Ngày 02-11-2014
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Lễ các đẳng: Du lịch tưởng nhớ
LM. Giuse Nguyễn Thành Long
07:54 02/11/2014
Lễ Các Đẳng

“DU LỊCH” TƯỞNG NHỚ

Ngày nay cuộc sống ngày càng sung túc, nhu cầu đi du lịch ngày một tăng. Các hãng du lịch lữ hành vì thế mà cũng ăn nên làm ra. Nhiều tour du lịch mời chào, thậm chí có cả những tour du lịch lên Sao Hoả Sao Kim. Tưởng là chuyện đùa, nhưng đã có hơn 200 ngàn người đăng ký, đặt cọc trước đàng hoàng.

Người Kitô hữu chúng ta, vào tháng 11 hằng năm, được Giáo Hội mời gọi tham gia những chuyến “du lịch cõi âm”, “du lịch tưởng nhớ”, không phải đến những trung tâm hành hương tôn giáo, cũng không phải đến những Sao Hoả, Sao Kim xa xôi, mà là xuống Luyện Ngục, nơi mà một ngày nào đó, chắn chắn chúng ta cũng sẽ đến tạm cư ở đấy, để thanh luyện, để gột rửa tâm hồn trước khi vào dự tiệc Nước Trời. Dĩ nhiên xuống Luyện Ngục lúc này chưa phải là xuống thật sự mà là xuống trong tâm tình tưởng nhớ.

Xuống đó để làm gì? Chắc chắn không phải là để vui chơi, mà là viếng thăm những người thân yêu của chúng ta, trong đó có ông bà tổ tiên nội ngoại của chúng ta, có cả anh em bạn bè của chúng ta nữa.

Hành trang mang theo trong những chuyến “du lịch” này là gì? Không phải là hàng mã nhà lầu, xe hơi, hay đôla âm phủ, cũng không phải chỉ là hương hoa đèn nến, mà là kinh nguyện và các việc lành phúc đức, nhất là Thánh lễ.

Tháng 11, vì thế được coi là mùa xuân của Giáo Hội Thanh Luyện. Giáo Hội Thanh Luyện được Giáo Hội lữ hành trần gian thông chuyển những công đức, tức là những việc lành hi sinh, và kinh nguyện.

Qua mầu nhiệm mà ta vẫn quen gọi là mầu nhiệm các thánh cùng thông công, tất cả mọi người được nối kết và chia sẻ với nhau trong chính sự sống của Thiên Chúa nơi cuộc đời của mình và của anh chị em mình. Khi người này làm một việc tốt, đóng góp một hy sinh, tất cả mọi người trong cộng đồng hiệp thông ấy đều được chia sẻ. Chính Thiên Chúa đã đích thân khẳng định điều ấy qua Ngôi Lời nhập thể là Chúa Giêsu: “Mỗi lần các ngươi làm [điều tốt] cho một trong những anh chị em bé mọn nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính ta vậy” (Mt 25,40). Vì vậy, việc làm thiết thực nhất cho những ai đã qua đời là giúp họ khôi phục lại những gì họ đã làm tổn thương, và giúp họ làm những gì họ chưa làm được khi còn sống ở đời này. Làm như thế, ta sẽ giúp xoa dịu nỗi dằn vặt, trăn trở mà các linh hồn vẫn còn đang mang. Làm như thế, ta sẽ giúp các ngài đi vào hạnh phúc với bình an trọn vẹn trong Thiên Chúa, Đấng đã dùng Mầu Nhiệm Nhập Thể để dạy con người về ý nghĩa của hiệp thông.

Chứ không phải theo theo kiểu mà dân gian Việt Nam vẫn thường làm như trong mùa Vu Lan, rằm Tháng Bảy là mua thật nhiều đồ mã để gởi xuống cho các vong linh: vàng bạc, đôla âm phủ, quần áo, thậm chí là cả ôtô, nhà lầu, xe máy, bếp gas, tủ lạnh, máy giặt, máy điều hòa… được làm bằng hàng mã. Thực sự người chết không cần những thứ đó. Họ cũng chẳng cần cơm áo gạo tiền, chẳng cần bổng lộc, chẳng cần của cải phù du chóng qua đời này.

Điều họ cần là công phúc, là những hy sinh, những việc bác ái, những lời cầu nguyện của chúng ta, và trên hết điều họ cần là lòng thương xót và thứ tha của Thiên Chúa cho những thiếu sót lầm lỗi ngã sa trong kiếp người của họ. Nơi Luyện Ngục, các linh hồn đang chờ đợi những điều đó.

Vậy trong những chuyến “du lịch” tưởng nhớ của tháng 11 này, ta hãy mang theo thật nhiều hành trang là những lời kinh nguyện, Thánh lễ và các việc lành phúc đức để trao gởi cho các linh hồn nơi Luyện Ngục. Đó cũng là cách thế “mua lấy nhiều bạn hữu, để khi ta chết, họ “đón ta vào cung điện đời đời”, như Chúa đã dạy (Lc 16,9). Chớ gì được như vậy! Amen.

Lm. Giuse Nguyễn Thành Long
 
Các linh hồn nơi luyện ngục đang cần những thứ gì ?
LM. Giuse Nguyễn Thành Long
07:56 02/11/2014
Lễ Các Đẳng

CÁC LINH HỒN NƠI LUYỆN NGỤC ĐANG CẦN NHỮNG THỨ GÌ?

Mới đây, truyền thông Trung Quốc đưa tin cảnh sát tỉnh Sơn Đông vừa bắt giữ 11 đối tượng chuyên đào mộ trộm xác chết đem bán cho người khác để phục vụ cho hủ tục làm “đám cưới ma” ở nước này. Được biết nạn mua bán xác chết vì thế mà trở thành một "nghề" béo bở ở Trung Quốc, nhằm phục vụ cho những khánh hàng có người thân chết mà chưa lập gia đình. Người nhà mua xác chết để làm đám cưới cho thân nhân trong gia đình vừa mới qua đời, với quan niệm cho rằng người thân của họ sẽ không “cảm thấy” cô đơn nơi chín suối, khi bên cạnh họ có cả “cô dâu” hoặc “chú rể”. Xác “cô dâu” mua được sau đó sẽ được chôn cạnh “chú rể” cho có đôi, có cặp (x. tuoitre24h.net/kinh-hai-nan-dao-trom-xac-chet-dem-ban).

Các đối tượng sau khi bị bắt đã khai báo rằng “xác đã chết nhiều năm không có giá trị bằng những xác vừa được chôn. Giá một xác chết có lúc cao đến 20.000, thậm chí 30.000 nhân dân tệ (tương đương 5-7 chục triệu đồng).

Rõ ràng đây là một việc làm phi pháp, nặng tính mê tín dị đoan, vì xuất phát từ quan niệm cho rằng “trần sao thì âm vậy”.

Thế giới của cõi âm, tức là thế giới mai sau theo cái nhìn của Kitô giáo chúng ta, hoàn toàn khác. Và thứ mà người chết cần vì thế cũng khác hoàn toàn. Không phải là một cô dâu hay một chú rể, một người vợ hay một người chồng, cũng không phải là vàng bạc của cải, nhà lầu xe hơi, hay đồ ăn thức uống...

Những thứ đó thực sự khi chết đều không còn cần thiết nữa, vì chúng chỉ cần cho con người khi còn sống mà thôi. Khi chết, thân xác nằm lại trong lòng đất và chịu sự mục nát theo qui luật tự nhiên, nên những thứ thuộc về vật chất có mang theo cũng trở nên vô ích. Chuyện dựng vợ gã chồng, chuyện sinh con cái đều thuộc về thế giới này, thế giới vật chất hữu hình. Cả đồ ăn thức uống mà người thân cúng tế cũng không dùng được; có chăng chỉ là để tưởng nhớ về sự hiện diện của người đã khuất.

Vậy người chết cần những thứ gì? Người chết cần những thứ dành cho linh hồn. Mà linh hồn là thiêng liêng, vô hình, nên những thứ mà linh hồn cần cũng là những thứ thiêng liêng.

Những thứ thiêng liêng vô hình, người Kitô hữu chúng ta gọi là ơn Chúa. Linh hồn người thân chúng ta cần ơn thánh Chúa Kitô để được thanh luyện khỏi những vấn vương của bụi trần; linh hồn người thân chúng ta cần ơn thánh Chúa Kitô để được thứ tha những tội lỗi và hình phạt; và linh hồn người thân chúng ta cần ơn thánh Chúa Kitô để được tái sinh trong Vương Quốc Hằng Sống.

Nhưng ơn thánh Chúa ban qua cách thức nào? Ơn thánh Chúa ban cho người quá cố, qua thái độ lúc còn sinh thời, người đó hằng tin tưởng gắn bó với Chúa và tha thiết cậy trông. Ơn thánh Chúa ban qua lời cầu nguyện của những người thân đang còn sống nơi trần thế. Ơn thánh Chúa ban qua lời chuyển cầu của Đức Mẹ, các thánh và những người lành đã ra đi trước. Ta gọi đó là hiệp thông công đức, hay là “mầu nhiệm các thánh cùng thông công”.

Phật giáo cũng có lễ cầu siêu; Kitô giáo chúng ta có lễ cầu hồn. Cầu siêu tức là cầu nguyện cho hồn người chết được siêu thoát. Cầu hồn cũng có nghĩa là cầu cho linh hồn người đã qua đời sớm được siêu thăng. Có điều khác ở chỗ bên Phật giáo cầu cho âm hồn được siêu thoát, để tiếp tục đầu thai vào kiếp khác, có khi là một kiếp thấp hơn: một con vật nào đó, như chó mèo chẳng hạn. Còn ta cầu cho linh hồn được siêu thoát, tức là được giải thoát khỏi những tơ vương của bụi trần tục lụy, để được đi vào cõi phúc hạnh ngàn thu. Một khi được siêu thoát rồi thì sẽ được vĩnh viễn sống với Chúa muôn đời. Hơn thế nữa, cầu cho các linh hồn được siêu thoát cũng có nghĩa là cầu cho họ được thần hóa, tức là được nên thần thánh. Dĩ nhiên, ta không chỉ cậy dựa vào công trạng hay đức hạnh của mình không thôi, mà trên hết và quan trọng hơn hết vẫn là cậy trông vào hồng ân cứu độ của Đức Kitô.

Và Thánh lễ ta đang dâng là một phương thế giúp người thân chúng ta đón nhận được hồng ân cứu độ cách dồi dào hơn. Với niềm xác tín như thế, giờ đây chúng ta cùng sốt sắng dâng lời nguyện chung.

Lm. Giuse Nguyễn Thành Long
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha tưởng nhớ những nạn nhân chiến tranh và Kitô hữu bị bách hại
Bùi Hữu Thư
09:32 02/11/2014
Ngài đọc kinh cầu cho các linh hồn trong Kinh Truyền Tin

Vatican, ngày 2, tháng 11, 2014 (Zenit.org)

Đức Thánh Cha Phanxicô hôm nay tưởng nhớ những người quá cố trong Kinh Truyền Tin ngày Chúa Nhật. Ngài ghi nhận sự liên hệ giữa lễ các Đẳng Linh Hồn hôm nay và Lễ Các Thánh hôm qua.

Ngài nói: "Thực vậy, một mặt, Giáo Hội, là một khách hành hương trong lịch sử, vui mừng vì có sự cầu bầu của các Thánh và các Chân Phước đang hỗ trợ cho sứ mệnh của mình là loan truyền Phúc Âm.”

"Mặt khác, Giáo Hội cũng như Chúa Giêsu chia xẻ nước mắt của những ai đau khổ vì sự ra đi của người thân yêu, và cũng như Chúa Giêsu, và nhờ Người, dâng lên Chúa Cha lời tri ân vang vọng, vì đã giải thoát chúng ta khỏi sự thống trị của tội lỗi và cái chết."

Nhắc đến những ai hôm nay sẽ viếng thăm ngôi mộ của người thân, Đức Thánh Cha kêu gọi các tín hữu hãy nhớ đến “những ai không người tưởng nhớ”. Ngài tiếp, trong số này là những nạn nhân chiến tranh, bạo lực và nhất là “những trẻ em trên thế giới bị đói khát và nghèo khó đè nén."

Ngài nói: "Chúng ta nhớ đến những người vô danh bị chôn trong những ngôi mồ tập thể. Chúng ta nhớ đến những anh chị em bị sát hại vì họ là Kitô hữu; đến tất cả những ai hy sinh mạng sống để phục vụ cho kẻ khác. Chúng ta đặc biệt trao phó cho Chúa những ai đã lìa xa chúng ta trong năm nay.”

Trích dẫn tài liệu của Công Đồng Vatican II Ánh Sáng Muôn Dân, Đức Thánh Cha khuyên các tín hữu hiện diện hãy hiệp dâng Thánh Lễ cho linh hồn những người qua đời. Tưởng nhớ những người qua cố, ngài nói: “Tài liệu này bắt nguồn từ xác tín rằng cái chết không phải là lời cuối cùng của định mệnh con người."

Đức Thánh Cha sau đó đọc kinh cho người chết do linh mục Dòng Thương Khó Antonio Rungi viết. "Xin cho không một ai sợ hãi ngày phải gặp Chúa vào cuối hành trình trên trần thế này của họ, với niềm hy vọng là được đón tiếp trong vòng tay thương xót vô bờ của Người. Xin cho thần chết thấy chúng con thức tỉnh trong cầu nguyện, và có đầy đủ những gì tốt lành chúng con đã làm trong đời sống, dù dài lâu hay ngắn hạn.”

Để kết thúc, Đức Thánh Cha khẩn cầu Đức Nữ Đồng Trinh Maria giúp chúng ta hiểu được giá trị của việc cầu nguyện cho người qua đời. “Xin Mẹ nâng đỡ chúng con trong hành trình hàng ngày trên thế gian và giúp chúng con không quên ngắm nhìn đích điểm cuối cùng của đời sống là Thiên Đàng.”
 
Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha lễ Các Thánh
LM. Trần Đức Anh OP
09:56 02/11/2014
VATICAN. Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa ngày lễ Các Thánh 1-11-2014, với 40 ngàn tín hữu tại Quảng trường Thánh Phêrô, ĐTC Phanxicô đã mời gọi các tín hữu hãy vui mừng sống mầu nhiệm các thánh thông công.

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, ĐTC đã giải thích ý nghĩa lễ Các Thánh và nhấn mạnh rằng: ”Lễ trọng hôm nay giúp chúng ta ý thức một chân lý cơ bản của đức tin Kitô: đó là sự hiệp thông của các thánh. Đây là một sự kết hiệp thiêng liêng, không bị cắt đứt vì cái chết, nhưng tiếp tục trong đời sống mai hậu. Thực vậy, có một mối liên kết không thể bị hủy diệt giữa chúng ta là những người đang sống ở trần thế này với những người đã bước qua ngưỡng cửa sự chết. Chúng ta ở dưới thế này trên mặt đất cùng với những người đã bước vào vĩnh cửu, chúng ta họp thành một đại gia đình duy nhất”.

ĐTC nhận xét rằng: ”Thực tại này làm cho chúng ta tràn đầy vui mừng: thật là đẹp vì có bao nhiêu anh chị em chúng ta trong đức tin đang đồng hành cạnh chúng ta, nâng đỡ chúng ta qua sự giúp đỡ của họ và cùng với chúng ta tiến bước về trời. Và thật là điều an ủi khi biết rằng đã có những anh chị em chúng ta đạt tới quê trời, đang chờ đợi và cầu nguyện cho chúng ta, để cùng nhau chúng ta có thể đời đời chiêm ngưỡng tôn nhan vinh hiển và từ bi của Chúa Cha”.

ĐTC nhắc nhở cho các tín hữu về ơn gọi nên thánh: ”Thiên Chúa kêu gọi chúng ta nên thánh như chính Chúa là Đấng Thánh, và đối với những người muốn theo Chúa Giêsu trên con đường Tin Mừng, Mẹ Maria là nhà hướng đạo chắc chắn, người Mẹ ân cần và quan tâm, chúng ta có thể tín thác cho Mẹ mọi gước muốn và khó khăn của chúng ta”.

Sau kinh truyền tin và phép lành, ĐTC đã kêu gọi mọi người ”cầu nguyện cho Thành Thánh Jerusalem, là thành được các tín hữu Do thái, Kitô và Hồi giáo quí chuộng, trong những ngày này đang chứng kiến nhiều căng thẳng. Ước gì Thành Thánh này ngày cang có thể là dấu chỉ và là điều báo trước an bình mà Thiên Chúa muốn cho toàn thể gia đình nhân loại”.

ĐTC cũng nhắc đến lễ phong chân phước chiều ngày 1-11-2014 tại Vítoria, Tây Ban Nha, cho cha Pietro Asúa Mendía, LM thuộc miền Basco, ”linh mục khiêm tốn và khổ hạnh, đã loan báo Tin Mừng bằng cuộc sống thánh thiện, bằng việc huấn giáo và tận tụy săn sóc những người nghèo túng trong thời kỳ khó khăn với cuộc nội chiến ở Tây Ban Nha. Cha đã bị bắt, tra tấn và giết chết vì đã biểu lộ ý chí tiếp tục trung thành vơi Chúa và với Giáo Hội, cha thưc là mẫu gương tuyệt vời cho tất cả chúng ta về lòng can đảm trong đức tin và chứng tá bác ái”.

Sau cùng ĐTC cho biết ngài đến nghĩa trang Verano vào ban chiều để dâng thánh lễ cầu cho những người quá cố. Ngài cũng hiệp ý với tất cả những ngừơi viếng thăm nghĩa trang trong những ngày này trên toàn thế giới.

Thánh lễ tại nghĩa trang

Campo Verano là nghĩa trang chính của thành Roma. Khoảng 5 ngàn người đã tham dự thánh lễ do ĐTC cử hành lúc 4 giờ chiều tại đây, cùng với ĐHY giám quản Agostino Vallini và 3 GM phụ tá của giáo phận, và một số linh mục.

Trong bài giảng ứng khẩu, ĐTC đã diễn giải bài đọc rút từ sách Khải Huyền của thánh Gioan, và ngài mạnh mẽ tố giác nền văn hóa chết chóc, tàn phá thiên nhiên, kỹ nghệ tàn phá các dân tộc, nuôi dưỡng chiến tranh, nền văn hóa gạt bỏ, loại bỏ trẻ em, người già và người trẻ với nạn thất nghiệp. Con người tiếm quyền của Thiên Chúa. Ngài nói: ”Con người có khả năng tàn phá trái đất hơn cả các thiên thần (trong sách Khải Huyền). Đó là điều con người ngày nay đang làm. Người ta tàn phá thiên nhiên, sự sống, các nền văn hóa, các gia đình, người ta đang tàn phá niềm hy vọng”.

ĐTC kêu gọi các giới hữu trách và mọi người kiến tạo công ăn việc làm cho người trẻ, lương thực cho người đói, và hòa bình cho các dân tộc.

Ngài mời gọi các tín hữu hy vọng nơi Thiên Chúa như đoàn người đông đảo ”mặc áo trắng” bước theo Chiên Con, và sống theo tinh thần Bát Phúc như Chúa Giêsu đã diễn tả trong bài Tin Mừng. ĐTC nói: ”Chúng ta cần sức mạnh của Thiên Chúa dường nào, xin Chúa đóng ấn chúng ta bằng tình thương của Chúa và sức mạnh của Người để chặn đứng công trình tàn phá hiện nay, tàn phá những gì mà Chúa đã ban cho chúng ta, những điều đẹp nhất mà Chúa đã làm cho chúng ta” (SD 1-11-2014)
 
Cái chết không có tiếng nói cuối cùng trên số phận của con người
Linh Tiến Khải
12:50 02/11/2014
Nghĩa trang là ”nơi an nghỉ” chờ được đánh thức vào ngày sau hết. Việc tưởng niệm các người đã qua đời, săn sóc mồ mả và xin lễ cầu nguyện cho họ là chứng tá của niềm hy vọng tin tưởng, dâm rễ sâu nơi xác tín rằng cái chết không có tiếng nói cuối cùng trên số phận của con người, bởi vì con người được chỉ định cho một cuộc sống vô tận, có nguồn gốc và sự thành toàn trong Thiên Chúa.

Kính thưa qúy vị thưa các bạn, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với hàng chục ngàn tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi đọc Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật hôm qua tại quảng trường thành Phêrô trong ngày lễ kính các đẳng linh hồn.

Mở đầu bài huấn dụ Đức Thanh Cha nói:

Ngày hôm qua chúng ta đã cử hành lễ trọng Các Thánh và hôm nay phung vụ mời gọi chúng ta tưởng nhớ các tín hữu đã qua đời. Hai ngày lễ này gắn liền mật thiết với nhau, cũng như niềm vui và nước mắt tìm thấy nơi Chúa Giêsu Kitô một tổng hơp là nền tảng đức tin và niềm hy vọng của chúng ta. Thật thế, một đàng, Giáo Hội lữ hành trong lịch sử vui mừng vì sự bầu cử của các Thánh và các Chân phước nâng đỡ Giáo Hội trong sứ mệnh loan báo Tin Mừng; đàng khác, cũng như Chúa Giêsu, Giáo Hội chia sẻ tiếng khóc của người đau khổ vì xa rời các người thân yêu, và cũng như Người và nhờ Người Giáo Hội làm vang lên lời cám tạ Thiên Chúa Cha, là Đấng đã giải thoát chúng ta khỏi ách thống trị của tội lỗi và cái chết.

Giữa ngày hôm qua và hôm nay biết bao nhiêu người đi viếng thăm nghĩa trang là ”nơi an nghỉ” chờ việc đánh thức sau cùng. Thật là đẹp, khi nghĩ rằng chính Chúa Giêsu sẽ đánh thức chúng ta dậy. Chính Chúa Giêsu đã vén mở cho thấy rằng cái chết của thân xác cũng giống như một giác ngủ, từ đó Người đánh thức chúng ta. Với niềm tin này chúng ta dừng lại bên mộ của những người thân yêu, của những ai đã yêu thương chúng ta và đã làm điều lành cho chúng ta.

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã mời gọi mọi người trải dài lời cầu nguyện của mình ra trên các thành phần khác. Ngài nói:

Nhưng ngày hôm nay chúng ta được mời gọi nhớ tới tất cả mọi người, kể cả những người không ai nhớ tới. Chúng ta hãy nhớ tới các nạn nhân của chiến tranh và bạo lực; biết bao nhiêu ”trẻ em” trên thế giới bị đói khát và bần cùng đè bẹp; chúng ta hãy nhớ tới các người vô danh nghỉ yên trong nơi đựng xương chung; chúng ta hãy nhớ tới casc anh chi em bị giết vì là kitô hữu; và biết bao nhiêu người đã hy sinh mạng sống để phục vụ tha nhân. Chúng ta hãy phó thác cho Chúa cách đặc biệt những người đã lìa bỏ chúng ta trong năm nay.

Truyền thống của Giáo Hội đã luôn luôn khích lệ cầu nguyện cho những người đã chết, đặc biệt bằng cách cống hiến cho họ việc cử hành thánh thể: thánh lễ là sự trợ giúp tinh thần tốt nhất mà chúng ta có thể ban tặng cho các linh hồn, đặc biệt các linh hồn bị bỏ rơi. Nền tảng thánh lễ cầu cho các linh hồn nằm trong sự hiệp thông của Thân Mình Mầu Nhiệm. Như Công Đồng Chung Vaticăng II đã nhấn mạnh: ”Giáo Hội lữ hành trên trần gian ý thức đựơc sự hiệp thông này của tất cả Thân Mình Mầu Nhiệm của Chúa Giêsu Kitô, ngay từ các thời kỳ đầu của Kitô giáo đã vun trồng với lòng đạo hạnh lớn lao việc tưởng nhớ các người đã qua đời” (LG 50).

Việc tưởng niệm các người đã chết, việc săn sóc mồ mả và các thánh lễ cầu hồn là chứng tá của niềm hy vọng tin tưởng, đâm rễ sâu trong xác tín rằng cái chết không có tiếng nói cuối cùng trên số phận con người, bởi vì con người được chỉ đinh cho một cuộc sống vô tận, có nguồn gốc và sự thành toàn nơi Thiên Chúa. Chúng ta hãy hướng lên Thiên Chúa lời cầu này: ”Lậy Thiên Chúa từ bi vô biên, chúng con tín thác cho lòng lành vô cùng của Chúa những ai đã từ bỏ cõi đời này cho sự vỉnh cửu, nơi Chúa chờ đợi toàn nhân loại được cứu chuộc bởi máu châu báu của Chúa Kitô, Con Chúa, đã chết để chuộc tội chúng con. Lậy Chúa, xin đừng nhìn tới biết bao khó nghèo, bần cùng và yếu đuối của con người, khi chúng con sẽ trình diện trước tòa phán xét của Chúa, để được phán xử cho niềm hạnh phúc hay án phạt. Xin hãy hướng trên chúng con cái nhìn xót thương của Chúa, nảy sinh từ con tim dịu hiền của Chúa và giúp chúng con bước đi trên con đường thanh tẩy trọn vẹn. Ườc chi đừng có ai trong con cái Chúa bị hư mất trong lửa đời đời của hỏa ngục, nơi không còn có thể sám hối nữa. Chúng con phó thác cho Chúa linh hồn các người thân yêu của chúng con, linh hồn của những người đã chết mà không có sự ủi an của các bí tích, hay đã không có cách hối lỗi vào lúc cuối đời. Ước chi đừng có ai phải sợ hãi gặp gỡ Chúa, sau cuộc lữ hành trần thế, trong niềm hy vọng được tiếp nhận trong vòng tay lòng xót thương vô bờ của Chúa. Ước chi chị chết thân xác tìm thấy chúng con tỉnh thức trong lới cầu nguyện và mang đầy mọi sự thiên đã làm được trong cuộc sống ngắn ngủi hay lâu dài của chúng con. Lậy Chúa, ước chi đừng có gì làm cho chúng con xa cách Chúa trên trần gian này, nhưng ước chi tất cả và mọi người nâng đỡ chúng con trong ước mong nồng cháy được an nghỉ vĩnh cửu nơi Chúa. Amen” (LM Antonio Rungi, dòng Khổ Nạn, Lờ cầu của các người đã qua đời).

Với niềm tin này nơi số phận tối cao của con người, giờ đây chúng ta hãy hướng tới Đức Mẹ, là Đấng đã khổ đau dưới Thập Giá vì thảm cảnh cái chết của Chúa Kitô và rồi đã tham dự vào niềm vui sự sống lại của Chúa. Xin Mẹ là Của Trời giúp chùng ta ngày càng hiểu hơn giá trị của lời cầu nguyện và thánh lễ cầu cho các người đã chết. Họ gần gũi chúng ta. Xin Mẹ nâng đỡ chúng ta mỗi ngày trong cuộc lữ hành trần thế và trợ giúp chúng ta đừng bao giờ đánh mất đi đích điểm cuối cùng của cuộc sống là Thiên Đàng. Và với niềm hy vọng không bao giờ gây thất vọng này chúng ta hãy tiến tới!

Tiếp đến Đức Thánh Cha đã đọc Kinh Truyền Tin và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.

Sau Kinh Truyền Tin Đức Thánh Cha đã chào nhiều đoàn hành hương hiện diện, đặc biệt là nhòm thiện nguyện viên vùng Oppeano và Granzette chuyên làm trò hề trong các nhà thương như liệu pháp giúp các bệnh nhân mau phục hồi sức khỏe. Ngài khuyến khích họ tiếp tục công việc thiện ích này để giúp các bệnh nhân. Sau cùng Đức Thánh Cha cầu chúc mọi người một ngày Chúa Nhật tươi vui an lành và xin mọi người đừng quên cầu nguyện cho ngài.
 
Phúc Trình của THĐ Đặc Biệt về Gia Đình (3)
Vũ Văn An
21:19 02/11/2014

Phần III


Đối diện với tình thế: các viễn ảnh mục vụ

Công bố Tin Mừng Gia Đình trong các bối cảnh khác nhau ngày nay

29. Cuộc thảo luận tại THĐ đã cho phép đạt được thoả thuận về một số trong các nhu cầu mục vụ cấp thiết hơn cần được đề cập tới tại các Giáo Hội đặc thù, trong hiệp thông cum Petro et sub Petro (cùng với Phêrô và dưới quyền Phêrô). Việc công bố Tin Mừng Gia Đình là điều khẩn trương cần thiết trong công trình phúc âm hóa. Giáo Hội phải thi hành việc này bằng một tình dịu dàng của người mẹ và bằng một sự minh bạch của người thầy (xem Eph 4: 15), luôn trung thành với lòng từ bi được tỏ bày trong việc kenosis (tự hủy) của Chúa Kitô. Sư thật đã trở thành xác phàm trong cảnh yếu đuối nhân bản, không phải để kết án nó mà để cứu vớt nó (xem Ga 3: 16, 17).

30. Việc phúc âm hóa là trách nhiệm chung của mọi dân Chúa, mỗi người theo thừa tác và đặc sủng của mình. Không có chứng từ hân hoan của những người kết hôn và của các gia đình, thì việc công bố này, cho dù được thực hiện đúng đắn ra sao, vẫn có nguy cơ bị hiểu lầm hoặc mất hút trong cái loạn ngầu ngôn từ vốn là đặc điểm của xã hội ngày nay (xem Novo Millennio Ineunte, 50). Trong nhiều dịp khác nhau, các nghị phụ THĐ đã nhấn mạnh rằng các gia đình Công Giáo, do chính ơn thánh của Bí Tích Hôn Nhân, được mời gọi trở thành các tác nhân tích cực trong mọi hoạt động mục vụ nhân danh gia đình.

31. Tính tối thượng của ơn thánh cần được nhấn mạnh và sau đó, các khả thể do Chúa Thánh Thần ban phát trong bí tích này. Đây là vấn đề giúp người ta cảm nghiệm được rằng Tin Mừng Gia Đình là một niềm vui “tràn ngập cõi lòng và đời sống” vì trong Chúa Kitô, chúng ta “được giải phóng khỏi tội lỗi, buồn đau, trống rỗng nội tâm, và cô đơn” (Evangelii Gaudium, 1). Nhớ tới Dụ Ngôn Người Gieo Gống (xem Mt 13; 3), nhiệm vụ của ta là hợp tác vào việc gieo; phần còn lại là của Chúa; ta cũng không nên quên rằng khi giảng dạy về gia đình, Giáo Hội là dấu chỉ mâu thuẫn.

32. Bởi thế, công việc này kêu gọi mọi người trong Giáo Hội phải hồi tâm truyền giáo, nghĩa là, không dừng lại ở việc công bố một sứ điệp được coi chỉ có tính lý thuyết, mà không có bất cứ liên hệ nào với những vấn đề thực của người ta. Ta phải liên tục nhớ rằng cuộc khủng hoảng đức tin đã dẫn tới cuộc khủng hoảng hôn nhân và gia đình và, do đó, việc lưu truyền đức tin từ cha mẹ xuống con cái thường bị gián đoạn. Nếu ta chịu đương đầu với tình thế bằng một đức tin mạnh mẽ, thì việc áp đặt một số viễn ảnh văn hóa làm suy yếu gia đình sẽ chẳng quan trọng gì nữa.

33. Hồi tâm cũng cần phải có trong ngôn ngữ ta sử dụng, làm thế nào để nó tự chứng tỏ được ý nghĩa hữu hiệu của nó. Việc công bố cần phải tạo ra một trải nghiệm trong đó Tin Mừng Gia Đình đáp ứng được các hoài mong sâu xa nhất của người ta: đáp ứng phẩm giá mỗi người và hoàn toàn thoả mãn việc hỗ tương, việc hiệp thông và sinh hoa kết trái. Việc này không chỉ hệ ở việc đưa ra một số luật lệ mà phải kết hợp các giá trị nào đáp ứng được các nhu cầu của những người thấy mình sống trong các quốc gia bị thế tục hóa nhiều nhất.

34. Lời Chúa là nguồn sống và nguồn linh đạo cho gia đình. Mọi công trình mục vụ nhân danh gia đình phải giúp người ta được lên khuôn trong nội tâm và được đào tạo trở thành chi thể của Giáo Hội tiểu gia qua thói quen đọc Sách Thánh bằng thái độ cầu nguyện của Giáo Hội. Lời Chúa không những là tin vui trong đời sống tư riêng của người ta, mà còn là tiêu chuẩn để phán đoán và là ánh sáng để biện phân các thách đố đa dạng mà các vợ chồng và các gia đình gặp phải.

35. Đồng thời, nhiều nghị phụ THĐ nhấn mạnh tới cách tiếp cận mục vụ tích cực hơn đối với sự phong phú của nhiều kinh nghiệm tôn giáo đa dạng, mà không coi thường các khó khăn nội tại. Trong các thực tại tôn giáo khác nhau và trong tính đa dạng lớn lao của văn hóa vốn là đặc điểm của các quốc gia, các khả thể tích cực nên được đánh giá đầu tiên, rồi trên căn bản này, ta mới đánh giá các giới hạn và các thiếu sót của chúng.

36. Hôn nhân Kitô Giáo là một ơn gọi cần được đảm nhận sau khi chuẩn bị thích đáng cho cuộc hành trình đức tin bằng một diễn trình biện phân thỏa đáng và không nên coi đây chỉ là một truyền thống văn hóa hay một đòi hỏi có tính xã hội hay luật lệ. Bởi thế, việc đào tạo cần phải đồng hành với cá nhân và cặp [đính hôn] sao cho kinh nghiệm đời thực của cộng đồng Giáo Hội phải song hành với việc giảng dạy nội dung đức tin.

37. Các nghị phụ THĐ nhiều lần kêu gọi phải có cuộc canh tân thấu đáo trong thực hành mục vụ của Giáo Hội dưới ánh sáng Tin Mừng Gia Đình thay vì chỉ nhấn mạnh tới các cá nhân như hiện nay. Vì lý do này, các nghị phụ THĐ nhiều lần nhấn mạnh tới việc canh tân cách huấn luyện các linh mục và các nhân viên mục vụ khác bằng cách cho các gia đình tham dự nhiều hơn vào diễn trình này.

38. Các ngài cũng nhấn mạnh không kém sự kiện này: phúc âm hóa cần phải lên án cách rõ rệt các nhân tố văn hóa, xã hội, chính trị và kinh tế, như dành nhiều quan trọng quá đáng cho luận lý thị trường là thứ ngăn cản cuộc sống gia đình chân chính và dẫn tới kỳ thị, nghèo đói, loại trừ và bạo lực. Thành thử, cần phải khai triển việc đối thoại và hợp tác với các thực thể xã hội cũng như cần phải khuyến khích các Kitô hữu giáo dân đang can dự vào các lãnh vực văn hóa và chính trị xã hội.

Hướng dẫn các cặp đính hôn chuẩn bị cuộc hôn nhân của họ

39. Thực tại xã hội phức tạp và các thay đổi đang ảnh hưởng tới gia đình ngày nay đòi cộng đồng Kitô hữu phải cố gắng nhiều hơn để chuẩn bị cho những ai sắp sửa kết hôn. Tầm quan trọng của các nhân đức phải được kể đến, trong đó, đức trong sạch (chastity) thực là vô giá đối với việc lớn mạnh chân chính của tình yêu giữa hai người. Về phương diện này, các nghị phụ THĐ cùng nhau nhấn mạnh tới việc toàn bộ cộng đồng phải can dự một cách sâu rộng hơn bằng cách đề cao chính chứng tá của các gia đình và bao gồm việc chuẩn bị hôn nhân trong các khóa Khai Tâm Kitô Giáo cũng như nhấn mạnh tới mối nối kết giữa bí ích hôn nhân và các bí tích khác. Các ngài cũng cảm thấy cần có các chương trình chuyên biệt trong việc chuẩn bị hôn nhân, những chương trình có thể giúp người học học được kinh nghiệm tham dự thực sự vào đời sống Giáo Hội cũng như thấu đáo bàn tới các khía cạnh khác nhau của cuộc sống gia đình.

Đồng hành với các cặp kết hôn trong các năm đầu hôn nhân của họ

40. Các năm đầu kết hôn là thời kỳ quan yếu và nhậy cảm trong đó, các cặp vợ chồng ý thức rõ hơn các thách đố và ý nghĩa của cuộc sống lứa đôi. Do đó, việc đồng hành mục vụ cần đi quá bên kia việc cử hành Bí Tích (Familiaris Consortio, Phần III). Về phương diện này, các vợ chồng nhiều kinh nghiệm có tầm quan trọng lớn lao trong bất cứ sinh hoạt mục vụ nào. Giáo xứ là nơi lý tưởng để những vợ chồng nhiều kinh nghiệm này có thể phục vụ các vợ chồng non trẻ hơn. Vợ chồng nào cũng cần được khích lệ trong việc cởi mở chào đón hồng phúc con cái. Cũng cần nhấn mạnh tới tầm quan trọng của linh đạo gia đình và việc cầu nguyện nhằm khuyến khích các vợ chồng gặp gỡ thường xuyên để cổ vũ sự lớn mạnh trong đời sống thiêng liêng và trong tình liên đới qua các đòi hỏi cụ thể của cuộc sống. Các việc phụng vụ có ý nghĩa, các thực hành đạo đức và Thánh Thể cử hành cho toàn bộ các gia đình đã được các nghị phụ nhắc tới như là các nhân tố quan yếu đối với việc phát huy công trình phúc âm hóa nhờ gia đình.

Chăm sóc mục vụ cho các cặp kết hôn dân sự hay sống chung với nhau

41. Dù liên tục công bố và cổ vũ hôn nhân Kitô Giáo, THĐ vẫn khuyến khích việc biện phân mục vụ đối với các tình huống của rất nhiều người không còn sống thực tại này nữa. Đi vào đối thoại mục vụ với những người này là điều cần có để phân biệt được các yếu tố nào trong đời sống họ có thể dẫn họ tới chỗ cởi mở hơn đối với Tin Mừng Gia Đình trong sự viên mãn của nó. Các mục tử phải nhận diện được các yếu tố nào có thể cổ xúy việc phúc âm hóa và sự lớn mạnh về nhân bản và tâm linh. Một yếu tố mới trong sinh hoạt mục vụ ngày nay là mẫn cảm đối với các yếu tố tích cực của các cuộc hôn nhân theo dân luật và các cuộc sống chung, tuy có nhiều dị biệt hiển nhiên. Dù trình bày sứ điệp Kitô Giáo một cách rõ ràng, Giáo Hội vẫn cần chỉ rõ các yếu tố xây dựng trong các tình huống này, các tình huống chưa hay không còn tương hợp với sứ điệp vừa nói nữa.

42. Các nghị phụ THĐ cũng nhận định rằng tại nhiều quốc gia “đang có sự gia tăng con số những người sống chung với nhau ad experimentum (để thử nghiệm), trong những cuộc kết hợp không được cả giáo luật lẫn dân luật nhìn nhận” (Instrumentum Laboris, 81). Tại một số quốc gia, điều này đặc biệt xẩy ra trong các cuộc hôn nhân truyền thống, do sự sắp xếp giữa hai gia đình và thường được cử hành qua nhiều giai đoạn khác nhau. Nhiều quốc gia khác đang chứng kiến sự gia tăng liên tục con số những người, sau khi sống chung với nhau một thời gian dài, yêu cầu được cử hành cuộc hôn nhân của họ trong Giáo Hội. Chỉ đơn giản sống chung với nhau thường là một lựa chọn dựa trên thái độ tổng quát muốn chống đối bất cứ điều gì có tính định chế hay dứt khoát; nhưng nó cũng đã được chọn trong khi chờ đợi có nhiều an toàn hơn cho cuộc sống (công ăn việc làm và thu nhập ổn định). Sau cùng, tại một số quốc gia, các cuộc hôn nhân trên thực tế (de facto) hiện rất nhiều, không phải vì họ bác bỏ các giá trị Kitô Giáo liên quan tới gia đình và hôn nhân mà chủ yếu chỉ vì việc cử hành hôn nhân là điếu quá mắc mỏ. Thành thử, cảnh nghèo về vật chất thường dẫn người ta tới các cuộc kết hợp trên thực tế.

43. Tất cả các tình huống trên đòi một giải đáp xây dựng, tìm cách biến chúng thành những cơ hội có thể dẫn tới một cuộc hôn nhân thực sự và một gia đình phù hợp với Tin Mừng. Các cặp này cần được chăm sóc và hướng dẫn một cách kiên nhẫn và kín đáo. Biết điều này, nhưng chứng tá của các gia đình Kitô hữu chân chính vẫn là điều đặc biệt lôi cuốn và quan trọng như là các tác nhân trong công trình phúc âm hóa của gia đình.

Chăm sóc các gia đình tan vỡ (những người ly thân, ly dị, ly dị và tái hôn và các gia đình có cha mẹ đơn lẻ)

44. Các cặp vợ chồng có vấn đề trong mối liên hệ của họ nên có khả năng trông cậy vào sự giúp đỡ và hướng dẫn của Giáo Hội. Công trình mục vụ có tính bác ái và thương xót nên tìm cách giúp đỡ họ tìm lại được và phục hồi được các mối liên hệ của họ. Kinh nghiệm cho thấy với sự trợ giúp thích đáng cũng như các hành vi hòa giải nhờ ơn thánh, một phần trăm rất lớn các cuộc hôn nhân có vấn đề đã tìm được giải pháp thỏa đáng. Biết cách tha thứ và cảm nhận được sự tha thứ là kinh nghiệm căn bản của đời sống gia đình. Sự tha thứ giữa vợ chồng với nhau cho phép họ trải nghiệm được một tình yêu mãi mãi không bao giờ qua đi (xem 1 Cor 13:8). Đôi khi, điều này khá khó khăn, nhưng những ai từng tiếp nhận sự tha thứ của Thiên Chúa đều được ban cho sức mạnh để có thể cung hiến sự tha thứ chân chính vốn tái tạo con người.

45. Sự cần thiết của các chọn lựa can đảm về mục vụ đã trở nên rất hiển nhiên tại THĐ. Bằng cách mạnh mẽ tái xác nhận lòng trung thành của các vị đối với Tin Mừng Gia Đình và bằng cách nhìn nhận rằng ly thân và ly dị luôn là những vết thương gây đau đớn sâu xa cho vợ chồng và con cái họ, các nghị phụ THĐ thấy nhu cầu khẩn thiết phải khởi diễn một diễn trình mục vụ mới đặt căn bản trên thực tại yếu đuối hiện thời trong gia đình, vì thường biết rằng các cặp vợ chồng “lâm” vào các tình huống đau đớn này hơn là tự ý chọn lựa chúng. Do đó, phải xem xét các giải pháp bằng nhiều cách khác nhau, như Thánh GH Gioan Phaolô II vốn gợi ý (xem Familiaris Consortio, 84).

46. Trên hết, mọi gia đình phải được đối xử với lòng kính trọng và thương yêu và được đồng hành trên đường lữ hành của họ như Chúa Kitô đã đồng hành cùng các môn đệ trên đường Emmau. Một cách đặc biệt, lời lẽ của Đức Phanxicô có thể áp dụng vào các tình huống này: “Giáo Hội sẽ phải dẫn khởi mọi người, linh mục, tu sĩ và giáo dân, vào ‘nghệ thuật đồng hành’ này, một nghệ thuật dạy ta biết bỏ dép ra trước khi bước vào lãnh địa thánh thiêng của người khác (xem Xh 3: 5). Nhịp độ đồng hành này phải vững chãi đều đặn và có tính trấn an, phản ảnh sự gần gũi và cảm thương, là thứ, cùng một lúc, vừa chữa lành vừa giải phóng và khích lệ sự lớn mạnh trong cuộc sống Kitô hữu” (Evangelii Gaudium, 169).

47. Đối với việc hướng dẫn những người ly thân, ly dị hay bị bỏ rơi, điều không thể thiếu là phải đặc biệt biện phân. Chủ yếu phải tỏ lòng kính trọng đối với sự đau khổ của những người phải ly thân, ly dị hay bị bỏ rơi một cách bất công, hay những người phải chịu sự đối xử tàn tệ của chồng hay của vợ, đến làm cuộc sống của họ hoàn toàn bị gián đoạn. Tha thứ một bất công như thế không phải là điều dễ dàng, nhưng ơn thánh vẫn giúp cho hành trình này thành có thể. Như thế, hoạt động mục vụ cần qui hướng vào việc hòa giải hay trung gian giải quyết các dị biệt, một việc có thể diễn ra tại “các trung tâm lắng nghe nhau” được chuyên biệt thiết lập tại các giáo phận. Cùng một lúc, các nghị phụ THĐ cũng nhấn mạnh tới sự cần thiết phải bàn, một cách trung thành và xây dựng, tới các hậu quả của ly thân hay ly dị đối với con cái, dù trong trường hợp nào cũng vẫn là các nạn nhân vô tội của tình huống. Không được biến con cái thành “đối tượng” để tranh chấp. Thay vào đó, phải tìm đủ mọi cách thích đáng để bảo đảm việc chúng có thể vượt qua được cơn chấn thương tan vỡ gia đình này và lớn lên một cách thanh thản bao nhiêu có thể. Trong bất cứ trường hợp nào, Giáo Hội cũng luôn có nhiệm vụ phải chỉ rõ sự bất công rất thường liên hệ với việc ly dị. Cần phải đặc biệt lưu ý tới việc hướng dẫn các gia đình có cha mẹ đơn lẻ. Phụ nữ trong tình huống này cần được trợ giúp đặc biệt để họ chu toàn trách nhiệm cung cấp mái ấm và dưỡng dục con cái.

48. Một số lớn các nghị phụ THĐ nhấn mạnh tới sự cần thiết phải làm sao cho thủ tục trong các vụ án tuyên bố vô hiệu dễ nằm trong tầm tay và đỡ mất thì giờ hơn. Trong số nhiều điều, các ngài đề nghị miễn chuẩn đòi hỏi phải có án đệ nhị cấp (second instance) mới tuyên án; khả thể thiết lập thủ tục hành chánh dưới quyền tài phán của giám mục giáo phận; và một diễn trình đơn giản hơn dùng cho những trường hợp trong đó tính vô hiệu đã hiển nhiên rõ ràng. Tuy nhiên, một số nghị phụ THĐ chống lại đề nghị này, vì các ngài thấy rằng nó không bảo đảm đưa ra được một phán quyết đáng tin. Dù trong trường hợp nào, các nghị phụ THĐ cũng nhấn mạnh tới đặc điểm hàng đầu của việc phải bảo đảm sự thật về tính thành sự của dây hôn phối. Trong số các đề nghị khác, vai trò mà đức tin đóng nơi những người kết hôn có thể được xem xét khi phải quả quyết tính thành sự của Bí Tích Hôn Nhân, trong khi vẫn chủ trương rằng cuộc hôn nhân giữa hai Kitô hữu đã rửa tội luôn luôn là một bí tích.

49. Trong việc đơn giản hóa thủ tục phán quyết các vụ án về hôn nhân, nhiều nghị phụ THĐ yêu cầu phải chuẩn bị đủ con số nhân viên, cả giáo sĩ lẫn giáo dân, hoàn toàn chăm chú vào công việc, điều này đòi vị giám mục giáo phận nhiều trách nhiệm hơn; ngài có thể chỉ định trong giáo phận mình các cố vấn được huấn luyện cách đặc biệt nhằm đưa ra các ý kiến miễn phí cho các bên liên hệ về tính thành sự hôn nhân. Việc làm này có thể diễn ra tại một văn phòng hay bởi những người có chuyên môn (xem Dignitas Connubii, 113, 1).

50. Những người ly dị mà không tái hôn, những người thường làm chứng cho lời thề hứa trung thành với cuộc hôn nhân của mình, phải được khuyến khích để tìm được của nuôi trong Thánh Thể mà họ cần đến để nâng đỡ họ trong trạng thái sống hiện thời. Cộng đồng và các mục tử địa phương phải đồng hành với những người này một cách ân cần, nhất là khi họ có con cái hay khi gặp khó khăn tài chánh trầm trọng.

51. Cũng thế, những ai ly dị và tái hôn cũng đòi được biện phân cẩn thận và được đồng hành với lòng kính trọng lớn lao. Ngôn từ và tác phong có thể khiến họ cảm thấy trở thành đối tượng của kỳ thị cần được xa tránh, trong khi phải khuyến khích họ tham dự vào đời sống cộng đồng. Sự chăm sóc của cộng đồng Kitô hữu đối với những người này không nên bị coi như làm suy yếu đức tin và chứng từ của mình đối với tính bất khả tiêu của hôn nhân, nhưng, chính nhờ cách này, cộng đồng được coi là đang nói lên lòng bác ái của mình.

52. Các nghị phụ THĐ cũng xem xét khả thể cho người ly dị và tái hôn được phép lãnh nhận các Bí Tích Thống Hối và Thánh Thể. Một số nghị phụ THĐ nhấn mạnh tới việc phải duy trì các qui định hiện nay, vì mối liên hệ tạo lập giữa việc tham dự Thánh Thể và việc hiệp thông với Giáo Hội cũng như giáo huấn về đặc điểm bất khả tiêu của hôn nhân. Các nghị phụ khác biểu lộ một phương thức có tính cá thể hóa nhiều hơn, cho phép lãnh các bí tích trên trong một số tình huống và dưới những điều kiện được xác định rõ, chủ yếu là trong các tình huống không thể đảo ngược được và các tình huống liên quan tới bổn phận luân lý đối với con cái là những người có thể phải chịu các đau khổ bất công. Việc lãnh nhận các bí tích này có thể diễn ra nếu trước đó đã thực hành việc thống hối, thể thức do giám mục giáo phận định đoạt. Đề tài này cần được khảo sát thấu đáo, luôn lưu ý tới việc phân biệt giữa tình huống tội lỗi khách quan và những hoàn cảnh giảm khinh, vì xét rằng “việc có thể bị quy trách và chịu trách nhiệm đối với một hành động có thể giảm đi hay thậm chí bị tiêu hủy do thiếu hiểu biết, sơ suất, do áp lực, sợ hãi, do thói quen, do tâm lý bất ổn, do các nhân tố tâm lý hay xã hội” (Sách GL của GHCG, 1735).

53. Một số nghị phụ THĐ chủ trương rằng các người ly dị và tái hôn hay những người sống chung với nhau có thể hữu hiệu chạy tới với việc rước lễ thiêng liêng. Các vị khác đặt câu hỏi: như thế, tại sao họ lại không thể rước lễ “cách bí tích”. Kết cục, các nghị phụ THĐ yêu cầu rằng một cuộc nghiên cứu thêm về thần học đối với vấn đề này có thể chỉ rõ được các điểm chuyên biệt của cả hai hình thức và sự liên kết của chúng với nền thần học về gia đình.

54. Các vấn đề liên quan tới các cuộc hôn nhân hỗn hợp thường được nêu ra trong tham luận của các nghị phụ THĐ. Các dị biệt trong các qui định về hôn nhân trong các Giáo Hội Đông Phương tạo ra nhiều vấn nạn nghiêm trọng trong một số trường hợp, đòi phải xem xét tới nơi tới chốn trong công trình đại kết. Cũng tương tự như thế, sự đóng góp của cuộc đối thoại với các tôn giáo khác cũng là điều quan trọng đối với các cuộc hôn nhân liên tôn.

Chú tâm mục vụ đối với những người có xu hướng đồng tính luyến ái

55. Một số gia đình có các thành viên có xu hướng đồng tính. Về phương diện này, các nghị phụ THĐ tự hỏi sự chú tâm mục vụ nào có thể thích đáng đối với họ mà vẫn phù hợp với giáo huấn Giáo Hội: “Tuyệt đối không hề có một cơ sở nào để coi các cuộc kết hợp đồng tính là tương tự hay thậm chí có thể so sánh cách nào đó, dù xa xôi, với kế hoạch của Thiên Chúa dành cho hôn nhân và gia đình”. Tuy thế, những người nam nữ có xu hướng đồng tính cần được tiếp nhận với lòng kính trọng và mẫn cảm. “Mọi dấu hiệu kỳ thị bất công đối với họ cần được xa tránh” (Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, Các Xem Xét Liên Quan Tới Các Đề Nghị Nhìn Nhận Hợp Lệ Các Cuộc Kết Hợp Giữa Những Người Đồng Tính, 4)

56. Gây áp lực về phương diện này đối với các Mục Tử của Giáo Hội là điều hoàn toàn không thể chấp nhận được: điều này cũng như thế đối với các tổ chức quốc tế chuyên liên kết việc viện trợ tài chánh của họ cho các quốc gia nghèo với việc thông qua các đạo luật nhằm thiết lập ra các “cuộc hôn nhân” giữa những người cùng một giới tính.

Việc truyền sinh và các thách đố trong việc suy giảm sinh xuất

57. Ngày nay, việc truyền bá não trạng muốn giảm thiểu việc sinh sản con người cho phù hợp với kế hoạch của cá nhân hay của các cặp vợ chồng là điều dễ quan sát thấy. Đôi khi, các nhân tố kinh tế quả là nặng nề, góp phần vào việc giảm thiểu sinh xuất đáng kể, môt việc suy giảm làm suy yếu cơ cấu xã hội, do đó, phá hoại liên hệ giữa các thế hệ và làm cho viễn tượng tương lai trở nên không chắc chắn.
Việc cởi mở chào đón sự sống là một đòi hỏi vốn nội tại ngay trong tình yêu vợ chồng. Về phương diện này, Giáo Hội hỗ trợ mọi gia đình biết chấp nhận, dưỡng dục và âu yếm đùm bọc các đứa con khuyết tật nhiều cách của mình.

58. Việc mục vụ trong lãnh vực này cần khởi đầu bằng cách lắng nghe người ta và nhìn nhận vẻ đẹp và sự thật của việc cởi mở vô điều kiện đối với sự sống, một điều cần thiết nếu muốn sống trọn vẹn cuộc sống nhân bản. Điều này được dùng làm căn bản cho một giáo huấn thích đáng liên quan tới các phương pháp tự nhiên để sinh sản có trách nhiệm, là các phương pháp giúp vợ chồng sống mối liên hệ yêu đương của họ cách hoà điệu và có ý thức trong mọi khía cạnh của nó, cùng với trách nhiệm sinh ra sự sống mới. Về phương diện này, ta nên trở lại với sứ điệp của Chân Phúc GH Phaolô VI trong thông điệp Humanae Vitae, một sứ điệp vốn nhấn mạnh tới việc phải kính trọng phẩm giá con người khi lượng định các phương pháp điều hòa sinh đẻ về phương diện luân lý. Việc nhận con nuôi, nhận trẻ mồ côi và trẻ bị bỏ rơi và coi chúng như con của mình là một hình thức đặc biệt của việc tông đồ gia đình (xem Apostolicam Actuositatem, III, 11), và vẫn thường được Huấn Quyền kêu gọi và khuyến khích (xem Familiaris Consortio, III, II; Evangelium Vitae, IV, 93). Quyết định nhận con nuôi hay nhận nuôi nấng trẻ em nói lên tính hoa trái đặc thù của đời sống vợ chồng, chứ không hẳn chỉ trong trường hợp hiếm muộn. Quyết định như thế chứng tỏ một dấu hiệu mạnh mẽ của tình yêu gia đình, một cơ hội để làm chứng cho đức tin của mình và phục hồi phẩm giá làm con cho những người bị tước mất phẩm giá này.

59. Cảm giới tính cần được trợ giúp, cả trong hôn nhân, như cách thế để trưởng thành trong cố gắng không ngừng thâm hậu hóa việc chấp nhận người khác và không ngừng hiến mình mỗi lúc một trọn vẹn hơn. Việc này cần đến các chương trình huấn luyện nhằm nuôi dưỡng cuộc sống lứa đôi và tầm quan trọng của giáo dân nhằm cung cấp việc đồng hành, một việc đòi một cuộc sống làm chứng tá. Gương sáng của một tình yêu trung thành và sâu sắc chắc chắn là một trợ giúp lớn lao; một tình yêu được biểu lộ qua dịu dàng và kính trọng; một tình yêu có khả năng lớn lên với thời gian; và là một tình yêu tạo ra được một cảm nghiệm huyền nhiệm siêu việt, ngay trong tác động cởi mở đón chào việc sinh sản sự sống mới.

Dưỡng dục và vai trò gia đình trong việc phúc âm hóa

60. Một trong các thách đố nền tảng mà các gia đình ngày nay đang phải đối diện chắc chắn là thách đố dưỡng dục con cái; thách đố này càng trở nên khó khăn và phức tạp hơn bởi thực tại văn hóa và ảnh hưởng lớn lao của truyền thông ngày nay. Do đó, phải ân cần đối với nhu cầu và hoài mong của các gia đình có khả năng làm chứng bằng đời sống hàng ngày của họ rằng gia đình là nơi để nẩy nở trong việc cụ thể và thiết yếu lưu truyền các nhân đức giúp đem lại khuôn hình cho cuộc sống ta. Như thế, cha mẹ phải được tự do chọn lối giáo dục cho con cái mình, theo các xác tín riêng của họ.

61. Về phương diện này, Giáo Hội có thể đóng một vai trò giá trị trong việc hỗ trợ các gia đình, bắt đầu với việc Khai Tâm Kitô Giáo, bằng cách trở thành các cộng đoàn chào đón. Hơn bao giờ hết, ngày nay, các cộng đoàn này phải trợ giúp các cha mẹ trong việc dưỡng dục con cái cả trong các tình huống phức tạp lẫn cuộc sống hàng ngày, đồng hành với chúng, đồng hành với các thiếu niên và người trẻ trong diễn trình phát triển của chúng qua các chương trình mục vụ được bản vị hóa, có khả năng dẫn khởi để chúng hiểu được ý nghĩa trọn vẹn của sự sống và khuyến khích chúng biết quyết định và lãnh trách nhiệm, biết sống trong ánh sáng Tin Mừng. Trong sự dịu dàng, trong lòng từ bi và mẫn cãm mẫu thân của ngài, Đức Maria có khả năng nuôi dưỡng nhân loại đói khát và chính sự sống. Bởi đó, các gia đình và các Kitô hữu nên cậy nhờ sự cầu bầu của ngài. Việc mục vụ và việc sùng kính Đức Mẹ là một khởi điểm thích đáng để ta công bố Tin Mừng Gia Đình.

Kết luận



62. Các suy nghĩ đề ra trên đây, vốn là hoa trái của công trình THĐ diễn ra trong tự do hoàn toàn và trong tinh thần lắng nghe nhau, có mục đích nêu ra các vấn đề và cho thấy các quan điểm cần được khai triển và minh xác sau này qua việc suy nghĩ tại các Giáo Hội địa phương trong năm trước khi khai mạc Phiên Họp Toàn Thể Thường Lệ Thứ XIV của THĐ Giám Mục dự tính vào Tháng Mười, năm 2015, để bàn về Ơn Gọi và Sứ Mệnh của Gia Đình trong Giáo Hội và trong Thế Giới Hiện Thời. Chúng không phải là các quyết định đã đưa ra và cũng không phải là những đề tài dễ dàng. Tuy nhiên, trong cuộc hành trình hợp đoàn của các giám mục và với sự can dự của toàn thể Dân Chúa, Chúa Thánh Thần sẽ hướng dẫn ta tìm ra đường tiến tới sự thật và thương xót đối với mọi người. Đó là ước nguyện của Đức GH Phanxicô ngay từ đầu công việc của chúng tôi, khi ngài mời gọi chúng tôi phải can đảm trong đức tin và phải khiêm nhường ôm lấy sự thật trong đức ái.

Số phiếu cho từng số của Bản Tường Trình Của THD
Tổng số hiện diện: 183
(không có số chỉ phiếu trắng)
Đồng ý Không đồng ý
1. 175 1
2. 179 0
3. 178 1
4. 180 2
5. 177 3
6. 175 5
7. 170 9
8. 179 1
9. 171 8
10. 174 8
11. 173 6
12. 176 3
13. 174 7
14. 164 18
15. 167 13
16. 171 8
17. 174 6
18. 175 5
19. 176 5
20. 178 3
21. 181 1
22. 160 22
23. 169 10
24. 170 11
25. 140 39
26. 166 14
27. 147 34
28. 152 27
29. 176 7
30. 178 2
31. 175 4
32. 176 5
33. 175 7
34. 180 1
35. 164 17
36. 177 1
37. 175 2
38. 178 1
39. 176 4
40. 179 1
41. 125 54
42. 143 37
43. 162 14
44. 171 7
45. 165 15
46. 171 8
47. 164 12
48. 143 35
49. 154 23
50. 169 8
51. 155 19
52. 104 74
53. 112 64
54. 145 29
55. 118 62
56. 159 21
57. 169 5
58. 167 9
59. 172 5
60. 174 4
61. 178 1
62. 169 8
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo xứ Chu Hải, Bà Rịa: Tháng cầu cho các Linh hồn
Đặng Hoàng Phúc
08:11 02/11/2014
Giáo xứ Chu Hải, Bà Rịa: Tháng cầu cho các Linh hồn

Hôm nay 02/11/2014 hiệp cùng Giáo Hội hoàn vũ, theo truyền thống tốt đep lâu đời, toàn thể giáo dân Chu Hải quy tụ nhau về đất thánh, nơi thân xác những người thân yêu đang yên nghỉ trong tình thương Thiên Chúa. Để dâng thánh lễ cầu cho các linh hồn.

Xem Hình

Nghĩa trang Chu Hải tọa lạc trên mặt tiền quốc lộ 51, cách xa nhà thờ 1.2 km về phía tây. Nam giáp cửa biển rừng sác, bắc giáp núi dinh. Ngay từ đầu giờ chiều, hàng lũ đông đảo những người con xa quê quay về, cùng với toàn thể giáo dân trong giáo xứ: từ những cụ già cao niên đến những trẻ nhỏ được bố mẹ dẫn ra nghĩa trang. Gần 7000 người con giáo xứ, cùng cha chính xứ, cha phó và quý tu sĩ nam nữ dâng thánh lễ cầu cho linh hồn ông bà, cha mẹ, thân bằng quyến thuộc và các linh hồn.

Trong suốt tháng 11, con đường tống cố dẫn từ nhà thờ và cả nghĩa trang được bắc điện sáng để bà con giáo dân tối đến quy tụ ra đây để đọc kinh Mân Côi, thắp đèn nến bên phần mộ những người thân yêu và cầu nguyện cho các linh hồn. Những dãy mộ khang trang được dọn dẹp sạch sẽ, trang hoàn bởi biết bao là các loài hoa, hương khói nghi ngút quyện cùng lời kinh dâng lên Thiên Chúa, xin cho các linh hồn được lên chốn nghỉ ngơi.
 
Thánh lễ cầu nguyện cho các Linh hồn tại Đất Thánh ở Huế
Trương Trí
10:45 02/11/2014
Từ sau năm 1975, cư dân đổ về các thành phố sinh sống đông đúc, đất đai ngày càng chật chội. Chính quyền bắt đầu quy hoạch đất đai mở rộng thành phố. Thành phố Huế vốn đã chật hẹp, nay lại càng chật hẹp hơn, nhiều nghĩa trang bị giải toả để quy hoạch đất ở và chợ búa v.v…Trong đó có những nghĩa trang là đất Thánh lâu đời như: Phủ Cam, Kim Long. Những nơi này trước đây, mỗi kỳ lễ Các Đẳng Linh hồn là như ngày hội, người người chen nhau viếng mộ, khói hương nghi ngút. Các nghĩa trang được quy hoạch chung về Nghĩa trang Thiên Thai của thành phố.

Hình ảnh

Riêng Đất Thánh giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu giúp của Dòng Chúa Cứu thế Huế toạ lạc trên một ngọn đồi cách biệt nên tam thời chưa bị quy hoạch, nên hàng năm, các Cha Dòng Chúa Cứu thế Huế vẫn tổ chức Thánh lễ cầu nguyện cho Các Đẳng Linh hồn vào ngày 2.11.

Gần đến ngày lễ, các phần mộ được dọn dẹp sạch sẽ, những lọ hoa tươi thắm điểm tô cho phần mộ được khang trang. Thông thường cứ đến dịp lễ Các Đẳng Linh hồn thì trời mưa tầm tả suốt ngày, nhưng năm nay đặc biệt trời nắng ráo nên rất đông người tham dự Thánh lễ.

Từ 2 giờ chiều, mọi người đã tập trung trước Lễ Đài đọc kinh cầu nguyện. Đúng 2giờ30, Thánh lễ đồng tế do Cha Phêrô Nguyễn Quang Duy, Bề trên Dòng Chúa Cứu thế Huế kiêm Quản xứ Đức Mẹ Hằng Cứu giúp chủ tế, cùng đồng tế có các linh mục thuộc Dòng Chúa Cứu thế Huế.

Cha chủ tế mời gọi cộng đoàn sốt sắng tham dự Thánh lễ để cầu nguyện cho các linh hồn đang trong luyện hình, mặc dù trời nắng nhưng cũng không bằng cái nóng trong chốn luyện ngục, chúng ta hy sinh để cầu nguyện cho các linh hồn.

Sau Thánh lễ, Cha chủ tế dâng lời nguyện làm phép các phần mộ trước khi mọi người cùng nhau viếng mộ phần. Mỗi người không chỉ thắp hương viếng mộ ngwòi thân mà còn viếng các phần mộ, chụp ảnh lưu niệm trước phần mộ người thân của mình.
 
Lễ cầu nguyện cho các Linh hồn tại Bắc Hải
Giuse Khổng Hữu Nguồn
21:54 02/11/2014
HÓ NAI - Chiều Chúa Nhật 02.11.2014, tại nghĩa trang Giáo xứ Bắc Hải, hạt Hố Nai, Giáo phận Xuân Lộc, giáo xứ đã long trọng tổ chức lễ cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời.

Hình ảnh

Cùng dâng lễ với cha xứ Đaminh Bùi Văn Án, có cha phó Đaminh, quý cha Đồng Hương và thầy phó tế Phaolo.

Tham dự lễ, có đông đảo quý tu sĩ nam nữ, quý cộng đoàn phụng vụ và đặc biệt có rất đông quý bà con từ các nơi khác gần xa trong ngoài nước về cũng như có cả những vị khách là các tôn giáo bạn đến tham dự.

Trước lễ là giây phút cộng đoàn cùng quý cha, quý chức ban hành giáo, đọc điếu văn tưởng nhớ tri ân đến các Đấng Bậc trong Giáo Phận, Giáo Xứ, trong Gia Đình, trong Họ Hàng, bạn bè thân hữu…giây phút thinh lặng đi vào lòng người, nối kết thiêng liêng với thực tại, với đạo hiếu, với tình yêu và tình cảm; thật bồi hồi xúc động đầy cảm mến. Tiếp đến, quý cha đi rẩy Nước Thánh trên các phần mộ, hòa với lời kinh Lạy Cha và kinh Tin Kính mà mọi người đều sốt sắng đọc lên để cầu nguyện cho linh hồn ông bà cha mẹ và những người thân yêu của mình.

Mở đầu thánh lễ, cha xứ Đaminh thay mặt cộng đoàn dâng lời chào quý cha, quý tu sĩ nam nữ, quý cộng đoàn phụng vụ, quý khách và những anh chị em tôn giáo bạn cũng đang hiện diện trong thánh lễ chiều nay. Ngài nói: “Hòa trong niềm vui Năm Thánh Mừng Kim Khánh Thành Lập Giáo Phận Xuân Lộc, cộng đoàn phụng vụ Giáo xứ Bắc Hải Mừng Ngọc Khánh, kỷ niệm 60 năm thành lập.

Hôm nay chúng ta nhớ đến Quý Đức Cha Giáo Phận: Đức Cha Giuse Lê Văn Ấn, Giám mục tiên khởi. Đức Cha Đaminh Nguyễn Văn Lãng. Đức Cha Phaolo Maria Nguyễn Minh Nhật. Quý Cha Giáo xứ: Cha Cố Phero Vũ Trọng Thư, chánh xứ tiên khởi. Cha Gioan Bt Nguyễn Thanh Hải. Cha Giuse Phạm Ngọc Hoan. Quý tu sĩ nam nữ, quý ân nhân, ông bà cha mẹ anh chị em, họ hàng, là những người đã ra đi trước chúng ta và đang gởi thân xác nơi nghĩa trang này.

Chúng ta sốt sắng dâng thánh lễ cầu nguyện cho các linh hồn, khi còn sống các tiền nhân đã dày công xây đắp ngôi nhà giáo phận, giáo xứ, mái ấm gia đình với bao nhiêu mồ hôi và nước mắt. Và nhất là chúng ta hãy cầu nguyện cho mỗi người chúng ta là những người còn đang sống, biết sống xứng đáng là con Chúa, biết chu toàn bổn phận làm cha làm mẹ, làm con cháu trong gia đình”.

Trong bài giảng lễ, bằng chất giọng Huế, dịu dàng êm ái. Cha phó Đaminh Đoàn Giang Sơn chia sẻ với cộng đoàn về đời sống đức tin người tín hữu “là người Kitô hữu chúng ta phải nhìn cái chết dưới ánh sáng đức tin. Thực vậy dưới ánh sáng đức tin thì cái chết không phải là một chấm dứt mà là một khởi đầu, không phải là một ra đi mà là một trở về nhà Cha, không phải là một chia lìa nhưng là một kết hợp mật thiết với Thiên Chúa”.

Đồng thời ngài mời mọi người: “Trong mọi hoàn cảnh, hãy chuẩn bị sẵn sàng để ra trước mặt Chúa mà tính sổ cuộc đời. Trong nhịp sống thường ngày, chúng ta có lo thực thi bác ái hay không, có biết thực tâm tha thứ cho kẻ lỗi phạm đến chúng ta hay không? Có biết nở nụ cười hoà giải đối với những kẻ đã gây nên xích mích, có biết đem lại niềm vui và hạnh phúc cho những kẻ xung quanh? Có biết làm chứng nhân cho Chúa bằng đời sống yêu thương hay không?”.

Trước khi kết lễ, một lần nữa, cha xứ chia sẻ với mọi người: “lời cảm ơn chân thành đến quý cha, quý tu sĩ nam nữ, quý chức ban hành giáo, quý cộng đoàn và anh chị em các tôn giáo bạn.

Dù đội mưa để tham dự thánh lễ bên phần mộ của người thân yêu, những hy sinh của mọi người là tình yêu, là bác ái. Chắc hẳn các linh hồn sẽ được ấm lại tình nghĩa, nối kết thiêng liêng ruột thịt trong gia đình, trong cộng đoàn giáo xứ”.

Sau lễ, dù trời vẫn mưa, dù ướt đến đâu; nhưng mọi người vẫn cung kính đứng bên phần mộ của người thân yêu để sốt sắng đọc kinh cầu nguyện cho các linh hồn.

Trong tháng cầu nguyện cho các linh hồn, Giáo Hội tạo điều kiện cho chúng ta có dịp thông công với những người đã khuất. Vì thế từ trưa ngày lễ Các Thánh đến nửa đêm ngày cầu cho các tín hữu đã qua đời, nếu ai viếng nhà thờ, thì được ơn đại xá. Từ ngày 01 đến hết ngày 08, nếu ai viếng nghĩa địa, cầu nguyện cho các linh hồn cũng được ơn đại xá. Những ơn đại xá này sẽ được nhường lại cho các linh hồn.

Trong tháng 11, Giáo xứ Bắc Hải sẽ dâng thánh lễ tại Nghĩa Trang lúc 17 giờ chiều các Chúa Nhật để Cầu Nguyện cho các Linh Hồn.

Nguyện xin Chúa cho các linh hồn quý cha, quý tu sĩ, cho ông bà cha mẹ anh chị em họ hàng của chúng con được mau về hưởng phúc Thiên Đàng.
 
Văn Hóa
Tản mạn về việc cầu cho các linh hồn
Lm. Bosco Dương Trung Tín
08:16 02/11/2014
Tản mạn về việc cầu cho các linh hồn

Giáo Hội dành một tháng để cầu cho các Đẳng linh hồn, nghĩa là cầu cho các linh hồn đã qua đời. Đó là một truyền thống rất tốt đẹp của Giáo Hội.

Việc dâng lễ, cầu nguyện cho các linh hồn là một việc tốt, việc chính đáng và là một việc thánh thiện. Tốt vì bây các linh hồn không tự mình cầu nguyện cho mình cũng như làm những việc tốt, việc thiện được nữa. Chính đáng vì những người đã khuất đó có thể là ông bà, cha mẹ, anh chị em, bạn bè hay là ân nhân của ta. Thánh thiện vì trong đức tin, vì lòng mến Chúa và yêu người ta cầu nguyện cho các Đẳng, để các Ngài sớm về hưởng nhan thánh Chúa; để các ngài được hưởng lòng nhân từ của Chúa.

Việc dâng lễ, cầu nguện cho các linh hồn đã qua đời tự thân là một việc tốt, việc chính đáng và thánh thiện; còn kết quả thế nào thì do Chúa quyết định, chứ không phải ta. Không phải ta cứ xin lễ bao nhiêu thì người đó sẽ được hưởng bấy nhiêu. Nếu là như thế thì người giàu, có nhiều tiền để xin lễ thì những linh hồn được cầu sẽ nhanh chóng lên thiên đàng sao; còn người nghèo không có tiền xin lễ thì thân nhân của họ sẽ ở mãi trong luyện ngục sao? Thiên đàng không giống như thế gian đâu. Lên thiên đàng là do Chúa quyết định xem họ đáng được hưởng bao nhiêu và phải đền bù những gì mình đã lỗi việc bổn phận hay những gì mình đã làm thiệt hại, gây hại cho người khác.

Các Đẳng linh hồn bây giờ như bị giam trong tù luyện ngục vậy, cậy nhờ vào lòng thương xót Chúa; cậy nhờ vào công nghiệp của Đức Ky-tô và cậy nhờ vào sự cầu nguyện của những người còn đang sống thôi, chứ không thể làm được gì hết. Suy nghĩ đến điều đó, bây giờ ta đang sống, ta tự lo cho mình có tốt hơn không! Hay là trông chờ vào người khác? Không biết người ta có nhớ đến mình không, vì thường sau khi chết một thời gian thì người ta sẽ quên, họ chỉ nhớ ngày giỗ của ta thôi. Vả lại họ cũng chết mà. Nếu chỉ trông chờ vào sự giúp đỡ và cầu nguyện của người khác thì ta giống như người ăn xin vậy. Người ta cho bao nhiêu thì ta được bấy nhiêu. Quả thực, các linh hồn trong luyện ngục là như thế. Người ta hay Giáo Hội có

cầu nguyện cho, có dâng lễ bao nhiêu chỉ cho các Ngài thì các Ngài cũng không được hưởng hết được. Chúa cho họ hưởng được bao nhiêu thì họ hưởng bấy nhiêu theo lòng nhân từ và sự công bằng của Chúa, chứ họ không có quyền đòi hỏi gì cả. Bởi thế mà ngay từ bây giờ ta tự lo cho mình thì hay biết mấy.

Người ta có câu:”Hãy tự giúp mình thì trời mới giúp cho”mà. Ta tự cố gắng bao nhiêu có thể, để nên thánh, nên thiện; làm điều tốt, điều lành, khi còn sống, để khi chết, ra trước tòa Chúa, ta đỡ đi phần nào. Nếu có “bị tù” thì ta cũng được hưởng lòng nhân từ của Chúa hơn là sự công công bằng, vì khi còn sống, ta đã có lòng nhân từ với người khác. Ta được Chúa tha thứ mọi tội khiên, vì xưa kia ta đã tha thứ cho người khác. Như thế ta cố gắng là phần chính, phần nhiều; còn sự giúp đỡ của người khác là phần phụ, phần ít. Ta đừng có dại mà trông chờ hoàn toàn vào người khác và lười biếng ỷ nại vào Chúa vì Chúa là Đấng rất nhân từ nhưng cũng là Đấng rất công bằng đấy; còn con người thì khỏi nói rồi, họ cứu họ còn chưa được huống chi là giúp đỡ ta.

Chúa là Đấng nhân từ có thể ban cho ta nhiều ân sủng và lên thiên đàng, nhưng Chúa cũng là Đấng rất công bằng, không thiên vị ai thì không thể cho ta khi không thánh, không thiện mà lên thiên đàng được. Ta nên nhớ điều đó mà cố gắng bao có thể. Làm cái gì cũng phải lo mà làm cho đúng, cho chính xác, không chỉ vì đời này mà thôi, nhưng còn vì đời sau nữa. Nếu có làm sai thì phải sửa lại cho đúng, từ những việc bình thường cho đến việc cầu nguyện, dâng lễ. Đừng có làm bậy, làm bừa mà sau này phải đền tội. Việc trên hết của ta phải là những việc bổn phận; thứ đến là đừng có làm hại gì cho ai.

Việc bổn phận của ta thì ta phải lo mà chu toàn. Đừng có lấy bất cứ lý do nào để bào chữa cho việc ta không làm việc bổn phận của ta. Chu toàn việc bổn phận, thì ta sẽ trở nên người đầy tớ khôn ngoan và trung tín, chắc chắc ta sẽ được thưởng. Còn không chu toàn việc bổn phận, dù có bất kỳ lý do nào nữa thì chắc chắn ta sẽ bị phạt. Không ai chê người chu toàn bổn phận của mình bao giờ. Nếu mà chê thì người đó là người xấu và giả hình. Người ta chỉ chê những người bỏ việc bổn phận mình mà đi làm việc khác, làm việc của người khác, kể cả những việc được cho là bác ái. Việc bác ái trên hết và trước hết, chiếm phần ưu tiên là việc bổn phận của mình. Việc bổn phận của mình mà mình không làm thì ai làm đây. Còn những việc khác; những việc của người khác thì đã có người khác làm rồi, không có ta thì họ vẫn làm như thường. Nếu ta bỏ việc bổn phận mà làm những việc khác vì hư danh, vì muốn lấy tiếng khen thì tội sẽ nặng thêm, chứ không bù qua bù lại được. Vì cả hai việc đó đều xấu.

Thứ đến là ta không bao giờ làm hại đến bất kỳ một ai; không làm thiệt hại gì cho họ; không nói xấu, không nói hành; không xét đoán, không kết án bất cứ một ai. Việc của họ thì họ có trách nhiệm làm và sẽ trả lời với Chúa chứ không trả lời với ta. Ta không có quyền gì trên họ cả; có chăng thì đó là sự giúp đỡ, góp ý thôi. Đó không phải là việc bác ái sao? Và chu toàn việc bổn phận không là việc bác ái sao? Quả thật đó là 100% là việc bác ái; còn các việc khác không chắc là việc bác ái; có chăng là dưới 50% hay chỉ có cái danh thôi, theo nghĩa “hữu danh vô thực” ấy mà.

Vậy trong tháng cầu cho các Đẳng linh hồn, ta hãy dâng lễ, dâng những hy sinh để cầu cho các lình hồn đã qua đời, để họ sớm về hưởng nhan thánh Chúa. Sau là ta cũng hãy chuẩn bị cho chính bản thân ta, ngay từ bây giờ hãy lo mà chu toàn những việc bổn phận của ta và nhất quyết không làm hại hay gây hại cho bất cứ một ai. Có thế ta có thể nắm chắc 90%, được cứu độ, được lên thiên đàng. Còn 10% là nhờ vào sự cầu nguyện của Giáo Hội, của người khác. Chắc ăn như “đinh đóng cột”. Chúa đã chẳng nói như thế này sao :” Hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành, …. hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ ngươi” sao? (x.Mt25,21,23). Niềm vui đó là Thiên đàng. Amen.

Lm. Bosco Dương Trung Tín
 
Một chút về đạo đức truyền thông
Micae Bùi Thành Châu
08:30 02/11/2014
MỘT CHÚT VỀ ĐẠO ĐỨC TRUYỀN THÔNG

Ở đời, ông bà thường nói : "Ăn ở có đức mặc sức mà ăn". Câu nói giản đơn nhưng gói ghém bài học ông bà dạy cho con cháu.

Ăn ở như muốn nói đến lối sống, cách sống, nhân cách và cả công việc của con người. Nói như thế để hiểu rằng trong cuộc sống, dù bất cứ công việc nào, ngành nghề nào cũng cần phải có đạo đức và có đạo đức để mình hưởng từ cái đạo đức mà mình làm ra.

Một cái gọi là nghề rất thịnh trong xu hướng thời đại ngày nay đó là truyền thông. Truyền thông ảnh hưởng rất mạnh trong đời sống con người. Truyền thông mang những thông tin, những chuyện vui buồn trong cuộc sống quanh ta. Nếu thông tin tốt, chính xác, có tính cách xây dựng xã hội và con người thì con người đón nhận sẽ tốt và có cuộc sống tốt và ngược lại.

Ngày nay, phải nói là bùng nổ về thông tin nhất là các trang mạng. Dù bùng nổ thế nào đi chăng nữa, bùng nổ đến đâu đi chăng nữa thì cũng không bỏ qua và không quên được đạo đức trong truyền thông.

Nhiều chuyện thầm kín, nhạy cảm của con người nhưng người ta cố tình phơi bày những thứ ấy trên báo chí. Dĩ nhiên nó dễ đi vào tâm trí con người và nó cũng dễ nảy sinh ra bao nhiêu chuyện xấu kèm theo.

Chuyện bi hài là tỷ phú đô la X, con trai ông Y, người giàu nhất Thị trường chứng khoán” và “Người yêu của anh (tức X) là “hot girl” nổi tiếng Sài thành “Whitebear” được post lên Internet một số báo mạng đã vội vàng khai thác, thậm chí dựa theo thông tin này để viết bài điều tra. Từ đó, bài “Con trai người giàu nhất sàn chứng khoán tỏ tình gây sốc” được đưa lên một số báo điện tử, diễn đàn. Chỉ đến khi ông Y khẳng định tin đó là sai sự thật, cơ quan chức năng vào cuộc thì mới phát hiện đây là tác phẩm của một cô bé 13 tuổi đã hư cấu để... trêu đùa!

Thông tin và phê phán cái xấu là cần thiết, đáng khuyến khích nhưng phê phán thế nào để những cái xấu được khắc phục, được loại bỏ, hay cải tạo góp phần làm cho xã hội lành mạnh hóa… thì lại là điều cần phải xem xét.

Một số tòa soạn đang cố tình khai thác, cố tình công bố tin tức theo kiểu: “Càng cập nhật càng tốt, càng giật gân càng hay”.

Đua tranh đưa tin và bình luận về sự kiện - hiện tượng bất thường đã đưa tới một hệ quả là tình trạng “chụp giựt”. Việc một tờ báo lùng sục khai thác thông tin đời tư nạn nhân của vụ án rồi đưa lên mặt báo một cách chi tiết nếu không nói là xúc phạm người trong cuộc thì cũng hết sức phản cảm, rất cần phê phán”.

Hẳn nhiên ta còn nhớ vụ án NĐN và LVL đã qua đi nhưng mỗi khi nhắc lại chắc chắn bất cứ ai cũng có thể kể vanh vách những tình tiết man rợ như được tận mặt chứng kiến. Báo chí đi sâu khai thác từng ngõ ngách nhỏ của vụ việc, khơi dậy nỗi đau của những người thân nạn nhân... chỉ để “thỏa mãn” thị hiếu tò mò của công chúng.

Chuyện bi hài mới nhất đó là chuyện anh chàng cẩu thủ còn khá trẻ. Anh là ngôi sao sáng trẻ nhất. Chỉ sau một bàn thắng trước Australia, báo chí đưa cầu thủ trẻ ấy lên như một ngôi sao sáng. Môi trường xung quanh anh ta đã hoàn toàn biến đổi. Đi ngoài đường, anh ta không có nổi 2 m để tự do. Anh ta được lăng xê quá đáng trong vòng một tháng qua. Đừng quên rằng anh ta chỉ là một cầu thủ trẻ.

Cũng do sự tung hô quá đáng của báo chí và rồi mọi người lại đã bất ngờ và thất vọng trước những chàng trai Sydney. Vấn đề của chàng cầu thủ trẻ này do chính báo chí gây ra. Báo chí đã đưa anh chàng này lên rất cao.

Và, ta cũng quá nhiều kinh nghiệm về chuyện đưa đẩy của báo chí. Có những gia đình trầm lắng nhưng khi bị moi thông tin và đăng tải thì gia đình họ khốn đốn với những thông tin thiếu chính xác đấy.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng đáng buồn này. Trước hết, một thực tế là báo chí hiện đại không chỉ thuần túy đăng tải thông tin hay bình luận sự kiện, hiện tượng mà còn là một hoạt động kinh doanh. Chính vì thế, các nhà báo tìm mọi cách để lôi kéo độc giả về phía mình, trong đó việc sử dụng các “chiêu trò”, các tin tức “giật gân” nhằm đánh vào tâm lý, kích thích độc giả được nhiều tờ báo chọn lựa.

Hiện tượng “chụp giật”, “câu khách” trên là một “sự khủng khiếp” và là “một thảm họa”: “Báo chí đưa thông tin chụp giật, câu khách, đi ngược lại sự phát triển lành mạnh của một nền báo chí tử tế. Trong khi đó, báo chí Việt Nam có truyền thống là báo chí cách mạng, báo chí chính trị. Đây là bệnh của cả một nền báo chí và cần phải có thuốc thăm khám cẩn thận . Phải điều chỉnh về văn hóa và làm thế nào để tính toán được những hệ lụy của những việc đưa theo kiểu này để bạn đọc thay đổi về nhận thức và hành vi.

Ta thấy có sự mâu thuẫn giữa tính văn hóa và tính vụ lợi bởi hai cái đó không đi chung trên một con đường và luôn luôn xung đột. Đôi khi nó xuất phát từ thói quen, tư tưởng muốn vụ lợi của nhà báo là muốn câu view, muốn độc giả truy cập báo mình càng nhiều nên ra sức “chế biến”, “nhào nặn” thông tin.

Có nhiều cách để phê phán cái xấu, không phải cứ phơi bày trần trụi sự thực mới có hiệu quả. Mà đôi khi chú trọng vào việc đăng tải, đề cao người tốt - việc tốt, những tấm gương xúc động lại làm thay đổi đến nhận thức, hành vi của con người một cách nhanh chóng.

Tôi còn nhớ mãi câu chuyện nồi cơm của Khổng Tử :

Một lần Khổng Tử dẫn học trò đi du thuyết từ Lỗ sang Tề. Trong đám học trò đi với Khổng Tử có Nhan Hồi và Tử Lộ là hai học trò yêu của Khổng Tử

Trong thời Đông Chu, chiến tranh liên miên, các nước chư hầu loạn lạc, dân chúng phiêu bạt điêu linh, lầm than đói khổ … Thầy trò Khổng Tử cũng lâm vào cảnh rau cháo cầm hơi và cũng có nhiều ngày phải nhịn đói, nhịn khát. Tuy vậy, không một ai kêu than, thoái chí; tất cả đều quyết tâm theo thầy đến cùng.

May mắn thay, ngày đầu tiên đến đất Tề, có một nhà hào phú từ lâu đã nghe danh Khổng Tử, nên đem biếu thầy trò một ít gạo … Khổng Tử liền phân công Tử Lộ dẫn các môn sinh vào rừng kiếm rau, còn Nhan Hồi thì đảm nhận việc thổi cơm.

Tại sao Khổng Tử lại giao cho Nhan Hồi – một đệ tử đạo cao đức trọng mà Khổng Tử đã đặt nhiều kỳ vọng nhất – phần việc nấu cơm? Bởi lẽ, trong hoàn cảnh đói kém, phân công cho Nhan Hồi việc bếp núc là hợp lý nhất.

Sau khi Tử Lộ dẫn các môn sinh vào rừng kiếm rau, Nhan Hồi thổi cơm ở nhà bếp, Khổng Tử nằm đọc sách ở nhà trên, đối diện với nhà bếp, cách một cái sân nhỏ.

Đang đọc sách bỗng nghe một tiếng “cộp” từ nhà bếp vọng lên, Khổng Tử ngừng đọc, liếc mắt nhìn xuống … thấy Nhan Hồi từ từ mở vung, lấy đũa xới cơm cho vào tay và nắm lại từng nắm nhỏ … Xong, Nhan Hồi đậy vung lại, liếc mắt nhìn chung quanh … rồi từ từ đưa cơm lên miệng …

Hành động của Nhan Hồi không lọt qua đôi mắt của vị thầy tôn kính. Khổng Tử thở dài … ngửa mặt lên trời mà than rằng: “Chao ôi! Học trò nhất của ta mà lại đi ăn vụng thầy, vụng bạn, đốn mạt như thế này ư? Chao ôi! Bao nhiêu kỳ vọng ta đặt vào nó thế là tan thành mây khói!”

Sau đó, Tử Lộ cùng các môn sinh khác mang rau về … Nhan Hồi lại luộc rau … Khổng Tử vẫn nằm im đau khổ …

Một lát sau rau chín. Nhan Hồi và Tử Lộ dọn cơm lên nhà trên; tất cả các môn sinh chắp tay mời Khổng Tử xơi cơm.

Khổng Tử ngồi dậy và nói rằng: “Các con ơi! Chúng ta đi từ đất Lỗ sang Tề đường xa vạn dặm, thầy rất mừng vì trong hoàn cảnh loạn lạc, dãi nắng dầm mưa, đói khổ như thế này mà các con vẫn giữ được tấm lòng trong sạch, các con vẫn yêu thương đùm bọc nhau, các con vẫn một dạ theo thầy, trải qua bao nhiêu chặng đường đói cơm, khát nước …

Hôm nay, ngày đầu tiên đến đất Tề, may mắn làm sao thầy trò ta lại có được bữa cơm. Bữa com đầu tiên trên đất Tề làm thầy chạnh lòng nhớ đến quê hương nước Lỗ. Thầy nhớ đến cha mẹ thầy … cho nên thầy muốn xới một bát cơm để cúng cha mẹ thầy, các con bảo có nên chăng?

Trừ Nhan Hồi đứng im, còn các môn sinh đều chắp tay thưa: “Dạ thưa thầy, nên ạ!”

Khổng Tử lại nói: “Nhưng không biết nồi cơm này có sạch hay không?”

Tất cả học trò không rõ ý Khổng Tử muốn nói gì nên ngơ ngác nhìn nhau. Lúc bấy giờ Nhan Hồi liền chắp tay thưa: “Dạ thưa thầy, nồi cơm này không được sạch.”

Khổng Tử hỏi: “Tại sao?”

Nhan Hồi thưa: “Khi cơm chín con mở vung ra xem thử cơm đã chín đều chưa, chẳng may một cơn gió tràn vào, bồ hóng và bụi trên nhà rơi xuống làm bẩn cả nồi cơm. Con đã nhanh tay đậy vung lại nhưng không kịp. Sau đó con liền xới lớp cơm bẩn ra, định vứt đi … nhưng lại nghĩ: cơm thì ít, anh em lại đông, nếu bỏ lớp cơm bẩn này thì vô hình trung làm mất một phần ăn, anh em hẳn phải ăn ít lại. Vì thế cho nên con đã mạn phép thầy và tất cả anh em, ăn trước phần cơm bẩn ấy, còn phần cơm sạch để dâng thầy và tất cả anh em …

Thưa thầy, như vậy là hôm nay con đã ăn cơm rồi … bây giờ, con xin phép không ăn cơm nữa, con chỉ ăn phần rau. Và … thưa thầy, nồi cơm đã ăn trước thì không nên cúng nữa ạ!

Nghe Nhan Hồi nói xong, Khổng Tử ngửa mặt lên trời mà than rằng: “Chao ôi! Thế ra trên đời này có những việc chính mắt mình trông thấy rành rành mà vẫn không hiểu được đúng sự thật! Chao ôi! Suýt tí nữa là Khổng Tử này trở thành kẻ hồ đồ!”

Phải chăng câu chuyện nồi cơm là câu chuyện đắt giá cho truyền thông. Có những chuyện ta thấy trước mắt đó sự thật lại khác.

Nhiều lần nhiều lúc ta thấy đâu đó những trang mạng, những bài báo nói về các vị chủ chăn này nọ. Nào là tam ca áo tím, tam ca áo ... xanh rồi mắng mỏ là "lên tiếng hay không lên tiếng" đủ thứ đủ điều ...

Có ai hiểu được độ "nóng" của các ngài khi ở vị thế của các ngài chăng để mà nói. Có những người nói một cách vô tội vạ, nói cho sướng cái miệng mình nhưng không hề nghĩ đến cái hậu, cái thiệt hại đàng sau những lời nói đó.

Tôi nghĩ cũng buồn cười, người ta vẫn này nọ khi các giám mục không nói nhưng nên nhớ rằng nói phải có nơi có chỗ và nói như thế nào chứ không phải bạ đâu nói đó, ngồi đâu nói đó và nói những điều sai sự thật.

Với bức thư của Đức Tổng Giám Mục Phaolô Bùi Văn Đọc đưa ra về Biển Đông, ai nói gì nữa ? Quan điểm, lập trường của Giáo Hội vẫn là quan điểm và lập trường của Tin Mừng, của bác ái, của yêu thương. Đâu phải Đức Tổng Phaolô hay Đức Cha này Đức Cha kia chưa nói là la toáng lên, là bôi nhọ đủ điều xấu xa. Trước khi bôi nhọ người khác nên chăng nhìn lại chính mình. Chỉ có mình đối diện với chính mình là thật hơn bao giờ hết. Hơn thế nữa, chỉ mình mình đối diện với Chúa mình sẽ thấy mình thật đến mức độ nào, bao nhiêu ?

Đôi khi anh bức xúc, anh khóc mướn những chuyện không phải của anh mà anh không nhận ra. Đôi khi anh hô hào người ta sống thế này thế kia nhưng kỳ thực anh sống như thế nào anh đâu có nhìn lại bản thân mình.

Ở đời cũng có cái lạ, những người hay lên án, hay chỉ trích, hay chà đạp người khác thì họ chẳng ra gì cả. Nếu có tâm tình xây dựng, góp ý chân tình và sống Tin Mừng thật thì họ sẽ góp ý, xây dựng đậm chất Tin Mừng và ngược lại.

Vẫn mong mỏi những người làm truyền thông có đạo đức để khi mình thông truyền cho người khác là những tin thật, tin vui, tin hiệp nhất, tin yêu thương chứ không phải là tin phá hoại, chia rẽ. Làm bất cứ điều gì hay đặc biệt làm truyền thông phải có đạo đức. Làm truyền thông dù tin hay, dù viết giỏi nhưng không có đạo đức thì chỉ là những thanh la phèng phèng và gây bất hòa chia rẽ mà thôi.

Hãy nhìn mình thật kỹ trước khi nói về người khác, cách riêng là bôi nhọ, là phê phán. Mong lắm thay !

Micae Bùi Thành Châu
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Chuồn Chuồn Ao Thu
Nguyễn Bá Khanh
21:11 02/11/2014
CHUỒN CHUỒN AO THU
Ảnh của Nguyễn Bá Khanh
Chuồn chuồn về đợ ao Thu vắng
Chờ Hạ năm tới ngát hương sen.
(nđc)