Ngày 22-10-2010
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Tự công chính hóa chính mình hay để cho Thiên Chúa công chính hóa mình
Lm Nguyễn Hữu Thy
00:57 22/10/2010
Chúa Nhật 30(C):

Tự công chính hóa chính mình hay để cho Thiên Chúa công chính hóa mình


((Lc 18,9-14)

Trong các lãnh vực chính trị, xã hội hay tôn giáo, v.v…của cuộc sống hằng ngày, một trong các danh từ dùng để chửi bới và chê trách quen thuộc và hiệu nghiệm nhất, đó là cái nhãn hiệu «Pha-ri-sêu!»Ví dụ: Khi một người nói nhiều, nói hay và nói khéo về chuyện này hay về vấn đề nọ, nhưng trong cuộc sống thực tế người đó lại không hề hành động theo những gì mình nói; anh ta nói là để cho người khác làm, chứ mình lại không muốn động ngón tay vào, thì người ta liền gọi anh ta là «pha-ri-sêu». Nói tắt, cái nhãn hiệu «pha-ri-sêu» mang nội dung tiêu cực, được dùng để chỉ một điều giả dối, thiếu thành thật.

Thực ra, theo lịch sử Do-thái vào thời Đức Giêsu, những người Pha-ri-sêu hay Biệt Phái là biểu tượng cho tầng lớp người đạo hạnh và ngay chính gương mẫu. Họ được dân chúng tôn trọng và kính nể. Những người Pha-ri-sêu không hề là những người quá khích cố chấp về vấn đề tuân giữ luật pháp. Trái lại, họ luôn cố gắng tìm cách cắt nghĩa luật Môsê thế nào cho những người dân bình thường cũng có thể tuân giữ được một cách trọn vẹn và hoàn hảo hết sức. Và chính họ đã làm gương trước về điều đó. Họ luôn lưu tâm tới mọi qui định của tôn giáo, để sao cho việc tuân giữ chúng phù hợp với khả năng và hoàn cảnh của người dân bình thường một cách hợp lý, chứ không vượt sức họ. Còn riêng mình, họ đã thực hành nhiều hơn là luật đòi hỏi. Ví dụ: Họ ăn chay mỗi tuần hai ngày, trong khi luật chỉ đòi hỏi một ngày mà thôi; về thuế má phải nộp cho Đền Thờ, họ còn tự nguyện nộp nhiều hơn cả luật buộc, v.v…!

Như vậy, người ta không thể tùy tiện kết án những người Pha-ri-sêu một cách dễ dàng là những kẻ đạo đức giả hình được. Có lẽ cũng vì thế mà Đức Giêsu đã thường đối chất và tranh luận với những người Pha-ri-sêu, bởi vì Người đã cảm nhận được và đồng thời kính trọng tinh thần tôn giáo nghiêm chỉnh của họ.

Theo thiển ý tôi, tôi nghĩ rằng trong câu chuyện dụ ngôn này, Đức Giêsu đã không tiên quyết đặt nặng vấn đề đánh giá về luân lý giữa hai nhân vật; chẳng hạn Người không muốn nói: Các ngươi hãy nhìn xem, đây là người Pha-ri-sêu tự cao tự đại, còn kia là một người thu thuế khiêm nhu nổi danh thế giới, một người đã từng làm nhiều điều tiêu cực, nhưng anh ta lại chân thành nhìn nhận những hành động thiếu lương thiện của mình. Không! Đối với Đức Giêsu, vấn đề đạo đức trọng yếu trước hết phải là sự tương quan nền tảng giữa con người với Thiên Chúa; tiếp đến là làm thế nào để sự hiện diện có tác động cứu rỗi của Thiên Chúa và Nước của Người có thể đâm rễ sâu vào cuộc sống nhân loại và được lan rộng ra khắp nơi trên thế giới.

Việc kỳ vọng rằng, cuối cùng Thiên Chúa sẽ thiết lập quyền thống trị của Người trên Ít-ra-en, sẽ qui tụ các dân tộc về quanh núi Si-on và sẽ chấm dứt mọi hận thù, mọi đàn áp bóc lột cũng như cảnh sống khốn cùng của Dân Người, v.v…, là niềm hy vọng mong đợi to lớn nhất của những người Ít-ra-en đạo đức. Tuy nhiên, vấn đề vẫn còn nằm trong vòng tranh cãi, chứ chưa được xác định rõ ràng, là ở chỗ: Sự kiện đó sẽ xảy đến thế nào? Thiên Chúa nghĩ và hành động ra sao? Và những gì mỗi người trong chúng ta có thể và phải đóng góp phần nỗ lực của cá nhân mình vào sự kiện đó?

Những người Pha-ri-sêu cho rằng: Điều đó hoàn toàn tùy thuộc vào việc trung thành chu toàn luật lệ. Nếu mỗi người Ít-ra-en chỉ trong một ngày mà giữ trọn được luật Môsê mà thôi, thì con đường cho Thiên Chúa ngự đến thực sự đã được khai quang dọn sẵn. Cũng vì thế mà những người Ít-ra-en đã luôn nỗ lực chu toàn luật pháp một cách trung thành, và nhiều khi họ còn thực hành quá những điều luật đòi buộc, hầu có thể bù đắp thay cho những trễ nải và quên sót của kẻ khác.

Ngược lại với sự mong đợi trên của người đương thời, Đức Giêsu đã nói lên sự mong đợi của Người hoàn toàn khác hẳn. Đối với Đức Giêsu, con người không cần phải kêu xin hay ép buộc Thiên Chúa đến với họ được. Thực ra, Thiên Chúa đã đến giữa họ rồi. Quyền thống trị của Người cũng đã được thiết lập trên thế giới. Do chính quyền lực của Người, Thiên Chúa đã tác động và thi hành sự cứu rỗi cho chúng ta. Và Đức Giêsu không chỉ đã khẳng định bằng lời nói suông, nhưng Người còn dấn thân trọn vẹn cho điều đó nữa, đó là khi Người nhân danh Thiên Chúa đã đến với con người để chữa lành, để hòa giải, để nâng đỡ dậy và để an ủi họ, v.v…Đức Giêsu mời gọi chúng ta hãy chọn cho mình một quan niệm sống mới, một quan niệm giúp chúng ta biết can đảm và đầy tin tưởng trở về trong nhà Cha, dù với hai bàn tay trắng.

Đàng khác, đó cũng không phài là một điều làm hạ thấp con người một cách nhục nhã. Trái lại, quan niệm nền tảng mới mẻ đó làm cho con người có được thái độ nghiêm chỉnh cần thiết đối với một thực tại không thể chối cãi được, đó là tất cả mọi cố gắng vất vả của con người sẽ không bao giờ có thể mang lại cho thế giới và nhân loại sự cứu rỗi sau cùng được. Như thế, quan niệm đúng đắn đó đã giúp con người biết quay trở về với Thiên Chúa, Đấng là nguồn mọi sự cứu rỗi. Và Thiên Chúa không hề đến với chúng ta để mặc cả hay đổi chác có tính cách thương mại về những chuyện thiêng liêng, nhưng là để ban cho chúng ta sự thiện hảo cao cả.

Vì thế, sự lựa chọn mà câu chuyện dụ ngôn đã đặt ra cho chúng ta, những con người hôm nay, cũng vẫn luôn mang tính cách thời sự và mạnh mẽ như xưa kia vậy. Vâng, hằng ngày chúng ta cũng phải tự quyết định: hoặc chúng ta biết chân thành chấp nhận tình trạng thụ tạo nghèo nàn và bất toàn của mình để đầy lòng khiêm tốn ra đứng mặt Thiên Chúa với hai bàn tay trắng, hoặc chúng ta muốn tự sức lo tìm kiếm cho mình sự cứu rỗi! Những ai biết hành động như người thu thuế trong dụ ngôn, tức biết tin tưởng phó thác vào lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa, chứ không tự phụ dựa vào công sức của mình và không chờ đợi một sự thưởng công tương xứng, người đó sẽ ra về như một người công chính; nghĩa là tâm hồn người đó sẽ được an bình thanh thản và đầy tin tưởng hơn, đời sống nội tâm người đó sẽ trong sáng và an vui hơn. Người đó sẽ ý thức được rằng, việc chân thành tự hạ và nhìn nhận sự nghèo hèn bất toàn của mình trước mặt Thiên Chúa không phải là một hành động dại khờ và bất lợi, nhưng là một điều cần thiết, vì đó là sự thật, hầu có thể được sống trong sự tự do của con cái Thiên Chúa.

Nói tóm lại, câu chuyện dụ ngôn muốn nhắc nhủ chúng ta phải luôn biết đề phòng và cẩn thận chớ đưa mình lên và coi khinh đồng loại. Trước mặt Thiên Chúa, lòng biết ơn là một nhân đức và Người luôn đòi hỏi kẻ thụ ân phải biết tri ân (x. Lc 17,17-18). Nhưng một hình thức cám ơn không hề làm đẹp lòng Thiên Chúa, là khi chúng ta chỉ trích dẫn Người ra cốt để trang hoàng, cốt để biện minh cho những công việc của mình và đồng thời cũng qua đó chúng ta đã gán ghép trách nhiệm cho Người về những việc mình đã làm.

Theo thiển ý, tôi nghĩ rằng Đức Giêsu đặt nặng lời cầu xin đầy lòng trông cậy và phó thác của chúng ta. Kinh Lạy Cha, lời kinh đắc ý nhất của Người, là một kinh khẩn cầu. Đó chính là việc mà hôm nay, trong ngày Khánh Nhật Truyền Giáo, chúng ta sẽ làm với một tâm tình sốt sắng và liên đới huynh đệ đặc biệt. Anh chị em đồng loại ở khắp nơi trên thế giới đang nóng lòng chờ đợi sự liên đới Kitô giáo của chúng ta, đang cần tới sự nâng đỡ của chúng ta – cả tinh thần lẫn vật chất – nhưng nhất là lời cầu nguyện sốt sắng của chúng ta.

Chúng ta hãy chân tình mở rộng lòng và đôi tay bố thí của mình ra cho các anh chị em đó của chúng ta!
 
Đến với Chúa
Lm Vũđình Tường
06:23 22/10/2010
Người ta đến với Đức Kitô với nhiều lí do, mục đích khác nhau. Kẻ đến xin ơn; người đến dâng lời tạ ơn; kẻ khác đến để rình mò, tìm cách bắt lỗi; kẻ khác đến vì muốn được ăn bánh phép lạ; kẻ khác nữa đến để gài bẫy, để thử Người.

Xin ăn bánh

Sau khi dậy dân chúng Đức Kitô làm phép lạ hoá bánh ra nhiều nuôi dân Mat c.14,15.

Sau hai bữa ăn lạ lùng này đám đông đi tìm Đức Kitô mong có bánh ăn mà không phải làm việc. Họ lầm to. Đức Kitô làm phép lạ vì Ngài chạnh lòng thương. Ngài thương đến độ tự hiến và vâng lời Chúa Cha chết trên thập giá để cứu chuộc nhân loại. Trước giờ tử nạn Ngài lập Bí Tích Thánh Thể ban bánh trường sinh nuôi linh hồn. Tình thương Chúa không biến đổi. Xưa Yavê Thiên Chúa ban mana trong samạc Sinai nuôi dân trên đường lữ hành về đất hứa. Đức Kitô Ngài ban bánh trường sinh nuôi linh hồn. Bánh liên kết Kitô hữu với Thiên Chúa. Bánh biến đổi ta thành kẻ thừa tự trong Đức Kitô. Người thừa tự được hưởng sự sống đời đời cùng Đức Kitô. Bánh nuôi linh hồn Kitô hữu lữ hành trên đường về quê trời.

Xin ơn

Đại đa số chúng ta đến với Chúa để cầu nguyện than thở khi gặp khó khăn trong cuộc sống. Hoặc là xin các ơn chữa lành bệnh, xin ơn ăn năn trở lại, thay đổi lối sống, hoặc tâm sự cho bớt u buồn. Thánh Mathêu ghi lại chuyện viên đại đội trưởng đến xin cho đầy tớ khỏi bệnh. Chúa đáp:

Chính tôi sẽ đến chữa nó

Vị sĩ quan đáp

Thưa Ngài, tôi chẳng đáng Ngài vào nhà tôi, nhưng xin Ngài chỉ nói một lời là đầy tớ tôi được khỏi bệnh Mat 8

Câu này chúng ta tuyên xưng, như viên sĩ quan xưa đã tuyên xưng, trước khi chúng ta đón Chúa vào căn nhà tâm hồn mình.

Tạ ơn

Nhiều trường hợp người ta trở lại dâng lời tạ ơn vì nhận được ơn. Thánh Luca chương 17 ghi lại câu chuyện Chúa chữa 10 người phong hủi. Tất cả đều được sạch nhưng chỉ có một người ngoại giáo trở lại dâng lời tạ ơn Chúa. Đức Kitô kinh ngạc hỏi người đó.

Không phải cả mười người đều được sạch sao? Thế thì chín người kia đâu? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa mà chỉ có người ngoại bang này?

Hầu như nơi đâu có đền đài tôn kính Đức Trinh Nữ và các thánh nơi đó có muôn vàn bảng ghi lời tạ ơn. Lời tạ ơn ghi đủ kiểu, nhiều cách diễn tả tâm tình tạ ơn của người thọ ơn. Đây là điều tốt lành đáng khuyến khích. Tuy nhiên điều ngạc nhiên không ít là rất hiếm hoi thấy bảng ghi lời tạ ơn Thiên Chúa nơi thánh đường. Điều cần nhớ Thiên Chúa là Đấng duy nhất ban phát mọi ơn lành. Ngoài Chúa ra không ai có ơn lành để ban phát.

Đến bắt lỗi

Đây chính là trường hợp của nhóm Biệt Phái và Pharisêu. Họ rình rập tìm cách bắt lỗi Đức Kitô, vừa thoả mãn tự ái, cao ngạo vừa dùng để tố cáo Ngài với nhà cầm quyền lãnh thưởng. Rình rập để bắt lỗi hay gài bẫy hại Chúa chính là hành động của ma quỉ. Hãy nhớ lại lời Chúa nói với ma quỉ.

Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi Mat 4,7

Tình trạng rình rập bắt lỗi tôi tớ trung thành với Đức Kitô ngày nay còn diễn ra khắp nơi. Người ta giả dạng Kitô hữu tham dự các nghi thức phụng tự trong Giáo Hội để theo dõi, vu vạ, gài bẫy, bắt, chứng nhân Đức Kitô. Chúa khuyên họ

Đừng sợ những kẻ giết thân xác, mà sau đó không làm gì hơn được…. Hãy sợ Đấng đã giết rồi, lại có quyền ném vào hoả ngục Lc 12, 4-5

Đến để khoe

Đây là tâm tình Biệt Phái đến đền thờ khoe thành tích. Đến với Chúa để hạ kẻ khác xuống và nâng mình lên, kể công ơn, tự khen mình hay, tốt. Nhiều đám táng phỏng theo lối ca tụng này. Nghe con cháu liệt kê thành tích người quá cố thực hiện mà lòng chạnh nghĩ không biết có cần cầu cho nữa không. Nếu đúng như lời ca tụng thì lễ an táng cũng không cần vì người quá cố là thánh ngay thời còn sinh tiền. Lễ an táng trở thành sân khấu cho con cháu liệt kê thành thích. Sai vĩ đại.

Đến thú tội

Đến với Chúa vì thấy mình tội lỗi, cần ơn thống hối, ăn năn và xin ơn tha thứ. Đây là tâm tình Đức Kitô khen ngợi.

Tôi nói cho các ông biết: người này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi; còn người kia thì không. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên. Lk 18,14

Khiêm nhường không có nghĩa là từ chối lời khen, ca tụng của người khác. Không phải thế. Người khiêm nhường biết quí trọng, chấp nhận lời khen chân thật. Không tìm nguồn vui, thoả mãn nơi lời tâng bốc, nịnh hót của kẻ dưới quyền. Nhìn nhận sự thật, chấp nhận giới hạn của con người và luôn sống tâm tình tạ ơn quà tặng Chúa ban. Dùng chúng cho bản thân và tha nhân. Tài năng có được ta không làm chủ mà là quản lí. Người quản lí tốt luôn phân phát của cải trong tinh thần bác ái, yêu thương. Đó là điều làm đẹp lòng Chúa.
 
Mùa Hoa Mân Côi - Mùa Mừng
Mic. Cao danh Viện
08:36 22/10/2010
THỨ NHẤT - NĂM SỰ MỪNG

Tờ mờ buổi sáng đầu tuần
Bao người chứng kiến mộ phần mỡ toang
Y trang khăn liệm gọn gàng
Chúa Con nay đã khải hoàn phục sinh
*
Ngôi Lời chiến thắng hiển vinh
Dẫn con vào lối trường sinh vĩnh hằng
Giữa trần gian lắm đa mang
Xin hồn con được vững vàng phục sinh

THỨ HAI - NĂM SỰ MỪNG

Mây trời nâng gót uy linh
Về trời Chúa cất thân mình cao sang
Tơ đàn trỗi rất nhịp nhàng
Giữa đoàn thiên sứ khải hoàn vinh quy

Trần gian một cõi từ ly
Thoáng trong gang tấc thoáng đi nhẹ nhàng
Cho con yêu mến thiên đàng
Về trong hạnh phúc chu toàn ý Cha

THỨ BA - NĂM SỰ MỪNG

Trong nguy khó, giữa phong ba
Thánh Thần Chúa xuống chan hòa sức thiêng
Canh tân, bảo vệ, ủi yên
Hiền thê Giáo hội, mẹ hiền trần gian

Mẹ con cùng bước bình an
Giữa bao sóng gió giữa ngàn chông chiêng
Con xin đầy ứ sức thiêng
Bảy nguồn ân phúc, xứng đền Ngôi Ba

THỨ BỐN - NĂM SỰ MỪNG

Tuyệt vời trong cõi người ta
Mẹ ngàn diễm phúc được Cha gọi mời
Chutoàn xuất sắc phận người
Cha yêu đem Mẹ về trời vinh quang

Đời con tìm bến bình an
Đâu bằng tim Mẹ an nhàn ẩn thân
Phù hộ con, cuối cuộc trần
Trong tay Đức Mẹ phó dâng cuộc đời

THỨ NĂM - NĂM SỰ MỪNG

Vinh quy Mẹ dự tiệc trời
Áo thêu chỉ ngọc, rạng ngời triều thiên
Mẹ, người Trinh Nữ ngoan hiền
Được Tân Lang đón vào miền lạc hoan

Con cái Mẹ ở trần gian
Ngày đêm ước nguyện bình an quê trời
Mẹ thương con, xin một lời
Được cùng Đức Mẹ sống nơi thiên đàng.
 
Chỉ công đức không mua được Thiên đàng
Lm. Giuse Nguyễn Thành Long
08:41 22/10/2010
Chúa Nhật 30 thường niên C

Ngay sau khi dạy cho các môn đệ biết về việc cần thiết phải cầu nguyện luôn luôn và cầu nguyện cách kiên trì, với tất cả lòng tin tưởng (dụ ngôn “Bà goá quấy rầy”), Chúa Giêsu còn dạy các môn đệ biết phải có tâm tình và thái độ nào khi cầu nguyện, qua dụ ngôn “Người biệt phái và người thu thuế”. Đây là một trong những dụ ngôn kinh điển của Tin Mừng Luca. Dụ ngôn đề cập 2 nhân vật chính: người thu thuế và người biệt phái. Cả hai cùng lên Đền Thờ cầu nguyện.

1. Thái độ của người biệt phái khi cầu nguyện là gì ?

Người biệt phái đã tự hào cho mình là người công chính. Thế ông đã sống ra sao mà tự cho mình là một người công chính, một “á thánh” ? Thưa, ông đã thực hành nghiêm chỉnh những gì luật dạy: không trộm cướp giết người, không tham ô hối lộ, không cờ bạc rượu chè, không xì ke ma tuý, không số đề bia ôm… Nói cách khác, ông chẳng làm gì đáng chê, đáng trách.

Ông còn làm những việc đạo đức hơn cả những gì luật dạy: “Mỗi tuần tôi ăn chay hai lần” (Lc 18,12). Trước thời lưu đày Babilon, luật chỉ buộc mỗi năm ăn chay một lần vào dịp Lễ Xá Tội (x. Lv 23,27). Sau lưu đày, người ta đã thêm vào luật một lần ăn chay nữa để tưởng nhớ cảnh Giêrusalem bị tàn phá. Nhưng người biệt phái này tỏ ra rất đạo đức, mỗi tuần tự nguyện ăn chay thêm 2 lần vào ngày Thứ Hai và Thứ Năm (tức là 104 lần/năm) để đền bù những thiếu sót của dân tộc đối với lề luật (x. Tanila Hoàng Đắc Ánh, Bài giảng Chúa Nhật – Tin Mừng theo Thánh Luca, tr. 214). Chưa hết ông còn tự phụ kể lể: “Tôi nộp thuế Thập phân về hết mọi vật tôi mua” (x. Lc 18,12). Luật chỉ buộc dâng một phần mười lợi tức cho các thầy Lê-vi; trong khi đó, người Biệt phái này tình nguyện dâng một phần mười tất cả các thứ, kể cả các thứ ông mua được vốn không buộc phải dâng.

Như vậy, rõ ràng những điều ông làm là rất tốt, tốt hơn cả những gì mà Thiên Chúa đòi hỏi. Ông là người giữ đạo rất mẫu mực, không có gì đáng chê trách. Có lẽ ông còn mẫu mực hơn nhiều người Công giáo chúng ta bội phần. Nhưng vì sao ông lại không đẹp lòng Thiên Chúa ? Vì sao Thiên Chúa không nhận lời cầu nguyện của ông ? Thưa vì 2 lý do:

- Lý do thứ nhất, vì ông đã tự mãn tự phụ và kể công trước mặt Thiên Chúa, như thể sự công chính ông đang có là nhờ vào công trạng của mình, và như thể Thiên Chúa mắc nợ ông, vì thế Thiên Chúa phải trả công, phải ban thưởng cho ông. Ông lầm tưởng rằng với công đức của mình, ông có thể mua được Nước Thiên Đàng.

- Lý do thứ hai là vì ông tự cao tự đại, cậy dựa vào công đức của mình mà khinh thường người khác. Đại khái ông đã vênh váo: “Lạy Chúa, con không giống như thằng thu thuế khốn nạn đáng sa hoả ngục, đang đứng cuối nhà thờ kia kìa! Chắc là Chúa thấy nó rồi đó”. Rõ là ông không hề biết đấm ngực mình mà chỉ đấm ngực người khác.

Như thế, động cơ của những việc đạo đức ông làm là để tỏ ra mình là người công chính, chứ không phải là do lòng yêu mến. Ông chẳng mến Chúa mà cũng chẳng yêu người. Chính vì thế mà khi ra về, chẳng những ông không được tha thứ mà còn mắc thêm tội: tội kiêu ngạo. Ngược lại, người thu thuế tội lỗi thì được tha thứ và được nên công chính.

2. Thái độ của người thu thuế như thế nào mà lại được Thiên Chúa tha thứ và được nên công chính ?

Có phải là do anh ta đã có nhiều công trạng đặc biệt không ? Có phải do anh ta là người đạo đức và bác ái không ? Hoàn toàn không ! Anh ta chẳng có công trạng gì, ngoài một “mớ tội” công khai. Bởi lẽ theo cái nhìn thời bấy giờ, tất cả những người thu thuế đều bị liệt vào hạng người tội lỗi công khai đáng khinh bỉ, hạng mọt dân bán nước, tiếp tay với ngoại bang bóc lột chính đồng bào của mình.... Vậy thì do đâu mà anh ta được nên công chính, như lời Chúa Giêsu quả quyết ở đoạn cuối Tin Mừng: “Người thu thuế được nên công chính, còn người pharisêu thì không” ? (x. Lc 18,14).

Do trước mặt Chúa, anh biết khiêm tốn nhìn nhận mình là kẻ tội lỗi. Thể hiện qua các cử chỉ: đứng xa xa mà không dám tới gần cung thánh, cúi đầu, đấm ngực… Tất nhiên là đấm ngực chính mình, chứ không phải đấm ngực người khác như người Biệt phái. Hơn nữa, còn do anh biết giục lòng thống hối ăn năn một cách sâu xa, và tha thiết kêu xin lòng thương xót thứ tha của Thiên Chúa: “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi” (Lc 18,13). Chỉ với một lời cầu xin ngắn gọn, có thể nói được là ngắn gọn nhất, mà anh lại được trở nên công chính. Thế mới hay lời Chúa Giêsu đã từng tuyên bố: “Phàm ai nâng mình lên, sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên” (Lc 18,14).

3. Phần chúng ta thì sao ?

Chúng ta thường có thái độ nào khi cầu nguyện ? Thái độ của người biệt phái hay của người thu thuế ? Có khi nào tôi rơi vào thái độ của người Pharisiêu không ?

Có đấy ! Đó những lúc tôi đã gân cổ tranh cãi với người khác: “Tao đúng, mày sai; tao có lý, mày vô lý”… Đó là những lúc tôi bỉu môi, lên tiếng chê bai những người mà tôi cho là xấu xa, đáng trách. Đó là những lúc tôi tự cao tự đại vì thấy mình hơn người nào đó về nhiều mặt: đạo đức hơn, đẹp trai hơn, xinh gái hơn, học giỏi hơn, con nhà giàu có hơn, v.v... Như vậy tôi chính là người biệt phái đứng nghêng ngang trong Đền Thờ và khoe công trạng của mình với Chúa.

Chúa không cần những cái đấm ngực thình thịch “lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng”. Chúa cũng chẳng cần công trạng của tôi. Chúa chỉ cần tấm lòng khiêm nhường thống hối của tôi.

Xin Chúa cho mỗi người chúng ta luôn biết khiêm cung để nhận ra mình cũng đầy những thói hư tật xấu, đầy lỗi tội, để hiểu và cảm thông với anh chị em mình hơn, nhất là để biết xin Chúa thứ tha và biết cất lời ngợi khen một mình Chúa là Thiên Chúa, là Đấng Thánh, ngàn trùng chí thánh. Amen.
 
Hãy luôn khiêm nhường
Tuyết Mai
10:47 22/10/2010
Chúa Nhật Thứ 30 Mùa Thường Niên, Năm C

Ôi lậy Chúa, lậy Chúa con!

Con thật chẳng là gì trước Nhan Thánh Chúa và cũng chẳng là ai trong một cái xã hội đầy bon chen, ích kỷ, tham lam, ghen ghét, và hay thù hận này! Ấy thế mà Chúa ơi! Con vẫn hằng ngày sống y chang như những con người vô thần, đạo đức giả, mà con hằng nguyền rủa và chửi bới họ. Có phải vì cái Tôi của con nó lớn quá chăng thưa Chúa? So với người thì con cảm thấy luôn luôn con hơn họ đủ mọi điều tuy dù mình chẳng là gì cả! Thân hình và diện mạo thật chẳng gì gọi là đẹp đẽ và cũng chưa từng được nghe ai khen mình là đẹp cả thưa Chúa!. Ấy thế mà ai đẹp đẽ hơn con, tài giỏi, đức hạnh, giầu có hơn con là không được, nhất là lại khen người ấy trước mặt của con thì con lại càng cảm thấy như mình bị xỉ nhục. Quả cái tánh rất tầm thường của con người nhân loại của chúng con là vậy!. Ở đời mấy ai khen ai mà là tình thật bao giờ!?. Trước mặt mình thì họ khen đáo khen để, như thể họ chấp nhận mình thuộc trong nhóm của họ, nhưng con biết sau lưng con thì cả nhóm họ không ưa con một tí nào. Dễ hiểu thôi bởi tánh tình của con nó kỳ cục và hợm người như vậy đó. Hễ ai làm điều gì hay nói gì mà chướng con mắt và khó lọt lỗ tai của con thì miệng con nó liền lên tiếng ngay. Vì thế không ai ưa con là ở chỗ đó đó! Có phải đời thường con người ta hay nói theo, làm theo, hùa theo, và phải bắt chước theo, dù là việc làm và lời nói của họ không đúng đắn hay hợp với cách sống của người mang danh kitô hữu?.

Cuộc sống hằng ngày của con, trong trái tim và trong tâm hồn của con thì luôn cảm thấy trống vắng, buồn tẻ, cô đơn, và lạc loài lắm thưa Chúa!. Chơi với ai con cũng không cảm thấy hợp vì họ chơi trội hơn mình và vì lý do gì thì ai cũng hiểu, bởi con người mà, mỗi người có cách sống và cách xử sự với đời có khác nhau nhiều lắm!. Có người thì cả đời cứ phải nịnh hót và bợ đỡ cấp trên của mình để tìm sự bình an. Bình an trong cái chức vụ hiện tại của mình và mong cho được thăng cấp, tăng lương, tăng những huê lợi nếu có. Tuy dù có tốn kém vô cùng chứ không phải là ít đâu. Như Chúa biết rất rõ là cô bạn đồng nghiệp của con đó, cô rất khôn ngoan lanh lợi, cùng làm chung trong một trung tâm, cùng một nghề giống nhau, nhưng suốt một năm cô tốn kém cho xếp lớn rất là nhiều cho cái ghế ngồi của cô. Nói cho ngay "ghế" thì cô chẳng có nhưng ít nhất cô tin rằng xếp cô sẽ để cho cô yên và cô không bị mất việc, nhưng không bảo đảm lắm về vấn đề là cô vẫn bị chửi mắng và bị la rầy thường xuyên. Cô khai thẳng với mọi người rằng vì cô không rành tiếng anh, nếu cô bị nghỉ việc thì không còn nơi nào mà cô có thể đi làm cho được, mà cô thì đang rất cần tiền cho việc riêng của cô. Nếu như cô nghỉ việc thì chuyện giúp đỡ bên quê nhà kể như bãi bỏ vì chồng cô hiện tại cũng không khá gì. Và như Chúa biết có rất nhiều người đi làm phải bị cái cảnh tương tự như trên, nhưng vì cái nồi cơm gia đình mà hằng ngày nhiều người phải chịu bao nhiêu áp bức, căng thẳng, chèn ép, và đày đọa do cấp trên gây ra. Có tiền nạp cho xếp thì mọi việc đều ổn thỏa, còn không như con đây đảm bảo sẽ không được ổn rồi đa. Bởi cả đời tội nghiệp cho người dân thấp cổ bé miệng, làm đâu, đi đâu cũng bị cái cảnh ức hiếp của những con người giầu có nhưng rất độc ác và dã man.

Trong mọi xã hội và bất kỳ nơi đâu, thân phận làm xếp lớn quả sung sướng thật. Ngoài những số tiền "thu nhập" (không có giới hạn) chính của nhân viên trong công sở thì còn có những mối huê lợi báu bổ thật thơm ngon trong năm. Như tiền lì xì "Tết" trong Năm Mới, quà Giáng Sinh, Birthday của mình, Birthday của con, tang trong gia đình, cần dọn nhà, cần tu bổ nhà, cần phụ tiệc tùng, cần chạy những công việc vặt vẵn như chợ búa, giặt ủi quần áo, làm tài xế, v.v....., thì chỉ cần ới một tiếng sẽ có người (phải) nhận làm ngay. Còn con thì chẳng giống ai là vậy! Con chẳng coi xếp con ra gì nếu người ấy không xứng đáng và không tử tế với con. Họ là ai mà đáng để cho con phải tâng bốc, nịnh hót, phải tốn tiền nộp cho họ chứ!? Trong khi lương của con lại rất khiêm nhường, và rất cần. Con thấy cách xử sự không công bằng của xếp, đối với giữa con và cô bạn đồng nghiệp, ngay từ khi mà cô bạn bắt đầu vào làm tuy dù con làm trước cô đến 3 năm. Bởi thế người đời mới có câu "đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn" là vậy!. Nhưng Chúa ơi, đâu có phải con muốn đứng riêng rẽ một mình vậy đâu, nhưng vì túi tiền của con có nó rất giới hạn và không cho phép, chứ đi làm ai cũng phải hiểu đó là điều rất hợp lý (nhưng không hợp tình) vì ai sao thì mình phải như vậy chứ! Nếu không thì mình sẽ là người ra đi trước tiên, mà ở đâu lại không có những thủ tục "đầu tiên", biếu xén, hay chạy tiền trước. Riết rồi cái cảnh con người bị thất nghiệp ngày càng tăng nhiều. Người có khả năng thì bị ra đi trước tiên còn người thiếu khả năng nhưng vì khéo chạy chọt thì được ở lại, thế con hỏi Chúa thì sự công chính và công bằng tìm kiếm đâu cho ra thưa Chúa!?.

Lậy Chúa! Trong cuộc đời của con cũng có lắm lúc con giống như người biệt phái Chúa chê trách ở trên. Mình chẳng bằng ai nhưng luôn khinh bỉ người thấp kém hơn mình. Chẳng biết người và cũng chẳng biết ta. Ếch ngồi đáy giếng xem trời chỉ bằng cái vung. Huyênh hoang tự đắc với cái thấp kém, thiếu tự tin, và sự thô lỗ của mình. Tự tôn, tự đại, tự mãn, tự quyền, là hình ảnh của người biệt phái trên. Ông đã tự mãn với cách sống giả nhân giả nghĩa của ông trước mặt Thiên Chúa, đi chê bai khinh rẻ những người ông liệt họ vào thành phần tội lỗi và bất hảo trong xã hội. Tự xếp mình vào thành phần học thức, giầu có, và có quyền. Tự đưa mình lên trước Nhan Thánh Chúa. Chắc ông đinh ninh rằng ông đã có sẵn một chỗ trên Thiên Đàng vì ông đã thi hành tròn bổn phận công dân con Chúa, là "không như các người khác: tham lam, bất công, ngoại tình, hay là như tên thu thuế kia; tôi ăn chay mỗi tuần hai lần và dâng một phần mười tất cả các hoa lợi của tôi". Và Chúa đã phán quyết rằng: "Ta bảo các ngươi: người này ra về được khỏi tội, còn người kia thì không. Vì tất cả những ai tự nâng mình lên, sẽ bị hạ xuống, và ai hạ mình xuống, sẽ được nâng lên".

Nhưng cũng có lắm lúc con tự kiểm điểm lại chính mình thì ôi thôi Chúa ơi! Con phạm tội còn nhiều hơn cái ông thu thuế kia nữa! Cái tội kiêu căng kiêu ngạo kia là hàng đầu trong nhiều cái tội. Kế đến là cái tội đi nói hành nói xấu người vắng mặt dù họ có thân hay không. Cái tội có thì nói thành không, không thì nói thành có. Cái tội làm mất danh dự của người vì không bằng người ta nên ghen rồi ghét. Cái tội nói tầm bậy tầm bạ, ngôn ngữ rất buông thùa và dơ bẩn. Không đứng đắn, nói những lời bất nhã, lả lơi, tay chân táy máy, với người khác phái, nhất là với đấng bậc tu trì. Bỏ nhà thờ ngày Chúa Nhật. Không xưng tội và giữ điều răn của Chúa và Hội Thánh. Luôn đả kích Giáo Hội và các đấng bậc trong Giáo Hội. V.v.....

Lậy Chúa! Xin cho chúng con từ bỏ mọi căn tính xấu xa của ma quỷ. Xin cho chúng con được ơn Thánh Thần ở bên để phù trì, soi sáng, hướng dẫn, chỉ bảo, và hướng lòng chúng con lên cùng với Chúa. Để Ngài biến đổi trái tim, suy nghĩ, tâm hồn của chúng con ngày được nên giống Chúa hơn. Để cùng đích của cuộc đời chúng con đang sống đây và hằng ngày là những chuỗi ngày cảm tạ, tri ân, và biết ơn Thiên Chúa. Để được Ngài mạc khải cho biết Nước Trời và những gì cần thiết để mang theo khi chúng con từ giã chốn trần gian này, đó mới là điều thiết yếu và cần kíp. Amen.
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:29 22/10/2010
ĐỒ TIỂU NHÂN

N2T


Cuối năm Đông Hán, có một thầy thuốc rất nổi tiếng tên là Hoa Đà, ông ta tinh thông y học, bất kể nghi nan tạp chứng gì, hể đến tay ông ta thì nhất định là được chữa lành.

Hồi ấy có rất nhiều viên quan đều muốn gọi ông ta ra làm quan nhưng ông ta không muốn, ngay cả Tào Tháo mời ông ta làm y quan tùy tùng, ông ta cũng từ chối. Tào Tháo lại sai người đi bức ông ta nhận nhiệm sở, Hoa Đà cũng thoái thoát không đi, do đó khiến cho Tào Tháo bực tức nên ra lệnh giết ông ta. Tuân Vực vội vàng bào chữa thay cho Hoa Đà, nói:

“Hoa Đà y thuật cao minh, ông ta mà chết đi thì có liên quan đến mạng sống của rất nhiều người, hy vọng thừa tướng tha thứ xử nhẹ tội”.

Nhưng Tào Tháo vẫn giận dữ nói:

- “Hừm, ta đây mới không sợ thiên hạ không có những người như thằng nhóc con ấy”.

Nói xong bèn sai người đem Hoa Đà đi giết.

(Tam quốc chí, Hoa Đà truyện)

Suy tư:

Kẻ tiểu nhân thì chỉ muốn lợi cho mình mà không muốn người khác hơn mình; kẻ tiểu nhân thì tầm nhìn rất ngắn nên không nhìn thấy việc đại sự ở tầm xa; kẻ tiểu nhân thì thấy lợi trước mắt mà không thấy hậu quả lâu dài...

Tào Tháo vì kiêu ngạo mà ra lệnh giết chết danh y Hoa Đà, kiêu ngạo cộng với tính tiểu nhân của mình nên Tào Tháo trở thành kẻ gian ngoa.

Trong một cộng đoàn nếu có những kẻ tiểu nhân thì cộng đoàn ấy sẽ khốn khổ, vì họ luôn phải chịu đựng những so đo và giành quyền lợi của những kẻ tiểu nhân, họ không cảm thấy tâm hồn thảnh thơi làm việc tông đồ vì những bon chen và nhỏ nhen của kẻ tiểu nhân, dù kẻ ấy là linh mục hay là các tu sĩ nam nữ.

Kẻ tiểu nhân khi nắm quyền thì sẽ bị kẻ tiểu nhân cao cơ hơn điều khiển, thế là cộng đoàn chia ra năm bè bảy mảng, người quân tử thì lắc đầu ngao ngán, kẻ tiểu nhân thì hớn hở vui mừng vì có dịp trả thù...

Ha ha ha, ai hiểu thì hiểu.

------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi tuần SỐNG một câu Lời Chúa (CN 30 C)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:31 22/10/2010
CHỦ NHẬT 30 THƯỜNG NIÊN

Tin mừng: Lc 18, 9-14.

“Người thu thuế khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính; còn người Pha-ri-siêu thì không”.


Bạn thân mến,

Cuộc sống của con người với nhiều lo âu hơn là thoải mái, nhiều đau khổ hơn là hạnh phúc, nhiều áp lực hơn là tự do. Cuộc sống của con người –qua mọi thế hệ- cũng đều cần đến một sức mạnh thần thiêng từ cõi vô hình đầy quyền thế giúp đỡ, để con người an vui sống và làm việc trong xã hội, chúng ta –người Ki-tô hữu- gọi Đấng vô hình đó là Thiên Chúa và cầu nguyện với Ngài, nhưng có rất nhiều lần chúng ta cầu nguyện mà không thấy Thiên Chúa trả lời.

Chúa Giê-su trong bài Tin Mừng hôm nay đã đưa ra hai mẫu cầu nguyện của hai loại người, để cho bạn và tôi thấy được Thiên Chúa thích nghe lời cầu nguyện của loại người nào: của người thích phê bình, so đo, kiêu ngạo, hay là của người có tâm tình khiêm tốn nhận biết tội mình để xin thương xót ?

Người Pha-ri-siêu cầu nguyện

Đây là lời cầu nguyện của người Pha-ri-siêu: “Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con”.

Lời cầu nguyện này đáng lý ra là được Thiên Chúa nhậm lời vì nó bao hàm lời chúc tụng ngợi khen và cảm tạ, nhưng trái lại, Thiên Chúa đã không nhậm lời cầu nguyện này, vì trong lời cầu nguyện có sự phân bì và xúc phạm đến tha nhân, đó là nguyên nhân khiến cho lời cầu nguyện trở nên vô giá trị trước mặt Thiên Chúa.

Người Pha-ri-siêu đã so sánh mình với người thu thuế tội lỗi.

Trong cuộc sống, ai đem mình ra so sánh với người tội lỗi thì họ là người tội lỗi hơn người tội lỗi, bởi vì phàm ai tôn mình lên thì sẽ bị hạ xuống. Tôn mình lên là coi mình hơn người khác, là đem danh dự của tha nhân đạp dưới chân mình, cho nên họ đã đi trên chông gai mà không biết, và sẽ ngã quỵ vì chông gai là sự kiêu ngạo của mình.

Khi đem mình so sánh với người khác là xúc phạm đến họ, dù họ là người tội lỗi công khai hay bị người khác khinh dể, bởi vì một Ma-ri-a Mag-da-la đã được Chúa Giê-su chữa lành, một thu thuế Gia-kêu đã được vinh dự đón tiếp Chúa Giê-su ngay tại nhà mình, một tên trộm bị án tử trên thập giá với Chúa Giê-su đã được vào thiên đàng trước cả người Pha-ri-siêu và những kinh sư thông luật.

Người thu thuế cầu nguyện

Ông ta cầu nguyện cách ngắn gọn nhưng rất hiệu quả: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là người tội lỗi”.

Đây không thể là lời cầu nguyện lý tưởng đối với những người am hiểu kinh thánh, bởi vì nó không hội đủ điều kiện để trở thành lời cầu nguyện, nhưng nó lại có thế giá trước mặt Thiên Chúa, và người thu thuế tội lỗi đã ra về bình an, bởi vì trong lời cầu nguyện đơn sơ này hàm chứa một tâm hồn trông cậy và khiêm tốn.

Đây không thể là lời cầu nguyện hay, nhưng đây là lời nói thỏ thẻ của người con biết nhận ra sai lầm của mình để xin cha mẹ thứ tha. Không một người cha người mẹ nào làm ngơ trước lời thú tội rất chân thành của đứa con mình, Thiên Chúa lại càng không thể “ngoảnh mặt làm ngơ” với lời cầu xin tha thứ rất khiêm tốn và chân thành của người tội lỗi, cho nên lời cầu nguyện hoa mỹ chưa chắc là lời cầu nguyện đẹp lòng Thiên Chúa, nhưng chỉ có lời cầu nguyện chân thành và khiêm tốn mới được Thiên Chúa nhậm lời.

Bạn thân mến,

Lời cầu nguyện của người Pha-ri-siêu và lời cầu nguyện của người thu thuế, đã bày tỏ cho chúng ta thấy được đâu là lời cầu nguyện đẹp lòng Thiên Chúa, và đâu là lời cầu nguyện không đẹp lòng Ngài.

Lời cầu nguyện đẹp lòng Thiên Chúa không nhất thiết phải kể lể dài dòng, nhưng cần phải có tâm tình yêu mến, chân thành và khiêm tốn, bởi vì Thiên Chúa thích nghe lời cầu nguyện của những tội nhân biết hối cải, hơn là thích nghe lời cầu nguyện khách sáo của người tự cho mình là người công chính mà khinh dể tha nhân.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

------------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi tuần một ''Chuyện Rất Ngắn''
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:32 22/10/2010
THỪA TÁC VIÊN NGOẠI LỆ

Nhà thờ rất lớn, nổi tiếng với các linh mục trẻ trong dòng giảng hay. Chủ nhật, vì có rất đông giáo dân đi lễ, nên có nhiều thừa tác viên (thanh niên) ngoại lệ giúp cho rước lễ, đang khi giáo dân rước lễ thì có tiếng nói nhỏ đủ nghe:

- “Cái thằng cho rước lễ đứng phía bên trái đó, tối qua tao thấy nó chở con bồ đi cà phê vườn”.

- “Suỵt, nói nhỏ thôi”.


--------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:34 22/10/2010
N2T


12. Ngoài việc vì vinh quang của Thiên Chúa, vì lợi ích của mọi người, vì có quan hệ đến bản thân mình ra, thì tôi sẽ không nói chuyện.

(Thánh Hilarius)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Sứ điệp Fatima đã tự vượt qua được mọi thách đố
Lm Nguyễn Hữu Thy
01:28 22/10/2010
Sứ điệp Fatima đã tự vượt qua được mọi thách đố

Nói một cách khách quan, trước hết người ta phải công nhận rằng sau hơn 90 năm biến cố Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa, hiện ra tại Fatima vào năm 1917 với ba trẻ chăn chiên đã nghiễm nhiên trở thành một sự kiện lịch sử khách quan, đã tác động một cách mạnh mẽ và đã gây được những ảnh hưởng sâu rộng trên cuộc sống của hàng triệu người, trong Giáo Hội cũng như ngoài xã hội, như chúng ta chứng kiến hiện nay.

Nhưng một sự thật khác người ta cũng cần phải ghi nhận, đó là nếu ngày nay biến cố Fatima đã đạt được những thành quả tích cực và thực tiễn, đã chinh phục được thế giới, hay nói đúng hơn, đã chinh phục được sự xác tín của hàng triệu tâm hồn như thế, thì không phải do ảnh hưởng của bất cứ quyền lực ngoại tại nào khác, nhưng là do chính sức mạnh siêu nhiên của Sứ điệp Fatima. Do đó, Đức Hồng Y Cerejeira, Thượng Phụ Lissabon, thủ đô Bồ Đào Nha, đã phát biểu: „Không phải Giáo Hội đã làm cho thế giới chấp nhận Sứ điệp Fatima, nhưng chính Sứ điệp Fatima đã tự chinh phục được thế giới“(1).

Thật vậy, từ khởi đầu cho tới mãi ngày nay, Sứ điệp Fatima vẫn luôn phải đối mặt với những chống đối khốc liệt và dữ dằn đến từ nhiều phía, nhất là những thóa mạ hằn học cũng như những cáo buộc vô căn cứ của những kẻ thù của Giáo Hội, như các thành phần thuộc hội Tam điểm và những kẻ vô thần, khi họ chủ quan cho rằng biến cố Fatima chỉ là một sự lừa gạt dối trá và tinh xảo của hàng Giáo Sĩ, nhất là của mấy ông thầy Dòng Tên bày bịa ra. Nhưng sự thật luôn vẫn là sự thật và chiến thắng sau cùng bao giờ cũng thuộc về sự thật. Vâng, cuộc chiến của những kẻ thù Giáo Hội chống lại Sứ điệp Đức Mẹ Fatima có mưu mô, xảo quyệt và thâm độc đến đâu đi nữa, thì sau cùng vẫn vô hiệu quả và hoàn toàn bị thất bại chua cay. Đó là một điều tất yếu; vì làm thế nào mà sức mạnh tự nhiên có thể chiến thắng được sức mạnh siêu nhiên? và làm thế nào mà con người là một thụ tạo hèn yếu lại có thể chiến thắng được Thiên Chúa Tạo Hóa toàn năng? Việc làm của những kẻ thù Giáo Hội chống đối và thóa mạ Sứ điệp Fatima là một việc làm khờ dại, là việc lấy trứng chọi với đá. Sau đây chúng ta hãy nhìn lại sự diễn tiến của những thái độ ấy đối với Sứ điệp Fatima.

1. Kẻ thù Giáo Hội: Fatima là một bịa đặt của hàng Giáo Sĩ

Nhưng trước khi đi sâu vào những luận cứ vô lý của những kẻ thù Giáo Hội nói chung và của những kẻ thù của Sứ điệp Fatima nói riêng, chống lại sự thật siêu nhiên của biến cố lịch sử Fatima, chúng ta hãy nhìn qua những biến động chính trị của nước Bồ Đào Nha vào tiền bán thế kỷ XX.

Sau khi loại bỏ thể chế quân chủ vào năm 1910 và tiếp liền sau đó vào năm 1911 là sự tách biệt hoàn toàn giữa Nhà nước và Giáo Hội, giữa chính trị và tôn giáo. Và trên thực tế, hậu quả của sự tách biệt này đã không nhằm mục đích là đưa Nhà nước vào vị thế trung lập trong những vấn đề thuộc tôn giáo, như người ta bình thường vẫn dự đoán một cách lý thuyết, nhưng là sự loại trừ hoàn toàn tất cả mọi sinh hoạt tôn giáo ra khỏi đời sống công cộng, đến nỗi việc tổ chức các cuộc rước kiệu hay các lễ nghi tôn giáo bên ngoài các Nhà Thờ, Nhà Nguyện hay Tu viện đều bị nghiêm cấm. Nhà cầm quyền Cộng hòa ở Bồ Đào Nha vào lúc bấy giờ tuyên truyền chủ nghĩa tự do phóng khoáng dưới hình thức sự tự do tư tưởng hoàn toàn và theo khuynh hướng hội Tam điểm. Theo họ, một người có tư tưởng tự do là người không bị ràng buộc hay lệ thuộc bởi bất cứ uy quyền hay thế giá nào (thường được hiểu là uy quyền tôn giáo), nhưng hoàn toàn chỉ dựa theo các nguyên tắc hợp lý của trí năng. Nói cách khác, theo quan điểm này, thì chỉ hiện hữu những gì trí năng con người có thể kiểm chứng được, còn những gì khác nằm ngoài phạm trù hiểu biết của trí năng đều chỉ là giả tưởng, hoàn toàn không hiện hữu.

Nhưng nếu người ta chỉ công nhận sự hiện hữu của những gì đã được trí năng kiểm chứng bằng các nguyên tắc hợp lý, thì tất nhiên đối với họ, các thực tại siêu nhiên, các mầu nhiệm, các lần hiện ra của Đức Trinh Nữ Maria và các phép lạ mà Thiên Chúa đã thực hiện qua sự can thiệp của Mẹ Maria, trước hết là phép lạ trọng đại „mặt trời quay“ vào ngày 13.10.1917, không chỉ là một sự dối trá bịp bợm, mà còn là một sự khiêu khích đối với cả nhân loại. Vâng, đối với họ, một người hoàn toàn có tư tưởng tự do, thì không thể nào hiểu được là làm sao một người hợp lý lại có thể chấp nhận được hiện tượng một mặt trời vĩ đại, có sức nóng khủng khiếp, luôn đứng quay tại chỗ và là trung tâm điểm của cả một hệ thống các hành tinh bao la rộng lớn hầu như ngoài sức tường tượng của con người như thế, lại có thể quay cuồng nhảy lộn gần sát mặt đất như một vòng lửa được. Theo họ, những ai chấp nhận và tin theo điều vô lý ấy, thì chắc chắn hoặc là một người ngu ngốc – cũng vì thế người ta thường ghép các tín hữu Công Giáo vào thành phần những kẻ ngu muội và thiếu học thức –, hoặc là một người thiếu thành thật, nếu như người đó có trí năng thông minh bình thường.

Theo bộ tài liệu hoàn toàn mang tính cách phê bình khách quan về biến cố Fatima „Documentacáo Critica“, gồm tám tập, vừa được Trung tâm Hành hương quốc tế Fatima xuất bản, thì những kẻ thù cực đoan chống đối biến cố Fatima cho rằng Fatima chỉ là trò hề (Comedia), chỉ là một sự lừa đảo của những kẻ phản động (burla reaccionaria), của các Giáo sĩ, của mấy ông Thầy Dòng Tên. Và họ đã hô hào: „Hỡi những người có tư tưởng tự do, hãy đứng lên trục xuất mấy ông Thầy Dòng Tên, hãy dẹp bỏ những trò hề Fatima“.

Còn thái độ đầy ghen tượng và ngạo mạn đối với ba trẻ được nhìn thấy Đức Mẹ hiện ra, một nữ phóng viên sau khi đã viết trong một bài báo những lời hết sức khiếm nhã: „sem educacáo nem inteligencia tipos bocais: lũ thiếu giáo dục, thiếu hiểu biết, bọn người ngu đần“, còn mỉa mai: „phải chăng mặt trời đã bỏ vị trí của nó trong vũ trụ?“(2) Chính nữ phóng viên này cũng vì thế đã nhạo báng cả việc lần hạt Mân Côi của các tín hữu Công Giáo. Và ảnh hưởng của những kẻ thù quá khích, của Giáo Hội nói chung và của Sứ điệp Đức Mẹ Fatima nói riêng, đã gây nên những hiểu lầm và những tác hại không nhỏ trên quan niệm nhiều người đương thời, đến nỗi người ta đã cho rằng việc xây dựng các vườn trẻ và trường học phải được ưu tiên hàng đầu và quan trọng hơn việc xây dựng các Thánh Đường và Nhà Nguyện.

Nhưng ở đây người ta tự hỏi: Nếu vậy, theo ý kiến những kẻ tự cho mình có tư tưởng tự do, tức những kẻ phủ nhận và chống đối một cách cực đoan Sứ điệp Đức Mẹ Fatima, thì lý do nào đã thúc đẩy các Giáo Sĩ tin tưởng và truyền bá „trò hề“ Fatima?

Dĩ nhiên theo họ, trước hết phải là „lý do chính trị“ (uma especulacáo politica). Những kẻ thù của Giáo Hội và của Sứ điệp Fatima đã chủ quan và bất công tố cáo hàng Giáo Sĩ Bồ Đào Nha đã bịa đặt ra biến cố Fatima để nhằm mục đích tái khôi phục lại thể chế Quân chủ độc đoán và lỗi thời. Họ cũng cho rằng tham vọng bá quyền và có lẽ cả lòng ham hố tiền bạc là „lý do duy nhất“ (uma especulacáo clerical) của „trò hề“ Fatima do các Giáo Sĩ bịa đặt ra.

Nhưng chính những tư duy chủ quan, một chiều và thiển cận của những kẻ tự cho mình là những người có tư tưởng tự do và tiến bộ đã vô tình trở thành những rào cản ngăn chặn họ trên con đường tìm gặp được đức tin chân chính, trên con đường khám phá ra và nhận thức được những thực tại siêu nhiên và những mầu nhiệm cứu rỗi trọng đại. Vì cố thủ trong bóng tối duy lý của họ, nên đa số họ đã không có mặt tại Fatima vào ngày 13.10.1917, để có thể chứng kiến tận mắt phép lạ vĩ đại „mặt trời quay“ (3) như hàng ngàn người khác – ước lượng vào khoảng từ 50 đến 70.000 người – và cũng vì thế họ vẫn là những kẻ vô tri trước những thực tại siêu nhiên cao cả ấy.

2. Cuộc chiến chống đối Fatima đầy thảm bại chua cay

Tất cả những ai có hiểu biết và phán đoán bình thường đều cảm thấy những lời chỉ trích và chống đối cực đoan biến cố Fatima của những người vô thần và của những thành phần hội Tam điểm, những người tự cho mình là có tư tưởng tự do tiến bộ như vừa nói trên, khi cho rằng sự kiện Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa, hiện ra với ba trẻ chăn chiên ở Fatima là sự bịa đặt của các Giáo Sĩ với mục đích tìm cách khôi phục lại chế độ Quân chủ, là hoàn toàn thiếu trung thực và vô căn cứ. Trong bộ hồ sơ „Documentacáo Critica“ người ta tìm gặp được những dẫn chứng quan trọng và cụ thể, minh chứng sự vô lý và thiếu căn cứ của những thái độ phủ nhận, chống đối và thoá mạ sự thật hiển nhiên của biến cô Fatima.

Trước hết có lẽ chúng ta phải nói đến thái độ của hàng Linh Mục nói chung. Khởi đầu, hầu như tất cả các vị đều nghi ngờ và hờ hửng đối với những tin tức và những đồn thổi về việc Đức Mẹ hiện ra với ba trẻ tại Fatima(4):

Chẳng hạn một vị Viện Phụ đã công khai khen ngợi một tờ báo Công Giáo vì đã có thái độ phủ nhận biến cố hiện ra của Đức Mẹ và ngài cho đó là một thái độ khôn ngoan trong sứ mệnh bảo vệ giáo lý chân chính của Giáo Hội.

Nhất là vị Linh Mục Quản xứ Fatima vào lúc bấy giờ cũng cảm thấy là ngài cần phải có lập trường rõ ràng về sự kiện Fatima, sau khi ba trẻ bị nhà cầm quyền bắt giam vào tháng 8.1917, đó là ngài đã hoàn toàn phủ nhận sự kiện hiện ra. Dẫn chứng rõ ràng về thái độ phủ nhận của vị Quản xứ này, trước hết ngài đã đồng quan điểm với ông quận trưởng là cần phải có biện pháp mạnh ngăn chặn những gì liên quan tới sự kiện Fatima và tiếp đến là ngài đã không bao giờ có mặt tại đồi Cova da Iria trong các ngày 13 mỗi tháng, khi Đức Mẹ hiện ra với ba trẻ.

Còn các vị Linh Mục khác, những vị đã từng đến thăm và tìm hiểu ba trẻ Fatima, thì thường đã làm cho các em sợ hãi khi phải đối diện và phải trả lời những câu hỏi khó khăn và phức tạp các ngài nêu lên, kèm theo những thái độ nghiêm nghị, nếu không nói là đầy đe dọa của các ngài.

Vậy, nếu hầu như tất cả hàng Giáo Sĩ Bồ Đào Nha lúc bấy giờ đều có một thái độ xa lạ, hờ hửng, nếu không nói là hoàn toàn phủ nhận biến cố Fatima như thế – ít là lúc đầu –, thì làm sao người ta có thể gán ghép cho các ngài đã xúi dục hay bịa đặt ra biến cố Đức Mẹ hiện ra được?

Đàng khác, nếu trên thực tế, lúc đầu thái độ xa lạ và chống đối của hàng Giáo Sĩ đã gây cho biến cố Đức Mẹ hiện ra cũng như cho ba trẻ thị kiến nhiều trở ngại khó khăn, thì chính thái độ ấy lại biện minh cho sự vô can của các Giáo Sĩ trong vụ việc và nhất là càng minh chứng cho sư xác thực của biến cố. Hơn nữa, chính đoàn lũ đông đảo dân chúng lúc bấy giờ, những người từng chứng kiến và hoàn toàn xác tín sự thật của biến cố, cũng đã phàn nàn là họ cảm thấy bị hàng Giáo Sĩ bỏ rơi. Do đó người ta có thể nói được rằng trong biến cố Fatima, nếu đứng về phía nhân loại mà nói, thì dân chúng là chủ động còn các Giáo Sĩ hoàn toàn bị động, nghĩa là các Giáo Sĩ chỉ là những người bị quần chúng lôi cuốn theo mà thôi. Đó cũng là một bằng cứ rõ ràng chứng minh cho thấy những lời tố cáo và buộc tội của những người tự nhận có tư tưởng tự do tiến bộ và những thành phần thuộc hội Tam điểm cho rằng biến cố Đức Mẹ hiện ra ở Fatima là trò hề, là sự bịa đặt của các vị Linh Mục, hoàn toàn hồ đồ và vô căn cứ.

Ngoài ra, một thực tại khác cũng khiến người ta phải suy nghĩ, đó là để có thể tạo nên một sự bịa đặt giả dối như thế trong hoàn cảnh thực tế vào lúc bấy giờ ở Bồ Đào Nha là một điều hoàn toàn bất khả, vì các quyền hạn, uy thế và ảnh hưởng của Giáo Hội đều hầu như được giới hạn trong Hội đồng các Giám Mục(5). Thế nhưng trong thời điểm Đức Mẹ hiện ra, Fatima thuộc Tổng Giáo phận Lissabon dưới quyền Đức Hồng Y Thượng Phụ D. Antonio Mendes Belo, mà vào lúc bấy giờ ngài đang bị đày biệt xứ. Và chỉ từ tháng giêng năm 1918, Leiria-Fatima mới được ĐTC Bênêđíctô XV nâng lên hàng Giáo phận và vào năm 1920, Đức Cha José Alves Correia da Silvo được đặt làm Giám Mục tiên khởi.

Mặc dù lúc đầu, Đức Tân Giám Mục cũng tỏ ra dè dặt, nhưng người ta phải nhìn nhận rằng vị Giám Mục tiên khởi này là một hồng ân, là một may mắn cho tân Giáo phận Leiria-Fatima nói chung và cho biến cố Fatima nói riêng. Thật vậy, lần đầu tiên vào năm 1921, Đức Cha José Alves Correia da Silvo đã ban phép cho cử hành Thánh Lễ tại chỗ Đức Mẹ hiện ra ở ngọn đồi Cova da Iria, và đồng thời ngài cũng cho tổ chức một chương trình Mục Vụ tổng quát cho khách hành hương, đang mỗi ngày một đông đảo thêm. Trong khi ngài có một quan điểm tích cực đối với biến cố Fatima như thế, thì các Giám Mục khác ở Bồ Đào Nha vẫn có thái độ nghi ngờ (6). Điều này lại một lần nữa minh chứng cho thấy rằng Hội đồng các Giám Mục Bồ Đào Nha không thể là những người đã „chủ xướng“ hay đã bịa đặt ra biến cố Fatima.

Còn về những chống đối và thóa mạ khác, Đức Cha José Alves da Silva đã đề cập đến rất đầy đủ trong Thư Chung đề ngày 13.10.1930 gửi cho các thành phần dân Chúa trong Giáo phận của ngài. Trong đó ngài thông báo kết quả tích cực về biến cố Fatiam của Ủy ban Điều tra do ngài thiết lập (7), nhất là để bịt miệng những lời vu khống, chê bai và sỉ nhục ba trẻ Fatima là lũ vô học thức, dốt nát, thì Đức Giám Mục đã trích lời thánh Phaolô trong Thư Cô-rin-thô để trả lời cho họ, như sau: „Thưa anh em, anh em hãy thử nghĩ lại xem: khi anh em được Chúa kêu gọi, thì trong anh em đâu có mấy ai khôn ngoan trước mặt người đời, đâu có mấy người quyền thế, mấy người quý phái. Nhưng những gì thế gian cho là điên dại, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ ngôn ngoan, và những gì thế gian cho là yếu kém, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ hùng mạnh; những gì thế gian cho là hèn mạt không đáng kể, là không có, thì Thiên Chúa đã chọn để hủy diệt những gì hiện có, hầu không một phàm nhân nào dám tự phụ trước mặt Người“ (1Cr 1,26-29). Cũng chính vì thế, Chúa Giê-su đã truyển chọn các Tông Đồ vốn là những người làm nghề chài lưới đơn sơ, vì Thiên Chúa thường kén chọn những gì người đời cho là kém giá trị.

Một điểm khác cũng đáng nghi nhận nữa, đó là tuy ba trẻ hoàn toàn bị tách biệt mỗi em một nơi, nhưng tất cả các câu trả lời của các em trước các câu hỏi của các nhà chức trách, đời cũng như đạo, đều rõ ràng và hoàn toàn trùng hợp với nhau trong từng chi tiết nhỏ, chứ không một chút mâu thuẫn. Hơn nữa cả ba trẻ Fatima đều nhất mực từ chối tất cả mọi quà tặng của bất cứ ai và dưới bất cứ hình thức gì.

Ngay trong phần mở đầu Thư Chung của ngài đề ngày 03.5.1922 (8), nhân dịp thành lập „Ủy ban Điều tra“ biến cố Fatima, Đức Giám Mục Giáo phận Leiria-Fatima đã đề cập nhiều tới một vấn đề khác: Vấn đề các phép lạ. Và các phép lạ ở đây, trước hết người ta phải nói đến phép lạ – o milagre – mặt trời quay, và dĩ nhiên cũng bao gồm cả những phép lạ được khỏi bệnh một cách lạ lùng của các bệnh nhân thuộc đủ mọi thứ bệnh, vì đã vượt khỏi biên giới các khả năng chuyên môn của y khoa.

Nhưng đồng thời Đức Giám Mục cũng tránh đi sâu vào các chi tiết của biến cố, mà các báo chí lúc bấy giờ đang đưa ra bàn cãi sôi nổi. Ngài chỉ xác định rằng các phép lạ xảy ra tại Fatima là một minh chứng hùng hồn cho thấy trong biến cố ấy có „bàn tay vô hình“ của Thiên Chúa can thiệp vào, mặc dầu với sự khôn ngoan thượng trí của Người, Thiên Chúa luôn tôn trọng các luật tự nhiên mà chính Người đã thiết đặt cho sự tuần hoàn trật tự của vũ trụ, chứ Người không dễ dàng làm phép lạ, trừ khi hoàn cảnh đòi hỏi một cách nhất thiết. Bởi vì, phép lạ là một hiện tượng ngoại thường và vượt tự nhiên.

Vì thế, vấn nạn phép lạ mặt trời quay thường đã được đưa ra phân tích, mổ xẻ và bàn cãi ngay cả trên các nhật báo hồi ấy, đến nỗi có người đã nêu lên thắc mắc là phải chăng xét về phương diện thiên văn học đã có sự thay đổi nào đó ở mặt trời? Và nếu câu trả lời là không, thì người ta sẽ đi đến kết luận là trong vụ việc Fatima đã xảy ra hiện tượng bệnh tâm thần tập thể, khiến cho cả đám quần chúng đông đảo bị cuốn hút vào một ảo giác.

Nhưng thiết tưởng một sự kết luận như thế là quá hàm hồ, thiếu lý tính và thiếu tính cách thuyết phục, vì người ta tự hỏi là làm thế nào một ảo giác bệnh hoạn lại có thể tạo được những cảm xúc, những cảm nhận và những trải nghiệm đồng nhất nơi một tập thể đông đảo vào khoảng từ 50 đến 70.000 người như phép lạ mặt trời quay vào ngày 13.10.1917 tại Fatima?

Ngay cả ý nghĩa và sự tác động của phép lạ mặt trời quay trên vấn đề đức tin cũng được đưa ra bàn luận, và người ta đã tự hỏi: Phải chăng đó là chứng cứ của đức tin, nghĩa là một điều bó buộc phải tin, một sự kiện của siêu nhiên đòi phải chấp nhận?

Một ví dụ điễn hình chúng ta có thể trích dẫn một suy tư sau đây được đăng trên tờ báo O Almonda (9). Tác giả bài báo hoàn toàn bác bỏ ý kiến cho rằng biến cố Fatima và các phép lạ (đặc biệt phép lạ mặt trời quay) đã xảy ra tại đó chỉ là sáng kiến của những người Công Giáo, của các Thầy Dòng Tên bày đặt ra, cốt để tìm hiểu xem liệu người ta có thể quảng bá sự mê tín trong dân chúng đến mức độ nào. Tác giả bài báo cũng xác nhận rằng chẳng những Giáo Hội Công Giáo không hề tham gia vào biến cố đó, vì phản ứng khôn ngoan muôn thuở của Giáo Hội là trước tiên luôn tỏ ra dè dặt trước tất cả những gì xảy ra tại Fatima, cũng như Giáo Hội từng cư xử đối với sự kiện Đức Mẹ hiện ra trước kia tại Lộ Đức hay tại bất cứ nơi nào khác. Tác giả bài báo còn viết tiếp là với các phép lạ người ta cũng không thể giải tỏa được thắc mắc đầy tranh cãi về sự thật của biến cố. Về điểm này, tác giả đã đề cập đến trường hợp các người Tin Lành và nhất là trường hợp Thủ tướng Pháp Freycinet vào lúc bấy giờ, một người vô thần. Nhưng chính Thủ tướng Freycinet đã khuyên người bạn thân của mình là ông Lasserre, một người tín hữu Công Giáo bị mù, hãy lấy nước suối Đức Mẹ Lộ Đức mà rửa mắt. Nhưng người bạn của Thủ tướng đã từ chối, không chịu lấy nước ở hang đá Lộ Đức để rửa mắt, vì ông ta sợ là nếu được lành bệnh thì cuộc sống của ông ta sẽ phải thay đổi. Nhưng cuối cùng ông cũng đành chấp nhận lấy nước hang đá Đức Mẹ Lộ Đức xức vào mắt mình, và bỗng nhiên ông ta đã hết mù và nhìn thấy được. Sau khi được khỏi bệnh, ông ta đã viết nhiều sách có giá trị về phép lạ Đức Mẹ Lộ Đức. Trong khi đó, mặc dầu đã đích thân được trải nghiệm những phép lạ hiển nhiên như thế và đã sống đến 95 tuổi đời, Thủ tướng Freycinet vẫn vô thần chứ không ăn năn hối cải. Và tác giả bài báo đã kiết luận: Quả thực „chỉ phép lạ một mình mà thôi thì không thể hoái cải được ai cả“. Ngoài ra tác giả cũng nhắc đến thái độ tương tự của ông E. Zola. Trong cuốn sách của ông viết về Lộ Đức, Zola đã hoàn toàn không đả động gì tới các tường thuật về phép lạ mà chính ông đã trải nghiệm, nếu không nói là ông còn truyền bá các ý kiến sai lạc của mình.

Còn tác giả bài báo đã nói trên, dĩ nhiên ông ta có lý khi cho rằng một phép lạ không thể bó buộc ai phải tin theo, vì thực ra phép lạ là quà tặng nhưng không của Thiên Chúa, là một ơn lành Chúa ban – như nơi trường hợp những người tin tưởng vào sự xác thực của biến cố hiện ra – và chính những người có tư tưởng tự do và những người vô thần cũng đã tỏ ra vô cùng bối rối và bất an trước các phép lạ mà họ đã chứng kiến nhãn tiền. Tuy nhiên, qua các suy tư của mình, tác giả đã tỏ ra không nhìn thấy được điều đó, và cho rằng đức tin chỉ có thể được củng cố bằng các luận cứ hợp lý mà thôi.

Mặc dầu các tư tưởng trên mang tính cách hòa hoãn, nhưng trên thực tế quan điểm của hai phía, của các tín hữu Công Giáo cũng như của những kẻ vô thần, hoàn toàn bất hòa giải, hoàn toàn không thể dung hòa với nhau được, như thể nước và lửa.

Thật vậy, một đàng, các người tự nhận có tư tưởng tự do tiến bộ khẳng định rằng chủ thuyết duy lý của họ không thể chấp nhận được những hiện tượng siêu nhiên vượt ra ngoài phạm vi của lý trí. Họ chỉ chấp nhận phép lạ mặt trời quay theo nghĩa thiên văn-vật lý học, và họ cho rằng chiến lược của những người Công Giáo là một chủ đích thiếu thành thật, tức vì chỉ muốn thí nghiệm xem quần chúng thiếu học thức có thể chấp nhận sự mê tín của họ đến mức độ nào. Vì thế, trong „Der freie Gedanke“ ký giả José Lopes dos Santos đã viết những lời chống lại các người mà ông gọi là „bọn phản động“ và các Thầy Dòng Tên (10) như sau: „Chúng tôi không chống lại những xác tín về đức tin của quần chúng tốt, nhưng chúng tôi chỉ chống lại sự tuyên truyền lố lăng về những phép lạ, mà nếu được nhìn dưới ánh sáng khoa học thì toàn là những điều không thể có được, như trường hợp các phép lạ Fatima. Đấy chỉ là công trình lừa đảo đồ sộ do mấy ông Thầy Dòng Tên dàn dựng lên, cốt ngăn cản quần chúng không đặt niềm tin tưởng vào sự hết sức khả tín của những người có tư tưởng tự do (…). Phải chăng những kẻ phản động đã đồng lõa với nhau để chống lại sự tiến bộ? (…) Vậy, hỡi những người có tư tưởng tự do, hãy tỉnh thức!“ Tiếp đến, Lopes kêu gọi hãy chiến đấu cho chân lý, cho sự công bằng và cho sự tự do tư tưởng. Một tờ truyền đơn „Hỡi quần chúng có tư tưởng tự do, hãy vùng đứng lên“ (như trên, Doc. 307) của một nhóm người bài Giáo sĩ khác cũng đã kêu gọi tương tự là hãy đem tình yêu chống lại hận thù, đem sự thiện chống lại sự ác (dĩ nhiên theo quan điểm chủ quan của họ), đã viết: „Chúng ta hãy lấy khoa học làm tôn giáo của chúng ta và tôn giáo khoa học của chúng ta là sự tự do tư tưởng.“ – „Từ sự chiến thắng của tiến bộ, của khoa học, của sự tự do, của sự tư duy tự do, con người sẽ lãnh nhận được sự hạnh phúc, niềm vui, tình yêu, tình huynh đệ.“

Còn phía những tín hữu Công Giáo, những người tin tưởng vào sự xác thực của biến cố Đức Mẹ hiện ra ở Fatima, sẽ phản ứng ra sao?

Trước hết, người ta đã cố gắng tránh loan báo một cách quá vội vàng và chưa chắc chắn rõ ràng về các phep lạ. Các hiện tượng được khỏi bệnh một cách lạ lùng cần phải được các bác sĩ xét nghiệm và chứng thực một cách hoàn toàn khách quan(11).

Đặc biệt nhất là phép lạ mặt trời quay, một phép lạ đã được bài cãi và phân tích rất cặn kẽ. Ở đây một điểm đáng ghi nhận là vào năm 1917 người ta đã có thể chụp được các hình ảnh về phép lạ đó và chính những hình ảnh ấy là những bằng cứ rất thực tiễn, góp phần tích cực vào các cuộc tranh luận. Dĩ nhiên, đó không phải là những bức hình đã chụp trực tiếp được chính mặt trời khi nó quay cuồng bay lộn, nhưng là chụp những phản ứng của đám quần chúng hiện diện lúc ấy ở Fatima. Qua những bức hình giá trị lịch sử ấy, người ta thấy có người đang nhìn vào ống kính của các máy chụp hình, có người lại lấy tay che trên mắt và hướng nhìn lên trời. Rồi có hình chụp cả một đám quần chúng đông đảo, kẻ đứng người quỳ gối, đang chăm chú nhìn lên trời như đang theo dõi một sự kiện gì đó, v.v…(12). Những phản ứng ấy cho thấy là hiện tượng hay phép lạ mặt trời quay là có thật và đã tạo nên những ấn tượng mạnh không thể diễn tả được nơi hàng ngàn ngàn người có mặt hôm đó tại Fatima.

Nhưng người ta có thể cắt nghĩa điều ấy như thế nào? Những người tự nhận tiến bộ, có tư tưởng tự do và vô thần, thì cho hiện tượng đó chỉ là một sự cố thuộc vật lý-thiên văn học, và vì thế họ đã hoàn toàn phủ nhận việc coi đó là một sự thật siêu nhiên, vì họ sợ rằng ý niệm về tôn giáo lại tái hồi sinh, một ý niệm vốn đã chết từ lâu nơi nhiều người ở Bồ Đào Nha, nhất là nơi những người tự cho mình là thành phần trí thức và cấp tiến. Hơn nữa, người ta cũng xác nhận là các nhà thiên văn học với những máy móc khoa học tối tân của họ cũng đã không ghi nhận được gì cả về hiện tượng „mặt trời quay“ và những người ở chung quanh vùng Fatima cũng không ghi nhận được gì (13) về những hiện tượng mà khoảng 70.000 người khác ở tại Fatima đã tận mắt chứng kiến. Nhà thiên văn học Fr. Oom (14) giải thích rằng nếu giả thử có sự cố thuộc không gian đã thực sự xảy ra, thì tất nhiên các máy móc khoa học đã có thể ghi lại được, nhưng trong trường hợp „Fatima“ thì các máy móc chẳng ghi nhận gì hết. Vì thế, ông cho rằng hiện tượng hàng ngàn người nhìn thấy mặt trời quay vào ngày 13.10.1917 tại Fatima là một sự „thôi miên tập thể“ (sugestáo coletiva).

Nhưng chính những bức hình ghi lại những phản ứng khác nhau của đám quần chúng quá đông đảo đang có mặt tại hiện trường lúc bấy giờ đã làm cho người ta phải nghi ngờ lời giải thích của nhà thiên văn học Fr. Oom. Thật vậy, nếu đó quả thực là một sự thôi miên tập thể, thì đương nhiên mỗi người trong đám quần chúng ấy khi nhắm mắt lại vẫn còn tiếp tục bị ảnh hưởng sự thôi miên ấy.

Chẳng bao lâu sau đó, phép lạ mặt trời quay tựa như một làn chớp, đã được loan truyền hết sức nhanh chóng ra khắp nơi ở Bồ Đào Nha và trên thế giới bằng miệng và thư tín của khoảng 50 đến 70.000 nhân chứng sống động đã có mặt tại Fatima trong ngày hôm đó, chứ không phải bởi các phương tiện truyền thông đại chúng như trong các biến cố khác; trái lại, nếu không nói là đại đa số trong các phương tiện truyền thông tại Bồ Đào Nha lúc bấy giờ đã hết lời nhạo cười và chế giễu. Nhưng đối mặt với thái độ khôn ngoan dè dặt (prudente reserva) của hàng trí thức Công Giáo (os entenditos), những người có tư tưởng tự do và vô thần luôn chờ đợi một tuyên bố công khai về hiện tượng mặt trời quay. Nhưng phải chăng con người có đủ thẩm quyền để giải thích hay tuyên bố về một „điều siêu nhiên“?

Các cuộc hành hương vĩ đãi tới đồi Cova da Iria, nơi Đức Mẹ hiện ra, là những dấu tích hữu hình và cụ thể của sự kiện, vào các ngày 13 mỗi tháng, nhất là các ngày 13 tháng năm và 13 tháng mười là những ngày hành hương đặc biệt nhất. Mỗi cuộc hành hương như thế thường có tới hàng chục ngàn người thuộc đủ mọi thành phần xã hội tham dự.

Ở đây, có lẽ người ta cũng cần phải nhắc đến đức tin mạnh mẽ và lòng hy sinh to lớn của các khác hành hương. Vì điều kiện hạ tầng cơ sở – đường sá đi lại, điều kiện ăn ngủ, cho khách hành hương – ở Fatima vào thời gian đầu còn quá thô sơ thiếu thốn, nên đa số khách hương từ khắp nước đã đi bộ suốt đêm, dù trời mưa hay nắng, và sau khi đã sốt sắng xem lễ, lần hạt Mân Côi và kính viếng nơi Đức Mẹ hiện ra, họ lại lên đường trở về nhà trong cùng ngày, cũng có nhóm người ngủ qua đêm ngoài trời hoặc trong các Nhà Thờ.

Và trên đường đi hành hương như thế, tất cả mọi người đều cùng nhau lớn tiếng lần hạt Mân Côi hay hát các bài Thánh ca. Mặc dầu đi đường xa mệt nhọc vất vả và còn phải kiêng ăn uống (15) mọi người đều đông đảo tập trung về nhà thờ Giáo xứ Leiria hay Giáo xứ Fatima để xem lễ và rước lễ. Ngoài ra, theo luật cũ xưa kia, mọi người còn phải xưng tội trước khi rước Mình Thánh Chúa nữa. Và đối với các khách hành hương tới vào bất cứ giờ nào trong đêm hay vào sáng sớm, đều được hướng dẫn một cách vồn vả chu đáo của giáo dân địa phương cũng như của các vị Linh Mục. Đó là một trải nghiệm đẹp, có ấn tượng sâu xa nhất nơi mỗi khách hành hương. Nhưng một điều đặc biệt nhất là các cuộc hành hương đã tập trung thành một biển người vĩ đại tại Fatima như chưa từng xảy ra bao giờ, đã gây cho mọi khách hành hương một sư ý thức mạnh mẽ và rõ rệt về đức tin Công Giáo của mình, và qua đó củng cố thêm cho sự tự tin của mỗi người tín hữu khi họ lên đường trở về nhà.

Chính sự hồ hởi tham dự vào các cuộc hành hương của mọi tầng lớp đông đảo dân chúng, cũng như tinh thần phấn khởi và niềm vui tinh thần dạt dào nơi các khách hành hương, đã làm cho các kẻ vô thần chống đối biến cố Fatima cảm thấy thất ngượng ngùng và xấu hổ. Hơn nữa, những người có tư tưởng tự do tiến bộ, vô thần và bè Tam điểm ấy luôn xác tín một cách chủ quan rằng, một đàng không thể có chuyện can thiệp huyền nhiệm của Thiên Chúa trong những gì đã xảy ra, và theo nguyên tắc thì tất cả mọi hiện tượng xảy ra trên trái đất này đều có thể giải thích một cách khoa học được, và một đàng khác, những gì đã xảy ra ở Fatima chỉ là trò bịp bợm của các Giáo Sĩ bày ra để lừa dối dân đen, nên bọn họ đã sử dụng bạo động để dẹp bỏ. Họ cũng cho rằng tất cả người Công Giáo đều không phải là những người có tư tưởng tự do tiến bộ.

Nhưng cuối cùng những bạo hành của những kẻ thù của Sứ điệp Fatima đã quay lại làm hại chính họ. Sự thù ghét của họ chống lại Giáo Hội Công Giáo còn mạnh mẽ hơn cả lòng trung thành của họ đối với các nguyên tắc tự do mà họ đã đề xướng lên như là các tín điều bất khả ngộ. Thái độ đó được bày tỏ rõ rệt vào ngày 13.8.1917, khi ông quận trưởng ra lệnh cho tách biệt ba trẻ – cả ba trẻ vào lúc ấy còn dưới 10 tuổi – ra khỏi cha mẹ các em và cho giam vào nhà tù, cốt để dọa nạt, làm mất tinh thần và bắt ép các em phải khai ra các bí mật và hứa không đi tới đồi Cova da Iria nữa(16). Người ta dọa sẽ nướng sống các vào một cái chảo dầu đang sôi. Sơ Lucia kể: „Thế là họ đã gọi Gia-xin-ta và cho em hay rằng em là đứa đầu tiên sẽ bị thiêu sống (…). Tiếp đến, họ cho gọi Phan-xi-cô và nói dối em là Gia-xin-ta đã bị thiêu sống rồi, và em cũng sẽ chịu chung một số phận tương tự, nếu như em không nói ra các bí mật. Sau cùng đến lượt con (Lucia), họ củng đã nói với con là em họ con (Gia-xin-ta) đã bị thiêu sống và con cũng chịu cùng số phận ấy.“

Mặc dù bị đe dọa khủng khiếp như thế, cả ba trẻ đều can đảm giữ vững lập trường một cách phi thường cho đến cùng, chứ các em không hề tỏ ra sợ sệt chút nào cả. Phan-xi-cô còn nói: „Nếu họ thực sự giết chết chúng con, thì chúng con càng mau được về Thiên đàng.“ Em còn cầu nguyện cho Gia-xin-ta đừng sợ hãi. Chính sự can đảm của ba trẻ vốn được tác động và củng cố bởi sức mạnh siêu nhiên, đã khiến cho mưu mô và kế hoạch xảo quyệt của vị quận trưởng vô thần hoàn toàn thất bại.

Một hành động bạo lực khác nữa của những kẻ thù là họ đặt mìn làm nổ tung mái Nhà Nguyện nơi Đưc Mẹ hiện ra, cốt gây hoang mang cho các khách hành hương, nhất là họ hy vọng sẽ làm cho mọi người coi thường và mất tín nhiệm đối với Sứ điệp Fatima. Nhưng chính vì hành động phạm thượng này đối với Mẹ Thiên Chúa, người ta đã tổ chức vào ngày 13.5.1922 một cuộc hành hương vĩ đại với khoảng 40 đến 50.000 người tham dự, cốt để đền bù phạt tạ tại Fatima, và đã gây một sự quan tâm đặc biệt trên thế giới.

Nhưng các nhà chức trách địa phương lúc bấy giờ vẫn chưa chịu bó tay thua cuộc. Họ đã dựa vào luật tách biệt giữa Nhà nước và Giáo Hội (nghĩa là không được tổ chức các nghi lễ tôn giáo cách công khai bên ngoài Nhà thờ), để cấm tất cả những cuộc tập trung đông người như tại Fatima, và họ cho các đoàn vệ quốc quân diễn hành tại hiện trường và ngăn chặn tất cả mọi con đường dẫn tới đồi Cova da Iria. Nhưng rồi trước sự phản ứng, tuy bất bạo động nhưng đầy cương quyết và kiên trì, của đông đảo quần chúng, cả chiến thuật ma quái này của các nhà chức trách vô thần cũng phải hứng chịu sự thất bại hoàn toàn.

Thật vậy, khi thấy các ngã đường dẫn tới đồi Cova da Iria bị lính chặn hết, các phái đoàn hành hương kéo nhau đi bộ qua các cánh đồng hay các đồi núi để tới cho bằng được chỗ Đức Mẹ hiện ra. Điều đó đã làm lệnh phong tỏa các ngã đường ở Fatima của các nhà chức trách thành vô hiệu hóa. Các vệ quốc quân đành bó tay, không thể làm gì khác được.

Khi nhận thấy các nhà chức trách địa phương hoàn bất lực trong việc ngăn chặn sự tập trung quá đông của hàng vạn khách hành hương từ khắp nơi kéo về Fatima, Thủ tướng Bồ Đào Nha lúc bấy giờ cũng đâm ra lo sợ và không dám ra lệnh cấm các cuộc hành hương của dân chúng. Một điểm đặc biệt là dù tấp nập và đông đảo như thế, tất cả các phái đoàn khách hành hương đều có ý thức kỷ luật cao và tuyệt đối giữ trật tự trong việc di chuyển – kẻ tới người ra về – cũng như khi cử hành các lễ nghi Phụng Vụ, như lần hạt Mân Côi, hát các bài Thánh ca, cầu nguyện, v.v… đều diễn ra trong hài hòa và trât tự.

Do đó, các nhóm cảnh sát và quân đội được gửi đến Fatima để ngăn cản khách hành hương hay để giữ trật tự, đã trở nên dư thừa, không cần thiết. Bởi vì, họ không thể cầm gậy đánh hay chĩa súng bắn đám dân chúng đang cầu nguyện trong ôn hòa và trật tự như thế, nếu không nói là nhiều người trong họ cũng đã quỳ gối cầu nguyện và hát kinh cùng với các khách hành hương. Bởi vì, đa số họ không phải là những người thuộc ý thức hệ tư tưởng tự do và vô thần, nhưng là những người phát xuất từ quần chúng. Đó cũng là lý do cắt nghĩa hiện tượng tại sao hằng ngày tất cả các chuyến xe quân đội, trên đường trực chỉ hướng Fatima để làm nhiệm vụ được giao phó, đều đã mời các khách hành hương mà họ gặp dọc đường lên xe và chở tới Fatima. Thái độ cư xử tốt với các khách hành hương như thế của đoàn vệ quốc quân, đã khiến các nhà chức trách vô thần hay thuộc hội Tam điểm vô cùng tức giận, đến nỗi họ đã đem vụ việc ra bàn cãi ở trong quốc hội và đã nêu câu hỏi đầy đê tiện nhỏ nhoi là ai sẽ trả tiền xăng cho các chuyến xe chở khách hành hương như thế?

Tiếp đến, thái độ của một thầy giáo cũng bị tố cao và bêu xấu, khi ông này nhân dịp có cuộc hành hương tới Fatima đã cho học sinh nghỉ học và đóng cửa nhà trường. Khi bị tra vấn tại sao, ông thầy giáo đã trả lời là vì các học sinh của ông phải đi hành hương chung với cha mẹ các em, nên không thể đến nhà trường được. Điều đó cũng muốn nói lên rằng ảnh hưởng của biến cố Đức Mẹ hiện ra ở Fatima đã thực sự ăn sâu vào ý thức của đại đa số dân chúng, bất kể địa vị, giai cấp hay trình độ văn hóa.

Cũng vì thế, người Công Giáo lúc bấy giờ đã bình thản coi sự hiện diện của các vệ quốc quân ở Fatima như một điều bình thường, chứ không có gì là khó chịu hay vướng mắc cả. Chẳng những thế, họ còn vui đùa gọi các vê quốc quân là đoàn lính danh dự của Fatima. Tình hình diễn biến này đã khiến chính phủ Bồ Đào Nha lúc bấy giờ trở nên lo sợ. Họ sợ người Công Giáo sẽ mỗi ngày một trở nên ý thức hơn và dựa vào các quyền lợi của họ đã được pháp luật bảo đảm, họ sẽ đòi hỏi Nhà nước phải tôn trọng quyền tự do của họ. Hơn nữa, các báo chí cũng càng ngày càng đứng về phía người Công Giáo (17) và thường công khai đề cao các cuộc hành hương của đủ mọi thành phần và tuổi tác, xuất phát từ dân chúng, kể cá các thành phần hàn lâm khoa bảng (chứ không còn coi những người Công Giáo chỉ là những thành phần ngu dân). Do đó, các đối thủ của Sứ điệp Fatima mỗi ngày mỗi trở nên tự ti mặc cảm, thủ thế, thụ động và bảo vệ ý thức hệ của mình một cách thiếu xác tín. Nếu xét theo phương diện tâm lý, thì bạo động thường là dấu hiệu của sự sợ hãi, của sự thiếu tự tín và của sự thiếu các luận cứ hợp lý. Nhiệm vụ chính của đoàn vệ quốc quân là giữ gìn an ninh trật tự (18), nhưng trước sự ý thức kỷ luật cao độ của người Công Giáo, nhiệm vụ của họ đã trở thành dư thừa và buồn cười.

3. Sứ điệp Fatima đã tự vượt qua được mọi thách đố

Dĩ nhiên, khi nói „Sứ điệp Fatima đã tự vượt qua được mọi thách đố“, thì không hề có ý phủ nhận hay đánh giá thấp lòng can trường và đức tin mạnh mẽ của các tín hữu Công Giáo Bồ Đào Nha trước các hành động đe dọa, ngăn cấm và khiêu khích của các nhà chức trách vô thần thời ấy, hay các chiến thuật cũng như phương thức hành xử rất khôn ngoan, thận trọng và cương quyết của Đức Giám Mục D. José Alves Correia da Silva và của tiến sĩ Dr. Formigáos, chủ tịch Ủy ban Điều tra biến cố Fatima hay của bất kỳ ai khác, nhưng chỉ muốn nói rằng biến cố Fatima đã vượt qua được mọi thách đố cực kỳ khó khăn và đã dành được chiến thắng như chúng ta chứng kiến ngày nay, thì chính yếu và trên hết là nhờ vào sự tác động của sức mạnh siêu nhiên từ Trời cao.

Người ta có thể nói rằng vào năm 1917, trước tiên những người có tư tưởng tự do tiến bộ, những người vô thần và các thành viên hội Tam điểm hoàn toàn tự tín và hung hăng, trong khi đó các tín hữu Công Giáo lại rụt rè và nhát đảm. Nhưng rồi trong mấy năm tiếp sau đó, tình thế hoàn toàn xoay đổi ngược lại, và khởi đầu là cuộc hành hương vĩ đại vào ngày 13.5.1922, để công khai tôn vương Đức Trinh Nữ Maria và để đền bù phạt tạ tội phạm thánh của những kẻ thù vô thần, đã dám cho mình nổ tung mái Nhà Nguyện ở chỗ Đức Mẹ hiện ra. Từ đó, người Công Giáo càng trở nên can đảm và tự tín hơn. Họ đã đòi hỏi chính quyền phải tôn trọng các quyền lợi chính đáng của họ đã được ghi rõ trong hiến pháp Nhà nước Bồ Đào Nha, và đồng thời họ cũng đã đẩy các kẻ thù đầy quyền thế của họ vào lúc bấy giờ phải rơi vào thế bị động.

Ở đây, có lẽ người ta sẽ tự hỏi: Ai đã có thể làm xoay đổi được cục diện như thế?

Các kẻ thù của Giáo Hội đã quả quyết đó là do ảnh hưởng ngu muội của các Giáo Sĩ và do sự sắp đặt gian xảo của mấy ông Thầy Dòng Tên. Nhưng như đã nói trên, vào lúc bấy giờ Đức Hồng Y Thương Phụ Lissabon đang bị lưu đày, và miền Leiria-Fatima mãi sau này mới được nâng lên hàng Giáo phận, chứ vào lúc ấy chưa có ai lãnh đạo cả; còn hàng Giáo Sĩ thì hầu như tất cả đều tỏ ra nghi ngờ và ít quan tâm tới về những gì liên quan đến biến cố Đức Mẹ hiện ra tại Fatima. Nói chung là vào thời ấy, nội bộ Giáo Hội Bồ Đào Nha rất bệ rạc và thiếu tổ chức.

Nhưng khởi đầu sự thay đổi tình hình và cục diện một cách ngoạn mục như thế là chính sự ảnh hưởng thiêng liêng, sâu sắc và mạnh mẽ trên các tâm hồn của sáu lần Đức Mẹ hiện ra với ba trẻ, mà đỉnh cao của những lần hiện ra ấy là lần hiện ra cuối cùng vào ngày 13.10.1917 với phép lạ trọng đại „Mặt trời quay“. Vì đã được báo trước là sẽ có một dấu lạ phi thường xảy ra, nên ngày ấy đã thu hút được một đám quần chúng đông đảo vào khoảng 50 đến 70.000 người, và phép lạ „Mặt trời quay“ đã chứng nhận cho lời báo trước của ba trẻ và qua đó cũng chứng nhận sự xác thực của biến cố hiện ra(19). Và trong những năm tháng tiếp sau đó và mãi cho tới ngày nay, người ta vẫn tiếp tục cảm nghiệm được một cách cụ thể sự can thiệp của Trời cao qua các phép lạ lành bệnh ngoại thường tại Fatima.

Sự hiện diện huyền nhiệm của Trời cao còn được tỏ bày ra một cách rõ ràng qua:

• Sự can đảm phi thường của ba trẻ chưa quá mười tuổi đời, khi các em bị bắt giam vào tù và phải trải qua những cuộc khảo hạch đầy mưu mô lừa lọc của nhà cầm quyền vào ngày 13.8.1917.

• Và cả sự cương quyết và sự xác tín sâu xa của các khách hành hương. Họ đã luôn bình tỉnh thản nhiên, chứ không một chút sợ hãi hay lùi bước trước đoàn vệ quốc quân luôn có thái độ khiêu khích và hăm dọa.

Vâng, quyền lực trần thế không chỉ đã tỏ ra bất lực hoàn toàn trước sức mạnh vô biên của Trời cao, mà còn cộng tác tích cực và trực tiếp vào biến cố Fatima, như việc quân đội đã lấy xe đón rước các khách hành hương, mà chúng ta đã nói đến ở trên. Bởi vậy, sau sự kiện quả mìn nổ trên mái Nhà Nguyện Fatima, tờ báo A Epoca đã mỉa mai gọi Bồ Đào Nha là „đất nước của bom mìn“. Còn trong Thư Cô-rin-thô (1Cr 1, 26-31 của ngài, thánh Phaolô đã trình bày rõ ràng các tiêu chuẩn chọn lựa của Thiên Chúa như chúng ta đã trích ở trên, đó là: sự yếu đuối, khờ dại và thấp kém. Vì thế, trong Thư Chung của ngài đề cập đến việc công nhận sự xác thực của biến cố Đức Mẹ hiện ra, Đức Giám Mục Giáo phận Leiria-Fatima đã trích dẫn đoạn Kinh Thánh trên để bịt miệng những kẻ thù Giáo Hội, luôn kiêu căng ngạo mạn khinh bỉ tất cả các tín hữu Công Giáo và ba trẻ thị kiến, và coi họ là những thành phần xã hội thiếu văn hóa, dốt nát và thấp hèn (ba của Lucia là một người nghiện rượu)(20). Nhưng sự can cương, ý chí sắt đá và sự khôn ngoan tột bậc của những người đơn sơ bé nhỏ này đã khiến cho những kẻ tự mãn kia phải suy nghĩ và đã hoán cải được nhiều người trong họ quay trở về với đức tin Công Giáo. Nói tắt, nguyên tắc tuyển chọn muôn thuở của Thiên Chúa lại một lần nữa được thể hiện rõ ràng tại Fatima, như xưa Người đã làm khi chọn lựa các Tông Đồ vậy.

Chính sự ngây thơ trong trắng của ba trẻ Fatima qua những câu trả lời thành thực, nhưng hoàn toàn nhất quán của các em – chứ không phải bằng những lời hoa mỹ bóng bẩy – cho những câu tra hỏi dò xét tinh vi của các nhà cầm quyền dân sự hay của các vị Linh Mục, chứ không hề có một chút mâu thuẩn nào, là cả một bằng chứng hùng hồn nói lên sự khả tín đầy thuyết phục của biến cố Fatima. Thêm vào đó, tuy tuổi đời các em chưa quá 10 tuổi, nhưng tất cả ba trẻ – đặc biệt là Phan-xi-cô và Gia-xin-ta – đều vui vẻ và sẵn sàng chịu mọi đau khổ, mọi cực hình và mọi bệnh tật một cách anh hùng và phù hợp tinh thần Tin Mừng, để đền bù cho các kẻ có tội, là những bằng chứng hùng hồn nhất, góp phần biện minh cho sự xác thực của biến cố Fatima.

Tờ báo Mensageiro (D 1) đã đưa tin đầy đủ về cuộc hành hương vĩ đại chưa từng có vào ngày 13.5.1923, và gọi đó là một "imposante manifestacáo de fe“, một cuộc biểu dương đức tin hết sức ấn tượng. Tác giả bài báo ước chừng có khoảng từ 80 đến 100.000 người tham dự. Và tuy đoàn vệ quốc quân đã được trang bị đầy đủ súng ống và các dụng cụ cho sự đàn áp, nhưng sau đó họ đã cảm thấy bất lực trước đám đông, nên đành phải rút lui.

Các phái đoàn hành hương đều mang theo các cờ quạt có thêu hình ảnh Chúa, Đức Mẹ và các Thánh rất uy nghi chỉnh tề. Sau bài giảng, Thánh Lễ đã được cử hành trọng thể và sốt sắng cho khách hành hưong. Và dĩ nhiên, tất cả mọi người có mặt đều đã lần hạt Mân Côi.

Vì thế, để ám chỉ đoàn vệ quốc quân với súng ống và vũ khí đầy mình, đã được phái tới Fatima để nhằm đe dọa và ngăn chặn các cuộc hành hương, các báo chí đã nhận định: „Ở Fatima không cần súng ống đạn dược. Vũ khí mà những người đi tới đó mang theo, là chuỗi tràng hạt Mân Côi và tượng Thánh Giá“. Các khách hành hương cùng nhau đứng yên lặng hay cầu nguyện; và ngay cả sau trưa người ta vẫn tiếp tục cầu nguyện. Trên đường về nhà, mọi người đều trầm trồ: „Chúng tôi ra về trong sự cảm phục lạ lùng và ngạc nhiên, vì làm sao một đám quần chúng quá đông đảo đến cả trăm ngàn người như thế, lại có thể tự động tập trung về đây, chứ không có ai đứng ra tổ chức và mời gọi cả; và tất cả đều hoàn toàn diễn ra trong trật tự, nếu như họ đã không được một sức mạnh huyền bí từ Trời cao mời gọi.“

Nhân dịp này, tờ báo A Epoca (x. Documentacáo IV, 3, DOC 492, 493) đã phê bình thái độ của chính phủ Bồ Đào Nha trong vụ việc nhà thờ Santa Joana (21) và việc cấm cản các cuộc hành hương tại Fatima, nhất là tờ báo đã phê bình sự thụ động quá lâu của người Công Giáo trước những thái độ và hành động bài Giáo Sĩ của những kẻ thù Giáo Hội và sự đày ải Đức Hồng Y Thương Phụ Lissabon, chứ không có bất cứ sự chống đối nào. Sự phê bình thẳng thắn này đã có ảnh hưởng rộng rãi trong quần chúng và mang lại những tác động tích cực cho biến cố Fatima. Chính tờ báo này cũng đã gọi lệnh cấm các cuộc hành hương và tụ họp cầu nguyện của dân chúng tại Fatima là bất hợp pháp, và coi cuộc rước kiệu ngày 13.10.1924 là một cuộc biểu dương đức tin một cách hoành tráng và có ấn tương mạnh mẽ.

Tất cả các vệ quốc quân được phái tới Fatima cũng nhận thức được rõ ràng là họ không thể dùng bạo lực để đàn áp các tín hữu chỉ biết cầu nguyện, vì họ cảm thấy sự biểu dương đức tin của các tín hữu là cả một „sức mạnh tuy hoàn toàn hài hòa, nhưng bất khả chống cự lại“ (forca pacifica, mas irresistivel). Tờ báo này (22) đã đưa ra những nhận xét về cuộc hành hương: Trước hết, nhà cầm quyền loan báo là quân đội sẽ thực thi lệnh cấm tụ họp ở Fatima một cách nghiêm ngặt, nhưng rồi mọi sự lại xảy ra bình thường như không có lệnh cấm nào cả. Nhưng đặc biệt nhất là sự tuyên xưng đức tin một cách toàn bộ và thống nhất nơi hànhg trăm ngàn khách hành hương cũng như sự suy niệm trong thinh lặng và trật tự tuyệt đối của một đám quần chúng đông đảo như thế đã gây nên một ấn tượng sâu xa nơi tác giả bài báo. Một khách hành hương đã kể lại cảm nhận của mình rằng „sự hồi sinh đức tin Công Giáo của dân tộc Bồ đào Nha“ đã thực sự xảy ra. Và tác giả bài báo đã kết luận bằng lời nhận xét của ông Giovanni Papini. „Thế giới ngày nay mong ước hòa bình hơn là sự tự do và một nền hòa bình bền vững chỉ tìm gặp được nơi ách của Đức Kitô“.

Bộ tài liệu „Documentacáo Critica“ đã nói đến „cuộc chiến chống lại người Công Giáo“. Nhưng trong cuộc chiến ấy, người Công Giáo đã tranh đấu mỗi ngày một mạnh mẽ và hăng hái hơn cho các quyền lợi chính đáng và hợp pháp của họ, mặc dầu họ tranh đấu với chính quyền vô thần Bồ Đào Nha thời ấy chỉ bằng sự cầu nguyện và hoàn toàn bất bạo động.

Có lẽ thái độ hài hòa này của các tín hữu tại Fatima lại nhắc người Công Giáo Việt Nam chúng ta nhớ đến các cuộc tranh đấu đòi công lý của bà con giáo dân Việt Nam ở Hà Nội, Đồng Chiêm, Thái Hà, Ninh Bình, Tam tòa, Loan Lý, Cồn Dầu, v.v…, tất cả cũng đều diễn ra trong hòa bình trật tự và chỉ cầm vũ khí duy nhất trong tay là tràng chuỗi Mân Côi và tượng Thánh Giá.

Nhưng chỉ một điều hoàn toàn khác biệt giữa hai cuộc tranh đấu cho công lý ấy, của các tín hữu Công Giáo ở Fatima xưa kia và của các tín hữu Công Giáo ở Việt Nam ngày nay, là ở chỗ: Chính quyền cộng sản vô thần Bồ Đào Nha xưa kia đã tự rút lui, chứ không nhẫn tâm dùng bạo lực để đàn áp và xua đuổi các tín hữu ngoan đạo đang cầu nguyện tại Fatima, còn chính quyền cộng sản vô thần ở các địa phương nói trên tại Việt Nam lại đã sử dụng hơi cay, dùi cui điện, báng súng và chó dữ nghiệp vụ để đàn áp vá đánh đập các tín hữu Công Giáo tay không một cách cực kỳ vô nhân đạo, đến nỗi nhiều người đã bị ngất xỉu tại chỗ, phải chở vào phòng cấp cứu tại các bệnh viện, để được điều trị hàng bao nhiêu tháng trời và có người đã bị bại liệt suốt đời! Tại sao lại có sự khác biệt giữa hai cách hành xử của những người cộng sản vô thần Bồ Đào Nha xưa kia và những người cộng sản vô thần Việt Nam ngày nay như thế? Câu trả lời chắc hẳn chỉ có thể là: Nếu những người cộng sản Bồ Đào Nha đã tự rút lui, chứ không đành tâm đối xử tàn bạo và vô nhân đạo đối với các tín hữu hiền lành vô tội tại Fatima bằng bạo lực, như những người cộng sản vô thần Việt Nam đã làm đối với các tín hữu Công Giáo tại Việt Nam, là vì những người cộng sản Bồ Đào Nha ít nhất cũng đã hơn một lần hấp thụ được ảnh hưởng của những giáo huấn chân chính và đầy nhân bản về xã hội của Giáo Hội Công Giáo!

Còn sự xác tín cho rằng sự kiện „đức tin được hồi sinh“ trong dân tộc Bồ Đào Nha và sự thất bại thảm thương của những kẻ thù vô thần, chắc chắn đã phát xuất từ sức mạnh siêu nhiên của biến cố Đức Mẹ hiện ra. Vâng, người Công Giáo Bồ Đào Nha đã từ từ nhận thức được sợi dây liên đới huynh đệ đang nối kết và thắt chặt tất cả họ lại với nhau mỗi ngày một hơn và nhờ thế họ cũng trở nên tự tín hơn.

Sau cùng, qua các giờ cầu nguyện, lần hạt Mân Côi và hát các bài Thánh ca chung với nhau, cũng như sự lãnh nhận sốt sắntg các Bí tích Hòa Giải và Thánh Thể, hầu như tất cả những người tham dự các cuộc hành hương tại Fatima đều đã cảm nhận được tính chất liên đới nhân loại của mình và Giáo Hội Công Giáo quả thực là một „thế giới đại đồng“ đúng nghĩa, nhất là niềm vui thiêng liêng tràn ngập trong tâm hồn và sự cảm nhận ấy đã củng cố đức tin Công Giáo của họ thêm vững vàng kiên cố hơn.

(Suy tư trong Tháng Mân Côi 2010)

_________________________

1. Nguyệt San „Kirche heute“, số tháng 7.2010, trang 14.

2. xem Documentacáo Critica III 3, Doc. 674, 676 (FKTh 22, trang 277.

3. xin xem Lm Nguyễn Hữu Thy, Sứ điệp Fatima, Trung tâm Mục Vụ CGVN Giáo phận Trier/CHLB Đức xuất bản, Trier 2008, trang 73.

4. x. FKTh 17,64, Documentacáo Critica II, trang 193tt.

5. x. Documentacáo Critica II, trang 11tt.

6. như trên, trang 25.

7. như trên, trang 263-276.

8. như trên, trang 42-50.

9. x. Documentacáo IV, trang 300.

10. x. Documentacáo IV, 2, Doc. 305.

11. x. Documentacáo IV, 2, Doc. 314; 361; 380; 403.

12. x. Documentacáo III, 1, Doc. Trang 56tt.

13. x. Documentacáo III, 1, Doc. Trang 236, 111, 151.

14. x. Documentacáo III, Doc. 124,128, 180, 348.

15. Luật Giáo Hội trước Công đồng Vatican II buộc tất cả những ai muốn rước lễ phải nhịn ăn nhịn uống 3 giờ đồng hồ trước đó.

16. x.Documentacáo II, trang 142; Schwester Lucia spricht über Fatima, trang 122.

17. x. FKTh 23 (2007) 208.

18. x. Documentacáo IV, 1, DOC 5.

19. x. G. Solze: Und die Sonne tanzte über Fatima, Fulda 2006.

20. x. Documentacáo IV, 3, DOC 531.

21. Nhà Thờ Santa Joana là một ngôi Thánh đường Công Giáo đã bị chính phủ trịch thu một cách trái phép và đưa đấu giá các đồ thờ phượng trong Nhà Thờ.

22. x. cùng chỗ như trên, trang 494.
 
Thuyết Tiến Hoá trong Thần học Kitô Giáo
FX. Trần Kim Ngọc, O.P.
08:48 22/10/2010
Thuyết Tiến Hoá Trong Thần học Kitô Giáo

Dẫn nhập

Thuyết tiến hoá phải qua một thời gian dài mới có một chỗ đứng trong thần học Kitô giáo. Có nhiều hiểu nhầm về thuyết tiến hoá, và cũng có những quan niệm không chuẩn cho rằng Giáo hội Công giáo có vấn đề đối nghịch với thuyết tiến hoá. Những quan điểm như thế không theo sát với thực tế của sự tiến triển giữa khoa học và thần học Kitô giáo. Bài viết này cố gắng đưa ra những quan điểm thần học Kitô giáo về thuyết tiến hoá để giúp độc giả hiểu rõ hơn chỗ đứng của thuyết tiến hoá trong Thần học Kitô giáo. Bài viết sẽ được tìm hiểu qua một số nét về thuyết tiến hoá dưới hai khuynh hướng hữu thần và vô thần (1); lược qua một số tư tưởng của một số thần học gia nổi tiếng trong cái nhìn trung dung của người có niềm tin về thuyết tiến hoá (2); và cuối cùng là tiếng nói của Giáo quyền về tương quan giữa đức tin và khoa học nói chung, giữa đức tin và thuyết tiến hoá nói riêng (3).

1. Đôi nét về thuyết tiến hoá

Trong cuốn sách với tựa đề “The Origin of Species”, Darwin đã đề cập tới những nguyên tắc cơ bản của thuyết tiến hoá. Năm 1871, ông cho xuất bản cuốn “The Descent of Man”; trong cuốn sách này, ông nói đến nguồn gốc con người cách cụ thể hơn. Ông cho rằng con người có thể xuất thân từ những động vật thấp hơn như vượn vì cấu trúc cơ thể và sự phát triển bào thai của các loài vật này có nhiều điểm giống với con người. Nhờ vào công trình nghiên cứu này, ông được coi là cha đẻ của thuyết tiến hoá.(1)

1.1. Thuyết tiến hoá hữu thần

Nhiều người đã hiểu sai thuyết tiến hoá của Darwin. Họ cho rằng với thuyết tiến hoá này, vũ trụ hoặc con người đều từ ngẫu nhiên mà có; một cách nào đó họ cho rằng Darwin đã chối bỏ sự hiện hữu của Thiên Chúa. Nhưng nếu nghiên cứu kỹ thì ông là người tin rằng Thiên Chúa là nguyên nhân tác thành vũ trụ, và khi đã tạo dựng xong vũ trụ, từ đó Ngài để cho vũ trụ tiếp tục tiến hoá.(2) Ông không chủ trương tiến hoá vô thần, điều này chúng ta sẽ thấy rõ qua tư tưởng của ông:

“Quan niệm về sự sống này {tức là thuyết tiến hoá} có vài điểm mạnh. Đầu tiên được Đấng Tạo Hoá truyền hơi thở vào để thành một hay vài thể sống đơn giản nhất. Từ một sự bắt đầu đơn giản đó đã và đang tiến hoá ra vô số những sinh thể đẹp và kỳ diệu nhất trong khi hành tinh này vẫn xoay vần theo định luật hấp dẫn cố định.”(3)

1.2. Thuyết tiến hoá vô thần

Do người ta vô tình hiểu không đúng hay cố tình giải thích sai thuyết tiến hoá của Darwin, nên ông bị hiểu nhầm. Ông không chủ trương một thuyết tiến hoá vô thần, nhưng là một người khác. Oparin, khoa học gia người Nga, đã trình bày thuyết tạo sinh vô cơ (abiogenesis) để bổ sung vào thuyết tiến hoá của Darwin. Thuyết này cho rằng sự sống bắt đầu bằng sự kết hợp ngẫu nhiên của các chất vô cơ như oxigen, hydrogen, nitrogen và carbon. Chủ nghĩa duy vật trong đó có chủ nghĩa cộng sản được coi như khởi đi từ chủ thuyết này. Mà như chúng ta đều biết, cơ sở lý thuyết của chủ nghĩa cộng sản là duy vật biện chứng lịch sử, đó cũng là một kiểu tiến hoá, vì xã hội loài người tiến hoá từ thấp lên cao nhờ vào giai cấp đấu tranh.(4) Đến đây ta có thể nói được rằng thuyết tiến hoá vô thần là do Oparin khởi xướng.

2. Một số quan điểm thần học về thuyết tiến hoá

2.1. Tiến hoá thúc đẩy tín hữu nghiên cứu khoa học

Thần học gia Công giáo đầu tiên lên tiếng xoáy sâu vào thuyết tiến hoá có lẽ là Pierre Teilhard de Chardin. Đối với Chardin, thuyết tiến hoá là điều mới mẻ thúc đẩy tín hữu nghiên cứu khoa học để thấy được bàn tay quan phòng đầy khôn ngoan của Thiên Chúa trong sự tiến triển của vũ trụ và con người.

“Để sống và phát triển, các quan điểm Kitô giáo cần có một bầu khí vừa lớn lao vừa mật thiết. Thế giới càng rộng lớn, các quan hệ bên trong thế giới càng hữu cơ bao nhiêu thì các triển vọng mà Nhập thể mở ra trong đó càng thắng thế bấy nhiêu. Mà đây là điều người tín hữu bắt đấu phát hiện, một cách có thể nói là bất ngờ. Sau một lúc hoảng sợ trước Tiến hoá, người Kitô hữu bây giờ đây lại nhận thấy rằng Tiến hoá thật ra cung cấp cho mình một cách kỳ diệu để mình cảm thấy thuộc về Thiên Chúa hơn, để mình phục vụ Thiên Chúa tận tình hơn. Trong thời hiện đại, Kitô giáo cần thiết hơn cho thế giới. Về Kitô giáo mà nói rằng tôn giáo này, trái với những điều xem ra ngược chiều, thích nghi và phát triển trong một thế giới được khoa học mở rộng đến mức kỳ lạ, là chỉ trông thấy nửa phần những gì đang diễn ra. Tiến hoá đang như đổ vào một dòng máu mới cho các viễn tượng và các khát vọng của người Kitô hữu. Nhưng ngược lại, chẳng phải là đức tin đặt nơi Đức Kitô có sứ mạng – và đang sẵn sàng – cứu vãn Tiến hoá, hay thậm chí tiếp sức cho Tiến hoá?”(5)

Kitô giáo cho thấy chỗ đứng của khoa học trong đời sống con người. Khoa học cần giúp con người khám phá được vẻ đẹp của thiên nhiên, qua việc khám phá đó, con người biết quý trọng sự sống của mình hơn. Thiên nhiên và con người không thể tách rời nhau được. Thiên nhiên và con người tiến hoá không ngừng. Trong quá trình tiến hoá của vạn vật, có điều tốt đẹp nhưng cũng có những điều xấu. Theo cái nhìn của thuyết tiến hoá, Teilhard cho rằng mọi hình thái của cái ác đều là những yếu tố thiết yếu trong quá trình tiến hoá.(6)

2.2. Tiến hoá nằm trong sự quan phòng của Thiên Chúa

Tất cả mọi sự diễn ra đều nằm trong quy luật Thiên Chúa đã ấn định, hay nói cách khác mọi sự đều diễn ra trong sự quan phòng kỳ diệu của Thiên Chúa. Mọi sự tiến bộ trên trần gian này, dù đến từ đâu cũng xuất phát từ Căn nguyên tối hậu là chính Đấng Tạo Hoá. Khi tin Thiên Chúa là căn nguyên mọi loài, thì chúng ta có thể dung hoà được những xung khắc mà người ta cố gán ghép cho đức tin với khoa học. Karl Rahner cho rằng chúng ta có thể dung hoà thuyết tiến hoá với đức tin Công giáo bao lâu chúng ta để đức tin dựa trên hai nguyên lý căn bản, đó là: Thiên Chúa là căn nguyên đệ nhất của muôn vật muôn loài, và Thiên Chúa là nền tảng vĩnh cửu mà trên đó muôn vật muôn loài có thể phát triển hết khả năng vượt lên trên chính mình.(7)

Đối với Karl Rahner, vũ trụ tiến hoá không ngừng là nhờ vào năng lực sáng tạo vô cùng của Thiên Chúa.(8)

Còn theo Hans Kung, thuyết tiến hoá không xung khắc với đức tin của chúng ta vào Thiên Chúa. Thiên Chúa hoạt động cách tích cực trong quá trình tiến hoá. Thiên Chúa chính là nguồn mạch, nền tảng và cứu cánh của mọi cuộc tiến hoá.(9)

Theo trình thuật sáng thế, sau khi đã dựng nên vũ trụ, Thiên Chúa đã giao phó công trình đó cho con người cai quản. Con người được thông dự vào đặc quyền thống trị vũ trụ của Thiên Chúa là một hình thức tiến hoá; điều này có thể lý giải rằng con người có nhiệm vụ làm cho thế giới này càng ngày càng đẹp hơn, càng hoàn thiện hơn.(10) Hay nói cách khác, sáng tạo và tiến hoá là hai khía cạnh không thể tách rời nhau trong chương trình quan phòng của Thiên Chúa. Moltmann sẽ cho ta thấy hai chiều kích này:

“Quan niệm Thiên Chúa trong thế giới thọ tạo bằng ý niệm về sáng tạo trong thần khí cho phép chúng ta hiểu ‘sáng tạo’ và ‘tiến hoá’ không còn là hai khái niệm xung khắc để diễn tả hiện thực nữa, và chúng ta có thể kết chúng thành một mối để bổ túc cho nhau: có một cuộc sáng tạo tiến hoá, bởi vì tiến hoá không tự giải thích được từ chính mình. Có một cuộc tiến hoá của thế giới thọ tạo, bởi vì cuộc sáng thế hướng về mục đích là Vương quốc vinh quang và vì thế vượt quá chính mình trong thời gian. Khái niệm tiến hoá được hiểu như một khái niệm căn bản diễn tả Thần Khí sáng tạo của Thiên Chúa hoạt động như thế nào trong thế giới.”(11)

Mọi sự tiến hoá đều nằm trong sự quan phòng của Thiên Chúa. Thiên Chúa không ngừng quan phòng vạn vật để vạn vật ngày càng hoàn thiện hơn cho đến khi chúng đạt được cùng đích của mình là được vinh quang Thiên Chúa (xc. Rm 8,18-25). Tuy nhiên, Thiên Chúa quan phòng đã trao cho con người quyền cai quản muôn vật muôn loài, có nghĩa là Ngài đã giao cho con người làm cho quá trình tiến hoá đó được tiến triển liên tục (xc. St 1,26-29).

Việc Thiên Chúa quan phòng đối với vũ trụ vạn vật có thể được coi như một cuộc sáng tạo liên tục, hay nói cách khác là công trình tạo dựng vẫn tiến hoá không ngừng cho đến khi công trình đó đạt đến thành tựu của nó. Sáng tạo liên tục hay tiến hoá là một hướng mở tới tương lai. Tương lai ở đây là một điểm quy chiếu để mọi vật mọi loài đều hướng về đó. Moltmann tiếp tục phân tích hai khía cạnh này:

“Tiến hoá mô tả quá trình xây dựng từng bước vật chất và các hệ sinh vật. Do đó thuyết tiến hoá thuộc phạm vi thần học nói về sáng tạo liên tục (creatio continua). Nhưng Thiên Chúa, bằng cách nào mà Người sáng tạo và hoạt động trong lịch sử đang tiếp diễn của thế giới thọ tạo? Thần học sẽ sai lầm nếu chuyển các thể thức sáng tạo nguyên thuỷ của Thiên Chúa thành các thể thức hoạt động của Thiên Chúa trong lịch sử. Thần học phải trình bày trong một lịch sử mở rộng, hướng tới tương lai, các thể thức mà Thiên Chúa sử dụng để bảo toàn, duy trì, thay đổi và tăng tốc độ trong thế giới thọ tạo, mà ở đây khái niệm thần học về chiều kích mở hướng tới tương lai lấy lại đồng thời cũng vượt qua khái niệm ‘mở’ của học thuyết về các hệ thống. Thần học phải lấy làm khởi điểm ý tưởng theo đó công trình sáng tạo chưa hoàn tất, chưa đạt tới đích. Cùng với các thể loại trong hệ sinh vật và trong vật chất, con người vẫn còn ở trong quá trình rộng mở của thời gian. Ngày nay con người nắm trong tầm tay việc tiếp tục trực tiếp quá trình tiến hoá đã dẫn đến sự xuất hiện của loài người trên trái đất này: con người có thể huỷ diệt giai đoạn tiến hoá này hay con người cũng có thể tổ chức cho chính mình một phương thức sống chung cao cấp hơn, có thể giúp quá trình tiến hoá tiến triển.”(12)

2.3 Đức Kitô là trung tâm điểm của mọi sự tiến hoá

Theo thần học của Gioan và Phaolô, vạn vật hiện hữu nhờ Ngôi Lời và sẽ quy về Ngôi Lời.(13)

Vũ trụ sẽ không đi tới đâu cả nếu không có công cuộc nhập thể cứu độ của Đức Kitô, Ngôi Lời Thiên Chúa. Teilhard cho chúng ta thấy được vai trò trung tâm của Đức Kitô trong công cuộc tiến hoá của muôn loài muôn vật:

“Teilhard nối kết quá trính tiến hoá với một Kitô học tầm cỡ vũ trụ. Trong viễn tượng đó, Đức Kitô hoạt động như Đấng ban sinh khí cho muôn vật muôn loài trong quá trình tiến hoá như Đấng đưa muôn loài muôn vật về một mối. Quá trình hiến hoá đạt tới điểm hoàn tất trong Đức Kitô được hiểu như điểm hội tụ Ômêga.”(14)

Đức Kitô là Đấng làm cho muôn vật tiến hoá không ngừng: “Đức Kitô-Ômêga, nghĩa là Đức Kitô ban sự sống cho mọi loài và thâu tóm mọi năng lực của sự sống và của tinh thần mà vũ trụ đã chế tạo, nghĩa là, nếu xét cho cùng, Đức Kitô-Đấng chủ động trong quá trình tiến hoá (Christ-Évoluteur).”(15) Nếu nhìn theo nhãn quan của Khải Huyền, mọi sự đều khởi đi từ một Đấng, và mọi sự đều quy về một Đấng. Đấng đó là Alpha và Ômêga của mọi loài, đó là Đức Kitô. Mọi sự đều nhờ Người mà có, rồi mọi vật lại quy về Người. Quả thật, Người là trung tâm, là chủ của mọi công cuộc tiến hoá.

3. Huấn quyền với thuyết tiến hoá

Huấn quyền Giáo hội đã chấp nhận những công trình nghiên cứu khoa học nghiêm túc, trong đó có thuyết tiến hoá của Darwin. Điều này chứng tỏ cho chúng ta thấy rằng giữa đức tin và khoa học chân chính không có mâu thuẫn. Trong thực tế, nhiều người vẫn cho rằng đức tin Kitô giáo đối nghịch với khoa học. Nếu nhìn ở một khía cạnh nào đó thì những người này cũng có lý; nhưng xét rộng hơn thì không phải như thế. Sở dĩ người ta cho Giáo hội đối nghịch hay cản trở bước tiến của khoa học là vì, Giáo hội không như một người nghiên cứu khoa học thực nghiệm, cần làm thí nghiệm một số lần để kiểm chứng giả thuyết rồi mới đưa ra kết luận. Khi đã thực hiện một số thí nghiệm, có thể rút ra kết luận; nhưng sau này, nếu thực hiện những cuộc thí nghiệm khác mà cho kết quả khác thì có thể có kết luận khác với lúc đầu. Điều này có thể xảy ra với khoa học thực nghiệm. Nhưng trong vấn đề đức tin, Giáo hội không thể làm như vậy. Giáo hội rất thận trọng trong những vấn đề mới mẻ, không vội vàng đưa ra phán quyết, mà cần phải tìm hiểu cẩn thận rồi mới có ý kiến. Đó là một cách làm rất khôn ngoan. Đối với thuyết tiến hoá, Giáo hội cũng cần thời gian để chấp nhận nó như vậy.

Giáo hội Công giáo chưa bao giờ có quan niệm đối nghịch với chủ nghĩa triết học Darwin trong vấn đề tiến hoá, mặc dù lý thuyết triết học này coi con người chỉ như là sản phẩm của những sức mạnh duy vật. Giáo hội chưa bao giờ coi và chưa bao giờ dạy rằng trình thuật trong chương đầu của Sách Sáng thế dạy về khoa học.(16)

3.1. Chấp nhận có cân nhắc

Huấn quyền khuyên các tín hữu học hỏi thuyết tiến hoá cách có cân nhắc, để có thể hiểu đúng về nó.

“Huấn quyền Giáo hội không cấm việc học thuyết ‘Tiến hóa’, trong chừng mực học thuyết này nghiên cứu về nguồn gốc của thân xác con người từ một chất thể sinh động đã có sẵn – bởi vì về các linh hồn thì đức tin Công giáo buộc chúng ta phải bảo lưu rằng linh hồn đã được Thiên Chúa trực tiếp sáng tạo -, trong tình trạng hiện thời của các ngành khoa học về con người và của khoa thần học, được các chuyên gia của cả hai lãnh vực đưa ra bàn luận và nghiên cứu. Trong quá trình nghiên cứu, các lý lẽ biện minh cho cả hai lập trường, dù là thuận hay chống, phải được xem xét và phán đoán một cách điều độ và thận trọng với sự nghiêm chỉnh cần thiết, miễn là ai nấy đều phải sẵn sàng tùng phục phán quyết của Giáo hội vốn đã được Đức Kitô trao cho trọng trách minh giải Kinh Thánh một cách trung thực và bảo vệ giáo lý đức tin.”(17)

Đức Gioan Phaolo II trong bài giáo lý về sáng tạo vào năm 1986 nói về trình thuật sáng tạo trong sách Sáng thế như sau:

“Bản văn này có một tầm quan trọng về tôn giáo và thần học vượt lên trên tất cả. Việc nghiên cứu về nguồn gốc và sự phát triển của các loài cá thể trong thiên nhiên không tìm thấy trong một chuẩn mực cụ thể nào trong trình thuật này… Bởi vậy, lý thuyết về tiến hoá tự nhiên, được hiểu theo một nghĩa nào đó là không loại trừ tính nguyên nhân thần thiêng, về căn bản cũng không đối lập với chân lý về sự sáng tạo thế giới hữu hình như được trình thuật trong sách Sáng thế… Tuy nhiên, cần phải nói thêm rằng giả thuyết này chỉ đề xuất một khả năng chắc chắn (cái nhiên), chứ không phải là một sự chắc chắn khoa học. Hơn thế nữa, giáo lý đức tin xác định vững chắc rằng linh hồn thiên nhiên của con người được Thiên Chúa trực tiếp dựng nên. Theo giả thuyết được đề cập ở đây, có thể là thân xác con người, theo trật tự đã được Đấng Tạo Hoá ấn định lên những năng lực sự sống, hẳn là đã được chuẩn bị tiệm tiến nơi những mô thể của những hữu thể tiền sự.”(18)

Năm 1996, Đức Gioan Phaolo II lặp lại chủ đề này trong thông điệp gửi cho Viện hàn lâm Giáo hoàng về Khoa học.(19)

3.2. Nhưng lưu ý

Khi Giáo hội khuyên tín hữu tìm hiểu học hỏi thuyết tiến hoá, người ta đã đặt ra vấn đề rất hệ trọng liên quan đến chân lý đức tin, đó là thuyết độc tổ. Giáo lý truyền thống dạy rằng tổ tông loài người là Adam và Eva; còn thuyết tiến hoá, hay nói rộng ra là các khoa học tự nhiên thì quan niệm rằng sau Adam, thực sự đã có những con người không thuộc con cháu của Adam và Eva. Và như thế, tổ tông loài người là đa tổ chứ không phải là độc tổ. Khi chấp nhận thuyết tiến hoá, người ta cho rằng vậy là Giáo hội cũng chấp nhận thuyết đa tổ. Không phải thế! Để bảo vệ giáo lý đức tin, Đức Piô XII đã xác định rõ rằng người tín hữu không thể chia sẻ quan điểm về thuyết đa tổ. Giáo lý về tổ tông loài người và tội nguyên tổ vẫn không có gì thay đổi.(20)

Thay lời kết

Đức tin Kitô giáo không có ý định dạy về những chân lý khoa học, mà cũng không có mục đích phủ nhận chỗ đứng của khoa học chân chính trong việc tiến triển của con người và vũ trụ. Đức tin đó dạy cho biết rằng dù vũ trụ và con người tiến hoá như thế nào đi nữa thì vẫn không thể đi ra ngoài sự quan phòng của Thiên Chúa được, Thiên Chúa phải là nguyên nhân và cùng đích của mọi cuộc tiến hoá. Giáo hội không ngăn cản các tín hữu nghiên cứu khoa học, ngược lại còn khuyến khích tín hữu nghiên cứu khoa học một cách nghiêm túc để nhờ vào việc khám phá đó, con người thấy được quyền năng cao cả và tình thương lớn lao của Thiên Chúa đối với vũ trụ và con người. Khám phá đó đưa con người đến việc hiểu biết Thiên Chúa hơn, từ chỗ hiểu biết mà yêu mến và phục vụ Thiên Chúa hơn. Việc yêu mến và phục vụ Thiên Chúa có thể được thực hiện qua việc chiêm ngắm những kỳ công thiên hình vạn trạng được tỏ bày nơi công trình tạo dựng của Thiên Chúa. Công trình tạo dựng đó vẫn tiếp tục tiến hoá không ngừng qua sự quan phòng đầy khôn ngoan và yêu thương của Thiên Chúa Cha trong sự hướng dẫn của Thần Khí nhờ Đức Kitô.

Chú thích
(1) Xc. Lê Anh Huy, Quan điểm siêu hình của Darwin. Cập nhật ngày 05/05/2009; http://hoptinhhoply.net/?q=node/124.
(2) Cf. Russell Shaw (ed.), Our Sunday Visitor’s Encyclopedia of Catholic Doctrine, Our Sunday Visitor Publishing Division, Huntington-Indiana, 1997, pp. 223-224.
(3) Charles Darwin, The Origin of Species, Random House, 1993, p. 649. Bản dịch Việt ngữ của Lê Anh Huy, sđd.
(4) Xc. Lê Anh Huy, Quan điểm siêu hình của Darwin. Cập nhật ngày 05/05/2009; http://hoptinhhoply.net/?q=node/124.
(5)Pierre Teilhard de Chardin, Le Phénomène humain. Dans Les Oeuvres de Pierre Teilhard de Chardin, T. 1, Paris, 1955, pp. 330-331. Bản dịch Việt ngữ được trích từ Sáng thế luận qua các tác giả, (?), tr. 398-399.
(6) Xc. Sáng thế luận qua các tác giả, tr. 399.
(7) Xc. Sáng thế luận qua các tác giả, tr. 443.
(8) Xc. Sáng thế luận qua các tác giả, tr. 437-438.
(9) Xc. Sáng thế luận qua các tác giả, tr. 467-470.
(10) Cf. International Theological Commission, Communion and Stewardship: Human Persons Created in the Image of God. Download May 5th 2009; http://www.vatican.va/roman_curia/congregations/cfaith/cti_documents/rc_con_cfaith_doc_20040723_communion-stewardship_en.html.
(11) Jurgen Moltmann, Dieu dans la création, Le Cerf, T. 33, p. 252. Bản dịch Việt ngữ được trích trong Sáng thế luận qua các tác giả, tr. 451.
(12) Jurgen Moltmann, Dieu dans la création, Le Cerf, T. 33, p. 252. Bản dịch Việt ngữ được trích trong Sáng thế luận qua các tác giả, tr. 452.
(13) Xc. Lời tựa của Tin Mừng theo thánh Gioan (1,1-18) và các thư của thánh Phaolô.
(14) Sáng thế luận qua các tác giả, tr. 401.
(15) Sáng thế luận qua các tác giả, tr. 403.
(16) Cf. Russell Shaw (ed.), Our Sunday Visitor’s Encyclopedia of Catholic Doctrine, Our Sunday Visitor Publishing Division, Huntington-Indiana, 1997, p. 223.
(17) Pope Pius XII, Humani Generis, August 12th 1950. Bản dịch Việt ngữ được trích trong Sáng thế luận qua các tác giả, tr. 110.
(18) Trích lại trong Russell Shaw (ed.), Our Sunday Visitor’s Encyclopedia of Catholic Doctrine, Our Sunday Visitor Publishing Division, Huntington-Indiana, 1997, p.223.
(19) Cf. Russell Shaw (ed.), Our Sunday Visitor’s Encyclopedia of Catholic Doctrine, Our Sunday Visitor Publishing Division, Huntington-Indiana, 1997, p. 223.
(20) Cf. Pope Pius XII, Ibi
 
Trò đểu của cộng sản vẽ hình lãnh tụ bên cạnh các thánh gây phẫn nộ trong Chính Thống Giáo Nga
Nguyễn Việt Nam
09:21 22/10/2010
Ngông nghênh đồ tể mơ làm thánh
Hợm hĩnh ác nhân mộng thành thần
Bức tranh vẽ hình Joseph Stalin đứng bên cạnh Thánh Matriona (1885-1952), một vị thánh bị mù hai mắt của Chính Thống Giáo được treo tại nhà thờ Chính Thống Giáo Thánh Nicôla (Starovagankovsky) của thủ đô Mạc Tư Khoa trong tuần qua đã gây nên một làn sóng căm phẫn trong anh chị em giáo dân.

Linh mục Vladimir coi sóc nhà thờ Starovagankovsky đã được lệnh phải gỡ bỏ ngay tức khắc bức tranh ấy. Cha Vladimir thanh minh rằng có một người nào đó đã “dâng tặng” bức tranh nói trên và ngài đã treo nó lên “vì lòng sùng mộ bà thánh Matriona”.

Linh mục trưởng Vsevolod Chaplin, giám đốc Phòng Quan Hệ Đối Ngoại tòa thượng phụ Mạc Tư Khoa giải thích lập trường dứt khoát của Tòa Thượng Phụ rằng Stalin “là tên đồ tể đã tàn sát bao nhiêu người vô tội và trong đời y chưa bao giờ có một giây phút nào ăn năn về những hành vi tàn bạo ấy”. Chính vì thế việc treo ảnh tượng của tên đồ tể này trong nhà thờ là một điều không thể chấp nhận được.

Theo truyền thuyết của cộng sản, mà tòa thượng phụ Mạc Tư Khoa cực lực phản đối, Stalin đã gặp bà Thánh Matriona vào năm 1941 và bà Thánh Matriona đã tiên đoán rằng nước Nga sẽ chiến thắng Đức Quốc Xã trong thế chiến thứ Hai.

Để tăng thêm tính thuyết phục cho truyền thuyết này, trong cuốn lịch sử Đảng Cộng Sản Nga còn ghi nhận sự kiện là trong bài diễn văn gởi quốc dân đồng bào của Stalin, ngay sau cuộc gặp gỡ này, lần đầu tiên Stalin đã dùng một cụm từ đặc biệt của Kitô Giáo “Thưa anh chị em” thay vì “Thưa các đồng chí và đồng bào” như thường lệ.

Bức tranh vẽ hình Joseph Stalin đứng bên cạnh Thánh Matriona đã được vẽ sau khi Đồng Minh và Nga chiến thắng Đức vào năm 1945 và được trưng bày trong nhiều nhà thờ ở Nga cho tới khi cộng sản bị sụp đổ.

“Ngạo nghễ sau chiến thắng, tên đồ tể muốn được sùng kính không chỉ trong xã hội dân sự mà thôi mà còn muốn được chễm chệ trên bàn thờ,” cha Chaplin giải thích.

Trong thực tế, bà Thánh Matriona đã chịu nhiều đau khổ với cộng sản và cuối cùng đã phải trốn tránh sự truy lùng gay gắt của KGB.

Sau năm 1945, và mãi đến ngày nay, cộng sản Nga vẫn nhiều lần bày tỏ ý muốn, thậm chí là áp lực Chính Thống Giáo Nga “phong Chân Phước” cho Stalin – “một ý tưởng ngu xuẩn và điên rồ”, ngài nhận định.

Mùa Đông năm 2008, linh mục Yevstafy Zhakov, cha sở nhà thờ Thánh Olga Strel'na gần St. Petersburg đã dám treo bức ảnh này lên, gây ra một vụ tai tiếng trầm trọng. Cha Yevstafy Zhakov đã bị kỷ luật rất nặng cho nên người ta kinh ngạc tại sao chỉ hai năm sau vụ việc tương tự lại có thể xảy ra tại ngay thủ đô Mạc Tư Khoa.

Trò đểu của cộng sản trộn lẫn thiện ác cũng đang diễn ra tại Việt Nam với việc hình ảnh, kể cả các pho tượng to lớn của các lãnh tụ cộng sản, đang được xảo quyệt đưa vào các nơi thờ tự của các tôn giáo.
 
Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và bác sĩ riêng
GM F.X. Nguyễn Văn Sang
10:30 22/10/2010
Lời Nói Đầu: Sắp tới tháng các linh hồn, chúng ta hãy cầu nguyện cho các đấng bậc trong luyện ngục trong số đó có ông bà, cha mẹ và những người thân của chúng ta. Cũng là thời gian chúng ta thường suy ngắm tới giờ phút chung cuộc của cuộc đời, nhân sắp sửa đến dịp Giáo Hoàng Gioan PhaolôII được phong chân phúc tôi xin giới thiệu một bài báo đề cập tới Đức Giáo Hoàng tiền nhiệm trong những ngày ốm đau và cái chết thánh thiện của Ngài. Bài đó có nhan đề là Đức Thánh Cha Karol Wojtyla và vị bác sĩ riêng đăng trên báo Osservetore romano số 32 ngày 10/8/2010 chúng tôi lược dịch bài này để hiến tặng mọi người nhất là những bậc cao niên tuổi già để thưởng thức và suy ngắm.

ĐỨC GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ II VÀ BÁC SĨ RIÊNG

Khi Đức Hồng Y Karol bắt đầu làm Giáo Hoàng 16/10/1978 xem ra là một người cường tráng không biết mệt mỏi, Ngài sinh ngày 18/05/1920 tức là cách đây đúng 90 năm. Tưởng rằng sẽ không bao giờ cần đến bác sĩ, nhưng ngày 13/05/1981 mọi việc thay đổi: những viên đạn không giết được Ngài nhưng đã làm tổn thương đến sức khoẻ trầm trọng. Từ đó Ngài trở nên “một con người của các đau khổ”. Dần dần Ngài mắc căn bệnh Parkinson và những vấn đề về xương khớp… ra như bị cầm tù thân xác. Dẫu vậy Đức Giáo Hoàng vẫn tiếp tục sứ mệnh và không muốn dấu kín bệnh tật, không phảivì khoe khoang nhưng để đánh giá vai trò của nó trong xã hội của mỗi người dù bị đau ốm hay kém cỏi. Những tuần sau hết của cuộc đời trần thế của Ngài và những ngày Ngài sống trên núi Sọ, một vị Giáo Hoàng vẫn dạy chúng ta phải sống như thế nào, thì Ngài cũng dạy chúng ta cư xử trong thời kỳ đối diện với sự chết. Ở bên cạnh Ngài có vị bác sĩ riêng tên Renato Buggonetti người mà hôm nay theo yêu cầu của phóng viên đã có cuộc nói chuyện như sau:

. Phóng viên (Pv): ông đã là bác sĩ riêng của 3 vị Giáo Hoàng vậy công việc của ông thế nào?

Bác sĩ (Bs): Vị thầy thuốc riêng của Đức Thánh Cha được trao nhiệm vụ tín cẩn là quan tâm săn sóc tình trạng sức khoẻ của Đức Thánh Cha và giúp đỡ Ngài trong việc phòng ngừa và chữa trị các bệnh tật, và trong tầm mức có thể ông còn phải theo dõi Ngài trong những hoạt động khác nhau. Trong sứ vụ tế nhị này, vị thầy thuốc dựa vào mọi cơ cấu tác động của ban y tế chính quyền quốc gia và đô thành Vaticăng, rồi bên ngoài thành Rôma cũng cộng tác với các vị có thẩm quyền về y tế địa phương

Pv: Vậy ông đã gặp Đức Giáo Hoàng PhaolôII lần thứ nhất khi nào?

Bs: Đó là trong vương phòng mấy phút sau khi ngài đã ban phép lành lần đầu tiên trên Ngai Toà Thánh Phêrô. Lúc đó tôi là bác sĩ của mật hội và chỉ huy nhóm thầy thuốc giúp đỡ y tế cho các Đấng tham dự Mật hội. Đức Giáo Hoàng vừa ra khỏi nhà nguyện Sisetime và tôi đã thấy chiếc mũ trắng của Ngài đội nhấp nhô giữa hàng các Hồng Y, và các Đức Giám mục đang vây quanh người trong bầu không khí lễ hội. Ngài dừng lại trong phòng mấy phút để chào thăm các vị tham dự Mật hội, có một đấng có lẽ đã báo tin cho Ngài biết về địa vị của tôi rất quen biết Đức Hồng Y Deskur hiện nay đang được điều trị tại bệnh viện đa khoa Giemiili trong tinhg trạng rất nguy kịch. Đức Giáo Hoàng đi đến cạnh tôi đặt một tay trên vai tôi và hỏi những tin tức mới nhất về vị Hồng Y là người bạn rất thân của Ngài, yêu cầu tôi cung cấp những tin mới nhất về bệnh tật tiến triển ra sao: nhưng tôi thưa với Ngài rằng, các điện thoại trong nhà đều bị cắt hết vì mật hội chưa kết thúc, Ngài nhấn mạnh dẫu sao cũng phải báo tin. Trong ngày đó tôi không tưởng tượng được là sau mấy tuần nữa tôi được triệu tập tới gặp Đức Thánh Cha và được mời làm bác sĩ riêng của Ngài. Từ năm 1965 tôi đã gắn bó với tổ chức y tế của Chính Phủ bằng một hợp đồng làm việc bán thời gian trong lúc vẫn là bác sĩ bệnh viện trong những cơ cấu công khai lớn lao và hiệu quả nhất của nước Ý, thế nhưng tôi không được biết đến Đức Karol Wojtyla.

Pv: Vậy ông đã trở nên bác sĩ riêng của Đức Thánh Cha như thế nào?

Bs: Chiều ngày 29/12/1978 tôi đang làm việc ở bệnh viện Thánh Camilô tôi bất ngờ nhận được cú điện thoại của Đức Cha Gioan Magie thuộc văn phòng thư kí riêng của Đức Thánh Cha mời tôi đến gặp. Buổi tối hôm đó tôi vào lâu đài của Đức Giáo Hoàng nghĩ rằng vị Giám chức bị đau ốm ra sao. Tôi được đưa vào một phòng khách nhỏ để đợi chờ trong chốc lát, tôi hoàn toàn bỡ ngỡ sửng sốt khi thấy Đức Thánh Cha Gioan PhaolôII đi tới cùng với hai vị bác sĩ Ba Lan. Ngài cho tôi ngồi trên ghế và nói rằng ngài muốn đề cử tôi làm bác sĩ riêng của Ngài, Ngài bắt đầu tả vẽ cho tôi về tình trạng sức khoẻ rất chính xác về ngày tháng cũng như con số mặc dù lúc đó Ngài rất khoẻ mạnh. Sáng hôm sau tôi viết cho vị thư kí riêng của Ngài ( Đức ông Dziwisg) để nói với Ngài rằng tôi chấp nhận và sẵn sàng từ nhịêm khi Đức Giáo Hoàng muốn.

Pv: Từ lúc đó ông đã ở bên cạnh Đức Thánh Cha và đã đi với Ngài trong các cuộc viễn du vậy thì ông liên hệ với Đức Thánh Cha như thế nào?

Bs: Quan hệ của chúng tôi rất đơn giản, về phía tôi luôn luôn có sự chân thành hiếu thảo và tôn kính. Về phía Đức Giáo Hoàng tin tưởng thân ái được thể hiện bằng những cử chỉ và lời nói từ tốn có sự ưu ái trong sáng.

Pv: Vậy Đức Giáo Hoàng PhaolôII thuộc mẫu bệnh nhân nào?

Bs: Giáo Hoàng là một bệnh nhân dễ bảo chăm chú, ước ao được biết căn nguyên bệnh tật dù nặng hay nhẹ, nhưng không tò mò quá đáng mặc dầu dễ hiểu đối với bệnh nhân, Ngài tả vẽ rất chính xác những triệu chứng mà Ngài mắc phải, Ngài luôn làm như vậybởi vì Ngài muốn chóng khỏi để có thể mau chóng trở về làm việc, nhất là lại có thể cầu nguyện trong nhà thờ với một cử chỉ giữ cho đến tận cuối đời. Đức Giáo Hoàng không bao giờ tỏ vẻ thất vọng khi phải đối đầu với đau khổ mà người phải chịu đựng cách can đảm và chấp nhận có ý thức. Cũng giống như cá bệnh nhân khác Ngài không thích tiêm, nhưng sẵn sàng chấp nhận có ý thức để cho chóng khỏi.

Pv: Đức Giáo Hoàng PhaolôII là một con người rất khoẻ đầy nghị lực, xem chừng không cần đến thầy thuốc thế nhưng mọi sự đã thay đổi từ ngày Ngài bị ám sát. Bác sĩ có thể nói về giai đoạn khủng khiếp này không?

Bs: Những biến cố của ngày 13/5/1981 đã được kể lại dưới tất cả các khía cạnh, thế nhưng tôi nhớ nhất có một điều đặc biệt là khi vừa tỉnh dậy sau cuộc gây mê ở bệnh viện Gemelli: cuộc giải phẫu lâu (5 tiếng đồng hồ) Ngài nói: “giống như ông Bachêlê”, tôi trả lời: “thưa Đức Thánh Cha không phải thế bởi vì Ngài đang sống và sẽ sống nữa”. Tôi nghĩ rằng Ngài nói tới cái tên ở trên bởi vì Ngài xúc động khi hay tin ông Bachêlê là phó chánh án Toà án tối cao bị Đạo Quân Đỏ sát hại 12/02/1980. Đức Giáo Hoàng rất quen biết ông này; vì ông ta là cựu chủ tịch của phong trào Công giáo tiến hành Ý Đại Lợi, và là thành phần của uỷ ban Giáo Hoàng giáo dân mà Đức Thánh Cha làm chủ tịch. Vì vậy ngay hôm sau ngày ông Bachêlê bị ám sát Ngài đã dâng lễ trọng thể cầu nguỵên cho ông tại đền Thánh Phêrô

Pv: Có phải sau đó Đức Giáo Hoàng rất đau đớn vì mắc bệnh Pakissơn?

Bs: Tôi đã nhận ra những dấu chỉ đầu tiên năm 1991 nhưng tôi không nghĩ là Đức Thánh Cha đã nhận ra, nó đã xảy ra chính xác lúc nào trong một thời gian lâu, Ngài vẫn bình thường, không chú ý, một vài biến động và chỉ sau này Ngài mới hỏi xin cắt nghĩa về những cơn run rẩy đó. Tôi cho Ngài biết rằng sở dĩ có những run rẩy ấy là vì những triệu chứng rõ rệt của các cơn khủng hoảng thần kinh, nhưng những cuộc run rẩy như vậy tự nó không làm chết người được, mặc dầu gây ra bất toại.

Sau đó một số biến cố xảy ra mau chóng làm cho tình hình trở nên mong manh. Đơì sống của Đức Giáo Hoàng trở nên phức tạp vì những cơn đau xương cốt, nhất là ở phần đầu gối phải, khiến cho Đức Giáo Hoàng không thể đứng lâu được và bước đi khó khăn, những biến chứng lẫn lộn với nhau xuất hiện cùng một lúc khiến cho Ngài phải dùng gậy chống, dùng ghế đặc biệt và sau cùng phải đi xe lăn.

Pv: Đức Thánh Cha làm thế nào để có thể chịu đựng được sự đau đớn và bất toại đó vì nó khiến Ngài phải hạn chế, cử động và tự do?

Bs: Vào cuối thời kỳ sự đau đớn thể xác rất mãnh liệt, nhưng đối với Ngài trước hết là sự đau đớn về tinh thần và thiêng liêng của một người ở trên Thập Giá chịu đựng tất cả cách can đảm và kiên nhẫn. Người không bao giờ xin thuốc giảm đau, ngay cả vào giai đoạn cuối hết. Trước hết là sự đau đớn của một con người bị cột chặt, bị đóng đanh vào chiếc giường hay chiếc ghế bị mất hết tự do về thể lý. Người không làm được điều gì một mình, và như vậy phải trải qua những ngày đau khổ vì thấy mình yếu đuối hoàn toàn. Ngài không đi được nữa, cũng không nói được câu nào hoặc nói rất khẽ nói rất khó nghe, Ngài thở đứt quãng, và ăn uống cũng rất khó khăn. Ôi đã xa rồi thời kỳ những cuộc tập họp quốc tế của giới trẻ đáng ghi nhớ, những bài giảng trước các cuộc họp quốc tế, những cuộc leo núi, những kỳ nghỉ hè đi trượt tuyết, những cuộc viếng thăm mục vụ trong các xứ họ ở vùng Cracovi và Rôma. Đã đến giờ của Thập Giá, Ngài biết ôm hôn không do dự, cờ Thánh Giá là cờ vua tiến bước.

Pv: Bác sĩ có nhớ một vài thời gian đặc biệt thảm hại không?

Bs: Đức Thánh Cha không bao giờ đầu hang, luôn đối diện với đau khổ, tôi muốn nhớ lại thời gian đặc biệt đầy kinh sợ và hồi hộp. Sau cuộc phẫu thuật cổ họng ngày sau hết khi tỉnh dậy mặc dầu đã được Ngài ưng chuẩn trước, Ngài khám phá ra rằng mình không thể nói được nữa, lập tức Ngài phải đối diện với thực tại rất khó khăn, Ngài viết trên bảng với nét chữ run rẩy bằng tiếng Balan như sau: Mẹ đã làm gì cho con, “tất cả thuộc về Mẹ” (ToTus ) đó là cách ý thức được một tình trạng sống mới, mà Ngài không nhận ra rằng đã bị áp đặt một cách phũ phàng, nhưng ngay lập tức đã được siêu nhiên hoá nhờ sự phó thác trong tay Đức Mẹ Maria

Pv: Đôi lúc có tin đồn rằng trong những cuộc du ngoạn ra khỏi Vaticăng của Đức Thánh Cha vị bác sĩ riêng của Ngài cò tham dự chăng?

Bs: Vâng tôi có hiện diện trong những năm đầu tiên, là những cuộc du ngoạn ở những nơi cao trên núi hay ở những bãi tắm không xa thành Rôma hoặc là đi bộ lâu giờ, hoặc trựơt tuyết. Đến sau khi Đức Thánh Cha cao tuổi thì những cuộc đi bộ ngắn hơn, và đôi lúc phải dùng xe hơi và kết thúc phải nghỉ lâu giờ trong bóng râm của chiếc lều trại trước những phong cảnh tĩnh mạc dưới chân những ngọn núi còn phủ đầy tuyết và một cuộc cắm trại tiếp theo. Vào buổi chiều hoàng hôn trước khi lên đường về Rôma Đức Thánh Cha muốn nghe những bài ca của núi rừng được các thành viên trong nhóm cất lên. Các lính canh của Vaticăng và những công an Ý Đại Lợi đi bảo vệ cùng hợp giọng hoà ca, và chính tôi được giao cho trọng trách điều khiển ca đoàn dưới con mắt vui thích của Đức Thánh Cha trên những nẻo đường “thoát ra” khỏi Vaticăng. Tôi nhớ đặc biệt đến cuộc đi dạo trên núi gần Arcinazzo vào tháng 5/2003, Đức Thánh Cha lúc đó đã cảm thấy rất đau đớn và rối loạn ở đầu gối bên phải và sau khi đã hỏi tôi và nghe cắt nghĩa về tình trạng sức khoẻ của Ngài, Ngài nói với tôi rằng tôi sẽ phải là vị thầy thuốc riêng của Ngài đến muôn đời. Vâng thật ra tôi không bao giờ quên cái ngày hôm đó và tôi cũng không bao giờ quên lần nghỉ hè trong thung lũng Aostie vào tháng 7/2004 trên một thảm cỏ xanh dưới một cây cổ thụ, tôi nhắc đi nhắc lại hàng trăm lần cho Đức ông thư ký ý định của tôi xin từ nhiệm sau 26 năm phục vụ. Đức ông trả lời rằng: “ ông không được từ nhiệm, và cũng không thể từ nhiệm vì đấy là ý muốn của Đức Thánh Cha và Đức ông tiết lộ cho tôi biết rằng Đức Giáo Hoàng cầu nguyện cho tôi mọi ngày trong Thánh Lễ, thế là tôi tự động bỏ cuộc ý định từ nhiệm.

Pv: Đức Giáo Hoàng là bệnh nhân của ông nhưng cũng là Đức Giáo Hoàng vậy ông thấy tinh thần đạo đức của Ngài ra sao?

Bs: Đức Giáo Hoàng luôn sống kết hợp chặt chẽ với Thiên Chúa vì Ngài luôn cầu nguyện và suy gẫm. Ngài có một Đức tin sắt thép và một tâm hồn pha trộn lãng mạn của Ba Lan và thần bí của Slavio, Ngài có một trí khôn sắc sảo, một năng lực quyết đoán nhanh nhẹn và tổng hợp, nhất là một năng lực phúc âm để yêu mến, chia sẻ và để tha thứ.

Pv: Với thư ký riêng của Giáo Hoàng và các nữ tu, ông là một trong số các nhân vật hoạ hiếm được giúp đỡ Ngài trong những giờ sau hết vậy ông có kỉ niệm gì về biến cố đó?

Bs: đó là những ngày ghi dấu đậm nét trong cuộc đời tôi mặc dầu có sự dấn thân nghề nghiệp rất nặng nề, và có sự tham gia đau đớn vào tấm thảm kịch nhân loại và tôn giáo, đang kết thúc dưới con mắt của tôi, do sự căng thẳng rất lớn với phần trách nhiệm nặng nề đè nặng trên vai và sau cùng với một lời nguyện liên lỉ hiệp thông với Đức Thánh Cha đang đau khổ. Trong những giờ phút cuối hết này, các đồng nghiệp y sĩ cũng như tôi đều cảm nhận cơn bệnh đang tiến lên một cách thảm khốc vào giai đoạn cuối cùng. Chúng tôi cố gắng chiến đấu với tất cả lòng kiên nhẫn, khiêm tốn và khôn ngoan nhưng cũng vô cùng khó khăn, bởi vì chúng tôi biết rằng sẽ kết thúc bằng thất bại. dù những kỹ thuật hợp lý do ý thức và khôn ngoan của các bác sĩ, với lòng yêu mến được soi sáng của các thân nhân, chúng tôi luôn được hướng dẫn bởi lòng tôn kính hoàn toàn cũng như thươg xót đối với một con người đang đau khổ mà không từ chối một cuộc điều trị y học nào. Đối với một vị thầy thuốc Kitô, cơn hấp hối của một người là hình ảnh của chính Chúa. Mỗi người đều mang những thương tích, đầu đội mạo gai, lẩm bẩm những lời sau hết, phó mặc mình vào cánh tay một người, đang vô thức lặp lại cử chỉ của Đức Maria, của những phụ nữ đạo đức, của ông Giuse Arimathie. Cái chết của Đức Thánh Cha Gioan PhaolôII càng làm cho tôi bị đảo lộn hơn nữa. Đó là cái chết của một người mà nay bị lột trần mọi sự, một đấng đã để nhiều giờ trong cuộc sống để lâm trận, để được vinh quang, giờ đây đang hiện diện trong sự trần trụi nội tâm thảm hại và cô đơn, đi gặp gỡ Chúa của mình, mà Ngài sắp sửa trao trả lại chìa khoá của nước Chúa. Trong giờ phút đau khổ và kinh khủng này tôi có cảm giác đứng ở bên hồ Tiberia. Lịch sử xem ra lại xuất phát từ con số không. trong khi Đức Kitô đang sắp sửa gọi Đấng Phêrô Mới

Thái Bình ngày 22/10/2010
+ GM F.X. Nguyễn Văn Sang lược dịch
 
Ấn Độ thất vọng vì một giám mục của họ không được thăng Hồng Y trong công nghị sắp tới
Tiền Hô
12:29 22/10/2010
New Delhi, ngày 22 Tháng Mười (UCANews) - Người Công giáo ở miền đông bắc Ấn Độ đã bày tỏ thất vọng vì một giám mục hàng đầu trong khu vực đã không có tên trong danh sách các tân hồng y do Đức Thánh Cha mới công bố trong tuần này.

Hôm 20 Tháng Mười, ĐTC Benedict XVI đã công bố tên 24 vị giám mục từ khắp nơi trên thế giới được thăng hồng y, Á Châu chỉ có một vị được chọn là Đức Tổng Giám Mục Malcolm Ranjith của Colombo (Tích Lan). Theo các ghi nhận từ Vatican thì đáng lẽ ra đã có đến bốn tổng giám mục Á Châu có thể tham gia vào hồng y đoàn.

"Người dân ở vùng đông bắc Ấn Độ đã nuôi "một vài hy vọng" rằng Đức Tổng Giám mục Dòng Salêdiêng - Thomas Menamparampil - của TGP.Guwahati sẽ trở thành một hồng y", ông Willie Mathews - một vị lãnh đạo giáo dân ở tiểu bang Assam cho biết.

Đức Tổng giám mục này qua tuổi 74 vào hôm nay, 22 Tháng Mười, một số linh mục và nữ tu trong khu vực dường như chán nản vì ngài đã lỡ mất cơ hội. Dù không có những lời tranh luận, nhưng một linh mục Dòng Salêdiêng nói rằng cha rất buồn và thất vọng về điều ấy, trong khi một linh mục cao cấp khác của giáo phận cho biết là cha bị sốc bởi thiếu tên Đức Tổng Giám Mục của mình.

Một nữ tu thì cho biết, điều này đã tác động người dân ở vùng đông bắc Ấn Độ, nơi Đức Tổng Giám mục Menamparampil đang mục vụ trong nhiều thập kỷ. Ngài là một nhân vật nổi tiếng ở đó vì những thực thi hoà bình và sáng kiến của ngài đã giúp Giáo Hội có thể tiến vào Arunachal Pradesh, một vùng đất cấm đoán các nhà thừa sai. Đức Tổng Giám Mục "được biết đến qua các can thiệp vì hòa bình của mình trên khắp miền đông bắc Ấn Độ", nữ tu nói.

Khu vực này trải rộng trên 7 tiểu bang của Ấn Độ và là nơi có hơn 200 nhóm sắc tộc, nhiều người trong số đó tham gia vào các cuộc chiến tương tàn để muốn độc lập khỏi Ấn Độ.

Ông Mathews nói thêm rằng, các sáng kiến của Đức Tổng Giám mục đã mang lại hoà bình giữa các bộ lạc Bodo Santal tại tiểu bang Assam và các nhóm khác ở tiểu bang Manipur. "Ngài là một dấu hiệu của nền hòa bình", ông kết luận.

Còn vị nữ tu thì nói, "tinh thần yêu thương sinh động" của Đức Tổng Giám Mục đã làm cho ngài thành "một người được chấp nhận" trong khu vực. Ngài dành hàng tuần cho những người ở trong các làng mạc xa xôi không thể tiếp cận.

Ông Mathews nói, các xúc tiến của Đức Tổng Giám Mục sẽ giúp đức tin phát triển hơn nữa trong khu vực.

Công giáo phát triển mạnh trong khu vực này mặc dù chỉ mới được truyền vào khoảng 125 năm trước đây. Hiện có hơn một triệu người Công giáo trong 16 giáo phận.
 
Mã Lai Á: thiếu không gian dành cho nghĩa trang Công giáo
Tiền Hô
12:30 22/10/2010
Kuala Lumpur, ngày 22 Tháng Mười (AsiaNews) - Kitô hữu sống ở thủ đô Kuala Lumpur (Mã Lai Á) và các khu vực xung quanh lo ngại vì thiếu đất chôn người chết. Các nghĩa trang công cộng dành cho người không theo Hồi giáo hầu như đã đầy, vấn đề trở nên tồi tệ hơn bởi theo lệ thường, Giáo Hội quy định thì không cho phép chôn bên ngoài nơi cư trú.

Nghĩa trang Kitô giáo Shah Alam là một ví dụ. Chỉ có người dân địa phương mới có thể được chôn cất ở trong đó. Ở một số nơi, chỉ những người giàu có mới đủ khả năng chôn cất bên ngoài khu vực nghĩa trang công cộng. Một vị trí trong một nghĩa trang tư nhân có thể có giá lên tới 1.500 Mỹ Kim.

Hầu hết người Công giáo Mã Lai Á thích mai táng, còn hỏa táng thì thường gắn liền với các tôn giáo khác như Phật giáo. Sự lựa chọn này bắt nguồn từ truyền thống Công giáo, coi thân xác như là một cái gì đó thiêng liêng. Tuy nhiên, không giống như Hồi giáo, Giáo hội Công giáo không cấm đoán việc hỏa táng.

Hệ quả của việc thiếu không gian trong một quốc gia đang phát triển nhanh như Mã Lai Á khiến cho nhiều người Công giáo chọn hình thức hỏa táng, giá cả rẻ hơn và thực tế hơn.

"Chúng tôi mang đến điều kiện như thế này bởi vì không còn có sự lựa chọn nào khác, trừ khi bạn muốn được chôn cất xa nhà?", John de Souza - nhân viên tư vấn tang lễ nói. Đối với các gia đình vẫn cứ khăng khăng muốn chôn, Souza đưa họ đến Malacca - cách một giờ xe chạy, ở đấy không đông đúc như ở Kuala Lumpur.

Tuy nhiên, việc chôn cất tại quốc gia này bắt đầu đã quá tải, các Kitô hữu của Mã Lai Á bây giờ có thể chấp nhận việc hỏa táng là một lẽ thường tình.

Đã có một số nơi lân cận - như là Tân Gia Ba (Singapore) chẳng hạn - việc chôn cất gần như chưa từng được nghe thấy vì phần lớn người chết đều giải quyết bằng hỏa táng. Kitô hữu chiếm 9% trong tổng số 27 triệu dân của Mã Lai Á.
 
Nam Dương: Lực lượng Hồi Giáo chống đối kế hoạch xây dựng nhà thờ mang tên Mẹ Teresa
Tiền Hô
12:31 22/10/2010
Jakarta, Nam Dương, ngày 22 Tháng Mười (AsiaNews) - Chống đối Kitô giáo một lần nữa được nuôi trong não trạng xấu xa của họ. Các nhóm Hồi giáo đang ngày càng cố gắng ngăn chặn việc xây dựng các nhà thờ ở những nơi có Giáo Hội Công Giáo hiện diện. Chính phủ bị chỉ trích bởi vì phản ứng quá chậm chạp với hiện tượng này, họ đã đã đổ thêm dầu vào ngọn lửa không hòa hợp tôn giáo.

Ví dụ gần đây nhất về chiều hướng này liên quan đến Giáo xứ Mẹ Thánh Teresa ở Cikarang, cách thủ đô Jakarta khoảng 60 km về phía đông. Tình hình tại đây trở nên đáng lo ngại nhiều hơn kể từ khi chính quyền Nam Dương (Indonesia) tỏ ra rất ít động thái hoặc không muốn can thiệp vào vấn đề này, bất chấp những lời chỉ trích mạnh mẽ từ các nhóm vận động tôn giáo và nhân quyền.

Trong những ngày gần đây, đã xuất hiện một số biểu ngữ khiêu khích chống đối kế hoạch xây dựng một nhà thờ Công giáo mới tại Cikarang. "Nhóm Hồi giáo Ukuwah Islamiyah bác bỏ bất cứ kế hoạch xây dựng một nhà thờ nào ở Bunda Teresa Cikarang" - một biểu ngữ treo ở phía trước một nhà thờ Hồi giáo địa phương ở Taman Cikarang Sentosa viết. Lại có một số biểu ngữ khác xuất hiện trên đường phố Bandung, tại Cinere, mang thông điệp tương tự dành cho một nơi thờ phượng Kitô giáo, dự kiến sẽ được xây dựng chỉ cách đồn cảnh sát địa phương 200 mét.

Trong cả hai trường hợp trên đây, rõ ràng là chính quyền đã thiếu những động thái đối với loại hình biểu tình này để đảm bảo được tinh thần hòa hợp giữa các tôn giáo.

Sự chống đối xây dựng Nhà thờ Mẹ Teresa ở Cikarang bắt đầu từ Tháng Chín khi một người nào đó đã loan truyền tin đồn về khả năng "Kitô giáo hóa" ở huyện Bekasi Regency - một khu vực chủ yếu là người Hồi giáo. Theo nguồn tin hành lang này, một ngôi nhà thờ và một số tòa nhà khác sẽ được xây dựng, chúng sẽ tạo thành trung tâm Kitô giáo lớn nhất ở Á Châu. Những người phản đối lo ngại rằng, nhà thờ đó sau này sẽ trở thành cục nam châm thu hút theo Kitô giáo, vì vậy mà giới chức Hồi giáo địa phương lên tiếng đe dọa.

Giáo Xứ Mẹ Thánh Teresa được thành lập vào năm 2004 với cộng đoàn khoảng 6.000 giáo dân. Họ không hề có một ngôi nhà thờ nào nên phải cử hành Thánh Lễ trong phòng tập thể dục của một trường Công giáo địa phương.

Trong những tuần gần đây, tại Bekasi Regency đã cho thấy tình hình chống đối Kitô hữu từ những lời tuyên bố khác nhau. Từ năm 2009, đã có ít nhất sáu nhà thờ bị tấn công. Một số giáo sĩ Tin Lành cũng là nạn nhân.
 
Hôn nhân và gia đình, Giáo Hội vẫn là niềm hy vọng của ta
Vũ Văn An
21:22 22/10/2010
Tháng 8 năm nay, tại Hội Nghị của Liên Đoàn Các Cặp Vợ Chồng Giúp Đỡ Nhau (Couple to Couple League) tổ chức tại Green Lake, Wisconsin, Hoa Kỳ, Đức Cha Jean Laffitte, thư ký Hội Đồng Giáo Hoàng về Gia Đình đã tới đọc một bài diễn văn. Ngài nhấn mạnh: Giáo Hội là nền tảng cho niềm hy vọng của ta trong nan đề hôn nhân và gia đình. Theo Đức Cha, hôn nhân và gia đình tạo nên một trong các giá trị nhân bản cao quí nhất. Vì theo Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng, phúc lợi của cá nhân cũng như của xã hội con người mật thiết có liên hệ với những điều kiện lành mạnh do hôn nhân và gia đình mang lại. Tuy nhiên, đức cha muốn mọi người tự hỏi xem cái tầm quan trọng ấy có được phản ảnh một cách rõ rệt trong xã hội ngày nay hay không.

Thách đố hiện nay của hôn nhân và gia đình

Theo đức cha, ta có thể coi xã hội Tây Phương ngày nay là xã hội buông thả (permissive) trong đó các giá trị chủ quan và phiến diện được đề cao. Các giá trị này, trên thực tế, đã không được cảm nghiệm trên bình diện đạo đức. Trong số các giá trị ấy, ta thấy có tự do cá nhân tuyệt đối, hạnh phúc dưới hình thức duy khoái lạc, hay bất cần mọi ràng buộc luân lý; trong lãnh vực đời sống tình cảm, chỉ những xúc cảm tức khắc, hạnh phúc cảm tính và thèm khát thể lý mới được coi là yếu tố tạo ra bản chất tình yêu. Phải hoàn toàn phân ly giữa tự do và bản nhiên. Cuối cùng, việc đó góp phần hủy diệt hoàn toàn mối liên kết có tính cơ cấu và nền tảng giữa hôn nhân và gia đình.

Phá hủy có hệ thống cấu trúc của hôn nhân và gia đình

Đức Cha Laffitte nhấn mạnh tới việc phân ly hoàn toàn giữa quan niệm truyền thống và tôn giáo về hôn nhân và mẫu mực gia đình tự nhận là mới do nền văn hóa hậu hiện đại đưa ra. Xét theo truyền thống, không hề có sự khác biệt giữa điều các nhà cầm quyền dân sự và tôn giáo hiểu về quan niệm hôn nhân. Cho tới 30 hay 40 năm trước đây, khi một người đàn ông và một người đàn bà đến gặp viên thị trưởng để kết hôn về phương diện dân sự, họ được yêu cầu thề nguyền cùng một lời thề hứa như cặp vợ chồng Kitô Giáo thực hiện trong hôn nhân Kitô Giáo. Họ đoan hứa với nhau lòng trung thành và bày tỏ sự sẵn sàng đón nhận hoa trái của tình yêu; và một cách đương nhiên, hôn nhân được hiểu như sự kết hợp giữa một người đàn ông và một người đàn bà. Sự khác nhau duy nhất chỉ là vấn đề giáo dục theo Kitô Giáo mà cặp vợ chồng Kitô Giáo cam kết sẽ lo cho con cái mình.

Điều quan trọng cần ghi nhớ là Giáo Hội không bao giờ thay đổi các điều trên. Cả nay nữa, Giáo Hội vẫn đòi hỏi cùng những điều như thế nơi các cặp đính hôn tới nhận lãnh bí tích hôn phối tại các giáo xứ. Với các chuẩn bị thích đáng, Giáo Hôi đoan hứa với các cặp vợ chồng sẽ trợ giúp họ, nhìn nhận họ như cặp vợ chồng mới trong cộng đồng Kitô Giáo và giúp họ xây dựng một gia đình tốt đẹp. Trong tất cả những việc ấy, Giáo Hội hoàn toàn có liên quan và nhất quán. Giáo Hội luôn nhìn nhận sự kiện: gia đình được xây dựng trên cam kết có tính khế ước giữa một người đàn ông và một người đàn bà. Ta gọi sự cam kết ấy là hôn nhân, một định chế được khắc ghi ngay trong bản tính con người, và là một sự kiện được mọi luật lệ nhìn nhận cho đến mấy thập niên gần đây.

Trái lại, ngày nay việc hủy diệt có hệ thống đối với định chế hôn nhân đang được đặt lên hàng đầu; thậm chí, tại một số nước, hôn nhân không còn có nghĩa một sự kết hợp giữa người đàn ông và một người đàn bà nữa mà là “giữa nhiều người”, đơn giản chỉ vì người ta bác bỏ sự hiện hữu của hai cách thế làm người khác nhau, làm người nam và làm người nữ; sự dị biệt giới tính chỉ còn là vấn đề lựa chọn và văn hóa. Ý thức hệ về phái tính đã đề xướng như thế. Điều ấy dẫn ta tới đâu?

Chắc chắn dẫn tới việc tương đối hóa thiện ích công cộng và các nền tảng của sự sống con người vốn được bao thế kỷ qua trân trọng; tới những điều tự mệnh danh là “mẫu gia đình mới” trong đó, hạn từ “gia đình” và hạn từ “hôn nhân” được áp đặt một cách võ đoán trên mọi thứ thực tại xã hội: nào là gia đình tái ráp nối (reconstructed), nào là kết hợp tự do (không cần hành vi xây nền nào khác ngoài ý muốn duy nhất của đôi bên), nào là kết hợp đồng tính… Dưới những hình thức ấy, ta thấy điều gì? Ta thấy việc sống chung không còn đặt căn bản trên thiện ích khách quan của xã hội nữa, mà chỉ dựa vào ý muốn cá nhân mà thôi…

Điều 16 Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền nói rằng gia đình là cốt lõi nền tảng của xã hội và nhà nước và trong tư cách ấy, nó phải được nhìn nhận và bảo vệ. Sở dĩ như thế, là vì gia đình phục vụ hoàn toàn lợi ích công cộng.

Tầm thường hóa tính dục nhân bản

Như một hệ luận của việc phá hủy cơ cấu hôn nhân và gia đình nói trên, người ta thấy xã hội ngày nay tìm cách che lấp ý nghĩa chân thực của tính dục nhân bản. Hôn nhân luôn được quí chuộng như là nơi chốn duy nhất và thích đáng cho việc con người thể hiện các khả năng tính dục của mình. Cái nhìn ấy đã bị các thực tại ngày nay đặt thành nghi vấn. Hiện nay, tính dục nhân bản được nhìn từ viễn tượng thỏa mãn và xúc cảm bản thân, do đó, đã quên khuấy giá trị nội tại của hành vi vợ chồng vốn tự nó nhằm truyền sinh; hiện nay, tính dục bị lấy hết ý nghĩa xã hội của nó tức việc truyền sinh bên trong mối liên hệ bền vững giữa người đàn ông và người đàn bà. Điều còn lại chỉ là để tái biện minh cho khoái lạc. Hậu quả là ngừa thai để làm tình (contraceptive sex) và đồng tính luyến ái để tìm thỏa mãn tối đa về tính dục. Tính dục như thế đã không còn là ngôn ngữ nói lên việc tự hiến hoàn toàn và tầm quan trọng của tính bổ túc giữa hai giới tính cũng mất luôn.

Đàng khác, nếu người ta thực hành tính dục chỉ để khoái lạc, thì hôn nhân và gia đình chỉ còn là nơi chốn tư riêng nơi cá nhân tiếp tục tìm kiếm thoả mãn cho các thèm muốn tính dục và cảm xúc của mình. Và mọi cố gắng mở rộng ý nghĩa hôn nhân và gia đình tới mọi thực tại xã hội khác tương tự như hôn nhân và gia đình chỉ là thế này: kết hợp đồng phái, kết hợp trên thực tế (de facto)… Bất hạnh thay, nhà nước đang bắt đầu coi đó là việc thực thi quyền lợi của người ta; rồi nhà nước còn ban hành các luật lệ để bảo đảm việc ấy như một tự do lựa chọn cá nhân. Hậu quả là cá nhân được coi như sở hữu “quyền” được thành lập một gia đình theo điều tự mệnh danh là “khuôn mẫu gia đình mới”. Tuy nhiên, vì điều “mệnh danh là quyền” ấy chỉ dựa trên ý muốn cá nhân của người ta, nên mọi sự đều trở thành võ đoán, tùy tiện. Kết cục, hôn nhân và gia đình không còn đòi hỏi sự cam kết tuyệt đối nữa. Cam kết từ nay chỉ là một trách nhiệm tương đối, có giới hạn. Việc tự hiến được biểu thị bằng hành vi tính dục đã mất bản chất và biến thành một vay mượn, có giai đoạn, tùy thuộc sự thay đổi sau đó.

Việc thực hiện khả năng tính dục tự nó đã mất đi ý nghĩa phong phú từ lúc nó không nói lên sự hiến thân bất phản hồi, một hiến thân duy nhất và độc chiếm giữa hai người phối ngẫu. Nếu việc kết hợp thể lý của vợ chồng không còn được xây dựng trên lòng trung thành tuyệt đối, mà loại bỏ hoàn toàn mọi điều tìm cách hợp nhất hôn nhân, thì nó sẽ không còn nói lên được tình yêu phu phụ một cách tượng trưng nữa; dù thoả mãn, nó chỉ còn là một biểu thức của cảm xúc mà thôi.

Từ cách mạng tính dục tới cách mạng chính trị

Các thách đố nói trên phát sinh từ cuộc cách mạng tính dục của thế kỷ 20, một cuộc cách mạng văn hóa, nhưng trên thực tế đã dẫn tới cuộc cách mạng chính trị. Ta biết rõ nhiều nhà nước và chính phủ đã ghi thành luật điều cho tới nửa thế kỷ trước vẫn còn bị coi là xấu xa, đáng khinh bỉ. Thí dụ, mới gần đây thôi, Argentina đã hợp pháp hóa việc kết hợp giữa những người đồng tính, coi nó ngang hàng với hôn nhân. Một số quốc gia Châu Âu và một số tiểu bang Hoa Kỳ cũng đã ban hành các đạo luật tương tự. Điều ấy khiến sự việc ra phức tạp hơn. Đây không còn là vấn đề cá nhân nữa, mà là vấn đề chính trị được sức mạnh luật pháp bảo vệ.

Muốn hiểu rõ hơn các hệ luận của việc trên, thiết nghĩ nên xét qua lịch sử diễn biến sự việc. Năm 1920, Wilhelm Reich và Otto Gross bắt tay khai triển công trình của Sigmund Freud trên bình diện xã hội học. Nhưng khi đem điều được Freud nghiên cứu trong bối cảnh trị liệu bản thân vào bối cảnh xã hội, hai tác giả trên đã mở ra một chân trời mới có ảnh hưởng lớn lao đối với quan niệm xã hội về tính dục. Các bàn bạc về tính dục trước đây luôn mang tính dè dặt, nhã nhặn thì nay đã dần dần trở thành những cuộc tranh luận công khai, tạo ra hàng loạt nghiên cứu và tìm tòi và ngay cả tranh đấu chính trị. Trước đây, người ta nói tới tính dục trong bối cảnh phụ tạo (sinh sản); nay, người ta thường chỉ nói tới nó trong bối cảnh thể lý và thỏa mãn. Tính dục trở thành hoàn toàn độc lập đối với việc truyền sinh. Chẳng mấy chốc, các quan điểm ấy trở thành các thực hành cụ thể trong xã hội. Trong khi ấy, các đề tài liên quan tới tính dục mà trước đây người ta chưa bao giờ đề cập tới, nay tràn ngập các cuộc tranh luận và thảo luận công khai: các thực hành đồng tính, tìm kiếm khoái lạc tối đa, tính dục bên ngoài bất cứ cam kết hay trách nhiệm nào.

Cuối cùng, những nhà chủ trương cách mạng tính dục vĩ đại đã nhân danh Reich và Marcuse minh nhiên dựa vào chủ nghĩa duy vật biện chứng của Karl Marx để khai triển cuộc cách mạng tính dục, đem lại cho nó không những một phạm vi bản thân mà còn cả một phạm vi xã hội nữa. Từ đó, cuộc cách mạng tính dục trở thành cuộc cách mạng xã hội, triệt để thách thức định chế hôn nhân và gia đình mà về phương diện dân sự vốn là địa bàn duy nhất để người ta thể hiện khả năng tính dục của mình. Thành ra, ngay chính chủ trương của Giáo Hội, người giữ vai chính trong việc cổ vũ những cuộc bàn bạc hợp đạo đức và tâm linh về tính dục, cũng bị thách thức.

Tất cả những điều trên giúp ta hiểu rằng thứ ngôn từ chuyên tầm thường hóa tính dục dưới những hình thức đa dạng và mâu thuẫn nhau chỉ góp phần hủy diệt tận gốc mọi giá trị từng lên cơ cấu cho xã hội từ nhiều thế kỷ qua; tức tính độc chiếm trong mối liên hệ yêu thương vợ chồng, tình yêu thương đối với con cái, lòng kính trọng đối với thế hệ đi trước, cảm thức được thuộc về một gia đình lịch sử…

Hiển nhiên, sự xuất hiện của nền luân lý buông thả này luôn mang theo việc phá hủy bất cứ hình thức thẩm quyền nào trong mọi phương diện của nó: phương diện gia đình, phương diện chính trị, giáo dục, hay tôn giáo. Tiếp theo đó là việc bác bỏ và thách thức có hệ thống bất cứ khuôn mặt thẩm quyền nào: khuôn mặt người cha trong khung cảnh gia đình, khuôn mặt nhà lãnh đạo chính phủ trong lòng dân tộc, khuôn mặt nhà giáo dục trong hệ thống giáo dục, và sau cùng khuôn mặt thẩm quyền luân lý và thiêng liêng nơi linh mục, giám mục và huấn quyền Giáo Hội nói chung.

Thực vậy, việc chuyển dịch từ ngôn từ đặt căn bản trên luật tự nhiên qua cuộc cách mạng xã hội từ từ sẽ dẫn tới cuộc cách mạng chính trị trong mọi khía cạnh của sinh hoạt nhân bản. Sau đây là một vài nhận xét có tính lịch sử cho thấy cuộc cách mạng này đã bắt đầu có ý nghĩa mạnh mẽ từ thập niên 1930. Năm 1948, cuộc nghiên cứu của Kinsey về tác phong tính dục của đàn ông đã được công bố và mấy năm sau là cuộc nghiên cứu về tác phong tính dục của đàn bà. Năm 1966, có bản phúc trình nổi tiếng của Masters và Johnson. Cuối thập niên 1950, thuốc viên ngừa thai cho phụ nữ đã được khám phá và gia nhập thị trường Mỹ vào năm 1960, sau đó vào Châu Âu. Ngừa thai trở thành chủ đề cho các cuộc tranh luận suốt thời gian này. Ngày 25 tháng 7 năm 1968, thông điệp “Sự Sống Con Người”, tức văn kiện dứt khoát của Giáo Hội về ngừa thai, được công bố. Cũng trong thời gian này, phong trào duy nữ xuất hiện. Năm 1975, tại Pháp, đạo luật đầu tiên miễn phạt tội phá thai được công bố; đầu thập niên 1980, phương pháp “Thụ Thai trong Ống Nghiệm” được khai triển. Cũng trong giai đoạn này, việc bãi bỏ sự phân biệt giữa con hợp pháp và con không hợp pháp đã xẩy ra và cuộc tranh luận công khai về an tử (euthanasia) được đẩy mạnh. Năm 1998, những cuộc hôn nhân trên thực tế (De Facto Union) đã được luật pháp nhìn nhận; việc khai triển các áp dụng của khoa di truyền học bên ngoài phạm vi chữa trị cũng trở thành phổ biến, kết quả ta có khoa ưu sinh (eugenics); và hiện nay, ta có các đạo luật nhìn nhận các cuộc hôn nhân đồng tính.

Qua những biến cố ấy, ta thấy rõ mưu toan tách biệt hai chiều kích trong tính dục con người, đó là chiều kích kết hợp và chiều kích phụ tạo (sinh sản). Điều ấy phát sinh ra hai hậu quả. Một đàng, tính dục, khi loại bỏ phụ tạo, chỉ còn là duy hưởng lạc và mất hết mọi trách nhiệm; nó thúc đẩy người ta phá thai và dần dần làm họ mất hết cảm thức về vẻ đẹp của việc truyền sinh; mang thai trở thành một đe dọa, nên giao hợp tính dục phải được “bảo vệ” để đừng có con. Mặt khác, việc sinh sản hoàn toàn tách rời khỏi hành vi giao hợp cụ thể đầy yêu thương quả là một hình thức thao túng sự sống con người, trong đó, đứa trẻ bị coi nguyên tuyền như một thoả mãn ý muốn cá nhân. Ích lợi chủ yếu của đứa trẻ cũng như quyền được sinh ra trong mối liên hệ bền vững và đầy yêu thương của cha mẹ em đã không được đếm xỉa. Điều đáng buồn ấy cũng xẩy ra nơi việc ly dị. Tất cả những thực tại ấy cho ta thấy người ta đã đánh mất cảm thức thánh thiêng của hôn nhân. Đặc biệt hơn cả, chúng có ý định áp đặt trên chúng ta một nền luân lý mới. Áp lực chính trị từ các cơ quan quốc tế cũng đang cố gắng áp đặt các tiêu chuẩn mới về đạo đức. Họ làm thế qua việc dẫn khởi những quan niệm mới như sức khỏe sinh sản (reproductive health), tự do hóa việc phá thai, coi nó như quyền của người đàn bà được làm chủ thân xác mình… Dưới chiêu bài áp đặt nền văn hóa và các tiêu chuẩn đạo đức mới, điều người ta thực sự nhằm là có được sự thống trị hoàn toàn đối với sự sống con người, nhất là việc truyền sinh. Điều ấy giải thích được phong trào ban hành các đạo luật phản sự sống và phản gia đình tại nhiều quốc gia ngày nay.

Tình yêu và niềm hy vọng nhân bản: giáo huấn của Giáo Hội

Tình thế trên, tuy nhiên, không làm ta thất vọng. Nhưng điều gì giúp ta duy trì hy vọng? Đức Bênêđíctô XVI, trong thông điệp Spe Salvi, nói tới bản chất của hy vọng như một điều gì đó bén rễ sâu vào một thực tại bất biến và trường cửu. Nhờ sự kiện không bao giờ lung lay trong giáo huấn về tính dục, hôn nhân và gia đình của mình, Giáo Hội đã trở thành nền tảng cho niềm hy vọng của ta. Giáo Hội luôn là định chế duy nhất có khả năng điều hướng và hướng dẫn ta. Là Kitô hữu và là người thiện chí, các thực tại đáng buồn trên chính là lời mời đầy quan phòng gửi tới để ta thâm hậu hóa một cách sâu sắc các nhận thức và hiểu biết của ta về sự sống con người và việc lưu truyền sự sống ấy qua việc thực hành tính dục nhân bản.

Trong phạm vi này, Giáo Hội là người hướng dẫn bất biến và có liên hệ với ta. Trong suốt thế kỷ 20, song song với các hoàn cảnh đáng buồn trên đây, nghịch lý thay, lại có cả một lòng hăng say mộ mến mới đối với linh đạo nơi các cặp vợ chồng. Đây hiển nhiên là đáp ứng tích cực đối với thông điệp “Casti Connubii” của Đức Giáo Hoàng Piô XI. Thực vậy, thông điệp này tái khẳng định rằng hôn nhân và gia đình là cách thế chân thực và thích đáng để các cặp vợ chồng nên hoàn hảo, và do đó nên thánh. Ngoài ra, triết học nhân vị, rất thịnh hành trong thế kỷ ấy, đã khích lệ lòng mộ mến sốt sắng nơi các cặp vợ chồng Công Giáo. Điều ấy dạy ta nhớ rằng Giáo Hội không bao giờ bỏ rơi các tín hữu của mình, nhất là trong những lúc họ gặp khó khăn. Ở đây, chỉ xin kể ra một số văn kiện có tính huấn quyền được Giáo Hội công bố gần đây: Hiến chế Gaudium et Spes, thông điệp Humanae Vitae, chỉ thị Donum Vitae, tông huấn Familiaris Consortio, tông thư Mulieris Dignitatem. Ngoài ra, còn có thông điệp Evangelium Vitae, giáo lý của Đức Gioan Phaolô II về tình yêu nhân bản thường được gọi là thần học thân xác, thông điệp Deus Caritas Est của Đức Bênêđíctô XVI chú tâm đến việc tái hiểu biết tình yêu. Tất cả các văn kiện ấy rất thích hợp để trợ giúp và hướng dẫn ta.

Điều cũng quan trọng cần nhớ liên quan tới hôn nhân và gia đình là việc thành lập và động viên rất nhiều cơ cấu giáo hội: Hội Đồng Giáo Hoàng về Gia Đình, Viện Gioan Phaolô II Nghiên Cứu Hôn Nhân và Gia Đình, Hàn Lâm Viện Giáo Hoàng về Sự Sống, và sự hiện diện hết sức tích cực của Giáo Hội tại các cơ quan và hội nghị quốc tế. Tuy nhiên, điều cần là ta hãy xét xem đâu là các chủ đề chính yếu được huấn quyền Giáo Hội đào sâu liên quan tới hôn nhân và gia đình

a) Bản chất hôn nhân

Giáo Hội luôn nhấn mạnh tới hôn nhân như là một cộng đồng thân mật của sự sống và yêu thương do Thiên Chúa thiết lập với những quy luật riêng. Giáo Hội hiểu rằng người đàn ông và người đàn bà, về cấu trúc, đã được dựng nên một cách khiến họ có khả năng tự hiến trọn vẹn cho nhau suốt đời. Bản chất con người là hướng về hiệp thông, vì họ vốn được Thiên Chúa dựng nên theo bản chất của Người, một bản chất vốn là hiệp thông giữa các Ngôi Vị. Đức Gioan Phaolô II không nói đến sự thành toàn (fufillment) của con người trong cảnh đơn lẻ của họ mà là trong hiệp thông. Quả thế, con người trở thành hình ảnh Thiên Chúa khi họ cảm nghiệm được sự hiệp thông thực sự với người khác. Điều ấy có nghĩa: khi nói đến hôn nhân và gia đình, Giáo Hội sử dụng luận lý của bản nhiên để nói về chúng, một thứ luận lý dễ hiểu đối với lý trí con người. Thực thế, con người được dựng nên có nam có nữ để bước vào hiệp thông với nhau.

Sự hiệp thông của người đàn ông và người đàn bà trong hôn nhân này được điều hướng cho thiện ích của hai người phối ngẫu, cho việc sinh sản và giáo dục con cái. Sự hiệp thông ấy có đặc tính bất khả tiêu (indisolluble). Trong một xã hội theo chủ nghĩa buông thả và duy cá nhân, tính bất khả tiêu bị nghi vấn, bị coi như hạn chế quyền tự do của người ta và chỉ là áp đặt của Giáo Hội. Tuy nhiên, trên thực tế, tính bất khả tiêu trong dây liên kết vợ chồng thuộc bản tính của chính tình yêu nơi họ, chứ không bao giờ do Giáo Hội áp đặt. Xét một cách thích đáng, hôn nhân là một dâng hiến bản thân trong đó, người đàn ông và người đàn bà thề hứa một cách độc chiếm cho nhau, nói lên sự hiến thân trọn vẹn. Dâng hiến bao giờ cũng giả thiết tính toàn bộ mà không có nó, người ta không thể nói tới lòng trung thành trong hôn nhân. Vì nếu không, như trên đã nói, sự dâng hiến này trở thành một cuộc vay mượn. Có khi, tính bất khả tiêu này bị thử thách, nhưng Giáo Hội luôn tin rằng nếu Đấng Tạo Dựng đã dựng nên con người cho sự hiệp thông này, hẳn Người phải ban cho họ khả năng sống trọn sự hiệp thông ấy.

Nhiều người hỏi: tại sao lại có Bí Tích Hôn Phối nếu quả thật tính bất khả tiêu nằm ngay trong bản chất của tình yêu phu phụ? Bí tích củng cố tính bất khả tiêu của hôn nhân, giúp cặp vợ chồng nhiều khả năng hơn để sống sự kết hợp của họ theo đúng bản chất thiêng liêng của mình. Thiên Chúa đã ký kết một giao ước dứt khoát với Dân của Người và bí tích hôn phối chính là sự thể hiện thực sự tình yêu vĩ đại của Người đối với họ.

b) Gia đình như nơi truyền sinh

Giáo Hội coi gia đình là nơi tự nhiên trong đó sự sống được lưu truyền và do đó là nơi chăm sóc sự sống nhân bản qua việc giáo dục con cái. Không có gì độc đáo đối với việc ấy cả. Tuy thế, cuộc khủng hoảng gia đình tại Tây Phương với nhiều hậu quả tai hại cho con cái, cũng như các kỹ thuật giúp người ta sinh sản mà không cần có mối liên hệ yêu thương giữa hai người phối ngẫu đòi người ta phải đặt câu hỏi nhân học sâu sắc liên quan tới sự sống nhân bản và việc lưu truyền nó. Nếu hôn nhân được xếp đặt cho việc sinh sản và giáo dục con cái, thì theo sự xếp đặt tự nhiên của tạo hóa, ta có thể hiểu rằng việc kết hợp giữa người đàn ông và người đàn bà hẳn phải phong phú mầu mỡ để sản sinh ra một sự sống nhân bản mới. Trong hôn nhân, sự kết hợp này nói lên sự hiến mình trọn vẹn, độc chiếm và dứt khoát. Nhờ cách đó, hai người phối ngẫu trở thành những người cộng tác vào tình yêu Thiên Chúa, đồng thời là những người phụ tạo của Người. Thiên Chúa vẫn là đấng tạo dựng duy nhất. Chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể tạo ra linh hồn mang sự sống đến cho cơ thể con người. Như thế, sự sống nhân bản luôn là một hồng phúc và cặp vợ chồng phải sẵn sàng đón nhận hồng phúc ấy. Điều đó hàm nghĩa: vợ chồng không sở hữu quyền có con; họ được ban tặng hồng phúc là đứa con. Nếu có con được coi là quyền của vợ chồng, thì việc này tất nhiên cho phép người ta ngừa thai để làm tình (contraceptive sex), hay có thể có con mà không cần tác động vợ chồng, và nhiều tập tục khác vi phạm tới tính độc chiếm (exclusivity) của hôn nhân.

Điều ấy thực sự làm đứa trẻ bị lột hết phẩm giá, không còn là một hồng phúc cần trân quí nữa, chỉ là điều gì đó để thoả mãn ích lợi của vợ chồng. Một đàng, quyết định không có con cho thấy người ta thiếu hy vọng nội tại: một là hai vợ chồng không thấy điều họ có thể lưu truyền có giá trị; hai là họ không coi chính họ có giá trị. Người không có cảm thức gì về hậu duệ là người không tin vào chính mình. Đó là thái độ của chủ nghĩa bi quan nhân học. Niềm hy vọng của Kitô Giáo là điều thúc đẩy con người hành động chứ không phải là một nhân đức tĩnh không hề có bất cứ ảnh hưởng nào trên cách hành động của họ. Ở đây, ta đang nói tới các cặp vợ chồng quyết định không có con vì bất cứ lý do nào, chứ không nói về những cặp vợ chồng thành thực mong muốn có con nhưng không thể có được vì một lý do gì đó. Ta biết rằng sự hiếm muộn con cái, sự son trẻ, khó được các cặp vợ chồng chấp nhận. Nhưng sự hiện hữu và cường độ trong ý muốn của họ quả là một bằng chứng của niềm hy vọng nhân bản và Kitô Giáo, một niềm hy vọng muốn nói rằng sự sống con người là điều tốt, đáng ước ao, bảo vệ và cổ vũ.

c) Gia đình trong xã hội

Hiệp thông phu phụ không phải tự nó là một cùng đích. Nhưng nó tạo nền tảng cho việc xây dựng gia đình mà Giáo Hội vốn coi như một hiệp thông thực sự phục vụ cá nhân trước hết; sau mới phục vụ các liên hệ liên bản ngã giữa nhiều cá nhân: tình phụ tử, tình mẫu tử, tình hiếu thảo, tình anh em. Gia đình là nơi tiếp xúc tự nhiên giữa các thành viên của nhiều thế hệ, đảm nhiệm vai trò trung gian giữa các cá nhân và xã hội, và phục vụ như định chế đầu hết để xã hội hóa con người. Familiaris Consortio nói tới gia đình như một trường học của tính nhân bản sâu sắc. Nhờ cảm nghiệm được tinh thần “cho không” (gratuity), yêu thương và kính trọng trong gia đình, con người biết phải làm gì để trở thành nhân bản. Thực vậy, sự hiện hữu của một gia đình vững chắc và lành mạnh quả là một chủ thể và tài nguyên hữu hiệu cho việc nhân bản hóa và nhân vị hóa của xã hội. Bởi thế, có rất nhiều chức năng gia đình đòi ta phải bảo vệ nó: giáo dục con cái, chăm sóc người bệnh và trợ giúp người già, những chức năng mà không định chế nào khác có thể đảm nhiệm tốt hơn. Đó là lý do tại sao Giáo Hội mạnh mẽ bênh vực gia đình theo mẫu mực cổ điển của nó; nếu không, sự suy thoái của gia đình sẽ kéo theo sự sụp đổ của xã hội. Nhưng thiện ích chung chỉ có thể được phục vụ bởi những định chế sẵn sàng góp phần một cách triệt để và chủ yếu vào đó: định chế đó chính là định chế hôn nhân giữa người đàn ông và người đàn bà được dùng làm nền tảng cho bản chất gia đình. Không một hình thức kết hợp nào khác có thể bảo đảm được thiện ích chung của xã hội.

Tóm lại, điều đầu tiên là Kitô hữu không nên quá lo âu về sự lan tràn của các ý thức hệ hiện đại hay về các thực tại đang đe dọa hôn nhân và gia đình. Vì mặc dù có những thực tại làm người ta đôi khi nản lòng, nhưng gia đình vẫn phong phú trong ơn thánh, trong bản chất và trong sứ mệnh của nó. Nên ta phải yêu nó. Yêu gia đình là biết trân quí các giá trị và khả năng của nó và luôn tìm cách phát huy chúng. Ngoài ra, yêu gia đình cũng là biết nhận dạng các nguy hiểm và các sự xấu đang đe dọa nó để thắng vượt chúng; yêu gia đình cũng có nghĩa phải tạo ra một môi trường thuận lợi để nó phát triển. Nhìn quanh, ta vẫn thấy nhiều vùng trên thế giới, cụ thể là ở Á Châu và Phi Châu, nơi đời sống gia đình đang ảnh hưởng tốt đối với sinh hoạt xã hội. Đức tin càng là lý do khiến ta chú tâm tới thực tại gia đình.

Thứ đến, tính lạc quan của ta dĩ nhiên đặt căn bản trên tin mừng của Phúc Âm. Người đàn ông và người đàn bà sở dĩ tìm được hạnh phúc trong việc xây dựng gia đình, là nhờ Thiên Chúa đã dựng nên họ với khả năng thiết lập được loại hiệp thông ấy. Người thổi vào cuộc hiệp thông ấy thần khí yêu thương của Người và ơn thánh của Con Một Người luôn giúp đỡ vợ chồng sống tốt cuộc hiệp thông này. Khi Thiên Chúa hiện diện với gia đình qua cuộc Nhập Thể của Con Một Người giữa lòng gia đình, cuộc sống gia đình không bao giờ còn như trước nữa; vẻ sáng lạn của nó được biểu lộ và sứ mệnh của nó được vén mở: nó thực là đường hoàn thiện của con người và là đường cứu độ của họ. Ta không thể nào quên lời thách đố vang dội của Đức Gioan Phaolô II gửi các gia đình: “Hỡi gia đình, các bạn hãy trở nên chính các bạn!”.
 
Top Stories
Si apre oggi la causa di beatificazione del card. Francis Xavier Nguyen Van Thuan
Asia-News
06:56 22/10/2010
La cerimonia al Vicariato di Roma. Il porporato ha trascorso 13 anni in prigione, facendosi testimone di fede, speranza e santità per cattolici e non cattolici. La preghiera di un non cristiano, suo ex compagno di prigionia.

Ho Chi Min City (AsiaNews) – Nell’aula della conciliazione del Vicariato di Roma si apre oggi la causa di beatificazione del cardinale Francis Xavier Nguyen Van Thuan. I cattolici in Vietnam e nel mondo hanno accolto con gioia tale notizia.

In Vietnam c’è profonda ammirazione verso di lui, considerato un esempio di forza e grande umiltà per cattolici e non cattolici. Il cardinale Van Thuan è stato testimone di fede, speranza e santità per tutti.

Il signor Hai, un suo compagno di prigione, scriveva così in una lettera al cardinale: “Caro fratello Thuan, vi ho promesso che andrò dalla Signora di La Vang a pregare per voi. In questi anni ogni domenica, quando non pioveva, sono andato in bicicletta fino al santuario della Madonna, perché qui la chiesa è crollata durante la guerra. Ho detto per te questa preghiera ‘Cara Madre Maria, non sono cattolico e non conosco nessuna preghiera. Ma ho promesso a fratello Thuan di pregarti, così sono venuto qui per chiedere a te Madre Maria, che conosci questo mio fratello, di aiutarlo se ha bisogno di qualcosa’”.

Il card. Van Thuan è stato vescovo di Nha Trang, prima di essere nominato ausiliare di Ho Chi Min City (Saigon). Pochi mesi dopo la presa del sud e l’indipendenza del Vietnam, è stato arrestato sotto il regime comunista. Il porporato ha trascorso 13 anni in carcere – dal 1975 al 1988, 9 dei quali in assoluto isolamento – senza essere stato processato. Nel 1991 fu costretto a lasciare il Paese, e venne accolto nella Curia romana da Giovanni Paolo II. È stato presidente del Pontificio consiglio “Giustizia e Pace” dal 1998 al 2002, anno in cui si è spento all’età di 74 anni.
 
Cause for the beatification of Card. Francis Xavier Nguyen Van Thuan opens
Asia-News
06:56 22/10/2010
The ceremony held at the Vicariate of Rome. The cardinal spent 13 years in prison, becoming a witness of faith, hope and holiness to Catholics and non Catholics. The prayer of a non-Christian, a former fellow prisoner.

Ho Chi Minh City (AsiaNews) - The cause of beatification of Cardinal Francis Xavier Nguyen Van Thuan opens today in the Conciliation Hall of the Vicariate of Rome. Catholics in Vietnam and around the world have joyfully welcomed this news.

He is greatly admired in Vietnam, considered an example of strength and humility to Catholics and non Catholics alike. Cardinal Van Thuan was a witness to faith, hope and holiness for all.

This is what one Mr. Hai, a comrade of the Cardinal’s in prison, wrote to the Cardinal in a letter: "Dear brother Thuan, I promised that I would go by Our Lady of La Vang to pray for you. In recent years every Sunday, when it was not raining, I rode a bicycle to the shrine of Our Lady, because the church here collapsed during the war. I said this prayer for you, 'Dear Mother Mary, I'm not Catholic and do not know any prayer. But I promised my brother Thuan to pray, so I come here to ask you, Mother Mary, you who know my brother, to help him if he is in need".

Card. Van Thuan was bishop of Nha Trang, before being named auxiliary bishop of Ho Chi Minh City (Saigon). A few months after taking of the South and the independence, he was arrested by the Communist regime. The cardinal spent 13 years in prison - from 1975 to 1988, 9 of them in total isolation - without being tried. In 1991 he was forced to leave the country, and was received into the Roman Curia by Pope John Paul II. He was president of the Pontifical Council for Justice and Peace from 1998 to 2002, when he passed away at age 74.
 
Vietnam: L’annonce d’un procès sème le désarroi parmi la population de Côn Dâu alors qu’une solution positive semble se dessiner pour les paroissiens réfugiés en Thaïlande
Eglises d'Asie
10:20 22/10/2010
Selon qu’ils appartiennent au groupe qui est allé chercher refuge en Thaïlande ou qu’ils sont restés sur place (1), la situation des paroissiens de Côn Dâu, village appelé à disparaître, évolue de façon totalement différente. Très précaire aux premiers temps de leur séjour en...

... Thaïlande, la situation de la quarantaine de fidèles réfugiés n’a cessé de s’améliorer grâce, sans doute, à un soutien international remarquable. Les perspectives des paroissiens encore sur les lieux sont beaucoup plus sombres. Leur départ hors du village est devenu une quasi-certitude. En outre, le 27 octobre prochain, va s’ouvrir un procès où comparaîtront six d’entre eux, arrêtés dans les jours qui ont suivi la violente confrontation d’un cortège funéraire avec les forces de police lui interdisant l’accès au cimetière paroissial, le 4 mai dernier.

Ce jour là, malgré un tout récent décret municipal interdisant d’ensevelir les morts dans ce cimetière, un important cortège funéraire avait accompagné les restes de Mme Maria Dang Thi Tan vers le cimetière où reposait déjà la dépouille de son mari. Les forces de sécurité avaient repoussé le cortège avec une particulière violence et s’étaient emparé du cercueil. Un grand nombre de participants, environ 72, avait été arrêté. Les forces de police avaient, ensuite, pris le contrôle du village et convoqué de nombreuses personnes pour des interrogatoires accompagnés de mauvais traitements qui ont été à l’origine de la mort de l’une d’entre elles.

En fin de compte, six des paroissiens arrêtés au lendemain des faits ou quelques jours plus tard ont été retenus et internés à la prison de la ville de Da Nang, pour troubles causés à l’ordre public. Leur droit à recevoir des visites a été très sévèrement restreint. Leurs interrogatoires se sont multipliés et le procès des six accusés est désormais annoncé pour le 27 octobre. La police a mené une campagne active auprès des parents et des proches des internés, les menaçant d’aggraver la condamnation des accusés si ces derniers avaient recours aux services d’un avocat. Tout récemment, on apprenait qu’à la date du 21 octobre, un groupe d’avocats ayant accepté la défense des accusés n’avait pas eu encore accès au dossier (2).

L’imminence du dénouement et la proximité du procès ont porté à son paroxysme l’anxiété de la population demeurée dans la paroisse. Le 15 octobre dernier, les parents et les proches des détenus, dans une lettre ouverte (3), ont adressé un véritable appel au secours à la présidence de la Conférence épiscopale et au responsable de la Commission ‘Justice et Paix’ créée lors de la dernière assemblée de la Conférence épiscopale (4). Le 18 octobre, les mêmes renouvelaient leur appel, cette fois-ci à l’intention de l’évêque de Da Nang, de leur curé et de l’ensemble de l’Eglise du Vietnam. Ces lettres plaident avant tout la cause des six paroissiens en prison, qui risquent d’être condamnées à de très graves peines « pour l’exemple ». Mais elles exposent aussi dans le détail l’ensemble des épisodes qui se sont succédés depuis la décision de la municipalité de Da Nang de transformer les 100 ha de terrains cultivés et bâtis de la paroisse en une nouvelle zone urbaine, dite « écologique ». Sont passées en revue les premières négociations sur ce sujet avec les pouvoirs publics, les pressions policières directes exercées sur la population à partir du mois de janvier 2010, les très graves incidents du mois de mars lors des obsèques de Maria Tân, les arrestations, les interrogatoires, les mauvais traitements qui ont suivi. Les lettres rappellent aussi que la paroisse à 130 ans d’existence et s’est toujours signalée par une fidélité sans faille à sa foi et aux pratiques religieuses quotidiennes. Le seul motif de la résistance de la population aux décisions des autorités municipales a toujours été le désir de maintenir intacts le cadre et le mode de vie transmis par ses ancêtres. Les lettres demandent la compréhension et les prières des autorités religieuses auxquelles elles s’adressent, et la communion de toute l’Eglise du Vietnam.

Les perspectives sont tout autres pour la quarantaine de paroissiens de Côn Dâu arrivés en Thaïlande il y a déjà quelques mois. La diaspora vietnamienne dans le monde, surtout aux Etats-Unis, et un certain nombre d’organisations humanitaires se sont beaucoup inquiétés à leur sujet. L’opinion publique vient d’être rassurée par les récentes déclarations d’un avocat américain d’origine vietnamienne, Me Nguyên Tam. De retour de Thaïlande où il avait été envoyé en mission pour le compte d’un certain nombre d’associations, il a déclaré que la quarantaine de réfugiés de Côn Dâu était désormais en totale sécurité. Après quelques mois de vie précaire, ils sont maintenant protégés. Ils ont été inscrits comme demandeurs d’asile par le Haut Commissariat aux réfugiés de l’ONU et ont rencontré une délégation américaine qui étudie leur demande. Leur plus grande inquiétude, a fait remarquer l’avocat, c’est le sort de leurs parents et proches restés au Vietnam (5).

(1) Voir EDA 535
(2) Radio Free Asia, 21 octobre 2010.
(3) VietCatholic News
(4) Voir EDA 537
(5) Radio Free Asia, 11 octobre 2010.

(Source: Eglises d'Asie, 22 octobre 2010)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Vụ chìm xe khách khủng khiếp tại Hà Tĩnh: 10 nạn nhân xấu số là giáo dân
Antôn Trần Đức Hà
00:04 22/10/2010
HÀ TĨNH - Chiếc xe khách 48K-5868 nhào lên lộn xuống như bơi giữa lớp lớp sóng dữ cuồn cuộn. Lũ ào ạt từ trên mỏm núi Hồng Lĩnh đổ ập cuốn phăng tất cả ra sông. Tài xế đã không còn làm chủ được chiếc xe giường nằm chết máy nữa. Tiếng gào thét làm không khí trong xe thêm hoảng loạn. Bao nhiêu cánh tay già trẻ, gái trai đấm vào cửa kính thoát hiểm một cách vô vọng. Chỉ một số thoát được ra ngoài và trong một thời gian ngắn, chiếc xe bị đưa ra xa quốc lộ 1A và chìm nghỉm dưới đáy sông.

Hình ảnh tìm kiếm nạn nhân và vớt xác

Đêm thu lạnh giá, 20 số phận đớn đau đã nằm giữa biển nước sông Lam. Thân phận con người nghiệm ra thật mỏng manh. Vẫn biết “Sự sống này chỉ thay đổi mà không mất đi” hay nói như triết lý của cha ông xưa “Sống gửi thác về” nhưng lòng tôi vẫn thấy nhói đau khi nghe tin chiếc xe gặp nạn.

Đau xót hơn là giữa biển nước mênh mông và lạnh lẽo đó có rất đông anh chị em đồng đạo của tôi. Đó là 10 anh chị em giáo dân Công giáo, đa phần gốc Bùi Chu hiện đang sinh sống tại Giáo phận Bùi Chu và Buôn Ma Thuột.

Lúc 19h ngày 20.10.2010, một anh bạn phóng viên của tôi đang tác nghiệp từ Hà Tĩnh nhắn tin cho biết có rất nhiều người Công giáo đi trên chiếc xe về Nam Định. Anh bạn tôi cho biết thêm lý do biết được vì họ nói họ là giáo dân nên không tham dự nghi thức cầu siêu do tỉnh hội Phật giáo Hà Tĩnh tổ chức.

Không kịp chuẩn bị, tôi cùng một người bạn phóng xe như bay về xã Xuân Lam, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Địa điểm này cách giáo xứ Gia Hòa 10km về phía nam.

Cách địa điểm này không xa đã xảy ra tai nạn thương tâm dẫn đến cái chết của linh mục Phaolô Nguyễn Ngọc Thạch, quản xứ Quèn Đông (hạt Cẩm Xuyên) 9 năm trước.

Khoảng 22h đêm, chúng tôi tiếp cận được thân nhân người bị nạn đang nghỉ tại khách sạn Lam Kiều và cố gắng nhận ra những anh chị em giáo dân.

Linh mục Antôn Trần Văn Minh, quản xứ Gia Hòa đã đợi sẵn nhiều giờ đồng hồ trước cửa khách sạn. Từ khi nghe tin chiếc xe gặp nạn, Cha và giáo dân trong xứ đã dâng nhiều thánh lễ cầu nguyện. Ngài gặp gỡ người nhà các nạn nhân và động viên anh chị em cố gắng vượt qua nỗi đau thương, phó thác tin tưởng vào Thiên Chúa. Cha Minh cũng gửi tới người nhà của 10 giáo dân số tiền 5 triệu đồng và cầu xin Chúa cho anh chị em giáo hữu được bình an.

Chúng tôi nắm được thêm thông tin là trải qua hai ba ngày tìm kiếm nhưng lực lượng cứu hộ gồm nhiều canô, xuồng máy, phương tiện tối tân đã không tìm được nhưng chỉ nhờ đội lặn thuộc một công ty tư nhân quê ở giáo xứ Phù Long (hạt Vạn Lộc) đã tìm được vị trí chiếc xe.

Sáng sớm 21.10.2010, sau thánh lễ tại giáo xứ Gia Hòa, cha xứ và đông đảo giáo dân đã đến tại vị trí gặp nạn để cử hành các nghi thức Công giáo cuối cùng cho các giáo hữu gặp nạn.

Sau nhiều giờ đồng hồ tiến hành hoạt động trục vớt, đến 12h trưa ngày 21.10.2010, chiếc xe bắt đầu nhô lên mặt nước. Đội cứu hộ cứu nạn đã tiến hành phá cửa kính, đưa 10 thi thể trong chiếc xe trên về địa điểm lán trại dựng sẵn trên sông.

Trước đó, những người dân chài ven sông đã vớt được 3 thi thể trong đó có hai giáo dân là anh Giuse Đinh Văn Lương (lái xe) và Giuse Đinh Xuân Trường (phụ xe) và sau đó là một thi thể khác không nằm trong xe.

Tổng cộng, đã có 14/20 thi thể đi trên chiếc xe tử thần đã được tìm thấy. Vẫn còn 6 thi thể, trong đó có 3 giáo dân vẫn còn mất tích. Nguyên chủ hãng xe này cũng là một giáo dân giáo xứ Phúc Lộc, Giáo phận Buôn Ma Thuột.

Mặc dù bận rộn cho công tác cứu trợ tại Giáo phận sau cơn lũ khủng khiếp vừa qua nhưng Đức Cha và các linh mục đã hợp ý cầu nguyện và chia sẻ nỗi đau với anh chị em giáo dân gặp nạn thuộc hai Giáo phận Bùi Chu và Buôn Ma Thuột.

Ngay trong lúc các lực lượng đang tiến hành trục vớt, linh mục Giuse Nguyễn Viết Nam, Phó Giám đốc Caritas Vinh đã ở vành đai bảo vệ bên ngoài tại thị trấn Xuân An, Nghi Xuân để gặp gỡ các thân nhân nhưng không thể tiếp cận vì khu vực này bị cấm vào.

Chiều tối ngày 21.10.2010, vài giờ đồng hồ sau khi trục vớt chiếc xe khách lên khỏi mặt nước, một thánh lễ cầu hồn đã được tổ chức tại Đại Chủng viện Vinh - Thanh.

Xin Chúa cho linh hồn anh chị em được nghỉ yên muôn đời!

1. Giuse Đinh Văn Lương (37 tuổi), GX Phạm Pháo, GP Bùi Chu (Hải Minh, Hải Hậu, Nam Định).
2. Giuse Đinh Xuân Trường (21 tuổi), GX Phúc Lộc, GP Buôn Ma Thuột (Tân Thắng, Cư Jút, Đắk Nông).
3. Maria Nguyễn Thị Duyên (21 tuổi), quê quán: xứ Ninh Mỹ (GP Bùi Chu) trú Krông Mây, Đắk Nông.
4. Maria Đỗ Thị Loan (24 tuổi), quê quán: GP Bùi Chu (Hải Xuân, Hải Hậu, Nam Định), trú quán: GX Kim Châu, GP Buôn Ma Thuột.
5. Maria Vũ Thị Ánh (7 tháng tuổi, con chị Lan).
6. Maria Phạm Thị Yêu (54 tuổi), GX Chi Lăng, GP Buôn Ma Thuột. (Phường Khánh Xuân, TP Buôn Ma Thuột)
7. Cêcilia Mai Nhi (31 tuổi), (con bà Yêu)
8. Phêrô Phaolô Đỗ Duy Gôn (3 tuổi), (cháu ngoại bà Yêu, con chị Nhi).
9. Phạm Thị Cúc (37 tuổi), quê quán: GP Bùi Chu (Hải Xuân, Hải Hậu, Nam Định), trú tại GX Kim Châu, GP Buôn Ma Thuột.
10. Lê Thị Phương Thảo (8 tháng tuổi), (con gái chị Cúc).


(Tại giáo xứ Gia Hòa, Giáo phận Vinh tối 21.10.2010)
 
Khánh nhật truyền giáo 2010
LM. Đaminh Nguyễn Ngọc Long
07:26 22/10/2010
Khánh nhật truyền giáo 2010

Hằng năm vào tháng 10. Hội Thánh nhắc nhớ mọi người đến việc truyền giáo.

Nhưng truyền giáo là gì, và làm sao để truyền giáo?

1. Đức đương kim Giáo Hòang Benedicto thứ 16. đã viết về ngày truyền giáo năm nay:

“Chúng tôi muốn gặp Đức Giêsu” (Ga 12,21), theo Tin Mừng Gioan, đây là đề nghị của một số người Hy Lạp đến Giêrusalem hành hương lễ Vượt Qua nêu ra với tông đồ Philipphê. Lời đề nghị này cũng vang lên trong lòng chúng ta trong tháng Mười này, nhắc chúng ta về lời cam kết và về bổn phận phải loan báo Tin Mừng liên quan đến toàn thể Giáo Hội vốn “tự bản chất là thừa sai” (Sắc lệnh Ad gentes, Đến với muôn dân, 2), và mời gọi chúng ta khởi xướng một đời sống mới với những mối tương giao đích thực trong các cộng đoàn, được đặt trên nền tảng Tin Mừng. Trong một xã hội đa chủng tộc ngày càng có những biểu hiện đáng lo ngại là sự cô đơn và thái độ dửng dưng, các Kitô hữu cần biết đem lại các dấu chỉ hy vọng và trở thành anh chị em của mọi người, biết vun xới những hoài bão lớn nhằm làm thay đổi lịch sử, và, không hề ảo tưởng hay lo sợ viển vông, biết dấn thân làm cho hành tinh này trở thành ngôi nhà của mọi dân nước.
Như những khách hành hương người Hy Lạp của hai ngàn năm trước, con người của thời đại chúng ta, đôi khi không hẳn đã ý thức được nhưng cũng đang đặt ra cho các tín hữu yêu cầu không chỉ “nói” về Chúa Giêsu, mà còn phải “cho thấy” Người, phải làm cho gương mặt của Đấng Cứu Chuộc sáng ngời lên khắp mọi nơi trên trái đất, trước mặt các thế hệ của thiên niên kỷ mới và cách riêng cho giới trẻ của mọi châu lục, vốn là những đối tượng ưu tiên và là chủ thể của công cuộc loan báo Tin Mừng. Họ cần phải cảm nhận được các Kitô hữu là những người mang Lời của Đức Kitô vì Người là Sự Thật, và vì các Kitô hữu cũng đã nhận ra nơi Người ý nghĩa và sự thật cho đời mình.“ (Sứ điệp của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nhân Ngày Thế giới Truyền giáo 2010 “Xây dựng sự hiệp thông trong Giáo Hội là chìa khóa của việc truyền giáo”).


2. Và năm nay, ngày 22.10.2010 Tòa Thánh mở hồ sơ án phong Chân phước cho đức cố Hồng Y Phanxico Xavier Nguyễn văn Thuận. Đây là một biến cố lịch sử mang nhiều ý nghĩa thiêng liêng đạo đức trong Hội Thánh Công giáo hoàn vũ, và riêng cho Giáo Hội Công giáo Việt Nam.

Đức cố Hồng Y Phanxico Xavier khi còn sinh thời đã luôn sống là chứng nhân niềm Hy vọng cho tới ngày cuối cùng của cuộc đời.

Khi còn là Giám mục giáo phận Nha Trang, trong thư luân lưu gửi toàn giáo phận, Đức cha cha viết suy tư về truyền giáo:

„ Những nỗ lực hoạt động, cầu nguyện sẽ không mang lại kết qủa nếu chúng ta không được hướng dẫn bằng một tinh thần mới, một bầu nhiệt huyết tông đồ.

Bất cứ lúc nào tiếp xúc với lương dân, với một bầu nhiệt huyết tông đồ, anh chị em hãy luôn luôn nhớ rằng:
Tinh thần truyền giáo không phải là óc chinh phục mà là lòng yêu thương.
Tinh thần truyền giáo không phải là óc cai trị, mà là tinh thần phục vụ mọi người.
Tinh thần truyền giáo không phải là đạo binh thánh gía, dùng vũ lực để đánh ngã, nhưng là tinh thần chứng nhân, lấy đời sống mà làm chứng tích.
Tinh thần truyền giáo không phải là óc tự cao tự đại, nhưng là thái độ đối thoại, là tinh thần trao đổi và tôn trọng các tôn giáo khác.
Tinh thần truyền giáo không phải là mãnh lực của tiền tài, quyền thế mà là tinh thần tương trợ.
Tinh thần truyền giáo không phải là thủ đoạn chiến lược, nhưng là tấm lòng chân thành đơn sơ.
Tinh thần truyền giáo không bao giờ chán nản, vì trở ngại, vì vô ơn, vì phản bội, vì thất bại, ngược lại luôn luôn tin cậy vào ơn Chúa và nhẫn nại.„ ( Gm. Phanxico Xavier Nguyễn văn Thuận, Thư luân lưu: Sứ mạng Chúa Kito là sứ mạng của chúng ta, lễ Thánh Terxa năm 1970. Trích trong tập Hôm qua, hôm nay, ngày mai, Thời điểm 1996, tr. 102-103).


Xin thắp sáng ngọn nến truyền giáo cho việc làm chứng nước Chúa giữa con người trong mọi hoàn cảnh xã hội thời đại, cùng việc phong Chân Phước cho Đức cố Hồng Y Phanxico Xavier Thuận được mau chóng thành hiện thực.

22.10.2010





 
Một vài trở ngại cho Ơn gọi Truyền giáo
L.m. An-rê Đỗ xuân Quế o.p.
08:39 22/10/2010
On gọi truyền giáo là một gọi hết sức đặc biệt. Ít người được ơn gọi này vì ơn gọi đó rất đòi hỏi. Cứ nhìn vào các nhà truyền giáo Âu châu sang giảng đạo ở nước ta trong những thế kỷ trước cũng đủ biết. Cuốn sách Dân làng Hồ là một bằng chứng. Ngày nay những ai được gọi và muốn theo đuổi ơn gọi này cũng phải đáp ứng đòi hỏi rất căn bản này là từ bỏ và lện đường.

Truyền giáo là từ được dùng để diễn tả chữ missio trong tiếng la-tinh. Missio là danh từ thuộc động từ mittere nghĩa là sai. Truyền giáo là công việc của người được sai đi để loan báo Tin Mừng và mở mang Hội thánh.

Truyền gíáo có hai mặt: một mặt bên trong và một mặt bên ngoài. Từ trước đến nay người ta thường chú ý đến măt bên ngoài nhiều hơn. Vì vậy mới có Hội Truyền Giáo hay Thừa Sai Hải Ngoại, như Hội Truyền Giáo Hải Ngoại Paris (MEP). Nhưng ngày nay các nước Âu châu bỏ đạo nhiều, nên ở những nước đó, người ta lại thấy cần phải giảng đạo cho chính đồng bào của mình ở trong nước. Do đó mới có các tổ chức truyền giáo nội địa như Mission de France ở Pháp.

Ơn gọi truyền giáo cao đẹp nhưng khó khăn. Và đây là những khó khăn trở ngại có thể làm mờ nhạt vẻ đẹp và sự cao quí của ơn gọi đó.

1. Lòng dính bén

Những người đi tu trong các hội dòng đều có các lời khấn. Những lời khấn ấy tuy ràng buộc, nhưng lại có thể làm cho tu sĩ quảng đại dấn thân nhiều hơn cho lý tưởng. Tu sĩ nào cũng biết khấn là hứa với Chúa một điều mà mình có ý giữ, để mong đạt tới một sự thiện hoàn hảo hơn. Sự thiện đó là hoàn toàn thuộc về Chúa để chiếm hữu được Người. Và như vậy là được hưởng phúc thiên đàng ngay dưới thế. Đúng như vậy, nếu các tu sĩ giữ trọn lời cam kết với Chúa, vì khi giữ trọn lời hứa ấy, họ sẽ được tự do, được giải gỡ khỏi mọi nỗi vấn vương.

Nhưng đó mới chỉ là lý tưởng, còn trong thực tế, các tu sĩ luôn ở trong tình trạng phải vươn tới, chứ chưa đạt được. Vì vậy, họ phải luôn luôn phấn đấu để vươn tới tình trạng này. Chính vì nỗ lực vươn tới đó mà tu sĩ như luôn ở trong thế giằng co, căng thẳng, nghĩa là một đàng được thúc đẩy để đi lên, một đàng bị cám dỗ tụt xuống. Cái cớ thúc đẩy đi lên là ơn Chúa, còn cái đà tụt xúống là lòng dính bén sự đời. Sự đơi ở đây là danh vọng, tiền tài, vui thú. Người đi tu vẫn bị những thứ này cám dỗ. Bởi vậy, lòng vương vấn sự đời là một chướng ngại lớn cho mọi ơn gọi, đặc biệt ơn gọi truyền giáo, vì truyền giáo là được sai đi. Mà thường được sai đi những nơi cần thiết, những chỗ khó khăn, không mấy người muốn đến. Tự nhiên ai cũng như bị dính vào một nơi, một số công việc và một số người. Những nơi, những việc, những người làm cho tôi thích, vì tôi đã thành công ở đó, tôi thích những nơi, những người ấy, vì họ yêu thích và chiều đãi tôi. Vì thế, nhà truyền giáo lúc nào cũng phải đề phòng và giải gỡ mình cho khỏi mọi thứ vấn vương này.

Đối nghịch với lòng vấn vương là sự từ bỏ và tháo cởi. Từ bỏ những gì đi ngược với lý tưởng và tháo cởi những gì làm cho mình hoá ra nặng nề. Người mang nhẹ thì dễ đi và đi nhanh, còn người mang nặng nhiều thứ thì đi chậm và khó đi. Vậy hãy quẳng các mối vấn vương ra một bên bằng tinh thần từ bỏ, nhờ việc đọc kinh nguyện ngắm,xét mình và cầu nguyện mỗi ngày.

2. Mơ hồ về ơn gọi

Đi tu dòng nào thì phải chọn cho đúng mà đi, sao cho hợp với khả năng và ý thích của mình. Chẳng vậy sẽ cảm thấy chơi vơi và không thích hợp. Ơn gọi truyền giáo là một ơn hết sức đặc biệt như đã nói ở đầu bài. Không phải ai cũng vào dòng hay theo đuổi ơn gọi truyền giáo được, tuy là Ki-tô hữu ai cũng có bổn phận phải truyền giáo theo cách thức và tình trạng sinh sống của mình. Vậy phải xác định cho thật rõ ngay từ đầu và trong thời gian thụ huấn ơn gọi truyèn giáo là gì và tại sao lại vào tu hội truyền giáo. Đi tu là đi tìm Chúa để thấy Chúa rồi đem Chúa đến cho người khác. Còn tại sao vào tu trong tu hội truyền giáo. Thưa vì tôi thích đến và ở bên cạnh những người chưa biết Chúa, để tìm cách làm cho họ biết Người, hầu giúp họ được hưởng ơn cứu độ, vì ý Chúa muốn cho mọi người được sống và sống dồi dào, tức là được hưởng hạnh phúc thiên đàng.

Nếu không chọn đúng và ham thích ơn gọi của mình, tôi sẽ đi trệch đường. Mà trệch đường thì khó thành công và hạnh phúc. Cứ tưởng tượng một người thợ hành nghề. Anh phải thạo nghề và ưa thích nghề của mình thì mới có khách đặt hàng và làm ra tiền. Các tu sĩ cũng thế, nhưng không phải để làm ra tiền mà chính là để làm nên, làm hay ơn gọi mình đã chọn. Vì vậy phải yêu nghế và thạo nghề. Nghề này tạm gọi là nghề truyền giáo. Cho nên, tôi phải học kỹ cho biết nghề này và tập luyện cho lành nghề.

Thành ra, nếu mơ hồ về ơn gọi truyền giáo thì kể là tôi đi trệch đường rồi. Việc ý thức cho đúng đắn ơn gọi của mình là điều kiến thiết yếu của người đi tu. Ý thức đó đòi đương sự phải dấn thân và dứt khoát như Chúa dạy: “Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa.” (Lc 9,62) Ngoái lại đàng sau ở đây có nghĩa là lấp lửng, chần chừ, không quyết đáp.

3. Những khó khăn trong đời sống cộng đoàn

Đây cũng là một thứ trở ngại cho ơn gọi. Những người đi tu thường không biết nhau trước và không chọn nhau. Và dù có chọn nhau như vợ chồng đi nữa thì cũng không tránh khỏi những khó khăn trong đời sống chung. Sống chung mà không hợp nhau thì thật là buồn tẻ. Sự không hợp tính tình, đôi khi lại đối chọi nhau nữa dễ làm cho tu sĩ cảm thấy đó như là một cực hình. Phải chăng vì vậy sách Gương phúc mới có câu: “Đời sống chung là một sự hy sinh hãm mình lớn nhất.” (Maxima paenitentia vita communis est) Sự hy sinh đó là phải chịu đựng lẫn nhau: tính tình người này khác với người kia, ý thích của người này không hợp với người kia, rồi đôi khi lại có sự phân bì, tranh giành ảnh hưởng giữa người này với người kia nữa.

Ngoài những khó khăn giữa chiều ngang với nhau lại có những khó khăn theo chiều dọc, nghĩa là giữa bề trên với bề dưới: bề dưới không được bề trên thông cảm, nâng đỡ, có khi bị hiểu lầm; bề trên thấy bề dưới xem ra như coi thường quyền bính và không kính nể mình bao nhiêu. Vì thiếu thông cảm với nhau từ trên xuống dưới hay từ dưới lên trên, nên đời sống cộng đoàn trở nên khó khăn, bâu khí hoá ra ngột ngạt.

Những người đi tu không có gia đình hay đúng ra đã bỏ gia đình để đi tu. Gia đình của mình là nhà tu. Nếu nhà tu không phải là gia đình thì quả là điều bất hạnh. Tình trạng này là trở ngại cho ơn gọi và công cuộc truyền giáo, vì người ta không truyền giáo một mình mà đã kết hợp với nhau thành một hội dòng truyền giáo. Nhà truyền giáo cần phải được cộng đoàn nâng đỡ và yểm trợ. Nếu thiếu điểm tựa đó thì người ấy cũng khó cảm thấy phấn khởi đi loan báo Tin Mừng.

Kết luận

Trên đây là vài nét phác hoạ những trở ngại cho ơn gọi truyền giáo. Nhà truyền giáo nên nhìn vào những khó khăn đó để chuẩn bị đối phó. Một trong những cách đối phó là luôn nhủ mình rằng những trở ngại kia là có thật. Vì vậy, mình phải luôn ở trong tình trạng báo động mà tỉnh thức và cầu nguyện. Chẳng vậy, thật sẽ khó đương đầu với những trở ngại nói trên và lý tưởng truyền giáo của mình cũng không còn mấy hấp dẫn nữa. Có khi người ta sẽ tưởng là mình dại hay lầm đường sao đó mà lại theo đuổi ơn gọi này. Quả thật ơn gọi này là dành cho những ai có tâm hồn lờn và một chí hy sinh quảng đại như Chúa nói: “Nước Trời phải đương đầu với sức mạnh, ai mạnh sức thì chiếm được.” (Mt 11,12) nghĩa là phải từ bỏ mình, vác thập giá hàng ngày để trung thành và kiên trì theo đuổi lý tưởng đã chọn.
 
Truyền giáo: Làm chứng nhân bằng cách nào?
Thanh Thanh
08:44 22/10/2010
Bản chất của Giáo hội là truyền giáo. Vì thế bất cứ ai, qua Bí tích Rửa tội thì đều mang trong mình bản chất ấy. Đó là truyền giáo, là loan báo Tin Mừng, là truyền bá Phúc âm, là kể chuyện Chúa Giêsu, là làm tông đồ cho Chúa….

Một cách tổng quát giúp ta có những chuẩn bị chu đáo, hành động khôn ngoan, và trung thành với sứ vụ cao cả mà Chúa và Giáo hội mời gọi.

Làm chứng bằng cách nào?

Bằng cách sống gắn bó với Chúa Giêsu. Ngài luôn kết hợp và tìm ý Cha để thực hiện. Một khi biết Ý Cha thì mau mắn thi hành. Lương thực của Ngài là làm theo ý Cha. Có được lương thực quý giá này là nhờ cầu nguyện liên lỉ sớm hôm, chiều tối, và trong suốt cả đời. Khi bình an cũng như gặp sóng gió, khi khỏe mạnh cũng như khi nguy tử.

Đời ta có quá nhiều chuân chuyên, vì thế càng phải tựa nương vào sức mạnh của Chúa để vượt qua thử thách của cuộc đời, nhất là khi gặp thất bại, cô đơn, bị hiểu lầm… Cầu nguyện là lối thoát tuyệt vời nhất, giúp mở ra con đường hy vọng, tin tưởng, phó thác vào tình yêu quan phòng của Chúa, Người không bao giờ bỏ rơi con người bao giờ.

Bằng cách làm theo hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Thánh thần hoạt động rất nhẹ nhàng. Ngài như hơi thở trong từng nhịp đập của trái tim, Ngài như tiếng gọi từ vách núi cho người lạc đường, Ngài như gió mát cho kẻ vất vả lầm than, Ngài như thầy thuốc xoa dịu mọi vết thương thể xác lẫn tâm hồn, Ngài như người bạn có mặt trong mọi lúc, như mẹ hiền sát cánh trong mọi biến cố, trong từng bước hành trình của đời ta. Ngài hiện diện tuy nhẹ nhàng, nhưng chính sự nhẹ nhàng của tình yêu làm cho ta được ấm lòng, được an ủi, nhất là luôn nhắc nhở hãy làm lành lánh dữ. Báo cho ta biết những nguy cơ xấu của ma quỷ, chỉ cho ta con đường phải đi, và mời gọi ta mau mắn quyết định và giúp ta thực hiện cho đến cùng một cách tốt đẹp hợp ý Chúa.

Đời ta luôn phải đứng trước những chọn lựa giữa tốt và xấu, giữa phải và trái, giữa điều nên và không nên, giữa cần thiết và nhanh chóng… Đứng trước những giây phút ấy, ta hãy nghe theo Thánh Thần qua sự mắc bảo của lương tâm. Khi nhận ra sự tốt xấu, ta hãy mau mắn quyết định để chọn điều lành, nhờ vậy mà chọn lựa của ta luôn chuẩn xác, đáng tin, yên tâm.

Bằng cách tôn sùng Thánh Thể và Mẹ Maria. Đến với Chúa Giêsu, nhờ Mẹ. Đây là cách an toàn và nhanh nhất cho ta. Tràng chuỗi mân côi giúp ta có thêm người hậu thuẫn là Đức Mẹ, thì chắc chắn ta sẽ được thông hiểu nhiều mầu nhiệm của Chúa hơn, sẽ có sức mạnh hơn và tin tưởng đi theo đường Chúa đi. Trên con đường đi đầy đói khát và mệt mỏi, vì thế, càng cần có lương thực Hằng sống là chính Thánh Thể Chúa. Chính Lương thực này mới giúp ta no thỏa, đủ sức khỏe, đủ sức đề kháng khỏi mọi dịch bệnh, mọi lây nhiễm của cám dỗ và yếu đuối do ma quỷ bày ra.

Đường đời ta đi có rất nhiều thứ nước giải khát cho đỡ thèm, có thức ăn ngon cho tha thưởng thức và nhiều bóng mát cho ta nghỉ chân. Nhưng ta đừng nhầm lẫn rằng nó là tất cả, để rồi quá tin vào những lương thực mau hư nát mà ta cũng sẽ phải hư nát theo chúng.

Bằng cách tìm ý Chúa để sống khiêm tốn. Ai sống trong tình yêu của Chúa thì không thể kiêu căng được. Vì bản chất của Thiên Chúa là khiêm nhường. Ngài dạy ta phải sống “hiền lành và khiêm nhường, phải nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện”. Ngay cả con người cũng không ai chấp nhận thói kiêu căng hống hách, nói chi là Chúa, bởi nó nghịch lại với tình yêu.

Sống khiêm tốn giúp tạo tình thân hữu dễ dàng, sẽ được nhiều người mến thương giúp đỡ, sẽ được sống trong bình an hạnh phúc, sống tình Chúa, tình người.

Làm chứng bằng cách nào?

Bằng cách sống gương mẫu. Đức Khổng Tử nói: “Tu thân tề gia trị quốc bình thiên hạ”. Việc đầu tiên phải làm, là trở nên gương sáng, thành người mẫu mực cho người khác bắt chước. Đời sống của ta phải có kỷ luật, có trật tự để trau dồi nhân cách, giúp có sức khỏe dồi dào, tinh thần mạnh mẽ, lòng mến sắt son, lòng cầy vững vàng. Nhờ thế, ta mạnh dạn dấn thân, can đảm tiến bước trên đường phục vụ. Nhờ thân xác cường tráng, trí tuệ sáng suốt, ta có cái nhìn đúng đắn về con người và cuộc sống, rồi đưa ra những phán quyết phải lẽ công bằng, đúng ý Chúa, hợp lòng người. Một đời sống gương mẫu sẽ tạo thêm được tin tưởng, thêm được sức mạnh vượt khó và có thêm được nhiều người hăng say cộng tác vào công trình tình yêu.

Bằng cách sống yêu thương. Yêu thương người khác là bằng chứng rõ nhất mình đã được yêu. Người ta không thể yêu ai, nếu chính mình chưa cảm nếm được thế nào là yêu thương. Tình thương là dây liên kết con người với Chúa và với nhau. Tình thương có sức mạnh hàn gắn mọi chia rẽ, những vết những, những đau thương do yếu đuối của con người gây ra. Sống yêu thương luôn là nhu cầu của mọi người, của mọi thời đại, và là đòi hỏi cấp bách để giúp người khác được sống trong thương yêu đùm bọc. Thánh Thần luôn thúc dục ta phải sống yêu thương bằng cách bao dung, tha thứ và mạnh dạn giúp đỡ để tất cả mọi người được sống trong bầu khí mát mẻ trong lành của tình yêu.

Bằng cách chia sẻ. Một người sống tốt, đầy lòng yêu thương, không bao giờ cho phép thu tích mọi thứ lợi lộc, danh dự hay uy quyền cho mình, nhưng bị thôi thúc để chia sẻ giúp đỡ người khác. Không những bằng cầu nguyện, động viên, an ủi, khích lệ, mà còn bằng mọi hành động cụ thể để giúp người khác. Sẵn sàng dành thời giờ, kiến thức, kinh nghiệm, tiền bạc vật chất cùng với sự khéo léo tế nhị giúp người khác vượt qua khó khăn, vơi đi chán nản tuyệt vọng mà vui sống, mạnh dạn sống để giúp ích cho đời, cho người.

Bằng cách làm hậu thuẫn. Trong trường hợp không thể trực tiếp hành động hoặc vì muốn đào tạo để có thêm người khác cộng tác, ta cần phải đứng phía sau giúp đỡ, hỗ trợ tối đa về mọi mặt, vật chất cũng như tinh thần để người khác có đủ phương tiện cần thiết giúp họ có thể chu toàn tốt công mọi công việc được giao. Dù đứng phía sau nhưng luôn phải quan sát diễn tiến công việc để kịp xử lý các tình huống, tránh xảy ra những chuyện đáng tiếc. Dù đứng phía sau, nhưng trách nhiệm trực tiếp mình vẫn phải gánh vác.

Làm chứng bằng cách nào?

Bằng cách chu toàn trách nhiệm. Truyền giáo thì tốt lành và cần thiết, nhưng không vì thế mà cho phép mỗi người bỏ bê trách nhiệm và bổn phận trực tiếp đối với gia đình, cha mẹ ông bà hay vợ chồng, con cái. Không ai được thanh minh rằng, tôi đã lo việc bác ái, nên khỏi cần phải lo cho gia đình. Việc chu toàn trách nhiệm còn phải được thể hiện rõ nét trong mỗi bậc sống, mỗi tư cách, trong từng nghề nghiệp và chức vụ của mình một cách lương thiện, chu đáo, cẩn thận để làm chứng cho công lý và sự thật, cho tình yêu và tha thứ của Chúa.

Bằng cách sẵn sàng giúp đỡ. Tùy vào thời gian, hoàn cảnh mà ta cần giúp đỡ người khác, không phân biệt tôn giáo hay trình độ, để họ có những cơ hội làm nhiều việc lành phúc đức, cùng chung sức phát triển xã hội, kiến tạo hòa bình, tạo được hiệp nhất giữa người với người.

Bằng cách tôn trọng các giá trị truyền thống. Dù lòng nhiệt thành tông đồ đến đâu, cũng không cho phép ta phá hoại gia phong, những truyền thống đạo đức, văn hóa, để giới thiệu đạo giáo của mình. Tất cả phải đặt trên nền tảng tôn trọng người khác, cùng với mọi giá trị nhân sinh tốt đẹp của họ.

Bằng cách khéo léo gợi ý. Có thể vì chưa đủ kiến thức và kinh nghiệm, hay vì lý do nào đó mà người khác không nhận ra vấn đề. Hãy tế nhị gợi ra những ích lợi chung, những thuận lợi, những ưu điểm, những hiệu quả khi có họ cộng tác, hoặc những cách thức tốt nhất để giúp họ hoàn thành công việc tốt, trong tình nghĩa yêu thương, thì sẽ không làm tổn thương họ, mà vẫn đạt được mục đích của phục vụ.

Làm chứng bằng cách nào?

Bằng cách hy sinh phương tiện. Toàn bộ thời gian, sức khỏe, kiến thức, kinh nghiệm, tiền bạc vật chất chính là phương tiện hiệu quả để giúp chính mình và người khác làm việc tông đồ. Điều đáng quý là ta biết cho đi một cách kịp thời, đúng lúc, đúng nơi, đúng người, đúng nhu cầu, nhờ vậy mà lòng tốt được đền đáp bằng niềm vui cho mình và ích lợi cho nhiều người.

Bằng cách chấp nhận gian khổ. Danh vọng càng cao, gian nan càng dày. Làm việc cho Nước Chúa thì chẳng có vinh quang nào sánh bằng. Nhưng muốn hưởng được vinh quang này, bất luận là ai, đều phải đi xuyên qua thập giá. Chúa nói: “anh em hãy vác thập giá mình hàng ngày mà theo Ta” (Mc 8,34). Vì thế, muốn hái quả thì phải trồng cây, muốn gặt thì phải gieo. Muốn được trở thành bạn hữu Chúa thì phải đánh đổi bằng mồ hôi và khó nhọc, thời gian và sức khỏe, thân xác và linh hồn. Phải đánh đổi cả mạng sống đời này, thì mới có được sự sống bên Chúa mãi mãi.

Bằng cách từ bỏ ý riêng. Con đường theo Chúa là làm theo ý Ngài, để Danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Đức Giêsu là khôn mẫu cho sự vâng phục này. “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi uống chén này, nhưng một theo ý Cha, đừng theo ý con”. (Mt 26, 39). Con người cũng thế, muốn làm vinh danh Chúa, thì phải làm theo hướng dẫn của Chúa, thì tác phẩm tình yêu cứu độ của Ngài mới được họa lại một cách đẹp đẽ, chính xác. Nếu làm theo ý riêng, tìm cách thể hiện ý mình thì sẽ phá đổ đi kế hoạch của Chúa mà thôi.

Bằng cách sống trung thành. Trung thành chứng mình niềm phó thác tuyệt đối của mình vào Thiên Chúa, và chọn lựa này là chính xác. Vì thế, bằng mọi giá không được bỏ cuộc. Dù gian nan cách mấy, dù khổ đau thế nào. Vì: “Ai bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát” (Mt 10,22). Lòng trung thành cũng nói lên tình yêu mạnh mẽ của mình đối với Chúa mà chẳng có gì có thể tách ra khỏi trái tim tình yêu của Ngài được. Thánh Phaolô tông đồ nói: “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo? Tôi tin chắc rằng: cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta” (Rm 8,35-39)

Bằng cách sống tin tưởng lạc quan. Có thể mất nhiều thứ, thiếu nhiều điều, nhưng người ta không thể sống hiếu hy vọng. Vì hy vọng ngày mai tươi sáng, ngày mai sẽ tốt hơn, mà con người mới có thể cố hết sức, gắng hết mình để trườn qua những khúc quanh bi ai, đau thương nhất của cuộc đời. Sống trong hy vọng là sống bằng cái nhìn hiện tại xuyên suốt của Thiên Chúa. Nhờ biết rằng còn có Chúa luôn hiện diện nên đời sống của mình luôn lạc quan, yêu đời, vui sống và ham sống. Thái độ lạc quan không bao giờ chịu khuất phục trước nghịch cảnh, không bao giờ chịu cúi đầu trước bất cứ thế lực của sự dữ nào, là bằng chứng rõ nét về sự thật công lý của Chúa đang hoạt động nơi ta. Làm chứng cho Chúa mà ủ rũ héo tàn, chán chường, mệt mỏi, thoái thác, thất vọng, bi quan thì không thể chấp nhận được, vì nó ngược lại với bản chất của Thiên Chúa là hoan lạc, bình an, hạnh phúc, vui tươi…
 
Thánh lễ cầu nguyện cho việc mở án phong Chân phước Nguyễn Văn Thuận tại Phủ Cam
Trương Trí
08:54 22/10/2010
HUẾ - Vào lúc 5 giờ sáng hôm nay 22.10, tại nhà thờ chính tòa Phủ Cam Huế, Đức Giám mục phụ tá Phanxicô Xaviê Lê Văn Hồng đã chủ sự thánh lễ cầu nguyện cho ngày mở án phong Chân phước cố Đức Hồng Y F.X. Nguyễn Văn Thuận. Cùng đồng tế có cha J.B.Etcharren, Đức Ông Phêrô Nguyễn Quang và các linh mục xuất thân từ giáo xứ chính tòa Phủ Cam, các linh mục trong hạt thành phố Huế, đại diện các dòng tu nam nữ, các hội đoàn và cộng đoàn dân Chúa.

Hình ảnh thánh lễ cầu nguyện tại Phủ Cam

Trước thánh lễ, đoàn đồng tế cùng các chức sắc HĐGX Phủ Cam trong trang phục truyền thống áo thụng xanh, tiến đến trước bàn thờ cố Đức Hồng Y cung kính niệm hương.

Mở đầu thánh lễ, Đức Giám mục phụ tá đã nhắn gởi đến cộng đoàn về ngày mở án phong Chân phước cho Tôi Tớ Chúa là cố Đức Hồng Y tại Rôma, Ngài là người con ưu tú được sinh ra và lớn lên tại giáo xứ chính tòa Phủ Cam này. Hôm nay tại nhà thờ Đức Mẹ Scala ở Rôma, là nhà thờ hiệu tòa của cố ĐHY, Đức Tổng Giám mục Stêphanô của chúng ta cũng sẽ dâng thánh lễ đồng tế khai mạc ngày mở án phong Thánh. Cùng với các linh mục xuất thân từ Phủ Cam, cộng đoàn hiệp dâng thánh lễ cầu nguyện cho tiến trình mở án được tốt đẹp.

Sau thánh lễ, Đức Giám mục phụ tá, các linh mục và cộng đoàn cũng đã về thăm ngôi nhà của cố Đức Hồng Y. Sau khi niệm hương trước bài vị của Người, linh mục Micae Phạm Ngọc Hải thay mặt các linh mục quê Phủ Cam ôn lại bài suy niệm của ĐHY trong “Chứng nhân và Hy vọng”: “ Trong những đêm dài trong tù ngục, tôi ý thức được rằng sống giây phút hiện tại là con đường đơn sơ và chắc chắn nhất dẫn tới sự thánh thiện. Niềm xác tín ấy gây cảm hứng cho lời cầu nguyện sau đây:

Lạy Chúa Giêsu, con sẽ không chờ đợi nữa,
Con sống giây phút hiện tại cho tràn đầy tình yêu.
Chấm này nối tiếp chấm kia,
Ngàn vạn chấm thành một đường dài.
Phút này nối tiếp phút kia,
Muôn triệu phút thành một đời sống.
Chấm mỗi chấm cho đúng, đường sẽ đẹp.
Sống mỗi phút cho tốt, đời sẽ Thánh.
Đường hy vọng cho mỗi chấm hy vọng.
Đời hy vọng cho mỗi phút hy vọng.


Với tất cả lòng cảm mến, Đức Giám mục và cộng đoàn dâng lời cầu nguyện, và kết thúc bằng Kinh hòa bình của Thánh Phanxicô Assisi.
 
Buổi thuyết trình: ''Xung khắc giữa cha mẹ và con cái'' tại Trung Tâm Mục Vụ, TGP Sàigòn
Nguyễn Hoàng Thương
08:55 22/10/2010
Chuyên đề chiều thứ Bảy: Cha mẹ và con cái, vì đâu nên nỗi bất hòa?

Trong thời đại ngày nay, thế giới dường như không còn cách biệt nữa khi mà trong tích tắc mọi sự việc trong từng ngõ ngách xa xôi nhất cũng có thể được biết đến. Nhưng nghịch lý thay, đôi lúc những người sống chung trong một mái nhà được gọi là mái ấm gia đình lại không biết nhiều về nhau, không thấu hiểu lẫn nhau, thậm chí cảm thấy lẻ loi cô độc trong chính ngôi nhà của mình do những cách biệt về tuổi tác, về ý thức hệ, về lối sống, về nhận thức trước những hiện tượng của đời sống.

Xem hình buổi thuyết trình

Nói đến xã hội Việt Nam hôm nay, buồn thay, là phải nói đến những vấn nạn, những hệ lụy qua năm tháng của việc du nhập không chắt lọc những khuynh hướng, những trào lưu khi đất nước bước vào thời kỳ mở cửa và hội nhập vào toàn cầu hóa. Gia đình là tế bào của xã hội, gia đình là Hội Thánh tại gia, trong đó mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái luôn biến đổi theo thời gian, lúc dịu êm, hòa hoãn trong an bình, nhưng lắm lúc lại bùng phát những tranh cãi, những xung khắc tưởng chừng bất tận, mà đã là xung khắc, có lúc cũng sẽ đạt đến đỉnh điểm là tan vỡ, những tan vỡ trong gia đình sẽ làm cho xã hội càng rối ren với biết bao nhiêu vấn nạn, một điều đáng báo động cho cả xã hội và giáo hội.

Trăn trở trước những vấn nạn xảy ra trong gia đình, chiều hôm thứ Bảy 16/10/2010, Ban Mục Vụ Gia Đình, Tổng Giáo Phận Sài Gòn đã tổ chức buổi nói chuyện tọa đàm đề tài:“XUNG KHẮC GIỮA CHA MẸ VÀ CON CÁI – NGUYÊN NHÂN & GIẢI PHÁP”do Cha Giuse Hoàng Huy Cường, Dòng Đa Minh thuyết trình. Để buổi nói chuyện không đơn điệu, cha đã khéo léo lồng ghép vào các hoạt động như những bài múa cử điệu chung theo nhạc do linh hoạt viên Phạm Khải dẫn dắt để tạo ra bầu khí thoải mái cho tham dự viên. Đôi lúc là sự xen lẫn những đoạn video clip, những vở kịch rất ngắn, và một ca khúc truyền cảm do các bạn cộng tác viên của Nhóm Niềm Tin thực hiện nhằm diễn tả những vấn nạn đang xảy ra trong đời sống của các gia đình ngày nay.

Mở đầu buổi nói chuyện, cha đã nhắc đến những hiện trạng xã hội với nhiều lổ hổng, và hậu quả của nó bằng kinh nghiệm của một người làm công tác giáo dục thiếu nhi ở giáo xứ, cũng như kinh nghiệm của một người cộng tác vào công việc giúp cho những người bị nhiễm HIV/AIDS.

Xung khắc trong gia đình chính là những trận cãi vã, không ai chịu nghe ai, và điều đó hiển hiện trong cuộc sống hằng ngày của mỗi người. Ngoài chuyện xung khắc giữa vợ chồng với nhau thì xung khắc giữa con cái và cha mẹ là một vấn đề rất lớn trong xã hội hiện nay. Trước đây, trong gia đình truyền thống, nói đến xung khắc là xung khắc giữa cha mẹ với nhau, những đứa con rất hiếm khi bất hòa với cha mẹ, nhưng thời nay, đứa con có thể là nguyên nhân gây bất hòa, xung khắc giữa cha mẹ, giữa cha và con, mẹ và con, đây là hiện tượng vẫn xảy ra nhan nhản trong đời sống. Nguyên nhân là do xã hội phát triển, các thành viên trong gia đình không có thời giờ để trao đổi, trò chuyện với nhau, ai lo việc người nấy. Cả cha và mẹ phải làm lụng vất vả, đứa con cũng phải bù đầu với việc học, thời gian gặp gỡ nhau rất ít, người vợ, người chồng trong thâm tâm ai cũng nghĩ rằng mình phải rất vất vả để xây dựng gia đình, nhưng thật ra, lại cộng tác vào một trong những nguyên nhân gây ra tan vỡ gia đình.

Để đi tìm một vài nguyên nhân gây xung khắc, cha đã tiếp cận vấn đề bằng cách đưa ra những hiện trạng dựa trên 4 lĩnh vực: xã hội, văn hóa, giáo dục, tôn giáo, và từ đó, người ta có thể đối chiếu vào mỗi gia đình để giải quyết vấn đề. Muốn nhận ra vấn đề, cần phải đóng vai trò của người làm cha làm mẹ, nhưng đồng thời cũng cần phải đóng vai trò của những người làm con để tìm ra được điều gì gây nên những xung khắc giữa cha mẹ và con cái trong gia đình.

Xã hội tại Việt Nam chuyển mình từ giai đoạn chiến tranh sang hậu chiến và thời bình, ngày nay lại chịu thêm ảnh hưởng của toàn cầu hóa, đã du nhập đủ thứ trào lưu, muôn vàn khuynh hướng làm ảnh hưởng khủng khiếp đến đời sống xã hội, đời sống gia đình, có thể nói đó là xã hội thời “thực dụng”.

Nói đến thực dụng ắt phải nói đến tiền, người ta thường nói có tiền mua tiên cũng được??? Đời sống bây giờ, người ta lại thường có tâm thức ra đường phải có tiền, để từ đó đề cao tiền bạc, đánh giá nhau trên tiền bạc. Xung khắc nằm ở chỗ cha mẹ không đáp ứng được tiền bạc cho con do không khéo léo trong cách dạy con biết sử dụng đồng tiền. Cũng nằm trong lối sống thực dụng là khuynh hướng “tự thưởng”: ban đầu có thể là cuối tuần ăn uống ngoài quán xá, lâu dần rồi quen, ăn uống ngoài đường nhiều hơn trong nhà, mạnh ai nấy lo buổi ăn của mình, khi đó bữa cơm trong mái ấm gia đình không được chú trọng, bầu khí thân tình trong gia đình phai nhạt, tình yêu thương, quan tâm san sẻ lẫn nhau dần mất đi. Đây chính là một trong những nguyên nhân gây xung đột.

Tất bật trong lối sống, trong cách nghĩ, trong mọi hoạt động, có thể nói đó là khuynh hướng “mì ăn liền”, khuynh hướng này làm cho con người ta không đủ kiên nhẫn để chịu đựng mọi thứ, dường như điều này đã thâm nhập vào xương máu mỗi con người, nhất là người thành thị.

Trong lĩnh vực văn hóa, do Việt Nam thường thường chạy theo văn hóa Tây Phương, nhưng lại hấp thụ rất nhanh những điều mà nền văn hóa đó tuyền tải, cả tốt lẫn xấu, từ đó du nhập nhiều trào lưu ảnh hưởng đến gia đình như trào lưu quan hệ trước hôn nhân, các loại thời trang, điện ảnh… có thể gọi đó là văn hóa thời “mở cửa”. Điện ảnh ảnh hưởng mạnh đến thời trang, trong điện ảnh có những mốt gì mới thì y như rằng giới trẻ đua theo ngay, đó các loại mốt quần áo hở lưng, thiếu vải, hàng hiệu, điện thoại, xe máy đắt tiền, tóc vàng, tóc xanh, môi tím… làm sao cho giống minh tinh màn bạc. Đây là nguyên nhân thường xuyên gây bất đồng giữa cha mẹ và con cái. Nền văn hoá này du nhập cả những ý thức hệ, khuynh hướng “chiến thắng ở kẻ mạnh” làm cho cha mẹ hành động độc đoán, đôi khi đàn áp con trong cách giáo dục. Nó còn du nhập trào lưu chủ nghĩa cá nhân, trong đó ai cũng đòi quyền lợi cho riêng mình mà không nghĩ đến quyền lợi của cộng đồng, điều này trở thành bản chất của bản thân mình lúc nào không hay.

Thời mở cửa cũng du nhập nền văn hóa hưởng thụ: đi shopping mua sắm hàng hiệu, đi vũ trường, bar ăn chơi nhảy nhót tìm cảm giác mạnh thậm chí rơi vào vòng xoáy của thuốc lắc, ma túy, AIDS… dĩ nhiên làm gia đình tan vỡ.

Giáo dục: thời gian gần đây trên các phương tiện truyền thông luôn nói đến những lổ hổng của giáo dục, đã bao nhiêu năm qua chữ cải cách luôn văng vẳng trong lĩnh vực giáo dục, nhưng càng cải cách lại càng làm cho các bậc phụ huynh thêm ta thán, có thể nói, giáo dục thời nay là giáo dục thời “cải cách”. Cho đến bây giờ, cần phải cải cách thêm nữa là điều hiển nhiên vì với lề lối hiện nay trẻ con không biết học cái gì, hỏng kiến thức. Giáo dục cũng làm cho cha mẹ và con cái thường xuyên xung khắc nhau trong các vấn đề chọn trường học (vấn nạn chạy trường), học thêm, học ngoại khóa Anh ngữ… vì tâm lý cha mẹ không muốn con thua sút bạn bè đồng trang lứa trong việc học.

Giáo dục không hoàn thiện do định hướng giáo dục chưa đúng, quá nhiều kiến thức nhưng học sinh không nhớ gì, chủ yếu học để đối phó với điểm số. Giáo trình trong giáo dục cũng còn nhiều tranh cãi, ngay chính giáo viên cũng bảo là chương trình nặng nề, cả những quan chức giáo dục cấp cao cũng thấy điều đó nhưng để tìm giải pháp cho vấn đề này vẫn còn là mơ hồ, mọi cuộc cải cách xưa nay đều theo cảm tính, chủ quan của một số ít quan chức giáo dục, thiếu tầm nhìn và không dựa trên phương pháp khoa học.

Ví dụ điển hình để so sánh là giáo trình của Pháp dạy cho học sinh tiểu học tại Việt Nam: đó là cách giáo dục chữ ít, hình ảnh nhiều, điều này chính là khơi gợi ý tưởng học sinh, tuy là học ít nhưng nắm chắc kiến thức.

Giáo dục Việt Nam còn có vấn nạn nữa là học làm “tấn sĩ” hơn là học làm người dẫn đến hệ lụy là đánh giá con người qua bằng cấp, mục đích của học là để lấy bằng cấp và tìm mọi cách lấy cho được được bằng cấp. Ngay trong chính sách cũng đã sai lạc: “Đến 2020, Hà Nội phấn đấu 100% cán bộ diện UBND TP quản lý có trình độ trên đại học, trong đó một nửa cần đạt trình độ tiến sĩ”

Bên cạnh đó là giáo dục theo khẩu hiệu: 99% học sinh giỏi, đây là thành quả ảo, làm cho trẻ ảo tưởng chúng giỏi thật, tâm lý ỷ lại, ảo tưởng về khẩu hiệu, làm đầu óc con người rỗng tuếch.

Ảnh hưởng tôn giáo cũng tác động đến đời sống gia đình. Phải chăng có thể nói tôn giáo thời bây giờ là tôn giáo thời “giải thiêng”? vì người ta xem tôn giáo không còn gì là thiêng liêng nữa. Triết thuyết vô thần đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhiều tầng lớp trong xã hội, ngay trong chính sách nhà nước đã quan niệm tôn giáo chỉ nên để trong tủ, tôn giáo chỉ được hoạt động, thờ phượng trong nhà thờ, nhà chùa, thánh đường (tại cơ sở tôn giáo) mà thôi. Những thực tại thiêng liêng đã trở thành bình thường, để rồi người ta giữ đạo theo kiểu “đoàn lũ”, với tâm thức đạo đức “tương đối”. Thậm chí, trong một lần tĩnh tâm, một Đức Giám Mục phải nói lên rằng: “ngày nay các cha không dám nói chuyện đời sau, qua đời thì được lên thiêng đàng”. Tâm lý “vái tứ phương”: nơi nào nghe Đức Mẹ hiển linh đều đến viếng chỉ để cầu khẩn theo ý riêng chứ không phải bằng niềm tin tưởng phó thác.

Ngày nay, người ta tham dự Thánh Lễ cho có, xem tôn giáo như một thời trang, không có cội rễ, không có tâm linh. Bên cạnh đó con người cũng dần mất đi cảm thức về tội, làm cho người ta không phân biệt được thiện - ác, một điều rất nguy hiểm cho gia đình, xã hội.

Thử đưa ra một vài giải pháp để giải quyết xunh đột giữa cha mẹ và con cái:

Trước hết là thanh lọc môi trường xã hội: Cần phải chắc lọc xem luồng tư tưởng nào ảnh hưởng đến mình, đến gia đình mình và đến con cái mình. Có thể đó là khuynh hướng theo số đông, vì ngày nay, những chuyện bất thường xem ra trở thành bình thường, những chuyện bình thường trở thành bất thường, điển hình nhất là câu chuyện giao thông: vượt đèn đỏ, leo lề, lấn tuyến… Bên cạnh đó, cha mẹ phải có trách nhiệm với con, phải hướng dẫn con trong mọi vấn đề, cần lập ra kế hoạch dạy con trong dài hạn, từ 17 đến 20 năm, chuyện không đơn giản nhưng nhất thiết phải thực hiện để giáo dục con cái nên người. Vấn nạn xã hội đã đi đến cao trào khi mà một vị linh mục linh hướng phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể nhắc nhở rằng: “Các huynh trưởng phải giành giật các em thiếu nhi từ môi trường xã hội”.

Kế đến, cần phân định trào lưu văn hóa: Việt Nam đi từ nền văn hóa phong kiến sang văn hóa phương Tây, thế nên cần chọn trào lưu văn hóa nào có thể giúp cho con em chúng ta, chọn loại văn hóa nào chấp nhận được trong đời sống, phù hợp với lễ giáo gia phong, và cần phải có kiên thức về văn hoá đó để giải thích cho con em mình tại sao phải chọn như vậy.

Thứ ba, là chọn phương pháp giáo dục: cha mẹ và con cái có thể hấp thụ cách giáo dục khác nhau, vì vậy, cách dạy con và cả cách tiếp thu của con không còn giống như thời của cha mẹ nữa, thế nên cần xem lại cách tiếp cận để giáo dục con cái của mình và đồng thời xem xét con mình tiếp thu thế nào để điều chỉnh cho phù hợp.

Cuối cùng, cần gây bầu khí gia đình Kitô giáo: với nguy cơ ít gặp gỡ nhau, nếu có cơ hội gặp nhau thì chỉ trao đổi qua loa những vần đề hời hợt, điều đó sẽ làm cho “bầu khí yêu thương” mất dần trong gia đình. Vì thế, cần phải chú trọng đến những sinh hoạt chung trong gia đình như bữa cơm chung, cầu nguyện chung là những cơ hội để cha mẹ và con cái trao đổi và lắng nghe nhau, cùng nhau xây dựng gia đình trong bầu khí yêu thương đích thực theo giáo lý và giáo huấn của Giáo Hội.

Kết thúc bài nói chuyện chuyên đề là lời mời gọi thiện chí của xã hội để cổ vũ cho nền văn hóa sự sống, văn minh tình thương. Bên cạnh đó cần tiếp cận nền giáo dục chủ động, nuôi dưỡng bầu khí tôn giáo và nhất thiết phải hiểu biết và nắm bắt biểu hiện của xung đột để giải quyết xung đột.

Buổi tọa đàm cũng đã thực hiện một cuộc thăm dò nho nhỏ để tìm hiểu đánh giá của tham dự viên về nguyên nhân gây khung khắc giữa cha mẹ và con cái. Bên cạnh đó là 2 đoạn video clip trong đó mỗi lời nói, mỗi hành động phản ánh khái quát bối cảnh xã hội. Đó là câu chuyện một bà mẹ tự hào về con mình ham học, học sáng, trưa, chiều, tối, học đến nửa đêm, và con biết áp dụng vi tính vào việc học nhưng thực chất bà không biết rõ ràng con học những gì, dùng vi tính vào việc gì. Còn một ông bố thì tự hào là mình kiểm soát con kỹ lưỡng, con đi đâu cũng đón đưa nên không sợ con hư nhưng một lần tình cờ ông lại phát hiện con mình kẻ mắt, tô môi khi mà con ông vẫn còn trong độ tuổi học trò, và ông đã dùng quyền làm cha để bắt con không được làm như vậy mà không giải thích rõ tại sao. Đoạn video clip thứ hai nói đến một cặp học trò không lo học hành nhưng lại lao vào việc yêu trước tuổi trước sự cấm đoán của gia đình để rồi cuối cùng cô gái phải nhận lấy hậu quả là mang thai. Có thể nói 2 đoạn video clip đã khái quát hoá bộ mặt mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái trong xã hội hôm nay.

Cũng trong chiều hướng minh họa cho đề tài, Nhóm Niềm Tin đã cộng tác để đem lại không khí trầm lắng đáng suy tư với hai vở kịch diễn tả công thức trong thời đại hôm nay, diễn tả ý thức hệ, khoảng cách, sự không hiểu nhau vì khoảng cách đó.

Đó là vở kịch nói về người cha và cô con gái lớp 10. Vở kịch minh họa cho sự xung đột ý thức hệ. Cha mẹ không hiểu con cái, con cái không hiểu cha mẹ. Cha mẹ lo lắng con mình chưa lớn, phải bao bọc chở che, quản lý nghiêm về thời gian, sợ con hư hỏng. Con cái thì cho rằng cha mẹ chẳng hiểu gì về thời đại văn minh, cổ hủ, phong kiến…

Vở kịch thứ hai nói đến một người con tiến sĩ và người mẹ già tội nghiệp quê mùa, thất học. Người con tuy có học vị cao nhưng cư xử với cha mẹ mình như người ở trong nhà, thậm chí đánh mẹ vì cho là mình có quyền. Đó là hệ quả của một lối giáo dục chỉ chú trọng kiến thức, tiền bạc và danh vọng mà quên đi đạo đức và nhân cách là cốt lõi.

Bên cạnh đó, bài hát “Nhớ nhé” bằng chất giọng thiết tha truyền cảm của một thành viên Nhóm Niềm Tin cũng mang lại sự suy tư cho tham dự viên (link video clip của bài hát: http://www.youtube.com/watch?v=768P8AbJFyY)

Buổi nói chuyện kết thúc, nhưng trong mỗi người vẫn còn quyến luyến vì đã nhận được những kinh nghiệm qúy báu để áp dụng vào hoàn cảnh gia đình mình nhằm làm giảm thiểu xung khắc.

Những câu hỏi trong phiếu thăm dò và đúc kết thăm dò:

Trong cuộc sống hằng ngày, “xung khắc” giữa cha mẹ và con cái rất hay thường xảy ra. Theo bạn, thường là do những nguyên nhân nào? (Mỗi câu hỏi được trả lời bằng cách lựa chọn có hay không)

1. Do cha mẹ không theo kịp tâm thức thời đại?

2. Do không hiểu về trào lưu trong giới trẻ?

3. Do quan niệm khác nhau?

4. Do khoảng cách về tuổi tác?

5. Do muốn con ăn mặc theo ý của cha mẹ?

6. Do muốn con theo “thời khoá biểu” của cha mẹ?

7. Do không cho sử dụng điện thoại di động?

8. Do không cho đổi điện thoại theo thời trang?

9. Do không cho sử dụng Internet trong phòng riêng?

10. Do không cho đi xe máy?

11. Do không cho đi chơi đêm (quá 22 giờ)?

12. Do không cho tham gia “băng nhóm”?

13. Do không cho đi shopping?

14. Do không cho mặc thời trang “thiếu vải”?

15. Do bắt con định hướng nghề nghiệp tương lai?

16. Do không hiểu tâm lý con?

17. Do không lắng nghe con nói?

18. Do dùng quyền áp đảo con?

19. Do bắt con thường xuyên đi lễ?

20. Do buộc con đọc kinh tối trong gia đình?

Trong phần đúc kết thăm dò, thầy Giuse Phạm Thanh Châu đã đưa ra kết quả thăm dò, trong đó những câu hỏi liên quan đến lĩnh vực xã hội (từ câu 1 đến đâu 5) là 80% trả lời có, 20% trả lời không. Những câu hỏi liên quan đến lĩnh vực tâm lý (từ câu 6 đến đâu 17): 50% trả lời có, 50% trả lời không. Cuối cùng, những câu hỏi liên quan đến lĩnh vực tâm linh (từ câu 18 đến đâu 20): 50% trả lời có, 50% trả lời không.

Thầy cho biết thêm, nền giáo dục hiện nay không dựa trên nền tảng đạo đức và nhân văn. Ngày nay, con em chúng ta cũng học đạo đức, nhưng là một thứ đạo đức khác chứ không phải là đạo đức do ông bà ta để lại, xem như cái nền, cái gốc đã bị mất. Thời nay, tiền và quyền là trên hết, khi cha mẹ cho con cái đi học, ít khi nào nghĩ rằng cho con học để thành tài sau này giúp đời mà cứ nghĩ rằng cho học để sau này kiếm được nhiều tiền.

Do chỉ lo kiếm thật nhiều tiền để đáp ứng nồi cơm, manh áo và lo cho con cái, nên đôi khi các bậc cha mẹ không nắm bắt được tình hình xã hội phát triển như thế nào để dạy dỗ, hướng dẫn con cái. Dù các bậc cha mẹ đã kinh qua lứa tuổi của con từ thưở bé, đến thiếu niên rồi trưởng thành, nhưng không thể bắt con cái sống như cha mẹ đã từng sống. Cha mẹ cần thông cảm cho con cái và chịu khó ngồi lại phân tích vấn đề đặt hoàn cảnh mình vào độ tuổi của con cái nhằm hiểu được tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu của con cái để biết con học hành ra sao, ăn uống thế nào, vui chơi những gì. Đáp ứng nhu cầu của con cái không có nghĩa là đáp ứng tiền bạc để cho con vui lòng, mà không nắm bắt được niềm vui nào trọn vẹn, niềm vui nào làm cho con sa chân lỡ bước, điều này có nghĩa là đôi khi cha mẹ quên đi sự quan tâm đến con cái mà chỉ lo kiếm tiền để đáp ứng những đòi hỏi tiền bạc của con cái. Nếu chỉ đáp ứng tiền bạc cho con mà không quan tâm con, đến khi giật mình thấy con cái có những biểu hiện khác thường của sự hư hỏng, lúc đó cha mẹ có truy vấn con tại sao con thế này, tại sao con thế nọ thì xem như đã muộn. Có thể nói đó là nguyên nhân lớn tạo nên xung khắc giữa cha mẹ và con cái.

Về vấn đề tâm linh, cha mẹ thường buộc con phải đến nhà thờ tham dự Thánh Lễ nhưng lại quên giải thích cho con biết đi lễ để làm gì, tại sao phải đi lễ và lợi ích thiêng liêng của việc đi lễ.

Thầy kết luận phần đúc kết thăm dò của mình bằng cách nhắn nhủ rằng đừng để con cái mình sợ, nhưng hãy để con cái nghe lời cha mẹ để chúng tự suy xét chọn lựa điều gì đúng, điều gì sai, điều gì nên làm, điều gì không qua cách quan tâm, hướng dẫn và giáo dục con cái.

Dưới đây là những câu hỏi và kết quả nhận được từ việc thảo luận nhóm, trong thời gian hạn hẹp chỉ 15 phút:

Với môi trường văn hóa và xã hội

1. Hướng dẫn con cái tiếp cận các trào lưu xã hội?

Cần phải phân định trào lưu tốt xấu để lựa chọn, chẳng hạn như đối với trào lưu sống thử thì không nên vì nó ảnh hưởng đến sức khoẻ, đến đạo đức, tinh thần, tâm linh… với trào lưu nhảy hiphop chỉ tốt khi nó đơn thuần là rèn luyện sức khỏe và là một cách giải trí nhưng khi nó đi quá giới hạn thì trở nên xấu. Cần giải thích cho con hiểu nhưng cần tôn trọng ý kiến của con để hướng con đi đến lựa chọn đúng và giám sát con khi thực hiện

Tạo kỷ luật trong gia đình, có tự do nhưng trong khuôn khổ, lắng nghe ý kiến và suy nghĩ của con trong vấn đề này và hướng con đến mặt tích cực của các trào lưu. Nói đến kỷ luật trong gia đình, cần biết sử dụng quyền hành của cha mẹ sao cho khôn khéo để con cái cảm nhận được tình thương.

2. Trao đổi với con cái về thời trang và điện ảnh

Tạo niềm tin cho con, mua sắm cùng con, tôn trọng lựa chọn của con với những giải thích, phân tích. Nắm bắt, cập nhật thông tin về thời trang, điện ảnh để có thể trao đổi với con.

Với môi trường giáo dục

3. Hướng dẫn con cái học cái gì và hướng nghiệp?

Nhóm thảo luận đưa ra sơ đồ với chữ “Học gì?” là trung tâm với các nhánh cấp 1, cấp 2, cấp 3 và hướng nghiệp. Cấp 1: học giáo lý, học văn hóa, kỹ năng sống. Cấp 2: học như cấp một cộng thêm thể chất và năng khiếu. Cấp 3: học thêm về giới tính và hướng nghiệp. Hướng nghiệp: với ước mơ, khả năng, điều kiện và nhu cầu.

4. Hướng dẫn con sử dụng các phương tiện công nghệ mới.

Bản thân cha mẹ phải học, phải biết để đồng hành với con em mình. Cần phải biết giới hạn độ tuổi sử dụng các phương tiện công nghệ mới, giải thích mặt lợi, mặt hại, sử dụng khi nào, ở đâu. Đối với các trò chơi cần quy định thời gian chơi, kèm theo điều kiện. Điều kiện ở đây cần phải hiểu không theo ý nghĩa thưởng vật chất mà phải là sử dụng có hiểu quả.

Với môi trường tôn giáo

5. Thuyết phục con tiếp tục tham gia các lớp giáo lý hoặc các đoàn thể trong xứ đạo.

Trước nhất cha mẹ phải là tấm gương để từ đó hướng dẫn con cái mình có ý thức về đạo cũng như khi tham gia các đoàn thể. Cha mẹ quan tâm và giúp trẻ tích cực tham gia học giáo lý. Điểm quan trọng là cần quan tâm giáo dục trẻ từ nhỏ.

Kinh nghiệm của cha Giuse cho thấy tâm lý cha mẹ thường nghĩ rằng cho con học xong giáo lý để được chịu Bí tích Thêm Sức là đủ, sau đó xin cho con nghỉ học giáo lý để tập trung học văn hóa. Đây là điều không nên.

6. Gia đình cùng đi lễ?

Gia đình cùng đi lễ có thể gây khó khăn do lễ người lớn, lễ thiếu nhi, lễ giới trẻ riêng, hoặc trong nhà thờ nam nữ ngồi riêng. Chỉ có vợ chồng hoặc nhóm bạn cùng đi lễ là thuận tiện. Cần giáo dục con cái từ nhỏ như bế con, dắt con đi nhà thờ, dạy làm dấu thánh giá, chào Chúa. Giới thiệu về Mẹ Maria, các thánh. Có thể cả nhà cùng tham dự Thánh Lễ vào một buổi chiều trong tuần để tạo thói quen thích đi lễ, để con tự ý thức tham gia Thánh Lễ Chúa Nhật. Thánh Lễ đem lại sự bình an. Gia đình cùng đi lễ là tạo bầu khí gia đình Kitô giáo.

Sài Gòn, ngày 20/10/2010,
 
Sinh viên giáo phận Vinh thăm bà con bị lũ lụt giáo xứ Vạn Căn
Anthony Hoàng
10:26 22/10/2010
HÀ TĨNH - Sáng nay, ngày 22/10/2010, một số sinh viên Công giáo giáo phận Vinh và linh mục đặc trách sinh viên Công giáo trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã đến thăm và tặng quà cho bà con bị lũ lụt trên địa bàn giáo xứ Vạn Căn, xã Hà Linh, Hương Khê, Hà Tĩnh.

Xem hình ảnh

Lẽ ra, sinh viên Công giáo giáo phận Vinh đã đi thăm đồng bào lũ lụt sớm hơn. Bởi sau khi được biết tin tức bão lụt xảy ra với đồng bào ở hai tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh vào ngày 4 và 5 tháng 10, thì ngay ngày 10/10/2010, trong buổi lễ khai giảng năm học mới, tại giáo xứ Cầu Rầm, dưới sự gợi ý của linh mục đặc trách sinh viên trên địa bàn tỉnh Nghệ An - Antôn Hoàng Trung Hoa, Ban điều hành sinh viên đã tổ chức quyên góp trong nội bộ của mình, và được hơn 4 triệu đồng. Số tiền đó thật ít ỏi trước như cầu của người dân bị lũ lụt, nhưng như Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp nói: "Đó là những đồng tiền của bà góa", bởi đơn giản, hầu hết sinh viên sống nhờ sự giúp đỡ của gia đình, và lúc này họ đã bớt chút tiền ăn sáng của họ. Và có lẽ cũng do số tiền quá ít đó, nên, với tính chất của người trẻ luôn có những sáng tạo, họ đã tổ chức đi thu gom và xin những chai lọ, đồ phế liệu, chủ yếu ở hai giáo xứ Yên Đại và Cầu Rầm, rồi bán để có thêm những món quà cho những người đau khổ do thiên tai gây nên.

Công việc như được sẵn sàng cho chuyến đi sau đó vài ngày, thì đợt lũ lụt lịch sử lần thứ hai lại xảy ra, lần này cả trên một số huyện, xã ở Nghệ An, nước dâng cao và cắt đứt mọi tuyến giao thông trong mấy ngày qua như chúng ta đã biết, nên anh em sinh viên lại phải đình hoãn chuyến viếng thăm. Hôm nay, được biết các tuyến đường bộ có thể lưu thông, lại được sự giúp đỡ phương tiên đi lại của lương y Nguyễn Văn Hiền và anh Nguyễn Xuân Thắng, giáo dân giáo xứ Làng Nam, nhất là sự giúp đỡ của Cha Trưởng Ban giới trẻ giáo phận Vinh và một số ân nhân, anh em đã vội vã lên đường thực hiện sự mong ước hiện diện và chia sẻ của mình. Trước lúc lên đường, anh em dự định đi thăm hai giáo xứ Vạn Căn và Thổ Hoàng. Nhưng do đường sá quá khó khăn, đặc biệt là các ngã từ đường mòn Trường Sơn vào hai giáo xứ đều phải đi bằng thuyền nên hành trình không diễn ra như dự định ban đầu. Vượt qua hai chặng thuyền, nên thời gian đi lại càng mất nhiều hơn. Đặc biệt, khi đi thuyền từ chặng ga tàu lửa Thanh Luyện đến giáo xứ Vạn Căn, anh em đã đi bằng thuyền hơn 1 km, mà lại là những chiếc thuyền nhỏ, nên có lúc tưởng chừng anh em bị chìm trên cánh đồng giáp sông Ngàn Sâu. Vừa đi thuyền, vừa đi bộ nên mãi 1 giờ chiều anh em mới tới nhà thờ giáo họ Gia Phương, (nơi đây linh mục quản xứ Vạn Căn, cha Fx. Phạm Văn Hứa, đang lánh trú vì toàn bộ nhà xứ Vạn Căn bị ngâm trong nước mấy ngày qua). Sau bữa cơm trưa, anh em được cha đưa về giáo họ trị sở giáo xứ để thăm bà con nơi đây. Lại một chặng đường khoảng 1 km nữa anh em phải đi bằng thuyền. Cảnh hoang tàn đổ nát, sặc mùi hôi thối do thú vật và cây cối bị chết bốc mùi, nhà cửa xơ xác, thiếu ăn, thiếu mặc khiến nhiều khuôn mặt càng thêm thiểu não. Khổ nhất là cảnh một số bà con phải chèo thuyền đi xin từng bình nước sạch về để dùng. Bị nhận chìm giữa một biển nước mà lại như chết khát!

Thời gian không cho phép, anh em được Hội đồng Mục vụ giáo xứ dẫn đi thăm mươi gia đình. Đến nơi nào nhà cửa cũng trống trơn, vì vật dụng, đồ đặc đã bị nước cuốn trôi hết. Có những gia đình ở trong nhà mà không ở trên nền, bởi nhà bị nước xịch dời khỏi nền cả chụt mét. Có những cảnh thương tâm cười ra nước mắt, là có một người đàn ông, khi nước lũ dâng cao, cởi áo chạy lụt cho gia đình, để rồi áo mình bị trôi hết. Khi chúng tôi đến thăm, không còn chiếc áo nào, nên anh vội lấy cái "áo bầu" của vợ ra mặc!...

Điều mà anh em sinh viên làm được cho giáo xứ Vạn Căn có lẽ không phải là những thùng mì, bao gạo, những chiếc áo chiếc quần, những chai dầu, bao bột ngọt..., bởi trước đó đã có những phái đoàn gửi đồ đến cứu trợ, nhưng là sự hiện diện của anh em. Theo như Hội đồng Mục vụ cho biết, thì anh em sinh viên là những người đầu tiên đến thăm nơi đây sau hai cơn lũ lụt vừa qua.

Dù không đến được giáo xứ Thổ Hoàng, nhưng anh em cũng đã liên lạc được với cha quản xứ - J.B Nguyễn Huy Tuấn, gửi một số đồ để giúp đỡ cho bà con nơi đó.

Anh em sinh viên rời Vạn Căn với những bước chân nặng nề, mỏi mệt, nhưng lòng như đầy háo hức. Háo hức ở đây không phải như ngày họ chuẩn bị lên thành phố để học, nhưng là để về nơi đô thị, nơi mà người ta được hưởng nhiều ưu đãi của thiên nhiên và xã hội, hầu kể cho họ biết những điều mà anh em sinh viên đã đến, đã thấy tận mắt, với hy vọng là để khơi thêm nhiều tấm lòng biết quảng đại sẻ chia.

Cầu Chúa ban sức mạnh tình yêu cho các bạn sinh viên, để trong mọi hoàn cảnh, các bạn biết làm bùng cháy lên ngọn lửa tình yêu mà Chúa Giêsu đã ném xuống trần gian.
 
Chứng nhân Hy Vọng: Tôi Tớ của Chúa, HY Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận
Lm. Paul Phạm Văn Tuấn
10:39 22/10/2010
ROMA 22.10.2010 - Là người con dân nước Việt, đặc biệt là người Kitô hữu Việt Nam trong giây phút này có cơ hội hiện diện tại thành phố Rôma muôn thuở cổ kính và tham dự vào ngày long trọng sau 3 năm theo tiến trình loan báo phong Chân Phước lúc 2007 (sau 5 năm qua đời), hôm nay Giáo Hội Công Giáo chính thức mở cuộc điều tra ở cấp Giáo Phận về đời sống, các nhân đức và tiếng tăm thánh thiện của bậc đáng kính: HY Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, đó là một niềm hạnh phúc dạt dào ít người hưởng được trong cuộc đời đức tin.

Sáng sớm thứ sáu, 22.10.2010 tại Roma dòng người đủ mọi chủng tộc, mọi quốc gia nơi người VN hải ngoại định cư, thuộc mọi lứa tuồi gồm có thân nhân ruột thịt lẫn con cái thiêng liêng của ĐHY Thuận, nhân viên Tòa Thánh - đặc biệt thuộc bộ Công Lý và Hòa Bình, bạn bè thân hữu, những người mộ mến ĐHY đã tiến về nhà thờ Đức Mẹ Maria Scala tại quảng trường Santa Maria della Scala ở Rôma. Đây là nhà thờ hiệu tòa của Đức Cố Hồng Y và chính tại bàn thờ này cách đây trong 9 năm là nơi ĐHY đã dâng thánh lễ thường ngày.

Đoàn chúng tôi đủ mọi thành phần, khoảng 32 người xuất phát từ nhà Foyer Phát Diệm được các nữ tu dòng Mến Thánh Giá tại đây hướng dẫn bằng xe buýt đến nhà thờ Đức Mẹ Maria Scala. Ai cũng hân hoan vui sướng và khi nghe chuyện hầu như người nào cũng có những kỷ niệm đẹp với ĐHY Thuận khi còn sinh tiền.

Nhà thờ đã được tụ họp đông đảo từ sớm, đông đến nỗi không đủ ghế ngồi và giáo dân chiếm luôn các hàng ghế dành cho các linh mục đồng tế. Ước lượng hơn 600 giáo dân, phân nửa là Việt và phân nửa là Ý cùng các quốc gia khác. Cộng thêm đoàn đồng tế khoảng 120 linh mục và 12 Hồng Y và Giám Mục. Chúng tôi nhìn thấy Hồng Y Roger Etchegarey dù tuổi già sức yếu vẫn không để vuột mất cơ hội ngàn năm chứng kiến ngày GH tôn vinh cho người bạn đồng hành và cũng là người kế vị của ngài, tiếp đến Hồng Y Ivan Dias, Tổng Trưởng Thánh Bộ Truyền Giáo, HY Miloslav Vlk cũng đứng trong đoàn chủ tế. Từ Giáo Hội VN có sự hiện diện của Đức TGM Têphanô Nguyễn Như Thể của TGP Huế. Tất nhiên trong dòng tộc của ĐHY Thuận có những thân nhân ruột thịt như người em gái út Elizabeth Nguyễn Thị Thu Hồng (Canada) và các các thân quyến ghi nhận được như Mrs. Anne-Marie Ngô Đình Luyện (Pháp), Maria-Claude Ngô Đình Luyện (Pháp), Mrs. Marie Cecile Luyện (Italia), Mrs. Thérèse Nguyễn (Úc), Ms. Lan Nguyễn Thị Hương (USA).

Nơi đây không thể không nhắc đến những nhân chứng kề cận với ĐHY Thuận trong cảnh ngục tù: người quản tù và hai vị giáo dân từ Giang Xá đã đến Rôma và mặc quốc phục khăn đống áo dài hiện diện giữa đoàn người giáo dân.

Thánh lễ long trọng được cử hành vào lúc 8g30 do ĐHY Peter Turkon, chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh Công Lý và Hòa Bình - chủ tế cầu nguyện cho Vị Tôi Tớ Chúa, HY Văn Thuận và xin Thiên Chúa chúc lành cho ngày điều tra ở cấp giáo phận để tôn vinh Ngài lên bậc Chân Phước.

ĐHY Thuận đã được bổ nhiệm vào chức vụ phó chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh Công Lý và Hòa Bình từ năm 1994. Sau đó Ngài được ĐGH Gioan Phaolô II tín nhiệm vào chức vụ chủ tịch từ ngày 24.6.1988 cho đến lúc Ngài lâm trọng bệnh và qua đời ngày 16.9.2022. Theo cách gọi của cơ quan nhà nước ngoài đời thì Hội Đồng Tòa Thánh Công Lý và Hòa Bình chính là Bộ Xã Hội, vị chủ tịch tương đương hàng bộ trưởng. Đây là chức phẩm cao nhất của hàng giáo phẩm Việt Nam phục vụ trong giáo triều Roma từ trước đến nay.

ĐHY Peter Turkon đã có lần viết thư và nhận định về con người của ĐHY Thuận vào đầu tháng 9.2010 như sau: "Ý nghĩa sâu xa trong lời nhắn nhủ của Đức Hồng Y Thuận, vị tiền nhiệm của tôi, đã thúc đẩy tôi khuyến khích anh chị em hãy nhớ đến Ngài như là một vị Tử Đạo trong thời đại chúng ta bằng chính những chứng từ tuyệt vời của ngài. Qua những năm tù đày trên chính quê hương mình, với biết bao khó khăn, lăng nhục, đọa đày Ngài đã trải qua một thời gian dài, Đức Hồng Y Thuận trở nên cho tất cả chúng ta một mẫu mực của niềm vui, hy vọng và tình yêu mến đối với Giáo Hội và với hết thảy anh chị em chúng ta, không phân biệt một ai."

Thánh lễ hôm nay ĐHY Peter Turkon lại có dịp nhắc lại rõ hơn về con người sống trong hy vọng một cách huyền nhiệm và chỉ có ĐHY Thuận mới giúp chúng ta tìm ra được con Đường Hy Vọng.

Cuộc sống đức tin qua phục vụ tha nhân và phát triển các học thuyết xã hội công giáo của ĐHY Thuận đã nêu gương sáng cho những cộng tác viên và những người chung quanh. Những gì ĐHY Thuận còn để lại cho hậu thế chính là tấm gương sáng ngời. ĐHY Peter Turkon viết thêm: "Cuộc đời của ĐHY Thuận, biểu lộ rõ nét bằng một niềm thanh thản an bình sâu xa, kêu gọi chúng ta sống như Ngài, dưới bóng Thập Giá, bởi vì "trở nên giống hình ảnh Thiên Chúa là chứng tá đích thực của Thập Giá, thực thi Thập Giá trong mỗi người chúng ta.“ Chính khi chúng ta vác thập giá chúng ta mới cảm nhận được ơn bình an mà chúng ta cần có giữa cái thế giới tràn ngập âu lo và hỗn độn."

Cùng với nhận định này, giây phút ĐHY Thuận giã từ cuộc sống để bước vào cuộc sống mới ngày 16.9.2002 thì một vị trong giáo triều Rôma đã phải thốt lên: „Một vị Thánh đã qua đời.“

Quả thực, ngày hôm nay trong thánh lễ này tất cả mọi người hiện diện cảm nghiệm được rõ ràng lời tiên tri đó đang trở thành hiện thực trong Giáo Hội chúng ta.

Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã ca ngợi ĐHY Thuận rất nhiều lần, dịp cuối cùng trong thánh lễ an táng của ĐHY Thuận, Ngài phải giã từ một người bạn Việt Nam anh hùng đáng kính: "Trong lúc chào vĩnh biệt người sứ giả anh hùng của Tin Mừng Chúa Kitô, chúng ta hãy cảm tạ Thiên Chúa vì đã cho chúng ta, nơi con người của Đức Hồng Y, một tấm gương sáng ngời về đời sống tín hữu Kitô, phù hợp với đức tin, cho đến độ tử đạo."

Đúng như thế, chỉ có một niềm tin yêu phó thác hoàn toàn tuyệt đối vào lòng thương yêu của Thiên Chúa ĐHY Thuận mới có đủ sức mạnh vượt qua những đêm tăm tối dài đằng đẵng của 13 năm ngục tù và vẫn một lòng tín trung cho dù có những lúc thể xác mong manh với hơi thở tưởng chừng đứt quãng. Cuối cùng Ngài đã biến bóng đêm của lao tù tỏa rạng thành ánh sáng của yêu thương, chia sẻ, hy vọng và kể cả thứ tha cho những người hành hạ Ngài.

Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI, một người đồng hành với ĐHY Thuận trong giáo triều Rôma đã nhận định ngắn gọn và chính xác về Ngài: "Đây là một ngôn sứ của tử đạo và tin yêu hy vọng trong thời đại chúng ta."

Bởi thế, hôm nay người Công Giáo Việt Nam hân hoan và hãnh diện về người đồng hương tuyệt vời của mình. Nếu Giáo Hội và thế giới nhắc đến Mẹ Têrêsa thành Kalkutta và ĐGH Gioan Phaolô II thì Đức HY Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận là người đã sống đồng thời và đang được vinh thăng lên cùng bậc với hai vị vĩ nhân kể trên.

Một điểm son cho Giáo Hội Việt Nam đã thực hành hoàn toàn trái ngược trong quá trình xét án phong Thánh cho 117 Vị Tử Đạo VN vào năm 1988, lúc đó Giáo Hội thầm lặng và như muốn dấu kín, kể cả có thêm các tư tưởng xin dừng việc phong thánh - thì lần này Giáo Hội VN tích cực và công khai hóa việc Tòa Thánh mở án phong Chân Phước cho ĐHY Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận qua thư mục vụ của HĐGM VN gửi đến Cộng Đồng Dân Chúa ngày 07.10.2010: "Trong tâm tình tạ ơn Thiên Chúa, chúng tôi vui mừng thông báo cho anh chị em biết: ngày 22.10.2010 tới đây giáo phận Rôma chính thức mở án phong Chân Phước cho Tôi Tớ Chúa là Đức Cố HY Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận. Ngài từng là một vị chủ chăn nhiệt thành và thành viên đáng kính của HĐGM VN. Sự kiện giáo phận Rôma mở án phong Chân Phước cho thấy Ngài được trân trọng và nhìn nhận như chứng nhân sống động của Tin Mừng yêu thương và hy vọng trong thế giới ngày nay. Vì thế, đây quả là niềm vui lớn và niềm tự hào cho Giáo Hội VN, đồng thời là lời mời gọi tất cả chúng ta tiếp bước theo Ngài, làm chứng cho Tin Mừng yêu thương và hy vọng của Chúa Giêsu trên quê hương đất nước chúng ta."

Ngoài ra Caritas VN qua cha Giám đốc Caritas Việt Nam Nguyễn Ngọc Sơn đã hân hoan và minh nhiên công bố về người con ưu tú của GHVN: "Đức Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận là Chủ tịch Uỷ ban Bác ái Xã hội-Caritas Việt Nam từ năm 1972-1976 và sáng lập ra tổ chức Hội Hợp Tác để Xây dựng lại Việt Nam (COREV). Ngài đã làm Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng Công lý và Hoà bình ở Rôma. Ngài đã có sáng kiến biên soạn cuốn Tóm lược Học Thuyết Xã Hội của Giáo hội Công giáo. Ngài là người con ưu tú của Giáo hội Công giáo Việt Nam và cũng là gương mẫu cho chúng ta trong hoạt động bác ái xã hội. UBBAXH-Caritas Việt Nam trân trọng mời gọi tất cả các hội viên, các tình nguyện viên của Caritas Việt Nam cầu nguyện và tham gia các hoạt động tinh thần để tưởng nhớ đến Ngài."

Tạm kết với lời thơ của thày chủng sinh J.B. Nguyễn Quốc Tuấn thuộc ĐCV Vinh Thanh ghi ngày 01.10.2010 được đăng trên mạng Vietcatholic:

"Cuộc lữ hành không vương màu bi thán

Con đường đức tin Cha đã đi qua

Để hôm nay nở rộ một mùa hoa

Nơi lòng chúng con đang tìm về Hy Vọng."


Tối qua chúng tôi rảo buớc ra công trường Thánh Phêrô thăm viếng và cầu nguyện. Đền thờ tỏa sáng ánh điện ấm áp và trên bầu trời trong xanh có ánh trăng tỏa sáng xuống công trường. Chúng tôi nhìn lên cao từ nơi đất thánh này cảm thấy như có một vì sao nhỏ trên khung trời hy vọng đang tỏa sáng dần xuống đoàn con. Có thể đấy là vì sao hy vọng của người Tôi Tớ Chúa, Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận.

Xin Tôi Tớ của Chúa, Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận cầu cho chúng con, cho Giáo Hội và cho quê hương tổ quốc chúng con.

(Ghi nhanh tại Giáo Đô Rôma, ngày 22.10.2010)
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Sống mầu nhiệm Hiệp Thông
Lm. Giuse Trần Đình Long
12:26 22/10/2010
Indonesia có 13.000 hòn đảo lớn nhỏ, Philippines cũng có tới 7.100 hòn đảo. Thomas Merton viết cuốn sách mang tựa đề “No man is an Island” (Không ai là một hòn đảo). Đúng như thế. Mỗi người chúng ta không phải là một hòn đảo đứng trơ trơ bất động giữa biển cả. Cho dù là “Đảo Kim Cương” đi nữa! Con người đâu phải là sỏi đá vô cảm, một mình sống trong một thế giới mà mọi người và mọi vật khác đềàu xa lạ, nếu không là thù địch với mình.

Con người chỉ tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống khi có được mối hiệp thông với Thiên Chúa và tha nhân. Được tạo dựng bởi tình yêu Thiên Chúa, vì thế con người chỉ sống đích thực khi nào đáp trả tình yêu đó bằng cách sống trọn vẹn tương giao thông hiệp với Chúa là Cha và với mọi người như anh em trong một nhà.

Trong Đại Hội Thượng Hội Đồng Giám Mục Á Châu, các Đức Giám Mục Việt Nam cũng đã nói lên nhu cầu cấp thiết này: “Cần thiết phải xây dựng Giáo Hội như một gia đình của những con cái Thiên Chúa hơn là như một phẩm trật được phú ban với những cơ cấu và luật lệ nghiêm minh. Giáo hội như một gia đình sẽ hoà nhập tốt hơn vào xã hội Việt Nam.”

Lá thư mục tử tháng 07, Đức Giám Mục Giáo Phận nhấn mạnh đến việc cần làm trong Năm Thánh 2010 là canh tân “Ngôi Nhà Giáo Hội” dựa vào bản thiết kế “Giáo hội mầu nhiệm-hiệp thông-sứ vụ”. Bản thiết kế này nhằm giúp xây dựng, hoàn chỉnh và canh tân những gian nhà “giáo hội tại gia” là gia đình tín hữu, “giáo hội tại cộng đoàn” là dòng tu, tu hội, giáo xứ, các giới và đoàn thể, “giáo hội tại địa phương” là giáo phận cùng cộng đồng dân Chúa…

Thi sĩ xã hội Sully – Prud’homme trong “Một Giấc Mộng” đã kể lại cơn ác mộng như sau: Nhà nông đến bảo tôi trong giấc mộng: Ta không giúp mày nữa, mày phải cuốc đất cấy cầy lấy cơm mà ăn – Người thợ nề bảo tôi, mày hãy xây nhà để ở – Người thợ may nói tôi: May áo mà mặc. Tất cả mọi người đều ruồng bỏ tôi. Tôi đi lang thang, mắt nhìn lên trời để van nài Thượng Đế, thì bị thú dữ ra chặn đường. Tôi hoảng hốt, sợ hãi, ngã lòng, muốn chết. Tôi giật mình, tỉnh cơn ác mộng. Sung sướng nhìn thấy thợ hồ còn xây nhà, thợ may đang cắm cúi bên hàng chỉ, ngoài đồng văng vẳng tiếng cày cuốc của nông dân… và tôi tin rằng ở đời muốn sống còn, ta phải nhờ vả lẫn nhau. Nhạc sĩ họ Trịnh thì hát rằng: “ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau…” Ta cần có nhau, nương tựa nhau để sống. Những chất liệu, thành phần trong “gian nhà giáo hội “ phải nối kết, ăn khớp, hài hòa với nhau thì gian nhà mới bền chắc được. Đó là sống mầu nhiệm hiệp thông. Tuy nhiên trong thực tế, gió lốc mối mọt của sự phân hoá, chia rẽ, bè phái ganh tị, tranh hơn tranh thua, không những không cần có nhau mà thậm chí còn loại trừ nhau nữa…Tất cả đã phá huỷ sự hiệp thông, làm hư hại mái vách cột kèo, suy yếu nền móng, làm sai với bản thiết kế ban đầu như ý Chúa muốn.

"Thật vậy, ví như thân thể người ta chỉ là một, nhưng lại có nhiều bộ phận, mà các bộ phận của thân thể tuy nhiều nhưng vẫn là một thân thể, thì Đức Kitô cũng vậy.” (1 Cr 12,12).

Điều Phaolô nhấn mạnh ở đây không phải ở nhiều chi thể, mà vào một thân thể. Nhiệm vụ của từng bộ phận bị phân cách riêng rẽ sẽ không bao giờ là sự biểu lộ của toàn thân thể. Ngón tay không bao giờ là sự biểu lộ của thân thể. Chức năng của chân là để đi, nhưng nó sẽ không có nghĩa gì cả nếu thiếu thân thể. Con mắt có nhiệm vụ rất quan trọng, nhưng nó không nhìn cho chính mình, mà chức năng nhìn của nó là cho toàn bộ cơ thể.

Cũng thế, nóc nhà ở trên cao làm sao đứng vững được nếu không có nền móng vững chắc. Một vị bề trên, một cha xứ, một người trưởng nhóm làm được gì nếu không có con chiên, không có bề dưới và những người thừa hành. Một cánh cửa, một bức tường, dù nó đẹp thế nào chăng nữa cũng không làm nên căn nhà. Một ca đoàn hát thật hay chưa phải là đại diện cho cả giáo xứ. Một đoàn thể nổi bật, một giới kinh doanh trí thức giầu có chưa phải là tất cả giáo phận “Thân thể gồm nhiều bộ phận, chứ không phải chỉ có một mà thôi…Nhưng Thiên Chúa đã đặt mỗi bộ phận vào một chỗ trong thân thể như ý Người muốn. Gỉa như tất cả chỉ là một thứ bộ phận, thì làm sao mà thành thân thể được? Như thế, bộ phận tuy nhiều mà thân thể chỉ có một.” (1 Cr 12,14-20). Làm sao có được sự hiệp thông nếu cá nhân hay một nhóm tự cho mình là đại diện cho toàn thể không cần đến ai khác?

Trong một thân thể, một căn nhà, mỗi thành phần cấu thành, dù là nhỏ bé tầm thường nhất cũng đều có một vị trí quan trọng và cần thiết không thể thiếu được. Ta không được xem thường hay bỏ quên bất cứ thành phần nào trong căn nhà giáo hội, nhất là không được có sự phân biệt đối xử, “nhất bên trọng, nhất bên khinh”. Có phải người gác cửa, đánh chuông không quan trọng bằng ông trùm bà quản không? Có phải nhóm âm thầm thăm kẻ liệt, quét nhà thờ là tầng lớp thấp kém so với giới doanh nhân, hay các vị trong hội đồng mục vụ giáo xứ không? Hãy nghe Phaolô nhắc nhở: “Những bộ phận xem ra yếu đuối nhất thì lại là cần thiết nhất, và những bộ phận ta coi là tầm thường nhất, thì ta lại tôn trọng hơn cả…nhưng Thiên Chúa đã khéo xếp đặt các bộ phận trong thân thể, để bộ phận nào kém thì được tôn trọng nhiều hơn. Như thế không có chia rẽ trong thân thể, trái lại các bộ phận đều lo lắng cho nhau. Nếu một bộ phận nào đau, thì mọi bộ phận cùng đau. Nếu một bộ phận nào được vẻ vang, thì mọi bộ phận cũng vui chung.” (1 Cr 12, 22-26)

Một đặc điểm không thể thiếu của thân thể hay căn nhà là sự phối hợp hài hòa của tất cả các thành phần trong đó. Nếu thiếu sự phối hợp này thì toàn thân thể không hoạt động hữu hiệu được, toàn căn nhà không sử dụng hiệu quả được, thậm chí như bị tê liệt, bỏ phế vậy. Khi đôi tay muốn hoạt động, nó cần mắt để xem và chân để mang nó đến nơi thích hợp. Một buổi lễ muốn sốt sắng thì cần có sự phối hợp của cả cộng đoàn chứ đâu phải chỉ cần ca đoàn hay vị chủ tế. Một giáo xứ, một giáo phận muốn sinh động và đồng tiến thì cần có sự cộng tác phối hợp nhịp nhàng của các thành phần dân Chúa với vị chủ chăn, chứ không thể để vài người thân cận có thế giá thế lực điều khiển cả tập thể.

Ý muốn của Thiên Chúa trong việc xây dựng ngôi nhà giáo hội là kết hợp những chi thể lại thành một thân thể, để tất cả đều phụ thuộc lẫn nhau, để nên một “Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, ĐỂ TẤT CẢ NÊN MỘT, như Cha ở trong con và con ở trong Cha, để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con. Phần con, con đã ban cho họ vinh quang mà Cha đã ban cho con, để họ ĐƯỢC NÊN MỘT như chúng ta là một.” (Ga 17, 20 -22). Như vậy họ sẽ “thành một cộng đoàn luôn liên kết và chia sẻ cho nhau mọi hồng ân Chúa ban, đồng cảm và đồng hành với nhau, trong vui buồn, lo âu và hy vọng (Lời cầu xin “xây nhà trên đá” 7-2010)

Một bộ phận của thân thể, tự nó không toàn vẹn, mà nó tuyệt đối cần những chi thể khác. Dù từng phần khác nhau có thể đứng riêng một mình, nhưng nó không thể làm tròn chức năng được chỉ định. Các chi thể của thân thể Đức Kitô cũng không thể đứng riêng một mình, mà phải kết hợp với nhau để làm tròn chức năng của nó là biểu lộ thân thể của Đức Kitô. Nếu như vì một chức năng hoặc một nhiệm vụ mà lập các nhóm riêng rẽ khỏi thân thể thì chúng ta đã mất sự hiệp thông, và Chúa phải chịu đựng như thế nào khi thân thể của Ngài bị phân rẽ. Thánh Phao lô đã khuyến cáo sự chia rẽ trong hàng ngũ giáo dân Côrintô “Nhân danh Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, tôi khuyên tất cả anh em hãy nhất trí với nhau trong lời ăn tiếng nói, và đừng để có sự chia rẽ giữa anh em, nhưng hãy sống hoà thuận, một lòng một ý với nhau.” Người thì nói “Tôi thuộc về ông Phaolô, tôi thuộc về ông Apôlô”, kẻ thì nói “ Tôi thuộc về ông Kêpha, tôi thuộc về Đức Kitô”. Đến nỗi Phaolô phải kêu lên: “Thế ra Đức Kitô đã bị chia năm xẻ bảy rồi ư ?” (1 Cr 1,10-13).

Đức Kitô bị chia năm xẻ bảy khi chúng ta giữ đạo một cách méo mó, dễ bị phân hóa, chia rẽ, bè đảng. Ai cũng mong tìm vinh dự cho mình, hăng say tranh đấu cho quyền lợi của nhóm mình, của tổ chức, đoàn hội của mình. Không ai chịu nhường ai. Cánh nào cũng muốn “chơi nổi”. Không chịu “xấu chung hơn tốt lỏi”. Cuối cùng đi đến chỗ “đoàn kết để chia rẽ”! Vô hình chung chúng ta đã loại trừ nhau, không nhận nhau là anh em mặc dù miệng vẫn rộn rã đọc “Lạy Cha chúng con ở trên trời”. Như thế chúng ta không biết Cha, mà cũng chẳng biết Con làm sao chúng ta giữ đạo. Đức Giêsu nói: “Không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho.” (Mt, 11,27) Muốn giữ đạo cho đích thực, muốn hiệp thông với nhau trọn vẹn phải hiệp nhất vơiù Đức Kitô, và trong Đức Kitô. Như vậy, mỗi người chúng ta không ai là một hòn đảo lẻ loi, cô độc, nhưng là chi thể của một thân thể, và có liên hệ mật thiết với nhau.

Tuy nhiên tính ghen tương đố kỵ, đầu óc hơn thua nơi con người đã biến họ thành những hòn đảo cô độc. Đó là bệnh chung của con người, khó ai có thể tránh khỏi. Không ai muốn người khác giỏi hơn mình. Người khác càng giỏi bao nhiêu, mình càng thấy cái dốt của mình lộ ra bấy nhiêu. Đoàn thể này đông hơn, nổi hơn thì càng làm cho các đoàn thể khác khó chịu bấy nhiêu. Hai ca đoàn không khen nhau bao giờ. Có người giảng hay hơn ta, thu hút người khác nhiều hơn ta, chắc hẳn làm ta thấy khó chịu lắm. Người ta ít chân nhận giá trị của người khác mà phần lớn hay chê bai, cũng như ít ai vui mừng vì thành công của người khác. Chúng ta sợ kẻ khác tốt hơn mình như Bàng Quyên sợ Tôn Tẩn giỏi hơn mình. Họ Bàng sợ họ Tôn giỏi hơn mình, đến nỗi đem lòng ghen ghét mà gán cho người bạn đồng môn của mình vào tội chặt cả hai chân và đổ mực vào mặt để trừ... hậu họa !

Có khi ghen tương đưa đến trả thù bằng cách vu khống, nói hành nói xấu cho bõ ghét vì những thành công của kẻ khác. Nếu đã có tính ghen tương đố kỵ thì không bao giờ người ta có thể hiệp thông với người khác được. Làm thế nào họ có thể chia sẻ niềm vui với kẻ khác, trong khi họ đang hậm hực vì thành công của người ấy ? Họ chỉ vui mừng hả hê khi thấy người hơn họ phải đau buồn vì họ đã trả thù được người kia. Lòng thương xót không có thì làm sao có sự hiệp thông ?

Trong thông điệp “Đấng Cứu chuộc con người” ở số 6, Đức Gioan Phaolô II nhắn nhủ: “Chúng ta phải tìm kiếm sự hiệp nhất, mà không nản lòng trước những khó khăn có thể xảy đến hoặc chồng chất dọc theo con đường này, bằng không, chúng ta sẽ không trung thành với lời Đức Kitô, chúng ta sẽ không thi hành lời di chúc của Ngài. Có được phép liều lĩnh như vậy không ?”

Cố nhiên là những ngày Đại Hội Dân Chúa, rồi Năm Thánh 2010 cũng đến ngày khép lại, nhưng vấn đề “sống mầu nhiệm hiệp thông” vẫn cứ phải tiếp tục mãi mãi. Muốn tiến đến hiệp thông trọn vẹn, căn nhà giáo hội cần được canh tân trong đức tin và tình yêu. Mỗi thành phần trong căn nhà đó cần phải “chung sức gia cố nền nhà và làm mới bốn cột trụ, là chân lý và tình thương, hoà bình và công lý” Nếu không, với bao nhiêu sự chia rẽ, bè phái, ngôi nhà thiếu nền móng vững chắc ấy sẽ bị bão tố xô đổ tan tành lấp vùi trong cát bụi.

Lệnh truyền của Thầy Giêsu nơi bàn tiệc tạ ơn dạy tất cả những người hiệp thông hãy yêu thương nhau. Nhưng ngày nào vẫn còn chia rẽ, phân bì, bất hòa, hiểu lầm, tranh chấp giữa những người tin vào Đức Kitô, giữa hàng giáo sĩ, giữa cha xứ và cha phó, bề trên với bề dưới, cha sở với giáo dân, hội đoàn này với hội đoàn khác, giới này với giới khác, xứ này với xứ khác, cá nhân này với cá nhân khác... thì ngày đó chúng ta vẫn chưa thi hành lệnh truyền của Thầy Chí Thánh và Đức Kitô còn phải thất vọng về những chi thể của Ngài biết chừng nào !

Chúng ta nói về bản thiết kế “Giáo hội mầu nhiệm-hiệp thông-sứ vụ” suốt Năm Thánh 2010. Đã có nhiều tài liệu, nhiều khóa học hỏi, thảo luận sôi nổi về đề tài này, nhưng tất cả sẽ chỉ nằm tại bàn giấy, chỉ là lý thuyết suông, nếu mỗi thành phần trong căn nhà giáo hội không nỗ lực “sống mầu nhiệm hiệp thông” với nhau bằng cách làm mới lại những tương quan sáo mòn giả tạo, hàn gắn nối kết những tương quan rạn nứt đổ vỡ, và khai thông những tương quan bế tắc do thành kiến, hiểu lầm nghi ngờ ghen tuông đố kỵ. Có như vậy, những gian nhà giáo hội là “giáo hội tại gia”, “giáo hội tại cộng đoàn” và “giáo hội tại địa phương” mới thực sự được canh tân “theo như ý chúa và như hội thánh dạy”. Nếu không “sống mầu nhiệm hiệp thông” thì mãi mãi việc “hiệp thông là một mầu nhiệm”, mầu nhiệm chỉ để suy tư học hỏi bàn luận mà chẳng bao giờ thành hiện thực trong cuộc sống đạo.

Hiệp nhất chỉ là ý tưởng, một ý niệm, còn hiệp thông là phương thức, phương cách nhẹ nhàng và hữu hiệu nhất để hợp lực, hợp quần mọi thiện chí, thiện tâm, mọi năng lực ở nhiều cấp độ khác nhau như một thể đồng nhất đầy đủ ý nghĩa vì đa dạng. Và đó là ý nghĩa chân chính của hiệp nhất. Đó cũng là xu hướng nhất thiết của thiên niên kỷ 21 này.

(Sàigòn,những ngày náo nức chuẩn bị Đại Hội Dân Chúa)

MỘT CÁCH SỐNG MẦU NHIỆM HIỆP THÔNG

Ngày thứ năm 02-09 và 07-10-2010, Cộng đoàn cầu nguyện Lòng Thương Xót giáo xứ Chí Hoà đã phát tổng cộng 1150 HỌC BỔNG LÒNG THƯƠNG XÓT. Học bổng này dành cho các em học sinh, sinh viên hiếu học có hoàn cảnh khó khăn ở trong thành phố cũng như các tỉnh thành vùng sâu vùng xa. Học bổng Lòng Thương Xót niên học 2010- 2011 trao tặng mỗi em học sinh cấp I (500 ngàn đồng); cấp II (800 ngàn đồng), cấp III (một triệu đồng) và sinh viên (hai triệu đồng).

Ngày thứ hai 20-09-2010, cộng đoàn cũng đi thăm và phát quà cho 570 gia đình nghèo và 770 phần quà Trung Thu cho các em thiếâu nhi không phân biệt tôn giáo ở giáo điểm Suối Giây, Thánh Mẫu và Hoà Thạnh, thuộc tỉnh Tây Ninh, sát biên giới Campuchia.

Mỗi ngày cộng đoàn vẫn cung cấp 70 phần cơm miễn phí cho các bệnh nhân và người nuôi bệnh có hoàn cảnh khó khăn tại Trung Tâm Ung Bướu Thành Phố.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Sứ điệp Fatima đã tự vượt qua được mọi thách đố
Lm Nguyễn Hữu Thy
01:11 22/10/2010
Sứ điệp Fatima đã tự vượt qua được mọi thách đố

Nói một cách khách quan, trước hết người ta phải công nhận rằng sau hơn 90 năm biến cố Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa, hiện ra tại Fatima vào năm 1917 với ba trẻ chăn chiên đã nghiễm nhiên trở thành một sự kiện lịch sử khách quan, đã tác động một cách mạnh mẽ và đã gây được những ảnh hưởng sâu rộng trên cuộc sống của hàng triệu người, trong Giáo Hội cũng như ngoài xã hội, như chúng ta chứng kiến hiện nay.

Nhưng một sự thật khác người ta cũng cần phải ghi nhận, đó là nếu ngày nay biến cố Fatima đã đạt được những thành quả tích cực và thực tiễn, đã chinh phục được thế giới, hay nói đúng hơn, đã chinh phục được sự xác tín của hàng triệu tâm hồn như thế, thì không phải do ảnh hưởng của bất cứ quyền lực ngoại tại nào khác, nhưng là do chính sức mạnh siêu nhiên của Sứ điệp Fatima. Do đó, Đức Hồng Y Cerejeira, Thượng Phụ Lissabon, thủ đô Bồ Đào Nha, đã phát biểu: „Không phải Giáo Hội đã làm cho thế giới chấp nhận Sứ điệp Fatima, nhưng chính Sứ điệp Fatima đã tự chinh phục được thế giới“(1).

Thật vậy, từ khởi đầu cho tới mãi ngày nay, Sứ điệp Fatima vẫn luôn phải đối mặt với những chống đối khốc liệt và dữ dằn đến từ nhiều phía, nhất là những thóa mạ hằn học cũng như những cáo buộc vô căn cứ của những kẻ thù của Giáo Hội, như các thành phần thuộc hội Tam điểm và những kẻ vô thần, khi họ chủ quan cho rằng biến cố Fatima chỉ là một sự lừa gạt dối trá và tinh xảo của hàng Giáo Sĩ, nhất là của mấy ông thầy Dòng Tên bày bịa ra. Nhưng sự thật luôn vẫn là sự thật và chiến thắng sau cùng bao giờ cũng thuộc về sự thật. Vâng, cuộc chiến của những kẻ thù Giáo Hội chống lại Sứ điệp Đức Mẹ Fatima có mưu mô, xảo quyệt và thâm độc đến đâu đi nữa, thì sau cùng vẫn vô hiệu quả và hoàn toàn bị thất bại chua cay. Đó là một điều tất yếu; vì làm thế nào mà sức mạnh tự nhiên có thể chiến thắng được sức mạnh siêu nhiên? và làm thế nào mà con người là một thụ tạo hèn yếu lại có thể chiến thắng được Thiên Chúa Tạo Hóa toàn năng? Việc làm của những kẻ thù Giáo Hội chống đối và thóa mạ Sứ điệp Fatima là một việc làm khờ dại, là việc lấy trứng chọi với đá. Sau đây chúng ta hãy nhìn lại sự diễn tiến của những thái độ ấy đối với Sứ điệp Fatima.

1. Kẻ thù Giáo Hội: Fatima là một bịa đặt của hàng Giáo Sĩ

Nhưng trước khi đi sâu vào những luận cứ vô lý của những kẻ thù Giáo Hội nói chung và của những kẻ thù của Sứ điệp Fatima nói riêng, chống lại sự thật siêu nhiên của biến cố lịch sử Fatima, chúng ta hãy nhìn qua những biến động chính trị của nước Bồ Đào Nha vào tiền bán thế kỷ XX.

Sau khi loại bỏ thể chế quân chủ vào năm 1910 và tiếp liền sau đó vào năm 1911 là sự tách biệt hoàn toàn giữa Nhà nước và Giáo Hội, giữa chính trị và tôn giáo. Và trên thực tế, hậu quả của sự tách biệt này đã không nhằm mục đích là đưa Nhà nước vào vị thế trung lập trong những vấn đề thuộc tôn giáo, như người ta bình thường vẫn dự đoán một cách lý thuyết, nhưng là sự loại trừ hoàn toàn tất cả mọi sinh hoạt tôn giáo ra khỏi đời sống công cộng, đến nỗi việc tổ chức các cuộc rước kiệu hay các lễ nghi tôn giáo bên ngoài các Nhà Thờ, Nhà Nguyện hay Tu viện đều bị nghiêm cấm. Nhà cầm quyền Cộng hòa ở Bồ Đào Nha vào lúc bấy giờ tuyên truyền chủ nghĩa tự do phóng khoáng dưới hình thức sự tự do tư tưởng hoàn toàn và theo khuynh hướng hội Tam điểm. Theo họ, một người có tư tưởng tự do là người không bị ràng buộc hay lệ thuộc bởi bất cứ uy quyền hay thế giá nào (thường được hiểu là uy quyền tôn giáo), nhưng hoàn toàn chỉ dựa theo các nguyên tắc hợp lý của trí năng. Nói cách khác, theo quan điểm này, thì chỉ hiện hữu những gì trí năng con người có thể kiểm chứng được, còn những gì khác nằm ngoài phạm trù hiểu biết của trí năng đều chỉ là giả tưởng, hoàn toàn không hiện hữu.

Nhưng nếu người ta chỉ công nhận sự hiện hữu của những gì đã được trí năng kiểm chứng bằng các nguyên tắc hợp lý, thì tất nhiên đối với họ, các thực tại siêu nhiên, các mầu nhiệm, các lần hiện ra của Đức Trinh Nữ Maria và các phép lạ mà Thiên Chúa đã thực hiện qua sự can thiệp của Mẹ Maria, trước hết là phép lạ trọng đại „mặt trời quay“ vào ngày 13.10.1917, không chỉ là một sự dối trá bịp bợm, mà còn là một sự khiêu khích đối với cả nhân loại. Vâng, đối với họ, một người hoàn toàn có tư tưởng tự do, thì không thể nào hiểu được là làm sao một người hợp lý lại có thể chấp nhận được hiện tượng một mặt trời vĩ đại, có sức nóng khủng khiếp, luôn đứng quay tại chỗ và là trung tâm điểm của cả một hệ thống các hành tinh bao la rộng lớn hầu như ngoài sức tường tượng của con người như thế, lại có thể quay cuồng nhảy lộn gần sát mặt đất như một vòng lửa được. Theo họ, những ai chấp nhận và tin theo điều vô lý ấy, thì chắc chắn hoặc là một người ngu ngốc – cũng vì thế người ta thường ghép các tín hữu Công Giáo vào thành phần những kẻ ngu muội và thiếu học thức –, hoặc là một người thiếu thành thật, nếu như người đó có trí năng thông minh bình thường.

Theo bộ tài liệu hoàn toàn mang tính cách phê bình khách quan về biến cố Fatima „Documentacáo Critica“, gồm tám tập, vừa được Trung tâm Hành hương quốc tế Fatima xuất bản, thì những kẻ thù cực đoan chống đối biến cố Fatima cho rằng Fatima chỉ là trò hề (Comedia), chỉ là một sự lừa đảo của những kẻ phản động (burla reaccionaria), của các Giáo sĩ, của mấy ông Thầy Dòng Tên. Và họ đã hô hào: „Hỡi những người có tư tưởng tự do, hãy đứng lên trục xuất mấy ông Thầy Dòng Tên, hãy dẹp bỏ những trò hề Fatima“.

Còn thái độ đầy ghen tượng và ngạo mạn đối với ba trẻ được nhìn thấy Đức Mẹ hiện ra, một nữ phóng viên sau khi đã viết trong một bài báo những lời hết sức khiếm nhã: „sem educacáo nem inteligencia tipos bocais: lũ thiếu giáo dục, thiếu hiểu biết, bọn người ngu đần“, còn mỉa mai: „phải chăng mặt trời đã bỏ vị trí của nó trong vũ trụ?“(2) Chính nữ phóng viên này cũng vì thế đã nhạo báng cả việc lần hạt Mân Côi của các tín hữu Công Giáo. Và ảnh hưởng của những kẻ thù quá khích, của Giáo Hội nói chung và của Sứ điệp Đức Mẹ Fatima nói riêng, đã gây nên những hiểu lầm và những tác hại không nhỏ trên quan niệm nhiều người đương thời, đến nỗi người ta đã cho rằng việc xây dựng các vườn trẻ và trường học phải được ưu tiên hàng đầu và quan trọng hơn việc xây dựng các Thánh Đường và Nhà Nguyện.

Nhưng ở đây người ta tự hỏi: Nếu vậy, theo ý kiến những kẻ tự cho mình có tư tưởng tự do, tức những kẻ phủ nhận và chống đối một cách cực đoan Sứ điệp Đức Mẹ Fatima, thì lý do nào đã thúc đẩy các Giáo Sĩ tin tưởng và truyền bá „trò hề“ Fatima?

Dĩ nhiên theo họ, trước hết phải là „lý do chính trị“ (uma especulacáo politica). Những kẻ thù của Giáo Hội và của Sứ điệp Fatima đã chủ quan và bất công tố cáo hàng Giáo Sĩ Bồ Đào Nha đã bịa đặt ra biến cố Fatima để nhằm mục đích tái khôi phục lại thể chế Quân chủ độc đoán và lỗi thời. Họ cũng cho rằng tham vọng bá quyền và có lẽ cả lòng ham hố tiền bạc là „lý do duy nhất“ (uma especulacáo clerical) của „trò hề“ Fatima do các Giáo Sĩ bịa đặt ra.

Nhưng chính những tư duy chủ quan, một chiều và thiển cận của những kẻ tự cho mình là những người có tư tưởng tự do và tiến bộ đã vô tình trở thành những rào cản ngăn chặn họ trên con đường tìm gặp được đức tin chân chính, trên con đường khám phá ra và nhận thức được những thực tại siêu nhiên và những mầu nhiệm cứu rỗi trọng đại. Vì cố thủ trong bóng tối duy lý của họ, nên đa số họ đã không có mặt tại Fatima vào ngày 13.10.1917, để có thể chứng kiến tận mắt phép lạ vĩ đại „mặt trời quay“ (3) như hàng ngàn người khác – ước lượng vào khoảng từ 50 đến 70.000 người – và cũng vì thế họ vẫn là những kẻ vô tri trước những thực tại siêu nhiên cao cả ấy.

2. Cuộc chiến chống đối Fatima đầy thảm bại chua cay

Tất cả những ai có hiểu biết và phán đoán bình thường đều cảm thấy những lời chỉ trích và chống đối cực đoan biến cố Fatima của những người vô thần và của những thành phần hội Tam điểm, những người tự cho mình là có tư tưởng tự do tiến bộ như vừa nói trên, khi cho rằng sự kiện Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa, hiện ra với ba trẻ chăn chiên ở Fatima là sự bịa đặt của các Giáo Sĩ với mục đích tìm cách khôi phục lại chế độ Quân chủ, là hoàn toàn thiếu trung thực và vô căn cứ. Trong bộ hồ sơ „Documentacáo Critica“ người ta tìm gặp được những dẫn chứng quan trọng và cụ thể, minh chứng sự vô lý và thiếu căn cứ của những thái độ phủ nhận, chống đối và thoá mạ sự thật hiển nhiên của biến cô Fatima.

Trước hết có lẽ chúng ta phải nói đến thái độ của hàng Linh Mục nói chung. Khởi đầu, hầu như tất cả các vị đều nghi ngờ và hờ hửng đối với những tin tức và những đồn thổi về việc Đức Mẹ hiện ra với ba trẻ tại Fatima(4):

Chẳng hạn một vị Viện Phụ đã công khai khen ngợi một tờ báo Công Giáo vì đã có thái độ phủ nhận biến cố hiện ra của Đức Mẹ và ngài cho đó là một thái độ khôn ngoan trong sứ mệnh bảo vệ giáo lý chân chính của Giáo Hội.

Nhất là vị Linh Mục Quản xứ Fatima vào lúc bấy giờ cũng cảm thấy là ngài cần phải có lập trường rõ ràng về sự kiện Fatima, sau khi ba trẻ bị nhà cầm quyền bắt giam vào tháng 8.1917, đó là ngài đã hoàn toàn phủ nhận sự kiện hiện ra. Dẫn chứng rõ ràng về thái độ phủ nhận của vị Quản xứ này, trước hết ngài đã đồng quan điểm với ông quận trưởng là cần phải có biện pháp mạnh ngăn chặn những gì liên quan tới sự kiện Fatima và tiếp đến là ngài đã không bao giờ có mặt tại đồi Cova da Iria trong các ngày 13 mỗi tháng, khi Đức Mẹ hiện ra với ba trẻ.

Còn các vị Linh Mục khác, những vị đã từng đến thăm và tìm hiểu ba trẻ Fatima, thì thường đã làm cho các em sợ hãi khi phải đối diện và phải trả lời những câu hỏi khó khăn và phức tạp các ngài nêu lên, kèm theo những thái độ nghiêm nghị, nếu không nói là đầy đe dọa của các ngài.

Vậy, nếu hầu như tất cả hàng Giáo Sĩ Bồ Đào Nha lúc bấy giờ đều có một thái độ xa lạ, hờ hửng, nếu không nói là hoàn toàn phủ nhận biến cố Fatima như thế – ít là lúc đầu –, thì làm sao người ta có thể gán ghép cho các ngài đã xúi dục hay bịa đặt ra biến cố Đức Mẹ hiện ra được?

Đàng khác, nếu trên thực tế, lúc đầu thái độ xa lạ và chống đối của hàng Giáo Sĩ đã gây cho biến cố Đức Mẹ hiện ra cũng như cho ba trẻ thị kiến nhiều trở ngại khó khăn, thì chính thái độ ấy lại biện minh cho sự vô can của các Giáo Sĩ trong vụ việc và nhất là càng minh chứng cho sự xác thực của biến cố. Hơn nữa, chính đoàn lũ đông đảo dân chúng lúc bấy giờ, những người từng chứng kiến và hoàn toàn xác tín sự thật của biến cố, cũng đã phàn nàn là họ cảm thấy bị hàng Giáo Sĩ bỏ rơi. Do đó người ta có thể nói được rằng trong biến cố Fatima, nếu đứng về phía nhân loại mà nói, thì dân chúng là chủ động còn các Giáo Sĩ hoàn toàn bị động, nghĩa là các Giáo Sĩ chỉ là những người bị quần chúng lôi cuốn theo mà thôi. Đó cũng là một bằng cứ rõ ràng chứng minh cho thấy những lời tố cáo và buộc tội của những người tự nhận có tư tưởng tự do tiến bộ và những thành phần thuộc hội Tam điểm cho rằng biến cố Đức Mẹ hiện ra ở Fatima là trò hề, là sự bịa đặt của các vị Linh Mục, hoàn toàn hồ đồ và vô căn cứ.

Ngoài ra, một thực tại khác cũng khiến người ta phải suy nghĩ, đó là để có thể tạo nên một sự bịa đặt giả dối như thế trong hoàn cảnh thực tế vào lúc bấy giờ ở Bồ Đào Nha là một điều hoàn toàn bất khả, vì các quyền hạn, uy thế và ảnh hưởng của Giáo Hội đều hầu như được giới hạn trong Hội đồng các Giám Mục(5). Thế nhưng trong thời điểm Đức Mẹ hiện ra, Fatima thuộc Tổng Giáo phận Lissabon dưới quyền Đức Hồng Y Thượng Phụ D. Antonio Mendes Belo, mà vào lúc bấy giờ ngài đang bị đày biệt xứ. Và chỉ từ tháng giêng năm 1918, Leiria-Fatima mới được ĐTC Bênêđíctô XV nâng lên hàng Giáo phận và vào năm 1920, Đức Cha José Alves Correia da Silvo được đặt làm Giám Mục tiên khởi.

Mặc dù lúc đầu, Đức Tân Giám Mục cũng tỏ ra dè dặt, nhưng người ta phải nhìn nhận rằng vị Giám Mục tiên khởi này là một hồng ân, là một may mắn cho tân Giáo phận Leiria-Fatima nói chung và cho biến cố Fatima nói riêng. Thật vậy, lần đầu tiên vào năm 1921, Đức Cha José Alves Correia da Silvo đã ban phép cho cử hành Thánh Lễ tại chỗ Đức Mẹ hiện ra ở ngọn đồi Cova da Iria, và đồng thời ngài cũng cho tổ chức một chương trình Mục Vụ tổng quát cho khách hành hương, đang mỗi ngày một đông đảo thêm. Trong khi ngài có một quan điểm tích cực đối với biến cố Fatima như thế, thì các Giám Mục khác ở Bồ Đào Nha vẫn có thái độ nghi ngờ (6). Điều này lại một lần nữa minh chứng cho thấy rằng Hội đồng các Giám Mục Bồ Đào Nha không thể là những người đã „chủ xướng“ hay đã bịa đặt ra biến cố Fatima.

Còn về những chống đối và thóa mạ khác, Đức Cha José Alves da Silva đã đề cập đến rất đầy đủ trong Thư Chung đề ngày 13.10.1930 gửi cho các thành phần dân Chúa trong Giáo phận của ngài. Trong đó ngài thông báo kết quả tích cực về biến cố Fatiam của Ủy ban Điều tra do ngài thiết lập (7), nhất là để bịt miệng những lời vu khống, chê bai và sỉ nhục ba trẻ Fatima là lũ vô học thức, dốt nát, thì Đức Giám Mục đã trích lời thánh Phaolô trong Thư Cô-rin-thô để trả lời cho họ, như sau: „Thưa anh em, anh em hãy thử nghĩ lại xem: khi anh em được Chúa kêu gọi, thì trong anh em đâu có mấy ai khôn ngoan trước mặt người đời, đâu có mấy người quyền thế, mấy người quý phái. Nhưng những gì thế gian cho là điên dại, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ ngôn ngoan, và những gì thế gian cho là yếu kém, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ hùng mạnh; những gì thế gian cho là hèn mạt không đáng kể, là không có, thì Thiên Chúa đã chọn để hủy diệt những gì hiện có, hầu không một phàm nhân nào dám tự phụ trước mặt Người“ (1Cr 1,26-29). Cũng chính vì thế, Chúa Giê-su đã truyển chọn các Tông Đồ vốn là những người làm nghề chài lưới đơn sơ, vì Thiên Chúa thường kén chọn những gì người đời cho là kém giá trị.

Một điểm khác cũng đáng nghi nhận nữa, đó là tuy ba trẻ hoàn toàn bị tách biệt mỗi em một nơi, nhưng tất cả các câu trả lời của các em trước các câu hỏi của các nhà chức trách, đời cũng như đạo, đều rõ ràng và hoàn toàn trùng hợp với nhau trong từng chi tiết nhỏ, chứ không một chút mâu thuẫn. Hơn nữa cả ba trẻ Fatima đều nhất mực từ chối tất cả mọi quà tặng của bất cứ ai và dưới bất cứ hình thức gì.

Ngay trong phần mở đầu Thư Chung của ngài đề ngày 03.5.1922 (8), nhân dịp thành lập „Ủy ban Điều tra“ biến cố Fatima, Đức Giám Mục Giáo phận Leiria-Fatima đã đề cập nhiều tới một vấn đề khác: Vấn đề các phép lạ. Và các phép lạ ở đây, trước hết người ta phải nói đến phép lạ – o milagre – mặt trời quay, và dĩ nhiên cũng bao gồm cả những phép lạ được khỏi bệnh một cách lạ lùng của các bệnh nhân thuộc đủ mọi thứ bệnh, vì đã vượt khỏi biên giới các khả năng chuyên môn của y khoa.

Nhưng đồng thời Đức Giám Mục cũng tránh đi sâu vào các chi tiết của biến cố, mà các báo chí lúc bấy giờ đang đưa ra bàn cãi sôi nổi. Ngài chỉ xác định rằng các phép lạ xảy ra tại Fatima là một minh chứng hùng hồn cho thấy trong biến cố ấy có „bàn tay vô hình“ của Thiên Chúa can thiệp vào, mặc dầu với sự khôn ngoan thượng trí của Người, Thiên Chúa luôn tôn trọng các luật tự nhiên mà chính Người đã thiết đặt cho sự tuần hoàn trật tự của vũ trụ, chứ Người không dễ dàng làm phép lạ, trừ khi hoàn cảnh đòi hỏi một cách nhất thiết. Bởi vì, phép lạ là một hiện tượng ngoại thường và vượt tự nhiên.

Vì thế, vấn nạn phép lạ mặt trời quay thường đã được đưa ra phân tích, mổ xẻ và bàn cãi ngay cả trên các nhật báo hồi ấy, đến nỗi có người đã nêu lên thắc mắc là phải chăng xét về phương diện thiên văn học đã có sự thay đổi nào đó ở mặt trời? Và nếu câu trả lời là không, thì người ta sẽ đi đến kết luận là trong vụ việc Fatima đã xảy ra hiện tượng bệnh tâm thần tập thể, khiến cho cả đám quần chúng đông đảo bị cuốn hút vào một ảo giác.

Nhưng thiết tưởng một sự kết luận như thế là quá hàm hồ, thiếu lý tính và thiếu tính cách thuyết phục, vì người ta tự hỏi là làm thế nào một ảo giác bệnh hoạn lại có thể tạo được những cảm xúc, những cảm nhận và những trải nghiệm đồng nhất nơi một tập thể đông đảo vào khoảng từ 50 đến 70.000 người như phép lạ mặt trời quay vào ngày 13.10.1917 tại Fatima?

Ngay cả ý nghĩa và sự tác động của phép lạ mặt trời quay trên vấn đề đức tin cũng được đưa ra bàn luận, và người ta đã tự hỏi: Phải chăng đó là chứng cứ của đức tin, nghĩa là một điều bó buộc phải tin, một sự kiện của siêu nhiên đòi phải chấp nhận?

Một ví dụ điễn hình chúng ta có thể trích dẫn một suy tư sau đây được đăng trên tờ báo O Almonda (9). Tác giả bài báo hoàn toàn bác bỏ ý kiến cho rằng biến cố Fatima và các phép lạ (đặc biệt phép lạ mặt trời quay) đã xảy ra tại đó chỉ là sáng kiến của những người Công Giáo, của các Thầy Dòng Tên bày đặt ra, cốt để tìm hiểu xem liệu người ta có thể quảng bá sự mê tín trong dân chúng đến mức độ nào. Tác giả bài báo cũng xác nhận rằng chẳng những Giáo Hội Công Giáo không hề tham gia vào biến cố đó, vì phản ứng khôn ngoan muôn thuở của Giáo Hội là trước tiên luôn tỏ ra dè dặt trước tất cả những gì xảy ra tại Fatima, cũng như Giáo Hội từng cư xử đối với sự kiện Đức Mẹ hiện ra trước kia tại Lộ Đức hay tại bất cứ nơi nào khác. Tác giả bài báo còn viết tiếp là với các phép lạ người ta cũng không thể giải tỏa được thắc mắc đầy tranh cãi về sự thật của biến cố. Về điểm này, tác giả đã đề cập đến trường hợp các người Tin Lành và nhất là trường hợp Thủ tướng Pháp Freycinet vào lúc bấy giờ, một người vô thần. Nhưng chính Thủ tướng Freycinet đã khuyên người bạn thân của mình là ông Lasserre, một người tín hữu Công Giáo bị mù, hãy lấy nước suối Đức Mẹ Lộ Đức mà rửa mắt. Nhưng người bạn của Thủ tướng đã từ chối, không chịu lấy nước ở hang đá Lộ Đức để rửa mắt, vì ông ta sợ là nếu được lành bệnh thì cuộc sống của ông ta sẽ phải thay đổi. Nhưng cuối cùng ông cũng đành chấp nhận lấy nước hang đá Đức Mẹ Lộ Đức xức vào mắt mình, và bỗng nhiên ông ta đã hết mù và nhìn thấy được. Sau khi được khỏi bệnh, ông ta đã viết nhiều sách có giá trị về phép lạ Đức Mẹ Lộ Đức. Trong khi đó, mặc dầu đã đích thân được trải nghiệm những phép lạ hiển nhiên như thế và đã sống đến 95 tuổi đời, Thủ tướng Freycinet vẫn vô thần chứ không ăn năn hối cải. Và tác giả bài báo đã kiết luận: Quả thực „chỉ phép lạ một mình mà thôi thì không thể hoái cải được ai cả“. Ngoài ra tác giả cũng nhắc đến thái độ tương tự của ông E. Zola. Trong cuốn sách của ông viết về Lộ Đức, Zola đã hoàn toàn không đả động gì tới các tường thuật về phép lạ mà chính ông đã trải nghiệm, nếu không nói là ông còn truyền bá các ý kiến sai lạc của mình.

Còn tác giả bài báo đã nói trên, dĩ nhiên ông ta có lý khi cho rằng một phép lạ không thể bó buộc ai phải tin theo, vì thực ra phép lạ là quà tặng nhưng không của Thiên Chúa, là một ơn lành Chúa ban – như nơi trường hợp những người tin tưởng vào sự xác thực của biến cố hiện ra – và chính những người có tư tưởng tự do và những người vô thần cũng đã tỏ ra vô cùng bối rối và bất an trước các phép lạ mà họ đã chứng kiến nhãn tiền. Tuy nhiên, qua các suy tư của mình, tác giả đã tỏ ra không nhìn thấy được điều đó, và cho rằng đức tin chỉ có thể được củng cố bằng các luận cứ hợp lý mà thôi.

Mặc dầu các tư tưởng trên mang tính cách hòa hoãn, nhưng trên thực tế quan điểm của hai phía, của các tín hữu Công Giáo cũng như của những kẻ vô thần, hoàn toàn bất hòa giải, hoàn toàn không thể dung hòa với nhau được, như thể nước và lửa.

Thật vậy, một đàng, các người tự nhận có tư tưởng tự do tiến bộ khẳng định rằng chủ thuyết duy lý của họ không thể chấp nhận được những hiện tượng siêu nhiên vượt ra ngoài phạm vi của lý trí. Họ chỉ chấp nhận phép lạ mặt trời quay theo nghĩa thiên văn-vật lý học, và họ cho rằng chiến lược của những người Công Giáo là một chủ đích thiếu thành thật, tức vì chỉ muốn thí nghiệm xem quần chúng thiếu học thức có thể chấp nhận sự mê tín của họ đến mức độ nào. Vì thế, trong „Der freie Gedanke“ ký giả José Lopes dos Santos đã viết những lời chống lại các người mà ông gọi là „bọn phản động“ và các Thầy Dòng Tên (10) như sau: „Chúng tôi không chống lại những xác tín về đức tin của quần chúng tốt, nhưng chúng tôi chỉ chống lại sự tuyên truyền lố lăng về những phép lạ, mà nếu được nhìn dưới ánh sáng khoa học thì toàn là những điều không thể có được, như trường hợp các phép lạ Fatima. Đấy chỉ là công trình lừa đảo đồ sộ do mấy ông Thầy Dòng Tên dàn dựng lên, cốt ngăn cản quần chúng không đặt niềm tin tưởng vào sự hết sức khả tín của những người có tư tưởng tự do (…). Phải chăng những kẻ phản động đã đồng lõa với nhau để chống lại sự tiến bộ? (…) Vậy, hỡi những người có tư tưởng tự do, hãy tỉnh thức!“ Tiếp đến, Lopes kêu gọi hãy chiến đấu cho chân lý, cho sự công bằng và cho sự tự do tư tưởng. Một tờ truyền đơn „Hỡi quần chúng có tư tưởng tự do, hãy vùng đứng lên“ (như trên, Doc. 307) của một nhóm người bài Giáo sĩ khác cũng đã kêu gọi tương tự là hãy đem tình yêu chống lại hận thù, đem sự thiện chống lại sự ác (dĩ nhiên theo quan điểm chủ quan của họ), đã viết: „Chúng ta hãy lấy khoa học làm tôn giáo của chúng ta và tôn giáo khoa học của chúng ta là sự tự do tư tưởng.“ – „Từ sự chiến thắng của tiến bộ, của khoa học, của sự tự do, của sự tư duy tự do, con người sẽ lãnh nhận được sự hạnh phúc, niềm vui, tình yêu, tình huynh đệ.“

Còn phía những tín hữu Công Giáo, những người tin tưởng vào sự xác thực của biến cố Đức Mẹ hiện ra ở Fatima, sẽ phản ứng ra sao?

Trước hết, người ta đã cố gắng tránh loan báo một cách quá vội vàng và chưa chắc chắn rõ ràng về các phep lạ. Các hiện tượng được khỏi bệnh một cách lạ lùng cần phải được các bác sĩ xét nghiệm và chứng thực một cách hoàn toàn khách quan(11).

Đặc biệt nhất là phép lạ mặt trời quay, một phép lạ đã được bài cãi và phân tích rất cặn kẽ. Ở đây một điểm đáng ghi nhận là vào năm 1917 người ta đã có thể chụp được các hình ảnh về phép lạ đó và chính những hình ảnh ấy là những bằng cứ rất thực tiễn, góp phần tích cực vào các cuộc tranh luận. Dĩ nhiên, đó không phải là những bức hình đã chụp trực tiếp được chính mặt trời khi nó quay cuồng bay lộn, nhưng là chụp những phản ứng của đám quần chúng hiện diện lúc ấy ở Fatima. Qua những bức hình giá trị lịch sử ấy, người ta thấy có người đang nhìn vào ống kính của các máy chụp hình, có người lại lấy tay che trên mắt và hướng nhìn lên trời. Rồi có hình chụp cả một đám quần chúng đông đảo, kẻ đứng người quỳ gối, đang chăm chú nhìn lên trời như đang theo dõi một sự kiện gì đó, v.v…(12). Những phản ứng ấy cho thấy là hiện tượng hay phép lạ mặt trời quay là có thật và đã tạo nên những ấn tượng mạnh không thể diễn tả được nơi hàng ngàn ngàn người có mặt hôm đó tại Fatima.

Nhưng người ta có thể cắt nghĩa điều ấy như thế nào? Những người tự nhận tiến bộ, có tư tưởng tự do và vô thần, thì cho hiện tượng đó chỉ là một sự cố thuộc vật lý-thiên văn học, và vì thế họ đã hoàn toàn phủ nhận việc coi đó là một sự thật siêu nhiên, vì họ sợ rằng ý niệm về tôn giáo lại tái hồi sinh, một ý niệm vốn đã chết từ lâu nơi nhiều người ở Bồ Đào Nha, nhất là nơi những người tự cho mình là thành phần trí thức và cấp tiến. Hơn nữa, người ta cũng xác nhận là các nhà thiên văn học với những máy móc khoa học tối tân của họ cũng đã không ghi nhận được gì cả về hiện tượng „mặt trời quay“ và những người ở chung quanh vùng Fatima cũng không ghi nhận được gì (13) về những hiện tượng mà khoảng 70.000 người khác ở tại Fatima đã tận mắt chứng kiến. Nhà thiên văn học Fr. Oom (14) giải thích rằng nếu giả thử có sự cố thuộc không gian đã thực sự xảy ra, thì tất nhiên các máy móc khoa học đã có thể ghi lại được, nhưng trong trường hợp „Fatima“ thì các máy móc chẳng ghi nhận gì hết. Vì thế, ông cho rằng hiện tượng hàng ngàn người nhìn thấy mặt trời quay vào ngày 13.10.1917 tại Fatima là một sự „thôi miên tập thể“ (sugestáo coletiva).

Nhưng chính những bức hình ghi lại những phản ứng khác nhau của đám quần chúng quá đông đảo đang có mặt tại hiện trường lúc bấy giờ đã làm cho người ta phải nghi ngờ lời giải thích của nhà thiên văn học Fr. Oom. Thật vậy, nếu đó quả thực là một sự thôi miên tập thể, thì đương nhiên mỗi người trong đám quần chúng ấy khi nhắm mắt lại vẫn còn tiếp tục bị ảnh hưởng sự thôi miên ấy.

Chẳng bao lâu sau đó, phép lạ mặt trời quay tựa như một làn chớp, đã được loan truyền hết sức nhanh chóng ra khắp nơi ở Bồ Đào Nha và trên thế giới bằng miệng và thư tín của khoảng 50 đến 70.000 nhân chứng sống động đã có mặt tại Fatima trong ngày hôm đó, chứ không phải bởi các phương tiện truyền thông đại chúng như trong các biến cố khác; trái lại, nếu không nói là đại đa số trong các phương tiện truyền thông tại Bồ Đào Nha lúc bấy giờ đã hết lời nhạo cười và chế giễu. Nhưng đối mặt với thái độ khôn ngoan dè dặt (prudente reserva) của hàng trí thức Công Giáo (os entenditos), những người có tư tưởng tự do và vô thần luôn chờ đợi một tuyên bố công khai về hiện tượng mặt trời quay. Nhưng phải chăng con người có đủ thẩm quyền để giải thích hay tuyên bố về một „điều siêu nhiên“?

Các cuộc hành hương vĩ đãi tới đồi Cova da Iria, nơi Đức Mẹ hiện ra, là những dấu tích hữu hình và cụ thể của sự kiện, vào các ngày 13 mỗi tháng, nhất là các ngày 13 tháng năm và 13 tháng mười là những ngày hành hương đặc biệt nhất. Mỗi cuộc hành hương như thế thường có tới hàng chục ngàn người thuộc đủ mọi thành phần xã hội tham dự.

Ở đây, có lẽ người ta cũng cần phải nhắc đến đức tin mạnh mẽ và lòng hy sinh to lớn của các khác hành hương. Vì điều kiện hạ tầng cơ sở – đường sá đi lại, điều kiện ăn ngủ, cho khách hành hương – ở Fatima vào thời gian đầu còn quá thô sơ thiếu thốn, nên đa số khách hương từ khắp nước đã đi bộ suốt đêm, dù trời mưa hay nắng, và sau khi đã sốt sắng xem lễ, lần hạt Mân Côi và kính viếng nơi Đức Mẹ hiện ra, họ lại lên đường trở về nhà trong cùng ngày, cũng có nhóm người ngủ qua đêm ngoài trời hoặc trong các Nhà Thờ.

Và trên đường đi hành hương như thế, tất cả mọi người đều cùng nhau lớn tiếng lần hạt Mân Côi hay hát các bài Thánh ca. Mặc dầu đi đường xa mệt nhọc vất vả và còn phải kiêng ăn uống (15) mọi người đều đông đảo tập trung về nhà thờ Giáo xứ Leiria hay Giáo xứ Fatima để xem lễ và rước lễ. Ngoài ra, theo luật cũ xưa kia, mọi người còn phải xưng tội trước khi rước Mình Thánh Chúa nữa. Và đối với các khách hành hương tới vào bất cứ giờ nào trong đêm hay vào sáng sớm, đều được hướng dẫn một cách vồn vả chu đáo của giáo dân địa phương cũng như của các vị Linh Mục. Đó là một trải nghiệm đẹp, có ấn tượng sâu xa nhất nơi mỗi khách hành hương. Nhưng một điều đặc biệt nhất là các cuộc hành hương đã tập trung thành một biển người vĩ đại tại Fatima như chưa từng xảy ra bao giờ, đã gây cho mọi khách hành hương một sư ý thức mạnh mẽ và rõ rệt về đức tin Công Giáo của mình, và qua đó củng cố thêm cho sự tự tin của mỗi người tín hữu khi họ lên đường trở về nhà.

Chính sự hồ hởi tham dự vào các cuộc hành hương của mọi tầng lớp đông đảo dân chúng, cũng như tinh thần phấn khởi và niềm vui tinh thần dạt dào nơi các khách hành hương, đã làm cho các kẻ vô thần chống đối biến cố Fatima cảm thấy thất ngượng ngùng và xấu hổ. Hơn nữa, những người có tư tưởng tự do tiến bộ, vô thần và bè Tam điểm ấy luôn xác tín một cách chủ quan rằng, một đàng không thể có chuyện can thiệp huyền nhiệm của Thiên Chúa trong những gì đã xảy ra, và theo nguyên tắc thì tất cả mọi hiện tượng xảy ra trên trái đất này đều có thể giải thích một cách khoa học được, và một đàng khác, những gì đã xảy ra ở Fatima chỉ là trò bịp bợm của các Giáo Sĩ bày ra để lừa dối dân đen, nên bọn họ đã sử dụng bạo động để dẹp bỏ. Họ cũng cho rằng tất cả người Công Giáo đều không phải là những người có tư tưởng tự do tiến bộ.

Nhưng cuối cùng những bạo hành của những kẻ thù của Sứ điệp Fatima đã quay lại làm hại chính họ. Sự thù ghét của họ chống lại Giáo Hội Công Giáo còn mạnh mẽ hơn cả lòng trung thành của họ đối với các nguyên tắc tự do mà họ đã đề xướng lên như là các tín điều bất khả ngộ. Thái độ đó được bày tỏ rõ rệt vào ngày 13.8.1917, khi ông quận trưởng ra lệnh cho tách biệt ba trẻ – cả ba trẻ vào lúc ấy còn dưới 10 tuổi – ra khỏi cha mẹ các em và cho giam vào nhà tù, cốt để dọa nạt, làm mất tinh thần và bắt ép các em phải khai ra các bí mật và hứa không đi tới đồi Cova da Iria nữa(16). Người ta dọa sẽ nướng sống các vào một cái chảo dầu đang sôi. Sơ Lucia kể: „Thế là họ đã gọi Gia-xin-ta và cho em hay rằng em là đứa đầu tiên sẽ bị thiêu sống (…). Tiếp đến, họ cho gọi Phan-xi-cô và nói dối em là Gia-xin-ta đã bị thiêu sống rồi, và em cũng sẽ chịu chung một số phận tương tự, nếu như em không nói ra các bí mật. Sau cùng đến lượt con (Lucia), họ củng đã nói với con là em họ con (Gia-xin-ta) đã bị thiêu sống và con cũng chịu cùng số phận ấy.“

Mặc dù bị đe dọa khủng khiếp như thế, cả ba trẻ đều can đảm giữ vững lập trường một cách phi thường cho đến cùng, chứ các em không hề tỏ ra sợ sệt chút nào cả. Phan-xi-cô còn nói: „Nếu họ thực sự giết chết chúng con, thì chúng con càng mau được về Thiên đàng.“ Em còn cầu nguyện cho Gia-xin-ta đừng sợ hãi. Chính sự can đảm của ba trẻ vốn được tác động và củng cố bởi sức mạnh siêu nhiên, đã khiến cho mưu mô và kế hoạch xảo quyệt của vị quận trưởng vô thần hoàn toàn thất bại.

Một hành động bạo lực khác nữa của những kẻ thù là họ đặt mìn làm nổ tung mái Nhà Nguyện nơi Đưc Mẹ hiện ra, cốt gây hoang mang cho các khách hành hương, nhất là họ hy vọng sẽ làm cho mọi người coi thường và mất tín nhiệm đối với Sứ điệp Fatima. Nhưng chính vì hành động phạm thượng này đối với Mẹ Thiên Chúa, người ta đã tổ chức vào ngày 13.5.1922 một cuộc hành hương vĩ đại với khoảng 40 đến 50.000 người tham dự, cốt để đền bù phạt tạ tại Fatima, và đã gây một sự quan tâm đặc biệt trên thế giới.

Nhưng các nhà chức trách địa phương lúc bấy giờ vẫn chưa chịu bó tay thua cuộc. Họ đã dựa vào luật tách biệt giữa Nhà nước và Giáo Hội (nghĩa là không được tổ chức các nghi lễ tôn giáo cách công khai bên ngoài Nhà thờ), để cấm tất cả những cuộc tập trung đông người như tại Fatima, và họ cho các đoàn vệ quốc quân diễn hành tại hiện trường và ngăn chặn tất cả mọi con đường dẫn tới đồi Cova da Iria. Nhưng rồi trước sự phản ứng, tuy bất bạo động nhưng đầy cương quyết và kiên trì, của đông đảo quần chúng, cả chiến thuật ma quái này của các nhà chức trách vô thần cũng phải hứng chịu sự thất bại hoàn toàn.

Thật vậy, khi thấy các ngã đường dẫn tới đồi Cova da Iria bị lính chặn hết, các phái đoàn hành hương kéo nhau đi bộ qua các cánh đồng hay các đồi núi để tới cho bằng được chỗ Đức Mẹ hiện ra. Điều đó đã làm lệnh phong tỏa các ngã đường ở Fatima của các nhà chức trách thành vô hiệu hóa. Các vệ quốc quân đành bó tay, không thể làm gì khác được.

Khi nhận thấy các nhà chức trách địa phương hoàn bất lực trong việc ngăn chặn sự tập trung quá đông của hàng vạn khách hành hương từ khắp nơi kéo về Fatima, Thủ tướng Bồ Đào Nha lúc bấy giờ cũng đâm ra lo sợ và không dám ra lệnh cấm các cuộc hành hương của dân chúng. Một điểm đặc biệt là dù tấp nập và đông đảo như thế, tất cả các phái đoàn khách hành hương đều có ý thức kỷ luật cao và tuyệt đối giữ trật tự trong việc di chuyển – kẻ tới người ra về – cũng như khi cử hành các lễ nghi Phụng Vụ, như lần hạt Mân Côi, hát các bài Thánh ca, cầu nguyện, v.v… đều diễn ra trong hài hòa và trât tự.

Do đó, các nhóm cảnh sát và quân đội được gửi đến Fatima để ngăn cản khách hành hương hay để giữ trật tự, đã trở nên dư thừa, không cần thiết. Bởi vì, họ không thể cầm gậy đánh hay chĩa súng bắn đám dân chúng đang cầu nguyện trong ôn hòa và trật tự như thế, nếu không nói là nhiều người trong họ cũng đã quỳ gối cầu nguyện và hát kinh cùng với các khách hành hương. Bởi vì, đa số họ không phải là những người thuộc ý thức hệ tư tưởng tự do và vô thần, nhưng là những người phát xuất từ quần chúng. Đó cũng là lý do cắt nghĩa hiện tượng tại sao hằng ngày tất cả các chuyến xe quân đội, trên đường trực chỉ hướng Fatima để làm nhiệm vụ được giao phó, đều đã mời các khách hành hương mà họ gặp dọc đường lên xe và chở tới Fatima. Thái độ cư xử tốt với các khách hành hương như thế của đoàn vệ quốc quân, đã khiến các nhà chức trách vô thần hay thuộc hội Tam điểm vô cùng tức giận, đến nỗi họ đã đem vụ việc ra bàn cãi ở trong quốc hội và đã nêu câu hỏi đầy đê tiện nhỏ nhoi là ai sẽ trả tiền xăng cho các chuyến xe chở khách hành hương như thế?

Tiếp đến, thái độ của một thầy giáo cũng bị tố cao và bêu xấu, khi ông này nhân dịp có cuộc hành hương tới Fatima đã cho học sinh nghỉ học và đóng cửa nhà trường. Khi bị tra vấn tại sao, ông thầy giáo đã trả lời là vì các học sinh của ông phải đi hành hương chung với cha mẹ các em, nên không thể đến nhà trường được. Điều đó cũng muốn nói lên rằng ảnh hưởng của biến cố Đức Mẹ hiện ra ở Fatima đã thực sự ăn sâu vào ý thức của đại đa số dân chúng, bất kể địa vị, giai cấp hay trình độ văn hóa.

Cũng vì thế, người Công Giáo lúc bấy giờ đã bình thản coi sự hiện diện của các vệ quốc quân ở Fatima như một điều bình thường, chứ không có gì là khó chịu hay vướng mắc cả. Chẳng những thế, họ còn vui đùa gọi các vê quốc quân là đoàn lính danh dự của Fatima. Tình hình diễn biến này đã khiến chính phủ Bồ Đào Nha lúc bấy giờ trở nên lo sợ. Họ sợ người Công Giáo sẽ mỗi ngày một trở nên ý thức hơn và dựa vào các quyền lợi của họ đã được pháp luật bảo đảm, họ sẽ đòi hỏi Nhà nước phải tôn trọng quyền tự do của họ. Hơn nữa, các báo chí cũng càng ngày càng đứng về phía người Công Giáo (17) và thường công khai đề cao các cuộc hành hương của đủ mọi thành phần và tuổi tác, xuất phát từ dân chúng, kể cá các thành phần hàn lâm khoa bảng (chứ không còn coi những người Công Giáo chỉ là những thành phần ngu dân). Do đó, các đối thủ của Sứ điệp Fatima mỗi ngày mỗi trở nên tự ti mặc cảm, thủ thế, thụ động và bảo vệ ý thức hệ của mình một cách thiếu xác tín. Nếu xét theo phương diện tâm lý, thì bạo động thường là dấu hiệu của sự sợ hãi, của sự thiếu tự tín và của sự thiếu các luận cứ hợp lý. Nhiệm vụ chính của đoàn vệ quốc quân là giữ gìn an ninh trật tự (18), nhưng trước sự ý thức kỷ luật cao độ của người Công Giáo, nhiệm vụ của họ đã trở thành dư thừa và buồn cười.

3. Sứ điệp Fatima đã tự vượt qua được mọi thách đố

Dĩ nhiên, khi nói „Sứ điệp Fatima đã tự vượt qua được mọi thách đố“, thì không hề có ý phủ nhận hay đánh giá thấp lòng can trường và đức tin mạnh mẽ của các tín hữu Công Giáo Bồ Đào Nha trước các hành động đe dọa, ngăn cấm và khiêu khích của các nhà chức trách vô thần thời ấy, hay các chiến thuật cũng như phương thức hành xử rất khôn ngoan, thận trọng và cương quyết của Đức Giám Mục D. José Alves Correia da Silva và của tiến sĩ Dr. Formigáos, chủ tịch Ủy ban Điều tra biến cố Fatima hay của bất kỳ ai khác, nhưng chỉ muốn nói rằng biến cố Fatima đã vượt qua được mọi thách đố cực kỳ khó khăn và đã dành được chiến thắng như chúng ta chứng kiến ngày nay, thì chính yếu và trên hết là nhờ vào sự tác động của sức mạnh siêu nhiên từ Trời cao.

Người ta có thể nói rằng vào năm 1917, trước tiên những người có tư tưởng tự do tiến bộ, những người vô thần và các thành viên hội Tam điểm hoàn toàn tự tín và hung hăng, trong khi đó các tín hữu Công Giáo lại rụt rè và nhát đảm. Nhưng rồi trong mấy năm tiếp sau đó, tình thế hoàn toàn xoay đổi ngược lại, và khởi đầu là cuộc hành hương vĩ đại vào ngày 13.5.1922, để công khai tôn vương Đức Trinh Nữ Maria và để đền bù phạt tạ tội phạm thánh của những kẻ thù vô thần, đã dám cho mình nổ tung mái Nhà Nguyện ở chỗ Đức Mẹ hiện ra. Từ đó, người Công Giáo càng trở nên can đảm và tự tín hơn. Họ đã đòi hỏi chính quyền phải tôn trọng các quyền lợi chính đáng của họ đã được ghi rõ trong hiến pháp Nhà nước Bồ Đào Nha, và đồng thời họ cũng đã đẩy các kẻ thù đầy quyền thế của họ vào lúc bấy giờ phải rơi vào thế bị động.

Ở đây, có lẽ người ta sẽ tự hỏi: Ai đã có thể làm xoay đổi được cục diện như thế?

Các kẻ thù của Giáo Hội đã quả quyết đó là do ảnh hưởng ngu muội của các Giáo Sĩ và do sự sắp đặt gian xảo của mấy ông Thầy Dòng Tên. Nhưng như đã nói trên, vào lúc bấy giờ Đức Hồng Y Thương Phụ Lissabon đang bị lưu đày, và miền Leiria-Fatima mãi sau này mới được nâng lên hàng Giáo phận, chứ vào lúc ấy chưa có ai lãnh đạo cả; còn hàng Giáo Sĩ thì hầu như tất cả đều tỏ ra nghi ngờ và ít quan tâm tới về những gì liên quan đến biến cố Đức Mẹ hiện ra tại Fatima. Nói chung là vào thời ấy, nội bộ Giáo Hội Bồ Đào Nha rất bệ rạc và thiếu tổ chức.

Nhưng khởi đầu sự thay đổi tình hình và cục diện một cách ngoạn mục như thế là chính sự ảnh hưởng thiêng liêng, sâu sắc và mạnh mẽ trên các tâm hồn của sáu lần Đức Mẹ hiện ra với ba trẻ, mà đỉnh cao của những lần hiện ra ấy là lần hiện ra cuối cùng vào ngày 13.10.1917 với phép lạ trọng đại „Mặt trời quay“. Vì đã được báo trước là sẽ có một dấu lạ phi thường xảy ra, nên ngày ấy đã thu hút được một đám quần chúng đông đảo vào khoảng 50 đến 70.000 người, và phép lạ „Mặt trời quay“ đã chứng nhận cho lời báo trước của ba trẻ và qua đó cũng chứng nhận sự xác thực của biến cố hiện ra(19). Và trong những năm tháng tiếp sau đó và mãi cho tới ngày nay, người ta vẫn tiếp tục cảm nghiệm được một cách cụ thể sự can thiệp của Trời cao qua các phép lạ lành bệnh ngoại thường tại Fatima.

Sự hiện diện huyền nhiệm của Trời cao còn được tỏ bày ra một cách rõ ràng qua:

• Sự can đảm phi thường của ba trẻ chưa quá mười tuổi đời, khi các em bị bắt giam vào tù và phải trải qua những cuộc khảo hạch đầy mưu mô lừa lọc của nhà cầm quyền vào ngày 13.8.1917.

• Và cả sự cương quyết và sự xác tín sâu xa của các khách hành hương. Họ đã luôn bình tỉnh thản nhiên, chứ không một chút sợ hãi hay lùi bước trước đoàn vệ quốc quân luôn có thái độ khiêu khích và hăm dọa.

Vâng, quyền lực trần thế không chỉ đã tỏ ra bất lực hoàn toàn trước sức mạnh vô biên của Trời cao, mà còn cộng tác tích cực và trực tiếp vào biến cố Fatima, như việc quân đội đã lấy xe đón rước các khách hành hương, mà chúng ta đã nói đến ở trên. Bởi vậy, sau sự kiện quả mìn nổ trên mái Nhà Nguyện Fatima, tờ báo A Epoca đã mỉa mai gọi Bồ Đào Nha là „đất nước của bom mìn“. Còn trong Thư Cô-rin-thô (1Cr 1, 26-31 của ngài, thánh Phaolô đã trình bày rõ ràng các tiêu chuẩn chọn lựa của Thiên Chúa như chúng ta đã trích ở trên, đó là: sự yếu đuối, khờ dại và thấp kém. Vì thế, trong Thư Chung của ngài đề cập đến việc công nhận sự xác thực của biến cố Đức Mẹ hiện ra, Đức Giám Mục Giáo phận Leiria-Fatima đã trích dẫn đoạn Kinh Thánh trên để bịt miệng những kẻ thù Giáo Hội, luôn kiêu căng ngạo mạn khinh bỉ tất cả các tín hữu Công Giáo và ba trẻ thị kiến, và coi họ là những thành phần xã hội thiếu văn hóa, dốt nát và thấp hèn (ba của Lucia là một người nghiện rượu)(20). Nhưng sự can cương, ý chí sắt đá và sự khôn ngoan tột bậc của những người đơn sơ bé nhỏ này đã khiến cho những kẻ tự mãn kia phải suy nghĩ và đã hoán cải được nhiều người trong họ quay trở về với đức tin Công Giáo. Nói tắt, nguyên tắc tuyển chọn muôn thuở của Thiên Chúa lại một lần nữa được thể hiện rõ ràng tại Fatima, như xưa Người đã làm khi chọn lựa các Tông Đồ vậy.

Chính sự ngây thơ trong trắng của ba trẻ Fatima qua những câu trả lời thành thực, nhưng hoàn toàn nhất quán của các em – chứ không phải bằng những lời hoa mỹ bóng bẩy – cho những câu tra hỏi dò xét tinh vi của các nhà cầm quyền dân sự hay của các vị Linh Mục, chứ không hề có một chút mâu thuẩn nào, là cả một bằng chứng hùng hồn nói lên sự khả tín đầy thuyết phục của biến cố Fatima. Thêm vào đó, tuy tuổi đời các em chưa quá 10 tuổi, nhưng tất cả ba trẻ – đặc biệt là Phan-xi-cô và Gia-xin-ta – đều vui vẻ và sẵn sàng chịu mọi đau khổ, mọi cực hình và mọi bệnh tật một cách anh hùng và phù hợp tinh thần Tin Mừng, để đền bù cho các kẻ có tội, là những bằng chứng hùng hồn nhất, góp phần biện minh cho sự xác thực của biến cố Fatima.

Tờ báo Mensageiro (D 1) đã đưa tin đầy đủ về cuộc hành hương vĩ đại chưa từng có vào ngày 13.5.1923, và gọi đó là một "imposante manifestacáo de fe“, một cuộc biểu dương đức tin hết sức ấn tượng. Tác giả bài báo ước chừng có khoảng từ 80 đến 100.000 người tham dự. Và tuy đoàn vệ quốc quân đã được trang bị đầy đủ súng ống và các dụng cụ cho sự đàn áp, nhưng sau đó họ đã cảm thấy bất lực trước đám đông, nên đành phải rút lui.

Các phái đoàn hành hương đều mang theo các cờ quạt có thêu hình ảnh Chúa, Đức Mẹ và các Thánh rất uy nghi chỉnh tề. Sau bài giảng, Thánh Lễ đã được cử hành trọng thể và sốt sắng cho khách hành hưong. Và dĩ nhiên, tất cả mọi người có mặt đều đã lần hạt Mân Côi.

Vì thế, để ám chỉ đoàn vệ quốc quân với súng ống và vũ khí đầy mình, đã được phái tới Fatima để nhằm đe dọa và ngăn chặn các cuộc hành hương, các báo chí đã nhận định: „Ở Fatima không cần súng ống đạn dược. Vũ khí mà những người đi tới đó mang theo, là chuỗi tràng hạt Mân Côi và tượng Thánh Giá“. Các khách hành hương cùng nhau đứng yên lặng hay cầu nguyện; và ngay cả sau trưa người ta vẫn tiếp tục cầu nguyện. Trên đường về nhà, mọi người đều trầm trồ: „Chúng tôi ra về trong sự cảm phục lạ lùng và ngạc nhiên, vì làm sao một đám quần chúng quá đông đảo đến cả trăm ngàn người như thế, lại có thể tự động tập trung về đây, chứ không có ai đứng ra tổ chức và mời gọi cả; và tất cả đều hoàn toàn diễn ra trong trật tự, nếu như họ đã không được một sức mạnh huyền bí từ Trời cao mời gọi.“

Nhân dịp này, tờ báo A Epoca (x. Documentacáo IV, 3, DOC 492, 493) đã phê bình thái độ của chính phủ Bồ Đào Nha trong vụ việc nhà thờ Santa Joana (21) và việc cấm cản các cuộc hành hương tại Fatima, nhất là tờ báo đã phê bình sự thụ động quá lâu của người Công Giáo trước những thái độ và hành động bài Giáo Sĩ của những kẻ thù Giáo Hội và sự đày ải Đức Hồng Y Thương Phụ Lissabon, chứ không có bất cứ sự chống đối nào. Sự phê bình thẳng thắn này đã có ảnh hưởng rộng rãi trong quần chúng và mang lại những tác động tích cực cho biến cố Fatima. Chính tờ báo này cũng đã gọi lệnh cấm các cuộc hành hương và tụ họp cầu nguyện của dân chúng tại Fatima là bất hợp pháp, và coi cuộc rước kiệu ngày 13.10.1924 là một cuộc biểu dương đức tin một cách hoành tráng và có ấn tương mạnh mẽ.

Tất cả các vệ quốc quân được phái tới Fatima cũng nhận thức được rõ ràng là họ không thể dùng bạo lực để đàn áp các tín hữu chỉ biết cầu nguyện, vì họ cảm thấy sự biểu dương đức tin của các tín hữu là cả một „sức mạnh tuy hoàn toàn hài hòa, nhưng bất khả chống cự lại“ (forca pacifica, mas irresistivel). Tờ báo này (22) đã đưa ra những nhận xét về cuộc hành hương: Trước hết, nhà cầm quyền loan báo là quân đội sẽ thực thi lệnh cấm tụ họp ở Fatima một cách nghiêm ngặt, nhưng rồi mọi sự lại xảy ra bình thường như không có lệnh cấm nào cả. Nhưng đặc biệt nhất là sự tuyên xưng đức tin một cách toàn bộ và thống nhất nơi hànhg trăm ngàn khách hành hương cũng như sự suy niệm trong thinh lặng và trật tự tuyệt đối của một đám quần chúng đông đảo như thế đã gây nên một ấn tượng sâu xa nơi tác giả bài báo. Một khách hành hương đã kể lại cảm nhận của mình rằng „sự hồi sinh đức tin Công Giáo của dân tộc Bồ Đào Nha“ đã thực sự xảy ra. Và tác giả bài báo đã kết luận bằng lời nhận xét của ông Giovanni Papini. „Thế giới ngày nay mong ước hòa bình hơn là sự tự do và một nền hòa bình bền vững chỉ tìm gặp được nơi ách của Đức Kitô“.

Bộ tài liệu „Documentacáo Critica“ đã nói đến „cuộc chiến chống lại người Công Giáo“. Nhưng trong cuộc chiến ấy, người Công Giáo đã tranh đấu mỗi ngày một mạnh mẽ và hăng hái hơn cho các quyền lợi chính đáng và hợp pháp của họ, mặc dầu họ tranh đấu với chính quyền vô thần Bồ Đào Nha thời ấy chỉ bằng sự cầu nguyện và hoàn toàn bất bạo động.

Có lẽ thái độ hài hòa này của các tín hữu tại Fatima lại nhắc người Công Giáo Việt Nam chúng ta nhớ đến các cuộc tranh đấu đòi công lý của bà con giáo dân Việt Nam ở Hà Nội, Đồng Chiêm, Thái Hà, Ninh Bình, Tam tòa, Loan Lý, Cồn Dầu, v.v…, tất cả cũng đều diễn ra trong hòa bình trật tự và chỉ cầm vũ khí duy nhất trong tay là tràng chuỗi Mân Côi và tượng Thánh Giá.

Nhưng chỉ một điều hoàn toàn khác biệt giữa hai cuộc tranh đấu cho công lý ấy, của các tín hữu Công Giáo ở Fatima xưa kia và của các tín hữu Công Giáo ở Việt Nam ngày nay, là ở chỗ: Chính quyền cộng sản vô thần Bồ Đào Nha xưa kia đã tự rút lui, chứ không nhẫn tâm dùng bạo lực để đàn áp và xua đuổi các tín hữu ngoan đạo đang cầu nguyện tại Fatima, còn chính quyền cộng sản vô thần ở các địa phương nói trên tại Việt Nam lại đã sử dụng hơi cay, dùi cui điện, báng súng và chó dữ nghiệp vụ để đàn áp vá đánh đập các tín hữu Công Giáo tay không một cách cực kỳ vô nhân đạo, đến nỗi nhiều người đã bị ngất xỉu tại chỗ, phải chở vào phòng cấp cứu tại các bệnh viện, để được điều trị hàng bao nhiêu tháng trời và có người đã bị bại liệt suốt đời! Tại sao lại có sự khác biệt giữa hai cách hành xử của những người cộng sản vô thần Bồ Đào Nha xưa kia và những người cộng sản vô thần Việt Nam ngày nay như thế? Câu trả lời chắc hẳn chỉ có thể là: Nếu những người cộng sản Bồ Đào Nha đã tự rút lui, chứ không đành tâm đối xử tàn bạo và vô nhân đạo đối với các tín hữu hiền lành vô tội tại Fatima bằng bạo lực, như những người cộng sản vô thần Việt Nam đã làm đối với các tín hữu Công Giáo tại Việt Nam, là vì những người cộng sản Bồ Đào Nha ít nhất cũng đã hơn một lần hấp thụ được ảnh hưởng của những giáo huấn chân chính và đầy nhân bản về xã hội của Giáo Hội Công Giáo!

Còn sự xác tín cho rằng sự kiện „đức tin được hồi sinh“ trong dân tộc Bồ Đào Nha và sự thất bại thảm thương của những kẻ thù vô thần, chắc chắn đã phát xuất từ sức mạnh siêu nhiên của biến cố Đức Mẹ hiện ra. Vâng, người Công Giáo Bồ Đào Nha đã từ từ nhận thức được sợi dây liên đới huynh đệ đang nối kết và thắt chặt tất cả họ lại với nhau mỗi ngày một hơn và nhờ thế họ cũng trở nên tự tín hơn.

Sau cùng, qua các giờ cầu nguyện, lần hạt Mân Côi và hát các bài Thánh ca chung với nhau, cũng như sự lãnh nhận sốt sắntg các Bí tích Hòa Giải và Thánh Thể, hầu như tất cả những người tham dự các cuộc hành hương tại Fatima đều đã cảm nhận được tính chất liên đới nhân loại của mình và Giáo Hội Công Giáo quả thực là một „thế giới đại đồng“ đúng nghĩa, nhất là niềm vui thiêng liêng tràn ngập trong tâm hồn và sự cảm nhận ấy đã củng cố đức tin Công Giáo của họ thêm vững vàng kiên cố hơn.

(Suy tư trong Tháng Mân Côi 2010)

_________________________

1. Nguyệt San „Kirche heute“, số tháng 7.2010, trang 14.

2. xem Documentacáo Critica III 3, Doc. 674, 676 (FKTh 22, trang 277.

3. xin xem Lm Nguyễn Hữu Thy, Sứ điệp Fatima, Trung tâm Mục Vụ CGVN Giáo phận Trier/CHLB Đức xuất bản, Trier 2008, trang 73.

4. x. FKTh 17,64, Documentacáo Critica II, trang 193tt.

5. x. Documentacáo Critica II, trang 11tt.

6. như trên, trang 25.

7. như trên, trang 263-276.

8. như trên, trang 42-50.

9. x. Documentacáo IV, trang 300.

10. x. Documentacáo IV, 2, Doc. 305.

11. x. Documentacáo IV, 2, Doc. 314; 361; 380; 403.

12. x. Documentacáo III, 1, Doc. Trang 56tt.

13. x. Documentacáo III, 1, Doc. Trang 236, 111, 151.

14. x. Documentacáo III, Doc. 124,128, 180, 348.

15. Luật Giáo Hội trước Công đồng Vatican II buộc tất cả những ai muốn rước lễ phải nhịn ăn nhịn uống 3 giờ đồng hồ trước đó.

16. x.Documentacáo II, trang 142; Schwester Lucia spricht über Fatima, trang 122.

17. x. FKTh 23 (2007) 208.

18. x. Documentacáo IV, 1, DOC 5.

19. x. G. Solze: Und die Sonne tanzte über Fatima, Fulda 2006.

20. x. Documentacáo IV, 3, DOC 531.

21. Nhà Thờ Santa Joana là một ngôi Thánh đường Công Giáo đã bị chính phủ trịch thu một cách trái phép và đưa đấu giá các đồ thờ phượng trong Nhà Thờ.

22. x. cùng chỗ như trên, trang 494.
 
Phong cảnh chính trị Hoa kỳ sau bầu cử
Trần Mạnh Trác
17:48 22/10/2010
Chỉ còn 2 tuần nữa tới ngày bầu cử giữa kỳ (Middle term,) nhiều bình luận gia đã đưa ra những tiên đóan về phong cảnh tương lai chính trị của Hoa kỳ.

Có một sự đồng thuận chung, đó là đảng Cộng Hòa sẽ thắng lớn cả hai viện.

Căn cứ vào việc các đảng du di tiển tranh cử, tức là dồn thêm tiền vào những nơi dễ thắng và rút bớt đi từ những nơi mất hy vọng, đảng Dân Chủ có vẻ đã buông tay ở một vài tiểu bang miền Nam (South) và trong Nội Địa (Middle States.)

Bản đồ bầu cử của Hoa Kỳ trông giống như bản đồ năm 2004, với mầu đỏ (Cộng Hòa) làm thành một khối vửng chắc ở giữa và ở phía dưới, còn mầu xanh ở hai bờ biển.

Đảng Cộng Hòa có vẻ sẽ lấy lại những tiểu bang đã mất vì Obama, kể cả ghế Thống Đốc của Iowa, Michigan và Wisconsin. Và hơn thế nữa các thành trì vững chắc của Dân Chủ đả có từ lâu đời như Washington, California, Oregon và Massachusetts cũng có vẻ sẽ bị đâm thủng.

Danh sách những tên tuổi có nguy cơ trở thành 'một thời vang bóng' là TNS. Blanche Lincoln của Arkansas, DB John Tanner và Bart Gordon của Tennessee, Bart Stupak của Michigan, John Spratt của South Carolina, Allen Boyd của Florida, Ike Skelton của Missouri, Gene Taylor của Mississippi và Chet Edwards của Texas.

Như vậy thì Hạ viện sẽ nhuộm Đỏ. Bầu không khí chính trị sẽ Bảo Thủ hơn. Chi tiêu sẽ dè dặt hơn. An sinh xã hội sẽ bớt hào phóng hơn.

Trong trường hợp cực kỳ may mắn mà đảng Dân Chủ vẫn còn giữ được đa số ở Hạ Viện, thì qua một kinh nghiệm 'gần chết' vừa qua, và với một sỉ số đã bị thu hẹp đáng kể, họ sẽ chẳng 'còn hồn vía nào' mà giằng co với thiểu số Cộng Hòa.

Còn Thượng Viện sẽ nhuộm mầu gì là một câu hỏi lớn, nhưng chắc chắn không đảng nào sẽ giành được 60 ghế để chống filibuster (filibuster là việc một thượng nghị sĩ đòi kéo dài vô thời hạn việc tranh luận.)

Trước một viễn cảnh như vậy, nhiều nhà bình luận đã đánh cá một điều: đó là Bế Tắc (Gridlock.)

Ngọai trừ một vài trường hợp ngoại lệ không đáng kể, trong hai năm tiếp theo chính phủ Mỹ sẽ không đối phó hiệu quả với bất kỳ một vấn đề quốc gia nghiêm trọng nào, kể cả những vấn đề còn tồn đọng như nhập cư, khí hậu, và hạ tầng cơ sở.

Nếu Cộng Hòa thắng một cú 'long trời lở đất' (landslide,) Hạ viện sẽ biểu quyết hằng lọat dự luật mà Tổng thống Barack Obama sẽ phủ quyết. Họ sẽ tung ra hàng tá điều tra về các hành động của chính phủ để trói tay các bộ trưởng. Nếu Dân Chủ còn giữ đa số, họ sẽ dè dặt giữ khỏang cách với Obama và không một chương trình 'cấp tiến' nào có thể được thông qua.

Trên Thượng viện, trừ khi một bên có ít nhất 60 phiếu, thì không ai có thể điều khiển được viện này nữa. Đây là dịp mà những TNS 'hay moi móc' (whim), như vụ Mary Landrieu chống ông Jack Lew vào chức vụ Quản lý ngân sách (OBM Director), có thể thừa 'nước đục thả câu' mà tạo ra tên tuổi.

Nhưng đừng vội thất vọng, trường hợp Bế Tắc cũng không hẳn là xấu. Tuy nó không tạo ra những luật mới có ảnh hưởng xâu rộng đến tòan thể quốc gia như luật 'cải tổ y tế' hay 'cải tổ tài chánh' nhưng nó cũng không tạo ra những vấn đề hệ trọng cho quốc gia do chính chính quyền làm ra, đó là sẽ không có thêm 'thâm hụt ngân sách liên bang.'

Trong 2 năm tới, các TNS và DB sẽ thấy rằng 'giải quyết' nạn thâm hụt ngân sách là an tòan hơn là tìm cách tăng ngân khỏan cho an sinh xã hội.

Chương trình giảm thuế cho người giầu sẽ có thể 'đi đong' trước, vì đây không phải là 'tăng thuế' (điều mà Công Hòa muốn) mà cũng có kết quả giống như là 'tăng ngân quĩ' (điều mà Dân Chủ muốn).

Những phương pháp 'hàng đôi' như vậy sẽ trở nên thông thường hơn khi Quốc Hội đã chống chính phủ tới lúc 'mệt nghỉ', và họ sẽ có một thái độ hợp tác hơn để làm 'một cái gì đó' cho quốc gia, như trường hợp năm 1995 với chính quyền Clinton (sau khi đóng cửa chính phủ một thời gian, hai bên hõan chiến với nhau để thông qua luật an sinh xã hội và cân bằng ngân quĩ.) Có người còn lạc quan tin rằng những vấn đề 'năng lượng', 'An Ninh', 'Việc Làm' là những vấn đề sẽ có hợp tác, và biết đâu ngay cả vấn đề 'hạ tầng cơ sở' cũng sẽ có cơ hội 'không biết chừng.'

Nhưng hồi đó đảng Cộng Hòa có sự lãnh đạo của một khuôn mặt thu hút, chủ tịch DB Newt Gingrich, và trên thượng viện thì họ có môt TNS Bob Dole khéo léo. Ngày nay Boehner không có khí phách với các DB đồng viện, ông cải chính nhiều lần mỗi khi có phản đối. Còn TNS Mitch McConnell (R-Ky.) thì rõ ràng không phải là Bob Dole.

Lịch sử cho thấy, đảng đối lập có một bản năng phản xạ là sẽ từ chối một tổng thống tất cả những gì được coi như là một công trạng. Chỉ khi nào vị tổng thống đó cùng hát một điệu ca từ cuốn thánh kinh của họ, như Clinton đã làm với cải cách An Sinh Xã Hội hoặc George W. Bush đã làm với vấn đề giáo dục và thuốc men cho người cao tuổi, thì hai bên mới ngồi cùng bàn làm việc với nhau.

Obama ngòai miệng vẫn còn nói về việc hợp tác với Đảng Cộng hòa và thay đổi Washington. Nhưng thực sự ông không biết họ, thí dụ mới đây cho thấy ông tuyên bố với Peter Baker của tờ The New York Times rằng ông có thể làm việc với Judd Gregg và Paul Ryan. Nhưng Gregg thì không ra tranh cử lần này và Paul Ryan, một nhân vật mới mẻ, chưa có nhiều hậu thuẫn.

Nhưng cuộc đời vẫn có nhiều bất ngờ. Ai đã nghĩ rằng Obama sẽ làm tổng thống, và 2 năm trước đây, có ai nghĩ rằng xu hướng cấp tiến lại suy tàn mau chóng đến như thế?