Ngày 18-10-2015
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Tóm lược các diễn biến Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình tuần thứ hai
Đặng Tự Do
02:20 18/10/2015
Sau một ngày nghỉ ngơi, hôm thứ Hai 12 tháng 10, các nghị phụ và các tham dự viên khác đã tái nhóm và thảo luận trong 13 nhóm nhỏ trong hai ngày thứ Hai và thứ Ba trước khi nhóm phiên khoáng đại vào sáng thứ Tư để nghe các nhóm tường trình. Chiều thứ Tư và trọn ngày thứ Năm, các nghị phụ đã tiếp tục trình bày những ý kiến của các ngài trong các phiên khoáng đại. 93 vị đã phát biểu trong hai phiên chiều thứ Tư và sáng thứ Năm. Sáng thứ Sáu, 16/10, Thượng Hội Đồng Giám Mục nhóm phiên khoáng đại để nghe ý kiến của các dự thính viên và đại diện của các Giáo Hội anh em. Các tham dự viên đã trở lại thảo luận trong 13 nhóm nhỏ vào chiều thứ Sáu và sẽ tiếp tục thảo luận trong nhóm cho tới sáng thứ Ba 20 tháng 10.

Tài liệu làm việc dự kiến chia làm ba phần rõ rệt trong đó mỗi tuần các nghị phụ sẽ trình bày và thảo luận về một chủ đề nhất định. Tuy nhiên, cuối tuần thứ nhất đã có những nghị phụ phát biểu về phần thứ ba. Trong tuần thứ hai, nhiều nghị phụ đã trình bày các chia sẻ của các ngài về phần cuối cùng này.

Nhiều nghị phụ đã nhấn mạnh sự cần thiết là Giáo Hội phải nói với một giọng tích cực, rõ ràng, đơn giản, và kiên trì khẳng định cuộc sống gia đình theo lý tưởng Kitô là có thể đạt được. Đức Tổng Giám Mục Diarmuid Martin của Ái Nhĩ Lan nói rằng “lặp đi lặp lại các công thức giáo lý sẽ không mang ánh sáng Phúc Âm và tin mừng gia đình vào một xã hội đối kháng. Chúng ta phải tìm một thứ ngôn ngữ giúp những người trẻ đánh giá cao sự mới mẻ và những thách đố của Tin Mừng”. Đức Tổng Giám Mục Mark Coleridge của Brisbane, Australia đồng ý, và nói rằng cách đọc “hời hợt và ảm đạm” về xã hội hiện đại không giúp được gì. Một nhóm đề nghị thảo luận về tính bất khả phân ly của hôn nhân như một ân sủng chứ không phải là một gánh nặng.

Theo Đức Tổng Giám Mục Charles Chaput, sự chính xác trong ngôn ngữ có một tầm quan trọng rất lớn, đặc biệt là khi nói về “sự bao gồm hay loại trừ” và “sự thống nhất trong đa dạng”. Đức Tổng Giám Mục Diarmuid Martin cảnh giác rằng chiến dịch hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính ở Ái Nhĩ Lan thành công được là do sử dụng “những ngôn ngữ truyền thống của chúng ta như bình đẳng, từ bi, tôn trọng và khoan dung”. Ngài nói thêm là Giáo Hội cần “tìm ra một ngôn ngữ bắt được một nhịp cầu với thực tế ngày qua ngày của hôn nhân - một thực tại của con người, không chỉ gồm những điều lý tưởng, nhưng có cả các cuộc đấu tranh và thất bại, có cả nước mắt lẫn niềm vui”. Tổng giám mục Eamon Martin, cũng của Ái Nhĩ Lan, cho biết Hội Thánh cần loại trừ mọi hình thái bạo lực gia đình và chăm sóc cho những ai là nạn nhân của bạo lực, là những người mà việc công bố những gì chúng ta gọi là “tin mừng của gia đình” có thể chẳng có mấy ý nghĩa hoặc thậm chí là vô nghĩa đối với họ.

Nhiều nghị phụ lưu ý rằng ở các vùng khác nhau trên thế giới các gia đình phải đối mặt với các vấn đề khác nhau. Một số khu vực có nhiều cặp vợ chồng ly dị và tái hôn dân sự, trong khi những người khác phải đối mặt với các nền văn hóa cho phép chế độ đa thê. Một số xã hội khác nữa, như tại Nhật Bản và nhiều quốc gia Đông Nam Á, lại xảy ra tình trạng dân số Công Giáo giảm dần vì hôn nhân khác đạo.

Bên cạnh những vấn đề khác như việc đào tạo các linh mục để tháp tùng với các gia đình, các gia đình tháp tùng lẫn nhau, các khóa hôn nhân và gia đình, việc giáo dục tính dục trong gia đình, tình trạng nghèo đói và bị bách hại của các gia đình Kitô ngày nay; vấn đề khả thể cho người đã ly dị và tái hôn dân sự được rước lễ trong những trường hợp và những điều kiện nhất định nào đó theo đề nghị của Đức Hồng Y Walter Kasper đã là một trong những đề tài chủ yếu được thảo luận sôi nổi.

Philippa Hitchen của Radio Vatican tường thuật có nghị phụ cay đắng đặt đề nghị của Đức Hồng Y Walter Kasper đối lập triệt để với giáo huấn Chúa Giêsu đã truyền lại cho Giáo Hội qua cụm từ “Con đường của Chúa Giêsu, hoặc con đường của Walter Kasper” và bày tỏ lo âu về ảnh hưởng của vị Hồng Y người Đức đối với Đức Giáo Hoàng Phanxicô vì ngài đã trích dẫn cuốn sách của vị Hồng Y trong buổi đọc kinh Truyền Tin đầu tiên của mình, và đã mời vị Hồng Y nói chuyện ngay buổi khai mạc công nghị ngoại thường về gia đình hôm 20 tháng Hai năm ngoái 2014.[1]

Trong một bài phát biểu hôm 10 tháng 10, nhà lãnh đạo hàng đầu của Công Giáo Kazakhstan nói mạnh đến mức là “Trong Thượng Hội Đồng năm ngoái, khói của Satan đã cố gắng để lẻn vào hội trường Phaolô Đệ Lục”[2]

Đức Tổng Giám mục Thomas Peta của thủ đô Astana đã đồng hóa với khói của Satan “đề nghị cho những người đã ly dị và sống trong các kết hiệp dân sự mới được rước Mình Thánh Chúa; khẳng định việc chung sống tự nó có thể có một số giá trị nào đó; và kêu gọi coi đồng tính luyến ái là một cái gì đó bình thường.”

Trong buổi họp báo hôm 15 tháng 10, Đức Tổng Giám Mục Stanislaw Gadecki, Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Ba Lan nói với các phóng viên rằng “Hội Đồng Giám Mục Ba Lan không ủng hộ việc cho phép người ly dị tái hôn rước lễ.”

Ngài nhìn nhận rằng những người ly dị và tái hôn không bị vạ tuyệt thông và nhiều khi họ là những người có ước muốn được rước lễ, mạnh hơn những ai có thể rước lễ. Tuy nhiên, ngài nhấn mạnh rằng những người ly dị và tái hôn có quyền tham dự vào đời sống Giáo Hội mà không cần rước Mình Thánh Chúa.

Chung quanh những nỗ lực chống lại đề nghị của Đức Hồng Y Walter Kasper và một số Giám Mục Đức, còn phải kể đến chuyện lá thư gởi Đức Thánh Cha của 13 vị Hồng Y.

Hôm thứ Hai 12 tháng 10, Sandro Magister, là ký giả đã từng bị rút giấy phép vì tung ra thông điệp Laudeto Sí trước cả Tòa Thánh, lại đưa ra trên tờ L'Espresso, một lá thư được cho là của 13 Hồng Y viết cho Đức Thánh Cha bày tỏ quan ngại về cách thức Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình được tổ chức.

Bốn vị Hồng Y được cho là có tên trong danh sách các vị ký tên là các Đức Hồng Y Erdo, Scola, Piacenza, and Vingt-Trois lên tiếng phủ nhận.

Nhưng chỉ một ngày sau đó, Cha Federico Lombardi, giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh cho biết rằng Đức Hồng Y George Pell nhìn nhận đã viết thư cho Đức Thánh Cha nhưng nội dung và danh sách các Đức Hồng Y ký tên đều không đúng. Ngài lên án việc tiết lộ lá thư riêng gởi cho Đức Thánh Cha là quấy rối Thượng Hội Đồng.

Đức Hồng Y Dolan cũng xác nhận mình ký tên trong lá thư theo sáng kiến của Đức Hồng Y George Pell với các quan ngại bao gồm: Liệu tài liệu làm việc của Thượng Hội Đồng, (Instrumentum laboris) có nên là trọng tâm duy nhất của các cuộc thảo luận của các giám mục hay không; liệu quá trình thảo luận có cho phép tranh luận công bằng và cởi mở không; và liệu các giám mục tham gia trong Thượng Hội Đồng có nên được cho một cơ hội để ảnh hưởng đến việc lựa chọn các giám mục viết các văn bản chính thức sau cùng hay không.

Sandro Magister lên tiếng đính chính ông ta không phải là người có “tay trong” tiết lộ cả những lá thư riêng của Đức Giáo Hoàng và chỉ ra Andrea Tornielli của tờ La Stampa mới là người đầu tiên tung ra lá thư đó từ ngày 8 tháng 10. Tuy nhiên, ông ghi nhận rằng bài viết của ông bày tỏ sự đồng cảm đối với mối quan tâm của các vị Hồng Y nên được chú ý hơn, trong khi bài của Tornielli với nhiều nhận định tiêu cực thu hút ít sự chú ý của công chúng.

Trong buổi triều yết chung thứ Tư 14/10, trước khi bắt đầu bài huấn dụ Đức Thánh Cha ứng khẩu nói:

“Trước khi bắt đầu bài giáo lý, nhân danh Giáo Hội, tôi muốn xin lỗi anh chị em vì những gương mù đã xảy ra gần đây tại Roma và Vatican. Tôi xin lỗi anh chị em”.

Ngài dừng lại ở đó nên không ai biết chính xác là ngài muốn đề cập đến những vấn đề gì. Tuy nhiên, câu chuyện lá thư lọt ra ngoài có lẽ đứng đầu trong danh sách các nghi vấn.

Đức Tổng Giám Mục Mark Coleridge của tổng giáo phận Brisbane, Australia ước tính ít nhất 65% các giám mục sẽ phản đối việc cho phép người Công Giáo ly dị và tái hôn được rước lễ. Tuy nhiên, như vậy vẫn còn 35% các nghị phụ ủng hộ đề nghị của Đức Hồng Y Kasper.

Một số nghị phụ tiếp tục kiên trì khẳng định rằng Giáo Hội không loại trừ một ai và Chúa Kitô không đến để chữa người lành, nhưng là người bệnh: vì thế những người ly dị tái hôn cần được tháp tùng, yêu thương và tha thứ, vì họ là thành phần của Giáo Hội và chi thể của Chúa Kitô, vì thế hệ quả tất nhiên là họ có thể lãnh nhận Thánh Thể.

Nhiều vị không lý luận nhưng khơi gợi tình cảm như đọc những lá thư của những người trong hoàn cảnh ly dị tái hôn và những người đang sống trong những quan hệ đồng tính; hay kể những câu chuyện chẳng hạn như chuyện một em bé lên rước lễ lần đầu, đã cầm Mình Thánh Chúa bẻ ra làm đôi và chia cho ba của em, lý do vì ông không được rước lễ vì là người ly dị tái hôn.

Có cả một đề nghị phân cấp những vấn đề kỷ luật và tín lý như việc rước Mình Thánh Chúa của những người ly dị và tái hôn cho các Hội Đồng Giám Mục địa phương quyết định. Đây là một trong những đề nghị đã được Đức Hồng Y Reinhard Marx, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Đức lặp đi lặp lại nhiều lần ngay cả trước Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình nhưng bị nhiều Giám Mục và Hồng Y Hoa Kỳ phản đối là sẽ làm mất sự hiệp nhất trong Giáo Hội.

[1] Synod: Bishops must welcome families as teachers and pastors

http://en.radiovaticana.va/news/2015/10/15/synod_bishops_must_welcome_families_as_teachers_and_pastors/1179562

[2] Leading Kazakh prelate speaks of ‘smoke of Satan’ at 2014, current synods

http://www.catholicculture.org/news/headlines/index.cfm?storyid=26425
 
Thượng Hội Đồng, phúc trình phần thứ nhất của các Nhóm C và D nói tiếng Anh
Vũ Văn An
03:30 18/10/2015
I. Nhóm C

Điều hợp viên: Đức Tổng Giám Mục Eamon Martin
Tường trình viên: Đức Tổng Giám Mục Mark Benedict COLERIDGE


Giáo Hội Công Giáo trình bầy cho ta một sự tương tác đầy hào hứng giữa tính đa dạng và tính hợp nhất. Theo chiều hướng này, hành trình tuần lễ đầu của chúng tôi đã có tính hết sức Công Giáo, hết sức Giáo Hội. Chúng tôi đã nói nhiều cách khác nhau về các kinh nghiệm dị biệt của chúng tôi về hôn nhân và gia đình; ấy thế nhưng, một cảm thức sâu sắc tại sao chúng quan trọng đã phát sinh. Cảm thức về tính đa dạng này dẫn chúng tôi tới câu hỏi liệu cuộc phân tích này hay cuộc phân tích hoặc luận chứng nọ có phải là điều sẽ tốt nhất nếu được bàn bạc ở bình diện địa phương hay bình diện vùng thay vì ở bình diện hoàn cầu hay không. Trong phần lớn các cuộc thảo luận của chúng tôi, thấy rõ một khuynh hướng tản quyền; ấy thế nhưng nghịch lý thay, điều đó vẫn không xâm hại gì tới cảm thức hợp nhất trong nhiệm vụ của chúng tôi.

Chúng tôi dành khá nhiều thì giờ cho việc thảo luận về việc sắp xếp Tài Liệu Làm Việc, bắt đầu như nó đã làm, là phân tích tình huống hiện thời của các gia đình trước khi bước qua việc suy tư về ơn gọi và sứ mệnh gia đình. Chúng tôi nhận thấy cơ cấu của Tài Liệu Làm Việc diễn tiến theo hướng Nhìn Xem – Phán Đoán – Hành Động, mà đối với chúng tôi khá vững vàng, có cơ sở, vì, ít nhất trong lý thuyết, nó giúp ta tiếp xúc với gia đình như nó thực sự là chứ không hẳn như ý ta muốn nó là. Nói về “gia đình”, chúng tôi biết có nguy cơ rơi vào một ý nghĩa lý tưởng hóa, xa rời và phi thân về gia đình, rất có thể có vẻ đẹp riêng và sự gắn bó nội tại của nó, nhưng rốt cuộc cư ngụ trong một thế giới không máu huyết hơn là thế giới thực, với tất cả nét đa dạng và phức tạp của nó.

Việc trên khiến ta phải xem xét một cách rộng hơn sự giao kết của Tin Mừng và văn hóa, của Giáo Hội và lịch sử. Giáo Hội không cư ngụ trong một thế giới bên ngoài thời gian, như Công Đồng Vatican II, “Công đồng của lịch sử”, đã nhìn nhận. Mà Giáo Hội cũng không cư ngụ trong một thế giới ở bên ngoài các nền văn hóa nhân bản; Giáo Hội lên khuôn các nền văn hóa và các nền văn hóa lên khuôn Giáo Hội. Khi xem xét hôn nhân và gia đình ở đây và vào lúc này, chúng tôi hiểu ta cần phải đề cập tới các sự kiện lịch sử và các thực tại văn hóa, bằng cả con mắt đức tin lẫn trái tim Thiên Chúa. Đối với chúng tôi, đây là ý nghĩa của việc đọc ra các dấu chỉ thời đại.

Sau tuần lễ này, phần nào, chúng tôi vẫn chưa biết chắc về nhiệm vụ được trao cho chúng tôi, khi cố gắng đọc qua Tài Liệu Làm Việc, có lúc đã rơi vào cái bẫy muốn viết lại hoặc đi vào các cuộc thảo luận có tính ngữ nghĩa nhiều hơn là có thực chất. Diễn tiến có lúc quả hết sức chậm chạp, và chúng tôi buộc phải thắc mắc: ở trên đời này, không biết làm thế nào để có thể xoay xở mà đi hết từ đoạn này qua đoạn khác trọn cả tài liệu này trước ngày kết thúc Thượng Hội Đồng. Trong khuôn khổ mới của Thượng Hội Đồng, nếu chính nhiệm vụ mà còn chưa chắc chắn, thì phương pháp làm việc chắc cũng thế thôi. Sau một tuần lễ, chúng tôi phải lên khuôn được phương pháp, và điều này đã thách thức sự tháo vát và ý thức chiến lược của Điều Hợp Viên chúng tôi, ấy là chưa kể sự kiên nhẫn của các thành viên của nhóm. Có lúc, việc làm của chúng ta xem ra lộn xộn hơn là có phương pháp; nhưng chúng tôi vẫn hy vọng rằng nếu không đạt được sự rõ ràng hoàn toàn, thì tập chú cũng sẽ xuất hiện với đà diễn tiến của Thượng Hội Đồng và chúng tôi sẽ được chắc chắn cả về nhiệm vụ lẫn phương pháp.

Chúng tôi đã dành nhiều thì giờ để thảo luận về ngôn ngữ, không phải theo chiều hướng ngụy biện ngữ nghĩa. Thí dụ, chúng tôi đã thảo luận rất lâu về việc phải hiểu chữ “gia đình” có nghĩa gì, một điều chắc chắn có tính căn bản đối với Thượng Hội Đồng này. Một số người nghĩ rằng nói tới “các gia đình” sẽ có nghĩa hơn vì hiện nay chúng ta thấy rất nhiều gia đình khác nhau. Nhiều người khác thích nghĩ chuyên biệt tới “gia đình Công Giáo” hơn, nhưng vẫn không có đồng thuận hoàn toàn về ý nghĩa của lối nói này. Vì thực ra cả ở đây nữa cũng có nhiều loại gia đình Công Giáo khác nhau. Cuối cùng, chúng tôi đã thỏa thuận chấp nhận một định nghĩa rất tổng quát cho “gia đình” như là hình thức độc đáo của cộng đồng nhân bản đặt căn bản trên và phát sinh từ cuộc hôn nhân của một người đàn ông và một người đàn bà, liên kết việc này với một nhận thức về kế hoạch Thiên Chúa như đã được chứng nghiệm trong Thánh Kinh.

Chúng tôi cũng xem xét một số kiểu nói đã trở thành quen thuộc trong các văn kiện của Giáo Hội, trong đó, có “Tin Mừng gia đình” và “Giáo Hội tại gia”. Đây là các kiểu phát biểu sống động và có tính soi sáng lúc mới bắt đầu được nói ra, nhưng với thời gian, chúng trở thành những câu nói rập khuôn (clichés), ít rõ nghĩa hơn người ta tưởng. Chúng tôi cảm thấy tốt nhất nên để chúng an nghỉ và thay vào đó, ta nên quyết định sử dụng một ngôn ngữ dễ hiểu hơn đối với những người không quen thuộc với lối nói đặc thù của chúng ta. Nói chung và nhất là khi nói về hôn nhân và gia đình, thiết nghĩ ta cần lưu ý tới kiểu nói nhà thờ mà ít khi ta ý thức được. Tài Liệu Làm Việc cũng có những kiểu nói như thế, và là điều tốt đẹp, nếu bản tường trình cuối cùng của Thượng Hội Đồng di chuyển theo hướng khác, tươi mát hơn. Giống Vatican II, Thượng Hội Đồng này cần phải là một biến cố ngôn ngữ (language-event), nghĩa là không chỉ có tính trang điểm. Ta cần nói tới hôn nhân và gia đình một cách khác, một cách có hệ luận cả trên bình diện vỹ mô lẫn vi mô, cũng như cả trên bình diện địa phương lẫn hoàn vũ.

Chúng tôi cảm thấy: một phần của sự mới mẻ là đọc lịch sử, văn hóa và gia đình lúc này một cách bớt tiêu cực đi. Đã đành có nhiều lực lượng tiêu cực đang hành động hiện nay trong lịch sử và trong nhiều nền văn hóa khác nhau của thế giới; nhưng đây không hề là trọn câu truyện. Nếu là trọn câu truyện, thì Giáo Hội không thể làm bất cứ điều gì khác ngoài việc lên án. Cũng đang có những lực lượng tích cực, thậm chí tỏa sáng, và các lực lượng này cần được nhận diện vì chúng rất có thể là các dấu chỉ của Thiên Chúa trong lịch sử. Quả cũng đúng là hôn nhân và gia đình đang chịu nhiều loại áp lực mới, nhưng đây, một lần nữa, cũng không phải là trọn câu truyện. Nhiều người trẻ vẫn muốn kết hôn và vẫn có những gia đình đáng lưu ý, trong đó có những gia đình Kitô hữu, có lúc họ còn anh hùng nữa. Nhìn và nói một cách tích cực về sự vật không có nghĩa là dung túng một thứ bác bỏ nào đó. Đúng hơn là nhìn bằng con mắt Thiên Chúa, vị Thiên Chúa vẫn nhìn mọi sự Người đã dựng nên và thấy chúng tốt đẹp.

Đề cập tới các vấn đề được chúng tôi thảo luận cần nhiều thì giờ hơn là tuần lễ đầu hay thậm chí cả ba tuần lễ của Thượng Hội Đồng. Trước mặt chúng tôi, một hành trình lâu dài hơn đang được trải ra, y hệt cuộc hành trình trước đã dẫn chúng tôi tới điểm này: không hẳn chỉ từ cuối năm 2013, khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô công bố hành trình của hai Thượng Hội Đồng, mà là từ Công Đồng Vatican II và nhiều điều khác đã dẫn chúng tôi tới điểm này. Chúng tôi đã kiên nhẫn làm việc qua suốt tuần lễ đầu tiên này tại Thượng Hội Đồng và chúng tôi sẽ còn cần phải kiên nhẫn hơn nữa để bước theo con đường trước mặt. Nhưng, như Đức Thánh Cha từng nhắc nhở trong Niềm Vui Tin Mừng, “thời gian lớn hơn không gian”. Kiên nhẫn, không lo lắng trước diễn trình bất toàn mà sẵn sàng chờ đợi Thiên Chúa sẽ mở các nút thắt, cả những nút thắt chúng ta gặp phải ngay từ những ngày đầu của Thượng Hội Đồng.

II. Nhóm D

Điều hợp viên: Đức Hồng Y Thomas Christopher COLLINS
Tường trình viên: Đức Tổng Giám Mục Charles Joseph CHAPUT, O.F.M. Cap.


Nhóm D chúng tôi biết ơn Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã triệu tập Thượng Hội Đồng này, và chúng tôi rất hân hạnh được là một phần của diễn trình. Chúng tôi cũng muốn bầy tỏ lòng biết ơn đối với công việc khó khăn hiện thân trong Tài Liệu Làm Việc. Chúng tôi cho rằng tài liệu này nên bắt đầu như lúc chúng ta khởi đầu bất cứ cử hành Thánh Lễ nào, với một Kinh Cáo Mình nào đó, đặt mình giữa lòng những thất bại của các chi thể Giáo Hội, hơn là phê phán chúng từ bên ngoài. Chúng ta cần thừa nhận và xin sự tha thứ vì các lầm lỗi của chính ta như là mục tử, nhất là những ai từng xâm hại tới đời sống gia đình.

Chúng tôi có hai nhận xét:

Thứ nhất, dù nhiều yếu tố trong Tài Liệu Làm Việc thật đáng khen, chúng tôi vẫn thấy phần lớn bản văn không hoàn mỹ hay không thỏa đáng, nhất là về thần học, sự sáng sủa, niềm tin tưởng của nó vào sức mạnh ơn thánh, việc nó sử dụng Thánh Kinh và khuynh hướng nhìn thế giới qua đôi mắt nặng Phương Tây của nó. Thứ hai, chúng tôi cảm thấy mình không đủ khả năng trả lời vì không biết rõ ai là thính giả của tài liệu này. Nói cách khác, chúng ta đang viết cho Đức Thánh Cha, cho các gia đình trong Giáo Hội, hay cho thế giới?

Phần lớn trong nhóm chúng tôi cảm thấy Tài Liệu Làm Việc nên bắt đầu với lòng hy vọng hơn là các thất bại vì phần lớn người ta vốn đang sống một cách thành công các tin vui của Tin Mừng về gia đình. Nhóm chúng tôi quan ngại rằng các độc giả sẽ đơn giản làm ngơ tài liệu nếu nó bắt đầu với hàng loạt những điều tiêu cực và các vấn nạn xã hội hơn là một viễn kiến thánh kinh đầy hân hoan và tin tưởng vào Lời Thiên Chúa về gia đình. Áng mây thách đố khổng lồ bàng bạc trong phần thứ nhất của bản văn vô tình đã tạo ra một cảm thức tuyệt vọng mục vụ.

Một số thành viên của nhóm cảm thấy tiết II nên đi trước tiết I. Các thành viên khác thì ủng hộ việc sắp xếp bản văn như hiện nay. Nhưng lo ngại chung là phần lớn người ta sẽ không đọc một tài liệu quá cô đọng hoặc dài dòng. Điều này khiến tiết mở đầu của Tài Liệu Làm Việc cực kỳ quan trọng; nó cần phải gợi hứng cũng như thông tri. Thêm vào đó, khi nhớ lại công trình Aparecida, các thành viên nhấn mạnh rằng bản văn nên tập chú vào Chúa Giêsu, qua Người, chúng ta mô tả được và giải thích được tình thế hiện thời của thế giới. Ta nên luôn luôn bắt đầu với Chúa Giêsu.

Nếu hôn nhân là một ơn gọi, điều chúng ta vốn tin, thì ta không thể cổ vũ ơn gọi bằng cách trước hết nói tới các nan đề của nó.

Vì Chúa Ba Ngôi là nguồn của thực tại và vì mọi cộng đồng đều thoát thai từ Chúa Ba Ngôi, nên một số thành viên nghĩ rằng Ba Ngôi nên là khởi điểm của bản văn.

Các thành viên ghi nhận rằng trong các thư của ngài, Thánh Phaolô thường viết lời phi lộ để khen ngợi những người mà ngài sắp sửa chỉ trích tội lỗi. Đây là văn phong chung trong các lá thư của ngài, và rất hữu hiệu.

Nhóm chúng tôi nghĩ có một số yếu tố không có trong bản văn: việc suy nghĩ nghiêm túc về ý thức hệ phái tính, nhiều suy nghĩ hơn về việc chăm sóc mục vụ cho những người có khả năng kiểu khác (differently-abled, lối nói hoa mỹ chỉ người khuyết tật), vai trò các người cha và nam giới cũng như vai trò phụ nữ, và một bàn luận sâu sắc hơn về bản chất phá hoại của nền văn hóa khiêu dâm và các việc lạm dụng khác của kỹ thuật điện tử.

Các thành viên phê bình nhiều đoạn trong tiết thứ nhất. Một số vị nghĩ rằng việc trình bầy ở đây lộn xộn, không có một luận lý cố hữu. Các câu văn xem ra được liệng vào với nhau chứ không được nối kết hữu cơ với nhau.

Một số vị nghĩ rằng bản văn hữu hiệu vì gia đình ngày nay thực sự đang đương đầu với nhiều vấn nạn nghiêm trọng. Đó là lý do tại sao chúng ta ở đây, tại Thượng Hội Đồng này: để bàn về các vấn nạn này; và những người đau khổ muốn thấy thực tại của họ được những điều chúng ta nói đề cập tới. Do đó, điều quan trọng là nói cách nào để kéo chú ý của người ta.

Tuy nhiên, nhiều vị khác vẫn nghĩ rằng bản văn thiếu hẳn những điều lôi cuốn người ta. Nếu bản văn nhằm nói với công chúng nói chung, các vị cảm thấy các câu truyện về đời sống gia đình, hay hạnh các vị thánh kèm theo tranh ảnh, nên được lồng vào giúp cho các chất liệu thêm lôi cuốn. Các vị nhấn mạnh tới việc phải duyệt lại ngôn ngữ của tài liệu, để bảo đảm nó lôi cuốn cả nam giới lẫn nữ giới, không loại trừ ai.

Các thành viên lo lắng điều này: bản dịch tiếng Anh có thể không trung thành với bản chính thức bằng tiếng Ý. Nhiều vị khác than phiền rằng nhiều câu phát biểu trong tài liệu quá chung chung, không đủ tính chuyên biệt. Nhiều vị khác nữa cảm thấy bản văn có nhiều tổng quát hóa thiếu chính xác, lắm lời và lặp đi lặp lại.

Các thành viên cho hay: một số tiết xem ra hẹp hòi về phạm vi và quá lấy hứng từ các quan tâm Tây Âu và Bắc Mỹ, hơn là trình bầy chân thực tình thế hoàn cầu. Một số thành viên nghĩ rằng các hạn từ như “các nước đang mở mang” và “các quốc gia tiên tiến” có vẻ kẻ cả và không thích hợp đối với một văn kiện của Giáo Hội. Nhiều vị khác nghĩ rằng ngôn ngữ của bản văn quá thận trọng và đúng đắn đối với chính trị, và vì thế, nội dung không rõ ràng và đôi khi không gắn bó. Tuy nhiên, điều kỳ diệu là nhiều điểm hay đã được lồng vào một số đoạn, nhưng chúng quá vắn vỏi và được khai triển cách nghèo nàn. Dường như chúng được nhét vào với nhau và liệt kê chung, hơn là được trình bầy cách hợp luận lý.

Nói chung, các thành viên cảm thấy Đức Giáo Hoàng Phanxicô và người của Giáo Hội đáng có một bản văn tốt hơn, một bản văn mà trong đó, các ý tưởng không bị mất đi vì lẫn lộn. Nhóm của chúng tôi đề nghị rằng bản văn nên được trao cho một biên tập viên duy nhất để làm sáng tỏ và cải tiến. Chất liệu hiện thời rõ ràng là công trình của một ủy ban. Chính vì thế, nó thiếu vẻ đẹp, vẻ sáng sủa và sức mạnh.

Sau cùng, các thành viên cảm thấy một cách mạnh mẽ rằng ngay trong các tình huống khó khăn, chúng ta cũng vẫn cần phải nhấn mạnh sự kiện này: nhiều gia đình Kitô hữu đang phục vụ như những phản chứng tá đối với các khuynh hướng tiêu cực trên thế giới bằng cách sống trung thành với viễn kiến Công Giáo về hôn nhân và gia đình. Các gia đình này cần được tài liệu này nhìn nhận, tuyên dương và khuyến khích. Như thế, phần thứ nhất trong bản văn của Tài Liệu Làm Việc, tức phần nói về việc “quan sát” các sự kiện, nên làm nổi bật cả cái tốt, cái xấu lẫn cái bi thảm. Sự thánh thiện anh hùng không phải là một lý tưởng hiếm hoi và không chỉ “khả hữu”, mà còn là việc thông thường và được đem ra sống tại phần lớn các nơi trên thế giới.
 
Bài giảng của Đức Thánh Cha trong Lễ Tuyên Thánh ngày 18 tháng 10 năm 2015
J.B. Đặng Minh An dịch
11:45 18/10/2015
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Các bài đọc Kinh Thánh hôm nay trình bày chủ đề phục vụ, kêu gọi chúng ta bước theo Chúa Giêsu trên con đường khiêm nhường và thánh giá.

Tiên tri Isaia đã mô tả Người Tôi Tớ Thiên Chúa (53: 10-11) và sứ mệnh cứu độ của Ngài. Người Tôi Tớ không thuộc về một dòng họ lẫy lừng; Ngài bị khinh miệt, bị mọi người xa lánh, một người đầy những ưu phiền. Ngài không làm những sự trọng đại hay đưa ra những bài phát biểu đáng nhớ; thay vào đó, Ngài hoàn thành kế hoạch của Thiên Chúa qua sự khiêm tốn, trong sự hiện diện lặng lẽ và qua những đau khổ của mình. Sứ vụ của Ngài được thực hiện trong khổ đau, và điều này khiến Ngài thấu hiểu những ai đau khổ, để gánh lên vai tội lỗi của những người khác và hiến mình làm lễ đền tội cho họ. Việc từ bỏ mình, và chịu đau khổ của Người Tôi Tớ Chúa, thậm chí cho đến chết, tỏ ra rất hiệu quả vì mang lại ơn cứu chuộc và cứu rỗi cho nhiều người.

Chúa Giêsu là Người Tôi Tớ Chúa. Cuộc sống và sự chết của Ngài, được đánh dấu bằng một thái độ phục vụ hoàn toàn (x. Phil 2: 7), là căn nguyên mang lại ơn cứu rỗi cho chúng ta và hoà giải nhân loại với Thiên Chúa. Việc loan báo, là trọng tâm của Tin Mừng, làm chứng rằng cái chết và sự sống lại của Người làm viên mãn những lời tiên tri về Người Tôi Tớ Chúa. Thánh Marco kể với chúng ta cảnh tượng Chúa Giêsu đương đầu với hai môn đệ Giacôbê và Gioan. Bị thúc bách bởi bà mẹ, hai ông muốn được ngồi bên hữu và bên tả của Người trong nước Thiên Chúa (X Mc 10: 37), đòi những chỗ danh dự, theo tầm nhìn phẩm trật của họ về Nước Trời. Viễn tượng của họ vẫn còn bị che mờ bởi ảo ảnh của những thành đạt trần thế. Chúa Giêsu liền “phang” cú đầu tiên vào những khái niệm ấy của các môn đệ bằng cách đề cập đến con đường của Người trên trần thế này: “Chén mà Thầy uống, cả các con cũng sẽ uống, nhưng còn việc ngồi bên tả hay bên hữu Thầy, không phải Thầy ban điều ấy; điều ấy dành cho những người đã được chỉ định (câu 39-40). Với hình ảnh của cái chén, Chúa bảo đảm với hai môn đệ là họ có thể dự phần đầy đủ vào số phận đau khổ của Người, nhưng không bảo đảm những chỗ danh dự mà họ mưu tìm. Câu trả lời của Người là một lời mời gọi hãy theo Người trên con đường yêu thương và phục vụ, từ khước mọi cám dỗ trần thế muốn ngồi chỗ nhất và ra lệnh cho người khác.

Đứng trước những người tìm kiếm quyền bính và thành công, các môn đệ được kêu gọi hãy làm ngược lại. Cho nên, Chúa cảnh giác họ: “Anh em biết: những người được coi là thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Nhưng giữa anh em thì không được như vậy: ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em” (câu 42-44). Với những lời ấy Chúa chỉ cho chúng ta thấy việc phục vụ là cách thức thực thi quyền bính trong cộng đoàn Kitô. Ai phục vụ người khác và không màng danh lợi, là thực thi quyền bính thực sự trong Giáo Hội. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy thay đổi cách nhìn và vượt qua sự ham hố quyền hành để đạt đến niềm vui phục vụ trong lặng lẽ; loại trừ ước muốn bản năng là được thống trị người khác và thực thi nhân đức khiêm nhường.

Sau khi trình bày một kiểu cách đừng nên bắt chước, Chúa Giêsu đưa ra chính mình như lý tưởng cần noi theo. Khi noi theo Thầy, cộng đoàn tìm được viễn tượng mới cho cuộc sống của mình: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người.” (câu 45). Trong truyền thống Kinh Thánh, Con Người là Đấng lãnh nhận từ Thiên Chúa “quyền bính, vinh quang và vương quyền” (Dn 7,14). Chúa Giêsu làm cho hình ảnh ấy được tràn đầy ý nghĩa mới. Chúa chỉ ra rằng Ngài được hưởng quyền bính vì Ngài là người tôi tớ; được hưởng vinh quang vì có thể hạ mình xuống; và được hưởng vương quyền vì sẵn sàng thí mạng sống mình. Qua cuộc thương khó và cái chết, Người chiếm chỗ rốt nhất, đạt tới mức độ phục vụ cao cả nhất, và truyền lại điều đó cho Giáo Hội của Người.

Có thể có một sự bất dung hợp giữa quan niệm của thế gian về quyền bính và sự phục vụ khiêm nhường là đặc trưng của quyền bính theo giáo huấn và gương của Chúa Giêsu. Tham vọng và lòng khát khao sự nghiệp không tương hợp với tư cách là môn sinh Chúa Kitô. Vinh dự, thành công, danh tiếng, những vẻ vang trần thế đối chọi với luận lý của Chúa Kitô chịu đóng đinh. Trái lại có sự tương hợp giữa Chúa Giêsu, “con người đầy những ưu phiền”, và sự đau khổ của chúng ta. Thư gửi tín hữu Do Thái làm rõ điều này khi trình bày Chúa Kitô như vị Thượng Tế chia sẻ hoàn toàn thân phận làm người của chúng ta trong mọi sự, ngoại trừ tội lỗi: “Vị Thượng Tế của chúng ta không phải là Đấng không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội” (4:15). Chúa Giêsu thi hành một chức linh mục đích thực của lòng thương xót và cảm thông. Người đã trải qua kinh nghiệm trực tiếp về những khó khăn của chúng ta, Người biết từ bên trong thân phận phàm nhân của chúng ta; sự kiện Người không mắc tội lỗi không ngăn cản Người thấu hiểu các tội nhân. Vinh quang của Người không phát sinh từ tham vọng hay khao khát thống trị, nhưng là vinh quang của Đấng yêu mến con người, đón nhận và chia sẻ yếu đuối của họ và ban cho họ ơn thánh chữa lành, tháp tùng họ với lòng dịu dàng vô biên giữa trăm chiều gian truân của họ.

Mỗi người chúng ta, nhờ phép rửa, thông phần vào chức linh mục của Chúa Kitô: các tín hữu giáo dân tham gia chức linh mục chung, các linh mục tham gia chức linh mục thừa tác. Vì thế, tất cả chúng ta đều có thể lãnh nhận tình thương xuất phát từ con tim rộng mở của Người, cho bản thân chúng ta cũng như cho tha nhân: chúng ta trở thành những máng chuyển tình thương, sự cảm thông của Người, đặc biệt đối với những ai đang đau khổ, thất vọng và cô đơn.

Những người nam nữ được tuyên thánh hôm nay đã không ngừng phục vụ anh chị em mình với lòng khiêm tốn và bác ái nổi bật khi noi gương Thầy Chí Thánh. Thánh Vincenzo Grossi là cha sở nhiệt thành, luôn quan tâm đến các nhu cầu của dân ngài, nhất là những nhu cầu của giới trẻ. Thánh nhân chuyên chăm bẻ bánh Lời Chúa cho mọi người và trở thành người Samaritano nhân lành cho những người túng thiếu nhất.

Thánh nữ Maria Đức Mẹ Vô Nhiễm đã tận hiến đời mình, phục vụ với lòng khiêm tốn sâu xa những người bé mọn nhất, đặc biệt là những trẻ em con cái những người nghèo và những đau yếu.

Đôi vợ chồng thánh thiện Louis Martin và Marie Azélie Guérin đã thực hành việc phục vụ Kitô trong gia đình, ngày qua ngày kiến tạo một môi trường đức tin và tình yêu, là nơi đã nảy mầm những ơn gọi của các cô con gái, trong đó có thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu.

Ước gì chứng tá rạng ngời của các vị thánh mới này linh hứng chúng ta bền đỗ trên con đường phục vụ vui tươi dành cho anh chị em mình, tín thác nơi ơn phù trợ của Thiên Chúa và sự bảo vệ hiền mẫu của Mẹ Maria. Từ trời cao, giờ đây xin các ngài phù trì và nâng đỡ chúng ta qua lời chuyển cầu đầy quyền năng của các ngài.
 
Chương trình tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Kenya
Đặng Tự Do
20:16 18/10/2015
Hôm 17 tháng 10, Tòa Thánh đã cho biết chi tiết chuyến tông du của Đức Thánh Cha tại 3 nước Phi Châu là Kenya, Uganda, và Cộng hòa Trung Phi trong năm ngày bắt đầu từ 25 tháng Mười Một. Cùng ngày, Đức Tổng Giám Mục Charles Daniel Balvo, sứ thần tại Kenya cũng cho biết chương trình chi tiết chuyến thăm của Đức Thánh Cha tại Nairobi, thủ đô của Kenya.

Lúc 07:45 sáng thứ Tư 25 tháng 11, Đức Thánh Cha sẽ khởi hành từ phi trường Fiumicino của Rôma để bay đến Nairobi, Kenya.

Lúc 17:00 cùng ngày, Đức Thánh Cha đến sân bay quốc tế Jomo Kenyatta ở Nairobi. Một giờ sau đó nghi thức đón tiếp sẽ diễn ra tại dinh tổng thống. Đức Thánh Cha cũng sẽ có buổi nói chuyện với đại diện chính quyền dân sự của Kenya và ngoại giao đoàn.

Thứ Năm ngày 26 tháng 11, Đức Thánh Cha sẽ gặp gỡ đại diện các tôn giáo bạn vào lúc 8:15 sáng tại Tòa Sứ Thần Tòa Thánh tại Nairobi.

Vào lúc 10:00 ngài sẽ dâng Thánh Lễ trong khuôn viên của trường Đại học Nairobi.

Lúc 15:45, Đức Thánh Cha sẽ có cuộc gặp gỡ với hàng giáo sĩ, tu sĩ nam nữ, và các chủng sinh, tại các sân thể thao của trường St. Mary.

Sau đó, lúc 17:30, ngài đến thăm trụ sở Liên Hợp Quốc tại Nairobi.

Thứ Sáu ngày 27 tháng 11, Đức Thánh Cha sẽ thăm khu phố nghèo Kangemi ở Nairobi lúc 8:30 sáng trước khi có cuộc gặp gỡ với giới trẻ tại sân vận động Kasarani lúc 10 giờ.

Sau thánh lễ, ngài sẽ gặp gỡ các Giám Mục Kenya trong phòng khánh tiết của sân vận động lúc 11:15.

Lúc 15:10, tổng thống Kenya sẽ tiễn Đức Thánh Cha bay sang Uganda tại sân bay quốc tế Jomo Kenyatta ở Nairobi.

82.5% trong tổng số 45 triệu dân Kenya theo Kitô Giáo trong đó người Công Giáo chiếm 24% dân số. Người Hồi Giáo chỉ chiếm 11% tại quốc gia. Tuy nhiên, trong thời gian qua, nhiều nhóm cực đoan Hồi Giáo đã muốn biến Kenya thành một quốc gia Hồi Giáo. Lúc 5:30 sáng ngày thứ Năm 2 tháng 4, tức là thứ Năm Tuần Thánh vừa qua, bọn khủng bố Al-Shabaab với chủ trương nhằm thiết lập một nhà nước Hồi Giáo theo luật Sharia tại Kenya đã gây ra cuộc thảm sát tại Đại Học Garissa, cách thủ đô Nairobi của Kenya 350km về hướng Đông Bắc và cách biên giới với Somali 150km. 148 sinh viên bị giết chết và 79 sinh viên khác bị thương nặng.

Mohamed Mohamud, một thầy giáo người Kenya đã dạy học nhiều năm tại nước này cùng với Abdirahim Abdullahi, đã từng tốt nghiệp Luật Khoa tại đại học Nairobi vào năm 2013 và là con trai của tỉnh trưởng tỉnh Mandera, ở phía Bắc Kenya, giáp biên giới với Kenya đã dẫn đường cho bọn khủng bố Al-Shabaab từ Somali đột nhập vào Kenya gây ra cuộc thảm sát này. Abdirahim Abdullahi bị bắn chết cùng với 3 tên khủng bố khác trong khi Mohamed Mohamud nhanh chân tẩu thoát. Chính phủ trao giải thưởng lên đến 215,000 Mỹ Kim cho ai chỉ điểm dẫn đến việc bắt sống hay giết chết y nhưng đến nay vẫn chưa biết tông tích tên khủng bố này.

Kenya có 4 tổng giáo phận, 21 giáo phận và một miền Giám Quản Tông Tòa.
 
Chương trình tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Uganda
Đặng Tự Do
20:41 18/10/2015
Chặng thứ hai trong chuyến viếng thăm 3 nước Phi Châu của Đức Thánh Cha Phanxicô là nước Uganda. Từ phi trường quốc tế Jomo Kenyatta ở Nairobi sang phi trường quốc tế Entebbe của Uganda mất khoảng 1 giờ bay. Do đó, Đức Thánh Cha sẽ đến thủ đô Uganda vào lúc 16:50 thứ Sáu 27 tháng 11. Sau nghi lễ đón tiếp tại phi trường Entebbe, Đức Thánh Cha sẽ về nghỉ tại Tòa Sứ Thần Tòa Thánh ở thủ đô Kampala.

Sáng thứ Bảy 28 tháng 11, lúc 08:30, ngài sẽ đến thăm Đền Thánh các vị Tử Đạo của Anh Giáo tại Namugongo trước khi thăm Đền Thánh các vị Tử Đạo của Công Giáo cũng gần đó, là nơi ngài sẽ cử hành Thánh Lễ kính các Thánh Tử Đạo Uganda vào lúc 9:30.

Lúc 15:15, Đức Thánh Cha sẽ có cuộc gặp gỡ với giới trẻ tại phi trường Kololo của thủ đô Kampala.

Lúc 17 giờ, Đức Thánh Cha sẽ đến thăm trung tâm bác ái Nalukolongo, trước khi có cuộc gặp gỡ với các Giám Mục Uganda tại Tòa Tổng Giám Mục thủ đô Kampala.

Lúc 19 giờ, Đức Thánh Cha sẽ có cuộc gặp gỡ với các linh mục, các tu sĩ nam nữ, và chủng sinh bên trong nhà thờ chính tòa thủ đô Kampala.

Lúc 9 giờ sáng Chúa Nhật 29 tháng 11, ngài sẽ ra sân bay Entebbe để lên đường sang Bangui, thủ đô Cộng Hòa Trung Phi là chặng cuối trong chuyến tông du 3 nước Phi Châu.

Uganda có 31,100,000 dân trong đó 42% là người Công Giáo thuộc 4 tổng giáo phận và 16 giáo phận.

Người dân Uganda thuộc 50 nhóm chủng tộc khác nhau, trong đó đông nhất là bộ tộc Baganda, Bakiga và Banyankore. Cùng vì nhiều sắc tộc như thế, nên ngôn ngữ chính thức tại Uganda là tiếng Anh, ngôn ngữ bán chính thức là Kishwahili, trong khi tiếng Lugana chỉ được dùng trong việc giao dịch buôn bán.

Uganda có đa số dân theo Kitô giáo, trong số này đông nhất 42% theo Công Giáo, tức là gần 12 triệu 700 ngàn tín hữu, tiếp đến là 40% theo Anh giáo, phần còn lại là các giáo phái khác, đặc biệt là các nhóm Pentecostal, 5% theo đạo cổ truyền của Phi châu và sau cùng là 12% theo Hồi giáo.

Ơn gọi linh mục tại Uganda rất đông nhưng thiếu các chủng viện và những phương tiện cần thiết để đào tạo linh mục nên Giáo Hội tại đây vẫn trong tình trạng thiếu linh mục trầm trọng. Theo tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ, mỗi một linh mục ở Uganda phải phục vụ số giáo dân nhiều gấp 10 hay 20 lần tại Âu Châu.

Do nhiều nơi không có linh mục coi sóc, năm 2010, một nhóm khoảng 20 người tự xưng là linh mục Công Giáo đã thành lập ra cái gọi là Giáo Hội Công Giáo Tông Truyền Uganda với chủ trương chống lại luật độc thân linh mục, lôi kéo được trên 10,000 người. Leonard Lubega, người lãnh đạo giáo phái này, tự gọi mình là linh mục dù ông ta chưa từng được truyền chức linh mục. Một nhân vật lãnh đạo khác của giáo phái này từng là một linh mục Chính thống giáo, chứ không phải linh mục Công Giáo.
 
Chương trình tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Cộng hòa Trung Phi
Đặng Tự Do
21:03 18/10/2015
Chặng cuối cùng trong chuyến viếng thăm 3 nước Phi Châu của Đức Thánh Cha Phanxicô là tại Cộng hòa Trung Phi. Đây được kể là chuyến tông du nguy hiểm nhất của Đức Thánh Cha Phanxicô từ trước cho đến nay.

Sáng Chúa Nhật 29 tháng 11, lúc 09:15, Đức Thánh Cha sẽ khởi hành bằng máy bay từ phi trường Entebbe của Uganda. Ngài sẽ đến sân bay quốc tế M'poko của Bangui lúc 10 giờ sáng và được tổng thống Catherine Samba-Panza, là tổng thống lâm thời của Cộng hòa Trung Phi đón tiếp tại phi trường. Tuy nhiên, nghi lễ đón tiếp chính thức sẽ diễn ra lúc 11 giờ tại dinh tổng thống, là nơi ngài sẽ có bài nói chuyện với các nhà lãnh đạo dân sự và ngoại giao đoàn.

Theo dự trù, lúc 12:15, Đức Thánh Cha sẽ thăm một trại tị nạn của thủ đô Bangui trước khi gặp gỡ với các Giám Mục của Cộng hòa Trung Phi.

Buổi chiều, lúc 16 giờ, Đức Thánh Cha sẽ có cuộc gặp gỡ với cộng đồng Tin Lành tại trụ sở của Khoa Thần học Tin Lành Bangui.

Lúc 17 giờ, Đức Thánh Cha sẽ dâng Thánh Lễ với các linh mục, các tu sĩ nam nữ, giáo lý viên, và giới trẻ tại nhà thờ chính tòa thủ đô.

Lúc 19 giờ, Đức Thánh Cha sẽ ngồi tòa giải tội cho một số người trẻ, trước khi chủ sự buổi canh thức cầu nguyện cho hòa bình ở phía trước nhà thờ.

Sáng thứ Hai, 30 tháng 11, lúc 08:15, Đức Thánh Cha sẽ có cuộc gặp gỡ với cộng đồng Hồi giáo tại nhà thờ Hồi giáo Trung ương Koudougou ở Bangui

Lúc 09:30, ngài dâng Thánh Lễ tại sân vận động Barthélémy Boganda.

Lúc 12:15, ngài sẽ khởi hành về Rôma tại sân bay quốc tế M'poko của thủ đô Bangui.

Dự kiến lúc 18:45 chiều cùng ngày, Đức Thánh Cha sẽ về đến phi trường Ciampino của Rôma.

Cộng hòa Trung Phi có 5,390,000 dân trong đó 25% là người Công Giáo sinh hoạt trong một tổng giáo phận là tổng giáo phận thủ đô Bangui và 8 giáo phận. Tình hình an ninh tại Cộng hòa Trung Phi là rất đáng lo ngại. Thật vậy, các diễn biến gần đây cho thấy quân Hồi Giáo Seleka đã được tăng viện bởi các nhóm khủng bố quốc tế đặc biệt là từ Cộng Hòa Chad, nơi dung thân của quân Seleka.

Cuộc xung đột tại Cộng Hòa Trung Phi đã bùng lên từ ngày 10 tháng 12 năm 2012 giữa quân đội nước này và phiến quân Hồi Giáo Séléka. Do các yếu tố bất ngờ, đến cuối tháng 12 năm 2012, quân Hồi Giáo đã chiếm được nhiều thành phố và ngày 24 tháng Ba năm 2013 chiếm được thủ đô Bangui. Lãnh đạo phiến quân là Michel Djotodia được đưa lên làm tổng thống.

Quân Hồi Giáo Séléka bắt tay ngay vào việc cướp bóc, hãm hiếp, và thủ tiêu các tín hữu Kitô. Nhóm Hồi Giáo cực đoan này thực hiện âm mưu Hồi Giáo hóa đất nước bằng một cuộc diệt chủng người Kitô Giáo trên một quy mô lớn đến mức chính Michel Djotodia đã bất ngờ tuyên bố từ chức và đào vong ở nước ngoài hôm 10 tháng Giêng năm 2014 để tránh bị bắt đưa ra trước tòa án quốc tế về tội ác chống nhân loại.

Từ tháng Hai năm 2014, quân Séléka như rắn mất đầu đã mất quyền kiểm soát trên hầu hết các thành phố lớn tại Cộng Hòa Trung Phi và phải rút chạy sang Chad. Tuy nhiên, nhóm Hồi Giáo cực đoan này nhận được tăng viện cả về khí tài chiến tranh lẫn nhân sự và đã có khả năng trở lại gây chiến ngay tại thủ đô Cộng Hòa Trung Phi.
 
Thống kê dân số Công Giáo trên toàn thế giới
Đặng Tự Do
21:49 18/10/2015
Như mọi năm, nhân Khánh Nhật Truyền Giáo, năm nay được tổ chức vào Chúa Nhật 18 tháng 10, thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc đã đưa ra một bức tranh toàn cảnh về tình hình của Giáo Hội khắp nơi trên thế giới. Các con số thống kê được trích từ bản mới nhất của “Niên Giám Tòa Thánh”.

Tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2013, dân số thế giới là 7,093,798,000, tăng 70,421,000 người so với cùng thời gian một năm trước. Mức tăng dân số xảy ra trên mọi lục địa, nhiều nhất là châu Á và châu Phi; tiếp theo là Mỹ; châu Âu và châu Đại Dương.

Trong cùng thời gian này người Công Giáo trên toàn thế giới là 1,253,926,000, tăng 25,305,000 người so với năm trước. Mức tăng mạnh nhất là tại châu Mỹ và châu Phi; tiếp theo là châu Á; châu Âu và châu Đại Dương.

Tính đến cuối năm 2012, tỷ lệ người Công Giáo so với dân số thế giới là 17.59%. Con số này là 17.68% vào cuối năm 2013, nghĩa là tăng 0.09 %. Tỷ lệ tăng nhanh nhất là ở châu Phi, châu Mỹ, châu Á, châu Âu trong khi có sự giảm nhẹ tại châu Đại Dương.

Toàn thể Giáo Hội có 2,989 giáo phận, nghĩa là có thêm 8 giáo phận mới tại châu Phi, châu Mỹ, châu Á, châu Âu và châu Đại Dương.

Có 1,871 cứ điểm truyền giáo có các linh mục thường trú, tăng 24 so với năm 2012. Con số gia tăng nhanh nhất là tại châu Phi, châu Á và châu Đại Dương, nhưng giảm tại châu Mỹ và châu Âu.

Giáo Hội có đến 133,869 cứ điểm truyền giáo không có các linh mục thường trú, tăng 3,074 chủ yếu tại châu Phi, châu Mỹ, châu Á và châu Đại Dương; và giảm mất 2 cứ điểm ở châu Âu.
 
Thống kê về hàng giáo sĩ Công Giáo trên toàn thế giới
Đặng Tự Do
22:21 18/10/2015
Tính đến ngày 11 tháng 9 năm 2015, Giáo Hội có 219 Hồng Y trong đó có 118 vị có quyền bầu Giáo Hoàng. Châu Âu có 114 vị trong đó có 54 vị Hồng Y cử tri. Bắc Mỹ có 23 vị trong đó có 15 vị Hồng Y cử tri. Trung Mỹ có 8 vị trong đó có 6 vị Hồng Y cử tri. Nam Mỹ có 26 vị trong đó có 12 vị Hồng Y cử tri. Châu Á có 22 vị trong đó có 14 vị Hồng Y cử tri. Châu Phi có 21 vị trong đó có 14 vị Hồng Y cử tri. Châu Đại Dương có 5 vị trong đó có 3 vị Hồng Y cử tri.

Tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2013, Giáo Hội có 5,173 Giám Mục, nghĩa là tăng 40 vị so với năm 2012. Những năm trước, số các Giám Mục triều gia tăng trong khi số các Giám Mục dòng giảm sút. Trong năm 2013, cả hai con số đều tăng lên.

Tổng số Giám Mục triều là 3,945, trong khi số Giám Mục dòng là 1,228. Con số các Giám Mục triều tăng tại tất cả các châu lục, và giảm tại châu Đại Dương. Số lượng các Giám Mục dòng gia tăng tại trên mọi châu lục, và không thay đổi tại châu Đại Dương.

Tổng số linh mục trên thế giới lên đến 415,348 nghĩa là tăng 1,035 vị so với năm 2012. Con số tăng trưởng nhanh nhất là ở châu Phi, châu Mỹ và châu Á; trong khi giảm mạnh ở châu Âu và giảm nhẹ ở châu Đại Dương.

Tổng số linh mục triều là 280,532 vị, nghĩa là tăng 917 vị. Con số tăng trưởng nhanh nhất là ở châu Phi, châu Mỹ và châu Á; trong khi giảm mạnh ở châu Âu và giảm nhẹ ở châu Đại Dương.

Tổng số linh mục dòng là 134,816 vị, nghĩa là tăng 64 vị. Con số tăng trưởng nhanh nhất là ở châu Phi và châu Á; trong khi giảm mạnh ở châu Âu, châu Mỹ và giảm nhẹ ở châu Đại Dương.

Tổng số Phó tế vĩnh viễn trên thế giới là 43,195 vị, tăng 1,091 vị. Con số tăng trưởng nhanh nhất là ở châu Mỹ và châu Âu, trong khi tăng nhẹ ở châu Phi, châu Á và châu Đại Dương

Tổng số nam tu sĩ không có chức linh mục là 55,253 vị giảm 61 vị. Châu Phi giảm 218 vị, châu Âu giảm 133 vị. Nhưng bù lại, châu Mỹ tăng 45 vị, châu Á tăng 167 vị và châu Đại Dương tăng 78 vị.

Tổng số nữ tu trên toàn thế giới là 693,575 chị tăng 8,954 chị. Số nữ tu tăng nhanh nhất là tại châu Phi và châu Á, trong khi giảm ở Mỹ, châu Âu và châu Đại Dương.
 
Thống kê về tình trạng giáo dục Công Giáo trên toàn thế giới
Đặng Tự Do
22:41 18/10/2015
Trong lĩnh vực giáo dục, tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2013, Giáo Hội Công Giáo điều hành 73,263 trường mẫu giáo với 6,963,669 học sinh; 96,822 trường tiểu học với 32,254,204 học sinh; 45,699 trường trung học với 19,407,417 học sinh. Các cơ sở khác của Giáo Hội như Đại Học và Cao Đẳng cung cấp các hình thức giáo dục đa dạng cho 2,309,797 học sinh trung học, và 2,727,940 sinh viên đại học.

Bên cạnh đó, còn có 367,679 giáo dân tham gia vào các hoạt động truyền giáo, tăng 5,191 anh chị em so với năm 2012. Số tăng cao nhất là tại châu Phi, châu Mỹ, châu Á và châu Âu; và giảm nhẹ tại châu Đại Dương.

Giáo Hội còn có một mạng lưới 3,157,568 giáo lý viên. Giảm 13,075 giáo lý viên so với năm 2012. Số giáo lý viên tăng đáng kể ở châu Phi và châu Á, nhưng giảm mạnh ở Mỹ, châu Âu và châu Đại Dương.

Tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2013, Giáo Hội có 118,251 đại chủng sinh, giảm mất 1,800 người. Con số gia tăng chỉ xảy ra ở châu Phi, trong khi giảm tại tất cả các châu khác.

Con số đại chủng sinh của các giáo phận lớn là 71,537, của các dòng là 46,714. Chủng sinh của giáo phận tăng tại châu Phi và châu Á, trong khi giảm ở châu Mỹ, châu Âu và châu Đại Dương. Chủng sinh các dòng giảm tại tất cả các lục địa.

Có tổng cộng 101, 928 tiểu chủng sinh, giảm 775 người so với năm 2012.
 
Thống kê về các hoạt động bác ái Công Giáo trên toàn thế giới
Đặng Tự Do
22:50 18/10/2015
Tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2013, Giáo Hội điều hành 5,034 bệnh viện, hầu hết là ở châu Mỹ và châu Phi.

Bên cạnh đó còn có 16,627 trạm xá, chủ yếu là ở châu Phi; châu Mỹ và châu Á; 611 trung tâm chăm sóc người bệnh phong, chủ yếu là ở châu Á và châu Phi; 15,518 viện người già, hay những bị bệnh kinh niên hoặc những người khuyết tật, chủ yếu ở châu Âu và Mỹ.

Giáo Hội cũng điều hành 9,770 trung tâm trẻ mồ côi, chủ yếu là ở châu Á; 12,082 nhà trẻ, chủ yếu là ở châu Á và châu Mỹ;

Ngoài ra còn có 14,391 trung tâm tư vấn hôn nhân, chủ yếu là ở châu Mỹ và châu Âu; 3,896 trung tâm phục hồi chức năng xã hội và 38,256 các cơ sở bác ái xã hội khác.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giới trẻ giáo phận Xuân Lộc tham dự kỳ thi giáo lý chủ đề Mục Vụ
Maria Phương Trâm
14:16 18/10/2015
Giới trẻ giáo phận Xuân Lộc tham dự kỳ thi giáo lý chủ đề mục vụ

Sáng Chúa Nhật, 18/10/2015, tại Giáo xứ Quảng Biên, hạt Phú Thịnh, Giáo phận Xuân Lộc, Ban Mục vụ Giới Trẻ đã tổ chức Hội thi Giáo lý cấp giáo phận với chủ đề: "Giới Trẻ sống Mầu nhiệm Thánh Thể". Với sự tham dự của 45 thí sinh được tuyển chọn từ các cuộc thi cấp giáo hạt và hơn 120 bạn trẻ là các cổ động viên đến từ các giáo xứ trong Giáo phận Xuân Lộc. Hiện diện trong phần khai mạc có Cha Đaminh Nguyễn Thành Tiến, Chánh xứ Phúc Hải, Trưởng Ban Mục vụ Giới Trẻ giáo phận; Cha Giuse Nguyễn Đình Nhiệm, Chánh xứ Quảng Biên, Trưởng Ban Mục vụ Giới Trẻ hạt Phú Thịnh, Quý Thầy khóa IV Đại Chủng viện Thánh Giuse Xuân Lộc; Ông Nguyễn Ngọc Thăng, Trưởng Ban Hành Giáo, Giáo xứ Quảng Biên...

Xem Hình

Sau phần đón tiếp và nghi thức khai mạc, vào lúc 9 giờ 00 kỳ thi bắt đầu vòng thi đầu tiên với hình thức trắc nghiệm. Vòng thi này đã chọn ra 22 thí sinh để tham dự vòng thi thứ hai với hình thức rung chuông vàng. Sau cuộc đấu trí “ngang tài ngang sức”, cuối cùng Ban Giám khảo đã chọn được 4 thí sinh bước vào vòng thi chung kết. Hồi hộp, căng thẳng, gay cấn và không kém phần thú vị, vòng chung kết lần lượt đưa 4 thí sinh qua các chặng đường: chặng 1: Xuất hành; chặng 2: Vượt Biển Đỏ; chặng 3: Thử thách và chặng 4: Vào Đất Hứa. Sau 4 chặng thi của vong chung kết, Ban giáo khảo đã chọn ra người xứng đáng đón nhận vòng nguyệt quế của kỳ thi năm nay. Đan xen với các vòng thi là những câu hỏi thú vị “Thử tài cùng bạn” dành cho khán giả và các điệu múa sôi nổi giúp các bạn trẻ gần lại với nhau, cùng chia sẻ cho nhau các hình thức sinh hoạt của giới tại các giáo xứ trong giáo phận.

12 giờ hội thi kết với phần trao giải thưởng và kỷ niệm chương cho các thí sinh xuất sắc đoạt giải Nhất, Nhì, Ba, Khuyến khích và ba giải đồng đội cho các Giáo hạt: Gia Kiệm, Tân Mai và Hòa Thanh. Sau phần trao giải, các bạn trẻ đã đến tạ ơn và viếng Đức Mẹ tại Đài Đức Mẹ La Vang, Giáo xứ Quảng Biên. Sau đó, mọi người cùng chia sẻ với nhau bữa trưa đầy tình huynh đệ và thân mật với các món ăn Huế do Cha Giuse, Chánh xứ Quảng Biên khoản đãi với sự phục vụ thắm tình gia đình của các Hiền mẫu Giáo xứ Quảng Biên.

Khép lại Hội thi Giáo lý chủ đề mục vụ năm 2015, các bạn trẻ trong Giáo phận Xuân Lộc thêm một lần nữa củng cố đức tin của mình qua các bài giáo lý. Kỳ thi cũng tạo điều kiện cho các bạn trẻ cơ hội học hỏi và chia sẻ niềm vui với nhau giữa những người trẻ trong toàn giáo phận. Đồng thời, Ban tổ chức cũng hoan nghênh tinh thần học hỏi của các bạn trẻ, những người đã tích cực hưởng ứng lời mời gọi của hai Đức Giám Mục giáo phận; sự nỗ lực của Cha Đặc trách cũng như Ban Mục vụ Giới Trẻ Giáo phận Xuân Lộc. Ước mong những nỗ lực ấy sẽ đơm hoa kết trái, sẽ là những mùa vàng bội thu khi đời sống đức tin các bạn trẻ thêm vững vàng và chan chứa hình ảnh của Đức Kitô trong môi trường sống của các bạn.

Maria Phương Trâm

CÁC THÍ SINH ĐOẠT GIẢI CÁ NHÂN

Giải Nhất: Anh Giuse Phạm Minh Đăng, Giáo xứ Thanh Hóa, Hạt Hòa Thanh

Giải Nhì: Chị Maria Trần Thị Thùy Linh, Giáo xứ Thanh Hóa, Hạt Hòa Thanh

Giải Ba: Chị Maria Nguyễn Thị Thùy Trâm, Giáo xứ Lợi Hà, Hạt Gia Kiệm

Giải Khuyến khích: Maria Ngô Thị Vân Anh, Giáo xứ Thanh Hóa, Hạt Hòa Thanh
 
Lễ Khánh Nhật Truyền Giáo tại Giáo xứ Thành Phố Hưng Yên, Giáo phận Thái Bình
BTT Giáo phận Thái Bình
16:24 18/10/2015
Lễ Khánh Nhật Truyền Giáo tại Giáo xứ Thành Phố Hưng Yên, Giáo phận Thái Bình

Sáng Chúa Nhật (18.10.2015), Giáo phận Thái Bình đã long trọng tổ chức đại lễ Khánh Nhật Truyền Giáo tại Nhà thờ Giáo xứ Thành Phố Hưng Yên – Miền truyền giáo của Giáo phận.

Xem Hình

Bầu trời Thu trong xanh, gió mát. Từng đoàn người khắp nơi trong Giáo phận, bằng các phương tiện chung và riêng đã tuôn đổ về Nhà thờ Giáo xứ Thành Phố Hưng Yên. Tại nơi đây, âm thanh trong trẻo của những bản nhạc thánh ca vọng vang xa, cùng với những băng rôn, cờ kéo, Pano và những biểu tượng truyền giáo được trình bày trang trí đẹp mắt, thu hút sự chú ý của mọi người càng làm cho ngày đại lễ trở nên ấn tượng và sinh động hơn.

Đặc biệt hơn, về với Giáo xứ Thành Phố Hưng Yên hôm nay, mọi người đều ngỡ ngàng vì sự đổi thay quá nhanh chóng của toàn bộ khuôn viên nơi đây. Địa hình đi lại thuận lợi, khuôn viên Giáo xứ được mở mang rộng rãi và sạch đẹp.

Hiện diện với Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ trong ngày đại lễ, có quý bề trên các Dòng tu, đông đảo quý cha, quý thầy phó tế, chủng sinh, quý tu sĩ và cộng đoàn Dân Chúa từ khắp nơi trong Giáo phận.

Chương trình của ngày đại lễ được bắt đầu từ lúc 7g30, với việc lần hạt Mân Côi cầu nguyện cho công cuộc truyền giáo.

Kết thúc giờ lần hạt Mân Côi, các bạn Giới trẻ đã thể hiện những vũ khúc sôi động về chủ đề của ngày truyền giáo, đồng thời các đoàn trống và kèn thuộc miền Hưng Yên cùng hòa tấu âm vang cả một góc trời, làm cho ngày đại lễ càng trở nên náo nhiên hơn.

Tiếp đến, Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ – Chủ chăn Giáo phận Thái Bình – đã có lời chào chúc và nhắn nhủ cộng đoàn hiện diện. Ngài đã nhấn mạnh và khơi dậy tinh thần truyền giáo đối với mọi thành phần Dân Chúa trong toàn Giáo phận.

Sau lời nhắn nhủ của vị Chủ chăn, đại diện của 12 Dòng tu và Tu đoàn đang phục vụ tại Giáo phận Thái Bình báo cáo về các công tác hoạt động và đặc biệt là tinh thần truyền giáo của mình trong năm qua.

Sau phần báo cáo của các đơn vị trên, cộng đoàn có ít phút giải lao. Tranh thủ thời gian này, các bạn trẻ lại tiếp tục thể hiện những vũ khúc mang đầy ý nghĩa.

Nhân dịp này, các đại diện của các giáo hạt cũng lên đúc kết những gì đã và đang góp phần vào sứ mạng truyền giáo trong thời gian qua, cũng như những điều chưa thể làm được và cần rút kinh nghiệm để tham gia vào sứ mạng loan báo Tin Mừng hầu có thể đạt được kết quả cao.

Kết thúc những phần báo cáo, cộng đoàn được lắng nghe những lời chia sẻ về cảm nghiệm của các cặp đôi Tân tòng. Họ không ngại ngùng khi thực lòng nói ra những khó khăn trong những ngày đầu đời đón nhận đức tin Công Giáo. Tuy nhiên, dù là những Tân tòng, nhưng hôm nay họ đến đây như những mẫu gương chứng nhân, bởi họ có tinh thần nhiệt thành trong công tác hoạt đông tông đồ qua việc đảm nhận trọng trách là Giáo lý viên đứng lớp, hướng dẫn đời sống đức tin cho thế hệ trẻ. Khi đã vững mạnh trong đức tin Công Giáo, họ là những con người rất thao thức được cộng tác hoạt động trong cánh đồng truyền giáo.

Đình cao của ngày Khánh Nhật Truyền Giáo là thánh lễ cầu nguyện cho công cuộc truyền giáo của toàn thể Giáo Hội nói chung, và cách riêng là Giáo phận Thái Bình – Tại miền Hưng Yên – được cử hành hồi 11g30.

Trong bài giảng, Đức Cha tiếp tục nhấn mạnh đến việc truyền giáo. Ngài cho thấy, ngày lễ Khánh Nhật Truyền Giáo là dịp để mọi người ý thức và tiếp tục khởi sự công việc loan báo Tin Mừng của Chúa. Bởi vì, công việc loan báo Tim Mừng là thực hiện lệnh truyền của Chúa. Mọi vật, mọi loài đều được Chúa dựng nên và được Ngài ghi dấu ấn. Chúng ta chỉ là những người cộng tác với Chúa để khơi dậy ơn Chúa nơi các tâm hồn vốn đã có dấu ấn của Ngài để cho dấu ấn đó được tăng trưởng. Với ý nghĩa đó, Đức Cha mời gọi mọi thành phần tích cực tham gia vào công cuộc truyền giáo bằng hàng động cụ thể ngay từ bây giờ.

Để kết thúc bài giảng, Đức Cha nguyện xin và cầu chúc cho mọi người có tinh thần tự nguyện, hy sinh, sẵn sàng tham gia và đầu tư vào việc loan báo Tin Mừng của Chúa trong Năm Thánh kỷ niệm 80 năm thành lập Giáo phận, để công cuộc truyền giáo đạt nhiều kết quả.

Sau khi nhận phép lành với Ơn Toàn Xá trong Năm Thánh, cộng đoàn hân hoan cất cao bài ca “Cùng Mẹ Ra Khơi”.

Sau thánh lễ, mọi thành phần cùng nhận những phần cơm hộp và chung chia niềm vui với nhau trong dịp đặc biệt này.

Nhân ngày Khánh Nhật Truyền Giáo, Đức Cha cũng mang theo những cỗ tràng hạt Mân Côi để trao tặng mọi người; đồng thời ngài còn mang theo những cuốn sách ý nghĩa và trao gửi tới các đại diện để góp phần cho tủ sách của tất cả các giáo xứ được phong phú.

Ban Truyền thông Giáo phận
 
Thiếu nhi Tây Ninh, GP. Phú Cường cầu nguyện cho Hiệp Nhất và Hòa Bình
Giuse Nguyễn Hữu Lộc
21:22 18/10/2015
XIN HIỆP NHẤT CHÚNG CON

Hưởng ứng dự án “Cầu nguyện cho Hiệp Nhất và Hòa Bình – Một triệu trẻ em cùng cầu nguyện”, của hội Aid to the Church in Need, cũng như của Liên Đoàn TNTT Phêrô Đoàn Công Qúi Giáo phận Phú Cường. Cha Giuse Phạm Tường Thành (phó xứ) đặc trách Thiếu nhi cùng Quý Dì và anh chị Huynh trưởng Giáo xứ Tây Ninh đã tổ chức cho các em thiếu nhi trong giáo xứ tham dự một giờ chầu Thánh Thể với Kinh Mân Côi, vào lúc 9 giờ 15 sáng ngày 18 tháng 10 năm 2015, sau thánh lễ Nhì của các em Thiếu nhi. Qua Giờ chầu Thánh thể với kinh Mân côi Quý Cha; cùng Quý Dì và các Anh chị Huynh trưởng muốn truyền bá sự cần thiết của việc cầu nguyện cho bình an trong tâm hồn của mỗi con người; cũng như cho sự hợp nhất và bình an của gia đình, đất nước và toàn thế giới.

Xem Hình

Để các em có đủ năng lượng tham dự giờ cầu nguyện với Kinh Mân Côi này, Quý Cha cùng Quý Dì và các Anh chị Huynh trưởng đã nạp năng lượng cho mỗi em 01 cái bánh ngọt trong giờ nghỉ giải lao sau thánh lễ Nhì.

Giờ Chầu được diễn ra trong bầu khí trang nghiêm và sốt sắng, vì qua lời khẩn nguyện của các em cũng như từ vô vàn trẻ em trên thế giới, muôn phúc lành từ Trái Tim Rất Thánh của Chúa Giêsu và Mẹ Maria sẽ được tuôn đổ tràn trề trên tất cả chúng ta và toàn thế giới.

Giờ chầu kết thúc lúc 10g00.

Bài và ảnh: Giuse Nguyễn Hữu Lộc - Ban Truyền thông Giáo phận Phú Cường.
 
Giáo phận Phú Cường trao hai giáo xứ Bà Lụa và Bà Trà cho tỉnh dòng Thừa Sai Đức Tin
Ban Truyền Thông Tỉnh Dòng
22:00 18/10/2015
Giáo Phận Phú Cường Ký Kết Giao - Nhận Hai Giáo Xứ Bà Lụa Và Bà Trà cho Tỉnh Dòng Thừa Sai Đức Tin Việt Nam

Ngày 17.10.2015, tại trụ sở Tỉnh Dòng Thừa Sai Đức Tin Việt Nam, sẽ diễn ra việc ký kết hợp đồng Giao – Nhận hai Giáo xứ Bà Lụa và Giáo xứ Bà Trà giữa Giáo phận Phú Cường và Tỉnh Dòng. Theo hợp đồng, từ ngày ký kết, hai Giáo xứ Bà Lụa và Giáo xứ Bà Trà thuộc Giáo phận Phú Cường sẽ được quý Cha Tỉnh Dòng Thừa Sai Đức Tin Việt Nam phụ trách trong thời gian 25 năm. Đây là sự kiện đặc biệt quan trọng đối với Tỉnh Dòng và cách riêng là hai Giáo xứ Bà Lụa và Giáo xứ Bà Trà. Qua những năm tháng đầy những biến động của thời thế, thăng trầm của lịch sử, kể từ ngày thành lập giáo xứ đến nay, hai giáo xứ Bà Trà và Bà Lụa đều được các Cha, các Thầy thuộc Tu Viện Lời Chúa nay là Dòng Thừa Sai Đức Tin đảm trách, xây dựng và làm thăng tiến về mọi mặt trong đời sống đạo.

Xem Hình

Vào lúc 18g00, Đức Cha Giuse Nguyễn Tấn Tước, Giám mục Giáo phận Phú Cường, đã đến Tỉnh Dòng. Cùng đi với Ngài có cha Chưởng ấn Giáo phận G.B Phạm Quý Trọng, Cha Chánh văn phòng Tòa Giám mục Tađêô Lý Nguyễn Anh Thy, quý Cha khách mời, anh em Ứng sinh Nhà chung Giáo phận cùng sự hiện diện của quý Cha, quý Thầy và tất cả anh em trong Tu viện. Ngoài ra, trong buổi ký kết còn có đại diện của hai Giáo xứ Bà Lụa và Bà Trà tới tham dự sự kiện đặc biệt này.

Buổi kí kết được bắt đầu bằng bài hát kinh cầu Chúa Thánh Thần. Sau đó, cha Chánh văn phòng Tòa Giám Mục Giáo phận đọc văn bản ký kết Giao – Nhận hai Giáo xứ, lần lượt là bản Giáo xứ Bà Lụa, kế đó là bản Giáo xứ Bà Trà trước sự hiện diện của cộng đoàn tham dự. Sau khi đọc xong hai bản văn, Đức Giám Mục Giáo phận, cha Giám tỉnh Micae cùng ký tên và đóng dấu, cha Chưởng ấn ký kết lên bản văn trước sự chứng kiến của quý Cha, quý Thầy, quý khách cùng toàn thể anh em trong Tỉnh Dòng Thừa Sai Đức Tin Việt Nam. Như vậy, sau khi ký tên và đóng dấu, bản hợp đồng ký kết Giao – Nhận chính thức có hiệu lực.

Trong niềm vui đó, cha Giám tỉnh Micae Hoàng Đô Đốc, MF đại diện cho Tỉnh Dòng bày tỏ tâm tình biết ơn Đức Cha Giuse, quý Cha trong giáo phận đã tin tưởng giao hai giáo xứ cho Tỉnh Dòng phụ trách. Đức Giám Mục cũng ban huấn từ cho cộng đoàn qua sự kiện đánh dấu ý nghĩa thánh thiêng của việc hợp thức hóa hai giáo xứ qua lễ nghi này. Đức Cha nói đến sự trân trọng và biết ơn Tỉnh Dòng qua việc chăm sóc mục vụ, sự nhiệt tình truyền giáo cho hai giáo xứ này từ lúc là Đệ Tử Viện Truyền Giáo cho đến nay. Đây là điều hữu lý và tin cậy trong dòng lịch sử của hai giáo xứ này. Đức Cha bày tỏ lòng biết ơn của Giáo phận với Tỉnh Dòng. Đức Cha tin cậy giao hai giáo xứ cho Tỉnh Dòng để công tác mục vụ phát triển tốt hơn nữa. Đức Cha cũng chân thành cảm ơn Tỉnh Dòng đã cống hiến, nhiệt tình trong công việc chung của Giáo phận và nơi hai Giáo xứ, cũng trong bầu khí năm thánh Giáo phận mọi người chúng ta hãy cùng nắm tay nhau trong ơn gọi để thực hiện sứ mạng đến với muôn dân.

Hòa chung niềm vui đó, cộng đoàn đã tổ chức đêm văn nghệ mừng Kim khánh Giáo phận, mừng sự kiện hai giáo xứ được giao cho Tỉnh Dòng phụ trách và mừng ngày Khánh nhật Truyền giáo năm 2015. Trong tâm tình tạ ơn Chúa và biết ơn Giáo phận, Đức Cha Giuse, quý cha và cộng đoàn dân Chúa nơi hai giáo xứ trong sự kiện đặc biệt tối nay.

Nguyện xin Thiên Chúa tình yêu qua lời chuyển cầu của Thánh Phaolô bổn mạng Tỉnh Dòng ban muôn ơn lành cho Giáo phận Phú Cường, quý Đức Cha, quý cha và những ai đã góp phần làm thăng triển Tỉnh Dòng chúng con trong thời gian qua.

Ban Truyền Thông Tỉnh Dòng
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Nguyệt Thực Trăng Hồng
Lê Trị
20:46 18/10/2015
NGUYỆT THỰC TRĂNG HỒNG
Ảnh của Lê Trị
(Hình chụp nguyệt thực 27-9-2015 tại California)

Trăng đỏ
đêm rằm tháng chín tây
trăng tròn
nguyệt thực âm dương gặp
ba mươi năm cuộc hẹn hò..
(Trích thơ của Võ Công Liêm)
 
VietCatholic TV
Giáo Hội Năm Châu 13 – 19/10/2015: Bạo động bùng lên tại Thánh Địa
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
15:38 18/10/2015
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Vị Đô trưởng Rôma mâu thuẫn với Đức Giáo Hoàng đột ngột từ chức

Đô trưởng Ignazio Marino của Rôma đã đột ngột từ chức vào ngày 9 tháng 10, sau một loạt các cáo buộc có hành vi sai trái về tài chính.

Marino được bầu làm Đô trưởng Rôma vào năm 2013. Ông đã phủ nhận đã có những việc làm sai trái và nói rằng ông đã bị tố cáo bất công vì chiến dịch của mình nhằm loại bỏ tham nhũng trong chính quyền của thành phố.

Tuy nhiên, ông đã bị mất đi sự ủng hộ chính trị từ nhiều phía. Chỉ một tuần trước đây, báo chí tại Rôma đã rộ lên những báo cáo cho thấy ông Marino có những mâu thuẫn với Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Trong bối cảnh đó, tờ il Giornale trong bài Dagospia: “Monsignor Parolin ha chiesto le dimissioni di Marino” cho rằng theo sau những cáo buộc liên quan đến những sai trái về tài chính của Marino, Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, đã kêu gọi ông này từ chức.

Tờ Quan Sát Viên Rôma nhận xét rằng việc từ chức của Đô trưởng Ignazio Marino khiến thành phố Rôma rơi vào tình trạng hỗn loạn chính trị, chỉ vài tuần trước khi khai mạc Năm Thánh. Người ta thi nhau đưa ra những đồn đoán liên quan đến chuyện này, nhưng tờ báo cho biết “có một điều chắc chắn nhất, đó là Rôma không đáng phải chịu như thế”.

Tưởng cũng nên nhắc lại, trong một cuộc trao đổi với các phóng viên trên chuyến bay từ Philadelphia trở về Rôma vào ngày 27 tháng 9, Đức Giáo Hoàng đã sử dụng một ngôn ngữ thẳng thừng để bác bỏ những báo cáo cho rằng Marino, người đã có mặt tại Đại hội thế giới của gia đình, đã đến Philadelphia theo yêu cầu của Đức Giáo Hoàng.

Ngài nói:

“Tôi đã không mời ông đô trưởng. Tôi nói như thế đã rõ ràng chưa?” Ngài còn nói thêm là các nhà tổ chức các sự kiện ở Philadelphia cũng đã không mời Marino.

Căng thẳng giữa Marino và Vatican đã hình thành và lớn dần vì sự hỗ trợ của vị đô trưởng này cho việc công nhận pháp lý “hôn nhân” đồng tính.

Tuy nhiên, các quan chức Vatican thường tránh xung đột với các quan chức địa phương. Đặc biệt là mối quan hệ giữa Tòa Thánh và thành phố Rôma sẽ tạo ra những ảnh hưởng mạnh vào những tháng tới, khi hàng triệu khách hành hương đổ về Rôma dự Năm Thánh Lòng Thương Xót.

Khó khăn trong quan hệ giữa Đức Giáo Hoàng và thị trưởng Rôma đã được thấy rõ khi một đài phát thanh Italia gọi một cú điện thoại giả cho Đức Tổng Giám Mục Vincenzo Paglia, Chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Gia Đình. Giả vờ là Thủ tướng Ý Matteo Renzi, người gọi hỏi Đức Tổng Giám Mục về những căng thẳng giữa Đức Giáo Hoàng và đô trưởng Rôma. Đức Tổng Giám Mục Paglia nói rằng Marino “muốn lợi dụng” các cuộc họp tại Philadelphia để đẩy mạnh nghị trình phò đồng tính của mình, và điều này “thực sự gây khó chịu” cho Đức Giáo Hoàng.

Agence France-Presse cũng đã tung ra một câu chuyện trong đó trích thuật Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng Marino “chỉ giả vờ là một người Công Giáo.” Tuy nhiên, AFP không cho biết đó là nguồn gốc của lời trích dẫn này.

2. Một Tổng Giám Mục Syria nói: Chính sách của Mỹ khiến cho khủng bố Hồi Giáo IS tăng trưởng không ngừng

Hôm 8 tháng 10, trong cuộc gặp gỡ giới báo chí bên lề Thượng Hội Đồng Giám Mục, Đức Thượng Phụ Youssif III Younan, Giáo Chủ Công Giáo Syria có trụ sở ở Liban, than phiền rằng:

“Chúng tôi bị các nước Tây phương lãng quên và thậm chí bị phản bội. Dường như các nước ấy, Hoa Kỳ và Liên hiệp Âu Châu, theo chính sách xu thời về kinh tế, đang lãng quên các nhóm dân thiểu số, nơi nảy sinh đức tin và nền văn hóa Kitô”.

Bình luận về lời nhận xét này, Đức Cha Jacques Hindo, Tổng Giám Mục Hassake-Nisibis nói thêm với Asia-News rằng: “Chính sách của Mỹ đã đóng góp vào sự tăng trưởng của nhà nước Hồi giáo.”

Đức Tổng Giám Mục Jacques Hindo, là người sống rất gần với những mặt trận đang diễn ra tại Syria, giải thích rằng các cuộc không kích của Mỹ đã gây thiệt hại nhiều cho chính phủ Syria, chứ không phải cho là quân khủng bố Hồi Giáo IS ở Syria. “Vấn đề không phải là ủng hộ hay chống lại chính phủ, nhưng mọi người không bao giờ tin vào các cuộc tấn công của người Mỹ”.

Chính phủ Bashar al-Assad thường than thở Mỹ tuy không dội bom trực tiếp vào quân chính phủ Syria nhưng thả bom chặn đường tiến công của họ, và trong nhiều trường hợp còn thả bom chặn đường triệt thoái gây hoảng loạn cho quân chính phủ Syria và khiến họ bị thương vong nặng nề. Những cáo buộc như thế thực ra không thể kiểm chứng một cách độc lập được.

Đức Cha Jacques Hindo nhận xét thêm rằng “Các cuộc tấn công của không quân Nga gần đây đã buộc các lực lượng Hồi giáo phải rút lui. Can thiệp của Mạc Tư Khoa đang đem lại những hệ quả rất tích cực”.

3. Tòa Thượng phụ Latinh Giêrusalem kêu gọi người dân bình tĩnh trưóc nguy cơ Intifada lần thứ ba.

Đức Thượng Phụ Fouad Twal đang ở Rôma tham dự Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình đã ra một thông cáo kêu gọi người dân tại Thánh Địa bình tĩnh sau khi dải Gaza cũng đã bị lôi cuốn vào cuộc xung đột bắt đầu từ hôm 3 tháng 10 tới nay.

Các nhóm Do Thái và Hồi Giáo cực đoan đã đâm chém lẫn nhau tổng cộng 15 vụ gây cho hàng chục người chết và kích động những cuộc biểu tình, những vụ tấn công ném đá vào cảnh sát và binh lính Do Thái. Tình trạng bạo lực có nhiều khả năng dẫn đến một cuộc Intifada lần thứ ba.

Xung đột đã bắt đầu diễn ra tại Gaza hôm thứ Sáu 9 tháng 10 dọc theo biên giới với Israel khiến 9 người Palestine bị bắn chết.

Sáng Chúa Nhật, một thiếu niên 13 tuổi tên là Ahmad Sharake đã bị quân Do Thái bắn chết tại khu vực Tây Ngạn. Để trả thù, một người Ả rập sinh sống trong phần đất của Do Thái đã lao xe hơi vào 2 binh lính Do Thái và cán qua người họ. Vụ tấn công này khiến cho một nữ quân nhân Israel 19 tuổi bị thương trầm trọng và một nam quân nhân khác bị thương nhẹ.

Trong đêm Chúa Nhật, Hamas bắn 2 hỏa tiễn vào thủ đô Tel Aviv, một hỏa tiễn rơi vào cánh đồng trống, hỏa tiễn còn lại bị quân Do Thái bắn trúng ngay trên không. Do Thái đánh trả bằng cách không kích vào dải Gaza làm một thiếu phụ đang mang thai và đứa con gái 2 tuổi của bà bị thiệt mạng.

Trong thông cáo, Đức Thượng Phụ viết:

“Lo ngại sâu xa trước làn sóng bạo lực gần đây nào đang thổi qua Israel và Palestine, Tòa Thượng phụ Latinh Giêrusalem lên án các biến cố đẫm máu của những ngày vừa qua và sự leo thang đáng sợ mà chúng họ có khả năng mang lại.

Mức độ nghiêm trọng của tình hình mời gọi tất cả các bên liên quan, Israel và Palestine, hãy thể hiện sự can đảm của mính và quay trở lại bàn đàm phán, phải được tiến hành trên nền tảng vững chắc và hợp lý, theo đúng các quy định của các nghị quyết Liên Hợp Quốc”

4. Đại diện Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc kêu gọi chống nạn buôn bán ma túy và buôn người.

Trong một diễn văn hôm 08 tháng 10 tại Liên Hợp Quốc về vấn đề tội phạm, Đức Tổng Giám mục Bernard Auza, đại diện thường trú của Tòa Thánh tại trụ sở New York, đã nhấn mạnh sự cần thiết phải có những quyết tâm mới nhằm chống lại nạn buôn bán ma túy bất hợp pháp và buôn người.

Đức Cha Bernard Auza nói:

“Lạm dụng ma túy bất hợp pháp phá hủy các cấu trúc xã hội của từng gia đình, di căn đến cộng đồng, và cuối cùng dẫn đến sự mất ổn định của xã hội dân sự”.

Trích dẫn lời Đức Giáo Hoàng Đức Thánh Cha Phanxicô, trong diễn từ ngài nói trong cuộc gặp gỡ các quan chức thực thi pháp luật chống ma túy quốc tế, ngài nói: “Ma túy là một sự ác, và với cái ác chúng ta không thể đầu hàng hay thỏa hiệp.”

Đức Tổng Giám Mục nói tiếp rằng Tòa Thánh “không thể nào diễn tả cho hết nỗi buồn vô hạn và sự quan tâm của mình về sự gớm ghiếc của nạn buôn người.”

5. Kinh Thánh được dịch sang tiếng bản địa của người da đỏ

Với sự chấp thuận của Hội đồng Giám mục Mễ Tây Cơ, Kinh Thánh đã được dịch sang ngôn ngữ Tzotzil, là tiếng bản địa của người Maya, với dân số từ 350,000 đến 400,000 người, chủ yếu sống ở tiểu bang Chiapas của Mễ Tây Cơ.

Đức Giám Mục phó Enrique Diaz Diaz của San Cristobal de Las Casas đã dâng thánh lễ bằng tiếng Tzotzil tại thị trấn Zinacantán vào ngày 7 tháng 10 để tạ ơn nhân dịp này.

Theo thống kê của Liên Hiệp Quốc, có khoảng 7 triệu người Maya đang sống tại Mễ Tây Cơ, Guatemala, Honduras và Belize.

6. Hội Đồng Giám Mục Ghana kêu gọi bảo vệ ký giả Anas Aremeyaw Anas

“Đây không phải là lần đầu tiên đứa con ưu tú này của đất nước đã làm cho quốc gia chúng ta phải chú ý đến sự lộng hành của nạn hối lộ thâm căn và tình trạng tham nhũng trong đời sống công cộng và xã hội nhưng, cho đến nay, đây là một trong những báo cáo đã đánh thức tất cả chúng ta từ giấc ngủ mê và là một báo cáo sẽ được nhắc đến trong nhiều năm sắp tới”.

Các Giám Mục Ghana đã nói như trên về bài phóng sự của ký giả Anas Aremeyaw Anas trong đó phơi bày tình trạng tham nhũng kinh hoàng trong ngành tư pháp quốc gia. Ít nhất 29 thẩm phán đã bị câu lưu; một số đã bị sa thải, bị đình chỉ chức vụ, và một số có lẽ sẽ phải ngồi tù.

Các Giám Mục Ghana nói với thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc rằng:

“Chúng tôi tin rằng vụ bê bối này đã tạo ra tất cả sự chú ý của công luận bởi vì nó liên quan đến ngành tư pháp là cánh tay thứ ba của chính phủ và là nền tảng xây dựng một quốc gia dân chủ, văn minh và đại nghị”.

Các Giám Mục khuyến cáo các nhà chức trách, cảnh sát và các phương tiện truyền thông phải tiếp tục làm sáng tỏ vấn đề này. “Chúng tôi đảm bảo với quý vị những lời cầu nguyện của chúng tôi. Chúng tôi rất hài lòng với các bảo đảm của ngành Cảnh sát Ghana là họ đang đưa ra sự bảo vệ cần thiết về an ninh cho Anas Aremeyaw Anas và đội ngũ của anh và cầu nguyện rằng việc bảo vệ và bảo mật tương tự cũng sẽ được mở rộng cho gia đình và người thân của họ”.

Các Giám mục Ghana đã lên án tình trạng tham nhũng tràn lan trong thời gian gần đây như là một mối đe dọa đối với quốc gia.

7. Chuyến tông du Hoa Kỳ của Đức Thánh Cha Phanxicô đem lại nhiều cảm tình của người dân Mỹ với Công Giáo

Trung tâm Nghiên cứu Pew cho biết 65% những người không Công Giáo tại Hoa Kỳ bày tỏ cảm tình với Đức Thánh Cha Phanxicô sau chuyến tông du của ngài tại Hoa Kỳ từ 22 đến 27 tháng Chín vừa qua. Những người này cũng bày tỏ cảm tình với đạo Công Giáo.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã là vị Giáo Hoàng thứ Tư đến thăm Hoa Kỳ.

Chân Phước Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục đã là vị Giáo Hoàng đầu tiên thăm Hoa Kỳ vào tháng 10 năm 1965.

Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II viếng thăm Hoa Kỳ 7 lần. Lần đầu là vào ngày 10 tháng Giêng năm 1979 và lần cuối là vào ngày 26 tháng Giêng năm 1999.

Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã thăm Hoa Thịnh Đốn và New York trong thời gian từ 15 đến 20 tháng Tư năm 2008.

14% những người không Công Giáo cho biết họ không thích Đức Thánh Cha Phanxicô, trong khi 21% nói rằng họ không thể đưa ra lời bình luận nào ngài.

8. Giáo Hội địa phương hoan nghênh quyết định của chính phủ bang Maharashtra, Ấn Độ cấm một vở kịch bài xích Công Giáo

Các tổ chức Công Giáo và giáo quyền địa phương đã lên tiếng ca ngợi một quyết định của chính phủ bang Maharashtra, Ấn Độ cấm diễn vở kịch “Agnes of God” – Anê của Thiên Chúa - để tránh xúc phạm người Công Giáo địa phương.

Bộ trưởng về các vấn đề dân tộc thiểu số trong chính quyền bang là ông Eknath Khadse đã ra lệnh cấm diễn vở sau khi nhận được những phản đối từ một nhóm Công Giáo.

Trong tâm tình bài bác các tôn giáo thiểu số, được thủ tướng Narendra Modi của đảng Ấn Giáo cực đoan Bharatiya Janata ủng hộ, vở kịch “Agnes of God” đã được chào đời trong đó hư cấu câu chuyện một nữ tu trẻ có thai, sinh con và giết chết đứa bé nhằm mục đích xuyên tạc các giáo huấn Công Giáo, bôi lọ Giáo Hội và kích động các tâm tình thù hận tôn giáo.

9. Người ta có quyền tự do ngôn luận nhưng không có quyền sỉ nhục tôn giáo

Phát biểu tại một cuộc thảo luận do Nghị Viện Châu Âu bảo trợ với chủ đề “Đấu tranh chống thù hận Do Thái Giáo và Hồi giáo ở châu Âu”, một giám mục Hà Lan lên tiếng chống lại những hành vi xúc xiểm tôn giáo đang rộ lên tại châu Âu.

“Tất nhiên, người ta có quyền tự do ngôn luận, kể cả phê bình, diễu cợt và thể hiện nghệ thuật, nhưng người ta không có quyền xúc phạm hoặc làm tổn hại người khác”, Đức Cha Theodorus Hoogenboom, Giám mục phụ tá tổng giáo phận Utrecht, đại diện cho Ủy ban các Hội đồng Giám mục Cộng đồng châu Âu, viết tắt là COMECE, đã cho biết như trên tại cuộc thảo luận.

Ngài nói thêm:

“Cần phải bác bỏ cái mà nhiều người mặc nhiên coi là 'quyền' được sỉ nhục các cộng đồng tôn giáo hoặc các thành viên của các cộng đồng ấy, cũng như niềm tin và các biểu tượng thánh thiêng của họ.”