Ngày 24-10-2023
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 25/10: Hình ảnh người quản gia của Chúa – Thầy Phanxicô Xavie Cao Văn Trí, CP.
VietCatholic Media
02:50 24/10/2023

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.

Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Anh em hãy biết điều này: nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, hẳn ông đã không để nó khoét vách nhà mình đâu. Anh em cũng vậy, hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến.”

Bấy giờ ông Phê-rô hỏi: “Lạy Chúa, Chúa nói dụ ngôn này cho chúng con hay cho tất cả mọi người?” Chúa đáp: “Vậy thì ai là người quản gia trung tín, khôn ngoan, mà ông chủ sẽ đặt lên coi sóc kẻ ăn người ở, để cấp phát phần thóc gạo đúng giờ đúng lúc? Khi chủ về mà thấy đầy tớ ấy đang làm như vậy, thì thật là phúc cho anh ta. Thầy bảo thật anh em, ông sẽ đặt anh ta lên coi sóc tất cả tài sản của mình. Nhưng nếu người đầy tớ ấy nghĩ bụng: ‘Còn lâu chủ ta mới về’, và bắt đầu đánh đập tôi trai tớ gái và chè chén say sưa, chủ của tên đầy tớ ấy sẽ đến vào ngày hắn không ngờ, vào giờ hắn không biết, và ông sẽ loại hắn ra, bắt phải chung số phận với những tên thất tín.

“Đầy tớ nào đã biết ý chủ mà không chuẩn bị sẵn sàng, hoặc không làm theo ý chủ, thì sẽ bị đòn nhiều. Còn kẻ không biết ý chủ mà làm những chuyện đáng phạt, thì sẽ bị đòn ít. Hễ ai đã được cho nhiều thì sẽ bị đòi nhiều, và ai được giao phó nhiều thì sẽ bị đòi hỏi nhiều hơn.”

Đó là lời Chúa
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
03:51 24/10/2023

34. Duy chỉ có các trinh nữ mới nhọc lòng lo nghĩ đến việc Thiên Chúa.

(Thánh Antonius)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


--------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
03:56 24/10/2023
82. BỐN HẾT CỦA NGƯ HOẰNG

Ngư Hoằng người Lương thời nam triều, tính rất là khoác lác, vợ lẽ phục vụ hơn một trăm người, đi chơi có xe cộ phục dịch lúc nào cũng đều đi trước.

Ông ta đã đảm nhận qua chức vụ thái thú ở các quận Nam Tiều, Cánh Lăng, Vĩnh Ninh và Tân Hưng, có lần mặt dày không biết xấu hổ nói với mọi người rằng:

- “Ta làm thái thú có một cái đặc sắc đều là vì 4 hết: hết cá và ba ba trong nước, hết nai trong núi, hết gạo và ngũ cốc trong ruộng, hết dân trong thôn”.

(Cổ kim tiếu sử)

Suy tư 82:

Làm quan là để làm việc ích nước lợi dân, làm quan là để giúp dân càng ngày càng giàu có hạnh phúc, chứ nếu làm quan mà cái gì của dân cũng vơ vét cho mình thì đúng là “quan hại”.

Cá và ba ba trong hồ hết là vì quan độc quyền đánh bắt, nai trong núi không còn vì quan cấm dân săn bắn chỉ mình quan khai thác, gạo và ngũ cốc trong ruộng hết là vì quan bán đất của dân để xây dựng chổ ăn chơi trác táng để kiếm tiền, dân trong thôn hết vì quan không chăm lo cho dân, bắt ép dân thủ tục này thủ tục nọ nên dân bỏ đi hết…

Người Ki-tô hữu là dân được tuyển chọn để làm cho danh Cha cả sáng ở trần gian này, cho nên đi đến đâu họ cũng đều từ cái hết làm cho có: người hết tình thương thì họ làm cho có tình thương bằng cách yêu thương người như chính mình, người hết cơm ăn áo mặc thì họ tương trợ giúp đỡ, người hết tình cảm bạn bè thì họ trở thành người bạn tốt…

Tại tiệc cưới Ca-na Đức Chúa Giê-su đã làm cho có rượu khi tiệc hết rượu khiến cho mọi người hân hoan, hôm nay Đức Chúa Giê-su vẫn tiếp tục từ nơi chúng ta –người Ki-tô hữu- làm cho có những cái đã hết nơi người anh em chị em bất hạnh, đó chính là cách để cho mọi người nhận ra Đức Chúa Giê-su đang hoạt động nơi chúng ta vậy.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Những lần thăm của ân sủng
Lm. Minh Anh
15:04 24/10/2023

NHỮNG LẦN THĂM CỦA ÂN SỦNG
“Nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, hẳn ông đã không để nó khoét vách nhà mình”.

Kính thưa Anh Chị em,

Sẽ khá bất ngờ khi chúng ta nói đến ‘những lần thăm của ân sủng’ nhân việc Chúa Giêsu gợi lên hình ảnh ‘trộm viếng đêm khuya’ qua Tin Mừng hôm nay, “Nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, hẳn ông đã không để nó khoét vách nhà mình”.

Tiếp nối dụ ngôn chủ nhà đi ăn cưới về bất chợt giữa đêm, Chúa Giêsu tiếp tục dạy chúng ta tỉnh thức vì không biết giờ nào, ngày nào, Ngài đến. Ngài đã đến với nhân loại lần thứ nhất vào đêm Giáng Sinh; sẽ đến với nó lần hai vào ngày thế mạt; giữa hai lần đó, Ngài liên tục đến với chúng ta qua ‘những lần thăm của ân sủng!’.

Chúa Giêsu đến với chúng ta hằng giây, hằng phút trong ngày sống của mỗi người! Trước hết, khi bạn và tôi cầu nguyện, thờ phượng và lắng nghe Ngài. Những lần thăm này đang diễn ra trên các bàn thờ khi chúng ta tham dự Thánh Lễ hoặc các Bí tích. Mỗi lần như thế, chúng ta hưởng nhận ân sủng cách này, cách khác. Chẳng hạn, Bí tích Hoà Giải, qua đó, Chúa Giêsu tha thứ và chữa lành; Bí tích Thêm Sức, Ngài ban Thánh Thần và sai đi. Những lần thăm này được gọi là ‘những lần thăm của ân sủng!’. Chúng còn diễn ra trong cuộc sống thường ngày, khi chúng ta gặp gỡ tha nhân với ý thức rằng, chính trong những anh chị em này, Ngài đang sống, đang hoạt động!

Qua thư Rôma hôm nay, Phaolô nói đến một cảm thức khác về cuộc viếng thăm lâu dài của ân sủng sâu sắc nhất. Ân sủng lớn nhất của Chúa Kitô là phù hộ và cứu thoát chúng ta khỏi vòng nô lệ tội lỗi, “Tội lỗi sẽ không còn quyền chi đối với anh em, vì anh em không còn lệ thuộc vào Lề Luật, nhưng lệ thuộc vào ân sủng”. Thánh Vịnh đáp ca thật thâm trầm, “Ta được phù hộ là nhờ danh thánh Chúa!”.

Suối nguồn ân sủng Giêsu như dòng suối đi tìm con người; suối lượn lờ, va đập, gõ vào tim chúng ta đêm ngày. Ngài mong chúng ta mở ngay cửa cho Ngài ùa vào, ‘dùng bữa’ tối với chúng ta. Ở đây, ngạc nhiên thay! Cuộc đón tiếp lại đổi vai. Không phải chúng ta đón Chúa Giêsu; nhưng chính Ngài đón lấy chúng ta, ôm ấp và rửa sạch chúng ta. Ngài đã nói, “Chủ sẽ thắt lưng, xếp họ vào bàn ăn, và đi lại hầu hạ họ”.

Ngày kia, Gerald Ford đến thăm Đại Học Northeastern State. Khi ông chuẩn bị điểm tâm với một số đại diện sinh viên, thì một trong các nữ sinh vướng vào thảm cỏ, đâm sầm vào ông. Cô liên tục xin lỗi khi Tổng thống giúp cô đứng lên. Ông mỉm cười thông cảm và nói nhỏ vào tai cô, “Đừng sợ; tôi hoàn toàn hiểu!”.

Anh Chị em,

“Đừng sợ; tôi hoàn toàn hiểu!”. Đó cũng là những gì Chúa Giêsu đang thì thầm với bạn và tôi. Ngài không chỉ mong chúng ta vờ đâm sầm Ngài, Ngài thực sự ước mong điều đó! Ngài muốn chúng ta ôm chầm Ngài thật và vòng tay Ngài luôn dang rộng, đón lấy và tung chúng ta lên, quay chúng ta như đứa con yêu. Và còn hơn thế nữa, Ngài cũng muốn đâm sầm vào bạn và tôi! Đừng ngạc nhiên! Phải! Một đôi khi trong cuộc sống, Ngài đã đâm sầm vào chúng ta, có khi trìu mến khiến chúng ta ngây ngất; có khi mạnh bạo khiến chúng ta tưởng như không sống nổi… dưới bất cứ hình thức nào, kể cả sự chết! Với Ngài, những đâm sầm ấy là ‘những lần thăm của ân sủng!’.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, để biến đổi con, hãy cứ đâm sầm vào con! Cho con mạnh dạn đâm sầm vào Chúa; những cú đâm sầm của ân sủng!”, Amen.

(Tgp. Huế)


 
Điều răn lớn nhất
Lm. Thái Nguyên
23:51 24/10/2023

Xem Video


ĐIỀU RĂN LỚN NHẤT
Chúa Nhật 30 Thường Niên năm A : Mt 22, 34-40

Suy niệm

Luật Cựu Ước gồm 613 điều: 365 điều cấm làm và 248 điều phải làm. Giữa một rừng điều răn như thế, người thông luật đã hỏi Đức Giêsu: “Điều răn nào trọng nhất trong Luật Môsê?”. Ngài đã trả lời bằng một câu trong kinh Shema mà người Do thái đọc mỗi ngày, và một câu trong Sách Thứ luật là: phải yêu mến Thiên Chúa hết mình (Tl 6, 5), và yêu thương tha nhân như chính mình. (x. Lv 19, 18). Tất cả mọi điều răn được tóm trong một động từ “Yêu”. Tình yêu là cốt lõi của đời Kitô hữu, vì Thiên Chúa là Tình Yêu (x. 1 Ga 4,8).

Yêu và được yêu là nhu cầu tối hảo chi phối toàn diện đời sống làm người. Nơi mỗi người chỉ có một tình yêu duy nhất dành cho cả Thiên Chúa và cho mọi người. Sự tóm gọn này xuất hiện rõ rệt nơi thánh Gioan, là chuyên gia nói về “yêu”, mà thường không phân biệt đâu là yêu Thiên Chúa và đâu là yêu tha nhân. Tình yêu mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân trong chúng ta đã hòa quyện nên một Vì thế, không thể yêu mến Thiên Chúa mà không yêu thương tha nhân, “vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy.” (1Ga 4, 20).

Ai cũng muốn yêu và muốn được yêu, nhưng mấy ai đã tập yêu và biết yêu? Yêu là bước vào một khung trời bao la luôn tươi mới, là mở ra một chặng đường dài trong sự dấn thân và không ngừng chinh phục chính mình. Đó là điều ít ai ý thức được nên thường lầm lạc và gây vấp phạm khi yêu. Chúng ta chẳng bao giờ thấy mình có thể yêu cho đủ, vì tình yêu vẫn luôn vẫy gọi ở phía trước, và đưa bước ta đi qua những nẻo đường luôn mới lạ. Giới hạn tình yêu là bóp chết tình yêu.

Đối với Kitô hữu, tiếp nhận Thiên Chúa và tiếp nhận tha nhân cũng như nhau (x. Mt 10, 40). Càng yêu thương tha nhân càng chứng tỏ mình yêu mến Thiên Chúa. Làm ơn cho tha nhân là làm cho chính Chúa. Mình với Chúa và tha nhân là một trong nhau, hay nói cách khác là Ba trong Một. Tình yêu Chúa mời ta mở lòng ra để đón nhận những tư duy mới, các khả năng mới như một cách thức của Lời Chúa. Khép kín trước thực tại hay bất cứ ai, là khép kín khả năng có thể tái sinh chính mình. Không thể rút lui khỏi cuộc đời để đi tìm kiếm Chúa.

Cần nghe tiếng Chúa nơi tiếng người khác, thấy bóng dáng Chúa nơi anh em, biết ý Chúa qua ý người bên cạnh, phục vụ Chúa bằng phục vụ tha nhân, sống với Chúa qua việc sống với mọi người. Chính nơi mỗi người, dù với diện mạo tầm thường và tính cách hèn kém, Thiên Chúa vẫn luôn có thể tỏ lộ cho ta huyền nhiệm của Ngài. Ta nên kính trọng và tập nhìn mọi người anh em bằng con mắt đức tin, để cảm nhận sự hiện diện của Chúa đang sống động trong từng người, và Ngài luôn có những điều muốn nói với ta trong mọi hoàn cảnh.

Người ta tìm thấy trong trang nhật ký cuối cùng của một vị tu sĩ già khi qua đời như sau: “Tôi đi tìm kiếm linh hồn tôi, nhưng tôi không thấy. Tôi đi tìm Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa vượt khỏi tầm tay tôi. Tôi đi tìm người anh em tôi, tôi đã gặp Chúa và linh hồn tôi”. Qua đó ta hiểu được khi từ chối tha nhân cũng là từ chối Thiên Chúa. Con người không thể gặp gỡ và yêu mến Thiên Chúa một cách mơ hồ, mà là nơi chính tha nhân. Thiên Chúa và tha nhân hòa hợp làm một trong cõi lòng ta. Ta yêu tha nhân trong Chúa, và yêu Chúa nơi tha nhân. Cầu nguyện là đặt mình trong Chúa để có thể yêu tha nhân đến vô cùng.

Trong Chúa, ta nhận ra tha nhân là anh em con một Cha, là hình ảnh Đức Kitô đang lê bước trong đời. Trong Chúa, ta nhận ra phẩm giá của một người, dù đó là một thai nhi, một phạm nhân hay người mất trí. Tình yêu mến Chúa đích thực luôn đưa ta đến với cuộc sống của anh em. Tình yêu thương anh em chân thực lại đưa ta đến bên Chúa, để kín múc nơi Ngài nguồn sinh lực hầu tiếp tục hiến trao. Cuối cùng tình yêu ấy quay trở về với chính Thiên Chúa như cùng đích tối hậu của nó, và như vậy phát sinh sự “hợp nhất” toàn hảo, mà Đức Kitô đã thực hiện giữa Thiên Chúa, chính Ngài và các kẻ tin (x. Ga 17, 21...).

Tóm lại, trong Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa và tha nhân đã hòa quyện làm một trong trái tim tôi. Yêu là ra khỏi cái tôi đóng kín và có khả năng cho đi chính mình. Con đường tình yêu là con đường dành cho những người thánh thiện, dám đặt Chúa lên trên hết, và dám cúi xuống để phục vụ anh chị em. Tình yêu đích thực biến tha nhân thành “một nửa của hồn tôi”. Tình yêu ấy làm cho chúng ta nên giống Đức Kitô, Đấng “yêu mến các kẻ thuộc về Ngài cho đến cùng” (Ga 13, 1).

Cầu nguyện

Lạy Thiên Chúa là Cha!
Cha đã yêu con trước từ muôn thuở,
đến bây giờ muôn kiếp chẳng hề vơi,
dù can qua hay vật đổi sao dời,
tình Cha vẫn rạng ngời cao sáng mãi,
cho con luôn hy vọng ở ngày mai.
Ngày hôm nay Cha gọi con vào đời,
không phải để làm được những điều chi,
mà là để con sống một cuộc tình,
là cuộc tình của chính Chúa Giê-su,
vì yêu thương nhân loại đã hiến mình.
Ai cũng thích yêu và muốn được yêu,
bởi vì là hạnh phúc của đời người,
con chưa thể nói được mình biết yêu,
nếu như con đã chưa từng được yêu.
Nhưng nếu như đời con muốn được yêu,
con cần phải trở nên thật đáng yêu,
để được yêu và biết yêu hơn nữa,
chứ không thể lần lữa hay chần chừ.
Xin dạy con mở rộng trái tim mình,
yêu cuộc đời yêu vạn vật khắp nơi,
yêu tha nhân như Chúa đã gọi mời,
yêu cao vời như Chúa đã yêu con.
Con chẳng thể làm được việc lớn lao,
như bao người có tài cao đức trọng,
cũng chẳng dám mơ cao hay ước rộng,
chỉ biết làm điều nho nhỏ Chúa mong.
Đó chính là tha thiết sống tình yêu,
để con được dâng hiến Chúa thật nhiều,
là điều mà đời con luôn còn thiếu,
nên con chưa giống Chúa được bao nhiêu,
xin cho con một tình mến cao siêu,
để mai ngày đạt tới phúc thiên triều. Amen.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Thượng Hội đồng ngày 23 tháng 10: Cha Radcliffe so sánh năm tháng giữa các kỳ họp Thượng Hội đồng với việc mang thai; Đức Hồng Y Schönborn phát biểu
Vũ Văn An
13:32 24/10/2023

Bản tin ngày 24 tháng 10 năm 2023 của Hãng tin Catholic World News tường trình: ngày 23 tháng 10, vào đầu tuần cuối cùng của kỳ họp đầu tiên của Phiên họp thường lệ lần thứ 16 của Thượng Hội đồng Giám mục, những người tham gia đã tập trung dâng Thánh lễ tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô. Đức Hồng Y Charles Maung Bo của Yangon (Myanmar), chủ tịch Liên Hội đồng Giám mục Châu Á (FABC), là chủ tế và giảng lễ chính.



Đức Hồng Y Bo giảng: “Lòng tham của con người đã gây ra những vết thương sâu sắc trên hành tinh của chúng ta và tước đi phẩm giá của hàng triệu người, như Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nhấn mạnh trong các tài liệu quan trọng gần đây của ngài. Những văn kiện này kêu gọi sự hòa giải ba mặt để cứu nhân loại và hành tinh: Hòa giải với Thiên Chúa (Evangelii Gaudium), Hòa giải với thiên nhiên (Laudato Si’), và Hòa giải với nhau trong Fratelli Tutti.”

Ngài nói tiếp: “Hành trình thượng hội đồng của chúng ta là chữa lành và hòa giải thế giới trong công lý và hòa bình”. Mở rộng khái niệm về tính đồng nghị vượt ra ngoài Giáo hội đến với thế giới, vị giáo phẩm nói rằng “cách duy nhất để cứu nhân loại và tạo ra một thế giới hy vọng, hòa bình và công lý là thông qua tính đồng nghị hoàn cầu của tất cả mọi người”.

Nói về tình trạng thảm khốc của các tín hữu ở Myanmar có đa số theo đạo Phật sau cuộc đảo chính quân sự năm 2021, Đức Hồng Y Bo nói thêm:

“Không nơi nào ở Châu Á mà hành trình đức tin Kitô giáo gặp nhiều thử thách hơn ở My-anmar. Đàn chiên nhỏ bé của chúng tôi hiện đang bị phân tán do cả thiên tai lẫn khủng hoảng do con người gây ra, gây ra những khủng hoảng đa chiều và đau khổ vô cùng. Người dân của chúng tôi đang trong một cuộc Xuất Hành. Những ngôi nhà đã biến mất, và các nhà thờ phải gánh chịu gánh nặng của sự tàn ác, và Đàng Thánh Giá là một thực tế đau đớn ở nhiều nơi ở Châu Á.

“Tuy nhiên, giống như những người phụ nữ trung thành đã theo Chúa Giêsu trên Con đường Thập giá, Giáo hội ở Myanmar và Châu Á đầu tư vào niềm hy vọng hòa giải. Chúng tôi tiếp tục hành trình Thượng Hội đồng đầy nước mắt của mình, tin rằng, giống như những người phụ nữ đó, chúng tôi sẽ thấy mọi vết thương được chữa lành, và một bình minh mới của hy vọng, hòa bình và công lý sẽ tỏa sáng trên mọi quốc gia đau khổ lâu dài. Chúng ta cầu xin để Giáo Hội Công Giáo, dưới sự lãnh đạo của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, sẽ đưa toàn thể gia đình nhân loại vào cuộc hành trình lâu dài để chữa lành thế giới và hành tinh của chúng ta, cuối cùng dẫn chúng ta đến trời mới và đất mới”.

Suy tư thiêng liêng: mang thai và gieo hạt

Sau đó, những người tham gia Thượng Hội đồng đã tập trung tại Khán phòng Phaolô VI để lắng nghe “nhập lượng thiêng liêng” do Cha Timothy Radcliffe, OP; “những hiểu biết tâm linh sâu sắc” của Nữ tu Maria Grazia Angelini, OSB; và việc trình bày báo cáo tổng hợp của Thượng Hội đồng bởi Cha Ormond Rush, một nhà thần học người Úc. 350 trong số 364 thành viên bỏ phiếu của Thượng Hội đồng đã tham dự—cao hơn đáng kể so với con số 310 người tham dự hai ngày trước đó.

Trong nhập lượng thiêng liêng của mình, có tựa đề “Hạt giống nảy mầm”, Cha Radcliffe đã so sánh những tháng giữa phiên họp đầu tiên của Thượng hội đồng (tháng 10 năm 2023) và phiên họp thứ hai của Thượng hội đồng (tháng 10 năm 2024) với một thai kỳ.

Trong 11 tháng sắp tới, “nếu chúng ta giữ tâm trí và trái tim mình rộng mở với mọi người, với những người mà chúng ta đã gặp ở đây, dễ bị tổn thương trước những hy vọng và nỗi sợ hãi của họ, thì lời nói của họ sẽ nảy mầm trong cuộc sống của chúng ta và lời nói của chúng ta sẽ nẩy mầm trong cuộc sống của họ,” Cha Radcliffe nói. “Sẽ có một vụ mùa bội thu, một sự thật trọn vẹn hơn. Khi đó Giáo hội sẽ được đổi mới.”

Tầm nhìn tâm linh sâu sắc của Nữ tu Angelini có tựa đề là “Kể dụ ngôn thay vì đưa ra những lời tuyên bố”. Nữ tu Angelini đề nghị rằng Thượng Hội đồng nên được giải thích dưới ánh sáng dụ ngôn của Chúa Kitô về một hạt giống nhỏ mọc lên thành một cây lớn:

“Như thế, dụ ngôn cho chúng ta ngôn ngữ để giải thích hành trình của tháng gieo hạt này. Ngày nay - trong một nền văn hóa phấn đấu giành quyền tối cao, lợi nhuận và đồ đệ, hoặc trốn tránh - việc kiên nhẫn gieo trồng của Thượng hội đồng này, tự nó, giống như một hành động mang tính lật đổ và cách mạng sâu sắc. Theo luận lý của những hạt giống nhỏ nhất chìm xuống đất. Vì vậy, đối với tôi, Thượng hội đồng dường như nhận thấy mình được kêu gọi dám gieo hạt tổng hợp, mở ra con đường hướng tới cải cách—hình thức mới—, mà cuộc sống đòi hỏi. Đó là vấn đề nắm bắt – trong số rất nhiều chữ được nghe – ‘điều nhỏ nhất’, tràn đầy tương lai, và dám tưởng tượng làm thế nào để mang nó đến trái đất, khiến nó trưởng thành và trở thành một nơi hiếu khách”.

Nữ tu Angelini cũng kêu gọi “việc đào tạo lương tâm của những người đã được rửa tội” đồng thời “tách rời công việc mục vụ khỏi bất cứ viễn ảnh nào có tính thống kê, duy hiệu năng, thủ tục nào được thiết lập như một hệ thống”.

Bà kết luận, “Tôi cầu xin để Thượng Hội đồng này sẽ tiếp nhận nghệ thuật kể chuyện mới, sự khiêm nhường triệt để của những người học cách thừa nhận sự nên giống Vương quốc trong những động lực chân thật nhất, sống động nhất của con người, của những mối dây đệ nhất đẳng, của cuộc sống đang diễn ra một cách huyền bí trong mọi thế giới và lĩnh vực hiện hữu của con người, trong một sự hòa hợp tiềm ẩn đáng ngưỡng mộ. Với sự kiên nhẫn như vậy. Khả năng nhìn xuyên màn đêm.”

Cha Rush giải thích Dei Verbum một cách có chọn lọc

“Tôi có ấn tượng rằng một số bạn đang lao đao với khái niệm truyền thống, dưới ánh sáng tình yêu của các bạn dành cho sự thật,” Cha Rush nói ở đầu bài diễn văn của ngài. “Các bạn không phải là những người đầu tiên lao đao với điều này. Đó là một điểm thảo luận chính tại Công đồng Vatican II.”

Trích dẫn cuốn Theological Highlights of Vatican II [Những Điểm Nổi bật về Thần học của Vatican II] của Cha Joseph Ratzinger, được xuất bản lần đầu vào năm 1966, Cha Rush đối chiếu cách tiếp cận “tĩnh” và “động” với truyền thống: cách tiếp cận trước thuần túy mang tính định đề [propositional], cách tiếp cận sau thấm đẫm ý nghĩa lịch sử hơn.

Sau đó, Cha Rush đưa ra lời giải thích bản thân (và có tính chọn lọc cao) về Dei Verbum, Hiến chế Tín lý về Mặc khải của Thiên Chúa của Công đồng Vatican II. Nhà thần học người Úc nói:

“Trong Dei Verbum – và điều này rất quan trọng để hiểu tính đồng nghị và chính mục đích của Thượng Hội đồng này – sự mặc khải thần linh này được trình bày như một cuộc gặp gỡ đang diễn ra trong hiện tại, chứ không chỉ là một điều gì đó đã xảy ra trong quá khứ. Biến cố Thiên Chúa tự mạc khải (luôn luôn trong Chúa Kitô, qua Chúa Thánh Thần) và việc Thiên Chúa cung ứng mối liên hệ, tiếp tục là một thực tại sống động ở đây và bây giờ. Điều đó không có nghĩa là có một sự mặc khải mới nào đó về Thiên Chúa là ai. Tuy nhiên, cùng một Thiên Chúa, trong cùng một Chúa Giêsu Kitô, qua sự soi sáng và ban sức mạnh của cùng một Chúa Thánh Thần, luôn gắn bó và đối thoại với con người trong cái mới luôn luôn ở đây và bây giờ của lịch sử không ngừng đưa nhân loại vào những tri nhận mới, những câu hỏi mới và những hiểu biết thông sáng mới, trong các nền văn hóa và địa điểm đa dạng, khi Giáo Hội-thế giới qua thời gian tiến vào một tương lai không ai biết cho đến thời cánh chung [eschaton].

Sau khi trích dẫn một phần từ Dei Verbum 8—Cha Rush đã không trích dẫn các Nghị phụ Công đồng khi các ngài dạy rằng “Các Tông đồ, truyền lại những gì chính họ đã nhận được, cảnh cáo các tín hữu hãy giữ chặt những truyền thống mà họ đã học được bằng lời nói hoặc bằng thư (xem 2 Tx 2:15), và chiến đấu để bảo vệ đức tin được truyền lại một lần và mãi mãi (xem Gcb 1:3)” (*)—Cha Rush kết luận:

“Việc biện phân các dấu chỉ của thời đại trong hiện tại nhằm xác định điều Thiên Chúa đang thúc giục chúng ta nhìn thấy – bằng con mắt của Chúa Giêsu – trong thời đại mới; nhưng cũng thúc giục chúng ta chú ý đến những cạm bẫy - nơi chúng ta có thể bị lôi kéo vào những lối suy nghĩ không phải “của Chúa”. Những cái bẫy này có thể nằm ở chỗ chúng chỉ được neo trong quá khứ, hoặc chỉ ở hiện tại, hoặc không mở ra đón nhận tính viên mãn tương lai của sự thật Thiên Chúa mà Thần Chân lý đang dẫn dắt hội thánh hướng tới”.

Họp báo

Tại cuộc họp báo ngày 23 tháng 10, những bình luận thần học quan trọng nhất đến từ Đức Hồng Y Christoph Schönborn, O.P., của Vienna, người từ năm 1987 đến năm 1992 giữ chức vụ thư ký của ủy ban soạn thảo Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo.

Đức Hồng Y Schönborn dường như kêu gọi “suy nghĩ lại” về Lumen Gentium (Hiến chế Tín lý về Giáo hội của Công đồng Vatican II) và tuyên bố rằng Thượng hội đồng vẫn là Thượng hội đồng Giám mục mặc dù có rất nhiều thành viên giáo dân bỏ phiếu. Khi có cơ hội phê bình giáo huấn của Sách Giáo lý về đồng tính luyến ái, ngài đã từ chối làm như vậy.

Vatican News, do Bộ Truyền thông Vatican điều hành, đưa tin:

Liên quan đến khái niệm cơ bản về sự hiệp thông, ngài nói rằng ngài có ấn tượng rằng ‘điều chúng tôi đang làm hiện nay, sau lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Thượng Hội đồng’, chính là hỏi ‘làm thế nào để sống hiệp thông trong Giáo hội’. Đó là sự hiệp thông đức tin; hiệp thông với Thiên Chúa duy nhất và Ba Ngôi; hiệp thông giữa các tín hữu và hiệp thông mở ra cho mọi người’. Làm thế nào để sống nó? ‘Tính đồng nghị là cách tốt nhất’ là câu trả lời của Đức Hồng Y Schönborn. Đó là vấn đề suy nghĩ lại viễn kiến Lumen gentium, nơi nó nói về mầu nhiệm cao cả của Giáo hội. Vì vậy, Giáo hội là mầu nhiệm, sau đó là Dân Thiên Chúa, và chỉ khi đó Giáo hội mới nói đến cơ cấu phẩm trật của các thành viên của mình...

Để trả lời những lời chỉ trích nghi vấn về tính toàn vẹn của Thượng Hội đồng Giám mục vì nó bao gồm giáo dân làm đại biểu, Đức Hồng Y Schönborn chỉ ra rằng theo quan điểm của ngài thì đây không phải là vấn đề, vì Thượng Hội đồng vẫn là một Thượng Hội đồng Giám mục mặc dù nó có sự tham gia thực sự của những người không phải là giám mục. Nó tạo thành một cơ quan nhằm thực hiện trách nhiệm tập thể. Bản chất của nó không thay đổi; nó chỉ được mở rộng và kinh nghiệm chắc chắn là tích cực. Mặt khác, Đức Hồng Y cho biết, luôn luôn có các chuyên gia giáo dân, với một số can thiệp rất quan trọng, nhưng bây giờ có một mối quan hệ gần gũi hơn nhiều: một Thượng Hội đồng Giám mục với sự tham gia rộng rãi hơn…

Liên quan đến việc một số người LGBT có thể cảm thấy bị tổn thương bởi những lời trong Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo đề cập đến “sự rối loạn” đạo đức, Đức Hồng Y Schönborn nhắc lại rằng ngài là thư ký soạn thảo Sách Giáo lý. Ngài nói, đó là công việc của Giáo hội, được Đức Giáo Hoàng ban hành. Và kể từ đó chỉ có một sự thay đổi duy nhất, khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô can thiệp vào án tử hình. Liệu có những thay đổi khác hay không còn phụ thuộc vào quyết định của Đức Giáo Hoàng. Sau đó Đức Hồng Y khuyên nên luôn đọc toàn bộ các bản văn. Ngài nói thêm đây là những vấn đề liên quan đến thần học luân lý, nhưng nguyên tắc là có một trật tự khách quan và có những con người nhân bản. Họ luôn có quyền được tôn trọng, ngay cả khi họ phạm tội, và có quyền được Thiên Chúa chấp nhận như họ vốn có.
_____________________________________________________________
(*) Về khía cạnh này, xin xem bài “Ngược với Con đường Đồng nghị Đức, nhà thần học Úc coi truyền thống ‘năng động’ của Vatican II là kim chỉ nam” (https://vietcatholic.net/News/Html/285565.htm)
 
Thượng hội đồng đang lên mô hình cho một giải pháp đối với sự phân cực của giáo hội
Vũ Văn An
18:20 24/10/2023

Đối với Thượng Hội Đồng về tính đồng nghị, nhiều nhận định tiêu cực đã được nêu lên, tuy nhiên, không thiếu những nhận định tích cực. Một trong những nhận định này là của Peter Smith trên tạp chí Our Sunday Visitor. Ông cho rằng Thượng Hội Đồng đang lên mô hình cho một giải pháp đối với hiện tượng phân cực hiện nay trong Giáo Hội:



Đâu là con đường dẫn đến sự hiệp nhất đích thực cho một giáo hội bị phân cực sâu xa? Thượng Hội đồng về tính đồng nghị họp từ ngày 4 đến ngày 29 tháng 10 tại Rome vừa là mô hình vừa đưa ra câu trả lời: thông qua cuộc gặp gỡ và đối thoại bản thân như các môn đệ cùng bước đi với Chúa Giêsu Kitô ở giữa họ.

Cả cuộc gặp gỡ lẫn cuộc đối thoại bản thân trong phương trình này đều tuyệt đối đòi hỏi vị trí trung tâm của Chúa Giêsu Kitô, Đấng Trung Gian và là sự mặc khải trọn vẹn, Đấng mà tất cả những kẻ theo Người gặp nhau xung quanh và trong Người. Giáo hội – như Đức Hồng Y Dòng Tên Jean-Claude Hollerich của Luxembourg, tổng tường trình viên của Thượng Hội đồng, đã nói – là “dân Chúa, bước đi trong lịch sử, với Chúa Kitô ở giữa”.

Thượng Hội đồng đã nhấn mạnh đến tính trung tâm của những người tham gia có mối quan hệ sống động với Chúa Giêsu để gặp gỡ và trò chuyện với nhau. Chương trình của Thượng Hội đồng – gồm các cuộc tĩnh tâm, các khoảng thời gian thinh lặng, cầu nguyện và thờ phượng chung (trải nghiệm sự phong phú của các nghi thức khác nhau của Giáo Hội Công Giáo), suy tư thần học bắt nguồn từ Kinh thánh, chầu Thánh Thể, lần hạt và hành hương – mời gọi những người tham gia đi sâu hơn vào hiệp thông với Chúa Giêsu khi họ tìm cách đào sâu mối hiệp thông với nhau.

Trong bài giảng Thánh lễ khai mạc Thượng Hội đồng vào ngày 4 tháng 10, lễ kính Thánh Phanxicô Assisi, Đức Thánh Cha nhắc nhở mọi người rằng Thánh Phanxicô, người đã nhận được những vết thương của Chúa Giêsu một cách huyền bí, “để mặc lấy Người (Chúa Giêsu), lột bỏ mọi sự.” Đức Giáo Hoàng Phanxicô cho biết chỉ khi cầu nguyện, vị thánh mới nghe được tiếng gọi của Chúa Giêsu: “Hãy đi sửa chữa Giáo Hội của Ta”.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô cho biết Thượng hội đồng nhằm nhắc nhở tất cả các tín hữu rằng Giáo hội luôn cần “thanh lọc, ‘sửa chữa’” và “luôn cần trở về với nguồn là Chúa Giêsu và đặt mình trở lại con đường của Chúa Thánh Thần để Tin Mừng của Người đến với mọi người”.

Những người tham gia Thượng Hội đồng đã trực tiếp lên tiếng về sự phân cực trong Giáo hội vốn phản ảnh xã hội - và sự hiệp thông đích thực bắt nguồn từ Chúa Kitô mang mọi người đến sự hòa hợp, ngay cả khi có bất đồng, cho dù họ có xác định theo chủ nghĩa truyền thống hay cấp tiến hay không.

Những suy tư của Cha Đa Minh Timothy Radcliffe ngày 9 tháng 10 chia sẻ với các đại biểu Thượng Hội đồng tập trung vào việc những cuộc gặp gỡ bản thân thay đổi cuộc sống với Chúa Giêsu đã giải thoát những người bị mắc kẹt trong tội lỗi, khao khát Thiên Chúa như thế nào và biến đổi họ thành những nhà truyền giáo đầy nhiệt huyết, chẳng hạn như người phụ nữ bên giếng trong Gioan chương 4.

Ngài nhấn mạnh rằng “tình yêu có tính bản thân và hận thù là điều trừu tượng”.

Cha Radcliffe cũng lưu ý rằng có bao nhiêu người trong Giáo hội cảm thấy bị gạt ra ngoài lề xã hội vì họ bị dán nhãn, chẳng hạn như “những người ly dị và tái hôn, những người đồng tính, những người tị nạn, những người Châu Phi, những người thuộc dòng Tên!” Nhưng ngài cũng chỉ ra rằng điều dễ xẩy ra là những người trong hội thánh, biết thừa nhận việc này, có những điểm mù riêng của họ. Ngài đề cập đến việc một người bạn đã tâm sự với ngài về những nhãn hiệu xếp mọi người vào những chiếc hộp, sau đó nói với anh rằng: “Tôi không thể tuân theo những người bảo thủ này”.

Vị linh mục Đa Minh nhấn mạnh điều cần thiết là “được đào tạo để có những cuộc gặp gỡ bản thân sâu sắc với nhau, trong đó chúng ta vượt qua những nhãn hiệu dễ dãi”. Ngài giải thích rằng “nếu bạn thực sự gặp một ai đó, bạn có thể trở nên tức giận, nhưng sự căm ghét không thể duy trì được trong một cuộc gặp gỡ thực sự bản thân. Chỉ cần bạn thoáng thấy nhân tính của họ, bạn sẽ thấy người tạo ra họ và duy trì sự hiện hữu của họ có tên là TA LÀ ĐẤNG HẰNG HỮU.”

Người ta có thể thấy các sắp xếp vật lý của hội trường Thượng Hội đồng đang hoạt động vì mục đích này. Tất cả những người tham gia - những người có quan điểm khác nhau về nhiều vấn đề khác nhau mà họ đam mê - đang ngồi tại những chiếc bàn tròn được gọi là “vòng tròn nhỏ”. Đó là một sự sắp xếp củng cố về mặt thể chất cả nhân tính chung lẫn phép rửa chung của họ.

Cuộc gặp gỡ bản thân, bắt nguồn từ Chúa Kitô, tạo tiền đề cho các thành viên của Giáo hội có một cuộc đối thoại đích thực, bởi vì giờ đây việc trao đổi chân lý trong bối cảnh tình yêu đã có thể thực hiện được. Cha Radcliffe cho biết Thánh Phaolô và Thánh Phêrô đã có sự bất đồng công khai, và đó không phải là vấn đề. Điều mà Thánh Phaolô không thể chịu được ở trong Giáo Hội là những người “buôn chuyện và làm việc bí mật… che giấu thân phận bằng những nụ cười dối trá”.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng nói rõ rằng tiến trình thượng hội đồng sẽ thay đổi văn hóa sợ nói cho nhau biết sự thật của giáo hội, điều này thúc đẩy những lời đàm tiếu, mà ngài gọi là “căn bệnh phổ biến nhất trong giáo hội”. Ngài nói sự bất đồng nên được thực hiện “trước mặt họ”.

Ngài nói: “Đó là mục đích của một thượng hội đồng. Nói sự thật; chứ không nói xấu sau lưng người khác.”

Đồng thời, tiến trình Thượng Hội đồng cũng là việc lên mô hình để trong khi Giáo hội có những vấn đề quan trọng cần thảo luận, thì tính trung tâm của Chúa Giêsu Kitô không chỉ cung cấp nền tảng chung cho cuộc đối thoại mà còn cung cấp những ranh giới để có thể diễn ra sự phân định hữu hiệu.

Như Đức Hồng Y Hollerich đã chỉ ra, Thượng Hội đồng “không bắt đầu lại từ đầu”. Người ta có thể thấy lý do cho điều này một lần nữa là Chúa Giêsu. Như Công đồng Vatican II dạy, Chúa Giêsu “vừa là trung gian vừa là sự viên mãn của mọi mạc khải”. Và giáo hội, như Thánh Gioan Phaolô II đã nói, “không thể làm gì khác hơn là loan báo Tin Mừng, nghĩa là sự thật trọn vẹn mà Thiên Chúa đã cho phép chúng ta biết về Người”.

So sánh ngôn ngữ của Giáo Hội với văn phạm, Đức Hồng Y Hollerich nói rằng mặc dù ngôn ngữ phát triển theo thời gian, “trong văn phạm có một số quy tắc cơ bản không bao giờ thay đổi”. Đối với Thượng Hội đồng, Đức Hồng Y giải thích “các quy tắc của Công Giáo” – chẳng hạn như phẩm giá bí tích rửa tội, vai trò của Đức Giáo Hoàng, tính hiệp đoàn giám mục, thừa tác vụ thụ phong và chức tư tế chung (và chúng liên quan với nhau như thế nào) – là những quy tắc cơ bản không bao giờ thay đổi.

“Với những yếu tố cơ bản này của văn phạm Công Giáo, chúng ta phải tìm cách diễn đạt những hiểu biết mới mà Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta”.

Khi Thượng Hội đồng tiếp tục, những người tham gia sẽ phải phân định cho Đức Thánh Cha những đề xuất cụ thể về cách thức Giáo hội có thể phát triển nền văn hóa hiệp thông này xuống cấp địa phương, và những phương tiện hữu hiệu nào có thể củng cố và duy trì nó vì sứ mệnh của Giáo Hội.

Nhưng việc phát triển nền văn hóa chân chính của đối thoại và gặp gỡ bản thân bắt nguồn từ Chúa Kitô này đòi hỏi người ta phải lên mô hình cho nó để những người khác có thể noi theo.

Đã có những cái nhìn thoáng qua về điều này xuất hiện từ Thượng hội đồng. Mỗi nhóm nhỏ đang nghiên cứu các chủ đề từ tài liệu làm việc của thượng hội đồng - và nhóm nhỏ số 28, mà tờ National Catholic Register đã đưa tin, tập trung vào các vấn đề LGBTQ+. Nhưng tờ lưu ý “nguồn tin của họ cho biết các đại biểu được cân bằng đồng đều giữa những người muốn có thêm thỏa hiệp về vấn đề đồng tính và những người phản đối.”

Một bức ảnh thậm chí còn minh họa nhiều hơn sự hiệp thông của họ giữa những người Công Giáo trong Giáo Hội không đồng ý về những điểm quan trọng: Cha James Martin thuộc dòng Tên đã tweet vào ngày 12 tháng 10 một bức ảnh chụp vòng tròn nhỏ đó đứng quanh bàn của họ và mỉm cười. Ngài viết: “Chúng tôi đến từ khắp nơi trên thế giới, từ nhiều quốc gia và nền văn hóa, với nhiều quan điểm, nhưng vẫn hiệp nhất trong Chúa Kitô”.

Vượt qua sự phân cực để phát triển sự hiệp thông đích thực giữa các thành viên của Giáo hội, những người mà Chúa Giêsu đã biến thành chi thể của Người, có ý nghĩa đối với việc Giáo hội cuối cùng sẽ phát triển thành một cộng đồng gồm những “môn đệ truyền giáo” biết hỗ trợ, những người “vĩnh viễn ở trong tình trạng truyền giáo,” như Đức Giáo Hoàng Phan-xicô đã mô tả cách đây 10 năm trong “Evangelii Gaudium”.

Như Đức Hồng Y Hollerich đã phát biểu tại hội trường Thượng Hội đồng vào ngày 13 tháng 10, “sự phát triển hiệp thông này không tự nó khép kín, nhưng được thúc đẩy hướng tới truyền giáo”.

Và mục tiêu của sứ mệnh đó, ngài nói, “chính là mở rộng phạm vi hiệp thông, giúp ngày càng nhiều người có thể gặp Chúa và chấp nhận lời mời gọi trở thành một phần của dân Người”.
 
Những lời nhắn thứ ba gửi Thượng Hội Đồng về tính đồng nghị
Vũ Văn An
23:29 24/10/2023

Lời nhắn của một Giám Mục Công Giáo

Erik Varden là giám mục của Giáo hạt Lãnh thổ Trondheim, Na Uy. Là người gốc Nam Na Uy, ngài lớn lên ở làng Degernes. Varden được đào tạo tại Đại học Cambridge và Học viện Giáo hoàng Đông phương trước khi trở thành tu sĩ dòng Xitô của Tu viện Mount St. Bernard ở Leicestershire, tuyên khấn long trọng vào năm 2007. Được thụ phong linh mục vào năm 2011, ngài trở thành viện phụ thứ 11 của Mount St. Bernard năm 2015. Năm 2019, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã bổ nhiệm ngài làm giám mục lãnh thổ của Trondheim, và ngài được tấn phong giám mục tại Nhà thờ Nidaros vào năm sau – người Na Uy bản địa đầu tiên làm giám mục ở Trondheim trong thời hiện đại. Ngài là tác giả của nhiều cuốn sách, gần đây nhất là cuốn Khiết tịnh: Hòa giải các giác quan, do Bloomsbury Continuum xuất bản. Blog trực tuyến của ngài, Coram Fratribus, được đọc trên khắp thế giới.



Letters from the Synod số đặc biệt thứ 3 đăng tải Bài thuyết giảng dưới đây, một bài đọc thiêng liêng thích hợp cho Chúa nhật thứ ba của Thượng Hội đồng Giám mục 2023, được công bố ở đây với sự cho phép của Đức Giám Mục Varden.

Tính Đồng Nghị Và Sự Thánh Thiện



Tác giả: Đức Cha Erik Varden, O.C.S.O.

Vào tháng Tư năm nay, tôi được vinh dự phát biểu trước Tổng Tu nghị Dòng Biển Đức Solesmes. Đại hội đã yêu cầu tôi suy gẫm về chủ đề “Tính đồng nghị và sự thánh thiện”. Lúc đầu tôi rất bối rối. Tôi đã không nghĩ đến tính đồng nghị theo nghĩa thánh thiện. Đúng vậy, gần đây chúng ta nghe thấy chữ này được sử dụng nhiều đến mức chúng ta nghĩ rằng nó có liên quan đến mọi thứ; mặc dù xét về phía mối dây yếu tính, nó thường được liên kết, không phải với lý tưởng cánh chung mà với một tiến trình cai trị gắn liền với các hoạt động của một cơ quan giáo hội, Vatican II.

Các nhà quan sát đã lập luận rằng tầm nhìn của Thượng hội đồng hiện đang diễn ra giống như việc dư tràn của chiếc tách Công đồng. Đức Hồng Y Grech, tổng thư ký của Thượng Hội đồng, đã thận trọng hơn, thừa nhận rằng từ “synodality” vắng mặt trong các tài liệu của Công đồng nhưng việc đệ trình nó phát sinh từ đó theo cách thức của một giấc mơ. Nếu chúng ta gặp khó khăn trong việc định hình giấc mơ, thì có thể là do “tính đồng nghị” có đặc điểm dễ thay đổi, dễ xẩy ra, như một cơ quan có thẩm quyền khác đã chỉ ra, là “năng động, không tĩnh tại”, giống như biển khơi.

Không phải ai sinh ra đều là thủy thủ. Một số đối diện với những con sóng một cách lo lắng, tìm kiếm một điểm cố định, một chòm sao trên bầu trời để chỉ đường. Với những người đó, phạm trù thánh thiện quả là điều hữu ích. Ủy nhiệm tôi nhận được vào mùa xuân này đã dạy tôi điều đó. Nó khiến tôi phải điều chỉnh được viễn ảnh của mình và tri nhận được cầu nối hằng tìm kiếm để hợp nhất công việc của Thượng Hội đồng hiện nay với tầm nhìn và giáo huấn của Công đồng. Về vấn đề thánh thiện, Công đồng đã minh nhiên một cách tuyệt vời. Chương thứ năm của hiến chế vĩ đại về Giáo hội, Lumen Gentium, đã đặt sự thánh thiện làm nốt nhạc mà mọi nhạc cụ của Giáo hội phải luôn được điều chỉnh theo. Chúng ta được nhắc nhở, Chúa Kitô “đã yêu mến Giáo hội như hiền thê của mình, hiến thân vì Giáo hội. Người làm điều này để thánh hóa Giáo Hội” (Lumen Gentium, 39). Chỉ trong chừng mực chúng ta đồng ý để được thánh hóa trong Chúa Kitô, chúng ta mới phù hợp với mục đích Kitô giáo của mình và nuôi dưỡng “một lối sống nhân bản hơn” trong thế giới này (Lumen Gentium, 40), nơi mà việc rơi vào tình trạng vô nhân đạo thật đáng kinh hoàng. Công đồng nhấn mạnh rằng mỗi bậc sống đều có sự thánh thiện riêng của nó. Việc theo đuổi nó sẽ đòi hỏi sự hy sinh. Chứng tá của các vị tử đạo được gợi lên. Lời tóm tắt gần như vô cùng táo bạo: “Tất cả các tín hữu của Chúa Kitô đều được mời gọi phấn đấu để đạt tới sự thánh thiện và hoàn hảo trong bậc sống riêng của mình. Quả thực họ có nghĩa vụ phải phấn đấu như vậy.” Từ nghĩa vụ này, một hệ quả thực tế được rút ra: “Vậy thì tất cả mọi người hãy quan tâm hướng dẫn những tình cảm sâu sắc nhất của tâm hồn mình” (Lumen Gentium, 42).

Những tình cảm sâu sắc của tâm hồn hiện đang bị đe dọa. Có vẻ như đã đến lúc cân nhắc chúng trước lệnh triệu tập này. Chúng ta có thể làm như vậy bằng cách xem lại đề tài xuyên suốt về tính đồng nghị trước tiên trong Cựu Ước, sau đó trong Tân Ước, để tự hỏi làm thế nào chúng ta có thể áp dụng nó vào cuộc sống của mình một cách tốt nhất - làm thế nào nó có thể dẫn chúng ta cùng nhau đến mục tiêu mà chúng ta tìm kiếm: sự thánh thiện.

Tính đồng nghị trong Cựu Ước

Đầu tiên chúng ta hãy làm rõ thuật ngữ. Từ nguyên của synodos đã được nhắc đi nhắc lại đến nôn mửa (ad nauseam): hodos trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là “một con đường”; syn có nghĩa là “với”. Thượng hội đồng là một con đường được theo đuổi trong tình bằng hữu, một hành trình được chia sẻ. Một cuộc hành trình luôn giả định một mục tiêu. Truyền thống khổ hạnh luôn gay gắt đối với những người hành hương đi vòng quanh. Thánh Biển Đức coi người đi vòng quanh như vậy [gyrovague] là kẻ thua cuộc cuối cùng. Đối với những người có quan niệm về Kinh Thánh, khái niệm “con đường” gợi lên những liên tưởng chặt chẽ. Chúng ta biết từ Thánh Luca rằng Giáo hội thời các tông đồ được gọi là “Con Đường” (Cv 9:2). Chúa Kitô tự xưng là “Con Đường” (Ga 14:6). Đó là Con Đường để noi theo. Mục tiêu của nó rất rõ ràng. Trong lời cầu nguyện thượng tế, Chúa Kitô đã cầu nguyện: “Lạy Cha, Con ước mong Con ở đâu những người Cha ban cho Con cũng ở đó với Con để chiêm ngưỡng vinh quang của con” (Ga 17:24). Được ở bên Con yêu dấu của Chúa Cha, Hình ảnh của Thiên Chúa (Cl 1:15) trong Người chúng ta được tạo dựng (x. St 1:27) bây giờ và mãi mãi là ơn gọi của loài người ngay từ đầu.

Một mức độ đồng nghị tiềm ẩn trong hành động sáng tạo của Thiên Chúa: “Chúng ta hãy làm nên con người theo hình ảnh Chúng ta, giống như chúng ta”(St 1:26). Để nhận ra tiềm năng mang tính biểu tượng của chúng ta, việc trở nên giống Chúa là mục đích của hữu thể chúng ta. Chuyển động như vậy không được thực hiện một cách cô lập. Sau khi tạo dựng Evà, người nam và người nữ, trong sự kết hợp thánh hiến, phải là “một xương một thịt” (St 2:24), hướng về nhau trong sự bổ sung cho nhau. Tính năng động này có thể được áp dụng rộng rãi hơn. Chính việc gặp gỡ cái nhìn của người khác đã bộc lộ tôi với chính tôi, giúp tôi hiểu và phát triển bản thân mình trong sự hiệp thông.

Tiếp theo câu chuyện về sự hiệp thông ban đầu là câu chuyện về sự sa ngã. Nó bộc lộ mặt tối của tính đồng nghị:

Người đàn bà thấy cây đó rất tốt để làm thực phẩm, lại đẹp mắt và có tác dụng giúp người khôn ngoan, liền hái trái mà ăn; Bà cũng đưa cho chồng và ông ăn. Bấy giờ mắt cả hai đều mở ra và họ biết mình lõa lồ (St 3:6-7).

Sự thông đồng dẫn đến cái chết của sự vô tội. Người khác, mới vừa rồi trấn an một cách thân thuộc, giờ đây đã trở thành một người xa lạ, vừa hấp dẫn vừa đáng sợ.

Kinh thánh coi hành động gây ra sự sa ngã là “tội lỗi”, một sự mất phương hướng đương đầu với cái chết. Một hậu quả của tội lỗi là ý chí ít nhiều có chủ ý lôi kéo người khác vào sự cô độc của tôi, điều mà đối với tôi bây giờ dường như là chính thực tại, là môi trường sinh tử của tôi, do ý thức tôi đã trở thành tê liệt. Ý nghĩ phải ở lại một mình trong đó thật không thể chịu nổi. Lời kêu gọi đồng nghị thoát khỏi sự phụ thuộc tự do vào Thiên Chúa được thể hiện rõ ràng trong dự án Babel. Người ta nói với nhau: “Nào, chúng ta hãy xây dựng một thành phố và một tòa tháp có đỉnh cao tới tận trời, và hãy tạo một cái tên cho chính chúng ta kẻo chúng ta phải tản lạc khắp mặt đất” (St11:3-4). Mong muốn của họ là duy trì một tập hợp gắn bó, tạo ra một mô hình xã hội đủ hấp dẫn để đoàn kết toàn nhân loại. Tiêu chuẩn của họ là tự hủy hoại, mặc dù họ không nhìn thấy điều đó. Dự án đã bị chính Chúa phá hoại.

Ơn gọi của Abraham, cha chúng ta trong đức tin, mang tính đồng nghị. Nghe tiếng Chúa gọi, “ông đem Sarai vợ ông, con trai của anh ông là Lót […], những người mà họ đã có được ở Haran,” và lên đường đi đến đất Canaan (St12:5). Lúc đầu mọi chuyện diễn ra khá tốt. Bao lâu đích đến của cuộc hành trình còn xa xôi, dễ được lý tưởng hóa, thì tính đồng nghị không đặt ra những thách thức lớn; du khách hình dung bản chất của chuyến đi theo ý muốn của họ. Khi cuộc hành trình sắp đến hồi kết, khi nảy sinh câu hỏi về việc phân chia lãnh thổ, thì có sự căng thẳng. Tài sản của Ápraham và Lót nhiều đến nỗi “đất không đủ sức cho cả hai người ở chung” (St13:5 tt.). Họ chia tay. Ápraham nói: “Cháu hãy tách xa khỏi chú, nếu cháu lấy bên trái, thì chú sẽ lấy bên phải” (St13:9). Câu chuyện này giúp chúng ta từ bỏ những quan niệm đơn giản về tính đồng nghị. Nếu người ta không có cùng một mục đích trong tâm trí, cùng một hình ảnh về một thiên đường để khôi phục, thì một lực ly tâm sẽ tự tạo ra. Sự đoàn kết vốn luôn dễ bị tổn thương, lúc đó sẽ có nguy cơ bị phá vỡ.

Khuynh hướng này diễn ra trong câu chuyện dân Israel rời khỏi Ai Cập, một câu chuyện chuẩn bị cho lễ Phục Sinh hàng năm của chúng ta. Môsê, Aaron, Miriam và một số người khởi động, được Chúa quan phòng chuẩn bị, đã có cái nhìn sáng suốt về lý do tại sao họ phải rời khỏi Ai Cập và tìm đến miền đất hứa. Phiên họp đồng nghị nói chung có quan điểm thực tế hơn. Những người này mong muốn một phẩm chất cuộc sống tốt hơn, có giải trí, được nhìn nhận. Những khát vọng như vậy là chính đáng, nhưng không đủ để duy trì sự thống nhất trong phong trào tiến về phía trước cho một đám đông đa dạng, “Cả một đám đông hỗn tạp” [vulgus promiscuum innumerabile], trích dẫn cách diễn giải đáng nhớ của Thánh Giêrôm về câu Xuất Hành 12:38, báo hiệu sự khởi đầu của một trình thuật về nhiều xung đột, bất đồng và ly khai.

Bất cứ ai có thời gian và thiên hướng đều có thể theo đuổi việc đọc chủ đề xuyên suốt đầy tính đồng nghị này thông qua các trước tác lịch sử và tiên tri. Những gì để lại cho chúng ta là một quan điểm Cựu Ước về tính đồng nghị không thể bị gọi là khuyển nho, vì mỗi trang Kinh thánh đều tràn ngập niềm hy vọng; nó chỉ đơn giản là thực tiễn. Điều này rất hữu ích. Để cùng nhau tiến tới sự thánh thiện, hướng tới cuộc gặp gỡ với Đấng Thánh, chúng ta phải đi theo con đường vương giả đôi khi rất hẹp.

Tính đồng nghị trong Tân Ước

Đoạn Tin Mừng được nhắc đến nhiều nhất trong các văn bản Thượng Hội đồng là câu chuyện về những người lữ hành đi Emmau. Nó thật tuyệt vời, luôn mang đến những tầng ý nghĩa mới. Chúng ta cũng có thể thực hiện một bài đọc theo chìa khóa đồng nghị về lời kêu gọi Đức Maria hoặc các Tông đồ, Maria Mađalêna hoặc Thánh Phaolô. Qua đó chúng ta có thể học được nhiều điều về ý nghĩa của việc bước đi trong sự đồng hành với Con Thiên Chúa. Rốt cuộc, chính sự hiện diện của Người đã tạo nên tiêu chuẩn cho tính đồng nghị chân chính.

Tôi bị thu hút bởi một trình thuật đồng nghị kín đáo hơn trong Tân Ước, lời chứng của một người đến với đức tin gần như bất chấp chính mình, người đã theo Chúa Giêsu từ xa, mặc dù không mất dấu Người; người đã trung thành đến cùng dù vẫn ở trong bóng tối. Tôi đang nói về Nicôđêmô. Nicôđêmô, “người cai trị dân Do Thái,” xuất hiện trong chương thứ ba của Tin Mừng thứ tư. “Ông đến với Chúa Giêsu vào ban đêm” (Ga 3:2), một cách tiếp cận mang tính biểu tượng của thời đại chúng ta, mà đức tin của họ thường mang tính chất ban đêm. Nicôđêmô đặt ra những câu hỏi đáng suy gẫm. Ông suy tư, nghiêm túc, tìm kiếm câu trả lời thực sự cho những vấn đề thực chất. Về mặt này, ông cũng đại diện cho tâm trạng hiện tại.

Nicôđêmô muốn được lắng nghe nhưng vẫn có thể chăm chú lắng nghe. Ở đây chúng ta chạm vào một dây thần kinh thô. Nhìn chung, hiện nay, chúng ta không giỏi lắng nghe lắm. Chúng ta cùng đau khổ với chứng logorrhea [chứng đa ngôn nói nhanh và lưu loát nhưng thường là không mạch lạc], dễ bị thiếu chú ý và điếc có chọn lựa, ngay cả trong Giáo hội, trong diễn ngôn đồng nghị. Mọi người đều có điều gì đó để nói. Mọi người đều mong đợi được lắng nghe. Nhưng liệu chúng ta có sẵn sàng lắng nghe những gì Chúa phán, rồi kiên quyết lắng nghe trong đức tin, mạnh mẽ trong quyết tâm, tự do và tin tưởng không?

Cuộc trò chuyện của Chúa Giêsu với Nicôđêmô đụng đến việc tự mặc khải của Thiên Chúa. Nó cho chúng ta biết rằng có thể sống một cuộc sống thấm đẫm Thánh Thần của Thiên Chúa. Nó nói về lòng nhân ái của Thiên Chúa, khiến Người từ bỏ chính mình để chúng ta có thể sống, một mẫu gương mà chúng ta được mời gọi noi theo; nó thừa nhận cuộc sống vĩnh cửu là mục tiêu xứng đáng duy nhất cho cuộc hành hương của con người trên trái đất; nó nhấn mạnh sự tự do mà chúng ta có để lựa chọn giữa sự sống và cái chết, ánh sáng và bóng tối, một sự tự do mà một ngày nào đó chúng ta phải trả lời trước mặt Thiên Chúa. Vào ngày đó, chúng ta phải đích thân giải trình về những lựa chọn mà chúng ta đã đưa ra, mặc dù chúng có thể bị ảnh hưởng bởi các nghị lực đồng nghị.

Sau khi nghe và tiếp nhận lời dạy của Chúa Giêsu, Nicôđêmô rút lui vào màn đêm. Ông là hiện thân của một văn bản tuyệt vời trong sách Isaia: “Linh hồn con khao khát Chúa trong đêm tối; ngay cả bằng tinh thần con, trong lòng dạ con, con tìm kiếm Chúa; vì khi sự phán xét của Ngài rực rỡ trên trái đất, cư dân trên thế giới sẽ học được công lý” (Is 26:9, theo Bản Phổ Thông Mới). Nicôđêmô là người thực sự chờ đợi sự phán xét của Chúa rực sáng trên trái đất.

Chúng ta gặp lại ông tại một cuộc họp của các quan chức, trong đó các thượng phẩm và những người Pharisiêu tìm cách loại bỏ Chúa Giêsu. Nicôđêmô phản đối: “Luật pháp của chúng ta có phán xét một người mà trước nhất không cho họ điều trần và tìm hiểu những gì họ làm không?” (Ga 7:51). Để bước đi với Chúa Giêsu và tạo dựng mối hiệp thông đồng nghị với Người, chúng ta phải cân nhắc lời nói và hành động của Người, tìm kiếm ý nghĩa của chúng và đặt mình vào sự hiển linh cứu rỗi của Người mà không nhượng bộ trước những quan điểm, thành kiến và kỳ vọng nhất thời.

Lần xuất hiện thứ ba của Nicôđêmô trong Tin Mừng là bên mộ Chúa Giêsu. Rõ ràng là ông đã theo dõi vụ đóng đinh từ xa. Giờ đây, khi các môn đệ đang đau buồn vì Bạn của họ, ông đến gần và mang đến “một hỗn hợp mộc dược và lô hội, nặng khoảng một trăm cân” (Ga 19:39). Các Kitô hữu thời Trung cổ đã suy gẫm rất lâu về cảnh tượng này. Họ nhìn thấy nơi Nicôđêmô một người đã xuyên thấu mầu nhiệm Khổ Nạn, người đã đón nhận nó và do đó có thể truyền đạt nó cho người khác. Một truyền thống nảy sinh cho rằng các tác phẩm nghệ thuật, những hình ảnh tượng trưng về Đấng bị đóng đinh, là của Nicôđêmô. Ông được coi là người tạo ra cả Thánh Nhan của Lucca và Tượng Chịu Nạn Batlló. Chắc chắn, điều quan trọng là các bậc tiền bối thời trung cổ của chúng ta nhận thấy ông có khả năng trở thành một nhà điêu khắc, bậc thầy về nghệ thuật xúc giác, tạo hình những gì ông đã nhìn thấy bằng mắt, đã chạm bằng tay (x. 1 Ga 1.1). Không cần phải tranh luận về tính xác thực của sự gán ghép như vậy, chúng ta có thể nhận ra nơi nó giá trị mang tính biểu tượng lâu đời.

Tôi cho rằng Nicôđêmô là một tấm gương cho chúng ta, những người nỗ lực đồng nghị để trở thành những môn đệ đích thực và những người tìm kiếm sự thánh thiện. Tại sao? Ông tránh xa những cuộc bút chiến dễ dãi và những cử chỉ sân khấu. Dù đi đâu ông vẫn theo Chúa. Khi cần thiết, ông sẵn sàng phục vụ và tình nguyện kết bạn với cộng đồng. Ông cho chúng ta thấy ý nghĩa của việc trung thành trong bóng tối của Thứ Sáu Tuần Thánh. Khi chiêm ngắm Chúa Kitô chịu đóng đinh và được chôn cất trong mồ, ông đã khôn ngoan nhận ra trong sự hoang tàn một điều gì đó cao cả, một mặc khải thần thiêng vinh quang. Vì vậy, ông đã trở thành một nhân chứng có thẩm quyền cho chiến thắng của Đấng Bị Đóng Đinh. Thực sự, đây là một thái độ mà Giáo hội cần lúc này.

Và chúng ta?

Là một Kitô hữu, một người Công Giáo ngày nay là một thách đố. Không có hai cách về nó. Nhìn chung quanh, chúng ta có thể bị cám dỗ kêu lên bằng một bài Thánh Vịnh: “Lạy Chúa, các dân ngoại đã được thừa hưởng cơ nghiệp của Ngài; họ đã làm ô uế đền thánh của Chúa; chúng đã khiến Giêrusalem đổ nát” (Tv 79:1). Là một người ngoại đạo là một người không thực sự tin tưởng, cho dù họ có thể mang theo những mũ áo cân đai đức tin nào đi nữa. Chúng ta sống với những vết thương lạm dụng, mà tất cả chúng ta đều hy vọng rằng đó chỉ là vấn đề liên quan đến những người hàng xóm của chúng ta chứ không phải chúng ta. Các cộng đồng của chúng ta đang bị thu hẹp lại. Câu hỏi đau đớn, “Bao lâu?”, xuất hiện trong những bối cảnh mà trong ký ức sống dường như không thể lay chuyển được. Niềm tin đã bị phản bội. Có rất nhiều tiên tri về sự hoang tàn. Tinh thần chia rẽ tràn lan trong xã hội cũng xuất hiện ngay trong Giáo hội. Có một nỗi buồn đặc biệt cùng khắp.

Tuy nhiên, đây là ngày - và đêm - mà Chúa đã tạo dựng và giao phó cho chúng ta để trở thành thời gian cứu rỗi cho chúng ta. Trong thời điểm như vậy, làm thế nào chúng ta có thể sống ơn gọi nên thánh của mình?

Trước hết bằng cách đồng nhất với Chiên Con của Thiên Chúa, phần của chúng ta đối với sức nặng của tội lỗi thế gian, một tội lỗi không thể giảm bớt chỉ bằng những hành động không biết gì tới Thiên Chúa. Tội lỗi này không kém gì sự lạc lối trần tục, thể hiện nỗi đau một cách hỗn loạn có xu hướng tuyệt vọng, thường thiếu đối tượng và vì lý do đó đặc biệt đáng nghi ngờ. Chiên Thiên Chúa “xóa tội trần gian” không phải bằng cách búng ngón tay như một nhà ảo thuật, mà bằng cách chịu đựng. Chúng ta được mời gọi sống như những chi thể trong Thân Thể Người.

Các tín hữu, cùng với Nicôđêmô, được kêu gọi thích ánh sáng hơn bóng tối bằng mọi giá (x. Ga 3:18-21) phải sẵn sàng mang theo sức nặng của màn đêm một cách đồng nghị, vốn là phần của nhiều người hiện nay. Điều này giả định sự sẵn sàng ở lại trong đêm đó, cầu nguyện ở đó, yêu thương và phục vụ ở đó, từ từ nhận ra ở đó, dù ở khoảng cách xa, ánh sáng không bóng tối nào có thể vượt qua được (x. Ga 1:5).

Đọc đi đọc lại các nguồn của phong trào đơn tu, các Cuộc đời vĩ đại (của Thánh Antôn, Hypatios và những người khác), trước khi các Quy tắc được viết ra, chỉ ra con đường dẫn đến cuộc sống, tôi rất ấn tượng trước sự tái hiện của chủ đề truyền thống [topos] về lòng cảm thương, được hiểu một cách cụ thể là sự sẵn lòng “chịu đựng với”. Đây chắc chắn là một khía cạnh quan trọng của kinh nghiệm Thượng Hội đồng: sự tham gia, bằng sự kiên nhẫn, vào Cuộc Khổ nạn cứu chuộc của Chúa Kitô. Đây là thời gian để suy gẫm về những gì Thánh Phaolô nói thầm với các tín hữu Côlôsê: “Tôi hoàn tất những gì còn thiếu nơi những đau khổ của Chúa Kitô, vì thân thể Người, tức là Giáo hội” (1:24). Điều có ý nghĩa sâu sắc là Công đồng Vatican II, khi trình bày lời kêu gọi nên thánh phổ quát, đã đề cập một cách rõ ràng đến sự tử đạo:

Vì Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, đã biểu lộ lòng bác ái của mình bằng cách hy sinh mạng sống vì chúng ta, nên không ai có tình yêu cao cả hơn người hy sinh mạng sống vì Chúa Kitô và anh em mình. Vì vậy, ngay từ thời xa xưa, một số Kitô hữu đã được kêu gọi - và một số sẽ luôn được kêu gọi - đưa ra chứng tá tối cao về tình yêu này cho mọi người, đặc biệt là cho những kẻ bách hại. Do đó, Giáo hội coi sự tử đạo như một hồng ân đặc biệt và là bằng chứng đầy đủ nhất của tình yêu. Nhờ sự tử đạo, người môn đệ được biến đổi thành hình ảnh của Thầy mình bằng cách tự nguyện chấp nhận cái chết để cứu rỗi thế giới - cũng như để trở nên giống Chúa Kitô trong việc đổ máu. Mặc dù ít người có được cơ hội như vậy, tuy nhiên tất cả đều phải sẵn sàng tuyên xưng Chúa Kitô trước mặt mọi người. Họ phải sẵn sàng tuyên xưng đức tin này ngay cả giữa những cuộc bách hại mà Giáo hội không bao giờ thiếu khi đi theo con đường thập giá (Lumen Gentium, 42).

“Tất cả phải được chuẩn bị.” Không có kịch bản ướt át, với sự tỉnh táo Kitô giáo đầy tính lương tri, chúng ta phải thừa nhận rằng lời kêu gọi này chạm đến chúng ta. Tương tự như vậy, chúng ta phải tin rằng tính không thể đoán trước đầy lộn xộn đánh dấu bất cứ đám đông hỗn tạp nào đang tìm đường đi vào tiến trình đồng nghị, theo con đường của các điều răn (x. phần cuối của Lời mở đầu cho Luật của Thánh Biển Đức), đã bí mật hiện thực hóa một giai điệu thần thiêng. Tôi vô cùng được an ủi trước lời xưng thú của một nữ tu dòng Biển Đức của thế kỷ trước, Nữ tu Elisabeth Paule Labat, người đã biết sâu sắc những thăng trầm và tổn thương của cuộc đời trong khi vẫn bám rễ sâu vào ân sủng giải thoát và biến đổi của Thập Giá. Bà đã trình bày rõ ràng cái nhìn sâu sắc trưởng thành của mình như sau:

[Lớn lên trong khôn ngoan] con người sẽ tri nhận được lịch sử của thế giới này mà cuộc chiến của nó họ vẫn đang tham gia như một bản giao hưởng bao la giải quyết sự bất hòa này với sự bất hòa khác cho đến khi có được âm điệu của hợp âm chính hoàn hảo của nhịp điệu cuối cùng vào thời kỳ cuối cùng. Mọi hữu thể, mọi vật đều góp phần tạo nên sự thống nhất của cấu trúc khả niệm đó, vốn chỉ có thể được nghe từ bên trong: tội lỗi, cái chết, nỗi buồn, sự ăn năn, sự vô tội, lời cầu nguyện, những niềm vui kín đáo và cao quý nhất của đức tin, đức cậy và đức mến; vô số chủ đề, nhân bản và thần thiêng, gặp nhau, chạy trốn và đan xen trước khi cuối cùng tan hòa thành một theo một kế hoạch tổng thể, không gì khác hơn là ý muốn của Chúa Cha, theo đuổi qua mọi sự việc thể hiện không thể sai lầm các thiết kế của nó.

Sự thánh thiện là một phạm trù yếu tính, không phải là một nhãn hiệu gắn liền với tư cách đạo đức hoàn hảo. Sự thánh thiện là thần thiêng trong yếu tính, không giống bất cứ phẩm chất nào, ngay cả những phẩm chất đáng yêu nhất, tồn tại trong sáng thế. Con đường nên thánh được soi sáng bởi ánh sáng bất tạo. Chúng ta phải được thay đổi để nhận thức được điều đó. Mắt, trái tim và giác quan của chúng ta phải được mở ra; chúng ta phải bước ra ngoài những giới hạn của mình để bước vào chiều kích sự thật của Thiên Chúa.

Tính đồng nghị dẫn đầu theo hướng này, đồng hình đồng dạng chúng ta theo Chúa chịu đóng đinh và phục sinh của chúng ta, mang lại sự sống, tỏa ngát hương thơm ngọt ngào của Chúa Giêsu Kitô (x. 2 Cr 2:15). Trong khi đó, tính đồng nghị bao vây chúng ta trong những ước muốn và tiên đoán hạn chế, giản lược mục đích của Thiên Chúa theo mức độ của chúng ta, phải được xử lý hết sức thận trọng.
 
VietCatholic TV
Ít nhất 21 trực thăng đã bị ATACMS phá hủy. Nga sa lầy ở Avdiivka. Vụ nổ kinh hoàng hôm Chúa Nhật
VietCatholic Media
04:33 24/10/2023


1. Hình ảnh vệ tinh cho thấy không phải là 9, cũng không phải là 14, mà có đến 21 máy bay trực thăng của Nga bị phá hủy trong cú tấn công đầu tiên bằng ATACMS

Ký giả David Axe của tờ Forbes có trụ sở ở New Jersey, Hoa Kỳ có bài tường trình nhan đề “Ukraine’s American-Made M39 Missiles May Have Wrecked 21 Russian Helicopters In A Single Operation”, nghĩa là “Hỏa tiễn M39 do Mỹ sản xuất của Ukraine có thể đã bắn hạ 21 máy bay trực thăng Nga chỉ trong một chiến dịch”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân

Thiệt hại từ cuộc tấn công đầu tiên của Ukraine bằng hỏa tiễn M39 do Mỹ cung cấp, nhằm vào hai căn cứ trực thăng ở miền nam và miền đông Ukraine bị Nga tạm chiếm, có thể dẫn đến thiệt hại lớn hơn cả những gì Bộ Quốc phòng Ukraine tuyên bố ban đầu.

Tuyệt vời hơn nhiều.

Người Ukraine tuyên bố rằng cuộc tấn công ngày 17 tháng 10, trong đó ba hỏa tiễn M39 tấn công một phi trường ngoại ô Berdyansk ở miền nam Ukraine, và một phi trường khác tại Luhansk ở phía đông, đã phá hủy 9 máy bay trực thăng của Nga.

Sau đó, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh cho biết có đến 14 chiếc trực thăng bị phá hủy trong chiến dịch vừa nêu.

Tuy nhiên, trên thực tế, cuộc tấn công bằng M39 đã khiến 21 máy bay trực thăng ngừng hoạt động, theo phân tích hình ảnh vệ tinh thương mại của GeoConfirmed, một cơ quan tình báo nguồn mở trên trang mạng xã hội X, mà trước đây gọi là Twitter.

“Đây có lẽ là đòn giáng lớn nhất vào lực lượng không quân Nga kể từ đầu cuộc chiến”, GeoConfirmed nhận xét.

Phân tích thứ hai của nhóm phân tích Frontelligence Insight của Ukraine phù hợp với đánh giá của GeoConfirmed. “Mặc dù con số của họ hơi vượt quá ước tính công khai của nhóm chúng tôi, nhưng điều quan trọng cần lưu ý là ước tính của họ dựa trên cơ sở vững chắc.”

Để xác nhận một chiếc trực thăng bị phá hủy hoặc bị hư hỏng đáng kể, các nhà phân tích đã tìm kiếm hình ảnh vệ tinh mô tả các vết cháy xém xung quanh vị trí được biết gần đây của một chiếc trực thăng đang đậu. Họ đối chiếu chéo hình ảnh trên cao với ảnh và video từ mạng xã hội Nga - đồng thời tìm kiếm bằng chứng về việc người Nga đang di chuyển những chiếc trực thăng bị hư hỏng và không thể bay được khỏi phi trường.

Một số nhà quan sát đã đặt câu hỏi về số liệu của các nhà phân tích. Frontellect Insight thừa nhận: “Thách thức nảy sinh từ những hạn chế của hình ảnh thương mại sẵn có, không cung cấp độ phân giải cần thiết để phát hiện hàng trăm vết cháy xém nhỏ xung quanh máy bay trực thăng ở Berdyansk”. “Trong trường hợp phi trường Luhansk, mọi việc dễ dàng hơn nhiều vì bạn có thể thấy rõ nó từ hình ảnh có độ phân giải cao hơn của chúng tôi.”

Và GeoConfirmed nhấn mạnh rằng số lượng của nó, mặc dù có lẽ cao đến mức đáng kinh ngạc, nhưng lại phù hợp với sức công phá của hỏa tiễn M39.

Hệ thống hỏa tiễn chiến thuật quân đội M39, hay ATACMS, là hỏa tiễn đạn đạo nặng 2 tấn, dài 4 mét với động cơ hỏa tiễn rắn và đầu đạn chứa 950 quả đạn Msub. Được bắn bằng bệ phóng bánh xích hoặc bánh lốp, hỏa tiễn cổ điển của những năm 1990 có tầm bắn xa tới 160km dưới sự dẫn đường quán tính.

Một chiếc M39 thường tấn công trong phạm vi 50 thước tính từ điểm va chạm của nó. Điều này không phải là siêu chính xác theo tiêu chuẩn hiện đại, nhưng nó đủ chính xác khi coi M39 là vũ khí bao quát một khu vực.

Khi hỏa tiễn lao thẳng về phía mục tiêu, nó quay tròn và nổ tung, rải 950 quả bom nhỏ bằng thép và vonfram trên một khu vực có thể rộng hàng ngàn mét vuông. Mỗi quả đạn con M74 có sức nổ tương đương một quả lựu đạn cầm tay.

Đầu đạn con là lựa chọn hoàn hảo để tấn công các cơ sở lớn có nhiều thiết bị không được bảo vệ. Ví dụ, một phi trường với những chiếc máy bay mỏng manh, trực thăng, máy cung cấp nhiên liệu và thiết bị hỗ trợ.

Không phải vô cớ mà khi thử nghiệm M39, Quân đội Mỹ đã nhắm hỏa tiễn vào một phi trường giả, nơi quân đội đậu những chiếc trực thăng và xe tải cũ. Đoạn phim thử nghiệm cho thấy đạn con xé toạc tất cả các phương tiện.

Nhắm chính xác một chiếc M39 vào một phi trường có kích thước bằng một phi trường bên ngoài Berdyansk, và bạn sẽ rắc bom, đạn con lên một nửa phi trường đó. GeoConfirmed giải thích: “Toàn bộ phi trường này được bao phủ bởi những lỗ nhỏ.

Người Nga có hàng chục máy bay trực thăng ở Berdyansk: có thể hầu hết chúng đều ở trên mặt đất khi những quả bom rơi xuống. Đó là lý do tại sao GeoConfirmed và Frontellect Insight cảm thấy thoải mái khi đứng trước số liệu mới, cao hơn nhiều về tổn thất của Nga sau cuộc tấn công ngày 17 tháng 10.

M39, khi được sử dụng theo ý định của người Mỹ, sẽ là lựa chọn hoàn hảo để tiêu diệt máy bay trực thăng. Và người Nga đã đưa ra cho Ukraine những mục tiêu lý tưởng: hai phi trường cách tiền tuyến chưa đầy một trăm dặm và chứa đầy máy bay trực thăng.

2. Trong 10 ngày qua số thiết bị của Nga bị mất lên đến 10% số thiệt hại trong cuộc phản công của Kyiv

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Tenth of Russia's Tech Losses in Counteroffensive Occurred in Past 10 Days”, nghĩa là “Một phần mười tổn thất về công nghệ của Nga trong cuộc phản công đã xảy ra trong 10 ngày qua.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Theo phân tích của một cơ quan điều tra, cứ 10 thiết bị của Nga bị mất kể từ khi Kyiv phát động cuộc phản công vào mùa hè thì có một thiết bị tổn thất trong 10 ngày qua, khi các cuộc đụng độ ngày càng gia tăng ở thị trấn Avdiivka bị chiến tranh tàn phá.

Các lực lượng của Mạc Tư Khoa đã mất 201 thiết bị trong 10 ngày qua và 2.156 đơn vị thiết bị kể từ khi cuộc phản công của Ukraine bắt đầu vào đầu tháng 6, Agentstvo, một trang điều tra của Nga ra mắt vào năm 2021, trích dẫn dữ liệu từ trang web phân tích tình báo quốc phòng nguồn mở Oryx của Hà Lan.

Trong số tổn thất đó, Nga mất 42 xe tăng, 49 xe chiến đấu bộ binh và 10 xe thiết giáp chở quân trong 10 ngày qua. Kể từ ngày 1/6, Nga đã mất 401 xe tăng, 515 xe chiến đấu bộ binh và 56 xe thiết giáp chở quân. Đây mới chỉ là các tổn thất được xác nhận trực quan, nghĩa là chỉ đếm khi thấy được số xe. Các số liệu này thường nhỏ hơn rất nhiều so với con số thực tế.

Các cuộc đụng độ nặng nề đã được báo cáo khi Mạc Tư Khoa cố gắng chiếm giữ thị trấn Avdiivka ở vùng Donetsk của Ukraine. Nơi đây trở thành mục tiêu xâm lược của Nga kể từ năm 2014, khi Putin sáp nhập trái phép bán đảo Crimea phía nam từ Ukraine.

Các lực lượng của Mạc Tư Khoa, bắt đầu từ ngày 10 tháng 10, đã tiến hành cuộc tấn công lớn nhất trong nhiều tháng nhằm cố gắng chiếm Avdiivka, đổ hàng nghìn binh sĩ, xe tăng và xe thiết giáp.

Nỗ lực này diễn ra hơn bốn tháng sau cuộc phản công của Ukraine, nhằm mục đích chiếm lại lãnh thổ bị lực lượng Nga chiếm giữ trong cuộc xâm lược toàn diện của Tổng thống Vladimir Putin vào Ukraine.

Hôm Chúa Nhật, Bộ Tổng tham mưu Lực lượng vũ trang Ukraine cho biết Kyiv đã đẩy lùi gần 20 cuộc tấn công của Nga xung quanh Avdiivka.

Newsweek không thể xác minh độc lập số liệu từ Oryx và đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga để yêu cầu bình luận qua email.

Andriy Yusov, phát ngôn nhân của Tổng cục Tình báo Bộ Quốc phòng Ukraine, nói với hãng tin Espreso TV cuối tuần qua rằng Avdiivka có ý nghĩa chiến lược.

“Đây không phải là trường hợp đầu tiên lực lượng xâm lược làm gia tăng căng thẳng với tuyên bố tiếp quản toàn bộ Donetsk và Luhansk... Kế hoạch của họ đã thất bại, các cuộc tấn công luôn bị đẩy lùi. Đây chỉ là một giai đoạn căng thẳng khác”, Yusov nói.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã mô tả tình hình ở Avdiivka là “đặc biệt khó khăn”.

“Hàng ngày, chúng ta cần kết quả cho Ukraine để chống lại các cuộc tấn công của Nga, loại bỏ quân xâm lược và tiến về phía trước”, ông Zelenskiy nói hôm Chúa Nhật. “Dù là một km hay 500 mét, nhưng hãy tiến về phía trước mỗi ngày.”

Viện Nghiên cứu Chiến tranh cho biết hôm Chúa Nhật rằng các lực lượng Nga đang điều động lực lượng bổ sung tới mặt trận Avdiivka, bất chấp những thách thức đang diễn ra với các cuộc tấn công cơ giới hóa trực diện và sự thất bại của đợt tấn công mới vào ngày 19 và 20 tháng 10.

3. Quân Nga sa lầy ở Avdiivka, tiến không được, rút không xong

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia Hits Deadlock in Avdiivka”, nghĩa là “Nga gặp bế tắc ở Avdiivka”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thúy Nga.

Nga được cho là đã rơi vào bế tắc ở Avdiivka, vài ngày sau khi phát động cuộc tấn công quy mô lớn vào thị trấn phía đông thuộc vùng Donetsk của Ukraine.

Viện Nghiên Cứu Chiến Tranh Hoa Kỳ, gọi tắt là ISW, hôm Chúa Nhật đã trích dẫn một blogger quân sự thân với Điện Cẩm Linh thảo luận về những khó khăn có thể góp phần gây ra “sự bế tắc về mặt vị trí” đối với các hoạt động tấn công của Nga theo hướng Avdiivka kể từ ngày 22 tháng 10.

Lực lượng của Mạc Tư Khoa, bắt đầu từ ngày 10 tháng 10, đã tiến hành cuộc tấn công lớn nhất trong nhiều tháng nhằm cố gắng chiếm Avdiivka. Họ đã gửi hàng nghìn binh sĩ, xe tăng và xe thiết giáp tham gia trận chiến giành thị trấn, nơi được coi là cửa ngõ để quân Ukraine tái chiếm thành phố Donetsk bị Nga tạm chiếm và phần còn lại của vùng Donbas.

Avdiivka trở thành mục tiêu gây hấn của Nga kể từ năm 2014, khi Tổng thống Nga Vladimir Putin sáp nhập bất hợp pháp miền nam bán đảo Crimea từ Ukraine. Phe ly khai thân Nga ở khu vực phía đông Donetsk và Luhansk bắt đầu đụng độ với lực lượng của Kyiv.

Dữ liệu từ trang web phân tích tình báo quốc phòng nguồn mở Oryx của Hà Lan cho biết, cứ 10 thiết bị của Nga bị mất kể từ khi Kyiv phát động cuộc phản công vào mùa hè thì có 1 xảy ra trong 10 ngày qua, phù hợp với sự gia tăng các cuộc đụng độ ở Avdiivka.

Các video do quan chức Ukraine công bố tuần trước cho thấy máy bay không người lái thả đạn vào xe tăng và xe cộ của Nga, gây ra của vụ nổ lớn.

ISW cho biết các lực lượng Nga đang điều động lực lượng bổ sung tới mặt trận Avdiivka, bất chấp những thách thức đang diễn ra với các cuộc tấn công cơ giới trực diện và sự thất bại của đợt tấn công mới vào ngày 19 và 20 tháng 10.

Tổ chức nghiên cứu có trụ sở tại Mỹ cho biết: “Các lực lượng của Nga có thể một lần nữa sẽ tạm dừng sau một cuộc tấn công lớn thất bại và chịu tổn thất nặng nề”.

Blogger quân sự liên kết với Điện Cẩm Linh này cho biết Nga có thể đang gặp bế tắc ở Avdiivka, đồng thời nói thêm rằng rất khó để tiến hành chiến tranh cơ động trên một chiến tuyến tĩnh với số lượng lớn nhân sự và các khu vực kiên cố ở cả hai bên, theo ISW.

Blogger quân sự này nói rằng máy bay không người lái của Ukraine và các vũ khí chính xác khác đã khiến các phương tiện bọc thép ngày càng dễ bị tổn thương và khiến các cuộc tấn công mặt đất trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.

ISW cho biết thêm: “Blogger quân sự này cũng lưu ý rằng các lực lượng Nga đang gặp khó khăn trong việc vượt qua các bãi mìn của Ukraine gần Avdiivka và không thể phá hủy hoàn toàn hệ thống hậu cần của Ukraine, thành ra bộ chỉ huy Ukraine vẫn có thể nhanh chóng điều chuyển nhân sự đến các khu vực quan trọng”.

Khi các phóng viên đặt câu hỏi với Putin về Avdiivka vào tuần trước, nhà độc tài Nga nói rằng quân đội của ông ta đang tiến hành “phòng thủ tích cực” dọc chiến tuyến ở Ukraine.

ISW vào thời điểm đó cho biết Putin có thể đang cố gắng xoa dịu những kỳ vọng về những bước tiến đáng kể của Nga xung quanh Avdiivka.

ISW cho biết thêm: “Các lực lượng của Nga khó có thể đạt được những đột phá đáng kể hoặc cắt đứt lực lượng Ukraine trong khu định cư trong thời gian tới và những tiến bộ tiềm năng trên quy mô có thể sẽ đòi hỏi một cam kết đáng kể và lâu dài về nhân sự và vật chất”.

4. Ngoại trưởng Lithuania cho biết cuộc xung đột ở Trung Đông không được làm suy yếu sự ủng hộ của Liên Hiệp Âu Châu dành cho Ukraine.

Trên đường tham dự hội nghị thượng đỉnh các bộ trưởng ngoại giao ở Luxembourgh, Gabrielius Landsbergis bày tỏ lo ngại về nguy cơ ý chí chính trị dành cho việc bảo vệ Ukraine sẽ suy yếu vì xung đột ở Israel và Gaza.

Ông nói:

Tôi thực sự kỳ vọng chúng ta sẽ trở thành một đối tác hữu hình và quan trọng trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng ở Israel và Palestine bởi vì đó cũng là vấn đề an ninh của chúng ta và các nguyên tắc mà chúng ta đang đấu tranh để bảo vệ ở Ukraine về pháp quyền và những thứ tương tự.

Chúng ta không thể quên, chúng ta không thể rời mắt khỏi Ukraine... Chúng ta đang chứng kiến cuộc tấn công mới của Nga, và điều đó nhắc nhở chúng ta rằng người Nga đang chờ đợi những tình huống như thế này, nơi chúng ta thu hút sự chú ý của mình đến một nơi khác để họ có thể tiếp tục các cuộc tấn công.

Hy vọng chính của tôi là chúng ta có thể gửi một thông điệp bằng nguồn tài trợ rằng Âu Châu cam kết xác định các mục tiêu phòng thủ của Ukraine. Nếu không, điều đó chỉ làm chúng ta chậm lại và trong một số trường hợp chứng tỏ rằng chúng ta không làm việc hiệu quả như mong đợi.

5. Erdoğan đệ trình đề xuất NATO của Thụy Điển lên quốc hội để phê chuẩn

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan đã đệ trình dự luật ghi danh trở thành thành viên NATO của Thụy Điển lên quốc hội để phê chuẩn, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho biết như trên mà không cung cấp thêm thông tin chi tiết.

Thụy Điển và Phần Lan nộp đơn xin gia nhập NATO vào năm ngoái sau khi Nga xâm chiếm Ukraine. Tư cách thành viên của Phần Lan đã được ký kết vào tháng 4, đánh dấu sự mở rộng lịch sử của khối quốc phòng phương Tây, nhưng nỗ lực của Thụy Điển đã bị Thổ Nhĩ Kỳ và Hung Gia Lợi cản trở.

Tất cả 31 đồng minh của NATO phải tán thành tư cách thành viên của Thụy Điển.

Thổ Nhĩ Kỳ trước đây tuyên bố Thụy Điển phải thực hiện nhiều bước hơn trong nước để trấn áp Đảng Công nhân người Kurd (PKK), là nhóm mà Liên Hiệp Âu Châu và Mỹ cũng coi là một nhóm khủng bố.

Thủ tướng Thụy Điển, Ulf Kristersson, cho biết đất nước của ông rất “mong muốn trở thành thành viên của NATO” sau khi Recep Tayyip Erdoğan đệ trình nghị định thư về việc Thụy Điển gia nhập liên minh lên quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ để phê chuẩn.

Ông nói: “Vui mừng khi biết tin Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdoğan hiện đã bàn giao các văn bản phê chuẩn cho quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ. Bây giờ việc giải quyết vấn đề này vẫn thuộc về quốc hội.”

6. Cáp viễn thông giữa Thụy Điển và Estonia bị hư hỏng do 'tác động bên ngoài'

Chính phủ Thụy Điển cho biết, hư hỏng đối với đường cáp viễn thông dưới biển giữa Thụy Điển và Estonia hồi đầu tháng 10 là do “tác động bên ngoài”.

Carl-Oskar Bohlin, Bộ trưởng Bộ phòng vệ dân sự, cho biết trong một tuyên bố: “Người ta xác nhận rằng sợi cáp đã bị hư hỏng do tác động bên ngoài”.

Bohlin nói thêm rằng Estonia đã đánh giá rằng “thiệt hại đối với đường ống dẫn khí đốt và cáp thông tin liên lạc giữa Phần Lan và Estonia có liên quan đến thiệt hại đối với cáp thông tin liên lạc giữa Thụy Điển và Estonia”.

Vào ngày 8 tháng 10, một đường ống dẫn khí đốt dưới biển và cáp viễn thông nối Phần Lan và Estonia đã bị hư hại, là điều mà các nhà điều tra Phần Lan tin rằng có thể là hành vi phá hoại có chủ ý.

Helsinki đang điều tra sự việc đường ống, trong khi Tallinn đang điều tra sự việc cáp. Tuần trước, Thụy Điển cho biết tuyến đường thứ ba bị hư hại gần như cùng thời điểm với hai tuyến còn lại.

NATO cho biết họ đang tăng cường tuần tra ở Biển Baltic sau các sự việc, làm dấy lên mối lo ngại về an ninh nguồn cung cấp năng lượng ở khu vực Bắc Âu rộng lớn hơn.

7. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã tới Iran

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Nga Maria Zakharova cho biết Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã tới Iran để hội đàm với các đối tác trong khu vực.

Ông Lavrov dự kiến sẽ nói chuyện với các ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ, Azerbaijan và Armenia, những người cũng đã được mời tham dự cuộc họp cấp bộ trưởng của nền tảng tham vấn khu vực “3+3” cho Nam Kavkaz.

Đã có những lo ngại rằng Nga đang tìm cách biến cuộc xung đột Israel-Hamas thành một cuộc chiến khu vực hay thậm chí lớn hơn nữa.

8. Những vụ nổ kinh hoàng hôm Chúa Nhật khi thiết bị của Nga bị xóa sổ

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Ukraine Video Shows Large Explosions as Russian Equipment Wiped Out”, nghĩa là “Video của Ukraine cho thấy những vụ nổ lớn khi thiết bị của Nga bị xóa sổ.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Một đoạn video hôm Chúa Nhật của quân đội Ukraine cho thấy những vụ nổ lớn khi họ phá hủy các thiết bị của Nga trong bối cảnh nước này đang phản công nhằm vào cuộc xâm lược của Mạc Tư Khoa.

Lực lượng Vệ binh Quốc gia Ukraine đã đăng video lên X, trước đây là Twitter và nói rằng các lực lượng đặc biệt đang tiêu diệt “thiết bị của đối phương”.

Đoạn video phá hủy thiết bị của Ukraine xuất hiện khi các quan chức Kyiv ăn mừng việc Nga mất hơn 5.000 xe tăng, kể từ khi Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động cuộc xâm lược toàn diện vào quốc gia Đông Âu này vào tháng 2 năm 2022. “Hơn 5000 xe tăng Nga đã bị phá hủy trong cuộc xâm lược toàn diện, “ Bộ Quốc phòng Ukraine đã viết hôm thứ Sáu trong một bài đăng trên X. “Sức mạnh của Ukraine mạnh hơn thép của kẻ xâm lược!”

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Ukraine qua email để biết thêm thông tin và xin bình luận vào hôm Chúa Nhật.

Thứ Sáu tuần qua cũng đánh dấu một trong những ngày nguy hiểm nhất của Nga kể từ khi nước này xâm chiếm Ukraine, với hơn 1.300 binh sĩ thiệt mạng trong 24 giờ. Điều này nâng tổng số thương vong của Nga lên 292.060 người kể từ khi bắt đầu chiến tranh, theo số liệu do Bộ Tổng tham mưu Lực lượng Vũ trang Ukraine công bố hôm thứ Sáu. Tuy nhiên, ước tính về thương vong có thể khác nhau, trong đó con số của Kyiv thường vượt quá con số của các đồng minh phương Tây. Newsweek không thể xác minh độc lập các số liệu.

Trong khi đó, lực lượng Nga tiếp tục gây nguy hiểm đến tính mạng của thường dân Ukraine. Hôm thứ Bảy, sáu nhân viên bưu điện trong độ tuổi từ 19 đến 42 đã thiệt mạng trong một cuộc tấn công bằng hỏa tiễn của Nga từ hệ thống phòng không S-300 tại tổng kho bưu chính Nova Poshta, một trung tâm phân phối bưu chính ở thị trấn Korotych, ngoại ô thành phố Kharkiv. Thống đốc khu vực Oleg Sinegubov đã cho biết.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết trong một video đăng lên X hôm Chúa Nhật rằng có khoảng 17 người bị thương trong cuộc tấn công.

“Chúng tôi chắc chắn sẽ đáp trả Nga vì mọi biểu hiện khủng bố của nước này, bao gồm cả cuộc tấn công này”, ông Zelenskiy nói. “Những kẻ khủng bố sẽ không phá vỡ ý chí của Ukraine trong việc bảo vệ nhà nước, nền độc lập của chính mình bằng bất kỳ phương tiện nào.”

Bridget Brink, đại sứ Mỹ tại Ukraine, cũng lên án vụ tấn công vào X, khi viết vào Chúa Nhật: “Sự coi thường mạng sống của Điện Cẩm Linh là điều cả thế giới đều thấy”.

Theo tính toán của Văn phòng Tổng Thanh tra Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và Ủy ban Ngân sách Liên bang, Hoa Kỳ đã ủng hộ Ukraine kể từ đầu cuộc chiến. Trong khi đó, Tổng thống Joe Biden hôm thứ Sáu đã yêu cầu Quốc hội cấp thêm 61 tỷ Mỹ Kim để giúp Ukraine giành chiến thắng trong cuộc chiến chống lại Nga.

Ít nhất hai người nữa đã thiệt mạng vào Chúa Nhật trong các cuộc tấn công riêng biệt của Nga vào các thị trấn gần thành phố Bakhmut của Ukraine, The Guardian đưa tin, dẫn lời các quan chức.

Thương vong của cả hai bên đang tiếp tục gia tăng trong bối cảnh cuộc phản công của Kyiv bắt đầu vào đầu tháng Sáu. Vào ngày 10 tháng 10, lực lượng Mạc Tư Khoa đã tiến hành cuộc tấn công lớn nhất trong nhiều tháng nhằm chiếm giữ thị trấn Avdiivka được săn lùng từ lâu ở vùng Donetsk của Ukraine. Ngày hôm sau, nhà lãnh đạo chính quyền quân sự địa phương ở Avdiivka, Vitaliy Barabash, cho biết trên truyền hình quốc gia rằng “hai chục hỏa tiễn” đã tấn công khu vực, dẫn đến nhiều thương vong.

ủy]

9. Tuyên truyền viên trên TV vừa bị đuổi việc dự đoán khi nào nước Nga sẽ 'sụp đổ'

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Fired Russian Pundit Predicts When His Country Could 'Collapse'“, nghĩa là “Chuyên gia Nga bị sa thải dự đoán khi nào đất nước của ông có thể 'sụp đổ'“. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Một cựu chuyên gia truyền hình nhà nước Nga, người vừa bị sa thải khỏi vai diễn trên màn ảnh vì bôi nhọ hai quan chức Bộ ngoại giao, đã dự báo rằng Điện Cẩm Linh sẽ rơi vào tình trạng hỗn loạn trong thập kỷ tới.

Trong một đoạn video ghi lại gần đây, Yevgeny Satanovsky, chủ tịch Viện Trung Đông ở Mạc Tư Khoa, nói rằng “khả năng sụp đổ sẽ ở đâu đó trong những năm 2030, bởi vì Putin không sống mãi với chúng ta; ông ấy đang già đi.”

“Như mọi khi, những nhà lãnh đạo mạnh được theo sau bởi những người yếu, và Putin rất mạnh về mặt nắm giữ quyền lực - mặc dù những gì tôi nghĩ về cách ông ấy điều hành đất nước là một chủ đề riêng biệt,” ông nói thêm, theo bản dịch của War Translation. “Ông sẽ đặt một số thứ nhỏ bé, yếu đuối vào vị trí của mình. Cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev là một ví dụ.”

Newsweek đã tiếp cận chính phủ Nga qua email để bình luận vào Chúa Nhật.

Medvedev giữ chức tổng thống Nga từ năm 2008 đến năm 2012 do hiến pháp Nga cấm Putin phục vụ nhiệm kỳ thứ ba liên tiếp. Ông đã đổi chỗ cho Medvedev làm thủ tướng trước khi trở lại chức tổng thống. Năm 2020, Putin đã thay đổi hiến pháp để có thể tiếp tục nắm quyền.

Mặc dù trong nước đã suy giảm sự ủng hộ đối với việc Nga xâm chiếm Ukraine, nhưng Putin phần lớn vẫn là một nhân vật được công chúng Nga yêu mến - có lẽ một phần là nhờ tuyên truyền rộng rãi và việc Tổng thống Nga đổ hết trách nhiệm của những thất bại trong cuộc chiến sang các tướng lĩnh của ông.

Trong suốt nhiệm kỳ đứng đầu chính phủ Nga, ông đã thể hiện hình ảnh của một nhà lãnh đạo mạnh mẽ được bao quanh bởi một nhóm quan chức trung thành và những kẻ đầu sỏ, những người có nguy cơ bị loại bỏ, thậm chí bị té từ cửa sổ các tầng lầu cao xuống đất, vỡ sọ chết, nếu họ dám lên tiếng chống lại ông.

Nhưng sự nắm quyền lực kiểu độc tài này từ cựu đặc vụ KGB đã dẫn đến câu hỏi về việc ai có thể thay thế ông ta và tiếp tục kiểm soát một quốc gia rộng lớn và đôi khi khó khăn như vậy, nơi có sự ổn định tương đối sau khi Liên Xô sụp đổ đã được đánh dấu bởi việc Putin nắm giữ Điện Cẩm Linh.

Vết nứt đầu tiên trên tấm áo giáp chính trị của Putin xuất hiện vào đầu năm nay, khi ông phải đối mặt với một cuộc nổi dậy vũ trang của Yevgeny Prigozhin, lãnh đạo Tập đoàn Wagner hiện đã qua đời. Ông từng là thành viên đáng tin cậy trong vòng thân cận của tổng thống Nga trước khi trở nên chỉ trích mạnh mẽ những thất bại quân sự của Mạc Tư Khoa ở Ukraine.

Như các chuyên gia đã lưu ý vào thời điểm đó, cuộc binh biến của Prigozhin—đã đi được nửa đường tới Mạc Tư Khoa trước khi kết thúc—đã làm tổn hại đến nhận thức về sự bất khả chiến bại của Putin trong mắt người Nga và nhiều người trên thế giới.

Cũng có những câu hỏi được đặt ra về sức khỏe của Putin kể từ khi xâm lược Ukraine, bao gồm cả suy đoán rằng ông đang mắc một dạng bệnh thoái hóa nào đó do xuất hiện trước công chúng với khuôn mặt sưng húp và run rẩy ở bàn tay và cánh tay - cũng như lối sống xa cách nghiêm nhặt của ông, cách ly xã hội với những người khác trong và sau đại dịch coronavirus.

Dự đoán của Satanovsky được đưa ra sau khi ông bị sa thải khỏi vai trò bình luận viên thường xuyên trên kênh truyền hình nhà nước Russia-1, nơi ông thường xuất hiện với tư cách là nhà lãnh đạo nói chuyện cùng với phát ngôn nhân của Điện Cẩm Linh, Vladimir Solovyov.

Satanovsky đã cáo buộc phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova là một kẻ bài Do Thái “nghiện rượu nặng” và nói rằng Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Bogdanov là một “kẻ say rượu vô vọng” trong một cuộc phỏng vấn.

Nhà khoa học chính trị này đã tuyên bố hồi tháng 2 rằng mục tiêu cuối cùng của Nga là “phi Quốc Xã hóa và phi quân sự hóa Hoa Kỳ”, cũng như loại bỏ tài sản quân sự của Mỹ tại các quốc gia NATO gần biên giới Nga.
 
ATACMS tác động tàn khốc đến chiến trường Avdiivka. THAAD, Mỹ vừa đưa sang Israel, lợi hại ra sao?
VietCatholic Media
17:21 24/10/2023

1. Nhận định của ISW về chiến sự tại Ukraine khi Nga tấn công tiếp tục ở Avdiivka

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Ukraine War Maps Reveal Areas of Fighting As Russia Renews Avdiivka Push”, nghĩa là “Bản đồ chiến tranh ở Ukraine cho thấy các khu vực giao tranh khi Nga lại tấn công vào thị trấn Avdiivka”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Viện Nghiên Cứu Chiến Tranh Hoa Kỳ, gọi tắt là ISW, cho biết lực lượng của Kyiv đã đẩy lùi một cuộc tấn công của Nga nhằm vào Avdiivka khi tiết lộ các khu vực giao tranh ở miền đông Ukraine trong bản đồ gần đây nhất.

Cơ quan cố vấn cho biết các lực lượng của Điện Cẩm Linh đã tiến hành một cuộc tấn công khác vào Avdiivka, ngay phía bắc thành phố Donetsk do Nga nắm giữ và đã giành được những lợi ích hạn chế ở phía tây bắc khu định cư, theo đoạn phim định vị địa lý được đăng vào ngày 21 tháng 10.

Một tuyên bố của Bộ Tổng tham mưu Lực lượng vũ trang Ukraine cho biết: “quân xâm lược tiếp tục cố gắng bao vây Avdiivka, nhưng quân phòng thủ Ukraine vẫn giữ vững lập trường, và gây tổn thất lớn cho đối phương”.

“Tuy nhiên, các quan chức quân đội Ukraine lưu ý rằng lực lượng Nga đã giảm phần nào tốc độ của các hoạt động tấn công gần Avdiivka vào ngày 21 tháng 10, đồng thời nhắc lại báo cáo trước đó của Ukraine rằng lực lượng Nga đã mất 50 xe tăng, 100 xe thiết giáp và 900 nhân sự trong cuộc tấn công vào Avdiivka vào ngày 19 tháng 10”. “, ISW cho biết trong đánh giá chiến dịch ngày 22 tháng 10.

Newsweek không thể xác minh ngay các chi tiết trong báo cáo và đã liên hệ với Bộ Tổng tham mưu Ukraine và Bộ Ngoại giao Nga để yêu cầu bình luận qua email.

Thị trấn Avdiivka nằm trên đỉnh đồi và điều này sẽ giúp quân Nga dễ dàng phòng thủ hơn trước nỗ lực của Ukraine nhằm chiếm thành phố, nếu như quân đội Mạc Tư Khoa chiếm thành công Avdiivka.

Việc Nga tiếp tục gửi các làn sóng nhân sự và thiết bị đến khu vực xung quanh Avdiivka khiến ISW kết luận rằng các chỉ huy Nga có lẽ dành ưu tiên cho việc chiếm lãnh thổ này bất chấp các tổn thất cao độ và bất chấp một thực tế là “phẩm chất chung của lực lượng Nga trong cuộc tấn công nói chung là thấp”.

Một quan chức quân sự Ukraine lưu ý rằng bộ binh chính quy và chiến thuật của Nga 'luôn tệ' và thay vào đó, các lực lượng Nga đang dựa vào các hệ thống máy bay không người lái (chẳng hạn như máy bay không người lái Lancet), pháo binh và Không Quân.

“Có vẻ như các lực lượng Nga đang tiếp tục sử dụng các chiến thuật kém hiệu quả và tốn kém trong các nỗ lực tấn công gần Avdiivka, dẫn đến tổn thất lớn về nhân lực và phương tiện, và việc họ liên tục làm như vậy trong một số đợt tấn công trong tuần qua cho thấy rằng bộ chỉ huy quân sự Nga bất chấp đang phải đối mặt với nguy cơ bị tổn thất nặng nề vẫn tiếp tục dành ưu tiên trục này, không kể đến các con số thương vong cao và ngày càng tăng.

Bộ Quốc phòng Anh cũng cho biết cuộc tấn công vào Avdiivka đã có tác động tàn khốc đối với lực lượng vũ trang của nước này, đồng thời góp phần làm tăng 90% tổn thất về nhân sự đã được quân đội Kyiv ghi nhận.

Đại tá Oleksandr Shtupun, phát ngôn viên của nhóm lực lượng Tavria của Ukraine bao trùm Avdiivka, nói với Newsweek hôm thứ Ba rằng khoảng 800 binh sĩ Nga đã thiệt mạng một ngày trong giai đoạn mở đầu cuộc tấn công. Ông cũng ước tính Nga mất 3.000 binh sĩ và 61 xe tăng trong 5 ngày đầu tiên của cuộc tấn công.

Theo Bộ Quốc phòng Vương Quốc Anh, Nga đã phải gánh chịu từ 150.000 đến 190.000 thương vong vĩnh viễn, bao gồm cả những người thiệt mạng và bị thương không còn khả năng phục vụ, kể từ khi Điện Cẩm Linh bắt đầu xâm lược Ukraine vào tháng 2 năm 2022.

2. Hoa Kỳ triển khai ngay Hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối ở Địa Trung Hải. Ukraine rất mong có được vài hệ thống như thế

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “What Are US THAAD /thát/ Systems? Weapons Deployed Amid Growing Iran Threat”, nghĩa là “Hệ thống THAAD của Hoa Kỳ là gì? Vũ khí được triển khai trong bối cảnh mối đe dọa ngày càng tăng của Iran.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Bộ Quốc phòng cho biết, quân đội Hoa Kỳ đang triển khai một hệ thống phòng thủ hỏa tiễn chống đạn đạo tiên tiến ở Trung Đông, khi Hoa Kỳ cố gắng ngăn chặn sự leo thang hơn nữa từ cuộc chiến giữa Israel và Hamas, trong bối cảnh có các lo ngại về sự can thiệp của Iran.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết hôm thứ Bảy rằng Mỹ đã kích hoạt việc triển khai Hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối, cũng như các nguồn lực quân sự khác, đến một địa điểm không được tiết lộ xung quanh phía đông Địa Trung Hải.

Austin cho biết trong một tuyên bố rằng Mỹ đã gửi “các tiểu đoàn Patriot bổ sung tới các địa điểm trên khắp khu vực để tăng cường lực lượng bảo vệ cho lực lượng Mỹ”. Austin cho biết thêm, nhóm tấn công Hàng Không Mẫu Hạm thứ hai của Mỹ, USS Dwight D. Eisenhower, đã được cử tham gia cùng nhóm tấn công USS Gerald R. Ford đã được triển khai tới phía đông Địa Trung Hải, để “tăng cường hơn nữa tư thế lực lượng của chúng ta và tăng cường năng lực và khả năng của chúng ta trong việc ứng phó với nhiều tình huống bất ngờ.” Quân đội Mỹ đã nhận được lệnh chuẩn bị triển khai.

Ngay sau khi nhóm khủng bố Palestine Hamas, được Iran hậu thuẫn và bị Mỹ coi là tổ chức khủng bố, tiến hành cuộc tấn công phối hợp và chết người vào Israel vào ngày 7 tháng 10, Tổng thống Joe Biden đã cam kết “cung cấp mọi phương tiện hỗ trợ thích hợp” cho Israel, khi nước này bắt đầu chiến dịch không kích nhằm vào Gaza do Hamas kiểm soát.

Washington đã nhanh chóng điều nhóm tấn công USS Gerald R. Ford tới khu vực để “ngăn chặn bất kỳ tác nhân nào tìm cách leo thang tình hình hoặc mở rộng cuộc chiến này”, Bộ Tư lệnh Trung ương Mỹ khi đó cho biết.

Austin cho biết quyết định triển khai THAAD diễn ra sau “sự leo thang gần đây của Iran và các lực lượng ủy nhiệm của nước này trên khắp khu vực Trung Đông”. Tehran cho biết họ không liên quan đến cuộc tấn công ban đầu của Hamas, nhưng họ hỗ trợ nhóm này và nhóm Hezbollah có trụ sở tại Li Băng, vốn đã đấu súng với Israel qua biên giới phía nam Beirut.

Mỹ đã có động thái ngăn chặn khả năng mở mặt trận mới ở phía bắc Israel, dọc biên giới với Li Băng. Tuy nhiên, vẫn còn mối lo ngại sâu sắc về vai trò của Iran trong việc hỗ trợ cả Hamas và Hezbollah chống lại Israel, cũng như các mối đe dọa leo thang từ Tehran về cuộc tấn công trên bộ sắp tới của Israel ở Gaza.

Các nhóm được Iran hậu thuẫn nằm trong lực lượng Kháng chiến Hồi giáo ở Iraq cũng đã tiến hành một số cuộc tấn công vào lực lượng Mỹ trong khu vực trong những ngày gần đây.

Theo nhà sản xuất, hệ thống THAAD do gã khổng lồ quốc phòng Mỹ Lockheed Martin sản xuất, được thiết kế để chống lại các mối đe dọa hỏa tiễn đạn đạo tầm ngắn, tầm trung và tầm trung. Nó được cho là có tầm bắn lên tới khoảng 125 dặm, mặc dù radar của nó có thể phát hiện các mối đe dọa đang đến ở khoảng cách xa hơn nhiều.

Hệ thống có thể vận chuyển này đánh chặn hỏa tiễn ở giai đoạn cuối trong chuyến bay của hỏa tiễn, sử dụng động năng để tiêu diệt mối đe dọa đang lao tới. Theo tổ chức cố vấn Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, gọi tắt là CSIS, nó có thể bao phủ một khu vực rộng lớn hơn hỏa tiễn Patriot do Mỹ sản xuất.

Cơ quan nghiên cứu cho biết nó được tạo thành từ bốn phần chính: phương tiện phóng, thiết bị đánh chặn, radar và hệ thống điều khiển hỏa lực. “THAAD là hệ thống duy nhất của Mỹ được thiết kế để đánh chặn các mục tiêu bên ngoài và bên trong bầu khí quyển”, theo Lockheed Martin.

Quân đội Mỹ hiện có 7 khẩu đội THAAD, trong đó chiếc thứ 8 dự kiến sẽ đến tay Cơ quan phòng thủ hỏa tiễn Mỹ vào năm 2025. Khẩu đội THAAD đầu tiên đã hoạt động từ năm 2008, và khẩu thứ 7 đã đi vào hoạt động từ cuối năm 2016, Lockheed Martin nói.

Newsweek đã liên hệ với Ngũ Giác Đài qua email để bình luận.

3. Ăn cắp đồ cổ của Ukraine đem bán lấy 60 triệu euro, bị bắt

Hôm thứ Hai, cảnh sát Tây Ban Nha cho biết đã tịch thu các đồ tạo tác bằng vàng cổ trị giá 60 triệu euro bị đánh cắp từ Ukraine sau khi những tên trộm bị bắt khi đang cố bán chúng ở Madrid.

Theo Reuters, 11 món đồ, chủ yếu là đồ trang sức bao gồm dây chuyền, vòng tay và hoa tai phức tạp, có niên đại từ thời Đông Phương-Scythian, giữa thế kỷ 8 và 4 trước Chúa Giáng Sinh.

Cảnh sát Quốc gia Madrid cho biết trong một tuyên bố rằng các hiện vật này đã được trưng bày trong một bảo tàng ở Kyiv từ năm 2009 đến năm 2013 và được tuồn lậu ra khỏi Ukraine vào năm 2016.

Cảnh sát cho biết các đồ tạo tác đã giả mạo các tài liệu để khiến nó trông như thể chúng thuộc về Giáo Hội Chính thống Ukraine trực thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa.

Ba công dân Tây Ban Nha và hai công dân Ukraine đã bị bắt trong cuộc điều tra bắt đầu vào năm 2021, sau khi một trong những món đồ – bao gồm một chiếc thắt lưng vàng có hình đầu cừu đực – được bán trong một cuộc đấu giá tư nhân ở Madrid.

4. Dân biểu Nga cho rằng Nga dân chủ gấp triệu lần Hoa Kỳ và muốn chuyển Tượng Nữ thần Tự do sang Nga

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russian Lawmaker Wants Statue of Liberty Moved to Russia”, nghĩa là “Nhà lập pháp người Nga muốn Tượng Nữ thần Tự do nên được đưa ra khỏi Mỹ và đặt ở Nga.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Mikhail Sheremet, một thành viên Duma quốc gia hay Hạ Viện Nga, người từng chỉ huy lực lượng dân quân thân Mạc Tư Khoa ở Crimea khi Nga sáp nhập bán đảo này vào năm 2014, đã đưa ra tuyên bố này trong cuộc phỏng vấn do hãng truyền thông nhà nước Nga RIA Novosti công bố hôm thứ Bảy.

Nhận xét của Sheremet được đưa ra vài ngày sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden một lần nữa lên án cuộc chiến ở Ukraine của Tổng thống Nga Vladimir Putin, bắt đầu vào tháng 2 năm 2022. Trong bài phát biểu vào giờ vàng hôm thứ Năm trước toàn quốc, Biden đã so sánh cuộc xâm lược Ukraine của Putin với cuộc tấn công gần đây của Hamas vào Israel, nói rằng Putin và Hamas “cả hai đều muốn tiêu diệt hoàn toàn nền dân chủ láng giềng.”

Tượng Nữ thần Tự do, nằm trên Đảo Tự do của Thành phố New York, là một món quà của người Pháp để vinh danh liên minh giữa Hoa Kỳ và Pháp trong Cách mạng Hoa Kỳ. Nó đã trở thành một trong những biểu tượng tự do dễ nhận biết nhất trên thế giới, nhưng Sheremet lập luận rằng Hoa Kỳ không nên còn được coi là quốc gia mang tiêu chuẩn về dân chủ trên thế giới nữa. Thay vào đó, ông nói tượng đài nên được chuyển đến Nga.

Sheremet nói với RIA Novosti: “Hoa Kỳ đã làm cho nền kinh tế của các quốc gia khác phụ thuộc vào mình trong một thời gian dài, biến từ một thành trì dân chủ thành thành trì của chế độ chuyên quyền và bạo lực, gây chiến tranh và hủy diệt trên khắp thế giới”.

Ông nói thêm: “Vì vậy, Tượng Nữ thần Tự do nên được dỡ bỏ và chuyển đến Nga, nơi ngày nay bảo vệ quyền tự do lựa chọn và phát triển của các dân tộc và quốc gia khác”.

Nhà lập pháp nói thêm rằng Mỹ đã mất đi một số vị thế trên thế giới do các chính sách của tổng thống hiện tại.

Sheremet nói: “Dưới thời Biden, Hoa Kỳ một lần và mãi mãi mất đi sự tôn trọng trước đây trên thế giới.”

Newsweek đã liên hệ với Tòa Bạch Ốc qua email để bình luận.

Sheremet nổi tiếng với việc đưa ra những tuyên bố gây tranh cãi, bao gồm cả năm ngoái khi ông nói rằng rất khó để “thương lượng” với người Ukraine và việc tiêu diệt họ là con đường “duy nhất” tiến tới cuộc chiến của Nga ở Ukraine.

Sheremet cho biết vào tháng 10 năm 2022, theo hãng thông tấn do Điện Cẩm Linh điều hành: “Với những thiệt hại mà chúng gây ra cho cơ sở hạ tầng của chúng ta cũng như tác hại đối với cuộc sống và hạnh phúc của công dân chúng ta, chúng ta phải tiêu diệt sạch người Ukraine”

Đầu năm nay, Sheremet cũng kêu gọi tấn công hỏa tiễn trả đũa vào dinh thự của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy ở Kyiv sau khi Điện Cẩm Linh tuyên bố hai máy bay không người lái của Ukraine đã đâm vào dinh thự ở Điện Cẩm Linh của Putin.

5. Tác động tàn khốc của bom ATACMS đối với trực thăng Nga

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Photos Reveal Devastating Impact of ATACMS Bomblets on Russian Helicopters”, nghĩa là “Những bức ảnh tiết lộ tác động tàn khốc của bom ATACMS đối với trực thăng Nga”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Những bức ảnh mới cho thấy các biến thể M39 của hỏa tiễn ATACMS do Hoa Kỳ cung cấp có thể đã làm hư hại hơn ba chục máy bay trực thăng của Nga, đây có thể là một chiến thắng có ý nghĩa hơn đối với Kyiv so với suy nghĩ trước đây.

Lực lượng đặc biệt Ukraine đã báo cáo 9 chiếc trực thăng đã bị phá hủy, nhưng các con số từ các không ảnh đã lần lượt tiết lộ những con số lớn hơn nhiều: 14, 21 và bây giờ là hơn 30 chiếc.

Các hình ảnh và cảnh quay lan truyền trên mạng dường như cho thấy tác động của bom con hoặc đạn con từ hỏa tiễn M39 được cho là đã được sử dụng trong cuộc tấn công gần đây của hệ thống hỏa tiễn chiến thuật lục quân tầm xa, gọi tắt là ATACMS, của Ukraine vào một căn cứ quân sự của Nga ở Luhansk do Mạc Tư Khoa kiểm soát, ở miền đông Ukraine.

Những bức ảnh được chia sẻ với X, trước đây là Twitter, dường như cho thấy một số thiệt hại trên trực thăng Nga cũng như các lỗ thủng trên phi đạo.

Ngày 17/10, lực lượng tác chiến đặc biệt của Ukraine cho biết họ đã phá hủy 9 máy bay trực thăng của Nga trong các cuộc tấn công qua đêm nhằm vào các căn cứ không quân ở thành phố Berdiansk của khu vực Zaporizhzhia, và một căn cứ không quân khác ở thành phố Luhansk. Cả hai địa điểm này đều nằm xa so với chiến tuyến hiện tại ở miền đông và miền nam Ukraine, trên lãnh thổ bị Nga tạm chiếm.

Ukraine cũng phá hủy một bệ phóng phòng không, một kho đạn, phi đạo và các thiết bị đặc biệt không xác định, lực lượng hoạt động đặc biệt cho biết thêm vào thời điểm đó.

Đây là cuộc tấn công ATACMS đầu tiên được biết đến nhằm vào tài sản của Nga ở Ukraine trong cuộc chiến kéo dài gần 20 tháng và là xác nhận đầu tiên rằng Mỹ đã cung cấp vũ khí tầm xa cho Kyiv. Các nhà phân tích cho rằng việc xuất hiện, triển khai và hậu quả của các cuộc tấn công ATACMS có thể là một bất ngờ không mong muốn đối với các chỉ huy Nga.

Ukraine từ lâu đã kiến nghị với Washington về hỏa tiễn đất đối đất tầm xa, tăng cường khả năng tấn công để tiêu diệt các mục tiêu có giá trị ở xa của Nga. Dan Rice, cựu cố vấn của Tư Lệnh quân đội Ukraine, Tướng Valery Zaluzhnyi, nói với Newsweek rằng biến thể cụm ATACMS có thể “thay đổi đáng kể toàn bộ chiến lược và chiến thuật của cuộc chiến”, chuyển sự chú ý từ cuộc chiến tranh trên bộ mệt mỏi của Ukraine sang các cuộc tấn công tầm xa.

Con số 9 chiếc trực thăng bị loại khỏi cuộc không kích đã giáng một đòn đau đớn vào lực lượng không quân Nga. Tuy nhiên, sau đó đã xuất hiện các báo cáo từ các tài khoản tình báo nguồn mở, cho thấy Nga có thể đã mất nhiều hơn 9 chiếc trực thăng mà Kyiv đã cho là đã gây thiệt hại, với con số thực tế lên tới 21 chiếc.

Newsweek không thể xác minh độc lập những hình ảnh lưu hành trực tuyến cũng như các tuyên bố nguồn mở và đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga để yêu cầu bình luận qua email.

ATACMS được thiết kế cho những cuộc tấn công như thế này. Chúng rất phù hợp để nhắm vào các căn cứ và phi trường của Nga, thay vì các mục tiêu kiên cố hoặc các boongke mà hỏa tiễn Storm Shadow và SCALP tầm xa do Anh và Pháp cung cấp có thể tấn công.

Fabian Hoffmann, nhà nghiên cứu tiến sĩ tại Đại học Oslo, Na Uy, cho biết: “Nga sẽ buộc phải phân tán các tài sản quân sự của mình để tránh bị tổn thương trước các cuộc tấn công ATACMS” bằng các đầu đạn chùm này.

Trước đó, ông nói với Newsweek rằng điều này có thể làm suy yếu hệ thống phòng không của Nga và có thể gây thêm áp lực lên hệ thống hậu cần của Mạc Tư Khoa. Ông nói thêm: “Hiệu quả của Không Quân Nga cũng có thể bị suy giảm do Nga phải rút một số tài sản Không Quân của mình ra xa tiền tuyến”.

Volodymyr Omelyan, một đại úy trong quân đội Ukraine và cựu bộ trưởng cơ sở hạ tầng, nói với Newsweek vào tuần trước rằng ATACMS là “một nhân tố thay đổi cuộc chơi khác” sẽ “cứu được nhiều sinh mạng” trong hàng ngũ Ukraine.

6. Tổng thống Latvia nói rằng NATO nên cấm Nga vận chuyển hàng hải qua Biển Baltic

Điện Cẩm Linh cho biết bất kỳ lời đe dọa nào chống lại Nga đều “không thể chấp nhận được” sau khi Tổng thống Latvia nói rằng NATO nên cấm vận chuyển hàng hải qua Biển Baltic nếu Mạc Tư Khoa bị phát hiện chịu trách nhiệm về thiệt hại đối với đường ống dẫn khí đốt giữa Phần Lan và Estonia.

Diễn biến này xảy ra sau khi Tổng thống Latvia, Edgars Rinkevics, nói trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình rằng NATO nên đóng cửa Biển Baltic đối với tàu bè nếu Nga được chứng minh là chịu trách nhiệm về thiệt hại đối với Balticconnector.

Khi được hỏi về nhận xét của Rinkevics vào thứ Hai, Peskov nói trong một cuộc họp báo thường kỳ:

Bất kỳ mối đe dọa nào đều phải được xem xét nghiêm túc, bất kể chúng đến từ ai. Bất kỳ mối đe dọa nào đối với Liên bang Nga đều không thể chấp nhận được. Tôi nhắc lại một lần nữa: Nga không liên quan gì đến vụ việc này.

Tổng thống Latvia, Edgars Rinkevics, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với “Câu hỏi hôm nay” của LTV hôm thứ Năm tuần trước rằng NATO nên lựa chọn đóng cửa Biển Baltic đối với tàu bè nếu Nga được chứng minh là chịu trách nhiệm về thiệt hại đối với đường ống dẫn khí đốt Balticconnector.

Estonia, Latvia và Phần Lan đều là thành viên của liên minh quân sự NATO.

7. Quan hệ Mỹ - Hoa Lục căng thẳng khi Bắc Kinh bắt giữ công dân Trung Quốc bị cáo buộc làm 'gián điệp' cho Washington

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Beijing Arrests Chinese National Turned U.S. 'Spy'—State Media”, nghĩa là “Truyền thông quốc doanh cho biết Bắc Kinh đã bắt giữ công dân Trung Quốc đã trở thành 'gián điệp' của Mỹ.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Một học giả Trung Quốc bị buộc tội làm gián điệp cho Hoa Kỳ sẽ bị xét xử theo luật gián điệp của Trung Quốc, cơ quan tình báo hàng đầu của Trung Quốc cho biết.

Theo hãng truyền thông nhà nước Trung Quốc CCTV, người đàn ông họ Hầu này đã làm việc cho một viện quốc phòng giấu tên ở Trung Quốc trước khi sang Mỹ học vào năm 2013.

Khi đang học tại trường đại học Mỹ không được tiết lộ, một giáo sư khác được cho là đã giới thiệu Hầu với một nhân viên tình báo Mỹ làm việc dưới vỏ bọc một nhà cố vấn. Sau khi họ quen nhau, người đàn ông kia đã đề nghị Hầu làm việc cố vấn cho công ty của anh ta với mức lương 600-700 Mỹ Kim mỗi công việc.

“Nhà cố vấn” cuối cùng đã tiết lộ bản chất thực sự công việc của mình và đề xuất một thỏa thuận mới trong đó hai người gặp nhau để thảo luận hàng giờ về các bí mật quốc phòng của chính phủ Trung Quốc mà Hầu được biết các bí mật do chức vụ trước đây của anh ta. Hầu, người có mức lương cố vấn đã tăng lên 1.000 Mỹ Kim, được cho là đã đồng ý vì gia đình anh đang đến thăm anh ở Mỹ và anh lo lắng cho sự an toàn của họ.

Anh ta tiếp tục cung cấp cho các đặc vụ Mỹ thông tin tình báo liên quan đến ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc ngay cả sau khi đã trở về nước vào năm sau.

Các nhà điều tra Trung Quốc cuối cùng đã biết được hoạt động của Hầu và vào tháng 7 năm 2021, anh ta bị cơ quan an ninh nhà nước tỉnh Tứ Xuyên bắt giữ. Theo một bài đăng của Bộ An ninh Quốc gia trên nền tảng mạng xã hội Vi Tín, anh ta đã được chuyển đến Tòa án Nhân dân Trung cấp ở Thành Đô và hiện đang chờ xét xử.

Vụ việc này là vụ việc mới nhất nêu bật sự tập trung cao độ của Trung Quốc vào cả công dân và người nước ngoài bị nghi ngờ hoạt động gián điệp. Tuần trước, Bắc Kinh tuyên bố đã chính thức bắt giữ một người đàn ông Nhật Bản làm việc cho Astellas Pharma, là người đã bị giam giữ vào tháng 3 vì nghi ngờ phạm tội.

Vào tháng 7, những sửa đổi sâu rộng về luật chống gián điệp của đất nước đã có hiệu lực. Các nhà phân tích và chuyên gia Hoa Kỳ về luật pháp Trung Quốc đã lên tiếng lo ngại cách diễn đạt mơ hồ của luật này sẽ khiến việc bắt giữ công dân Mỹ một cách tùy tiện trở nên dễ dàng hơn.

Những thay đổi về luật diễn ra ngay sau các cuộc đột kích tại văn phòng Thượng Hải của công ty cố vấn Bain and Company và Mintz Group, trong đó chính quyền Trung Quốc bắt giữ 5 nhân viên của nhóm thẩm định và đóng cửa chi nhánh Bắc Kinh.

Newsweek đã liên hệ với đại sứ quán Trung Quốc tại Washington và Tòa án Nhân dân Trung cấp Thành Đô để bình luận.

8. Ba cư dân Kherson bị bắt vì bị cáo buộc 'giúp Nga tấn công vào các địa điểm'

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Ba 24 Tháng 10, phát ngôn nhân của SBU Artem Dekhtiarenko cho biết ba cư dân ở tỉnh Kherson đã bị bắt vì bị cáo buộc giúp lực lượng Nga tấn công vào các địa điểm ở thành phố Kherson.

Nga đã tập trung vào khu vực công nghiệp phía đông kể từ khi rút lui sau cuộc tấn công thất bại vào Kyiv khi bắt đầu cuộc xâm lược vào tháng 2 năm 2022 và các lực lượng của họ đã cố gắng duy trì các vị trí ở Kherson kể từ khi rời bỏ thành phố chính của khu vực vào cuối năm ngoái.

Các lực lượng Nga được cho là thường xuyên pháo kích vào Kherson và các thị trấn ở bờ tây sông Dnipro từ các vị trí ở bờ đông, nơi họ rút lui vào cuối năm ngoái.

9. Chủ tịch Ủy ban Âu Châu Ursula Von der Leyen đẩy mạnh lập trường ủng hộ Israel, và cảnh báo Iran đang tìm cách mở rộng chiến tranh trong khu vực

Ký giả Hans Von Der Burchard của tờ Politico có trụ sở ở Washington DC có bài tường trình nhan đề “Von der Leyen doubles down on pro-Israel stance, lashes out at Iran”, nghĩa là “Von der Leyen đẩy mạnh lập trường ủng hộ Israel, và đả kích Iran”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Chủ tịch Ủy ban Âu Châu Ursula von der Leyen hôm Chúa Nhật đã nhắc lại lập trường ủng hộ Israel mạnh mẽ của bà bất chấp sự chỉ trích ngày càng tăng từ chính nhân viên của bà, đồng thời chỉ trích gay gắt Iran vì tìm cách gieo rắc “bạo lực và hỗn loạn” ở Trung Đông.

Khoảng 800 nhân viên Liên Hiệp Âu Châu đã thực hiện bước đi bất thường bằng cách viết thư cho von der Leyen vào cuối tuần trước để phản đối điều mà họ coi là thiên vị vô lý đối với Israel trong cuộc chiến Israel-Hamas. Cuộc phản kháng này diễn ra sau khi bà phớt lờ việc đề cập đến sự ủng hộ của Liên Hiệp Âu Châu đối với nhà nước Palestine trong bài phát biểu hôm thứ Năm tại Washington - mặc dù giải pháp hai nhà nước là một phần cốt lõi trong lập trường của các nước Âu Châu.

Hôm Chúa Nhật, von der Leyen đã nhấn mạnh thêm lập trường trước đây của mình trong bài phát biểu trước tổ chức thanh niên thuộc nhóm chính trị trung hữu CDU/CSU ở Đức của cô.

Trong khi nhấn mạnh rằng bất kỳ biện pháp tự vệ nào của Israel chống lại nhóm khủng bố Hamas đều phải “phù hợp với luật pháp quốc tế”, cô một lần nữa không đề cập đến tư cách nhà nước của Palestine mà thay vào đó chỉ đề cập đến viện trợ nhân đạo cần thiết. Cô nói: “Không có mâu thuẫn trong việc đoàn kết với Israel và cung cấp viện trợ nhân đạo ở Gaza.”

Von der Leyen cũng so sánh vai trò của Israel trong cuộc xung đột với việc Ukraine bảo vệ mình trước sự xâm lược của Nga.

“Tất cả những xung đột này đều có một điểm chung: chúng là cuộc đấu tranh giữa những người tìm kiếm hòa bình, cân bằng, tự do và hợp tác - và những người không muốn bất kỳ điều gì trong số này vì họ kiếm lợi từ sự hỗn loạn và rối loạn,” von der Leyen nói trong bài phát biểu của mình tại đại hội thanh niên CDU/CSU ở Braunschweig, Đức.

Nhận xét của cô có thể được coi là gây tranh cãi bởi vì, nhiều người cho rằng mặc dù không thể phủ nhận Israel đang tự vệ sau cuộc xâm lược tàn bạo của những kẻ khủng bố Hamas, nhưng chính sách giải quyết rất phức tạp và bị chỉ trích nhiều của đất nước này đôi khi có thể không được coi là cân bằng hoặc vì lợi ích hòa bình và hợp tác.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền đã đi xa đến mức chỉ trích Israel vì “phạm tội ác chống lại loài người bằng chế độ phân biệt chủng tộc và đàn áp hàng triệu người Palestine”.

Von der Leyen cũng có quan điểm rất chỉ trích Iran, cho rằng Tehran đứng “đứng sau Hamas”. Cô nói thêm: “Iran không có bất kỳ mối quan tâm nào đến hòa bình trong khu vực này. Ngược lại, Iran muốn kích động bạo lực và hỗn loạn vì điều đó bảo đảm ảnh hưởng của họ”.

Bên cạnh những lời chỉ trích, cũng không thiếu những lời khen ngợi dành cho Von der Leyen vì lập trường mạnh mẽ của cô liên quan đến cuộc chiến tại Ukraine và Israel.

10. Bộ trưởng nói nước Nga của Putin phạm những 'tội ác ghê tởm nhất mà thế giới đã chứng kiến kể từ Thế chiến thứ hai'

Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine, Dmytro Kuleba, đã nói rằng nước Nga của Vladimir Putin “là cái ác ghê tởm nhất mà thế giới từng chứng kiến kể từ Thế chiến thứ hai” và rằng tổng thống Nga cũng như “những thủ phạm người Nga khác phải đối mặt với công lý vì tội ác của họ”.

Trích dẫn tờ Forbes Ukraine, ông nói Nga đã chi khoảng 167 tỷ Mỹ Kim cho cuộc chiến toàn diện chống lại Ukraine từ tháng 2 năm 2022 đến tháng 8 năm 2023.

Kuleba cho rằng với số tiền này, Mạc Tư Khoa có thể xây dựng gần 24.000 trường mẫu giáo trên khắp nước Nga, hoặc hơn 4.500 phòng hộ sinh, hay khoảng 17.000 trường học.

Nhưng ông nói “thay vào đó, tội phạm chiến tranh Nga đã ném bom các trường mẫu giáo, nhà hộ sinh, trường học và bệnh viện Ukraine, phá hủy gần 120.000 công trình dân sự, bao gồm cả vụ tấn công mới nhất vào nhà kho bưu điện Nova Poshta ở Kharkiv.”
 
Độc tài đưa 12 linh mục từ nhà tù ra phi trường trục xuất. Giám Mục anh hùng từ chối lưu vong
VietCatholic Media
17:24 24/10/2023


1. Nicaragua đưa các linh mục Công Giáo bị bắt giam tới Rôma sau cuộc đàm phán với Vatican

Nicaragua đã gửi hàng chục linh mục Công Giáo đã bị cơ quan tư pháp giam giữ đến Rôma vào hôm thứ Tư, bọn cầm quyền cho biết như trên hôm thứ Bẩy 21 tháng 10 và nhấn mạnh rằng Rolando Alvarez từ chối không di tản ra nước ngoài. Đây là hành động mới nhất trong cuộc đàn áp của bọn cầm quyền đối với Giáo Hội.

Tổng thống Daniel Ortega đã có lúc cáo buộc các nhà lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo tìm cách lật đổ chính phủ của ông, trong khi cơ quan tư pháp đã bắt giữ các linh mục và cáo buộc một số tội phản quốc, cùng nhiều tội danh khác.

Trong một tuyên bố dài hai trang, chính phủ cho biết 12 người đã được gửi đến Rôma sau khi các quan chức có “các cuộc đối thoại hiệu quả” với giới lãnh đạo Công Giáo, bao gồm cả các nhà lãnh đạo giáo hội địa phương cũng như các quan chức Vatican không xác định danh tính.

Bọn cầm quyền độc tài không nói rõ ràng lý do tại sao 12 người được gửi đến Ý nhưng cho biết quyết định này sẽ giúp “bảo đảm và bảo vệ hòa bình”.

Hội đồng giám mục Công Giáo Nicaragua đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận.

Một nhà nghiên cứu người Nicaragua lưu vong, người công bố hồ sơ về điều mà cô mô tả là cuộc đàn áp Giáo Hội Công Giáo dưới thời Ortega, cho biết việc gửi các linh mục đến Rôma là một “sự cưỡng bức loại bỏ”.

Nhà nghiên cứu Martha Patricia Molina cáo buộc Ortega đang tìm cách “bóp nghẹt và làm biến mất” Giáo Hội bằng hành động như vậy.

Cô nói, tất cả 12 linh mục được gửi đến Ý trước đây đều bị giam giữ như tù nhân và nói thêm rằng thông báo trục xuất không nên được hiểu là sự tan băng trong quan hệ giữa chính phủ và Vatican.

Cô nói: “Việc loại bỏ không có nghĩa là chấm dứt đàn áp, các cuộc tấn công sẽ tiếp tục và có thể sẽ có thêm nhiều người bị bỏ tù”.

Đức Cha Rolando Alvarez, có lẽ là nhà phê bình Công Giáo nổi bật nhất đối với Ortega, ngài đã bị kết án 26 năm tù vì tội phản quốc, nhưng không nằm trong số 12 linh mục được phóng thích.

Các giáo sĩ Nicaragua đã báo cáo rằng việc bọn cầm quyền độc tài giám sát các buổi lễ và thường xuyên tấn công vào các nhà thờ là một phần của điều mà các ngài nói là một cuộc đàn áp tăng cường đối với các linh mục và các tổ chức liên kết với Giáo Hội thông qua việc bắt giữ, tịch thu tài sản và các biện pháp pháp lý khác.

Bọn cầm quyền độc tài đã viện dẫn các lý do an ninh cho một số hành động chống lại Giáo Hội.

Vào tháng 2, hơn 200 tù nhân chính trị đã bị trục xuất sang Hoa Kỳ, hầu hết đều là những người chỉ trích chính phủ.


Source:Reuters

2. Ít nhất 17 người bị thiệt mạng trong vụ nhà thờ Chính thống tại Gaza bị dội bom

Trong cuộc dội bom tại nhà thờ thánh Porfirio ở Gaza, có ít nhất 17 người bị thiệt mạng, theo tổ chức Caritas quốc tế.

Caritas quốc tế và Caritas Trung Đông và Bắc Phi, gọi tắt là Caritas Mona, mạnh mẽ lên án các vụ đánh bom vào các thường dân và các các cơ sở hạ tầng dân sự, đồng thời nói rằng: “Chúng tôi tái kêu gọi tất cả các phe hãy ngưng chiến, bảo vệ các thường dân, bảo đảm cho các đồ cứu trợ nhân đạo được di chuyển ngay tới các thường dân, trong an ninh và không bị cản trở, tôn trọng công pháp quốc tế.

Đức Thượng phụ Giáo hội Chính thống Đông Phương ở Giêrusalem lên án việc tấn công vào các ngôi thánh đường là một tội ác chiến tranh và nói rằng tấn công các nhà thờ và các địa điểm của Giáo hội, như những nơi người tị nạn vô tội, nam phụ lão ấu đang trú ngụ là một tội các chiến tranh, không thể làm ngơ không biết tới. Tòa Thượng phụ cho biết sẽ tiếp tục chu toàn nhiệm vụ tinh thần và tôn giáo, trợ giúp và cho trú ẩn trong thời kỳ chiến tranh.

Cả Hội đồng Đại kết các Giáo hội Kitô ở Genève cũng mô tả cuộc tấn công vào khu vực thánh đường là điều “vô nghĩa”, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường việc bảo vệ các nơi thánh mà người tị nạn chạy tới lánh nạn, trong đó có các nhà thương, trường học và nơi thờ phượng”. Mục sư Jerry Pillay, Tổng thư ký của Hội đồng, nói rằng “Chúng tôi cầu nguyện để tất cả những người bị thương sớm được bình phục, và chia buồn với Đức Thượng phụ Teofilo II và tất cả các anh chị em Chính thống trong Chúa Kitô”.

Về phần Thủ tướng Netanyahu của Israel, ông tuyên bố chiến dịch oanh kích liên tục của Israel vào Gaza được tiếp tục không ngừng để chuẩn bị cho giai đoạn kế tiếp là quân đội sẽ tiến vào miền này.

Phát ngôn viên của quân đội Israel nhìn nhận có vụ tấn công vào ngôi thánh đường Chính Thống Giáo và nói là đang kiểm chứng, nhưng tố giác rằng: “Hamas cố tình bố trí tại những vùng dân cư và dùng dân chúng tại Gaza như những lá chắn người”.

Nhà thờ thánh Porfirio của Chính thống Đông Phương ở Gaza là thánh đường cổ kính nhất còn được sử dụng tại thành Gaza, được thánh hiến năm 1150 và có mộ của thánh Porfirio di Gaza (347-420), nguyên là một ẩn sĩ và là giám mục tại Gaza hồi thế kỷ thứ V.

3. Thống kê về Giáo Hội Công Giáo trên thế giới

Theo các con số, do hãng tin Fides của Bộ Loan báo Tin mừng, công bố hôm 20 tháng Mười năm 2023, nhân Ngày Thế giới Truyền giáo lần thứ 97, cử hành vào Chúa nhật, 22 tháng Mười, dựa trên Sở Thống kê Trung ương của Tòa Thánh, tính đến ngày 31 tháng Mười Hai năm 2021, số tín hữu Công Giáo trên hoàn cầu vượt quá một tỷ 300 triệu người. Theo đó, sự gia tăng tín hữu diễn ra tại Phi và Á châu, cả số linh mục, tu sĩ nam nữ, trong khi tại các nơi khác bị suy giảm. Cả số phó tế vĩnh viễn và tiểu chủng sinh cũng gia tăng.

Chi tiết hơn: dân số thế giới là 7 tỷ 785 triệu 800.000 người, trong số này có một tỷ 375 triệu 852.000 người Công Giáo, tức là tăng 16 triệu 240.000 người so với con số được công bố năm ngoái (2022).

Tính theo đại lục, tín hữu Công Giáo tại Phi châu tăng thêm 8 triệu 312.000 người, Mỹ châu thêm 6 triệu 629.000 tín hữu, theo sau đó là Á châu và Châu đại dương. Tỷ lệ Công Giáo thế giới có phần suy giảm. Hiện nay, có 17,67% dân số hoàn cầu là người Công Giáo, tức là giảm 0,006% so với năm 2022 trước đó.

Trong năm qua, số giám mục trên thế giới giảm 23 vị và hiện còn 5.340 vị: số giám mục gia tăng tại Phi châu nhưng giảm bớt tại Mỹ châu.

Tổng số linh mục trên thế giới cũng giảm sút, hiện có 407.872 vị, tức là giảm 2.347 linh mục so với năm ngoái. Sự suy giảm này nhiều nhất tại Âu châu, bớt đi 3.632 linh mục, Mỹ châu giảm 963, nhưng linh mục gia tăng tại Phi châu, thêm 1.518 vị, Á châu thêm 718 linh mục, Úc châu có thêm 11 linh mục trong năm ngoái. Tuy giảm sút nhưng số linh mục hiện làm việc tại Âu châu vẫn đứng đầu trong các đại lục, với 160.322 vị.

Số nữ tu trên thế giới giảm 10.588 chị và hiện còn 608.958 nữ tu: gia tăng 2.275 chị tại Phi châu, 366 tại Á châu, nhưng giảm nhiều tại Âu châu với 7.804 chị, Mỹ châu mất đi 5.185 chị, Úc châu giảm 240 nữ tu. Cũng vậy đối với tu huynh, có sự giảm sút, bớt đi gần 800 thầy, và toàn Giáo hội chỉ còn 49.774 tu huynh.

Các tu hội đời gia tăng tại Phi châu, nhưng giảm sút tại Âu Mỹ.