Ngày 01-11-2015
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Gia Đình
Lm Vũđình Tường
06:20 01/11/2015
Gia đình bình thường có cha mẹ và con cái. Một số có thêm ông bà hoặc họ hàng sống chung. Đại đa số trong nhà đều có trưng hình ảnh gia đình và di ảnh của người quá cố. Tôi muốn chú tâm vào di ảnh gia đình bởi những di ảnh này nhắc nhớ tình thương, lòng mến và sự tôn kính thân nhân dành cho người quá cố. Di ảnh ông bà, ông cố, ông tổ của gia tộc được trân trọng trưng trong gia đình nói lên í nghĩa thầm kính trong tâm tư. Những bức ảnh trắng đen, bạc mầu này do thời gian xoá nhoà nét đẹp của nó nhưng tình yêu gia đình dành cho không bị phai nhòa bởi thời gian, tâm tình con cháu dành cho các ngài luôn trong sáng, tình yêu dành cho các ngài luôn ấm áp và lòng kính trọng không bao giờ vơi.

Con cháu các thế hệ sau không nhìn thấy công đức, việc lành cha ông thực hiện nhưng nghe cha mẹ kể lại. Chính cha mẹ đôi khi cũng chỉ nghe nói về tổ tiên mình và tin vào những điều đó rồi truyền lại cho con cháu những gì đã nghe biết về tổ tiên, dòng tộc. Dù không có bằng chứng, hình ảnh rõ ràng nhưng lòng tin không lung lạc và lòng mến không phai mờ vì niềm tin đó có nguồn gốc nơi tình yêu gia đình. Tương tự như gia đình trần thế, đại gia đình Kitô hàng năm mừng lễ các thánh và lễ cầu hồn nói lên niềm tin vững chắc, không hề lay chuyển ấy. Thánh nhân là những người có thời sống nơi trần thế như chúng ta, cũng sinh hoạt cũng hy sinh thời giờ sức lực cho cuộc sống và cũng lam lũng vất và như mọi người. Điều khác biệt là dù cuộc sống thế nào đi nữa các ngài luôn gắn bó mật thiết với Chúa qua cầu nguyện và tâm tư các ngài luôn nghĩ đến tha nhân trước, nghĩ đến mình sau. Có những danh thánh ghi trong lịch phụng vụ và muôn vàn danh thánh không ghi trong phụng vụ nhưng tất cả đều là thánh và đều hưởng ân sủng trước tôn nhan Chúa.
Kitô hữu mừng kính lễ các thánh và lễ cầu cho các linh hồn trong niềm hân hoan và hy vọng. Hân hoan vì các thánh đã hoàn tất tốt đẹp hành trình dương thế trước khi trở về củng Chúa. Hoân hoan vì các ngài đã vạch ra con đường giúp cho hậu thế tiến bước trên đường nhân đức. Hân hoan vì thời gian tại thế các ngài đã sống tinh thần hiến chương nước trời - Tám Mối Phúc Thật - vì thế cuộc sống của các ngài đã mang lại bao ủi an cho người sầu khổ, xoa dịu vết thương người bệnh tật, giúp cơn đói bớt hoành hành, cơn khát bớt cào cấu cuống vọng và lời an ủi nhẹ nhàng mang tin yêu cho tâm hồn thống khổ. Hân hoan vì các ngài sống cuộc sống đặt trọn niềm tin vào Chúa và qua ơn Chúa điều với thế gian không thể lại trở thành có thể nơi đời sống chứng nhân.

Kitô hữu mấy ai may mắn gặp thánh nhân nơi dương thế mà dù có gặp cũng mấy ai nhận ra các ngài là thánh của Chúa bởi việc làm của các ngài xem ra quá tầm thường, lại nhỏ nhặt, đôi khi lại ghê sợ vì dơ bẩn. Sau khi hoàn thành viên mãn hành trình lữ hành lúc đó người ta mới nhận ra việc lành phúc đức các ngài thực hiện trong đời. Điều gì khiến các ngài hi sinh trọn đời phục vụ tha nhân. Thưa chính là tình yêu và niềm hy vọng vào Chúa. Các ngài phục vụ vì yêu và nhìn thấy Đức Kitô nơi người họ phục vụ. Điều các ngài trọn đời ước mơ, hy vọng sau khi chết đi được ngụ trong nhà Chúa giờ biến thành sự thực. Sống an nhàn bên Chúa và vẫn không quên con cháu đang sống nơi dương thế và sốt sắng dâng lời cầu của chúng ta lên trước tôn nhan. Chính Đức Kitô biến việc nhỏ mọn của các ngài thành vĩ đại và chính Đức Kitô biến đổi xác phàm hay chết của họ thành cuộc sống trường sinh.

Mừng kính lễ các thánh và cầu cho các linh hồn xác tín vào sự sống đời sau, tuyên xưng công đức tiền nhân và biểu tỏ lòng mến thầm kín trong tâm tư. Mừng sự sống đời sau vì nơi đó không còn lệ rơi, sầu thảm hay đơn côi vì có Chúa tình thương ngự giữa muôn người và nơi Ngài là nguồn sống vui, hoan lạc, đầy tràn yêu mến.

Lm Vũđình Tường

TiengChuong.org
 
Lễ Các Đẳng Linh Hồn
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
09:06 01/11/2015
LỄ CÁC LINH HỒN
(Ngày 2 tháng 11)


Anh chị em thân mến,
Hôm qua chúng ta đã mừng lễ kính các thánh nam nữ, các ngài là những người tôi trung của Thiên Chúa, hôm nay chúng ta dâng lễ cầu cho các linh hồn trong luyện ngục, các ngài là những người đã sống và tuân giữ các giới răn của Thiên Chúa, nhưng chưa trọn vẹn, do đó các ngài phải tạm thời chưa được diện kiến Thiên Chúa, và phải đền tội trong luyện ngục cho đến khi đền tội xong...

Giáo lý Công Giáo dạy chúng ta rằng: có thiên đàng để thưởng người lành, có hoả ngục để phạt kẻ dữ, và có luyện ngục để thanh tẩy các linh hồn còn vướng mắc các tội nhẹ chưa đền hết.

Các linh hồn trong luyện ngục tự mình không thể làm gì được để được Chúa tha tội, ở đó họ chỉ trông mong có một điều là hình phạt mau qua để chóng được hưởng nhan thánh Chúa, do đó họ rất cần đến lời cầu nguyện của chúng ta, cần đến những việc lành phúc đức và những hy sinh của chúng ta là những người đang còn sống ở thế gian.

Tin tưởng vào lòng thương xót của Thiên Chúa, Giáo Hội đã dành hẳn tháng mười một trong năm để cầu nguyện cho các linh hồn trong luyện ngục, một tháng với biết bao nhiêu là việc lành mà chúng ta làm, với biết bao nhiêu là thánh lễ mà chúng ta tham dự cách sốt sắng, với biết bao hy sinh mà chúng ta đã thực hiện, thì chắc chắn có rất nhiều linh hồn trong luyện ngục được thoát khỏi hình phạt luyện ngục mà về thiên đàng hưởng hạnh phúc với Thiên Chúa.

Tín điều các thánh thông công được thấy rõ nhất trong tháng này, nhờ bí tích Rửa Tội, chúng ta được hiệp thông với các thánh khải hoàn trên trời, chúng ta góp phần giải thoát các linh hồn trong luyện ngục bằng các lời kinh nguyện và việc lành của chúng ta, và nhờ bí tích Rửa Tội mà chúng ta –những tín hữu chiến đấu ở trần gian- được hiệp nhất với nhau trong tình yêu của Đức Chúa Giê-su.

Anh chị em thân mến,
Ai trong chúng ta cũng đều có người thân qua đời, nếu họ đã được hưởng hạnh phúc thiên đàng, thì họ sẽ cầu bàu cho chúng ta trước toà Thiên Chúa, nếu họ đang bị giam cầm trong luyện ngục thì họ đang rất cần đến lời cầu nguyện và những hi sinh của chúng ta, mỗi lời nguyện, mỗi việc lành của chúng ta làm, thì như những giọt nước mát mẻ sẽ thâu ngắn thời gian đền tội của họ trong luyện ngục.

Tháng Mười Một cũng là tháng báo hiếu của con cái đối với ông bà cha mẹ đã qua đời. Xin lễ cầu nguyện, lần chuỗi Mân Côi, làm việc lành phúc đức.v.v... là những cách báo hiếu của chúng ta vậy...

Chúng con cậy vì danh Chúa nhân từ cho các linh hồn được lên chốn nghỉ ngôi, hằng xem thấy mặt Đức Chúa Trời sáng láng vui vẻ vô cùng- Amen.

Xin Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.
---------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Tháng các Linh Hồn : Tương Quan Sự Sống Đời Đời
Lm. Phêrô Nguyễn Hồng Phúc
12:54 01/11/2015
TƯƠNG QUAN SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI

Người ta thường nói ngủ là hình bóng của sự chết, nhưng khi sang viếng Đất Thánh, đến viếng Nhà Đức Mẹ Ngủ thì chúng tôi lại có một ý niệm ngược lại, không phải ngủ là hình bóng của sự chết, mà chết chỉ là một giấc ngủ.

Điều này chính Chúa Giê-su đã nói với các tông đồ: “La-da-rô, bạn Ta đang ngủ, Ta hãy đánh thức anh ấy dậy” (Ga 11,11). Các tông đồ đơn sơ thưa với Chúa: “Anh ấy ngủ thì anh ấy dậy, việc gì ta phải đi đánh thức” (Ga 11,12). Lúc ấy Chúa Giê-su mới nói rõ: “La-da-rô bạn ta chết rồi” (Ga 11,14). Như vậy, đối với mỗi người chúng ta sự chết là một quan niệm quá nặng nề. Quan niệm ấy cho rằng chết là một sự phũ phàng. Người chết là người xấu số vì cái chết là một sự kinh hoàng, đột nhập và phá đi tất cả những gì người ta đang lên kế hoạch, đang thực hiện ở đời này và cảm giác như sự chết phá hoại cả hạnh phúc gia đình, phá hoại cả công danh, sự nghiệp của cá nhân... Rất nhiều những quan niệm nặng nề, và càng suy thì càng thấy sợ. Vì thế, người ta muốn tránh xa sự chết, càng xa càng tốt; người ta chúc nhau mạnh khỏe, sống lâu trăm tuổi; người ta cố gắng kéo dài sự chết đến mức nếu có thể được thì người ta cũng dám kéo dài tới tận trường sinh bất tử.

Sách Khôn Ngoan mà chúng ta thường nghe đọc trong các lễ cầu hồn đã trả lời thay cho chúng ta tất cả những điều đó: “Đối với con mắt của những người không hiểu biết thì như các ngài đi vào cõi tiêu diệt, nhưng thật ra các ngài sống trong bình an” (Kn 4,14). Đó chính là câu trả lời chính xác nhất. Vì người ta coi chết là đi vào cõi tiêu diệt, nên người ta thêu dệt xung quanh sự chết với bao nhiêu là sợ hãi. Còn nếu nhìn rõ “các ngài đi vào sự bình an” thì có gì đâu mà lo lắng. Bởi vậy, ai đến ngôi nhà thờ được đặt tên là Nhà Đức Mẹ Ngủ, đều có lối nhìn thay đổi về sự chết. Ở vị trí trung tâm Ngôi nhà thờ này, là pho tượng Đức Mẹ ngủ. Mặc dầu đã có chấn song chắn bên ngoài, nhưng ai cũng cố gắng với tay để chạm vào gấu áo của Mẹ, chạm vào chân của Mẹ, và hầu hết là chạm vào đầu của Mẹ. Đức Mẹ ngủ ở đây nghĩa là Đức Mẹ chết! Quan niệm về sự ngủ này thật nhẹ nhàng biết bao! Và vì thế, Ngôi Nhà Đức Mẹ Ngủ chính là nơi mà chúng ta gọi là Đức Mẹ Hồn Xác Về Trời thay cho quan niệm nặng nề của chúng ta là chết.

Trong ba điều trên, ta nhận điều nào? Chết nặng nề hay là ngủ? hay là Hồn Xác Về Trời? Chúng ta có cả ba. Khi chưa thoát được quan niệm thông thường thì chúng ta vẫn mãi ở trong bóng đen của sự chết: sợ hãi, lo âu, và coi cái chết là sự xấu số, nhất là những người bị tai nạn. Nhưng khi chúng ta thoát ra khỏi quan niệm nặng nề ấy, thì chết chỉ là một giấc ngủ. Có nhiều người chết lành, người ta bảo “chết như người đi ngủ vậy”. Thật ra, khi nhắm mắt lại, hay khi không làm việc nữa, người ta gọi “ngủ là hình bóng sự chết” xem ra cũng đúng. Và suy cho cùng thì chết cũng chính là một giấc ngủ ngàn thu. Bởi vì chỉ có khi ngủ thì người ta mới khỏi phải lo âu, sợ hãi. Mở mắt ra là bắt đầu lo âu. Có người không ngủ được, đêm vắt tay lên trán suy nghĩ bao nhiêu chuyện, bao nhiêu dấu hỏi, bao nhiêu tính toán đến nỗi không ngủ được, phải uống thuốc ngủ. Lúc ấy, ngủ là một liều thuốc bổ, và mong cho mình ngủ được. Không ngủ được thì sao? Thì chết, lúc ấy mới thật là chết!

Vậy nên, khi đi vào giấc ngủ ngàn thu, chúng ta gọi đó là thanh nhàn, vui vẻ, là nơi an nghỉ cuối cùng. Còn giấc ngủ bình thường thì ngày nào cũng phải dậy. Chỉ có chết mới đưa chúng ta vào giấc ngủ ngàn thu, vào nơi an nghỉ cuối cùng. Tín điều Đức Mẹ hồn xác về trời thì chỉ dành cho duy một Đức Mẹ. Nhưng nếu chúng ta sống tốt, thì đã có lời Chúa nói với chúng ta: “ Ai tin Ta dù chết cũng sẽ được sống và kẻ nào sống mà tin Ta thì sẽ không chết bao giờ”(Ga 11,25-26). Chúa Giê-su nói điều đó là một chân lý khẳng định. Vì thế, nếu chúng ta sống và tin vào Chúa thì cái chết kia cũng nhẹ nhàng, và khi chúng ta được thanh luyện hết tội lỗi, sẽ được vào Nước Chúa. Sự sống ấy mới đúng là sự sống thật.

- Đặt ra trước mắt chúng ta ba quan niệm về sự chết thì cũng có ba lời khuyên sống thật đối với người tin Chúa, đó là:

- Người Ki-tô hữu đừng dại gì mà luẩn quẩn trong bóng đen sợ hãi của sự chết;

- Người Ki-tô hữu cũng nên luôn luôn tỉnh thức để nghĩ về ngày mà mình được Chúa cho nghỉ ngơi;

-Người Ki-tô hữu nên tràn đầy hy vọng vào sự sống đời đời để sống lạc quan, sống tỉnh thức để khi ngày giờ Chúa gọi, bất kỳ lúc nào, người đó đang ở trong trạng thái tỉnh thức.

Khi một người thân yêu của chúng ta được Chúa thương gọi về, chúng ta tin rằng cuộc đời của người tín hữu đó trở thành một của lễ và của lễ ấy là một sự giải thoát để từ đây, họ được đi vào một tương quan mới, tương quan của sự sống đời đời.

Lạy Chúa Giê-su,

Chúa đã hứa:

“Những ai tin Chúa thì sẽ không chết bao giờ.

Còn những ai đã chết thì cũng sẽ được sống”.

Xin cho tất cả chúng con,

người đã chết được sống

và người sống được tin vào Chúa

để không bao giờ sợ chết,

nhưng được sống đời đời. Amen.

Linh mục Phêrô Nguyễn Hồng Phúc
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Giáo Hội tại Ấn hoan nghênh quyết định của chính phủ Ấn Độ hạn chế việc đẻ thuê
Lý Thúy Dung
20:36 01/11/2015
Chính phủ Ấn Độ vừa đưa ra một chính sách mới nhằm hạn chế sự tăng trưởng nhanh chóng của ngành công nghiệp đẻ thuê đang phát đạt tại tiểu lục địa này.

Theo đề xuất của chính phủ, phải được quốc hội phê duyệt, chỉ những cặp vợ chồng Ấn Độ vô sinh mới được phép mướn người đẻ thuê. Người nước ngoài sẽ không còn được phép thuê một phụ nữ Ấn Độ mang thai hộ.

Ấn Độ có những yếu tố dẫn đầu thế giới trong ngành “công nghiệp” đẻ thuê. Đất nước này có quá nhiều những phụ nữ nghèo - những người cả đời cũng không thể kiếm được số tiền $7.500 Mỹ Kim khi nhận mang thai mướn. Bên cạnh số tiền lớn đó, họ còn được chăm sóc y tế. Vì thế, mỗi năm có ít nhất 1,000 phụ nữ Ấn Độ trở thành những bà mẹ thay thế.

Đức Cha Thomas Dabre, Giám Mục giáo phận Poona, là chủ tịch ủy ban giáo lý Hội Đồng Giám Mục Ấn Độ, chào đón đề xuất này của chính phủ. Ngài nói: “Việc thuê mướn cơ thể không phù hợp về mặt đạo đức theo giáo huấn Công Giáo bởi vì nó thương mại hóa cơ thể con người. Đẻ mướn vi phạm sự thánh thiện của hôn nhân và chinh sự sống con người vì nó là điều trái tự nhiên”
 
Đức Thánh Cha ca ngợi liên minh quốc tế chống lại nạn buôn người
Lý Thúy Dung
20:59 01/11/2015
Trong một thông điệp gởi nhóm Santa Marta, một liên minh quốc tế được thiết lập để chống lại nạn buôn người, Đức Thánh Cha Phanxicô đã điểm qua những tiến bộ của sáng kiến này và hứa sẽ tiếp tục hỗ trợ cho các nỗ lực nhằm “giải thoát các nạn nhân của các hình thức nô lệ mới, đưa họ về với gia đình, trả tự do cho những người bị giam cầm, lột mặt nạ những kẻ buôn người và những ai tạo ra thị trường này.”

Nhóm Santa Marta được chính Đức Thánh Cha Phanxicô thiết lập vào năm ngoái, tập hợp các nhà lãnh đạo tôn giáo và quan chức cảnh sát từ các quốc gia khác nhau. Nhóm đang họp trong tuần này ở Tây Ban Nha, theo lời mời của Nữ hoàng Sofia.

Trong thông điệp, Đức Thánh Cha cũng kêu gọi sự chú ý đến các cam kết quốc tế nhằm diệt trừ nạn buôn người, trong đó có một tuyên bố được đưa ra trong cuộc gặp gỡ các thị trưởng tại Vatican vào tháng Bảy vửa qua, cũng như một kế hoạch đã được Liên Hiệp Quốc phê duyệt cho những mục tiêu phát triển bền vững trong đó bao gồm một nỗ lực nhằm chấm dứt mọi hình thức nô lệ, lao động trẻ con, và buôn bán người.
 
Tình trạng vi phạm nhân quyền vẫn tiếp tục dù Trung Quốc nới lỏng chính sách một con
Lý Thúy Dung
22:32 01/11/2015
Nhà cầm quyền cộng sản Trung Quốc đã quyết định nới lỏng chính sách một con rất tàn bạo của họ và cho phép các bậc cha mẹ có hai con.

Chính sách một con đã được áp dụng từ năm 1979 để ngăn chặn sự tăng trưởng dân số của Trung Quốc. Chính sách này dẫn đến những vi phạm nhân quyền trầm trọng và tràn lan bao gồm cả phá thai, triệt sản cưỡng bức và giết chết các trẻ sơ sinh.

Hiện nay, một mặt Trung Quốc phấn chấn trước một nền kinh tế đang phát triển. Mặt khác quốc gia này âu lo về áp lực ngày càng tăng của tình trạng dân số bị lão hóa, tức là tình trạng người già chiếm phần lớn dân số. Trung Quốc cũng đang phải đối diện với sự mất cân bằng trong xã hội vì nam giới đông hơn nữ giới; và nước này có một nhu cầu cần nhiều công nhân trẻ trong lao động.

Trong bối cảnh này cộng sản Trung Quốc đã từng bước nới lỏng chính sách một con tàn bạo của mình trong một số trường hợp. Trong diễn biến mới nhất, Tân Hoa Xã chính thức công bố rằng, nói chung, các gia đình có thể có hai đứa con.

Tuy nhiên, ông Steven Mosher của Viện Nghiên cứu Dân số Hoa Kỳ, người đã từng phơi bày những hành vi tàn bạo trong chính sách dân số “một con” của Trung Quốc, dự đoán rằng những vi phạm nhân quyền sẽ tiếp tục ngay cả khi chế độ Bắc Kinh cho phép các gia đình lớn như trong xã hội Đài Loan.

Ông Steven Mosher nói: “Mặc dù chính phủ Trung Quốc đã nới lỏng những hạn chế của nó về việc sinh con, ta cần lưu ý rằng sự thay đổi chính sách này không phải bởi vì các quan chức cấp cao đã đột nhiên hình thành một lương tâm ngay thẳng. Động lực chính cho sự thay đổi này là trình trạng lực lượng lao động đang bị thu hẹp lại, trong khi số lượng người về hưu không ngừng tăng cao.”

“Để đối phó với sự suy giảm nhân khẩu học đó”, Mosher nói tiếp, “chính phủ Bắc Kinh sẽ di chuyển nhanh chóng từ việc cho phép các cặp vợ chồng có đứa con thứ hai tới việc ép buộc dân chúng phải có những gia đình đông đúc hơn. Một chính phủ xăm xoi vào việc kiểm soát khả năng sinh sản của người dân sẽ làm bất cứ điều gì nó có thể làm để sản xuất số lượng trẻ em nó nghĩ rằng cần thiết.”

Theo Mosher ước tính, chính sách một con, từ năm 1979 đến nay đã dẫn đến 336 triệu ca phá thai hàng năm.
 
Đức Thượng Phụ Chính Thống Giáo Mạc Tư Khoa lên án việc công nhân “hôn nhân đồng tính” tại Mỹ
Lý Thúy Dung
22:50 01/11/2015
Đức Thượng Phụ Chính Thống Giáo Kirill của Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa hoan nghênh những cố gắng bảo vệ các các nguyên tắc luân lý Kitô giáo của Hiệp hội truyền giáo Billy Graham. Ngài đưa ra lập trường trên trong cuộc gặp gỡ ông William Franklin Graham, chủ tịch của Hiệp hội truyền giáo này.

Đức Thượng Phụ Kirill nhận xét rằng:

“Cuộc sống tâm linh và tôn giáo ở phương Tây đã trải qua những thay đổi căn bản trong những năm gần đây. Nền văn minh phương Tây và các nước phương Tây không còn đồng hóa với truyền thống Kitô giáo nhưng theo đuổi một ý tưởng xây dựng một xã hội trong đó các giá trị đạo đức của Kitô giáo không thể chiếm ưu thế nữa.”

“Và sau đó, các chính sách lập pháp được ban hành ở nhiều quốc gia, kể cả Hoa Kỳ, cho phép hôn nhân đồng tính, coi nó ngang bằng với hôn nhân tự nhiên mà Chúa đã ban cho chúng ta trong các điều răn. Những người không muốn tuân theo những chính sách này có thể bị đàn áp, bị ngồi tù. Hôm nay, các Kitô hữu nào nêu cao tầm quan trọng của các giá trị luân lý Kitô giáo phải sẵn sàng trở thành những chứng tá anh hùng của đức tin sống động dưới các hình thức bách hại khác nhau... Tuy nhiên, những chứng tá này cho chúng tôi một dấu chỉ của hy vọng, đó là ngày nay vẫn còn có những Kitô hữu phương Tây chia sẻ những nguyên tắc đạo đức này với Giáo Hội Chính thống Nga”
 
Ơn toàn xá đặc biệt cho các thành viên của Dòng Đạo Binh Chúa Kitô
Lý Thúy Dung
23:15 01/11/2015
Đức Thánh Cha Phanxicô đã quyết định ban một ơn toàn xá đặc biệt cho các thành viên của Dòng Đạo Binh Chúa Kitô và cả các thành viên giáo dân trong phong trào Regnum Christi, tức “Vương quốc Chúa Kitô”, nhân dịp năm thánh kỷ nhiệm năm thứ 75 ngày thành lập.

Các thành viên có thể được một ơn toàn xá, nếu, trong ngoài việc hoàn thành các điều kiện thông thường, họ lặp lại lời thề của mình, tham gia vào các hoạt động thể hiện lòng từ bi về tâm linh hay thể xác, tham gia vào việc truyền giáo, hoặc dạy bảo và tìm hiểu giáo lý Kitô giáo.

Phong trào Đạo Binh Chúa Kitô đã được cha Marcial Maciel Degollado người Mễ Tây Cơ thành lập vào năm 1941 khi ngài mới 21 tuổi. Phong trào đã phát triển rất nhanh chóng và trở thành một dòng tu. Cha Maciel có thời đã có được một ảnh hưởng rất mạnh mẽ tại Rôma. Tuy nhiên, tháng Năm năm 2006, một số báo chí tại Italia đã cáo buộc cuộc sống hai mặt của ngài.

Sau những cuộc điều tra, ngày 1 tháng 5 năm 2010, Tòa Thánh công bố cha Maciel đã phạm vào những hành vi “nghiêm trọng và vô luân” và bị buộc phải lui về ẩn dật để sám hối tại Hoa Kỳ và sau đó qua đời năm 2008 thọ 87 tuổi.

Tháng 7 năm 2010, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã chỉ định Đức Hồng Y Velasio De Paolis, dòng Scalabrini, giám đốc sở tài chính Tòa Thánh, làm đặc sứ của ngài để giải quyết các vấn đề của Dòng Đạo Binh Chúa Kitô.

Ngoài nhiệm vụ giám đốc Sở tài chính Tòa Thánh Đức Hồng Y De Paolis cũng là thành viên Tòa Thượng Thẩm của Tòa Thánh, cố vấn của 3 cơ quan trung ương. Ngài cũng là chuyên viên giáo luật, đặc biệt trong lãnh vực đời tu

Đức Hồng Y De Paolis kết thúc công việc của mình vào tháng 2 năm 2014, sau cuộc bầu cử vị tổng quyền mới của dòng. Tháng Bảy năm ngoái, Tòa Thánh đã cử thêm cha Gianfranco Ghirlanda, chuyên viên giáo luật của Tòa Thánh giúp đỡ trong việc chuẩn bị hiến chế mới của dòng. Hiến chế này đã được chuẩn y vào tháng 11 năm ngoái. Dòng đang từng bước hoạt động bình thường và phát triển trở lại.

Theo thống kê vào cuối tháng 12 năm 2014, dòng hiện có 4 Giám Mục, 944 linh mục, 781 thầy, 734 chủng sinh hoạt động tại 22 quốc gia.

Tại Mễ Tây Cơ, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô điều hành mạng lưới trường Đại Học Anahuac. Ngoài ra, dòng còn có các trung tâm giáo dục khác như tiểu chủng viện, chủng viện, các trường từ tiểu học đến đại học tại Venezuela, Colombia, Chí Lợi, Ba Tây, Á Căn Đình, Israel, Hàn Quốc, Ba Lan, Ireland, Tây Ban Nha, Ý, Pháp, Đức, Áo, Thụy Sĩ, Canada, và Phi Luật Tân.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Lễ giỗ Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm tại Melbourne
Trần Văn Minh
02:49 01/11/2015
Như thông lệ hằng năm, vào Ngày 1 Tháng 11, Cộng đồng Người Việt Tự Do cùng đồng bào trong tiểu bang Victoria tổ chức lễ truy điệu tưởng nhớ Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm, người đã có công xây dựng nền Đệ Nhất Nước Việt Nam Cộng Hòa tại Đền thờ Quốc tổ, đã được đông đảo đoàn thể trong Cộng đồng và đồng bào tới tham dự.

Mời coi hình

Về mặt tôn giáo, Nhóm Tinh Thần Ngô Đình Diệm cũng tổ chức dâng Thánh lễ cầu cho Linh hồn Gioan Baotixita Ngô Đình Diệm tại Nhà thờ Our Lady vào lúc 2 giờ 30 cùng Ngày 1/11/15. Thánh lễ thật trọng thể và được đông đảo quý chức đại diện các hội đoàn, đoàn thể đạo đời trong Cộng đồng Người Việt Tự Do Victoria, Cộng đồng Công Giáo Việt Nam Tổng Giáo phận Melbourne cùng mọi thành phần nam, phụ, lão ấu trong Cộng đồng về hiệp dâng Thánh lễ.

Một bàn thờ có di ảnh Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm được đặt trang trọng với lư hương và không thể thiếu những bụi trúc quốc huy thời Đệ Nhất Cộng Hòa cùng với Quốc kỳ Úc và Việt Nam Cộng Hòa. Thánh lễ do Linh mục Giuse Vũ Ngọc Tuyển Dòng Chúa Cứu Thế chủ tế, cùng Ca Đoàn Nữ Vương phụ trách Thánh ca đã dùng lời ca tiếng hát du dương để ngợi ca Thiên Chúa và hợp một lòng, một ý cầu nguyện cho vị cố Tổng Thống kính yêu của người Dân Việt.

Trong bài chia sẻ lời Chúa nhân Lễ Các Thánh, Linh mục chủ tế đã nói sơ về bản thân và cơ duyên may mắn được đến dâng Thánh lễ đặc biệt cầu cho Cố Tổng Thống, vì bản thân linh mục là người sinh sau Cố Tổng Thống tới hơn ba đời, lại không được biết gì về tiểu sử của Ngài. Sau Ngày 30 Tháng Tư, Năm 1975 lịch sử bị nhà cầm quyền bóp méo. Nên nhờ vào cơ duyên may mắn này, linh mục mới được đọc về các tài liệu lịch sử của nền Đệ Nhất Cộng Hòa và về tiểu sử của vị Cố Tổng Thống và tâm đắc với đoạn văn nói về con người thẳng thắn, khi bị Hồ Chí Minh chiêu dụ, Vị Cố Tổng Thống dù bị cầm giữ bởi nhóm cộng sản, nhưng Ngài đã nhìn thẳng vào mặt Hồ Chí Minh nói rõ rằng: “chúng ta không có gì để bàn, vì đường lối và chính kiến của chúng ta khác nhau.”

Tổng Thống là ân nhân của hơn 860 ngàn người di cư từ Bắc vào Nam Năm 1954 và tạo sự ổn định đưa đất nước đi lên ngang tầm các nước trong vùng Đông Nam Á Châu. Tiếc thay, con người của nhân bản đã lướt thắng con người chính trị trong vị Cố Tổng Thống, vì người làm chính trị, ngoài tài đức ra, nhà hoạt động chính trị cần phải có cái tâm ác nữa! Nhưng vị Cố Tổng Thống đã sống theo tinh thần Kito Giáo nên đã bị giết bởi những người thuộc quyền.

Linh mục nhấn mạnh, hôm nay, chúng ta không phải họp mặt nơi đây để bàn tới sự thắng thua của con người chính trị, mà chúng ta họp nhau để tưởng nhớ đến một linh hồn đã sống trong sự chính trực và cầu nguyện cho Linh hồn Gioan Baotixita của cố Tổng Thống được về hưởng Nhan Thánh Chúa trên nước Trời, vì: “Phúc cho ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ.”

Trong lời cám ơn đến Cộng đồng, Ông Phạm Văn Lưu đại diện cho Nhóm Tinh Thần Ngô Đình Diệm đã nhắc lại bối cảnh lịch sử đất nước vào cái thời tranh tối tranh sáng. Khi Quốc trưởng Bảo Đại trao quyền cho Cụ Ngô Đình Diệm nắm quyền Thủ Tướng. Mọi người đều nghĩ, chính quyền của Cụ Ngô không thể tồn tại hơn sáu tháng. Nhưng sau sáu tháng, chính phủ dưới sự lèo lái thật tài tình của Cố Thủ Tướng đã đứng vững và còn ổn định mọi mặt đưa đất nước đi lên.

Trong niềm kính mến và tưởng nhớ, sau Thánh lễ mọi người hiện diện đã lên kính cẩn dâng hương trước di ảnh của Cố Tổng Thống với lòng biết ơn xâu sa. Một buổi tiếp tân đã được tổ chức để mọi người bên nhau bên chén trà, ly cà phê trao đổi cùng nhau về công ơn của Cố Tổng Thống đã làm cho đất nước.



 
Giáo xứ Thuận Nghĩa, GP Vinh : Lễ kết nạp đoàn sinh TNTT xứ đoàn Phêrô Vũ Đăng Khoa
Px. Sắc Huyền
07:42 01/11/2015
Giáo xứ Thuận Nghĩa, GP Vinh: Lễ kết nạp đoàn sinh TNTT xứ đoàn Phêrô Vũ Đăng Khoa

Nền giáo dục xã hội Việt Nam ngày càng xuống cấp, làm cho đa số thanh thiếu niên đang bị lạc hướng: Sống không có mục đích, không có lý tưởng, sống thực dụng, sống buông thả, chạy theo các trào lưu, đánh mất đi phẩm giá cao quý mà Thiên Chúa đã trao ban.

Nhận thấy được điều đó, với sự quan tâm lo lắng cho tương lai giới trẻ, Cha Antôn Nguyễn Văn Đính đã lựa chọn Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể làm phương pháp giáo dục thanh thiếu niên trong giáo xứ. Ngài mong muốn các em sẽ trở thành những Ki-tô hữu hoàn hảo, những công dân tốt giúp ích cho Giáo Hội, và xã hội.

Xem Hình

Xứ Đoàn Phê-rô Vũ Đăng Khoa Giáo xứ Thuận Nghĩa đã hình thành, và phát triển được hơn 8 năm. Ngày 02-09-2015 vừa qua đã gia nhập Liên Đoàn Gioan-Phaolô II của Giáo Phận Vinh, đánh dấu sự phát triển của Xứ Đoàn. Trong Xứ Đoàn hiện nay có gần 1400 các em đoàn sinh các cấp, gần 150 anh chị Huynh Trưởng và Dự Trưởng, có Thầy Trợ Úy, có Ban Huấn Luyện, và gần đây ngày 29-10-2015 Xứ Đoàn vui mừng có thêm 16 Trợ Tá. Để Xứ Đoàn ngày càng phát triển hơn, ngày 06-09-2015 Cha Antôn Nguyễn Văn Đính lại mở thêm lớp huấn luyện các ngành Ấu Nhi, Thiếu Nhi, Nghĩa Sĩ và Dự Trưởng. Gần 2 tháng học tập và huấn luyện các em được tìm hiểu và rèn luyện về kiến thức cũng như chuyên môn về Phong Trào, những trò chơi, bài hát được rút ra từ Thánh Kinh giúp các em sống Lời Chúa tốt hơn. Những ngày đầu huấn luyện các em còn bỡ ngỡ với những kiến thức, những bài nghiêm tập. Thế nhưng gần 2 tháng huấn luyện lại là một khoảng thời gian đặc biệt với các em. Các em ý thức được mục đích sống; những tư thế nghỉ, nghiêm, ngồi, đứng, tiếng còi, trò chơi, bài hát…. mà các em chưa từng bắt gặp ở trường lớp nào, lại dạy cho các em tinh thần trách nhiệm, tự sức mình đứng lên khi gặp những khó khăn vấp ngã trong cuộc sống. Đó có lẽ là thời gian để các em xác định lại mục đích sống của mình sau những ngày lạc lối, và giúp các em chuẩn bị hành trang, lý tưởng để bước vào đời phục vụ tha nhân.

Hòa chung niềm vui cùng Giáo Hội mừng Kính Các Thánh Nam Nữ, vào lúc 6h30 ngày 01-11-2015 Thánh Lễ tuyên hứa của 48 em Ấu Nhi, 42 em Thiếu Nhi, 52 em Nghĩa Sĩ và 165 em Dự Trưởng được diễn ra. Thánh Lễ tuyên hứa có sự hiện diện của Thầy Trợ Úy, quý Seour, Ban Trợ Tá, các anh chị Huynh Trưởng, Dự Trưởng, và gần 1400 đoàn sinh cùng quý cộng đoàn trong bầu khí trang nghiêm và sốt sáng. Đây ắt hẳn là niềm vui chung của giáo xứ, vì trong thời đại ngày hôm nay vẫn đang còn có những bạn trẻ dám bước tới bàn thờ Chúa, tuyên hứa với Chúa Giê-su Thánh Thể sống noi gương các Thánh trong đời sống CẦU NGUYỆN-RƯỚC LỄ-HY SINH-LÀM VIÊC TÔNG ĐỒ. Trong bài giảng lễ, Cha Tuyên Úy đã chỉ ra những con đường nên thánh, mà nay các em Thiếu Nhi đã lấy lý tưởng, mục đích của Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể làm phương thế nên thánh trong gia đình, lối xóm, trường học, giáo xứ. Ước mong sao những tân đoàn sinh này có lòng nhiệt thành tông đồ như các Thánh, và chu toàn bổn phận trong sứ mạng mới là Thiếu Nhi Thanh Thể, để các em là men là muối trong thời đại hôm nay.

Với lễ tuyên hứa hôm nay, nâng tổng số đoàn viên của Xứ Đoàn TNTT Vũ Đăng Khoa Giáo xứ Thuận Nghĩa lên gần 1800. Nguyện xin Chúa đồng hành và hướng dẫn các em trong mọi môi trường sống, để các em luôn quảng đại HY SINH như Anh Cả Giê-su.

Px. Sắc Huyền
 
Vài cảm nghiệm sau Hành trình Emmaus VI
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
09:52 01/11/2015
HÀNH TRÌNH EMMAUS VI

Anh em xum họp một nhà,
Bao là tốt đẹp, bao là sướng vui.
Yêu thương cay đắng ngọt bùi,
Hiến thân phục vụ, chôn vùi ý riêng.
Đáp lời Chúa gọi trung kiên,
Tu thân tích đức, ân thiêng dạt dào,
Anh em linh mục khát khao,
Vòng tay nối kết, biết bao ân tình.

Hai năm một lần, đến hẹn lại lên. Đại Hội Linh Mục Việt Nam – Hành trình Emmaus VI đã qui tụ trên 150, gồm quý Đức Cha, quý đức ông và anh em linh mục Việt Nam trên khắp các tiểu bang Hoa Kỳ và ngoại quốc về dự Đại Hội tại Atlanta từ ngày 26 tới ngày 29 tháng 10, 2015.

Ngày đầu, thời tiết tại Atlanta bị ảnh hưởng của cơn bão Patricia. Tuy rằng, mây đen vần vũ bao phủ bầu trời và mưa dầm gió lạnh cũng không cản bước của các anh em linh mục tiến về Đại Hội Emmaus VI. Tại phi trường, dòng người ngược xuôi, thoáng nhìn, anh em đã nhận ra nhau để rồi tay bắt mặt mừng. Sợi giây linh thiêng của sứ vụ đã nối kết anh em trong tình huynh đệ thân thương. Đúng vậy, trước lạ sau quen, anh em đều cùng chung một sứ mệnh và là môn đệ của Chúa Kitô.

Hành Trình Emmaus VI là cơ hội gặp gỡ rất quý báu. Những bài chia sẻ của các Đức Tổng Giám Mục Wilton D. Gregory, Đức Tổng Giám mục Joseph E. Kurtz, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, Đức Cha Kevin W. Vann, Đức Cha Mai Thanh Lương, và cha Nguyễn Khắc Hy là những món qùa tinh thần đáng ghi nhớ. Cùng với sự hiện diện thân ái của quý đức ông và quý linh mục đến từ những những xứ sở khác nhau đã làm cho ngày Đại Hội thêm phần đa dạng, phong phú và hiệu qủa.

Đại Hội được lắng nghe những tin tức sốt dẻo về đời sống gia đình từ Đức Tổng Giám Mục Joseph Kurtz, nghị phụ của Thượng Hội Đồng Thế Giới về Gia đinh tại Rôma. Những chia sẻ thật gần gũi và chân tình của các Đức Tổng Giám Mục Wilton Gregory về vai trò của các mục tử và sự đoàn kết trong tinh huynh đệ giữa các linh mục. Đức Cha Kevin Vann nói về cảm nghiệm của chuyến thăm mục vụ Việt Nam và sự đóng góp nhiệt thành của cộng đồng Công Giáo người Việt Nam tại các Giáo Phận Hoa Kỳ. Đức Cha Mai Thanh Lương đã có những câu truyện dí dỏm vui tươi và mời gọi anh em linh mục nên gắn bó yêu thương. Cha giáo Nguyễn Khắc Hy giúp anh em linh mục tìm về nguồn trong sứ vụ qua bài trích thơ của thánh Phaolô tông đồ nói về chủ đề: Tôi trở nên mọi sự cho mọi người (1Cor 9, 22).

Đại đa số các linh mục đến từ các Tiểu Bang Hoa Kỳ và có một Đức Cha và năm linh mục đến từ Việt Nam, Úc Châu, Hòa Lan, Canada và Taiwan. Đây là cơ hội rất tốt cho các anh em linh mục gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm và sinh họat bên nhau. Không phân biệt già trẻ hay chức bậc, các anh em đã có những giây phút rất là thoải mái, kể những câu truyện vui và có những nụ cười sảng khoái. Trong số các linh mục, có vị cao niên đã mừng 55 năm linh mục và có linh mục trẻ mới chịu chức được 5 tháng. Anh em hòa đồng trong bầu khí thân thương. Sự hiện diện của quí linh mục cao niên là niềm khích lệ lớn lao cho các linh mục trẻ. Sự khiêm nhu, từ ái và kiên nhẫn của các ngài đã nêu gương phục vụ thật đáng trân qúi. Các linh mục trẻ trung hoạt bát, tài năng, linh động và nhiệt thành là niềm hy vọng tốt đẹp cho sứ vụ hôm nay và tương lai.

Phản ánh qua những bài chia sẻ của các thuyết trình viên, anh em linh mục đã rút ra những bài học và những kinh nghiệm sống. Đối diện với những thách đố của đời sống linh mục. Suy tư: Làm cách nào để tăng trưởng tình huynh đệ giữa các linh mục Việt Nam? Những ưu tư dằn vặt tự hỏi: Liên Đoàn đã làm gì cho tôi? Đúng thế, tôi là linh mục Việt Nam. Vậy tôi có thể góp phần gì cho Liên Đoàn. Có rất nhiều anh em linh mục đang phục vụ tại các Dòng Tu hay tại các Giáo xứ Hoa Kỳ, Giáo xứ Việt Nam hay Cộng đoàn. Biết rằng tất cả các linh mục đều trực thuộc quyền của bề trên nhà Dòng hoặc các Giám mục Địa Phận. Tuy nhiên, Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam là một tổ chức hợp pháp và có tiếng nói đại diện cho cộng đồng người Việt. Liên Đoàn cũng là một tổ chức Ái Hữu mời gọi các linh mục cùng đồng hành để xây dựng tình liên đới cùng đỡ nâng và khích lệ nhau sống ơn gọi dâng hiến.

Qua sự gặp gỡ và chia sẻ, chúng ta có thể nhận biết rất nhiều các sinh họat trong Cộng Đồng người Công Giáo Việt Nam. Thí dụ: Tại Đại Hội Gia Đình Thế Giới được tổ chức tại Philadelphia tháng 9 vừa qua. Sự gặp gỡ giữa Ban Tổ Chức Đại Hội Gia Đình Thế Giới và đại diện Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam đã đạt được những thành quả ưu tiên đặc biệt. Cộng đồng người Việt Nam đã dành được những góp phần rất ý nghĩa trong Đại Hội. Tiếng Việt là một trong năm ngôn ngữ được thông dịch trực tiếp. Trong thánh lễ Đại Trào, Đức Giáo Hoàng chủ sự, ca đoàn Việt đã hát những bài thánh ca Việt Nam và có Bài Đọc bằng tiếng việt. Ngoài ra, Liên đoàn của Cộng Đồng người Việt hằng năm còn tổ chức rất nhiều các Đại Hội tại vùng miền địa phương như: Đại Hội Đức Mẹ Lavang tại Houston, Las Vegas, Portland, các cuộc Hành Hương Đức Mẹ tại Washington DC, Emmitsburg, Blue Army, La Salette, Buffalo…Đại Hội Giới trẻ, Đại Hội Phó Tế, Đại Hội Nữ Tu, Đại Hội Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể và Đại Hội Lòng Thương Xót…

Trong những ngày Đại Hội Emmaus VI, anh em linh mục đã cung nhau chia sẻ những giờ Kinh Phụng Vụ, giờ Chầu Thánh Thể, lãnh nhận Bí Tích Hòa Giải, cầu nguyện và tham dự các Thánh Lễ đồng tế rất trọng thể và sốt sáng. Anh em còn được Ban Tổ chức sắp xếp một buổi chiều tham quan thắng cảnh những di tích lịch sử: Đặc biệt là nơi an nghỉ của ông bà Mục Sư Martin Luther King, Jr. Mộ phần được bao quanh bởi hồ nước trong xanh và trước bia mộ có ngọn lửa bừng cháy không ngừng. Nhắc nhớ sự tranh đấu cho quyền bình đẳng của mọi người. Anh em cũng tham quan Tổng Hành Dinh của Đài Phát Thanh CNN và thưởng ngắm những hình ảnh kỹ thuật hình thành và sự thành đạt của Hãng Coca-Cola. Những dấu tích quan trọng nổi tiếng tại Atlanta.

Đặc biệt, anh em linh mục còn có cơ hội thăm viếng, giao lưu và gặp gỡ giáo dân tại hai Giáo Xứ là Giáo Xứ Đức Mẹ Việt Nam và Giáo Xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Hai Giáo Xứ đã khoản đãi những bữa tiệc liên hoan rất thịnh soạn, ấm cúng và thân tình. Chúng con chân thành ghi ân Đức Ông Phạm Văn Phương, trưởng ban tổ chức Đại Hội và quý cha trong ban đã nỗ lực vận động và nhiệt tâm giúp đỡ. Chúng con rất cảm kích tấm lòng quảng đại và rộng lượng của tất cả quý cha, qúy Thầy Sáu, quý Dì, quý ông bà và anh chị em tại hai Giáo Xứ.

Anh em linh mục xin chân thành cám ơn Hội Đồng Lãnh Đạo Liên Đoàn, đặc biệt đức ông chủ tịch Trịnh Minh Trí (tái đắc cử nhiệm kỳ 2015-2019) và Ban Tổ Chức Đại Hội Emmaus VI. Chúng con cám ơn qúy Đức Cha, Qúy Đức Ông, Qúy Linh Mục, Phó Tế, Tu Sĩ Nam Nữ, quý Hội Đoàn, quý ân nhân và tất cả quý ông bà anh chị em đã tận tâm hy sinh vất vả ngày đêm để giúp cho những ngày Đại Hội Emmaus VI được thành công mỹ mãn. Xin Chúa thương ban mọi sự lành hồn xác cho tất cả chúng ta.
 
Đại chủng viện Hà Nội cung nghinh Đức Mẹ kết thúc tháng Mân Côi
Giuse Trần Ngọc Huấn
09:34 01/11/2015
HÀ NỘI: - Vào hồi 19 giờ 30 thứ Bảy, ngày 25 tháng 10 năm 2014, Đại Chủng viện Thánh Giuse Hà Nội long trọng cử hành cuộc cung nghinh Đức Mẹ để kết thúc tháng Mân Côi, do Đức Cha Lôrensô Chu Văn Minh, Giám đốc Đại Chủng viện chủ sự. Cùng tham dự có quý Cha trong ban Giám đốc, Giáo sư của Đại Chủng viện, anh em chủng sinh phân khoa Triết Học cùng quý soeur và quý chị hậu cần.

Hình ảnh

Sau khi nguyện kinh Chúa Thánh Thần, Đức Cha chủ sự đã ngỏ lời với cộng đoàn hiện diện. Ngài nói: Trong suốt tháng Mân Côi, cộng đoàn chúng ta đã sốt sắng lần hạt kính Đức Mẹ. Mỗi một hạt là một kinh Kính Mừng, tựa như một đóa hồng dâng kính Đức Mẹ. Hoa hồng được coi là nữ vương của loài hoa, lời kinh Kính Mừng là hoa hồng của mọi việc tôn kính ta dâng lên Đức Mẹ. Đây là Kinh Mân Côi, vì Mân là tên của một loại ngọc, Côi là một thứ ngọc tốt, ngọc quí lạ. Kinh Mân Côi là “Kinh Ngọc”, là ”chuỗi ngọc Mân và ngọc quí lạ”. Mỗi một kinh Kính Mừng dâng lên Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa, Đấng đầy ơn phước, Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội, là ngọc Mân, ngọc đẹp quí lạ mà mỗi người chúng ta thành tâm dâng lên Đức Trinh Nữ Maria.

Kết thúc huấn từ ngắn, Đức Cha chủ sự mời gọi cộng đoàn giờ đây cùng bước vào hành trình tin yêu với Đức Mẹ qua tràng chuỗi Mân Côi Năm Sự Mừng. Nhờ ơn của Chúa soi sáng, trong sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, chúng ta hân hoan làm thành một cuộc đồng hành với Đức Mẹ trên đường thiêng liêng. Như Đức Mẹ khi xưa luôn chung nhịp bước với Chúa Giêsu trong hành trình Cứu Chuộc, nhất là được chia sẻ những Sự Mừng lớn lao từ khi Chúa Phục Sinh, hôm nay, mỗi người chúng ta xin Mẹ cho chúng ta được sống niềm vui Tin Mừng và noi gương Mẹ, đem niềm vui ấy chia sẻ cho tất cả mọi người.

Sau huấn từ của Đức Cha chủ sự, cộng đoàn cùng cung nghinh thánh tượng Đức Mẹ Mân Côi, đang được rước trên vai các Chủng sinh lớp Triết I, quanh khuôn viên Đại Chủng viện và tiến vào nhà nguyện chính. Những lời kinh Mân Côi, những bài thánh ca kính Đức Mẹ, những ngọn nến lung linh, những tấm lòng sùng kính đạo đức, làm thành một bầu khí linh thiêng, sốt sắng và trang trọng.

Khi cộng đoàn đã quy tụ trong nhà nguyện chính của Đại Chủng viện, Đức Cha chủ sự đã dâng lên Đức Mẹ lời nguyện kết thúc. Cộng đoàn tham dự cùng dâng lên Đức Mẹ những lời kinh nguyện và bài thánh ca Ave Maria đầy tâm tình.

Trong các sinh hoạt chung của Đại Chủng viện Thánh Giuse Hà Nội, hàng ngày, vào lúc 13 giờ 45, cộng đoàn cùng quy tụ trong nhà nguyện để lần hạt chung kính Đức Mẹ. Không những thế, mỗi anh em chủng sinh còn được mời gọi dành những thời giờ riêng trong ngày để lần hạt và thể hiện tâm tình mến yêu với Đức Mẹ. Việc suy ngắm và sống theo mẫu gương đời sống thánh thiện của Chúa Kitô và Mẹ Thánh Chúa chứa đựng trong các Mầu Nhiệm kinh Mân Côi mà đạt tới đích thánh thiện theo ơn Chúa kêu gọi, nhất là trong hành trình cuộc đời dâng hiến của mỗi anh em. Bởi vì, “với kinh Mân Côi, dân kitô theo học tại ngôi trường của Đức Maria và được dẫn đến chiêm ngưỡng vẻ đẹp trên dung nhan của Đức Kitô và kinh nghiệm chiều sâu thẳm tình yêu của Người. Qua kinh Mân Côi, các tín hữu lãnh nhận vô vàn ơn thiêng, hầu như qua chính đôi tay của Mẹ Đấng Cứu Thế. (Xc. Tông thư Kinh Mân Côi, số 1).
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Tổng Thống Ngô Đình Diệm và năm 1963
Hà Minh Thảo
07:11 01/11/2015
TỔNG THỐNG NGÔ ĐÌNH DIỆM VÀ NĂM 1963

Cách nay 52 năm, ngày 02.11.1963, ông Ngô đình Diệm, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa, và bào huynh Ngô đình Nhu đã bị các tướng lãnh được thuê bởi đám thực dân thuộc quyền ông John F. Kennedy, Tổng thống Hoa kỳ, giết sau ngày đảo chính 01.11.1963. Hậu quả đã mang hàng triệu cái chết đến cho người dân hai miền Việt Nam và chiến sĩ các quốc gia Đồng minh. Cuối cùng, ngày 30.04.1975, Sài gòn rơi vào tay cộng sản Bắc Việt, đồng bào Miền Nam mất Tự do và Dân chủ… Từ những dữ kiện tìm được qua ‘xa lộ thông tin’ bổ túc cho những điều mắt thấy tai nghe trong năm 1963, khi sống tại ‘Hòn ngọc Viễn đông’, nay xin viết những điều mình đã thu thập một cách hoàn toàn cá nhân với ý muốn duy nhất là tránh cho tên nước Việt Nam sẽ không bị xóa bỏ trên bản đồ thế giới.

Trước khi vào bài, ước mong chúng ta đồng ý: « Muôn đời, xâm lược Tàu vẫn nuôi tham vọng chiếm Quê hương Việt với ba lần Bắc thuộc :

- Lần đầu, năm 111 trước Tây lịch, chúng chiếm nước Giao chỉ và cai trị hà khắc dân ta khiến Hai Bà Trưng (Trưng Trắc và Trưng Nhị) kêu gọi toàn dân phất Cờ Vàng đánh đuổi quân Tàu về nước năm 39 sau Tây lịch. Ở ngôi vua tuy chỉ được 3 năm, Hai Bà đã làm cho vua tôi nhà Hán phải lo sợ, kính nể đủ để tiếng thơm lại cho muôn đời trong sử sách ;

- Lần hai bắt đầu năm 43. Năm 544, Tiêu Tư, thứ sử Giao châu, là kẻ tàn bạo, làm cho lòng dân oán hận, nên Lý Bôn hợp toàn dân nổi dậy, tạo lập nhà Tiền Lý ;

- Lần ba khởi đi từ năm 603. Năm 938, khi quân Hán do Hoằng Tháo đến gần sông Bạch đằng, Ngô Quyền hiệu triệu quốc dân đồng bào gia tăng đề phòng và truyền lịnh quân sĩ tìm gỗ cặp sắt nhọn, cắm ngầm ở dưới lòng sông, rồi chờ địch đến lúc nước thủy triều lên, xua quân ta ra khiêu chiến, Hán quân đuổi theo. Khi nước xuống, ông phản công, địch thua chạy, các thuyền mắc vào cộc gỗ thủng nát hết, người chết quá nửa. Hoàng Tháo bị bắt và xử tử. https://www.youtube.com/watch?v=1-RTLdW5QyU

Nhờ đó, nước Nam ta thoát ách Bắc thuộc. Từ đó, tuy dưới các chế độ quân chủ Đinh, Lê, Lý, Trần, khi Đất Nước nguy biến, các Vua đã biết hỏi ý người dân để chung sức đối phó mà điển hình là Hội nghị Diên Hồng năm 1284 do Vua Trần Thánh Tôn triệu tập các bô lão để hội ý nên Hòa hay Chiến với quân Nguyên xâm lược : https://www.youtube.com/watch?v=E836UhU12FY

Kinh ngiệm được rút ra từ các trường hợp trên cho thấy các chiến thắng Dân tộc Việt thu được là kết quả từ sự đoàn kết của toàn dân dưới sự lãnh đạo của Vua và sự quyết tâm của mọi người, không cần ngoại bang trợ giúp. Dĩ nhiên, với thời tân tiến hiện nay, Việt Nam cần sự ủng hộ và viện trợ từ các cường quốc, nhưng phải thận trọng vì khi những quyền lợi trái với những quyền lợi chúng ta, chúng ta có thể bị hy sinh.

I./ CÀNH ĐÀO HỒ CHÍ MINH GỞI TẶNG NGÔ ĐÌNH DIỆM.

Sáng mùng một Tết Quí Mão (1963), những Đại sứ thành viên Ngoại giao đoàn có nhiệm sở tại Sài gòn khi đến Dinh Tổng thống để chúc Năm Mới, đã lưu ý đến một cành đào thật lớn có đính danh thiếp ghi ‘Chủ tịch Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Hồ chí Minh tặng Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Ngô đình Diệm’. Cành đào này được gởi qua trung gian Ủy hội Quốc tế Kiểm soát Đình chiến và được nhận về bởi Đại úy Lê Châu Lộc, tùy viên quân sự Tổng thống. Tại sao Hồ chí Minh đã tỏ thiện chí như vậy ?

A. Chính tình thế giới đầu thập niên 1960.

1./ Liên xô. Sau khi củng cố quyền hành, N. Khrushchev hình thành chiến lược mới cho khối cộng sản, chủ trương chung sống hòa bình giữa những nước có chế độ chính trị và xã hội khác nhau. Liên xô tiến hành phát triển kinh tế cho khối cộng sản, áp dụng các tiến bộ khoa học và kỹ thuật mới vào sản xuất, để tăng năng suất lao độngcùng sản lượng sản xuất. Nhờ tăng trưởng kinh tế, Liên xô kỳ vọng đủ khả năng để ủng hộ các nước đang phát triển và giúp đỡ các phong trào cộng sản trên toàn cầu, mở rộng ảnh hưởng Quốc tế Cộng sản.

2./ Trung cộng không đồng ý chiến lược này và cho rằng Liên xô sợ chiến tranh với Hoa kỳ và đầu hàng đế quốc Mỹ. Họ cho rằng chiến tranh cách mạng quốc tế càng mau thắng lợi, càng mau tiến đến thế giới đại đồng. Do đó, tranh chấp giữa hai cường quốc cộng sản này ngày càng thêm căng thẳng. Bắc Việt nghiêng dần về phía Trung cộng, chủ trương dùng vũ trang để chiếm miền Nam. Liên sô thì muốn một Việt Nam trung lập theo đề nghị của Pháp (xem chi tiết bên dưới) sẽ có lợi hơn một Việt Nam bị lệ thuộc Trung cộng.

3./ Tại Hoa kỳ, Tổng thống Kennedy đã phải đương đầu với khủng hoảng Tây Bá linh (Tây Đức), thất bại trong vụ đổ bộ Vịnh Con heo (Cuba), và tính sai trong việc trung lập hoá Lào. Các thất bại này đã dẫn đến một chiến lược chống cộng thiếu tích cực ‘vừa dọa vừa đàm’.

4./ Toà thánh Vatican cũng thay đổi chiến lược và chấp nhận chung sống hòa bình với những người cộng sản.

5./ Pháp quốc muốn tái lập ảnh hưởng tại các nước cựu thuộc địa, vận động giải pháp trung lập hóa Đông dương.

6./ Ấn độ đang có chiến tranh biên giới với Trung cộng. Theo Hiệp định đình chiến Geneva, Ấn độ và Ba lan là hai quốc gia trong Ủy ban Quốc tế Kiểm soát Đình chiến tại Việt Nam (International Commission for Supervision and Control in Vietnam, ICC, gồm 3 quốc gia, một thuộc thế giới tự do là Canada, một thuộc khối cộng Sản là Ba lan và một thuộc khối Không Liên lết là Ấn độ). Tháng 1/1963, Ngoại trưởng Ba lan Adam Rapacki sang thăm Ấn độ và hội thảo với Thủ tướng J. Nehru. Ông đề nghị trung lập hoá cả hai miền Nam Bắc và tổ chức tổng tuyển cử để thống nhất Việt Nam. Sau đó, ông Rapacki đã gặp ông John K. Galbraith, Đại sứ Mỹ tại Ấn độ, để tìm giải pháp trung lập Việt Nam. Ông Galbraith đề nghị trước tiên hai phía phải ngừng bắn trong vòng 6 tháng. Sau đó, ông đã báo cho Tổng thống Mỹ Kennedy về đề nghị của mình, nhưng không thấy ý kiến được tiến hành.

7. / Việt Nam, từ ngày 20.07.1954, khi Đất Nước phân đôi :
- tại Miền Bắc cộng sản, bắt chước cộng đảng Tàu, chính quyền Hồ chí Minh áp dụng những chính sách mang tính cộng sản như nông nghiệp tập thể, doanh nghiệp quốc doanh… Đảng cộng sản Việt thực hiện sách lược diệt chủng tiêu diệt giai cấp tiểu tư sản và điền chủ : 200 ngàn người bị giết, hằng triệu nạn nhân do các cuộc Chỉnh quân, Luyện huấn, Cải cách ruộng đất. Cuộc Cải cách ruộng đất của chúng không chỉ vì mức độ giết người không gớm tay, nó còn tàn phá văn hóa và tiêu diệt lòng nhân bản nơi người dân ‘ai không theo là chống, ai chống là bị tiêu diệt’. Giới trí thức tranh nhau để được Đảng ban danh ‘hồng hơn chuyên’ để vào biên chế nhà nước, bóc lột dân lành.
- Miền Nam dân chủ, chỉ vỏn vẹn có 9 năm trời, chính phủ Đệ nhất Cộng hòa, do Tổng thống Ngô đình Diệm lãnh đạo, đã trở thành một đất nước văn minh, trù phú, pháp luật nghiêm minh, đạo lý được thượng tôn, người dân được tự do, ấm no hạnh phúc, …

8./ Trước cảnh người dân Miền Bắc còn không đủ ăn thì làm sao đảng cộng sản có thể nuôi đám du kích và đảng viên chúng tại Miền Nam, nơi có một nền kinh tế khả quan. Do đó, ngày 17.03.1963, Tổng thống Ngô đình Diệm công bố chính sách Chiêu Hồi để mời gọi những người lầm đường trở về với chính nghĩa quốc gia cùng ấn định những quyền lợi họ được hưởng. Ngày 18.02.1973, Bưu chính Việt Nam Cộng hòa cho phát hành con tem ‘Chiêu hồi’ có giá 10 đồng, kỷ niệm người hồi chánh thứ 200.000. Nhờ chính sách này, Việt Nam tiết kiệm được hàng trăm ngàn đời sống cho người dân mình.

II./ TIẾN TRÌNH HÒA BÌNH CHO VIỆT NAM.

A.- Nghĩa cử cao thượng của vị Tổng thống thành lập nền Cộng hòa Việt Nam :

Ông Cao xuân Vỹ, Thủ lãnh Thanh niên Cộng hòa (một Tổ chức dân sự ủng hộ chế độ) có tường thuật :
« Khi đảo chính 01.11.1963 khởi diễn, Thiếu tá Nguyễn hữu Duệ (Lữ đoàn Liên binh Phòng vệ Tổng thống phủ) xin phép Tổng thống đem thiết giáp lên bộ Tổng Tham mưu để bắt các tướng và dẹp đảo chính. Nhưng Tổng thống không cho. Lúc đó, tôi đang ở bên Tổng thống Diệm và ông Nhu tại dinh Gia Long. Tôi nghe điện thoại và trình lên Tổng thống. Oâng la ‘Các anh muốn gì? Ở với tôi bấy lâu mà không hiểu ý tôi sao? Dân Nghệ an các anh chỉ thích làm loạn. Đem quân đội chống quân đội là cách bảo vệ tổ quốc hả?’. Tôi thưa ‘Nhưng người ta đánh mình thì mình phải đánh lại chứ Tổng thống. Chẳng lẽ để phải chết sao?’. Ông quát lên ‘Chết thì đã sao’».

Đúng, đối với ông Diệm chết thì đã sao. Nhưng đối với chúng ta thì cái chết của ông là cái chết dần dần của Miền Nam. Ông còn nói ‘Quân đội là để bảo vệ Tổ Quốc chứ không phải để bảo vệ cá nhân Tổng thống’. Tiếp đó, ông Diệm bảo ông Vỹ liên lạc với ông Trương vĩnh Lễ, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu triệu tập Quốc hội để ông ra từ chức trước Quốc Hội, hòng tránh cảnh đổ máu. Ông Vỹ gọi ông Lễ 4 lần nhưng không gặp (Ngày 01.11.1963, Lễ các Thánh là ngày nghỉ). Ngoài ra, thật vậy, khi quân đội bị chia rẽ, khi chính nghĩa bị hy sinh, khi đất nước mất người lãnh đạo anh minh, tài đức, để giao tiền đồ Tổ Quốc vào tay những con người kém tài đức, phản loạn, thì trước sau gì cũng mất về tay cộng sản miền Bắc tháng 4/1975.

{Lúc đó, ngoài Lữ đoàn xin lên tấn công hành dinh phe đảo chính, còn có một đại đội biệt kích Lực lượng Đặc biệt vừa hành quân ở Tây ninh về đến Sài gòn báo cáo lực lượng phòng vệ các tướng đảo chính yếu, nên xin phối hợp với 2 tiểu đoàn Lữ đoàn Phòng vệ Tổng thống phủ đột kích vào bắt hết các tướng đảo chính. Tổng Thống không chấp thuận.}

B.- Tổng thống Ngô đình Diệm chủ trương để hiệp thương với Miền Bắc phải có 6 giai đoạn:
– Bắt đầu bằng việc cho dân hai Miền trao đổi thư tín tự do ;
– Rồi cho dân đi lại tự do giữa hai Miền ;
– Cho dân hai Miền được tự do chọn định cư sang bên kia, nếu muốn ;
– Thứ 4 mới đến giai đoạn trao đổi kinh tế. Ví dụ miền Nam đổi gạo lấy than đá của miền Bắc chẳng hạn ;
– Qua được các giai đoạn đó rồi mới tiến tới hiệp thương ;
– Và sau cùng là tổng tuyển cử.

Ông Ngô đình Nhu dự tính : Nếu cho người dân tự do chọn nơi định cư, thì căn cứ theo tình trạng về tự do dân chủ tồi tệ và kinh tế kiệt quệ của Miền Bắc lúc ấy, sẽ có khoảng 3 triệu người dân sẽ dần dần vào định cư ở Miền Nam. Vì vậy ‘mình’ phải chuẩn bị đất cho dân. Ông cũng tính rằng hiện dân số Miền Bắc có tới 23 triệu, trong khi dân số Miền Nam chỉ có 17 triệu. Nếu có được 3 triệu dân Bắc vào định cư ở Miền Nam thì dân số 2 bên sẽ cân bằng. Bầu cử tự do, với sự giám sát Quốc tế thì chắc mình sẽ thắng.
C.- Dự kiến hiệp thương nẩy mầm.

Năm 1962, sau khi dự lễ đăng quang của quốc vương Maroc, ông Ngô đình Nhu đã đến Paris gặp ông A. Pinay, đại diện Tổng thống C. De Gaulle, bàn chuyện hiệp thương với Hồ chí Minh, với sự hiện diện của Giáo sư Bửu Hội, Đại sứ Việt Nam Cộng hòa tại Rabat (Maroc), từng là cố vấn cho ông Hồ. Nên trong việc này, có thể nói ông Bửu Hội có vai trò cũng quan trọng không kém ông Nhu. Nhiều phiên họp đã diễn ra cả tháng vì Hồ chí Minh đã nhờ ông Jean Sainteny xin Tổng thống De Gaulle giúp. Ông biết ông De Gaulle đang có chủ trương trung lập hóa Đông dương vì hận Mỹ đã ‘hất cẳng’ Pháp và xin Tổng thống Pháp can thiệp để tiếp xúc với Sài gòn. Tổng thống Pháp rất sốt sắng trong việc này.

(Còn tiếp)
Hà Minh Thảo

 
Phỏng vấn ông Bùi Kiến Thành: Tại sao phải giết Tổng thống Ngô Đình Diệm?
Mạc Lâm/ RFA
09:26 01/11/2015
RFA ngày 29.10.2015 -- LGT của người chuyển: Bùi Kiến Thành sinh năm 1931, con trai của Bác Sĩ Bùi Kiện Tín, làm Trưởng phòng Ngoại hối, Ngân hàng Quốc gia Việt Nam từ 1954 đến 1956, được xem như chính khách trẻ nhất thường xuyên ra vào Dinh Gia Long. Khi Tổng Thống Ngô Đình Diệm bị lật đổ, ông ở tù 15 tháng thì
được ân xá rồi trốn dưới hầm một tàu viễn dương sang Pháp.[2] Hoạt động trong lĩnh vực địa ốc từ 1965 đến 1983, ông trở thành nhà kinh doanh địa ốc thành công ở Pháp.


Phỏng vấn của Mạc Lâm

Cuộc đảo chánh ngày 1 tháng 11 năm 1963 đã đưa đất nước Việt Nam vào một khúc quanh lịch sử. Cái chết của hai anh em Tổng thống Ngô Đình Diệm và bào đệ của ông là Ngô Đình Nhu, những tướng lãnh tham gia cuộc đảo chánh không ai biết người ra lệnh thủ tiêu hai ông là ai nhưng sau khi tro bụi của cuộc cách mạng lắng xuống những gương mặt đứng phía sau giật dây cho cuộc tàn sát ấy bắt đầu được điểm danh và lịch sử luôn công bằng cho từng người một.

Mặc Lâm phỏng vấn ông Bùi Kiến Thành, một nhân chứng lịch sử, một người bạn, người cố vấn cho Tổng thống Ngô Đình Diệm từ những ngày đầu tiên khi từ Mỹ trở về Việt Nam chấp chính cho tới khi biến cố xảy ra.

Cái tốt và chưa tốt của chế độ Đệ nhất Cộng hòa

Mặc Lâm:Thưa ông Bùi Kiến Thành, xin cảm ơn ông cho phép chúng tôi thực hiện cuộc phỏng vấn này. Ngày 1 tháng 11 hàng năm có lẽ ai theo dõi tình hình Việt Nam trong lịch sử đương đại đều nhớ là ngày mà cuộc đảo chính không những lật đổ chính phủ Ngô Đình Diệm mà còn giết cả hai anh em ông ấy tại Sài gòn vào năm 1963. Ông có nhận đình gì về ngày lịch sử này thưa ông?

Bùi Kiến Thành: Có lẽ cũng là một ngày chúng ta nên ôn lại cái được và cái chưa được cái tốt và cái chưa tốt của chế độ Đệ nhất Cộng hòa để chúng ta rút bài học.

Mặc Lâm: Vâng, trước khi đi sâu hơn vào chi tiết xin ông vui lòng cho biết về mối quan hệ của ông với Tổng thống Ngô Đình Diệm.

Bùi Kiến Thành: Trong khi tôi học ở Columbia vào những năm 1952 cho tới năm 1954 lúc đó thì chí sĩ Ngô Đình Diệm đang ở New Jersey. Cứ mỗi cuối tuần thì ông qua New York thăm chơi với tôi cùng một anh bạn nữa là anh Bùi Công Văn, ảnh là phóng viên của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ. Cứ tối thứ Bảy thì ông qua ngồi nói chuyện suốt đêm cho tới sáng Chúa Nhật thì ông đi lễ, đi lễ về rồi lại nói chuyện suốt ngày, tới chiều Chúa Nhật thì ông trở lại tu viện Maryknoll.

Chúng tôi sống với nhau trong cảnh bạn cố tri trao đổi như thế trong suốt gần hai năm tại New York trước khi ông Diệm về bên Pháp và sau đó về làm Thủ tướng chánh phủ.

Sau khi ông Diệm về làm Thủ tướng chính phủ chấp chánh vào ngày mùng 7 tháng 7 thì ông Diệm gửi điện qua New York và Washington yêu cầu tôi trở về để giúp đỡ. Ngày 23 tháng 8 năm 1954 sáu anh em chúng tôi là cựu sinh viên của các đại học Mỹ về giúp cho ông Diệm trong thời kỳ rất là khó khăn. Làm Thủ tướng mà không có cảnh sát không có quân đội chỉ vỏn vẹn có 27 sĩ quan đi theo mà thôi.

Cả một đất nước do Pháp đang cai trị vì vậy khi nắm lại quyền tự do, quyền tự chủ, quyền độc lập trong thời kỳ đó rất là khó khăn vì vậy chúng ta phải đánh giá cao việc ông Diệm bình định được tình hình, đưa quân Pháp ra khỏi nước Việt Nam một cách ổn định và xây dựng nền đệ nhất cộng hòa. Điều này khi nghiên cứu lịch sử và đánh giá cao tinh thần của cả một thời kỳ không riêng gì ông Diệm mà những người đi theo hỗ trợ giúp đỡ cho ông Diệm, những nhân sĩ ở miền Nam, nhân sĩ ở miền Trung, miền Bắc… tất cả đều có công lớn đã xây dựng chế độ đệ nhất cộng hòa, nhưng rất tiếc rằng sau đó chúng ta không làm được những chuyện ta cần phải làm để đến nỗi bị đổ vỡ.

Mặc Lâm: Thưa ông trong khi gần gũi với Thủ tướng Ngô Đình Diệm ông và các người được Thủ tướng mời về cụ thể làm những việc gì để giúp cho chính phủ còn non nớt lúc ấy?

Bùi Kiến Thành: Tôi bên cạnh ông Diệm suốt ngày mà! Khi tôi về tại Dinh Gia Long ngày 23 tháng 8 đó ăn cơm trưa với ông Diệm và một số Bộ trưởng, Tổng trưởng, có những nhân hào nổi tiếng của Việt Nam như ông Phạm Duy Khiêm, Bác sĩ Bùi Kiến Tín, Nguyễn Văn Châu… chúng tôi hết sức khẩn thiết làm bất cứ việc gì để ổn định tình thế, tôi ở suốt ngày suốt đêm trong dinh một thời gian rồi sau đó tôi mới dời ra ngoài. Sau khi bố trí lại thì ngày nào đêm nào tôi cũng vào trong dinh để mà làm việc với Thủ Tướng rồi Tổng thống Ngô Đình Diệm.

Một là bên Dinh Gia Long, sau nữa khi dời sang Dinh Độc Lập tôi cũng sát cùng ông Diệm như một cộng sự đặc biệt vì cái chỗ thân tình từ khi còn nhỏ kia, khi tôi mới 15-16 tuổi, hồi đó gia đình tôi thân với ông Diệm lắm. Chính ông cụ tôi đã cất giấu ông Diệm trong khi bị Nhật tìm bắt ông. Sau này khi không còn tham chính nữa ông cụ tôi tiếp tục làm y sĩ riêng cho Tổng Thông đến ngay ông ấy bị sát hai. Cái thân tình ấy dẫn tới chỗ hết sức gần với nhau. Tất cả những chuyện thâm cung bí sử, khó khăn trong thời kỳ tháng 8 tháng 9 tới tháng 12 năm 1954 thì thật sự hội lại chỉ có 4 người trong Dinh Gia Long thôi: Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu, Bác sĩ Bùi Kiến Tín và Bùi Kiến Thành. Chúng tôi bàn với nhau cái gì cần phải làm. Làm sao nắm được quân đội, làm sao đối kháng với Bình Xuyên, làm sao giải tỏa được thành phố Sài Gòn xây dựng lên một chính quyền được nhân dân ủng hộ.

Riêng về tôi đặc biệt là có trách nhiệm giúp cho Tổng thống, khi ấy là Thủ tướng, quan hệ với các phái bộ đặc biệt của Mỹ từ bên Mỹ gửi qua chứ không phải quan hệ với sứ quán Mỹ ở Sài Gòn. Sứ quán Mỹ tại Sài Gòn thân với Pháp, ông đại sứ Mỹ Donald Heath rất thân với Pháp, sau đó thì Lawton Collins cũng thân với ông Cao Ủy Pháp Paul Ely. Công việc của tôi và của ông Ngô Đình Nhu là bắc cây cầu trực tiếp với chính phủ Mỹ ở Washington, qua những phái bộ đặc biệt của Hoa Kỳ gửi qua trong đó có Trung tướng O’Daniel, Đại tá Lansdale sau này là General Lansdal, Paul Hardwood (Trưởng phái bộ CIA), việc của tôi làm lúc ấy cũng chỉ trong 4 người mà thôi bao nhiêu là công việc hết sức khó khăn.

Xây dựng được tờ báo Tự Do là việc tôi hết sức thú vị. Tôi nói với Thủ tướng mình cần có cơ quan ngôn luận tự do. Tờ báo đó được Bác sĩ Bùi Kiến Tín, lúc đó là Bộ Trưởng Bộ Thông tin, ký giấy phép. Tôi tập hợp những nhân sĩ ở Bắc Hà vào làm trong đó có Tam Lang, có Đinh Hùng, Mặc Đỗ, Mặc Thu, Như Phong, Vũ Khắc Khoan …làm ban biên tập để cho tờ báo Tự do có tiếng nói tự do trong thời kỳ hết sức khó khăn như thế. Chỉ có tờ báo Tự do lúc ấy là thực sự nổi tiếng, có tiếng nói tự do trong một khung cảnh rất khó khăn và để chống lại những tờ báo thiên Pháp hay thân các chế dộ trước kia của Sàigon và những đài phát thanh khi đó tại Sài Gòn theo phe quân đội chửi bới Ngô Đình Diệm suốt ngày. Tôi có nhiệm vụ lập nên đài phát thanh “Tiếng nói Quốc dân đoàn kết”, một đài phát thanh đặc biệt để nói lên những sự việc như thế nào trong khi chúng ta phải xây dựng một chính quyền độc lập đó là việc Thủ tướng Ngô Đình Diệm giao cho tôi làm.

Mặc Lâm: Xin ông nói rõ hơn tại sao đã là thủ tướng mà còn bị đài phát thanh bên quân đội chống phá bằng cách chửi bới công khai như ông vừa nói, phải chăng còn một thế lực nào công khai chống lại Thủ tướng vào lúc sơ khai ấy hay không?

Bùi Kiến Thành: Thủ tướng Ngô Đình Diệm lúc ấy làm gì có quân? Thủ tướng mà không nắm cảnh sát, công an. Công an trong tay của Bình Xuyên là một đám giang hồ, cướp của. Pháp cho họ quản lý sòng bạc Đại thế giới, Kim Chung… Cảnh sát thì không nắm được còn quân đội thì trong tay của Trung tướng Nguyễn Văn Hinh. Trung tướng Hinh là một người thân Pháp con của ông Nguyễn Văn Tâm, không phải là người ủng hộ cho chính phủ Ngô Đình Diệm vì vậy khi làm Thủ tướng ông Ngô Đình Diệm ngồi trong dinh nhưng cái đài phát thanh là của người khác.

Đài Quốc gia cũng như đài quân đội thì người Pháp, hay thân Pháp, quản lý cứ mỗi ngày chửi bới Ngô Đình Diệm thế này, chửi bới Ngô Đình Diệm thế kia…ngồi trong dinh mà không giải quyết được vấn đề đó vì vậy phải kiên trì xây dựng lực lượng mình lên để giải quyết điều đó.

Xây dựng lực lượng bằng cách thu dụng những nhân sĩ tài ba của đất nước vào ủng hộ mình đồng thời cũng phải có tiếng nói qua cái đài phát thanh “Tiếng nói Quốc dân đoàn kết”, tiếng nói qua tờ báo Tự Do lúc đó đóng một vai trò quan trọng phổ biến tâm tư nguyện vọng, chính sách của Ngô Đình Diệm cho dân chúng được biết. Vấn đề đó cực kỳ quan trọng và tôi được giao trọng trách tổ chức hai việc đó trong những ngày đen tối nhất sau khi ông Ngô Đình Diệm lên nắm chính quyền, tức là những ngày trong tháng 8 tháng 9 năm 1954 cho tới đầu năm 1955 khi bình định xong thì trong hai cơ quan đó, “Đài Tiếng nói quốc dân đoàn kết” không tiếp tục nữa nhưng tờ báo Tự Do vẫn tiếp tục rất tốt. Tờ Tự Do là nguồn dư luận rất tốt trong thời kỳ đó, trong chánh thể đệ nhất cộng hòa.

Không có tổ chức chính trị nồng cốt

Mặc Lâm: Báo chí quốc tế cũng như giới tướng lãnh đa số cho rằng chính phủ Ngô Đình Diệm sụp đổ bởi những tuyên bố gây sự giận dữ trong và ngoài nước của bà Ngô Đình Nhu cùng với những hành động đàn áp Phật giáo của chính phủ Ngô Đình Diệm. Ông có chia sẻ gì về việc này?

Bùi Kiến Thành:: Đấy chỉ là một phần thôi thực sự ra chính quyền Ngô Đình Diệm sụp đổ còn nhiều vấn đề cốt lõi hơn nữa. Ông Ngô Đình Diệm là một người hết sức yêu nước và có công tâm nhưng ông Diệm không có kinh nghiệm tổ chức. Còn ông Nhu thì rất uyên thâm về vấn đề học thuật, ông học rất giỏi về tổ chức thư viện, ông nghiên cứu rất tốt nhưng không có tài năng tổ chức lực lượng chính trị. Nếu quản lý một nhà nước mà không có tổ chức thì làm sao? Vì vậy cho nên cái Đảng Cần lao của ông Nhu không có tổ chức tốt còn cái “Phong trào cách mạng quốc gia” mà ông Bác sĩ Tín làm chủ tịch sáng lập thì nó cũng chỉ là phong trào thôi. Sau một phong trào rồi thì nó lặng im. Quyền chính trị trong nước là ở trong đảng, mà Đảng Cần Lao không được tổ chức tốt vì vậy cho nên chế độ Ngô Đình Diệm không tồn tại được vì không có tổ chức chính trị nồng cốt để làm việc.

Sau nữa còn có cái lỗi ở chỗ lầm lẫn hai việc khác nhau: quản lý các vấn đề nhà nước là việc quản lý hành chính, còn tổ chức nồng cốt do một chính đảng đứng lên để đóng vai trò cột trụ cho một đất nước thì là một việc khác. Do lầm lẫn ở vai trò lãnh đạo chính trị và lãnh đạo hành chính cho nên chế độ Ngô Đình Diệm tập trung nhiều hơn về vấn đề hành chính mà quên đi vấn đề lãnh đạo chính trị, xây dựng nồng cốt tức là sự ủng hộ của nhân dân, làm sao để vấn đề đảng được nhân dân ủng hộ…

Chính phủ Ngô Đình Diệm không làm được, không xây dựng được một đảng chính trị thật sự của dân, do dân và vì dân vì vậy cho nên không đứng vững được và vì thế có thể nói sự sụp đổ của chế độ Ngô Đình Diệm không phải là vấn đề nhỏ bé như chuyện bà Nhu nói cái này cái kia. Có! nó có ảnh hưởng nhưng chuyện đó là chuyện nhỏ đối với khả năng xây dựng nên một chính đảng mạnh thì chính phủ Ngô Đình Diệm không làm được.

Mặc Lâm: Vậy phải chăng do điều mà người ta nhận xét về ông Ngô Đình Diệm là người theo chủ nghĩa dân tộc đã khiến ông bị người Mỹ lo sợ vì không theo sự dẫn dắt của họ, đặc biệt là khi Mỹ muốn đổ quân vào Việt Nam thưa ông?

Bùi Kiến Thành: Khi Mỹ muốn vào Việt Nam năm 1962 ông Diệm nói với người Mỹ rằng các ông nên nhớ trên đất nước tôi trong 4 nghìn năm lịch sử không có một chế độ nào đi theo quân đội nước ngoài mà có thể được nhân dân ủng hộ. Vì vậy ngày nào quân đội Mỹ đặt chân lên đất nước này chúng tôi sẽ mất chính nghĩa, mà khi mất chính nghĩa thì các ông không thể nào thắng được và chúng tôi cũng phải thua theo. Vì vậy ngày nào quân Mỹ đổ bộ lên đất nước này thì kể như ngày đó chính nghĩa Việt Nam đã mất rồi, chúng tôi không thể chấp nhận được.

Người Mỹ không chấp nhận cái lý luận của ông Ngô Đình Diệm nên họ tìm cách lật đổ ông Diệm đi, đó là vấn đề cốt lõi chứ không phải do bà Nhu thế này thế khác. Bà Nhu gây ra nhiều tai tiếng, nhưng không có vai trò chánh hay lý do chánh làm sụp đổ chính phủ Ngô Đình Diệm.

Mặc Lâm: Thưa ông, một câu hỏi cho tới ngày nay vẫn nằm trong bí mật, ông thân cận với Tổng thống Ngô Đình Diệm nên có lẽ hiểu được phần nào câu trả lời: ai ra lệnh giết anh em Tổng thống Ngô Đình Diệm và tại sao phải giết họ khi đã nắm tất cả quân đội trong tay và họ đã bị bắt?

Bùi Kiến Thành:Tôi không có thông tin chính xác để nói về vấn đề này nhưng suy luận từ một lần đảo chính trước do Nguyễn Chánh Thi chủ mưu ông Diệm đã lập lại ván cờ bằng cách chỉnh đốn lại, thì lần này Dương Văn Minh và những người theo Dương Văn Minh nghĩ rằng khả năng ông Nhu ông Diệm có đủ bản lĩnh và đủ sự ủng hộ của những quân đoàn còn theo ông ta để lập lại thế cờ thì rất khó khăn cho phe đảo chính. Vì vậy người ta không chấp nhận để cho ông Diệm ông Nhu tồn tại để mà có cái rủi ro đấy. Tôi không có thông tin ai là người ra lệnh giết hai anh em ông Diệm nhưng tôi chắc chắn rằng những người theo phe đảo chánh và nhất là phía Mỹ, thấy nguy cơ Ngô Đình Diệm có thể lập lại thế cờ rất là nguy hiểm vì vậy không để cho Ngô Đình Diệm sống. Đấy là quyết định chính trị chiến lược trong tranh đấu chứ không phải ai làm, hay ai ra lệnh không quan trọng, vấn đề phải tiêu diệt anh em ông Ngô Đình Diệm là để tránh nguy cơ bị lật trở lại.

Mặc Lâm: Trong ngày đảo chánh 1 tháng 11 năm 1963 ông đang làm gì và có theo dõi hay tham gia trong một vai trò nào đó hay không?

Bùi Kiến Thành: Hôm đó tôi đang đi làm việc ở ngoài thì nghe phong phanh ngày hôm đó có bạo động. Tôi gọi về trong dinh thì gặp ông già Ẩn, tức là cận vệ của Tổng thống tôi hỏi anh Ẩn hiện giờ có vấn đề gì không vậy? tôi nghe ngoài này xào xáo lắm, thì ông Ẩn trả lời không có vấn đề gì đâu anh Thành ơi, mình hoàn toàn kiểm soát được mọi chuyện!

Đó là một cái chủ quan đầu tiên tại vì trong buổi sáng hôm ấy ông Nhu đã có sắp xếp một số chiến lược, chiến thuật nhằm giải quyết vấn đề bạo động nhưng vì chủ quan nên không thực hiện được. Tôi nói với ông Ẩn: coi chừng nhé nếu cần gì thì tôi vào trong dinh ngay để giúp cho các anh. Ông Ẩn nói không sao đâu anh Thành, nên tôi về nhà ăn cơm trưa và chờ cho tới hai ba giờ chiều không thấy gì xảy ra. Nhưng khoảng ba bốn giờ chiều tôi gọi lại thì tình hình bế tắc hết tôi không còn làm gì được nữa.

Ngày hôm đó tôi ở Sài Gòn, tôi muốn làm một cái gì đó để giúp đem lại trật tự an ninh nhưng mà cái thời thế có lẽ như là định mệnh của đất nước mình không cho mình làm gì được trong lúc ấy. Có làm gì được nữa trong lúc ấy khi thế lực của kẻ chủ mưu là người Mỹ đứng sau lưng những ông tướng của mình? thế lực ấy nó quá mạnh chúng ta không làm gì được.

Việc đảo chánh ông Ngô Đình Diệm không phải là chuyện của Dương Văn Minh, Dương Văn Minh chỉ là một con cờ thôi, cũng như Trần Văn Đỗ cũng như mấy ông kia củng chỉ là con cờ còn người chỉ huy, đưa ra tất cả những chiến thuật chiến lược để làm việc này. là người Mỹ mà người đại diện cho Mỹ làm việc này là đại tá Conein, ngồi thường trực tại Bộ Tổng tham mưu để điều khiển mấy ông tướng kia thành ra tất cả bộ tham mưu lúc đó nghe theo lời của một anh đại tá mật vụ của Mỹ, anh thấy có đau khổ chưa?

Mặc Lâm: Theo ông thì tại sao các tướng lĩnh lúc ấy lại nghe theo người Mỹ? Vì những hứa hẹn quyền lực hay âm mưu chính trị nào khiến họ trở thành như vậy?

Bùi Kiến Thành: Do những ông tướng không nghiên cứu tình hình đất nước, do không hiểu lý tưởng, không hiểu được chính nghĩa như thế nào mà đi theo lời của nước ngoài để mà sát hại một tổng thống, tưởng mình làm được cái gì nhưng cuối cùng cũng đầu hàng cộng sản mà thôi chứ làm được gì đâu.

Cái tội của những anh đảo chính Ngô Đình Diệm là tội ngu dốt không biết tình hình kinh tế, tình hình chính trị, tình hình chiến lược trên thế giới nó như thế nào, họ làm cái việc tự mình sát hại mình, đi đến chỗ 10 năm sau phải chắp tay đầu hàng cộng sản.

Đấy là cái tội của các anh làm cho bao nhiêu chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa phải chết, đó là tội của các anh vì các anh không hiểu gì về chính trị, hữu dũng vô mưu, đưa đất nước đến chỗ suy tàn.

Nếu chúng ta có cơ hội thì còn thương lượng được giữa miền Bắc với miền Nam, cũng như Tây Đức và Đông Đức có thể thương lượng với nhau. Chúng ta phải có nội lực có sức mạnh để mà thương lượng chứ không phải giao đất nước cho ngoại bang, giao cho Mỹ rồi đi đến chỗ chết.

Đó là tội của những người tự cho mình giỏi hơn người khác. Không thể nào một dân tộc một đất nước nào giữ được chính nghĩa của mình bằng cách bước theo những đội quân nước ngoài bắn phá làng xóm cả. Không thấy cái đó là mất chính nghĩa. Đầu óc các anh ở đâu mà anh vác súng đi theo người Mỹ vào trong làng xóm bắn giết dân chúng mình, như vậy là không thể được. Vì không thấy nên anh làm hại cả một thế hệ, làm hại cả một đất nước.

Mặc Lâm: Nhiều tài liệu lịch sử nói là chính phủ Ngô Đình Diệm từng có ý định nói chuyện với miền Bắc, ông có ý kiến gì về những chi tiết này?

Bùi Kiến Thành: Khi chính phủ Ngô Đình Diệm thấy cái nguy cơ lính Mỹ đổ bộ lên Việt Nam rồi mà không rút ra được thì chiến tranh sẽ tràn lan, mà chiến tranh khi đã tràn lan rồi thì dù cho quân đội Mỹ có đánh thẳng tới Hà Nội đi nữa thì chúng ta vẫn thua như thường tại vì quân đội Trung Quốc nó sẽ vào vì nó không để cho mình tiến qua biên giới của nó. Vì vậy Miền Bắc sẽ chiến đấu đến cùng để không cho quân của Trung Quốc qua chiếm đóng Việt Nam.

Vì vậy nhìn về chiến lược thì hai ông Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu thấy rõ ràng cái nguy cơ tác hại cho cả miền Nam và miền Bắc. Hà Nội cũng có những đầu óc thông minh để mà hiểu rõ sự nguy hiểm khi chiến tranh lan rộng như thế. Đó là đồng thuận về tinh thần là làm sao phải làm dịu chiến tranh xuống để tránh việc tàn phá đất nước. Giữa Nam Bắc Việt Nam phải có sự hiểu biết và tìm giải pháp tránh chiến tranh. Muốn làm việc đó thì Việt Nam phải mạnh, không mạnh thì không nói chuyện được.

Qua sự trung gian của đại sứ Ấn Độ trong Ủy ban Đình chiến, và Đại sứ Pháp…qua các cuộc đi săn bắn của ông Nhu trên vùng biên giới hai bên đã có những cuộc chia sẽ, chưa hẳn là thương thảo nhưng đã liên lạc được với nhau rồi. Khi Mỹ nghe như thế thì họ nói chính phủ Ngô Đình Diệm phản thùng và nó đưa việc này ra cho mấy ông tướng lãnh Việt Nam bảo là ông Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu bán nước cho cộng sản, vì vậy anh phải lật đổ Ngô Đình Nhu, Ngô Đình Diệm đi để “cứu nước” không thì họ theo cộng sản, “bán đứng” các anh cho cộng sản….

Những đầu óc suy yếu của những anh tướng hữu dũng vô mưu không biết gì cả, nghe như thế lại tưởng rằng mình là người ái quốc ái quần, lật đổ Ngô Đình Diệm để cứu đất nước khỏi họa cộng sản.

Tôi đề nghị anh đọc cuốn sách “Robert Kennedy and His Time” của Arthur Schlesinger Jr. viết, trong đó có một chương nói về tình hình Việt Nam. (*)

Trong chương đó có viết Bùi Kiến Thành nói cái gì, Ngô Đình Diệm nói cái gì và Tổng thống Kennedy đã quyết định cái gì. Rất tiếc rằng Tổng thống Mỹ không thực hiện được. Tháng 9 năm 1963 Tổng thống Kennedy đã quyết định rút quân ra khỏi Việt Nam rồi nhưng do cuộc bầu cử năm 1964 nên không thể làm được cho nên chờ tới năm 64 sau khi bầu xong thì sẽ làm, nhưng rất tiếc vận hạn của nước ta và nước Mỹ là Kennedy bị bắn chết, Ngô Đình Diệm bị lật đổ Việt Nam đi vào cuộc chiến tranh tàn khốc do sự thiếu hiểu biết của một số người nông cạn của phía Mỹ cũng như Việt Nam.

Mặc Lâm:Xin cám ơn ông
 
Văn Hóa
Chuyện có thật 100%: Giáo Hoàng Tí Hon đoạt giải nhất tại Mỹ.
Trần Mạnh Trác
08:33 01/11/2015


Cuộc tông du Hoa Kỳ cuả ĐGH Phanxicô đã chấm dứt cả tháng rồi, nhưng hình như hình ảnh cuả Ngài vẫn chưa ngôi ngoai trong trí tưởng tượng cuả mọi người.

Dịp Halloween (hội vong hồn) đang diễn ra này, một chú bé tí hon mới một tuổi đã đóng bộ như một vị giáo hoàng, với đầy đủ mũ áo và cả chiếc xe popemobile trắng tinh, đã làm cho ông Obama không thể nín cười được, cười đến gập người lại, và lập tức tuyên bố "giải thượng đẳng" (top prize).

Mọi cơ quan truyền thông đã đăng tin lên trang nhất, làm lu mờ mọi khắc khoải cuả chiến tranh, tai nạn hoặc thiên tai đang diễn ra.

Chú bé là một trong hàng trăm con trẻ là những con cái cuả binh lính hoặc là học sinh quanh vùng được phép đi vào toà Bạch Cung để thực hành tập quán ''trick or treat?" (phá hay thưởng?) mà các trẻ em Mỹ ở khắp nơi cũng thực hành vào ngày 31 tháng 10, khi trời bắt đầu tối, bằng cách đi rảo quanh các ngôi nhà trong phố và hỏi chủ nhà "muốn phá hay muốn thưởng đây?". Trước câu hỏi đó, mọi người đều 'hối lộ' cho chúng một ít bánh kẹo để chúng bỏ đi an bình...

Trẻ em thường giả dạng ăn mặc như hồn ma ác quỉ, nhưng có khi cũng trang sức như những anh hùng hoặc tiên thánh. Thường thì những y phục ma quái là thịnh hành nhất vì đây là lúc tưởng niệm các vong hồn, trước ngày lễ Các Thánh cuả hôm sau.



Tại toà Bạch Cung, ông Obama và phu nhân đã đích thân phát bánh kẹo cho trẻ em, họ không ăn mặc giả dạng là một nhân vật nào cả, ăn mặc bình thường như ở nhà.

Nhưng như thế thì có thể bị lẫn lộn đấy, vì một em gaí học trò giả trang là bà Obama !
 
Tháng 11 cầu cho các Linh hồn
Jos. Vĩnh SA
11:59 01/11/2015
Người Công Giáo chúng ta, hàng năm dành riêng tháng 11 để cầu nguyện cho những người đã qua đời, cầu cho các đẳng linh hồn. Còn Phật Giáo thì có ngày Lễ Vu Lan, tảo mộ để cầu cho các vong hồn.
Đặc biệt người Công Giáo còn dành riêng, ngày mồng 02 tháng 11 là ngày Lễ Trọng, để khắp mọi nơi trên thế giới cùng hợp ý với giáo đô Vatican, cầu nguyện chung cho các linh hồn.
Trong ngày 02 tháng 11, các linh mục dâng 3 thánh Lễ. Trong 3 thánh lễ này, có một thánh lễ cầu nguyện cách riêng cho các chiến sĩ trận vong.
Bên Việt Nam, vào ngày 02 tháng 11, đa số các giáo xứ đều có tổ chức rước Thánh Giá từ trong nhà thờ ra nghĩa trang và cử hành Thánh Lễ ngay bên phần mộ của những người đã quá Cố.
Nghĩa trang của các xứ thường thiết kế một khu vực ở trung tâm nghĩa trang, có bàn thờ và Thánh Giá lớn bằng đá hoa cương, rất bền và đẹp, có thể chịu đựng được nắng mưa.
Tại Adelaide. Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam - Nam Úc cũng có thông lệ như vậy. Hàng năm cứ vào lúc 5 giờ 00 chiều, ngày mùng 02 tháng 11, có thánh lễ ngay trên nghĩa trang, khu Vườn Hồng, Wisteria Gardens của người Việt, trong Enfield Memorial Park.
Trong nghĩa trang, đôi khi gió lạnh, trời mưa, nhưng các tín hữu đồng hương vẫn tề tựu về đây rất đông, để tham dự Thánh Lễ cầu nguyện cho các thân nhân đang yên nghỉ dưới lòng đất.
Có nhiều gia đình mang theo cả vải bạt, trải lên thảm cỏ, ngồi chung quanh phần mộ của người thân, hướng về phía bàn thờ hiệp ý tham dự thánh Lễ.
Tôi đã có dịp qua Manila, Philipines, được thấy người dân Philipines đến ngày cầu nguyện cho các linh hồn, các gia đình đã bống bế nhau vào nghĩa trang, tổ chức những buổi pinic, cắm lều, trại ngay trên phần mộ của người thân qúa cố, họ cầu nguyện, ăn uống và ngủ nghỉ ngay bên phần mộ của người thân, một, hai ngày để tò tình thương mến, lưu luyến giữa thân nhân, họ hàng với người quá cố. Tập tục này rất hiếm có ở các quốc gia khác. Philipines là một quốc gia có 90% dân số theo đạo Công Giáo.
Người dân Úc chúng ta cũng có một một thông lệ rất hay, là đúng 11 giờ 00 trưa, ngày 11, tháng 11. Sẽ có tiếng còi hụ hoặc tiếng chuông báo, thì tất cả các văn phòng, các công xưởng ngưng làm việc, đứng dậy nghiêm chỉnh, cúi đầu, dành 1 phút để tưởng niệm cho những người quá cố và các chiến sĩ trận vong.
Hồi đó còn đi làm trong hãng xưởng, khi nghe tiếng còi hụ, thì mọi người đứng nghiêm, cúi đầu. Còn cá nhân tôi thì dành giây phút này đọc kinh “Vực Sâu” cầu cho các linh hồn.
Quê tôi ở bên VN, trước 1975 thì cứ đến ngày mồng 02 tháng 11, lúc 12 giờ trưa Cha Sở cho giựt chuông nhà thờ, để mọi người trong giáo xứ cùng hợp ý đọc kinh “Vực Sâu” cầu cho các linh hồn.
Tại nhà thờ, có người đọc trên Loa rất to, cho cả giáo xứ cùng đọc kinh theo. Bố mẹ tôi đang làm ruộng cũng ngưng tay làm dấu đọc kinh.
Tôi nghĩ, đây là một tập tục rất hay và có ý nghĩa, chúng ta nên bắt chước và làm theo truyền thống này. Các linh hồn nơi luyện ngục đang trông chờ lời cầu nguyện của chúng ta.
Theo kinh thánh của đạo Công Giáo, thì tất cả mọi người được sinh ra trên trần thế, ngay cả các em bé, đều mắc tội. Đó là tội tổ tông truyền, do ông Adong và bà Eva ăn trái cấm, bị phạm tội bất tuân lệnh truyền của Thiên Chúa, nên đã bị đuổi ra khỏi vườn địa đàng và bị đầy đọa lam lũ nơi trần gian, con cháu bị vạ lây. Cho nên, sau khi các em bé chào đời, thì được Cha Mẹ đưa đến nhà thờ rửa tội, để tẩy xóa tội Tổ Tông truyền.
Nếu chẳng may, có những em nhỏ chưa có trí khôn mà qua đời, đã được rửa tội, thì các em được Thiên Chúa đón về Thiên Đàng ngay, vì các em còn trong trắng thơ ngây.
Chúng ta không cần phải cầu nguyện cho các em, mà chính các em ở trên Thiên Quốc cầu nguyện cho chúng ta.
Sau này con cháu Adam và Eva sinh sản ra đông đúc, nên phát sinh ra nhiều tội lỗi. Nhất là từ khi chúng ta có trí khôn, chúng ta đã phạm rất nhiều tội.
Trong 10 điều răn của Thiên Chúa, coi như là hiến pháp của nước Trời, có những điều luật mà chúng ta rất dễ phạm, khó tránh khỏi, như: ích kỷ, tham lam, bác ái, yêu thương, hằn thù ghen ghét. Chúng ta trở thành những tội nhân lúc nào, không hay. Do đó khi qua đời, linh hồn chúng ta cần được thanh luyện, để tẩy sạch hết các tội đã phạm và mắc trên trần thế, trước khi được Chúa đưa về Thiên Quốc xum họp với các Thánh.
Theo tín lý của đạo Công Giáo, thì tất cả các tín hữu khi qua đời đều phải qua một cuộc thanh luyện, chúng ta thường nói nôm na là xuống Lửa Luyện Tội hay Luyện Ngục để chúng ta được thanh luyện, tẩy uế hết các tội mà chúng ta đã vướng mắc khi còn sống ở thế gian. Ngoài trừ Mẹ Maria, vì ngài là Mẹ của Thiên Chúa.
Tội nhân ở luyện ngục, hình thức cũng giống như một tù nhân ở trần gian, đang bị giam giữ trong nhà tù, chờ ra tòa án phân xử.
Đối với linh hồn của những người qúa cố, thì tòa án ở đây là trước tòa Thiên Chúa, Chúa sẽ phân xử chúng ta theo luật công minh theo tội, phúc đã làm, khi còn ở trần thế.
Tội nhân trong nhà tù, thì không thể tự bào chữa cho chính mình được, cần phải có thân nhân ở ngoài chạy chữa, nhờ luật sư để biện hộ cho tù nhân.
Cũng vậy các linh hồn còn đang thanh luyện trong nhà giam nơi luyện ngục. Họ cần chúng ta là những người thân còn sống, chạy đến nhờ mẹ Maria và các Thánh bầu cử.
Mẹ Maria và các Thánh là những vị luật sư giỏi, biện hộ cho các tội nhân trước toà Thiên Chúa khi Ngài phán xét. Xin quan tòa là Thiên Chúa giảm, thứ các hình phạt và sớm đón nhận họ vào nước Thiên Đàng.
Hồi đi tù cải tạo, một số cán bộ CS và những người bạn tù thờ ông bà, họ tranh luận với anh em Công Giáo chúng tôi là, người Công Giáo không thờ Tổ Tiên Ông Bà, như vậy là người Công Giáo bất hiếu đã quên lãng Ông bà Tổ Tiên.
Chúng tôi phản pháo lại ngay với họ: Trong các đạo hiện hữu trên trái đất này, thì Công Giáo là đạo hiếu thảo nhất trên thế giới.
Hiến pháp nước Trời “Mười điều răn của Thiên Chúa”, người Công Giáo đều phải thuộc nằm lòng.
Sau 3 điều răn Top Ten dành cho Thiên Chúa, thì điều răn thứ IV là dành cho Ông Bà, Cha Mẹ. Thứ Bốn: “Thảo kính cha mẹ”
Có cả tỷ người Công Giáo trên toàn thế giới. Hàng ngày, mỗi cá nhân, mỗi gia đình đọc kinh cầu nguyện, thì chúng tôi đều phải cầu nguyện cho các linh hồn, thân nhân, cha mẹ, ông bà, tổ tiên và các linh hồn đã qua đời. Cầu nguyện một cách liên lỷ, hết đời này qua đời khác.
Rồi hàng triệu, triệu các linh mục, giám mục trên toàn thế giới, bắt buộc phải dâng thánh lễ hàng ngày. Trong các thánh lễ, các linh mục, giám mục ngay cả Đức Giáo Hoàng nữa, phải đọc lời nguyện Thánh Thể, cầu nguyện cho Tổ Tiên Ông Bà, thân quyến và các linh hồn đã qua đời, lời nguyện sau đây:
“Xin nhớ đến tôi tớ Chúa là linh hồn............mà Chúa đã gọi ra khỏi đời này về với Chúa. Xin ban cho kẻ đã chết như Con Chúa, thì cũng được sống lại như Người.
Xin Chúa cũng nhớ đến anh chị em chúng con đang an nghỉ trong niềm hy vọng sống lại và mọi người đã qua đời. Đặc biệt các bậc tổ tiên, ông bà, cha mẹ và thân bằng quyến thuộc chúng con đã ly trần trong tình thương của Chúa. Xin cho hết thảy được vào hưởng ánh sáng Tôn Nhan Chúa
.
Như vậy người Công Giáo chúng ta rất hãnh diện là những người luôn hiếu thảo, biết nhớ ơn cội nguồn, cha mẹ, ông bà tổ tiên trong các giờ kinh nguyện hàng ngày. Các tôn giáo khác, chưa chắc đã nhớ đến người thân quá cố, hàng ngày như chúng ta.
Quan niệm ngày xưa của các cụ, đã mọc thêm ra lời nguyện: “Cầu cho các linh hồn mồ côi.”
Xin thưa! Thần học ngày nay đã xác định, không có linh hồn nào mồ côi cả. Vì trong giờ kinh nguyện và các Thánh Lễ, chúng ta đã có lời cầu nguyện cho “Các Linh Hồn” rồi.
Từ ngữ “CÁC” và “NHỮNG” bao gồm, không thiếu một ai, không chừa người nào. Vì thế trong các giờ kinh, chúng ta không cần phải đọc, cầu cho các “Linh Hồn Mồ Côi” nữa.
Mồ côi có nghĩa là không có người chăm nom, coi sóc. Đàng này “Các Linh Hồn” luôn được chúng ta nhắc nhớ và cầu nguyện trong các giờ kinh, các thánh lẽ hàng ngày. Như vậy là đã đủ.
Khi còn sống, chúng ta hãy cầu nguyện cho những người quá cố. Xin Thiên Chúa là Cha Nhân Từ giải thoát họ khỏi chốn luyện hình và đưa họ về hưởng phúc trên quê Trời. Mai sau đến lượt chúng ta qua đời, thì bạn bè, thân quyến cũng sẽ cầu nguyện cho chúng ta, vì “Sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ đó”
Triết gia Socrate trong tam đoạn luận có câu:
Tất cả mọi người đều phải chết
Vậy tôi là người
Tôi sẽ phải chết

Riêng cá nhân tôi, vào lúc 11 giờ 00 trưa, ngày 11, tháng 11. Tôi sẽ nhắc cả gia đình, dành 1 phút để dâng lời cầu nguyện:
Chúng con cậy vì danh Chúa Nhân Từ, cho “CÁC LINH HỒN” được lên chốn nghỉ ngơi
Hằng xem, thấy mặt Đức Chúa Trời sáng láng vui vẻ vô cùng”, AMEN
.


Jo. Vĩnh SA
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Chốn An Nghỉ
Vũ đình Huyến, Lm CMC
23:02 01/11/2015
CHỐN AN NGHỈ
Ảnh của Vũ đình Huyến, Lm. (CMC)
Tháng cầu hồn cổ mộ buồn than khóc
Lá trên cành bạc tóc tiễn nhau đi
Mùa thu đến lá rụng có nghĩa gì?
Tiếng kinh cầu cớ chi mong từng chút?
(Trích thơ của Trầm Hương Thơ)
 
VietCatholic TV
Giáo Hội Năm Châu 27/10 – 02/11/2015: Bạo lực khủng bố đe dọa toàn bộ nền văn hóa ở Trung Đông
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
06:45 01/11/2015
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hợp Quốc cho biết bạo lực, khủng bố đe dọa toàn bộ nền văn hóa ở Trung Đông

Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc ở New York đã cảnh báo rằng toàn bộ nền văn hóa đang bị đe dọa ở Trung Đông.

Phát biểu trong một phiên họp Hội đồng Bảo an về tình hình Trung Đông, Đức Tổng Giám mục Bernard Auza nói rằng “những kẻ cực đoan đang tìm cách tiêu diệt tôn giáo, các dân tộc và các nền văn hóa đã hiện diện ở Trung Đông trong nhiều thiên niên kỷ.”

Đức Cha Bernard kêu gọi sự chú ý đặc biệt đến hoàn cảnh của các Kitô hữu đang nằm trong tay bọn khủng bố Hồi Giáo IS. Ngài mạnh mẽ lên án bạo lực “hoàn toàn không đếm xỉa gì đến các điều khoản cơ bản nhất của luật nhân đạo quốc tế, và thực sự, là của nhân loại.”

Theo Đức Tổng Giám Mục cùng với những thiệt mạng về nhân mạng và những thương tích trên các nạn nhân, những dòng người tị nạn và những gia đình phải di dời trong vùng cũng phải được tính vào trong số những thiệt hại của bạo lực.

2. Hội Đồng Giám Mục Giám mục Ấn Độ lên án việc tấn công vào những người cùng đinh

Hội đồng Giám mục Công Giáo Ấn Độ lên tiếng than phiền về tình trạng bạo lực đối với những người cùng đinh tại quốc gia này sau cái chết của hai trẻ sơ sinh trong một vụ cháy ở bang Haryana.

Những người cùng đinh được coi là tiện dân trong hệ thống đẳng cấp Hindu.

Cha Raj Devasagaya nói với hãng tin Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc:

“Vụ án mạng gây ra cái chết của hai trẻ sơ sinh cùng đinh là một tội ác đáng ghê tởm. Các cuộc tấn công loại này xảy ra trên khắp Ấn Độ nhằm chống lại giai cấp cùng đinh, gồm những người nghèo nhất, yếu đuối và dễ bị tổn thương nhất tại Ấn Độ.”

“Giáo Hội Công Giáo tại Ấn Độ đứng về phía những người yếu nhất và đã gióng lên một tiếng nói với chính phủ và xã hội, kêu gọi bảo vệ và tôn trọng phẩm giá của những người nghèo và bị gạt ra ngoài lề xã hội”.

3. Giờ cầu nguyện đặc biệt cho hòa bình ở tất cả các giáo xứ thuộc tòa thượng phụ Giêrusalem

Hôm Chúa Nhật 25 tháng 10, một giờ cầu nguyện đặc biệt cho hòa bình kéo dài trong một giờ đã được tổ chức trong tất cả các giáo xứ thuộc quyền tài phán của tòa thượng phụ Giêrusalem, tức là trên toàn cõi Do Thái, Palestine và Jordan.

Người Hồi giáo và người Do Thái cũng được mời và được chào đón nồng nhiệt trong các buổi cầu nguyện. Sáng kiến này của Tòa Thượng Phụ Giêrusalem là để đáp ứng lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô cầu nguyện cho hòa bình tại Thánh Địa.

Trong một diễn biến liên quan, cảnh sát Israel đã bãi bỏ lệnh tạm thời cấm các thanh niên ra vào đền thờ Hồi giáo Al Aqsa trên Núi Đền. Hạn chế này đã được áp đặt vào tháng Chín để đối phó với một loạt các cuộc đối đầu bạo lực.

Trong một cố gắng làm dịu căng thẳng trong vùng, ngoại trưởng Mỹ John Kerry sau khi gặp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Berlin vào ngày thứ Năm 22 tháng 10, đã gặp Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas và Vua Abdullah II của Jordan tại Amman hôm thứ Bẩy.

Một thỏa thuận đã đạt được trong ngày, theo đó Jordan và Israel sẽ gắn những video nhằm giám sát 24 trên 24 khu vực Núi Đền để đảm bảo với người Palestine rằng hiện trạng không bị thay đổi và các lực lượng Israel không sách nhiễu các tín đồ Palestine.

Tuy nhiên, ngay sau khi thỏa thuận này có hiệu lực, hai kẻ tấn công Palestine đã đâm một người dân Israel trong vùng định cư của người Do Thái ở khu vực Tây Ngạn. Quân đội Israel đã bắn vào những kẻ tấn công, nhưng họ bỏ trốn được khỏi hiện trường.

Lực lượng an ninh Israel đã bắn chết một phụ nữ Palestine tại thành phố Hebron sau khi cô bị chặn lại vì có những hành động đáng nghi và đã lôi ra một con dao.

Trong ngày Chúa Nhật, một người Palestine đã đâm một thanh niên Israel gần khu định cư người Do Thái ở Ariel. Thanh niên người Israel bị thương và kẻ tấn công đã bỏ chạy nhưng sau đó bị bắt.

Palestine đã làm thiệt mạng 10 người Israel trong hơn 30 vụ đâm bằng dao, bắn súng và ném đá trong tháng này. Trong khi đó, hơn 50 người Palestine đã bị thiệt mạng trong các cuộc đụng độ với lực lượng an ninh của Israel, trong đó có ít nhất 19 người đã thiệt mạng sau khi tấn công người Israel.

4. Thông điệp của Đức Giáo Hoàng gởi Đại hội quốc tế về cha Matteo Ricci


Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh đã gửi một bức điện tín thay mặt Đức Thánh Cha Phanxicô đến Đức Cha Nazzareno Marconi, giám mục giáo phận Macerata, Italia nhân dịp Đại hội quốc tế về linh mục dòng Tên truyền giáo tại Trung quốc là cha Matteo Ricci, tổ chức bởi Đại học Macerata, Ý, và Viện Khổng Tử được thành lập bởi Bộ Giáo dục Trung Quốc.

Trong thông điệp, Đức Giáo Hoàng đánh giá cao các sáng kiến nhằm tạo thuận lợi cho các nghiên cứu chi tiết về công việc truyền giáo và hoạt động văn hóa của cha Ricci, sinh ra tại Macerata và một “người bạn thân thiết của người dân Trung Quốc.”

Đức Thánh Cha cũng hy vọng rằng “ký ức về con người nhiệt tình này của Giáo Hội, người đã tạo ra những thay đổi xã hội rộng lớn tại Trung quốc và dấn thân cho sự hiểu biết giữa các nền văn hóa châu Âu và Trung Quốc, có thể khẳng định tầm quan trọng của tiến trình đối thoại giữa các nền văn hóa và tôn giáo trong một bầu khí tôn trọng lẫn nhau và với một cái nhìn hướng tới thiện ích chung” .

Đại hội có chủ đề “Quan điểm mới trong nghiên cứu về cha Matteo Ricci”, là một sáng kiến được đề xuất bởi chủ tịch của Viện Khổng Tử và phó bộ trưởng Bộ Giáo dục Trung Quốc là Xu Lin trong chuyến thăm chính thức Macerata vào năm 2013, là một trong những diễn biến quan trọng nhất trong việc nghiên cứu về linh mục Ricci dòng Tên người Ý, sinh năm 1552 và qua đời năm 1610.

5. Tổng thống Iran Rouhani sẽ gặp Đức Thánh Cha Phanxicô


Tổng thống Iran Hassan Rouhani sẽ thăm Ý vào tháng 11. Đây là chuyến đi đầu tiên của ông tại một quốc gia thuộc Liên minh châu Âu, và sẽ gặp Đức Thánh Cha Phanxicô.

Thông tấn xã Reuters cho biết chuyến viếng thăm sẽ diễn ra trong hai ngày 14 và 15 tháng 11. Tổng thống Rouhani sẽ gặp Đức Giáo Hoàng, sau đó gặp Thủ tướng Ý Matteo Renzi và tổng thống Ý Sergio Mattarella. Các nhà lãnh đạo Iran dự kiến sẽ có mặt tại Paris từ ngày 16 đến ngày 18 tháng 11.

Ngoại trưởng Ý Paolo Gentiloni đã mời tổng thống Rouhani đến Rôma hồi tháng Tám vừa qua trong chuyến thăm Tehran.

Một số bộ trưởng châu Âu đã đến thăm Tehran kể từ khi một thỏa thuận đã đạt được hồi cuối tháng Bảy nhẳm kiềm chế chương trình hạt nhân của Iran đổi lại Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu đã tháo gỡ các biện pháp trừng phạt kinh tế Iran. Nước này luôn bác bỏ lo ngại của phương Tây là Iran muốn phát triển vũ khí hạt nhân.

Hoa Kỳ đã chấp thuận có điều kiện miễn trừ lệnh trừng phạt đối với Iran vào giữa tháng 10 vừa qua, mặc dù vẫn cảnh báo rằng việc miễn trừ sẽ không có hiệu lực cho đến khi Tehran hành động theo các thoả ước về hạt nhân.

6. Đại diện Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa gặp Đức Giáo Hoàng

Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp gỡ một vị giám mục Chính thống giáo Nga là người đã đưa ra một diễn từ bốc lửa tại Thượng Hội Đồng Giám Mục về gia đình khi ngài kêu gọi Giáo Hội Công Giáo chiến đấu với các trào lưu tư tưởng thế tục.

Cuộc gặp gỡ giữa Đức Giáo Hoàng và Đức Tổng Giám Mục Hilarion, Chủ tịch Ủy Ban Quan hệ đối ngoại của Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa đã diễn ra vào ngày 21 tháng 10 tại nhà nguyện Santa Marta.

Thông cáo báo chí sau cuộc gặp gỡ cho biết hai bên đã thảo luận “về các mối quan hệ song phương giữa Giáo Hội Công Giáo Rôma và Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa, cũng như tình hình ở Trung Đông, nơi các Kitô hữu đang bị các nhóm khủng bố bách hại.”

Trong diễn từ tại Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình, Đức Tổng Giám Mục Hilarion nói:

“Giáo Hội được kêu gọi để là hải đăng, là ánh đèn trong bóng tối của thời đại này”. Sau khi nói đến tình trạng muối đã mất hương vị thì chẳng còn tác dụng gì, ngài kêu gọi các giám mục Công Giáo phải kiên quyết phản đối các trào lưu tư tưởng thế tục. “Muối đã mất hương vị chính là các cộng đồng Kitô hữu Tin Lành, những người rao giảng những thứ đạo đức không tương hợp với những lý tưởng Kitô giáo” .

Đức Cha Hilarion cảnh báo rằng: “Các nhà lãnh đạo chính phủ ở một số nước châu Âu và ở Mỹ tiếp tục ủng hộ những chính sách nhằm hủy diệt của các khái niệm về gia đình. Vì thế, Giáo Hội Công Giáo và Chính Thống nên thống nhất với nhau trong việc chống lại những chính sách này.”

7. Đức Hồng Y người Venezuela nói lòng thương xót phải kêu gọi sự ăn năn, hối cải

Đức Hồng Y Jorge Urosa Savino của thủ đô Caracas, Venezuela nói Giáo Hội nên luôn luôn tỏ lòng thương xót của Thiên Chúa cho những người tội lỗi, bằng cách kêu gọi họ ăn năn.

Ngài nói: “Lòng Thương Xót mời gọi những người tội lỗi, và nó trở thành sự tha thứ khi một người ăn năn và thay đổi cuộc sống của mình”. Ngài đưa ra luận điểm rằng người cha của người con hoang đàng ôm anh ta vào lòng - nhưng chỉ khi người con trai ấy đã trở về nhà của mình.”

8. Tình trạng sức khoẻ của Đức Giáo Hoàng Danh Dự Bênêđíctô thứ 16

Trong một xuất hiện hiếm hoi trên phương tiện truyền thông, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 nói với biên tập viên của tờ báo Đức Bild Zeitung rằng: “Tôi cảm thấy mình trong sự hiệp thông gần gũi hơn với Thiên Chúa.”

Phóng viên của tờ Bild Zeitung nói Đức Giáo Hoàng Danh Dự Bênêđíctô thứ 16 “mặc một áo dài trắng đơn giản và mang một đôi dép màu nâu.” Hai năm sau khi thoái vị, Đức Thánh Cha có vẻ khỏe mạnh, và không có những dấu hiệu kiệt sức như trong những ngày cuối cùng của triều đại giáo hoàng của ngài.

Mặc dù bây giờ ngài phải chống gậy và đôi khi phải sử dụng xe tập đi, nhưng ngài vẫn duy trì một lịch trình thường xuyên cầu nguyện, đọc sách, nghe và chơi nhạc, và đến thăm hang đá Lộ Đức trong vườn Vatican để đọc kinh Mân Côi mỗi tối.

9. Quan điểm của Đức Tổng Giám Mục Denver, Hoa Kỳ về đề xuất của Đức Hồng Y Kasper.

Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình đã kết thúc hôm 25 tháng 10 tại Rôma. Tuy nhiên, cuộc tranh luận về khả thể cho người ly dị và tái hôn được rước lễ trong những trường hợp nhất định nào đó do Đức Hồng Y Walter Kasper, người Đức, đưa ra dường như chỉ mới bắt đầu tại Hoa Kỳ.

Đức Tổng Giám Mục Samuel J. Aquila cho biết quan điểm của ngài như sau:

Ý tưởng theo đó người Công Giáo phải được phép tái hôn và rước lễ đã không bắt đầu với lá thư của Giám Mục Kasper và các thành viên khác trong hàng giám mục Đức vào năm 1993. Hàng giám mục của một đất nước khác – là nước Anh – đã đi tiên phong trong việc thử nghiệm giáo lý Kitô giáo này gần 500 năm trước. Vấn đề lúc đó không phải là tái hôn và rước lễ của bất kỳ người Công Giáo nào, nhưng là vấn đề của nhà vua, vì vợ ông đã không sinh cho ông ta một đứa con trai để nối dõi tông đường.

Cũng giống như những ai ủng hộ cho những người ly dị và tái hôn dân sự được rước lễ, các giám mục Anh cảm thấy áy náy với chuyện chấp nhận thẳng thừng cho người ta được phép ly dị và tái hôn. Thay vào đó, họ chọn phương cách là bẻ cong pháp luật cho phù hợp với hoàn cảnh cá nhân của từng trường hợp, và Vua Henry VIII đã được phép “tiêu hôn” - trên cơ sở gian lận và không có sự chuẩn y của Rôma.

Nếu “các Kitô hữu trung bình không thể nào sống các nhân đức một cách anh hùng”, như Đức Hồng Y Walter Kasper đã tranh biện, thì vị vua của nước Anh lại càng không thể. Thêm vào đó, các vấn đề về hạnh phúc cá nhân của nhà vua và sự thịnh vượng của một quốc gia hình thành một lý luận thực dụng mạnh mẽ cho việc ly hôn của Henry. Và nhà vua thì không thể nào lại bị cấm không được rước lễ như là hậu quả của một cuộc hôn nhân bất thường.

Đức Hồng Y Wolsey của nước Anh và các giám mục nước này, với ngoại lệ là Đức Giám Mục John Fisher của giáo phận Rochester, đã hỗ trợ nỗ lực của nhà vua để tiêu hôn mối hôn nhân đầu tiên của ông – và đường hoàng tiến tới một cuộc hôn nhân thứ hai. Cũng như Đức Cha Fisher, Thomas More một giáo dân bình thường và là thủ tướng của nhà vua, đã từ chối hỗ trợ chuyện vô luân này của hoàng thượng. Cả hai đều chịu tử vì đạo - và sau đó được tuyên thánh.

Khi công khai tranh cãi rằng hôn nhân đầu tiên của nhà vua là bất khả tiêu, Đức Cha Fisher cho rằng “cuộc hôn nhân này của vua và hoàng hậu không thể bị tan loãng bởi bất cứ quyền lực nào, dù là con người hay thần thánh.” Khi đề ra nguyên tắc này, ngài biết rõ, ngài đã sẵn sàng mất đi mạng sống của mình. Ngài tiếp tục bằng cách ghi nhận rằng Thánh Gioan Tẩy Giả thấy rằng không có cái chết nào “vinh quang hơn là cái chết cho hôn nhân,” mặc dù hôn nhân lúc đó “không linh thánh như ngày nay nhờ máu của Đức Kitô.”

Giống như Thomas More và Thánh Gioan Tẩy Giả, Đức Cha Fisher đã bị chặt đầu, và cũng giống như họ, ngài được gọi là một “vị thánh”.

Tại Thượng Hội Đồng đang diễn ra ngay tại thời điểm này ở Rôma, một số giám mục Đức và những người ủng hộ họ đang đẩy mạnh đề xuất yêu cầu Giáo Hội cho phép những ai đã ly dị và tái hôn được rước lễ, trong khi các giám mục khác từ khắp nơi trên thế giới đang nhấn mạnh rằng Giáo Hội không thể thay đổi giáo huấn của Đức Kitô. Điều này đặt ra một câu hỏi: chẳng lẽ các giám mục Đức tin rằng các Thánh Thomas More và John Fischer hy sinh mạng sống của họ lảng xẹt à?

Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta, xuyên suốt sứ vụ của Ngài, rằng sự hy sinh anh hùng là yêu cầu được đặt ra cho những ai theo Ngài. Khi ta đọc Phúc Âm với một trái tim rộng mở, một trái tim không đặt thế giới và lịch sử lên trên Tin Mừng và truyền thống, người ta thấy cái giá phải trả để trở thành người môn đệ của Chúa Giêsu mà mỗi người được mời gọi. Các giám mục Đức nên đọc tác phẩm “The Cost of Discipleship” – “Giá phải trả của người môn đệ” của một Kitô hữu Tin Lành Luther tử đạo là Dietrich Bonhoeffer, vì những gì họ đang đề cao là những “ân sủng rẻ tiền” hơn là những “ân sủng đắt giá”, và họ thậm chí dường như gạt sang một bên những lời của Chúa Giêsu “Ai muốn theo Ta, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình, và theo Ta” (Mc 8:. 34; Lc 14:. 25-27, Ga 12: 24-26)..

Hãy suy nghĩ, chẳng hạn, trong trường hợp người phụ nữ ngoại tình mà người Pharisêu dẫn đến trước mặt Chúa Giêsu để gài bẫy Ngài. Việc đầu tiên Chúa làm là bảo vệ cô ta khỏi chết dưới tay những người tố cáo cô, và điều thứ hai Ngài làm là kêu gọi cô ta từ bỏ tội lỗi mình. “Hãy đi và đừng phạm tội nữa.”

Theo những lời dạy của chính Chúa Kitô, Giáo Hội Công Giáo luôn dạy rằng ly dị và tái hôn chỉ đơn giản là một danh xưng khác của tội ngoại tình. Và vì sự hiệp thông thánh thể chỉ được dành riêng cho những người Công Giáo trong tình trạng ân sủng, những người sống trong một tình huống bất thường không thể tham gia vào khía cạnh này của đời sống Giáo Hội, mặc dù họ luôn luôn nên được hoan nghênh trong giáo xứ và trong chính các Thánh Lễ.

Tháng Năm vừa qua, Đức Hồng Y Kasper tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn với tờ Commonweal rằng chúng ta “không thể nói đó là tội ngoại tình đang tiếp diễn” khi một hối nhân, đã ly dị cứ tiếp tục “quan hệ tình dục” trong một kết hiệp mới. Thay vào đó, ngài cho rằng “có thể miễn tội.”

Nhưng mà, Chúa Kitô thẳng thừng gọi tái hôn là ngoại tình và nói ngoại tình là tội lỗi (Mt 05:32, Mc. 10:12, Lc. 16:18). Trong trường hợp của người phụ nữ Samaritanô (Ga 4: 1-42), Chúa Giêsu cũng khẳng định rằng tái hôn không có giá trị, thậm chí khi được đi kèm với những cảm giác chân thành và trung thực.

Khi ta thêm vào cho phương trình này tỷ lệ thất bại cao của những cuộc tái hôn sau ly dị, Đức Hồng Y Kasper sẽ dẫn ta đến phương trời nào, khó ai dám nói. Ví dụ, nếu người ta được phép hiệp thông bí tích trong lần tái hôn thứ nhất, thế thì, những người tái hôn hai lần, hoặc ba lần thì sao? Và rõ ràng rằng các đối số đã dần dà nới lỏng lệnh cấm của Đức Kitô trên việc tái hôn liệu có dừng ở đó không hay lại bắt đầu lan tràn sang việc sử dụng những biện pháp tránh thai, hoặc bất kỳ các khía cạnh nào khác của nền thần học Công Giáo bị cái thế giới hiện đại, tự tham chiếu vào mình này coi là “khó khăn”.

Dự đoán trước điều này sẽ dẫn đến những chuyện gì nữa không nhất thiết là một vấn đề suy đoán tương lai, nhưng chỉ đơn giản là quan sát quá khứ. Chúng ta chỉ cần nhìn vào Giáo Hội Anh giáo, mở cửa - và sau đó chấp nhận- các biện pháp tránh thai trong thế kỷ 20 và trong hơn một thập kỷ qua đã cho phép ly dị và tái hôn trong những trường hợp nhất định.

“Kế hoạch B” của các giám mục Đức là làm “theo cách của riêng họ” ở Đức, nếu thất bại tại Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình, thậm chí nếu điều đó đi ngược với giáo huấn Giáo Hội, sẽ lâm vào những sai lầm tương tự như Anh giáo. Và, có một tương đồng đáng kinh ngạc với con đường của Anh Giáo. Hãy xem những lời của người đứng đầu Hội Đồng Giám Mục Đức, là Đức Hồng Y Marx, người đã nói với tờ National Catholic Register rằng trong khi Giáo Hội của Đức có thể vẫn còn hiệp thông với Rôma về tín lý, về phương diện chăm sóc mục vụ cho các cá nhân, “Thượng hội đồng không thể quy định cụ thể những gì chúng tôi phải làm tại Đức.” Henry VIII chắc chắn sẽ là người đồng ý nhất.

“Chúng tôi không chỉ là một chi nhánh của Rôma,” Đức Hồng Y Marx lập luận. “Mỗi hội đồng giám mục có trách nhiệm chăm sóc mục vụ theo nền văn hóa của họ và phải loan báo Tin Mừng theo cách độc đáo của riêng mình. Chúng tôi không thể chờ đợi cho đến khi một thượng hội đồng nói điều gì đó, vì chúng tôi phải thực hiện thừa tác vụ cho hôn nhân và gia đình ở đây.”

Các tín hữu Anh giáo cũng tìm cách để dành quyền tự chủ như vậy - dù với hệ quả ngày càng có thêm những chia rẽ trong nội bộ của họ và các nhà thờ của họ thì càng ngày càng trống vắng dần.

Không thể phủ nhận rằng Giáo Hội phải tiếp cận với những người đang trong tình trạng bên lề đức tin với lòng thương xót, nhưng lòng thương xót luôn luôn phải nói sự thật, không bao giờ dung túng tội lỗi, và phải nhận ra rằng Thánh Giá là trung tâm của Tin Mừng. Người ta có thể nhớ lại rằng Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II - được Đức Thánh Cha Phanxicô giới thiệu trong lễ tuyên thánh cho ngài là “Vị Giáo Hoàng của gia đình” - cũng đã viết nhiều về lòng thương xót, cống hiến toàn bộ một thông điệp về chủ đề này, và lập ra Chúa Nhật Kính Lòng Thương Xót. Đối với Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, lòng thương xót là một chủ đề trung tâm, nhưng phải được đọc trong bối cảnh của sự thật và Kinh Thánh, chứ không phải là chống lại.

Về chuyện tái hôn, và nhiều vấn đề khác, không ai có thể nói rằng giáo huấn của Giáo Hội, mà tối hậu là giáo huấn của Chúa Kitô, là dễ dàng thực hiện. Nhưng chính Đức Kitô đã không thỏa hiệp đối với những giáo huấn cốt lõi để giữ cho các môn đồ của Ngài khỏi bỏ mình đi nơi khác- dù đó là về Thánh Thể hay hôn nhân (Ga 6: 60-71; Mt 19: 3-12). Đức Cha John Fisher cũng đã không thỏa hiệp để giữ cho nhà vua đừng bỏ đạo Công Giáo.

Chúng ta không cần nhìn đâu xa cho một mẫu gương về vấn đề này. Hãy nhớ lại lời Đức Kitô và Thánh Phêrô trong chương 6 của Tin Mừng Gioan – đó là đoạn nhắc nhở chúng ta giáo huấn về Bí Tích Thánh Thể thường là khó chấp nhận ngay cả đối với các tín hữu.

“Thần khí mới làm cho sống, chứ xác thịt chẳng có ích gì. Lời Thầy nói với anh em là thần khí và là sự sống. Nhưng trong anh em có những kẻ không tin…Vì thế, Thầy đã bảo anh em: không ai đến với Thầy được, nếu Chúa Cha không ban ơn ấy cho. Từ lúc đó, nhiều môn đệ rút lui, không còn đi theo Người nữa.

Vậy Đức Giêsu hỏi Nhóm Mười Hai: ‘Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao?’ Ông Simôn Phêrô liền đáp: ‘Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời.’”

Là môn đệ, chúng ta được mời gọi để luôn luôn lắng nghe tiếng nói của Chúa Giêsu trước tiếng nói của thế giới, trước tiếng nói của nền văn hóa hay lịch sử. Tiếng nói của Chúa Giêsu làm sáng tỏ những bóng tối của thế giới và các nền văn hóa. Chúng ta hãy cầu nguyện rằng tất cả những ai liên quan sẽ biết lắng nghe lời của sự sống đời đời, dù khó khăn đến thế nào!