Ngày 02-10-2017
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:52 02/10/2017
10. KHÔNG THẤY HAI TẤC
Nước Ngô bị nước lụt ngập cả thành, quan dân hoảng loạn cả lên.
Đột nhiên nhìn thấy một pháp sư đi đến nói mình có thể làm cho nước rút lui, rồi người ta thấy pháp sư chân bước thất tinh bộ, miệng niệm bùa chú, một chặp sau hô lớn tiếng hô: “Lui gấp !” người giữ thành đến báo cáo nói:
- “Một tấc cũng không thấy lui ạ !”
Một lúc sau, pháp sư lại làm như lần trước, hô lớn: “Lui gấp !”
Người giữ thành lại báo cáo:
- “Lại một tấc cũng không thấy lui ạ !”
Quan huyện cười nói:
- “Đó không phải là pháp sư, mà là một tên thợ may ăn cướp, cặp mắt nó nhìn không thấy hai tấc”.
(Giải Uẩn thiên)

Suy tư 10:
Người bịp bợm là người xảo trá, ma giáo, chuyên lừa bịp người khác để làm lợi cho mình, tóm lại họ là người không có lòng thật thà.
Có giáo dân lừa cả cha sở để “móc túi” của ngài, vì ngài quá thương người và đơn sơ khi có người đến năn nỉ xin ngài giúp đỡ với nhiều lý do giả tạo thật lâm li bi đát.
Có nhiều hạng lừa bịp :
Có người vì túng tiền uống rượu chích choác nên lừa bịp, có người vì ham tiền của nên lừa bịp, có người vì ham đua đòi nhưng không có tiên nên lừa bịp, có người vì mắc nợ qúa nhiều nên lừa bịp, lại có người túng tiền đi hát ka ra ôkê cà phê ôm mà lừa bịp.v.v...
Người bịp bợm thì cặp mắt họ không những là không nhìn thấy “hai tấc” là hậu quả gần, mà còn phát ra một nét gian xảo ai nhìn cũng biết và ghê rợn, bởi vì ánh mắt là cửa sổ của tâm hồn, mà ánh mắt gian xảo thì biểu lộ một tâm hồn không lương thiện không thật thà vậy.
Người Ki-tô hữu không vì tư lợi cho mình mà hại người, không vì một chút vật chất chóng qua mà lừa bịp người khác để rồi đánh mất lương tâm thật thà của mình trong cuộc sống.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

----------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thá nh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:54 02/10/2017

46. Lời cầu nguyện phải gọn gàng, ngoại trừ nó được cảm hóa và sự kêu mời của thánh sủng thì mới kéo dài.

(Thánh Benedict)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức"

------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Dụ ngôn chủ vườn nho
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
22:12 02/10/2017
Chúa Nhật XXVII Thường Niên , năm A
Mt 21,33 – 43

Đọc dụ ngôn chủ vườn nho hôm nay, chúng ta nhận ra một bản tóm lược lịch sử Chúa cứu độ loài người, con người và chúng ta.

Nhân loại đang sống trong một thế giới văn minh với nền kỹ thuật rất cao, mọi ngành khoa học xem ra tiến bộ vượt bực.Tuy nhiên, càng tiến bộ, nhân loại càng chối bỏ Thiên Chúa. Phần Ngài, Thiên Chúa luôn yêu thương con người, luôn muốn con người có thái độ sám hối, ăn năn, quay trở lại với Ngài để lãnh nhận ơn tha thứ và ơn cứu độ của Ngài.

Rõ ràng, Chúa Giêsu lên án thái độ chối bỏ, xa lìa Thiên Chúa của những người Do Thái ngày xưa. Nhìn vào các nhân vật đóng vai trong dụ ngôn này, Chúa Giêsu có ý định để cho các nhân vật này đại diện đám người nào đang sống thực tế ngoài xã hội. Chúa Giêsu đặc biệt ám chỉ các Tư tế và Biệt phái.Các tá điền vườn nho là các lãnh đạo Israel. Vườn nho theo như bài đọc thứ nhất hôm nay là dân tộc Do Thái. Mặc dù, canh tác trên vườn nho của ông chủ, nhưng các tá điền đã không trả tiền hoa lợi, mà còn sát hại đầy tớ và con trai duy nhất của ông chủ. Họ đã có tham vọng rất lớn là chiếm lấy gia tài của ông chủ, và cũng là phần thừa kế của con trai ông chủ. Đây cũng là thái độ các thượng tế, kỳ mục của dân Do Thái khi đang tâm giết các tiên tri Thiên Chúa sai đến và âm mưu ám hại Chúa Giêsu. Nhóm nô lệ thứ hai là các tiên tri kế tiếp, Thiên Chúa cũng tiếp tục sai đến với dân tộc Israel. Con trai của chủ vườn nho là chính Chúa Giêsu, kẻ bị dân Do Thái và các Thượng tế, Biệt phái và Kỳ mục giết chết. Đám nông gia mới là các tông đồ của Chúa Giêsu. Họ là những nhà lãnh đạo mới của dân Chúa. Thực tế những Thượng tế, các nhà lãnh đạo lúc đó và các Biệt phái biết Chúa Giêsu ám chỉ họ và chính họ cũng nhận ra họ khi đọc dụ ngôn này.Đáng lẽ họ phải hoán cải, thay đổi nhưng họ không sám hối, ăn năn, vẫn tiếp tục đi vào đường nẻo sai lầm của họ.

Chúa ban cho con người tự do nhưng tự do để biết phân định cái phải cái trái.Tự do để hiểu, để nhận ra lòng thương xót của Thiên Chúa. Chứ không phải tự do để chối bỏ Thiên Chúa, tự cho mình là “ thiên chúa “ nhưng là một “thiên chúa “ sai lầm. Khi khước từ Thiên Chúa, chối bỏ Ngài, con người biến trần gian thành hỏa ngục, không có yêu thương mà chỉ có hận thù mà thôi.

Như vậy, dụ ngôn tóm lược toàn bộ Kinh Thánh nói về ơn cứu độ, nêu rõ những qui chiếu về Giao ước cũ và Giao ước mới, xác nhận Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, nhân vật cuối cùng được sai đến với các tá điên là chính Chúa Giêsu. Các tông đồ của Chúa Giêsu là các nhà lãnh đạo mới của dân Chúa. Cuối cùng, dụ ngôn nói đến sự nhẫn nại của Chúa dành cho con người, dành cho chúng ta và trách nhiệm của chúng ta đối với Chúa.

Vâng, Chúa ban cho con người sự tự do để chọn lựa, để phân định như Tin Mừng nói “ Chúa kiên nhẫn chờ đợi như ông chủ đã kiên nhẫn chờ đợi các tá điền thay đổi, nhưng Ngài biết rằng có chờ đợi thêm cũng vô ích, nên Ngài đã ra tay xử họ và bắt họ phải chịu trách nhiệm về các hành vi của họ.Phần chúng ta, Thiên Chúa cũng luôn kiên nhẫn với chúng ta, nhưng nếu chúng ta không thay đổi, không ăn năn, không trở về,Thiên Chúa cũng sẽ cư xử với chúng ta như ông chủ vườn nho đã cư xử với các tá điền và chúng ta phải chịu hoàn toàn về trách nhiệm, hành vi của chúng ta đã lỗi phạm.

Thiên Chúa ban cho chúng ta tự do để chúng ta trở nên giống Ngài và chúng ta chỉ trở nên hình anh, trở nên giống Ngài khi chúng ta biết nói lời “ Xin vâng “ với Ngài.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết dùng tự do để chọn cho mình một hướng đi đứng đắn đúng theo ý của Chúa. Amen.

Gợi ý để chia sẻ :

1.Ông chủ vườn nho ám chỉ ai ?
2.Lần giao vườn thứ nhất ám chỉ đến gì ?
3.Lần giao vườn thứ hai ám chỉ đến gì ?
4.Các tá điền là ai ?
5.Vườn nho là gì ?
6.Các nông gia mới là ai ?
7.Dụ ngôn “ Ông chủ vườn nho “ nói đến điều gì ?
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha gặp giới trí thức và sinh viên Đại học Bologna
Lm. Trần Đức Anh OP
08:46 02/10/2017
BOLOGNA. ĐTC kêu gọi giới trí thức và đại học Bologna thăng tiến quyền văn hóa, quyền hy vọng và quyền hòa bình.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong cuộc gặp gỡ hàng ngàn giới trí thức và sinh viên Đại học Bologna, bắc Italia, chiều Chúa Nhật 2-10-2017 trong khuôn khổ chuyến viếng thăm mục vụ dài 13 tiếng đồng hồ tại hai giáo phận Cesena và Bologna.

Lúc 4 giờ rưỡi chiều, ĐTC từ nhà thờ chính tòa thánh Phêrô của Bologna đến quảng trường trước Vương cung thánh đường Thánh Đaminh. Ngài tiến vào Vương cung Thánh Đường thánh Đa Minh, chào thăm hàng chục tu sĩ Đa Minh trong nhà thờ, rồi đến cầu nguyện trước mộ của thánh Đa Minh. Tại đây, ngài cũng ghi vào sổ vàng lưu niệm những hàng chữ bằng tiếng Tây Ban Nha:

”Trước mộ Thánh Đa Minh, tôi đã cầu nguyện cho dòng Anh em Thuyết Giáo. Tôi đã cầu xin cho các phần tử của Dòng ơn trung thành với gia sản đã lãnh nhận. Tôi đã cám ơn Chúa vì tất cả những điều tốt lành mà các con cái Chúa đã làm cho Giáo Hội và tôi đã cầu xin như một món quà là sự gia tăng nhiều ơn gọi. Anh em Đa Minh thân mến: xin Chúa chúc lành cho anh em, và xin Đức Trinh Nữ Thánh bảo vệ anh em, và xin anh em vui lòng đừng quên cầu nguyện cho tôi”.

Sau đó, ĐTC mới tiến ra quảng trường bên ngoài, để gặp gỡ hàng ngàn người gồm các giáo sư, sinh viên, đại diện cho 85 ngàn sinh viên các ngành thuộc đại học kỳ cựu này.

Diễn văn của ĐTC

Lên tiếng sau lời chào mừng của giáo sư viện trưởng, ĐTC nói:

”Từ gần 1 ngàn năm nay, Đại Học Bologna là ”một phòng thí nghiệm thuyết nhân bản: tại đây cuộc đối thoại với các khoa học đã mở ra một thời đại và hình thành thành phố này. Vì thế Bologna được gọi là ”thông thái”: thông thái nhưng không kiêu hãnh, chính nhờ Đại học luôn cởi mở, giáo dục các công dân của thế giới và nhắc nhớ rằng căn tính của đại học này là căn tính căn nhà chung, universitas..

ĐTC cũng nhận xét rằng Đại học Bologna cũng nổi tiếng vì sự tiếp đón dành cho các sinh viên đến từ những môi trường xa xăm và khó khăn, và đó là một dấu chỉ tốt đẹp: ”ước gì Bologna là ngã tư ngàn đời của các cuộc gặp gỡ, đối chiếu và tương quan, và gần đây là chiếc nôi của dự án Erasmus, luôn luôn có thể vun trồng ơn gọi này!”

Ngài nhắc đến sự kiện Đại học Bologna hình thành với việc nghiên cứu luật, và nói: điều này chứng tỏ Đại học ở Âu Châu có những căn cội sâu xa nhất trong chủ thuyết nhân bản, mà các tổ chức dân sự và Giáo Hội, qua những vai trò khác nhau, đã góp phần vào. Chính Thánh Đa Minh cũng ngưỡng mộ sức sinh động của thành Bologna, với số sinh viên đông đảo đến đây để học dân luật và giáo luật. Bologna với Đại học ở đây đã biết đáp ứng những nhu cầu của xã hội mới, thu hút những sinh viên muốn tìm hiểu. Thánh Đa Minh thường gặp gỡ họ. Theo một tường thuật, một học giả, ngạc nghiên về kiến thức của thánh nhân về Kinh Thánh, đã hỏi Người xem đã học từ những sách nào. Câu trả lời thời danh của Thánh Đa Minh là: ”Tôi đã học trong cuốn sách bác ái hơn là trong những cuốn sách khác; cuốn sách này dạy mọi sự”.

ĐTC đã đề nghị với mọi người 3 thứ quyền mà ngài thấy rất thời sự. Trước hết là:

- Quyền được văn hóa. Đây không phải chỉ là quyền được học hành, nhưng còn là bảo vệ sự khôn ngoan, nghĩa là một kiến thức nhân bản và nhân bản hóa. Quá nhiều khi người ta bị ảnh hưởng của những lối sống tầm thường và phù du, thúc đẩy con người theo đuổi thành công rẻ tiền, coi rẻ hy sinh, nuôi dưỡng ý tưởng cho rằng việc học hành nghiên cứu là vô ích nếu không mang lại ngay những gì cụ thể. Không phải vậy, việc học giúp đặt những câu hỏi, nó giúp ta không bị tê liệt vì sự tầm thường, và giúp tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống.

ĐTC cũng nhắc nhở giới sinh viên và trí thức đại học đừng chiều theo khán thính giả, không theo những kịch bản gây phẫn nộ, thường che đậy những ích kỷ lớn, trái lại cần tận tụy hăng say với công tác giáo dục, nghĩa là rút ra những điều tốt đẹp nhất của mỗi người để mưu ích cho tất cả. Cần chống lại thứ ngụy văn hóa biến con người thành đồ phế thải, biến việc nghiên cứu thành lợi lộc và biến khoa học thành kỹ thuật. Cùng nhau chúng ta khẳng định một nền văn hóa xứng với con người, một nghiên cứu nhìn nhận những công lao, tưởng thưởng hy sinh, và một kỹ thuật không tùng phục những mục tiêu thương mại, một sự phát triển trong đó không phải tất cả những gì tiện dụng đều là điều hợp pháp”.

- Thứ hai là quyền được hy vọng. Bao nhiêu người ngày nay đang cảm thấy cô đơn, bất an, cái vẻ nặng nề của sự bỏ rơi. Vì thế cần dành chỗ cho quyền hy vọng: đó là quyền không bị xâm chiếm hằng ngày vì những lời tuyên bố gây sợ hãi và oán ghét. Đó là quyền không bị tràn ngập vì những lời mị dân hoặc phổ biến những tin tức giả dối gây lo âu và nhắm thủ lợi. Đó cũng là quyền được thấy có những giới hạn hợp lý được đề ra cho những thứ tin tức đen, làm sao để để cả những tin tức tốt đẹp cũng được nói tới. Đó là quyền của người trẻ được tăng trưởng, không phải sợ hãi về tương lai, được biết rằng trong cuộc sống có những thực tại đẹp đẽ và lâu bền, đáng được chúng ta dấn thân. Đó là quyền tin rằng tinh yêu chân thực không phải là ”dùng rồi vứt bỏ” và công ăn việc làm không phải là một ảo tưởng không đạt tới được, nhưng là một lời hứa cho mỗi người, cần phải được duy trì.

Thật là đẹp dường nào nếu các phòng học của các đại học trở thành những công xưởng hy vọng, nơi làm việc cho một tương lai tốt đẹp hơn, nơi mà người ta học để trở thành những người trách nhiệm về bản thân và thế giới!

- Sau cùng là quyền hòa bình. Đây là một quyền và nghĩa vụ được ghi khắc trong tâm hồn của nhân loại, vì ”sự hiệp nhất trổi vượt hơn xung đột)) (E.G. 226).

ĐTC khẳng định rằng: Đứng trước hòa bình, chúng ta không thể dửng dưng hoặc trung lập. ĐHY Lercaro ở đây đã từng nói rằng: ”Giáo Hội không thể trung lập đứng trước sự ác, bất kỳ từ đâu tới: sự sống của Giáo Hội không phải là trung lập, nhưng là lời ngôn sứ (Bài giảng 1-1-1968), không trung lập, nhưng là đứng vào hàng ngũ bênh vực hòa bình!

Vì thế, chúng ta kêu gọi quyền hòa bình như quyền của tất cả mọi người được giải quyết các cuộc xung đột mà không bạo lực. Để được vậy, chúng ta lập lại: không bao giờ chiến tranh nữa, không bao chống lại người khác, không bao giờ không có người khác! Hãy đưa ra ánh sáng những lợi lộc và âm mưu, thường là tối tăm, của những kẻ gây ra bạo lực, nuôi dưỡng sự chạy đua võ trang, chà đạp hòa bình bằng những nghiệp vụ. Đại học được nảy sinh ở đây để học luật, để tìm kiếm những gì bảo vệ con người, điều hành cuộc sống chung và bảo vệ chống lại những lý lẽ của kẻ mạnh hơn, của bạo lực và độc đoán. Một thách đố rất thời sự là khẳng định các quyền con người và các dân tộc, các quyền của những người yếu thế hơn, người bị gạt bỏ, quyền của thiên nhiên, căn nhà chung của chúng ta.

Và ĐTC kết luận rằng:

”Anh chị em đừng tin những kẻ nói với anh chị em rằng chiến đấu cho những điều ấy là vô ích và chẳng có gì thay đổi! Đừng hài lòng với những giấc mơ bé nhỏ, nhưng hãy mơ ước những điều vĩ đại... Cùng với anh chị em, tôi mơ ước ”một thuyết nhân bản mới của Âu Châu, để được vậy cần có ký ức, can đảm, một ước mong lành mạnh và nhân bản”, tôi mơ ước một Âu Châu là người mẹ tôn trọng sự sống và cống hiến hy vọng sự sống, một Âu Châu trong đó người trẻ hô hấp không khí trong lành của sự lương thiện, yêu vẻ đẹp của văn hóa và một đời sống đơn giản, không bị ô nhiễm vì những nhu cầu tiêu thụ vô cùng...
 
Đức Thánh Cha dâng thánh lễ với 40 ngàn tín hữu tại Bologna
Lm. Trần Đức Anh OP
08:49 02/10/2017
BOLOGNA. Trong bài giảng thánh lễ chiều ngày 1-10-2017, ĐTC phê bình lối sống giả hình, và nhắn nhủ các tín hữu đừng quên 3 yếu tố quan trọng của đời sống Kitô: Lời Chúa, Thánh Thể và người nghèo.

Hoạt động sau cùng của ĐTC ngày 1-10 tại Bologna là thánh lễ ngài cử hành lúc 5 giờ chiều tại sân vận động Dall'Ara, ở khu ngoại ô, cách trung tâm thành này hơn 2 cây số. 40 ngàn tín hữu đã ngồi chật thao trường này để tham dự thánh lễ với ĐTC.

Đồng tế với ĐTC có 24 GM thuộc 15 giáo phận ở miền Emilia Romagna và hàng trăm LM.

Bài giảng thánh lễ

Trong bài giảng thánh lễ, ĐTC đã diễn giải ý nghĩa bài Tin Mừng của Chúa Nhật thứ 26 thường niên năm A, kể lại dụ ngôn 2 người con được cha yêu cầu đi làm việc trong vườn nho của ông: người thứ I từ chối, nhưng rồi đã nghĩ lại và đi làm; người con thứ hai nhận lời, nhưng rồi lại không đi làm. ĐTC nhận xét:

”Qua dụ ngôn này, Chúa Giêsu đặt trước chúng ta hai con đường mà chúng ta cảm nghiệm, nhưng không luôn sẵn sàng xin vâng bằng lời nói và việc làm, vì chúng ta là người tội lỗi. Nhưng chúng ta có thể chọn lựa giữa một bên là người tội lỗi đang tiến bước, tiếp tục lắng nghe Chúa, và khi sa ngã, thì thống hối và trỗi dậy, như người con thứ I; hoặc chúng ta là những ngừơi tội lỗi ngồi lỳ, luôn sẵn sàng biện minh cho mình và chỉ có những lời nói xu thời.

Chúa Giêsu dạy dụ ngôn này và áp dụng cho một số lãnh tụ tôn giáo thời ấy, họ giống như người con có đời sống hai mặt, trong khi dân thường thì cư xử như người con thứ I. Các thủ lãnh tôn giáo ấy biết và giải thích mọi sự, không chê được, như những nhà trí thực tôn giáo đích thực. Nhưng họ không khiêm tốn lắng nghe, không có can đảm tự hỏi mình, không có sức để thống hối. Và Chúa Giêsu rất nghiêm khắc: ngài nói cả những người thu thuế cũng đi trước họ vào Nước Chúa. Đó là một lời trách cứ nặng nề, vì những người thu thế thời ấy là những người thối nát, phản bội tổ quốc. Vậy đâu là vấn đề của các thủ lãnh tôn giáo ấy? Họ không sai lầm về điều gì, nhưng sai lầm trong lối sống và suy tư trước mặt Chúa: qua lời nói và với những người khác, họ là những người quyết liệt gìn giữ các truyền thống của con người, nhưng không có khả năng hiểu rằng cuộc sống theo Thiên Chúa là một hành trình và đòi phải có sự khiêm tốn cởi mở, thống hối và bắt đầu lại.

ĐTC đặt câu hỏi:

”Vậy điều ấy nói gì với chúng ta? Thưa rằng không có một đời sống Kitô ở bàn giấy, ở bàn học, được kiến tạo một cách khoa học, trong đó chỉ cần chu toàn vài giới luật là được an tâm: đời sống Kitô là một hành trình khiêm tốn của một lương tâm không bao giờ cứng nhắc và tín thác nơi Chúa trong sự thanh bần, không bao giờ tự phụ, tự mãn cho bản thân. Nhờ đó, chúng ta vượt thắng những điều đã xảy ra và tái diễn sự ác xưa kia, như Chúa Giêsu tố giác trong dụ ngôn: đó là sự giả hình, lối sống hai mặt, óc duy giáo sĩ, có kèm theo thái độ vụ luật, xa cách dân chúng. Chìa khóa chủ yếu ở đây là thống hối: sự thống hối giúp ta không cứng nhắc, biến thái độ từ khước Thiên Chúa thành vâng phục, và biến sự chấp nhận thành sự phủ nhận tội lỗi vì tình yêu đối với Chúa. Thánh ý Chúa Cha, Đấng hằng ngày nói với lương tâm chúng ta, chỉ được thể hiện trong hình thức thống hối và hoán cải liên tục. Xét cho cùng, trong hành trình của mỗi người có hai con đường: một là người tội lỗi thống hối hay là những người tội lỗi giả hình. Nhưng điều đáng kể không phải là những lý luận biện minh và toan tính cứu vãn thanh danh, cái vẻ bề ngoài của mình, nhưng là một con tim hằng ngày tiến bước với Chúa, chiến đấu mỗi ngày, thống hối và trở về cùng Ngài. Vì Chúa tìm kiếm những con tim thanh khiết, chứ không tìm những kẻ thanh sạch ”bề ngoài”.

Tiếp tục bài giảng thánh lễ chiều Chúa Nhật vừa qua ở Bologna, ĐTC nói:

”Anh chị em thân mến, chúng ta thấy rằng Lời Chúa đào sâu, ”phân định những tâm tình và tư tưởng của tâm hồn” (Dt 4,12). Nhưng Lời Chúa cũng thời sự: dụ ngôn này cũng nhắc nhở chúng ta về những tương quan không luôn dễ dàng giữa những người cha và người con. Ngày nay, giữa những thay đổi nhanh chóng giữa các thế hệ, chúng ta nhận thấy rõ hơn nhu cầu độc lập với quá khứ, nhiều khi đến độ nổi loạn. Nhưng sau những khép kín và im lặng dài của phía này đối với phía kia, nên phục hồi cuộc gặp gỡ, cho dù còn những xung đột, có thể kích thích một sự quân bình mới. Giống như trong gia đình, trong Giáo Hội và xã hội cũng vậy: đừng bao giờ từ chối gặp gỡ, đối thoại, tìm những con đường mới để đồng hành với nhau.

Và ĐTC để lại cho các tín hữu 3 điểm tham chiếu, bắt đầu bằng 3 chữ P theo tiếng Ý:

- Trước tiên là Parola, Lời Chúa, là địa bàn để tiến bước trong khiêm tốn, để không bị lạc mất con đường của Thiên Chúa và rơi vào thái độ trần trục.

- Thứ hai là Pane, Bánh, Bánh Thánh Thể, vì từ Thánh Thể mọi sự bắt đầu. Chính trong Thánh Thể chúng ta gặp Giáo Hội, chứ không phải trong những chuyện tầm phào hoặc trong những tin tức thời sự, nhưng là tại đây, trong Mình Chúa Kitô được những người tội lỗi và túng thiếu chia sẻ, nhưng họ cảm thấy được yêu thương và ước muốn yêu mến.

- Thứ ba là Poveri, những người nghèo. Ngày nay vẫn còn bao nhiêu người thiếu những điều cần thiết. Nhưng cũng có bao nhiêu người nghèo tình thương, những người neo đơn, và nghèo Thiên Chúa. Nơi tất cả những người ấy chúng ta tìm thấy Chúa Giêsu, vì Chúa Giêsu trong thế giới đã đi theo con đường nghèo khó, tự hạ, như thánh Phaolô đã nói trong bài đọc thứ hai ngày lễ hôm nay... Từ Thánh Thể đến người nghèo, chúng ta đi gặp Chúa Giêsu. Anh chị em đã ghi lại câu nói mà ĐHY Lecaro thích thấy được khắc trên bàn thờ: ”Nếu chúng ta chia sẻ bánh thiên quốc, làm sao chúng ta không chia sẻ bánh trần thế?”. Chúng ta luôn nhớ đến điều ấy. Lời Chúa, Thánh Thể và người nghèo. Chúng ta hãy xin ơn không bao giờ quên những yếu tố cơ bản này, những yếu tố nâng đỡ hành trình của chúng ta”.

Kết thúc thánh lễ vào lúc gần 7 giờ chiều, ĐTC đã đáp trực thăng trở về Vatican.
 
Giáo Hội Công Giáo đau buồn trước biến cố thảm sát ở Las Vegas.
Trần Mạnh Trác
10:41 02/10/2017
Vatican City, 2/9/2017 (EWTN News/CNA) Phủ giáo hoàng vừa gửi lời chia buồn và an ủi các nạn nhân ở Las Vegas, sau khi một tay súng đã giết chết ít nhất là 50 người và gây thương tích cho trên 400 người khác trong sự hỗn loạn sau đó.

"Rất đau buồn khi được biết về việc nổ súng ở Las Vegas, Đức Giáo Hoàng Phanxicô xin đươc thông phần và cảm thông với tất cả những người bị ảnh hưởng bởi thảm kịch vô tri này," là nội dung bức điện gửi ngày 2 tháng 10 với chữ ký của quốc vụ khanh Hồng Y Pietro Parolin.

Gửi cho Đức Giám Mục Joseph Anthony Pepe cuả Las Vegas, bức điện tín ca ngợi những nỗ lực của cảnh sát và nhân viên cứu hộ khẩn cấp. Đức Giáo Hoàng cũng cho biết Ngài đã dâng lời cầu nguyện "cho những người bị thương và cho tất cả những người đã chết, uỷ thác họ cho lòng thương xót của Thiên Chúa toàn năng."

Là một trong những biến cố đẫm máu nhất cuả lịch sử Hoa Kỳ, đã có ít nhất là 50 người thiệt mạng và 400 người bị thương khi một tay súng xả súng máy vào đám đông trong những phút cuối cùng của một đại nhạc hội kéo dài ba ngày trên đường Route 91 ở Las Vegas, Nev, tức là khoảng 10g đêm Chúa Nhật vừa qua.

Theo sở cảnh sát Las Vegas, có khoảng 406 người đã nhập viện ngay sau khi xảy ra sự việc.

Số tử vong sơ bộ đã vượt qua vụ thảm sát năm ngoái tại một hộp đêm ở Orlando, làm cho 49 người chết. Nó cũng gợi lại sự kinh hoàng của vụ thảm sát ở Paris vào tháng 11 năm 2015 làm cho 89 người thiệt mạng, vụ bắn giết ở Paris là một trong nhiều đoạn cuả cuộc tấn công phối hợp do nhà nước Hồi giáo phát động mà kết cuộc là một tổng số tới 130 người chết.

Những buổi đại nhạc hội đã diễn ra dọc theo dải Las Vegas Strip, vé đã bán hết và đã lôi cuốn hàng nghìn người tham gia để thưởng thức các nghệ sĩ hàng đầu biểu diễn như Eric Church, Sam Hunt và Jason Aldean.

Hung thủ được xác định là Stephen Paddock, 64 tuổi, đã nổ súng từ tầng thứ 32 của hotel Mandalay Bay, tiả súng máy xuống khu khán giả ngoài trời ở phiá dưới. Mặc dù chưa có số thưong vong chính xác, sở cảnh sát cũng cho biết là ít nhất có 2 nhân viên công vụ bị thiệt mạng trong số 50 người thương vong nói trên.

The Associated Press báo cáo rằng tên Paddock đã tự sát khi cảnh sát phá cửa vào phòng của hắn. Người ta tin rằng hắn đã hành động một mình, nhưng không rõ vì động cơ nào. Người ta cũng đang truy lùng người bạn đồng hành cuả hắn, là một người "đáng quan tâm" trong vụ việc, một phụ nữ châu Á, bạn cùng phòng của tên Paddock.

Trong một tweet gửi sáng nay, tổng thống Mỹ Donald Trump cũng chia sẻ "lời chia buồn nồng ấm nhất" cho nạn nhân và gia đình bị ảnh hưởng bởi "cuộc bắn giết khủng khiếp ở Las Vegas."

Các nhà lãnh đạo toàn cầu cũng lên tiếng hỗ trợ và gửi lời chia buồn, bao gồm các đại diện từ Vương Quốc Anh, Úc và Thuỵ Điển.

Đức Hồng Y Sean O'Malley Boston viết trên một tweets rằng "Xin Thiên Chúa ban sức mạnh và niềm tin cho các gia đình bị ảnh hưởng bởi bạo lực trong đêm vừa qua; Xin Chúa chào đón những người đã chết vào vòng tay thương yêu của Ngài."

ĐHY cũng cầu xin Chúa ban phước lành cho tất cả các nhân viên cứu hộ "trong việc chăm sóc cho các nạn nhân bạo lực."

Đức Giám Mục Edward Burns của Dallas, Texas, cũng tweet những lời hỗ trợ "chúng tôi cầu nguyện và quan tâm với tất cả những người bị ảnh hưởng bởi cuộc bắn giết khủng khiếp vào đám đông ở Las Vegas. Xin Thiên Chúa, đấng ban sự sống, bảo bọc cho chúng ta."
 
Sau vụ nổ súng ở Las Vegas, TT. Trump kêu gọi cầu nguyện cho ngày tàn của tội ác
Giuse Thẩm Nguyễn
12:35 02/10/2017
(CNSNews.com) Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm thứ Hai đã gọi vụ bắn súng ở Vegas là “một hành động của ác quỷ” và khen ngợi sự phản ứng nhanh của cơ quan công lực.

“Tôi muốn cám ơn Sở Cảnh Sát Thành Phố và tất cả những người đầu tiên đã phản ứng nhanh với những cố gắng can đảm của họ, đã trợ giúp và cứu sống được nhiều người.”

“Sự phản ứng nhanh và kịp thời của họ là kỳ diệu và tránh được thiệt hại về nhân mạng. Họ đã tìm ra tên giết người ngay từ phát súng đầu tiên được bắn ra, vì thế chúng ta luôn luôn cám ơn họ. Điều này chứng tỏ họ là những cảnh sát chuyên nghiệp.”

TT đã ra lệnh treo cờ rũ để tưởng nhớ những người đã nằm xuống và dự trù sẽ đến thăm Las Vegas vào thứ Tư để gặp các lực lượng cảnh sát, những người đầu tiên phản ứng và các gia đình nạn nhân.

“Melania và tôi cầu nguyện cho người dân Hoa kỳ, những người bị đau đớn, bị thương tích hay mất mát người thân trong cuộc tấn công ghê tởm vừ qua. Chúng tôi cầu nguyện cho toàn dân Hoa Kỳ luôn đoàn kết và hòa bình và chúng tôi cũng cầu cho ngày tàn của bạo lực để những người vô tội được tránh khỏi sự hận thù và sợ hãi.

“Thánh Kinh cho chúng ta biết Thiên Chúa rất gần với những tâm hồn tan nát và những người đau khổ. Chúng ta tìm an ủi nơi những Lời này vì chúng ta biết Thiên Chúa cùng đồng hành với những người khốn khổ. Những người bị thương đang được điều trị tạc các bệnh viện, chúng ta cầu cho họ chóng bình phục và hứa sẽ giúp họ những ngày sau đó.

“Chúng ta kêu gọi sự đoàn kết trong đức tin, trong gia đình và trong những giá trị căn bản của chúng ta. Chúng ta kêu gọi đoàn kết giữa những người dân, giữa các cộng đồng và sự an hòa của cộng đồng nhân loại.

“Sự đoàn kết của chúng ta không thể bị chia rẽ bởi ma quỷ. Sự gắn bó của chúng ta không thể bị bẽ gãy bởi bạo lực và dù chúng ta cảm thấy rất giận dữ vì việc giết hại những người dân một cách vô cớ thì chính tình yêu của chúng ta cho chúng ta chỗ đứng hôm nay và mãi mãi.

“Trong những giây phút đau buồn này, tôi biết chúng ta đang cố tìm xem sự hỗn loạn này có ý nghĩa gì, một chút ánh sáng trong đêm tối. Câu trả lời không dễ dàng chút nào, nhưng chúng ta cần an ủi. Chúng ta cũng biết rằng ngay cả những lúc đen tối nhất vẫn còn tia sáng nhỏ để thắp sáng đêm đen và ngay cả những lúc thất vọng nhất vẫn còn tia hy vọng để thắp lên niềm tin.”

Cuộc tấn công vào khánh giả tại buổi ca nhạc Jason Aldean đêm Chúa Nhật, tính đến giờ này đã có năm mươi người bị chết và trên 400 người bị thương.

TT Trump đã ra lệnh treo cờ rũ tại Tòa Bạch Ốc, các Cơ quan công quyền, các đơn vị quân đội và tàu chiến trên toàn lãnh thổ Hoa Kỳ cho đến chiều ngày 6 tháng Mười, 2017

“Tôi ra lệnh treo cờ rũ cũng trong suốt thời gian này tại các tòa lãnh sự Hoa Kỳ, các cơ quan, các sứ quán và các cơ sở khác ở nước ngoài gồm cả các tàu chiến và căn cứ quân đội.”

TT Trump viết rằng “Đất nước chúng ta đang đau buồn. Chúng ta khóc thương cùng tất cả những gia đình có người thân bị chết và bị thương trong thảm kịch đêm qua tại Las Vegas, Nevada. Trong khi đau buồn, chúng ta cầu xin Thiên Chúa nâng đỡ và an ủi những người đau khổ.”

Giuse Thẩm Nguyễn
 
Puerto Rico: Tổng giám mục San Juan kêu gọi đất nước tái sinh: “đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết”
Kateri Diễm Châu
14:59 02/10/2017
San Juan (Agenzia Fides, 2/10/2017) - "Dù cho Puerto Rico đã bị tàn phá nhưng không bị hủy diệt", theo lời đức cha Roberto O. González Nieves, OFM, tổng giám mục giáo phận San Juan de Puerto Rico, chủ tịch hội đồng giám mục Puerto Rico (CEP).

Đức Tổng Giám Mục, cùng với Đức Giám Mục Eusebio Ramos Morales, giáo phận Caguas, kiêm giám quản tông toà giáo phận Fajardo-Humacao,và là tổng thư ký của HĐGM, đã ký một lá thư mục vụ chung của hội đồng giám mục Puerto Rico, sau khi hai trận bão Irma và Maria tàn phá hòn đảo cùng với những đảo khác cuả vùng biển Caribbean.

Trong lá thư,đức cha Nieves bày tỏ sự đau đớn "nhìn thấy rất nhiều đau khổ trong khuôn mặt của người dân chúng tôi", và đồng thời bày tỏ tình đoàn kết với dân Mexico cũng bị ảnh hưởng bởi trận động đất. "Vết thương chung là nguyên nhân của sự đoàn kết và tái sinh", bản văn tiếp: "đó cũng là vết thương mà chúng tôi chia sẻ với tất cả các dân tộc vùng Caribê và Hoa Kỳ, đã chịu ảnh hưởng bởi cơn bão Harvey, Irma, Katia và Maria. Chúng tôi bắt đầu nhận được nhiều lời nhắn nhủ về tình đoàn kết từ rất nhiều các anh chị em trên khắp thế giới.”

‘Thông qua những tin chính thức cuả chính phủ, cuả các phương tiện truyền thông, các giáo xứ và của rất nhiều người, các dữ liệu về tàn phá đã bắt đầu xuất hiện, đặc biệt về những mất mát cuả sự sống, nhà cửa, nhà thờ, trường học, cây cối, động vật, và nhiều thứ nữa. Những dữ liệu này dần dần làm cho chúng ta nhận thức được rằng cuộc sống sẽ không còn được như trước nữa."

Gởi lời nhắn nhủ tới người dân Puerto Rico, vị chủ tịch hội đồng giám mục kêu gọi hãy đừng đổ thêm tuyệt vọng và hỗn loạn vào những gì đã xẩy ra bởi một loạt các sự kiện thảm khốc đổ lên trên một cuộc khủng hoảng kinh tế cuả đất nước:"Hãy đoàn kết trong Chúa Kitô, cuộc sống của chúng ta vẫn có thể phát sinh ra nhiều loại hoa trái, hãy tránh những tư tưởng bi quan và hãy khuyến khích niềm hy vọng", Ngài nói.

Trong lời kêu gọi cho một sự tái sinh và tái thiết đất nước, Đức Tổng Giám Mục giải thích rằng "sự tái sinh đòi hỏi một sự cam kết với đất nước: chúng ta là quản trị viên của đất nước cuả mình và không phải là những kẻ kiếm chác. Nhà, trường học, đền thờ, đường phố và tài sản cuả chúng ta đã bị hư hỏng nghiêm trọng, thậm chí có cả nhiều nhà thờ của các anh chị em trong cộng đồng tôn giáo, như giáo đường của anh em Do Thái, như nhà thờ của người Hồi giáo. Hãy không cho phép sự can đảm biến mất, không để chừa không gian cho ích kỷ và bạo lực. Chỉ có đoàn kết mới cung cấp cho chúng ta sức mạnh".

"Chúng ta phải khám phá lại viên ngọc của biển cả, chúng ta phải đi với nhau và giúp đỡ nhau để làm cho đất nước, các dãy núi, sông, biển và thành phố cuả chúng ta tỏa sáng vẻ đẹp một lần nữa. Chúng tôi kêu mời mọi người hãy đóng góp một cử chỉ từ thiện đối với những người bị ảnh hưởng nhất qua những việc quyên góp sắp được tổ chức trong giáo phận của chúng ta, cũng như trong toàn quốc thông qua tổ chức Cáritas Puerto Rico".

Là hòn đảo nhỏ nhất trong những đảo cuả dẫy Đại Antilles, Puerto Rico đang ở trong một tình trạng tối khẩn cấp. 3,4 triệu người dân đang phải đối phó với việc mất điện liên tục và không có nhiên liệu để chạy máy phát điện. Thiệt hại cho nhà ở và cơ sở hạ tầng là rất lớn. Các bệnh viện đang phải đương đầu với những vấn đề lớn vì thiếu điện. Nhiều hiệu thuốc phải đóng cửa vì bị xụp đổ. Toàn đảo đang thiếu thuốc men và các nhu yếu phẩm cần thiết khác.
 
Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ kêu gọi cầu nguyện, chăm lo cho nạn nhân sau vụ thảm sát tại Las Vegas.
Giuse Thẩm Nguyễn
19:37 02/10/2017
(Tin Từ Washington) Hôm nay mồng 2, Tháng Mười Đức Hồng Y Daniel N. DiNardo, Tổng Giám Mục Giáo Phận Galveston, Houston và là Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ đã bày tỏ “nỗi đau buồn sâu sắc” sau vụ thảm sát tại Las Vegas.

Nguyên văn bản công bố như sau:

“Chúng tôi thức dậy sáng nay và biết được tin một đêm nữa đầy khủng khiếp không diễn tả được, lần này thì xảy ra tại thành phố Las Vegas. Trong tất cả các vụ, đây là vụ tàn sát đẫm máu nhất xảy ra trong lịch sử hiện đại của Hoa Kỳ. Trái tim tôi và lời cầu nguyện của tôi, cũng như của tất cả các giám mục anh em của tôi và toàn thể cộng đồng dân Chúa xin đồng hành với các nạn nhân của vụ tàn sát này và với thành phố Las Vegas. Vào thời điểm này, chúng ta cần lời cầu nguyện và chăm sóc cho những người đau khổ. Cuối cùng, chỉ có làm điều tốt lành – cho dù bóng tối có như thế nào – nó sẽ không bao giờ che khuất được ánh sáng. Xin Thiên Chúa từ ái ôm ấp tất cả những người đau khổ vì sự tàn ác này. Lạy Chúa, Chúng con cầu nguyện cho những người bị chết được an nghỉ muôn đời và được ánh sáng ngàn thu chói soi trên những linh hồn ấy.”

Giuse Thẩm Nguyễn
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo xứ Phú Tảo, hạt Hố Nai mừng 60 năm thành lập
Hoàng Bá Qúy
08:29 02/10/2017
GP Xuân Lộc: Chiều thứ bảy, lúc 16g30 ngày 30 tháng 10 năm 2017, cộng đoàn Giáo xứ Phú Tảo, Hạt Hố Nai hân hoan chào đón Đức Cha Giáo phận Xuân Lộc Giuse Đinh Đức Đạo, Cha Quản hạt Giuse Phạm Sơn Lâm, quý cha, quý tu sĩ nam nữ và toàn thể quý khách đến tham dự Thánh lễ mừng kính thánh Giêrônimô -Quan Thầy, mừng ngày kỷ niệm 60 năm thành lập Giáo xứ Phú Tảo tại Hố Nai.

Xem Hình

Sau giây phút viếng Thánh Thể, tại Hội trường Nhà Xứ, cha xứ giới thiệu quý chức ban hành giáo khóa mới lên Đức Cha. Tại đây, Đức Cha gặp gỡ và nghe báo cáo về tình hình sinh hoạt giáo xứ trong những năm qua.

Đúng 17 giờ, đoàn rước cung nghinh tượng thánh Quan Thầy gồm quý chức ban hành giáo, quý cha và Đức Cha tiến lên Thánh Đường.

Đức Cha Giuse chủ sự thánh lễ. Đồng tế với Đức Cha có Cha Quản hạt Giuse Phạm sơn Lâm, cha xứ Bernado Tô Ngọc Hân quý cha trong giáo hạt và sự hiệp thông của quý tu sĩ nam nữ, quý khách 16 xứ trong hạt, quý chức và cộng đoàn dân Chúa.

Thánh lễ được cử hành trang nghiêm và sốt sắng.

Trước khi nhận phép lành kết lễ, ông Trưởng Ban Hành Giáo đại diện cộng đoàn dân Chúa giáo xứ Phú Tảo dâng lời cảm tạ, tri ân lên Đức Cha Giuse, quý cha, quý tu sĩ nam nữ và quý khách đã hiện diện, hiệp thông với giáo xứ trong niềm vui trọng đại này.

Những lẵng hoa tươi thắm như tấm lòng đoàn con thảo hiếu xin dâng lên Đức Cha và quý cha.

Trong phần ban huấn từ, Đức Cha cũng kêu gọi mọi người tiếp tục dâng lời tạ ơn Chúa vì hồng ân trong 60 năm qua và tiếp tục chung lòng xây dựng giáo xứ trong hiệp nhất và yêu thương. Đức Cha cũng gởi gắm điều ước muốn của Ngài khi kinh lý các giáo xứ trong giáo phận là biến Giáo phận trở thành Thánh Địa của lòng thương xót và ước mong từng người và từng gia đình trong Giáo xứ Phú Tảo phải là những chứng nhân của Lòng thương xót, thực thi lòng thương xót để cả Giáo xứ thành cộng đoàn của lòng thương xót.

Quý cha quản nhiệm giáo xứ Phú Tảo qua các thời kỳ:

- Đaminh Phạm Bá Linh (1954 - 1980)

- Giuse Đặng Văn Quy (1980 - 2001)

- Đaminh Phạm Văn Vàng (2001 - 2006)

- Phêrô Phạm Ngọc Hảo (2006 - 2008)

- Đaminh Phạm Văn Tu (2009 - 2011)

- Giuse Đỗ Văn Tự (2011 - 2013)

- Giuse Lê Trọng Tiến (2013-2015)

Linh mục đương nhiệm:

- Bernado Tô Ngọc Hân (2015-đến nay)

Nhìn lại khoảng thời gian 60 năm từ khi thành lập đến nay, giáo xứ có biết bao thay đổi. Với 246 giáo dân lúc ban đầu nay có hơn 1200 nhân danh, 2 lần xây mới nhà thờ vào năm 1957 và năm 2001, giáo xứ Phú Tảo đã được các Cha chăm sóc mục vụ, chăm lo đời sống đức tin, vừa xây dựng cho con chiên có nơi thờ phượng xứng đáng mà vẫn chan hòa tình yêu thương hiệp nhất, cùng nhau xây dựng Giáo xứ ngày càng phát triển theo lòng Chúa muốn mà quý Cha đã hy sinh cuộc đời dầy công vun đắp cho giáo xứ.

Xin Chúa tiếp tục ban bình an và tuôn đổ ân sủng của Người cho cộng đoàn Giáo xứ Phú Tảo. Xin thánh quan thầy Giêrônimô luôn cầu bầu cùng Chúa cho chúng con.

Ban Truyền Thông Hố Nai.
 
Cộng Đoàn Phục Sinh: Vũ Phụng vụ tháng Mân Côi 1/10/2017
Lê Sự
11:13 02/10/2017


Giáo Xứ San Gabriel Mission - Cộng Đoàn Phục Sinh

Vũ Phụng vụ Tháng Mân Côi Kính Đức Mẹ và Kỷ Niệm 100 Năm Đức Mẹ Hiện Ra Tại Fatima do Các Hội Đoàn Trong Cộng Đoàn Thực Hiện ngày 1 tháng 10 năm 2017.
 
Lễ Đức Mẹ Mân Côi tại giáo xứ Sơn Lộc, Phú Cường
Toma Lộc Sơn - Lê Tân
17:03 02/10/2017
Tại nhà thờ Giáo xứ Sơn Lộc:

Thánh lễ được tổ chức lúc 17 giờ ngày thứ Bảy 30/9/2017, hôm nay cũng là ngày mừng bổn mạng của Giáo khu Mân Côi, một giáo khu có số đông giáo dân và cư ngụ rải rác, xa nhà thờ nhất, vì thế cha xứ đồng ý tổ chức thánh lễ sớm.

Sau hồi chuông báo, mọi người xếp thành hai hàng dài để rước thánh tượng Đức Mẹ từ núi đá vào nhà thờ. Đi đầu là hương lửa cùng Thánh giá nến cao; kế đến là các em thiếu nhi, các bạn trẻ, quý ông bà, các hội đoàn, ca đoàn; đi sau cùng là thánh tượng Đức Mẹ và cha chủ sự.

Xem Hình

Việc rước Đức Mẹ là một việc hết sức cần thiết: vừa bày tỏ lòng yêu mến Mẹ, mọi người trông lên Mẹ noi gương bắt chước Mẹ, vừa có một dấu ấn về một người Mẹ đã chịu nhiều đau khổ cùng với người Con, để mang lại ơn bình an và ơn cứu chuộc cho muôn người.

Nhìn đoàn người nối bước, người già người trẻ, quý ông quý anh, quý bà quý cô, họ đến đây không phải vì khoe khoang hay đi cho vui, nhưng vì niềm tin vào lòng thương xót của Thiên Chúa, vào sự yêu thương của Mẹ Maria qua kinh Mân Côi. Bởi thế, những lằn chớp, những tiếng sấm vang rền của bầu trời chuyển mưa đã không làm cho họ nao lòng.

Người đi đầu đã vào đến nhà thờ, người đi sau mãi còn ở ngoài kia. Có những ông bà tay cầm tràng chuỗi Mân Côi lâm râm đọc kinh, những bạn trẻ cùng với ca đoàn hát vang những lời ngợi khen Mẹ, tất cả tạo nên một bài ca dâng kính thành tâm nhất.

Trong bài giảng lễ, cha xứ Simon đã nói lên sự huyền nhiệm của kinh Mân Côi. Không phải vì ngày xưa nhờ kinh Mân Côi đã cứu cho con thuyền Giáo Hội được sóng yên gió lặng, nhưng là thời nay những cánh thuyền thật đã được cứu thoát cả một đoàn người một cách huyền nhiệm bởi kinh Mân Côi. Cha khuyên nhủ cộng đoàn hãy vững tin vào Thiên Chúa, noi gương Đức Mẹ, chuyên chăm cầu nguyện, chắc rằng Mẹ sẽ chuyển lời cầu xin của chúng ta cho Thiên Chúa và Ngài sẽ nhậm lời cầu xin ấy.

Tại nhà thờ Thánh Tâm Giáo xứ Tân Thông:

Thánh lễ được tổ chức lúc 5 giờ sáng ngày 01/10/2017. Trước đó, lúc 4 giờ 30, cộng đoàn đã tập trung khá đông trong nhà nguyện để lần chuỗi Mân Côi và suy niệm với Năm Sự Vui.

Đúng 5 giờ, mọi việc đã được chuẩn bị chu đáo. Mỗi người trên tay một cây nến cháy sáng, đó là tất cả sự trong sáng cùng lòng nhiệt thành mỗi người dâng lên Thiên Chúa cùng kính mừng Mẹ.

Trời còn tối đất, đoàn người bước thấp bước cao, tiến lên như con rồng uốn lượn, trườn lên đồi Thánh giá rồi vòng qua đài Đức Mẹ Maria, ngừng ở đây trong 5 phút để kính dâng Mẹ những sắc hoa thơm, rồi tiến về nhà nguyện trong tiếng hoan ca mừng kính Mẹ.

Nhìn theo đoàn rước, chúng tôi trộm nghĩ: Chúng ta là những người còn sống ở dương gian mà đã được tận hưởng những giây phút yêu thương như trên thiên đường. Chúng ta gạt bỏ tất cả để cùng nhìn về một hướng, chúng ta quyết giữ mãi hình ảnh này bằng cách sống chan hòa với mọi người để sau này chúng ta cũng được xếp hàng tiến về quê trời nơi ấy Đức Maria đang trông đợi từng người.

Trước giờ lễ, các em thiếu nhi trình diễn hoạt cảnh kinh Mân Côi với Năm Sự Vui, Sự Thương, Sự Mừng. Trong hoạt cảnh ca đoàn đã hát những bài suy niệm thật tâm tình và rõ ràng cùng những hình ảnh các em minh họa (Chúa ngã ba lần), mỗi người đã có những suy niệm cho riêng mình về đoạn Tin Mừng ấy. Năm Sự Sáng có lẽ nhiều người chưa quen, chưa thuộc nên phần trình diễn có riêng biệt hơn. 15 phút trôi qua nhanh, có nhiều người đã ngấn lệ, họ khóc cho sự gian dối cùng tội lỗi của mình, để cho Ngôi Hai Thiên Chúa phải chịu nhiều cực hình để giải thoát tội lỗi chúng ta.

Trong bài giảng, cha Giuse Nguyễn Phát Tài đã chia sẻ về 15 điều hiệu nghiệm khi chúng ta lần chuỗi Mân Côi, cha cũng nhắn nhủ cộng đoàn đừng vì lời kinh cứ lập đi lập lại nhiều lần làm cho chúng ta mau chán. Việc làm của chúng ta trở nên giá trị khi chúng ta cố gắng thực hiện và thành công. Kinh Mân Côi còn giá trị hơn nhiều bởi vì chúng ta thi hành với tất cả lòng mến, chắc hẳn Đức Mẹ thấu đáo mọi nỗi lòng của chúng ta.

Cảm nhận về kinh Mân Côi:

Ngày còn là thiếu nhi, chúng tôi vẫn thường lần chuỗi với nhau mỗi khi có dịp, nên chúng tôi rất thuộc ngắm Năm Sự Vui, Thương, Mừng. Chúng tôi còn đi đàng Thánh giá nữa. Nói như thế để biết chúng tôi khá ngoan đạo.

Bước vào tuổi trưởng thành, sự siêng năng giảm đi đôi chút, khi đã có gia đình riêng, vợ chồng cùng lần hạt chung vào buổi tối trước khi đi ngủ, nhưng cũng chỉ được thời gian rồi “ai có kinh người ấy đọc”.

Với lý do bận nhiều việc nên chúng tôi không còn thời giờ để lần chuỗi nữa, chỉ đọc vài kinh qua loa rồi đi ngủ. Chúng tôi tự bào chữa: “Mai mốt về già sẽ đọc bù lại”.

Nay đã về già nhưng sự lần chuỗi cũng không được như xưa, bởi vì những lý do không đâu.

Ngày tĩnh tâm nghe cha giảng huấn chia sẻ, chúng tôi đã cố bình tâm nhìn nhận lại chính mình.

Chúng tôi đã tự nhủ: “Sắp xếp cho hợp lý và tạo thành thói quen tốt sẽ giúp ta thành công”.

Giờ đây hàng ngày đi lễ, thay vì đi xe máy chúng tôi quyết định đi bộ. Từ nhà tới nhà thờ chúng tôi đã lần chuỗi được 20 kinh và lượt về cũng vậy. Chúng tôi quả quyết không chạy theo thành tích số lượng, nhưng tất cả là vâng nghe lời Mẹ nhắn nhủ “Hãy siêng năng lần chuỗi” để tự mang lại bình an cho chính mình và cho mọi người. Chúng tôi đã thành công.

Lần chuỗi theo các nhóm gia đình cũng là một thói quen tốt. Mọi người đến nhà nhau, cầu nguyện cho nhau, quan tâm đến đời sống của nhau cũng là lời kinh ý nghĩa nhất.

Xin Đức Maria hiện diện giữa chúng con, mang yêu thương đến với chúng con, để được Thiên Chúa hiện diện nữa. Amen.

Toma Đỗ Lộc Sơn
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Kính Mừng Maria
Dominic Đức Nguyễn
08:28 02/10/2017
KÍNH MỪNG MARIA
Ảnh của Dominic Đức Nguyễn
(Hình chụp tại ĐHTM 2017 Carthage,MO,Hoa Kỳ)

Nào những bé thơ lẫn cụ già,
Từ con cháu tới bậc mẹ cha,
Cùng nỗi niềm dâng Mẹ khả kính,
Ngước trông lên lòng Mẹ bao la. .

Nam, nữ tu sĩ nơi nguyện đường,
Dâng lên chúa hết tình luyến thương
Trọn niềm tin suốt đời tận hiến,
Theo gương Mẹ ngập tràn yêu đương
(Paul Nguyễn Minh Thông)
 
VietCatholic TV
TV Thời Sự Giáo Hội Và Thế Giới Hôm Nay, Thứ Hai 2/10/2017
VietCatholic Network
06:24 02/10/2017
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây


Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô. VietCatholic xin kính chào quý vị và anh chị em trong tình yêu thương của Chúa Kitô và Mẹ Maria. Kính thưa quý vị và anh chị em, chương trình Truyền Hình của chúng tôi hôm nay gồm có các tin chính như sau:

1- Cuộc thăm viếng của Đức Thánh Cha tới Bologna, Bắc Ý, Chúa Nhật ngày 1/10/ 2017.

2- Đức Thánh Cha kêu gọi đón tiếp và hội nhập di dân và tị nạn.

3- Đức Thánh Cha: Duy trì lòng nhiệt thành Năm Thánh Lòng Thương Xót.

4- Tổng trưởng Bộ Truyền Thông Tòa Thánh nói về thời đại tin giả.

5- Dân biểu Hoa Kỳ Steve Scalise: Vụ nổ súng tăng thêm đức tin của tôi vào Thiên Chúa.

6- Tình hình Miến Điện không đơn giản trước viễn tượng cuộc thăm viếng của Đức Thánh Cha.

7- Đức Hồng Y Oswald Gracias bày tỏ nỗi buồn sau khi nhiều người Ấn chen lấn đạp lên nhau chết tại Mumbai.

8- Trùm khủng bố Hồi Giáo Abu Bakr al-Baghdadi vẫn còn sống, kêu gọi tấn công Rôma.

9- Tác động tiêu cực của Smartphone trên thế hệ trẻ.

10- Giới thiệu Thánh Ca: Chiếc Cầu Qua Dòng Bão Tố.

Xin mời quý vị theo dõi phần tin chi tiết
 
Suy Niệm với Đức Thánh Cha Phanxicô 02/10/2017: Câu chuyện nước Nga trở lại
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
13:06 02/10/2017
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Người thiết nghĩa với Chúa Giêsu là người tự do.

Tất cả những ai lắng nghe và thực hành Lời Chúa, thì là người thiết nghĩa với Ngài. Họ là những người con tự do trong gia đình của Chúa. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Ba 26 tháng 9 tại nhà nguyện Santa Marta.

Gia đình của Chúa là cộng đoàn các môn đệ, cộng đoàn của những người anh chị em bạn bè với nhau, chứ không phải là cộng đồng những người có cùng một kiểu học thức, càng không phải là một cộng đồng những người xã giao trên môi mép với nhau.

Trở thành người thân của Chúa Giêsu, là bước vào nhà của Chúa, là bước vào bầu không khí của mái nhà ấy, là hít thở bầu không khí của mái ấm ấy. Khi sống dưới mái nhà Chúa, chúng thấy mình tự do.

Mở đầu bài giảng, Đức Thánh Cha nói:

Ai sống trong nhà Chúa thì đều là người tự do, và là những người thiết nghĩa cùng Ngài. Tuy nhiên, Kinh Thánh cũng sử dụng từ ngữ “con của người nô lệ”. Ðó là những Kitô hữu không dám đến gần Chúa, không dám làm quen với Chúa. Họ trở thành con cái của nô lệ, vì họ luôn giữ khoảng cách với Chúa.

Còn những ai thân quen với Chúa, thiết thân với Chúa, thì trở thành những vị thánh vĩ đại. Các vị thánh ấy là người ở bên Chúa, nhìn Chúa, lắng nghe Lời Chúa, cố gắng thực hành Lời Chúa, và luôn nói chuyện với Chúa. Những cuộc nói chuyện ấy chính là cầu nguyện. Có những lời cầu nguyện dọc đường như: “Nhưng, Chúa ơi, Chúa đang nghĩ gì thế?” Lời cầu nguyện này thật đơn sơ và thân tình. Có vị thánh rất đặc biệt với cách cầu nguyện đơn sơ ấy, đó là Chị Têrêsa. Chị nói chuyện với Chúa cách đơn sơ và thật tuyệt vời. Chị nói chuyện với Chúa mọi lúc mọi nơi. Chị thân quen với Chúa trong mọi nơi mọi lúc, ngay cả khi ở nhà bếp. Ðó chính là trở thành người thân với Chúa.

Thân quen với Chúa cũng có nghĩa là ở lại với Chúa. Giống như khi Thánh Gioan Tẩy Giả tuyên xưng: “Ðây Chiên Thiên Chúa, Ðấng xóa tội trần gian!”, thì hai anh em Anrê và Gioan đã đi theo Chúa, và sau đó, họ đến xem chỗ Chúa ở, và ở lại với Chúa suốt ngày hôm ấy.

Trong phần kết luận, Đức Thánh Cha nói:

Thật không tốt khi là một tín hữu Kitô mà lại giữ khoảng cách với Chúa Giêsu theo kiểu: Chúa cứ ở đó nhé, còn con thì ở đây. Anh chị em hãy bỏ thái độ xa cách ấy đi. Hãy thân quen với Chúa Giêsu. Cả trên xe buýt hay trên xe điện ngầm, cả trong những vấn đề này nọ, chúng ta hãy nói thầm thì với Chúa. Hay ít nhất, hãy biết rằng Chúa đang nhìn mình, biết rằng Chúa rất gần mình. Ðó chính là cách gần gũi thân thiết với Chúa. Ðó chính là cách trở thành người thân, trở thành người nhà của Chúa.

Chúng ta hãy cầu xin ơn ấy cho từng người, để chúng ta có thể hiểu được con đường làm người sống trong nhà Chúa. Nguyện xin Chúa ban cho ta ơn sủng này.

2. Bệnh giả điếc làm ngơ.

Chúng ta đừng sợ nói sự thật về cuộc sống của mình, nhưng hãy can đảm nhìn nhận tội lỗi, xưng thú với Chúa, để đón nhận ơn tha thứ. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Năm 28 tháng 9 tại nhà nguyện Santa Marta.

Bài Tin Mừng theo thánh Luca nói đến phản ứng của Hêrôđê trước việc Chúa Giêsu rao giảng. Có người nói Chúa Giêsu chính là Gioan Tẩy Giả, kẻ thì nói Ngài là ngôn sứ Elia, hoặc là một ngôn sứ nào đó. Trước những nhận định ấy, Hêrôđê không biết phải nghĩ cách nào, nhưng ông cảm thấy có điều gì đó không ổn trong lòng.

Đức Thánh Cha nhận xét rằng:

Có lẽ không chỉ là tò mò, nhưng còn là điều gì đó bất an. Và Hêrôđê tìm Chúa Giêsu để có thể trấn an tâm hồn. Ông muốn nhìn thấy phép lạ Chúa Giêsu làm, nhưng trong lần gặp mặt trước cuộc Thương Khó, Chúa không làm gì trước mặt Hêrôđê, Chúa không trở thành chú hề trong “gánh xiếc biểu diễn” cho ông xem. Thế nên, Hêrôđê trả Chúa Giêsu lại cho Philatô, và sau đó, Chúa bị kết án tử hình. Hêrôđê đã có thể nghe thấy điều gì đó trong nội tâm, nhưng ông phớt lờ. Ðó là một căn bệnh.

Căn bệnh ấy chúng ta mắc phải khi làm điều gì đó xấu xa. Căn bệnh ấy rất khó nhìn thấy. Căn bệnh ấy chúng ta mang lấy và bị gây mê trong đó. Khi làm điều sai trái, chúng ta không chỉ ý thức về hành động sai trái ấy, mà còn cảm thấy điều gì đó hối hận, cảm thấy điều gì đó trong cơ thể, trong tâm hồn, trong cuộc sống. Nhưng căn bệnh ở chỗ: có cám dỗ làm cho chúng ta phớt lờ tất cả những cảm nhận ấy, làm cho chúng ta giả điếc làm ngơ.

Thật là hồng ân lớn khi chúng ta cảm thấy rằng, lương tâm đang lên tiếng, đang buộc tội chúng ta, đang nói điều gì đó với chúng ta. Chẳng ai trong chúng ta thánh thiện cả, vì tất cả đều có tội, và chúng ta thường có xu hướng nhìn thấy tội người khác chứ không phải là tội của bản thân mình. Căn bệnh ấy, xu hướng tệ hại ấy, là bệnh dịch.

Nhưng anh chị em có biết được bệnh dịch này nằm ở đâu không? Làm thế nào để tống khứ bệnh dịch ấy khỏi chúng ta? Trước hết, hãy cầu nguyện: Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi! Thiên Chúa sẽ lắng nghe lời chị em nguyện cầu. Sau đó hãy nhìn vào cuộc sống của mình. Nếu tôi không nhìn thấy bệnh dịch nằm ở đâu trong con người mình, nếu tôi không thấy cách thức mà bệnh dịch ấy hoạt động, thì tôi cần sự trợ giúp từ người khác. Tôi cần gọi tên cụ thể căn bệnh trong con người tôi. Tôi cần nhận biết các triệu chứng của nó. Sau khi tôi tìm thấy, tôi hối tiếc về điều xấu mình làm, một cách hết sức cụ thể. Sự cụ thể rõ ràng ấy, chính là lòng khiêm tốn thực sự trước mặt Chúa. Khi các trẻ em xưng tội. Các em nói rất cụ thể về những gì các em làm. Các em nói sự thật, và vì vậy, các em được chữa lành.

Để kết luận, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em hãy khôn ngoan, khôn ngoan buộc tội chính bản thân mình. Hãy cảm nhận nỗi đau của các vết thương. Hãy nhận biết các triệu chứng của bệnh dịch trong tâm hồn. Hãy làm mọi cách để tìm ra gốc rễ của bệnh dịch ấy. Sau đó, hãy nhìn nhận và tự buộc tội chính mình. Ðừng sợ ăn năn sám hối, vì đó là dấu hiệu của ơn cứu rỗi. Hãy biết sợ, khi đang tìm cách che giấu tội lỗi. Nếu chúng ta sám hối ăn năn, Chúa sẽ chữa lành chúng ta.

Xin Chúa ban ơn sủng, để chúng ta có đủ can đảm tự buộc tội chính mình, để chúng ta can đảm sám hối ăn năn, để chúng ta có đủ sức mạnh bước vào con đường tha thứ mà Chúa muốn tặng ban.

3. Câu chuyện nước Nga trở lại

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Trưa ngày 13 tháng Năm 2010, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã dâng Thánh Lễ trọng thể kính dâng Đức Mẹ Fatima cho khoảng 500,000 khách hành hương.

Trong bài giảng lễ, Đức Thánh Cha nhắc cho mọi người nhớ lại những thời điểm gần kề Đệ Nhất Thế Chiến (1914-1918) khi chủ nghĩa Bolshevik đang hùng bá một phương trời và lôi kéo đông đảo các quốc gia trên thế giới, kể cả các quốc gia vốn có truyền thống Công Giáo.

“Lúc ấy Đức Trinh Nữ Maria đã hiện ra với ba em nhỏ chăn cừu đơn sơ và trao ban cho họ một thông điệp khẩn thiết: Đức Mẹ Maria kêu gọi mọi người mau hoán cải và sám hối và đền tội.”

Đức Thánh Cha trân trọng nhắc lại lời Đức Trinh Nữ Maria đã phán hứa năm xưa là “cuối cùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ sẽ thắng. Nước Nga sẽ trở lại.”

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Lời hứa của Đức Mẹ đã là một hiện thực. Đức Thượng Phụ Kirill của Chính Thống Giáo Mạc Tư Khoa và toàn Nga đã nhận xét như trên khi khánh thành ngôi nhà thờ mới kính Đức Mẹ tại Astrakhan hôm 26 tháng 9 vừa qua.

Trước mặt quý vị và anh chị em là những người nông dân mà trên khuôn mặt của họ không che dấu được những nét lam lũ và nghèo khổ.

Tuy nhiên, những người nông dân nghèo ấy là những người rất mộ đạo. Cùng nhau, họ đã xây cất được một ngôi nhà thờ thật là huy hoàng để tôn kính Đức Mẹ với tước hiệu Theotokos, nghĩa là Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa.

Ba đứa trẻ này lần lượt nói với Đức Thượng Phụ.

Xin Đức Thượng Phụ ban phép lành cho mảnh đất của chúng con.

Xin ngài cầu cùng Chúa cho chúng con

Xin ngài cầu cùng Đức Trinh nữ Maria cho chúng con

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Miền Akhtubinsk này trước đây được những người Bolsheviks coi là vùng trắng, nghĩa là, mọi hình thức tôn giáo đều bị xóa sạch, nhiều linh mục, giáo dân đã chịu tử đạo.

Máu các vị tử đạo đã gieo mầm những hạt giống đức tin mới, trổ sinh nhiều hoa trái.

Nước Nga thực sự đã trở lại.

4. Ðừng đánh mất niềm hy vọng

Thiên Chúa đã tạo dựng chúng ta để sống trong niềm vui và hạnh phúc. Vì thế điều quan trọng là chúng ta giữ gìn con tim mình chống lại các cám dỗ coi đời là vạn ngày sầu; nhìn cuộc sống như một chuỗi dài những bất hạnh và cuối cùng bị cướp mất niềm hy vọng.

Ðức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với hàng chục ngàn tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư 27 tháng 9.

Mở đầu bài huấn đức dành cho các tín hữu và khách hành hương , Đức Thánh Cha Phanxicô đã quảng diễn lời thánh Phaolô khuyên Timôthê nơi chương 4 trong Thư thứ nhất: “Con hãy luyện tập sống đạo đức; vì luyện tập thân thể thì lợi ích chẳng là bao, còn lòng đạo đức thì lợi ích mọi bề, bởi Chúa hứa ban sự sống hiện tại cũng như tương lai cho người có lòng đạo đức. Ðó là lời đáng tin cậy và đáng cho mọi người đón nhận. Thật vậy, chính vì mục đích ấy mà chúng ta phải vất vả, phải chiến đấu, bởi chúng ta đã đặt hy vọng vào Thiên Chúa hằng sống, Ðấng cứu độ mọi người, nhất là các tín hữu.” (1 Tm 4,7b-10).

Đức Thánh Cha nói:

Hôm nay tôi muốn cùng anh chị em suy tư về các kẻ thù của niềm hy vọng. Vì giống như mọi sự thiện, niềm hy vọng cũng có các kẻ thù của nó. Và tôi nghĩ tới huyền thoại cổ xưa liên quan tới cái bình của bà Pandora. Chuyện do thi sĩ Esiodo kể lại rằng Zeus là thần mặt trời cho bà Pandora một cái bình và dặn đừng bao giờ mở nó ra. Bà Pandora vì tò mò nên đã mở bình, từ đó phát xuất ra mọi sự dữ tung hoành trên thế giới này, chỉ còn lại có niềm hy vọng chưa kịp ra, thì bình bị đóng lại. Trước đó loài người sống tự do khỏi mọi sự dữ và bất tử như các thần linh, không vất vả mệt nhọc và lo lắng. Ðức Thánh Cha nói: việc mở bình ra đã khiến cho biết bao tai ương xảy ra trong lịch sử thế giới, nhưng có một món quà bé mọn xem ra chiến thắng trước mọi sự dữ lan tràn. Bà Pandora người phụ nữ đã giữ cái bình đó nhận ra cuối cùng: người Hy lạp gọi nó là elpis: niềm hy vọng.

Huyền thoại này cho chúng ta biết tại sao niềm hy vọng lại quan trọng đối với nhân loại như vậy. Câu người ta thường nói “cho tới khi nào còn sự sống thì còn có hy vọng” không đúng. Ðúng chăng là điều trái lại: chính niềm hy vọng giữ cho sự sống còn đứng vững, niềm hy vọng che chở nó, giữ gìn nó và làm cho nó lớn lên. Nếu con người đã không vun trồng niềm hy vọng, nếu họ đã không được niềm hy vọng nâng đỡ, thì họ đã không bao giờ ra khỏi các hang đá, và đã không để lại dấu vết trong lịch sử thế giới. Và có cái gì thiên linh hơn trong trái tim con người.

Một thi sĩ người Pháp, là ông Charles Péguy, đã để lại cho chúng ta các trang tuyệt vời về niềm hy vọng (x. Il portico del misero della seconda virtù). Thi sĩ nói một cách văn thơ rằng Thiên Chúa không kinh ngạc bao nhiêu vì niềm tin của con người, và cũng không ngạc nhiên về tình bác ái của họ; nhưng điều thực sự khiến cho Ngài tràn đầy kinh ngạc và xúc động là niềm hy vọng: Charles Péguy viết “ Ước chi các đứa con tội nghiệp này có thể thấy các việc xảy ra như thế nào và tin rằng ngày mai sẽ tốt đẹp hơn”. Hình ảnh thi sĩ dùng nhắc tới các gương mặt của biết bao nhiêu người đã đi qua trên thế giới này - nông dân, người nghèo, thợ thuyền, người di cư đi tìm một tương lại tốt đẹp hơn - những người đã chiến đấu kiên trì mặc dù nỗi cay đắng của ngày hôm nay, khó khăn, tràn đầy biết bao thử thách, nhưng được linh hoạt bởi sự tin tưởng rằng con cái họ sẽ có một cuộc sống công bằng và thanh thản hơn.

Niềm hy vọng là sức thúc đẩy nơi con tim của người đã bỏ nhà cửa, đất đai, đôi khi gia đình và người thân, để tìm kiếm một cuộc sống mới tốt đẹp hơn, xứng đáng hơn cho mình và cho người thân của mình. Nó cũng là sức đẩy trong con tim của người tiếp đón: ước mong gặp gỡ, hiểu biết, đối thoại... Niềm hy vọng là sức đẩy chia sẻ hành trình cuộc sống như Phong trào bác ái mà chúng ta khai mào hôm nay. Anh chị em, chúng ta đừng sợ hãi chia sẻ hành trình! Chúng ta đừng sợ hãi chia sẻ niềm hy vọng.

Tiếp tục bài huấn dụ Ðức Thánh Cha nói: niềm hy vọng không phải là nhân đức cho con người có chiếc dạ dầy no thỏa. Ðó là lý do tại sao từ muôn thuở những người nghèo là những người đầu tiên mang trong họ niềm hy vọng. Ðể bước vào thế giới Thiên Chúa đã cần tới các ngài: thánh Giuse và Mẹ Maria, các mục đồng Bếtlêhem. Trong đêm Giáng Sinh đã có một thế giới ngủ say, nằm trên biết bao nhiêu sự chắc chắn đã chiếm hữu được. Nhưng những người khiêm tốn chuẩn bị trong kín ẩn cuộc cách mạng của lòng nhân lành. Họ nghèo nàn về tất cả mọi sự, ai đó trôi nổi một chút trên ngưỡng cửa của sự sống còn, nhưng họ đã giầu của cải quý báu nhất có đuợc trên đời, nghĩa là ước muốn thay đổi.

Ðôi khi, có đầy đủ tất cả trong cuộc sống này lại là một điều không may. Anh chị em hãy nghĩ tới một bạn trẻ đã không được dậy nhân đức chờ đợi và kiên nhẫn, đã không phải đổ mồ hôi cho sự gì cả, đã đốt cháy các chặng và khi 20 tuổi đã biết thế giới đi như thế nào. Bạn trẻ đó đã được định đoạt cho sự kết án tồi tệ nhất: việc kết án không ước mong gì nữa. Xem ra đó là một người trẻ mà mùa thu đã xuống trên con tim.

Có một tâm hồn trống rỗng là chướng ngại tệ hại nhất của niềm hy vọng. Ðó là một nguy cơ mà không ai có thể nói mình bị loại trừ, bởi vì bị cám dỗ chống lại niềm hy vọng cũng có thể xảy ra khi ta đi trên con đường của cuộc sống kitô. Các đan sĩ thời xưa đã tố cáo một trong những kẻ thù tệ hại nhất của lòng sốt sắng: đó là “con quỷ giữa ngày” đi bên cạnh một cuộc sống dấn thân, chính trong lúc mặt trời nung nấu trên cao. Cám dỗ này đột kích chúng ta, khi chúng ta không ngờ tới nhất: các ngày sống trở thành đều đều, buồn chán, không có giá trị nào nữa xem ra đáng vất vả để có được. Ðó là sự lơ là - như các giáo phụ định nghĩa - gặm mòn cuộc sống từ bên trong cho tới chỗ bỏ nó đi như một cái vỏ trống.

Khi điều này xảy ra, kitô hữu biết rằng phải chống lại điều kiện ấy và không bao giờ được nằm dài chấp nhận nó.

Để kết luận, Ðức Thánh Cha khẳng định như sau:

Thiên Chúa đã tạo dựng nên chúng ta để sống yên vui và hạnh phúc, chứ không phải để chúng ta bị chôn kín trong mồ mả của các tư tưởng buồn sầu. Vì thế thật quan trọng là anh chị em hãy giữ gìn con tim chống lại các cám dỗ xem đời là vạn ngày sầu. Tư tưởng bi quan yếm thế ấy chắc chắn không đến từ Thiên Chúa. Khi nó xảy đến, chúng ta hãy chạy đến cùng thánh danh Chúa Giêsu. Chúng ta có thể lập lại lời cầu đơn sơ, mà chúng ta thấy rất nhiều trong các Phúc Âm và nó đã trở thành nền tảng cho biết bao nhiêu truyền thống tu đức Kitô: “Lậy Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi!”.

Chúng ta không cô đơn khi chiến đấu chống lại sự tuyệt vọng. Nếu Chúa Giêsu đã chiến thắng thế gian, thì Ngài có khả năng chiến thắng nơi chúng ta tất cả những gì chống lại sự thiện. Nếu Thiên Chúa ở cùng chúng ta, thì sẽ không ai có thể lấy đi nhân đức mà chúng ta tuyệt đối cần có để sống. Sẽ không có ai ăn cắp được niềm hy vọng của chúng ta.

5. Thiên Chúa viếng thăm dân Ngài để giải thoát họ

Thiên Chúa viếng thăm dân Ngài. Ðiều ấy rất quan trọng. Vì trong lịch sử cứu độ, mỗi lần Chúa viếng thăm, là mỗi lần Ngài giải phóng dân khỏi ách nô lệ. Mỗi lần Chúa viếng thăm, là mỗi lần Chúa cứu độ dân. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Hai 25 tháng 9 tại nhà nguyện Santa Marta

Mỗi lần Chúa viếng thăm chúng ta, là Người ban cho chúng ta niềm vui, ban cho chúng ta ơn an ủi. Ðiều ấy làm cho chúng ta vui mừng. Vâng, chúng ta khóc lóc đau thương, nhưng giờ đây, Chúa an ủi chúng ta và ban cho chúng ta ơn an ủi. Ơn an ủi không phải chỉ là một lúc nào đó mà thôi, nhưng là ơn trong đời sống của người tín hữu. Toàn bộ Kinh Thánh chỉ cho chúng ta điều ấy.

Mở đầu bài giảng, Đức Thánh Cha nói:

Điều cần thiết là chúng ta cần chờ đợi giây phút Chúa viếng thăm mỗi người chúng ta. Bởi vì, tuy có những lúc mạnh yếu khác nhau, nhưng Chúa luôn giúp chúng ta cảm thấy và nhận biết rằng, Chúa luôn hiện diện bên ta, luôn ban ơn an ủi thiêng liêng, luôn ban cho chúng ta niềm vui.

Do đó, đợi chờ trong hy vọng có lẽ là nhân đức “khiêm tốn nhất trong các nhân đức”. Ðức cậy có lẽ là luôn là “nhân đức bé nhỏ”. Tuy bé nhỏ, nhưng kỳ thực, đức hy vọng tựa như than hổng ẩn kín dưới lớp tro. Nhìn thì có vẻ như đống tro tàn, nhưng thực ra là than hồng rực cháy bên trong. Thế nên, các Kitô hữu luôn sống trong sự hiện diện của Chúa, hướng về cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa. Nếu Kitô hữu không sống như thế, thì họ đang đóng kín cuộc sống, và sẽ không biết mình phải làm gì.

Tuy nhiên, chúng ta cần biết nhận ra đâu là ơn an ủi. Bởi lẽ, có những thứ an ủi giả tạo, vì chúng dường như muốn níu kéo chúng ta ở lại trong niềm an ủi nào đó, nhưng kỳ thực là đang lừa dối chúng ta. Ơn an ủi đích thật mang lại cho chúng ta loại niềm vui không thể mua bán đổi chác.

Ơn an ủi của Thiên Chúa chạm vào tâm hồn chúng ta, biến đổi con tim chúng ta, thúc đẩy linh hồn chúng ta mạnh mẽ trong đức mến, đức tin, đức cậy, cũng như giúp chúng ta biết khóc lóc vì tội lỗi bản thân. Chúng ta cũng hãy nhìn vào Chúa Giêsu trong cuộc Thương Khó. Hãy khóc cùng Chúa Giêsu. Ơn an ủi của Thiên Chúa nâng linh hồn chúng ta hướng về những điều trên Trời, những điều thuộc về Thiên Chúa. Ơn an ủi của Thiên Chúa ấp ủ chúng ta trong bình an của Chúa. Tất cả những điều vừa kể là niềm an ủi đích thực. Tuy nhiên, ơn an ủi không phải là điều gì đó vui nhộn. Sự vui nhộn không có gì là xấu cả, nếu điều vui nhộn ấy là tốt đẹp, vì chúng ta đều là con người, và chúng ta cũng cần vui nhộn. Nhưng ơn an ủi ở đây thì khác điều gì đó vui nhộn, vì ơn an ủi được ban cho chúng ta, giúp chúng ta cảm thấy và nhận biết sự hiện diện của Chúa, giúp chúng ta khám phá ra rằng: Ðây chính là Chúa.

Để kết luận, Đức Thánh Cha nói:

Chúng ta hãy cầu nguyện, hãy tạ ơn Chúa. Tạ ơn Chúa vì Chúa vượt xa ngàn trùng đến viếng thăm chúng ta, vì Chúa đã vác Thập Giá vì chúng ta. Tạ ơn vì Chúa giúp chúng ta tiến về phía trước trong hy vọng. Chúng ta cần gìn giữ ơn an ủi đã nhận được. Ơn ấy được ban trong giây phút nào đó, lúc mạnh lúc không, nhưng đều để lại dấu vết. Chúng ta hãy nhận biết ơn ấy và khắc ghi những dấu vết. Ghi tâm khắc cốt giống như dân Israel đã nhớ biến cố Thiên Chúa giải phóng họ. Chúng ta hãy đợi chờ ơn an ủi, nhận biết ơn an ủi và gìn giữ ơn an ủi. Ðiều gì còn lại sau những giây phút được an ủi mãnh liệt? Ðó là bình an. Cấp độ cao nhất của ơn an ủi chính là bình an.

6. Các thiên thần được sai đến đồng hành với chúng ta trong cuộc đời

Chúng ta và các thiên thần có cùng ơn gọi. Đó là cùng nhau cộng tác vào kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Sáu 29 tháng 9 tại nhà nguyện Santa Marta, lễ kính ba Tổng lãnh thiên thần: Micae, Raphael, và Gabriel.

Các thiên thần luôn ở trước mặt Chúa, để phụng sự và ca khen Chúa. Các ngài luôn ngắm nhìn vinh quang Thiên Chúa. Các ngài là những bậc chiêm niệm vĩ đại. Các ngài ngắm nhìn Thiên Chúa. Các ngài sống trong phục vụ và chiêm niệm. Và Chúa cũng sai các ngài ra đi, để đồng hành với chúng ta trên mỏi nẻo đường đời.

Mở đầu bài giảng, Đức Thánh Cha nói:

Ba Tổng lãnh thiên thần: Micae, Gabriel, và Raphael có vai trò đặc biệt trong công trình Thiên Chúa cứu độ chúng ta. Tổng lãnh thiên thần Micae đã chiến thắng trong cuộc chiến với ma quỷ, đã chiến thắng con mãng xà, chiến thắng con rắn xưa. Ngài chiến thắng những tên cám dỗ trong cuộc sống. Có tên cám dỗ ví như con rắn xưa: một mặt nó cám dỗ bà Evà, mặt khác nó tố cáo và buộc tội.

Con rắn nói với bà Evà: Hãy ăn trái cây ấy, điều đó tốt mà, bà sẽ biết rất nhiều điều… Con rắn đã bắt đầu như thế. Nó dụ dỗ, quyến rũ chúng ta. Và khi chúng ta rơi vào cạm bẫy của nó, nó sẽ đi tố cáo và buộc tội chúng ta trước tòa Thiên Chúa. Nó sẽ nói về bạn trước mặt Chúa rằng: Đây là một kẻ tội lỗi, và kẻ ấy thuộc về tôi. Như thế, ma quỷ muốn dành quyền sở hữu trên bạn. Nó muốn cám dỗ bạn, muốn làm chủ bạn, muốn tước đoạt bạn, muốn tố cáo bạn. Trong hoàn cảnh ấy, thiên thần Micae bước vào cuộc chiến. Ngài giúp chúng ta chiến thắng tên cám dỗ. Ngài giúp chúng ta đi từ cuộc sống này lên thiên đàng. Ngài giúp chúng ta thoát khỏi cơn cám dỗ.

Như thế, Tổng lãnh thiên thần Micae có vai trò bảo vệ Giáo hội và bảo vệ từng người chúng ta. Còn với Tổng lãnh thiên thần Gabriel, ngài là vị đưa tin tốt lành. Ngài truyền tin cho Trinh nữ Maria, truyền tin cho ông Dacaria, truyền tin cho thánh Giuse. Sứ thần Gabriel đưa tin về ơn cứu độ mà Thiên Chúa muốn ban tặng cho con người. Thậm chí, sứ thần Gapriel luôn đồng hành và ở bên chúng ta trên từng bước đường đời. Ngài nhắc chúng ta, mỗi khi chúng ta quên Tin Mừng của Chúa Giêsu. Ngài nhắc chúng ta nhớ rằng: Chúa Giêsu đã đến ở cùng chúng ta để cứu độ chúng ta.

Vị thứ ba là sứ thần Raphael. Ngài cùng nhịp bước với chúng ta, giúp chúng ta trong hành trình cuộc sống, để nâng đỡ chúng ta. Chúng ta cần bàn hỏi với ngài, cần nhờ ngài trợ giúp, để chúng ta không bị quyến rũ mà đi sai đường lạc lối.

Như thế, ba thiên thần ấy là bạn đồng hành của chúng ta trong cuộc sống này. Hãy cầu nguyện với các vị bằng những lời nguyện đơn sơ. Lạy các tổng lãnh thiên thần, xin các ngài luôn đi cùng con và nâng đỡ con.

Lạy sứ thần Micae, xin hãy giúp con trong cuộc chiến đấu thiêng liêng. Để con biết nhận ra những vấn đề trong cuộc chiến thường ngày. Để con biết phân biệt đâu là vấn đề chính. Để con biết nhận ra dấu chỉ của ơn cứu độ. Để cùng với sự trợ giúp của ngài, con có thể chiến thắng. Lạy sứ thần Gabriel, xin mang đến cho chúng con tin vui, Tin Mừng của ơn cứu độ, rằng Chúa Giêsu ở cùng chúng con, rằng Chúa Giêsu cứu độ chúng con và ban cho chúng con niềm hy vọng. Lạy sứ thần Raphael, xin cầm tay dẫn lối con đi, xin giúp con trên từng bước đường đời, để con không lầm đường lạc lối, xin giữ gìn con.