Ngày 21-10-2016
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Người biệt phái và người thu thuế
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
06:35 21/10/2016
Chúa Nhật XXX THƯỜNG NIÊN, năm C
( Chúa Nhật TRUYỀN GIÁO )
Lc 18, 9-14

NGƯỜI BIỆT PHÁI VÀ NGƯỜI THU THUẾ

Trong những năm đi giảng dạy, Chúa Giêsu luôn dùng những dụ ngôn, những câu chuyện thực tế xẩy ra trong xã hội Do Thái lúc đó để giáo dục, huấn luyện các môn đệ và đồng thời trình bầy một giáo huấn, một mầu nhiệm nào đó. Dụ ngôn người Pharisêu và người thu thuế nói lên một thực tại của xã hội Do Thái thời Chúa Giêsu. Đây là hai lớp người : lớp trí thức, và giới bình dân. Hai giới này cùng đi về Đền thờ và cùng có một mục đích là cầu nguyện.

Dụ ngôn này rất dễ hiểu, nhưng nhằm đưa ra những lời khuyên, những cách cầu nguyện. Vâng, người Pharisêu vào Đền thờ, ông ăn mặc rất khác lạ, trên đầu thì kết thẻ kinh và lời Kinh Thánh. Tin Mừng viết vào Đền thờ, nhưng ông rất huênh hoang, bước lên trên gần cung thánh, ông đứng thắng và với phần mở đầu ông kể ra một danh mục dài để kể công, tự hào với Thiên Chúa và tự mãn với người thu thuế. Ông tự khoe và nói ông không giống như những người khác như trôm cắp, bất chính, ngoại tình, lăng loàn vv…đặc biệt ông không như tên thu thuế kia. Ông rất tự kiêu, tự đại, tự mãn. Ông kể ra những yếu tố khác thật tích cực như ông ăn chay và đóng góp, đóng thuế đạt quá mức yêu cầu. Ông nói lên sự thật.Nhưng ông không cám ơn, tạ ơn, tri ân Thiên Chúa vì Ngài đã gìn giữ ông khỏi làm những điều bất chính, những điều tà vạy và đã ban cho ông có khả năng, có điều kiện để làm điều thiện. Ông cho rằng tự sức ông làm nên công chính, do đó, Thiên Chúa chắc chắn cũng ủng hộ ông. Ông cho thấy làm như thế, ông rất bằng lòng về ông, nên Thiên Chúa cũng phải bằng lòng về ông. Còn người thu thuế thánh Luca viết, anh đứng xa xa, tận cuối Đền thờ, nhìn xuống, không dám ngẩng mặt lên, đấm ngực, và xin Chúa thứ tha vì anh tội lỗi. Người thu thuế không dám biện minh, không dám kể ra bất cứ công trạng nào cho Chúa. Nhìn xuống, đấm ngực có nghĩa là nhận mình yếu hèn tội lỗi, phải được Chúa thứ tha, thương xót. Anh nhìn nhận thân phận của mình, một thân phận không xứng đáng, anh luôn cần đến lòng khoan nhân của Chúa. Nhận định của anh về thân mình thật đúng đắn. Anh hiểu rằng anh là người tội lỗi, muốn được Chúa tha thứ, anh phải từ bỏ tội lỗi, bỏ cái nghề thu thuế mà xã hội lúc đó gán cho tội lường gạt, lợi dụng nghề, đồng lõa với ngoại bang để bóc lột dân chúng, nên anh phải bỏ nghề và đền bù, nhưng làm sao đây vì anh không có khả năng để làm điều ấy ! Do đó, anh rất vô vọng. Tuy nhiên, anh tin vững vàng Thiên Chúa có thể cứu anh khỏi tình trạng vô vọng này ! Anh cứ van nài, anh cứ van xin, anh chân thành cầu nguyện và quả thực Chúa nói :” Người thu thuế ra về được bình an, được Ngài nhận lời “, còn người Pharisêu thì không vì ông tự mãn, kiêu ngạo…

Những lời của Chúa Giêsu và những lời trong các bài đọc Sách Thánh hôm nay cho chúng ta biết về thái độ phải cầu nguyện làm sao, cầu nguyện thế nào. Người Pharisêu tự mãn, kiêu ngạo, không được Chúa nhận lời, ông không được trở nên công chính trước mặt Thiên Chúa. Người thu thuế khiêm nhường, cầu nguyện một cách rất khiêm tốn, nên được Chúa nhận lời và được nên công chính trước mặt Thiên Chúa. Chúa Giêsu ở đây muốn trình bầy hai thái độ nội tâm của con người.

Hôm nay, Giáo Hội dành riêng Chúa Nhật này để cầu nguyện công việc truyền giáo. Bởi vì lời cầu xin của Chúa Giêsu xưa :” Xin cho mọi người hiệp nhất nên một “, vẫn vang vọng mãi mãi và kêu gọi mọi người tiếp tay trong công việc truyền giáo. Giáo Hội mời gọi mọi Kitô hữu hãy loan báo Tin Mừng vì Hội Thánh là truyền giáo. Truyền giáo bằng lời nói, lời rao giảng, nhưng truyền giáo còn là bằng lời cầu nguyện. Do đó, cầu nguyện luôn là cần thiết…Chúng ta phải có thái độ cầu nguyện khiêm tốn như người thu thuế để Chúa nhận lời. Giáo Hội lữ hành cần phải cầu nguyện để lời cầu nguyện hiến tế của Chúa Giêsu :” …Như Con ở trong Cha và Cha ở trong Con “, được thực hiện và lời gợi ý của Chúa Giêsu :” Lúa chín đầy đồng mà thiếu thợ gặt …”, được Chúa Cha nhận lời, sai phái nhiều thợ lành nghề vào cánh đồng lúa chín vàng vv…

Lạy Chúa Giêsu, xin dạy chúng con biết cầu nguyện trong khiêm tốn và xin cho Giáo Hội của Chúa luôn hiệp nhất để mọi người tin nhận một Cha trên trời. Amen.


GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :

1.Tại sao người thu thuế lại không dám ngước thẳng lên mà lại nhìn xuống đất ?
2.Thái độ của người Pharisêu và thái độ của người thu thuế gọi là thái độ gì ?
3.Truyền giáo có nghĩa là gì ?
4.Tại sao lại cần truyền giáo ?
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:43 21/10/2016
52. MÙ MỘT CON MẮT.
Lương Nguyên đế bị mù một con mắt nên rất ngại người ta nói đến chuyện mù mắt, dù cho người khác trong lúc nói mà tình cờ nói có liên quan đến chuyện mù mắt thì cũng rất hận họ.
Ông ta làm Tương Đông vương và khi đứng trên cung điện nhìn xa bên ngoài, quan hầu nhìn thấy phong cảnh trữ tình bèn nói:
- “Phong cảnh hiện giờ thật có thể nói là con của đế giáng lâm giữa miền bắc.”
Lương Nguyên đế trong lòng lập tức nghi ngờ ông ta nói giễu mình, bèn truy hỏi:
- “Ông mới nói mắt ta bị mù à ?” .
(Thiện Huyết tập)

Suy tư 52:
Cái mà làm cho hạnh phúc gia đình tan vở, tình nghĩa vợ chồng càng ngày càng lạnh nhạt chính là sự nghi kỵ lẫn nhau; cái mà làm cho tình bạn hữu trở thành thù địch chính là sự nghi kỵ lẫn nhau; cái mà làm cho tình cảm giữa con người với nhau bị sức mẻ cũng chính là sự nghi kỵ lẫn nhau.
Vua Hê-rốt nghi kỵ vị vua nhỏ -Đức Chúa Giê-su- mới sinh ra sẽ chiếm đoạt ngai vàng của mình, nên đã giết tất cả trẻ em từ hai tuổi trở xuống; quan tổng trấn Phi-la-tô vì nghi ngờ sự thật nơi Đức Chúa Giê-su nên đã hỏi Ngài: “Sụ thật là gì ?”
Nghi kỵ lẫn nhau là cửa ngõ đi vào bóng đêm của tội lỗi, cho nên ở đâu có nghi kỵ là ở đó có sự dữ phát sinh và chắc chắn là không có tình thương chân thật.
Người Ki-tô hữu là người sống không nghi kỵ với anh em chị em mình, bởi vì họ đã thực hành lời của Đức Chúa Giê-su dạy: “Có thì nói có, không thì nói không”, hơn nữa, mỗi ngày khi đón nhận bí tích Thánh Thể là họ thêm xác tín rằng trong Đức Chúa Ki -tô họ đã trở nên một, do đó mà khi họ nghi kỵ anh em chị em là họ nghi kỵ chính bản thân của mình, và xúc phạm đến tình yêu của Thiên Chúa nơi bí tích Thánh Thể là bí tích yêu thương, bởi vì chính Ngài đã trở nên lương thực nuôi sống thân thể và các chi thể của Ngài là Giáo Hội và mỗi người trong chúng ta.
Khi chúng ta nghi kỵ là lúc con mắt tâm hồn của chúng ta bị chột (mù) vậy !

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

--------------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Chúa nhật Truyền Giáo
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:48 21/10/2016
Chúa Nhật LỄ TRUYỀN GIÁO

Tin mừng : Mt 28, 19-20.
“Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ”.


Anh chị em thân mến,
Mỗi năm một lần, Giáo Hội –trong ngày Truyền Giáo- đã long trọng nhắc nhở chúng ta về vai trò và bổn phận của người Ki-tô hữu trong cuộc sống ở trần gian, đó là sống và làm chứng nhân cho Tin Mừng, tức là truyền giáo. Truyền giáo tức là đem cái mình đã tin, đã cảm nghiệm và đã sống cho người khác cùng tin, cùng cảm nghiệm, và cùng sống như chúng ta.

Truyền giáo ở đâu ? Thưa, ở đâu có mặt chúng ta thì đó là địa điểm truyền giáo của mình, nhưng có ba nơi mà chúng ta cần làm chứng cho Tin Mừng.

1. Tôi thường nhắc nhở giáo dân rằng gia đình là nơi truyền giáo đầu tiên của người Ki-tô hữu, họ cười và nói rằng gia đình của mình toàn là đạo gốc, ai cũng có đạo hết, truyền giáo làm gì nữa ! Vâng, gia đình toàn là người có đạo, nhưng cuộc sống của mỗi người trong gia đình chưa chắc là cuộc sống của người có đạo: ông bố thì cả ngày say lè nhè, bà mẹ thì buồn bực hết la rầy con cái đến mắng chồng, thế là gia đình mất đi cái hạnh phúc thuở ban đầu mới cưới nhau, hoặc là bố mẹ thì siêng năng đi lễ đọc kinh, làm việc lành, nhưng con cái thì sống như những người vô đạo, có đứa thì lấy chồng lấy vợ không theo phép đạo, có đứa thì bỏ nhà đi bụi, có đứa thì không đến nhà thờ.v.v...

Cha mẹ có trách nhiệm truyền giáo cho con cái bằng những gương lành gương tốt, con cái có bổn phận truyền giáo cho cha mẹ bằng sự vâng lời, chăm chỉ học hành vì lòng yêu mến Thiên Chúa.

2. Địa điểm thứ hai mà chúng ta phải truyền giáo là giáo xứ của chúng ta, trong giáo xứ có cha sở, cha phó, ban đại diện giáo dân và giáo dân, tất cả tập hợp lại thành một cộng đoàn thờ phượng Thiên Chúa và rao truyền Lời của Thiên Chúa cho mọi người, tuy nhiên không phải tất cả mọi giáo dân đều trở thành người gương mẫu, không phải tất cả giáo dân đều là con cái ngoan của Giáo Hội và của Thiên Chúa !

Có những giáo dân vì bất mãn một ai đó mà không đến nhà thờ hoặc không tham dự các sinh hoạt chung ở giáo xứ, chúng ta phải truyền giáo cho họ; có những giáo dân chỉ có tên trong sổ Rửa Tội mà thôi, nhưng cuộc sống của họ thì không phải là người Công Giáo; có những giáo dân thích chia rẻ người này với người nọ trong giáo xứ.v.v…tất cả những thực trạng ấy, cũng rất đáng để cho chúng ta quan tâm và cầu nguyện, cũng có nghĩa là chúng ta phải truyền giáo cho giáo xứ của chúng ta.

Cha sở và cha phó có trách nhiệm làm gương lành gương tốt cho giáo dân noi theo, bởi vì giáo dân đều nhìn vào các linh mục để bắt chước các ngài: tốt cũng bắt chước mà xấu cũng bắt chước; mỗi giáo dân đều có bổn phận truyền giáo cho nhau bằng chính đời sống phục vụ và yêu thương của mình.

3. Nơi thứ ba mà chúng ta phải truyền giáo là công sở, công ty, trường học, chợ búa hoặc là nơi nào có sự hiện diện của chúng ta.

Khi mà trong gia đình và nơi giáo xứ chúng ta đã làm tốt bổn phận của người Ki-tô hữu, thì tinh thần truyền giáo này cũng đi theo chúng ta đến những nơi mà chúng ta đang làm việc, học hành, buôn bán. Trong tất cả những nơi ấy, chúng ta đều trở nên những nhà truyền giáo sống động và nhiệt tình, bằng những việc làm cụ thể đơn giản và rất đời thường như một cái bắt tay với nụ cười tươi, như chu toàn bổn phận được giáo phó, như sống hòa nhã với mọi người.v.v...tất cả đều thấm nhuần tinh thần bác ái của Phúc Âm, thế là người ta dần dần nhận ra khuôn mặt của Chúa Giê-su Ki-tô nơi chúng ta rồi vậy.

Anh chị em thân mến,
Mệnh lệnh truyền giáo của Chúa Giê-su không những cho các tông đồ mà thôi, nhưng còn cho tất cả những ai đã được lãnh nhận bí tích Rửa Tội, tức là những người Ki-tô hữu chúng ta.

Tất cả chúng ta đều là con cái của Thiên Chúa, ngày hôm nay chúng ta tự hỏi: cuộc đời tôi đã có bao nhiều lần làm chứng nhân cho Chúa Giê-su, và có bao nhiêu lần tôi đã bỏ qua cơ hội làm chứng cho Chúa Giê-su, cho đức tin mà tôi đã tin theo ?

Cuối cùng tôi xin nói lại lần nữa với anh chị em: Người truyền giáo chính là sống cuộc sống của Đức Chúa Giê-su ngay trong cuộc sống đời thường của mình.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.
--------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:58 21/10/2016

THÁNH THỂ (2)


“Vì thế, bất cứ ai ăn Bánh và uống chén của Chúa cách bất xứng, thì cũng phạm đến Mình và Máu Chúa.” (1 Cr 11, 27)

1. Giáo hữu rước lễ xong giống như sư tử phun ra lửa, khiến cho ma quỷ sợ hãi bỏ chạy.

(Thánh John Chrysostom)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức"

--------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi tuần SỐNG một câu Lời Chúa (CN 30 TN)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
09:00 21/10/2016
Chúa Nhật 30 THƯỜNG NIÊN

Tin mừng : Lc 18, 9-14.
“Người thu thuế khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính; còn người Pha-ri-siêu thì không.”


Anh chị em thân mến,
Cuộc sống của con người với nhiều lo âu hơn là thoải mái, nhiều đau khổ hơn là hạnh phúc, nhiều áp lực hơn là tự do. Cuộc sống của con người –qua mọi thế hệ- cũng đều cần đến một sức mạnh thần thiêng từ cõi vô hình đầy quyền thế giúp đỡ, để con người an vui sống và làm việc trong xã hội, chúng ta –những người Ki-tô hữu- gọi Đấng vô hình đó là Thiên Chúa và cầu nguyện với Ngài, nhưng có rất nhiều lần chúng ta cầu nguyện mà không thấy Thiên Chúa trả lời.

Đức Chúa Giê-su trong bài Tin Mừng hôm nay đã đưa ra hai mẫu cầu nguyện của hai loại người, để cho chúng ta thấy được Thiên Chúa thích nghe lời cầu nguyện của loại người nào: của người thích phê bình, so đo, kiêu ngạo hay là của người có tâm tình khiêm tốn nhận biết tội mình để xin thương xót ?

Người Pha-ri-siêu cầu nguyện
Đây là lời cầu nguyện của người Pha-ri-siêu: “Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác : tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con” .

Lời cầu nguyện này đáng lý ra là được Thiên Chúa nhậm lời vì nó bao hàm lời chúc tụng ngợi khen và cảm tạ, nhưng trái lại, Thiên Chúa đã không nhậm lời cầu nguyện này, vì trong lời cầu nguyện có sự so đo phân bì và xúc phạm đến tha nhân, đó là nguyên nhân khiến cho lời cầu nguyện trở nên vô giá trị trước mặt Thiên Chúa và người đời.

Người Pha-ri-siêu đã so sánh mình với người thu thuế tội lỗi.

Trong cuộc sống, ai đem mình ra so sánh với người tội lỗi là chính họ tội lỗi hơn cả người tội lỗi, bởi vì phàm ai tôn mình lên thì sẽ bị hạ xuống. Tôn mình lên là coi mình hơn người khác, là đem danh dự của tha nhân đạp dưới chân mình, cho nên họ đã đi trên chông gai mà không biết và họ sẽ ngã quỵ vì chông gai đó chính là sự kiêu ngạo của mình.

Khi đem mình so sánh với người khác là xúc phạm đến họ, dù họ là người tội lỗi công khai hay bị người khác khinh dể, bởi vì một Ma-ri-a Mag-da-la đã được Đức Chúa Giê-su chữa lành, một thu thuế Gia-kêu lùn đã được vinh dự đón tiếp Đức Chúa Giê-su ngay tại nhà mình, một tên trộm bị án tử trên thập giá với Đức Chúa Giê-su đã được vào thiên đàng trước cả người Pha-ri-siêu và những kinh sư thông luật.

Người thu thuế cầu nguyện
Ông ta cầu nguyện cách ngắn gọn nhưng rất hiệu quả: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là người tội lỗi” .

Đây không thể là lời cầu nguyện lý tưởng đối với những người am hiểu Kinh Thánh, bởi vì nó không hội đủ điều kiện để trở thành lời cầu nguyện, nhưng nó lại có thế giá trước mặt Thiên Chúa và người thu thuế tội lỗi đã ra về bình an, bởi vì trong lời cầu nguyện đơn sơ này hàm chứa một tâm hồn trông cậy và khiêm tốn.

Đây không thể là lời cầu nguyện hay, nhưng đây là lời nói thỏ thẻ của người con biết nhận ra sai lầm của mình để xin cha mẹ thứ tha. Không một người cha người mẹ nào làm ngơ trước lời thú tội rất chân thành của đứa con mình, Thiên Chúa lại càng không thể “ngoảnh mặt làm ngơ” với lời cầu xin tha thứ rất khiêm tốn và chân thành của người tội lỗi, cho nên, lời cầu nguyện hay chưa chắc là lời cầu nguyện đẹp lòng Thiên Chúa, nhưng chỉ có lời cầu nguyện chân thành và khiêm tốn mới được Thiên Chúa nhậm lời.

Anh chị em thân mến,
Lời cầu nguyện của người Pha-ri-siêu và lời cầu nguyện của người thu thuế, đã cho chúng ta thấy được đâu là lời cầu nguyện đẹp lòng Thiên Chúa và đâu là lời cầu nguyện không đẹp lòng Ngài.

Lời cầu nguyện đẹp lòng Thiên Chúa không nhất thiết phải kể lể dài dòng, nhưng cần phải có tâm tình yêu mến, chân thành và khiêm tốn, bởi vì Thiên Chúa thích nghe lời cầu nguyện của những tội nhân biết hối cải, hơn là thích nghe lời cầu nguyện khách sáo của người tự cho mình là người công chính mà khinh dể tha nhân.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.
-----------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Khiêm hạ cầu nguyện để được ơn tha thứ
Lm. Đan Vinh
10:42 21/10/2016
HIỆP SỐNG TIN MỪNG CHÚA NHẬT 30 THƯỜNG NIÊN C

Hc 35,15b-17.20-22a; 2Tm 4,6-8.16-18; Lc 18,9-14

KHIÊM HẠ CẦU NGUYỆN ĐỂ ĐƯỢC ƠN THA THỨ

I.HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Lc 18,9-14

(9) Đức Giêsu còn kể dụ ngôn sau đây với một số người tự hào cho mình là công chính mà khinh chê người khác: (10) “Có hai người lên đền thờ cầu nguyện. Một người thuộc nhóm Pharisêu, còn người kia làm nghề thu thuế”. (11) Người Pharisêu đứng riêng một mình cầu nguyện rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. (12) Con ăn chay mỗi tuần hai lần. Con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con”. (13) Còn người thu thuế thì đứng đàng xa, thậm chí chẳng dám ngước mặt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi”. (14) Tôi nói cho các ông biết: Người này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi. Còn người kia thì không. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống. Còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên”.

2. Ý CHÍNH:

Nhằm dạy bài học khiêm nhường, Đức Giêsu đã kể dụ ngôn về hai người lên đền thờ cầu nguyện. Trong đó người Pharisêu đã kiêu ngạo khi cầu nguyện chỉ trích tha nhân và tự đề cao bản thân. Đang khi người thu thuế khiêm tốn xin Chúa tha tội và chỉ biết cậy trông vào lòng thương xót của Thiên Chúa. Cuối cùng Đức Giêsu kết luận: người Pharisêu kiêu căng sẽ bị Thiên Chúa hạ xuống, còn người thu thuế khiêm hạ sẽ được Thiên Chúa tôn vinh.

3. CHÚ THÍCH:

- C 9-10: + Có hai người lên đền thờ cầu nguyện: Đền thờ là nơi người Do thái cầu nguyện. Người ta tụ tập ở Đền thờ vào các ngày Sabát, ngày Lễ, ngày Chay... để nghe đọc Thánh kinh, hát Thánh vịnh và cầu nguyện chung. Tuy nhiên mọi người đều có thể vào Đền Thờ cầu nguyện riêng khi mở cửa. +Một người thuộc nhóm Pharisêu: Đây là nhóm người tự tách mình ra khỏi quần chúng. Họ giữ Luật cặn kẽ chi tiết và thường tự hào cho mình là công chính. Tuy nhiên họ làm mọi điều tốt nhằm tìm tiếng khen hơn là vì lòng mến Chúa thực sự. Vì thế họ cố tình đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài, ưa ngồi cỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, ưa được chào hỏi ở nơi công cộng và muốn được dân chúng xưng hô là “Thầy” (Rápbi) (x. Mt 23,5-7). +Còn người kia làm nghề thu thuế: Đây là hạng người bị dân chúng đồng hóa với những kẻ tội lỗi và bị khinh dể xa lánh, vì đã cộng tác với chính quyền Rôma. Đồng thời còn tham lam, thường ăn chặn tiền thu thuế của người dân đóng góp để làm giàu cách bất chính.

- C 11-12: + Người Pharisêu đứng riêng một mình...: Pharisêu có nghĩa là tách biệt. Ở đây người Pharisêu đã tự tách ra khỏi những người Do thái khác khi đến cầu nguyện tại Đền thờ. + Xin tạ ơn Chúa vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia...: Người Pharisêu này đã cầu nguyện phê phán người khác về các tội cụ thể như tham lam, bất công, ngoại tình hay tội làm đầy tớ cho ngoại bang như người thu thuế đang đứng cuối Đền thờ. + Con ăn chay mỗi tuần hai lần: Luật chỉ buộc người Do thái ăn chay vào lễ Xá Tội tức là ngày 10 tháng 7 hàng năm (x. Lv 16,29). Tuy nhiên, mỗi tuần những người Pharisêu còn tự nguyện ăn chay thêm hai ngày khác là thứ Hai và thứ Năm, và họ hãnh diện nghĩ mình đạo đức hơn người khác về việc này (x. Lc 5,33). + Con dâng cho Chúa một phần mưới thu nhập của con: Người Do thái công nhận Thiên Chúa đã ban lương thực cho mình, nên họ bày tỏ lòng biết ơn bằng việc dâng lên Chúa những hoa quả đầu mùa. Luật qui định phải nộp thuế “thập phân” (một phần mười), đánh trên các hoa màu như lúa mì, rượu mới, dầu tươi và cả những con vật đầu lòng trong đàn bò và chiên dê (x. Đnl 14,22-23). Ngoài ra họ còn tình nguyện nộp thêm phần thuế về các thứ rau quả khác nữa (x. Lc 11,42). Tóm lại, người Pharisêu này lên Đền thờ không phải để xin Chúa tha tội mà để khoe với Chúa về những điều tốt ông ta đã làm được hơn người khác để đòi Chúa phải trả công cho mình.

- C 13-14): + Còn người thu thuế thì đứng đàng xa...: Người thu thuế chỉ biết thú nhận những tội lỗi đã phạm. Ông cảm thấy xấu hổ nên không dám đến gần gian thánh, đứng cúi mình trước bàn thờ không dám đứng thẳng như người Pharisêu. + Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi: Ong ta chỉ biết đấm ngực ăn năn về các tội lỗi đã phạm và xin Chúa tha thứ tội lỗi như lời Thánh vịnh 50 của vua Đa-vít. Chính nhờ thái độ khiêm tốn ấy mà ông đã được Chúa ban ơn cứu độ. + Phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên: Câu này đã có ở Lc 14,11 và được Luca thêm vào đây để kêu gọi người ta sống khiêm tốn dựa vào ân sủng của Thiên Chúa. Vì trong lịch sử Ít-ra-en, Đức Chúa thường hạ bệ những ai quyền thế và nâng cao mọi kẻ khiêm nhu (x. Lc 1,25).

4. CÂU HỎI: 1) Phân biệt lối sống của người Pharisêu (Biệt phái) và người thu thuế thời Đức Giêsu giống và khác nhau thế nào ? 2) Lời người Pharisêu cầu nguyện trong Tin Mừng hôm nay có đẹp lòng Chúa không ? Tại sao ? 3) Lý do khiến Đức Giêsu tỏ lòng khoan dung nhân hậu với người thu thuế tội lỗi, và nghiêm khắc với người Pharisêu là gì ?

II.SỐNG LỜI CHÚA

1.LỜI CHÚA: Còn ngườ
i thu thuế thì đứng đàng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng: “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi” (Lc 18,13).

2. CÂU CHUYỆN:

1) TẠI SAO MA QUỶ KHÔNG ĐƯỢC CHÚA THỨ THA ?

Một hôm có một tên quỷ kia chạy đến trước mặt Thiên Chúa mà thưa rằng: “Tôi thấy Chúa đối xử không công bằng chút nào!”. Chúa liền hỏi nó: “Tại sao ngươi lại dám bảo Ta đối xử không công bằng ?” Bấy giờ tên quỷ kia mới đáp: “Chúa thấy đó, loài người phạm rất nhiều tội lỗi lớn lao, và chúng đều phạm đi phạm lại nhiều lần. Thế mà lần nào Chúa cũng tha thứ cho chúng và còn ban cho chúng hạnh phúc thiên đang đời đời. Còn chúng tôi chỉ phạm tội một lần duy nhất. Thế mà Chúa không những không tha mà còn phạt chúng tôi phải sa hỏa ngục muôn đời. Như vậy chẳng phải là Chúa đã thiên vị và bất công lắm sao ?” Bấy giờ Chúa mới ôn tồn nói với tên quỷ rằng: “Loài người có phạm tội không vâng lời Ta thật, và vì yếu đuối mà chúng đã sai phạm nhiều lần thật. Nhưng sau mỗi lần phạm tội, chúng đều hồi tâm sám hối và khiêm tốn chạy đến xin Ta tha cho. Còn lũ quỷ các ngươi, có bao giờ các ngươi chịu hồi tâm sám hối và xin Ta tha tội hay chưa ?” Nghe thấy Chúa đòi hỏi phải ăn năn sám hối và cầu xin tha tội, tên quỷ liền thét lên rằng: “Lòai quỷ chúng ta không đời nào lại hèn hạ ăn năn sám hối và cũng không cần phải xin ai tha tội cả”. Nói thế rồi quỷ liền cong đuôi chạy mất.

2) PHẢI TRÁNH CÁI TÔI ÍCH KỶ:

Có một câu chuyện cho thấy con người thgường ích kỷ, chỉ nghĩ phần lợi cho mình hơn là cho Chúa và tha nhân; Một cậu bé kia trước khi đi dự lễ Chúa Nhật, được mẹ tập thói quen ý thức trách nhiệm phải góp phần vào việc chung, bằng cách bà trao cho cậu hai đồng đôla bằng kim loại và nói: “Một đồng cho con ăn sáng, còn đồng kia con sẽ bỏ vào trong giỏ tiền thau nhà thờ trong giờ lễ để dâng cho Chúa”. Cậu bé nắm chặt hai đồng tiền trong bàn tay và đi bộ đến nhà thờ. Khi băng qua đường, cậu bị vấp trượt chân té ngã trên lề đường. Theo bản năng, cậu đã mở tay ra chống đỡ và hai đồng tiền vuột khỏi bàn tay: Một đồng nằm trên lề đường, còn đồng kia bị rơi xuống đường mương ven đường. Cậu bé liền nhặt đồng tiền lên và nhìn xuống đường mương tìm đồng tiền thứ hai nhưng không thấy vì đường mương tối thui. Một cuộc chiến nội tâm đã diễn ra trong lòng cậu. Cuối cùng cậu bỏ đồng tiền nhặt được vào túi, nhìn lên trời và nói: “Chúa ơi. Con rất tiếc, vì đồng tiền của Chúa hôm nay đã bị rơi xuống mương mất rồi!”

3) PHẢI SẴN SÀNG QUỲ GỐI XUỐNG VÀ KÊU XIN CHÚA MỚI ĐƯỢC ƠN THA THỨ:

Tại đền thờ thánh Phêrô ở Rôma, có một bức tượng Chúa chịu nạn do Thorvaldsen (1770-1844), nhà điêu khắc Đan mạch nổi tiếng thực hiện. Ngày kia, một du khách đến viếng bức tượng. Ông ta nhìn lên bức tượng một lúc rồi lắc đầu nói:

- Tôi nghe đồn bức tượng nầy nổi tiếng là rất đẹp, nhưng sao tôi nhìn mãi mà chẳng thấy có gì đẹp cả.

Bấy giờ một khách hành hương đang quì phía sau ông nói:

- Ông phải quì gối xuống mới có thể nhìn thấy vẻ đẹp của tượng Chúa.

Ông du khách liền quì gối xuống và bấy giờ ông đã khám phá ra vẻ đẹp nhân ái và lôi cuốn của bức tượng Chúa chịu nạn.

Muốn gặp Chúa và nhận được ơn cứu độ của Chúa, mỗi người chúng ta cũng phải biết khiêm hạ quỳ gối xuống và mở miệng cầu xin Chúa tha tội như người thu thuế trong Tin Mừng: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi”.

3. SUY NIỆM:

Khi nghe Đức Giêsu kết luận người thu thuế tội lỗi ra về được nên công chính, còn người biệt phái nhiều công đức thì không, chắc hẳn nhiều người hiện diện phải ngạc nhiên. Vì người biệt phái xem ra là người mẫu mực trong việc tuân giữ Lề Luật và không phạm phải các tội xấu xa. Ông ta còn làm nhiều hơn Luật dạy khi tự nguyện ăn chay và bố thí. Vậy tại sao Đức Giêsu lại không chấp nhận lời cầu của ông ta ? Tại sao Chúa lại ưu ái người thu thuế tội lỗi, ngay khi anh ta chưa từ bỏ cái nghề tồi tệ đó, và không đả động đến việc đền bù các thiệt hại đã gây ra cho tha nhân ? Chúng ta cân làm gì để diệt trừ thói kiêu ngạo tự ái cao và thực tập khiêm nhường phục vụ ?

1.Nguyên nhân khiến lời cầu của người biệt phái không được chấp nhận:

-Chúng ta phải thừa nhận rằng: Người biệt phái đây là một người tốt, một tín hữu trung thành với Lề Luật. Chỉ tiếc một điều là do tính tự mãn mà bao nhiêu việc tốt anh làm đươc đã bị trôi ra sông ra biển hết. Do cái tôi quá to, nên anh chỉ thấy con người của mình mà không thấy Chúa. Anh coi thành quả đạt được là do tài đức cá nhân, chứ không do ơn Chúa giúp. Giá như anh biết quy chiếu với Đức Giêsu, thì có lẽ anh đã nhận ra sự thiếu sót lớn lao của mình, để không dám khinh thường người khác, và sẽ biết cầu xin lòng khoan dung tha thứ của Chúa.

-Lời cầu nguyện của người biệt phái không được chấp nhận là do anh ta đã “đứng riêng một mình” và cầu nguyện huênh hoang. Nội dung lời cầu cho thấy sự khinh thường người khác và tự mãn về thành tích của bản thân và đòi được Thiên Chúa trả công: “Con xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần. Con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con” (Lc, 8,11).

-Tuy nhiên, con người “nhân vô thập toàn”: Người Biệt phái cũng có các tội xấu như: tự mãn, kiêu căng, khinh thường tha nhân… Nhưng anh ta lại không ý thức về các tội đó. Anh ta không nhận ra mình cũng là tội nhân như người thu thuế mà anh khinh thường. Anh đã không nhận biết sự công chính có được là do Chúa ban do biết tín thác vào Chúa Giêsu như lời thánh Phaolô: “Tôi được như vậy không phải nhờ sự công chính của tôi, sự công chính do Luật Môsê đem lại, nhưng nhờ sự công chính do lòng tin vào Đức Kitô, tức là sự công chính do Thiên Chúa ban, dựa trên lòng tin” (Pl 3,9).

- Tóm lại, người Biệt phái đã không ý thức được rằng: Chê bai người thu thuế là anh ta đã gián tiếp cho mình là công chính. Nói xấu người thu thuế là anh đã tự cho mình tốt hơn. Lên tiếng phê bình chỉ trích người thu thuế là anh đã tự coi mình là đúng. Làm như thế là người Biệt phái đã tự làm hại mình, và không đáng được Thiên Chúa tha thứ như Đức Giêsu đã nói: “Người này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi. Còn người kia thì không. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống. Còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên”.

2. Nguyên nhân người thu thuế được Chúa xót thương:

-Người thu thuế cảm thấy xấu hổ về tội lỗi của mình, nên chỉ dám đứng đàng xa, thậm chí chẳng dám ngước mặt lên trời. Anh ta vừa đấm ngực vừa thưa với Chúa rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi”. Anh ta cảm thấy mình bất lực và chỉ biết phó thác cho lòng Chúa thương xót. Chính nhờ tâm tình ấy mà Chúa đã đoái thương nhìn đến anh và ban ơn thánh giúp anh hoán cải nên công chính.

-Thái độ khiêm cung và lời cầu nguyện sám hối của anh thu thuế cho thấy anh đã mở cửa lòng đón Chúa. Chúa đã vào nhà linh hồn anh để ban ơn tha thứ và biến đổi anh nên công chính đẹp lòng Thiên Chúa. Nhờ ý thức về tình trạng tội lỗi của mình và thái độ khiêm tốn cúi đầu đấm ngực ăn năn và mở miệng nài xin Chúa thương, mà anh thu thuế đã được biến đổi nên công chính như lời Đức Giêsu: “Người này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi”.

3. Chúng ta phải làm gì ?

-Cần tránh lối cầu nguyện biệt phái: Có lẽ nhiều người trong chúng ta cũng có thái độ tự mãn như người biệt phái xưa đã thưa với Chúa rằng: “Xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác”. Nhiều lần chúng ta đã đổ lỗi cho người khác hơn là khiêm tốn nhận tội như lời kinh cáo mình: “Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng”. Nhiều lần trong tòa xá giải chúng ta đã dài dòng kể tội của người thân trong gia đình hay tội của người hàng xóm đã phạm đến mình, đang khi lẽ ra phải khiêm nhường xưng thú tội lỗi đã phạm để được Chúa ban ơn tha thứ.

-Cần tập cầu nguyện khiêm hạ như người thu thuế: Người thu thuế trong Tin Mừng hôm nay đã bày tỏ thiện chí và muốn được ơn thứ tha bằng việc lên Đền thờ cầu nguyện. Tuy nhiên, anh cũng ý thức các tội lỗi của mình khó được Chúa tha, vì theo Luật Môsê: một người lỗi phép công bình muốn được tha thì trước hết phải thanh toán hết số nợ. Ngoài ra còn phải bồi thường thiệt hại cho chủ nợ thêm 1/5 nữa. Anh thu thuế này không có khả năng làm như thế. Dù vậy, anh đã không tuyệt vọng, mà đã biết cậy trông vào lòng thương xót của Thiên Chúa. Noi gương tác giả Thánh vịnh 50, anh đã nài xin Chúa: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi” (Lc 18,13). Vì vậy anh đã được ơn Chúa tha thứ biến đổi nên công chính (x. Lc 18,14).

-Cần tránh thói kiêu căng tự mãn: Kiêu ngạo là thói xấu đứng đầu và hầu như mọi người chúng ta đều ít nhiều mắc phải. Đây là thói xấu nguy hiểm nhất và là mẹ phát sinh ra các thói hư khác. Người kiêu ngạo xem mình là trung tâm điểm thay thế Thiên Chúa. Anh muốn mọi người phải quan tâm phục vụ mình và luôn tạo ra hàng rào tách biệt với tha nhân… Kiêu ngạo phát sinh tự ái tự cao và dễ nổi giận khi có ai dám chê trách nói phạm đến mình. Đây cũng là thói xấu thâm căn khó chừa cải nhât. Tuy nhiên kinh “Cải tội bảy mối” cũng cho chúng ta một phương thế hữu hiệu để diệt trừ được thói hư này như sau: “thứ nhất khiêm nhường chớ kiêu ngạo”. Như vậy muốn loại trừ thói kiêu ngạo thì cần quyết tâm thực tập nhân đức khiêm nhường trong tư tưởng, lời nói và việc làm.

-Cần thực tập đức tính khiêm nhường phục vụ: Ai trong chúng ta cũng đều yêu thích người khiêm tốn, nhưng rất ít người thực hành được nhân đức này. Thực ra khiêm nhường là can đảm nhìn thẳng vào con người thật của mình. Khổng Tử đã nói: “Cái gì biết thì nói biết, cái gì không biết thì nói không biết. Đó mới thật là biết vậy”. Khiêm nhường tự hạ, quên mình phục vụ luôn được coi là nền tảng của sự thánh thiện. Tất cả những tài năng, nhân đức sẽ gia tăng giá trị lên gấp bội nếu kèm theo đức khiêm nhường. Cũng như những số 0 (số không) dù nhiều tới đâu cũng chẳng có giá trị gì. Nhưng nếu chúng được dẫn đầu bằng một con số như số 1 chẳng hạn, thì lập tức những số 0 kia sẽ tăng giá trị gấp bội. Cần tập khiêm nhường bằng cách tránh nói ra các ưu điểm thành tích của mình và rộng rãi khen ngợi tha nhân. Cần luôn ý thức mình là người phục vụ qua câu nói: “Tôi có thể giúp gì được cho bạn?” rồi sau đó phục vụ họ cách chân thành và vô vụ lợi.

4. THẢO LUẬN: 1) Khi được người khác khen một ưu điểm có thật, bạn thường phản ứng thế nào để thực hành nhân đức khiêm nhường noi gương Chúa Giêsu và Đức Maria trong Tin Mừng (x. Lc 1,45-49)? 2) Bạn đã bao giờ khen người dưới khi thấy họ làm được việc tốt chưa? 3) Khi biết một người phạm một tội có hại cho tập thể, bạn sẽ làm gì: Giữ im lặng để tránh phiền toái rắc rối hay khiêm tốn tế nhị lên tiếng góp ý đúng lúc đúng nơi để giúp họ sửa lỗi?

5. NGUYỆN CẦU

- LẠY CHÚA CHA TỪ ÁI. Trước Thánh Nhan Cha, chúng con chỉ còn biết noi gương người thu thuế mà thưa với Cha rằng: “Lạy Cha, xin thương xót con là kẻ tội lỗi”. Thật vậy, đối với Cha, chúng con chỉ là hư không. Những việc tốt chúng con làm được cho Cha, xét cho cùng đều nhờ ơn Cha ban, và đòi chúng con phải luôn dâng lời tạ ơn Cha.

- LẠY CHA. Xin giúp chúng con ý thức về thân phận tội lỗi yếu hèn của mình. Xin giúp chúng con tránh thói kiêu căng tự mãn của người biệt phái. Xin cho chúng con biết tôn trọng mọi người và không bao giờ dám tự mãn khoe khoang thành tích đã làm. Xin cho chúng con biết luôn cảm tạ Cha về những ơn lành của Cha. Xin cho cuộc sống của chúng con trở thành bài ca tạ ơn: khi vui cũng như lúc buồn, khi thành công cũng như lúc thất bại, khi khỏe mạnh cũng như lúc đau ốm... Vì chúng con biết rằng mọi sự Cha để xảy đến cho chúng con đều là hồng ân của Cha và đều đem lại ích lợi cho phần rỗi đời đời của chúng con.

X) HIỆP CÙNG MẸ MARIA.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.

LM ĐAN VINH - HHTM

HIỆP SỐNG TIN MỪNG

CN TRUYỀN GIÁO – CN 30 TN C

Mt 28,16-20.

TRUYỀN GIÁO THẾ NÀO CHO HỮU HIỆU TRONG THẾ GIỚI HÔM NAY

I.HỌC LỜI CHÚA

1.TIN MỪNG: Mt 28,16-20.

(16) Mười một môn đệ đi tới miền Ga-li-lê, đến ngọn núi Đức Giêsu đã truyền cho các ông đến. (17) Khi thấy Người, các ông bái lạy, nhưng có mấy ông lại hoài nghi. (18) Đức Giê-su đến gần, nói với các ông: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. (19) Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. (20) Dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.

2.Ý CHÍNH:

Trong bài Tin mừng của thánh Mát-thêu hôm nay, Đức Giê-su Phục Sinh hẹn các Tông đồ đến một ngọn núi tại miền Ga-li-lê. Ở đó sau khi tuyên bố đã được Chúa Cha cho toàn quyền trên trời dưới đất, Người chỉ thị cho các ông hãy đi khắp thế gian thâu nạp môn đồ cho Người, làm phép rửa cho họ “Nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”. Người cũng hứa sẽ ở cùng các ông mọi ngày cho đến tận thế.

3.CHÚ THÍCH:

-C 16-17: + Mười một môn đệ: Đây là Nhóm Mười Hai, nhưng thiếu Giu-đa, kẻ phản bội, và Mát-thi-a chưa được bổ sung vào danh sách thế chỗ cho Giu-đa (x. Cv 1,15-26). Nhóm này là Tông Đồ Đoàn được trao quyền lãnh đạo Hội Thánh. Còn về Giu-đa Ít-ca-ri-ốt: khi thấy Thầy Giêsu sắp bị kết án tử hình, Giu-đa đã bị hối hận. Hắn liền đem ba mươi quan tiền trả lại cho các đầu mục Do thái nhưng đã bị họ từ chối. Giu-đa thất vọng nên đã ném tiền vào cung thánh Đền thờ rồi đi thắt cổ tự tử (x. Mt 27,3-5). + Đi tới miền Ga-li-lê: Tức là đến miền đất dân ngoại theo chỉ thị của Chúa Phục Sinh qua bà Ma-ri-a Mác-đa-la (x. Mt 28,10), và cũng để noi gương Đức Giêsu đã bắt đầu rao giảng Tin Mừng Nước Trời tại xứ Ga-li-lê (x. Mt 4,12-17), + Đến ngọn núi Đức Giêsu đã truyền cho các ông đến: Ngày nay người ta không thể xác định đây là núi nào. Nhưng có lẽ Mát-thêu chỉ muốn nói đến quả núi với ý nghĩa tượng trưng: Núi là nơi Thiên Chúa gặp gỡ và mặc khải cho loài người. Chẳng hạn : Đức Chúa đã trao Thập Giới cho Mô-sê trên núi Khô-rép (x. Xh 24,13.15.18). Đức Giêsu cũng đã công bố Hiến Chương Nước Trời hay Tám Mối Phúc Thật trên núi, nên còn gọi là “Bài Giảng Trên Núi” (x. Mt 5,1-7,27). +Thấy Người, các ông bái lạy: Sau nhiều lần hiện ra để củng cố niềm tin cho môn đệ, trước khi về trời Chúa Phục Sinh đã hiện ra để trao sứ mệnh loan Tin mừng phổ quát cho các ông. Cử chỉ bái lạy nói lên các ông đã tin Chúa Giêsu là “Đấng Cứu Thế, Con Thiên Chúa”. + Nhưng có mấy ông lại hoài nghi: Câu này xem ra mâu thuẫn với thái độ bái lạy vừa nói. Thực ra, hoài nghi là thái độ phải xảy ra nơi các môn đệ trước khi các ông đạt tới đức tin hoàn hảo. Chắc là Mát-thêu muốn nói đến sự hoài nghi đã xảy ra trước đó mà ngài chưa lần nào đề cập đến. Như vậy đây chỉ là một sự trục trặc về lối hành văn, chứ không mâu thuẫn về mặt tư tưởng. Ngoài ra cũng có người cho rằng: Vì đây là cuộc hiện ra để “trao sứ mệnh” cho Nhóm Mười Một đại diện Hội Thánh, nên sự hoài nghi ở đây chính là sự hòai nghi nói chung của Hội Thánh xưa nay: Mầu nhiệm Phục Sinh tuy là một sự thật hiển nhiên, nhưng bao giờ cũng vẫn có người còn hoài nghi.

-C 18-19: +Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất: Lúc khởi đầu sứ mệnh, cũng trên núi cao, Đức Giê-su đã từ chối quyền hành trên các nước thế gian do Xa-tan hứa ban (x. Mt 4,8-10). Nhưng giờ đây Người tuyên bố: Người đã được Thiên Chúa trao toàn quyền trên trời dưới đất, ứng nghiệm lời tuyên sấm của Ngôn sứ Đa-ni-en về sứ mệnh của Con Người như sau: “Đấng Lão Thành trao cho Người quyền thống trị, vinh quang và vương vị; Muôn người thuộc mọi dân tộc, quốc gia và ngôn ngữ đều phải phụng sự Người. Quyền thống trị của Người là quyền vĩnh cửu, không bao giờ mai một; Vương quốc của Người sẽ chẳng hề suy vong, khác hẳn với mọi vương quốc. Nó sẽ ăn hết toàn cõi đất, sẽ dẫm nát và nghiền tan” (Đn 7,14). + Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ: Hội Thánh phải dùng quyền Đức Giê-su ban để nhân danh Người mà làm cho muôn dân trở thành môn đệ của Người. Trước hết là dân Do Thái (x. Mt 10,5-6), rồi đến mọi dân nước trên thế giới (x. Mt 8,11). +Làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần: Để người ta trở nên môn đệ Đức Giê-su, các Tông đồ phải làm phép rửa tái sinh họ bằng nước và Thần Khí (x. Ga 3,3.5). Phép rửa được cử hành nhân danh Chúa Ba Ngôi là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần (x. Mt 28,19).

-C 28,20: +Dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em: Sứ mệnh các Tông đồ gồm cả quyền dạy dỗ các tín hữu cho tới khi Hội Thánh đạt tới tình trạng viên mãn (x. Ep 1,23).+Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế: Chúa Phục Sinh hứa sẽ luôn ở trong Hội Thánh cho đến tận thế nhờ Thánh Thần và qua các mục tử, để giúp Hội Thánh chu toàn sứ mệnh “được sai đi”. Như vậy Đức Giê-su chính là “Đấng Em-ma-nu-en: Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (Mt 1,23).

4.CÂU HỎI: 1)Tại sao chỉ có mười một Tông đồ hiện diện lúc Chúa lên trời? 2)Số phận của Giu-đa Ít-ca-ri-ốt thế nào sau khi phản nộp Thầy? 3)Tại sao Chúa Phục Sinh truyền cho các Tông đồ trở về Ga-li-lê? 4)Ngọn núi Chúa truyền cho các Tông đồ đến là núi nào? 5) Mấy kẻ còn hoài nghi gồm những ai và hoài nghi về điều gì? 6) Đức Giê-su đã từ chối quyền hành trên các nước thế gian do Xa-tan hứa ban khi nào? 7) Đức Giê-su đã được ai trao toàn quyền trên trời dưới đất, như vậy ứng nghiệm với sấm ngôn của vị Ngôn sứ nào? Lời tuyên sấm ấy nội dung ra sao? 8) Sau khi thâu nạp môn đệ, Hội Thánh có sứ vụ phải làm gì cho họ? 9) Làm thế nào để loan báo Tin Mừng cách hữu hiệu cho người lương hôm nay?

II.SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.

2. CÂU CHUYỆN: THÁNH TÊRÊXA HÀI ĐỒNG TRUYỀN GIÁO BẰNG CẦU NGUYỆN:

Têrêsa sinh ngày 02 tháng 01 năm 1873 tại Alecon, Normandie, Pháp. Tên “Têrêsa Hài Ðồng Giêsu” là tên nhận khi khấn Dòng. Têrêsa mồ côi mẹ từ khi chưa lên bốn tuổi, được cha là ông Louis Martin săn sóc và giáo dục chu đáo.

Dù ở tuổi vị thành niên chưa được phép tu Dòng, nhưng Têrêsa khi lên 15 tuổi đã được Ðức Giáo Hoàng Lêô 13 đặc cách cho vào tu trong Dòng kín Carmêlô thành Lisieux, nước Pháp.

Têrêsa chỉ là một nữ tu hèn mọn quanh năm suốt tháng đóng khung trong bốn bức tường nhà tu kín cho đến khi lìa trần ngày 30-9-1897 được 9 năm. Vậy mà 28 năm sau, năm 1925, Ngài đã được Ðức Giáo Hoàng Piô XI tôn phong lên bậc Hiển Thánh. Hai năm sau, lại được đặt làm Quan Thày các Nhà Truyền Giáo và các Xứ Truyền Giáo, cùng với thánh Phanxicô Xaviê. Gần đây Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II còn nâng Têrêsa lên hàng Tiến Sĩ Hội Thánh vào ngày 19 tháng 10 năm 1997.

Thánh nữ Têrêsa Hài Ðồng Giêsu vốn chỉ là một thiếu nữ mọn hèn với một nếp sống vô cùng đơn giản, chưa làm được gì trổi vượt dưới mắt người đời. Nhưng “đằng sau những việc nhỏ bé của con người thấp hèn ấy lại ẩn chứa một tình yêu cao cả”: Yêu mến Chúa, rồi từ Chúa, yêu thương các nhà truyền giáo và các xứ truyền giáo. Những nhọc nhằn, đau đớn dù là nhỏ nhặt nhất từ tâm thần đến thể xác, thánh nhân đều âm thầm chịu đựng tất cả, dâng lên Chúa mọi điều khốn khó để cầu cho hạt giống Phúc Âm do các nhà truyền giáo gieo vãi được đâm chồi nẩy lộc khắp thế giới. Làm việc truyền giáo trong bốn bức tường, truyền giáo bằng cầu nguyện, bằng những việc hy sinh hãm mình, Têrêsa gọi đó là “những bông hồng nhỏ” dâng lên Chúa Giêsu Hài Ðồng để xin cho lương dân các xứ truyền giáo sớm nhận biết Chúa.

Phần thưởng cao trọng nhất đã được dành cho một thiếu nữ hèn mọn nhất được Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II quả quyết: “Thánh Têrêsa Hài Ðồng Giêsu là vị Thánh trẻ nhất được tôn vinh danh hiệu Tiến Sĩ Hội Thánh. Tuy nhiên con đường thiêng liêng của Thánh nhân chứng tỏ sự trưởng thành sung mãn nơi Ngài. Cảm nhận đức tin còn lưu lại trên bút tích của Thánh nhân là cuốn “Tự Thuật” quả thực rất sâu rộng, khiến Ngài xứng đáng được liệt vào hàng ngũ các bậc thầy về tu đức của Hội Thánh Công Giáo như: Các thánh Tôma Aquinô, Augustinô, Grêgôriô Cả, Phanxicô Salêsiô, thánh nữ Catarina, thánh nữ Têrêsa Avila...

Thánh Têrêsa Hài Ðồng Giêsu, Tiến Sĩ Hội Thánh, Bổn Mạng các Xứ Truyền Giáo chính là tấm gương sáng cho giới trẻ về cách thức truyền giáo hôm nay bằng cuộc sống tin yêu “Con thơ phó thác” mọi sự trong tay Chúa quan phòng.

3. THẢO LUẬN: Theo các cách thức truyền giáo của Chúa Giêsu, các Tông Đồ và Hội Thánh Sơ Khai, thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, thánh Têrêsa Canquýtta, thánh Phanxicô Xaviê… Bạn thấy cách truyền giáo nào phù hợp với hoàn cảnh xã hội hôm nay nhất? Tại sao?

4. SUY NIỆM:

1) SỨ VỤ PHẢI RAO GIẢNG TIN MỪNG:

a) Hãy đi rao giảng Tin Mừng khắp thế gian:

Chúa Giêsu đã truyền cho các môn đệ trước khi lên trời: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28,19). Đây là một sứ vụ đẹp lòng Thiên Chúa như ngôn sứ Isaia tuyên sấm: "Đẹp thay, những bước chân đi truyền rao Tin Mừng ơn cứu độ". Thánh Phaolô Tông đồ cũng nói: “Làm sao họ kêu cầu Đấng họ không tin ? Làm sao họ tin Đấng họ không được nghe ? Làm sao mà nghe, nếu không có ai rao giảng ? Làm sao rao giảng, nếu không được sai đi ?” (Rm 10,14-15). Nơi khác, Phaolô cho thấy đây là sứ vụ phải làm với bất cứ giá nào: “Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1 Cr 9,16).

b) Nội dung rao giảng Tin Mừng là gì?

Vào lễ Ngũ Tuần, Thánh Thần đã xuống ơn và thúc đẩy các tông đồ ra khỏi nhà tiệc ly rao giảng và làm chứng về Chúa Giêsu như tông đồ Phêrô: “Chính Đức Giêsu đó, Thiên Chúa đã làm cho sống lại, về điều này, tất cả chúng tôi xin làm chứng”. (Cv 2,32).

Vậy, theo lệnh truyền của Chúa Giêsu, nội dung mà các tông đồ phải rao giảng và làm chứng là: Dạy những điều Chúa Giêsu đã truyền, làm chứng về mầu nhiệm sự chết và sống lại của Chúa Giêsu. Thánh Phaolô cũng viết trong thư gửi giáo đoàn Côrintô : “Trước hết, tôi truyền lại cho anh em điều mà chính tôi đã lãnh nhận, đó là : Đức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng như Lời Kinh Thánh, rồi Người đã được mai táng, và ngày thứ ba đã trỗi dậy, đúng như Lời Kinh Thánh” (1 Cr 15,3-4). Ngài cũng đã soạn thảo việc giảng dạy bắt đầu từ Mầu Nhiệm Phục Sinh khi giảng về sự khôn ngoan của thập giá (1 Cr 1,23), về phép rửa là tham dự vào sự chết và sự sống lại của Đức Giêsu (Rm 6,1-8).

2) PHẢI RAO GIẢNG TIN MỪNG NHƯ THẾ NÀO ?:

a) Các phương cách rao giảng Tin Mừng:

- Một là bằng lời nói: Đức Giêsu đến miền Galilê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa, Người nói : “Thời kỳ đã mãn, và Triều đại của Thiên Chúa đã đến gần” (Mc 1,15). Người tín hữu cần nói về Chúa khi có dịp. Giới thiệu những phim Kinh Thánh hoặc truyện các thánh…

- Hai là mời gọi người lương gặp Chúa: Như dụ ngôn ông vua mời gọi mọi người đến tham dự tiệc cưới Nước Trời (x. Mt 22,1-10), chúng ta cũng hãy mời gọi người lương quen biết đến với các sinh hoạt đạo đức như đi hành hương Đức Mẹ, tham gia các sinh hoạt hội diễn văn nghệ giới trẻ, các buổi hội thảo hôn nhân gia đình, đi làm công tác bác ái từ thiện tại vùng sâu vùng xa…

- Ba là nêu gương sáng để lôi cuốn người khác: Cộng đoàn Hội Thánh tại Giêrusalem tiên khởi tuy không gửi các sứ giả đi loan báo Tin Mừng, nhưng nhờ lối sống yêu thương phục vụ lẫn nhau giữa Cộng Đoàn, khiến họ thán phục và tự nguyện gia nhập ngày một thêm đông.

- Bốn là gây ảnh hưởng trên người thân như men trong bột, ánh sáng chiếu soi và muối mặn: Tông đồ Phêrô đã dạy các bà vợ có chồng ngoại giáo cách gây ảnh hưởng như sau : “Chị em là những người vợ, chị em hãy phục tùng chồng, như vậy, dù có những người chồng không tin Lời Chúa, thì họ cũng sẽ được chinh phục nhờ cách ăn nết ở của chị em mà không cần chị em phải nói lời nào, vì họ thấy cách ăn nết ở trinh tiết và cung kính của chị em” (1 Pr 3,1-2).

b) Cần áp dụng phương pháp cụ thể phù hợp cho con người hôm nay?

a) Theo thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu:

Thánh Têrêxa đã truyền giáo tại chỗ bằng lời cầu nguyện và làm những việc bác ái hãm mình nhỏ bé. Tuy là nữ tu dòng kín, sống trong bốn bức tường tu viện, nhưng chị đã được Hội thánh phong làm bổn mạng các xứ truyền giáo ngang hàng với thánh Phanxicô Xaviê. Chị thánh Têrêxa không giảng về Chúa bằng lời nói nhưng bằng lòng ước ao của một con tim cháy lửa yêu mến, bằng việc chu toàn các việc bổn phận hằng ngày nhưng bằng một cách thức phi thường, nghĩa là làm mọi việc với Chúa và vì lòng yêu mến Chúa.

Mỗi người chúng ta hôm nay cũng cần noi gương thánh Têrêxa để năng dâng những lời nguyện tắt kèm theo nhưng việc bác ái hãm mình để cầu nguyện cho việc truyền giáo: “Lạy Chúa, con xin làm việc hãm mình này để cầu xin cho một người bạn lương dân sớm nhận biết tin yêu Chúa và được hưởng ơn cứu độ giống như con”.

b) Theo Mẹ thánh Têrêxa Canquýtta:

Thánh Têrêxa Canquýtta đã âm thầm loan báo Tin Mừng bằng những cử chỉ nhân ái với những người bệnh tật cùng khổ và bị bỏ rơi. Mẹ đã đi nhiều nơi trên thế giới để thành lập nhiều cộng đoàn tu viện theo lý tưởng thừa sai bác ái của Mẹ, lập ra nhiều nhà mở để tiếp đón các bệnh nhân gần chết không nơi nương tựa, không phân biệt tôn giáo mầu da tiếng nói… Việc bác ái từ thiện của Mẹ Têrêxa Canquýtta đã đánh động lương tâm của nhiều người trên thế giới, để thực hiện Trời Mới Đất Mới không còn đau khổ bệnh tật chiến tranh thù hận chết chóc…

Mỗi người chúng ta hôm nay cũng phải thể hiện lòng bác ái yêu thương ngay trong gia đình ruột thịt, khu xóm, xứ đạo và môi trường xã hội chung quanh. Không nhất thiết phải làm những việc lớn lao tốn phí nhiều tiền bạc, mà chỉ cần làm những việc nhỏ bé vừa tầm của mình như ân cần thăm hỏi, chia sẻ giúp đỡ thực tế vật chất tinh thần, phục vụ những con người cụ thể bằng những gì đang có, hợp tác với những người thiện chí dù khác biệt chính kiến, tôn giáo… để biến thành một phong trào bác ái yêu thương như ý Chúa muốn.

c) Theo thánh Phanxicô Xaviê Bổn Mạng các xứ truyền giáo:

- Hãy năng tham dự các buổi Hiệp Sống Tin Mừng để trang bị cho mình vốn liếng Lời Chúa, nhờ Lời Chúa soi dẫn và Thánh Thần thúc đẩy, chúng ta cũng có thể đi bất cứ đâu như vùng sâu vùng xa đồng bào dân tộc, đến với các trại nuôi người già, trại cùi, cô nhi viện, v.v… để chu toàn sứ vụ loan Tin Mừng của Chúa cho tha nhân, noi gương thánh Phanxicô Xaviê.

- Cần năng cầu xin ơn Thánh Thần giúp, vì nếu không có ơn Chúa, chắc chắn chúng ta không thể thành công trong việc truyền giáo vì vượt quá tầm sức tự nhiên của chúng ta.

d) Theo Chúa Giêsu và các Tông đồ thời Hội Thánh Sơ Khai:

Tất cả các cách thế truyền giáo của các vị thánh nói trên đều hàm chứa trong Tin Mừng, mà mỗi người tín hữu chúng ta cần khám phá để ứng dụng phù hợp trong cuộc sống như sau:

- Cần giới thiệu Chúa cho tha nhân: Dù mỗi tín hữu chúng ta chưa thể rao giảng giáo lý được như các linh mục, tu sĩ nam nữ, nhưng chúng ta vẫn có thể chia sẻ cảm nghiệm bình an hạnh phuc gặp Chúa của mình cho những người chưa biết Chúa, như Tin Mừng thuật lại: Anrê sau khi gặp Thầy Giêsu đã đi dẫn em là Simon đến với Đức Giêsu; Hay như Philipphê đã đưa bạn là Nathanaen đến gặp Đức Giêsu…

- Cần đi bước trước tiếp cận người lương: Đức Giêsu đã đến với người phụ nữ Samari và mở lời xin chị cho nước uống, rồi sau đó Người đã nói với chị về Nước Hằng Sống. Từ ban đầu là một người phụ nữ, Người đã vào làng và rao giảng Tin Mừng cho cả dân làng.

- Cần gây thiện cảm trước khi trình bày về Chúa: Noi gương Đức Giêsu chúng ta cũng nên tìm hiểu người đối diện và chỉ nên nói về Chúa nếu người đối diện muốn tìm hiểu và sẵn sàng lắng nghe.

- Góp phần làm cho xã hội được tốt đẹp hơn cũng là một cách loan báo Tin Mừng cách hữu hiệu: Kitô giáo phải góp phần xây dựng một thế giới hòa bình và huynh đệ, công bằng và ấm no, nơi nhân phẩm con người được tôn trọng, bóng tối ích kỷ hận thù bị đẩy lui. Mỗi người tín hữu cần sử dụng tài năng Chúa ban để đưa tinh thần bác ái Kitô giáo thấm nhập vào phim ảnh, bài hát, kịch nghệ, văn chương, hội họa, điêu khắc… hầu giúp nhiều người nhận biết tin yêu Chúa.

- Cũng cần cấp thời canh tân phương cách loan báo Tin Mừng cho phù hợp và hữu hiệu hơn với mỗi con người và trong từng hoàn cảnh khác nhau.

- Hãy năng đọc kinh Hòa Bình của thánh Phanxicô để xin ơn Chúa biến đổi chúng ta trở thành khí cụ bình an của Chúa, nên chứng nhân tình yêu của Chúa cho mọi người.

Ðức Phaolô VI đã khẳng định: "Con người thời đại ngày nay thích nghe các chứng nhân hơn là những thầy dạy, và nếu họ có nghe thầy dạy thì cũng bởi vì những thầy dạy này là các chứng nhân".

5. LỜI CẦU:

- Lạy Chúa Giêsu, Tình Yêu của con, nếu Hội Thánh được ví như một thân thể gồm nhiều chi thể khác nhau, thì hẳn Hội Thánh không thể thiếu một chi thể cần thiết nhất và cao quý nhất, là Trái Tim, một Trái Tim bừng cháy tình yêu. Chính tình yêu làm cho Hội Thánh hoạt động. Nếu trái tim Hội Thánh vắng bóng tình yêu, thì các tông đồ sẽ ngừng rao giảng, các vị tử đạo sẽ chẳng chịu đổ máu mình...

- Lạy Chúa Giêsu, cuối cùng con đã tìm thấy ơn gọi của con chính là tình yêu. Con đã tìm thấy chỗ đứng của con trong lòng Hội Thánh: Nơi trái tim Hội Thánh con sẽ là tình yêu, và như thế con sẽ là tất cả. Vì tình yêu bao trùm mọi ơn gọi trong Hội Thánh. Lạy Chúa, với chỗ đứng Chúa ban cho con, mọi ước mơ của con chắc chắn sẽ được thực hiện.

(Dựa theo lời cầu nguyện của thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu)

LM ĐAN VINH - HHTM
 
Cầu nguyện bằng tâm tình phó thác và tạ ơn
Lm Jude Siciliano OP
20:06 21/10/2016
Chúa Nhật 30 THƯỜNG NIÊN (C)
Huấn ca 35: 12-14;Tvịnh 33; 2 Timôthê 4: 6- 8,16-18; Luca 18: 9-14

CẦU NGUYỆN BẰNG TÂM TÌNH PHÓ THÁC VÀ TẠ ƠN


Vậy lời cầu nguyện của người Pharisêu có gì lạ? Ngủỏ̀i Pharisêu là một ngủỏ̀i tốt, làm nhủ̃ng việc tốt hỏn lề luật tôn giáo đòi hỏi. Ông ta để ý đến nhủ̃ng sụ̉ dủ̃ xung quanh và dâng lời cám ỏn Thiên Chúa là ông ta không nhúng tay vào nhủ̃ng việc đó nhủ: "bao nhiêu kẻ khác, tham lam, bất chính, ngoại tình…" Ông ta là một ngủỏ̀i tốt. Ông còn điều gì nủ̃a để cám ỏn Thiên Chúa về đỏ̀i sống tốt và công chính của ông ta đâu. Vì sao? Ông ta còn sống tốt hỏn nhủ̃ng đòi hỏi của lề luật Do thái hồi thế kỷ thủ́ nhất. Lỏ̀i cầu nguyện của ông ta nghe ngay thật. Một ngủỏ̀i tốt cám ỏn Thiên Chúa vì đỏ̀i sống tốt của mình. Vậy thì có điều gì lạ lùng đâu? Chúng ta biết có điều lạ lùng là vì Chúa Giêsu dạy dụ ngôn vỏ́i cặp mắt xét xủ̉ ngủỏ̀i Pharisêu tốt bụng.

Chúng ta cũng thấy rằng trong bài đọc thủ́ hai, thánh Phaolô nói đến nhủ̃ng điều ông đã đạt được trong đủ́c tin: "tôi đã đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp, đã chạy hết chặng đủỏ̀ng, đã giủ̃ vủ̃ng niềm tin". Thật ra là Phaolô còn mong đủọ̉c giải thủỏ̉ng "vòng hoa dành cho ngủỏ̀i công chính". Vì sao Phaolô lại không bị chê bai về việc khoe khoang đỏ̀i sống tốt lành của ông ta nhủ ngủỏ̀i Pharisêu đã làm?

Một ngủỏ̀i bạn tôi buôn bán nhà đất, vủ̀a nói đến châm ngôn nghề nghiệp ông ta: "Có 3 điều quan trọng khi mua nhà: nỏi chốn, vị trí, và vị thế". Chúng ta có thể áp dụng châm ngôn đó cho 2 ngủỏ̀i trong dụ ngôn hôm nay. Nỏi chốn mang dấu chỉ cho việc gì đang xảy ra. Hãy chú ý đến lỏ̀i ngủỏ̀i Pharisêu và ngủỏ̀i thu thuế trong Đền Thỏ̀ khi họ cầu nguyện.

Ngủỏ̀i Pharisêu lên Đền Thỏ̀, nhủng ông ta không cầu nguyện chung vỏ́i cộng đoàn. Ông ta đủ́ng riêng ra một mình, dâng lỏ̀i kinh, dùng tủ̀ ngủ̃ nói về ông ta: "Con" không nhủ…, "Con" ăn chay…, "Con" dâng cho Chúa một phần mủỏ̀i thu nhập v.v. Ông ta không đến Đền Thỏ̀ để cùng vỏ́i nhủ̃ng anh chị em Do thái khác để cầu nguyện vỏ́i nhau. Ông ta tự tách riêng ra khỏi nhủ̃ng ngủỏ̀i khác. Ông ta giủ̃ "vị thế" của ông ta, và nỏi đó không có nhủ̃ng ngủỏ̀i khác, nhủ: ngủỏ̀i đau yếu, ngủỏ̀i cần đủọ̉c giúp đỏ̃, ngủỏ̀i tội lỗi, ngủỏ̀i bị loại ra ngoài xã hội v.v… Về phần thiêng liêng, ông ta cũng tách rỏ̀i ra khỏi nghủ̃ng ngủỏ̀i khác. Mỗi năm lề luật chỉ buộc ăn chay một lần thôi, là ngày Đền Tội. Nhủng ngủỏ̀i Pharisêu ăn chay một tuần hai lần. Ông ta kể cho Thiên Chúa biết đỏ̀i sống của ông ta tốt lành nhủ thế nào. Ít ra chúng ta cảm thấy nhủ thế. Nhủng, lỏ̀i cầu nguyện của ông ta chú trọng đến ông ta chủ́ không hề biết đến Thiên Chúa. Thật ra Thiên Chúa không can thiệp gì đến đỏ̀i sống ông ta. Ông ta không cần Thiên Chúa để nên một ngủỏ̀i xủ́ng đáng tốt lành trong tôn giáo của ông ta.

"Vị thế" của ngủỏ̀i thu thuế cũng xa các ngủỏ̀i khác, nhủng vỏ́i lý do khác. Ngủỏ̀i thu thuế có thể bị nhủ̃ng ngủỏ̀i trong cộng đoàn khinh chê. Thật ra thì nhủ̃ng ngủỏ̀i thu thuế cũng là ngủỏ̀i Do thái làm việc để đủọ̉c một đỏ̀i sống an toàn, bằng cách thu thuế dân Do thái cho ngủỏ̀i La mã. Hãy để ý cách ngủỏ̀i thu thuế xủng hô. Ông ta không dùng tủ̀ "tôi". Ông ta không phải là chủ động trong lỏ̀i nguyện. Chính Thiên Chúa mỏ́i là chủ động. Thiên Chúa làm việc và ngủỏ̀i thu thuế là ngủỏ̀i lãnh nhận. "Lạy Chúa, xin thủỏng xót con là kể tội lỗi". Ông ta không chú trọng đến việc làm của ông ta, tốt hay xấu. Ông ta tín nhiệm vào lòng thủỏng xót củ̉a Thiên Chúa.

Chúa Giêsu khen thái độ khiêm nhủỏ̀ng của ngủỏ̀i thu thuế. Ngủỏ̀i thu thuế tụ̉ biết mình, ông ta không tỏ vẽ khác mình. Ông dụ̉a vào Thiên Chúa làm cho ông ta điều gì ông không tụ̉ mình làm đủọ̉c. "Lạy Thiên Chúa, xin thủỏng xót con là kẻ tội lỗi". Ông ta không xin Thiên Chúa thủỏng xót vì ông ta đã làm đủọ̉c điều gì. Ông lại không nài xin lòng thủỏng xót của Thiên Chúa soi chiếu những gì ông ta cần, nhủng ông ta cậy tín là Thiên Chúa sẽ ban cho ông ta.

Nhủ̃ng ngủỏ̀i nghe Chúa Giêsu có thể ngạc nhiên về dụ ngôn này. Họ có thể ca ngọ̉i ngủỏ̀i Pharisêu vì đỏ̀i sống của ông ta. Nhủng dụ ngôn diễn tả sụ̉ tủỏng quan thật sụ̉ giủ̃a chúng ta vỏ́i Thiên Chúa. Chúng ta không đáng đủọ̉c hủỏ̉ng ỏn huệ của Thiên Chúa, mặc dù việc làm của chúng ta tốt lành đến đâu đi nủ̃a, nhủng chúng ta dụ̉a vào lòng thủỏng xót và tha thủ́ của Thiên Chúa.

Dụ ngôn là một câu chuyện dạy cho ngủỏ̀i đạo đủ́c, nhất là nhủ̃ng ai trong chúng ta đang thuộc về hàng giáo phẩm, hay là giáo dân có chủ́c vụ. Chúng ta cần phải tỉnh thủ́c nghĩ đến nhủ̃ng nghèo hèn của đỏ̀i sống thiêng liêng của chúng ta. Trong bổn phận phục vụ những ngủỏ̀i đang cần đủọ̉c giúp đỏ̃, chúng ta có thể đặt chúng ta xa cách nhủ̃ng ngủỏ̀i mà chúng ta phục vụ. Đó là "vị trí" không tốt đẹp cho ngủỏ̀i môn đệ của Đấng ăn uống vỏ́i phủỏ̀ng tội lỗi. Tình thủỏng yêu của Thiên Chúa mà chúng ta tuyên xủng có thể trỏ̉ thành tự thương cảm cho chúng ta. Chúng ta có thể nhìn vào nhủ̃ng ỏn huệ mà Thiên Chúa ban cho chúng ta nhủ phần thủỏ̉ng cho thái độ của chúng ta. Cũng nhủ ngủỏ̀i Pharisêu, lỏ̀i cầu nguyện của chúng ta có thể trỏ̉ thành một lỏ̀i tụ̉ khen ngọ̉i mình. Khi ngủỏ̀i Pharisêu ra khỏi Đền Thỏ̀ ngày hôm đó, có lẻ ông ta hài lòng, nhủng ông ta không chắc là được tốt hỏn lúc trước khi ông bủỏ́c vào Đền Thỏ̀ để cầu nguyện. Lỏ̀i cầu nguyện của ông ta không phải là một lỏ̀i bày tỏ vỏ́i Thiên Chúa, để được lãnh nhận điều Thiên Chúa có thể ban cho ông ta. Thế nên lỏ̀i cầu nguyện của ông ta không đủa đến sụ̉ hiệp thông trọn vẹn vỏ́i Thiên Chúa. Nhủng ngủỏ̀i thu thuế khi ra khỏi Đền Thỏ̀ đủọ̉c lại được thay đổi vì ỏn huệ của Thiên Chúa.

Nhủ̃ng ai trong chúng ta có thể cảm thấy "vị thế" của mình xa cách nhủ̃ng ngủỏ̀i công chính trong cộng đoàn giáo hủ̃u vì chúng ta là nhủ̃ng ngủỏ̀i mỏ́i đến, nhủ̃ng ngủỏ̀i đã ly dị, nhủ̃ng ngủỏ̀i đồng tình luyến ái, nhủ̃ng ngủỏ̀i vô nghề nghiệp, nhủ̃ng ngủỏ̀i nghèo nàn, nhủ̃ng ngủỏ̀i thuộc chủng tộc hay màu da khác cần nghe lỏ̀i Chúa Giêsu dạy về ngủỏ̀i thu thuế. Có thể chúng ta không nhận biết được giá trị của chúng ta trong cộng đoàn, nhủng Chúa Giêsu nhắc nhỏ̉ chúng ta là trủỏ́c mặt Thiên Chúa chúng ta có giá trị như nhau vì ngủỏ̀i hạ mình xuống sẽ đủọ̉c nhắc lên. Là cộng đoàn giáo hủ̃u chúng ta cần nnỏ́ lại lỏ̀i Chúa Giêsu trong khi chúng ta nhìn đến nhủ̃ng ngủỏ̀i ngồi ỏ̉ các dãy ghế sau trong nhà thỏ̀, hay nhủ̃ng ngủỏ̀i ngồi ở các hàng ghế sau trong xã hội.

Hãy để ý "vị trí" của thánh Phaolô. Lúc ông viết cho đồ đệ Timôthê là khi ông đang ỏ̉ trong tù chỏ̀ đọ̉i sụ̉ chết. Phaolô bị bạn bè ruồng bỏ. Nhủng sụ̉ tín nhiệm của Phaolô dụ̉a vào Thiên Chúa không vi nhủ̃ng việc xủ́ng đáng của ông ta, nhủng vì Thiên Chúa là Đấng "đã cho Phaolô thoát khỏi mọi hành vi hiểm độc, Đấng sẽ củ́u và đủa Phaolô vào vủỏng quốc của Thiên Chúa ỏ̉ trên trỏ̀i". Cũng nhủ ngủỏ̀i thu thuế, Phaolô không phải là chủ động trong lỏ̀i kinh. Phaolô là ngủỏ̀i thủ̀a hủỏ̉ng, ngủỏ̀i lãnh nhận lòng thủỏng xót của Chúa Kitô. "Chúc tụng Thiên Chúa vinh hiển đến muôn thuỏ̉ đỏ̀i đỏ̀i. Amen". Phaolô đã chọn "vị trí" đúng. Phaolô là ngủỏ̀i thủ̀a hủỏ̉ng ỏn huệ của Thiên Chúa, và ông ta biết. Vì thế Phaolô luôn luôn chúc tụng Thiên Chúa.

Chúa Giêsu dạy dụ ngôn này cho nhủ̃ng ai "biết mình là ngủỏ̀i công chính". Trong tiến Anh ngủ̃ tủ̀ "công chính" có nghĩa tiếng dội của âm thanh. Chúng ta không thích nhủ̃ng ngủỏ̀i "tụ̉ mình nên công chính" nhủ ngủỏ̀i Pharisêu. Nhủng, trong Kinh thánh, ngủỏ̀i công chính là ngủỏ̀i có sự hiệp thông trọn vẹn vỏ́i Thiên Chúa. Thật, đó là điều chúng ta mong muốn phải không? Phaolô đang mong đọ̉i "vòng hoa dành cho ngủỏ̀i công chính trao thủỏ̉ng cho mình", ngủỏ̀i công chính trung thành vỏ́i lỏ̀i giao ủỏ́c. Phaolô cho mình là ngủỏ̀i công chính không phải vì nhủ̃ng việc ông ta đã làm, nhủng bỏ̉i đủ́c tin dụ̉a vào Chúa Giêsu. Đủ́c tin đó làm cho Phaolô nên ngủỏ̀i "công chính".

Phaolô biết đó là ỏn huệ của Thiên Chúa, và bỏ̉i thế Phaolô không nghĩ mình là "ngủỏ̀i tụ̉ nên công chính". Trong dụ ngôn, ai là ngủỏ̀i trỏ̉ thành "công chính" trủỏ́c mắt Thiên Chúa? Đó là ngủỏ̀i thu thuế, là ngủỏ̀i có tủỏng quan đúng vỏ́i Thiên Chúa. Không phải vì việc làm xủ́ng đáng của ông ta nhủ ngủỏ̀i Pharisêu, ăn chay và dâng một phần mủỏ̀i thu nhập, nhủng là bỏ̉i ỏn huệ của Thiên Chúa mà ông ta xủ́ng đáng hủỏ̉ng.

Chuyển ngữ: FX. Trọng Yên, OP




30th SUNDAY -C-

Sirach 35: 12-14, 16-18; Psalm 34; 2 Timothy 4: 6-8. 16-18; Luke 18: 9-14

So, what’s wrong with the Pharisee’s prayer? He’s a good man who does more than religious obligation requires. He observes the evils of the world around him and gives thanks to God that he is not part of it, like "the rest of humanity, greedy dishonest, adulterous…." He is a very good man. What’s more he thanks God for his good behavior and upright life. Why, he even exceeds the religious demands of first century Judaism! His prayer sounds right: a good man thanking God for his good behavior. What’s the problem? We know there is a problem because Jesus is obviously telling this parable with a critical eye towards the good Pharisee.

We also note that in the second reading Paul enumerates his own accomplishments in the faith, "I have completed well; I have finished the race, I have kept the faith." In fact, he’s even looking forward to his reward, "the crown of righteousness awaits me…." Why isn’t Paul criticized for extolling his good life the way the Pharisee is?

A real estate friend recently quoted the famous dictum of his profession, "There are three things that count when buying a house: location, location and location." We can apply a similar guide to the two characters in today’s parable. Location is a clue to what is happening. Notice where the Pharisee and tax collectors are located as they pray.

The Pharisee went to the Temple, but he isn’t there praying with his community. He is by himself praying prayers in the first person singular. His prayer is full of "I’s" – I am not… I fast… I pay tithes… Etc." He has not come to be with and pray with his Jewish brothers and sisters. He is not praying for his community, or those in need. He is detached from anyone else. He has taken up "his position," and it is not a place that includes others – the needy, sick, sinners, outcasts etc. He also separates himself spiritually from others. There was only one required fast each year – the Day of Atonement. But he fasts twice a week. He is in crediting God for his laudatory life – at least it seems so, but the prayer’s focus is on himself, not God. God really doesn’t play any part in his life. He doesn’t need God at all to be an outstanding and recognized religious person.

The tax collector’s location is also apart from others, but for a different reason. He would have been despised by his community. After all, tax collectors were Jewish men who made their living, a very comfortable living, raising taxes from the Jews for the Romans. Note his grammar. He is not praying in the first person, singular – "I". He is not the subject of his prayer, God is. God is doing the work and he is a recipient of God’s mercy. "Oh God, be merciful to me, a sinner." He is not focusing on his actions, good or bad, he’s trusting in God’s mercy.

Jesus extols the tax collector’s humility: he knows himself, does not pretend to be anything other than himself. He relies on God to do for him what he can’t do for himself, "Oh God, be merciful to me a sinner." He can’t claim mercy based on his merits. But he can ask for it because he needs it and trusts God will give it to him.

Jesus’ listeners would have been surprised by this parable. They would have held the Pharisee in high regard by the evidence of his life. But the parable presents our proper relationship before God, not merited by any human action, however grand, but based on God’s merciful gift of forgiveness.

The parable is a cautionary tale for religious people, especially those of us in public ministry, ordained or lay. We have to be awake to our own spiritual poverty. In our service to others in need we might set ourselves apart serving "them." Not a good "location" for a disciple of the One who kept company and ate with sinners. The love of God which we profess can turn into self-love. We can look upon the gifts we have from God as rewards for our behavior. Like the Pharisee our prayer can easily become a boast. When the Pharisee left the Temple that day he may have felt satisfied, but he certainly wasn’t any different from the person he was when he entered and began to pray. His prayer was not an openness to God and the change God might want to bring about in him. He may have felt content as he left the Temple that day, but his prayer didn’t result in any growth in his relationship with God. But the tax collector left changed by God’s grace.

Those of us who might feel our "location" is apart from the upright members of the church, because we are newcomers, divorced, gay, unemployed, poor, racially and ethnically apart, need to hear Jesus’ words about the tax collector. We might not always experience our worth in the community, but Jesus reminds us of our worth before God – the humble will be exalted. As a church community we need to remember Jesus’ words as we look around at the folks physically or socially in the back pews of our parish church, or the "back pews" of our local community.

Note Paul’s "location." He’s writing to his disciple Timothy from prison, anticipating his death. He was ejected, abandoned by his companions. His trust in God isn’t based on his own merits, but on the Lord who, "will rescue me from every evil threat and will bring me safe to his heavenly kingdom." Like the tax collector Paul is not the subject of the sentence, he is the object, that is, the recipient of Christ’s graciousness. "To him be glory forever and ever. Amen." Paul has chosen the right "location" – he is on the receiving end of God’s graciousness, and he knows it. For that he continually praises God.

Jesus addressed the parable to "those who were convinced of their own righteousness." The English word "righteousness" has a negative sound. We don’t like people who are "self righteous" – like the Pharisee. But in the Bible a righteous person is in right relations with God. Isn’t that what we want? Paul is anticipating the "crown of righteousness" that awaits him. A righteous person has been faithful to the covenant. Paul credits his righteousness not from any work he can take credit for, but from his faith in Jesus. That faith makes him "righteous."

He knows it is a gift from God – and so he is not self-righteous. In the parable who turns out to be righteous, or just, in God’s eyes? It’s a tax collector who is in right relations with God, not because of any work he has done, like the Pharisee’s fasting and tithing, but by God’s gift – a gift he did nothing to earn.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Donald Trump và Hillary Clinton, những kiểu hình sa ngã của bản chất con người
Phạm Đình Ngọc SJ
15:32 21/10/2016
Donald Trump và Hillary Clinton, những kiểu hình sa ngã của bản chất con người

Giống như nhiều bạn, dù không ngạc nhiên, tôi thật buồn sầu vì đoạn băng được phát tán gần đây; trong đó Donald Trump văng ra những lời thô tục đối với phụ nữ. Tuy nhiên, điều xúc phạm đến tôi nhiều hơn khi chứng kiến làm thế nào những Kitô hữu lại phớt lờ điều ấy để bảo vệ và ém nhẹm hành vi của Trump.

Khi diễn tả nỗi thất vọng của tôi vì truyền thông xã hội đề cập đến hành vi của Donald Trump, tôi tố cáo bà Hillary là người ủng hộ phá thai và bàng quan với vấn đề phò sự sống. Một người gọi tôi là “kẻ phản bội”, và kẻ khác gọi tôi là một “ma-sơ giả mạo”. Tôi bị đồn rằng tôi cần được trừ tà, và một người quả quyết với tôi rằng tôi chịu trách nhiệm về việc ném những Kitô hữu vào các trại tập trung. Và phản ứng này là nguy hại so với trách nhiệm mà người khác nhận.

Khi Kitô hữu ngoảnh mặt với bất cứ hình thức tội lỗi nào hơn là tiếng gọi tiên tri với con người tự nhiên để đến một lý tưởng cao hơn, thì chúng ta hạ thấp sứ điệp Tin mừng. Điều này quan trọng hơn hết trong cuộc tranh cử lần này vì chúng ta có hai ứng viên, hành xử của họ thường minh họa điều mà Kitô hữu được mời gọi để loại bỏ. Cả Hillary Clinton và Donald Trump là những tấm gương tội lỗi của chính chúng ta và không xa với bản chất sa ngã của chúng ta, của văn hóa và đất nước chúng ta có thể rơi vào. (Xin lưu ý rằng tôi không có ý quy chụp hay phán xét về luân lý của hai ứng viên tổng thống của chúng ta trước mặt Thiên Chúa, chỉ có Ngài mới biết lương tâm của ta, nhưng đơn giản tôi chỉ xem xét hành vi cụ thể của họ.)

Khởi đầu, Adam ngượng ngùng cả với Eva và Thiên Chúa khi ông ăn trái cấm: “Người đàn bàn Ngài cho ở với con, đã cho con trái cây ấy – nên con ăn.” (St 3, 12)

Eva phản kháng đơn sơ rằng: “Con rắn đã lừa dối con, nên con ăn.” (St 3, 14).

Cả hai ứng viên tổng thống của chúng ta minh chứng rằng họ đang lệch lạc trong hướng đi và lấp liếm hơn là hoán cải. Tuy nhiên, hành vi của Trump và Hillary thường vượt xa so với những “hợp lý hóa” của Adam và Eva; cả hai thẳng tiến tới chủ tâm phỉnh gạt của con rắn. Hillary Clinton theo đường lối thận trọng, đó có vẻ như là cơ hội chính trị (the email debacle involved lie after calculated lie). Ngược lại, những phủ nhận của Donald Trump dường như thường xuyên và bột phát hơn là tính hợp lý. Ông ta phủ nhận những sự kiện, chứng cớ rõ ràng trên truyền hình quốc gia mà bất cứ ai cũng thấy. Và những “biện bạch” của ông ấy cuối cùng đương nhiên là với lời bào chữa và lấp liếm.

Khi Đức Chúa nghe lời biện minh của Adam và Eva, và Ngài thấy họ thiếu lòng hối cải, Ngài đã trục xuất họ ra khỏi vườn Địa đàng.

Thiên Chúa cảnh báo Eva về những hệ quả của tội nguyên tổ gây nên, “Ngươi sẽ thèm muốn chồng ngươi và nó sẽ thống trị ngươi.” (St 3, 16).

Cuộc sống của Donald Trump minh họa cho sự thống trị này, lạm quyền và thiếu khách quan về phụ nữ mà Đức Chúa đã cảnh báo Eva là việc ấy sẽ xảy ra. Trump rời bỏ những bà vợ của ông ta không chỉ một, mà đến hai lần. Sự khoác lác của ông ta về những lần ngoại tình của mình. Ông ấy đã có nhiều “comments” quấy rối tình dục trẻ vị thành niên, gồm chính con gái của mình. Và trong suốt cuộc tranh cử, khi cuộc đàm tiếu lên cao độ, Trump dường như không thể tránh khỏi lời nhạo báng, hăm dạo và có những nhận xét thô tục đến phụ nữ. Hành vi liên tiếp của Donald Trump minh chứng cụ thể cách mà một vài sai lầm người đàn ông gây cho phụ nữ.

Cách tương tự, Hillary Clinton minh họa cho sự sa ngã của người đàn bà trong việc chối bỏ thiên chức của người nữ. Khi chính Hillary thừa nhận bà ta thà lạnh lùng hơn là ấm áp và cảm thông. Không còn nghi ngờ, điều này liên quan đến tham vọng của bà để thể hiện sự lạnh lùng trong giới chính trị của đàn ông. Nhưng chính bức tường thành ấy khiến bà ta trả giá cho cả tính chân thực của phụ nữ và thế giới quan về luân lý của con người. Sự phủ nhận thiên chức người phụ nữ của bà ta diễn tả sâu xa hơn chính trong việc ủng hộ phá thai (một giải pháp thuận lợi cho người đàn ông vốn có lối sống giống như Donald Trump.) Hillary cũng phỉ báng ơn gọi thiên chức làm mẹ của người phụ nữ (không chỉ thuộc về sinh học) khi bà ta chứng tỏ rằng các bào thai có thể được phá bỏ trước khi chúng được sinh ra. Và (…) bà ta cười nhạo người đàn bà cáo buộc Donald Trump lạm dụng tình dục trong khi tấn công người phụ nữ trước đây cáo buộc chồng bà.

Khi Adam và Eva lần đầu phạm tội, hành vi của họ lập tức trở nên ích kỉ bởi cuộc sống của họ chẳng chú trọng đến Đức Chúa nữa.

Hillary và Trump điển hình cho hành vi được xem như trung tâm của điều sai trái, đặc biệt khi nó liên quan đến tiền và quyền. Ví dụ, cả hai đều quản lý “những tổ chức từ thiện”, dường như làm ít hơn là để phục vụ cho những lợi ích của chính họ. Trump dùng tổ chức của mình để hối lộ cơ quan công quyền và mua một bức họa “6 bàn chân cao khổng lồ”, chân dung của chính ông ta. Thực vậy, Trump không đóng góp tiền của mình vào quỹ từ thiện cách đây trên 5 năm. Tương tự, khi Hillary là ngoại trưởng Hoa Kỳ, tuyên bố của Bill Clinton rằng khoản tiền đã tăng gấp đôi và trong vài trường hợp đã tăng gấp ba, điều này gây ra nhiều lẫn lộn. Về việc 154 người gặp bà Hillary khi bà còn là ngoại trưởng, có ít là 85 người ủng hộ cho quỹ Clinton Foundation. Điều ấy không hợp pháp đối với người nước ngoài ủng hộ cho những chiến dịch chính trị trong nước Mỹ; tuy nhiên Hillary đã chấp nhận nguồn tài trợ nước ngoài đổ vào quỹ Clinton Foundation từ nhiều quốc gia, bao gồm cả Saudi Arabia. Điều này chỉ thành vấn đề khi việc rò rỉ email từ chiến dịch Clinton giễu cợt người Công Giáo.

Hành vi và đạo đức đáng đặt thành vấn đề của Donald Trump và Hillary Clinton rõ ràng là rất đau đớn. Cả hai người đều đáng bị loại bỏ như là những ứng cử viên tổng thống. Tiếc thay, nước chúng ta chia rẽ đến nỗi chúng ta không thể hòa hợp được sau sự kiện cụ thể này. Thay vào đó, người dân tiếp tục bám víu vào những ứng cử viên vốn là những bóng ma của thời đại. Một vài người bào chữa hoặc phất lờ những sai lầm nghiêm trọng của ứng viên mà họ ưu tiên, và họ đã nổi xung khi ứng viên kia làm điều sai trái.

Nhưng người Kitô hữu được mời gọi để ứng xử kiểu khác. Chúng ta được mời gọi để bước ra ngoài những cảnh huống của chính trị và để quan sát họ với tầm nhìn của lịch sử cứu độ. Chúng ta được mời gọi để nên những tiên tri, để chỉ ra những tội lỗi khi chúng ta thấy nó. Không may, giống như Adam và Eva, nhiều người trong chúng ta đáng lẽ chống lại và tác động đến từng ứng viên của chúng ta. Chúng ta là những con người sa ngã và dễ mất niềm hy vọng vào sứ điệp nền tảng của Tin mừng. Chúng ta quên mất bản chất con người được mời gọi để làm điều gì đó tốt hơn nhờ sức mạnh của cuộc tử nạn và phục sinh của Đức Kitô.

Khi cuộc bầu cử này đến, ai trở thành tổng thống không thành vấn đề, chúng ta sẽ bước vào kỷ nguyên vô cùng khó khăn nơi đất nước chúng ta. Tôi hy vọng rằng người Kitô hữu sẽ dành nhiều giờ cầu nguyện cho việc hoán cải của tân tổng thống hơn là phê phán ông ta hay bà ta. Và tôi hy vọng chúng ta sẽ học những bài học sau đây: Chúng ta sẽ không bao giờ tìm được ơn cứu độ nơi đảng phái chính trị; và chúng ta nên là những người biện hộ và là những người cổ vũ nhu mì duy chỉ cho Đức Giêsu Kitô mà thôi.

Bài viết của sơ Têrêsa Aletheia Noble

Chuyển ngữ từ aleteia.org: Phạm Đình Ngọc SJ
 
Tin tốt lành: Hàng loạt các thị trấn Kitô Giáo được giải phóng khỏi tay quân khủng bố Hồi Giáo IS
Đặng Tự Do
16:16 21/10/2016
Nhà thờ Thánh Matthêu


Sáng sớm ngày thứ Năm 20 tháng 10, quân Kurd và quân Iraq đã đồng loạt mở các cuộc tấn công trên khắp các mặt trận phía Đông, phía Bắc và phía Nam thành phố Mosul. Hàng loạt các thị trấn Kitô Giáo đã được giải phóng khỏi tay quân khủng bố Hồi Giáo IS.

Phóng viên Reuters tường trình từ mặt trận cho biết như sau:

Tại thị trấn Bartella, quê hương của đông đảo các tín hữu Kitô nghi lễ Assyrô, cách Mosul 9km về phiá Đông, quân đội Iraq và quân Kurd đã vấp phải một sự chống cự quyết liệt của bọn khủng bố Hồi Giáo IS. Đến trưa ngày thứ Sáu 21 tháng 10, thị trấn hoàn toàn im bặt tiếng súng.

Bước vào nhà thờ Thánh Matthêu, ngôi nhà thờ lớn nhất của thị trấn này, trong 2 năm qua đã bị quân khủng bố Hồi Giáo IS biến thành một trại huấn luyện, Thiếu Tướng Maan Saadi đã cho binh sĩ giật chuông liên hồi báo hiệu chiến thắng.

Tiếng súng tiểu liên, súng cối và tiếng rít của bom đạn tại thị trấn Bartella đã được thay thế tạm thời vào trưa ngày thứ Sáu bởi một âm thanh chưa được nghe trong hơn hai năm qua: đó là tiếng ngân vang của chuông nhà thờ.

Tướng Maan Saadi nói trong chương trình truyền hình trực tiếp về Erbil, nơi đông đảo Kitô hữu đang hồi hộp theo dõi chiến dịch giải phóng quê hương họ.

“Chúc mừng anh chị em Kitô hữu. Bartella vừa được giải phóng. Chúng tôi đã kiểm soát hoàn toàn thị trấn này. Anh chị em có thể nghe thấy tiếng chuông nhà thờ đã được ngân vang.”

Bartella từng là quê hương của 30,000 Kitô hữu Assyrô. Thị trấn này đã bị bỏ hoang từ tháng 8 năm 2014, khi người dân cuối cùng bỏ chạy về Erbil.

Khi chiếm được Mosul và vùng phụ cận vào ngày 10 tháng Sáu năm 2014, cái gọi là Nhà nước Hồi giáo, đã ban hành một tối hậu thư cho các Kitô hữu: hoặc là nộp thuế, hoặc là chuyển sang đạo Hồi, hoặc là chết vì gươm. Hầu hết, các cư dân của Bartella, đã bỏ chạy về phía khu vực tự trị của người Kurd.

Bọn khủng bố Hồi Giáo IS đã loại bỏ cây thánh giá trên đỉnh tháp chuông của tất cả các nhà thờ trong vùng, đập phá các tượng ảnh. Các quân nhân trong lữ đoàn Kitô Giáo đã rước một tượng Đức Mẹ vẫn còn nguyên vẹn, được tìm thấy trong nhà dân, vào trong nhà thờ Thánh Matthêu.

Sàn nhà thờ đầy rác rưởi, các ghế dài bằng gỗ bị lật đổ và sách hát bị xé nát.

Trong một nghĩa trang kế bên nhà thờ, bọn khủng bố Hồi Giáo IS đặt một giàn phóng tên lửa về phía các lực lượng Iraq.

Một tòa nhà chính quyền kế bên nhà thờ cũng bị hư hại một phần, các cửa sổ trống toác, và một số phòng cháy hết.

Bọn khủng bố Hồi Giáo IS đã viết nguệch ngoạc cờ thánh chiến đen của chúng trên một bức tường trước nhà thờ.

Trong một căn phòng khác, có thể là một lớp học giáo lý trước đây, người ta còn thấy những vết tích của một lớp học về việc dùng các loại vũ khí, các chiến thuật quân sự và các bài học về Hồi giáo. Một tấm bảng khác chỉ ra các điểm yếu về thể chất trên cơ thể con người, bắt đầu với đôi mắt và mũi.

Con đường tiến vào Bartella đầy những tàn tích của trận chiến: vỏ đạn, các thiết bị nổ tự chế, các mảnh bom đạn và xe cộ cháy bên đường.

Bọn khủng bố Hồi Giáo IS đã tung ra hơn một chục xe bom tự sát nhằm cản đường tiến của quân giải phóng trong buổi sáng ngày thứ Năm, trước khi rút lui vào các tòa nhà để bắn tỉa.

Tướng Maan Saadi nói với các phóng viên trong cuộc họp báo tại nhà thờ Thánh Matthêu rằng bọn khủng bố Hồi Giáo IS tử thủ trong thị trấn đã bị tiêu diệt hoàn toàn.

Hơn 80 chiến binh thánh chiến đã bị giết chết trong trận chiến. Một số không đếm được bị giết trong các địa đạo đào sâu trong lòng đất.

Tướng Maan Saadi cho biết thêm là các ngôi nhà thờ khác trong vùng bị bọn khủng bố Hồi Giáo IS chất đầy chất nổ nên không an toàn cho các phóng viên thăm viếng.

Gần đó Qaraqosh, thị trấn Kitô giáo lớn nhất của Iraq, tiếng súng giao tranh vẫn còn ác liệt.
 
Tòa thánh tái tục các cuộc thảo luận với Đại học Azhar Al Ai Cập
Đặng Tự Do
17:05 21/10/2016
Tòa thánh Vatican đã công bố việc tái tục các cuộc đối thoại chính thức với Đại học Azhar Al Ai Cập, là học viện thần học hàng đầu thế giới của Hồi giáo Sunni.

Một phái đoàn các quan chức Vatican do Đức Giám Mục Miguel Ayuso Guixot, thư ký của Hội đồng Giáo hoàng về Đối thoại Liên tôn đến Cairo hôm 22 tháng 10, một ngày trước cuộc họp diễn ra ngày 23 tháng 10 với các viên chức của Al Azhar. Trong cuộc hội thoại này hai bên sẽ chuẩn bị cho một cuộc họp tiếp theo tại Rôma. Vatican công bố rắng hội nghị tại Rôma “rất có thể sẽ diễn ra vào cuối tháng Tư năm 2017,”.

Al Azhar đã tham gia vào cuộc đối thoại thường xuyên với Tòa Thánh cho đến năm 2011, khi các giáo sĩ Ai Cập phản đối nhận xét của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 lên án sự đàn áp các Kitô hữu tại Cairo. Kế hoạch tiếp tục trao đổi thường xuyên đã được công bố vào đầu năm nay, và cuộc thảo luận không chính thức vào tháng Bảy đã mở đường cho việc công bố hôm 21 Tháng Mười rằng các quan chức sẽ nối lại các cuộc đàm phán.
 
Đức Hồng Y Müller viết cuốn sách mới về Đức Bênêđictô XVI và Đức Phanxicô
Vũ Văn An
17:41 21/10/2016
Đức Hồng Y Gerhard Müller, Tổng Trưởng Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, vừa viết một cuốn sách mới nói về Đức Bênêđíctô XVI và Đức Phanxicô, lưu ý người đọc tới trọng điểm của hai vị: “độc tài duy tương đối” và “hoàn cầu hóa dửng dưng”.

Trong cuốn sách tựa là Bênêđíctô và Phanxicô, Các Vị Kế Nhiệm Phêrô trong Việc Phục Vụ Giáo Hội, Đức Hồng Y Tổng Trưởng đã đưa ra “một cuộc phân tích và một sự suy nghĩ thành thực” về các thách thức mà các xã hội và nền văn hóa đương thời đang đặt ra cho Giáo Hội dưới ánh sáng hai triều giáo hoàng.

Theo các nhà xuất bản của nó, đây là một cuốn sách bao gồm nhiều bài tiểu luận bàn về “vai trò của ngôi vị giáo hoàng ngày nay, giá trị của chủ nghĩa thế tục đối với Kitô hữu, sự lưỡng phân biểu kiến giữa tính duy nhất của Giáo Hội do Chúa Giêsu Thành Nadarét lập ra và tính đại kết, và ơn gọi phổ quát làm tông đồ và nên thánh giữa các đòi hỏi của ‘tân phúc âm hóa’”.

Các nhà xuất bản này cũng cho rằng “Trước các điển hình trên, các vị giáo hoàng, trong đó có Đức Bênêđíctô XVI và Đức Phanxicô, mỗi người đáp ứng bằng một đặc sủng riêng, được tác giả muốn nhấn mạnh”.

Trong các tiểu luận của ngài, Đức Hồng Y Müller muốn phân tích xem, với cảnh “khủng hoảng trầm trọng của con người thời ta” và thế giới “mỗi ngày xem ra mỗi tiến tới điểm tan tác” do “chủ nghĩa yêu mình thái quá và càng ngày các tranh chấp hoàn cầu càng gia tăng”, Tin Mừng có thể được tái khám phá, “được nhập thân như thế nào qua các thế kỷ thuộc Truyền Thống của Giáo Hội”. Điều này giúp Giáo Hội thi hành “sứ mệnh có tính bí tích của mình quanh vị Giám Mục Rôma, ngọn hải đăng duy nhất có thể giúp con người”.

Trong một đoạn văn ngắn, các nhà xuất bản trích dẫn lời của Đức Hồng Y Müller viết rằng “trong ‘nền độc tài duy tương đối’ và trong ‘việc hoàn cầu hóa dửng dưng’, nói theo các kiểu nói của Đức Bênêđíctô XVI và Đức Phanxicô, các biên giới giữa chân và giả, giữa thiện và ác, đã trở nên lẫn lộn”.

Ngài viết thêm rằng: “thách thức đối với hàng giáo phẩm và đối với mọi chi thể của Giáo Hội là chống lại sự lây lan tinh thần thế gian và các chứng bệnh thiêng liêng của thời ta”.

Tính liên tục và sự phê phán

Đức Hồng Y Müller thường cố gắng nối kết tính liên tục giữa Đức Bênêđíctô và Đức Phanxicô, nhưng cũng đồng thời phê phán một số yếu tố và khuynh hướng trổi vượt trong Giáo Hội.

Có lẽ các điều trên được thấy rõ nhất trong một bài nói chuyện ít được phổ biến của ngài tại Chile cách nay một năm. Trong bài nói chuyện này, Đức Hồng Y nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc các giám mục tái khẳng định sự hợp nhất của các ngài với Đức Giáo Hoàng, nhưng cũng cảnh giác trước “sự du nhập của một số yếu tố của chủ nghĩa Thệ Phản cấp tiến” trong Giáo Hội.

Về các hội đồng giám mục, ngài cho rằng các hội đồng này không nên trở thành “một thứ chính phủ trung ương trên thực tế của Giáo Hội” tại một quốc gia đặc thù. Trích dẫn Thánh Gioan Phaolô II, Đức Hồng Y nói rằng các hội đồng này hiện hữu để “giúp các giám mục, chứ không thay thế các ngài”, nhưng “một cái hiểu nghèo nàn” thuộc bản chất thần học về một định chế tương đối mới đã dẫn tới nguy cơ các hội đồng này tự khoác cho mình một “phong thái tổ chức kiểu cộng đồng Cải Cách”. Lúc ấy, các hội đồng này trở nên tương tự như “một Giáo Hội quốc gia”, có khả năng xác định “một số nhấn mạnh nào đó về nội dung và thủ tục” bắt chương trình mục vụ của các giáo phận phải thích ứng theo.

Đức Hồng Y Müller cũng nói tới các nguy hiểm của chủ nghĩa duy tương đối trong Giáo Hội, lưu ý mọi người rằng tuyên bố Dominus Jesus năm 2000 đã bị một số giới thần học bác bỏ ra sao và chủ nghĩa duy tương đối đã dẫn tới một thứ “chủ nghĩa chiết trung tôn giáo” như thế nào. Ngài cũng nhận định rằng chủ nghĩa này đã “tác động lên mối liên hệ với các hệ phái Kitô Giáo” như thế nào, khiến dẫn tới một thứ đại kết mà trong một số trường hợp đã bác bỏ cả sứ điệp Kitô Giáo chân thực để tuyên xưng “các chân lý tôn giáo hoàn toàn tự nhiên”. Hậu quả là các chân lý nhân học nền tảng về con người nhân bản đã trở thành “tan loãng”, nhất là các ý niệm đặc trưng Kitô Giáo về “nhân vị, hôn nhân và sự sống”.

Ngài nhận định thêm: “sự bất đồng thần học” trong lãnh vực luân lý Công Giáo, luôn là mối quan tâm của Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, đã “hiện diện cách đặc biệt” trong các thập niên gần đây. Ngài nhắc nhở các giám mục và các giáo sĩ rằng vì được “ủy thác nhiệm vụ duy trì, giải thích và truyền bá Lời Thiên Chúa”, các ngài phải “can đảm và mạnh bạo sửa sai các lầm lạc”, thậm chí phải dùng các phương tiện truyền thông đại chúng để làm việc này.

Đức Hồng Y Müller nhiều lần nhắc tới Chỉ Thị Donum Veritatis năm 1990 của Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, một chỉ thị dạy rằng “thần học quan trọng đối với Giáo Hội mọi thời để Giáo Hội có thể đáp ứng kế hoạch của Thiên Chúa ‘Đấng muốn mọi người được cứu rỗi và tiến tới chỗ biết sự thật’ (1Tm 2:4)”.

Đức Hồng Y cũng phê phán ảnh hưởng bất xứng của các khoa học nhân văn đối với thần học, và việc các nhà bất đồng đôi khi nại tới một “thứ lý luận xã hội học để chủ trương rằng ý kiến của số lớn các Kitô hữu nói lên một cách trực tiếp và thỏa đáng ‘cảm thức đức tin siêu nhiên’”.

Về “cảm thức đức tin” hay cảm thức tín hữu này, ngài nói “không thể đồng hóa hoàn toàn và một cách đơn giản các ý kiến của tín hữu với cảm thức đức tin”. Vì cảm cảm thức đức tin vốn là “đặc tính của đức tin đối thần, và vì là hồng ơn của Thiên Chúa, giúp người ta đích thân gắn bó với Sự Thật, nên không thể sai lầm”.

Đức Hồng Y cũng ghi nhận sự “biến mất hay thiếu đánh giá cao tầm quan trọng của ơn thánh trong đời sống thiêng liêng”, một điều kết cục sẽ “dị hình hóa mục đích của các bí tích, việc cầu nguyện và giáo huấn truyền thống của Giáo Hội đối với Kitô hữu và đời sống ơn gọi”.

Ngoài ra, ngài còn nhấn mạnh tới sự quan trọng của “giáo huấn thỏa đáng trong nội dung Sách Giáo Lý” mà theo ngài, nói theo ngôn từ của Đức Gioan Phaolô II, “là một dụng cụ có giá trị và hợp pháp để hiệp thông Giáo Hội và là chuẩn mực chắc chắn để giảng dạy đức tin”.
 
Tuyên bố của Tòa Thượng Phụ Babylon về chiến dịch giải phóng Mosul
J.B. Đặng Minh An dịch
17:51 21/10/2016
Hôm 21 tháng 10, Đức Hồng Y Louis Sako, là Thượng Phụ Công Giáo nghi lễ Chanđê, một Giáo Hội hiệp thông trọn vẹn với Tòa Thánh đã ra một tuyên bố bảo đảm lời cầu nguyện của ngài cho quân đội Iraq và đồng minh trong chiến dịch giải phóng Mosul. Ngài cũng kêu gọi hòa giải, đoàn kết quốc gia, tránh các hình thức trả thù sau khi tái chiếm được Mosul.

Tòan văn tuyên bố của Đức Thượng Phụ như sau:


Trước hết, chúng tôi xin kính chào quân đội dũng cảm đáng tự hào của Iraq, các lực lượng cảnh sát liên bang, các chiến binh người Kurd, các lực lượng tổng trừ bị và các lực lượng liên quân đang chung vai giải phóng Mosul và các thị trấn trong vùng Nineveh. Chúng tôi khẳng định sự ủng hộ của chúng tôi cho nhiệm vụ cao cả và khó khăn này và bảo đảm lời cầu nguyện hàng ngày của chúng tôi xin Chúa Toàn Năng bảo vệ anh chị em.

Chúng tôi mong mỏi rằng tất cả các khu vực bị chiếm đóng của Iraq sớm được giải phóng một cách nhanh chóng với những thiệt hại tối thiểu về nhân mạng và vật chất. Chúng tôi cầu mong cho việc loại bỏ các loại bom mìn sớm được thực hiện để đẩy nhanh tiến trình tái thiết ngõ hầu cho phép các gia đình di dời có thể trở về cố hương, đặc biệt là trong bối cảnh mùa đông sắp ập đến.

Trong biến cố trọng đại này của quốc gia chúng ta, chúng tôi kêu gọi tất cả những người dân Iraq hãy theo đuổi một lựa chọn khó khăn nhất, đó là một sự hòa giải thực sự cần thiết để duy trì sự hiệp nhất của quê hương chúng ta và bảo vệ cuộc sống của những người dân đã quá kiệt sức bởi cuộc xung đột đang diễn ra. Họ đang mong muốn được đảm bảo quyền công dân đầy đủ, sự bình đẳng về quyền và nghĩa vụ cũng như sự tôn trọng các quyền con người.

Họ mong muốn và chờ đợi một quê hương cho tất cả các công dân thuộc mọi tín ngưỡng, sắc tộc, và một quốc gia ổn định, trong đó các mối quan hệ dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau, chấp nhận sự khác biệt và thẳng thừng bác bỏ mọi hình thức cuả chủ nghĩa cực đoan.

Xin Chúa ban Hòa bình cho Iraq.
 
Top Stories
Thailande: Pour les Thaïlandais, le roi de Thaïlande est perçu comme un Bouddha en devenir
Eglises d'Asie
11:22 21/10/2016
Le choc émotionnel profond ressenti par une grande majorité des Thaïlandais après la mort du roi Bhumibol Adulyadej le 13 octobre, après un règne de soixante-dix ans, s’enracine en partie dans une conception bouddhique de la royauté, laquelle fait du monarque un dhammaraj – un roi dhammique (1) – mais aussi un Bodhisatta, un être moralement supérieur sur le point de devenir un Bouddha.

Le modèle de la royauté bouddhique tel qu’il existe en Thaïlande et dans les autres pays du bouddhisme Theravada est basé sur le règne de l’empereur indien Asoka, lequel a régné de 269 à 232 avant l’ère chrétienne. Selon ce concept, le roi doit régner selon les enseignements du Bouddha et selon les dix vertus royales : générosité, moralité, sens du sacrifice, honnêteté, gentillesse, contrôle de soi, calme, non-violence, tolérance et fermeté. Le dhammaraja est roi parce qu’il a accumulé un vaste capital de mérites lors de ses vies précédentes grâce à ses actes de générosité et de sacrifice durant ses nombreuses existences passées.

L’idée selon laquelle le roi est aussi un Bodhisatta – un être humain supérieur qui, du fait de son capital important de mérites, a été réincarné pour régner et va devenir un Bouddha dans le futur – est apparue au Siam – tel qu’était alors nommée la Thaïlande – au XVIIIe siècle, particulièrement après la destruction de la capitale du Siam, Ayutthaya, par les armées birmanes en 1767. La base épigraphique de cette idée du roi-Bodhisatta est l’un des récits des vies antérieures du Bouddha, le Jataka Vessantara (2). Dans ce récit, le prince Vessantara est exilé de son royaume à cause de sa très grande générosité, même envers des étrangers, pour finalement, revenir d’exil et être nommé roi après voir montré une capacité de sacrifice extrême jusqu’à faire don de ses enfants et de sa femme à des brahmanes.

La caractérisation du roi comme étant une personne ayant accumulé un capital extraordinaire de mérites, selon la loi du karma, débouche sur une conséquence logique : un roi qui a « épuisé ses mérites », par exemple parce qu’il ne règne pas selon les enseignements du Bouddha, ne mérite pas de régner. Il s’ensuit qu’une rébellion contre un tel roi est justifiée. Un texte bouddhique ancien, l’Akanya Sutta, et le Traité des Trois Mondes – un traité de cosmologie qui date de la période du royaume de Sukhotai (1240-1438) – justifient implicitement le renversement de roi dépourvu de mérites ou qui ne se conforme pas aux règles bouddhiques.

On retrouve trace de ce concept dans l’article 10 de la Loi de succession de 1924 (toujours en vigueur), lequel stipule que « celui qui monte sur le trône doit être pleinement respecté par la population » et qu’un « membre la famille royale que la population estime détestable doit être écarté de la succession ».

Au XVIIIe et XIXe siècles, l’idée d’un roi-Boddhisatta a eu pour conséquence la corrélation entre stratification sociale et hiérarchie morale : ceux qui étaient au sommet de la hiérarchie sociale – le roi, mais aussi les aristocrates, les moines révérés, les marchands pieux – étaient « moralement bons » et ceux qui étaient en bas de l’échelle – esclave et paysans – « moralement calamiteux ».

Les menaces de colonisation du Siam par la France et l’Angleterre à partir du dernier tiers du XIXe siècle ont amené les monarques d’alors, notamment le roi Chulalongkorn (règne : 1868-1910) à marginaliser l’utilisation du Jataka Vessantara comme base idéologique de la monarchie, pour adopter un profil de monarchie constitutionnelle « civilisée » sur le modèle européen. Mais l’idée du roi-Bodhisatta est restée prégnante dans les esprits et les provinces thaïlandaises.

Le renversement de la monarchie absolue en 1932 a aussi contribué à affaiblir cette idée du roi possesseur d’un barami (qualité morale) supérieur du fait de sa générosité et de son sens du sacrifice. L’idée est restée toutefois influente jusqu’à aujourd’hui au sein de la bureaucratie, souvent très conservatrice. L’idée de confier le pouvoir et de choisir le leader du pays au peuple – donc à une catégorie de personnes moralement corrompues et ignorantes – lui est anathème.

L’idéologie du roi-Bodhisatta a été remise à l’honneur à partir de la fin des années 1950, lorsque le dictateur Sarit Thanarat (au pouvoir de 1957 à 1963) s’est rendu compte qu’il pouvait établir une relation mutuellement bénéfique avec le jeune monarque, le roi Bhumibol Adulyadej, monté sur le trône dix ans plus tôt. Avec l’appui des militaires, de la bureaucratie, des organes de relations publiques du gouvernement et des grandes entreprises sino-thaïlandaises, l’image d’un roi dévoué à son peuple, sillonnant sans cesse le pays pour soulager les peines des plus démunis a été construite sur la base de la personnalité d’un souverain par ailleurs sans aucun doute créatif, énergique et soucieux du bien-être de la population.

La plupart des Thaïlandais sont imprégnés de ces notions mêlant royauté et religion bien qu’ils n’en connaissent ni l’origine ni les détails. « Le roi est la source de la culture thaïlandaise, tout émane de lui, la manière de vivre, la manière de penser, y compris le bouddhisme », indiquait l’ancien Premier ministre, de sang royal, Kukrit Pramoj dans le documentaire de la BBC « Soul of a Nation » (1979). Pour les Thaïlandais, il y a identité entre la personne du roi et la religion bouddhique, ou du moins les valeurs attachées à cette religion. Dit en d’autres termes par un universitaire, « le roi représente pour les Thaïlandais le bien absolu, mais aussi la stabilité. Une fois qu’il disparaît physiquement, les Thaïlandais perdent leurs repères, un peu comme s’ils flottaient dans l’espace. Ils ne savent pas ce qui va se passer ». (eda/ad)

(1) Dhamma (depuis le pali : धम्म) ou Dharma (depuis le sanskrit : धर्म). Cf. http://www.dhamma.com/fr/
(2) Thailand’s Theory of Monarchy, de Patrick Jory, State University of New York Press, 2016.

(Source: Eglises d'Asie, le 21 octobre 2016)
 
Vietnam: La Conférence épiscopale appelle les chrétiens à secourir les provinces du Centre-Vietnam ravagées par les inondations
Eglises d'Asie
11:24 21/10/2016
Le Centre-Vietnam n’en finit pas de souffrir… Après la pollution de son environnement maritime, c’est l’intérieur des terres qui est, depuis une semaine, ravagé par des pluies diluviennes. Mgr Nguyên Chi Linh, président nouvellement élu de la Conférence des évêques catholiques du Vietnam, vient d’alerter les chrétiens du Vietnam et d’ailleurs sur la gravité des dégâts subis dans la région.

Selon le témoignage des victimes rapporté par certains blogs, il s’agit des pires inondations jamais connues par le Centre-Vietnam. Depuis le vendredi 14 octobre, des pluies diluviennes se sont abattues sur le Nghê An, le Ha Tinh, le Quang Binh. A partir du 17 octobre, la presse officielle a comptabilisé les dégâts causés par l’inondation : plusieurs dizaines de morts, des dizaines de milliers de maisons détruites, des milliers d’hectares de cultures saccagés sans compter les dégâts causés aux infrastructures par les eaux. La lettre de la Conférence épiscopale, traduite ci-dessous, reprend toutes ces statistiques établies par les services officiels.

La presse officielle, comme les radios étrangères et des sites indépendants ont rapporté que la catastrophe causée par les pluies torrentielles a été passablement aggravée par le délestage des eaux effectué en pleine tourmente par le complexe hydroélectrique de Hố Hô, situé entre les deux provinces de Ha Tinh et de Quang Binh. La polémique sur cet événement a fait rage tout au long de la semaine. Tout récemment, un haut fonctionnaire du pouvoir central a, semble-t-il, donné tort aux responsables de l’usine hydroélectrique.

Après la crue de tous les cours d’eau, la région voit aujourd’hui le niveau des eaux commencer à baisser. Les habitants peuvent constater l’étendue des dégâts, tout en sachant que les quelques millions de dollars promis par l’Etat ne couvriront qu’une infime partie de leurs pertes.

Conférence épiscopale du Vietnam.
Appel à l’aide pour les victimes du typhon au Centre-Vietnam.
Thanh Hoa, le 18 octobre 2016.
A la communauté du peuple de Dieu au Vietnam et à l’étranger.

Comme vous le savez, ces derniers jours, une catastrophe naturelle s’est abattue sur un certain nombre de provinces du Vietnam, depuis la province du Nghê An jusqu’à celle de Thua Thiên-Huê. Le plus fort de cette calamité a touché les provinces de Ha Tinh et de Quang Binh. En raison du réchauffement climatique actuel, des vents puissants et des pluies torrentielles ont plongé la contrée dans une situation de deuil et de profonde tristesse. A la date du 17 octobre 2016, on dénombrait 29 personnes disparues, 121 000 maisons englouties ou emportées par les eaux. De très nombreux dispensaires, hôpitaux, écoles, maisons de retraite, ponts et digues ont été détruits, selon le journal en ligne Dân Tri du 17 octobre 2016. En quelques instants, la vie est subitement devenue un cauchemar douloureux : les récoltes ont été perdues, l’alimentation s’est raréfiée, vêtements et médicaments manquent ; les enfants ne peuvent plus aller à l’école.

Dieu sait quand on pourra retrouver l’ancien mode de vie ! Au nom de la Conférence des évêques du Vietnam, j’appelle toutes les personnes de bonne volonté, tous les prêtres et religieux, toutes les composantes du peuple de Dieu dans notre pays comme à l’étranger à contribuer ensemble à l’assistance de nos compatriotes dans le malheur afin qu’ils puissent surmonter leurs difficultés en ce moment.

C’est une précieuse occasion pour nous de découvrir le visage du Seigneur Jésus dans notre prochain (Mt 25,21-48) conformément aux désirs du pape François pour l’Année sainte de la miséricorde. Plus que jamais, le cri de Jésus demeure dans nos frères et sœurs dépourvus, attendant tous les jours et à toute heure les secours que nous leur apporterons.

Frères et sœurs, il nous faut prier pour que tous ceux qui ont perdu la vie au cours de ces inondations catastrophiques, qu’ils trouvent le repos, et pour que leurs proches retrouvent une vie normale.

Tous ceux qui recevront un don de vous, frères et sœurs, se souviendront toujours que vous avez contribué à les arracher au malheur. Que le Seigneur qui est un Père plein de miséricorde vous récompense au centuple.

Pour le conseil permanent de la Conférence épiscopale,
le président : Mgr Joseph Nguyên Chi Linh, évêque de Thanh Hoa.


(Source: Eglises d'Asie, le 21 octobre 2016)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Gia đình Truyền Thông Giáo phận Banmêthuột mừng bổn mạng
Vũ Đình Bình
12:23 21/10/2016
Gia đình Truyền Thông Giáo phận Banmêthuột mừng bổn mạng - 2016

Xem Hình

Gia đình Truyền Thông Giáo phận Banmêthuột được thành lập ngày 30.10.2010, nhân dịp Hội ngộ Thông tín viên tại Hội trường Nhà thờ Chính tòa. Từ đó, mỗi năm một lần, các thành viên trong Gia đình lại được gặp gỡ nhau mừng lễ bổn mạng kính Các Tổng lãnh thiên thần: Micae, Gabriel và Raphael.

Năm nay, buổi họp mặt tổ chức vào ngày 19.10.2016 tại Nhà thờ Thánh Antôn, Giáo họ Nam Xuân, Giáo xứ Quảng Đà trên địa bàn xã Nam Xuân, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông. Nhà thờ Thánh Antôn được khởi công xây dựng ngày 14.11.2013 và khánh thành vào ngày 10.6.2015. Nơi đây cũng chính là Trung tâm hành hương Đức Mẹ Fatima - Nam Xuân. Linh đài Đức Mẹ tọa lạc trên ngọn đồi cao phía bên trái Nhà thờ. Tượng Đức Mẹ cao 3,7m, tạc bằng đá Mabo nguyên khối (đá cẩm thạch trắng Nghệ An), do nghệ nhân Phêrô Nguyễn Văn Dương (GP. Bà Rịa - Vũng Tàu thực hiện). Đức Cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản, Giám mục Giáo phận Banmêthuột đã chủ sự nghi thức làm phép tượng đài Đức Mẹ Fatima và nhắn nhủ: “Anh chị em hãy thường xuyên đến với Mẹ, Mẹ sẽ trợ giúp cho anh chị em. Vào ngày 13 hàng tháng, Cha Sở và anh chị em hãy đến dâng Thánh lễ tôn vinh Mẹ. Đó cũng là cách chuẩn bị kỷ niệm 100 năm biến cố Đức Mẹ hiện ra tại Fatima (1917 – 2017)”.

Sáng hôm nay, công tác chuẩn bị mừng lễ đã hoàn tất. Ban tiếp tân, Đội trống, Đội múa dân tộc Hmông sẵn sàng đón tiếp, hướng dẫn quý khách và các thành viên ở khắp nơi về họp mặt thật chu đáo. Vào lúc 8 giờ, các thành viên đã hiện diện đông đủ hân hoan chào đón Đức Cha, Ông Đa Minh, Cha trưởng ban, Quý Cha, Quý Tu sĩ và Quý khách.

Buổi họp mặt bắt đầu khai mạc vào lúc 8g30. Sau phần giới thiệu, các thành viên Gia Đình Truyền Thông Giáo phận được Cha Antôn Vũ Thanh Lịch, Trưởng ban VHTT Giáo phận, hướng dẫn học hỏi Sứ điệp Ngày Thế Giới Truyền Thông Xã Hội Lần Thứ 50 của Đức Thánh Cha Phanxicô. Sứ điệp mang chủ đề: Tình yêu là Truyền thông. Cha Trưởng ban diễn giải: Nét đặc trưng của Giáo Hội là Lòng Thương Xót. Từng lời nói và cử chỉ của các thành viên Giáo Hội phải diễn tả được lòng thương xót. Cung cách truyền thông với lòng thương xót là không bao giờ tự cao tự đại, đắc thắng trước đối phương. Không khinh rẻ những người bị thế giới coi như vất đi và loại bỏ. Điều thiết yếu nhất của lòng thương xót là phải lắng nghe. Biết cách lắng nghe là một ân huệ lớn lao mà chúng ta cần cầu xin để nhận được và rồi phải nỗ lực hết sức để thực thi. Truyền thông với lòng thương xót đòi hỏi sự chú tâm lắng nghe nhau, khiến người ta gần gũi nhau. Truyền thông với lòng thương xót giúp kiến tạo sự gần gũi lành mạnh, tự do và huynh đệ trong một gia đình nhân loại duy nhất.

Sau phần học hỏi Sứ điệp, Đức Giám Mục Giáo phận ban huấn từ. Ngài nói về sức mạnh của Truyền thông ngày nay, về tầm ảnh hưởng của các trang mạng. Người làm công tác truyền thông cần phải có tâm trong sáng, phải có chủ đích rõ ràng mang lại lợi ích và an bình cho xã hội.

10 giờ 30, các thành viên Gia đình Truyền thông Giáo phận cùng với hàng ngàn khách hành hương sốt sắng hiệp dâng Thánh lễ đồng tế do Đức Giám Mục chủ tế tôn kính Các Tổng Lãnh Thiên Thần tại linh đài Mẹ Fatima – Nam Xuân. Trong bài giảng lễ, Đức Cha Vinh Sơn giải thích rõ hơn ý nghĩa bài Tin mừng của Thánh Gioan (Ga 1, 47-51) thuật lại câu chuyện gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và Nathanael. Đức Cha nhìn thấy đông đảo khách hành hương cùng về tham dự Thánh lễ mừng bổn mạng với Gia đình Truyền thông Giáo phận, Ngài nhận ra ý Chúa qua Mẹ Maria muốn tất cả mọi người, mọi Kitô hữu đều có trách nhiệm xây dựng hòa bình hòa hợp trong đời sống của mỗi người. (Mời nghe Bài Giảng)

Trước khi kết lễ, Cha Antôn Nguyễn Phi Hùng đại diện đơn vị đăng cai trao lại tượng thánh Micael, biểu tượng luân lưu cho Cha Antôn Vũ Thanh Lịch, Trưởng Ban VHTT. Như vậy, ngày Hội mừng bổn mạng năm 2017, cũng là ngày kỷ niệm 10 thành lập Ban VHTT sẽ được tổ chức tại Tòa Giám mục Banmêthuột.

Sau Thánh lễ, Đức Cha, Quý Cha, Quý khách cùng với Gia đình Truyền thông dùng cơm trưa thân mật ngoài trời dưới những tán dù hoa rực rỡ sắc màu, thưởng thức những món ăn đặc sản Tây Nguyên và các tiết mục văn nghệ của các vùng miền, các hạt, các hội dòng,… trình diễn. Có thể nói, bữa cơm trưa hôm nay là một bữa ăn đặc biệt mà những người tham dự không thể nào quên: Bữa cơm tràn đầy hồng ân và thấm đẫm mưa rừng giữa đại ngàn Đăk Sô hùng vĩ. Những tán dù không ngăn nổi mưa sa, gió ngàn nên thực khách phải mặc áo che mưa, dùng đĩa trái cây hoặc khăn trải bàn để che đầu. Có như thế mới hiểu được đồng bào đang bị lũ lụt ở Miền Trung cơ cực đến dường nào.

13g30 chiều, các thành viên Gia đình Truyền thông lại tiếp tục hội thảo, góp ý kiến xây dựng. Cha trưởng ban VHTT-GP.BMT thành lập nhóm thiết kế logo 50 năm hình thành và phát triển Giáo phận Banmêthuột gồm anh Nguyễn Đức Tiến, Anh Minh (Châu Sơn) và anh Vũ Toàn Năng.

Trời đã về chiều, buổi họp mặt đã kết thúc, nhưng những cơn mưa rừng còn dai dẳng mãi như muốn níu giữ chân mọi người ở lại với vùng đại ngàn Đăk Sô hoang sơ, ở lại với Giáo xứ Quảng Đà, ở lại với cánh đồng truyền giáo bao la Krông Nô, ở lại với Nhà thờ Nâm N’dir đang xây dựng dở dang, ở lại với Giáo họ Nam Thành, Nâm Nung,… nơi các tín hữu đang khát khao có được ngôi Nhà thờ xứng đáng để thờ phượng Chúa.

Vũ Đình Bình
 
Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh gia nhập Đạo Công Giáo
Đồng Nhân
18:15 21/10/2016
Hôm 19/10/2016, Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh đã được Đức Giám Mục Mai thanh Lương làm phép Thánh Tẩy gia nhập Đạo Công Giáo tại nhà thờ Saint Bonaventure Church ở Huntington Beach, California, nhận tên Thánh là Anphongsô. Ông cũng đã được lãnh nhận bí tích Thêm Sức và Thánh Thể cùng ngày. Hiện diện trong dịp trọng đại này có gia đình thân quyến và các bạn hữu lâu năm của ông đến từ xa, và Bác sĩ Nguyễn Ngọc Kỳ là người đỡ đầu trong nghi thức Thánh Tẩy. Trong thánh lễ đồng tế có Cha Mai Khải Hoàn, Cha Cao Phương Kỷ, Cha Trần Đức, phó tế Chu Bình.

Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh là nhà toán học, nhà khoa học không gian xuất sắc của Hoa Kỳ, nhà văn và nghệ sĩ. Ông cũng là cựu Đại tá Tư lệnh Không Quân Việt Nam (1958-1962). Sau khi từ nhiệm quân vụ, ông sang Hoa Kỳ du học.

Ông sinh năm 1930 tại Yên Bái, sinh viên khoa học Hà Nội, động viên theo học Khóa 1 Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức tháng 9.1951; thi đậu vào Trường Võ Bị Không Quân Pháp ở Salon de Provence, 1952; và sau ba năm được huấn luyện ở Pháp và Bắc Phi, tốt nghiệp sĩ quan phi công với nhiều văn bằng đại học trước khi trở về nước phục vụ trong Quân Đội Quốc Gia.

- Tiến sĩ Khoa học Hàng không và Không gian tại Đại Học Colorado vào năm 1965;
- Tiến sĩ Quốc gia Toán học tại Đại Học Paris VI vào năm 1972;

Ông được bầu vào Hàn Lâm Viện Quốc Gia về Hàng Không và Không Gian(Académie Nationale de l' Air et de l'Espace) của Pháp, từ 1984; và Hàn Lâm Viện Không Gian Quốc Tế (International Academy of Astronautics) từ năm 1986.

Trong suốt hai mươi năm (1979- 1999) là phó chủ bút đặc trách môn Cơ Học Vũ Trụ (Astrodynamics) cho nguyệt san Acta Astronautica là tờ báo khoa học chính thức của Hàn Lâm Viện Không Gian Quốc Tế.

Năm 1986 là viện sĩ chính thức của Viện Hàn lâm Không gian Quốc tế (International Academy of Astronautics).

Năm 1998, khi về hưu, được Hội đồng Quản trị (Board of Regents) tại Đại học Michigan phong tặng chức Giáo sư danh dự vì công lao đóng góp cho khoa học và giáo dục.

Trong nhiều năm ông đã được tham gia thuyết trình thỉnh giảng tại rất nhiều đại học lớn cũng như hội nghị quốc tế khắp nơi trên thế giới bao gồm Mỹ, Canada, Anh, Pháp, Áo, Đức, Ý, Hoà Lan, Thụy Sĩ, Na Uy, Thụy Điển, Hungary, Israel, Nhật, Trung Quốc, Đài Loan và Úc.

Về văn học, ông Nguyễn Xuân Vinh lấy bút hiệu Toàn Phong và là tác giả Đời Phi Công, một cuốn sách bán rất chạy và được giải thưởng văn chương toàn quốc năm 1961.

Ông cũng là tác giả cuốn Gương Danh Tướng do Nha Chiến Tranh Tâm Lý, Bộ Quốc Phòng, in năm 1957 và tập tùy bút Theo Ánh Tinh Cầu do nhà sách Đại Nam xuất bản năm 1990.

Khi còn trong quân đội, Toàn Phong đã viết bốn cuốn Sách giáo khoa Toán học bằng tiếng Việt trong đó có hai cuốn do Bộ Quốc Gia Giáo Dục Việt Nam xuất bản.

Ông đã viết hàng trăm tiểu luận về toán, động học không gian (astrodynamics) và tối ưu hóa quỹ đạo (trajectory optimization). Các sách viết bao gồm:
  • Hypersonic and Planetary Entry Flight Mechanics. 1980. Vinh, N. X.; Busemann, A.; Culp, R. D. University of Michigan Press.
  • Optimal Trajectories in Atmospheric Flight 1981. Vinh N. X., Studies in Astronautics 2, Elsevier Scientific Publishing Company, Amsterdam.
  • Flight Mechanics of High-Performance Aircraft. 1993. Nguyen X. Vinh. Cambridge Aerospace Series. ISBN 052134123X


Photos: Kingston Bùi
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Việt Nam sẽ ủng hộ việc Mỹ can dự vào Châu Á- Thái BìnhDương
Dominic David Tran
15:28 21/10/2016
Việt Nam sẽ ủng hộ việc Mỹ can dự vào Châu Á- Thái BìnhDương

Hà Nội: ngày 19/10/2016, theo bản tin cùng ngày của Thông Tấn Xã Công Giáo Á Châu (AsiaNews/Agencies) Thượng Tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ Trưởng Bộ Quốc Phòng Việt Nam đã ra tuyên bố như trên sau buổi họp với một Đoàn Đại diện Mỹ.

Chính Phủ Hà Nội sẽ chấp nhận ảnh hưởng của Hoa Thịnh Đốn trong khu vực này “ miễn là việc ấy sẽ đem lại hoà bình và thịnh vượng càng lâu bền càng tốt.

(Announcement made by General Nguyen Chi Vinh, deputy defense minister, after meeting with an American delegation. Hanoi will accept Washington's influence in the region "as long as it will bring peace and prosperity".)

Tiếp theo những quan hệ ngoại giao hiện đang trở nên lạnh nhạt giữa Mỹ và hai quốc gia Thái Lan và Phi Luật Tân – Hoa Kỳ với tay đến Việt Nam để cắt bỏ mọi tham vọng của Bắc Kinh. (After the cooling of relations with Thailand and the Philippines, the United States reaches out to Vietnam to cut off Beijing’s ambitions.)

Việt Nam sẽ ủng hộ “ việc Mỹ can dự vào khu vực Châu Á- Thái Bình Dương càng lâu bền càng tốt miễn là việc can dự này đem lại hoà bình, ổn định và thịnh vượng”, được

Thượng Tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ Trưởng Quốc Phòng phát biểu sau buổi họp với Cara Abercrombie, Thứ Trưởng Quốc Phòng Đặc trách Nam và Đông Nam Á của Chính phủ Hoa Kỳ.

Lời phát biểu của Thượng Tướng Thứ Trưởng Quốc Phòng Việt Nam được đưa ra vào một thời điểm thật nhạy cảm đối với chính sách của Chính phủ Hoa Thịnh Đốn trong khu vực liên quan, là đã quyết tâm trong sách lược cầm chân Trung Quốc – Trung Quốc hiện đang gia tăng thái độ hung hãn trong các tranh chấp trên vùng biển nằm ở phía Nam Trung Quốc- và nơi mà những quan hệ với vị tân Tổng Thống của Phi là ông Rodrigo Duerte vẫn chưa rõ ràng và chắc chắn. (The words of the general come at a sensitive time for Washington's policy in the region, committed to the containment of China – which is growing increasingly aggressive in the dispute over the South China Sea - and where relations with the new Philippine President Rodrigo Duterteare still uncertain.) . Trong những ngày này Duerte đang ở thăm Trung Quốc với mong đợi tăng cường các quan hệ với Trung Quốc.

Chính phủ Hoa Thịnh Đốn cũng đã đóng băng (frozen the talks) các cuộc tiếp xúc với một đối tác chính khác trong khu vực là Thái Lan, kể từ khi cuộc đảo chính đưa Hội Đồng Quân Nhân lên nắm quyền vào năm 2014.

Một nhân tố bất ổn khác là cuộc bầu cử Tổng Thống Hoa Kỳ đã định vào đầu tháng Mười Một này, đã khắc hoạ thêm nhiều ngờ vực vào chính sách của Hoa Kỳ về tương lai của khu vực này.

Hơn hai năm qua, chuyện lạnh nhạt trong những quan hệ với cả Thái Lan và Phi Luật Tân đã đưa đến kết quả là quan hệ Mỹ-Việt ngày càng gắn bó mạnh hơn. Chính phủ Mỹ và Việt Nam đã tìm được một mục tiêu chung trong sự cần thiết để cầm chân Bắc Kinh trong vấn đề vùng biển ở phía Nam Trung Quốc.

Vào tháng Tám 2015, người đứng đầu Đảng Cộng Sản Việt Nam đã sang thăm Toà Bạch Ốc sau mấy chục năm thầm lặng về ngoại giao (Over the past two years, the cooling of relations with the Philippines and Thailand, have resulted in stronger ties between the US and Vietnam. The nations have found a common goal in the need to contain Beijing in the South China Sea. In August 2015, the head of the Vietnamese Communist Party paid a visit to the White House after decades of diplomatic silence.)

Tháng Năm 2016 vừa qua, ông Barack Obama đã đến thăm Hà Nội, nơi đây Tổng Thống Mỹ đã tuyên bố Hoa Kỳ hoàn toàn dỡ bỏ chính sách cấm vận buôn bán vũ khí cho Việt Nam, kẻ thù thuộc về lịch sử của Hoa Kỳ (its historic enemy).

Vào đầu tháng Mười 2016, hai chiến hạm của Hải Quân Hoa Kỳ đã dừng lại ghé thăm quân cảng quốc tế mới xây dựng xong tại Vịnh Cam Ranh, một sự trở lại mang tính chất biểu tượng của Quân Lực Hoa Kỳ đối với Việt Nam. (In early October, two US warships made stopovers in the new international port of Cam Ranh Bay, in a symbolic return of the US armed forces to Vietnam.)

Dominic David Tran chuyển ý.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Ăn Vụng Quên Chùi Mép
Nguyễn Đức Cung
20:44 21/10/2016
ĂN VỤNG QUÊN CHÙI MÉP
Ảnh của Nguyễn Đức Cung
Chú chim ăn vụng sau nhà
Chủ vườn chụp ảnh trình làng rêu rao
Mong chim thể diện cũng cao
Lần sau chẳng dám đụng vào trái ngon.
(nđc)
 
VietCatholic TV
Thời sự tuần qua 21/10/2016: Hilary Clinton Email Leaks và phản ứng của các Giám Mục Hoa Kỳ
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
00:54 21/10/2016
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Như Đức Thánh Cha Phanxicô đã lặp đi lặp lại nhiều lần, hơn 2000 năm sau khi Chúa Kitô bị đóng đinh trên thập giá, tình trạng bách hại Giáo Hội Ngài chưa bao giờ ngơi, và có lẽ trong thời đại chúng ta đang sống đây, Giáo Hội Chúa Kitô còn gặp nhiều gian nan hơn bao giờ hết. Ở một số nơi người ta công khai lùng giết các tín hữu Kitô, đóng đinh họ trên thánh giá, đầy ải họ vào nơi sa mạc hay chốn rừng thiêng nước độc, xua đuổi họ ra khỏi những mái ấm gia đình, cầm tù hay phân biệt đối xử với họ.

Ở những nơi khác các tín hữu Kitô bị bách hại tuy lặng lẽ, kín đáo hơn nhưng không kém phần nham hiểm và tàn bạo.

Trúc Ly và Hà Thu muốn đề cập đến một diễn biến nổi bật trong tuần qua là việc nhóm Wikileaks tung ra các emails lấy cắp từ hộp thư Gmail cá nhân của John Podesta. Những emails này phơi bày ra ánh sáng tâm tình thù địch với các giáo huấn Công Giáo và các hoạt động của đảng Dân Chủ Mỹ nhằm lũng đoạn Giáo Hội Công Giáo tại Hoa Kỳ.

Ông Podesta là ai? Thưa John Podesta là một quan chức cấp cao của Đảng Dân chủ, là người đã giữ một loạt các vị trí cao cấp. Ông Podesta từng là trưởng phòng nhân viên Tòa Bạch Ốc dưới thời Tổng thống Bill Clinton, một cố vấn cao cấp cho Tổng thống Barack Obama và hiện đang là giám đốc chiến dịch tranh cử của bà Hillary Clinton.

Wikileaks cho biết họ có trong tay khoảng 50,000 emails của Podesta và của chính bà Hillary Clinton. Cho đến nay, nhóm này đã tung ra khoảng 10,000 emails, mỗi ngày một vài ngàn cái. Bà Hilary Clinton và những người điều hành chiến dịch tranh cử của bà cho đến nay vẫn từ chối xác nhận hay phủ nhận tính xác thực của các tài liệu bị rò rỉ này.

WikiLeaks là gì? Thưa, đó là một nhóm phi lợi nhuận của các nhà báo quốc tế theo đuổi mục đích công bố các thông tin bí mật, đặc biệt là các tin tức rò rỉ từ các nguồn vô danh. Trang web của họ, bắt đầu vào năm 2006 tại Iceland bởi các tổ chức Sunshine Press, tuyên bố rằng họ có một cơ sở dữ liệu gồm hơn 1.2 triệu tài liệu trong vòng một năm sau khi thành lập. Julian Assange, một nhà hoạt động Internet ở Úc, thường được mô tả là người sáng lập, trưởng ban ban biên tập, và giám đốc của nhóm này.

Làm thế nào mà Wikileaks có được email? Đó là một bí mật chưa được giải mã. Tuy nhiên, các thành viên trong chiến dịch tranh cử cuả bà Hillary Clinton không ngần ngại cho rằng các cơ quan tình báo Nga đứng đằng sau việc lấy cắp các emails trên Google của Podesta và cung cấp cho WikiLeaks.

Người dân Mỹ được khuyên là nên quên chuyện này đi để khỏi mắc bẫy của người Nga.

Nội dung những emails này nói lên những gì? Thưa, chúng cho thấy các chiến lược tranh cử, những sắp xếp về nhân sự, những kịch bản, chẳng hạn như các ký giả cò mồi sẽ hỏi những câu nào trong các buổi tranh cử và bà Clinton phải học thuộc lòng trước các câu trả lời nào để có thể trình diễn trước các cử tri Mỹ một người đàn bà uyên bác, có nhiều sáng kiến và nhiều chiến lược phi phàm để lãnh đạo quốc gia; mặc dù có hàng lô các emails trao đổi qua lại giữa các thuộc cấp của ông Podesta không ngớt chê bai khả năng của bà Clinton.

Tuy nhiên, giữa một biển các emails liên quan đến các công việc nhàm chán và các bản tin chính trị hàng ngày, người ta đọc thấy các thủ đoạn chính trị nham hiểm, mà nổi bật nhất là kế hoạch gieo những “mầm mống nổi loạn” trong Giáo Hội Công Giáo tại Hoa Kỳ cũng như tâm tình chống báng các học thuyết xã hội Công Giáo, và khinh miệt các Giám Mục Mỹ.

Thật vậy, thưa quý vị và anh chị em,

Các điện thư, được công bố bởi Wikileaks, chứng minh rằng đảng Dân chủ đã tham gia vào việc thành lập ít nhất là hai tổ chức nhằm vận động cho sự thay đổi giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo và bảo vệ các chính trị gia phò phá thai và hôn nhân đồng tính, đồng thời thách thức và gây khó khăn cho các nhà lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo tại Hoa Kỳ.

Trong một điện thư trao đổi giữa các thành viên của đảng Dân Chủ, Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Hoa Kỳ được mô tả như đang thực thi “một chế độ độc tài thời trung cổ” tại Mỹ. Để trả lời cho một gợi ý gieo mầm “những hạt giống nổi loạn” trong Giáo Hội Công Giáo tại Hoa Kỳ, nhằm “kết thúc chế độ độc tài thời trung cổ” này, John Podesta, giám đốc chiến dịch tranh cử của Hilary Clinton, trả lời: “Chúng tôi đã tạo ra Catholics in Alliance for the Common Good [nghĩa là Liên Minh những người Công Giáo vì thiện ích chung] cho một thời điểm như thế”. Ông ta cho biết thêm: “Tương tự như Catholics United”, cả hai nhóm đã có những lập trường công khai phù hợp với các mục tiêu trong chiến dịch tranh cử của Hilary Clinton.

Nói về nhóm Catholics United, Đức Tổng Giám Mục Chaput của Philadephia cho biết:

“Năm 2008, trong những tuần trước cuộc bầu cử tổng thống Obama-McCain, có hai thanh niên đã đến thăm tôi ở Denver. Họ là các thành viên của nhóm Catholics United, một nhóm tự nhận là dấn thân cho các vấn đề công bằng xã hội. Họ bày tỏ với tôi mối lo ngại là có những người Công Giáo đang làm tay sai cho Đảng Cộng Hòa. Và họ hy vọng rằng chính tôi và các giám mục anh em của mình sẽ chống lại việc những người ấy dùng chiêu bài chống phá thai để vận động người Công Giáo về phe Đảng Cộng Hòa.

Đó là một kinh nghiệm thú vị. Hai người này rõ ràng là đang vận động cho cuộc tranh cử của Obama và Đảng Dân Chủ. Họ là những thụ tạo của một bộ máy chính trị, chứ không phải người của Hội Thánh; họ chỉ quan tâm đến ảnh hưởng của Công Giáo trong việc bầu cử này hơn là đến giáo huấn Công Giáo. Và có lẽ đối với họ các giám mục ngu đến nỗi để bị người ta sử dụng như những công cụ, hoặc ít nhất là bị họ ngăn trở trong việc giúp phe bên kia.”

Trước việc Wikileaks công bố hàng chục ngàn các thư điện tử bị rò rỉ cho thấy tâm tình chống báng các học thuyết xã hội Công Giáo, khinh miệt các Giám Mục Công Giáo, và nguy hiểm hơn là âm mưu của đảng Dân Chủ Mỹ muốn gieo những “mầm mống nổi loạn” trong Giáo Hội Công Giáo tại Hoa Kỳ, phản ứng của các Giám Mục Hoa Kỳ trước diễn biến này như thế nào?

Hà Thu xin mời quý vị và anh chị em nghe lại tuyên bố của chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ là Đức Tổng Giám Mục Joseph Kurtz của tổng giáo phận Louisville, do Thảo Ly trình bày trong bản tin Thế giới nhìn từ Vatican tuần này:

Tại thời điểm quan trọng này trong lịch sử của dân tộc, tôi khích lệ tất cả chúng ta dành ra một chút thời gian để suy tư về một trong những nguyên tắc sáng lập ra nền cộng hòa của chúng ta – đó là quyền tự do tôn giáo. Nguyên tắc này bảo đảm những quyền của cộng đồng đức tin có thể bảo vệ sự toàn vẹn niềm tin của mình và được tự quản một cách chính đáng. Có những báo cáo gần đây cho thấy một số người có thể đã tìm cách can thiệp vào đời sống nội bộ của Giáo Hội vì những lợi ích chính trị ngắn hạn của họ. Nếu đúng như thế, đây là điều đang gây khó khăn cho cuộc sống của các cộng đồng đức tin và cả lợi ích quốc gia của chúng ta.

Chúa Kitô đã ban cho chúng ta một ân sủng quý giá là đức tin và Giáo Hội của chúng ta. Là người Công Giáo, chúng ta giữ vững niềm tin của mình bởi vì niềm tin ấy đến với chúng ta từ Chúa Giêsu, chứ không phải từ một sự đồng thuận giả tạo dựa trên các chuẩn mực hiện tại. Tin Mừng được ban cho tất cả mọi dân tộc xuyên suốt thời gian. Tin Mừng mời gọi chúng ta yêu thương người lân cận và sống hòa bình với nhau. Vì lý do này, sự thật của Chúa Kitô không bao giờ là lỗi thời hoặc không thể tiếp cận được. Tin Mừng phục vụ lợi ích chung, chứ không phải là các chương trình nghị sự chính trị.

Tôi khích lệ anh chị em Công Giáo chúng ta, và tất cả mọi người thiện chí, hãy trở thành những người gìn giữ các quyền quý giá, mà chúng ta được thừa kế trong tư cách là công dân của đất nước này. Chúng tôi cũng hy vọng các viên chức công quyền biết tôn trọng quyền của người dân được sống đức tin của họ mà không cần sự can thiệp nào của nhà nước. Khi cộng đồng đức tin bị mất đi quyền này, chính ý tưởng là một người Mỹ sẽ bị đánh mất.

Các chính trị gia, các nhân viên và tình nguyện viên của họ nên phản ảnh nguyện vọng tốt nhất của chúng tôi trong tư cách là những công dân. Quá nhiều những diễn văn chính trị trong những ngày này đã khinh miệt phụ nữ và gạt ra ngoài lề xã hội những người có đức tin. Điều này phải được thay đổi. Theo đúng những hy vọng đẹp nhất của những người sáng lập ra quốc gia chúng ta, chúng ta tin chắc rằng chúng ta có thể và sẽ làm tốt hơn với tư cách là một quốc gia.

+ Đức Tổng Giám Mục Joseph Kurtz

Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Hoa Kỳ