Ngày 03-10-2010
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Tập tục nếp sống đức tin trong tháng Mười
Lm. Đaminh Nguyễn ngọc Long
09:11 03/10/2010
Tập tục nếp sống đức tin trong tháng Mười

Trong nếp sống văn hóa xã hội, tháng Mười Dương lịch là mùa bước vào tiết trời mùa Thu. Khí trời bắt dầu lạnh, lá cây bắt đầu thay mầu sang mầu đỏ rồi da cam và biến dần thành vàng úa rụng lìa khỏi cành.

Mặt trời vẫn còn chiếu tia nắng ấm xuống mặt đất. Nhưng thời giờ ban ngày có mặt trời chiếu sáng bắt đầu ngắn lại, và thời giờ ban đêm bắt đầu dài ra hơn.

Còn nếp sống đức tin đạo giáo có gì đặc biệt trong Tháng Mười không?

Giáo Hội Công giáo đều đặt ra trong mỗi tháng một trọng điểm về nếp sống đức tin đạo đức.

1. Tháng kinh Mân côi

Tháng Mười xưa nay theo tập tục đạo đức còn gọi là Tháng Mân côi. Ngày 07.10. hằng năm là ngày lễ kính Đức Mẹ Mân côi.

Năm 1214 Thánh Đominico truyền bá lòng sùng kính Đức mẹ Maria qua việc lần chuỗi đọc kinh Mân Côi như phương thế chống lại bè rối Albigen gieo vãi gây hoang mang về tín lý trong Giáo Hội thời đó.

Năm 1571 Đức Giáo Hoàng Pio V. đã ấn định ngày 07.10. hằng năm trong toàn thể Giáo Hội công giáo là ngày lễ kính Đức Mẹ Mân Côi.

Việc lần chuỗi tràng hạt đọc kinh mân côi là cung cách nếp sống cầu nguyện của người Công giáo xưa nay. Thế hệ ông bà cha mẹ, những người lớn tuổi, vẫn thường hay lần tràng hạt đọc kính mân côi hằng ngày. Lần hạt họ đọc kinh lạy Cha, kinh kính mừng, kính sáng danh, kinh cầu Đức Mẹ, giọng đều đều…với nhiều người nghĩ giống như máy móc.

Lần chuỗi đọc kinh mân côi trước mỗi chục kinh có lời nguyện ngắm suy niệm theo từng chặng đường đời sống Chúa Giêsu trên trần gian: Vui, thương, mừng và sự sáng, là ôn nhớ lại giáo lý căn bản về cuộc đời của Chúa Giêsu từ khi Chúa sinh xuống trần gian làm người đến khi trở về trời.

Lần chuỗi đọc kinh mân côi có thể gây ra tâm lý nhàm chán, nhưng là cung cách sống đức tin, biểu lộ lòng tin cậy mến qua lời bầu cử của Đức mẹ Maria với Thiên Chúa.

Những việc này cần thiết giúp cho “bộ máy” đức tin đã khắc ghi sâu trong trái tim tâm hồn được hâm nóng bừng sáng lên.

Đó là cung cách cầu nguyện bình dân dễ làm mà lại mang ý nghĩa sâu thẳm, nhất là theo khía cạnh tâm lý, giúp cho tinh thần ý chí thêm vững mạnh trước những lo âu trong đời sống.

Nhiều người đã tâm sự, những lúc vướng trở gặp băn khoăn bối rối, bị bệnh tật, gặp khó khăn trong đời sống…họ hay thường lần hạt, dù chỉ đọc ngắn một hay hai ba chục kinh thôi. Lời kinh Mân côi đã giúp khôi phục tinh thần rất nhiều trong những hoàn cảnh đó.

Có những người tâm sự nhờ đọc kinh Mân côi, dù chỉ ít thôi, mà có được sức mạnh tinh thần khoẻ mạnh nhận ra yếu đuối khuyết điểm lầm lỗi của mình. Nhờ đó sửa đổi trở nên người tốt.

Có những người không dám cho là “ phép lạ”, nhưng đã cảm nghiệm thấy nhờ qua việc đọc kinh Mân côi cầu nguyện đã lãnh nhận được nhiều ơn đức giúp cho đời sống đạt thành công vượt qua khỏi những bước đường phức tạp khó khăn.

Ngày 13.10.1917 Đức mẹ Maria đã hiện ra lần chót với ba trẻ mục đồng ở Fatima cũng đã khuyến khích các em phổ biến lòng đạo đức sống đức tin qua việc lần chuỗi đọc kinh Mân Côi.

Cùng với nếp sống cổ võ kinh mân côi, trong tháng mười còn nói tới Thiên Thần của mỗi người nữa.

2. Tháng nhớ tới Thiên Thần bản mệnh

Theo tập tục sống đức tin trong Giáo hội Công Giáo, ngày 02.10. là ngày kính nhớ đến Thiên Thần bản mệnh.

Ngày còn thơ bé mỗi tối các bà mẹ thường cầm hai tay bé nhỏ của con mình chắp laị trước ngực chúng và đọc kinh thay cho chúng. Trong lời cầu xin có câu: Xin Thiên Thần bản mệnh gìn giữ con đêm nay bằng yên!

Lời cầu xin này nói lên tâm tình tin tưởng vào một sức mạnh hình bóng thiêng liêng luôn đồng hành trong cuộc sống con người, nhất là nơi trẻ em.

Rồi khi em bé bắt đầu chập chững biết đi hay lúc chạy nhảy té ngã nằm xoài ra nhà, miệng khóc kêu la gọi ba má. Em té ngã nhưng mình mẩy tay chân em không có vết thương gì xảy ra. Mẹ em đến bế em lên và bà nói rót vào tai: Không sao đâu con. Con thấy chưa, Thiên Thần bản mệnh gìn giữ, nâng đỡ con. Con chỉ đau qua loa ngoài da thôi! Nín đi con, có mẹ ở bên con và Thiên Thần bản mệnh đang nhìn con đó!

Lời nói này không chỉ là một lời an ủi xoa dịu, đánh lạc hướng cho em quên đi sự đau đớn không khóc nữa. Không, lời nói này biểu lộ một lòng tin vào một nhân vật linh thiêng vô hình - thấy mà xem chẳng thấy!

Chúa Giêsu diễn tả về nhân vật linh thiêng này với đời sống các trẻ em như sau: Anh em chớ khinh khi một ai trong những kẻ bé nhỏ này; Thầy nói cho anh em hay: các Thiên Thần của họ hằng ở bên ngai Thiên Chúa trên trời! ( Mt 18,10).

Như thế mỗi người có một Thiên Thần hằng theo che chở bảo vệ và Thiên Thần đó hằng nhìn thấy Thiên Chúa. Các Thánh Giáo Phụ tin là mỗi người từ lúc được tạo dựng trong bào thai đã có một Thiên Thần bản mệnh riêng rồi. Thánh Gioan trong sách Khải Huyền còn nói đến mỗi dân tộc cũng có một Thiên Thần bản mệnh riêng ( Kh 2-3).

Niềm tin vào sức mạnh hình bóng vô hình đó là niềm tin vào Thiên Thần bản mệnh. Niềm tin này không phải là chuyện tưởng tượng của trẻ thơ, nhưng là niềm tin có nơi mỗi người.

Niềm tin này nằm sâu thẳm trong tâm hồn. Từ trong vùng sâu thẳm của tâm hồn ta luôn ngưỡng vọng tới một phép lạ, tới một sức mạnh huyền nhiệm linh thiêng giúp củng cố phấn chấn đời sống.

Niềm tin vào Thiên Thần bản mệnh giúp lấy laị bình an trong tâm hồn, mang niềm phấn khởi vui tươi và nhất là tâm tình phó thác cậy trông vào Thiên Chúa.

Thiên Thần bản mệnh của tôi, của bạn, của chúng ta hướng dẫn và nối đường giây liên lạc giữa Thiên Chúa với con người.

Và tháng Mười còn là tháng nhắc nhớ người tín hữu chúa Kitô bổn phận làm chứng cho ánh sáng đức tin trong đời sống.

3. Tháng nói đến nhiệm vụ truyền giáo

Nước Việt Nam đã được truyền giáo từ hơn 350 năm nay. Đức tin vào Chúa đã thấm nhuần ăn rễ vào lòng con người xã hội Việt Nam, dù chỉ với hơn kém 07 triệu người Công giáo trong tổng số dân hơn 80 triệu cả nước.

Giáo Hội Công giáo Việt Nam phát triển từ ngày đó, cho dù trải qua nhiều gian nan thử thách, bị bách hại cùng hạn chế ràng buộc.

Một vị Giám Mục người tây phương, sau khi khảo sát về tình hình nếp sống đức tin đi nhà thờ tham dự thánh lễ, lãnh nhận các Bí tích, đọc kinh mân côi lần hạt trong gia đình, trong nhóm hội đoàn của người Công giáo Việt Nam thấy đông đảo sống động, đã nói lên tâm sự nhận xét: “Các ông bà không chỉ giữ đức tin vào Chúa cho riêng mình, nhưng đã tiếp tục rao truyền đức tin cho con cháu mình qua những việc sống đức tin đạo đức đó!”

Không dám và càng không chỉ vin dựa vào đó để tự hào rồi quên đi đích điểm bổn phận tinh thần của mình. Trái lại, vui mừng cùng cố gắng duy trì nếp sống đức tin đó cho tốt đẹp hơn.

Các bậc cha mẹ lo lắng việc giáo dục đào tạo con cái mình, nhất là việc tinh thần đạo giáo đức tin. Nỗi lo âu đó của các bậc cha mẹ thật là phải đạo và chính đáng. Nỗi lo lắng của họ bao gồm cả việc truyền giáo.

Việc truyền giáo không chỉ là việc của Giáo Hội, nhưng là việc của mọi người, mọi gia đình.

Việc truyền giáo không phải là việc học giáo lý cho thuộc bài. Nhưng là việc thực hành sống đức tin qua việc đọc kinh cầu nguyện đọc kinh mân côi riêng cũng như chung trong gia đình, việc tham dự thánh lễ, việc sống bác ái tình người.

Trong tháng mười, Giáo Hội nhắc nhớ người tín hữu Chúa Kito đến việc nối lửa cho đời. Ánh lửa đức tin vào Chúa đã tiếp nhận ngày chịu phép Bí tích rửa tội cần phải được gìn giữ để bừng sáng lên cho mình cùng cho gia đình con cháu.

Việc bác ái khởi đầu từ chính mình. Cũng vậy, việc truyền giáo làm chứng cho ánh sáng Chúa Kitô bắt đầu từ bản thân gia đình mình.

Ngạn ngữ trong dân gian có câu ca ví so sánh: “Tháng mười chưa cười đã tối!”. Thời tiết ngoài trời tối sớm hơn những tháng mùa Hè, nhưng ánh lửa đức tin vào Chúa vẫn bừng sáng soi chiếu đời sống con người.
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
15:46 03/10/2010
CHƠI TRỐN TÌM

N2T


Thời Huyền tông nhà Đường, sau khi quốc dân có hơn hai mươi năm hưởng thái bình, thì trong lòng nghĩ rằng thiên hạ đã thái bình vô sự, tại sao mình lại vì quốc gia mà suy tư lo nghĩ chứ, nên bèn theo đuổi cuộc sống hưởng lạc. Đến năm ông ta được sáu mươi mốt tuổi, Dương Quý Phi là cô gái trẻ đẹp mà ông ta rất sủng ái, nên thường ở lại trong cung tìm lạc thú mua vui.

Một đêm nọ, Đường Minh Hoàng cùng với Dương Quý Phi lại uống rượu nghe nhạc dưới ánh trăng, Dương Quý Phi cảm thấy những khúc nhạc ấy nghe quá nhàm thật chán không hứng thú gì, đột nhiên bà ta nghĩ ra một trò chơi, đó là dùng khăn bịt mắt Đường Minh Hoàng, sau đó kêu Đường Minh Hoàng đến bắt bà ta, bà ta núp bên này trốn bên kia không để cho Đường Minh Hoàng bắt được, hai người đùa giỡn rất vui vẻ.

Về sau này, trò chơi này lưu truyền trong dân gian, trở thành trò chơi bịt mắt của thiếu nhi.

(Chí hư các thúy trở)

Suy tư:

Thiên hạ thái bình là hạnh phúc lớn cho quốc gia dân tộc, và cho cả những người lãnh đạo nữa, cho nên không phải hể thái bình là người lãnh đạo không suy nghĩ gì nữa, nhưng phải luôn suy nghĩ để dân giàu nước mạnh.

Có những đại gia tiền bạc tiêu xài như nước, nghĩ rằng gia đình vô sự ấm no rồi nên theo đuổi cuộc sống hưởng lạc thú; có những người thấy rằng mình đã có nghề nghiệp vững vàng, tiền bạc kiếm được dễ dàng, thế là lên kế hoạch ăn chơi hưởng lạc cho mình, và thường chơi trò chơi trốn tìm với những cô gái mặt xanh móng đỏ...

Ma quỷ rất cần cù làm việc, nó không nghỉ ngơi khi lôi kéo được nhiều linh hồn về với nó, nhưng nó ngày đêm rình mò cắn xé chúng ta, chỉ cần một sơ hở của chúng ta mà thôi, thì ma quỷ nhất định không hề bỏ qua bao giờ.

Không chơi trốn tìm với ma quỷ, cũng không ỷ lại khi cuộc sống đầy đủ, nhưng phải luôn để cao cảnh giác trước những mưu mô của ma quỷ, đó là sự khôn ngoan của người Ki-tô hữu vậy.

---------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:05 03/10/2010
Chương 28 :

THÀNH THỰC



“Bởi thế, một khi đã cởi bỏ sự gian dối, mỗi người trong an hem hãy nói sự thật với người than cận, vì chúng ta là phần thân thể của nhau”. (Ep 4, 25)


N2T


1. Thành thực vốn là một hành vi đơn giản của tình yêu, nhưng có một mục đích đó là làm cho Thiên Chúa yêu thích, nếu trên mọi việc mà chúng ta làm chỉ đơn thuần là tìm sự yêu mến của Thiên Chúa, thì linh hồn của chúng ta là một linh hồn thành thực.

(Thánh Francis de Sales)
 
Tháng Mân Côi: Xin Cứu Chúng Con Khỏi Mọi Sự Dữ
+ GM Gioan B. Bùi Tuần
16:07 03/10/2010
Tháng 10 được gọi là tháng Mân Côi. Tháng này, con cái Đức Mẹ hướng lòng mình về Đức Mẹ một cách đặc biệt. Đặc biệt có nghĩa là yêu mến Đức Mẹ hơn, dâng lên Đức Mẹ nhiều đoá hoa mân côi hơn, thực thi những điều Đức Mẹ dạy một cách nhiệt tình hơn.

Riêng tháng 10 năm nay, tôi suy nghĩ nhiều hơn đến biến cố Đức Mẹ hiện ra ở Fatima. Lòng, trí tôi nhớ lại những gì Đức Mẹ đã dạy và đã làm ngày 13-10-1917. Đúng là có sự gì đáng ta phải sợ. Đúng là có sự gì đó thực sự khiến ta phải cầu xin để được cứu thoát.

Vì thế, tôi chọn cho tháng 10 năm nay của tôi một chủ đề gợi ý. Chủ đề đó là: “Xin cứu chúng con khỏi mọi sự dữ”. Câu này là câu cuối của kinh Lạy Cha. Tôi thấy câu này là lời cầu rất hợp với ý Đức Mẹ trong lần Người hiện ra lần cuối ở Fatima.

Tôi xin phép được chia sẻ chọn lựa của tôi. Tôi sẽ đề cập đến 3 điểm sau đây:

1. Khi cầu xin Chúa cứu chúng ta khỏi mọi sự dữ, thì sự dữ nói chung được hiểu thế nào?
2. Ta xin Chúa cứu ta khỏi những sự dữ nào cách riêng?
3. Ta phải cộng tác thế nào vào lời cầu xin Chúa cứu ta khỏi sự dữ?

1. Sự dữ nói chung được hiểu thế nào?

Nói chung, thế giới sự dữ rất mênh mông. Thí dụ:

a) Sự dữ trong lĩnh vực vật chất, như:

đói nghèo, bệnh tật, các thiên tai, các thứ ô nhiễm môi trường, các tai nạn, các thứ chiến tranh.

b) Sự dữ trong lĩnh vực chân lý, như:

những sai lầm trong việc tiếp thu thông tin, trong cái nhìn, trong phán đoán, trong lượng giá, trong phản ứng. Có những sai lầm thuộc trách nhiệm cá nhân. Có những sai lầm thuộc trách nhiệm một tập thể, một nhóm, một cộng đoàn. Có những sai lầm thuộc trách nhiệm cả một bộ máy chính sách và chủ trương.

c) Sự dữ trong lĩnh vực luân lý, như: hình thức đúng là đạo đức thì lại coi là không đạo đức.

Việc đúng là tội thì lại coi là không có tội. Tình hình hiện nay đang có khuynh hướng bình thường hoá tội lỗi là một sự dữ rất nguy hiểm.

d) Sự dữ trong lĩnh vực tín lý, như:

điều phải tin thì lại nghi ngờ. Điều mê tín thì lại tìm đến. Hiện tượng tin Lời Chúa một cách hời hợt như đang xảy ra ở nhiều nơi là một sự dữ rất đáng báo động.

e) Sự dữ trong lĩnh vực quỷ dữ, như:

coi thường thế giới quỷ đang rất phổ biến. Thế giới đen tối của quỷ là một hiện hữu có thực ở gần ta. Kinh Thánh cảnh báo ta điều đó. Nhưng chúng ta nhiều khi không tỉnh thức, lại còn sống thoả hiệp với chúng.

f) Sự dữ trong lĩnh vực áp lực, như:

Có những áp lực đến từ bên ngoài làm ta khó giữ được tự chủ. Có những áp lực tiềm ẩn từ bên trong ta khiến ta khó sống khách quan và thanh thản.

Thoáng nhìn những sự dữ kể trên, chúng ta thấy con người của ta thường xuyên có nguy cơ bị các sự dữ tấn công. Thoát khỏi chúng là chuyện không dễ. Vì thế, ta vừa làm hết sức để cứu mình, vừa cầu xin Chúa cứu ta.

Trong các sự dữ, có một số rất đáng sợ, ta phải xin Chúa cứu ta cách riêng.

2. Mấy sự dữ ta cầu xin Chúa một cách đặc biệt để thoát khỏi

Tôi thấy có 3 sự dữ này:

a) Không thực thi thánh ý Chúa

Phúc Âm cho thấy: Suốt đời trên trần thế, Chúa Giêsu chỉ quan tâm đến việc thực thi thánh ý Chúa Cha. “Lương thực của Thầy là làm theo ý Chúa Cha” (Ga 4,34). Ở vườn cây Dầu, khi tình hình trở nên bi đát, Chúa Giêsu đã cầu nguyện: “Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin Cha cho con khỏi uống chén này. Tuy vậy, xin đừng làm theo ý con, nhưng xin theo ý Cha mà thôi” (Lc 22,41).

Biết được thánh ý Chúa và thực thi thánh ý Chúa là chuyện không dễ. Nhưng đó lại là chuyện cực kỳ quan trọng. Chúa Giêsu quả quyết: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: Lạy Chúa, lạy Chúa, thì được vào Nước Trời cả đâu. Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời mới được vào mà thôi” (Mt 7,21).

Làm theo thánh ý Chúa là định hướng đầu tiên của tu đức. Không phải định hướng một lần, mà cả suốt đời. Lời Chúa và Chúa Thánh Thần sẽ soi dẫn trên thực tế. Tình hình từng lúc từng nơi, tuỳ theo từng người sẽ sáng lên thánh ý Người. Nếu không khiêm tốn đón nhận, ta sẽ đi vào những sai lầm: đó là một sự dữ khủng khiếp.

b) Mất sự sống ân sủng của Chúa và mất linh hồn

“Vì nếu người ta được cả thế giới, mà phải thiệt mất mạng sống mình, thì nào có lợi gì?” (Mt 16,26). Lời Chúa phán trên đây thực là dứt khoát, thực là đáng sợ. Mất mạng sống mình, tức là mất sự sống ân sủng của Chúa và mất linh hồn, đó là một sự dữ không gì ví được.

c) Phải phạt đời đời trong hoả ngục

Có hoả ngục và có những người bị ném xuống đó, đây là một cảnh báo được Chúa nói nhiều lần trong Phúc Âm. Xin đọc lại dụ ngôn ông ăn mày Ladarô và nhà phú hộ (x. Lc 16,19-31). Cũng nên đọc thêm những lời Chúa phán về cuộc phán xét chung (x. Mt 25,31-45).

Ở Fatima, Đức Mẹ cũng đã cho ba trẻ nhìn thấy cảnh hoả ngục và những ai bị phạt trong đó. Thực là rùng rợn.

Chỉ trong hồi tâm, và tin vào lời Chúa và tin sự cảnh báo của Đức Mẹ, chúng ta mới thấy thấm thía: sự không thực thi ý Chúa, sự mất đời sống ân sủng và mất linh hồn, sự sa hoả ngục là những sự dữ ghê gớm. Ta phải xin Chúa cứu thoát ta. Ta phải cầu nguyện, và cũng phải cộng tác vào lời cầu nguyện: “Xin cứu chúng con khỏi mọi sự dữ”.

3. Cộng tác vào lời cầu nguyện “xin cứu chúng con khỏi mọi sự dữ”

Phải cộng tác ít ra bằng những việc này:

a) Khiêm nhường và biết sợ

Tu đức thường khuyên chúng ta nên luôn có thái độ khiêm tốn, nhận mình yếu đuối, hèn mọn. Khả năng sai lầm nơi ta là rất lớn. Thái độ kiêu căng, cố chấp nơi ta không hoàn toàn dễ khống chế. Lịch sử cho ta thấy có những liều lĩnh tự đắc đã đưa tới một chuỗi dài tai hoạ rất đáng tiếc.

b) Đền tạ về những gì đã và đang sai phạm

Đền tạ bằng những việc hy sinh, phục vụ, yêu thương trong phạm vi Chúa đòi hỏi. Hiện nay, tình trạng bất ổn đang xảy ra phổ biến trong từng cá nhân, trong từng gia đình, trong từng cộng đoàn, trong từng địa phương. Nếu chúng ta biết lắng nghe ý Chúa, biết dấn thân vào việc làm cho những tình hình đó bớt bất ổn theo ý Chúa, thì thiết tưởng đó cũng là những việc đền tạ đẹp lòng Chúa.

c) Hết lòng cậy tin vào lòng thương xót Chúa và trái tim nhân từ của Mẹ.

Sống như trẻ thơ. Nhìn lên Mẹ với tất cả tâm tình khiêm tốn đơn sơ tin cậy.

Lạy Mẹ Maria, sự hiểu biết của Mẹ thực là sâu xa. Tình thương của Mẹ thực là bao la. Mẹ biết con và hoàn cảnh của con hơn chính con. Mẹ nhìn rõ đâu là những sự dữ gây nguy hại cho con nhất là về phần hồn. Xin Mẹ thương ở bên con. Xin Mẹ cầu bầu với Chúa cứu con khỏi mọi sự dữ, nhất là những sự dữ hiểm nghèo cho phần rỗi. Con xin phó thác mình con cho trái tim Mẹ. Xin gìn giữ con trong tình thương của Mẹ mãi mãi muôn đời. Amen.

+ Gm. Gioan B. Bùi Tuần
 
Mỗi tuần một 'Chuyện Rất Ngắn''
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:21 03/10/2010

NHỮNG CÂU CHUYỆN

RẤT NGẮN & RẤT THẬT



Lời ngỏ:

“Chuyện rất ngắn” là những mẫu chuyện…rất ngắn được rút gọn trong những chuyện dài rất thật trong cuộc sống chung quanh chúng ta.

Vì nó quá thật nên xem ra hơi phủ phàng, nhưng đó chính là những câu chuyện suy tư cho những ai có tâm hồn thành tâm thiện chí với Giáo Hội và xã hội Việt Nam hôm nay.

Tháng Mân Côi 2010

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

N2T


GIAO ÁO CHO LUÔN

Trong giáo xứ cha sở không lập một hội đoàn nào cả, mọi việc trong nhà thờ đều giao cho một phụ nữ thay mặt ngài giải quyết, ngài chỉ làm có mỗi một việc duy nhất là làm lễ, ngay cả việc giáo dân xin lễ cũng giao cho bà ấy làm, hôm nọ, giáo dân ngạc nhiên khi nghe cha sở tuyên bố:

- “Từ nay, mọi việc trong giáo xứ tôi đều giao cả cho bà này...”

Lễ xong về nhà, bà chị nói với em trai:

- “Sao cha sở không đem áo lễ giao cho bà ấy luôn !”

---------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Đức Mẹ Gia Đình Con
Phêrô Hồng Phúc
21:43 03/10/2010
ĐỨC MẸ GIA ĐÌNH CON

Tháng Mân Côi đã về với mỗi gia đình, mỗi tâm hồn chúng ta. Trong Kinh Cầu, Giáo Hội dạy chúng ta “Nữ Vương ban sự bình an” và đặc biệt hơn nữa “Nữ Vương các gia đình - cầu cho chúng con”. Nói Nữ Vương các gia đình là Đức Mẹ làm vua trong gia đình của chúng ta, và như vậy, trong gia đình của chúng ta có một Người Mẹ, có một vị Nữ Hoàng để lắng nghe và yêu thương cũng như dẫn dắt chúng ta trên bước đường dương thế. Người Mẹ ấy, người Nữ Vương ấy không phải là ai khác mà là chính Đức Trinh Nữ Maria. Ai đã chọn Mẹ? Ai đã đặt Mẹ? Không ai khác là chính Đức Giêsu Kito, Đấng Cứu Độ chúng ta. Đức Giêsu Kito đã chọn Mẹ trong Gia đình Thánh Gia; Đức Giêsu Kito đã đặt Mẹ khi Ngài chiến thắng Satan, chiến thắng sự chết khải hoàn vinh hiển. Nếu chúng ta chọn thì có thể còn rất nhiều sai lầm, nhưng Đức Giêsu Kitô đã chọn thì đó là sự thật, sự sống và là đường để chúng ta theo.

Tháng Mân Côi về không phải chỉ là để dành một chút thời gian trong việc lần hạt Mân Côi đến với Đức Mẹ. Nếu có như vậy thì quá ít !. Thời gian để chúng ta lần hạt Mân Côi một ngày – mà ai đó lần được năm chục – có khi đã kể công với cả hàng xóm láng giềng. Mà năm chục hạt, có đáng là bao nhiêu: mười đến mười lăm phút. Nếu chúng ta dành cho Đức Mẹ trong một thời gian, khoảnh khắc của lần hạt Mân Côi nhiều khi là máy móc, là thói quen như vậy. Giống như chúng ta “bố thí” cho Đức Mẹ một vài nghìn đồng lẻ tiền Việt Nam, trong khi chúng ta có cả trăm nghìn đồng, triệu đồng để chi tiêu cho việc khác. Thời gian dành cho Đức Mẹ ít như vậy mà lại tiêu bằng tiền lẻ là những đồng tiền mà người ta coi là rảnh rỗi, là dư thừa trong túi. Đức Mẹ là Nữ Vương, là Mẹ được chính Đức Giêsu Kito lựa chọn mà chúng ta cư xử như thế, hỏi có xứng đáng không? Trong khi một Người Mẹ yêu thương ân cần, chăm chút cho từng đứa con; dẫn dắt chúng ta từ chập chững cho đến lúc vào đời và ngay cả khi chúng ta trưởng thành thì “Đức Mẹ Chỉ Bảo Đàng Lành” luôn yêu thương săn sóc cho chúng ta. Bài hát “Lạy Mẹ Là Ngôi Sao Sáng” có câu: “Mẹ là ngôi sao sáng, dẫn lối cho con lúc vượt biển thế gian”. Không những Mẹ dẫn chúng ta những bước đi chập chững, những bước đi trưởng thành mà còn là vượt qua biển, sóng gió thế gian nữa. Có nhận ra điều đó, thì việc chúng ta yêu mến Đức Mẹ có đòi hỏi chúng ta thì không tính bằng phút, bằng giờ, thậm chí không được tính bằng ngày hay bằng cả tháng Mân Côi mà phải tính bằng cả cuộc đời của chúng ta. Người Mẹ yêu thương chăm sóc cho con cái từ lúc mà đứa con biết gọi tiếng đầu tiên là “mẹ”. Tiếng mẹ đầu tiên và tiếng mẹ cuối đời. Đó là những tiếng thân thương nhất.

Trong cuộc sống hằng ngày, nhiều khi người ta vấp chân một cái, có người kêu “Trời ơi”, có người kêu “Ối, mẹ ơi! ”. Đó cũng là thể hiện điều gì đó gần gũi, thân thiết mà trong những lúc thân mật nhất hay trong những lúc gặp sự khó làm người ta nhớ tới. Người mẹ thân yêu của chúng ta luôn luôn vỗ về, chăm sóc và “lòng mẹ bao la như biển thái bình” như bài hát chúng ta thường hát. Bao la như thế nào? Khái niệm “bao la” thì bao trùm đến đâu? Người ta hát chứ người ta không suy. Vậy nếu trong cuộc đời chúng ta, đã có ai đi hết biển Thái Bình Dương chưa? Và thân xác của chúng ta ngần này so với diện tích biển Thái Bình Dương bao la thì biển có bao trùm được hàng triệu người chúng ta không? Vì vậy, suy ngẫm về Đức Mẹ, chúng ta mới thấy được rằng, chúng ta chỉ biết đón nhận mà chưa bao giờ chúng ta biết đền ơn. Tháng Mân Côi về nhắc chúng ta hãy làm việc gì đó để dâng lên Đức Mẹ. Lần chuỗi Mân Côi, làm việc lành phúc đức hay là sự thiện, hoặc bác ái, hoặc yêu thương, hoặc hy sinh trong gia đình... Nghĩa là những việc gì để chúng ta nên giống Đức Mẹ. Đức Mẹ làm những việc gì? Trong gia đình Nazareth, Đức Mẹ không làm việc gì có tên tuổi hết. Những tên tuổi, sự việc, Đức Mẹ dành cho thánh Giuse và đặc biệt là Đức Giêsu. Nhưng những gì là âm thầm của Nazareth, những gì là không tên trong gia đình là hy sinh, là yêu thương, là dịu dàng, là vất vả, là thức khua dậy sớm đều đến tay Đức Mẹ. Bởi vậy, trong tháng này hay là trong một cuộc đời của chúng ta, chúng ta nên làm một điều gì đó: dịu dàng để thông cảm, yêu thương, khiêm tốn, thăm viếng, giúp đỡ hay chúng ta chăm sóc bệnh nhân. Những việc nho nhỏ thôi nhưng là những việc có chất. Nói như Tin Mừng “Đức tin bằng hạt cải” (Lc 17,6) để chúng ta nên giống Đức Mẹ. Khi Đức Giêsu nói “Đức tin bằng hạt cải” thì chúng ta phải nghĩ ngay đến Đức Mẹ. Đức tin bằng hạt cải khi mà Mẹ Maria không thể hiểu mầu nhiệm bao la của Thiên Chúa và nhất là không thể hiểu ngay trong thân phận của mình là trinh nữ mà bây giờ được báo tin làm Mẹ, thì đức tin bằng hạt cải vẫn dạy Mẹ hai tiếng “Xin vâng” sẵn sàng trên miệng, và rồi hai tiếng “Xin vâng” ấy đã đi theo suốt dọc cuộc đời của Đức Trinh Nữ Maria và cho đến bây giờ còn chưa chấm hết. Bởi vì Mẹ muốn tiếng “Xin vâng” của Mẹ được truyền cho tất cả các con cái của Mẹ nơi trần gian này. Chúng ta đã làm được gì? Như vậy, mỗi một việc lành, mỗi một ý thức, mỗi một cử chỉ, mỗi một thái độ, mỗi một hy sinh của từng người chúng ta trong ngày, trong tháng, trong năm và nhất là trong cuộc đời của chúng ta chẳng qua là để chúng ta nối dài hai tiếng “xin vâng” của Mẹ (x.Lc 1, 26-38).

Có ai đó nghĩ rằng mình đã quá yêu mến Đức Mẹ rồi; có ai đó nghĩ rằng mình đã quá sốt sắng cầu nguyện với Đức Mẹ rồi; bởi vì đếm trên đầu ngón tay thì nào là hành hương La Vang, hành hương Lộ Đức (Lourdes), thậm chí có người khoe mình đến được cả Fatima. Đúng là chúng ta không đi được vì không có tiền để có thể bay sang Lộ Đức, để có thể đến Fatima. Nhưng mà Đức Mẹ Fatima bằng hình ảnh ngự trị ngay tại đây. Chúng ta hát kinh hay hát thánh ca về Mẹ: “Năm xưa trên cây sồi, làng Fatima xa xôi. Có Đức Mẹ Chúa Trời, hiện ra uy linh sáng chói...”. Tại sao chúng ta không làm được? Không có tiền để đi Fatima nhưng làm việc để kính mến Đức Mẹ Fatima với tràng chuỗi mân côi Fatima, chúng ta có thể làm được không? Bức tượng Đức Mẹ trước mắt chúng ta đây là một pho tượng quý. Khi tôi vào miền Nam, có một cha hỏi tôi: “Cha có biết bí mật của pho tượng Đức Mẹ trong Nhà thờ Chính toà Phát Diệm không?” Tôi thành thực trả lời: “Thưa cha, con không biết”. “Bí mật đó là: Cây sồi mà Đức Mẹ hiện ra ở Fatima có ba khúc lớn, một khúc chia thành nhiều tượng Đức Mẹ nhỏ, hai khúc còn lại được chuyển hóa thành hai pho tượng Đức Mẹ rất đẹp. Pho tượng thứ nhất: đặt tại Fatima; Pho tượng thứ hai là pho tượng Đức Mẹ được chuyển về Việt Nam, rồi được chuyển về Phát Diệm của chúng ta. Vì thế, khi pho tượng Đức Mẹ cập bến cảng Hải Phòng thì giáo dân đã đón rước Đức Mẹ long trọng ngay ở đó và rước về Phát Diệm. Chúng ta còn chứng kiến năm 1972, bom dội xuống Nhà thờ Phát Diệm. Quả bom thả gần nhất là ngay đường kiệu, cách nhà thờ có 5m; 112 cánh cửa Pano xung quanh nhà thờ chỉ còn lại 4 cánh cửa; 26 viên đá của đường kiệu bay lên trên mái nhà thờ, toàn bộ ngói nhà thờ bay tung tóe đi khắp nơi; toàn bộ gian Cung thánh đều trống tan hoang, 14 Đường Thánh Giá bằng đá trên gian Cung Thánh bị nứt, thậm chí bị vỡ và rơi xuống. Nhưng tượng Đức Mẹ vẫn đứng nguyên trên toà. Đó là những hình ảnh mà chúng ta phải thấy được và chúng ta phải hiểu được ý nghĩa của tượng Đức Mẹ Fatima trước những gì chúng ta đã chứng kiến. Chúng ta đừng nghĩ rằng, đứng trước một pho tượng không biết nói, chúng ta cũng đứng trơ ra như gỗ. Vậy mà pho tượng gỗ của Đức Mẹ Fatima nói được đó. Nói trong trái tim của chúng ta, nói trong sự kiện Phát Diệm của chúng ta để nhắc nhủ con cái Mẹ là đừng lãnh đạm, đừng để cho thời gian trôi vào dĩ vãng, đừng để cho những kho báu mà không được khám phá. Nhưng tôi không muốn nói để chúng ta chỉ đến với pho tượng Đức Mẹ mà thôi, pho tượng quý nhưng chính là để từ đó khơi lên một cõi lòng quý mến của chúng ta, để chúng ta đến với Đức Mẹ Fatima bằng ngay chính tấm lòng của chúng ta, ngay chính tại Phát Diệm đây, chứ phải đợi có tấm vé để đi Fatima thì biết đến bao giờ.

Tôi cũng đã đăng ký đi dự Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới Madrid 2011 tại Tây Ban Nha, rất gần Bồ Đào Nha để có thể đến viếng Đức Mẹ Fatima. Tôi hứa nếu tôi đi được, khi về tôi sẽ kể chuyện một cách chi tiết. Nhưng chuyện là chuyện còn lòng kính mến lại là chuyện khác. Lòng kính mến không phải đợi đến khi tổ chức Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới và có điều kiện đi được, hay là đi được rồi mới về kể được. Lòng kính mến được biểu lộ ngay bây giờ, ngay lúc này đây. Từ Đức Mẹ Fatima chúng ta nhân lên với Đức Mẹ Lộ Đức, với Đức Mẹ La Vang, đó là những địa danh của từng nước để rồi chúng ta lại trở về với Đức Mẹ trong gia đình của mình. Không phải nói xa nữa, Nữ Vương các gia đình chính là Đức Mẹ gia đình ta. Ngay hôm nay, chúng ta trở về chúng ta có thể gọi thân thương “Đức Mẹ gia đình A của con”, “Đức Mẹ gia đình B của con”, chúng ta thêm tên vào như là đại lý người ta thêm tên của gia đình họ treo ngay trước cửa nhà. Chúng ta có quyền như vậy. Đức Mẹ Fatima, Đức Mẹ Lộ Đức, Đức Mẹ La Vang, bây giờ có Đức Mẹ gia đình A,B,C... Tại sao chúng ta không làm được? Chúng ta làm được và chúng ta hãy làm đi. Nhưng nhớ là treo trong trái tim hàng ngày chứ không treo như trước cửa đại lý !

Lạy Đức Mẹ gia đình của con,

Xin ban ơn cho mỗi người chúng con.

Không phải chờ bất cứ điều kiện gì

khi con tim có thể làm ngay từ hôm nay.

Tháng Mân Côi về,

Xin Mẹ nhắc nhủ chúng con,

khơi lên trong lòng chúng con

Lòng yêu kính Đức Mẹ

mà chính Đức Giêsu, con Mẹ, đã hết lòng yêu mến.

Xin cho chúng con được yêu mến Mẹ

để chúng con đến với Đức Giêsu Kito, con Mẹ

là đến với ơn cứu độ đời đời cho mỗi người chúng con. Amen.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha: Trong Tháng Mân Côi, Đức Maria là kiểu mẫu của đời sống Kitô hữu
Nguyễn Hoàng Thương
09:21 03/10/2010
Đức Thánh Cha: Trong Tháng Mân Côi, Đức Maria là kiểu mẫu của đời sống Kitô hữu

Palermo (AsiaNews) - "Đức Maria là kiểu mẫu của đời sống Kitô hữu. Tôi cầu xin Mẹ trên hết giúp anh chị em đi trên con đường của sự thánh thiện, phấn khởi và với niềm vui, theo bước chân của nhiều mẫu gương sáng ngời bước theo Chúa Kitô". Đây là lời cầu nguyện của Đức Thánh Cha trước khi đọc kinh Truyền Tin vào cuối Thánh Lễ cử hành tại Palermo, nơi ngài đang viếng thăm mục vụ, là dịp để nhà thờ địa phương quy tụ các gia đình và giới trẻ. Nhắc lại rằng tháng Mười theo truyền thống là Tháng Mân Côi, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nói thêm rằng: "Suy niệm hằng ngày về các mầu nhiệm của Chúa Kitô trong sự hiệp thông với Đức Maria, Đức Trinh Nữ trong lúc cầu nguyện sẽ củng cố tất cả chúng ta trong đức tin, niềm hy vọng và đức mến".

Ngài nhận xét thêm rằng: "Dâng lên Đức Nữ Trinh Maria, tôi muốn tán dương tất cả dân Chúa sống trong vùng đất mến yêu này, cầu xin Mẹ nuôi nấng các gia đình trong tình yêu và sự giáo dục; làm sinh hoa quả những hạt giống ơn gọi mà Thiên Chúa đã gieo dư đầy trong giới trẻ, truyền lòng can đảm khi phải đối mặt với những gian nan, truyền niềm hy vọng giữa những khốn khó, khôi phục nghị lực trong việc thực hiện điều thiện.Tượng Thánh Mẫu an ủi các bệnh nhân và tất cả những người đau khổ, giúp các cộng đoàn Kitô giáo để không ai trong họ bị loại bỏ hay thiếu thốn, nhưng tất cả mọi người, nhất là người nhỏ nhất và yếu nhất, cảm thấy được chào đón và được quý trọng".

Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI cũng đã dành một phần của bài giảng trong Thánh Lễ để nói đến chủ đề "đi trên con đường phấn khởi và vui mừng của sự thánh thiện theo bước chân của nhiều mẫu gương sáng ngời bước theo Chúa Kitô". Ngài cho hay: "Hòn đảo xinh đẹp của anh chị em là một trong những nơi đầu tiên của Ý quốc chấp nhận đức tin của các Tông Đồ để đón nhận việc công bố Lời Chúa, giữ vững đức tin hết sức phong phú ngay cả trong lúc khó khăn, ngược đãi, luôn có thể nhìn thấy sự sum xuê của đóa hoa của thánh thiện. Sicily là miền đất của các vị thánh, thuộc mọi tầng lớp xã hội của đời sống, những người đã sống Tin Mừng với sự đơn sơ và toàn vẹn".

Cũng trong bài giảng, Đức Thánh Cha thúc giục người Công Giáo Sicilia "làm chứng cho đức tin trong những lĩnh vực khác nhau của xã hội, trong nhiều hoàn cảnh tồn tại của con người, nhất là trong những người khốn khó".

Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã không đề cập đến từ "mafia", nhưng nhắc đến cách gián tiếp khi ngài yêu cầu người Công Giáo đừng hổ thẹn khi làm chứng tá Kitô giáo: "Người ta phải xấu hổ với tội ác vốn xúc phạm đến Thiên Chúa, xúc phạm con người, người ta cũng phải xấu hổ về tội ác gây ra cho các cộng đồng dân sự và tôn giáo với những hành động ghê gớm giữa ban ngày".

Ngài giải thích: "Những cám dỗ về sự chán nản, từ bỏ đến với những người yếu đuối trong đức tin, những người nhầm lẫn điều ác với điều thiện, với những người tin rằng không có gì có thể được thực hiện trước điều ác, thường là loại thâm hiểm nhất. Thay vào đó, những người đặt nền móng vững chắc trong đức tin, những người tin tưởng hoàn toàn vào Thiên Chúa và sống trong Giáo Hội có thể mang lại sức mạnh không thể kiềm hãm được của Tin Mừng. Đây là cách cư xử của các thánh, làm nở hoa qua nhiều thế kỷ, ở Palermo và Sicily, cũng như những giáo dân và linh mục của thời đại ngày nay, những người đã nổi tiếng với anh chị em, chẳng hạn như Cha Pino Puglisi (người bị mafia sát hại). Cầu xin họ luôn dõi theo và giữ gìn anh chị em được hiệp nhất và được nuôi dưỡng trong tất cả mọi người khao khát công bố, trong lời nói và hành động, sự hiện diện và tình yêu của Chúa Kitô. Hỡi người dân Sicily, hãy tìm kiếm hy vọng cho tương lai của anh chị em”.

Trong bài suy tư trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI cũng đề cập đến một chứng nhân giáo dân vĩ đại của đức tin: Anna Maria Adorni (1805-1893), được tuyên chân phước hôm nay 03/10, tại Parma. Ngài cho hay: "Vào thế kỷ XIX bà là người vợ và là người mẹ gương mẫu và khi là góa phụ, bà cống hiến bản thân mình vào việc bác ái cho những phụ nữ trong nhà tù và trong hoàn cảnh khó khăn, cho những người có nhu cầu, bà đã thành lập hai tu viện tôn giáo. Mẹ Adorni, do lời cầu nguyện liên lỉ của mình, được gọi là 'Chuỗi Mân Côi Sống'".
 
Đóng góp tài chính cho Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới... chỉ với một cú click chuột
Tiền Hô
13:50 03/10/2010
MADRID, TÂY BAN NHA, ngày 1 Tháng Mười - www.muchasgracias.info là một trang web thương mại mới được ra mắt hôm nay để đón nhận tất cả các khoản đóng góp từ những mạnh thường quân cá nhân, những người muốn góp thêm hạt muối nhỏ của họ vào sự thành công trong việc tổ chức ĐHGTTG 2011.

Chỉ với một cú click chuột, các mạnh thường quân có thể quyết định số tiền của họ sẽ sử dụng vào nơi nào: cho việc chuẩn bị Thánh Lễ, cho việc vận chuyển người khuyết tật, hay cho nguồn kinh phí để trợ giúp giới trẻ đến từ các nước có nền kinh tế khó khăn, và khoảng 50 tùy chọn khác. Trang web hiển thị bằng tiếng Tây Ban Nha và tiếng Anh: Ông Borja Ezcurra - Giám đốc đặc trách Tài trợ cho ĐHGTTG cho rằng, nó không chỉ là để mạnh thường quân hiến tặng tài chính, nhưng quan trọng hơn là để họ cảm thấy mình là một phần nằm trong toàn bộ khâu tổ chức.

Trang web mới này được thêm vào dịch vụ Nhắn Tin Nhanh (SMS) cho Quỹ Đoàn Kết, vốn đã bắt đầu từ cuối Tháng Tám năm 2010, để thông qua đó có thể đóng góp 1.20 euro cho giới trẻ đến từ các quốc gia kém may mắn. Chiến dịch quyên góp mới này đã được khởi sự từ ngày hôm nay và sẽ được quảng bá thông qua tất cả các phương tiện truyền thông khác nhau. Ông Gabriel Gonzalez-Andrio - Giám đốc đặc trách Quảng bá cho ĐHGTTG Madrid 2011 nói: "Chúng tôi hy vọng rằng, mọi người sẽ cộng tác với hết khả năng của họ". Chiến dịch này cũng cung cấp ý kiến cá nhân từ tất cả các tầng lớp người dân như: nhân viên ngân hàng, quản lý cửa hàng, nhân viên của ONCE (một quỹ dành cho người khiếm thị) và người lao động khuyết tật.

Việc tài trợ cho ĐHGTTG dựa vào hai cột trụ chính: một là từ các khoản đóng góp của những người tham dự đại hội, và hai là từ các doanh nghiệp, các tổ chức và cá nhân. Những người tham dự đại hội chiếm khoảng 2/3 nguồn tài chính, trong khi các khoản tiền đến từ những nhà bảo trợ và các cá nhân khác thì khoảng 1/3.

Ông Fernando Gimenez Barriocanal - Giám đốc đặc trách Tài chính của ĐHGTTG đã mô tả các hình thức được sử dụng để tài trợ cho các sự kiện của ĐHGTTG, mục đích là để chi tiêu với số tiền ít nhất có thể và chỉ thực hiện những gì thật là cần thiết. Ông Gimenez Barriocanal cũng nói thêm rằng, "trong hợp đồng với nhà cung cấp, quá trình này được thực hiện với việc đấu thầu công khai để tối đa hóa tính minh bạch và trung thực". Trong hợp đồng, những điều khoản chịu trách nhiệm về quản lý sự kiện, đấu thầu công khai cũng sẽ được sử dụng.

Các doanh nghiệp từ mọi lĩnh vực đang được thêm vào danh sách các nhà bảo trợ. Hôm nay, ba nhà bảo trợ khác nhau đã cung cấp sự hợp tác của họ: Magnificant đến từ nước Pháp sẽ tặng 600.000 sách kinh đã dịch ra 5 ngôn ngữ khác nhau. Bên trong ba-lô hành hương chính thức, sẽ có trên 500.000 cỗ tràng hạt được sản xuất tại Quito, Ecuador do Hiệp hội Gia đình Kinh Mân Côi của Hoa Kỳ cung cấp. Cha James Phalan - Chủ tịch Gia đình Mân Côi nói, "Tôi muốn giúp Đức Mẹ bằng những cỗ tràng hạt này, nó sẽ giúp người ta lần hạt để có cuộc sống bình an hơn, hạnh phúc và sự hiệp nhất với Chúa Kitô". Ngoài ra, Nhà Xuất Bản San Pablo sẽ sản xuất CD với các bài thánh ca cho ĐHGTTG. Với sự giúp đỡ của họ, có khả năng sẽ phân phối được 15.000 CD trong những tháng tới đây.

Trong cuộc họp báo, hai nhà bảo trợ quan trọng khác cũng đã được công bố: Iberia - nhà cung cấp giá cả đặc biệt dành cho tất cả du khách đến với ĐHGTTG, và Ngân hàng Bankinter sẽ trang trải các chi phí cho trang web chính thức của ĐHGTTG www.madrid11.com. Trang web này sẽ lập một danh sách cập nhật tất cả các nhà bảo trợ cho ĐHGTTG.

Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới đã đăng ký pháp nhân "Sự Kiện Công Cộng Được Quan Tâm Đặc Biệt" tại Luật Ngân Sách Quốc Gia cho năm 2010 và được Tòa Án Tối Cao thông qua vào Tháng Mười Hai năm 2009. Khung pháp lý này cho phép quảng bá các sự kiện công cộng khi đại hội được tổ chức tại Tây Ban Nha để có được nguồn hỗ trợ tài chính từ người dân và doanh nghiệp bằng các hình thức bảo trợ hay tài trợ. Họ sẽ được hưởng ưu đãi từ các khoản khấu trừ thuế bởi Luật Thuế Tây Ban Nha dành cho các tổ chức phi lợi nhuận.

Một liên đoàn đã xem xét việc tham gia bảo trợ từ ngày 30 Tháng Chín. Liên đoàn này gồm có các đại diện khác nhau từ chính quyền trung ương, Cộng đồng Madrid, thành phố Madrid cũng như Đức Tổng Giám Mục Madrid, nhà tổ chức ĐHGTTG.

(www.madrid11.com)
 
Đức Thánh Cha khích lệ dân nước Nigeria kiên trì dấn thân cho hòa bình và thịnh vượng
Linh Tiến Khải
15:14 03/10/2010
VATICĂNG -: Đức Thánh Cha Biển Đức XVI khích lệ dân nước Nigeria kiên trì dấn thân thăng tiến hòa bình và thịnh vượng cho mọi người dân nước này.

Đức Thánh Cha đã đưa ra lời khích lệ trên đây trong sứ điệp gửi dân nước Nigeria nhân kỷ niệm 50 năm độc lập cử hành vào ngày mùng 1 tháng 10. Sứ điệp đã được Đức Hồng Y Peter Turkson, Chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh Công Lý và Hòa Bình trao cho tổng tống Ebele Goodluck Jonathan tại Abuja ngày 30 tháng 9 vừa qua.

Trong sứ điệp Đức Thánh Cha chúc mừng tổng thống và toàn dân Nigeria nhân kỷ niệm 50 độc lập. Ngài cảm tạ Thiên Chúa vì các tiến bộ chính trị dân sự mà Nigeria đã đạt được kể từ khi độc lập hồi năm 1960 tới nay. Đức Thánh Cha mời gọi mọi người dân Nigeria dấn thân phổ biến nền dân chủ và các quyền con người, qua một luật lệ khôn ngoan công bằng nhằm phát triển con người toàn diện, đặc biệt chú ý tới các anh chị em nghèo nàn và yếu đuối nhất. Đức Thánh Cha cầu xin Thiên Chúa chúc lành cho dân nước Nigeria và bảo đảm cầu nguyện cho tổng thống và toàn dân Nigeria.

Đức Hồng Y Turkson đã sang Nigeria để tham dự các lễ nghi mừng độc lập của quốc gia này. Ngài cho biết Tòa Thánh và Nigeria đã có các liên lạc rất tốt từ khi Nigeria được độc lập hồi năm 1960 đến nay (FIDES SD 1-10-2010)
 
Đừng sợ hãi sống và làm chứng cho các giá trị Tin Mừng trong mọi môi trường xã hội
Linh Tiến Khải
15:15 03/10/2010
Phóng sự chuyến viếng thăm mục vụ tổng giáo phận Palermo, thủ phủ đảo Sicilia nam Italia

Chúa Nhật mùng 3 tháng 10, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã viếng thăm mục vụ tổng giáo phận Palermo, thủ phủ đảo Sicilia, miền nam Italia. Đây là chuyến viếng thăm mục vụ thứ 21 trong nước Italia. Đức Thánh Cha viếng thăm Palermo nhân đại hội gia đình và giới trẻ của tổng giáo phận.

Thành phố cảng Palermo là một trong những giáo phận cổ xưa nhất Italia, được thành lập hồi thế kỷ thứ I. Theo truyền thuyết vị Giám Mục đầu tiên đã do chính thánh Phêrô gửi tới Palermo. Trong thời người A rập xâm lăng Sicilia, từ thế kỷ thứ IX tới giữa thế kỷ XI, giáo phận đã không có Giám Mục coi sóc. Từ thế kỷ XI giáo phận được nâng lên hàng tổng giáo phận. Tuy là giáo phận lớn nhất đảo Sicilia, nhưng Palermo có diện tích nhỏ hẹp. Thống kê năm 2004 cho biết giáo phận có 930.000 tín hữu trên 960.000 dân. Nhân lực của giáo phận gồm 568 linh mục, 26 Phó Tế, 440 tu huynh và 1.330 nữ tu. Đức Tổng Giám Mục hiện nay là Đức Cha Paolo Romeo, 72 tuổi, và Giám Mục phụ tá là Đức Cha Carmelo Cuttitta, 48 tuổi.

Để chuẩn bị đón tiếp Đức Thánh Cha các con đường trong trung tâm thành phố dọc lộ trình Đức Thánh Cha đi qua đều cắm cờ Tòa Thánh mầu vàng trắng rất đẹp mắt. Thứ bẩy mùng 2 tháng 10 đã có 700 chuyến xe bus và các chuyến xe lửa đặc biệt chở tín hữu từ khắp nơi trên đảo Sicilia tuốn về Palermo để gặp gỡ Đức Thánh Cha. Chiều thứ bẩy 1.300 đại biểu các gia đình và người trẻ đã cùng hàng chục ngàn bạn trẻ được các Giám Mục toàn đảo Sicilia tiếp đón trong 20 nhà thờ giáo xứ để cùng chuẩn bị tinh thần tiếp đón Đức Thánh Cha. Buổi tối các bạn trẻ

đã quy tụ tại quảng trường Politeama để tham dự đại nhạc hội về đề tài: ”Suối nguần ánh sáng”. Các gia đình và người trẻ Sicilia muốn là ánh sáng hy vọng chiếu soi các môi trường xã hội đen tối ngày nay.

Máy bay chở Đức Thánh Cha đã hạ cánh tại phi trường Palermo lúc 9 giờ 15 phút sáng. Sau lễ nghi chào đón đơn sơ, Đức Thánh Cha đã đi xe đến Foro Italico là khu đất trống đối diện với hải cảng Palermo để chủ sự thánh lễ cho hơn 200.000 tín hữu đến từ khắp nơi trên đảo Sicilia. Cùng đồng tế thánh lễ với Đức Thánh Cha có tất cả các Giám Mục toàn đảo Sicilia và hơn 1.000 Linh Mục.

Chào mừng Đức Thánh Cha ông Diego Cammarata, thị trưởng Palermo, đã nhắc lại lịch sử tên gọi của thành phố: đó là sự kiện người Hy Lạp cổ xưa khi cặp bến đảo này, đã nói ”Pan-ormo”, có nghĩa là ”tất cả là hải cảng”. Tên gọi này diễn tả sự an ninh, hòa bình và thanh thản. Nhưng ngày nay Palermo là thành phố có nhiều vấn đề và khó khăn, trong đó có nạn tội phạm tìm cách thống trị cuộc sống của người dân và không ngần ngại sát hai những ai can đảm bảo vệ người trẻ chống lại sự dữ, như vụ ám sát Linh Mục Pino Puglisi. Sự hiện diện của Đức Thánh Cha nhắc nhở cho các giới chức chính quyền và từng người dân nhiệm vụ dấn thân và góp phần thăng tiến thiện ích chung.

Đại diện mọi người, Đức Tổng Giám Mục Paolo Romeo đã nói lên niềm vui của tín hữu được đón tiếp Đức Thánh Cha, cũng như những hy vọng và khó khăn thử thách họ phải đương đầu mỗi ngày như: nạn thất nghiệp, cảnh luân lý xã hội suy đồi, nạn tội phạm lan tràn, khuynh hướng bất động xã hội và văn hóa, đường lối chính trị không liên tục vv... Tuy nhiên, vẫn có niềm hy vọng. Và đứng trước Đức Thánh Cha hôm nay là sự phong phú của tương lai trong tay của người trẻ và các gia đình. Được sức mạnh đức tin linh hoạt, họ cảm thấy được thúc đậy tái dấn thân làm chứng cho tình yêu của Thiên Chúa đối với con người, đặc biệt trong các hoàn cảnh nhiều vấn đề và khổ đau hiện nay.

Tổng giáo phận đã tặng Đức Thánh Cha bức tượng Đức Mẹ Vô Nhiễm bằng bạc cao 75 cm, do ông Antonio Amato, một thợ bạc nổi tiểng tại Palermo, tạc. Đức Thánh Cha đã tặng giáo phận một chén thánh, diễn tả sự hiệp nhất và tình hiệp thông trong Giáo Hội chung quanh Mình và Máu Chúa Giêsu Kitô Thánh Thể.

Giảng trong thánh lễ Đức Thánh Cha đã quảng diễn ý nghĩa các bài đọc phụng vụ Chúa Nhật XXVII thường niên năm C, và khích lệ mọi người đừng sợ hãi làm chứng một cách rõ ràng cho các giá trị kitô, đã đâm rễ sâu trong đức tin và lịch sử của vùng đất này và của dân chúng tại đây. Ngài mời gọi họ sống và làm chứng cho đức tin trong các môi trường khác nhau của xã hội, trong các tình trạng cuộc sống con ngưới, đặc biệt là trong các hoàn cảnh khó khăn.

Đức Thánh Cha nói ngài viếng thăm mục vụ nhân địp đại hội gia đình và giới trẻ của tổng giáo phận, nhưng cũng để chia sẻ với họ các niềm vui và hy vọng, các vất vả và dấn thân, các lý tưởng và khát vọng của cộng đoàn giáo phận.

Đề cập tới các thử thách khó khăn mà tín hữu vùng này phải đương đầu, Đức Thánh Cha nói: Tôi biết tại Palermo này, cũng như trong toàn nước Italia, không thiếu các khó khăn, các vấn đề và lo lắng: tôi đặc biệt nghĩ tới biết bao nhiêu người phải sống trong cảnh tạm bợ, vì thiếu công ăn việc làm, vì tương lai không chắc chắn, vì nỗi khổ đau trên thân xác cũng như trong tinh thần, và vì nạn tội phạm, như Đức Tổng Giám Mục đã nhắc tới. Hôm nay tôi hiện diện nơi đây giữa anh chị em để làm chứng cho sự gần gũi và lời cầu nguyện của tôi cho anh chị em. Hôm nay tôi đến giữa anh chị em để mạnh mẽ khích lệ anh chị em đừng sợ hãi làm chứng một cách rõ ràng cho các giá trị kitô, đã đâm rễ sâu trong đức tin và lịch sử của vùng đất này và của dân chúng tại đây.

Tiếp tục bài giảng, Đức Thánh Cha nói mỗi cộng đoàn phụng vụ đều là nơi có sự hiện diện của Thiên Chúa. Sự hiện diện của Chúa Phục Sinh trao ban ơn thánh, sức mạnh và niềm vui. Tất cả các bài đọc phụng vụ đều đề cập tới đức tin, là nền tảng của toàn cuộc sống kitô. Chúa Giêsu đã giáo dục các môn đệ tăng trưởng trong đức tin, ngày càng tin và tín thác nơi Người hơn, để xây dựng cuộc sống trên đá tảng. Chính vì thế các môn đệ xin Chúa ”gia tăng đức tin nơi họ” (Lc 17,6). Đó là một lời cầu rất đẹp và nền tảng: các môn đệ không xin của cải vật chất, cũng không xin đặc quyền đặc lợi, mà xin ơn đức tin, hướng dẫn và soi sáng toàn cuộc sống. Chúng ta cũng hãy xin Chúa ơn nhận biết Thiên Chúa, và có thể sống tương quan thân tình với Người, nhận lãnh từ Người mọi ơn, cả ơn can đảm, yêu thương và hy vọng nữa.

Đức Thánh Cha nói thêm trong bài giảng: như cái đòn bẩy có sức nâng dậy cả một khối nặng hơn nó nhiều, đức tin, cả khi rất bé nhỏ, cũng có thể thực hiện những điều không thể tưởng nghĩ được, như bứng rễ một cái cây để trồng nó trong biển. Đức tin, việc tín thác nơi Chúa Kitô, tiếp nhận Người, để cho Người biến đổi, theo Người cho đến cùng, thực hiện những điều mà con người cho là không thể làm được, trong mọi thực tại.

Trong bài đọc thứ nhất ngôn sứ Habacúc làm chứng cho điều đó. Từ một tình trạng kinh khủng của bạo lực, gian ác và áp bức, khó khăn và bất ổn, ngôn sứ đã khẩn nài Thiên Chúa và cống hiến cho chúng ta một quan điểm cho thấy chương trình của Thiên Chúa. Kẻ gian ác không hành động theo Thiên Chúa, nó tin tưởng nơi quyền lực của chính nó, nhưng dựa trên một thực tại giòn mỏng không vững vàng, vì thế sẽ bị gẫy dập và đổ nát. Trái lại, người công chính tin tưởng nơi một thực tại dấu ẩn, nhưng vững vàng, họ tín thác nơi Thiên Chúa, nên sẽ có được sự sống.

Trong bao thế kỷ qua, giáo đoàn Palermo đã phong phú nhờ có đức tin sâu đậm, được diễn tả ra ở độ cao nhất nơi cuộc sống của các thánh nam nữ, đặc biệt là thánh nữ Rosalia, Bổn Mạng thành phố Palermo. Bên cạnh đó là ý thức tôn giáo hướng dẫn cuộc sống gia đình và dưỡng nuôi nó với các gía trị như khả năng dâng hiến, tình liên đới với tha nhân, đặc biệt là với những người khổ đau và trẻ em chưa sinh ra.

Quảng diễn bài Phúc Âm kể lại chuyện chủ nhà sai đầy tớ đã làm việc ngoài đồng về phục vụ ông, Đức Thánh Cha nói qua đó Chúa Giêsu mời gọi chúng ta sống khiêm nhường, không yêu sách ngạo mạn đòi Chúa trả công, vì chúng ta tất cả chỉ là các tôi tớ của Chúa, nợ Chúa và nhận được mọi sự từ Chúa. Vì thế thái độ đúng đắn duy nhất là chấp nhận và thi hành ý muốn của Chúa mỗi ngày.

Sau khi nhắc lại sự kiện Palermo là một trong các vùng của Italia đã tiếp nhân đức tin từ các Tông Đồ, và đã quảng đại sống đức tin đó giữa các khó khăn bách hại, khiến cho Sicilia trở thành vùng đất của các thánh, là những người đã sống Tin Mừng một cách đơn sơ và trọn vẹn, Đức Thánh Cha khích lệ tín hữu như sau:

Với các anh chị em giáo dân tôi xin lập lại: đừng sợ hãi sống và làm chứng cho đức tin trong các môi trường khác nhau của xã hội, trong các tình trạng cuộc sống con người, đặc biệt là trong các hoàn cảnh khó khăn. Đức tin trao ban cho anh chị em sức mạnh của Thiên Chúa để luôn luôn tin tưởng và can đảm tiến tới với quyết tâm mới, để đưa ra các sáng kiến cần thiết giúp trao ban một gương mặt ngày càng xinh đẹp hơn cho vùng đất này của anh chị em... Chúng ta đừng xấu hổ làm chứng cho Chúa, nhưng phải xấu hổ vì sự dữ, vì những gì xúc phạm đến Thiên Chúa và con người; chúng ta phải xấu hổ vì sự dữ gây ra cho cộng đoàn dân sư và tôn giáo với các hành động không thích được đưa ra ánh sáng. Cám đỗ chán nản ngã lòng, chịu trận đến với người yếu đuối trong đức tin, với người lẫn lộn sự thiện với sự ác, với người nghĩ rằng trước sự dữ không còn làm được gì nữa cả. Nhưng ai có đức tin vững vàng, ai tín thác nơi Thiên Chúa và sống trong Giáo Hội, thì có khả năng đem lại sức mạnh chiến thắng của Tin Mừng, giống như các thánh nam nữ đã nở hoa dọc dài các thế kỷ tại Palermo và trên toàn đảo Sicilia, cũng như biết bao nhiêu giáo dân nam nữ và linh mục ngày nay, mà anh chị em biết tới, điển hình như linh mục Pino Puglisi... Hỡi dân chúng đảo Sicilia, hãy nhìn tương lai với niềm hy vọng! Hãy làm nổi bật lên tất cả ánh sáng sự thiện mà ngươi muốn, ngươi tìm kiếm và ngươi có! Hãy can đảm sống các giá trị Tin Mừng để làm rạng ngời lên ánh sáng của sự thiện! Với sức mạnh của Thiên Chúa mọi sự đều có thể!

Trong phần lời nguyện giáo dân mọi người đã đặc biêt cầu xin Chúa cho các anh chị em thất nghiệp, đau yếu, nạn nhân của tội phạm, bạo lực, bất công, cũng như cho giới chức chính quyền các cấp biết lo lăng cho công ích và cuộc sống của người dân.

Hàng trăm Linh Mục đã giúp Đức Thánh Cha cho tín hữu rước Mình Thánh Chúa.

Trước khi đọc kinh Truyền Tin và ban phép lành cho mọi người, Đức Thánh Cha nhắc lại sự kiện đảo Sicilia đầy dẫy các đền thánh kính Đức Mẹ, làm thành một mạng lưới đạo hạnh nối liền mọi thành phố và mọi địa điểm trên đảo với nhau. Ngài đọc lời cầu phó thác cho tình yêu thương ấp ủ hiền mẫu của Mẹ dấn chúng sống trong vùng đất cay đắng này. Đức Thánh Cha xin Mẹ nâng đỡ các gia đình trong tình yêu thương và trong dấn thân giáo dục, khiến cho các hạt giống ơn gọi nẩy mầm giữa giới trẻ, trao ban can đảm cho mọi người trong các thử thách, niềm hy vọng trong lúc gặp khó khăn, và canh tân lòng hăng say làm việc thiện, an ủi những mgười bệnh tật và mọi kẻ khổ đau, giúp đỡ các cộng đoàn kitô để không ai bị bỏ rơi hay bị gạt bỏ ngoài lề, nhưng mọi người, đặc biệt là những người bé nhỏ yếu đuối nhất, được đón nhận và trân trọng. Đức Thánh Cha đặc biệt xin Mẹ Maria là mẫu gương của đời sống kitô giúp mọi người tươi vui tiến nhanh trên con đường nên thánh, noi gương biết bao nhiêu chứng nhân rạng ngời của Chúa Kitô trên đất Sicilia này.

Thánh lễ đã kết thúc lúc 12 giờ rưỡi trưa. Sau khi chào từ biệt mọi người, Đức Thánh Cha đã về tòa Tổng Giám Mục để dùng bữa trưa với các Giám Mục và đoàn tùy tùng, rồi nghỉ ngơi chốc lát trước khi gặp các linh mục, phó tế, tu sĩ nam nữ và các chủng sinh tại nhà thờ chính tòa và gặp gỡ giới trẻ tại quảng trường Politeama vào ban chiều.

Buổi gặp gỡ với các linh mục, Phó tế, tu sĩ nam nữ và chủng sinh Palermo và toàn đảo Sicilia đã diễn ra trong nhà thờ chính tòa, dưới hình thức cử hành phụng vụ lời Chúa và chầu Thánh Thể. Ngỏ lời với mọi người, Đức Thánh Cha bầy tỏ niềm vui được gặp gỡ các viên đá đẹp đẽ sống động của tổng giáo phận Palermo và toàn đảo Sicilia. Tiếp đến ngài khích lệ các linh mục hãy luôn là những con người của đời cầu nguyện và thấy dậy cầu nguyện. Để được như thế cần phải trung thành với tiết nhịp cầu nguyện và kết hiệp thân tình với Chúa Giêsu Thánh Thể trong ngày sống, giữa các bận rộn và sinh hoạt quay cuồng đa diện. Nếu không sống sự hiệp thông nôi tâm với Thiên Chúa, linh mục cũng sẽ không thể cho người khác gì cả.

Bí tích Thánh Thể phải là suối nguồn và tột đỉnh toàn cuộc sống của linh mục. Vì thế Đức Thánh Cha khích lệ các linh mục chuẩn bị kỹ lưỡng việc cử hành Thánh Lễ, dâng hành Thánh Lễ với tất cả tâm hồn và thờ lậy Chúa Giêsu Thánh Thể. Các nhà thờ giáo xứ phải là ”Nhà của Thiên Chúa”, nơi sự hiện diện của Chúa lôi cuốn tín hữu. Chính Chúa Kitô xác định căn cước của các linh mục, chứ không phải thế giới này với quy chế theo các nhu cầu và các quan niệm vai trò xã hội của nó. Chính dấu ấn linh mục và tương quan nền tảng với Chúa Kitô mở ra cho vị linh mục môi trường mênh mông phục vụ các linh hồn và cho ơn cứu rỗi của họ, trong Chúa Kitô và trong Giáo Hội. Vị linh mục phải luôn luôn sẵn sàng đáp ứng các nhu cầu của các linh hồn, linh hoạt và trợ giúp họ sống chức linh mục chung của tín hữu được rửa tội trên con đường đức tin. Linh mục là cho tín hữu, đặc biệt là cho người trẻ. Hảy mở toang cửa giáo xứ cho giới trẻ. Linh mục cũng là người phải rất gần gũi với các lo lắng thường ngày của tín hữu, trong cương vị linh mục và viễn tượng của ơn cứu rỗi và của Nước Trời. Cần phải cứu vãn ”chiều kích hàng dọc” của căn cước linh mục, noi gương thánh Gioan Maria Vianney, cũng như noi gương các người con của vùng đất này như thánh Annibale Maria di Francia, chân phước Giacomo Cusmano và chân phước Francesco Spoto.

Đức Thánh Cha cũng nhắc tới gương xả thân của linh mục Giuseppe Puglisi, bị tổ chức tội phạm mafia sát hại, vì đã sống đời mục tử đích thật, dấn thân giáo dục giới trẻ và các gia đình kitô.

Ngài cảm ơn tu sĩ nam nữ các dòng, đặc biệt là các dòng chiêm niệm, vì đời cầu nguyện của họ qúy báu đối với cộng đoàn giáo hội. Đời cầu nguyện âm thầm của họ thúc đẩy cộng đoàn giáo hội ”tiến lên cao” và là một bài giảng thinh lặng nhưng hùng hồn.

Đức Thánh Cha nhắn nhủ các chủng sinh quảng đại đáp lại lời mời gọi của Chúa và các chờ mong của Dân Chúa, lớn lên trong dấn thân trở thành đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô Linh Mục Thượng Phẩm, và chuẩn bị cho sứ mệnh tương lai của họ với việc đào tạo vững chãi trên bình diện nhân bản, tinh thần, thần học và văn hóa. Kinh nghiệm cuộc sống chủng viện chuẩn bị họ trở thành mục tử các linh hồn và thừa tác của các bí tích thánh, đem tình yêu của Chúa Kitô tới cho mọi người.

Hai bên đường từ nhà thờ chính tòa tới quảng trường Politeama đã có rất đông tín hữu đứng hai bên vầy cờ chào mừng Đức Thánh Cha.

Lúc 6 giờ chiều Đức Thánh Cha đã gặp gỡ giới trẻ, các gia đình Palermo và toàn đảo Sicilia tại quảng trường Politeama. Trong khi chờ đợi Đức Thánh Cha giới trẻ đã hát thánh ca chia sẻ kinh nghiệm sống đức tin đức cậy đức mến. Các bạn trẻ đã mang theo rất nhiều cờ vùng miền, cờ Tòa Thánh, băng rôn và khẩu hiểu để chào mừng Đức Thánh Cha.

Ngỏ lời với giới trẻ và các gia đình Đức Thánh Cha nói họ là dấu chỉ hy vọng, không phải chỉ cho đảo Sicilia, mà còn cho toàn nước Italia nữa, vì có rất nhiều người trẻ và gia đình yêu mến Chúa Giêsu Kitô với sự trịệt để của Tin Mừng. Họ là Giáo Hội và trong Chúa Kitô họ là dấu chỉ và dụng cụ của sự hiệp nhất, an bình và tự do đích thật.

Đức Thánh Cha đã kể cho họ nghe cuộc đời của chị Chiara Badano, mới được phong chân phước tại Roma ngày 25 tháng 9 vừa qua. Chiara sinh năm 1971 và qua đời năm 1990 vì bệnh nan y. Chiara đã sống 2 năm cuối đời trong đau đớn, nhưng luôn luôn trong tình yêu thương và ánh sáng, và chị đã thông truyền cho mọi người chung quanh tình yêu, sự thanh thản, bình an và niềm tin. Được như thế, chính là nhờ ơn thánh Chúa, nhưng cũng là nhờ sự cộng tác của chính Chiara, của cha mẹ, người thân và bạn bè nữa.

Chính cha mẹ chị Chiara đã thắp lên ngọn lửa đức tin trong tâm hồn Chiara từ khi chị còn bé, và giúp Chiara duy trì nó luôn cháy sáng. Tương quan giữa cha mẹ và con cái rất quan trọng và nền tảng. Ánh sáng đức tin được thông truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác trong gia đình, hiện diện trong bí tích Rửa Tội, cần được săn sóc mỗi ngày. Chính trong gia đình nảy sinh ra tri thức về ý nghĩa cuộc sống. Vùng đất Sicilia đầy dẫy gương các gia đình thông truyền ánh sáng đức tin ấy, như trong cuộc đời chân phước Pina Suriano, các Vị Đáng Kính Maria Carmelina Leona và Maria Magno, các Vị Tôi tớ Chúa Rosario Livatino, Mario Giuseppe Restivo, và biết bao nhiều ngưới trẻ thánh thiện khác. Hoạt động của họ thường ít gây tiếng vang, vì sự dữ to tiếng hơn, nhưng các hoạt động ấy mới là sức mạnh và tương lai của đảo Sicilia.

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói Kinh Thánh thường dùng hình ảnh cái cây để nói về cuộc sống lòng tin như thánh vịnh 1: ”Phúc cho người suy gẫm luật Chúa. Họ giống như cây trồng

bên dòng nước, đúng mùa cho hoa trái” (Tv 1,3). Các người trẻ Sicilia thân mến, hãy là các cây đâm rễ sâu trong ”dòng sông” sự thiện! Đừng sợ hãi chống lại sự dữ! Cùng nhau các con sẽ lớn lện như một cánh rừng, có lẽ thinh lặng, nhưng có khả năng sinh hoa trái, đem lại sự sống và canh tân vùng đất của các con một cách sâu rộng. Đừng nhượng bộ các gợi ý của tổ chức tội phạm mafia, là con đường của sự chết, không thể hòa hợp được với Tin Mừng, như các Giám Mục của các con đã nói và vẫn nói.

Thánh PhaolÔ cũng dùng lại hình ảnh ấy và khuyến khích tín hữu Côlôxê ”bén rễ sâu nơi Chúa Kitô, và vững mạnh trong đức tin” (Cl 2,7). Hình ảnh đó có ý nói rằng mỗi người trong chúng ta cũng phải là một thửa đất phong phú mầu mỡ, để cho cây con người của chúng ta đựơc lớn lên: đó là các giá trị, nhất là tình yêu thương, và đức tin, sự hiểu biết gương mặt thật của Thiên Chúa, ý thức về tình yêu Chúa dành để cho chúng ta đến chết vì chúng ta. Trong nghĩa này gia đình là Giáo Hội nhỏ, vì gia đình thông truyền Thiên Chúa và tình yêu của Chúa Kitô nhờ bí tích Hôn Nhân. Hôn nhân kết hiệp một người nam và một người nữ và khiến cho họ trở thành cha mẹ. Nhưng giáo hội nhỏ gia đình phải đươc tháp nhập vào Giáo Hội lớn là gia đình của Thiên Chúa do Chúa Giêsu Kitô thành lập. Chiara Badano đã sống kinh nghiệm gia đình lớn ấy, trong giáo xứ, giáo phận và phong trào Tổ ấm. Thật thế các phong trào và hiệp hội không phục vụ chính mình, nhưng phục vụ Chúa Kitô và Giáo Hội.

Đức Thánh Cha nói ngài biết các khó khăn của giới trẻ và của các gia đình trong bối cảnh xã hội hiện nay, đặc biệt tại miền nam Italia, cũng như dấn thân của họ đương đầu với các khó khăn đó, với sự đồng hành của các linh mục, là các người cha người anh trong đức tin, như cha Giuseppe Puglisi. Đức Thánh Cha khích lệ họ tiếp tục là dấu chỉ hy vọng cho đảo Sicilia cũng như cho toàn nước Italia, là Giáo Hội, là dấu chỉ của hiệp nhất, bình an và tự do đích thực, nhất là sống tươi vui và nên thánh.

Sau khi cất kinh Lậy Cha và ban phép lành cho các bạn trẻ và các gia đinh, Đức Thánh Cha đã từ giã mọi người để ra phi trường lấy máy bay trở về Roma, chấm dứt chuyến viếng thăm mục vụ một này tổng giáo phận Palermo.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Lễ Đức Mẹ Mân Côi bảo trợ giáo phận Bắc Ninh
J. B. Nguyễn Văn Tường
08:47 03/10/2010
LỄ ĐỨC MẸ MÂN CÔI BẢO TRỢ GIÁO PHẬN

Bắc Ninh - Sáng Chủ Nhật, ngày 03-10-2010, toàn thể cộng đoàn Dân Chúa tại giáo phận Bắc Ninh tổ chức mừng kính lễ Đức Mẹ Mân Côi, là bảo trợ của giáo phận.

Đúng 6g30', hơn 2000 chị em thuộc Hội Mân Côi từ nhiều nơi trong giáo phận đã qui tụ về toà giám mục, về bên Đức Mẹ yêu dấu để dâng lên Mẹ những lời ca, tiếng hát, bông hoa thơm và cả tâm tình của mỗi người. Với những lời ca vãn cổ như đi vào tâm hồn của mọi người làm cho buổi dâng hoa thật trang nghiêm và sốt sáng.

Xem hình

Ngay sau khi chương trình dâng hoa cộng đồng kết thúc, đoàn nghi lễ bắt đầu rước từ nhà khách Toà giám mục ra sảnh đường Trung tâm mục vụ trong tiếng kèn đồng vang dội và niềm hân hoan vui sướng của mọi thành phần dân Chúa tham dự. Đức Cha Cosma Hoàng Văn Đạt - Giám Mục Giáo phận Bắc Ninh - chủ sự Thánh lễ cùng đồng tế với Ngài có hơn 50 Linh mục, nhiều tu sĩ nam nữ, rất đông bà con giáo dân từ khắp nơi trong giáo phận về mừng lễ bảo trợ và cầu nguyện cho giáo phận Bắc ninh thân yêu.

Trong bài giảng Đức Cha chia sẻ: chúng ta đang sống trong năm Thánh, chúng ta hãy sống ba điều: Giáo Hội mầu nhiệm, Giáo Hội hiệp thông và Giáo Hội sứ vụ. Xin Chúa ban cho mỗi chúng ta hãy sống tốt hơn ba điều này.

Ngài nói tiếp: Kinh Mân Côi thật đơn giản và dễ nhớ, chỉ bao gồm có: kinh Lạy Cha, kinh Kính mừng và kinh Sáng danh. Trong khi đọc kinh Mân Côi chúng ta suy niệm và cầu nguyện theo 20 mầu nhiệm là bảng tóm lược sách Phúc âm trình bày toàn bộ mầu nhiệm cứu chuộc của Chúa Giêsu. Mầu nhiệm Mân Côi gồm: Năm sự vui, năm sự thương, năm sự mừng và năm sự sáng. Chúng ta hãy cầu Chúa nhờ lời cầu bầu của Đức Mẹ Mân Côi cho chúng ta biết noi gương Đức Mẹ, siêng năng lần hạt kinh Mân Côi.

Chủ đề của thánh lễ hôm nay: “Cùng với Đức Mẹ Mân Côi, giáo phận Bắc ninh sống Năm Thánh.”

Ngày nay nhiều người phàn nàn không có giờ đọc kinh vì phải lo học hành, lo làm ăn vất vả. Chuỗi hạt Mân Côi sẽ giúp khó khăn ấy để nuôi dưỡng đời sống nội tâm phong phú. Điều thuận lợi của chuỗi Mân Côi là lần hạt ở đâu cũng được. Ta không buộc phải đọc 50 Kinh Mân Côi một lần mà có thể đọc bao nhiêu tuỳ vào thời gian ta có. Ta cũng có thể vừa làm việc vừa đọc Kinh Mân Côi, không nhất thiết phải có tràng hạt trên tay. Ta cũng có thể thì thầm bất cứ lúc nào: khi chờ xe bên đường, lúc đi học, khi giải trí, khi đau bệnh … thay vì đưa mắt nhìn chung quanh, thay vì nghe những chuyện không đâu, ta cũng có thể lần hạt. Dù bận bịu đến đâu ta cũng có thể lần hạt. Kinh Mân Côi là một kinh quý báu của Giáo hội và của mọi người, đó là kinh phổ biến, vừa dễ đọc vừa dễ cầu nguyện mà lại mang lại nhiều ích lợi cho linh hồn.

Lạy Mẹ Mân Côi, xin dạy con biết yêu mến tràng chuỗi Mân Côi, siêng năng lần hạt trong mỗi ngày sống và xin Mẹ phù hộ, chuyển cầu cùng Chúa cho giáo phận Bắc Ninh chúng ta, xin Chúa ban cho mỗi người trong giáo phận siêng năng lần hạt Mân Côi để giáo phận ngày càng phát triển, siêng năng lần hạt, sống theo gương Đức Mẹ, xin cho cả những người chưa biết Chúa nữa cũng biết tim đến Mẹ để được Mẹ che chở.

Trước khi đức cha ban phép lành trọng thể cho cộng đoàn, Cha Tổng đại diện – Giuse Trần Quang Vinh có đôi lời chúc mừng ngày quan thầy của giáo phận và cám ơn mọi ban, ngành, đoàn thể...và đặc biệt cám ơn các chị em hội mân côi trong giáo phận đã về tham dự buổi dâng hoa và thánh lễ cầu nguyện cho giáo phận.

Thánh lễ khép lại trong những bức hình lưu niệm, ước mong sao mỗi người chúng ta luôn siêng năng lần hạt, suy niệm và thành tâm dâng lên Đức Mẹ “Kinh Mân Côi” như những bông hoa hồng thơm ngát tỏa bay hương thơm lên trước tòa Chúa. Lạy Mẹ Mân Côi, xin dạy chúng con biết yêu mến tràng chuỗi Mân Côi, siêng năng lần hạt trong mỗi ngày và xin Mẹ khẩn cầu cho chúng con bên tòa Chúa.

Lạy Mẹ Maria xin cầu cho giáo phận Bắc Ninh chúng con!

JB. Nguyễn Văn Tường
 
Hồng ân vĩnh khấn đầu tiên trong lịch sử tu hội Đức Mẹ Hiệp Nhất Bắc Ninh
J. B. Nguyễn Văn Tường
08:53 03/10/2010
HỒNG ÂN VĨNH KHẤN ĐẦU TIÊN TRONG LỊCH SỬ TU HỘI ĐỨC MẸ HIỆP NHẤT BẮC NINH

BẮC Ninh: vào lúc 9 giờ sáng ngày 02 tháng 10 năm 2010, Tại trụ sở chính của Tu hội Đức Mẹ Hiệp Nhất Bắc Ninh, Xóm Đạo Ngạn II, Xã Quang châu, Huyện Việt Yên, Tỉnh Bắc Giang, Đức Cha Cosma Hoàng Văn Đạt, Giám Mục Giáo Phận Bắc Ninh đã chủ sự thánh lễ tuyên khấn trọn đời của 19 khấn sinh.

Xem hình

1- Anna Nguyễn Thị Đính
2- Anna Nguyễn Thị Phước
3- Anna Bùi Thị Liên
4- Maria Chu Thị Ngơị
5- Anna Chu Thị Dâng
6- Anna Nguyễn Thị Ninh
7- Maria Đỗ Thị Hiền
8- Maria Chu Thị Lý
9- Anna Nguyễn Thị Nghị
10- Anna Nguyễn Thị Hoà
11- Maria Hoàng Thị Hồng
12- Anna Nguyễn Thị Tho
13- Maria Bùi Thị Sen
14- Anna Nguyễn Thị Tình
15- Maria Dương Thị Gần
16- Anna Nguyễn Thị Bất
17- Anna Nguyễn Thị Thu
18- Maria Trần Thị Thu Hương
19- Anna Nguyễn Thị Ân

Đây cũng là thánh lễ tuyên khấn trọn đời lần đầu tiên trong lịch sử Tu Hội Đức Mẹ Hiệp Nhất Bắc Ninh.

Đồng tế với Đức Cha Cosma, có Đức Cha Phaolô Nguyễn Văn Hoà, nguyên chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, nguyên Giám Mục Giáo phận Nha Trang và khoảng 40 linh mục trong và ngoài Giáo phận Bắc ninh.

Cùng Hiệp dâng thánh lễ, ngoài các nữ tu Tu Hội Đức Mẹ Hiệp nhất, có khoảng 500 người, gồm quý Bề trên, quý tu sĩ nam nữ của các hội dòng trong và ngoài Giáo Phận, các ân nhân của Tu Hội và thân nhân của các nữ tu cũng như đông đảo giáo dân.

Hôm nay là một ngày đặc biệt, một ngày hồng phúc của Tu Hội Đức Mẹ Hiệp Nhất nói riêng và của giáo Phận Bắc Ninh nói chung, vì đây là thánh lễ tuyên khấn trọn đời đầu tiên trong lịch Tu Hội được cử hành sau nhiều năm được thành lập và phát triển. Thánh lễ hôm nay cũng là một dấu ấn đậm nét nói lên sự trưởng thành của Tu Hội trong Giáo Hội vì từ nay Tu Hội đã có những thành viên khấn tron đời và các chị đã trở nên như nền móng vững chắc cho ngôi nhà của Tu Hội được tiếp tục xây lên.

Trong bài giảng chia sẻ với các khấn sinh và cộng đoàn, Đức Cha Phaolô Nguyễn Văn Hoà đã chia sẻ niềm vui của Giáo Hội việt Nam là có nhiều ơn gọi thánh hiến. Đây cũng là niềm vui và hy vọng của Giáo Hội hoàn vũ trong khi ơn gọi của Giáo hội Châu Âu đang bị giảm sút. Tuy nhiên, Đức Cha nhấn mạnh đến khía cạnh bé mọn và sự khiêm tốn trong đời sống tu trì. Đó là những đức tính cao cả và là nền tảng của đời sống thánh hiến, nên người đi theo Chúa phải mặc lấy để trở nên những chứng nhân đích thực của Chúa giữa lòng thế giới hôm nay. Chúa Giêsu chính là mẫu gương hoàn hảo nhất của đời sống tu trì. Đức Cha nhắc nhở các tu sĩ, đặc biệt là các chị khấn trọn đời hôm nay hãy trở nên như men, như muối bằng đời sống chứng tá qua sự khiêm tốn và hiền lành và sự phục vụ tận tình trong tình yêu của mình.

Cuối thánh lễ, chị Maria Chu Thị Ngợi,Tổng Phụ Trách của Tu Hội đại diện các khấn sinh, bày tỏ lòng tri ân quí Đức cha, quí cha và quí khách cũng như quí ân nhân đã hiện diện và hiệp thông trong thánh lễ tuyên khấn trọng đại này. Đăc biệt chị cám ơn các phụ huynh và thân nhân của các khấn sinh đã quảng đại dâng hiến con em cho Chúa và Tu Hội.
Thánh lễ kết thúc lúc 11 giờ bằng phép lành với ơn toàn xá trong năm thánh 2010 của Đức Giám Mục Giáo Phận. Mọi người cùng hiệp lời cảm tạ hồng ân Thiên Chúa, tri ân Đức Mẹ Hiệp Nhất và chúc mừng các khấn sinh.




 
Giáo xứ Vinh Sơn 3, Sài Gòn, thành lập quĩ học bổng
Maria Vũ Loan
09:04 03/10/2010
Trong thánh lễ chiều Chúa nhật ngày 03/10/2010, giáo xứ Vinh Sơn 3, Sài Gòn đã chính thức thành lập quĩ học bổng mang tên thánh Vinh Sơn và trao học bổng cho 25 em trong giáo xứ và 4 em không Công giáo sống trong khu vực.

Xem hình ảnh

Đã nhiều năm qua, giáo xứ vẫn âm thầm trợ giúp cho các học sinh nghèo bằng hình thức quí ông trùm khu hoặc thành viên hội Légio Maria quan sát thực tế phát hiện những em hiếu học có gia cảnh khó khăn để giúp đỡ. Nay thấy việc làm trên mang lại hiệu quả tốt đẹp nên cha chánh xứ Giuse Nguyễn Minh Khôi quyết định thành lập quĩ học bổng với cách thức làm việc công khai, mời những người quan tâm đến giáo dục tham gia Ban Phụ Huynh, đồng thời tạo điều kiện cho giáo dân trong cộng đoàn có cơ hội làm việc tốt.

Trong thư ngỏ vận động cho quĩ học bổng, cha xứ trình bày: “Đối với các em, ngoài việc được cha mẹ và những người có trách nhiệm hướng dẫn nhận biết, thờ phượng Thiên Chúa, thì việc học tập trong các trường phổ thông được đặt lên hàng đầu vì việc học tập giúp các em hướng đến một tương lai ổn định, tạo dựng cuộc sống đầy đủ, hạnh phúc...”

Được cộng đoàn giáo xứ chung tay góp sức, hằng năm quỹ này sẽ được chi cho học bổng vào tuần thứ 2 của tháng 9, các em sẽ nhận được một số tiền nhất định cho cả một năm học tùy theo cấp 1, 2 và 3.

Hiện nay, tại giáo phận Sài Gòn nói riêng, trên toàn đất nước nói chung, nhiều cộng đoàn giáo xứ đã có nếp quen giúp học sinh tại địa phương vào đầu năm học, tuy mỗi quĩ học bổng có tên khác nhau, cách thực hiện không giống nhau nhưng đây là một nét son chung của người Công giáo hôm nay trong vấn đề giáo dục, dẫu thực trạng giáo dục vẫn còn nhiều vấn đề nhức nhối, cần được đổi mới tích cực.

Chúa Giêsu ngày xưa là thầy dạy (giảng dạy về Nước Trời) để người ta sống tốt) và quan tâm đến y tế (chữa lành bệnh cho nhiều người) nghĩa là Ngài muốn con người sống đang sống ở trần gian này luôn được hạnh phúc, dù sự có mặt của Ngài là để giới thiệu cho một thế giới mai sau.

Giáo xứ Vinh Sơn 3 và nhiều quĩ học bổng khác đang thực hiện việc làm giống Chúa Giêsu, đó là mong cho con người trở nên tốt để chuẩn bị cho một Nước Trời ngày sau.
 
Giáo phận Roma mở án phong chân phước cho Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận
Linh Tiến Khải
15:17 03/10/2010
ROMA: Ngày mùng 1 tháng 10 vừa qua Hội Đồng Tòa Thánh Công Lý và Hòa Bình đã ra thông cáo cho biết 22 tháng 10 tới đây giáo phận Roma sẽ chính thức mở án điều tra phong chân phước cho vị tôi tớ Chúa Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận.

Thông cáo viết: ”Ngày 22 tháng 10 tới đây, ba năm sau khi loan báo bắt đầu án phong chân phước, sẽ có khóa long trọng mở đầu cuộc điều tra cấp giáo phận về cuộc đời, các nhân đức và hương thơm thánh thiện của vị Tôi tớ Chúa Đức Hồng Y người Viêt Nam Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, từng là Phó chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh Công Lý và Hòa Bình từ năm 1994, rồi là Chủ Tịch từ ngày 24 tháng 6 năm 1998 tới 16 tháng 9 năm 2002.

Theo Giáo Luật lễ nghi sẽ diễn ra lúc 12 giờ tại Phòng Hòa Giải của Dinh Laterano ở Roma. Sau bài thánh ca mở đầu là phần đọc biên bản. Tiếp đến là phần phát biểu của Đức Hồng Y Agostino Vallini Giám Quản Roma, và Đức Hồng Y Peter Turkson, Chủ Tịch Hội Đồng Tòa Thánh Công Lý và Hòa Bình.

Thông cáo cũng cho biết nhân dịp này Tổ chức thánh Mátthêu tưởng nhớ Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận và tổ chức Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận Hoa Kỳ cũng thăng tiến một loạt các biến cố tưởng niệm gương mặt của Đức Cố Hồng Y và đề cao hương thơm thánh thiện của người.

Lúc 8.30 sáng ngày 22 tháng 10 sẽ có thánh lễ do Đức Hồng Y Peter Turkson chủ sự tại nhà thờ Santa Maria della Scala, là nhà thờ hiệu tòa của Đức Hồng Y Thuận để cầu nguyện cho Vị Tôi tớ Chúa, với sự tham dự của các Hồng Y, Giám Mục, thân nhân bạn bè, con cái thiêng líêng và những người đã quen biết Đức Hồng Y.

Lúc 10.30 sẽ có lễ trao giải thưởng Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận tại Đại học giáo hoàng Laterano. Năm nay tượng thánh Mátthêu biểu tượng của giải thưởng sẽ được trao cho bác sĩ Juan Somavia, Tổng Giám đốc tổ chức Lao Động Quốc Tế. Tổ chức cũng trao giải thưởng Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận Liên đới và Phát triển bằng hiện kim cho các cơ quan, hiệp hội phát triển nhân bản tại các nước đang trên đường phát triển nhằm bảo vệ các quyền con người qua việc thăng tiến và phổ biến các nguyên tắc tin mừng, theo giáo huấn xã hội của Hội Thánh. Năm nay giải thưởng được trao cho Đức Cha Giuseppe Molinari Giám Mục L'Aquila, Linh Mục Marcelo Rossi, người Brasil, tổ chức Saint Camille tại Burundi và các cộng đoàn Nữ tử Bác ái thánh Vinh Sơn tại Haiti.

Vào ban chiều sẽ có buổi hòa nhạc chứng từ giới thiệu một tác phẩm nghệ thuật được gợi hứng bởi Đức Hồng Y tựa đề ”Chứng nhân hy vọng”.

Phần hai của thông cáo là tiểu sử của Đức Hồng Y và vài kinh nghiệm và suy tư của người ở trong tù, liên quan tới việc phân định Chúa và công việc của Chúa, cũng như việc nhận ra môi trường mục vụ mới, khi bị người cộng sản đem xuống tầu Hải Phòng cùng với 1.500 các tù nhân khác để đi ra Bắc (SD 1-10-2010).
 
Nam Úc - Xứ Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể Têrêsa Mừng Bổn Mạng
Jos. Vĩnh SA
18:01 03/10/2010
Chúa Nhật ngày 03/10/2010. Các em thiếu nhi Thánh Thể xứ đoàn Têrêsa, thuộc Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam – Nam Úc đã long trọng mừng kính Thánh Nữ Têrêsa bổn mạng của xứ đoàn.

Thánh Lễ lúc 9 giờ 30 sáng do Lm. GB. Nguyễn Viết Huy Sj. phó quản nhiệm CĐ kiêm Tuyên úy của xứ đoàn chủ tế, cùng đồng tế có Đ/ô. Phaolô Nguyễn Minh Tâm quản nhiệm CĐ, Lm. Phêrô Phạm Văn Ái Sj. cựu phó quản nhiệm CĐ.

Đặc biệt Thánh Lễ sáng nay Cộng Đồng đã dành riêng cho các em phụng vụ.

Sau Thánh Lễ các em cùng vui chơi sinh hoạt với nhau cho đến trưa thì có bữa tiệc liên hoan BBQ.

Năm nay, nhờ có nhiều Mạnh Thường Quân giúp đỡ xứ đoàn, nên các em đã mời toàn Cộng Đồng ở lại chung vui bữa ăn trưa BBQ với các em.

Click Xem Hình Nơi Đây

Sau đó, vào lúc 7 giờ tối các em đã tổ chức một chương trình Đại Nhạc Hội Văn Nghệ đặc sắc do chính các em tự biên, tự diễn, với các tài năng trẻ tí hon của xứ đoàn, qua nhiều màn trình diễn thật vui tươi, hấp dẫn và sôi nổi, khiến khán giả nhiều phen cười bể bụng...

Lồng trong chương trình văn nghệ, các em đã tổ chức bán thức ăn và sổ xố gây quỹ sinh hoạt cho xứ đoàn. Giải thưởng sổ xố gồm có những món quà của các Mạnh Thường Quân tặng xứ đoàn.

Trước khi kết thúc chương trình văn nghệ là phần phát quà Trung Thu cho tất cả các em thiếu nhi đến tham dự. Chương trình được chấm dứt lúc 11 giờ khuya cùng ngày. Các em Thiếu Nhi đã có một ngày mừng Bổn Mạng và Tết Trung Thu thật vui vẻ.
 
Rước lễ lần đầu tại giáo xứ Bảo Long
Giuse Trần Bắc
18:46 03/10/2010
Hôm nay ngày 03/10/2010 tại nhà thờ Giáo xứ Bảo Long, có 130 em được xưng tội rước lễ lần đầu. niềm vui mừng hạnh phúc hiển hiện rõ nét trên khuôn mặt non nớt nhưng trong sáng thánh thiện của các em. Chắc chắn các em không chỉ vui với cái vui hời hợt bên ngoài của trang phục hay những trang hoàng đẹp đẽ. Nhưng thiết nghĩ đó là niềm vui xuất phát của những tâm hồn thánh thiện khi lần đầu được cảm nếm sự ngọt ngào khi rước Chúa lần đầu tiên.

Xem hình ảnh

Đằng sau niềm vui và hạnh phúc của các em là bao công lao của những người có trách nhiệm hướng dẫn, chỉ bảo. Hôm nay chính những họ cũng hân hoan, hạnh phúc khi đồng chia sẻ niềm vui với các em. Niềm vui lớn nhất phải kể đến bố mẹ các em. Họ là những người được Chúa cho cộng tác trong việc tạo sinh, nuôi dưỡng và dạy dỗ con cái. Thứ đến phải nói đến công lao của các ông bà quản: Họ là những người đã hy sinh nhiều và có chiều dày kinh nghiệm trong việc đưa dẫn các con em trong giáo xứ đến với Bàn Tiệc Thánh.

Khung cảnh phụng vụ hôm nay thật trang nghiêm và sốt sáng. Các em nam trong bộ đồng phục quần xanh, áo sơ mi trắng, các em nữ áo dài trắng trông thật đơn sơ thánh thiện như những thiên thần.

Trong suốt thánh lễ cộng đoàn sốt sáng hiệp ý cầu nguyện cho các em. Mọi người cùng phấn khởi tạ ơn Thiên Chúa. Vì “Mọi sự tốt lành đều bởi Chúa mà ra”. Niềm vui nối tiếp niềm vui hôm nay trùng với Chúa Nhật XXVII lễ Đức Mẹ Mân Côi.

Sau thánh lễ Cha Giuse Phạm Minh Triệu phụ trách giáo xứ đã trao tặng các em một bông hồng nhỏ, qua cử chỉ đó: Ngài muốn các em nghi nhớ trong ngày vui hôm nay các em được rước Chúa. Cha Giuse cũng mong các em giữ đoá hồng đó làm kỷ niệm như một dấu chỉ Chúa muốn các em mãi như những cánh hồng dâng lên Thiên Chúa trong cuôc đời.

Chắc chắn với chàng chuỗi Mân Côi và suy ngắm về mầu nhiệm thương khó của Chúa Giêsu các em thiếu nhi giáo xứ Bảo Long nói riêng, các em thiếu nhi khắp nơi đều nhận ra tình Chúa dạt dào và tình của Mẹ bao la khi Mẹ và Con Mẹ đã dành trot đời mình cho chính họ và cho hết mọi người trần gian.
 
Thông tin về việc bổ nhiệm Cha Tân Giám Tỉnh Dòng Tên Việt Nam
LM. Tôma Vũ Quang Trung, S.J.
20:10 03/10/2010
Trong văn thư ký ngày 01.10.2010 vừa qua tại Rôma, Cha Adolfo Nicolas, S.J., Bề Trên Cả Dòng Tên, đã bổ nhiệm



Cha Giuse Phạm Thanh Liêm, S.J. làm Giám Tỉnh Dòng Tên Việt Nam trong nhiệm kỳ mới. Cha Tân Giám Tỉnh sẽ bắt đầu nhận nhiệm vụ vào ngày 05 tháng 11 năm 2010, ngày lễ kính Các Thánh và các Chân Phước Dòng Tên



Cha Giuse Phạm Thanh Liêm, S.J., sinh năm 1954 tại Thái Bình, vào Dòng Tên năm 1972, chịu chức linh mục năm 1995, khấn lần cuối trong Dòng năm 1989.



Kính xin Đức Hồng Y, Quý Đức Cha, Quý Bề Trên các Dòng tu, Quý Cha, Quý tu sĩ nam nữ và toàn thể Anh Chị Em hiệp thông với chúng con trong lời cầu nguyện cho người anh em Tân Giám Tỉnh của chúng con.



Nhờ lời chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria, Thánh Cả Giuse, Thánh I-nhã Loyola, Thánh Phanxicô Xaviê, các Thánh và các Chân Phước Dòng Tên, Các Thánh Tử Đạo Việt Nam cùng các Thánh nam nữ trên thiên quốc, xin Chúa thương ban cho người anh em Tân Giám Tỉnh chúng con được tràn đầy ánh sáng, sức mạnh và sự khôn ngoan của Chúa Thánh Thần đễ dẫn dắt Tỉnh Dòng Tên Việt Nam chúng con trong sứ mạng phục vụ Giáo Hội và anh chị em đồng loại trong những năm tháng sắp tới của nhiệm kỳ mới để tôn vinh Danh Thánh Chúa hơn.



Chúng con xin hiệp thông trong lời cầu nguyện đặc biệt cho Đức Hồng Y, Quý Đức Cha thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam hôm nay bắt đầu cuộc họp thường niên lần thứ hai trong năm tại Trung Tâm Mục Vụ Tổng Giáo Phận Saigon và cho công việc chuẩn bị cho Đại Hội Dân Chúa Năm Thánh 2010 của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam vào tháng 11 sắp tới đạt được kết quả tốt đẹp như lòng Chúa mong ước.



Trong Chúa Kitô,

Giám Tỉnh
 
Ngày cử hành năm thánh thiếu nhi giáo hạt Phú Yên
Giáo xứ Tuy Hòa
21:35 03/10/2010
NGÀY CỬ HÀNH NĂM THÁNH THIẾU NHI GIÁO HẠT PHÚ YÊN

Được sự chuẩn nhận của Đức Cha Chính giáo phận Qui Nhơn, ngày cử hành Năm Thánh cho thiếu nhi tại giáo hạt được tổ chức vào Chúa Nhật 27 thường niên, tức ngày 3.10.2010, ngày Hội Thánh Việt Nam kính trọng thể lẽ Đức Mẹ Mân Côi. Trong dịp đặc biệt nầy, một số đơn vị thiếu nhi trong giáo hạt gồm các giáo xứ Gò Duối, Sông Cầu, Mằng Lăng, Hóc Gáo, Hoa Châu và Tịnh Sơn đã hành hương về Tuy Hoà để cùng với thiếu nhi giáo xứ Tuy Hoà long trọng cử hành Ngày Năm Thánh Thiếu Nhi.

Xem hình ảnh

Trước 8 giờ sáng, các em đã tập trung đầy đủ tại khuôn viên nhà thờ Tuy Hoà. Sau đó các em được hướng dẫn tập hát cộng đồng và chuẩn bị Phụng vụ. Thánh lễ bắt đầu lúc 9 giờ do cha chính xứ Tuy Hoà, kiêm hạt trưởng Phú Yên, Giuse Trương Đình Hiền chủ tế, cùng với hai cha đồng tế: cha sở Hóc Gáo và cha đặc trách cộng đoàn Đồng Công tại Tuy Hoà. Thánh lễ diễn ra trong bầu khí thánh thiện, trang nghiêm được thể hiện nơi những khuôn mặt tươi vui rạng rỡ hồn nhiên của các em.

Các em được lắng nghe Lời Chúa và bài chia sẻ với nội dung quy chiếu về việc cầu nguyện với kinh Mân Côi, một việc đạo đức bình dân nhưng rất cao quý đã đi cùng năm tháng với chuổi dài lịch sử thăng trầm của Hội Thánh. Thánh lễ kết thúc với phép lành hưởng ơn Toàn Xá Năm Thánh.

Sau thánh lễ, cha chính xứ Giuse đã ôn tập một số điều giáo lý cơ bản liên quan đến Năm Thánh như một gợi nhớ để các em ý thức và sống Năm Thánh cách phong phú hơn trong những ngày sắp tới. Các đơn vị thiếu nhi ngoài giáo xứ đã được các bà mẹ Công Giáo Tuy Hoà chuẩn bị cho các em một bữa trưa đơn sơ với bún và bánh ướt của thành phố Tuy Hoà. Hy vọng ngày Năm Thánh nầy sẽ mang lại những ơn ích thiêng liêng dồi dào cho các em.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Tương Quan Giữa Giáo Hội Và Thế Gian
FX. Trần Kim Ngọc, OP.
09:00 03/10/2010
Tương Quan Giữa Giáo Hội Và Thế Gian

Lời mở đầu

Trong mấy năm gần đây, Giáo Hội Hoàn Vũ cũng như Giáo Hội tại Việt Nam phải đối diện với nhiều khó khăn và thử thách. Những khó khăn và thử thách đó khiến người tín hữu có nhiều ưu tư và lo lắng; tuy nhiên, từ trong bóng đen vẫn sáng lên niềm vui và hy vọng. Những ưu tư và lo lắng ấy mời gọi người môn đệ dõi bước theo Thầy Giêsu, tin tưởng và phó thác vào Người để vượt qua mọi chướng ngại trên hành trình trần gian tiến về Thành Đô Vĩnh Cửu là Nước Trời. Người môn đệ đang sống trong thế gian, được mời gọi dấn thân vào đó để làm men, làm muối và làm ánh sáng cho trần gian; qua ơn gọi dân thân, người môn đệ kín múc từ tình yêu Đức Kitô Phục Sinh và Thần Khí của Người để biết đâu là “thế gian thật” và đâu là “thế gian giả”, từ đó nhận chân những giá trị nào là phù hợp với Tin Mừng của Đức Kitô để làm tươi trẻ Hội Thánh và canh tân bộ mặt trái đất này.

Chúng ta đang sống trong một thế giới với nhiều biến đổi và biến đổi không ngừng; và chúng ta cũng đang sống trong một thế giới đa cực, đa văn hoá, đa tôn giáo, đa hệ... Cái thế giới này hầu như bị phân hoá ra thành nhiều mảnh. Thế gian có nhiều nghĩa. Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu theo bốn nghĩa cơ bản: các loài thụ tạo tồn tại trong vũ trụ này, thế giới loài người, thế giới vị lai và cuối cùng là ma quỷ cùng các thế lực đen tối của nó.

1. Thế giới vạn vật – Thế gian cần được tôn trọng và bảo vệ

Thế gian ở đây được hiểu là công trình tạo dựng của Thiên Chúa. Muôn loài muôn vật được tạo dựng trong năm ngày từ ngày thứ nhất cho đến ngày thứ năm trong chương thứ nhất của sách Sáng thế.¬¬¬¬¬¬¬¬(1)Chúng là những thụ tạo tốt đẹp mà Thiên Chúa đã dựng nên. Những loài này, khi tình trạng nguyên thuỷ của công trình tạo dựng bị sụp đổ do sự bất tuân phục của nguyên tổ loài người, thì đã lâm vào cảnh hư ảo..., nay đang mong ngóng ngày được giải thoát khỏi cảnh hư nát để được hưởng tự do và vinh quang của con cái Thiên Chúa.(2)

Công trình cứu chuộc của Thiên Chúa được thực hiện nơi Đức Giêsu Kitô bao gồm những loài này nữa. Vào thời gian tới hồi viên mãn, tất cả các loài vật này cũng sẽ được quy tụ dưới quyền một thủ lãnh là Đức Kitô.(3)

Trong thời đại mà người ta đua nhau khai thác tài nguyên thiên nhiên ồ ạt để làm giàu, không lưu tâm đến những tác động có ảnh hưởng xấu lên môi trường. Môi trường đã bị ô nhiễm nghiêm trọng. Điều này được minh chứng cụ thể qua việc trái đất ngày càng nóng lên, thiên tai ngày càng xảy ra nhiều. Trong những năm gần đây, các nhà môi trường, các nhà khoa học và những người hữu trách đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo về những tác động của việc môi trường bị ô nhiễm lên đời sống con người. Môi trường là vấn đề sống còn của con người. Tương lai của nhân loại phụ thuộc vào ý thức của con người hôm nay đối với môi trường.(4)

Trong tình hình môi trường đang gồng gánh những sự khai thác bừa bãi và tàn phá nặng nề, Giáo Hội được mời gọi bảo vệ công trình tay Thiên Chúa tạo nên, cái công trình mà Thiên Chúa đã dựng nên rồi trao lại cho con người làm chủ. Giáo Hội tha thiết mời gọi người tín hữu ý thức tầm quan trọng của môi trường đối với việc phát triển toàn diện của thế giới con người. Đức giáo hoàng Bênêdictô XVI nhiều lần lên tiếng mời gọi người tín hữu ra sức tôn trọng và bảo vệ môi trường.(5)

2. Thế giới loài người – Thế gian cần được yêu mến và cứu độ

Thế gian theo nghĩa thứ hai được hiểu là con người. Ngoài những thụ tạo vừa nói trên, con người cũng là loài thụ tạo được dựng nên, nhưng là được dựng nên vào ngày thứ sáu theo trình thuật sáng thế.(6) Được dựng nên sau cùng, nên loài người là đỉnh cao trong công trình tạo dựng của Thiên Chúa; do đó, họ có một phẩm giá cao trọng,(7) vượt trên các loài đã được tạo dựng trong năm ngày trước đó.

Loài người được dựng nên theo và giống hình ảnh Thiên Chúa(8) và được ban cho cái quyền trên các loài được dựng nên trước đó. Và khi loài người phạm tội,(9) lời hứa cứu độ của Thiên Chúa nhắm tới loài người trước tiên.(10)

Chúng ta tuyên xưng đức tin trong Kinh Tin Kính, Con Thiên Chúa làm người với mục đích thực hiện lời hứa cứu độ cũng là “vì loài người chúng ta”. “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ. Ai tin vào Con của Người, thì không bị lên án; nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa”.(11)

3. Thế giới mai sau – Thế gian cần được ước mong và đạt tới

Thế gian theo nghĩa thứ ba được hiểu là thực tại mai sau. Trời đất này sẽ không qua đi, nhưng sẽ được biến đổi để thành “trời mới đất mới”.(12) Trời mới đất mới là thực tại mà muôn loài muôn vật và cả con người nữa đang ngong ngóng đợi chờ để được hưởng tự do và vinh quang của con cái Thiên Chúa;(13) trong trời mới đất mới, ở đó công lý ngự trị.(14)

Giáo Hội do Đức Kitô thiết lập đang tồn tại nơi trần gian là dấu chỉ và dụng cụ hướng đến trời mới đất mới. Nước Thiên Chúa đã được khai nguyên nơi trần gian,(15) nhưng đang trên đường tiến đến cùng đích tối hậu của mình. Giáo Hội có sứ mạng xây dựng Nước Thiên Chúa ngay tại trần gian này cho đến khi đạt đến cùng đích viên mãn.(16)

4. Thế giới đen tối – Thế gian cần phải nhổ đi và loại trừ

Cuối cùng thế gian được hiểu một cách tiêu cực là những thực tại đối lập với Thiên Chúa, đó là ác thần hay còn gọi là satan cùng những việc làm đen tối của nó. Đức Kitô trong lời nguyện hiến tế đã xin Chúa Cha gìn giữ các môn đệ của Người khỏi loại thế gian này.(17) Kế đến, thế gian là những việc làm xấu xa do satan gây ra.(18) Ngoài ra, thế gian bao gồm dục vọng của tính xác thịt, dục vọng của đôi mắt và thói cậy mình có của để huênh hoang tự đắc và coi trời bằng vung...(19)

Trong cánh đồng nhân loại, có nhiều thứ cây mang độc tố huỷ hoại, đó là những thế lực đen tối của ma quỷ, thù địch của con người “như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé”.(20) Đức Giêsu đến là để nhổ đi những thứ cây mà Chúa Cha đã không trồng: "Cây nào mà Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời, đã không trồng sẽ bị nhổ đi.”(21)

Ma quỷ và những thế lực là những phe đối lập với Thiên Chúa. Chúng luôn tìm cách để phá huỷ công trình tạo dựng của Thiên Chúa, luôn tìm kế để mê hoặc con người ta ngay cả Con Thiên Chúa...(22) Đức Kitô đến thế gian là để khử trừ tội lỗi và ma quỷ, và để thực hiện một cuộc giải phóng con người khỏi tình trạng tội lỗi và xiềng xích của ma quỷ. Tin Mừng thuật lại rất nhiều lần Đức Giêsu tha tội và trừ quỷ cho người ta.(23)



Tạm kết


Thế gian này quả là thiên hình vạn trạng. Từ những nghĩa như đã được phân tích ở trên, người môn đệ sẽ biết phải có trách nhiệm cùng bổn phận gì và phải có thái độ như thế nào đối với thế gian này. Có cái thế gian phải được người môn đệ Đức Giêsu yêu mến; có cái thế gian người môn đệ được mời gọi thấn thân vào để làm biến đổi từ bên trong; có cái thế gian người môn đệ phải hướng tới cho đến khi đạt được, và cũng có cái thế gian người môn đệ phải xa tránh và thậm chí là phải loại trừ.

Chú thích

(1) Xc. St 1,1tt; Ga 17,24.

(2) Xc. Rm 8,19-21.

(3) Xc. Ep 1,10.

(4) Cf. Msgr Celestino Migliore, Address at the Second Committee of the 63rd Session of the Un General Assembly on sustainable development, New York, 28 October 2008. Downloaded 27 September 2010; http://www.vatican.va/roman_curia/secretariat_state/2008/documents/rc_seg-st_20081028_sustainable-development_en.html; John Paul II, Address to the participants in the study week organized by the Pontifical Academy of Sciences, 6 November 1987. Downloaded 27 September 2010; http://www.vatican.va/holy_father/john_paul_ii/speeches/1987/november/documents/hf_jp-ii_spe_19871106_accademia-scienze_en.html

(5) Cf. Benedict XVI, Address in the Welcoming Ceremony, Government House - Sydney, 17 July 2008. Downloaded 27 September 2010; http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/speeches/2008/july/documents/hf_ben-xvi_spe_20080717_welcome_en.html

(6) Xc. St 1,1tt.

(7) Xc. Tv 8,1-10.

(8) Xc. St 1,26-27.

(9) Xc. St 3,1tt.

(10) Xc. St 3,15.

(11) Ga 3,16-18.

(12) Kh 21,1.

(13) Xc. Rm 8,19-21.

(14) Xc. 2 Pr 3,13.

(15) Xc. Vatican II, Lumen Gentium, 3.

(16) Xc. Vatican II, Lumen Gentium, 5 và 9.

(17) Xc. Ga 17,15.

(18) Xc. Ga 7,7.

(19) Xc. 1 Ga 2,15-17.

(20) 1 Pr 5,8.

(21) Mt 15,13.

(22) Xc. Mt 4,1tt; Mt 9,33; Mt 17,18; Mc 7,29-30…

(23) Xc. Các Sách Tin Mừng.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Năm cách diễn đạt yêu thương: tiếp xúc thể lý
Jos. Tú Nạc, NMS
08:41 03/10/2010
NĂM CÁCH DIỄN ĐẠT YÊU THƯƠNG: TIẾP XÚC THỂ LÝ

Hàng nhiều năm, một người có tên Ts. Chapman đã nghiên cứu cách mà người ta truyền đạt yêu thương cho nhau. Và ông đã nhận ra rằng tất cả mọi người không phải ai cũng cảm và nhận yêu thương giống nhau. Ts. Chapman nói rằng người ta biểu đạt những ngôn ngữ yêu thương khác nhau. Những lần trước, chúng ta đã đề cập bốn cách diễn đạt yêu thương. Lần này chúng ta nói đến cách diễn đạt yêu thương thứ năm: sự va chạm (touch).

Ana rất khó ngủ. Khi cô cố dỗ giấc ngủ, nhiều ý nghĩ lại hiện lên trong tâm trí cô. Cô nghĩ về những gì mà cô đã làm ngày hôm đó. Cô nghĩ về những gì mà cô sẽ làm ngày hôm sau. Cô cảm thấy rằng tâm trí mình không được thanh thản. Đầu óc cô chẳng lúc nào được nghỉ ngơi.

Nhưng, có một điều mà đã đưa cô vào giấc ngủ. Đó là sự vuốt ve âu yếm của chồng mình. Bạn biết đấy, mỗi lần Ana khó ngủ, chồng cô nắm tay cô. Anh nhẹ xoa bóp tay cô. Cảm giác này đã giúp tâm trí của Ana được thoải mái. Chồng Ana đã vuốt ve bàn tay cô cho đến khi cô đi vào giấc ngủ.

Sự ve vuốt nhẹ nhàng này có vẻ như không gì quan trọng lắm. Nhưng, đối với Ana, sự ve vuốt của chồng mình đã thể hiện một yêu thương chân thành. Ts. Chapman tin rằng để diễn đạt yêu thương một cách chân thành với người khác, bạn phải biết ngôn ngữ yêu thương của họ. Biết cách mà họ cảm nhận yêu thương tuyệt đối đó là điều quan trong. Ts. Chapman mô tả những cách diễn đạt yêu thương trong cuốn “Five Love Languages” của ông. Năm cách diễn đạt yêu thương được Ts. Chapman phát biểu đó là,

Những lời lẽ ân cần chân thực

Bản chất tình thế/ tính chất thời gian

Đón nhận những món quà

Những hành động phục vụ

Va chạm thể xác/ tiếp xúc thể lý

Ngôn ngữ yêu thương của một số người là những ngôn từ chất chứa chân thành. Điều này muôn nói rằng khi mà những người khác dành những lời lẽ ân cần cho họ.

Nhưng, một số người lại cần một điều gì đó khác để cảm nhận yêu thương. Ngôn người yêu thương của một số người là tính chất thời gian. Để cảm nhận được yêu thương, những người này thích dành thời gian với người khác.

Ngôn ngữ yêu thương của những người khác là được dón nhận những món quà. Những người này cảm thấy được yêu thương tuyệt đối khi người nào đó tặng họ một món quà. Món quà đó bất cứ là gì. Món quà đó thể hiện yêu thương.

Một số người ngôn ngữ yêu thương chủ yếu của họ là những hành động phục vụ. Họ cảm thấy được yêu thương khi người khác thực hiện nhựng hành động tế nhị đối với họ.

Nhưng, có một cách diễn đạt yêu thương cuối cùng, va chạm thể xác hay tiếp xúc thể lý (physical touch).

Chúng ta sẽ kết thúc chuỗi những cách diễn đạt yêu thương. Và chúng ta sẽ trình bày cách diễn đạt yêu thương qua sự va chạm thể xác hay tiếp xúc thể lý này. Người ta, những người mà cách diễn đạt yêu thương của họ là va chạm thể xác thì họ sẽ cảm thấy được yêu thương khi họ nhận được những vuốt ve trìu mến yêu thương.

Trong cơ thể của bạn có hàng ngàn phần tử nhạy cảm li ti. Những phần tử nhạy cảm này nằm ngay dưới làn da của bạn, những phần tử nhạy cảm này nhận tín hiệu. Đoạn gửi tín hiệu này đến não. Não của bạn sẽ giải thích tin hiệu và chuyển tín hiệu thành cảm giác. Vì vậy chúng ta có thể cảm nhận một vật gì đó nóng hay lạnh, cứng hay mền. Chúng ta có thể cảm thấy đau đớn hay thoải mái. Những phần tử nhạy cảm của chúng ta rất chính xác. Thậm chí đó là sự va chạm yêu thương hay hờn giận.

Mọi người sự cảm nhận về thể lý đề giống nhau – thông qua những phần tử nhạy cảm thần kinh này. Nhưng đối với nhiều người, ngôn ngữ yêu thương của họ là tiếp xúc thể lý, sự tiếp xúc rất quan trọng. Họ cảm nhận được yêu thương một cách đặc biệt khi họ nhận được những ve vuốt yêu thương, và cảm thấy vô cùng đau đớn khi nhận được những hành động oán hờn.

Va chạm yêu thương là gì? Trong câu chuyện của chúng ta, Ana cảm nhận sự va chạm yêu thương khi chồng mình vuốt ve bàn tay của mình. Nhưng những sự va chạm đối với mọi người thường khác nhau. Điều mà có thể là sự va chạm yêu thương đối với người này cũng có thể đối với người khác lại không phải. Sự va chạm con người trong những cách thức để cảm nhận diễn tả yêu thương không giống nhau. Đó là điều quan trọng đối với sự va chạm con người trong những cách thức mà tạo cho họ cảm thấy được yêu thương.

Những tiếp xúc yêu thương có thể thật đơn giản. Bạn có thể đặt tay mình trên vai một người bạn và nhẹ xiết. Hoặc, bạn có thể nắm tay một người bạn trong lòng bàn tay mình. Một sự va chạm yêu thương có thể là âu yếm ve vuốt bàn chân hoặc lưng của một người nào đó. Hoặc nó có thề là âu yếm thân mật nếu cô ta đang cảm thấy phiền muộn chán chường. Ts. Chapman giải thích sự quan trọng của việc va chạm thể xác như sau,

“Sự va chạm thể xác có thể tạo dựng mối quan hệ hoặc cũng có thể làm tan vỡ mối quan hệ. Đối với người mà ngôn ngữ yêu thương chủ yếu của họ là sự tiếp xúc thể lý,chỉ một sự va chạm sẽ hơn rất nhiều so với cách diễn đạt ngôn từ. “Tôi ghét anh” hoặc “tôi yêu em.” Một cái tát vào mặt đứa trẻ có tác hại thậm tệ đối với bật kỳ đứa trẻ nào. Mà nó có thể hủy diệt một đứa trẻ mà cách yêu thương chủ yếu của nó là sự va chạm. Một cái ôm trìu mến bằng đôi tay sẽ mang yêu thương cho bất kỳ một đứa trẻ nào. Mà yêu thương sẽ cất tiếng đối với những đứa trẻ mà ngôn ngữ yêu thương chủ yếu của chúng là sự va chạm thể xác. Điều này cũng đúng đối với cả người lớn.

Đối với người lớn, những người mà đã lập gia đình, Ts. Chapman giải thích thêm một hình thức va chạm thể xác: tiếp xúc giới tính. Bên trong hôn nhân. Một cách duy nhất mà người chồng và người vợ có thể bộc lộ yêu thương của họ cho nhau thông qua tình dục. Đối với một người chồng hay một người vợ cách đạt yêu thương chủ yếu của họ là tiếp xúc thể lý thì tình dục là yếu tố quan trọng.

Chẳng hạn Pete và Patsy đã thành hôn với nhau. Nhưng cuộc hôn nhân của họ chẳng mấy gì làm hạnh phúc cho lắm. Ngôn ngữ yêu thương của Patsy là tinh chất thời gian. Nhưng ngôn ngữ yêu thương của Pete là tiếp xúc giới tính. Nhưng Patsy đã không hiểu điều này về Pete. Patsy lau dọn nhà cửa, nấu những bữa cơm ngon miệng cho Pete. Cô ta nghĩ như thế sẽ mang lại hạnh phúc cho Pete. Và điếu đó, ít khi. Nhưng, đã có cái gì đó trống vắng đối với Pete. Và đó chính là sự va chạm thể xác.

Pete thường mang cảm giác như bị Patsy chối bỏ. Hình như cô ta không thích những va chạm, tiếp xúc của anh. Họ ít khi quan hệ tình dục với nhau. Nên, Pete cảm thấy như patsy đã không yêu anh. Cách của anh ta đối xử với sự hững hờ này là ít khi ở nhà. Nên Patsy đã cảm thấy cô đơn.

Một hôm, Pete và Patsy đã đến gặp một luật sư tư vấn hôn nhân. Vị tư vấn này giải thích ý tưởng về những cách diễn đạt yêu thương. Ngay sau đó, Pete và Patsy đã nói với nhau bằng những cách diễn đạt ngôn ngữ yêu thương. Patsy bắt đầu cho Pete những âu yếm mơn trớn yêu thương. Bởi vì họ đã trở thành chồng vợ, điều này muốn nói lên sự quan hệ tình dục. Nhưng thỉnh thoảng Patsy chỉ cho Pete ôm ấp qua loa. Pete đã cảm thấy mình được yêu thương. Thế là anh bắt đầu dành thời gian nhiều hơn cho Patsy. Và cuối cùng họ đã nói với nhau bằng những cách diễn đạt yêu thương. Hôn nhân của họ tươi màu trở lại.

Cách diễn đạt yêu thương rất quan trọng. Mọi người ai cũng cần cảm thấy mình được yêu thương. Nhưng không phải ai cũng cảm nhận yêu thương một cách giống nhau. Những lời lẽ ân cần yêu thương. Tinh chất thời gian. Đón nhận những món quà. Những hành động phục vụ. Va chạm thể xác. Cách diễn đạt yêu thương của bạn là gì? Cách diễn đạt yêu thương của chồng hay vợ bạn là gì? Bạn nói với bạn bè của mình bẳng ngôn ngữ yêu thương nào? Biết cách diễn đạt yêu thuong của người khác thậm chí có thể làm cho bạn gần gũi hơn. Biết cách diễn đạt yêu thương của người khác là biết cách để yêu thương họ một cách hoàn thiện nhất.

Jos. Tú Nạc, NMS
 
Tháng Mân Côi: Giải thích đặc ngữ Công Giáo: Mân Côi - Mai Khôi - Môi Khôi - Văn Côi
Nguyễn Long Thao
10:14 03/10/2010
Tháng Mân Côi: Giải thích đặc ngữ Công Giáo: Mân Côi - Mai Khôi - Môi Khôi - Văn Côi

Mỗi tôn giáo có những đặc ngữ riêng. Người thuộc tôn giáo này khó hiểu được những đặc ngữ của tôn giáo khác. Ví dụ đa số người người Công Giáo không hiểu rõ ý nghĩa các từ như Chánh Quả, Bát Nhã, Huệ, Tuệ của Phật Giáo. Người Phật Giáo cũng không hiểu rõ ý nghiã các từ như Mân Côi, Chầu Lượt, Mùa Át, Sinh Thì của Công Giáo. Ngoài ra, các tín hữu trong một tôn giáo cũng không hiểu hết các từ ngữ trong tôn giáo của mình, nhất là các từ về thần học..

Đối với Công Giáo Việt Nam, một trong các từ khó hiểu và gây nhiều thắc mắc là Từ Mân Côi – Văn Côi – Mai Khôi – Môi Khôi. Người ta thường nói: Kinh Mân Côi, Tháng Mân Côi, Mầu Nhiệm Mân Côi, Chuỗi Môi Khôi, và ai cũng hiểu đại khái đó là kinh Kính Mừng và tháng Mân Côi là tháng 10 kính Đức Mẹ Maria. Nhưng nếu có hỏi: từ Mân Côi có ý nghĩa gì để được gọi là Kinh Kính Mừng thì không mấy ai trả lời được. Ngoài ra tại sao Mân Côi lại còn gọi là Văn Khôi, Mai Khôi, Môi Khôi. Vấn nạn đặt ra như vậy nên bài nghiên cứu sẽ đề cập đến các vấn đề: (1) Kinh Mân Côi là gì. (2) Tai sao gọi là Kinh Mân Côi. (3) Mân Côi, Mai Khôi, Môi Khôi, Văn Côi từ nào đúng?

1. KINH MÂN CÔI LÀ GÌ:

Theo định nghiã của các từ điển thần học Công Giáo, Kinh Mân Côi, tiếng La Tinh gọi là Rosarium, Anh ngữ là Rosary, Hán tự là 玫 瑰 涇, phát âm là [méiguijing], giọng Hán Việt đọc là Mai Côi Kinh, là bộ kinh nguyện kính Đức Mẹ gồm 200 kinh chia làm từng chục. Mỗi chục gồm một kinh Lậy Cha,10 kinh Kính Mừng và một kinh Sáng Danh. Đồng thời mỗi chục kinh để tưởng nhớ một mầu nhiệm liên hệ đến Chúa Giêsu hay Đức Mẹ Maria. Như vậy kinh Mân Côi là kinh suy niệm 20 Mầu Nhiệm, được chia làm 4 Mầu Nhiệm chính mà đặc ngữ Công Giáo gọi là Mùa như Mầu Nhiệm Mùa Vui, Mầu Nhiệm Mùa Thương, Mầu Nhiệm Mùa Mừng, và Mầu Nhiệm Sự Sáng.

Mùa Vui suy tư sự kiện Chúa Giáng Sinh. Mùa Thương tưởng nhớ đến việc Chúa chịu chết trên Thập Giá. Mùa Mừng tưởng nhớ đến việc Chúa Phục Sinh. Mùa Sáng hay Mầu Nhiệm Sự Sáng mới có từ năm 2002 dưới thời ĐGH Gioan Phaolô II, dành để suy niệm cuộc đời Chúa Giêsu khi ra đi giảng đạo từ lúc chịu phép rửa trên sông Jordan tới khi Chúa lập phép bí tích Thánh Thể. Theo tài liệu thì Kinh Mân Côi do Đức Mẹ truyền dậy cho thánh Đa Minh và Giáo Hội cho chính thức phổ biến từ năm 1214.

2. TẠI SAO GỌI LÀ KINH MÂN CÔI.

Như chúng tôi đã nói, kinh mà giáo dân Việt Nam gọi là Kinh Mân Côi thì La ngữ gọi là Rosarium, Anh ngữ là Rosary, Hán ngữ là 玫 瑰 涇 được phát âm là [méiguijing]. Tất cả những từ ngữ trên, dù La ngữ, Anh ngữ, Hán tự hay Hán Việt đều có nghĩa là Kinh Hoa Hồng. Theo Công Giáo Báck Khoa Từ Điển, ấn bản Anh ngữ, sở dĩ gọi là Kinh Hoa Hồng là do tích truyện một thầy tu khi đọc kinh Kinh Mừng, Đức Mẹ đã lấy những nụ hoa hồng trên môi của thầy tu ấy kết thành vòng hoa đội lên đầu mình. Corona, Chaplet, Garland trong tiếng Anh có nghiã là Vòng Hoa Hồng hay Chuỗi Hạt, tương đương với ý nghĩa từ Rosarium của Latinh. Trong tiếng Anh cổ từ BEAD có nghiã là Hạt, Hột và cũng có nghĩa là Kinh (Prayers). Do vậy tràng hạt tượng trưng cho tràng hoa hồng Đức Mẹ đội trên đầu được gọi là Tràng Mân Côi, Chuỗi Mân Côi, hay Chuỗi Môi Khôi. Thần Học Từ Điển của người Công Giáo Tàu gọi kinh này là 玫 瑰 涇 [méiguijing] tức Mai Côi Kinh có nghĩa là Kinh Hoa Hồng. Tóm lại, người Công Giáo Việt Nam dùng từ Mân Côi là do bắt chước người Tàu nhưng đọc theo giọng Hán Việt.

3. MÂN CÔI, MAI KHÔI, MÔI KHÔI, VĂN CÔI - TỪ NÀO ĐÚNG.

Trong số các từ Mân Côi, Mai Khôi, Môi Khôi, Văn Côi, người Công Giáo dùng nhiều nhất là từ Mân Côi. Như thế Mân Côi có phải là từ đúng nhất không? Chúng ta hãy xét các từ này qua từ điển của người không phải là Công Giáo và các từ điển hoặc sách vở của người Công Giáo.

3.1 Từ điển không phải của người Công Giáo:

3.1.1 - Việt Nam Từ Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức không có từ Mân Côi hay Mai Côi

3.1.2 - Đại Từ Điển Tiếng Việt của Bộ Giáo Dục Và Đào Tạo xuất bản năm 1999 tại Hà Nội không có từ Mân Côi, Mai Côi, Văn Côi

3.1.3 - Hán Việt Từ Điển của Đào Duy Anh định nghĩa: Mai Khôi 玫 瑰: Một thứ ngọc tốt và Mai Khôi Hoa 玫 瑰 花: hoa hồng. Ông không liệt kê từ Mân Côi hay Văn Côi.

3.1.4 - Hán Việt Từ Điển của cụ Thiều Chửu đinh nghiã Mai Côi 玫 瑰: (1) cây hoa Hồng. (2) thứ ngọc mầu đỏ.

3.1.5 - Từ Điển Hán Việt Hiện Đại của Tô Cẩm Duy do Văn Hóa Thông Tin xuất bản năm 2006 viết 玫 瑰 [méigui]: Hoa hồng, cây hoa hồng.

3.1.6 - Từ Điển Hán Việt của Ban Tu Thư Nghĩa Thục in năm 1999 định nghiã Mai Côi hay Mai Khôi 玫 瑰: hoa hồng. Từ điển này không có từ Mân Côi hay Văn Côi.

Tóm lại các từ điển trên đây chỉ giải thích từ Mai Khôi là hoa hồng chứ không giải thích Mai Khôi là chục kinh Kính Mừng.

3. 2. Từ điển hay kinh sách của người Công Giáo:

3.2.1 Cuốn sách Giáo Lý Công Giáo đầu tiên của Việt Nam là Thiên Chúa Thánh Giáo Khải Mông do nhà thừa sai Giêrônimo Mayorica soạn vào năm 1623 chưa biết tới từ Mân Côi hay Hay Tràng Hạt nên Ngài đã phiên âm tiếng Bồ Đào Nha Rô Sa Riô (Rosario)và Cô Rô Na (Corona) để chỉ kinh Mân Côi và tràng hạt

3.2.2. Tác phẩm Thánh Giáo Kinh Nguyện có kinh cầu Đức Bà bằng Hán Văn mà ta quen gọi là Kinh Cầu Chữ có 2 câu sau đây: (1) Huyền Nghiã Văn Côi. (2) Chí Thánh Văn Côi Chi Hậu. Đến năm 1924, các giáo sĩ san định lại kinh sách Công Giáo và dịch hai câu trên ra việt ngữ như sau:

- Huyền Nghĩa Văn Côi: Đức Bà Như Hoa Hường Mầu Nhiệm Vậy

- Chí Thánh Văn Côi Chi Hậu: Nữ Vương Truyền Phép Rất Thánh Mân Côi.

3.2.3 Dictionarium Anamitico Latinum của Đức Cha AJ. L. Taberd xuất bản năm 1838 không có từ Mân Côi, Văn Côi, Mai Khôi.

3. 2.4 Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của Huình Tịnh Paulus Của, ấn bản 1895-1896 có từ Môi Khôi và được định nghiã là (1) hoa hồng. (2) loài ngọc qúy. Ông ghi chú thêm phải đọc là Mai, không nên đọc là Môi. Tác giả là người Công Giáo nhưng không ghi thêm Môi Khôi hay Mai Côi là tên một kinh của Công Giáo.

3. 2.5 Thuật Ngữ Thần Học Anh Việt của Học Viện Đa Minh xuất bản năm 2002 định nghĩa Rosary là Chuỗi Mân Côi do tiếng Latin Rosarium: tràng hoa hồng

3. 2.6 Từ Điển Công Giáo Anh Việt của Nguyễn Đình Diễn định nghiã Rosay là Kinh Mân Côi. Tác giả chú thích thêm trong Việt ngữ, nguyên tự tiếng Hán, chính xác là Môi Côi: Hoa hồng, sau bị đọc nhầm (sic) ra nhiều biến thái khác thành quen như Vân Côi, Văn Côi, Môi Khôi, Mai Khôi.

3. 2.7 Từ Điển Văn Học Việt Nam của Lm Trần Văn Kiệm in năm 2007 định nghiã các từ Môi Khôi, Mân Côi, Môi Côi, Mai Khôi: Hoa Hồng.

3.3. Từ Nào Đúng?

3.3.1 Mai, Mân, Môi hay Văn từ nào đúng? Từ 玫 trong Hán tự phát âm là [mei]: Hán Việt đọc là Mai hay Mân nhưng Mai là từ đúng nhất. Từ điển của Đào Duy Anh, của Ban Tu Thư Nghiã Thục, của Huình Tịnh Paulus Của đểu chỉ ghi từ Mai. Còn Mân hay Môi chỉ là cách phát âm khác, của Mai. Từ điển của LM Trần Văn Kiệm đều viết Mai hay Mân là 玫. Bô Khang Hy Tự Điển ghi Mai và Môi đồng âm. Ngoài ra theo Hán Việt Từ Điển Trích Dẫn thì thì Mân Côi hay Văn Côi được viết như nhau 玫瑰. Có nghiã là hoa hồng và đá ngọc. Từ điển này cũng viết dùng Văn Côi để chỉ sợi vân của ngọc.

Tóm lại theo các từ điển, từ Mai Côi là đúng nhất, các từ khác Mân, Môi, Văn chỉ là âm khác của Mai.

3.3.2 Côi và Khôi từ nào đúng? Theo nhiều từ điển như Hán Việt Từ Điển Trích Dẫn, Từ Điển Hán Việt của Ban Tu Thư Nghiã Thục, Từ Điển Văn Học của LM Trần Văn Kiệm từ 瑰 [gui] Hán Việt đọc là Côi có nghiã là ngọc, là đá qúy và Côi cũng được phát âm là Khôi

4. Kết Luận

Dựa trên các từ điển Hán Việt được trích dẫn trên, từ Mai Côi là đúng nhất. Các từ khác Mân Côi, Môi Côi, Môi Khôi hay Văn Khôi chỉ là âm khác của Mai và Côi. Như vậy không thể nói chỉ có một từ Môi Khôi là đúng, các từ khác là đọc nhầm. Kinh sách Công Giáo lấy từ Mai Côi hay Mân Côi có nghiã là hoa hồng, không phải là ngọc qúy, để chỉ chục kinh Kính Mừng và một kinh Sáng Danh vì theo tích truyện nói ở trên, Đức Mẹ đã lấy những đoá hoa hồng trên miệng của một tu sĩ đang đọc kinh kính mừng kính Đức Me để kết thành tràng hoa hay triều thiên đội trên đầu. Sở dĩ ít người hiểu được từ Mân Côi vì không ai nói hoa hồng là hoa mân côi. Chỉ có người Công Giáo dùng từ Mân Côi hay tràng hoa Mân Côi với ý nghiã bóng là kinh kính Đức Mẹ.
 
Văn Hóa
Lập phương trình: Tình Chúa & Tình Đời.
Hiền Lâm
09:34 03/10/2010
LẬP PHƯƠNG TRÌNH TÌNH CHÚA & TÌNH ĐỜI.

Chúa biết rằng con làm văn rất dở

Chia động từ “tình” văn phạm hay sai

Tình vu vơ, con lầm lẫn tình Ngài

Rồi dở dang, lại trách thầm: tại Chúa.

Chúa cũng biết con học toán rất dở

Lập phương trình: hai vế chẳng bằng nhau

Bên tình Chúa, con trừ trước trừ sau

Bên tình đời, con lũy thừa gấp mấy.

Ấy vì con chứng minh điều mình thấy

Bằng mắt phàm, ưa dễ dãi suy tư

Thấy tình đời đầy hấp dẫn mộng mơ

Thế là dồn trí tâm vào phân tích.

Và chứng minh cho mình đầy bản lĩnh

Giỏi tình đời, chinh phục các giai nhân

Tìm hoa thơm cỏ lạ chốn phong trần

Để tận hưởng chút niềm vui trần thế.

Con đem hết tài năng đời trai trẻ

Gom cho mình… đầy ích kỷ tham lam

Thích tiền, tình, thích danh vọng cao sang

Làm cứu cánh cho đời người thấm thoát.

Con đâu ngờ phương trình đà sai sót

Để cuối cùng chỉ có nghiệm là không (0)

Mở mắt ra chợt thấy âm vô cùng (-?)

Tình tan vỡ trong hão huyền ảo giác.

Thua phen này, con tính bày keo khác

Bài toán cuộc đời quyết giải cho xong

Chọn tình Ngài hay tình lá diêu bông?

Đó là cả nỗi lòng con day dứt.

Phương trình này biết bao giờ hoàn tất

Con cứ đem hai vế trái ngược nhau

So sánh xem sự khác biệt thế nào

Giữa tình Chúa và tình đời thế tục:

Con nghiệm rằng tình Chúa là cõi phúc

Không dối gian, không thất hẹn lỡ làng

Luôn trung thành và chung thủy trao ban

Luôn bền vững, kết thiên hồng tình sử.

Và kinh nghiệm tình đời trong quá khứ

Đã làm con lầm lỡ biết bao lần:

Có những lúc bay bổng tựa thiên thần

Nhưng lắm khi rơi xuống hầm địa ngục.

Đã bao lần bồi hồi tim bật khóc

Trong bước đường chọn lựa… kiếp nhân sinh

Chúa bảo con xem lại lập phương trình

Và khuyên con không dùng phương pháp thế.

Bởi vì nếu dùng lại phương pháp thế

Đem tình đời thế chỗ Đấng Tối Cao

Rồi cứ mãi quanh quẩn chốn ba đào

Biết bao giờ mới bước vào cõi sống.

Nên Ngài muốn giải bằng phương pháp cộng

Là giáng trần hòa nhập với chúng sinh

Chúa và con rảo bước, cuộc hành trình

Để phục hồi cứu độ toàn nhân loại.

Phương trình đang tiến dần về cực đại

Dương vô cùng là cõi sống thiên thu

Chúa muốn con vui sống đời chiêm tu

Để hoàn tất phương trình còn dang dở.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Cửa Sổ
Lm.Nguyễn Trung Tây
21:58 03/10/2010
CỬA SỔ

Ảnh của Nguyễn Trung Tây, Lm

Lá phong đổi mầu dựng khung cửa

Gọi dậy xôn xao cả một mùa.

Ơi Thu!

(Nguyễn Trung Tây, SVD)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền