Ngày 06-10-2009
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Cảm Nghiệm Sống 91 - Tạo Hạnh Phúc Hôn Nhân & Gia Đình
Phó tế: JB Nguyễn văn Định
00:14 06/10/2009
TẠO HẠNH PHÚC HÔN NHÂN&GIA ĐÌNH

Cảm nghiệm Sống# 91 = Mc 10, 2-12

* Sách Sáng Thế: Đức Chúa là Thiên Chúa, lấy cái xương sườn đã rút từ con người ra, làm thành một người đàn bà và dẫn đến con người. Con người nói: “Phen này, đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi !...Vì thế người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt. (St 2, 22-23)

* Tin Mừng: Thiên Chúa đã làm nên con người có nam có nữ; vì thế người đàn ông sẽ cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt…Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly. (Mc 10, 6-9)

A- THẢM HỌA HÔM NAY: Các gia đình hôm nay đang bị đẩy vào một ngõ cụt, một vực thẳm. Vì họ: 1/ Ích kỷ chỉ lo hưởng thụ, quên người bạn đời của mình. 2/ Thiếu trách nhiệm: muốn người khác đáp ứng nhu cầu cho mình, còn mình thì bỏ bê, đổ lỗi tránh né. 3/ Không trung thành: sống gian dối, lật lọng, thất hứa.

B- THANH TẨY TÂM HỒN: Cái tâm tạo Thiên đàng, cái tâm cũng tạo địa ngục. Tâm nâng đỡ con người lên, cái tâm hạ thấp con người xuống. Chúa dạy: Vì tự lòng phát xuất những ý định gian tà, những tội giết người, ngoại tình, tà dâm, ghen tương, trộm cắp, làm chứng gian, vu khống.

C- TIN VÀO LỜI CHÚA: Nhờ Lời Chúa là ánh sáng dẫn dắt, cắt đứt mọi tư tưởng tiêu cực, xúc động thù nghịch. 1/Tôi không chao động trước cơn nóng giận của bạn đời. 2/ Tôi lấy cái tốt đáp lại cái xấu. lầy từ bi đối với hờn ghen. 3/ Lấy lòng nhẫn nhục đáp lại hung bạo, nóng giận. 4/ Tôi lấy tâm hoan hỉ đáp lại ganh tỵ, đê hèn, tranh chấp.

D- THỰC HIỆN YÊU THƯƠNG: Tôi thi hành Lời Thánh Phaolô khuyên về đức mến, 8 điều không được làm: “Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy gian ác; nhưng vui khi thấy điều chân thật. ( Cor 13, 4-6)

Tôi đã lập gia đình được 10 năm, hai mươi năm, ba mươi năm...Cái gì làm tôi hạnh phúc nhất? Cái gì làm tôi đau khổ nhất ?. Dù thời gian cưới nhau lâu hay mau, tôi vẫn nhớ:

1/ Đẹp mãi trong thể xác: Anh đừng lấy vợ rồi để người ta nói: Cuí đầu lạy Chúa Ba Ngôi. Con lấy được vợ con thôi nhà thờ. Chị cũng đừng bận rộn bếp núc gia đình, để rồi người ta chê: Gái một con trông mòn con mắt, gái hai con vú quặt đằng sau.

2/ Đẹp trong tâm hồn: Luôn nhường nhịn nhau:

Chồng giận thì vợ bớt lời;

Cơm sôi bớt lửa một đời không khê.

Luôn biết nghe nhau: Vì: Một nhà hai chủ không hoà, hai vua một nước ắt là không yên

3/ Đẹp trong hài ước: cho cuộc sống bớt căng thẳng:

Chồng giận thì vợ làm lành, miệng cười hớn hở rằng anh giận gì.

Thưa anh giận em chi? Muốn cưới vợ bé em thì cưới cho.

4/ Đẹp trong sống đạo: Giữ tính bất khả phân ly của Hôn phối:

Xét ra trong đạo vợ chồng, cùng nhau nượng tựa đề phòng nắng mưa. Hay là khiêm tốn giúp nhau: Vì chàng thiếp phải bắt cua, những như thân thiếp thiếp thiếp mua ba đồng. Hoặc là: Với Chúa mọi chuyện đều xong, quên Chúa long đong tối ngay. Và với Đức Mẹ giúp thì: Với Mẹ mọi lẽ đều xuôi, qủy ma đừng hóng thò đuôi rờ vào. * Mẹ Têrêsa nói: Tình yêu phải bắt đầu từ trong gia đình, và từ đó tới những người hàng xóm, những người cùng phố, cùng thôn xóm với mình. * Và bạn đừng quên lời hứa với bạn mình trước Cộng đoàn và Linh mục, Phó tế đại diện Giáo hội:

Anh… nhận em làm vợ, và hứa sẽ giữ lòng chung thuỷ với em, khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi bệnh hoạn cũng như lúc mạnh khỏe, để yêu thương và tôn trọng em mọi ngày suốt đời anh. (và vợ cũng nói ngược lại)

Kết luận: Muốn noi gương Gia đình Thánh Gia, sống hạnh phúc bền lâu, vợ chồng cần nhớ áp dụng 3 chữ CÙNG như sau: CÙNG tha thứ cho nhau – CÙNG ăn cơm chiều với nhau – CÙNG cầu nguyện chung với nhau. Và nhớ câu Ca dao: Em ơi chua ngọt đã từng, Non xanh nước bạc ta đừng quên nhau.

Phó tế: GB Nguyễn văn Định * johndvn@yahoo.com
 
Huyền Nhiệm của Tình Yêu
Tuyết Mai
09:01 06/10/2009
Có ai cắt nghĩa được tình yêu? Cho được rành mạch cho được tỏ tường? Tưởng tượng từ ngàn xưa cho đến ngày nay, bao nhiêu bộ sách, bao nhiêu bộ phim, bao nhiêu thơ, bao nhiêu ngòi bút đã được viết về tình yêu, nhưng có phải tình yêu trên chỉ cho chúng ta cảm nhận một phần mà thôi, không đầy đủ ý nghĩa và cảm xúc chính xác cho bằng con tim của chúng ta cảm nhận được, thưa có phải không anh chị em!?? Công nhận Đấng Thượng Đế là Thiên Chúa Cha của chúng ta Ngài vô cùng toàn năng, đã ban tặng cho nhân loại của chúng ta có được trái tim có khả năng Yêu có cường độ thật mãnh liệt, hơn bất cứ mọi trái tim của các loài thọ tạo mà Thiên Chúa đã dựng nên.

Ai đã từng yêu và được yêu tôi thiết nghĩ là đều hiểu được rằng, trái tim ấy sẽ có thể làm được tất cả, cho người mình yêu. Vâng, thưa tình yêu ấy cao quý và cao đẹp lắm! Một tình yêu chỉ biết hy sinh, chịu thiệt thòi, chịu nhịn nhục, chịu bị người đời xỉ vả bảo rằng mình ngu ngốc và khờ dại. Một tình yêu có thể thật trong trắng cho một lý tưởng mà trên trần gian này không thiếu người đã từng sống cho nhau. Một tình yêu mà có thể không dựa trên một điều kiện nào cả! Như bài hát mà chúng ta thường được nghe trước 75 và cho đến bây giờ là "Tình cho không biếu không". Phải đấy, thưa anh chị em, khi chúng ta yêu nhau thật tình, thì quả tình yêu ấy đã thật sự có giá trị hơn mọi thứ trên đời mà có tiền cũng không có thể mua được. Tôi dám chắc điều đó! Vì thật sự bây giờ trên thế giới có biết bao nhiêu người là tỷ phú và triệu phú, mà không có tiền để mua được tình yêu mà họ ao ước. Chúa ban cho chúng ta quả có một trái tim rất đặc biệt và rất là nhiệm mầu. Mọi thứ trên trần gian người giầu có đều có thể mua được, nhưng họ lại không thể mua được trái tim của người mà họ yêu say đắm. Yêu khùng yêu điên. Yêu ngây dại. Yêu như thể thôi miên họ được, mà tâm trí như không thể nào làm được việc gì, nếu một ngày mà không trông thấy người họ yêu. Nhưng có phải người quân tử thì phải làm sao để cho người mình yêu đáp trả lại tình yêu của mình mà không dùng bạo lực, không dùng đồng tiền, không dùng mánh mung hay sự nham hiểm của mình để mà chiếm đoạt, thì đấy mới gọi là tình yêu đích thực, vì tình yêu của mình được đáp trả, và là tự nguyện.

Cuộc đời của chúng ta ai cũng trải qua ở lứa tuổi của yêu đương, của mơ mộng, của thơ thẩn vì tình yêu. Khi yêu, bất cứ người nào cũng có thể trở thành một thi sĩ bất đắc dĩ. Khi yêu không biết làm thơ, thì làm thơ con cóc để gởi cho người mình yêu mà chẳng biết xấu hổ là gì!? Nhưng có phải khi yêu chẳng mấy ai để ý lắm về sự vụng dại của người kia, mà chỉ tiếc rằng nếu mình không được nhận thơ con cóc ấy thì đêm về lại thiếu miếng giấy của người, để mà ủ ấp, để mà mộng mơ. Ấy! Yêu ai thì anh có nói năng cà lăm hay vấp chữ cũng chẳng sao!? Tôi không biết cái thời nay các bạn trẻ yêu nhau ra sao, chứ cái thời xưa mấy cô làm bộ làm rớt sách để được các chàng nhặt dùm lên, để khi nhận sách thì có sự cố ý đụng chạm nhau, cũng thật thú vị anh chị em nhỉ! Mắt nhìn mắt, rồi thì hay tay của mỗi người cứ cầm đó mà không ai muốn buông cả! Ôi chao, sự trao đổi ấy, tôi thiết tưởng chàng và nàng chẳng ai mà tối đó về nhà mà ngủ được cả! Rồi thì sau đó là những lần hẹn hò thật kín đáo để trao đổi nhau cuốn sách, để về trao đổi những lời thơ tràn ngập những yêu đương, nhưng thơ chỉ là thơ mượn của những nhà thơ nổi tiếng, chứ chẳng dám viết gì trái tim của mình muốn nói, nhưng phải hiểu là nàng và chàng đã thuận lòng nhau!?

Tình yêu của tuổi trẻ là thế! Còn tình yêu khi lấy nhau khi tuổi các con còn nhỏ thì sao nhỉ!? Ấy, cũng mơ mộng lắm chứ thưa phải không anh chị em!? Còn gì bằng khi đã cho các con chúng lên giường thì vợ chồng có những phút chia sẻ với nhau, chuyện trong sở, chuyện con cái đứa này đứa kia chúng làm được gì!? Tình yêu vợ chồng càng trở nên thật đằm thắm khi cả hai cùng được chia sẻ với niềm vui trẻ thơ của các con. Có phải con cái là hạnh phúc Chúa ban!? Có phải con cái là sự ràng buộc của tình yêu vợ chồng mà cả hai đã cầu khẩn mới có được!? Có phải nếu không có chúng thì chúng ta sẽ buồn chán lắm không!? Nhất là các ông đi làm về, có chúng con chạy thi ra mà đón bố. Các ông dù làm việc mệt nhọc thân xác và tâm trí cỡ nào, thì không thể không vui nhộn lên, khi được các con chúng ra đón. Một căn nhà hạnh phúc không thể thiếu tiếng trẻ con trong nhà được. Chúng là niềm vui. Chúng là sự thơ ngây và trong trắng. Có chúng, chúng sẽ chia sẻ với chúng ta tất cả sự trẻ thơ, giúp chúng ta quên đi cuộc sống mạnh bạo và gian dối ngoài đời. Chúng giúp chúng ta bớt đi sự căng thẳng, giành giựt, bon chen, tranh đấu, chộp giựt, thù hận, ghen ghét với người. Có chúng, giúp chúng ta phải sống làm sao để noi gương cho con cái. Nhờ sự có mặt của chúng trong đời, mà đã giúp chúng ta rất nhiều về sự ăn ở sử thế với người và với đời. Có chúng, giúp chúng ta trở về nguồn cội là Thiên Chúa, bởi nếu chúng ta yêu con thật sự, chúng ta không muốn con cái chúng sau này trở nên con người xấu xa trong gia đình và ngoài xã hội. Chúa ban cho chúng ta có con cái thứ nhất là giúp cho chúng ta có một cuộc sống hạnh phúc như một gia đình Thánh Gia. Thứ hai Chúa muốn giao trách nhiệm cho chúng ta để dậy dỗ chúng nên người, để khi chúng lớn, Chúa sẽ giao cho chúng trách nhiệm mà khả năng riêng của mỗi trẻ sẽ làm gì sau này, để giúp ích cho xã hội, cho tha nhân. Tưởng tượng xem một đứa trẻ là một tương lai sáng lạng cho bao nhiêu người chung quanh chúng. Nào là bác sĩ, dược sĩ, y tá, kỹ sư, linh mục, sơ, thương gia tốt lành, các ngành nghề,. ... Mỗi người lãnh một chức vụ, mỗi người có một trọng trách, mà tất cả đều phải nhờ vào sự hướng dẫn và dậy dỗ của cha mẹ. Mà sự vừa dậy và vừa dỗ dành các em đây, không phải là chửi mắng và đánh đập chúng đâu! Đấy không phải là thượng sách và thích hợp cho ngày nay.

Còn Tình Yêu cao siêu mà Chúa ban dành riêng cho các linh mục, các sơ, và các tu sĩ nam nữ, lại càng đặc biệt hơn nữa cơ! Đó là Tình Yêu các ngài được lãnh nhận từ Trên của Chúa Thánh Linh. Tình Yêu ấy, luôn rực nóng, luôn cháy bỏng, nên các ngài mới có thể làm được mọi sự việc cho tha nhân, mà không một sức mạnh của con người thường có thể gánh vác được. Tưởng tượng các ngài cao quý này, ai cũng phải có cha mẹ thưa có phải không anh chị em? Nếu các ngài không có cha mẹ, biết hy sinh cuộc sống riêng của mình, thì làm sao chúng ta có thể có được các ngài để trở thành những chủ chiên tốt lành, hướng dẫn, chèo lái, dậy dỗ, đem Lời của Chúa đến cho chúng ta, và Thánh Thiện nhất là đem lại cho chúng ta của ăn nuôi dưỡng linh hồn, là Mình và Máu Thánh Chúa Kitô, Chúa chúng ta!???

Vâng, Tình Yêu muôn mầu, muôn hình thức, muôn sắc, muôn vẻ, của một trái tim siêu nhiên, mà Thiên Chúa đã ban cho con người, thật là nhiệm mầu, mà chính Chúa Giêsu Ngài cũng có một trái tim như chúng ta vậy! Chỉ khác là Trái Tim của Ngài Giêsu luôn khao khát để yêu tất cả mọi người trên thế gian, không chừa một ai. Nhưng chúng ta đã đang tâm từ chối lãnh nhận Tình Yêu độ lượng của Ngài mà Trái Tim của Ngài đã bị đổ máu, đã toác rộng ra, và đã không còn một giọt máu vì cây giáo đã đâm thủng sâu, vì tội lỗi của chúng ta.

Nguyện xin Chúa Giêsu ban cho tất cả chúng con có Trái Tim giống Chúa. Trước Kính Yêu và thờ phượng một Thiên Chúa Ba Ngôi toàn năng và hằng hữu, sau Yêu người như mình ta vậy! Ngoài Tình Yêu vợ chồng, con cái, những người họ hàng thân thuộc mà chúng con phải có trách nhiệm với. Amen.
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
15:50 06/10/2009
KHẢNG KHÁI CỦA CON VOI

N2T


Con của gấu bị bệnh phải mỗ lập tức, nên cần một món tiền bảo đảm, gấu vội vàng đi khắp nơi hỏi để vay mượn.

Nó cầu cứu sự giúp đỡ của con voi, voi khảng khái nói:

- “Không thành vấn đề, hai ngày sau, thì vừa đúng lúc tôi có tấm ngân phiếu đến kỳ, tôi nhất định giúp đỡ”.

Qua hai ngày sau, con voi đem tiền đến biếu cho nhà gấu, nhưng gấu nói nó không cần nữa, bởi vì con nó đã chết, con voi lấy làm tiếc nói với tê giác:

- “Tôi đã nói rồi, tôi nhất định phải giúp họ”.

Tê giác cảm khái thở dài:

- “Một đồng hôm nay, hơn hẳn trăm đồng ngày mai vậy”.

(Trích "Chuyện ngụ ngôn cho thời hiện nay")

Suy tư:

Đem tiền gởi vào ngân hàng thì không mất mà lại còn được lời, một lời hai, hai lời ba…

Còn ân phúc thì làm sao cho có lời, mà lời gấp hai gấp ba ?

Thưa, đem ân phúc của chúng ta mà gởi cả cho người nghèo, người cần chúng ta giúp đỡ, bởi vì chính họ là những ngân hàng của chúng ta. Khi chúng ta giúp đỡ cho ai một ly nước lã mà thôi, thì cũng được Thiên Chúa trả lại gấp đôi, đạo lý này thì rất rõ ràng, nhưng mấy ai thích đem tiền của của mình gởi vào những ngân hàng ấy!

Tôi còn nhớ một câu chuyện ngụ ngôn đại khái như sau: có một con cọp bị thương, đang nằm rên la đau đớn, bác tiều phu nghèo khổ thấy vậy bèn cứu chữa cho nó, sau khi nó lành thì chạy vào rừng… … bác tiều phu ngày ngày đi lấy củi trong rừng trở về, và ngày nào cũng đều thấy một miếng thịt rừng to tổ bố giữa nhà, đó chính là sự trả ơn của con cọp...

Thú dữ mà cũng biết trả ơn như thế, huống gì là Thiên Chúa lại không biết sao?

Xét cho cùng, người nghèo khó và người bất hạnh đều là những người làm ơn cho chúng ta, họ là những ngân hàng để chúng ta gởi công phúc vậy.

-------------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.myblog.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
15:51 06/10/2009
N2T


75. Con người ta mò mẫm tiến bước trong vũng bùn lầy nhỏ bé thấp hèn, thì có thể nhận rất rõ ràng bản thân mình và tội lỗi của mình, và cũng có thể tìm được báu vật khiêm tốn.

(Thánh Alphonsus de Liguori)
 
Mỗi ngày một câu cách ngôn
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
15:53 06/10/2009
N2T


247. Tất cả các ý nghĩa của cuộc sống chính là ở tại nơi việc hiến thân cho sự nghiệp cao quý, chính là ở tại nghệ thuật chí cao vô thượng.

 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Không tả không hữu
Vũ Văn An
00:32 06/10/2009
Đã từ lâu, Đức Bênêđíctô XVI cho người ta thấy Kitô Giáo không tin các “đấng” thiên sai chính trị. Và tuần vừa qua, ngài nhắc ta nhớ Đấng Thiên Sai thực sự chỉ là Chúa Kitô, Đấng giúp ta ảnh hưởng tới chính trị một cách hợp đạo đức.

Thực vậy, lời nói của ngài tại Cộng Hòa Czech, một quốc gia đang kỷ niệm 20 năm thoát ách Cộng Sản, có nhiều hệ luận quan trọng đối với toàn cõi Âu Châu và lục địa Mỹ Châu, hai nơi có lịch sử gắn liền với Kitô giáo.

Tại buổi gặp gỡ đại kết vào Chúa Nhật, Đức Giáo Hoàng nhận định rằng: “Cùng lúc với việc lắng nghe lịch sử Kitô Giáo, Âu Châu cũng nghe được chính lịch sử của mình. Ý niệm của Âu Châu về công lý, tự do và trách nhiệm xã hội, cùng với các định chế văn hóa và luật lệ lập ra để bảo toàn các ý niệm trên và truyền chúng lại cho các thế hệ tương lai, đều đã được lên khuôn bởi gia tài Kitô Giáo của mình”.

Sau đó, Đức Giáo Hoàng cho hay: không được đẩy Kitô Giáo ra bên lề xã hội. Tự do tôn giáo phải được bảo vệ, và Kitô Giáo phải có tiếng nói trên diễn đàn công, để lên khuôn lương tâm cho lục địa và mang lại sự nhất trí luân lý. Ngỏ lời với các viên chức chính phủ vào hôm Thứ Bẩy, Đức Giáo Hoàng cho hay: “Tôi muốn nhấn mạnh vai trò không thể thay thế của Kitô Giáo trong việc đào tạo lương tâm cho từng thế hệ và cho việc cổ vũ sự nhất trí căn bản về luân lý từng phục vụ mọi con người đang gọi lục địa này là nhà”. Rồi ngài nhận định rằng: các tín hữu nên luôn luôn tới với chính trị từ quan điểm Kitô giáo của mình, chứ không được đặt Kitô giáo dưới các giải thích chính trị. Ngài nói: “Không bao giờ nên để sự nhạy bén đối với chân lý phổ quát bị che mờ bởi quyền lợi đặc thù, bất kể các quyền lợi này quan trọng ra sao, vì làm thế sẽ chỉ dẫn tới những điển hình mới của tan vỡ hay kỳ thị xã hội, điều mà chính các nhóm quyền lợi hay nhóm vận động hậu trường có ý định vượt qua”.

Phía bên kia

Theo Anderson, Hiệp Sĩ Columbus Tối Cao, điều Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô nói về Âu Châu cũng đúng cho cả Mỹ Châu nữa. Ở đó, các Kitô hữu cũng phải đem chân lý Kitô giáo mà ảnh hưởng tới việc đào luyện lương tâm cho các quốc gia của họ.

Cùng ngày với Đức Giáo Hoàng lên tiếng về nhu cầu phải có tiếng nói công cho tôn giáo và đạo đức tại công trường ở Prague, một nghị luận hội về tự do tôn giáo cũng được tổ chức tại Mexico City. Nghị luận hội này thảo luận lịch sử và tương lai của tự do tôn giáo tại bán cầu Mỹ Châu.

Tại Mỹ Châu cũng như tại Âu Châu, toàn bộ lịch sử của lục địa chỉ là lịch sử của những người được rửa tội trong Kitô giáo. Tại Mỹ Châu, mỗi quốc gia đều được Kitô hữu thành lập, mà phần đông là Công Giáo, và điều cũng quan trọng là mỗi quốc gia, kể cả Hoa Kỳ và Gia Nã Đại, đều có một truyền thống Công Giáo mạnh mẽ.

Và đức tin tại Mỹ Châu vẫn còn rất sinh động, kể từ ngày Đức Cha Zumárraga, giám muc tiên khởi của Mễ Tây Cơ, cho tới những công trình quan yếu vì tự do tôn giáo ở Hợp Chúng Quốc do John Carroll và muôn vàn người khác thực hiện. Ngày nay, Giáo Hội Công Giáo đã trở thành một phần trong kinh nghiệm Mỹ Châu, và cả lương tâm Mỹ Châu nữa, từng bước lại từng bước, bất kể vấn đề là dân quyền, tự do tôn giáo hay quyền sống. Thực vậy, sự đóng góp của Giáo Hội vào trật tự xã hội của bán cầu Mỹ Châu đã xẩy ra khắp hang cùng ngõ hẻm.

Và theo lịch sử, đặt cơ sở trên chân lý bất biến, sự đóng góp của Giáo Hội cho lương tâm nhà nước không bị giới hạn vào nơi chốn, quốc gia, kiểu thức cai trị, hay ý thức hệ chính trị của những người cầm quyền. Đôi khi, sứ điệp này được hoan nghinh mà nhiều lúc nó được truyền giảng với một giá rất đắt.

Nhìn về phía trước

Như thế, liệu tương lai chính trị tại Âu Châu và tại Mỹ Châu sẽ phải như thế nào?

Theo Hiệp Sĩ Anderson, ta nên bắt đầu sét xem giáo huấn xã hội Công Giáo có thể thông tri ra sao cho toàn bộ cương lĩnh chính trị của hai lục địa này. Nói cách khác, Kitô giáo phải được cộng vào nền đạo đức học chính trị của nhà nước, và phải được phép làm như thế. Và chúng ta phải canh chừng chống lại cơn cám dỗ chỉ muốn áp dụng một cách lọc lựa nền giáo huấn xã hội Công Giáo ấy để hỗ trợ cho các quan điểm nào thích hợp, tiện lợi.

Ta nên bắt đầu bằng cách nhớ rằng trước khi có phe tả hay phe hữu, đã có Phúc Âm từ lâu rồi, và sau khi các nhãn hiệu chính rị kia lui vào quên lãng, Phúc Âm vẫn còn đó. Như những người có đức tin đối mặt với những con người chính trị, tất cả chúng ta đều có trách nhiệm phải bảo vệ Phúc Âm khỏi bị thao túng bởi bất cứ thứ triết lý chính trị nào, kể cả triết lý chính trị của ta.

Tuần trước tại Cộng Hoà Czech, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô đã giải thích rằng một nền tảng dựa vào Chúa và một tìm kiếm cũng như dấn thân đối với các chân lý phổ quát chính là chìa khóa đưa ta vào tự do thực sự và một nền cai trị công chính. Đã từ lâu, Đức Giáo Hoàng vẫn nhấn mạnh như thế. Tại Liên HIệp Quốc năm 2008, ngài đã nói như vậy, mà trở lui trong cuốn sách năm 1987 của ngài tựa là “Giáo Hội, Đại Kết và Chính Trị”, viết vào lúc chủ nghĩa Cộng Sản đang bắt đầu tan rã tại Âu Châu, ngài cũng viết tương tự như thế.

Ngài mời gọi chúng ta tiếp tục điều được triết gia Pháp, Jacques Maritain, vốn gọi là một trong các thành tựu vĩ đại nhất của Kitô Giáo trong xã hội hiện đại. Đó là việc “phúc âm hóa lương tâm thế tục”. Ngài kêu gọi chúng ta, như ngài đã kêu gọi vào tuần trước ở Prague, trở nên những người “ngày nay, trên xứ sở và lục địa này, tìm cách áp dụng đức tin của họ vào khu vực công một cách kính cẩn nhưng cương quyết, với ước mong rằng các qui phạm và chính sách xã hội sẽ được hướng dẫn bởi ý muốn sống theo chân lý vốn là thứ giải phóng mọi người đàn ông và mọi người đàn bà”.

Tiếp tục việc phúc âm hóa lương tâm này trong khung cảnh tân phúc âm hóa, chính là nhiệm vụ Kitô hữu chúng ta. Các chính khách và công dân có lương tâm ở cả hai bên Đại Tây Dương nên lưu ý điều đó. Ta phải phúc âm hóa nền văn hóa của ta, và phải lo lắng sao để tự do tôn giáo được bảo vệ chứ không để nó bị đẩy ra bên lề bởi một nền văn hóa chỉ biết coi chủ nghĩa thế tục duy tương đối là chìa khóa dẫn người ta vào thứ tự do giả tạo, phù phiếm.

Khi tìm kiếm tự do và tìm cách thăng tiến các quốc gia và các lục địa ta đang sống, ta nên nhớ lời của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô nói cuối tuần qua: “Tự do tìm kiếm mục đích: nó đòi phải có xác tín. Tự do đích thực giả thiết phải tìm kiếm chân lý, tìm kiếm sự thiện đích thực, và qua đó, tìm được thoả mãn chỉ vì biết được và làm được điều đúng và điều công chính. Nói cách khác, chân lý chính là qui phạm điều hướng để tìm ra tự do, và điều thiện chính là sự hoàn thiện của tự do. Đối với Kitô hữu, chân lý có tên là Thiên Chúa. Còn điều thiện có mặt là Chúa Giêsu”. Đó chính là trọng trách Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô trao cho chúng ta. Bây giờ, tùy chúng ta có lưu ý tới lời của ngài và sẵn sàng hành động hay không ngõ hầu tận mắt nhìn thấy và đóng góp phần mình vào việc xây đắp văn minh tình thương.

Vai trò của Giáo Hội trong đời sống công

Trên đây là các nhận định của Ông Anderson, Hiệp Sĩ Tối Cao của Hội Hiệp Sĩ Columbus. Các chủ đề được vị Hiệp Sĩ Tối Cao này đề cập đã được Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô lặp lại khi tiếp kiến Ông Miguel Humberto Díaz, tân đại sứ Mỹ tại Tòa Thánh, ngày 2 tháng Mười vừa qua. Ngài nhấn mạnh với Ông Đại Sứ Mỹ vai trò của Giáo Hội trong việc giáo dục và đào luyện lương tâm các công dân, như một đóng góp tích cực và có thực chất vào sinh hoạt công dân và tranh luận công cộng.

Nhân dịp này, Đức Giáo Hoàng cho hay tự do là một hồng phúc, đồng thời cũng là lời mời ta nhận trách nhiệm. Duy trì tự do luôn nối kết chặt chẽ với việc tôn trọng sự thật và việc mưu cầu sự triển nở nhân bản chân chính. Ngài nói: “cuộc khủng hoảng trong các nền dân chủ hiện nay đòi ta phải dấn thân như mới vào cuộc đối thoại hợp lý để nhận ra các chính sách khôn ngoan và công chính biết tôn trọng bản tính và phẩm giá con người”.

Ngài cho hay: tại Hoa Kỳ, Giáo Hội đã đóng góp vào việc nhận thức ấy bằng cách giáo dục và đào luyện lương tâm. Nhờ thế, Giáo Hội đã đóng góp đáng kể và tích cực vào sinh hoạt công dân và cuộc tranh luận chung của nước này. Ngài nhấn mạnh: “Ở đây, tôi đặc biệt nghĩ tới nhu cầu cần phải có những nhận thức rõ về các vấn đề có liên quan đến việc bảo vệ nhân phẩm và tôn trọng quyền sống bất khả nhượng từ lúc tượng thai cho đến lúc chết tự nhiên”. Ngài cũng quả quyết: Giáo Hội cần phải hướng dẫn các vấn đề như việc “bảo vệ quyền phản đối lương tâm của các nhân viên chăm sóc sức khỏe, và nói chung của mọi công dân”. Về phương diện này, ngài nhấn mạnh đến “mối liên kết không thể bẻ gẫy giữa đạo đức học về sự sống và các khía cạnh khác của đạo đức học xã hội”.
 
ĐGH Benedictô XVI: “Hãy cầu nguyện và trợ giúp nạn nhân thiên tai tại Thái Bình Dương, khu vực Đông Nam Á”
Alfonsô Hoàng Gia Bảo
10:10 06/10/2009
Benedict XVI nhớ lại những cơn sóng thần tại các đảo Samoa và Tonga, trận động đất ở Sumatra; cơn bão Ketsana ở Philippin, Việt Nam, Campuchia và Lào. Ngài cũng cầu nguyện cho các nạn nhân lũ lụt tại Sicily.

Vatican City (AsiaNews – 04/10/2009) Trong ngày mừng kính thánh Angelus hôm nay, ĐTC Benedict XVI đã nhắc nhớ mọi người về tình cảnh dân chúng nhiều nước đã bị ảnh hưởng bởi thiên tai tại Thái Bình Dương, trong khu vực Đông Nam Á và ở Ý khi mong mỏi "tình đoàn kết và tương trợ quốc tế là không nên thiếu đối với những người anh chị em của chúng ta”.

ĐTC nói những suy nghĩ của tôi lúc này đang hướng đến những dân tộc ở vùng Thái Bình Dương và Đông Nam Á vừa bị sự hung hãn bởi các thảm họa thiên nhiên tấn công những ngày qua: sóng thần tại các đảo Samoa và Tonga, các cơn bão ở Philippin mà sau đó cũng đã ảnh hưởng đến Việt Nam, Lào và Campuchia, trận động đất tàn phá ở Indonesia.

Những thiên tai này đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng đối với cuộc sống biết bao người, nhiều người mất tích, mất nhà cửa và thiệt hại vật chất ở diện rộng.

Tôi cũng nghĩ về tình cảnh khổ đau mà nhiều người đang phải chịu do lũ lụt ở quần đảo Sicilia, đặc biệt là ở khu vực Messina.

Tôi mời gọi tất cả các bạn tham gia cùng tôi cầu nguyện cho các nạn nhân và thân nhân của họ.

Tôi luôn gần gũi một cách thiêng đối với tất cả những ai cuộc sống họ đang chịu những xáo trộn và khổ đau, cầu xin Thiên Chúa đoái thương đến họ.

Trận động đất tại Sumatra đã giết hại hàng ngàn và tiêu huỷ toàn bộ thành phố, số nạn nhân của trận động đất và sóng thần tại các đảo Samoa và Tonga đã lên đến hơn 180 người, cơn bão nhiệt đới Ketsana đã khiến cho hàng trăm người chết ở Philippin, Việt Nam, Lào và Campuchia. Tại Sicile lũ lụt đã để lại ít nhất 22 người chết.

(Nguồn http://www.asianews.it/index.php?l=en&art=16495&geo=5&size=A Alf. Hoàng Gia Bảo lược dịch)
 
Hình ảnh mừng Tết Nhi Đồng tại Giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, Garland, TX
Trần Mạnh Trác
11:24 06/10/2009
Khối Giáo Dục Giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp mỗi năm đều tổ chức Tết Trung Thu cho các em thiếu nhi trong và ngoài Gx (Gx có 900 học sinh ghi danh các lớp Giáo Lý và Việt Ngữ), các em được phát kẹo bánh, bong bóng và lồng đèn do các vị hảo tâm và doanh thương trong vùng tặng.

Đây là dịp để các em trổ tài văn nghệ với nhiều tiết mục muá, hợp tấu, hợp ca mà các em đã cùng nhau tập dượt từ nhiều tuần trước. Những sinh hoạt như vậy giúp các em ý thức, yêu mến và duy trì những tập quán Việt Nam tốt đẹp cuả mình mặc dù được sinh ra và lớn lên ở Hải Ngoại.

Năm nay trời đổ mưa bất ngờ, tuy nhiên không vì thế mà ngày lễ cuả các em bị huỷ bỏ. Sân khấu trong hội trường đã được trang hoàng vội vã, và tuy chật chội nhưng không khí Tết vẫn đầm ấm và vui nhộn.

Hy vọng năm sau, khi trường học và hội trường mới đã xây xong thì các em sẽ có nơi sinh hoạt thoải mái hơn.







































 
Phục vụ Hòa bình ở châu Phi
Phụng Nghi
11:47 06/10/2009
Giáo hội Công giáo ở châu Phi đang trải nghiệm qua một giai đoạn lớn mạnh mau chóng nhất trong suốt 2000 năm lịch sử Kitô giáo. Năm 1900, có lẽ chỉ có khoảng 1.9 triệu người Công giáo ở vùng châu Phi hạ Sahara. Ngày nay con số này là 160 triệu. Hai mươi phần trăm số chủng sinh trên thế giới hiện nay đang tu học tại châu Phi. Kể từ Hội nghị Đặc biệt kỳ I về Phi châu của Thượng hội đồng các Giám mục năm 1994 đến nay, đã có trên 250 giám mục được tấn phong, 70 giáo phận mới được thành lập.

Sự lớn mạnh xét theo con số thật là ngoạn mục và sinh hoạt giáo xứ ở nhiều nơi rất mạnh, nhưng mọi định giá về phẩm chất của đời sống giáo hội cũng phải xét đến ảnh hưởng những người Công giáo tạo ra trong xã hội. Đó là điều mà Hội nghị Đặc biệt kỳ II về Phi châu của Thượng hội đồng các Giám mục đang thực hiện trong các buổi họp tại Roma từ ngày 4 đến 25 tháng 10 năm nay với chủ đề “Giáo hội tại châu Phi phục vụ Hòa giải, Công lý và Hòa bình.” Như tài liệu chuẩn bị của Thượng hội đồng đề nghị: “[giáo hội] không được thu vào cái vỏ của mình mà sống… Phải can đảm tiến lên… thi hành sứ vụ của mình ad gentes.”

Tài liệu chuẩn bị cho Thượng hội đồng chỉ ra những tiến bộ về chính trị và xã hội nơi một số quốc gia như Ghana, Liberia, Rwanda và Nam Phi. Ước nguyện khắp nơi muốn có dân chủ và một chính phủ tốt hơn, vẫn còn mạnh mẽ, mặc dầu trong nhiều nước thực tế những điều đó vẫn còn xa vời. Bất ổn và xung đột vẫn còn triền miên ở Zimbabwe và Sudan, trong những cuộc tranh chấp bộ tộc tại miền đông Congo, và tại Somalia, nơi một chính phủ mong manh vẫn còn cố bám víu. Quốc gia đông dân nhất châu Phi là Nigeria, đang khổ đau vì nạn bạo hành triền miên ở vùng Châu thổ Niger và vì cảnh bất lực của chính quyền quốc gia ở khắp nơi. Sự suy thoái kinh tế toàn cầu đã tạo thêm gánh nặng cho những người nghèo khó ở châu Phi. Con số người nghèo khổ càng ngày càng tăng, gồm cả những người tỵ nạn môi trường đang trốn chạy những vùng đất hoang khô cằn gây ra rõ rệt bởi sự tăng nhiệt toàn cầu. Sau cùng, tuy Trung quốc là đối tác đầu tư mới của châu Phi, nhưng nước này hoạt động theo một mô hình kinh tế lạm dụng các tài nguyên thiên nhiên cũng như lao động địa phương rẻ mạt.

Một dấu hiệu tích cực là sự dấn thân của người Công giáo trong việc mưu tìm hòa bình. Nhiều giám mục châu Phi đã dẫn dầu các sáng kiến tạo lập hòa bình tại địa phương và trong cả nước. Thêm vào đó, các cơ quan quốc tế như Catholic Relief Services và Caritas Internationalis đã, cùng với những hoạt động lịch sử để cứu trợ và phát triển, đã có thêm những nỗ lực xây dựng hòa bình. Cộng đồng Sant’Egidio, đã giúp chấm dứt cuộc nội chiến ở Mozambique năm 1992, nay đang hoạt động tại Dakfur và vùng phía đông Congo. Tuy nhiên, hoạt động xây dựng hòa bình muốn có kết quả phải cần để cho các sáng kiến của giáo hội đi xuống được tận cơ sở hạ tầng. Phải có các ủy ban về hoà bình và công lý hữu hiệu trong các xứ đạo, trong các giáo phận, để nói lên những vấn đề nhân quyền – đặc biệt là quyền của phụ nữ - để chuẩn bị và giám sát cho những cuộc bầu được cử tự do và công bằng, để phản đối các vụ tham nhũng trong chính quyền và trong thương vụ.

Khắp cả thế giới người ta càng ngày càng xác tín rằng châu Phi phải tự mình giải quyết những khó khăn của mình, và cũng có những chống đối càng ngày càng nhiều những sự can thiệp từ bên ngoài vào. Các giám mục tin rằng những giải pháp cho các khó khăn của châu Phi phải đến từ châu Phi. Một mặt, nếu tiếp tục dựa vào cộng đồng quốc tế, Liên hiệp quốc, và các tổ chức quốc tế phi chính phủ, để giải quyết những vấn đề của châu Phi, thì kết quả tạo ra chỉ là một sự tùy thuộc què quặt. Mặt khác, các chính quyền ở châu Phi càng ngày càng nghi ngờ rằng Responsibility to Protect (Trách nhiệm Bảo vệ), một nguyên tắc do LHQ và do Đức giáo hoàng Benedict XVI đề xướng ra, sẽ mời gọi các cường quốc xen vào nội bộ châu Phi. Nhưng, sự thật cho biết, các binh sĩ bảo vệ hòa bình của Liên hiệp Phi châu chỉ đạt được những thành quả hạn chế khi đối phó với những tình huống khủng hoảng. Những sự mạng này đã thiếu thốn về trang bị và nhân sự, quyền ủy nhiệm và những luật lệ về can thiệp thì hẹp hòi, tất cả đã ngăn chận không cho hoạt động được hiệu quả.

Thêm vào đó, trong một số trường hợp, đặc biệt là ở Zimbabwe và Sudan, các nhà lãnh đạo châu Phi đã chứng tỏ một thái độ thiếu thiện chí, không muốn giải quyết những vụ gây rối ngay trong những vùng lân cận. Nói đến nhu cầu hòa bình trong vùng, điều khôn ngoan đối với Thượng hội đồng là nhắc nhở các nhà lãnh đạo châu Phi về giảng huấn của Đức giáo hoàng Benedict XVI trong thông điệp mới nhất của ngài, Caritas in Veritate, rằng Trách nhiệm Bảo vệ bắt đầu bằng trách nhiệm của các chính quyền đối với công ích trong từng nước của các vị đó. Chỉ thất bại khi thi hành nhiệm vụ đó mới mời gọi sự can thiệp từ bên ngoài, hoặc khu vực hoặc quốc tế. Đồng thời, cộng đồng quốc tế cần được nhắc nhở đến nhiệm vụ của nó là yểm trợ các hoạt động can thiệp nhân đạo bằng những sự tiếp tế đầy đủ và cung ứng thẩm quyền hợp pháp thích nghi để bảo vệ người vô tội, ngăn chận bạo lực và kiến tạo hòa bình.

Xin dùng lời ghi trong tài liệu làm việc của Thượng hội đồng: “Sứ mạng phục vụ hòa bình sẽ bao gồm công tác xây dựng hòa bình trong mỗi thành phần của thân thể Đức Kitô, để mỗi cá nhân trở thành người nam người nữ mới, có khả năng dấn thân vào tiến trình hòa bình ở châu Phi.” Khi mà con số người Công giáo tiếp tục gia tăng nhanh chóng tại châu lục này, thì giáo hội đồng thời phả tăng cường các nỗ lực phục vụ hòa giải, công lý và hòa bình.

Nguồn: Tạp chí America



 
Cuộc triển lãm cảm động về các nữ tu HK đã bắt đầu tại Dallas
Trần Mạnh Trác
16:44 06/10/2009
(Theo The Texas Catholic)Họ là những người làm cách mạng, hay ít ra là những nhà doanh nghiệp liều lĩnh.

Họ cũng là những nhà giáo dục và nhân viên y tế, là những người sáng tạo đi tiên phong trong việc ủng hộ và cải cách chăm sóc sức khoẻ.

Và bây giờ họ đến lại với chúng ta qua các hiện vật, tài liệu, thư tín trong một cuộc triển lãm có tên là "Phụ nữ & Tinh thần: Các nữ tu Công giáo tại Mỹ," (Women & Spirit: Catholic Sisters in America,”) với những câu chuyện kể lại đời sống cuả các nữ tu Công Giáo tại Hoa Kỳ - kể từ lúc khởi đầu xa xưa tại một trạm buôn bán trên sông Mississippi cho tới những thời gian hiện đại trên khắp 50 tiểu bang.

Cuộc triển lãm di động, được tài trợ bởi Hội nghị lãnh đạo nữ tu, liên kết với bảo tàng viện Cincinnati, kể những câu chuyện thường bị quên lãng của các nữ tu Công giáo và sự đóng góp của họ cho nền văn hóa và lịch sử của Hoa Kỳ.

Cuộc triển lãm, chiếm tầng thứ ba của Women’s Museum at Fair Park ở Dallas sẽ mở cửa cho đến ngày 13 tháng 12.

Hơn 300 người, trong đó có nhiều nữ tu từ nhiều nhà dòng, đã tham dự buổi tiệc khai mạc ngày 24 tháng 9. Thay mặt cho Giáo phận Dallas, Đ.Ô. Milam Joseph, cha chánh địa phận, đã cảm ơn các nữ tu về những đóng góp của họ.

"Đây là một triển lãm diệu kỳ nói lên tất cả những gì là tôn giáo," ngài nói. "Nó phản ánh tiếng nói ngôn sứ của những gì thuộc bản chất Giáo hội Công giáo."

Các nữ tu Công Giáo bắt đầu hiện diện tại quốc gia này vào năm 1727 khi một nhóm 10 nữ tu dòng Ursuline đến vùng New Orleans ngày nay. Họ mở một trại trẻ mồ côi và sau đó là trường học.

Và khi đất nước này vươn ra khỏi biên giới hoang dã, khi các doanh nghiệp bắt đầu phát triển, những thể chế hành chính và đô thị được thành lập; thì các nữ tu Công giáo, theo lời yêu cầu của giám mục địa phương, bắt đầu mở thêm trại trẻ mồ côi, trường học và bệnh viện để phục vụ một dân số ngày càng tăng.

Khi làn sóng di dân Công Giáo của châu Âu đã đến đất nước này để tránh nạn chuyên chế tôn giáo và khủng hoảng kinh tế, các nử tu cũng ở với họ, sống và làm việc tại những cộng đồng. Họ giúp bệnh nhân, người chết và kẻ bị thương. Khi các nhân viên y tế khác sợ không dám đến gần những người có bệnh đậu muà hoặc sốt xuất huyết (small pox or scarlet fever), hoặc những thương binh, thì các nữ tu Công Giáo đã ở đó.

Cuộc triển lãm kể ra nhiều câu chuyện, trong đó có một lá thư của Tổng thống Thomas Jefferson gởi các nữ tu Ursulines sau khi HK mua Louisiana, ông nói với họ rằng đất của họ được an toàn không bị can thiệp hay sát nhập từ chính phủ.

Cuộc triển lãm này cũng cho biết nhiều câu chuyện của các đấng lập dòng, từ chuyện trở lại đạo cuả cô Elizabeth Ann Seton nghèo khó đã thành lập dòng các Nữ Tu Bác Ái (Sisters of Charity), và trở thành vị thánh bản địa đầu tiên được phong thánh, đến câu chuyện của một cô giàu có Katharine Drexel, sáng lập ra dòng Nữ Tu Thánh Thể (Sisters of the Blessed Sacrament) và là công cụ giáo dục cho người Mỹ gốc da đỏ và gốc Phi Châu.

Triển lãm này cũng kể về câu chuyện của những nữ tu dòng Biển Đức ở Duluth đã ban hành "vé Lumberjack" để bảo hiểm y tế cho những tiều phu tại các Bệnh viện Biển Đức tại tiểu bang Minnesota. Nhưng những vé này cũng có những dòng chữ “nhỏ” nữa, "Vé không bảo hiểm: bịnh điên... các bệnh mãn tính và lây nhiễm. .. chấn thương phát sinh từ say rượu, đánh lộn, boxing và đấu vật" Cũng có một điều khoản giới hạn các điều kiện đã có trước..

Đáng buồn thay, triển lãm cũng kể về câu chuyện của 10 nữ tu dòng Ngôi Lời Nhập Thể (Sisters of the Word Incarnate), đã thiệt mạng cùng với 93 trẻ mồ côi khi cơn bão biển phá hoại Galveston vào năm 1900. Khi xác các nữ tu được tìm thấy, một vài trong số họ có trẻ em trong cánh tay của mình, họ đã ràng buộc với nhau bằng dây thừng trong một nỗ lực để ở lại với nhau.

Để biết thêm thông tin về triển lãm xin truy cập www.womenandspirit.org.

Để biết giờ mở cửa, chỉ dẫn lái xe xin truy cập www.thewomensmuseum.org.
 
Một Giám mục hầm trú tại Trung Hoa qua đời ở tuổi 91
LM. Phạm Vinh Sơn
17:02 06/10/2009
Đức Giám Mục Lâm Tích Lê (giáo phận Ôn Châu, Trung Quốc) qua đời

đúng dịp kỷ niệm ngày được tấn phong Giám Mục.


(UCAN, tin từ Ôn Châu, Trung Quốc) Đức Giám Mục Lâm Tích Lê, Giám mục Ôn Châu (tỉnh Triết Giang, Trung Quốc) đã an nghỉ trong Chúa, hưởng thọ 91 tuổi. Ngày vị giám mục “hầm trú” (không được chính phủ Trung quốc công nhận) qua đời cũng chính là ngày ngài kỷ niệm 17 năm được tấn phong Giám mục.

Các linh mục GP Ôn Châu dâng lễ cầu nguyện cho Đức Cố Giám Mục Lâm Tích Lê
Đức Giám mục Lâm Tích Lê, vị Giám mục hiệp thông với Đức Thánh Cha, được đưa từ bệnh viện về nhà thờ Thất Lý Cảng (thành phố Nhạc Thanh, giáo phận Ôn Châu) vào lúc giữa khuya ngày 4 tháng 10, và lúc chiều tối cùng ngày thì ngài qua đời. Thành phố Nhạc Thanh cách thành phố Ôn Châu 45 km về phía Đông Bắc.

Theo những người thạo tin của Giáo hội nói với UCAN, lễ tang của Đức Cha Lâm Tích Lê sẽ được cử hành vào ngày 10 tháng 10 tại nhà thờ Thất Lý Cảng, địa điểm cử hành tang lễ là “do nhà nước chọn”.

Họ nói, từ lúc tin tức Đức Cha lâm bệnh nặng vào cuối tháng 9 được lan truyền ra bên ngoài, tình hình của giáo phận Ôn Châu rất căng thẳng. Một trang web tên là “Thiên Nhân sắc hồng kiều” (Cầu vồng bảy sắc Thiên Nhân) thuộc giáo phận Ôn Châu, ngay khi Đức Cha vừa qua đời, đã đăng tải cáo phó, tiểu sử của Đức Cha, một số tấm hình của ngài trước lúc lâm chung vài ngày, cho đến các bài phúng điếu của tín hữu từ các tỉnh gửi về; nhưng ngay sau đó, trang mạng này đã bị nhà nước lập tức đóng cửa.

Cũng theo lời của những người thạo tin này, chính quyền địa phương rất lo lắng, nếu như Đức Cha Lâm qua đời trước hoặc đúng ngày 1 tháng 10, tức ngày quốc khánh lần thứ 60 của CHND Trung Hoa, thì có thể dẫn đến một số bất ổn trong xã hội, bởi vì sẽ có một số lớn tín hữu, nhất là các tín hữu “hầm trú” nhất định sẽ đến viếng linh cữu của Đức Cha.

Giáo phận Ôn Châu có khoảng 120.000 tín hữu, trong đó có không ít người đang làm việc và kinh doanh ở khắp nơi trong nước. Có tin cho biết, một số tín hữu đang làm việc ở các tỉnh ngoài Ôn Châu bày tỏ ý muốn sẽ trở về quê để tham dự tang lễ của Đức Cha.

Những người thạo tin lại cho biết thêm, người thân và giáo dân của Đức cha Lâm đều mong muốn tang lễ của Đức Cha được cử hành theo đúng lễ nghi dành cho Giám mục, nhưng đều bị chính phủ không chấp nhận.

Từ sau khi Đức Giáo hoàng Biển Đức 16 gửi lá thư mục tử cho Giáo hội Trung Quốc, 19 giáo sĩ thuộc Giáo hội công khai và 18 giáo sĩ thuộc Giáo hội hầm trú đã có những nỗ lực thúc đẩy các quan hệ hòa giải.

Ủy ban Tang lễ do Cha Tổng Đại diện Chu Duy Phương (thuộc Giáo hội công khai) làm chủ tịch, và Cha Tổng đại diện Thiệu Chúc Mẫn (thuộc Giáo hội hầm trú) làm phó chủ tịch.

Cha Thiệu Chúc Mẫn (46 tuổi) nói với UCAN, Đức cha Lâm Tích Lê là “một vị mục tử ôn hòa và thánh thiện”, cách làm việc của ngài thì ung dung mà không vội vã. Cha nhớ lại khi một linh mục hay giáo dân góp ý kiến với Đức cha về vấn đề gì đó, nếu ngài không đồng ý thì ngài thường mỉm cười mà không nói gì, lúc ấy “chúng tôi liền biết rằng tự mình có vấn đề, liền đó xin ý kiến chỉ giáo của ngài”.

Đức cha Lâm Tích Lê sinh năm 1918 tại Lạc Thanh, 31 tuổi gia nhập chủng viện giáo phận Ninh Ba; thụ phong Linh mục năm 1944, cùng năm đó, ngài nhập học tại Trường Đại học Công giáo Phụ Nhân tại Bắc Kinh.

Năm 1948, sau khi tốt nghiệp đại học, ngài trở về giáo phận Ninh Ba đảm nhận công tác mục vụ, đồng thời làm hiệu trưởng Trường trung học của Giáo phận, cho đến năm 1950 khi tình hình chính trị diễn biến phức tạp, ngài được Đức Giám mục Giáo phận Ninh Ba là Đới An Đức (Andre Jean Francois Defebvre) đặt làm Đại diện Giám Mục. Năm 1949, Tòa Thánh thiết lập giáo phận Vĩnh Gia (tên cũ của giáo phận Ôn Châu), nhưng đặt dưới quyền giám quản của Giám mục giáo phận Ninh Ba.

Nhưng lúc bấy giờ cha Lâm Tích Lê, vào năm 1955, do bị ghép tội danh “phản cách mạng” nên bị tuyên án 16 năm tù và lao động cải tạo. Từ lúc được phóng thích, từ năm 1971 đến 1978, cha hành nghề sửa giày để kiếm kế sinh nhai, đồng thời phát triển công việc mục vụ tại thành phố Nhạc Thanh; từ năm 1978, ngài đảm nhận công việc quản trị giáo xứ Nhạc Thanh, đồng thời hiệp lực hồi phục lại ngôi nhà thờ cũ nát và sau này thì xây dựng ngôi nhà thờ mới như hiện nay.

Ngày 4 tháng 10 năm 1992, ngài được tấn phong trong vòng bí mật làm giám mục tiên khởi của giáo phận Ôn Châu. Giáo hội địa phương dưới sự lãnh đạo của ngài đã nhanh chóng phát triển. Năm 1998, ngài phải lẩn tránh khắp nơi vì bị chính quyền lùng bắt, nhưng một năm sau đó ngài bị nhà nước phát hiện và bắt giam trong một “nhà khách”.

Từ năm 2000 đến nay, Đức cha Lâm Tích Lê trước sau bị giam lỏng tại hai ngôi nhà thờ ở Ôn Châu, trong thời gian này ngài phải nhiều lần nhập viện để điều trị chứng bệnh Alzheimer. Đức cha Lâm trong năm năm cuối đời do bệnh tình càng ngày càng trở nặng nên luôn phải nằm viện. Theo tin của các tín hữu, trong suốt thời gian dài vừa qua, công an luôn giám sát ngài rất cẩn mật, “thậm chí cho đến lúc ngài đã qua đời họ vẫn giữ thái độ như thế”.

(Dịch từ bản tiếng Hoa)
 
Bước ra khỏi cái bóng của chiến tranh lạnh
Peter Nguyễn Minh Trung
17:03 06/10/2009
VATICAN (CNA) - Tòa Thánh sẽ dùng ảnh hưởng của mình mà làm cho thế giới hiểu rằng chiến tranh lạnh và những thái độ của nó đã chấm dứt: Đã đến lúc khép lại vũ trang hạt nhân và bắt đầu bước tới sự tin tưởng lẫn nhau.

Giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa Thánh, cha Federico Lombardi, S.J đã khẳng định điều đó khi ngài trình bày suy tư trên chương trình truyền hình của Vatican "Octava Dies".

Hôm 24-09-2009, Đức Tổng Giám Mục Dominique Mamberti, Bộ trưởng Ngoại Giao Tòa Thánh, cũng có bài phát biểu trước Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc về chiến tranh lạnh.

Cha Lombardi tái xác nhận: "Ngày nay, các can gián hạt nhân có từ thời chiến tranh lạnh không còn phù hợp nữa."

Trong bài phát biểu trước Liên Hiệp Quốc, Đức TGM Mamberti khuyến khích việc giải trừ quân bị và không phổ biến vũ khí hạt nhân, ngài nói rằng vũ trang hạt nhân chỉ làm hủy hoại địa cầu mà chúng ta đang sống.

Tuy nhiên, theo quan sát của cha Lombardi, cha nói rằng hiệp ước chống phổ biến vũ khí hạt nhân đã không có hiệu quả vì thiếu chữ ký của những nước chủ chốt, những quốc gia với khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân cao.

Việc đi đến một hiệp ước khung chung chống phổ biến loại vũ khí có sức tàn phá này là một câu trả lời rõ ràng cho những đe dọa và rủi ro về chiến tranh hạt nhân, khủng bố bằng vũ khí hạt nhân trong tương lai, và là tiền đề thúc đẩy việc giải trừ quân bị.

Trong bối cảnh đó, cha Lombardi cổ vũ cho một thế giới xoay chiều, từ "bầu khí đe dọa" trở thành "bầu khí tin cậy, hợp tác."

Cha nhấn mạnh: "Chỉ bằng cách đó người ta mới có thể thúc đẩy hòa bình và sự phát triển của các dân tộc được đảm bảo."

Cha Lombardi cho rằng "việc giải trừ quân bị hoàn toàn" là lời kêu gọi được Đức Thánh Cha Benedict XVI truyền tải trong thông điệp mới đây nhất của ngài gửi cho cộng đồng quốc tế và Liên Hiệp Quốc, ngài nài nỉ mọi người mạnh dạn bước đến và chấp nhận khái niệm "đại gia đình các dân tộc", cùng nhau hợp tác vững mạnh.

Người phát ngôn Tòa Thánh khẳng định: "Giáo hội sẽ lặp lại lời kêu gọi ấy một cách không mệt mỏi."
 
Thượng Hội Đồng Giám Mục Phi châu kỳ II (1)
LM Trần Đức Anh OP
19:18 06/10/2009
VATICAN. Sáng ngày 5-10-2009, THĐGM Phi châu kỳ 2 đã nhóm khóa họp khoáng đại đầu tiên tại Hội trường THĐGM thế giới ở nội thành Vatican, trước sự hiện diện của ĐTC cùng với các nghị phụ, các dự thính viên, các đại biểu Giáo Hội Kitô anh em.

Công nghị GM Phi châu này đã được long trọng khai mạc sáng chúa nhật 4-10 vừa qua với thánh lễ do ĐTC Biển Đức 16 chủ sự cùng với 239 nghị phụ và 55 linh mục tại Đền thờ Thánh Phêrô.

Phiên họp bắt đầu lúc 9 giờ sáng với kinh Chúa Thánh Thần và kinh giờ Ba. ĐHY Francis Arinze, người Nigeria, nguyên Tổng trưởng Bộ Phụng Tự và kỷ luật bí tích và là 1 trong 3 HY Chủ tịch thừa ủy đã chủ tọa phiên họp. Cách đây 15 năm, cũng ĐHY Arinze đã chủ tọa phiên họp khoáng đại đầu tiên của Thượng HĐGM Phi châu kỳ I vào ngày 11-4 năm 1994.

Suy niệm của Đức Thánh Cha

Trong bài suy niệm ứng khẩu, ĐTC đã dựa vào Thánh Ca của kinh giờ Ba để giải thích việc cầu xin 3 hồng ân chủ yếu của Chúa Thánh Linh. Hồng ân thứ nhất là tuyên xưng, được hiểu như một sự nhìn nhận thân phận bé nhỏ của con người trước Thiên Chúa, từ sự bé nhỏ yếu đuối đó nảy sinh tất cả những tật xấu phá hủy hệ thống xã hội và an bình trên thế giới. Sự tuyên xưng ấy cũng là một lời cảm tạ Thiên Chúa vì những ơn lành của Ngài và đồng thời là một sự dấn thân làm chứng tá. ĐTC nhận định rằng: 'Những điều thuộc về khoa học, kỹ thuật tốn phí đòi những đầu tư lớn, những phiêu liêu tinh thần và vật chất, tốn kém và khó khăn. Nhưng Thiên Chúa ban nhưng không.

Những sự cao cả trong cuộc sống, Thiên Chúa, tình thương, sự thật đều là nhưng không, và chúng ta phải suy tư thường xuyên về điều này: về sự nhưng không của Thiên Chúa, về sự kiện không cần những năng khiếu lớn về vật chất và trí thức để được gần gũi Thiên Chúa: Thiên Chúa ở trong tôi, trong tâm hồn và trên môi miệng tôi”.

ĐTC mói tiếp: Hồng ân thứ 2 chúng ta cầu xin Chúa là: xin cho con người khám phá cuộc sống thân mật với Thiên Chúa, để có thể làm chứng về Chúa với trọn con người của mình. Phải làm chứng chân lý về lòng bác ái của Thiên Chúa vì đây chính là nòng cốt của Kitô giáo. ”Điều quan trọng là Kitô giáo không phải là một mớ các ý tưởng, một triết lý, một lý thuyết, nhưng là một lối sống, là bác ái, là tình thương. Chỉ như thế, chúng ta mới trở thành Kitô hữu.

”Hồng ân thứ ba là cần phải loan truyền lòng bác ái của Thiên Chúa cho nhân loại, cho mỗi người, tha nhân là người thân cận, là anh chị em của Kitô hữu.” ĐTC nhấn mạnh rằng: ”Đức bác ái không phải là một điều cá nhân, nhưng có tính chất hoàn vũ, và cụ thể. Cần thực sự mở rộng biên cương giữa các bộ lạc, chủng tộc, tôn giáo, hướng về tình thương yêu đại đồng của Thiên Chúa, trong các môi trường sống của chúng ta, với tất cả sự cụ thể. Chúng ta hãy cầu xin Chúa để Chúa Thánh Linh ban các ơn đó cho chúng ta, xin Ngài ban cho chúng ta một Lễ Hiện Xuống mới, giúp chúng ta trở thành những người phục vụ Chúa trong thế giới hiện nay”.

Phúc trình của Đức TGM Eterovic

Sau bài suy niệm ứng khẩu của ĐTC, là bài tường trình dài của Đức TGM Nicola Eterovic, người Croát, từ 5 năm nay là Tổng thư ký Thượng HĐGM thế giới, đã nồng nhiệt chào mừng ĐTC, và các tham dự viên gồm 244 nghị phụ có tên trong danh sách, trong đó có 78 vị tham dự do chức vụ, 129 vị được bầu lên và 36 vị do ĐTC bổ nhiệm.

Trong số các nghị phụ có 33 HY, 79 TGM và 156 GM. Xét về chức vụ của các vị có 37 vị Chủ tịch HĐGM, 189 GM chính tòa, 4 GM phó, 2 GM phụ tá và 8 GM hồi hưu. Ngoài ra có các đại biểu anh em của 6 Giáo Hội và cộng đoàn Giáo Hội. Thêm vào đó có 29 chuyên gia và 49 dự thính viên.

Sau lời chào mừng trên đây, phúc trình của Đức TGM Eterovic lần lượt đề cập đến ý nghĩa cuộc Tông du của ĐTC tại Phi châu hồi tháng 3 năm nay, một số dữ kiện thống kê, việc triệu tập Thượng HĐGM Phi châu kỳ 2, việc chuẩn bị cho công nghị GM này, và sau cùng là một số nhận xét về phương pháp tiến hành Thượng HĐGM Phi châu hiện nay.

Đức TGM Tổng thư ký Thượng HĐGM nói: ”Chúng ta cùng nhau cảm tạ Thiên Chúa nhân lành và từ bi vì bao nhiêu ơn lành mà Giáo Hội tại Phi châu đã nhận lãnh và sử dụng để phục vụ tất cả mọi người, đặc biệt là những người nghèo khổ túng thiếu nhất. Nhất là chúng ta cảm tạ Chúa vì sức sinh động mạnh mẽ của Giáo Hội tại đại lục này, như các con số thống kê cho thấy.

Trong số hơn 6 tỷ 617 triệu dân trên thế giới, có 1 tỷ 147 triệu tín hữu Công Giáo, tức là 17,3%. Riêng tại Phi châu, tỷ lệ Công Giáo cao hơn: trong số 934 triệu dân tại đại lục này, có 165 triệu tín hữu Công Giáo, tức là 17,5%. Sự gia tăng này càng ý nghĩa nếu chúng ta để ý rằng khi Đức Gioan Phaolô 2 bắt đầu làm Giáo Hoàng hồi năm 1978, số tín hữu Công Giáo tại Phi châu là 55 triệu người. Đến năm 1994, khi ngài triệu tập và tiến hành Thượng HĐGM Phi châu kỳ I, số tín hữu Công Giáo tại Phi châu là 103 triệu người, tức là chiến 14,6% dân số tại đây.

Ơn gọi LM và tu sĩ tại Phi châu trong thời gian đó cũng gia tăng đáng kể. Nhờ ơn Chúa, sự gia tăng ấy đều diễn ra trong mọi lãnh vực, nhất là các nhân viên mục vụ gồm các GM, LM, phó tế, nữ tu, giáo dân dấn thân, đặc biệt là các giáo lý viên.

Đức TGM Eterovic đã so sánh con số nhân sự và cơ sở của Giáo Hội Công Giáo tại Phi châu năm 1994 so với năm 2007 là thống kê mới nhất hiện đó. Chẳng hạn số giáo phận tại Phi châu tăng 16,2% tức là từ 444 lên 516 giáo phận. Số GM tăng 28%, từ 513 lên 657 vị. Số LM tăng hơn 49% tức là từ 23.260 vị lên 34.660 vị. Số nữ tu tăng hơn 32%, đặc biệt số các thừa sai giáo dân tăng hơn 94% tức là từ 1.847 lên gần 3.600 người. Số chủng sinh tăng hơn 44% và hiện có gần 24.730 người.

Vị Tổng thư ký Thượng HĐGM cũng ghi nhận một sự kiện đau lòng, đó là từ năm 1994 đến 2008, đã có 521 nhân viên mục vụ của Giáo Hội Công Giáo bị sát hại tại Phi châu, kể cả 248 nhân viên gồm GM, LM, tu sĩ và giáo dân bị giết hồi năm 1994 tại Ruanda, và 40 tiểu chủng sinh bị sát hại tại Burundi. Các nhân viên ấy không phải chỉ gồm những người bản xứ, nhưng có cả nhiều thừa sai khác từ nước ngoài.

Đức TGM nhận xét rằng với con mắt đức tin, đằng sau các dữ kiện thống kê ấy, chúng ta có thể nhận ra sức sinh động truyền giáo mạnh mẽ tại Phi châu, thúc đẩy các nhân viên mục vụ quảng đại dấn thân đến độ hy sinh tính mạng.

Ngoài các hoạt động rao giảng Tin Mừng, Giáo Hội Công Giáo tại Phi châu còn dấn thân hăng say trong lãnh vực bác ái, y tế, giáo dục, và nói chung là trong các sáng kiến thăng tiến con người. Ví dụ Ngân Qũy trợ giúp vùng Sahel được Đức Gioan Phaolô 2 thành lập năm 1984, Năm Thánh Cứu Độ. 8 năm sau đó, có Ngân Quỹ Người Samaritano Nhân lành cũng được Đức Cố Giáo Hoàng thành lập để nâng đỡ các bệnh nhân túng thiếu nhất, đặc biệt là các bệnh nhân Sida. Tại Phi châu còn có Caritas quốc tế và Caritas tại 53 quốc gia, các Ủy ban công lý và hòa bình.. Về việc mục vụ sức khỏe, Giáo Hội Công Giáo tại Phi châu hiện diện và hoạt động trong 16.178 trung tâm y tế, trong đó có 1.074 bệnh viên, và gần 5.400 bệnh xá..

Về bệnh HIV-Sida ở mức độ đáng báo động ở Phi châu, 26% các cơ cấu y tế trợ giúp và săn sóc các bệnh nhân trong lãnh vực này là do các tổ chức Công Giáo đảm trách. Giáo Hội Công Giáo đi hàng đầu trong cuộc chiến đấu chống sự lan tràn của bệnh Sida, nhưng phương pháp gọi là DREAM do Cộng đồng thánh Egidio chứng tỏ.

Tuy nhiên, cũng không nên quên rằng các thống kê cho thấy bệnh sốt rét ngã nước là nguyên nhân lớn gây ra tử vong tại Phic hâu. Những người có thế giá trong cộng đồng quốc tế cần dành nhiều năng lực và phương tiện hơn để phòng ngừa sự lan tràn cũng như tìm ra phương dược hữu hiệu chữa trị căn bệnh kinh khủng rất phổ biến này, mỗi năm làm cho 1 triệu người chết trên thế giới, trong đó có 85% là trẻ em dưới 5 tuổi.

Tiến trình triệu tập và chuẩn bị THĐGM Phi châu II

Về việc triệu tập Thượng HĐGM Phi châu kỳ 2, Đức TGM Eterovic cho biết đây là một tiến trình được chín mùi qua nhiều năm trời. Đức Gioan Phaolô 2 đã công khai nói về công nghị này ngày 15-6 năm 2004 và nhận định rằng sự tăng trưởng ngoại thường của Giáo Hội tại Phi châu, sự thay đổi mau lẹ các vị chủ chăn, các thách đố mới của đại lục này đòi phải có những câu trả lời, không những tiếp tục nỗ lực mà việc thi hành Tông Huấn Giáo Hội tại Phi châu đòi hỏi, nhưng còn mang lại sinh lực mới mẻ và niềm hy vọng được củng cố cho đại lục Phi châu đang gặp khó khăn.

Đức Gioan Phaolô 2 đã đón nhận các đề nghị của Hội đồng Hậu Thượng HĐGM Phi châu kỳ I nhóm tại Roma hồi năm 2004 và chính thức loan báo ý định triệu tập công nghị kỳ 2 của các GM Phi châu với mong ước rằng Công nghị này có thể củng cố niềm tin nơi Chúa Kitô Cứu Thế và thăng tiến một sự hòa giải đích thực tại Phi châu.

2 tháng sau khi được bầu làm Chủ chăn Giáo Hội hoàn vũ hồi tháng 4-2005, ĐTC Biển Đức 16 đã tái khẳng định chủ ý của vị Tiền Nhiệm về việc triệu tập Thượng HĐGM Phi châu kỳ 2, và ngày 28-6 năm 2007 ngài chính thức ấn định đề tài cho công nghị này là ”Giáo Hội tại Phi châu phục vụ hòa giải, công lý và hòa bình. Các con là muối đất. . là ánh sáng thế gian”. Công nghị sẽ tiến hành tại Roma từ ngày 4 đến 25-10-2009.

Tiến trình tham khảo ý kiến các nơi qua tài liệu Đề cương Lineamenta đã được tiến hành. Tỷ lệ trả lời từ các nơi gửi về khác biệt nhau: hơn 83% các HĐGM đã trả lời góp ý, 56% các cơ quan trung ương Tòa Thánh và 100% Liên hiệp các Bề trên Tổng quyền dòng nam cũng gửi bản trả lời về trung ương. Dựa theo các bản góp ý đó, Tài liệu làm việc của Thượng HĐGM Phi châu kỳ 2 đã được soạn thảo và được chính ĐTC công bố tại Camerun ngày 19-3 năm nay.

Trong giai đoạn kế tiếp, ĐTC đã bổ nhiệm các vị Chủ tịch thừa ủy, các chức sắc của Thượng HĐGM này, và sau cùng ngài bổ nhiệm các thành viên, các chuyên gia và dự thính viên.

Qui tắc tiến hành

Trong phần cuối của phúc trình, Đức TGM Tổng thư ký Thượng HĐGM thế giới nhắc đến một số qui tắc và phương pháp điều hành khóa họp hiện nay của Thượng HĐGM Phi châu.

Theo quyết định của ĐTC, đương nhiên là thành viên của Thượng HĐGM này gồm tất cả các HY Phi châu, không giới hạn tuổi tác, cũng như các vị chủ tịch của 36 HĐGM Phi châu, các vị thủ lãnh của 2 Giáo Hội Công Giáo Đông phương là Copte Ai Cập và Etiopia. Về các nghị phụ được bầu lên, qui luật dự trù cứ 5 GM hoặc dưới 5 GM thì được bầu 1 GM đại biểu, và làm sao để mỗi nước có ít là một đại biểu dự công nghị GM này.

Thượng HĐGM Phi châu kỳ 2 sẽ gồm 20 phiên họp khoáng đại và 9 cuộc họp trong nhóm nhỏ. Mỗi nghị phụ được phát biểu tối đa 5 phút để có sự tham phần của tất cả mọi người. Ngoài ra, vào cuối phiên khoáng đại ban chiều, từ 6 đến 7 giờ, sẽ có 1 giờ thảo luận tự do. Ngày đầu tiên, như chiều hôm qua, thì cuộc thảo luận này được kéo dài hơn để trình bày những suy tư về việc áp dụng Tông huấn Giáo Hội tại Phi châu, đúc kết khóa họp kỳ I 15 năm trước đây.

Trong các cuộc thảo luận tự do, các nghị phụ được yêu cầu xoay quanh chủ đề của Công nghị GM này mà thôi.

Và khi phát biểu ý kiến, các nghị phụ phải cho biết mình lên tiếng về phần nào trong Tài liệu làm việc. Việc sắp xếp thứ tự các nghị phụ phát biểu sẽ theo thứ tự dàn bài của Tài liệu làm việc, tức là từ chương I rồi đến chương II, chương III, v.v.

Có 4 sinh ngữ được dùng để thảo luận là Pháp, Ý, Anh và Bồ đào nha và sẽ được thông dịch trực tiếp.

Về việc soạn các đề nghị đúc kết công nghị GM này, các nghị phụ được yêu cầu ngắn gọn, chính xác và tránh lập lại những đạo lý đã được mọi người biết rồi. Các nghị phụ nên đưa ra những đề nghị hoặc lời khuyên nhắm canh tân đời sống Giáo Hội, việc mục vụ của Giáo Hội, thăng tiến việc rao giảng Tin Mừng và con người, nhất là về vấn đề hòa giải, công lý và hòa bình.

Cũng trong phiên họp sáng thứ hai, 5-10-2009, ĐHY Turkson, người Ghana, Tổng tường trình viên của THĐGM Phi châu kỳ 2 đã trình bày các vấn đề cần được đề cập và thảo luận tại Công nghị Giám Mục này.
 
Phóng sự Thượng Hội Đồng Giám Mục Phi châu kỳ II (2)
Linh Tiến Khải
19:19 06/10/2009
VATICAN - Thứ ba mùng 6-10-2009 Thượng Hội Đồng Giám Mục Phi châu kỳ II đã bước sang ngày thứ 3. Vào ban sáng đã có buổi họp khoáng đại lần thứ 3 trong đó các nghị phụ bầu Ủy ban soạn thảo sứ điệp gửi dân Chúa. Ban chiều các nghị phụ đã bắt đầu cuộc thảo luận chung.

Trước hết xin tóm lược các sinh hoạt của Thượng Hội Đồng Giám Mục chiều thứ hai mùng 5 tháng 10. Các nghị phụ đã nghe các bài tường trình của đại diện các châu lục về tương quan với Giáo Hội tại Phi châu.

Trong bài phát biểu Đức Cha Orlando Quevedo, Tổng Giám Mục Cotabato bên Phi Luật Tân, kiêm tổng thư ký Liên Hội Đồng Giám Mục Á châu, đã nêu bật các tương đồng giữa Giáo Hội tại Á châu và Giáo Hội tại Phi châu. Vào thời các tông đồ Kitô giáo đã lan sang Ai Cập và Bắc Phi do công tác truyền giáo của thánh sử Marco, và tín hữu Ấn độ vẫn tự hào họ là con cái thiêng liêng của thánh tông đồ Tôma.

Rồi trong lịch sử hiện kim nhiều nước của cả hai châu lục đã biết tới Kitô giáo trong thời thuộc địa nhờ công tác truyền giáo của các thừa sai. Kitô giáo đã tiếp xúc với nhiều nền văn hóa, hàng ngàn tiếng nói và truyền thống phong phú cũng như với Hồi giáo, tôn giáo cổ truyền và các tôn giáo khác. Và dân chúng của cả hai đại lục đều nghèo và trẻ.

Trong hai tông huấn hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục Phi châu năm 1995 và hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục Á châu năm 1998, Đức Gioan Phaolô II cũng đưa ra nhiều suy tư giống nhau liên quan tới các thách đố mục vụ như: việc hội nhập Tin Mừng vào nền văn hóa địa phương, đối thoại với các tôn giáo khác, nền văn hóa toàn cầu duy tương đối và duy vật tương đối được các phương tiện truyền thông phổ biến, hệ lụy tiêu cực của nền kinh tế toàn cầu trên người nghèo, sự suy đồi các giá trị luân lý trong cuộc sống xã hội kinh tế chính trị và các đe dọa chống lại bản chất của hôn nhân và gia đình, các bộ mặt khác nhau của bất công và bạo lực tàn phá sự hài hòa của các xã hội Phi châu và Á châu.

Trong bối cảnh này cả hai Giáo Hội đều đưa ra các câu hỏi liên quan tới bản chất cộng đoàn môn đệ, sự đáng tin cậy của việc làm chứng cho Chúa và Tin Mừng, các giải đáp cho các thách đố mục vụ kể trên và công tác loan báo Chúa Kitô là Đấng cứu độ.

Tiếp tục bài phát biểu Đức Cha đại diện Liên Hội Đồng Giám Mục Á châu nói trong khi Giáo Hội tại Phi châu khai triển các đòi buộc thần học và mục vụ của Giáo Hội như là Gia đình của Thiên Chúa, thì Giáo Hội tại Á châu khám phá nền thần học Giáo Hội như sự hiệp thông và là tôi tớ khiêm nhường phục vụ Tin Mừng và các dân tộc Á châu. Cả hai hướng đi đều nhằm mục đích triệt để canh tân Giáo Hội. Trong 35 năm qua Liên Hội Đồng Giám Mục Á châu đã dấn thân trong chiều hướng đào sâu nội tâm, đối thoại với các nền văn hóa, tôn giáo và truyền thống triết lý khác cũng như đối thoại với các dân tộc Á châu đặc biệt là người nghèo, canh tân hàng ngũ giáo dân để họ lãnh đạo việc biến đổi xã hội, canh tân ý thức truyền giáo và coi gia đình như là điểm chính của việc loan báo Tin Mừng, sống Thánh Thể xác tín hơn trong các thực tại Á châu.

Việc canh tân đó là lời Thiên Chúa Tình Yêu mời gọi cống hiến hy vọng cứu rỗi và thúc đẩy yêu thương trong chân lý. Giáo Hội tại Á châu và Phi châu phải sống cùng các kinh nghiệm buồn thương như nhiều sức mạnh của nền văn hóa sự chết, cảnh nghèo đói và bị gạt ngoài lề xã hội gia tăng, các tấn kích chống lại hôn nhân và gia đình truyền thống, các bất công đối với phụ nữ và trẻ em, khuynh hướng thích mua sắm vũ khí tàn phá hơn là đầu tư cho sự phát triển toàn vẹn, thiếu khả năng chống lại trật tự kinh tế toàn cầu không được các luật lệ luân lý hướng dẫn, sự bất khoan nhượng tôn giáo thay vì đối thoại bằng lý trí và đức tin, luật gian tham thắng luật của cuộc sống công cộng, chia rẽ và xung đột thay vì tạo dựng hòa bình, và cảnh suy đồi môi sinh. Ngoài ra còn có nhiều tai ương thiên nhiên như bão lụt, hạn hán, động đất và sóng thần tsunami và khí hậu thay đổi. Tuy nhiên cũng có kinh nghiệm của niềm vui và hy vọng trong các phong trào công lý và hòa bình, người trẻ ý thức hơn đối với các vấn đề nghèo túng và biến đổi xã hội, cũng như các nhóm dân sự bảo vệ cuộc sống công cộng và môi sinh, liên đới giữa các tầng lớp xã hội và truyền thống tôn giáo trong việc tạo dựng một trật tự xã hội hòa bình và huynh đệ hơn. Đức Cha Quevedo cũng đã không quên chuyển lời chào thăm của các Giám Mục toàn Á Châu tới các nghị phụ, và cám ơn Giáo Hội Phi châu đã tiếp nhận các thừa sai và công nhân Á châu sang làm việc tại Phi châu.

Bài phát biểu thứ hai là của Đức Cha William Ingham, Giám Mục Wollongon Australia, Chủ tịch Liên Hội Đồng Giám Mục Đại dương châu bao gồm Australia, Niu Dilen, Papua Tân Guinea, quần đảo Salomong và vùng Thái Bình Dương.

Cũng giống Giáo Hội tại Phi châu Giáo Hội Đại dương châu nảy sinh trong thời thực dân của người Anh, Pháp và Bồ Đào Nha. Nó hiện hữu nhờ công lao mồ hôi nước mắt của các thừa sai Ailen, Pháp, Đức và Italia. Và đức tin đã làm nảy sinh ra nhiều bông hoa đẹp là các thánh nam nữ. Tuy nhiên cuộc sống của người dân Đại dương châu cũng in đậm dấu vết nghèo túng, kỳ thị, hủy hoại sự sống và phẩm giá con người. Nhưng Giáo Hội địa phương cố gắng trợ giúp để thăng tiến các quyền con người qua hoạt động của Caritas Đại dương châu và Caritas quốc gia. Tuy nghèo nhưng tín hữu đại lục này vẫn quảng đại đối với các quyên góp cho Bộ Truyền Giáo.

Có hai tệ nạn đang đè nặng trên cuộc sống của người dân đó là bệnh Sida, nhất là tại Papua Tân Guinea, và việc khai thác các quặng mỏ. Giáo Hội đã luôn luôn nắm giữ vai trò là cây cầu hòa giải công lý và hòa bình cũng như bênh vực những người không có tiếng nói. Chính trong bối cảnh ấy vai trò và sự đấn thân trao ban hy vọng của các Chủ chăn rất quan trọng.

Cũng giống nhiều vùng bên Phi châu, người dân Đại dương châu phải gánh chịu nhiều tai ương thiên nhiên như hạn hán, mất mùa, lụt lội gây ra cảnh đói kém và di cư đi nơi khác sinh sống. Các tổ chức của Giáo Hội tìm trợ giúp các anh chị em xấu số này. Đức Cha Ingham đã đặc biệt xin các nghị phụ cầu nguyện cho các nạn nhân động đất và sóng thần tại Samoa và Tonga.

Kỹ nghệ khai thác quặng mỏ tại Phi châu và Đại dương châu cũng tạo ra thách đố lớn đối với Giáo Hội, vì nó là gốc rễ gây ra bất ổn và tranh chấp, khi quyền lợi của người dân không được tôn trọng. Giáo Hội là thân mình của Chúa Kitô có nhiệm vụ xây các cây cầu hòa giải và hòa bình. Đây cũng là điều Giáo Hội tại Đại dương châu có thể học hỏi từ kinh nghệm của Giáo Hội tại Phi châu.

Sau cùng Giáo Hội Đại dương châu sẵn sàng tiếp đón nhiều anh chị em Phi châu di cư tới đây vì chạy trốn các xung khắc bộ tộc, bạo lực và đàn áp của các thể chế độc tài. Họ đến từ Sudan, vùng sừng Phi châu và các nước vùng Đại Hồ. Nhiều người khác là các sinh viên và có một số tới làm việc như giáo sĩ và tu sĩ. Chính giáo phận của Đức Cha cũng nhận các chủng sinh gốc Phi châu. Xã hội Đại dương châu là một xã hội đa văn hóa vì bao gồm 60% tổng số dân là người di cư tị nạn và con cháu họ. Hàng năm vào Chúa Nhật cuối cùng của tháng 8 Giáo Hội vẫn cử hành Ngày Di Cư Tị Nạn với mục đích khích lệ việc tiếp đón và hội nhập người di cư tị nạn vào cộng đoàn địa phương.

Sáng thứ ba 6-10-2009 các nghị phụ đã nhóm phiên họp khoáng đại thứ 3. Trong số các vị phát biểu có Đức Thượng Phụ Paulos của Giáo Hội Chính Thống Etiopia. Đức Thượng Phụ Abuna Paulos Gebre Yohannes sinh năm 1935 tại Adoua miền bắc Etiopia, và từ ngày mùng 5 tháng 7 năm 1992 là Thượng Phụ Giáo Hội Chính Thống Etiopia, một trong những cộng đoàn Kitô cổ kính nhất thế giới vì đã nảy sinh vào năm 35 sau công nguyên. Sau mười năm bị bách hại và ngồi tù dưới thời nhà độc tài Menghistu, năm 1983 Đức Cha Paulos tị nan sang Hoa Kỳ cho tới khi được bầu làm Thượng Phụ năm 1992. Đức Thượng Phụ rất tin tưởng nơi cuộc đối thoại đại kết và là người dấn thân hòa giải các nước trong vùng Sừng Phi châu. Từ năm 2006 người cũng thuộc ban chủ tịch của Hội Đồng Đại Kết các Giáo Hội Kitô. Ngày nay Giáo Hội Chính Thống Etiopia đang phát triển mạnh. Với hơn 50.000 nhà thờ và 1.500 tu viện Giáo Hội chính thống Etiopia là giáo đoàn vững vàng nhất trong số các giáo đoàn tiền Calcedonia và là một loại ốc đảo Kitô giữa đất hồi giáo.

Mở đầu bài phát biểu Đức Thượng Phụ Paulos đã cám ơn Đức Thánh Cha Biển Đức XVI mời ngài tham dự Thượng Hội Đồng Giám Mục Phi châu như dấu chỉ tình yêu thương Đức Thánh Cha dành cho Phi châu. Trong phần đầu của bài phát biểu Đức Thượng Phụ đề cao thế đứng và vai trò của Phi châu trong lịch sử đạo đời của thế giới. Phi châu và Etiopia là chiếc nôi của nhân loại ghi dấu chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Lịch sử các dân tộc Phi châu xa xưa được khắc trên các bút tháp Axum, các kim tự tháp Ai Cập, các đền đài và các tài liệu. Kinh Thánh cho thấy Phi châu đã là vùng đất nơi các dân tộc khác tìm tới trú ẩn trong các thời kỳ hạn hán mất mùa đói kém. Chúa Giêsu và Thánh Gia cũng di cư sang Ai Cập tránh cuộc bách hại của vua Hếrốt. Hoàng hậu Saba đã học được từ dân Israel và dậy Kinh Thánh Cựu Ước cho người Etiopi. Con bà là vua Menelik I đã tìm đưa Hòm Bia Thánh sang thành phố Axum của Etiopia. Dân Etiopi tuân giữ luật Moshê hơn người Do thái.

Một trong ba vua tìm đến thờ lậy Chúa Hài Nhi là người Etiopi. Ông Simeon người thành Cyrene vác đỡ thánh giá Chúa là ngươi Libia. Viên hoạn quan được Philiphê rửa tội đã truyền bá Kitô giáo cho các người đồng hương và Etiopia trở thành quốc gia thứ hai tin vào Chúa Giêsu, và Giáo Hội Etiopia là Giáo Hội đầu tiên tại Phi châu.

Kinh Thánh tiếng Hy Lap đã được dịch tại Alessandria bên Ai Cập và danh sách các tác phẩm Kinh Thánh cũng đã được xác định lần đầu tiên bên Phi châu. Phi châu cũng là quê hương của các thánh giáo phụ nổi tiếng như Agostino, Tertulliano, Cipriano, Athanasio và Kerlo. Bắc phi cũng là nơi các Kitô hữu chịu tử đạo và nhiều Kitô hữu bị bách hại và truy nã tại nhiều nơi trên thế giới đã tìm đến Phi châu đặc biệt là Etiopia để sinh sống.

Etiopia cũng giữ một mảnh gỗ thánh giá của Chúa Giêsu. Và tín hữu cũng đã phải vác thánh giá vì các cuộc bách hại: chẳng hạn Đức Petros đã bị giết trong thời người Italia chiếm đóng Etiopia. Dưới chế độ độc tài cộng sản đã có nhiều tín hữu tử đạo trong đó có Đức Thượng Phụ Theophilos. Chính Đức Thượng Phụ Paulos khi là Giám Mục cũng đã ngồi tù nhiều năm trước khi bị đầy sang Hoa Kỳ.

Tiếp tục bài phát biểu Đức Thượng Phụ Paulos khẳng định Phi châu là đại lục giầu tài nguyên thiên nhiên và nhiều quặng mỏ. Trong quá khứ các tài nguyên này đã bị thực dân xâm chiếm và khai thác. Ngày nay chúng trở thành mục tiêu của sự thèm muốn, và người ta chỉ nhớ tới Phi châu khi cần tài nguyên của nó, nhưng đã không trợ giúp đại lục này chiến đấu cho sự phát triển. Ngoài ra Phi châu còn bị tệ nạn nợ nần nước ngoài đè nặng trên các thế hệ hiện nay và trong tương lai. Bên cạnh đó còn có mức sống thấp và nền giáo dục thiếu thốn khiến cho người trẻ không có các cơ may tiến thân giúp đại lục này phát triển và thịnh vượng. Bệnh dịch Sida cũng là một vết thương trầm trọng khác của Phi châu. Cần phải làm sao để người dân Phi châu cũng được săn sóc thuốc men như các bệnh nhân Âu châu. Ngoài ra còn có các hỗn loạn do các nhóm tín hữu cuồng tín gây ra. Giới lãnh đạo Kitô và các tôn giáo khác cần sát cánh với nhau để bài trừ tệ nạn này.

Tại nhiều nước Phi châu vẫn còn thiếu các nhu cầu tối thiểu như nước uống trong lành, nhà ở, thực phẩm và các cơ cấu hạ tầng cần thiết. Thời thực dân dã hết nhưng Phi châu vẫn tùy thuộc các nước giầu Tây âu. Nền nông nghiệp vẫn theo lối canh tác còn truyền thống và chưa máy móc hóa đủ nên chưa có an ninh thực phẩm. Nạn di cư ra nước ngoài cũng khiến cho Phi châu mất chất xám. Sau cùng là nạn trẻ em chiến binh. Đây là sự vi phạm quyền con người trắng trợn. Vì thế Đức Thượng Phụ Paulos hy vọng Thượng Hội Đồng Giám Mục Phi châu kỳ II này có thể đề ra các hướng dẫn giúp tìm ra các giải pháp cho các vấn đề nghiêm trọng của đại lục này.

Sau bài phát biểu của Đức Thượng Phụ Paulos Đức Thánh Cha Biển Đức XVI cám ơn Đức Thượng Phụ đã nhận lời mời tham dự Thượng Hội Đồng Giám Mục Phi châu kỳ II. Sự hiện diện của Đức Thượng Phụ làm chứng hùng hồn cho sự kỳ cựu và truyền thống của Giáo Hội tại Phi châu. Giáo Hội Etiopia tiếp tục làm chứng cho Tin Mừng và sự tuân phục luật lệ yêu thương của Chúa, mặc dù có các bách hại và hy sinh của các vị tử đạo. Đức Thánh Cha khẳng định rằng việc loan báo Tin Mừng không thể tách rời khỏi dấn thân xây dựng một xã hội phù hợp với ý muốn của Thiên Chúa và bảo vệ phẩm giá và sự vô tội của các trẻ em... Trong Chúa Kitô chúng ta biết rằng hòa giải là điều có thể, công lý có thể thắng thế và hòa bình có thể lâu bền. Đức Thánh Cha cầu mong mọi người hoạt động để cho người dân Phi châu được phát triển toàn diện, củng cố gia đình, giáo dục người trẻ và góp phần xây dựng một xã hội liêm chính, toàn vẹn và liên đới hơn.

Các phát biểu của sáng hôm qua cũng tập trung vào đề tài giáo dục. Giáo Hội tại Phi châu có tới 56.000 trường học với 19 triệu học sinh và 23 đại học công giáo. Tiếp đến là đề tài đối thoại với Hồi giáo đây là kinh nghiệm tích cực trong vùng Bắc Phi nơi có đa số dân theo Hồi giáo. Các vị tử đạo Phi châu cũng là một đề tài khác được nhắc tới: đó là các nạn nhân của nhiều chế độ độc tài trong nhiều cường độ khác nhau.
 
Bên lề Thượng Hội Đồng Châu Phi
Vũ Văn An
21:12 06/10/2009
I. Tuyên ngôn của các phong trào Công Giáo

Sau đây là các khuyến cáo gửi Thượng Hội Đồng do các phong trào Công Giáo công bố tại Rôma ngày 2 tháng Mười vừa qua sau khi tham dự một buổi làm việc chung do Pax Romana International Catholic Mouvement for Intellectual and Cultural Affairs tổ chức:

Nhập đề:

Chúng tôi, các tham dự viên, thuộc các Phong Trào Quốc Tế được gây hứng bởi Công Giáo và các phong trào giáo dân đang hoạt động tại Châu Phi họp nhau tại Rôma từ ngày 29 tháng Chín năm 2009 tới ngày 2 tháng Mười năm 2009 dưới sự bảo trợ của Pax Romana Catholic Mouvement for Intellectual and Cultural Affairs (ICMICA) và các phong trào khác. Cuộc họp mặt của chúng tôi được triệu tập để bày tỏ sự ủng hộ và liên đới đối với Thượng Hội Đồng lần thứ hai về Châu Phi và đưa ra các đóng góp của chúng tôi vào diễn trình quan trọng này.

1. Công bình kinh tế và chính trị

Chúng tôi khuyến cáo rằng Thượng Hội đồng nên xem sét dành ưu tiên cho các lãnh vực sau đây:

(1). Đầu tư cho các chương trình giáo dục công dân và đạo đức với viễn tượng tăng cường một nền văn hóa Công Lý và Hòa Bình và thành lập các Ủy Ban để bàn thảo các vấn đề liên quan tới việc cai trị và tư vấn có tính dân chủ. Điều quan trọng là phải hợp tác với các định chế như NEPAD (New Partnership for Africa’s Development, Hùn hạp mới để phát triển Châu Phi) để hiểu rõ các cơ chế tái duyệt và việc thực thi sau cùng của nó.

(2). Làm việc chặt chẽ với các Cơ Quan Công Giáo, nhất là các cơ quan đang làm việc với tuổi trẻ và những ai có liên quan tới việc huấn luyện và trợ giúp để đào tạo các nhà lãnh đạo Châu Phi mới cho Công Giáo/Kitô Giáo, những nhà lãnh đạo biết tôn trọng nhân phẩm, đạo đức và luân lý.

(3). Bảo đảm để giáo dục căn bản được có sẵn cho mọi người bằng cách cổ vũ việc loại bỏ tiền học phí quá cao. Diễn trình giáo dục phải bao gồm các yếu tố đạo đức và luân lý. Cung cấp kiến thức cho nhiều người trẻ sẽ góp phần xây dựng được một tầng lớp công dân có trách nhiệm.

(4). Xem sét việc đề cử các đại diện liên lạc của Giáo Hội Công Giáo bên trong các cơ cấu vùng và Liên Châu Phi (như AU [African Union?] chẳng hạn) với mục tiêu cổ vũ và chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức ngõ hầu thăng tiến phẩm chất quyết định bên trong các cơ cấu đó.

2. Công bình và bất quân bình xã hội

Chúng tôi khuyến cáo rằng Thương Hội Đồng nên xem sét dành ưu tiên cho các lãnh vực sau đây:

(1). Hiện đang có nhu cầu khẩn cấp phải khai triển một hệ thống giáo dục mới và toàn bộ biết thích ứng với việc chu toàn chức năng xã hội của nó là làm lợi cho toàn bộ con người. Một mô thức giáo dục như thế phải cố gắng để đáp ứng nhu cầu phát triển địa phương ngõ hầu duy trì được một nền cai trị Châu Phi có tính cộng đồng (communocracy) mà ngôn ngữ Zulu gọi là “Ubuntu" hay Ujamaa (tiếng Kiswahili). Một triết lý như thế khắc sâu trong ta một cảm thức hợp nhất, một tinh thần công dân có trách nhiệm và một thúc đẩy để ta khai triển ra các chiến lược có thể giảm thiểu nạn khô cạn chất sám.

(2). Chúng tôi khẩn khoản xin Thượng Hội Đồng Các Giám Mục về Châu Phi khẩn cấp xem sét các nhu cầu ngày một lớn hơn phải đề cử các vị tuyên úy có khả năng, nhiều dấn thân, có ý thức và sẵn sàng đảm nhiệm thừa tác vụ này.

3. Công lý và An Toàn/Chủ Quyền Thực Phẩm

Chúng tôi khuyến cáo rằng Thượng Hội Đồng nên xem sét dành ưu tiên cho các lãnh vực sau đây:

(1). Giáo Hội nên khuyến khích việc sử dụng mô thức có thể duy trì được là mô thức gia đình, xã hội và môi sinh cũng như các mô thức có giá trị khác để gia tăng khả năng sản xuất và bảo đảm chủ quyền về thực phẩm.

(2). Giáo Hội nên cổ vũ các chính phủ và những ai có trách nhiệm đưa ra các quyết định chính trị đầu tư vào các vùng nông thôn và khai triển các chính sách công, bằng cách phân phối tốt các tài nguyên có lợi cho dân chúng nông thôn, nơi đa số dân nghèo và những người kém thế đang sống tập trung.

(3). Phải hỗ trợ các phong trào nông dân Công Giáo, người trẻ tại nông thôn cũng như các nghiệp đoàn.

(4). Giáo Hội nên cổ vũ việc đầu tư vào hạ tầng cơ sở vận tải tại các vùng nông thôn vốn là chìa khóa để giảm thiểu chi phí vận chuyển và mở rộng các thị trường cho dân nghèo.

4. Công bình giữa đàn ông và đàn bà

Chúng tôi khuyến cáo rằng Thượng Hội Đồng nên xem sét dành ưu tiên cho các lãnh vực sau đây:

(1). Làm cho phụ nữ tham dự vào mọi bình diện đưa ra quyết định, cả nơi nhà nước lẫn trong Giáo Hội. Điều này bao gồm việc soạn thảo, thay đổi và tu chỉnh hiến pháp, các luật lệ khác và các chính sách công.

(2). Cổ vũ các thay đổi cần thiết trong luật lệ để bảo đảm rằng giáo dục được coi như một quyền của mọi phụ nữ. Bình đẳng về quyền lợi giữa đàn bà và đàn ông phải được lồng vào diễn trình tạo luật. Việc ấy phải được phản ảnh trong việc làm và cả lương bổng nữa.

(3). Các giáo hội phải cổ vũ nền giáo dục giúp phụ nữ đủ năng lực trở nên các tham dự viên có hiệu năng trong các diễn trình tạo quyết định, nhất là trong các lãnh vực ảnh hưởng đến họ nhiều hơn như chăm sóc cho người kém thế và trẻ em.

(4). Các giáo hội phải đồng hành với phụ nữ nhất là trong hoàn cảnh bị khủng hoảng và túng thiếu nghiêm trọng thường làm cho phụ nữ phải một mình đảm nhiệm sinh kế của cả gia đình.

(5). Các giáo hội phải cổ vũ các nhà lập pháp Châu Phi phải xem sét việc đưa ra các đạo luật biết tích cực khích lệ việc phụ nữ làm đại diện trong chính trường.

5. Các khuynh hướng mới trong tranh chấp Châu Phi: Viễn tượng nào cho một nền hòa bình bền vững?

Chúng tôi khuyến cáo rằng Thượng Hội Đồng nên xem sét dành ưu tiên cho các lãnh vực sau đây:

(1). Phổ biến rộng rãi công trình và các kinh nghiệm thành công đã được khai triển bởi nhiều Ủy Ban Công Lý và Hòa Bình trong các định chế và cơ cấu chính trị “Hòa Bình và An Ninh”.

(2). Khai triển một nền văn hóa làm việc đồng bộ giữa các tổ chức Công Giáo ngõ hầu giúp họ cũng như các tổ chức ngoài xã hội dân sự khác có đủ năng lực để vận động hành lang chống lại việc buôn bán vũ khí.

(3). Thành lập các nhóm chuyên viên để liên tục theo dõi, lượng định và đánh giá các động lực phức tạp của tranh chấp và đưa ra các hành động chiến lược hướng tới việc ngăn ngừa tranh chấp và giải quyết tranh chấp cách bất bạo động trong các nước có tiềm năng tranh chấp cũng như hậu tranh chấp.

(4). Phát triển các Viện Nghiên Cứu Hòa Bình trên đất Châu Phi với các chương trình huấn luyện có thể làm phát sinh ra việc khai triển các giải pháp thích đáng cần thiết cho hoàn cảnh địa phương.

(5). Đưa ra các đề nghị để tái lên khuôn các tổ chức vùng cũng như bán vùng cho cả lục địa lẫn Giáo Hội để đương đầu với các thách đố mới phát sinh từ việc khoanh vùng.

(6). Phát triển sự hợp tác đồng bộ (synergies) giữa Giáo Hội và các tổ chức của xã hội dân sự thuộc mọi bình diện.

(7). Cổ vũ các chương trình huấn luyện về trị liệu xã hội và các kỹ thuật huấn đạo chấn thương xúc cảm (trauma couseling).

(8). Xem sét lại bản sắc Kitô giáo và xây dựng gia đình mới quanh Phép Thánh Thể vốn là nguồn năng lực mới để ta biết tôn trọng sự sống và phẩm giá con người, ngõ hầu Châu Phi cảm nhận được một hồi sinh. Giáo Hội tại Châu Phi cần các tiên tri và các thợ lành nghề tái thiết.

6. Tranh chấp liên tôn giáo - Hồi Giáo tại Châu Phi (dựa trên kinh nghiệm)

Chúng tôi khuyến cáo rằng Thượng Hội Đồng nên xem sét dành ưu tiên cho các lãnh vực sau đây:

(1). Học hỏi từ các kinh nghiệm tích cực cuả cuộc đối thoại liên tôn ngõ hầu đánh đuổi các thái độ tiêu cực, nhất là giữa người Công Giáo và Hồi Giáo, những thái độ dễ dàng đưa tới việc gia trọng các tranh chấp.

(2). Các giáo hội nên can dự vào việc cổ vũ truyền thông cũng như các chiến dịch tích cực để phát huy các thái độ và các mối liên hệ tích cực giữa các cộng đồng tín ngưỡng khác nhau, nhằm nuôi dưỡng việc tôn trọng lẫn nhau, tình bằng hữu, lòng thành thực, tính hỗ tương và sự hiểu biết lẫn nhau.

7. Nhân quyền, dân chủ và pháp trị

Chúng tôi khuyến cáo Thượng Hội Đồng nên xem sét dành ưu tiên cho các lãnh vực sau đây:

(1). Hành động hướng tới việc bảo đảm có được sự che chở cho các cá nhân thoát khỏi các hành động quá trớn và độc đoán của nhà nước cũng như các tổ chức phi nhà nước.

(2). Góp phần mở rộng không gian dân chủ tại Châu Phi, bằng việc tích cực che chở các nhà hành động chủ chốt của xã hội dân sự và những người bênh vực nhân quyền.

(3). Cổ vũ việc tôn trọng và phẩm giá của mọi cá nhân bất kể các dị biệt xã hội, kinh tế, văn hóa, chính trị hay sắc tộc của họ bằng cách tích cực chống lại nền văn hóa đặc miễn (culture of impunity).

(4). Cổ vũ nền văn hóa trong sáng và sẵn sàng chịu trách nhiệm trong mọi khía cạnh ngõ hầu phát huy Pháp Trị và việc tôn trọng Nhân Quyền của mọi người.

(5). Cổ vũ đối thoại giữa các nhóm hội chính trị đối nghịch nhau ngõ hầu ngăn ngừa việc sử dụng bạo lực giải quyết các vấn đề.

(6). Chính thức thừa nhận các nhu cầu khẩn cấp của những người kém thế như người tị nạn, người rời cư quốc tế, các nhóm thiểu số, phụ nữ, người trẻ và trẻ em và cố gắng đưa ra các cơ chế bảo vệ thích đáng.

(7). Cổ vũ một môi trường tích cực nhờ đó mọi nhân quyền đều được bảo đảm.

(8). Vận động các nhà tạo quyết định để phương thức dựa trên nhân quyền thấm nhiễm vào mọi khuôn khổ định chế ở mọi bình diện: chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội.

8. Di dân, nguồn tranh chấp và hòa bình

Chúng tôi khuyến cáo Thượng Hội Đồng xem sét dành ưu tiên cho các lãnh vực sau đây:

(1). Vì hiện nay đang có một hình ảnh tiêu cực về di dân, nên các giáo hội phải nhận trách nhiệm trở thành khí cụ để mang lại một ý thức về nguyên nhân và ích lợi của di dân, nhất là tập chú vào việc khai triển nhân bản và xã hội của mọi người.

(2). Xử trí các thực tại nghịch lý của vấn đề di dân. Mặc dù việc cạn dần chất xám đang là quan tâm chính của lục địa, nhưng cũng có các vấn đề vi phạm nhân quyền đối với các di dân nữa.

(3). Gây ý thức nơi các cộng đồng và các nhà lãnh đạo chính trị để giảm thiểu việc thiếu hiểu biết về các lý do khiến người ta di dân. Di dân cũng đem lại tính đa dạng và nhiều yếu tố tích cực cho việc phát triển kinh tế và nhân bản của lục địa.

(4). Tái thiết mô thức mới để suy nghĩ trong xã hội ngày nay ngõ hầu tạo được một thứ nối kết mới, một thứ cầu bắc mới giữa lục địa và các cộng đồng di dân đang tản mạn khắp thế giới.

(5). Bảo vệ các quyền và nhu cầu của các nhóm thiểu số trong đó có các nhóm di dân.

9. Châu Phi bình yên với quá khứ của mình

Chúng tôi khuyến cáo rằng Thượng Hội Đồng nêm xem sét các lãnh vực sau đây:

(1). Thế giới cần nghiêm chỉnh đối với Châu Phi và lắng tai nghe Châu Phi đòi hỏi hòa bình.

(2). Lắng nghe cái phần bị lãng quên của xã hội đang hòa giải, tức người trẻ, những người đang là nạn nhân và tác nhân cho việc kiến tạo hoà bình và các cố gắng hòa giải đang diễn tiến.

(3). Các giáo hội nên nghiêm chỉnh đối với các khả năng đã xây dựng được từ những người trẻ từng dấn thân nối vòng tay lớn cho hòa giải và công lý và phải dành cho họ tiếng nói và vị thế thích đáng trong các kế hoạch mục vụ có tính chiến lược dành công lý và hòa giải.

10. Châu Phi hòa giải với hoàn cầu hóa

Chúng tôi khuyến cáo rằng Thượng Hội Đồng nên xem sét dành ưu tiên cho những lãnh vực sau đây:

(1). Giáo Hội nên khích lệ để Châu Phi khai thác và xây dựng được các thị trường riêng của mình. Hòa nhập vào các thị trường thế giới phải đi đôi với việc tăng cường các thị trường địa phương cả ở bình diện lục địa lẫn bình diện vùng.

(2). Khi hợp tác với các chính phủ, Giáo Hội nên giúp các cộng đồng nâng cao thu nhập cho các nhà sản xuất đệ nhất kỹ nghệ của chúng ta. Tình liên đới quốc tế với các nước có thiện chí có thể giúp đỡ các nước Châu Phi qua diễn trình chuyển giao kỹ thuật và giúp các nước này trở nên cạnh tranh được. Kỹ thuật thông tin và truyền thông (ICT=Information and Communication Technology) là một phương tiện quan trọng có thể mở ra các thị trường bên trong.

(3). Dù tư hữu hóa được coi là quy phạm trong thế giới hoàn cầu hóa ngày nay, Giáo Hội nên giúp các chính phủ hiểu rằng vẫn có một số lãnh vực chủ yếu cần phải được nằm trong tay nhà nước thí dụ các dịch vụ như y tế, giáo dục, cung cấp nước, hạ tầng cơ sở và nhiều lãnh vực dịch vụ chủ yếu khác. Tư hữu hóa các dịch vụ này sẽ bất công buộc người nghèo phải đứng bên ngoài các phúc lợi ấy và làm tồi tệ thêm sự sinh tồn của họ.

(4). Giáo Hội nên giúp cổ vũ công bình trong bối cảnh lưu chuyển con người và hàng hóa. Hoàn cầu hóa cũng phải có khuôn mặt nhân bản chứ không phải chỉ là khuôn mặt kinh tế.

(5). Trong khi hợp tác với các tác nhân dân sự, Giáo Hội nên khai triển các mạng lưới hữu hiệu để cổ vũ sự trong sáng noi các công ty đa quốc hiện đang đầu tư tại Châu Phi. Tình liên đới quốc tế sẽ giúp đảm bảo rằng các công ty đa quốc sẽ trong sáng và có tinh thần trách nhiệm hơn.

(6). Giáo Hội nên tố cáo thứ hoàn cầu hóa chỉ biết cổ vũ các khía cạnh vị kỷ và ích kỷ. Hoàn cầu hóa có thể trở thành một khí cụ quan trọng giúp người ta thăng tiến nhau, qua tình liên đới quốc tế để cải thiện phúc lợi của mọi con người.

(7). Phải tập chú vào việc nhận diện các điểm mạnh và các điểm dễ bị thương tổn của Châu Phi và hành động thích đáng. Châu Phi không thể buộc mình tham gia diễn trình hoàn cầu hóa một cách mù quáng nếu nó muốn cạnh tranh với người khác. Giáo Hội có một vai trò quan trọng trong việc giáo dục các quốc gia về lãnh vực này.

Kết luận:

Chúng tôi sung sướng và tự hào đã có thể đóng góp vào Thượng Hội Đồng vốn là một diễn trình chứ không phải chỉ là một biến cố. Chúng tôi ý thức các hạn chế trong việc làm của mình: một số các vấn đề quan trọng đối với tương lai không được bàn tới, như Tôn Giáo Truyền Thống Châu Phi, Các Giáo Hội và phong trào Tin Lành, HIV-AIDS, các hậu quả của cuộc khủng hoảng đối với Châu Phi, công lý môi sinh, ấy mới chỉ là một số vấn đề.

Chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục đóng góp vào diễn trình của Thượng Hội Đồng, vào việc thực thi các kết quả và khuyến cáo của nó, vào việc theo dõi việc thực thi này và đẩy mạnh các kết quả của nó.

Tài liệu của Dịch Vụ Thông Tin Công Giáo cho Châu Phi do AllAfrica Global Media (allAfrica.com) phổ biến.

II. Cuộc Cách Mạng Xanh ở Châu Phi

Trong khi đó, một nhóm chuyên gia khác họp nhau tại Ateneo Pontificio Regina Apostolorum ở Rôma cũng đưa ra khuyến cáo 10 điểm cho Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới về Châu Phi, nhằm tranh đấu cho hòa bình và phát triển nông nghiệp tại lục điạ này. Cuộc gặp mặt trên đưa ra chủ đề: “Tiến tới Cuộc Cách Mạng Xanh tại Châu Phi: Phát Triển là Tên Mới Của Hòa Bình”.

Hội nghị đau buồn trước sự kiện: Thiên Chúa đã bội hậu ban cho Châu Phi nhiều tài nguyên, nhưng, nghịch lý thay, người dân Châu Phi lại nghèo nhất trên hành tinh này. Khan hiếm thực phẩm, thiếu thốn kinh tế, thiếu đầu tư, và hạ tầng cơ sở kém cỏi đã đẻ ra việc thiếu phát triển và dẫn tới việc di cư cũng như tranh chấp vũ trang.

Mười khuyến cáo này dựa trên sự kiện hơn 70% lực lượng lao động của Châu Phi hiện diện trong khu vực nông nghiệp. Sau đây là 10 khuyến cáo ấy:

(1). Trường học và các cơ sở giáo dục là hạ tầng cơ sở cần đến nhất tại Châu Phi: con người nhân bản là vốn liếng đầu tiên cần được bảo vệ và thăng tiến vì phát triển là tổng số các đức tính nhân bản của người chơi.

(2). Huấn luyện và giáo dục phải được khích lệ, nhất là cho phụ nữ, những người chỉ được tới trường một cách hạn chế trong nhiều miền tại Châu Phi.

(3) Các chính sách nhằm bảo vệ và hỗ trợ các gia đình phải được cổ vũ vì vốn liếng nhân bản và xã hội tùy thuộc vào sự gắn bó và vững ổn của gia đình, nhất là trong những giai đoạn tiên khởi.

(4) Để nông nghiệp trở thành lực lượng chân thực thúc đẩy phát triển, ta cần phải gia tăng năng xuất bằng cách tối đa hóa việc khai thác đất đai từng đã được canh tác. Điều này bao hàm hiểu biết và các kỹ thuật giúp ta sử dụng tốt nhất các tài nguyên.

(5) Phát triển nông nghiệp đòi phải đầu tư vào nghiên cứu và phát triển với mục tiêu cổ vũ khả năng sản xuất của mọi thành viên cuộc chơi, nhất là những nông dân canh tác nhỏ.

(6) Các nông dân canh tác nhỏ đặc biệt cần phải nắm được các kỹ thuật canh nông tân tiến nhất, những loại nông phẩm cho sản lượng cao, các nhập lượng căn bản như phân bón, cũng như các dịch vụ và huấn luyện rộng lớn hơn.

(7) Cần phải đầu tư thêm cả về phẩm chất lẫn hệ thống phân phối hàng hóa để tạo giá trị gia tăng và giúp các nông dân Châu Phi gia nhập được các thị trường có phẩm chất cao cho các sản phẩm của họ.

(8) Thiệt hại do hạn hán và lụt lội có thể được giảm thiểu và điều hòa nhờ việc xây dựng một hệ thống nước tổng hợp với các nhà máy biến chế nước mặn, khả năng chứa nước, các giếng, các đập, các kinh đào, mạng lưới phân phối, hệ thống tái chế biến và các cơ sở dẫn thủy.

(9) Hệ thống chuyên chở cũng cần được phát triển bằng cách xây dựng thêm đường xá, cầu cống, hải cảng, đường rầy xe lửa và phi trường, giúp các sản phẩm Châu Phi tới được các thị trường lục địa và liên lục địa.

(10) Phát huy các kế hoạch nghiên cứu và phát triển về canh nông Châu Phi và khích lệ các thế hệ mới chịu học tập và làm việc tại ngay quê hương xứ sở mình cũng là những mục tiêu rất quan trọng. Lãnh vực kỹ thuật sinh học (biotechnology) xem ra rất nhiều hứa hẹn, không những cho việc cải thiện và phong phú hóa hạt giống cũng như các giống gia súc để vượt thắng khí hậu và các điều kiện canh tác không thuận lợi, như hạn hán, độ mặn trong đất, sâu bọ và bệnh tật, nhưng còn để sản xuất ra các loại thuốc điều trị và thuốc chủng.

Các chuyên gia cho hay toàn bộ dự án phát triển canh nông Châu Phi là một phần trong khuôn khổ có tên là “sinh thái nhân bản” từng được hai vị giáo hoàng là Đức Gioan Phaolô II và Bênêđíctô XVI khai triển.
 
Đức Thánh Cha hoàn toàn tin tưởng ở lục địa châu Phi
PV WHĐ
21:41 06/10/2009
WHĐ (07.10.2009) / ESM – Châu Phi ngày nay được xem như châu lục bất hạnh nhất trong các châu lục. Dân số gia tăng liên tục không tương xứng với sự tăng trưởng kinh tế. Nội chiến diễn ra như một thứ bệnh dịch tàn phá theo định kỳ những vùng rộng lớn trên lãnh thổ châu lục. Đại dịch sida tấn công dân chúng dân một cách tàn nhẫn. Dưới cái nhìn của con người, các chẩn đoán chẳng có chút gì là lạc quan cả, nhất là khi người châu Phi xem ra bị coi là những người bà con nghèo của hiện tượng toàn cầu hóa. Người ta có thể tự hỏi những cuộc tấn công săn mồi mới đã chẳng đe dọa nền độc lập kinh tế và chính trị của người châu Phi hay sao. Thế nhưng về một số mặt nào đó, châu Phi được xem là lục địa trẻ nhất trong các châu lục và niềm tin vào cuộc sống có thể khiến lục địa này hình dung ra một tương lai ít bất lợi hơn, miễn là nó thoát được những “chất thải tinh thần độc hại” đe dọa sức khỏe tinh thần của châu lục này.

Chính Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã dùng cụm từ này khi ngài khai mạc cuộc họp thứ hai của Thượng hội đồng về châu Phi. Ngài xác tín rằng châu Phi là một lá phổi tinh thần khổng lồ của thế giới hiện tại. Hình ảnh này đặc biệt gợi nhớ và diễn tả tất cả niềm tin tưởng của Đức Thánh Cha về châu Phi. Một châu lục có thể là cơ may đối với thế giới, ở chỗ nó không bị nhiễm cái chủ nghĩa hư vô độc hại đương thời và có một lòng tin tưởng vững chắc nơi gia đình, việc truyền đạt sự sống. Cái thứ văn hóa của sự chết hoàn toàn xa lạ với châu lục này, và nếu có xuất hiện, ấy là do các yếu tố bên ngoài biến thành các virus để lũng đoạn niềm tin tưởng an bình ở đây. Một Thượng hội đồng thứ hai đã được triệu tập tại Roma chính là để châu Phi được thấm nhuần ân sủng của Thiên Chúa, ân sủng sẽ giúp châu Phi trở thành “một phúc lành cho Giáo hội phổ quát”.

Các khó khăn không chỉ có ở bên ngoài các Giáo hội. Đôi khi, các cộng đồng Kitô hữu cũng bị nhiễm những cái tật riêng của mình (…). Thượng hội đồng sẽ tìm cách đưa ra những câu trả lời cụ thể cho các thách thức khác nhau này, cũng như sẽ đặc biệt chú ý đến khẩu hiệu ĐTC đã đề ra một cách rõ ràng. Giáo hội châu Phi phải là ngôn sứ và là men của sự hòa giải giữa các nhóm bộ tộc, ngôn ngữ và tôn giáo khác nhau, bên trong mỗi quốc gia và trên toàn châu lục.”

(Theo Gérard Leclerc, ESM, PV www.hdgmvietnam.org dịch)
 
Top Stories
TAIWAN: La crise financière et le typhon Morakot
Eglises d'Asie
08:18 06/10/2009
La crise financière et le typhon Morakot ont amoindri les recettes habituellement tirées de la vente des gâteaux de lune par une ONG catholique

La Fondation Saint-Joseph pour le bien-être social déplore que, cette année, les recettes tirées de la traditionnelle vente des gâteaux de lune soient d’un tiers inférieures à celle de l’année 2008 (1). Selon ses responsables, c’est la première fois depuis 1997, année où les ventes à caractère caritatif ont été instituées, que les recettes baissent et la raison en serait double: d’une part, la crise économique et financière pèse sur le pouvoir d’achat des consommateurs, et, d’autre part, le passage dévastateur du typhon Morakot dans le sud du pays, le 8 août dernier (2), a mobilisé la générosité des donateurs, amenuisant d’autant la disponibilité de ces derniers pour de nouveaux appels.

Sise dans le diocèse de Hsinchu, au nord-ouest de Taiwan, la Fondation Saint-Joseph a été fondée en 1975 par un jésuite missionnaire récemment décédé, le P. Stephen Jaschko (1911-2009). Actif sur le continent chinois puis à Taiwan à partir de 1950, le missionnaire avait à cœur de subvenir aux besoins éducatifs des enfants et des adultes inadaptés ou handicapés. Aujourd’hui, les deux centres qu’il a contribués à fonder accueillent 200 jeunes âgés de 15 et plus en formation professionnelle et une soixantaine de jeunes enfants avant leur prise en charge par les institutions étatiques.

Lin Hsiang-ya, vice-présidente de la Fondation, explique que, bon an mal an, les ventes de gâteaux de lune permettaient de couvrir une partie des frais de fonctionnement de ces institutions et de faire connaître l’œuvre à de futurs bienfaiteurs. Pour la fête de la mi-automne, célébrée cette année le soir du 3 octobre, seulement 8 200 boîtes de ces gâteaux traditionnels ont été vendues, soit un tiers de moins que l’an dernier. La recette versée à la fondation s’est montée à 1 million de dollars taiwanais (20 000 euros), en net retrait par rapport au 1,5 million de l’an dernier. Ce manque à gagner va obliger la fondation à reconsidérer, du moins à retarder, la mise en chantier d’une maison d’accueil pour les handicapés âgés dont les parents sont décédés ou ne sont plus en assez bonne santé pour s’occuper de leur enfant, souligne Lin Hsiang-ya.

Selon elle, la raison de cette baisse des recettes tient en premier lieu à la crise économique, la sollicitation des entreprises ayant donné moins de résultats cette année que l’an dernier, mais s’ajoute à ce facteur une certaine « fatigue » des donateurs, notamment des personnes individuelles. En effet, après le passage du typhon Morakot dans le sud de l’île, la fondation avait appel à la générosité du public au début du mois de septembre en mettant en vente des gâteaux de lune, symbole de réunion familiale. Les bienfaiteurs avaient répondu positivement à cet appel, mais, à peine plus d’un mois après, ils renâclent à de nouveau se montrer généreux, analyse Lin Hsiang-ya. Elle ajoute que le conseil de la fondation a décidé de faire de la traditionnelle fête de Noël une soirée spéciale de levée de fonds, dans l’espoir que les gens sauront se montrer généreux à cette occasion.

(1) La fête de la mi-automne ou fête de la lune est célébrée dans le monde chinois le soir du 15ème jour du huitième mois lunaire (d’où son appellation de « 15 août »). Ce jour-là, la pleine lune est la plus ronde et la plus lumineuse de l’année, ce qui symbolise l’unité de la famille et le rassemblement. Traditionnellement, on consomme à cette période des gâteaux de lune (yue bing), le modèle classique contenant une pâte sucrée de haricots ou de dattes enrobant un jaune d’œuf de cane salé qui rappelle la lune. La surface est décorée de motifs en relief en relation avec les légendes lunaires ou d’idéogrammes auspicieux (voire de motifs chrétiens pour les gâteaux de lune réalisés à l’intention des chrétiens), et plus récemment de caractères indiquant prosaïquement le contenu des gâteaux pour faciliter le choix des clients devant leur diversité croissante. Célébrée sous le nom de Zhongqiujie dans le monde sinophone, le festival de la mi-automne est fêté sous le nom de Têt Trung Thu au Vietnam, de Tsukimi au Japon et de Chuseok en Corée.
(2) Voir EDA 513

(Source: Eglises d'Asie, 6 octobre 2009)
 
VIETNAM: Les évêques vietnamiens appellent les catholiques à se montrer solidaire de leurs compatriotes sinistrés à la suite du passage du typhon Ketsana
Eglises d'Asie
08:19 06/10/2009
Alors que les effets d’un nouveau typhon (Parma) se font sentir au large des côtes vietnamiennes, en mer de Chine, et que les bateaux de pêche ont reçu l’ordre de ne point s’approcher de certaines zones plus dangereuses, dans les provinces du Centre-Vietnam est venue l’heure de faire le bilan des très graves dégâts causés par la précédente tempête (Ketsana), appelée tempête N° 9 au Vietnam. Les derniers chiffres donnés par la presse du Vietnam sont impressionnants: 162 personnes sont mortes tandis que l3 millions d’autres, au Centre et sur les Hauts Plateaux, ont subi, plus ou moins gravement, les effets dévastateurs de la tempête et des inondations. Parmi elles, 210 000 avaient besoin de secours urgents.

Venant des Philippines, le typhon Ketsana a abordé les côtes du Vietnam dans la nuit du 29 septembre 2009. Les vents ont redoublé d’intensité en rentrant dans le pays. Ils ont été accompagnés de pluies qui, aussitôt, ont provoqué des inondations. Les plus touchées ont été les provinces côtières et les provinces des Hauts Plateaux du Centre-Vietnam. Pendant quelques jours, la vie quotidienne y étaie paralysée, les écoles fermées, la circulation routière bloquée, la production agricole et industrielle interrompue. Les maisons et les ouvrages d’art détruits ne se comptent plus. Des dizaines de milliers de personnes ont tout perdu et ne peuvent survivre que grâce au secours.

Dès le lendemain de l’entrée du typhon au Vietnam, l’Eglise catholique s’est manifestée pour inciter à la communion et à la solidarité active. Le 30 septembre, le président de la Conférence épiscopale, Mgr Pierre Nguyên van Nhon, envoyait une lettre de communion aux diocèses les plus touchés par la calamité naturelle, à savoir Quy Nhon, Da Nang, Kon Tum, Huê,… Le lendemain, Mgr Laurent Chu Van Minh, évêque auxiliaire de Hanoi, dans une lettre adressée à l’ensemble du diocèse, appelait à la prière et sollicitait la contribution financière de chacun des fidèles. Le même jour, au diocèse de My Tho, dans le delta du Mékong, Mgr Paul Bui Van Doc s’adressait lui aussi à son diocèse, pour qu’il se porte au secours de la population victime de la récente tempête. Il annonçait aussi que les quêtes dominicales seraient consacrées à cette aide. A Phu Cuong, à l’ouest de Saigon, la lettre épiscopale, datée du 2 octobre et signée par Mgr Pierre Trân Dinh Tu, lançait une grande collecte dans l’ensemble du diocèse, destinée à « partager les pertes des victimes de la tempête, dans un esprit évangélique ». Dans l’archidiocèse de Hô Chi Minh-Ville, le cardinal archevêque Jean-Baptiste Pham Minh Mân demandait aux membres de la grande famille de son diocèse de « se sacrifier » en prenant sur leurs dépenses ordinaires en matière de nourriture pour aider ceux qui, aujourd’hui, manquent de tout à refaire leur vie.

Dans les diocèses touchés par la tempête ou les inondations que l’on peut ainsi énumérer Thanh Hoa, Vinh, Huê, Kontum, Da Nang, Quy Nhon, les forces vives des paroisses, à savoir les associations de laïcs, et les congrégations religieuses se sont mises spontanément au service des victimes, par des collectes ou encore des actions concrètes. Cependant, c’est la Caritas vietnamienne qui s’est portée en tête des secours aux victimes. Mgr Dominique Nguyên Chu Trinh, président de l’association caritative nationale, a informé que celle-ci avait immédiatement débloqué une importante somme pour assurer les premiers secours. Caritas Vietnam a également établi à Xuân Lôc un « Bureau de secours aux compatriotes sinistrés » destiné à coordonner les collectes et les activités d’assistance aux victimes des récentes inondations (1). A cet élan intérieur, il faut ajouter celui de la diaspora vietnamienne, qui, à travers diverses associations, a déjà fait parvenir au Vietnam une contribution financière importante.

(1) Les informations utilisées dans cet article ont été puisées en grande partie dans les dépêches de l’agence VietCatholic News.

(Source: Eglises d'Asie, 6 octobre 2009)
 
VIETNAM: Ouverture à Xuân Lôc de la deuxième assemblée annuelle de la Conférence des évêques du Vietnam
Eglises d'Asie
09:45 06/10/2009
La deuxième assemblée annuelle de la Conférence des évêques du Vietnam vient de s’ouvrir le lundi, 5 octobre, à l’évêché de Xuân Lôc. La nouvelle a été annoncée sur le site Internet de la Conférence, qui a aussi mis en ligne un rapport détaillé des travaux de cette première journée (1). Le programme des travaux y a été annoncé sans que soient véritablement dévoilées les questions précises qui seront abordées.

Dans son discours d’ouverture, Mgr Pierre Nguyên Van Nhon a déclaré aux évêques rassemblés: « Votre présence en nombre satisfaisant, aujourd’hui, va faire revivre le climat de communion et de fraternité qui a régné parmi nous au cours de notre récente visite ad limina à Rome. » Les 26 diocèses du Vietnam étaient effectivement représentés. Cependant, deux évêques manquaient à l’appel. Mgr Emmanuel Lê Phong Thuân, âgé et de santé fragile, n’avait pas pu se déplacer. Le second absent de marque était l’archevêque de Hanoi, Mgr Joseph Ngô Quang Kiêt, secrétaire de la Conférence. On sait que la fatigue qu’il éprouve depuis son retour de Rome inquiète son entourage et l’ensemble du diocèse. Du monastère de Châu Son où il se repose, il avait envoyé au président un petit mot qui a été lu un public: « Encore fatigué, veuillez autoriser mon absence au cours de cette assemblée de la Conférence. Je prie l’évêque secrétaire adjoint de bien vouloir s’occuper des tâches du secrétariat. Je participerai à cette assemblée par la prière quotidienne à l’intérieur du monastère. »

C’est donc Mgr Joseph Vo Duc Minh, son adjoint, qui a ensuite pris la parole pour exposer de manière générale le programme des travaux de cette assemblée. Les évêques débattront principalement de l’Année sainte 2010, qui devrait souligner l’importance du développement accompli par l’Eglise au cours de son histoire au Vietnam. Les rapports d’activités des diocèses et des commissions épiscopales vont, cette année, occuper une place spéciale, a déclaré le secrétaire de l’assemblée, sans préciser les problèmes concrets qui seront soulevés. De nombreux autres sujets vont être traités, comme le programme de formation sacerdotale, la demande d’ouverture du procès de béatification des deux premiers vicaires apostoliques au Tonkin et en Cochinchine, Mgr François Pallu et Mgr Pierre Lambert de La Motte, les activités et les célébrations relatives à l’année sacerdotale, etc.

Comme l’a fait remarquer Mgr Minh, ce programme est d’ordre général et il est probable que certains événements qui ont marqué, cette année, l’Eglise du Vietnam, en particulier, les différents conflits avec les autorités, seront abordés sous une rubrique quelconque. En tout cas, le programme proposé, en ce premier jour de l’assemblée, ne nous en donne, pour le moment, aucune indication.

(1) Le rapport est publié sous le titre « Journal de la deuxième assemblée annuelle de la Conférence épiscopale ». Il sera suivi par d’autres comptes-rendus. http://hdgmvietnam.org/News.aspx?Type=8&Act=Detail&ID=862&CateID=63

(Source: Eglises d'Asie, 6 octobre 2009)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Hội Đoàn Legio Việt Nam cùng nhịp bước đến Curia Viên-chăn - Laos
Giuse Hoàng Trung Thông
08:47 06/10/2009
LÀO - Hằng ấp ủ nhiều ước mơ trong con tim cháy bỏng để lá cờ Mẹ sớm được bay lại trên đất nước Laos. Cha Raphael Trần Xuân Nhàn linh giám Comitium Vinh, đã từng thao thức trăn trở công cuộc truyền giáo tại đất nước Laos. Trong tổng số 5.4 triệu dân Lào, phần lớn là theo Phật Giáo, có 42,000 anh chị em tín hữu Công Giáo. 24linh mục, 93 nữ tu, 14 thầy.

Sau chuyến đi Hàn Quốc để học hỏi về truyền giáo, tại giáo phận Busan được đức Giám Mục Francis cho hay công cuộc truyền giáo tại Hàn Quốc, trong thập niên qua là nhờ hội đoàn Legiô, cha rất vui mừng trở về kêu gọi anh chi em Legiô hiệp thông cầu nguyện xin ơn Chúa và Mẹ Maria trợ giúp. Cho đến đầu năm 2008, chuyến đi quyết định này mang về nhiều tin vui, vì đã được Đức Giám mục và các linh mục ở Laos chấp thuận, ngài thông báo cho anh chị em trong ban quản trị: “Cha con ta chuẩn bị cho công việc thành lập Legio tại Laos”. Tin mừng này đã làm thổn thức nỗi lòng của anh chị em trong BQT Comitium Vinh. Thế rồi ơn Chúa Thánh Thần thúc đẩy, được Cha hướng dẫn, sau một buổi thảo luận và chọn một phương án tối ưu. Sr. Mai liên Huệ (dòng St. Paul) và nhóm người thiện chí đã vội vã lên miền sơn cước như Đức Maria đi thăm chị họ là Elíabeth đúng vào những ngày hè nóng bỏng 2008. Những dấu chân trên đất lạ xứ ng-ười dọc theo hành trình của vết chân cha linh giám đã đi qua, và họ đã dừng lại từng chặng đường để giới thiệu và mời gọi. Trong chuyến đi đã làm nên những kết quả ban đầu, là mỗi Giáo Phận đã có một Praesidium là những nắm men, như những bếp than rực lửa hâm nóng Đức tin nơi Giáo hội Nước Laos. Sự kiện nhỏ bé này cũng phần nào bù đắp những ước mơ của Cha và của HĐ Senatus Việt Nam và cũng thêm nhiều nét đậm trong trang nhật ký truyền giáo của Giáo Phận Vinh và HĐ commitium Vinh nói riêng.

Phaolô trồng Apolo tới: Cha linh giám và BQT Comitium Vinh trong một phiên họp nội bộ để bàn tính công việc tiếp bước sang Laos để thăm viếng và chăm sóc.

Những ngày đầu tháng 9/2008, BQT Comitium Vinh đã vội vã lên đường lòng tràn ngập niềm vui được sai đến miền đất hứa, bỏ quên những vất vả khó nhọc với chặng đường đèo dốc hiểm trở trên 1.500km. Nơi đất lạ xứ người và bất đồng ngôn ngữ. Điểm đến đầu tiên là Giáo Phận Viên-Chăn, chúng em được chị trưởng Praesidium Mẹ hằng cứu giúp ra đón tận bến xe quốc tế đem về nhà riêng. Sau ít phút hàn huyên, thăm hỏi, chúng em đã vội vàng lên lịch thời gian và chương trình của cuộc thăm viếng. Trong vòng hơn một tuần lễ tại đất Laos chúng em đã lần lượt đến cả 3 Giáo Phận Viên-Chăn, Packse, Thakhet thăm các gia đình hội viên, dự họp các Praesidium. Huấn luyện ủy viên, hội viên cả 3 Praesidia. Tuy khẩn trương và vội vã nhưng chúng em được Chúa Thánh Thần hỗ trợ và sự đồng hành của Mẹ Maria trong mọi công việc, để những nắm men được dậy bột nơi miền đất hứa. Hy vọng một ngày không xa mùa gặt hái sẽ phong nhiêu. Chúng em lại trở về lòng tràn ngập niềm vui.

Rồi lại nối bước lên đường những ngày cuối tháng 10 Sr. Mai liên Huệ và BQT Comitium Vinh lại tiếp tục sang Laos khi gặp lại các anh chị Việt kiều để thăm viếng, tham dự các buổi sinh hoạt và hướng dẫn thêm, chúng em lại được anh trưởng Praesidium Mẹ ban ơn Packse, dẫn đường qua sông Mêkông cách thành phố Packse khoảng 7Km đến với bản Huội phệt tên gọi cũ là bản Malai. Người mà chúng em được gặp đầu tiên là Sr. Khan một nữ tu dòng thừa sai bác ái. Người Việt Nam sang Laos năm 14 tuổi vào dòng nay đã 65 tuổi. Qua gặp gỡ thăm hỏi chuyện trò được biết những việc Sr. đã làm đang làm nơi Huội Phệt, chúng em thấy được chân dung một Nữ tu nhiệt thành, năng động và sáng tạo có thể nói là một nhà giáo dục, nhà từ thiện bác ái, nuôi dạy trẻ em nghèo, tạo việc làm cho người tàn tật bất hạnh đã 15 năm gắn bó với dân bản này. Khi nói đến mục đích chuyến viếng thăm và giới thiệu về Legio Mariae Đạo binh Đức Mẹ, hội đoàn tông đồ Giáo dân, và muốn được thành lập 1 Praesidium trên Giáo xứ Huội Phệt. Sr. đã vui mừng cảm động với những giọt nước mắt hạnh phúc tuôn rơi, vì trước năm 1975 Sr. đã biết ít nhiều về Legio Mariae Đạo binh Đức Mẹ. Thế rồi với lời giới thiệu mời gọi của Sr. bằng tiếng Laos về chủ đích và tinh thần của Legio đã quy tụ được 13 hội viên người Laos và lập đợc 1 Praesidium Đức bà phù hộ các giáo hữu.

Tháng 3/2009 Comitium Vinh lại thực hiện chuyến viếng thăm định kỳ, mỗi lần viếng thăm thấy mảnh đất mầu mỡ này lại nhú mầm vô số hội viên mới, các Praesidia lại tăng trưởng ước mơ hình thành một liên Praesidia Laos đã được khẳng định, nỗi lòng của chúng em lại tràn ngập niềm vui quên đi những cơn gió Laos nóng bức và những khó khăn. Dưới sự điều hành của Cha Linh giám Raphael và chương trình của Senatus Việt Nam, tháng 9/2009 BQT Comitium Vinh lại lên đường thăm viếng định kỳ. Trong chuyến viếng thăm định kỳ này thì niềm vui lại chen lấn lo âu, khi đến Giáo phận Packse gặp Cha linh giám và các anh chị ủy viên, hội viên, tham dự buổi sinh hoạt thì mới biết Mẹ đã âm thầm làm việc với con cái của Mẹ, vui là vị con số hội viên tăng nhanh không ngờ được, nhất là khi đến với Huội Phệt gặp lại Sr. Khan cho biết số hội viên người Laos tăng nhanh và đã tách được 1 Praesidium mới. Chúng em thông báo cụ thể chương trình chuyến viếng thăm và việc lập Curia Viên-Chăn. Thời gian không đủ để ở lại dự họp với các Curia Huội phệt, Sr. đã cho mời các hội viên quy tụ gặp gỡ, chúng em tranh thủ trao đổi, chia sẻ trong vài giờ và mời các ủy viên về dự họp lập Curia tại Viên-Chăn.

Ngày 19/09/2009 cùng với anh trưởng Praesidium Mẹ ban ơn Packse đi vào bản Khămpeng cách Packse 30Km về phía đông, một xứ đạo người Laos không có ai biết tiếng Việt kể cả các Sr. sở tại. Cách đây không lâu Cha Thư (Cha coi sóc 60 làng bản là 60 Xứ và Họ đạo của Giáo Phận Packse) đã cùng với anh trưởng Pr. Mẹ ban ơn, đã đến đây lập 1 Praesidium tước hiệu Mẹ thông ơn Thiên Chúa nay đã có 50 hội viên cả nam và nữ. Tuy ngôn ngữ bất đồng, nhưng với những lời phiên dịch từ tiếng Việt sang tiếng Laos các hội viên đã cảm ơn rối rít. Sau những lời thăm hỏi, h-ướng dẫn và đề nghị chọn ủy viên để tách thành 3 Praesidia, thì Sr. Linh giám đã chấp thuận bằng những tràng pháo tay rộn rã. Chúng em lại trở về Packse chuẩn bị cho chuyến đi Viên-Chăn quảng đường gần 700Km. Chuyến xe chạy qua đêm đến Viên-Chăn vào lúc 6h15p ngày Chúa nhật, chúng em được chị trưởng Pr. Mẹ hằng cứu giúp, cho xe ôtô đến đón nhà thờ Viên-Chăn, để sau Thánh lễ dự họp với Pr. Mẹ Thông ơn Thiên Chúa. Người Laos có 14 hội viên buổi chiều 13h30p dự họp với Pr. Mẹ hằng cứu giúp có 18 hội viên (Việt kiều) và họp nhanh cùng các ủy viên cả 3 giáo phận của Giáo Hội Laos, để chuẩn bị cho đại hội thành lập Curia Viên-Chăn vào 14h ngày 21/09/2009 trong thời gian quý giá ấy, chúng em đã cùng với chị trưởng Pr. Mẹ hằng cứu giúp đến thăm các anh chị hội viên, ủy viên của các Praesidia Laos-Việt, đến đâu cũng được đón tiếp ân cần nồng thắm thể hiện tinh thần người lính của Đức Maria.

Với 1 ước mơ là lập được 1 Curia trên đất Laos để Legio khỏi bấp bênh, như đàn ong có tổ để làm mật cho đời và giờ đây dự định ước mơ đã thành hiện thực. Thakhet, Packse, Viên-Chăn đã lập 1 Curia, đã có tân Ban quản trị qua cuộc đại hội bầu cử. Tân BQT đã nhận nhiệm vụ phân công tác và công bố kỳ họp tháng tới. Sơ lược bước đi hành trình với Curia Viên-Chăn là để cùng nhau nhìn lại 1 chặng đường và cùng nhau cảm tạ hồng ân Thiên Chúa, cảm tạ Mẹ Maria đã đồng hành với chúng con. Nguyện xin Chúa qua lời bầu cử của Mẹ Maria tiếp tục ban ơn và chúc phúc cho công cuộc truyền giáo tại đất nước Laos qua con con cái Me.
 
LM Pierre Baptiste Đỗ Long Bộ và Phong trào Thanh Sinh Công Việt Nam
Trần Khánh Liễm
08:51 06/10/2009
Trên trang web VietCatholic ngày 2 tháng 10 vừa qua, có đưa tin một thành viên của Anh Em Hèn Mọn ( Dòng Thánh Phanxicô khó nghèo ) vừa qua đời tại Nha Trang: Linh Mục Đỗ Long Bộ, thọ 88 tuổi.

Trong phần sơ lược về cuộc đời của ngài, có nói ngài phụ trách làm tuyên úy Phong Trào Thanh Sinh Công VN từ 75-78.

Tôi có lấy ảnh từ trang web này, gửi cho một số bạn bè đã nhiều năm hoạt động trong PT Thanh Sinh Công VN và hải ngoại.

Nói về phong trào Thanh Sinh Công VN. Một số anh em giới trẻ ở SàiGòn và một số các tỉnh Việt Nam đã có dịp nghe biết về những hoạt động của phong trào. Khởi đầu từ 1956, một nhóm học sinh và sinh viên tại Sàigòn, thường tụ tập ở trường Nguyễn Bá Tòng vào những ngày Chúa nhật để dự thánh lễ tại một hội trường lớn trên lầu hai. Khởi xướng lúc đầu là do cha Trần Văn Hiến Minh, giáo sư triết tại trường Chu Văn An, cha Nguyễn văn Phán, cha Trần Thanh Khiết, giáo sư trường Nguyễn Bá Tòng, là những linh mục có nhiều quan tâm tới giới trẻ thời bấy giờ. Với danh hiệu là Đoàn Học Sinh Công Giáo, một số các cựu tu sĩ di cư thuộc các giáo phận Hà Nội, Bùi Chu, Phát Diệm, Thanh Hóa và Nghệ An. Có thể là do lòng nhiệt tâm làm việc tông đồ những anh em này tụ họp lại mỗi tuần với nhau dự thánh lễ, sau lễ là học phúc âm. Mot năm có hai lần được tổ chức lễ lớn cho giới học sinh: đó là lễ khai giảng, thường được tổ chức tại nhà thờ Đức Bà tại Sàigòn. Ngôi thánh đường khá lớn, nhưng lễ khai giảng nào cũng chật ních do sự tham dự của những trường công giáo tại Sàigòn. Dịp thứ hai trong năm đó là lễ mừng Chúa Giáng Sinh. Lễ giáng sinh thường tổ chức ở một nơi tương đối nhỏ hơn như ở Dòng Chúa Cứu thế hay một địa điểm của một tu viện khác.

Sau ít năm hoạt động liên tục, đoàn học sinh đã được trung tâm Công Giáo Tiến Hành lưu tâm và dành một địa điểm tại 72 Nguyễn Đình Chiểu cho anh em tới dự thánh lễ và hội họp. Khi linh mục Nguyễn văn Hoàng, thuộc giáo phận Phát Diệm mới du học về, đã được Linh Mục Nguyễn Duy Vi, giáo phận Thanh Hóa, phụ trách Công Giáo Tiến Hành đã mời ngài làm tuyên úy của đoàn. Nhưng vì những phần vụ giáo dục, cha Hoàng chỉ làm tuyên úy một thời gian ngắn.

Cho tới 1960, khi cha Đỗ Long Bộ vừa về nước sau thời gian đi du học về, Trung Tâm Công Giáo Tiến hành đã mời ngài làm tuyên úy. Khi cha Bộ bắt tay vào làm việc giúp đoàn học sinh, ngài đã áp dụng phương pháp hoạt động của JEC và đặt tên là Phong Trào Thanh Sinh Công Việt Nam. Trong thời gian này đa số những anh em hoạt động của đoàn học sinh vẫn còn tham gia trong những hoạt động hành tuần với một số đoàn viên tụ tập tại tu viện của dòng PhanXicô tại số 3 Phạm Đăng Hưng, Đakao vào các ngày Chúa nhật, trước lễ có tập hát, sau lễ có sinh hoạt, học kinh thánh.

Cha Bộ đã có công đoàn ngũ phong trào, lập thành các nhóm, các đội. Từ tinh thần hòa đồng, thận thiết giữa anh em đã có một đường lối để cùng nhau đưa chúa vào lãnh đường học đường, làm “ men trong bột “ theo tinh thần phúc âm với châm ngôn: XEM, XÉT, HÀNH ĐỘNG. Cũng chính thời gian này, các đoàn viên có dịp khuyến khích đọc thánh kinh mỗi ngày, có dịp giúp đỡ nhau và dành thời giờ chia sẻ những hiểu biết, khuyến khích việc học hành để gây thêm uy tín đối với phụ huynh, để các vị này có thể tin tưởng cho con em gia nhập phong trào và tham gia các hoạt động tông đồ.

Hơn một năm sau, Cha Bộ được nhà dòng bổ nhiệm chức vụ mới tại 28 Phan Văn Trường, cầu Ông Lãnh. Địa điểm mới này có nguyện đường và thánh lễ riêng cho phong trào, có nhiều phòng sở cho các nhóm hội họp và sinh hoạt vào các ngày chúa nhật và ngày thường. Tại đây phong trào cũng có được văn phòng riêng. Cũng từ đây phong trào được phát triển rất mạnh đí tới các giáo phận miền Nam và miền Trung. Phong trào cũng có những đường lối chỉ đạo, có những đại hội qui tụ giới trẻ, mỗi đại hội đều phát động một chiến dịch cho những hoạt động giới trẻ trong suốt năm.

Những thành phần tham gia phong trào vào lúc này gồm có nhiều tu sĩ của các đại chủng viện, các nữ tu, các sư huynh. Những trường công giáo ở Sàigòn vẫn là những môi trường hoạt động rất đắc lực. Tại đây đã xuất hiện các đoàn, các đội. Rất nhiều hiệu trưởng các trường công giáo đã khuyến khích học sinh tham gia hoạt động tông đồ tại học đường. Tại các trường công chỉ có những đội hoạt động với nhau.

Trong thời gian sau 1962, nghĩa là sau khi phong trào Thanh Sinh Công Việt Nam có trụ sớ mới, có hoạt sdộng mở rộng,một số lớn anh em đã tốt nghiệp đại học. Họ đã đi vào các nghề nghiệp như dạy học, hành chánh hay tham gia vào những chức vụ trong xã hội, trong quân đội. Dù đã trưởng thành và đi vào xã hội, đa số anh em vẫn tìm về với phong trào để có dịp hoạt động hay giúp đỡ phong trào về nhiều phương diện. Cuối thập niên bảy mươi và cho tới 1975, phong trào Thanh Sinh Công Việt Nam đã có hoạt động trên khắp các giáo phận miền Nam, đã được các giám mục và linh mục địa phương rất nhiệt tâm giúp đỡ và tạo cơ hội cho những hoạt động và sinh hoạt đặc biệt hay thường lệ của phong trào.

Sau khi miền Nam rơi vào tay cộng sản, mọi hoạt động trở nên khó khăn, trụ sở của phong trào do cha Bộ tao dựng tại đường Phát Diệm, Sàigòn do một số tiền tòa thánh La mã giúp cho phong trào và do cha Bộ và một số anh em đã đi vận động để tạo mãi và xây dựng. Trụ sở sau này trở thành một hợp tác xã do một anh thuộc phong trào quản trị. Cho tới nay trụ sở này từ từ biến thành một hợp tác xã không liên hệ gì tới phong trào. Mỗi năm người chủ dành cho phong trào một số tiền tượng trưng một triệu đồng VN, chưa tới một trăm đô la.

Những năm sau này sau khi mien Nam rơi vào tay cộng sản, phong trào vẫn còn hoạt động, nhưng không mạnh như trước và thường được yểm trợ do một nhóm anh em tại ngoại quốc tài trợ chú trọng vào việc gây dựng đào tạo ơn gọi và cấp học bổng cho những học sinh, sinh viên xuất sắc ở trong nước.

Tại Hoa Kỳ, một số linh mục và anh em thuộc phong trào nhiều năm đã cố gắng gây dựng lại phong trào. Có một số đoàn đã được thành lập nhiều năm nay và mỗi năm đều có đại hội tại những nơi khác nhau, hầu hết là tại nơi vị tổng tuyên úy và anh em lựa chọn.

Nhân dịp cha Đỗ Long Bộ qua đời, anh em các nơi trong nước cũng như ở hải ngoại đã cùng nhau chia sẻ sự mất mát lớn của phong trào, đã xin lễ và cầu nguyện cho ngài. Chúng ta tin tưởng Chúa sẽ nghe lời nguyện của mọi người, tha thứ những lỗi lầm nếu có và sớm đưa ngài tới nước Trời. Ở bên kia ngưỡng cửa thiêng liêng, chắc rằng cha sẽ gần gũi chúng ta hơn và cũng không quên những liên hệ ngài đã có đối với mỗi cá nhân chúng ta.

Requiescat in Pacem.
 
Tháng Mân Côi: Cộng đoàn CGVN ở Vermont rước kiệu cầu nguyện cho Quê hương
Lại Thế Lãng
09:17 06/10/2009
VERMONT - Bước vào tháng Mân côi Cộng đoàn CGVN Vermont đã phát động việc lần chuỗi Mân côi sống trong Cộng đoàn. Mỗi gia đình đã nhận một ngắm trong các màu nhiệm Sự Sáng, Vui, Thương, Mừng để bắt đầu lần hạt từ đầu tháng 10 và sẽ kéo dài trong hai tháng. Tháng 10 với ý cầu nguyện cho Quê hương, Giáo hội và Cộng đoàn, tháng 11 cầu nguyện cho các linh hồn.

Cùng với việc lần chuỗi Mân côi sống, hôm Chúa nhật 4/10/2009, Chúa nhật đầu tiên của tháng Mân côi, Cộng đoàn đã tổ chức rước kiệu cầu nguyện theo ý hướng như đã nói trên. Cuộc rước kiệu và thánh lễ tiếp theo đó đã diễn ra tại nhà thờ Đồng Chính tòa Saint Joseph ở thành phố Burlington.

Xuất phát từ hội trường nhà xứ đi bọc bên hông nhà thờ để vào cửa chính của nhà thơ, trên đường đi đoàn rước kiệu lần hạt và liên tục hát bài Mẹ Ơi Đoái Thương Xem Nước Việt Nam nhưng bốn chữ “Chiến tranh điêu tàn” đã được đổi thành “Bất công lan tràn” cho phù hợp với hiện trạng của Việt Nam hiện nay.

Mẹ ơi đoái thương xem nước Việt Nam
Trời u ám bất công lan tràn
Mẹ hãy giơ tay ban phúc bình an
Cho Việt Nam qua phút nguy nan.


Cộng đoàn đã rước tượng Đức Me Hoa Hồng Màu Nhiệm là một trong hàng ngàn pho tượng của hội Đức Mẹ Rosa Mystica tại Đức được tặng cho Cộng đoàn từ năm 2000. Từ đó đến nay tượng được luân phiên rước đến các gia đình mỗi tháng một lần. Tượng sẽ lưu lại gia đình đó cho đến tháng tới khi tụ họp đọc kinh tại một gia đình khác.

Trước thánh lễ ngoài việc nhắc nhở mọi người cầu nguyện cho những người đang chuẩn bị bước vào cuộc sống hôn nhân cũng như những người đang sống cuộc sống đôi bạn theo tinh thần các bài đọc và phúc âm của Chúa nhật thứ 27 thường niên, cha linh hướng còn nhắc nhở Cộng đoàn cầu nguyện cho Quê hương và Giáo hội. Trong phần Phụng vụ Thánh Thể ở phần cầu nguyện cho Giáo hội cha chủ tế khi cầu nguyện cho Giáo hội Việt Nam đã không quên cầu nguyện cho Đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt mà cộng đoàn luôn nhớ đến Ngài.

Cuối thánh lễ, vì năm nay là Năm Linh mục, Cộng đoàn đã hiệp ý đọc Kinh cầu cho các linh mục thật sốt sắng trong lúc cha chủ tế cung kính qùy trước tượng Đức Mẹ. Lời kinh thật tha thiết.

“Lạy Chúa Giêsu, là LINH MỤC ĐỜI ĐỜI, Chúa đã dùng tay các vị Giám mục mà thông ban bảy ơn Thánh Thần Chúa để thánh hóa các Linh mục. Chúa là mẫu gương độc nhất và sáng tỏ cho hàng Linh mục noi theo. Xin in sâu người mẫu vào tâm hồn các Linh mục để các Linh mục được trở nên những vị Kitô-thứ-hai của Chúa.

Xin Chúa cho các Linh mục sống theo ánh sáng Đức Tin chỉ dẫn và bất cứ trong cảnh ngộ nào hằng tin vào quyền năng vô cùng của Chúa, biết sống nội tâm, siêng năng cầu nguyện, lấy Mình Máu Thánh Chúa và Phúc Âm làm của ăn nuôi sống hằng ngày.

Xin cho các Linh mục thật lòng mến Chúa, và yêu thương mọi người, hy sinh đời sống mình vì kẻ khác, luôn luôn nêu gương mẫu khiêm nhường, khó nghèo, hiền hòa và trong sạch, để mọi người nhìn thấy Chúa Giêsu trong các Linh mục.

Xin cho các Linh mục trìu mến và vâng phục Cha chung là Đức Giáo Hoàng, thành tâm cộng tác với Đức Giám mục là đấng kế vị các Thánh Tông Đồ, luôn luôn đoàn kết với các anh em Linh mục trong việc mở mang nước Chúa.

Xin cho các Linh mục là những chủ chăn nhiệt thành săn sóc đoàn chiên Chúa tìm kiếm những chiên thất lạc chăm nom những chiên bệnh hoạn chữa lành những chiên đau yếu nuôi dưỡng chiên trong đồng cỏ xanh tươi của Chúa.

Xin cho các Linh mục là cha chung đáng quý mến của mọi gia đình Cộng đoàn hướng dẫn giáo dân trong tình phụ tử, lấy Phụng vụ và Lời Chúa làm của ăn nuôi dưỡng Cộng đoàn, để mọi người trong Cộng đoàn hăng say cộng tác xây dựng nước Chúa.

Lạy MẸ MARIA, là Mẹ hàng giáo sĩ xin cho hàng giáo sĩ hằng yêu mến Mẹ. Xin Mẹ nâng đỡ Linh mục khi có ai yếu đuối ủi an khi sầu khổ khuyến khích khi đau buồn, để các ngài luôn luôn phấn khởi làm tròn nghĩa vụ Linh mục. Amen.”.

Sau buổi rước kiệu và thánh lễ mọi người ra về lòng hân hoan vì Cộng đoàn đã bước vào tháng Mân côi bằng những việc làm có ý nghĩa.
 
Tại sao cứ ''mì tôm'' muôn năm?
Lm. Giuse Nguyễn Thành Long
09:22 06/10/2009
Một trong những điệp khúc được các quan chức nhà nước lặp đi lặp lại trước, trong và cả sau khi xảy ra thiên tai bão lụt đó là kiên quyết không để người dân nào phải đói. Đơn giản vì cái đói luôn chực chờ rình rập các nạn nhân ở các khu vực xảy ra bão lụt thiên tai. Có khi chỉ cần chạy bão chạy lụt 1, 2 ngày là cái đói đã xuất hiện. Trận bão lụt lịch sử vừa qua là một minh chứng. Số người cần được cứu đói khẩn cấp có khi lên tới hàng trăm ngàn.

Thế nhưng cách thức cứu đói, nhất là hàng cứu đói cần phải xem lại. Bởi lẽ quanh đi quẩn lại cũng chỉ thấy mì tôm và mì tôm. Mười năm, hai mươi năm về trước cũng thế, bây giờ cũng chẳng khá hơn. Tại sao không có những thứ lương khô khác, mà quẩn quanh chỉ có mì tôm, mì gà. Có người cho là mì tôm tiện lợi, lại nhẹ nhàng dễ vận chuyển. Đồng ý nhẹ nhưng lại cồng kềnh. Còn tiện lợi ư ? Nói tiếng là “mì ăn liền” nhưng có ăn liền được đâu, trừ phi là nhai sống. Vì giữa những vùng bị bão lụt cô lập, lấy đâu ra điện nước, mà giá như có điện nước đi nữa thì còn bếp, nồi, rồi chén đũa, v.v.… Nhìn hình ảnh những đứa trẻ hốc hác chia nhau gói mì tôm và ăn sống, mới thấy hết được cái bất cập của hàng cứu trợ. Nhìn những lô hàng mì tôm khổng lồ mà ngán. Bão lụt cô lập khoảng năm ba ngày là thấy mì tôm lòi ra cả lỗ mũi. Háo hức nhận hàng cứu trợ, nhưng khi mở ra thấy toàn mì tôm, nhiều người chẳng còn ham nữa! Vậy tại sao không sản xuất những thực phẩm hay lương khô khác và dự trữ trước mùa mưa bão: những thứ có thể ăn được liền và có giá trị dinh dưỡng đảm bảo hơn, mà không cần nấu nướng. Đã qua gần hết thập niên đầu của thế kỉ 21 rồi nhưng cung cách cứu đói và hàng cứu đói cho nạn nhân vẫn không cải tiến được chút nào.

Nếu không thay đổi thì vô tình biến mấy nhà sản xuất mì tôm, mì gà trở thành bạn đồng hành của mấy ông thần bão lụt ! Nếu không thay đổi thì vô tình chỉ làm giàu cho những người kinh doanh mặt hàng này trong mùa mưa bão. Cứ thử làm phép tính nhẩm: hàng trăm ngàn thùng mì tôm được chuyển tới vùng thiên tai, với giá ba bốn chục ngàn đồng một thùng, nhân lên thì sẽ thấy số tiền khổng lồ như thế nào. Điều này cũng khiến cho một số người có cảm tưởng những người phát động chiến dịch cứu trợ mì tôm có chân trong các xí nghiệp sản xuất mì tôm không chừng. Thậm chí có người còn cho rằng những người sản xuất mì tôm thường trông chờ có bão lụt, cũng giống như những người bán hòm trông cho có nhiều đám tang. Cứu giúp những người đang gặp cơn đói là một nghĩa cử vô cùng cao quý, nhưng nếu thiếu sự tế nhị, nghĩa cử đó sẽ bị giảm giá trị rất nhiều.

Nhìn đồ cứu trợ thiên tai ở các nước Âu Mỹ: toàn lương khô, đồ hộp có giá trị, mà thương đồng bào của ta. Cũng là con người, cũng bị thiên tai hành hạ, thậm chí là nặng nề thê thảm hơn, nhưng khi được cứu đói thì thấy đa phần chỉ là mì tôm, có khi mì còn quá đát nữa.

Xin đừng để đồng bào vùng thiên tai bão lụt phải ngậm ngùi chấp nhận sống chung với lời tuyên ngôn: “Mì tôm vạn tuế, mì tôm muôn năm !” Cũng xin đừng để thực trạng này tiếp tục xảy ra: sau khi cơn bão lụt đi qua thì cơn “bão bụng” lại nổi lên hành hạ, chỉ vì ăn mì tôm quá nhiều !!!

Phan Thiết, 05/10/2009
 
Nhóm ''Khúc Ca Cảm Tạ'' vui Trung Thu với các em mồ côi và khuyết tật tại Mái Ấm Thiên Bình
Peter Nguyễn Minh Trung
09:26 06/10/2009
XUÂN LỘC (03-10-2009) -- Tết Trung Thu 2009, nhóm Khúc Cảm Tạ (KCT) đến với vùng Long Thành và dừng chân tại Cơ sở Bảo trợ Xã hội (CSBTXH) Thiên Bình nằm ở xã Tam Phước, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai thuộc giáo phận Xuân Lộc.

Để chuẩn bị cho chuyến đi này, tất cả mọi anh chị em đều khá vất vả vì những phần quà trung thu dành cho các em và các cụ già là lồng đèn, bánh trung thu, sữa, bánh kẹo các loại, gạo, mì gói, đèn cầy, v.v... Nhờ ơn Chúa Quan Phòng qua những kêu gọi của anh em Ban Quản Trị KCT đã tác động đến các thành viên website, linh mục, tu sĩ, mạnh thường quân...và chính họ đã sẻ chia lòng hảo tâm bằng những món quà nhỏ, hầu giúp KCT mang niềm vui đến với các em cơ nhỡ, mồ côi, khuyết tật, những em mắc bệnh nan y, các cụ già sống tại CSBTXH Thiên Bình, để lại cho họ một mùa Trung Thu đáng nhớ.

Sau nhiều nỗ lực và vượt qua bao khó khăn để duy trì tiếp tục sự hoạt động của trang mạng, nhóm KCT đã cố gắng trong phạm vi có thể và thực hiện chuyến đi đầy ý nghĩa khi vừa mừng sinh nhật 5 tuổi cách đây không lâu (15/08 - Lễ Đức Maria Hồn Xác Lên Trời).

Hãy dõi theo bước chân của nhóm Khúc Cảm Tạ để thấy được hình ảnh Tết Trung Thu đặc biệt của những người kém may mắn.

Đúng 7h30 sáng, nhóm 25 người của KCT đều bắt đầu xuất phát từ nhiều nơi (Sài Gòn, Biên Hòa, Bình Dương, v.v) và có chung một điểm đến là, CSBTXH Thiên Bình do các Nữ tu Dòng Nữ tỳ Chúa Kitô Thiên Bình quản sóc.

Họp nhau đông đủ lúc 9h rồi tất cả cùng tiến vào trại tế bần do các Sơ chăm nom. Cơ sở của các nữ tu cách đường quốc lộ chừng hơn trăm mét và vài lần rẽ trái. Vừa bước qua những lũy tre xanh ngắt là đập vào mắt từng anh chị em hình ảnh các em nhỏ bị hội chứng Down, vẻ mặt như đang ngóng chờ một niềm vui lạ sắp sửa đến. Chúng hòa lẫn vào những đứa trẻ khác bị tâm thần, khuyết tật, chậm phát triển và mồ côi, tạo nên một dòng chảy hỗn loạn đầy những âm thanh nghe não lòng.

Các em nơi đây đa số còn rất nhỏ, có một số thì bị lão hóa sớm. Số phận đã không mỉm cười với các em như bao đứa trẻ khác. Có em bị dị tật bẩm sinh, em khác thì bị bỏ rơi từ lúc mới lọt lòng. Những mảnh đời nhỏ ấy dưới sự chở che, đùm bọc, chăm nom của các sơ đã vượt lên số phận một cách phi thường để sẵn sàng bước tiếp vào đời. Nhìn những nụ cười hồn nhiên trên đôi môi bé nhỏ, những người trẻ KCT không khỏi chạnh lòng và tự hỏi phải chăng so với các em, mình đang quá hạnh phúc.

Sau những phút chào hỏi các sơ quản lý và xếp quà cho gọn lại, một thành viên KCT - cũng là ứng sinh của Đại Chủng Viện Xuân Lộc - cùng với sự trợ giúp của các thành viên khác, đã ra cho các em nối vòng tròn sinh hoạt. Những cánh tay nhỏ xíu mà đầy tràn những quý mến cứ víu chặt vào tay anh chị, giống như một đại gia đình đang quây quần. Thật chẳng có gì vui hơn khi bắt gặp nụ cười giòn và niềm hạnh phúc ánh lên từ đôi mắt căng tròn của các em được anh chị cho sinh hoạt. Cạnh bên góc phòng khách, một nhóm khác của KCT lại đang treo lồng đèn và xếp nến để phát vào giấc trưa.

Trong lúc bên ngoài các em đang chơi, đại diện ban quản trị KCT được trưởng phòng kế toán - tài vụ và quản lý của trung tâm là Sơ Têrêsa Phan Thị Nhan mời vào tiếp chuyện. Nói chuyện với vị nữ tu nhỏ người này mới thấy được những khó khăn mà cộng đoàn phải đảm đương khi nuôi dạy các em và chăm sóc cho các cụ già neo đơn. Sơ Nhan cho biết hiện tại, tính đến 03-10-2009, CSBTXH Thiên Bình có 205 nhân khẩu, trong đó trừ riêng ra 20 nữ tu thì còn 130 em nhỏ khuyết tật, mồ côi, điểm đặc biệt là tất cả các em đều được đi học dù nhà nước không hề có chính sách miễn giảm học phí cho các em khi các sơ đề đạt yêu cầu chính đáng đó, đầu mỗi năm các sơ vẫn phải oằn lưng lo số tiền đóng học phí (trong đó có nhiều khoản thu vô lý) cho các em mà không hề được giảm dù chỉ một đồng; số nữa ở đây là các cụ già và một vài trường hợp đặc biệt khác được các Sơ chăm sóc. Cha giám đốc hiện tại là linh mục Giuse Nguyễn Văn Uy; cùng với sự hỗ trợ, cố vấn của Nữ tu Anne Sumalee Boonpratham - người thuộc dòng dõi hoàng tộc Thái Lan, đồng thời cũng mang dòng máu của hoàng tộc Việt Nam; Sơ Anne Nguyễn Thị Kim Anh phụ trách phòng hành chánh của trung tâm, và các nữ tu khác. Ngay từ buổi đầu khai phá rừng, các Sơ khẩn hoang được 10 mẫu đất. Thế nhưng theo thời gian, với lý do mà chắc ai cũng hiểu, mảnh đất lớn đó giờ đây đã bị thu hẹp xuống còn 4 mẫu rưỡi. Buổi trò chuyện thân tình với nữ tu quản lý còn khơi gợi ra nhiều chi tiết thú vị khác không thể kể hết nơi đây.

Cuộc trò chuyện kết thúc, sơ Nhan cho biết chi tiết chiều nay cũng có đoàn của cha Lê Quang Uy (Dòng Chúa Cứu Thế, Sài Gòn) đến thăm. Sơ còn nhờ anh em KCT sửa dùm cái máy tính trục trặc không hoạt động được.

Ngoài sân, cơn mưa lớn bất ngờ ập đến khiến cuộc vui chơi với các em phải tạm hoãn và vào lại trong nhà. Ngay sau đó các em được sơ Hường (người đã đồng hành cùng mái ấm hơn 30 năm) hướng dẫn ăn cơm trưa sớm để tiếp tục với chương trình của nhóm KCT. Khi dùng bữa xong và nghỉ ngơi ít phút, các em lại được sinh hoạt, hát hò nhẹ nhàng. Rồi thiện nguyện viên của nhóm KCT lại tập trung các em xếp thành hai hàng trật tự để lên nhận lồng đèn, nến và các phần quà đã được gói sẵn. Nhìn vào mắt các em, mọi người không ai không cảm nhận được niềm vui vỡ òa vì sung sướng. Đèn flash của máy ảnh nhá lên liên tục, thành viên KCT đứng với các em để công nghệ kỹ thuật số lưu lại những khoảnh khắc đáng nhớ ấy.

Nói với sơ Hường, nhóm KCT ngỏ lời được gặp và chào thăm Sơ Anne Sumalee Boonpratham, vị nữ tu tâm huyết của mái ấm Thiên Bình này ngay từ những ngày đầu. Qua tìm hiểu trước khi đến, được biết sơ Anne Sumalee là người thuộc dòng dõi hoàng gia của cả hoàng tộc Thái Lan và Việt Nam. Bước ra gặp gỡ với anh em là một nữ tu đơn sơ nhưng toát lên dáng vẻ cao quý. Sơ Sumalee mời mọi người ngồi và còn tự tay kéo chiếc ghế đá nặng cả tạ xích ra để anh em có đủ chỗ. Qua những phút nói chuyện và trao đổi đã bộc lộ đức khiêm tốn của sơ, bà rất khiêm nhường trả lời khi những câu hỏi tìm hiểu về thân thế và công việc của mình được đặt ra. Thực sự nếu không biết trước về sơ Sumalee qua những bài báo trên Internet, có lẽ sẽ không ai biết bà là người Thái Lan, vì bà trả lời và nói chuyện bằng thứ tiếng Việt chuẩn đến từng con chữ, đậm chất giọng Việt Nam (accent). Dù dòng dõi hoàng tộc, bà vẫn cho rằng mình chỉ là một nữ tu nhỏ bé và muốn cống hiến đời mình cho các em nhỏ bất hạnh. Cuộc đời và nguyên cớ tại sao sơ lại gắn bó với cô nhi viện Thiên Bình thì VietCatholic và các báo khác đã nhiều lần nói đến, ở đây không nhắc lại nữa. Nói chuyện, sơ chia sẻ những khó khăn của mái ấm Thiên Bình và những hồng ân mà Chúa thương ban cho nơi đây. Thấy người sơ Sumalee có mùi rượu thuốc, một bạn chưa kịp hỏi thì sơ đã lên tiếng bộc bạch rằng sơ hiện đang mang trong mình căn bệnh viêm màng não, hở van tim và thoái hóa khớp, những căn bệnh trên khiến vị nữ tu già 65 tuổi (sinh năm 1944) không khỏi đau nhức toàn thân, từ đầu tới chân. Sở dĩ có mùi rượu trên người là vì sơ hằng ngày phải thoa hai lần rượu thuốc để giảm bớt các cơn đau, thứ rượu thuốc này do một nhà hảo tâm tặng sơ. Hằng năm sơ phải về Thái Lan để xin gia hạn visa, nhân tiện cũng là dịp để người em gái làm bác sĩ khám chữa bệnh cho mình.

Biết được bệnh tình của sơ, ai ai cũng nghẹn lòng và mong cho người phụ nữ nhân ái này được Chúa gìn giữ luôn mạnh khỏe...Không làm mất thời gian và khiến sơ thêm mệt người, nhóm KCT chủ động kết chuyện để sơ có giờ vào trong nghỉ ngơi và nhóm còn hứa cầu nguyện cho sơ. Cũng lúc ấy anh em mới được sơ Hường cho biết: "Hôm nay mấy em may mắn mới được sơ Sumalee tiếp đó, mọi ngày bà chỉ ở trong nhà và nhờ sơ từ chối các yêu cầu xin gặp với lý do sức khỏe. Không hiểu sao hôm nay thấy các em vui vẻ quá sơ lại vào trong xin và bà cũng đồng ý ra tiếp, mà mọi lần có tiếp bà vẫn ở trong phòng và người ta vào thôi chứ không ra như hôm nay."

Giữa trưa, trời vẫn mưa nặng hạt, nhóm bạn trẻ, không ăn trưa mà lại tiếp tục đội mưa ướt cả người để tiến vào sâu hơn nữa trong khuôn viên của mái ấm Thiên Bình và thăm các cụ già được các sơ chăm sóc nơi đây. Nhóm KCT vào chào từng cụ, thăm hỏi và tặng quà trung thu cho từng cụ. Không khí thật xúc động ! Các cụ rất đỗi ngạc nhiên và hạnh phúc vì biết mình già nhưng vẫn được đón trung thu như các trẻ nhỏ. Nhiều cụ không cầm được nước mắt vì vui sướng đã khóc nức nở. Có cụ chia sẻ rằng có nhiều nhóm vào thăm, nhưng chưa nhóm nào làm cho các cụ vui như nhóm KCT. Một cụ bị mù có phòng ở đầu dãy nhà đã nhờ một cô dắt vào để tiếp tục cảm ơn nhóm bạn trẻ lần nữa dù nhóm đã băng qua phòng cụ khá xa, cụ ngỏ ý muốn hát một bài tặng cho nhóm. Khi cụ hát, dù rằng đôi mắt nhắm tịt nhưng nước mắt cụ vẫn chảy rưng rưng làm mọi người vô cùng cảm động. Bài bà cụ hát lạ lắm, chưa bao giờ người viết bài này được nghe, và cũng không ai trong nhóm biết được bài cụ hát là bài gì. Thật lạ, nhưng hay ! Cụ khác lại bảo nhóm hãy cùng hát chung với các cụ; thế là, bà lão khuôn mặt phúc hậu liền bắt hát bài “Anh em ta về” rồi lại bắt tiếp bài “Gặp nhau đây rồi chia tay”, mọi người vừa vỗ tay vừa hòa nhịp hát vang. Lại có cụ nữa đến xin hát tặng và thật không thể cưỡng lại lời đề nghị thân thương đó. Có lẽ từ lúc vào đây, các cụ chưa bao giờ được vui như hôm nay. Những phút nói chuyện thoải mái và được các cụ bày tỏ rất nhiều điều cũng trôi qua nhanh. Khi thực sự đến giây phút phải chia tay, các cụ người thì khóc, người thì luyến tiếc đến độ níu kéo, người thì hứa cầu nguyện và hẹn dịp khác lại gặp. Các bạn trẻ chào đi mà lòng vấn vương muốn ở.

Trên đường quay ra nhà khách, nhìn các sơ khuôn mặt đầy lam lũ do phải tảo tần mà không khỏi chạnh lòng, chắc chắn ẩn chứa đằng sau những vị nữ tu già, vóc dáng nhỏ bé, hao gầy vì sương, là một tấm lòng cao thượng vô bờ bến, dám hy sinh cả đời mình để chăm lo cho các em. Các sơ quả thật là “những người hùng thầm lặng”.

Trời đã tạnh mưa nhưng vẫn rất âm u, lúc này vừa đến đầu giờ chiều, nhóm KCT chào các sơ lên đường và hẹn dịp khác trở lại. Xe máy rồ ga, ngoái nhìn các sơ và các em đang vẫy tay tạm biệt, nhóm trẻ gật đầu lần nữa rồi xe chuyển bánh lên đường.

Rời mái ấm mới là lúc nhóm KCT ‘bỏ bụng’ những miếng bánh mì ngọt thay bữa trưa để chống đói. Ngồi nơi bóng mát ăn lót dạ, mọi người truyện trò sôi nổi. Thật ấm lòng khi lúc này nghĩ lại câu của sơ phụ trách coi các em đã nói: “Các sơ, các em và các cụ ở đây cũng có nhiều đoàn đến thăm hỏi, động viên, tặng quà…nhưng chưa bao giờ sơ thấy các em và các cụ vui và xúc động như hôm nay, chính bản thân các sơ cũng rất vui so với những lần khác. Chắc do cách mà các em trao quà, cách mà các em sinh hoạt và thăm hỏi nơi này đã làm không khí tự nó biến đổi”.

Vâng, thầm nghĩ, đúng thật: “Cách cho hơn của đem cho.”

Chào nhau, các bạn trẻ KCT mỗi người mỗi nơi, và hứa chiều nay sẽ lại có mặt để tiếp tục chương trình vui trung thu với các em ở xóm nghèo.

Chiều xế, nhóm tụ về đông thành viên hơn lúc sáng và tất bật những chuẩn bị cuối cùng để đón các em xóm nghèo. Khu vực nhà anh Phêrô Lê Văn Hoàng, I.J - thành viên KCT ở giáo xứ Tam Hải (Thủ Đức), cũng là tu sĩ thuộc Tu hội Chúa Giêsu - nhờ thế mà náo nức hơn ngày thường.

Chưa đến giờ hẹn, các gia đình xóm nghèo đã dẫn con nhỏ của mình đến để chia vui niềm vui trung thu. Đúng 19h, những thành viên trẻ của KCT tập hợp các em lại và cùng quây quần bên vòng tròn để sinh hoạt. Hầu như năm nào cũng vậy, ở Việt Nam, cứ rằm tháng tám thì trời lại mưa và rất hiếm khi được thấy trăng tròn, mà chỉ có trăng khuyết hoặc mây mù che cả mặt trăng. Dưới ‘ánh trăng rằm’ nhân tạo (đèn), thay cho ánh trăng huyền thoại đã đi liền với cổ tích “Chú Cuội - Hằng Nga”, tiếng cười và tiếng vỗ tay sôi nổi vang lên. Những bài hát vui trung thu, rước đèn đêm trăng cũng được cất lên rộn rã. Cá biệt, một em bé nhỏ tuổi nhất tham gia đêm rằm năm nay với KCT chỉ mới 6 tháng tuổi. Bé còn chưa nhận biết nên mắt nhỉ mở to biểu lộ sự ngạc nhiên ‘không-biết-các-bác-các-chú-đang-làm-gì’.

Sau phần sinh hoạt với các em, nhóm KCT tập hợp các em lại thành hai hàng và cho lần lượt lên nhận quà, đảm bảo sao để em nào cũng nhận được quà và không em nào nhận đến lần hai. Trao quà xong, mọi người tụ lại với các em để chụp hình kỷ niệm trước khi chia tay.

Mọi thành viên trong nhóm và Ban Tổ Chức chỉ tạm biệt nhau khi trời đã về khuya.

Vậy là từ sáng đến giờ, hàng trăm phần quà đã được trao tay, hàng trăm lồng đèn ông sao đã được thắp sáng…nhưng quan trọng hơn hết là, hàng trăm nụ cười nở trên môi những người đón nhận tấm chân tình của nhóm anh em bạn trẻ, kỷ niệm đáng nhớ được trao đến hàng trăm người và có thể sẽ là những khoảnh khắc đi với họ suốt quãng đời còn lại.

Xin chân thành cảm ơn các thành viên, quý Cha, quý tu sĩ nam nữ, quý ân nhân đã mang đến niềm hân hoan cho các em, các cụ và các gia đình nghèo. Xin nhận nơi đây lòng biết ơn của nhóm Khúc Cảm Tạ và niềm vui ánh lên từ những đôi mắt của những con người được nhận lãnh tấm lòng ấy.

Những gì nhóm KCT được nhận cũng không phải là ít. Họ - những người đang còn đi học và đã đi làm - nhận lại niềm hạnh phúc lớn hơn khi cho đi, nhận lại ý nghĩa về vai trò của người trẻ để kiến tạo một xã hội tươi sáng hơn, nhận lại giá trị của sự dấn thân theo tiếng Giáo hội kêu mời và ý thức được điều họ phải làm trong tương lai để bước tiếp những gì họ đã nhận ra hôm nay. Hạnh phúc không ở đâu xa, hạnh phúc xuất phát từ những điều bình dị nhất.

Nguyện xin Chúa gìn giữ giới trẻ toàn thế giới nói chung, những người đang chịu sự lây lan của chủ nghĩa duy vật thực dụng liên kết với chủ thuyết tương đối hóa và tư tưởng của hư vô chủ nghĩa, những tư tưởng tôn giáo giáo điều dựa trên lôgic nhân danh Thiên Chúa nhưng thực chất lại đối lập với lôgíc của linh thánh, nghĩa là từ rao giảng đến thực hành đều không thể hiện tình yêu và tinh thần tôn trọng tự do, trái lại hành xử thiếu khoan dung và đầy thù hận. Cách riêng, xin Chúa tuôn đổ trên những người trẻ KCT ơn khôn ngoan và sức mạnh, lòng mến và đức ái…để họ ra đi làm muối ướp đời, làm men thấm đất, làm ánh sáng chiếu soi gian trần. Cầu Mẹ luôn đồng hành và nâng đỡ các bạn, để họ thực thi việc lành theo Ý Chúa muốn (Ecce venio ut faciam, Deus, voluntatem Tuam).
 
Đêm Trung Thu tại Yaly với các em thiếu nhi vùng Tây Nguyên
Phêrô Nguyễn Quang Ngọc
09:35 06/10/2009
TÂY NGUYÊN - Cơn bão số 9 vừa qua tàn sát khắp dải đất miền Trung gây bao cảnh đau thương tang tóc. Vùng Yaly thuộc Huyện ChưPah không thiệt hại về nhân mạng nhưng mùa màng bị tàn phá nặng nề, phần lớn là mất trắng. Người lớn đang lo lắng cho cái đói đang đe doạ ở ngày mai, nhưng trẻ thơ, những tâm hồn đơn sơ lại lo vì không được đón cái tết Trung thu mà các em đã chờ đợi từ mấy tuần qua. Chúa Giêsu rất yêu thương trẻ thơ vì thế, sau cơn mưa bão trời lại sáng, các em Thiếu Nhi dân tộc Jarai lại được hưởng một mùa Trung thu thật trọn vẹn tại vùng núi rừng Tây Nguyên này.

Hình ảnh Đêm Trung Thu tại Yaly

Tối trung thu 3/10/2009, được sự quan tâm của Cha Chánh xứ Ninh Đức Phanxico cùng Cha phụ tá Micae và sự chăm lo của các Soeur dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm Phú Xuân và dòng Phaolo, các em Thiếu Nhi của 32 làng dân tộc vùng Yaly đã tề tựu về nhà thờ Ninh Đức và Sangjơnum Yali để tham dự lễ hội Trung Thu.

Từ 3 giờ chiều, bất chấp cơn mưa ào ào trút xuống, khoảng 1500 em từ khắp 32 buôn làng, hớn hở với những bộ quần áo đẹp nhất, trẻ đi bộ, có nơi xa hàng mấy chục km thì được các già làng chở trên những chiếc xe đạp, xe máy, nhiều nhất là xe công nông, xe máy cày, tiến về 2 địa điểm Ninh Đức và Yali. Sau cơn mưa lớn trời lại trong xanh như ánh mắt trẻ thơ. Niềm vui của các em được thánh hoá và Chúa chúc lành bởi Thánh Lễ Trung thu. Với lồng đèn trong tay, các em rước Cha chủ tế tiến vào dâng Thánh Lễ đặc biệt cầu nguyện cho các em. Thánh Lễ được diễn ra thật trang trọng. Với lời hát kinh Thương xót, Vinh danh bằng tiếng Jarai hoàn với tiếng vỗ tay nhịp nhàng của các em chen lẫn với tiếng cồng chiêng càng làm cho Thánh Lễ thêm nghiêm trang sống động.Sau phần lễ là là phần hội được mở màn bằng múa lân. Những chú lân, ông địa không chuyên nghiệp này làm các em được những tràng cười sảng khoái. Các tiết mục của các buôn làng YAl, Phung, Yăng, Plơi Wân, Ploi, Mơn, Tous….từ những điệu múa dân tộc đến các điệu múa hiện đại được các em thể hiện một cách say sưa với những bước chân nhuần nhuyễn, dẻo dai như đã từng ăn sâu vào máu của các em không ngập ngừng trên nền đất lầy lội. Các em đứng ngoài cũng nhún nhảy đôi chân theo từng điệu nhạc. Sau gần 2 tiếng đồng hồ trình diễn,các em sung sướng nhận những phần quà thật đơn sơ, có thể không là gì với trẻ em của thành phố nhưng lại là một niềm vui thật to, thật quý của các em. Nhìn ánh mắt ngây thơ của các bé Rcham Chuet, Rcham H’Ngun, H’Mlem..cùng nụ cười toe toét và vòng tay ôm chặt gói quà, chúng tôi mới cảm nhận thiên đàng của trẻ thơ thật gần gũi như lời của nhà thơ Đình Bảng: “Nước trời như mảnh trăng rằm đó, như bát cơm đầy như nắm xôi. Hạnh phúc là điều có thật, Thiên đàng, địa ngục ở lòng thôi”

Cám ơn các em đã cho chúng tôi cảm nhật tuyệt vời về những hạnh phúc đơn sơ trong đời thường, cảm ơn bạn bè thân hữu, các ca viên của ca đoàn trùng Dương đã góp sức tiếp tay với chúng tôi trong mùa hội trăng rằm này.
 
Nhật ký Hội nghị Thường niên Kỳ II-2009 Hội đồng Giám mục Việt Nam (1)
PV WHĐ
09:42 06/10/2009
WHĐ (06.10.2009) – “Sự hiện diện đông đủ của quý Đức cha hôm nay làm sống lại bầu khí hiệp thông huynh đệ chúng ta đã sống trong hai tuần Ad limina tại Rôma. Trong đức tin, chúng ta nhìn sự hiệp thông huynh đệ ấy như ân huệ của Chúa Thánh Thần, và chúng ta tin rằng chính Chúa Thánh Thần đang hiện diện ở đây để soi sáng và hướng dẫn chúng ta trong nhiệm vụ phục vụ Dân Chúa.”

Với những lời mở đầu trên, Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Chủ tịch HĐGM Việt Nam, đã tuyên bố chính thức khai mạc Hội nghị thường niên kỳ II của HĐGM.VN, được tổ chức tại Toà Giám Mục Xuân Lộc từ ngày 5-10-2009.

Hiện diện trong Hội nghị có đông đủ các giám mục đang làm việc trong 26 giáo phận, ngoại trừ Đức cha Emmanuel Lê Phong Thuận không thể tham dự vì tuổi cao sức yếu. Điều đáng tiếc nhất là Đức cha Giuse Ngô Quang Kiệt, TGM Tổng giáo phận Hà Nội và Tổng thư ký HĐGM.VN, cũng không thể đến dự họp vì lý do sức khoẻ. Ngài đã gửi đến Đức cha Chủ tịch lá thư nguyên văn như sau:

Châu Sơn, ngày 03.10.09

Kính Đức Cha Chủ tịch,

Vì còn mệt, con xin phép được vắng mặt trong Hội nghị HĐGM lần này.

Mọi công việc của Thư ký xin nhờ Đức Cha Phó Tổng Thư ký lo liệu.

Con tham dự hội nghị bằng lời cầu nguyện hằng ngày tại đan viện.

Kính chúc Đức Cha khoẻ mạnh và Hội nghị có kết quả tốt đẹp.

Kính thư,

Giuse Kiệt


Sau lời khai mạc của Đức cha Chủ tịch, Đức cha Giuse Võ Đức Minh, Phó Tổng thư ký, đã trình bày tổng quát về chương trình làm việc của Hội nghị. Hội nghị sẽ tập trung trao đổi về việc cử hành Năm Thánh 2010, năm ghi dấu bước phát triển quan trọng trong lịch sử Giáo Hội tại Việt Nam.

Sinh hoạt của các giáo phận và của các Uỷ ban trực thuộc HĐGM cũng được quan tâm đặc biệt. Ngoài ra, nhiều đề tài khác cũng sẽ được đề cập trong hội nghị như Ratio về đào tạo linh mục, thỉnh nguyện thư xin mở án phong chân phước cho hai Đức cha François Pallu và Pierre Lambert de la Motte, Năm Linh mục, việc cứu trợ nạn nhân bão lụt, các Hội nghị quốc tế.
 
Linh Mục với những Người Đau Khổ
+ GM Gioan B. Bùi Tuần
09:47 06/10/2009
Tại Việt Nam hôm nay, cứu khổ đang là một thách đố lớn. Các tôn giáo bạn đang trả lời bằng nhiều việc cụ thể. Công giáo sẽ được đánh giá từ những biến cố khổ đau của đồng bào. Linh mục nắm bắt tình hình, hẳn sẽ cố gắng đổi mới chính bản thân mình, để trở nên bạn của những người đau khổ, trong họ có Chúa Kitô.

Linh Mục Với Những Người Đau Khổ

Đau khổ là một thực tế huyền nhiệm. Không gian và thời gian của nó là bao la. Mọi thời mọi nơi, nó là một kêu gọi thảm thiết.

Thế mà, linh mục lại được sai đi đem Tin Mừng cho những người đau khổ. Sứ mạng đó rất cao cả và khó khăn. Ngài sẽ bắt đầu từ đâu? Sẽ phải làm gì? Với kinh nghiệm của những người đi trước, của những anh em xung quanh và của riêng mình, ngài có thể chia sẻ đôi chút.

1/ Chính mình cảm được nỗi đau của người khác

Những thảm hoạ gây chết chóc tang thương mất mát ném nhiều người vào cảnh khốn khổ. Nhìn cảnh đó, linh mục không khỏi xót xa bàng hoàng.

Những tội ác vùng dậy thi nhau tàn phá các giá trị luân lý, đẩy bao người xuống vực sa đoạ. Nhìn cảnh đó, linh mục cảm thấy lòng mình tan nát.

Sự dại khờ không những xô đẩy các đam mê xấu vào lối sống mù quáng, mà nhiều khi cũng làm hư hỏng cả những việc thiện chí một cách thê thảm. Nhìn cảnh đó, linh mục không khỏi lo âu.

Sự sụp đổ của nhiều niềm tin tôn giáo, đưa bao người vào con đường tự do đầy những nguy hiểm hãi hùng. Nhìn cảnh đó, linh mục cảm thấy lòng mình như bị thương tích.

Sự vật vã của bao cuộc đời bế tắc, khiến họ như bị hành hình thường xuyên trong một thứ hoả ngục vô hình. Nhìn cảnh đó, linh mục như nghe được chính lòng mình tan vỡ.

Sự thiếu vắng những gì thân thiết nơi bao người, đã xô họ vào cõi vắng cô đơn không sao an ủi được. Nhìn cảnh đó, linh mục cảm thấy đắng cay nặng nề.

Đau nỗi đau của người khác, linh mục như mở lòng mình ra. Ngài gặp được những người cùng hoàn cảnh như ngài. Bởi vì chính ngài cũng đã từng đau khổ bởi những thảm hoạ, những tội ác, những dại khờ, những sụp đổ, những vật vã, những thiếu vắng.

Đau khổ cho phép ngài gần gũi hơn với mọi người. Nhờ vậy, ngài cảm thấy như mình và mọi người đều cùng chung một người mẹ. Mẹ chung ấy là Đau Khổ.

Đồng cảm là một khởi đầu tốt. Về mặt nhân bản, đó là một thức tỉnh những liên đới cao đẹp thuộc đạo làm người. Vì thế, đối với linh mục, khả năng đồng cảm nhạy bén trước những đau khổ của người khác phải được coi là một điều kiện cần thiết cho ơn gọi. Nhìn những người đau khổ, linh mục nhiều khi cảm thấy mình thua xa họ về mặt can đảm, cao thượng và trách nhiệm.

2/ Phải cầu nguyện và dâng hy sinh

Tiếp đó là việc cầu nguyện cho họ, và giúp họ cầu nguyện. Cầu nguyện lúc đó sẽ hết sức vắn gọn. Sẽ chỉ là lời kêu cầu khiêm tốn. Như người con kêu tên cha mẹ một cách hồn nhiên tha thiết lúc gặp gian nan.

Kinh nghiệm cho thấy: Những cầu nguyện hồn nhiên, khiêm nhường, tha thiết cho những người đau khổ và với những người đau khổ luôn mang lại những hiệu quả lạ lùng. Đó là người đau khổ sớm nhận thấy Chúa đến với họ, Chúa hiện diện bên họ. Họ được bình tĩnh hơn, hy vọng hơn.

Chính linh mục sẽ được sai đi xa hơn trên đường phục vụ. Ngài nhớ lại lời thánh tông đồ Gioan: “Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được tình yêu là gì: Đó là Đức Kitô đã thí mạng sống vì anh em. Như vậy, cả chúng ta nữa, chúng ta cũng phải thí mạng sống vì anh em” (1 Ga 3,16). Lời trên đây thúc giục linh mục sẵn sàng hy sinh thí mạng sống mình vì con chiên, đồng bào. Như vậy, cầu nguyện của ngài cũng sẽ đi kèm việc dâng hy sinh cho Chúa. Hy sinh rõ nhất là thực hiện điều Chúa Giêsu đã làm xưa. Đó là “Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục” (Dt 5,8).

Như vậy, với trình độ yêu thương cao thuộc nhân bản, kèm theo trình độ yêu thương cao thuộc đạo đức Phúc Âm, linh mục sẽ được nhận ra là người Chúa sai đến với họ. Người đau khổ thường dùng trực giác và cảm nhận hơn là lý luận. Với cách tiếp cận đó, họ sẽ nhận ra dễ dàng tình thương của linh mục, khi linh mục có tình thương phong phú dành cho họ. Nhờ đó, họ sẽ hiểu được phần nào ý nghĩa của đau khổ.

Linh mục sẽ không dừng lại ở đó, nhưng ngài vẫn tìm mọi cách để cứu con người khỏi khổ, ít là được bớt khổ.

3/ Phải cứu khổ bằng việc cụ thể

Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu nói rõ nhiệm vụ cứu khổ khi sai các tông đồ đi: “Đức Giêsu tập họp nhóm Mười Hai, ban cho các ông năng lực và quyền phép để trừ mọi thứ quỷ và chữa các bệnh tật” (Lc 9,1).

Chính Chúa Giêsu cũng được nhận ra là Đấng Cứu thế, ở những việc Người cứu người ta khỏi khổ đau. “Các anh cứ về thuật lại cho ông Gioan những điều mắt thấy tai nghe: Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng” (Mt 11,4-5).

Chúa đòi hỏi bác ái phải được thực hiện bằng việc cụ thể, kịp thời. Người nói rõ điều đó trong dụ ngôn người Samari tốt lành (x. Lc 10,29-37). Người cũng rất rõ ràng về điều đó, khi nói về “Cuộc phán xét chung” (Mt 25,21-46).

Trong khi thực hiện bác ái, linh mục không quên việc làm phải thích hợp và cách làm phải tế nhị, khôn ngoan. Nhất là không phân biệt lương giáo.

Tại Việt Nam hôm nay, cứu khổ đang là một thách đố lớn. Các tôn giáo bạn đang trả lời bằng nhiều việc cụ thể. Công giáo sẽ được đánh giá từ những biến cố khổ đau của đồng bào. Linh mục nắm bắt tình hình, hẳn sẽ cố gắng đổi mới chính bản thân mình, để trở nên bạn của những người đau khổ, trong họ có Chúa Kitô.
 
Nhọc nhằn dọn dẹp và cứu trợ sau trận bão lũ kinh hoàng ở Quảng Nam
Lm Lê Văn La Vinh, OP
09:59 06/10/2009
ĐÀ NẴNG - Chúng tôi đến với giáo xứ Hà Tân – Giáo phận Đà Nẵng - thuộc xã Đại Lãnh, Huyện Đại Lộc – tỉnh Quảng Nam đúng một tuần sau cơn bão số 9. Những tưởng với bầu trời nắng đẹp sẽ làm cho chuyến đi cứu trợ của chúng tôi sẽ được nhanh chóng dễ dàng để hoàn thành nốt những “thủ tục” cần có của một lần cứu trợ. Nhưng càng đi sâu vào địa bàn của vùng đất Đại Lộc, chúng tôi mới tận mắt chứng kiến cảnh hoang tàn và sự tàn phá khủng khiếp của cơn bão số 9 và trận bão lũ dữ vừa qua.

Dọc theo con đường dẫn vào trung tâm xã Đại Lãnh là con sông Vu Gia đang lặng chảy xuôi dòng, nhưng kế bên là những đụn rơm, cọng cỏ, bao ni lông đang bị vướng dính trên cành cây cao, trên đường dây điện toòng teng như những quang gánh đủ để cho người chứng kiến, hình dung được sức mạnh và chiều cao của dòng nước trong cơn lũ vừa qua; và đi trên con đường nhựa dẫn vào trung tâm thị tứ, chúng tôi cũng thấy đó đây những xe ủi, xe cơ giới đang xúc từng lớp, từng lớp bùn dày gần nửa mét để dọn vệ sinh giải phóng mặt đường,… nhưng xúc sao cho hết những lớp bùn dày đặc kia chỉ trong vài ngày được. Con sông tĩnh lặng, con sông hiền hoà nhưng khi giận dữ thì sự gánh chịu của người dân nơi đây thật nặng nề, gian nan và khốn khổ quá đỗi.

Chúng tôi đến được khu trung tâm và tìm đến với nhà thờ Hà Tân thì xe không thể vào được vì bùn quádày phải dùng xe công nông trung chuyển hàng hoá và tất cả anh chị em trong đoàn đều lội bùn để cùng.. . thẳng tiến vào nhà xứ. Tiếp đón chúng tôi, cha xứ Phaolô Nguyễn Tấn Thu, với lai quần xắn ống thấp ống cao và chiếc áo may-ô đang chỉ đạo cho đồng bào giáo dân bới đất dẹp đường, xúc rác, rửa chùi… Quang cảnh nhộn nhịp như ngày hội nhưng nhìn kỹ trên nét mặt của những người giáo dân này, chúng tôi như thấy hằn in nét gì đó của của sự nhọc mệt và cam chịu. Ông Trưởng Ban hành giáo cho chúng tôi biết trận lụt năm nay chưa từng có từ khi ông lớn lên cho đến bây giờ.

Rửa chân tay xong, anh chị em thăm quan khuôn viên nhà thờ và nhà xứ, những dãy bàn ghế còn chồng chất những lớp bùn khô cứng chưa được xếp lại, những hàng áo lễ và đồ thánh được các chị giáo dân giặt giũ và đem ra phơi, nơi đâu cũng in dấu của bùn và bùn.

Tôi lần ra bờ sông phía sau hàng rào nhà xứ, bắt gặp hình ảnh hai cha con đang hì hục giặt giũ quần áo, không thau chậu, không bột giặt, đồ đạc ngổn ngang giữa những lớp bùn non, ánh mắt thằng bé nhìn xa xăm, buồn buồn. Tôi hỏi nhỏ: Em đi học lại chưa? Nhỏ trả lời: Chưa, Cha ạ. Có lẽ tuần sau nhà trường mới cho học lại. Tôi hỏi người bố: Nhà Bác có sao không? Ông trả lời: Nhà tui thì nước lên lút đầu, cái mái nhà bị bay tôn hết, còn người còn của Cha ạ. Và ông cúi xuống hì hục vò vò mấy bộ đồ dưới dòng nước đục ngầu của con sông.

Chúng tôi phối hợp cùng Cha xứ và Ban HĐGX nơi đây tiến hành phát quà cho bà con giáo dân bị thiệt hại trong đợt thiên tai vừa qua. Khoảng 196 suất quà nhỏ thể hiện sự cảm thông và tinh thần huynh đệ đoàn kết chia sẻ lẫn nhau. Của ít lòng nhiều, mỗi phần quà chỉ là một gói mì chính, một chai nước mắm, một chai dầu ăn cùng một phong bì nhỏ. Bà con mừng rỡ đón nhận, nói cười vui vẻ, kể cho chúng tôi nghe về những nỗi sợ, nỗi mất mát mà họ đã trải qua. Và tôi cũng bắt gặp những ánh mắt còn hằn nỗi sợ hãi pha lẫn nét lo âu về một tương lai mờ mịt phía trước.

Bà con giáo dân nơi đây quả rất chân chất, đơn sơ, thật thà, họ giỏi chịu đựng và có tinh thần lạc quan quá đỗi, đúng như bản chất của con người miền Trung. Có ai trải qua bão tố, lũ lụt mới hiểu rõ nỗi lo sợ, sự mất mát, thiệt hại phải gánh chịu là thế nào. Thường thường thì bão xong mới đến lũ, nhưng trong đợt thiên tai này, bão lũ đến ồ ập cùng một lúc, bà con sao có thể đủ sức gánh chịu hết được. Thương cho những cảnh đời bấp bênh vùng lũ. Cánh tay nào, trái tim nào có thể sẻ chia, bù đắp cho vừa…??!
 
Hình ảnh rước đền Trung thu tại Bồng Điền GP Thái Bình
Thanh Quang CSsR
10:07 06/10/2009
THÁI BÌNH - Tết Trung Thu là một ngày hội lớn của các em thiếu nhi tại Bồng Điền. Tận dụng cơ hội tốt này, chúng tôi đã tổ chức cho các em thiếu nhi có dịp tụ hội, cùng nhau vui hưởng đêm Trung Thu trong bầu khí linh thiêng và chan hòa niềm vui.

Hình ảnh rước đền Trung thu tại Bồng Điền

Hôm nay trời đã ưu đãi cho các em nên trăng rất đẹp. Đây là một dịp tốt để các em ngắm trăng bù cho những năm bị mưa!

Trước thánh lễ, chúng tôi cho các em rước “đèn ông sao”, rồi vào nhà thờ dâng lễ cầu nguyện cách đặc biệt cho các em. Chúng tôi cũng không quên nhớ tới các bạn thiếu nhi ở những vùng bị bão tố lũ lụt. Sau thánh lễ, chúng tôi đã phát quà Trung Thu cho các em. Nhận được quà, chúng tôi nhận thấy niềm vui của các em được nhân lên gấp bội, thể hiện rõ trên khuôn mặt thơ ngây dễ thương của các em.

Ước mong có thật nhiều dịp như ngày Tết Trung Thu để mọi người chúng ta quan tâm chăm lo cho các em thiếu nhi cả về vật chất lẫn tinh thần, vì các em chính là tương lai của xã hội và đặc biệt là tương lai của Giáo Hội.
 
Sở Y Tế Orange County hỗ trợ phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể VN: 1,000 mũi chích ngừa cảm cúm miễn phí
Ngọc Lan/Người Việt
10:34 06/10/2009
WESTMINSTER (NV) - Phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể Việt Nam dưới sự hỗ trợ của Sở Y Tế Quận Cam sẽ tổ chức một buổi chích ngừa cảm cúm hoàn toàn miễn phí vào ngày Thứ Bảy, 10 Tháng Mười, 2009, từ 9 AM đến 1 PM, tại Trung Tâm Công Giáo, 1538 Century Blvd., Santa Ana.

Bác Sĩ Nguyễn Thành Hòa, huynh trưởng của phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể Việt Nam, đồng thời cũng là người chịu trách nhiệm chính của hoạt động này, cho Người Việt biết, “Ðược sự hỗ trợ của Sở Y Tế Quận Cam, 1,000 mũi chích ngừa cảm cúm miễn phí sẽ do phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể thực hiện vào sáng Thứ Bảy này.”

Theo Bác Sĩ Hòa, chương trình chích ngừa cảm cúm miễn phí dành cho mọi người dân từ 6 tuổi trở lên. Tuy rằng vẫn có sự ưu tiên cho những người bị bệnh mãn tính như tiểu đường, phổi, suyễn, hay phụ nữ đang mang thai, những người gặp khó khăn trong việc phải trả chi phí cho việc chích ngừa, nhưng “người nào đến cũng chích, nếu còn thuốc.”

Ðược biết, phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể Việt Nam là một tổ chức bất vụ lợi, đặt dưới sự lãnh đạo của nhà thờ Công Giáo. Mục đích của phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể nhằm hướng tuổi trẻ trở thành những con người có đầy đủ đức tính đạo đức tốt và là những con chiên ngoan của Chúa.

“Qua buổi chích ngừa miễn phí này, chúng tôi cũng muốn đưa phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể Việt Nam đi vào đời sống thiết thực hằng ngày của cộng đồng. Trong tương lai, phong trào sẽ cố gắng xây dựng những học bổng dành cho cho các thành viên của phong trào theo học những chuyên ngành về y tế,” Bác Sĩ Hòa chia sẻ.

Cũng tại buổi chích ngừa này, ban tổ chức sẽ có bàn ghi danh thử nghiệm hiến tủy dành cho những ai có tấm lòng muốn hiến tủy cứu người trong tương lai.
 
Nhật ký Hội nghị Thường niên Kỳ II-2009 Hội đồng Giám mục Việt Nam (2)
PV WHĐ
21:46 06/10/2009
WHĐ (07.10.2009) – Nắng ban mai rực rỡ làm phấn khởi lòng người tham dự trong ngày đầu tiên của Hội nghị thường niên HĐGM VN kỳ II - 2009. Sau khi chụp hình chung, các giám mục bắt đầu ngay chương trình Hội nghị tại Phòng hội Tòa Giám mục Xuân Lộc lúc 8 giờ.

Đức cha chủ tịch HĐGM nói ít lời mở đầu, kế đến Hội nghị bàn ngay đến đề tài chính yếu là vấn đề Tổ chức Năm Thánh 2010. Đức Hồng y Gioan B. Phạm Minh Mẫn, Tổng giám mục Tổng giáo phận Tp.HCM và là trưởng Ban tổ chức Năm Thánh, đưa ra những vấn đề chung về khách mời, về dự án tài chính để tổ chức ba cuộc lễ khai mạc tại Hà Nội, Đại Hội Dân Chúa tại Tp.HCM, và lễ bế mạc tại Huế, để các Đức cha đóng góp ý kiến. Đức cha Laurensô, giám mục phụ tá tổng giáo phận Hà Nội, thay lời Đức tổng Giuse vắng mặt, trình bày chương trình Lễ Khai mạc Năm Thánh ngày 24-11-2009 tại Sở Kiện. Đức cha cho biết Sở Kiện được chọn vì mặt bằng rộng (sức chứa có thể lên đến 48 ngàn người) và vì tính chất lịch sử. Sẽ có một đêm diễn nguyện hoành tráng ngày hôm trước với chủ đề “Hạt lúa mục nát và nẩy mầm” với 10 cảnh do 10 giáo phận miền Bắc đảm trách.



Sau giờ giải lao, Đức cha Giuse Vũ Duy Thống, chủ tịch Ủy ban Văn hóa giải trình về các công trình nghiên cứu lịch sử về Giáo Hội Việt Nam trong 50 năm qua. Đây là công trình được thực hiện trong 18 tháng qua với sự đóng góp của các giáo phận, của nhóm chuyên viên, đặc biệt về Tập Kỷ Yếu kỷ niệm 50 năm thiết lập hàng Giáo phẩm và quyển lược sử Giáo Hội Việt Nam 50 năm qua. Hội nghị trầm trồ với những tác phẩm sơ bộ in thành sách dày cộm.

Kế đến, Đức cha Stêphanô tri Bửu Thiên, giám mục phó giáo phận Cần Thơ, trình bày chương trình về chuyến viếng thăm địa phận Chantabury (Thái Lan) theo lời mời của Đức giám mục giáo phận Chantabury, nhân kỷ niệm 300 năm giáo phận này và 100 năm xây dựng Nhà thờ Chánh tòa. Nguồn gốc cộng đoàn này do một nhóm người Việt công giáo di cư sang Thái Lan lánh nạn đầu thế kỷ 18 thời Chúa Trịnh Chúa Nguyễn bắt đạo.

Sau đó, Đức cha Giuse Võ Đức Minh, giám mục phó giáo phận Nha Trang, và Đức cha Pherô Nguyễn Văn Nhơn, chủ tịch HĐGM, trình bày với hội nghị về cáo thỉnh (postulation) xin mở án phong chân phước cho hai Đức giám mục thừa sai: Đức cha François Pallu và Đức cha Pierre Lambert de La Motte. Đơn xin Tòa Thánh sẽ được HĐGM VN và Hội Thừa Sai Paris (MEP) cùng ký thỉnh nguyện. Hai vị giám mục thừa sai vốn như hình với bóng, một như là lý thuyết gia và người kia như là kẻ áp dụng vào thực tế, trong công cuộc truyền giáo và chăm sóc mục vụ hai giáo phận Đàng Ngoài và Đàng Trong khi xưa ở Việt nam.

Buổi chiều, Hội nghị bàn sơ qua chương trình lễ Bế mạc Năm Thánh (06-01-2011) và chương trình Đại Hội Dân Chúa (21 – 25-11-2010).

Cả thời gian còn lại của buổi họp, lần lượt các Đức giám mục giáo phận (Kontum, Qui Nhơn, Đà Nẵng, Thanh Hóa, Bùi Chu, Nha Trang, Ban Mê Thuột) báo cáo tình hình về giáo phận mình. Buổi họp kết thúc lúc 17g15. Ngoài ra, chương trình buổi tối dành cho các giáo tỉnh họp riêng bàn thảo các vấn đề liên quan đến chương trình Năm thánh.

Một ngày chung sức làm việc qua đi trong niềm vui huynh đệ, hiệp thông, tin tưởng vào Chúa Ba Ngôi cùng hiện diện và hoạt động với các giám mục.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Thông báo của Văn phòng Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam về sự kiện Bát Nhã
LM. Giuse Đinh Hữu Thoại, CSsR
11:27 06/10/2009
Thông báo của Văn phòng Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam về sự kiện Bát Nhã

Gần đây, nhiều người đã đặt câu hỏi với các tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế về vụ Thiền viện Bát Nhã ở Bảo Lộc, và về thái độ nên có đối với vụ việc này. Chúng tôi xin góp một tiếng nói:

- Những sự bất đồng ý kiến, nếu trong nội bộ một tôn giáo khác, ở đây là Phật giáo, thì chúng tôi không có bổn phận phải bày tỏ lập trường.

- Tuy nhiên, trong trường hợp Thiền viện Bát Nhã, chúng tôi nhận thấy không đơn thuần là việc nội bộ của Phật giáo. Ở đây đã thấy sự vi phạm trầm trọng đối với các giá trị tâm linh, với nhân phẩm và nhân quyền. Việc lăng mạ, ném đá, ném phân, xúc phạm đến các tăng ni và đông đảo Phật tử đến viếng thăm Bát Nhã và mới đây những biện pháp thô bạo, đập phá, hành hung khủng bố đối với các tu sĩ đang tu tập tại đây là không thể chấp nhận được. Chúng tôi không tin rằng có Giáo hội Phật giáo nào chủ trương dùng những biện pháp như thế. Một khuynh hướng rất đáng lo ngại và rất đáng lên án đang có triệu chứng nẩy nở trong xã hội: đó là dùng bạo lực để đàn áp mọi khác biệt, thay vì thượng tôn một trật tự pháp định công minh. Nhiều nông dân nghèo khổ, những nhà trí thức, những người hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, và nhiều giới tôn giáo đang cảm nhận được luồng gió độc này.

Chính vì thế, một đàng không can dự vào việc nội bộ của các tôn giáo khác, đàng khác chúng tôi cảm thông sâu sắc với các vị tăng ni Bát Nhã, vì các vị là nạn nhân của sự ngược đãi bất nhân và phi tôn giáo. Chúng tôi cũng cảm thông sâu sắc với đông đảo bà con Phật tử đang buồn phiền vì sự bạo ngược này. Chúng tôi đánh giá cao thái độ bình an vô uý của quý vị tăng ni Bát Nhã trong những hoàn cảnh động loạn vừa qua.

Trong tinh thần đó, linh mục Vinhsơn Phạm Trung Thành, Giám tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam, đã viết thư hiệp thông với các vị tăng ni Bát Nhã (Xem ở phần dưới đây).

Chúng tôi yêu cầu nhà cầm quyền cho giải tán ngay nhóm người bạo động đang xâm phạm và làm ô uế một cơ sở tôn giáo. Dung túng những hành động như thế cũng là khuyến khích việc sử dụng bạo lực với những dân lành vô tội hết nơi này sẽ đến nơi khác.

Chúng tôi kêu gọi mọi người cầu nguyện và chung sức xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh và nhân ái.

TUN. Giám Tỉnh
LM. Giuse Đinh Hữu Thoại, C.Ss.R
Chánh Văn phòng


THƯ HIỆP THÔNG VỚI TU SĨ PHẬT GIÁO
ĐANG GẶP NẠN TỪ TU VIỆN BÁT NHÃ


Kính thưa Quý Tu sĩ Phật giáo đang gặp nạn từ Tu viện Bát Nhã,

Qua các phương tiện truyền thông, chúng tôi biết quý vị đang đứng trước một hoàn cảnh vô cùng khó khăn, ước muốn tu hành đã bị ngăn trở và bị buộc phải rời khỏi tu viện của mình.

Sự dữ luôn tung hoành, nhưng lần này cường độ xúc phạm ở mức quá sức tưởng tượng. Chúng tôi rất lo lắng cho cuộc sống và việc tu hành của quý vị. Không gian tôn giáo và bầu khí tôn giáo của công dân đang bị xâm hại một cách nghiêm trọng.

Là những người đã từng bị đối xử như thế, chúng tôi thấy cần phải lên tiếng chung lòng với quý vị. Chúng tôi biết quý vị dù trong hoàn cảnh nào cũng giữ được tâm hồn thanh thản, an nhiên tự tại, nhưng chúng ta cần nâng đỡ lẫn nhau để can đảm sống cho sự thật và những quyền căn bản của con người.

Xin quý vị vững lòng trước những đánh phá của thế gian. Mọi người thành tâm thiện chí đang hướng về quý vị.

Chúng tôi sẽ cầu nguyện cho quý vị theo cách thức của chúng tôi. Kính chúc quý vị được an bình và sớm vượt qua pháp nạn này trong tinh thần từ bi và bất bạo động của Đức Phật.

Thay mặt các tu sĩ Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam,
Linh mục Vinhsơn Phạm Trung Thành, CSsR
Giám Tỉnh
 
Văn Hóa
Một chén nước trong đời
J.B. Nguyễn Quốc Tuấn
09:28 06/10/2009
Một Chén Nước Trong Đời
Ai cho anh em uống một chén nước…” (Mc 9, 41).

Có đôi khi ta vô tình lãnh đạm
Chẳng nỡ trao một chén nước trong đời
Lòng khư khư ôm thói tính nhỏ nhoi
Cố níu giằng sợ chia đôi chiếc bánh

Có nhiều khi ta thờ ơ lảng tránh
Trước mảnh đời rên rỉ khát tình thương
Van cầu ta đôi giọt đường hy vọng
Cho dịu vơi bao chén đắng đoạn trường

Biết bao lần ta chẳng nỡ chạnh lòng
Nhìn một bàn tay van xin nghĩa cử
Nhìn một tấm thân thóp thoi hơi thở
Nhìn một bàn chân lê bước rã rời…

Hãy trao đi một chén nước người ơi !
Vì danh Người, hãy trao đi, đừng tiếc
Vì danh Người, đừng ngại ngần, trao hết
Để lãnh đầy dư sự sống muôn đời.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Nắng Chiều
Lê Ngọc Minh
22:14 06/10/2009

NẮNG CHIỀU



Ảnh của Lê Ngọc Minh

Cuối chân mây tà dương ửng đỏ

Lịm tàn mau theo bóng chiều đi…

(Trích thơ của Niệm Nhiên)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền
 
Từ Điển Thuật Ngữ Công Giáo
Từ Điển Thuật Ngữ Báo Chí Công Giáo: O – Official Secret
Nguyễn Trọng Đa
17:13 06/10/2009
O
O, omit, hủy, bỏ.
Oath Against Modernism
Lời thề chống Tân thuyết. Là một tuyên bố long trọng chống lại Tân Thuyết do Thánh Giáo hoàng Piô X (ngày 10-9-1910) công bố và yêu cầu mọi giáo sĩ phải thực hiện trước khi tiến tới các chức thánh lớn, làm mục tử, cha giải tội, nhà thuyết giáo, bề trên Dòng tu, giáo sư triết học và thần học tại các chủng viện. Phần đầu của lời thề là sự khẳng định mạnh mẽ về các chân lý chính yếu của Công giáo đối ngược với Tân thuyết: lý trí con người có thể chứng minh sự hiện hữu của Chúa, giá trị của các phép lạ và lời sứ ngôn như là tiêu chuẩn của mặc khải, định chế lịch sử của giáo hội do Chúa Kitô thành lập, sự thường hằng bất biến của các điểm chính yếu trong truyền thống Kitô giáo, và sự hữu lý và tính siêu nhiên của đức tin Kitô giáo. Phần thứ hai của lời thề là bày tỏ sự đồng ý nội tâm với sắc lệnh Lamentabili và thông điệp Pascendi. Các sai lầm đặc biệt của Tân thuyết được nêu ra để kiểm trừng và bác bỏ. Năm 1967 thánh bộ Giáo lý Đức tin công bố một Tuyên xưng Đức tin khác thay thế cho lời thề dài chống Tân thuyết.
Ob
Ob, Obiit – qua đời, từ trần, chết.
Obadiah
Obadiah, ông Ô-va-đi-a, sách Ô-va-đi-a (Ôv). Là tác giả vô danh của sách ngôn sứ ngắn nhất trong Cựu Ước, chỉ có một chương với 21 câu mà thôi. Ông kịch liệt kết án người Edomite (Ê-đôm) vì họ tham gia vào việc Vua Nebuchadnezzar (Na-bu-cô-đô-nô-xo) xóa bỏ Judah (Giu-đa), và nói rằng không hy vọng gì Đức Chúa sẽ tha thứ cho dân bất trung. “Vì ngươi đã tàn sát và áp bức anh em ngươi là Gia-cóp, nên ngươi sẽ phải ê chề nhục nhã và bị tiêu diệt đến muôn đời" (Ôv 10). Trái lại, Obadiah hứa rằng Đức Chúa sẽ tái lập vinh quang trên Israel mới, và sức mạnh của nước này sẽ phản chiếu quyền uy cao cả của Đức Chúa.
Obed
Ông Obed, ông Ô-vết. Là con trai bà Ruth (Rút) và ông Boaz (Bô-át). Obed sinh Jesse (Gie-sê), Jesse sinh David (Đa-vít), và có hậu duệ là Chúa Giêsu (R 4:17-22).
Obedience
Nhân đức vâng lời, vâng phục. Là nhân đức luân lý nói rằng ý chí của một người phải tuân theo ý muốn của một người khác có quyền chỉ huy. Sự vâng lời chất thể chỉ là thực hiện hành động thể lý được yêu cầu làm; sự vâng lời mô thể là thực thi một hành vi một cách chính xác, bởi vì đó là lệnh của một bề trên hợp pháp. Trương độ của đức vâng lời là rộng tùy theo trương độ quyền bính của người chỉ huy ra lệnh. Do đó vâng lời Chúa là không có giới hạn, trong khi sự vâng lời người khác là bị giới hạn bởi các luật cao hơn, vì các luật cao này không thể bị vi phạm, và bởi thẩm quyền hay quyền bính của người ra lệnh. Là nhân đức, sự vâng lời làm vui lòng Chúa bởi vì nó có nghĩa là sự hy sinh ý chí của mình vì lòng mến Chúa. (Từ nguyên Latinh obedientia, vâng lời.)
Obediential Potency
Thụ năng thần hóa tùy phục. Là khả năng tiếp nhận một sự thay đổi kỳ diệu hoặc một sự hoàn thiện siêu nhiên, vốn vượt quá mọi khả năng tự nhiên của một hữu thể. Như thế bánh và rượu là thụ năng thần hóa tùy phục để trở thành Mình và Máu Chúa Kitô qua sự biến đổi bản thể.
Obedientiaries
Viên chức tu viện. Là các viên chức nhỏ trong tu viện được chỉ định ngắn ngày hay dài ngày bởi các bề trên cao hơn, với quyền mở rộng trong công tác được chỉ định. Trong đa số các tu viện, các chức này gồm có tu sĩ lương đài, thủ quỹ hoặc quản lý, tu sĩ phòng thánh, ca trưởng, người lĩnh xướng ca đòan, y tá, phòng khách, giám sư tập viện, và người nấu bếp. Một số người khác, chẳng hạn người đọc sách, giúp bàn ăn, và tu sĩ trực tuần, được chỉ định từng tuần lễ.
Obelisk, Vatican
Cột tháp Vatican. Là cột tháp lớn bằng cẩm thạch trắng tại quảng trường thánh Phêrô, Roma. Cột do Hoàng đế Caligula (năm 12-41) mang từ Ai cập về Roma, và được dựng tại đấu trường Nero. Trong thế kỷ 16, Đức Giáo hoàng Sixtus V cho di chuyển cột tháp nặng 300 tấn đến vị trí hiện nay ngày 10-9-1586.
Oberammergau
Oberammergau. Là địa điểm diễn tuồng Thương khó nổi tiếng thế giới ở phía tây nam của Munich, Tây Đức. Tuồng này được diễn bởi dân làng Oberammergau miền Bavaria cứ 10 năm một lần, như là kết quả của lời khấn năm 1634 do họ được chữa khỏi bệnh dịch hạch. Kịch bản xưa nhất vẫn được gìn giữ đã được viết khoảng năm 1600 và gồm có các phần của hai vở kịch cổ hơn. Nhiều kịch bản được duyệt lại, trong đó có Kịch Thương khó của Sebastian Wild và Johann Aelbel. Trong thế kỷ 18, tu sĩ Dòng Biển Đức Ferdinand Rosner đã chỉnh sửa vở kịch theo kịch tuồng của Dòng Tên, và sau đó kịch bản được đơn giản hóa và đặt thành văn xuôi. Việc dàn dựng và y phục được thích nghi theo từng thời đại. Phần âm nhạc là của Rochus Dedler. Trong thực tế mọi người dân làng đều có vai diễn trong vở tuồng, và việc diễn tuồng bị ngưng lại vào năm 1940 do Chiến tranh thế giới thứ hai.
Obex
Ngăn trở. Là bất cứ ngăn trở nào nơi người nhận lãnh, vốn cản trở một bí tích sản sinh hiệu quả siêu nhiên, mà vì nó bí tích được thiết lập. Các ngăn trở này chủ yếu là thiếu đức tin, hoặc tình trạng ân sủng, hoặc một ý định có giá trị. (Từ nguyên Latinh obex, cản trở; từ chữ obicere, ném chống lại.)
Object
Mục tiêu, khách thể, đối tượng. Là mục tiêu hoặc mục đích của một sự gì; là đối tượng, điều được biết, để phân biệt với người biết. Trong đạo đức học, đối tượng là cái mà một người có quyền luân lý trên nó.
Objective
Khách quan. Là điều gì thuộc về một vật hoặc có nền tảng trong thực tại, có trước và độc lập với sự nhận định của tâm trí về vật ấy. Còn gọi là thuộc hữu thể học, trái với tâm trí hoặc tâm lý học. Đối nghịch với khách quan là chủ quan (subjective.) Như vậy sự chắc chắn khách quan có nền tảng trong thực tại, và luân lý tính khách quan dựa vào các tiêu chuẩn đã được Chúa thiết định. (Từ nguyên Latinh obiectio, vật gì ném ra trước hoặc giới thiệu cho tâm trí, từ chữ obicere, ném lên đường, giới thiệu.)
Objective End
Mục đích khách quan. Là điều lành hoặc vật gì được tìm kiếm, độc lập với ước muốn cà nhân hoặc tình cảm chủ quan của một người đi tìm mục đích. Trong luân lý Kitô giáo, mục đích khách quan mà Kitô hữu đi tìm chính là vinh quang Thiên Chúa, nghĩa là làm hài lòng Chúa, bất chấp điều ưa thích riêng của mình và không bị điều kiện hóa bởi sự thỏa mãn riêng của mình.
Objective Holiness
Xin xem HOLINESS, OBJECTIVE, sự thánh thiện khách quan.
Objective Morality
Luân lý khách quan. Là sự phù hợp hoặc không phù hợp của một hành vi nhân linh với tiêu chuẩn luân lý, nhưng độc lập với trách nhiệm của con người cho hành động của mình. Như vậy khi lấy cái gì của người khác mà không có phép của người ấy là sai, cả khi làm điều ấy mà không biết là mình sai.
Objectivity
Khách quan tính, thái độ vô tư. Là phẩm chất suy tư không thiên vị, trong đó tâm trí xem xét các vật như chúng thực là, chứ không nghiêng chiều một cách tự nhiên hay một cách thất thường để nhìn xem chúng. Về mặt triết học, đây là quan điểm nhìn xem các vật bên ngòai tâm trí như là thật sự, đến nỗi tâm trí được cho là sở hữu sự thật, khi sự hiểu biết này tương thích với thực tế ở ngòai tâm trí. Trái ngược lại là chủ quan tính (subjectivity.)
Oblate, Lay
Giáo dân Dòng ba. Là một người liên kết với một Dòng tu để tiến lên trong đường hoàn hiện Kitô giáo, bằng cách tuân giữ một số luật của Hội Dòng, nhưng sống bên ngoài cơ cấu cộng đoàn. Các giáo dân Dòng ba này chia sẻ ơn ích và quyền lợi thiêng liêng của Hội Dòng.
Oblates
Hiến sĩ. Một từ ngữ có một lịch sử lâu dài và đa dạng trong Giáo hội, lúc đầu dùng để chỉ các thiếu niên không được đưa vào chủng viện, nhưng được các tu sĩ nuôi dưỡng. Một số các hiến sĩ này trở thành tu sĩ. Sau thời đầu của Trung cổ, các hiến sĩ là những giáo dân sống liên hiệp với một Dòng tu bằng một luật sống đơn giản hóa, nhưng không là tu sĩ thực thụ; tập tục này đến nay vẫn còn tồn tại. Trong thời hiện đại, danh từ hiến sĩ đã được một số Dòng tu chấp nhận, trong đó nổi tiếng nhất là Dòng Hiến sĩ Đức Maria Vô nhiễm (O.M.I.), được Giám mục Charles de Mazenod thành lập tại Pháp năm 1816, và Dòng Hiến sĩ thánh Phanxicô Sales, lúc đầu được thành lập với tên trùng lặp, và được tái lập tại Pháp năm 1871 bởi linh mục Louis Brisson thuộc giáo phận Troyes. (Từ nguyên Latinh oblatus, dâng hiến.)
Oblations
Dâng hiến, lễ vật, tế phẩm. Là việc dâng bánh và rượu để truyền phép trong thánh lễ, được diễn tả bằng việc rước lễ vật của các tín hữu và lời nguyện dâng lễ vật của linh mục chủ tế. Danh từ này cũng áp dụng cho bất cứ quà tặng nào của tín hữu dâng lên trong Thánh lễ, hoặc dâng tượng trưng vào các dịp đặc biệt hoặc cụ thể khi quà lễ được dâng để dùng cho giáo sĩ, Giáo hội hay người nghèo. (Từ nguyên Latinh oblatio, của lễ.)
Obligation
Nghĩa vụ, bổn phận, trách vụ. Là sức mạnh luân lý của luật buộc người ta phải vâng lời. Nghĩa vụ là một sự cần thiết luân lý, đặt để cho một ý chí tự do, do đó khác với sự cần thiết thể lý, vốn kiểm soát các hữu thể không tự do. Sự cần thiết luân lý nổi lên từ nguyên nhân cứu cánh, vốn được trí tuệ biết được từ một cùng đích hay một sự thiện. Sự thiện này, được tâm trí nhận biết, kích động ý chí thực thi hay không thực thi. Bởi vì chỉ có một cách đi đến cùng đích sau cùng, cụ thể là bằng các việc lành luân lý, một người buộc phải sống điều mà lương tâm chỉ dẫn cho mình là một lối sống tốt đẹp.
Obligation, Clerical
Nghĩa vụ giáo sĩ. Bổn phận của các người có chức thánh là phải tiến xa hơn trên đường thánh thiện so với giáo dân, và làm gương tốt cho giáo dân bằng việc thường xuyên xưng tội, nguyện ngắm mỗi ngày, chầu Mình Thánh Chúa, lẫn chuỗi Mân Côi và xét mình.
Obligatory Sign
Dấu hiệu bắt buộc. Là từ ngữ áp dụng cho ấn tích vì nó buộc thực hiện một số nghĩa vụ trong việc thờ phượng Chúa, và đòi hỏi sự sở hữu ơn thánh hóa để thực thi nghĩa vụ có giá trị.
Obreption
Gian đối, nói điều giả dối. Là cố gắng đạt được, hoặc thực sự đạt được, một sự miễn chuẩn của Giáo hội với các lý do giả tạo. Nếu lời phúc đáp là thuận, sự miễn chuẩn này được xem là có hiệu lực, miễn là ít nhất một trong các lý do nêu ra là đúng sự thật. (Từ nguyên Latinh ob-, chống lại + rapere, nắm bắt: obreptio, cướp đọat, lừa đối.)
Obscenity
Tà dâm, khiêu dâm, tục tĩu. Là sự gì được tính tóan một cách tội lỗi để tạo lạc thú nhục dục nơi một người. Bản tính của vật gây nên lạc thú này là phi vật chất. Điều chính yếu là ý định sai lầm của người trình bày, sản xuất, hay mô tả điều gì gây ra lạc thú nhục dục. Ý định là sai lầm bởi vì mục đích của nó là kích thích một cách không cần thiết khóai lạc xác thịt, bên ngòai quyền lợi của hôn nhân. Và đối tượng của ý định là một người, bất cứ ở lứa tuổi nào, mà sự thèm khát tính dục bị kích động không thể tránh được bởi các kích thích khiêu dâm. (Từ nguyên Latinh obscaentias, tấn công, sự tục tĩu.)
Obscurantism
Chính sách ngu dân. Là sự chống đối có dự tính, trên nguyên tắc và từ các lý do tôn giáo, với sự phát triển trí tuệ đúng đắn. Là sự cáo buộc quen thuộc chống lại Kitô hữu của các nhà chỉ trích duy lý, khi họ cáo buộc các tín hữu Kitô sợ rằng việc trí tuệ được soi sáng sẽ làm yếu đi các niềm tin của Kitô hữu. (Từ nguyên Latinh obscurus, tăm tối; không thể hiểu được.)
Observance
Sự tuân thủ. Là hành vi hoặc thói tục làm đúng theo điều đã qui định, chẳng hạn một luật hoặc một tập tục, chủ yếu trong các vấn đề tôn giáo. Trong lịch sử các Dòng tu, từ ngữ này trở thành chuẩn mực cho những người được xem là “phái Tuân thủ”, trái ngược với những người khác trong cùng Dòng đã làm giảm nhẹ luật Dòng. Do đó có các tu sĩ Tuân thủ trong Dòng Biển Đức, Dòng Xitô và Dòng Phanxicô.
Observantines
Anh em Tuân thủ. Là các tu sĩ Phanxicô tuyên hứa trung thành giữ Luật Dòng của thánh Phanxicô đã được Đức Giáo hoàng Honorius III phê chuẩn năm 1223. Phòng trào Tuân thủ khởi đầu tại Ý năm 1368 và làm phát sinh nhiều nhánh bán tự trị, chẳng hạn nhánh Tu sĩ cải tổ và nhánh Alcantarine, nhưng vẫn tùng phục Vị Tổng Phục vụ của Dòng Anh Em Hèn Mọn. Năm 1898, Đức Giáo hoàng Lêo XIII trong văn kiện Felicitate Quadam đã xóa bỏ mọi sự phân biệt, kể cả tên gọi Anh em Tuân thủ, và trao cho Dòng Phanxicô tên gọi nguyên thủy là Dòng Anh Em Hèn Mọn.
Obsession
Ám ảnh. Là một ý tưởng hoặc một tình cảm ép buộc thúc đẩy liên lỉ việc thực hiện một hành vi, vốn thường là trái với điều người ta biết là điều hợp lý cần làm. (Từ nguyên Latinh obsessio, bao vây.)
Obsession Diabolical
Quỷ ám. Là việc ma quỷ kiểm sóat các hành động bề ngòai của một người, hoặc của họat động khác ảnh hưởng đến nhiều người. Sách nghi thức Giáo hội nêu ra một số dấu hiệu của quỷ ám, chẳng hạn nói tiếng lạ hay hiểu tiếng lạ, hoặc chứng tỏ có quyền trên khả năng tự nhiên của con người. Trong trường hợp quỷ ám, quỷ không được phép ép buộc ý chí tự do của một người.
Obstinacy
Ngoan cố, ương ngạnh, bướng bỉnh. Là sự bướng bỉnh không lý giải được trong sự kiên trì với ý kiến và cách hành động của mình, kiên quyết làm theo cách riêng của mình. Nó đóng cửa tâm trí với sự thật đã biết và gây ra sự xem thường bằng cách đấu tranh chống lại quyền của Chúa. Khi đóng tâm hồn với các các gợi ý của ân sủng và sự hối cải, nó có thể dẫn đến sự ác ý trầm trọng và sai lầm trắng trợn. (Từ nguyên Latinh obstinatus, từ chữ ob-, chống lại + stare, đứng: obstinare, kiên quyết giữ ý kiến.)
Occamism
Học thuyết Occam. Là hệ thống triết học của William Occam (1300-49). Cốt yếu là thuyết duy danh, thuyết này giữ lập trường cơ bản rằng các khái niệm phổ quát không có nền tảng trong thực tại; chúng chỉ hiện hữu trong tâm trí suy tư và không ở trong các vật cá thể. Kết quả là mọi sự hiểu biết không bàn đến các vật mà bàn đến các ý niệm, và từ ngữ chuyển thông các ý niệm ấy. Bởi vì chỉ có các vật cá thể hiện hữu, các phương tiện thông thường để đạt sự hiểu biết là không phải bằng cách trừu tượng hóa từ thực tế, nhưng bằng trực giác. Dựa vào định đề nói rằng tri thức của con người là chủ yếu chủ quan và không phát sinh từ thực tế khách quan, thuyết Occam dẫn đến bất khả tri thuyết. Một phần của thuyết này cũng cho rằng ý Chúa là nguyên nhân của mọi sự và có luật riêng, đến nỗi Chúa không muốn mọi sự vì chúng là tốt lành, nhưng chúng tốt lành vì Chúa muốn chúng như vậy. Martin Luther chịu ảnh hưởng sâu đậm của thuyết Occam, và ông nói về triết gia Occam dòng Phanxicô như là “thầy dạy của tôi.”
Occam'S Razor
Nguyên tắc dao cạo Occam, nguyên tắc Occam’s Razor. Xin xem PARSIMONY, LAW OF, luật bủn xỉn, luật keo kiệt.
Occasion
Cơ hội, dịp. Là bất cứ nguyên tắc hay hoàn cảnh nào cỗ vũ hoặc giải quyết hành động hiện tại của một nguyên nhân tự do. Đôi khi nó được gọi là “nguyên nhân tình cờ”, dẫn đến một hành động của con người mà không trực tiếp chịu trách nhiệm về nó.
Occasionalism
Học thuyết cơ hội, thuyết duy cơ. Là thuyết triết học chối bỏ rằng các thụ tạo là nguyên nhân tác thành thật sự trong vũ trụ hữu hình. Sự can thiệp trực tiếp của Chúa được cho rằng gây ra mọi thay đổi riêng rẻ trong thế giới vật chất. Cùng một lúc vừa là thuyết tri thức vừa là thuyết tự nguyện kiểm soát hành động, học thuyết cơ hội cho rằng khi một người muốn một hành động nào đó, đó là “nguyên nhân cơ hội” cho Chúa làm sự thay đổi tương hợp trong thế giới hữu hình, và ngược lại. Tác giả thời cận đại của thuyết cơ hội là Arnold Geulincx (1624-69), thần học gia Công giáo người Hà Lan tại Đại học Louvain, và ông đã theo giáo phái Tin lành Calvin. (Từ nguyên Latinh occasio, chuyện xảy ra; nguyên nhân tình cờ.)
Occasion Of Sin
Dịp tội. Là bất cứ người nào, địa điểm nào, và vật nào tự bản chất của họ hoặc do bản tính yếu đuối của con người, có thể dẫn một người làm điều sai trái, do đó phạm tội. Nếu sự nguy hiểm là chắc chắn và nhiều khả năng xảy ra, đó là dịp tội gần; nếu sự nguy hiểm là nhẹ, đó là dịp tội xa. Nó là tự nguyện nếu người ta có thể dễ dàng tránh được. Không có việc buộc phải tránh dịp tội xa, trừ phi có nguy cơ nó trở thành dịp tội gần. Nhưng có nghĩa vụ tích cực tránh dịp tội gần cố ý, thậm chí cả khi dịp làm điều xấu là chỉ do sự yếu đuối của con người.
Occult
Kín đáo, bí ẩn, che giấu, sâu kín, huyền bí. Là điều gì được che giấu với đa số người nhưng chỉ có một số ít người biết. Từ ngữ cũng áp dụng trong luật Giáo hội cho các sự việc hoặc hành vi con người, vốn không được biết công khai nhưng chỉ biết nơi riêng tư hoặc trong lương tâm mà thôi. Chẳng hạn các ngăn trở kín đáo cho hôn nhân hoặc cho người lãnh chức thánh. Giáo luật có các khoản đặc biệt về các trường hợp này. (Từ nguyên Latinh occultus, che giấu, bí mật; từ chữ occulere, che đậy, che giấu.)
Occultism
Huyền bí học. Là thuyết và tập tục kêu cầu thần lực siêu nhân, chứ không phải thần lực của Chúa, để có các kết quả vượt quá sức tự nhiên thuần túy. Thuộc về huyền bí học có việc thờ Satan, thờ bái vật, ma thuật, thuyết thông linh, thông thiên học, thuật bói toán và phép phù thủy.
Occupancy
Sự chiếm giữ, sở hữu. Là việc lấy một vật gì thuộc về người khác, với ý định rõ ràng là giữ nó làm của riêng mình. Điều này bao hàm rằng vật ấy thực sự không thuộc của ai, chẳng hạn một đám đất, nhưng có thể được sở hữu. Nó cũng hàm ý rằng người chiếm giữ phải lấy vật ấy với mục đích là chiếm giữ nó cho riêng mình, và làm cho ý định này được các người khác biết tới, bằng một dấu hiệu nào đó chứng tỏ là mình muốn chiếm nó làm sở hữu cho mình.
Octaves
Tuần bát nhật. Là bảy ngày theo sau một ngày lễ với ngày lễ ấy cũng được tính vào nữa. Trước Công đồng chung Vatican II, có rất nhiều tuần bát nhật trong lễ điển Latinh. Một lễ kính nhớ được dâng trong Thánh lễ và trong Nhật tụng mỗi ngày của tuần bát nhật, và ưu tiên so với các lễ khác. Hiện nay tuần bát nhật chỉ còn tuân giữ trong Giáo hội hòan vũ là tuần bát nhật Giáng Sinh và tuần bát nhật Phục sinh.
Odium Theologicum
Odium Theologicum, Yếm khí thần học. Là một tục ngữ để nói về tình cảm xấu phát sinh giữa những người có ý kiến khác nhau trong các vấn đề đức tin, hoặc các vấn đề tương đối nhỏ hơn về nghi thức hoặc sự suy xét thần học.
Odor Of Sanctity
Xin xem FRAGRANT ODORS, danh thơm đức hạnh, có tiếng là thánh thiện.
Off
Off, Officium--chức vụ, nhiệm vụ, tác vụ, sự vụ.
Offering Communion
Dâng sự rước lễ. Là tập tục dâng ơn sự chịu lễ của mình cho người khác. Điều này có nghĩa là cầu xin Chúa chuyển cho người khác giá trị đền tội và khẩn nguyện (cầu bầu) của việc bản thân dọn mình và cám ơn sau rước lễ. Những sự không thể chuyển được là các hiệu quả chính yếu của bí tích, cụ thể là phát triển trong ơn thánh hóa, trong lòng mến Chúa yêu người, giảm sự khổ đau, quyền được sống lại vinh hiển, sự tha thứ tội nhẹ, và đền bù hình phạt tạm do các tội đã được tha.
Offertory
Phần Dâng lễ vật, Phần Tiến lễ. Là phần của Thánh lễ, trong đó bánh và rượu chưa truyền phép được dâng lên Chúa. Các lời linh mục đọc trong sách nghi thức mới được lấy đúng chữ từ tài liệu phụng vụ Didache (Đi-đa-khê) thuộc thế kỷ thứ nhất, vốn được phát hiện tại Constantinople năm 1873. Trong khi cầm riêng bánh (trên đĩa thánh) và rượu (trong chén thánh), linh mục đọc: “Lạy Chúa là Chúa Cả trời đất, Chúc tụng Chúa đã rộng ban cho chúng con bánh này là hoa màu ruộng đất và công lao của con người, chúng con dâng lên Chúa để trở nên bánh trường sinh cho chúng con.”
Office, Divine
Thần vụ, kinh nhật tụng. Là các Giờ kinh chính thức của phụng vụ Công giáo Roma. Sách Kinh Nhật tụng được duyệt lại từ Công đồng chung Vatican II qui định: Giờ Kinh sách, Kinh sáng, Kinh ngày (Kinh giờ Ba, giờ Sáu, giờ Chín), Kinh Chiều và Kinh Tối, trong đó có các điệp ca thích hợp, lời nguyện, thánh vịnh, thánh ca, thánh thi và xướng đáp.
Office, Ecclesiastical
Giáo vụ. Nói chung, là bất cứ công tác nào mà một người thi hành một cách hợp pháp, vì một mục đích thiêng liêng. Nói một cách kỹ thuật hơn, đó là bổn phận được thiết lập do việc truyền chức của Chúa hay của Giáo hội, được trao đúng theo các điều khoản của giáo luật, liên quan đến sự chia sẻ trong quyền bính Giáo hội, chức thánh hoặc quyền tài phán.
Office, Loss Of
Mất chức vụ, mất quyền. Trong giáo luật, là việc ngưng quyền thực thi quyền bính của một chức vụ trong Giáo hội Công giáo. Một chức vụ là bị mất do sự từ chối, sự cách chức, bãi chức, chuyển công tác, và hết nhiệm kỳ nếu chức vụ ấy được quy định theo nhiệm kỳ. Một giáo vụ là không bị mất bởi sự việc rằng bề trên đưa ra việc bổ nhiệm bị mất chức theo cách nào đó, trừ phi luật hoặc sự trao phó qui định cách khác.
Office Of Readings
Kinh Sách. Là giờ Kinh đầu tiên của Kinh Nhật tụng, trước đây gọi là kinh Sáng (Matins). Giờ kinh này chủ yếu có ba thánh vịnh, hai bài đọc gồm một bài từ Kinh thánh và một bài từ nguồn ngòai Kinh thánh.
Official Secret
Bí mật chức vụ. Là thông tin mật được nói với một người có chức vụ chính thức trong Giáo hội hoặc xã hội dân sự, chẳng hạn các người làm nghề y học, luật học hoặc tư vấn. Một bí mật chính thức không được chuyển thông, nếu không có phép của người nói ra bí mật ấy, trừ phi sự bức thiết yêu cầu phải nói. Ấn tòa giải tội phát sinh từ bí tích hòa giải là một hình thức đặc biệt của bí mật chính thức. Các vấn đề xưng tội không bao giờ được tiết lộ ra.