Ngày 21-10-2018
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
ĐGH Phanxicô: Ngai vàng của Đức Kitô là thập giá.
Giuse Thẩm Nguyễn
18:16 21/10/2018


Hôm nay Chúa Nhật ngày 21 tháng Mười, ĐGH Phanxicô đã nói rằng ngai vàng của Đức Giê-su Kitô là thập giá nơi mà Ngài đã hiến mạng cho thế gian và những ai muốn bước theo Ngài phải chuẩn bị để hy sinh mọi sự.

ĐGH nói rằng “Thông điệp của Thày Giê-su thật rõ ràng: trong khi uy lực của thế gian tự xây dựng “ngai vàng” cho quyền lực của chính nó, Thiên Chúa lại chọn một ngai vàng không thuận lợi chút nào, cây thập giá, từ đó ngài cai trị bằng cách hiến mạng của mình.”

“Chúa Giê-su phán rằng “Con Người không đến để được phục vụ, nhưng để phục vụ và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người.”

Trong bài suy niệm trước khi đọc kinh Truyền tin, ĐGH Phanxicô đã phản ánh về đoạn Phúc Âm ngày hôm nay, trong đó kể việc ông Gia-cô-bê và Gio-an xin Chúa ban cho họ được một người ngồi bên hữu và một người ngồi bên tả của Chúa trong Nước Thiên Chúa.

“Chúa Giê-su biết rằng ông Gia-cô-bê và Gio-an đều hết lòng vì Ngài và vì Nước Trời, nhưng Ngài cũng biết rằng niềm mong đợi và lòng nhiệt thành của họ bị ô nhiễm bởi tinh thần thế tục.”

Vì thế Chúa Giê-su bảo họ “Các anh không biết các anh xin gì? Các anh có uống nổi chén đắng mà Thày sắp uống; phép rửa mà Thày sắp chịu không?”

Họ phải hiểu rằng theo Chúa Giê-su đòi hỏi sự hy sinh bởi vì “ để yêu thương thì luôn luôn thua thiệt.”

ĐGH nói tiếp rằng bài học này không chỉ cho ông Gia-cô-bê và Gio-an, nhưng cho tất các các Tông Đồ và các Kitô hữu trong mọi thời đại, những người bị tiêm nhiễm bởi tâm thức thế tục. Như Chúa nói “Ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em; ai muốn làm đầu anh em thì phải làm tôi tớ cho mọi người.“

“Đó là nguyên tắc của người Kitô hữu, tinh thần phục vụ là thuốc giải độc hữu hiệu nhất chống lại căn bệnh này, bệnh đi tìm chỗ nhất “ một căn bệnh lây nhiễm quá nhiều lối sống của con người và nó cũng không loại trừ nơi Kitô hữu là dân của Chúa, và ngay cả trong cơ cấu của giáo hội.

“Vì lý do đó, là môn đệ của Đức Kitô, chúng ta đón nhận đoạn Phúc Âm này như một lời mời gọi hoán cải, để làm chứng cho, cùng với lòng can đảm và bao dung, một Giáo Hội biết cúi đầu dưới chân những anh em bé mọn nhất, để phục vụ họ với tình yêu và lòng chân thành.

Sau khi đọc kinh truyền tin, ĐGH hướng dẫn mọi người hiện diện cùng đọc kinh Kính Mừng để cầu nguyện cho những ai đã cống hiến cuộc đời của họ vì đức tin.

Ngài cũng ca ngợi chứng tá của Thánh Bl. Tiburcio Armaiz, một linh mục dòng Tên và là nhà sáng lập các Giáo Xứ Truyền Giáo ở miền Xa Xôi, đã được phong Chân Phước ở Malaga, Tây Ban Nha vào ngày 20 tháng Mười.

“Chúng ta cảm tạ Chúa vì những chứng tá của vị mục tử nhiệt tình này về sự hòa giải và loan báo không mệt mỏi Tin Mừng, đặc biệt giữa những người dân thường và bị bỏ quên.

Gương sáng của thánh nhân thúc đẩy chúng ta trở thành những nhà truyền giáo đầy lòng thương xót và can đảm trong mọi môi trường, sự bầu cử của ngài nâng đỡ hành trình của chúng ta.

ĐGH nhắc lại việc kỷ niệm ngày Truyền Giáo Thế Giới với chủ đề “Cùng với giới trẻ chúng ta mang Tin Mừng đến cho mọi người.”

ĐGH nhấn mạnh “cùng với giới trẻ: Đây là cách thế và là thực tế. Xin cám ơn Chúa, chúng ta đã trải qua những ngày này của Thượng Hội Đồng dành cho họ: Hãy lắng nghe họ và cùng họ khám phá ra nhiều chứng tá nơi giới trẻ, những người tìm thấy ý nghĩa và niềm vui của cuộc đời trong Chúa Giê-su.”

Kết thúc buổi tiếp kiến, ĐGH chào thăm tất cả khách hành hương trong phái đoàn Bác Ái Caritas Thế Giới và ĐHY Tagle đến đã đến Roma từ ngày hôm trước.

Cuộc hành hương này là một phần của một sáng kiến gọi là “Chia sẻ Hành Trình” nhằm thăng tiến tình thân hữu giữa người di dân và người bản xứ.

.
Source: EWTN Christ's throne is the cross, Pope Francis says
 
Nhận định về các phúc trình vòng hai của các nhóm Thượng Hội Đồng
Vũ Văn An
21:55 21/10/2018
Ngày 16 tháng 10, các nhóm thảo luận theo ngôn ngữ của Thượng Hội Đồng đã công bố bản phúc trình của họ về phần hai của Tài Liệu Làm Việc, chủ biên tập san Letters from the Synod phỏng vấn một số học giả và nhân viên mục vụ về các phúc trình này. Sau đây là nội dung các câu trả lời:



Một nhà thần học Hoa Kỳ:
Một số yêu cầu nhất quán đáng chú ý trong các nhóm nhỏ:

Thứ nhất, sự cần thiết phải có một cách tiếp cận thần học đúng đắn và sâu sắc có thể vượt quá “cách tiếp cận qui nhân chủng học” (Nhóm nói tiếng Pháp C).

Mặc dù nhóm A nói tiếng Tây Ban Nha chỉ trích Tài Liệu Làm Việc vì “yếu và rất giáo điều”, các nhóm khác kêu gọi phải có một cách tiếp cận qui Kitô và thậm chí qui Tam Vị một cách minh nhiên hơn (đặc biệt là nhóm D nói tiếng Anh, nhưng cả ba nhóm nói tiếng Pháp và nhóm B nói tiếng Ý). Nhóm D nói tiếng Anh phát biểu một cách đẹp đẽ và gắn bó, “Chúa Giêsu này, Ngôi Lời thành xác phàm này, là khuôn mẫu qua đó người trẻ ngày nay phải hiểu các cuộc đấu tranh, niềm vui và khát vọng của họ. Khi họ nhìn toàn bộ cuộc sống dưới ánh sáng Chúa Kitô, họ sẽ đánh giá cao sự kiện này: họ được mời gọi yêu thương và nên thánh trước hết”.

Thứ hai, nhiều nhóm cũng kêu gọi phải nhấn mạnh nhiều hơn tới cộng đồng, Giáo hội và các bí tích, tương phản với những nguy hiểm của chủ nghĩa cá nhân. Trong khi nhóm B nói tiếng Anh, với Hồng Y Cupich làm chủ tịch, chỉ đề cập đến Giáo Hội trong hai câu cuối cùng của phúc trình, các nhóm khác minh nhiên hơn về các chiều kích giáo hội và bí tích của đời sống Kitô hữu. Nhóm A nói tiếng Pháp, chẳng hạn, chỉ trích Tài Liệu Làm Việc tập chú quá hẹp hòi vào chiều kích bản thân của việc đồng hành, đến coi nhẹ vai trò của các gia đình và các nhóm tuổi trẻ trong việc giúp cho đức tin phát triển. Nhóm A nói tiếng Pháp cũng lưu ý tầm quan trọng trong việc đồng hành biết nhấn mạnh đến cộng đồng hơn là “phương pháp” hay kỹ thuật. Đức tin phát triển trong đời sống cộng đồng, trong việc lắng nghe Lời Chúa, trong đời sống bí tích (đặc biệt là Thánh Thể và Hòa Giải). Nhóm kết luận: “Đồng hành chỉ là một yếu tố của hành trình đức tin, một hành trình không thể thực hiện nếu không thực hành bí tích và không thuộc về một cộng đồng giáo hội”.

Thứ ba, nhu cầu bức thiết phải có việc đào tạo nhiều hơn không những cho người trẻ và và người trưởng thành trẻ, mà còn cho cả những người lớn hướng dẫn họ và dìu dắt họ nữa. Nhóm B nói tiếng Tây Ban Nha làm nổi bật tầm quan trọng của im lặng trong việc biện phân ơn gọi. Nhóm B nói tiếng Pháp cũng lưu ý một cách hữu ích rằng hồng phúc linh hướng và biện phân không chỉ được ban cho các giáo sĩ mà còn cho các tín hữu thuộc mọi bậc sống; chẳng hạn, hãy nghĩ tới vai trò có tính quyết định mà người giáo dân và thợ may độc thân người Ba Lan, Jan Tyranowski, đã đóng trong việc đào tạo thiêng liêng và biện phân ơn gọi của Karol Wojtyła lúc còn trẻ tuổi.

Các điểm đặc thù đáng lưu ý: Nhóm B nói tiếng Ý đưa ra những điểm đáng quan tâm về nền nhân thần học trong Tài Liệu Làm Việc. Một cách rất hữu ích - và hầu như độc đáo – nhóm cảnh cáo chống lại quan điểm “lạc quan quá mức” của Tài Liệu Làm Việc về tuổi trẻ (và nhân loại nói chung). Nhóm nhắc nhở chúng ta rằng, sau Cơn Sa Ngã, bản chất con người bị thương tổn, việc “tự lấy mình làm đủ” là điều không thể có, ta cần đến ơn thánh. Một cách cảm động và thực tiễn, nhóm quả quyết rằng mọi tín hữu – người trẻ cũng như người đồng hành lớn tuổi của họ đều là “những người tội lỗi được tha thứ” và “tự do đích thực luôn là một 'tự do' được ban cho, nối kết với sự giúp đỡ của ơn thánh Chúa”. Cuối cùng, nhóm này còn nói, một cách tuy vắn tắt nhưng mạnh mẽ, rằng Thượng Hội Đồng phải nói về Đấng Kitô bị đóng đinh và lời kêu gọi theo chân Chúa Kitô trên đường Thập Giá của Người; một nhắc nhở như vậy là một điều "cần thiết".

Nhóm B nói tiếng Tây Ban Nha nhấn mạnh bản chất “thế tục” hay “thế gian” đúng nghĩa của ơn gọi giáo dân. Nhóm lưu ý rằng các thừa tác vụ giáo dân có chỗ đứng thích đáng của chúng, nhưng đại đa số hàng ngũ giáo dân được kêu gọi sống đời sống Kitô hữu của họ và truyền giảng Tin Mừng “ở giữa thế gian và xã hội.” “Thế tục” không phải là một giải an ủi cho những người không được gọi bước vào các thừa tác vụ "giáo hội".

Nhóm C nói tiếng Anh trình bày một “kim tự tháp ơn gọi” mới lạ và có giá trị, tức là việc di chuyển từ nhận thức mình được yêu thương vì tính dễ bị tổn thương của mình qua việc được “kêu gọi nên thánh”, qua “các ơn gọi hiện hữu” [như đời sống thánh hiến, hôn nhân, thừa tác vụ thụ phong, sống một mình], qua “các ơn gọi hành động"[việc làm, đời sống chuyên nghiệp]. Cách tiếp cận này có thể giúp chống lại các khuynh hướng đặc biệt có tính Tây phương là duy hành động (activism) và hạ giá tính tiếp nhận (receptivity) và chiêm niệm, khi nhóm nhắc chúng ta nhớ bản sắc căn bản của chúng ta là các tạo vật yêu quý của Thiên Chúa.

Nhóm B nói tiếng Pháp nêu bật sự kiện Tài Liệu Làm Việc đề cập đến việc Thiên Chúa nhận chúng ta làm con cái, và yêu cầu tài liệu cuối cùng của Thượng Hội đồng dành một đề xuất cho việc này. Tư cách làm con trai con gái Thiên Chúa như vậy trong Chúa Con chính là “mục tiêu chính” của đời sống và ơn gọi của Kitô hữu. Một cách nghịch lý, phần lớn chúng ta là người lớn mới thực sự là con trai con gái của Chúa Cha.

Cuối cùng, Nhóm D nói tiếng Anh đưa ra tuyên bố rất sâu sắc rằng “nhiệm vụ lớn nhất” của những người dìu dắt tâm linh ngày nay là “khuấy động lòng khao khát thánh thiện đó đối với Thiên Chúa, làm cho người trẻ bất ổn [uncomfortable] nhiều hơn chứ không ít hơn”. Thượng Hội Đồng phải thực sự vinh danh cả người trẻ lẫn người trưởng thành trẻ bằng cách khẳng định phẩm giá Thiên Chúa ban cho họ và bằng cách từ chối không chiều theo thị hiếu của họ. Một sự từ chối như vậy thậm chí có cái lợi là làm cho chính các nghị phụ Thượng Hội Đồng trở nên “bất ổn hơn” khi theo ơn gọi của mình.

Một linh mục mới thụ phong:

Trong số các nhóm nói tiếng Anh, Nhóm D một lần nữa là nhóm đáng lưu ý, sâu sắc và quan trọng nhất.

Một vài nhận xét: Có vẻ như các vị tham gia nhóm muốn thúc giục việc sử dụng Sách Thánh một cách mạnh mẽ hơn trong tài liệu cuối cùng, đó là một điều tốt (câu truyện Emmaus, Người Thanh NIên Giầu Có, Gioan 1, Samuel / Eli, vv). “Đồng hành” và lương tâm xem ra là các vấn đề được mọi người nói về nhưng không biết phải làm gì với nó. Vì những thất thường tồn tại liên quan đến lương tâm, nên tài liệu cuối cùng nên tránh nói quá nhiều đến nó. Điều này có thể trở thành cửa sổ mơ hồ qua đó tất cả các loại đề xuất kỳ lạ được xác nhận.

Nhóm cho rằng đã có một sự thiếu đánh giá đáng tiếc về tình bạn, trong khi tình bạn là điều rất quan hệ cho cả người trẻ nói chung lẫn để trả lời những lời chỉ trích giáo huấn của Giáo Hội về các vấn đề tính dục. "Các quy tắc" của Kitô giáo về việc phát biểu tính dục thực sự là các khẳng định về giá trị của tình bạn, một sự kiện hoàn toàn bị đánh mất trong nền văn hóa siêu tính dục của phương Tây. Cuối cùng, miễn là Thượng Hội Đồng tránh được các lầm lỡ chính trong cái hiểu của mình về nhân học, tài liệu cuối cùng nên được chấp nhận.

Một nhà thần học người Mỹ khác:

Khó khăn chính đối với các suy nghĩ của Nhóm nói tiếng Đức là họ quá qui nhân (anthopocentric).

Trong đoạn 1 [phúc trình của họ], các nghị phụ nói tiếng Đức viết: “Chúng tôi củng cố chữ ‘có’ nền tảng của chúng tôi đối với thế giới hiện tại (vorfindlichen) và là một thế giới ngày càng có tính thế tục - và mọi điều được thế giới này sẵn sàng cung cấp cho chúng ta, cả điều tốt lẫn điều thách thức”. Xét vì nhiều khó khăn được Tài Liệu Làm Việc liệt kê về các khía cạnh tiêu cực của cuộc sống trên thế giới đối với giới trẻ ngày nay, nên không cần phải tấn công quan điểm của họ. Hơn nữa, về phương diện thần học, quan điểm này có vấn đề: Kitô hữu vốn không có định hướng cơ bản hướng về thế giới (và đặc biệt là về thế giới thế tục), nhưng hướng về Thiên Chúa.

Trong đoạn 3, các ngài viết: “Chúng tôi trước nhất là những người nghe chứ không phải là những người đã biết.” Ai là “chúng tôi”? “Chúng tôi” phải chăng là huấn quyền của Giáo Hội? Nếu vậy, những người nghe trước nhất cũng là những người có trách nhiệm rao giảng (xem Dt 10:14).

“Chúng tôi cũng muốn xác định rằng mọi ý thức về ơn gọi và đồng hành đều liên quan đến các mong muốn, kế hoạch, hy vọng và niềm đam mê của giới trẻ, mà còn cả sự lo lắng, sợ hãi và không chắc chắn của họ nữa. Là những người cao tuổi, chúng ta muốn chống lại cơn cám dỗ cho rằng chúng ta biết mọi điều về việc cuộc sống của người trẻ nên diễn biến ra ra sao và một cuộc sống thành công phải nên như thế nào. Chúng ta, thậm chí, còn muốn trở thành những người thấy mới (neu Wahrnehmende) và những người nghe mới (neu Hinschauende) cùng với họ hơn nữa”. Đoạn này, cùng với đoạn tiếp theo, dường như đi xa hơn việc chiều theo thị hiếu của người trẻ; nó gần như có tính ký sinh trong nỗ lực trải nghiệm cuộc sống thay cho người trẻ. Hãy xem đoạn 4: “Chúng tôi muốn biết nhịp tim của họ và thông qua đó trở thành người đồng lắng nghe sự thúc đẩy yên tĩnh của Thiên Chúa trong cuộc sống của họ. . . ”. Đoạn văn này rất đáng lo ngại. Dù việc đồng hành với người khác trong việc biện phân chắc chắn có công phúc, nhưng cách mô tả này xem ra vi phạm quyền tự do của người biện phân theo cách mãn nhãn (voyeuristic).

Nhóm nói tiếng Đức, ít nhất đánh giá theo phúc trình này, xem ra cũng đã thay thế sự hiểu biết lâu đời của Giáo Hội về ơn gọi bằng sự nhấn mạnh đến cá nhân tính: “Chúng ta muốn tăng độ nhạy cảm giải thích của chúng ta một lần nữa với họ và cũng học hỏi từ họ, bởi vì mỗi người là một cá nhân không thể thay thế được Thiên Chúa kêu gọi một cách độc đáo. Chúng ta muốn đồng hành với họ và cung ứng từ chính kinh nghiệm già dặn hơn của chúng ta về cuộc sống".

Hệ luận ở đây là: Mỗi con người đều độc đáo đến mức ta không thể dạy được họ, thay vào đó, “chân lí” của họ phải được cảm nghiệm. Tương tự như thế, ta không thể dạy được các người lớn tuổi; họ chỉ có thể chia sẻ “trải nghiệm” của họ với những người trẻ hơn. Tiếng nói của Thiên Chúa dường như được cân bằng với chính mình: “Bằng cách lắng nghe thần trí của Thiên Chúa ngỏ cùng người trẻ và lắng nghe nhịp tim của chính chúng ta…” Vai trò của Giáo Hội chủ yếu là hỏi để gợi ý (maieutic): “chúng ta muốn là những người phiên dịch và nữ hộ sinh sự sống của Thiên Chúa cho họ và với họ”. Xem ra người trẻ đã sở hữu tất cả những gì họ cần có trong họ và Giáo Hội chỉ cần rút những điều này ra. Cuối cùng, không nơi nào các nghị phụ nói tiếng Đức chịu thảo luận về những gì Thiên Chúa muốn nơi Giáo Hội hoặc nơi người trẻ.

Trong đoạn 7, Nhóm nói tiếng Đức nhấn mạnh rằng ơn gọi không phải là “biến cố xẩy ra một lần rồi đóng lại”. Và ơn gọi đó không phải là “một kế hoạch cố định đặc biệt của Thiên Chúa, mà như một con đường hướng tới một tự do và cống hiến lớn hơn. . . Cảm thức về lời kêu gọi này sẽ lớn dần và sâu sắc thêm nhờ việc cụ thể tự để mình đón nhận thực tại”. Các ngài không xác định tự do này hướng tới điều gì, hoặc sự cống hiến này hệ ở việc gì. Hơn nữa, mặc dù có nhắc đến việc phải phụng sự Chúa Giêsu Kitô ngoài môi ngoài mép, như một cách có thể lớn lên trong tự do nhiều hơn, nhìn chung, ơn gọi xem ra chỉ là một hành trình tự khám phá ra mình kiểu của triết gia Heidegger hơn là lời kêu gọi của Thiên Chúa Quan Phòng.

Điều thiếu hẳn là cái hiểu căn bản về ơn gọi, coi nó, từ nền tảng, là chuyện về tình yêu - tức là, làm thế nào chúng ta có thể yêu mến Chúa cách tốt nhất? Giáo Hội đã luôn luôn chủ trương rằng ơn gọi của một con người là con đường mà Đấng Thiên Chúa yêu thương đã sắp xếp cho chúng ta từ cõi đời đời như là cách tốt nhất để yêu Người, yêu người khác, và đạt tới cùng đích siêu nhiên của chúng ta. Nếu ơn gọi, theo truyền thống, được hiểu chủ yếu theo các lời khuyên của Tin Mừng, thì là vì những lời khuyên này là phương tiện đạt được sự hoàn thiện trong tình yêu. Hôn nhân Kitô giáo, vốn được đặt cơ sở trên tinh thần các lời khuyên này, mặc dù không theo nghĩa đen, cũng là một phương tiện đạt cùng sự hoàn thiện theo Tin Mừng này. Nhóm nói tiếng Đức dường như muốn đưa ra một mô tả về ơn gọi, đặt cơ sở chủ yếu trong mong muốn cá nhân. Nếu vậy, đây không phải là cái hiểu của Giáo Hội về ơn gọi; nó là cái hiểu của thế gian.

Cuối cùng, một tu sĩ trẻ:

Tôi tin chính Pascal, khi viết cho các tu sĩ Dòng Tên, đã nói tới điều bây giờ thường được coi là, "Đáng lý ra tôi phải viết một lá thư ngắn hơn, nhưng tôi không có thì giờ". Lối văn xuôi nhồi nhét (giống lối văn của Tài Liệu Làm Việc) trong khung cảnh Giáo Hội, sau đó được các nhóm nhỏ thảo luận, một cách đặc trưng sẽ báo hiệu một trong hai điều: làm cho bối rối (obfuscation) hoặc chỉ là chuyện tầm phào (banality). Nếu các phúc trình từ các nhóm nhỏ là một dấu chỉ nào đó, thì Thượng Hội Đồng (hoặc ít nhất một ít phần của nó) bị ảnh hưởng bởi cả hai. Làm cho bối rối, theo nghĩa không ai thực sự biết tài liệu làm việc muốn nói gì; và chuyện tầm phào, theo nghĩa: bất cứ bản văn muốn nói gì, nó cũng nói điều đó một cách không có gì đặc biệt và không gợi được bất cứ hứng thú nào đến độ trở thành vô dụng.

Nếu có được một tuyên bố ngắn gọn hơn, súc tích hơn, do đó rõ ràng hơn, để hướng dẫn việc làm của Thượng Hội Đồng, thì các nhóm nhỏ rất có thể đã thực tiễn hơn và hướng tới một công bố với sự táo bạo của Tin Mừng nhiều hơn. Đấy chính là hiệu quả gây bối rối của Tài Liệu Làm Việc, và do đó việc làm của Thượng Hội Đồng rất thường kết cục ở chỗ đọc đi đọc lại một cách buồn nản lời phát biểu vô vị về ơn gọi, biện phân, đồng hành, giới trẻ, v.v. Các nhóm nhỏ dường như đang soạn thảo một tài liệu cuối cùng nhưng nói rất ít, và khi nói ít như thế, có nguy cơ để các nhà soạn thảo các tông huấn sau này hoặc các tuyên bố chính thức tương tự muốn nói gì thì nói. Điều đó nên khiến mọi người dừng lại để suy nghĩ cẩn thận hơn.

Viết theo Xavier Rynne II, Letters from the Synod no. 12, 18 Oct 2018
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Khánh Nhật Truyền Giáo 2018 Tại Hạt Thành Phố Huế
Trương Cao Minh Trí
08:08 21/10/2018
Với chủ đề “Cùng với người trẻ, chúng ta mang Tin Mừng cho tất cả mọi người”, lễ Khánh nhật Truyền giáo 2018 hạt Thành phố Huế được tổ chức trọng thể tại giáo xứ Phú Hậu vào Chúa Nhật ngày 21 tháng 10.

Đến với ngày Khánh nhật Truyền giáo năm nay, Giáo xứ Phú Hậu hân hoan chào đón quý cha, quý tu sĩ nam nữ, quý đoàn thể gia đình trẻ, Giới trẻ và Huynh trưởng Thiếu nhi Thánh Thể đến tham dự để cùng nhau học hỏi, chia sẻ và cầu nguyện cho công cuộc Loan báo Tin mừng trong Giáo phận. Sau một vài tiết mục chào mừng đến từ các em Thiếu nhi Thánh Thể và Giới trẻ của Giáo xứ, chương trình chính thức bắt đầu.

Xem Hình

Mở đầu buổi giao lưu là phần chia sẻ của linh mục quản xứ Phú Hậu Phanxicô Xaviê Nguyễn Thiện Nhân về sứ điệp loan báo tin mừng của Đức Thánh Cha. Theo đó, ngài cho rằng Tình yêu thương là của cải lớn nhất, để chứng minh cho điều này, ngài kể một câu chuyện: một người cha có con bị bệnh lạ, ông đã đi khắp nơi để tìm kiếm thầy thuốc, nhưng không ai chữa được bệnh này. Có người mách cho ông trên núi có cây thuốc thần, chữa bệnh gì cũng khỏi, nhưng đường rất khó đi và có thể gặp thú dữ. Bỏ qua mọi sự can ngăn, ông quyết định lên đường với hy vọng tìm được thuốc để chữa bệnh cho con.

Vượt qua mọi khó khăn, cuối cùng ông cũng đã tìm được cây thuốc. Trên đường trở về, ông đã bị thú dữ dằn xé cũng như là những tên cướp với ý định cướp lấy cây thuốc trên tay ông, nhưng ông đã kiên quyết giữ được. Sau khi trở về, ông đưa thuốc cho con và bảo: uống đi, và sau khi lành bệnh hãy đi chữa cho mọi người. Nói xong ông tắt thở. Giải thích về ý nghĩa của câu chuyện trên, cha Nhân đã nói về tình yêu, tình yêu của Chúa Giêsu khi đã hiến dâng mạng sống để cứu độ tất cả loài người, tình yêu của con người đối với con người.

Truyền giáo cũng là một sứ mạng xuất phát từ tình yêu. Vậy ai là người phải truyền giáo? Đó là những chi thể của Hội thánh, những người đã được rửa tội. Họ không cần phải đi xa, nhưng những nơi nào họ đến, họ cần phải truyền giáo. Ai cần họ, họ phải truyền giáo. Cử hành ngày Thế giới Truyền giáo năm nay diễn ra trong bối cảnh Thượng Hội đồng Giám mục tại Rôma bàn về Giới trẻ, nên Đức Thánh Cha Phanxicô chọn chủ đề “Cùng với người trẻ, chúng ta mang Tin Mừng cho tất cả mọi người”. Ngài nhắc đến sứ mạng làm chứng và rao giảng Chúa Kitô mà mỗi Kitô hữu nhận lãnh khi chịu phép rửa tội. Ngài viết: “Sứ mạng thông truyền Đức tin, trọng tâm sứ mạng của Giáo Hội, diễn ra qua sự ‘hay lây’ của tình thương, trong đó niềm vui và sự phấn khởi biểu lộ ý nghĩa được tìm lại và sự sung mãn của cuộc sống. Sự loan truyền đức tin bằng sự thu hút đòi chúng ta phải có con tim cởi mở, được tình yêu làm nở rộng”.

Tiếp đến là phần chia sẻ của giáo dân. Nhiều câu chuyện với những cung bậc cảm xúc đã làm lay động mọi thành phần có mặt trong thánh đường của Giáo xứ Phú Hậu. Kể về hoàn cảnh của gia đình mình, đôi vợ chồng Tuấn – Thanh chia sẻ: Chồng đã từng ăn chơi sa đọa, rồi mắc trong mình căn bệnh hiểm nghèo, mọi phương thuốc đều vô tác dụng, bác sĩ đã lắc đầu và trả về nhà. Hơn 1 tháng trước cha xứ đã đến xức dầu. Ở đó, anh đã xin được trở lại, quyết tâm sống tốt đời sống Đức tin trong phần còn lại của cuộc đời. Thời gian về sau, anh thấy sức khỏe của mình ngày được cải thiện, một ngày anh được bác sĩ cho biết là dấu hiệu bệnh tật của anh đã hết, thế là anh đã cảm nhận được tình yêu của Chúa dành cho anh. Trong khi đó, vợ anh là chị Thanh có một mắt không nhìn thấy được, bác sĩ cho biết là con mắt đó có thể mù suốt đời. Trong giai đoạn này thì anh chồng cũng đang bị bệnh. Sau khi đến với Lòng Chúa Thương xót, điều thần kỳ đã đến với gia đình chị. Chồng ngày một khỏe mạnh, còn chị cảm nhận được con mắt của chị đang dần mở ra. Đến một ngày thì nó đã nhìn thấy được. Những điều đã xảy ra giúp hai vợ chồng chị xác tín vào Đức Tin. Câu chuyện đã nhận được những tràng vỗ tay của những người có mặt trong Nhà thờ.

Trọng điểm của ngày Khánh nhật Truyền giáo hôm nay là Thánh lễ do Linh mục Tổng Đại diện Antôn Dương Quỳnh chủ tế. Mở đầu Thánh lễ, Ngài nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc Truyền giáo và trách nhiệm của mỗi người trong việc truyền giáo. Chia sẻ trong bài giảng lễ, cha Hạt trưởng Giuse Nguyễn Văn Chánh cho biết: Truyền giáo là trọng tâm mà Chúa Giêsu muốn gửi đến Giáo hội thông qua các Tông đồ trước khi về ngự bên hữu Đức Chúa Cha. Lời Chúa hôm nay nói với chúng ta rằng: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ loan báo Tin Mừng cho muôn dân”. Tứ phương thiên hạ ở đây không ở đâu xa, nó chính là quê hương Việt Nam của chúng ta với 90 triệu dân, tứ phương thiên hạ là những người chúng ta thường gặp, nơi chúng ta vẫn sống. Tứ phương thiên hạ ấy chân chúng ta vẫn chưa một lần đi hết, miệng chúng ta chưa một lần loan báo tin vui. Trong sứ điệp loan báo tin mừng năm nay gửi đến mọi thành phần dân Chúa và đặc biệt là Giới trẻ, Đức Thánh Cha nói: “Tất cả chúng ta, nam cũng như nữ là một sứ mạng, đó là lý do để chúng ta sống ở trần gian này. Sứ mạng ấy chính là loan báo Tin Mừng, rao giảng về Chúa Giêsu chịu đóng đinh, đã yêu thương chúng ta, đã chịu chết vì chúng ta và đã ban ơn cứu độ cho tất cả chúng ta”. Truyền giáo là chúng ta giới thiệu Chúa cho người khác. Kết thúc bài giảng, Ngài mong muốn mỗi người trong cộng đoàn nghe lại lời của Đức Thánh Cha nói với Giới trẻ tại Roma: “Đừng bao giờ nghĩ rằng các con không có gì để lo hoặc nghĩ rằng không ai cần các con, nhiều người cần các con, hãy nghĩ đến điều đó...”.

Trương Cao Minh Trí
 
Giới Trẻ Và Sinh Viên Giáo Phận Đà Nẵng Hành Hương Năm Thánh tại đền thánh Anrê Phú Yên
Tôma Trương Văn Ân
20:01 21/10/2018
Chúa Nhật Truyền Giáo, ngày 21 / 10 / 2018, Sinh viên và Giới trẻ Giáo phận Đà Nẵng hành hương về Đền Thánh Chân Phước An-rê Phú Yên tại Phước Kiều , tỉnh Quảng Nam.

Chương trình được bắt đầu từ 13 giờ đến 18 giờ cùng ngày. Tại đây , các Bạn trẻ được Cha Phanxico salesio Lê Văn La Vinh, OP chia sẻ, thuyết trình đề tài : “Giới trẻ , Đức Tin và sự phân định Ơn gọi” trong tinh thần của Thượng Hội đồng Giám mục về giới trẻ đang diễn ra tại Vatican trong suốt thời gian từ ngày 3 đến 28 / 10 / 2018.

Xem Hình

Điểm đặc biệt , Cha Phanxico Salesio ( Cha La Vinh) giúp cho các bạn trẻ phân định ơn gọi để sống Đức tin. Với nhiều dẫn chứng sống động và cụ thể, Cha La Vinh giúp cho các Ban trẻ biết định hướng, sống Đức tin và sống niềm tin của mình trong môi trường đa dạng , đa phương , thật giả - tốt xấu lẫn lộn. Với nhiều đam mê , nhiều trào lưu suy đồi làm băng hoại đạo đức , chìm đắm thế giới ảo làm giới trẻ mất tương quan với anh chị em xung quanh. Vấn nạn sống thử , phá thai , ly dị , đồng tính luyến ái… các Ban trẻ sống giữa cuộc đời nhiều trắc trở, không biết đâu là hướng đi cho cuộc đời của mình. Với những chứng minh hết sức thuyết phục , Cha khẳng định với các bạn trẻ cần xác định và gắn kết với 3 trụ cột chính , đó là : Đức tin , Gia đình và Giáo huấn của Giáo Hội. Đức tin gắn kết vào Chúa Giê-su Ki-tô , sống và thi hành những giá trị của Lời Chúa và sống đời sống cầu nguyện ; đối với gia đình , phải kính trọng Ông bà cha mẹ, vòng tay yêu thương luôn rộng đón người con, dù bất cứ hoàn cảnh nào. Gia đình nơi để về dù có rất nhiều nơi để đi, cần chia sẻ học hỏi kinh nghiệm của Cha mẹ ông bà , những Vị đi trước từng trải qua vinh nhục thành công hay thất bại; và trụ cột thứ 3, những Giáo huấn của Giáo Hội qua những thời đại khác nhau … dẫn đưa các Ban đi đúng đường hướng Con cái Thiên Chúa.

Ngay sau giờ chia sẻ của Cha La Vinh , một số bạn trẻ có những lo lắng thắc mắc , đã được Cha Thuyết giảng giải thích , gợi ý làm sáng tỏ vấn đề. Có những câu hỏi riêng tư , nhưng cũng có những câu hỏi làm tất cả mọi người hiện diện được một trận cười sảng khoái .

Trong giời giải lao, một số Bạn Trẻ có những giây phút hồi tâm , đến Tòa hòa giải , làm hòa cùng Thiên Chúa và với anh chị em . Các Bạn có những quyết tâm ngày càng hoàn thiện bản thân và cố gắng thực hiện lệnh truyền Truyền Giáo mà chính Chúa Ki-tô trao cho mỗi người.

Cao điểm của Ngày hành hương là Thánh lễ Lúc 15 giờ , Ngay trước Thánh lễ , Đại diện Giới trẻ và Đoàn Quý Cha đồng tế đã kiệu Thánh tích của Chân Phước An-rê Phú Yên . Cha Bonaventura Mai Thái – Tổng Đại diện , đã Đại diện Đức Giám Mục Chủ tế Thánh lễ, cùng đồng tế có Cha Phanxico Xavie Nguyễn Ngọc Hiến – Đặc trách mục vụ giới trẻ và Sinh viên , Cha Phanxico Salesio Lê Văn La Vinh , Cha Giuse Nguyễn Thanh Tùng – Quản nhiệm Đền Thánh và Cha Giuse Đặng Quang Ngọc – Phó xứ An Ngãi

Sau lời nguyện hiệp lễ , Anh Trưởng Giới trẻ Giáo phận đã Đại diện các bạn trẻ nói lên tâm tình biết ơn Thiên Chúa , Cám ơn Đức Giám Mục , cám ơn Cha Tổng Đại diện , Cha Đặc trách Giới trẻ và Sinh viên, Cha Thuyết giảng và Quý Cha. Anh cũng xin Giáo Hội tiếp tục nâng đỡ và hướng dẫn Giới trẻ để giới trẻ biết phân định và sống Ơn gọi Đức tin .

Trước lúc Cha Chủ tế Đại diện Đức Giám Mục ban phép lành với Ơn Toàn xá trong Năm Thánh, Cha đã Đại diện Ban Tổ chức Năm Thánh cám ơn Quý Cha , các ban trẻ và tất cả những người cộng tác bằng nhiều cách khác nhau, làm cho ngày hành hương của Giới trẻ và Sinh Viên Công Giáo - Giáo phận Đà Nẵng được mọi sự tốt đẹp

Cuối Thánh lễ , Nghi thức sai đi , với nến cháy sáng trên tay, các bạn được mời gọi đi vào lòng của xã hội hôm nay , vào chính môi trường sống và làm việc của mình. Các Ban sẽ là những nhân chứng sống động tình yêu của Thiên Chúa với con người , là tác nhân tốt cho việc tìm kiếm Nước Thiên Chúa của Anh chị em chưa nhận biết Chúa.

Toma Trương Văn Ân
 
VietCatholic TV
Giáo Hội Năm Châu 22/10/2018: Biến cố đáng âu lo - Chính Thống Giáo Nga đoạn giao với Tòa Thượng Phụ Constantinople
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:26 21/10/2018
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Đức Hồng Y Pietro Parolin cử hành thánh lễ cầu nguyện cho hòa bình trên bán đảo Triều Tiên

Tổng thống Văn Tại Dần (Moon Jae-in) đã tham dự một thánh lễ cầu nguyện cho hòa bình trên bán đảo Triều Tiên do Vatican tổ chức vào ngày 17/10.

Ông cũng đã gặp Đức Giáo Hoàng Phanxicô ngày hôm sau để chuyển tiếp lời mời đến thăm Triều Tiên của lãnh tụ Bắc Hàn Kim Chính Ân.

“Tổng thống Văn đã nhân cơ hội tham dự Hội nghị Á-Âu tại Bỉ để đến thăm Pháp, Ý, Thành phố Vatican, Bỉ và Đan Mạch từ ngày 13 đến 21 tháng 10,” Phát ngôn viên Phủ tổng thống Kim Nghi Khiêm (Kim Eui-kyeom) đã cho biết như trên.

Sự kiện quan trọng trong chuyến viếng thăm Châu Âu của tổng thống Văn là chặng dừng chân tại Vatican trong hai ngày 17 và 18 tháng 10.

“Tổng thống Văn và Đệ nhất phu nhân đã tham dự một thánh lễ cầu nguyện cho hòa bình trên bán đảo Triều Tiên tại Đền Thờ Thánh Phêrô ở Vatican vào ngày 17 tháng 10,” phát ngôn viên của Blue House nói.

“Thánh lễ đặc biệt này được chính Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh chủ sự” ông Kim Nghi Khiêm nói thêm, và mô tả điều này là “dấu chỉ cho thấy sự quan tâm của Vatican trong việc tái lập hòa bình bán đảo Triều Tiên. “

Sau thánh lễ, tổng thống Văn đã phát biểu về những nỗ lực của chính phủ Hàn Quốc nhằm lập lại hòa bình trên bán đảo.

2. Chính Thống Giáo Nga đoạn giao với Tòa Thượng Phụ Constantinople

Trong một diễn biến thật đáng buồn Thánh Công Đồng Chính Thống Nga (bao gồm Nga, Belarusia và Ukraine) đã quyết định chấm dứt “hiệp thông Thánh Thể” với Tòa Thượng Phụ Constatinople.

Hôm 15 tháng 10, vào cuối phiên họp khoáng đại của Thánh Công Đồng Chính Thống Nga tại Minsk, thủ đô Belarusia, hay còn gọi là Bạch Nga, các nhà lãnh đạo trong khối Chính Thống Giáo Nga đã thông qua một tuyên bố cáo buộc Tòa Thượng Phụ Constatinople có hành động lấn chiếm trên “lãnh thổ giáo luật” của Chính thống Nga.

Hàng lãnh đạo Thánh Công Đồng Chính Thống Giáo Nga cho rằng họ không thể tiếp tục “hiệp thông Thánh Thể” với Tòa Thượng Phụ Constatinople vì hành động lấn chiếm, và vì Tòa Thượng Phụ Constatinople đã thừa nhận các nhóm ly giáo, và công nhận Đức Thượng Phụ Philaret Denisenko của Chính Thống Giáo Kiev, cùng với tất cả các “giám mục” và “giáo sĩ” được phong chức bởi vị Thượng Phụ này.

Tuyên bố cho biết “Từ nay cho đến khi Đức Thượng Phụ Constantinople từ bỏ các quyết định vi phạm giáo luật này, tất cả các giáo sĩ của Giáo hội Chính thống Nga không được cử hành Phụng Vụ chung với các giáo sĩ của Giáo hội Constantinople, và các giáo dân không được tham gia vào các bí tích do Giáo Hội đó ban phát”.

3. Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô hoãn lại việc cấp quy chế tự trị cho Chính Thống Giáo Ukraine

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Điều đáng nói là quyết định của Thánh Công Đồng Chính Thống Nga chấm dứt “hiệp thông Thánh Thể” với Tòa Thượng Phụ Constatinople đã diễn ra chỉ vài ngày sau khi Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô tỏ ra nhân nhượng và quyết định hoãn việc cấp quy chế tự trị cho Chính Thống Giáo Ukraine.

Vấn đề cấp Tomos, tức là quy chế tự trị, cho một Giáo Hội Chính Thống Giáo tân lập tại Ukraine đã bị hoãn lại. “Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô sẽ đưa ra quyết định về vấn đề này vào một thời điểm thuận lợi hơn trong tương lai,” Tổng Giám Mục Asen Emosence của Arsenios bên Áo và đồng thời là Giám Quản Chính Thống Giáo Hung Gia Lợi cho tờ Deutsche Welle biết như trên.

Tờ Regnum báo cáo thêm rằng 9 trong số 12 vị lãnh đạo trong phiên khoáng đại kết thúc hôm 11 tháng 10 đã bỏ phiếu ủng hộ việc cấp quy chế tự trị cho Chính Thống Giáo Ukraine.

“Chúng tôi không muốn tạo ra bất kỳ vấn nạn mới nào, nhưng với sự phù trợ của Thiên Chúa, chúng tôi sẽ tiến hành ban cấp quy chế này trong một diễn trình hòa bình”, Tổng Giám Mục Asen Emosence cho biết như trên khi đề cập đến những căng thẳng giữa Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa và Tòa Constantinople về vấn đề này.

Đức Tổng Giám Mục Daniel Pamphilon và Giám mục Ilarion, là đại diện toàn quyền của Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô đã đến Constantinople sau vài tuần lưu lại Kiev trong nỗ lực hiệp nhất 3 hệ phái Chính Thống Giáo tại đây.

“Sau 27 năm, tôi nghĩ các Giáo Hội ở Ukraine đã sẵn sàng hiệp nhất,” Đức Tổng Giám Mục Daniel Pamphilon nói.

Việc cấp Tomos cho Ukarine đã bị trì hoãn nhiều lần, mặc dù các chính trị gia Ukraine và một số nhà lãnh đạo Chính Thống Giáo đang mong mỏi một cách tuyệt vọng nhận được Tomos trước cuộc bầu cử tổng thống sắp tới vào ngày 31 tháng 3 năm 2019.

Trong một bài giảng tại Washington, DC vào tháng 9 vừa qua, Đức Thượng Phụ Philaret Denisenko của Chính Thống Giáo Kiev đã nói về cuộc bầu cử sắp tới. Ngài nêu bật động lực chính trị trong việc kêu gọi Constantinople cho tự trị. Ngài nói: “Chúng tôi muốn điều này xảy ra trong năm nay. Tại sao trong năm nay? Bởi vì Mạc Tư Khoa hy vọng năm sau, sau cuộc bầu cử tổng thống Ukraine, một tổng thống thân Nga hơn có thể được bầu và sẽ không quan tâm đến việc hình thành một Giáo hội tự trị thống nhất, và do đó vấn đề của Tomos sẽ bị trì hoãn cho đến không biết khi nào”

4. Tình trạng hiện nay của Chính Thống Giáo Ukraine

Trong tổng số 44,033,000 dân, các tín hữu Chính Thống Giáo chiếm 67% dân số. Khoảng 10% là người Công Giáo theo nghi lễ Đông phương hay Latinh.

Tại Ukraine hiện nay có đến 3 Giáo Hội Chính Thống Giáo. Nhóm đông nhất là nhóm Chính Thống Giáo Nga trực thuộc tòa thượng phụ Mạc Tư Khoa do Đức Tổng Giám Mục Trưởng Onufry lãnh đạo. Theo Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa, nhóm này chiếm hơn 50% dân số Chính Thống Giáo tại Ukraine với hơn 12,000 giáo xứ và hơn 200 tu viện. Hiện nay, nhóm này được thế giới Chính Thống Giáo và cách riêng là Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa công nhận.

Nhóm thứ hai là Chính Thống Giáo Ukraine do Đức Thượng Phụ Philaret Denisenko lãnh đạo.

Nhóm thứ ba là Chính Thống Giáo Ukraine tự trị với đa số là các vị Chính Thống Giáo Ukraine trở về từ hải ngoại sau khi cộng sản sụp đổ. Nhóm này do Đức Thượng Phụ Mstyslav lãnh đạo và có ít nhất là 10% dân số Chính Thống Giáo tại Ukraine.

Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa luôn coi hai nhóm sau này là ly giáo. Cho đến gần đây, cả hai nhóm sau này đều không được thế giới Chính Thống Giáo công nhận.

Đầu tháng 10 vừa qua, Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô cho biết ngài sẽ công nhận Đức Thượng Phụ Philaret Denisenko. Diễn biến này đã khiến Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa bất mãn.

5. Quan điểm của Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô về khái niệm lãnh thổ giáo luật do Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa đưa ra.

Một trong những mâu thuẫn chủ yếu giữa Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô và Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa là khái niệm “lãnh thổ giáo luật” do Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa đưa ra.

Theo Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa, Nga, Belarusia và Ukraine là các quốc gia nằm trong “lãnh thổ giáo luật” của Chính Thống Giáo Nga, tức là dưới quyền tài phán của Tòa này.

Trong khi đó, Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô không đồng ý như vậy. Ngài giải thích như sau:

“Chính Thống Giáo Ukraine đã có từ lâu trước khi Tòa Thượng Phụ Kiev được dời đến Mạc Tư Khoa vào đầu thế kỷ 14. Việc di dời này không hề có phép về giáo luật của Giáo Hội Mẹ. Từ đó đã có những nỗ lực không mệt mỏi về phía các anh em người Kiev của chúng ta để giành độc lập khỏi sự kiểm soát của Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa.”

Đức Thượng Phụ Bácthôlômêô nói thêm rằng không có biến cố lịch sử nào của Giáo hội Chính thống ở Ukraine “có thể biện minh cho bất kỳ sự can thiệp nào của Giáo hội tại Nga.” Hơn thế nữa, “Nga, là nước phải chịu trách nhiệm cho tình hình đau khổ hiện nay ở Ukraine, vì thế không thể đứng ra giải quyết vấn đề này.

Do đó, ngài nhấn mạnh rằng: “Thượng Phụ Đại kết đã chủ động giải quyết vấn đề bất công này.”

6. Lần thứ hai, chính phủ Đài Loan đưa ra lời mời Đức Thánh Cha Phanxicô thăm đảo quốc này

Chính phủ Đài Loan đã lặp lại lời mời Đức Thánh Cha Phanxicô đến thăm đất nước này, một động thái theo sau những phát triển mới trong quan hệ giữa Tòa Thánh và đối thủ của nước này tại Hoa lục.

Phó tổng thống Trần Kiến Nhân (Chen Chien-jen - 陳建仁) đã đưa ra lời mời Đức Thánh Cha trong một buổi triều yết Đức Giáo Hoàng dành cho ông trước lễ tuyên thánh cho Đức Giáo Hoàng Phaolô VI và 6 vị Chân Phước khác hôm Chúa Nhật 14 tháng 10.

Trong cuộc gặp gỡ với các phóng viên báo chí sau lễ Tuyên Thánh, phó tổng thống Trần Kiến Nhân cho biết Đức Giáo Hoàng nói với ông rằng “ngài sẽ cầu nguyện cho Đài Loan” và yêu cầu vị phó tổng thống chuyển lời chào thăm của ngài đến Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn (Tsai Ing-wen, 蔡英文).

Được hỏi về triển vọng Đức Giáo Hoàng đến thăm đảo quốc này, phó tổng thống Trần Kiến Nhân nói rằng Đức Giáo Hoàng đã mỉm cười trước lời mời đến thăm Đài Loan. Phó tổng thống Trần Kiến Nhân là một người Công Giáo và đã từng viếng thăm Vatican nhiều lần. Lần cuối là vào dịp tuyên thánh Mẹ Têrêsa thành Calcutta vào năm 2016.

Đáp lại những tin tức này tổng thống Thái Anh Văn viết trên Facebook của mình “Tôi muốn cảm ơn Đức Giáo Hoàng vì những lời chào và phước lành của Ngài”.

“Chúng tôi sẽ sử dụng các hành động tích cực và cụ thể để tiếp tục hỗ trợ Đức Giáo Hoàng và Vatican trong việc truyền bá các giá trị chung của tự do, công lý, hòa bình và sự chăm sóc cho mọi chân trời góc bể trên thế giới này”, bà nói.

Đây là lần thứ hai các nhà lãnh đạo chính trị Đài Loan mời Đức Thánh Cha đến thăm quốc gia họ.

Tháng 9 năm 2017, Tổng thống Thái Anh Văn đã chính thức mời Đức Thánh Cha Phanxicô đến thăm đất nước cô qua Đức Hồng Y, lúc đó đang có mặt tại Đài Loan để tham dự Đại hội Quốc tế về mục vụ cho các nhân viên hàng hải và những người du hành bằng đường biển.

7. Tình hình Giáo Hội Công Giáo tại Đài Loan

Có khoảng 300,000 người Công Giáo ở Đài Loan, tức là khoảng hai phần trăm dân số.

Sự phân chia Trung Hoa thành Trung Quốc và Đài Loan bắt đầu từ năm 1949, sau khi các lực lượng quốc gia triệt thoái khỏi Hoa lục sau những thất bại trên chiến trường trong cuộc chiến chống cộng sản tại đại lục. Đài Loan chính thức được gọi là Cộng hòa Trung Hoa hay Trung Hoa Dân Quốc, trong khi Trung Quốc được gọi là Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Tòa Thánh đã có quan hệ ngoại giao với Cộng hòa Trung Hoa từ năm 1942, và tiếp tục giữ quan hệ này với Đài Loan. Tòa Thánh hiện không có quan hệ ngoại giao chính thức với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, từ sau khi cộng sản kiểm soát đại lục sau khi kết thúc cuộc nội chiến vào năm 1949 .

Hôm 22 tháng Chín, đại diện của Tòa Thánh và chính phủ cộng sản Trung Quốc đã ký một thỏa thuận tạm thời về việc bổ nhiệm các giám mục Công Giáo. Thỏa thuận này, theo thông cáo của Tòa Thánh đưa ra sau đó, “sẽ tạo ra điều kiện cho sự hợp tác song phương ở cấp độ lớn hơn”.

Phát ngôn viên Vatican Greg Burke nhấn mạnh rằng thỏa thuận tạm thời hướng đến các mục tiêu “mục vụ chứ không phải là chính trị” và sẽ cho phép “các tín hữu có các giám mục hiệp thông với Rôma nhưng đồng thời cũng được chính quyền Trung Quốc công nhận.”

Có khoảng 12 triệu người Công Giáo ở Trung Quốc, nhưng trong nhiều thập kỷ qua, họ đã bị chia thành Giáo hội thầm lặng hiệp thông hoàn toàn với Tòa Thánh, đôi khi với giá phải trả là sự bách hại của bọn cầm quyền; và Giáo hội do Hiệp hội Công Giáo Yêu nước kiểm soát. Hiệp hội Công Giáo Yêu nước là cơ chế do Mao Trạch Đông đẻ ra từ năm 1957 nhằm thiết lập một Giáo Hội thoát ly hoàn toàn khỏi Tòa Thánh. Các Giám Mục Trung Quốc đôi khi được tấn phong mà không có sự chấp thuận của Đức Giáo Hoàng. Một số vị lại là thành viên của Quốc hội Nhân dân Trung Quốc.

Tháng Năm vừa qua, các giám mục Đài Loan đã thực hiện chuyến thăm ad-limina đầu tiên của các ngài trong 10 năm qua.

Trong chuyến thăm này, các giám mục Đài Loan đã mời Đức Giáo Hoàng Phanxicô đến thăm đất nước các ngài nhân dịp Đại hội Thánh Thể, dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 3 năm 2019.

Đã có nhiều mối quan tâm giữa một số nhà lãnh đạo chính trị Đài Loan rằng Toà Thánh sẽ từ bỏ quan hệ ngoại giao với Đài Loan nếu có được một thỏa thuận ngoại giao với Trung Quốc. Đền nay, Trung Quốc vẫn coi Đài Loan là một tỉnh nổi loạn, không phải là một quốc gia có chủ quyền.

Trong quá khứ, Trung Quốc đã yêu cầu các quốc gia khác chấm dứt công nhận ngoại giao với Đài Loan như là một điều kiện tiên quyết để tăng cường hợp tác kinh tế hoặc chính trị. Đến nay, Tòa Thánh là một trong những thực thể nổi bật nhất vẫn còn công nhận đảo quốc này. Theo Agence France Presse, Tòa Thánh là đồng minh chính thức duy nhất của nước này ở châu Âu. Đài Loan đã mất năm đồng minh kể từ năm 2016. Các nước đang phát triển như El Salvador, Panama và Cộng hòa Dominica đã phải cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan dưới áp lực của Bắc Kinh.

Tòa Sứ Thần Tòa Thánh ở Đài Bắc đã không được lãnh đạo bởi một vị Sứ Thần Tòa Thánh từ ngày 25 tháng 10 năm 1971, khi Liên Hợp Quốc ngừng công nhận chính phủ Đài Bắc là chính phủ hợp pháp của Trung Hoa. Vào thời điểm đó, Tòa Thánh đã chuyển Sứ Thần Tòa Thánh khỏi Đài Bắc và đến nay vẫn chưa chỉ định người kế nhiệm. Sứ vụ ở Đài Bắc từ năm 1971 đến nay đã được điều hành bởi một viên Tham Tán Tòa Sứ Thần (Chargé d’affairs).

Đức Tổng Giám Mục Gioan Hồng Sơn Xuyên (John Hung Shan-chuan - 洪山川) của Đài Bắc, nói với Reuters vào tháng 3 vừa qua, rằng Giáo hội ở Đài Loan đã không trông đợi Toà Thánh và Trung Quốc đại lục thiết lập quan hệ ngoại giao với nhau, vì điều ấy chỉ nên xảy ra nếu hai bên chia sẻ “những giá trị chung với nhau”.

“Các giá trị mà Vatican hướng đến khác xa với những giá trị được Đảng Cộng sản Trung Quốc đề cao. Việc xây dựng quan hệ với Vatican đòi hỏi nhà cầm quyền Hoa Lục phải tôn trọng các giá trị bao gồm cả tự do và dân chủ,” ngài nói.

8. Nhận định của Đức Tổng Giám Mục Anthony Fisher về Tài Liệu Làm Việc tại Thượng Hội Đồng Giám Mục về Thanh Niên

Ngày 10 tháng 10, Đức Tổng Giám Mục Anthony Fisher viết trên Blog của Tổng Giáo Phận Sydney các nội dung thảo luận tại Thượng Hội Đồng về người trẻ.

Theo Đức Tổng Giám Mục bất cứ văn kiện Thượng Hội Đồng nào cũng không nên bắt đầu bằng xã hội học mà nên khởi đi từ một hình tượng trong câu truyện Emmau. “Chỉ lúc đó, mô hình xem-xét-hành động mới có hiệu quả. Tài Liệu Làm Việc quá tiêu cực, tập chú vào các vấn đề trong khi đáng lẽ ta nên đưa ra nhiều điển hình thành công với người trẻ,” ngài viết.

Hơn thế nữa, theo Đức Tổng Giám Mục: “ Tài Liệu Làm Việc có tính Tây Phương rất nhiều và không lưu ý đủ tới tuổi trẻ tại các nước nghèo hơn và đang phát triển. Người trẻ cần cả tư cách làm cha làm mẹ thiêng liêng. Sự suy nghĩ về nền văn hóa Kỹ Thuật Số trong Tài Liệu Làm Việc nên được tổng hợp tốt hơn, ý thức rằng cuộc di dân kỹ thuật số đi vào thế giới điện tử (e-world) đang tạo ra việc mất gốc giống như sự di dân của những người đang di cư giữa các lục địa.”

Ngài nhấn mạnh rằng “Tài Liệu Làm Việc đánh giá chưa đúng mức việc lạm dụng tình dục trẻ em như một lực lượng đang phá hoại các mối tương quan đối với người trẻ và các cố gắng truyền giảng Tin Mừng cho họ. Việc quá nhấn mạnh đến việc lắng nghe người trẻ trong Tài Liệu Làm Việc có vẻ như đang làm giảm vai trò giảng dạy của Giáo Hội, nhưng không hề có sự căng thẳng nhất thiết nào giữa lắng nghe và giảng dạy.”