Ngày 28-10-2023
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thánh Lễ Chúa Nhật 30 Mùa Quanh Năm 29/10 dành cho những người không thể đến nhà thờ
VietCatholic Media
01:26 28/10/2023


BÀI ĐỌC 1 Xh 22:20-26

Bài trích sách Xuất hành.

Đức Chúa phán thế này: Người ngoại kiều, ngươi không được ngược đãi và áp bức, vì chính các ngươi đã là ngoại kiều ở đất Ai-cập. Mẹ goá con côi, các ngươi không được ức hiếp. Nếu ngươi ức hiếp mà nó kêu cứu Ta, ắt Ta sẽ nghe tiếng nó kêu cứu. Cơn giận Ta sẽ bốc lên, Ta sẽ cho gươm chém giết các ngươi: thế là vợ các ngươi sẽ thành goá bụa, và con các ngươi sẽ thành côi cút.

Nếu ngươi cho một người trong dân Ta, một người nghèo ở với ngươi vay tiền, thì ngươi không được xử với nó như chủ nợ, không được bắt nó trả lãi.

Nếu ngươi giữ áo choàng của người khác làm đồ cầm, thì ngươi phải trả lại cho nó trước khi mặt trời lặn. Nó chỉ có cái đó để đắp, để làm áo che thân; nó sẽ lấy gì mà ngủ? Nó mà kêu cứu Ta, Ta sẽ nghe nó, vì Ta vốn nhân từ.

Đó là lời Chúa.

BÀI ĐỌC 2 1Tx 1:5c-10

Bài trích thư thứ nhất của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca.

Thưa anh em, anh em biết, khi ở với anh em, chúng tôi đã sống thế nào để mưu ích cho anh em; còn anh em, anh em đã bắt chước chúng tôi và noi gương Chúa, khi đón nhận lời Chúa giữa bao nỗi gian truân với niềm vui do Thánh Thần ban: bởi vậy anh em đã nên gương cho mọi tín hữu ở miền Ma-kê-đô-ni-a và miền A-khai-a. Quả thế, từ nơi anh em, lời Chúa đã vang ra, không những ở Ma-kê-đô-ni-a và A-khai-a, mà đâu đâu người ta cũng nghe biết lòng tin anh em đặt vào Thiên Chúa, khiến chúng tôi không cần phải nói gì thêm nữa. Khi nói về chúng tôi, người ta kể lại chúng tôi đã được anh em tiếp đón làm sao, và anh em đã từ bỏ ngẫu tượng mà quay về với Thiên Chúa thế nào, để phụng sự Thiên Chúa hằng sống, Thiên Chúa thật, và chờ đợi Con của Người từ trời ngự đến, người Con mà Thiên Chúa đã cho trỗi dậy từ cõi chết, là Đức Giê-su, Đấng cứu chúng ta thoát cơn thịnh nộ đang đến.

Đó là lời Chúa.

TUNG HÔ TIN MỪNG Ga 14:23

Alleluia. Alleluia.

Chúa nói: Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến với người ấy. Alleluia.

TIN MỪNG Mt 22:34-40

Tin mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.

Khi ấy, nghe tin Đức Giê-su đã làm cho nhóm Xa-đốc phải câm miệng, thì những người Pha-ri-sêu họp nhau lại. Rồi một người thông luật trong nhóm hỏi Đức Giê-su để thử Người rằng: “Thưa Thầy, trong sách Luật Mô-sê, điều răn nào là điều răn trọng nhất?” Đức Giê-su đáp: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn trọng nhất và điều răn thứ nhất. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Tất cả Luật Mô-sê và các sách ngôn sứ đều tuỳ thuộc vào hai điều răn ấy.”

Đó là lời Chúa.
 
CN30 A : Ý NGHĨA BA CHỮ HẾT
Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
15:32 28/10/2023
CN30 A : Ý NGHĨA BA CHỮ “HẾT”

Khi chúng ta dồn tâm gắng sức cho một công việc gì đó, như mua đất, xây nhà, lấy vợ, gả chồng…, ta mô tả : Tôi đã dành cho công việc đó biết bao thời gian, biết bao công sức, biết bao suy tư, biết bao tiền của…. Tức là nhiều lắm !

Rồi khi mô tả một người mệt quá sức, ta không chỉ nói mệt lắm. Nhưng có thể thêm : Ông ấy mệt thở chẳng ra hơi, nói không thành lời, tay giơ không nổi, chân động không lên. Những kiểu mô tả đó nhằm nói lên một phó từ (trạng từ) : lắm, rất, nhiều : rất mệt, gắng nhiều …

Khi Chúa Giêsu tóm tắt lề luật bằng một giới răn mà một trong hai, đó là “yêu Chúa thật nhiều” thì Kinh Thánh cũng dùng kiểu nói : “Ngươi hãy yêu mến Thiên Chúa ngươi, hết lòng ngươi, hết linh hồn ngươi, hết trí khôn ngươi.” Nhưng ba cái “hết” đó có phải chỉ là nhiều lắm, hay còn có ý nghĩa gì thêm? Chắc hẳn là có nhiều ý nghĩa hơn, nhất là khi được gắn với động từ “yêu.” Ta thử tìm hiểu ý nghĩa của ba cái “hết” đó.

Trong chương trình Triết lớp 12 trước đây, người ta chia sinh hoạt con người làm 3 lãnh vực: đời sống tình cảm, đời sống hoạt động và đời sống tri thức (lý trí).

Vì thế : hết lòng, hết trái tim, là đời sống tình cảm

Hết linh hồn, tức hết ý chí, là đời sống hoạt động

và hết trí khôn : tức là đời sống tri thức, lý trí.

Mỗi đời sống có thể lệ thuộc nhau, nhưng cũng có thể độc lập.

Kinh nghiệm hoặc những cảnh diễn ra trước mắt cho ta thấy :

Một người chồng có thể yêu một người khác vợ mình (đ/s tình cảm). Người chồng này có thể nhớ nghĩ một người khác (đ/s tri thức), và hành động theo ý người vợ trước mặt (đ/s hoạt động). Nói đại khái như sau: Anh Khanh có thể yêu cô Mến, nhớ cô Tưởng, nhưng lại tuân lệnh bà Xã là vợ của anh đang ở trước mặt.

Có thể ba đối tượng của yêu, của nhớ, của hành động cũng là một, mà cũng có thể là ba đối tượng khác nhau, hoặc hai đối tượng khác nhau : yêu và nhớ một người, và hành động theo lệnh một người khác.

Trong một tiểu thuyết của Quỳnh Dao, có mô tả chàng kia hỏi nàng nọ “tim em đập làm sao, óc em nghĩ cái gì và hồn em thuộc về ai,” thì nàng đã trả lời “tim em đập hai tiếng Tâm Đan, óc em nghĩ tới hai chữ Tâm Đan và hồn em thuộc về chàng trai mang tên Tâm Đan.” Tâm Đan chính là tên của chàng kia hỏi nàng nọ. Thiên Chúa đòi chúng ta ba đối tượng đó phải là một : một Chúa.

Yêu Chúa hết lòng (đời sống tình cảm), nhớ Chúa không nguôi (đời sống tri thức) và làm theo ý Chúa mãi (đời sống hoạt động). Đó là ý nghĩa mệnh lệnh Chúa theo bản Kinh Thánh Hy Lạp (và cũng là bản La Tinh dùng trong phụng vụ) : “Ngươi hãy yêu mến Thiên Chúa ngươi, hết lòng ngươi, hết linh hồn ngươi, hết trí khôn ngươi.” Các thánh giáo phụ, đặc biệt thánh Augustinô giải thích thêm cho ta :

Yêu Chúa hết lòng tức không yêu ai, yêu gì bằng Chúa. Có một trái tim thì Chúa ngự trị trọn vẹn trong trái tim đó rồi.

Yêu Chúa hết linh hồn tức là yêu hết ý chí mình, sẵn sàng vâng theo ý Ngài, dù có phải chết. Chúng ta nghe nói đến thôi miên. Người bị thôi miên là mất hồn, không còn ý chí nữa, mà hành động theo lệnh của người thôi miên mình. Yêu Chúa hết linh hồn là như vậy đó : bị Chúa thôi miên để lúc nào cũng làm theo ý Chúa sai khiến.

Yêu Chúa hết trí khôn nghĩa là luôn nhớ tới Chúa, không lúc nào ngơi. Nói theo ngôn ngữ của computer, thì yêu Chúa hết bộ nhớ luôn. Yêu Ngài, là out of memory. Không có cái nào khác lọt vào nữa. Chúa chiếm trọn bộ nhớ rồi.

Dân Israel ngày xưa và ngay cả ngày nay khắc ghi mệnh lệnh này của Đức Chúa một cách tuyệt đối. Đây là kinh Sơ ma, “Kinh Hãy Nghe” của họ. Chúng ta nghe trọn vẹn lời kinh “Hãy Nghe” :

“Hãy nghe, hỡi Israel, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta là Đức Chúa duy nhất. Hãy yêu mến Thiên Chúa hết lòng ngươi, hết linh hồn ngươi, hết trí khôn ngươi, những lời ta truyền cho ngươi hôm nay, ngươi phải ghi lòng tạc dạ và thuật lại cho con cháu (...)". (Đnl 6, 4-8).

Là người Do thái, Đức Giêsu ngay từ nhỏ đã thuộc nằm lòng Kinh Hãy Nghe này rồi. Vì thế mệnh lệnh “hãy yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn” phải là mệnh lệnh đệ nhất. Người Do Thái thời đó ai cũng biết, nên khi hỏi Đức Giêsu, "trong lề luật, điều nào trọng nhất", Ngài trả lời dễ dàng.

Nhưng cái hay, cái cả gan của Đức Giêsu là dám nói câu này : "Còn một điều nữa cũng giống như vậy : Hãy yêu anh em". Đức Giêsu cả dám đặt “hãy yêu anh em” bằng, như “hãy yêu Chúa.” Đây là mảng đề tài lớn và phong phú mà chúng ta đã được giải thích và ngẫm nghĩ nhiều lần, nhiều cách. Hôm nay chúng ta không đả động gì tới điểm này. Chỉ xin nói một câu : Nếu Chúa Giêsu đã nói “toàn thể lề luật tóm lại trong hai giới răn đó” (mến Chúa, yêu người), thì chúng ta xin tóm tắt hai luật đó thành một : "yêu người vì Chúa", tức là : 'ngươi hãy yêu mến anh em hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn vì Ta là Chúa'. Bài đọc I rất thấm thía để minh hoạ thêm cho điều này. Chỉ trích tóm một câu : “Nếu các ngươi ức hiếp mẹ goá con côi, thì cơn giận Ta sẽ bốc lên chống lại các ngươi” (x. Xh 22, 21-23).

Để kết luận : Tại sao phải yêu mến Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn. Thưa bởi vì Chúa hết lòng yêu ta trước.

Trong cuốn “Tự Thuật,” một người cha ghi lại câu chuyện và ý nghĩ sau : một đêm kia trong lúc tôi đang đọc báo, tôi nghe đứa con gái bé nhỏ của tôi bảo : “Bố ơi, để con đếm xem trên trời có mấy ngôi sao?” Rồi tôi nghe nó đếm (1,2,3…) trong khi tôi vẫn chăm chú đọc báo. Đến khi đọc xong bài báo tôi chú ý lắng nghe và tiếng đứa con gái vẫn tiếp tục 300, 301, 302…. Chợt nó dừng lại quay sang nói với tôi : “Bố ơi con không dè trên trời lại có nhiều sao đến thế !” Nghe con gái bình luận vậy, tôi chợt nhớ là thỉnh thoảng tôi cũng nói với Chúa, “Chúa ơi để con thử đoán xem con đã nhận lãnh bao nhiêu ơn lành của Chúa.” Và càng đếm trái tim tôi hình như càng cảm thấy thổn thức không phải vì âu sầu mà vì quá nhiều hồng ân Chúa đổ trên tôi. Rồi tôi cũng thấy phải thốt lên như con gái của tôi : “Lạy Chúa, con không dè đời con lại có quá nhiều hồng ân của Chúa đến thế !”

Chúng ta cứ thử đếm mà xem tưởng ít mà hoá ra vô số các ân huệ của Chúa. Tôi có thể kể cả giờ. Những ý tứ của lời Kinh Cám Ơn “Tôi cám ơn Đức Chúa Trời là Chúa lòng lành vô cùng, chẳng bỏ con, chẳng để con 'không' đời đời, mà lại sinh ra con, cho con được làm người …” cho ta được một số ý niệm về ân huệ của Chúa.

“Hãy yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn” vì Ngài hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn yêu ta trước.

Mỗi thánh lễ là một lễ tế tạ ơn. Riêng ta, ta tạ ơn không xứng. Ta phải hợp với Chúa Con mà tạ ơn Chúa Cha. Trước khi bước vào phần lễ tế tạ ơn, ta hãy tuyên xưng lòng tin của ta vào Đức Chúa qua Kinh Tin Kính.

Anphong Nguyễn công Minh, ofm
 
Yêu Chúa thế nào, yêu người ra sao ?
Lm. Nguyễn Xuân Trường
17:38 28/10/2023



 
Hai mặt của một đồng xu
Lm. Minh Anh
21:09 28/10/2023

HAI MẶT CỦA MỘT ĐỒNG XU
“Tất cả luật Môsê và các sách ngôn sứ đều tuỳ thuộc vào hai điều răn ấy!”.

Nhà thơ Leigh Hunt viết, “Một đêm nọ, Abou Ben Adhem thức dậy, thấy một thiên thần đang ghi vào một cuốn sổ vàng tên của những người yêu mến Thiên Chúa. Abou hỏi, “Có tên tôi không?”. Thiên thần đáp, “Rất tiếc, không!”. Abou nói, “Vậy xin ngài hãy viết tên tôi như một người yêu thương đồng loại!”. Hôm sau, thiên thần lại đến với danh sách những người yêu mến Thiên Chúa và tên của Abou Ben Adhem đứng đầu!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Bài thơ của Leigh Hunt tiết lộ một chân lý: tình yêu đích thực đối với Thiên Chúa và tình yêu đích thực đối với đồng loại như ‘hai mặt của một đồng xu’. Cái này không thể tồn tại khi tách rời cái kia. Đó là điều chúng ta tìm thấy trong Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay.

Chúa Giêsu được một luật sĩ hỏi về giới răn trọng nhất. Câu trả lời tất nhiên là yêu mến Thiên Chúa; nhưng không dừng ở đó, Ngài đưa ra mặt kia của đồng xu, đó là tình yêu đối với tha nhân. Vậy chúng ta phải đáp ứng mệnh lệnh này thế nào? Trước hết, hãy hiểu đúng bản chất của nó, nó là một mệnh lệnh! Đó là điều bạn phải chọn thực hiện mà ‘ít hoặc không quan tâm’ đến cảm xúc của mình. Tình yêu là lựa chọn, là quyết định, là cam kết làm mọi việc. Điều quan trọng là những gì bạn ‘làm’ chứ không phải cách bạn ‘cảm nhận’ về họ. Giá trị cuộc sống được đo bằng những cuộc sống nó chạm tới!

Nếu bạn bình an, bạn phải giúp người khác bình an; nếu bạn sống tốt, bạn phải giúp người khác sống tốt; và nếu bạn hạnh phúc, bạn phải giúp người khác hạnh phúc. Vì lẽ, lợi ích của mỗi người gắn liền với lợi ích của tất cả mọi người. Chúa thực sự muốn chúng ta tìm Ngài, thờ phượng, yêu mến Ngài qua tha nhân, và khi tìm thấy Chúa, bạn tìm thấy chính mình. Bài đọc thứ nhất cho biết, qua Môsê, Thiên Chúa cảnh báo Israel và chúng ta hãy cẩn thận trong cách đối xử với người khác; đặc biệt, với những ai dễ bị tổn thương trong xã hội, các goá phụ, người nghèo và khách ngoại kiều.

Thập giá, một minh họa trọn vẹn về tình yêu. Nếu tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta thể hiện qua cái chết của Chúa Kitô trên thập giá, thì tình yêu chúng ta dành cho tha nhân cũng là ‘thập giá được yêu’ của mỗi người. Qua bài đọc hai, Phaolô ca ngợi các tín hữu Thessalônica vì chứng tá anh hùng họ đã sống vì Chúa Kitô, và điều này dẫn đến việc họ thực hành mẫu mực yêu thương nhau. Động lực của tình yêu này là Thiên Chúa; Thánh Vịnh đáp ca tỏ lộ, “Con yêu mến Ngài, lạy Chúa là sức mạnh của con!”.

Anh Chị em,

Nhìn lên thập giá Chúa Kitô, bạn và tôi biết mình được yêu đến mức nào và phải đáp trả tình yêu ấy thế nào. Tình yêu không kể thành công hay thất bại, chiến thắng hay thua cuộc; nó chỉ cần đạt tới người mình yêu. Tình yêu của Ngài không như tình yêu của Charlie Brown, “Tôi yêu nhân loại; đó là những con người mà tôi không thể chịu đựng được!”. Không! Chúa Giêsu đã chịu đựng, ôm lấy, gánh lấy, mang lấy, yêu lấy, cứu lấy và sống lấy cuộc sống của cả nhân loại; trong đó, có cả kẻ giết Ngài. Hãy đến với Ngài, kín múc sức mạnh hầu có thể tiếp tục yêu như Ngài yêu, ôm lấy như Ngài đã ôm. Và như thế, chúng ta sống trọn vẹn giới răn như ‘hai mặt của một đồng xu’ và chắc chắn, bạn và tôi không còn xa Nước Thiên Chúa bao nhiêu!

Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, đừng để con ‘sống qua ngày, đợi qua đời’ khi chỉ biết tài bồi bản thân, để cuối cùng, tên con không có trong sổ vàng!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Dự thảo tường trình tổng hợp của Thượng Hội đồng: Các Giám mục đẩy lùi việc ‘phân định các vấn đề gây tranh cãi’
Vũ Văn An
00:45 28/10/2023

Tạp chí mạng The Pillar, ngày 27 tháng 10 năm 2023 tường trình rằng: Các đại biểu tham dự Thượng Hội đồng về tính đồng nghị sẽ bắt đầu tranh luận vào tối thứ Năm về đề xuất sửa đổi của họ đối với một dự thảo “tường trình tổng hợp” nhằm tóm tắt cuộc họp kéo dài một tháng của họ ở Rome - và đưa ra các khuyến nghị với Đức Giáo Hoàng Phanxicô về việc thực hiện “tính đồng nghị” trong đời sống của Giáo Hội.



Sau khi các đề xuất sửa đổi được 365 đại biểu bỏ phiếu của thượng hội đồng xem xét, bản văn dự kiến sẽ được thông qua bằng một cuộc bỏ phiếu trước khi cuộc họp thượng hội đồng bế mạc vào tối thứ Bảy.

Tường trình dự thảo, mà The Pillar có được một bản sao, bao gồm một số phần có thể gây tranh cãi - bao gồm các vấn đề về khái niệm thần học của cảm thức đức tin, cùng với các phần đề cập đến các phương thức chăm sóc mục vụ của Giáo hội, trách nhiệm giải trình của giám mục, và các triển vọng thừa nhận phụ nữ vào chức phó tế.



Bản dự thảo dài khoảng 40 trang nhằm mục đích tóm tắt “kinh nghiệm của một Giáo hội đang học hỏi phong cách đồng nghị”, vốn thường được định nghĩa như một cách tiếp cận để nhận ra ý muốn của Thiên Chúa thông qua lời cầu nguyện và cuộc đàm luận chung giữa các tín hữu.

Bản dự thảo giải thích: “Chúng tôi đã đáp lại lời mời chấp nhận một nhận thức mới về chiều kích đồng nghị của Giáo hội. Hành trình đồng nghị của Giáo hội hướng tới Vương quốc, Vương quốc sẽ được hoàn thành trọn vẹn khi Thiên Chúa là tất cả trong tất cả”.

Bản dự thảo đã có một cái nhìn rộng rãi về “tính đồng nghị”.

Bản dự thảo giải thích, “Theo nghĩa rộng nhất, tính đồng nghị có thể được hiểu là bước đi của các Kitô hữu với Chúa Kitô hướng tới Vương quốc, cùng với toàn thể nhân loại. Định hướng của nó là hướng tới sứ mệnh, và việc thực hành nó bao gồm việc tụ họp lại ở mọi bình diện của đời sống giáo hội”.

Nó nói thêm, “Ở đây, như một cách diễn tả việc Chúa Kitô hiện diện và sống động trong Thánh Thần, chúng ta lắng nghe nhau, tham gia đối thoại, phân định cộng đồng, xây dựng sự đồng thuận và đưa ra quyết định trong tinh thần đồng trách nhiệm dị biệt hóa”.

“Sự phong phú và sâu sắc của tiến trình đồng nghị cho thấy giá trị của việc mở rộng sự tham gia, vượt qua những trở ngại đối với sự tham gia đã xuất hiện cho đến nay, cũng như cảm thức nghi ngờ và sợ hãi”.

Tuy nhiên, “Giáo hội không suy gẫm về cấu hình đồng nghị của mình để đặt mình vào trung tâm của việc công bố, nhưng để thực hiện tốt nhất… việc phục vụ của mình đối với Vương quốc của Thiên Chúa”.

Bản dự thảo “tường trình tổng hợp” đưa ra một số gợi ý để tích hợp tính đồng nghị vào đời sống của Giáo hội - một số trong đó dự kiến sẽ nhận được sự phản đối từ những người tham gia thượng hội đồng.

Cụ thể nhất, tài liệu đề nghị rằng các hội đồng giám mục nên bầu ra một “thượng hội đồng giám mục thường trực để hỗ trợ thừa tác vụ Phêrô”.

Đề nghị đó sẽ là một sự thay đổi so với cơ cấu hiện tại của thượng hội đồng giám mục, trong đó các giám mục được triệu tập đến Rome trên cơ sở đặc biệt để cố vấn cho Đức Giáo Hoàng về các vấn đề đặc thù. Không rõ liệu Đức Giáo Hoàng có chấp nhận đề nghị đó hay không, vì Đức Giáo Hoàng đã thường xuyên cảnh cáo chống lại thái độ nghị viện trong việc thực thi tính đồng nghị, một thái độ có thể trở nên dễ xảy ra hơn trong một hội đồng thượng hội đồng được bầu và liên tiếp gồm các đại biểu thường trực.

Bản dự thảo cũng đề nghị việc du nhập “các hội nghị lục địa” để thúc đẩy sự tham gia liên tục giữa các giáo sĩ và giáo dân từ các nước láng giềng, đồng thời kêu gọi “sự hoán cải bản thân sang tính đồng nghị truyền giáo” nơi người Công Giáo.



Dù một số đại biểu cho biết họ không có đủ thời gian để đọc kỹ bản dự thảo trước khi đưa ra tranh luận, vẫn có những vấn đề có thể sẽ được đề xuất sửa đổi trong những ngày cuối cùng của thượng hội đồng.

Các nguồn tin nói với The Pillar rằng một số đại biểu tại Thượng Hội đồng dự kiến sẽ đặt câu hỏi về một phần của bản dự thảo liên quan đến “sự phân định của Giáo hội đối với các vấn đề gây tranh cãi”.

Về một số vấn đề đạo đức và mục vụ được nêu ra liên quan đến Thượng Hội đồng trong những năm gần đây, bản dự thảo nói rằng cần phải thảo luận thêm, vì đã có sự tham gia hạn chế về các chủ đề đó trong chính cuộc họp.

Đề cập đến các vấn đề “liên quan đến bản sắc giới tính và khuynh hướng tình dục, sự kết thúc của cuộc sống, hoàn cảnh hôn nhân khó khăn và các vấn đề đạo đức liên quan đến trí khôn nhân tạo”, tài liệu kêu gọi “các sáng kiến giúp phân định chung về các vấn đề gây tranh cãi, tín lý, mục vụ và đạo đức”.

Nhưng một số đại biểu đã nói rằng phần này không đề cập đầy đủ đến việc viện dẫn giáo huấn huấn quyền của Giáo hội về những “vấn đề gây tranh cãi” đó và dường như có ý gièm pha huấn quyền khi chỉ trích triển vọng “ẩn náu trong sự thoải mái của các công thức có sẵn”.

Các nguồn tin thân cận với Thượng Hội đồng cho biết một số đại biểu lo ngại về đề xuất “nhận diện các điều kiện giúp cho việc nghiên cứu thần học và văn hóa có thể thực hiện được, lấy kinh nghiệm hàng ngày của dân Chúa làm điểm khởi đầu”.

Cách tiếp cận thần học đang gây tranh cãi giữa các giám mục vì một số người nói rằng điểm khởi đầu cho việc nghiên cứu thần học phải là sự mặc khải của Thiên Chúa, sau đó được áp dụng vào kinh nghiệm của người Công Giáo. Một số nhà thần học đã nhấn mạnh rằng điểm khởi đầu của kinh nghiệm, chứ không phải là mặc khải, có thể dễ dàng dẫn đến một cách tiếp cận tương đối hóa đối với lý luận đạo đức.

The Pillar cho biết, vẫn còn các đại biểu khác bày tỏ sự thất vọng rằng bản dự thảo thượng hội đồng không có lập trường vững chắc hơn về các vấn đề đạo đức gây tranh cãi được nêu ra liên quan đến thượng hội đồng - trong số đó có các đại biểu đã bày tỏ hy vọng rằng thượng hội đồng có thể thúc đẩy triển vọng ban phép lành phụng vụ cho các cặp đồng tính, một vấn đề đang gây tranh cãi trong Giáo hội.



Theo các nguồn tin thân cận với tiến trình này, một số đại biểu dự kiến sẽ bác bỏ việc đề cập đến cảm thức đức tin của Giáo hội trong văn bản, mà bản dự thảo nói rằng “có tính chất tương tự nào đó với các thực tại thần linh và khả năng nắm bắt những gì phù hợp với chân lý đức tin một cách trực quan.”

Bản văn cho biết: “Các tiến trình đồng nghị nâng cao hồng ân này và giúp xác minh sự hiện hữu của đồng thuận đó nơi các tín hữu (consensus fidelium), vốn là một tiêu chuẩn chắc chắn để xác định liệu một tín lý hoặc thực hành đặc thù có thuộc về đức tin tông truyền hay không”.

Nhưng theo báo cáo, một số đại biểu đã bày tỏ lo ngại rằng định nghĩa của bản dự thảo khác với tín lý Công Giáo về chủ đề này trong những điểm chính.

Một số giám mục cho rằng bản văn không đề cập đến vai trò của Huấn quyền trong việc đánh giá niềm tin của những người Công Giáo đặc thù. Những người khác nói rằng trong khi bản dự thảo gợi ý rằng một mẫu đại diện của người Công Giáo có thể chứng minh tính chính thống của một số tuyên bố về mặt tín lý, thì Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo nói rằng khái niệm cảm thức đức tin chỉ có thể được viện dẫn khi “toàn thể dân Chúa… từ các giám mục đến người tín hữu cuối cùng… thể hiện sự đồng thuận phổ quát về các vấn đề đức tin và luân lý.”

Các nguồn tin nói rằng một số giám mục sẵn sàng thúc giục sửa đổi bản dự thảo, có thể thúc giục rằng nếu tài liệu đề cập đến cảm thức đức tin, thì nó sẽ rút ra từ Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo, và từ một bản văn năm 2014 về chủ đề này của Ủy ban Thần học Quốc tế.

Giám mục Daniel Flores, một đại biểu của Thượng Hội đồng, đã bày tỏ sự dè dặt với The Pillar vào tháng 11 năm ngoái về triển vọng áp dụng khái niệm thần học về cảm thức đức tin vào công việc của Thượng hội đồng.

Đức Cha Flores giải thích: “Tôi không nghĩ cảm thức đức tin có thể dễ dàng được đánh giá về mặt thần học”.

“Tôi không nghĩ các Giáo phụ hiểu điều đó theo cách đó. Đó là điều được thể hiện trong thực hành của Giáo hội, trong lời cầu nguyện của Giáo hội, trong cách Giáo hội đáp lại một cách tự phát trước một thách thức. … Phản ứng tự phát của anh em nhà Macabê trước lời kêu gọi làm ô uế chính mình - từ chối điều đó, đó là cảm thức đức tin, đó là biểu hiện của đức tin.”



Theo các nguồn khác, một số đại biểu cũng đang mong đợi triển vọng sửa đổi các đề xuất nhằm phát triển “các cơ cấu và diễn trình xem xét thường xuyên công việc của giám mục [giáo phận]”, nhằm củng cố quyền lực của tổng giám mục giáo đô đối với các giám mục giáo phận phụ thuộc trong tỉnh của ngài, và nhằm được thấy các sứ thần giáo hoàng thường xuyên được đánh giá bởi các giám mục giáo phận tại các vùng lãnh thổ nơi họ phục vụ.

Một số người nói rằng vấn đề ở đây là việc Công đồng Vatican II nhấn mạnh vào thẩm quyền của giám mục giáo phận – trong khi các đại biểu khác nói rằng trách nhiệm giải trình và cải cách của các giám mục là những vấn đề quan trọng, được nêu ra bởi các cuộc tham vấn thượng hội đồng địa phương trên khắp thế giới.

Cũng có khả năng là một số đại biểu sẽ phản đối hai đề nghị trong bản văn về việc thành lập các ủy ban để tiếp tục làm việc về tính đồng nghị. Một đề nghị là văn phòng thư ký Thượng Hội đồng “thành lập một ủy ban gồm các nhà thần học để được giao nhiệm vụ tiến hành công việc làm sáng tỏ thuật ngữ” liên quan đến tính đồng nghị.

Một đề nghị khác là thành lập một “ủy ban đặc biệt gồm các chuyên gia” để làm rõ “những hệ luận giáo luật của quan điểm đồng nghị”.

Nhưng theo các nguồn tin thân cận với Thượng Hội đồng, một số giám mục đề nghị rằng nếu các ủy ban đó được thành lập, thì các thành viên nên được đề cử bởi các hội đồng giám mục - thay vì do Vatican bổ nhiệm - để đảm bảo tính đại diện thần học cho các quan điểm về các giám mục giáo phận ở nhiều phần khác nhau trên thế giới.

Các nguồn tin cho biết họ mong đợi sự ủng hộ rộng rãi của các đại biểu đối với các đề nghị thành lập các hội đồng mục vụ giáo xứ và giáo phận bắt buộc, vốn đã được sử dụng rộng rãi ở Hoa Kỳ, cũng như các đề xuất để có thêm nhiều phụ nữ tham gia vào việc đào tạo linh mục.

Không rõ liệu các đại biểu Thượng Hội đồng có tranh luận về một phần của bản dự thảo nói rằng “các quan điểm khác nhau đã được bày tỏ liên quan đến việc phụ nữ tiếp cận mục vụ phó tế hay không” - ngay cả khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã đưa ra các tiêu đề trong tuần này về những bình luận dường như loại trừ triển vọng này.

Dự thảo nói rằng “đối với một số người, bước này sẽ không thể chấp nhận được vì họ coi đó là sự gián đoạn với Truyền thống. Tuy nhiên, đối với những người khác, việc trao cho phụ nữ chức phó tế sẽ khôi phục việc thực hành của Giáo hội sơ khai. Tuy nhiên, những người khác vẫn coi đó là một phản ứng thích hợp và cần thiết trước những dấu chỉ của thời đại, trung thành với Truyền thống, và là một phản ứng sẽ tìm thấy tiếng vang trong tâm hồn của nhiều người đang tìm kiếm nguồn năng lực và sức sống mới trong Giáo hội.”

Các nguồn tin thân cận với Thượng Hội đồng nói rằng mặc dù phần đó chính xác về mặt kỹ thuật, nhưng nó không phản ảnh kinh nghiệm của họ, rằng một số rất nhỏ đại biểu đã lên tiếng ủng hộ việc phong chức phó tế cho phụ nữ, trong khi các lập luận chống lại ý tưởng này nhìn chung đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi.



Cuộc tranh luận về đề xuất sửa đổi bản tường trình dự kiến vào tối thứ Năm và sẽ có nhiều sự xem xét hơn đối với những sửa đổi đó vào thứ Bảy.

Theo các viên chức Vatican, một tài liệu cuối cùng dự kiến sẽ được công bố vào tối thứ Bảy.
 
Quốc hội Ukraine thông qua dự luật cấm Giáo Hội Chính thống Ukraine trực thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa
Đặng Tự Do
06:09 28/10/2023


Quốc hội Ukraine trong tháng này đã đưa ra một đạo luật được nhiều người coi là nỗ lực nhằm cấm một Giáo Hội Chính thống hoạt động ở nước này vì những cáo buộc cho rằng Giáo Hội này có liên quan đến Nga.

Verkhovna Rada, hay cơ quan lập pháp đơn viện của Ukraine, đã thông qua dự luật trong buổi đọc đầu tiên hôm thứ Năm với 267 nhà lập pháp ủng hộ đề xuất này và chỉ có 15 phiếu chống lại nó.

Luật pháp ở Rada nói chung phải trải qua ba lần biểu quyết và sau đó được tổng thống nước này ký để trở thành luật.

Luật sẽ cấm các hoạt động của các tổ chức tôn giáo “có liên kết với các trung tâm ảnh hưởng của một tổ chức tôn giáo, mà trung tâm quản lý của tổ chức này nằm bên ngoài Ukraine và là quốc gia tiến hành xâm lược vũ trang chống lại Ukraine”. Dự luật được nhiều người coi là tấn công vào Giáo Hội Chính thống Ukraine trực thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa.

Theo The Kyiv Independent, Thành viên Quốc hội Iryna Herashchenko, người thuộc Đảng Đoàn kết Âu Châu trung hữu, gọi cuộc bỏ phiếu là “lịch sử” trong một tin nhắn video. Cô cho rằng cuộc bỏ phiếu là về ảnh hưởng của Nga hơn là tôn giáo.

Theo tờ Independent, Herashchenko cho biết: “Verkhovna Rada đã thực hiện bước đầu tiên để trục xuất các linh mục Mạc Tư Khoa khỏi đất Ukraine”.

“ Luật này không phải về tôn giáo hay Giáo Hội mà là về việc bảo vệ an ninh quốc gia của Ukraine”. “Thực tế là Chính Thống Giáo Nga, có trụ sở ở Mạc Tư Khoa, không thực sự là một Giáo Hội mà là một chi nhánh của Cơ quan An ninh Liên bang Nga và nó có thể bị cấm tại tòa án.”

Tuần trước Thượng phụ Kirill của Giáo hội Chính thống Nga đã lên án cuộc bỏ phiếu, nói rằng nó “đặt nhà nước Ukraine ngang hàng với các chế độ vô thần nham hiểm nhất trong quá khứ”.

“Những người khởi xướng và ủng hộ việc thông qua dự luật này ở Ukraine – các quan chức chính phủ cao cấp nhất, các đại biểu của Verkhovna Rada, các chính trị gia cấp tiến và các nhân vật của công chúng – không giấu giếm rằng dự luật này nhằm chống lại cộng đồng tôn giáo lớn nhất ở Ukraine,” Kirill nói.

Ông tuyên bố biện pháp này “nhằm mục đích loại bỏ Giáo hội Chính thống Ukraine như một cơ cấu tập trung cũng như tất cả các giáo phận, giáo xứ và tu viện riêng biệt”.

Một số nhà lập pháp Ukraine đã cáo buộc UOC thúc đẩy lợi ích của chính phủ Nga kể từ trước khi Nga xâm lược Ukraine. Nhiều nhà thờ đã chứng kiến phản ứng dữ dội sau cuộc xâm lược, một số các nhà thờ bị trục xuất khỏi tài sản của họ, các linh mục bị bắt vì cáo buộc ủng hộ cuộc xâm lược và hành vi phá hoại nhằm vào các nhà thờ.

Báo cáo Tự do Tôn giáo trên Thế giới năm 2023, do Tổ chức Viện trợ các Giáo hội Đau khổ công bố, đã bổ sung cả Ukraine và Nga vào danh sách các quốc gia mà họ đang theo dõi chặt chẽ các vi phạm tự do tôn giáo.


Source:Catholic News Agency
 
Một tu sĩ bị bắn, thi thể ném xuống sông sau vụ bắt cóc tại tu viện Nigeria
Đặng Tự Do
06:10 28/10/2023


Một giáo phận ở Nigeria thông báo rằng Thầy Godwin Eze, một tu sĩ bị bắt cóc vào ngày 17 tháng 10 cùng với hai người khác từ tu viện Bênêđíctô ở Eruku, đã bị sát hại.

Trong một thông cáo báo chí được chia sẻ với ACI Phi Châu vào thứ Ba, ngày 24 tháng 10, Giám quản Giáo phận Ilorin, Cha Anselm Pendo Lawani, cho biết Thầy Eze, người bị bắt cóc cùng với Thầy Anthony Eze và Thầy Peter Olarewaju, đã bị sát hại dã man.

Các nguồn tin khác cho biết những kẻ bắt cóc đã bắn thầy Godwin Eze và ném xác thầy ấy xuống sông.

Trước đó, giáo phận đã thông báo việc trả tự do cho các anh Anthony Eze và Olarewaju, là những ứng sinh tại tu viện Bênêđíctô, đồng thời kêu gọi cầu nguyện cho thầy Godwin Eze, một tập sinh tại tu viện.

Trong thông báo ngày 24 tháng 10, Cha Lawani nói: “Đây là lời cảm ơn tất cả mọi người vì những lời cầu nguyện chung của các bạn trong nhiều ngày qua để các anh em của chúng tôi, Anh Anthony Eze và Anh Peter Olarewaju được thả ra an toàn. Chúng tôi cảm ơn Chúa vì đã đáp lại lời cầu nguyện của chúng tôi”.

“Tuy nhiên, chúng tôi rất đau buồn trước tin tức về vụ sát hại khủng khiếp người thứ ba, là thầy Godwin Eze, dưới bàn tay của những kẻ bắt cóc. Xin Chúa ban cho linh hồn thầy được yên nghỉ đời đời, an ủi những người thân trong gia đình thầy và cho tất cả chúng ta, những người còn lại thương tiếc sự ra đi của thầy.”

Trong một cuộc phỏng vấn với ACI Africa, Cha Joseph Ekesioba, cựu giám đốc tập sinh của tu viện, nói rằng Thầy Godwin Eze đã bị bọn cướp Fulani bắn một ngày sau vụ bắt cóc.

“Tôi đã gặp gỡ một trong những người anh em của chúng tôi, là những người đã được trả tự do và họ nói rằng Godwin đã bị bắn vào thứ Tư ngày 11 tháng 10, vào ban đêm. Những kẻ bắt cóc đưa ba anh em của chúng tôi đến bờ sông và bắn Anh Godwin. Sau đó, họ ném thi thể vô hồn của thầy ấy xuống sông”, Cha Ekesioba nói trong một cuộc phỏng vấn ngày 24/10.

Ngài nói thêm: “Sau khi giết Godwin, những kẻ bắt cóc dẫn anh em Peter và Anthony đến khu rừng nơi chúng đã giấu họ và tiếp tục đe dọa, nói với họ rằng họ cũng sẽ bị giết. May mắn thay, cả hai đã được trả tự do vào tối thứ bảy.”

Cha Ekesioba cho biết tu viện đang tổ chức tìm kiếm thi thể của Godwin Eze trên sông.

Ngài nói với ACI Africa rằng tu viện đã buộc phải thực hiện các biện pháp quyết liệt sau vụ bắt cóc ngày 17 tháng 10.

Ngài nói: “Chúng tôi phải di dời anh em của mình đến một nơi an toàn hơn vì chúng tôi tiếp tục nhận được những lời đe dọa tấn công”.

Giáo phận Ilorin phục vụ bang Kwara, giáp bang Kogi ở phía đông, bang Niger ở phía bắc và các bang Ekiti, Osun và Oyo ở phía nam.

Một số bang của Nigeria, bao gồm Kogi và Niger, tiếp tục chứng kiến các cuộc tấn công được cho là do những người chăn gia súc Fulani có vũ trang và những tên cướp khác gây ra.

Một báo cáo của Intersociety vào tháng 4 chỉ ra rằng hơn 150 người đã bị tàn sát ở các khu vực có đông các Kitô Hữu ở bang Niger chỉ trong 100 ngày; và 707 Kitô Hữu đã bị bắt cóc trong cùng thời kỳ.


Source:Catholic News Agency
 
Thượng Hội đồng ngày 27 tháng 10: hơn 1,200 sửa đổi được đề nghị cho dự thảo tường trình tổng hợp
Vũ Văn An
13:58 28/10/2023
Bản tin ngày 28 tháng 10 năm 2023 của hãng tin Catholic World News tường trình rằng khi phiên họp đầu tiên của Thượng Hội đồng Giám mục thường lệ lần thứ 16 sắp kết thúc, những người tham gia đã đề nghị 1,251 sửa đổi đối với tường trình tổng hợp đánh dấu thành quả thảo luận của họ.



Theo Ông Paolo Ruffini, Bộ trưởng Bộ Truyền thông, 320 trong số 364 thành viên bỏ phiếu của Thượng Hội đồng đã tham dự phiên họp chung buổi sáng ngày 27 tháng 10—một phiên họp không được liệt kê trong lịch trình cập nhật của Thượng hội đồng được công bố vào tuần trước. Tường trình tổng hợp dự kiến được thông qua vào ngày 28/10 và phiên họp đầu tiên sẽ kết thúc vào ngày hôm sau. Phiên họp thứ hai của Thượng Hội đồng sẽ diễn ra vào tháng 10 năm 2024.

Tại cuộc họp báo ngày 27 tháng 10, ông Ruffini nói rằng vào cuối cuộc thảo luận ngày hôm trước, các nhóm làm việc (các nhóm nhỏ) đã đề xuất 1,125 sửa đổi tập thể, song song với 126 sửa đổi cá nhân.

Ông Ruffini cho biết: “Tất cả các sử đổi đã và sẽ được xem xét vì sự tôn trọng đối với những người đã đệ nạp chúng. Mục đích trước tiên là xem xét những sử đổi nào đã nhận được sự đồng thuận rộng rãi, để chúng có thể tìm thấy vị trí của chúng trong bản văn cập nhật.”

Các chuyên gia không nêu tên đã soạn thảo tường trình tổng hợp dưới sự giám sát của Ủy ban Tường trình tổng hợp gồm 13 thành viên. Ông Ruffini cho biết trong đêm 27-28/10, tường trình tổng hợp sẽ được sửa đổi. Bản sửa đổi sẽ yêu cầu đa số phiếu bầu cho ủy ban trước khi được trình bày cho tất cả các thành viên bỏ phiếu của Thượng hội đồng vào ngày 28 tháng 10.

Vào ngày 28 tháng 10, các thành viên bỏ phiếu của Thượng Hội đồng sẽ bỏ phiếu về việc có phê chuẩn từng đoạn trong tường trình tổng hợp hay không. Cần phải có đa số 2/3 số thành viên có mặt tại thời điểm bỏ phiếu để thông qua từng đoạn. Theo quy định của Thượng Hội đồng, việc bỏ phiếu trắng không phải là một lựa chọn: mỗi thành viên có mặt để bỏ phiếu phải chấp thuận hoặc không chấp thuận. Khi kiểm phiếu, phiếu bầu của giám mục và các thành viên bỏ phiếu không phải giám mục sẽ không bị phân biệt - cho phép phê duyệt các đoạn không nhận được sự ủng hộ cần thiết từ các giám mục.

Phong chức phó tế cho phụ nữ

Tờ The Pillar (*) đã có được bản sao của bản dự thảo tường trình tổng hợp. Mặc dù không công bố toàn bộ bản dự thảo, nhưng nó đã thảo luận về “một số phần có thể gây tranh cãi”, bao gồm “các câu hỏi về khái niệm thần học sensus fidei [cảm thức đức tin], cùng với các phần liên quan đến các phương thức chăm sóc mục vụ của Giáo hội, trách nhiệm của giám mục, và triển vọng nhận phụ nữ vào chức phó tế.”

Theo The Pillar, bản dự thảo tường trình đề cập đến “các quan điểm khác nhau đã được bày tỏ liên quan đến việc phụ nữ tiếp cận thừa tác vụ phó tế”:

“Dự thảo nói rằng ‘đối với một số người, bước này sẽ không thể chấp nhận được vì họ coi đó là sự gián đoạn với Truyền thống. Tuy nhiên, đối với những người khác, việc trao cho phụ nữ chức phó tế sẽ khôi phục việc thực hành của Giáo hội sơ khai. Tuy nhiên, những người khác vẫn coi đây là một phản ứng thích hợp và cần thiết trước những dấu chỉ của thời đại, trung thành với Truyền thống, và là một phản ứng sẽ tìm thấy tiếng vang trong tâm hồn của nhiều người đang tìm kiếm nguồn năng lực và sức sống mới trong Giáo hội.’

“Các nguồn tin thân cận với Thượng Hội đồng nói rằng mặc dù phần đó chính xác về mặt kỹ thuật, nhưng nó không phản ảnh kinh nghiệm của họ, một số rất nhỏ đại biểu đã lên tiếng ủng hộ việc phong chức phó tế cho phụ nữ, trong khi các lập luận chống lại ý tưởng này nhìn chung đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi”.

Những sửa đổi liên quan đến thủ tục thượng hội đồng

Tại cuộc họp báo, Sheila Pires, nhân viên truyền thông của Hội đồng Giám mục Công Giáo Nam Phi và thư ký ủy ban thông tin của Thượng hội đồng, đã liệt kê những sửa đổi được đề nghị từ các nhóm làm việc có liên quan đến thủ tục thượng hội đồng.

*một phiên họp kéo dài ba tuần (không phải bốn) tại phiên họp Thượng Hội đồng năm tới

*“có thêm thời gian để suy tư và suy gẫm bản thân, thúc đẩy sự tham gia tốt hơn thông qua các can thiệp vào Phiên họp”

*nhiều cuộc họp nhóm được yêu cầu hơn, không dựa nhiều vào ngôn ngữ mà dựa trên hậu cảnh của mỗi cá nhân

*“Tóm tắt ngắn gọn Tài liệu tổng hợp bằng ngôn ngữ dễ hiểu hơn cho mọi người, đặc biệt là giới trẻ:

*“tầm quan trọng của việc mang ‘những cuộc đàm luận trong Thánh Thần’ đến với các cộng đồng [tức là các cộng đồng Giáo hội trên khắp thế giới) để tránh nguy cơ các cuộc thảo luận bị tách rời khỏi đời sống cụ thể của dân Chúa”

*“sự tham gia của các cộng đồng địa phương ở mọi bình diện, đi theo con đường đồng nghị”

*“áp dụng tính đồng nghị và đồng trách nhiệm, tận dụng tốt các khả năng đã được giáo luật cung cấp để thu hút giới trẻ, phụ nữ và các phó tế”

Cha Radcliffe nói về phương pháp đồng nghị, các chủng sinh đồng tính

Trong khi các diễn giả khác tại cuộc họp báo chia sẻ kinh nghiệm của họ, Cha Timothy Radcliffe, OP, một trong hai trợ lý thiêng liêng của Thượng Hội đồng, nói rằng Thượng hội đồng vẫn là Thượng hội đồng Giám mục bất chấp sự hiện diện của các thành viên giáo dân bỏ phiếu.

Ngài nói, “Chắc chắn đây vẫn là Thượng Hội đồng Giám mục vì nó cho thấy rất rõ ràng ý nghĩa của việc trở thành đại diện của giám mục đoàn không phải như các cá nhân đơn độc, mà như các giám mục đắm mình trong cuộc đàm luận của người dân của họ,” thông qua việc “lắng nghe, nói chuyện và cùng nhau học hỏi”.

Cha Radcliffe cũng nói rằng Thượng Hội đồng thiên về phương pháp hơn là đề nghị các thay đổi.

Ngài nói, “Chúng ta tập hợp lại để hiểu cách trở thành Giáo hội theo một cách mới, thay vì đưa ra những quyết định chuyên biệt; làm thế nào chúng ta có thể trở thành một Giáo hội biết lắng nghe và các thành viên của Giáo hội lắng nghe nhau từ các nền văn hóa khác nhau và lắng nghe truyền thống theo thời gian. Chúng ta đang học cách cùng nhau đưa ra quyết định, cách lắng nghe nhau: chúng ta đang ở giai đoạn đầu của diễn trình học hỏi, vì vậy sẽ có những trở ngại và sai lầm, và điều này không sao cả vì chúng ta đang trên một hành trình.”

Cha Radcliffe được hỏi về việc tiếp nhận các ứng viên đồng tính vào chủng viện (Kỷ luật của Giáo hội, được khẳng định dưới thời Đức Thánh Cha Phanxicô, cấm họ được tiếp nhận.) Vatican News đưa tin:

“Cha Radcliffe, khi trả lời câu hỏi về việc tiếp nhận người đồng tính vào chủng viện, đã làm rõ rằng vấn đề không phải là loại trừ mà đúng hơn sự kiện có những người đã biến tính dục của mình thành “trung tâm bản sắc của họ”, chính điều này tạo nên nghi ngờ về sự thích hợp của họ đối với chức linh mục”.

(*) Xem bài Dự thảo tường trình tổng hợp của Thượng Hội đồng: Các Giám mục đẩy lùi việc ‘phân định các vấn đề gây tranh cãi’ (https://vietcatholic.net/News/Html/285642.htm)
 
Tường trình Tổng hợp của Thượng Hội đồng đề nghị những cách thức cổ vũ một Giáo hội đồng nghị đã được thông qua
Vũ Văn An
22:17 28/10/2023

Luke Coppen, trên tạp chí mạng The Pillar, ngày 29 tháng 10 năm 2023, cho hay: Những người tham gia Thượng Hội đồng về tính đồng nghị đã tán thành một báo cáo hôm thứ Bảy đề nghị những thay đổi có khả năng sâu rộng nhằm cổ vũ một Giáo hội đồng nghị.



“Tường trình tổng hợp” dài 42 trang - “Một Giáo hội đồng nghị trong sứ mệnh” - đã tóm tắt các cuộc thảo luận tại phiên họp đầu tiên của Phiên họp toàn thể thường lệ lần thứ XVI của Thượng hội đồng Giám mục, như tên gọi chính thức của thượng hội đồng về tính đồng nghị. Phiên họp thứ hai và cuối cùng sẽ được tổ chức tại Vatican vào tháng 10 năm 2024.

Theo một lược đồ bỏ phiếu được ban hành ngày 28 tháng 10, tất cả các phần của tường trình đã đạt được 2/3 số phiếu bầu cần thiết để đưa vào tài liệu. Một bản dự thảo, mà The Pillar đã có được một bản sao, được cho là đã thúc đẩy hơn 1,000 yêu cầu sửa đổi.

Hơn 400 người tham gia - những người ngồi tại các bàn tròn trong Hội trường Phaolô VI của Vatican, thay vì trong hội trường thượng hội đồng mới như thông lệ, trong sự kiện phần lớn đóng cửa - bao gồm hơn 300 thành viên bỏ phiếu, một tỷ lệ đáng kể những người “không phải là giám mục.”

Tường trìn dài gần 21,000 từ, ban đầu chỉ được phát hành bằng tiếng Ý, đã đưa ra các đề nghị chi tiết nhằm thúc đẩy điều mà nó gọi là “phong cách đồng nghị” trong toàn Giáo hội.

Không phải là tài liệu cuối cùng

Các phiên họp tháng 10 năm 2023 và tháng 10 năm 2024 của thượng hội đồng về tính đồng nghị tạo thành “giai đoạn phổ quát” của một “tiến trình đồng nghị” hoàn cầu chưa từng có, do Đức Giáo Hoàng Phanxicô phát động vào tháng 10 năm 2021.

Giai đoạn phổ quát theo sau “giai đoạn giáo phận” ban đầu, bao gồm các buổi lắng nghe địa phương và “giai đoạn lục địa”, được đánh dấu bởi bảy hội đồng lục địa.

Thượng hội đồng về tính đồng nghị, với chủ đề là “Vì một Giáo hội đồng nghị: hiệp thông, tham gia và truyền giáo”, đã được coi là cuộc tụ họp Công Giáo quan trọng nhất kể từ Công đồng Vat-ican II năm 1962-1965 và là trọng tâm trong triều giáo hoàng của Đức Phanxicô. Thượng Hội Đồng Giám Mục là một cơ quan cố vấn có thể đưa ra các đề nghị để Đức Giáo Hoàng

Tường trình tổng hợp trình bày Thượng Hội đồng về tính đồng nghị trong bối cảnh Vatican II, mô tả nó như “một hành động tiếp nhận Công đồng thực sự, nối dài nguồn cảm hứng của Công đồng và khởi động lại sức mạnh tiên tri của Công đồng cho thế giới ngày nay”.

Văn bản nhấn mạnh rằng đó không phải là “tài liệu cuối cùng” – tên được đặt cho các văn bản được ban hành vào cuối phiên họp thượng hội đồng bao gồm các khuyến nghị dành cho Đức Giáo Hoàng – mà đúng hơn là “một công cụ phục vụ cho việc phân định liên tục”.

Tường trình tổng hợp bao gồm phần giới thiệu, kết luận và ba phần, có tựa đề lần lượt là “Bộ mặt của Giáo hội đồng nghị”, “Tất cả các môn đệ, tất cả các nhà truyền giáo” và “Kết nối các mối liên kết, tạo ra các cộng đồng”.

Mỗi phần chứa các chủ đề phụ được chia thành ba tiêu đề: “các hội tụ”, trong đó nêu bật các lĩnh vực nhất trí, “Các vấn đề cần xem xét”, chỉ ra các chủ đề cần thảo luận thêm và “Đề nghị”, gợi ý các hành động chuyên biệt.

Xác định tính đồng nghị

Tường trình thừa nhận rằng thuật ngữ “tính đồng nghị” là “xa lạ đối với nhiều thành viên của dân Chúa” và gây ra “sự nhầm lẫn và quan ngại” ở một số giới.

Nó viết, “Tính đồng nghị có thể được hiểu là bước đi của các Kitô hữu với Chúa Kitô hướng tới Vương quốc, cùng với toàn thể nhân loại. Định hướng của nó là hướng tới sứ mệnh, và việc thực hành nó bao gồm việc họp nhau ở mỗi bình diện của đời sống giáo hội”.

Nhưng bản văn lưu ý đến sự cần thiết phải “làm rõ ý nghĩa của tính đồng nghị ở các bình diện khác nhau”.

Nó kêu gọi một “nghiên cứu đào sâu thuật ngữ và ý niệm về khái niệm và thực hành tính đồng nghị” trước phiên họp thứ hai của thượng hội đồng về tính đồng nghị, dựa trên tài liệu năm 2018 của Ủy ban Thần học Quốc tế “Tính đồng nghị trong đời sống và sứ mệnh của Giáo hội” (*) và tài liệu năm 2014 của Ủy ban Thần học Quốc tế văn bản “Cảm thức đức tin trong đời sống Giáo hội” (**).

Nó cũng nói rằng “một ủy ban đặc biệt liên lục địa gồm các nhà thần học và giáo luật” nên xem xét các ý nghĩa giáo luật của tính đồng nghị.

‘Cảm thức đức tin’

Tường trình đã đề cập nhiều đến sensus fidei, hay “cảm thức đức tin”, một thuật ngữ thần học mà ý nghĩa và cách áp dụng của nó đôi khi còn gây tranh cãi trong Giáo hội.

Bản văn viết: “Trước khi có bất cứ sự phân biệt nào về các đặc sủng và thừa tác vụ, ‘tất cả chúng ta đều đã được rửa bởi một Thánh Linh để trở nên một thân thể’ (1 Cr 12:13). Vì vậy, giữa tất cả những người đã được rửa tội, có sự bình đẳng thực sự về phẩm giá và trách nhiệm chung đối với việc truyền giáo.”

“Bằng việc xức dầu của Chúa Thánh Thần, Đấng ‘dạy mọi sự’ (1 Ga 2:27), mọi tín hữu đều có bản năng tiếp thu chân lý của Tin Mừng, tức sensus fidei (cảm thức đức tin). Nó hệ ở một tính đồng bản tính [connaturality] nào đó đối với các thực tại thần linh và khả năng nắm bắt những gì phù hợp với chân lý đức tin một cách trực giác”.

“Các tiến trình đồng nghị làm tăng giá trị của hồng ân này và cho phép xác minh sự hiện hữu của đồng thuận đó của các tín hữu (consensus fidelium), vốn là một tiêu chuẩn chắc chắn để xác định liệu một học thuyết hoặc thực hành đặc thù có thuộc về đức tin Tông đồ hay không.”

Ngôn ngữ phụng vụ

Bản văn bản cho biết “có một nhu cầu được tường trình rộng rãi là làm cho ngôn ngữ phụng vụ trở nên dễ tiếp cận hơn đối với các tín hữu và hiện thân rõ hơn trong sự đa dạng của các nền văn hóa”.

Nó viết, “Không đặt câu hỏi về tính liên tục với truyền thống nghi lễ và sự cần thiết của việc đào tạo phụng vụ, việc suy gẫm về vấn đề này và việc quy trách nhiệm lớn hơn cho các hội đồng giám mục trong lĩnh vực này được thúc đẩy, theo các đường hướng của tự sắc Magnum Principi-um”.

Nhưng bản văn đưa ra lời cảnh cáo liên quan đến các thử nghiệm “các hình thức phân quyền”, nhấn mạnh sự cần thiết phải có “một khuôn khổ chung để quản lý và đánh giá” cũng như sự phân định “theo phong cách đồng nghị”.

Nó cũng kêu gọi sự tham gia của người Công Giáo bản địa “vào diễn trình ra quyết định ở mọi bình diện”, nói rằng điều này “có thể đóng góp cho một Giáo hội sôi động và truyền giáo hơn”.

Các Giáo Hội Công Giáo Đông phương

Chuyển sang 23 Giáo Hội Công Giáo Đông phương tự trị hiệp thông hoàn toàn với Rôma, tường trình đề cập đến đề nghị thành lập một hội đồng nối kết những người đứng đầu các Giáo Hội Công Giáo Đông phương với Đức Giáo Hoàng, cũng như “ủy ban chung gồm các nhà thần học Đông phương và Latinh, các nhà sử học và các nhà giáo luật” để giải quyết các vấn đề phức tạp.

Nó cũng kêu gọi “sự đại diện thoả đáng của các thành viên các Giáo Hội Công Giáo Đông phương trong các cơ quan của Giáo triều Rôma”.

Lòng hiếu khách Thánh Thể

Trong phần về phong trào đại kết, tường trình kêu gọi xem xét sâu hơn về “lòng hiếu khách Thánh Thể”, được biết đến trong tiếng Latinh là communicatio in sacris [hiệp thông trong các bí tích], trong đó các Kitô hữu rước lễ tại các nhà thờ bên ngoài hiệp thông của họ. Nó cho biết sự suy tư này đặc biệt quan trọng đối với các cặp vợ chồng liên giáo hội.

Vai trò của giáo dân

Bản văn lưu ý rằng nhiều thành viên phiên họp đã nhấn mạnh đến mối nguy hiểm của việc “‘giáo sĩ hóa’ giáo dân, tạo ra một loại tầng lớp giáo dân ưu tú vốn duy trì sự bất bình đẳng và chia rẽ giữa dân Chúa”.

Nhưng nó nói rằng những người tham gia cũng kêu gọi “có nhiều tính sáng tạo hơn trong việc thành lập các thừa tác vụ [giáo dân] theo nhu cầu của các Giáo hội địa phương, với sự tham gia đặc biệt của giới trẻ”.

Nó nói, “Người ta có thể nghĩ đến việc mở rộng hơn nữa các trách nhiệm được giao cho thừa tác vụ đọc sách hiện tại, những trách nhiệm vốn đã được coi là rộng hơn những trách nhiệm được thực hiện trong phụng vụ. Điều này có thể trở thành một thừa tác vụ đầy đủ hơn về Lời Chúa, mà trong những bối cảnh thích hợp, cũng có thể bao gồm cả việc rao giảng.”

Bản văn cũng thả nổi ý tưởng về một thừa tác vụ mới “được giao cho các cặp vợ chồng cam kết hỗ trợ cuộc sống gia đình và đồng hành với những người chuẩn bị lãnh nhận bí tích hôn nhân”.

Phụ Nữ Trong Giáo Hội

Trong một đoạn quan trọng, tường trình cho biết: “Có một nhu cầu cấp thiết là bảo đảm để phụ nữ có thể tham gia vào diễn trình ra quyết định và đảm nhận các vai trò trách nhiệm trong việc chăm sóc mục vụ và thừa tác vụ”.

Nó nói thêm, “Đức Giáo Hoàng đã tăng đáng kể số lượng phụ nữ nắm giữ các vị trí có trách nhiệm trong Giáo triều Rôma. Điều tương tự cũng nên xảy ra ở các bình diện khác của đời sống Giáo hội. Giáo luật phải được điều chỉnh cho phù hợp.”

Cuộc tranh luận về nữ phó tế

Dù thừa nhận những khác biệt về ý kiến đối với chủ đề tại phiên họp, bản văn lưu ý rằng “nghiên cứu thần học và mục vụ về khả năng tiếp cận chức phó tế của phụ nữ” sẽ tiếp tục, dựa trên các ủy ban do Đức Giáo Hoàng Phanxicô thành lập, cũng như công việc của ngành học giả trước đây.

Nó nói rằng “nếu có thể, kết quả sẽ được trình bày tại phiên họp tiếp theo của phiên họp” vào tháng 10 năm 2024.

Tóm tắt nhiều quan điểm về chủ đề này, nó cho biết: “Đối với một số người, bước này sẽ không thể chấp nhận được vì họ coi đó là sự gián đoạn với Truyền thống. Tuy nhiên, đối với những người khác, việc trao cho phụ nữ chức phó tế sẽ khôi phục việc thực hành của Giáo hội sơ khai”.

“Những người khác vẫn coi đây là một phản ứng thích hợp và cần thiết trước những dấu chỉ của thời đại, trung thành với Truyền thống, và là một phản ứng sẽ tìm thấy tiếng vang trong tâm hồn của nhiều người đang tìm kiếm nguồn năng lực và sức sống mới trong Giáo hội”.

“Một số người bày tỏ lo ngại rằng yêu cầu này nói lên một sự nhầm lẫn đáng lo ngại về mặt nhân học, mà nếu được chấp nhận, sẽ khiến Giáo hội phải tuân theo tinh thần của thời đại”.

Các đoạn đề cập đến các nữ phó tế nhận được nhiều phiếu “không” nhất trong số những người tham gia. Họ lần lượt bị vượt qua với tỷ số 277-69 và 279-67.

Tường trình cũng kêu gọi phụ nữ “được lồng vào các chương trình giảng dạy và đào tạo tại chủng viện,” như trường hợp đã xảy ra ở nhiều nước phương Tây.

Nó nói rằng các bản văn phụng vụ và các tài liệu của Giáo hội nên “chú ý hơn không những đến việc sử dụng ngôn ngữ coi nam và nữ như nhau, mà còn bao gồm nhiều từ ngữ, hình ảnh và câu chuyện thu hút sức sống mạnh mẽ hơn trên trải nghiệm của phụ nữ.”

Các dòng tu

Đề cập đến vai trò của các dòng tu trong đời sống Giáo hội, tài liệu kêu gọi sửa đổi Mutuae relationes [các mối liên hệ hỗ tương], một tài liệu năm 1978 về mối liên hệ giữa các giám mục và các tu sĩ, dưới ánh sáng của tính đồng nghị, liên quan đến tất cả những người bị ảnh hưởng bởi chủ đề này.

Các linh mục và phó tế

Bản văn kêu gọi “đặc biệt chú ý” đến việc đào tạo các linh mục và phó tế, “để tránh những nguy cơ của chủ nghĩa hình thức và ý thức hệ dẫn đến thái độ độc đoán”.

Nó đề nghị một “sự xem xét kỹ lưỡng về việc đào tạo thừa tác vụ thụ phong” theo quan điểm tính đồng nghị, bao gồm cả Ratio Fundamentalis (lý lẽ nền tảng], một tài liệu đặt ra các nguyên tắc cho việc đào tạo linh mục.

Nó cũng yêu cầu “xem xét thêm” vấn đề độc thân linh mục, đồng thời lưu ý những ý kiến trái ngược nhau giữa các đại biểu. Đoạn này đã nhận được số phiếu "không" đáng chú ý nhưng đã được thông qua với tỷ lệ 291-55.

Cũng thu được một số lượng đáng kể số phiếu “không” (61) là một đoạn viết: “Những điều không chắc chắn xung quanh thần học về chức phó tế có liên quan đến sự kiện nó chỉ được khôi phục lại cho một thừa tác vụ phẩm phẩm trật riêng biệt và vĩnh viễn trong Giáo hội Latinh.” kể từ Công đồng Vatican II. Nghiên cứu sâu hơn sẽ làm sáng tỏ khả năng tiếp cận chức phó tế của phụ nữ.”

Các giám mục trong một Giáo hội đồng nghị

Đề cập đến chủ đề nhạy cảm về vai trò của các giám mục trong một Giáo hội đồng nghị, bản văn đề nghị một tiến trình “để thường xuyên xem xét lại công việc của giám mục, liên quan đến phong cách thẩm quyền của ngài, việc quản lý kinh tế đối với tài sản của giáo phận và hoạt động của cơ quan tham gia, và việc bảo vệ chống lại bất cứ hình thức lạm dụng nào.”

Nó cũng lưu ý những lời kêu gọi buộc phải thành lập các hội đồng giám mục và hội đồng mục vụ giáo phận. Ở những chỗ khác, nó kêu gọi phải đặt thành luật “bản chất bắt buộc” của các hội đồng mục vụ.

Phiên họp yêu cầu xem xét lại các tiêu chuẩn lựa chọn giám mục, “cân bằng quyền lực của Sứ thần Tòa thánh với sự tham gia của Hội đồng Giám mục”.

Trong một tiếng vang có thể có của một đề nghị được xác nhận bởi Con đường đồng nghị của Đức, nó kêu gọi “sự tham vấn rộng rãi hơn của dân Chúa, lắng nghe một số lượng lớn hơn các giáo dân nam nữ, những người nam nữ thánh hiến và chú ý tránh những áp lực không phù hợp”.

Tường trình cũng tìm cách đánh giá công việc của các sứ thần tòa thánh bởi các Giáo hội địa phương tại các quốc gia nơi họ được cử đến, “để tạo điều kiện thuận lợi và hoàn thiện việc phục vụ của họ”.

Nó kêu gọi các bước để “nâng cao và củng cố kinh nghiệm của Hội đồng Hồng Y (C-9) với tư cách là một hội đồng đồng nghị phục vụ thừa tác vụ Phêrô”.

Nó cũng cho biết: “Dựa trên giáo huấn của Công đồng Vatican II, cần phải xem xét cẩn thận xem việc phong chức giám mục cho các giáo phẩm của Giáo triều Rôma có phù hợp hay không”.

Các câu hỏi bỏ ngỏ

Trong phần có tựa đề “Sự phân định của Giáo hội và những câu hỏi bỏ ngỏ”, tài liệu gợi ý rằng, “để tránh việc tìm các ẩn náu nơi sự thoải mái của các công thức có sẵn”, cần phải xem xét “các quan điểm từ các khoa học nhân văn và xã hội, suy tư triết học và khai triển thần học.”

“Một số vấn đề, chẳng hạn như những vấn đề liên quan đến bản sắc giới tính và khuynh hướng tình dục, việc kết thúc sự sống, hoàn cảnh hôn nhân khó khăn và các vấn đề đạo đức liên quan đến trí khôn nhân tạo, đang gây tranh cãi không chỉ trong xã hội mà còn trong Giáo hội, bởi vì chúng đặt ra những câu hỏi mới”, tài liệu cho biết như thế, không sử dụng thuật ngữ “LGBTQ+. như trong tài liệu làm việc của phiên họp”.

Trong một tiểu mục có tựa đề “Vì một Giáo hội biết lắng nghe và đồng hành”, tường trình khuyến khích Hội nghị chuyên đề của các Hội đồng Giám mục Châu Phi và Madagascar (SECAM) “cổ vũ sự phân định thần học và mục vụ về chủ đề đa thê và về việc đồng hành với những người trong các cuộc kết hợp đa thê đến với đức tin.”

Thừa tác vụ lắng nghe

Bản tường trình đề nghị thành lập “một thừa tác vụ rửa tội lắng nghe và đồng hành”.

Nó nói, “Cách thức trong đó nó được trao ban sẽ làm rõ rằng nó không được thi hành trong tư cách bản thân mà thay mặt cho cộng đồng”.

Các hội đồng giám mục

Bản văn lưu ý rằng các hội đồng giám mục đã đóng một “vai trò quyết định” trong giai đoạn đầu tiên, mang tính địa phương của tiến trình đồng nghị.

Nó nói: “Chúng tôi thấy cần phải nghiên cứu sâu hơn bản chất tín lý và pháp lý của các hội đồng giám mục, thừa nhận khả năng hành động tập đoàn cũng liên quan đến các vấn đề tín lý xuất hiện trong bối cảnh địa phương, do đó mở lại sự suy tư về tự sắc Apostolos suos.”

Tường trình đề nghị thành lập các tỉnh giáo hội quốc tế, vì lợi ích của các giám mục không thuộc bất cứ hội đồng giám mục nào và để thúc đẩy sự hiệp thông giữa các Giáo hội vượt ra ngoài biên giới quốc gia.

Nó cũng khuyến nghị rằng tại các quốc gia theo Nghi thức Latinh, nơi cũng có hệ thống phẩm trật của các Giáo Hội Công Giáo Đông phương, các giám mục Đông phương nên được đưa vào các hội đồng giám mục quốc gia, mà không mất đi quyền tự chủ cai quản của họ.

Ngoài ra, nó còn kêu gọi “một cơ cấu giáo luật của các hội đồng lục địa”, đề cập đến các cuộc họp được tổ chức trong giai đoạn trung gian của tiến trình đồng nghị.

Các đại biểu Thượng Hội đồng đã ban hành tài liệu đầu tiên của họ vào ngày 25 tháng 10. “Thư gửi dân Chúa” dài 1,200 chữ mô tả tiến trình của hội nghị, trong đó nêu bật một phương pháp được gọi là “đàm luận trong Thánh Thần” và bày tỏ hy vọng rằng “những tháng dẫn đến kỳ thứ hai vào tháng 10 năm 2024 sẽ cho phép mọi người tham gia một cách cụ thể vào tính năng động của sự hiệp thông truyền giáo được biểu thị bằng chữ ‘thượng hội đồng’”.

Trong phần cuối cùng được phát trực tiếp của phiên họp hôm thứ Bảy, Đức Giáo Hoàng Phan-xicô đã cảm ơn những người tổ chức sự kiện và chủ sự các lời cầu nguyện tạ ơn vì Thượng Hội đồng.

Phát biểu tại một cuộc họp báo buổi tối ở Vati-can, tổng tường trình viên của Thượng Hội đồng, Đức Hồng Y Jean-Claude Hollerich, S.J, nói rằng một số giám mục ban đầu tỏ ra nghi ngờ về sự kiện này, nhưng đã chấp nhận tiến trình này trong cuộc tĩnh tâm trước Thượng Hội đồng.

Đức Hồng Y Jean-Claude Hollerich, người đã điều khiển cuộc họp mặt kéo dài bốn tuần cho đến khi kết thúc, nói rằng, “Mọi người đều vui vẻ. Mọi người đều cảm thấy mình là một phần của một điều gì đó lớn lao. Và tôi nghĩ mọi người sẽ rời đi vào ngày mốt với trái tim tràn đầy hy vọng, với rất nhiều ý tưởng, và tôi rất mong được gặp lại họ vào năm tới.”

Thượng hội đồng về phiên họp đầu tiên của thượng hội đồng sẽ chính thức kết thúc vào ngày 29 tháng 10 với Thánh lễ tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô lúc 10 giờ sáng giờ địa phương. Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ chủ sự và dự kiến sẽ giảng một bài giảng có thể bao gồm những suy tư về Phiên họp.
___________________________________________________________________________________________________
(*) Xem https://vietcatholic.net/News/Home/Search?searchText= Tính đồng nghị trong đời sống và sứ mệnh của Giáo hội
(**) Xem https://vietcatholic.net/News/Home/Search?searchText= Cảm thức đức tin trong đời sống Giáo hội
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Làm thánh thì làm gì?
Lm. Nguyễn Xuân Trường
17:40 28/10/2023
 
VietCatholic TV
1,8 tỷ USD của Putin tan tành vì cú ATACMS. Tổng thống Ukraine Lâm Thời do Putin bổ nhiệm bị ám sát
VietCatholic Media
02:39 28/10/2023


1. Ba tổ hợp phòng không S-400 của Nga, trị giá 1,8 tỷ nổ tung trong cú ATACMS thứ hai

Thông tin sơ bộ từ Tư Lệnh Quân Đội Ukraine, Tướng Valerii Zaluzhnyi, xác nhận một tổ hợp phòng không S-400 của Nga, trị giá 600 triệu Mỹ Kim đã nổ tung trong cú ATACMS thứ hai. Tuy nhiên, tờ Newsweek vừa có bài tường trình nhan đề “Three Russian S-400 Reportedly Destroyed as Moscow Says ATACMS 'Thwarted'“, nghĩa là “Ba S-400 của Nga được cho là đã bị phá hủy khi Mạc Tư Khoa nói ATACMS 'bị cản trở'“. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Kênh Telegram của Nga đưa tin lực lượng Ukraine đã phá hủy ba tổ hợp phòng không S-400 Triumph được đánh giá cao của Nga bằng hệ thống hỏa tiễn chiến thuật lục quân, gọi tắt là ATACMS, do Mỹ cung cấp trong một cuộc tấn công mà ban đầu Mạc Tư Khoa cho biết họ đã ngăn chặn được.

Hôm thứ Năm, Bộ Quốc phòng Nga cho biết họ đã phá hủy hai hỏa tiễn ATACMS của Ukraine “trong 24 giờ qua”.

ATACMS có khả năng tiếp cận mục tiêu cách xa 100 dặm hoặc hơn. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy hôm 17/10 tuyên bố Kyiv đã sử dụng ATACMS lần đầu tiên trong chiến tranh để tấn công các phi trường của Nga ở vùng Luhansk của Ukraine và thành phố cảng Berdiansk ở vùng Zaporizhzhia, phá hủy nhiều máy bay trực thăng của Nga.

Kênh VChK-OGPU, lấy thông tin nội bộ từ lực lượng an ninh Nga, hôm thứ Năm đưa tin rằng một cuộc tấn công của Ukraine sử dụng ATACMS đã phá hủy ba tổ hợp phòng không S-400 Triumph của Nga đóng tại khu vực Luhansk.

Nguồn tin VChK-OGPU mô tả thực tế một cách mỉa mai như sau: “Bộ Quốc phòng đã báo cáo về vụ bắn rơi hai hỏa tiễn ATACMS. Mọi chuyện chính xác là như vậy. Hai hỏa tiễn ATACMS đã bị phá hủy sau cuộc tấn công trực tiếp vào các vị trí của nhóm phòng không của Lực lượng vũ trang Nga ở khu vực Luhansk, nhưng giá phải trả là bằng 3 tổ hợp S-400 đóng tại đó.”

Kênh Telegram không nêu chi tiết về vụ tấn công được tường trình của Ukraine cũng như thời điểm nó diễn ra. Newsweek không thể xác minh độc lập các tuyên bố của kênh này và đã gửi email cho chính quyền Ukraine và Bộ Quốc phòng Nga để yêu cầu bình luận.

Các kênh Telegram của Nga đã công bố đoạn phim cho thấy ba hệ thống S-400 của Nga bị ATACMS của Ukraine phá hủy. Nó cho thấy một đám khói xám khổng lồ bốc lên bầu trời.

Các hình ảnh khác cho thấy hai ATACMS của Ukraine đã được sử dụng, được cho là ở khu vực Luhansk.

Lần đầu tiên Kyiv sử dụng ATACMS vào đầu tháng này trên hai phi trường của Nga được cho là đã phá hủy 21 máy bay trực thăng. Thoạt đầu, Lực Lượng Đặc Biệt của Ukraine cho biết có 9 máy bay trực thăng bị phá hủy. Bộ Quốc phòng Anh cho biết trong bản cập nhật tình báo ngày 20/10 rằng mặc dù mức độ thiệt hại hiện chưa được xác nhận nhưng có khả năng 9 trực thăng quân sự Nga tại Berdiansk và 5 chiếc tại Luhansk đã bị phá hủy. Sau cùng, các bức không ảnh cho thấy có đến 21 máy bay trực thăng Nga bị phá hủy.

Lần này, Tư Lệnh Quân Đội Ukraine, Tướng Valerii Zaluzhnyi, xác nhận một tổ hợp phòng không S-400 của Nga, trị giá 600 triệu Mỹ Kim bị phá hủy. Nhưng, theo chính các nguồn thông tin của Nga, có đến 3 tổ hợp S-400, tức là Nga mất đến 1,8 tỷ.

Tổng thống Vladimir Putin đã gọi việc Mỹ chuyển hỏa tiễn ATACMS cho Ukraine là “một sai lầm khác của Mỹ”.

2. Việc cung cấp ATACMS của Mỹ cho Ukraine là một “thất bại”

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Ukraine's ATACMS 'Failure'“, nghĩa là “Sự 'Thất bại' của ATACMS tại Ukraine.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Theo một tài khoản, việc cung cấp ATACMS của Mỹ cho Ukraine đã là một “thất bại” vì sự hỗ trợ của Washington dành cho Kyiv không đáp ứng được nhu cầu chiến thuật của lực lượng vũ trang nước này trong những tháng mùa đông khắc nghiệt.

Ukraine “đáng lẽ phải được cung cấp đủ để tấn công tất cả các phi trường của Nga” ở Ukraine do Nga kiểm soát, nhà sử học Hoa Kỳ Phillips P. O'Brien cho biết trong một bài đăng trên X, trước đây là Twitter.

O'Brien, giáo sư nghiên cứu chiến lược tại Đại học St Andrews, Vương quốc Anh, cho biết: “Nga đã có thời gian để phản ứng”. “Một thất bại,” ông nói thêm.

Ukraine đã ra mắt hỏa tiễn Hệ thống hỏa tiễn chiến thuật quân đội tầm xa mới được cung cấp, còn được gọi là ATACMS, trong cuộc tấn công kép vào các căn cứ không quân của Nga hồi đầu tháng này. Cuộc tấn công đã nhắm vào các căn cứ không quân ở thành phố Berdiansk, miền nam Ukraine, ở Zaporizhzhia và Luhansk ở miền đông Ukraine. Cả hai khu vực này đều bị Putin sáp nhập vào Nga, cùng với Donetsk và Kherson, nhưng Mạc Tư Khoa không có toàn quyền kiểm soát các khu vực này.

Lực lượng hoạt động đặc biệt của Ukraine cho biết Ukraine đã phá hủy 9 máy bay trực thăng của Nga cũng như một số thiết bị khác bao gồm kho đạn dược, bệ phóng phòng không và đường băng tại các cơ sở này. Sau cuộc tấn công, các báo cáo tình báo nguồn mở sau đó cho rằng Ukraine có thể đã làm hư hại tới 21 máy bay trực thăng của Nga.

“ATACMS đã chứng tỏ được bản lĩnh mình”, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy nói vào cuối ngày hôm đó.

Đây là xác nhận đầu tiên rằng Mỹ đã đồng ý cung cấp loại vũ khí này, trong khi các nhà phân tích phương Tây và quan chức Ukraine cho rằng yếu tố bất ngờ là yếu tố then chốt dẫn đến thành công của các cuộc tấn công.

Washington đã miễn cưỡng cam kết các hệ thống này, mặc dù Vương quốc Anh và Pháp đã cung cấp hỏa tiễn hành trình Storm Shadow và SCALP tầm xa phóng từ trên không.

Tuy nhiên, các quan chức Ukraine đã nhanh chóng ca ngợi tính hiệu quả của hỏa tiễn ATACMS. Volodymyr Omelyan, một đại úy trong quân đội Ukraine và cựu bộ trưởng cơ sở hạ tầng, nói với Newsweek vào tuần trước rằng hỏa tiễn là “một nhân tố thay đổi cuộc chơi khác” sẽ “cứu nhiều mạng sống” trong hàng ngũ Ukraine.

Hai quan chức phương Tây nói với tờ New York Times rằng Mỹ đã gửi khoảng 20 hỏa tiễn ATACMS. Hãng tin AP đưa tin: “Có ít hơn một chục” hỏa tiễn đã tới Ukraine trong những ngày trước cuộc tấn công. Newsweek đã liên hệ với Ngũ Giác Đài để bình luận qua email.

Một số người đã cáo buộc các đồng minh phương Tây như Mỹ cung cấp viện trợ quân sự nhỏ giọt cho Ukraine, cung cấp số lượng hạn chế các nguồn lực rất cần thiết muộn hơn nhiều so với những gì Ukraine yêu cầu hoặc cần đến chúng.

Mỹ đã phản đối cáo buộc này không chỉ với ATACMS mà còn với 31 xe tăng Abrams hiện đã được chuyển đến nước này. Marina Miron, nhà nghiên cứu sau tiến sĩ tại Khoa Nghiên cứu Chiến tranh tại King's College Luân Đôn, Vương quốc Anh, nói thêm: “Chỉ tạo ra sự khác biệt đáng kể ở Ukraine là chưa đủ”.

Có cảm giác tương tự với ATACMS. “Chắc chắn, chúng tôi cần nhiều hơn nữa,” Oleksiy Goncharenko, một thành viên quốc hội Ukraine, nói với Newsweek hôm thứ Năm. Ông nói, ATACMS cho đến nay đã chứng tỏ “rất hiệu quả”, tuy nhiên hàng chục hỏa tiễn không làm thay đổi đáng kể khả năng hoạt động của Ukraine.

“Chúng tôi cần hàng trăm chiếc”, ông nói và cho biết thêm rằng việc cung cấp vũ khí nhỏ giọt “rất khó khăn đối với chúng tôi”.

“Tôi sẽ phản đối mạnh mẽ điều đó”, phát ngôn nhân Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ, John Kirby, trước đây đã nói khi được hỏi về việc tăng cường cung cấp viện trợ cho Ukraine trong nhiều tháng chiến tranh. Ông nói với Sky News của Anh: “Đó không phải là nhỏ giọt, nhỏ giọt, nhỏ giọt”, đồng thời cho biết thêm Mỹ đã “dẫn đầu thế giới” trong việc cung cấp viện trợ cho Ukraine.

Hôm thứ Tư, Bộ Quốc phòng Nga cho biết họ đã bắn hạ hai hỏa tiễn ATACMS trong 24 giờ trước đó, mặc dù không nói rõ nơi họ cho biết các hỏa tiễn tầm xa đã bị đánh chặn là ở đâu. Trong khi đó, Bộ Tổng tham mưu Lực lượng vũ trang Ukraine cho biết chẳng có hỏa tiễn nào bị đánh chặn. O'Brien cũng cho rằng chẳng có hỏa tiễn nào bị đánh chặn. Vấn đề là Hoa Kỳ đưa ít quá nên Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine phải cân nhắc kỹ lưỡng các mục tiêu trước khi phóng đi.

ATACMS chắc chắn sẽ hữu ích cho Ukraine khi tấn công vào các căn cứ của Nga như phi trường, thay vì các mục tiêu kiên cố mà hỏa tiễn Storm Shadow và SCALP do Anh và Pháp cung cấp đã được thiết kế nhằm mục đích đó.

Năng lực tầm xa nằm trong tay Ukraine có nghĩa là Nga phải suy nghĩ kỹ hơn về vị trí đặt các tài sản và thiết bị quan trọng của mình cũng như mức độ gần gũi của các nguồn tài nguyên này với tiền tuyến.

Nhưng vũ khí đã đến khi Ukraine đang chuẩn bị cho những điều kiện mới mà những tháng mùa thu và mùa đông khắc nghiệt hơn, lầy lội hơn. Và các chuyên gia dự đoán một loại hình chiến tranh mới sẽ giải quyết được cái lạnh.

Theo Frederik Mertens, nhà phân tích chiến lược của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Hague, Nga có thể sẽ tấn công cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine “ngay khi mùa đông thực sự bắt đầu đến”.

Ông nói với Newsweek: “Những tháng vừa qua, Nga đã sử dụng hỏa tiễn một cách tiết kiệm và có lẽ họ đang phải tích lũy một lượng hỏa tiễn kha khá”. Ông nói thêm: “Mục tiêu hợp lý nhất của nó sẽ là cơ sở hạ tầng năng lượng của Kyiv và thời điểm hợp lý nhất khi nó cần thiết nhất”.

Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelenskiy, hôm thứ Tư cho biết Ukraine đang chuẩn bị cho các cuộc tấn công của Nga vào cơ sở hạ tầng năng lượng của đất nước, đồng thời nói thêm: “Năm nay chúng tôi sẽ không chỉ tự vệ mà còn đáp trả”.

Ukraine cũng có thể phải lo lắng về việc hệ thống phòng không của nước này bị áp đảo bởi số lượng lớn hỏa tiễn, Mertens cảnh báo.

Ông nói thêm rằng mùa đông sẽ “chứng kiến một đợt chiến đấu mới”. Ông nói, chiến tranh cơ giới hóa sẽ không dừng lại theo mùa miễn là cả hai bên đều được trang bị để chiến đấu trong các điều kiện mới.

Ông nói: “Mặt đất đóng băng là điều kiện tuyệt vời cho những tiến bộ cơ giới hóa, vì vậy chúng ta có thể mong đợi một đợt chiến đấu và thăm dò mới sẽ bắt đầu vào tháng 12”.

Mertens nói thêm: “Điều này sẽ giúp người Nga có thêm thời gian để đào sâu và sẽ cho cả hai bên một khoảng thời gian ngắn để nghỉ ngơi, phục hồi, củng cố và huấn luyện lại các đơn vị cơ động và tấn công của họ”.

3. Putin nhận xét rằng vũ khí đang được tuồn lậu vào Nga từ Ukraine

Sau một vài ngày vắng mặt khiến các đồn đoán nổi lên, Vladimir Putin đã xuất hiện trong cuộc họp Hội Đồng An Ninh Quốc Gia vào hôm Thứ Sáu, 27 Tháng Mười, trong đó ông đã tuyên bố rằng vũ khí từ cuộc xung đột ở Ukraine đang được buôn lậu vào Nga.Putin nói rằng hội đồng cần thảo luận về vấn đề buôn bán vũ khí.

Ông nói: “Chúng ta cần suy nghĩ về việc vũ khí và đạn dược xâm nhập trái phép vào lãnh thổ Liên bang Nga như thế nào. Nhân tiện, bao gồm cả từ lãnh thổ Ukraine. Không phải vũ khí của quân đội của chúng ta, nhưng những vũ khí như vậy vẫn xâm nhập vào lãnh thổ Nga từ lãnh thổ Ukraine.”

“Chúng ta cần xem xét tất cả các con đường này, xem các biện pháp kiểm soát được tổ chức như thế nào và xem cần phải làm gì thêm để củng cố khung pháp lý.”

4. Vụ ám sát ở bán đảo Crimea: Đồng minh thân cận của Putin, người được tin được chọn làm Tổng thống Ukraine nếu Nga chiếm được Kyiv, chắc không qua khỏi

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Putin Ally in 'Serious Condition' Following Assassination Attempt in Crimea”, nghĩa là “Đồng minh của Putin trong tình trạng 'nghiêm trọng' sau vụ ám sát ở Crimea.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Truyền thông nhà nước đưa tin hôm thứ Sáu rằng một nỗ lực đã được thực hiện nhằm vào mạng sống của Oleg Tsaryov, một chính trị gia thân Nga gốc Ukraine, ở bán đảo Crimea bị sáp nhập.

Theo Vladimir Rogov, tên phản bội, một quan chức được Mạc Tư Khoa bổ nhiệm ở vùng Zaporizhzhia phía nam Ukraine bị sáp nhập, Tsaryov đang trong tình trạng nghiêm trọng. Ông khẳng định Tsaryov bị bắn chứ không phải bị đâm vì có các báo cáo trái ngược nhau về vụ ám sát lan truyền trên mạng xã hội.

10 ngày trước khi Nga xâm lược Ukraine, một quan chức tình báo phương Tây nói với Financial Times trong một cuộc phỏng vấn được công bố vào ngày 14 tháng 2 năm 2022, rằng Oleg Tsaryov là sự lựa chọn của Tổng thống Nga Vladimir Putin để lãnh đạo chế độ ở Kyiv, nếu Nga chiếm được Ukraine. Vào thời điểm đó, Hoa Kỳ tin rằng Nga sẽ chiếm được Ukraine một cách dễ dàng. Trong các tài liệu của Nga do Cục Tình Báo Ukraine bắt được có những con dấu và giấy tờ cho thấy Oleg Tsaryov là Tổng thống lâm thời Ukraine, khi Nga chiếm được Kyiv.

Tsaryov từng là thành viên Quốc Hội Ukraine, thường được gọi là Verkhovna Rada, cho đến ngày 7 Tháng Tư, 2014 khi ông ta bắt đầu bị cảnh sát Ukraine truy nã về tội ủng hộ Nga trong vụ xâm lược bán đảo Crimea.

Ông được Nga bổ nhiệm làm chủ tịch Quốc Hội Novorossiya, bao gồm Donetsk và Luhansk.

“Tình trạng của Oleg rất nghiêm trọng. Hiện anh đang được chăm sóc đặc biệt. Không có vết đâm nào cả. Oleg đã bị bắn,” Rogov cho biết như trên.

Ông không cho biết vụ nổ súng diễn ra ở đâu. Các quan chức Nga và Ukraine vẫn chưa bình luận về vụ việc.

Phóng viên quân sự Nga Yuri Kotenok hôm thứ Sáu cũng đưa tin rằng Tsaryov đang được chăm sóc đặc biệt vì vết thương do đạn bắn và tình trạng của ông rất nghiêm trọng.

Và một nguồn thực thi pháp luật nói với hãng tin Kommersant của Nga rằng Tsaryov đã bị “tấn công” mà không cho biết thêm chi tiết.

Truyền thông Nga đưa tin xe cứu thương đã đến nhà Tsaryov ở Yalta, thuộc bán đảo Hắc Hải của Crimea, vào đêm thứ Sáu. Một đoạn video dài 16 giây được hãng tin PolitNavigator đăng tải trên nền tảng mạng xã hội VKontakte cho thấy một xe cứu thương và một đội quân khẩn cấp, được cho là ở bên ngoài nhà của quan chức.

Ukraine đã kết án vắng mặt Tsaryov 12 năm tù vì kêu gọi ly khai.

Ông tích cực ủng hộ Nga kể từ năm 2014, khi Putin sáp nhập trái phép Crimea từ Ukraine, và phe ly khai thân Nga ở khu vực phía đông Donetsk và Luhansk bắt đầu xung đột với lực lượng của Kyiv.

Các cuộc tấn công ở Crimea, trung tâm hậu cần của Nga cho lực lượng của nước này ở miền nam Ukraine, đã trở nên thường xuyên trong những tháng gần đây trong bối cảnh Kyiv phản công nhằm đòi lại lãnh thổ bị lực lượng Nga xâm lược.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã cam kết hủy bỏ việc sáp nhập Crimea của Putin.

5. Nga triển khai cá heo chiến đấu để chống lại người nhái của Ukraine

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia Deploys Combat Dolphins to Black Sea Frontline”, nghĩa là “Nga triển khai cá heo chiến đấu tới tiền tuyến Hắc Hải.”

Theo một báo cáo mới, Nga đã triển khai những con cá heo chiến đấu được huấn luyện đặc biệt của mình đến gần đỉnh điểm của cuộc giao tranh ở miền nam Ukraine, trong một động thái nhằm mở rộng việc Mạc Tư Khoa sử dụng các loài động vật này ở Hắc Hải.

Các chuồng nuôi cá heo đã xuất hiện tại một căn cứ hải quân Nga ở Novoozerne, cách thành phố Yevpatoriya phía tây Crimea không xa, Naval News đưa tin vào tháng 10, trích dẫn những hình ảnh mới.

Cá heo chiến đấu không phải là hiện tượng mới trong cuộc chiến Ukraine. Các báo cáo từ lâu cho rằng Nga đã huấn luyện và sử dụng động vật quân sự xung quanh căn cứ Hắc Hải tại Sevastopol, thành phố cảng Crimea, để chống lại lực lượng đặc biệt Ukraine. Hải quân Mỹ cũng đã sử dụng cá heo trong nhiều thập kỷ.

Viện Hải quân Mỹ cho biết trong những tuần đầu Nga tấn công Ukraine toàn diện rằng lực lượng Nga ở Sevastopol đã đặt 2 “chuồng nuôi cá heo” ở cửa vào bến cảng, xuất hiện vào khoảng tháng 2/2022.

Novoozerne nằm ở phía bắc Sevastopol và gần phía nam lục địa Ukraine, nơi đang diễn ra một số cuộc giao tranh khốc liệt nhất, hơn là căn cứ chính ở Hắc Hải của Nga. Nó nằm ngay phía bắc Yevpatoriya, nơi Ukraine đã tập trung quyền lực trong những tháng gần đây.

Ukraine tuyên bố sẽ chiếm lại Crimea, nơi được Nga sáp nhập vào năm 2014 và dùng làm bàn đạp để chống lại lực lượng của Kyiv trong cuộc chiến tổng lực kéo dài 20 tháng qua.

NavalNews đưa tin, việc triển khai cá heo quân sự ở Novoozerne có thể nhằm mục đích “bảo vệ chống lại lực lượng đặc biệt Ukraine, những lực lượng gây ra mối đe dọa thực sự trong khu vực”.

Tờ báo này cho biết thêm, những chuồng nuôi cá heo này xuất hiện ở phía tây Crimea vào khoảng tháng 8 năm nay.

Trong suốt mùa hè của Ukraine, Kyiv đã tăng cường tấn công vào các mục tiêu của Nga ở Crimea, bao gồm cả các hệ thống phòng không tiên tiến của Nga gần Yevpatoriya. Điều này trùng hợp với một cuộc tấn công đổ bộ của lực lượng Ukraine trên bán đảo, sau đó là một cuộc tấn công hỏa tiễn tầm xa vào Sevastopol làm hư hại một tàu đổ bộ của Nga và một trong các tàu ngầm của Mạc Tư Khoa.

Vào cuối tháng 6, Bộ Quốc phòng Anh cho biết Nga đã đầu tư vào “những cải tiến lớn” cho căn cứ Sevastopol, bao gồm “tăng số lượng động vật có vú sống dưới biển được huấn luyện”. Chính phủ Anh cho biết trong một bản cập nhật tình báo rằng các hình ảnh về căn cứ cho thấy “gần gấp đôi số lượng chuồng động vật có vú”, có khả năng chứa cá heo mũi chai.

Chính phủ Anh cho biết Nga đã huấn luyện một loạt động vật cho nhiều nhiệm vụ khác nhau, đồng thời cho biết thêm những con cá heo ở Crimea nhằm mục đích chống lại các thợ lặn của đối phương. Bộ Quốc phòng Anh cho biết thêm, tại vùng biển Bắc Cực của Nga, lực lượng Mạc Tư Khoa cũng đã sử dụng cá voi và hải cẩu Beluga.

6. Các lực lượng Nga đã pháo kích dữ dội vào trung tâm thành phố Kherson ở miền nam Ukraine, làm nhiều người bị thương và làm hư hại ít nhất 10 tòa nhà

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Bẩy 28 Tháng Mười, phát ngôn nhân cảnh sát quốc gia Ukraine, Đại Úy Alyona Lyutnytska, cho biết hôm Thứ Sáu, các lực lượng Nga đã pháo kích dữ dội vào trung tâm thành phố Kherson ở miền nam Ukraine, làm nhiều người bị thương và làm hư hại ít nhất 10 tòa nhà.

Những bức ảnh đăng trên mạng xã hội cho thấy ít nhất ba địa điểm rải đầy đống đổ nát sau khi người dân được yêu cầu vào nơi trú ẩn.

Cô cho biết một số người đã bị thương và một người đang được điều trị tại bệnh viện.

“Vào buổi tối Thứ Sáu, toàn bộ thành phố rung chuyển. Bọn xâm lược nhắm vào trung tâm Kherson.”

Các nhân viên cấp cứu đã giải cứu hai phụ nữ ở độ tuổi 70 và 80 bị mắc kẹt trong một tòa nhà và khống chế đám cháy ở khu vực rải rác đống đổ nát.

Lực lượng Nga đã chiếm được Kherson trong những ngày đầu cuộc xâm lược Ukraine vào tháng 2 năm 2022, nhưng đã bỏ chạy khỏi thành phố và bờ tây sông Dnipro vào tháng 11 năm ngoái. Giờ đây họ thường xuyên pháo kích những khu vực đó từ các vị trí ở bờ phía đông.

7. Bản tin tình báo của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh

Trong bản tin tình báo mới nhất, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh đã đưa ra các nhận định liên quan đến phi đội máy bay ném bom tầm xa của Nga. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thu Trinh.

Phi đội máy bay ném bom tầm xa, gọi tắt là LRA, của Không quân Nga đã không tiến hành các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn hành trình phóng từ trên không vào Ukraine trong hơn một tháng qua, đó là một trong những khoảng thời gian dài nhất trong các cuộc tấn công như vậy kể từ khi xung đột bắt đầu.

Trong khi Nga vẫn có thể sử dụng các khả năng tấn công khác, LRA là phương pháp chính để tiến hành các cuộc tấn công chính xác từ xa.

Nga gần như chắc chắn cần phải giảm tần suất các cuộc tấn công để bổ sung vào kho hỏa tiễn hành trình AS-23a KODIAK đang ngày càng cạn kiệt của mình.

Nga có thể sẽ sử dụng bất kỳ loại đạn LRA nào được sản xuất gần đây để tấn công cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine trong mùa đông. Nga rất có thể sẽ tiếp tục bổ sung cho bất kỳ chiến dịch nào như vậy bằng các cuộc tấn công một chiều bằng máy bay không người lái do Iran thiết kế.

8. Nhà độc tài Alexander Lukashenko mời thủ tướng Hung Gia Lợi đến thăm Belarus

Tổng thống Belarus đã mời thủ tướng Hung Gia Lợi đến thăm đất nước của ông, quốc gia đang phải đối mặt với sự cô lập ngày càng tăng do chính phủ đàn áp không ngừng những người bất đồng chính kiến và ủng hộ cuộc chiến của đồng minh Nga với Ukraine.

Tổng thống Alexander Lukashenko đã gửi lời mời tới Thủ tướng Viktor Orban tại cuộc gặp với Ngoại trưởng Hung Gia Lợi Peter Szijjarto, người đã đến Belarus vào đầu tuần này. Lukashenko bày tỏ sự sẵn sàng “đối thoại với các nước Âu Châu” và mời Orban đến “để thảo luận về những vấn đề nghiêm trọng”.

Giám đốc báo chí của Orban, Bertalan Havasi, cho biết thủ tướng sẽ xem xét lời mời khi ông trở về từ hội nghị thượng đỉnh Liên Hiệp Âu Châu ở Brussels.

Lukashenko giành được nhiệm kỳ thứ sáu vào năm 2020 trong một cuộc bầu cử mà phương Tây và phe đối lập tố cáo là gian lận. Cuộc bỏ phiếu đã gây ra một làn sóng phản đối quần chúng chưa từng có, mà chính phủ của Lukashenko và các cơ quan thực thi pháp luật đã đáp trả bằng cách bắt giữ hơn 35.000 người và đánh đập dã man hàng nghìn người.

Sự cô lập của đất nước này gia tăng sau khi Nga sử dụng Belarus, đồng minh lâu năm và phụ thuộc của họ, làm nơi để đưa quân và hỏa tiễn vào Ukraine hồi Tháng Hai, năm 2022.

9. Nga loan tin đã hạ sát một điệp viên Ukraine và đóng cửa 2 cơ quan truyền thông trực tuyến của Ukraine

Cơ quan An ninh Liên bang Nga, gọi tắt là FSB, cho biết họ đã giết một điệp viên bị nghi ngờ là điệp viên người Ukraine và đóng cửa hai cơ quan trực tuyến ủng hộ Kyiv trong một chiến dịch ở khu vực bị tạm chiếm ở vùng Zaporizhzhia phía nam Ukraine.

AFP đưa tin, kể từ khi nắm quyền kiểm soát nhiều vùng lãnh thổ ở Ukraine vào năm ngoái, Nga tuyên bố đã ngăn chặn nhiều hành vi được cho là phá hoại khi nước này cố gắng trấn áp phong trào phản kháng ủng hộ Ukraine của người dân địa phương.

Cơ quan an ninh FSB cho biết: “Do một hoạt động đặc biệt trên lãnh thổ vùng Zaporizhzhia, FSB đã ngăn chặn hoạt động của ba nhóm điệp viên lớn do tình báo Ukraine điều phối”.

FSB cho biết một người đàn ông bị tình nghi làm việc cho tình báo Ukraine đã thiệt mạng trong cuộc đấu súng trong chiến dịch này. Các quản trị viên của một phòng trò chuyện ủng hộ Ukraine và một cơ quan truyền thông ở thành phố Melitopol do Nga kiểm soát cũng bị bắt giữ.

Nó cho biết các quản trị viên đã thuyết phục người dân thu thập thông tin về “các địa điểm và hoạt động di chuyển của quân Nga” và đã thúc đẩy “một chương trình nghị sự chống Nga trong khu vực… Hoạt động của các nguồn thông tin đã bị ngừng hoạt động”.

10. Nga cáo buộc quân Ukraine tấn công nhà máy điện hạt nhân Kursk ở Kurchatov

Roman Starovoyt, Thống đốc khu vực Kursk của Nga, cáo buộc các máy bay không người lái chứa đầy chất nổ đã cố gắng tấn công nhà máy điện hạt nhân Kursk ở Kurchatov vào đêm Thứ Sáu 27 Tháng Mười.

Một trong những máy bay không người lái được cho là đã phát nổ gần cơ sở lưu trữ chất thải hạt nhân. Theo Starovoyt, chiếc máy bay không người lái đầu tiên rơi xuống khu vực trại huấn luyện chó và không phát nổ. Chiếc thứ hai, một chiếc máy bay không người lái phản lực kiểu máy bay, được tìm thấy nằm trên đường nhựa; nó cũng không phát nổ.

Nhưng chiếc máy bay không người lái thứ ba được cho là đã tấn công một nhà kho chứa chất thải hạt nhân. Theo Starovoyt, vụ nổ đã làm hư hỏng mặt tiền của tòa nhà kho.

Trong một diễn biến khác, lực lượng không quân Ukraine cho biết họ đã bắn hạ 3 hỏa tiễn máy bay dẫn đường và 2 máy bay không người lái trên bầu trời nước này, ở phía nam đất nước.

11. Cuộc họp của các nhà lãnh đạo Liên Hiệp Âu Châu bày tỏ sự ủng hộ kiên định đối với Ukraine

Cuộc họp của các nhà lãnh đạo Liên Hiệp Âu Châu tại Brussels hôm Thứ Sáu 27 Tháng Mười, đã thảo luận về việc tăng cường hỗ trợ cho Ukraine, khi họ cố gắng tập trung vào việc giúp đỡ quốc gia này chống lại cuộc xâm lược của Nga ngay cả khi tình trạng hỗn loạn ở Trung Đông thu hút sự chú ý của toàn cầu.

Cuộc thảo luận về Ukraine diễn ra vào ngày thứ hai của hội nghị thượng đỉnh, sau khi ngày đầu tiên bị chi phối bởi việc đưa ra lập trường thống nhất của Liên Hiệp Âu Châu về cuộc chiến Israel-Hamas.

Thủ tướng Ái Nhĩ Lan Leo Varadkar nói: “Điều thực sự quan trọng là một trong những kết quả của cuộc họp này là chúng ta không mất tập trung vào Ukraine vì tất cả những điều khác đang xảy ra trên thế giới, đặc biệt là ở Trung Đông. Sẽ rất dễ mất tập trung vào cuộc chiến ở Ukraine và điều quan trọng là chúng ta không nên bị phân tâm như thế.”

Chủ tịch Hội đồng Âu Châu, Charles Michel, cho biết điểm quan trọng nhất trong ngày thứ hai của hội nghị thượng đỉnh là Ukraine, là cuộc thảo luận về cách “chúng ta phát triển thêm sự hỗ trợ cho Ukraine và cách chúng ta duy trì và thậm chí tăng cường áp lực chống lại Nga thông qua các lệnh trừng phạt của chúng ta”..

Một biện pháp quan trọng của Liên Hiệp Âu Châu là một kế hoạch, dự kiến trị giá 20 tỷ euro trong 4 năm, dành cho quỹ quốc phòng cho Ukraine như một phần trong các cam kết an ninh rộng lớn hơn của phương Tây. Agence France-Presse đưa tin, hầu hết 27 quốc gia Liên Hiệp Âu Châu đều ủng hộ hỗ trợ tài chính hơn nữa cho Ukraine, chỉ trừ Hung Gia Lợi và Slovakia.

12. Cơ quan thanh toán của Liên Hiệp Âu Châu tại Brussels, Euroclear, đã kiếm được hơn 3 tỷ euro trong năm nay từ các tài sản bị phong tỏa của Nga mà họ đang nắm giữ do các lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Âu Châu.

Tờ Financial Times đưa tin rằng vận may bất ngờ “có thể làm tăng áp lực lên các nhà lãnh đạo Âu Châu trong việc chuyển lợi nhuận sang Ukraine”.

Tập đoàn có trụ sở tại Bỉ hôm thứ Năm cho biết thu nhập liên quan đến tài sản bị mắc kẹt của Nga đã tăng vọt. Cụ thể, do lãi suất tăng, đến nay mới 9 tháng mà số tiền lời đã vượt qua con số 347 triệu euro của cả năm 2022. Phỏng đoán đến cuối năm nay số tiền lời có thể lên đến 480 triệu euro.

Euroclear đã nắm giữ tài sản của Nga kể từ khi Vladimir Putin ra lệnh xâm chiếm toàn diện Ukraine, bởi vì các lệnh trừng phạt sau đó của Liên Hiệp Âu Châu đối với Mạc Tư Khoa có nghĩa là họ không thể chuyển tiền sang các ngân hàng Nga.

Hàng triệu giao dịch chứng khoán mỗi ngày được theo dõi và giải quyết tại tập đoàn có trụ sở tại Brussels. Theo chính phủ Bỉ, khoảng 197 tỷ euro tài sản của Nga đang bị mắc kẹt tại Euroclear. Trong tổng số đó, 180 tỷ euro là từ ngân hàng trung ương Nga, phần lớn trong số 300 tỷ Mỹ Kim tài sản của ngân hàng trung ương bị đóng băng do lệnh trừng phạt của phương Tây.
 
Tu sĩ bị bắt cóc, bị ném xuống sông. Giáo phận xin cầu cho linh hồn ngài. Ukraine cấm UOC hoạt động
VietCatholic Media
06:07 28/10/2023


1. Đức Thánh Cha nói rằng: Thất bại của Tây phương là áp đặt dân chủ

Đức Thánh Cha Phanxicô phê bình sự thất bại của một số nước Tây phương, trong toan tính “xuất khẩu và áp đặt kiểu mẫu dân chủ” của mình tại những nước khác.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây, trong cuộc phỏng vấn dành cho hai ký giả người Ý: Francesca Ambrogetti và Sergio Rubin, tác giả cuốn sách “Bạn không đơn độc. Những thách đố, các câu trả lời, những niềm hy vọng” (Non sei solo. Sfide, risposte, speranze” (Salani Editore), xuất bản ngày 24 tháng Mười năm 2023, và một vài đoạn được đăng trên báo La Stampa, số ra ngày 23 tháng Mười trước đó.

Trong cuộc phỏng vấn, Đức Thánh Cha nói rằng: “Chúng ta hãy nghĩ đến nước Libya, một nước dường như chỉ có thể được điều khiển bởi những nhân vật rất mạnh mẽ như Gheddafi. Đã lâu, một người Dubai nói tôi rằng trước kia chúng tôi chỉ có một Gheddafi, nhưng bây giờ chúng tôi có 53 Gheddafi...”. Một thảm trạng do chính sách áp đặt kiểu mẫu dân chủ của Tây phương. “Chiến tranh tại Vùng Vịnh thật là một thảm họa, nếu không muốn nói đó là một trong những tàn ác tệ nhất. Saddam Hussein chắc chắn không phải là một ‘thiên thần nhỏ’, nhưng qua đó Iraq là một nước khá ổn định. Xin lưu ý: tôi không bênh vực Gheddafi hay Hussein. Nhưng chiến tranh đã để lại cái gì? Nó chỉ để lại tình trạng vô chính phủ có tổ chức và một cuộc chiến tranh khác. Do đó, tôi chủ trương rằng chúng ta không được xuất khẩu thứ dân chủ của chúng ta sang các nước khác. Trái lại, cần giúp các nước ấy phát triển một tiến trình trưởng thành dân chủ, theo các đặc tính của họ. Không nên dùng chiến tranh để áp đặt một thứ dân chủ mà nhân dân họ không có thể hấp thụ. Có những nước có một chế độ quân chủ và có lẽ không bao giờ họ chấp nhận một nền dân chủ, nhưng chắc chắn là ta có thể góp phần làm sao để có sự tham gia nhiều hơn. Dầu sao tôi không rành về chính trị quốc tế, nhưng tôi tin là nơi căn cội sự xuất hiện nhà nước Hồi giáo ISIS, có một sự chọn lựa bất hạnh của Tây phương”.

2. Quốc hội Ukraine thông qua dự luật cấm Giáo Hội Chính thống Ukraine trực thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa

Quốc hội Ukraine trong tháng này đã đưa ra một đạo luật được nhiều người coi là nỗ lực nhằm cấm một Giáo Hội Chính thống hoạt động ở nước này vì những cáo buộc cho rằng Giáo Hội này có liên quan đến Nga.

Verkhovna Rada, hay cơ quan lập pháp đơn viện của Ukraine, đã thông qua dự luật trong buổi đọc đầu tiên hôm thứ Năm với 267 nhà lập pháp ủng hộ đề xuất này và chỉ có 15 phiếu chống lại nó.

Luật pháp ở Rada nói chung phải trải qua ba lần biểu quyết và sau đó được tổng thống nước này ký để trở thành luật.

Luật sẽ cấm các hoạt động của các tổ chức tôn giáo “có liên kết với các trung tâm ảnh hưởng của một tổ chức tôn giáo, mà trung tâm quản lý của tổ chức này nằm bên ngoài Ukraine và là quốc gia tiến hành xâm lược vũ trang chống lại Ukraine”. Dự luật được nhiều người coi là tấn công vào Giáo Hội Chính thống Ukraine trực thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa.

Theo The Kyiv Independent, Thành viên Quốc hội Iryna Herashchenko, người thuộc Đảng Đoàn kết Âu Châu trung hữu, gọi cuộc bỏ phiếu là “lịch sử” trong một tin nhắn video. Cô cho rằng cuộc bỏ phiếu là về ảnh hưởng của Nga hơn là tôn giáo.

Theo tờ Independent, Herashchenko cho biết: “Verkhovna Rada đã thực hiện bước đầu tiên để trục xuất các linh mục Mạc Tư Khoa khỏi đất Ukraine”.

“ Luật này không phải về tôn giáo hay Giáo Hội mà là về việc bảo vệ an ninh quốc gia của Ukraine”. “Thực tế là Chính Thống Giáo Nga, có trụ sở ở Mạc Tư Khoa, không thực sự là một Giáo Hội mà là một chi nhánh của Cơ quan An ninh Liên bang Nga và nó có thể bị cấm tại tòa án.”

Tuần trước Thượng phụ Kirill của Giáo hội Chính thống Nga đã lên án cuộc bỏ phiếu, nói rằng nó “đặt nhà nước Ukraine ngang hàng với các chế độ vô thần nham hiểm nhất trong quá khứ”.

“Những người khởi xướng và ủng hộ việc thông qua dự luật này ở Ukraine – các quan chức chính phủ cao cấp nhất, các đại biểu của Verkhovna Rada, các chính trị gia cấp tiến và các nhân vật của công chúng – không giấu giếm rằng dự luật này nhằm chống lại cộng đồng tôn giáo lớn nhất ở Ukraine,” Kirill nói.

Ông tuyên bố biện pháp này “nhằm mục đích loại bỏ Giáo hội Chính thống Ukraine như một cơ cấu tập trung cũng như tất cả các giáo phận, giáo xứ và tu viện riêng biệt”.

Một số nhà lập pháp Ukraine đã cáo buộc UOC thúc đẩy lợi ích của chính phủ Nga kể từ trước khi Nga xâm lược Ukraine. Nhiều nhà thờ đã chứng kiến phản ứng dữ dội sau cuộc xâm lược, một số các nhà thờ bị trục xuất khỏi tài sản của họ, các linh mục bị bắt vì cáo buộc ủng hộ cuộc xâm lược và hành vi phá hoại nhằm vào các nhà thờ.

Báo cáo Tự do Tôn giáo trên Thế giới năm 2023, do Tổ chức Viện trợ các Giáo hội Đau khổ công bố, đã bổ sung cả Ukraine và Nga vào danh sách các quốc gia mà họ đang theo dõi chặt chẽ các vi phạm tự do tôn giáo.


Source:Catholic News Agency

3. Một tu sĩ bị bắn, thi thể ném xuống sông sau vụ bắt cóc tại tu viện Nigeria

Một giáo phận ở Nigeria thông báo rằng Thầy Godwin Eze, một tu sĩ bị bắt cóc vào ngày 17 tháng 10 cùng với hai người khác từ tu viện Bênêđíctô ở Eruku, đã bị sát hại.

Trong một thông cáo báo chí được chia sẻ với ACI Phi Châu vào thứ Ba, ngày 24 tháng 10, Giám quản Giáo phận Ilorin, Cha Anselm Pendo Lawani, cho biết Thầy Eze, người bị bắt cóc cùng với Thầy Anthony Eze và Thầy Peter Olarewaju, đã bị sát hại dã man.

Các nguồn tin khác cho biết những kẻ bắt cóc đã bắn thầy Godwin Eze và ném xác thầy ấy xuống sông.

Trước đó, giáo phận đã thông báo việc trả tự do cho các anh Anthony Eze và Olarewaju, là những ứng sinh tại tu viện Bênêđíctô, đồng thời kêu gọi cầu nguyện cho thầy Godwin Eze, một tập sinh tại tu viện.

Trong thông báo ngày 24 tháng 10, Cha Lawani nói: “Đây là lời cảm ơn tất cả mọi người vì những lời cầu nguyện chung của các bạn trong nhiều ngày qua để các anh em của chúng tôi, Anh Anthony Eze và Anh Peter Olarewaju được thả ra an toàn. Chúng tôi cảm ơn Chúa vì đã đáp lại lời cầu nguyện của chúng tôi”.

“Tuy nhiên, chúng tôi rất đau buồn trước tin tức về vụ sát hại khủng khiếp người thứ ba, là thầy Godwin Eze, dưới bàn tay của những kẻ bắt cóc. Xin Chúa ban cho linh hồn thầy được yên nghỉ đời đời, an ủi những người thân trong gia đình thầy và cho tất cả chúng ta, những người còn lại thương tiếc sự ra đi của thầy.”

Trong một cuộc phỏng vấn với ACI Africa, Cha Joseph Ekesioba, cựu giám đốc tập sinh của tu viện, nói rằng Thầy Godwin Eze đã bị bọn cướp Fulani bắn một ngày sau vụ bắt cóc.

“Tôi đã gặp gỡ một trong những người anh em của chúng tôi, là những người đã được trả tự do và họ nói rằng Godwin đã bị bắn vào thứ Tư ngày 11 tháng 10, vào ban đêm. Những kẻ bắt cóc đưa ba anh em của chúng tôi đến bờ sông và bắn Anh Godwin. Sau đó, họ ném thi thể vô hồn của thầy ấy xuống sông”, Cha Ekesioba nói trong một cuộc phỏng vấn ngày 24/10.

Ngài nói thêm: “Sau khi giết Godwin, những kẻ bắt cóc dẫn anh em Peter và Anthony đến khu rừng nơi chúng đã giấu họ và tiếp tục đe dọa, nói với họ rằng họ cũng sẽ bị giết. May mắn thay, cả hai đã được trả tự do vào tối thứ bảy.”

Cha Ekesioba cho biết tu viện đang tổ chức tìm kiếm thi thể của Godwin Eze trên sông.

Ngài nói với ACI Africa rằng tu viện đã buộc phải thực hiện các biện pháp quyết liệt sau vụ bắt cóc ngày 17 tháng 10.

Ngài nói: “Chúng tôi phải di dời anh em của mình đến một nơi an toàn hơn vì chúng tôi tiếp tục nhận được những lời đe dọa tấn công”.

Giáo phận Ilorin phục vụ bang Kwara, giáp bang Kogi ở phía đông, bang Niger ở phía bắc và các bang Ekiti, Osun và Oyo ở phía nam.

Một số bang của Nigeria, bao gồm Kogi và Niger, tiếp tục chứng kiến các cuộc tấn công được cho là do những người chăn gia súc Fulani có vũ trang và những tên cướp khác gây ra.

Một báo cáo của Intersociety vào tháng 4 chỉ ra rằng hơn 150 người đã bị tàn sát ở các khu vực có đông các Kitô Hữu ở bang Niger chỉ trong 100 ngày; và 707 Kitô Hữu đã bị bắt cóc trong cùng thời kỳ.


Source:Catholic News Agency
 
Phản ứng của Kyiv trước tin đồn Putin đã qua đời. Zelenskiy: Nga nướng quân, vài ngày mất cả Lữ Đoàn
VietCatholic Media
16:21 28/10/2023


1. Zelenskiy tuyên bố Nga đã mất lực lượng của cả một lữ đoàn khi cố gắng bao vây Avdiivka

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy tuyên bố rằng các lực lượng Nga đã mất ít nhất một lữ đoàn quân từ hôm Thứ Hai 23 Tháng Mười, cho đến nay khi cố gắng tiến vào thị trấn Avdiivka phía đông Ukraine.

Theo chính quyền quân sự và địa phương ở Ukraine, Nga đã bắt đầu nỗ lực mới nhằm bao vây thị trấn đang bị bao vây vào giữa tháng 10, cố gắng áp đảo các vị trí của Ukraine bằng các loạt pháo binh liên tục cũng như các đợt xung phong biển người và các phương tiện chiến đấu.

“Quân xâm lược đã nhiều lần cố gắng bao vây Avdiivka, nhưng mỗi lần như vậy binh lính của chúng tôi đều ngăn cản và đánh trả chúng, gây ra những tổn thất đau đớn. Trong 5 ngày qua, đối phương đã mất ít nhất một lữ đoàn”, ông Zelenskiy nói với Thủ tướng Anh Rishi Sunak trong một cuộc điện đàm, theo văn phòng tổng thống.

Các lữ đoàn có quy mô khác nhau và có thể có quân số từ 1.500 đến 8.000 quân, và cả Ukraine và Nga đều giữ bí mật về tổn thất trên chiến trường của mình. Các blogger quân sự Nga đã đưa tin quân đội Mạc Tư Khoa đã giành được một vài lãnh thổ hạn chế trong khu vực, trong khi Ukraine mô tả tình hình là cực kỳ khó khăn.

Trong bản cập nhật chiến trường hôm thứ Sáu, Bộ Tổng tham mưu Ukraine cho biết quân đội “kiên định phòng thủ và gây tổn thất đáng kể” cho quân đội Nga, đồng thời nói thêm rằng quân xâm lược không từ bỏ nỗ lực bao vây thị trấn.

2. Lính Nga thừa nhận không thể nào đánh chiếm được Ukraine

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russian Troop Talks Futility of Taking Ukraine Cities: 'Must Be Kidding'“, nghĩa là “Lính Nga nói rằng việc chiếm các thành phố của Ukraine là không thể được: 'Chắc chỉ đùa thôi'“. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Tình báo quân đội Ukraine tuần này đã công bố đoạn ghi âm về những gì họ nói là một cuộc điện thoại bị chặn, trong đó một người lính Nga nói về điều mà anh ta mô tả việc chiếm các khu định cư của Ukraine là một nhiệm vụ bất khả thi.

Trong đoạn ghi âm được Tổng cục Tình báo Quân đội Ukraine, gọi tắt là GUR, đăng tải trên kênh Telegram, một người đàn ông được xác định là thành viên của quân đội Nga đang chiến đấu ở Ukraine nói chuyện điện thoại với mẹ anh ta về những thất bại trên chiến trường của Nga.

GUR thường xuyên đăng tải đoạn ghi âm về những gì họ cho là các thông tin liên lạc bị chặn liên quan đến lực lượng Nga. Các cuộc gọi này thường là ví dụ về tinh thần xuống thấp của lực lượng của Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Ukraine. Đầu tháng này, GUR đã chia sẻ đoạn clip ghi lại cảnh một người lính Nga nói về việc quá yếu vì thiếu lương thực đến mức không mặc nổi áo chống đạn.

Theo bản dịch từ Kyiv Post của đoạn ghi âm được GUR chia sẻ gần đây, người lính giấu tên đã nói với mẹ anh rằng quân đội Nga đã chịu thương vong nặng nề dưới tay lực lượng phòng thủ Ukraine.

“Có một cuộc tàn sát đang diễn ra ở đó! Hơn một ngàn người đã bị giết ở đó. Tiểu đoàn thứ nhất và thứ hai được tung về phía trước - có rất nhiều trường hợp 200 thậm chí 300 còn nhiều hơn.” Trường hợp 200 là tiếng lóng, nghĩa là tử trận. Trường hợp 300 là bị thương.

Người lính sau đó nêu tên các thành phố và làng mạc khác mà anh ta cảm thấy Nga không có khả năng chiếm lấy từ lực lượng vũ trang của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy.

“Toàn bộ khu rừng trước mặt con rải rác những xác chết. Chiếm cái làng Ivanivka nhỏ bé còn không nổi, nói chi đến chuyện chiếm những khu vực lớn hơn!” anh ta nói. “Thật nực cười khi họ vẫn đề cập đến việc chiếm Novoselovka hay thậm chí là Kupyansk, chắc họ đang đùa!”

Tờ Kyiv Post đưa tin người lính này cũng kể về việc khi Nga cử một đơn vị gồm 20 binh sĩ tấn công một đồn của Ukraine, chỉ có “hai hoặc ba người quay trở lại”.

Ở một nơi khác trong cuộc gọi, người lính được cho là đã kể cho mẹ anh nghe việc một trong những đồng đội của anh đã lái máy bay không người lái qua một vị trí của Ukraine. Người đồng đội nói với người lính rằng trong chuyến bay, anh ta nhìn thấy 8 người Ukraine trong chiến hào có thể chống lại hàng trăm quân Nga nhờ có công sự dày đặc của họ.

“Người Ukraine không để họ tiếp cận bất cứ nơi nào gần họ và chiến đấu rất quyết liệt”.

3. Quan chức Kyiv lên tiếng giữa các tin đồn Putin đã ra người thiên cổ

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Putin's Eventual Death Won't Bring Change in Russia: Kyiv Official”, nghĩa là “Quan chức Kyiv nhận định rằng cái chết chung cuộc sẽ đến của Putin sẽ không mang lại thay đổi ở Nga.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Những tin đồn chưa được chứng minh đã lan truyền trên mạng những ngày gần đây rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đã qua đời. Trong khi Điện Cẩm Linh nói rằng nhà lãnh đạo của họ vẫn còn sống, một quan chức hàng đầu của Kyiv cảm thấy rằng cho Putin cuối cùng cũng qua đời, sẽ có rất ít thay đổi ở Nga.

“Nếu ai đó nghĩ rằng cái chết của Putin sẽ kết thúc mọi thứ thì chúng tôi không nghĩ vậy. Lãnh thổ nước Nga hiện đại đã tràn ngập sự vô nhân đạo”, Oleksiy Danilov, thư ký hội đồng quốc phòng và an ninh quốc gia Ukraine, cho biết trong một cuộc phỏng vấn hôm thứ Sáu với tạp chí Focus của Ukraine.

Điện Cẩm Linh tuần này phủ nhận tin đồn về cái chết của Putin sau khi một kênh Telegram đưa tin ông bị ngừng tim. Tin đồn đã nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội và các phương tiện truyền thông Nga nhanh chóng đưa tin về tuyên bố của phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov cho rằng Putin vẫn còn sống.

Mọi người từ lâu đã suy đoán về sức khỏe của Putin và những người xem đã tìm kiếm manh mối từ những lần xuất hiện trước công chúng của ông - chẳng hạn như bàn tay run rẩy hoặc nước da - để suy đoán tổng thống Nga mắc một căn bệnh như bệnh Parkinson. Vào tháng 7 năm 2022, ba nhà lãnh đạo tình báo nói với Newsweek rằng một báo cáo mật của Mỹ cho biết Putin đã phải điều trị bệnh ung thư giai đoạn cuối vào tháng 4 năm 2022.

Theo bản dịch tiếng Anh của cuộc phỏng vấn Danilov's Focus của hãng tin Ukrainska Pravda, Danilov cho biết hầu hết thế giới đều hy vọng nhà độc tài 71 tuổi người Nga sẽ sớm qua đời.

“Sớm hay muộn thì mọi người cũng sẽ vượt qua bờ bên kia. Và Putin cũng vậy. Đại đa số dân chúng của chúng tôi, có lẽ tới 99,9%, muốn điều này xảy ra càng sớm càng tốt”, Danilov nói.

Ông nói tiếp: “Về sức khỏe của mình, người đàn ông này đã không tỉnh táo khi đưa ra quyết định xâm lược một quốc gia mà họ cho là anh em ruột”. “Bạn phải điên lắm mới đưa ra được một quyết định như vậy. Vì vậy, xét về mặt sức khỏe thì anh ta chưa bao giờ có sức khỏe tốt”.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga qua email để yêu cầu bình luận vào tối thứ Sáu.

Về lý do tại sao Danilov không nghĩ cái chết của Putin sẽ mang lại sự thay đổi ở Nga, ông nói người dân Nga “đã được dạy từ khi còn nhỏ rằng họ nên ghét tất cả mọi người trên thế giới. Và nếu có chuyện sai trái xảy ra trong nước thì phải có ai đó ở bên ngoài chịu trách nhiệm về việc đó.”

Quan chức quốc phòng Ukraine trích dẫn cuộc xâm lược ngắn ngủi của Nga vào Georgia năm 2008 là một ví dụ về những gì ông đang nói đến.

“Vào thời điểm đó, 80 đến 85% người Nga có thái độ tiêu cực với người Georgia. Người Georgia đã làm gì để đáng bị người Nga căm ghét họ? Đối với Ukraine, họ cũng ghét chúng tôi và tin rằng chúng tôi nên biến mất khỏi bản đồ thế giới “, ông nói, theo Ukrainska Pravda.

Danilov nói thêm: “Nếu ai đó nghĩ rằng có điều gì đó sẽ thay đổi sau cái chết của Putin thì chúng tôi sẽ nói rằng không có gì thay đổi. Sẽ mất nhiều năm để thấy những thay đổi. Đầu tiên và quan trọng nhất, họ phải bắt đầu bằng việc biết yêu thương mọi người.”

4. Cơ quan An ninh Liên bang Nga, gọi tắt là FSB, tuyên bố mở cuộc điều tra chung quanh vụ ám sát đồng minh quan trọng của Putin

Cơ quan điều tra hàng đầu của Nga cho biết họ đã mở một cuộc điều tra hình sự về âm mưu sát hại Oleg Tsaryov, sau vụ ám sát một số nhân vật thân Mạc Tư Khoa nổi tiếng khác kể từ khi bắt đầu chiến tranh.

Tsaryov, một nhân vật thân Nga mà các nguồn tin cho biết Mạc Tư Khoa đã sắp xếp để lãnh đạo một chính quyền bù nhìn ở Kyiv sau cuộc xâm lược của Nga, đã bị bắn và bị thương trong một cuộc tấn công vào đêm khuya, gia đình và các quan chức cho biết.

Cuộc tấn công diễn ra ở Yalta ở Crimea, nơi được Nga sáp nhập từ Ukraine vào năm 2014. “Vào khoảng nửa đêm, anh ta bị bắn hai phát trong khuôn viên viện điều dưỡng nơi anh ta sống,” một bài đăng trên tài khoản Telegram của Tsaryov dẫn lời gia đình cho biết. “Khi xe cấp cứu đến, Oleg đã bất tỉnh và mất rất nhiều máu.”

Viện điều dưỡng này là cơ sở kinh doanh của Tsaryov.

Ba nguồn tin quen thuộc với kế hoạch hậu xâm lược của Nga nói với Reuters năm ngoái rằng Mạc Tư Khoa đã bổ nhiệm Tsaryov làm Tổng thống lâm thời của một chính phủ bù nhìn ở Kyiv nếu nước này thành công trong việc lật đổ Tổng thống Volodymyr Zelenskiy trong những ngày đầu của cuộc chiến vào tháng 2 năm 2022.

Andriy Yusov, phát ngôn viên của cơ quan tình báo quân sự Ukraine, đã được hỏi trên truyền hình về vụ nổ súng. “Chúng tôi sẽ không bình luận quá chi tiết, đó là một vinh dự quá lớn đối với anh ta. Nhưng vâng, có những thông tin như vậy. Khi có thông tin nhiệt độ cơ thể anh ta giảm xuống dưới 36,6 độ, chắc chắn sẽ có người lên tiếng.”

5. Đại sứ Nga tại Mỹ đã chỉ trích Washington về vòng hỗ trợ mới nhất cho Ukraine sau khi 21 máy bay trực thăng và 3 tổ hợp phòng không nổ tung

Đại Sứ Nga tại Hoa Kỳ Anatoly Antonov, đã tỏ ra cay cú trước các tổn thất kinh hoàng phát sinh từ các vũ khí mới do Hoa Kỳ viện trợ cho Kyiv gần đây.

Trong tuyên bố đưa ra hôm Thứ Sáu 27 Tháng Mười, Antonov nói:

“Những hành động khiêu khích và kích động của Mỹ trên trường quốc tế giống như đổ thêm dầu vào lửa hơn là nỗ lực chống lại sự kích động và lan rộng hơn nữa của các cuộc xung đột đẫm máu.

Đã đến lúc phải ngừng việc bơm hàng tỷ đô la vô nghĩa vào chế độ Kyiv đang phá sản. Hãy ngừng tỏ ra coi thường ý kiến của người dân và thờ ơ với những nạn nhân mới luôn chết vì vũ khí của Mỹ.”

Phản ứng của Antonov xảy ra sau các báo cáo cho thấy 21 máy bay trực thăng và 3 tổ hợp phòng không S-400 nổ tung vì ATACMS /a-tá-kừm/ mà Hoa Kỳ vừa viện trợ cho Kyiv.

Nga đã tiến hành cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine vào tháng 2 năm 2022 và Liên Hiệp Quốc cho đến nay đã ghi nhận hơn 22.000 thường dân thương vong, trong đó có hơn 7.000 người chết.

6. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã lên án cuộc gặp gỡ và cái bắt tay gần đây của nhà lãnh đạo Hung Gia Lợi Viktor Orbán với Vladimir Putin.

“Trong tình huống chúng ta đang đối đầu với Nga, chúng ta không nên sử dụng những liên hệ song phương này để đàm phán những vấn đề về bản thân có thể làm suy yếu sự đoàn kết của chúng ta về Ukraine”, ông Macron nói sau cuộc họp với các nhà lãnh đạo Liên Hiệp Âu Châu tại Brussels.

Ông nói: “Brussels không xâm chiếm Hung Gia Lợi. Hung Gia Lợi đã đưa ra quyết định có chủ quyền để gia nhập Âu Châu của chúng tôi… đó là một lựa chọn có chủ quyền mà sau đó sẽ mang theo những ràng buộc, bởi vì tất cả chúng ta đã quyết định giao chủ quyền cho Âu Châu của mình. Tất cả chúng ta.”

Macron cho biết không ai có thể cấm Orbán làm những gì ông đã làm, nhưng một cuộc gặp gỡ với đối phương lớn nhất của Âu Châu nên được sắp xếp với sự tham vấn của các nhà lãnh đạo và các quốc gia thành viên Liên Hiệp Âu Châu. Tổng thống Pháp cho biết ông đã khiển trách Orbán trước mặt các nhà lãnh đạo khác:

Tôi muốn lên án cuộc gặp gỡ với tổng thống Nga một lần nữa và nói rõ điều đó. Tôi có thể kể cho bạn nghe những gì tôi đã nói với Viktor Orbán một cách công khai tại bàn đàm phán. Trước hết, tôi tôn trọng tất cả các nguyên thủ quốc gia và chính phủ ngồi quanh bàn đàm phán và họ có chủ quyền này.

Hoàn toàn không cần thiết phải cấm một nguyên thủ quốc gia hoặc chính phủ đi theo hướng này hay hướng khác. Nó không gây sốc cho chúng tôi. Điều tôi yêu cầu, vì sự tôn trọng và lòng trung thành, là chúng ta phối hợp trước và phối hợp sau và điều đó, đặc biệt là trong tình huống chúng ta đang gặp phải với Nga, chúng ta không sử dụng những liên hệ song phương này để đàm phán những vấn đề về bản thân có thể làm suy yếu sự đoàn kết của chúng ta.

7. Tổng thống Lithuania phê bình Orbán của Hung Gia Lợi sau cái bắt tay với Putin

Ký giả JACK VICTOR của tờ Politico có trụ sở ở Washington DC có bài tường trình nhan đề “Lithuanian president calls Orbán a Russian ‘flirt’ after Putin handshake”, nghĩa là “Tổng thống Lithuania gọi Orbán là 'kẻ tán tỉnh' người Nga sau cái bắt tay với Putin”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Tổng thống Lithuania Gitanas Nausėda đã chỉ trích Viktor Orbán vì đã gặp Vladimir Putin. Ông chỉ trích thủ tướng Hung Gia Lợi tán tỉnh Mạc Tư Khoa ngay trước khi hai người chuẩn bị ngồi quanh bàn hội nghị thượng đỉnh.

“Thật kỳ lạ khi thấy rằng chúng ta bắt đầu tán tỉnh một chế độ đang thực hiện những hành động tàn bạo rất tàn khốc trên lãnh thổ Ukraine,” Nausėda nói khi đến dự hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo Liên Hiệp Âu Châu hôm thứ Năm. “Nó gửi một thông điệp rất sai lầm tới cộng đồng quốc tế và cả Ukraine, những người đang đấu tranh cho tự do của mình.”

Orbán đã bị một số người ở Liên Hiệp Âu Châu chỉ trích sau khi bắt tay với Putin tại hội nghị thượng đỉnh ở Trung Quốc vào tuần trước, và tăng cường quan hệ chặt chẽ với Nga trong bối cảnh nước này xâm lược Ukraine.

Trong khi Budapest đã ký vào 11 vòng trừng phạt của Liên Hiệp Âu Châu đối với Mạc Tư Khoa, Orbán vẫn liên tục tổ chức các cuộc đàm phán và kêu gọi khối ngừng ngay việc cung cấp vũ khí cho Kyiv, đồng thời vun đắp mối quan hệ cá nhân nồng ấm với Putin. Lithuania là một trong những quốc gia ủng hộ Ukraine trung thành nhất.

Orbán nói khi bước vào hội nghị thượng đỉnh ở Brussels: “Chúng tôi luôn mở tất cả các đường dây liên lạc với người Nga, nếu không sẽ không có cơ hội cho hòa bình”. “Đây là một chiến lược - vì vậy chúng tôi tự hào về nó.”

Balázs Orbán, giám đốc chính trị của thủ tướng, cho biết nhà lãnh đạo lâu năm của Hung Gia Lợi hôm thứ Năm đã đề xuất với các nhà lãnh đạo Liên Hiệp Âu Châu việc “tổ chức một cuộc tranh luận chiến lược” về “chiến lược mới” đối với Ukraine tại cuộc họp tiếp theo vào tháng 12, đồng thời cho biết đường lối hỗ trợ Kyiv hiện tại của họ là “không hoạt động”.

Bình luận của Nausėda được đưa ra sau khi Lithuania và Hung Gia Lợi tranh cãi gay gắt về cái bắt tay vào đầu tuần này.

Theo hai nhà ngoại giao, yêu cầu được giấu tên để có thể nói chuyện thẳng thắn, tại cuộc họp của các bộ trưởng ngoại giao Liên Hiệp Âu Châu hôm thứ Hai, Bộ Trưởng Ngoại Giao Gabrielius Landsbergis của Lithuania đã hỏi Bộ Trưởng Ngoại Giao Hung Gia Lợi Péter Szijjártó, rằng liệu các yêu cầu của Budapest đối với Liên Hiệp Âu Châu đến từ chính phủ Orbán của Hung Gia Lợi hay từ chính phủ của Putin ở Điện Cẩm Linh.”

Các nhà ngoại giao cho biết, Szijjártó đã đáp trả, lập luận rằng Hung Gia Lợi không nhận lệnh từ ai.

Phát biểu với các phóng viên hôm thứ Năm, Nausėda thừa nhận Orbán “có quyền không hối hận” hoặc xin lỗi về hành động của mình.

“Nhưng tôi nghĩ điều đó thật đáng tiếc,” ông nói.

8. Hội đồng Âu Châu vạch ra kế hoạch chuyển lợi nhuận từ tài sản bị phong tỏa của Nga sang Ukraine

Hội đồng Âu Châu đã vạch ra kế hoạch thu lợi nhuận từ tài sản bị phong tỏa của Nga và chuyển hàng tỷ euro để hỗ trợ Ukraine.

Cơ quan này đã đưa ra một loạt kết luận công khai chính thức sau hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo Liên Hiệp Âu Châu.

Nga phải chịu trách nhiệm về thiệt hại to lớn do cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine gây ra. Cần có tiến bộ mang tính quyết định, phối hợp với các đối tác, về cách thức mà bất kỳ khoản thu nhập đặc biệt nào do các tổ chức tư nhân nắm giữ trực tiếp từ tài sản cố định của Nga có thể được chuyển trực tiếp sang hỗ trợ Ukraine cũng như sự phục hồi và tái thiết của nước này, phù hợp với các nghĩa vụ hợp đồng hiện hành và phù hợp với pháp luật Liên Hiệp Âu Châu và quốc tế.. Hội đồng Âu Châu kêu gọi đại diện cao cấp và ủy ban đẩy nhanh công việc nhằm gửi đề xuất.

Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban Âu Châu, Ursula von der Leyen, nhấn mạnh Liên Hiệp Âu Châu tiếp tục hỗ trợ cho Kyiv trong khi hoàn thiện gói 50 tỷ euro được đề xuất cho Ukraine.

Trong cuộc tranh luận, điều rất rõ ràng là bất chấp căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông, trọng tâm của chúng tôi vẫn là hỗ trợ Ukraine… Chúng tôi sẽ tiếp tục cung cấp vũ khí và đạn dược rất cần thiết. Chúng tôi sẽ tiếp tục cung cấp cứu trợ tài chính rất cần thiết.

Liên Hiệp Âu Châu cũng đang tham vấn các quốc gia thành viên về gói trừng phạt tiếp theo nhắm vào Nga. Khối đang đặc biệt xem xét cách cắt giảm khoản doanh thu còn lại mà Nga thu được từ việc xuất khẩu kim cương.

Bà cho biết, Ủy ban cũng sẽ nghiên cứu các kế hoạch về cách sử dụng số tiền thu được từ tài sản của Nga thông qua ngân sách Liên Hiệp Âu Châu tới Ukraine.

Trong một tin tức khác, Emmanuel Macron đã lên án cuộc gặp của Viktor Orbán với Vladimir Putin. Nhà lãnh đạo Pháp cho biết các nước thành viên Liên Hiệp Âu Châu không được làm suy yếu chính sách của họ đối với Ukraine và bất kỳ cuộc họp nào như vậy đều phải có sự phối hợp trước với các nước thành viên Liên Hiệp Âu Châu.

Ông cho biết việc gia nhập Liên Hiệp Âu Châu có nghĩa là sẽ có những “hạn chế” nhất định và không quốc gia thành viên nào nên có hành động làm suy yếu khối.

9. Không quân Pháp tăng cường cho không quân Rumani

Các chiến đấu cơ của Pháp đã bay cùng Không quân Rumani sau khi bay qua bầu trời phía trên căn cứ không quân Fetesti, khi NATO tăng cường hiện diện quân sự tại quốc gia thành viên Rumani, giáp biên giới Ukraine.

AFP đưa tin rằng sau cuộc xâm lược Ukraine của Nga vào tháng 2 năm 2022, NATO đã tăng cường khả năng phòng thủ ở sườn phía đông nam của liên minh bằng cách gửi thêm các nhóm chiến đấu cơ đến khu vực.

NATO cũng đã tăng cường các cuộc tập trận chung dọc theo sườn phía đông rộng hơn của khối phòng thủ - bao gồm 8 quốc gia thành viên - trải dài từ Estonia và Latvia giáp Nga ở phía đông đến Rumani và Bulgaria trên Hắc Hải.

Cuộc tập trận chung gần đây nhất trong khu vực - được tổ chức từ ngày 16 đến ngày 20 tháng 10 - lần đầu tiên có sự tham gia của các phi công Pháp và Rumani cùng máy bay của họ. Trung tá Rumani và phi công Lucian Tatulea cho biết: “Mặc dù lái các chiến đấu cơ khác nhau, nhưng “chúng tôi làm việc giống như người Pháp, chúng tôi hiểu nhau một cách hoàn hảo”.

Là quốc gia dẫn đầu “Sứ mệnh Aigle” của liên minh được triển khai tới Rumani, Pháp đóng vai trò là điểm liên lạc giữa Bucharest và các đồng minh khác, những nước đang tìm cách gửi quân tới quốc gia láng giềng của Ukraine. Rumani hiện có hơn 5.000 binh sĩ nước ngoài, đội quân lớn nhất ở khu vực đông nam NATO.

10. Bộ Ngoại giao Nga đã đưa ra một tuyên bố về cuộc xung đột giữa Israel và Hamas

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Nga Maria Zakharova cho biết hôm Thứ Sáu, “Chúng tôi coi các biểu hiện bạo lực dưới bất kỳ hình thức nào đối với dân thường là không thể chấp nhận được, bất kể nó thuộc về phe nào”.

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Ukraine, Oleg Nikolenko, cho biết tuyên bố của Bộ Ngoại Giao Nga là đạo đức giả. “Kể từ khi Nga phát động cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine vào tháng 2 năm 2022, Liên Hiệp Quốc cho đến nay đã ghi nhận hơn 22.000 thường dân Ukraine thương vong, trong đó có hơn 7.000 người chết, tại các khu vực của đất nước do chính phủ Kyiv kiểm soát. Nga, phủ nhận việc tấn công vào dân thường, nhưng đã và đang tấn công vào cơ sở hạ tầng năng lượng ở Ukraine.”

11. Tổng thống Ukraine cho biết hành lang xuất khẩu thay thế Hắc Hải sẽ tiếp tục hoạt động bất chấp mọi mối đe dọa.

Văn phòng tổng thống đưa tin, Volodymyr Zelenskiy đã thảo luận về hoạt động của tuyến đường cũng như bảo hiểm tàu thuyền trong cuộc điện đàm với thủ tướng Anh Rishi Sunak.

Reuters lưu ý rằng hôm thứ Năm, công ty tư vấn Barva Invest có trụ sở tại Kyiv, công ty an ninh Ambrey của Anh và một cơ quan chuyên môn, Cảng Ukraine, đã báo cáo rằng Ukraine đã đình chỉ sử dụng hành lang này sau khi có mối đe dọa từ chiến đấu cơ và thủy lôi của Nga.

Các quan chức Ukraine đã phủ nhận báo cáo của Reuters.

12. Nga chính thức bổ nhiệm người thay thế cho Tướng Quân Ngày Tận Thế

Bộ Quốc phòng Nga xác nhận việc bổ nhiệm Thượng Tướng Viktor Afzalov làm tư lệnh lực lượng hàng không vũ trụ nước này, thay thế Tướng Sergei Surovikin, là người đã bị cách chức hồi tháng 8.

Các cơ quan thông tấn nhà nước Nga RIA và Tass đã đưa tin về việc bổ nhiệm ông vào tuần trước, trích dẫn các nguồn tin thông thạo. Reuters đưa tin Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga bao gồm các nhánh trên không và không gian của lực lượng vũ trang nước này.

Afzalov, 55 tuổi, giữ chức quyền chỉ huy lực lượng hàng không vũ trụ sau khi Surovikin bị sa thải. Kyiv nói rằng Afzalov đóng vai trò trực tiếp trong việc lập kế hoạch và tiến hành “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga chống lại Ukraine.

Surovikin, được mệnh danh là “Tướng Armageddon” hay Tướng Quân Ngày Tận Thế vì sử dụng chiến thuật ném bom rải thảm khi Nga can thiệp vào cuộc nội chiến ở Syria, đã chỉ đạo một thời gian ngắn chiến dịch của Nga ở Ukraine vào năm ngoái trước khi bị giáng chức vào Tháng Giêng năm nay.

Ông trở nên nổi tiếng trong số những người chỉ trích cứng rắn đối với Bộ Quốc phòng Nga, bao gồm cả ông chủ Wagner Yevgeny Prigozhin, người đã lãnh đạo một cuộc binh biến thất bại vào ngày 24 tháng 6. Prigozhin chết trong một vụ tai nạn máy bay vào tháng 8. Surovikin, người được Prigozhin công khai khen ngợi, đã biến mất khỏi tầm nhìn của công chúng sau cuộc binh biến.

13. Thủ tướng Estonia Kaja Kallas cho biết ba sự việc dẫn đến hư hỏng đường ống dẫn khí đốt và hai tuyến cáp viễn thông giữa Estonia, Phần Lan và Thụy Điển “có liên quan”.

Cảnh sát Phần Lan dẫn đầu cuộc điều tra đường ống đã chỉ đích danh hãng vận tải container NewNew Polar Bear của Trung Quốc là nghi phạm chính trong vụ làm hỏng đường ống dẫn khí đốt Balticconnector Phần Lan-Estonia vào sáng sớm ngày 8 tháng 10.

Một mỏ neo lớn được tìm thấy gần đường ống và các nhà điều tra tin rằng đường ống đã bị vỡ khi một con tàu kéo nó qua đáy biển. Hai tuyến cáp viễn thông nối Estonia với Phần Lan và Thụy Điển cũng bị hư hỏng trong ngày 7 hay 8/10. Tallinn đang điều tra sự việc về dây cáp.

Trong trường hợp cáp Estonia-Phần Lan bị hư hỏng, người ta cũng đang tập trung vào tàu Trung Quốc, và Kallas cho biết cả ba sự việc đều có khả năng liên quan đến nhau. Cô nói: “Chúng tôi có lý do để tin rằng trường hợp của Balticconnector và cáp liên lạc có liên quan với nhau.”

Nga đã bác bỏ ý kiến cho rằng họ có liên quan, coi đó là “rác rưởi”. NATO đã tăng cường tuần tra ở Biển Baltic sau các sự việc, và Hải quân Na Uy đã theo dõi tàu NewNew Polar Bear khi nó đi qua các đường ống dẫn khí đốt quan trọng của đất nước.

Liên minh đã thành lập một trung tâm mới để bảo vệ các đường ống và dây cáp dưới biển vào tháng 6 sau một loạt vụ nổ vẫn chưa được giải quyết vào năm ngoái làm vỡ 3 trong số 4 đường ống Nord Stream vận chuyển khí đốt của Nga đến Tây Âu.
 
20 vị tử đạo bị bách hại trong Nội chiến Tây Ban Nha. Linh mục UOC trong vụ mua bán đồ cổ ở Madrid
VietCatholic Media
17:40 28/10/2023


1. Gần 1.750 thừa sai Ba Lan phục vụ tại nước ngoài

Hiện nay, có gần 1.750 thừa sai nam nữ, người Ba Lan, đang phục vụ tại 99 nước trên thế giới.

Con số trên đây được hãng tin Ekai của Công Giáo Ba Lan phổ biến, hôm 22 tháng Mười vừa qua, nhân Ngày Thế giới Truyền giáo lần thứ 97. Theo đó, đa số các thừa sai Ba Lan, tức là 688 vị hoạt động tại Nam Mỹ, nhất là tại hai nước Brazil và Á Căn Đình. Tiếp đến là tại Phi châu, với 673 vị, đứng đầu là tại Cameroon, rồi tới Zambia và Tanzania. Đứng thứ ba là tại các nước Á châu, với 301 vị, nhiều nhất là tại Kazakhstan. Ngoài ra, có 65 thừa sai đang hoạt động tại nước Papua Tân Guinea, thuộc Úc châu.

Hãng tin Ekai nói rằng rất tiếc là con số các thừa sai Ba Lan ngày càng giảm bớt với thời gian. Các cộng đoàn đan tu chủ yếu muốn duy trì các cơ sở ở các xứ truyền giáo và ít khi mở các nhiệm sở mới.

Cả con số thừa sai giáo dân Ba Lan cũng giảm bớt: trong thập niên vừa qua, con số các thừa sai từ Ba Lan giảm khoảng 200 người, vì qua đời, bệnh tật, hoặc cần trở về quê hương vì tuổi già; con số này trong năm ngoái là 47 người.

Trong năm ngoái, 2022, Trung tâm huấn luyện Thừa sai của Ba Lan đào tạo 9 thừa sai, so với 20 tới 30 người trong quá khứ. Phần lớn những người ra đi truyền giáo là người trẻ, tuổi trung bình là 35. Trong số gần 1.750 thừa sai Ba Lan tại nước ngoài hiện nay, có quá một nửa, tức là 787 người do các dòng tu gửi đi, đứng đầu là dòng Ngôi Lời, rồi Phanxicô, và Pallotine. Trong số 629 nữ tu thừa sai Ba Lan hiện thời, đứng đầu là Dòng Phan Sinh Thừa sai Đức Mẹ, FMM. Tiếp đến là Dòng Nữ Tỳ Thánh Linh, rồi Dòng thánh Elisabeth. Ngoài ra, có 287 linh mục giáo phận và 40 giáo dân thừa sai.

Có 532 linh mục, 37 tu huynh và 213 nữ tu Ba Lan hoạt động tại các nước cựu Liên Xô, phần lớn ở Ukraine với 272 linh mục, 21 tu huynh và 89 nữ tu. Đây là những con số thống kê trước khi chiến tranh giữa Ukraine và Nga bùng nổ. Đứng thứ hai là tại Nga, có 91 linh mục, 7 tu huynh và 50 nữ tu hoạt động tại Nga. 67 linh mục và 3 tu huynh tại Belarus.

Sau cùng, có 26 thừa sai Ba Lan là giám mục, trong đó có 12 vị ở Mỹ châu Latinh, 6 tại Phi châu, 4 tại Úc châu, và 2 tại Á châu và Bắc Mỹ.

2. 20 vị tử đạo bị bách hại trong Nội chiến Tây Ban Nha sẽ được phong chân phước

Vào ngày 18 tháng 11, Tổng Giáo phận Seville sẽ cử hành lễ phong chân phước cho 20 vị tử đạo trong cuộc đàn áp tôn giáo có hệ thống được thực hiện trong Nội chiến Tây Ban Nha 1936-1939.

20 vị tử đạo sẽ được phong chân phước tại nhà thờ Seville bởi Bộ trưởng Bộ Phong Thánh, Đức Hồng Y Marcello Semeraro, bao gồm 10 linh mục, một chủng sinh và chín giáo dân. Tất cả đều bị giết vì lòng căm thù đức tin vào năm 1936.

Các linh mục tử đạo là các cha Manuel González-Serna, Francisco de Asís Arias, Miguel Borrero, Mariano Caballero, Pedro Carballo, Juan María Coca, Antonio Jesús Díaz, Rafael Machuca, Salvador Lobato Pérez và José Vigil.

Enrique Palacios là chủng sinh. Các giáo dân là María Dolores Sobrino, Agustín Alcalá, Mariano López-Cepero, Gabriel López-Cepero, Cristóbal Pérez, Manuel Palacios, José María Rojas, Manuel Luque và Rafael Lobato.

Người phụ nữ giáo dân duy nhất là một bà nội trợ làm việc cho giáo xứ. Trong số những giáo dân khác có luật sư, chủ đất, dược sĩ, ông từ giữ nhà thờ và thợ mộc. Một trong số họ có một người con trai là chủng sinh.

Trong số các linh mục, nhiều người đã phải chịu đựng làn sóng chống giáo hội bạo lực trước khi nội chiến bùng nổ. Một số là nhà giáo dục, những người khác chứng kiến nhà thờ của họ bị đốt cháy.

Đức Tổng Giám Mục Seville, José Ángel Saiz Meneses, giải thích trong một cuộc họp báo công bố lễ phong chân phước sắp tới rằng “sự thật là chúng ta được mời gọi sống trong bầu không khí đức tin, trên hết, để tạ ơn Chúa vì chứng tá cho những anh em nà. của chúng ta.”

Đức Tổng Giám Mục Saiz nhắc lại sự ngưỡng mộ mà lời chứng của hơn 10.000 tu sĩ bị giết ở Tây Ban Nha đã truyền cảm hứng cho nhà văn người Pháp Paul Claudel, người đã nói: “Rất nhiều vị tử đạo và không có một trường hợp bội giáo nào!”

Trích dẫn lời Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI, vị Giám Mục nói rằng “nhờ đức tin, các vị tử đạo đã hiến mạng sống mình như một chứng tá cho sự thật của Tin Mừng đã biến đổi họ và khiến họ có khả năng đạt được món quà tình yêu cao cả nhất với sự tha thứ của họ cho những kẻ bắt bớ.”

Đức Tổng Giám Mục Seville cũng bày tỏ mong muốn rằng việc phong chân phước cho 20 vị tử đạo này “là một dịp ân sủng làm sống lại đức tin của các cộng đồng Kitô giáo của chúng ta, biến họ thành nơi của công lý, tình yêu và hòa bình, cũng như của sự chung sống và hòa giải vì các vị tử đạo là một sự phong phú về mặt tinh thần cho mọi người.”

Vị Giám Mục cầu xin “ân sủng và niềm vui hoán cải để đảm nhận những đòi hỏi của đức tin” và rằng, “nhờ sự chuyển cầu của các vị tử đạo và của Đức Maria Rất Thánh, Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo, chúng ta có thể trở thành kiến trúc sư của sự hòa giải trong xã hội và sự hiệp thông trong nhà thờ.”

Đức Tổng Giám Mục Saiz nhấn mạnh rằng các vị tử đạo “đã chết để tha thứ cho những người đã cướp đi mạng sống của họ” và do đó “họ là một tấm gương tuyệt vời cho chúng ta, những người chắc chắn sẽ không rơi vào hoàn cảnh phải hy sinh sự sống thể xác như họ - có lẽ chúng ta sẽ làm vậy, nhưng có lẽ là không - nhưng chúng ta được mời gọi sống chiều kích tử đạo của đời sống Kitô hữu bởi vì ‘tử đạo’ có nghĩa là ‘chứng nhân’”.

Sau đó, Đức Tổng Giám Mục giải thích cách thức có thể sống chiều kích tử đạo này: “Với một đời sống Kitô hữu đích thực khao khát sự thánh thiện, khao khát sự tuân phục hoàn toàn, khao khát sống tình yêu của Thiên Chúa và người khác đến mức hiến mạng sống mình nếu cần thiết.”

Một loạt các sự kiện đã được lên kế hoạch xung quanh việc phong chân phước cho các vị tử đạo. Vào ngày 10 tháng 11, Giám Mục Phụ Tá của Seville, Đức Cha Teodoro León, sẽ tổ chức một cuộc hội thảo cùng với giáo sư lịch sử José Leonardo Ruiz. Cùng ngày hôm đó, một buổi cầu nguyện sẽ diễn ra tại nhà thờ chính tòa.

Vào ngày 17 tháng 11, trước ngày phong chân phước, sẽ có buổi cầu nguyện tại Chủng viện Thành phố Seville. Từ ngày 19 đến ngày 26 tháng 11, các giáo xứ của các tân chân phước sẽ cử hành Thánh lễ tạ ơn.


Source:Catholic News Agency

3. Tai tiếng trầm trọng: linh mục thuộc Giáo Hội Chính thống Ukraine trực thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa bán đồ cổ ăn cắp, bị bắt

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Ukraine's Lost Ancient Gold Jewelry Mystery Solved: Police”, nghĩa là “Cảnh sát cho biết: Bí ẩn đồ trang sức cổ bằng vàng bị mất ở Ukraine đã được giải đáp.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Đồ trang sức cổ trị giá hàng triệu đô la bị đánh cắp từ Ukraine đã được tìm thấy ở Tây Ban Nha.

Theo Bộ Nội vụ Tây Ban Nha, 11 món đồ trang sức bằng vàng Đông Phương-Scythia có niên đại từ thế kỷ thứ 8 đến thế kỷ thứ 4 trước Chúa Giáng Sinh, đã được tìm thấy.

Kho báu cổ xưa được cho là trị giá khoảng 60 triệu euro, tương đương khoảng 64 triệu Mỹ Kim.

Năm người đã bị cảnh sát Tây Ban Nha bắt giữ vì tội trộm đồ cổ, trong khuôn khổ hoạt động hợp tác với Cơ quan An ninh Ukraine. Ba trong số họ là người Tây Ban Nha, trong khi hai người còn lại đến từ Ukraine, một trong hai người là linh mục của Giáo Hội Chính thống Ukraine trực thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa, gọi tắt là UOC.

Đồ trang sức bằng vàng thu hút sự chú ý của các nhà điều tra sau khi một công dân Ukraine ở Madrid cố gắng bán nó, việc này vì tầm quan trọng về mặt văn hóa và tuổi tác của nó nên không thể thực hiện được thông qua các kênh hợp pháp như các nhà đấu giá. Đồ trang sức kèm theo các tài liệu bằng tiếng Ukraine, tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha nói rằng nó thuộc về UOC.

Các nhà điều tra đã thu giữ một trong những mảnh kho báu vào năm 2021, đó là một chiếc thắt lưng vàng được trang trí bằng đầu cừu đực. Hình ảnh các món đồ khác do chính quyền Tây Ban Nha cung cấp cho thấy chúng bao gồm dây chuyền, vòng tay và hoa tai bằng vàng tinh xảo.

Các nhà điều tra phát hiện ra rằng món đồ trang sức này đã được trưng bày trong một bảo tàng ở Kyiv từ năm 2009 đến năm 2013, sau đó nó thuộc quyền sở hữu của một linh mục Chính thống giáo, một trong những kẻ chủ mưu của âm mưu này, người đã làm giả giấy tờ sở hữu. Số trang sức này sau đó đã được tuồn lậu ra khỏi Ukraine trước tháng 5 năm 2016 và được bán trái phép ở Madrid.

Mười món đồ trang sức còn lại đã được các nhà điều tra thu hồi trong những tháng gần đây và hiện đang được nghiên cứu tại Bảo tàng Khảo cổ Quốc gia và Viện Di sản Văn hóa Tây Ban Nha, cả hai đều ở Madrid.

Người Scythia là những người du mục sống khắp Đông Âu và Á Châu, có kỹ năng gia công kim loại vượt trội, với khả năng chế tạo đồ trang sức tinh xảo, chẳng hạn như đồ trang sức được cảnh sát Tây Ban Nha thu hồi.

Thuật ngữ nghệ thuật Greco-Scythian bao gồm sự kết hợp của các loại đồ vật du mục truyền thống với phong cách trang trí cổ điển, tự nhiên. Những đồ kim loại như vậy đến từ những ngôi mộ ưu tú ở khu vực miền trung Dnipro và phía bắc Hắc Hải của Ukraine.


Source:Newsweek