Ngày 23-10-2008
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Làm sao để yêu thương tha nhân như chính mình
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
07:08 23/10/2008
LÀM SAO ĐỂ YÊU THƯƠNG THA NHÂN NHƯ CHÍNH MÌNH?

(Chúa Nhật XXX TN A)

Là Kitô hữu, chúng ta không ít lần được nghe diễn giải về giới luật yêu thương là mến Chúa và yêu người. Đã từng có nhiều vị, vì muốn nhấn mạnh đến mối liên hệ hổ tương giữa đạo mến Chúa và việc yêu thương tha nhân nên đã dùng hình ảnh hai mặt của một đồng tiền. Là hình ảnh minh hoạ dĩ nhiên vẫn có đó sự khập khiễng cần chấp nhận. Tuy nhiên cái hình ảnh hai mặt của một đồng xu xem ra không chỉ khập khiễng mà còn lệch chuẩn.

Chúa Kitô đã khẳng định: Người hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn trọng nhất và điều răn thứ nhất” ( Mt 22,38 ). Đã là điều răn đứng đầu và trọng nhất thì chỉ có một. Xét như loài thụ tạo thì nghĩa vụ thờ phượng Đấng tạo thành là nghĩa vụ hàng đầu và không có gì có thể thay thế. Nếu nhìn nhận mọi sự ta đang có, mọi sự đang là, đều do bởi lãnh nhận từ trên cao, thì việc thần phục đấng tạo Thành là chuyện mang tính sống còn. Nếu Chúa rút hơi lại thì không có loài nào được tồn tại.

Thiên Chúa ta thờ không chỉ là Đấng tạo thành mọi sự mà còn là Cha chí ái. Người không chỉ nhận ta làm con theo nghĩa được dựng nên giống hình ảnh của Người mà còn nhận chúng ta làm nghĩa tử trong Con Một chí ái của Người làm người là Đức Giêsu Kitô. Con người là chi mà Chúa đoái trông. Loài người là gì mà Chúa lại phó ban Con Một. Tất thảy chỉ vì Chúa muốn thông phần hạnh phúc cho chúng ta mà thôi. Như thế bổn phận yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực là bổn phận liên hệ đến phần phúc loài người chúng ta.

Điều răn thứ hai là yêu thương tha nhân như chính mình. Chúa Kitô nói điều răn thứ hai “cũng giống” điều răn thứ nhất. Cái từ “giống” rất dễ bị hiểu lầm là tương đương, là ngang bằng. Tuy nhiên khi nói đến trạng thái “giống” là nói đến một sự phản ánh có điểm quy chiếu. Người ta nói cái hình, cái ảnh giống với người, với vật, với cảnh, chứ không nói ngược lại rằng người, vật, cảnh giống với hình, với ảnh. Tương tự như thế, người ta nói đứa con giống người cha chứ không bao giờ nói người cha giống đứa con. Như thế người cha là nguồn, là điểm quy chiếu của sự được gọi là “giống”.

Với hệ luận như trên thì điều răn thứ nhất là yêu mến Thiên Chúa chính là nguồn, là điểm quy chiếu cho giới răn thứ hai là yêu người. Chính nhờ yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết sức, hết trí khôn, vì Người là Cha toàn năng chí ái nên ta mới có thể yêu mến nhau như anh chị em. Trong tình yêu mến Thiên Chúa, nhờ lòng yêu mến Thiên Chúa và bởi việc yêu mến Thiên Chúa, chúng ta mớ có thể yêu thương tha nhân cho dù họ dễ thương hay đáng ghét, cho dù làm ơn, làm phước cho ta hay làm hại và thù ghét ta…( x. Mt 5,43-48 ).

Điều răn thứ nhất là nguồn, là nền tảng của điều răn thứ hai. Sư thường, trên nguồn đầy nước thì hạ lưu sẽ có nước chảy. Dòng sông không bị ngăn chặn, nếu hạ lưu không có nước chảy thì chắc chắc trên nguồn đang thiếu nước hay không có nước. Theo lôgich này thì ta hiểu được lời của Thánh Gioan Tông đồ: Khi ta không giữ giới răn thứ hai là yêu người thì chắc chắn ta không giữ giới răn thứ nhất là mến Chúa ( x.1Ga 4,20 ).

Có thể có nhiều người diễn giải rằng tuân giữ giới răn thứ nhất là mến Chúa thì dễ còn giữ giới răn thứ hai là yêu người thì rất khó. Một sự diễn giải như gần đời thường và có vẻ mang tình hiện sinh nhưng lại hơi lệch chuẩn. Sự lệch chuẩn ở đây là nơi cách hiểu về đạo mến Chúa, vì người ta những tưởng rằng tuân giữ một vài hành vi tế tự, một vài nghi lễ thờ phượng bên ngoài là giữ đạo mến Chúa. ( vd: đọc kinh, tham dự Thánh Lễ…)

Quả thật, trong thực tế, sống đạo yêu người không phải dễ dàng. Ta có thể không ngược đãi và áp bức khách ngoại kiều, mẹ goá, con côi. Ta có thể cho vay mượn mà không kiếm lãi. Ta có thể trả áo choàng người nghèo cầm cố trước khi đêm về để họ có cái mà đắp ấm. Ta cũng có thể gặt lúa, hái cà phê mà không mót phần rơi vải, nhằm để cho người nghèo mót lượm. Tuy nhiên, để yêu thương người không mấy dễ thương, yêu thương người hành khổ, thù ghét, làm hại chúng ta thì không dễ chút nào. Người ta độc chiếm quyền lực, nguời ta ra sức vơ vét của cải cách bất công, người ta không màng chi đến người nghèo, không nghĩ chi đến tương lai dân tộc, người ta lại còn gian xảo bôi nhọ các Đấng bậc trong Hội Thánh và qua đó phỉ báng đạo thánh Chúa…, thì làm sao ta có thể yêu thương họ như chính mình đây ? Ngay cả những người cùng chung niềm tin, cùng một Hội Thánh mà vẫn không thiếu người thú nhận rằng đạo thì con giữ đạo nhưng con không thể làm hoà hay tha thứ cho mấy cái người làm hại con, làm hại gia đình con…Thử hỏi có bao nhiêu bà mẹ sẵn sàng nhận người giết con trai của mình làm con nuôi ? Thử hỏi số vị thánh Tử đạo sẵn sàng cầu nguyện và chúc lành cho kẻ giết mình có đến con số một vài triệu ? Vậy thì đại đa số người tín hữu Kitô có thực sự giữ giới răn thứ hai là yêu người chưa ? Thật khó trả lời. Nhưng ta có thể khẳng định rằng nếu ta cố tâm giữ giới răn thứ nhất thì sẽ có khả năng thực thi giới răn thứ hai. Vấn đề là giữ giới răn thứ nhất như thế nào.

Thiên Chúa là Đấng không ai thấy bao giờ. Nhưng Người đã nên hữu hình nơi Đức Giêsu Kitô. Ai thấy Chúa Kitô là thấy Chúa Cha ( x. Ga 14,9 ). Và yêu mến Chúa Kitô là yêu mến Thiên Chúa. Yêu mến Chúa Kitô là hãy ở lại trong tình yêu của Người và hãy giữ giới răn của Người ( x. Ga 14 23-24 ).

Ở lại trong tình yêu của Chúa Kitô nghĩa là hãy để cho Chúa Kitô yêu thương ta. Ở lại trong tình yêu của Chúa Kitô là kết hiệp nên một với Người, là nên đồng hình đồng dạng với Người. Một trong những phương thế tuyệt hảo để ở lại trong tình yêu của Chúa Kitô đó là liên lĩ cầu nguyện. Cầu nguyện là nâng tâm hồn lên để kết hiệp với Chúa, nên một với Chúa, để nhận biết Chúa mà yêu mến Chúa, để biết thánh ý Chúa mà thực thi ý Người. Nên một với Chúa Kitô, nên đồng hình đồng dạng với Người thì ta sẽ biết cách yêu thương nhau như Người đã yêu thương chúng ta ( x. Ga 15,12 ). Và đây là giới răn mới mà Chúa Kitô đã truyền lại cho chúng ta ngay đêm Tiệc Ly, trước khi Người chịu khổ nạn.

Vì biết cùng chung cha mẹ nên người ta nhận nhau là anh chị em., chứ không phải vì đã nhận nhau làm anh chị em nên mới biết mình cùng chung một mẹ cha. Tuy nhiên trong tình yêu, nhiều điều như nghịch lý vẫn hiện hữu. Dù không thể đòi hỏi và không có quyền đòi hỏi rằng khi anh chị em thương nhau là đã yêu cha mẹ, nhưng chính cha mẹ tự nhận lấy việc con cái yêu thương nhau là cách thế tốt đẹp mà chúng tỏ bày lòng hiếu thảo với mình. Cũng thế, là Tình Yêu, Thiên Chúa đã nhận việc loài người chúng ta yêu thương nhau là một phương thế yêu thương Người cách tốt đẹp. Chúa Kitô đã nói rõ chân lý này trong dụ ngôn ngày cánh chung ( x. Mt 25,31-46 ).

Mến Chúa và yêu người là trọng tâm sứ điệp Kitô giáo. Là Kitô hữu, chúng ta thuộc lòng chân lý này. Tuy nhiên để thực thi đạo mến Chúa - yêu người thì cần phải biết Chúa, một sự “biết” theo nghĩa Thánh Kinh đó là gắn bó nên một với Chúa. Ngoài các giờ kinh nguyện, ngoài các buổi tham dự Phụng vụ, thì việc giữ tỉnh lặng khoảng năm, mười phút hay lâu hơn trong một ngày sẽ giúp ta can đảm và nhiệt thành mến Chúa trên hết mọi sự và yêu thương tha nhân như chính mình cách hữu hiệu.
 
Câu chuyện chiếc tàu Titanic
LM. Anphong Trần Đức Phương
09:50 23/10/2008

CÂU CHUYỆN CHIẾC TÀU TITANIC…



“Hỡi nhà vua Philippe, vua hãy nhớ rằng: vua cũng chỉ là con người!”
“Người đã được dựng nên từ bụi đất; người sẽ trở về bụi đất!”


Mới đây, ngày 16-10-2008, trên U.S.News có đăng bài của ký gỉa Justin Ewers nói về việc hiện nay người ta đặt lại vấn đề làm sao con tàu Titanic “không thể chìm”, thế mà lại chìm ngay trong chuyến hải hành đầu tiên.

‘Tàu Titanic được đóng rất chắc chắn và không bao giờ có thể chìm được’. Những người chủ trương đóng con tàu này đã hiên ngang nói như vậy và đặt tên con tàu là ‘Titanic.’

Vào tháng tư, năm 1912, tàu Titanic rời bến cảng Queenstown (Anh Quốc) để đi New York, chở theo hơn 2,200 hành khách và thủy thủ đoàn, trong chuyến hải hành đầu tiên. Hành khách đi trên chuyến tàu đều rất vui mừng phấn khởi và hãnh diện vì được đi chuyến hải hành đầu tiên của con tàu tối tân và lớn nhất thời đó, cùng với niềm tin tưởng chắc chắn là con tàu “không thể nào chìm được”. Có người còn cao hứng tuyên bố Trời (nếu có) cũng chẳng đánh chìm nó được.

Chữ Titanic là lấy từ chữ Titan, tên một ông thần khổng lồ, sức mạnh vô song (trong truyện thần thoại Hy lạp). Người ta đặt tên chiếc tàu như vậy để thách đố mọi nguy hiểm trên biển cả.

Con tàu “không thể chìm được” này đã thực sự chìm khi đụng vào tảng băng vào đêm 14-4-1912. Có thể là vì thuyền trưởng và đoàn điều hành đã quá tự phụ vào con tàu ‘không thể chìm được,’ nên đã không đề phòng đúng luật hải hành.

Con tàu đã chìm sâu xuống lòng biển cả đem theo khoảng 1,500 nhân mạng cùng chìm xuống biển sâu! (Xin xem những chi tiết đặc biệt về tàu Titanic vào cuối bài này)

Qua dòng lịch sử nhân loại, vẫn có những con người khi làm được điều gì thành công, hoặc những kẻ độc tài đang nắm giữ quyền hành, thường kiêu căng tự phụ “coi trời bằng vung”, và vì quá ‘tự cao, tự đại’ nên dễ ‘mù quáng,’ nhận sâu chính mình vào thất bại và kéo theo nhiều người khác phải chết thảm!

Theo Kinh Thánh Cựu Ước, sách Khởi nguyên, con người được Thiên Chúa dựng nên ‘theo hình ảnh Chúa’ trường sinh bất tử, và trổi vượt hơn mọi loài Chúa đã dựng nên: có trí thông minh, biết suy luận và có tự do. Nhưng “Con Người” đã không biết khiêm tốn để cảm tạ hồng ân Chúa ban; ngược lại, lại kiêu căng tự phụ ‘muốn nên như Ông Trời’ để bá chủ thế giới và thống trị người khác.

Trong sách Khởi nguyên, có kể câu chuyện tháp Babel (Khởi nguyên, chương 11). Khi con người đã sinh sản nhiều trên mặt đất và đã ‘tiến bộ’ liền nghĩ ra việc xây ‘cây tháp cao, cao tới trời’ để khoe khoang và tự phụ về tài trí của mình. Nhưng rồi chẳng ai bảo được ai, nên ‘không cùng một tiếng nói nữa’, không hiểu nhau nữa, trở nên ‘lộn xộn’ và chẳng ai chịu nghe ai, thế là tan nát công trình và phân tán mỗi người mỗi ngả.

Cũng vì tôi kiêu ngạo, ghen ghét, mà Cain đã giết chính em ruột mình là Abel ( Khởi nguyên, chương 4) và từ đó con người cứ mãi mãi trở nên ‘thù địch của con người’ và chiến tranh cứ mãi mãi tiếp diễn ở khắp nơi, ngay trong cùng một gia đình, bộ tộc, quốc gia.

Theo dòng lịch sử nhân loại, đã có bao ‘anh hùng hảo hớn’ chỉ vì kiêu căng tự phụ, nuôi tham vọng bá chủ thế giới mà đã gây ra những cuộc chiến tranh tiêu diệt bao sinh mạng. Đan cử như Alexandre The Great (khoảng 356-323BC), Attila (khoảng 395-453), Genghiskhan (khoảng 1162-1227), Napoleon Bonaparte I (1769-1821), chưa kể đến Tần Thủy Hoàng và các hoàng đế Roma. Tất cả cũng đã trở về với cát bụi, để lại bao thảm khốc cho nhân loại.

Lịch sử luôn luôn tái diễn. Tuy nhiên, những kẻ kiêu căng tự phụ, độc tài không bao giờ có tinh thần khiêm tốn để học bài học lịch sử chua cay của những người đi trước; nhưng cứ quyết tâm thực hiện ý định mù quáng của mình và kéo theo bao tai ương cho nhân loại.

Xem ra con người, càng văn minh tiến bộ lại càng có thêm nhiều ‘Cain’ của thời đại, không phải chỉ giết một người, nhưng giết hại bao người. Càng văn minh tiến bộ, con người càng chế ra những vũ khí giết người càng khủng khiếp.

Chỉ vì tham vọng muốn bá chủ Âu Châu và thiết lập thuyết ‘Quốc Xã Đức’ mà Hitler (1889-1945) và đồ đệ đã gây ra cuộc chiến tranh từ 1939-1945 đã giết hại hàng triệu sinh linh, tàn phá bao công trình kiến trúc ở Âu Châu. Đồng thời những nhà tài phiệt ‘Nhật Bản’ cũng tung quân đi xâm chiếm các nước lân bang với mộng bá chủ Đông Nam Á và cũng đã giết hại bao nhiêu triệu người dân lương thiện ở các nước vùng Đông Nam Á, và gây ra bao khốn khổ cho những người còn sống sót.

Rồi thuyết Cộng sản vô thần, thuyết triết lý Hiện sinh. Trước hết họ ‘giết’ Thiên Chúa: “Thiên Chúa đã chết rồi!” Con người là Chúa của con người, cùng nhau đoàn kết xây tháp Babel, xây ‘Thiên Đàng trần gian,’ nhưng rồi vì kiêu ngạo, không ai làm chủ được ai, con người lại chia rẽ: “Tha nhân là hỏa ngục!” Thế là tha hồ giết nhau để tranh dành quyền lợi, vì còn ‘Ông Trời’ đâu mà thưởng phạt. Lenin, rồi Stalin, Mao Trạch Đông… cứ quyết tâm xây dựng Chủ nghĩa Cộng sản Vô thần, với bất cứ giá nào, mà đã giết bao nhiêu triệu người dân lành ở Liên xô, Trung Cộng, Việt nam, Kampuchia.

Sau năm 1975, trong các cuộc họp phường, khóm, trong các trại tù ‘cải tạo’, những cán bộ cộng sản cứ nhất định nói rằng chủ nghĩa xã hội là nhất rồi, không còn có chế độ nào có thể thay thế được, và vì thế sẽ trường tồn mãi mãi trong lịch sử để xây dựng một xã hội không còn giai cấp, đầy đủ của cải, mọi người sống trong hoà bình và tràn ngập hạnh phúc; đó là Thiên đàng trần gian; nhưng rồi ‘ngọn tháp’ đã xụp đổ vào thập niên 1990. Tượng Lenin, Stalin đã bị lật đổ ngay tại quê hương của các ông tổ Cộng Sản Vô Thần; thành phố Leningrad đã được lấy lại tên cũ là Saint Petersburg (1991); bức tường ô nhục Bá Linh cũng sụp đổ theo cùng với chế độ. Rất tiếc những nhà lãnh đạo ở Trung Công, Bắc Hàn, Việt Nam vẫn còn khư khư nắm giữ chế độ đó để bảo vệ quyền hành, không kể đến bao nhiêu con người của dân tộc mình phải sống khổ đau, nghèo đói, thiếu tự do, nhân quyền bị chà đạp, và dân tộc trở nên chậm tiến, lạc hậu, so với các dân tộc chung quanh. Hãy so sánh đời sống của nhân dân ở Đại Hàn và Bắc hàn, chẳng hạn, thì thấy rõ ngay!

Khi còn đang nắm quyền hành, người ta luôn cao ngạo, cứ tưởng là mình cứ oai quyền mãi mãi, ‘trường sinh bất tử,’ mà quên rằng bao nhiêu những nhà cai trị độc tài ‘trong lịch sử nhân loại’ đã qua đi, và đã trở về với cát bụi, chỉ còn để lại những oán hận của con người.

Vì thế trong lịch sử cổ Hy lạp, có câu chuyện vua Philippe thành Macedoine (khoảng 382-336 BC) (thân phụ của Alexandre The Great) sai một người hầu cận cứ mỗi buổi sáng, đánh thức vua dậy và nói: “Hỡi vua Philippe, vua hãy nhớ rằng vua cũng chỉ là con người!” (Con người thì có lúc sẽ chết!). Ông Diogene (Sinope) (Khoảng 412-323 BC), nhà hiền triết Hy lạp thường sống trong một cái thùng, trước cửa đi ra đi vào có treo một bảng viết “Ở đây bán sự khôn ngoan!” Ai đến hỏi, thì Ông trả lời: “Trong mọi sự, hãy nhớ đến lúc tận cùng!”.

Thánh Ignatius (50-107), Giám mục thành Antioch, nói: Có hai điều chắc chắn; đó là bạn sẽ chết và khi chết bạn chẳng mang theo được cái gì cả (nhưng sẽ để lại ‘tiếng tốt’ hoặc ‘tiếng xấu’ do những việc đã làm khi còn sống). Còn Thánh Phanxicô khó nghèo (1182-1226) nói: “Khi ta chết, ta chẳng đem theo được gì cả, trừ những phần thưởng do những việc bác ái, từ thiện mà ta đã làm cho những người nghèo khó khi chúng ta còn sống ở trần gian!”

Trong Kinh Thánh Cựu ứơc, Thiên Chúa nói với ông Adong: “Hỡi ‘người,’ hãy nhớ mình là bụi tro, và sẽ trở về bụi tro.” (Khởi nguyên 3, 19). Trong mỗi mùa Chay Thánh, Giáo hội cũng nhắc nhở các tín hữu điều đó khi lên nhận xức tro. Nhắc như vậy không phải để chúng ta ‘bi quan yếm thế’, chán đời, thụ động; nhưng chỉ để nhắc nhở chúng ta hãy sống khiêm tốn, hãy sống cuộc đời cho ý nghĩa. Hãy yêu thương nhau như anh chị em trong gia đình nhân loại, con một Chúa là Cha trên trời, và giúp nhau sống hạnh phúc. Không bi quan yếm thế, nhưng luôn sống lạc quan từng giây phút trong cuộc sống, dù gặp hoàn cảnh nào, trong niềm tin tưởng phó thác mọi sự trong tay Chúa là Cha yêu thương. Vì thế Thánh Phaolô đã bảo chúng ta: “Anh em hãy vui sống trong Chúa… Sống hoà thuận với mọi người… Anh em đừng quá lo lắng… Trong mọi hoàn cảnh, anh em hãy dâng lời khẩn nguyện, tạ ơn Chúa và trình bày với Chúa mọi điều anh em muốn xin; và bình an của Chúa, bình an vượt trên hết mọi sự hiểu biết, sẽ giữ lòng trí anh em được kết hiệp với Chúa Giêsu Kitô.” (Philipphê 4,4…)

Chúng ta hãy cùng với Mẹ Maria hát “Bài Ca Cảm Tạ” (Magnificat), xin Chúa cho chúng ta luôn biết cảm tạ Chúa vì những hồng ân Chúa đã ban cho chúng ta; xin cho chúng ta luôn biết sống khiêm tốn, hoà hợp, yêu thương nhau và chung tay xây dựng hoà bình khắp nơi, trong gia đình, khu xóm, sở làm và trên toàn thế giới.

GHI CHÚ: Một số chi tiết về chiếc tàu TITANIC.

Đã có nhiều bài báo và sách viết về chiếc Tàu Titanic; kể cả hai cuốn phim nổi tiếng: “A Night to Remember” (1958) và “Titanic” (1997). Hai bài báo báo mới đây viết về chiếc tàu này là “The Secrets of How the Titanic Sank” do Justin Ewers viết ngày 25-9-2008 (nói về những nhà chuyên môn có ý kiến đặt lại vấn đề làm sao chiếc tàu Titanic rất sang trọng, được đóng chắc chắn để ‘không thể chìm được,’ mà lại chìm ngay trong chuyến hải hành đầu tiên); và bài “Titanic Survivor Sells Mementos to Pay for Care” do Jill Lawless viết ngày 16-10-2008 (nói về bà Millvina Dean là hành khách duy nhất còn sống, năm nay đã 96 tuổi, lúc được cứu sống, bà mới có hai tháng tuổi).

Từ những bài báo đó chúng tôi ghi lại mấy chi tiết đặc biệt sau đây: Tàu Titanic được khởi đóng vào năm 1909 tại xưởng đóng tàu Harland & Wolff (Belfast, Bắc Ireland ) và ngụời ta có ý định đóng chiếc tàu này to lớn nhất vào thời đó (cùng với hai chiếc tàu khác là Olympic và Britannic), chiều dài là 900 feet, chiều cao như một ngôi nhà chọc trời thời đó. Ngưòi ta cố gắng đóng chiếc tàu này thật chắc chắn và bảo đảm rất an toàn để có thể đáp ứng với mọi thử thách của biển cả ( như những luồng sóng khổng lồ, hoặc những đụng chạm mạnh mẽ khác…). Vì thế chiếc tàu được đặt tên là Titanic (từ tên Titan, một vị thần dũng mãnh vô song trong thần thoại Hy lạp), và được coi như chiếc tàu không thể chìm được (Unsinkable Ship).

Hạ thủy vào tháng Tư 1912, tàu Titanic khởi hành từ hải cảng Qeenstown (Southampton, Anh Quốc) để đi New York (Hoa Kỳ). Sau bốn ngày hải hành, tàu đụng phải tảng băng vào gần nửa đêm (11g40) thứ Bảy ngày 14-4-1912 và chìm vào qúa trưa (2g20) ngày Chúa Nhật 15-4-1912 tại North Atlantic, vùng hải phận New Foundland (Canada).

Số người trên tàu tổng cộng hơn 2200, gồm 324 hành khách hạng nhất, 285 người hạng hai, và 708 người hạng ba, cùng với thủ thủy đoàn. Hạng nhất gồm nhiều người giàu có, kể cả ông John Jacob Astor, người giàu nhất thế giới hồi đó; hạng ba gồm nhiều người từ các nơi muốn sang Hoa kỳ lập nghiệp. Trong số trên 2200 người trên tàu, có 706 người đã được cứu sống nhờ chiếc tàu Carpatia; đa số là phụ nữ và trẻ em. Các người khác, kể cả thuyền trưởng E.J.Smith đều chìm theo con tàu xuống lòng biển cả.

Những hành khách sống sót, chỉ còn bà Millvina Dean còn đang sống. Lúc này bà đã 96 tuổi. Bà được bố mẹ bế lên tàu lúc mới có 2 tháng tuổi. Hai ông bà đi chuyến này với ý định đưa gia đình sang Kansas City (Missouri) để lập nghiệp. Cha của bà chết trong tai nạn đó, mẹ bà và người anh của bà cũng được cứu sống. Sau này mãi khi bà đã lên tám, mẹ bà mới kể lại cho bà biết về những hãi hùng trong đêm định mệnh đó. Bà Millvina hiện sống trong một viện dưỡng lão ở Southampton(Anh quốc). Ngoài ra, có một bà người Anh khác là bà Barbara Joyce West Dainton chết vào tháng 11 năm 2007, thọ 96 tuổi. Một bà người Hoa kỳ tên là Lillian Asplund chết vào năm 2006, thọ 99 tuổi. Đó là những nhân chứng cuối cùng của những người được cứu sống.

Mãi đến năm 1985, nhà Hải dương Học Robert Ballard, sau bao nhiêu năm tìm kiếm, mới định được vị trí chiếc tàu Titanic chìm, và xác định được chiếc tàu nằm ở độ sâu 2.5 miles trong lòng đại dương. Vài năm sau người ta đã lấy được một số mảnh vụn lên, và khám phá ra lúc tàu Titanic đụng phải tảng băng, nó đã bể làm đôi, trước khi chìm sâu xuống đại dương, chứ không phải nó đã chìm nguyên chiếc tàu, như người ta đã tưởng. Hơn nữa, trong lúc tàu gặp tai nạn, sắp sửa chìm, hầu hết hành khách đã đổ dồn về phía sau chiếc tàu khổng lồ này, trong khi nó từ từ chìm sâu xuống lòng đại dương và đưa dần họ vào cuộc hành trình đi về Vĩnh cửu!’

 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:31 23/10/2008
Ỷ LẠI

N2T


Có một đệ tử quá tin tường vào sách, sư phụ nói với anh ta:

- “Có một ngươi đì chợ mua thức ăn, nhưng lảm mất bảng kê tên thức ăn phải mua, sau đó thì tìm lại được. Anh ta vui vẻ như điên đọc tên các thức ăn trên bảng kê khai, cho đến trước khi mua xong, anh ta nắm nó thật chặt, rồi sau đó giục nó vào sọt rác.”

(Trích: Huệ nhãn thiền tâm)

Suy tư:

Sách là phương tiện để truyền đạt kiến thức cho mọi người, từ thiên văn địa lý cho đến những chuyện trên trời dưới đất trong vũ trụ này, nó giúp ích cho con người rất nhiều...

Nhưng sách không phải là không sai lầm, bởi vì có những loại sách giáo khoa không đạt tiêu chuẩn, có những quyển sách toán viết sai, và có những sách làm văn đã viết không đúng chính tả văn phạm...

Chỉ có một quyển sách duy nhất mà chúng ta cần phải tin tưởng, đó là quyển sách Kinh Thánh, bởi vì nó không phải là sản phẩm trí tuệ của con người, nhưng là do chính Chúa Thánh Thần soi sáng và mặc khải cho nhân loại không những biết về Thiên Chúa, mà còn dạy nhân loại cách sống như thế nào để được trở thành con cái của Thiên Chúa, trở thành một người tốt trong cuộc đời này.

Tất cả các loại sách trên thế gian này đều là để con người tìm kiếm tri thức khám phá vũ trụ, cho nên cũng có những sai lầm của con người, nhưng Kinh Thánh chính là chìa khóa để trí óc con người mở ra khi khám phá ra vũ trụ và những kỳ công vĩ đại trong vũ trụ bởi Thiên Chúa mà có, cuộc sống của con người rồi sẽ đi về đâu, sự chết và đau khổ, hạnh phúc và sự sống bất diệt.v.v...đều được Thiên Chúa –qua Kinh Thánh- mặc khải cho chúng ta biết.

Tin tưởng và đọc kinh thánh mỗi ngày là bổn phận của người Ki-tô hữu và của tất cả những ai muốn tìm kiếm chân lý.
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:32 23/10/2008
N2T


24. Khả năng nắm được Thiên Chúa và làm cảm động Thánh Tâm của Ngài, không phải lời cầu nguyện thật dài, nhưng là cầu nguyện thật nhiệt tâm.

(Thánh Louis Grignion of Montfort)
 
Mười truyện đơn sơ về Giáo lý và Giáo dục
LM Nguyễn Vinh Gioang
20:10 23/10/2008
Mười truyện đơn sơ về Giáo lý và Giáo dục (57)

571. Cụ già 86 tuổi yêu Chúa, không chịu bỏ Chúa.

Đồ đệ của thánh Gioan tông đồ là thánh Pôlycarpô. Ngài làm giám mục thành Smyrna.
Người ta cáo Pôlycarpô theo tà đạo.
Pôlycarpô bị dẫn đến trước mặt quan án thành Rôma. Quan truyền bày những dụng cụ cực hình rùng rợn trước mặt Pôlycarpô. Xong, ông cười nham hiểm và dõng dạc nói:
- “Nầy ông lão, ông hãy lăng mạ Giêsu Kitô của ông đi!”
Thánh Pôlycarpô vẫn điễm tĩnh lạ lùng. Ngài ngẩng đầu tóc bạc phơ lên, nhìn thẳng vào mặt quan án và chậm rãi nói:
- “Chối Chúa Giêsu Kitô sao? Đã 86 năm nay, tôi phụng sự Ngài và Ngài đã không làm gì thiệt hại cho tôi. Tôi làm sao lăng mạ được Chúa là Vua và là Đấng Cứu Chuộc của tôi được?”
Sau những lời đầy cảm động nầy, người ta thấy đôi mắt của vị thánh tử đạo 86 tuổi lóng lánh những giọt lệ:
- “Ôi! Tôi làm sao chối bỏ Chúa tôi được vì Ngài là Đấng đã yêu tôi quá chừng!”

572. Các thánh không để ai yêu Chúa hơn mình.

Thánh Têrêxa Avila đầy lòng sốt mến Chúa trong lời nói cũng như trong hành động.
Vị nữ thánh nầy tuyên bố một câu quá dũng mãnh và cương quyết:
- “Ở trên thiên đàng, nếu có ai vinh hiển hơn tôi, thì tôi chịu được. Nhưng ở dưới trần gian nầy, nếu có ai yêu Chúa hơn tôi, thì tôi không chịu được.”

573. Chúa không đòi gì. Chúa chỉ đòi ta yêu Chúa.

Chúa không trông đợi gì ở linh hồn và cũng không bắt buộc linh hồn làm gì. Chúa chỉ trông đợi và bắt buộc linh hồn yêu mến Ngài mà thôi. Đó là điều Chúa tỏ ra cho nữ tu chơn phước Angèle de Foligno.
Khi biết được điều nầy, chị thánh sung sướng thốt lên:
- “Ôi, mênh mông thay những lời Chúa dạy! Chúa không đòi hỏi gì ở linh hồn. Ngài chỉ bắt buộc linh hồn yêu mến Ngài mà thôi.”

574. Chúa Giêsu để lại bức gương hoàn toàn về đức yêu người

Người thế gian không có bức gương nào về hoàn toàn về đức yêu người để bắt chước. Trái lại, người công giáo có bức gương hoàn toàn nào về đức yêu người để noi theo, đó là Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa xuống thế làm người, như lời Ngài phán rõ: “Các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con.”
Khi giáng sinh, Chúa Giêsu tha thứ cho vua Hêrôđê đã dã tâm tìm cách giết Ngài.
Tất cả những ai đui mù, què quặt, câm điếc, bất toại, phung hủi, quỷ ám, hoang đàng, tội lỗi, đều đặt hết lòng tin tưởng vào Chúa Giêsu khi Ngài ra giảng Đạo, chạy đến xin Ngài nâng đỡ, ủi an.
Chúa Giêsu ân cần đón tiếp tất cả những ai đau khổ hồn xác, với một lòng yêu thương vô hạn: “Hỡi những ai lao khổ nhọc nhằn, hãy đên với Ta. Ta bổ sức lại cho.” Và để chứng minh lời nói của mình, Chúa Giêsu sẵn sàng làm đủ mọi phép lạ để nâng đỡ họ.
Chúa Giêsu không bao giờ nói những lời sâu độc chua cay làm mất lòng ai, trái lại, Ngài luôn bịt miệng, không muốn nghe những lời chua chát đó phát xuất ra từ một ai. Vì thế, Chúa Giêsu rất cực lòng khi thấy các tông đồ, vì thiếu lòng thương yêu nhau thật, nên thường sống cay cú, xoi bói nhau. Ngài luôn cầu xin Đức Chúa Cha ban ơn cho họ được hiệp nhất và yêu thương nhau.
Khi còn sống cũng như lúc sắp chết, Chúa Giêsu chỉ biết yêu thương và tha thứ.
Khi Giuđa đến ra hiệu để quân dữ bắt Chúa Giêsu, Ngài vẫn yêu thương tha thứ: ‘Bạn ơi, bạn đến đây làm chi?”
Khi quân dữ nhổ nước miếng vào mặt Chúa Giêsu, đội mão gai nhọn sắc trên đầu Ngài, đánh đập Ngài tàn nhẫn, nhạo báng Ngài đủ cách, Ngài vẫn hiền lành như con chiên, im lặng không mở miệng ra nói một lời tức tối.
Và khi hấp hối trên thập giá, thấy những thái độ vô ơn, nghe những lời phỉ báng thậm tệ, Chúa Giêsu vẫn cầu nguyện cho những ai đã xử tệ với Ngài.

575. Gương yêu người của thánh Stêphanô

Thầy Phó tế Stêphanô rao giảng Đạo Chúa và làm nhiều phép lạ.
Quân Do Thái tìm gặp ngài để tranh luận. Stêphanô trả lời một cách khôn ngoan và chắc chắn, nên quân nghịch phải thua. Quân nầy liền cáo gian và tìm cách bắt ngài để giết.
Stêphanô quỳ ở giữa các quân nghịch. Họ cởi áo ngài ra, giao cho Saolô – sau nầy là thánh Phaolô - giữ. Họ tàn nhẫn và không thương tiếc, ném những hòn đá to vào ngài để cho ngài chết bẹp.
Giữa cảnh dã man rùng rợn đó, Stêphanô nhìn lên trời, cầu nguyện:
- “Lạy Chúa, xin tha tội cho họ, xin đừng phạt họ!”

576. Người Công giáo không “công giáo” cho đủ.

Nói đến Đạo Công giáo, ai cũng nghĩ đến Đạo Bác ái vì danh từ Công giáo được mặc nhiên thừa nhận là danh từ Bác ái.
Như vậy, điều người Công giáo phải có nhiều nhất, là bác ái. Nhưng người Công giáo cũng phải khiêm nhượng thú nhận rằng điều họ thiếu nhiều nhất, lại là bác ái. Vì thế, một người nghịch Đạo Công giáo kia thẳng thắn nhận xét:
- “Điều tôi trách các ông, người Công giáo, không phải vì các ông là người Công giáo, nhưng vì các ông không công giáo cho đủ.”
Không công giáo cho đủ, nghĩa là không có bác ái cho đủ.

577. Tình cảm và hình ảnh gia đình quá tuyệt vời!

Lúc đó là khoảng thời gian tôi (Richard Carlson) thật sự gặp một vài khó khăn và con gái út của tôi, Kenna, đã cảm nhận được điều đó. Cháu vòng tay ôm chặt lấy tôi và nói rằng:
- “Bố ơi, mọi chuyện sẽ ổn thôi mà!”
Lúc đó, cháu được bốn tuổi.
Gần hai năm sau đó, như thể tôi vẫn còn cảm nhận vòng tay và lời khích lệ của con bên tai.
Sau đó là khoảng thời gian con gái Jazzy và tôi cùng bị nhiễm bệnh cúm nặng.
Buổi tối, hai bố con cùng ngồi bên nhau, an ủi, khuến khích lẫn nhau mau chóng hết bệnh. Nhưng có một lúc, cháu bỗng nhìn tôi trìu mến, dịu dàng như chưa từng bao giờ như thế, và nói với tôi bằng giọng yếu ớt, nhẹ nhàng rằng:
- “Bố ơi! Con sẽ không bao giờ quên điều nầy. Con cám ơn bố đã ở bên cạnh con.”
Cháu sẽ không bao giờ quên kỷ niệm đó, và tôi cũng thế.
Một trận cúm tồi tệ nhất đời, nhưng lại vô cùng tuyệt diệu, để tôi có thể nghe những lời chia sẻ nầy. (Đừng Quá Lo Lắng Về Những Việc Nhỏ)

578. Trẻ sơ sinh đã biết bắt chước.

Trẻ sơ sinh biết bắt chước ư? Đương nhiên rồi!
Bắt chước là một trong những động cơ mang tính xã hội, mạnh nhất, là ở trẻ.
Trẻ học tập, trưởng thành, từ chính việc bắt chước đó.
Khả năng bắt chước ở trẻ bắt đầu từ thời kỳ mới sinh. Có thể bạn không tin, nhưng trẻ sơ sinh đã có khả năng bắt chước làm người ta kinh ngạc.
Theo báo cáo, một vị bác sĩ, sau khi nhìn thẳng vào mắt của một đứa trẻ sơ sinh mới ra đời được 8 tháng, đã từ từ lè lưỡi ra. Nửa tiếng trôi qua, đứ trẻ nầy cũng làm người ta ngạc nhiên bằng việc há miệng ra và lè lưỡi.
Một người mẹ, sau khi sinh nở, đã ngáp liên tiếp mấy lần. Đứa con, nhìn một lúc, cũng mở miệng ngáp y hệt mẹ nó. (Nghệ Thuật Giáo Dục Con Trẻ)

579. Thấy ai thành công, người bi quan tức tối, chứ không chịu xét mình lại.

Một nghiệp chủ nọ có một khu vườn lớn trồng nho tại một nơi đất tốt.Tuy vậy mỗi năm, ông thất mùa trong khi người láng giềng thâu hái kết quả tốt đẹp.
Ông bèn nuôi một lòng ghen ghét tàn ác chống với người láng giềng. Ông oán trách số phận ngược đãi ông.
Khỏi cần lý luận: sự thật, người láng giềng săn sóc cây cối cẩn thận, còn ông thì xao lãng, không chịu khó nhọc, lại còn tiết kiệm phân bón.
Ông không ngớt oán thán: “Mùa màn của y mỹ mãn hơn của tôi.” Thế rồi, sanh ra cừu hận, oán hờn dai dẳng.
Một ví dụ khác. Một sinh viên mỗi năm mỗi thi rớt trong khi bạn của anh học cùng lớp, cùng một trường Đại Học, thâu hoạch được kết quả. Thế là anh phát sanh ra lời oán thán và lòng cay đắng: “Y gặp tất cả những may mắn, còn mình gặp tất cả những xui xẻo.”
Người ta có giải thích cho sinh viên ấy rằng bạn cậu học hành có phương pháp và chuyên cần, còn cậu thì lười biếng. Lời giải thích chẳng có ích gì. Cậu vẫn ghen ghét bạn cậu.
Thành công do cố gắng: đó là một định luật phổ quát.
Kẻ bi quan nhìn nhận rằng định luật nầy phải sử dụng với người khác, còn anh thì bất bình không chịu tuân theo. (Sống Lạc Quan)

580. Chỉ biết chuyện ngày hôm nay!

Tôi (Dorothy Dix) từng chìm ngập trong cái nghèo đói và bệnh tật.
Khi có người hỏi tôi làm thế nào vượt qua được, tôi nói:
- “Tôi biết gạt bỏ chuyện ngày hôm qua. Tôi chỉ biết chuyện ngày hôm nay. Tôi cũng sẽ không cho phép mình nghĩ về chuyện của ngày mai.”…
Tôi không hề cảm thấy tội nghiệp cho cái ngày xa xưa đó. Tôi cũng không thấy gì là ganh tỵ với những kẻ lắm tiền nhiều của mà tôi từng chìa tay xin họ ban bố. Đã qua rồi! Chúng chỉ tồn tại! Tôi đã uống cạn chén đắng đó, cạn tới đáy rồi, nên không còn gì vương vấn. Chúng còn chăng, chỉ là những chiếc bong bóng nhỏ phập phồng trên miệng cốc….
Tôi học cách để sống mỗi ngày mà không phải lo nghĩ, sợ sệt những điều chưa đến. Chính mảng đen trong bức tranh cuộc sống ấy khiến ta trở nên hèn nhát. Tôi dẹp bỏ sự sợ hãi qua một bên bởi tôi biết rằng nếu thời gian mang nó đến, thì đồng thời, tôi cũng có thêm một nghị lực mới để chiến đấu với nó”. (Giảm Bớt Lo Âu)
 
Để yêu Chúa và tha nhân, phải biết yêu mình
Lm Trần Bình Trọng
22:45 23/10/2008
ÐỂ YÊU CHÚA VÀ THA NHÂN, PHẢI BIẾT YÊU MÌNH

Chúa Nhật 30 Thường Niên, Năm A (Ed 22:21-27; 1Tx1:5-10; Mt 22:34-40)

Giới răn yêu thương của Thiên Chúa là một giới răn mà người tín hữu thường nghe và đọc đi đọc lại nhiều lần trong Thánh kinh, trong sách tu đức và trong các bài giảng giải. Ðồng thời ta cũng nghe nói đến những câu chuyện về tình yêu trong tiểu thuyết, những loại phim ảnh về tình yêu và những mối tình lãng mạn của những cặp trai gái mới lớn lên. Do đó mà quan niệm về tình yêu trong Thánh kinh nơi loài người đã bị nhiễm độc bởi những quan niệm về tình yêu trong sách vở, báo chí và phim ảnh. Vì thế nhiều khi chữ yêu vọng lên như một lời nói trống rỗng bởi vì người ta nói về yêu mà không thực hành.

Còn tình yêu trong Thánh kinh không phải là trống rỗng và nông cạn. Ðức Kitô đến diễn tả tình yêu bằng cách chết cho người yêu là nhân loại tội lỗi. Và tình yêu theo nghĩa Phúc âm đã trở thành một biến cố tử nạn trên thập giá. Trong Phúc âm hôm nay Chúa trích sách Ðệ nhị Luật (Ðnl 6:5) để trả lời người thông luật trong nhóm Pharisêu: Ngươi phải yêu mến Thiên Chúa của ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi (Mt 22:37). Yêu hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn. . là kiểu nói của người Do thái nói lên tính cách toàn diện và trọn vẹn của tình yêu và có nghĩa là yêu bằng toàn diện con người. Vì thế trong Phúc âm thánh sử Mác-cô có thêm hết sức (Mc 12:30) vào từ ngữ yêu mến, thì mức độ yêu mến mà Chúa đòi nơi loài người phải dành cho Chúa trong Phúc âm thánh sử Mát-thêu và thánh sử Mác-cô cũng vẫn như nhau, không hơn không kém.

Còn giới răn thứ hai được trích từ sách Lêvi (Lv 19:18) cũng giống giới răn thứ nhất là: Ngươi phải yêu cận nhân như chính mình (Mt 22:39). Mười Giới luật Thiên Chúa truyền cho Môsê trên núi Sinai (Xh 20) là những đòi hỏi tối thiểu mà người tin yêu và kính sợ Chúa phải thực hành. Những Giới luật này được các nhà lãnh đạo Do thái giáo phân chia thành 613 khoản luật khác nhau gồm 248 khoản truyền dạy và 365 khoản cấm đoán. Bây giờ Ðức Kitô tóm tắt lại chỉ trong Hai Giới răn quan trọng nhất là mến Chúa và yêu người hoặc có thể nói là một Giới răn Yêu thương kép. Câu trả lời của Chúa cho thấy Chúa trung thành với truyền thống và gia sản Do thái giáo. Ðã yêu mến Chúa thì cũng phải yêu mến cận nhân, nhìn nhận cận nhân như chính mình. Yêu mến Chúa và yêu mến cận nhân là hai điều răn quan trọng nhất, gắn liền với nhau, không thể tách biệt như lời Chúa phán: Tất cả luật Môsê và các sách ngôn sứ đều tuỳ thuộc vào hai điều răn ấy (Mt 22:40). Thánh Gioan, người môn đệ được Chúa yêu nhắc nhở cho ta: Nếu ai nói họ yêu mến Chúa mà ghét tha nhân là người nói dối (1Ga 4:20-21).

Lý do ta phải yêu mến tha nhân vì tha nhân được tạo thành theo hình ảnh Thiên Chúa và được máu Con Thiên Chúa đổ ra để cứu chuộc. Yêu mến tha nhân có thể đi kèm với cảm giác, nhưng không phải là cảm giác. Yêu phải là việc cam kết và quyết định của lí trí. Ta có thể không có cảm tình với người nọ người kia vì tính tình, tập quán, cách nhìn đời cũng như cách nói năng hành động của họ khác biệt với ta. Ðó là cảm giác, cảm tình của ta. Tuy nhiên ta phải làm quyết định không được ghét bỏ, ngược đãi và áp bức người tha nhân. Yêu tha nhân còn là cầu nguyện cho họ và giúp đỡ người cần cơm ăn, áo mặc và nhà ở như lời Chúa dạy trong sách Xuất hành hôm nay (Xh 22:20-25).

Chúa dạy ta phải yêu cận nhân như chính mình như thánh Phaolô vọng lại: Không ai ghét thân xác mình bao giờ (Eph 5:29). Yêu mình đây không hiểu theo nghĩa tự ái quá đáng. Yêu mình có nghĩa là biết đánh giá những gì Chúa ban. Yêu mình là bằng lòng với thân phận và số phận, chấp nhận mình, thoả mãn với những gì mình có: tài năng, sức khoẻ, của cải, nhan sắc. Yêu mình còn có nghĩa là biết tha thứ cho mình, sau khi mình đã làm lỗi. Người ta thường chỉ nghĩ đến việc tha thứ cho người khác, nhưng ít ai nghĩ đến chuyện phải tha thứ cho mình ngay cả sau khi xưng thú tội lỗi và được thứ tha. Sở dĩ người ta không nghĩ đến việc tha thứ cho mình, vì có những khi người ta muốn nuôi cảm tưởng trách mình sau khi đã làm lỗi và phạm tội hoặc vì không muốn nhận mình có lỗi.

Khi người ta không yêu mình, người ta cũng khó có thể thực sự yêu ai. Khi người ta không thoả hiệp với chính mình, với tài năng, của cải mình có, với tầm thước, vóc dáng, diện mạo và điệu bộ của mình, thì người ta khó có thể dành thời giờ lưu ý đến tha nhân. Khi người ta không bằng lòng với số phận hẩm hiu, hoặc số kiếp lầm than của mình, người ta có thể đóng khung trong những cảm tình thương hại mình. Khi người ta không bằng lòng với những sắc thái thuộc về mình hoặc những gì mình có, người ta sẽ bận tâm, áy náy và lo ngại về mình. Do đó người ta tìm cách biện hộ cho mình và phê bình chỉ trích người khác hầu che đậy những khuyết điểm của mình. Ðọc văn chương Việt Nam ta thấy có những nhân vật không bằng lòng với số phận. Người có thiên hương quốc sắc như Vương Thúy Kiều nhưng lại gặp mệnh bạc. Người có tài làm thơ với lời thanh, nhưng hàm chứa hai ý: tục hoặc thanh như Hồ Xuân Hương, mà cứ phải làm kiếp vợ lẽ. Người ở trong hoàng cung nhưng không còn được vua đoái hoài đến như Cung oán Ngâm khúc.

Khi người ta phải mang những bệnh tật về thể xác và tinh thần lâu dài, người ta có thể phàn nàn, kêu trách và oán hận Chúa. Mà trách móc và oán hận Chúa thì không thể nói được rằng người ta yêu mến Chúa bằng một tình yêu thanh thoát và bình thản. Vậy thì bao lâu ta còn mang bệnh tật, khổ đau, thiệt thòi trong thân xác và tâm hồn mặc dầu đã đi nhà thương và cộng tác với bác sĩ y khoa hoặc bác sĩ tâm linh để điều trị, ta cầu xin Chúa cho được biết chịu đựng, vác thánh giá của bệnh tật, đau khổ vì yêu mến Chúa. Ta dâng lên Chúa bệnh tật, đau khổ ta đang phải chịu để được hòa lẫn với những hi sinh thánh giá của Chúa để đền bù tội lỗi mình và tội lỗi thế gian. Ta xin Chúa giúp để biết tìm ra ý nghĩa của thánh giá đau khổ. Chấp nhận đau khổ và thánh giá vì yêu, thánh giá và đau khổ mới có thể biến đổi tâm hồn và đời sống và trở thành phương thế cữu rỗi.

Lời cầu nguyện xin Chúa dạy cho biết yêu ba chiều:

Lạy Chúa, chúng con xin tạ ơn Chúa đã đến
dạy bảo loài người về hai giới răn quan trọng nhất
là mến Chúa và yêu người.
Xin dạy con biết sống trong tâm tình biết ơn
về những hồng ân Chúa ban: lớn hoặc nhỏ, ít hay nhiều.

Cũng xin dạy con nhận ra hình ảnh của Chúa nơi tha nhân.
Và xin cho con biết chấp nhận bản thân và hoàn cảnh,
biết bằng lòng với số phận và thoả hiệp với đời sống,
để con có thể yêu Chúa và tha nhân với tâm hồn rộng mở. Amen.
 
Lòng mến, luật trên mọi luật
Anmai, CssR
22:54 23/10/2008
Chúa nhật 30 thường niên (Xh 22,21-27; 1Th 1,5c-10; Mt 22,34-40)

Lòng mến, luật trên mọi luật.

Trong mọi vấn đề của xã hội, từ tình cảm cho đến tất cả các tương quan trong cuộc sống, có thể nói ra hay không nói ra nhưng bên dưới tình cảm, tương quan nó có một khế ước nào đó. Có thể khế ước đó được nói lên chỉ bằng lời, bằng miệng thôi nhưng cũng có những khế ước được lập ra bằng văn tự hẳn hoi chứ nếu không thì người ta sẽ không lấy gì làm bằng chứng được khi một trong hai bên vi phạm cái khế ước được đưa ra.

Chúng ta thấy, từ thuở ban đầu khi tạo dựng trời đất và con người đầu tiên, ngầm bên dưới tình cảm của Thiên Chúa dành cho con người đó có một khế ước: “Đức Chúa là Thiên Chúa đem con người đặt vào vườn Ê-đen, để cày cấy và canh giữ đất đai. Đức Chúa là Thiên Chúa truyền lệnh cho con người rằng: "Hết mọi trái cây trong vườn, ngươi cứ ăn; nhưng trái của cây cho biết điều thiện điều ác, thì ngươi không được ăn, vì ngày nào ngươi ăn, chắc chắn ngươi sẽ phải chết." (Xh 1,14-17)

Cái gì cũng được ăn, được hưởng dùng cả nhưng trái của cây biết thiện ác thì không được ăn vì ăn vào thì sẽ chết ! Ađam - Eva đã không giữ được cái khế ước đấy nên rồi đã bị Thiên Chúa trách phạt. Trớ trêu thay là tưởng chừng kinh nghiệm của ông bà nguyên tổ là kinh nghiệm cho con cháu nhưng chúng ta thấy sau này trong hành trình lịch sử cứu độ con người đã vi phạm không biết bao nhiêu là khế ước.

Sau đó, chúng ta thấy, qua Môsê cũng như các ngôn sứ, Chúa muốn nói cho con người quá nhiều điều, quá nhiều luật.

Khi thấy dân chúng sống trong cảnh lầm than, đô hộ, áp bức, Thiên Chúa chạnh lòng thương, đã không vô tâm vô tình để cho dân sống như vậy và Thiên Chúa qua bàn tay Môsê cứu dân. Sau khi cứu dân khỏi nô lệ thì Thiên Chúa qua Môsê đã ban giới luật cho dân như xưa với ông bà nguyên tổ vậy. Sau 3 tháng rời khỏi Ai cập, đến núi Sinai, Thiên Chúa đã gặp Môsê trên núi và báo cho ông chuẩn bị cho dân chúng để nhận khế ước giữa Thiên Chúa và dân. Không phải đón nhận một cách không không nhưng phải có một sự chuẩn bị hết sức nghiêm túc là: phải giữ cho khỏi nhiễm uế, quần áo phải giặt giũ cho sạch. Trong cuộc thần hiện trong tiếng sấm sét, tiếng tù và, ánh lửa và núi bốc khói Thiên Chúa đã ban thập điều cho dân.

Bên cạnh thập điều ấy còn có giải thích các luật về bàn thờ, về giết người, về đánh đập, gây thương tích, trộm thú vật và rồi đến luật về người ngoại kiều, về mẹ goá con côi như chúng ta vừa nghe trong bài đọc thứ nhất.

Sau đó, dân chúng tiếp tục cuộc lữ hành trong sa mạc tiến về đất hứa. Tưởng chừng có người đi theo kè kè bên cạch, làm trung gian với Thiên Chúa thì dân sẽ trung tín với những giao ước mà Thiên Chúa trao cho dân nhưng ngay tại núi Khô-rếp dân đã phạm luật. Môsê đã báo cho dân chúng biết rằng từ ngày ra khỏi Ai-cập thì dân đã phản nghịch chống lại Đức Chúa. Sự phản nghịch ấy đã làm cho Đức Chúa nổi giận muốn tiêu diệt dân nhưng Đức Chúa đã không nỡ làm điều ấy. Môsê đã van xin với Đức Chúa: "Lạy Chúa là ĐỨC CHÚA, xin đừng huỷ diệt dân Ngài, cơ nghiệp Ngài đã dùng sức mạnh lớn lao của Ngài để giải thoát, và đã ra tay uy quyền đưa ra khỏi Ai-cập. Xin nhớ đến các tôi tớ Ngài là ông Áp-ra-ham, ông I-xa-ác và ông Gia-cóp, xin đừng để ý đến sự ngoan cố, sự gian ác và tội của dân này (Xh 9,26.27)

Môsê vô cùng đau đớn, vô cùng bức xúc trước những tội lỗi, những sự thất tín bất trung của dân và ông đã phải thốt lên rằng: Giờ đây, hỡi Ít-ra-en, nào Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, có đòi hỏi anh em điều gì khác đâu, ngoài việc phải kính sợ Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, đi theo mọi đường lối của Người, yêu mến phụng thờ Người hết lòng, hết dạ, giữ các mệnh lệnh của Đức Chúa và các thánh chỉ của Người mà tôi truyền cho anh em hôm nay, để anh em được hạnh phúc? (Xh 10, 12.13)

Nhìn cách hành xử của dân, chúng ta thấy tội nghiệp cho cái thân già của ông Môsê. Nhiều lần và phải nói là quá nhiều lần mệt mỏi với cái dân cứng đầu cứng cổ nhưng vì ý thức vai trò và nhiệm vụ mà Thiên Chúa trao nên Môsê tiếp tục cuộc hành trình với đám dân cứng đầu cứng cổ này.

Đã hơn một lần, Môsê phải nài nỉ dân: “Những lời tôi nói đây, anh em phải ghi lòng tạc dạ, phải buộc vào tay làm dấu, mang trên trán làm phù hiệu. Anh em phải dạy những lời ấy cho con cái, mà nói lại cho chúng, lúc ngồi trong nhà cũng như lúc đi đường, khi đi ngủ cũng như khi thức dậy. Anh em phải viết lên khung cửa nhà anh em và lên cửa thành của anh em. Như vậy, bao lâu trời còn che đất, anh em và con cái anh em còn được sống trên đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, đã thề với cha ông anh em rằng Người sẽ ban cho các ngài. Nếu anh em cẩn thận giữ tất cả mệnh lệnh tôi truyền cho anh em đem ra thực hành, mà yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, đi theo mọi đường lối của Người và gắn bó với Người, thì Đức Chúa sẽ trục xuất mọi dân tộc ấy cho khuất mắt anh em, và anh em sẽ trục xuất những dân tộc lớn và mạnh hơn anh em. Mọi nơi bàn chân anh em giẫm lên sẽ là của anh em: từ sa mạc và núi Li-băng, từ Sông Cả, là sông Êu-phơ-rát, cho đến Biển Tây, sẽ là lãnh thổ của anh em. Không ai sẽ đứng vững được trước mặt anh em; Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, sẽ làm cho tất cả miền đất anh em giẫm lên phải kinh khiếp sợ hãi anh em, như Người đã phán với anh em. Hãy xem, hôm nay tôi đưa ra cho anh em chọn: hoặc được chúc phúc hoặc bị nguyền rủa. Anh em sẽ được chúc phúc nếu vâng nghe những mệnh lệnh của Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, mà tôi truyền cho anh em hôm nay. Anh em sẽ bị nguyền rủa, nếu không vâng nghe những mệnh lệnh của Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, nếu anh em bỏ con đường hôm nay tôi truyền cho anh em phải đi, mà theo những thần khác anh em không biết. Khi Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, đã đưa anh em tới đất mà anh em đang vào chiếm hữu, anh em sẽ đặt lời chúc phúc trên núi Ga-ri-dim và lời nguyền rủa trên núi Ê-van. Những núi ấy ở bên kia sông Gio-đan, trên con đường phía tây, trong đất người Ca-na-an là người ở miền A-ra-va, đối diện với Ghin-gan, bên cạnh cụm sồi Mô-re. Thật vậy, anh em sắp sang sông Gio-đan để vào chiếm hữu đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, ban cho anh em. Anh em sẽ chiếm hữu và ở trong đất ấy. Vậy anh em phải lo đem ra thực hành mọi thánh chỉ và quyết định mà hôm nay tôi trình bày cho anh em”. (Xh 11,18-32)

Tất cả những luật qua miệng Môsê và các vị trung gian của Thiên Chúa đưa ra đều nhắm một điều là đến quyền lợi của con người, tình thương cho con người. Chắc có lẽ Môsê thương dân nên ông đã truyền lại cũng như giải thích luật quá nhiều, luật nhiều quá đã làm cho con người phải học, phải nhớ vất vả.

Đó là thời Cựu Ước. Vào thời Tân Ước, Chúa Giêsu có khi gọi là Môsê mới, đấng trung gian giữa Thiên Chúa và con người thì lại khác. Thời Chúa Giêsu, Chúa Giêsu thấy các biệt phái, luật sĩ giữ những luật đó quá sức tỉ mỉ nhưng chỉ giữ bề ngoài chứ tinh thần và tinh tuý của luật thì lại không. Nhiều biệt phái, pharisêu, luật sĩ xét nét Chúa từng ly từng tý. Các ông đã canh chừng Chúa còn hơn là công an theo dõi Toà Giám Mục Hà Nội. Họ canh Chúa Giêsu nào là không chịu rửa tay trước khi dùng bữa, chữa bệnh trong ngày Sabát, các môn đệ bứt gié luá ăn ngày Hưu Lễ … và họ còn bắt bẻ Chúa nhiều điều: nào là “ông ấy là ai mà dám tha tội vì chỉ mình Thiên Chúa mới có quyền tha tội” … Họ không nhận ra Chúa Giêsu là đấng trung gian mới, đấng sửa lại những lầm lỗi, những đổ nát giữa tình con người và tình Chúa. Hơn một lần, Chúa đã nói cho họ biết nhưng họ dường như không nghe, Chúa nói là Chúa không hề huỷ bỏ lề luật của Môsê nhưng là kiện toàn lề luật.

Trang Tin Mừng hôm nay nhiều người biệt phái và luật sĩ đến chất vấn Chúa về lề luật và Chúa nói thẳng vào mặt họ là tất cả các giới răn mà Môsê đưa ra thì giới răn trọng nhất đó là mến Chúa và yêu người. Đúng như vậy, tất cả các giới luật mà Môsê đưa ra đều nhắm vào Thiên Chúa và con người.

Thánh Giacôbê đã nhắc nhớ chúng ta: “Yêu thương là chu toàn lề luật”. Thế đấy ! Bao nhiêu lề luật đưa ra không luật nào quan trọng bằng luật của lòng mến. Thánh Phaolô cũng đã nhắc chúng ta: Hiện nay cả ba đức: đức tin, đức cậy và đức mến nhưng đức mến là quan trọng hơn cả.

Hôm nay, một lần nữa, Chúa Giêsu nói thẳng cho những người Pharisêu và những người thông luật cũng chính là Chúa nói với mỗi người chúng ta. Trong đời sống thường nhật, đôi khi chúng ta quá vụ vào các khoản luật nhưng đã đánh mất đi cái cốt lõi, cái tinh tuý, cái chất của luật đó chính là lòng mến, là tình yêu.

Ngày hôm nay, đời sống gia đình, đời sống xã hội người ta dùng quá nhiều luật mà quên đi cái luật lòng mến. Ra đường, lúc nào cũng kẹt xe. Tại sao ? Tại ai ai cũng muốn mình được ưu tiên, mình đi nhanh hơn người khác để rồi lấn vạch, lấn tuyến, vượt đèn đỏ … cuối cùng kẹt xe. Quan trọng là họ đã không giữ được lòng mến, lòng bác ái với nhau nên nó mới xảy ra như vậy.

Gia đình cũng vậy, cộng đoàn cũng thế, người ta đưa ra quá nhiều luật với nhau. Bất cứ cái gì người ta cũng đưa ra luật nhưng người ta không chịu đưa ra lòng mến để cư xử với nhau.

Hơn thế nữa, Thánh Phaolô qua thư thứ nhất của Ngài gửi cộng đoàn Thessalônica cũng là gửi cho mỗi người chúng ta: “Vì tất cả anh em là con cái ánh sáng, con cái của ban ngày. Chúng ta không thuộc về đêm, cũng không thuộc về bóng tối. Vậy chúng ta đừng ngủ mê như những người khác, nhưng hãy tỉnh thức và sống tiết độ. Ai ngủ, thì ngủ ban đêm; ai say sưa, thì say sưa ban đêm.Nhưng chúng ta, chúng ta thuộc về ban ngày, nên hãy sống tiết độ, mặc áo giáp là đức tin và đức mến, đội mũ chiến là niềm hy vọng ơn cứu độ” (1 Thes 1,5-8). Thế đấy ! Ngài mời gọi chúng ta mặc lấy áo giáo là đức tin và đức mến. Trong tất cả mọi giới răn, tất cả mọi lề luật chẳng có luật nào cao trọng cho bằng luật của lòng mến.

Nguyện xin Chúa Giêsu là vua của tình yêu, của lòng mến đến và ở lại với mỗi người chúng ta để Ngài thêm tình thương, lòng mến trên mỗi người chúng ta để chúng ta là ánh sáng, là chứng nhân giữa cuộc đời đầy hơn thua, hận thù, ghen ghét này.
 
Hai Giới Răn Quan Trọng
Tuyết Mai
22:56 23/10/2008
Hai Giới Răn Quan Trọng

Chúa Giêsu phán cùng người ấy rằng: "Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là giới răn thứ nhất và trọng nhất. Nhưng giới răn thứ hai cũng giống giới răn ấy là: Ngươi hãy yêu thương kẻ khác như chính mình ngươi. Toàn thể Lề luật và sách các Tiên tri đều tóm lại trong hai giới răn đó". (Mt 22, 34-40).

Để được kiện toàn hai giới răn của Thiên Chúa, mà cả hai giới răn không dễ gì để mà giữ, không dễ gì để mà làm đẹp lòng Thiên Chúa được khi bản tánh con người thường thích đi ngược lại những gì Thiên Chúa dậy, nên tôi thiết nghĩ việc quan trọng nhất là chúng ta luôn siêng năng tìm đến với Thiên Chúa để cầu nguyện, để xin cho được ơn của Chúa Thánh Thần đến và lưu lại trong tâm hồn và trái tim yếu đuối luôn sa ngã của chúng ta, trong cuộc sống ngày lại ngày này! Chúa Thánh Thần sẽ đến khi chúng ta thật lòng, khẩn thiết, van nài, và mong muốn được Ngài luôn ngự trị trong tâm hồn và trong tâm trí của chúng ta, giúp chúng ta biết đón nhận những gì Ngài chỉ bảo và hướng dẫn rất cần thiết cho linh hồn đời đời của chúng ta.

Thoạt tiên ta nghe Lời Chúa dậy là: "Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, và hết trí khôn ngươi. Đó là giới răn thứ nhất và trọng nhất". Chúng ta cứ tưởng là dễ làm và dễ theo, nhưng trong thực tế Thiên Chúa có được bao nhiêu anh chị em là yêu Chúa đến hết lòng, hết linh hồn, và hết trí khôn? Mà chúng ta lại không yêu tiền bạc hơn, danh lợi hơn, sức khoẻ, sắc đẹp, để có được phương tiện mà yêu hơn những thú vui sa đọa nơi thế trần? Bởi nếu chúng ta thật sự yêu Chúa như sự mong muốn của Thiên Chúa, thì chúng ta phải giữ đạo cho nên chứ, thưa phải không? Như tôi chẳng hạn, cuối tuần khi nghĩ đến phải đi Lễ thì lòng tôi cảm thấy như mắc nợ với Chúa làm sao ấy! Khi cả tuần lễ tôi phải đi làm mệt mỏi, không kể những giờ (OT) mà tôi muốn làm thêm để kiếm thêm tiền mua sắm cho bằng với những chị em bạn? Có rất nhiều khi tôi phải kiếm cớ để không phải đi nhà thờ và xin Chúa thứ lỗi cho tôi, và những lần có dịp để đi xưng tội thì tôi cũng muốn cố gắng lắm đến để xin Chúa tha thứ tội cho tôi vì những lần cố tình bỏ Lễ Chúa Nhật.

Tôi càng yêu Chúa tôi trên hết mọi sự trên đời của tôi là khi đừng ai biết tôi là con Thiên Chúa hay đạo Công Giáo khi tôi có dịp đi dùng bữa bên ngoài hay trong nhà hàng cùng với anh chị em ngoại giáo của tôi. Tôi sẽ tránh hết sức không muốn làm Dấu Thánh Giá trước mặt họ, mà tôi chỉ dám thầm thì trong bụng thôi, xin Chúa tha thứ tội, và thông cảm cho tôi để cho tôi được sống hòa đồng cùng mọi người, vì tôi không muốn làm cho họ khó chịu!?.

Rồi thì lậy Chúa là Thiên Chúa con yêu vô cùng! Trong dịp mùa bầu cử sắp đến đây bao nhiêu người trong cùng nơi con làm việc, hầu như họ đều sẽ bỏ phiếu cho đảng dân chủ, tuy biết họ ủng hộ cho việc phá thai, nhưng con cũng không dám nói lên tiếng nói để bênh vực cho những gì mình tin, mà phải hùa theo họ. Vì con biết nếu con bênh vực cho những gì mình tin, thì họ sẽ lên án và chỉ trích con là dân đạo đức giả, vì những gì đã xẩy ra cho các linh mục trước đây! Nên Lậy Chúa con có yêu Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn con đấy chứ! Nhưng con chỉ dám yêu Chúa trong âm thầm trong tận cõi lòng của con thôi!

À, mà con cũng xin thưa và khoe cùng với Chúa là con cũng rất ư là siêng năng công việc Nhà Chúa, như con có gia nhập vào Ca Đoàn để hát cho Chúa nghe mỗi Thánh Lễ nè! Con hát hay lắm! Nên con rất cố công để đi tập hát mỗi tuần để một mình con hát cho Chúa nghe thôi! Tiếng hát của con khi cất lên sẽ bảo đảm vượt trội và át tiếng hát của mọi người. Con hát chỉ mình Chúa nghe thôi Chúa nhé! Rồi con cũng cố gắng vào thử mấy hội đoàn khác nữa nhưng con thấy không thích hợp, bởi vào hội đoàn mà chẳng thấy lợi ích gì cho con cả! Phải như vào mà giúp ích gì hay có lợi cho (business) công việc thương mại của con, chứ không thì thà con ra mở cửa tiệm chứ vào hội đoàn làm gì!? Phải không thưa Chúa!? Vừa mất thời giờ và công sức của con. Bởi có người mách bảo con rằng vào gia nhập hội đoàn rất có lợi cho việc buôn bán vì là nơi có nhiều người tụ họp.

Đấy thưa Chúa! Chúa có thấy con yêu Chúa nhiều lắm không? Yêu Chúa đến hết lòng, hết linh hồn, hết cả trí khôn con. Con yêu Chúa mà con đang lợi dụng Chúa. Con yêu Chúa đến đỗi con đã bán Chúa. Con yêu Chúa đến đỗi Chúa phải chịu bao nhiêu nhục nhã, bao nhiêu cực hình, khổ hình, và con đã treo Chúa trên Cây Thập Tự Giá. Và con còn tiếp tục yêu Chúa bằng cách con lại tiếp diễn 14 chặng đàng Thánh Giá trong cuộc đời hiện tại ngày lại ngày tội lỗi của con.

Xin Ba Ngôi Thiên Chúa tha thứ tội cho con và cho tất cả anh chị em con.

Giới Răn thứ hai Chúa dậy: "Ngươi hãy yêu thương kẻ khác như chính mình ngươi". Đây mới là giới răn mà không mấy ai trong anh chị em chúng con giữ được Chúa ơi! Làm sao mà chúng con yêu thương nhau được khi mà tánh ích kỷ của chúng con đã cấy sẵn và ăn sâu trong lòng dạ của chúng con rồi!. Một lời nói mà chúng con còn chẳng ai nhường cho ai được hơn, vì có phải lời nói của chúng con là quan trọng là phải được mọi người chú ý, lắng nghe, và phải được cho là đúng. Ai nói khác hơn và ngược lại thì người ấy bảo đảm sẽ bị loại và sẽ nhận được bao nhiêu khốn khổ sau đó nhất là thành phần "xếp" của chúng con! Lẽ thường tình là như vậy, phải không thưa Chúa!? Cho nên chúng con luôn luôn phải sống bè phái là để mong được an phận, để được trưng dụng, để hy vọng ăn được những bánh vụn của đàn anh chị hất xuống, để được cơ may qua những mánh mung mà đàn anh chị chê không nhận, và là để được cuộc sống thơ thới và khoẻ hơn khi mình biết sống nịnh hót, chìu lòn, học những gian xảo. ... mà trong một thế giới đầy ảo tưởng nay còn mai mất này. ... khi chúng con không để Chúa làm trung tâm điểm trong cuộc đời phù du của chúng con.

Sự tham lam của con và của anh chị em chúng con, đến độ đã làm chết biết bao nhiêu người, từ chất độc pha trong sữa cho các em nhỏ bú, từ trong những bao cà phê pha sẵn, từ sự rút rỉa tham lam của những người làm cầu, từ những chất độc được bỏ vào những cái kẹo cho con nít ăn, và còn nhiều nhiều lắm Chúa ơi! Sự tham lam làm giầu của những anh chị em không có tình người này, đã muốn vơ vét càng nhiều càng tốt, để khi ra đi không kịp một lời trăn trối, không kịp một kinh ăn năn đền tội, không kịp chạy đến cùng Thiên Chúa luôn xót thương để linh hồn còn được cứu vớt.

Lậy Chúa, lậy Thiên Chúa chúng con!

Chúng con xấp mình phủ phục thờ lậy Thiên Chúa là Thiên Chúa đầy quyền năng và hằng hữu. Chúng con tất cả là con người tội lỗi chẳng đáng được Thiên Chúa xót thương, nhưng vì sự Phục Sinh vinh hiển của Chúa Giêsu Kitô đã gánh tội trần gian và để cứu độ chúng con. Xin cho chúng con luôn cố gắng sống được như ông thu thuế tội lỗi xưa kia, đứng cuối nhà thờ mà đấm ngực ăn năn chừa cải tội lỗi của mình. Xin Chúa cũng ban cho chúng con tấm lòng luôn biết thương xót của Chúa đối với tha nhân và được như bà già góa kia đã biết cúng dâng tất cả những gì mình có cho Chúa và được Chúa khen thưởng. Chúng con không ít thì nhiều nếu biết chia sẻ thì thế giới ắt phải được hạnh phúc và no đủ hơn thay vì chỉ biết mua sắm vũ khí để giết chết lẫn nhau Chúa ơi!
 
Yêu Chúa,Yêu Người
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
22:58 23/10/2008
YÊU CHÚA YÊU NGƯỜI

CHÚA NHẬT 30 A

Nhóm Pharisiêu liên minh với nhóm Hêrôđê gài bẫy Chúa Giêsu về vấn đề nộp thuế cho Cêsarê. Họ đã thất bại. Nhóm Pharisiêu lại tiếp tục liên kết với nhóm Xađốc gài bẫy lần nữa; có bảy anh em trai cùng lấy một người vợ, ngày tận thế khi sống lại, người đàn bà đó là vợ của ai trong bảy anh em? Họ cũng thất bại. Chưa chịu thua. Lần này như bài Phúc Âm thuật lại, họ chọn ra một người thông luật để tranh luận với Chúa Giêsu. Thưa Thầy, trong lề luật giới răn nào trọng nhất? Đây là một câu hỏi hóc búa, bởi vì đạo Do thái có rất nhiều khoản luật mà luật nào cũng đều quan trọng cả.Luật Do thái có tất cả 613 điều luật khác nhau, trong đó có 365 điều luật cấm và 248 luật phải giữ. Điều răn nào lớn nhất? Lớn nhất tức là quan trọng nhất. Sở dĩ họ đặt câu hỏi này với Chúa Giêsu là vì một phần vì họ không nhất trí đựơc với nhau, phần vì muốn thử Chúa Giêsu để mong đặt Người vào thế bí không thể giải quyết được.
Chúa Giêsu đã trả lời rất xuất sắc: Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa ngươi hềt lòng hết linh hồn hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn lớn nhất và là điều răn đứng đầu. Còn điều răn thứ hai cũng giống điều răn này là ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Như thế trong 613 điều luật, Chúa Giêsu đã chọn lọc ra hai điều luật quan trọng nhất là mến Chúa và yêu người từ sách Đệ Nhị Luật (Dnl 6,5) và sách Lêvi (Lv 19,18). Người liên kết hai điều đó lại: mến Chúa thì phải yêu người, yêu người thì phải mến Chúa. Cả hai điều ấy có thể tóm lại thành một điều duy nhất là yêu thương. Yêu thương là cốt lõi của tất cả mọi khoản luật khác.

Suốt cuộc đời, Chúa Giêsu đã làm chứng về sự quan trọng của hai luật đó. Người không chỉ làm chứng bằng lời giảng dạy mà còn bằng chính cuộc sống và cái chết của mình. Yêu Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết linh hồn. Lòng mến Chúa phải toàn diện, liên quan đến trái tim linh hồn và cả khối óc của con người.Tình yêu ấy phải là động lực thúc đẩy tất cả mọi hoạt động tinh thần cũng như thể xác. Chúa Giêsu đã yêu mến Chúa Cha, luôn sống đẹp lòng Cha, luôn dành thời giờ cầu nguyện tâm sự với Cha. Chấp nhận cuộc khổ nạn và cái chết thập giá bởi lòng yêu mến Cha và yêu thương nhân loại. Yêu người thân cận như chính mình, điều răn này cũng quan trọng ngang với điều răn thứ nhất về lòng mến Chúa, vì lòng yêu người phát xuất từ lòng mến Chúa và cũng cần thiết như lòng mến Chúa vậy. Đọc Phúc âm, chúng ta thấy Chúa Giêsu thể hiện lòng yêu mến đối với hết mọi người. -Với người ngoại giáo Samaria, trước đây người Do thái xa lánh khinh khi, nay Chúa gần gũi trân trọng. -Với người tội lỗi, trước đây người Do thái kết án loại trừ, nay Chúa liên kết tìm về. -Với người thù địch, trước đây người Do thái báo oán tiêu diệt, nay Chúa cầu nguyện làm ơn. -Với người nghèo, trước đây người Do thái dửng dưng coi thường, nay Chúa chăm sóc tôn trọng. -Với người anh em, trước đây người Do thái vị kỷ nhỏ nhen, nay Chúa vị tha quãng đại.

Chúa Giêsu đã sống tình yêu Thiên Chúa và tình yêu con người thật tuyệt hảo. Người còn ban thêm điều răn mới: Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Yêu thương nhau như Thầy đã yêu, yêu Chúa và yêu người. Yêu Chúa và yêu người có một động từ chung là yêu. Đối tượng của động từ yêu này có vẻ khác biệt nhưng lại không phân biệt. Hai điều răn ấy tuy hai mà một, giống như hai trang của cùng một tờ giấy, tuy hai mặt khác nhau nhưng cũng chỉ là một tờ giấy duy nhất. Yêu người là yêu Chúa và yêu Chúa là yêu người. Người Kitô hữu có đức tin sẽ nhìn thấy Thiên Chúa nơi anh chị em mà mình gặp gỡ hàng ngày, yêu Chúa nơi họ.
Hai điều răn mến Chúa, yêu người không thể tách rời nhau.Yêu Thiên Chúa chắc chắn dẫn đến yêu tha nhân.Tình yêu tha nhân cần đặt nền trên Thiên Chúa.Người Kitô hữu đi từ nhà thờ ra nơi cuộc sống rồi từ cuộc sống đi vào nhà thờ.Ngoài cuộc đời, họ gặp Chúa nơi anh em.Trong nhà thờ, họ gặp anh em nơi Chúa.Thánh Gioan đã nói:Nếu ai nói: "Tôi yêu mến Thiên Chúa" mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy (1Ga 4,20). Do đó, “ai yêu mến Thiên Chúa thì cũng phải yêu thương anh em mình” (Ga 4,21).

Có câu chuyện kể rằng: Một ông vua kia có một thư viện rất lớn, trong đó lưu trữ rất nhiều sách vở quý giá như một kho tàng trí thức của nhân loại. Nhà vua muốn đọc tất cả các sách, nhưng không sao đọc được như ý muốn. Một hôm vua cho triệu tập các nhà bác học, các thầy dạy đạo lại để yêu cầu họ tóm gọn lại tất cả các sách thánh hiền thành một ngàn quyển thôi. Nhưng sau đó, vua vẫn thấy số đó là nhiều, nên yêu cầu họ tóm lại thành một trăm. Nhưng rồi vẫn thấy còn nhiều, vua yêu cầu họ tóm lại các tư tưởng thánh hiền trong một quyển mà thôi. Các nhà thông thái đều bối rối, không biết phải tóm ra sao, vì tất cả các sách thánh hiền đều đã được thu gọn vào nhiều chủ điểm tinh hoa nhất trong một trăm cuốn, không thể tóm gọn hơn được nữa. Trong lúc đang bế tắc, thì một cụ già thông thái đã đứng lên phát biểu: "Thưa quý vị, phàm ở đời thì hai điều quan trọng nhất là tín và nghĩa. Đây là mục đích của tất cả các sách thánh hiền xưa cũng như nay. Tín là sự tin tưởng dành cho Ông Trời và nghĩa là cách ăn ở có trước có sau dành cho người đời. Nói cách khác, đó là lòng mến Chúa và đức yêu người. Hai điều này là bản tóm lược toàn bộ Thánh Kinh. Như vậy Thánh Kinh là cuốn sách hay nhất và là bản tóm của tất cả các sách thánh hiền xưa nay". Nghe vậy, toàn thể những người hiện diện đều đồng ý. Còn bạn, bạn có thấy Thánh Kinh là sách dạy chúng ta về lòng mến Chúa và yêu người đầy đủ và có giá trị nhất hay không ? Bạn nên có thái độ nào đối với Lời Chúa trong Thánh Kinh, để nhờ đó, chúng ta có thể sống được tình mến Chúa yêu người ?

Đức Cha Giuse Võ Đức Minh là Đại diện HĐGM Việt Nam tại Thượng HĐGM thế giới lần thứ 13 về Lời Chúa. Trong bài tham luận sáng ngày 11-10-2008, ngài nói:

”Lời Chúa giúp khám phá chân dung đích thực của Chúa Giêsu Kitô, hiện thân tình yêu cứu độ của Thiên Chúa, qua mầu nhiệm thập giá. Do kinh nghiệm đau thương mà Giáo Hội của Chúa Kitô tại Việt Nam cảm nghiệm, mầu nhiệm Thánh Giá không những trở nên gần gũi với đời sống thường nhật, nhưng còn là nhân tố thiết yếu qui tụ dân Chúa. Vốn thừa hưởng nền văn hóa ngàn năm về việc ”tôn kính tổ tiên” biểu lộ lòng hiếu thảo của dân tộc chúng tôi, các tín hữu Công Giáo, để cử hành lễ giỗ của người thân trong gia đình, thường lấy hứng từ Bữa Tiệc Ly, từ cuộc Thương Khó, sự chết và sự sống lại của Chúa Giêsu, gương của Chúa đánh động sâu xa tâm hồn người Việt Nam. Các trình thuật về những thử thách mà các Tổ Phụ và Ngôn Sứ, đặc biệt là ông thánh Gióp trong Cựu Ước, và của Đức Mẹ Maria, thánh Giuse và các thánh tông đồ trong Tân Ước đã chịu đựng, tiếp tục nâng đỡ đức tin của các tín hữu Công Giáo.

Lời Chúa, sinh động trong dòng lịch sử Giáo Hội của Chúa Kitô tại Việt Nam, đã trở thành nguồn hy vọng cho các tín hữu bị bách hại. Kinh nghiệm của các vị Tử Đạo và các thế hệ các vị chủ chăn, tu sĩ và giáo dân, là một bằng chứng hùng hồn. Để diễn tả chân lý đó, ĐTC Biển Đức 16, trong thông điệp Spe salvi, đã trích dẫn đích danh hai người Việt Nam, đó là thánh Phaolô Lê Bảo Tịnh, và ĐHY rất đáng thương tiếc Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận”.

Trong bài phát biểu sáng 14-10-2008 tại Thượng HĐGM thế giới, Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh, đã đề cao sự nâng đỡ của Lời Chúa cho các tín hữu Công Giáo tại Việt Nam, giữa các cơn thử thách, bách hại.
Trước sự hiện diện của ĐTC và 241 nghị phụ, Đức cha nói:
Giáo Hội tại Việt Nam, một trong những Giáo Hội bị thử thách nặng nề nhất vì các cuộc bách hại đẫm máu và liên tục. Bị đẩy vào trong một lịch sử dệt bằng hận thù, chiến tranh ý thức hệ và những hạn chế kỳ thị, các tín hữu Công Giáo chúng con ngày càng xác tín rằng chỉ có Lời Chúa mới có thể giữ chúng con ở lại trong tình thương, trong an vui, hiệp thông và bao dung.

Con cũng đau lòng mà thưa với ĐTC và các nghị phụ rằng cho đến nay Việt Nam chiếm hàng đầu về các vụ phá thai. Nhưng điều đáng nói là thảm trạng này đã khơi lên nơi các tín hữu Công Giáo phong trào ”bênh vực sự sống”: họ đi tìm các bào thai bị phá trong các nhà thương, rửa tội cho các bào thai ấy nếu còn sống thoi thóp, và thành lập các nghĩa trang để an táng. Ban đầu, hành động này bị chính quyền và các vị lãnh đạo nhà thương coi là tội ác, khiến cho các tín hữu Công Giáo phải hành động bí mật. Nhưng nay, tuy nhà chức trách chưa cho phép, nhưng họ để cho làm. Vài nhà làm điện ảnh đã quay thành những phim tài liệu và các ký giả ca ngợi việc làm ấy của các tín hữu Công Giáo trên các cơ quan truyền thông. Tại sao có sự tiến bộ như vậy? Thưa vì người ta nhận rõ hơn chứng tá của các tín hữu Công Giáo, những người sống Lời Chúa, và dưới ánh sáng của Lời ấy, họ tôn trọng sự sống.

Lời Chúa là sự sống cho con người mọi nơi và mọi thời. Xin dâng lên Chúa những tâm tình cầu nguyện.

Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin tạ ơn Chúa đã đến dạy bảo loài người về hai giới răn quan trọng nhất là yêu Chúa và yêu người.
Xin dạy chúng con biết sống tâm tình biết ơn về những hồng ân Chúa ban, xin cho chúng con biết yêu mến và phụng sự Chúa trong mọi người. Xin dạy chúng con nhận ra hình ảnh Chúa nơi anh em để chúng con yêu Chúa và yêu người với tâm hồn rộng mở.

Lạy Chúa là Thần Khí sự sống và là tình yêu,
Xin ban cho con một thời để yêu và một thời để sống,
để con sống vì tình yêu Thiên Chúa,
để con yêu vì cuộc sống muôn loài.
Xin dạy con biết yêu những điều tốt đẹp cao quý
và biết ghét những điều đê tiện xấu xa.
Xin dạy con luôn sống vì những điều mình yêu,
và dám chết vì những điều mình ghét.
Xin cho con biết đưa tình yêu vào cuộc sống,
để mỗi giây phút sống,
con đều cảm nhận đựơc niềm hạnh phúc yêu thương.
Xin cho con biết đưa sự sống vào tình yêu
để từng giây phút yêu,
con đều làm cho đời sống thêm giá trị.
Cuối cùng,
xin cho con biết hoà nhập cả hai nên một,
để sống là yêu và yêu là sống,
vì hiểu được rằng Thiên Chúa Hằng Sống
cũng chính là Thiên Chúa Tình Yêu. Amen
 
Giới răn tối thượng
LM Inhaxiô Trần Ngà
23:01 23/10/2008
Giới răn tối thượng

(Chúa nhật 30 thường niên - Matthêu 22, 34-40)

Người Do-Thái ngày xưa bị trói buộc bởi 613 khoản luật, gồm 365 luật buộc và 248 luật cấm. Tuân giữ bấy nhiêu khoản luật là một ách nặng không ai mang nổi, và giữa một rừng luật lệ như thế, việc tìm cho ra đâu là giới luật quan trọng hàng đầu mà mỗi người phải ưu tiên thực hiện là vấn đề không dễ. Đây cũng chính là vấn nạn mà một người thông luật đặt ra với Chúa Giê-su: "Thưa Thầy, trong sách Luật Mô-sê, điều răn nào là điều răn trọng nhất?"

Chúa Giê-su đáp: "Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: ngươi phải yêu người thân cận như chính mình."

1. Giới răn yêu thương, tuy hai mà một

Nhiều người vẫn tưởng rằng giới răn mến Chúa và giới răn yêu người là hai giới răn khác biệt, nhắm về hai đối tượng khác nhau: điều răn mến Chúa quy về Thiên Chúa và điều răn yêu người quy về con người.

Thực ra, hai giới răn nầy cùng đều quy về một mối: đó là yêu mến Thiên Chúa đang hiện diện nơi những con người đang sống chung quanh, hay nói khác đi, yêu thương phục vụ những người chung quanh là phụng sự Thiên Chúa. Qua Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su xác nhận hai giới răn nầy không khác biệt nhau khi Người nói: "điều răn thứ nhất là ngươi phải yêu mến Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy là ngươi phải yêu người thân cận như chính mình" (Mt 22, 39)

Qua dụ ngôn về "cuộc phán xét cuối cùng", Chúa Giê-su đồng hoá giới răn yêu người với giới răn mến Chúa: những ai cho những kẻ đói khát vất vưởng đầu đường xó chợ một bữa ăn thì Chúa Giê-su nói là họ cho Người ăn; những ai cho những kẻ rách rưới hay mình trần một vài tấm áo thì Chúa Giê-su tuyên bố là họ đã cho Người mặc; những kẻ giúp đỡ những người phiêu cư, lang bạt không nhà có chỗ trọ qua đêm thì Chúa Giê-su gọi họ là đã cho Người trú ngụ (Mt 25, 35-36) và những người đó được Chúa Giê-su khen ngợi là "những kẻ được Cha Ta chúc phúc" và được Người mời "đến thừa hưởng Vương Quốc đã dọn sẵn cho họ từ thuở tạo thiên lập địa" (Mt 25, 34)

Chúa Giê-su cũng long trọng khẳng định rằng khi người ta làm bất cứ điều gì cho những anh em chung quanh là làm cho chính Người. (Mt 25,40)

Thế nên, hai giới răn nầy không khác biệt nhau, vì thực thi giới răn yêu người (giới răn thứ hai) cũng là hoàn thành giới răn mến Chúa (giới răn thứ nhất). Vậy thì tuy được kể là hai, nhưng hai giới răn nầy cũng quy về một mối: tuy hai mà một.

Trong thư gửi tín hữu Rô-ma, thánh Phao-lô tái khẳng định điều đó: "Ai yêu thương người (điều răn thứ hai) thì đã chu toàn Lề Luật" (tức là đã giữ trọn tất cả các điều răn, kể cả điều răn thứ nhất là mến Chúa) (Rm 13, 8).

2. Giới răn yêu thương là trung tâm của các giới răn khác

Hai giới răn nầy là trung tâm của mọi giới răn, vì tất cả các giới răn khác đều quy hướng về hai giới răn quan trọng nầy; đồng thời đây cũng là giới răn tối thượng bao trùm hết mọi giới răn khác. Vì thế, ai giữ trọn giới răn nầy thì được xem là đã giữ tròn tất cả các điều răn khác.

Thánh Phao-lô khẳng định như thế trong thư gửi tín hữu Rô-ma: "Thật thế, các điều răn như: Ngươi không được ngoại tình, không được giết người, không được trộm cắp, không được ham muốn, cũng như các điều răn khác, đều tóm lại trong lời nầy: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Đã yêu thương thì không làm hại người đồng loại; yêu thương là chu toàn Lề Luật vậy" (Rm 13, 9-10) Và Chúa Giê-su, qua trang Tin Mừng hôm nay, cũng xác nhận như thế: "Tất cả Luật Mô-sê và các sách ngôn sứ đều tuỳ thuộc vào hai điều răn ấy". (Mt 22, 40)

Xưa kia, đang khi quân binh Ít-ra-en và quân binh Phi-li-tinh giàn binh bố trận để giao chiến với nhau, thì Gô-li-át, một chiến sĩ khổng lồ vô địch trong hàng ngũ Phi-li-tinh đứng ra thách thức với toàn chiến binh Ít-ra-en: "Các ngươi hãy chọn lấy người khoẻ nhất ra đây giao chiến tay đôi với ta, (không cần hai phe phải dốc toàn quân giao chiến làm gì cho hao binh tổn tướng). Nếu nó hạ được ta thì chúng tao sẽ làm nô lệ chúng bây. Còn nếu ta hạ được nó, thì chúng bây sẽ làm nô lệ hầu hạ chúng tao" (I Samuen 17, 9-10)

Sau đó, Đavít đã thay mặt toàn quân Ít-ra-en chiến đấu tay đôi với Gô-li-át và đã hạ sát được y ngay từ phút đầu bằng một phát ná bắn đá rồi giật lấy gươm của y mà chặt đầu y.

Thắng được tên Gô-li-át là chiến thắng toàn thể quân binh Phi-li-tinh.

Sự kiện nầy minh họa cho vấn đề nầy là: nếu chúng ta chu toàn giới răn chủ chốt là giới răn yêu thương thì chúng ta đã giữ tròn các giới răn khác.

Muốn chế ngự rắn độc, phải cố tóm cho được cái đầu.

Muốn chinh phục toàn quân thì phải chiếm được bộ chỉ huy.

Muốn giữ tròn lề luật, hãy bắt đầu tuân giữ giới răn yêu người, vì "yêu thương là chu toàn Lề Luật vậy" (Rm 13, 10).
 
Đường Tình
Thanh Thanh
23:55 23/10/2008
ĐƯỜNG TÌNH (Mt 22, 34-40)

Cùng nhìn lại

“Lòng đầy miệng mới nói ra”. Quả đúng như vậy, tuy người thông luật đến để hỏi thử Chúa Giêsu về giới răn nào quan trọng nhất. Nhưng vô tình họ lại cho thấy cái tâm trạng trăn trở rối bời không phải của riêng họ, mà cả của dân chúng.

Ban đầu, họ dựa trên Mười điều răn Chúa ban trên núi Sinai. Nhưng qua nhiều thế hệ, họ đã có một bộ luật to lớn gồm 613 điều. 248 điều tốt khuyên nên làm và 365 điều xấu cấm làm. Luật nhiều quá khiến cho họ không còn nhận ra điều nào là chính yếu, là trước sau…dù trước đó sách thánh đã cho biết. "Hãy yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn" (Đnl 6,5), "Hãy yêu thương người thân cận như chính mình" (Lv 19,18). Từ rất xa xưa mà họ đã có được hai điều trên, quả là tuyệt vời.

Họ có tiến bộ trong việc giải thích và đặt thêm luật. Nào là rửa tay trước khi dùng bữa, cho đến nộp thuế thập phân bạc hà thì là rau húng, rồi đến ngày satbát thì được làm những gì, đi bao nhiêu bước… Nhưng lại không khá hơn nhiều về lương tâm, về lòng nhân. Chúa Giêsu phải cảnh cáo rằng: “các người đã xao lãng lẽ công bình và lòng yêu mến Chúa” (Lc 11,42).

Cùng định hướng

Một lần nữa, Chúa Giêsu ôn giáo lý và định hướng cho thấy rõ đây không phải là một mớ luật làm cho con người mệt nhoài, sợ hãi, khó xử hay mất tự do. Mà Ngài chỉ cho họ biết rõ đây chính là con đường tình yêu. Tình Chúa tình người. Thánh Maccô diễn tả thật chi tiết và hấp dẫn: “phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi. Rồi phải yêu người thân cận như chính mình ngươi” (Mc 12,30-31). Vâng, tình yêu thì phải dành trọn, dành hết, dành tất cả cho người mình yêu.

Chúa Giêsu tóm rằng: “tất cả luật Maisen và các sách ngôn sứ đều tuỳ thuộc vào hai điều ấy”(Mt 22,40). Đây là điều đôi khi dễ nói nhưng khó làm, hoặc dễ làm nhưng khó nói. Bởi vậy mới phải cầu nại đến tình yêu, và tất cả tuỳ thuộc vào con đường này.

Cùng chiêm ngắm

Tình yêu là một con đường. Nhưng muốn có, ta phải tìm kiếm. Chỉ có con người mới có khả năng tìm kiếm, khám phá và biểu lộ tình yêu rõ nét nhất. Tình yêu được biểu lộ qua thơ ca hội hoạ, âm nhạc nghệ thuật, tục ngữ ca dao, vui cười khóc lóc… Vì vậy, chỉ có con người mới có thể đi vào và đi trọn con đường tình yêu này.

Cùng là tình yêu, nhưng không giống kiểu hai người nam nữ yêu nhau. Họ chỉ có hai. Và với tình yêu nhân loại, con người chủ động tìm kiếm, chia sẻ, phục vụ, hy sinh, chấp nhận, đón nhận, dấn thân rồi hiến thân cho nhau.

Còn Thiên Chúa, Ngài muốn mỗi người phải ra khỏi cái vòng xoáy nhỏ bé ấy là ích kỷ, chiếm đoạt. Vì thế, cuộc tình ở đây mới là bộ ba: Thiên Chúa, con người và tha nhân.

Trong cuộc tình này, Thiên Chúa là Đấng chủ động:

. Ngài chủ động chia sẻ hình ảnh tốt lành và sự sống thần linh cho con người qua công trình tạo dựng.
. Ngài chủ động đến để đi dạo với con người trong vườn địa đàng.
. Ngài chủ động sai các tiên tri để đồng hành và nâng đỡ dân thánh.
. Ngài chủ động ban Chúa Giêsu cho nhân loại, để những ai tin yêu Con Ngài, thì được cứu độ, và sống đời đời. Nơi Chúa Giêsu, Ngài luôn chủ động tìm kiếm con người. Không nhà cửa là một bằng chứng cho thấy Ngài coi mọi nơi đều là nhà, mọi người là anh em bạn hữu, là người thân yêu. Ngài đã tự huỷ thân phận làm Chúa để trở thành người, thành bạn, thành người phục vụ, thành người hầu hạ, thành tội nhân dù không có tội, rồi chủ động chết thay cho con người.
. Ngài chủ động yêu thương và chọn gọi con người trước khi con người yêu thương Ngài.

Cuộc tình bộ ba này, đơn giản, con người chỉ cần đưa tay, xoè vạt áo ra nhận phúc lộc là được. Bởi ân sủng Chúa ban, tình yêu Ngài cho thì đầy đủ, không cần phải tìm kiếm hay bổ sung thêm gì khác nữa. Nói thế không có nghĩa là con người thụ động, mất tự do. Tự do của con người chính là việc chuẩn bị tâm hồn cho thanh sạch, đơn sơ, chân thành và khiêm tốn để đón nhận ân sủng.

Cuộc tình bộ ba này, luôn là một vận hành xoay tròn: Thiên Chúa, con người và tha nhân. Vì thế, tình yêu ta nhận được từ Thiên Chúa, luôn mở ngỏ và nối dài đến đồng loại.

Với tiền bạc vật chất, khi chia sẻ thì hết dần. Còn tình yêu, chia sẻ nhiều bao nhiêu, ta càng lớn lên trong tình yêu bây nhiêu. Càng trao ban, ta càng giàu sang. Càng nhận và cho, ta càng mạnh mẹ hơn.

Yêu Chúa yêu người là điều không thể tách rời. Vì chỉ yêu Chúa, mến chuộng những gì là đạo đức, là thiêng thánh, là siêu nhiên, là nội tâm, và dừng lại ở đó, thì lấy gì chứng minh là ta yêu mến các giá trị ấy. Hoặc yêu thương bác và dừng lại ở mức độ con người, thì ta sẽ mất định hướng. Vì cùng đích của con người là Thiên Chúa. Con người từ Thiên Chúa mà ra thì sẽ phải trở về với Ngài.

Nếu con người tách rời đạo đức ra khỏi yếu tố nhân bản thì cuộc sống sẽ khập khễnh. Vì những giá trị siêu nhiên được xây dựng trên đời sống tự nhiên. Những giá trị đạo đức được biểu lộ qua đời sống nhân bản thường ngày.

Giống như đồng tiền phải có đủ hai mặt. Thiếu một mặt thì không phải là giảm giá trị một nửa, mà là không có giá trị lưu hành. Yêu Chúa yêu người cũng vậy, là hai mặt của một vấn đề tình yêu.
 
Đường con đi
J.B Nguyễn Quốc Tuấn
23:58 23/10/2008
ĐƯỜNG CON ĐI

Con đã đi tìm một giấc mộng Chúa ơi
Trên đường đời bao chông gai gió bụi
Mang nỗi lòng âu lo sầu tủi
Gieo niềm tin vào giữa mông lung

Đường con đi xa tít đến vô cùng
Chiều dần buông giục thân đơn cuống vội
Tham sân si giăng lối về bến đợi
Thẫn thờ giữa đường con như khách vãng lai

Giấc mơ hạnh phúc nào biết hỏi ai
Rợn ngợp hồn thơ đền đài thế tục
Cứ ngỡ đây rồi vẹn tròn mộng ước
Tỉnh cơn say con hụt hẫng kiếm tìm

Đường con đi trăm lối ngả không tên
Biết về đâu bóng chiều loang ảo vọng
Hành trang còn lại duy niềm mong ngóng
Ai tâm giao chia sớt lúc dặm trường ? !

Trong hoang mang Chúa đã đến gọi con
Bước theo Ngài trên lối về chính lộ
Chân trời xa bình minh rạng ló
Vui lên đường theo tiếng gọi Giêsu

Đường con đi có hương hoa tình Chúa
Có dịu êm và thập giá nặng vai
Không đơn côi con sánh bước cùng Ngài
Tiến về bến bờ trao ban tận hiến…
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Hiện tình chính trị xã hội Nam Phi
Linh Tiến Khải
06:32 23/10/2008
Hiện tình chính trị xã hội Nam Phi

Một số nhận định của ĐC Joseph Tlhagale, Tổng Giám Mục Joahnesburg kiêm Chủ tịch HĐGM Nam Phi châu về hiện hình chính trị xã hội Nam Phi (Avvenire 4-10-2008)

Ngày 21 tháng 9 vừa qua, trong buổi nói chuyện trên đài truyền hình Nam Phi, ông Thabo Mbeki đã từ chức tổng thống, sau khi đảng Quốc Đại Phi châu đã bỏ phiếu bất tín nhiệm và buộc ông phải rút lui. Ngày 23 sau đó bà Phumzile Mlambo Ngcuka, cũng tuyên bố từ chức phó tổng thống. Tiếp theo đó là 11 vị Bộ trưởng cũng theo nhau từ nhiệm. Chính phủ của tổng thống Mbeki sụp đổ mở ra một giai đoạn khó khăn cho nền dân chủ Nam Phi mới có 14 năm tuổi đời, sau khi chế độ kỳ thị chủng tộc chấm dứt với biến cố ông Nelson Mandela, cựu tù nhân của chế độ Apartheid, được bầu làm tổng thống.

Trong thư gửi ban chủ tịch đảng Quốc Đại Phi châu ông Thabo Mbeki nhấn mạnh rằng ông đã là thành viên của đảng này từ 52 năm qua và tiếp tục là thành viên của đảng. Do đó ông tôn trọng quyết định của Ủy ban lãnh đạo đảng. Ông Mbeki đã thay thế ông Nelson Mandela làm tổng thống Nam Phi hồi năm 1999, sau khi giữ chức Phó tổng thống từ năm 1994. Đáng lý ra nhiệm kỳ tổng thống của ông còn kéo dài cho tới tháng 4 năm 2009, trước khi có cuộc bầu cử vào tháng 5. Nhưng các tranh chấp và chia rẽ nội bộ của đảng Quốc Đại Phi châu đã khiến cho Nam Phi rơi vào cuộc khủng hoảng chính trị nói trên.

Ngày 12 tháng 9 vừa qua thẩm phán Chris Nicholson đã khám phá ra vụ tổng thống Mbeki và nhiều bộ trưởng can thiệp vào quyền tư pháp quốc gia, nhằm ngăn chặn không cho ông Jacob Zuma, cựu phó tổng thống và hiện là Chủ tịch đáng Quốc Đại Phi châu, được xử án một cách công bằng. Ông Zuma bị tố cáo là đã đòi tiền hối lộ của công ty pháp Thint-Thales, để tạo điều kiện dễ dãi cho kỹ nghệ cung cấp vũ khí trong một hợp đồng hồi năm 1999 lên tới 4,8 tỷ mỹ kim. Năm 2005 tổng thống Mbeki đã cách chức phó tổng thống Zuma, khi ông Shabir Shaik, bạn làm ăn của ông Zuma bị kết án gian tham hối lộ trong hợp đồng buôn bán vũ khí.

Thật ra ngay từ năm 2003 các người ủng hộ ông Zuma, trong đó có cánh tả của đảng Quốc Đại Phi châu, Liên hiệp các nghiệp đoàn Nam Phi và đảng Cộng Sản Nam Phi, đã phát động chiến dịch tố cáo các can thiệp của chính quyền vào vụ này. Tổng thống Mbeki bác bỏ mọi lời tố cáo nói trên. Nhưng ông Zuma và các đồng minh đã thành công trong việc huy động ban lãnh đạo đảng Quốc ĐạiPhi châu chống lại ông Mbeki. Trong đại hội đảng hồi năm ngoái họ đã đi tới chỗ loại trừ ông Mbeki và hầu hết các người thân tín của ông khỏi Ban Lãnh Đạo đảng Quốc Đại.

Tuy nhiên, cả trước đó tổng thống Mbeki cũng đã gặp các khó khăn trong cung cách ]ãnh đạo của ông. Ngay từ thập niên 1990 ông đã tố cáo ông Zuma và vài thành viên cao cấp khác của đảng Quốc Đại là âm mưu chống ông và gây áp lực để họ thôi hoạt động chính trị. Đồng thời ông tìm cách làm cho Quốc Hội không thể điều tra về hợp đồng buôn bán vũ khí và cách chức nhiều nhân vật trong chính phủ. Ông Mbeki cũng chối bỏ các thực tại đang đè nặng trên cuộc sống của người dân Nam Phi như nạn nghèo túng, thất nghiệp, nạn tội phạm gia tăng và bệnh dịch liệt kháng lan tràn trầm trọng. Tất cả khiến cho lòng dân bất mãn. Sau khi bắt buộc ông Mbeki từ chức, đảng Quốc Đại đã bầu ông Kgalema Motlanthe, làm tổng thống trong giai đoạn chuyển tiếp cho đến cuộc bầu cử vào tháng 5 năm tới, với ứng cử viên duy nhất có giá là ông Zuma. Khác với nguyên tổng thống Mbeki là người xa cách, chỉ giao du với giới thượng lưu và trung lưu nhưng xa cách dân chúng, ông Zuma là người rất bình dân và được dân nghèo qúy mến ngưỡng mộ.

Nam phi rộng gần 1 triệu 220 ngàn cây số vuông có 48,8 triệu dân, tuổi trung bình là 24,2 năm, với 50% tổng số dân sống đưới mức nghèo đói và 25.5% thất nghiệp.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của Đức Cha Joseph Tlhagale, Tổng Giám Mục Joahnesburg kiêm Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Nam Phi châu về hiện hình chính trị xã hội Nam Phi. Trong các ngày qua Đức Cha đã tham dự phiên họp của Học Viện Giáo Hoàng Truyền Giáo Nước Ngoài tổ chức tại Milano bắc Italia.

H: Thưa Đức Cha Tlhagale, người dân Nam Phi đang sống giai đoạn chuyển tiếp này như thế nào?

Đ: Nhiều người cho rằng việc loại bỏ ông Mbeki từ phía đảng Quốc Đại Phi châu là bất công, và trong tương lai phải để cho chính dân chúng quyết định về việc thay đổi hàng lãnh đạo. Người dân Nam Phi không có tiếng nói trong vấn đề này. Người ta nói tới dân chủ, nhưng đó là một thứ dân chủ của đảng phái, chứ không phải của quốc gia. Cần phải thay đổi Hiến Pháp để có thể trưng cầu dân ý, khi xảy ra một cuộc khủng hoảng chính trị như hiên nay.

H: Tại sao tổng thống Mbeki lai đã bị loại trừ thưa Đức Cha?

Đ: Ông Mbeki đã phải trả giá mắc mỏ, vì ông đã tạo ra qúa nhiều người thù nghịch với mình. Nhiều người coi vụ này là một sự báo thù đối với những gì đã xảy ra cách đây ba năm, khi ông Mbeki loại bỏ ông Jacob Zuma khỏi chức phó tổng thống.

H: Đức Cha lượng định thời gian ông Mebki làm tổng thống như thế nào?

Đ: Ông Mbeki đã có công trong nỗ lực đưa Nam Phi tới tình trạng như hiện nay với một nền kinh tế hùng mạnh, quốc gia ổn định. Nhưng không phải chỉ có thế, ông đã hoạt động rất nhiều để giúp giải quyết các cuộc khủng hoảng của các nước khác như Congo, Zimbabawe và Côte d'Ivoire. Ông cũng đã dấn thân trên bình diện của 8 cường quốc kinh tế và Liên Hiệp Quốc, vì ông biết tầm quan trọng của sự kiện Phi châu có tiếng nói trong các tổ chức như thế. Tôi không biết ông Zuma có theo đuổi các nỗ lực này hay không.

H: Ông Mbeki cũng đã phải trả giá mắc mỏ, vì đã ít chú ý tới dân nghèo, có phải thế không thưa Đức Cha?

Đ: Tôi tin rằng ông cũng đã cảm thấy vấn đề nghèo đói của người dân. Dĩ nhiên ông không phải lá người đi ra ngoài đường để nhận diện vấn đề đó, nhưng không phải vì thế mà ông đã không dấn thân để giải quyết vấn đề nghèo đói. Người ta đã phát động một chiến dịch bất công chống lại ông. Sự cứng rắn của ông đã khiến cho ông có nhiều thù địch. Nhưng việc loại bỏ ông ra ngoài tạo ra một tiền lệ nguy hiểm. Vì trước sau gì ông Zuma, ngày nay được giới trẻ của đảng Quốc Đại Phi châu và các nghiệp đoàn ủng hộ, nhưng cũng có thể chịu cùng chung số phận. Nếu người ta đồng ý phá hủy phẩm giá của hàng lãnh đạo, thì khi đó chúng ta sẽ mất đi sự tôn trọng đối với chính chúng ta và chúng ta sẽ rơi vào tay của các nhóm quyền bính biết rất rõ phải làm gì để được lắng nghe.

H: Các đường lối chính trị của ông Zuma sẽ đi theo hướng nào thưa Đức Cha?

Đ: Ít nhất ban đầu ông ta sẽ tìm cách tiếp tục những gì ông Mbeki đã làm. Nhưng ông sẽ khó mà có thể duy trì thế quân bình giữa các đòi buộc của những người ủng hộ ông. Các đòi buộc đó có thể bao gồm việc quốc hữu hóa vài tài nguyên và việc thay đổi các đường lối chính trị kinh tế lớn.

H: Thưa Đức Cha Tlahale, trong các năm qua nền kinh tế của Nam Phi đã gia tăng mạnh mẽ, nhưng nạn ghèo đói và thất nghiệp vẫn tiếp tục trầm trọng như vậy có nghĩa là thế nào?

Đ: Sự giầu có tiếp tục rơi vào túi của ít người. Có một giai cấp trung lưu nảy sinh, nhưng vẫn còn có hàng triệu người nghèo túng. Đây đã là hố sâu ngăn cách mà ông Mbeki không thành công lấp đầy được. Hiện nay nạn thất nghiệp lến tới 25,5%,, số người mắc bệnh liệt kháng là 5 triệu, nhưng chỉ có 400 ngàn người là có thể có thuốc để được chữa trị mà thôi. Năm ngoái chính quyền đã xây cất 400 ngàn căn nhà, trong khi đích điểm nhắm tới là xây 1 triệu căn nhà cho dân. Các vấn đề rất là hiển nhiên và cần phải có thời gian mới có thể giải quyết được. Nhưng chúng ta đã thấy các vụ bạo lực do phong trào bài người nước ngoài gây ra mới đây. Các anh chị em di dân đã trở thành con dê đền tội, trong thế cạnh tranh bạo lực vì các tài nguyên hạn hẹp.

H: Trong hai năm nữa giải túc cầu quốc tế sẽ diễn ra tại Nam Phi. Đây sẽ là một biến cố lôi kéo sự chú ý của toàn thế giới. Đức Cha có tin là Nam Phi sẵn sàng cho biến cố này hay không?

Đ: Người ta đang tiêu hao nhiều sức lực để chuẩn bị cho biến cố này. Chính quyền Nam Phi đã đầu tư 17 tỷ rand, tức khoảng 1 tỷ 450 triệu Euros để xây các cơ cấu hạ tầng cho giải túc cầu thế giới như: đường sá, các sân vận động, các khách sạn vv... Chúng hầu như gần xong rồi. Đây sẽ là một dịp tốt, nhưng tôi cũng sợ rằng trên thực tế, nhiều vùng của Nam Phi đặc biệt là các vùng quê, sẽ không nằm trong danh sách những nơi có được cơ may phát triển này.

H: Đức Cha vẫn tiếp tục lên án nạn gian tham hối lộ và con ông cháu cha đang đè nặng trên xã hội Nam Phi, có phải thế không?

Đ: Rất tiếc nạn gian tham hối lộ cũng như nạn tội phạm là một bệnh địa phương. Ủy ban công tố có danh sách 5.000 trường hợp gian tham hối lộ. Nhưng đây chỉ là một phần nhỏ nhô trên mặt nước của núi bắng khổng lồ của nạn gian tham hối lộ chìm bên dưới. Nạn gian tham hối chạy ở bên dưới, chạy rất nhanh và đe dọa sự toàn vẹn của giới lãnh đạo. Ngoài ra có biết bao nhiêu các hãng xưởng thường đi đêm với nhau trong việc duy trì giá cả hàng hóa để bóc lột dân. Nhưng rất may là ít nhất các phương tiện truyền thông xã hội thường phanh phui các vụ gian tham hối lộ và vô liêm chính này, và như thế là cứu vớt nền dân chủ của chúng tôi. Dĩ nhiên Nam Phi cần phải có một ý chí chính trị cao để có thể tiếp tục con đường phát triển của mình.

(Avvenire 4-10-2008)
 
Kỷ niệm 30 năm Đức Karol Wojtila được bầu làm Giáo Hoàng
Linh Tiến Khải
06:49 23/10/2008
Kỷ niệm 30 năm Đức Karol Wojtila được bầu làm Giáo Hoàng

Cách đây 30 năm ngày 16 tháng 10 năm 1978, Đức Hồng Y Karol Wojtila, Tổng Giám Mục Cracovia đã được Hồng Y Đoàn bầu làm chủ chăn Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ, thay thế Đức Gioan Phaolo I, qua đời sau 33 ngày làm Giáo Hoàng. Đức Gioan Phaolô II đã là một chủ chăn vĩ đại của Giáo Hội vì phần đóng góp lớn lao của ngài cho Giáo Hội và cho thế giới. Ngài cũng đã là vị Giáo Hoàng được rất nhiều người thương mến, nhất là giới trẻ.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của Đức Hồng Y Stanislaw Rylko, Chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh Giáo Dân về Đức Gioan Phaolô II. Đức Hồng Y Rylko sinh năm 1945 thụ phong linh mục năm 1969, đậu tiến sĩ thần học tại đại học Cracovia và tiến sĩ xã hội tại đại học giáo hoàng Gregoriana. Năm 1995 cha Rylko được Đức Gioan Phaolô II chỉ định làm Thư ký Hội Đồng này, và năm 1996 được tấn phong Giám Mục. Năm 2003 Đức Cha được thăng Tổng Giám Mục Chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh Giáo Dân. Năm 2005 Đức Thánh Cha Biển Đức XVI vinh thăng ngài làm Hồng Y.

H:Thưa Đức Hồng Y Rylko, Đức Hồng Y nhớ lại ngày 16 tháng 10 năm 1978 như thế nào?

Đ: Khi nhận được tin Đức Hồng Y Wojtila được bầu làm Giáo Hoàng, tôi đang ở ngoài nhà ga xe lửa thành phố Cracovia. Tôi nhớ là đã tìm ngay đến một phòng đợi trong nhà ga nơi có truyền hình để theo dõi tin tức chính thức. Nhưng chương trình truyền hình chiều hôm đó không đưa tin này. Chắc chắn là vì nhà nước Ba Lan không biết phải bình luận gì về biến cố không thể tin là có thể xảy ra được đó. Thế là tôi về nhà và theo dõi tin tức. Đài truyền hình nhà nước đã loan tin rất trễ.

H: Lúc ấy Đức Hồng Y cảm thấy gì, và điều gì đã xảy ra tại Cracovia?

Đ: Chúng ta có thể tưởng tượng được một cách dễ dàng. Nhưng ban đầu phản ứng của mọi người là sự kinh ngạc, vì trước Mật Nghị Hồng Y Đoàn người ta cũng đã nói nhiều rằng vị Tân Giáo Hoàng tới cũng sẽ là người Ý, và xem ra đó là điều tự nhiên. Vì thế nên sự lựa chọn của các Hồng Y đã khiến cho chúng tôi ngạc nhiên, nhưng đồng thời cũng vui sướng kinh khủng. Vào thời đó tôi là phó giám đốc đại chủng viện Cracovia, và khi được tin tất cả các đại chủng sinh đã chạy ùa ra ngoài đường để bầy tỏ niềm vui của họ.

H: Khi đó người ta có cảm nhận được những gì sẽ xảy ra hay không thưa Đức Hồng Y?

Đ: Không. Không ai có thể thực sự tưởng tượng nổi. Nhưng chắc chắn sự lựa chọn của Mật Nghị Hồng Y đã là một lựa chọn ngôn sứ. Cả hiện nay nữa, 3 năm sau khi Đức Wojtila về nhà Cha, chúng tôi luôn khám phá ra các điều mới mẻ liên quan tới triều đại giáo hoàng của người, liên quan tới giáo huấn của người.

Cách đây hai hôm tôi đã có mặt tại Ba Lan đễ tham dự một lễ nghi kỷ niệm biến cố Đức Wojtila được bầu làm Chủ Chăn Giáo Hội hoàn vũ, và một trong những điều đã được nhấn mạnh đó là sự kiện Đức Gioan Phaolô II vẫn tiếp tục hiện diện và gây kinh ngạc cho chúng ta.

H: Đức Gioan Phaolô II đã cai quản Giáo Hội trong 27 năm trời. Người ta đã nói nhiều về triều đại dài của người và sẽ còn nói nhiều nữa. Nhưng trong một cái nhìn mau chóng, Đức Hồng Y định nghĩa Đức Gioan Phaolô II như thế nào?

Đ: Tôi sẽ nói rằng triều đại của Đức Gioan Phaolô II đã là một mùa gieo giống ngoại thường. Trong 27 năm trời Đức Gioan Phaolô II đã đề cập tới tất cả mọi môi trường cuộc sống của nhân loại ngày nay và của con người. Điều đã luôn luôn gây ấn tượng đó là người đã biết nói với các dân tộc, với toàn thể nhân loại và với từng người riêng rẽ. Đức Gioan Phaolô II đã là người của các buổi tụ họp lớn, đôi khi tới hàng triệu người, nhưng đồng thời cũng trong các dịp này mỗi người đã cảm thấy mình đươc mời gọi một cách cá nhân. Giờ đây chúng ta đang có Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới về Lời Chúa, về việc cần phải loan báo Lời Chúa, chúng ta đang sống trong Năm Thánh Phaolô, và chính các biến cố này mời gọi chúng ta nhìn vào con người của Đức Gioan Phaolô II như là một người lữ hành của Tin Mừng. Tháng 8 vừa qua khi gặp các linh mục giáo phận Bolzano, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã nói rằng Đức Gioan Phaolô II với niềm tin hăng say, với trí thông minh và lòng can đảm của mình đã thực sự đem Tin Mừng đến tận cùng bờ cõi trái đất. Và người đã không phá đổ các bức tường của thành Giêricô, cho bằng phá đổ tất cả mọi bức tường chia cách giữa hai thế giới, và vì thế người giống như một đèn pha chiếu sáng cho ngàn năm thứ ba. Tôi tin rằng đó là một tổng kết rất đẹp, tóm gọn toàn triều đại giáo hoàng của Đức Gioan Phaolô II.

H: Đức Hồng Y đã nói tới một mùa gieo giống ngoại thường. Thế thì mùa gặt đã tới đâu rồi, thưa Đức Hồng Y?

Đ: Đây là một điểm nóng. Nhưng trên thực tế chúng ta có thể nói gì? Giáo Hội có bổn phận gieo vãi Tin Mừng cứu độ. Gieo vãi nó là bổn phận của chúng ta. Trong nghĩa này Đức Gioan Phaolô II đã cho chúng ta một gương sáng ngoại thường, người gieo vãi không ngừng nghỉ cho tới hơi thở cuối cùng. Cả khi người nói không ra tiếng nữa, người vẫn nói với dân chúng bằng cách không lời. Đó là sự gieo vãi. Liên quan tới việc gặt hái, thì đó là công trình của ơn thánh Chúa, phần chúng ta chỉ đơn sơ tin tưởng nơi sự kiện - như Thượng Hồi Đồng Giám Mục thế giới này về Lời Chúa đã nhắc lại - Lời Chúa luôn luôn để lại một dấu vết trong cuộc sống con người. Đức Thánh Cha Biển Đức XVI, bậc thầy của niềm hy vọng, trong một lần gặp các Giám Mục Thụy sĩ đã nói như sau: Trong thế giới Thiên Chúa luôn luôn thua, vì sự tự do khiến con người thường nói ”không” với Ngài. Nhưng đồng thời Thiên Chúa cũng không thua, không thất bại, vì mỗi một ”thất bại” lại trở thành lý do để Thiên Chúa đưa ra sáng kiến mới. Thiên Chúa không bao giờ nản lòng trong việc tìm kiếm con người và làm cho sứ điệp cứu độ đến với con người. Thiên Chúa không thua, vì Ngài không mệt mỏi trong lòng từ bi thương xót của Ngài đối với con người.

(Avvenire 16-10-2008)
 
Những vụ sát nhân nhỏ nhoi
Phụng Nghi
12:31 23/10/2008
(Tóm lược lời phát biểu của Tổng giám mục Charles J. Chaput hôm 17 tháng 10 trước bữa cơm tối của tổ chức ENDOW (''Educating on the Nature and Dignity of Women'' Giáo dục về bản tính và phẩm giá của Phụ nữ)

Tôi đến đây không phải để nói cho quý vị phải bầu cử như thế nào. Tôi không muốn làm chuyện đó. Tôi sẽ không làm thế và tôi không dùng ngôn từ như một thứ mật mã – do đó quý vị không cần tốn thì giờ tìm kiếm những sự ủng hộ thầm kín về chính trị ở đây. Tôi có ý định nói một cách thẳng thắn, nhưng tôi chỉ có thể thực hiện được điều đó nếu như quý vị nhớ rằng tôi đến đây trong vai trò một tác giả và một công dân. Tôi không phát biểu thay mặt cho Tòa thánh, hoặc cho các giám mục Hoa kỳ, hay bất cứ giám mục nào, cũng chẳng chính thức thay cho tòa tổng giám mục Denver. Vì thế những điều tôi nói là những quan điểm cá nhân, không hơn không kém. Tôi thíết tưởng những điều sẽ đề cập đều căn cứ vào giáo huấn Công giáo và trung tâm Giáo hội, nhưng chính bổn phận của quý vị, trong cương vị người Công giáo và công dân, là lắng nghe, phán đoán và rồi hành động những điều quý vị nghĩ là tốt đẹp nhất.

Là người đã trưởng thành, mỗi một chúng ta cần hình thành một lương tâm Công giáo vững mạnh. Thế rồi chúng ta cần theo lương tâm khi bầu cử. Và sau đó chúng ta cần gánh lấy trách nhiệm về những hậu quả do lá phiếu chúng ta bầu ra. Không ai khác có thể làm thế cho chúng ta. Đó là lý do tại sao thực sự hiểu biết và sống đức tin Công giáo là điều rất mực quan trọng. Duy nhất đó mới là sự hướng dẫn đáng tin cậy để chúng ta có thể họat động nơi môi trường công cộng trong vai trò người môn đệ Chúa Giêsu Kitô.

Render Unto Caesar

(Trả lại cho Xê-gia)



Vì thế xin nói trong ít phút về cuốn sách mới xuất bản của tôi: “Trả lại cho Xê-gia”. Khi người ta hỏi tôi về cuốn sách, các câu chất vấn thường nằm trong ba đề mục: Tại sao tôi viết cuốn đó? Cuốn sách nói gì? Và cuốn sách có ý nghĩa như thế nào đối với mỗi một cá nhân người Công giáo chúng ta?

Bây giờ, tại sao tôi viết cuốn sách này? Câu trả lời thật giản dị: Một người bạn của tôi yêu cầu tôi viết. Hồi năm 2004, một luật sư trẻ tuổi tôi quen biết, có quan điểm phò sinh, theo đảng Dân chủ, ra tranh cử vào chức vụ công. Anh ta gần thắng thế trong một quận hạt nặng về phe Cộng hòa. Nhưng anh cũng khám phá ra rằng thật khó mà cùng một lúc, quyên góp tiền bạc, điều hành cuộc tranh cử, đồng thời duy trì được những niềm xác tín Công giáo của mình. Sau cuộc bầu cử anh ta yêu cầu tôi đem các tư tưởng về đức tin và chính trị đặt vào một hình thức để những người Công giáo trẻ tuổi có thể dùng được, những người suy tư về ơn gọi làm chính trị, vâng, quả thực đó là một “ơn gọi”.

Đó là chỗ cho tư tưởng khởi đầu. Nhưng tôi cũng còn một lý do khác để thực hiện cuốn sách. Thành thực mà nói, tôi chán nghe người bên ngoài cũng như kẻ bên trong dạy bảo người Công giáo hãy im miệng làm thinh về quan điểm tôn giáo và luân lý trong những cuộc tranh luận công khai lớn liên hệ đến tất cả chúng ta như một xã hội. Đó cũng như một hình thức bắt nạt, và tôi không nghĩ là người Công giáo nên chấp nhận như thế. Một lý do khác nữa cho việc viết nên cuốn sách này là khi tôi tìm tòi quanh quất xem có tài liệu nào giải thích ơn gọi chính trị cho người Công giáo theo một lối dễ dàng, chân chính và dấn thân thì thấy không có. Vì thế tôi đã nghĩ là mình nên thử viết xem sao, vì một người bạn nói với tôi cuốn sách sẽ “gần như tự động viết ra nội dung của nó.”

Vậy cuốn sách nói gì? Tôi thiết tưởng thông điệp của “Trả lại cho Xê-gia” có thể được cô đọng trong mấy điểm căn bản như sau:

Đây là điểm thứ nhất: Từ nhiều năm, những cuộc nghiên cứu cho biết người Mỹ có một ý thức rất nghèo nàn về lịch sử, và điều đó rất nguy hiểm, vì như các ông Thucydides, Machiavelli và Thomas Jefferson, tất cả đều nói rằng lịch sử mới là điều đáng kể. Đáng kể bởi vì quá khứ hình thành hiện tại, và hiện tại hình thành tương lai. Nếu người Công giáo Mỹ không biết lịch sử, và nhất là không biết đến chính lịch sử của mình trong vai trò người Công giáo, thì ai khác – thường là ai đó rất không thân thiện – sẽ tạo dựng ra lịch sử của họ cho chính họ.

Đây là điểm thứ hai: Mỹ quốc không phải là một quốc gia thế tục. Như đã có lần sử gia Paul Johnson nói, nước Mỹ “sinh ra đã theo đạo Tin Lành”. Hoa kỳ có những căn cội tôn giáo độc đáo và sâu xa. Dĩ nhiên nó không đặt đạo nào làm quốc giáo, và có những cơ chế công cộng không theo phe phái nào. Nó có vô vàn chỗ đứng cho cả người tin tôn giáo cũng như cho những kẻ không tin. Nhưng Hoa kỳ chưa bao giờ có ý định trở thành một quốc gia “thế tục” theo nghĩa triệt để thời hiện đại. Gần như hầu hết các vị Lập quốc đều là người Kitô hữu hoặc ít nhất cũng có cảm tình với tôn giáo. Và tất cả các cơ chế công cộng, tất cả những tư tưởng của chúng ta về con người đều dựa trên một từ vựng do tôn giáo hình thành. Vì thế nếu chúng ta cắt đứt Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống công cộng, là chúng ta cắt đứt nền tảng ra khỏi các lý tưởng quốc gia chúng ta.

Đây là điểm thứ ba: Chúng ta phải rất tích cực trong việc bảo vệ ý nghĩa đích thực của những từ ngữ trong bảng từ vựng chính trị. Từ ngữ quan trọng bởi vì nó hình thành tư tưởng của chúng ta và tư tưởng phát sinh ra hành động. Khi chúng ta làm biến chất ý nghĩa của các từ như “công ích”, lương tâm”, cộng đồng” hoặc “gia đình”, là chúng ta phá hoại ngôn ngữ đã nâng đỡ tư tưởng của chúng ta về luật pháp. Ngôn ngữ bất lương dẫn đến những cuộc tranh luận không lương thiện và luật lệ tồi bại.

Đây là một thí dụ: Chúng ta cần nhớ rằng tolerance (bao dung, dung thứ) không phải là một nhân đức Kitô giáo và trong chính nó cũng không bao giờ có một mục tiêu. Trong thực tế, dung thứ trọng tội trong phạm vi xã hội cũng chính là một hình thức tội ác. Cũng thế, democratic pluralism (chủ nghĩa đa nguyên dân chủ) không có nghĩa là người Công giáo phải câm lặng nơi công cộng về các vấn đề luân lý nghiêm trọng vì ý thức lệch lạc về cách cư xử tốt. Một nền dân chủ lành mạnh đòi hỏi sự tranh luận mạnh mẽ về luân lý để tồn tại. Chủ thuyết đa nguyên đích thực đòi hỏi rằng người có đức tin mạnh mẽ phải phát triển niềm tin của họ nơi chốn công cộng – một cách an hòa, hợp pháp và tương kính, nhưng nhiệt tình và không e ngại, bối rối. Bất cứ điều nào ít hơn thế đều không phải là đức tính công dân tốt và là một hình thức mất mát trong những cuộc đàm luận công khai.

Đây là điểm thứ tư: Khi Chúa Giêsu bảo người Biệt phái và người theo phe Hêrođê trong sách Tin Mừng thánh Matthêu (22:21) hãy “trả cho Xê-gia những gì của Xê-gia và cho Thiên Chúa những gì của Thiên Chúa” là Ngài đã đặt ra khuôn khổ cho chúng ta nên suy tưởng như thế nào về tôn giáo và về nhà nước, áp dụng cho cả thời đại hôm nay. Xê-gia quả thực có quyền bính. Chúng ta phải tôn trọng các thẩm quyền dân sự và tuân phục cho xứng hợp. Nhưng sự tuân phục đó được hạn chế bởi những gì thuộc về Thiên Chúa. Xê-gia không phải là Thiên Chúa. Chỉ có Chúa mới là Thiên Chúa, và quốc gia phải phụ thuộc và có trách nhiệm với Thiên Chúa về cách đối xử của quốc gia đối với con người, tất cả đều được Thiên Chúa tạo dựng. Nhiệm vụ của chúng ta trong vai trò người tín hữu là nhận ra đâu là những điều thuộc về Xê-gia và đâu là những gì thuộc về Thiên Chúa – và rồi xếp đặt những sự đó theo đúng thứ tự trong cuộc sống chúng ta, và trong liên hệ của chúng với người khác.

Vậy sau khi đề cập đến những điểm đó rồi thì cuốn sách có ý nghĩa thế nào trong thực tế cho mỗi người chúng ta là những cá thể Công giáo? Có nghĩa là mỗi người chúng ta có nhiệm vụ học hỏi và lớn mạnh trong đức tin, do các giáo huấn của giáo hội chỉ đạo. Cũng có nghĩa là chúng ta phải có bổn phận tham gia vào chính trị. Tại sao vậy? Bởi vì chính trị là thực thi sức mạnh, và sự dùng sức mạnh luôn có một nội dung luân lý và các hậu quả trên con người.

Là người Kitô hữu, chúng ta không thể nói rằng mình mến Chúa mà lại lơ là với nhu cầu của người khác. Mến Chúa cũng giống như yêu thương người phối ngẫu. Một người chồng có thể nói với vợ rằng anh ta yêu nàng, và dĩ nhiên đó là điều rất tốt đẹp. Nhưng nàng vẫn còn muốn thấy bằng chứng trong các việc làm của anh ta. Cũng thế, nếu chúng ta tự xưng là người “Công giáo”, chúng ta cần chứng tỏ điều đó trong cách cư xử. Và phục vụ người khác bằng các hoạt động cho công lý và bác ái trong đời sống chính trị của quốc gia chúng ta là một trong những phương cách quan trọng nhất để thực thi điều đó.

“Sự tách biệt giữa Giáo hội và nhà nước” không có nghĩa là – và không bao giờ có ý nghĩa là – tách biệt đức tin Công giáo ra khỏi đời sống làm chứng nhân của chúng ta nơi công cộng, ra khỏi các chọn lựa chính trị và các hoạt động chính trị của chúng ta. Sự tách biệt như thế sẽ bắt buộc người Kitô hữu từ chối căn tính của mình, bác bỏ lời Chúa Giêsu khi Ngài truyền cho chúng ta “làm men muối cho đời” và “làm môn đệ cho mọi dân tộc.” Sự tách biệt như thế loại bỏ nội dung luân lý chứa đựng trong một xã hội. Chẳng khác gì bảo một người có vợ rằng anh ta không được hành động như một người có gia đình ở nơi công cộng. Dĩ nhiên, anh ta có thể hành động như thế, nhưng đời sống vợ chồng của anh ta chắc sẽ không lâu bền.

Can a Catholic Support Him? Asking the Big Question about Barack Obama

(Người Công giáo có thể ủng hộ ông ta hay không? Đặt một câu hỏi lớn về Barack Obama)

Tôi bắt đầu viết cuốn sách “Trả lại cho Xê-gia” vào tháng 7 năm 2006. Những sửa đổi sau chót trong văn bản được thực hiện vào tháng 11 năm 2007. Đó là một thời gian dài trước khi chưa có ai được đề cử ra tranh chức tổng thống. Và chính là do nhà xuất bản Doubleday đã định ngày phát hành vào tháng 8 năm 2008, chứ không phải tôi, Do đó – không phải như cuốn sách mới đây nhan đề “Can a Catholic Support Him? Asking the Big Question about Barack Obama” của Giáo sư Douglas Kmiec, biện luận về vụ việc liên quan đến chuyện người Công giáo ủng hộ cho Thượng nghị sĩ Obama - tôi đã viết cuốn “Trả lại cho Xê-gia” không có ý định ủng hộ hay tấn công bất cứ ứng viên hay bất cứ đảng phái chính trị nào. Mục đích của cuốn sách “Trả lại cho Xê-gia” đơn giản chỉ là mô tả tiến độ đi vào đời sống chính trị của một người Công giáo chân chính và rồi khuyến khích người Công giáo Mỹ sống cuộc sống đó.

Giáo sư Kmiec đã có một thành tích tích cực phục vụ Giáo hội và đất nước trong quá khứ. Ông đã phục vụ dưới chính quyền Reagan, đã ủng hộ chiến dịch tranh cử tổng thống của Mitt Romney trước khi quay vào một đường lối rất công khai ủng hộ Barack Obama hồi đầu năm nay. Trong cuốn sách của mình, ông đã trích dẫn dài dòng từ cuốn “Trả lại cho Xê-gia” của tôi. Trong thực tế, ông cho biết rằng lý luận của ông và của tôi đều “không quá xa đòi hỏi luân lý cần thiết trong cuộc bầu cử năm 2008.” Thật đáng tiếc, là ông vừa hiểu không đúng vừa dùng không đúng các từ ngữ của tôi, và ông không thể bị hiểu lầm hơn thế nữa.

Tôi tin rằng Thượng nghị sĩ Obama, dù ông ta có nhiều tài năng khác nữa, cũng là một ứng cử viên tổng thống cam kết “quyền phá thai” hơn bất cứ ứng cử viên tổng thống nào thuộc cả hai đảng lớn kể từ khi quyết định về phá thai Roe v. Wade năm 1973 ra đời. Bất chấp điều Giáo sư Kmiec mô tả, cương lĩnh đảng để Thượng nghị sĩ Obama tranh cử năm nay không những chỉ “phò chọn lựa” một cách hung hãn mà nó còn loại bỏ bất cứ gợi ý nào nói rằng giết đi một đứa trẻ chưa sinh là một điều đáng ân hận. Về vấn đề sát nhân đối với trẻ chưa sinh – xin hãy nhớ rằng mục sư thời danh Dietrich Bonhoeffer đạo Luther đã minh thị gọi phá thai là “sát nhân” – cương lĩnh đảng Dân chủ phát xuất từ Denver vào tháng 8 năm nay rõ rệt là chống lại sự sống.

Giáo sư Kmiec lý luận rằng có những động cơ có thể chấp nhận được trong việc ủng hộ Thượng nghị sĩ Obama. Với ý kiến của riêng tôi, tôi không biết có lý do cân xứng nào quan trọng hơn chuyện 40 triệu đứa trẻ chưa ra đời bị giết đi bằng hành động phá thai và hàng triệu phụ nữ đã bị thương tổn sâu xa do sự mất mát và ân hận vì phá thai tạo nên. Chủ trương rằng Thượng nghị sĩ Obama là một ứng cử viên phò sinh “đích thực” năm nay - như ý kiến một số người Công giáo – là điều cần đến một kiểu tự ru ngủ đặc biệt, hoặc lúng túng về đạo đức, hay điều nào đó còn tồi tệ hơn. Mô tả liên danh ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ năm 2008 như là một lựa chọn “phò sinh” được ưa chuộng hơn cả, là làm đảo lộn ý nghĩa của từ ngữ “phò sinh”. Bất cứ ai muốn theo dõi thành tích của Thượng nghị sĩ Obama về phá thai và các vấn đề liên hệ chỉ cần đọc bài tham luận công khai của Giáo sư Robert P. George nhan đề ''Obama's Abortion Extremism'' (Chủ thuyết cực đoan về phá thai của Obama) mới công bố hồi đầu tuần này và bài kế tiếp có tựa đề ''Obama and Infanticide.'' (Obama và tội giết trẻ sơ sinh). Những bài đó đề cập đến mọi chuyện cần phải đề cập.

Dĩ nhiên đây chỉ là quan điểm của riêng tôi trong vai trò một tác gia và một công dân cá biệt. Nhưng tôi biết ơn Giáo sư Kmiec vì đã trích dẫn tôi trong cuốn sách của ông và cho tôi lý do để được nói ra những điều khác biệt giữa ông và tôi một cách thật rõ ràng. Tôi thiết nghĩ những hoạt động của ông để ủng hộ Thượng nghị sĩ Obama, và công việc của những nhóm thân đảng Dân chủ như Catholics United and Catholics in Alliance for the Common Good (Liên hiệp Công giáo và Liên minh Công giáo phục vụ Công ích) đã là những hành động có hại cho Giáo hội, làm xáo trộn các ưu tiên tự nhiên của giáo huấn Công giáo về xã hội, phá hoại các tiến bộ mà những người phò sinh đã đạt được và cung cấp lý do cho một số người Công giáo bỏ qua vấn đề phá thai thay vì tranh đấu ngay trong nội bộ đảng và nơi thùng phiếu để bảo vệ trẻ em chưa ra đời.

Và đây là điều thật mỉa mai: Không có lời biện bác nào của người Công giáo nêu ra để ủng hộ Thượng nghị sĩ Obama là mới mẻ cả. Chúng đã có rồi, dưới hình thức này hay hình thức khác, từ hơn 25 năm nay. Tất cả đều tìm cách “đi ra ngoài” vấn đề phá thai, hay là giảm thiểu con số phá thai bằng phương tiện kinh tế, hoặc là xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn nơi phá thai không còn cần thiết nữa. Tất cả những luận chứng đó đều liên quan đến cách xử dụng sai lạc giáo huấn Công giáo về xã hội. Và tất cả, trong thực tế, đều tìm cách bối cảnh hóa, giáng cấp và rồi đặt làm đối trọng tội ác phá thai với các vấn đề xã hội quan trọng khác ít có cơ sở hơn. Đấy là một điều rất đáng buồn. Như lời mới phát biểu gần đây của Hồng y Chicago là Francis George, có quá nhiều người Mỹ “không có chút nhận thức nào về sự kiện trẻ con tiếp tục bị giết (bằng phá thai) và chúng ta như vậy sống trong một quốc gia thấm đậm máu. Điều này, theo thực dụng, không thể dùng để đối chọi quyết liệt với các vấn đề khác.”

Trong khi đó, sự vi phạm những quyền căn bản của con người ở trọng tâm vấn đề phá thai – cố ý phá hủy một mạng sống con người vô tội đang phát triển – lại bị từ ngữ diễn giải sai lạc như một tội ác khủng khiếp không thể chỉ sửa chữa bằng luật pháp. Tôi không tin như thế. Tôi nghĩ rằng lý luận như vậy là một sự lừa đảo. Và tôi cũng không nghĩ rằng bất cứ ai nghiêm chỉnh tin như thế lại có thể chấp nhận lý luận đó mà không thấy niềm tin của mình bị tổn hại. Chúng ta vẫn còn hơn một triệu vụ phá thai mỗi năm, và chúng ta không thể đổ tội đó là do các chính sách xã hội của đảng Cộng hòa. Suy cho cùng, chính một vị tổng thống thuộc đảng Dân chủ, chứ không phải Cộng hòa, đã phủ quyết dự luật cấm phá thai từng phần – tới hai lần.

Sự thật là, đối với một số người Công giáo, phá thai là một vấn đề chẳng thoải mái gì khi nói tới. Nó gây ngượng ngùng. Nó không phải là một thứ công lý xã hội họ thích đề cập tới. Nó can thiệp vào những liên minh chính trị đương nhiên của họ. Và vì những vụ sát nhân do phá thai gây ra là “những vụ giết người nhỏ nhoi” – một thứ sát nhân nơi chốn riêng tư được pháp luật che chở, giết đi dễ dàng những sinh mạng ta không trông thấy – nên thật dễ dàng quay mặt làm ngơ.

Điều thực sự có tính chất mới trong các biện luận của người Công giáo đưa ra để ủng hộ Thượng nghị sĩ Obama là cái vỏ bên ngoài của họ. Hệt như những người vận động hành lang phò phá thai đã cổ võ “''Catholics for a Free Choice'' “ (Người Công giáo ủng hộ Tự do Chọn Lựa) để thách thức giáo huấn Công giáo về vấn đề phá thai hơn hai thập niên trưóc đây, nay những người ủng hộ Thượng nghị sĩ Obama cũng đã làm những điều tương tự nhằm mục đích trung lập hóa chứng từ của các giám mục và phong trào phò sinh bằng cách đưa ra phương thức khác mang nhãn hiệu “Công giáo” để thay thế cho quan điểm của Giáo hội đặt ưu tiên vào sự thánh thiêng của những vấn đề liên quan đến sự sống. Tôi nghĩ đó là một chiến lược thông minh. Nhưng tôi cũng nghĩ nó lầm lạc và thường thiếu lương thiện.

Thật kỳ cục vì không thấy ai lo âu về chuyện “tách biệt giữa Giáo hội và nhà nước” hoặc những can thiệp của tôn giáo vào lãnh vực công, khi có những tiếng nói tôn giáo cất lên để ủng hộ một ứng cử viên nào đó. Trong cuốn sách của mình, Giáo sư Kmiec phàn nàn về nghị trình và ảnh hưởng của cái mà ông gọi là RFPs (Republican Faith Partisans – người có đạo theo phe phái Cộng hòa). Nhưng dường như ông cũng tỏ ra rất mực tán dương họ, bằng cách bắt chước. Nếu RFPs là xấu, có thể hợp lý chăng khi cho rằng DFPs (Democratic Faith Partisans – người có đạo theo phe phái Dân chủ) cũng nguy hiểm không kém?

Như tôi đã đề cập xuyên suốt cuốn “Trả lại cho Xê-gia”, điều quan trọng là người Công giáo phải là những con người có đức tin dấn thân vào chính trị để đạt được công lý, chứ không phải là những người làm chính trị dùng hoặc dùng sai lạc đức tin để đạt được quyền hành. Tôi không có chút nghi ngờ nào khi cho rằng Giáo sư Kmiec nằm trong nhóm thứ nhất vừa nói. Nhưng tôi tin là những lý luận của ông chung cuộc phục vụ cho nhóm thứ hai vừa kể.

Suốt 35 năm tôi đã chứng kiến hàng ngản những giáo dân, giáo sĩ và tu sĩ Công giáo tốt lành tranh đấu để phục hồi một hình thức nào đó nhằm che chở về mặt luật pháp cho những em bé chưa ra đời. Những nhóm vận động hành lang phò phá thai đã chống mọi thỏa hiệp và mọi hạn chế về luật pháp đối với vấn đề phá thai, mọi bước trên con đường đó. Rõ rệt là họ tin tưởng vào niềm xác tín của họ hơn một số người Công giáo chúng ta. Và tôi nghĩ đó là một cáo trạng cho cả một thế hệ lãnh đạo Công giáo Mỹ. Cuộc xung đột về vấn đề phá thai chưa bao giờ đơn thuần chỉ là hủy bỏ Roe v. Wade. Và nhiều người chủ trương phò sinh tôi quen biết đang sống một thứ kỷ luật sâu xa hơn những vấn đề chính trị đơn thuần. Nhưng quả thực họ hiểu rằng nền tảng của giáo huấn Công giáo về xã hội là bảo vệ sự sống của con người từ lúc hoài thai đến khi chết tự nhiên. Quả thực họ hiểu rằng mọi quyền khác của con người đều tùy thuộc vào quyền được sống. Họ đã không, hiện nay không và sẽ không bỏ cuộc – Và họ sẽ không bị lừa dối.

Vì thế tôi thiết nghĩ: ai đó cho rằng cuộc chiến đấu chống phá thai đã bị thua trong vấn đề luật pháp, hoặc cho rằng ủng hộ một người lớn tiếng ủng hộ phá thai hợp pháp là một cách nào đó “phò sinh”, thì họ không những chỉ lầm lạc mà còn phản bội lại chứng tá của mỗi con người đang tiếp tục hoạt động để bảo vệ trẻ em chưa ra đời. Và tôi hy vọng họ biết cách làm sao giải thích được điều đó, bởi vì một ngày kia họ phải làm như vậy.

Trước khi kết thúc và đi vào phần chất vấn, xin cho tôi nói đôi điều về ENDOW. Betsy Considine, Marilyn Coors, Terry Polakovic và một số phụ nữ khác, những người đã thành lập ENDOW, đều là những nhà lãnh đạo phi thường. Sự thành công của ENDOW là một bằng chứng không phải chỉ về niềm hăng say và công việc cần cù của họ mà là của chính quý vị. ENDOW thành công bởi vì sứ điệp của tổ chức này gửi cho phụ nữ là điều chân thật.

Có những thời điểm khó khăn cho đất nước chúng ta. Ngay trong nội bộ Giáo hội chúng ta, nền kinh tế, chiến tranh Iraq, các vấn đề tổng quan về đời sống, và đặc biệt là cuộc bầu cử năm nay, đã tạo ra một không khí xung đột và lo âu sâu xa. Tôi xác tín điều Kinh Thánh dạy chúng ta đừng sợ hãi. Thiên Chúa dùng mỗi người chúng ta để canh tân thế giới nếu chúng ta để cho Người thực hiện đều đó. Thiên tài của phụ nữ là khả năng của họ biết yêu thương, pha trộn tài nghệ, sự thông minh và năng lực vào với kiên trì, hiểu biết, tôn trọng sự thánh thiêng của sinh mạng và lòng từ bi đối với những người khác.

Đó là loại hình lãnh đạo chúng ta cần tới, trong các cộng đồng đức tin, trong các dịch vụ công cộng và trong toàn thể xứ sở chúng ta. Bất kể điều gì xảy ra tháng tới hoặc những năm tháng trước mặt, ENDOW sẽ có một bàn tay nâng đỡ và làm tươi mới trái tim của Giáo hội. Đó không phải là một thành tích kém cỏi của một tổ chức còn mới mẻ. Tôi hãnh diện vì chứng tá của quý vị, hãnh diện vì những gì quý vị đã thực hiện và rất mực biết ơn vì sự phục vụ Giáo hội của quý vị. Xin Chúa chúc phước lành cho các bạn.
 
Top Stories
Europe asks Hanoi to end ''systematic violation'' of human rights
Asia-News
10:02 23/10/2008
A resolution of the European parliament also makes specific reference to religious freedom, and to the actions of the authorities against "Catholic parishioners," Buddhist monks, and highlanders

Strasbourg (AsiaNews) - The European parliament is asking that, before the conclusion of the new EU-Vietnam partnership and cooperation agreement, Hanoi put an end to the systematic violation of democracy and human rights. The resolution was approved yesterday by a wide majority - 479 votes in favor, 21 opposed, and 4 abstentions - and calls upon the Commission and Council to ask Vietnam to "stop the current systematic violation of democracy and human rights."

The European parliament asks for the liberation of political and religious dissidents, guarantees of freedom of expression, the press, and worship, the restitution of confiscated ecclesiastical property, and, finally, that UN representatives be permitted to meet with political and religious prisoners, including the highlanders. A statement released from Strasbourg specifies that the country must "repeal provisions in Vietnamese law that criminalise dissent and certain religious activities on the basis of imprecisely defined ‘national security’ crimes, and end the Vietnamese government’s censorship and control over the domestic media."

The parliament further suggests asking the Vietnamese government "to release all people imprisoned or detained for the peaceful expression of political or religious beliefs," including more than 300 Christian highlanders, in addition to Khmer Krom Buddhist monks, human rights activists, authors of petitions on land ownership rights, cyber dissidents, labor representatives, Catholic parishioners, and followers of the Hoa Hoa Buddhist Church and of the Cao Dai religion.

Hanoi is also expected to overturn immediately and completely the house arrests of Thich Quang Do, the supreme patriarch of the Unified Buddhist Church of Vietnam, and of Khmer Krom monk Tim Sakhorn, and to permit independent religious organizations to carry out their activities freely and without government interference, in addition to giving back confiscated ecclesiastical properties and pagodas and restoring the legal status of the Unified Buddhist Church of Vietnam.

The parliament finally asks the Vietnamese government to cooperate actively with UN agencies on human rights, inviting the special relator on religious tolerance and the working group on arbitrary detention to go to Vietnam and guaranteeing officials and special relators of the United Nations unlimited access to all areas of the country. This also includes the central and northern high plains, where they are expected to be allowed to have private talks with political and religious prisoners and detainees, in addition to the highlanders who have returned from Cambodia to Vietnam and are asking for asylum.
 
L’Europa chiede a Hanoi di porre fine alla “violazione sistematica” dei diritti umani
Asia-News
10:03 23/10/2008
In una risoluzione del Parlamento europeo si fa espresso riferimento anche alla libertà religiosa ed ai comportamenti delle autorità contro “parrocchiani cattolici”, monaci buddisti e montagnard.

Strasburgo (AsiaNews) - Il Parlamento europeo chiede che, prima che si concluda il nuovo Accordo di partenariato e cooperazione UE-Vietnam, Hanoi ponga fine alle violazioni sistematiche della democrazia e dei diritti umani. Una risoluzione approvata ieri a grandissima maggioranza – 479 voti a favore, 21 contrari e 4 astenuti – invita la Commissione e il Consiglio a chiedere al Vietnam di “porre fine alle attuali violazioni sistematiche della democrazia e dei diritti umani”.

In articolare il Parlamento europeo chiede che vengano liberati i dissidenti politici e religiosi, garantita la libertà di espressione, di stampa e di culto, restituiti i beni ecclesiastici confiscati e, infine, che sia permesso a emissari dell'ONU di incontrare i prigionieri politici e religiosi, inclusi i Montagnard. Un comunicato diffuso da Strasburgo, precisa che “il Vietnam dovrebbe abrogare le disposizioni legislative che perseguono penalmente il dissenso e l'esercizio di determinate attività religiose in base a una non meglio definita nozione di ‘reati contro la sicurezza nazionale’, e porre fine alla censura e al controllo del governo sui mezzi d'informazione nazionali, inclusi Internet e le comunicazioni elettroniche, autorizzando la pubblicazione di quotidiani e riviste indipendenti gestiti da privati”.

Il Parlamento suggerisce inoltre di “chiedere al governo vietnamita di rilasciare immediatamente tutte le persone incarcerate per aver espresso pacificamente convinzioni politiche o religiose, tra cui più di 300 Montagnard cristiani, oltre a monaci buddisti Khmer Krom, attivisti impegnati sul fronte dei diritti umani, autori di petizioni sui diritti fondiari, ciberdissidenti, esponenti sindacali, parrocchiani cattolici e seguaci della chiesa buddista Hoa Hoa e della religione Cao Dai”.

Hanoi dovrebbe poi annullare immediatamente e completamente gli arresti domiciliari decretati nei confronti di Thich Quang Do, patriarca supremo della Chiesa buddista unificata del Vietnam, e del monaco Khmer Krom Tim Sakhorn e permettere alle organizzazioni religiose indipendenti di svolgere liberamente la loro attività senza interferenze governative, nonché restituire le proprietà ecclesiastiche e le pagode confiscate e ripristinare lo status giuridico della Chiesa buddista unificata del Vietnam.

Il Parlamento chiede infine al governo vietnamita di cooperare attivamente con i meccanismi dell'ONU in materia di diritti umani, invitando il relatore speciale sull'intolleranza religiosa e il gruppo di lavoro sulla detenzione arbitraria a recarsi in Vietnam e garantire ai funzionari e ai relatori speciali delle Nazioni Unite un accesso illimitato a tutte le zone del paese. Ciò include anche gli altipiani centrali e settentrionali, dove essi dovrebbero poter avere colloqui riservati con i prigionieri e i detenuti politici e religiosi, nonché con i richiedenti asilo Montagnard rientrati in Vietnam dalla Cambogia.
 
The Church in Vietnam Isn't Afraid. But the Communist Regime Is
Sandro Magister -Chiesa
10:06 23/10/2008
Because it sees the Catholic Church as a place of the freedom desired by all. That's why it's oppressing it, to stop the contagion. The report from a correspondent on the ground

ROMA, October 22, 2008 – At the synod taking place at the Vatican, there are two bishops from Vietnam: the bishop of Nha Trang, Joseph Vo Duc Minh, and of Thanh Hóa, Joseph Nguyên Chi Linh.

The latter of these, speaking on the morning of October 13, called the Church of Vietnam "one of the Churches most harshly tested by bloody and uninterrupted persecution."

But immediately after this, he encouraged those present with this passage from the conciliar constitution "Gaudium et Spes":

"The Church admits that she has greatly profited and still profits from the antagonism of those who oppose or who persecute her."

Proof of this "profit" – he said – is found in the flourishing of conversions in Vietnam, and the growing respect shown to Catholics for their extensive work in defense of motherhood, in a country with an extremely high abortion rate.

The bishop did not speak any further, in the synod hall, about the tribulations of Catholics in today's Vietnam. But the news reported every day by agencies like "Asia News" and "UCA News" attests to the growing difficulties. For asserting, after an unproductive meeting with representatives of the communist regime, that religious freedom "is a right, not a privilege," the archbishop of Hanoi, Joseph Ngo Quang Kiet, has also come under attack. The city's mayor, Nguyên The Thao, a rising star at in Vietnamese politics and likely to become prime minister, has called for his removal.

For his part, the current prime minister, Nguyên Tan Dung, has threatened that the claims of the Catholics, if they do not stop, "will have a negative impact on the relationship between Vietnam and the Vatican," which do not have diplomatic relations with each other.

In Vietnam, the Holy See does not have full freedom to choose new bishops. The practice is for Rome to present three candidates, with the Vietnamese authorities excluding the ones they don't like. The last two appointments, following this practice, were made public last October 15.

Four months earlier, in June, a delegation from the Holy See had gone to Vietnam on an official visit. The statement released at the end of the mission raised hopes. But these were immediately belied by the facts.

An up-to-date overview of the tribulations of the Catholic Church in Vietnam is found in the report that follows, to be published in the Milan weekly "Tempi":
 
In the country of Uncle Ho
Lorenzo Fazzini -Chiesa
10:07 23/10/2008
"You don't know the communists. If I were to tell you openly everything that they are doing against the Church, tomorrow they would arrest me and put me in prison." The Vietnamese bishop who is confiding in me shrugs unhappily. Because ending up in jail for one's faith is a realistic option in a country in which the party is still a god, in the Soviet manner.

In more diplomatic terms, Cardinal Jean-Baptiste Pham Minh Manh, archbishop of Ho Chi Minh City, admits that "the situation is difficult." His words express everything necessary to evoke the fiction of religious "freedom" that is crushing the Church in Vietnam. "The Church is free, but it does not have the right to be so," the cardinal tells me as he opens the door to his residence near the cathedral of Notre Dame, right in the heart of downtown. In front of the bishop's residents, on the façade of the former presidential palace of South Vietnam, there is a prominent propaganda poster, painted red. "The communist party, the government and people's district 5 say: study and follow the example of Uncle Ho Chi Minh," the writing says, with the father of his country smiling with his white goatee.

Catholics are 8 percent of the population in Vietnam, out of 84 million inhabitants, and the Church enjoys unquestioned social prestige even among non-Christians, but since the end of last summer, the tension has come to a breaking point. The objects of contention are some property, buildings, and structures that once belonged to the Church, confiscated by the Vietminh after they came to power in Hanoi, in the north, in 1954; these confiscations were repeated in 1975 in the south, following the occupation of Saigon, today known as Ho Chi Minh City. This is property that the Church is now asking be given back, from a country that began economic liberalization in 2006, entering the World Trade Organization, WTO.

For more than ten years – until the middle of the 1980's – the communists kept the churches closed. The chapel of the University of Dalat, the second-largest academic center in the country, underwent a singular transformation: the spot where the cross used to be, on the bell tower, now displays a red star in the Soviet style. The seminaries have become state buildings. In Huê, the ancient imperial capital, the minor seminary where François-Xavier Nguyên Van Thuân studied – the future cardinal, imprisoned for 13 years and martyred for the faith – has become one of the city's most luxurious hotels. The Carmelite convent of Hanoi – in the place where St. Thérèse of Lisieux dreamed of coming as a missionary – has been turned into a hospital. A church just a few steps from the Italian embassy in the capital has been turned into a warehouse.

In the face of brazen instances of corruption, in which property has been sold to state or private industries in exchange for substantial bribes for government officials, the Catholics have taken to the streets. They have taken to the streets to pray, as they explain at the Vietnamese bishops' conference, which represents the bishops of the country's 27 dioceses. The Church is demanding the restitution of property that it needs today more than ever, in order to accommodate a growing number of faithful: in Ho Chi Minh City alone, there are 9,000 adult baptisms each year. Believers and pastors are asking a simple question: why is it that in a Vietnam with eight percent economic growth per year, with investments by Japanese and "Yankee" companies, with skyscrapers springing up like mushrooms together with luxury hotels (in the coastal area of Nha Trang, the bishop's residence is now surrounded by a new Hilton hotel to the right, and two futuristic towers to the left), the Church does not have the right to take back assets and property forcibly taken away from it thirty years ago?

In mid-August, the faithful of the Redemptorist parish of Thai Ha, in suburban Hanoi, began to protest peacefully. A state-run company wants to build a road across the 14,000 square meters of parish land, which the authorities falsely claim was given to the state by the Redemptorists in the 1970's. The police stepped in, using cattle prods and tear gas against the elderly and children. Six people were arrested. Why?

"Because they were praying peacefully. This violation of human rights is unacceptable, it should be written and spoken to the whole world." Joseph Ngo Quang Kiet, archbishop of Hanoi for just a little over three years, is not afraid to denounce what has taken place in Thai Ha, and not only that. Now he is in the eye of the hurricane, first for aligning himself with the Redemptorist parish, and then for leading the largest nonviolent protest demonstrations seen in Hanoi since 1954.

On September 21, 10,000 people gathered to pray in the courtyard of the former apostolic nunciature, next to the residence of the archbishop of Hanoi, in the central district of Hoàn Kiem. The protest was a response to the fact that after nine months of negotiations with the authorities in the capital, two days before, during the night, with no warning, bulldozers and construction workers escorted by the army and police came onto the property of the former apostolic delegation, to turn it into a public park.

"They did not warn us, they did everything unilaterally, breaking off the dialogue we had carried forward for months," is the complaint from Vietnamese Church leaders. Cardinal Pham Minh Manh Is turning up the heat: "I have publicly reiterated that the Church's policy is based on dialogue founded on truth, justice, and charity. But this dialogue is difficult because that word, dialogue, does not even exist in the communist vocabulary, just as the term solidarity does not exist."

Now the protest prayers have been suspended, just as the construction work has. But in the meantime, Archbishop Kiet has lived under special surveillance for several weeks. Going to visit him means passing among hidden audio recorders, cameras, and video cameras, placed around the bishop's residence to identify anyone who approaches him. It was only after the first week of October that this 56-year-old bishop, who studied at the Institut Catholique in Paris and was the head of two dioceses in the north – where communist repression has reduced the faithful to just six thousand – was finally able to appear in public again. In order to attend the episcopal ordination of the new bishop of Bac Ninh, thirty kilometers north of the capital, the faithful nearly trampled him in showing their solidarity for his courageous action on behalf of the Church's freedom.

In fact, what could seem to be a mere question of construction is, in reality, an act of repression against the Vhurch. Some of the authoritative voices of Vietnamese Catholicism are presenting compelling arguments on why this question – the restitution of confiscated property – is the line of resistance on which the future of Catholicism depends, in the country of Uncle Ho.

"We have repeatedly asked the government, with written requests, for the restitution of our property, the documents of which we possess. On most of these occasions, the authorities have not even given us an answer. Sometimes they have said: we'll see, we're evaluating it," explains Fr. Thomas Vu Quang Trung, provincial of the Jesuits in Thu Duc, on the outskirts of Saigon. "In 1975, after the expulsion of foreign religious, the reasoning of the government has been simple: there are too few of you for these buildings, we will take them to use for our people."

Fr. Trung stretches his arms wide: "It might be acceptable that they could use some of our old properties, like our house in Dalat, for a public purpose, for schools or hospitals. But to turn it into a discotheque, as has happened with a building belonging to the sisters in Ho Chi Minh City, this cannot be! Our college in Hu has been turned into a supermarket. Our requests for restitution continue, in part because this is a question that concerns not only the Catholics, but all of the religious confessions, and even the ordinary people. The two disputes in the north – over the former nunciature in Hanoi, and the Redemptorist parish – do not concern only the ownership of land, but the manner in which justice is administered."

Fr. John Nguyen Van Ty, a former superior of the Salesians and adviser to Cardinal Pham Minh Manh, is even more explicit: "The authorities are afraid of a domino effect: if they give ground in Hanoi, there is the risk that all of the religions will present their demands in the name of justice. This matter of Hanoi, according to some of them, could be the spark that burns everything down. Both the Catholics of Vietnam and those of the diaspora are united: we will not give up, this is a question of justice, not of religious freedom, but of law. It is well for the Vatican not to intervene in the question, considering it an affair of the local Church. Otherwise, this would be considered a merely confessional matter, and instead it is a question of justice. Of course, they are bringing heavy intimidation and threats against the archbishop, agitation by violent gangs, arrests of Catholics, daily insults against the Church in the media. The communists are afraid of the Catholics because they are the strongest organized religion in the entire country. But among the intellectuals, university professors, students, and journalists, the reality is becoming known, that communism oppresses, and they see the Church as a place of freedom."

Fr. Francis Xavier Phan Long, head of the Franciscan province, explains that the Vietnamese bishops have done a very good job of "hammering in the nail" of private property, publicly asking the government to review the law – "obsolete and outdated," according to the president of the bishops' conference, Bishop Peter Nguyen Van Nhon – that recognizes the state alone as the owner of land.

"I am happy that for the first time, the bishops have taken a common stance on a concrete problem. Ordinarily, when they had their annual assembly, they released a final statement concerning very general questions," Fr. Long explains in his office in downtown Ho Chi Minh City. "This time, in a new way, they have faced a burning question like that of Hanoi, insisting on a frank and direct dialogue with the authorities. We don't know whether the law on private property will change, but we hope so. As for myself, I've already told the authorities one thing. . . "

What was that? He answers: "When the events in Hanoi began, the security minister summoned me to ask for my opinion about what was happening. I warned him that if the government takes the property of the Franciscans in the future, we will be ready to fight. Peacefully, since we are sons of St. Francis. But nevertheless, we would not be willing to give up the fight."
 
Human rights and democracy clauses in EU trade agreements should be either upheld or abolished
Conservative Europe
11:34 23/10/2008
Human rights and democracy clauses in EU trade agreements should be either upheld or abolished

Conservative MEP says EU risks ridicule unless it retains the threat of sanctions

Inserting human rights and democracy clauses into trade agreements that the EU signs with third countries is a waste of time without genuine intent to back them up with sanctions, Conservative MEP Charles Tannock said today.

Dr Tannock made his comments in a debate in the European Parliament on a proposed EU trade agreement with Vietnam.

He said that the human rights and democracy clauses, which are now standard for such agreements, were not worth the paper they were written on if the European commission was not genuinely prepared to impose sanctions in the case of human rights abuses.

Dr Tannock highlighted the case of the People's Republic of China, which is the EU's second-largest trading partner but shows no sign of heeding EU pleas to respect human rights and accord political freedoms.

He said:

"I am sceptical as to whether the human rights and democracy clause within the Vietnam trade agreement is actually worth the paper it's written on.

"The intentions contained within it are a reflection of our common European values but I believe it is little more than window-dressing. After all, China is now the EU's second largest trading partner, yet the communist dictatorship in Beijing pays no attention to our concerns about human rights. Indeed, I sometimes wonder whether it is even worth raising the issue any more.

"The political repression and human rights violations so commonplace in China tend to distract us from what is going on in neighbouring Vietnam where things are every bit as brutal there. Pro democracy dissidents and religious minorities are imprisoned, journalists are intimidated into silence and the liberties we take for granted here in Europe such as an uncensored internet simply don’t exist.

"The Commission and Council should either scrap the pretence by abolishing these human rights and democracy clauses or genuinely and sincerely hold third countries to account for their wanton abuses of values we hold sacrosanct."

(Source: http://www.conservativeeurope.com/news/902/human-rights-and-democracy-clauses-in-eu-trade-agreements-should-be-either-upheld-or-abolished.aspx, Posted, October 23, 2008 @ 10:00)
 
EU should review Vietnam ties due to rights abuses: MEPs
Europe Business
11:36 23/10/2008
EU should review Vietnam ties due to rights abuses: MEPs

(STRASBOURG, 23 October 2008, 00:45) - The European Union must reassess its cooperation with Vietnam and insist that Hanoi end its "systematic violation of democracy and human rights," the European parliament said Wednesday.

"Human rights dialogue between the European Union and Vietnam must lead to tangible improvements in Vietnam," the EU parliamentarians said in a text adopted overwhelmingly by 479 votes to 21.

The assembled MEPs called on the European Commission, the EU's executive arm, "to reassess cooperation policy with Vietnam... based on respect for democratic principles and fundamental rights."

Amid negotiations with Hanoi on a new Partnership and Cooperation Agreement, the MEPs, meeting in Strasbourg, called for the new deal to "include a clear human rights and democracy clause... to raise with the Vietnamese side the need to stop the current systematic violation of democracy and human rights."

They denounced in particular religious intolerance, and called for the immediate release of "all people imprisoned or detained for the peaceful expression of political or religious beliefs,"

These included more than 300 Montagnard Christians, as well as Khmer Krom Buddhist monks, Catholics and adherents of the Cao Dai religion as well as democracy activists, land rights petitioners and trade union leaders, the parliament said.

It also called on Hanoi to repeal laws that "criminalise dissent and certain religious activities" and to end the Vietnamese Government's censorship and control over the domestic media, including the internet.

So far this year "several Vietnamese journalists have been arrested or sanctioned for reporting on official corruption, and, on 19 September 2008, the Associated Press Hanoi bureau chief Ben Stocking was arrested and beaten by police for covering a peaceful rally of Vietnamese Catholics in Hanoi," the parliamentarians charged.

Text and Picture Copyright 2008 AFP. All other Copyright 2008 EUbusiness Ltd. All rights reserved. This material is intended solely for personal use. Any other reproduction, publication or redistribution of this material without the written agreement of the copyright owner is strictly forbidden and any breach of copyright will be considered actionable.

(Source: http://eubusiness.com/news-eu/1224700321.35)
 
EU calls for reassessment of Vietnam rights dialogue
Radio Australia
11:37 23/10/2008
EU calls for reassessment of Vietnam rights dialogue

The European parliament says the European Union must reassess its cooperation with Vietnam over human rights.

The parliamentarians adopted a text, by 479 votes to 21, saying human rights dialogue between the EU and Vietnam must lead to tangible improvements in Vietnam.

They called on the European Commission, the EU's executive arm, to reassess cooperation policy with Vietnam, based on respect for democratic principles and fundamental rights.

They denounced in particular religious intolerance, and called for the immediate release of all people imprisoned or detained for the peaceful expression of political or religious beliefs.

These include more than 300 Montagnard Christians, as well as Khmer Krom Buddhist monks, Catholics and adherents of the Cao Dai religion, as well as democracy activists, land rights petitioners and trade union leaders.

(Source: http://www.radioaustralia.net.au/news/stories/200810/s2399003.htm?tab=latest, Updated October 23, 2008 16:43:50 )
 
EU: ''Vietnam soll Religionsfreiheit achten“ (tiếng Đức)
Radio Vatikan
11:38 23/10/2008
EU: "Vietnam soll Religionsfreiheit achten“ (tiếng Đức)

(Quốc Hội Âu Châu: „Việt Nam cần phải để ý đến tự do tôn giáo“)

Das Europaparlament fordert Vietnam zur Achtung der Religionsfreiheit auf. Bei den laufenden Verhandlungen über ein neues Kooperationsabkommen mit dem asiatischenLand müsse die EU strengere Menschenrechtsklauseln einbauen, verlangten die Abgeordneten am Mittwoch in Straßburg mit großer Mehrheit. Die derzeitige systematische Verletzung von Demokratie und Menschenrechten müsse vor dem Abschluss des Abkommens beendet werden.

Die Europaabgeordneten kritisieren Übergriffe gegen Katholiken und Buddhisten. Die Behörden seien im September „so hart wie seit Jahrzehnten nicht mehr» gegen friedliche katholische Demonstranten vorgegangen. Diese hätten in Hanoi an einer Gebetswache teilgenommen. Auch die größte Buddhistenorganisation des Landes sei nach wie vor nicht anerkannt und ihr Führer, der 79-jährige Thich Quang Do, stehe unter Hausarrest. Das Europaparlament beklagt, auch gegen ethnische Minderheiten gingen die chinesischen Behörden aus religiösen und politischen Gründen vor.

Die französische EU-Präsidentschaft und die EU-Kommission erklärten in der Debatte, sie teilten die Sorgen der Abgeordneten. Frankreichs Europa-Staatssekretär Jean-Pierre Jouyet sagte, das geplante Kooperationsabkommen mit Vietnam könne ausgesetzt oder gekündigt werden, wenn eine der beiden Seiten es nicht einhalte. Die vorgesehene Menschenrechtsklausel sei daher ein starkes juristisches Instrument, um die Achtung der Menschenrechte in Vietnam

einzufordern.

(Source: http://www.oecumene.radiovaticana.org/ted/Articolo.asp?c=239391, 22/10/2008 13.55.0)
 
Europaparlament fordert von Hanoi Respektierung der Religionsfreiheit (tiếng Đức)</
KATHweb
11:40 23/10/2008
Europaparlament fordert von Hanoi Respektierung der Religionsfreiheit (tiếng Đức)
(Quốc Hội Âu Châu đòi hỏi Hà Nội tôn trọng tự do tôn giáo)

Abgeordnete kritisierten Übergriffe der kommunistischen Behörden gegen gläubige Katholiken und Buddhisten

Brüssel-Hanoi, 23.10.08 (KAP) Das Europaparlament hat die vietnamesische Regierung zur Achtung der Religionsfreiheit aufgefordert. Bei den laufenden Verhandlungen über ein neues Kooperationsabkommen mit dem asiatischen Land müsse die EU strengere Menschenrechtsklauseln einbauen, verlangten die Abgeordneten am Mittwoch in Straßburg mit großer Mehrheit. Die systematische Verletzung von Demokratie und Menschenrechten müsse vor dem Abschluss des Abkommens beendet werden.

Die Europaabgeordneten kritisieren Übergriffe gegen Katholiken und Buddhisten. Die Behörden seien im September "so hart wie seit Jahrzehnten nicht mehr" gegen friedliche katholische Demonstranten vorgegangen. Die Katholiken hatten an Gebetswachen teilgenommen, bei denen es um zwei vor Jahrzehnten enteignete wichtige kirchliche Gebäude in der Hauptstadt ging: Die Apostolische Delegatur und das Redemptoristenkloster. Auch die größte Buddhistenorganisation des Landes sei nach wie vor nicht anerkannt und ihr Führer, der 79-jährige Thich Quang Do, stehe unter Hausarrest.

Vertreter der französischen EU-Präsidentschaft und der EU-Kommission erklärten in der Debatte, sie teilten die Sorgen der Abgeordneten. Frankreichs Europa-Staatssekretär Jean-Pierre Jouyet sagte, das geplante Kooperationsabkommen mit Vietnam könne ausgesetzt oder gekündigt werden, wenn eine der beiden Seiten es nicht einhalte. Die vorgesehene Menschenrechtsklausel sei daher ein starkes juristisches Instrument, um die Achtung der Menschenrechte in Vietnam einzufordern. (forts)

(Source: http://www.kathweb.at/site/database_detail_nosecurity.siteswift?so=site_database_list&do=site_database_list&c=show&d=database%3A21918)
 
Federal Department of Foreign Affairs of Switzerland on Huaman Rights in Vietnam
Hồ Nam Trân
15:34 23/10/2008
"EDA-PA 4 Menschenrechte"
À: honamtran5@yahoo.fr

Dear Mr. Hồ Nam Trân

Thank you very much for your message concerning the situation in Vietnam. We have already received information with regard to the alarming reports about the tensions between supporters of the Catholic church and the Vietnamese government, and in particular in respect of the disruption of religious peace in the Catholic community of Thai Ha in the Dong Da district of Hanoi. The protection and promotion of human rights is anchored in the federal constitution as a goal of Swiss foreign policy and consequently great importance is attached to it. In line with this Switzerland has been committed for many years to improving the human rights situation worldwide. Particular importance is attached to the right to physical integrity, freedom of religion and the rights of members of minority groups. Switzerland actively participates in the relevant bodies of international organizations such as the UN and the OSCE to protect and promote religious freedom as well as to take preventative measures against any form of religious intolerance. In addition to this the Swiss authorities also engage in bilateral discussions concerning violations of religious freedom with those countries affected by it. Switzerland has been conducting a human rights dialogue with Vietnam for a number of years, with religious freedom and the rights of minorities as two central issues.

We can assure you that our Department is monitoring the situation of Catholic Christians in Vietnam and the human rights situation in general very closely and will continue to work actively to protect and promote human rights. In conclusion we would like to take this opportunity to thank you for your interest in the protection and promotion of human rights and religious freedom in Vietnam.

Yours sincerely

Federal Department of Foreign Affairs (FDFA)
Human Rights Policy Section

En date de: Ven 26.9.08, Ts Hong Linh a écrit:
De: Ts Hong Linh
Objet: UNE REQUÊTE!
À: "Calmy-Rey Micheline EDA MCR"

Date: Vendredi 26 Septembre 2008, 12h19

Madame le Ministre Calmy-Rey,

We are writing this letter to inform you about the recent religious and human rights violations against Catholics by the Vietnam government.

At this hour, numerous Catholics are still being detained indefinitely in jail, the Archbishop of Hanoi and several leaders of the Redemptorist Congregation in Hanoi have been subjects of a governmental campaign of public defamation. They have also been threatened of legal actions against them for what the government accused of as inciting and organizing protests among the faithful in order to gain public sympathy with their cause. Church's property including buildings and religious items have been vandalized or ransacked in broad daylight, not to mention the priests and the pacific demonstrators are being harassed daily by vicious thugs who would stop at nothing to terrorize and to insult these innocent victims. We the Catholic Church as a whole are now the subject of our government persecution by definition.

As you might have known, since Dec. 18, 2007, Hanoi Catholics have been organizing daily prayer vigils outside the former nunciature in Hanoi, pleading for the return of the building that had been confiscated unlawfully by the communist regime since 1959. The protests only came to a halt when the government agreed to return the property on Feb. 1, 2008. As understood by both sides, this returning process by the Vietnamese government was to be carried out in steps. Regrettably, it managed to delay the process through various bureaucratic maneuvers.

The conflict took a surprised turn on Sept. 19, 2008, when the government suddenly announced the demolition of the nunciature to "make room for a playground" and the government didn't waste any time to have the plan carried out with full support from its armed forces. This action clearly contradicts with the policy of dialogue that the Catholic Church and Vietnam government have pursued. It in fact insults the legitimate aspirations of the Hanoi Catholic community, ridicules the law written by their own party, and fails to honor the words they gave our Church in Vietnam on the issue at hand.

Also in Thai Ha parish, where Redemptorist priests and their faithful have always been persistent in requesting for their land illegally seized by the state after majority of Redemptorists moved South following the 1954 Geneva Agreement, peaceful prayer vigils continued. The public outcry and protests came as a result after Thai Ha parishioners discovered that local government officials had secretly sold their land to private entities. These victims in their desperation were left with no choice other than holding peaceful protests completely complying with Vietnam law to call out for justice from the authorities since Jan. 5, 2008.

Vietnamese government has not listened to them and repeatedly attempted to silence them by using great mass of police and security forces, militiamen, and even street gang members to achieve what their terroristic and hostile agenda was set for.

Just last month, the communist government launched a terrorizing campaign against Hanoi Catholics, starting with a threat to use "extreme actions" against Catholic priests. It was followed by a series of mockeries and distortions against Catholics and the Church. In addition with effort to ignite public outrage and negative sentiment against Hanoi clergies and the Church as a whole, the campaign had gone further with a series of arrests and violence. Numerous priests and lay people were kicked and beaten brutally by police when they peacefully requested for the release of detainees on Aug. 28.

At the Redemptorist monastery, known as the center of a property dispute, police threw tear gas into faithful who were attending a religious procession on Sunday Aug. 31. More than 30 faithful, most of them were women and children, suffered badly from tear gas inhalation. 20 were hospitalized. Even worse, street gang members attacked a chapel at the church from late Sunday night Sept. 21 through early Monday morning Sept. 22 under indifferent eyes of police and city officials.

On the evening of the same day, a gang of more than 200 youths wearing the blue shirts of the Youth Communist League came to Thai Ha church to harass and spit on the face of our priests, religious and faithful. This was to follow a series of event last week when another group of thugs came to dump used-motor oil and foul-smelling liquid on to the altar which was adorned with religious icons and a statue of Our Lady.

Hanoi's People Committee also joined the chorus of power abuse by tailoring and taking out of context the statement made by Hanoi's archbishop. It then went on with using state owned mass media to question his patriotism in an obvious attempt to deceit and incite socially negative sentiments against the archbishop and the Church who have no means to tell their side of the story.

A series of attacks against Catholics, as a result of the government's general hate campaign against the Church was then broken out. Gang ransacked churches, destroyed statues and books while shouting death threats against the clergy and religious, Catholic faithful, and the Archbishop of Hanoi in particular. These acts of violence happened boldly in clear view and in front of a large number of public officials and police, but they did nothing to protect the Catholics as they claimed these actions were attributed for "the fury of people".

As Church-state tensions have kept continuously building- up and can be escalated into a potential bloodshed, we desperately hope that you will take action immediately to ask the regime in Hanoi:

Stop the media campaign against the Catholic clergy, their faithful, and the Church as a whole.

Stop persecutions of Catholic clergy and their faithful; also leave their religious items intact.

Respect its own law and return the property at the nunciature and the Redemptorist monastery in Thai Ha, Hanoi to its rightful owner.

The United States of America has a long tradition of being a beacon protector of religious and human rights throughout the world and a beacon whenever humanity is in harm way. We respectfully request that you do everything in your power to ensure that the Hanoi regime desists from all sorts of violent repression of the protestors, and earnestly participate in a settlement negotiation regarding the confiscated Church property that is at the root of the dispute. The Vietnamese government must respect its own laws and international laws that it had signed and pledged to obey. It must immediately take firm and concrete action to prevent further religious and human rights violations against followers of religious groups, recognizing their rights to practice their faiths free of harassment and oppression. For a far too long period, people of faith have suffered and persecuted under Hanoi's repressive and brutal rule.

Definitely, your actions and words count.

Please accept our sincere wish for good health and happiness to you, and your families.

Sincerely,

Hồ Nam Trân Ph.D
104, chemin de l'Ormet
CH-1024 Ecublens
0041 21 6918502
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo phận Phú Cường đón nhận 95 Anh Chị Em Tân Tòng gia nhập Hội Thánh Công Giáo
Bình Chuẩn
23:44 23/10/2008
GIÁO XỨ BÀ TRÀ, Phú Cường - Nhân ngày thế giới truyền giáo, vào lúc 08g00 sáng Chúa nhật 19/10/2008, Đức Cha Phêrô Trần Đình Tứ, Giám Mục Giáo Phận Phú Cường đã đến thăm viếng mục vụ tại Giáo Xứ Bà Trà. Trong thánh lễ đồng tế cầu nguyện cho việc truyền giáo được tổ chức trước tiền đình nhà thờ, Đức Giám mục giáo phận đã ban ba bí tích tích khai tâm: Rửa Tội – Thêm Sức – Thánh Thể cho 95 anh chị em tân tòng, ngoài ra còn có 54 em thiếu nhi được rước lễ lần đầu và 65 em thiếu nhi được lãnh nhận bí tích Thêm Sức.

Xem hình ảnh

Đa số các anh chị em tân tòng và các em thiếu nhi lãnh nhận các bí tích hôm nay là thành phần di dân, từ khắp nơi đến Tỉnh Bình Dương làm việc và sinh sống trong các công ty xí nghiệp, hằng tuần họ đến tham dự thánh lễ và học giáo lý tại nhà thờ Bà Trà. Giảng trong thánh lễ, Đức Giám mục giáo phận đã nhắn nhủ các anh chị em tân tòng khi đã trở thành Kitô hữu, hãy cố gắng sống đạo một cách tích cực vì đây cũng chính là việc truyền giáo mà mọi người đều có thể thực hiện.

Hôm nay cũng là ngày Giáo Xứ Bà Trà kết thúc lớp Giáo lý Hôn Nhân năm 2008, vào cuối thánh lễ Đức Giám mục cũng trao bằng giáo lý hôn nhân cho 254 anh chị em học viên, ngòai ra mỗi người còn được tặng một cuốn Kinh Thánh Tân Ước làm hành trang cho cuộc sống gia đình.

Giáo Xứ Bà Trà hiện nay được trao cho các cha dòng Thừa Sai Đức Tin phụ trách và linh mục Micae Hòang Đô Đốc là cha chánh xứ tiên khởi. Đây là một trong những giáo xứ của Giáo phận Phú Cường mà thành phần anh chị em di dân chiếm đa số. Theo linh mục chánh xứ cho biết Giáo Xứ Bà Trà trong vòng 7 năm, từ năm 2001 đến nay số tín hữu đã tăng lên 20 lần, từ 200 giáo dân đến nay vào khoảng hơn 4.000. Mỗi ngày Chúa nhật tại nhà thờ có 05 Thánh lễ và 01 thánh lễ tại Giáo điểm An Phú, cách nhà thờ Bà Trà 07km.

 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Nghị Viện Âu Châu: Nhân Quyền trước hợp tác sau
Nguyễn Việt Nam dịch
09:33 23/10/2008
Với 479 phiếu thuận, 21 phiếu chống, và 4 phiếu vắng mặt, Nghị Viện Âu Châu đã tuyên bố hoãn vô thời hạn việc ký kết các thỏa ước hợp tác với Việt Nam cho tới khi nào những vi phạm về nhân quyền vẫn chưa chấm dứt.

Đây không phải là lần đầu tiên Nghị Viện Âu Châu đưa ra một nghị quyết lên án Việt Nam vi phạm nhân quyền. Tuy nhiên, khác với những lần trước, việc Nghị Viện Âu Châu đưa ra một nghị quyết mạnh mẽ với một đa số áp đảo như thế là do lần này các nhà ngoại giao tại Châu Âu được chứng kiến tận mắt và được nghe tận tai những thông tin do chính ông Nguyễn Thế Thảo chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân Hà Nội cung cấp trong cuộc tiếp kiến ở Hà Nội trong tuần qua. Theo các ký giả của Independent Catholic News, những lời giải thích của ông Thảo xem ra đang mang lại một tác dụng hoàn toàn ngược lại với những toan tính của nhà cầm quyền cộng sản.

Xin mời quý cha và anh chị em xem toàn văn Thông Cáo Báo Chí của Nghị Viện Âu Châu.


Trong một nghị quyết về những mối quan hệ giữa Liên Hiệp Âu Châu và Việt Nam, Nghị Viện Âu Châu đã kêu gọi thúc đẩy Việt Nam tôn trọng nhân quyền và những quyền tự do đa dạng then chốt trước khi một thỏa hiệp về Đối Tác và Hợp Tác mới với Âu Châu được hoàn tất.

Theo nghị quyết được thông qua với 479 phiếu thuận, 21 phiếu chống, và 4 phiếu vắng mặt, tự do hội họp và báo chí, cũng như việc truy nhập vào Internet đang bị hạn chết gắt gao tại Việt Nam, trong khi đó các nhóm tôn giáo và các nhóm thiểu số - như Công Giáo, Phật Giáo, và các nhóm thiểu số người Thượng và Khmer chịu phân biệt đối xử và bách hại.

Việt Nam cần phải thực hiện tốt hơn việc bảo đảm nhân quyền theo thỏa ước hiện nay.

Trước hết, điểm qua thỏa thuận hợp tác hiện nay giữa Liên Hiệp Âu Châu và Việt Nam, Nghị Viện Âu Châu nhấn mạnh rằng “việc đối thoại về nhân quyền giữa Liên Hiệp Âu Châu và Việt Nam cần phải đưa đến những tiến triển cụ thể tại Việt Nam” và “yêu cầu Hội Đồng Bộ Trưởng và Ủy Ban Âu Châu đánh giá lại chính sách hợp tác với Việt Nam, chú tâm đến điều 1 của Hiệp Định Hợp Tác trong đó quy định rằng sự hợp tác phải dựa trên căn bản tôn trọng những nguyên tắc và những quyền căn bản”. Nghị Viện kêu gọi Ủy Ban Âu Châu “đề ra những chuẩn mực đánh giá cho những dự án phát triển hiện nay nhằm bảo đảm việc tuân thủ với cam kết về nhân quyền và dân chủ.”

Hoãn vô thời hạn việc ký kết cho tới khi nào những vi phạm vẫn chưa chấm dứt

Tiếp đến, các Thành Viên Nghị Viện Châu Âu thúc giục Ủy Ban Âu Châu và Hội Đồng Bộ Trưởng trong các thương thảo hiện nay với Việt Nam về một thỏa hiệp mới liên quan đến Đối Tác và Hợp Tác với Âu Châu “phải nêu với phía Việt Nam yêu cầu phải chấm dứt việc vi phạm có hế thống tính dân chủ và các nhân quyền trước khi hoàn tất thỏa hiệp.”

Cụ thể, Nghị Viện, là cơ quan có vai trò tư vấn trong việc hoàn tất thỏa hiệp mới, muốn Việt Nam phải

- Hợp tác tích cực với những cơ chế nhân quyền của Liên Hiệp Quốc bằng các mời Ủy Ban Phúc Trình về Khoan Dung Tôn Giáo thăm Việt Nam.

- Thả ngay những người bị giam cầm vì biểu tỏ hòa bình các niềm tin về chính trị hay tôn giáo.

- Cho các tổ chức tôn giáo độc lập được tự do tiến hành các hoạt động tôn giáo mà không bị nhà cầm quyền can thiệp.

- Hủy bỏ các điều khoản trong luật pháp Việt Nam kết tội những hoạt động bất đồng chính kiến dựa trên cơ sở của các tội danh được định nghĩa mơ hồ là “xâm phạm an ninh quốc gia.”

- Chấm dứt việc kiểm duyệt và kiểm soát các cơ quan truyền thông trong nước.
 
Thư gửi ban lãnh đạo ĐCSVN của một cán bộ cộng sản từng công tác nước ngoài
La Mạnh Dũng
10:27 23/10/2008
Thư gửi ban lãnh đạo ĐCSVN của một cán bộ cộng sản từng công tác nước ngoài

“…đằng sau tất cả những diễn tiến gây hậu quả nghiêm trọng này nhất định phải là do thế lực thù địch nước ngoài đang ẩn nấp trong hàng ngũ cán bộ của chúng ta với âm mưu thâm độc xúi giục phá hoại, hoặc do lũ tham quan lũng đoạn, âm mưu chia năm xẻ bảy vùng đất vàng đó…”

Kính gởi:

Chủ Tịch nước Nguyễn Minh Triết

Thủ Tướng Chính Phủ Nguyễn Tấn Dũng

Tổng Bí Thư Nông Đức Mạnh

Buổi chiều ngày 19/9, sau cái hôm mà UBND Tp Hà Nội huy động lực lượng từ 4 giờ sáng để khẩn trương xây dựng công viên cây xanh trên khuôn viênToà Khâm Sứ cũ, lúc đó tôi vẫn còn ở California, xôn xao, căng thẳng, bức xúc từ cộng đồng người Việt, và tin tức từ bên nhà, đâu đâu cũng đồn thổi lên sắp xảy ra vụ Thiên An Môn thứ hai nhưng ở Hà Nôi. Nhóm chúng tôi 8 người đều là những người Việt đang học và làm việc ở California, ngoài tôi là cán bộ đi công tác và một anh bạn đang giảng dạy tại đây, còn lại hầu hết là số anh em trẻ từ VN qua đang làm nghiên cứu sinh ở hai đại học danh tiếng Berkeley và Stanford, Chúng tôi tuyệt đối không tin là sẽ có bất cứ vụ việc tương tự như Thiên An Môn lại có thể sẽ xảy ra tại VN, chúng tôi không tin vi bản chất hiền hoà của mỗi con người Việt Nam, nhà nước VN là nhà nước pháp quyền, và xã Hội VN hôm nay là xã hội mở, văn minh hội nhập với thế giới, mọi việc giải quyết đều dựa trên cơ sở có tình có lý. Cho xe tăng nghiền nát sinh viên ở quảng trường Thiên An Môn của chính quyền TQ ngày 4 tháng 6 năm 1989 là vết nhơ muôn đời mà bất cứ người Trung Quốc nào sống ở chính quốc hay sống ở hải ngoại đều cúi đầu xấu hổ không muốn nhắc tới.

Ngay buổi tối hôm đó chúng tôi tập hợp cả nhóm tại căn hộ nhỏ của anh bạn ở khu vực trường Berkeley, mỗi người mỗi laptop, chúng tôi chia nhau nhanh chóng nắm bắt vô số thông tin từ nhiều nguồn khác nhau, mạng báo chí, đài truyền hình, đài phát thanh trong nước, ngoài nuớc, tư liệu lịch sử, tài liệu pháp lí và nhất là hàng trăm tin ảnh, video clip từ các blog. Thành thật mà nói là ở đây chúng tôi có phương tiện và điều kiện thuận lợi, dễ dàng truy cập vào các trang mạng nắm bắt thông tin và kiểm chứng, bên cạnh đó là thư viện đầy đủ tư liệu cho chúng tôi tham khảo.

Lật lại toàn bộ diễn tiến đã và đang xảy ra chúng tôi đều không tin vào mắt mình, vào tai mình, chúng tôi hết sức thất vọng về cách hành xử lạ lùng của Đảng bộ và chính quyền Hà Nội trong suốt diễn biến tại Toà Khâm Sứ và Giáo xứ Thái Hà.

Chúng tôi nhận định:

• Rõ ràng UBND Tp Hà Nội đã không có bằng chứng và văn bản pháp lý nào đủ sức thuyết phục chứng minh nhà đất ở 178 Nguyễn Lương Bằng và 42 Nhà Chung là thuộc diện Nhà Nước quản lí; ngược lại, với tất cả nguồn gốc và bằng chứng pháp lí mà DCCT Thái Hà và Toà Giám Mục Hà Nội có được thì theo luật đinh họ là sở hữu chủ nhà đất này. UBND Tp Hà Nội đã thiếu khiêm tôn và khôn khéo để giải quyết vụ việc êm thắm ngoài cái hàm hồ cưỡng bách của kẻ mạnh. Trong trường hợp này vai trò của Mặt Trận Tổ Quốc đâu rồi?

• Đùng một cái, UBND tp Hà Nội khẩn trương xây dựng hai công viên trên 2 phần đất đang tranh chấp nói trên đơn thuần chỉ là hành động đối phó của UBND Tp Hà Nội, mà dư luận ai cũng biết bởi vì nó chưa hề có trong thiêt kế quy hoạch trước đây của sở quy hoạch kiên trúc thành phố, hành đông nó lộ rõ cái phản ứng hạ cấp của một số cán bộ chủ chốt tham lam hủ hóa "nuốt không trôi thì đạp đổ" "ăn không được thì nhổ nước miếng".

• DCCT Thái Hà và Toà TGM Hà Nội thừa hiểu rằng họ không thể đòi cái Nhà Nước không thể trả, họ hiểu rất rõ rằng Nhà Nước rất sợ hiệu ứng domino. Như vậy tại sao họ vẫn kiên trì đòi? Có thể đây là một động thái, một bước khởi đầu cho một toan tính căn bản khác, nhưng đó chỉ là dự đoán, chưa có một bằng chứng nào để khẳng định, nhưng cái ý định ngăn chặn mọi mưu toan tư nhân hóa, chia năm xẻ bảy linh địa của họ thì rất rõ. Có thể họ đã biết tỏng tong tong là miếng đất vàng của họ đang nằm trong tầm ngắm, trong toan tính chia năm xẻ bảy, tư nhân hóa của cán bộ đương chức đương quyền ta. Cái đó thì nhân dân ai cũng hiểu, vì nó xảy ra hàng ngày hàng giờ trên khắp đất nước từ thành thị đến thôn quê. Có thể đó là nguyên do tại sao hàng nửa thế kỷ, qua bao đời UBND tp Hà Nội quản lí, cả hai miếng đất gần như bỏ hoang phế chẳng được sở nào cơ quan nào quy hoạch xây dựng công trình công ích. Giáo dân Công Giáo Hà Nội không muốn linh địa của họ biến thành chỗ ôn ào ăn chơi hoặc biến thành nhà cửa, tài sản riêng tư của các quan tham. Cho nên tôi tin rằng nếu Đảng Bộ và UBND Hà Nội bớt tham, bớt trịch thượng, vì lợi ích của nhân dân thành phố Hà Nội, đề nghị với giáo quyền Hà Nội là "Nhà Nước và cộng đồng giáo dân Công Giáo cùng làm" cùng xây dựng công trình công ích, như bệnh viện, trường học, công viên… đất thì vẫn đất của Công Giáo Hà Nội, công trình là của Nhà Nước và lợi ích là của Nhân Dân thì 99% vụ việc có thể thu xếp được, vui vẻ cả làng. Chắc chắn không phải dùng hạ sách để lại hậu quả nghiêm trọng như ngày hôm nay.

• Việc làm ngơ không ngăn chặn, không bảo vệ, không truy tố bắt giam ngay những kẻ đầu trộm đuôi cướp phá quấy, làm ô uế bàn thờ tượng Chúa Mẹ, đền thánh tại nơi vùng đất đang tranh chấp ở Giáo Xứ Thái Hà, là đồng loã, bao che cho hành vi phạm pháp, lăng nhục tôn giáo.

• Việc UBND Tp Hà Nội cho tiến hành xây dựng trên phần đất 42 Nhà Chung, 178 Nguyễn Lương Bằng, những phần đất đang tranh chấp, là vi phạm nghiêm trọng luật pháp nước Cộng Hoà XHCN Việt Nam, và theo luật định, bất cứ công trình nào xây dựng trên đó đều thuộc chủ sở hữu miếng đất.

• Việc khẩn trương huy động lực lượng khống chế trấn áp, thực hiện hành vi trong bóng tối, cấm quay phim chụp hình chính là sử dụng bạo lực, sử dụng yếu tố bất thần, sợ hãi, che dấu dư luận quần chúng, hành động này chỉ có thể gọi là hành động của kẻ cướp, nó biểu lộ cái bất chính và yếu kém của Đảng bộ và UBND tp Hà Nội.

• Sử dụng hệ thống truyền thông báo đài bất cập, cắt xén, trí trá để áp đặt, bôi nhọ, xuyên tạc là cách làm ấu trĩ, bất nhân, là coi thường sự thật, coi thường nhận thức của nhân dân.

Hậu quả không đơn giản chỉ là công trình xây dựng theo toan tính cuối cùng vẫn bi coi là tài sản của Cộng Đồng Giáo Dân Công Giáo Hà Nội, mà hậu quả vô cùng nghiêm trọng, ảnh hưởng sâu rộng, chính là:

• Đẩy một cộng đồng ít nhất hơn 6 triệu người dân, thành một khối đoàn kết sát cánh chưa từng có thành kẻ đại địch của Đảng và Nhà Nước, mà đằng sau họ là một cộng đồng hơn một tỉ người, một giáo hội có ảnh hưởng tinh thần có thể nói nhất thế giới, có giới trí thức hùng mạnh nhất, một tổ chức chặt chẽ, đoàn kết nhất, một giáo hội có sức mạnh luân lý và giáo dục sâu rộng bao trùm thế giới nhất. Và phải luôn nhớ rằng đầu mối đưa đến của sự sụp đổ toàn bộ khối Đông Âu và Liên Xô năm 1989 chính là từ sự ủng hộ của Giáo hội Công Giáo Roma này!

• Đánh mất lòng tin của hơn 80 triệu dân vào Đảng và Nhà Nước, khi toàn bộ hệ thống truyền thông báo đài được Đảng chỉ đạo xuyên tạc, bôi nhọ, chụp mũ, cắt xén bị nhân dân cả nước phát hiện, lật tẩy lộ rõ cái hệ thống truyền thông của chúng ta chỉ là một tập hợp trí trá, xu nịnh và bất nhân.

• Bị cộng đồng và nhân dân trên thế giới đánh giá và lên án là ngu dốt và áp bức, đánh mất trầm trọng uy tín của Đảng và Nhà Nước VN trên chính trường quốc tế.

Ngược lại, thành quả của Giáo Dân Công Giáo Hà Nội sau sự kiện Toà Khâm Sứ và Thái Hà là gì?

• Ngăn chặn được mưu đồ cướp đất của hàng ngũ cán bô hủ hóa;

• Lật tẩy được bộ mặt bất chính, tri trá của hệ thống truyền thông cho toàn thể nhân dân cả nước biết;

• Được Nhà nước huy động toàn bộ lực lượng xây dựng cho hai công viên biến 2 khu vực nhếch nhác, lãnh địa của dân chích choác, tội phạm thành hai khuôn viên đẹp cho Toà Giám Mục Hà Nội và Giáo Xứ Thái Hà, TGM và Giáo xứ Thái Hà chỉ cần phá dỡ bức tường ngăn cách, làm hàng rào bằng những khóm hoa, cây kiểng thi tha hồ mà đẹp, các thầy, các sơ có chổ thư giãn, các giáo dân sau lễ có chổ cho vui chơi giải trí. Tôi dám chắc là ngay sau khi UBND Hà Nội xây dựng hoàn chỉnh hai công viên xong, cả giáo phận Hà Nội sẽ tổ chức lễ Tạ Ơn, cảm ơn Chúa và Mẹ đã soi sáng cho những kẻ lầm đường lạc lối biết hối cải mà cố công xây dựng ngày đêm để làm việc đền tội.

• Và trên hết là gắn kết được một khối đoàn kết trên dưới như một, tin tưởng tuyệt đối vào sự quan phòng của Chúa và Mẹ.

Là viên chức được nhà nước thường xuyên cử đi công tác nước ngoài, cùng với những người đang nghiên cứu khoa học, được xem là thành phần trí thức trẻ được bạn bè anh em các nước đang công tác như tôi hoặc đang làm nghiên cứu sinh tại Mỹ đều quý nể, chúng tôi luôn tin tưởng và tự hào vào sự sáng suốt và bản lãnh của Đảng và Nhà Nước. Chúng tôi khẳng định đằng sau tất cả những diễn tiến gây hậu quả nghiêm trọng này nhất định phải là do thế lực thù địch nước ngoài đang ẩn nấp trong hàng ngũ cán bộ của chúng ta với âm mưu thâm độc xúi giục phá hoại hoặc do lũ tham quan lũng đoạn, âm mưu chia năm xẻ bảy vùng đất vàng đó. Dĩ nhiên chúng ta không loại trừ cái âm mưu thâm độc này có thể là từ người anh em phương Bắc cố tình đánh lạc hướng, làm rối ren, xáo trộn khối đại đoàn kết dân tộc ta đễ bề thôn tính hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa.

Đảng và Nhà Nước cần khẩn trương nhận khuyết điểm, trả lại công lý cho người bị hại, truy cứu nghiêm khắc trừng trị bọn tay sai, bọn cán bộ hủ hóa, chấn chỉnh cơ cấu cán bộ để lòng dân tin tưởng, nhanh chóng phục hồi uy tín, phục hồi sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc, cùng lòng phát triển kinh tế ứng phó với nền kinh tế đang lạm phát phi mã, ổn đinh quốc phòng sẳn sàng đối phó với âm mưu thôn tính của người anh em phương Bắc và những thế lực thù địch khác.

Mong thay!

Trong lúc viết những dòng chữ này, tôi đang ở Hà Nội, ngay trên phố Nhà Chung, bên cạnh hai đứa con nhỏ ngơ ngác sợ hãi, trước mắt chúng tôi là rừng người từ các nơi đổ về tràn ngập phố Nhà Chung, họ thành kính, thiết tha hát vang "….lạy Chúa từ nhân… hãy dùng con như khí cụ bằng an của Chúa…đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem công lý vào chốn lao tù…." Thú thật tôi không tin vào sự thành kính an hoà đó, tôi cảm nhận được phía dưới lời kinh Hoà Bình vang vọng cao vút đó là sự phẫn uất bị dồn nén, sự sôi sục đang càng giờ càng hội tụ trong đám đông trùng trùng đó.

Bất giác tôi rùng mình.

Hà Nội ngày 23/9/2008

La Mạnh Dũng, VVNTT
 
Nghị Viện Liên Âu (MEP) muốn thấy sự cải thiện về Nhân Quyền trước khi ký giấy hợp tác với Việt Nam
Đồng Nhân
11:43 23/10/2008
VietNam: Nghị Viện Liên Âu (MEP) Muốn Thấy Sự Cải Thiện Về Nhân Quyền

Trước Khi Ký Giấy Hợp Tác


Trong một nghị quyết về quan hệ giữa Việt Nam-Liên Hiệp Các Nước Âu Châu (Liên Âu - EU) Nghị viện (Liên Âu) đã kêu gọi việc VN phải bị thúc bách trong việc quan sát về mặt nhân quyền và một số quyền tự do then chốt trước khi Thoả Thuận về Hợp Tác và Quan Hệ Đối Tác với EU đạt đến giai đoạn chung kết.

căn cứ theo nghị quyết đã được chấp thuận bởi số phiếu là 479/21 với 4 phiếu trắng, quyền tự do hội họp cũng như quyền tự do báo chí và truy cập internet đã bị giới hạn trầm trọng tại VN, trong lúc đó những nhóm tôn giáo và dân tộc thiểu số -như Công Giáo, Phật Giáo, dân tộc thiểu số Montagnard và Khmer- lại phải chịu đựng sự kỳ thị và bắt bớ.

Vì thế, trong hiệp ước hiện nay cần phải nêu ra việc thực thi nhân quyền.

Trước tiên, khi nhìn vào thoả thuận hợp tác hiện nay giữa EU-Việt Nam, Nghị Viện nhấn mạnh rằng "Đối thoại về nhân quyền giữa Liên Âu (EU) và Việt Nam phải dẫn đến những cải thiện xác thực tại VN" và đòi hỏi "Hội đồng và Ủy Ban lượng định lại chính sách hợp tác với VN, chiếu theo điều khoản 1 của Thoả Thuận Hợp Tác năm 1995 đã ghi rõ là sự hợp tác phải được dựa trên cơ sở tôn trọng những nguyên tắc dân chủ và quyền sống căn bản." Thoả thuận này kêu gọi Ủy Ban " Thiết lập những tiêu chuẩn rõ ràng cho việc đánh giá những dự án phát triển hiện có tại VN để có thể bảo đảm được sự tuân thủ của họ (VN) với những điều khoản về nhân quyền và dân chủ."

Thoả thuận mới không cần thiết phải được chung kết cho đến khi những vi phạm về nhân quyền kết thúc.

Thứ hai, MEP thúc giục Ủy Ban và Hội Đồng, trong khi thương lượng cho Thoả Thuận về Quan Hệ Đối Tác và Hợp Tác mới phải " nêu lên với phía VN về nhu cầu cần phải chấm dứt sự vi phạm có hệ thống về mặt nhân quyền và dân chủ trước khi thoả thuận được chung kết".

Nói một cách cụ thể, Nghị Viện, trong vai trò cố vấn ở giai đạon chung cuộc của thoả thuận, muốn VN phải được yêu cầu làm những điều sau:

-tích cực cộng tác với cơ chế nhân quyền của Liên Hiệp Quốc (UN) bằng cách mời một Đặc Phái Viên về tình trạng bất dung hoà về tôn giáo đến thăm VN;

-trả tự do cho những người hiện đang bị giam giữ hay bỏ tù vì đã biểu lộ niềm tin vào tín ngưỡng của mình một cách ôn hoà.

-cho phép những tổ chức tôn giáo độc lập được tự do tiến hành những sinh hoạt tín ngưỡng mà không bị chính quyền xen vào quấy rối.

-huỷ bỏ những điều khoản trong luật pháp VN vốn hình sự hoá những thành phần đối kháng và những sinh hoạt tín ngưỡng nhất định dựa trên cơ sở định nghĩa không chính xác là "an ninh quốc gia".

-chấm dứt sự kiểm duyệt và điều khiển của chính quyền VN với hệ thống truyền thông trong nước.

Liên hệ:

Jack BLACKWELL

: jack.blackwell@europarl.europa.eu

: (32-2) 28 42929 (BXL)This e-mail address is being protected from

spambots. You need JavaScript enabled to view it

: (33-3) 881 76712 (STR)

: (32) 0498.983.400

-------------------------------------

Richard FREEDMAN

: press-EN@europarl.europa.eu

: (32-2) 28 41448 (BXL)This e-mail address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it

: (33-3) 881 73785 (STR)

: (+32) 498 98 32 39

(Nguồn: http://www.europarl.europa.eu/news/expert/infopress_page/030-40263-294-10-43-903-20081021IPR40262-20-10-2008-2008-false/default_es.htm)
 
Tiến sĩ Nguyễn Quang A: Xu hướng thời đại cần ý kiến đa chiều
Nam Nguyên, RFA
11:57 23/10/2008
Tiến sĩ Nguyễn Quang A: Xu hướng thời đại cần ý kiến đa chiều

WASHINGTON DC 2008-10-22 - Xu hướng thời đại là lắng nghe ý kiến nhiều chiều đặc biệt là những ý kiến độc lập. Đó là nhận định của Tiến sĩ Nguyễn Quang A thuộc Viện Nghiên Cứu Phát Triển IDS.

Ts Nguyễn Quang A (RFA file photo0
Là tổ chức tư nhân đầu tiên ở Việt Nam trong lãnh vực nghiên cứu chính sách, IDS qui tụ các nhà nghiên cứu độc lập ở Việt Nam trong số này có nhiều chuyên gia như Tiến sĩ Nguyễn Quang A, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, Giáo sư Chu Hảo, Giáo sư Tương Lai, bà Phạm Chi Lan.

1 năm hoạt động

Ngày 18-10 vừa qua đánh dấu một năm hoạt động của IDS, Nam Nguyên nêu câu hỏi là Viện đã làm được gì trong 12 tháng qua. Từ Hà Nội, Tiến sĩ Nguyễn Quang A Viện trưởng IDS cho biết:

TS Nguyễn Quang A: Trong một năm vừa qua IDS đã tự tiến hành nghiên cứu ba đề tài. Đề tài thứ nhất là ‘Chất lượng tăng trưởng kinh tế’, thứ hai là ‘Cải cách hệ thống giáo dục và hệ thống y tế’, đề tài thứ ba là ‘Một số vấn đề phát triển nông thôn’. Những đề tài này do chúng tôi tự nêu ra và tự làm, không có ai đặt hàng cả.

Ngoài ba đề tài này thì chúng tôi cũng có tham gia một số đề tài nghiên cứu về đánh giá năng lực cạnh tranh ngành ở Việt Nam; nghiên cứu về ảnh hưởng của lạm phát đến cuộc sống của người nghèo và những biện pháp có thể giúp người nghèo vượt qua lúc khó khăn này.

Chúng tôi cũng có tham gia một đề tài nữa là nghiên cứu mối quan hệ giữa các tổ chức dân sự với cơ quan Nhà nước.

Đấy là những việc làm của chúng tôi, liên quan đến những đề tài nghiên cứu này chúng tôi đều có tổ chức mỗi tháng 2 seminar để trình bày về những vấn đề nghiên cứu.

Nam Nguyên: Thưa, những dự án những đề tài mà IDS tự nghiên cứu và phổ biến, có được cơ quan hữu trách lắng nghe hay không? đặc biệt về phát triển nông thôn.

TS Nguyễn Quang A: Chúng tôi có nêu ý kiến, kết quả nghiên cứu của chúng tôi một mặt trên các báo, một mặt qua những báo cáo chúng tôi cũng gửi cho những cơ quan nghiên cứu này, cơ quan nghiên cứu khác. Nói chung người ta đánh giá tốt.

Tính độc lập?

Nam Nguyên: Chúng tôi xin lỗi được phép đặt câu hỏi, một số người tỏ ý nghi ngờ về tính độc lập của IDS. Thưa TS chính phủ có can thiệp gì vào hoạt động của IDS hay không?

TS Nguyễn Quang A: Ai nghi ngờ thì cái đấy là quyền của người ta (cười), đối với chúng tôi thì chúng tôi hoạt động một cách rất độc lập. Không bị ảnh hưởng của bất kể ai, bất luận đấy là cơ quan chính phủ hay các tổ chức quốc tế, hoặc là các bạn đồng nghiệp ở các cơ quan nghiên cứu đâu đó.

TS Lê Dăng Doanh (RFA file photo)
Chúng tôi nói những ý kiến riêng, hoàn toàn riêng và độc lập của chúng tôi. Những ý kiến đó có thể giống nơi này nơi kia, cũng có thể hoàn toàn ngược lại. Đấy là tuỳ từng vấn đề Nhà nước cho đến bây giờ không có can thiệp gì vào hoạt động của chúng tôi cả.

Nam Nguyên: Thưa TS, trong môi trường chính trị kinh tế xã hội hiện nay, ở VN có chỗ đứng cho các viện nghiên cứu tư nhân hay không?

TS Nguyễn Quang A: Các viện nghiên cứu tư nhân hoạt động còn khó khăn, nhưng tôi nghĩ rằng cần phải có những viện như thế và càng nhiều viện như thế càng tốt.

Nam Nguyên: Trong trường hợp IDS nhận tài trợ thì sẽ ứng xử thế nào để không ảnh hưởng tính độc lập?

TS Nguyễn Quang A: Vâng, đúng như thế! Chúng tôi có chính sách là chúng tôi chỉ nhận tài trợ khi tài trợ ấy không có điều kiện. Nói thực là cho đến bây giờ chúng tôi chưa nhận một xu tài trợ từ bất cứ tổ chức nào. Còn chúng tôi có thể ký hợp đồng để làm nghiên cứu đối với các tổ chức bên ngoài, thì kết quả nghiên cứu ấy là sở hữu của người đã ký hợp đồng với chúng tôi.

Khuynh hướng mới

Nam Nguyên: Thưa TS, phải có nhiều tâm huyết lắm, cũng như phải có đủ phương tiện, thì mới có thể thành lập các viện nghiên cứu tư nhân độc lập. Hiện nay ở VN có khuynh hướng này hay không?

TS Nguyễn Quang A: Tôi nghĩ rằng, ở Việt Nam có rất nhiều người muốn thành lập các viện và thực sự cũng có khá nhiều viện nghiên cứu độc lập, không nằm trong khu vực nhà nước. Nhưng các viện ấy có thể nghiên cứu về mặt khoa học tự nhiên, khoa học công nghệ về mặt ngôn ngữ học v…v…

Điều khác biệt của chúng tôi là chúng tôi nghiên cứu về chính sách, có thể vì chuyện đó mới lấy làm lạ. Chứ còn các viện nghiên cứu tư nhân về các lãnh vực khác thì không còn là chuyện lạ ở Việt Nam.

Tôi nghĩ ngay cả nghiên cứu về chính sách hay vấn đề xã hội thì cũng cần phải có nhiều loại tiếng nói khác nhau, trong đó có các tiếng nói của các viện nghiên cứu tư nhân. Đấy là xu hướng tôi thấy là tốt.

Nam Nguyên: Thưa TS, ở VN hiện nay có nhiều viện nghiên cứu thuộc các Bộ ngành chính phủ, đồng thời các trường đại học cũng có nhiều viện nghiên cứu. Vậy thì có nên phát triển các viện nghiên cứu ở khu vực đại học và loại bỏ các viện nghiên cứu ở các Bộ hay không?

TS Nguyễn Quang A: Đây là một vấn đề rất khó trả lời, chắc chắn ở các đại học thì phải nên phát triển các hoạt động nghiên cứu của các đại học. Liệu có nên xoá bỏ các viện nghiên cứu ở các Bộ hay không còn là chuyện phải bàn cãi, trong các viện nghiên cứu thuộc sở hữu Nhà nước thuộc các Bộ cũng có rất nhiều viện nghiên cứu mạnh.

Tôi có thể nói là, các cán bộ nghiên cứu làm trong khu vực Nhà nước, rất nhiều người có năng lực rộng, giỏi và nó chỉ bị khó ở chỗ là vì họ có các cấp trên của họ.

Nên tiếng nói có thể không được độc lập lắm, nó có thể bị ảnh hưởng bởi vì mối quan hệ trên dưới cũng không thể phủ nhận vai trò của các cơ quan nghiên cứu của các bộ. Nhưng chuyện nghiên cứu của các đại học tôi nghĩ rằng nên đẩy mạnh rất nhiều.

Nam Nguyên: Cảm ơn TS Nguyễn Quang A, xin chúc IDS trong năm thứ hai đạt nhiều thành công.
 
Thế Giới Tự Do đã để ý đến vấn đề tự do Tôn Giáo và Nhân Quyền tại Việt Nam
Hà Long
14:17 23/10/2008
Thế Giới Tự Do đã để ý đến vấn đề tự do Tôn Giáo và Nhân Quyền tại Việt Nam

Cuộc họp thường kỳ của Quốc Hội Âu Châu đã diễn ra từ ngày 20 đến 23/10/2008 tại thành phố Strasbourg, Pháp quốc. Theo biên bản của cuộc họp, dân biểu Jean-Pierre Jouyet có trách nhiệm trả lời quốc hội vào ngày 21/10/2008 về Hiệp Định và Đối Tác giữa Liên Hiệp Âu Châu với Việt Nam. Khối Âu Châu phải tái thẩm định mối quan hệ này và chỉ thỏa hiệp khi Việt Nam tôn trọng tự do tôn giáo và phải cải thiện về nhân quyền. Sau cuộc hội thảo tại Strasbourg, Quốc Hội Âu Châu đã bỏ phiếu biểu quyết cho vấn đề Việt Nam với 479 phiếu thuận, 21 phiếu chống và 4 phiếu trắng. Kết quả bỏ phiếu này cho thấy sự đồng thuận của toàn khối Liên Hiệp Âu Châu đối với tình hình Việt Nam. Liên Hiệp Âu Châu sẽ dựa vào lý lẽ trên để nhìn lại quan hệ hợp tác với cộng sản Việt Nam.

Như thế, thế giới tự do đã để ý đến vấn đề tự do tôn giáo và nhân quyền tại Việt Nam chặt chẽ hơn. Có thể từ khi các cuộc cầu nguyện cho công lý và hòa bình được phát xuất từ đầu năm 2007 tại Tòa Khâm Sứ Hà Nội và sau đấy lan rộng tại Thái Hà lôi kéo được dư luận thế giới vào cuộc bênh vực cho mục đích cao cả này. Cuộc đấu tranh đạt đến cao điểm khi nhà cầm quyền Hà Nội quyết định sử dụng vũ lực gây đổ máu cho người dân cầu nguyện ôn hòa, đánh nhà báo ngoại quốc, giải tỏa khu vự Tòa Khâm Sứ và tòa tổng giám mục Hà Nội bằng hàng rào kẽm gai cộng với quân đội và chó săn, ngoài ra báo đài nhà nước đồng loạt đi qua lề bên phải đưa các nguồn tin tức gian trá.

Qua Quốc Hội Âu Châu với nghị quyết mới nhất thì đây đúng là một đòn giáng mạnh nhất của thế giới tự do dân chủ từ trước tới nay xuống thẳng đầu csVN từ khi được hội nhập vào thị trường WTO.

Việt Nam đang vật vã với nạn lạm phát khủng khiếp lên đến 30%, khốn đốn với trào lưu đòi công lý hòa bình từ mọi tầng lớp, các phong trào đòi lại đất bị nhà nước cướp mất diễn ra hằng ngày. Lúc này csVN chỉ còn biết ngửa tay ăn xin của Mỹ, Nhật và Âu Châu để cầm cự cuộc sống. Các nước tư bản này cũng đang chao đảo về thoái hóa kinh tế toàn cầu. Việt Nam có thể thoát qua cơn bĩ cực này không, nếu chối từ các quan hệ đối tác với thế giới tự do và không thỏa mãn các điều kiện cải thiện về tôn giáo và nhân quyền.

Qua tin tức từ Quốc Hội Âu Châu hôm qua có thể làm cho người dân tại Hà Nội và giáo dân Thái Hà vững tin thêm cho lý tưởng đòi công lý và sự thật. Liên Hiệp Âu Châu gián tiếp ủng hộ lập trường của Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt bằng đường lối đối thoại, ôn hòa, tôn trọng sự thật. Ngược lại chính sách bạo lực, vô văn hóa, đôi khi lẫn dối trá của chủ tịch thành phố Hà Nội, Nguyễn Thế Thảo đang làm cho thế giới phương Tây càng mạnh tay hơn với Việt Nam như quyết định tại Strasbourg vừa qua của khối Liên Hiệp Âu Châu. Đúng là một cú tát thật đau đớn cho ông chủ tịch Thảo.

Việt Nam không tránh khỏi cái vòng lẩn quẩn về vi phạm nhân quyền. Sự thật, hàng tuần thế giới đều đăng tải các tin tức rất tiêu cực cho csVN:

• Ngày 14.10.2008: Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chui vào cửa hậu tại thành phố Melbourne.

• Ngày 15.10.2008: Cả thế giới chú ý đến Việt Nam về bản án 2 năm dành cho Nguyễn Việt Chiến, ký giả báo Thanh Niên vì lý do chống nạn tham nhũng.

• Ngày 15/10/2008: Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo lại dám cả gan lên án Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt trước các vị Đại Sứ, Phó Đại Sứ và Trưởng Đại Diện các Đoàn Ngoại Giao tại thủ đô Hà Nội.

• Ngày 22.10.2008: Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới liệt kê Việt Nam nằm trong nhóm 10 quốc gia đứng tận cuối bảng xếp hạng về tự do báo chí: đứng thứ 168 trong tổng số 173 quốc gia. Như thế Việt Nam đang là một quốc gia rất tồi tệ về báo chí. Báo chí VN trở thành cộng cụ tuyên truyền của đảng csVN và đang dẫn nhau đi bền lề phải, điển hình báo đài đưa tin xảo trá về lời phát biểu yêu nước nồng nàn của Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt. Như thế VN đã tụt hạng tồi tệ hơn năm 2007 với thứ hạng cũng gần chót: 162.

• Ngày 22/10/2008: Khối Liên Hiệp Âu Châu biểu quyết tái thẩm định mối quan hệ với VN và chỉ thỏa hiệp khi Việt Nam tôn trọng tự do tôn giáo và phải cải thiện về nhân quyền.

Hôm 22/10/2008 các tin tức được thế giới loan đi mau chóng về nghị quyết nóng bỏng của Quốc Hội Âu Châu cho sự quan hệ hợp tác với Việt Nam sẽ được dựa vào nền tảng tự do tôn giáo và nhân quyền:

- Liên Hiệp Âu Châu should review Vietnam ties due to rights abuses: MEPs. The assembled MEPs called on the European Commission, the Liên Hiệp Âu Châu 's executive arm, "to reassess cooperation policy with Vietnam... based on respect for democratic principles and fundamental rights." (Eubusiness)

- Die Zusammenarbeit mit Vietnam: Jean-Pierre Jouyet beantwortet am 21. Oktober eine mündliche Anfrage über das Partnerschafts- und Kooperationsabkommen zwischen der Liên Hiệp Âu Châu und Vietnam in Bezug auf Demokratie und Menschenrechte. (Sitz des Europäischen Parlaments - Straβburg)

- Human rights and democracy clauses in Liên Hiệp Âu Châu trade agreements should be either upheld or abolished: Dr. Tannock made his comments in a debate in the European Parliament on a proposed Liên Hiệp Âu Châu trade agreement with Vietnam. He said that the human rights and democracy clauses, which are now standard for such agreements, were not worth the paper they were written on if the European commission was not genuinely prepared to impose sanctions in the case of human rights abuses. (Conservativeeurope)

- Europe asks Hanoi to end "systematic violation" of human rights: A resolution of the European parliament also makes specific reference to religious freedom, and to the actions of the authorities against "Catholic parishioners," Buddhist monks, and highlanders. (asianews)

- Europaparlament fordert von Hanoi Respektierung der Religionsfreiheit: Abgeordnete kritisierten Übergriffe der kommunistischen Behörden gegen gläubige Katholiken und Buddhisten. Frankreichs Europa-Staatssekretär Jean-Pierre Jouyet sagte, das geplante Kooperationsabkommen mit Vietnam könne ausgesetzt oder gekündigt werden, wenn eine der beiden Seiten es nicht einhalte. Die vorgesehene Menschenrechtsklausel sei daher ein starkes juristisches Instrument, um die Achtung der Menschenrechte in Vietnam einzufordern. (KATHweb)

- Liên Hiệp Âu Châu calls for reassessment of Vietnam rights dialogue: The European parliament says the European Union must reassess its cooperation with Vietnam over human rights.They called on the European Commission, the Liên Hiệp Âu Châu 's executive arm, to reassess cooperation policy with Vietnam, based on respect for democratic principles and fundamental rights. (Radio Australia)

- Liên Hiệp Âu Châu: „Vietnam soll Religionsfreiheit achten“: Das Europaparlament fordert Vietnam zur Achtung der Religionsfreiheit auf. Bei den laufenden Verhandlungen über ein neues Kooperationsabkommen mit dem asiatischenLand müsse die Liên Hiệp Âu Châu strengere Menschenrechtsklauseln einbauen, verlangten die Abgeordneten am Mittwoch in Straßburg mit großer Mehrheit. Die derzeitige systematische Verletzung von Demokratie und Menschenrechten müsse vor dem Abschluss des Abkommens beendet werden. (Radio Vatikan)

Giáo dân Hà Nội và Thái Hà hãy can đảm lên! Các bạn đang dẫn toàn dân Việt Nam đi bên lề trái với những lời cầu nguyện ôn hòa, những bài hát thánh ca thắm thiết và với ánh nến tỏa sáng đêm đen. Thế giới đang ủng hộ và đứng về phía các Bạn.

Cầu mong công lý và sự thật được thể hiện trên quê hương Việt Nam!
 
Bộ Ngoại Giao Liên Bang Thụy-Sĩ trả lời về vấn đề Nhân quyền tại Việt Nam
Hồ Nam Trân
15:31 23/10/2008
Bộ Ngoại Giao-Bộ Phận 4 Nhân Quyền
Bộ Ngoại Giao Liên Bang Thúy-Sĩ ( FDFA)
Chi Nhánh Chính Trị Nhân Quyền


Kính gửi Ông Hồ Nam Trân,

Chúng tôi xin cám ơn Ông đã chyển tới chúng tôi tin tức liên quan tới tình trạng tại Việt Nam. Thật thế, chúng tôi đã nhận được các báo cáo báo động những căng thẳng giữa Giáo dân của GHCG và chính phủ Việt Nam, và đặc biệt riêng đối với sự giao động của bình yên tôn giáo trong Giáo xứ Thái Hà quận Đống Đa tại Hà Nội.

Bảo vệ và phát huy Nhận Quyền, đã được nằm sâu trong Hiến Pháp của Liên Bang Thúy-sĩ, như một mục tiêu của chính trị ngoại giao của Quốc gia Thúy-sĩ, và lẽ đương nhiên. chúng tôi đặt một tầm quan trọng lớn lao vào chính trị ấy. Cho tiến trình nêu trên, từ nhiều năm qua, quốc gia Thúy-sĩ đã dấn thân vào việc cải thiện tình trạng Nhân Quyền trên toàn thế giới. Một chú ý đặc biệt tới quyền toàn vẹn thề xác, tự do tôn giáo và các quyền của thành phần thiểu số. Quốc gia Thúy-sĩ tích cực tham gia vào các tổ chức Nhân Quyền của các tổ chức quốc tế như ONU và OSCE để bảo vệ và thăng tiến tự do tôn giáo cũng như lấy các biện pháp ngăn ngừa bất cứ một hình thức nào đó không dung túng tôn giáo. Ngoài ra, chính quyền Thúy-sĩ tham gia vào các đối thoại nhị phương liên quan tới các vi phạm tự do tôn giáo với những nước bị quan tâm về vấn đề nầy. Từ nhiều năm quốc gia Thúy-sĩ đã liên tiếp đối thoại với Việt Nam về Nhân Quyền, tự do tôn giáo và quyền thiếu số xem như hai trọng tâm.

Chúng tôi có thể qủa quyết với Ông rằng Bộ chúng tôi đang theo giõi tình trạng các Giáo dân Công Giáo tại Việt Nam và theo sát tình trạng tỗng quát Nhân Quyền và sẽ tiếp tục làm việc một cách tích cực để bảo vệ và thăng tiến Nhân Quyền. Để kết thúc chúng tôi mong muốn tiện dịp nầy cám ơn Ông về sự quan tâm của ông cho vấn đề bảo vệ Nhân Quyền và tự do tôn giáo tại Việt Nam.

Xin Kính Ông

Bộ Ngoại Giao Liên Bang Thúy-Sĩ ( FDFA)
Chi Nhánh Chính Trị Nhân Quyền
pa4-mrp@eda.admin.ch

---------------------------------

"_EDA-PA 4 Menschenrechte"
À: honamtran5@yahoo.fr

Dear Mr. Hồ Nam Trân

Thank you very much for your message concerning the situation in Vietnam. We have already received information with regard to the alarming reports about the tensions between supporters of the Catholic church and the Vietnamese government, and in particular in respect of the disruption of religious peace in the Catholic community of Thai Ha in the Dong Da district of Hanoi. The protection and promotion of human rights is anchored in the federal constitution as a goal of Swiss foreign policy and consequently great importance is attached to it. In line with this Switzerland has been committed for many years to improving the human rights situation worldwide. Particular importance is attached to the right to physical integrity, freedom of religion and the rights of members of minority groups. Switzerland actively participates in the relevant bodies of international organizations such as the UN and the OSCE to protect and promote religious freedom as well as to take preventative measures against any form of religious intolerance. In addition to this the Swiss authorities also engage in bilateral discussions concerning violations of religious freedom with those countries affected by it. Switzerland has been conducting a human rights dialogue with Vietnam for a number of years, with religious freedom and the rights of minorities as two central issues.

We can assure you that our Department is monitoring the situation of Catholic Christians in Vietnam and the human rights situation in general very closely and will continue to work actively to protect and promote human rights. In conclusion we would like to take this opportunity to thank you for your interest in the protection and promotion of human rights and religious freedom in Vietnam.

Yours sincerely

Federal Department of Foreign Affairs (FDFA)
Human Rights Policy Section

En date de: Ven 26.9.08, Ts Hong Linh a écrit:
De: Ts Hong Linh
Objet: UNE REQUÊTE!
À: "Calmy-Rey Micheline EDA MCR"

Date: Vendredi 26 Septembre 2008, 12h19

Madame le Ministre Calmy-Rey,

We are writing this letter to inform you about the recent religious and human rights violations against Catholics by the Vietnam government.

At this hour, numerous Catholics are still being detained indefinitely in jail, the Archbishop of Hanoi and several leaders of the Redemptorist Congregation in Hanoi have been subjects of a governmental campaign of public defamation. They have also been threatened of legal actions against them for what the government accused of as inciting and organizing protests among the faithful in order to gain public sympathy with their cause. Church's property including buildings and religious items have been vandalized or ransacked in broad daylight, not to mention the priests and the pacific demonstrators are being harassed daily by vicious thugs who would stop at nothing to terrorize and to insult these innocent victims. We the Catholic Church as a whole are now the subject of our government persecution by definition.

As you might have known, since Dec. 18, 2007, Hanoi Catholics have been organizing daily prayer vigils outside the former nunciature in Hanoi, pleading for the return of the building that had been confiscated unlawfully by the communist regime since 1959. The protests only came to a halt when the government agreed to return the property on Feb. 1, 2008. As understood by both sides, this returning process by the Vietnamese government was to be carried out in steps. Regrettably, it managed to delay the process through various bureaucratic maneuvers.

The conflict took a surprised turn on Sept. 19, 2008, when the government suddenly announced the demolition of the nunciature to "make room for a playground" and the government didn't waste any time to have the plan carried out with full support from its armed forces. This action clearly contradicts with the policy of dialogue that the Catholic Church and Vietnam government have pursued. It in fact insults the legitimate aspirations of the Hanoi Catholic community, ridicules the law written by their own party, and fails to honor the words they gave our Church in Vietnam on the issue at hand.

Also in Thai Ha parish, where Redemptorist priests and their faithful have always been persistent in requesting for their land illegally seized by the state after majority of Redemptorists moved South following the 1954 Geneva Agreement, peaceful prayer vigils continued. The public outcry and protests came as a result after Thai Ha parishioners discovered that local government officials had secretly sold their land to private entities. These victims in their desperation were left with no choice other than holding peaceful protests completely complying with Vietnam law to call out for justice from the authorities since Jan. 5, 2008.

Vietnamese government has not listened to them and repeatedly attempted to silence them by using great mass of police and security forces, militiamen, and even street gang members to achieve what their terroristic and hostile agenda was set for.

Just last month, the communist government launched a terrorizing campaign against Hanoi Catholics, starting with a threat to use "extreme actions" against Catholic priests. It was followed by a series of mockeries and distortions against Catholics and the Church. In addition with effort to ignite public outrage and negative sentiment against Hanoi clergies and the Church as a whole, the campaign had gone further with a series of arrests and violence. Numerous priests and lay people were kicked and beaten brutally by police when they peacefully requested for the release of detainees on Aug. 28.

At the Redemptorist monastery, known as the center of a property dispute, police threw tear gas into faithful who were attending a religious procession on Sunday Aug. 31. More than 30 faithful, most of them were women and children, suffered badly from tear gas inhalation. 20 were hospitalized. Even worse, street gang members attacked a chapel at the church from late Sunday night Sept. 21 through early Monday morning Sept. 22 under indifferent eyes of police and city officials.

On the evening of the same day, a gang of more than 200 youths wearing the blue shirts of the Youth Communist League came to Thai Ha church to harass and spit on the face of our priests, religious and faithful. This was to follow a series of event last week when another group of thugs came to dump used-motor oil and foul-smelling liquid on to the altar which was adorned with religious icons and a statue of Our Lady.

Hanoi's People Committee also joined the chorus of power abuse by tailoring and taking out of context the statement made by Hanoi's archbishop. It then went on with using state owned mass media to question his patriotism in an obvious attempt to deceit and incite socially negative sentiments against the archbishop and the Church who have no means to tell their side of the story.

A series of attacks against Catholics, as a result of the government's general hate campaign against the Church was then broken out. Gang ransacked churches, destroyed statues and books while shouting death threats against the clergy and religious, Catholic faithful, and the Archbishop of Hanoi in particular. These acts of violence happened boldly in clear view and in front of a large number of public officials and police, but they did nothing to protect the Catholics as they claimed these actions were attributed for "the fury of people".

As Church-state tensions have kept continuously building- up and can be escalated into a potential bloodshed, we desperately hope that you will take action immediately to ask the regime in Hanoi:

Stop the media campaign against the Catholic clergy, their faithful, and the Church as a whole.

Stop persecutions of Catholic clergy and their faithful; also leave their religious items intact.

Respect its own law and return the property at the nunciature and the Redemptorist monastery in Thai Ha, Hanoi to its rightful owner.

The United States of America has a long tradition of being a beacon protector of religious and human rights throughout the world and a beacon whenever humanity is in harm way. We respectfully request that you do everything in your power to ensure that the Hanoi regime desists from all sorts of violent repression of the protestors, and earnestly participate in a settlement negotiation regarding the confiscated Church property that is at the root of the dispute. The Vietnamese government must respect its own laws and international laws that it had signed and pledged to obey. It must immediately take firm and concrete action to prevent further religious and human rights violations against followers of religious groups, recognizing their rights to practice their faiths free of harassment and oppression. For a far too long period, people of faith have suffered and persecuted under Hanoi's repressive and brutal rule.

Definitely, your actions and words count.

Please accept our sincere wish for good health and happiness to you, and your families.

Sincerely,

Hồ Nam Trân Ph.D
104, chemin de l'Ormet
CH-1024 Ecublens
0041 21 6918502
 
Một thí dụ về Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng CSVN: chỉ thị báo chí đi một chiều
BanTuyên Giáo CSVN
20:00 23/10/2008
 
Liên Minh bất hoà
Lữ Giang
22:52 23/10/2008
Liên Minh bất hoà

Năm nay, nhân kỷ niệm 45 năm CIA dùng tay chân bộ hạ tổ chức đảo chánh lật đổ và giết Tổng Thống Ngô Đình Diệm, Đài BBC mời một số nhà nghiên cứu viết bài đánh giá những khía cạnh khác nhau về thời kỳ Đệ Nhất Cộng Hòa của miền Nam Việt Nam.

Dưới đầu đề “Liên minh bất hoà: Ngô Đình Diệm và Mỹ” , website BBCVietnamese.com ngày 17.9.2008 đã giới thiệu bài bài đánh giá những khía cạnh khác nhau về thời kỳ Đệ Nhất Cộng Hòa của Tiến Sĩ Philip E. Catton. Ông là giáo sư phụ khảo về lịch sử tại Stephen F. Austin State University. Ông được lựa chọn vì tác phẩm “Diem’s Final Failure: Prelude to America’s War in Vietnam” của ông xuất bản năm 2002, một tác phẩm được coi là có một cách nhìn mới về tương quan giữa Hoa Kỳ và chính phủ để nhất VNCH. Sau đây là một vài nhận xét về cuốn sách này:

“Với nhiều chế nhạo nhưng lại thiếu hiểu biết, từ lâu Tổng Thống Nam Việt Nam Ngô Đình Diệm thường được mô tả như là một nhà độc tài cứng đầu và không có khả năng thích hợp. Sự nghiên cứu một cách thấu đáo của Philip Catton đã cung cấp cho chúng ta nhiều hơn hình ảnh phúc tạp của ông Diệm về cả một nhà yêu nước nhiệt tình lẫn một kiến trúc sư thất bại trong việc canh tân hoá. Bằng cách đó, tác giả tỏa ra ánh sáng mới về một chế độ có nhiều tranh luận...”

“Tập trung vào Chương Trình Ấp Chiến Lược ở tỉnh Bình Dương như là một mẫu mực về các nỗ lực của ông Diệm, Catton đã coi nhà lãnh đạo Việt Nam như là một người có tư tưởng tiến bộ cố gắng cùng một lúc đánh bại cộng sản và canh tân đất nước. Catton đã nhận xét rằng ông Diệm có một tầm nhìn vững chắc về xây dựng quốc gia và tìm cách vượt qua sự lệ thuộc vào viện trợ của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, Catton cho thấy rằng kê hoạch của ông Diệm cho Miền Nam Việt Nam đụng chạm với kế hoạch của Hoa Kỳ và tỏ ra không địch được với cộng sản Việt Nam.”

Mở đầu, BBC viết:

“Trong vài năm gần đây, một thế hệ mới các sử gia Mỹ đã quan tâm trở lại và công bố những tác phẩm mới về thời kỳ nắm quyền của Ngô Đình Diệm.

“Năm nay đánh dấu 45 năm ngày xảy ra cuộc đảo chính của các tướng lĩnh miền Nam với sự ủng hộ của Mỹ, lật đổ chính quyền Tổng thống Ngô Đình Diệm. Nhân dịp này, BBC mời một số nhà nghiên cứu viết bài đánh giá những khía cạnh khác nhau về thời kỳ Đệ nhất Cộng hòa của miền Nam Việt Nam.

“Mở đầu bàn tròn lịch sử, xin trân trọng giới thiệu bài viết của tiến sĩ Philip Catton. Ông lấy bằng tiến sĩ ở Đại học Ohio (1998) với luận án về chương trình Ấp Chiến lược đầu thập niên 1960”

LIÊN MINH BẤT HÒA

Tiến Sĩ Philip Catton đã viết về sự đụng chạm giữa Hoa Kỳ và ông Ngô Đình Diệm như sau:

Winston Churchill từng có một bình luận nổi tiếng về bản chất phức tạp của những mối liên minh thời chiến. Đề cập quan hệ giữa Anh và Mỹ trong Thế Chiến Hai, ông bình phẩm: “Chỉ có một thứ tệ hơn việc chiến đấu cùng đồng minh, và đó là chiến đấu thiếu họ!”

Mặc dù người Anh và Mỹ cần có nhau để đánh bại kẻ thù chung, nhưng đồng thời họ vẫn theo đuổi quyền lợi chính trị riêng và thường xuyên va chạm quanh câu hỏi về cách thức tiến hành chiến tranh.

Điều này cũng đúng cho liên minh Mỹ - Nam Việt Nam. Chính phủ ở Sài Gòn và Washington đến với nhau vì cùng có kẻ thù chung, những người cộng sản Việt Nam. Nhưng điều đó không có nghĩa là họ luôn hòa thuận. Các khác biệt luôn tồn tại trong giai đoạn 1954-1963 khi Ngô Đình Diệm lãnh đạo Nam Việt Nam – cuối cùng, chúng trở nên không thể giải quyết và đưa người Mỹ can dự vào âm mưu lật đổ chính quyền Diệm.

1.- Nghi ngờ và e ngại

Ngay từ đầu, nghi ngờ và e ngại đã chi phối quan hệ Mỹ - Việt. Nhiều sử gia đã ghi nhận liên hệ mà Diệm tạo dựng được với các chính khách quan trọng ở Mỹ đầu thập niên 1950. Một số người thậm chí kết luận chính quan hệ này giúp Diệm trở thành thủ tướng năm 1954 – nói cách khác, họ cho rằng Diệm là đồ đệ của Mỹ.

Nhưng không có nhiều bằng chứng ủng hộ luận cứ này. Bảo Đại, cựu hoàng và Quốc trưởng của Quốc Gia Việt Nam, có vẻ chọn Diệm chủ yếu là vì những lý do liên quan chính trị ở Việt Nam, chứ không phải Mỹ.

Ngay cả sau khi Diệm đã thành công trong việc củng cố quyền lực, những lo ngại ban đầu không biến đi vì Diệm tỏ ra miễn cưỡng khi phải nghe lời khuyên của Mỹ.

Thực ra người Mỹ nuôi một số lo ngại về Diệm. Họ ủng hộ chính phủ ông năm 1954 vì muốn ngăn cộng sản chiếm miền nam, nhưng họ không biết nhiều về tân thủ tướng và có những quan điểm trái ngược về khả năng cầm quyền của ông. Một mặt, họ ca ngợi phẩm cách, sự trung thực và lòng ái quốc của ông. Mặt khác, họ lo ngại ông quá cứng đầu, luôn tự cho mình là đúng và thiếu kinh nghiệm. Nhiều viên chức Mỹ cho rằng ông không đủ khả năng tổ chức một chính phủ hiệu quả.

Ngay cả sau khi Diệm đã thành công trong việc củng cố quyền lực, những lo ngại ban đầu không biến đi vì Diệm tỏ ra miễn cưỡng khi phải nghe lời khuyên của Mỹ.

Người Mỹ tin rằng họ có câu trả lời để xây dựng các tân quốc gia hiện đại, phú cường trong Thế giới thứ Ba và khuyến khích Diệm áp dụng các “đơn thuốc” cho sự phát triển của miền Nam. Đặc biệt vào những khi tình hình đất nước xấu đi, người Mỹ thúc Diệm sửa chữa cái mà họ xem là khiếm khuyết của chính thể: sự lộn xộn trong bộ máy hành chính do Diệm không muốn san sẻ quyền hành, sự thiếu dân chủ và thiếu ủng hộ chính phủ trong dân chúng.

Người Mỹ lo ngại rằng quá thừa sự chuyên quyền, mà không đủ nỗ lực chinh phục thêm người ủng hộ. Nhưng họ bực tức thấy Diệm vẫn cứ làm theo ý mình.

2.- Viễn kiến riêng

Trong khi người Mỹ lo ngại về Diệm, bản thân nhà lãnh đạo cũng lo ngại về Mỹ. Ông vui lòng chấp nhận hỗ trợ quân sự và kinh tế của Mỹ, nhưng không sẵn sàng lắng nghe lời khuyên của Mỹ. Ông không tin người Mỹ biết gì nhiều về Việt Nam hay có nhiều hiểu biết chính trị.

Em trai, Ngô Đình Nhu, có quan điểm đặc biệt tiêu cực về Mỹ. Có thể vì đi học trường Pháp, Nhu xem người Mỹ là hỗn xược và thô thiển.

Kết quả là chính quyền Diệm không mấy tin vào nhận định của đồng minh Mỹ, xem các đề xuất chính sách của Mỹ là sai lầm. Diệm tin rằng chỉ có bàn tay sắt mới giải quyết được các vấn nạn của miền Nam.

Khủng hoảng Phật giáo 1963 làm Mỹ tin rằng phải thay chính quyền Diệm.

Trái ngược với ấn tượng xem ông là hẹp hòi và là “viên quan hoài cổ”, Diệm có viễn kiến riêng về cách xây dựng nhà nước hiện đại ở miền Nam.

Ông muốn một nhà nước không sao chép cả tư bản lẫn cộng sản. Ông muốn một xã hội lấy cảm hứng từ mô hình văn hóa xã hội truyền thống của Việt Nam – vừa hiện đại nhưng hình như cũng phải thuần Việt.

Không chỉ xem lời khuyên của Mỹ là vô ích, Diệm còn căm ghét nó. Có lần ông nói với nhà báo Mỹ Marguerite Higgins: “Nếu anh ra lệnh Việt Nam như con rối, thì anh có khác gì người Pháp?” Diệm rất nhạy cảm về sự độc lập và bất kỳ sự xâm phạm nào đến chủ quyền đất nước. Ông hiểu mình phụ thuộc trợ giúp của Mỹ, nhưng cảm thấy lúng túng và bực bội vì phụ thuộc.

Ông cũng biết nó nguy hiểm về chính trị, vì người cộng sản có thể cáo buộc ông chỉ là kẻ phản bội và con rối. Để củng cố quyền uy lãnh đạo, ông phải chứng tỏ mình không phải là thế.

3.- ‘Đụng độ giữa các nền văn minh’

Những căng thẳng này cũng có thể kiềm chế được nếu dự án dựng xây một miền Nam vững chắc đã diễn ra suôn sẻ. Trong trường hợp đó, hai bên sẽ cảm thấy lợi ích của mối quan hệ lớn hơn sự bực mình.

Nhưng vấn đề là nỗ lực xây dựng miền Nam dường như lại chuệch choạc. Năm 1960, những người cộng sản bắt đầu tổ chức du kích chống lại chính quyền Diệm, bằng sự thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng. Du kích nhanh chóng kiểm soát nhiều khu vực quan trọng ở nông thôn miền Nam.

Lại có những dấu hiệu cho thấy Diệm để mất ủng hộ trong những người chống cộng, cụ thể là vụ đảo chính bất thành tháng 11.1960.

Dù có kẻ thù chung, hai phía có tư tưởng riêng về cách đánh bại đối phương, viễn kiến riêng về hình hài của một Nam Việt Nam phi cộng sản

Trong giai đoạn John F. Kennedy cầm quyền (1961-1963), người Mỹ một lần nữa thuyết phục Diệm thay đổi, đồng thời tăng cường hiện diện trên đất miền Nam. Nhưng Diệm tiếp tục chống lại đòi hỏi của Mỹ và khó chịu khi phải tiếp đón số lượng cố vấn Mỹ ngày càng tăng. Đến mùa xuân 1963, ông và Nhu bày tỏ lo lắng về cái mà họ xem là sự quá phụ thuộc vào Mỹ và nguy cơ đất nước của họ trở thành nước bị bảo hộ.

Trong không khí căng thẳng này, Khủng hoảng Phật giáo trở thành giọt nước tràn ly. Phản ứng bản năng của Diệm là không nhượng bộ. Ông còn nghi ngờ người Mỹ tìm cách phá ông khi cứ đòi ông nhượng bộ người biểu tình. Ông cũng lo việc Henry Cabot Lodge trở thành tân đại sứ Mỹ báo hiệu chính sách kém thân thiện với chính quyền miền Nam.

Với nhiều viên chức Mỹ, khủng hoảng Phật giáo và việc Diệm khăng khăng không chịu nhượng bộ xác nhận sự phá sản chính trị và đạo đức của chính quyền. Họ lý luận để cứu miền Nam, phải thay chính phủ Diệm. Cuộc đảo chính tháng 11.1963 diễn ra vì Diệm để mất ủng hộ của Mỹ.

Ngô Đình Nhu có lần gọi quan hệ Việt – Mỹ là “sự đụng độ của các nền văn minh” . Có lẽ đó là sự mô tả hợp lý. Dù có kẻ thù chung, hai phía có tư tưởng riêng về cách đánh bại đối phương, viễn kiến riêng về hình hài của một Nam Việt Nam phi cộng sản.

Một nghiên cứu chính thức của Mỹ sau này nhận xét: “Phần nào đó, người Mỹ và Việt Nam đi cùng một xe, nhưng thường bất đồng về việc ai lái xe, điểm đến là đâu, dùng tuyến đường nào. Chúng ta là những đồng minh không tin nhau, theo đuổi công việc chung nhưng chia rẽ.”

Những khác biệt đó đã tạo thành mối liên minh bất hòa, và cuối cùng tan rã.

KHỦNG HOẢNG NGHIÊM TRỌNG

Giáo sư Tôn Thất Thiện, Tổng Giám Đốc Thông Tin kiêm thông dịch viên của Tổng Thống Ngô Đình Diệm, có kể lại rằng khi đến Việt Nam quan sát tình hình vào đầu tháng 11 năm 1962, Hilsman có được ông Diệm tiếp kiến. Sau khi nói chuyện với Hilsman xong, ông Diệm lắc đầu và nói: “Mấy tên con nít này nó sẽ giết mình đây. Chúng nó chẳng hiểu gì cả!” Lúc đó Hilsman 43 tuổi.

Trước những bất hoà nói trên, một số viên chức Hoa Kỳ, nhất là Thứ Trưởng Harriman, người được Tổng Thống Kennedy giao cho gần như toàn quyền quyết định về chính sách của Hoa Kỳ đối với Việt Nam, đã tìm cách để lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm bằng mọi giá. Nhưng cuộc lật đổ và giết ông Diệm lại gây ra những khủng khoảng nghiêm trọng cho chính quyền Kennedy ở trong nội bộ của chính phủ Hoa Kỳ và làm phương hại đến chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ.

1.- Tổng thống Kennedy bị khủng hoảng

Trong cuốn hồi ký mang tên “In Retrospect, the Tragedy and Lessons of Vietnam” , ông McNamara cho biết những gì đã xẩy ra tại Tòa Bạch Ốc sau khi nghe tin Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã bị giết. Ông viết:

“Lúc 9 giờ 30 phút sáng 2 tháng 11, chúng tôi gặp nhau với Tổng Thống, tiếp tục cuộc họp chiều hôm qua để thảo luận về các biến cố. Khi buổi họp bắt đầu, chưa ai rõ số phận ông Diệm và ông Nhu ra sao. Đến nữa chừng, Mike Forrestal từ Phòng Tình Hình tông cửa chạy vào. Trạm CIA tại Saigon báo cáo rằng họ được các nhân vật đối tác của Saigon cho biết hai anh em ông đã tự vẫn “trên đường từ thành phố đến Bộ Tổng Tham Mưu...”

“Khi Tổng Thống Kennedy nhận được tin này, mặt ông tái xanh. Tôi chưa bao giờ thấy ông xúc động mạnh đến như thế. Sau này Forrestal thuật lại rằng cái chết của hai người “đã làm cho ông buồn bực về cả phương diện luân lý lẫn tôn giáo... làm lung lay lòng tin tưởng... về những gì ông đã khuyến cáo liên quan đến Nam Việt Nam.” Arthur Schlesiger Jr. ghi nhận rằng Tổng Thống “buồn thảm và bối rối”, tinh thần xem ra suy sụp chưa từng thấy từ sau vụ thất bại ở Vịnh Con Heo.”

“Đọc xong bản tin, Tổng Thống nghĩ đến ảnh hưởng của cái chết của hai người có tác dụng xấu ngay trong nước và ở hải ngoại... Tổng Thống nghĩ rằng sau hai mươi năm phục vụ quê hương Việt nam, sinh mạng ông Diệm không thể kết thúc như vậy. Lập luận của ông cũng giống như lời của Mao Trạch Đông đã nói với Edgar Snow trong một cuộc phỏng vấn năm 1965 rằng Hoa Kỳ không chịu nghe lời ông Diệm. Mao Trạch Đông cho biết bản thân ông và ông Hồ Chí Minh đều nghĩ rằng ông Ngô Đình Diệm là người có tài. Rốt cuộc, ông hỏi rằng sau khi giết ông Diệm thì chuyện giữa Thiên Đường và Địa Ngục có bình yên không? Những ám chỉ trong lời nói của Mao Trạch Đông về các biến cố tại Việt Nam chúng tôi mới được biết sau khi cả Trung Hoa lẫn Việt Nam mở văn khố của họ, nhưng quan trọng hơn, câu nói đó đang tạo rất nhiều vấn đề.

“Cái chết của ông Diệm đã làm xúc động Tổng Thống Kennedy, nhưng đó không phải là sự xúc động lớn nhất. Trong hồi ức, sự xúc động lớn nhất là chúng ta phải đối phó với một khoảng trống chính trị hoàn toàn ở Nam Việt Nam và không có căn bản nào để xúc tiến về bất cứ tiến trình nào phù hợp với các mục tiêu của Hoa Kỳ.”

Hôm 4.11.1963, hai ngày sau khi ông Diệm bị ám sát, Tổng Thống Kennedy nói:

“Theo sự xét đoán của tôi, bức điện đó (ra lệnh đảo chánh) đã được soạn thảo tồi tệ. Bức điện đó phải không bao giờ được gởi vào hôm thứ bảy. Tôi phải không bao giờ biểu đồng tình nếu không được bàn luận bàn tròn.”

Tổng Thống Kennedy nói ông đã gởi một bức điện khác để đình hoản lại nhưng kế hoạt đảo chánh đã được tiến hành rồi.

Phần băng ghi lại lời của Tổng Thống Kennedy ba tuần lễ trước khi ông bị ám sát tại Texas có đoạn như sau:

“Tôi bị chấn động vì cái chết của Ngô Đình Diệm. Ông ta là một nhân vật khác thường. Trong khi ông ta bắt đầu gia tăng sự khó khăn trong vài tháng cuối cùng, ông ta đã có thể duy trì được đất nước về một mối trong 10 tháng cuối cùng.”

Lo lắng về những hậu quả có thể xẩy ra sau khi ông Diệm bị ám sát, Tổng Thống Kennedy nói:

“Vấn đề là các tướng lãnh có thể ngồi lại với nhau và xây dựng một chính quyền ổn định hay công luận có chuyển đổi tại Saigon hay không” .

2.- Khủng hoảng ở quốc ngoại

Ngoài việc làm cho tình hình miền Nam Việt Nam trở nên tồi tệ về cả chính trị lẫn quân sự, sự mất tin tưởng của các quốc gia Á Châu vào Hoa Kỳ là điều đáng quan tâm.

Trong cuốn hồi ký mang tên “The memoirs of Richard Nixon” , Tổng Tống Nixon có kể lại rằng khi đến Pakistan, ông gặp lại người bạn cũ là Tổng Tống Ayub Khan. Tổng Thống Khan đã nói một cách đau buồn về việc hạ sát Tổng Tống Ngô Đình Diệm:

“Tôi không thể nói – lẽ ra các ông đừng bao giờ ủng hộ ông Diệm ngay từ đầu. Nhưng các ông đã ủng hộ ông ta trong một thời gian dài và mọi người ở Á Châu đều biết điều đó. Dù họ có tán thành hay không tán thành điều đó, họ biết điều đó. Rồi đột nhiên các ông ngừng ủng hộ ông ta – và ông Diệm đã bị giết.” Ông ta lắc đầu và kết luận: “Việc hạ sát ông Diệm có ba ý nghĩa đối với các nhà lãnh đạo Á Châu: làm một người bạn với Hoa Kỳ là nguy hiểm; trung lập phải trả cái giá của nó; và đôi khi làm kẻ thù (của Hoa Kỳ) lại tốt hơn! Lòng tin cậy như một sợi chỉ mong manh và một khi nó đã đứt, rất khó mà nối lại.” (tr. 256 – 257).

3.- Lãnh nhận cái chết

Những sự kiện đã được trình bày trên cho thấy Tổng Thống Kennedy có hai khuyết điểm lớn trong việc lãnh đạo quốc gia:

(1) Không có quyết định dứt khoát trước những vấn đề cần phải quyết định dứt khoát. Trước chủ trương của nhóm Harriman phải lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm bằng mọi giá, Tổng Thống không đưa ra quyết định dứt khoát.

(2) Không kiểm soát được các nhân viên dưới quyền: Để cho Harriman và Cabot Lodge lộng hành. Họ muốn làm gì thì làm.

Hai khuyết điểm này không phải chỉ tìm thấy trong vụ đảo chánh lật đổ chính phủ Ngô Đình Diệm mà còn tìm thấy trong vụ Vịnh Con Heo và vụ trung lập hoá Lào. Với hai khuyết điểm nghiêm trọng đó, ông không thể tiếp tục lãnh đạo quốc gia. Ông đã bị giết ngày 23.11.1963 tại Dallas.

TÌM CÁCH ÉM NHẸM PHÚC TRÌNH LHQ

Không như Cabot Lodge đã báo cáo, phái đoàn Liên Hiệp Quốc đã khám phá ra nhiều sự gian dối do CIA và một nhóm nhỏ Phật Giáo tạo dựng ra để đánh gục chế độ Ngô Đình Diệm. Vì thế, Đại Sứ Cabot Lodge và Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã tìm các ém nhẹm bản phúc trình của phái đoàn.

Cuộc điều tra kéo dài trong hai tuần lễ. Khi phái đoàn đang điều tra thì cuộc đảo chánh xẩy ra, nhưng phái đoàn vẫn làm báo cáo và đệ trình lên Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc. Bản phúc trình đã được phổ biến tại diễn đàn Liên Hiệp Quốc ngày 9.12.1963. Ngày 20.12.1963, Đại Sứ Fernando Volio Jimenez của Costa Rica đã nói với hảng thông tấn NCWC như sau:

“Cảm tưởng của riêng tôi là không có chính sách kỳ thị, áp bức hay khủng bố đối với Phật Giáo trên căn bản tôn giáo. Những khai báo về phương diện này thường là nghe nói, và trình bày một cách mơ hồ và tổng quát.

“Mỗi khi một nhân chứng cố gắng tìm một bằng chứng cụ thể nào để trình Phái Đoàn, rốt cục sự kiện chỉ là một hành vi lẻ tẻ hay cá nhân. Căn cứ trên bằng chứng, chính quyền không có chủ trương chính sách chống Phật Giáo vì lý do tôn giáo.”


Thấy nội dung bản phúc trình nói lên những sự bất lợi, Đại Sứ Cabot Lodge đã vận động để bản phúc trình này đừng được đưa ra thảo luận tại diễn đàn Liên Hiệp Quốc.

Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc đã trình với Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ rằng “sự công khai hóa những điều mà phái đoàn điều tra Liên Hiệp Quốc phát hiện được sẽ gây lúng túng cho chế độ mới ở Saigon gồm những người đã phục vụ dưới thời ông Diệm. Thêm nữa, một cuộc bàn cãi công khai có thể cho thấy rằng chế độ mới này cũng chẳng kém độc tài hơn chế độ cũ và cho Hà Nội và Bắc Kinh thêm một dịp tố cáo chính phủ Hoa Kỳ đính líu vào cuộc đảo chánh.”

Do sự vận động khéo léo của Cabot Lodge và Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, ông Gunewardene, trưởng phái đoàn điều tra, đã đề nghị xếp luôn hồ sơ vụ này.

Thượng Nghị Sĩ Thomas Dodd, Chủ Tịch Ủy Ban Tư Pháp, đã đọc và khám phá ra những gian dối do CIA đã phối hợp với Phật Giáo và báo chí để đánh lừa dư luận thế giới. Ông đã hỏi lại một số nhân vật trong phái đoàn điều tra, rồi viết một văn thư dề ngày 17.2.1964 gởi cho ông James Easland, Chủ Tịch Tiểu Ban Nội An của Thượng Viện, yêu cầu in bản phúc trình này ra và gởi cho các nghị sĩ biết. Ông viết:

“Tuy rằng bản phúc trình này chủ yếu chỉ trình bày dữ kiện - lời khai của nhân chứng và tài liệu, không đưa ra kết luận chính thức của Ủy Ban của Liên Hiệp Quốc, tôi tin rằng bất cứ người khách quan nào có đọc nó cũng phải kết luận rằng những báo cáo về [chính quyền] khủng bố Phật Giáo một cách quy mô, quá lắm chỉ là một sự thổi phồng quá mức, và ít lắm là tuyên truyền bẩn thỉu và gian lận.

“Về điểm này, tôi xin lưu ý đến một phỏng vấn của Đại Sứ Fernando Volio Jimenez của Costa Rica với hảng thông tấn NCWC ngày 20 tháng 12 (đã trích dẫn trên). Đại sứ là người đã đưa ra đề nghị lập Phái Đoàn Điều Tra của Liên Hiệp Quốc, và là một thành viên của phái đoàn này.

“Được đích thân đọc bản phúc trình của Liên Hiệp Quốc, những tuyên bố đó đã làm cho tôi xúc động, và khiến tôi gọi Đại Sứ Volio để thảo luận những lời tuyên bố của ông ta chi tiết hơn.

“Đại Sứ Volio nói với tôi rằng, căn cứ trên những tường thuật mà ông đọc trong báo chí quốc tế, ông đã sẵn sàng bỏ phiếu lên án chế độ Diệm, nhưng khi Diệm mời Liên Hiệp Quốc gởi quan sát viên của chính cơ quan này sang Việt Nam, ông thấy rằng phải nhận lời mời này trước khi Liên Hiệp Quốc chính thức tỏ thái độ.

“Đại sứ nói rằng sau hai tuần điều tra ráo riết tại Việt Nam, ông đi đến kết luận là những lời buộc tội chế độ Diệm tại Liên Hiệp Quốc không có căn bản, không chấp nhận được; ông nghĩ rằng những bằng cớ chất đống không cho thấy rằng có sự kỳ thị về tôn giáo hay xâm phạm tự do tôn giáo.”

“Tóm tắt, theo ý tôi, một lần nữa nhân dân Hoa Kỳ đã bị một số báo chí của họ lừa dối trầm trọng về một tình hình quốc ngoại có tính chất cốt tử đối với họ.

“Chúng ta đã được báo cáo rằng Chính Phủ Diệm đã khủng bố tôn giáo một cách tàn nhẫn đến nỗi những sư vô tội đã bị dồn váo thế phải tự vận để phản đối. Nhưng nay ta thấy sự thực không phải vậy; sự thật là không.”


Vì lý do Hoa Kỳ đưa ra để tổ chức lật đổ chính phủ Ngô Đình Diệm có nhiều mờ ám, do đó cho đến nay, bản phúc trình của phái đoàn LHQ nói trên vẫn chưa được in ra và chính thức phổ biến. Tuy nhiên, chúng tôi đã dịch ra Việt ngữ và sẽ gởi đến độc giả một ngày gần đây.

Ghi chú: Muốn tìm các bài của chúng tôi, xin vào website motgoctroi.com, mục “Mỗi tuần một chuyện”
 
Bài nhạc: Một Mùa Hoa Mân Côi: Xin cho Công Lý & Hòa Bình
Lê Hà
23:33 23/10/2008
 
Giáo xứ Bắc Dũng hạt Xóm Mới hiệp thông với giáo phận Hà Nội trong yêu thương
Ngọc Hường
23:53 23/10/2008
Giáo xứ Bắc Dũng hạt Xóm Mới hiệp thông với giáo phận Hà Nội trong yêu thương

"Yêu Thương, Hiệp nhất, Công bằng, Thành thật: là con cái Chúa.
Hận thù, Chia rẽ, Tham lam, Giả dối: là con cái của Ma Quỷ
"

SAIGÒN - Tối thứ Năm vừa qua, ngày 16 tháng 10 năm 2008 tại Giáo xứ Bắc Dũng,hạt Xóm Mới, Giáo phận Sài Gòn, hai câu đối trên đã được giương cao một cách trịnh trọng trên gian cung thánh của Nhà thờ khi giáo dân hợp lời cầu nguyện và bày tỏ tâm tình hiệp thông vời Giáo xứ Thái Hà - Dòng Chúa Cứu Thế, cách riêng với Đức cha Giuse Ngô Quang Kiệt, tổng giám mục Giáo phận Hà Nội.

Đúng 7 giờ tối, đã có khoảng 1,200 người tề tựu đông đủ trong Nhà thờ, hàng ngàn ánh nến đã được thắp lên, sáng không thua ánh điện, nhưng vẫn không sáng bằng những ánh mắt đầy nhiệt huyết của hàng ngàn người tham dự đêm hôm ấy. Các hàng ghế đều chật chỗ và lời kinh vang xa cả một vùng..., trong số đó gồm đủ mọi thành phần, cả giáo dân lẫn người ngoại đạo, đến để hiệp thông thắp nến dự buổi chầu Thánh Thể và cầu nguyện cho Giáo hội VN, cách riêng Tổng Giáo phận Hà Nội.

Buổi chầu Thánh Thể và cầu nguyện đã được mở đầu bằng bài hát "Lòng Chúa Ái Tuất" như để ca ngợi và bày tỏ niềm tin và lòng phó thác vào tình yêu Thiên Chúa sẽ luôn ở cùng đoàn chiên của Ngài,. Sau đó là đến phần lần hạt 50 kinh, được xen kẽ bằng những lời suy niệm, giây phút thinh lặng và lời nguyện giáo dân tiếp theo sau đó.

Buổi cầu nguyện đã được chấm dứt bằng "Kinh Hoà Bình" thật ý nghĩa, lời ca tiếng hát đã ăn sâu vào máu huyết của giáo dân được diển tả qua lời ca tiếng hát một cách sốt sáng, đầy khí thế.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Tính đáng tin cậy của Thánh Kinh (4)
Vũ Văn An
23:55 23/10/2008
Tính đáng tin cậy của Thánh Kinh(tiếp theo và hết)

PHẦN HAI: KHÍA CẠNH KHẢO CỔ HỌC

Điều đầu tiên cần nhấn mạnh là không một khám phá khảo cổ học nào từ trước đến nay đã nói ngược lại một qui chiếu Thánh Kinh (19). Ngược lại, khảo cổ đã xác nhận lịch sử tính chủ yếu của truyền thống Cựu Ước. William F. Albright ghi chú rằng: “chủ nghĩa hoài nghi thái quá đối với Thánh Kinh của các trường phái lịch sử quan trọng trong các thế kỷ 18 và 19 đã dần dần bị mất uy tín. Hết khám phá này đến khám phá khác đã thiết lập được sự chính xác của không biết bao nhiêu sự kiện, khiến người ta càng ngày càng phải công nhận nhiều hơn giá trị của Thánh Kinh như một nguồn tài liệu lịch sử” (2).

Các học giả ngày nay, nói chung, tỏ ra kính trọng những truyện kể về các tổ phụ hơn các đàn anh của họ trước đây. Điều ấy, theo giáo sư H. H. Rowley, không phải chỉ vì họ có những giả định dè dặt hơn các đàn anh của họ cho bằng vì có nhiều chứng cớ bắt họ phải có thái độ ấy (41). Để minh chứng điều này, ta thấy khoa khảo cổ Cựu Ước đã tìm lại được nhiều quốc gia, làm sống lại nhiều dân tộc quan trọng, và đã lấp đi một cách kỳ diệu nhiều khoảng trống (gap) lịch sử, giúp người ta rất nhiều trong việc hiểu biết các bối cảnh sách thánh (38). Khoa này đã đem lại rất nhiều bằng chứng về sự chính xác của bản Cựu Ước Massoretic. Một trong những bằng chứng ấy là điều khảo cổ đặt tên là Con Dấu Giêrêmia (Jeremiah Seal). Đây là con dấu dùng để đóng lên các thùng rượu nho, được xác nhận có từ thế kỷ thứ nhất hoặc thế kỷ thứ hai công nguyên, trên đó có khắc câu trích trong Giêrêmia 48: 11. Xét tổng quát, câu này phù hợp với bản Massoretic.

Theo William Albright, cho đến gần đây, các nhà nghiên cứu về lịch sử Thánh Kinh vẫn có thói quen coi những chuyện kể về các tổ phụ trong sách Sáng Thế như những sáng tác giả tạo của các thầy ký lục Do-thái thời quân chủ phân hóa hay như những câu chuyện vui kể quanh lửa trại vào thời người Do-Thái mới chiếm được mảnh đất Canaan... Tuy nhiên, các khám phá khảo cổ từ năm 1925 đã thay đổi cái nhìn ấy. Vì những khám phá này cho thấy tổ tiên người Do-Thái quả có liên hệ mật thiết với các dân tộc bán du mục của miền Trans-Jordan, Syria, vịnh Euphrates và Bắc Arabia trong các thế kỷ sau cùng của thiên niên kỷ thứ hai trước công nguyên và các thế kỷ đầu tiên của thiên niên kỷ thứ nhất (3).

1. Vương Quốc Ebla

Một trong những khám phá khảo cổ có liên quan đến khoa phê bình Thánh Kinh là việc tìm ra các thanh bản Ebla ( Ebla tablets) tại miền bắc Syria do hai giáo sư của Đại học La-Mã là Tiến sĩ Paolo Matthiae, một nhà khảo cổ học, và Tiến sĩ Giovanni Petinato, một nhà minh văn học (epigrapher). Hai vị giáo sư này khởi sự cuộc khai quật tại Tell Mardikh vào năm 1964. Đến năm 1968, họ khai quật được bức tượng của Vua Ibbit-Lim. Chữ khắc trên bức tượng có nhắc đến Ishtar, vị nữ thần ”sáng láng tại Ebla”. Vương quốc Ebla, lúc cực thịnh vào năm 2300 B.C, có dân số 260,000 người. Năm 2250 B.C., nó bị Naram-Sin, cháu Sargan Đại đế, hủy diệt.

Kể từ năm 1974, 17,000 thanh bản thuộc triều đại vương quốc Ebla đã được khai quật từ mặt đất. Cần nhiều thời gian nữa, mới có được những khảo cứu có ý nghĩa để tìm ra mối liên hệ giữa Ebla và thế giới Thánh Kinh. Tuy nhiên, những thanh bản kia đã đem lại nhiều đóng góp rất giá trị đối với khoa phê bình Thánh Kinh. Thực vậy, ta biết rằng những người chủ trương “Giả Thuyết Tài Liệu” (Documentary Hypothesis) vẫn cho rằng thời kỳ được miêu tả trong các tường thuật của Mô-sê (1400 B.C., gần một ngàn năm sau vương quốc Ebla) là thời kỳ chưa có chữ viết. Nhưng các thanh bản Ebla chứng minh rằng trước Mô-sê cả hàng ngàn năm và trong cùng một miền với Mô-sê và các tổ phụ, các luật lệ, phong tục và biến cố đã được ghi lại bằng chữ viết rồi.

Giả thuyết trên còn cho rằng không những thời Mô-sê chưa có chữ viết, mà Bộ Luật Tư Tế (Priestly Code) và các luật lệ nói chung được ghi lại trong Ngũ Kinh, vì tính cách phát triển cao độ, nên không thể do Mô-sê trước tác được. Lúc ấy dân Do-Thái còn rất bán khai không thể nào có những luật lệ như thế. Chúng chỉ có thể được ghi chép bằng văn tự vào khoảng nửa đầu thời kỳ Ba-tư (538-331 B.C.). Ấy thế nhưng, các thanh bản Ebla đã chứa những thủ tục luật lệ còn tỉ mỉ hơn thế nữa. Nhiều điều luật rất giống với Đệ Nhị Luật (như ĐNL 22:22-30 chẳng hạn), là Luật mà giả thuyết trên cho là chỉ có mãi sau này.

Một đóng góp giá trị khác có liên quan đến Sáng Thế 14, một đoạn, trong nhiều năm, bị coi là sai lầm về phương diện lịch sử. Chiến thắng của Abraham đối với các vua Chedolaomer và Mesopotamia thường bị coi là huyễn hoặc và năm thành phố của Miền Đồng Bằng là Sodom, Gomorrah, Admah, Zeboiim và Zoar chỉ là tưởng tượng. Thế nhưng, các thanh bản Ebla đã nhắc đến đủ năm thành phố ấy và trên một thanh bản, chúng còn được liệt kê theo hệt thứ tự như Sáng Thế 14. Môi trường của các thanh bản phản ảnh nền văn hóa thời kỳ các tổ phụ và diển tả rõ ràng rằng trước tai họa được ghi trong Sáng Thế 14, vùng này là một vùng rất phồn thịnh, y như đã được Sáng Thế nhắc đến.

2. Cựu Ước và Khảo Cổ Học

Theo Sáng Thế, tổ tông người Do-Thái phát xuất từ Lưỡng Hà (Mesopotamia). Điều này tương hợp với các khám phá khảo cổ học. Theo Albright, thật là chính xác khi truyền thống Hy-bá-lai coi các Tổ Phụ là những người phát xuất từ Thung Lũng Balikh, thuộc miền Tây Bắc Lưỡng Hà. Vì cả Thánh Kinh lẫn các khám phá khảo cổ học đều ghi nhận sự chuyển dịch của những nhân vật này khởi đi từ vùng đất Lưỡng Hà (3). Sáng Thế cũng cho rằng trước khi xẩy ra biến cố Babel, “toàn diện mặt đất cùng chung một ngôn ngữ và một tiếng nói” (St 11:1). Sau khi ngọn tháp ấy được xây xong và bị phá hủy, Thiên Chúa mới xáo trộn ngôn ngữ của loài người (St 11:9). Nhiều nhà ngữ văn (philologists) hiện đại làm chứng rằng nguồn gốc ngôn ngữ thế giới có điểm hao hao giống nhau. Alfredo Trombetti cho rằng ông ta có thể tìm ra và chứng minh được nguồn gốc chung của mọi thứ tiếng. Max Mueller cũng chứng thực có một nguồn gốc chung như thế. Nhưng Otto Jespersen còn đi xa hơn bằng cách nói rằng Chúa đã trực tiếp ban tiếng nói cho nguyên tổ (16).

Trong gia phả Esau, có nhắc đến sắc dân Horites (St 36:20). Có thời, người ta cho rằng họ là những người “ở hang” (cave-dwellers) vì có sự tương tự giữa chữ Horite và chữ Hy-bá-lai chỉ về hang. Tuy nhiên, ngày nay các khám phá khảo cổ cho thấy họ là sắc dân dũng sĩ sống tại Cận Đông thời các tổ phụ (16).

Trong các cuộc khai quật tại Jericho (1930-1936), Garstang đã tìm ra được một điều đầy ngạc nhiên đến độ ông đã cùng hai thành viên của nhóm soạn và ký tên một bản tuyên bố, trong đó có đoạn như sau: “Như thế xét theo sự kiện chính, thì không còn hoài nghi chi nữa: các bức tường đã đổ hoàn toàn ra phía ngoài đến độ những người tấn công có thể leo lên trên các đổ nát mà vào thành”. Vậy có chi là ngạc nhiên? Vì cứ sự thường thì các bức tường thành phố không đổ ra phía ngoài, mà đổ vào phía trong. Thế nhưng trong Giôsuê 6:20, ta đọc thấy: ”... tường thành sụp đổ bình địa, làm người ta cứ thẳng trước mặt mà tiến lên đánh thành, và đã chiếm được thành”. Như thế tường quả đã đổ ra phía ngoài (17).

Ngày nay ta đã thấy gia phả Abraham dứt khóat có tính chất lịch sử. Tuy nhiên, xem ra còn có vấn nạn liệu những tên kia là tên người hay tên các thành phố cổ. Điều chắc chắn duy nhất là Abraham quả là một cá nhân và là một nhân vật có thực. Theo Burrows, tuy chưa có bằng chứng khảo cổ về chính cá nhân Abraham, nhưng tên Abraham đã xuất hiện tại Babylon như là tên người vào cùng thời với Abraham của Thánh Kinh (12).

Mặc dù chứng cớ khảo cổ đặc thù chưa tìm ra cho những tường thuật về các Tổ phụ, nhưng các phong tục xã hội trong các tường thuật ấy rất phù hợp với thời đại và vùng các Tổ phụ sinh sống (12/278,279). Phần lớn những điều này là kết quả của những khai quật tại Nuzu và Mari. Thi văn và ngôn ngữ Hy-bá-lai được các khai quật tại Ugarit soi sáng. Các khoản luật của Môsê được nhận dạng trong các bộ luật của người Hittite, Assyri, Sumeri và Esthunna.

Ta biết rằng Julius Wellhausen, một học giả về Thánh Kinh của thế kỷ 19, cho rằng Nhà Tạm (Tabernacle) với những chiếc gương thau (brass mirrors) không thể nào có vào thời Mô-sê được mà chỉ có thể có khoảng thế kỷ thứ 6 hay thứ 5 trước công nguyên. Nhưng ngày nay, ta đã có chứng cớ khảo cổ cho thấy những chiếc gương như thế đã có ngay từ thời Đế Quốc Ai-cập nghĩa là trong khoảng các năm 1500-1400 trước công nguyên, trùng với thời Mô-sê và Xuất Hành (16).

Tóm lại, như Henry M. Morris đã nhận xét, hiện còn khá nhiều công việc phải làm để điều hợp các dữ kiện khảo cổ sao cho khít khao với Thánh Kinh. Tuy nhiên, hiện chưa có một khám phá khảo cổ nào đi ngược lại bất cứ điều khoản căn bản nào của Thánh Kinh (32).

3. Tân Ước và Khảo Cổ

Không ai còn hoài nghi tư cách sử gia của Thánh Luca nữa. Unger cho ta hay khảo cổ học đã nhận thực các tường thuật của Phúc âm, nhất là Phúc âm Lu-ca (37). Có người cho rằng Thánh nhân phạm nhiều sai lầm chung quanh biến cố giáng sinh của đức Giêsu (Lc 2:1-3), như làm gì có việc kiểm ta dân số, Quirinus đâu có làm tổng trấn Syria, và đâu có ai bị buộc phải trở về quê hương bản quán. Nhưng thực ra các khám phá khảo cổ học gần đây cho thấy người La-Mã có thói quen cứ 14 năm một lần kiểm kê thường xuyên danh sách những người chịu thuế. Thủ tục này thực sự đã bắt đầu từ thời Augustus, và lần thực hiện đầu tiên đã xẩy ra trong năm 23-22 hay 9-8 trước công nguyên. Chính niên hiệu sau đã được Thánh Lu-ca nhắc đến. Thứ hai, ta đã có chứng cớ cho thấy Quirinus làm tổng trấn Syria khoảng năm 7 trước công nguyên. Giả thuyết này căn cứ vào một bia khắc tìm thấy tại Antiokia gán cho Quirinus danh hiệu trên. Theo giả thuyết này, có thể ông đã làm tổng trấn Syria hai lần, lần đầu năm 7 trước công nguyên và lần sau năm 6 công nguyên (niên hiệu do Josephus ấn định) (15). Sau nữa, về việc kiểm tra, một tài liệu giấy da tìm thấy ở Ai-Cập có đưa ra những chỉ dẫn như sau: “Vì việc kiểm tra đã đến gần, nên những ai vì bất cứ lý do gì phải cư trú xa nhà cần lập tức chuẩn bị để trở về chính quyền sở tại ngõ hầu có thể đăng ký trọn gia đình mình vào sổ kiểm tra, nhờ thế địa bộ đất đai vẫn thuộc về họ” (15 & 16).

Trước đây các nhà khảo cổ cho rằng Thánh Lu-ca sai lầm ở chỗ cho Lystra và Derbe thuộc vùng Lycaonia, còn Iconium thì không thuộc vùng đó (Cv 14:6). Họ dựa vào các nhà văn La-Mã, như Cicero chẳng hạn coi Iconium thuộc vùng Lycaonia. Ấy thế nhưng năm 1910, William Ramsay tìm ra một đền đài cho thấy Iconium là một thị trấn của Phrygia. Các khám phá sau cũng xác nhận như vậy (16).

Thánh Luca có nhắc đến Lysanias, Tiểu vương tại Abilene (Lc 3:1), lúc Gioan Tẩy Giả khởi sự làm phép rửa khoảng năm 27 công nguyên. Điều ấy có vẻ không đúng vì Ông Lysanias duy nhất được các sử gia cổ nhắc đến đã bị giết năm 36 trước công nguyên rồi. Tuy nhiên, mới đây, người ta tìm thấy một bản khắc gần Damascus nhắc đến “Người được Tiểu Vương Lysanias giải phóng”, và bản khắc này được định tuổi khoảng các năm 14 và 29 công nguyên (9).

Trong thư gửi tín hữu Rô-ma viết từ Côrintô, thánh Phaolô có nhắc đến viên quản lý kho bạc của thành phố là Erastus (Rm 16:23). Trong một cuộc khai quật tại Côrintô năm 1929, người ta tìm thấy một viên gạch lót đường với hàng chữ như sau: ERASTVS PRO: AED:S:P:STRAVIT có nghĩa là Erastus, người trông coi các công thự, đã lót những viên gạch này bằng tiền riêng của mình. Theo Bruce, việc lát đường trên có lẽ đã xẩy ra ở thế kỷ thứ nhất công nguyên và mạnh thường quân của công trình này cũng chính là viên quản lý kho bạc được Thánh Phaolô nhắc đến (11 & 36).

Tại Côrintô, người ta cũng tìm thấy một bảng khắc ghi hàng chữ “Nguyện đường Do-Thái”, có người cho là đã dựng trên cửa ra vào hội đường nơi Thánh Phaolô tranh biện (Cv 18:4-7). Và một bảng khắc khác nói đến “chợ thịt” của thành phố mà Thánh Phaolô có nhắc đến trong thư I Cor 10:25. Như thế, nhờ các khám phá của khảo cổ học, phần lớn những thành phố được Tông đồ Công vụ nhắc đến đã được nhận dạng. Các cuộc hành trình của Thánh Phalô nhờ thế cũng được vẽ lại cách chính xác (11& 5).

Thánh Luca nhắc đến cuộc rối loạn ở Êphêsô và kể lại một cuộc tập họp dân sự (ecclesia) diễn ra trong một rạp hát (Cv 19: 23...). Sự thực đúng như thế vì có một bảng khắc nhắc đến các bức tượng bằng bạc của thần Artemis (bản KJV gọi là Diana) được đặt trong một “rạp hát trong một buổi họp toàn bộ của Ecclesia”. Khi khai quật, người ta thấy rạp hát này có sức chứa đến 25,000 người (9).

Thánh Luca cũng kể lại cuộc rối loạn xẩy ra tại Giêrusalem vì Thánh Phaolô đã đem một người ngoại giáo vào Đền Thánh (Cv 21:28). Một bảng khắc mới tìm thấy ghi như sau bằng tiếng Hy-lạp và La-tinh: “Không một ngoại nhân nào được phép bước vào phạm vi ngăn cách chung quanh đền thánh và nơi cấm. Bất cứ ai bị bắt vi phạm điều này đích thân phải chịu trách nhiệm về án tử do đó mà ra”. Như thế Thánh Luca quả có lý (9).

Có người tỏ ra hoài nghi vì một số từ ngữ do Thánh Luca sử dụng. Thí dụ ngài gọi Philippi là một “quận” (district) của Macedonia, vì ngài dùng chữ Hy-lạp meris (nghĩa là quận huyện). F.J.A. Hort cho là sai, vì meris là một bộ phận chứ không phải là một quận. Tuy nhiên các khai quật khảo cổ lại xác định từ ngữ meris chỉ đơn vị cấp quận. Từ praetors được thánh Luca dùng để chỉ các nhà cai trị thành Philippi. Điều đó bị một số học giả cho là sai, vì thành ấy vốn do hai viên quan gọi là duumuirs cai trị. Nhưng thực ra, Thánh Luca không sai, vì các khám phá gần đây cho thấy tước hiệu praetors được dùng để chỉ các thẩm phán của các thuộc địa La-mã. Như thế một lần nữa khảo cổ học đã chứng minh sự chính xác của Thánh Luca (16). Từ ngữ proconsul (thống đốc) dùng để chỉ tước hiệu của Gallio (Cv 18:12) cũng rất chính xác vì một bảng khắc tìm thấy ở Delphi ghi như sau: “Lucius Junius Gallio, bạn của tôi, và là Thống đốc Achaia...” (36). Thánh nhân gán cho Publius, quan trưởng của Malta, tước hiệu “đệ nhất công dân của đảo” (Cv 28:7). Danh xưng ấy cũng đã được các khai quật mới đây xác nhận. Từ ngữ politarchs ngài dùng để chỉ các chức quyền dân sự của Thessalonica (Cv 17:6) vốn không có trong các trước tác văn chương cổ điển, nên có người cho rằng Thánh Luca không đúng. Tuy nhiên, người ta đã tìm được 19 bảng khắc dùng từ ngữ ấy, và lý thú một điều là trong đó hết 5 bảng trực tiếp nhắc đến Thessalonica (9). Chính vì vậy, E.M. Blaiklock, Giáo sư Cổ điển học của Đại học Auckland, đã kết luận như sau: “Thánh Luca quả là một sử gia hoàn hảo, đủ tư cách được xếp ngang hàng với những đại văn hào của Hy-lạp” (8). Hai địa điểm cho đến mãi gần đây vẫn chưa tìm tra chứng tích ngoại trừ trong Tân Ước. Địa điểm thứ nhất là nơi Chúa Giêsu bị Pilatô xử án, phúc âm Gioan gọi là Gabbatha hay Nền Đá (Pavement) (Ga 19:13). William F. Albright, trong The Archaeology of Palestine, chứng minh rằng chỗ đó thuộc Tháp Antonia, vốn là đại bản doanh quân sự của La-Mã tại Giêrusalem. Nền ấy bị chôn vùi khi thành được xây lại dưới thời Hadrian và chỉ mới được tìm lại gần đây (2). Địa điểm thứ hai là Giếng Bethesda, ngày nay đã được nhận dạng một cách khá chắc chắn tại khu tây bắc của cổ thành (tức khu vực gọi là Bezetha hay “Sân Cỏ Mới”) vào thế kỷ thứ nhất công nguyên, khi vết tích của nó được khám phá giữa khi có những cuộc khai quật gần Nhà thờ Thánh Nữ Anna vào năm 1888 (9). Nói tóm lại, Thánh Kinh, kể cả Cựu lẫn Tân Ước, có đủ các đặc tính của các tài liệu văn học sử cổ điển. Nếu người ta cho rằng tài liệu ấy không đáng tin, thì họ cũng phải kết luận rằng tất cả các tài liệu văn học cổ điển khác cũng đều không đáng tin như thế. Nhiều người thật mâu thuẫn khi áp dụng cho Thánh Kinh một thứ tiêu chuẩn hay một thứ trắc nghiệm (test) trong khi áp dụng cho các tài liệu văn học khác nói chung một thứ tiêu chuẩn hay một thứ trắc nghiệm khác. Điều ấy chẳng phải là kết quả của một thái độ thiên kiến hay sao? Chúng tôi thiển nghĩ cần phải áp dụng cùng một thứ trắc nghiệm cho dù tài liệu được khảo xét ấy là tài liệu thế tục hay tài liệu tôn giáo.

Theo Josh McDowell, Evidence That Demands a Verdict, Revised Edition, Here’s Life Publishers, 1976.

Thư Mục:

1. Albright, William F. Archaeology and the Religions of Israel. Baltimore: John Hopkins University Press, 1956.

2. Albright, William F. The Archaelology of Palestine. Rev. ed. Harmondsworth, Middlesex: Pelican Books, 1960.

3. Albright, William F. The Biblical Period From Abraham to Ezra. New York: Harper & Row, 1960.

4. Albright, William F. From the Stone Age to Christianity. Baltimore: John Hopkins University Press, 1946.

5. Albright, William F. Recent Discoveries in Bible Lands. New York: Funk and Wagnalls, 1955.

6. Anderson, J. The Bible, the Word of God. Brighton: n.p., 1905.

7. Archer, Gleason. A Survey of the Old Testament. Chicago: Moody Press, 1964.

8. Blaiklock, Edward Musgrave. The Acts of the Apostles. Grand Rapids: William B. Eerdmans Publishing Co., 1959.

9. Bruce, F.F. “Archaeological Confirmation of the New Testament” Revelation and the Bible. Edited by Carl Henry. Grand Rapids: Baker Book House, 1969. 10. F.F. Bruce. The Books and the Parchments. Rev. ed. Westwood: Fleming H. Revell Co., 1963.

11. Bruce, F.F. The New Testaments Documents: Are They Reliable? Downers Grove; Il 60515: Inter-Varsity Press, 1964.

12. Burrows, Millar. What Means These Stones? New York: Meridian Books, 1956.

13. Davidson, Samuel. Hebrew Text of the Old Testement. 2nd ed., London: Samuel Bagster & Sons, 1859.

14. Earle, Ralph. How We Got Our Bible. Grand Rapids: Baker Book House, 1971.

15. Elder, John. Prophets, Idols and Diggers. Indianapolis, New York: Bobbs-Merrill, 1960.

16. Free, Joseph. Archaeology and Bible History. Wheaton: Scripture Press Publications, 1969.

17. Garstang, John. The Foundations of Bible History; Joshua, Judges. London: Constable, 1931.

18. Geisler, Norman L. và William E. Nix. A General Introduction to the Bible. Chicago: Moody Press, 1968.

19. Glueck, Nelson. Rivers in the Desert; History of Negev. Philadelphia: Jewish Publications Society of America, 1969.

20. Greenlee, J. Harold. Introduction to New Testament Textual Criticism. Grand Rapids: William B. Eerdmans Publishing Co., 1964.

21. Horn, Robert M. The Book That Speaks for Itself. Downers Grove, Il 60515: Inter-Varsity Press, 1970.

22. Jaganay, Leo. An Introduction to the Textual Criticism of the New Testament. Trans. by B.V. Miller. London: Sands and Co., 1937.

23. Josephus, Flavius. “Flavius Josephus Against Apion” Josephus, Complete Works. Trans. by William Whiston, Grand Rapids: Kregel Publications, 1960. 24. Kenyon, Frederick G. The Bible and Archaeology. New York: Harper & Row, 1940.

25. Kenyon, Frederic G. The Bible and Modern Scholarship. London: John Murray, 1948.

26. Kenyon, Frederick G. Handbook to the Textual Criticism of the New Testament. London: Macmillan and Company, 1901.

27. Kenyon, Frederic G. Our Bible and the Ancient Manuscripts. New York: Harper and Brothers, 1941.

28. Leach, Charles. Our Bible. How We Got It? Chicago: Moody Press, 1898.

29. Metzger, Bruce. Chapters in the History of New Testamnet Textual Criticism. Grand Rapids: William B. Eerdmans Publishing Co., 1963.

30. Metzger, Bruce M. The Text of the New Testament. New York and Oxford; Oxford University Press, 1968.

31. Montgomery, John W. History and Christianity. Downers Grove, Il 60515: Inter-Varsity Press, 1971.

32. Morris, Henry. The Bible and the Modern Science. Rev. ed. Chicago, Moody Press, 1956.

33. Peters, S.E.The Harvest of Hellenism. New York: Simon and Schuster, 1971.

34. Sanders, C. Introduction in Research in English Literary History. New York: Macmillan Co,. 1952.

35. Schaff, Philip. Companion to the Greek Testament and the Enfglish Version. Rev. ed. New York: Harper Brothers, 1883.

36. Vos, Howard. Can I Trust My Bible? Chicago, Moody Press, 1963.

37. Unger, MerrillF. Archaeology and the New Testament. (Dùng kèm với Archaeology and the Old Testament.) Grand Rapids: Zondervaln Publishing House, 1962.

38. Unger, Merrill F. Archaeology and the Old Testament. Chicago: Moody Press, 1954.

39. Benjamin Warfield, Introduction to Textual Criticism of the New Testtament. Ấn bản 7, London: Hodder & Stoughton, 1907.

40. Wilson, Robert Dick. A scientific Investigation of the Old Testament.Chicago: Moody Press, 1959.

41. Wiseman, Donald F. “Archaeological Confirmation of the New Testament” Revelation and the Bible. Edited by Carl Henry. Grand Rapids: Baker Book House, 1969.
 
Thông Báo
Cáo phó: Cha Cố Đa Minh Vũ Nguyên Thiều đã tạ thế tại Saigòn
LM Giuse Lê Đình Quế Minh
07:02 23/10/2008

TIỂU SỬ LINH MỤC ĐAMINH VŨ NGUYÊN THIỀU

- Sinh ngày 01-05-1927 tại Quần Phương, Hải Hậu, Nam Định.
- 1933 đi tu và theo học nơi Cha già Mậu là Cha Bác, Cha già Thạc.
- 1940 học Trường Tập Trung Linh.
- 1944 học Tiểu Chủng Viện Ninh Cường.
- 1948 học Đại Chủng Viện Quần Phương.
- 1952 đi thực tập mục vụ.
- 1953 học Đại Chủng Viện Tôma.
- 24-09-1957 thụ phong Linh Mục tại Nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn.
- 1958 – 1961: Cha giáo Tiểu Chủng Viện tại Phước Tỉnh.
- 1961 – 1970: Phó xứ giáo xứ Bùi Môn.
- 1970 – 1973: Giám đốc trường Nguyễn Bá Tòng (B) Gia Định.
- 1973 – 2005: Chánh xứ Giáo Xứ Tân Phú - Sài Gòn. Nguyên hạt trưởng hạt Tân Sơn Nhì.
- 2000 – 2004: Đại diện các Linh mục Bùi Chu Miền Nam.
- 2005 – 2008: Nghỉ hưu tại Nhà Hưu Dưỡng Các Linh Mục Bùi Chu.
- An nghỉ trong Chúa lúc 18 giờ 30 ngày 22 tháng 10 năm 2008.
Tại Nhà Hưu Dưỡng Các Linh Mục Bùi Chu – Đền Công Chính.

- Thánh lễ An Táng sẽ được cử hành tại Nhà Thờ Giáo Xứ Tân Phú.
Do Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn Chủ Tế.
Lúc 08g30 ngày 27 tháng 10 năm 2008.

- Sau Thánh Lễ, linh cữu được an táng tại Nghĩa trang Giáo Xứ Trung Chánh.

Kính xin cầu nguyện cho cha cố Đaminh được vinh phúc muôn đời.