Ngày 08-11-2023
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
04:37 08/11/2023

6. Vinh hoa phú quý không phải là Thiên Chúa, chỉ là hư không mà thôi.

(Thánh Augustinus)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


-------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
04:40 08/11/2023
95. HAI MƯƠI BẢY LOẠI

Canh Cảo sống rất thanh bần, thức ăn thường dùng rau hẹ là nhiều, hoặc là hẹ nấu, hoặc là hẹ ngâm, hoặc là hẹ sống trộn, ngoài những món như thế thì chưa lần nào ăn thứ khác.

Một lần nọ, Nhiệm Quân nhìn thấy Canh Cảo ăn ba bữa mà chỉ có một thứ rau, bèn nói với người nấu bếp:

- “Ai nói ông Canh là nghèo khó chứ, ăn một bữa cơm mà thức ăn thường có hai mươi bảy loại?.

(Cổ kim tiếu sử)

Suy tư 95:

Sống thanh bần là một trong ba lời khấn của các tu sĩ nam nữ, nhưng thời nay cũng như người xưa có nhiều người Ki-tô hữu hoặc không phải là Ki-tô hữu cũng sống thanh bần như Lời Chúa trong Phúc Âm hoặc là muốn sống thanh cao như các bậc hiền triết đã dạy…

Sống thanh bần không có nghĩa là chỉ ăn rau hẹ mà thôi, nhưng thanh bần –trước hết- là sống sao cho xứng đáng với cuộc sống của mình, chu toàn bổn phận của mình mà không lãng phí vô ích tiền của của mình cũng như của người khác.

Có những tu sĩ nam nữ sống rất thanh bần nhưng họ lại không chế ngự được tính khí nóng nảy và…hách hách của mình với các giáo dân; có một vài linh mục sống rất thanh bần đạm bạc nhưng sự kiêu ngạo của họ thì vượt quá trời cao, cho nên đời sống thanh bần của họ không được mọi người kính và nể phục.

Sống thanh bần là tùy thuộc người cảm nhận được sự siêu thoát của nó mà sống, nhưng sự thanh bần của người Ki-tô hữu (bao gồm các linh mục và các tu sĩ nam nữ) là phải đạt cho tới sự chế ngự cá tính kiêu ngạo và tham lam của mình, bởi vì thanh bần chỉ tỏa nét khi có khiêm tốn và đơn sơ làm nền tảng cho nó…

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Đầu tư cho sự thánh thiện
Lm. Minh Anh
06:57 08/11/2023

ĐẦU TƯ CHO SỰ THÁNH THIỆN
“Ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được!”.

Tháng 10/2021, công chúa Mako, Nhật Bản, từ bỏ hoàng gia và 1,3 triệu Mỹ kim hồi môn để xe duyên với Komuro, một luật sư, con của một người mẹ đơn thân. Theo luật hoàng gia, kết hôn với một thường dân, các thành viên nữ phải từ bỏ tước vị và không có một nghi lễ cưới hỏi truyền thống. Mako chia sẻ, “Chúng tôi nghĩ, mình đã tìm được người bạn đời quý giá. Tôi muốn một cuộc sống yên ả trong môi trường mới của tôi!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Nếu Mako đã hy sinh tất cả, đầu tư cho tiếng gọi của con tim, người môn đệ Kitô cũng phải bỏ vốn để ‘đầu tư cho sự thánh thiện’ của mình. Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu tiết lộ, ‘vốn’ đó không chỉ là “hết những gì mình có”, mà cả “cha mẹ”; thậm chí “mạng sống!”.

Minh hoạ kế hoạch của một người xây tháp, Ngài nói đến các kế hoạch. Sẽ là gì? Hy sinh nhiều! Nhưng như cảm giác vui mừng khi cắt băng khánh thành toà tháp, mọi nỗ lực ‘đầu tư cho sự thánh thiện’ của bạn sẽ mang lại một sự hỷ hoan đến tận đời đời!

Chúa Giêsu còn đưa ra một ví dụ khác, một vị vua sắp đi giao chiến. Đâu là mục tiêu tiên kiến của một kế hoạch chiến đấu? Rất đơn giản: “Không gì thay được chiến thắng!”. Thế nhưng, chiến tranh luôn nghiệt ngã và nếu khả năng bị đánh bại là một điều có thể thấy trước; tốt hơn, nên tìm chiến thuật khác. Cũng thế, với sự thánh thiện, bạn sẽ dễ dàng thắng một số “trận”; đang khi có những “trận” phải tránh hoàn toàn. Vì thế, đừng ngu khờ đánh giá cao năng lực bản thân; điều này xảy ra, đặc biệt, khi chúng ta biết mình không thể không phạm tội, và nghĩ rằng, bản thân đủ mạnh để vượt qua. Ảo tưởng! Vì một đôi khi, chiến lược đối đầu tốt nhất không phải là chiến đấu, mà là chạy trốn!

Vậy đâu là nguồn vốn? Với Chúa Giêsu, ‘nguồn vốn’ Ngài đề nghị xem ra ‘khá cực đoan’ và cũng ‘khá cường điệu’ khi mỗi người phải từ bỏ “hết những gì mình có” kể cả “cha mẹ”, thậm chí “mạng sống!”. Những điều này dẫu quan trọng đến đâu cũng không thể chiếm vị trí hàng đầu trong trái tim người môn đệ, nơi ‘một Ai đó’ đã chiếm hữu! Chính Ngài đã để Chúa Cha chiếm trọn trái tim, con người, tâm trí khi triệt để chu toàn ý Cha, kể cả cái chết. Vì thế, Ngài đã trở nên khuôn mẫu cho chúng ta noi theo. Vậy mà tuyệt vời thay! Đi theo Chúa Giêsu trên con đường Ngài đi lại thực sự dẫn đến một tình yêu lớn hơn, phong nhiêu hơn và vĩnh cửu hơn khi Thiên Chúa sẽ trả lại cho chúng ta “gấp trăm ở đời này” và “sự sống miên viễn ở đời sau!”.

Anh Chị em,
‘Đầu tư cho sự thánh thiện’ quả không rẻ, cũng không dễ! Và không ai có thể làm điều này nếu không có sự trợ giúp của ân sủng. Chúng ta yếu đuối và luôn yếu đuối, nhưng tin rằng, ân sủng Chúa không bao giờ thiếu để mỗi người có thể đi vào những lối hẹp Tin Mừng. Hãy để Thiên Chúa chiếm trọn con người mình và cứ thực hành yêu thương, vâng phục. Trong thư Rôma hôm nay, Phaolô viết, “Yêu thương là chu toàn lề luật”; đồng thời, chúng ta rộng lượng với tha nhân như Thánh Vịnh đáp ca nhắc nhủ, “Phúc thay người biết cảm thương và cho vay mượn!”. Được như thế, bạn đã đầu tư tốt!

Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, giúp con tháo cởi những ‘sợi tơ vàng’ còn vương víu; nhờ đó, con có thể chấp cánh bay cao trên ‘bầu trời nên thánh!’”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Khôn ngoan hay khờ dại
Lm. Thái Nguyên
07:16 08/11/2023


KHÔN NGOAN HAY KHỜ DẠI
Chúa Nhật 32 Thường Niên năm A : Mt 25, 1-13

Suy niệm

Ðoạn Tin Mừng hôm nay nhắc nhở chúng ta: Chúa đến bất ngờ như chú rể đến lúc nửa đêm, nên phải luôn sống trong thái độ tỉnh thức để đón chờ. Trong ý nghĩa đó, Đức Giêsu đưa ra dụ ngôn về mười cô trinh nữ đi đón chú rể đến, nhưng chỉ có năm cô khôn ngoan mới hỉ hoan đón mừng chú rể với đèn sáng trong tay, và cùng với chú rể đi vào dự tiệc cưới. Khôn ngoan vì các cô đã chuẩn bị đầy đủ đèn dầu, trong tư thế sẵn sàng dù chàng rể có đến khuya. Còn năm cô khờ dại, mang đèn mà lại không mang dầu, lúc chàng rể đến mới hối hả lo toan. Trong tình thế cấp bách, họ đành phải vay mượn các chị em kia. Nhưng đã tới thời điểm quyết định, mỗi người phải tự đủ cho mình, không ai còn có thể giúp ai, nên van nài cũng vô ích: “Các chị nên ra hàng mua thì hơn”. Nhưng rất tiếc là không còn kịp nữa, thời gian đã hết hạn, chàng rể đã đến, “những cô đã sẵn sàng được đi theo chú rể vào dự tiệc cưới”, và cửa đã đóng lại.

Đèn là biểu tượng của đức tin vốn soi sáng cho đời sống chúng ta, trong khi dầu là biểu tượng của đức mến vốn nuôi dưỡng, làm cho ánh sáng của đức tin sinh hoa kết trái, là đời sống thánh thiện. Điều kiện sẵn sàng để gặp gỡ Chúa là đức tin, nhưng đức tin không có hành động là đức tin chết, nên đức tin phải được thể hiện qua đức ái. Đi lễ không đủ mà còn phải dấn thân phục vụ. Giữ đạo không đủ mà còn phải sống đạo và truyền đạo. Kinh kệ không đủ mà còn phải liên đới với mọi tình cảnh của con người. Như vậy, khôn ngoan hay khờ dại không phải là một diễn biến trong chốc lát, nhưng nó đã được hình thành từ một quan niệm sống, và đã trở thành một lối sống. Nói cách khác, khôn ngoan hay khờ dại là do mình đã lựa chọn một cách sống. Sai lầm hay thiếu sót đều có thể rút kinh nghiệm để bắt đầu lại, nhưng rất tiếc, có những cơ hội qua đi không bao giờ trở lại, đã mất là mất mãi muôn đời.

Khờ dại ở đây không phải là không biết điều mình phải làm, nhưng biết mà đã không làm; biết điều mình phải chuẩn bị nhưng đã không chuẩn bị, đến lúc cần thì không có, đến lúc làm thì đã quá muộn màng. Năm cô quên mang dầu cho ta thấy một cuộc sống cạn cợt, hời hợt, thiếu ý thức về điều quan trọng nhất. Chỉ lo trang điểm và chú tâm vào những chi tiết phụ thuộc bên ngoài, nên chẳng lạ gì mà quên sót điều chính yếu. Không thể biện minh cho thái độ quá chểnh mảng của mình trước một biến cố lớn lao nhất trên đời. Các cô khờ dại sau khi mua dầu được cũng đến xin chủ tiệc mở tiệc mở cửa, nhưng mọi sự đã được quyết định rồi, có van xin cũng vậy thôi: “Tôi bảo thật các cô, tôi không biết các cô!”. Buồn thay, cùng là những bạn bè thân tình với nhau, nhưng rồi chỉ trong phút chốc mà số mệnh đành rẽ lối, cũng chỉ vì tính ơ hờ, không lo điều phải lo.

Ta không thể vay mượn nhân cách và vốn liếng đạo đức của người khác. Nhất thiết phải có những điều mình tự tạo lấy, không thể dựa dẫm vào ai được. Cổ nhân có câu: “Tự trợ giả Thiên trợ”. Không tự giúp mình thì Trời không thể giúp. Theo nghĩa đó, ngày Chúa đến cũng không phải là điều bất ngờ. Bất ngờ là vì mình đã không có điều mình phải có, không sống điều mình phải sống, không làm điều mình phải làm, nhất là chỉ lo thể hiện những cái không cần thể hiện. Chúa đã trách Matta: “Con lo lắng bối rối về nhiều chuyện quá, chỉ có một điều cần mà thôi”. Albert Einstein cũng minh định rằng: “Tôi chỉ muốn biết ý muốn của Thượng Đế là gì, những thứ còn lại không quan trọng”.

Điều quan trọng là ta coi trọng cái gì? Coi trọng điều không quan trọng là khờ dại. Chính cái ta coi trọng sẽ định hướng mọi hành vi của ta, và cũng từ đó phát sinh một thái độ sống trong mọi tương quan, với Chúa cũng như với tha nhân. Điều quan trọng là ta cần nhớ lời Chúa Giêsu căn dặn:“Vậy anh em hãy tỉnh thức, vì anh em không biết ngày nào, giờ nào”. Chẳng ai có thể tỉnh thức nếu thiếu một tình yêu nồng cháy. Tình yêu đó làm cho tâm hồn ta phát sáng trong mọi tình trạng, như đèn vẫn sáng vì luôn có đầy dầu. Thực tế, có những ngọn đèn đã hết dầu từ lâu, nên ta cứ phải chăm chút cho ngọn đèn của đời mình.

Tuổi trẻ có nhiều dự định phải thực hiện, nhiều ước mơ phải hoàn thành. Có bao giờ tôi dừng lại đôi chút để thấy dầu đèn của đời mình còn hay hết? Đức tin và lòng mến của tôi còn phát sáng không, hay chỉ liu riu mập mờ? Chẳng ai biết ngày giờ Chúa đến, nhưng Chúa vẫn bên tôi trong từng biến cố, nơi từng con người, qua từng công việc. Và biết đâu hôm nay sẽ là ngày cuối cùng của đời tôi.“Hãy suy nghĩ như mình sắp chết, nhưng hãy hành động như mình bất tử” (Blanchecotte).

Cầu nguyện

Lạy Chúa!
Nhiều khi con thấy mình sao khờ dại,
như năm cô con gái trong Tin Mừng,
lo mang đèn mà lại chẳng mang dầu,
để đón chờ Chúa đến giữa đêm thâu.
Tuổi trẻ dễ cạn cợt và hời hợt,
thường chỉ lo trau chuốt cái bên ngoài,
mà ít biết trau dồi cái bên trong.
đâu phải con Công mà lo đẹp bộ lông.
Con lo nhiều cho những điều phụ thuộc,
mà rồi dễ quên đi điều chính yếu,
cứ loay hoay theo lối sống người đời,
nên phải đi theo thời chạy theo “mốt”,
mà không lo điều thật tốt cho mình,
để khi bất thình lình giờ Chúa đến,
nhìn lại mình thấy trơ trọi trống không,
lúc nhận ra đã quá trễ tràng rồi.
Nhiều khi con sống quá lơ mơ:
lo có những cái không cần có,
lo biết những cái không cần biết,
lo làm những cái không cần làm.
Xin cho con lo được Chúa trước tiên,
lòng tin mến quan trọng hơn mọi chuyện,
sống thánh thiện lớn lao hơn mọi điều,
đó mới thật là những gì chính yếu.
Đừng mơ chi đến những việc cao siêu,
Đừng đặt nặng về những gì còn thiếu,
cuộc sống không quá nhiều như con tưởng,
chỉ cần sống với tất cả tình thương. Amen.
 
Linh hồn của mọi thánh đường
Lm. Minh Anh
14:18 08/11/2023

LINH HỒN CỦA MỌI THÁNH ĐƯỜNG
Cứ phá huỷ đền thờ này đi, nội trong ba ngày, tôi sẽ dựng lại!”.

Một trong những triết gia ảnh hưởng đến việc trở lại của Augustinô là Victorinus. Ông nổi tiếng đến nỗi người ta dựng tượng ông ngay trong Toà Rôma. Về già, ông đọc Thánh Kinh và các tác phẩm Kitô giáo. Ngày kia, thăm Simplicianus, một người bạn, ông nói, “Tôi muốn ngài biết, tôi là một Kitô hữu”. Simplicianus trả lời, “Tôi sẽ không tin cho đến khi ông công khai đến nhà thờ!”. Victorinus cười, “Vậy những bức tường nhà thờ làm cho người ta thành Kitô hữu sao?”. Sau đó ông học đạo và công khai trở lại!

Kính thưa Anh Chị em,

Đúng như nhận định của Victorinus, “Những bức tường nhà thờ không làm cho người ta thành Kitô hữu!”. Hôm nay, lễ Cung Hiến Thánh Đường Latêranô, biểu tượng Hội Thánh, chúng ta không chỉ tôn vinh một thánh đường với các bức tường, nhưng tôn vinh Đấng ngự trong thánh đường, Chúa Kitô, ‘linh hồn của mọi thánh đường!’.

Dẫu không có toà nhà nào trên thế giới đủ lớn để chứa đựng sự bao la của Thiên Chúa, nhưng trong lịch sử, con người đã cảm thấy cần dành một số địa điểm nhất định cho các cuộc gặp gỡ cá nhân và cộng đồng với Thiên Chúa. Lúc đầu, nơi tụ họp của Kitô hữu là nhà riêng của họ, nơi các nhóm họp nhau để cầu nguyện và Bẻ Bánh. Các cộng đoàn đã quy tụ ở đó cho đến ngày nay. Thời gian trôi qua, những cộng đoàn này đã xây dựng những ngôi nhà dành riêng cho việc cử hành phụng vụ, đọc Lời Chúa và cầu nguyện. Và đây là cách Kitô giáo - từ những cuộc đàn áp đầu tiên cho đến ngày có tự do tôn giáo trong đế chế La Mã - bắt đầu xây dựng nhà thờ và những vương cung thánh đường; trong đó, quan trọng nhất là đại giáo đường thánh Gioan Latêranô ở Rôma.

“Latêranô” biểu tượng cho sự hiệp nhất của tất cả các Giáo Hội trên thế giới với Giáo Hội Rôma, và đây là lý do tại sao giáo đường này tự hào trưng bày trên hiên chính của mình danh hiệu “Mẹ và Đầu của tất cả các nhà thờ trong thành phố và trên thế giới”. Thậm chí nó còn quan trọng hơn Vương Cung Thánh Đường Phêrô, một đền thờ được xây trên mộ Phêrô và là nơi ở hiện tại của Giáo Hoàng với tư cách Giám Mục Rôma; tuy nhiên, “Latêranô” vẫn là nhà thờ chánh toà của ngài. Đức Phanxicô nói, “Hôm nay, lễ Cung Hiến Thánh Đường Latêranô, chúng ta hãy nhớ, Chúa Kitô muốn ngự trong mọi tâm hồn. Ngay cả khi chúng ta rời xa Ngài, Ngài vẫn tìm kiếm chúng ta; và dù chỉ ba ngày, cũng đủ cho Ngài xây dựng lại đền thờ Thiên Chúa trong linh hồn mỗi người!”.

Anh Chị em,
“Những bức tường nhà thờ không làm cho con người thành Kitô hữu!”. Đúng thế, chúng ta đừng bao giờ quên sự thật rằng, điểm gặp gỡ thực sự giữa con người và Thiên Chúa chính là Chúa Kitô Phục Sinh; Ngài là ‘linh hồn của mọi thánh đường’. Đó là lý do tại sao Ngài được trao quyền dọn dẹp nhà cửa của Cha Ngài và nói những lời này, “Cứ phá huỷ đền thờ này đi, nội trong ba ngày, tôi sẽ dựng lại”. Nhờ hy sinh mạng sống, hy tế của Ngài, Chúa Kitô đã làm nên những đền thờ sống động của Chúa Cha từ các tín hữu, bạn và tôi. Đây là lý do tại sao Phaolô nhắc chúng ta trong bài đọc hai rằng, “Đền thờ của Thiên Chúa là thánh mà chính anh em là đền thờ ấy”. Đền thờ tâm hồn của chúng ta là một thực thể thiêng liêng, nơi Thiên Chúa ngự trị; nó không thể bị xúc phạm, báng bổ và phải được quét tước, thanh tẩy thường xuyên sạch mọi tội lỗi, bụi bẩn!

Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, chớ gì đừng có một ‘bụt thần’, ‘ngẫu tượng’ nào thấp thoáng trong bốn bức tường của linh hồn con ngoài Ngài!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Sống Khôn Ngoan
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
15:01 08/11/2023

SỐNG KHÔN NGOAN
(Chúa Nhật XXXII TN A)

Dụ ngôn mười cô trinh nữ đi đón chàng rể, trong đó có năm cô khờ dại và năm cô khôn ngoan là dụ ngôn có thể nói rất quen thuộc với Kitô hữu. Và chúng ta lại dễ dàng đón nhận bài học là phải tỉnh thức sẵn sàng một cách rất tự nhiên khi chúng ta đã nhìn nhận rằng không ai biết được “cái giờ Chúa đến” với mình, nghĩa là cái giờ mình phải giả từ trần gian.

Dưới cái nhìn nhân loại thì khôn ngoan là một nhân đức thuộc phạm trù lý trí và cả ý chí. Theo viễn tượng này thì người khôn ngoan là người biết sử dụng trí khôn để phân biệt cái này với cái kia, sự vật này với sự vật khác, biết phân biệt điều đúng với điều sai, cái tốt với cái xấu, điều hơn với điều kém…Người khôn ngoan còn biết phân biệt đâu là nguyên nhân, đâu là kết quả, cái gì là bản chất, cái gì là hiện tượng…Sự khôn ngoan dưới góc nhìn này được thủ đắc bằng luyện tập và một vài môn học giúp rèn luyện khả năng phân biệt đó là môn toán học, môn luận lý học, đạo đức học… Dĩ nhiên để được gọi là khôn ngoan thì không chỉ biết phân biệt mà còn biết chọn điều đúng, chọn điều tốt, điều tốt hơn, biết xem trọng nguyên nhân hơn là kết quả, bản chất hơn là hiện tượng...

Vì là một nhân đức thuộc phạm trù lý trí, mà trí khôn con người xem ra bị điều kiện hoá bởi thời gian, tuổi tác, do đó sự khôn ngoan vốn mang tính hữu hạn. Qua cái ngưỡng cửa tuổi bảy mươi thì nói chung khả năng phân biệt, phán đoán của con người giảm dần. “Càng già, càng lẩn thẩn” là một hiện thực như tất yếu.

Kitô hữu chúng ta mỗi lần tham dự lễ an táng một người cao niên lại thường được nghe trích đọc bài trích sách Khôn ngoan: “Người đầu bạc thì khôn ngoan và tuổi già là một cuộc đời thanh sạch” (Kn 4,9) (Bản dịch mới trong Sách Nghi thức an táng: “Thật vậy, sự hiểu biết của con người thay cho đầu bạc, và đời sống trong sạch thay cho tuổi già”). Vì thế cần phải hiểu sự khôn ngoan của câu trích Lời Chúa này theo một chiều kích khác hơn.

Bài đọc thứ nhất của Chúa Nhật XXXII TN A trình bày về Đức Khôn Ngoan như sau: “Đức Khôn Ngoan sáng chói, và không hề tàn tạ. Ai mến chuộng Đức Khôn Ngoan thì đức Khôn Ngoan dễ dàng cho chiêm ngưỡng. Ai tìm kiếm Đức Khôn Ngoan thì Đức Khôn Ngoan cho gặp. Ai khao khát Đức Khôn Ngoan, thì Đức Khôn Ngoan đi bước trước mà tỏ mình cho biết…” (Kn 6,12 tt). Đức Khôn Ngoan ở đây như được nhân cách hoá. Nó không còn là một thuộc tính của trí khôn mà là một ai đó. Nếu ta thay cụm từ “Đức Khôn Ngoan” bằng cụm từ “Thiên Chúa” thì ý của đoạn văn sẽ rõ ràng và dễ hiểu. Như thế, dưới ánh sáng Lời mạc khải thì Đức Khôn Ngoan được đồng hoá với chính Thiên Chúa, Đấng Toàn Tri, Toàn Thiện, Toàn Ái. Đoạn trích sách Khôn ngoan còn tiếp rằng để đạt tới Đức Khôn Ngoan thì cần chú tâm tới lề luật của Đức Khôn Ngoan và yêu mến là tuân giữ lề luật (x.Kn 6, 17-18).

Như thế người khôn ngoan không chỉ là người biết phân biệt mà trên hết là người có tấm lòng biết yêu mến. Dưới cái nhìn này thì chúng ta mới hiểu được người đầu bạc là người khôn ngoan. Tuổi đời càng cao thì con tim người ta càng dễ mở rộng. Tấm lòng của các cụ ông, cụ bà dành cho cháu con thì hẳn ta đã rõ. Nhiều vị dường như chưa chịu nhắm mắt, xuôi tay, khi chưa thấy cháu con yên bề gia thất. Sốt sắng với việc Nhà Chúa thì ít ai bì với người cao tuổi. Quả thật, dù cho “đa thọ thì đa nhục” nhưng chính khi biết lấy những gì bên trong ra mà phân phát thì mọi sự sẽ nên trong sạch cho chúng ta, chứ không phải do bởi lau chén dĩa bên ngoài (x.Lc 11,37-41). Sách thánh lại cho hay rằng dù tuổi chưa cao nhưng nếu có được “sự hiểu biết” đúng thì sẽ có được sự khôn ngoan như người đầu bạc.

Trở lại với năm cô trinh nữ khôn ngoan của bài dụ ngôn Chúa Giêsu kể. Các cô được gọi là khôn ngoan vì các cô có tấm lòng với cô dâu, chú rể, với dòng tộc hai họ. Đi đón chàng rể với đèn và dầu đầy bình là một động thái của người có tấm lòng biết lo xa, liệu trước. Các cô tính trước, lo xa không phải vì mình mà vì chính cô dâu, chú rể, vì cả hai họ…Trái lại, năm cô trinh nữ khờ dại là những cô phù dâu ít có tấm lòng với chú rể, cô dâu. Vẫn có đó nhiều cô phù dâu trong các tiệc cưới ngày nay chỉ lo “xoe xua” làm nổi bật cho bản thân mà chẳng để ý gì đến người khác. Quả là một sự khôn lanh theo kiểu thế gian là tìm mọi dịp để lăng xê chính bản thân mình.

Các nhà chú giải Thánh Kinh cho ta hay: “dầu đèn” theo văn hóa thời bấy giờ có ý nghĩa là những việc tốt, việc lành khởi đi từ tấm lòng son. Người đã có tấm lòng biết yêu mến thì không bỏ qua một cơ hội dù nhỏ, để làm điều tốt, việc lành cho tha nhân. Và những việc tốt, những việc lành chính là hành trang của người tỉnh thức sẵn sàng khi Chúa đến. Dù Chúa đến bất cứ giờ nào họ luôn có đủ đầy hành trang là các việc tốt để trình diện Vua các vua, Chúa các chúa, Đấng đến thế gian không phải để được hầu hạ nhưng để hầu hạ người ta và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người (x.Mc 10,45). Và cũng Đấng ấy trong ngày cánh chung khi lên ngồi trên toà phán xét sẽ hỏi tấm lòng của chúng ta dành cho nhau nhất là cho những người bé mọn (x.Mt 25,31-46).

Không ai muốn làm người ngu dại. Ai cũng thích được nhìn nhận là khôn ngoan. Tuy nhiên, điều quan trọng là biết sống khôn ngoan theo cái nhìn của Chúa, dĩ nhiên là để làm đẹp lòng Chúa và vì chính hạnh phúc đời đời của chúng ta.

(Ban Mê Thuột)
 
Không Thể Vào Thiên Đàng Bằng Đức Tin Vay Mượn
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
15:03 08/11/2023

Không Thể Vào Thiên Đàng Bằng Đức Tin Vay Mượn

SUY NIỆM CHÚA NHẬT XXXII
(Mt 25, 1-13)

Đọc dụ ngôn Mười Cô Trinh Nữ lên, chúng ta thấy có điều không ổn, bởi đám cưới có bao điều cần thiết, chứ đâu chỉ cần mỗi người một đèn sáng trong tay là vào dự tiệc cưới. Chàng rể đến cũng phải đem đèn đi theo chứ, vả lại năm cô có đèn mà đèn hết dầu thì vẫn còn năm cô kia, hai người một đèn không đủ sao? Mà cũng thật là thiếu bác ái trong nhóm phù dâu này. Mười chị em cùng nhóm phù râu với nhau mà cũng không chịu chia sẻ dầu cho nhau để tất cả có dầu đèn cùng vào dự tiệc cưới thì vui biết mấy. Khi kể dụ ngôn này, Chúa Giê-su muốn dạy chúng ta điều gì

Dầu đức tin

Năm cô có đèn nhưng hết dầu xin năm cô đèn còn sáng, lại có dầu dự trữ nữa, vậy mà năm cô kia không cho. Chẳng những thế lại còn nói: “E không đủ cho chúng em và các chị, các chị ra hàng mà mua thì hơn” (Mt 25, 9). Tin Mừng kể lại, chính lúc năm cô đi mua thì chàng rể đến và cửa đóng lại. Lúc năm cô có dầu, đèn sáng về gõ cửa, chính chú rể đích thân ra mở cửa, thấy năm cô, nhưng lại trả lời một cách khắc nghiệt: “Ta không biết các ngươi” (Mt 25, 12). Các cô là những người giúp việc nhà, là những người quen thuộc, mà chú rể nói rằng không quen, không biết. Đành rằng chú rể không biết các cô. Thế còn năm cô bạn kia đâu, sao không ra nhận bạn đưa vào? Hậu quả năm cô này được gọi là năm cô khờ dại, vì đã mang được đèn mà không mang dầu theo. Thật là kết cuộc đáng buồn cho những ai không chuẩn bị sẵn sàng!

Dụ ngôn muốn ám chỉ, dầu ở đây là dầu đức tin. Đức tin cần thiết để được ơn cứu độ. Đức tin không thể vay mượn được. Có đi mua chăng nữa thì cũng uổng công vô ích.

Không ai có thể vào thiên đàng bằng đức tin vay mượn

Đây chỉ là dụ ngôn Chúa Giêu kể cho các môn đệ, chứ thực tế không có đám cưới nào hay đám rước dâu nào lại xảy ra như thế cả. Dù chàng rể có tới trễ, chắc chẳng ai ngủ được, phương chi các cô phù dâu, quần áo đầu tóc như thế làm sao mà ngủ nổi? Khi nói dụ ngôn này, Chúa Giêsu chỉ muốn dạy chúng ta rằng Không ai có thể vào thiên đàng bằng đức tin vay mượn.

Chàng rể chính là Chúa Giêsu, mười trinh nữ phù dâu là toàn thể nhân loại, được Thiên Chúa yêu thương và đón mời về dự tiệc cưới Nước Trời. Dầu và đèn là điều kiện cần có để được tham dự tiệc cưới, thì đức đức tin cũng cần thiết để được vào Thiên Đàng. Mười cô phù dâu, có năm cô khôn và năm cô dại là hình ảnh nhân loại có người dại người khôn. Khôn hay dại tùy thuộc vào thái độ họ có biết sẵn sàng chuẩn bị cho mình đức tin cần thiết không. Cái làm cho mười cô trở thành khôn dại khác nhau ở chỗ cẩn thận và sẵn sàng. Cả mười cô đều ngủ, nhưng năm cô khôn ngủ trong thái độ tin. Còn năm cô dại đã ngủ trong một thái độ chểnh mảng, tới đâu hay tới đó, đến khi “hay” được thì đã quá muộn.

Còn việc chàng rể đến chậm, đến trễ, đến bất ngờ ám chỉ việc Chúa đến. Chắc chắn Chúa sẽ đến, nhưng hoàn toàn bất ngờ, đột xuất, nên ai khôn thì sẵn sàng chờ đón ngày chung cục của thế giới, ngày cánh chung, ngày tận thế, ngày Chúa phán xét toàn thể nhân loại. Ngày đó không ai biết trước được. Sẵn sàng đón nhận giờ chết, giờ bất ngờ, không ai biết trước được. Đòi hỏi mỗi người phải hết sức cẩn thận, phải tin cho đủ với đèn nhân đức tích sẵn thì được vào Nước Trời. Đây chính là bài học Chúa Giêsu muốn dạy chúng ta.

Hãy học năm cô khôn


Muốn đón Chúa chúng ta phải khôn ngoan, sẵn sàng có nghĩa là đèn phải luôn có dầu. Đèn ở đây là chính đức tin, tình yêu, một lòng mến bình thường, không gây mỏi mệt và buồn chán. Đèn muốn hữu dụng phải có dầu. Dầu đốt mãi cũng phải hết. Vậy, chúng ta phải tích trữ dầu càng nhiều càng tốt. Từng giọt dầu nhỏ bé được thêm vào liên tục là những công việc nhỏ bé, tốt lành, thiện hảo trong đời sống hằng ngày của chúng ta. Đó là những giọt dầu của tình yêu và lòng mến, giữ cho ngọn lửa đức tin của chúng ta luôn cháy sáng. Với dầu cầu nguyện và việc lành luôn cháy sáng, Chúa sẽ nhận ra chúng ta.

Dầu này là dầu không vay không mượn được như người ta tưởng, nghĩa là không ai có thể vào thiên đàng bằng đức tin vay mượn, nên không thể nói đến chuyện thiếu bác ái ở đây. Nhân đức và cách sống không thể cho vay cho mượn để vào Nước Trời, mỗi người phải tự tích luỹ cho mình, nghĩa là phải trở nên người thực thi lời Chúa hơn là người chỉ biết nghe lời Chúa. Chính Chúa Giêsu nhắn nhủ và mời gọi chúng ta: hãy khôn ngoan như năm cô trinh nữ đem đèn và dữ trữ cả dầu.

Vậy, hãy mến chuộng Ðức Khôn Ngoan. Đức Khôn Ngoan ở đây là chính Chúa. Chúa là Đấng Khôn Ngoan “sáng tỏ, không bao giờ lu mờ” như câu đầu của bài đọc I hôm nay (Kn 6,12). Những “ai ai yêu mến nó, sẽ xem nó dễ dàng, và những ai tìm kiếm nó, sẽ gặp được nó. Nó sẽ đón tiếp những ai khao khát nó, để tỏ mình ra cho họ trước” (Kn 6,13).

Như thế, muốn gặp Chúa phải tìm kiếm; nhưng chỉ ai yêu mến Chúa mới tìm kiếm Người. Duy trì được lòng yêu mến Chúa là có thái độ sẵn sàng; và ai làm như thế được kể là người khôn ngoan. Vậy người khôn có đèn cháy sáng trong tay để sẵn sàng đi gặp Chúa là người có Đức Tin, Đức Cậy và Đức Mến đã được đốt cháy khi chịu phép Rửa tội và đã nhận lấy một cây đèn cháy.

Vậy, trong thời gian chờ ngày Chúa trở lại hãy giữ sao cho lòng mến Chúa cháy mãi. Hãy luôn tưởng nhớ và yêu mến Người. Nhất là hãy luôn luôn thi hành giới răn Người để lại là thi hành lòng bác ái. Như thế, Người đến lúc nào chúng ta vẫn sẵn sàng để vào dự tiệc đời đời với Người chẳng cần vay mượn hay đi mua gì cả.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Hamas và các Kitô hữu Palestine
Vũ Văn An
04:36 08/11/2023

Gianni Valente, tân giám đốc của thông tấn Fides, ngày 31 tháng 10, có bài viết về liên hệ giữa Hamas và các Kitô hữu trước cuộc tấn công khủng bố của họ tại Israel.



Theo ông, tại Dải Gaza, trước những hành động tàn bạo do Hamas và Thánh chiến Hồi giáo gây ra vào ngày 7 tháng 10 và trước khi cuộc ném bom của Israel bắt đầu, chỉ có hơn một nghìn Kitô hữu sống trong số hơn hai triệu người Palestine theo đạo Hồi... Ngày nay không ai có thể nói trước điều gì sẽ xảy ra với họ, trước thảm họa hiện đang diễn ra ở Gaza. Trong khi đó, cần lưu ý rằng cuộc di cư của các Kitô hữu khỏi Đất Thánh đã được đẩy nhanh đáng kể trong 80 năm qua liên quan đến các giai đoạn đẫm máu của cuộc xung đột Israel-Palestine.

Và sự xuất hiện của Hamas trên sân khấu Pales-tine cũng đánh dấu “trước” và “sau” đối với các Kitô hữu ở Gaza.

Trong nhiều thập niên, sự đồng nhất với chính nghĩa dân tộc của Palestine cũng là một phương tiện hữu ích để nhiều Kitô hữu Palestine tái khẳng định danh tính của họ như các cộng đồng Ả Rập bản địa trong một môi trường bị tan tác bởi các cuộc xung đột vốn hành khổ Thánh địa kể từ khi thành lập Nhà nước Israel cho đến nay để tìm kiếm một giải pháp giải độc cho sự đe dọa và phân biệt đối xử bè phái với việc qui chiếu "nguồn gốc Ả Rập" chung. Bản chất phi bè phái của nhiều phong trào chính trị ở Palestine đã khuyến khích sự gia nhập của các nhà hoạt động từ các gia đình và cộng đồng Kitô giáo. Tỷ lệ các Kitô hữu trong hàng ngũ của Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) chắc chắn cao hơn tỷ lệ người được rửa tội trong dân số Palestine. Trong số những người khác, Habib Kawaji, Hanna Nasser và Giám mục Anh giáo Elias Khoury là thành viên của Ban chấp hành Tổ chức Giải phóng Palestine. Các nhà lãnh đạo lịch sử của các đảng Mácxít và cực đoan như George Abash của Mặt trận Bình dân và Nayef Awatmeh của Mặt trận Dân chủ cũng xuất thân từ các gia đình Kitô giáo. Tuy nhiên, trong hoạt động chính trị của mình, các nhà hoạt động Kitô giáo đã không bày tỏ những tuyên bố về danh tính của họ từ góc độ tôn giáo, mà thay vào đó họ "ngụy trang" mình bằng "nguồn gốc Ả Rập" chung của những người đồng hương Hồi giáo của họ. Dự thảo Hiến pháp của Nhà nước Palestine, được soạn thảo năm 2003, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng và sự bảo vệ của nhà nước đối với các thánh địa của các tôn giáo khác nhau, nhưng đồng thời coi luật Sharia của người Hồi giáo là nguồn luật lệ chính. Lãnh đạo Tổ chức Giải phóng Palestine Yasser Arafat cũng thu hút sự chú ý của quốc tế đến các Kitô hữu ở Palestine như một bộ phận bản địa của người dân Pales-tine. Trong chuyến đi đầu tiên tới Rome vào năm 1982, Arafat đã được Đức Gioan Phaolô II tiếp đón tại Vatican theo lời mời của Hội đồng liên nghị viện do chính trị gia Công Giáo Ý Giulio Andreotti làm chủ tịch, vào thời điểm mà không có nguyên thủ quốc gia phương Tây nào có liên hệ trực tiếp với lãnh đạo Tổ chức Giải phóng Palestine.

Năm năm sau, Đức Giáo Hoàng bổ nhiệm Đức Thượng phụ Michel Sabbah làm người đứng đầu Tòa Thượng phụ Latinh tại Giêrusalem ở Palestine lần đầu tiên. Sau chiến thắng chính trị của Hamas, Arafat qua đời ở Pháp vào tháng 11 năm 2004. Hơn một năm sau, vào tháng 1 năm 2006, phong trào Hồi giáo Hamas - mà trong những năm trước cũng đã nhận được sự ủng hộ ở West Bank bên ngoài "thành trì" Gaza - giành chiến thắng trong cuộc bầu cử, chiếm ưu thế trước Fatah, Đảng của Arafat. Trong các cuộc bầu cử này, các ứng cử viên Kitô giáo cũng có tên trong danh sách của Hamas và được bầu với số phiếu của đa số người Hồi giáo. Tại các thành phố có sự hiện diện mạnh mẽ của Kitô giáo (Bêlem, Beit Jala, Beit Sahour, Ramallah), các ủy viên hội đồng Hamas được bầu trong cuộc bầu cử địa phương năm 2005 đã ủng hộ việc thành lập các hội đồng thành phố do các thị trưởng Kitô giáo đứng đầu. Ngay ở Bêlem, thành phố nơi Chúa Giêsu sinh ra, thị trưởng Công Giáo Latinh Victor Batarseh đã cai trị với sự ủng hộ của sáu ủy viên hội đồng Hamas và thị trưởng do Thánh chiến Hồi giáo bầu chọn, điều này truyền cảm hứng cho các chính sách của ông trong cuộc chiến chống tham nhũng của các đảng “cũ”. Ngay cả phó tổng giám mục lúc bấy giờ, Fouad Twal, - người sẽ trở thành Thượng phụ Latinh của Giêrusalem vào năm 2008 - cũng thừa nhận trong một số cuộc phỏng vấn rằng nhiều cử tri Kitô giáo, tức giận vì sự thiếu linh hoạt, tham nhũng của các đảng Palestine cũ và việc không thực hiện lời hứa thành lập một Nhà nước Palestine, góp phần vào thắng lợi chính trị của Hamas.

Sau chiến thắng chính trị, các nhà lãnh đạo Hamas tiếp tục chính sách đầy những cử chỉ và tuyên bố xoa dịu đối với “anh em Kitô giáo” của họ. Vài tháng trước cuộc bầu cử, Mahmoud al-Zahar, người sau này trở thành ngoại trưởng trong chính phủ do Hamas lãnh đạo, tuyên bố: “Sẽ không có gì ngạc nhiên lớn nếu có một người theo Kitô giáo trong ban lãnh đạo Hamas trong tương lai”. Vào tháng 2 năm 2006, khi Dải Gaza và West Bank cũng bị tàn phá bởi các nhóm vũ trang đe dọa trả thù chống phương Tây vì phim hoạt hình chống Mohammad, Mahmoud al-Zahar đã đến thăm nhà thờ Công Giáo ở Gaza và hứa với các nhà báo rằng ông sẽ cử những người hộ tống có vũ trang của Hamas trước các định chế Kitô giáo "bởi vì các bạn là anh chị em của chúng tôi."

Năm 2007, khi xung đột giữa Hamas và Fatah ở Dải Gaza leo thang thành xung đột vũ trang và dẫn tới sự chia rẽ thực sự trong chính phủ Palestine (Hamas ở Dải Gaza, Fatah ở West Bank), các nhà lãnh đạo của đảng duy Hồi giáo đã mời các nhà báo phương Tây đến trình bày rằng "Hòa bình đã trở lại Dải Gaza" và tổ chức một chuyến tham quan bằng xe buýt cho họ, chuyến tham quan này cũng dừng trước nhà thờ Công Giáo và bao gồm một cuộc gặp với linh mục lúc bấy giờ là Cha Manuel Musallam. Dải Gaza vẫn nằm dưới sự cai trị của Hamas, trong một khu vực liên tục bị chia cắt bởi các cuộc chiến tranh bùng nổ tàn phá dân thường, các Kitô hữu phải trải qua thử thách và đau khổ cùng với đồng bào của mình.

Cha Gabriel Romanelli, Cha xứ giáo xứ Công Giáo, đã nhiều lần cho Fides hay đời sống tông đồ phát triển xung quanh cộng đoàn.”Đối với tôi đó là một sứ vụ thực sự cao đẹp. Lần nào tôi cũng ngạc nhiên khi nghĩ rằng, theo truyền thống, Hài nhi Giêsu đã đi qua Gaza trên đường đi và về từ Ai Cập, trong tư cách Thánh Gia, mà giáo xứ của chúng tôi được đặt theo tên, đã phải chạy trốn để cứu mình khỏi cái ác của vua Hêrôđê" (xem Fides, 25/2/2022). Vào tháng 12 năm 2020, một điều khoản từ một bộ phận của Bộ Tôn giáo ở Dải Gaza đã ra lệnh cho tất cả người Hồi giáo hạn chế “sự tham gia” của họ vào các lễ kỷ niệm Giáng sinh của Kitô giáo. Động thái này cho thấy sự hai mặt dùng làm công cụ của rất nhiều tuyên bố xoa dịu trước đây được các nhà lãnh đạo Hamas bày tỏ đối với “anh chị em Kitô giáo” của họ. Tại Giêrusa-lem, Cha Ibrahim Faltas, tu sĩ Ai Cập thuộc Hạt Giám hộ Thánh địa, đã tố cáo gay gắt “mặt tối” trong lịch sử của Hamas. Để làm hòa, một số đại diện của Hamas đã đến thăm cộng đồng ở Gaza và chụp ảnh với vị linh mục dưới gốc cây thông Noel.

Ở Gaza, thời Hamas cai trị, các Kitô hữu được phép giữ điều được Cha Gabriel Romanelli cho là rất quan trọng “duy trì sự hiện diện thể lý của chính Chúa Kitô trong Bí tích Thánh Thể” và cầu xin để Người cũng trông đến đường đi hàng ngày của những kẻ bước chân theo Người. Vì ngày nay, điều rõ ràng hơn là việc tiếp tục công việc này một cách toàn vẹn hoàn toàn được giao phó cho phép lạ chứ không phải cho các chiến lược phản kháng của con người. (“Mẹ ơi, chúng con không thể làm điều đó một mình, không có Con của Mẹ chúng con không thể làm gì được,” xem Đức Giáo Hoàng Phan-xicô, Cầu nguyện cho Hòa bình, ngày 27 tháng 10 năm 2023).
 
Bài giáo lý hàng tuần của Đức Phanxicô. Niềm đam mê truyền giáo: Madeleine Delbrêl. Niềm vui đức tin giữa những người không có niềm tin.
Vũ Văn An
14:10 08/11/2023

Theo tin Tòa Thánh, nhân buổi yết kiến chung tại Quảng trường Nhà thờ Thánh Phêrô, thứ Tư, ngày 8 tháng 11 năm 2023, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tiếp tục loạt bài giáo lý nói về niềm đam mê rao giảng Tin mừng của ngài, nhấn mạnh tới chứng tá của tôi tớ Chúa, Madeleine Delbrêl. Sau đây là nguyên văn bài giáo lý của ngài, dựa vào bản tiếng Anh do Tòa Thánh công bố:



Anh chị em thân mến, Chào anh chị em buổi sáng!

Trong số rất nhiều chứng nhân của niềm đam mê loan báo Tin Mừng, những nhà truyền giáo nhiệt thành, hôm nay tôi xin trình bầy hình ảnh một phụ nữ Pháp thế kỷ XX, tôi tớ đáng kính của Thiên Chúa Madeleine Delbrêl. Sinh năm 1904 và mất năm 1964, bà là một nhân viên xã hội, nhà văn và nhà huyền nhiệm, sống hơn ba mươi năm ở vùng ngoại ô nghèo và tầng lớp lao động của Paris. Choáng ngợp trước cuộc gặp gỡ với Chúa, bà viết: «Một khi chúng ta đã biết lời Chúa, chúng ta không có quyền không tiếp nhận nó; một khi đã tiếp nhận nó, chúng ta không có quyền không để nó nhập thể vào mình, một khi đã nhập thể vào trong chúng ta, chúng ta không có quyền giữ nó cho riêng mình: từ lúc đó chúng ta thuộc về những người chờ đợi nó" (Sự thánh thiện của người bình thường, Milan 2020, 71 ). Tuyệt diệu: những gì bà viết thật tuyệt…

Sau một thời niên thiếu sống trong thuyết bất khả tri - bà không tin vào điều gì -, vào khoảng hai mươi tuổi, Madeleine đã gặp gỡ Chúa, bị ấn tượng bởi lời chứng của một số người bạn có đức tin. Sau đó, bà bắt đầu tìm tòi về Thiên Chúa, cho thấy nỗi khao khát sâu sắc mà bà cảm thấy trong mình, và hiểu rằng "sự trống rỗng đang kêu lên nỗi thống khổ trong cô" chính là Thiên Chúa đang tìm kiếm bà (Choáng ngợp bởi Thiên Chúa. Thư từ 1910-1941, Milan 2007, 96). Niềm vui đức tin dẫn bà tiến đến một sự lựa chọn cuộc sống hoàn toàn dâng hiến cho Thiên Chúa, trong lòng Giáo hội và trong lòng thế giới, chỉ đơn giản là chia sẻ trong tình huynh đệ cuộc sống của “người dân đường phố”. Do đó, bà đã nói với Chúa Giêsu một cách đầy thi vị như thế này: «Để được ở với Chúa trên con đường của Chúa, chúng con cần phải đi tới đó, ngay cả khi sự lười biếng đòi chúng con ở dừng lại. Chúa đã chọn chúng con để ở trong một trạng thái cân bằng kỳ lạ, một sự cân bằng chỉ có thể được thiết lập và duy trì trong chuyển động, chỉ trong đà đẩy tới. Hơi giống một chiếc xe đạp, không thể giữ cho thẳng đứng mà các bánh của nó không quay […] Chúng ta chỉ có thể đứng thẳng bằng cách tiến lên, di chuyển, trong sự bộc phát của đức ái.” Đó là điều mà bà gọi là “linh đạo của chiếc xe đạp” (Hài hước trong tình yêu. Suy niệm và thi ca, Milan 2011, 56). Chỉ khi đi, khi chạy, chúng ta mới sống trong sự cân bằng của đức tin, đó là một sự mất cân bằng, nhưng nó là như vậy: giống như một chiếc xe đạp. Nếu bạn dừng lại, nó sẽ không thể đứng thẳng được.

Trái tim của Madeleine không ngừng tuôn trào và bà đã để mình bị thử thách trước tiếng kêu than của người nghèo. Bà cảm thấy rằng Vị Thiên Chúa Hằng Sống của Tin Mừng phải cháy bỏng trong chúng ta cho đến khi chúng ta mang danh Người đến với những người chưa tìm thấy Người. Trong tinh thần này, hướng về những biến động của thế giới và tiếng kêu than của người nghèo, Madeleine cảm thấy được kêu gọi “sống tình yêu của Chúa Giêsu một cách trọn vẹn và đúng từng chữ, từ dầu của người Samaritanô nhân hậu đến dấm của Calvariô, nhờ đó dâng hiến cho Người tình yêu đáp lại tình yêu […] để, bằng cách yêu Người một cách không dè dặt và cho phép mình được yêu trọn vẹn, hai giới răn lớn của đức ái nhập thể vào chúng ta và không trở thành chỉ còn là một" (Ơn gọi đức ái, 1, Các Tác Phẩm Trọn Bộ XIII, Bruyères-le-Châtel, 138-139).

Cuối cùng, Madeleine dạy chúng ta một điều nữa: qua việc Phúc âm hóa chúng ta được Phúc âm hóa: qua việc Phúc âm hóa chúng ta được Phúc âm hóa. Vì thế bà quen nói, vang vọng lời Thánh Phaolô: “Khốn cho tôi nếu khi truyền giảng Tin Mừng, tôi không truyền giảng Tin Mừng cho chính tôi”. Bằng cách truyền giảng Tin Mừng, anh chị em đang truyền giảng Tin Mừng cho chính mình. Và đây là một học thuyết hay.

Khi nhìn vào chứng tá Tin Mừng này, chúng ta cũng học được rằng trong mọi tình huống và hoàn cảnh bản thân hay xã hội của cuộc đời chúng ta, Chúa hiện diện và mời gọi chúng ta sống trong thời đại của mình, chia sẻ cuộc sống của người khác, hòa nhập vào niềm vui và nỗi buồn của thế giới. Đặc biệt, Người dạy chúng ta: ngay cả những môi trường tục hóa cũng giúp chúng ta hoán cải, bởi vì việc tiếp xúc với những người không có đức tin thúc đẩy người có đức tin liên tục xem xét lại cách tin của mình và khám phá lại đức tin trong tính thiết yếu của nó (xem Chúng tôi của đường phố, Milan 1988, 268s).

Xin tôi tớ Chúa Madeleine Delbrêl dạy chúng ta sống đức tin này “trong chuyển động”, có thể nói như hế, đức tin sinh hoa trái này làm cho mọi hành vi đức tin trở thành một hành vi đức ái trong việc loan báo Tin Mừng. Cảm ơn anh chị em.
 
Đức Thánh Cha Phanxicô không ngừng kêu gọi hòa bình công lý cho các quốc gia đang có chiến tranh
Thanh Quảng sdb
22:33 08/11/2023
Đức Thánh Cha Phanxicô không ngừng kêu gọi “hòa bình công lý” cho các quốc gia đang có chiến tranh

Bằng hành động và cầu nguyện, Đức Thánh Cha kêu gọi hòa bình công lý cho tất cả các dân tộc đang phải gánh chịu hậu quả chiến tranh, Đức Thánh Cha kêu gọi “hòa bình chính đáng” và nhắc lại niềm xác tín của ngài rằng chiến tranh luôn là một thảm bại.

(Tin Vatican - Linda Bordoni)

Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Chúng ta đừng quên những người Ukraine đã và đang chịu tử đạo và chúng ta cũng nhớ đến các dân tộc Palestine và Israel: xin Chúa mang lại hòa bình công lý.”

“Có quá nhiều đau khổ,” ngài nói khi kết thúc buổi tiếp kiến chung hàng tuần.

“Có quá nhiều đau khổ.”

Đức Thánh Cha nói: “Nhiều Trẻ em đau khổ; người bệnh đang sầu khổ và nhiều người đang hấp hối, Chiến tranh luôn là một thảm bại. Chúng ta đừng quên: Chiến tranh luôn là một thảm bại.”

Thường xuyên kêu gọi hòa bình

Đức Thánh Cha Phanxicô đã liên tục đưa ra lời kêu gọi hòa bình và các giải pháp thương thoại cho các cuộc xung đột trên toàn thế giới, đồng thời không bao giờ ngài ngừng đề cập và cầu nguyện cho những nạn nhân của chiến tranh bạo lực và phải di dời ở Ukraine kể từ Nga xâm lược nước này hơn 18 tháng trước đây.

ĐTC cũng đã nhắc lại lời kêu gọi ngừng bắn, thả con tin và cho viện trợ nhân đạo vào giải Gaza đang bị bao vây, kể từ khi bắt đầu xung đột bạo lực giữa Hamas và Israel vào ngày 7 tháng 10 năm 2023.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Sống - Chết
Đinh văn Tiến Hùng
07:12 08/11/2023

*SỐNG – CHẾT*
Trình thuật theo Phúc Âm
“Ta là sự Sống Lại và là Sự Sống” ( Ga 11, 1-45 )

Khi ấy, có một người đau liệt tên là Ladarô, ở Bêtania, làng quê của Maria và Martha. (Maria này chính là người đã xức dầu thơm cho Chúa, và lấy tóc lau chân Người. Em trai bà là Ladarô lâm bệnh). Vậy hai chị sai người đến thưa Chúa Giêsu rằng: "Lạy Thầy, người Thầy yêu đau liệt". Nghe tin ấy, Chúa Giêsu liền bảo: "Bệnh này không đến nỗi chết, nhưng để làm sáng danh Thiên Chúa và do đó Con Thiên Chúa sẽ được vinh hiển".
Chúa Giêsu thương Martha và em là Maria và Ladarô. Khi hay tin ông này đau liệt, Người còn lưu lại đó hai ngày. Rồi Người bảo môn đệ: "Chúng ta hãy trở lại xứ Giuđêa". Môn đệ thưa: "Thưa Thầy, mới đây người Do-thái tìm ném đá Thầy, mà Thầy lại trở về đó ư?" Chúa Giêsu đáp: "Một ngày lại chẳng có mười hai giờ sao? Nếu ai đi ban ngày thì không vấp ngã, vì người ta thấy ánh sáng mặt trời; nhưng kẻ đi ban đêm sẽ vấp ngã vì không có ánh sáng". Người nói thế, rồi lại bảo họ: "Ladarô bạn chúng ta đang ngủ, dầu vậy Ta đi đánh thức ông". Môn đệ thưa: "Thưa Thầy, nếu ông ta ngủ, ông sẽ khoẻ lại". Chúa Giêsu có ý nói về cái chết của Ladarô, nhưng môn đệ lại nghĩ Người nói về giấc ngủ. Bấy giờ Chúa Giêsu mới nói rõ: "Ladarô đã chết. Nhưng Ta mừng cho các con, vì Ta không có mặt ở đó để các con tin. Vậy chúng ta hãy đi đến nhà ông". Lúc đó Tôma, cũng có tên là Điđimô, nói với đồng bạn: "Chúng ta cũng đi để cùng chết với Người".
Đến nơi, Chúa Giêsu thấy Ladarô đã được an táng bốn ngày rồi. (Bêtania chỉ cách Giêrusalem chừng mười lăm dặm). Nhiều người Do-thái đến nhà Martha và Maria để an ủi hai bà vì người em đã chết. Khi hay tin Chúa Giêsu đến, Martha đi đón Người, còn Maria vẫn ngồi nhà. Martha thưa Chúa Giêsu: "Thưa Thầy, nếu Thầy có mặt ở đây thì em con không chết. Tuy nhiên, ngay cả bây giờ, con biết Thầy xin gì cùng Thiên Chúa, Thiên Chúa cũng sẽ ban cho Thầy". Chúa Giêsu nói: "Em con sẽ sống lại". Martha thưa: "Con biết ngày tận thế, khi kẻ chết sống lại, thì em con sẽ sống lại". Chúa Giêsu nói: "Ta là sự sống lại và là sự sống, ai tin Ta, dầu có chết cũng sẽ được sống. Và kẻ nào sống mà tin Ta, sẽ không chết bao giờ. Con có tin điều đó không?" Bà thưa: "Thưa Thầy, vâng, con đã tin Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống đã đến trong thế gian".
Nói xong bà về gọi Maria em gái bà và nói thầm với em rằng: "Thầy ở ngoài kia, Thầy gọi em". Nghe vậy, Maria vội vàng đứng dậy và đi đến cùng Chúa. Vì lúc đó Chúa Giêsu chưa vào trong làng, Người còn đang đứng ở nơi Martha đã gặp Người. Những người Do-thái cùng ở trong nhà với Maria và an ủi bà, khi thấy bà vội vã đứng dậy ra đi, họ cũng đi theo bà, tưởng rằng bà đi ra khóc ngoài mộ. Vậy khi Maria đến chỗ Chúa Giêsu đứng, thấy Người, bà liền sấp mình xuống dưới chân Người và nói: "Thưa Thầy, nếu Thầy có mặt đây, thì em con không chết". Khi thấy bà khóc nức nở và những người Do-thái theo bà cũng khóc, Chúa Giêsu thổn thức và xúc động. Người hỏi: "Đã an táng Ladarô ở đâu?" Họ thưa: "Thưa Thầy, xin đến mà xem". Chúa Giêsu rơi lệ. Người Do-thái liền nói: "Kìa, xem Ngài thương ông ấy biết bao!"

Nhưng có mấy kẻ trong đám nói: "Ông ấy đã mở mắt người mù từ khi mới sinh mà không làm được cho người này khỏi chết ư?" Chúa Giêsu lại xúc động; Người đi đến mộ. Mộ đó là một hang nhỏ có tảng đá đậy trên. Chúa Giêsu bảo: "Hãy đẩy tảng đá ra". Martha là chị người chết, thưa: "Thưa Thầy, đã nặng mùi rồi vì đã bốn ngày". Chúa Giêsu lại nói: "Ta đã chẳng bảo con rằng: Nếu con tin, thì con sẽ xem thấy vinh quang của Thiên Chúa sao?" Thế là người ta cất tảng đá ra. Chúa Giêsu ngước nhìn lên và nói: "Lạy Cha, Con cảm tạ Cha đã nhậm lời Con. Con biết Cha hằng nghe lời Con, nhưng Con nói lên vì những người đứng xung quanh đây, để họ tin rằng Cha đã sai Con". Nói rồi, Người kêu lớn tiếng: "Ladarô! Hãy ra đây!" Người đã chết đi ra, chân tay còn quấn những mảnh vải, trên mặt quấn khăn liệm. Chúa Giêsu bảo: "Hãy cởi ra cho anh ấy đi".
Một số người Do-thái đến thăm Maria, khi được chứng kiến những việc Chúa Giêsu làm, thì đã tin vào Người.

+Ngoài Lazarô, còn có một số người Chúa cho sống lại.

- CON TRAI CỦA BÀ GÓA Ở XA-RÉP-TA.
Ba lần ông Êlianằm lên trên đứa trẻ và kêu cầu: “Lạy Đức Chúa, Thiên Chúa của con, xin cho hồn vía đứa trẻ này lại trở về với nó!”. Đức Chúa nghe tiếng ông Êlia kêu cầu, hồn vía đứa trẻ trở về với nó, và nó sống (1 V 17:21-22).

- CON TRAI CỦA NGƯỜI PHỤ NỮ SU-NÊM
Khi ông Êlisa tới nhà thì cậu bé đã chết, nằm trên giường của ông. Ông đi vào chỗ cậu bé, đóng cửa lại, chỉ có hai người ở bên trong, rồi cầu nguyện với Đức Chúa.Ông lên giường nằm lên trên đứa trẻ, kề miệng ông trên miệng nó, kề mắt ông trên mắt nó, đặt bàn tay ông trên bàn tay nó. Ông cứ nằm trên đứa trẻ, da thịt nó nóng lên.35 Ông đi đi lại lại trong nhà, rồi lại lên nằm trên nó; cậu bé hắt hơi đến bảy lần, và mở mắt ra (2 V 4:32-35).

- NGƯỜI ĐÀN ÔNG TẠI MỘ ÔNG ÊLISA
Ông Êlisa qua đời và người ta đã chôn cất ông. Hàng năm, các toán quân Mô-áp xâm nhập xứ sở. Vậy, có lần người ta đang đem một người chết đi chôn, thì thấy một toán quân của bọn đó, họ liền vất người chết vào mộ ông Êlisa, rồi bỏ đi. Người chết vừa đụng phải hài cốt của ông Êlisa thì sống lại và đứng thẳng dậy (2 V 13:20–21).

- CON TRAI CỦA BÀ GÓA Ở NA-IN
Trông thấy bà, Chúa chạnh lòng thương và nói: “Bà đừng khóc nữa!”. Rồi Người lại gần, sờ vào quan tài. Các người khiêng dừng lại. Đức Giêsu nói: “Này người thanh niên, tôi bảo anh: hãy trỗi dậy!”. Người chết liền ngồi lên và bắt đầu nói. Đức Giêsu trao anh ta cho bà mẹ (Lc 7:13-15).

- CON GÁI CỦA ÔNG GIAI-RÔ
Mọi người đều đấm ngực khóc thương nó. Đức Giêsu nói: “Đừng khóc! Con bé có chết đâu, nó ngủ đấy!”. Họ chế nhạo Người, vì biết nó đã chết. Nhưng Người cầm lấy tay nó, lên tiếng gọi: “Này bé, trỗi dậy đi!”. Hồn đứa bé trở lại, và nó đứng dậy ngay. Đức Giêsu bảo người ta cho nó ăn (Lc 8:52-55).

+ Sự Chết theo Kitô Giáo +

“Lạy Chúa ! Xin cho các Linh Hồn được nghỉ yên muôn đời,
và cho Ánh Sáng ngàn thu chiếu soi trên các Linh Hồn ấy.”
-Có 1 thời để chào đời, có một thời để lìa đời. (Gv.3 : 2 )
-Là Kitô hữu chúng ta Chết cho Chúa, cũng như đã sống cho Ngài. ( Kn.14: 7 )
-Nhờ sự Chết chúng ta tôn vinh Thiên Chúa. ( Ga.21 : 19 )
-Phúc thay những kẻ Chết trong Chúa. ( Kn.14 : 13 )
-Khi chấm dứt cuộc đời ở trần thế này, chúng ta không trở lại với thế trần ở nơi nào khác. Con người chỉ Chết một lần. ( Dt.9 : 23 )
-Người đức nghĩa dù chết sớm cũng được nghỉ yên. ( Kn.4 : 7 )
-Khi sắp Chết con người hết lòng kêu cầu lên Chúa với hy vọng Ngài sẽ không bỏ rơi họ. ( Tv.16 : 10 )
-Chính Thiên Chúa đã nuôi dưỡng niềm hy vọng và đã để cho niềm hy vọng nối dài, vì Ngài đã không giao tôi cho Thần Chết. ( Tv.118 : 18 )
-Xin Thiên Chúa kéo con lên khỏi ngục Tử Thần, để ca tụng Chúa tại cửa thành Sion. ( Tv.9 : 14 )
-Tôi không Chết, nhưng bước vào cõi Sống. ( Têrêsa Hài Đồng Giêsu )
-Sự Chết cao quí vì nó chấm dứt những lao công vất vả, nó là chìa khóa mở dẫn đến cuộc sống khải hoàn. ( Thánh Bênađô )
-Mọi người hãy vui mừng với tôi, vì tôi sắp lìa bỏ chốn sầu khổ để đến nơi an nghỉ. ( Thánh Nữ Catarina )
-Đời sống với tôi là Đức Kitô và sự Chết đối với tôi là ngày lãnh công. ( Thánh Philiphê )
-Lạy Chúa, bây giờ cho tôi tớ Chúa chết bình an ! (Lời Ông Simêon khi ẵm Chúa Hài Nhi )
-Tôi ao ước Chết để được ở với Chúa Kitô. ( Thánh Phao-lô )
-Chính lúc Chết đi là khi vui sống muôn đời. ( Kinh Hòa bình- Thánh Phanxicô Assisi )
-Lạy Chúa nhân từ ! Xin thương đoàn tụ con cái Cha đang tản mạn khắp nơi. Xin thương cho ông bà, cha me, anh chị em chúng con đã qua đời và tất cả những ai đã ly trần trong ơn nghĩa Chúa, nơi chúng con hy vọng sẽ tới, để cùnnhau hưởng vinh quang Chúa muôn đời. ( Lời Vị Chủ Tế đọc trong Thánh Lễ )

+ Suy niệm về Sự Chết +

“Chỉ trong Thiên Chúa mà thôi,
Hồn tôi mới được nghỉ ngơi muôn đời

Nếu chết là một chấm hết, thì cái chấm hết ấy có lẽ chỉ có giá trị đối với sự thù hận. Người chết không còn hận thù nhau nữạ Dù có căm thù sâu sắc đến đâu, nằm kề bên nhau trong một nghĩa địa, những người chết sẽ không bao giờ thấy một cuộc chiến giữa những người chết. Nếu có một thế giới không còn chiến tranh, không còn vũ khí, không còn hận thù nhau nữẫ. có lẽ đó là thế giới của nghĩa trang. Nơi đó chính là nơi an nghỉ khỏi mọi thù hận.

Cái chết, dù độc ác đến đâu, cũng trở thành đấu chỉ của hòa bình... Ðó là điều mà chúng ta có thể xác quyết khi nhìn ngắm cái chết của Ðức Kitô trên thập giá. Ngài chết để lôi kéo mọi người đến với Ngàị Và để thực hiện điều đó, trong những giây phút cuối cùng của cuộc sống trần gian, Ngài đã tha thứ ngay cho những kẻ đang hành hạ Ngài.

Trong cái chết của Chúa Giêsu, chúng ta hãy tưởng nhớ đến những người quá cố. Những người quá cố đó có thể là những người thân của chúng ta, họ cũng có thể là những người chúng ta chưa hề quen biết, nhưng nhất là những người đã từng là kẻ thù của chúng ta. Tâm tình của người Kitô chúng ta trước hết phải là tâm tình tha thứ của Chúa Giêsữ. Cái chết của Chúa Giêsu đã trở thành nguồn ơn cứu rỗi và hòa bình. Cái chết của những người Nhật Bản tại Hiroshima đã trở thành một lời kêu gọi xây dựng hòa bình và tha thứ... Cái chết của những người mà chúng ta đang ngậm ngùi tưởng niệm trong ngày tháng qua cũng phải là một âm vang của chính cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá: “ Xin Cha tha cho chúng.”


+ Hãy mai táng chính mình +

Một vị linh mục nọ đã có một sáng kiến rất ngộ nghĩnh để đánh động giáo dân trong giáo xứ. Một buổi sáng Chúa Nhật nọ, dân chúng bỗng nghe một lời rao báo như sau: “Một nhân vật trong giáo xứ vừa qua đời. Tang lễ sẽ được cử hành vào sáng thứ Tư tới”. Nghe lời loan báo ấy, cả giáo xứ nhốn nháo lên. Người nào cũng muốn biết con người quan trọng ấy là ai.
Ðúng ngày tang lễ, mọi người trong giáo xứ nườm nượp kéo nhau đến nhà thờ. Từ cung thánh cho đến cuối nhà thờ, không còn một chỗ trống. Người ta đến không phải để cầu nguyện cho người quá cố cho bằng để nhìn mặt lần cuối cùng con người mà ai cũng muốn biết.
Sau thánh lễ, vị linh mục đến mở nắp quan tài để cho mọi người đến chào từ biệt lần cuối cùng người quá cố. Ai ai cũng sắp hàng để nhìn cho kỳ được người chết. Nhưng ai cũng đều ngạc nhiên, bởi vì thay cho thi hài của người chết, mỗi người chỉ nhìn thấy trong quan tài một tấm gương và dĩ nhiên, khi cúi nhìn vào quan tài, mỗi người chỉ nhìn thấy dung nhan của mình mà thôi.
Chờ cho mọi người làm xong nghi thức từ biệt ấy, vị linh mục mới giải thích: “Như anh chị em đã có thể nhận thấy, tôi đã cho đặt vào trong quan tài một tấm kính. Con người mà anh chị em nhìn thấy trong quan tài không ai khác hơn là chính mỗi người trong chúng ta. Vâng, đúng thế, thưa anh chị em, mỗi người chúng ta cần phải mai táng chính mình... Thánh lễ vừa rồi đã được cử hành cho tất cả chúng ta”.

Phụ dẫn : Phỏng vấn Bà Maria Simma
lần đầu tiếp xúc với các Linh Hồn

- VÀO LÚC CHẾT
Lòng thống hối ăn năn có vai trò gì trong giờ chết?
- Ăn năn thống hối rất quan trọng. Trong mọi trường hợp thì tội được tha, nhưng những hệ quả của tội vẫn còn đó. Nếu một người muốn được toàn xá (tha bổng) vào lúc chết, nghĩa là được đi thẳng vào Thiên Đàng, thì linh hồn phải thoát khỏi mọi ràng buộc.

Ở đây tôi muốn chia sẻ một chứng từ rất có ý nghĩa do bà Maria kể.
Bà được yêu cầu tìm ra linh hồn một phụ nữ, mà họ hàng tin là đã hư vong, vì lối sống kinh khủng của bà trước khi qua đời. Bà ấy bị tai nạn, rơi từ xe lửa xuống và chết.
Một linh hồn kể với bà Maria rằng: người phụ nữ ấy đã được cứu, được cứu khỏi Hỏa Ngục, bởi vì vào lúc chết, bà đã thưa với Chúa: “Chúa lấy mạng sống con thì rất đúng, vì con sẽ không thể nào xúc phạm Chúa được nữa”. Chính nhờ vậy, mà tội lỗi của bà đã được xóa.
Thí dụ này đầy ý nghĩa, vì nó cho chúng ta thấy rằng: chỉ một khoảnh khắc khiêm nhường và ăn năn vào lúc chết, cũng có thể cứu chúng ta.
Nói vậy không có nghĩa là bà ấy không phải vào Luyện Ngục, nhưng bà ấy tránh được Hỏa Ngục, mà có lẽ bà đáng phải chịu, vì sự bất kính, báng bổ của mình.
Thưa bà Maria Simma, tôi muốn hỏi bà: Vào lúc chết, trước khi bước vào vĩnh cửu, linh hồn có được ban cho một thời gian để quay về với Chúa hay không? Chẳng hạn như một thời gian giữa cái chết có vẻ thật và cái chết thật?
- Có chứ, có chứ, Chúa ban cho mỗi người nhiều phút để hối tiếc về tội lỗi đã phạm và để quyết định: Tôi chấp nhận, hay tôi không chấp nhận đi gặp Thiên Chúa. Lúc ấy, chúng ta được xem cuốn phim về cuộc đời minh.
Tôi biết có người đàn ông kia, tuy ông tin những gì Hội Thánh dạy, nhưng lại không tin có sự sống đời đời. Một hôm, ông lâm bệnh nặng và bị hôn mê. Ông thấy mình ở trong một căn phòng có treo tấm bảng ghi lại tất cả những gì ông đã làm, điều tốt cũng như điều xấu. Bỗng tấm bảng cũng như các bức tường của căn phòng biến đi hết, để lộ ra một quang cảnh đẹp không thể tả, khiến ông ngây ngất. Sau đó ông tỉnh dậy, ra khỏi cơn hôn mê và quyết định thay đổi lối sống.
Sự việc kể trên rất giống với chứng từ về “các kinh nghiệm và tình trạng cận tử - gần cái chết”, là một kinh nghiệm về ánh sáng siêu nhiên, khiến cho người ta không thể tiếp tục sống như trước.
Thưa bà Maria, mọi linh hồn có được nhìn thấy Thiên Chúa như nhau vào lúc chết không?
- Mỗi linh hồn được ban cho sự hiểu biết về cuộc sống của mình và cả những đau khổ sắp đến nữa, nhưng không phải ai cũng được như ai. Mức độ mà Thiên Chúa tỏ mình ra, tùy thuộc vào cuộc sống của từng người.
Thưa bà, ma quỷ có được phép tấn công chúng ta vào lúc chết không?
- Có, nhưng con người có ơn Chúa, để chống cự và xua đuổi nó. Vì vậy khi con người không muốn dính dáng gì đến ma quỷ, thì nó không làm gì được.
Đúng là một tin vui! Khi một người biết mình sắp chết, người ấy nên chuẩn bị thế nào cho tốt nhất?
- Trao phó mình hoàn toàn cho Chúa. Hãy dâng lên tất cả mọi đau đớn khổ sở của mình. Hãy hoàn toàn vui mừng trong Chúa.
Và người ta phải có thái độ nào trước một người sắp chết? Điều tốt nhất có thể làm cho họ là gì?
- Cầu nguyện thật nhiều! Hãy chuẩn bị cho họ chết. Người ta cần phải nói sự thật.
Thưa bà, bà có lời khuyên nào cho những người muốn nên thánh ngay từ đời này?
- Hãy khiêm nhường thật nhiều. Chúng ta không được tự mãn. Kiêu ngạo, là cái bẫy của ma quỷ.
Thưa bà, xin cho chúng tôi biết: Người ta có thể xin Chúa cho mình được trải qua Luyện Ngục ngay ở trần gian này, để sau khi chết, không phải vào Luyện Ngục không?
- Được chứ. Tôi biết một linh mục và một phụ nữ trẻ, cả hai đều bị bệnh lao và phải nằm bệnh viện. Người phụ nữ nói với linh mục: “Chúng ta hãy xin Chúa ban cho đủ
sức chịu đau khổ từ trần gian này, để mai sau được vào thẳng Thiên Đàng.”
Linh mục trả lời rằng : ông không dám xin điều đó.
Gần bên có một nữ tu. Tất cả những gì hai người nói với nhau đã lọt vào tai bà. Người phụ nữ trẻ chết trước, linh mục chết sau, và ông hiện về với nữ tu, bảo rằng:
“ Giá mà tôi cũng biết trông cậy như chị kia, thì tôi cũng đã được vào thẳng Thiên Đàng như chị ta rồi!”
Xin cảm ơn bà về chứng từ tuyệt vời này.

Đinh văn Tiến Hùng- Tổng hợp

 
VietCatholic TV
Kyiv nhận được 5 chiến đấu cơ F-16 đầu tiên. Nổ lớn đồng loạt ở Crimea. Hộ tống hạm Askold chìm dần
VietCatholic Media
02:27 08/11/2023


1. Ukraine nhận được bản cập nhật lớn về F-16

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Ukraine Receives Major Update on F-16s”, nghĩa là “Ukraine nhận được một cập nhật chủ yếu về F-16.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Lô chiến đấu cơ F-16 đầu tiên do Mỹ sản xuất đã đến một trung tâm huấn luyện ở Rumani khi NATO thúc đẩy tăng cường phòng không cho Ukraine.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy hôm thứ Ba đã thông báo rằng 5 chiếc F-16 do Hà Lan tặng đã đến Trung tâm Huấn luyện F-16 Âu Châu. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Hà Lan Kajsa Ollongren xác nhận sự xuất hiện của các máy bay phản lực trong một bài viết riêng, cho biết trung tâm sẽ sớm mở cửa để đào tạo phi công từ Ukraine và các nước NATO cách vận hành máy bay.

“Chúng tôi tiếp tục làm việc cùng nhau để chào đón F-16 bay vào bầu trời Ukraine càng sớm càng tốt”, ông Zelenskiy nói thêm trong bài đăng của mình.

Hồi tháng 8, Hà Lan hứa sẽ tặng một số máy bay F-16 của riêng mình để thúc đẩy cuộc chiến của Ukraine chống lại cuộc xâm lược của Nga. Vì chiến đấu cơ là do Mỹ sản xuất nên Washington đã phải ký vào kế hoạch giao hàng. Các thành viên NATO là Đan Mạch, Na Uy và Bỉ cũng tuyên bố rằng họ sẽ cung cấp một số kho dự trữ F-16 cho Kyiv.

“Những gì đang xảy ra ở Gaza và cuộc tấn công khủng bố vào Israel cũng như tất cả những gì tiếp theo sau đó không, sẽ không và không thể làm chúng tôi phân tâm khỏi những gì đang xảy ra giữa các bạn và Nga, thực tế là các bạn đang chống lại sự xâm lược của Nga, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cho biết trong cuộc họp trực tuyến gần đây với Zelenskiy.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Đan Mạch Troels Lund Poulsen tuyên bố vào tháng 10 rằng ông dự kiến chuyến giao máy bay F-16 đầu tiên cho Ukraine sẽ đến vào tháng 3 hoặc tháng 4. Bỉ cho biết họ không hy vọng máy bay của mình sẽ đến Ukraine cho đến năm 2025.

Bộ Quốc phòng Mỹ trước đó cho biết họ sẽ chỉ đạo các chương trình đào tạo cho phi công Ukraine học cách vận hành F-16. Các máy bay này sẽ không được cung cấp cho Kyiv để sử dụng trên chiến trường cho đến khi phi công được huấn luyện đầy đủ.

Các phi công Ukraine hiện đang vận hành các máy bay phản lực thời Liên Xô và Zelenskiy đã đưa ra nhiều lời đề nghị nâng cấp máy bay từ các đồng minh phương Tây của mình. Putin từng nói rằng việc cung cấp F-16 cho Ukraine sẽ không làm thay đổi cục diện cuộc chiến.

“Họ sẽ cung cấp F-16. Nó sẽ thay đổi chăng? Không,” Putin nói trong Diễn đàn kinh tế phương Đông vào tháng 9. “Điều này chỉ đơn giản là kéo dài xung đột.”

2. Hình ảnh cho thấy hộ tống hạm 'Askold' của Nga đã bị hư hại hoàn toàn

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Photo Shows Charred Hull of Russia's 'Askold' Corvette Hit by SCALP Missile”, nghĩa là “Hình ảnh cho thấy thân tàu bị cháy của hộ tống hạm 'Askold' của Nga bị hỏa tiễn SCALP bắn trúng.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy

Một bức ảnh và video lan truyền trên mạng xã hội cho thấy phần còn lại cháy đen của hộ tống hạm mang hỏa tiễn hành trình Askold mới tinh của Nga mà các quan chức cho rằng đã bị tấn công trong cuộc tấn công của Ukraine vào một xưởng đóng tàu ở Crimea sáp nhập vào tuần trước.

Kênh Telegram của Nga Military Informant, có hơn 600.000 người ghi danh, đã chia sẻ hình ảnh này hôm thứ Hai. Kênh này cho biết họ chiếu cảnh hậu quả của những cú đánh trực tiếp của hỏa tiễn Storm Shadow vào tàu Askold, một tàu hộ tống lớp Karakurt, tại xưởng đóng tàu Zaliv vào ngày 4 tháng 11.

Diễn biến này xảy ra sau khi Mykola Oleshchuk Mykola Oleshchuk, chỉ huy lực lượng không quân Ukraine, nói rằng người Ukraine đã tấn công vào xưởng đóng tàu ở bán đảo Hắc Hải, nơi đã bị Nga sáp nhập vào năm 2014. Trong bài đăng của ông trên Telegram. Ông Oleshchuk không nêu tên con tàu nhưng cho biết Mạc Tư Khoa đang giữ một trong những tàu chiến hiện đại nhất, có khả năng mang hỏa tiễn hành trình Kalibr, tại xưởng đóng tàu.

Andriy Ryzhenko, thuyền trưởng của lực lượng dự bị hải quân Ukraine, nói với Schems, một dự án do Radio Liberty do Mỹ tài trợ, rằng, theo thông tin của ông, vào ngày 4 tháng 11, “ở Kerch, vào thời điểm xảy ra vụ nổ, chỉ có một con tàu có khả năng mang hỏa tiễn Kalibr, cụ thể là Askold.”

“Bạn có thể thấy rằng (con tàu) vẫn nổi, nhưng phần trên của con tàu bị hư hỏng đáng kể,” Ryzhenko nói, đề cập đến những hình ảnh vệ tinh do công ty hình ảnh toàn cầu Planet Labs có trụ sở tại California công bố cho thấy hậu quả của trận động đất. tấn công tàu.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết một trong các tàu chiến của họ đã bị hư hại trong cuộc tấn công mà không nêu rõ chi tiết, nhưng nói thêm rằng lực lượng của họ được cho là đã bắn hạ 13 trong số 15 hỏa tiễn hành trình do Ukraine bắn.

Bức ảnh lan truyền trên mạng dường như cho thấy thân tàu cháy đen và cháy đen, trong khi một đoạn video xuất hiện cho thấy khoảnh khắc tàu chiến bị trúng hỏa tiễn.

Nhà phân tích quân sự Ian Matveev cho biết trong một bài đăng trên X, trước đây gọi là Twitter, rằng đoạn video cho thấy hỏa tiễn SCALP hoặc Storm Shadow của Pháp đã bắn trúng một tàu chiến nhỏ tại nhà máy đóng tàu.

Phát ngôn nhân Bộ chỉ huy miền Nam của Ukraine Natalia Humeniuk hôm Chúa Nhật cho biết cuộc tấn công ở miền đông Crimea bị sáp nhập vào tuần trước đã gây ra thiệt hại “đáng kể” cho người Nga.

“Đối với cuộc tấn công vào xưởng đóng tàu Kerch, hậu quả vẫn chưa được xác minh đầy đủ, nhưng chúng tôi đang nói về thực tế rằng cuộc tấn công diễn ra mạnh mẽ, thành công và hoàn toàn hợp pháp, vì đây là những tài sản bảo đảm khả năng chiến đấu của đối phương,” Humeniuk nói trên truyền hình quốc gia.

Cô nói thêm rằng, mặc dù Ukraine chưa có báo cáo đầy đủ về mức độ hư hại nặng nề của tàu phi trường hỏa tiễn nhưng “dựa trên những hình ảnh chúng tôi đã xem, thiệt hại là khá đáng kể”.

Humeniuk nói: “Điều này có nghĩa là con tàu chắc chắn sẽ không sớm quay trở lại hoạt động”.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy tuyên bố sẽ đảo ngược việc Nga sáp nhập Crimea năm 2014 và các cuộc tấn công vào bán đảo này đang gia tăng cường độ. Ukraine hồi tháng 9 đã tiến hành một cuộc tấn công bằng hỏa tiễn hành trình vào cảng Sevastopol của Crimea, làm hư hại tàu đổ bộ lớp Ropucha của Nga và tàu ngầm tấn công lớp Kilo của Rostov-on-Don.

3. Igor Girkin cảnh giác người Nga về mục tiêu của quân Ukraine trong chiến dịch mùa Đông

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Ukraine's Key Winter Campaign Target, According to Igor Girkin”, nghĩa là “Mục tiêu then chốt trong chiến dịch mùa đông của Ukraine, theo Igor Girkin.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân

Cựu chỉ huy quân đội Nga Igor Girkin, người từng chỉ trích mạnh mẽ cách giải quyết cuộc chiến ở Ukraine và hiện đang ở tù, đã nêu trong một bức thư những gì ông tin rằng sẽ là mục tiêu chính của chiến dịch mùa đông của Kyiv trong những tháng tới.

Bức thư đề ngày 26 tháng 10 và được vợ ông, Miroslava Reginskaya đăng trực tuyến vào hôm thứ Hai, tóm tắt tình hình tiền tuyến ở Ukraine trong tháng 10.

Girkin, còn được gọi là Strelkov, là một người theo chủ nghĩa dân tộc Nga, một blogger quân sự nổi tiếng và là cựu sĩ quan Cơ quan An ninh Liên bang, gọi tắt là FSB, và người đã đóng vai trò chủ chốt trong vụ Nga sáp nhập bán đảo Crimea ở Hắc Hải từ Ukraine vào năm 2014.

Ông bị bắt vào tháng 7 sau khi đăng bài bình luận xuyên suốt cuộc chiến chỉ trích chiến lược quân sự và những thất bại của Nga. Đặc biệt, một bài đăng trên Telegram cho biết Nga “không thể tồn tại thêm sáu năm dưới sự cai trị của Putin”. Hiện anh ta đang chờ xét xử về tội kích động chủ nghĩa cực đoan.

Trong thư, Girkin cho biết mục tiêu chính của Ukraine trong chiến dịch mùa đông có thể sẽ là chiếm Kinburn Spit, một dải cát hẹp có tầm quan trọng chiến lược ở bờ đông sông Dnipro ở phía nam vùng Kherson, nơi lần đầu tiên bị Nga chiếm giữ vào tháng 6 năm 2022 và vẫn bị tạm chiếm.

Trang Facebook của Bộ chỉ huy tác chiến Ukraine cho biết vào tháng 11 năm 2022 rằng khu vực này là “tâm điểm sinh lực, vũ khí và thiết bị của đối phương”.

London Politica, một cơ quan tư vấn rủi ro chính trị, đã lưu ý rằng các lực lượng Nga đã sử dụng Kinburn Spit để tiến hành các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn và pháo binh vào Bờ Hắc Hải do Ukraine kiểm soát và khắp khu vực Mykolaiv.

“Việc Ukraine kiểm soát Kinburn Spit sẽ cho phép kiểm soát hậu cần trực tiếp các cảng và tăng cường hoạt động hải quân của họ ở Hắc Hải và các khu vực lân cận”, tuyên bố cho biết thêm rằng Kinburn Spit có thể trở thành “điểm đến để khống chế diễn biến cuộc chiến trong tương lai”.

Girkin đã bắt đầu bức thư của mình bằng cách một lần nữa chỉ trích thành tích của Nga trong cuộc phản công của Ukraine, được phát động vào tháng 6 và tìm cách chiếm lại lãnh thổ bị Mạc Tư Khoa chiếm giữ trong cuộc chiến.

Ông viết: “Mặc dù nhìn chung chúng ta đã đẩy lùi thành công cuộc tấn công của Lực lượng vũ trang Ukraine trong chiến dịch hè thu, Lực lượng vũ trang Nga vẫn tiếp tục thể hiện sự yếu kém ngày càng tăng so với khả năng của đối phương”.

“Các lực lượng vũ trang Nga không những không thể tiến hành các hoạt động tấn công trên phạm vi rộng, mà họ cũng không thể tiến hành và hoàn thành thành công ngay cả các cuộc tấn công hạn chế cho các lợi ích chiến thuật,” Girkin nói.

Girkin cho biết các trận chiến ở Avdiivka, một thị trấn ở vùng Donetsk phía đông Ukraine, đã chứng tỏ “sự bất lực của Lực lượng vũ trang Nga trong việc đạt được ưu thế” trước Ukraine “ngay cả trên một khu vực rất hẹp của mặt trận, bất chấp sự chuẩn bị kỹ lưỡng và sự phối hợp tốt của các lực lượng tấn công” và phương tiện ở giai đoạn đầu của chiến dịch, cũng như lượng đạn dược dồi dào chưa từng thấy kể từ cuộc tấn công vào Bakhmut.”

Quân đội của Putin đã dành nguồn lực lớn gần Avdiivka, nơi giao tranh ác liệt vẫn tiếp diễn. Kyiv đưa tin lực lượng Mạc Tư Khoa đã chịu tổn thất nặng nề trong nỗ lực chiếm Avdiivka.

4. Những vụ nổ lớn đã được nghe thấy gần các thị trấn Novofedorivka và Saky ở Crimea, theo các phương tiện truyền thông Nga mà Reuters đưa tin.

Saky nằm ở phía bắc cảng Sevastopol của Crimea và là nơi đặt căn cứ không quân của Nga.

Tin tức về những tiếng nổ long trời được đưa ra khi Thống đốc Sevastopol do Nga bổ nhiệm, Mikhail Razvozhayev, cho biết các hệ thống phòng không đã phá hủy 5 máy bay không người lái do Ukraine phóng vào sáng sớm thứ Ba trên bầu trời Sevastopol.

Các quan chức Nga thường xuyên nói rằng hầu hết hoặc tất cả các hỏa tiễn của Ukraine đều bị bắn hạ, bất kể kết quả thực tế của cuộc tấn công ra sao.

Razvozhayev cho biết các mảnh vỡ rơi xuống mái một ngôi nhà dân ở làng Andriivka, ngoại ô Sevastopol, khiến ngôi nhà bốc cháy trong thời gian ngắn.

Không có bình luận ngay lập tức từ Ukraine. Tuy nhiên, trong cuộc họp báo hôm thứ Tư 8 Tháng Mười Một, phát ngôn nhân Cục Tình Báo Quân Đội Ukraine, Thượng Úy Andriy Yusov, cho biết hoàn toàn hợp pháp khi tấn công các cơ sở hạ tầng quân sự của Nga trên bán đảo Crimea bị Nga tạm chiếm bất hợp pháp.

5. Nga cho biết Ukraine đã bắn 17 máy bay không người lái về phía Crimea

Các phương tiện truyền thông Nga như RIA Novosti, Shot và Interfax cho biết đã có những vụ nổ rất lớn đã được nghe thấy gần các thị trấn Novofedorivka và Saky ở bán đảo Crimea.

Bất kể những tiếng nổ long trời đó, Bộ Quốc phòng Mạc Tư Khoa cho biết Nga đã ngăn chặn một âm mưu tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine vào sáng thứ Ba, bắn hạ các máy bay không người lái trên Hắc Hải và bán đảo Crimea bị sáp nhập.

Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Nga, Trung tướng Igor Konashenkov cho biết: “Vào sáng ngày 7/11, nỗ lực của chính quyền Kyiv nhằm thực hiện một cuộc tấn công khủng bố bằng cách sử dụng 17 máy bay không người lái nhằm vào các tòa nhà trên lãnh thổ Nga đã bị ngăn chặn”.

“Lực lượng phòng không đã phá hủy 9 máy bay không người lái của Ukraine và 8 chiếc khác bị chặn trên Hắc Hải và lãnh thổ Crimea”.

Mạc Tư Khoa và Kyiv đã tiến hành các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái qua đêm vào nhau trong nhiều tháng, và cả hai bên thường tuyên bố đã vô hiệu hóa hoặc bắn hạ hàng chục chiếc mỗi tuần.

Mikhail Razvozhayev, Thống đốc Sevastopol do Nga bổ nhiệm, cho biết các mảnh vỡ rơi xuống đã khiến một người đàn ông bị thương và đang trong tình trạng nghiêm trọng. Razvozhayev cho biết không có thiệt hại nghiêm trọng nào khác.

6. Phản ứng tại Nga trước quyết định đảm nhận một nhiệm kỳ 6 năm nữa của Putin

Người Nga bắt đầu có những phản ứng khi có những tin tức rõ ràng rằng Putin sẽ đảm nhận thêm một nhiệm kỳ 6 năm nữa. Trừ trường hợp có những biến động chính trị hay sức khoẻ, ông ta sẽ tiếp tục cai trị nước Nga cho đến năm 2030.

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Wives of Russian Troops Hold Protest in Mạc Tư Khoa Against Putin's War”, nghĩa là “Vợ của các quân nhân Nga tổ chức biểu tình ở Mạc Tư Khoa phản đối cuộc chiến của Putin” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Vợ và người thân của những người lính Nga phục vụ tại Ukraine đã tổ chức một cuộc biểu tình hôm thứ Ba tại Mạc Tư Khoa để yêu cầu người thân của họ được đưa về nhà.

Đài Âu Châu Tự Do đưa tin hàng trăm phụ nữ đã tham gia cuộc biểu tình cùng với những người ủng hộ, trước khi “cảnh sát phong tỏa họ và ra lệnh cho họ dừng hoạt động”.

Sau khi Putin xâm lược Ukraine vào tháng 2 năm 2022, nhiều cuộc biểu tình đã được tổ chức trên khắp nước Nga. Nhưng những cuộc biểu tình phản chiến đó nhanh chóng lụi tàn sau khi các quan chức Nga trấn áp mọi hình thức bất đồng chính kiến. Putin đã đi xa đến mức ký một đạo luật quy định các phương tiện truyền thông hoặc công dân Nga “cố ý” truyền bá những gì Điện Cẩm Linh cho là thông tin sai lệch về chiến tranh là bất hợp pháp có thể bị phạt tiền hay phạt tù lên tới 15 năm.

Cơ quan truyền thông độc lập của Nga có tên là “Câu chuyện quan trọng” đã viết rằng những người tham gia cuộc biểu tình hôm thứ Ba cho biết họ đã xin phép tổ chức một cuộc biểu tình nhưng bị từ chối vì các hạn chế của COVID-19. Do đó, họ vẫn quyết định biểu tình tại Quảng trường Nhà hát ở trung tâm thành phố Mạc Tư Khoa trong khi một nhóm cộng sản tập hợp nhân kỷ niệm 106 năm Cách mạng Bolshevik.

“Sau đó cảnh sát tới, họ gọi người tổ chức chính và kéo chúng tôi sang một bên. Một quan chức chính phủ đã tiếp cận chúng tôi và chúng tôi đồng ý rằng sau khi đặt hoa tại Lăng, chúng tôi sẽ chuyển lời kêu gọi của anh ta yêu cầu giải tán,” một người tham gia kể lại với cơ quan truyền thông.

Ngay sau khi chiến tranh bắt đầu, một tổ chức được thành lập mang tên Hội đồng Mẹ và Vợ, bao gồm những người thân của những người Nga được huy động. Tuy nhiên, tờ báo độc lập Nga Novaya Gazeta đưa tin vào tháng 7 rằng nhóm này tuyên bố ngừng hoạt động sau khi trang web của họ bị đóng cửa và các quan chức Nga tuyên bố đây là một “đặc vụ nước ngoài”.

Vợ và người thân của các binh sĩ Nga cũng thường xuyên lên mạng xã hội để bày tỏ sự thất vọng về cuộc chiến cũng như cách các thành viên trong gia đình họ bị chỉ huy đối xử. Một ví dụ về điều này xảy ra vào tháng trước khi người thân của quân đội Nga đăng một video lên Telegram kêu gọi Putin đưa người thân của họ ra khỏi tiền tuyến.

Một diễn giả trong đoạn video đó cho biết một tiểu đoàn trong khu vực của họ đã “chịu tổn thất nặng nề. Mỗi phút chúng tôi đều nhận được thông tin về người bị thương và thiệt mạng.”

Đoạn clip kết thúc với cảnh cả nhóm đồng thanh hô vang: “Đưa người của chúng tôi về!”

7. Ngoại trưởng Antony Blinken thăm Nhật Bản

Khi Ngoại trưởng Antony Blinken và các Ngoại trưởng G7 bắt đầu hai ngày đàm phán tại Nhật Bản, Ngoại trưởng Mỹ cho biết điều quan trọng là nhóm này phải thể hiện sự thống nhất về Gaza, như đã từng làm trong cuộc chiến của Nga ở Ukraine, và ngăn chặn những khác biệt hiện có ngày càng sâu sắc hơn.

“Đây cũng là thời điểm rất quan trọng để G7 cùng nhau đối mặt với cuộc khủng hoảng này và lên tiếng với một tiếng nói rõ ràng”, ông Blinken nói với Ngoại trưởng Nhật Bản Yōko Kamikawa ngay sau cuộc hội đàm với thủ tướng Fumio Kishida.

8. Nhật Bản khẳng định sự hỗ trợ của G7 dành cho Ukraine trong cuộc chiến với Nga

Nhật Bản đã tái khẳng định sự hỗ trợ của G7 dành cho Ukraine trong cuộc chiến với Nga sẽ không bị ảnh hưởng bởi xung đột ngày càng gia tăng ở Trung Đông

Nhật Bản hôm thứ Ba cho biết sự hỗ trợ của G7 dành cho Ukraine trong cuộc chiến với Nga sẽ không bị ảnh hưởng bởi cuộc xung đột ngày càng gia tăng ở Trung Đông khi các ngoại trưởng của nhóm này chuẩn bị tổ chức các cuộc đàm phán trực tuyến với Kyiv trong cuộc họp ở Tokyo.

Nhóm bảy quốc gia giàu có (G7) – Anh, Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản và Hoa Kỳ – cũng như Liên minh Âu Châu sẽ gặp nhau tại Tokyo hôm nay và ngày mai để thảo luận các vấn đề bao gồm cuộc chiến của Nga ở Ukraine và cuộc khủng hoảng Israel - Gaza.

“Cam kết của chúng tôi trong việc tiếp tục các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc chống lại Nga và hỗ trợ mạnh mẽ cho Ukraine không hề dao động, ngay cả khi tình hình ở Trung Đông ngày càng căng thẳng”, Ngoại trưởng Nhật Bản Yōko Kamikawa nói trong một cuộc họp báo, Reuters đưa tin.

Kamikawa cho biết G7 đang sắp xếp một cuộc họp ảo với Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba, được tổ chức trong thời gian diễn ra cuộc đàm phán ở Tokyo.

Sau khi các bộ trưởng ngoại giao của khối gặp nhau vào tháng 9, một quan chức cao cấp của Mỹ cho biết các nước G7 đã nhận ra rằng Nga đang giải quyết cuộc chiến ở Ukraine lâu dài hơn và điều này đòi hỏi sự hỗ trợ kinh tế và quân sự lâu dài cho Kyiv.

Nhóm này đã đi đầu trong các lệnh trừng phạt đối với Nga kể từ khi Mạc Tư Khoa xâm chiếm Ukraine vào tháng 2 năm 2022, với việc Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelenskiy, xuất hiện bất ngờ tại hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo G7 ở Hiroshima vào tháng 5.

Trong động thái mới nhất nhằm xoay trục kinh tế đối với Nga, nhóm này đang cân nhắc các đề xuất áp đặt lệnh trừng phạt đối với kim cương của Nga.

9. Bản tin tình báo của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh

Trong bản tin tình báo mới nhất, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh đã đưa ra các nhận định liên quan đến vụ tấn công hộ tống hạm Askold. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Phương Thảo.

Theo báo cáo của các nguồn tin từ Ukraine và Nga, vào ngày 4 tháng 11 năm 2023, một tàu hộ tống hải quân mới đóng của Nga gần như chắc chắn đã bị hư hại sau khi bị tấn công khi đang neo đậu tại xưởng đóng tàu Zaliv ở Kerch, Crimea bị tạm chiếm.

Tàu Askold lớp KARAKURST, hạ thủy năm 2021, chưa được đưa vào sử dụng bởi Hải quân Nga. Vụ việc xảy ra ở xa hơn về phía đông ở Crimea so với hầu hết các cuộc tấn công tầm xa do Ukraine tuyên bố trước đây.

Khả năng Ukraine tấn công cơ sở hạ tầng đóng tàu của Crimea có thể sẽ khiến Nga phải cân nhắc việc di dời ra xa tiền tuyến hơn, và trì hoãn việc giao tàu mới.

10. Hoa Kỳ cho biết Nga đã tài trợ cho chiến dịch chống thông tin sai lệch về Ukraine trên toàn Mỹ Châu Latinh

Reuters đưa tin, Mỹ đã cáo buộc Nga tài trợ cho một chiến dịch thông tin sai lệch trên toàn Mỹ Châu Latinh nhằm cung cấp thông tin tuyên truyền với mục đích làm suy yếu sự ủng hộ dành cho Ukraine và thúc đẩy tình cảm chống Mỹ và chống NATO.

Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết trong một tuyên bố: “Mục tiêu cuối cùng của Điện Cẩm Linh dường như là rửa sạch thông tin tuyên truyền và thông tin sai lệch của mình thông qua các phương tiện truyền thông địa phương theo cách mà khán giả Mỹ Latinh cảm thấy tự nhiên”.

Vào ngày 20 tháng 10, Hoa Kỳ công bố một bản đánh giá tình báo đã được giải mật, gửi tới hơn 100 chính phủ, cho biết Mạc Tư Khoa đang sử dụng gián điệp, mạng xã hội và các phương tiện truyền thông do nhà nước Nga điều hành để làm xói mòn niềm tin của công chúng vào tính liêm chính của các cuộc bầu cử dân chủ.

Tuyên bố hôm thứ Ba cho biết Nga sử dụng các mối liên hệ truyền thông ở Á Căn Đình, Bolivia, Chile, Colombia, Cuba, Mễ Tây Cơ, Venezuela, Brazil, Ecuador, Panama, Paraguay, Peru và Uruguay để truyền bá thông tin sai lệch.

Tuyên bố cho biết “chiến dịch thao túng thông tin” đã được điều phối bởi ba tổ chức của Nga, Cơ quan Thiết kế Xã hội, Viện Phát triển Internet và Structura.

Họ gọi họ là những công ty “cho thuê ảnh hưởng” đã hợp tác với các phương tiện truyền thông địa phương và những người có ảnh hưởng ở Mỹ Latinh.

11. Nga công kích Israel sau khi một bộ trưởng gợi ý tấn công Gaza bằng vũ khí hạt nhân

Bộ Ngoại giao Nga hôm thứ Ba cho biết tuyên bố của một bộ trưởng của Israel, là người dường như bày tỏ sự cởi mở với ý tưởng Israel tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân vào Gaza đã đặt ra nhiều câu hỏi.

Thủ tướng Israel, Benjamin Netanyahu, hôm Chúa Nhật đã đình chỉ bộ trưởng di sản, Amihay Eliyahu, thành viên của một đảng cực hữu trong chính phủ liên minh. Eliyahu sẽ không được tham gia các cuộc họp nội các “cho đến khi có thông báo mới”.

Khi được hỏi trong một cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh về một giải pháp hạt nhân, Eliyahu đã trả lời: “Đó là một cách”.

Nhận xét của ông đã nhanh chóng thu hút sự lên án từ khắp thế giới Ả Rập, gây tai tiếng cho các đài truyền hình chính thống của Israel và bị một quan chức Mỹ coi là “phản cảm”.

“Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế phải hành động ngay lập tức và liên tục để giải trừ chế độ dã man và phân biệt chủng tộc này. Ngày mai đã muộn”, Ngoại trưởng Iran, Hossein Amirabdollahian, nói hôm thứ Hai.

Trong khi đó, Phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Nga Maria Zakharova, cho biết hôm thứ Ba: “Điều này đã đặt ra một số lượng lớn câu hỏi”.

Zakharova cho biết vấn đề chính là Israel dường như đã thừa nhận rằng họ có vũ khí hạt nhân. Israel không công khai thừa nhận mình có vũ khí hạt nhân mặc dù Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ ước tính Israel có khoảng 90 đầu đạn hạt nhân.

“Câu hỏi số một – hóa ra là chúng ta đang nghe những tuyên bố chính thức về sự hiện diện của vũ khí hạt nhân?” Zakharova nói. “Nếu vậy, thì Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế và các thanh sát viên hạt nhân quốc tế ở đâu?”
 
Đức Cha Brennan bày tỏ sự kinh hoàng vì LM cấp tiến cho vũ nữ không mặc quần nhảy múa trên bàn thờ
VietCatholic Media
05:12 08/11/2023


1. Đức Thượng phụ Pizzaballa kêu gọi trợ giúp

Đức Hồng Y Pierbattista Pizzaballa, Thượng phụ Công Giáo Latinh ở Giêrusalem, kêu gọi cứu trợ dân chúng đang bị thương tổn vì chiến tranh tại Thánh địa.

Trong thông cáo, công bố ngày 03 tháng Mười Một vừa qua, Đức Thượng phụ nói rằng: “Cuộc khủng hoảng hiện nay không những gây ra chết chóc, tàn phá và đói khổ tại miền Gaza, nhưng còn tạo nên tình trạng thất nghiệp cao, đặc biệt tại vùng Bethlehem, cùng với những vấn đề xã hội khác trong toàn vùng Thánh địa”.

Đức Thượng phụ Pizzaballa nói thêm rằng cuộc khủng hoảng hiện thời làm thương tổn vô số các gia đình, thuộc các tôn giáo khác nhau, và cả các tổ chức của Giáo hội, trong đó có các trường học và nhà thương. Đặc biệt tại miền Gaza, tất cả các tài nguyên của Giáo hội được chia sẻ, kể cả với những người láng giềng túng quẫn và dân chúng chạy đến tị nạn trong các cơ sở của Giáo Hội Công Giáo. “Chúng ta đã học trong thời điểm khó khăn hiện nay rằng chúng ta phải kiến tạo và bảo vệ sự tín nhiệm giữa con người, để tái thiết thế giới thể lý.”

Đức Thượng phụ nói thêm rằng: “Hằng trăm người trên thế giới đã tiếp xúc với chúng tôi và đã giúp đỡ cụ thể. Chúng tôi biết phải làm gì. Chúng tôi đã đã làm với tất cả tâm hồn trong những cuộc khủng hoảng trước đây và chắc chắn chúng tôi sẽ làm như vậy nữa. Xin anh chị em giúp đỡ chúng tôi tạo nên một bối cảnh cần thiết để trong xã hội bị oán thù này, còn có thể gieo vãi những hạt giống tín nhiệm, hy vọng và yêu thương trong một xã hội bị ảnh hưởng của oán ghét hiện nay”.

2. Hơn 40.000 bạn trẻ hành hương đến đền thờ Đức Mẹ Rio Blanco ở Á Căn Đình

Trong tháng 10 với chủ đề “Như các vị tử đạo, cùng với Đức Maria, vững vàng trong đức tin”, hàng ngàn người từ tỉnh miền bắc Jujuy ở Á Căn Đình đã thực hiện các cuộc hành hương đến đền thờ của vị thánh bảo trợ của họ, Đức Trinh Nữ Río Blanco và Paypaya.. Cuối tuần trước, hơn 40.000 bạn trẻ đã đến hành hương.

Những người hành hương, đến từ các vùng khác nhau trong tỉnh, đã bắt đầu đến Río Blanco vào hôm thứ Sáu, ngày 27 tháng 10, một số sau khi đi bộ hơn 60 dặm. Khi đến đó, họ cắm trại trong khuôn viên đền thờ.

Vào chiều thứ Bảy, các hoạt động bắt đầu do mục vụ giới trẻ giáo phận tổ chức.

Thứ Bảy lên đến đỉnh điểm với việc cử hành Thánh lễ và đêm chầu Mình Thánh Chúa kéo dài đến 11 giờ đêm.

Những người hành hương tiếp tục đến cho đến Chúa Nhật để tham dự Thánh lễ chính do Đức Giám Mục của giáo phận Jujuy, là Đức Cha César Daniel Fernández cử hành.

Trong bài giảng, vị Giám Mục khuyến khích các bạn trẻ cảm thấy được Thiên Chúa yêu thương một cách cá vị. Ngài nói: “Thiên Chúa được khắc sâu vào trái tim của những người đã được rửa tội và không bao giờ bỏ rơi chúng ta”.

Trong suốt Chúa Nhật, các Thánh lễ được cử hành tại đền thờ xen kẽ với những buổi lần hạt Mân Côi.

Phát biểu trên bản tin trực tuyến Todo Jujuy của giáo phận, Đức Cha Fernández cho biết: “Với niềm vui lớn lao, chúng ta nhận được rất nhiều sự hy sinh, nỗ lực và nhiệt huyết từ những người trẻ mong muốn những điều tuyệt vời cho cuộc sống của họ”.

Ngài kêu gọi: “Chúng ta, với tư cách là người lớn, phải cầu chúc những điều tốt đẹp nhất cho các em và tạo điều kiện tốt nhất cho các em thông qua các điều kiện để các em có thể làm việc, học tập và mang lại ý nghĩa cho cuộc sống của mình”.

Vị Giám Mục cho rằng “cuộc hẹn hò” mà giới trẻ gặp nhau hàng năm ở Río Blanco “sẽ mang lại cho họ rất nhiều sức mạnh để tiếp tục chiến đấu trong cuộc sống hàng ngày”.

“Chúng tôi luôn hy vọng rằng thánh đường này, biểu tượng của tỉnh, là trung tâm tôn giáo, có điều kiện tốt nhất để mang đến cho mọi người một nơi gặp gỡ Thiên Chúa. Đức tin không hề suy giảm,” ngài kết luận.


Source:Catholic News Agency

3. Giám mục Brooklyn kỷ luật cha sở đã cho phép ngôi sao nhạc pop quay video ca nhạc khiêu dâm trong nhà thờ

Giáo phận Brooklyn hôm thứ Bảy thông báo rằng một cha sở địa phương đã cho phép một ngôi sao nhạc pop quay một video ca nhạc dâm dục trong nhà thờ không còn có quyền giám sát hành chính đối với giáo xứ nữa.

Đức Giám Mục Brennan cho biết trong một tuyên bố ngày 2 tháng 11 rằng ngài “kinh hoàng” khi biết về đoạn video và sẽ điều tra xem nó được phép diễn ra như thế nào.

Ngoài ra, giáo phận nói với CNA rằng Đức Cha Brooklyn Robert Brennan đã cử hành Thánh lễ đền tạ, và tái thánh hiến nhà thờ vào sáng thứ Bảy để đáp lại hành vi xúc phạm.

Giáo phận cho biết trong một tuyên bố: “Qua việc dâng Thánh lễ này, Đức Giám Mục Brennan đã khôi phục lại sự thánh thiện của nhà thờ này và sửa chữa những tổn hại”.

Video âm nhạc đã thu hút hơn 3,6 triệu lượt xem, cho thấy ngôi sao nhạc pop Sabrina Carpenter ăn mặc hở hang, nhảy múa trong một điệu nhạc khiêu dâm trên cung thánh, và có lúc nhảy lên bàn thờ của ngôi nhà thờ lịch sử có từ thế kỷ thứ 19 trong khu phố Brooklyn của New York là nhà thờ Annunciation of the Blessed Virgin Mary Church, nghĩa là nhà thờ Truyền Tin Cho Đức Trinh Nữ Maria.

Việc phát hành video “Feather” vào ngày 31 tháng 10 đã gây ra một làn sóng phẫn nộ trên mạng xã hội, dẫn đến những kêu gọi tái thánh hiến nhà thờ cũng như cầu nguyện đền tạ.

“Cha sở là ai? Tại sao ông ấy lại cho phép điều này?” một bài đăng trên mạng xã hội đã hỏi. “Làm thế quái nào mà giáo phận lại cho phép điều này xảy ra?” một bài đăng khác hỏi.

Cha sở, Đức ông Jamie Gigantiello, đã không trả lời yêu cầu bình luận của CNA vào ngày 2 tháng 11 và ông cũng không đưa ra bình luận ngay lập tức vào thứ Bảy. Nhà thờ Truyền tin của Đức Trinh Nữ Maria đã sáp nhập với Nhà thờ Đức Mẹ Núi Carmel gần đó để thành lập Giáo xứ Truyền tin Đức Mẹ Núi Carmêlô vào năm 2018.

Trong tuyên bố hôm thứ Bảy, giáo phận nói với CNA rằng “việc xem xét các tài liệu được trình lên giáo xứ trước khi sản xuất, dù không mô tả chi tiết toàn bộ cảnh quay, đã có những mô tả rõ ràng về các hành vi không phù hợp về luân lý nói chung, và đặc biệt đối với một ngôi thánh đường”.

“Vì vấn đề này”, tuyên bố tiếp tục, “Đức Giám Mục Brennan đã bổ nhiệm Giám Mục Phụ Tá Witold Mroziewski làm cha sở tạm thời của Giáo xứ Truyền tin Đức Mẹ Núi Carmêlô”. Tuyên bố cho biết Mroziewski sẽ đảm nhận “tất cả sự giám sát hành chính” đối với giáo xứ trong khi chờ các cuộc kiểm tra hành chính “sẽ bắt đầu ngay lập tức”.

“Ngoài ra, nhiệm kỳ của Đức ông Gigantiello với tư cách là Đại diện Phát triển cho Giáo phận đã kết thúc kể từ ngày 3 tháng 11 năm 2023,” tuyên bố cho biết. John Quaglione, phát ngôn viên của giáo phận, nói với CNA hôm thứ Bảy rằng Đức Giám Mục Brennan đã quyết định loại bỏ Gigantiello khỏi vai trò đó “sau khi vị linh mục cho phép quay video ca nhạc trong nhà thờ”.

Cho đến nay, Đức Giám Mục Brennan chưa đưa ra quyết định treo chén Đức ông Jamie Gigantiello, vì còn chờ cuộc điều tra. Tuy nhiên, trong thánh lễ Chúa Nhật 5 Tháng Mười Một, giáo dân đã bỏ về khi thấy cha Gigantiello dâng lễ.

Giáo phận cho biết, Đức Giám Mục Brennan, được sự giúp đỡ của tổng đại diện giáo phận, Đức ông Joseph Grimaldi, đã làm tái thánh hiến bàn thờ và nhà thờ vào hôm thứ Bảy. Cha Michele Vricella, cha sở giáo xứ tại Giáo xứ Truyền tin Đức Mẹ Núi Carmel, và một trong các phó tế của giáo xứ, Phó tế Michael Chirichella, đã hỗ trợ chuẩn bị bàn thờ để tái thánh hiến.

Giáo xứ Truyền tin Đức Trinh Nữ Maria được thành lập vào năm 1863. Theo tờ báo của giáo phận Tablet, trong hơn 100 năm, nhà thờ này đã là ngôi nhà của người Công Giáo Lithuania.

Theo Tablet, Truyền Tin là “nhà thờ duy nhất ở khu vực đô thị New York tổ chức Thánh lễ Chúa Nhật hàng tuần bằng tiếng Lithuania”.


Source:Catholic News Agency
 
Moscow bàng hoàng: Giữa phố phường, Đại Tá nổ tung. NATO lên án Nga bội ước. Giao tranh Israel-Hamas
VietCatholic Media
10:40 08/11/2023


1. Đại Tá Mikhail Filiponenko, nguyên Tổng Tham Mưu Trưởng quân đội của cái gọi là Cộng hòa Nhân Dân Luhansk, nổ tung

Lúc 12 giờ trưa ngày Thứ Tư, 8 Tháng Mười Một, theo giờ địa phương, tức là 4 giờ chiều cùng ngày theo giờ Việt Nam, Đại Tá Mikhail Filiponenko, nguyên Tổng Tham Mưu Trưởng quân đội của cái gọi là Cộng hòa Nhân Dân Luhansk, gọi tắt là LPR, đã bị đặt bom nổ tung khi ông ta đang lái xe trong khu vực Luhansk.

Những người lái xe đi ngang qua chứng kiến vụ nổ. Một trong những nhân chứng nói với RIA Novosti rằng mọi người đã cố gắng giúp đỡ Filiponenko nhưng ông ta đã chết ngay tại chỗ.

Đây không phải là nỗ lực đầu tiên nhằm vào cuộc đời của Filiponenko. Vào tháng 2 năm 2022, chiếc xe của ông bị nổ tung tại Bộ Tổng Tham Mưu của LPR mà ông ta đứng đầu. Filiponenko sống sót nhưng tài xế của ông ta bị thương.

Filiponenko là người Nga nhưng sinh tại Luhansk, Ukraine vào ngày 20 tháng 6 năm 1975. Ông tốt nghiệp Đại học Kiến trúc và Xây dựng Quốc gia Kyiv và là một doanh nhân tư nhân trong ngành xây dựng. Từ năm 2014 đến năm 2022, ông tham gia vào cái gọi là quân đội của Cộng hòa Nhân Dân Luhansk, và leo đến chức Tổng Tham Mưu Trưởng quân đội LPR.

Sau khi dẫn toàn quân bỏ chạy trong trận Lyman hồi đầu tháng 10, 2022, Filiponenko bị cách chức và giải ngũ. Vào thời điểm bị nổ bom chết, Filiponenko là phó chủ tịch Quốc Hội LPR.

Filiponenko có hai người con. Đứa con trai ông ta, 13 tuổi nói với Trung tâm Thông tin Luhansk, một hãng thông tấn do các quan chức do Mạc Tư Khoa điều hành trong khu vực, là một thiết bị nổ phát nổ ngay trong xe của Mikhail Filiponenko.

Truyền thông Nga đăng tải những bức ảnh cho thấy một chiếc xe bị phá hủy đậu dọc bên đường, máu vương vãi khắp ghế lái, mà họ nói là hậu quả của vụ tấn công.

Ủy ban Điều tra Nga, cơ quan điều tra các tội ác lớn, sau đó thông báo rằng họ đã mở cuộc điều tra hình sự về vụ đánh bom xe.

Một số nhân vật cao cấp ủng hộ cho cuộc xâm lược Ukraine của Mạc Tư Khoa, cũng như các quan chức được Điện Cẩm Linh hậu thuẫn tại các vùng lãnh thổ bị lực lượng Nga chiếm giữ đã bị tấn công và ám sát.

Tháng trước, một tay súng ở Crimea đã bắn bị thương Oleg Tsaryov, một cựu nghị sĩ Ukraine, người từng được cho là Tổng thống lâm thời của Ukraine nếu Putin chiếm được Kyiv.

Mạc Tư Khoa đã tuyên bố rằng các cơ quan mật vụ Ukraine đứng đằng sau vụ này và một số vụ tấn công khác, bao gồm vụ đánh bom xe vào người theo chủ nghĩa dân tộc Darya Dugina bên ngoài Mạc Tư Khoa năm ngoái và vụ đánh bom blogger quân sự Vladlen Tatarsky tại một quán cà phê ở St. Petersburg vào tháng Tư.

Không có bình luận ngay lập tức từ Kyiv về vụ đánh bom hôm thứ Tư.

2. Ukraine triển khai thêm vũ khí mới, gây tổn thất nặng cho quân xâm lược

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia's Military Suffers Blow As Ukraine Deploys New Weapons”, nghĩa là “Quân đội Nga hứng đòn đau khi Ukraine triển khai vũ khí mới.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Một nhà sản xuất công nghiệp quốc phòng Ukraine hôm thứ Hai thông báo rằng các máy bay không người lái cảm tử kamikaze được sản xuất trong nước đã sẵn sàng được triển khai trong cuộc chiến ở Kyiv chống lại Nga.

Theo một cuộc phỏng vấn được công bố bởi Economic Truth với Herman Smetanin, tổng giám đốc của nhà sản xuất vũ khí nhà nước Ukroboronprom, cho biết các máy bay không người lái có tầm bắn tối đa 1.000 km (khoảng 621 dặm) được sản xuất với sự trợ giúp của các nhà cung cấp nước ngoài.

Phát ngôn nhân của Ukroboronprom Nataliya Sad tuyên bố vào tháng 6 rằng một cuộc thử nghiệm thành công đã được thực hiện bằng cách sử dụng máy bay không người lái có khả năng đạt tới 1.000 km.

“Nó đã được sản xuất,” Smetanin nói với Economic Truth khi được yêu cầu cập nhật thông tin về vũ khí. “Đặc biệt là hợp tác với các đối tác nước ngoài. Chính xác ở đâu, tôi sẽ không nói cho bạn biết vì lý do bảo mật. Cái chính là chúng bay và phát nổ, lực lượng phòng vệ ra lệnh cho chúng. Thật tuyệt.”

Các máy bay không người lái mới được sản xuất dường như là loại máy bay không người lái có tầm hoạt động xa nhất mà Ukraine có. Vào tháng 8, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy tuyên bố rằng đất nước của ông đã phát triển một loại vũ khí có thể tấn công các mục tiêu cách xa tới 700 km, theo báo cáo của hãng tin AP.

Quân đội Ukraine đã phụ thuộc rất nhiều vào “đội quân máy bay không người lái” trong cuộc chiến kéo dài 20 tháng chống lại Nga. Theo Viện Nghiên cứu Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia Anh, Kyiv sử dụng khoảng 10.000 máy bay không người lái mỗi tháng, bao gồm máy bay không người lái kamikaze, đạn dược và máy bay không người lái trinh sát.

Trong cuộc phỏng vấn với Economic Truth, Smetanin nói rằng máy bay không người lái tầm xa do Ukroboronprom sản xuất không giống với máy bay không người lái Shaheeds của Iran mà Mạc Tư Khoa thường triển khai. Tuy nhiên, các nhà sản xuất khác đang nỗ lực chế tạo những loại vũ khí như vậy.

Smetanin nói: “Có rất nhiều nhà sản xuất nhà nước và tư nhân ở Ukraine. Chúng tôi có một mẫu tương tự như Shaheed và cũng có những mẫu mạnh mẽ hơn vì Shaheed không bay xa đến thế. Chúng tôi tập trung vào việc sản xuất các dự án phức tạp và đắt tiền hơn với hiệu suất cao.”

Trong khi đó, Nga đang phải vật lộn để đáp ứng nhu cầu cung cấp vũ khí của mình và từ lâu đã dựa vào vũ khí do Iran sản xuất để bổ sung vào kho dự trữ của mình. Mạc Tư Khoa cũng được cho là đã bắt đầu sản xuất một tàu huấn luyện hải quân mới được thiết kế để dạy phi công đánh chặn máy bay không người lái của Ukraine.

Theo Marina Miron, nhà nghiên cứu sau tiến sĩ tại Khoa Nghiên cứu Chiến tranh tại King's College Luân Đôn, người trước đây đã nói chuyện với Newsweek, Nga đã bắt đầu “từ từ bắt kịp” kho dự trữ máy bay không người lái của Ukraine.

Bộ Quốc phòng Anh tuần trước lưu ý rằng các máy bay không người lái Lancet mới ra mắt gần đây của Nga “rất có thể là một trong những khả năng mới hiệu quả nhất mà Nga đã triển khai ở Ukraine trong 12 tháng qua”.

3. Nhà lãnh đạo chính quyền quân sự thị trấn cho biết Nga có thể sẵn sàng tiến hành cuộc tấn công mới vào Avdiivka

Ukraine đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công mới của Nga vào thị trấn Avdiivka phía đông, sau nhiều nỗ lực gần đây không thành công của lực lượng Mạc Tư Khoa nhằm bao vây thị trấn này, AFP đưa tin.

“Làn sóng thứ ba chắc chắn sẽ xảy ra. Đối phương đang tập hợp lại sau đợt tấn công bất thành thứ hai”, Vitaliy Barabash, nhà lãnh đạo cơ quan quản lý quân sự Avdiivka, cho biết hôm thứ Ba.

Barabash cho biết Nga có thể đã “sẵn sàng” tiến hành cuộc tấn công toàn diện tiếp theo vào thành phố, nhưng điều kiện thời tiết hiện không thuận lợi cho quân xâm lược.

Mặc dù bị pháo kích hàng ngày, khoảng 1.500 trong số 30.000 cư dân trước chiến tranh của thành phố vẫn ở lại, sống chủ yếu trong các tầng hầm được chuyển đổi thành hầm tránh bom.

Quân đội Nga đã tập trung vào các khu vực phía đông Donetsk và Luhansk sau khi từ bỏ mục tiêu ban đầu là chiếm Kyiv trong những ngày đầu của cuộc xâm lược tháng 2/2022.

Lực lượng Nga đã chiếm được thị trấn Bakhmut bị tàn phá vào tháng 5 sau nhiều tháng giao tranh và kể từ giữa tháng 10 đã tập trung tấn công vào Avdiivka, một cửa ngõ tiềm năng dẫn vào Donetsk, do lực lượng Nga và các đồng minh của họ nắm giữ kể từ năm 2014.

4. Liên Hiệp Âu Châu lên án vụ lính Nga sát hại người dân Georgia

Liên minh Âu Châu hôm thứ Ba đã lên án vụ quân đội Nga bắn chết một thường dân Georgia gần khu vực ly khai Nam Ossetia, do Mạc Tư Khoa kiểm soát kể từ cuộc xâm lược năm 2008.

“Liên Hiệp Âu Châu lên án mạnh mẽ việc sát hại một công dân Georgia và việc lực lượng biên phòng Nga bắt giữ một công dân khác ở Kirbali. Chúng tôi kêu gọi trả tự do ngay lập tức”, Josep Borrell, đại diện cao cấp của Liên Hiệp Âu Châu về chính sách đối ngoại và an ninh, đồng thời là phó chủ tịch Ủy ban Âu Châu, cho biết như trên.

Chính phủ Georgia cho biết hôm thứ Hai rằng quân đội Nga đã giết chết dân thường và bắt cóc người thứ hai, trong một vụ việc được xác nhận bởi một phái đoàn giám sát của Liên Hiệp Âu Châu trên thực địa.

Kể từ khi Điện Cẩm Linh xâm chiếm Ukraine vào tháng 2 năm 2022, Georgia đã tăng cường nỗ lực trở thành thành viên Liên Hiệp Âu Châu. Nước này đang hy vọng nhà điều hành của khối sẽ đề xuất đưa nước này trở thành ứng cử viên chính thức để tham gia vào một báo cáo sẽ được Brussels công bố vào hôm thứ Tư.

Người dân ở Kirbali nói với đài truyền hình độc lập Pirveli rằng nạn nhân là một người đàn ông 58 tuổi bị lính Nga bắn khi ông và một số dân làng khác đến cầu nguyện trong một nhà thờ mà binh lính Nga đã từ chối không cho người Georgia vào trong năm nay.

Khi được hỏi về vụ việc, phát ngôn nhân của Điện Cẩm Linh, Dmitry Peskov, nói với các phóng viên hôm thứ Ba: “Tôi không có bất kỳ thông tin nào về việc đó”.

5. Người được cho là sẽ kế vị Putin, nếu ông ta không ra tranh cử, đe dọa tung vũ khí hạt nhân

Nikolai Patrushev, thư ký Hội đồng An ninh Nga, được tin chắc chắn sẽ là Tổng thống Nga, nếu Putin không ra tranh cử thêm một nhiệm kỳ nữa. Patrushev được tin là một người kín tiếng, nhưng gần đây ông ta tung ra nhiều phát biểu mà các quan sát viên cho rằng đó là cách ông ta vận động cho mình.

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russian Official Issues Nuclear Weapons Warning After Historic Achievement”, nghĩa là “Quan chức Nga đưa ra cảnh báo về vũ khí hạt nhân sau thành tựu lịch sử.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Một quan chức cao cấp của Nga đang ca ngợi kho vũ khí hạt nhân của nước ông là tốt nhất thế giới.

Tại hội chợ giáo dục Znanie, tiếng Nga có nghĩa là Kiến thức, ở Mạc Tư Khoa, Nikolai Patrushev, thư ký Hội đồng An ninh Nga, cho biết trong quốc gia của ông lần đầu tiên đã vượt qua tất cả các nước khác về trình độ hạt nhân.

Patrushev, cựu giám đốc Cơ quan An ninh Liên bang và là người thân tín của Putin từ những năm 1970, được đồn đại là người có khả năng kế nhiệm Putin. Patrushev đã làm việc với Putin tại KGB và luôn kiên định ủng hộ cuộc chiến của Nga ở Ukraine kể từ cuộc xâm lược vào tháng 2 năm 2022.

“Lần đầu tiên trong lịch sử tồn tại vũ khí hỏa tiễn hạt nhân, đất nước chúng ta đi trước các đối thủ trong lĩnh vực hạt nhân này,” Patrushev nói tại hội chợ Znanie, theo kênh truyền hình RT thuộc sở hữu nhà nước.

Ông được cho là đã ám chỉ đến “vũ khí chiến lược độc đáo của đất nước mình, bao gồm cả vũ khí siêu thanh”, và dự đoán rằng điều này “sẽ bảo đảm an ninh của Nga trong nhiều thập kỷ”.

Patrushev cũng đã xuất hiện ở hàng loạt những nơi khác. Ở Tomsk, Siberia, ông ta nói rằng số lượng các nhà khoa học ở Nga đã giảm khoảng 25% trong hai thập kỷ qua, cản trở khả năng đất nước đạt được “sự độc lập về công nghệ”. Nhiều người trong số những sự ra đi đó có liên quan trực tiếp đến việc phản đối cuộc chiến của Nga chống lại Ukraine.

Trong đánh giá hàng năm về vũ khí, giải trừ quân bị và an ninh quốc tế toàn cầu, được công bố vào tháng 6, Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, gọi tắt là SIPRI, cho biết Nga có kho dự trữ hạt nhân và kho hạt nhân lớn hơn so với đối thủ chính của họ trên mặt trận này là Mỹ.

SIPRI cho biết, trong khi Nga và Mỹ cùng sở hữu gần 90% tổng số vũ khí hạt nhân, thì kho dự trữ đầu đạn hạt nhân của Nga, tính đến Tháng Giêng năm 2023, ước tính là 4.489, so với 3.708 đầu đạn của Mỹ. Tổng số đầu đạn tồn kho của Nga vượt Mỹ khoảng 650 đầu đạn.

SIPRI cho biết cả hai quốc gia đều có lượng tồn kho tương đối ổn định trong năm qua. Tuy nhiên, kể từ cuộc xâm lược Ukraine, tính minh bạch trong việc sử dụng các kho vũ khí đó đã không được đặt lên hàng đầu.

Cả hai nước đều sở hữu hơn 1.000 đầu đạn trước đây đã được rút khỏi nghĩa vụ giải trừ quân bị và đang được tháo dỡ.

John Erath, giám đốc chính sách cao cấp tại Trung tâm Kiểm soát Vũ khí và Không phổ biến Vũ khí, nói với Newsweek rằng sự khoe khoang của Patrushev giống như “đứa trẻ trên sân chơi luôn phải tin rằng mình giỏi hơn những người khác”.

Erath cho biết, trong khi sự tăng trưởng trong kho hạt nhân của Nga và quá trình hiện đại hóa nước này vẫn tiếp tục, thì thực tế đó là không liên quan vì khả năng ngăn chặn vẫn có thể thực hiện được và hiệu quả ngay cả khi có ít vũ khí hơn. Ngoài ra, ông cho biết toàn bộ kho dự trữ “không giúp ích gì nhiều cho cuộc chiến tranh xâm lược”.

“Có một mối nguy hiểm rõ ràng từ việc đánh đồng an ninh với số lượng vũ khí hạt nhân lớn hơn. Và cũng có một vấn đề nghiêm trọng nhưng ít được xem xét hơn là mức độ Nga ngày càng dựa vào lực lượng hạt nhân của mình để duy trì nhận thức về bản thân là một cường quốc, bất kể trong thực tế có sự suy thoái của lực lượng hạt nhân và lực lượng thông thường,” ông nói.

Erath tiếp tục: “Patrushev và cấp trên của anh ta muốn nhắc nhở mọi người rằng Nga vẫn là đứa trẻ tồi tệ nhất trong nhóm, đồng thời làm dấy lên lo ngại của phương Tây về việc leo thang hạt nhân nếu cuộc chiến Ukraine không kết thúc với chiến thắng của Nga - hoặc một điều gì đó có vẻ giống như thế.”

Một hỏa tiễn đạn đạo trong kho vũ khí hạt nhân của Nga đã thu hút được sự chú ý trong 18 tháng qua là Kh-47M2 Kinzhal, có trọng tải 480 kg. Mỗi hỏa tiễn có thể di chuyển từ 1.500 đến 2.000 km và được một số chuyên gia đánh giá là vượt trội so với công nghệ của Mỹ, bao gồm cả hệ thống phòng thủ hỏa tiễn Patriot.

Patrushev trước đây từng khoe khoang về khả năng hạt nhân của Nga. Vào tháng 3 năm nay, ông đã bình luận về tình trạng mối quan hệ Nga-Mỹ trên một tờ báo nhà nước và chỉ trích các quan chức Mỹ về những nhận xét của họ về cuộc chiến Ukraine.

“Vì lý do nào đó, các chính trị gia Mỹ bị giam giữ bởi chính sách tuyên truyền của chính họ vẫn tin tưởng rằng trong trường hợp xảy ra xung đột trực tiếp với Nga, Mỹ có khả năng tiến hành một cuộc tấn công hỏa tiễn phòng ngừa, sau đó Nga sẽ không còn khả năng đáp trả. “, Patrushev nói với tờ báo Rossiyskaya Gazeta.

Ông nói thêm: “Đây là sự ngu ngốc thiển cận và rất nguy hiểm… Nga kiên nhẫn và không đe dọa bất kỳ ai bằng lợi thế quân sự của mình. Nhưng nó có vũ khí độc đáo hiện đại có khả năng tiêu diệt bất kỳ đối phương nào, kể cả Hoa Kỳ, trong trường hợp có mối đe dọa đối với sự tồn tại của nó.”

6. Phản ứng của Điện Cẩm Linh sau khi Thư ký Hội đồng An ninh Nga Nikolai Patrushev đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân

Điện Cẩm Linh hôm thứ Tư cho biết phương Tây đã thể hiện sự gây hấn đối với Nga nhưng nói rằng khi nói đến vũ khí hạt nhân, Mạc Tư Khoa có học thuyết hạt nhân và điều này không thay đổi.

Thư ký Hội đồng An ninh Nga Nikolai Patrushev trước đó cho biết hôm thứ Tư rằng các chính sách “phá hoại” của Mỹ và các đồng minh đang làm tăng nguy cơ sử dụng vũ khí hạt nhân, hóa học hoặc sinh học, Reuters đưa tin.

Khi được hỏi về nhận xét này, phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov cho biết:

Patrushev là thư ký của Hội đồng An ninh Quốc gia. Ông ấy là một phần của Điện Cẩm Linh. Và những tuyên bố của ông là những tuyên bố từ Điện Cẩm Linh.

Đối với Liên bang Nga, chúng tôi có một học thuyết trong đó mọi thứ đều được trình bày rõ ràng. Không có sự thay đổi nào cả. Điều này được xác nhận bởi tổng thống.

Cho đến đầu tuần này, trước khi có tin Putin sẽ tiếp tục nắm quyền thêm 6 năm nữa. Nikolai Patrushev, được cho là người sẽ thay Putin trong chức vụ Tổng thống. Patrushev đã có các hoạt động ráo riết có vẻ như đang vận động cho khả năng thay thế Putin.

Các nhà lãnh đạo đối lập người Nga ít ai tin Putin có gan dám dùng đến vũ khí hạt nhân. Ngược lại, Patrushev, nguyên là trùm Cơ quan An ninh Liên bang Nga, gọi tắt là FSB, là người có gan đó nếu ông ta rơi vào hoàn cảnh tuyệt vọng, và nếu quân đội cũng đồng tình với ông ta. Khả năng quân đội Nga đồng tình trong việc sử dụng vũ khí hạt nhân cho đến nay vẫn được đánh giá là thấp.

7. Các đồng minh NATO lên án việc Nga rút khỏi hiệp ước an ninh quan trọng thời Chiến tranh Lạnh

Các đồng minh của NATO đã lên án quyết định của Nga rút khỏi một hiệp ước an ninh quan trọng thời Chiến tranh Lạnh.

Hầu hết trong số 31 đồng minh của NATO đã ký hiệp ước về các lực lượng vũ trang thông thường ở Âu Châu, nhằm ngăn chặn các đối thủ thời Chiến tranh Lạnh tập trung lực lượng tại hoặc gần biên giới chung.

Nó được ký vào tháng 11 năm 1990, nhưng mãi đến hai năm sau mới được phê chuẩn đầy đủ.

Trong một tuyên bố, NATO cho biết:

Các đồng minh lên án quyết định của Nga rút khỏi hiệp ước về lực lượng vũ trang thông thường ở Âu Châu, gọi tắt là CFE, và cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine trái với mục tiêu của hiệp ước này.

Việc Nga rút lui khỏi CFE là hành động mới nhất trong một loạt hành động nhằm phá hoại an ninh Âu Châu-Đại Tây Dương một cách có hệ thống.

Do đó, các quốc gia đồng minh có ý định đình chỉ thực hiện Hiệp ước CFE trong thời gian cần thiết, phù hợp với các quyền của họ theo luật pháp quốc tế.

Đây là một quyết định được tất cả các đồng minh NATO hoàn toàn ủng hộ.

Bộ Ngoại giao Nga trước đó đã thông báo vào thứ Ba rằng Mạc Tư Khoa đã hoàn tất việc rút khỏi CFE.

Nga cho biết việc Mỹ thúc đẩy mở rộng NATO đã dẫn đến việc các nước trong liên minh NATO “công khai phá vỡ” các hạn chế của nhóm trong hiệp ước, đồng thời nói thêm rằng việc Phần Lan gia nhập NATO và Thụy Điển gia nhập có nghĩa là hiệp ước đã chết.

8. Bộ Nội Vụ Nga đưa thêm vào danh sách truy nã một thẩm phán của Tòa án Hình sự Quốc tế

Nga vừa đưa vào danh sách truy nã thêm một thẩm phán của Tòa án Hình sự Quốc tế, gọi tắt là ICC, là cơ quan đang yêu cầu bắt giữ Vladimir Putin về tội bắt cóc trẻ em Ukraine.

“Truy nã trong khuôn khổ một cuộc điều tra hình sự,” một thông báo trong cơ sở dữ liệu của Bộ Nội vụ cho biết, đề cập đến Sergio Gerarde Ugaldo Godinez, thẩm phán Costa Rica của ICC có trụ sở tại The Hague.

Thông báo không cung cấp thông tin chi tiết về các cáo buộc chống lại Godinez.

Vào tháng 3, ICC đã công bố lệnh bắt giữ Putin với cáo buộc tội ác chiến tranh cụ thể là bắt cóc trái phép trẻ em Ukraine.

ICC cũng ban hành lệnh truy tố Maria Lvova-Belova, ủy viên tổng thống về quyền trẻ em, với cáo buộc tương tự.

Nga, vốn không phải là thành viên của ICC, nên đã khẳng định lệnh truy nã Putin là “vô hiệu”

9. Các quan chức hàng đầu của Mỹ thúc ép Quốc hội thông qua viện trợ Ukraine

Theo một lá thư công bố hôm thứ Ba, những nhà lãnh đạo Bộ Tài chính, Quốc phòng và Ngoại giao Hoa Kỳ đã kêu gọi Quốc hội tài trợ 11,8 tỷ Mỹ Kim cho viện trợ Ukraine như một phần trong yêu cầu chi tiêu bổ sung của Tổng thống Joe Biden.

“Khoản tài trợ này được hưởng lợi từ mức độ giám sát và minh bạch mạnh mẽ chưa từng có, đồng thời được củng cố bởi sự hỗ trợ ngân sách đáng kể từ Liên minh Âu Châu, các đối tác G7 khác và Quỹ Tiền tệ Quốc tế,” các thư ký, cùng với quản trị viên USAid, viết cho các nhà lãnh đạo quốc hội..

Vào tháng 10, chính quyền Tổng thống Biden đã đệ trình yêu cầu trị giá 106 tỷ Mỹ Kim lên Quốc hội về viện trợ quân sự và nhân đạo cho Israel và Ukraine cũng như hỗ trợ nhân đạo cho Gaza, khẳng định các nhà lập pháp có nghĩa vụ hỗ trợ các đồng minh của Mỹ đứng lên chống lại chế độ chuyên chế và xâm lược trên toàn thế giới.

10. Phát ngôn nhân quân đội Israel cho biết lãnh đạo Hamas 'là những cương thi biết đi trong và ngoài Gaza'

Trung Tá Jonathan Conricus, phát ngôn viên của quân đội Israel, đã mô tả giới lãnh đạo Hamas trong và ngoài Gaza như “những người chết biết đi” trong một cuộc phỏng vấn với Sky News Australia.

Trung Tá Conricus khen ngợi Sky News Australia đang đặt “những câu hỏi mới mẻ thực sự liên quan đến cuộc giao tranh và tình hình trên thực địa”, trước khi nói rằng:

“Nhiệm vụ bên trong Gaza của chúng tôi là giao chiến với Hamas và chỉ đơn giản là phá hủy từng thành trì của Hamas được chôn dưới lòng đất hay trong các công sự chiến đấu. Chúng tôi đang làm việc đó một cách chậm rãi và tỉ mỉ theo đúng kế hoạch. Những tiến bộ của chúng tôi là tốt, vững chắc.”

“Đó là một không gian chiến đấu đầy thử thách. Thật không may, Hamas đã chuẩn bị chiến trường rất tốt.”

Và nó hoàn toàn bị bao bọc bởi những đường hầm. Nhiều trong số đó là những đường hầm chiến thuật ngắn, về cơ bản chỉ là các vị trí chiến đấu, cho phép Hamas di chuyển từ công sự này sang công sự khác. Họ trồi lên mặt đất rồi lại nhào xuống một công sự khác. Và một số dài hơn, sâu hơn và rộng hơn. Nhưng chúng tôi đang dần dần tiếp cận được tất cả chúng và đạt được những thành tựu mỗi ngày trong cuộc chiến.”

“Chỉ thị chắc chắn là giết hoặc bắt giữ… tất cả các thủ lĩnh của Hamas. Những người lên kế hoạch, tạo điều kiện và thực hiện vụ thảm sát ngày 7 tháng 10 ở Israel. Chúng tôi đã nói rõ ràng như vậy. Tất cả đều là những người chết biết đi. Và việc những thủ lĩnh Hamas này bị Israel bắt hoặc bị giết chỉ còn là vấn đề thời gian.”

11. Ukraine tăng cường phòng thủ trước các cuộc tấn công mùa đông vào các cơ sở năng lượng

Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelenskiy, nói rằng Ukraine đã triển khai thêm hệ thống phòng không của phương Tây, khi nước này chuẩn bị cho mùa đông thứ hai các cuộc tấn công của Nga vào các cơ sở năng lượng, AFP đưa tin.

Các cuộc tấn công có hệ thống của lực lượng Mạc Tư Khoa năm ngoái đã nhắm vào mạng lưới năng lượng của Ukraine, khiến hàng nghìn người không có hệ thống sưởi hoặc điện trong thời gian dài trong điều kiện nhiệt độ đóng băng.

“Tôi đã nhận được báo cáo về việc nhận đạn dược, khí tài và thiết bị trong ngày hôm qua”, ông Zelenskiy nói trên mạng xã hội.

“Các hệ thống Nasam tức là hệ thống hỏa tiễn đất đối không tiên tiến quốc gia bổ sung của các đối tác đã được đưa vào trực chiến. Tăng cường kịp thời lực lượng phòng không của chúng tôi trước mùa đông”, ông nói thêm.
 
Cuộc phỏng vấn ĐTC dành cho RAI Television của Ý. Phản ứng của Putin về cáo buộc tận diệt Công Giáo
VietCatholic Media
17:32 08/11/2023


1. Các tín hữu Công Giáo tại Bắc Arabia vui mừng vì Đức Thánh Cha viếng thăm

Đức Cha Aldo Berardi, Giám mục Giáo phận đại diện Tông tòa bắc Arabia, bày tỏ vui mừng của các tín hữu địa phương trước tin Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ viếng thăm Dubai, từ ngày 01 đến ngày 03 tháng Mười Hai sắp tới, nhân Hội nghị Thượng đỉnh COP28 của Liên Hiệp Quốc về sự thay đổi khí hậu nhóm họp tại đây.

Đức Thánh Cha cho biết về cuộc viếng thăm của ngài trong cuộc phỏng vấn của chương trình TG1 của Ý truyền đi ngày 01 tháng Mười Một vừa qua, và được Phòng Báo chí Tòa Thánh xác nhận sau đó.

Lúc sáng ngày 04 tháng Mười Một vừa qua, tại Nhà thờ chính tòa Đức Bà Arabia, ở Awali, thuộc Bahrain, có nghi thức mở cửa Năm Thánh đặc biệt của hai giáo phận Đại diện Tông tòa Bắc và Nam Arabia, nhân kỷ niệm 1,500 năm thánh Areta và hơn 4.000 bạn chịu tử đạo, trong cuộc bách hại hồi năm 523 ở Najran, bán đảo Arabia trước thời Hồi giáo. Từ ngày 24 tháng Mười năm nay đến ngày 23 tháng Mười năm tới, các tín hữu có thể được ơn toàn xá do Đức Thánh Cha Phanxicô ban, qua Tòa ân giải Tối cao.

Lễ mở Năm Thánh này trùng vào lễ kỷ niệm một năm Đức Thánh Cha viếng thăm Bahrain, nhân dịp Diễn đàn đối thoại giữa các tôn giáo, tiếp nối cuộc viếng thăm của ngài hồi tháng Hai năm 2019, tại Abu Dhabi, để ký Văn kiện về Tình Huynh đệ nhân loại, với Đại Imam Al-Azhar AAl-Tayeb.

Vị chủ chăn của giáo phận đại diện Tông tòa Bắc Arabia, từ ngày 28 tháng Giêng năm nay, là Đức Cha Aldo Berardi, 59 tuổi, người Pháp, nguyên là Tổng đại diện của Dòng Chúa Ba Ngôi và những người nô lệ (O.SS.T). Ngài kế nhiệm Đức Cha Camillo Ballin, thuộc Dòng thánh Comboni, người Ý, qua đời năm 2020.

Cha Aldo Berardi sinh năm 1963 tại Pháp. Sau khi học triết và trải qua kinh nghiệm truyền giáo tại Madagascar, thầy trở về Pháp và gia nhập Dòng Chúa Ba Ngôi và những người nô lệ, rồi học thần học tại Montréal bên Canada, trước khi học và đậu cử nhân Thần học luân lý ở Học viện Alfonsianum ở Roma, sau đó thụ phong linh mục năm 1991.

Cha Berardi đã đảm nhận nhiều công tác trong dòng, học tiếng Arập và Hồi giáo ở Cairo, Ai Cập, và từng làm tuyên úy cho các tín hữu nước ngoài tại Vương quốc Bahrain, trước khi làm cha sở tại địa phận đại diện Tông tòa bắc Arabia. Từ năm 2019, cha là Tổng đại diện của dòng ở Roma.

Địa phận đại diện Tông Tòa Bắc Arabia, bao gồm các nước Bahrain, Qatar, Kuwait, và Arập Saudi, với khoảng hai triệu 700.000 tín hữu Công Giáo, đa số là các công nhân viên nước ngoài. Trụ sở của địa phận này được đặt tại Awali, Bahrain, nơi Đức Thánh Cha mới viếng thăm hồi tháng Mười Một năm ngoái (2022).

Toàn bán đảo Arabia có khoảng ba triệu rưỡi tín hữu Công Giáo, sống tại 7 quốc gia, nhưng chỉ có 120 linh mục. Việc hành đạo tại các nước này bị hạn chế rất nhiều, nhất là tại Arập Sauđi, chính quyền tại đây coi quốc gia này là “Thánh địa của Hồi giáo” nên cấm các tôn giáo khác không được hoạt động.

2. Đức Thánh Cha sẽ đi Dubai ba ngày, nhân hội nghị COP28

Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đi Dubai ba ngày, nhân dịp hội nghị thượng đỉnh Cop28 của Liên HIệp Quốc, về sự thay đổi khí hậu, tiến hành tại đây từ ngày 30 tháng Mười Một đến ngày 12 tháng Mười Hai năm nay.

Ngài cho biết như trên, trong cuộc phỏng vấn dài 45 phút dành cho chương trình TG1 thuộc Đài truyền hình RAI1 của Ý, truyền đi tối ngày 01 tháng Mười Một vừa qua.

Ký giả hỏi Đức Thánh Cha: “Tòa Thánh đã ký hiệp định Paris [về sự thay đổi khí hậu]. Ngài đã tố giác sự thiếu quan tâm của cộng đồng quốc tế, trước sự khẩn cấp về khí hậu. Ngài có e rằng Hội nghị Cop28, rốt cuộc sẽ kết thúc trong bế tắc hay không? Ngài có đi Dubai không?”

Đức Thánh Cha đáp: “Có, tôi sẽ đi Dubai. Tôi nghĩ là sẽ khởi hành vào ngày 01 tháng Mười Hai cho tới ngày 03 tháng Mười Hai. Tôi sẽ ở lại đó ba ngày. Tôi nhớ khi đi thăm Strasbourg, Nghị viện Âu châu, và Tổng thống Hollande của Pháp gửi bà Bộ trưởng môi trường Ségolène Royal tiếp tôi và bà hỏi tôi: ‘Ngài có đang chuẩn bị cái gì về môi trường hay không? Xin ngài hãy làm trước cuộc gặp gỡ ở Paris’. Tôi đã gọi một vài nhà khoa học đến đây, và họ làm việc mau lẹ, thông điệp “Laudato sì” được công bố trước Hội nghị [thượng đỉnh về khí hậu] ở Paris. Và Hội nghị ở Paris đã là hội nghị đẹp nhất. Sau Paris, tất cả đi thụt lùi và cần có can đảm để tiến bước trong lãnh vực này. Sau thông điệp “Laudato sì” có năm quan chức quan trọng trong lãnh vực dầu hỏa đã xin gặp. Tất cả đều gặp để biện minh... Cần có can đảm.... Chúng ta còn thời gian để dừng lại. Vấn đề này có liên hệ đến tương lai chúng ta. Tương lai con cháu chúng ta. Cần có một chút trách nhiệm...”

Dubai hiện có hơn ba triệu 560.000 dân cư, là thủ đô và cũng là thành phố đông dân nhất trong bảy tiểu vương quốc Arập, gọi là Emirate. Giáo Hội Công Giáo tại các tiểu quốc này có khoảng 900.000 tín hữu, thuộc giáo phận đại diện tông tòa Nam Arabia, với Tòa giám mục và nhà thờ chính tòa ở Abu Dhabi, nơi Đức Thánh Cha đã đến viếng thăm từ ngày 03 đến ngày 05 tháng Hai năm 2019 và ký với đại diện Hồi giáo Sunnit Tuyên ngôn về tình huynh đệ nhân loại. Chuyến đi Dubai của Đức Thánh Cha sẽ là cuộc tông du thứ 45 của ngài tại nước ngoài.

Chiến tranh

Trong cuộc phỏng vấn, Đức Thánh Cha đã trả lời câu hỏi đầu tiên về chiến tranh tại Trung Đông hiện nay, bắt đầu với các dân quân Hamas tấn công các Kibbutz của Israel và tàn sát... ngài đáp:

“Mỗi cuộc chiến tranh là một thất bại. Người ta không giải quyết được gì với chiến tranh. Nhưng tất cả đều có lợi với hòa bình, với đối thoại. Các dân quân đã vào các kibbutz, bắt giữ con tin. Họ giết người. Rồi có phản ứng. Người Israel tiến hành giải thoát các con tin ấy. Trong chiến tranh, cái tát này tạo nên cái tát khác. Một người mạnh và người khác càng mạnh hơn nữa và cứ thế tiếp tục. Chiến tranh là một thất bại. Tôi cảm thấy nó là một sự thất bại thêm. Hai dân tộc phải sống chung với nhau. Với một giải pháp khôn ngoan: hai dân tộc hai quốc gia. Như Hiệp định Oslo đề ra; hai quốc gia có ranh giới rõ ràng và Giêrusalem có một quy chế đặc biệt”.

Giáo xứ Công Giáo ở Gaza

Đức Thánh Cha cũng nhắc đến tình trạng giáo xứ Công Giáo ở Gaza mà ngài điện thoại thăm hỏi hằng ngày. Khi xảy ra chiến tranh, cha xứ giáo xứ Thánh Gia đang ở Bethlehem để mua thuốc men và bị kẹt không về được, và nay đang ở Giêrusalem. Hằng ngày, tôi gọi điện cho cha phó Yussuf người Ai Cập và cha ấy nói với tôi “Đây thực là điều kinh khủng. Mới đây họ đã dội bom nhà thương, nhưng họ còn tôn trọng chúng con ở trong giáo xứ, tại đây chúng con có 563 người, tất cả là tín hữu Kitô nhưng cũng có vài người Hồi giáo. Các trẻ em bị bệnh được các nữ tu của Mẹ Têrêsa săn sóc. Hiện thời, cám ơn Chúa, quân đội Israel tôn trọng giáo xứ ấy”.

Đức Thánh Cha cũng lấy làm tiếc vì trào lưu bài Do thái vẫn tiếp tục từ thời Thế chiến thứ hai, nó vẫn ngấm ngầm và nay lại bùng lên.

Vai trò phụ nữ

Trong cuộc phỏng vấn, Đức Thánh Cha tái khẳng định lập trường không truyền chức cho phụ nữ, mặc dù tại Vatican đang ủy thác những chức vụ quan trong cho phụ nữ. Ngài nói: “Vấn đề truyền chức cho nữ giới là một vấn đề thần học, thừa tác vụ: nguyên lý Phêrô là nguyên lý quyền tài pháp và nguyên lý Maria là nguyên lý quan trọng hơn, vì Giáo hội là phụ nữ, Giáo hội là hiền thê chứ không phải là người nam. Cần có một thần học để hiểu điều đó và quyền bính của Giáo hội phụ nữ và của các phụ nữ trong Giáo hội thì mạnh hơn và quan trọng hơn quyền bính của các nam thừa tác viên. Mẹ Maria quan trọng hơn thánh Phêrô vì Giáo hội là phụ nữ. Nhưng nếu chúng ta muốn thu hẹp điều đó vào vấn đề chức năng (funzionalismo) thì chúng ta sẽ mất”.

Thượng Hội đồng Giám mục

Trả lời câu hỏi về Thượng Hội đồng Giám mục vừa qua, Đức Thánh Cha đánh giá tích cực và nói: “Trong Thượng Hội đồng Giám mục. người ta nói về tất cả mọi vấn đề một cách tự do. Và điều này thật là đẹp và người ta đã thành công trong việc làm một văn kiện chung kết, cần được nghiên cứu trong phần thứ hai vào tháng Mười năm tới, giống như Thượng Hội đồng Giám mục về gia đình, tiến hành qua hai giai đoạn. Tôi tin rằng chúng ta đạt tới sự thực hành tính đồng nghị mà thánh Phaolô VI đã muốn vào cuối Công đồng, vì ngài nhận thấy Giáo hội Tây phương đã đánh mất chiều kích đồng nghị mà Giáo hội Đông phương có”.

Độc thân linh mục

Trả lời câu hỏi về vấn đề độc thân linh mục, Đức Thánh Cha tái khẳng định đó là một nhân luật chứ không phải là một luật tự nhiên: các linh mục trong các Giáo Hội Công Giáo Đông phương vẫn lập gia đình; trái lại, ở Tây phương, luật độc thân là một kỷ luật từ thế kỷ XII. Đó là một luật có thể bãi bỏ, không có vấn đề, nhưng tôi nghĩ việc bãi bỏ như vậy không có lợi...”.

3. Putin phản ứng trước các cáo buộc cho rằng quân Nga đang tận diệt đạo Công Giáo ở các lãnh thổ Ukraine bị Nga tạm chiếm.

Các giám mục Công Giáo Ukraine nghi lễ Latinh và Đông phương tại Ukraine và trên thế giới đã có cuộc thảo luận với chủ đề “Niềm tin dưới lửa trong cuộc chiến của Nga với Ukraine” do Viện Hòa bình Hoa Kỳ tổ chức tại Washington, DC, từ hôm thứ Hai 30 Tháng Mười.

Các Giám Mục đã cáo buộc Nga cướp bóc và bắt bớ các linh mục Công Giáo trong các lãnh thổ Ukraine bị Nga tạm chiếm. Cho đến nay, khắp tất cả các lãnh thổ bị Nga tạm chiếm không còn một giáo xứ nào hoạt động, không còn một linh mục nào hoạt động.

Đáp lại trước các chỉ trích này, Tass đưa tin hôm Thứ Sáu, Vladimir Putin cho biết Nga đang bảo vệ văn hóa và lịch sử của mình tại các khu vực bị tạm chiếm của Ukraine mà nước này tuyên bố đã sáp nhập từ cuối năm ngoái.

Putin nói:

“Tại sao chúng ta lại tôn kính Alexander Nevsky như một vị thánh? Chính vì sự lựa chọn này - ngài đã nghĩ đến việc bảo tồn người dân Nga, và sau đó là tất cả các dân tộc sống trên lãnh thổ đất nước rộng lớn của chúng ta. Theo nhiều cách, điều tương tự đang xảy ra ngày nay khi chúng ta nói rằng chúng ta bảo vệ các giá trị đạo đức, lịch sử, văn hóa, ngôn ngữ của chúng ta, bao gồm cả việc giúp đỡ anh chị em của chúng ta ở Donbass và Novorossiya làm điều này.”

Novorossiya là tên lịch sử của vùng đất phía nam Ukraine bao gồm Crimea. Alexander Yaroslavich Nevsky sinh ngày 13 Tháng Năm, 1221, và qua đời ngày 14 Tháng Mười Một, 1263, là một nhân vật quan trọng của thế kỷ 13 trong lịch sử nước Nga. Ông được Chính Thống Giáo phong thánh vào năm 1547, và được xem là người có hoài bão mở rộng Chính Thống Giáo.