Ngày 18-10-2010
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Khiêm tốn cầu xin
Phanxicô Xaviê
10:59 18/10/2010
Lòng đạo đức chân thật chỉ phục vụ Thiên Chúa. Người là Đấng Chí Công. Người không thiên vị theo nghĩa ở đây là không thể dùng các của lễ bề ngoài và việc giữ luật một cách máy móc mà làm đẹp lòng Thiên Chúa. Sự thờ phượng chân thật mà Người yêu quí là lòng thành của người khó nghèo.

Đoạn trích sách Hc 35,12-14.16-18 dùng nhiều hình thức của nhiều câu văn được lập đi lập lại chỉ một ý tưởng: Thiên Chúa luôn nghe lời người khó nghèo kêu xin. Đó là của lễ được đón nhận. Kẻ nghèo, người oan, kẻ mồ côi, người góa bụa, là những thành phần cô thân cô thế trong xã hội. Đây là những bộ mặt tiêu biểu thường được các tác giả Kinh Thánh dùng để nói đến hạng người được Chúa thương và quan tâm cứu độ. Trong trường hợp này, tác giả sách Huấn ca nghĩ nhiều đến tất cả đồng bào của ông, là con cái Israel thời bấy giờ. Họ phải phiêu bạt đi nhiều nơi, bị dân ngoại chèn ép, không được pháp luật bảo vệ trong việc thờ phượng và giữ luật của cha ông. Nhưng họ vẫn cố gắng trung thành với giao ước, vẫn một lòng thờ lạy Giavê và cầu khẩn danh Ngài. Đó mới thật là kẻ nghèo, người oan, kẻ mồ côi, người góa bụa. Lòng đạo đức của họ nhất định đẹp lòng Chúa và chắc chắn Người sẽ thi hành công lý cho họ khi Đấng Chí Công xét xử.

Như vậy, tư tưởng của tác giả sách Huấn ca rất cổ điển và chính thống. Tuy nói đến địa vị ưu việt của người nghèo khó, song tác giả vẫn còn óc cựu ước: đồng hóa người khó nghèo của Chúa với dân Do thái và hứa một sự phân xử cứu độ ở bình diện trần gian khi Đấng Thiên Sai đến. Những tư tưởng này được Đức Giêsu sửa chữa, như chúng ta thấy trong bài Tin mừng Lc 18, 9-14.

Trước hết, tác giả Luca xác nhận: Đức Giêsu nói dụ ngôn này với những kẻ tự tin rằng mình là người công chính và khinh miệt người khác, để họ suy nghĩ. Đồng thời phủ nhận một lối sống đạo, một sự công chính sai lầm và đề ra tinh thần đạo đức thánh thiện… Chúng ta cùng nghe bài dụ ngôn.

Hai người lên Đền thờ cầu nguyện: một người là Biệt phái, người kia làm nghề thu thuế. Một người được xã hội kính trọng, người kia bị người đời đàm tiếu. Một người chấp hành luật đạo nghiêm chỉnh, người kia mang tiếng là tội lỗi. Người biệt phái nguyện rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con.” - Ông ta không có tội mà người khác hay phạm. Cuộc đời của ông thánh thiện khác hẳn nếp sống của phường thu thuế. Ông không chỉ giữ luật mà còn làm hơn luật dạy. Vì luật đâu có buộc ăn chay mỗi tuần hai lần và nộp thuế thập phân về thu nhập. Ông cảm ơn Chúa vì ông đã công chính như vậy. Lời nguyện của ông là lời tạ ơn đúng.

Tuy nhiên, tác giả Luca đã nhận ra sự khác thường trong cách tạ ơn như vậy. Tác giả lưu ý chúng ta thái độ đứng sững mà cầu nguyện của người biệt phái. Tư thế “đứng” không có gì đáng trách. Nhưng cách đứng của người biệt phái nói lên lòng tự tin, phấn chấn. Không có sự kính nể Thiên Chúa trong cách đứng của ông. Ông đến kể công chứ không cầu nguyện. Ông quen phô trương sự công chính thánh thiện trước mặt người khác, nên cũng chỉ có thái độ phô trương công trạng trước mặt Thiên Chúa. Thật ra, ông nào có để ý đến Chúa, mà chỉ quan tâm đến mình. Ông nói cho mình nghe và cùng lắm cho người khác nghe. Vì ông không chờ Người ban ơn hay làm gì cho ông cả. Ông cầu nguyện chỉ để thêm tự tin và phô trương.

Đang khi ấy, người thu thuế đứng lên đàng xa, không dám ngước mắt lên, nhưng đấm ngực mà rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.” - Người ấy có thái độ kính sợ Chúa và khiêm tốn cầu xin, tỏ lòng ăn năn thống hối. Đức Giêsu bảo người thu thuế ra về thì được nên công chính. Phán quyết của Người chắc chắn đã làm những biệt phái và Do thái thời ấy phải giật mình mà suy nghĩ. Và họ sẽ chỉ có thể hiểu được nếu nhớ lại giáo huấn của cựu ước như chúng ta đã thấy trong bài sách Huấn ca. Người ta đừng mong lấy lễ vật và việc giữ luật mà thay cho lòng đạo đức chân thành nằm nơi tâm hồn thống hối ăn năn. Chính Chúa công chính hóa con người, chứ con người không thể là công chính. Khi nói dụ ngôn này “với một số người tự hào cho mình là công chính”, Chúa Giêsu chỉ ra cho họ thấy mình không được công chính hóa, trong khi kẻ thấy mình không được công chính nhưng biết ăn năn hối cải và cầu xin lòng thương xót thì được Chúa ban ơn trở nên công chính. Và bài dụ ngôn đã kết luận: “ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.”

Giáo huấn của Chúa trong bài Tin mừng hôm nay càng làm sáng tỏ bài sách Huấn ca. Nhờ đó chúng ta hiểu kẻ khó nghèo đích thực là mọi kẻ khiêm nhường như người thu thuế, nhận mình lả kẻ tội lỗi và khẩn thiết cầu xin ơn cứu độ. Những tâm tình như vậy, chúng ta gặp thấy rõ ràng hơn trong bài thư Phaolô.

Nhìn lại cuộc đời, Phaolô thấy mình đã chiến đấu tốt. Nhưng không vì vậy mà ngài tự phụ, thánh nhân chiến đấu như thế chỉ để kiên vững lòng tin vào Chúa. Ngài không làm gì cho mình, cũng như không phải để cho ai xem. Đối với ngài tất cả chúng ta đều như các vận động viên nơi thao trường. Khán giả duy nhất là Thiên Chúa. Người sẽ ban triều thiên công chính cho hết mọi người đầy lòng yêu mến, trông đợi cuộc hiển linh của Người. Như vậy chỉ có Chúa là lẽ sống của Phaolô. Ngài luôn có tâm tình khiêm cung của kẻ biết mình yếu đuối mà thành khẩn trong cậy ơn chúa… Ngài sống như kẻ “khó nghèo” của Phúc âm và vì thế ngài không hề phàn nàn về người khác. Ngay khi nhớ lại lúc bị mọi người bỏ rơi cách bất nhẫn, ngài cũng chỉ cầu nguyện cho họ được ơn tha thứ. Thánh Phaolô để lại cho chúng ta những tâm tình thắm thiết trong lời di chúc để chúng ta cùng suy nghĩ. Nhờ đoạn thư hôm nay chúng ta hiểu Cựu ước và Tân ước hơn khi những sách này nói đến tư cách khó nghèo của những người được Chúa chọn. Muốn được sự sống đời đời, chúng ta phải học với Chúa Giêsu mà ở hiền lành khiêm nhường. Không những như vậy sẽ đẹp lòng Chúa mà còn giúp ích được cho đời.
 
Mùa hoa Mân Côi - Mùa Vui
Mic. Cao danh Viện
11:01 18/10/2010
THỨ NHẤT - NĂM SỰ VUI

Khuê phòng Đức Nữ Đồng Trinh
Sứ Thần Thiên Chúa truyền tin cao vời
Ngôi Hai Thiên Chúa làm người
Trong cung lòng Mẹ Ơn Trời tượng sinh

Khiêm nhường son sắt đức tin
Xin vâng hai tiếng, thi hành Ý Cha
Con xin giữa chốn phù hoa
Được noi gương Mẹ an hòa khiêm cung

THỨ HAI - NĂM SỰ VUI

Khởi đi loan báo tin Mừng
Bàn chân đon đả băng rừng vượt xuôi
Chị cùng vui! em càng vui!
Mùa hoa bác ái nở tươi lưng trời

Elizabethrạng ngời
Bởi đâu được Mẹ Chúa Trời viếng thăm
Con xin theo việc Mẹ làm
Công bình, bác ái, từ tâm, yêu người

THỨ BA - NĂM SỰ VUI

Bê lem lạnh vắng xa xôi
Hang lừa máng cỏ giữa trời đêm đông
Mẹ sinh Con Chúa Hài Đồng
Trong cơn bỉ cực lưu vong hành trình

Giữa gian khó vẫn kiên trinh
Lạy thờ Con Chúa Cứu tinh giáng trần
Cho con chịu đựng khó khăn
Vui lòng nên của lễ dâng tôn thờ

THỨ BỐN -NĂM SỰ VUI

Hai tay bồng ẳm bé thơ
Hân hoan trẩy hội đền thờ Gia Liêm
Nhiệm mầu ánh sáng bừng lên
Hiển linh Đức Mẹ lên đền dâng con

Chutoàn giữ luật cha ông
Trọn tình với Chúa say nồng hương yêu
Dạy con Mẹ dạy một điều
Vâng lời chịu lụy dẫu nhiều trái ngang

THỨ NĂM -NĂM SỰ VUI

Hành hương đi mấy ngày đàng
Lạc con cha mẹ bàng hoàng xót xa
Tìm con đô hội bôn ba
Hội đường Con nói Lời Cha ngọt ngào

Tình yêu Thiên Chúa dạt dào
Tương quan nghĩa thiết hiến trao ân tình
Từ đây giữa cõi nhân sinh
Con xin trọn nghĩa trọn tình với Cha.
 
Đời Sống Tâm Linh #34: Cầu Nguyện Với Hết Cả Tầm Lòng
Phó tế: JB Nguyễn văn Định
16:10 18/10/2010
Đời Sống Tâm Linh # 34

TÂM HỒN TIN TƯỞNG CẦU NGUYỆN

“CẦU NGUYỆN VỚI HẾT CẢ TẤM LÒNG”

Chúa Giêsu đã dạy tôi về cầu nguyện rất nhiều; nhưng có câu chuyện Chúa Thánh Linh đánh động tôi nhiều nhất trong tháng này, là Tấm Lòng Cầu nguyện của người phụ nữ xứ Canaan, bà này lại là người ngoại giáo, nhưng biết tôn xưng Chúa:

Mời bạn để tâm hồn đọc và nghe từng chữ/ và câu đối đáp của Chúa Giêsu và bà để bắt chước khi Cầu nguyện nhé: (x.Mt 15, 21-28)

1- Bà nói: “Lạy Ngài là con vua Đavit, xin dủ lòng thương tôi, vì đức con gái tôi bị qủy ám hành hạ khổ sở lắm !”(c. 22)

2- Nhưng Chúa Giêsu làm thinh: “Người không nói một lời”. Nên các môn đệ lại xin với Người: “Xin Thầy bảo bà ấy về đi, vì bà ấy cứ theo sau ta mà kêu hoài mệt quá!” (c. 23)

3- Chúa liền nói: “Thầy chỉ được sai đến với những con chiên lạc nhà It-ra-en thôi.” (c. 24) Rồi Người lẳng lặng đi vào nhà khác.

4- Bà liền quỳ xuống bám chặt lấy chân Người mà thưa: “Lạy Ngài, xin cứu giúp tôi với!” (c. 25)

5- Nhưng Chúa Giêsu dửng dưng đáp: “Không nên lấy bánh dành cho con cháu mà ném cho lũ chó con.” (c. 26)

6- Bà không chán nản thất vọng nói: “Thưa Ngài, đúng thế; nhưng mà lũ chó con cũng được ăn những mảnh bánh vụn trên bàn của chủ rơi xuống đấy ạ!” (c. 27)

7- Cảm động trước lòng tin của bà, Chúa Giêsu liền nói: “Này bà, lòng tin của bà mạnh thật. Bà muốn sao thì được vậy nhé !” Từ giờ đó, con gái bà được khỏi bệnh (c. 28). * Vì đương thời Chúa chỉ giảng cho người Do thái, nên gọi là con cái, còn dân ngoại gọi là lủ chó con cho êm tai. Sau khi Chúa Phục sinh thì Tin Mừng mới được loan báo cho dân ngoại, như tiên báo về bà phụ nữ Canaan.

• Điều tôi cần bắt chước bà là khiêm tốn, tin tưởng cầu xin với hết cả tấm lòng, dù mình dân ngoại, chưa xứng đáng.

• Bà đã xin điều tốt, đẹp ý Chúa là khỏi bị quỉ ám về tội lỗi, được thăng tiến về phần tâm linh, lẫn thể xác của bạn.

Phó tế: GB Maria Định Nguyễn
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Học giả Hồi giáo trước Thượng hội đồng các Giám mục về Trung Đông
Phụng Nghi
06:18 18/10/2010
VATICAN CITY (CNS) - Hai học giả Hồi giáo, một người Sunni và một người Shiite, tuyên bố trước Thượng hội đồng các Giám mục về Trung Đông rằng Hồi giáo đề cao lòng tôn trọng người Kitô hữu và Do thái giáo, và toàn bộ Trung Đông sẽ đau thương nếu như người Kitô giáo biến mất khỏi khu vực này.

Tuần qua, Đức giáo hoàng Benedict XVI đã mời hai học giả Hồi giáo đến nói chuyện trước Thượng hội đồng: Muhammad al-Sammak, người Sunni, cố vấn cho giáo trưởng Lebanon, đồng thời là tổng thư ký Ủy ban Đối thoại Kitô giáo-Hồi giáo của Lebanon; vị thứ hai là Ayatollah Seyed Mostafa Mohaghegh Damad Ahmadabadi, người Shiite, giáo sư trường Đại học Shahid Beheshti tại Tehran.

Sau đây là tóm tắt nội dung phát biểu của Al-Sammak trước Thượng hội đồng:
Muhammad al-Sammak


Tín hữu Kitô giáo không chỉ là những người duy nhất phải đau khổ tại Trung Đông và cũng không duy nhất là thành phần dân chúng muốn rời khỏi vùng này:

“Chúng tôi chia sẻ niềm khổ đau chung. Chúng tôi sống niềm đau đó trong cảnh trì trệ về chính trị và xã hội, trong bước thoái lui về phát triển và kinh tế, trong mối căng thẳng về nghề nghiệp và tôn giáo.”

Người Kitô giáo bị đặt làm mục tiêu tấn công, một “hiện tượng mới và tai hại”, chính bởi vì đức tin của họ là điều nguy hiểm chứ không phải chỉ vì họ là người Kitô hữu.

Khi tấn công các Kitô hữu, những người Hồi giáo cố chấp theo giáo điều, bị chính trị lèo lái và hướng dẫn sai lạc, đang xé nát tấm vải là các xã hội Trung Đông, nơi người Do thái giáo, Kitô giáo và Hồi giáo đã sống vai kề vai hàng bao nhiêu thế kỷ.

Họ cũng phô bầy ra hình ảnh một “Hồi giáo khác biệt với thứ tôn giáo chân thực” và phản lại một trong những giáo lý cơ bản của Hồi giáo: sự khác biệt giữa con người là kết quả bức họa thiết kế của Thượng đế và là một phần trong Thiên ý đối với nhân loại.

Sự di cư đi chỗ khác của người Kitô giáo làm cho thành phần người Ả rập còn lại khó sống được trọn vẹn căn tính của mình:

“Họ (những người Kitô hữu) là một thành phần không thể thiếu, làm nên văn hóa, văn chương và khoa học của nền văn minh Hồi giáo. Họ cũng là những người tiền phong trong thời phục hưng của Ả rập hiện đại và đã bảo tồn ngôn ngữ của thời này, ngôn ngữ của thánh kinh Koran.”

Ông hy vọng Thượng hội đồng sẽ là “một điều gì khác hơn tiếng kêu khóc của người Kitô giáo đau thương vang vọng trong thung lũng khổ đau này”, tức là Trung Đông.

Ông cũng hy vọng Thượng hội đồng sẽ đánh dấu bước khởi đầu của “một sự hợp tác giữa Hồi giáo-Kitô giáo để có thể bảo vệ người Kitô hữu và gìn giữ các mối quan hệ giữa Hồi giáo-Kitô giáo, để cho Trung Đông - nơi được thần thiêng mạc khải – xứng đáng giơ cao ngọn cờ đức tin, bác ái và hòa bình cho chính mình và cho toàn thế giới.”

Phần thứ hai là phát biểu của Ayatollah Mohaghegh Damad, nội dung tóm lược như sau:
Ayatollah Damad


Thiên kinh Koran coi sự liên hệ giữa Kitô giáo-Hồi giáo là một mối liên lạc “bằng hữu, tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau”, dù đã có “những thời gian u ám” trong mối quan hệ suốt 1400 năm qua.

Tuy nhiên, “những hành động bất hợp pháp của một số cá nhân và phe nhóm” không nên được gán cho là của tôn giáo mà họ thống thuộc, như đổ tội cho Kitô giáo vì hành động của người Kitô hữu, hay kết tội Hồi giáo vì các hành động của người theo đạo Hồi.

Tại Iran và hầu hết các quốc gia Hồi giáo, “người Kitô hữu sống hòa bình bên cạnh những người anh em Hồi giáo của mình. Họ được hưởng các quyền lợi hợp pháp như các công dân khác và được tự do thực hành các nghi lễ tôn giáo.”

Các nhà lãnh đạo mọi tôn giáo phải chấp nhận rằng người theo đạo mình không còn cắt chia với những tín đồ các tôn giáo khác nữa, và các nhà lãnh đạo có bổn phận giúp tín đồ hiểu rằng họ có nghĩa vụ tôn trọng người khác.

Lý tưởng “sẽ là tình trạng người tín hữu bất cứ tôn giáo nào, tự do và không lo lắng, sợ hãi và ép buộc, có thể sống theo các nguyên tắc căn bản và các hình thái về tập tục và truyền thống của họ. Thứ quyền này, được toàn cầu công nhận, trong thực tế phải được các quốc gia và các cộng đồng thực hiện.”

Trước khi nói truyện trước Thượng hội đồng, hai học giả Hồi giáo này đã trả lời một số câu hỏi của các ký giả về vấn đề tự do thờ phượng và lương tâm trong các quốc gia đa số theo Hồi giáo.

Al-Sammak nói rằng tập tục Hồi giáo ngày xưa trừng phạt nặng nề những người Hồi giáo cải đạo, là di sản của một thời kỳ “khi thay đổi tôn giáo có nghĩa là gia nhập hàng ngũ kẻ thù; nó bị trừng phạt như là một hành động phản bội.”

Tuy có một số người Hồi giáo ngày nay nghĩ rằng nên trừng phạt những người cải đạo, nhưng al-Sammak nói “luật vàng” của Hồi giáo là “trong tôn giáo, không có ép buộc, đó là điều kinh Koran dạy.”

Ông nói: “Bạn được tự do chọn bất cứ tôn giáo nào trong lòng bạn, bởi vì tôn giáo là một vấn đề rất, rất riêng tư đối với mọi người, nhưng cải đạo lại có ý nghĩa khác.

Khi các ký giả thúc đẩy ông làm sáng tỏ thêm, ông nói: công khai tuyên bố rằng mình không còn thuộc thành phần của nhóm tôn giáo nguyên thủy của mình nữa là một hành động “tuyên truyền” không thể chấp nhận được.

Al-Sammak cũng nói với các ký giả rằng việc di cư người Kitô giáo ra khỏi Trung Đông là một biểu hiện cho thấy “thiếu dân chủ, thiếu tự do” trong vùng này, chứ không vì áp lực do tôn giáo thúc đẩy từ phía người theo đạo Hồi tạo ra.

Về tình trạng tàn khốc của người Kitô giáo tại Iraq, Al-Sammak nói họ đã bất đắc dĩ bị kẹt trong cuộc tranh giành quyền lực giữa người Hồi giáo Sunni và người Hồi giáo Shiite.

“Người Kitô giáo ở Iraq không – tôi nhấn mạnh là không – góp phần trong mối xung đột đó, nhưng “họ bị kẹt giữa cuộc xung đột và họ phải trả giá vì nó.”

Ông nói thêm: “Người Kitô giáo ở Iraq chẳng liên quan gì đến cuộc xâm lăng cả, họ không kêu cầu người Mỹ đến Iraq, họ không xin người Mỹ bảo vệ, vậy mà đôi khi họ bị đối xử như là thành phần trong cuộc Mỹ xâm lăng Iraq.”
 
Đức Thánh Cha gửi thư cho các chủng sinh
LM. Trần Đức Anh OP
11:27 18/10/2010
VATICAN - Trong thư gửi các chủng sinh trong toàn Giáo Hội được công bố 18-10-2010, ĐTC Biển Đức 16 tái khẳng định sự cần thiết của các LM, đồng thời ngài làm nổi bật một số yếu tố quan trọng các chủng sinh cần vun trồng trong đời sống tại chủng viện.

ĐTC gửi thư này cho các chủng sinh nhân dịp kết thúc Năm Linh Mục. Yếu tố đầu tiên ngài nhấn mạnh là: ”Ai muốn trở thành linh mục, trước tiên phải là người của Thiên Chúa”, cần phải nuôi dưỡng quan hệ thân tình với Thiên Chúa bằng đời sống cầu nguyện, sống Thánh Thể, và siêng năng lãnh nhận bí tích Thống Hối, nhạy cảm đối với lòng đạo đức bình dân, vun trồng đời sống trí thức sâu rộng.

ĐTC tái lên án những vụ giáo sĩ lạm dụng tính dục trẻ em và ngài nhận định rằng ”vì những vụ lạm dụng ấy, có thể nảy sinh câu hỏi nơi nhiều người ”có nên làm linh mục hay không; con đường độc thân có phải là điều hợp lý đối với đời sống con người hay không. Nhưng sự lạm dụng đáng lên án sâu xa như thế không thể hạ giá sứ mạng của linh mục. Sứ mạng này vẫn tiếp tục là cao cả và tinh tuyền”.

Sau cùng ĐTC đề cao đời sống tại chủng viện như một thời kỳ để học hỏi với tha nhân và học hỏi từ người khác. Ngài viết: ”Trong cuộc sống chung đôi khi khó khăn, các bạn phải học quảng đại và bao dung không những trong việc chịu đựng lẫn nhau, nhưng cả trong việc làm cho nhau được thêm phong phú, làm sao để mỗi người có thể đóng góp năng khiếu riêng của mình cho mọi người, trong khi tất cả mọi người phục vụ cùng một Giáo Hội, cùng một Chúa”. Dưới đây là bản dịch nguyên văn lá thư của Đức Thánh Cha:

Các chủng sinh thân mến,

Hồi tháng 12 năm 1944, khi tôi được gọi đi thi hành nghĩa vụ quân sự, vị đại đội trưởng hỏi mỗi người chúng tôi xem đâu là nghề mà chúng tôi muốn làm trong tương lai. Tôi trả lời là muốn trở thành linh mục Công Giáo. Viên thiếu úy đáp: ”Vậy thì anh phải chọn cái gì khác đi. Trong ”Nước Đức mới” này không cần linh mục nữa. Tôi biết rằng cái Nước Đức mới ấy đã bắt đầu cáo chung, và sau những tàn phá kinh khủng do sự điên rồ gây ra trên đất nước này, người ta sẽ cần các linh mục hơn bao giờ hết. Ngày nay tình thế khác hẳn. Nhưng qua những cách thế khác nhau, nhiều người ngày nay cũng nghĩ rằng linh mục Công Giáo là một ”nghề” không có tương lai, và đúng hơn linh mục thuộc về quá khứ. Các bạn thân mến, các bạn đã quyết định gia nhập chủng viên, và tại đó các bạn tiến về sứ vụ linh mục trong Giáo Hội Công Giáo, bất chấp những vấn nạn và ý kiến vừa nói. Các bạn có lý mà làm như vậy. Vì con người sẽ luôn cần Thiên Chúa, cả trong thời đại kỹ thuật thống trị thế giới và hoàn cầu hóa: người ta vẫn cần vị Thiên Chúa tự biểu lộ trong Đức Giêsu Kitô và là Đấng đã tụ họp chúng ta trong Giáo Hội hoàn vũ, để học với Người và nhờ Người về cuộc sống chân thực và để giữ cho các tiêu chuẩn của nhân loại đích thực được hiện diện và hữu hiệu. Nơi nào con người không nhận thấy Thiên Chúa nữa, thì cuộc sống trở nên trống rỗng; tất cả trở nên thiếu thốn. Rồi con người tìm nơi nương náu trong sự mê mẩn hoặc trong bạo lực, là những điều ngày càng đe dọa tuổi trẻ. Thiên Chúa hằng sống. Ngài đã kiến tạo mỗi người chúng ta và vì thế Ngài biết tất cả mọi người. Ngài cao cả đến độ có thời giờ cho những chuyện nhỏ bé của chúng ta: ”Tóc trên đầu các con đã được đếm hết”. Thiên Chúa sống động, và Ngài cần những người sống cho Ngài và đưa Ngài đến với tha nhân. Đúng vậy, trở thành linh mục thật là điều có ý nghĩa: thế giới đang cần linh mục, cần các vị mục tử, ngày nay, ngày mai và mãi mãi, cho đến khi nào thế giới còn hiện hữu.

Chủng viện là cộng đoàn tiến về sứ vụ linh mục. Qua câu này tôi đã nói một điều rất quan trọng: đó là ta không một mình trở thành linh mục. Cần có ”cộng đoàn các môn đệ”, toàn thể những người muốn phục vụ Giáo Hội. Qua lá thư này, - nhìn lại thời gian tôi ở chủng viện,- tôi muốn làm nổi bật vài yếu tố quan trọng cho những năm các bạn đang sống tại chủng viện.

1. Ai muốn trở thành linh mục, trước tiên phải là ”người của Thiên Chúa”, như thánh Phaolô đã nói (1 Tm 6,11). Đối với chúng ta, Thiên Chúa không phải là một giả thuyết xa vời, không phải là một người vô danh rút lui sau ”big bang” vụ nổ đầu tiên. Thiên Chúa đã tỏ mình ra trong Đức Giêsu Kitô. Trong khuôn mặt Đức Giêsu Kitô, chúng ta thấy tôn nhan Thiên Chúa. Qua những lời của Người, chúng ta nghe thấy chính Thiên Chúa nói với chúng ta. Vì thế, điều quan trọng nhất trong hành trình tiến về chức linh mục và trong trọn cuộc đời linh mục là quan hệ bản thân với Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô. Linh mục không phải là nhà quản trị một hội đoàn nào đó, tìm cách duy trì hoặc gia tăng con số các hội viên. Linh mục là sứ giả của Thiên Chúa giữa loài người. Linh mục muốn dẫn đưa con người về cùng Ngài và qua đó làm gia tăng cả tình hiệp thông giữa con người với nhau. Vì thế, các bạn thân mến, điều rất quan trọng là các bạn học cách sống trong sự tiếp xúc liên lỷ với Thiên Chúa. Khi Chúa nói: ”Các con hãy cầu nguyện trong mọi lúc”, Ngài không yêu cầu chúng ta phải đọc kinh liên tục, nhưng có nghĩa là đừng bao giờ đánh mất sự tiếp xúc nội tâm với Thiên Chúa. Tập luyện tiếp xúc như thế chính là ý nghĩa việc cầu nguyện của chúng ta. Bởi vậy, điều quan trọng là mỗi ngày được bắt đầu và kết thúc bằng việc cầu nguyện. Chúng ta hãy lắng nghe Thiên Chúa qua việc đọc Kinh Thánh. Chúng ta hãy nói với Chúa về những mong ước và hy vọng, những vui mừng và đau khổ, những lầm lẫn của chúng ta và cám ơn Ngài vì mọi điều tốt đẹp, và qua đó chúng ta luôn có Chúa trước mắt như điểm tham chiếu cho đời sống chúng ta. Như thế chúng ta trở nên nhạy cảm đối với những lỗi lầm của mình và học cách cải thiện bản thân; chúng ta cũng trở nên nhạy cảm đối với tất cả những gì là tốt đẹp mà chúng ta lãnh nhận hằng ngày như một điều hiển nhiên, và nhờ đó lòng biết ơn của chúng ta được tăng trưởng. Cùng với lòng biết ơn, niềm vui cũng gia tăng vì Thiên Chúa ở gần chúng ta và chúng ta có thể phụng sự Ngài.

2. Thiên Chúa không phải chỉ là một lời nói cho chúng ta. Trong các Bí Tích, Ngài đích thân hiến mình cho chúng ta, qua cả những sự vật thể chất. Trung tâm quan hệ của chúng ta với Thiên Chúa và biến đời sống chúng ta trở nên đồng hình dạng với Chúa chính là Thánh Thể. Cử hành Thánh Lễ với sự tham dự nội tâm và qua đó gặp gỡ chính Chúa Kitô, phải là trung tâm toàn thể ngày sống của chúng ta. Thánh Cipriano đã giải thích lời cầu xin trong Tin Mừng: ”Xin cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày”, và Người nói rằng: lương thực của chúng ta, bánh mà chúng ta có thể lãnh nhận trong tư cách là Kitô hữu trong Giáo Hội, chính là Chúa Giêsu Thánh Thể. Trong lời cầu của kinh Lạy Cha, chúng ta xin Chúa ban cho chúng ta lương thực hằng ngày ấy của ”chúng ta”; xin cho bánh ấy luôn là lương thực cho cuộc sống chúng ta. Xin Chúa Kitô phục sinh, Đấng hiến mình cho chúng ta trong Thánh Thể, uốn nắn toàn thể cuộc sống chúng ta trong tình yêu rạng ngời của Chúa. Để cử hành Thánh Lễ đúng đắn cũng cần phải học biết Thánh Lễ, hiểu và yêu mến phụng vụ của Giáo Hội trong hình thức cụ thể. Trong phụng vụ chúng ta cầu nguyện với các tín hữu qua mọi thời đại - quá khứ, hiện tại và tương lai hợp nhau trong một đại kinh nguyện chung duy nhất. Như tôi có thể quyết do kinh nghiệm bản thân, thật là một điều phấn khởi khi học hiểu từ từ tất cả những điều ấy tăng trưởng thế nào, biết bao nhiêu kinh nghiệm đức tin chứa đựng trong cơ cấu phụng vụ Thánh lễ, bao nhiêu thế hệ đã hình thành phụng vụ ấy khi cầu nguyện!

3. Cả bí tích Thống Hối cũng quan trọng. Bí tích này dạy tôi nhìn bản thân từ nhãn giới của Thiên Chúa và bó buộc tôi phải lương thiện đối với chính mình. Nó làm cho tôi khiêm tốn. Thánh Cha Sở họ Ars có lần đã nói: Anh chị em nghĩ rằng lãnh nhận ơn xá giải bây giờ là điều vô nghĩa, vì ngày mai anh chị em sẽ phạm cùng những tội như vậy. Nhưng - thánh nhân nói - trong lúc này chính Thiên Chúa đã quên các tội của anh chị em ngày mai, để ban ơn thánh cho anh chị em hôm nay. Mặc dù chúng ta phải liên tục bài trừ những lỗi lầm như thế, điều quan trọng là đừng làm cho linh hồn trở nên xấu xa, chống lại sự dửng dưng cam chịu sự kiện như vậy. Điều quan trọng là tiếp tục hành trình, không bối rối, với ý thức biết ơn vì Thiên Chúa luôn sẵn sàng tái tha thứ cho tôi. Và cũng không được có thái độ dửng dưng, vì nó khiến cho ta không còn chiến đấu để nên thánh và cải thiện. Và khi để cho mình được tha thứ, tôi cũng học cách tha thứ cho tha nhân. Khi nhìn nhận tình trạng lầm than của mình, tôi cũng trở nên khoan dung và cảm thông hơn đối với những yếu đuối của tha nhân.

4. Các bạn hãy duy trì nơi mình sự nhạy cảm đối với lòng đạo đức bình dân, lòng đạo đức này khác nhau trong mọi nền văn hóa, nhưng dầu vậy xét cho cùng, chúng luôn luôn rất giống nhau vì con tim của con người vẫn như nhau. Dĩ nhiên, lòng đạo đức bình dân có xu hướng trở nên vô lý, có lẽ đôi khi nó chỉ có hình thức bề ngoài. Nhưng loại bỏ hoàn toàn lòng đạo đức bình dân là điều rất sai lầm. Qua lòng đạo đức ấy, đức tin đi vào tâm hồn con người, trở nên thành phần tâm tình, tập quán, cảm thức chung và lối sống của họ. Vì thế, lòng đạo đức bình dân là một gia sản lớn của Giáo Hội. Đức tin được trở nên cụ thể. Chắc chắn lòng đạo đức bình dân phải luôn được thanh tẩy, được qui hướng vào điều trọng yếu, nhưng nó đáng được chúng ta yêu mến, và lòng đạo đức ấy làm cho chúng ta trở thành ”Dân Chúa” một cách rất thực tế.

5. Thời gian ở chủng viện cũng là và trên hết là thời gian học hành. Đức tin Kitô có một chiều kích lý trí và trí tuệ rất thiết yếu. Nếu không có chiều kích này, thì đức tin sẽ chẳng còn nguyên vẹn. Thánh Phaolô nói về ”một hình thức giáo dục” mà chúng ta được ủy thác trong bí tích rửa tội (Rm 6,17). Tất cả các bạn đều biết lời Thánh Phêrô, được các nhà thần học thời Trung Cổ coi như là lời chứng minh một nền thần học hợp lý trí và được soạn thảo một cách khoa học: ”Luôn luôn sẵn sàng trả lời cho những ai hỏi các anh chị em về lý do tại sao anh chị em hy vọng” (1 Pt 3,15). Học biết khả năng mang lại những câu trả lời như thế chính là một trong những mục đích chính của những năm ở chủng viện. Tôi chỉ có thể tha thiết xin các bạn: hãy học hành nghiêm túc! Hãy tận dụng những năm học hành! Các bạn sẽ không hối hận về điều này. Có lẽ nhiều khi các môn học có vẻ rất xa rời đời sống Kitô thực tế và việc mục vụ. Nhưng thật là hoàn toàn sai lầm khi luôn luôn đặt vấn đề thực dụng: điều này có giúp ích cho tôi sau này hay không? Điều này có lợi ích thực tế và thực dụng mục vụ hay không? Điều đúng đắn là không phải chỉ học những gì hiển nhiên là hữu ích, nhưng cần phải biết và hiểu cơ cấu nội tại của đức tin trong toàn thể, để đức tin trở thành câu trả lời cho những thắc mắc của con người, xét về bề ngoài con người thay đổi từ thế hệ này sang thế hệ khác, nhưng xét cho cùng họ vẫn không thay đổi. Vì thế, điều quan trọng là đi xa hơn những vấn nạn thay đổi nhất thời để hiểu những vấn đề thực sự là cơ bản và như thế cũng hiểu được những câu trả lời như câu giải đáp thực sự. Điều quan trọng là biết rõ toàn bộ Kinh Thánh, trong sự thống nhất của Cựu và Tân Ước: sự hình thành các văn bản, đặc tính văn thể của chúng, sự cấu thành từ từ cho đến khi họp thành sổ bổ các sách thánh, sự thống nhất năng động nội tại của các văn bản Kinh Thánh không ở trên mặt ngoài, và chỉ có sự thống nhất ấy mới mang lại cho tất cả và từng văn bản ý nghĩa trọn vẹn.

Điều quan trọng là biết các Giáo Phụ và các Đại Công đồng, trong đó Giáo Hội đã hấp thụ, suy tư và tin những lời xác quyết nòng cốt của Kinh thánh. Tôi có thể tiếp tục nói thêm rằng: điều mà chúng ta gọi là tín lý, đó là cách thức hiểu nội dung đức tin trong toàn bộ thống nhất, và cả trong sự đơn thuần của chúng: mỗi điều đơn độc, xét cho cùng, chỉ là sự triển khai niềm tin nơi Thiên Chúa duy nhất, Đấng đã và đang tự biểu lộ cho chúng ta. Tôi không cần nói minh thị về tầm quan trọng của việc biết rõ những vấn đề thiết yếu của thần học luân lý và đạo lý xã hội Công Giáo. Ngày nay thần học đại kết cũng rất quan trọng; hiển nhiên cần hiểu biết các cộng đoàn Kitô khác; cũng vậy cần phải có một định hướng căn bản về những tôn giáo lớn, và không quên triết học: hiểu biết sự tìm kiếm của con người và những vấn đề được đặt ra, mà đức tin có thể mang lại một câu trả lời cho những vấn đề ấy. Nhưng các bạn cũng hãy học hiểu và - tôi dám nói là - yêu mến giáo luật trong sự cần thiết nội tại của nó và trong những hình thức áp dụng thực tế: một xã hội không có luật sẽ là một xã hội thiếu các quyền. Luật là một điều kiện của tình yêu. Ở đây tôi không luốn tiếp tục liệt kê, nhưng chỉ muốn nhắc lại rằng: các bạn hãy yêu mến việc học thần học và theo đuổi việc học với một sự nhạy cảm chú ý, để đặt thần học ăn rễ sâu trong cộng đồng sinh động của Giáo Hội. Với uy tín của m[inh, Giáo Hội không phải là một trục chống lại khoa thần học,nhưng là điều mà thần học giả thiết phải có. Nếu không có Giáo Hội tin tưởng, thì thần học không còn là chính mình nữa và trở thành một mớ các khoa khác nhau mà không có sự thống nhất nội tại.

6. Những năm ở chủng viện cũng phải là một thời kỳ trưởng thành về nhân bản. Để là linh mục, là người phải tháp tùng tha nhân trong suốt hành trình cuộc sống và cho đến cánh cửa sự chết, điều quan trọng là linh mục phải đặt trong vị thế quân bình con tim và trí tuệ, lý trí và tình cảm, thân xác và linh hồn, và linh mục phải ”toàn vẹn” là con người. Chính vì thế truyền thống Kitô vẫn luôn liên kết các ”nhân đức đối thần” với ”các nhân đức trụ” xuất phát từ kinh nghiệm con người và từ triết học, và nói chung là truyền thống luân lý đạo đức lành mạnh của nhân loại. Thánh Phaolô đã nói rất rõ về điều đó với các tín hữu thành Philiphê ”Sau cùng, hỡi anh em, tất cả những gì là chân thật, cao thượng, công chính, tinh tuyền, dễ thương, đáng tôn trọng, tất cả những gì là tốt trong nhân đức và lời khen ngợi của con người, đó là điều phải làm cho anh em quan tâm” (4,8). Sự hội nhập phái tính trong toàn bộ nhân cách cũng thuộc vào bối cảnh này. Tính dục là một món quà của Đấng Tạo Hóa, nhưng cũng là một trách vụ có liên hệ tới sự phát triển con người. Khi tính dục không được hội nhập vào con người, nó sẽ trở thành một cái gì tầm thường và đồng thời phá hoại. Chúng ta thấy điều đó trong xã hội chúng ta qua nhiều ví dụ. Gần đây chúng ta phải rất đau lòng mà nhận thấy rằng có những linh mục đã làm biến thái sứ vụ của mình vì lạm dụng tính dục trẻ em và người trẻ. Thay vì dẫn đưa những người trẻ ấy đến sự trưởng thành nhân bản, và trở nên mẫu gương cho họ, thì các linh mục đó, qua sự lạm dụng, đã tạo ra sự phá hủy mà chúng ta cảm thấy rất đau đớn và rất lấy làm tiếc. Vì tất cả những điều ấy, có thể nhiều người, và có thể là cả các bạn nữa cũng muốn biết xem có nên trở thành linh mục hay không và con đường độc thân có hợp lý như cuộc sống của con người hay không. Tuy nhiên sự lạm dụng, là điều phải bị tuyệt đối lên án, không thể làm mất uy tín sứ vụ của linh mục, sứ vụ này vẫn cao cả và tinh tuyền. Tạ ơn Chúa, tất cả chúng ta đều biết những linh mục có sức thuyết phục, đầy đức tin, các vị làm chứng rằng trong bậc sống ấy và nhất là trong đời sống độc thân, người ta có thể đạt tới một sự nhân bản chân thực, tinh tuyền và trưởng thành. Nhưng những gì đã xảy ra phải làm cho chúng ta cảnh giác và chú ý hơn, nhất là để tự xét kỹ lưỡng bản thân mình trước mặt Chúa, trên con đường linh mục, để hiểu xem đó có phải là ý Chúa muốn cho tôi hay không. Các cha giải tội và các Bề trên của các bạn có trách vụ tháp tùng và giúp đỡ các bạn trong hành trình phân định này. Thực hành các nhân đức nhân bản cơ bản là một yếu tố thiết yếu trong con đường của các bạn,luôn hướng nhìn về Thiên Chúa, Đấng tự biểu lộ trong Chúa Kitô, và hãy luôn để cho Chúa tái thanh tẩy.

7. Ngày nay, sự khởi đầu ơn gọi thường khác nhau hơn so với quá khứ. Quyết định trở thành linh mục ngày nay thường nảy sinh từ một kinh nghiệm nghề nghiệp đã làm ở ngoài đời. Quyết định ấy thường chín mùi trong cộng đoàn, đặc biệt trong các phong trào, vốn tạo điều kiện cho một cuộc gặp gỡ cộng đồng với Chúa Kitô và Giáo Hội của Ngài, một kinh nghiệm tinh thần và một niềm vui trong việc phục vụ đức tin. Quyết định cũng chín mùi trong những cuộc gặp gỡ hoàn toàn bản thân với sự cao cả và lầm than của con người. Như thế, các ứng sinh linh mục thường sống trên các đại lục rất khác nhau về tinh thần. Có thể khó nhận ra những yếu tố chung của các những người sẽ được sai đi và hành trình tinh thần của họ. Chính vì điều ấy mà chủng viện thật là quan trọng như một cộng đồng lữ hành vượt lên trên những hình thức linh đạo khác nhau. Các phong trào cũng là một điều tuyệt vời. Các bạn biết tôi đánh giá rất cao các phong trào và quý mến họ như một hồng ân của Chúa Thánh Linh ban cho Giáo Hội. Nhưng họ phải được đánh giá theo các thức họ đều cởi mở đối với thực tại Công Giáo chung, với đời sống của Giáo Hội duy nhất và chung của Chúa Kitô, tuy có nhiều khác biệt nhưng vẫn là một. Chủng viện là thời kỳ các bạn học hỏi với người khác, và học hỏi lẫn nhau. Trong đời sống chung, nhiều khi có thể khó khăn, nhưng các bạn phải học thái độ quảng đại và bao dung không những bằng cách chịu đựng lẫn nhau, nhưng còn làm cho nhau được thêm phong phú, đến độ mỗi người có thể đóng góp năng khiếu riêng của mình cho tập thể, trong khi tất cả đều phục vụ cùng một Giáo Hội, cùng một Chúa. Nhất là trường học dạy bao dung, chấp nhận và cảm thông lẫn nhau trong thân mình duy nhất của Chúa Kitô, thuộc vào số những yếu tố quan trọng trong những năm của các bạn ở chủng viện.

Các chủng sinh thân mến! Qua những dòng này tôi đã muốn tỏ cho các bạn thấy tôi đã nghĩ nhiều đến các bạn trong thời kỳ khó khăn này và gần gũi các bạn dường nào trong kinh nguyện. Các bạn cũng hãy cầu nguyện để tôi có thể chu toàn sứ vụ của tôi, bao lâu Chúa muốn. Tôi phó thác hành trình của các bạn chuẩn bị tiến lên chức linh mục cho sự bảo vệ của Đức Trinh Nữ Maria, nhà của Mẹ đã từng là một trường học đầy thiện ích và ân phúc. Xin Thiên Chúa toàn năng là Cha, là Con và Thánh Linh, chúc lành cho tất cả các bạn.

Vatican ngày 18 tháng 10 năm 2010
Tôi thuộc về các bạn trong Chúa
Biển Đức 16, Giáo Hoàng.
 
Sứ Điệp của ĐTC Bênêđictô XVI nhân Khánh Nhật Thế Giới Truyền Giáo 2010
Phaolô Phạm Xuân Khôi
16:53 18/10/2010

SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA BÊNÊĐICTÔ XVI NHÂN KHÁNH NHẬT THẾ GIỚI TRUYỀN GIÁO 2010



Xây Dựng Sự Hiệp Thông trong Hội Thánh Là Chìa Khóa Của việc Truyền Giáo


Anh chị em thân mến,

Tháng mười, với việc cử hành Khánh Nhật Thế Giới Truyền Giáo, là ngày cống hiến cho các cộng đoàn giáo phận và giáo xứ, các dòng tu, các phong trào Hội Thánh, và toàn thể Dân Thiên Chúa một cơ hội để canh tân quyết tâm rao giảng Tin Mừng, và cho các hoạt động mục vụ một triển vọng truyền giáo rộng lớn hơn. Biến cố hằng năm này mời gọi chúng ta sống một cách mãnh liệt những tiến trình phụng vụ và giáo lý, bác ái và văn hóa mà qua đó Đức Chúa Giêsu Kitô triệu tập chúng ta đến bữa tiệc Lời Chúa và Thánh Thể để nếm thử hồng ân sự hiện diện của Người, để được đào luyện trong trường của Người và để sống kết hợp mật thiết hơn với Người, là Thầy và Chúa của chúng ta. Chính Người nói với chúng ta: “Ai yêu mến Thầy sẽ được Cha Thầy yêu mến, và Thầy sẽ yêu mến người ấy và sẽ tỏ mình ra cho người ấy” (Ga 14:21). Chỉ nhờ dựa vào cuộc gặp gỡ Tình Yêu Thiên Chúa này là điều làm thay đổi cuộc đời mà chúng ta có thể sống hiệp thông với Người và với nhau, cùng cống hiến cho anh chị em mình một chứng từ đáng tin cậy, là điều giải thích cho họ lý do của niềm hy vọng đang ở trong chúng ta (x. 1 Pr 3:15). Một đức tin trưởng thành, có khả năng tín thác hoàn toàn vào Thiên Chúa với tình con thảo, được nuôi dưỡng bằng cầu nguyện, suy niệm Lời Chúa và học hỏi các chân lý đức tin, là điều kiện tiên quyết để đẩy mạnh một chủ nghĩa nhân đạo mới, được xây dựng trên Tin Mừng của Chúa Giêsu.

Hơn nữa, ở nhiều quốc gia, nhiều sinh hoạt Hội Thánh được tiếp tục vào tháng mười, sau kỳ nghỉ hè, và Hội Thánh mời gọi chúng ta học nơi Đức Maria, qua việc cầu nguyện bằng Kinh Mân Côi, chiêm ngắm kế hoạch yêu thương của Chúa Cha dành cho nhân loại, để yêu mến Mẹ như Ngài yêu mến Mẹ. Đây chẳng phải là ý nghĩa của việc truyền giáo sao?

Quả thật, Chúa Cha mời gọi chúng ta trở nên những người con được Ngài yêu trong Con Yêu Dấu của Ngài và nhận ra rằng tất cả chúng ta là anh chị em trong Người, Đấng là Ơn Cứu Độ dành cho nhân loại bị phân chia vì bất hòa và tội lỗi, cùng là Đấng Mặc Khải dung nhan đích thực của Thiên Chúa, Đấng “đã quá yêu thế gian đến nỗi ban chính Con Một của Ngài, để bất cứ ai tin vào Người thì không phải hư mất, nhưng có sự sống đời đời” (Ga 3:16).

“Chúng tôi muốn gặp Đức Giêsu” (Ga 1:21), là yêu cầu trong Tin Mừng Thánh Gioan mà một số người Hy Lạp, đến Giêrusalem để hành hương lễ Vượt Qua, đã nói cùng Tông Đồ Philipphê. Lời này cũng vang lên trong tâm hồn chúng ta trong tháng mười này, nhắc nhở chúng ta về quyết tâm dấn thân, cùng công tác loan báo Tin Mừng, là nhiệm vụ của toàn thể Hội Thánh, mà “tự bản chất đã là truyền giáo” (Ad gentes, s. 2), và mời gọi chúng ta trở thành những nhà vô địch trong việc canh tân đời sống tạo thành bởi những sự liên hệ đích thực trong các cộng đoàn được xây dựng trên nền móng Tin Mừng. Trong một xã hội đa chủng tộc càng ngày càng kinh nghiệm nhiều hơn những hình thức đáng e ngại của sự cô đơn và lãnh đạm, các Kitô hữu phải học cách ban tặng những dấu hiệu của hy vọng và trở nên anh chị em của mọi người, biết vun trồng những lý tưởng lớn có thể biến đổi lịch sử, và phải cố gắng biến hành tinh này thành ngôi nhà của mọi dân tộc, một cách không ảo tưởng hão huyền hay lo sợ viển vông.

Cũng như những khách hành hương người Hy Lạp hai ngàn năm về trước, người của thời đại chúng ta, có thể ngay cả khi họ không ý thức, cũng đang yêu cầu các tín hữu, không những chỉ “nói về” Chúa Giêsu, mà còn phải “làm cho họ cho thấy” Chúa Giêsu, phải làm cho dung nhan của Đấng Cứu Độ chiếu rọi mọi ngõ ngách của của trái đất trước mặt các thế hệ của thiên niên kỷ mới và đặc biệt cho giới trẻ của mọi lục địa, là những người có đặc quyền làm mục tiêu của việc loan báo Tin Mừng. Họ phải cảm thấy rằng các Kitô hữu mang Lời của Đức Kitô vì Người là Chân Lý, và vì các Kitô hữu đã tìm thấy nơi Người ý nghĩa và chân lý cho cuộc sống của chính mình.

Những suy tư này nhắc đến mệnh lệnh truyền giáo mà tất cả mọi người đã chịu Phép Rửa và toàn thể Hội Thánh đã lãnh nhận nhưng không thể chu toàn được nếu không có một sự hoán cải sâu xa của cá nhân, cộng đoàn và mục tử. Quả thật, ý thức về ơn gọi loan báo Tin Mừng không những khuyến khích từng cá nhân tín hữu, mà còn toàn thể các cộng đoàn giáo phận và giáo xứ vào một cuộc canh tân toàn diện và không ngừng mở ra hơn nữa sự hợp tác truyền giáo của các Hội Thánh, để cổ võ việc loan báo Tin Mừng trong tâm hồn mỗi người, mỗi dân tộc, mỗi nền văn hóa, mỗi chủng tộc và mỗi quốc gia ở khắp nơi. Ý thức này được nuôi dưỡng qua công việc Fidei Donum (ban phát món quà Đức Tin) của các Linh Mục, tu sĩ, giáo lý viên, các nhà truyền giáo giáo dân, trong một cố gắng không ngừng để cổ võ sự hiệp thông trong Hội Thánh, để ngay cả hiện tượng “hội nhập văn hóa” có thể sát nhập vào một mô thức hiệp nhất, mà trong đó Tin Mừng là men của tự do và tiến bộ, nguồn mạch của tình huynh đệ, khiêm tốn và hòa bình (cf. Ad gentes, s. 8). Quả thật, trong Đức Kitô, Hội Thánh “theo bản chất bí tích, chính là một dấu chỉ và công cụ của sự hiệp thông với Thiên Chúa và sự hiệp nhất giữa tất cả mọi người” (Lumen gentium, s. 1).

Sự hiệp thông trong Hội Thánh đã phát sinh từ việc gặp gỡ Con Thiên Chúa, Đức Chúa Giêsu Kitô, là Đấng, nhờ việc rao giảng của Hội Thánh, đã đến với con người, và tạo nên một tình bằng hữu với chính Người, và nhờ đó với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần (x. 1Ga 1:3). Đức Kitô đã thiết lập liên hệ mới giữa con người và Thiên Chúa. “Người mạc khải cho chúng ta rằng ‘Thiên Chúa là Tình Yêu’ (1Ga 4:8), và Người dạy chúng ta rằng luật căn bản để nên người hoàn hảo, và nhờ đó biến đổi thế gian, là giới răn mới về yêu thương. Người đảm bảo với những ai tín thác vào tình yêu Thiên Chúa rằng con đường tình yêu được mở ra cho tất cả mọi người, và rằng nỗ lực thiết lập một tình huynh đệ phổ quát sẽ chẳng vô ích” (Gaudium et spes, s. 38).

Hội Thánh trở nên “sự hiệp thông” trên nền tảng Thánh Thể mà trong đó Đức Kitô hiện diện trong bánh và rượu với hy tế tình yêu, xây dựng Hội Thánh như thân thể Người, kết hợp chúng ta với một Thiên Chúa duy nhất có Ba Ngôi, và với nhau (x. 1Cr 10:16tt.). Trong Tông Huấn Sacramentum caritatis, tôi đã viết: “Tình yêu mà chúng ta cử hành trong Thánh Lễ không phải là điều chúng ta có thể giữ lại cho riêng mình. Tự bản chất, tình yêu này đòi phải được chia sẻ với mọi người. Điều mà thế gian cần là tình yêu của Thiên Chúa; nó cần phải gặp gỡ Đức Kitô và tin vào Người” (số 84). Vì lý do ấy mà Thánh Thể không những chỉ là nguồn mạch và tột đỉnh của đời sống Hội Thánh, mà còn của việc truyền giáo của Hội Thánh nữa: “Một Hội Thánh Thánh Thể đích thực phải là một Hội Thánh thừa sai” (ibid.), có khả năng mang tất cả mọi người đến hiệp thông với Thiên Chúa, và loan báo với niềm xác tín rằng: “điều chúng tôi đã thấy và đã nghe, thì chúng tôi cũng loan báo cho anh em, để anh em cũng được hiệp thông với chúng tôi” (1Ga 1:3).

Anh chị em thân mến, trong Khánh Nhật Thế Giới Truyền Giáo này, trong đó tầm mắt tâm hồn chúng ta trải rộng đến những vùng truyền giáo bao la, tất cả chúng ta hãy đóng vai trò chủ động trong quyết tâm loan báo Tin Mừng của Hội Thánh. Thôi thúc truyền giáo đã luôn luôn là dấu chỉ của sức sống của các Hội Thánh chúng ta (x. Redemptoris missio, s. 2), và sự hợp tác là bằng chứng hùng hồn về sự hợp nhất, về tình huynh đệ và liên đới, là điều đem lại sự tín nhiệm cho những người loan báo Tình Yêu cứu độ!

Cho nên tôi xin nhắc lại cùng mọi người lời mời gọi cầu nguyện và, bất chấp những khó khăn về tài chánh, cung cấp sự nâng huynh đệ và cụ thể cho các Hội Thánh còn trẻ trung. Hành động yêu thương và chia sẻ này, mà Hiệp Hội Giáo Hoàng về Truyền Giáo, mà tôi chân thành cảm ơn, sẽ đặc trách việc phân phối, sẽ nâng đỡ việc đào tạo các linh mục, chủng sinh và giáo lý viên ở những xứ ‘truyền giáo’ thật xa xôi, và khích lệ cho các cộng đoàn Hội Thánh non trẻ.

Để kết luận sứ điệp hằng năm dành cho Khánh Nhật Thế Giới Truyền Giáo này, tôi xin ưu ái bày tỏ lòng biết ơn đặc biệt đối với các nhà truyền giáo, là những người đang làm chứng cho Triều Đại Thiên Chúa ở các vùng hẻo lánh xa xôi và thách đố nhất, thường bằng mạng sống của mình. Mọi tín hữu gửi đến họ, là những người tiền phong trong việc loan báo Tin Mừng, tình thân hữu, sự gần gũi và nâng đỡ. Nguyện xin Thiên Chúa là Đấng yêu thương những ai vui vẻ cho đi (x. 2Cr 9:7) đổ đầy trên họ tinh thần hăng say và niềm vui sâu thẳm.

Như với lời “xin vâng” của Đức Maria, mỗi lời đáp trả quảng đại của cộng đoàn Hội Thánh đối với lời Chúa mời gọi yêu thương anh chị em mình, phát sinh một tình mẫu tử Tông Đồ và Hội Thánh mới (x. Gl 4:4,19,26), làm cho chúng ta phải ngạc nhiên bởi mầu nhiệm tình yêu Thiên Chúa, là Đấng “khi đến thời viên mãn… đã sai Con của Ngài, sinh bởi người nữ” (Gl 4:4) để ban đức tin và sự mạnh dạn cho các Tông Đồ mới. Một lời đáp trả như thế sẽ làm cho mọi người có thể “vui mừng trong hy vọng” (Rm 12:12) trong việc thực hiện chương trình của Thiên Chúa, Đấng muốn “rằng toàn thể nhân loại hợp thành một dân duy nhất của Thiên Chúa, được kết hợp trong Thân Thể duy nhất của Đức Kitô, và xây dựng thành một Đền Thờ duy nhất của Chúa Thánh Thần” (Ad gentes, s. 7).

Ban hành từ Vatican, ngày 6 tháng 2 năm 2010

BÊNÊĐICTÔ XVI

(Dịch từ bản tiếng Anh với sự tham khảo bản tiếng Pháp của Tòa Thánh Vatican)
 
Lò thuốc nổ Sudan, một trường hợp thất bại vì một lý tưởng lỗi thời (2)
Trần Mạnh Trác
17:13 18/10/2010
Chính thể thần quyền Mahdi

Trong thời gian người Anh củng cố nền bảo hộ thì tệ nạn buôn nô lệ bị các đại cường cấm đóan gây nên nhiều khó khăn kinh tế cho vùng Sudan. Dân Sudan nổi dậy chống đế quốc Anh và những quân bản xứ từ Ai Cập đưa xuống, họ tòng quân dưới trướng của một giáo trưởng tên là Muhammad Ahmad ibn, ông tự xưng là Mahdi (người được Chúa hướng dẫn) và sau nhiều may mắn chiến thắng bất ngờ làm người dân Sudan tin là nhờ những phép lạ từ Trời ban xuống, ông đã vây hãm và chiếm được Khartoum, giết tướng Charles George Gordon vào năm 1885.

Mahdi thiết lập một chính thể thần quyền Hồi giáo, chọn Omdurman làm kinh đô. Sau khi chiếm được Khartoum chỉ có 6 tháng thì ông chết vì bệnh sởi, người kế vị Muhammad ibn Abdalla tự xưng là Khalifa đã dựa vào cái thế hăng say của những chiến thắng mà mang quân đi thánh chiến để chinh phục Ethiopia, Ai Cập và Equatoria.

Nhưng quân Ai Cập đã được người Anh tái trang bị với vũ khí mới, và đòan quân Sudan gồm những quân cảm tử gọi là Ansar và các thầy tu khổ hạnh gọi là Dervish đã bị tàn sát ở Toski (Tushkah), làm cho cái hào quang vô địch bị tan vỡ, người Bỉ đã chặn đứng họ tại Equatoria và người Ý đuổi họ ra khỏi Ethiopia.

Sau khi chính thể thần quyền thành lập được 13 năm, vào năm 1898, thống chế Sir Herbert Kitchener của Anh đã chiếm lại trọn vùng Sudan với một chiến thắng quyết định ngay tại ngưỡng cửa thủ đô Omdurman. Tại đây 50 ngàn quân Ansar và Dervish dùng chíên thuật biển người đã bị chặn đứng không thể tiến tới gần tầm đạn của súng cá nhân bởi một liên quân của Anh chỉ có 8 ngàn quân chính qui và 17 ngàn quân bản xứ, nhưng rất kỷ luật, có súng cộng đồng Maxim và biết sử dụng hỏa lực đại bác nhịp nhàng. Winston Churchill lúc đó là một sĩ quan kỵ binh (Lancers) kiêm phóng viên chiến trường đã tường thuật cuộc chinh chiến này một cách rất tỉ mỉ trong cuốn sách 'The River War', xuất bản năm 1899. Trong trận Omdurman, quân Ansar và Dervish chết 10 ngàn người, bị thương 13 ngàn và 5 ngàn bị bắt làm tù binh, về phía liên quân Anh, họ chỉ thiệt mạng có 47 người và 382 người bị thương. Trong sách, Churchill than phiền là liên quân đã bắn bỏ quá nhiều thương binh trong khi thu dọn chiến trường.

Chế độ Công Quản (Condominium) của Anh

Sau đó người Anh đòi Ai Câp phải nhượng quyền cai trị Sudan cho Anh. Từ năm 1899 dưới chế độ Công Quản (Condominium, cùng cai trị giữa Anh và Ai Cập) người Anh dùng chính sách Chia Để Trị đã lập ra hai vùng hành chính là Nam và Bắc, miền Bắc là của những người gốc Ả rập mà đa phần theo Hồi giáo, còn miền Nam là của những dân thiểu số theo các Tôn Giáo thờ Linh Vật và Thiên Chúa Giáo.

Nhiều cuộc nổi dậy đã xẩy ra ở Sudan nhưng đều bị dập tắt. Người Ai Câp cũng đã cố gắng đòi lại Sudan nhiều lần nhưng bị từ khước. Vào năm 1953 khi Ai Cập bãi bỏ nền quân chủ, những lãnh tụ mới là Muhammad Naguib và Gamal Abdel Nasser tin rằng muốn cho người Anh rút khỏi Sudan thì chỉ có một cách là Ai Cập cũng từ bỏ chủ quyền trên vùng này, như thế thì cái cớ của người Anh là cai trị Sudan giùm cho Ai Cập không còn hợp lẽ nữa. Những tính tóan này tỏ ra có hiệu quả và vào năm 1954 thì một hiệp ước đã được Anh và Ai Cập ký kết thành lập một nước độc lập Sudan. Sudan chính thức trở thành một quốc gia vào năm 1956, sau 136 năm là một phần của Ai Cập và sau 55 năm dưới cự cai trị của Anh.

Nội chiến 1

Nhưng ngay trước khi độc lập thì nội chiến đã xẩy ra giữa 2 vùng Nam và Bắc Sudan vì miền Nam cũng muốn được độc lập riêng rẽ. Quân miền Nam lúc này là một tóan quân ô hợp nhưng các chính phủ miền Bắc thì thiếu kinh nghiệm và không ổn định cho nên cuộc nội chiến cứ kéo dài tới 17 năm làm cho nửa triệu người chết. Năm 1972, Hiệp hội các giáo hội tòan cầu (World Council of Churches) dàn xếp ngưng bắn. Tổng thống Sudan là Gaafar Nimeiry đã ký hiệp ước Addis Ababa Agreement công nhận nền tự trị của Nam Sudan, và cả hai miền bắt đầu một giai đọan hòa bình được 11 năm.

Nội chiến 2

11 năm sau, năm 1983, dưới ảnh hưởng của phong trào Muslim Brotherhood (Huynh đệ Hồi Giáo), Gaafar Nimeiry tìm cách hủy bỏ hiệp ước Addis Ababa Agreement bằng những pháp lệnh áp đặt luật Hồi Giáo (Sharia Law) trên tòan lãnh thổ, ông giải tán chính phủ tự trị miền Nam và vẽ lại đường ranh giới Nam Bắc. Những biện pháp này đã nhúm lại mồi lửa nội chiến một lần nữa.

Mặc dù Mimeiry bị truất phế năm 1985 trong khi đi công cán tại Hoa Kỳ, hai chính phủ lâm thời do thủ lãnh đảo chánh là đại tá Omar al-Bashir thành lập năm 1985 và 1987 đã không được sự ủng hộ của miền Nam, cuộc nội chiến thứ hai tiếp diễn cho tới năm 1989 thì Omar al-Bashir với sự giúp đỡ võ khí và hổ trợ quốc tế của Trung Quốc ra lệnh tổng tấn công. Chiến tranh diễn ra rất đẫm máu, phá hủy tòan thể cơ sở hạ tầng của miền Nam, gây nhiều thương vong cho dân thiểu số. Chính quyền hòan tòan bị ngưng trệ, chỉ còn các giáo hội (Episcopal, Công Giáo) là những tổ chức hiếm hoi cung cấp những dịch vụ xã hội cho vùng.

Năm 1991 những phe phái trong nội bộ chính phủ miền Nam chia rẽ và phản lại nhau, họ yếu dần cho đến năm 1994 thì quân miến Bắc tiến sát tới biên giới Kenya và Uganda.

Thỏa ước Khartoum Peace Agreement được ký kết năm 1997 với những nhóm ly khai của miền Nam. Thỏa ước này công nhận trên giấy tờ miền Nam vẫn là một khu vực Tự Trị.

Nhưng nhiều nhóm quân miền Nam khác vẫn tiếp tục chiến đấu dưới một danh nghĩa mới là chống lại chính thể độc tài Hồi Giáo cũng như đòi hỏi quyền chia sẻ công bình những tài nguyên dầu hỏa cho miền Nam, những danh nghĩa này nhận được nhiều sự thông cảm của các nước Tây Phương.

Diệt chủng tại Darfur

Trong khi miền Nam Sudan đang kém thế ở nhiều nơi thì tại miền Dakfur cũng phát khởi một cuộc nội chiến khác và Sudan đã bị lên án vì những hành động dã man và diệt chủng ở đây.

Dakfur là một vùng đất cằn cỗi nằm ở phía Tây, có nhiều giống dân da đen tụ tập thành những bộ lạc nhỏ từ nhiều ngàn năm qua.

Tuy đa phần theo Hồi Giáo nhưng dân Dakfur bị giống Ả rập của phía Bắc coi như là lọai công dân hạng nhì. Đây từng là những nơi cung cấp tài nguyên Nô Lệ cho người Ả Rập ngày xưa.

Những quốc gia bên cạnh như Lybia và Chad cũng lợi dụng những phân hóa này để giữ lợi thế trong những tranh chấp cục bộ với Sudan.

Năm 2003 khi quân chính phủ Sudan còn đang bị trói tay tại miền Nam thì cuộc xung đột quân sự ở Dakfur bắt đầu. Nhiều bộ lạc da đen của vùng này đã tổ chức thành những nhóm võ trang tranh đấu cho quyền bình đẳng của họ.

Quân chính phủ sử dụng những đám kỵ mã thuê mướn từ những bộ lạc chăn lạc đà gọi là Janjaweed. Đám Janjaweed đột kích ở đâu thì tàn sát đàn ông và hãm hiếp đàn bà đến đấy, gây kinh hòang cho cả vùng. Số nạn nhân được ước lượng từ 200 cho tới 400 ngàn (al-Bashir chỉ cho là có 10 ngàn thôi). Số người bỏ chạy qua biên giới lên tới 2.7 triệu. Tòan vùng bị bỏ hoang và chết đói.

Tuy chính quyền Sudan phủ nhận liên hệ với nhóm Janjaweed, nhưng chứng cớ cho thấy chính phủ đã cung cấp tài chánh và vũ khí, và điều hợp những cuộc hành quân chung.

Năm 2008, tòa án Quốc tế International Criminal Court (ICC) ra trát bắt tổng thống Sudan al-Bashir về tội diệt chủng, tội chống nhân lọai và tội phạm chiến tranh. Sudan không hề ký hiệp định với tòa Quốc tế cho nên không tuân lệnh.

Năm 2010, Sudan đạt được một thỏa thuận với nhiều nhóm Darfur là sẽ cho vùng này được cơ chế tự trị giống như miến Nam, nhưng vẫn còn có nhiều nhóm nổi lọan lớn khác chưa đồng ý. Hòa bình ở vùng này sẽ tùy vào kết quả chung cuộc giữa hai miền Nam Bắc. Nếu miền Nam ly khai thì hầu như chắc chắn Darfur cũng đi theo lối mòn đó.
 
Vấn đề liên tôn và liên văn hóa tại Thượng Hội Đồng Trung Đông
Vũ Văn An
20:24 18/10/2010
Ngày 13 tháng 10 vừa qua, được Hãng Tin Zenit phỏng vấn, Thượng Phụ Antonios Naguib của Giáo Hội Công Giáo Coptic tại Alexandria (Ai Cập) và là Tổng Thuyết Trình Viên của Thượng Hội Đồng Trung Đông đã nhận xét như sau về sự hiện diện của một Ayatollah Irăng, một giáo sĩ Hồi Giáo Libăng và một giáo sĩ Do Thái Giáo tại Thượng Hội Đồng: “Sự hiện diện của họ không thể là gì khác ngoài sự tích cực. Vì quả là điều hết sức tốt đẹp khi được lắng nghe những tiếng nói khác, có lẽ có những hoàn cảnh trong đó chính ta không thấy rõ. Ta cũng cần thấy người khác mong đợi ở ta điều gì, chứ không phải chỉ là điều ta mong đợi và mong muốn. Sự hiện diện ấy không thể là gì khác ngoài sự xây dựng và tích cực”.

Tuy nhiên, Thượng Phụ minh xác thêm: các giáo hội Trung Đông nhấn mạnh đến nhu cầu làm việc chung với nhau để xây dựng một xã hội đặt căn bản trên nhân quyền, dân chủ, tôn trọng lẫn nhau, chứ không dựa trên chọn lựa chính trị. Nhân dịp này, ngài cũng cho hay: riêng tại Ai Cập, mặc dù hiến pháp bảo đảm tự do tôn giáo, nhưng trên thực tế, vẫn còn nhiều thủ tục khó khăn đối với Giáo Hội Công Giáo, như trong việc xây cất và trùng tu các thánh đường. Riêng về cuộc tranh chấp Palestine và Do Thái, ngài phản đối mưu toan của Do Thái muốn được mô tả như là quốc gia Do Thái Giáo

Giáo sĩ Do Thái

Cũng ngày trên, Giáo Sĩ Do Thái David Rosen, cố vấn của Tòa Trưởng Giáo Chủ Israel và là giám đốc Ban Liên Tôn Sự Vụ của Ủy Ban Do Thái Giáo Mỹ và Viện Heilbrunn Nhằm Hiểu Biết Quốc Tế và Liên Tôn, đã đọc một bản tham luận tại buổi họp khoáng đại của Thượng Hội Đồng Trung Đông. Ông cho rằng mối liên hệ giữa Do Thái Giáo và Công Giáo là một biến đổi đầy hồng phúc trong thời đại ta, và có lẽ chưa có tiền lệ trong lịch sử.

Tuy nhiên, theo ông, sự biến đổi này vẫn còn phải vật lộn với ảnh hưởng hàng thế kỷ, nếu không muốn nói hàng thiên niên kỷ của giáo huấn miệt thị người Do Thái và Do Thái Giáo xưa nay, một thứ miệt thị khó có thể xóa bỏ một sớm một chiều. Sự biến đổi này diễn ra ít hay nhiều tùy từng bối cảnh. Tại Hoa Kỳ, sự biến đổi ấy khá đáng kể: ở đấy, người Do Thái Giáo và người Kitô Giáo sống một cách thoải mái bên cạnh nhau trong một xã hội cởi mở. Hậu quả là mối liên hệ giữa họ đã đạt tới trình độ độc đáo, thể hiện qua hợp tác và trao đổi giữa các cộng đoàn và định chế giáo dục. Ông cho biết: ngày nay, riêng tại Hoa Kỳ có đến hàng tá định chế cao đẳng dành cho các ngành nghiên cứu về Do Thái Giáo và Kitô Giáo và mối tương quan giữa 2 tôn giáo này, trong khi, cả thế giới chỉ có chừng 3 định chế như thế.

Giáo Sĩ Rosen cũng cho rằng: tại Hoa Kỳ, phần đông các cộng đồng Do Thái coi Giáo Hội Công Giáo như người bạn chân thực có chung nhiều giá trị và quan tâm. Chính ông được hân hạnh đứng đầu một đoàn đại biểu liên tôn quốc tế trong Ủy Ban Do Thái Giáo Mỹ, sẵn sàng góp phần vào sự biến đổi có tính lịch sử kia. Trong khi ấy, hiện vẫn còn nhiều quốc gia chưa có được những nhân tố xã hội và dân số như thế. Theo ông, tại phần lớn các quốc gia nơi Công Giáo là lực lượng xã hội chủ yếu, các cộng đồng Do Thái Giáo khá bé nhỏ, và mối liên hệ giữa Giáo Hội và Do Thái Giáo ít được ai chú ý. Ông cho hay: tại một số quốc gia, đến các linh mục và nhiều khi cả hàng giáo phẩm nữa cũng biết rất ít về Do Thái Giáo, thậm chí còn không biết đến cả tuyên ngôn Nostra Aetate của Công Đồng Vatican II nữa. Ngược lại, trong thế giới Do Thái Giáo, cùng hiện tượng ngu dốt ấy cũng đã xẩy ra đối với việc hiểu biết Kitô Giáo: người Do Thái Giáo ít khi hay chẳng bao giờ tiếp xúc với người Kitô Giáo hiện đại cả.

Trên thế giới, vấn đề trên chỉ trở nên gia trọng tại một nhà nước duy nhất nơi Do Thái Giáo chiếm đa số, đó là nhà nước Israel, do bối cảnh chính trị và xã hội. Tại Trung Đông, cũng như tại hầu hết các nơi trên thế giới, các cộng đồng quen sống trong khung cảnh ngôn ngữ, văn hóa và tín ngưỡng riêng của mình, và Israel cũng không tránh khỏi lối sống ấy. Đàng khác, người Kitô Giáo Ả Rập tại Israel, lại là thiểu số bên trong một số thiểu số: họ chỉ là 120,000 người trong tổng số một triệu rưỡi công dân gốc Ả Rập mà đại đa số theo Hồi Giáo, trong khi dân số Israel hiện khoảng 7 triệu rưỡi người.

Giáo sĩ Rosen cho ta một hình ảnh khá lạc quan (hơi quá chăng?) về các Kitô hữu tại Israel. Theo ông, các Kitô Giáo Ả Rập tại Israel nói trên quả là một thiểu số tôn giáo hết sức thành công về nhiều phương diện. Tiêu chuẩn về kinh tế xã hội và về giáo dục của họ cao hơn mức trung bình: các trường của họ có điểm cao nhất trong các kỳ thi tú tài hàng năm; nhiều người nổi tiếng trong lãnh vực chính trị. Tuy nhiên, nhịp sống hàng ngày của đại đa số người Ả Rập và Do Thái diễn ra trong bối cảnh riêng của họ. Thành thử, phần lớn người Do Thái theo Do Thái Giáo không giao tiếp với người Kitô Giáo cùng thời; và ngay khi du lịch ra ngoại quốc, họ cũng có khuynh hướng gặp gỡ người khác, chứ không gặp gỡ người Kitô Giáo hiện đại. Do đó, cho tới những ngày gần đây, đại đa số xã hội Do Thái không biết gì tới các thay đổi sâu sắc trong mối liên hệ Do Thái và Công Giáo. Nay, thì tình thế ấy đang bắt đầu thay đổi một cách có ý nghĩa kể từ một thập niên qua nhờ nhiều lý do, mà hai lý do sau đây hết sức đáng lưu ý:

Thứ nhất, đó là tác dụng của chuyến viếng thăm năm 2000 của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, sau ngày thiết lập liên hệ song phương đầy đủ giữa Israel và Tòa Thánh 6 năm trước đó. Dù việc thiết lập ấy từng có tác dụng tốt trên cái nhìn của Israel, nhưng chính sức mạnh của hình ảnh thị giác, mà Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II biết rất rõ tầm quan trọng, đã biểu lộ hết sức minh nhiên cho đại đa số xã hội Do Thái thấy sự biến đổi trong thái độ và giáo huấn của Kitô Giáo đối với dân tộc Do Thái, một dân tộc mà bản thân ngài luôn duy trì và tìm kiếm hơn nữa tình bạn và lòng kính trọng lẫn nhau. Đối với người Do Thái, nhìn thấy Đức Giáo Hoàng tại Bức Tường Phía Tây, bức tường duy nhất còn sót lại của Đền Thờ Thứ Hai, đứng đó với thái độ tôn kính truyền thống Do Thái và đặt vào đó bản văn chính ngài soạn thảo dùng cho phụng vụ xin tha thứ từng diễn ra hai tuần trước đó tại Nhà Thờ Thánh Phêrô, xin Thiên Chúa tha thứ các lỗi lầm từng phạm chống lại người Do Thái qua bao thế hệ đã qua, quả có hiệu quả lạ lùng và tràn ngập cõi lòng. Người Do Thái tại Israel vẫn còn một con đường rất dài mới vượt qua được cái quá khứ tiêu cực của họ, nhưng không còn hoài nghi gì nữa việc các thái độ đã bắt đầu thay đổi từ chuyến viếng thăm lịch sử ấy. Ngoài ra, nó còn dẫn tới một ngả đường mới cho đối thoại, cho hiểu biết và hợp tác dưới hình thức một ủy ban song phương của Tòa Trưởng Giáo Chủ Israel và Ủy Ban Tòa Thánh Đặc Trách Các Liên Hệ Tôn Giáo với Do Thái, được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II thiết lập và được Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI hết lòng ca ngợi nhân chuyến hành hương Đất Thánh vào năm ngoái cũng như trong cuộc viếng thăm đại hội đường tại Rôma vào đầu năm nay.

Lý do thứ hai chính là làn sóng nhập cư ồ ạt các Kitô hữu khác làm cho dân số Kitô Giáo tại Israel tăng gấp đôi. Trước nhất là khoảng 50,000 Kitô hữu nhiệt thành tới từ Liên Bang Xô Viết cũ trong 2 thập niên qua. Vì liên hệ mật thiết với xã hội Do Thái nhờ các liên hệ gia đình và văn hóa, chắc chắn những người này đại diện cho thiểu số Kitô hữu đầu tiên tự coi mình là thành phần của đa số Do Thái kể từ khi có cộng đoàn Kitô hữu sơ khai.

Cũng như các cộng đồng Kitô hữu Ả Rập, các Kitô hữu trên là công dân Israel, được hưởng đầy đủ mọi quyền bầu cử và bình đẳng trước pháp luật. Tuy nhiên, còn một nhóm dân Kitô Giáo thứ ba khá đông nhưng tư cách pháp lý của họ hơi có vấn đề. Đó là hàng mấy ngàn Kitô hữu nhiệt thành trong số gần 250,000 công nhân nhập cư, từ Phi Luật Tân, Đông Âu, Châu Mỹ La Tinh và hạ Sahara, Châu Phi. Phần lớn họ là những người nhập cư hợp pháp và tạm thời. Tuy nhiên, gần một nửa nhập cư và ở lại bất hợp pháp, nên tư thế pháp lý của họ thật mong manh. Thế nhưng, lớp người này duy trì một sinh hoạt tôn giáo hết sức sinh động và do đó, quả đã tạo nên chiều kích đáng kể thứ ba cho thực tại Kitô Giáo tại Israel ngày nay.

Các nhân tố trên cùng với nhiều nhân tố khác đã góp phần gia tăng sự quen thuộc của Israel đối với Kitô Giáo hiện nay. Thêm vào đó, song song với sự hiện hữu của khoảng 2 trăm tổ chức tại Israel chuyên lo cổ vũ sự hiểu biết và hợp tác lẫn nhau giữa người Do Thái và người Ả Rập, người ta cũng thấy hàng chục cơ sở dành cho việc cổ vũ các cuộc gặp gỡ, đối thoại và nghiên cứu liên tôn trong đó sự hiện diện của người Kitô Giáo được coi là vượt bực và rất có ý nghĩa. Có được điều đó là nhờ sự hiện hữu của nhiều định chế Kitô Giáo và các giáo sĩ, học giả, các đại diện quốc tế của Giáo Hội này, với những đóng góp đa dạng của họ, nhất là trong phạm vi bác học.

Về cuộc tranh chấp Palestine Do Thái, Giáo Sĩ Rosen tỏ ý tiếc về những hạn chế hiện nay đối với cả người Palestine nói chung lẫn người Kitô Giáo Palestine nói riêng. Theo ông, số phận của họ được người Do Thái giáo ở cả Israel lẫn ở khắp nơi trên thế giới quan tâm sâu sắc. Vì Do Thái Giáo chính là tôn giáo đầu tiên trình bày với thế giới quan điểm coi con người là hình ảnh Thiên Chúa. Chính vì thế, các nhà hiền triết của Talmud coi bất cứ hành động bất kính nào đối với người khác cũng đều là một hành động bất kính đối với chính Đấng Hóa Công. Ông quả quyết: “Chúng tôi có trách nhiệm đặc biệt đối với người hàng xóm đau khổ. Trách nhiệm này càng lớn lao hơn khi đau khổ kia phát sinh từ một cuộc tranh chấp mà chúng tôi là thành phần”. Tuy nhiên, ông cảm thấy an ủi khi thấy nhiều tổ chức trong xã hội Israel đang góp công làm giảm các đau khổ kia, như tổ chức “Rabbis for Human Rights” (Giáo Sĩ Vì Nhân Quyền) mà chính ông là người sáng lập. Ông cho rằng Israel có trách nhiệm phải đảm bảo sao cho các cộng đoàn Kitô Giáo triển nở ngay tại Israel với tâm niệm rằng Đất Thánh là nơi sinh của Kitô Giáo. Phúc lợi của các cộng đoàn này tại Trung Đông chính là phong vũ biểu đo lường sinh khí tinh thần của các quốc gia này. Ông cầu mong sáng kiến liên tôn tại Trung Đông có sự tham dự đồng đều hơn của mọi bên, chứ không bất quân bằng như hiện nay, trong đó, Kitô Giáo hình như có phần tích cực nhiều hơn. Tuy nhiên, ông cũng mừng, vì mấy năm gần đây đã có sự ra đời của Hội Đồng Các Định Chế Tôn Giáo Của Đất Thánh với sự tham dự của Tòa Trưởng Giáo Chủ Israel, Tòa Án Shaaria và Bộ Tôn Giáo Sự Vụ của Nhà Cầm Quyền Palestine và Các Vị Lãnh Đạo Kitô Giáo tại Đất Thánh. Hội Đồng này không những làm dễ việc thông đạt giữa các thẩm quyền tôn giáo khác nhau mà còn dấn thân vào việc đả phá hiểu lầm, kỳ thị và xúi giục để tìm hoà giải, hòa bình ngõ hầu hai dân tộc và ba tôn giáo có thể sinh tồn trong phẩm giá, trong tự do và thanh bình.

Ông nhắc tới việc năm ngoái, Hội Đồng Giáo Hoàng về Các Liên Hệ Liên Tôn và Ủy Ban Giáo Hoàng về Các Liên Hệ Tôn Giáo Với Người Do Thái đã cùng Ủy Ban Do Thái Quốc Tế về Các Tham Khảo Liên Tôn cũng như qũy Ba Văn Hóa tại Seville, Tây Ban Nha, lần đầu tiên cùng tổ chức cuộc đối thoại tam phương lần đầu tiên, một việc phản ảnh lời Đức GH Bênêđíctô XVI được Tài Liệu làm việc trích dẫn. Ông mong có nhiều cuộc đối thoại tam phương như thế để vượt qua mọi ngờ vực, thiên kiến và hiểu lầm ngõ hầu “chúng ta có thể làm nổi bật các giá trị chung của con cháu Ápraham nhằm phục vụ phúc lợi của toàn thể nhân loại”. Ông nhắc lại lời cầu mong của Đức Gioan Phaolô II về một “mùa xuân mới của liên hệ hỗ tương”.

Đóng góp của Hồi Giáo

Thượng Hội Đồng mời cả hai đại diện của phe Hồi Giáo Sunni lẫn phe Hồi Giáo Shias nói truyện. Đại diện cho phe Sunni là Muhammad Al-Sammak, cố vấn chính trị cho Đại Giáo Chủ (Mufti) Libăng. Đại diện Shias là giáo sư luật tại trường Đại Học Shahid Beheshti ở Teheran có cái tên khá dài là Ayatollah Seyed Mostafa Mohaghegh Damad Ahmadabadi.

Al-Sammak và Ayatollah Mohaghegh Damad, vào chiều ngày 13 tháng 10, có nói truyện với các nhà báo tại một khách sạn gần Vatican về một số vấn đề. Cả hai đều muốn phân biệt hai vấn đề: một là các Kitô hữu bị kẹt trong các tranh chấp phe nhóm, hai là vấn đề thiếu tự do tôn giáo hay bách hại Kitô hữu vì niềm tin của họ. Al-Sammak cho hay: Kitô hữu tại Iraq gặp khó dễ vì bị coi là thành phần của cuộc xâm lăng Hoa Kỳ dù không ai trong số họ muốn thế hay dính líu gì vào cuộc xâm lăng này. Nhưng ông nhấn mạnh: Kitô hữu bị xử tệ, không được hưởng các quyền công dân, thì điều đó không do vì Hồi Giáo, tự nó, thù nghịch Kitô Giáo. Ông bảo: “khuôn vàng thước ngọc trong Hồi Giáo là không được ép buộc trong tôn giáo”. Bởi vậy, nếu quyền lợi Kitô hữu không được tôn trọng, thì đó là một điều khiến người Hồi Giáo lo ngại. Còn Ayatollah Mohaghegh Damad thì trích dẫn điển hình Medina thời Muhammad, lúc người Hồi Giáo, người Do Thái Giáo và người Kitô Giáo “sống hòa bình bên cạnh nhau”. Chính Koran dạy người ta phải tôn trọng tôn giáo của người khác.

Tuy nhiên khi bị vặn hỏi, các câu trả lời, nhất là của Ayatollah, cho thấy người Kitô hữu gặp nhiều khó khăn khi biện luận cho một số quyền tự do nội tại. Ayatollah Mohaghegh Damad muốn phân biệt giữa niềm tin tôn giáo, vốn là việc tư riêng, không ai được đụng tới, vì đó là vấn đề của trái tim, và việc trở lại, mà theo ông, có bản chất “chính trị”. Thành thử khi một người Hồi Giáo trở lại Kitô Giáo, anh ta công khai từ bỏ Hồi Giáo và điều đó là một tấn công thẳng vào Hồi Giáo và xã hội Hồi Giáo và do đó, dù không nói ra, anh ta không được đòi quyền bình đẳng.

Ký giả Ivereigh của tạp chí America có yêu cầu hai ông nhận định về lời của Thượng Hội Đồng kêu gọi Giáo Hội Công Giáo cổ vũ một chủ nghĩa thế tục tích cực (positive secularism hay laicité) tại Trung Đông, nghĩa là một mức độ phân biệt nào đó giữa nhà nước và tôn giáo nhằm bảo đảm quyền bình đẳng đối với tự do lương tâm và phát biểu tôn giáo. Cả Al-Sammat và Ayatollah đều cho rằng họ muốn biết người ta hiểu như thế nào về ý niệm trên. Theo Ayatollah Mohaghegh Damad, tại Iran người dân bầu nhà lãnh đạo, chứ không phải Thiên Chúa, rõ ràng đó là chủ nghĩa thế tục. Nhưng ông thêm rằng chưa bao giờ có một quốc gia Hồi Giáo trong đó lại không có luật Hồi Giáo và trong đó, luật quốc gia lại không chịu ảnh hưởng của Hồi Giáo. Tuy nhiên, điều ấy đâu có ngăn cản người Kitô Giáo có quyền như những người khác. Như ở Iran chẳng hạn, “chúng tôi không được phép gây phiền hà cho người Kitô Giáo, trừ khi họ phạm tội ác”.

Vấn đề là: điều gì tạo ra tội ác. Công khai từ bỏ Hồi Giáo được coi như một phản bội. Nghe Ayatollah, người ta có cảm giác như quan điểm của ông na ná giống quan điểm của Giáo Hội Công Giáo trước thời Nostra Aetate Dignitatis Humanae, tức các văn kiện của Công Đồng Vatican II chính thức nhìn nhận ý niệm đa nguyên tôn giáo và tầm quan trọng của việc qui định nguyên tắc ấy trong luật lệ. Tóm lại, Hồi Giáo không làm sao nắm bắt được tính hiện đại và tính đa nguyên.

Thật ra, khó có thể có được một thứ chủ nghĩa thế tục tích cực, khi tâm trí Hồi Giáo luôn bận tâm với điều được Đức Bênêđíctô XVI có lần gọi là “chủ nghĩa thế tục hung hăng” (aggressive secularism) hay ý niệm cho rằng không hề có chân trời đạo đức ở bên ngoài ý muốn của đa số dân chủ hay tầng lớp ưu tú sáng suốt. Người Hồi Giáo nhìn qua thế giới Tây Phương và thấy ở đấy quá nhiều bằng chứng cho thấy đổ vỡ và bế tắc về luân lý và xã hội, và cho rằng nguyên nhân chính là chủ nghĩa thế tục.

Khi Đức Bênêđíctô XV kêu gọi để luật pháp thấm nhuần các giá trị Kitô Giáo, ngài không cổ vũ việc chia rẽ giữa đức tin và lý trí, hay giữa luật pháp và tôn giáo, điều mà theo ngài sẽ dẫn tới chủ nghĩa tương đối độc tài. Nhưng ngày nay, Giáo Hội Công Giáo cho rằng các tự do như tín ngưỡng, thờ phượng, lương tâm và phát biểu, và lẽ dĩ nhiên tự do biểu lộ niềm tin, là những quyền không thể phân chia; không tín ngưỡng nào được ưu đãi hơn tín ngưỡng khác xét về quyền lợi và tự do. Căn cứ vào những câu truyện đau thương của một số Kitô hữu đó đây ở Trung Đông, thì đó là một luận điểm cần được người Hồi Giáo tiếp nhận. Như Al-Sammak từng thành thực thú nhận, khi trả lời một câu hỏi khác, nhiều người Hồi Giáo vẫn còn lẫn lộn việc thay đổi tôn giáo với việc thay đổi giới tuyến hay hỗ trợ kẻ thù; và, trong nhiều trường hợp, hình phạt dành cho tội phản bội chính là cái chết.

Muhammad Al-Sammak

Ta hãy nghe chính lời phát biểu của Al-Sammak tại Thượng Hội Đồng Trung Đông, do Văn Phòng Báo Chí Tòa Thánh công bố. Theo Al-Sammak, ông không nghĩ lý do ông được mời tới Thượng Hội Đồng là để được nghe nói về các khó khăn của Kitô hữu tại một số quốc gia Trung Đông. Vì “các đau khổ của chúng tôi trong tư cách Người Phương Đông chỉ là một. Chúng tôi chia sẻ các đau khổ ấy. Chúng tôi sống các đau khổ ấy trong các lạc hậu về xã hội và chính trị, trong cảnh thoái hóa về kinh tế và phát triển, trong sự căng thẳng về tôn giáo và tuyên tín. Tuy nhiên, sự kiện biến Kitô hữu thành mục tiêu vì tôn giáo của họ, dù điều này có là một hiện tượng mới và tình cờ đối với các xã hội của chúng tôi đi nữa, vẫn là điều rất nguy hiểm; nguy hiểm lớn nhất là nó tạo ra vấn đề hòn đất ném đi hòn chì ném lại (reciprocity). Trên thực tế, điều ấy là một hiện tượng rất xa lạ với Phương Đông và còn hơn thế nữa, nó mâu thuẫn với các nền văn hóa tôn giáo và các hiến pháp quốc gia của chúng tôi. Vì điều ấy cho thấy hai sự kiện hết sức nghiêm trọng sau đây:

“Thứ nhất, đó là mưu toan xé nát cơ cấu các xã hội quốc gia của chúng tôi, phân rẽ chúng thành từng mảnh và lấy đi sợi dây nối kết các tế bào đa phức của chúng, từng được bồi đắp và nhìn nhận bao thế kỷ qua. Thứ hai là mưu toan muốn trình bày Hồi Giáo dưới một ánh sáng khác với ánh sáng thật của nó và đi ngược lại điều nó thực sự tuyên tín cũng như mâu thuẫn với điều nó dùng làm căn bản, tức việc nhận biết các dị biệt giữa con người với nhau là một trong những dấu chỉ của Thiên Chúa trong sáng tạo và như là biểu thức sống động của Thánh Ý Người, cũng như việc chấp nhận luật đa nguyên và tôn trọng các dị biệt và niềm tin vào mọi sứ điệp của Thiên Chúa và những gì Người mạc khải”.

Sau khi giáo đầu một cách trang trọng như thế, Al-Sammak cho rằng có hai điểm tiêu cực cho thấy vấn đề mà người Kitô hữu Trung Đông đang phải đương đầu. Điểm thứ nhất liên quan tới việc thiếu sự tôn trọng đối với các quyền bình đẳng giữa các công dân tại một số quốc gia. Điểm thứ hai liên quan tới việc hiểu lầm tinh thần của giáo huấn Hồi Giáo, nhất là phần liên quan tới các Kitô hữu mà Kinh Koran mô tả là “gần gũi nhất trong tình yêu đối với tín hữu” và biện minh cho tình yêu này bằng cách cho rằng “họ có các linh mục và đan sĩ và không hành xử một cách kiêu căng”.

Theo ông, hai điểm tiêu cực này đều xấu đối với “mọi người chúng ta, cả Kitô hữu lẫn người Hồi Giáo, và đều xúc phạm đến chúng ta trong cuộc sống cũng như trong số phận của mình. Chính vì thế, chúng ta, người Kitô hữu và người Hồi Giáo, được mời gọi làm việc chung để biến cải các yếu tố tiêu cực ấy thành các yếu tố tích cực: trước nhất, qua việc tôn trọng các nền tảng và luật lệ công dân vốn thể hiện sự bình đẳng, trước nhất về quyền lợi và sau đó về nghĩa vụ. Thứ đến, qua việc lên án nền văn hóa cường điệu và chủ nghĩa cực đoan vốn bác bỏ người khác và chỉ muốn độc quyền về chân lý tối hậu, và qua việc cố gắng phát huy và truyền bá nền văn hóa chừng mực, bác ái và tha thứ, biết tôn trọng các dị biệt về tôn giáo và tín ngưỡng, về ngôn ngữ, về văn hóa, về mầu da và về chủng tộc…”.

Ông quả quyết: “Vâng, người Kitô Giáo tại Trung Đông đang bị thử thách, nhưng họ không phải là những người duy nhất. Vâng, người Kitô Giáo ở Trung Đông thực sự đang cần được hỗ trợ và giúp đỡ. Nhưng việc ấy không nên khuyến khích họ rời cư hay tự quay về với chính mình. Mà các đồng bào Hồi Giáo của họ cũng không nên quên các bổn phận quốc gia và luân lý đối với họ. Làm dễ việc rời cư chỉ là một cách cưỡng bức họ ra đi. Quay về với chính mình là từ từ làm mình chết ngạt”…

Al-Sammak nói tiếp: “Việc hiện diện của người Kitô hữu Trung Đông giữa những người Hồi Giáo chính là một nhu cầu đối với cả người Kitô hữu lẫn người Hồi Giáo. Nó cũng không phải chỉ là nhu cầu của Phương Đông, mà còn là nhu cầu của toàn thế giới. Sự nguy hiểm do cảnh mất dần sự hiện diện này trên bình diện phẩm cũng như lượng là mối quan tâm chung của cả người Kitô hữu lẫn người Hồi Giáo, không phải cho người Hồi Giáo Phương Đông mà thôi, mà còn cho mọi người Hồi Giáo trên khắp thế giới. Mặt khác, tôi có thể sống Hồi Giáo của tôi với mọi người Hồi Giáo khác thuộc mọi quốc gia và nhóm sắc tộc, nhưng trong tư cách một người Ả Rập Trung Đông, tôi không thể sống con người Ả Rập của mình mà không có người Ả Rập Kitô Giáo Trung Đông. Việc rời cư của người Kitô hữu làm nghèo đi căn tính Ả Rập, nền văn hóa và tính chân thực của nó.

“Vì lý do đó, tôi xin nhấn mạnh ở đây một lần nữa, trước tòa Vatican, điều tôi từng phát biểu trước tòa Mecca rằng: tôi lo ngại cho tương lai của người Hồi Giáo Phương Đông vì sự rời cư của người Kitô Giáo Phương Đông. Duy trì sự hiện diện của người Kitô Giáo là bổn phận chung của cả người Hồi Giáo lẫn người Kitô Giáo”.

Theo Al-Sammak, “Người Kitô Giáo Phương Đông không phải là thiểu số vì tình cờ. Họ có mặt từ lúc đầu có Phương Đông, trước cả Hồi Giáo. Họ là thành phần cốt yếu cấu tạo ra nền văn minh Hồi Giáo về cả ba phương diện văn hóa, văn chương và khoa học. Họ cũng là những người tiên phong của phong trào phục hưng Ả Rập hiện đại và luôn duy trì ngôn ngữ của nó, ngôn ngữ của Kinh Koran.

“Vì họ từng ở tuyến đầu cuộc giải phóng và lấy lại chủ quyền, ngày nay, họ cũng ở tuyến đầu cuộc chạm trán và kháng chiến chống xâm lược, bảo vệ các quyền lợi đang bị vi phạm của dân tộc, nhất là tại Giêrusalem, và tại Palestine nói chung đang bị chiếm đóng”. Bởi thế, theo ông, bất cứ cố gắng nào nhằm tiếp cận chính nghĩa của người Kitô Giáo, mà không xét tới các sự kiện có thật kia, chỉ đưa tới những kết luận sai lầm, những giải pháp lầm lạc.

Để kết luận, ông cho rằng: “Thượng Hội Đồng này phải là một điều gì đó hơn là tiếng kêu của người Kitô Hữu chịu đau khổ đang vang lên giữa thung lũng đau thương vốn là Đông Phương đau khổ của chúng ta. Hy vọng Thượng Hội Đồng sẽ đưa ra được các nền tảng thực tiễn và có tính khoa học có lợi cho các sáng kiến hợp tác chung giữa Hồi Giáo và Kitô Giáo, để Phương Đông, địa điểm của mạc khải Thiên Chúa, luôn xứng đáng dương cao ngọn cờ đức tin, đức ái và hòa bình cho chính mình và cho toàn thế giới”.

Ayatollah Seyed Mostafa Mohaghegh Ahmadabadi

Phát biểu của Al-Sammak trước Thượng Hội Đồng quả có sắc thái ôn hòa và nhằm đề cao tầm ý nghĩa của sự hiện diện Kitô Giáo tại Trung Đông, khác nhiều so với nội dung ông trình bày lúc gặp báo chí. Giọng điệu của ông, vì thế, quả nặng tính cách ngoại giao.Ta hãy xem Ayatollah Seyed Msotafa nói truyện ra sao với các nghị phụ.

Theo ông, khác với thời tiền Thế Chiến II, “Ngày nay, ta đang mục kích nhiều thay đổi lớn lao từng xẩy ra trong nửa thế kỷ qua và sự biến đổi này vẫn đang tiếp diễn với một đà khó tin. Điều ấy không những có hiệu quả về phẩm đối với mối tương quan giữa các tôn giáo mà còn tác động trên mối liên hệ của nhiều bộ phận khác nhau của tôn giáo và ngay cả các tín hữu riêng của các tôn giáo này. Điều chắc chắn là không một tôn giáo có thể dửng dưng đối với tình thế đang thay đổi mau chóng ấy”.

Ông cho rằng, vào cuối thiên niên kỷ thứ hai, “chủ nghĩa đa văn hóa bên trong các xã hội ít nhiều được nhìn nhận khắp thế giới. Cho tới lúc đó, cái hiểu về một xã hội đa văn hóa khác nhiều so với điều ta cảm nghiệm hôm nay. Nền văn hóa mới du nhập vào một xã hội chỉ được thời ấy chấp nhận như một ‘nền văn hóa mới’, không phải vì ích lợi hay sự ưu việt của nó. Nhưng ngày nay, càng ngày càng ít có xã hội và nhóm nào đi bênh vực một xã hội độc khối về văn hóa nữa. Kinh nghiệm Vùng Balkan chứng minh rằng việc thống trị về văn hóa và sắc tộc của một nhóm trên các nhóm khác là việc không thể bênh đỡ được vì nó loại bỏ các nhóm khác đang hiện diện trong xã hội ấy…”.

Giáo sư Ahmadabadi nhận định thêm: trong các xã hội có sự hiện diện của các nhóm sắc tộc khác nhau, muốn có sự ổn định và lành mạnh, người ta buộc phải tôn trọng sự hiện diện và quyền lợi các nhóm ấy. Sự hòa hợp các quyền lợi và phúc lợi xã hội trên bình diện quốc gia và quốc tế phải làm sao đó để không một nhóm nào hay một quốc gia nào bị bỏ quên. Theo ông, đây chính là thực tại của thời đại ta. Hiện nay, sự hiểu biết giữa các tôn giáo cũng đang phản ảnh thực tại đó, và càng ngày càng được thăng tiến. Mọi người sẽ cùng nhau chia sẻ số phận chung. Cái nhìn này không phải chỉ có nơi các nhà lãnh đạo mà càng ngày càng được quần chúng nắm vững. Nhưng ông cho hay: “Điều tiên quyết đối với lối suy tư này là phải gạt qua một bên các quan điểm chính thức có tính cổ điển và bị điều kiện hóa của quá khứ về các tôn giáo và nền văn hóa khác để có được một cái nhìn khách quan hơn. Ta phải nhìn các nền văn hóa khác với sự hiểu biết, kính trọng và thiện cảm”.

Trên thực tế, không ai chối cãi là hiện nay vẫn còn những quan điểm lệch lạc và “phản động” vốn thoát thai từ lối suy nghĩ chính trị và văn hóa đầy thành kiến, tìm cách bành trướng và thống trị trong lịch sử. Tuy nhiên, ông tin rằng về lâu về dài, lối suy nghĩ đầy kỳ thị và sô-vanh này sẽ càng ngày càng giảm đi và nhất định sẽ tan biến.

Song song với các biến đổi trên, cũng còn nhiều thay đổi về văn hóa và tri thức khác, phần lớn xẩy ra trong thế giới kỹ nghệ Phương Tây. Các thay đổi này khiến người ta tìm hiểu và đặt nghi vấn đối với cả các vấn đề trước đây được coi là tất yếu. Ngày nay, xem ra người ta càng ngày càng muốn, càng khao khát khám phá người khác, các nền văn hóa và các lối sống khác, các nền triết học và tôn giáo khác. Ông cho rằng, “điều này không hẳn là óc tò mò mà quả là một nhu cầu nội tâm và thiêng liêng” nhất là nơi người trẻ và các nhà tư tưởng. Điều này chắc chắn có ảnh hưởng đối với cái hiểu của các tôn giáo về nhau. Có điều, theo ông, khuynh hướng ngày nay hay chú ý tới các tôn giáo Á Châu và các giáo phái mới vốn thoát thai từ các xã hội đã kỹ nghệ hóa.

Trước tình thế đó, Giáo Sư Ahmadabadi tự hỏi: đâu là tình thế lý tưởng đối với các tín hữu và môn đệ? Ông trả lời: “Thế giới lý tưởng xem ra phải là tình thế trong đó tín hữu của bất cứ niềm tin nào được tự do, không lo ngại, sợ hãi hay trói buộc sống theo các nguyên tắc nền tảng và phương thức trong các tập tục và truyền thống của mình. Trên thực tế, quyền này, một quyền vốn được mọi người nhìn nhận, phải được mọi nhà nước và cộng đồng thực thi”.

Ở đây, hình như để trả lời cho các chỉ trích của nhiều trí giả Phương Tây về lối giải thích cực đoan của nhiều người Hồi Giáo ngày nay đối với Kinh Kora, Ahmadabadi cho rằng: “quyền giải thích mỗi tín ngưỡng phải được dành cho các tín hữu của tôn giáo ấy, bao lâu lối giải thích này dựa trên tinh thần khoa học và nền tảng của tôn giáo này. Sự thật là các tín hữu ấy có được sự nhìn nhận và quyền giải thích tín ngưỡng của họ tốt hơn bất cứ người nào khác. Dĩ nhiên, xin nhớ rằng mỗi tôn giáo phải có ngành chú giải hợp thời… Không ai được quyền giải thích thay cho người khác và quyết định thay cho họ. Mỗi tín ngưỡng có luận lý và phương pháp riêng căn cứ trên các đòi hỏi của mình cũng như từng giai đoạn trong thời gian. Bất cứ sự phóng tác hay phỏng theo nào nằm ngoài khuôn khổ trên, vốn không được tín hữu nhìn nhận, đều không hợp lệ và do đó, không có hiệu quả và bền lâu”.

Nói thế rồi, ông nhấn mạnh: “các môn đệ của mỗi tín ngưỡng phải được thi hành các quyền của họ mà không xấu hổ hay sợ sệt và phải được sống theo di sản lịch sử và nền văn hóa riêng. Sự ổn định của thế giới tùy thuộc sự ổn định trong cuộc sống của các nhóm và các xã hội lớn và nhỏ. Sự ổn định này chỉ có thể đạt được khi mọi người được sống không sợ hãi, không bị đe dọa bởi người khác. Đấy là yếu tố quan trọng nhất để đạt được sự ổn định và bình an về đạo đức và xã hội. Bổn phận của chúng ta là tạo ra các điều kiện ấy”.

Ông bảo: dựa vào linh hứng và các đề xướng của Kinh Koran, “kể từ ngày Hồi Giáo được thiết lập tại Saudi Arabia, mối tương quan giữa Hồi Giáo và Kitô Giáo đã được xây dựng trên tình thân ái, lòng kính trọng và sự hiểu biết lẫn nhau’. Kinh Koran vốn gọi Chúa Giêsu là “Lời Thiên Chúa” và tin rằng Người đã được chỉ định làm nền tảng cho các tín hữu, đến độ ai hoài nghi sự chỉ dẫn của Người phải bị tố giác. Kinh Kora cũng coi các Kitô hữu là người cận kề các tín hữu hơn cả (Ma'eede Sura, ch. 82).

“Bất hạnh thay, trong một số thời kỳ của giai đoạn 1,400 năm qua, vì những nguyên cớ chính trị, nên mối tương quan trên gặp nhiều thời khắc đen tối. Nhưng ta không nên qui kết các hành vi bất hợp pháp của một số cá nhân hay nhóm này cho Hồi Giáo hay Kitô Giáo. Theo giáo huấn Kinh Koran cũng như theo luật lệ, tại phần lớn các quốc gia Hồi Giáo, nhất là tại Iran, các Kitô hữu sống bên cạnh anh chị em Hồi Giáo của họ một cách hòa bình. Họ được hưởng mọi quyền lợi hợp pháp như các công dân khác và được quyền tự do thi hành các thực hành tôn giáo của họ”.

Để kết luận, ông tỏ lời cám ơn Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI về các nhận định hợp thời và hết sức cần thiết của ngài trong các diễn văn đọc tại Giêrusalem và Istanbul liên quan tới tầm quan trọng của mối tương quan lành mạnh và thân hữu giữa người Hồi Giáo và Kitô Giáo. “Cách tiếp cận và phong thái ấy hết sức chủ yếu đối với mọi tín hữu và chắc chắn quan trọng đối với hòa bình Thế Giới”.

Tóm lại, các trình bày của Giáo Sư Ahmadabadi cũng nhiều hơi hướm ngoại giao hơn là thực sự góp phần vào việc giải quyết các nan đề mà hiện người Kitô hữu Trung Đông đang phải đối diện. Cuộc đối thoại liên tôn và liên văn hóa quả là một cuộc đối thoại khó khăn, trong đó, hình như ai cũng chỉ lưu tâm trình bày cái nhìn của mình, ít lưu tâm đến cái nhìn của người khác.
 
Top Stories
Chine: Autorisé pour la première fois depuis 2004 à se rendre sur le continent, le cardinal de Hongkong se plaint du manque de liberté d’expression
Eglises d'Asie
10:54 18/10/2010
Les 11 et 12 octobre derniers, le cardinal Joseph Zen Ze-kiun, évêque émérite du diocèse catholique de Hongkong, était à Shanghai, où il a visité le site de l’Exposition universelle et rencontré l’évêque « officiel » de Shanghai, Mgr Aloysius Jin Luxian. De retour à Hongkong, le cardinal s’est plaint, sur son blog, du manque de liberté d’expression qui existe en Chine populaire.

Connu pour son franc-parler, célèbre pour son combat pour la démocratisation...

... des institutions politiques de Hongkong et avocat infatigable des libertés, au premier rang desquelles figure la liberté religieuse, le cardinal Zen était de facto tenu hors de Chine continentale par les autorités chinoises depuis 2004. C’est sur son blog, le 15 octobre, que Mgr Zen a rendue publique sa récente visite à Shanghai. Il y explique que, dans la ville qui l’a vu naître, il a visité le site de l’Exposition universelle – dont la clôture aura lieu à la fin de ce mois et qui a, très certainement, été le prétexte de la visite du cardinal en Chine – et qu’il a également rencontré Mgr Jin Luxian, 95 ans, ainsi que l’évêque auxiliaire de celui-ci, Mgr Joseph Xing Wenzhi, 47 ans.

Cette visite à Shanghai a été, pour le cardinal, source d’« une grande joie », notamment parce qu’il eut le plaisir de revoir Mgr Jin, très âgé, et de retrouver Mgr Xing qu’il connaissait lorsqu’il était simple prêtre. Avant d’être ordonné évêque de Hongkong en 1996 et de devenir, à partir de 2004, persona non grata en Chine continentale, Mgr Zen avait passé plusieurs séjours à Sheshan, où il donnait des cours aux futurs prêtres. A cette époque, le P. Xing était le supérieur du séminaire régional géré par le diocèse de Shanghai.

Au-delà de cette joie, le cardinal exprime sur son blog la frustration ressentie par lui au contact de ses pairs dans l’épiscopat. « Quel système terrifiant ! Il élève des barrières à l’intérieur même du cœur des personnes ! Il cadenasse les lèvres !, s’indigne-t-il. Nous sommes des adultes qui aimons notre patrie, mais nous ne pouvons pas débattre des principaux problèmes qui intéressent notre pays. Nous sommes à la tête de l’Eglise, mais nous ne pouvons pas discuter de l’avenir de l’Eglise. »

Plus spécifiquement, au sujet de sa rencontre avec les deux évêques « officiels » de Shanghai, le cardinal Zen précise: « Nous sommes amis, de grands amis, mais nous savions qu’il y avait des mots que nous ne pouvions prononcer et des sujets qui étaient trop ‘délicats’ pour que nous puissions les aborder. Tout cela parce que le ‘système’ ne le tolérerait pas ! » Et de conclure: « Seigneur ! Quand pourrons-nous, nous les Chinois, ouvrir notre cœur, parler et nous comporter comme des êtres humains normaux ? »

Dans l’édition du 17 octobre de l’Apple Daily, qui l’interrogeait sur un éventuel lien entre sa visite à Shanghai et une amélioration des relations entre Pékin et le Saint-Siège, le cardinal a répondu: « Je n’avais pas de grandes attentes au sujet de cette visite de deux jours et demi (…). Il n’a pas été possible de rencontrer un seul évêque « clandestin », ni même de rencontrer les prêtres (à Sheshan). »

La veille, Mgr Zen Ze-kiun avait pris part à un chemin de croix organisé par la Commission ‘Justice et Paix’ du diocèse de Hongkong. Organisé pour marquer le 13ème anniversaire de l’arrestation de Mgr James Su Zhimin, évêque « clandestin » du diocèse de Baoding (province du Hebei) (1), le chemin de croix devait partir du stade de Lockhart Road (Wanchai) pour se rendre à la cathédrale (Central), sur l’île de Hongkong. L'usage du stade avait été, dans un premier temps, autorisé par les autorités locales avant d’être interdit, puis, sous la pression des médias, finalement autorisé. Dans le prêche qu’il a prononcé à l’issue du chemin de croix, le cardinal a appelé à la libération de tous les membres du clergé catholique retenus prisonniers en Chine continentale; il a aussi salué l’attribution du prix Nobel de la paix à Liu Xiaobo, « un honnête homme, un homme pacifique qui parle vrai » (2).

1.Arrêté le 9 octobre 1997, Mgr Su Zhimin est détenu au secret depuis cette date. On est sans nouvelles de lui, mis à part le fait qu’il a été brièvement entraperçu dans un hôpital de Baoding en novembre 2003. Voir EDA 446

2.A propos de l’attribution du Nobel de la paix au dissident Liu Xiaobo, voir EDA 537

(Source: Eglises d'Asie, 18 octobre 2010)
 
È morto mons. Emmanuel Le Phong Thuan, vescovo di Can Tho
Asia-News
13:10 18/10/2010
Il prelato, 80 anni, era da tempo malato. Si era battuto per oltre 20 anni contro le restrizioni delle autorità comuniste che impedivano lo svolgimento delle sue funzioni pastorali.

Hanoi (AsiaNews) – Mons. Emmanuel Le Phong Thuan, vescovo di Can Tho è morto ieri all’età di 80 anni. Il prelato della maggiore città sul delta del Mekong era da tempo malato e partecipava ormai di rado agli incontri della Conferenza episcopale vietnamita.

Mons. Le Phong si era battuto per anni per svolgere il suo mandato sotto il controllo del regime comunista e secondo alcuni è stata proprio la pressione delle autorità a causare il suo tracollo fisico.

Nato nel 1930 nella provincia di An Giang, mons. Le Phong entra nel seminario della diocesi di Cu Lao Gieng all’età di 8 anni e nel 1945 viene trasferito in Cambogia nel seminario minore di Phnom Penh. Completati gli studi filosofici e teologici al Saint Joseph Mayor Seminary di Saigon (Ho Chi Minh City), viene ordinato sacerdote nel 1960. Tra il 1964 e il 1970 si stabilisce in Germania dove consegue il dottorato in diritto canonico. Ritornato in Vietnam, insegna nel seminario maggiore della diocesi di Cant Tho, fino alla sua nomina a vescovo coadiutore nel 1975.

A causa delle restrizioni imposte dal governo comunista, la diocesi resta vacante fino al 1990. In questi anni il vescovo assiste alla confisca della maggior parte dei beni della Chiesa locale e resta sotto stretta sorveglianza delle autorità, che impediscono al prelato di avere un telefono e di comunicare con l’esterno. Il 20 giugno del 1990 egli viene nominato vescovo ordinario dopo diversi anni di dialoghi tra Vaticano e governo vietnamita.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Tưởng nhớ cố Linh mục giáo sư Giuse Thân văn Tường
LM. Đaminh Nguyễn Ngọc Long
08:41 18/10/2010
Tưởng nhớ cố Linh mục giáo sư Giuse Thân văn Tường

Ngày 17.10.2010 Cha Giuse Thân văn Tường, vị giáo sư môn tín lý thần học từ năm 1960-2001 ở ba Đại chủng viện: Thánh Giuse Sàigòn 1960-1975, Thánh Toma Long Xuyen 1975-1988,và Thánh Quí Cần Thơ 1988-2001, đã được Thiên Chúa gọi trở về quê hương trên trời, sau quãng đường lữ hành 89 năm trên trần gian.

Cuộc đời Linh mục của Cha Giuse Thân văn Tường tập trung vào công việc tìm hiểu nghiên cứu thần học, và truyền lại kiến thức đó cho thế hệ học trò ở ba đại chủng viện suốt dọc thời gian bốn mươi năm.

Xin tạ ơn Thiên Chúa.Và với lòng vui mừng cùng ngậm ngùi tưởng nhớ đến công lao ân sư của cha Giuse Tường.

Những nghiên cứu tìm tòi học hỏi, mà cha cố Giuse Tường đã thu lượm được, trải rộng đa dạng. Những điều Cha cố Giuse Tường suy nghĩ ra trong vai trò là nhà thần học cùng giáo sư tín lý đậm sâu nét của một tâm hồn suy tư kỹ càng.

Một người học cao, có kiến thức thần học đa dạng. Nhưng Cha Giuse Tường đã xử dụng nguồn vốn cùng khả năng Thiên Chúa ban cho, chế biến hòa hợp làm sao cho những kiến thức đó được tiêu hóa thành món thức ăn thích hợp dễ hiểu có thể cho lớp học trò. Nhất là cho những học trò nhỏ tuổi với căn bẳn yếu kém về nền tảng văn hóa thần học.

Là học trò, tôi còn nhớ khi trước học hỏi về ngày cánh chung, ngài diễn tả đời sống con người trải qua những biến chuyển thay đổi giống như cây cối thảo mộc ngoài thiên nhiên: xuất hiện đến, rồi lại ra đi trở về nguồn!

Cha cố Giuse Tường được Thiên Chúa gọi trở về với Ngài đúng vào ngày mùa Thu 17.10. 2010. Biến cố ra đi khỏi trần gian của cha làm cho tôi nhớ lại điều đã học ngày xưa.

Thời tiết mùa Thu bên các xứ lạnh mang đến cho thiên nhiên hình ảnh gây mang nhiều ấn tượng. Thiên nhiên thay đổi y phục sau thời gian dài mùa Xuân và mùa Hè. Trang phục rực rỡ sáng của mùa Xuân và mùa Hè được thay thế bởi trang phục khác vàng úa u buồn ảm đạm. Dẫu vậy, không ai hồ nghi phủ nhận, cũng cùng thiên nhiên đó, khi mùa Thu mùa Đông qua đi, chu kỳ thiên nhiên mùa Xuân mới xuất hiện, nó lại trong sáng xanh tốt trở lại, và nở cành lá bông hoa tươi đẹp lộng lẫy.

Hình ảnh mầu sắc gây ấn tượng mạnh mẽ nơi cây cối thảo mộc ngoài thiên nhiên úa vàng khô héo rơi rụng, rồi lại sống trở lại xanh tươi tốt, cũng là hình ảnh về đời sống con người.

Thời gian tuổi trẻ, con người ai cũng như nụ bông hoa bung nở, sức sống vươn lên. Với những khả năng đó, hăng say sẵn sàng hy sinh dấn thân cho đời sống riêng mình cùng cho người khác.

Nhưng khi thời gian tuổi đời thêm lên cao, đời sống con người cũng như tựa như bước vào mùa Thu. Vào thời gian này sức lực thể xác dần thiếu kém ít đi.

Vào thời gian lúc này không chỉ bộ y phục sức lực bên ngoài, mà cả trang phục suy nghĩ trong trí khôn tâm hồn cũng thay đổi ngả mầu.

Năm tháng thời gian tuổi trời của con người đến một lúc nào đó đạt tới cao điểm. Vào thời điểm này chúng ta không còn có thể tự quyết định kiểm soát được mình nữa.

Và khi thời gian cao điểm tới, con người dù muốn hay không, phải trả về cho Tạo Hóa, Đấng sinh thành nuôi dưỡng đời sống con người, sự sống đã lãnh nhận từ nơi Ngài. Như thế, có thể nói, chết đi để có thể sống lại trong đời sống mới.

Đức tin Kytô giáo chân nhận, chết không phải là hết, là chấm dứt rơi vào hư vô. Nhưng là khởi đầu một đời sống mới. Đời sống mới đó hoàn toàn khác và tràn đầy sung túc niềm vui hạnh phúc.

Xin thắp sáng ngọn nến đức tin vào Thiên Chúa nguồn sự sống cho hương hồn Cha Giuse. Và xin Cha cầu nguyện cho học trò của Cha.

Lm. Đaminh Nguyễn ngọc Long

Cậu học trò cũ thuở những năm 70. của thế kỷ 20.
 
Phái đoàn Caritas Hải Phòng giúp giáo phận Vinh sau cơn lũ lụt
Nguyễn Liên
10:34 18/10/2010
Hải Phòng - Đúng 18h30 ngày 15 tháng 10, một phái đoàn cứu trợ từ Hải Phòng do LM Gioan Baotixita Vũ Văn Kiện dẫn đầu đã khởi hành lên đường vào Quảng Bình, đến với Giáo xứ Cồn Nâm và Giáo xứ Giáp Tam (theo sự sắp xếp của Cha Giám đốc Caritas giáo phận Vinh).

Vượt qua gần 600 km đoàn đã đến được với Giáo xứ Cồn Nâm vào lức 7h sáng ngày 16 tháng 10. Đây là một Giáo xứ nằm giữa bốn bề là sông nước, không có đường nào khác, muốn vào Giáo xứ phải đi bằng thuyền máy.

Theo như Cha Xứ Phê rô Nguyễn Văn Phú: vừa qua, vùng này bị ngập lụt rất nặng nề, mực nước dâng cao tới hơn 2m, phủ trắng toàn vùng, kéo đi rất nhiều đồ dùng và làm hư hại rất nhiều vật dụng trong nhà, mọi vật nuôi đều bị chết và trôi mất, (ngoài 3 con trâu được đưa vào nhà thờ), trong 2 ngày vùng bị cô lập hoàn toàn. Sau trận lũ đời sống của người dân đã khó khăn nay lại càng khó khăn hơn, nước sông thì ngập mặn hoàn toàn không thể dùng phải mua nước ngọt 400 nghìn đồng/ 5 khối. Bên cạnh đó công việc của của họ thì bị trì trệ do người dân đều thuần làm nghề nông, nước chưa rút thì không thể làm ăn gì được.

Theo dự định ban đầu đoàn sẽ ở lại một ngày một đêm để cùng giao lưu chia sẻ với anh chị em giáo dân nơi đây. Lên đoàn đã mang theo rất nhiều lương thực, cũng như mỗi người mang theo đầy đủ quân tư trang, để có thể phòng vệ cho bản thân và sẻ chia với anh chị em.

Sau khi trao quà, gồm mì tôm, gạo, tiền và quần áo cho Cha xứ. Đoàn bắt đầu xuống thuyền máy vào Nhà Thờ Giáo xứ Cồn Nâm sau đó là thăm một số hộ gia đình ngập lụt nặng quanh khu vực Cha coi sóc.

Các anh chị em tình nguyện viên của Caritas Hải Phòng trong khi thực thi công tác cứu trợ đã cảm nghiệm được sự thiệt thòi mất mát của giáo dân vùng nước lũ, cảm thương và xót xa biết bao. Nhưng một cụ già mà chúng tôi gặp đã nói: “nhờ có lũ mà Già được biết các con, Già chịu khổ một chút nhưng các con cũng biết cảm thương chia sẻ thế là Già mừng, Già mong lắm những chuyến thăm như thế này của các con, nhờ có thế này thì thế hệ trẻ các con mới biết chúng ta là con một Cha trên trời con ạ, Già tin vào sự quan phòng của Thiên Chúa”. Ôi! thấm thía quá!!!...

Theo như dự định đoàn sẽ cùng với giáo dân nơi đây dâng Thánh Lễ, và buổi tối sẽ có giao lưu ở đây. Nhưng kế hoạch đã bị thay đổi, vì buổi chiều, mưa lớn nước lũ dâng cao ngày càng nhanh, Cha xứ phải sắp xếp cho đoàn rời đảo ngay vì Giáo xứ nắm giữa bốn bề là nước.

Sang bên sông, một Giáo họ thuộc Giáo xứ Cồn Nâm mọi người đang chờ ở đây. Ôi! lưu luyến quá, người dân họ cũng mong đoàn ở lại nhưng lại sợ đoàn vất vả, nếu ở qua đêm e rằng ngày mai sẽ không thể ra khỏi vùng được, làm sao đây ? Mọi người bùi ngùi chia tay.

Nhưng Cha giám đốc sau khi nói chuyện với giáo dân. Ngài quyết định chúng ta sẽ ở lại cùng dâng Thánh Lễ với anh chị em Giáo dân ở đây xong mới về. Mọi người trong Giáo họ oà lên như muốn khóc, vui và xúc động, vì tình cảm của Cha của đoàn dành cho họ, “thế là hôm nay, không phải đi qua dòng nước đang chảy xiết đầy nguy hiểm, để dự lễ Chúa nhật, vui hơn khi các cụ Già được tham dự Thánh Lễ trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn”( Ông trùm nói).

Thánh Lễ được diễn ra trong Nhà Thờ đơn sơ, nhỏ bé, (nói đúng hơn là nhà nguyện) cảnh vật hoang tàn, và khí trời lạnh lẽo, nhưng lại ấm tình người, sự đồng cảm, chia sẻ của Cha Giám đốc và bốn mươi tình nguyện viên của Caritas giáo phận Hải Phòng đã truyền sức mạnh, niềm tin, sự phó thác và hy vọng vào sự quan phòng của Thiên Chúa cho mọi người. Kết thúc Thánh Lễ bằng bài hát ‘Bài ca phụ vụ” được cất lên đầy hăng say và cảm động. Một giáo dân nói “ Bài hát hay quá và tình nguyện viên hát cũng rất hay”.

Sau Thánh Lễ người dân tiễn đoàn ra về, trong cái mưa lớn và nguồn nước đang dần dâng lên cao, các ông bà lớn tuổi, tỏ ra lo lắng, ái ngại cho chúng tôi, vì trời càng mưa to, nước càng dâng lên. Sợ rằng đoàn ra khỏi vùng không an toàn, nhưng Cha và các tình nguyện viên vẫn nở nụ cười tin tưởng và phó thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa, đoàn sẽ về tới giáo phận bình an.

Quả thật, trên đường về mưa càng lúc càng to, nước lũ càng dâng cao, có lúc xe của đoàn phải dừng lại vì nước chảy xiết trên đường (đoạn đường từ Quản Bình về Thành phố Vinh). Mỗi khi đi qua đoạn đường gập lụt, mọi người đều thấy bồi hồi lo lắng, không biết gạo mới nhận có bị ướt không nhỉ? Không biết nước sẽ còn dâng đến bao giờ ? Con trâu chúng ta gặp ở trên cầu liệu có bị trôi mất không nhỉ? và còn rất nhiều câu hỏi khác nữa được tình nguyện viên đặt ra?

Cuối cùng mọi người đều chung một tâm tình tạ ơn Chúa, và cầu nguyện cho giáo dân Giáo Phận Vinh được bình an. Cảm ơn các mạnh thường quân đã cùng chúng tôi chia sẻ với anh chị em Miền Trung ruột thịt. Xin Chúa trả công bội hậu cho quý vị.
 
Cần phải Truyền giáo
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
10:39 18/10/2010
Tôi vừa đọc câu chuyện vụ án thương tâm (báo Tuổi Trẻ ngày 15.10.2010, tác giả Minh Tâm).

Mê tín

16 dân làng đã đồng lòng giết chết một người vô tội chỉ vì tin rằng người này có bùa chú thư yểm. Chuyện không thể tin được này xảy ra đầu năm nay ở xã Tân Khánh Hoà, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang.

"Xã các bị cáo ở là xã vùng sâu, gần biên giới, trình độ văn hóa thấp, người dân rất mê tín dị đoan. Khi nói đến vụ án mạng này, ngay cả một vài cán bộ của xã vẫn còn tin rằng chuyện bùa ngải là có thật, có người còn nghĩ nên tha bổng cho các bị cáo..." Ông Danh Bé (phó trưởng Ban dân tộc tỉnh Kiên Giang, hội thẩm nhân dân của phiên toà)

Anh T.S. ở xã Tân Khánh Hoà khi có rượu thường hay khoe mình từng học gồng, học bùa. Đầu năm 2010, mẹ của anh S. bệnh chết. Kế đến em và cha của Tiên Qui - một người cùng ấp với anh S. - qua đời.

Qui và những người địa phương cho rằng anh S. đã làm bùa ngải thư chết người.

Ngay cả ông Tiên Xem là cha của anh S. cũng tin vậy nên nhóm của Qui xin ông Xem cho phép giết S. để trả thù cho những người đã mất, đồng thời trừ họa cho dân làng. Ông Xem đồng ý.

Ngày 14-1-2010, thấy anh S. đang cắt cỏ, 15 người với dao, búa, cây tre, cây tràm... đầy sát khí ào đến.

Anh S. hoảng hốt bỏ chạy vào nhà người dân gần đó, đóng chốt cửa bên trong.

Nhóm Qui rượt theo dùng cây tre đâm vào vách, phá tung cửa, xông vào lôi anh S. ra ngoài. Cả nhóm xúm lại dùng dao, búa, cây... chém đâm túi bụi vào người anh S..

Sợ nạn nhân sẽ dùng bùa sống dậy trả thù nên họ tiếp tục dùng dây trói tay, trói cổ kéo lê nạn nhân trên đường kênh dẫn nước, rồi lại chém, đánh anh S..Do bị kéo lê và đánh đập dã man nên quần áo anh S. bị sút ra hết, trần truồng nằm trên ruộng.

Gây án xong, Qui báo cho ông Xem rằng đã giết chết S.. Ông Xem bảo: “Coi nó chết thật hay giả”. Qui trả lời: “Chết thật”. Ông Xem nói: “Nếu ai có đến bắt, tao ở tù cho”.

Những con người tăm tối

16 bị cáo đứng chen chúc trước vành móng ngựa trong phiên toà sơ thẩm ngày 28-9-2010 tại TAND tỉnh Kiên Giang với tội danh “giết người”.

Nghe mô tả hành vi, tưởng chừng như họ là những tên sát nhân máu lạnh, nhưng những gì diễn biến tại phiên toà cho thấy họ là những nông dân chất phác, do mê tín, trình độ thấp nên mới có những hành động hết sức tàn nhẫn như vậy.

Trước toà, tất cả bị cáo đều cho rằng không có mâu thuẫn hay gây gổ gì với anh S.. Lúc đánh anh S. cũng thấy tội nghiệp nhưng “nếu không giết S. thì S. sẽ tiếp tục dùng bùa chú giết hết cả làng”.

Khi toà hỏi có chứng cứ không, toàn bộ nói rằng chỉ nghe lời đồn, vả lại chính S. đã từng khoe mình biết bùa chú. Chủ tọa thẩm vấn Qui: “Tại sao bị cáo lại giết anh S.?”. Bị cáo trả lời: “Do bị cáo rất tức giận vì cha và em ruột bị S. thư chết nên mới giết S. trả thù, cũng để cứu nguy cho mọi người”.

Chủ tọa hỏi: “Thế bị cáo có biết anh S. dùng bùa giết người như thế nào không?”. Qui đáp: “Bằng cách bỏ trứng gà, lưỡi lam vào trong bụng khiến người đó chết”. “Thế bị cáo có tận mắt chứng kiến không?”. “Tuy không thấy nhưng bị cáo nghĩ là S. có làm”.

Chủ tọa thở dài: “Việc đó là do bị cáo suy diễn vô căn cứ, chứ có ai thấy anh S. thư người khác đâu”.

Vị đại diện viện kiểm sát hỏi bị cáo Xem: “Tuy bị cáo không trực tiếp giết chết con mình nhưng chính bị cáo đã hỗ trợ đắc lực về mặt tinh thần cho các bị cáo khác. Tại sao bị cáo lại đồng ý cho Qui giết chết S.?”. Bị cáo Xem nói: “Chính S. đã dùng bùa thư chết mẹ nó. Nó còn thư làm tui bệnh, nên tui mới đồng ý cho Qui giết nó”.

Khi được toà hỏi, người vợ của nạn nhân trình bày mong toà xử nhẹ các bị cáo, bù lại các bị cáo phải trả giùm 50 triệu đồng mà gia đình chị nợ người ta. Tất cả các bị cáo, kể cả thân nhân, đều đồng loạt giơ tay hùn tiền trả nợ giùm cho chị, để đổi lại việc không phải ở tù.

Vị chủ tọa phiên toà phân tích: luật không cho phép dùng tiền trả để khỏi tội. Đây là tội hình sự nên ngoài việc phải chịu hình phạt tù, các bị cáo còn phải bồi thường cho thân nhân bị hại. Số tiền đó do toà quyết định chứ không phải các bị cáo muốn hùn tiền trả bao nhiêu thì hùn.

Chắc có lẽ đến lúc đó các bị cáo mới lờ mờ hiểu ra ít nhiều. Bởi khi gây án, họ đã tin rằng giết “kẻ ác” trừ hại cho xóm làng chắc không đến nỗi bị tội. Nhưng đến khi nghe hội đồng xét xử phân tích, rồi tiếng người dự khán chắc lưỡi, ồ lên kinh sợ trước hành động quá dã man và vị đại diện viện kiểm sát đề nghị mức án lần lượt từ 7-16 năm tù, các bị cáo mới hốt hoảng, lo sợ.

Khi được nói lời sau cùng, 16 bị cáo đồng loạt xin giảm án để sớm về đoàn tụ với gia đình.

Tương lai mịt mờ

Trong khi toà nghị án, tôi đến hỏi ông Xem: Tính tình anh S. thế nào, có hỗn hào với vợ chồng ông không? Tại sao ông cứ khăng khăng khẳng định con mình dùng bùa giết người và anh S. thư chết người để làm gì?

Giọng ông Xem quyết liệt: “Tính nó ít nói, nó cũng không có mắng chửi tui, nhưng nó rất ác bởi nó thư chết mẹ nó. Có lần nó cho tui ăn bánh, rồi tui bị sình bụng, tui đi coi thầy, thầy lang nói là chính nó thư tui. Giết nó, cái lòng tui cũng xót, nó là con tui mà. Tui đã nhiều lần la mắng nó đừng làm thế, nó vẫn không nghe. Bà con xóm làng ai cũng sợ nó hết. Để nó sống nó sẽ thư hết cả xóm...”.

Thân nhân các bị cáo đều ủng hộ việc các bị cáo làm! Họ nói S. dùng bùa thư rất nhiều người nhưng may mắn đều qua khỏi, chỉ có ba người chết. Bị cáo Tiên Chia còn nói: “Lần đó S. thư tui, khiến người tui nóng ran, bứt rứt, khó chịu, may mà tui qua khỏi. Xóm có đám tiệc, S. mà ngồi bàn nào là người ta dạt ra hết, không dám ngồi cùng bàn vì sợ bị thư chết”.

Toà tuyên án 16 bị cáo, người cao nhất là Tiên Qui lãnh 15 năm tù, người thấp nhất là bị cáo Tiên Xem bị phạt 7 năm tù.

Những tiếng khóc vỡ oà ra. Đa số các bị cáo đều nghèo, lại là trụ cột của gia đình nên thời gian thụ án lâu chừng nào thì chắc chắn gia đình điêu đứng đến chừng đó và con cái sẽ bỏ học. Riêng anh S. chết ở tuổi 38, để lại bốn đứa con, đứa lớn nhất 16 tuổi, nhỏ nhất 6 tuổi.

Hôm nghe cha bị giết, cô con gái lớn rất sợ, ngồi co rúm trong góc nhà. Em mếu máo: “Cha rất hiền. Chỉ khi có rượu cha mới la nhưng cha rất ít uống rượu”. Vợ anh S. khóc: “Mấy người đó ở tù rồi cũng được ra. Còn chồng tui không sống lại”.

Khi còn sống, ngoài việc chăm sóc 3 công ruộng, anh S. còn đi làm thuê nên cuộc sống không đến nỗi túng quẫn. Giờ gánh nặng dồn trên đôi vai người vợ. Chị cùng con gái lớn làm lụng vất vả để nuôi ba đứa nhỏ tiếp tục đến trường. Nhưng sức phụ nữ có hạn nên giờ nợ nần chồng chất.

Ông Trương Thành Đức, trưởng Công an xã Phú Lợi, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang, cho biết: “Nạn nhân và thủ phạm đều là những nông dân nghèo chân chất, siêng năng chuyện đồng áng, chỉ vì mê tín mới gây ra câu chuyện thương tâm như thế”.

Đọc câu chuyện, chắc chắn ai cũng thấy đau lòng. Tôi chợt nghĩ: nếu như có ánh sáng Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô đến xã Tân Khánh Hoà, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang thì có lẽ ở đó sẽ không có vụ án thương đau này xảy ra!

Trên quê hương Việt Nam vẫn còn nhiều nơi chưa được đón nhận ánh sáng Tin Mừng. Nhu cầu truyền giáo thật lớn lao. Cánh đồng truyền giáo thật bao la.

Hạt giống Tin Mừng Ðức Giêsu Kitô đã đến với quê hương Việt Nam gần năm thế kỷ. Trước đó cả ngàn năm đã có ba tôn giáo lớn là Phật Giáo, Khổng Giáo, Lão Giáo và một loại Tín Ngưỡng dân gian ăn sâu vào tâm hồn người Việt Nam. Phong tục tập quán, văn hóa Việt Nam, con người Việt Nam, đã được nhào luyện bởi tất cả những mầm sống cũng như giới hạn các tín ngưỡng đó.

Trên nền tảng một đời sống tâm linh phong phú mà Phật Giáo, Khổng Giáo, Lão Giáo và nhất là Ðạo Ông Bà đã xây dựng từ hơn một ngàn năm, hạt giống Tin Mừng đã nẩy mầm và trổ sinh nhiều hoa trái. Tinh thần hiếu khách, lòng bao dung làm cho người Việt Nam sẵn sàng tiếp xúc với những người tỏ ra có thiện cảm với mình, cho dù họ từ xa đến. Với những đức tính như lòng hiếu thảo đối với ông bà cha mẹ, kính trên nhường dưới trong gia đình, với một tâm hồn yêu thích tĩnh mịch và chiêm niệm, người Việt Nam là một mãnh đất tốt để đón nhận những giá trị thiêng liêng hàm chứa trong Tin Mừng.

Nhờ các nhà truyền giáo, từ các thế hệ tiền nhân, người Việt đã nhận lãnh nhiều điều tốt lành: những thường thức về vệ sinh, khoa học, những hiểu biết mới, những đồ vật quý hiếm cũng như những trợ giúp vật chất dù rất khiêm tốn, những nhân vật thánh thiêng đầy nhân ái... khiến họ, nhất là những người thuộc lớp bình dân, sẵn sàng đón nhận giáo lý mà những người tốt lành như vậy mang đến cho họ. Nhờ đó những tập tục phi lý và phi nhân (bùa mê, sát tế) như một gánh nặng đè lên cuộc đời của họ nay được cởi bỏ. Khi đã tìm gặp một vị thần đầy yêu thương, họ liền cảm thấy được giải thoát và tin theo.

Rao giảng Tin Mừng cho họ cần gắn liền với phát triển cuộc sống, quan tâm săn sóc sức khỏe, nâng cao văn hóa giáo dục. Người truyền giáo cần phải sống giữa những anh chị em nầy và chia sẽ đời sống của họ. Ðó là điều cần phải làm trước tiên và đó là chìa khóa thành công của một nhà truyền giáo thật sự. Cần huấn luyện những cá nhân trưởng thành và những tổ chức tự lập ngõ hầu những thành phần của địa phương có thể rao giảng phúc âm cho chính đồng bào của họ và cung cấp những giáo dân có đức tin vừng mạnh, có trình độ trí thức tốt, có khả năng làm việc cách hăng say giữa anh chị em mình.

Loan báo Tin Mừng là chia sẻ cuộc sống, một cuộc sống như chính Chúa Giêsu đã sống, là yêu thương mọi người, và yêu thương đến cùng (x. Ga 13,11), yêu thương đến nỗi dám chấp nhận hy sinh tính mạng cho những người mình yêu (x. Ga 15,13).

Một Giáo Hội khiêm nhu nhỏ bé dễ hòa mình vào giữa đại đa số những người nghèo của Châu Á. Và một Giáo Hội không quyền lực dễ gần gũi số đông những người chỉ mơ ước được làm người, được cơm no áo ấm, được học hành và có việc làm. Vì phải chăng đã đến lúc cần sáng tạo ra những "mô hình" mới của Giáo Hội như là những cộng đồng nhỏ bé, dễ hòa mình vào những cộng đồng xã hội của người nghèo: những cộng đồng nghèo hơn, ít bề thế, ít cồng kềnh, khiến người ta không còn e dè sợ hãi khi tiếp cận, gặp gỡ, những cộng đồng mở rộng hơn là khép kín. Sau cùng đó là những cộng đồng quan tâm nhiều hơn nữa đến đời sống toàn diện của con người, không chỉ khép kín trong đời sống thuần túy tôn giáo, nghĩa là trong việc cử hành bí tích hay phụng vụ, mà còn dấn thân trực tiếp vào việc cải thiện đời sống vật chất, nâng cao văn hóa và giáo dục cho người dân, nhất là những người nghèo. Tục ngữ Việt Nam có câu: "có thực mới vực được đạo". Giáo Hội không được sai đến để giải quyết vấn đề kinh tế xã hội... nhưng không phải vì thế mà Giáo Hội không quan tâm đến những vấn đề ấy. Chúa Giêsu đã loan báo Tin Mừng không chỉ bằng lời nói, mà Tin Mừng của Người là "làm cho người mù được thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết chỗi dậy" (Lc 7,22). Châu Á là lục địa của biết bao nhiêu người đui mù, què quặt, điếc hay cùi... đang mong chờ niềm vui được cứu chữa, và Giáo Hội phải biết chia sẻ những nỗi đau khổ, cũng như những nỗi "vui mừng và hy vọng" của họ. (x.Quan điểm và Mong Ước của các Đức Giám Mục Việt Nam về Sứ Mạng Truyền Giáo của Giáo Hội, Tài liệu Thượng Hội Ðồng Giám Mục Á Châu.VietCatholic News 23/03/2004 ).

Hy vọng, những “mô hình” cộng đồng nhỏ bé bao gồm linh mục tu sĩ giáo dân nhiệt thành, hòa mình vào cuộc sống con người của những miền đất như xã Tân Khánh Hoà, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang để thắp lên ánh sáng niềm tin và hy vọng.
 
Giáo xứ Tri Bản trong cơn đại hồng thủy
Lm Antôn Lâm Văn Hân
10:46 18/10/2010
HƯƠNG KHÊ (18.10)- Suốt ngày hôm qua mấy cha con chúng tôi cố gắng vượt qua hơn 6km “đường biển” với 4 chiếc thuyền nan chở 300 hộp mì ăn liền để tới được với bà con giáo xứ Tri Bản (Hoà Hải, Hương Khê), cùng bà con lương dân gần đó.

6km, đường đi không dài so với phương tiện giao thông bây giờ. Nhưng 6km đi giữa nước lũ, với 4 chiếc thuyền nan, thì quả là một chuyến hành trình “lao đao giữa biển khơi”.

Khi chúng tôi khởi hành (10g30) là lúc lũ lên đến đỉnh. Nước lũ cao hơn 1,5m so với cơn lũ lịch sử năm 2007. Chèo thuyền băng qua giữa các làng mà tưởng như mình đang du ngoại giữa Hạ Long vậy.

Sau hơn 3 giờ đồng hồ, mấy cha con chúng tôi đã “cập bến an toàn”. Đến nơi, cách đây hơn một tuần tôi đến trong cơn lũ đầu tháng, tất cả đã khác. Lần trước chúng tôi chèo thuyền tới, mọi người từ trần nhà ra để nhận mì ăn liền, còn hôm nay, thỉnh thoảng chỉ thấy vài nóc nhà “ngoi ngóp” như những luống khoai giữa đồng. So với lần trước, lần này chúng tôi chỉ vất vả khi “vượt biển” để tới bến, còn khi phát mì thì rất đơn giản, vì bà con giáo dân và lương dân đã tập trung tới mấy gia đình hai bên triền núi.

Riêng Giáo xứ Tri Bản gồm hơn 200 hộ gia đình, 9 gia đình bên triền núi không bị ngập, còn lại đứng từ triền núi nhìn ra như một biển nước, thi thoảng thấy mấy lùm cây, mấy nóc nhà và những mái nhà đang trôi dạt.

Sau khi phát hết 300 thùng mì cho bà con, tôi ở lại cùng với bà con trong mấy ngôi nhà bên sườn đồi. Không ai nói với ai, nhưng nhìn nét mặt âu lo, khắc khổ… đó là tất cả điều họ muốn tâm sự rồi. Bởi, hiện tại, tài sản trong gia đình gần như mất trắng. Các em học sinh không còn sách vở để đến trường.
 
Ngày Phò sự sống tại Beaverton, Oregon
Trà Phú
10:51 18/10/2010
Beaverton, Oregon Ngày 13 tháng mười hàng năm, Cộng đoàn Thánh Anrê Dũng Lạc tại Beaverton cùng với Cộng đoàn Mỹ, Mễ, Phi luật tân cung nghinh Thánh tượng Đức Mẹ Fatima để cầu nguyện cho sự sống của các em nhỏ, năm nay ngày 13 lại rơi vào ngày thư tư trong tuần, vì thế hôm nay ngày 16 tháng 10 năm 2010, kỷ niệm 93 năm Đức Mẹ hiện ra lần cuối tại Fatima, một làng nhỏ tại Bồ đào Nha, với 03 mệnh lệnh –ăn năn đền tội- cải thiện đời sống và lần hạt Mân Côi.

Xem hình ảnh

Hưởng ứng 03 mệnh lệnh này Phong Trào” Hoa Kỳ cần Mẹ Fatima “(America needs Fatima) tổ chức rước kiệu thánh tượng Đức Mẹ Fatima và lần hạt. Tôi đến địa diểm lúc 11giờ 30 sáng, đã nhận thấy một số anh chị em thuộc Đoàn Liên minh Thánh Tâm, các Bà Mẹ Công Giáo trong cộng đoàn Anrê Dũng Lạc cùng với cộng đoàn Mỹ, Mể đã tề tựu trước Bưu điện Beaverton,đối diện nơi cầu nguyện sắp diển ra là nơi phá thai đã thành lập hơn 10 năm nay. Mặc dầu ngoài trời vẫn còn se lạnh, vì thời tiết đã vào Thu, 11:55 phút anh chị em trong cộng đoàn đến thêm, ước tính cũng gần 100 người. Đúng 12 giờ trưa, cuộc rước kiệu bắt đầu, mở đầu là lời cầu nguyện tự phát, như cầu ngưng việc phá thai, phò sự sống, ngưng giúp chết an tử trong đó có phần cầu nguyện cho Giáo hội quê nhà, sau nghi thức cầu nguyện tự phát và lần hạt dẫn đầu với một banner dài với dòng chữ: Hãy cầu nguyện cho đất nước Hoa Kỳ, do 03 anh em thuộc đoàn Liên Minh Thánh Tâm cộng đoàn chúng ta phụ trách. Với nền văn hóa sự chết như phá thai, trợ tử, dùng phôi thai để thí nghiệm, đồng tình luyến ái, và những điều đi ngược lại Đức Tin công giáo.

Chỉ trên dưới 100 người cầu nguyện, lần hạt, cầu cho sự dữ chóng tàn, và sự an bình sẽ đến, dầu biết rằng con én không làm nổi mùa Xuân, thế nhưng, hiệu quả của nó là một chất xúc tác đánh thức lương tâm con người. Trong vòng hai tiếng rưởi đồng hồ, lần lượt theo Mẹ qua tràng chuổi Mân Côi, Vui, Sáng, Thương và Mừng được cất lên với giọng Mỹ, Việt, Mễ. Cuộc rước kiệu được kết thúc lúc 02 giờ 30 chiều và hẹn sẽ gặp lần nữa để cầu nguyện chung trong năm đến. Mặc dầu cuộc rước kiệu lần này không được như lòng mong nuốn, thế nhưng đã nói lên sự sùng kính, yêu mến của Mẹ Maria của Dân tộc Việt Nam. Đặc biệt năm nay có sự tham dự của Cha Giuse Nguyễn dức Hậu, mặc dầu sức khỏe không tốt, thế nhưng Ngài vẫn hăng say lần hạt chung với giáo dân suốt hai tiếng đồng hồ, trước khi kết thúc buổi cầu nguyện Ngài đã ban phép lành cho toàn thể cho giáo dân tham dự. Thật cảm động.
 
Lũ cô lập Giáo hạt Chính tòa Xã Đoài, nhiều linh mục xả thân cứu dân trong dòng nước chảy xiết
Antôn Trần Đức Hà
10:57 18/10/2010
VINH - Lúc sáng nay 18.10.2010, đa phần Giáo hạt Chính tòa Xã Đoài nhất là giáo xứ Chính tòa, Bố Sơn, Bùi Ngọa, Trang Nứa, Đồng Sơn đã bị cô lập trong nước lũ chảy xiết.

Những trận mưa lớn nối tiếp nhau đã biến vùng giáp ranh Nghi Lộc và Hưng Nguyên trở thành biển nước mênh mông, có nơi ngập sâu từ 3-4m.

Đi nhờ canô của các lực lượng cứu nạn khẩn cấp, linh mục F.X Võ Thanh Tâm gần 80 tuổi, quản hạt Chính tòa Xã Đoài (Nguyên Tổng Đại diện Giáo phận Vinh) đã liều mình đến với các giáo dân đang bị gặp hoàn cảnh vô cùng đáng thương trong nước lũ.

Theo các cụ già cao tuổi ở đây đều khẳng định cả đời họ sống tại mảnh đất trung tâm Giáo phận chưa bao giờ phải chứng kiến cảnh ngập nước như thế này, đỉnh lũ năm 1978 tại đây còn thua xa cơn hồng thủy này.

Vì là vùng nông nghiệp đơn thuần nên chỉ tỷ lệ rất nhỏ số hộ gia đình có thuyền, số khác đành kết bè chuối, các tấm gỗ, xốp để mong giành lại sự sống, chờ lực lượng cứu hộ ứng cứu.

Từ cầu Phương Tích, đoàn đã ngược dòng đi lên hướng Nam nhằm hướng các họ đạo ven sông bao gồm Trung Hậu, Xã Đoài, Bùi Chu thuộc xứ Xã Đoài; họ Thanh Phong và Ngã Ba xứ Bùi Ngõa.

Cha quản hạt Võ Thanh Tâm đã cùng lực lượng cứu hộ tìm cách cứu thoát những anh chị em đang ở trong tình cảnh nhà đã ngập đến nóc. Ngài cũng tìm cách vượt vào giáo họ Trung Hậu để phát mỳ tôm cứu đói tại nhà ông câu Hòe (Trưởng Hội đồng mục vụ giáo họ).

Cha xứ khuyên nhủ, động viên anh chị em giáo dân nơi đây cố gắng vượt qua cơn lũ và vững lòng tin tưởng vào tình yêu Thiên Chúa.

Chiều nay, cha phó xứ Nguyễn Quang Trung đã dùng thuyền nhỏ đi sâu vào vùng nguy hiểm nhất là giáo họ thánh Phêrô Nguyễn Khắc Tự, Bùi Chu để phát sữa và nhu yếu phẩm... Ông Phêrô Nguyễn Công Lịch giáo dân Xã Đoài ở vùng cao hơn cũng đã kịp thời mua 5000 gói mì tôm để giúp cho 60 hộ gia đình ở giáo họ Thánh Tự và 400 hộ giáo dân giáo họ Xã Đoài đang ở trong tình trạng nguy hiểm.

Đã có 2 giáo dân khu vực họ đạo Lộc Mỹ và Đồng Vông (Nghi Xá) thiệt mạng.

Nhà giáo dân họ Giáp Làng và nhiều họ khác hầu hết đã ngập quá nóc và đang cố thủ tại tầng 2 nhà xứ và dòng Mến Thánh Giá Trang Nứa. Cha xứ Giuse Trần Đức Ngợi và các sơ đang nấu mỳ để cứu đói bà con.

Linh mục quản xứ Bùi Ngõa Gioan Nguyễn Phương Hướng phải tự tay chèo thuyền đi mua mỳ tôm cứu đói cho giáo dân lúc chập tối.

Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp đang rất lo lắng về tình hình ngập lụt của bà con và dự định ngày mai sẽ trực tiếp đi thuyền đến ủy lạo anh chị em đang bị cô lập trong lũ.

Không khí ngoài trời lúc này rất lạnh. Cơn mưa mấy ngày hôm nay chưa bao giờ ngớt. Nguy cơ về một trận đại hồng thủy ngay tại trung tâm Giáo phận Xã Đoài đang hiện hữu trước mặt.

(Tường thuật nhanh từ Giáo xứ Chính tòa Xã Đoài chiều 18.10)
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Hệ lụy gia đình - nhà trường
Trầm Thiên Thu
11:02 18/10/2010
Quả là chí lý khi tục ngữ khuyên “dạy con từ thuở còn thơ”. Trước khi viết, vẽ, các nhà văn, nhà thơ và họa sĩ phải "thai nghén" ý tưởng đến chín muồi mới thể hiện ra trên giấy. Nếu sai, dù có tẩy xóa khéo léo cũng không thể hết dấu vết. Nicolas Boileau nói: “Trước khi viết, hãy học suy nghĩ” và chỉ có suy nghĩ người ta mới khả dĩ có được phương thức khả thi và hiệu quả. Thật vậy, “thiếu phương pháp thì người tài cũng lỗi, mà có phương pháp thì người thường cũng làm được điều phi thường. Huống chi là giáo dục, một công việc và một nghệ thuật, đào tạo một con người ắt là điều tối quan trọng với trang giấy trẻ. Giáo dục không chỉ đơn thuần là nuôi con cái đầy đủ về vật chất, mà giáo dục chủ yếu nhăm giúp con cái trở nên người hữu dụng, một công dân tốt cho gia đình, cho xã hội, đất nước và cho giáo hội (với những người có tín ngưỡng). Chúng sẽ là những người cha, người mẹ trong tương lai. Vậy thì về tâm sinh lý, trưởng thành nghĩa là biết dẹp bỏ "cái tôi" để biết vì người khác. Cái Tôi là đáng ghét.

Giáo dục nền tảng là giáo dục gia đình. Nhà giáo dục Mỹ - ông Ragan đã nói: Nhà trường đầu tiên là gia đình và người thầy đầu tiên là mẹ. Như vậy, người mẹ rất quan trọng đối với trẻ, vì vốn dĩ nữ tính là hiền từ và dịu dàng. Phụ nữ nào hay nóng nảy, gắt gỏng, nhỏ mọn... là thiếu tố chất cần thiết trong thiên chức làm mẹ và làm bà (nội, ngoại). Giáo dục tốt, cha mẹ sẽ hãnh diện và hạnh phúc thấy con cái ích nước, lới nhà, hiếu thảo. Vâng, giáo dục là một thiên chức, một trọng trách khó khăn nhưng cao cả. Không ai lại không ảnh hưởng và thừa hưởng di sản văn hóa của tiền nhân, dù chỉ là vô thức. Bên cạnh nền giáo dục đó, chúng ta cần cập nhật hóa phương pháp giáo dục cho hợp với hoàn cảnh xã hội của thời đại mới, dù vẫn biết phương pháp nào cũng có ưu và khuyết điểm. Thế nên, chúng ta phải chọn lựa kỹ lưỡng và chính xác các điểm tối ưu khả thi.

Song song, sự ảnh hưởng quan trọng khác nữa là nền giáo dục của xã hội, của người thầy. Cùng lúc, trẻ nhận hai nền giáo dục của gia đình và nhà trường. Cả hai đều hỗ trợ toàn diện cho nhau. Nhờ đó, sau khi xa gia đình, xa trường lớp, con người đủ sức khả thi vai trò một con người bản lĩnh. Con người đó, sau bao năm dùi mài kinh sử, đủ kiến thức cơ bản và đủ tư cách làm người, sau những năm tháng học đạo làm người ở gia đình. Rồi con người đó lại tạo lập một gia đình mới - tế bảo cơ bản của xã hội và đất nước.

Ngày nay, nhiều khoa học mới lạ được mở ra về khoa học kỹ thuật, tâm lý học, giáo dục học, phấn tâm học, xã hội học, là những khoa học có thành tựu nghiên cứu về giáo dục con người. Do đó, trẻ ngày nay tiếp nhận nền giáo dục theo phương pháp khoa học khác xưa rất nhiều, bớt phần nghiêm khắc. Kiểu "gọi dạ - bảo vâng" hoặc “đặt đâu ngồi đó" không còn thích hợp nữa. Thế nhưng, ngày nay các phụ huynh lại quan ngại về con cái nhiều hơn, nhất là đến tuổi trưởng thành. Đôi khi phụ huynh như cảm thấy bất lực trong việc giáo dục con cái. Phải chăng gia đình và nhà trường có lối giáo dục mâu thuẫn?

Vì "chạy đua” nhà trường đã "nhồi nhét" kiến thức để học sinh chán ngán và đuối sức (tinh thần và thể lý). Nhà trường quá chú trọng vào việc lấp đầy kiến thức mà quên dạy học sinh làm người hữu dụng, môn công dân giáo dục bị mờ nhạt trước các môn khoa học khác. Đồng thời, cha mẹ thiếu quan tâm đầy đủ vì công việc thường nhật, lo kiếm tiền nhiều đến nỗi đuối sức và không còn thời gian dành cho con cái. Rất nhiều học sinh đã than vì sự "khập khiễng" đó. Thật vậy, phương pháp sư phạm và sách giáo khoa cứ thay đổi liên tục, học sinh phải "xoay" theo, còn cha mẹ không có kiến thức phù hợp nữa: quan niệm, phương pháp học và làm bài đều lỗi thời. Hai luồng giáo dục bỗng bị “lệch pha". Nhiều phụ huynh đã chê trách lối nhồi nhét của nhà trường. Gia đình và nhà trường cứ "khoán trắng” hoặc đổ lỗi cho nhau. Học sinh thì mỏi mệt vì 3 "món" tương tự nhau: học chính khóa, học phụ đạo và học thêm. Việc học kín hết thời gian, không còn giờ giải trí hoặc tự học để "tiêu hoá". Ngay cả giờ ăn cũng vội vàng. Có học sinh phải “thổi kèn" (ăn bánh mì) cho... kịp giờ! Việc học biến thành cuộc chạy đua, học sinh buộc phải là "những tay đua". Vì thế, học cho qua giáo trình, điều đọng lại không bao nhiêu, tạo ra nhiều lỗ hổng kiến thức. Gia đình càng phải kiếm tiền bằng mọi cách để con cái khả dĩ đi học. Học sinh cứ loay hoay với mớ kiến thức từ chương, hối hả lo lắng học thi, chỉ làm giàu cho một sổ giáo viên cuối cấp và những lò luyện thi. Thật tức cưới khi họ quảng cáo là “Bảo đảm thi đậu” hoặc "không đậu không nhận học phí”. Chẳng qua là "lừa bịp" những người "nhẹ da cả tin". Phương pháp học như thế chỉ là vô bổ. Thậm chí, có khi sách giáo khoa còn sai "nghiêm trọng". Dục Tử nói: “Biết là hay mà không tin, đó là Dại. Biết là dở mà không sửa đó là Mê". Giáo dục đã bị thương mại hóa!

Trước sức ép tiêu cực của xã hội bằng văn hóa đồi trụy: ma túy, và ma lực vật chất, con cái chúng ta khó đứng vững vì còn trẻ người non dạ, ăn chưa no lo chưa tới. Sự không đồng bộ giữa giáo dục gia đình và giáo dục nhà trường khiến trẻ mất niềm tin nơi cha mẹ, dễ sống buông thả, đua đòi. Và ngay cả lòng tôn sư trọng đạo đối với người thầy cũng giảm sút nhiều. Thế nhưng, cha mẹ và người thầy cũng cần xem lại chính mình. Vì người trên dễ dãi quá thì người dưới sẽ coi thường. Thân quá hóa nhờn!
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Đàn Chim Trên Cánh Đồng Vàng
Đặng Đức Cương
10:38 18/10/2010
ĐÀN CHIM TRÊN CÁNH ĐỒNG VÀNG

Ảnh của Đặng Đức Cương

Được như đôi cánh đại bàng

Tung bay thẳng cánh cùng đàn chim di.

(Thơ Hồng Vinh)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng ?nh Ngh? Thu?t và Chiêm/Ni?m/Thi?n