Ngày 30-10-2024
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:42 30/10/2024

8. Cầu nguyện có thể gìn giữ và tiết chế đức hạnh, áp chế giận dữ, ngăn chận kiêu ngạo ghét ghen, và đem Chúa Thánh Thần vào trong linh hồn, đưa con người lên tới thiên đàng.

(Thánh Ephraem)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:46 30/10/2024
81. HỘP QUÀ CÓ CHỦ

Có một đầy tớ mới đến rất thích sĩ diện.

Một ngày nọ, chủ nhân đi thăm bạn bè và sai tên đầy tớ mới ấy ôm hộp quà đi theo sau, tên đầy tớ ấy bèn dán trên hộp quà tặng ấy cái nhãn ghi giá tiền giống như trong tiệm vậy.

Khi đi qua chợ đang họp, có ông khách vẩy tay nói:

- “Nếu bán hộp đựng quà thì mời đến đây”.

Người đầy tớ ấy chỉ chỉ ông chủ và nói:

- “Ông khách đi phía trước đã mua rồi !”

(Thời Hưng tiếu thoại)

Suy tư 81:

Con người ta ai cũng thích sĩ diện, dù là đầy tớ hay chủ nhân, dù là quan quyền hay thứ dân, dù là tu sĩ hay giáo dân.v.v...tất cả mọi người đều thích cái sĩ diện, bởi vì sĩ diện chính là cái tôi của bản thân, và trên đời này không ai ghét chính bản thân mình bao giờ.

Nhưng sĩ diện thì cũng phải đúng nơi đúng chỗ nếu muốn mưu đại sự và để người khác kính phục.

Có người vì sĩ diện mà la mắng người khác giữa đám đông, có người vì sĩ diện mà không dám nhận bà con vì họ nghèo, có người vì sĩ diện mà coi rẻ anh em bè bạn vì họ ở nhà quê lên thành phố.v.v...tất cả những sĩ diện ấy đều phát xuất từ một tâm hồn bất an và ghen ghét, đó cũng là những cái sĩ diện làm cho chúng ta không thấy được tình cảm của tha nhân dành cho mình.

Ai cũng có sĩ diện, nhưng người Ki-tô hữu sĩ diện vì mình là người Ki-tô hữu nên phải sống bác ái hơn người khác, biết phục vụ hơn người khác, biết chia sẻ với tha nhân hơn những người khác.v.v...đó là sĩ diện đưa chúng ta đến gần Chúa và tha nhân hơn, bởi vì sĩ diện ấy làm cho chúng ta thấy rõ mình hơn.

Người đầy tớ vì sĩ diện không muốn ai biết mình là người đầy tớ nên đã làm như người đi bán thuốc; cũng vậy, có những người Ki-tô hữu khi ra giữa xã hội thì không muốn cho ai biết mình là người Ki-tô hữu, bởi vì sợ người ta chê cười, sợ người ta từ chối không nhận mình làm việc, sợ người ta không cho mình lên cấp.v.v...

Người đời không thích mình là người Ki-tô hữu, thì mình càng vì thân phận Ki-tô hữu mà càng làm cho họ biết mình là người Ki-tô hữu hơn nữa.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Đi về vĩnh cửu
Lm JB Nguyễn Minh Hùng
05:17 30/10/2024
LỄ CÁC THÁNH NAM NỮ
ĐI VỀ VĨNH CỬU

"Một đoàn người đông không tài nào đếm nổi, thuộc mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ" (Kh 7, 9), chính là đoàn người chiến thắng đang ngày đêm thờ phượng, chúc tụng, ca khen Thiên Chúa, và Đấng Cứu độ chúng ta là Chúa Kitô.

Niềm vui mừng, tâm trí rạng rỡ hân hoan của ngày chiến thắng còn được diễn tả bằng cảnh tượng hùng tráng: "Họ đứng trước ngai vàng và trước mặt Con Chiên, mình mặc áo trắng tinh, tay cầm nhành lá thiên tuế" (Kh 7, 10).

Để có được hạnh phúc vinh quang tuyệt đối của ngày chiến thắng này, các thánh đã phải đi qua trần thế nhưng không thuộc về trần thế để trở thành bạn hữu của Chúa Kitô dù phải vượt muôn trùng thử thách của cuộc đời, phải chấp nhận gắn bó đời mình với luật pháp Thiên Chúa, suốt một đời noi theo gương Chúa Kitô tuyệt đối trung thành với thánh ý Thiên Chúa, luôn sống trong một tình yêu thủy chung như Chúa Kitô dù đó là thứ tình yêu chấp nhận sinh tử.

Các thánh đã khổ luyện đời mình để những mối Phúc của Chúa Kitô như những con đường dẫn đến chiến thắng trên trời cao. Có người nên thánh:
- Trong sự khó nghèo, quyết không để mình dính bén vật chất, không ham mê những thứ hào nhoáng những phù hoa của trần thế.
- Nhờ sống hiền lành, đào luyện mình thành người từ tâm, chỉ có yêu thương, nhường nhịn, không đáp trả cân xứng những gì là thiệt thòi, mất mát cho bản thân.
- Vì phải chịu đau khổ nhiều, nhưng chấp nhận thánh giá Chúa Kitô, không thất vọng, luôn tin tưởng vào sự giải thoát của Thiên Chúa, hướng về thánh giá Chúa để vượt lên đau khổ, vượt lên mọi thách thức của đời sống.
- Luôn để tâm hồn hướng thiện, khao khát điều công chính, khao khát bản thân chỉ luôn thuộc về Thiên Chúa, thuộc về một mình Chúa Kitô và ơn cứu độ mà chính Chúa Kitô mang đến mà thôi.
- Luôn sẵn lòng yêu thương, nhân từ, quảng đại để cứu vớt bất cứ ai khổ đau, làm chỗ dựa cho những ai muốn nương nhờ, làm bạn đồng hành cùng người cô đơn, lữ thứ, thất vọng, quỵ ngã...
- Nỗ lực từng giây phút trong đời để chỉ hướng thiện, để tâm hồn thanh sạch và không vấn vương những dục vọng của thế gian.
- Nỗ lực sống hiếu hòa và luôn ý thức để trở thành mối dây liên kết, xây dựng cuộc sống xung quanh thuận thảo, an bình. Không gây hấn với ai, không để lòng thù hận, oán ghét ai, nhưng luôn sẵn sàng tha thứ, sẵn sàng đón nhận những trái ý để xây dựng một môi trường thấm đẫm yêu thương, nhân ái, từ tâm...
- Bởi sống cho những giá trị Tin Mừng như thế, trong số các thánh, có biết bao nhiêu người bị chống đối, bị ghét bỏ, bách hại, thậm chí còn bị giết chết.

Sự thánh thiện không là đặc quyền của riêng ai. Mọi cuộc đời, mọi con người đều có thể nên thánh. Có những vị không được ghi danh trong trần thế, có vị thuở sinh thời chỉ là người bình thường, thậm chí tầm thường, cũng có vị từng sa ngã và phạm tội nhưng biết ăn năn và được Chúa tha thứ, có vị lớn lên trung sự giàu sang, nhưng cũng không thiếu những vị thánh một đời lam lũ, khổ nghèo...

Các thánh có khi xuất thân từ tầng lớp trí thức như những khoa học gia, nhà lý luận, nghiên cứu sinh... Cũng có vị đã từng thuộc giới văn nghệ sĩ, hay học sinh, sinh viên, hoặc tu sĩ, chủng sinh, linh mục, giám mục...

Nhưng cũng không thiếu vị thánh đã từng sống trong đời sống gia đình, biết thảo hiếu, biết nhường nhịn, biết xả thân lo cho mọi người, biết xây dựng gia đình mình, hay xây dựng môi trường, nơi mà mình hiện diện thành nơi chan chứa tình yêu, chan chứa những hoài bão thánh thiện và giúp nhau vươn lên sự thánh thiện...

Tất cả những đường lối, nhứng cách thức mà các thánh đã chọn sống để nên tánh, được sách Khải huyền dúc kết thành một lời ngắn gọn: "Họ là những người từ đau khổ lớn lao mà đến, họ giặt áo và tẩy áo trắng trong máu Con Chiên".

Vâng. Tất cả mọi người, dù làm gì, dù chọn cách nên thánh nào, cũng đều phải "giặt áo và tẩy áo trắng trong máu Con Chiên". Nghĩa là phải mang thánh giá cùng Chúa Kitô, phải chấp nhận thanh luyện mình để hoàn thành thánh ý Thiên Chúa theo cách Chúa Kitô đã thực hiện, phải chấp nhận hiến thân để phụng sự Thiên Chúa và phục vụ anh chị em, chấp nhận từ bỏ những hào nhoáng, những xa hoa trần thế để chỉ sống cho riêng lý tưởng Nước Trời.

Trong ngày tôn vinh bấy nhiêu vị thánh trên thiên đàng, là con cháu, là hậu duệ của các ngài, chúng ta được mời gọi bước đi trên con đường mà các ngài đã đi để đi về vĩnh cửu nhằm tiến đến cùng Thiên Chúa.

Con đường đi về vĩnh cửu của mỗi Kitô hữu phải là sự thánh thiện. Đi về vĩnh cửu mà không mang theo sự thánh thiện, có nghĩa là chính chúng ta đã tự tước bỏ nước trời khỏi tầm tay mình.

Chuyến về vĩnh cửu của chúng ta, phải luôn sẵn sàng đáp ứng lời mời gọi của Chúa Kitô: "Hãy nên thánh như Cha trên trời là đấng Thánh" (Mt 5, 43-48).
 
Bất chấp đe doạ
Lm Minh Anh
15:46 30/10/2024
BẤT CHẤP ĐE DOẠ
“Xin ông đi ra khỏi đây, vì vua Hêrôđê đang muốn giết ông!”.

“Cụm từ “tước vũ khí” hay “giải giới” phát xuất từ tiếng Hy Lạp, “Apekoyo”, có nghĩa “cởi bỏ, làm cho bất lực hoàn toàn”. Trên thập giá, Chúa Kitô tước vũ khí Satan, khiến nó bất lực hoàn toàn. Nay, vì danh Chúa, trước những kẻ chống đối, quấy nhiễu và đe doạ, bạn không cần phải sợ hãi, nhưng có thể vượt qua tất cả, bất chấp đe doạ!”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Bạn không cần phải sợ hãi, nhưng có thể vượt qua tất cả, bất chấp đe doạ!”. Ý tưởng này được gặp lại trong Tin Mừng hôm nay khi những người biệt phái xem ra lo lắng cho Chúa Giêsu, “Xin ông đi ra khỏi đây, vì vua Hêrôđê đang muốn giết ông!”.

Họ lo lắng cho Chúa Giêsu? Không đâu! Họ lấy uy Hêrôđê để đe doạ Ngài hầu buộc Ngài rời khỏi địa hạt. Chúa Giêsu không nao núng! Trong cuộc sống, chúng ta cũng trải qua điều tương tự. Ai đó đến, kể một số chuyện dưới chiêu bài giúp đỡ, trấn an; đang khi thực tế, đó chỉ là những lời đe doạ tinh vi khiến chúng ta lo lắng, sợ hãi. Hãy xem phản ứng của Chúa Giêsu! Ngài không sợ hãi Hêrôđê, không bận tâm trước ác ý của những kẻ gieo tin; không nhượng bộ, Ngài ‘bất chấp đe doạ’; và như muốn nói với kẻ ác rằng, “Đừng lãng phí thời gian của các bạn nhằm làm cho tôi sợ hãi hay lo lắng. Tôi đang làm công việc của Cha tôi và đó là tất cả những gì tôi phải bận tâm!”.

Vậy điều gì làm bạn phiền lòng trong cuộc sống; điều gì đe dọa bạn? Bạn có cho phép những ý kiến, manh tâm hay những lời đàm tiếu của người khác làm cho mình thất vọng? Như Chúa Giêsu - tựa nương tuyệt đối vào Chúa Cha - điều chúng ta quan tâm là làm theo ý muốn của Chúa Cha. Vì một khi tìm làm theo ý muốn của Chúa Cha và với sức mạnh của Ngài, chúng ta vượt qua tất cả. Chúa Cha sẽ ban cho chúng ta mọi khôn ngoan và lòng can đảm để chúng ta tiếp tục yêu thương, cùng lúc, quở trách mọi lừa dối và những đe doạ ngớ ngẩn của kẻ ác trong cuộc sống mình.

Hãy tựa nương vào Chúa để được mạnh mẽ, “Hãy mang toàn bộ binh giáp vũ khí của Thiên Chúa, để có thể đứng vững trước những mưu chước của ma quỷ!” - bài đọc một; vì “Chúa là núi đá cho tôi nương ẩn” - Thánh Vịnh đáp ca - chúng ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách, để có thể không ngừng yêu thương và tiếp tục yêu thương!

Anh Chị em,

“Xin ông đi ra khỏi đây, vì vua Hêrôđê đang muốn giết ông!”. Chúa Giêsu đã đón nhận thông tin đầy ác ý cách thanh thản và bình an. Tại sao? Bởi lẽ, khi xuống thế làm người, Ngài đã tự “cởi bỏ hoàn toàn” và làm cho mình “trở nên bất lực”. Ngài để cho quyền lực thế gian “tước mọi vũ khí”, hầu có thể đến gần, ôm lấy và chữa lành tất cả những ai bị quyền lực thế gian thống trị. Ngài thương xót và tha thứ! Cũng thế, là con cái của Cha trên trời - Đấng bảo bọc chúng ta “như gà mẹ ủ ấp gà con dưới cánh” - bạn và tôi không để cho bất cứ thế lực nào đe doạ mình. Tin vào tình thương của Chúa, nương tựa tuyệt đối vào Ngài, chúng ta đón nhận mọi bất ưng cách thanh thản, bình an. Như Chúa Giêsu, chúng ta tiếp tục yêu thương và không ngừng yêu thương!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa là dũng lực con, con yêu mến Ngài! Cho con không ngừng yêu thương và tiếp tục yêu thương những kẻ làm điều ác cho con!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Mọi người được mời gọi nên thánh
Lm Phêrô Nguyễn Văn Hương
21:08 30/10/2024
LỄ CÁC THÁNH NAM NỮ (01/11)
Kh 7,2-4.9-14; 1 Ga 3,1-3; Mt 5,1-12a
Mọi người được mời gọi nên thánh

Phụng vụ hôm nay mừng trọng thể lễ các Thánh Nam Nữ trên trời. Lễ Các Thánh là ngày cử hành niềm vui của chúng ta, bởi vì Các Thánh là những thành viên trong gia đình, giáo xứ, cộng đoàn chúng ta. Các ngài đã được vinh thăng.

1. Các Thánh Nam Nữ

Họ là ai? Họ không chỉ là những vị đã được phong thánh bởi Giáo Hội và được ghi trong lịch phụng vụ hằng năm. Họ là tất cả những người đã được cứu độ và nay đang được hưởng hạnh phúc trong Thiên Đàng. Họ là những người đã sống một cuộc đời thánh thiện trong sự âm thầm, hy sinh và phục vụ mà nhiều người không biết đến nhưng đã được Thiên Chúa vinh thăng, thưởng công cho họ. Họ làm thành “một đoàn người thật đông không tài nào đếm nổi, thuộc mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ” (Kh 7,9).

Làm sao họ được vinh thăng? Sách Khải Huyền cho chúng ta biết: Họ “đã đến, sau khi trải qua cơn thử thách lớn lao. Họ là những người đã giặt áo mình trong máu Con Chiên” (Kh 7,14). Các Thánh là những người đã trung thành và kiên nhẫn sống các giá trị Tin Mừng, đặc biệt sống trọn vẹn các mối phúc như được nói ở bài Tin Mừng. Các Thánh đã sống tinh thần nghèo khó vì Nước Trời. Các Thánh là những người hiền lành vì Nước Trời. Các Thánh là những người phải chịu sầu khổ vì Nước Trời. Các Thánh là những người chịu bách hại vì sống công chính vì Nước Trời là của họ (x. Mt 5,10).

Khi nói về gương của các Thánh Nam Nữ, thánh Bênađô cho rằng: “Chúng ta không được chậm trễ trong việc bắt chước các Thánh là những người mà chúng ta vui mừng cử hành.” Vì thế, đây là cơ hội lý tưởng để chúng ta suy niệm về “ơn gọi phổ quát của mọi Kitô hữu tới sự thánh thiện.”

2. Quan niệm về việc nên thánh

Điều đầu tiên chúng ta phải làm khi nói về ơn gọi nên thánh là chúng ta phải loại bỏ trong tâm trí chúng ta những suy nghĩ và nỗi sợ hãi này: nên thánh là lời mời gọi chỉ dành cho các linh mục và các nữ tu mà thôi, vì họ có điều kiện sống gần Chúa hơn, còn giáo dân sống giữa đời ô trọc đủ thứ bụi đời, chân lấm tay bùn, không thể nào nên thánh được. Hoặc có người suy nghĩ rằng nên thánh là hiện tượng ngoại thường và phi thường dành cho những ai có ơn gọi đặc biệt. Công Đồng Vaticanô II nhắc nhở chúng ta rằng: “Mọi người đều được mời gọi nên thánh.” Nên thánh nằm trong khả năng của mỗi người và làm nên sự bình thường của đời sống Kitô hữu.

Tất cả chúng ta đều được mời gọi nên thánh bởi vì Thiên Chúa là Đấng Thánh: “Anh em hãy nên thánh bởi vì Ta, Đức Chúa, Thiên Chúa của các ngươi là Đấng Thánh (Lv 19,2). Thiên Chúa là “Đấng Thánh” và là “nguồn mọi sự thánh thiện.”

Trong Cựu Ước, từ Qadosh gợi lên sự tách biệt và khác biệt. Thiên Chúa là thánh và ba lần thánh bởi vì Người hoàn toàn khác biệt so với những gì con người có thể nghĩ, nói hay làm. Theo đó, ý nghĩa thánh thiện trước hết được hiểu theo nghĩa luân lý và phụng tự. Trung gian sự thánh thiện của Thiên Chúa là những đồ vật, nơi chốn và những lề luật. Chẳng hạn như núi thánh, sách thánh, đồ thánh trong đền thờ…
Vào thời đại Chúa Giêsu, ý tưởng này vẫn còn thống trị nơi những người Pharisêu. Họ cho rằng sự thánh thiện và công chính hệ tại ở sự thanh sạch thuộc phụng tự và việc cẩn thận tuân giữ lề luật.

Trong Tân Ước, chúng ta thấy có một sự thay đổi sâu xa. Sự thánh thiện không còn hệ tại ở phạm vi nghi lễ và luân lý nữa, mà còn thuộc phạm vi bản tính và ơn gọi; nên thánh không chỉ đến từ bàn tay, nhưng đến từ trái tim; nó không phát xuất từ bên ngoài nhưng đến từ bên trong con người, và nó được tóm tắt trong đức ái. Trung gian sự thánh thiện Thiên Chúa không còn là những nơi chốn (Đền Thờ Giêrusalem, hoặc là Núi Thánh), các nghi lễ, đồ vật hay lề luật, nhưng là một con người, Đức Giêsu Kitô. Trở nên thánh thiện không còn hệ tại trong việc phải tách biệt khỏi điều này điều kia, nhưng là hệ tại trong việc kết hợp với Chúa Giêsu Kitô. Trong Chúa Kitô, sự thánh thiện đích thực của Thiên Chúa ban cho chúng ta trong một con người, chứ không phải qua việc hồi tưởng lại những biến cố xa xôi. Chúa Giêsu là “Đấng Thánh của Thiên Chúa” (Ga 6,69). Người là Đấng làm cho chúng ta nên thánh thiện.

3. Cách thế nên thánh

Nhờ Chúa Kitô, chúng ta được nên thánh thiện theo hai cách thế. Cách thế thứ nhất là nhờ ân sủng và cách thế thứ hai là nhờ sự bắt chước. Sự thánh thiện trước hết là ân sủng, là hồng ân. Chúa Kitô đã đến, chết và phục sinh để làm cho chúng ta trở nên thánh thiện. Người thuộc về chúng ta và cho chúng ta. Vì thế, thánh Phaolô dạy chúng ta rằng sự công chính của chúng ta hay sự thánh thiện không phải do việc giữ luật, nhưng là do đức tin vào Chúa Kitô (x. Pl 3,5-10). Chúa Kitô trở thành sự công chính, sự thánh thiện và ơn cứu độ chúng ta (x. 1 Cr 1,30). Chúng ta có thể nói rằng sự thánh thiện của Chúa Giêsu là của chúng ta. Nên chúng ta cần kết hợp với Chúa Giêsu để được nên thánh thiện như Người và Người tiếp tục làm cho chúng ta nên thánh qua các bí tích mà chúng ta cử hành.

Cách thế thứ hai là bắt chước Chúa Giêsu. Chính Người là mẫu gương tuyệt hảo cho chúng ta. Vì thế, nên thánh cũng có nghĩa là nên giống Người, noi gương và sống như Người, tuân giữ những gì Người đã truyền dạy và nhất là thực thi bác ái đối với tha nhân. Thánh Phaolô căn dặn:
“Ý muốn của Thiên Chúa là anh em nên thánh, tức là xa lánh gian dâm… để sống cách thánh thiện và trong danh dự” (1 Tx 4,3-4).
Theo nghĩa này, sự thánh thiện cũng chính là kết quả của sự cố gắng của bản thân mỗi người chúng ta. Như Chúa đã mời gọi:
“Hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng” (Mt 11,29).

Kết luận

Như thế, ơn gọi nên thánh vừa là lời mời gọi của Chúa dành cho mọi người, vừa là sự đòi buộc cao cả, hay là sự đòi hỏi tự bản tính con người. Sinh ra để nên thánh. Vì chúng ta được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa và được mời gọi nên giống Người. Đây không còn là vấn đề luân lý nữa, mà là vấn để thuộc bản tính và ơn gọi. Nếu không nên thánh, chúng ta thất bại và là kẻ thất bại nhất trong đời. Đó là sự vong thân nền tảng. Mẹ Têrêxa đã có lý khi trả lời với một nhà báo hỏi về sự thánh thiện, mẹ nói: “Sự thánh thiện không phải là điều xa xỉ, nó là sự cần thiết.” Amen!

ĐCV Thánh Phanxicô Xaviê
Nghệ An - Việt Nam
http://nguoinguphu.blogspot.com/
 
Sống gửi thác về
Lm Phêrô Nguyễn Văn Hương
21:12 30/10/2024
LỄ CÁC LINH HỒN (02/11)
G 19,1.23-27; Rm 5,5-11; Ga 6,37-40
Sống gửi thác về

Hôm qua chúng ta mừng trọng thể lễ các Thánh Nam Nữ trên trời. Hôm nay chúng ta kính nhớ các Đẳng linh hồn trong luyện ngục. Cả hai thánh lễ này đều có chung một ý nghĩa, đó là nói về đời sau, về sự sống mai hậu. Nếu ngày lễ Các Thánh gợi lên trong tâm trí chúng ta về cuộc sống vĩnh cửu, thì thánh lễ cầu cho các linh hồn nói về cuộc sống trần gian là tạm bợ, chóng qua. Bởi thế, trong thánh lễ này, chúng ta tìm hiểu về ý nghĩa của cuộc sống trần gian và sự sống mai sau, cũng như lý do tại sao phải cầu nguyện cho các linh hồn.

1. Trần gian chỉ là quán trọ

Khi nói vệ sự tạm bợ của kiếp người, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có những ca từ rất ý nghĩa:
“Con chim ở đậu cành tre,
Con cá ở trọ trong khe nước nguồn…
Tôi nay ở trọ trần gian,
Trăm năm về chốn xa xăm cuối trời” (bài Ở Trọ).
Với những lời này, người nhạc sĩ tài ba này muốn nói lên rằng: trần gian là quán trọ, là tạm bợ; kiếp sống con người được ví:
“Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi,
để một mai tôi về làm cát bụi.”

Ở bên trời Tây, trước đó, triết gia Công Giáo Blaise Pascal cũng có những suy tư tương tự như thế về phận người. Ông cho rằng: “Con người chỉ là cây sậy phất phơ trước gió, nhưng là cây sậy biết suy tư.” Con người yếu đuối mỏng dòn, chỉ một ngọn gió hay một giọt nước cũng đủ giết chết một phận người. Nhưng con người được Thiên Chúa tạo dựng theo hình ảnh Người với lý trí, tự do, với hồn thiêng bất tử, nên con người rất cao cả. Dẫu phải bồng bềnh giữa cái hữu hạn và cái vô hạn, giữa bất tất và vĩnh cửu, con người trổi vượt hơn con vật ở chỗ con người biết mình chết và biết chuẩn bị chết.

Về điều này, Kinh Thánh cung cấp cho chúng ta một cái nhìn rõ ràng hơn cả về kiếp người. Thánh Vịnh 103 diễn tả:
“Đời sống con người chóng qua như cỏ,
như bông hoa nở trong cánh đồng,
một cơn gió thoảng đủ làm nó biến đi,
nơi nó mọc cũng không còn mang vết tích” (x. Tv 103,15-16).

Khi nói về đời sống con người mong manh và ngắn ngủi trên trần gian, Thánh Vịnh 90 nói:
“Tính tuổi thọ, trong ngoài bảy chục,
mạnh giỏi chăng là được tám mươi,
mà phần lớn chỉ là gian lao khốn khổ,
cuộc đời thấm thoát, chúng con đã khuất rồi” (Tv 90,10).

Như thế, cuộc sống con người trên đời quá ngắn ngủi: có khi vừa mời chào đời đã phải lìa thế, có khi được một năm, mười năm, hay ba mươi năm thì đã ra đi rồi, nếu có sống lâu cũng chỉ được bảy mươi, may mắn lắm được tám mươi hoặc hơn một chút rồi cũng ra đi. Con người đến rồi đi, sinh ra rồi chết như là quy luật tất yếu. Không ai sống mãi ở trần gian này. Mọi người đều phải chết. Nay anh mai tôi. Trần gian chỉ là quán trọ, là chuyến đò chở ta qua sông.

2. Thiên Đàng mới là nơi vĩnh cửu

Vậy nếu cuộc đời này vắn vỏi, trần gian là tạm bợ, thì sau cái chết có gì nữa không? Có cái gì tồn tại? Hay có gì vĩnh cửu không? Tại sao chúng ta sinh ra? Tại sao chúng ta phải chết? Và chết rồi đi về đâu? Đó là những câu hỏi luôn day dứt lương tâm con người mọi thời.
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn dù có tài ba mấy cũng chỉ nói được rằng: “Trăm năm về chốn xa xăm cuối trời.” Ông chỉ mường tượng rằng chết là về chốn xa xăm nào đó mà không xác định được rõ ràng.

Xưa nay, người Việt vẫn thường quan niệm: “Sống gửi, thác về.” Sau cái chết, con người về với ông bà tổ tiên, về cõi nghìn thu vĩnh hằng. Đại thi hào Nguyễn Du tóm tắt đạo lý đó trong câu thơ: “Thác là thể phách, còn là tinh anh.” Nghĩa là khi chết, thân xác sẽ hư hoại, nhưng tinh thần, linh hồn vẫn tồn tại.

Người Phật Giáo quan niệm về luân hồi sau cái chết, con người sẽ về cõi Niết Bàn, nếu được giải thoát, nếu chưa được giải thoát, thì linh hồn tiếp tục đầu thai vào một kiếp khác để tiếp tục tu thân tích đức.
Đạo lý Kitô Giáo dạy rằng:
“Sự sống này chỉ thay đổi chứ không mất đi, và khi nơi trú ngụ dưới trần bị tiêu hủy, chúng ta được về hưởng hạnh phúc vĩnh cửu trên quê trời.”

Kitô giáo nhìn hữu thể con người như là “hữu thể vì sự vĩnh cửu.” Chính Chúa Kitô đến mạc khải cho chúng ta biết cách rõ ràng và dứt khoát sau cái chết có thiên đàng, luyện ngục và hỏa ngục. Thiên Đàng chính là quê hương đích thực, là phần thưởng cho những người công chính đã an giấc. Đó là Giáo Hội chiến thắng. Còn luyện ngục là nơi các Đẳng linh hồn còn phải tôi luyện một thời gian nữa để được vào Thiên Đàng. Đây là Giáo Hội thanh luyện. Còn chúng ta thuộc Giáo Hội chiến đấu, đang ở trong thời gian lập công đức, chúng ta có bổn phận cầu nguyện và xin thánh lễ cho các linh hồn, để các ngài sớm được hưởng ơn cứu độ. Còn có một nơi khác là hỏa ngục, chốn trầm luân đời đời dành cho những người xấu mất ơn nghĩa với Thiên Chúa.

Chúng ta tin vào sự sống đời đời dựa trên nền tảng là cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô. Thánh Phaolô loan báo nhân tố quyết định này như sau:
“Nếu vì một người duy nhất đã sa ngã, mà muôn người phải chết, thì ân sủng của Thiên Chúa ban nhờ một người duy nhất là Đức Giêsu Kitô, còn dồi dào hơn biết mấy cho muôn người” (Rm 5,15).

Cái chết và sự phục sinh của Đức Kitô mang lại niềm hy vọng và ơn giải thoát cho chúng ta. Khi an ủi các tín hữu của mình, thánh Phaolô quả quyết:
“Nếu chúng ta tin rằng Đức Giêsu đã chết và đã sống lại, thì chúng ta cũng tin rằng những người đã an giấc trong Đức Giêsu sẽ được Thiên Chúa đưa về cùng Đức Giêsu” (1 Tx 4,14).

Để kết thúc, chúng ta nghe lại câu chuyện rất cảm động của Đại Đế Alexander (356-323 TCN). Ông là một vị minh quân đánh đông dẹp tây, sở hữu trong tay mọi quyền lực, giàu sang phú quý, nhưng rốt cuộc những thứ đó không giúp ông được trường thọ, ông chết khi còn rất trẻ mới 33 tuổi, do một cơn sốt rét. Trước khi băng hà, ông cho triệu tập các quan trong triều đình đến để trối lại ba điều cuối cùng. Ông truyền: “Điều thứ nhất: Quan tài của ta phải được chính các ngự y giỏi nhất khiêng đi. Điều thứ hai: Tất cả vàng bạc châu báu của ta phải được rải dọc theo con đường dẫn đến ngôi mộ của ta. Điều thứ ba: Đôi bàn tay của ta phải được để thò ra khỏi quan tài để mọi người nhìn thấy.”
Một vị cận thần rất đỗi ngạc nhiên về yêu cầu kỳ lạ như thế nên hỏi ông tại sao lại muốn như thế. Alexander giải thích: 1) Ta muốn chính các vị ngự y giỏi nhất phải khiêng quan tài của ta để nói cho mọi người biết rằng những ngự y tài giỏi nhất cũng phải bó tay trước cái chết; 2) Ta muốn châu báu của ta được vung vãi trên mặt đất để mọi người biết rằng mọi tài sản ta gom góp được ở thế gian này sẽ mãi mãi ở lại trên thế gian này; 3) Ta muốn bàn tay của ta chìa ra ngoài quan tài để mọi người thấy rằng ta sinh ra với hai bàn tay trắng, và lìa trần, ta cũng chỉ có hai bàn tay trắng mà thôi!

Kết luận

Như thế, con người sống để chết và chết để sống. Trần gian là quán trọ và thiên đàng mới là quê hương vĩnh cửu của chúng ta. Cuộc sống trần gian này là chuẩn bị cho cuộc sống mai sau. Mọi sự thế gian chúng ta bỏ lại khi chết, chỉ còn lại công đức và đức hạnh đi theo ta. Vì thế, chúng ta sống sao cho có chất, sống sao cho xứng danh là người, là con cái Chúa, và xin cho mỗi người chúng ta “biết đếm những ngày mình sống, ngõ hầu tâm trí được khôn ngoan” (Tv 90,12) và khi Chúa gọi về, chúng ta luôn sẵn sàng. Amen!

ĐCV Thánh Phanxicô Xaviê
Nghệ An - Việt Nam
http://nguoinguphu.blogspot.com/
 
Hết cả trí khôn
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
21:15 30/10/2024
HẾT CẢ TRÍ KHÔN
( Chúa Nhật XXXI TN B )

Mến Chúa và yêu người là một điệp khúc quá quen thuộc với Kitô hữu. Từ em bé đã qua tuổi “xưng tội rước lễ lần đầu” đến các cụ già mà chưa lẩn trí thì đều nằm lòng câu kết trong kinh Mười điều răn Đức Chúa Trời: “Mười điều răn ấy tóm về hai này mà chớ: Trước kính mến một Đức Chúa Trời trên hết mọi sự, sau lại yêu người như mình ta vậy – Amen”. Là con cái Chúa trong Giáo Hội Công Giáo, chúng ta đều xác nhận rằng mình phải yêu mến Thiên Chúa. Tuy nhiên mức độ của lòng yêu mến ấy đến đâu cũng như cái cách thức yêu mến ấy có đúng hay không thì cần phải xem xét.

Trước câu hỏi của vị luật sĩ về giới răn trọng nhất, Chúa Giêsu đã lấy lại đoạn sách Đệ Nhị Luật để trả lời và có thêm một yếu tố: “Nghe đây, hỡi Israel! Thiên Chúa, Chúa chúng ta là Thiên Chúa duy nhất! Người phải yêu mến Đức Chúa, Chúa các ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức ngươi…” (x.Mc 12,28-34; x.Đnl 6,2-6). Xin mạn bàn về yếu tố Chúa Giêsu thêm đó là “hết trí khôn”, cụm từ không có trong sách Đệ Nhị Luật.

Trí khôn là một trong hai cơ năng của linh hồn mà Thiên Chúa tặng ban cho loài người, loài cao trọng nhất trong các loài thụ tạo hữu hình. Đã là người thì ai cũng chân nhận rằng nhờ trí khôn mà con người trỗi vượt các loài vật bậc thấp. Cũng là làm việc nhưng nhờ trí khôn, con người ý thức mình làm việc gì với động cơ và mục đích gì. Chính vì thế cung cách làm việc của con người mỗi ngày mỗi mới, phát triển và hoàn thiện không ngừng. Trong khi đó loài vật vì thiếu khả năng này nên cách hoạt động của chúng hầu như không đổi thay mà nếu có thì cũng rất nhỏ.

Khi thêm vào yếu tố “trí khôn” chắc hẳn Chúa Giêsu không chỉ đề cập đến một nét cao quý của con người mà còn lưu ý đến cung cách “giữ đạo”, “sống đức tin” của dân Chúa xưa và chúng ta mọi thời, mọi nơi. Chúa Giêsu đã từng nhiều lần hữu ý vi phạm luật sạch nhơ và luật ngày hưu lễ của Do Thái giáo thời bấy giờ. Người cố tình làm như vậy, vì người ta đã giữ luật cách máy móc, vụ hình thức mà quên mất mục đích và ý nghĩa của luật. Chẳng hạn luật sạch nhơ có ra là để dân Chúa biết giữ gìn tâm hồn trong sáng và làm thanh sạch cõi lòng khỏi các vết nhơ của tội lỗi, khỏi những tham lam và đam mê bất chính. Do đó cách thế giữ luật phải chú trọng đến tâm hồn hơn là quá tỉ mỉ, chi li với những nghi thức bên ngoài như rửa chén bát, rửa chân tay… Muốn tâm hồn được thanh sạch là phải loại khỏi tâm trí những ý định bất chính, xấu xa và Người đan cử một số điều như: “Tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tị, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng”(Mc 7,21). Bên cạnh đó để làm cho tâm hồn mình trinh trong thì Người dạy phải sống đức ái qua việc liên đới chia sẻ với tha nhân: “Hãy đem những cái bên trong ra mà phân phát thì mọi sự sẽ nên thanh sạch cho các ngươi (Lc 11,41).

Với trí khôn thì khi thực hiện các hành vi đạo đức của tôn giáo, chúng ta phải biết rõ hành vi ấy là gì (What?) Vì sao phải thực hiện điều ấy là làm việc ấy để nhằm mục đích gì (Why?). Và rồi chúng ta sẽ biết làm việc ấy như thế nào (How?), ở đâu và trong hoàn cảnh nào (Where? When?). Khi một số biệt phái trách cứ rằng các môn đệ mình không ăn chay thì Chúa Giêsu nhân đó đã dạy họ phải sống đạo với cả trí khôn. Trước hết hãy ý thức ăn chay nghĩa là gì và vì sao ăn chay để rồi biết cách ăn chay đúng đẹp thánh ý Thiên Chúa. Ăn chay là một hình thức sám hối, thú nhận tội lỗi, nhất là tội nghiêm trọng.

Xưa vua quan dân thành Ninivê đã dùng sự ăn chay để bày tỏ sự ăn năn sám hối về tội lỗi tày trời họ đã phạm khiến Chúa đe phạt hủy diệt cả thành. Trong khi đó nhiều lãnh đạo Do Thái giáo thời Chúa Giêsu không chỉ lầm mà còn giảng dạy sai lạc. Họ lầm tường rằng ăn chay là một trong những cách thế thu tích công đức trước mặt thiên hạ và cả trước mặt Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã từng kể câu chuyện có người biệt phái vào đền thờ ngửa mặt kể lễ công trạng ăn chay với cả Thiên Chúa. Để khẳng định điều này thì Người nói rõ: “Không lẽ thực khách hay các phù rể có thể ăn chay khi tân lang đang còn ở với họ. Khi nào tân lang bị đem đì thì bấy giờ họ mới ăn chay” (x.Lc 5,33-39). Khi đang còn ở với Thầy Giêsu thì cách nào đó các tông đồ đang còn ở trong ân sủng. Khi phạm trọng tội là lúc chúng ta xua đuổi Thiên Chúa ra khỏi tâm hồn mình và lúc đó mới thực sự cần phải ăn chay.

Truyền thống là tốt. Thế nhưng nhiều khi nó cũng có thể kìm giữ chúng ta trong lối mòn của thứ rượu cũ. Rượu mới phải đổ vào bầu da mới, nhưng người ta lại thích rượu cũ và giữ mãi cái bầu cũ hơn. Đức Phanxicô đã từng cảnh giác về kiểu biện bạch để khỏi canh tân, đổi mới đó là: “xưa đã là như vậy rồi”. Chước cám dỗ quá đề cao truyền thống của mình luôn còn đó dưới nhiều hình thức. Chúa Giêsu thẳng thừng khiển trách nhiều lãnh đạo Do Thái giáo thời bấy giờ vì họ “đã bỏ qua lề luật của Thiên Chúa để nắm giữ truyền thống của mình (x.Mc 7,1-23). Với cả trí khôn thì việc sống đức tin đòi hỏi chúng ta phải trưởng thành mỗi ngày. Chắc hẳn có đó nhiều cơ chế, luật lệ và hình thức sống đạo trong Giáo hội cần đổi thay khi đoàn con cái Chúa biết sử dụng trí năng để sống đức tin cách ý thức trong tình liên đới và tinh thần trách nhiệm.

Ban Mê Thuột
 
Xin cho các linh hồn được lên chốn nghỉ ngơi
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
21:18 30/10/2024
SUY NIỆM LỄ CÁC ĐẲNG LINH HỒN
Xin cho các linh hồn được lên chốn nghỉ ngơi

Bước vào Tháng Các Linh Hồn bắt đầu bằng Đại lễ mừng Chư Thánh. Tiếp liền sau đó Giáo hồi cử hành các Thánh lễ cầu cho các tín hữu đã qua đời ở nơi luyện ngục.

Việc cầu nguyện cho những người đã qua đời có nguồn gốc từ Cựu Ước: “Ông Giuđa quyên được khoảng 2000 quan tiền, và gửi về Giêrusalem để xin dâng lễ đền tội; ông làm cử chỉ rất tốt đẹp và cao quý này vì cho rằng người chết sẽ sống lại. Thực thế, nếu ông không hy vọng rằng những chiến binh đã ngã xuống sẽ sống lại, thì cầu nguyện cho người chết quả là việc dư thừa và ngu xuẩn. Nhưng vì ông nghĩ đến phần thưởng rất tốt đẹp dành cho những người đã an nghỉ trong tinh thần đạo đức, thì đây quả là một ý nghĩ đạo đức và thánh thiện. Đó là lý do khiến ông đến dâng lễ tế đền tạ cho những người đã chết, để họ được giải thoát khỏi tội lỗi” (2 Mcb 12,43-46).

Theo sách các bài đọc của thánh An-rê, ngày lễ cầu nguyện cho các linh hồn đã được Giáo hội Đông Phương cử hành rất sớm vào thế ký thứ VIII, ngày thứ Bẩy trước Mùa Chay.

Giáo hội từ những thế kỷ đầu cũng đã cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời. Thánh Augustinô (354-430) đã nói : “Nếu chúng ta không lưu tâm gì đến người chết, thì chúng ta sẽ không có thói quen cầu nguyện cho họ”. Sau đó, Thánh Odilo (962-1048), Viện phụ Đan viện Cluny (đan viện này thời đó nằm trong phần đất của đế quốc Germany) đã có sáng kiến tổ chức lễ Cầu hồn vào ngày 2-11 và trước hết cử hành trong Đan viện Cluny của ngài vào năm 998 (có sách nói 1030). Về sau lễ Cầu hồn đã được truyền sang nước Pháp; và tới giữa thế kỷ X, Đức Giáo Hoàng Gioan XIV đã lập lễ Cầu hồn trong Giáo hội Rôma.

Còn trong giáo hội Tây Phương thì lễ cầu nguyện cho các linh hồn bắt đầu từ

Đến thế kỷ thứ VIII thì lễ cầu nguyện cho các linh hồn bắt đầu trong các đan viện, phổ biến nhất là thế kỷ thứ X khoảng năm 998 thời thánh Odilo viện phụ đan sĩ Biển Đức ở Cluny Pháp quốc. Thời gian này, ngài đã dành ngày 02/11 để cầu nguyện cho các linh hồn hàng năm, và ngày lễ này lan truyền ra các đan viện khác.

Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XV cho phép mọi linh mục được dâng 3 thánh lễ trong ngày này:

* Một cho các linh hồn đã qua đời

* Một theo ý chỉ của Đức Giáo Hoàng

* Một theo ý chỉ của chính linh mục

Nếu trùng vào ngày Chúa Nhật, ngày lễ sẽ được dời lại đến ngày 3-11.

Vào thế kỷ thứ XIV, Giáo Hội Công Giáo Rôma đã cộng nhận và cử hành lễ này cho đến ngày hôm nay.

Sách giáo lý hội thánh Công Giáo dạy : “Các đẳng linh hồn là những người đã qua đời trong ân sủng và ân nghĩa của Thiên Chúa, nhưng hiện nay còn bị giam giữ tạm thời trong luyện ngục vì những tội nhẹ và vì chưa đền hết hình phạt của những tội đã được tha. Họ phải chịu sự thanh luyện sau khi chết, hòng đạt được sự thánh thiện cần thiết để bước vào niềm vui thiên đàng. Họ chính là đối tượng để các tín hữu cầu nguyện cho, đặc biệt là đối tượng của các thánh lễ cầu cho họ” (x. GLHTCG số 1030).

Dựa vào Thánh Kinh (1 Cr 3,15; 1 Pr 1,7), truyền thống của Giáo Hội nói đến một thứ lửa thanh luyện: “Đối với một số lỗi lầm nhẹ, ta phải tin có một thứ lửa thanh tẩy trước trước ngày phán xét, theo như những gì Đấng là Chân lý đã dạy khi Ngài nói rằng nếu ai nói lời phạm thánh chống lại Chúa Thánh Thần, thì sẽ không được tha cả đời này lẫn đời sau” (x. Mt 12,32). Theo lời quyết đoán này, chúng ta có thể hiểu rằng một số lỗi lầm có thể được tha ở đời này, nhưng một số lỗi khác thì được tha ở đời sau” (Thánh Grêgôriô Cả, Dial. 4,39) (GLHTCG số 1031).

Giáo Hội gọi luyện ngục là sự thanh luyện sau cùng của các người được chọn, hoàn toàn khác với hình phạt của những kẻ bị án phạt. Giáo Hội đã trình bày Giáo lý của đức tin về luyện ngục, nhất là tại các Công đồng Florentia và Trentô. Khi chúng ta dâng lễ cầu nguyện cho những người đã qua đời là dịp để chúng ta.

Thứ nhất : Tuyên xưng niềm tin vào sự sống lại và sự sống đời: Nếu không tin vào sự sống mai sau thì chẳng ai cầu nguyện cho các linh hồn.

Thứ hai : Tuyên xưng niềm tin vào mầu nhiệm các thánh thông công, nghĩa là : “hiệp thông giữa những người thánh”. Giáo hội lữ hành nơi trần thế và Giáo hội đang thanh luyện nơi luyện ngục, cũng như Giáo hội vinh thắng trên thiên quốc có thể chuyển thông các công phúc cho nhau.

Thứ ba : Tuyên xưng niềm tin vào Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót. Đồng thời bày tỏ lòng hiếu thảo, biết ơn và thương nhớ đến những người đã ra đi trước chúng ta và đang nghỉ giâc bình yên.

Chúng ta cũng ý thức hơn về thân phận chóng qua của kiếp người ở đời này. Ngoài ra, còn giúp ta sống ý thức hơn về thân phận chóng qua của kiếp người để biết ra công tìm kiếm chân lý của Chúa. Qua đó, chúng ta có thể thấy được rằng lễ cầu cho các tín hữu đã qua đời không chỉ là lễ của người chết, chỉ tưởng nhớ người đã khuất, mà còn là lễ của người sống, những người đang trên đường bước vào ánh sáng vinh quang của Chúa.

Lạy Chúa, xin cho các linh hồn được lên chốn nghỉ ngơi, hằng xem thấy mặt Đức Chúa Trời sáng láng vui vẻ vô cùng. Amen.
 
Các Tín Hữu Đã Ly Trần – Niềm Hoan Lạc Cùng Chư Thánh
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
21:22 30/10/2024
LỄ CÁC ĐẲNG LINH HỒN
Các Tín Hữu Đã Ly Trần – Niềm Hoan Lạc Cùng Chư Thánh

Nếu như hôm qua, lời kinh, tiếng hát, các bài đọc, thánh ca phụng vụ lễ Các Thánh Nam Nữ của Thiên Chúa lôi cuốn tâm hồn chúng ta vượt quá những giới hạn của không gian và thời gian, bay lên cõi trời cao để chiêm ngưỡng các thánh, những người được coi là diễm phúc ở “đô thành thiên quốc, thành Giêrusalem trên trời là mẹ của chúng ta” (Tiền tụng lễ Các thánh). Thì hôm nay, mùng 02 tháng 11, màu sắc, âm thanh, phụng ca của ngày lễ hướng tâm hồn chúng ta về các thực tại mai hậu, tưởng nhớ các tín hữu đã qua đời “ những người đã ra đi trước chúng ta với dấu ấn đức tin và nay đang nghỉ giấc bình an” (Kinh nguyện Thánh Thể số I), ở nơi luyện ngục, để dâng lễ cầu nguyện cho họ.

Chân lý Đức tin Kitô giáo dạy chúng ta rằng giữa Trời và Đất có một trung gian gọi là Luyện ngục, nơi ấy dành cho các tâm hồn chết khi mắc tội mọn hay là đền tội chưa đủ, cần phải được thanh tẩy để trở nên tinh tuyền, trong một mầu nhiệm đáng sợ mà thánh Gioan Thánh Giá gọi là “Lửa Tình Yêu”. Chúng ta lo lắng cho những người thân đã qua đời con đang bị giam cầm nơi luyện ngục, chịu khổ đau là phải. Việc những kẻ con sống cần phải làm là đọc kinh cầu nguyện, hy sinh, làm phúc, nhất là xin Lễ Misa cho những người ấy. Điều trên giúp chúng ta hiểu việc chúng ta phải làm cho họ. Dù đang sống cuộc sống dương gian, hay hưởng phúc thiên đàng hoặc đang thanh luyện nơi luyện ngục, tất cả mọi người đều liên đới với nhau trong Đức Kitô. Đó chính là ý nghĩa của tín điều các Thánh Thông Công mà chúng ta tuyên xưng và thực hành.

Đức tin được thể hiện

Một câu hỏi lớn. Hỏi : Các thánh thông công nghĩa là làm sao?

Thưa. Các thánh ở trên trời cùng các linh hồn ở luyện ngục và các bổn đạo dưới đất đều thông công với nhau. Các bổn đạo tôn kính cầu xin các thánh, và các thánh cầu bầu cho các bổn đạo trước mặt Đức Chúa Trời. Các bổn đạo dâng việc lành phúc đức cầu cho các linh hồn ở luyện ngục, mà khi các linh hồn ấy đã được lên thiên đàng thì cùng cầu bầu cho các bổn đạo nữa. Các bổn đạo có lòng kính mến Đức Chúa Trời cùng thương yêu nhau thì chẳng những lập công cho mình mà lại làm ích cho kẻ khác nữa. (Sách Bổn Hà Nội tr. 39-40)

Những câu bổn căn bản trên giúp chúng ta hiểu tại sao Giáo Hội dành hẳn tháng 11 hàng năm để cầu nguyện cho anh chị em đã qua đời. Vì niềm hy vọng Kitô giáo không bao giờ chỉ mang tính cách cá nhân, nhưng còn là hy vọng cho tha nhân nữa. Nên, cuộc sống của chúng ta được liên kết với nhau, và điều tốt hay điều xấu của người này liên quan tới người kia nữa. Thế nên, lời cầu nguyện của một người còn đang lữ hành trên dương thế có thể giúp đỡ một linh hồn khác đang được thanh luyện sau khi đã qua đời. Đó là lý do vì sao ngày hôm nay Giáo hội mời gọi chúng ta cầu nguyện cho những người thân yêu đã qua đời, và đến viếng thăm mộ của họ. Vì chúng ta có trách nhiệm phải nhớ đến nhau, cầu nguyện, hy sinh, đền tội thay cho nhau.

Còn tin còn cầu nguyện, còn chia sẽ một Thánh Thể là còn nhớ đến nhau, thuộc về nhau. Tình yêu thương bác ái dành cho các linh hồn trong lúc này chính là lời cầu nguyện, Lễ Misa và sự hy sinh.

Khi cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời, Giáo Hội hướng về Chúa Kitô phục sinh, Ðấng đã chết và sống lại để cho tất cả chúng được sống lại. Tin vào sự sống lại của thân xác là nhìn nhận rằng sẽ có một chung cục, một cùng đích cho mọi người.

Đức tin không giải thoát những kẻ tin khỏi sự khổ não phải chết, nhưng đức tin sẽ làm êm dịu với hy vọng : “Nếu có buồn sầu vì số phận phải chết… cũng sẽ được ủi an”. (Kinh Tiền Tụng lễ các linh hồn).

Cầu nguyện cho người quá cố, chúng ta không chỉ tưởng nhớ đến những người thân và các tín hữu Kitô. Nhưng còn được mời gọi để tưởng nhớ và cầu nguyện cho tất cả mọi người quá cố, dù tin hay không tin, dù thuộc về Giáo hội hay ở ngoài Giáo hội hữu hình. Với niềm xác tín, Chúa Kitô là trung gian duy nhất và là Đấng Cứu Độ duy nhất, tình thương của Thiên Chúa ôm trọn tất cả mọi người. Do đó những ai không do lỗi của họ mà không biết Tin Mừng của Chúa Kitô và Giáo Hội của Chúa, nhưng thành tâm tìm kiếm Chúa và hành động theo lương tâm của mình nhờ ơn Chúa thúc đẩy, mà thực thi ý muốn của Chúa, họ cũng thuộc về Chúa, cho dẫu chúng ta không thấy và do đó cũng có thể được phần rỗi đời đời. Chỉ một mình Chúa mới biết lòng tin của họ.

Đạo hiếu được thi hành

Báo hiếu là bổn phận thiêng liêng của tất cả mọi người. Ðông cũng như Tây, xưa cũng như nay, những người có hiếu, không ai là không nghĩ đến công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ. Nhưng cách thể hiện tấm lòng cụ thể tùy theo trình độ văn minh và phong tục tập quán của mỗi dân tộc mà có những khác biệt.

Ở Việt Nam ta, với triết lý Á Đông vốn đề cao chữ hiếu. Có hai cách báo hiếu: khi cha mẹ còn sống, con cái phải chu cấp đầy đủ những nhu yếu vật chất để cha mẹ được an vui, khi cha mẹ qua đời, con cái phải phụng thờ và thực hiện những di chúc để lại.

Ðây là cơ hội quý báu để những người con hiếu thảo báo đáp phần nào công ơn trời bể của tổ tiên, ông bà, cha mẹ: “Cây có cội, nước có nguồn, Con người có tổ có tông : có cha có me, có ông có bà”. Ai trong chúng ta cũng đều thuộc nằm lòng những câu ca dao tục ngữ của người xưa răn dạy về đạo hiếu, đạo làm người ấy.

Cũng như muôn tạo vật, con người cũng có cội, có nguồn, có tổ có tông. Họ là những “tiền nhân” đã ra đi trước chúng ta, để lại hậu duệ là chính chúng ta, với ước mong giòng giống của các ngài được trường tồn, đó chính là quy luật “bảo tồn sự sống” mà Thiên Chúa đã thiết lập.

Thảo kính cha mẹ phải phát xuất từ trái tim, thôi thúc lòng người hiếu thảo thấm thía ơn đức cao cả của mẹ cha:

Mẹ cha vất vả nuôi mình
Từ khi trứng nước công trình biết bao.
Làm con phải nhớ công lao,
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con. (Ca dao)

Việc thảo kính cha mẹ không chỉ là việc: con cái trả ơn sinh thành mà còn là nghĩa vụ thiêng liêng gắn liền với huyết thống, máu mủ, tình thân, hay là một qui định của xã hội mà là một điều răn của Chúa dạy : “Thứ bốn thảo kính cha mẹ”.

Thiên Chúa đã nâng điều răn thứ bốn lên ngang hàng với các điều răn khác; điều đó chứng tỏ con cái phải hiếu kính đối với cha mẹ đến mức nào. Môisen đã nói “Hãy thảo kính cha mẹ và ai rủa cha mẹ, sẽ phải xử tử”(Mc, 7-13).

Nhớ đến công ơn sinh thành, dưỡng dục, tất cả chúng ta đều phải biết sống hiếu thảo, vâng lời, giúp đỡ cha mẹ lúc sinh thời cũng như khi đã khuất bóng.

Bên Đông phương người ta đề cao chữ HIẾU và nâng lên thành ĐẠO, đó là ĐẠO HIẾU. Theo truyền thống Nho giáo, trong các tội người ta phạm thì tội bất hiếu là tội nặng nhất.

Cùng tột điều thiện, không gì hơn hiếu,
Cùng tột điều ác, không gì hơn bất hiếu (Kinh Nhẫn Nhục)

Không ai có thể phủ nhận được công ơn cha mẹ trong việc sinh thành và dưỡng dục con cái. Thiên Chúa đã dựng nên con người, nhưng không trực tiếp mà phải qua trung gian cha mẹ. Trước tiên, Thiên Chúa dựng nên ông Adam và bà Evà, rồi từ đó con cháu nối tiếp. Đúng là : Người ta có cố có ông,
Như cây có cội như sông có nguồn

Lý thuyết là như thế, nhưng trong ngày nay chúng ta hãy nhìn qua lại lòng hiếu thảo của chúng ta đối với cha mẹ để mà yêu mến, biết ơn, vâng lời và giúp đỡ cha mẹ khi còn sống và đã qua đời (theo sách giáo lý Tân định). Đồng thời, Lời Chúa nhắc cho chúng ta phải thi hành bổn phận thảo hiếu của chúng ta.

Ai mà phụ nghĩa quên công
Thì đeo trăm cánh hoa hồng chẳng thơm (Ca dao)
]
Hướng về thực tại mai hậu

Khi cầu nguyện cho những anh chị em tin hữu đã qua đời, chúng ta không chỉ dừng lại nơi họ, cho họ, vì họ mà còn cho chúng ta nữa những người còn sống. Sự ra đi trước của họ, nhắc nhớ chúng ta về một cõi đi về mà ai ai trong chúng ta cũng phải về, đó là quê trời vinh phúc. Trong khi cầu nguyện cho anh chị em đã qua đời, chúng ta cũng xin Chúa làm cho đức tin vào Con Chúa đã sống lại từ cõi chết được lớn mạnh nơi chúng ta. Nhờ niềm tin vào sự sống đời sau, tin vào Đức Kitô là sự sống lại và là sự sống mà mỗi người chúng ta ngày nay luôn bước tới trong niền hy vọng. Cùng đích của người Kitô hữu là được trở về nhà Cha hưởng vinh phúc. Cùng đích này cũng giúp chúng ta sống cuộc sống hiện tại sao cho thật có ý nghĩa, thật có giá trị, không hổ thẹn là con cháu đáng quí của những người đã khuất, không hổ thẹn là người môn đệ của Đức Kitô, Đấng hằng sống. Hy vọng rằng qua đời này tất cả lại cùng đoàn viên trong nhà Cha trên Trời.

Lạy Chúa, xin cho các linh hồn được lên chốn nghỉ ngơi, hằng xem thấy mặt Chúa đời đời. Amen.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Bài Giáo lý hàng tuần của Đức Phanxicô: Chúa Thánh Thần đã xức dầu cho chúng ta và đóng ấn trên chúng ta. Thêm sức, Bí tích Thánh Thần
Vũ Văn An
13:40 30/10/2024

Theo tin Tòa Thánh, sáng nay, 30 tháng Mười, 2024, trong buổi tiếp kiến chung tại Quảng trường Nhà thờ Thánh Phê-rô, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tiếp tục loạt bài giáo lý của ngài về Chúa Thánh Thần và Cô dâu. Chúa Thánh Thần hướng dẫn dân Chúa đến với Chúa Giêsu, hy vọng của chúng ta. 11. "Người đã xức dầu cho chúng ta và đóng ấn trên chúng ta” với việc nhấn mạnh tới bí tích Thêm Sức. Sau đây là nguyên văn bài giáo lý tuần này của ngài, dựa vào bản tiếng Anh do Tòa Thánh cung cấp.



Anh chị em thân mến, chào anh chị em buổi sáng!

Hôm nay chúng ta sẽ tiếp tục suy ngẫm về sự hiện diện và hoạt động của Chúa Thánh Thần trong đời sống của Giáo hội qua các Bí tích.

Hoạt động thánh hóa của Chúa Thánh Thần đến với chúng ta chủ yếu thông qua hai kênh: Lời Chúa các Bí tích. Và trong tất cả các Bí tích, có một Bí tích về bản chất là Bí tích Thánh Thần, và đó là điều tôi muốn tập trung vào hôm nay. Đó là Bí tích Thêm sức.

Trong Tân Ước, ngoài phép rửa tội bằng nước, còn có một nghi thức khác được đề cập đến, đó là nghi thức đặt tay, có mục đích truyền đạt Chúa Thánh Thần một cách hữu hình và theo cách đầy ân sủng, với những hiệu quả tương tự như những hiệu quả mà các Tông đồ đã tạo ra trong Lễ Ngũ tuần. Sách Công vụ Tông đồ có nhắc đến một tình tiết quan trọng liên quan đến vấn đề này. Khi nghe tin một số người ở Samaria đã nhận được lời Chúa, họ đã cử Phêrô và Gioan từ Giêrusalem đến đó. Các vị “đi xuống cầu nguyện cho họ, để họ nhận được Chúa Thánh Thần, vì Chúa Thánh Thần chưa ngự xuống trên bất cứ ai trong số họ; họ chỉ mới chịu phép rửa nhân danh Chúa Giêsu. Sau đó, các vị đặt tay trên họ và họ nhận được Chúa Thánh Thần” (8:14-17).

Thêm vào đó là những gì Thánh Phaolô viết trong Thư thứ hai gửi tín hữu Côrintô: “Đấng củng cố chúng tôi cùng với anh em trong Đức Ki-tô và đã xức dầu cho chúng ta, Đấng ấy là Thiên Chúa. Chính Người cũng đã đóng ấn tín trên chúng ta và đổ Thần Khí vào lòng chúng ta làm bảo chứng” (1:21-22). Sự bảo đảm của Chúa Thánh Thần. Chủ đề về Chúa Thánh Thần như một “ấn tín hoàng gia” mà Chúa Kitô dùng để đánh dấu chiên của Người là cơ sở cho giáo lý về “ấn tín không thể xóa nhòa” được ban cho qua nghi lễ này.

Theo thời gian, nghi thức xức dầu đã hình thành như một Bí tích trong chính nó, mang nhiều hình thức và nội dung khác nhau trong nhiều thời đại và nghi lễ khác nhau của Giáo hội. Đây không phải là nơi để lần lại lịch sử rất phức tạp này. Đối với tôi, Bí tích Thêm sức là gì trong sự hiểu biết của Giáo hội dường như được mô tả theo cách rất đơn giản và rõ ràng trong Sách Giáo lý dành cho người lớn của Hội đồng Giám mục Ý. Sách này viết: “Bí tích Thêm sức đối với tất cả các tín hữu giống như Lễ Hiện xuống đối với toàn thể Giáo hội. … Bí tích này củng cố sự kết hợp của phép rửa tội vào Chúa Kitô và Giáo hội và sự thánh hiến cho sứ mệnh ngôn sứ, vương giả và tư tế. Bí tích này truyền đạt sự phong phú của các ân huệ của Chúa Thánh Thần. … Do đó, nếu Bí tích Rửa tội là Bí tích sinh ra, thì Bí tích Thêm sức là Bí tích tăng trưởng. Chính vì lý do này, bí tích này cũng là Bí tích chứng tá, vì điều này gắn liền chặt chẽ với sự trưởng thành của đời sống Kitô hữu”. [1] Sách Giáo lý đã đạt tới điểm này.

Vấn đề là làm sao để đảm bảo rằng Bí tích Thêm sức không bị giản lược, trong thực tế, thành “nghi lễ cuối cùng”, tức là Bí tích “rời” khỏi Giáo hội. Người ta nói rằng đó là Bí tích chia tay, vì một khi những người trẻ đã làm điều đó, họ sẽ đi khỏi và chỉ trở lại khi kết hôn. Đó là điều người ta thường nói… nhưng chúng ta phải đảm bảo rằng đó là Bí tích của sự tham gia, của sự tham gia tích cực vào đời sống của Giáo hội. Đây là một cột mốc có vẻ như bất khả, xét đến tình hình hiện tại trên toàn Giáo hội, nhưng điều này không có nghĩa là chúng ta nên ngừng theo đuổi nó. Nó sẽ không như vậy đối với tất cả những người được Thêm sức, trẻ em hay người lớn, nhưng điều quan trọng là ít nhất nó cũng như vậy đối với một số người sau đó sẽ trở thành những người sinh động hóa của cộng đồng.

Vì mục đích này, điều có thể hữu ích là được giúp đỡ để chuẩn bị cho Bí tích này bởi những tín hữu giáo dân đã có cuộc gặp gỡ bản thân với Chúa Kitô và đã có trải nghiệm thực sự về Chúa Thánh Thần. Một số người nói rằng họ đã trải nghiệm nó như một sự nở rộ của Bí tích Thêm sức nhận được khi còn nhỏ.

Nhưng điều này không chỉ liên quan đến những người được Thêm Sức trong tương lai; mà còn liên quan đến tất cả chúng ta và bất cứ lúc nào. Như Thánh Tông đồ đảm bảo với chúng ta, cùng với Thêm Sức và xức dầu, chúng ta cũng nhận được một công phiếu [bond] của Chúa Thánh Thần, mà ở nơi khác ngài gọi là “hoa trái đầu mùa của Chúa Thánh Thần” (Rm 8:23). Chúng ta phải “chi tiêu” công phiếu này, thưởng thức những hoa trái đầu mùa này, không chôn vùi các đặc sủng và tài năng đã nhận được.

Thánh Phaolô đã khuyên nhủ môn đệ Timôtê “hãy khơi dậy ân huệ của Thiên Chúa mà con đã nhận được qua việc đặt tay của ta” (2 Tm 1:6), và động từ được sử dụng gợi lên hình ảnh của một người thổi vào lửa để làm sống lại ngọn lửa. Đây là một mục tiêu tốt cho năm Thánh! Để loại bỏ tro tàn của thói quen và sự tách rời, để trở thành, giống như những người cầm đuốc tại Thế vận hội, những người mang ngọn lửa của Chúa Thánh Thần. Xin Chúa Thánh Thần giúp chúng ta thực hiện một vài bước theo hướng này!
 
Các Nghi lễ của nền Dân chủ
Vũ Văn An
17:43 30/10/2024

Trên The Catholic Thing, ngày 29 tháng 10 năm 2024, Cha Anthony R. Lusvardi, Dòng Tên, suy tư về các nghi lễ trong mùa bầu cử của Hoa Kỳ, mà tiếng Anh gọi là Rites nhưng nếu chỉ nghe không mà thôi thì nó cũng có nghĩa là những điều đúng, ngược với những điều sai:

Tôi không buồn khi sống ở nước ngoài trong mùa bầu cử này. Đại Tây Dương có thể không phải là một vùng đệm hoàn toàn khỏi tất cả sự ngớ ngẩn và cay độc đang nhấn chìm nền dân chủ Hoa Kỳ, nhưng ít nhất nó cũng là một bộ lọc.

Chẩn đoán của tôi về sự suy đồi của nền dân chủ của chúng ta không phải là mới: mối liên hệ giữa sự rối loạn chức năng ngày càng tăng của đời sống công cộng Hoa Kỳ và sự suy giảm niềm tin và thực hành tôn giáo là điều khó có thể bỏ qua. Rốt cuộc, tôn giáo cung cấp một chân trời ý nghĩa và giá trị có khả năng vượt qua các xung đột đảng phái. Tuy nhiên, kể từ khi gửi lá phiếu của mình cách đây vài tuần, tôi đã suy gẫm về một chiều hướng cụ thể của sự rối loạn chức năng của Hoa Kỳ. Tôi là một nhà thần học về bí tích, vì vậy tôi đã suy nghĩ về các nghi lễ dân sự.

Khoảng 1600 năm trước, Thánh Augustinô đã lập luận rằng các nghi lễ hữu hình là cần thiết để giữ cho các cộng đồng tôn giáo gắn kết với nhau. Ngài cảnh cáo rằng nếu loại bỏ các nghi lễ như vậy, các xã hội sẽ không gắn kết. (Contra Faustum 19.11) Ngày nay, chúng ta gọi quan sát của ngài là "xã hội học tôn giáo" thay vì thần học vì ngài cho rằng nó áp dụng cho cả tôn giáo chân chính và tôn giáo sai lầm. Trong nhiều thập niên qua, một lĩnh vực học thuật dành riêng cho cách thức và lý do tại sao các nghi lễ hoạt động - nghiên cứu nghi lễ - đã xuất hiện, rũ bỏ định kiến chống nghi lễ của nền học giả tôn giáo thế kỷ 19.

Thánh Augustinô đã viết chuyên biệt về các cộng đồng tôn giáo, nhưng những quan sát của ngài cũng áp dụng cho đời sống công dân. Bài báo năm 1967 của Robert Bellah "Tôn giáo dân sự tại Hoa Kỳ" lập luận rằng xã hội chính trị Hoa Kỳ dựa trên di sản chung về biểu tượng tôn giáo trùng lặp với các cam kết tôn giáo đa dạng của công dân. Di sản này bao gồm các tín ngưỡng, hùng biện, tường thuật và một loạt các nghi lễ công dân đánh vào dây đàn tâm linh - từ việc hát Quốc ca tại các trận bóng chày đến các lời cầu nguyện tại lễ nhậm chức của các tổng thống.

Tất nhiên, không có nghi lễ nào trong số này tương đương với các bí tích. Lời giải thích của Thánh Augustinô đưa ra một lý do tại sao các nghi lễ tôn giáo là cần thiết, nhưng đó không phải là lý do quan trọng nhất. Tôn giáo dân sự không thể hứa hẹn sự cứu rỗi và khi nói đến ý nghĩa cuối cùng, thì tốt nhất là bổ sung cho đời sống tinh thần phong phú hơn nhiều do các lời tuyên bố tôn giáo chân chính mang lại. Rốt cuộc, một phần lời hứa của nền cộng hòa Hoa Kỳ là bảo vệ quyền tự do ngôn luận của những lời tuyên bố đó. Nhưng ít nhất thì tôn giáo dân sự cũng thúc đẩy các giá trị chung cần thiết để một dân tộc đa dạng có thể chung sống với nhau như một quốc gia.

Vì vậy, ngay cả khi chúng mỏng manh về mặt thần học, các nghi lễ dân sự vẫn là cần thiết. Cho dù là lễ đăng quang của hoàng gia hay bài phát biểu nhượng bộ trong đêm bầu cử, những nghi lễ này đều giúp hợp pháp hóa quyền lực mà chính phủ thực hiện đối với người dân của họ. Đối với tất cả những lời hùng biện dân chủ của chúng ta về "ý chí của người dân", thì cụm từ này có nghĩa chính xác là gì hầu như không hiển nhiên. Nhận được năm mươi phần trăm số phiếu cộng một không đảm bảo sự quản lý công bằng.

Abraham Lincoln đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử có hậu quả quan trọng nhất trong lịch sử Hoa Kỳ với chỉ 39.8 phần trăm số phiếu phổ thông. Ở châu Âu, hệ thống nghị viện thường trao quyền cho các đảng thua cuộc. Bản năng của những Người cha sáng lập bảo vệ đất nước chúng ta khỏi ý chí tàn bạo của người dân thông qua một hệ thống kiểm tra và cân bằng – một nền cộng hòa, không phải nền dân chủ thuần túy – có vẻ đặc biệt đúng đắn ngày nay.

Bất kể điều gì xảy ra vào ngày 5 tháng 11, kết quả sẽ đại diện cho, nhiều nhất, ý chí miễn cưỡng của khoảng một nửa chúng ta. Chúng ta cần một chút nghi lễ để thuyết phục bản thân đồng ý với điều đó.

Áp phích Bầu cử Tổng thống năm 1860 [Thư viện Quốc hội]


Lễ nghi hữu ích vì nghi lễ hoạt động thông qua các biểu tượng; nó đặt các hành động chính trị vào một khuôn khổ biểu tượng gợi ý một ý nghĩa lớn hơn. Chúng ta có thể không hài lòng về kết quả của một cuộc bầu cử đặc thù, nhưng việc nhắc đến lá cờ, bình minh trên Fort McHenry và Hiến pháp đều giúp chúng ta nhớ đến dự án lớn hơn mà chúng ta vốn cam kết với và so với nó, bất cứ kết quả bầu cử cụ thể nào cũng chỉ là một khoảnh khắc.

Một trong những vấn đề gần đây của chúng ta – không phải là vấn đề lớn nhất hay nhỏ nhất – là một số cuộc bầu cử trước đây của chúng ta quả là những thảm họa nghi lễ. Các nghi lễ công dân của Hoa Kỳ khá đơn giản – chúng ta không phải là nhà Habsburg hay nhà Windsor – nhưng điều đó khiến cho một số ít nghi lễ mà chúng ta có trở nên thiết yếu hơn.

Các cuộc bầu cử là một trong những hoạt động quan trọng nhất. Mặc dù tôi phải bỏ phiếu qua bưu điện, nhưng tôi buồn khi thấy việc bỏ phiếu vào Ngày bầu cử giảm đi. Thay vì hội tụ tại khu vực bỏ phiếu của khu phố, việc bỏ phiếu một mình thay đổi ý nghĩa của việc bỏ phiếu như một hành động mang tính biểu tượng. Việc nhìn thấy hàng xóm của mình vào ngày bầu cử và cùng nhau xếp hàng tại các điểm bỏ phiếu khiến chúng ta tham gia vào một hành động chung, ngay cả khi chúng ta đánh dấu vào các ô khác nhau. Nỗ lực thêm đòi phải đến địa điểm bỏ phiếu quả đầu tư một cố gắng một cách cụ thể hơn vào nghi lễ này. Việc bỏ phiếu một mình và gửi phiếu qua bưu điện tượng trưng cho một cử tri đoàn tha hóa.

Cả việc bỏ phiếu sớm và sự suy yếu của các cuộc tranh luận tổng thống - tranh luận là một phần trong thần thoại của chúng ta kể từ thời Lincoln và Douglas - cũng đã thay đổi cách chúng ta hiểu về loại hành động của các cuộc bầu cử. Người bỏ phiếu không còn đóng vai trò là bồi thẩm đoàn lắng nghe cả hai bên trình bày vụ việc của họ nữa.

Thay vào đó, họ giống như lính bộ binh Nga, chỉ cần được huy động để áp đảo đối phương bằng quân số. Tất nhiên, không có cử tri đoàn nào là bồi thẩm đoàn hợp lý và khách quan, nhưng hình thức bầu cử của chúng ta định hình nên sự hiểu biết của chúng ta về những gì chúng ta đang làm. Giống như trong hệ thống pháp luật của chúng ta, các thủ tục là lời nhắc nhở để suy nghĩ thấu đáo. Chính Đêm bầu cử cũng là một loại nghi lễ, và việc đi chệch khỏi các nghi lễ đó phải trả giá. Các tiểu bang thắp sáng đèn đỏ và xanh lam tiếp theo là các bài phát biểu nhượng bộ và chiến thắng có nghĩa là chúng ta sẽ đi ngủ trong tâm trạng vui mừng hoặc thất vọng - nhưng sau đó thức dậy vào sáng hôm sau để làm việc khác. Tính nghi lễ của nó đã giúp truyền tải các đam mê chính trị, để chúng không vượt khỏi tầm kiểm soát. Khi các tranh chấp bầu cử kéo dài đến tháng 12, cấu trúc xã hội của chúng ta trở nên rạn nứt. Hình thức xét xử, cân nhắc và quyết định được thay thế bằng mô hình chiến tranh chiến hào. Tôi viết trong tâm trạng không chắc chắn về những gì sẽ xảy ra vào tháng 11 và thành thật mà nói, tôi lo lắng về việc có thể hàn gắn lại được bao nhiêu phần đời sống công dân của chúng ta. Người Công Giáo, ít nhất, có thể rút ra sự khôn ngoan và quan điểm từ một truyền thống sâu sắc hơn nhiều so với tôn giáo dân sự. Các bí tích của chúng ta đặt chúng ta vào câu chuyện duy nhất có thật theo bất cứ ý nghĩa cuối cùng nào, và không được coi là điều hiển nhiên. Như Thánh Augustinô đã biết, việc thực hiện sai nghi lễ của chúng ta sẽ khiến nhiều thứ khác sụp đổ.
 
Đừng quên Chúa Kitô Vua vào ngày bầu cử: Chính trị Hoa Kỳ không nên có vị thế cao quý như vậy trong đời sống đạo đức của chúng ta
Vũ Văn An
18:48 30/10/2024
Ken Craycraft, Giáo sư Thần học tại Chủng viện và Trường Thần học Mount St Mary ở Cincinnati, OH, trên Catholic Herald ngày 30 tháng 10 năm 2024, viết:

Những người ủng hộ Kamala Harris tụ tập gần Đài tưởng niệm Washington để nghe Harris phát biểu tại The Ellipse, ngày 29 tháng 10 năm 2024. (Ảnh của AMID FARAHI/AFP qua Getty Images.)


Rất sớm thôi, người Mỹ sẽ bước vào giai đoạn đầu của quá trình giải độc khỏi bữa tiệc rượu kéo dài bốn năm mà chúng ta gọi là cuộc bầu cử tổng thống. Khi tôi viết những dòng này, tôi không biết ứng cử viên nào sẽ trở thành Tổng thống tiếp theo của Hoa Kỳ. Nhưng tôi biết rằng Hoa Kỳ sẽ lại là kẻ thua cuộc.

Bất kể ai thắng, chúng ta sẽ bầu ra một người không và không thể chữa lành vết thương của nền chính trị quốc gia độc hại của chúng ta. Người chiến thắng sẽ tiếp tục duy trì những thái độ và chính sách chia rẽ giống như đặc điểm của nền văn hóa chính trị bệnh hoạn của chúng ta.

Đối với người Công Giáo Hoa Kỳ, đây là một cơ hội nữa để suy nghĩ lại về ý nghĩa của việc tham gia vào đời sống công cộng nói chung và chính trị Hoa Kỳ nói riêng. Nhưng điều này chỉ có thể xảy ra nếu chúng ta nhận ra vị trí phụ thuộc mà chính trị - đặc biệt là chính trị Hoa Kỳ - nên có trong cuộc sống của chúng ta.

Hơn bất cứ nhóm nhân khẩu học nào của người Mỹ, người Công Giáo nên cảnh giác không nên quá chú trọng vào kết quả của các cuộc tranh cử chính trị như chúng ta đang chú trọng. Tuy nhiên, chúng ta dường như không khác gì những người không theo Công Giáo khi coi chính trị Hoa Kỳ có một vị thế cao quý trong đời sống đạo đức của chúng ta, cả công khai và riêng tư. Chúng ta đặt đặc quyền này vào huyền thoại tai hại về chủ nghĩa phi thường chính trị Hoa Kỳ.

Khi thành lập vào cuối thế kỷ 18, đất nước này được cho là độc đáo trong lịch sử chính trị thế giới. Thay vì hình thành một tập hợp các định chế chính trị và pháp lý bắt nguồn từ bản sắc dân tộc và ngôn ngữ chung, Hoa Kỳ hoàn toàn được hình thành bởi một tập hợp các ý tưởng chính trị.

Chúng ta có một nền chính trị nhưng không phải là một quốc gia; điều "gắn kết" chúng ta với tư cách là người Mỹ là cam kết chung của chúng ta đối với chủ nghĩa cá nhân khư khư giữ làm của riêng. Sự tận tụy này được thể hiện trong Tuyên ngôn Độc lập của chúng ta, nơi chúng ta viện dẫn đến sự hư cấu về các quyền cá nhân không thể chuyển nhượng. Thay vì bằng lòng với sự phản kháng đối với chế độ chuyên chế chính trị, chúng ta đã thể chế hóa bệnh lý của chủ nghĩa cá nhân khư khư giữ làm của riêng.

Những người ủng hộ Donald Trump đến tham dự một cuộc vận động tranh cử tại Madison Square Garden ở New York, Hoa Kỳ, ngày 27 tháng 10 năm 2024. (Ảnh của BRYAN R. SMITH/AFP qua Getty Images)


Cốt lõi của hệ thống chính trị Hoa Kỳ là thỏa thuận trớ trêu của chúng ta rằng tất cả chúng ta đều là kẻ thù của nhau, được thể hiện thông qua các yêu sách hỗ tương về các quyền tự chủ đầy ám ảnh. Khi chấp nhận "trật tự mới cho các thời đại" này, như đồng tiền của chúng ta nhắc nhở, chúng ta tôn kính các cấu trúc chính trị và pháp lý vốn làm thành luật các yêu sách cá nhân chủ nghĩa của mình.

Khi đã định hướng như vậy, càng đi xa trên con đường, chúng ta càng trở nên xa lạ đối với nhau - và chính trị của chúng ta càng trở nên hung hăng và độc hại hơn. Chúng ta đã thiết lập chính trị của mình trên nền tảng của sự bất đồng và ngạc nhiên khi mọi người trở nên bất đồng hơn.

Hệ tư tưởng cá nhân chủ nghĩa của người Mỹ không chỉ đơn thuần là quan điểm độc hại về con người và đời sống chính trị. Theo quan điểm của thần học đạo đức Công Giáo, đó là một quan điểm sai lầm.

Bằng cách tuân theo chủ nghĩa cá nhân theo phong cách Hoa Kỳ, người Công Giáo Hoa Kỳ duy trì một nền chính trị làm xói mòn đức tin của chính chúng ta - và chúng ta góp phần vào một nền văn hóa sẽ tiếp tục xu hướng thù địch ổn định đối với người Công Giáo và đạo Công Giáo. Chủ nghĩa tự do của Mỹ đã bán cho người Công Giáo Hoa Kỳ sợi dây mà chúng ta tự nguyện dùng treo cổ mình.

Có một cách tốt hơn. Tháng 11 là tháng chúng ta được kêu gọi công nhận Chúa Kitô là Vua của muôn vật, bao gồm cả đời sống đạo đức và các cam kết chính trị của chúng ta.

Năm 1925, Đức Giáo Hoàng Pi-ô XI đã thiết lập Lễ trọng Chúa Giêsu Kitô, Vua của Vũ trụ. Lễ Chúa Kitô Vua, như thường được gọi, được Đức Thánh Giáo hoàng Phaolô VI chuyển sang Chúa Nhật cuối cùng trong Mùa Thường Niên. Điều này nhấn mạnh bản chất cánh chung của lễ này mà Đức Piô XI đã nêu rõ trong Quas Primas, thông điệp tạo ra lễ trọng.

Bằng cách đặt lễ này vào cuối năm phụng vụ, Đức Phaolô VI nhấn mạnh rằng đời sống phụng vụ của chúng ta không thể tách rời khỏi đời sống chính trị của chúng ta. Ngược lại, phụng vụ phải hình thành và định hướng cho chính trị của chúng ta, phục tùng mọi lý thuyết, yêu sách và thực hành chính trị khác, theo Quyền tối cao của Chúa Kitô. Chính trị của chúng ta phải được sắp xếp theo và hướng tới lòng trung thành của chúng ta không phải với cấu trúc chính trị của Hoa Kỳ, mà theo quyền tối cao của Chúa Kitô, Vua của trái tim và các quốc gia.

“Sẽ là một sai lầm nghiêm trọng… nếu nói rằng Chúa Kitô không có bất cứ thẩm quyền nào trong các vấn đề dân sự,” Đức Piô XI giải thích, “vì, do đế quyền tuyệt đối trên mọi tạo vật được Chúa Cha giao phó cho Người, mọi vật đều nằm trong quyền năng của Người.”

Đế quyền tuyệt đối này không phải là đế quyền của chủ nghĩa cá nhân tự chủ, được đặc trưng bởi các yêu sách quyền lợi đầy ám ảnh. Thay vào đó, nó là thuốc giải độc cho quan điểm sai lầm độc hại này về con người. “Khi con người nhận ra, cả trong cuộc sống riêng tư và công cộng, rằng Chúa Kitô là Vua, thì cuối cùng xã hội sẽ nhận được những phước lành lớn lao của sự tự do thực sự, kỷ luật được sắp xếp hợp lý, hòa bình và hòa hợp,” Đức Giáo Hoàng Pi-ô đã viết như vậy.

Người Công Giáo Hoa Kỳ đặc biệt nên tận dụng cơ hội bầu ra một tổng thống không đủ tư cách khác để tái khẳng định quyền lực của Đức Vua hoàn hảo của chúng ta.
 
Chính phủ Uzbekistan coi râu là dấu hiệu của chủ nghĩa khủng bố
Đặng Tự Do
19:45 30/10/2024


Từ tháng 3 vừa qua trở đi, những người đàn ông Hồi giáo trên khắp Uzbekistan để râu dài đã bị bắt giữ, bị cạo râu cưỡng bức và bị phạt tiền. Những người Hồi giáo muốn giấu tên vì sợ bị nhà nước trả thù đã nói với Diễn đàn 18 rằng họ bị cảnh sát bắt giữ trong và xung quanh các nhà thờ Hồi giáo và chợ đường phố.

Trên toàn quốc, những người đàn ông Hồi giáo có râu dài đã bị bắt trong các cuộc đột kích do cảnh sát mật của Cơ quan Mật vụ Nhà nước, gọi tắt là SSS và các sĩ quan cảnh sát bình thường “Sở Đấu tranh với Chủ nghĩa Cực đoan và Khủng bố” chỉ huy. Những người đàn ông này sau đó đã bị đưa đến đồn cảnh sát, bị cạo râu cưỡng bức và sau đó bị cảnh báo rằng họ sẽ bị phạt tiền hoặc nhận án tù ngắn hạn nếu họ để râu dài trở lại. Mức phạt áp dụng dao động từ khoảng một tháng đến hơn một tuần lương trung bình của những người đi làm.

Một số người đàn ông Hồi giáo đã chia sẻ với Diễn đàn 18 rằng kể từ tháng 3, họ đã “cắt tỉa và để râu thật mỏng” để tránh những hình phạt như vậy.

Các viên chức chế độ đã đưa ra nhiều lý do bào chữa cho hành động của họ. Trong một cuộc đột kích vào một nhà thờ Hồi giáo ở Tashkent vào tháng 3 trong buổi cầu nguyện thứ Sáu, các viên chức đã buộc 15 người đàn ông tham dự nhà thờ Hồi giáo có râu vào một căn phòng tại nhà thờ Hồi giáo. Sau đó, cảnh sát tuyên bố với những người đàn ông này rằng những người trẻ tuổi đang trở nên cực đoan và bị ảnh hưởng bởi những gì được mô tả là “mọi loại phong trào tôn giáo”. Sau đó, cảnh sát tuyên bố rằng, do đó, tất cả râu phải được cạo sạch.

Một viên chức cảnh sát “Sở Đấu tranh với Chủ nghĩa cực đoan và Khủng bố” tuyên bố với Diễn đàn 18 rằng “đôi khi chúng tôi tìm kiếm những người đàn ông có râu khi chúng tôi đang truy tìm những kẻ khủng bố. Lúc đầu rất khó để xác định họ là ai, và đôi khi họ trông giống nhau. Nhưng”, ông nói tiếp, “khi không có râu hoặc râu rất ngắn, chúng tôi có thể xác định được người đó”

Nhiều cảnh sát, Bộ Nội vụ, cảnh sát mật SSS và quan chức tòa án đã từ chối giải thích với Diễn đàn 18 lý do tại sao những người đàn ông Hồi giáo để râu dài trên toàn quốc đã bị bắt giữ, bị cạo râu cưỡng bức và bị phạt tiền từ tháng 3.

Người Hồi giáo và những người bảo vệ nhân quyền, những người muốn giấu tên vì sợ bị nhà nước trả thù, đã nói với Diễn đàn 18 rằng họ nghĩ chế độ này có thể đang lên kế hoạch tấn công những phụ nữ đội khăn trùm đầu theo cách tương tự như tấn công những người đàn ông để râu dài.


Source:Forum 18
 
Nhật ký trừ tà số 315: Giờ Thánh trong ngày Halloween
Đặng Tự Do
19:46 30/10/2024


Đức Ông Stephen Rossetti là một linh mục ở Giáo phận Syracuse, phó giáo sư nghiên cứu tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ và tích cực tham gia vào mục vụ trừ tà trong 13 năm qua. Trên trang web catholicexorcism.org, ngài có bài viết nhan đề “Exorcist Diary #315: A Holy Hour on Halloween”, nghĩa là “Nhật ký trừ tà số 315: Giờ Thánh trong ngày Halloween”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Lễ trọng Các Thánh, ngày 1 tháng 11, là một ngày thánh mạnh mẽ, đầy ân sủng mà chúng ta tưởng nhớ và tôn vinh tất cả các linh hồn thánh thiện đã lên thiên đàng, bao gồm cả những người thân yêu trong gia đình chúng ta. Trong khi Chúa liên tục ban ơn cho chúng ta, những ngày lễ đặc biệt này được ban ơn đặc biệt trong đó Chúa đổ phước lành của Người theo cách hào phóng nhất. Chúng ta nên chào đón ngày lễ lớn này và mở lòng cầu nguyện để đón nhận những ân sủng chữa lành mà Chúa dành cho mỗi người chúng ta.

Chúng ta bắt đầu những ngày lễ lớn vào đêm vọng. Trong trường hợp này, đó là “Đêm vọng Lễ Các Thánh”, tức là, Đêm trước Lễ Các Thánh hoặc, như ngày nay được thế tục hóa, là Halloween. Thay vì tôn vinh cái ác, chúng ta nên tôn vinh Chúa của chúng ta!

Hãy tham gia cùng chúng tôi trong giờ thánh trực tuyến đặc biệt (từ nửa đêm thứ năm ngày 31 tháng 10 đến 1 giờ sáng thứ sáu ngày 1 tháng 11 theo giờ miền Đông Hoa Kỳ)* trong đó Cha Rossetti và cộng đoàn Tổng Lãnh Thiên Thần Micae sẽ hướng dẫn chúng ta tôn thờ Thánh Thể, Kinh Cầu Các Thánh, Kinh Mân Côi, Kinh Cầu Đức Bà Loretto, lời cầu nguyện chữa lành và những khoảnh khắc thinh lặng. Chúng ta sẽ cầu nguyện đặc biệt cho các ý chỉ sau:

*Hãy nhớ và tôn vinh những người thân yêu của chúng ta trên thiên đàng và tất cả các thánh

*Hòa bình trên thế giới, đất nước chúng ta, gia đình chúng ta và chính trái tim chúng ta

*Phạt tạ cho những tội lỗi chống lại Thiên Chúa, đặc biệt là Bí tích Thánh Thể

*Ơn gọi linh mục, đời sống tu trì, hôn nhân và thánh hiến

*Chữa lành cho tất cả những người có mặt và những người thân yêu của họ

Lời cầu nguyện của anh chị em rất cần thiết cho thế giới đầy rắc rối ngày nay. Hãy cùng chúng tôi cầu nguyện. Nếu anh chị em không thể, hãy bắt đầu lễ lớn này bằng lời cầu nguyện của riêng anh chị em và tất nhiên là Thánh lễ. Chúa có một ân sủng độc đáo và đặc biệt dành cho anh chị em và cho thế giới của chúng ta.


Source:Catholic Exorcism
 
Đức Hồng Y Müller: Xây Dựng Cuộc Sống Của Bạn Trên Nền Tảng Tình Bạn Với Chúa Kitô
Đặng Tự Do
19:48 30/10/2024


Phát biểu trước những người hành hương Công Giáo truyền thống tại cuộc rước Summorum Pontificum thường niên, cựu tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin đã cảnh báo về đức tin đang trở thành “thói quen vô nghĩa” và nhấn mạnh lời kêu gọi hướng tới đức tin chân chính, sống động

Đức Hồng Y Gerhard Müller đã có bài giảng vào ngày 26 tháng 10 tại Đền Thờ Thánh Phêrô trước những người tham dự cuộc rước kiệu truyền thống Summorum Pontificum lần thứ 13.

Đức Hồng Y Gerhard Müller đã nhấn mạnh rằng đức tin Kitô giáo là một “mối quan hệ cá vị” với Thiên Chúa Ba Ngôi trong sự hiệp thông với Giáo hội của Người, và đã cảnh báo rằng không nên để mối quan hệ đó “teo dần thành một truyền thống máy móc, một phong tục bên ngoài hoặc một thói quen thiếu suy nghĩ”.

Trong bài giảng về sự khác biệt giữa ý thức hệ và đức tin được trình bày vào ngày 26 tháng 10 tại Đền Thờ Thánh Phêrô trước những người tham dự lễ bế mạc cuộc rước kiệu truyền thống Summorum Pontificum lần thứ 13, ngài nhận xét rằng với tư cách là những tín hữu “được kết nối với Chúa Giêsu bằng tình bạn cá vị, chúng ta không cư xử như những người bảo vệ trong một bảo tàng của thế giới đã qua”.

Thay vào đó, ngài nói thêm, “chúng ta di chuyển trong sự hiện diện của Chúa, người mà chúng ta phải trả lời về cuộc sống của mình bằng suy nghĩ, lời nói và việc làm tốt.”

Đức Hồng Y Müller, người từng giữ chức Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin từ năm 2012 đến năm 2017, đã có bài giảng trong một buổi lễ phụng vụ ngắn tại Đền Thờ Thánh Phêrô.

Kể từ năm 2023, và theo sắc lệnh Traditionis Custodes năm 2021 của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, trong đó đặt ra những hạn chế sâu rộng đối với Thánh lễ La tinh truyền thống, những người hành hương tham gia cuộc rước kiệu thường niên không còn được phép cử hành Thánh lễ bế mạc theo nghi thức cũ tại Đền Thờ Thánh Phêrô nữa.

Đức Hồng Y Müller bắt đầu bài giảng của mình bằng cách chỉ ra rằng sự khác biệt giữa đức tin và ý thức hệ là điều mà Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô 16 “nhiều lần nhấn mạnh”.

Đức Hồng Y Müller nhấn mạnh rằng Kitô giáo mang lại “chân lý và tự do, tình yêu và sự sống” và “sự hiệp nhất toàn cầu của tất cả mọi người trong tình yêu của Chúa Kitô”. Đó không phải là một “lý thuyết trừu tượng” mà là “mối quan hệ với một Người” là Đấng “ban cho chúng ta ân sủng của Người để tham gia vào cuộc sống thiêng liêng”.

“Đây là lý do tại sao chúng ta có thể đặt tất cả hy vọng của mình vào Người, trong cuộc sống và cái chết,” Đức Hồng Y, là biên tập viên của The Complete Works of Joseph Ratzinger, cho biết. “Con Thiên Chúa là Đấng Cứu Độ duy nhất của thế giới vì chỉ có Thiên Chúa trong sự toàn năng của Người mới có thể cứu chúng ta khỏi đau khổ, tội lỗi và cái chết,” ngài nói thêm. “Không một người nào, dù thông minh đến đâu, có thể tự mình kéo chúng ta ra khỏi vực thẳm của sự hữu hạn hoặc thậm chí với sức mạnh kết hợp của tất cả tài năng của mọi người.”

Nhưng Đức Hồng Y Müller đã cảnh báo về “cám dỗ hiện sinh” là đặt niềm tin vào con người thay vì Chúa, và nói thêm rằng “vì sự tục hóa”, nhiều người tin rằng người ta có thể “sống như thể Chúa không tồn tại”. Điều này dẫn đến việc tôn thờ “các vị thần giả dối của tiền bạc, quyền lực và dục vọng”, ngài cảnh báo, đồng thời nhắc lại rằng “tất cả các ý thức hệ vô thần của thời đại chúng ta, cùng với những nhà lãnh đạo tự xưng của chúng, chỉ khiến thế giới chìm sâu hơn vào đau khổ”.

Để làm ví dụ, ngài nhấn mạnh đến chế độ phát xít và cộng sản trong quá khứ, cũng như “chủ nghĩa tiêu dùng tư bản, giới tính và ý thức hệ siêu nhân” — tất cả những điều này, ngài nói, “đã biến thế giới thành một sa mạc hư vô”.

“Thế kỷ 20 đầy rẫy những nhà độc tài và quái vật muốn áp đặt ý chí của họ lên thế giới, bất chấp hạnh phúc của hàng triệu người. Họ tin rằng ý tưởng của họ là sự cứu rỗi của thế giới và con người mới phải được 'tạo ra' theo hình ảnh của họ và giống họ và 'được ban phước' theo logic của họ.

“Ngay cả ngày nay,” ngài nói thêm, “chúng ta vẫn chứng kiến những kẻ khủng bố, kẻ bóc lột và những kẻ bắt nạt vô đạo đức tuyên bố rằng lòng căm thù và bạo lực là phương tiện để có một ‘thế giới tương lai tốt đẹp hơn.’” Đức Hồng Y cảnh báo rằng các siêu cường ngày nay “tham gia vào hoạt động địa chính trị tàn nhẫn với cái giá phải trả là mạng sống và phẩm giá của trẻ em và người lớn”.

Nhưng Đức Hồng Y cho biết: “Thiên Chúa thể hiện quyền năng của Ngài chính xác bằng cách không hy sinh người khác vì lợi ích riêng của mình, như những người cai trị thế gian này vẫn làm, nhưng bằng cách hiến mình trong Con của Ngài, Đấng vì tình yêu đã mặc lấy xác phàm của chúng ta”.

Đây là lý do tại sao, trái ngược với “những ý thức hệ chết người” quyến rũ mọi người bằng sự tuyên truyền của chúng, “Kitô giáo là tôn giáo của chân lý và tự do, tình yêu và sự sống”, và tình yêu mà Chúa ban “cho tất cả chúng ta một cách dồi dào” dẫn đến “lòng bác ái đối với người khác là sự viên mãn của con người”, ngài giải thích.

Đức Hồng Y Müller nhấn mạnh đến “những chứng tá tuyệt vời” của nền văn hóa Kitô giáo, đại diện cho “sự tổng hợp của đức tin và lý trí” và sự thống nhất giữa việc phục vụ Thiên Chúa và trách nhiệm đối với thế giới, dựa trên sự Nhập thể.

“Từ Kitô giáo, thế giới sẽ được nhân bản hóa toàn cầu”, ngài nhấn mạnh. “Bằng lời nói và hành động, các Kitô hữu được kêu gọi đóng góp vào hòa bình giữa các dân tộc”.

Đức Hồng Y kết luận bằng cách thúc giục những người hiện diện không “xây dựng ngôi nhà cuộc sống của mình trên các ý thức hệ do con người hình thành, nhưng trên nền tảng tình bạn cá vị với Chúa Kitô trong các nhân đức thiêng liêng — đức tin, đức cậy và đức mến — để có thể nói như Thánh Phaolô: 'Cuộc sống mà tôi đang sống trong thân xác này, tôi sống trong đức tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu thương tôi và hiến mình vì tôi.' (Galat 2:20).”

Đức Hồng Y Müller đã có mặt tại Rôma để tham dự Thượng hội đồng về tính đồng nghị trong tháng này với tư cách là đại biểu Tòa Thánh.


Source:National Catholic Register
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Hình ảnh nếp sống hạnh phúc
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
15:51 30/10/2024
Hình ảnh nếp sống hạnh phúc

Xưa nay con người mong muốn đời sống có hạnh phúc, và luôn hằng đi tìm cùng xây hạnh phúc cho đời sống. Đó là việc tốt lành cùng cần thiết.

Hạnh phúc cũng có nhiều khuôn mặt nhiều khía cạnh khác nhau. Mỗi người có một tầm nhìn hiểu khác nhau về thế nào là hạnh phúc. Hạnh phúc không có hình hài mầu sắc có thể nắm bắt được. Nhưng dẫu vậy qua nhờ hình ảnh biểu tượng có thể diễn tả về hạnh phúc.

Vậy hình ảnh biểu tượng của hạnh phúc được nhìn hay diễn tả như thế nào?

Với những người có cái nhìn: sức khoẻ, việc làm kiếm tiền bạc cơm áo, sự giầu sang, công danh sự nghiệp… Với những người khác lại nhìn khác: gia đình, tình yêu, người bạn đường, lý tưởng đời sống…Đó là những hình ảnh khuôn mặt họ cho là hạnh phúc, khi đạt được.

Còn trong đức tin tinh thần đạo giáo khuôn mặt hình ảnh biểu tượng hạnh phúc là gì?

Trong phúc âm ngày lễ kính mừng các Thánh Nữ Nam trong Giáo Hội Chúa ở trần gian ngày 01.Tháng Mười Một hằng năm, bài giảng Tám mối phúc thật của Chúa Giêsu được đọc lên nói về nếp sống hạnh phúc của người tin theo Chúa.

Công thức hay toa thuốc hạnh phúc Chúa Giêsu diễn tả trong Tám mối phúc thật - ý nghĩa hạnh phúc có thể hiểu là phúc thật- khác với những gì nói về hạnh phúc như thường nghe, thường đọc trong các sách báo, nói chuyện bàn thảo trên truyền hình, truyền thanh.

Chúa Giêsu không căn cứ trên danh vọng, tiền của, sức khoẻ, việc làm…là khuôn mặt hình ảnh của hạnh phúc. Nhưng với Ngài khuôn mặt hạnh phúc nằm ở nơi khác: người có lòng khó khăn, người sống hiền lành, người trong cảnh khóc lóc, người khao khát nhân đức trọn lành, có tâm hồn thương xót người, giữ lòng trong sạch, làm cho người hòa thuận, sống chịu khốn khổ vì đạo Chúa. ( Mt 5, 1-12a ).

Thật là khó hiểu cho tâm trí tầm hiểu biết của con người tạo vật chúng ta. Vậy phải hiểu (bài giảng) về hạnh phúc đó như thế nào?

Trong đời sống xưa nay, khi người nào chọn con đường sống, chọn nghề nghiệp, việc học hành, chọn lý tưởng đường sống…chọn đúng con đường hướng đi là điều quan trọng cần thiết. Một khi đã chọn đúng con đường đi, sẽ có năng lượng niềm vui tiếp tục đi dẫn tới đích điểm thành công, cho dù gặp những khó khăn thử thách. Và như thế có thể đạt được ý nghĩa mang lại hạnh phúc cho đời sống mình.

Những khuôn mặt hình ảnh về hạnh phúc mà Chúa Giêsu diễn tả trong bài giảng Tám mối phúc thật có thể là kim chỉ nam giúp con người tìm được đúng con đường đời sống tinh thần đức tin. Các Vị Thánh, mà chúng ta mừng kính là những tấm gương đời sống rất khác biệt của họ phản chiếu lại kim chỉ nam hướng đi Chúa Giêsu đã đề ra, để đạt được hạnh phúc.

Có rất nhiều những trang lịch sử, và những chặng đường đời sống khác nhau của biết bao vị Thánh được biết đến với tên tuổi, cùng cả những Vị không được biết đến với tên tuổi lịch sử đời họ. Họ đã chọn sống noi theo công thức, dõi theo toa lời khuyên của Chúa Giêsu đề ra sống để đạt tới hạnh phúc. Cho dù công thức, toa lời của Chúa mang đến cảm nhận hương vị nơi người mỗi người khác. Nhưng họ đã hiểu con đường có nếp sống hạnh phúc như Chúa Giêsu chỉ dậy.

Như vậy có thể nói các Thánh Nữ Nam là những người đã tiếp nhận năng lượng của Chúa để phát tỏa ra ánh sáng đức tin.

“Mỗi Thánh nhân như một “bóng điện” được gắn liền với “dòng điện” phát ra từ “nhà máy điện” của Chúa.” ( Cố Lm. Giuse Vũ Xuân Huyên)

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
 
Hình ảnh ánh sáng ngàn thu
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
15:53 30/10/2024
Hình ảnh ánh sáng ngàn thu

Ngày lễ cầu cho các linh hồn, và trong thánh lễ an táng người qúa cố chúng ta hát mở đầu thánh lễ với lời cầu nguyện: “ Lạy Chúa xin cho các linh hồn được nghỉ yên muôn đời, và cho ánh sáng ngàn thu chiếu soi trên các linh hồn ấy.”

Đó cũng tương tự như lời cầu nguyện của dân Chúa ngày xưa cầu khấn cho các người đã qua đời, sau khi thành Thánh Jerusalem bị xâm chiếm phá huỷ vào thời điểm năm 100. sau Chúa giáng sinh. Lời cầu nguyện này nói lên niềm tin, tình yêu mến cùng niềm hy vọng của con người.

Lời hát cầu nguyện của người tín hữu Chúa Kitô cho người qúa cố không chỉ phổ thông rộng rãi cùng được yêu mến khắc ghi trong tâm khảm nói lên tình tự người còn sống với người đã qúa cố, nhưng còn nói lên sự tương quan liên kết với ánh sáng vĩnh cửu (ngàn thu)nữa.

Vậy hình ảnh ánh sáng vĩnh cửu ngàn thu là gì?

Biểu tượng ánh sáng giữ vai trò quan trọng trong đức tin Kitô giáo. Ánh sáng được nhìn hiểu là món qùa tặng châu báu của Thiên Chúa ban cho sự sống trong vũ trụ. Ngay từ khởi đầu Thiên Chúa đã sáng tạo ánh sáng là cực đối chiếu lại bóng tối, như Kinh thánh thuật lại. (St 1,3).

Rồi Chúa Giêsu Kitô xuống trần gian làm người cũng từng khẳng định Ngài ánh sáng từ trời cao đêm đến cho trần gian( Ga 1,9). Ánh sáng là hình ảnh biểu tượng diễn tả sự phục sinh sống lại của Chúa Giêsu Kitô. Cây nến Chúa Phục sinh nhắc nhớ người tín hữu Chúa Kitô đến ánh sáng Chúa Kitô phục sinh.

Hỉnh ảnh ánh sáng cây nến Rửa tội, ngày đầu đời sống trên trần gian, và ánh sáng cây nến ngày qua đời, ngày cuối cùng đời sống trên trần gian, chiếu tỏa sự sống đức tin rõ nét đời sống con người.

Ánh sáng cây nên ngày rửa tội được thắp sáng lên từ ngọn lửa cây nến Chúa phục sinh trong suốt dọc đời sống đức tin của người tín hữu Chúa Kitô qua mọi chặng đường đời sống trần trần gian. Ánh sáng này đồng hành chiếu soi tâm hồn họ cho tới ngảy đời sống trên trần gian kết thúc vẹn toàn.

Vì thế, vào ngày lễ tưởng nhớ các linh hồn, theo tập tục đạo đức lòng hiếu thảo, người tín hữu Chúa Kitô thường đến thăm viếng nghĩa trang, nơi có phần mồ mả của người thân yêu, của người quen biết ân nhân, của bạn bè…Họ sửa sang mồ mả cho đẹp sạch sẽ, trưng cắm bông hoa tươi và đốt thắp ngọn nến, hoặc thắp sáng cây đèn dầu cắm đặt trên phần mộ người qúa cố nằm sâu trong lòng đất.

Hình ảnh biểu tượng này nói lên tâm tình yêu mến, lòng hiếu thảo biết ơn cùng sự gắn bó của người còn sống với người đã qua đời.

Hình ảnh ánh sáng cây nến, chiếc đèn dầu trên phần mộ người qúa cố phát tỏa ra biểu tượng đức tin vào sự phục sinh sống lại và vào sự sống vĩnh cửu. Như khi xưa người đã qua đời và người còn đang trên đường sống trần gian hằng tuyên tín: Tôi tin loài người ngày sau sống lại và sự sống đời sau, Amen.

Đốt thắp sáng ngọn nến, chiếc đèn dầu tưởng nhớ người qúa cố và cầu nguyện cho họ xin Chúa cho ánh sáng ngàn thu chiếu soi trên các linh hồn, luôn là một tập tục đạo đức tốt lành, đẹp thánh đức trong nếp sống văn hóa con người có gía trị thánh thiêng cao qúi.

“ Mặt trời mọc ở phương Đông và lặn ở phương Tây. Như thế, lúc bắt đầu đêm tối ở bán cầu này cũng là lúc bắt đầu ngày sáng ở bán cầu kia. Con người “ mọc” lúc sinh ra, và “lặn” lúc qua đời. Như thế, chết ở đời này là sinh vào đời sau.” ( Cố Lm. Vũ Xuân Huyên).

Lễ tưởng nhớ các Linh hồn

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
 
VietCatholic TV
Xe tăng Nga ào ạt xung phong ở Kursk, cuộc phản công vẫn thất bại. Bradley và Abrams bắn quá nhanh
VietCatholic Media
03:13 30/10/2024


1. Video của Kursk cho thấy Bradley, Abrams của Ukraine giao chiến với xe tăng Nga

Những cảnh quay mới cho thấy một xe tăng và xe thiết giáp do Hoa Kỳ cung cấp trên đất Nga khi cuộc tấn công bất ngờ xuyên biên giới của Kyiv sắp diễn ra trong ba tháng.

Lữ đoàn cơ giới số 47 của Ukraine, đơn vị được triển khai tại các điểm nóng giao tranh dọc hàng trăm dặm tiền tuyến, đã chia sẻ lên mạng xã hội đoạn phim ghi lại cảnh xe tăng Abrams do Hoa Kỳ tài trợ và xe chiến đấu bộ binh Bradley đang hoạt động ở khu vực Kursk của Nga.

Lữ đoàn cho biết các chiến binh Kyiv đã thực hiện một chiến dịch ở khu vực biên giới, bao gồm việc tấn công các vị trí của Nga bằng hỏa tiễn chống tăng TOW do Mỹ sản xuất.

Cuộc tiến công của Ukraine vào Kursk từ đầu tháng 8 đánh dấu bước tiến đáng kể nhất vào lãnh thổ Nga kể từ khi bắt đầu cuộc chiến toàn diện vào tháng 2 năm 2022. Động thái này khiến nhiều nhà quan sát quốc tế, bao gồm cả các đồng minh thân cận nhất của Ukraine, bất ngờ, và Nga đã chậm trễ trong việc chống lại bước tiến nhanh chóng ban đầu của Kyiv.

Nhiều cuộc tấn công tập trung vào khu vực xung quanh thành phố Sudzha, nơi Ukraine tuyên bố chủ quyền chỉ hơn một tuần sau khi cuộc xâm nhập diễn ra, và hướng về phía Korenevo, một thị trấn phía tây bắc Sudzha. Trong những tuần gần đây, Nga đã cố gắng chiếm lại lãnh thổ trước đây do Ukraine nắm giữ ở phía nam Korenevo nhưng cho đến nay vẫn thất bại.

Viện Nghiên cứu Chiến tranh, gọi tắt là ISW, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Hoa Kỳ theo dõi những thay đổi hàng ngày ở tiền tuyến, cho biết các lực lượng Ukraine và Nga đang giao tranh tích cực trong khu vực Kursk.

Tổng Tư Lệnh Ukraine, Đại Tướng Oleksandr Syrskyi, cho biết hôm thứ Sáu rằng Nga đã chịu 17.819 thương vong, bao gồm cả những người thiệt mạng, bị thương và bị bắt, tại Kursk. Ông mạnh mẽ phản bác tin giả do Putin tung ra cho rằng quân đội Ukraine đã bị “bao vây” tại Kursk.

Lữ đoàn cơ giới số 47 cho biết trong một tuyên bố: “Nửa năm trước, liệu có ai có thể tưởng tượng được rằng thiết bị của Mỹ sẽ có mặt trên lãnh thổ của đối phương không?”

Đầu tháng này, lữ đoàn đã ca ngợi hiệu suất của Abrams và Bradleys, nói rằng: “Thiết bị của Mỹ tạo nên sự khác biệt trên chiến trường.”

Theo các tài liệu của Ngũ Giác Đài, cho đến nay, Hoa Kỳ đã cung cấp 31 xe tăng Abrams và hơn 300 xe chiến đấu bộ binh Bradley, cùng với các xe hỗ trợ cho Ukraine.

Các chiến binh thuộc Lữ đoàn cơ giới độc lập số 116 của Ukraine cho biết Lữ đoàn 47 đã sử dụng xe thiết giáp, bao gồm cả xe Bradley, cùng với sự hỗ trợ từ một số đơn vị khác trong quân đội để thực hiện “một chiến dịch tấn công được chuẩn bị kỹ lưỡng với sự phối hợp xuất sắc giữa các đơn vị”.

Hôm thứ Hai, Tổng thư ký NATO Mark Rutte cho biết ông có thể xác nhận rằng quân đội Bắc Hàn đã được gửi đến Nga và các đơn vị quân đội Bắc Hàn đã được triển khai đến khu vực Kursk.

Trong những tuần gần đây, tình báo Ukraine và Nam Hàn đưa tin rằng có hơn 10.000 chiến binh Bình Nhưỡng đã đến Nga, có khả năng là để tham gia các cuộc đụng độ với Ukraine.

Cơ quan tình báo quân sự GUR của Kyiv cho biết hôm thứ Năm rằng họ đã phát hiện quân đội Bắc Hàn ở khu vực Kursk lần đầu tiên vào ngày hôm trước.

Một số nước NATO đã lên án sự hiện diện của binh lính Bắc Hàn tại Nga là sự leo thang nguy hiểm và đáng lo ngại của cuộc xung đột. Hán Thành, vốn rất cảnh giác với mối quan hệ gần gũi của Bình Nhưỡng với Mạc Tư Khoa và lập trường ngày càng khiêu khích của nước này trong những tháng gần đây, đã tuyên bố sẽ cân nhắc gửi vũ khí tới Ukraine, đánh dấu một sự thay đổi chính sách đáng kể so với lập trường lâu nay là không cung cấp viện trợ sát thương.

Điện Cẩm Linh đã bác bỏ những cáo buộc này là “tin giả”, trong khi một đại diện của Bắc Hàn tại Liên Hiệp Quốc gọi các báo cáo này là “vô căn cứ”.

Nhưng trong các bình luận vào cuối tuần, Putin cho biết đó là “quyết định có chủ quyền” của Nga về cách sử dụng mối quan hệ quốc phòng với Bắc Hàn. Mạc Tư Khoa đã ký một hiệp ước phòng thủ chung với Bình Nhưỡng vào đầu năm nay.

“Đó là việc của chúng tôi,” Putin nói.

[Newsweek: Kursk Videos Show Ukrainian Bradley, Abrams Engage Russian Tanks]

2. Tổng thống Lithuania phàn nàn về phản ứng của NATO đối với quân đội Bắc Hàn ở Nga: Sự do dự dẫn đến leo thang

Tổng thống Lithuania Gitanas Nausėda tin rằng NATO nên cấp phép cho Ukraine tấn công sâu vào lãnh thổ Nga và tăng cường hỗ trợ quân sự để ứng phó với sự hiện diện của quân đội Bắc Hàn trên lãnh thổ Nga.

Nói về phản ứng cần thiết đối với những diễn biến như vậy, Tổng thống Nausėda cho biết: “Chính sự do dự sẽ dẫn đến leo thang, chứ không phải ngược lại”.

“Quân đội Bắc Hàn đang giúp Nga trong cuộc chiến với Ukraine. NATO phải đáp trả bằng cách cung cấp cho Ukraine mọi thứ cần thiết để giành chiến thắng”, ông tuyên bố.

Trong số các biện pháp NATO nên thực hiện, Nausėda đề cập đến việc cung cấp cho Ukraine hỏa tiễn tầm xa, cho phép tấn công sâu vào lãnh thổ Nga và tăng cường hỗ trợ quân sự.

Hoa Kỳ trước đó đã tuyên bố rằng họ đang tham khảo Ukraine cùng với các đồng minh và đối tác khác về các bước ứng phó với việc Bắc Hàn triển khai quân tới Nga.

Deividas Matulionis, Đại diện thường trực của Lithuania tại NATO, tin rằng Liên minh nên phản ứng với việc triển khai quân đội Bắc Hàn tại Nga bằng các hành động cụ thể.

Tổng thư ký NATO Mark Rutte xác nhận quân nhân Bắc Hàn hiện đang hỗ trợ lực lượng Nga tại Vùng Kursk của Nga.

[Ukrainska Pravda: Lithuanian President reacts to NATO's response to North Korean troops in Russia: Hesitation leads to escalation]

3. Đối thủ của Sandu tuyên bố ủng hộ Ukraine, tổng thống Moldova gọi ông ta là ‘người của Mạc Tư Khoa’

Ứng cử viên tổng thống Moldova Alexandr Stoianoglo tuyên bố ông sẽ tiếp tục ủng hộ Ukraine, một tuyên bố đã bị Tổng thống đương nhiệm Maia Sandu bác bỏ trong cuộc tranh luận tổng thống vào ngày 27 tháng 10.

Stoianoglo, được Đảng Xã hội thân Nga ủng hộ, sẽ đối đầu với Sandu thân Liên Hiệp Âu Châu trong cuộc bỏ phiếu bầu tổng thống vòng hai vào ngày 3 tháng 11. Stoianoglo và Sandu lần lượt giành được 25,95% và 42,49% trong vòng đầu tiên vào ngày 20 tháng 10.

Khi Sandu hỏi ông sẽ phát triển mối quan hệ với Ukraine như thế nào, Stoianoglo cho biết ông sẽ “thiết lập mối quan hệ tốt đẹp với tất cả các đối tác phát triển”.

“Chúng tôi ủng hộ Ukraine trong chiến tranh, chúng tôi cung cấp cho họ viện trợ nhân đạo, và tôi tin tưởng rằng mối quan hệ của chúng tôi sẽ ngày càng bền chặt hơn trong nhiệm kỳ tổng thống của tôi”, ứng cử viên tổng thống cho biết, đồng thời nói thêm, “Bây giờ, chỉ có những tuyên bố mang tính quân sự”.

“Ông có tin vào những gì ông nói không? Ở Kyiv, họ biết ông là người của Mạc Tư Khoa”, Sandu đáp trả.

Theo tổng thống đương nhiệm, Stoianoglo được sự hậu thuẫn của Igor Dodon, nguyên thủ quốc gia thân Nga của Moldova từ năm 2016 đến năm 2020, người đang phải đối mặt với cáo buộc tham nhũng và phản quốc.

Chính quyền Moldova cáo buộc Mạc Tư Khoa và nhà tài phiệt thân Nga Ilan Shor mua phiếu bầu để tác động đến cuộc bầu cử chống lại Sandu và cuộc trưng cầu dân ý song song về tư cách thành viên Liên Hiệp Âu Châu.

Cuộc trưng cầu dân ý không ràng buộc về việc đưa nguyện vọng gia nhập Liên Hiệp Âu Châu của Chisinau vào hiến pháp đã được thông qua với tỷ lệ sít sao là 50,35%, một kết quả thấp hơn đáng kể so với dự kiến.

Sandu đã ủng hộ Ukraine trong suốt cuộc chiến toàn diện và đưa đất nước đi theo con đường ủng hộ Liên Hiệp Âu Châu, khởi động các cuộc đàm phán gia nhập vào đầu năm nay.

Stoianoglo, cựu tổng công tố viên Moldova đến từ vùng Gagauzia phần lớn ủng hộ Nga, tự giới thiệu mình là ứng cử viên mới có thể thống nhất phe đối lập. Sandu và một số nhà quan sát cho rằng ứng cử của ông chỉ là mưu mẹo của Mạc Tư Khoa nhằm đưa ra một ứng cử viên dễ chấp nhận hơn Dodon.

[Kyiv Independent: Sandu's rival claims support for Ukraine, Moldovan president calls him 'Moscow's man']

4. Anh cáo buộc các công ty Nga kích động biểu tình chống Ukraine

Chính phủ Anh đã trừng phạt ba cơ quan của Nga và các giám đốc điều hành cao cấp của họ, cáo buộc họ dàn dựng các chiến dịch thông tin sai lệch và tìm cách kích động các cuộc biểu tình chống Ukraine trên khắp Âu Châu.

Cơ quan Thiết kế Xã hội, gọi tắt là SDA, Structura National Technologies và Ano Dialog, cùng với các giám đốc của họ, bị cáo buộc cầm đầu một “mạng lưới trực tuyến độc hại rộng lớn” thường được gọi là “Doppelganger”.

Bộ Ngoại giao Anh cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Hai rằng mạng lưới này đã sử dụng “những chiến thuật gian dối... để che giấu sự thật xung quanh cuộc xâm lược bất hợp pháp của Nga vào Ukraine và đánh lạc hướng khỏi bản chất thực sự của cuộc chiến”.

Báo cáo cho biết mạng lưới này được Điện Cẩm Linh tài trợ để tạo ra và phát tán thông tin sai lệch, chẳng hạn như tin tức giả mạo và tin tức giả mạo, trên các nền tảng truyền thông xã hội nhằm phá hoại nền dân chủ và làm suy yếu sự ủng hộ của quốc tế dành cho Ukraine.

Bộ Ngoại giao Anh cho biết SDA cũng được giao nhiệm vụ kích động biểu tình trên khắp Âu Châu, nhưng gặp khó khăn trong việc thu hút sự chú ý trực tuyến vì các bot và trang web giả mạo chỉ có tương tác hạn chế.

Bộ trưởng Ngoại giao Anh David Lammy gọi Putin là “quá tuyệt vọng trong việc phá hoại sự ủng hộ của Âu Châu dành cho Ukraine đến mức giờ đây ông ta đang dùng đến những nỗ lực vụng về, không hiệu quả để cố gắng kích động bất ổn”.

“Chúng tôi sẽ không dung thứ cho những lời nói dối và sự can thiệp của các người, và chúng tôi sẽ truy đuổi các người,” ông nói thêm.

Bộ Ngoại giao cho biết các biện pháp của Anh sẽ được thực hiện theo sau bởi các hành động tương tự từ Hoa Kỳ, Liên minh Âu Châu, Canada và Úc trong những tuần tới.

[Politico: UK accuses Russian firms of stoking anti-Ukraine protests]

5. Trung Quốc nghiên cứu kinh nghiệm của cuộc xâm lược Ukraine tại Belarus

Viện Nghiên Cứu Chiến Tranh Hoa Kỳ, gọi tắt là ISW, cho biết họ tin rằng Trung Quốc đang nghiên cứu kinh nghiệm của Nga trong cuộc xâm lược Ukraine tại Belarus

Chỉ huy Lực lượng tác chiến đặc biệt Belarus, Thiếu tướng Vadim Denisenko, cho biết đại diện từ Trung Quốc, Uzbekistan và Kazakhstan đã tham gia các cuộc tập trận quân sự tại Belarus trong ba đến bốn tháng qua.

Denisenko tuyên bố rằng Trung Quốc quan tâm đến những bài học kinh nghiệm mà quân đội Belarus rút ra được liên quan đến cuộc xâm lược của Vladimir Putin ở Ukraine, chẳng hạn như việc sử dụng máy bay điều khiển từ xa, dọn chiến hào và tấn công các tòa nhà.

Trong bản báo cáo ngày 28 tháng 10, ISW cho biết:

Tổng thư ký NATO Mark Rutte tuyên bố rằng các quan chức tình báo Nam Hàn đã chia sẻ bằng chứng với các quan chức NATO vào ngày 28 tháng 10 rằng các đơn vị của Bắc Hàn đang hoạt động ở Tỉnh Kursk.

Lực lượng Ukraine đã tiến hành một loạt cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa khác vào các nhà máy lọc dầu của Nga vào đêm 27 và 28 tháng 10, được cho là nhằm mục đích làm giảm năng lực không quân của Nga.

Nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin đã thừa nhận ngắn gọn về tình trạng thiếu hụt lao động của Nga vào ngày 28 tháng 10, nhưng nhấn mạnh đến tỷ lệ thất nghiệp thấp của Nga trong nỗ lực định hình lại thách thức này theo hướng có lợi và tuyên bố rằng nền kinh tế Nga có thể duy trì một cuộc chiến tranh kéo dài ở Ukraine.

Tòa án Hiến pháp Moldova tuyên bố sẽ xem xét lại kết quả cuộc trưng cầu dân ý Liên minh Âu Châu (Liên Hiệp Âu Châu) ngày 20 tháng 10 vào ngày 31 tháng 10 và người về thứ ba trong vòng đầu tiên của cuộc bầu cử tổng thống đã tuyên bố rằng ông sẽ không ủng hộ bất kỳ ứng cử viên nào trong vòng bầu cử tiếp theo.

Xã hội dân sự Georgia, phe đối lập và các nhà quan sát bầu cử quốc tế tiếp tục bác bỏ kết quả cuộc bầu cử quốc hội Georgia năm 2024 trong bối cảnh cuộc biểu tình quy mô lớn diễn ra tại Tbilisi vào ngày 28 tháng 10.

Lực lượng Nga gần đây đã tiến được một khoảng cách hạn chế gần Kupiansk, phía đông nam Pokrovsk và phía tây nam thành phố Donetsk.

[Ukrainska Pravda: China studies experience of war with Ukraine in Belarus – ISW]

6. Ngoại trưởng Ý cảnh báo: Vụ hack lớn của Ý là ‘mối đe dọa đối với nền dân chủ’

Ngoại trưởng Ý đã lên tiếng sau khi một nhóm tin tặc bị bắt vì đánh cắp thông tin về các chính trị gia cao cấp từ cơ sở dữ liệu nhà nước.

Tài liệu bị xâm phạm bao gồm thông tin từ kho lưu trữ của Bộ Nội vụ, được cho là đã bị một công ty điều tra tư nhân truy cập hơn 50.000 lần và nhắm vào cựu Thủ tướng Matteo Renzi và Chủ tịch Thượng viện Ignazio La Russa, một đồng minh thân cận của Thủ tướng Giorgia Meloni, theo các báo cáo của phương tiện truyền thông địa phương.

Bộ trưởng Ngoại giao Antonio Tajani cho biết vụ tấn công mạng này là “không thể chấp nhận được” và “mang tính tội phạm”.

“Hành vi hack này là không thể chấp nhận được, chúng tôi đã nói điều này từ lâu rồi… Việc theo dõi đời tư của mọi người rồi sử dụng thông tin đó cho mục đích kinh tế hoặc chính trị thực sự là mối đe dọa đối với nền dân chủ.” Những thông tin như vậy có thể được Nga “hoặc các quốc gia khác không phải là bạn của chúng ta” sử dụng,” Tajani phát biểu tại một sự kiện của đảng.

Ông nói thêm rằng thông tin như vậy thường được sử dụng làm đòn bẩy trong “các cuộc chiến nội bộ và chính trị”.

Cảnh sát đã quản thúc tại gia bốn người vào thứ Bảy liên quan đến cuộc điều tra công ty thám tử tư Equalize, một công ty có trụ sở tại Milan do một cựu cảnh sát điều hành.

Các công tố viên cho biết việc truy cập thông tin bí mật, được cho là đã bán cho khách hàng và có thể được sử dụng để gây ảnh hưởng hoặc tống tiền các doanh nhân và chính trị gia, diễn ra trong khoảng thời gian từ năm 2019 đến năm 2024.

Theo Reuters, các thám tử tư bị cáo buộc đã truy cập vào một cơ sở dữ liệu theo dõi các hoạt động tài chính đáng ngờ; một cơ sở dữ liệu khác do cơ quan thuế quốc gia sử dụng với các giao dịch ngân hàng, hóa đơn tiện ích và báo cáo thu nhập của công dân; và cơ sở dữ liệu điều tra của cảnh sát.

Công tố viên chống mafia quốc gia Ý, Giovanni Melillo, phát biểu với các phóng viên hôm thứ Bảy rằng cuộc điều tra đã “gió lên hồi chuông báo động” vì nó làm sáng tỏ “thị trường khổng lồ về thông tin mật” đã đạt đến “quy mô giống như kinh doanh”.

Cuộc điều tra diễn ra sau cuộc điều tra gần đây về một vụ vi phạm riêng biệt tại ngân hàng Ý Intesa Sanpaolo nhắm vào Meloni và chị gái cô.

Trong trường hợp đó, Meloni yêu cầu trừng phạt nghiêm khắc những người hack thông tin cá nhân của các chính trị gia.

“Tôi hy vọng các công tố viên sẽ đi đến cùng, bởi vì trong trường hợp tốt nhất, đằng sau hoạt động này là một hệ thống tống tiền và cưỡng đoạt. Và trong trường hợp xấu nhất, chúng tôi đang xem xét tội phá hoại,” bà nói.

[Politico: Mega Italian hack is ‘threat to democracy,’ FM says]

7. Croatia sẽ cung cấp cho Ukraine 30 xe tăng, 30 xe chiến đấu bộ binh để đổi lấy xe tăng Leopard của Đức

Bộ trưởng Quốc phòng Croatia Ivan Anusic đã ký một bản ghi nhớ với Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius, theo đó phía Croatia sẽ nhận được xe tăng Leopard 2A8 để đổi lấy thiết bị mà nước này sẽ chuyển giao cho Ukraine, theo tuyên bố của Bộ Quốc phòng Croatia.

Kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện, Croatia đã cung cấp cho Ukraine hơn 300 triệu euro, hay 330 triệu đô la, viện trợ, bao gồm 11 gói quốc phòng. Tổng thống Volodymyr Zelenskiy đã công bố gói viện trợ thứ 12 vào đầu tháng 9.

Theo bản ghi nhớ, Croatia đã cam kết cung cấp 30 xe tăng M-84 và 30 xe chiến đấu bộ binh M-80, cũng như phụ tùng thay thế và đạn dược, để đổi lấy nguồn tài chính nhằm mua tới 50 xe tăng Leopard 2A8.

Tổng giá của xe tăng Leopard 2A8 mới sẽ được giảm bằng số tiền Đức trả cho Croatia để chuyển giao thiết bị cho Ukraine.

Anusic bày tỏ hy vọng rằng việc thực hiện sáng kiến này sẽ bắt đầu “rất sớm”.

“Tất cả các chi tiết khác sẽ được biết sau khi hợp đồng được ký kết. Một giá trị bổ sung của mô hình mua sắm này là giúp Ukraine chống lại sự xâm lược của Nga”, tuyên bố viết.

Vào ngày 9 tháng 10, Tổng thống Volodymyr Zelenskiy và Thủ tướng Croatia Andrej Plenkovic đã ký một thỏa thuận song phương về hỗ trợ và hợp tác.

Đây là thỏa thuận song phương thứ 27 được ký kết giữa Ukraine và một quốc gia đối tác kể từ tuyên bố chung của G7 trong hội nghị thượng đỉnh NATO tại Vilnius vào tháng 7 năm 2023

[Ukrainska Pravda: Croatia to provide Ukraine with 30 tanks, 30 infantry fighting vehicles in exchange for German Leopard tanks]

8. Chiến trường tiếp theo của Putin được tiết lộ khi lá phiếu bấp bênh ‘mở đường cho cuộc chiếm đất theo kiểu Hitler’ mới ở Âu Châu

Các chuyên gia cảnh báo rằng một cuộc bỏ phiếu bấp bênh đã mở đường cho hành động chiếm đoạt đất đai tiếp theo của Vladimir Putin.

Các nhà phân tích cho biết, bạo chúa người Nga hiện đang để mắt tới việc chiếm lấy Moldova sau khi nước này bỏ phiếu trong tuần này để tiến tới gia nhập Liên Hiệp Âu Châu.

Trùm mafia Vladimir Putin phải hành động ngay bây giờ để ngăn chặn nó rời khỏi quỹ đạo của Nga mãi mãi và chuẩn bị áp dụng các động thái tương tự như trường hợp của Ukraine.

Tuần này, tỷ lệ bỏ phiếu sít sao của Moldova - 50,39 phần trăm so với 49,61 phần trăm - để chính thức gia nhập Liên Hiệp Âu Châu được đưa ra sau hai cáo buộc gây sốc về sự can thiệp của Nga.

Tổng thống Maia Sandu hôm thứ Hai cáo buộc Mạc Tư Khoa cố gắng mua phiếu bầu của 300.000 người (khoảng 20 phần trăm tổng số phiếu bầu) bằng “hàng triệu Euro” được đưa ra.

Và tuần trước, giám đốc tình báo của nước này đã cáo buộc Wagner huấn luyện những người Moldova thân Nga biểu tình chống lại chính phủ tại các “trại du kích” ở Serbia.

Các chuyên gia nói với tờ The Sun rằng những chiến thuật vùng xám này cho thấy Putin đang sử dụng cùng một chiến thuật từng áp dụng trước cuộc xâm lược Ukraine khi ông tìm cách biến nơi này thành một phần của Đế chế Nga mới của mình.

Orysia Lutsevych, Phó Giám đốc Chương trình Nga và Âu Á tại Chatham House cho biết “trò chơi đã bắt đầu” khi Putin tìm kiếm “chiến thắng nhanh chóng”.

Lutsevych cho biết kế hoạch của Putin không phải là một kế hoạch lý thuyết - mà đang ở giai đoạn đầu hiện thực hóa.

Bà cho biết người đàn ông 72 tuổi này đang tìm cách gây bất ổn cho Moldova và thách thức kết quả bầu cử nếu ứng cử viên thân Nga không giành chiến thắng.

Bà nói: “Putin nhất quán với tầm nhìn của mình rằng Moldova thuộc về ông ấy, và như chúng ta thấy với Ukraine, ông ấy sẵn sàng chịu tổn thất lớn, trả giá rất, rất cao”.

Lutsevych cho biết Putin có thể thử và xây dựng một cuộc cách mạng ngược bằng cách gây bất ổn và sau đó lật đổ chính phủ thân phương Tây để ủng hộ chính phủ Nga.

Bà cho biết: “Tình hình ở Moldova tương tự như trước cuộc nổi dậy năm 2013, khi người Nga cố gắng đạt được mục đích chính trị của mình bằng cách tham nhũng và mua chuộc cử tri”.

Bên trong Moldova có hai vùng ly khai là Transnistria và Gagauzia, liên kết với Nga.

Lutsevych cho biết Putin có thể sử dụng chúng tương tự như cách ông sử dụng việc sáp nhập Crimea làm “bàn đạp” cho một cuộc xâm lược lớn hơn vào Ukraine.

Bà nói: “Ông ấy quan tâm đến Moldova nói chung và những vùng lãnh thổ này chỉ là cách để ông ấy đạt được mục tiêu kiểm soát mà thôi.

“Tôi nghĩ ông ấy có thể sử dụng những vùng lãnh thổ này như những câu lạc bộ để vô hiệu hóa Moldova trước tiên và sau đó cuối cùng giành quyền kiểm soát hoàn toàn.”

Một cách khác mà Putin có thể tấn công là xây dựng một cây cầu đất liền tới Moldova thông qua Ukraine như một phần của cuộc xâm lược.

Lutsevych cho biết: “Nếu Putin giành được đất đai dọc Hắc Hải ở Ukraine thì Moldova có thể sụp đổ”.

Nếu Moldova trở thành một quốc gia ủy nhiệm của Nga thì sẽ có thêm một quốc gia thù địch nữa bên cạnh Ukraine.

Tổng thống Sandu đã giành chiến thắng trong vòng bầu cử đầu tiên vào ngày 20 tháng 10 với 42 phần trăm số phiếu bầu.

Nhưng hiện nay có lo ngại phe đối lập có thể liên kết chống lại bà và ủng hộ ứng cử viên thân Nga cạnh tranh với bà ở vòng 2.

Christina Harward, nhà nghiên cứu về Nga tại Viện Nghiên cứu Chiến tranh, đã viết trong một báo cáo tuần trước rằng Moldova là một quốc gia “chiến trường”.

Bà nói với tờ The Sun rằng Putin hiện đang phát tán thông tin sai lệch và có thể tìm cách kích động bạo lực trong nước để ngăn chặn tình hình chuyển sang phe phương Tây.

Harward cho biết: “Sự bất ổn và hỗn loạn... phục vụ cho lợi ích của Điện Cẩm Linh khi Nga cố gắng gây chia rẽ trong xã hội Moldova và ngăn Moldova gia nhập Liên Hiệp Âu Châu.

Harward cho biết: “Việc một quốc gia hậu Xô Viết khác xích lại gần phương Tây - và trở nên thịnh vượng và dân chủ hơn trong quá trình này - sẽ là một đòn giáng nữa vào uy tín của Nga.

Tuy nhiên, ước muốn chiếm Moldova của trùm mafia Vladimir Putin có thể gặp trở ngại từ chính đồng minh Transnistria của hắn ta. Nền kinh tế của Transnistria, phần lớn nằm dưới sự kiểm soát của cựu sĩ quan KGB Viktor Gushan, sẽ được hưởng lợi rất nhiều khi tiếp cận thị trường Liên Hiệp Âu Châu.

“Lợi ích của Gushan gắn liền với doanh nghiệp của ông nên ông rất nhạy cảm với những thay đổi về chính sách ảnh hưởng đến nền kinh tế Transnistria và khả năng tiếp tục hoạt động của doanh nghiệp ông - kể cả trên thị trường chợ đen.

“Khi Ukraine đóng cửa biên giới với Moldova, các doanh nghiệp của Gushan bị tổn hại nên Gushan đã chuyển hướng sang phương Tây để đến các thị trường Liên Hiệp Âu Châu. Vì vậy, một trong những ưu tiên chính của Gushan có thể là duy trì quyền tiếp cận các thị trường Liên Hiệp Âu Châu.”

[The Sun: VLAD’S WRATH Putin’s next battleground revealed as knife-edge vote ‘paves way for new Hitler-style land grab’ in Europe]

9. Zelenskiy đệ trình đề xuất lên quốc hội về việc cách chức Tổng công tố Andrii Kostin

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy đã đệ trình dự thảo nghị quyết lên Verkhovna Rada hay quốc hội Ukraine để phê chuẩn việc cách chức Andrii Kostin khỏi vị trí Tổng công tố.

Tài liệu cho thấy hồ sơ đã được ghi danh vào ngày 28 tháng 10.

Trước đó: Sau cuộc họp của Hội đồng An ninh và Quốc phòng Quốc gia vào ngày 22 tháng 10, Tổng công tố Andrii Kostin đã tuyên bố từ chức. Quyết định này được đưa ra sau một loạt tiết lộ liên quan đến việc các công tố viên nhận được các khoản trợ cấp và yêu cầu bồi thường khuyết tật không hợp lý.

Vào ngày 4 tháng 10, cơ quan thực thi pháp luật đã tố giác Trưởng ban Đánh giá Y tế và Xã hội Tỉnh Khmelnytskyi, Tetiana Krupa, và con trai bà, Oleksandr Krupa, một quan chức tại Quỹ Hưu trí khu vực, vì tội làm giàu bất hợp pháp.

Nhà báo và tổng biên tập của Censor.Net, Yurii Butusov, tiết lộ rằng Tetiana Krupa đã ghi danh tình trạng khuyết tật cho 49 công tố viên từ Khmelnytskyi, do công tố viên khu vực Oleksii Oliinyk đứng đầu.

Oliinyk tuyên bố rằng khuyết tật là có thật nhưng phủ nhận lời cáo buộc của các nhà báo rằng khuyết tật này có được một cách bất hợp pháp. Tuy nhiên, sau đó ông đã yêu cầu được miễn nhiệm khỏi vị trí của mình.

Tổng Công Tố Ukraine, Andriy Kostin, không làm gì sai nhưng cảm thấy có trách nhiệm không nắm rõ được tình trạng của thuộc cấp.

[Ukrainska Pravda: Zelenskiy submits proposal to parliament for dismissing Prosecutor General Andrii Kostin]

10. Quân đội Bắc Hàn có thể ảnh hưởng đáng kể đến chiến tranh

Ngũ Giác Đài đưa tin hôm thứ Hai rằng Bắc Hàn đã triển khai khoảng 10.000 quân để huấn luyện tại Nga, tăng đáng kể so với ước tính trước đó của Washington là 3.000 quân so với tuần trước.

Phó thư ký báo chí Ngũ Giác Đài Sabrina Singh phát biểu với các nhà báo, sử dụng chữ viết tắt tên chính thức của Bắc Hàn, rằng: “Chúng tôi tin rằng Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Triều Tiên đã gửi tổng cộng khoảng 10.000 binh sĩ để huấn luyện ở miền đông nước Nga, có thể sẽ tăng cường lực lượng của Nga gần Ukraine trong vài tuần tới”.

Singh đưa tin rằng một số binh lính Bắc Hàn đã tiến gần hơn tới Ukraine và được cho là đang di chuyển về phía khu vực biên giới Kursk của Nga, nơi lực lượng Nga đang phải vật lộn để đẩy lùi cuộc tấn công của Ukraine.

Quân đội Bắc Hàn có thể ảnh hưởng đáng kể đến chiến tranh

Samuel Cranny-Evans, nghiên cứu viên liên kết của Viện Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia, nói với Newsweek rằng hàng chục ngàn quân Bắc Hàn có thể “ảnh hưởng đáng kể” đến nỗ lực chiến tranh.

Cranny-Evans cho biết: “Ảnh hưởng thực sự phụ thuộc vào cách sử dụng và số lượng quân đội Bắc Hàn được gửi đến”. “Nếu họ được sử dụng làm quân tiền tuyến và hàng chục ngàn người được gửi đi, họ có thể đóng góp rất đáng kể vào nỗ lực chiến tranh của Nga”.

Ông nói tiếp: “Nếu chỉ triển khai vài ngàn người thì tác động khó có thể đáng kể, đặc biệt là khi so sánh với nguồn cung cấp đạn dược của Bắc Hàn”.

Trước đó vào thứ Hai, Tổng thư ký NATO Mark Rutte đã xác nhận các báo cáo tình báo gần đây của Ukraine cho biết một số đơn vị quân đội Bắc Hàn đã đến khu vực Kursk của Nga.

Các quan chức phương Tây cảnh báo rằng việc bổ sung hàng ngàn binh lính Bắc Hàn vào cuộc xung đột lớn nhất của Âu Châu kể từ Thế chiến II sẽ làm gia tăng căng thẳng cho lực lượng quân sự vốn đã căng thẳng và mệt mỏi của Ukraine. Việc triển khai này cũng dự kiến sẽ làm gia tăng căng thẳng địa chính trị trên Bán đảo Triều Tiên và khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương rộng lớn hơn, ảnh hưởng đến các quốc gia bao gồm Nhật Bản và Úc.

Putin đã sẵn sàng định hình lại động lực quyền lực toàn cầu, nhằm mục đích thiết lập một đối trọng với ảnh hưởng của phương Tây. Tuần trước, ông đã tổ chức một hội nghị thượng đỉnh của các quốc gia BRICS, bao gồm các nhà lãnh đạo từ Trung Quốc và Ấn Độ, tại Nga.

Ngoài ra, tên trùm mafia còn tích cực tìm kiếm sự hỗ trợ trực tiếp cho cuộc chiến từ Iran, quốc gia cung cấp máy bay điều khiển từ xa, và Bắc Hàn, quốc gia được cho là đã gửi một lượng lớn đạn dược, theo các chính phủ phương Tây.

Phát biểu với các phóng viên tại Brussels, Rutte mô tả việc triển khai quân của Bắc Hàn là “sự leo thang đáng kể” về vai trò của Bình Nhưỡng trong cuộc xung đột và gọi đó là “sự mở rộng nguy hiểm của cuộc chiến tranh của Nga”.

Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin dự kiến sẽ gặp Bộ trưởng Quốc phòng Nam Hàn Kim Dung Huyền tại Ngũ Giác Đài vào cuối tuần này, phát ngôn viên Ngũ Giác Đài Sabrina Singh đưa tin. Hai nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về việc triển khai binh lính Bắc Hàn tại Ukraine. Singh xác nhận rằng sẽ không có hạn chế nào đối với việc sử dụng vũ khí do Hoa Kỳ cung cấp chống lại các lực lượng đó.

“Nếu chúng ta thấy quân đội Bắc Hàn tiến vào tiền tuyến, họ là những bên tham chiến trong cuộc chiến”, phát ngôn viên Ngũ Giác Đài Sabrina Singh cho biết, sử dụng từ viết tắt của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, là Bắc Hàn. “Đây là một tính toán mà Bắc Hàn phải thực hiện”.

Phản ứng của Nga là gì?

Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov đã bác bỏ phát biểu của Rutte, chỉ ra rằng Bình Nhưỡng và Mạc Tư Khoa đã ký một hiệp ước an ninh chung vào tháng 6 năm ngoái, mặc dù ông không xác nhận sự hiện diện của binh lính Bắc Hàn ở Nga.

Lavrov còn cáo buộc rằng các huấn luyện viên quân sự phương Tây đã được triển khai bí mật tới Ukraine để hỗ trợ lực lượng nước này vận hành vũ khí tầm xa do các đồng minh phương Tây cung cấp.

“Quân nhân phương Tây từ lâu đã làm việc tại Ukraine”, Lavrov phát biểu sau cuộc gặp với Bộ trưởng Ngoại giao Kuwait tại Mạc Tư Khoa.

Ukraine, vốn đã phải đối mặt với áp lực dữ dội từ Nga ở khu vực Donetsk phía đông, có thể phải đối mặt với những thách thức bổ sung sau cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ vào tuần tới. Một chiến thắng cho Ông Donald Trump có thể dẫn đến việc giảm hỗ trợ quân sự quan trọng của Hoa Kỳ, một viễn cảnh có thể ảnh hưởng đáng kể đến khả năng phòng thủ của Ukraine.

[Newsweek: North Korea Sends 10,000 Troops to Russia: Pentagon]
 
Tomahawk cho Ukraine. Lính Nga hạ gục 10 đồng đội, bỏ trốn. UAV tấn công, hung thần Kadyrov nổi giận
VietCatholic Media
16:16 30/10/2024


1. Tờ New York Times đưa tin: Zelenskiy đã yêu cầu Hoa Kỳ cung cấp hỏa tiễn Tomahawk như một phần bí mật của kế hoạch chiến thắng

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy đã yêu cầu Hoa Kỳ cung cấp hỏa tiễn Tomahawk như một phần của “gói răn đe phi hạt nhân” trong kế hoạch chiến thắng của ông, tờ New York Times đưa tin hôm Thứ Ba, 29 Tháng Mười, trích dẫn lời các quan chức Hoa Kỳ giấu tên.

Kế hoạch chiến thắng của Zelenskiy bao gồm năm điểm với ba phần được giữ bí mật. Điểm thứ ba đề cập đến răn đe phi hạt nhân, một phần trong số đó được giữ bí mật.

Theo báo cáo của tờ Times, Ukraine đang đề xuất một “gói răn đe chiến lược phi hạt nhân toàn diện trên lãnh thổ của mình” nhằm bảo vệ đất nước khỏi sự xâm lược trong tương lai, một phần trong số đó sẽ bao gồm việc tiếp nhận hỏa tiễn Tomahawk.

Hỏa tiễn Tomahawk có tầm bắn hơn 2.400 km, hay 1.500 dặm, gấp bảy lần tầm bắn của hệ thống hỏa tiễn tầm xa ATACMS mà Ukraine nhận được từ Hoa Kỳ.

Theo các quan chức, Ukraine đã không thuyết phục được các nhà ngoại giao phương Tây lý do tại sao họ cần hỏa tiễn Tomahawk. Số lượng mục tiêu của Ukraine ở Nga cũng được cho là vượt xa kho dự trữ mà Hoa Kỳ có thể chuyển giao mà không gây nguy hiểm cho lợi ích của mình ở Trung Đông và Á Châu.

Cơ quan này cũng trích dẫn bốn quan chức Hoa Kỳ tuyên bố rằng Zelenskiy đã rất ngạc nhiên khi Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden không cấp phép cho ông sử dụng hỏa tiễn tầm xa của Hoa Kỳ để tấn công sâu vào bên trong nước Nga khi họ gặp nhau tại Washington vào tháng 9. Điều này đã được văn phòng của Zelenskiy xác nhận.

2. Tổng thống Biden nói Ukraine nên đáp trả nếu quân đội Bắc Hàn xâm nhập lãnh thổ của họ

Thiếu tướng John Kirby, điều phối viên truyền thông của Hội đồng An ninh Quốc gia, cho biết việc Mạc Tư Khoa nhờ đến quân đội Bắc Hàn phản ánh “tình hình tồi tệ” về nhân lực của nước này. Ông đưa ra lập trường trên sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden cho biết Kyiv nên tấn công quân đội Bắc Hàn “nếu họ tiến vào Ukraine”.

Tổng thư ký NATO Mark Rutte xác nhận vào ngày 28 tháng 10 rằng Bắc Hàn đã gửi quân tới Nga để tham gia vào cuộc chiến chống lại Ukraine. Tình báo Hoa Kỳ ước tính số lượng quân vào khoảng 10.000, một phần trong số đó đã được triển khai tại Tỉnh Kursk của Nga.

“Tôi lo ngại về điều đó, đúng vậy,” Tổng thống Biden trả lời câu hỏi liên quan đến sự xuất hiện của quân đội Bắc Hàn, đồng thời nói thêm rằng Ukraine nên đáp trả nếu quân đội của Kim tiến vào lãnh thổ Ukraine, nhưng không giải thích thêm.

Trong một cuộc họp báo riêng vào ngày 28 tháng 10, phát ngôn nhân Ngũ Giác Đài, Thiếu tướng Pat Ryder cho biết “một số lượng tương đối nhỏ” quân đội Bắc Hàn đã có mặt ở Tỉnh Kursk, lặp lại những bình luận gần đây của Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin, người cho biết hàng ngàn quân nữa dự kiến sẽ đến đó trong những tuần tới.

Một phái đoàn Nam Hàn đã tới thăm Ukraine để chia sẻ thông tin về quân đội Bắc Hàn tại Nga và thảo luận về hợp tác.

Bắc Hàn tham chiến khi chiến dịch kéo dài và khốc liệt của Nga ở khu vực Donbas, miền đông Ukraine đã tăng tốc đáng kể trong những ngày gần đây, khi các nhà phân tích cho biết lực lượng của Mạc Tư Khoa đang tiến quân với tốc độ chưa từng thấy kể từ những tháng đầu của cuộc chiến.

[Kyiv Independent: Ukraine should strike back if North Korean troops cross into its territory, Biden says]

3. Zelenskiy: Thủ tướng Modi có thể giúp tổ chức Hội nghị thượng đỉnh hòa bình lần thứ hai tại Ấn Độ

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy tin rằng Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi có thể giúp tổ chức Hội nghị thượng đỉnh hòa bình lần thứ hai tại Ấn Độ.

Trả lời câu hỏi về khả năng Modi làm trung gian đàm phán giữa Ukraine và Nga, Zelenskiy tuyên bố rằng Thủ tướng Ấn Độ có thể hỗ trợ tổ chức Hội nghị thượng đỉnh hòa bình lần thứ hai.

Ông nói: “Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Thủ tướng Modi và thảo luận về nền tảng Hội nghị thượng đỉnh hòa bình. Tôi tin rằng chúng tôi có thể tổ chức Hội nghị thượng đỉnh hòa bình lần thứ hai tại bất kỳ thủ đô đáng kính nào, và Ấn Độ chắc chắn sẽ là lựa chọn phù hợp. Thủ tướng Modi có thể biến điều này thành hiện thực, tổ chức hội nghị thượng đỉnh với sự chuẩn bị phù hợp từ phía chúng tôi.”

Đồng thời, Zelenskiy nói thêm rằng Ukraine sẵn sàng lắng nghe các đề xuất từ nhiều quốc gia khác nhau, bao gồm Ấn Độ, Liên minh Âu Châu, các quốc gia Phi Châu, Brazil và Trung Quốc, nhưng “chỉ dựa trên khuôn khổ của chúng tôi, vì chiến tranh diễn ra trên đất của chúng tôi”.

Vào ngày 23 tháng 8, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã đến Ukraine, tại đây Ukraine và Ấn Độ đã đồng thanh về bốn văn kiện hợp tác.

Modi cũng thông báo với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy rằng ông đã gặp lãnh đạo Điện Cẩm Linh Vladimir Putin vào tháng trước và cố gắng thuyết phục ông chấm dứt chiến tranh.

[Ukrainska Pravda: Zelenskyy: PM Modi could help organise second Peace Summit in India]

4. Binh lính Nga giết 10 đồng đội trong đơn vị của mình, bỏ trốn

Một cựu tù nhân người Nga, người đã tham gia cuộc xâm lược toàn diện của Mạc Tư Khoa ta5i Ukraine, đã bắn chết 10 đồng đội của mình khi họ đang ngủ và sau đó bỏ trốn.

Kênh Telegram Spy Dossier, được cho là có liên kết với các cơ quan đặc biệt của Nga, đã đăng tải rằng Maxim Fedorchenko, 33 tuổi, đang ở cùng đơn vị của mình gần làng Novopokrovka, thuộc vùng Zaporozhizhia, miền nam Ukraine, khi vụ việc được cho là xảy ra.

Có rất nhiều báo cáo về việc binh lính Nga nổ súng vào nhau giữa lúc tinh thần xuống thấp và bất mãn về phẩm chất chỉ huy và tiền lương mà quân nhân chưa nhận được trong cuộc chiến do Putin phát động.

Fedorchenko, một binh nhì thuộc đại đội xung kích số 2 của Lữ đoàn súng trường cơ giới biệt lập số 38 của Nga, đã ném một quả lựu đạn vào hầm trú ẩn rồi nổ súng, “bắn 10 quân nhân đang ngủ trong đơn vị của mình và chạy về hướng Polohy”.

Lời kêu gọi tìm kiếm tung tích của anh ta đã được đưa ra ở khắp Melitopol, nhưng “cuộc tìm kiếm người lính bỏ trốn vẫn chưa tìm ra manh mối”, bài đăng cho biết thêm.

Bài đăng trên Telegram, cũng được các hãng truyền thông Ukraine đưa tin, được đặt cạnh ảnh nhận dạng của Fedorchenko. Bài đăng mô tả anh ta đã kết hôn nhưng không có con và có biệt danh Barabash, cùng tên với thị trấn ở vùng Primorsky, vùng Viễn Đông của Nga, nơi anh ta sinh ra.

Bài đăng cho biết anh ta chưa từng nhập ngũ trước chiến tranh và trước khi ký hợp đồng, anh ta đã phục vụ bốn năm sáu tháng tại một trại giam an ninh tối đa ở thành phố Ussuriysk thuộc vùng Primorsky.

Khi tường thuật sự việc, bài viết Spy Dossier đã liệt kê những trường hợp khác về việc quân đội Nga giết chính đồng đội của mình. Vào ngày 25 tháng 10, Dmitry Slepnev, một đại úy của Trung đoàn súng trường cơ giới số 2 thuộc Lữ đoàn Thủy quân Lục chiến biệt lập số 810, đã bị bắn ba phát vào đầu bằng một khẩu AK-47 do một binh nhì tên là Alexander Ryabov bắn.

Sự việc xảy ra sau một cuộc tranh cãi bằng lời trong một cuộc họp tại một trạm quan sát ở làng Kremyanoye, vùng Kursk, nơi Ukraine đã tiến hành một cuộc tấn công kể từ ngày 6 tháng 8.

Trước cuộc tấn công của Ukraine, một lính nghĩa vụ người Nga đã nổ súng vào đồng đội của mình ở Kursk vào tháng 3 năm 2023, giết chết một đồng đội ở Lữ đoàn súng trường cơ giới cận vệ độc lập số 37, theo các phương tiện truyền thông địa phương đưa tin.

Vào tháng 5 năm 2024, một cuộc truy lùng đã được phát động tại các vùng biên giới của Nga để truy tìm một trung sĩ 57 tuổi sau khi viên hạ sĩ quan này bắn chết sáu quân nhân thuộc tiểu đoàn pháo binh lựu pháo ở Cộng hòa Nhân dân Donetsk, gọi tắt là DPR của Ukraine, nơi mà Putin tuyên bố đã sáp nhập.

Trong khi đó, một cựu chỉ huy trung đội, Trung sĩ Dmitry Lobovikov, bị cáo buộc giết chết bảy cấp dưới của mình và làm bị thương ít nhất 10 người khác trong lễ mừng năm mới năm 2023.

[Newsweek: Russia Soldier Kills 10 Comrades in Own Unit, Goes AWOL: Report]

5. Canada vận chuyển xe thiết giáp hỗ trợ chiến đấu đầu tiên tới Ukraine

Canada đã cung cấp cho Ukraine một lô xe thiết giáp hạng nhẹ, gọi tắt là LAV 6.0 ACSV mới được cấu hình đặc biệt thành xe cứu thương, Chiến dịch UNIFIER của Quân đội Canada cho biết như trên.

Xe thiết giáp hỗ trợ chiến đấu, gọi tắt là ACSV là phiên bản mở rộng của dòng xe LAV 6.0 hiện đang phục vụ trong quân đội Canada.

Mặc dù số lượng xe chính xác vẫn chưa được biết, đợt chuyển giao này diễn ra sau đợt đào tạo chuyên sâu cho nhân sự Ukraine tại Đức.

Khoản đóng góp này là một phần trong chương trình hỗ trợ quân sự đang diễn ra của Canada cho Ukraine, với tổng giá trị gần 4,5 tỷ đô la kể từ năm 2022. Vào tháng 9 năm 2023, Canada đã cam kết chuyển giao 50 xe LAV 6.0 ACSV cho Ukraine trong thời gian ba năm, như một phần của khoản đầu tư 650 triệu đô la cho viện trợ quân sự.

Đầu năm nay, Canada đã công bố hỗ trợ bổ sung, bao gồm 80.840 động cơ hỏa tiễn CRV-7, 1.300 đầu đạn, súng máy và súng lục, cùng khung gầm xe M113.

Canada không đặt ra bất kỳ hạn chế địa lý nào đối với việc Ukraine sử dụng xe tăng và xe thiết giáp do Canada tài trợ. Chính sách này đưa Canada vào nhóm các quốc gia—bao gồm Đức, Hoa Kỳ và Vương quốc Anh—đã chấp thuận sử dụng hầu hết các thiết bị do phương Tây cung cấp trong các hoạt động hiện tại của Ukraine tại Kursk của Nga.

[Kyiv Independent: Canada ships first armored combat support vehicles to Ukraine]

6. CNN cho biết một số lượng nhỏ quân đội Bắc Hàn đã được triển khai ở Ukraine

Tình báo phương Tây tin rằng “một số ít” binh lính Bắc Hàn, những người ban đầu đến Nga để huấn luyện, hiện đã có mặt ở Ukraine.

CNN, trích dẫn hai nguồn thạo tin, đã cho biết như trên.

Một trong những nguồn tin của CNN cho biết rằng “có vẻ như rất nhiều người lính Bắc Hàn đến Nga đã tham chiến”.

Tuy nhiên, một quan chức Hoa Kỳ cho biết hiện tại vẫn chưa có xác nhận nào về sự hiện diện trực tiếp của quân đội Bắc Hàn tại Ukraine.

Các nguồn tin của CNN cũng cho biết hầu hết quân đội Bắc Hàn được gửi đến Nga đều là lực lượng đặc nhiệm. Việc đánh giá hiệu quả của họ trên chiến trường vẫn còn là một thách thức.

Các quan chức phương Tây dự đoán rằng ít nhất một số binh lính Bắc Hàn có thể đào ngũ sau khi được triển khai đến các khu vực chiến đấu, vì rào cản ngôn ngữ với quân đội Nga được dự đoán sẽ cản trở các hoạt động.

Một quan chức phương Tây nói với CNN rằng số lượng binh lính Bắc Hàn tham gia vào cuộc chiến của Nga chống lại Ukraine có thể sẽ tăng lên.

Ông nói thêm: “Các đồng minh và đối tác trên toàn cầu đang theo dõi, tham khảo ý kiến và sẽ chủ động chia sẻ thông tin tình báo về vấn đề này vì nó ảnh hưởng đến an ninh của khu vực Euro-Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cũng như nhiều khu vực khác”.

Đánh giá mới nhất của Hoa Kỳ cho thấy Bắc Hàn đã gửi khoảng 10.000 quân tới Nga để huấn luyện và triển khai chiến đấu chống lại Ukraine.

Hoa Kỳ đã xác nhận rằng họ đang tham khảo ý kiến với Ukraine cũng như các đồng minh và đối tác khác về cách ứng phó với việc Bắc Hàn triển khai quân tới Nga.

[Ukrainska Pravda: Small number of North Korean troops already deployed in Ukraine – CNN]

7. Học viện lực lượng đặc nhiệm Chechnya bị máy bay điều khiển từ xa tấn công, lãnh chúa cho biết

Một trường huấn luyện quân sự Chechnya đã bị tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa vào thứ Ba, nhà lãnh đạo độc tài của khu vực này tuyên bố.

Đại học Lực lượng Đặc biệt Nga, tọa lạc tại thị trấn Gudermes, đã bị tấn công và bốc cháy vào buổi sáng Thứ Ba, 29 Tháng Mười, thủ lĩnh quân sự Chechnya Ramzan Kadyrov cho biết trên Telegram.

“Hôm nay lúc 6:30 sáng tại Gudermes, do một cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa, mái của một tòa nhà trên lãnh thổ của Đại học Lực lượng Đặc biệt Nga đã bốc cháy”, Kadyrov viết trên mạng xã hội. “Không có nạn nhân hoặc người bị thương. Đám cháy đã được dập tắt”.

Ông nói thêm rằng “các cơ quan điều tra” đang vào cuộc để “xác định những người liên quan đến tội ác” và trường học vẫn hoạt động bình thường.

Theo truyền thông Ukraine, đây là lần đầu tiên Chechnya, một nước cộng hòa thuộc Nga nằm ở Bắc Kavkaz, trở thành mục tiêu tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa kể từ khi Nga bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine vào đầu năm 2022.

Trang web của trường cho biết trường hướng dẫn cả binh lính và thường dân về nhiều chiến thuật chiến đấu, bao gồm bắn súng, pháo binh và nhảy dù. Theo Điện Cẩm Linh, hơn 47.000 quân được điều động đến tiền tuyến ở Ukraine đã được huấn luyện tại đây.

[Politico: Chechen special forces academy hit by drone attack, warlord says]

8. Cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa ở Chechnya: Kadyrov tuyên bố sử dụng tù binh chiến tranh Ukraine làm lá chắn sống

Nhà độc tài Chechnya Ramzan Kadyrov đã khoe khoang về việc sử dụng tù nhân Ukraine làm lá chắn sống, tuyên bố rằng có thương vong trong số những người bị giam giữ sau một cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa vào Chechnya.

Trường Đại học Lực lượng đặc biệt Nga của Vladimir Putin tại thành phố Gudermes của Chechnya đã bị hư hại do một cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa vào sáng sớm ngày 29 tháng 10, đánh dấu cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa đầu tiên nhằm vào nước cộng hòa Bắc Kavkaz của Nga.

Đồng minh của Putin là Kadyrov, người cáo buộc Ukraine thực hiện vụ tấn công, ban đầu nói rằng tòa nhà bị nhắm tới trống rỗng và không có thương vong, nhưng sau đó lại thay đổi tuyên bố và khẳng định rằng các tù nhân chiến tranh người Ukraine bị giam trong đó đã thiệt mạng.

Kyiv không nhận trách nhiệm về vụ tấn công cũng như không bình luận về tuyên bố của Kadyrov.

“Có tới 10 tù nhân Ukraine bị giam giữ tại mỗi cơ sở chiến lược ở nước cộng hòa Chechnya, bao gồm cả trên lãnh thổ của Đại học Lực lượng Đặc biệt Nga”, Kadyrov tuyên bố trên kênh Telegram của mình.

Việc sử dụng tù nhân làm lá chắn sống bị cấm theo Công ước Geneva và được phân loại là tội ác chiến tranh.

“Kyiv, cố gắng làm hại chúng tôi, đã giết chết chính những người lính của mình ngày hôm nay,” tên độc tài này nói, không đưa ra bằng chứng nào để chứng minh cho cáo buộc của mình.

Một nguồn tin tình báo Ukraine nói với tờ Kyiv Independent vào ngày 29 tháng 10 rằng cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa có thể được thực hiện từ các nước cộng hòa lân cận Dagestan hoặc Ingushetia và có thể liên quan đến mối thù giữa Kadyrov và các quan chức từ hai khu vực này.

Phát biểu với giới truyền thông sau cuộc không kích, Kadyrov cũng cho biết ông đã ra lệnh cho tất cả các chỉ huy đang chiến đấu chống lại Ukraine “không được bắt tù binh nhưng p1 phải tiêu diệt ngay” binh lính Ukraine để trả thù.

Ukraine đã ghi nhận hơn 100 trường hợp Nga hành quyết tù binh chiến tranh Ukraine ngay tại chỗ kể từ khi cuộc xâm lược toàn diện bắt đầu vào năm 2022. Thanh tra viên Dmytro Lubinets làm rõ rằng con số thực tế có thể cao hơn nhiều vì rất khó để ghi nhận tội ác chiến tranh của Nga nếu không có bằng chứng hỗ trợ, chẳng hạn như video quay lại cảnh hành quyết.

[Kyiv Independent: Chechnya drone strike: Kadyrov claims to use Ukrainian POWs as human shields]

9. Bắc Hàn là đồng minh thời chiến có giá trị đáng ngạc nhiên đối với Nga và Iran

Bắc Hàn đã nổi lên như một đối tác ngày càng có giá trị đối với các đối thủ hàng đầu của Hoa Kỳ, bao gồm Nga và Iran, khi các nước này tham gia vào các cuộc xung đột với các quốc gia được Hoa Kỳ và các đồng minh hậu thuẫn.

Mặc dù thường bị phương Tây coi là một thế lực lạc hậu và biệt lập phụ thuộc vào Trung Quốc, Bắc Hàn đã tích lũy được một kho vũ khí mở rộng và ngày càng tiên tiến, và có lịch sử hỗ trợ các đối tác nước ngoài bị cuốn vào các cuộc xung đột. Bây giờ, với vũ khí và nhân sự của Bắc Hàn xuất hiện trên chiến trường ở Âu Châu và những lời đề nghị gần đây ở Trung Đông, quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân này dường như sẵn sàng tăng cường hơn nữa vai trò của mình trên trường thế giới với những lợi ích lớn cho Bình Nhưỡng và những cơn đau đầu mới cho Washington.

Samuel Ramani, cộng sự tại Viện Thống nhất Hoàng gia, nói với Newsweek rằng: “Rõ ràng là Bắc Hàn hiện đang ở trong tình huống mà về cơ bản họ muốn có nhiều vai trò hơn ngoài bán đảo”.

“Họ đang ở trong một vị thế độc nhất, nơi họ không còn chỉ dựa vào sự bảo trợ của Trung Quốc nữa, giờ đây họ có thể khiến Nga và Trung Quốc chống lại nhau, đó là điều họ đã làm trong phần lớn thời kỳ Chiến tranh Lạnh, đặc biệt là trong thời kỳ chia rẽ Trung-Xô và hậu quả của nó”, ông nói thêm. “Họ cũng muốn đa dạng hóa quan hệ đối tác của mình”.

Nhưng đất nước vẫn ở tuyến đầu của một trong những cuộc tranh chấp kéo dài nhất của Chiến tranh Lạnh đã bắt đầu có những động thái vượt xa cả những đợt điều động chủ động nhất của họ cách đây nhiều thập niên. Hoa Kỳ và NATO ước tính rằng có tới 10.000 nhân sự Bắc Hàn đã đến để hỗ trợ nỗ lực chiến tranh của Nga chống lại Ukraine, đánh dấu đợt điều động nhân sự Bắc Hàn lớn nhất kể từ Chiến tranh Bắc Hàn tàn phá bán đảo Triều Tiên từ năm 1950 đến năm 1953.

Ramani cho biết: “Đây là một động thái rất, rất quan trọng đối với Bắc Hàn và chúng ta không nên coi đó là động thái tiếp nối, ngay cả khi họ từng tham gia hỗ trợ các đồng minh xã hội chủ nghĩa trong quá khứ”.

[Newsweek: North Korea Is a Surprisingly Valuable Wartime Ally to Russia and Iran]

10. Giữa sự chỉ trích của Liên Hiệp Âu Châu, Orbán lên kế hoạch thăm Georgia để ăn mừng cuộc bỏ phiếu gây tranh cãi

Thủ tướng Hung Gia Lợi Viktor Orbán sẽ tới thăm Georgia và gặp thủ tướng nước này, củng cố tính hợp pháp cho một chính phủ đang phải đối mặt với cáo buộc gian lận phiếu bầu sau cuộc bầu cử vào thứ Bảy.

Brussels hôm Chúa Nhật đã cảnh báo về những bất thường nghiêm trọng trong cuộc bỏ phiếu toàn quốc, trong đó đảng cầm quyền Giấc mơ Georgia tấn công ảnh hưởng của phương Tây và đe dọa cấm các đảng đối thủ. Vài giờ trước đó, Tbilisi đã thông báo thủ tướng Hung Gia Lợi sẽ bắt đầu chuyến thăm hai ngày tới Georgia vào thứ Hai.

Trong một tuyên bố đưa ra vào tối Chúa Nhật, nhà ngoại giao hàng đầu của khối, Josep Borrell, cho biết cuộc bầu cử ở Georgia vào cuối tuần được định nghĩa bởi “một sân chơi bất bình đẳng không đồng đều, một chiến dịch gây chia rẽ trong bầu không khí phân cực và những lo ngại đáng kể về tác động của các sửa đổi luật gần đây đối với tiến trình bầu cử này”, bên cạnh những cáo buộc về sự đe dọa và những bất thường về thủ tục.

Tuy nhiên, Orbán đã đi trước một bước khi chúc mừng Thủ tướng Irakli Kobakhidze và đảng Giấc mơ Georgia về “chiến thắng áp đảo” của họ vào thứ Bảy — thậm chí trước khi kết quả bầu cử được công bố.

“Người dân Georgia biết điều gì là tốt nhất cho đất nước của họ và đã lên tiếng ngày hôm nay!” Orbán viết trên X.

Một quan chức cao cấp của Hung Gia Lợi đã xác nhận với POLITICO vào cuối Chúa Nhật rằng chuyến đi sẽ diễn ra, và phát ngôn nhân của chính phủ Hung Gia Lợi Zoltan Kovacs đã đăng trên X rằng “chuyến thăm chính thức” được tổ chức theo yêu cầu của Georgia. Bộ trưởng Ngoại giao Hung Gia Lợi Péter Szijjártó, Bộ trưởng Kinh tế Márton Nagy và Bộ trưởng Tài chính Mihály Varga sẽ tháp tùng Orbán.

Chuyến thăm một lần nữa sẽ làm nổi bật sự khác biệt sâu sắc trong chính sách đối ngoại giữa Hung Gia Lợi của Orbán, quốc gia giữ chức chủ tịch luân phiên sáu tháng của Hội đồng Liên Hiệp Âu Châu, và các quốc gia khác trong khối.

Orbán đã gây phẫn nộ cho các nhà lãnh đạo Liên Hiệp Âu Châu vào mùa hè với một loạt các “chuyến thăm hòa bình” tới Ukraine, Nga và Trung Quốc, trong đó ông đã bắt tay Putin.

Được giấu tên để nói thẳng thắn, một nhà ngoại giao cao cấp của Liên Hiệp Âu Châu cho biết chuyến đi của Orbán tới Georgia chỉ nên được hiểu là “một nỗ lực đơn độc khác của Orbán, người đang công du với tư cách là quốc gia và với tư cách là chủ tịch Hội đồng, ông không đại diện cho Liên minh Âu Châu với thế giới bên ngoài”.

Nhà ngoại giao này nói thêm: “Nếu Orbán tự nhận mình là đại diện cho Liên minh Âu Châu trong chuyến đi, thì đây sẽ là hành vi mạo danh và là câu chuyện bịa đặt trắng trợn.”

Kobakhidze đã bác bỏ những tuyên bố từ các đảng đối lập, các tổ chức quan sát và Tổng thống Georgia Salome Zourabichvili rằng cuộc bỏ phiếu không được tiến hành công bằng.

Zourabichvili đã kêu gọi người dân Georgia xuống đường biểu tình vào thứ Hai, cùng ngày với chuyến thăm của Orbán.

[Politico: Amid EU censure, Orbán plans Georgia visit to celebrate contested vote]

11. Rheinmetall phản ứng với các mối đe dọa tấn công của Nga vào các cơ sở của họ ở Ukraine

Điện Cẩm Linh hôm thứ Ba cho biết các nhà máy vũ khí bên trong Ukraine do nhà thầu quốc phòng Đức Rheinmetall điều hành là mục tiêu dễ nhắm tới của lực lượng Putin.

Khi được hỏi liệu một nhà máy bảo dưỡng xe mới được công ty mở bên trong đất nước Ukraine đang bị chiến tranh tàn phá có phải là mục tiêu hợp pháp hay không, phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov trả lời: “Chắc chắn là vậy”, theo hãng thông tấn nhà nước TASS.

Đáp lại, Tập đoàn Rheinmetall của Đức cho biết hoạt động sản xuất vũ khí tại Ukraine được bảo vệ rất tốt và đây không phải là lần đầu tiên họ nghe thấy những lời đe dọa từ Điện Cẩm Linh.

Hôm 29 tháng 10, phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov tuyên bố rằng cơ sở Rheinmetall ở Ukraine, giống như bất kỳ ngành công nghiệp quốc phòng nào khác, sẽ là mục tiêu của quân đội Nga.

Rheinmetall tuyên bố rằng đây không phải là mối đe dọa đầu tiên từ Mạc Tư Khoa và năng lực của họ tại Ukraine được bảo vệ hoàn toàn.

Rheinmetall tuyên bố vào tháng 7 năm 2024 rằng họ sẽ mở bốn cơ sở quân sự tại Ukraine.

Dự án dự kiến sẽ sớm được triển khai. Hoạt động sản xuất đạn dược sẽ bắt đầu trong vòng hai năm.

[Ukrainska Pravda: Rheinmetall responds to Russian threats of attacks on their facilities in Ukraine]

12. Phần Lan tịch thu một phần tài sản của Nga trị giá hàng chục triệu đô la

Phần Lan tịch thu một phần tài sản của Nga trị giá hàng chục triệu đô la

Tòa án quận Helsinki đã chấp thuận đơn thỉnh cầu của công ty quản lý khí đốt nhà nước Naftogaz của Ukraine và năm công ty khác thuộc Tập đoàn Naftogaz, đồng thời ra lệnh tịch thu một số tài sản do Nga sở hữu tại Phần Lan.

Những tài sản này là bất động sản và các tài sản khác có giá trị hàng chục triệu đô la.

Oleksii Chernyshov, Tổng giám đốc điều hành của Naftogaz Group cho biết: “Đây là vụ tịch thu tài sản thành công đầu tiên được công khai bên ngoài Ukraine để thực thi phán quyết trọng tài trong các vụ việc liên quan đến khiếu nại của các công ty Ukraine chống lại Nga về việc tịch thu tài sản tại Cộng hòa tự trị Crimea vào năm 2014. Đây là bước tạm thời hướng tới việc thu hồi tài sản thực sự có lợi cho Naftogaz Group.

Chúng tôi đang thực hiện các bước tích cực để thực thi phán quyết trọng tài tại các khu vực pháp lý mục tiêu khác nơi chúng tôi có tài sản tại Nga.”

Cần nhấn mạnh rằng lãi suất phải trả do không thanh toán theo phán quyết trọng tài vẫn tiếp tục được tính cho đến khi khoản bồi thường theo phán quyết trọng tài được thanh toán đầy đủ.

[Ukrainska Pravda: Finland seizes part of Russia's assets worth tens of millions of dollars]

13. CNN cho biết Hoa Kỳ thúc giục Trung Quốc gây sức ép với Bắc Hàn vì đã gửi quân tới Ukraine

Hoa Kỳ đang tìm cách tận dụng ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Bắc Hàn để buộc nước này rút quân đã được gửi tới Nga để tham gia vào cuộc chiến chống lại Ukraine.

Theo một quan chức giấu tên của Hoa Kỳ, Hoa Kỳ cũng đã thúc giục Trung Quốc, quốc gia vẫn duy trì mối quan hệ với Bình Nhưỡng, can thiệp và gây sức ép buộc Bắc Hàn rút quân.

Hơn nữa, nguồn tin cho biết Jake Sullivan, Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ, đã “chỉ đạo chính phủ Hoa Kỳ tiếp cận Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và tổ chức các nỗ lực để các quốc gia khác cũng tiếp cận Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vì lo ngại của Hoa Kỳ về việc Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Bắc Hàn, gọi tắt là Bắc Hàn đưa quân vào Nga và những tác động của việc đó”.

Tuy nhiên, các nguồn tin của CNN cho thấy thiếu sự lạc quan về thiện chí của Trung Quốc trong việc phá vỡ kế hoạch của Bắc Hàn, với lý do là Bắc Kinh ủng hộ tổ hợp công nghiệp-quân sự của Nga.

Đánh giá mới nhất của Hoa Kỳ cho thấy Bắc Hàn đã gửi khoảng 10.000 quân tới Nga để huấn luyện và triển khai chiến đấu chống lại Ukraine.

Các nguồn tin của CNN tin rằng một số quân đội Bắc Hàn có thể đã có mặt trên lãnh thổ Ukraine.

Hoa Kỳ đã xác nhận rằng họ đang tham khảo ý kiến với Ukraine cũng như các đồng minh và đối tác khác về cách ứng phó với việc Bắc Hàn triển khai quân tới Nga.

[Ukrainska Pravda: US urges China to pressure North Korea for sending troops to Ukraine – CNN]

14. Zelenskiy cho biết tác động của ICC “rõ ràng” khi Putin “không còn dám đi đến hầu hết các quốc gia”

Zelenskiy cho biết tác động của ICC rõ ràng khi Putin không còn dám đi đến hầu hết các quốc gia. Ông nhận định rằng lệnh bắt giữ Vladimir Putin do Tòa án Hình sự Quốc tế ban hành tuy không thể giải quyết hoàn toàn tình hình vẫn có khả năng hạn chế đáng kể việc đi lại quốc tế của nhà lãnh đạo Nga.

Ông cho biết thêm: “Tòa án Hình sự Quốc tế một mình không thể giải quyết hoàn toàn tình hình hoặc hoàn toàn ảnh hưởng đến Putin và những người ủng hộ ông. Tuy nhiên, khi kết hợp lại – tất cả các nhà lãnh đạo, ICC, luật pháp quốc tế, Liên Hiệp Quốc và G20 chắc chắn có thể cùng nhau làm việc để chấm dứt cuộc chiến này. Tuy nhiên, chúng ta vẫn cảm nhận được tác động của ICC, vì Putin không còn có thể đi đến hầu hết các quốc gia trên thế giới nữa.”

Zelenskiy cũng lưu ý rằng hầu hết các nhà lãnh đạo công nhận Quy chế Rôma đều không đến thăm Nga. Nói về Mông Cổ, ông tuyên bố rằng hành vi của nước này cho thấy thiếu khả năng ra quyết định độc lập.

Vào ngày 24 tháng 10, Tòa án Hình sự Quốc tế phán quyết rằng Mông Cổ đã vi phạm nghĩa vụ của mình với tư cách là quốc gia thành viên của Quy chế Rôma khi không bắt giữ lãnh đạo Điện Cẩm Linh Vladimir Putin theo lệnh của Tòa án Hình sự Quốc tế.

Chuyến thăm Mông Cổ của Putin vào ngày 3 tháng 9 đánh dấu chuyến đi đầu tiên của ông tới một quốc gia thành viên của Quy chế Rôma kể từ khi tòa án ra lệnh bắt giữ vào tháng 3 năm 2023 vì liên quan đến vụ bắt cóc trẻ em Ukraine.

Zelenskiy tin rằng Mông Cổ đã thể hiện sự coi thường luật pháp quốc tế khi không bắt giữ Putin.

Các báo cáo trước đó của phương tiện truyền thông cho biết chính quyền Mông Cổ được cho là đã bảo đảm với Putin rằng ông sẽ không bị bắt giữ, một lập trường được cho là do sự phụ thuộc năng lượng của nước này vào Nga.

Vào ngày 12 tháng 9, Ukraine đã gửi công hàm phản đối ngoại giao tới phía Mông Cổ về việc nước này từ chối tuân thủ lệnh bắt giữ Vladimir Putin của Tòa án Hình sự Quốc tế.

[Ukrainska Pravda: Zelenskyy says ICC's impact clear as Putin no longer travels to most countries]
 
Giờ Thánh trong ngày Halloween. Lời khuyên của ĐHY Müller: Cuộc sống trên tình bạn với Chúa Kitô
VietCatholic Media
19:42 30/10/2024


1. Chính phủ Uzbekistan coi râu là dấu hiệu của chủ nghĩa khủng bố

Từ tháng 3 vừa qua trở đi, những người đàn ông Hồi giáo trên khắp Uzbekistan để râu dài đã bị bắt giữ, bị cạo râu cưỡng bức và bị phạt tiền. Những người Hồi giáo muốn giấu tên vì sợ bị nhà nước trả thù đã nói với Diễn đàn 18 rằng họ bị cảnh sát bắt giữ trong và xung quanh các nhà thờ Hồi giáo và chợ đường phố.

Trên toàn quốc, những người đàn ông Hồi giáo có râu dài đã bị bắt trong các cuộc đột kích do cảnh sát mật của Cơ quan Mật vụ Nhà nước, gọi tắt là SSS và các sĩ quan cảnh sát bình thường “Sở Đấu tranh với Chủ nghĩa Cực đoan và Khủng bố” chỉ huy. Những người đàn ông này sau đó đã bị đưa đến đồn cảnh sát, bị cạo râu cưỡng bức và sau đó bị cảnh báo rằng họ sẽ bị phạt tiền hoặc nhận án tù ngắn hạn nếu họ để râu dài trở lại. Mức phạt áp dụng dao động từ khoảng một tháng đến hơn một tuần lương trung bình của những người đi làm.

Một số người đàn ông Hồi giáo đã chia sẻ với Diễn đàn 18 rằng kể từ tháng 3, họ đã “cắt tỉa và để râu thật mỏng” để tránh những hình phạt như vậy.

Các viên chức chế độ đã đưa ra nhiều lý do bào chữa cho hành động của họ. Trong một cuộc đột kích vào một nhà thờ Hồi giáo ở Tashkent vào tháng 3 trong buổi cầu nguyện thứ Sáu, các viên chức đã buộc 15 người đàn ông tham dự nhà thờ Hồi giáo có râu vào một căn phòng tại nhà thờ Hồi giáo. Sau đó, cảnh sát tuyên bố với những người đàn ông này rằng những người trẻ tuổi đang trở nên cực đoan và bị ảnh hưởng bởi những gì được mô tả là “mọi loại phong trào tôn giáo”. Sau đó, cảnh sát tuyên bố rằng, do đó, tất cả râu phải được cạo sạch.

Một viên chức cảnh sát “Sở Đấu tranh với Chủ nghĩa cực đoan và Khủng bố” tuyên bố với Diễn đàn 18 rằng “đôi khi chúng tôi tìm kiếm những người đàn ông có râu khi chúng tôi đang truy tìm những kẻ khủng bố. Lúc đầu rất khó để xác định họ là ai, và đôi khi họ trông giống nhau. Nhưng”, ông nói tiếp, “khi không có râu hoặc râu rất ngắn, chúng tôi có thể xác định được người đó”

Nhiều cảnh sát, Bộ Nội vụ, cảnh sát mật SSS và quan chức tòa án đã từ chối giải thích với Diễn đàn 18 lý do tại sao những người đàn ông Hồi giáo để râu dài trên toàn quốc đã bị bắt giữ, bị cạo râu cưỡng bức và bị phạt tiền từ tháng 3.

Người Hồi giáo và những người bảo vệ nhân quyền, những người muốn giấu tên vì sợ bị nhà nước trả thù, đã nói với Diễn đàn 18 rằng họ nghĩ chế độ này có thể đang lên kế hoạch tấn công những phụ nữ đội khăn trùm đầu theo cách tương tự như tấn công những người đàn ông để râu dài.


Source:Forum 18

2. Nhật ký trừ tà số 315: Giờ Thánh trong ngày Halloween

Đức Ông Stephen Rossetti là một linh mục ở Giáo phận Syracuse, phó giáo sư nghiên cứu tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ và tích cực tham gia vào mục vụ trừ tà trong 13 năm qua. Trên trang web catholicexorcism.org, ngài có bài viết nhan đề “Exorcist Diary #315: A Holy Hour on Halloween”, nghĩa là “Nhật ký trừ tà số 315: Giờ Thánh trong ngày Halloween”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Lễ trọng Các Thánh, ngày 1 tháng 11, là một ngày thánh mạnh mẽ, đầy ân sủng mà chúng ta tưởng nhớ và tôn vinh tất cả các linh hồn thánh thiện đã lên thiên đàng, bao gồm cả những người thân yêu trong gia đình chúng ta. Trong khi Chúa liên tục ban ơn cho chúng ta, những ngày lễ đặc biệt này được ban ơn đặc biệt trong đó Chúa đổ phước lành của Người theo cách hào phóng nhất. Chúng ta nên chào đón ngày lễ lớn này và mở lòng cầu nguyện để đón nhận những ân sủng chữa lành mà Chúa dành cho mỗi người chúng ta.

Chúng ta bắt đầu những ngày lễ lớn vào đêm vọng. Trong trường hợp này, đó là “Đêm vọng Lễ Các Thánh”, tức là, Đêm trước Lễ Các Thánh hoặc, như ngày nay được thế tục hóa, là Halloween. Thay vì tôn vinh cái ác, chúng ta nên tôn vinh Chúa của chúng ta!

Hãy tham gia cùng chúng tôi trong giờ thánh trực tuyến đặc biệt (từ nửa đêm thứ năm ngày 31 tháng 10 đến 1 giờ sáng thứ sáu ngày 1 tháng 11 theo giờ miền Đông Hoa Kỳ)* trong đó Cha Rossetti và cộng đoàn Tổng Lãnh Thiên Thần Micae sẽ hướng dẫn chúng ta tôn thờ Thánh Thể, Kinh Cầu Các Thánh, Kinh Mân Côi, Kinh Cầu Đức Bà Loretto, lời cầu nguyện chữa lành và những khoảnh khắc thinh lặng. Chúng ta sẽ cầu nguyện đặc biệt cho các ý chỉ sau:

*Hãy nhớ và tôn vinh những người thân yêu của chúng ta trên thiên đàng và tất cả các thánh

*Hòa bình trên thế giới, đất nước chúng ta, gia đình chúng ta và chính trái tim chúng ta

*Phạt tạ cho những tội lỗi chống lại Thiên Chúa, đặc biệt là Bí tích Thánh Thể

*Ơn gọi linh mục, đời sống tu trì, hôn nhân và thánh hiến

*Chữa lành cho tất cả những người có mặt và những người thân yêu của họ

Lời cầu nguyện của anh chị em rất cần thiết cho thế giới đầy rắc rối ngày nay. Hãy cùng chúng tôi cầu nguyện. Nếu anh chị em không thể, hãy bắt đầu lễ lớn này bằng lời cầu nguyện của riêng anh chị em và tất nhiên là Thánh lễ. Chúa có một ân sủng độc đáo và đặc biệt dành cho anh chị em và cho thế giới của chúng ta.


Source:Catholic Exorcism

3. Đức Hồng Y Müller: Xây Dựng Cuộc Sống Của Bạn Trên Nền Tảng Tình Bạn Với Chúa Kitô

Phát biểu trước những người hành hương Công Giáo truyền thống tại cuộc rước Summorum Pontificum thường niên, cựu tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin đã cảnh báo về đức tin đang trở thành “thói quen vô nghĩa” và nhấn mạnh lời kêu gọi hướng tới đức tin chân chính, sống động

Đức Hồng Y Gerhard Müller đã có bài giảng vào ngày 26 tháng 10 tại Đền Thờ Thánh Phêrô trước những người tham dự cuộc rước kiệu truyền thống Summorum Pontificum lần thứ 13.

Đức Hồng Y Gerhard Müller đã nhấn mạnh rằng đức tin Kitô giáo là một “mối quan hệ cá vị” với Thiên Chúa Ba Ngôi trong sự hiệp thông với Giáo hội của Người, và đã cảnh báo rằng không nên để mối quan hệ đó “teo dần thành một truyền thống máy móc, một phong tục bên ngoài hoặc một thói quen thiếu suy nghĩ”.

Trong bài giảng về sự khác biệt giữa ý thức hệ và đức tin được trình bày vào ngày 26 tháng 10 tại Đền Thờ Thánh Phêrô trước những người tham dự lễ bế mạc cuộc rước kiệu truyền thống Summorum Pontificum lần thứ 13, ngài nhận xét rằng với tư cách là những tín hữu “được kết nối với Chúa Giêsu bằng tình bạn cá vị, chúng ta không cư xử như những người bảo vệ trong một bảo tàng của thế giới đã qua”.

Thay vào đó, ngài nói thêm, “chúng ta di chuyển trong sự hiện diện của Chúa, người mà chúng ta phải trả lời về cuộc sống của mình bằng suy nghĩ, lời nói và việc làm tốt.”

Đức Hồng Y Müller, người từng giữ chức Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin từ năm 2012 đến năm 2017, đã có bài giảng trong một buổi lễ phụng vụ ngắn tại Đền Thờ Thánh Phêrô.

Kể từ năm 2023, và theo sắc lệnh Traditionis Custodes năm 2021 của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, trong đó đặt ra những hạn chế sâu rộng đối với Thánh lễ La tinh truyền thống, những người hành hương tham gia cuộc rước kiệu thường niên không còn được phép cử hành Thánh lễ bế mạc theo nghi thức cũ tại Đền Thờ Thánh Phêrô nữa.

Đức Hồng Y Müller bắt đầu bài giảng của mình bằng cách chỉ ra rằng sự khác biệt giữa đức tin và ý thức hệ là điều mà Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô 16 “nhiều lần nhấn mạnh”.

Đức Hồng Y Müller nhấn mạnh rằng Kitô giáo mang lại “chân lý và tự do, tình yêu và sự sống” và “sự hiệp nhất toàn cầu của tất cả mọi người trong tình yêu của Chúa Kitô”. Đó không phải là một “lý thuyết trừu tượng” mà là “mối quan hệ với một Người” là Đấng “ban cho chúng ta ân sủng của Người để tham gia vào cuộc sống thiêng liêng”.

“Đây là lý do tại sao chúng ta có thể đặt tất cả hy vọng của mình vào Người, trong cuộc sống và cái chết,” Đức Hồng Y, là biên tập viên của The Complete Works of Joseph Ratzinger, cho biết. “Con Thiên Chúa là Đấng Cứu Độ duy nhất của thế giới vì chỉ có Thiên Chúa trong sự toàn năng của Người mới có thể cứu chúng ta khỏi đau khổ, tội lỗi và cái chết,” ngài nói thêm. “Không một người nào, dù thông minh đến đâu, có thể tự mình kéo chúng ta ra khỏi vực thẳm của sự hữu hạn hoặc thậm chí với sức mạnh kết hợp của tất cả tài năng của mọi người.”

Nhưng Đức Hồng Y Müller đã cảnh báo về “cám dỗ hiện sinh” là đặt niềm tin vào con người thay vì Chúa, và nói thêm rằng “vì sự tục hóa”, nhiều người tin rằng người ta có thể “sống như thể Chúa không tồn tại”. Điều này dẫn đến việc tôn thờ “các vị thần giả dối của tiền bạc, quyền lực và dục vọng”, ngài cảnh báo, đồng thời nhắc lại rằng “tất cả các ý thức hệ vô thần của thời đại chúng ta, cùng với những nhà lãnh đạo tự xưng của chúng, chỉ khiến thế giới chìm sâu hơn vào đau khổ”.

Để làm ví dụ, ngài nhấn mạnh đến chế độ phát xít và cộng sản trong quá khứ, cũng như “chủ nghĩa tiêu dùng tư bản, giới tính và ý thức hệ siêu nhân” — tất cả những điều này, ngài nói, “đã biến thế giới thành một sa mạc hư vô”.

“Thế kỷ 20 đầy rẫy những nhà độc tài và quái vật muốn áp đặt ý chí của họ lên thế giới, bất chấp hạnh phúc của hàng triệu người. Họ tin rằng ý tưởng của họ là sự cứu rỗi của thế giới và con người mới phải được 'tạo ra' theo hình ảnh của họ và giống họ và 'được ban phước' theo logic của họ.

“Ngay cả ngày nay,” ngài nói thêm, “chúng ta vẫn chứng kiến những kẻ khủng bố, kẻ bóc lột và những kẻ bắt nạt vô đạo đức tuyên bố rằng lòng căm thù và bạo lực là phương tiện để có một ‘thế giới tương lai tốt đẹp hơn.’” Đức Hồng Y cảnh báo rằng các siêu cường ngày nay “tham gia vào hoạt động địa chính trị tàn nhẫn với cái giá phải trả là mạng sống và phẩm giá của trẻ em và người lớn”.

Nhưng Đức Hồng Y cho biết: “Thiên Chúa thể hiện quyền năng của Ngài chính xác bằng cách không hy sinh người khác vì lợi ích riêng của mình, như những người cai trị thế gian này vẫn làm, nhưng bằng cách hiến mình trong Con của Ngài, Đấng vì tình yêu đã mặc lấy xác phàm của chúng ta”.

Đây là lý do tại sao, trái ngược với “những ý thức hệ chết người” quyến rũ mọi người bằng sự tuyên truyền của chúng, “Kitô giáo là tôn giáo của chân lý và tự do, tình yêu và sự sống”, và tình yêu mà Chúa ban “cho tất cả chúng ta một cách dồi dào” dẫn đến “lòng bác ái đối với người khác là sự viên mãn của con người”, ngài giải thích.

Đức Hồng Y Müller nhấn mạnh đến “những chứng tá tuyệt vời” của nền văn hóa Kitô giáo, đại diện cho “sự tổng hợp của đức tin và lý trí” và sự thống nhất giữa việc phục vụ Thiên Chúa và trách nhiệm đối với thế giới, dựa trên sự Nhập thể.

“Từ Kitô giáo, thế giới sẽ được nhân bản hóa toàn cầu”, ngài nhấn mạnh. “Bằng lời nói và hành động, các Kitô hữu được kêu gọi đóng góp vào hòa bình giữa các dân tộc”.

Đức Hồng Y kết luận bằng cách thúc giục những người hiện diện không “xây dựng ngôi nhà cuộc sống của mình trên các ý thức hệ do con người hình thành, nhưng trên nền tảng tình bạn cá vị với Chúa Kitô trong các nhân đức thiêng liêng — đức tin, đức cậy và đức mến — để có thể nói như Thánh Phaolô: 'Cuộc sống mà tôi đang sống trong thân xác này, tôi sống trong đức tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu thương tôi và hiến mình vì tôi.' (Galat 2:20).”

Đức Hồng Y Müller đã có mặt tại Rôma để tham dự Thượng hội đồng về tính đồng nghị trong tháng này với tư cách là đại biểu Tòa Thánh.


Source:National Catholic Register