mà là Thánh Thần của Cha anh em nói trong anh em” (Mt 10,19-20).

Điều đó đã xảy ra thời các Tông Đồ. Điều ấy cũng đã lặp lại trong các thời đại khác nhau của lịch sử, ở nhiều lúc và nhiều chỗ khác nhau, trong các cuộc bắt bớ khốc liệt, đặc biệt suốt ba thế kỷ đầu của Giáo hội bên Tây phương.

2- Các Thánh Tử đạo VN, những người gieo của Thiên Chúa:

Giáo Hội Việt Nam suốt ba thế kỷ đầu của mình cũng đã chịu nhiều cuộc bách hại liên tiếp như thế, với một vài lúc ngưng nghỉ, kể từ năm 1533, nghĩa từ khởi thủy việc rao giảng Tin Mừng ở Đông Nam Á. Đã có hàng trăm ngàn Ki-tô hữu bị đưa tới pháp trường, và nhiều hơn thế là những kẻ đã chết trên núi, trong rừng, nơi những vùng đất độc hại mà họ đã bị đày đến, nơi những thôn làng Công Giáo bị quan quân bủa vây, nơi những ngôi nhà thờ bị Văn Thân lùa tín hữu vào đó rồi phóng hỏa. Dù được phong thánh ngày 19-06-1988 chỉ vỏn vẹn 117 vị, trong đó có 8 Giám mục, 50 Linh mục và 59 giáo dân.

Việc sống đạo và chết vì đạo của các ngài đã xảy ra trong những tình thế rất phức tạp.

- Trước tín ngưỡng nhân gian và tam giáo Đông Phương (Khổng, Phật, Lão) thần thánh hóa đủ thứ, từ con người đến động vật và ngay cả núi sông cây cỏ, các vị tử đạo đã rao giảng một Thiên Chúa sáng tạo vạn vật, chủ tể muôn loài, và chẳng có thần linh tối cao nào ngoài Người cả.

- Trước “đạo ông bà” thờ cúng tổ tiên và các anh hùng dân tộc như thần thánh, các vị tử đạo vẫn cổ vũ lòng tôn kính tiên tổ và tiền nhân đúng đạo hiếu dân Việt, nhưng lòng tôn kính này phải đặt sau việc tôn thờ bái lạy Thiên Chúa.

- Trước quan niệm bình dân cho rằng tôn giáo nào cũng dạy ăn ngay ở lành và Công Giáo là đạo của phương Tây, các vị Tử đạo cho thấy Công Giáo là đạo dành cho hết mọi người và có tính cách siêu việt, mạc khải những điều cao cả từ nơi Thiên Chúa.

- Trước đầu óc phong kiến, coi nhà vua như Thiên tử (con Trời) và hết thảy con dân trong nước đều là thần dân (tôi tớ), các vị tử đạo rao giảng giáo lý: tất cả ai nấy đều là con Trời, và vì vậy đều có phẩm giá như nhau.

- Trước thói tục đa thê hoành hành trong mọi tầng lớp xã hội, từ vua quan đến thứ dân, các vị tử đạo rao giảng nền luân lý đơn hôn (một vợ một chồng) và vĩnh hôn (sống với nhau cho đến chết). Một nền luân lý cao đẹp, có sức nâng cao nhân phẩm và biến đổi xã hội mãnh liệt.

- Trước hoàn cảnh chính trị đất nước phức tạp (các triều đại tranh quyền với nhau, Thực dân Pháp xâm chiếm đất nước, giặc giã nổi lên nhiều chỗ…), các vị tử đạo nhiều lần bị nghi ngờ theo Tây, theo giặc, nhưng các ngài đã luôn chứng tỏ lòng trung thành với đất nước và trung thực với chính quyền. Ngay các vị thừa sai tử đạo cũng đã không bao giờ phục vụ cho quyền lợi của đất nước họ.

Chính đó là những thách thức đối với vua chúa lẫn xã hội đương thời, và trở nên lý do khiến các ngài bị bách hại.

Các thánh Tử Đạo Việt Nam như thế là những người gieo của Thiên Chúa mà Thánh vịnh đã 126 [125] đã ám chỉ: “Họ ra đi, đi mà nức nở, mang hạt giống vãi gieo” (c. 5). Nước mắt và máu của các ngài đã tưới vào hạt giống Tin Mừng, hạt giống ân sủng, để ơn huệ Đức tin có thể trổ sinh dồi dào: “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12,24).

3- Các Thánh Tử đạo VN, những thợ gặt của Nước Trời:

Và từ những đau khổ lẫn tuẫn giáo của các ngài, “mùa gặt của Chúa” đã tới. Thánh vịnh trên tiếp đến gọi các vị Tử đạo là những thợ gặt: “Ai nghẹn ngào ra đi gieo giống, mùa gặt mai sau khấp khởi mừng. Họ ra đi, đi mà nức nở, mang hạt giống vãi gieo; lúc trở về, về reo hớn hở, vai nặng gánh lúa vàng” (Tv 126[125], 5-6).

Mùa gặt đó, lúa vàng đó, hoa trái đó chính là sinh lực của Giáo hội VN, là khả năng và lòng kiên nhẫn của Giáo Hội VN để đương đầu với các khó khăn đủ loại và để công bố Tin Mừng suốt bao thế kỷ qua.

Máu các thánh Tử đạo đã là nguồn ân sủng để Ki-tô hữu đất Việt tiến lên trong Đức tin của tiền nhân. Đức tin ấy đã là nền tảng cho sự kiên trì của tất cả những ai đích thực cảm thấy mình là người Việt, trung thành với nước Việt, đồng thời vẫn muốn làm môn đệ chân chính của Đức Kitô.

Đức tin ấy đã kêu gọi Ki-tô hữu kính sợ Thiên Chúa, yêu thương mọi người, tuân phục chính quyền và các định chế của xã hội trong những gì chính đáng vì lòng mến Chúa.

Đức tin ấy đã kêu gọi Ki-tô hữu làm điều thiện, ứng xử như những con người tự do (x. 1Pr 2,13-17), tìm kiếm thiện ích chung của quê hương như một nghĩa vụ chân thành của công dân Ki-tô hữu, trong niềm tự do công bố sự thật của Thiên Chúa, trong sự hiệp thông với các mục tử và các đồng đạo, trong ước vọng sống an bình với mọi người khác để thành tâm xây dựng thiện ích cho tất cả.

Và đó là điều mà chúng ta đã thấy từ thời các chứng nhân Tử đạo cho đến hôm nay trên đất Việt, qua vô vàn chứng nhân Ki-tô hữu Việt Nam khác nữa.

Kết

Các Thánh Tử đạo đã trở nên những của lễ toàn thiêu, kết hợp với hy tế Thập giá của Đức Kitô khổ nạn. Các ngài đã là chứng nhân cho chiến thắng của Đức Kitô trên tử thần, cho ơn gọi của con người là được bất tử! Nhờ thế các ngài đã thông phần vào việc cứu độ trần gian do Người thực hiện, và nay đang được hạnh phúc muôn đời. Đúng như sách Khôn ngoan 3,5-9 đã nói về họ.

Là con cháu, là hoa trái của các ngài, chúng ta cũng được hứa hẹn những điều như thế nếu chúng ta tham gia vào thống khổ và thập giá của Đức Ki-tô, để thông phần vào việc cứu độ trần gian do Người thực hiện. Và như vậy, mùa gặt của các Thánh Tử đạo Việt Nam sẽ kéo dài mãi trong hân hoan qua tất cả chúng ta!

Cảm hứng bài giảng của Thánh Giáo hoàng Gioan-Phaolô trong Thánh lễ phong hiển thánh cho các chân phước tử đạo Việt Nam ngày 19-06-1988

TGP Huế
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Làm thế nào để đồng hành cùng bệnh nhân ung thư? Bốn chuyên gia đề xuất một số cách
Vũ Văn An
13:51 11/11/2024

Tín dụng: Andrei_R/Shutterstock


Walter Sánchez Silva của ACI Prensa, đối tác tin tức tiếng Tây Ban Nha của CNA, ngày 9 tháng 11 năm 2024, có bài viết về nạn nhân bệnh ung thư trong viễn ảnh đức tin Công Giáo. Ông viết:

“Bạn bị ung thư.” Những từ ngắn gọn nhưng gây sốc này khơi dậy nhiều cảm xúc ở bệnh nhân và những người xung quanh, bao gồm cả nỗi sợ hãi cái chết.

Chống lại ung thư không phải là điều dễ dàng và nhiều người không biết phải làm gì trong tình huống như vậy, ngoài ý định tốt và một số trực giác.

Bốn chuyên gia về chủ đề này có một số công cụ thiết thực để hỗ trợ những người mắc căn bệnh này, căn bệnh đã cướp đi sinh mạng của 1.4 triệu người trong tổng số 4.2 triệu ca bệnh chỉ tính riêng ở châu Mỹ vào năm 2022, theo Tổ chức Y tế Liên châu Mỹ (PAHO).

Sự tương cảm [empathy], chìa khóa để đối phó với bệnh ung thư

“Điều đầu tiên cần làm đối với một người mắc bệnh ung thư là phải có nhiều sự tương cảm, vì căn bệnh này không phải là một căn bệnh đơn giản,” Yvo Luren Fernández Montoro chia sẻ với ACI Prensa, đối tác tin tức tiếng Tây Ban Nha của CNA.

Fernández là một bác sĩ chuyên khoa ung thư và bác sĩ trị liệu tâm lý với 23 năm kinh nghiệm, trong đó có bảy năm làm việc tại Viện Quốc gia về Bệnh ung thư, cơ sở y tế chuyên khoa nhất về chủ đề này tại Peru, nơi tiếp nhận hàng nghìn bệnh nhân mỗi năm.

“Sự tương cảm bao gồm việc nhận ra và hiểu rằng người đó, trước khi nhận được chẩn đoán ung thư, đã cảm thấy lo lắng, vì bệnh nhân đang phải đối diện với điều gì đó khó khăn mà không ai muốn đối diện”, chuyên gia này, người đã phải chịu đựng cái chết của cha mình do ung thư vào năm 2019, cho biết thêm.

Fernández lưu ý rằng điều này là như vậy vì “ung thư gắn liền chặt chẽ với cái chết”.

“Mặc dù ngày nay mối quan hệ này không còn gần gũi nữa”, vì có rất nhiều tiến bộ khoa học cho phép điều trị tốt hơn, ông nói, nhưng “chỉ cần nghe về khả năng bạn đang mắc phải căn bệnh này thôi là bạn đã nghĩ đến cái chết rồi”.

“Chúng ta phải nhắc nhở những người đang bị bệnh về hai điều thiết yếu: Họ bị ung thư, nhưng họ vẫn còn sự sống và miễn là còn sự sống, vẫn còn những điều có thể làm được. Và miễn là còn những điều có thể làm được, vẫn còn những lựa chọn để mang lại ý nghĩa cho cuộc sống và để có ý nghĩa trong cuộc sống”, ông nói.

“Một người phải đối diện với căn bệnh ung thư bằng khả năng của mình, hoặc bằng cảm xúc hoặc bằng cách tìm kiếm giải pháp dựa trên các cơ hội. Và điều này phải được ưu tiên”, Fernández nói.

Theo PAHO, các loại ung thư được chẩn đoán thường xuyên nhất ở nam giới tại Châu Mỹ là tuyến tiền liệt (8,6%), phổi (11,7%), trực tràng (10,2%) và bàng quang (5,9%). Ở phụ nữ, các loại ung thư thường gặp nhất là vú (30,7%), phổi (10,3%), trực tràng (9,6%) và thân tử cung (6,4%).

Với căn bệnh ung thư, cả gia đình ‘cảm thấy ốm’

Cha Mateo Bautista García, một linh mục người Tây Ban Nha dòng Camillian, cũng là một y tá có bằng tiến sĩ về thần học của mục vụ chăm sóc sức khỏe, giải thích rằng “giống như bất cứ căn bệnh nào, ung thư gây ra nhiều nỗi sợ hãi và câu hỏi, ngay cả ở bình diện tâm linh”.

“Trước hết, ung thư đồng nghĩa với cái chết đối với nhiều người. Đối với trẻ em và thanh thiếu niên, điều đó thật đau lòng. Với căn bệnh ung thư, cả gia đình ‘cảm thấy ốm’”, cha nói.

Vì lý do này, “mỗi người bị ảnh hưởng bởi căn bệnh này phải có người cố vấn, được một hoặc nhiều người đủ trình độ, gần gũi và tương cảm đi cùng liên tục” từ “đầu đến cuối quá trình, trong mọi khía cạnh của con người: thể chất, cảm xúc, tinh thần, quan hệ, dựa trên giá trị và tâm linh,” vị linh mục giải thích, người cũng được biết đến với hơn 160 lần hiến máu.

Sự hỗ trợ của gia đình là ‘nền tảng’

Đối với Bác sĩ Diego Díaz Bravo, một bác sĩ tại khoa ung thư phụ khoa tại Bệnh viện quốc gia Edgardo Rebagliati, bệnh viện lớn nhất Peru, cho biết “sự hiện diện của gia đình là nền tảng mọi lúc, ngay cả khi chính bệnh nhân nói rằng anh ấy muốn tự mình xử lý hoặc quản lý tình hình”.

Gia đình, Díaz chỉ ra, không chỉ đồng hành mà còn giúp quản lý và xử lý thông tin, cũng như cung cấp sự giúp đỡ tâm lý cần thiết, hợp tác với “tinh thần vượt qua bệnh tật. Gia đình thường thể hiện tình cảm và sự quan tâm khi đồng hành cùng bệnh nhân ung thư trong thời điểm khó khăn như thế này”.

‘Biết ơn, cầu xin sự tha thứ, nói lời yêu thương và tạm biệt’

Ingrid Oullón Henao là một y tá chuyên về chăm sóc giảm đau và là giám đốc của Acompañándote (“Đồng hành cùng bạn”) tại Medellín, Colombia, một sáng kiến đã cung cấp hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân và gia đình của họ trong 10 năm.

Oullón giải thích với ACI Prensa rằng “gia đình và bạn bè là mạng lưới hỗ trợ chính, rất quan trọng đối với quá trình của những người mắc bệnh nan y”. Vòng tròn hỗ trợ này giúp bệnh nhân ung thư “thỏa mãn các nhu cầu tinh thần như được công nhận là một con người, sắp xếp cuộc sống của bạn, có hy vọng, bày tỏ tình cảm tôn giáo, trải nghiệm sự tha thứ, nhận ra cuộc sống ở thế giới bên kia, đánh giá cuộc sống của bạn và trải nghiệm tình yêu”.

Về những cách cụ thể mà bệnh nhân ung thư có thể được hỗ trợ, chuyên gia đã đề cập đến những điều sau: “Có mặt và sẵn sàng; lắng nghe một cách đặc biệt, yêu thương, kiên nhẫn và chú ý, tôn trọng những khoảnh khắc im lặng; có lòng trắc ẩn; giới thiệu đến các chuyên gia kịp thời; giúp đỡ các công việc hàng ngày; cho phép người đó khóc và bày tỏ cảm xúc của mình", và cuối cùng là "nói lời cảm ơn, cầu xin sự tha thứ, nói rằng tôi yêu bạn và nói lời tạm biệt".

Vị trí của Thiên Chúa

Nhà trị liệu tâm lý Fernández nhấn mạnh rằng "đức tin là một yếu tố rất quan trọng. Tâm linh cũng giúp tìm ra giải pháp. Không phải tất cả mọi người đều có đức tin, nhưng nhiều người có thể tìm kiếm một đấng tối cao hoặc Thiên Chúa".

Nhà tâm lý học chuyên gia, người đã là thành viên của Hội Anh em Chúa tể các phép lạ trong hơn 20 năm, cho biết "với những người theo thuyết bất khả tri và vô thần, chúng ta phải tôn trọng lập trường của họ, nhưng khi có đức tin vào Thiên Chúa, điều đó giúp ích rất nhiều vì nó mang lại sự an ủi, hy vọng và động lực".

"Chúa tể các phép lạ" là hình ảnh Chúa Kitô bị đóng đinh được tôn kính đặc biệt ở Peru với một cuộc rước ngoài trời hàng năm.

Oullón nhấn mạnh rằng “đối với những ai trong chúng ta tin rằng mình là những tạo vật được Chúa tạo ra, vĩnh cửu và bất tử”, thì cũng nên ghi nhớ rằng sau khi chết, nếu chúng ta sống tốt, Thiên Chúa vẫn chờ đợi “để tiếp tục quá trình siêu việt về mặt tâm linh của chúng ta” và “niềm tin này lấp đầy chúng ta với hy vọng!”

Ngoài ra, và như một yếu tố rất quan trọng, trong số bảy bí tích của mình, Giáo Hội Công Giáo ban bí tích xức dầu bệnh nhân, có mục đích “ban một ân sủng đặc biệt cho người Kitô hữu đang trải qua những khó khăn vốn có trong tình trạng bệnh nặng hoặc tuổi già”, theo số 1527 của Sách Giáo lý Công Giáo.

“Mỗi khi một Kitô hữu bị bệnh nặng, họ có thể được xức dầu bệnh nhân, và cả khi, sau khi họ đã được xức dầu, bệnh tình trở nên trầm trọng hơn”, sách giáo lý nêu trong số 1529, và trong số 1530 quy định rằng “chỉ có linh mục hoặc giám mục mới có thể cử hành bí tích này” vì điều này bao hàm việc tha thứ tội lỗi cho người bệnh.

Làm thế nào để phòng ngừa ung thư?

Díaz cho biết mọi người nên đi khám ung thư ít nhất một lần một năm, đặc biệt là sau 40 tuổi, khi nam giới có nhiều khả năng mắc ung thư tuyến tiền liệt và phụ nữ có nhiều khả năng mắc ung thư vú hoặc ung thư buồng trứng.

Nếu đã thực hiện theo dõi tốt và xem xét tiền sử gia đình và những người khác từng mắc bệnh, thì "có thể chẩn đoán sớm và kịp thời, điều này sẽ giúp tăng tỷ lệ sống sót", ông giải thích.

Bác sĩ ung thư lưu ý rằng nên tầm soát tuyến tiền liệt và đường tiêu hóa ở nam giới, chụp nhũ ảnh và xét nghiệm Pap ở phụ nữ cho mục đích này.

"Cuối cùng, điều quan trọng là mỗi gia đình phải lên kế hoạch kiểm tra phòng ngừa hàng năm, vì điều này sẽ giúp chẩn đoán kịp thời và điều trị ít triệt để hơn", chuyên gia kết luận.

Chống lại ung thư không phải là điều dễ dàng và cũng không phải là nhiệm vụ mà bất cứ ai cũng muốn giải quyết, nhưng những công cụ này có thể giúp những người phải đối diện với tình trạng này và động viên những người bệnh luôn ở trong lòng Chúa.

“Đối với những ai đang phải chịu đựng bệnh tật, dù là tạm thời hay mãn tính, tôi muốn nói điều này: Đừng xấu hổ vì khao khát sự gần gũi và dịu dàng của bạn! Đừng che giấu điều đó và đừng bao giờ nghĩ rằng bạn là gánh nặng cho người khác. Tình trạng của người bệnh thúc giục tất cả chúng ta hãy thoát khỏi nhịp sống hối hả để khám phá lại chính mình”, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói trong thông điệp của ngài cho Ngày Thế giới Người bệnh năm 2024.

Tóm lại, đây là bảy cách thiết thực mà bạn có thể giúp đỡ bệnh nhân ung thư:

1. Thực hành sự tương cảm. Nhận ra nỗi đau khổ và lo lắng của bệnh nhân, hiểu được trải nghiệm của họ và thể hiện lòng cảm thương. Nhắc nhở bệnh nhân rằng, mặc dù họ bị ung thư, họ cũng có cuộc sống và tìm cách mang lại ý nghĩa cho giai đoạn này.

2. Cung cấp sự hỗ trợ về mặt tình cảm liên tục. Đảm bảo rằng bệnh nhân cảm thấy được đồng hành, từ khi chẩn đoán cho đến khi kết thúc quá trình. Thu hút sự tham gia của gia đình, để họ gần gũi và hỗ trợ về mặt tinh thần và cảm xúc.

3. Duy trì hệ thống hỗ trợ mạnh mẽ. Gia đình và bạn bè đóng vai trò thiết yếu đối với sự ổn định về mặt cảm xúc của bệnh nhân. Họ giúp xử lý tình huống và khuyến khích bệnh nhân giữ vững tinh thần và hy vọng.

4. Cho phép cảm xúc được thể hiện. Có mặt để lắng nghe mà không phán xét, kiên nhẫn và cho phép bệnh nhân thể hiện bản thân, ngay cả trong những khoảnh khắc im lặng. Hãy để người đó cảm thấy thoải mái khi khóc và nói về nỗi sợ hãi và cảm xúc của mình.

5. Thể hiện lòng biết ơn và sự hòa giải. Khuyến khích bệnh nhân nói "cảm ơn", "xin lỗi", "tôi yêu bạn" và "tạm biệt" khi cần, giúp người đó tìm thấy sự bình yên nội tâm.

6. Cung cấp sự hỗ trợ dựa trên các tín ngưỡng tâm linh. Đức tin và tâm linh có thể là nguồn an ủi và hy vọng. Đối với những bệnh nhân có niềm tin, cầu nguyện, xức dầu cho người bệnh và sự hướng dẫn tâm linh có thể là sự hỗ trợ tuyệt vời.

7. Hỗ trợ các nhiệm vụ thực tế. Cung cấp sự giúp đỡ cho các hoạt động hàng ngày có thể khó khăn đối với bệnh nhân, chẳng hạn như giấy tờ, đi lại hoặc thậm chí là công việc nhà.

 
Cuộc đối thoại giữa Trung Quốc và Tòa thánh và chủ nghĩa hiện thực của Đức Giáo Hoàng
Vũ Văn An
14:19 11/11/2024

Trên trang mạng của hãng tin Fides, Thứ bảy, ngày 14 tháng 9 năm 2024, Gianni Valente, giám đốc của hãng tin, có bài bình luận về thỏa thuận ngầm giữa Tòa Thánh và Trung Quốc, trước khi nó được gia hạn 4 năm hồi tháng Mười:



"Tôi hài lòng với các cuộc đối thoại với Trung Quốc. Kết quả rất tốt. Ngay cả đối với việc bổ nhiệm các giám mục, mọi thứ đang tiến triển với thiện chí".

Đây là những gì Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói vào thứ Sáu trong cuộc họp báo trên máy bay trên hành trình trở về Rome từ Singapore.

Cuộc đối thoại này và Thỏa thuận tạm thời là một công cụ quan trọng, đã không tránh khỏi sự chỉ trích trên báo chí quốc tế. Tuy nhiên, nếu chúng ta bám sát vào sự thật, thì phán quyết của giáo hoàng là một hành động của chủ nghĩa hiện thực Kitô giáo đơn giản.

Một số sự kiện

Để đánh giá đúng lời của Đức Giáo Hoàng Phanxicô khi trả lời câu hỏi do Stefania Falasca đặt ra cho tờ báo trực tuyến Trung Quốc Tianou Zhiku, chúng ta nên xem xét một số sự kiện gần đây. Và chúng ta cũng không nên quên quá khứ trước giai đoạn lịch sử hiện tại.

- Kể từ ngày 22 tháng 9 năm 2018, ngày ký Thỏa thuận tạm thời, tất cả các Giám mục Công Giáo của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đều có sự hiệp thông đầy đủ và công khai với Đức Giáo Hoàng. Không còn bất cứ lễ tấn phong giám mục bất hợp pháp nào, được cử hành mà không có sự chấp thuận của Đức Giáo Hoàng, điều đã gây tổn hại nghiêm trọng đến sự hiệp thông trong giáo hội giữa những người Công Giáo Trung Quốc kể từ cuối những năm 1950.

- Trong sáu năm qua, cũng được đánh dấu bằng một giai đoạn hiếm hoi trong quan hệ giữa các bên trong thời kỳ đại dịch, chín giám mục Công Giáo mới đã được tấn phong tại Trung Quốc. Trong cùng thời gian đó, tám giám mục được gọi là "không chính thức", được tấn phong trong quá khứ bên ngoài các thủ tục do bộ máy Trung Quốc áp đặt, đã yêu cầu và nhận được sự công nhận công khai về chức năng của họ cũng từ các nhà chức trách chính trị ở Bắc Kinh (một trong số họ, Đức cha Peter Lin Jiashan, Giám mục Phúc Châu, sau đó đã qua đời vào tháng 4 năm 2023). Do đó, số lượng các giáo phận Trung Quốc trống tòa đang dần giảm đi.

- Vào năm 2018 và sau đó là năm 2023, hai giám mục từ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã tham gia các Phiên họp của Thượng hội đồng Giám mục tại Rome. Trong những thập niên trước, không có giám mục nào từ Trung Quốc đại lục có thể tham gia Công đồng Vatican II và các Phiên họp Toàn thể của Thượng hội đồng Giám mục, những nơi thể hiện sự hiệp thông của toàn thể Giáo Hội Công Giáo.

- Trong những năm gần đây, các nhóm người Công Giáo từ Trung Quốc đại lục đã tham gia Ngày Giới trẻ Thế giới tại Lisbon. Những người hành hương Trung Quốc đã tận mắt chứng kiến Đấng kế vị Thánh Phêrô tại Rome và trong các chuyến Tông du của ngài tới Thái Lan, Mông Cổ và Singapore. Một số giám mục Trung Quốc cũng đã có thể tham gia các cuộc họp, hội nghị và những khoảnh khắc hiệp thông giáo hội tại Châu Âu và Châu Mỹ.

- Có nhiều cơ hội hơn để khởi xướng các tiến trình hòa giải trong các cộng đồng giáo hội đã bị chia rẽ trong nhiều thập niên.

- Trong 2 năm qua, đã có những thời điểm căng thẳng, chẳng hạn như khi Đức cha Joseph Shen Bin được chuyển đến Thượng Hải theo yêu cầu của chính quyền vào tháng 4 năm 2023. Ba tháng sau, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã giải quyết vấn đề bằng cách bổ nhiệm Shen Bin làm giám mục Thượng Hải, chuyển ngài từ Tòa giám mục Hải Môn. Vào ngày 21 tháng 5, Joseph Shen Bin là một trong những diễn giả (cùng với Hồng Y Quốc vụ khanh Pietro Parolin) tại Hội nghị kỷ niệm 100 năm Concilium Sinense đầu tiên (1924/2024), do Đại học Giáo hoàng Urbaniana (trực thuộc Bộ Truyền giáo) tổ chức tại Rome với sự hợp tác của Cơ quan Fides. Đây là lần đầu tiên sau một thời gian rất dài, một Giám mục của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tham gia với tư cách là diễn giả trong một sáng kiến do một Bộ của Tòa thánh tổ chức.

- Gần đây hơn (xem Fides, 22/6/2024), việc chuyển Đức cha Joseph Yang Yongqiang từ giáo phận Zhoucun sang giáo phận Hàng Châu đã diễn ra mà không có vấn đề gì. Đây là một dấu hiệu cho thấy các kênh truyền thông giữa Tòa thánh và Bắc Kinh đang thử nghiệm các thủ tục đã thỏa thuận ngay cả về vấn đề thuyên chuyển giám mục từ giáo phận này sang giáo phận khác, trong khuôn khổ đối thoại toàn diện đã diễn ra trong nhiều năm.

Kho báu nở rộ

Phán đoán của Đức Giáo Hoàng Phanxicô thừa nhận những sự kiện thường bị bỏ qua trong rất nhiều phân tích về chủ đề "Trung Quốc-Vatican". Tuy nhiên, những sự kiện này đại diện cho la bàn mà Giám mục Rome và Tòa thánh tuân theo để gần gũi và tiếp cận hành trình của người Công Giáo Trung Quốc trong bối cảnh họ sống và làm chứng cho tình yêu của họ đối với Chúa Kitô.

Các Giám mục là những người kế vị các Tông đồ. Và Thỏa thuận với chính phủ Trung Quốc về việc bổ nhiệm các Giám mục liên quan đến bản chất thân mật của Giáo hội, với sứ mệnh tông đồ của Giáo hội và với những rạn nứt trong giáo hội đã chia rẽ giáo sĩ và giáo dân, cộng đồng và gia đình ở Trung Quốc trong những thập niên gần đây.

Các giám mục là những người truyền chức linh mục. Do đó, Thỏa thuận cũng liên quan đến tính hợp lệ và hiệu quả của các bí tích được cử hành tại các giáo xứ và nhà thờ của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Những điều thuộc về một phạm trù khác với lưới đọc chính trị thông thường.

Ý định của Đức Giáo Hoàng và Tòa thánh không phải là khẳng định vị thế tối cao của một trật tự chính trị. Nhiệm vụ của họ là củng cố anh chị em trong đức tin, an ủi họ và hỗ trợ họ trong hành trình cầu nguyện, công bố Tin Mừng và các công việc từ thiện, trong bối cảnh mà họ đang ở.

Tại Trung Quốc đại lục – Đức Hồng Y Luis Antonio Tagle, Phó Tổng trưởng Thánh bộ Truyền giáo giải thích – “có một mạng lưới sống động toàn diện về các lời cầu nguyện, phụng vụ, giáo lý và sáng kiến mục vụ được truyền cảm hứng trực tiếp từ Huấn quyền thông thường của Đức Giáo Hoàng. Đây là một mạng lưới đan xen với đời sống giáo hội hàng ngày của mỗi giáo phận Trung Quốc và các cộng đồng Công Giáo. Đây là một thực tế sống động và mãnh liệt của đức tin, sống hằng ngày và thể hiện sự hiệp thông đức tin với Đấng kế vị Thánh Phêrô và toàn thể Giáo hội hoàn vũ, ngay cả khi nó thường bị các phương tiện truyền thông bỏ qua khi họ nói về Công Giáo Trung Quốc”.

Bất chấp những hạn chế do bối cảnh chính trị và xã hội áp đặt, đời sống giáo hội tại Trung Quốc vẫn tiếp tục diễn ra bình thường, ngay cả trong các giáo phận đang lấy lại sự ổn định sau nhiều năm dài bất ổn và chia rẽ, sau những thay đổi đã trở nên khả thi nhờ cuộc đối thoại giữa Tòa thánh và các Cơ quan chính phủ.

Chỉ nhìn vào vài ngày gần đây, biên niên sử giáo hội địa phương đưa tin rằng Đức cha Joseph Shen Bin của Thượng Hải đã cử hành lễ rửa tội cho 41 người dự tòng vào Lễ Giáng sinh của Đức Trinh Nữ Maria trước sự chứng kiến của hơn 2,500 tín đồ. Đức cha Paul Xiao Zejiang của Giáo phận Quý Dương, người cũng cử hành Lễ Đức Mẹ Đồng Trinh, nhấn mạnh rằng trong 17 năm làm giám mục, "bất chấp những khó khăn, dưới sự bảo vệ của Mẹ Thiên Chúa và sự hướng dẫn của Chúa, tôi thường tìm thấy niềm an ủi trong cuộc sống của mình với tư cách là một mục tử".

Trong thời gian ở Giáo phận Sán Đầu, nhân dịp "Lễ hội Trăng tròn" (nhằm ngày 17 tháng 9), nhiều tình nguyện viên cùng với Đức cha Joseph Huang Bingzhang đã đến thăm Trung tâm Phục hồi chức năng, nơi cũng chào đón những người bị ảnh hưởng bởi bệnh phong, mang đến cho bệnh nhân những viên kẹo và những món quà khác đặc trưng của Lễ hội.

Đức Cha Huang, người được thụ phong mà không có lệnh của Đức Giáo Hoàng vào năm 2011, đã có thể trở lại hiệp thông toàn diện với Đức Giáo Hoàng vào năm 2018, với việc ký kết Thỏa thuận tạm thời về việc bổ nhiệm các Giám mục Trung Quốc.

Các công trình và cử chỉ cứu rỗi và chữa lành, lý do duy nhất cho mọi hoạt động của Giáo hội, có thể tiếp tục phát triển mạnh mẽ nếu chúng tìm được cách hợp pháp hóa chúng ở Trung Quốc ngày nay. Đây là kho báu mà Đức Giáo Hoàng trân trọng nhất. Trong sự hòa hợp trọn vẹn và an ủi với cảm thức đức tin của phần lớn người Công Giáo Trung Quốc.
 
Nhà thờ quan trọng nhất của Rôma kỷ niệm sinh nhật lần thứ 1.700
Đặng Tự Do
17:52 11/11/2024


Nhà thờ quan trọng nhất ở Rôma, Đền Thờ Thánh Gioan Latêranô, đang kỷ niệm 1.700 năm thành lập vào ngày 9 tháng 11.

Đền Thờ Thánh Gioan Latêranô là nhà thờ chính tòa của Giáo phận Rôma và là trụ sở của giám mục Rôma, tức là Đức Giáo Hoàng. Cung điện liền kề được dùng làm nơi ở của Đức Giáo Hoàng cho đến thế kỷ 14.

Ngày kỷ niệm sự cung hiến này đã được toàn thể Giáo Hội Công Giáo kỷ niệm như một ngày lễ kể từ năm 1565 vì tầm quan trọng của nó như là “nhà thờ mẹ và nhà thờ đứng đầu của tất cả các nhà thờ trong thành phố và trên toàn thế giới”.

Một dòng chữ Latinh trong Đền Thờ Thánh Gioan Latêranô tuyên bố điều này bằng tiếng Latinh: “Omnium ecclesiarum urbis et orbis mater et caput”.

Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô 16 đã phát biểu vào năm 2008 rằng: “Bằng cách tôn vinh Vương cung thánh đường, người ta muốn bày tỏ tình yêu và lòng tôn kính đối với Giáo hội Rôma, nơi mà như Thánh Ignatius thành Antiôkia khẳng định, 'chủ trì lòng bác ái' của toàn thể cộng đồng Công Giáo”.

Đền Thờ Thánh Gioan Latêranô được xây dựng sau khi Hoàng đế Constantinô ban hành Sắc lệnh Milan, vào năm 313, trao cho các Kitô hữu quyền tự do thực hành tôn giáo của họ.

Đức Giáo Hoàng Sylvester I đã cung hiến vương cung thánh đường vào ngày 9 tháng 11 năm 324. Thánh Gioan Tẩy Giả và Thánh Gioan Tông đồ Thánh Sử đã trở thành thánh bổn mạng của nhà thờ vào thế kỷ thứ sáu, nhưng đền thờ được gọi là Gioan Latêranô vì nó được xây dựng trên khu đất do gia đình Plautii Laterani tặng trong Đế chế Rôma.

Giáo phận Rôma đã kỷ niệm 1.700 năm thành lập bằng một năm đầy các lễ hội đặc biệt, bao gồm các buổi hòa nhạc, Thánh lễ và các buổi tọa đàm tôn giáo - văn hóa về lịch sử của Vương cung thánh đường và Cung điện Lateranô liền kề.

Năm thánh đã kết thúc vào hôm Thứ Bẩy, 09 Tháng Mười Một, với thánh lễ do tân tổng đại diện của giáo phận, Hồng Y được chỉ định Baldassare Reina cử hành.

Năm 2008, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô 16, hiện đã qua đời, đã bình luận về lễ Cung hiến Đền Thờ Thánh Gioan Latêranô ở Rôma trong bài huấn dụ trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật

Hoàng đế Constantinô, theo lời Đức Bênêđíctô XVI, “đã trao cho Giáo hoàng Miltiades tài sản cũ của gia đình Lateran và xây dựng vương cung thánh đường, nhà rửa tội và dinh thự của giám mục Rôma, nơi các giáo hoàng sống cho đến thời kỳ Avignon”.

Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô 16 lưu ý đến tầm quan trọng của tòa nhà vật chất nơi các cộng đồng tụ họp để ngợi khen Chúa, và nói rằng, “mỗi cộng đồng có nhiệm vụ bảo vệ cẩn thận tòa nhà thiêng liêng của mình, đây là di sản tôn giáo và lịch sử quý giá”.

“Chúng ta hãy cầu xin sự chuyển cầu của Đức Maria Rất Thánh để giúp chúng ta trở thành, giống như Mẹ, một ‘ngôi nhà của Thiên Chúa,’ một đền thờ sống động của tình yêu,” ngài nói.


Source:Catholic News Agency
 
Huấn đức của Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật
Đặng Tự Do
17:56 11/11/2024


Chúa Nhật, 10 Tháng Mười Một, Giáo Hội trên toàn thế giới cử hành Chúa Nhật thứ 32 Mùa Quanh Năm.

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, chúc anh chị em một ngày Chúa Nhật tốt lành!

Hôm nay, Tin Mừng phụng vụ (x. Mc 12,38-44) kể cho chúng ta về Chúa Giêsu, Đấng trong đền thờ Giêrusalem, đã tố cáo trước dân chúng thái độ giả hình của một số kinh sư (x. cc. 38-40). Những kinh sư này được trao một vai trò quan trọng trong cộng đồng Israel: họ đọc, chép lại và giải thích Kinh thánh. Do đó, họ được mọi người trọng vọng.

Tuy nhiên, ngoài vẻ bề ngoài, hành vi của họ thường không tương ứng với những gì họ dạy. Họ không nhất quán. Trên thực tế, một số người, dựa vào uy tín và quyền lực mà họ được hưởng, đã coi thường người khác “từ trên cao” – điều này rất xấu, khi coi thường người khác từ trên cao – họ tỏ ra kiêu ngạo và, ẩn sau vẻ ngoài giả tạo về sự tôn trọng và chủ nghĩa lề luật, tự cho mình những đặc quyền và thậm chí còn đi xa hơn là thực hiện hành vi trộm cắp trắng trợn gây bất lợi cho những người yếu đuối nhất, chẳng hạn như các bà góa (x. c. 40). Thay vì sử dụng vai trò mà họ được giao để phục vụ người khác, họ biến nó thành công cụ của sự kiêu ngạo và thao túng. Và điều đó đã xảy ra ngay cả trong lời cầu nguyện, có nguy cơ đó không còn là khoảnh khắc gặp gỡ Chúa nữa, mà là một dịp để phô trương sự tôn trọng và lòng đạo đức giả tạo, hữu ích để thu hút sự chú ý của mọi người và được trọng vọng (x. ibid.). Hãy nhớ lại những gì Chúa Giêsu nói về lời cầu nguyện của người thu thuế và người Pharisêu (x. Lc 18:9-14).

Họ – không phải tất cả – đã hành động như những kẻ băng hoại, nuôi dưỡng một hệ thống xã hội và tôn giáo trong đó việc lợi dụng người khác sau lưng là điều bình thường, đặc biệt là những người yếu đuối nhất, gây ra bất công và bảo đảm sự miễn trừ cho bản thân.

Chúa Giêsu đã cảnh báo phải tránh xa những người này, phải “coi chừng” họ (x. c. 38), không được bắt chước họ. Thật vậy, với lời nói và gương mẫu của Người, như chúng ta biết, Người đã dạy những điều rất khác nhau về thẩm quyền. Người đã nói về thẩm quyền theo nghĩa hy sinh bản thân và phục vụ khiêm nhường (x. Mc 10:42-45), theo nghĩa dịu dàng của người mẹ và người cha đối với mọi người (x. Lc 11:11-13), đặc biệt là những người túng thiếu nhất (Lc 10:25-37). Người mời gọi những người được trao cho thẩm quyền hãy nhìn người khác từ vị thế quyền lực của họ, không phải để hạ nhục họ, mà là để nâng họ lên, trao cho họ hy vọng và sự giúp đỡ.

Thưa anh chị em, chúng ta có thể tự hỏi: tôi cư xử thế nào trong lĩnh vực trách nhiệm của mình? Tôi có hành động khiêm nhường không, hay tôi khoe khoang địa vị của mình? Tôi có rộng lượng và tôn trọng mọi người không, hay tôi đối xử với họ một cách thô lỗ và độc đoán? Và với những anh chị em yếu đuối nhất của mình, tôi có gần gũi với họ không, tôi có biết cách cúi đầu để giúp họ nâng đỡ không?

Xin Đức Trinh Nữ Maria giúp chúng ta chiến thắng cám dỗ giả hình trong chính mình – Chúa Giêsu nói với họ rằng họ là những kẻ giả hình, giả hình là một cám dỗ lớn – và xin Đức Mẹ giúp chúng ta làm điều thiện, một cách đơn giản và không phô trương.

Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói thêm như sau:

Anh chị em thân mến!

Don Giuseppe Torres Padilla, người đồng sáng lập Dòng Nữ tu Thánh giá, đã được tuyên phong Chân phước tại Seville ngày hôm qua. Ngài sống tại Tây Ban Nha vào thế kỷ 19, và đã chứng tỏ mình là một cha giải tội và hướng dẫn tinh thần, làm chứng cho lòng bác ái lớn lao với những người đang cần. Xin tấm gương của ngài nâng đỡ các linh mục trong sứ vụ của các ngài. Một tràng pháo tay cho vị Chân phước mới!

Ba năm trước, Nền tảng hành động Laudato si đã được ra mắt. Tôi cảm ơn những người làm việc để hỗ trợ sáng kiến này. Về vấn đề này, tôi hy vọng rằng Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu COP29, sẽ bắt đầu vào ngày mai tại Baku, có thể đóng góp hiệu quả cho việc bảo vệ ngôi nhà chung của chúng ta.

Tôi gần gũi với người dân Đảo Flores ở Indonesia, nơi bị ảnh hưởng bởi một vụ phun trào núi lửa; Tôi cầu nguyện cho các nạn nhân, người thân của họ và những người phải di dời. Và tôi xin nhắc lại lời tưởng nhớ của mình đối với người dân Valencia và các vùng khác của Tây Ban Nha, những người đang phải đối mặt với hậu quả của trận lũ lụt. Tôi sẽ hỏi anh chị em một câu hỏi: anh chị em đã cầu nguyện cho Valencia chưa? Anh chị em đã nghĩ đến việc đóng góp một số tiền để giúp đỡ những người dân đó chưa? Đây là một câu hỏi.

Tin tức từ Mozambique thật đáng lo ngại. Tôi mời mọi người tham gia đối thoại, khoan dung và tìm kiếm không mệt mỏi các giải pháp công bằng. Chúng ta hãy cầu nguyện cho toàn thể người dân Mozambique, rằng tình hình hiện tại không khiến họ mất niềm tin vào con đường dân chủ, công lý và hòa bình.

Và chúng ta hãy tiếp tục, làm ơn, cầu nguyện cho Ukraine đang bị giày vò, nơi mà ngay cả bệnh viện và các tòa nhà dân sự khác cũng đã bị tấn công; và chúng ta hãy cầu nguyện cho Palestine, Israel, Li Băng, Miến Điện và Sudan. Chúng ta hãy cầu nguyện cho hòa bình trên toàn thế giới.

Hôm nay, Giáo hội Ý kỷ niệm Ngày Lễ Tạ ơn. Tôi bày tỏ lòng biết ơn đối với ngành nông nghiệp và khuyến khích canh tác đất đai theo cách bảo tồn độ phì nhiêu của đất cho các thế hệ tương lai.

Tôi thân ái chào tất cả mọi người, người Rôma và những người hành hương, và những người trẻ của Immacolata. Đặc biệt, các tín hữu từ Kazakhstan, Mạc Tư Khoa, New York, Bastia ở Corsica, Beja và Algarve ở Bồ Đào Nha, Warsaw, Lublin và các vùng khác của Ba Lan. Tôi chào Ủy ban thúc đẩy Hiệp ước Giáo dục Toàn cầu, cùng với đại diện của nhiều trường đại học Công Giáo; Tôi chào những người chịu phép Thêm sức từ Empoli; các tình nguyện viên từ Ngân hàng Thực phẩm và Ban nhạc Ý của Quân đoàn Vận tải và Vật liệu. Chúng ta hãy hy vọng rằng ban nhạc sẽ chơi một bản nhạc tuyệt vời cho chúng ta! Và với tất cả mọi người, tôi chúc mọi người một ngày Chúa Nhật tốt lành. Xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và xin chào tạm biệt.


Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana
 
Cha mẹ của trẻ vị thành niên đã bỏ phiếu cho Trump với tỷ lệ chênh lệch lớn sau khi ủng hộ Biden-Harris vào năm 2020
Vũ Văn An
18:48 11/11/2024

Trang mạng của tổ chức Catholic Vote, https://catholicvote.org/parents-of-minor-kids-voted-for-trump-by-wide-margin-after-backing-biden-harris-in-2020/, vừa cho hay theo thăm dò ý kiến cử tri của NBC News, cha mẹ của trẻ vị thành niên đã ủng hộ Tổng thống đắc cử Donald Trump hơn ứng cử viên Dân chủ thất bại Kamala Harris với tỷ lệ chênh lệch chín điểm - thay đổi 15 điểm so với cuộc bầu cử năm 2020.



Trong cuộc đua năm 2024, Trump đã giành được phiếu bầu của những cử tri có con dưới 18 tuổi sống cùng nhà - chiếm 27% cử tri đoàn - với 53% số phiếu bầu so với 44% của Harris.

Harris đã giành được phiếu bầu của tất cả các cử tri còn lại với tỷ lệ 2 điểm, 50% so với 48%, nghĩa là cha mẹ có con vị thành niên là nhóm nhân khẩu học quan trọng đối với chiến thắng quyết định của Trump.

Vào năm 2020, các bậc cha mẹ có con nhỏ không chỉ ủng hộ liên danh Biden-Harris với sáu điểm mà còn có khả năng bỏ phiếu cho đảng Dân chủ cao hơn ba điểm so với những cử tri không có con nhỏ sống ở nhà.

Bốn năm trước, 52% các bậc cha mẹ có con dưới 18 tuổi sống ở nhà ủng hộ Biden-Harris, so với 46% ủng hộ Trump – cũng theo cuộc thăm dò ý kiến cử tri sau khi bỏ phiếu của NBC. Trong số tất cả các cử tri khác, 51% ủng hộ liên danh Dân chủ và 58% ủng hộ Trump.

Trong số những người cha sống với con nhỏ vào năm 2024, Trump đã giành chiến thắng áp đảo với 23 điểm, giành chiến thắng 60% so với 37% của Harris.

BÊN TRONG CÁC CON SỐ: CÁC NHÓM ĐÃ ĐẨY TRUMP ĐẾN CHIẾN THẮNG

Khi được thăm dò sau cuộc đua năm 2020, những ông bố có con nhỏ ở nhà chỉ ủng hộ Trump một điểm - 49% so với 48% cho Biden-Harris - nghĩa là nhóm này đã chuyển 22 điểm lớn sang tổng thống đắc cử chỉ sau bốn năm.

Những bà mẹ có con nhỏ cũng chuyển sang ủng hộ Trump từ năm 2020, mặc dù không đáng kể như những ông bố.

Vào năm 2024, những bà mẹ ủng hộ Harris với biên độ hẹp năm điểm, 51% so với 46%. Họ ủng hộ Biden-Harris với 13 điểm, 56% so với 43%, bốn năm trước đó - nghĩa là họ đã chuyển tám điểm sang Trump giữa hai chu kỳ bầu cử.

Người ủng hộ quyền lựa chọn trường học Corey DeAngelis đã ăn mừng sự thay đổi trong phiếu bầu của phụ huynh trên X (trước đây là Twitter) vào thứ Sáu.

"Các công đoàn giáo viên đã quá tay với việc đóng cửa trường học và nhồi sọ trong trường học", DeAngelis viết. “Đảng Cộng hòa hiện là Đảng Phụ huynh”.



Trong những năm giữa cuộc bầu cử năm 2020 và 2024, quyền của cha mẹ nổi lên như một vấn đề nổi cộm khiến nhiều phụ huynh, một số người trước đây từng ủng hộ các ứng cử viên Dân chủ, chuyển sang cánh hữu.

Phong trào cánh hữu này của hàng triệu phụ huynh Mỹ là phản ứng trước tình trạng đóng cửa trường học kéo dài sau COVID và sự ủng hộ phong trào LGBTQ trong chương trình giảng dạy và thư viện của trường học.

Moms for Liberty, một trong những nhóm đi đầu trong phong trào quyền của phụ huynh, được thành lập vào ngày đầu tiên của năm 2021.

Vào tháng 10 năm 2021, Tổng chưởng lý Biden-Harris Marrick Garland đã ban hành một bản ghi nhớ gây tranh cãi sâu sắc chỉ đạo FBI triển khai các đặc vụ để giải quyết những gì ông gọi là "các mối đe dọa bạo lực đối với các quan chức nhà trường và giáo viên". Những người chỉ trích khẳng định rộng rãi rằng động thái chỉ đạo này nhắm vào những phụ huynh lên tiếng phản đối các quan chức giáo dục không được lòng dân và các chính sách của họ tại các cuộc họp hội đồng nhà trường.

Tháng sau, ứng cử viên Cộng hòa Glenn Youngkin đã giành được chức thống đốc của Virginia nghiêng về đảng Dân chủ trong một cuộc đảo chính lớn sau khi điều hành một trong những chiến dịch đầu tiên chủ yếu dựa trên việc ủng hộ quyền của cha mẹ.

Trong cuộc tranh luận vào tháng 9 năm 2021, đối thủ Dân chủ của Youngkin là cựu Thống đốc Terry McAuliffe đã tuyên bố, "Tôi không nghĩ phụ huynh nên ra lệnh cho trường học những gì họ nên dạy" - một sai lầm mà nhiều nhà quan sát đồng ý là đóng vai trò chính trong thất bại gây sốc của ông.

Vào thứ Sáu, sáng kiến nghiên cứu của đảng Dân chủ Blueprint đã công bố kết quả cuộc thăm dò sau bầu cử, mà nhóm đã tiến hành để giải thích lý do tại sao cử tri Mỹ bầu cho Trump áp đảo và từ chối Harris, ứng cử viên được họ ưa thích.

Cuộc thăm dò của Blueprint phát hiện ra rằng lý do hiệu quả thứ ba khiến cử tri không ủng hộ Harris là ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ "tập trung nhiều hơn vào các vấn đề văn hóa như vấn đề chuyển giới thay vì giúp đỡ tầng lớp trung lưu".

Chỉ có hai lời chỉ trích trong tổng số 25 lời chỉ trích được xếp hạng cao hơn là lạm phát và cuộc khủng hoảng ở biên giới phía nam.

Blueprint đã gán cho mỗi lời chỉ trích một "điểm quan trọng tương đối", được định nghĩa là "mức độ được chọn cao hơn" như một lý do không ủng hộ Harris "so với lời chỉ trích trung bình".

Lời chỉ trích "chuyển giới" có điểm quan trọng tương đối là +28 trong số những cử tri dao động đã bỏ phiếu cho Trump, +25 trong số tất cả những cử tri dao động, +17 trong số tất cả những cử tri, +15 trong số những cử tri da đen và +9 trong số những cử tri gốc La-tinh.

Kara Densky, một đảng viên Dân chủ và là nhà nữ quyền, người chỉ trích sự ủng hộ của đảng mình đối với phong trào "chuyển giới" hơn là quyền của phụ nữ, đã nêu bật kết quả cuộc thăm dò của Blueprint trên X.

Trên trang web của mình, Blueprint tuyên bố rằng đây "là một sáng kiến nghiên cứu dư luận tập trung vào việc xây dựng câu chuyện và thử nghiệm thông điệp để bầu Phó Tổng thống Harris và trao quyền kiểm soát Quốc hội cho đảng Dân chủ 2024.”

Nhà sáng lập Turning Point USA Charlie Kirk đã lên X để khen ngợi nhà bình luận bảo thủ xã hội và người dẫn chương trình Daily Wire Matt Walsh “vì vai trò của ông trong chiến thắng vang dội năm 2024.”

“Trong nhiều năm, nhiều người bảo thủ rất sợ đề cập đến vấn đề chuyển giới,” Kirk viết. “Vấn đề này đang trên đà được xã hội và chính trị chấp nhận — thậm chí chỉ cần đặt câu hỏi về nó cũng là một tội ác thù hận.”

“Matt đã can đảm và hiệu quả thực hiện nhiệm vụ một mình để vạch trần mafia chuyển giới, gây nguy hiểm lớn cho bản thân và gia đình ông,” Kirk nói tiếp:

Bộ phim “What is a Woman?” của ông là một kiệt tác.

Các cuộc thăm dò cho thấy sự ủng hộ của Kamala đối với các chính sách chuyển giới cấp tiến là vấn đề quan trọng nhất đối với những cử tri dao động đã chọn Donald Trump, thậm chí còn đánh bại cả nền kinh tế và biên giới.

“‘Kamala là vì họ, Trump là vì bạn’ xứng đáng được coi là một trong những lời chào hàng tuyệt vời nhất mọi thời đại trong lịch sử Hoa Kỳ,” Kirk nói thêm, ám chỉ đến một loạt quảng cáo lan truyền được chiến dịch tranh cử của Trump sử dụng trong những tuần trước cuộc bầu cử.



Một lần nữa, theo các cuộc thăm dò ý kiến cử tri của NBC, một tỷ lệ phần trăm phụ nữ không có con nhỏ đã bỏ phiếu cho đảng Dân chủ vào năm 2020 và 2024 là như nhau. Trong cả hai chu kỳ, 55% đã bỏ phiếu cho đảng Dân chủ và 44% đã bỏ phiếu cho Trump.

Tỷ lệ phần trăm vẫn giữ nguyên mặc dù chiến dịch của Harris đã nhắm mục tiêu mạnh mẽ vào những phụ nữ không có con sau khi các phương tiện truyền thông chính thống phát hành một nhận xét dí dỏm năm 2021 của Phó Tổng thống đắc cử JD Vance về "những bà cô mèo không có con".
 
VietCatholic TV
Kyiv tấn công lớn vào Moscow. Lính Bắc Hàn quá dở, Nga không tái chiếm được còn mất thêm đất ở Kursk
VietCatholic Media
03:07 11/11/2024


1. Bản đồ chiến tranh Kursk cho thấy Ukraine giành thêm được lãnh thổ Nga trong bối cảnh điều động quân đội Bắc Hàn

Quân đội Ukraine đang chiến đấu ở vùng Kursk, nơi quân đội Bắc Hàn đang hỗ trợ lực lượng của Mạc Tư Khoa, theo báo cáo, vì một bản đồ cho thấy tình hình mới nhất ở khu vực biên giới Nga.

Ukraine đã đạt được những thành quả nhanh chóng khi tiến hành cuộc tấn công bất ngờ vào khu vực này vào ngày 6 tháng 8, tràn qua các vị trí phòng thủ yếu của Nga và chiếm được thành phố Sudzha cùng các vùng lãnh thổ khác.

Trong khi lực lượng của Vladimir Putin phản ứng chậm chạp, quân đội Nga được cho là đã cố gắng chiếm một phần lãnh thổ bị mất trong những tuần gần đây, với sự hỗ trợ của quân đội Bình Nhưỡng.

Tuy nhiên, Viện Nghiên cứu Chiến tranh, gọi tắt là ISW cho biết trong bản cập nhật mới nhất rằng lực lượng của Kyiv đã tiến về rìa phía tây bắc của vị trí này vào hôm Thứ Sáu, 08 Tháng Mười Một, đồng thời lưu ý các cảnh quay định vị địa lý cho thấy họ tiến vào phía bắc thị trấn Novoivanovka, nơi giao tranh đang diễn ra đặc biệt ác liệt.

Các nguồn tin của Nga cho biết giao tranh vẫn tiếp diễn ở phía đông nam Korenevo và phía bắc Sudzha. Bộ Quốc phòng Nga cũng cho biết lực lượng của họ đã đẩy lùi một cuộc tấn công của Ukraine ở quận Glushkovsky phía tây của điểm nhô chính.

Thông tin này xuất hiện khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh Cộng đồng Chính trị Âu Châu rằng 11.000 quân Bắc Hàn đang tham gia chiến đấu trong khu vực và chịu thương vong nặng nề.

Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Rustem Umerov cho biết vào ngày 5 tháng 11 rằng các cuộc đụng độ đầu tiên giữa binh lính Ukraine và Bắc Hàn đã diễn ra. Trích dẫn các quan chức cao cấp của Hoa Kỳ và Ukraine, tờ New York Times trước đó đã đưa tin rằng quân đội Bắc Hàn đã gánh chịu thương vong cao trong một cuộc giao tranh hạn chế với lực lượng Ukraine.

Sự hiện diện của một quốc gia thứ ba trong cuộc chiến do Putin phát động đã làm dấy lên báo động quốc tế, mặc dù có những nghi ngờ về phẩm chất và khả năng huấn luyện của quân đội Bắc Hàn, những người đang tăng cường phòng tuyến ở Kursk, trong khi các đơn vị giàu kinh nghiệm nhất của Nga vẫn tiếp tục tiến quân ở phía đông Ukraine.

Putin phát biểu tại diễn đàn Valdai ở Sochi, Nga, vào thứ năm rằng lực lượng Ukraine đã phải chịu tổn thất “khủng khiếp” ở Kursk với hơn 30.000 quân - một con số chưa được chứng thực, và họ đang nhận được chỉ thị từ các đồng minh là “phải giữ vững bằng mọi giá” cho đến cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ.

Chiến thắng của Ông Donald Trump đã làm dấy lên câu hỏi về ý nghĩa của chiến thắng này đối với sự ủng hộ của Mỹ dành cho Kyiv, khi ông chỉ trích việc tiếp tục viện trợ quân sự và khẳng định ông có thể nhanh chóng đạt được thỏa thuận để chấm dứt giao tranh.

Tuy nhiên, hãng truyền thông độc lập Verstka đã trích dẫn nguồn tin giấu tên từ Điện Cẩm Linh cho biết Nga sẵn sàng đàm phán ít nhất là về việc đóng băng xung đột, nhưng các cuộc đàm phán này sẽ không bắt đầu cho đến khi quân đội Ukraine bị trục xuất khỏi Nga.

“Chúng tôi sẽ chỉ đàm phán khi ở thế mạnh”, một nguồn tin từ Điện Cẩm Linh chia sẻ với hãng tin này.

[Newsweek: Kursk War Map Shows Ukraine's Advances Amid North Korean Troop Deployment]

2. Ukraine tiến hành cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa lớn nhất vào Mạc Tư Khoa

Bộ Quốc phòng Nga báo cáo vào ngày 10 tháng 11 rằng lực lượng phòng không Nga đã bắn hạ 70 máy bay điều khiển từ xa của Ukraine, bao gồm 34 chiếc ở Tỉnh Mạc Tư Khoa, trong cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa lớn nhất của Ukraine vào thủ đô Nga.

Bộ Quốc phòng cho biết các máy bay điều khiển từ xa đã xâm nhập không phận Nga trong khoảng thời gian từ 7 giờ sáng đến 10 giờ sáng của ngày Chúa Nhật, 10 Tháng Mười Một, theo giờ Mạc Tư Khoa. Hệ thống phòng không của Nga đã bắn hạ 34 máy bay điều khiển từ xa trên vùng Mạc Tư Khoa, 14 máy bay trên vùng Bryansk, bảy máy bay trên vùng Oryol và Kaluga, sáu máy bay trên vùng Kursk và hai máy bay trên vùng Tula.

Các tài khoản mạng xã hội chưa được xác minh đã chia sẻ cảnh quay máy bay điều khiển từ xa bay qua các ngôi nhà và gây ra thiệt hại sau đó, bao gồm cả một chiếc xe hơi đang bốc cháy. Kyiv Independent không thể xác minh độc lập những cảnh quay này.

Có ít nhất một người được báo cáo bị thương ở Mạc Tư Khoa và Thị trưởng Mạc Tư Khoa Sergey Sobyanin cho biết các dịch vụ khẩn cấp đang hoạt động trong thành phố.

Theo Cơ quan Vận tải Hàng không Liên bang Nga, hai trong bốn phi trường của Mạc Tư Khoa, Domodedovo và Zhukovsky, đã phải dừng hoạt động do bị tấn công và đe dọa bởi máy bay điều khiển từ xa. Sân bay Quốc tế Sheremetyevo sau đó đã đóng cửa, mặc dù các chuyến bay đã được nối lại.

Nga đã tiến hành cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa lớn nhất vào ban đêm tại Ukraine vào ngày 9-10 tháng 11, với 145 máy bay điều khiển từ xa xâm nhập không phận Ukraine. Phòng không Ukraine đã bắn hạ 62 máy bay điều khiển từ xa.

Theo Bộ Tổng tham mưu, một cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa trước đó của Ukraine đã gây hư hại cho một kho đạn dược của Nga ở Tỉnh Bryansk.

Theo Tổng tư lệnh Ukraine Oleksandr Syrskyi, năm nay Ukraine đã tăng cường các cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa vào Nga và UAV đã phá hủy hoặc làm hư hại 52.000 mục tiêu của Nga vào tháng trước.

“Công nghệ máy bay điều khiển từ xa đang phát triển nhanh chóng và chúng ta phải đi trước đối phương một bước”, vị tướng này phát biểu vào ngày 9 tháng 11.

Theo lời một nguồn tin giấu tên của Cơ quan An ninh Ukraine, gọi tắt là SBU nói với tờ Kyiv Independent, một kho đạn dược đã “bị xóa sổ khỏi mặt đất” ở Tỉnh Tver vào tháng trước.

Sự việc này xảy ra chỉ vài ngày sau khi Ukraine xác nhận các cuộc tấn công vào hai kho vũ khí khác, với Bộ Quốc phòng Anh cho biết các cuộc tấn công kết hợp đã gây ra “thiệt hại đạn dược lớn nhất” ở Nga trong cuộc chiến toàn diện chống lại Ukraine.

[Kyiv Independent: Ukraine launches largest drone attack on Moscow]

3. Cựu chỉ huy NATO dự đoán cuộc chiến của Putin ở Ukraine sẽ kết thúc như thế nào

Cựu chỉ huy Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, gọi tắt là NATO James Stavridis dự đoán trên chương trình Smerconish của CNN vào hôm Thứ Bẩy, 09 Tháng Mười Một, rằng chiến tranh Nga-Ukraine sẽ kết thúc bằng việc Putin chiếm được 20 phần trăm lãnh thổ Ukraine.

Tổng thống đắc cử Donald Trump trước đây đã nói rằng nếu ông ngồi vào bàn đàm phán với Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy, cuộc chiến giữa hai quốc gia Đông Âu này sẽ kết thúc “trong vòng 24 giờ”.

Bây giờ Tổng thống đắc cử Donald Trump đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống năm nay trước Phó Tổng thống Kamala Harris, ứng cử viên của đảng Dân chủ, thế giới sẽ theo dõi cách ông giải quyết cuộc chiến.

Stavridis, một đô đốc đã nghỉ hưu thường xuyên xuất hiện trên các kênh truyền hình để chia sẻ kinh nghiệm của mình về các vấn đề đối ngoại, đã nói với Michael Smerconish của CNN vào hôm thứ Bảy rằng nếu Tổng thống đắc cử Donald Trump có thể chấm dứt chiến tranh Nga-Ukraine trong vòng 24 giờ, “tôi sẽ là người đầu tiên bỏ phiếu cho giải Nobel Hòa bình của ông ấy.”

Stavridis cho biết: “Điều tôi hy vọng ông ấy sẽ làm, và tôi nghĩ ông ấy sẽ làm, là gây áp lực lên cả hai bên để ngồi vào bàn đàm phán, và kết quả sẽ giống như hồi kết của Chiến tranh Bắc Hàn, thật không may, nhưng trong thế giới thực, khoảng 20 phần trăm Ukraine, phần mà Putin hiện đang nắm giữ sẽ thuộc về Nga, nhưng phần còn lại của Ukraine, 80 phần trăm, tất cả những nguồn lực đó, phần lớn dân số, họ vẫn dân chủ, tự do”.

Ông nói thêm rằng Ukraine cũng sẽ có được “con đường đến NATO, có lẽ là từ ba đến năm năm, một cách thực tế. Đây không phải là kết quả tồi tệ nhất trên thế giới”.

Khi được Newsweek hỏi rằng ông nghĩ các cuộc đàm phán sẽ thực sự mất bao lâu sau khi Tổng thống đắc cử Donald Trump nhậm chức, Stavridis trả lời: “Hãy nhớ rằng một giải pháp đàm phán không phải là điều mà Hoa Kỳ có thể áp đặt - mà là điều mà người Ukraine và người Nga phải đồng ý.”

“Đàm phán ngừng bắn và thoả thuận cuối cùng sẽ mất nhiều tháng. Việc Ukraine gia nhập NATO có thể hoàn thành trong vài năm”, ông nói thêm.

Ukraine, hiện là đối tác của NATO, từ lâu đã cố gắng gia nhập liên minh quân sự này, thậm chí trước khi Nga xâm lược. Nhưng Zelenskiy trước đó đã thừa nhận rằng điều đó “không thể” xảy ra trước khi chiến tranh kết thúc.

Stavridis nói với Smerconish rằng Ukraine cũng có thể trở thành thành viên của Liên minh Âu Châu, nơi đã đầu tư hàng tỷ đô la để giúp Ukraine chống lại cuộc xâm lược của Nga bắt đầu vào tháng 2 năm 2022.

“Putin sẽ ghét phần đó, cũng giống như người Ukraine sẽ ghét phần Putin nắm giữ 20 phần trăm đất nước của họ. Nhưng đó là một cuộc đàm phán,” vị đô đốc đã nghỉ hưu nói với Smerconish.

Stavridis cũng cho biết thỏa thuận này có thể bao gồm “một số loại khu phi quân sự giữa hai bên, giống như Nam Hàn. Và có thể bạn tuần tra nó bằng lính NATO, chẳng hạn, chứ không phải lính Mỹ, lính Âu Châu”.

Trong khi đó, Putin đã chúc mừng Tổng thống đắc cử Donald Trump về chiến thắng trong cuộc bầu cử tại một hội nghị diễn đàn quốc tế ở khu nghỉ mát Sochi bên bờ Hắc Hải vào thứ năm.

“Tôi muốn nhân cơ hội này để chúc mừng ông ấy được bầu làm tổng thống Hoa Kỳ”, tên trùm mafia đang lãnh đạo Nga cho biết, đồng thời nói thêm rằng những gì Tổng thống đắc cử Donald Trump nói “về mong muốn khôi phục quan hệ với Nga, giúp chấm dứt cuộc khủng hoảng Ukraine, theo tôi, ít nhất cũng đáng được chú ý”.

Vào thứ Tư, Zelenskiy cũng đã chúc mừng Tổng thống đắc cử Donald Trump trong một bài đăng trên X.

“Xin chúc mừng Tổng thống đắc cử Donald Trump về chiến thắng bầu cử ấn tượng của ông! Tôi nhớ lại cuộc gặp tuyệt vời của chúng ta với Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tháng 9, khi chúng ta thảo luận chi tiết về quan hệ đối tác chiến lược Ukraine-Hoa Kỳ, Kế hoạch Chiến thắng và các cách chấm dứt hành động xâm lược của Nga đối với Ukraine,” ông viết. “Tôi đánh giá cao cam kết của Tổng thống đắc cử Donald Trump đối với đường lối 'hòa bình thông qua sức mạnh' trong các vấn đề toàn cầu. Đây chính xác là nguyên tắc có thể thực tế đưa hòa bình công bằng đến gần hơn ở Ukraine. Tôi hy vọng rằng chúng ta sẽ cùng nhau đưa nó vào hành động.”

[Newsweek: Former NATO Commander Predicts How Putin's War in Ukraine Will End]

4. Tình báo Ukraine cho biết sản lượng pháo binh của Nga sẽ vượt trội hơn toàn bộ Liên Hiệp Âu Châu 30% vào năm tới

Hôm Thứ Bẩy, 09 Tháng Mười Một, Ngoại trưởng Ukraine Andrii Sybiha cho biết rằng Nga sẽ có thể sản xuất nhiều hơn 30% đạn pháo so với tất cả các quốc gia thành viên Liên Hiệp Âu Châu cộng lại vào năm tới.

“Theo tình báo Ukraine, dựa trên thông tin chúng tôi có, nếu không có phản ứng hoặc phòng ngừa thích hợp, Nga sẽ có thể sản xuất nhiều hơn 30% đạn pháo so với tất cả các nước trong Liên minh Âu Châu cộng lại”.

Sybiha kêu gọi hành động quốc tế nhằm hạn chế năng lực công nghiệp của Nga.

“Trước hết, ở đây tôi muốn nói đến hạm đội ngầm, giúp Nga lách lệnh trừng phạt và tiếp tục buôn bán các nguồn năng lượng, dầu mỏ. Điều rất quan trọng là việc tăng cường hơn nữa chính sách trừng phạt của Liên Hiệp Âu Châu đối với các đồng minh của chúng ta tập trung vào khía cạnh này”.

Tình trạng thiếu đạn dược từ lâu đã là nguyên nhân gây lo ngại ở Ukraine nhưng đã leo thang trong năm nay. Liên Hiệp Âu Châu đã không thực hiện được lời hứa sản xuất 1 triệu quả đạn pháo từ tháng 3 năm 2023 đến năm 2024 trong khi các tranh chấp ở Washington đã dẫn đến sự chậm trễ nghiêm trọng trong gói viện trợ trị giá 61 tỷ đô la.

Một số quốc gia đã ủng hộ sáng kiến do Tiệp dẫn đầu nhằm mua 800.000 quả đạn pháo cho Ukraine được đề xuất vào tháng 2 năm nay. Vào tháng 3, Liên Hiệp Âu Châu đã phân bổ 500 triệu euro, hay 544 triệu đô la, để tăng cường năng lực sản xuất đạn dược của Liên Hiệp Âu Châu lên 2 triệu quả đạn pháo mỗi năm vào cuối năm 2025.

Ukraine từ lâu đã cố gắng tăng cường sản xuất đạn dược trong nước để trở nên độc lập hơn với các đối tác phương Tây.

Vào mùa hè năm 2023, Ukroboronprom cho biết họ đã thành thạo việc sản xuất đạn cối 82 ly, đạn pháo 122 ly và 152 ly, cũng như đạn pháo tăng 125 ly.

Các phương tiện truyền thông trước đó đưa tin các quan chức Ukraine hy vọng có thể bắt đầu sản xuất đạn pháo 155 ly theo tiêu chuẩn NATO “cực kỳ cần thiết” sớm nhất là vào “nửa cuối” năm 2024.

Bất chấp những nỗ lực trong nước, quân đội Ukraine vẫn chủ yếu phụ thuộc vào việc cung cấp đạn pháo 155 ly từ các đối tác, vì các nước Âu Châu liên kết với nhau để mua đạn pháo này bên ngoài Âu Châu.

Hoa Kỳ cũng đã mở một nhà máy mới vào tháng 5 năm ngoái để sản xuất đạn dược 155 ly cho Ukraine và tăng đáng kể sản lượng tại một số nhà máy hiện có.

[Kyiv Independent: Russian artillery production to outmatch all of EU by 30% next year, Ukrainian intelligence says]

5. Những người lính Nga thảm sát toàn bộ gia đình người Ukraine nhận án chung thân

Hai binh sĩ Nga đã bị tuyên án chung thân vì tội giết hại một gia đình trong một vụ việc được mô tả là trường hợp hiếm hoi mà Mạc Tư Khoa buộc tội quân đội của mình về những tội ác đã gây ra trong cuộc xâm lược toàn diện của Vladimir Putin vào Ukraine.

Tổng thống Ukraine Volodymr Zelenskiy cho biết vào tháng 9 rằng Nga đã thực hiện 137.000 tội ác chiến tranh kể từ khi chiến tranh bắt đầu vào ngày 24 tháng 2 năm 2024. Trong đó bao gồm bắt cóc hàng loạt trẻ em Ukraine, tra tấn và giết hại thường dân.

Nhiều cáo buộc trong số này cũng liên quan đến việc Nga bắn phá cơ sở hạ tầng dân sự của Ukraine và ám chỉ các quan chức cao cấp, chẳng hạn như cựu bộ trưởng quốc phòng Sergei Shoigu và Tổng tham mưu trưởng Valery Gerasimov, cũng như chính Putin.

Tờ báo Kommersant của Nga đưa tin hôm thứ sáu rằng Nga đã kết án hai binh sĩ của nước này vì một vụ việc tàn bạo ở Volnovakha - một thị trấn ở vùng Donetsk của Ukraine, cách thành phố Mariupol bị tạm chiếm và bờ biển Hắc Hải khoảng 64 km.

Văn phòng Công tố Tỉnh Donetsk cho biết những người lính đã xông vào nhà gia đình Kapkanets và yêu cầu họ rời khỏi nhà.

Họ từ chối và những người lính quay đi rồi quay trở lại với súng máy. Sau đó, họ bắn chết tất cả chín thành viên trong gia đình khi họ đang ngủ, bằng súng máy có ống giảm thanh. Những người thiệt mạng bao gồm chủ nhà, Eduard Kapkanets 53 tuổi và vợ ông là Tatiana 51 tuổi, con trai và con dâu của họ cùng các cháu, năm và chín tuổi. Gia đình đã tụ họp để ăn mừng sinh nhật của Tatiana Kapkanets.

Tòa án quân sự quận phía Nam tại Rostov-on-Don đã tuyên án chung thân cho Anton Sopov, 21 tuổi và Stanislav Rau, 28 tuổi, sau một phiên tòa, Kommersant đưa tin.

Tờ Kyiv Independent cho biết bản án có tội này đánh dấu “một trường hợp hiếm hoi mà chính quyền Nga buộc quân đội của mình phải chịu trách nhiệm về tội ác chiến tranh gây ra ở Ukraine”.

Sopov và Rau đã bị bắt tại Nga vào cùng ngày Ukraine báo cáo về vụ giết người. Cả hai đều không nhận tội và sẽ kháng cáo quyết định. Tuy nhiên, Kommersant cho biết nếu phán quyết được giữ nguyên, họ sẽ “không thể” được thả ngay cả thông qua lệnh miễn trừ dành cho tù nhân chiến đấu trong cuộc chiến ở Ukraine.

Theo các báo cáo của phương tiện truyền thông, Rau đã gia nhập nhóm lính đánh thuê Wagner vào tháng 3 năm 2023, hai tháng sau khi chú của anh ta - người được Wagner tuyển dụng từ một trại giam ở Novosibirsk, nơi anh ta đang thụ án vì tội giết người - đã thiệt mạng khi chiến đấu ở Ukraine. Sau đó, Rau đã ký hợp đồng với quân đội.

Vào tháng 3 năm 2023, một người lính Nga đã bị tòa án ở Khabarovsk tuyên án treo 5 năm rưỡi sau khi anh ta thú nhận đã giết một thường dân Ukraine ở khu vực Kyiv khi chiến tranh bắt đầu, theo Đài phát thanh Âu Châu Tự do/Đài phát thanh Tự do đưa tin.

[Newsweek: Russian Soldiers Who Massacred Entire Ukrainian Family Get Life Sentences]

6. Thủ tướng Tusk: Không có quyết định nào cho Ukraine nếu không có người Ukraine, bất chấp kế hoạch của Tổng thống đắc cử Donald Trump

Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk cho biết các quyết định về tương lai của Ukraine không thể được đưa ra nếu không có người dân Ukraine, bất chấp kế hoạch ngừng bắn của Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Ông Donald Trump, Đài phát thanh Polskie đưa tin vào ngày 9 tháng 11.

Các kế hoạch của Tổng thống đắc cử Donald Trump cho Ukraine chỉ đang trong giai đoạn thảo luận, Tusk cho biết. Một số đề xuất được tiết lộ với giới truyền thông bao gồm đóng băng tiền tuyến hiện tại và điều động quân đội Anh và Âu Châu để thực thi vùng đệm.

Nhưng Tusk nhấn mạnh rằng “các quyết định về cuộc chiến ở Ukraine không thể được đưa ra trên đầu người Ukraine hay trên đầu chúng ta.” Ông nói thêm rằng Âu Châu sẽ phải chịu nhiều trách nhiệm hơn về an ninh của mình.

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Ukraine Heorhii Tykhyi phát biểu với giới truyền thông vào ngày 10 tháng 11 rằng Kyiv “biết ơn” những cam kết của Tusk và nhấn mạnh rằng Ukraine nên “xác định các thông số của con đường hướng tới một nền hòa bình toàn diện, công bằng và bền vững”.

Tổng thống đắc cử Donald Trump trước đó đã nói rằng ông sẽ chấm dứt chiến tranh trong “24 giờ”, nhưng không đưa ra một lộ trình rõ ràng. Nhóm của ông nói với The Telegraph rằng Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ không gửi quân đội Hoa Kỳ đến Ukraine.

Thủ tướng Hung Gia Lợi Viktor Orban cho biết Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ không tiếp tục hỗ trợ Ukraine.

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Pháp Jean-Noël Barrot tuyên bố rằng Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ không từ bỏ Ukraine. Tổng thống đắc cử Donald Trump “rất khôn ngoan, không thể nào lại đồng ý với điều sẽ là cuộc sáp nhập lãnh thổ lớn nhất trong 75 năm”, ông nói với tờ báo Pháp Le Parisien vào ngày 9 tháng 11.

Tổng thống đắc cử Donald Trump biết rằng sẽ không có hòa bình lâu dài nếu ông hành động sau lưng Ukraine và Âu Châu, ông nói thêm.

Giới lãnh đạo Ukraine đã công khai tuyên bố rằng họ có kế hoạch khôi phục lại đường biên giới năm 1991 của đất nước, bao gồm việc giải phóng Crimea và một số khu vực Donbas bị Nga tạm chiếm từ năm 2014.

Vào ngày 9 tháng 11, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết Nga “sẵn sàng lắng nghe” các đề xuất của Tổng thống đắc cử Donald Trump nhưng nói thêm rằng sẽ không có “giải pháp đơn giản”.

Hiện vẫn chưa rõ lý do tại sao Nga lại muốn tạm dừng ở giai đoạn hiện tại vì lực lượng của Mạc Tư Khoa hiện đang ở đỉnh cao của cuộc tấn công vào năm 2024 và được cho là vẫn còn đủ nguồn lực để tiếp tục tiến xa hơn.

[Kyiv Independent: Tusk: No decisions for Ukraine without Ukrainians, despite Trump's plans]

7. Tusk của Ba Lan sẽ gặp các nhà lãnh đạo Liên Hiệp Âu Châu, Anh, NATO về Ukraine sau chiến thắng của cựu Tổng thống Trump

Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk có kế hoạch họp với các nhà lãnh đạo Liên Hiệp Âu Châu, Anh và NATO để thảo luận về tình hình ở Ukraine sau chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống của Ông Donald Trump tại Hoa Kỳ.

Tusk cho biết ông sẽ tổ chức các cuộc họp tại Warsaw với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và nhà lãnh đạo NATO Mark Rutte, trong khi cuộc họp với Thủ tướng Anh Keir Starmer sẽ diễn ra tại Warsaw hoặc Luân Đôn, Reuters đưa tin. Các cuộc họp với các nhà lãnh đạo Bắc Âu và Baltic tại Stockholm cũng nằm trong chương trình nghị sự.

Thủ tướng Ba Lan cho biết bối cảnh chính trị mới sau khi cựu Tổng thống Trump tái đắc cử tại Hoa Kỳ là “thách thức nghiêm trọng đối với tất cả mọi người”, đặc biệt là nếu tổng thống Nga và Hoa Kỳ đạt được thỏa thuận về Ukraine mà không có sự tham gia của Kyiv.

Tổng thống đắc cử Donald Trump đã chỉ trích mức độ hỗ trợ quân sự và tài chính của Hoa Kỳ cho Ukraine và tuyên bố trong chiến dịch tranh cử rằng ông sẽ tìm cách chấm dứt nhanh chóng cuộc xung đột.

Trong khi đó, nhà lãnh đạo chính sách đối ngoại Liên Hiệp Âu Châu Josep Borrell đã hạ cánh tại Kyiv vào hôm thứ Bảy để tái khẳng định sự ủng hộ của Âu Châu sau chiến thắng của Tổng thống đắc cử Donald Trump. Đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của một quan chức cao cấp Liên Hiệp Âu Châu sau cuộc bầu cử Hoa Kỳ. “Chúng tôi sẽ ủng hộ Ukraine hết mức có thể”, Borrell nói.

Theo dữ liệu từ Viện Kiel được hãng thông tấn Belga trích dẫn, Liên Hiệp Âu Châu đã đóng góp 125 tỷ đô la hỗ trợ quân sự và nhân đạo cho Ukraine kể từ khi Putin tiến hành cuộc xâm lược toàn diện vào nước này vào năm 2022, trong khi Hoa Kỳ đã cung cấp 90 tỷ đô la.

[Politico: Poland’s Tusk to meet EU, UK, NATO leaders on Ukraine after Trump win]

8. Mediazona xác nhận danh tính của hơn 77.000 binh lính Nga thiệt mạng ở Ukraine

Thông qua nghiên cứu nguồn mở, Mediazona, một cơ quan truyền thông độc lập của Nga, cùng với BBC Russia, đã xác nhận tên của 77.143 binh sĩ Nga đã thiệt mạng kể từ khi Nga bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện.

Kể từ lần cập nhật cuối cùng của Mediazona vào cuối tháng 10, tên của 1.761 binh sĩ Nga đã được thêm vào danh sách thương vong.

Các nhà báo lưu ý rằng con số thực tế có thể cao hơn rất, rất nhiều vì thông tin đã được xác minh của họ đến từ các nguồn công khai như cáo phó, bài đăng của người thân, báo cáo của phương tiện truyền thông khu vực và tuyên bố từ chính quyền địa phương hay các cáo thị của nhà thờ.

Bộ trưởng Quốc phòng Anh cho biết trong một cuộc phỏng vấn được công bố ngày 8 tháng 11 rằng quân đội Nga đã phải chịu tháng thương vong nhiều nhất vào tháng 10 kể từ khi cuộc xâm lược toàn diện bắt đầu, với trung bình 1.354 thương vong mỗi ngày.

Cơ quan tình báo quốc phòng Anh ước tính Nga có thể đã chịu hơn 696.000 thương vong kể từ khi cuộc xâm lược toàn diện bắt đầu, một con số phù hợp với con số hiện tại của Ukraine là 707.540 được báo cáo vào ngày 9 tháng 11.

Theo một số chuyên gia, sự gia tăng tổn thất trong những tháng gần đây có thể là một trong những yếu tố dẫn đến việc điều động quân đội Bắc Hàn tới Nga.

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy cho biết vào ngày 7 tháng 11 rằng quân đội Bắc Hàn đang giao tranh với lực lượng Ukraine đang phải chịu thương vong tại Tỉnh Kursk của Nga, mặc dù ông không chia sẻ số thương vong ước tính.

Kể từ khi Nga bắt đầu cuộc chiến toàn diện chống lại Ukraine, hơn 4.300 sĩ quan đã thiệt mạng trong chiến đấu ở Ukraine. Các nhà phân tích cũng lưu ý rằng ít nhất 14.204 tù nhân Nga đã thiệt mạng ở mặt trận phía đông Ukraine.

Theo nhà báo, những người lính Nga tử trận trong năm 2024 có xu hướng ngày càng già đi vì độ tuổi trung bình của những người tình nguyện nhập ngũ tiếp tục tăng cao. Phần lớn những người tình nguyện nhập ngũ tử trận trong chiến tranh rơi vào độ tuổi từ 48 đến 50.

Ngày đẫm máu nhất đối với lực lượng Mạc Tư Khoa là ngày 13 tháng 5, khi họ được báo cáo có 1.740 người thương vong.

Theo các nguồn tin không được tiết lộ và ước tính của tình báo phương Tây, tờ Wall Street Journal, gọi tắt là WSJ đưa tin vào ngày 17 tháng 9 rằng khoảng 1 triệu người Ukraine và Nga đã thiệt mạng hoặc bị thương kể từ tháng 2 năm 2022, bao gồm cả thường dân.

[Kyiv Independent: Mediazona confirms identities of over 77,000 Russian soldiers killed in Ukraine]

9. Liên Hiệp Âu Châu chuẩn bị gói trừng phạt thứ 15 đối với Nga, nhắm vào các bộ phận sản xuất ở nước ngoài

Liên Hiệp Âu Châu đang chuẩn bị gói trừng phạt thứ 15 đối với Nga, nhắm vào các phụ tùng do nước ngoài sản xuất được tìm thấy trong vũ khí của Nga, nhà ngoại giao hàng đầu của Liên Hiệp Âu Châu, Josep Borrell, cho biết tại Kyiv vào ngày 9 tháng 11.

“Chúng ta phải tăng cường các biện pháp chống trừng phạt vì Nga không thể sản xuất (vũ khí) nếu không có các bộ phận, chip và các thành phần khác nhập khẩu”, Borrell phát biểu tại một cuộc họp báo cùng với Ngoại trưởng Andrii Sybiha. “Chúng ta nên sử dụng các biện pháp trừng phạt để cô lập năng lực công nghiệp của Nga khỏi hàng nhập khẩu từ các quốc gia khác”.

Khối Âu Châu đã thông qua 14 gói biện pháp để ứng phó với cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine, nhằm mục đích làm suy yếu sản lượng kinh tế của Mạc Tư Khoa và khả năng duy trì chiến tranh. Gói biện pháp gần đây nhất, được thông qua vào ngày 20 tháng 6, đã đồng thanh áp dụng lệnh trừng phạt đầu tiên đối với ngành công nghiệp khí đốt của Nga.

Bình luận của Borrell được đưa ra khi Tổng thống Volodymyr Zelenskiy tiếp tục thúc giục các đồng minh phương Tây áp dụng nhiều lệnh trừng phạt hơn đối với các nhà cung cấp phụ tùng chủ yếu được sử dụng trong máy bay điều khiển từ xa của Nga.

Nga đã tăng cường các cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa vào các thành phố của Ukraine trong những tháng gần đây, khi Zelenskiy báo cáo có hơn 2.000 máy bay điều khiển từ xa loại Shahed của Nga được phóng vào Ukraine vào tháng 10.

Theo Zelenskiy, hơn 2.000 máy bay điều khiển từ xa loại Shahed được phóng vào tháng 10 trùng với “hơn 170.000 thành phần đáng lẽ phải bị chặn không cho đến được Nga”, Zelenskiy cho biết trong bài phát biểu buổi tối ngày 2 tháng 11. “Vi mạch, vi điều khiển, bộ giải quyết và nhiều bộ phận khác là thiết yếu để tạo điều kiện cho khủng bố này”.

Nga tiếp tục tránh lệnh trừng phạt thông qua việc sử dụng các mạng lưới trốn tránh lệnh trừng phạt và các công ty vỏ bọc. Nga cũng được hỗ trợ trốn tránh lệnh trừng phạt thông qua các đồng minh của mình, bao gồm Trung Quốc, Iran và Bắc Hàn.

Trong những tháng gần đây, sự hỗ trợ đặc biệt của Trung Quốc đối với ngành công nghiệp quốc phòng của Nga đã đóng vai trò quan trọng trong việc thay đổi thế trận trên chiến trường Ukraine theo hướng có lợi cho Mạc Tư Khoa.

Reuters đưa tin vào ngày 25 tháng 9, trích dẫn nguồn tin tình báo Âu Châu rằng Nga đã bí mật thiết lập một chương trình phát triển và sản xuất tại Trung Quốc đối với máy bay điều khiển từ xa tấn công để sử dụng trong cuộc chiến ở Ukraine

Vào ngày 6 tháng 11, nhà lãnh đạo cơ quan tình báo Úc đã cảnh báo rằng “việc cung cấp ồ ạt” hàng hóa có mục đích sử dụng kép của Bắc Kinh, cũng như sự hỗ trợ về ngoại giao và kinh tế, sẽ cho phép Nga tiếp tục cuộc chiến chống lại Ukraine.

Thông báo về gói trừng phạt được đưa ra trong bối cảnh Borrell, trong chuyến thăm tới Kyiv vào ngày 9 tháng 11, tìm cách trấn an Ukraine về sự ủng hộ “vững chắc” của Liên Hiệp Âu Châu trong bối cảnh không chắc chắn về mức độ ủng hộ của Hoa Kỳ dưới sự lãnh đạo của Tổng thống đắc cử Donald Trump.

[Kyiv Independent: EU preparing 15th sanctions package against Russia, targeting foreign-made parts]
 
Kyiv đánh trúng phi trường Moscow, phá tan trực thăng. Nga dọa sẽ làm gì nếu TT Trump ra tối hậu thư
VietCatholic Media
14:42 11/11/2024


1. Video cho thấy trực thăng tấn công Mi-24 của Nga bốc cháy tại phi trường Mạc Tư Khoa, HUR tuyên bố

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv hôm Thứ Hai, 11 Tháng Mười Một, Phát ngôn nhân Cục Tình Báo Quân Đội Ukraine, Đại Úy Andriy Yusov, cho biết Cơ quan tình báo quân sự Ukraine, gọi tắt là HUR, đã phá hủy một trực thăng tấn công Mi-24 trong khi tấn công một căn cứ không quân ở tỉnh Moscow của Nga.

Đại Úy Yusov cho biết máy bay đã bị tấn công tại căn cứ không quân Klin-5 vào đêm mùng 9 rạng sáng mùng 10 tháng 11 và đính kèm một đoạn video được cho là cho thấy cảnh máy bay bốc cháy.

Đại Úy Yusov cho biết chiếc trực thăng này thuộc phi đội 92, Trung tâm ứng dụng chiến đấu và đào tạo lại không quân 344 của Không quân Lục quân Nga.

Đại Úy Yusov cho biết: “HUR muốn nhắc nhở mọi người rằng đối với mọi tội ác chiến tranh chống lại Ukraine, kẻ xâm lược sẽ phải nhận hình phạt công bằng”.

Trước đó vào ngày 11 tháng 11, Bộ Tổng tham mưu Ukraine báo cáo rằng Nga đã mất 329 máy bay trực thăng kể từ khi cuộc xâm lược toàn diện bắt đầu.

[Kyiv Independent: Video shows Russian Mi-24 attack helicopter set ablaze at Moscow Oblast airport, HUR claims]

2. Đồng minh của Putin kêu gọi phá hủy cơ sở hạ tầng quan trọng của Hoa Kỳ

Vladimir Solovyov, người dẫn chương trình truyền hình nhà nước Nga và là đồng minh nổi tiếng của Putin, đã kêu gọi phá hủy cơ sở hạ tầng quan trọng của Mỹ nếu Hoa Kỳ cố gắng đưa ra “bất kỳ tối hậu thư nào” cho Mạc Tư Khoa trong cuộc chiến Nga-Ukraine đang diễn ra.

Tổng thống đắc cử Donald Trump trước đây đã nói rằng nếu ông ngồi vào bàn đàm phán với Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy, cuộc chiến giữa hai quốc gia Đông Âu này sẽ kết thúc “trong vòng 24 giờ”.

Bây giờ Tổng thống đắc cử Donald Trump đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống năm nay trước Phó Tổng thống Kamala Harris, ứng cử viên của đảng Dân chủ, thế giới sẽ theo dõi cách ông giải quyết cuộc chiến.

Solovyov đã cảnh báo trong một chương trình do ông dẫn trên kênh truyền hình nhà nước Russia-1 của Nga rằng: “Nếu Hoa Kỳ cố gắng đưa ra bất kỳ tối hậu thư nào cho chúng ta, Eo biển Stalin sẽ xuất hiện ở giữa nước Mỹ”.

“Tôi sẽ nói lại một lần nữa, chúng ta nên phá hủy mọi con đập, mọi hệ thống thủy điện,” Solovyov nói trong chương trình của mình.

Sau đó, ông nói về Ukraine, “Chúng ta nên rửa sạch bọn phát xít cặn bã này khỏi đất Nga,” và nói thêm rằng quốc gia bị chiến tranh tàn phá này “đơn giản là không tồn tại.”

Khi Putin phát động cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine vào tháng 2 năm 2022, ông tuyên bố rằng mục đích là để “phi phát xít hóa” đất nước này. Tuy nhiên, Ukraine, Hoa Kỳ và nhiều chuyên gia về khu vực này đã phủ nhận tuyên bố của Mạc Tư Khoa rằng đất nước bị chiến tranh tàn phá này - nơi có tổng thống là người Do Thái – đã bị Đức Quốc xã làm tha hóa.

Eo biển Stalin là gì?

Solovyov dường như ngụ ý trong một chương trình phát sóng vào tháng 2 năm 2023 rằng Hoa Kỳ nên bị phá hủy vì đã hỗ trợ Ukraine và thay vào đó nên là một eo biển được đặt theo tên của cựu lãnh đạo Liên Xô Joseph Stalin.

Sau khi một vị khách trong chương trình nói rằng cuộc chiến ở Ukraine là cuộc chiến lớn hơn chống lại Hoa Kỳ và phương Tây, Solovyov đã đồng ý.

“Và trong thế kỷ 21, giấc mơ của nhà tư tưởng vĩ đại, Viện sĩ Sakharov, sẽ trở thành hiện thực”, Solovyov nói, có lẽ ông đang ám chỉ đến Andrei Sakharov, một nhà khoa học người Nga có vai trò trong việc tạo ra quả bom khinh khí đầu tiên của Liên Xô.

“Đúng vậy, và trên lãnh thổ Hoa Kỳ sẽ có một eo biển mang tên đồng chí Stalin,” Solovyov nói thêm.

[Newsweek: Putin Ally Calls for Destruction of America's Critical Infrastructure]

3. Tờ New York Times: Nga chuẩn bị phát động cuộc tấn công với 50.000 quân vào Kursk bao gồm cả quân Bắc Hàn

Nga đang chuẩn bị mở cuộc tấn công vào Tỉnh Kursk với lực lượng 50.000 binh sĩ, bao gồm cả quân đội Bắc Hàn, tờ New York Times đưa tin vào hôm Chúa Nhật, 10 Tháng Mười Một, trích dẫn nguồn tin từ các quan chức Hoa Kỳ và Ukraine.

Theo các quan chức Ukraine, cuộc tấn công sẽ bắt đầu trong tương lai gần. Ukraine đã phát động cuộc tấn công bất ngờ vào Kursk của Nga vào tháng 8 và vẫn giữ vững vị trí mặc dù lực lượng Nga đã giành lại được khoảng một nửa lãnh thổ.

Theo đánh giá mới của Hoa Kỳ, Nga đã tập hợp 50.000 quân mà không rút quân khỏi mặt trận phía đông. Phía đông Ukraine vẫn là ưu tiên của Nga và đã đạt được những thành quả đáng kể ở phía nam Donetsk, và gần Toretsk, Chasiv Yar và Kupiansk.

Một quan chức Hoa Kỳ nói với tờ New York Times rằng mặc dù đã chiếm lại được một số phần của Tỉnh Kursk bằng các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn và pháo binh, Nga vẫn chưa tiến hành một cuộc tấn công lớn nào ở đó.

Lực lượng mới này xuất hiện khi Nga chứng kiến tổn thất nặng nề nhất vào tháng trước và quân đội Bắc Hàn có thể thay thế những người lính Nga bị thương và tử trận, theo một số chuyên gia. Đô đốc Anthony Radakin, Tổng tham mưu trưởng Quốc phòng Anh, tuyên bố Nga mất trung bình 1.500 quân mỗi ngày trong tháng 10.

Quân đội Bắc Hàn, những người đã đến Nga vào tháng trước, có khả năng sẽ trực tiếp tham gia vào hoạt động Kursk. Theo một quan chức Ukraine, quân đội đã được chia thành một đơn vị tấn công và một đơn vị hỗ trợ.

Tờ New York Times đưa tin, họ sẽ chiến đấu như bộ binh hạng nhẹ, khiến họ dễ bị pháo binh và máy bay điều khiển từ xa của Ukraine tấn công nếu không có sự hỗ trợ của xe thiết giáp.

Các quan chức Hoa Kỳ tin rằng quân đội Nga và Bắc Hàn dự kiến sẽ chịu tổn thất nặng nề khi giao tranh với quân đội Ukraine ở Tỉnh Kursk.

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy cho biết vào ngày 4 tháng 11, Bắc Hàn đã điều động khoảng 11.000 quân tới Tỉnh Kursk.

Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Rustem Umerov cho biết vào ngày 5 tháng 11 rằng hiện đang diễn ra các cuộc đụng độ giữa binh lính Ukraine và Bắc Hàn.

Zelenskiy xác nhận vào ngày 7 tháng 11 rằng quân đội Bắc Hàn đã phải chịu thương vong, nhưng không nêu rõ con số cụ thể.

[Kyiv Independent: NYT: Russia set to launch 50,000-strong offensive in Kursk Oblast, including North Koreans]

4. Nhóm của Tổng thống đắc cử Donald Trump lật tẩy một tay mượn danh ông ra oai với Ukraine

Nhóm của Tổng thống đắc cử Donald Trump đã bác bỏ tuyên bố của một cố vấn cũ rằng ưu tiên của chính quyền Tổng thống đắc cử Donald Trump đối với Ukraine sẽ là thiết lập hòa bình chứ không phải khôi phục lãnh thổ đã mất vào tay Nga, bao gồm cả Crimea.

Bryan Lanza, một chiến lược gia đảng Cộng hòa từng làm việc trong chiến dịch tranh cử tổng thống của ông Donald Trump, nhưng đã thôi việc và hoàn toàn không tham gia vào quá trình chuyển giao quyền lực, cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng chính quyền Tổng thống đắc cử Donald Trump sắp tới sẽ yêu cầu Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đưa ra “tầm nhìn thực tế cho hòa bình”.

“Nếu Tổng thống Zelenskiy đến bàn đàm phán và nói rằng chúng ta chỉ có thể có hòa bình nếu có Crimea, ông ấy cho chúng ta thấy rằng ông ấy không nghiêm chỉnh. Crimea đã không còn nữa”, Lanza phát biểu trên chương trình Weekend của BBC World Service.

Lanza cho biết ưu tiên của Hoa Kỳ sẽ là “hòa bình và chấm dứt giết chóc”.

Phát ngôn nhân của nhóm chuyển giao của Tổng thống đắc cử Donald Trump phủ nhận việc Lanza nói thay cho Tổng thống đắc cử Donald Trump. Phát ngôn nhân nói với BBC rằng ông ấy “không làm việc cho Tổng thống đắc cử Donald Trump và không nói thay cho ông ấy”.

Sau khi bị lật tẩy, Lanza bị quê đã từ chối cung cấp thêm bình luận khi được Newsweek liên hệ.

Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014 và xâm lược lãnh thổ ở phía đông Ukraine sau khi tiến hành cuộc xâm lược toàn diện vào nước này vào năm 2022.

Trong quá trình vận động tranh cử, Tổng thống đắc cử Donald Trump đã nhiều lần chỉ trích cách Tổng thống Joe Biden giải quyết cuộc chiến ở Ukraine và tuyên bố ông sẽ đạt được thỏa thuận hòa bình giữa Ukraine và Nga trong vòng một ngày nếu đắc cử.

Tuần này, tờ Wall Street Journal đưa tin các cố vấn của Tổng thống đắc cử Donald Trump đã đề xuất đóng băng chiến tranh, cho phép Nga giữ lại lãnh thổ đã chiếm được và tạo ra một khu phi quân sự ở phía đông Ukraine.

Zelenskiy đã nhiều lần tuyên bố rằng lực lượng Nga phải bị trục xuất và toàn bộ lãnh thổ mà Nga chiếm được, bao gồm cả Crimea, phải được trả lại cho Ukraine để hòa bình được thiết lập.

Theo một số báo cáo của phương tiện truyền thông, Zelenskiy đã nói chuyện qua điện thoại với Tổng thống đắc cử Donald Trump vào thứ Tư, và tỷ phú Elon Musk cũng tham gia cuộc gọi.

Ông đã bác bỏ kế hoạch của Tổng thống đắc cử Donald Trump về một thỏa thuận hòa bình nhanh chóng vào thứ năm, nói rằng đó sẽ là một “thất bại” cho Ukraine.

“Tôi tin rằng Tổng thống Tổng thống đắc cử Donald Trump thực sự muốn có một quyết định nhanh chóng” để chấm dứt chiến tranh, Zelenskiy nói với các phóng viên ở Budapest. “Điều đó không có nghĩa là nó sẽ xảy ra theo cách này.”

Phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov cho biết hôm thứ Tư rằng Putin “sẵn sàng đối thoại mang tính xây dựng dựa trên công lý, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau đối với mối quan tâm của mỗi bên”.

Ông “vẫn cam kết với lập trường này và đã nhắc lại nhiều lần”, theo hãng thông tấn nhà nước Nga Tass. “Nhưng hôm nay, chính quyền Hoa Kỳ lại giữ lập trường trái ngược. Chúng ta hãy chờ xem điều gì sẽ xảy ra vào tháng Giêng”.

[Newsweek: Trump's Team Shuts Down Ex-Adviser's Crimea Claim: 'Does Not Speak for Him']

5. Tàu chiến ‘tiên tiến’ mới của Ukraine đánh trúng vào mục tiêu trên không trong cuộc thử nghiệm

Ukraine đã hé lộ về tàu chiến tương lai của mình bằng những cảnh quay thử nghiệm mà họ tự hào cho thấy “năng lực chiến đấu cao” của mình.

Hải quân Kyiv đã đăng một đoạn video dài hai phút về cảnh quay trên không và bên trong tàu hộ tống Hetman Ivan Mazepa trên mạng xã hội. Chuyển từ phòng điều khiển sang cảnh tàu đang bắn vũ khí, đoạn video nằm cạnh một tuyên bố ca ngợi cách “nó đã chứng minh kết quả tuyệt vời, bắn chính xác các mục tiêu trên không, trên biển và trên bộ”.

Tàu hộ tống chống ngầm lớp Ada do Thổ Nhĩ Kỳ chế tạo đã chính thức được khởi đóng vào ngày 7 tháng 9 năm 2021, năm tháng trước cuộc xâm lược toàn diện của Vladimir Putin và được hạ thủy vào ngày 2 tháng 10 năm 2022, tám tháng sau khi chiến tranh nổ ra.

Hải quân Ukraine cho biết, tàu được trang bị “hệ thống vũ khí hiện đại giúp tăng đáng kể khả năng chiến đấu”. Tàu có thể chở tới 86 thủy thủ đoàn, tiêu diệt các mục tiêu trên không, trên mặt nước và dưới nước, đồng thời hỗ trợ hỏa lực cho tàu.

Con tàu được đặt theo tên của một người Cossack Ukraine nổi tiếng, một nhà lãnh đạo quân sự và dân sự, người đã chống lại chế độ Sa hoàng của Peter Đại đế và qua đời vào năm 1709.

Hải quân Ukraine cho biết con tàu đã trải qua một số điều chỉnh gần đây, chẳng hạn như tăng cường khả năng phòng không.

Tuyên bố cho biết, con tàu này “không chỉ là minh chứng cho công nghệ tiên tiến mà còn là biểu tượng cho hạm đội bất khuất của Ukraine”, đồng thời nói thêm rằng “Chúng tôi đã sẵn sàng cho những thách thức mới của chiến tranh”.

Đoạn video không nêu rõ ngày tháng hoặc địa điểm thử nghiệm, nhưng lần đầu tiên nó được phát hiện đang trong quá trình thử nghiệm trên biển vào ngày 30 tháng 5 tại Biển Marmara, gần Thổ Nhĩ Kỳ, theo Naval News.

Tạp chí hàng hải này cũng cho biết tàu hộ tống được trang bị “pháo Leonardo 76 ly Super Rapid có tháp pháo tàng hình” và các ăng-ten ở phía sau có thể sẽ dẫn đường cho hệ thống hỏa tiễn đất đối không của tàu.

Đài phát thanh Svoboda của Ukraine đưa tin vào tháng 8 năm 2021 rằng tàu sẽ được trang bị hỏa tiễn chống hạm Harpoon làm hệ thống tấn công chính. Mặc dù các hệ thống khác như Neptunes cũng đang được xem xét.

Vào tháng 8 năm 2024, văn phòng Tổng thống Ukraine Volodymr Zelenskiy cho biết tàu hộ tống này sẽ giúp đất nước thực hiện mục tiêu bảo vệ lợi ích quốc gia ở Hắc Hải và Biển Azov cũng như Biển Địa Trung Hải và Đại Tây Dương.

Ukraine đã giáng một loạt đòn vào hải quân Nga bằng cách đánh chìm, phá hủy hoặc làm hư hại phần lớn Hạm đội Hắc Hải của nước này, lực lượng đã bị đẩy lui khỏi bán đảo Crimea bị tạm chiếm.

Ukraine cũng đã tấn công các tàu hải quân Nga ở Biển Caspi lần đầu tiên vào thứ Tư, sau một cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa ở Dagestan, miền nam nước Nga.

[Newsweek: Ukraine's New 'Cutting-Edge' Warship Hits Aerial Targets in Artillery Tests]

6. ‘Giao hàng nhanh hơn và ít lằn ranh đỏ hơn’ — Borrell trấn an Kyiv về sự ủng hộ không lay chuyển của Liên Hiệp Âu Châu sau chiến thắng của Tổng thống đắc cử Donald Trump

Trong chuyến thăm Kyiv vào ngày 9 tháng 11, nhà ngoại giao hàng đầu của Liên minh Âu Châu, Josep Borrell, đã trấn an Kyiv về sự ủng hộ “vững chắc” của Liên Hiệp Âu Châu trong bối cảnh có sự không chắc chắn về mức độ ủng hộ của Hoa Kỳ dưới sự lãnh đạo của Tổng thống đắc cử Donald Trump.

“Chúng ta cần giao hàng nhanh hơn và ít ranh giới đỏ tự đặt ra hơn”, Borrell nói khi đề cập đến việc ông ủng hộ việc cho phép Ukraine tấn công sâu vào lãnh thổ Nga bằng vũ khí tầm xa do phương Tây cung cấp.

Borrell đã đến Kyiv vào đầu ngày trong chuyến đi thứ năm tới Ukraine kể từ khi Nga tiến hành cuộc xâm lược toàn diện vào tháng 2 năm 2022.

Trước cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Andrii Sybiha, Borrell cam kết rằng sự hỗ trợ của Liên Hiệp Âu Châu dành cho Ukraine luôn là “ưu tiên cá nhân” của ông và phải luôn nằm đầu trong chương trình nghị sự của khối.

“Sự ủng hộ này vẫn không hề lay chuyển. Sự ủng hộ này hoàn toàn cần thiết để các bạn tiếp tục tự vệ trước sự xâm lược của Nga”, Borrell phát biểu trong cuộc họp báo với Sybiha sau cuộc họp.

Chuyến thăm gần đây nhất của Borrell tới Kyiv với tư cách là đại diện cao cấp của Liên Hiệp Âu Châu về chính sách đối ngoại và an ninh diễn ra vài ngày sau khi ứng cử viên đảng Cộng hòa và cựu Tổng thống Hoa Kỳ Ông Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2024.

Mặc dù Tổng thống đắc cử Donald Trump vẫn còn mơ hồ về kế hoạch chính sách đối ngoại của mình, chiến thắng vang dội của ông đã làm tăng thêm sự bất ổn cho Ukraine liên quan đến tương lai của viện trợ quân sự phương Tây trong việc phòng thủ trước cuộc xâm lược đang diễn ra của Nga.

Tờ Telegraph đưa tin vào ngày 7 tháng 11, trích dẫn lời của ba nhân viên của Tổng thống đắc cử Donald Trump, rằng Tổng thống đắc cử Donald Trump có thể kêu gọi quân đội Anh và Âu Châu thực thi vùng đệm mà ông sẽ cố gắng áp đặt trên tuyến đầu hiện tại ở Ukraine. Theo kế hoạch, tuyến đầu hiện tại ở Ukraine sẽ bị đóng băng.

Theo Telegraph, Hoa Kỳ sẽ cung cấp vũ khí cho Ukraine để ngăn chặn Mạc Tư Khoa tái khởi động chiến tranh. Đổi lại, Ukraine sẽ đồng ý không theo đuổi tham vọng gia nhập NATO trong 20 năm, các nguồn tin cho biết.

Trong cuộc họp báo tại Kyiv cùng với Borrell, Sybiha cho biết Tổng thống Volodymyr Zelenskiy sẽ bắt đầu chuẩn bị cho cuộc gặp với Tổng thống đắc cử Donald Trump.

Borrell nói thêm rằng các bộ trưởng quốc phòng Liên Hiệp Âu Châu sẽ họp vào tuần tới để thảo luận về “việc tăng cường hỗ trợ vào thời điểm quan trọng này”, bao gồm cả hỗ trợ quân sự và ngoại giao cho Kyiv.

Là người ủng hộ trung thành của Ukraine, chuyến thăm Kyiv của Borrell diễn ra sau chuyến thăm Nam Hàn vào đầu tháng 11, nơi ông khuyến khích Hán Thành tăng cường hỗ trợ cho Ukraine trong bối cảnh lo ngại gia tăng về việc quân đội Bắc Hàn chiến đấu cùng quân đội Nga trong cuộc chiến chống lại Ukraine.

[Kyiv Independent: 'Faster deliveries and fewer red-lines' — Borrell reassures Kyiv of EU's unwavering support following Trump victory]

7. Tổng thống đắc cử Donald Trump thúc giục Putin tránh leo thang ở Ukraine, tờ Washington Post đưa tin

Tổng thống đắc cử Donald Trump đã nói chuyện trực tiếp với Putin vào ngày 7 tháng 11, đánh dấu cuộc trò chuyện qua điện thoại đầu tiên của họ kể từ khi Tổng thống đắc cử Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử, các nguồn tin thân cận với vấn đề này nói với tờ Washington Post.

Trong cuộc gọi từ khu nghỉ dưỡng Florida, ông đã khuyên Putin không nên leo thang tình hình ở Ukraine và nhấn mạnh sự hiện diện quân sự đáng kể của Washington ở Âu Châu, một nguồn tin quen thuộc với cuộc thảo luận cho biết. Các nguồn tin yêu cầu giấu tên để thảo luận về chủ đề nhạy cảm này.

Theo một số nguồn tin, Tổng thống đắc cử Donald Trump và Putin đã thảo luận về tầm quan trọng của hòa bình ở Âu Châu, trong đó Tổng thống đắc cử Donald Trump bày tỏ mong muốn tiếp tục các cuộc đối thoại nhằm “sớm giải quyết cuộc chiến ở Ukraine”.

Trong suốt chiến dịch tranh cử của mình, Ông Donald Trump đã cam kết sẽ chấm dứt ngay lập tức cuộc chiến ở Ukraine nhưng không nêu chi tiết về các kế hoạch cụ thể. Trong cuộc gọi, ông đã đề cập ngắn gọn đến vấn đề đất đai, các nguồn tin cho biết.

Thủ tướng Hung Gia Lợi Viktor Orban tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn ngày 8 tháng 11, “Người Mỹ sẽ từ bỏ” cuộc chiến tranh Ukraine dưới thời Tổng thống đắc cử Donald Trump.

Cuộc gọi chưa từng được đưa tin này diễn ra trong bối cảnh có nhiều bất ổn về đường lối của Tổng thống đắc cử Donald Trump trong việc điều chỉnh lại mối quan hệ của Hoa Kỳ với các đồng minh và đối thủ toàn cầu sau chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 5 tháng 11.

Vào ngày 7 tháng 11, Tổng thống đắc cử Donald Trump nói với NBC rằng ông đã nói chuyện với khoảng 70 nhà lãnh đạo thế giới kể từ khi thắng cử, bao gồm cả Tổng thống Volodymyr Zelenskiy, và Elon Musk cũng tham gia cuộc gọi đó.

Chính phủ Ukraine đã được thông báo về cuộc trò chuyện với Putin và không phản đối, theo hai nguồn tin nắm rõ tình hình. Các quan chức Ukraine đã nhận ra ý định của Tổng thống đắc cử Donald Trump muốn hợp tác với Putin về một giải pháp ngoại giao tiềm năng, các nguồn tin lưu ý.

Hoạt động tiếp cận ban đầu của Tổng thống đắc cử Donald Trump với các nhà lãnh đạo thế giới đã diễn ra mà không có sự hỗ trợ từ Bộ Ngoại giao hoặc phiên dịch viên của chính phủ Hoa Kỳ. Nhóm chuyển giao của Tổng thống đắc cử Donald Trump đã không ký thỏa thuận với Tổng cục Dịch vụ, một bước chuẩn trong quá trình chuyển giao tổng thống.

Tuy nhiên, chúng tôi xin lưu ý với quý vị và anh chị em: tờ Washington Post là tờ báo có uy tín lớn của Hoa Kỳ, chắc chắn rồi. Dù thế, chúng tôi đưa tin này với tất cả sự dè dặt vì vào lúc chúng tôi bắt đầu thu hình chương trình này Phủ Tổng Thống Ukraine cho rằng đây là tin giả bịa đặt ra, không có thực. Xin nhắc lại một lần nữa rằng: Lúc chúng tôi bắt đầu thu hình chương trình này Phủ Tổng Thống Ukraine cho rằng đây là tin giả bịa đặt ra, không có thực

[Kyiv Independent: Trump urges Putin to avoid escalation in Ukraine, WP reports]

8. Lãnh đạo NATO âu lo thỏa thuận với Putin sẽ gây hại cho Ukraine và các đồng minh

Tổng thống đắc cử Donald Trump có khả năng sẽ thành công trong nỗ lực chấm dứt cuộc chiến kéo dài giữa Nga và Ukraine, mặc dù điều này có thể sẽ khiến Kyiv và các đồng minh Âu Châu trong NATO phải chịu thiệt hại, Tổng thống Tiệp Petr Pavel cho biết.

Tổng thống đắc cử Donald Trump đã nhiều lần nói rằng ông sẽ chấm dứt hơn hai năm rưỡi chiến tranh ở Ukraine “trong vòng 24 giờ” nếu ông được tái bổ nhiệm vào Tòa Bạch Ốc. Ông không tiết lộ cách ông hy vọng sẽ nhanh chóng chấm dứt cuộc chiến tranh trên bộ lớn nhất ở Âu Châu kể từ Thế chiến II.

“Tôi không nghĩ điều đó là thực tế, nhưng đồng thời, tôi tin rằng ông ấy sẽ nỗ lực chấm dứt cuộc chiến này và đạt được thỏa thuận với Putin,” Pavel, một vị tướng đã nghỉ hưu và là cựu chủ tịch ủy ban quân sự NATO, cho biết.

Tổng thống Pavel phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh quốc phòng IISS Prague vào hômThứ Sáu, 08 Tháng Mười Một, rằng: “Rất có thể sẽ không có lợi cho chúng ta và lợi ích của Ukraine khi có một thỏa thuận như vậy”.

Tổng thống Pavel cho biết các cố vấn của tổng thống đắc cử đã ám chỉ rằng một thỏa thuận trong tương lai có thể nhượng lại một số phần của Ukraine do Nga kiểm soát cho Mạc Tư Khoa, trì hoãn tư cách thành viên NATO của Kyiv trong ít nhất hai thập niên và trao cho Âu Châu trách nhiệm lâu dài trong việc bảo vệ sườn phía đông của lục địa và hàng trăm dặm lãnh thổ phi quân sự.

Tờ Wall Street Journal đưa tin đầu tuần này rằng bản thân tổng thống đắc cử vẫn chưa quyết định làm thế nào để đưa Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy và Putin ngồi cùng bàn đàm phán.

Tổng thống sắp nhậm chức thứ 47 đã nói trước thềm cuộc bầu cử rằng ông có “một kế hoạch rất chính xác về cách ngăn chặn cuộc chiến Ukraine và Nga”, nhưng đã né tránh việc cung cấp bất kỳ chi tiết nào về lộ trình chấm dứt xung đột. Điện Cẩm Linh đã nói rằng họ không biết về bất kỳ kế hoạch nào có thể được Tổng thống đắc cử Donald Trump vạch ra, nhưng Putin “mở lòng cho một cuộc đối thoại mang tính xây dựng”.

“Chúng ta hãy chờ xem điều gì sẽ xảy ra vào tháng Giêng”, phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov nói với các phóng viên vào thứ Tư.

Một ý tưởng được đưa ra giữa các quan chức trong nhóm của Tổng thống đắc cử Donald Trump có thể là Ukraine sẽ cam kết không gia nhập NATO trong ít nhất 20 năm, trong khi Washington vẫn tiếp tục gửi vũ khí, tờ Journal đưa tin, trích dẫn ba người thân cận với Tổng thống đắc cử Donald Trump và đồng tình với phát biểu của Pavel.

Cuộc xung đột cũng sẽ bị đóng băng, với việc Nga kiểm soát khoảng một phần năm Ukraine và một khu vực phi quân sự trải dài khắp đất nước, có khả năng được lực lượng Âu Châu giám sát.

“Chúng tôi có thể đào tạo và hỗ trợ khác, nhưng nòng súng sẽ là của Âu Châu,” một thành viên trong nhóm của Tổng thống đắc cử Donald Trump nói với tờ Journal. “Chúng tôi không gửi những người đàn ông và phụ nữ Mỹ đến để duy trì hòa bình ở Ukraine. Và chúng tôi không trả tiền cho việc đó. Hãy để người Ba Lan, Đức, Anh và Pháp làm điều đó.”

“Tổng thống đắc cử Donald Trump vẫn nói rằng ông ấy có thể giải quyết vấn đề trong một ngày,” cựu quan chức NATO Edward Hunter Christie cho biết. “Không ai tin rằng điều đó là có thể—đó chỉ là lời nói suông,” ông đã nói với Newsweek trước đó. Nhưng có một nỗi lo sợ rằng Tổng thống đắc cử Donald Trump có thể đạt được một thỏa thuận với Putin khiến Ukraine và các đồng minh khác của nước này “gặp khó khăn lớn,” ông nói thêm.

Cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev, người vẫn là một nhân vật nổi bật và có lập trường cứng rắn trong nền chính trị Nga, cho biết ứng viên Cộng hòa này là một “doanh nhân thực thụ”, mô tả đây là “phẩm chất có ích cho chúng ta”.

Kyiv và nhiều người ủng hộ Ukraine rất lo lắng trước cuộc bầu cử, lo sợ sự trở lại nắm quyền của Tổng thống đắc cử Donald Trump có thể ảnh hưởng đến lực lượng Ukraine tại thời điểm họ đang dần mất ưu thế vào tay Nga ở miền đông.

Thủ tướng Hung Gia Lợi Viktor Orbán, cho biết vào hôm thứ sáu rằng “người Mỹ sẽ rút khỏi cuộc chiến này”. Người ta vẫn không hiểu được tại sao Viktor Orbán lại có ước muốn bệnh hoạn là nhà hàng xóm bị cháy. Các thành phần đối lập ở Hung Gia Lợi, hay còn gọi là Hungary, tự hỏi chẳng lẽ Orbán thực sự tin rằng Nga sẽ để yên cho Hung Gia Lợi một khi đã chiếm được Ukraine.

Các quan chức Âu Châu nhấn mạnh rằng các quốc gia NATO lục địa phải và sẽ tăng cường chi tiêu quốc phòng, nhưng không rõ liệu Âu Châu có thể cung cấp đủ khả năng quân sự cho Kyiv nếu không có sự can thiệp của Hoa Kỳ hay không.

Các thành viên NATO được cho là sẽ chi khoảng 2 phần trăm tổng sản phẩm quốc nội, gọi tắt là GDP cho quốc phòng. Tuy nhiên, điều này không mang tính ràng buộc và một số quốc gia đã không đạt được ngưỡng này, mặc dù những nỗ lực mới trong vài năm qua đã giúp nhiều quốc gia đạt được mục tiêu.

Bất kể chiến thắng của cựu Tổng thống Trump trong cuộc đua tổng thống, Pavel cho biết, các quốc gia NATO Âu Châu luôn phải làm nhiều hơn để củng cố khả năng phòng thủ của chính họ. “Với Tổng thống đắc cử Donald Trump, chúng ta có thể sẽ phải làm nhanh hơn”, Pavel nói thêm.

Khi đến thăm Budapest vào thứ năm, Zelenskiy cho biết ông tin rằng Tổng thống đắc cử Donald Trump “thực sự muốn có quyết định nhanh chóng” để chấm dứt chiến tranh, nhưng điều này “không có nghĩa là mọi chuyện sẽ diễn ra theo cách này”.

[Newsweek: Donald Trump's Deal With Putin Will Harm Ukraine and Allies: NATO Leader]

9. Zelenskiy: Các mục tiêu quân sự của Nga đang trở nên dễ tiếp cận hơn

Trong diễn từ gởi quốc dân đồng bào tối Chúa Nhật, 10 Tháng Mười Một, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy lưu ý rằng các mục tiêu quân sự của Nga đang ngày càng dễ tiếp cận hơn với lực lượng Ukraine.

Ông nói:: “Trước hết, tôi xin gửi lời cảm ơn đến tất cả các chiến binh đã hỗ trợ các cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa của chúng tôi. Mọi người đều có thể thấy điều này hiệu quả như thế nào. Máy bay điều khiển từ xa đang ở tuyến đầu, và máy bay điều khiển từ xa tầm xa của chúng tôi đang tấn công sâu vào lãnh thổ Nga.

Các mục tiêu quân sự của Nga đang trở nên dễ tiếp cận hơn đối với các chiến binh của chúng ta. Tôi cảm ơn Cơ quan An ninh Ukraine và Lực lượng Hoạt động Đặc biệt. Các kho quân sự, phi trường và các cơ sở công nghiệp quân sự của Nga – không có gì có thể ẩn náu được.”

Zelenskiy cũng bày tỏ lòng biết ơn đối với những người đã phá hủy thiết bị của Nga trên chiến trường.

Ông nhấn mạnh rằng “Đáng chú ý, chỉ riêng các đơn vị đặc biệt của Cơ quan An ninh Ukraine, gọi tắt là SSU đã phá hủy hơn 1.300 xe tăng của Nga. Một phần tám xe tăng của Nga bị Ukraine phá hủy là do công lao của SSU.”

Máy bay điều khiển từ xa của Ukraine đã tấn công các kho đạn dược thuộc Trung tâm Hậu cần 1060 (trước đây là Kho vũ khí 120 của Cục Hỏa tiễn và Pháo binh) tại Tỉnh Bryansk của Nga vào đêm ngày 9-10 tháng 11

Ngoài ra, chính quyền Nga báo cáo rằng 34 máy bay điều khiển từ xa của Ukraine đã bị bắn hạ trên vùng Mạc Tư Khoa trong đêm.

[Ukrainska Pravda: Zelenskyy: Russian military targets are becoming more reachable]
 
Chuông Nhà thờ Đức Bà Paris đã ngân vang. 35 năm biến cố giật sập bức tường ô nhục Bá Linh
VietCatholic Media
17:48 11/11/2024


1. Chuông Nhà thờ Đức Bà Paris vang lên lần đầu tiên kể từ vụ hỏa hoạn kinh hoàng cách đây 5 năm

Chuông của Nhà thờ Đức Bà Paris đã ngân lên lần đầu tiên kể từ tháng 4 năm 2019, khi một đám cháy kinh hoàng bùng phát ở đỉnh tháp và mái của nhà thờ lịch sử này ở Pháp.

Nhà thờ Đức Bà Paris đã vượt qua cột mốc quan trọng này vào khoảng 10:30 sáng 8 Tháng Mười Một, vừa qua, khi chỉ còn một tháng nữa là đến ngày mở cửa trở lại rất được mong đợi vào ngày 8 tháng 12. Nằm trong tháp chuông phía bắc của nhà thờ - nơi đã bị phá hủy một phần bởi đám cháy - Theo AFP, tiếng chuông vang lên từng hồi một, sau đó vang lên đồng loạt.

Mặc dù chính quyền chưa xác định được vụ hỏa hoạn có phải là tai nạn hay không, nhưng cuộc điều tra ban đầu cho thấy nguyên nhân có thể là do điện chập.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngay lập tức tuyên bố ý định sửa chữa nhà thờ trong vòng năm năm và thậm chí còn kêu gọi các đề xuất đương đại thay thế để tái thiết nhà thờ. Trong một thời gian ngắn, các cuộc tranh luận đã nổ ra về việc liệu chính phủ Pháp có chấp thuận việc cập nhật như vậy thay vì bảo tồn bản sắc ban đầu của Nhà thờ Đức Bà hay không.

Tuy nhiên, Quốc hội Pháp đã sớm thông qua một dự luật quy định rằng các nỗ lực tái thiết phải “bảo tồn lợi ích lịch sử, nghệ thuật và kiến trúc” của nhà thờ lịch sử. Macron chính thức tuyên bố một năm sau đó, vào năm 2020, rằng việc tái thiết sẽ tìm cách phục chế giống với cấu trúc ban đầu vì lợi ích hoàn thành dự án trước Thế vận hội Paris 2024.

Nhà thờ Đức Bà Paris được xây dựng từ thế kỷ 12 đến thế kỷ 14. Phần chóp của nhà thờ được hoàn thành lần đầu tiên vào thế kỷ 13 nhưng cuối cùng đã được thay thế vào thế kỷ 19 do bị hư hại.


Source:Catholic News Agency

2. Nhà thờ quan trọng nhất của Rôma kỷ niệm sinh nhật lần thứ 1.700

Nhà thờ quan trọng nhất ở Rôma, Đền Thờ Thánh Gioan Latêranô, đang kỷ niệm 1.700 năm thành lập vào ngày 9 tháng 11.

Đền Thờ Thánh Gioan Latêranô là nhà thờ chính tòa của Giáo phận Rôma và là trụ sở của giám mục Rôma, tức là Đức Giáo Hoàng. Cung điện liền kề được dùng làm nơi ở của Đức Giáo Hoàng cho đến thế kỷ 14.

Ngày kỷ niệm sự cung hiến này đã được toàn thể Giáo Hội Công Giáo kỷ niệm như một ngày lễ kể từ năm 1565 vì tầm quan trọng của nó như là “nhà thờ mẹ và nhà thờ đứng đầu của tất cả các nhà thờ trong thành phố và trên toàn thế giới”.

Một dòng chữ Latinh trong Đền Thờ Thánh Gioan Latêranô tuyên bố điều này bằng tiếng Latinh: “Omnium ecclesiarum urbis et orbis mater et caput”.

Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô 16 đã phát biểu vào năm 2008 rằng: “Bằng cách tôn vinh Vương cung thánh đường, người ta muốn bày tỏ tình yêu và lòng tôn kính đối với Giáo hội Rôma, nơi mà như Thánh Ignatius thành Antiôkia khẳng định, 'chủ trì lòng bác ái' của toàn thể cộng đồng Công Giáo”.

Đền Thờ Thánh Gioan Latêranô được xây dựng sau khi Hoàng đế Constantinô ban hành Sắc lệnh Milan, vào năm 313, trao cho các Kitô hữu quyền tự do thực hành tôn giáo của họ.

Đức Giáo Hoàng Sylvester I đã cung hiến vương cung thánh đường vào ngày 9 tháng 11 năm 324. Thánh Gioan Tẩy Giả và Thánh Gioan Tông đồ Thánh Sử đã trở thành thánh bổn mạng của nhà thờ vào thế kỷ thứ sáu, nhưng đền thờ được gọi là Gioan Latêranô vì nó được xây dựng trên khu đất do gia đình Plautii Laterani tặng trong Đế chế Rôma.

Giáo phận Rôma đã kỷ niệm 1.700 năm thành lập bằng một năm đầy các lễ hội đặc biệt, bao gồm các buổi hòa nhạc, Thánh lễ và các buổi tọa đàm tôn giáo - văn hóa về lịch sử của Vương cung thánh đường và Cung điện Lateranô liền kề.

Năm thánh đã kết thúc vào hôm Thứ Bẩy, 09 Tháng Mười Một, với thánh lễ do tân tổng đại diện của giáo phận, Hồng Y được chỉ định Baldassare Reina cử hành.

Năm 2008, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô 16, hiện đã qua đời, đã bình luận về lễ Cung hiến Đền Thờ Thánh Gioan Latêranô ở Rôma trong bài huấn dụ trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật

Hoàng đế Constantinô, theo lời Đức Bênêđíctô XVI, “đã trao cho Giáo hoàng Miltiades tài sản cũ của gia đình Lateran và xây dựng vương cung thánh đường, nhà rửa tội và dinh thự của giám mục Rôma, nơi các giáo hoàng sống cho đến thời kỳ Avignon”.

Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô 16 lưu ý đến tầm quan trọng của tòa nhà vật chất nơi các cộng đồng tụ họp để ngợi khen Chúa, và nói rằng, “mỗi cộng đồng có nhiệm vụ bảo vệ cẩn thận tòa nhà thiêng liêng của mình, đây là di sản tôn giáo và lịch sử quý giá”.

“Chúng ta hãy cầu xin sự chuyển cầu của Đức Maria Rất Thánh để giúp chúng ta trở thành, giống như Mẹ, một ‘ngôi nhà của Thiên Chúa,’ một đền thờ sống động của tình yêu,” ngài nói.


Source:Catholic News Agency

3. Liều mình vì tự do – Nhận định của Tiến sĩ George Weigel nhân kỷ niệm 35 năm đập tan Bức Tường Bá Linh

Tiến sĩ George Weigel là thành viên cao cấp của Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công cộng Washington, và là người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Ông vừa có bài viết nhan đề “Taking the Risk of Freedom”, nghĩa là “Liều mình vì tự do”.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Ba mươi lăm năm trước, con trai của một nhà sử học vĩ đại đã góp phần tạo nên lịch sử khi ông đặt ra câu hỏi dẫn đến sự phá hủy hiện vật biểu đạt kỳ cục nhất của Chiến tranh Lạnh.

Bạn tôi Daniel Johnson, con trai của tác giả Modern Times và sau đó là phóng viên của tờ Daily Telegraph của Luân Đôn, đã bay đến Berlin vào ngày 9 tháng 11 năm 1989. Người Đông Đức đang tham gia vào các cuộc biểu tình quần chúng phản đối sự áp bức của họ trong khi những người khác đang chạy trốn khỏi Cộng hòa Dân chủ Đức đầy những mâu thuẫn này qua một biên giới mới mở với Hung Gia Lợi. Sự hỗn loạn đã xảy ra, và chế độ Đông Đức đã tổ chức một cuộc họp báo trên truyền hình để cố gắng đưa tình hình vào một số loại kiểm soát nào đó. Phát ngôn nhân của Đảng Cộng sản, Günter Schabowski, bắt đầu bằng cách thông báo rằng ủy ban trung ương của đảng đã quyết định rằng người Đông Đức có thể đi du lịch hay nếu muốn di cư sang phương Tây cũng được, đó là điều đã bị cấm kể từ khi Bức tường Berlin được xây dựng vào năm 1961.

Các câu hỏi lập tức bay đến từ các phóng viên: Khi nào thì điều này có hiệu lực? Quy định mới này có áp dụng cho Berlin, nơi bị chia cắt bởi Bức tường trong gần ba thập niên không? Schabowski đã lảo đảo vượt ra ngoài những gì ông được cho là phải nói và trả lời, khi nói rằng: Vâng, quy định mới có hiệu lực ngay lập tức, và vâng, nó có vẻ cũng được áp dụng cho Berlin. Thông thạo tiếng Đức, Daniel Johnson sau đó đặt ra câu hỏi đã góp phần thay đổi thế giới: “Herr Schabowski, điều gì sẽ xảy ra với Bức tường Berlin bây giờ?” Schabowski, người chưa được bảo phải nói gì nếu điều này xảy ra, đã do dự trong vài giây rồi đổi chủ đề. Nhưng đối với những người có mặt và những người xem trên TV, “tất cả đã hạ màn”, như Johnson sau đó đã viết. Nếu có sự đi lại và di cư tự do sang phương Tây, thì mục đích của Bức tường là gì? Nó đã hết thời, và trong vài giờ, những người dân Đông Berlin hân hoan, sau khi xem cảnh này trong sự kinh ngạc trên TV, đã dùng búa tạ đập tan biểu tượng tục tĩu và khốn nạn đã chia cắt thành phố của họ từ lâu, và đã khiến hơn một trăm người mất mạng khi liều mình cố gắng vượt qua, chui qua, nhảy qua hoặc đi vòng qua trong nhiều thập niên. Vào sáng sớm hôm sau, những người dân Đông và Tây Berlin đã nhảy múa trong niềm hân hoan trên đỉnh die Mauer hay Bức tường trước Cổng Brandenburg. Những cảnh tượng ngoạn mục trên NBC đêm đó và những ngày tiếp theo đã trở nên khả thi vì nhà sản xuất Maralyn Gelefsky bằng cách nào đó, giữa sự hỗn loạn, đã tìm thấy một chiếc xe nâng để hái trái anh đào mà từ đó các máy quay gắn trên xe có thể ghi lại được niềm hân hoan bên dưới.

Sự tự giải phóng của Đông-Trung Âu đã bắt đầu thực sự vào tháng 6 năm 1989, khi cuộc bầu cử bán tự do của Ba Lan đưa các ứng cử viên Công đoàn Đoàn kết chống cộng sản trở lại tất cả các ghế tranh cử trong quốc hội Ba Lan - và ba tháng sau, bầu thủ tướng mới là Tadeusz Mazowiecki, một nhà hoạt động trí thức Công Giáo lâu năm và đã trở thành lãnh đạo Công đoàn Đoàn kết. Những quân cờ domino khác trong hệ thống Hiệp ước Warsaw do Liên Xô lãnh đạo bắt đầu sụp đổ, và rồi đến đêm ngày 9–10 tháng 11 năm 1989, khi việc phá vỡ Bức tường của người Đức đã khiến cho cái được gọi là Cách mạng năm 1989 trở nên không thể đảo ngược. Phải mất thêm hai tháng nữa để hoàn thành công việc, nhưng khi Cách mạng Nhung ở Tiệp Khắc đưa Václav Havel lên làm tổng thống của quốc gia đó vào ngày 29 tháng 12 năm 1989, thì công việc đó đã thực sự kết thúc. Trong hai năm tiếp theo, những tâm hồn dũng cảm ở Lithuania, Ukraine và những nơi khác đã hoàn thành việc phá bỏ chế độ chuyên chế vĩ đại nhất trong lịch sử loài người khi tuyên bố nền độc lập của họ khỏi chế độ áp bức Liên Xô.

Cuộc cách mạng năm 1989 là một trải nghiệm độc nhất trong lịch sử đẫm máu của một thế kỷ mà bạo lực quần chúng là phương tiện điển hình để tạo ra sự thay đổi lớn trong xã hội. Ngoại trừ Rumani, các cuộc cách mạng là bất bạo động, và ngay cả ở Rumani, bạo lực cũng bị hạn chế. Tại sao lại như vậy? Bởi vì một cuộc cách mạng lương tâm đã lan rộng khắp Đông Âu và Trung Âu vào những năm 1980. Những người quyết tâm “sống trong sự thật” thay vì khuất phục hơn nữa trước nền văn hóa cộng sản dối trá đã tạo ra một phong trào phản kháng hiệu quả, bất bạo động, phần lớn được truyền cảm hứng từ chuyến hành hương mục vụ lịch sử của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đến Ba Lan vào tháng 6 năm 1979. Phong trào đó có những vị tử đạo của mình—Chân phước Jerzy Popiełuszko ở Ba Lan, Jan Patočka ở Tiệp Khắc—nhưng sức mạnh của niềm tin cuối cùng đã chứng minh là mạnh hơn dùi cui, vòi rồng và thậm chí cả xe tăng của các chế độ cộng sản khác nhau. Kết cấu tinh thần và đạo đức phong phú của những năm đó được ghi lại một cách xuất sắc trong bộ phim tài liệu do Hiệp sĩ Columbus sản xuất, Giải phóng một lục địa.

Phát biểu tại Liên Hiệp Quốc năm 1995, Đức Gioan Phaolô II đã ghi nhận công lao trong cuộc Cách mạng năm 1989 của những người đã sẵn sàng chấp nhận “liều mình vì tự do”. Đó không phải là sự tự do phóng túng mà ngài đả phá và những người cách mạng bất bạo động đó đã phải sống, mà là sự tự do sống trong sự thật—sự thật về con người, cộng đồng, nguồn gốc và số phận của con người. Có những bài học quan trọng trong đó dành cho chúng ta ngày nay.


Source:First Things
 
Thánh Ca
Xin Nhớ Đến Tôi
Phạm Trung
15:28 11/11/2024