Ngày 12-10-2015
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Truyền giáo bằng cầu nguyện và chứng tá đời sống
Lm. Anthony Trung Thành
07:05 12/10/2015
Chúa Nhật TRUYỀN GIÁO

Truyền giáo bằng cầu nguyện và chứng tá đời sống


Thánh giáo hoàng Piô V đã dày công thuyết phục một vị “Tai mắt” Tin Lành đến với Giáo Hội Công Giáo. Trong khi vị này đang còn tìm hiểu Đạo, ngày nọ ông bước vào một nhà thờ để tham dự thánh lễ. Rủi thay, hôm đó những người hiện diện không có vẻ tôn kính trang nghiêm, trừ một số rất ít, số còn lại thì chia trí nói chuyện to nhỏ và nhìn ngó loanh quanh. Con người có ý định trở lại đạo này sinh ra bất bình, ông từ chối trở lại đạo bằng cách viện dẫn lý do trên. Ông nói: “Các người Công Giáo không tin ở thánh lễ. Họ không tin vào sự hiện diện đích thực của Chúa Giêsu Thánh Thể”.

Câu chuyện trên đây đã để lại cho mọi người kitô hữu chúng ta một bài học hết sức thâm thuý, đặc biệt trong ngày cử hành lễ truyền giáo hôm nay. Nhiều khi vì những việc làm, lời nói vô tình hay cố ý của chúng ta làm rào cản, ngăn người khác đến với Chúa và Giáo Hội. Vấn đề này đã được Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II đề cập đến trong tông thư Tiến tới thiên niên kỷ thú ba rằng : “Sở dĩ thế giới không nhận ra Đức Kitô nơi Giáo Hội và nơi mọi người Kitô hữu vì hai lý do : Một là vì Giáo Hội không biểu lộ được Đức Kitô ở trong mình ra cho thế giới; hai là vì Giáo Hội chưa sống với Đức Kitô như là một người của Thiên Chúa để làm cho thế giới cảm nghiệm được sự sống dồi dào của Chúa Giêsu, sức thánh hoá mãnh liệt của Chúa Thánh Thần và nhất là tình yêu vĩnh cửu của Chúa Cha, qua Giáo Hội”.

Ngài nói tiếp: “Thái độ lãnh đạm tôn giáo, một thái độ khiến nhiều người sống như thể Thiên Chúa không hiện hữu hay sống một cuộc sống mờ nhạt không đẩy được họ tới đối diện với vấn đề chân lý cũng như nghĩa vụ liên đới”.

Chúng ta phải thành thật thú nhận rằng: Nhìn vào thực tiễn các xứ đạo, các gia đình, nhìn vào chính mình mỗi chúng ta đây, ta thấy rằng con số sống đạo cho đúng nghĩa rất ít. Trong khi đó, rất nhiều người giữ đạo hình thức, ở cách ăn mặc, hát xướng, tưng bừng bên ngoài, nhiều gia đình bất hoà bất thuận, những cá nhân sống như không có luật lệ, trộm cắp gian tham, lỗi công bằng bác ái...

Là Kitô hữu thì phải làm chứng, không làm chứng là phản chứng, làm chứng là một trong những cách thế truyền giáo hữu hiệu nhất, đặc biệt trong thời đại chúng ta hôm nay. Trước khi rao giảng bằng lời nói hãy rao giảng bằng đời sống. Người tín hữu giáo dân hãy nỗ lực cùng với đồng bào hãy xây dựng một nếp sống lành mạnh trong khu phố xóm làng, loại trừ mọi tệ đoan tật xấu. Đặc biệt hãy nêu gương tôn trọng sự sống, tôn trọng phẩm giá con người, sống theo lương tâm ngay thẳng làm chứng về sự hiện diện của nước Thiên Chúa, Nước đầy tràn sự thật và sự sống, đầy tràn ân sủng và thánh thiện, đầy tràn tình thương, công lý và bình an. Người tín hữu cũng nêu gương về đời sống hiệp nhất yêu thương. Không có lời rao giảng nào có sức thuyết phục bằng sự hiệp nhất yêu thương trong gia đình, xóm làng, trong giáo xứ, trong giáo phận, như lời Chúa nói: Chính nơi điều này mà mọi người sẽ biết anh em là môn đệ của Thầy: Ấy là nếu anh em thương yêu nhau(x. Thư mục năm 2003 của HĐGMVN).

Trong Tông huấn loan báo Tin Mừng của Đức Phaolô VI khi đề cập đến vấn đề những đường lối và những phương thế Phúc Âm hoá, tông huấn đề ra những đường lối quan trọng nhất : việc rao giảng, phục vụ Lời Chúa, huấn giáo, sử dụng những phương tiện truyền thông xã hội, truyền đạt kinh nghiệm về đức tin bằng sự tiếp xúc cá nhân, vai trò của các Bí tích trong mối tương giao của chúng với Lời Chúa, những giá trị tích cực của nền đạo đức bình dân. Tuy vậy, trước danh sách của những đường lối đó, tông huấn có một đoạn dành riêng cho chứng tá đời sống được coi như phương thế Phúc âm hoá đầu tiên (EN 41): “Nhờ lối sống mình mà Hội Thánh trước tiên sẽ Phúc Âm hoá thế giới, nghĩa là nhờ chứng tá đời sống của mình về lòng trung tín với Chúa Giêsu, về sự khó nghèo và từ bỏ, về sự tự do trước quyền bính của thế gian này, tắt một lời về sự thánh thiện”.

Và Ngài kết luận rằng: “Con người thời đại này thích nghe những chứng nhân hơn là những nhà giảng thuyết, và nếu họ có nghe những nhà giảng thuyết là chỉ vì những nhà giảng thuyết là những chứng nhân”.

Chính vì thế mà những bài giảng đơn sơ của thánh Gioan Vianney có nhiều sức mạnh truyền giáo hơn là những bài giảng hùng hồn của các nhà giảng thuyết lừng danh chứa đựng nhiều sự thông thái và nhiều nghệ thuật, nhưng lại không được nung nấu bằng một lòng mến Chúa. Việc ban bí tích Hoà giải của cha Gioan Vianney không có giá trị hơn của các linh mục khác, nhưng sự thánh thiện của ngài tự nó đã là một lời kêu gọi mạnh mẽ thúc đẩy các tín hữu muốn xưng tội và hoán cải. Và sở dĩ vị thánh làm được điều đó là vì người liên lỉ sống đối diện với Mầu nhiệm, sống tâm giao với Thiên Chúa.

Vào thời đại của chúng ta, ai mà chẳng biết tiếng tăm lừng lẫy của Mẹ Têrêxa Calcutta, người đã sáng lập dòng Bác ái truyền giáo, và nhờ những việc làm cụ thể của các nữ tu mà bao người đã trở lại đạo. Câu chuyện sau đây là một trong vô vàn những chứng từ được Mẹ kể lại: Một người đàn ông sau khi đã quan sát rất kỹ lưỡng chị nữ tu băng bó cho người hấp hối một cách trìu mến và vui vẻ, đã nói với tôi : “Ngày hôm nay khi đến đây, tôi không có chút lòng tin vào Chúa, trái lại tâm hồn tôi đầy căm ghét Người. Nhưng bây giờ khi sắp rời khỏi nơi đây, tôi đã là người tin Chúa. Tôi đã thấy tình thương của Chúa được biểu lộ bằng những hành động như thế nào. Qua đôi bàn tay của chị nữ tu kia, qua bộ điệu của chị, qua sự trìu mến của chị với người hấp hối cùng cực, tôi đã thấy tình yêu của Thiên Chúa bao phủ người khốn cực này như thế nào, và bây giờ tôi tin”.

Tại sao thánh Gioan Vianney đã hoán cải được nhiều tội nhân như vậy ? Tại sao Mẹ Têrexa Calcutta chinh phục được nhiều con tim đến thế ? Chính là nhờ đời sống chứng nhân phát xuất từ lòng mến Chúa và luôn sống kết hợp mật thiết với Người. Một phóng viên đã hỏi Mẹ Têrêxa : “Thưa Mẹ, Mẹ yêu thương đám quần chúng mà người khác nhìn họ như những đống hoang phế của nhân loại. Đâu là bí quyết của Mẹ ?” Mẹ Têrêxa từ tốn trả lời : “Bí quyết của tôi thật đơn giản: Tôi cầu nguyện”.

Như vậy, linh hồn hoạt động cho công cuộc bác ái của Mẹ Têrêxa chính là cầu nguyện. Sức mạnh phát xuất từ đó. Phép lạ chuyển hoá con người cũng khởi hành từ đó.

Vì vậy, chúng ta không lạ gì khi Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nhấn mạnh nhiều đến việc cầu nguyện trong Giáo Hội. Vì đây là phương thế kết hợp với Thiên Chúa, để gắn bó với Đức Kitô, từ đó người tín hữu mới có thể biểu lộ Chúa ra cho thế giới. Vì người không có đời sống cầu nguyện sẽ không bao giờ thực hiện được trên các linh hồn một việc phong nhiêu kết quả. Chúng ta có thể ban tặng cho tha nhân cái dư tràn của chính đời sống thiêng liêng của chúng ta, cái dư dật của những xác tín tôn giáo chúng ta đã nghiền ngẫm trong kinh nguyện, theo kiểu nói tuyệt vời của Thánh Tôma : “Tặng người khác những gì mình đã chiêm ngắm”. Đời sống cầu nguyện là công việc nạp bình, còn hoạt động Tông Đồ chỉ sử dụng dựa vào sức điện nạp ấy. Bởi thế, càng hoạt động thì càng phải cầu nguyện. Cầu nguyện như người ta nghĩ là “Hồn sống của mọi hoạt động tông đồ”. Hay nói như Mẹ Têrêxa : “Hoạt động chỉ là kết quả của cầu nguyện”. Vì vậy, chúng ta hãy cầu nguyện cho có nhiều trái tim quảng đại biết cảm thương những cảnh đời bơ vơ không người chăn dắt; có nhiều tâm hồn thiện chí hăng hái dấn thân ra đi loan báo Tin Mừng(x. Thư mục vụ năm 2003 của HĐGMVN).

Suốt hai ngàn năm qua, Giáo Hội luôn nỗ lực truyền giáo, từ con số Mười Hai lớn dần tới hơn một tỉ người. Tuy nhiên, so với số dân thế giới thì con số đó chưa thấm vào đâu, chỉ chiếm khoảng 17%. Đặc biệt ở Việt Nam chúng ta con số đó lại càng ít, số giáo dân chỉ chiếm gần 8% dân số toàn quốc. Thế mà số người trở lại hàng năm thật ít ỏi. Theo niên giám Giáo Hội Công Giáo Việt Nam năm 2015 cho biết: Năm 2013 cả Giáo Hội Viêt Nam với 6 606 495 giáo dân, với 29 152 Giám mục, linh mục, tu sĩ, chủng sinh mà chỉ có 41 395 người lớn trở lại đạo. Như vậy, mỗi giám mục, linh mục, tu sĩ, chủng sinh bình quân một năm chỉ lôi kéo được hơn một người theo Đức Kitô. Đó là chưa nói đến những người bỏ đạo hay từ Công Giáo theo các tôn giáo khác. Hơn nữa, hầu hết những người trở lại đạo ấy chỉ để lấy vợ lấy chồng. Tại sao ? Có phải như một số ý kiến cho rằng : “Người Công Giáo Việt Nam mới chỉ giữ đạo chứ chưa ý thức truyền đạo ?”. Đó là vấn đề mà mọi người kitô hữu Việt Nam chúng ta cần nghiêm túc suy nghĩ để không phải chỉ giữ đạo mà còn cần phải sống đạo và ra sức đóng góp phần mình cho công cuộc mở mang nước Chúa.

Truyền giáo luôn là nỗi thao thức của Giáo Hội. Vì tự bản chất Giáo Hội là truyền giáo. Giáo Hội mang bản chất li tâm tức là trao ban chính mình cho người khác. Việc truyền giáo là lí do tồn tại của Giáo Hội. Thời gian của Giáo Hội là thời gian giữa hai lần Chúa đến, là thời gian truyền giáo, nếu không truyền giáo thì Giáo Hội mất hết ý nghĩa thời gian của mình. Xin cho mỗi người chúng ta biết góp phần mình cho công cuộc truyền giáo, nhất là bằng lời cầu nguyện và đời sống chứng nhân. Amen

Lm. Anthony Trung Thành
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Tiếng nói Dự thính viên tại Thượng Hội đồng Giám Mục
G. Trần Đức Anh OP
08:27 12/10/2015
Tiếng nói Dự thính viên tại Thượng Hội đồng Giám Mục

VATICAN. Các dự thính viên tích cực góp ý kiến vào công việc bàn thảo tại Thượng HĐGM 14 về gia đình.

Trong số các tham dự viên Thượng HĐGM, ngoài 270 nghị phụ, còn có 45 dự thính viên, trong đó có 18 đôi vợ chồng. Họ có quyền phát biểu ý kiến, nhưng không có quyền bỏ phiếu. Sau đây, là ý kiến của 2 đôi vợ chồng và một nữ dự thính viên.

1. Ông Bà Andrès Salvador Galindo Lopez và Gertrudiz Clara Rubio de Galindo, Tổng thư ký điều hành Ủy ban GM Mêhicô về gia đình, Thư ký của Liên HĐGM Mỹ châu la tinh, gọi tắt là Celam, cho vùng Mêhicô Trung Mỹ. Bà Clara nói:

”Chúng con là một đôi hôn phối Andrès và Clara Galindo, từ Mêhicô. Chúng con thành hôn với nhau cách đây 45 năm. Chúa ban cho chúng con 2 người con, nay đã có gia đình và nhờ đó chúng con có 4 người cháu. Như nhiều đôi hôn phối khác, chúng con bắt đầu cuộc sống gia đình với nhiều ảo tưởng, nhưng cũng có những lúc tích cực và tiêu cực, về cảm xúc cũng như về kinh tế.

Những năm đầu tiên không dễ dàng, nhất là vì một số sức ép của một số người thân trong gia đình, khiến cho cuộc sống mới của chúng con không có viễn tượng thành công nhiều, đến độ những vấn đề kinh tế tìm cách phân rẽ chúng con. Và một hôm, một người họ hàng đến nhà chúng con với những giấy tờ đã chuẩn bị sẵn để chúng con ký tên ly dị nhau.

Mặc dù sự nài nỉ và sức ép muốn chúng con chiều theo biện pháp đó, Andrès và con quyết định chiến đấu chống lại sự chênh lệch khiến xảy ra tình trạng ấy và tiếp tục cuộc sống hôn nhân và gia đình mà chúng con mới thành lập, mặc dù quyết định ấy được đưa ra mà k hông ý thức rõ ràng về ý nghĩa bí tích hôn phối.

Ít lâu sau đó, nhờ ơn Chúa, chúng con được cơ hội sống kinh nghiệm tương giao trong phong trào Gặp gỡ gia đình Công Giáo, qua đó chúng con học cách đả thông với nhau, biết tha thứ, nhưng nhất là biết đâu là kế hoạch của Thiên Chúa dành cho chúng con trong tư cách là vợ chồng và gia đình. Thế là chúng con tiếp tục chiến đấu cho tương quan vợ chồng của chúng con, nhưng với ý thức hơn về ý định của Thiên Chúa.

Một thời gian sau, chúng con lại phải trải qua một giai đoạn rất khó khăn cho cuộc sống của chúng con vì anh Andrès bị thất nghiệp và tình trạng kinh tế của chúng con bị suy sụp, một người bạn thân xin chúng con tháp tùng anh ấy đến Đền thánh Đức Mẹ Guadalupe. Lợi dụng dịp ấy, chúng con đã cầu xin Đức Mẹ yêu quí của chúng con và cầu xin Chúa giúp giải quyết các vấn đề của chúng con, và chúng con hứa sẽ làm điều mà Chúa và Đức Mẹ yêu cầu.

Giã từ Đền thánh Đức Mẹ, chúng con được mời cộng tác vào việc mục vụ gia đình và phản ứng đầu tiên chúng con định trong đầu là từ chối và muốn nói rằng trước tiên chúng tôi cần giải quyết các vấn đề kinh tế của mình. Nhưng nhờ ơn Chúa và Đức Mẹ, chúng con đã nghĩ lại và chấp nhận phục vụ Giáo Hội trong việc mục vụ gia đình.

Trong các hoạt động phục vụ Giáo Hội, tại Mêhicô cũng như ở Trung Mỹ, chúng con có thể tham dự nhiều khóa học, đại hội, các cuộc hội thảo .. về những vấn đề lớn mà các gia đình gặp phải do những yếu tố xã hội, văn hóa, chính trị, giáo dục, kinh tế, và tôn giáo gây ra, khiến cho hôn nhân và gia đình bị suy yếu. Sức sống của hôn nhân và gia đình cần được củng cố qua sự huấn luyện và giáo huấn về căn tính và sứ mạng của mình.

Việc mục vụ gia đình ngày nay, trong Ngàn Năm thứ ba này, đang phải chịu những cuộc tấn công lớn nhỏ của một số tổ chức chính quyền và dân sự, chống lại hôn nhân, gia đình và sự sống. Cần có những vị mục tử yêu mến chương trình của Thiên Chúa để thực hiện một nền mục vụ gia đình, nảy sinh từ tâm hồn mục tử, để các gia đình được hướng dẫn, tháp tùng và huấn luyện theo kế hoạch của Thiên Chúa, để sống căn tính và sứ mạng của mình.

2. Ông Bà Buysile Patronella Nkosi và Meshack Jabulani Nkosi, thành viên Ban tư vấn của Văn phòng toàn quốc về gia đình thuộc HĐGM miền Nam Phi.

Trong phiên khoáng đại thứ 3 ngày 6-10-2015, ông bà đã nói về việc phân định ơn gọi gia đình.

”Tên con là Jabu Nkosi và đây là Buyi vợ con. Chúng con kết hôn từ 35 năm nay và được chúc lành với 5 con và 8 cháu. 3 trong số những người con của chúng con đã làm lễ cưới ở nhà thờ, nhưng cả ba đều lấy người không Công Giáo, sống trong 2 tín ngưỡng nhưng với một tình yêu. Một trong những người con rể và con dâu của chúng con muốn trở thành Công Giáo và chúng con đang mong đợi đến Lễ Phục sinh năm tới, 2016, khi đó chúng con sẽ đón nhận họ vào gia đình Công Giáo.

Trong 33 năm qua, chúng con đã tháp tùng nhiều người trẻ, chia sẻ kinh nghiệm cuộc sống, Lời Chúa và giáo huấn của Giáo Hội với họ, mang lại cho họ một cơ hội để thực hiện những quyết định trong cuộc sống của họ. Chúng tôi thông truyền Tin Mừng về tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta qua Chúa Giêsu Con của Ngài, và trong cuộc sống hằng ngày, chúng con cố gắng nhờ ơn Chúa trở thành Tin Mừng cho nhau và cho những cặp vợ chồng trẻ cũng như cho thế giới. Điều này có thể thực hiện được bằng cách để cho Lời Chúa, là chính Chúa Kitô, đồng hành với chúng con. Chúng con đã và đang có nhiều thách đố, vì không có cùng cái nhìn hoặc làm thương tổn nhau cách này hay cách khác, nhưng chúng con luôn cố gắng khiêm tốn để nói ”xin lỗi” như lời ĐTC vẫn dạy qua 3 lời: ”xin lỗi, cám ơn và xin vui lòng”, đó là những lời không thể thiếu được nếu chúng ta muốn sống an bình và hòa hợp trong gia đình chúng ta. Điều quan trọng là nhớ nói: ”Anh yêu em, em yêu anh, ba thương con, mẹ thương con” với nhau và với con cái.

ĐGH Biển Đức 16, trong thông điệp ”Bác ái trong chân lý” nhấn mạnh tầm quan trọng của tình yêu như nguyên lý cuộc sống trong xã hội, nơi mà mỗi người học ích chung vì gia đình là nơi đầu tiên một người mới học yêu thương, tha thứ, cảm nghiệm sự tha thứ và học cách chia sẻ về Thiên Chúa và Giáo Hội như một gia đình, đó là trường học đầu tiên về tình thương và tình người.

Sự chọn lựa mà chúng con thực hiện cách đây 35 năm là sự chọn lựa mà chúng con tiếp tục làm mỗi ngày, săn sóc nhau trong gia đình và chung thủy với nhau khi chúng con cam kết thương yêu mãi mãi. Đáng tiếc là xã hội hiện nay đã phát triển thứ văn hóa ”vứt bỏ”, coi sự cam kết thành hôn trọn đời là điên rồ và nực cười, làm nản chí. Vì thế người trẻ có xu hướng sợ kết hôn và nhìn sự cam kết ấy như một gánh nặng. Một phần ơn gọi của chúng con là khuyến khích người trẻ tiến vào hành trình của cuộc hôn nhân thánh, nhìn Chúa Kitô như niềm hy vọng mới của họ.

Chúng con cảm nghiệm sự sống mới đang sinh ra, và nhìn thấy cha mẹ chúng con nâng đở chúng con trong việc giáo dục con cái chúng con. Chúng con cũng thấy họ trở nên già hơn, yêu hơn và chăm sóc họ cho đến khi họ qua đi. Chúng con thấy con cái chúng con trở thanh cha mẹ và chúng con đảm nhận vai trò nâng đỡ chúng và gia đình chúng. Chúng con tiếp tục thông truyền đức tin và tất cả các giá trị Kitô và nền văn hóa Ubuntu, tức là văn hóa tình người. Điều này mang lại niềm vui và sự sung mãn, làm cho cuộc sống chúng con phong phú và trọn vẹn hơn nhờ ơnthánh của Chúa.

3. Bà Thérèse Nyarabukeye, người Ruanda, huấn luyện viên thuộc Liên hiệp Phi châu về thăng tiến gia đình ở Ruanda.

Trong bài phát biểu, bà mạnh mẽ tố giác trào lưu thực dân hóa ý thức hệ tại Phi châu.

- Tại Phi châu dân chúng con gần gũi với thiên nhiên. Chúng con phải chịu bao nhiêu sức ép từ nước ngoài, áp đặt cho chúng con các phương tiện ngừa thai, nhưng trong tâm hồn, văn hóa Phi châu, điều này không được chấp nhận. Các sức ép đó được các tổ chức quốc tế trình bày như các quyền về sức khỏe và sinh sản. Các chiến dịch này được sự tài trợ dồi dào.”

Bà Thérèse nhận xét rằng ”vì những sức ép chính trị, dân chúng Phi châu không được làm điều mà họ muốn. Như ĐGH đã nói, đó là một hình thức thực dân ý thức hệ. Điều làm cho chúng con thực sự đau buồn là sự kiện dân chúng bị thúc đẩy làm điều mà họ không muốn!

Bà Thérèse xác nhận các sức ép vừa nói trên là điều xảy ra các nơi ở Phi châu, như một chương trình thế giới nhắm trước tiên tới các nước nghèo đang trên đường phát triển. ”Đây là một điều bất công! Chúng con cảm thấy trong tâm hồn Phi châu, chúng con vẫn còn cái gì thánh thiêng đối với sự sống con người: các sức ép từ nước ngoài muốn tước bỏ khỏi tâm hồn chúng con cảm thức đó khiến chúng con không còn là chúng con nữa! Người ta cũng phổ biến lý thuyết về giống, gender theory, một ý thức hệ, đang thay đổi đời sống vợ chồng và đời sống gia đình, đối với chúng con đây là điều kinh khủng, vì các phụ nữ đơn sơ không hiểu ý nghĩa từ gender, giống. Người ta đang thực hiện một sự thay đổi đời sống bình thường, đời sống của mỗi gia đình, về mặt nhân loại học. Và đây thực là một điều tai hại, chúng con thấy điều đó mỗi ngày và tôi không biết tương lai gia đình Phi châu sẽ ra sao.

Theo bà Thérèse, ”tình trạng trên đây là một thách đố đối với Giáo Hội. Giáo Hội là tổ chức duy nhất còn bảo vệ phẩm giá của con người như Chúa muốn. Vì thế con mong đợi Giáo Hội một lời mạnh mẽ, một lời không tỏ ra yếu nhược, nhưng tái khẳng định phẩm giá gia đình và phẩm giá phụ nữ như Chúa muốn trong kế hoạch của ngài. Giáo Hội phải nói một cách rõ ràng, vì không phải chỉ các Kitô hữu mới chờ đợi nơi Giáo Hội những lời mạnh mẽ, nhưng cả những người không tín ngưỡng, ít là tại Phi châu, họ chờ đợi nơi Giáo Hội một lời giúp dân chúng tiến bước như những con người. Con thấy gia đình đang cần được chăm sóc đặc biệt, vì tất cả chúng ta đều xuất thân từ gia đình và tiến về gia đình. Sự giúp đỡ gia đình bao gồm và liên quan tới toàn thể việc mục vụ; sự kiến tạo nền móng cho con người nảy sinh từ gia đình. Vì thế nếu những người kiến thiết không được kiến thiết, không được huấn luyện, thì làm sao họ có thể nghĩ đến con người thực sự là người? Con thấy đó là một công việc rất quan trọng mà Giáo Hội cần phải làm.”

G. Trần Đức Anh OP
 
Thượng Hội Đồng, ngày thứ bẩy, 12 tháng Mười 2015
Vũ Văn An
16:06 12/10/2015
Theo tin Đài Phát Thanh Vatican, Cha Federico Lombardi SJ, phát ngôn viên Tòa Thánh, với sự tháp tùng của Cha Thomas Rosica CSB và sự hiện diện của hai cặp vợ chồng Pedro & Ketty De Rezende từ Ba Tây và Ishwar & Penny Bajaj từ Ấn Độ, đã tổ chức cuộc họp báo hàng ngày về Thượng Hội Đồng Gia Đình.

Ôn Bà De Ranzende cho hay sẽ là một cải tiến đáng hoan nghênh nếu các giám mục thế giới đưa ra đề xuất để huấn luyện và đồng hành nhiều hơn với các cặp vợ chồng trước khi, trong khi và sau khi họ cưới nhau. Việc huấn luyện các cặp để họ kết hôn và đồng hành với họ sau khi họ cưới nhau là vấn đề đã được Cha Federico đề cập tới rất nhiều trong buổi họp báo hôm nay.

Ngài nói rằng các đại biểu Thượng Hội Đồng sẽ làm việc trong các nhóm nhỏ vào hôm thứ Hai và hôm thứ Ba để thảo luận phần thứ hai của Tài Liệu Làm Việc. Các nhóm sẽ tường trình kết quả thảo luận vào sáng thứ Tư trước phiên họp khoáng đại.

Sáng thứ Hai, các Đức Hồng Y Vingt-Tois và Scola cho biết: các ngài không ký vào lá thư nói là gửi cho Đức Giáo Hoàng để tỏ ý lo ngại về Thượng Hội Đồng. Cha Lombardi thì nói rằng ngài không biết chút gì về lá thư này cả, và nếu có một lá thư như thế, thì nó cũng không phải là lá thư công khai.

Cha cũng minh xác các vấn đề quanh thủ tục của Thượng Hội Đồng. Sẽ có tường trình sau cùng trình lên Đức Giáo Hoàng nhưng ngài quyết định làm gì với bản tường trình này thì cha không được rõ. Cha nói: “Ngài có thể cho công bố ngay hoặc ngài có thể nghiên cứu nó trước khi cho công bố, chúng ta phải đợi mới hiểu được”.

Cha Lombardi nói rằng việc cho phép người ly dị tái hôn và những người chỉ kết hôn theo dân luật đã được các tham dự viên Thượng Hội Đồng thảo luận. Các ngài đã không chỉ nói tới việc lãnh Phép Thánh Thể mà thôi mà là mọi bí tích nói chung. Một số tham dự viên gợi ý rằng Thượng Hội Đồng là cơ hội không nên bỏ lỡ để Giáo Hội tỏ lòng thương xót. Nhưng cũng có góp ý được lặp lại là Giáo Hội cần giảng dạy sự thật về hôn nhân Kitô Giáo nhưng phải yêu thương đồng hành với những người đang mang thương tích. Cũng có góp ý nhằm khuyến khích Giáo Hội trở về nguồn để xem lại việc phát triển có tính lịch sử về thần học, tín lý và các bí tích để ý thức sâu xa hơn về chúng.

Cha Rosica thì cho giới truyền thông hay một góp ý nói rằng “sứ mệnh của Giáo Hội là đi chiêu dụ các môn đệ nhưng nền văn hóa đương thịnh thường lại thành công hơn trong việc làm người ta hết còn là môn đệ”. Theo Cha, một trong các nghị phụ cho hay: các thừa tác viên của Giáo Hội thường hay hành động giữa hai thái cực: công khai thì sự thật, tư riêng thì thương xót. Các vị giám mục nhìn nhận việc này rất hữu ích. Dụ ngôn Người Con Trai Hoang Đàng đã được nhắc tới nhiều lần trong các góp ý. Cha Rosica giải thích rằng các gia đình “dưới mọi hình thức” đều đã được thừa nhận là hiện diện “trong lòng Giáo Hội”. Ngài cho biết: các vị đại biểu đều nhất trí rằng cần phải khai triển các chiến thuật mục vụ có tính đến các tình huống đa dạng hiện đang phản ảnh đời sống gia đình ngày nay.

Ông De Rezende nói trong cuộc họp báo rằng ông rất ngạc nhiên khi đọc báo viết về Thượng Hội Đồng: “nhiều, rất nhiều lần, nó không phản ảnh những gì được nói ra tại đó”. Ông cho biết thêm: không hề có cuộc thảo luận nào về việc thay đổi tín lý nhưng “các thái độ mục vụ phải được xem xét lại”.

Bà Bajaj cho hay: bà cảm động sâu xa trước lòng cảm thương và tương cảm của các nghị phụ Thượng Hội Đồng; các vị rất thấu hiểu các lao đao của cuộc sống gia đình. Bà nói rằng bà thấy rõ tình yêu, niềm quan tâm và hy vọng cao cả của các ngài dành cho các gia đình.

Cũng có một góp ý về việc đào tạo lương tâm trong ngữ cảnh thông điệp Humanae vitae. Góp ý này cho rằng cần phải có các cố gắng phối hợp trong việc đào tạo lương tâm cho dân Chúa.

Cuối buổi họp báo, hai cặp vợ chồng cho biết họ thấy bầu khí và phẩm chất các góp ý trong phiên họp khoáng đại và trong các nhóm nhỏ rất tốt. Họ cũng cho biết: họ đã thực hiện nhiều góp ý trong các nhóm và cảm thấy các giám mục thực sự lắng nghe họ.

Theo Zenit News, trong cuộc họp báo trên, Cha Rosica cho hay: trọng tâm các cuộc thảo luận hôm nay là ý niệm “không con người nhân bản nào xa lạ với Thiên Chúa cả”. Cha cũng cho hay các nghị phụ Thượng Hội Đồng không hề có não trạng “tất cả hay không có gì”. Vì dù phải duy trì tín lý và giáo huấn của Giáo Hội, các ngài vẫn tìm kiếm các phương thức mục vụ giúp không một ai cảm thấy mình bị loại trừ hay ra xa lạ.

Chủ đề “các cơ cấu gia đình mới” đã được nêu ra vì có những đứa con được dưỡng dục bởi cha hoặc mẹ đơn lẻ, bởi các cặp đồng tính, các vợ chồng liên tôn, và đôi khi bởi ông bà, thân nhân và một ai khác nữa. Giáo Hội cần khai triển các chiến thuật mục vụ cho những cơ cấu như thế.
 
Phỏng vấn Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo tại Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình
VietCatholic Network
20:33 12/10/2015
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Trong hai ngày thứ Hai 12 và thứ Ba 13 tháng 10, các nghị phụ và các tham dự viên khác thảo luận trong 13 nhóm về phần thứ hai của Tài liệu làm việc với chủ đề “Phân định ơn gọi gia đình”. Tổng cộng có 4 nhóm nói tiếng Anh, 3 nhóm Tây Ban Nha, 3 nhóm tiếng Pháp, 2 nhóm tiếng Ý, và 1 nhóm tiếng Đức. Sáng thứ Tư 14 tháng 10, các vị sẽ nhóm phiên khoáng đại.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Trong 183 nghị phụ được các Hội Đồng Giám Mục trên thế giới cử tham dự Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình, Giáo Hội Việt Nam có Đức Cha Phaolô Bùi Văn Đọc, là Tổng Giám Mục Sàigòn, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam và Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo, Giám Mục Phó Xuân Lộc.

Trong phần tiếp theo, chúng tôi xin giới thiệu cuộc phỏng vấn dành cho Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo diễn ra trong đại thính đường Phaolô Đệ Lục.

Khi được hỏi đâu là những thách đố mục vụ đối với đời sống gia đình tại Giáo Hội địa phương, Đức Cha cho biết như sau:

Thách đố đối với đời sống gia đình ở Việt Nam thì nhiều lắm nhưng tôi nghĩ một trong những thách đố là sự kiện nhiều người trẻ phải lìa xa vùng quê, gia đình và giáo xứ của mình lên thành phố để học tập hay làm việc. Do đó, có nhiều cám dỗ ở thành phố nơi họ làm việc hay học tập do phải sống xa gia đình. Họ cần phải duy trì mối liên lạc cách riêng là tình cảm yêu mến với nguyên quán của gia đình. Điều này chắc chắn là một trong những khó khăn nhưng tôi thấy dường như đến nay họ có thể vượt qua những trở ngại này vì ở thành phố họ có thể tụ họp lại với nhau như những sinh viên Công Giáo, công nhân Công Giáo và giúp đỡ lẫn nhau hội nhập vào các giáo xứ ở thành thị nơi họ cư trú.

Thưa Đức Cha, ngài hy vọng những gì nơi Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình?

Như Đức Thánh Cha đã đề cập trong bài giảng thánh lễ Chúa Nhật, chúng ta phải lắng nghe Chúa Thánh Thần vì thế chúng tôi hy vọng có thể mở lòng mình ra với sự linh hứng của Chúa Thánh Linh như là các nghị phụ của Thượng Hội Đồng Giám Mục để chúng tôi có thể đưa ra các quyết định, các sứ điệp theo sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Nhưng riêng tôi, tôi mong mỏi Thượng Hội Đồng Giám Mục sẽ đưa ra sự khích lệ cho tất cả các gia đình. Những gia đình đang sống đức tin được khích lệ sống đức tin nhiệt thành hơn trong đời sống gia đình. Những gia đình đang gặp khó khăn được khích lệ tìm lại lần nữa ân sủng phù trợ của Thiên Chúa để họ có thể trung tín và mạnh mẽ hơn trong đời sống gia đình theo kế hoạch tôi cho rằng Thiên Chúa dành cho hôn nhân và gia đình.
 
Thống Đốc Jerry Brown của California vừa ký đạo luật buộc các Trung Tâm Phò Sự Sống phải giới thiệu dịch vụ phá thai.
Giuse Thẩm Nguyễn.
20:50 12/10/2015
Thống Đốc Jerry Brown của Tiểu Bang California vừa ký một đạo luật bắt buộc các Trung Tâm Phò Sự Sống phải giới thiệu dịch vụ phá thai.

(CNSNews.com)Thống Đốc Jerry Brown ( Dân Chủ -Calif) của Tiểu Bang California vừa ký một đạo luật hôm Thứ Sáu (Oct 9, 2015) bắt buộc các Trung Tâm Phục Vụ Phụ Nữ Mang Thai đang có giấy phép hành nghề, phải phổ biến thông tin về những chương trình sức khỏe cộng đồng, được chính phủ tài trợ với giá rẻ hay miễn phí, như các dịch phụ phá thai và ngừa thai.

Luật mới này không miễn trừ cho các trung tâm phò sự sống và cố vấn duy trì mang thai vì niềm tin tôn giáo.

Các nhà phê bình nói rằng luật này vi phạm quyền tự do ngôn luận công dân đã được bảo đảm bởi Tu Chính Án Thứ Nhất của Hoa Kỳ.

Luật mới này có tên là Luật Phụ Sản (The Reproductive FACT Act) đòi hỏi tất các các trung tâm phục vụ phụ nữ mang thai đang có giấy phép hành nghề phải niêm yết thông cáo như sau:

“Tiểu bang California có những chương trình công ích nhằm cung cấp những dịch vụ miễn phí hay giá thấp gồm những dịch vụ kế hoạch hóa gia đình ( có cả những phương pháp ngừa thai được FDA chấp thuận) như chăm sóc trước khi sanh, phá thai cho những phụ nữ có đủ điều kiện hợp pháp. Muốn biết bạn có đủ điều kiện hợp pháp, xin liên lạc với phòng xã hội quận hạt tại số điện thoại …”

Cũng theo luật này, trung tâm nào không niêm yết thông báo này “ sẽ phải bị phạt dân sự số tiền là năm trăm ($500) Mỹ Kim cho lần vi phạm thứ nhất và một ngàn ($1,000) Mỹ Kim cho mỗi lần sau đó.”

Dân biểu tiểu bang, David Chiu ( Dân Chủ - San Francisco) là tác giả chính của luật này, lập luận rằng “một phong trào ngày càng tăng và đáng báo động đang làm việc để đánh lừa phụ nữ vì mục đích chính trị của họ. Chúng ta là những nhà làm luật có trách nhiệm phải bảo đảm rằng tất cả phụ nữ đều phải biết thông tin này để họ có những quyết định chính xác và kịp thời về sức khỏe của họ.”

Chủ tịch nhóm ủng hộ tự do chọn lựa (Pro-choice) là Ilyse Hogue đã ca ngợi luật mới này và cho rằng “Thống Đốc Brown và các nhà lập pháp Cali có thể tự hào về một cố gắng thành công đầu tiên nhẳm bảo đảm rằng không phụ nữ nào phải đi vào Trung Tâm Cố Vấn Phụ Nữ Mang Thai (CPC) với tâm trạng ngại ngùng và xấu hổ nữa.”

Tuy nhiên, nhóm Phò Sự Sống (Pro-life) thì cho rằng đây là “bully bill”, một luật dùng ảnh hưởng của mình để bắt ép người khác phải theo, luật này bắt những trung tâm phò sự sống phải vi phạm luật lương tâm của họ bằng cách giới thiệu một vụ phá thai.

Nữ dân biểu tiểu bang, Shannon Grove (Cộng Hòa-Bakerfield) đã phát biểu trong phòng họp ngay khi luật này được thông qua rằng: “Chính phủ có quyền bắt một tờ báo phải viết gì hay một nhà thuyết giảng phải nói về điều gì, hay một trường tư phải dạy gì không? Dĩ nhiên là không?”

“ Vậy thì tại sao chính phủ lại bắt buộc các trung tâm phò sự sống đi ngược với ý muốn của họ để quảng cáo và giới thiệu dịch vụ phá thai của chính phủ?”.

Nữ dân biểu nói tiếp.

“ Các nhà làm luật đảng Dân Chủ cho rằng luật này cần thiết bởi vì những thông tin cung cấp bởi các trung tâm phò sự sống không hoàn toàn đầy đủ, thế thì cũng theo kiểu lý luận này, nếu chính phủ biết rằng thông tin của quý vị không được phổ biến đầy đủ, thì bây giờ chính phủ có quyền bắt quý vị phải làm và nói những điều quý vị không tin. Hẳn là quý vị sẽ tức đến phát điên lên.”

Nữ dân biểu tiểu bang, Kristin Olsen ( Cộng Hòa – Modesto) cũng phản đối luật này. “ Chúng ta cần tin tưởng vào phụ nữ để họ chọn quyết định cho riêng họ, và cái luật này đã ngăn cản điều đó. Phụ nữ có quyền tìm sự cố vấn nơi các trung tâm phụ nữ mang thai. Không ai có quyền bắt họ phải đi hay bắt họ ở lại. Họ đến và họ đi là quyền của họ.”

Nữ dân biểu kết luận. “Luật Phụ Sản đặt ra một tiền lệ rất xấu bằng cách cho phép chính phủ - cũng chính là mình – bắt những thông tin gì mà một tổ chức vô vị lợi, mà cái tổ chức ấy chẳng nhận lấy một xu tài trợ của chính phủ, phải cung cấp cho khách hàng của họ.”

Tưởng cũng nên nói thêm Thống Đốc Jerry Brown là một người Công Giáo. Khi còn nhỏ ông đã từng là một cậu Giúp Lễ, lại đi tu và muốn trở thành linh mục dòng tên. Nhưng với cương vì là Thống Đốc tiểu bang, khi được hỏi là ông có phải là người Công Giáo không, thì ông trả lời là rằng tôi không phải là người Tin Lành và tôi cũng không phải Cộng Sản. Còn vợ ông thì xác nhận ông là một người Công Giáo.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Hội Dòng Mẹ Nhân Ái Phú Cường - Thánh Lễ Mở Cửa Năm Thánh
Tômas Đỗ Lộc Sơn
07:36 12/10/2015
Hội Dòng Mẹ Nhân Ái Phú Cường - Thánh Lễ Mở Cửa Năm Thánh

Hội Dòng Mẹ Nhân Ái (HDMNA) Giáo phận Phú Cường là 1 trong 3 hội dòng được chọn cử hành các thánh lễ được chỉ định trong Năm Thánh mừng kỷ niệm kim khánh giáo phận.

10 giờ sáng ngày 11/10/2015, bầu trời trong xanh. Trong khuôn viên hội dòng, một số anh chị em ở các giáo xứ lân cận đã cùng với các Dì rước đoàn đồng tế tiến về nhà nguyện để cử hành nghi thức và thánh lễ mở Cửa Năm Thánh.

Xem Hình

Cha đặc trách tu sĩ giáo phận Giuse Phan Trọng Quang đã chủ sự nghi lễ, cùng tham dự có cha Giuse bề trên dòng Phanxico, cha Phaolô Nguyễn Văn Khi quản nhiệm giáo điểm Lô 6, quý cha xứ các giáo xứ: Bắc đoàn, Bắc Hà, Tân Thông. Quý Dì HDMNA, quý chủng sinh dòng Phanxico và khoảng 50 bà con giáo dân.

Đứng trước Cửa Năm Thánh, cha Giuse chia sẻ ý nghĩa việc mở cửa năm thánh và mời gọi cộng đoàn hãy đón nhận những ân phúc do Thiên Chúa trao ban.

Cha Giuse Phạm Văn Hòa chánh xứ Bắc Hà đã công bố Lới Chúa qua đoạn Tin mừng (Ga 10, 1-10). Ai không qua cửa mà vào đoàn chiên, nhưng trèo vào lối khác, người ấy là kẻ trôm cướp.

Sau khi rảy nước thánh và xông hương, cha chủ sự đọc lời nguyện chúc lành, cộng đoàn hát bài "Hãy Xưng tụng Chúa", đồng thời cha chủ sụ mở cửa để mọi người bước vào.

Trong bài giảng chúa nhân 28 thường niên hôm nay, cha chủ sự đã vén mở cho cộng đoàn sự trùng hợp ý nghĩa của bài Tin mừng và thánh lễ mừng kim khánh giáo phận hôm nay. "Thầy bảo thật các con, chẳng ai bỏ nhà cửa, anh chị em, cha mẹ, con cái đồng ruộng vì Thầy và vì Tin Mừng, mà ngay bây giờ lại không được gấp trăm ở đời này về nhà cửa, anh chị em và ruộng nương, cùng với sự bắt bớ, và ở đời sau được sống vĩnh cửu".

Mừng kim khánh giáo phận, chúng ta hãy cầu xin cho giáo phận được mọi ơn lành để giáo phận ngày một phát triển. Chúng ta cũng nhớ đến các giám mục, linh mục, tu sĩ và mọi tín hữu đã ra đi trước chúng ta, để các ngài luôn bầu cử cho chúng ta trên mọi nẻo đường để chúng ta về đến bến bờ được mọi sự bình an.

Thánh lễ kết thúc sau phép lành toàn xá, và tất cả hân hoan trong Thiên Chúa.
 
Đại Hội Thánh Mẫu tại Trung Tâm Hành Hương Thánh Mẫu Bringelly Sydney.
Diệp Hải Dung
07:51 12/10/2015
Đại Hội Thánh Mẫu tại Trung Tâm Hành Hương Thánh Mẫu Bringelly Sydney.

Chiều thứ Sáu 09/10/205 hàng ngàn giáo dân trong Cộng Đồng và các tiểu bang đã đến Trung Tâm Hành Hương Thánh Mẫu Bringelly Sydney tham dự 3 ngày Đại Hội Thánh Mẫu do Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam TGP Sydney tổ chức với chủ đề “ Maria Khí Cụ Của Tình Thương Xót ”

Xem Hình

Sau khi ghi danh và dùng cơm tối tại các gian hàng ẩm thực, mọi người tập trung trước tượng đài Đức Mẹ dâng lời cầu nguyện và đồng thời đi Chặng Đàng Thánh ngoài trời cùng với sự diễn nguyện của các bạn trẻ Liên Đoàn Thanh Niên Công Giáo diễn tả lại Thập Giá Chúa KiTô rất là sống động và xúc tích.

Thứ Bảy 10/10/2015 Sau giờ kinh phụng vụ buổi sáng. Cha Tuyên úy Trưởng Dương Thanh Liêm ngỏ lời chào mừng mọi người đã đến Trung Tâm tham dự Đại Hội Thánh Mẫu đồng thời Cha FX. Nguyễn Văn Tuyết giới thiệu Đức Giám Mục Giuse Đặng Đức Ngân Giám Mục Giáo Phận Lạng Sơn Việt Nam thuyết giảng chủ đề “ Biến Cố Truyền Tin, Gặp Gỡ Tình Thương Xót” và sau đó Cha Đinh Thanh Bình (tiểu bang Melbourne) thuyết giảng chủ đề: “Gia Đình Nguồn Cội Của Tình Người”

Đến 5 chiều Thánh lễ Khai Mạc Đại Hội. Cha Paul Văn Chi thay mặt Ban Tuyên Úy ngỏ lời chào mừng Đức Giám Mục Giuse Đặng Đức Ngân qúy Cha, quý Tu sĩ Nam Nữ và tất cả mọi người đã đến Trung Tâm tham dự Đại Hội Thánh Mẫu và cùng hiệp dâng Thánh lễ khai mạc.

Trong bài giảng Thánh lễ khai mạc Đại Hội, Đức Giám Mục Giuse Đặng Đức Ngân đã nói về Lời Chúa của Chúa Nhật 28 thường niên cho ngày khai mạc Đại Hội Thánh Mẫu Sydney. Chúng ta nghe nói sự khôn ngoan trong sách Khôn Ngôn, tôi khẫn cầu được thần trí khôn ngoan đến cùng tôi, khôn ngoan trong chọn lựa, khôn ngoan trong đối xử, khôn ngoan trong yêu thương, khôn ngoan trong tha thứ..đó là những tâm tình mà chúng ta đang hiện diện nơi đây trong ngày cử hành Đại Hội Thánh Mẫu với chủ đề Đức Maria Khí Cụ Của Tình Thương Xót…

Trước khi kết thúc Thánh lễ, anh Nguyễn Ngọc Khiêm Phó Chủ tịch CĐCGN Sydney ngỏ lời cám ơn Đức Giám Mục Giuse Đặng Đức Ngân, quý Cha, quý Tu Sĩ Nam Nữ và mọi người đã đến tham dự Thánh lễ khai mạc Đại Hội Thánh Mẫu tại Trung Tâm Bringelly này.

Thánh lễ kết thúc, mọi người giải lao và dùng cơm tối do các gian hàng ẩm thực của các Hội Đoàn Đoàn Thể trong Cộng Đồng bán giúp cho mọi người có những món ăn lạ ngon và rẻ trong 3 ngày Đại Hội và sau đó mọi người cùng thưởng thức đêm vặn nghệ với chủ đề Đường Hy Vọng do ba Liên Đoàn Trẻ, Thanh Niên Công Giáo, Thiếu Nhi Thánh Thể và Liên Ca Đoàn Lê Bảo Tịnh cùng phối hợp trình diễn với những tiết mục ca nhạc. Đặc biệt là những màn diễn nguyện nói về cuộc di cư năm 1954 và biến cố lịch sử 1975 hành trình vượt biển, cuộc đời lao tù của Cố Đức Hồng Y Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận, Tử Đạo của Cha Đắc Lộ và biến cố hiện ra của Đức Mẹ La Vang năm 1798 cứu giúp giáo dân bị bách hại và bệnh tật trong rừng.

Kết thúc đêm diễn nguyện, Đức Giám Mục Đặng Đức Ngân, quý Cha và tất cả mọi người cùng cầm trên tay ngọn nến cung nghinh rước kiệu Thánh Thể Chúa Giêsu KiTô qua 14 Chặng Đàng Thánh Giá trong khuôn viên Trung Tâm, cuộc rước cung nghinh Thánh Thể Chúa Giêsu KiTô rất long trọng và sốt sằng, đồng thời chầu Thánh Thể Chúa sáng đêm do các Giáo Đoàn, Hội Đoàn, Đoàn Thể thay phiên nhau chầu cầu nguyện.

Sáng Chúa Nhật 11/10/2015 Cha Michael Phạm Quang Hồng từ tiểu bang Perth (Tây Úc) thuyết giảng đề tài Thánh Hóa Ngày Mới. Đức Cha Đặng Đức Ngân sâu sắc với đề tài: Maria, Khí Cụ Của Tình Thương Xót” Sau giờ cơm trưa và thưởng lãm văn nghệ. Cha Richard Umbers thuyết giảng cho giới trẻ đề tài: Giới trẻ và những thách đố sống đức tin hôm nay.” Đặc biệt trong panel giải đáp và thắc mắc về Đức Tin và cuộc sống, Cha Paul Văn Chi điều hợp buổi hội thảo rất sôi động và hào hứng, trong đó ĐGM Giuse Đặng Đức Ngân, Cha Nguyễn Văn Tuyết, Cha Đinh Thanh Bình và Cha Phạm Quang Hồng hội thảo giải đáp các thắc mắc liên quan đến đời sống Đức Tin Công Giáo. Mọi người đã đặt nhiều câu hỏi về đời sống hàng ngày và đời sống Đức Tin, đã được ĐGM và quý Cha trong panel giải đáp một cách thỏa đáng.

Chấm dứt những sinh hoạt thuyết giảng và hội thảo, cờ của Giáo Đoàn và Đoàn Thể rước ra tượng đài Đức Mẹ và tất cả mọi người đều quy tụ trên tượng đài, dâng giờ đền tạ Đức Mẹ và Ban Tây Nhạc Cecilia trình tấu nhạc phẩm Chào Mừng chuẩn bị cho cuộc rước kiệu về Lễ đài thì trời đột nhiên mưa lớn. Ban Tuyên Úy và Ban Thường Vụ phải dời lịch trình cuộc rước kiệu Thánh tượng Đức Mẹ La Vang về hội trường Trung Tâm Tĩnh Huấn Thánh Giuse để cử hành Thánh lễ. Mặc dù trời mưa nhưng mọi người vẫn che dù đi dưới mưa sốt sắng rước kiệu về an vị trong hội trường Trung Tâm. Với số lượng khoảng 4000 người tham dự, mọi người quy tụ trong lobby, trong nhà ăn trung tâm và xung quanh mái hiên hội trường trung tâm. Ban Tổ Chức dùng màn hình chiếu trực tiếp Thánh lễ mừng kính Ngày Thánh Mẫu do Tổng Giám Mục Anthony Fisher Giám Mục Tổng Giáo Phận Sydney, Đức Giám Mục Giuse Đặng Đức Ngân Giám Mục Giáo Phận Lạng Sơn và hơn 25 Linh mục Việt Úc cùng hiệp dâng Thánh lễ.

Cha Tuyên úy Trưởng Dương Thanh Liêm ngỏ lời chào mừng Đức Tổng Giám Mục Anthony Fisher Tổng Giáo Phận Sydney đã ưu ái đến thăm viếng Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam Sydney mặc dù thời tiết mưa gió, và Cha cũng chào mừng Đức Giám Mục Giuse Đặng Đức Ngân, qúy Cha, quý Tu sĩ Nam Nữ và mọi người đến tham dự Đại Hội Thánh Mẫu 2015. Sau đó quý Đức Giám Mục và quý Cha cùng hiệp dâng Thánh lễ.

Trong bài giảng Đức Tổng Giám Mục Anthony Fisher đã nói về các Thánh anh hùng Tử Đạo Viêt Nam và đặc biệt Ngài nói về biến cố Đức Mẹ hiện ra ở La Vang Quảng Trị năm 1788. Ngài khuyến khích mọi người hãy chạy đến Đức Mẹ với bất cứ hoàn cảnh nào để được có sự an ủi và che chở của Đức Mẹ…

Trước khi kết thúc Thánh lễ. Anh Trần Anh Vũ Chủ tịch CĐCVN TGP Sydney ngỏ lời cám ơn Đức Tổng Giám Mục Anthony Fisher, ĐGM Đặng Đức Ngân, quý Cha, qúy Tu Sĩ Nam Nữ và tất cả mọi người đã đến đây tham dự 3 ngày Đại Hội Thánh Mẫu. Anh cũng đặc biệt cám ơn quý vị thiện nguyện viên trong và ngoài Cộng Đồng đã âm thầm phục vụ giúp cho Cộng Đồng và Đại Hội Thánh Mẫu được mọi sự thành công tốt đẹp.

Thánh lễ kết thúc quý Đức Tổng Giám Mục Anthony Fisher và Đức Giám Mục Đặng Đức Ngân gặp gỡ mọi người trong Cộng Đồng với tình thân thương.

Diệp Hải Dung
 
Lễ nhậm chức Chánh xứ tại Phú Hòa, Bầu Gốc và Châu Me, GP Quy Nhơn
Lm Giuse Trương Đình Hiền
08:10 12/10/2015
Lễ nhậm chức Chánh xứ tại Phú Hòa, Bầu Gốc và Châu Me, GP Quy Nhơn

Nếu ngày 19-20 tháng 7 năm 2015, hai cuộc nhậm xứ tại giáo xứ Châu Ỗ và Lý Sơn, những vùng đất “địa đầu” của giáo hạt Quảng Ngãi, đã khơi lên một chân trời truyền giáo đầy hy vọng, thì với 2 ngày 8-9/10/2015, với 3 lễ nhậm chức tại 3 giáo xứ cựu trào: Phú Hòa, Bầu Gốc và Châu Me, lại vẽ lên khung trời mục vụ giáo hạt Quảng Ngãi một ký ức của của “quá khứ hào hùng” của những địa dnh còn ghi dấu rõ nét chứng từ đức tin của rất nhiều chứng nhân tử đạo !

Xem Hình

Vẫn biết, việc chuyển xứ của các linh mục giáo phận là “sinh hoạt mục vụ bình thường” trong nhịp sống đức tin của dân Chúa và trong hành trình mục vụ của các mục tử. Tuy nhiên, trong mỗi cuộc lễ nhậm xứ tại mỗi một địa bàn mục vụ đều mang theo những ý nghĩa và dư âm khác nhau. Và sau đây là một thoáng cảm nhận về ý nghĩa và dư âm đó.

Trong khung cảnh Phụng Vụ của lễ Mẹ Mân Côi, Bổn mạng của giáo xứ Phú Hòa, cha Phêrô Maria Hà Đức Ngọc đã long trọng nhậm xứ trong tâm tình vâng phục phó thác mà những dấu chỉ của “nghi lễ nhậm chức” cùng với các gợi ý của Lời Chúa đã được vị Chủ chăn của giáo phận thâm thúy sẻ chia trong bài giảng lễ; và sau đó được khẳng định một lần nữa trong diễn từ của linh mục tân chính xứ với những tâm tình sâu lắng:

„Chính Chúa chọn ÔBACE( Ông Bà Anh Chị Em) cho tôi và tôi cho ÔBACE. Có bài hát rằng:'không phải tại anh cũng không phải tại em, tại trời xui khiến nên chúng mình yêu nhau!’ Hôm nay không phải trời xui đất khiến, mà chính Chúa se duyên cho chúng ta! OBACE vừa thấy đó, chính Thiên Chúa qua Đức Cha, Vị Chủ Chăn tối cao của giáo phận đã trao ÔBACE cho tôi và tôi cho OBACE rồi còn như cầm tay đưa dẫn tôi đi chỉ từng công việc phục vụ nữa. Chúa se duyên ôi thật hạnh phúc! Chúng ta hãy tạ ơn Chúa và hãy chỉ chọn Chúa mà thôi. Hãy hết tình yêu nhau trong Chúa nhé và reo mừng Chúa như Thánh vịnh 33 rằng:

12 Hạnh phúc thay quốc gia được CHÚA làm Chúa Tể,

hạnh phúc thay dân nào Người chọn làm gia nghiệp.

15 Hạnh phúc thay dân nào được may mắn như vậy !

Hạnh phúc thay dân nào được CHÚA TRỜI làm Chúa !..“

Và rồi, liền ngay buổi chiều hôm đó, tại nhà thờ Vĩnh Phú, con tim của giáo xứ Bầu Gốc, một giáo xứ đã từng được vinh dự đón tiếp bước chân của vị Thừa Sai vĩ đại Alexandre De Rhodes vào buổi đầu truyền giáo tại Việt Nam (Thế kỷ 17), cha Tađêô Maria Lê Văn Ý, cựu chánh xứ Phú Hòa, cùng với linh mục phó xứ Phaolô Trần Thanh Nhân, đã long trọng nhậm chức Chánh xứ Bầu Gốc, thay thế cha Grêgôriô Văn Ngọc Anh, vị mục tử đã từng phục vụ nơi đây suốt 26 năm, đã trải qua không ít những gian nan khổ ải và để lại những thành quả mục vụ đầy dấu ấn.

Bằng thái độ khiêm tốn và giản đơn, cha tân chánh xứ cùng với cha phó đã minh định sự chọn lựa cơ bản của đời linh mục đó chính là vâng phục, yêu thương và phục vụ; đây cũng chính là những chiều kích thiêng liêng mà Lời Chúa và dấu chỉ Phụng Vụ đã được Đức Cha Matthêô khai triển và gởi gắm như tâm tình của Vị Cha chung trong giáo phận dành cho đàn chiên nhỏ nơi đây cũng như cho toàn giáo phận.

Và cuối cùng, nhà thờ Đức Mẹ Kỳ Thọ, trong khung cảnh vui tươi và hiệp nhất được diễn tả sống động của các em thiếu nhi qua bài đồng diễn đón tiếp: giáo xứ là một gia đình, đã biến lễ nhậm chức chánh xứ Châu Me của cha Grêgôriô Văn Ngọc Anh thành một cuộc lễ hội của tạ ơn, hiệp nhất, tin yêu và hy vọng. Trong lễ nhậm chức cuối cùng nầy tại một giáo xứ mới được tái dựng hơn 10 năm, sau gần hơn 40 năm bị tàn phá nặng nề gần như xóa sổ (từ 1965), các dấu chỉ Phụng Vụ của lễ nghi nhậm chức lại một lần nữa đong đầy ý nghĩa: linh mục chánh xứ là người chủ tọa cộng đoàn, là người mang tình yêu Thánh Thể và sự giao hòa, là vòng tay mở rộng của Hội Thánh địa phương và là tiếng chuông gọi mời đoàn chiên trở về bên Chúa…

Tất cả những ý nghĩa vừa đậm chất thiêng liêng vừa ắp đầy hương vị ngọt ngào của tình tự nhân bản mà những lời thơ Thánh Vịnh đã diễn đạt, đã được cha cựu chánh xứ Phêrô Hà Đức Ngọc gởi gắm trong bài diễn từ giã biệt:

Vâng! Chúa công minh chính trực nên không bỏ rơi dân Người... Chúa cho xây nhà thờ. Nhưng có nhà thờ to đẹp để mà làm gì nếu Chúa không qui tụ cộng đoàn như Thánh vịnh 146, 2-3 diễn tả

Chúa là Đấng xây dựng lại Giêrusalem

Quy tụ dân Ít ra en tản lạc về

Người chữa trị bao cõi lòng tan vỡ

Những vết thương băng bó cho lành

Thế là chúng ta reo vui với Thánh vịnh 126 rằng:

Khi CHÚA dẫn tù nhân Xi-on trở về,

ta tưởng mình như giữa giấc mơ.

2 Vang vang ngoài miệng câu cười nói,

rộn rã trên môi khúc nhạc mừng.

Bấy giờ trong dân ngoại, người ta bàn tán:

"Việc CHÚA làm cho họ, vĩ đại thay !"

3 Việc CHÚA làm cho ta, ôi vĩ đại !

Ta thấy mình chan chứa một niềm vui

Như thế hôm nay, các vị mục tử vừa nhậm xứ chắc chắn đã thuộc về một cộng đoàn mới, một không gian mục vụ mới cùng với những thao thức và niềm hy vọng mới. Vượt qua mọi giới hạn và khó khăn đến từ bản thân hay những thách đố của hoàn cảnh, chắc chắn các cha luôn trân trọng và ý thức rằng: hôm qua, hôm nay và mãi mãi thấp thoáng bên cạnh đời mình vẫn luôn hiện diện “bước chân của Người Mục Tử Vô Hình”. Và như thế, “dưới bóng của Ngài”, ta cứ đi.
 
Phỏng vấn Đức Cha Phêrô Huỳnh Văn Hai, tân Giám Mục Vĩnh Long
Gioan Lê Quang Vinh
18:03 12/10/2015
PHỎNG VẤN Đức Cha PHÊRÔ HUỲNH VĂN HAI, TÂN GIÁM MỤC VĨNH LONG

Vào ngày Lễ Đức Mẹ Mân Côi 07.10.2015, Văn phòng Báo chí Tòa Thánh loan tin Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm cha Phêrô Huỳnh Văn Hai, Phó Giám Đốc Đại Chủng Viện Thánh Quý, Cần Thơ, làm Giám mục chính toà giáo phận Vĩnh Long, Việt Nam. Nhân dịp này Thông Tấn Xã Công Giáo Vietcatholic xin được phỏng vấn ngài.

PV: Kính thưa Đức Cha, Cha Giám Đốc, Ban Biên Tập, cộng tác viên và độc giả Vietcatholic chúng con xin tạ ơn Chúa và chúc mừng Đức Cha trong sứ vụ mới. Xin Đức Cha cho chúng con biết vài cảm tưởng của Đức Cha khi nhận được tin Đức Thánh Cha bổ nhiệm Đức Cha làm Giám Mục chính tòa Vĩnh Long?

Đức Cha Phêrô: Xin cám ơn Cha Giám Đốc Vietcatholic và mọi người. Trong hơn hai năm Giáo phận Vĩnh Long trống tòa, toàn thể giáo dân trong Giáo Phận hằng cầu nguyện và xin Chúa sớm cho có một vị Giám Mục để làm chủ chăn và hôm nay nhận được tin vui từ Tòa Thánh bổ nhiệm cho Giáo Phận Vĩnh Long một tân Giám mục. Tin tức nầy đến với tôi cũng rất vui mừng nhưng cũng rất là lo lắng: vui mừng vì có một tân Giám mục, lo lắng vì tôi cảm thấy mình không xứng đáng để quán xuyến một công việc lớn lao nầy. Tôi đã cầu nguyện và suy nghĩ trong lòng vì Giáo phận Vĩnh Long thì tôi chấp nhận và nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Maria, và các Thánh cầu xin Chúa giúp đỡ tôi.

PV: Giáo phận Vĩnh Long bao gồm địa giới bốn tỉnh miền Tây sông nước, xin Đức Cha cho chúng con biết đôi điều Đức Cha bận tâm về vấn đề mục vụ và truyền giáo.

Đức Cha Phêrô: Nhờ Ơn Chúa Quan phòng, anh em chúng tôi Giáo Phận Vĩnh Long có những bận tâm đến vấn đề mục vụ và truyền giáo. Nhiều mối bận tâm: Thiếu nhi, Giới trẻ, Sinh viên, Gia đình, Ơn gọi, Truyền giáo..vv.. Mỗi giới đều có một dự hướng sinh hoạt để giữ vững đức tin và sống đức tin. Riêng vấn đề truyền giáo. Giáo phận Vĩnh Long là một Giáo phận cần thúc đẩy việc truyền giáo, vì trong Giáo phận có rất nhiều tôn giáo khác, người Khơ Me hiện diện, còn rất nhiều người chưa biết đến Chúa và dĩ nhiên chưa biết đến Tin mừng. Mặc dù có những khó khăn của nó, nhưng tinh thần chung của Giáo phận là truyền giáo, truyền giáo bằng nhiều phương tiện khác nhau. Đặc biệt lưu ý những anh em Khơ Me. Thật rất khó để họ theo một đạo nào khác ngoài Phật giáo bởi vì Phật giáo đối với họ là trên hết; Phật giáo đã ăn sâu trong văn minh và văn hoá Khơ Me không biết là bao nhiêu ngàn năm qua. Nhưng dù vậy, Giáo phận Vĩnh Long đã cho người đi học tiếng Khơ Me, tiếp xúc với họ và nói chuyện tôn giáo với họ. Trên hướng mục vụ nầy, dưới sự quan phòng của Chúa, Giáo phận đang hy vọng rất nhiều vào tương lai.

PV: Chúng con biết Đức Cha đang là phó Giám đốc và giáo sư Đại Chủng viện, xin Đức Cha cho chúng con biết vài ưu tư của Đức Cha về ơn gọi trong xã hội ngày nay, cách riêng trong giáo phận nhà.

Đức Cha Phêrô: Nhìn chung, cả ba Giáo Phận Cần Thơ, Long Xuyên và Vĩnh Long đều có nhiều ơn gọi. Hằng năm, Đại Chủng viện Cần Thơ được mở một lớp 36 thầy. Đến giờ nầy thì con số vẫn là như thế, nhưng công việc đào tạo để thành một Linh mục đúng nghĩa, đúng theo lòng Chúa mong ước là một điều không hề dễ nếu chỉ dựa vào sức riêng của mình, phải cậy nhờ vào Ơn Chúa. Sở dĩ tôi nói như thế, vì các giai đoạn đào tạo ngày hôm nay rất là khó khăn. Khó khăn thứ nhất không có giai đoạn Tiểu chủng viện, các thầy đã sống ở bên ngoài cho đến sau đại học bị ảnh hưởng rất nhiều với lối sinh hoạt ngoài thế gian. Khó khăn thứ hai là bị ảnh hưởng khoa học kỹ thuật. Làm việc rất máy móc, máy tính thay người. Điều nầy chi phối rất nhiều về đời sống suy tư cần phải có đối với một Tu sĩ, một Linh mục của Chúa. Tạm thời kê ra những khó khăn đó thôi….Nói thế nhưng, nếu làm đúng theo Hướng dẫn đào tạo Linh mục thì các thầy cũng có thể trở thành một Linh mục tốt và thánh thiện.

Riêng Giáo Phận Vĩnh Long chúng tôi, chúng tôi có thành lập một ủy ban đặc trách về ơn gọi, từng hạt đều có cha phụ trách, cầu nguyện, vận động và gìn giữ Ơn gọi. Hằng hai tháng có một cuộc học hỏi để tìm hiểu ơn gọi, và sau cuộc thi tuyển, các tuyển sinh được đưa về những lớp tiền chủng viện sau một thời gian ba năm, số chủng sinh tiền chủng viện được gửi sang Đại Chủng Viện Thánh Quý Cần Thơ.

Các Hội Dòng Mến Thánh Giá, Hội Dòng Kitô Vua cũng theo những thể thức riêng tư để đi tìm Ơn gọi và gìn giữ Ơn gọi.

Dĩ nhiên số người, có năm thì nhiều, có năm thì ít, nhưng dù sao đi nữa, có còn hơn không, xin chọn một câu được sử dụng trong binh pháp của Tôn Tử "quí hồ tinh, bất chính hồ đa" để tự an ủi.

PV: Xin Đức Cha vui lòng chia sẻ cho độc giả Vietcatholic về hành trình ơn gọi của Đức Cha.

Đức Cha Phêrô: Sinh ngày 18-05-1954 tại xã Thạnh Phú, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre, thuộc Họ Đạo Thạnh Phú.

- Rửa tội ngày 14-08-1961 tại Họ Đạo Thạnh Phú.

- Vào Tiểu Chủng Viện Vĩnh Long ngày 01-06-1966

- Từ ngày 01-08-1973….học Đại Chủng Viện Vĩnh Long.

- Tác vụ Đọc sách ngày 08/08/1977

- Tác vụ Giúp lễ ngày 07/05/1978

- Ứng viên Phó tế ngày 13/09/1991

- Phong chức Phó tế ngày 06/01/1993 do Đức Cha Raphae Nguyễn Văn Diệp

- Được Đức Cha Giacôbê Nguyễn Văn Mầu phong chức Linh mục ngày 31-08-1994 tại Nhà Thờ Chánh Tòa Vĩnh Long

- Từ ngày 08-12-1994 du học tại Học Viện Công Giáo Paris, Pháp quốc và trở về Vĩnh Long ngày 25-09-2004 với văn bằng Tiến Sĩ Triết Học.

Khoảng thời gian từ năm 1978 đến 1990 tôi về quê làm ruộng và chăn vịt. Thời gian đầy thách thức: kinh tế, xã hội, tôn giáo. Tại Họ đạo chúng tôi không có Linh mục hiện diện, phải nhờ một Linh mục khác ở xa đến dâng lễ, cả năm mới có một lễ. Anh em chúng tôi mạnh ai nấy lo cho phần rỗi linh hồn của mình. Nhưng nhờ Ơn Chúa, năm 1990 tôi trở lại Chủng viện, ôn tập các môn triết học và thần học và sau đó tiếp tục con đường ơn gọi của mình. Cám ơn Chúa đã gìn giữ tôi.

PV: Xin Đức Cha cho độc giả biết về khẩu hiệu và biểu tượng huy hiệu Giám mục của Đức Cha và xin Đức Cha giải thích ý nghĩa của khẩu hiệu, huy hiệu ấy.

Đức Cha Phêrô: Qua cuộc hội ý của ban tư vấn Giáo Phận và qua những ngày suy nghĩ trước đó, tôi chọn câu Luca 5, 4: “Duc in altum, et laxate…” “Hãy ra khơi và thả lưới…”. Câu nầy có hai vế liên quan rất nhiều đến việc truyền giáo và động lực truyền giáo. Về thứ nhất “Hãy ra khơi” (Ra chỗ nước sâu) diễn ý ở vùng đồng bằng sông Cửu long có rất nhiều tôn giáo khác, người Khơ Me hiện diện và còn rất nhiều vùng sâu và xa không có một dấu vết gì về Kitô giáo, không hề nghe được chữ Giêsu Kitô; Ra chỗ nước sâu là đi vào sự nguy hiểm theo kinh nghiệm đánh cá; Nhưng ra chỗ nước sâu lại có nhiều cá để đánh bắt. Đến vế thứ hai “Thả lưới…” muốn nói lên rằng khi đi ra chỗ nước sâu thì còn phải làm việc nữa, làm việc vất vả, chớ không thì uổng công, cho nên cần có sự hy sinh, thức đêm thức ngày và nhờ thế mới mong được kết quả … “hầu như rách cả lưới”…Ngoài ra, trong biểu tượng huy hiệu có hình chim bồ câu và con thuyền với ý nghĩa là sự dìu dắt của Chúa Thánh Thần sẽ hướng dẫn con thuyền Giáo phận thu được nhiều cá và cập bến bình an. Đó là những ý tưởng của tôi. Xin chào.

PV: Chúng con xin cám ơn Đức Cha và cầu chúc Đức Cha và Giáo phận tràn đầy ơn Chúa trong sứ vụ mới. Xin Đức Cha chúc lành cho chúng con.

Gioan Lê Quang Vinh thực hiện
 
Họp mặt linh thao Tây Bắc Đức Quốc lần thứ 9
Trầm Hương Thơ
18:24 12/10/2015
HỌP MẶT LINH THAO TÂY BẮC ĐỨC QUỐC LẦN THỨ 9

Tiết trời đã bước vào thu

Tìm về Raesfeld nắng ru hài hòa

Cha con họp mặt khoan thai

Tâm tình cảm tạ theo Ngài vui tươi.

Đây là lần thứ hai chúng tôi trở về họp mặt nơi đây một ngôi làng nhỏ nhắn nhưng xinh đẹp với nhiều di tích cổ nơi miền Tây Bắc Đức này. Rời xa lộ 31 ra ngã Raesfeld chạy thẳng 7Km là đến nơi, hai bên đường với những cánh đồng thơ mộng, đặc biệt con đường này trồng rất nhiều những hàng cây sồi già che phủ bóng mát trong mùa hè, lọc khí và cũng là để cản bớt gió khi có giông bão. Chúng tôi đến đây với thật nhiều tâm tình mến yêu theo bước chân Linh Thao của con đường thánh tổ Inhaxiô.

10h30 Thánh lễ khai mạc anh trưởng nhóm với đôi lời chào mừng cha Dr. Phêrô Nguyễn Trọng Qúy linh hướng và anh chị em. Cha Linh hướng có đôi lời ngỏ và xin ơn Chúa Thánh Thần xuống trên nhóm để có một ngày hội tốt đẹp trong sự học hỏi, chia sẽ Lời Chúa trong tình yêu thương và tương trợ cho nhau.

Chủ đề cho cả ngày hôm nay là bài Phúc Âm :

Mc 10, 17-27 "Ngươi hãy đi bán tất cả gia tài rồi đến theo Ta".

Cha Linh hướng đọc xong đoạn Tin Mừng trên và gợi ý cho anh chị em chúng tôi suy tư và tìm hiểu, sau đó thì mọi người đều chia sẻ những gì mình đã cảm nhận từ Lời Chúa qua cuộc sống bấy lâu nay, hoặc ơn Ngài đã đánh động cho ta những gì mới vừa xong? Những chia sẽ trong một giờ hình như qúa ít ỏi cho đoạn Tin Mừng rất tuyệt vời này.

11h45 thánh lễ bắt đầu sau hai bài đọc và bài Phúc Âm được cha Linh hướng khai triển một cách rất tuyệt vời câu:

"Ngươi chỉ thiếu một điều, là ngươi hãy đi bán tất cả gia tài, đem bố thí cho người nghèo khó và ngươi sẽ có một kho báu trên trời, rồi đến theo Ta". Nhưng người ấy nghe những lời đó, thì sụ nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải".

Sự thật là chúng ta không muốn mất đi những gì mình có... Nhưng mà rất nhiều tấm gương đã dám cho đi tất cả như mẹ Têrêsa Calcuta, như Đức Hồng Y PX. Nguyễn Văn Thuận v.v... và tất cả những người đó đều là những người thánh thiện cả. Khi mình đủ cam đảm để cho đi cái gì mà Chúa đã ban cho mình thì Ngài sẽ thưởng cho ta gấp bội. Chúng ta nhờ Ngài ban mà mới làm ra được của cải, và khi thân xác chúng ta chết sẽ không thể mang theo được những thứ đó bởi nó thuộc về thế gian này thì chúng ta phải buông bỏ lại trên thế gian này mà thôi.

Kết luận: Chính Ngài cũng đã làm ra chúng ta và Ngài đặt ta trên thế gian này, nên chúng ta cũng thuộc về Ngài tức là chúng ta cũng là tài sản của Ngài vậy. Thiên Chúa cũng không muốn để mất đi từng linh hồn chúng ta đâu. Chúng ta hãy suy nghĩ và xét mình cho đúng và nên học hỏi biết phân biệt thần loại, xấu, tốt để đi đúng những con đường trở về với Ngài, đó mới là cùng đích cuộc đời của chúng ta.

Những lời nguyện bộc phát rất tuyệt vời! trong tâm tình con cái dâng lên Cha trên trời. Mọi người đều có những tâm tình để liên kết với Ngài thật là một thánh lễ cao cả và đẹp vô cùng.

Bữa cơm thân tình cùng nhau mỗi người mang đến góp một món trở thành rất phong phú và đa dạng. Trò truyện rôm rả và vui tươi. Hôm nay thời tiết rất đẹp nên mọi người nhắc nhau ăn mau mau rồi còn thu dọn để đi đường Emmaus va nhặt hạt dẻ, vì tháng này đang còn là đại mùa mà nơi đây lại có khá nhiều loại hạt này.

Ra đến nơi là mọi người vui tươi ra mặt vì hôm nay bầu trời rất đẹp nên vừa nhặt hạt dẻ và dzừa dzui dzẻ.

Sau lưng là một hàng cây hạt dẻ và mỗi người đã lượm được kha khá rồi nhưng một số không muốn ngưng, nhưng vì thời gian có hạn nên đành phải ra đi tham quan lâu đài nước (Wasserschloss) Đã buộc phải chọn lựa một thế mà có người vẫn muốn được cả hai.

Ra đến Lâu đài nước là 15h nên cha linh hướng và mọi người quây quần đọc kinh kính "Lòng Chúa Thương Xót" sau đó mới bắt đầu đi tham quan. Đây là một lâu đài không qúa lớn nhưng mà khá đẹp và có chiều dài lịch sử từ thế kỷ thứ 12. trong quần thể này có một nhà nguyện cũng được xây từ thế kỷ thứ 17.

Vì là lần đầu tiên tới đây nên chúng tôi cũng chưa biết rõ cách tham quan, thay vì có người hướng dẫn đi từ những vòng ngoài vào trong thì chúng tôi lại đi thẳng vào trong trước. Sau khi quan sát lại thì tôi thấy lâu đài này được xây cách khá đặc biệt. Nếu muốn vào được lâu đài này thì chúng ta phải đi qua 3 cây cầu tức là có tới 3 chiến hào thì mới vào được tới nơi. Chắc có lẽ ngày xưa người ta làm như thế là để phòng thủ quân địch đánh vào.

Chúng tôi vừa tham quan vừa tranh thủ chụp một số hình để lưu niệm. Thật là một kỷ niệm rất đẹp cho một ngày được cả phần hồn lẫn phần xác. Vì thời gian có hạn nên chúng tôi buộc phải trở lại nhà vào lúc 16h30 để họp tiếp. cùng nhau nhìn lại để rút ưu khuyết điểm và những đề nghị cho lần sau. Chương trình lần tới sẽ là tại nhà cha Linh hướng vào đầu năm 2016 tại thành phố Herne.

Sau khi mọi sự đã hoàn tất vào lúc 17h30 chúng tôi cùng tạ ơn Chúa và hát lên bài "Ca Hiệp Nhất" cha Linh hướng ban phép lành như một hình thức sai đi vào đời sống để làm chứng tá cho Ngài sau một ngày tĩnh tâm sinh hoạt thật tràn đầy ý nghĩa và đẹp tươi.

Tôi lái xe trở về nhà trong hân hoan và tạ ơn Chúa đã ban cho một ngày thật tràn đầy ý nghĩa tươi đẹp cho cuộc sống này. Hôm nay có lẽ là ngày nắng đẹp nhất của mùa thu 2015 này.

Trầm Hương Thơ

12.10.2015
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Linh mục Đặng Đức Tuấn có phải là tác giả bài hịch Sát Tả Bình Tây?
Nguyễn Văn Nghệ
07:03 12/10/2015
Linh mục Đặng Đức Tuấn có phải là tác giả bài hịch Sát Tả Bình Tây?

Bài viết “ Đất và người Bình Định với chữ Quốc ngữ” của tác giả Nguyễn Thanh Quang đang công tác tại Sở VHTT&TT Bình Định đăng trên trang 65 Tạp chí Xưa & Nay số 461 tháng 7 năm 2015 có viết về Linh mục Đặng Đức Tuấn, người đã theo phái bộ Phan Thanh Giản vào Sài Gòn thương thuyết với thực dân Pháp để xin chuộc lại 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ: “Với các tác phẩm bàn về kế sách đánh giặc Pháp: Hoành mao hiến bình Tây sách, Sát Tả bình Tây hịch, Minh đạo bình Tây sách…Đặng Đức Tuấn có nhiều đóng góp cho văn học nước nhà và để lại những tác phẩm giá trị bằng chữ Hán, chữ Nôm, chữ Quốc ngữ”.

Trước đó cũng trên tạp chí Xưa & Nay số 455 tháng 1 năm 2015 từ trang 30-31 có bài viết “ Đặng Đức Tuấn một trí thức Công Giáo yêu nước tiêu biểu” cũng của tác giả Nguyễn Thanh Quang, tác giả đã trích dẫn Thông báo Hán Nôm học năm 2003 (tr. 210-222),của hai tác giả Vũ Thu Hà – Phạm Ngọc Quỳnh (Viện Nghiên cứu Tôn giáo) viết: Lm. Đặng Đức Tuấn (1806-1874) là một trí thức Công Giáo tiêu biểu thời cận hiện đại. Đặng Đức Tuấn trước tác rất nhiều, được các bậc thức giả thời bấy giờ coi ông là người có kiến văn, là một trang quốc sĩ… Bên những tác phẩm như Nguyên đạo, Minh đạo là những tác phẩm trình bày bản chất, giáo lí đạo Công Giáo nhằm giải tỏa những sự ngộ nhận, hiểu lầm của các nhà Nho đối với đạo, là những sách bàn về kế sách đánh giặc như: Hoành mao hiến bình Tây sách, sát tả bình Tây hịch, Minh đạo bình Tây sách… Ngoài ra, Đặng Đức Tuấn còn để lại nhiều bài thơ văn chữ Hán, Nôm liên quan đến vấn đề quốc sử và giáo sử...”

Tác giả Nguyễn Thanh Quang lại tiếp tục dẫn chứng từ bài viết: “ Sự thống nhất giữa “kính Chúa” và “yêu nước” trong tư tưởng Đặng Đức Tuấn” (Tạp chí Triết Học số 2[112] tháng 4-2000, tr.29-32), Đỗ Lan Hiền (Viện Triết học) nhận xét về Linh mục Đặng Đức Tuấn : “ Ở Đặng Đức Tuấn tư tưởng “Minh Đạo” đi liền với “Bảo Quốc”. Những tư tưởng của ông về “nội trị” và “ngoại trị” chiếm khá nhiều trong tư tưởng của ông. Theo ông, để trị quốc, trước hết, “Việc chính trị sự sắp xếp phải an hòa” (Minh đạo bình Tây sách”. Muốn an hòa, phải bỏ việc cấm đạo và tàn sát đạo để tạo nên cái thế “đánh Tây tám cõi đều ưng” (sát tả bình Tây hịch)”.

Câu “đánh Tây tám cõi đều ưng” thuộc liên thứ 20 trong bài hịch Sát Tả bình Tây bằng chữ Nôm: “Vả sức cọp trăm người khôn địch, phận hiếu nhi còn xá nhứt sanh/ Huống đánh Tây tám cõi đều ưng, lòng nghĩa sĩ chi từ vạn tử”.

Như vậy theo các tác giả trên ,Linh mục Đặng Đức Tuấn chính là tác giả của bài hịch Sát Tả bình Tây.

Sát Tả bình Tây là gì?

Sát Tả là giết người theo Tả đạo. Tả đạo là từ ám chỉ những người dân Việt theo đạo Công Giáo. Bình Tây là dẹp giặc Tây dương. Tây dương là thực dân Pháp.

Trước năm 1870 triều đình gọi những người theo đạo Công Giáo là “Tả đạo” hoặc “Dửu dân”. Đó là hai từ miệt thị , nên “ Giám mục Đông (nguyên ở Hà Nội giảng đạo), Giám mục Hậu, Giám mục Bình đệ đơn đến Bộ Lễ đổi bốn chữ “Tả đạo”, “dửu dân”. Bộ Lễ cho là triều đình thương dân như một, vốn không có phân biệt, phàm kính làm sổ sách, hoặc khi có giấy tờ, cho đổi viết là “giáo dân”, dùng để cho nhớ mà thôi. Vua y cho” (Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tập 7, Nxb. Giáo dục, tr. 1149). Bên dưới trang sách có 2 chú thích: (1) Tả đạo : đạo bất chính, tà đạo, trái với đạo chính; (2) Dửu dân: chữ “dửu” nghĩa đen là cây cỏ lồng vực, giống cây mọc xen trong khóm lúa làm hại lúa. Nghĩa bóng là xấu; tập nhiễm thói xấu, thói ác gọi là “dửu”; dân tục thiện gọi là “lương”, ác gọi là “dửu”. Thời Tự Đức dùng chữ “dửu” này chỉ bên giáo.

Năm 1858 khi thực dân Pháp bắt đầu xâm chiếm nước ta, vua Tự Đức ban hành lệnh Phân sáp, chia lìa những người trong cùng một gia đình Công Giáo đem ghép vào các gia đình ở các xã thôn không theo Công Giáo để tiện quản thúc. Trên má trái của người bị phân sáp thích hai chữ “ Tả đạo” để mọi người dễ nhận biết. Thực dân Pháp mượn chiêu bài “giảng đạo tự do” là cốt để ly gián người Công Giáo Việt Nam với triều đình.Chúng gieo sự bất hòa trong nội bộ dân tộc ta để chúng dễ bề trục lợi.Triều đình nhà Nguyễn đã lọt vào kế ly gián của thực dân. Giáo dân Việt Nam không hề can dự vào âm mưu xâm lược của thực dân Pháp nhưng bị triều đình nhà Nguyễn nghi ngờ là những phần tử phản quốc, làm tay sai , ám thông cho thực dân Pháp. Nỗi nghi ngờ ấy được khắc sâu trong tâm khảm tầng lớp lãnh đạo và sĩ phu trong một thời gian khá lâu của lịch sử dân tộc Việt Nam. Phong trào Cần vương cũng không thoát khỏi não trạng ấy nên đã đưa ra khẩu hiệu : Tiên sát Tả, hậu bình Tây (Việc trước tiên giết hết bọn Tả đạo (Công Giáo), sau đó mới đánh đuổi Tây dương). Hịch “Sát tả bình Tây” ra đời trên cơ sở ấy.

Hịch Sát Tả bình Tây

Có hai bài hịch Sát Tả bình Tây: một bản bằng chữ Hán và một bản bằng chữ Nôm.

Bài Sát Tả bình Tây hịch bằng chữ Hán có tất cả 29 liên. Liên mở đầu: “ Cái văn: Thệ đồng cừu nhi bào trạch, ngô nho địch khái chi hùng phong/ Tạm đầu bút nhi nhung hiên, quân tử dụng quyền nhi năng sự” ( Thường nghe: Chung áo xiêm đuổi giặc an dân, trang quân tử vốn sôi lòng quyết chiến/ Xếp nghiên bút ra tài cứu nước, bạn nho lưu đà quyết chí tranh cường – Giáo sư Lam Giang Nguyễn Quang Trứ dịch).

Tác giả bài hịch đã có cái nhìn về người Công Giáo không chút thiện cảm: “ Thẩn tư Da tô du nhập ngã quốc : Ngữ kỳ thuật tắc xưng thiên xưng thánh, lung cổ ngu manh/ Quan kỳ hành tắc vô phụ, vô quân, khuyển dương tộc loại” (Kể từ lúc đạo Da tô lẻn vào đất Việt: Xét trí thuật xưng Trời, xưng Thánh, lừa bọn đui ngu/Xem hành vi bỏ nước, bỏ cha, cùng loài dê chó). Nghi kỵ giáo dân Công Giáo là tay sai dẫn đường cho giặc xâm lược để hại giống nòi: “Hồ mạo hổ oai, dẫn chiên cừu vu quốc ấp/ Kê thê phụng tập, nhập xú loại vu môn đình/ Phụ khuyển mẫu phệ chi phong, tự khoa binh giáo/ Chúa Trời, Chi thu chi thuyết, phục uế thính văn” (Cáo mượn oai hùm, dẫn thù nghịch tanh hôi giày đất nước/ Gà leo nhánh phụng, dắt man di tàn ác hại quê nhà/ Cắn càn, cắn bậy khoe binh giáo viễn dương/Tin nhảm, tin xằng, bịa đặt Chúa Trời tây vực); “ Sử Tây tặc vô môn khả nhập/ Tắc dương di hà xứ đắc lai?” (Nếu Tây di không kẻ dắt vào/ Thì Mọi biển tài gì đến được?)

Bài Sát Tả bình Tây hịch bằng chữ Nôm có tất cả 48 liên . Liên mở đầu bài hịch: “ Tưởng thuở thái bình tại võ, bề khuôn tương để mặc khách thiên chung/ Đến nay Di Địch loạn Hoa, lòng tiết nghĩa phải xướng lời lục quán”. Nội dung bài hịch cũng có cái nhìn người theo Công Giáo là nội ứng cho thực dân Pháp: “ Giận Tây Di đem thói cữu Châu/ Ghét Tả đạo tìm mưu trợ Kiệt/ Vả Tả đạo cưu nhờ tổ thước, ơn chưa đền chấu lại chống xe/ Mà Tây Di cáo giả oai hùm, lớn chi lắm rắn toan nuốt tượng”.Để bảo vệ Nho giáo cần phải sát Tả bình Tây: “ Nếu để Tây Di đắc chánh thời Ngũ kinh chi khỏi lửa Tần/ Bằng cho Tả đạo trưởng dân, ắt Thập ác lại treo cửa Khổng!”

Ai là tác giả hai bài hịch sát Tả bình Tây?

Khi bị đưa ra chất vấn ở Bộ Binh, Linh mục Đặng Đức Tuấn đã phân tích rõ bản chất của đạo Công Giáo và bọn thực dân để triều đình khỏi lọt vào kế ly gián của thực dân mong thoát khỏi cảnh nồi da xáo thịt: “ Như giặc bởi nước Rô ma/ Thì tôi cam chịu đạo qua quấy rầy/ Vốn nay chẳng phải làm vầy/ Lang sa nước khác đến gây chiến trường/ Giặc này tôi chẳng biết tường/ Nhưng mà ước cũng tìm đường lợi danh/ Vậy nên gây cuộc chiến tranh/ Nếu đi giảng đạo hoành hành sao nên?/ Xin suy lấy việc năm trên/ Đạo mà nội ứng với tàu Lang sa/ Thì khi tàu ấy mới qua/ Kéo nhau bỏ xứ chạy hòa theo Tây/Bởi đạo không có lòng này/ Đâu đó bình tĩnh xưa nay như thường/Phụng công, thủ pháp mọi đường/ Binh thuế như chúng, kiều lương như người/ Không lòng mạn phép dể ngươi/Không làm trộm cướp, không lời khinh khi/Đạo chẳng dám xuất, bỏ đi/ Là trọng Thiên Chúa , đâu vì Lang sa/ Triều đình là lượng mẹ cha/Bắt bớ thời chịu , thứ tha thời nhờ”. Người Công Giáo Việt Nam thời bấy giờ ước ao: “Phải mà trên xuống chiếu ban/ Truyền cho bổn đạo tùng đoàn cự Tây/ Cam lòng liều thác bỏ thây/Ơn vua trả đặng lòng này mới ưng/ Kẻo rằng: trở mặt, sấp lưng/ Ở trong vương thổ trông chừng Tây dương”. Trong bài Minh đạo bình Tây sách dâng lên vua, Linh mục Đặng Đức Tuấn viết: “ Chí nhược Phú lãng sa tứ bạo xâm lăng, tức sắc lệnh cai đạo nhân vị quốc lập hiệu. Hữu công giả thưởng, hữu dị tâm giả tru kỳ tộc, cai đạo nhân tuy phấn cốt toái thân, diệc đồ báo nhi bất nhị kỳ tâm. Năng giả hiếu kỳ năng, dũng giả hiếu kỳ lực, tất trí bình Dương tặc nhi hậu dĩ” (Đến như việc giặc Pháp xâm lấn bờ cõi thì nhà vua sắc lệnh cho lũ người theo đạo Da tô phải vì nước lập công. Ai có công thì thưởng, đứa nào có lòng bất trung thì giết cả họ nó đi. Lũ theo đạo kia dầu xương nát thịt tan, quyết cũng giữ tấm lòng trung kiên báo đền ơn nước. kẻ có tài năng thì hiến dâng tài năng, kẻ có sức mạnh thì hiến dâng sức mạnh, tất phải cố gắng đến chừng nào đánh tan bọn giặc Biển mới thôi- Giáo sư Lam Giang Nguyễn Quang Trứ dịch)

Những lời tâm huyết của Linh mục Đặng Đức Tuấn đâu có được giới sĩ phu chấp nhận. Nội dung của hai bài hịch Sát Tả bình Tây đều bôi nhọ đạo Công Giáo và kết tội giáo dân Việt Nam là tay sai làm nội ứng cho thực dân Pháp cho nên cần phải giết sạch giáo dân Công Giáo mới mong đánh đuổi giặc Pháp được! Nếu khẳng định như các tác giả Nguyễn Thanh Quang, Đỗ Lan Hiền, Vũ Thu Hà, Phạm Ngọc Quỳnh chính Linh mục Đặng Đức Tuấn là tác giả bài Sát Tả bình Tây hịch thì thật là ấu trĩ. Chẳng lẽ Linh mục Đặng Đức Tuấn viết bài hịch kêu gọi mọi người đứng lên giết người đồng đạo vô tội của mình?

Theo Việt Nam sử lược của cụ Trần Trọng Kim : “ Tháng giêng năm Giáp Tuất (1874) là năm Tự Đức thứ 27, đất Nghệ An có hai người Tú tài là Trần Tấn và Đặng Như Mai hội tập tất cả Văn thân trong hạt, rồi làm một bài hịch gọi là “Sát tả bình Tây” đại lược nói rằng: “ Triều đình dẫu hòa với Tây mặc lòng, sĩ phu nước Nam vẫn không chịu, vậy trước nhất xin giết hết giáo dân, rồi sau đánh đuổi người Tây cho hết, để giữ lại cái văn hóa của ta đã hơn 1000 năm nay,v.v”. Bọn Văn thân cả thảy độ non 3000 người, kéo nhau đi đốt phá những làng có đạo”( Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, Nxb Văn hóa Thông tin,1999, tr. 549). Bài Sát Tả bình Tây hịch được cụ Trần Trọng Kim nhắc đến chính là bài hịch bằng chữ Hán; bài Sát Tả bình Tây hịch bằng chữ Nôm hiện chưa biết ai là tác giả và có nơi gọi là Sát Tả bình Tây Quảng Nam văn thân hịch.

Nếu nói tác giả Minh đạo bình Tây sách hoặc Hoành mao hiến bình Tây sách là Linh mục Đặng Đức Tuấn thì không ai phản đối, còn nếu ai đó cho dù có học vị cao, làm việc ở Viện này, Viện nọ mà khẳng định tác giả Sát Tả bình Tây hịch là Linh mục Đặng Đức Tuấn thì đó là người nghiên cứu còn hời hợt. Rất tiếc là những bài viết gán ghép cho Linh mục Đặng Đức Tuấn là tác giả bài hịch Sát Tả bình Tây của các tác giả được nêu trên lại được đăng tải trên những Tạp chí có uy tín đã gây nên một sự hiểu nhầm trầm trọng cho nhiều độc giả.

Nguyễn Văn Nghệ

Tổ dân phố Phú Lộc Tây 1, Thị trấn Diên Khánh- Khánh Hòa
 
Văn Hóa
Những điều kỳ thú về Thành Constantinople và Sừng Vàng
Lm Trần Công Nghị
23:42 12/10/2015
Những nơi mà tôi đã có dịp thăm viếng, tôi thích nhất là Thổ nhĩ kỳ và thành Constantinople. Lý do là vì tại đây có rất nhiều sự kiện và di tích liên quan tới lịch sử Giáo Hội Công Giáo, nhưng vì những hệ luận do thăng trầm của lịch sử, sự chia rẽ Đông Tây, sự hiềm khích và nghi ngại còn tồn tại giữa Hồi giáo và Công Giáo... nên người ta đã "chôn vùi" hay muốn "quên đi dĩ vãng" vàng son của Constantinople.



Thánh đường Sophia cũ và St. Anton

Tôi đã từng đến thăm Thổ Nhĩ Kỳ nhiều lần - có lẽ tới cả 10 lần rồi - nhưng không bao giờ chán. Vì mỗi lần có dịp về lại Roma, tôi đều mua vé máy bay chuyển tiếp ghé qua Istanbul ít ngày vì cùng tuyến đường bay.

Istanbul thật quyến rũ, kỳ bí như truyện "Một ngàn lẻ một đêm"... Có cái gì đó vừa thật vừa mơ hồ, có thể ví như muôn ngàn gia vị mà người Istanbul đang còn bầy bán tại đây.

Nó ồn ào, náo nhiệt, thách thức, nhưng lôi cuốn và dễ thương như muôn ngàn mặt hàng trong các ngõ ngách tại Bazar lớn nhất thiên hạ.

Nó kiêu sa và cũng thần bí như Vương cung Thánh đường Sophia, một thời biến thành đền Hồi giáo và nay là Bảo tàng viện quốc gia, trong đó vẫn còn ghi lại chỗ Constantin đăng quang lên làm Hoàng Đế.

Chính Hoàng đế Constantin là người đã ra sắc chỉ "tha đạo" - không bắt bớ các tín hữu Kitô nữa - và mở ra một kỉ nguyên mới với thế giới văn minh. Trên các tường và các cột nhà thờ hãy còn những bức tranh mosaique về Chúa Giêu và Đức Mẹ đã gần 2000 năm, và xen vào đó các nét hoa văn chữ của các thủ lãnh Hồi giáo cũng như đèn chầu nghi ngút khói hương.

Thời Vàng son và nôi sinh Giáo Hội Công Giáo tại Constantinople

Trong suốt chiều dài lịch sử, Istanbul đã xếp hạng trong số các thành phố lớn nhất trên thế giới. Tới năm 500 sau công nguyên, thành Constantinople đã có tới 500.000 người, vượt qua cả thành Rome bấy giờ, và khi đó là thành phố lớn nhất thế giới. Constantinople cùng với các thành phố lịch sử lớn khác, chẳng hạn như Baghdad, Trường An, Khai Phong và Merv thay đổi ngôi vị là thành phố đông dân nhất thế giới cho đến thế kỷ thứ 12.

Về phương diện tôn giáo như đã nói ở trên, trong những thế kỷ đầu của Công Giáo, Constantinople giữ một vai trò đặc biệt vì sau năm 312 đã có tới 6 Công đồng chung đầu tiên của Giáo Hội họp ở đây hay trong nước Thổ nhĩ kỳ. Những tên nghe quen tai như Êphêsô, Bargamô, Lystria, Philippinô, Nicea, v.v...

Một số các Giáo đoàn đầu tiên thánh Phaolô và Gioan tông đồ thành lập cũng ở tại Thổ nhĩ kỳ. Các thánh giáo phụ và các văn bản cổ về lịch sử Giáo Hội cũng từ đây xuất phát...

Sau khi có cuộc ly giáo giữa Chính Thống và Công Giáo vào thế kỷ thứ 13, Công Giáo không còn ảnh hưởng quan trọng nữa nhất là sau khi Hồi giáo dưới thời đế chế Ottaman chiếm thành Constantinople, nhưng Istanbul vẫn là một thành phố quốc tế nhiều ảnh hưởng trong suốt lịch sử của nó.

Thượng phụ Đại kết Constantinople

Các Thượng Phụ Constantinople đã được chỉ định là Thượng phụ Đại kết kể từ thế kỷ thứ sáu, và sau đó được coi là nhà lãnh đạo của thế giới Chính Thống giáo gồm 300 triệu người. Từ năm 1601 trở đi, Tòa Thượng phụ Đại kết đặt tại nhà thờ St. George ở Istanbul.

Từ thế kỷ 19 trở đi, các Kitô hữu ở Istanbul thường là thuộc Chính thống Hy Lạp hay là Giáo Hội Chính thống Armenia Tông Tòa. Nhưng từ cuộc trao đổi dân số vào năm 1923 giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ và tiếp sau đó là những cuộc tranh chấp bạo loạn nên dân số người Chính thống Hy Lạp đã giảm sút đáng kể. Vào đầu thế kỷ 21, dân số Hy Lạp Istanbul còn 3.000 người (giảm từ 130.000 vào năm 1923 và 260.000 theo điều tra dân số Ottoman năm 1910 tổng số 850.000).

Hiện nay có khoảng từ 50.000 đến 70.000 người Armenia sống ở Istanbul, giảm từ 164.000 vào năm 1913 một phần là do sự diệt chủng người Armenia.

Lịch sử ghi nhận là số Kitô hữu chiếm một nửa dân số của thành phố Constantinople vào năm 1910, nhưng hiện nay kể như là thành phố Hồi giáo.

Người Hồi giáo tại Istanbul

Hầu hết các nhóm thiểu số tôn giáo và dân tộc Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tập trung ở Istanbul. Đại đa số người dân trên khắp Thổ Nhĩ Kỳ, và tại Istanbul, tự coi mình là người Hồi giáo, và cụ thể hơn là các thành viên của chi nhánh Sunni của Hồi giáo. Hầu hết người Sunni theo trường phái Hồi giáo Hanafi, mặc dù khoảng 10 phần trăm của người Sunni theo trường Shafi'i. Phong trào Hồi giáo Mystic, như Sufism, đã chính thức bị cấm sau khi thành lập nước Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng họ vẫn tự hào còn có rất nhiều tín đồ.

Những địa danh quan trọng tại Istanbul

Khi thăm thành Istanbul, du khách không thể bỏ qua những nơi quan trọng như: Nhà thờ và Bảo tàng Haga Sofia, Đền thờ Hồi Blue Mosque, Cistern (một Vương cung thánh đường xưa ở dưới lòng đất và ngập nước), Grand Bazar, Tháp Galata và khu đạo phố, công trường Taksim, thăm khu thành phố mới với các cao ốc, đi một vòng du thuyền trên Vịnh Bosphorus, ăn cơm chiều trên sông hay các nhà hàng cạnh bờ sông...

Xem hình ảnh khu dạo phố và tháp Galata

Tháp Galata, công trường Taksim và khu dạo phố

Người Byzantine gọi tháp này là Megàlos Pyrgos (có nghĩa là "Great Tower" trong tiếng Hy Lạp), tháp này đã đạo binh Thập Tự Quân Roma thứ 4 phá hủy vào năm 1204. Nhưng rồi vào năm 1348, những người Genova đã lại xây dựng một tòa tháp mới gần đó mà họ gọi là Christea Turris (Tháp Kitô) và ngày nay dân chúng quen gọi là tháp Galata Tower.

Từ tháp này đi tới công trường Taksim nơi thường có những cuộc tụ tập đông đảo của sinh viên là con đường bát-phố cho khách thập phương, nơi tập trung những cửa hàng buôn bán sang trọng, các tòa đại sứ, các dinh thự cổ truyền, các tiệm ăn truyền thống, và đặc biệt gần tòa đại sứ Anh có nhà thờ Công Giáo thánh Antôn, nơi đây Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII và Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã thăm viếng. Đây là một trong các nhà thờ Công Giáo khá đồ sộ và hiếm thấy tại các quốc gia Hồi giáo. Mặt tiền nhà thờ có những bức tranh đá trạm hình Đức Mẹ, thánh Antôn, và thánh Phanxicô, ngoài ra còn có tượng Thánh giá Chúa bằng đồng tân kỳ, và đặc biệt tượng Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II trên tay đang thả một chim bồ câu.

Bên trong nhà thờ với không gian trang nghiêm, trong sáng và thoáng rộng khác với các nhà thờ Chính thống thường rất tối và rất nhiều các ảnh tượng và lồng đèn.

Tại sao gọi là Sừng Vàng hay The Golden Horn

The Golden Horn (Hy lạp gọi là Χρυσόκερας, Khrysókeras, Latin là Chrysoceras), còn được gọi theo tên Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại là Halic, một thủy đô thị lớn và cửa chính của Bosphorus ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ.

Đáng chú ý là đảo giống hình cái liềm và sông quanh co, vòng sông nổi bật trông giống như hình cái sừng. Ở eo biển Bosphorus nơi giáp giới với biển Marmara, do đó tạo thành một bán đảo cô lập hẹp, mũi của nó chính là thành "Istanbul cổ" (hay cổ thành Byzantion hoặc là thành Constantinople).

The Golden Horn là cửa của sông Alibeyköy và Kağıthane dài 7.5 km và chỗ rộng nhất là 750 mét, và độ sâu nhất nơi nó chảy vào Bosphorus là khoảng 35 mét.

The Golden Horn với địa lý ngăn cách đặc biệt tạo thành một bến cảng được che chở tự nhiên do đó mà qua dòng lịch sử hàng ngàn năm nó đã bảo vệ trước những cuộc tấn công của Hy Lạp, La Mã, Byzantine, Ottoman.

Trong suốt qua tầng của mình, Sừng Vàng đã chứng kiến nhiều sự cố lịch sử đầy biến động, và cảnh sắc nơi đây đã là chủ đề của vô số tác phẩm nghệ thuật.

Hiện nay, Sừng Vàng được mở rộng ra bởi năm cầu. Di chuyển từ thượng lưu đến hạ lưu, đây là như sau:

Cầu Halic, hoàn thành vào năm 1974, kết nối các khu vực lân cận của Sütlüce và Defterdar.
Cầu Galata được sử dụng để kết nối các khu dân cư hạ lưu của Karaköy và Eminönü.
Cầu Atatürk hay còn có tên là Unkapanı Bridge, hoàn thành vào năm 1940 nối Kasımpaşa và Unkapanı.
Cầu Golden Horn có đường rầy metro mới hoàn thành vào năm 2014.
Cầu thứ năm là hóa thân cầu Galata mới hoàn thành vào năm 1994, chạy giữa Karaköy và Eminönü.

Hồ sơ khảo cổ học cho thấy có dân cư hiện diện đáng kể xung quanh Sừng Vàng ít nhất là từ thế kỷ 7 trước Công Nguyên.

Thật vậy, các bến cảng nước sâu tự nhiên tại Istanbul luôn luôn là một điểm thu hút lớn về kinh tế và lợi thế quân sự chiến lược cho các cư dân của khu vực, do đó các đế quốc thực dân Roma đã tới và "Tân Roma - Nova Roma" tại đây, tiếp đến là đế quốc Byzantium, rồi Constantinople , và Ottaman.

Đế quốc Byzantine đặt trụ sở hải quân của mình nơi đây và đã xây các bức tường dọc theo bờ biển để bảo vệ thành phố. Tại lối vào cửa sông ở phía bắc, họ đã làm một chuỗi giây xích bằng sắt lớn kéo qua từ thành Constantinople cổ qua sống tới tháp cũ Galata để ngăn chặn không cho các tầu bè di chuyển vào thánh.

Đã có ba lần các xích này đã bị phá vỡ. Vào thế kỷ thứ 10 quân Kievan Rus dùng tầu dài longships của họ kéo văng giây xích; quân Byzantine dùng lửa phá vỡ xích; và năm 1204, trong lần Thập Tự Chinh thứ 4 thứ tư, tàu người Venetian đã có thể phá vỡ các chuỗi với các đòn bẩy lớn.

Sau cuộc chinh phục Constantinople vào năm 1453, Mehmed II tái định cư người Hy Lạp tại khu Phanar (Fener ngày nay). Còn khu Balat tiếp tục cho người gốc Do Thái ở như vào thời kỳ Byzantine cai trị, mặc dù vậy nhiều người Do Thái đã quyết định rời khỏi thành phố. Rồi khi người Do Thái bị trục xuất khỏi Tây Ban Nha trong thời kỳ bách hại thì vua Bayezid II đã mời họ đến định cư tại khu Balat.

Lịch sử phong phú của Sừng Vàng và vẻ đẹp tự nhiên làm nơi này thành điểm thu hút du lịch rất phổ biến ở Istanbul, mà hằng năm có tới trên 10 triệu du khách quốc tế tới viếng thăm.

 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Đường Vào Thu
Lê Trị
20:52 12/10/2015
ĐƯỜNG VÀO THU
Ảnh của Lê Trị
Thế là Thu đã chớm sang
Trên cành lá biếc trổ vàng bâng khuâng...
Thu đi - Thu đến mấy lần
Ta ngồi đếm lá tần ngần nhớ ai...
(Trích thơ của Sao Mai)
 
VietCatholic TV
Suy Niệm với Đức Thánh Cha Phanxicô 01/10 – 07/10/2015: Câu chuyện Một người đàn bà “rất đàn bà”
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
21:23 12/10/2015
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Hãy kính mến và lắng nghe Thiên Thần Hộ Thủ

Thiên Chúa ban cho tất cả mỗi người chúng ta một Thiên Thần Hộ Thủ để đồng hành cùng chúng ta trong cuộc lữ hành trần thế để khuyên nhủ và bảo vệ chúng ta. Chúng ta nên lắng nghe với sự nhu mì và kính trọng. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Sáu 02 tháng Mười, lễ Thiên Thần Hộ Thủ, tại nhà nguyện Santa Marta.

Bài giảng của Đức Thánh Cha trình bày những suy niệm về sự hiện diện của Thiên Chúa trong đời sống chúng ta, và mô tả các thiên thần là đại sứ của Thiên Chúa, là Đấng đồng hành với mỗi người chúng ta. Đức Thánh Cha đã chứng minh điều này khi nhắc lại những gì xảy ra khi Chúa đuổi ông A dong ra khỏi vườn địa đàng: Ngài không để ông A dong bơ vơ một mình cũng chẳng nói với ông: “Hãy tự lo cho bản thân ngươi đi”, nhưng Chúa ban cho tất cả mọi người một Thiên Thần Hộ Thủ của Thiên Chúa, là Đấng đang ở bên cạnh chúng ta.

Đại sứ của Thiên Chúa bên cạnh chúng ta

“Vị ấy luôn ở với chúng ta! Và đây là một thực tế. Giống như có đại sứ của Thiên Chúa ở với chúng ta. Và Chúa khuyên chúng ta: ‘Hãy tôn trọng sự hiện diện của ngài!’ Chẳng hạn, khi chúng ta phạm một tội lỗi, chúng ta tin rằng chúng ta chỉ có một mình, không ai biết, chẳng ai hay. Không, ngài đang ở đó. Hãy tôn trọng sự hiện diện của ngài. Hãy lắng nghe tiếng nói của ngài vì ngài cho chúng ta lời khuyên. Khi chúng ta nghe những lời dụ dỗ: ‘Nhưng hãy cứ làm điều này đi... điều này là tốt hơn.. .’ chúng ta đừng làm điều đó nhưng hãy lắng nghe tiếng nói của Thiên Thần Hộ Thủ! Đừng chống lại ngài.”

Đức Thánh Cha Phanxicô nói các Thiên Thần Hộ Thủ luôn luôn bảo vệ chúng ta, đặc biệt khỏi các tội lỗi. Ngài lưu ý rằng “Đôi khi, chúng ta tin rằng chúng ta có thể che dấu rất nhiều điều xấu xa nhưng cuối cùng những điều như thế vẫn bị đưa ra trước ánh sáng. Thiên Thần hiện diện mọi nơi để nhủ bảo chúng ta và che chở cho chúng ta như một người bạn thân thiết. Một người bạn chúng ta không nhìn thấy nhưng chúng ta có thể nghe được tiếng nói của ngài vang lên trong thẳm sâu tâm hồn chúng ta, một người bạn một ngày kia sẽ ở cùng chúng ta trong niềm vui vĩnh cửu của Thiên Đàng.”

Tôn trọng và lắng nghe ngài

“Tất cả điều ngài đòi hỏi nơi chúng ta là lắng nghe và tôn trọng ngài. Tất cả chỉ tóm gọn trong sự tôn trọng và lắng nghe ngài. Sự tôn trọng và lắng nghe người bạn đồng hành này trong cuộc hành trình của chúng ta được gọi là sự nhu mì. Các Kitô hữu phải nhu mì trước Chúa Thánh Thần. Nhu mì hướng về Chúa Thánh Thần bắt đầu với sự tuân phục những lời khuyên của ngài trong cuộc hành trình của chúng ta”

Đức Thánh Cha giải thích thêm rằng để nhu mì, chúng ta cần phải trở nên như trẻ thơ và Thiên Thần Hộ Thủ của chúng ta là một người bạn đồng hành dạy ta sự khiêm nhường này và cũng giống như các trẻ thơ chúng ta vâng nghe lời ngài.

“Xin cho chúng ta biết cầu xin cùng Chúa cho ân sủng của sự nhu mì này, để lắng nghe tiếng nói của người bạn đồng hành này, tiếng nói của vị đại sứ của Thiên Chúa, là Đấng đồng hành với chúng ta nhân danh Ngài và xin cho chúng ta có thể được nâng đỡ bởi sự trợ giúp của Thiên Thần Hộ Thủ. Chúng ta phải tiến tới trong cuộc hành trình. Và trong Thánh Lễ này, nơi chúng ta ca ngợi Chúa, chúng ta hãy nhớ Thiên Chúa tốt lành dường bao, ngay sau khi chúng ta đánh mất tình bạn với Ngài, Thiên Chúa không để chúng ta bơ vơ lạc lõng. Ngài không bỏ rơi chúng ta.”

2. Đừng để lòng khao khát Thiên Chúa tàn lụi trong lòng chúng ta

Niềm vui nơi Thiên Chúa là sức mạnh của chúng ta, và trong Ngài, chúng ta khám phá ra chúng ta thực sự là ai. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Năm 1 tháng Mười, lễ Thánh Têrêxa thành Lisieux, tại nhà nguyện Santa Marta. Đức Thánh Cha đặc biệt nhấn mạnh sự cần thiết phải nuôi dưỡng nỗi nhớ, hay lòng khao khát Thiên Chúa trong đời sống Kitô hữu.

Dựa trên bài đọc thứ nhất, trích từ Sách Tiên Tri Nơ-khe-mi-a, Đức Thánh Cha Phanxicô phân tích tâm trạng người Do Thái, người, sau nhiều năm dài sống lưu vong, cuối cùng đã trở về được Giêrusalem. Ngài nhắc lại rằng, trong những năm lưu đày tại Babylon, người Do Thái luôn nhớ đến quê hương của họ. Sau nhiều năm, ngày trở về cuối cùng đã đến, và cùng với ngày trở về này là quyết tâm xây dựng lại Giêrusalem, như được thuật lại trong bài đọc thứ nhất. Tiên Tri Nơ-khe-mi-a yêu cầu thày ký lục Ezra đọc cho mọi người nghe sách Lề Luật, và mọi người đều hạnh phúc, “Họ đang khóc trong niềm vui của họ, và cảm nhận được Lời Chúa như một niềm vui, và tất cả cùng nhau khóc vì vui mừng”

Niềm vui trong Chúa là sức mạnh của chúng ta

Làm sao chúng ta có thể hiểu được sự hợp lưu dữ dội này của cảm xúc, Đức Thánh Cha Phanxicô giải thích: “Đơn giản thôi. Những người này không chỉ đã tìm thấy thành phố của mình, thành phố nơi họ đã được sinh ra, thành phố của Thiên Chúa, nhưng khi nghe các Lề Luật, họ cũng khám phá ra bản sắc của mình, và vì thế họ đã khóc vì vui sướng”

“Họ khóc trong niềm vui, khóc vì họ đã gặp đúng căn tính, bản sắc đã bị suy yếu phần nào trong những năm sống lưu vong. Đó là một hành trình dài. Tiên Tri Nơ-khe-mi-a nói: ‘Đừng buồn nữa vì niềm vui nơi Thiên Chúa là sức mạnh của chúng ta’. Đó là niềm vui mà Chúa ban cho ta khi ta khám phá ra mình thực sự là ai – và tìm lại được bản sắc riêng của mình đã bị đánh mất trên đường đời, trong những năm lưu lạc - hoặc tự lưu đày chính mình khỏi tình yêu Thiên Chúa, khi chúng làm tổ ở chỗ này chỗ nọ, chứ không cư ngụ trong nhà của Chúa”.

Chỉ trong Chúa, chúng ta mới tìm được bản sắc thực sự của mình

Đức Giáo Hoàng đặt câu hỏi làm thế nào chúng ta có thể tìm thấy bản sắc của mình. Ngài trả lời như sau: “Khi anh chị em đánh mất đi những gì là của mình, ngôi nhà của mình, những gì là của riêng mình, anh chị em có nỗi nhớ, và chính nỗi nhớ này mang anh chị em trở về nhà. Với nỗi nhớ khôn nguôi ấy, những người này cảm thấy mình hạnh phúc, họ khóc vì vui mừng, vì nỗi nhớ thiết tha này mà họ nhận ra được căn tính thực sự của mình, và đã dẫn họ tìm lại được quê hương của mình một lần nữa. Đó là một ân sủng của Thiên Chúa”

“Lấy thí dụ khi chúng ta có đầy đủ thực phẩm, chúng ta không chết đói. Khi chúng ta cảm thấy an nhiên tự tại nơi chúng ta đang sống, chúng ta không cần phải đi đâu hết - thì tôi tự hỏi mình, và tất cả chúng ta cũng nên tự hỏi chính mình ngày hôm nay: ‘Tôi rất an nhiên tự tại, hạnh phúc như thế này, có phải là về mặt tâm linh tôi không cần bất cứ điều gì khác nữa trong tim tôi không? Có phải nỗi nhớ về Thiên Chúa đã tắt trong lòng tôi rồi chăng? Chúng ta hãy nhìn vào những con người hạnh phúc này, những người đã khóc và vui mừng. Một trái tim không có nỗi nhớ, thì cũng không biết đến niềm vui, là niềm vui thực sự, là sức mạnh của chúng ta, đó là niềm vui nơi Thiên Chúa. Một trái tim không biết nỗi nhớ là gì, không có khả năng cử mừng thật sự - và khi đó, cuộc hành trình dai dẳng trong nhiều năm này, chỉ kết thúc bằng một bữa tiệc”.

Chớ để lòng khao khát Thiên Chúa tàn lụi trong trái tim chúng ta

Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh rằng những người dân hân hoan với niềm vui vì họ đã “hiểu những lời đã được công bố cho họ. Họ đã phát hiện ra rằng, chính là nỗi nhớ - một nỗi khao khát khôn nguôi trong lòng - làm cho họ cảm thấy bị thúc bách tiến về phía trước”.

“Chúng ta hãy tự hỏi mình nỗi nhớ về Thiên Chúa của chính chúng ta như thế nào đây: liệu chúng ta có hài lòng, liệu chúng ta có hạnh phúc an nhiên tự tại với tình trạng hiện nay, liệu chúng ta có hàng ngày mong mỏi tiến về phía trước? Nguyện xin Chúa ban cho chúng ta ân sủng này, đó là không bao giờ, đừng bao giờ dập tắt nơi con tim chúng ta lòng khao khát Thiên Chúa”

3. Câu chuyện Một người đàn bà “rất đàn bà”

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Ngày 15 tháng 10, Giáo Hội kính nhớ thánh nữ Têrêxa Avila. Vị nữ tiến sĩ hội thánh này đã sống trong một giai đoạn có nhiều xáo trộn nhất đối với Giáo Hội. Thánh nữ chào đời khi cuộc cải cách của người Tin Lành bắt đầu và qua đời khi Công Ðông Trento vừa chấm dứt. Ngài đã được Thiên Chúa ban cho Giáo Hội như một đóa hoa đẹp đẽ nhất giữa những gái góc đang chụp phủ trên Giáo Hội. Nhưng Têrêxa Avila cũng chỉ là một người đàn bà giống như rất nhiều người đàn bà khác. Ðẹp, có nhiều năng khiếu, đảm đang... Têrêxa lại là một người đàn bà “rất đàn bà”. Thế nhưng nơi người đàn bà này, người ta thấy có nhiều tương phản: thông minh nhưng lại thực tế; biết nhiều nhưng không xa rời với kinh nghiệm sống; thần bí nhưng lại đầy nghị lực để trở thành một nhà cải cách.

Têrêxa là một người đàn bà hoàn toàn sống cho Chúa, nghĩa là một người đàn bà cầu nguyện, kỷ luật và biết cảm thông. Trái tim của Têrêxa hoàn toàn thuộc về Chúa. Ðã thách thức tất cả mọi chống đối của người cha để gia nhập dòng kín, Têrêxa cũng tiếp tục đương đầu với không biết bao nhiêu chống đối khác khi muốn cải tổ dòng kín. Người đàn bà yếu đuối này chỉ còn một nơi nương tựa duy nhất: đó là Thiên Chúa.

Là một người sống cho Chúa hoàn toàn, Têrêxa cũng hoàn toàn sống cho người khác. Canh tân cuộc sống của mình, Têrêxa cũng không ngừng đi khắp đó đây để giúp người khác canh tân cuộc sống.

Suốt cuộc đời trải qua trong gian lao và thử thách, về cuối đời, Thánh nữ đã thốt lên: “Ôi lạy Chúa, tất cả những ai làm việc cho Chúa đều được đáp trả bằng gian lao, khốn khó. Nhưng cao quý thay phần thưởng dành cho những ai yêu mến Chúa, nếu họ hiểu được giá trị của nó”.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Hiện nay, người ta nói đến rất nhiều thứ giải phóng, trong đó có giải phóng người phụ nữ.

Có lẽ tất cả những ai đang tranh đấu cho nữ quyền nên nhìn vào mẫu gương của thánh nữ Têrêxa Avila. Một người đàn bà đã có thể thực hiện được nhiều việc vĩ đại, nhưng bản chất đàn bà vẫn không hề thay đổi trong con người ấy. Phải chăng người đàn bà có thể đóng trọn vai trò của họ trong Giáo Hội và trong xã hội khi họ biết trung thành với ơn gọi cao cả mà Thiên Chúa đã trao ban qua nữ tính của họ!

Trước mặt Chúa, mỗi người chúng ta đều có một chỗ đứng. Không có chỗ đứng nào cao trọng hơn chỗ đứng khác. Hạnh phúc của chúng ta tùy thuộc ở sự đáp trả của chúng ta đối với tiếng gọi của Chúa.

4. Gia đình là câu trả lời cho các thách đố lớn của thế giới

Gia đình, nghĩa là giao ước giữa một ngưòi nam và một người nữ, là câu trả lời cho hai thách đố lớn của thế giới chúng ta: đó là sự tan vỡ từng mảnh và đám đông hóa, là hai thái cực chung sống với nhau, tương trợ nhau và chúng cùng yểm trợ mô thức kinh tế duy tiêu thụ.

Đức Thánh Cha đã khẳng định như trên trong buổi tiếp kiến hơn 40,000 tín hữu và du khánh hành hương năm châu sáng thứ Tư hôm 30 tháng 9. Sau khi chào tín hữu Đức Thánh Cha cho biết cùng tham dự buổi tiếp kiến trên màn truyền hình có nhiều anh chị em tàn tật và già yếu trong đại thính đường Phaolô VI. Vì thế ngài mời mọi người chào nhau bằng một tràng pháo tay.

Đức Thánh Cha vừa tông du Cuba và Hoa Kỳ về, vì thế trong bài huấn dụ ngài đã chia sẻ với tín hữu một số cảm tưởng và kinh nghiệm của chuyến viếng thăm này. Đề cập đến cuộc gặp gỡ quốc tế các gia đình tại Philadelphia, ngài nói:

“Tột đỉnh chuyến công du đã là cuộc gặp gỡ quốc tế các gia đình tại Philadelphia, nơi chân trời đã rộng mở cho toàn thế giới, qua ‘lăng kính’ của gia đình.”

Đức Thánh Cha tái định nghĩa gia đình như sau:

“Gia đình, nghĩa là giao ước giữa một người nam và một người nữ, là câu trả lời cho thách đố lớn của thế giới chúng ta: đó là sự tan vỡ từng mảnh và đám đông hóa, là hai thái cực chung sống với nhau, tương trợ nhau và chúng cùng yểm trợ mô thức kinh tế duy tiêu thụ. Gia đình là câu trả lời, vì nó là tế bào của một xã hội quân bình chiều kích cá nhân và chiều kích cộng đoàn, và đồng thời nó có thể là mô thức cho việc điều hành các của cải và tài nguyên của thụ tạo một cách có thể chịu đựng nổi. Gia đình là chủ thể tác nhân của một môi sinh toàn vẹn, bởi vì nó là chủ thể xã hội đầu tiên, chứa đựng bên trong hai nguyên lý nền tảng của nền văn minh nhân loại trên trái đất: nguyên lý của sự hiệp thông và nguyên lý của sự phong phú. Nền nhân bản kinh thánh giới thiệu với chúng ta hình ảnh này: cặp vợ chồng con người hiệp nhất và phong phú, được Thiên Chúa đặt trong ngôi vườn của thế giới, để vun trồng và giữ gìn nó.”

5. Cầu nguyện cho Thượng Hội Đồng về Gia Đình

Gia đình là nơi sự thánh thiện của Tin Mừng được thể hiện trong điều kiện bình thường nhất. Ở đó chúng ta được hình thành từ ký ức về các thế hệ đi trước chúng ta và chúng ta đâm rễ để cho phép chúng ta tiến xa hơn. Gia đình là một nơi của sự phân định, nơi chúng ta học cách nhận ra kế hoạch của Thiên Chúa đối với cuộc sống của chúng ta và chấp nhận kế hoạch ấy với niềm tín thác.

Đức Thánh Cha đã nói như trên trong buổi canh thức hôm 3 tháng 10 để cầu nguyện cho Thượng Hội Đồng về Gia Đình.

Mở đầu bài chia sẻ, Đức Thánh Cha nói:

Các gia đình thân mến,

Chào buổi tối!

Nhóm lên một ngọn nến nhỏ trong bóng tối thì có ích chi? Còn cách nào hay hơn để xua tan bóng tối không? Có thể vượt qua bóng tối hay chăng?

Có những lúc trong cuộc đời - một cuộc đời quá dư dật những tài nguyên tuyệt vời - những câu hỏi như thế lại vang lên. Khi cuộc sống trở nên khó khăn và bức bách, chúng ta có thể bị cám dỗ để lùi bước, quay lưng lại, và tháo lui; có lẽ là nhân danh sự thận trọng và chủ nghĩa hiện thực, và như thế chạy trốn trách nhiệm phải làm phần việc của mình cách tốt nhất có thể.

Anh chị em có nhớ những gì đã xảy ra với tiên tri Ê-li-a không? Trên quan điểm người ta thường tình, vị tiên tri đã sợ hãi và cố gắng chạy trốn. “Ông Ê-li-a sợ nên trỗi dậy, ra đi để giữ mạng mình… Ông đi suốt bốn mươi ngày, bốn mươi đêm tới Khô-rếp, là núi của Thiên Chúa. Ông vào một cái hang và nghỉ đêm tại đó. Có lời Chúa phán với ông: ‘Ê-li-a ngươi làm gì ở đây?’” (1 Vua 19: 3,8-9). Ở núi Khô-rếp, ông nhận được câu trả lời không phải trong những trận cuồng phong làm tiêu tan những tảng đá, cũng không phải trong những trận động đất, thậm chí cũng chẳng phải trong những đám lửa. Ân sủng của Thiên Chúa không thét gào; ân sủng của Ngài là một lời thì thầm lọt vào tai những ai sẵn sàng để nghe tiếng nói thầm thì, nhỏ bé của nó. Nó thúc giục họ ra đi, để trở về với thế giới, để làm chứng cho tình yêu của Thiên Chúa đối với nhân loại, để thế giới tin.

Trong bối cảnh này, chỉ một năm trước đây, cũng tại quảng trường này, chúng ta cầu khẩn cùng Chúa Thánh Thần và cầu xin rằng – trong khi thảo luận về các chủ đề của gia đình - các nghị phụ có thể chăm chú lắng nghe nhau, với cái nhìn dán vào Chúa Giêsu, vào Lời chung cuộc của Chúa Cha và các tiêu chí mà tất cả mọi thứ được đánh giá.

Tối nay, lời cầu nguyện của chúng ta cũng không thể khác. Như Đức Thượng Phụ Athenagoras đã nhắc nhở chúng ta, nếu không có Chúa Thánh Thần thì Thiên Chúa là xa vời vợi, Chúa Kitô chỉ còn là quá khứ, Giáo Hội đơn thuần chỉ là một tổ chức, quyền bính trở thành sự thống trị, truyền giáo trở thành tuyên truyền, thờ phượng trở thành trò mê tín, đời sống Kitô hữu chỉ là đạo đức của những người nô lệ.

Vì vậy, chúng ta hãy cầu nguyện để Thượng Hội Đồng khai mở vào ngày mai sẽ chỉ ra kinh nghiệm về hôn nhân và gia đình là phong phú và viên mãn một cách nhân bản như thế nào. Xin cho Thượng Hội Đồng nhìn nhận, xiển dương, và công bố tất cả những gì là đẹp, là tốt và thánh thiện trong kinh nghiệm đó. Xin cho Thượng Hội Đồng có thể nắm bắt những tình huống dễ bị tổn thương và khó khăn: chiến tranh, bệnh tật, đau buồn, những mối quan hệ bị tổn thương và tan vỡ, gây ra những đau khổ, oán giận và chia ly. Xin cho Thượng Hội Đồng có thể nhắc nhở những gia đình này, và mỗi gia đình, rằng Tin Mừng luôn luôn là “tin tốt” cho phép chúng ta bắt đầu lại. Từ kho tàng truyền thống sống động của Giáo Hội xin cho các nghị phụ có thể rút ra những lời an ủi và hy vọng cho các gia đình đang được kêu gọi trong thời đại chúng ta để xây dựng tương lai của cộng đồng Giáo Hội và các thành phố của nhân loại.

Mỗi gia đình luôn luôn là một ánh sáng, dù là mờ nhạt, giữa bóng tối của thế giới này.

Kinh nghiệm trần thế của chính Chúa Giêsu đã được hình thành ở trung tâm của một gia đình, nơi Ngài đã sống ba mươi năm trời. Gia đình Ngài cũng giống như cơ man những gia đình khác, sống trong một ngôi làng ít người biết trong vùng ngoại ô của Đế quốc.

Charles de Foucauld, có lẽ giống như một vài người khác, nắm bắt được linh đạo tỏa ra từ Nazareth. Nhà thám hiểm vĩ đại này vội vã bỏ binh nghiệp của mình khi bị thu hút bởi mầu nhiệm của Thánh Gia, mầu nhiệm của mối quan hệ hàng ngày giữa Chúa Giêsu cùng với cha mẹ và hàng xóm, việc lao động lặng lẽ, và lời cầu nguyện khiêm nhường của Ngài. Chiêm niệm về gia đình Nazareth, anh Charles nhận ra ao ước giàu sang và quyền thế của mình thực sự là trống rỗng như thế nào. Thông qua việc tông đồ bác ái, anh trở thành tất cả mọi thứ cho mọi người. Khi bị thu hút bởi cuộc sống của một ẩn sĩ, anh hiểu rằng chúng ta không tăng trưởng trong tình yêu của Thiên Chúa bằng cách tránh xa sự vướng víu trong quan hệ với con người. Vì khi yêu thương tha nhân, chúng ta học cách yêu mến Thiên Chúa, khi khom lưng xuống để giúp đỡ hàng xóm của chúng ta, chúng ta được nâng lên cùng Thiên Chúa. Thông qua sự gần gũi huynh đệ và sự đoàn kết với những người nghèo và bị bỏ rơi, anh nhận ra chính họ là người đang rao giảng Tin Mừng cho chúng ta, chính họ giúp chúng ta lớn lên về mặt nhân bản.

Để hiểu được gia đình ngày hôm nay, chúng ta cũng cần phải bước - như Charles de Foucauld - vào mầu nhiệm của gia đình Nazareth, vào cuộc sống hàng ngày yên tĩnh của thánh gia, như hầu hết các gia đình, với những vấn đề của họ và những niềm vui đơn giản của họ, một cuộc sống được đánh dấu bằng sự kiên nhẫn thanh thản giữa bao nghịch cảnh, sự tôn trọng người khác và sự khiêm nhường được giải phóng và thăng hoa trong sự phục vụ, một cuộc sống huynh đệ bắt nguồn từ ý thức là chúng ta tất cả là các thành viên của cùng một nhiệm thể.

Gia đình là nơi sự thánh thiện của Tin Mừng được thể hiện trong điều kiện bình thường nhất. Ở đó chúng ta được hình thành từ ký ức về các thế hệ đi trước chúng ta và chúng ta đâm rễ để cho phép chúng ta tiến xa hơn. Gia đình là một nơi của sự phân định, nơi chúng ta học cách nhận ra kế hoạch của Thiên Chúa đối với cuộc sống của chúng ta và chấp nhận kế hoạch ấy với niềm tín thác. Đó là một nơi của sự nhưng không, của sự hiện diện kín đáo tình liên đới huynh đệ, một nơi mà chúng ta học cách bước ra khỏi chính mình và chấp nhận những người khác, sau đó tha thứ và được thứ tha.

Chúng ta hãy khởi hành một lần nữa từ Nazareth cho một Công Đồng trong đó thay vì chỉ nói về gia đình, chúng ta còn có thể học hỏi từ các gia đình, sẵn sàng thừa nhận phẩm giá của nó, sức mạnh và giá trị của nó, bất chấp tất cả các nan đề và khó khăn của nó.

Tại “Galilê của các quốc gia” trong thời đại chúng ta này, chúng ta sẽ tái khám phá sự phong phú và sức mạnh của một Giáo Hội là mẹ, luôn có khả năng đem lại và nuôi dưỡng cuộc sống, đồng hành cùng cuộc sống với sự tận tâm, dịu dàng, và sức mạnh đạo đức. Vì trừ phi chúng ta có thể liên kết lòng từ bi với công lý, chúng ta sẽ chỉ kết thúc nơi những bất công sâu nặng không cần thiết.

Một Giáo Hội là gia đình cũng có thể cho thấy sự gần gũi và tình yêu của một người cha, một người giám hộ có trách nhiệm là người bảo vệ nhưng không giam cầm, sửa chữa nhưng không hạ thấp phẩm giá, là người huấn luyện bằng gương sáng và lòng kiên nhẫn, đôi khi chỉ đơn giản là bằng một sự im lặng nói lên thái độ phó thác, nguyện cầu.

Trên tất cả, một Giáo Hội trong đó con cái xem mình là anh chị em, sẽ không bao giờ ra đến nông nỗi là xem người này người kia chỉ đơn giản là một gánh nặng và một vấn đề, một khoản chi phí, một mối quan tâm hoặc thậm chí là một nguy cơ. Tha nhân về cơ bản là một ân sủng, và luôn luôn là như vậy, ngay cả khi họ đi theo những con đường khác.

Giáo Hội là một ngôi nhà rộng mở không hào nhoáng bên ngoài nhưng hiếu khách với sự đơn giản của các thành viên của mình. Như thế, Giáo Hội mới có thể thu hút lòng khao khát hòa bình hiện diện nơi mỗi người nam nữ, bao gồm cả những ai - trong bối cảnh thử thách của đường đời - đã tan nát tâm can.

Giáo Hội thực sự có thể thắp sáng lên trong cái bóng tối rất nhiều người nam nữ đang cảm nhận. Giáo Hội có uy tín để chỉ cho họ con đường hướng về mục tiêu và bước đi bên cạnh họ chính vì bản thân Giáo Hội đã cảm nhận trước hết những gì là được tái sinh vô tận trong trái tim nhân hậu của Chúa Cha.