Ngày 03-11-2018
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thánh lễ Chúa Nhật 31 Quanh Năm 4/11/2018 dành cho những người không thể đến nhà thờ
VietCatholic Network
01:37 03/11/2018
Bài Ðọc I: Ðnl 6, 2-6

"Hỡi Israel, hãy nghe đây: Ngươi hãy yêu mến Chúa hết lòng ngươi".

Trích sách Ðệ Nhị Luật.

Ông Môsê nói cùng dân chúng rằng: "Các ngươi hãy kính sợ Chúa là Thiên Chúa các ngươi, hãy tuân giữ mọi huấn lệnh và giới răn của Người mà tôi truyền dạy cho các ngươi, cho con cái cháu chắt các ngươi tuân giữ mọi ngày trong đời sống các ngươi, để các ngươi được sống lâu dài.

"Hỡi Israel, hãy nghe đây mà tuân hành các điều Chúa truyền dạy cho ngươi, thì ngươi được phần phúc và sinh sản ra nhiều hơn, như lời Chúa là Thiên Chúa tổ phụ ngươi đã hứa ban cho ngươi phần đất chảy sữa và mật.

"Hỡi Israel, hãy nghe đây, Chúa là Thiên Chúa chúng ta, là Chúa độc nhất. Hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết sức ngươi. Những lời tôi truyền cho ngươi hôm nay, phải ghi tạc vào lòng".

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 17, 2-3a. 3bc-4. 47-51ab

Ðáp: Lạy Chúa là dũng lực con, con yêu mến Chúa (c. 2).

Xướng:

1) Lạy Chúa là dũng lực con, con yêu mến Chúa;

lạy Chúa là đá tảng, chiến luỹ, cứu tinh.

2) Lạy Chúa là Thiên Chúa,

là sơn động chỗ con nương mình, là khiên thuẫn,

là uy quyền cứu độ, là sức hộ phù con.

Con xướng ca khen ngợi cầu cứu Chúa,

và con sẽ được cứu thoát khỏi tay quân thù.

3) Vạn tuế Thiên Chúa, chúc tụng Ðá Tảng của con,

ngợi khen Thiên Chúa là Ðấng cứu độ con.

Ngài đã ban cho đức vua được đại thắng,

đã tỏ lòng từ bi với Ðấng được xức dầu của Ngài.

Bài Ðọc II: Dt 7, 23-28

"Vì lẽ Người tồn tại đời đời, nên Người có một chức tư tế hằng hữu".

Trích thư gởi cho tín hữu Do-thái.

Anh em thân mến, có nhiều người làm tư tế (của Giao Ước cũ), vì lẽ sự chết ngăn trở họ tồn tại lâu bền. Còn Ðức Kitô, vì lẽ Người tồn tại đời đời, nên Người có một chức tư tế hằng hữu. Bởi đó, Người có thể cứu độ cách vĩnh viễn những ai nhờ Người mà đến với Thiên Chúa, vì Người hằng sống để chuyển cầu cho chúng ta.

Phải, vì chúng ta cần một vị Thượng tế thánh thiện, vô tội, tinh tuyền, tách biệt khỏi kẻ tội lỗi và đã được nâng cao trên các tầng trời. Người không cần phải như các tư tế hằng ngày dâng lên của lễ trước là đền tội lỗi mình, sau là đền tội lỗi dân chúng, vì Người làm việc ấy chỉ có một lần khi hiến dâng chính mình. Vì Lề luật thì đặt những người yếu đuối làm tư tế, còn lời thề có sau Lề luật thì đặt Người Con hoàn hảo làm Thượng tế đến muôn đời.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Mt 4, 4b

Alleluia, alleluia! - Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra. - Alleluia.

Phúc Âm: Mc 12, 28b-34

"Ðó là giới răn thứ nhất, còn giới răn thứ hai cũng giống như giới răn thứ nhất".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, có người trong nhóm luật sĩ tiến đến Chúa Giêsu và hỏi Người rằng: "Trong các giới răn điều nào trọng nhất?" Chúa Giêsu đáp:

"Giới răn trọng nhất chính là: Hỡi Israel, hãy nghe đây: Thiên Chúa, Chúa chúng ta, là Chúa duy nhất, và ngươi hãy yêu mến Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức ngươi. Còn đây là giới răn thứ hai: Ngươi hãy yêu mến tha nhân như chính mình ngươi. Không có giới răn nào trọng hơn hai giới răn đó".

Luật sĩ thưa Ngài: "Thưa Thầy, đúng lắm! Thầy dạy phải lẽ khi nói Thiên Chúa là Chúa duy nhất và ngoài Người chẳng có Chúa nào khác nữa. Mến Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức mình, và yêu tha nhân như chính mình thì hơn mọi lễ vật toàn thiêu và mọi lễ vật hy sinh".

Thấy người ấy tỏ ý kiến khôn ngoan, Chúa Giêsu bảo: "Ông không còn xa Nước Thiên Chúa bao nhiêu". Và không ai dám hỏi Người thêm điều gì nữa.

Ðó là lời Chúa.
 
Để “của cho” thành lễ dâng đẹp lòng Chúa
Lm Đan Vinh
17:23 03/11/2018
Chúa Nhật 32 THƯỜNG NIÊN B
1 V 17,10-16 ; Dt 9,24-28 ; Mc 12,38-44

I. HỌC LỜI CHÚA

1.TIN MỪNG: Mc 12,38-44

(38) Trong lúc giảng dạy, Đức Giê-su nói rằng: “Anh em phải coi chừng những ông kinh sư ưa dạo quanh, xúng xính trong bộ áo thụng, thích được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng. (39) Họ ưa chiếm ghế danh dự trong hội đường, thích ngồi cỗ nhất trong đám tiệc. (40) Họ nuốt hết tài sản của các bà góa, lại còn làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ. Những người ấy sẽ bị kết án nghiêm khắc hơn”. (41) Đức Giê-su ngồi đối diện với thùng tiền dâng cúng cho Đền Thờ. Người quan sát xem đám đông bỏ tiền vào hòm đó ra sao. Có lắm người giàu bỏ thật nhiều tiền. (42) Cũng có một bà góa nghèo đến bỏ vào đó hai đồng tiền kẽm, trị giá một phần tư đồng bạc Rô-ma. (43) Đức Giê-su liền gọi các môn đệ lại và nói: “Thầy bảo thật anh em: bà góa nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết. (44) Quả vậy, mọi người đều rút từ tiền dư bạc thừa của họ mà đem bỏ vào đó. Còn bà này, thì rút từ cái túng thiếu của mình mà bỏ vào đó tất cả tài sản, tất cả những gì bà có để sống.

2.Ý CHÍNH:

Bài Tin Mừng hôm nay được chia làm hai phần tương ứng với hai hạng người tiêu biểu trong đạo Do thái là giới kinh sư và giới bà góa nghèo như sau: Trước hết, Đức Giê-su khiển trách thói đạo đức giả của các kinh sư Do thái, biểu lộ qua 4 thói xấu như: ăn mặc đài các, tìm kiếm hư danh, tranh giành địa vị, đạo đức vụ lợi. Sau đó, Người đề cao lòng đạo đức của một bà góa nghèo, biểu lộ qua việc dâng cúng tiền bạc vào Đền Thờ. Tuy số tiền bà dâng không bao nhiêu, nhưng nhờ có lòng hy sinh, nên bà đã được Đức Giê-su đánh giá là đã bỏ vào thùng nhiều hơn mọi người.

3.CHÚ THÍCH:

- C 38: + “Anh em phải coi chừng những ông kinh sư”: Đức Giê-su cảnh giác dân chúng coi chừng kẻo bị lây nhiễm các thói xấu của các kinh sư hay luật sĩ. + xúng xính trong bộ áo thụng: Áo thụng là loại áo choàng dài chấm đất mà các tư tế thường xử dụng khi làm việc tế tự. Người Do thái thường tỏ lòng tôn kính đối với các tư tế. Các kinh sư cũng thích mặc loại áo này để tỏ ra mình có lòng đạo đức và cũng mong được dân chúng kính trọng như vậy. Đây là thói xấu kiêu ngạo, tự cao tự đại (x. Mt 23,5). + thích được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng: Người Do thái hay chào hỏi các kinh sư, là những người giải thích Kinh Thánh tại các hội đường vào ngày Sa-bát. Danh hiệu “ráp-bi” có nghĩa là “đại nhân của tôi”, được dùng để xưng hô khi nói chuyện với các kinh sư. Vì muốn được chào hỏi tôn kính, nên các ông thích đi đi lại lại ở nơi có nhiều người để được thiên hạ bái chào. Đây là thói xấu ham mê danh vọng.
- C 39-40: + chiếm ghế danh dự trong hội đường: Tại mỗi hội đường Do thái đều có một chiếc ghế danh dự đặt trước tủ đựng kinh sách. Đối diện với cộng đoàn là chỗ dành cho những bậc vị vọng. Ai ngồi ở đây thì không bị che khuất và mọi người trong hội đường có thể nhìn thấy họ. Các kinh sư vốn tự cao nên thích ngồi ở hàng ghế danh dự này. Đây là thói xấu ham mê chức quyền. + thích ngồi cỗ nhất trong đám tiệc: Tại đám tiệc của người Do thái, vị trí chỗ ngồi được xếp đặt rõ ràng. Chỗ danh dự nhất là ở bên phải gia chủ. Chỗ thứ hai là bên trái, và tiếp tục như vậy từ phải sang trái chung quanh bàn ăn. Người ta dễ dàng nhận ra thứ bậc của người khách, căn cứ vào chỗ ngồi được gia chủ sắp xếp cho họ trong bữa tiệc. + nuốt hết tài sản của các bà góa: Các bà góa thường thiếu hiểu biết, nhẹ dạ nên được xếp vào hạng người cần được quan tâm giúp đỡ (x. Đnl 24,17.19). Mỗi khi bị bắt nạt chèn ép, các bà góa thường cậy nhờ các kinh sư bênh vực. Đây là cơ hội thuận tiện để một số phần tử xấu trong hàng ngũ kinh sư lợi dụng làm tiền, bằng cách chỉ vẽ Lề luật và hứa cầu nguyện cho. + làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ: Việc các kinh sư và người biệt phái hay cầu nguyện dài dòng thì ai cũng rõ. Người ta bảo rằng: Những bài cầu nguyện ấy không nhằm dâng lên Thiên Chúa tâm tình yêu mến mà chỉ nhằm phô trương công đức trước mặt người đời. Do đó, họ cố tình cầu nguyện tại ngã ba đường, nơi mà người ta dễ thấy mà ca tụng lòng đạo đức của họ. + họ sẽ bị kết án nghiêm khắc hơn: Luật Môsê coi việc xử tệ với các người cô thế cô thân, trong đó có các bà góa là một trọng tội và sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc (x. Xh 22,21-23). Đức Giê-su cho biết: Những hành vi này của các kinh sư chỉ là hình thức đạo đức giả và vụ lợi, nên họ sẽ bị kết án nghiêm khắc trong ngày tận thế.
- C 41-42: + Đức Giê-su ngồi đối diện với thùng tiền dâng cúng cho Đền Thờ. Người quan sát xem đám đông bỏ tiền vào đó ra sao: Giữa sân dành cho dân ngoại và sân dành cho phụ nữ là cửa Đẹp. Đức Giê-su đã đến ngồi tại đó sau khi đã tranh luận trong sân dành cho dân ngoại và tại hành lang Đền Thờ. Trong sân dành cho phụ nữ có đặt mười ba thùng đựng tiền của dân chúng tự nguyện đóng góp, dùng để làm bánh tế lễ, mua dầu đèn và các chi phí khác.+ bà góa nghèo: Một thân phận đáng thương vì bị cô thế cô thân không nơi nương tựa, nhất là còn nghèo tiền bạc vật chất. + hai đồng tiền kẽm trị giá một phần tư đồng bạc Rô-ma: Đây là đơn vị tiền tệ nhỏ nhất, ám chỉ sự nghèo khó cùng cực của bà này. Sở dĩ tác giả chú thích hai đồng tiền kẽm trị giá một phần tư đồng bạc Rô-ma là nhằm giúp các độc giả La-Hy thời bấy giờ dễ hiểu hơn. Ở đây Mác-cô muốn nhấn mạnh đến sự tương phản giữa hai số tiền dâng cúng của hạng người giàu và kẻ nghèo hèn.
- C 43-44: + Bà góa nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết: Nhiều hơn ai hết là theo cách đánh giá của Đức Giê-su khi xét theo tỷ lệ giữa số tiền bà dâng cúng với tài sản của bà. Bà đã dâng ngay cả những cái cần cho cuợc sống hằng ngày, giống như lời Đức Chúa nói với ngôn sứ Sa-mu-en khi ra lệnh cho ông xức dầu phong Đa-vít lên làm vua thay thế vua Sa-un: “Người phàm chỉ thấy điều mắt thấy, còn Đức Chúa thì thấy tận đáy lòng” (1 Sm 15,7). + mọi người đều rút từ tiền dư bạc thừa: Của dư thừa ám chỉ sự dâng cúng kém giá trị, vì “của nhiều lòng ít”. + còn bà này thì rút từ cái túng thiếu của mình: Bà “của ít lòng nhiều”: Tuy tiền dâng ít nhưng kèm hy sinh bản thân nên đã tăng giá trị lên nhiều lần.

4. CÂU HỎI:

1) Đức Giê-su đã quở trách bọn kinh sư và biệt phái về các thói xấu nào?
2) Người đánh giá thế nào về hai đồng tiền kẽm mà bà góa nghèo đã dâng trong Đền thờ? Tại sao?

II. SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: Thầy bảo thật anh em: “Bà góa nghèo đã bỏ thùng nhiều hơn ai hết”(Mc 12,43).

2. CÂU CHUYỆN:

1) TRÁNH LÀM VIỆC BÁC ÁI ĐỂ TÌM HƯ DANH:

Một bà nọ là thành viên của một hội đoàn đạo đức chuyên đi làm công tác bác ái xã hội. Một hôm, bà nhận được giấy mời đến dự buổi họp mặt bất thường để quyên góp giúp đồng bào bị thiên tai lũ lụt vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long. Bà dự tính kỳ họp này sẽ tự nguyện đóng góp số tiền một triệu đồng. Nhưng trong buổi họp, khi thấy có nhiều Hội viên khác cũng đóng góp số tiền một triệu ngang bằng với mình, bà muốn tỏ ra quảng đại hơn người, nên khi tới phiên, bà đã ghi vào sổ vàng cứu trợ số tiền hai triệu đồng. Rồi thay vì rút bao thư chứa hai triệu, thì bà lại rút nhầm bao thư trong đó có số tiền hai trăm USD tương đương năm triệu đồng mà bà định mang đi vào sau buổi họp mặt hôm đó để mừng đám cưới con trai của bà bạn thân đã từng giúp đỡ bà rất nhiều. Khi phát hiện ra đã đưa lộn phong bì, bà muốn đến bàn thu ngân xin lại số tiền đã góp dư kia, nhưng lại sợ bị mất thể diện trước mặt người khác. Cuối cùng bà đành chịu vậy, nhưng tự trách mình đã bất cẩn không kiểm tra phong bì trước khi nộp cho thủ quỹ. Nhiều ngày sau đó mỗi lần nghĩ tới là bà lại cảm thấy nuối tiếc số tiền đã lỡ ủng hộ cho đồng bào bị thiên tai lũ lụt ngoài dự tính kia.

2) GÃ BÁN THỊT VÀ LÃO ĂN MÀY:

Kho tàng cổ tích Ả-rập có câu chuyện vui như sau: Một gã bán thịt nướng kia rất keo kiệt và khó tính. Một hôm một lão ăn mày từ nơi khác đến ngồi ăn xin bên cạnh quán thịt nướng của gã. Lão ăn mày đói bụng nhìn những miếng thịt nướng trên vỉ sắt đang bốc khói, chỉ biết hít thật sâu để đón nhận mùi thịt thơm bay vào mũi và liên tục nuốt nước miếng vì không có tiền mua thịt. Cuối cùng lão nghĩ ra một kế hay: lão ta móc trong bị ra một miếng bánh mì khô mua từ ban sáng, lẳng lặng đến gần lò than hơ miếng bánh trên vỉ thịt, với hy vọng khói thịt bốc lên sẽ ám vào miếng bánh. Sau đó, lão ta vui vẻ ăn hết miếng bánh đã được ám khói. Còn gã bán thịt đang ngồi trong quán thấy vậy liền chạy ra túm lấy áo lão ăn mày đòi trả tiền. Bấy giờ lão ăn mày liền nói: “Lão đâu có lấy thịt nướng nào của anh. Khói thịt bay lên đâu phải là thịt”. Gã bán thịt hét lớn: “Khói từ thịt đang nướng bay ra là thuộc về miếng thịt, nên lão ăn bánh có ám khói thịt bay lên cũng phải trả tiền”. Hai người cự cãi không ai chịu thua ai. Cuối cùng họ đưa nhau ra toà yêu cầu quan tòa cứu xét. Quan tòa liền truyền cho lão ăn mày lấy ra một đồng tiền cắc ném mạnh xuống nền nhà phát ra một tiếng “keng”. Rồi quan toà phán quyết cho hai người như sau: “Lão ăn mày được quyền hưởng khói bay ra từ miếng thịt, còn anh bán thịt sẽ hưởng tiếng “keng” phát ra từ đồng tiền của lão ăn mày”.

3) CÁI CHẾT CỦA CÔ GÁI BÁN DIÊM NGHÈO KHÓ:

Vào một buổi tối mùa thu, nhà văn Anderson đi dạo phố một mình tại thủ đô Copenhague. Ông bỗng nghe một giọng nói yếu ớt từ đằng sau vọng lại: “ Chú ơi, mua hộ cháu bao diêm.” Nhà văn quay lại, chợt nhận ra một đứa bé gái, gương mặt xanh xao, quần áo nhầu nát bẩn thỉu. “Chú ơi mua hộ cháu bao diêm, cả ngày cháu chưa bán được một bao nào.” Giọng cô bé thật buồn. Nó bùi ngùi kể lại hoàn cảnh đáng thương của nó. Mẹ chết sớm, con bé phải ở với một người cha nghiện ngập và khá cọc cằn, nhưng nó rất thương bố nó. Nó cố lê lết khắp nơi để bán diêm, kiếm chút tiền mang về cho bố những bữa ăn ngon. Anderson xúc động cho con bé ít tiền. Con bé sáng rực đôi mắt và thầm nghĩ nó sẽ mua về cho bố tối nay một ổ bánh mì thật ngon. “Chú ơi sao chú tốt với cháu thế? Chú tên gì, và chú làm nghề gì ?” – “Chú tên Anderson, và chú làm nghề này”. Nhà văn vừa nói vừa khoa tay vẽ vào khoảng không hình một cái bút, ám chỉ ông là nhà văn. Đứa bé không hiểu, tưởng ông làm nghề bán bút giống như nó đi bán diêm vậy. Anderson hẹn với đứa bé đến đầu năm tới, ông sẽ trở lại và cho nó một món quà, còn bây giờ đã đến lúc ông phải đi xa.

Nhiều tháng trôi qua, Anderson dường như đã quên lời hứa của mình. Một bữa nọ, tình cờ trở lại Copenhague và ông chợt nhớ con bé bán diêm, nên đã ghé mua cho nó một chiếc áo ấm, và đi tìm để tặng. Tuy nhiên người chủ tiệm bên đường đã cho ông biết con bé bán diêm đã chết rồi: Ngày đầu năm, người ta thấy nó nằm chết cóng bên vệ đường. Nó nằm chết giữa một đống bao diêm, trong đó có một bao đã hết nhẵn. Có lẽ nó đốt diêm để sưởi cho bớt lạnh. Có điều là khi chết, khuôn mặt nó vẫn còn hồng hào và dường như nó đang mỉm cười chờ đợi một ai đó. Anderson đứng chết lặng. Người chủ tiệm nói tiếp: “Khi mang xác nó đi người ta thấy trong túi áo của nó rơi ra một vật giống như chiếc quản bút làm bằng những que diêm. Chắc nó làm để tặng ai đó tên Anderson, vì trên quản bút có viết hàng chữ “tặng chú Anderson”.
Câu chuyện cảm động trên là một kỷ niệm buồn trong cuộc đời của nhà văn Anderson. Câu chuyện này cũng giống như câu chuyện về người đàn bà góa nghèo trong Tin Mừng Marcô hôm nay. Cô bé bán diêm và người đàn bà góa có nét giống nhau: Cả hai đều là những người rất nghèo và bị xã hội bỏ rơi; tuy vậy cả hai đều có lòng quảng đại, biết cho đi những gì mình có. Nhưng điểm giống nhau căn bản là tuy nghèo vật chất, nhưng lại rất giàu về lòng nhân ái khi luôn biết nghĩ đến người khác.

4) TINH THẦN NGHÈO CỦA THÁNH PHAN-XI-CÔ KHÓ KHĂN :

Một giai thoại trong cuộc đời thánh Phanxicô Assisi đã được nhà văn Nikos Kazantzakis viết thành cuốn tiểu thuyết nội dung như sau: Sau khi Phanxicô đã phân phát cho người nghèo tất cả của cải của mình, ngài bắt đầu đi lang thang đó đây khất thực, vừa đi đường vừa ca hát. Một anh bạn cũ thân quen thấy vậy đã tỏ vẻ ngỡ ngàng và hỏi: “Này Phanxicô, đôi giày đắt tiền, chiếc đồng hồ quý giá, quần áo sang trọng của anh đâu cả rồi?”. Phanxicô trả lời: “ Tất cả những thứ đó là của ma quỷ, tôi đã trả lại cho nó tất cả rồi.” Người bạn hỏi tiếp: “Anh đi lang thang đến đây từ đâu và anh định sẽ đi đâu thế ? “ – “Tôi đến từ một nơi rất xa và tôi cũng đang trên đường đi về nơi ấy”. Người bạn lắc đầu không hiểu và hỏi tiếp: “Thế tại sao anh lại vừa đi đường vừa hát nghêu ngao như một thằng điên thế?” – “Tôi hát là để khỏi bị lạc đường đó thôi.”

Là những người đi theo Chúa Giêsu, chúng ta cũng rất dễ bị lạc đường, nếu chúng ta để cho của cải vật chất điều khiển. Điều quan trọng là chúng ta phải phá đổ thới xấu ích kỷ của mình để biết quảng đại cho đi giống như bà góa trong Tin mừng hôm nay.

5) LÒNG QUẢNG ĐẠI CỦA MỘT ĐÔI VỢ CHỒNG NGHÈO:

Một cặp vợ chồng về quê thăm họ hàng trong ngày nghỉ lễ. Họ lái xe được một quãng đường thì trời đổ mưa tầm tã và xe thình lình bị hư dọc đường. Đêm đã khuya và lạnh mà họ thì lại không quen thuộc đường lối. Sau khi đã hết mưa, họ bèn bỏ xe, đi bộ đến gõ cửa một căn nhà gần đó có ánh đèn hắt ra. Khi họ bước vào thì gặp hai ông bà già. Trước lời xin trú ngụ qua đêm của cặp vợ chồng, hai ông bà đã vui vẻ nói: Được lắm, chúng tôi có sẵn một căn phòng trống. Sáng hôm sau, cặp vợ chồng dậy sớm và chuẩn bị ra đi. Vì không muốn quấy rầy chủ nhà, người vợ để một số tiền lên bàn, rồi rón rén mở cửa bước ra. Và họ thực sự bỡ ngỡ khi nhìn thấy hai ông bà già đang co ro nằm ngủ trên sàn nhà ngoài phòng khách. Thì ra hai ông bà già này đã nhường chỗ cho cặp vợ chồng trẻ, còn mình sẵn sàng nằm ngủ dưới đất. Câu chuyện này giúp chúng ta hiểu được ý nghĩa cao quí của sự hy sinh và tình yêu thương của bà góa thời ngôn sứ Êlia và bà góa trong Tin mừng. Các bà đã cho đi tất cả những gì mình có.

3. THẢO LUẬN:

Trong những ngày này mỗi người chúng ta có thể chia sẻ những gì cụ thể trong tầm tay của mình cho những người nghèo đói bất hạnh và bị bỏ rơi để làm vui lòng Chúa?

4. SUY NIỆM:

1) Hãy quảng đại dâng cho Chúa mọi sự thuộc về mình:

Trong Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su đã lên án thái độ giả dối của các kinh sư Do thái và Người đã dạy môn đệ phải quảng đại cho đi, noi gương bà góa nghèo nọ đã dâng hai đồng tiền kẽm, trị giá một phần tư đồng bạc Rô-ma, là số tiền nhỏ bé bà dùng để nuôi bản thân mình trong một ngày. Bà đã được Đức Giê-su đánh giá cao việc dâng cúng quảng đại này: “Thầy bảo thật anh em: bà góa nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết. Quả vậy, mọi người đều rút từ tiền dư bạc thừa của họ mà đem bỏ vào đó. Còn bà này, thì rút từ cái túng thiếu của mình mà bỏ vào đó tất cả tài sản, tất cả những gì bà có để sống” (Mc 12,43b-44).

Câu chuyện cổ tích Ả rập về anh hàng thịt nướng keo kiệt đối xử hà khắc đối với kẻ nghèo nói trên cũng vẫn thường hay xảy ra trong xã hội hôm nay: Nhiều lần chúng ta đã cư xử với người khác cách keo kiệt tương tự. Việt Nam chúng ta có một câu chuyện vui về một ông bố keo kiệt và tham ăn như sau:

Một hôm sau một đêm thức trắng đánh dậm bắt được một giỏ mươi con cá, anh ta về ngồi bên bếp than nướng cá để làm mồi nhậu lai rai một mình. Đứa con trai nhỏ 4 tuổi ngửi thấy mùi thơm của cá liền khóc lóc đòi được ăn cá. Bà mẹ liền dỗ dành cậu con yêu: “Con hãy nín đi để mẹ coi xem có con cá nào nhỏ, mẹ sẽ xin bố cho con ăn nhé!”. Ông bố nghe vậy liền đáp: “Cho cái gì? Không có con cá nào nhỏ cả, con nào cũng to bằng nhau hết !”.

Cũng vậy, nhiều lần chúng ta thường né tránh để khỏi giúp đỡ tha nhân bằng câu nói: “Hãy đợi đấy! Khi nào làm ăn khá hơn, tôi sẽ chia sẻ giúp đỡ cho anh”. Nhưng sự chờ đợi ấy sẽ kéo dài mòn mỏi không biết phải chờ đến bao giờ. Người ta có thể nêu ra cả ngàn lý do để biện minh cho thái độ vô cảm, thiếu yêu thương, không muốn giúp đỡ tha nhân của mình.

2) Giá trị của một hành động bác ái từ thiện hệ tại chỗ nào ?

- Của cho không bằng tấm lòng người cho: Của nhiều mà lòng ít thì không quý bằng của ít lòng nhiều. Hai bà góa thời ngôn sứ Ê-li-a và thời Đức Giê-su sở dĩ được đề cao là do lòng yêu mến đối với người của Chúa và với công việc nhà Chúa. Chính lòng yêu mến đã làm cho hành động của hai bà có giá trị trước mặt Chúa. Và Chúa Giê-su đã khen bà góa trong Tin Mừng tuy chỉ bỏ hai đồng kẽm nhưng đã dâng Chúa nhiều hơn tất cả những người khác đã bỏ nhiều tiền. Vì những người kia dâng số tiền dư, còn bà goá này dâng Chúa tất cả những gì bà đang cần.
- Một việc lành của chúng ta chỉ thực sự tốt khi nó được thực hiện với lòng mến. Câu chuyện về người đàn bà ủng hộ đồng bào bị lũ lụt nói trên: Ban đầu bà đã có quyết định tốt khi dự định bỏ thùng ủng hộ một triệu đồng. Nhưng khi thấy nhiều người khác cũng bỏ vào thùng một triệu như vậy, thì bà liền tăng số tiền ủng hộ lên gấp đôi để tỏ ra quảng đại hơn người khác. Sau đó việc rút nhầm bao thơ 200 đôla Mỹ tương đương năm triệu đồng để bỏ vào thùng là ngoài ý muốn của bà, thể hiện qua việc bà tiếc nuối và muốn đến đòi lại số tiền dư kia, nhưng do thói sĩ diện hão, nên đành chấp nhận số tiền đã lỡ bỏ thùng hơn gấp nhiều lần. Số tiền bà góp này cũng không có giá trị về thiêng liêng trước tòa Chúa phán xét sau này vì nó không phát xuất từ tình yêu tha nhân, mà chỉ vì thói sĩ diện hão nhằm để tìm tiếng khen.
3) Về ba loại người cho và giá trị của ba cách cho:
+ Một là người cho cách bất đắc dĩ: Do muốn tránh bị quấy rầy, nên du cho mà trong lòng cảm thấy bực bội. Loại người này thường phân trần với bạn bè: “Mình ghét hắn ta, nhưng đành phải “thí” cho hắn ít tiền cho xong, để hắn mau biến đi khuất mắt!”.
+ Hai là người cho để làm xong bổn phận: Loại người cho này dù đã cho mà vẫn không thấy vui. Họ thường nói với bạn bè: “Mình bị rơi vào hoàn cảnh “tiến thoái lưỡng nan” : “Bỏ thì thương mà vương thì tội!” Thôi thì đành giúp đỡ hắn cho xong của nợ ! ”.
+ Ba là cho vì yêu thương: Do tự nguyện cho người nghèo nên trong lòng người cho sẽ cảm thấy vui vẻ. Trường hợp người được cho vì một lý do nào đó không nhận, thì người cho sẽ cảm thấy buồn. Loại người cho này thường hay nói với những người chịu đau khổ bất hạnh: “Tôi có thể giúp gì được cho bạn?” hoặc: “Tôi sẵn sàng chia sẻ những khó khăn bạn đang gặp phải”. Cách cho thứ ba do này mới đẹp lòng Chúa và chúng ta cần gắng thực hiện mỗi ngày, để của lễ chúng ta dâng sẽ bay lên trước tôn nhan Chúa và mang lại hạnh phúc sau này cho chúng ta.

4) Hãy tập quảng đại cho đi noi gương Chúa Cha:

- Thiên Chúa Cha chúng ta đã biểu lộ một tình yêu quảng đại để nêu gương cho chúng ta:
+ Chúng ta chỉ cần một bông hoa, mà Ngài lại ban cả cánh rừng.
+ Chúng ta chỉ cần vài ngụm nước, mà Ngài lại ban cho cả dòng suối.
+ Chúng ta chỉ cần vài hạt cát, mà Ngài lại cho cả bãi biển rộng dài.
+ Chúng ta chỉ xin lương thực hàng ngày, mà Ngài lại ban cả Mình Máu Thánh Chúa Giê-su.
- Chúa Giê-su phán: “Cho thì có phúc hơn là nhận” (Cv 20,35). Mỗi ngày chúng ta nên thực hiện một số việc quảng đại như PHĂNG-SÍT BAN-PHUA (Francis Balfour) đã liệt kê một số việc cụ thể mà các tín hữu chúng ta nên thực hiện như sau:
+ “Món quà đẹp nhất tặng cho kẻ thù ghét ta là lòng khoan dung tha thứ;
+ Quà tặng cho bạn bè là thái độ trung tín và chân thành,
+ Quà cho các em nhỏ là tấm gương bác ái và khiêm nhường phục vụ,
+ Quà tặng cho ông bố trong gia đình là thái độ tôn kính và vâng lời,
+ Quà cho bà mẹ là trái tim cháy lửa yêu thương và chia sẻ công việc nội trợ,
+ Và cuối cùng, quà cho mọi người chung quanh là nụ cười thân thiện kèm theo cái bắt tay thân ái, một lời khen thành thật, cùng thái độ lắng nghe và sẵn sàng đáp ứng nhu cầu noi gương Đức Giê-su”.

5. NGUYỆN CẦU

Lạy Chúa Giê-su. Cách đánh giá của Chúa trong Tin Mừng hôm nay khác hẳn cách nhìn nhận sự việc của chúng con. Vì “Loài người nhìn mặt, còn Chúa lại nhìn lòng!” (1 Sm 16,7). Chúa khen bà góa nghèo đã bỏ tiền dâng cúng nhiều hơn ai hết. Dù số tiền của bà nhỏ bé, nhưng bà “đã dâng tất cả những gì mình có để nuôi sống mình”. Bà dâng do lòng mến Chúa thôi thúc, nên đã được Chúa đánh giá: “Bà đã bỏ thùng nhiều hơn ai hết” (Mc 12,43).

Về phần chúng con: Nhiều khi chúng con dễ bị chán nản buông xuôi việc tốt, khi không được nhiều người biết và khen ngợi... Xin Chúa thanh luyện ý hướng khí làm việc lành của chúng con. Chúng con tin rằng: “Hữu xạ tự nhiên hương” (x. Mt 6,1-4), nếu công việc chúng con làm thực sự tốt thì sớm muộn cũng sẽ được người chung quanh nhận biết và họ sẽ ca ngợi tình yêu của Thiên Chúa là Cha chúng con (x. Mt 5,14-16).

X. HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A. –Đ. XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.

 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Bài giảng của ĐTC trong thánh lễ cầu cho các HY và GM qua đời trong năm qua trong đó có các ĐC Mai Thanh Lương và Bùi Văn Đọc
J.B. Đặng Minh An dịch
08:33 03/11/2018
Lúc 11 giờ 30 sáng thứ Bẩy 3 tháng 11, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự thánh lễ bên trong Đền thờ Thánh Phêrô để cầu nguyện cho 8 Hồng Y, 1 Thượng Phụ và 154 Tổng Giám Mục và Giám Mục qua đời trong vòng 12 tháng qua.

Trong số các vị có hai Đức Cha Việt Nam là Đức Cha Đa Minh Mai Thanh Lương, nguyên Giám Mục Phụ Tá giáo phận Orange, California qua đời ngày 6 tháng 12 năm ngoái 2017; và Đức Tổng Giám Mục Phaolô Bùi Văn Đọc, Tổng Giám Mục Sàigòn qua đời tại Rôma ngày 6 tháng Ba năm nay.

Đồng tế với Đức Thánh Cha có 40 Hồng Y và 30 Giám Mục trước sự hiện diện của hơn 1,000 tín hữu. Thánh lễ diễn ra tại bàn thờ Ngai Tòa Thánh Phêrô là nơi Đức Hồng Y Pietro Parolin Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh đã chủ sự thánh lễ đưa chân Đức Tổng Giám Mục Bùi Văn Đọc hồi tháng Ba vừa qua.

Bài Phúc Âm trong thánh lễ trích từ Tin Mừng theo Thánh Matthêu (25:1-13), trong đó Chúa Giêsu kể dụ ngôn mười cô trinh nữ cầm đèn đi đón chú rể. Trong mười cô đó, thì có năm cô khờ dại và năm cô khôn ngoan.

Giảng trong thánh lễ, Đức Thánh Cha nói:


Dụ ngôn trong bài Phúc Âm hôm nay kể với chúng ta về các cô phù dâu, tất cả là mười cô, “ra đi đón chàng rể” (Mt 25: 1). Đối với tất cả chúng ta, cuộc sống là một lời mời gọi ra đi liên tục: ra đi từ bụng mẹ, từ ngôi nhà nơi chúng ta được sinh ra, từ thời thơ ấu đến tuổi trẻ, từ tuổi thanh niên đến tuổi trưởng thành, suốt cuộc đời cho đến khi chúng ta từ giã thế giới này. Đối với các thừa tác viên Tin Mừng cũng thế, cuộc sống luôn chuyển động liên tục, từ khi chúng ta ra đi khỏi mái ấm gia đình để đến bất cứ nơi nào Giáo Hội sai chúng ta đến, từ sứ vụ đa dạng này đến công tác khác. Chúng ta luôn luôn di chuyển, cho đến khi chúng ta thực hiện hành trình cuối cùng của đời mình.

Đời là một sự cố gắng không ngừng, và Tin Mừng chỉ chúng ta thấy ý nghĩa của sự cố gắng ấy: đó là ra đi để gặp gỡ Chàng Rể. Theo Tin Mừng, cuộc đời chúng ta có nghĩa là sống để chờ đợi lời hô vang lên trong đêm, và chúng ta sẽ nghe thấy điều này vào giờ chết của chúng ta: “Chàng Rể kia rồi, ra đón đi!” (Câu 6). Cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu, Chàng Rể “yêu mến và tự hiến mình cho Giáo Hội” (Eph 5:25), mang lại ý nghĩa và phương hướng cho cuộc sống của chúng ta. Đó là tất cả, không gì khác hơn. Đó là đích điểm cuối cùng chiếu sáng mọi thứ trước đó. Cũng như việc gieo hạt được đánh giá bởi thu hoạch, hành trình cuộc sống được định hình bởi mục tiêu chung cuộc của nó.

Nếu cuộc sống của chúng ta là một cuộc hành trình để gặp gỡ Chàng Rể, thì cuộc đời chúng ta cũng là thời gian chúng ta được ban cho để lớn lên trong tình yêu. Mỗi ngày trong cuộc sống của chúng ta là một sự chuẩn bị cho tiệc cưới, một khoảng thời gian tuyệt vời của giao ước hôn nhân. Chúng ta hãy tự hỏi: Liệu tôi có sống như một người chuẩn bị gặp gỡ Chàng Rể không? Trong sứ vụ, giữa tất cả các cuộc hội họp, những hoạt động và thủ tục giấy tờ của chúng ta, chúng ta đừng bao giờ đánh mất tầm nhìn hướng về một sợi chỉ xuyên suốt giữ chặt toàn bộ tấm vải với nhau: đó là sự trông đợi Chàng Rể của chúng ta. Trung tâm của tất cả mọi thứ chỉ có thể là một con tim trong tình yêu với Chúa. Chỉ như thế, cơ thể hữu hình của sứ vụ chúng ta mới được duy trì bởi một linh hồn vô hình. Ở đây chúng ta bắt đầu nhận ra điều mà Tông Đồ Phaolô nói với chúng ta trong bài đọc hai: “Chúng ta không chú tâm đến những sự vật hữu hình, nhưng đến những thực tại vô hình. Quả vậy, những sự vật hữu hình thì chỉ tạm thời, còn những thực tại vô hình mới tồn tại vĩnh viễn.” (2 Cor 4:18). Chúng ta đừng dán mắt vào những chuyện thế gian, nhưng hãy nhìn xa hơn những điều ấy. Những lời của Thánh Phaolô thật chính xác khi bảo cho chúng ta biết rằng những điều thực sự quan trọng là những thực tại vô hình đối với đôi mắt chúng ta. Điều thực sự quan trọng trong cuộc sống là nghe tiếng nói của Chàng Rể. Giọng nói đó yêu cầu chúng ta hàng ngày phải bắt gặp Chúa đến và làm cho mọi hoạt động của chúng ta trở thành một phương tiện chuẩn bị cho tiệc cưới với Ngài.

Chúng ta được nhắc nhở về điều này khi Phúc Âm nói về điều thiết yếu đối với các cô phù dâu đang đợi tiệc cưới. Đó không phải là áo choàng, hoặc đèn đuốc của họ, nhưng là dầu được giữ trong các lọ nhỏ.

Ở đây chúng ta thấy một tính năng đầu tiên của dầu: nó không gây ấn tượng. Nó không hào nhoáng, nhưng không có nó thì không có ánh sáng. Điều này gợi ý cho chúng ta điều gì? Đó là trong mắt Chúa, điều quan trọng không phải là vẻ bề ngoài mà là tâm hồn (x. 1 Samuen 16: 7). Tất cả mọi thứ mà thế giới chạy theo và sau đó khoe mẽ - danh dự, quyền lực, vẻ bề ngoài, vinh quang - qua đi và không để lại chút gì phía sau. Đừng dính bén đến vẻ bề ngoài của thế gian. Đó là điều thiết yếu để chúng ta chuẩn bị cho thiên đàng. Chúng ta cần phải nói không với “văn hóa mỹ phẩm” đang bảo chúng ta phải lo lắng vẻ bề ngoài của chúng ta. Thay vì chú tâm đến diện mạo bên ngoài sẽ qua đi của mình, chúng ta nên thanh tẩy và gìn giữ tâm hồn mình, nội tâm của chính mình, là điều quý giá trong mắt Thiên Chúa.

Cùng với tính năng đầu tiên này - không hào nhoáng nhưng cần thiết – còn có một khía cạnh khác của dầu: nó tồn tại để được tiêu thụ. Chỉ khi nó bị đốt cháy nó mới lan tỏa ánh sáng. Cuộc sống của chúng ta cũng giống như vậy: chúng chỉ tỏa sáng khi được tiêu thụ, khi đốt cháy chính mình trong phục vụ. Bí quyết sống là sống để phục vụ. Sự phục vụ là vé được trình ra tại cửa của tiệc cưới vĩnh cửu. Những gì còn lại của cuộc đời, ngay ngưỡng cửa đời đời, không phải là những gì chúng ta thủ đắc được mà là những gì chúng ta đã cho đi (x. Mt 6: 19-21; 1 Cor 13: 8). Ý nghĩa của cuộc sống được tìm thấy nơi lời đáp trả của chúng ta đối với lời đề nghị tình yêu của Thiên Chúa. Và lời đáp trả đó được hình thành từ tình yêu đích thực, tự hiến và phục vụ. Phục vụ người khác có cái giá của nó, vì nó liên quan đến việc làm tiêu hao chính mình, và để cho bản thân mình được tiêu thụ. Trong sứ vụ của chúng ta, những ai không sống để phục vụ thì không đáng sống. Những người giữ quá chặt mạng sống mình thì sẽ mất.

Một tính năng thứ ba của dầu được trình bày rõ ràng trong Tin Mừng: nó phải được chuẩn bị. Dầu phải được lưu trữ trước và phải mang theo bên mình (x. câu 4, 7). Tình yêu chắc chắn là tự phát, nhưng nó không phải là ngẫu hứng. Chính vì thiếu chuẩn bị nên các cô phù dâu bị loại ra khỏi tiệc cưới đã cho thấy sự ngu xuẩn của họ. Bây giờ là lúc chuẩn bị: ở đây và bây giờ, từng ngày, tình yêu phải được lưu trữ và nuôi dưỡng. Chúng ta hãy cầu xin ân sủng biết canh tân hàng ngày tình yêu đầu tiên của chúng ta với Chúa (x. Khải huyền 2: 4), nếu không ngọn lửa của tình yêu sẽ lụi tàn. Thật là một cám dỗ lớn lao khi chúng ta chìm đắm trong một cuộc sống không có tình yêu, mà kết cục giống như một chiếc bình rỗng, một ngọn đèn đã tắt ngấm. Nếu chúng ta không đầu tư vào tình yêu, cuộc đời sẽ bóp nghẹt nó. Những ai được mời dự tiệc cưới của Thiên Chúa không thể hài lòng với cuộc sống thụ động, bình lặng và nhàn nhã lê bước thiếu nhiệt tình, tìm kiếm những thỏa mãn nhỏ nhen và theo đuổi những tưởng thưởng thoáng qua. Một cuộc sống nhàn hạ và bình thản, hài lòng với việc thực hiện nhiệm vụ của mình mà không tự hiến, không xứng đáng với Chàng Rể.

Khi chúng ta cầu nguyện cho các Hồng Y và Giám Mục đã qua đời trong năm qua, chúng ta hãy khẩn khoản xin lời chuyển cầu của tất cả những người đã sống cuộc sống khiêm nhường, hân hoan chuẩn bị hàng ngày để gặp Chúa. Theo gương của những chứng nhân này, những người tán tụng ngợi khen Thiên Chúa đông đảo xung quanh chúng ta, ngày hôm nay chúng ta đừng hài lòng với cái nhìn thoáng qua và không còn gì khác. Thay vào đó, chúng ta hãy ao ước biết nhìn xa hơn về phía trước, đến tiệc cưới đang chờ đợi chúng ta. Một cuộc sống cháy bỏng với ước muốn gặp gỡ Thiên Chúa và được huấn luyện bởi tình yêu sẽ chuẩn bị cho chúng ta bước vào phòng tiệc cưới với Chàng Rể, mãi mãi.

Trong phần lời nguyện giáo dân, Đức Thánh Cha đã mời gọi cộng đoàn cầu nguyện như sau:

Anh chị em thân mến, xin cho lời cầu nguyện của tất cả các tín hữu, đang cầu xin hòa bình và ơn cứu độ cho người sống và kẻ chết, liên tục được dâng lên trước tôn nhan Thiên Chúa là nguyên ủy của ân sủng và lòng thương xót.

Lạy Cha Chí Thánh, xin giữ gìn Đức Thánh Cha Phanxicô, tất cả các giám mục và linh mục trong tình con thảo với Cha và gìn giữ các ngài trong sự trung tín với sứ vụ đã được giao phó cho các ngài.

Lạy Cha là nguồn mạch mọi điều thiện hảo, xin chào đón vào vòng tay yêu thương của Cha các Hồng Y và Giám Mục đã qua đời trong năm nay và ân thưởng cho các ngài phần thưởng dành riêng cho những tôi tớ trung tín của Cha.

Lạy Cha giàu lòng thương xót, xin Cha chúc phúc cho công việc rao giảng Tin Mừng của tất cả những nhà truyền giáo, để đức tin chân thật có thể lan rộng khắp thế giới.

Lạy Cha là chủ tể của tất cả lòng xót thương, xin ưu ái nhìn đến những ai đang hấp hối và cho họ có thể giã từ thế gian này trong an bình.

Lạy Cha toàn năng, xin thức tỉnh trong tất cả những ai đã chịu phép Rửa ước muốn nên thánh và sức mạnh để chu toàn thánh ý Cha mỗi ngày trong đời họ.

Sau các ý chỉ này, Đức Thánh Cha dâng lời nguyện sau:

Chúng con chúc tụng Cha là Chúa tể trời đất, vì Cha đã nghe những lời cầu nguyện của Giáo Hội của Cha và cho những anh em đã qua đời của chúng con được tận hưởng trọn vẹn ánh sáng và bình an. Nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen


Source: Copyright - Libreria Editrice Vaticana HOLY MASS FOR THE REPOSE OF THE SOULS OF THE CARDINALS AND BISHOPS WHO DIED OVER THE COURSE OF THE YEAR HOMILY OF HIS HOLINESS POPE FRANCIS Vatican Basilica, Altar of the Chair of Saint Peter Saturday, 3 November 2018
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Lễ Hội Truyền Thống Cộng Đoàn Thánh Vinh Sơn Liêm 2018
Trần Văn Minh
17:19 03/11/2018
Mở đầu lễ kính bổn mạng tại Cộng Đoàn Thánh Vinh Sơn Liêm Năm 2018, là nghi thức làm phép tượng Đức Mẹ Sầu Bi lúc 5 giờ chiều Ngày 3/11/2018. Trước khi dâng lễ đồng tế trọng thể để mừng lễ bổn mạng của Cộng đoàn Thánh Vinh Sơn Liêm và khai mạc lễ hội truyền thống lần thứ 38.

Xem hình

Tượng Đài Đức Mẹ Sầu Bi mới được xây dựng và đặt tượng Ngày 30/10/2018 để đón chào Lễ bổn mạng và lễ hội Thánh Vinh Sơn Liêm hằng năm lần thứ 38. Nhân dịp lễ hội, trước mặt đông đủ cộng đoàn, linh mục quản nhiệm đã làm phép tượng được đặt trang trọng nơi Vườn Phục Sinh của cộng đoàn.

Sau phần Tiểu sử của Thánh Vinh Sơn Liêm. Tiếng chuông rộn ràng reo vui, hòa cùng tiếng ca nhập lễ của Liên Ca đoàn Thánh Vinh Sơn Liêm, trong khi đoàn đồng tế, trong lễ phục đỏ tiến lên lễ đài để dâng lễ đồng tế, do Linh mục Giuse Trần Ngọc Tân Quản nhiệm Cộng đoàn Thánh Vinh Sơn Liêm chủ tế. Tiếp đó, Linh mục chủ tế đã xông hương bàn thờ và xông hương tượng Thánh Vinh Sơn Liêm bổn mạng Cộng đoàn đứng trên tòa cao với hoa nến trang trọng trước mặt cộng đoàn trong tiếng ca của Liên Ca đoàn Vinh Sơn Liêm với các chị xinh xắn trong đồng phục áo dài mầu đỏ, nam áo sơ mi trắng, với đầy đủ nhạc cụ cộng với phần âm thanh của Bằng Uyên và những bài thánh ca thể hiện được các cung bậc nhiều ý nghĩa trong ngày lễ trọng đại của cộng đoàn thật tuyệt vời.

Trong bài chia sẻ, Linh mục Đinh Thanh Bình đã nói về các thánh, với ước mơ của mọi người là được nên thánh. Ý nghĩa của cuộc sống dẫn dắt mọi người tìm hiểu về thánh nhân được Thiên Chúa tuyển chọn dù làm bất cứ công việc gì để quên mình mà phục vụ theo Thánh ý của Thiên Chúa.

Kết thúc thánh lễ, sau lời cám ơn của ông trưởng ban mục vụ Lê Văn Miện. Là phần lễ hội truyền thống của cộng đoàn. Đó là phần văn nghệ và ẩm thực đặc biệt do các hội đoàn, đoàn thể, giáo khu phụ trách đã phục vụ cho toàn thể mọi người hiện diện các món ăn ngon, độc đáo, nóng sốt.

Phần văn nghệ do ba MC Văn Hải, Ngọc Tuyền và Tâm Như giới thiệu mở màn với điệu múa của Giáo khu Gioan Bosco với hai giọng hát thánh thót của Đình Trinh và Phương Thảo. Tứ ca của Ban Thánh Tâm Ca. Đơn ca của Kim Thanh. Hoạt cảnh của Liên nhóm Cursilo Vinh Sơn Liêm. Ca đoàn Vô Nhiễm với đội múa rất chuyên nghiệp, điêu luyện với y phục đẹp mắt. Hai giọng ca rất nổi tiếng của Ca đoàn Babylon Thanh Huyền và Cẩm Lệ. Thiếu Nhi Thánh Thể với màn trình diễn thật trẻ trung. Và thật nhiều tiết mục vv.

Thánh lễ đồng tế trọng thể là bữa ăn nuôi sống linh hồn mọi người, là mối giây liên kết cộng đoàn. Phần văn nghệ đặc sắc, cộng với các món ăn ngon đã tạo cho đêm lễ hội Vinh Sơn Liêm thật vui, mang nhiều ý nghĩa và thành công tốt đẹp.

 
Hội Thảo Loan Báo Tin Mừng cho các hội đoàn Công Giáo Tiến hành giáo phận Hưng Hóa
Ban Truyền giáo Hưng Hóa
20:10 03/11/2018
WGPHH –“Các phong trào, đoàn thể tiếp tục bơm sức sống cho Giáo Hội. Đó là hồng ân Thiên Chúa và đích thực là một “Mùa xuân của Thần khí” (Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II).

Vì thế, từ ngày 29 đến ngày 31/10/2018, Ủy ban Loan Báo Tin Mừng giáo phận Hưng Hóa tổ chức hội thảo Loan Báo Tin Mừng dành cho các hội đoàn Công Giáo Tiến hành trong giáo phậntại giáo xứ Trù Mật, thuộc xã Văn Lung, thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ. Đến tham dự hội thảo gồm có Đức cha Anphong Nguyễn Hữu Long – Giám Mục Phụ Tá giáo phận Hưng Hóa, Cha Giuse Nguyễn Văn Thành–Chủ tịch Ủy ban Loan Báo Tin Mừng chủ trì hội thảo, Cha cố Piô Ngô Phúc Hậu, Gioan Đặng Văn Nghĩa phó ban truyền giáo, Cha Giuse Nguyễn Viết Hiệp chủ tịch ủy ban Mục vụ, Cha Giuse Nguyễn Ngọc Ngoạn phụ trách các hội đoàn trong giáo phận, quý cha phụ trách truyền giáo các giáo hạt, quý Dì đại diện hội Dòng Mến Thánh Giá Hưng Hóa, quý Dì trực tiếp truyền giáo cho người dân tộc, đại diện cho 116 giáo xứ và đại diện các hội đoàn Công Giáo tiến hành trong giáo phận.Tổng số tham dự viên lên đến 130 người.

Xem Hình

Theo chương trình, các tham dự viện tập trung lúc 10g00 thứ Hai ngày 29/10 và khai mạc lúc 13g30 cùng ngày. Sau những phút thánh hóa linh thiêng và giới thiệu của cha chủ tịch Ủy ban Loan báo Tin Mừng, Đức chaAnphong đã khai mạc vàcó lời chúc mừng cũng như cám ơn các tham dự viên đã đến từ nhiều nơi xa, nhiều hội đoàn trong giáo phận. Ngài cũng đề cao vai trò của các hội đoàn Công Giáo Tiến hành trong Giáo hội bởi đó là môi trường tốt để người giáo dân loan báo Tin Mừng cho người khác.

Vì đây là lần đầu tiên hội thảo với các hội đoàn Công Giáo Tiến hành nên Ủy Ban Loan báo Tin Mừng đặt ra ba mục tiêu, thứ nhất là làm thức tỉnh tinh thần truyền giáo nơi các hội đoàn; thứ hai là những người tham dự có trách nhiệm nói lại những gì đã nghe, đã thấy, đã hiểu trong hội thảo để kể lại cho những thành viên trong hội đoàn mình để qua đó mọi người đều chung tay loan báo Tin Mừng; thứ ba là lập ra được ban truyền giáo cho hội đoàn mình và có những việc làm cụ thể để loan báo Tin Mừng.

Để đạt được ba mục đích trên, Ủy ban Loan Báo Tin Mừng đã mời sáu thuyết trình viên cho sáu đề tài trong ba ngày với những đề tài đã Ủy ban Loan báo Tin Mừng trình bày nhân dịp hội thảo tại Xuân Lộc. Đề tài thứ nhất là hội đoàn Công Giáo tiến hành tham gia sứ mạng loan báo Tin Mừng ngày nay do Đức cha Anphong Nguyễn Hữu Long thuyết trình. Đề tài thứ hai là linh đạo truyền giáo do cha Gioan Đặng Văn Nghĩa trình bày. Đề tài thứ ba là giới thiệu những hoạt động loan báo Tin Mừng của người dân do cha cố Piô Ngô Phúc Hậu chia sẻ. Đề tài thứ tư là việc huấn luyện kitô hữu giáo dân và những nỗ lực truyền giáo của giáo dân tại Châu Á và Việt Nam do cha Giuse Nguyễn Ngọc Ngoạn trình bày. Đề tài thứ năm là Phúc Âm hóa và tân Phúc Âm hóa do cha Gioankim Nguyễn Đức Thành - Trưởng ban truyền giáo GP Bắc Ninh trình bày. Đề tài thứ sáu là cầu Nguyện với Thánh Kinh do cha Antôn Nguyễn Hoàng Dũng dòng tên đảm nhận.

Đểhội thảo có chiều sâu và chuyên môn nên sau mỗi đề tài thuyết trình, các tham dự viên đóng góp ý kiến, đưa ra các đề xuất và đặt câu hỏi để Đức cha cùng các cha phụ trách trả lời. Hơn thế nữa, vào 20g00 mỗi tối các hội viên chia sẻ và kể cho nhau nghe vui buồn trong cuộc đời truyền giáo. Được khuyến khích động viên nên các thành viên đã chia sẻ rất tự nhiên. Nhiều câu chuyện kể ra thật xúc động!

Hội Thảo mong muốn các hội đoàn trong giáo phận nhà chung tay loan báo Tin Mừng bằng đời sống chứng tá, với lòng say mê Đức Kitô bằng lòng nhiệt huyết. Nhưng Đại Hội cũng phải khẳng định rằng công việc truyền giáo không phải một sớm một chiều là xong. Đức cha Anphong cùng các cha thuyết trình nhằm thúc đẩy các hội đoàn truyền giáo trước tiên: xây dựng hội đoàn vững mạnh, đoàn kết, phục vụ, cần có thái độ lạc quan tích cực, tránh tình trạng hời hợt, thái độ vô thần thực hành đạo “sống đạo trong nhà thờ”. Cha Piôtrình bày giáo lý cao siêu bằng những câu chuyện hết sức dân dã, dí dỏm qua đời sống truyền giáo của ngài.

Đức cha và quý cha nhấn mạnh công việc truyền giáo chủ yếu là do Chúa Thánh Thần tác động.Các hội đoàn cần tích cực cộng tác bằng cầu nguyện với Chúa Thánh Thần. Hội thảo còn nhấn mạnh việc truyền giáo không chỉ dành cho các linh mục và tu sĩ mà còn giáo dân nữa. Giáo hội tham gia phải là Giáo hội có giáo dân cộng tác với hàng giáo phẩm. Hội thảo còn đưa ra các giải pháp, chương trình huấn luyện cho người giáo dân trưởng thành hơn và chương trình tổng quát huấn luyệntâm linh, kiến thức, kĩ năng cũng như những khóa huấn luyện chuyên biệt về truyền giáo.

Mỗi ngày trong hội thảo đều có những giây phút hồi tâm trước Chúa Giêsu Thánh Thể để chia sẻ, tâm sự và xin ơn nhiệt thành loan báo Tin Mừng. Thánh lễ là đỉnh cao của mỗi ngày ngày hội thảo. Qua đó, các thành viên ý thức hơn về truyền giáo không chỉ là bản chất của Giáo hội, của từng người mà còn là một sứ mệnh Chúa giao phó nữa.

Lúc 16g00 ngày 31/10,ban thư ký đã đọc những ghi chép diễn ra ba ngày hội thảo và đây chính là những đúc kết mà hội thảo muốn gửi lên bề trên giáo phận. Thời gian hội thảo không nhiều nhưng cũng đủ để mọi thành phần tham dự ý thức được bổn phận của mình trong Giáo hội, trong hội đoàn của mình là loan báo Tin Mừng. Hội thảo kết thúc tốt đẹp, sau lời chia sẻ và cám ơn của cha chủ tịch Ủy ban Loan báo Tin Mừng.

Ban Truyền giáo Hưng Hóa
 
Văn Hóa
Cảm nhận Mùa Các Đẳng
Sơn Ca Linh
09:28 03/11/2018
NHẤP NHÔ KÝ ỨC

Mỗi năm mấy lần đi qua màu tím,
Riêng mùa nầy mang nỗi nhớ chênh vênh.
Dòng thời gian như mây trắng lênh đênh,
Kéo ta về bờ nhấp nhô ký ức…

Bóng hình xưa tưởng chìm sâu đáy vực,
Chợt bây giờ trong nhang khói hiển linh !
Dáng ai như cô gái trẻ thân quen,
Viên đạn vô tình, đời xuân khép lại !

Bên nghĩa địa buồn vọng về tê tái,
Mấy đứa bạn thân… mới chết chiều qua.
Định mệnh có chừa phe địch phe ta,
Thời gần gũi, thời chia xa vĩnh viễn !

Rồi những người thân…những lần đưa tiễn,
Làm sao nhớ hết lớn bé trẻ già…
Mỗi con đường, phố thị, xóm nhỏ đi qua…
Ánh mắt, nụ cười… tưởng chừng ai vẫy gọi !

Mùa Các Đẳng ta nghe mùi nhang khói,
Đậm trong ta hương của hiếu, nghĩa, tình.
Một chút lắng sâu một thoáng lời kinh,
“Người chết nối linh thiêng vào đời”, thương quá !

Sơn Ca Linh
Tháng 11/2018
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Ngựa Hoang Bên Rừng Thu
Nguyễn Đức Cung
08:46 03/11/2018
NGỰA HOANG BÊN RỪNG THU
Ảnh của Nguyễn Đức Cung
Rừng Thu nắng đẹp dịu dàng
Ngựa hoang thanh thản cỏ vàng hả hê
(nđc)
 
VietCatholic TV
GM Đỗ Mạnh Hùng trình bày về Thượng Hội Đồng Giới trẻ cho Liên Tu Sĩ VN Roma
VietCatholic Network
11:53 03/11/2018
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây


Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô. VietCatholic xin kính chào quý vị và anh chị em trong tình yêu thương của Chúa Kitô và Mẹ Maria. Kính thưa quý vị và anh chị em, chương trình Truyền Hình của chúng tôi hôm nay gồm có phóng sự đặc biệt về Buổi Họp Mặt Liên Tu Sĩ Roma.

Kính thưa quí vị, Trưa ngày 21/10/2018, ngày Khánh nhật Truyền giáo, Liên Tu sĩ Việt Nam tại Rôma đã tổ chức buổi họp mặt đầu năm học 2018-2019 tại Nhà Bề trên Tổng quyền dòng St. Paul de Chartres với sự tham dự của hơn 200 linh mục, tu sĩ và chủng sinh đang học và làm việc tại Rôma và vùng phụ cận.

Hiện nay số linh mục tu sĩ nam nữ Việt Nam tại Roma ước lượng khoảng trên 400 người, số đông là du học sinh và phần còn lại là các vị đang làm trong các Bộ của Tòa Thánh. Đức ông Đức Ông GB. Phạm Mạnh Cương hiện là Chủ tịch của Liên Tu sĩ Roma và Cha Nguyễn Đình Anh Nhuệ là Phó chủ tịch.

Các linh mục Việt Nam từ Hoa Kỳ khoảng 30 vị đang có chuyến Hành hương Roma nhân dịp này cũng được Liên Tu Sĩ Roma mời tham dự cuộc họp mặt nêu trên.

Liên Tu sĩ Việt Nam tại Roma đã vinh dự chào đón hai Nghị phụ của Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới là Đức cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng và Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Viên. Đức cha Giuse đã chủ tế Thánh lễ và Đức cha Phêrô giảng lễ. Mở đầu Thánh lễ, Đức cha chủ tế đã gợi lên 3 tâm tình để mời gọi cộng đoàn cầu nguyện:

– Cho Thượng Hội Đồng Giám mục thế giới về giới trẻ, đang bước vào tuần lễ cuối cùng, đạt được những kết quả tốt đẹp.

– Cho Liên Tu sĩ Rôma, đại đa số cũng là những linh mục, tu sĩ trẻ được nhiều ơn lành trong năm học mới này. Cùng với những người trẻ Công Giáo, những linh mục và tu sĩ trẻ này là tương lai của Giáo hội quê nhà.

– Cho việc truyền giáo của Giáo hội, đặc biệt cho Giáo hội tại xứ truyền giáo Việt Nam.

Cuối Thánh lễ, Đức cha Giuse đã đại diện cho các giám mục Việt Nam gởi lời thăm và cầu chúc cho tất cả các linh mục, chủng sinh, tu sĩ xa quê.

Sau Thánh lễ, mọi người đã tham dự buổi gặp chung để chia sẻ thông tin, giới thiệu quý linh mục, tu sĩ mới đến Rôma năm nay.

Trên bản chủ tọa có 2 Đức Cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng và Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Viên hiện đang tham dự Thượng Hội đồng Giám mục về giới trẻ.

Phía bên trái 2 Đức cha là Đức ông Phạm Mạnh Cương và Cha Anh Nhuệ, chánh phó Chủ tịch Liên Tu sĩ Roma;

Phía bên phải là Đức ông Trịnh Minh Trí, Chủ tịch Liên Đoàn CGVN Hoa Kỳ, Đức ông Phạm văn Phương, Cố vấn Liên Đoàn, Cha Trần Công Nghị, Trưởng ban Thông tin Liên đoàn và là Giám đốc VietCatholic.

Sau đây xin mời quí vị nghe bài nói chuyện của Đức cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng về thành quả của Thượng Hội Đồng về Giới Trẻ.

Đức Ông Trịnh Minh Trí giới thiệu về Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ.

Đức Ông Phạm Mạnh Cương chào mừng quan khách, đón nhận các thành viên mới Liên Tu sĩ Việt Nam tại Roma.

Đức ông Phạm Mạnh Cương chào mừng quan khách, đón nhận các thành viên mới Liên Tu sĩ Roma và tóm lược về Liên Tu sĩ Roma.
 
Thánh lễ cầu cho các HY và GM qua đời trong năm qua bao gồm ĐC Mai Thanh Lương và ĐTGM Bùi Văn Đọc
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
18:27 03/11/2018
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Lúc 11 giờ 30 sáng thứ Bẩy 3 tháng 11, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự thánh lễ bên trong Đền thờ Thánh Phêrô để cầu nguyện cho 8 Hồng Y, 1 Thượng Phụ và 154 Tổng Giám Mục và Giám Mục qua đời trong vòng 12 tháng qua.

Trong số các vị có hai Đức Cha Việt Nam là Đức Cha Đa Minh Mai Thanh Lương, nguyên Giám Mục Phụ Tá giáo phận Orange, California qua đời ngày 6 tháng 12 năm ngoái 2017; và Đức Tổng Giám Mục Phaolô Bùi Văn Đọc, Tổng Giám Mục Sàigòn qua đời tại Rôma ngày 6 tháng Ba năm nay.

Đồng tế với Đức Thánh Cha có 40 Hồng Y và 30 Giám Mục trước sự hiện diện của hơn 1,000 tín hữu. Thánh lễ diễn ra tại bàn thờ Ngai Tòa Thánh Phêrô là nơi Đức Hồng Y Pietro Parolin Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh đã chủ sự thánh lễ đưa chân Đức Tổng Giám Mục Bùi Văn Đọc hồi tháng Ba vừa qua.

Bài Phúc Âm trong thánh lễ trích từ Tin Mừng theo Thánh Matthêu (25:1-13), trong đó Chúa Giêsu kể dụ ngôn mười cô trinh nữ cầm đèn đi đón chú rể. Trong mười cô đó, thì có năm cô khờ dại và năm cô khôn ngoan.

Giảng trong thánh lễ, Đức Thánh Cha nói:

Dụ ngôn trong bài Phúc Âm hôm nay kể với chúng ta về các cô phù dâu, tất cả là mười cô, “ra đi đón chàng rể” (Mt 25: 1). Đối với tất cả chúng ta, cuộc sống là một lời mời gọi ra đi liên tục: ra đi từ bụng mẹ, từ ngôi nhà nơi chúng ta được sinh ra, từ thời thơ ấu đến tuổi trẻ, từ tuổi thanh niên đến tuổi trưởng thành, suốt cuộc đời cho đến khi chúng ta từ giã thế giới này. Đối với các thừa tác viên Tin Mừng cũng thế, cuộc sống luôn chuyển động liên tục, từ khi chúng ta ra đi khỏi mái ấm gia đình để đến bất cứ nơi nào Giáo Hội sai chúng ta đến, từ sứ vụ đa dạng này đến công tác khác. Chúng ta luôn luôn di chuyển, cho đến khi chúng ta thực hiện hành trình cuối cùng của đời mình.

Đời là một sự cố gắng không ngừng, và Tin Mừng chỉ chúng ta thấy ý nghĩa của sự cố gắng ấy: đó là ra đi để gặp gỡ Chàng Rể. Theo Tin Mừng, cuộc đời chúng ta có nghĩa là sống để chờ đợi lời hô vang lên trong đêm, và chúng ta sẽ nghe thấy điều này vào giờ chết của chúng ta: “Chàng Rể kia rồi, ra đón đi!” (Câu 6). Cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu, Chàng Rể “yêu mến và tự hiến mình cho Giáo Hội” (Eph 5:25), mang lại ý nghĩa và phương hướng cho cuộc sống của chúng ta. Đó là tất cả, không gì khác hơn. Đó là đích điểm cuối cùng chiếu sáng mọi thứ trước đó. Cũng như việc gieo hạt được đánh giá bởi thu hoạch, hành trình cuộc sống được định hình bởi mục tiêu chung cuộc của nó.

Nếu cuộc sống của chúng ta là một cuộc hành trình để gặp gỡ Chàng Rể, thì cuộc đời chúng ta cũng là thời gian chúng ta được ban cho để lớn lên trong tình yêu. Mỗi ngày trong cuộc sống của chúng ta là một sự chuẩn bị cho tiệc cưới, một khoảng thời gian tuyệt vời của giao ước hôn nhân. Chúng ta hãy tự hỏi: Liệu tôi có sống như một người chuẩn bị gặp gỡ Chàng Rể không? Trong sứ vụ, giữa tất cả các cuộc hội họp, những hoạt động và thủ tục giấy tờ của chúng ta, chúng ta đừng bao giờ đánh mất tầm nhìn hướng về một sợi chỉ xuyên suốt giữ chặt toàn bộ tấm vải với nhau: đó là sự trông đợi Chàng Rể của chúng ta. Trung tâm của tất cả mọi thứ chỉ có thể là một con tim trong tình yêu với Chúa. Chỉ như thế, cơ thể hữu hình của sứ vụ chúng ta mới được duy trì bởi một linh hồn vô hình. Ở đây chúng ta bắt đầu nhận ra điều mà Tông Đồ Phaolô nói với chúng ta trong bài đọc hai: “Chúng ta không chú tâm đến những sự vật hữu hình, nhưng đến những thực tại vô hình. Quả vậy, những sự vật hữu hình thì chỉ tạm thời, còn những thực tại vô hình mới tồn tại vĩnh viễn.” (2 Cor 4:18). Chúng ta đừng dán mắt vào những chuyện thế gian, nhưng hãy nhìn xa hơn những điều ấy. Những lời của Thánh Phaolô thật chính xác khi bảo cho chúng ta biết rằng những điều thực sự quan trọng là những thực tại vô hình đối với đôi mắt chúng ta. Điều thực sự quan trọng trong cuộc sống là nghe tiếng nói của Chàng Rể. Giọng nói đó yêu cầu chúng ta hàng ngày phải bắt gặp Chúa đến và làm cho mọi hoạt động của chúng ta trở thành một phương tiện chuẩn bị cho tiệc cưới với Ngài.

Chúng ta được nhắc nhở về điều này khi Phúc Âm nói về điều thiết yếu đối với các cô phù dâu đang đợi tiệc cưới. Đó không phải là áo choàng, hoặc đèn đuốc của họ, nhưng là dầu được giữ trong các lọ nhỏ.

Ở đây chúng ta thấy một tính năng đầu tiên của dầu: nó không gây ấn tượng. Nó không hào nhoáng, nhưng không có nó thì không có ánh sáng. Điều này gợi ý cho chúng ta điều gì? Đó là trong mắt Chúa, điều quan trọng không phải là vẻ bề ngoài mà là tâm hồn (x. 1 Samuen 16: 7). Tất cả mọi thứ mà thế giới chạy theo và sau đó khoe mẽ - danh dự, quyền lực, vẻ bề ngoài, vinh quang - qua đi và không để lại chút gì phía sau. Đừng dính bén đến vẻ bề ngoài của thế gian. Đó là điều thiết yếu để chúng ta chuẩn bị cho thiên đàng. Chúng ta cần phải nói không với “văn hóa mỹ phẩm” đang bảo chúng ta phải lo lắng vẻ bề ngoài của chúng ta. Thay vì chú tâm đến diện mạo bên ngoài sẽ qua đi của mình, chúng ta nên thanh tẩy và gìn giữ tâm hồn mình, nội tâm của chính mình, là điều quý giá trong mắt Thiên Chúa.

Cùng với tính năng đầu tiên này - không hào nhoáng nhưng cần thiết – còn có một khía cạnh khác của dầu: nó tồn tại để được tiêu thụ. Chỉ khi nó bị đốt cháy nó mới lan tỏa ánh sáng. Cuộc sống của chúng ta cũng giống như vậy: chúng chỉ tỏa sáng khi được tiêu thụ, khi đốt cháy chính mình trong phục vụ. Bí quyết sống là sống để phục vụ. Sự phục vụ là vé được trình ra tại cửa của tiệc cưới vĩnh cửu. Những gì còn lại của cuộc đời, ngay ngưỡng cửa đời đời, không phải là những gì chúng ta thủ đắc được mà là những gì chúng ta đã cho đi (x. Mt 6: 19-21; 1 Cor 13: 8). Ý nghĩa của cuộc sống được tìm thấy nơi lời đáp trả của chúng ta đối với lời đề nghị tình yêu của Thiên Chúa. Và lời đáp trả đó được hình thành từ tình yêu đích thực, tự hiến và phục vụ. Phục vụ người khác có cái giá của nó, vì nó liên quan đến việc làm tiêu hao chính mình, và để cho bản thân mình được tiêu thụ. Trong sứ vụ của chúng ta, những ai không sống để phục vụ thì không đáng sống. Những người giữ quá chặt mạng sống mình thì sẽ mất.

Một tính năng thứ ba của dầu được trình bày rõ ràng trong Tin Mừng: nó phải được chuẩn bị. Dầu phải được lưu trữ trước và phải mang theo bên mình (x. câu 4, 7). Tình yêu chắc chắn là tự phát, nhưng nó không phải là ngẫu hứng. Chính vì thiếu chuẩn bị nên các cô phù dâu bị loại ra khỏi tiệc cưới đã cho thấy sự ngu xuẩn của họ. Bây giờ là lúc chuẩn bị: ở đây và bây giờ, từng ngày, tình yêu phải được lưu trữ và nuôi dưỡng. Chúng ta hãy cầu xin ân sủng biết canh tân hàng ngày tình yêu đầu tiên của chúng ta với Chúa (x. Khải huyền 2: 4), nếu không ngọn lửa của tình yêu sẽ lụi tàn. Thật là một cám dỗ lớn lao khi chúng ta chìm đắm trong một cuộc sống không có tình yêu, mà kết cục giống như một chiếc bình rỗng, một ngọn đèn đã tắt ngấm. Nếu chúng ta không đầu tư vào tình yêu, cuộc đời sẽ bóp nghẹt nó. Những ai được mời dự tiệc cưới của Thiên Chúa không thể hài lòng với cuộc sống thụ động, bình lặng và nhàn nhã lê bước thiếu nhiệt tình, tìm kiếm những thỏa mãn nhỏ nhen và theo đuổi những tưởng thưởng thoáng qua. Một cuộc sống nhàn hạ và bình thản, hài lòng với việc thực hiện nhiệm vụ của mình mà không tự hiến, không xứng đáng với Chàng Rể.

Khi chúng ta cầu nguyện cho các Hồng Y và Giám Mục đã qua đời trong năm qua, chúng ta hãy khẩn khoản xin lời chuyển cầu của tất cả những người đã sống cuộc sống khiêm nhường, hân hoan chuẩn bị hàng ngày để gặp Chúa. Theo gương của những chứng nhân này, những người tán tụng ngợi khen Thiên Chúa đông đảo xung quanh chúng ta, ngày hôm nay chúng ta đừng hài lòng với cái nhìn thoáng qua và không còn gì khác. Thay vào đó, chúng ta hãy ao ước biết nhìn xa hơn về phía trước, đến tiệc cưới đang chờ đợi chúng ta. Một cuộc sống cháy bỏng với ước muốn gặp gỡ Thiên Chúa và được huấn luyện bởi tình yêu sẽ chuẩn bị cho chúng ta bước vào phòng tiệc cưới với Chàng Rể, mãi mãi.

Trong phần lời nguyện giáo dân, Đức Thánh Cha đã mời gọi cộng đoàn cầu nguyện như sau:

Anh chị em thân mến, xin cho lời cầu nguyện của tất cả các tín hữu, đang cầu xin hòa bình và ơn cứu độ cho người sống và kẻ chết, liên tục được dâng lên trước tôn nhan Thiên Chúa là nguyên ủy của ân sủng và lòng thương xót.

Lạy Cha Chí Thánh, xin giữ gìn Đức Thánh Cha Phanxicô, tất cả các giám mục và linh mục trong tình con thảo với Cha và gìn giữ các ngài trong sự trung tín với sứ vụ đã được giao phó cho các ngài.

Lạy Cha là nguồn mạch mọi điều thiện hảo, xin chào đón vào vòng tay yêu thương của Cha các Hồng Y và Giám Mục đã qua đời trong năm nay và ân thưởng cho các ngài phần thưởng dành riêng cho những tôi tớ trung tín của Cha.

Lạy Cha giàu lòng thương xót, xin Cha chúc phúc cho công việc rao giảng Tin Mừng của tất cả những nhà truyền giáo, để đức tin chân thật có thể lan rộng khắp thế giới.

Lạy Cha là chủ tể của tất cả lòng xót thương, xin ưu ái nhìn đến những ai đang hấp hối và cho họ có thể giã từ thế gian này trong an bình.

Lạy Cha toàn năng, xin thức tỉnh trong tất cả những ai đã chịu phép Rửa ước muốn nên thánh và sức mạnh để chu toàn thánh ý Cha mỗi ngày trong đời họ.

Sau các ý chỉ này, Đức Thánh Cha dâng lời nguyện sau:

Chúng con chúc tụng Cha là Chúa tể trời đất, vì Cha đã nghe những lời cầu nguyện của Giáo Hội của Cha và cho những anh em đã qua đời của chúng con được tận hưởng trọn vẹn ánh sáng và bình an. Nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen