Ngày 10-10-2010
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Tổng thống Sarkozy và Đức Giáo Hoàng thảo luận về hòa bình Trung Đông
Nguyễn Hoàng Thương
09:11 10/10/2010
Tổng thống Sarkozy và Đức Giáo Hoàng thảo luận về hòa bình Trung Đông

Vatican City (CNA / EWTN News) – Những nỗ lực hòa bình ở Trung Đông, nền kinh tế hiện nay và mong muốn duy trì đối thoại thường xuyên giữa Pháp và Tòa Thánh là chủ đề của cuộc hội kiến giữa Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI và Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy tại Tòa Thánh Vatican vào sáng thứ Sáu 8/10/2010.

Thông cáo từ Văn phòng Báo chí Tòa Thánh Vatican công bố hôm 8 tháng Mười cho hay cả Tổng thống Pháp và Đức Giáo Hoàng đã có một "cuộc thảo luận thân mật" tiếp cận các chủ đề khác nhau, bao gồm vai trò của các Kitô hữu ở các quốc gia và các công việc có được con đường rộng mở hơn của các nước liên quan trong các tổ chức đa phương.

Hai bên cũng nhấn mạnh đến "chiều kích đạo đức và xã hội" của các vấn đề kinh tế, trong ánh sáng của Thông điệp "Caritas in Veritate" của Đức Thánh Cha.

Thông cáo cho hay: "Sau khi nhắc lại chuyến tông du của Đức Giáo Hoàng đến Lộ Đức và Paris vào năm 2008, và Tổng thống Sarkozy viếng thăm Vatican vào năm ngoái, hai bên nhắc lại mong muốn duy trì đối thoại thường xuyên ở các cấp độ khác nhau, và tiếp tục cộng tác xây dựng vấn đề cùng quan tâm".

Chuyến thăm của Tổng thống Sarkozy theo sau một tình cảnh bởi những hạn chế chặt chẽ hơn của chính phủ Pháp đối với các trại của những người sắc tộc Rom bất hợp pháp, khoảng 200 người trong số đó bị trục xuất khỏi nước Pháp hồi tháng Tám. Sau khi sự việc xảy ra, Đức Giáo Hoàng đã động viên những khách hành hương người Pháp trong buổi triều yết chung ngay sau sự việc hãy "thích nghi với những đa dạng hợp lý của con người" như là lời chỉ trích chính sách của họ. Theo tờ báo Pháp La Croix, ông Sarkozy cũng có lợi ích trong việc cố gắng giành những lá phiếu Công Giáo trước cuộc bầu cử, dự kiến diễn ra vào 18 tháng tới.

Trong suốt cuộc hội kiến, hai bên cũng thảo luận về tình hình chính trị quốc tế, gồm các nỗ lực hòa bình ở Trung Đông. Mối quan hệ giữa thế giới Hồi giáo và Pháp đã bị căng thẳng kể từ khi chính phủ Pháp ban hành lệnh cấm rộng rãi trong nước, theo đó cấm phụ nữ Hồi giáo mặc burqa và bất kỳ y phục khác nào có mạng che phủ toàn khuôn mặt.

Sau khi Hạ viện và Thượng viện Pháp bỏ phiếu đa số ủng hộ lệnh cấm, Hội đồng Hiến pháp của nước này đã thông qua dự luật vào ngày 7 tháng Mười - một động thái nhằm loại bỏ bất kỳ rào cản pháp lý nào để lệnh cấm được thi hành như là luật.

Agence France Presse cho rằng mặc dù Hội đồng tán thành lệnh cấm hợp hiến, nhưng nó cũng bao gồm một sửa đổi trong đó quy định phạm vi không có hiệu lực ở những nơi thờ phượng công cộng để tránh vi phạm quyền tự do tôn giáo.
 
Đức Thánh Cha khai mạc Thượng Hội Đồng Giám Mục Trung Đông
LM. Trần Đức Anh OP
16:24 10/10/2010
VATICAN - Sáng chúa nhật 10-10-2010, ĐTC Biển Đức 16 đã chủ sự thánh lễ trọng thể tại Đền thờ thánh Phêrô để khai mạc Thượng HĐGM đặc biệt về Trung Đông, kéo dài 2 tuần ở Roma với chủ đề “Giáo Hội Công Giáo tại Trung Đông: hiệp thông và chứng tá. ”Đông đảo những người trở thành tín hữu đều một lòng một ý với nhau” (Cv 4,32).

Đồng tế với ĐTC có 177 nghị phụ, trong số này có 19 HY, 9 thượng phụ 72 TGM và 67 GM. Phần còn lại là 69 LM chuyên gia, dự thính viên, cộng tác viên. Tháp tùng sát ĐTC là 4 vị Chủ tịch thừa ủy trong đó có hai vị Chủ tịch danh dự là ĐHY Sfeir, Thượng phụ Giáo Chủ Công Giáo Maronit Liban, và ĐHY Emmanuel III Delly của Giáo Hội Công Giáo Canđê bên Irak. Hai vị Chủ tịch thừa ủy thực thụ là ĐHY Sandri, Tổng trưởng Bộ các Giáo Hội Công Giáo Đông phương và Đức Thượng Phụ Youssif III Younan của Giáo Hội Công Giáo Siri ở Liban. Ngoài ra, có 3 chức sắc khác của công nghị GM này. Hiện diện trong thánh lễ, ngoài 9 ngàn tín hữu Công Giáo còn có một số đại diện của các Giáo Hội Kitô Anh Em.

Đảm trách phần thánh ca trong thánh lễ, ngoài ca đoàn Sistina của Tòa Thánh còn 3 ca đoàn khác, đông nhất là Ca đoàn Mẹ Giáo Hội với 85 ca viên, tiếp đến là Ca đoàn Liên Học viện Giáo Hội Đông phương ở Roma với 35 ca viên, sau cùng là ca đoàn Hy Lạp gồm 22 ca viên.

Đúng 9 giờ rưỡi, các nghị phụ bắt đầu đi rước từ cuối Đền thờ tiến lên bàn thờ chính. Phẩm phục vụ của các vị phản ánh hùng hồn đặc tính hoàn vũ và đại đồng của Giáo Hội với nhiều sắc thái khác nhau: các HY, GM thuộc nghi lễ latinh mặc áo lễ màu xanh, trong khi các Thượng Phụ và GM thuộc các nghi lễ Đông phương mang phẩm phục màu trắng, màu vàng, và các màu khác theo lễ điển của mình. Trong khi đó ca đoàn và cộng đoàn hát kinh cầu xin ơn phù trợ của các thánh.

Trong lời dẫn nhập đầu thánh lễ, ĐTC nói: ”Trong Thượng HĐGM này Chúa ban cho chúng ta một thời gian thuận tiện để cùng nhau cầu nguyện, đối chiếu bản thân chúng ta với Lời Chúa không bao giờ qua đi và suy tư về những thách đố và cơ hội mà Giáo Hội tại Trung Đông đang gặp ngày nay. Chúng ta hãy chuẩn bị cho những ngày làm việc khẩn trương này, xin Chúa ban ơn thánh vì không có ơn Chúa chúng ta không thể làm được gì. Chúa Kitô sẽ thực sự hiện diện giữa chúng ta nơi đây, dưới hình bánh và rượu được thánh hiến trên bàn thờ. Chúng ta hãy xin Ngài sai Thánh Thần Chân Lý đến soi sáng tâm trí các GM miền Trung Động, tụ họp nhau tại Roma này, tòa của người Kế Vị Thánh Phêrô, là nguyên lý và là nền tảng hữu hình của sự hiệp nhất Giáo Hội”.

Bài giảng Thánh Lễ

Trong bài giảng thánh lễ, trước tiên, ĐTC mời gọi mọi người dâng lời cảm tạ vị Chúa Tể của lịch sử, vì mặc dù có những biến cố nhiều khi khó khăn và gây chao đảo, Trung Đông vẫn luôn có sự hiện diện liên tục của các tín hữu Kitô từ thời Chúa Giêsu đến nay. Tại các phần đất ấy, Giáo Hội duy nhất của Chúa Kitô được biểu lộ qua các truyền thống khác nhau về phụng vụ, tu đức, văn hóa và kỷ luật của Giáo Hội Công Giáo Đông Phương tự quản đáng kính, cũng như truyền thống la tinh.

Tiếp đến, ĐTC đã diễn giải ý nghĩa các bài đọc nói về việc tướng Naaman xứ Siri được chữa khỏi bệnh cùi và trong số 10 người phong cùi trong phúc âm được chữa lành, có một người xứ Samaria không phải người Do thái trở lại cảm tạ Thiên Chúa. Ngài ghi nhận sự kiện hai người này muốn nói lên tính chất phổ quát của ơn cứu độ. Ơn cứu độ dành cho tất cả mọi người, nhưng qua sự trung gian của dân Israel, rồi đến sự trung gian của Chúa Giêsu Kitô và của Giáo Hội. Cánh cửa sự sống được mở ra cho tất cả mọi người, nhưng đó là ”một cánh cửa”, nghĩa là một sự bước qua được xác định và cần thiết.

ĐTC cũng nói đến Trung Đông dưới cái nhìn của Thiên Chúa và của Giáo Hội, khác với cái nhìn của trần thế. Đó là phần đất của Abraham, Isaac và Giacóp; lãnh thổ của cuộc lưu đầy và trở về từ cuộc lưu đầy, phần đất của đền thờ và các ngôn sứ; phần đất trên đó Con Duy Nhất của Thiên Chúa sinh bởi Đức Maria, nơi ngài đã sinh sống, đã chết và sống lại, là chiếc nôi của Giáo Hội được thiết lập để mang Tin Mừng của Chúa Kitô đến tận bờ cõi trái đất.

Tiếp tục bài giảng, ĐTC đề cập đến chủ đề của Thượng HĐGM Trung Đông và nhấn mạnh đến chủ đích của công nghị GM này là để thăng tiến tình hiệp thông hầu có thể làm chứng tá cho Tin Mừng của Chúa Kitô. Ngài nói:

”Giáo Hội được thiết lập để trở thành dấu chỉ và dụng cụ của dự phóng cứu độ duy nhất và phổ quát của Thiên Chúa giữa loài người. Giáo Hội chu toàn sứ mạng này bằng cách trở thành chính mình, nghĩa là ”hiệp thông và chứng tá” như chủ đề của Thượng HĐGM được khai mạc hôm nay diễn tả, và gợi lại định nghĩa nổi tiếng của thánh Luca và cộng đoàn Kitô tiên khởi: ”Đông đảo những người trở thành tín hữu một lòng một ý với nhau” (Cv 4,32). Nếu không có hiệp thông thì không thể làm chứng tá: chứng tá lớn nhất chính là cuộc sống hiệp thông. Chúa Giêsu đã nói rõ ràng: ”Cứ dấu hiệu này mà người ta nhận biết các con là môn đệ của Thầy: đó là các con yêu thương nhau” (Ga 13,35). Tình hiệp thông này chính là sự sống của Thiên Chúa được thông ban trong Chúa Thánh Linh, nhờ Chúa Giêsu Kitô. Vì thế, đó là một hồng ân, chứ không phải là điều mà chúng ta có thể kiến tạo nhờ sức riêng của mình. Và đó chính là điều gọi hỏi tự do của chúng ta và chờ đợi lời đáp trả của chúng ta: sự hiệp thông luôn luôn đòi chúng ta phải hoán cải, như một hồng ân cần luôn luôn được đón nhận và thể hiện một cách tốt đẹp hơn. Các tín hữu Kitô tiên khởi ở Jerusalem thật là ít ỏi. Không ai có thể tưởng tượng được điều sẽ xảy ra sau đó. Và Giáo Hội luôn sống bằng cùng sức mạnh đã làm cho Giáo Hội khởi hành và tăng trưởng. Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống là biến cố nguyên thủy nhưng đồng thời cũng là một động lực trường kỳ, và Thượng HĐGM là thời điểm đặc biệt thích hợp trong đó ta có thể canh tân ân sủng lễ Hiện Xuống trong hành trình của Giáo Hội, để Tin Mừng được rao giảng một cách thẳng thắn và có thể được mọi dân tộc đón nhận.

ĐTC nói thêm rằng: ”Vì thế, mục đích của công nghị GM này chủ yếu là mục vụ. Tuy không thể làm ngơ không biết tới tình trạng xã hội và chính trị nhiều khi bi thảm của một số nước, các vị Mục Tử của các Giáo Hội tại Trung Đông muốn chú tâm vào một số khía cạnh trong sứ mạng của các vị. Về điểm này, Tài liệu làm việc, do Hội đồng tiền Thượng HĐGM soạn thảo, đã nhấn mạnh mục đích Giáo Hội của công nghị GM này, và cho thấy dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Linh, Thượng HĐGM muốn làm cho tình hiệp thông của Giáo Hội Công Giáo tại Trung Đông được tái sinh động. Trước tiên trong nội bộ của mỗi Giáo Hội, giữa mọi phần tử với nhau: Thượng Phụ giáo chủ, các GM, LM, tu sĩ, những người thánh hiến và giáo dân. Tiếp đến là hiệp thông trong quan hệ với các Giáo Hội khác. Đời sống Giáo Hội được củng cố như thế sẽ mang lại nhiều thành quả rất tích cực trong hành trình đại kết với các Giáo Hội và cộng đoàn Giáo Hội Kitô khác ở Trung Đông. Đây là cơ hội thích hợp để theo đuổi cuộc đối thoại xây dựng với người Do thái, những người mà chúng ta được liên kết một cách không thể tách rời do lịch sử lâu dài của Giao Ước, cũng như với người Hồi giáo.

Ngoài ra, công việc của Thượng HĐGM này cũng hướng về việc làm chứng tá của các tín hữu Kitô trên bình diện bản thân, gia đình và xã hội. Điều này đòi phải củng cố căn tính Kitô của họ nhờ Lời Chúa và các bí tích. Tất cả chúng ta đều cầu mong các tín hữu cảm thấy niềm vui sống tại Thánh Địa, là phần đất được chúc phúc nhờ sự hiện diện và mầu nhiệm phục sinh vui mừng của Chúa Giêsu Kitô. Qua dòng lịch sử, các nơi thánh ấy đã thu hút nhiều tín hữu hành hương và cả các cộng đoàn dòng tu nam nữ đã coi như một đặc ân lớn vì được sống và làm chứng tá tại Quê hương của Chúa Giêsu. Tuy gặp khó khăn, các tín hữu Kitô tại Thánh Địa được mời gọi phục hồi ý thức mình là những viên đá sống động của Giáo Hội tại Trung Đông, tại những nơi Thánh của ơn cứu độ chúng ta. Nhưng việc sống một cách xứng đáng tại quê hương của mình trước tiên là một nhân quyền cơ bản: vì thế, cần phải tạo những điều kiện thuận lợi cho hòa bình và công lý, là những điều không thể thiếu được để có một sự phát triển hài hòa của mọi người dân trong miền này. Do đó, tất cả đều được mời gọi đóng góp phần của mình: cộng đồng quốc tế, qua việc hỗ trợ con đường đáng tín nhiệm, chân thành và xây dựng, dẫn tới hòa bình: tiếp đến là các tôn giáo có nhiều tín đồ tại Trung Đông, qua việc thăng tiến các giá trị tinh thần và văn hóa liên kết con người với nhau và loại trừ mọi hình thức bạo lực. Các tín hữu Kitô sẽ tiếp tục phần đóng góp của mình không những qua những hoạt động thăng tiến xã hội, như các tổ chức giáo dục và y tế, nhưng nhất là với tinh thần các Mối Phúc Tin Mừng, linh hoạt việc tha thứ và hòa giải. Trong sự dấn thân như thế, họ luôn luôn được sự hỗ trợ của toàn thể Giáo Hội, như sự hiện diện long trọng tại đây của các Đại biểu của hàng GM thuộc các đại lục khác.

Trong phần rước lễ, 80 linh mục đã phân phát Mình Thánh Chúa cho các tín hữu.

Kinh Truyền Tin

Thánh lễ kéo dài 2 tiếng và kết thúc lúc 11 giờ rưỡi. Sau đó lúc 12 giờ trưa, ĐTC đã xuất hiện tại cửa sổ phòng làm việc trong dinh Tông Tòa lúc để chủ sự buổi đọc kinh truyền tin với 50 ngàn tín hữu tụ tập tại Quảng trường thánh Phêrô dưới bầu trời nắng thu.

Trong bài huấn dụ ngắn, ĐTC cũng nói đến Thượng HĐGM Trung Đông vừa long trọng khai mạc với thánh lễ trước đó. Ngài nói: ”Khóa họp đặc biệt này kéo dài 2 tuần, với sự tham dự của các vị Chủ Chăn của Giáo Hội sống tại miền Trung Đông, một miền rất khác biệt: thực vậy, tại các lãnh thổ này, Giáo Hội duy nhất của Chúa Kitô được biểu lộ rất phong phú qua những truyền thống cổ kính. Đề tài chúng tôi sẽ suy tư là: ”Giáo Hội Công Giáo tại Trung Đông: hiệp thông và chứng tá.” Thực vậy, tại các nước ấy, bị chia rẽ sâu xa và xâu xé vì những xung đột từ lâu, Giáo hội được mời gọi trở thành dấu chỉ và dụng cụ hiệp nhất và hòa giải, theo mẫu gương cộng đồng tiên khởi ở Jerusalem, trong đó ”Đông đảo những người trở thành tín hữu một lòng một ý với nhau” (Cv 4,32). Nghĩa vụ này thật cam go vì các tín hữu Kitô tại Trung Đông thường phải chịu những điều kiện sinh sống khó khăn, trên bình diện cá nhân cũng như gia đình và cộng đoàn. Nhưng tình trạng đó không được làm chúng ta nản chí: chính trong bối cảnh đó mà sứ điệp của Chúa Kitô càng trở nên cần thiết và cấp thời: ”Hãy hoán cải và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15). Trong cuộc viếng thăm mới đây của tôi tại Cipro, tôi đã giao Tài Liệu làm việc của Thượng HĐGM này; giờ đây, công nghị GM này được khởi sự, tôi mời gọi tất cả mọi người hãy cầu nguyện xin Chúa tuôn đổ dồi dào hồng ân Thánh Linh.

ĐTC cũng nhắc đến Tháng 10 là tháng Mân Côi và ngài mời gọi mọi người ”hãy để cho Đức Mẹ Mân Côi hướng dẫn trong kinh nguyện cổ kính nhưng luôn mới mẻ này, là kinh nguyện được Mẹ đặc biệt quí chuộng vì dẫn chúng ta đến thẳng Chúa Giêsu, chiêm ngắm các mầu nhiệm cứu độ của Chúa: vui, thương, mừng và vinh hiển. Tiếp nối Đấng Đáng Kính Gioan Phaolô 2 (Xc Tông thư Rosarium Virginis Mariae), tôi muốn nhắc nhớ rằng kinh Mân Côi là kinh nguyện Kinh Thánh, toàn toàn được dệt bằng Thánh Kinh. Đó là kinh nguyện của tâm hồn trong đó việc lập đi lập lại kinh Kính Mừng hướng tư tưởng và lòng mến về Chúa Kitô, và tín thác cầu khẩn Mẹ của Chúa và là Mẹ chúng ta. Đó là kinh nguyện giúp suy niệm Lời Chúa và hấp thụ việc hiệp lễ, theo mẫu gương Mẹ Maria cẩn giữ trong lòng điều mà Chúa Giêsu đã làm và đã dạy, và chính sự hiện diện của Chúa nữa. Sau kinh truyền tin, ĐTC đã ban phép lành cho mọi người.

Trong lời chào các tín hữu bằng nhiều thứ tiếng, ĐTC đặc biệt ca ngợi Chiến dịch đại phúc cho giới trẻ 2010 ở Roma do Ủy ban giáo phận mục vụ giới trẻ tổ chức. Năm nay chiến dịch đi tới hai khu vực Tor Bella Monaca và Torre Angela với nhiều sáng kiến linh hoạt về tinh thần, các cuộc gặp gỡ trong các giáo xứ, các trường học và đại học, viếng thăm các bệnh nhân. Ở trung tâm của tất cả các hoạt động ấy có việc Chầu Thánh Thể, nghĩa là sự hiện diện sinh động của Chúa Giêsu Kitô hằng sống. ĐTC nói: ”Tôi đặc biệt quí chuộng các thừa sai trẻ trung, các chủng sinh và tất cả những người dấn thân trong kinh nghiệm này. Xin Chúa làm cho các hạt giống Tin Mừng mà các con đã gieo vãi trong niềm tin yêu!”

Các bạn trẻ đã reo hò cám ơn ĐTC vì những lời khích lệ và họ giơ cao biểu ngữ với những hàng chữ nói lên căn tính của chiến dịch.
 
Bà Thánh Úc
Vũ Văn An
19:04 10/10/2010
Nói đến Bà Thánh Úc, không ai không hiểu đó là Mary MacKillop, vì cho đến nay, bà là người Úc duy nhất được tôn lên hàng Chân Phúc và nay mai, lên hàng hiển thánh của Giáo Hội. Năm 1995, nhân dịp Lễ Phong Chân Phúc cho Bà tại Sydney, tam cá nguyệt san The Australasian Catholic Record công bố một thư tịch chọn lọc các ấn phẩm từng viết về Bà. Thư tịch ấy dài tới 5 trang khổ chữ nhỏ, đủ thấy Bà được mộ mến như thế nào trong lòng người Công Giáo Úc Châu.

Mary MacKillop, khuôn mẫu Úc Châu

Nhân dịp này, Đức Cha Eugene James Cuskelly, Giám Mục Phụ Tá của Tổng Giáo Phận Brisbane, đã tạ lỗi cho vị tiền nhiệm cách nay 100 năm của mình, bằng cách lên tiếng ca ngợi Bà trong một bài giảng tại Nhà Thờ Chính Tòa. Theo Đức Cha, muốn hữu ích cho chúng ta, một vị thánh phải là người gần gũi đủ để ta có thể bước chân theo. Tuy thế, người ấy lại phải gây ấn tượng mạnh để có thể gây cảm hứng nơi ta; người ấy cũng phải “thực” đủ để ta thấy họ giống như ta về nhân tính, nhưng lại phải cao cả đủ để có thể thách thức ta lên đường, nếu chưa phải là đường thánh thiện, thì chí ít cũng là đường đại lượng.

Đó là xét chung, nhưng trong khung cảnh đặc thù Úc Châu, câu hỏi được Đức Cha Cuskelly đặt ra là đối với người dân Úc, loại người nào mới có thể trở thành khuôn mẫu hiện thực? Các phẩm tính và thái độ nào mới tạo nên sự cao cả nơi đặc điểm Úc Châu. Đối với người Mỹ, nét cao cả của họ được rút tỉa từ những ngày khai phá biên cương; họ là người khai phá các ranh giới mới, cái phẩm tính ấy được truyền lại cho thời sau và hoàn cảnh sau. Còn người Úc? Những ngày đầu của họ là những ngày nào? Đó là những ngày những con người nghèo khổ tìm cách định cư trên vùng đất mênh mông khô cằn. Họ quả là những người nghèo khổ. Người giầu đâu có di cư; họ đâu có rời bỏ quê hương và nền văn hóa của họ; người thượng lưu quí tộc cũng thế. Mà người có khả năng cũng vậy, họ dễ dàng tìm thấy thế đứng ngay tại quê hương mình.

Những người đầu tiên đến Úc giáp mặt với cuộc sống trên “mảnh đất hạn hán và mưa lũ”, mảnh đất khắc nghiệt, mảnh đất đìu hiu cô quạnh, nhất là đối với người sống tại các trang trại hay thị trấn miền quê. Với việc làm cực nhọc, họ có thể kiếm ra kế sinh nhai, nhưng không bao giờ biết xa xỉ là gì.

Trong hoàn cảnh ấy, những người đầu tiên tới Úc phải học cách tìm ra tài nguyên ngay chính nơi họ ở. Họ không quí tộc, không giầu, không nhiều tài năng, nhưng họ có sức mạnh nội tâm, có lòng can đảm và đức kiên nhẫn, một lòng kiên nhẫn biết chấp nhận thất bại, biết giáp mặt với hạn hán, cháy rừng, và lúc nào cũng thắng vượt chúng.

Nhờ thế, người ta nhận diện ra đặc tính đầu tiên của người Úc là khả năng đương đầu với khó khăn mà không nản lòng. Có người nói thêm: họ có tài tháo vát tìm ra nhiều cách để vượt qua khó khăn. Tại Rabaul (thủ phủ trước đây của Papua New Guinea), một vị Giám Mục Đức nói với một trong các nhà thừa sai Úc rằng: “tôi ghét chiến tranh với người Úc. Chỉ cần cho họ một cây kim và một que diêm là họ sẽ thắng cuộc chiến”.

Thực vậy, người Úc tạo ra nhiều sáng chế hơn người ta tưởng. Trong Thế Chiến I, chẳng hạn, người Đức sáng chế ra mìn nam châm và rải khắp các hải lộ. Trong khi các tầu Đồng Minh khác e dè vượt qua các hải lộ ấy, thì các tầu của Úc vẫn cứ phom phom băng qua chúng “như chơi” nhờ biết quấn một đường dây kẽm quanh tầu và điện hóa đường dây ấy, nhờ thế triệt tiêu được nguy cơ của mìn nam châm.

Trong thế kỷ 19, các nông gia Úc không có thì giờ triệt hạ các gốc và rễ cây tại các mảnh đất trồng trọt của họ. Các chiếc cày bình thường bị vướng các gốc và rễ cây ấy, không tiến đi được. Nên một số người Úc đã sáng chế ra thứ cày biết “nhẩy gốc cây”, và thế là cày của họ đi phom phom. Người Úc còn sáng chế nhiều thứ khác, như chiếc quạt nước kiếng xe hơi, kiếng chiếu hậu, khá nhiều dụng cụ laser v.v…

Đặc tính thứ hai của người Úc là thích cờ bạc. Những người tiên phong phải là người đánh bạc, đánh cuộc trời sẽ mưa, đánh cuộc lúa sẽ mọc, đánh cuộc bệnh hoạn sẽ không phá hại mùa màng và thú vật. Có lúc họ thắng, có lúc họ thua, nhưng không bao giờ họ thất vọng vì thua cuộc.

Người Úc của thế kỷ 19 không phải thượng lưu, quí tộc, nhưng nhờ làm việc cạnh nhau trong khó khăn, họ biết đánh giá giá trị của từng cá nhân, coi họ là những nhân vị. Người nào cũng đáng kể, người nào cũng có giá trị riêng và nhân quyền. Cùng với nhau, họ hiểu có thể thực hiện được điều mà nếu chia rẽ, họ không tài nào thực hiện được. Thực tế, phong trào nghiệp đoàn có nguồn gốc từ liên đoàn Xén Lông Cừu của Úc trong thế kỷ 19.

Chính trong bối cảnh đương đầu với các khó khăn chung này, tinh thần trọng bạn (mateship) đã trổ sinh và được coi là đặc trưng của tinh thần Úc, được thể hiện đặc biệt bất cứ khi nào người ta liên kết với nhau, để giúp đỡ nhau trong lúc khó khăn.

Muốn là một vị thánh Úc, hiển nhiên Mary MacKillop phải có những phẩm tính trên và hài hòa tổng hợp được các phẩm tính này. Và quả thực, Bà đã làm được điều đó. Bà sinh tại Victoria, trong một gia đình di dân, giữa cảnh bần hàn, khó khăn. Lúc còn nhỏ, Bà đã phải làm việc để giúp gia đình, giúp các em.

Bà từng dõi mắt nhìn mảnh đất khắc nghiệt, nơi số phận trẻ em Công Giáo miền quê càng trở nên khắc nghiệt hơn vì nạn kỳ thị, vì luật lệ giáo dục, vì việc khó khăn mới tiếp xúc được với các linh mục. Bà quan tâm đặc biệt tới những em bé khốn khổ này, không hẳn để thương hại chúng vì chúng nghèo mà là kính trọng chúng vì nhân quyền và nhân phẩm của chúng.

Nhìn vào chính các tài nguyên riêng của mình, Bà thấy Bà không có tài năng chi ngoại lệ. Nhưng bà có lòng can đảm phi thường và một xác tín mạnh rằng mình có thể và nhất định sẽ tận hiến đời mình vào việc giáo dục các trẻ em kia. Bà nhìn chung quanh và nhận ra mình có thể qui tụ nhiều thiếu nữ quanh mình; họ không giầu, không thượng lưu qúi tộc, không tài giỏi lỗi lạc, nhưng sẵn sàng và cương quyết đương đầu với vấn nạn và sáng chế ra giải pháp.

Tuy nhiên, muốn trở thành yếu tố của sự thánh thiện Kitô Giáo, các phẩm tính kia, bản nhiên và tính khí kia phải được ơn thánh tác động. Chúng cần được biến đổi bởi đức tin được hỗ trợ bằng đức cậy và thấm nhiễm bằng đức mến. Và nhờ đức cậy và đức mến này, người có chúng phải quên mình đi và tận hiến đời mình một cách quảng đại cho tình yêu Chúa và tha nhân.

Mary MacKillop có một đức tin mạnh mẽ, một đức cậy bền vững và một đức mến nồng nhiệt. Bà coi Thiên Chúa như người Cha đầy lòng chăm sóc mọi người, một Thiên Chúa đầy quan phòng, luôn quan tâm tới con cái của Người. Và do đó, quan tâm nhân bản của Bà trở thành lòng nhiệt thành cao độ đối với thiện ích của con cái Người.

Vốn rất ít tài nguyên riêng, bà bắt buộc phải “đánh bạc”, một cuộc đánh bạc vì lợi ích người khác, không nhằm tư lợi riêng. “Đánh bạc” rằng Chúa Quan Phòng sẽ hộ giúp chính nghĩa của mình đã trở thành một nhân đức Kitô Giáo. Đó chính là nhân đức tin cậy phó thác. Bà trở nên người phụ nữ hoàn toàn phó thác cho Thánh Ý Thiên Chúa, luôn nương tựa vào sự quan phòng của Người. Bà là người khai phá, khai phá những con đường mới nhằm giáo dục các trẻ em Công Giáo về Kitô Giáo. Khai phá cả những con đường mới để chịu đựng cô đơn và cực nhọc của chính mình. Bà trở thành vị tông đồ và nhà giáo dục Kitô Giáo nhiệt thành.

Đối với bà, tình đồng bạn (mateship) đã trở thành tình đồng chí của những người cùng sống trong một cộng đoàn Kitô Giáo là chính Hội Dòng Các Chị Em Thánh Giuse. Bà chính là người sáng lập ra Dòng Tu vĩ đại này.

Việc Bà luôn sẵn sàng hy sinh vì tình yêu Thiên Chúa và vì ích lợi của người khốn khó đã vượt quá lòng tốt tự nhiên. Nó đã trở thành phương cách riêng của bà sẵn sàng vác lấy Thánh Giá và bước chân theo Chúa Kitô. Người ta gọi Bà là Mẹ Maria Thánh Giá. Nói cách khác, Bà tiếp nhận các thực tại đơn giản từng giúp người Úc có khả năng tạo ra sự tốt đẹp; Bà dâng những thực tại ấy lên Thiên Chúa để người biến chúng thành các thiện ích cho con cái của Người. Bà bước chân theo Chúa Kitô, chấp nhận mọi chống đối và khó khăn, không bao giờ nản lòng, trái lại trí chí trung thành với Người mọi ngày suốt đời mình.

Người Úc ngày nay, vì thế, không ngừng nhìn lên Bà như một mẫu gương sáng chói. Họ dõi mắt quan sát đất nước họ và thấy rằng đất nước này đã thay đổi nhiều rồi, kể từ ngày Bà qua đời. Thời gian và kỹ thuật đã giúp họ tạo ra thịnh vượng cho xứ sở, xây dựng nhiều hải cảng hoành tráng, nhiều thị thành hoa lệ. Nhưng đất nước họ cũng đã sản sinh ra thật nhiều khó khăn tân thời, những nét xấu xí dị hợm: văn hóa ma túy, phá thai, tham nhũng; nhiều người lâm vào cảnh lẻ loi cô độc: người thất nghiệp, người di dân, người Châu Á, người Thổ Dân, người cô độc vì hôn nhân thất bại, vì gia đình ta vỡ. Đất nước này cũng đẻ ra vô số những đạo luật coi rẻ hay đi ngược hẳn lại các giá trị Kitô Giáo.

Theo gương bà, người Úc ngày nay cũng không thất vọng để tự coi mình bất lực không làm gì được trước viễn ảnh đen tối ấy. Phần đông người Úc vẫn không giầu, không thượng lưu và tài giỏi. Nhưng giống như Bà, họ hướng vào nội tâm và thấy ra sức mạnh bên trong, các tài năng bên trong, tuy hạn chế nhưng vẫn có thể làm nên một điều gì đó. Congar có lần nói rằng: anh hùng là “người làm được điều mình có thể làm được”. Theo nghĩa này, Maria MacKillop quả là một anh thư Úc đúng nghĩa. Bà đã làm được tất cả những gì Bà có thể làm được.

Một bà thánh cho thời đại ta

15 năm sau, tạp chí America, số ngày 18 tháng 10 năm 2010, dành bài xã luận với tựa đề “Một bà thánh cho thời đại ta” để tôn vinh Thánh Nữ Mary MacKillop. Dù tờ báo này nặng về phía chính trị tôn giáo, nhưng quan điểm của họ giúp ta hiểu thêm phần nào các đóng góp của Chân Phúc Mary MacKillop vào xã hội hiện đại, một xã hội mà họa phúc lẫn lộn, mà chân giả nhiều khi được sử dụng thay thế cho nhau như nhận định mới đây của Đức Bênêđíctô XVI.

Dù đã được Cha Paul Gardiner S.J, cựu thỉnh nguyện viên án phong Thánh cho Mary MacKillop, thanh minh, nhưng tờ America vẫn cho rằng Bà bị vạ tuyệt thông vì đã tố giác một linh mục phạm tội sắc dục. Dù sao, việc Bà bị tuyệt thông cũng đã được nghiên cứu tận tường và vốn là một trở ngại lớn lao cho án phong thánh. Thực vậy, ít có vị thánh nào từng bị vạ tuyệt thông như Bà, vì vạ tuyệt thông vốn là hình phạt nặng nề nhất trong Giáo Hội. Ấy thế mà năm 1870, Đức Cha Laurence Sheil, giám mục Adelaide đã tống khứ Bà ra khỏi Giáo Hội. Các nghiên cứu của Cha Gardiner cho thấy Đức Cha Sheil dựa vào sự bất tuân phục của Bà đối với thẩm quyền Giáo Hội để biện minh cho hành động trên.

Xưa nay, phần đông đều nhất trí như thế. Cho đến gần đây, bỗng có nguồn tin cho rằng lý do thực sự khiến Mary MacKillop bị vạ tuyệt thông có liên hệ đến vụ Cha Keating bị tố cáo phạm tội sắc dục. Cha Gardiner cho rằng đây là một “mánh lới” của những người muốn nhân dịp này khơi lại “đống tro tàn” cũ. Tuy nhiên, chính cha cũng nhìn nhận rằng vụ cha Keating bị tố cáo lạm dụng tình dục có gián tiếp góp phần vào vạ tuyệt thông trên. Trước nhất, vì vị đồng sáng lập ra Hội Dòng Chị Em Thánh Giuse là Cha Tenison Woods đã đứng ra thực hiện vụ tố giác ấy, sau khi nhận được phúc trình từ chính các nữ tu. Thứ hai, vì người bị tố giác quen thân với Cha Horan, là người lúc đó gần như “khuynh đảo” Đức Cha Sheil và rất tích cực trong việc vận động để có vạ tuyệt thông kia. Ký giả Anthony Barich của Hãng tin CNS gần đây, từ Perth, Australia, cho hay: hội dòng do Chân Phúc Maria MacKillop đồng sáng lập đã xác nhận phúc trình báo chí cho rằng một trong các lý do khiến một số giáo sĩ gây áp lực để Đức Cha Sheil “hủy diệt” Maria MacKillop là hội dòng của bà đã tố giác việc Cha Patrick Keating phạm tội sắc dục.

Tờ America tự hỏi: việc ấy có ý nghĩa gì đối với người Công Giáo hiện nay? Trước nhất, tờ báo cho rằng người ta không ngạc nhiên khi một vị thánh thấy mình không “thuận hảo” với phẩm trật Giáo Hội. Thánh Gioan thành Arc từng bị lên dàn hỏa năm 1431 sau khi bị một tòa án Giáo Hội của Anh kết tội lạc giáo. Thánh Tôma Aquinô cũng từng thấy các trước tác của ngài bị kiểm duyệt vào thế kỷ 13. Người Mỹ mới được phong thánh gần đây nhất là Mẹ Theodore Guérin, vị sáng lập đầy tinh thần độc lập của Dòng Chị Em Chúa Quan Phòng tại St.-Mary-of-the-Woods, năm 1847, cũng từng bị đức giám mục của giáo phận Vincennes, Ind., bắt phải ra khỏi dòng do chính bà sáng lập (vị giám mục này, sau đó, đã bị Tòa Thánh bãi nhiệm).

Thứ hai, người đàn bà mạnh quyền trong bất cứ tổ chức nào, dù là tôn giáo hay không, cũng thường bị coi là một đe dọa đối với quyền lãnh đạo của nam giới. Dù thế, nhiều phụ nữ trong Giáo Hội vẫn lập được các dòng tu hay tu hội, các học viện, trường trung và tiểu học, vẫn điều hành nhiều bệnh việc và cơ sở chăm sóc người nghèo. Phụ nữ thường nhìn thấy rõ hơn điều được Đức Bênêđíctô XVI gần đây gọi là “tội lỗi bên trong Giáo Hội”, vì họ đứng bên ngoài cơ cấu quyền lực.

Thứ ba, “những người thổi còi” tức những người cảnh giác các lầm lỗi xẩy ra trong tổ chức, dù là cá nhân hay tập thể, bao giờ cũng gặp chống đối mạnh mẽ. Nói sự thật cho những người cầm quyền, một vai trò truyền thống của tiên tri, ít khi nhận được lòng biết ơn của những người nhận được sự thật ấy. Tiên tri thường phải giáp mặt với các thái độ bác bỏ, các bác khước thù nghịch hay, như trong trường hợp Chân Phúc Mary MacKillop, bị trừng phạt thẳng tay. Chỉ gần đây, Giáo Hội mới bắt đầu coi những người thổi còi này là cần thiết, và có khi đáng kính, trong hàng ngũ của mình.

Thứ bốn, các nạn nhân của lạm dụng tình dục nay đã có một vị thánh mới để cầu nguyện cho họ. Vì thánh quan thầy thường có mối liên hệ bản thân với những người tìm kiếm sự cầu bầu của mình. Từ nay, các nạn nhân bị lạm dụng và tất cả những ai mong có công lý và hòa giải trong Giáo Hội nhân các vụ lạm dụng tình dục sẽ thấy nơi Thánh Mary MacKillop một đấng bầu cử mạnh mẽ. Quả là một sự quan phòng lớn lao khi Bà bước lên diễn đàn thế giới giữa lúc này.

Thứ năm, lịch sử của Chân Phúc Mary MacKillop cho thấy bộ mặt nhân bản của các thánh. Các thánh thường bị coi là xa vời đối với các thực tại trần gian, nhưng thực ra các ngài sống một cuộc sống đủ mọi niềm vui và đau khổ. Tuy nhiên, các ngài cũng là những người đàn ông và những người đàn bà có lối sống anh hùng. Còn gì anh hùng bằng đứng lên vì một nạn nhân dù việc đứng lên này đã làm họ mất cả tư cách thành viên giáo hội, một tư cách họ hết sức yêu quí?

Sau cùng, việc Giáo Hội phẩm trật phong thánh cho những người bị mình trù dập: hết Gioan thành Arc, tới Tôma Aquinô, Mẹ Guérin và nay Maria MacKillop, cho thấy rất nhiều điều về sự khôn ngoan của Giáo Hội và khả năng biết nhìn nhận lỗi lầm và sửa chữa các lỗi lầm ấy.

Gương sáng của Thánh Maria MacKillop hết sức phong phú. Người đàn bà Úc đáng nể này từng đồng sáng lập ra một Dòng Tu, dạy dỗ trẻ em, làm việc với người nghèo và khi sinh tiền, đã nổi danh về sự thánh thiện. Cuộc sống Bà thật hoàn bị, tích cực và thánh thiện. Giống mọi vị thánh khác, bà là mẫu mực cho mọi người Công Giáo. Nhưng vào lúc này, các nạn nhân của lạm dụng tình dục và gia đình họ đã có được người trợ giúp họ cả trên trời lẫn dưới đất.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo xứ Tân Lộc, gp Vinh, khai giảng năn học giáo lý
Tân Lộc
06:58 10/10/2010
VINH - Sáng nay vào lúc 7h tiếng trống khai trường chào đón năm học giáo lý 2010 – 2011 đã vang lên trên toàn giáo xứ Tân Lộc, cửa lò giáo phận Vinh.

Hình ảnh khai trường

Theo lịch phụng vụ bình thường của giáo xứ chiều và tối thứ bảy lễ thay Chúa Nhật. Song tuần này CN 29 sẻ không có lễ vào chiều và tối thứ bảy, sáng Chúa Nhật chỉ có một thánh lễ dành cho khai giảng giáo lý trên toàn xứ.

Trên 1.800 học sinh các lớp, khối từ Mầm non đến tiền hôn nhân và gần 70 giáo lý viên. cùng quản lý lớp học với giáo lý viên chủ nhiệm còn có 70 vị phụ huynh đứng lớp. Hơn 3.000 cộng đoàn giáo dân nô nức vui mừng đón chào thánh lễ khai giảng năm học mới. Cha chủ tế cùng các Ban ngành rước nhập lễ với đoàn giáo lý viên trong tiếng nhạc oai hùng của bài hát “..đẹp thay những bước chân rao giảng Tin Mừng..”

Ban tổ chức giới thiệu diễn tiến thánh lễ khai giảng, Cha Martinô Nguyễn Xuân Hoàng long trọng gióng lên hồi trống khai trường trong sự thinh lặng của toàn thể cộng đoàn sau được vỡ oà bằng một tràng pháo tay keo dài chào đón năm học mới.

Đại diện Ban giáo lý đọc diễn văn khai mạc, nói lên tinh thần dạy và học giáo lý trong toàn giáo xứ có đoạn được nhấn mạnh “Năm học giáo lý 2010 – 2011 có một ý nghĩa hết sức quan trọng đó là Giáo Hội Việt Nam đang chuẩn bị tổ chức Đại hội dân Chúa 2010 vào tháng 11 năm nay, và sẻ bế mạc năm Thánh 2010 vào tháng 1 năm 2011. Là người Kitô hữu, chúng ta ý thức được: Giáo dục gia đình Kitô giáo không chỉ là rèn luyện nhân cách thành hữu ích đối với bản thân, gia đình, mà còn giúp mỗi người trong gia đình sống xứng đáng là con cái Chúa để mai sau thành công dân nước trời. ..” tiếp “...Hình ảnh đẹp nhất để diện tả nét sinh động của nền giáo dục Kitô giáo là hình ảnh cây, và cành nho trong Tin Mừng của Thánh Gioan. Hình ảnh đó đặc biệt chỉ về hoạt động của Thầy, cô giáo lý viên, các thầy, cô như những cành nho gắn liền với thân nho Chúa Giêsu Kitô hút nhựa sống Lời Chúa từ thân cây là Chúa Giêsu để chuyển đến các em bằng chứng từ rao giảng và thực thi huấn lệnh của Ngài.

Cũng theo nghĩa đó, tất cả chúng ta, HĐ Mục vụ, mỗi thành viên trong các ban nghành đều là Giáo lý viên...”

Sau diễn văn khai mạc là nội quy của năm học giáo lý được một vị đại diễn Ban giáo lý xứ công bố gồm có 7 điều trong bản nội quy để mọi thành phần liên quan thực hiện.

Lời phát biểu cảm tưởng trước lúc bước vào năm học được đại diện một giáo lý viên lên phát biểu quyết tâm nhu tròn sứ mạng mà giáo hội giao phó, sau giáo lý viên là lời cam kết quyết tâm của đội ngũ phụ huynh đứng lớp người sẻ đồng hành với giáo lý viên chủ nhiệm trong các giờ dạy.

Lời phát biểu của vị đại diện cha mẹ học sinh làm toát lên quyết tâm cùng đồng hành với giáo lý viên trong dạy và học của con em mình có đoạn nhấn mạnh “... Là những bặc làm cha làm mẹ không khỏi ngày đêm trăn trở về học hành và nhân bản đạo đức cho con cái. Chúng tôi xin hứa sẻ có trách nhiệm đôn đốc tạo mọi điều kiện sắp xếp thời gian để con em được đến lớp, chúng tôi xin hứa là ngôi trường đầu tiên và liên tục trong việc giáo dục đức tin cho con cái mình...”.

Sau lời phát biểu của vị đại diện học sinh một em khối vào đời thay mặt cho gần 1.800 học sinh trong toàn xứ giáo xứ nói lên quyết tâm học tập của mình, với lòng tri ân Cha quản xứ, Quý Ban ngành, Quý giáo lý viên và nhất là cha mẹ đã tạo mọi điều kiện để các em được tiếp cận giáo lý đức tin, để sống xứng đáng là người học trò ngoan của giáo hội và xã hội.

Cha quản xứ Martinô Nguyễn Xuân Hoàng đúc kết lễ khai giảng bằng những lời huấn từ đầy ý nghĩa, ngài chấn mạnh “. .. tất cả chúng ta mọi Ban ngành, mọi tầng lớp hãy hợp lực đoàn kết hăng say cùng “ra khơi” là “những cánh tay nối dài” của Chúa Giê-su trên cánh đồng truyền giáo của xứ nhà.

Thánh lễ trang ngiêm sốt mến được cộng đoàn phụng vụ dâng lên Chúa với tâm tình tạ ơn, cầu xin trong ngày khai giảng năm học 2010 – 2011 như báo hiệu lại một mùa bội thu đầy hy vọng cho cộng cuộc giáo dục xứ nhà.
 
Thánh Lễ Kỷ Niệm 100 năm Thánh đường Giáo Xứ Thụy Lôi, Thái Bình
Hồng Ân
07:03 10/10/2010
THÁI BÌNH - Chiều ngày 09/10/2010, vào lúc 18 giờ 30’, Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ, Giám mục giáo phận Thái Bình đã tới dâng thánh lễ tạ ơn Thiên Chúa nhân dịp mừng kỷ niệm ngôi thánh đường giáo xứ Thụy Lôi được 100 tuổi.

Xem hình ảnh

Mặc dù công việc bận mải nhưng với tấm lòng của người mục tử, Đức cha đã dành thời gian tới hiệp dâng thánh lễ tạ ơn Thiên Chúa nhân dịp mừng kỷ niệm ngôi thánh đường giáo xứ Thụy Lôi được 100 tuổi. Cùng đồng tế với Đức cha có cha bề trên dòng Thừa Sai Đức Tin, quý cha, quý tu sỹ nam nữ, quý khách xa gần cùng mọi thành phần dân Chúa trong và ngoài giáo xứ Thuỵ Lôi.

Trước khi dâng thánh lễ tạ ơn Thiên Chúa, cha chánh Giuse Nguyễn Thanh Ngư đã sơ lược giáo xứ Thuỵ Lôi. Sau đó, cha bề trên dòng Thừa Sai Đức Tin đã đọc

Trong bài giảng Đức cha đã chúc mừng giáo dân giáo xứ Thuỵ Lôi trong ngày trọng đại này. Ngài cùng khuyên nhủ mọi người hãy tri ân và noi gương các bậc tiền nhân đã can đảm sống niềm tin và làm chứng cho Chúa dù có phải hy sinh mạng sống để lưu truyền Đức Tin cho chúng ta hôm nay.

Hôm nay, chúng ta vui mừng kỷ niệm nhà thờ được 100 tuổi cũng là dịp để mọi người cùng nhau tạ ơn Thiên Chúa đã thương ban muôn hồng ân cho giáo xứ và cho mỗi người chúng ta, nhưng đồng thời cũng là thời khắc mở ra những ngày tháng mới, lãnh nhận sứ điệp mới trong suy nghĩ, trong hành động, để từ đó qua cuộc sống hằng ngày của chúng ta – những tín hữu Chúa Kitô, mà làm cho lương dân nhận biết Chúa, gặp được Chúa và tin theo Chúa.

Trước khi ban phép lành cuối lễ, một vị đại diện giáo xứ đã lên tặng hoa và cám ơn Đức cha, quý cha, quý tu sỹ nam nữ cùng toàn thể cộng đoàn đã tới hiệp dâng thánh lễ và cầu nguyện cho giáo xứ; xin tri ân các đấng bậc và mọi người đã giúp đỡ và quan tâm đến giáo xứ; xin tiếp tục cầu nguyện cho giáo xứ.

LƯỢC SỬ GIÁO XỨ THỤY LÔI

Đất và người

Tân Giáo xứ Thụy Lôi, tên trước đây thường gọi một cách thân thương là họ Xuôi, nằm trên địa bàn xã Thụy Lôi, thuộc huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên, cách thành phố Hưng Yên hơn 10 km theo hướng đông. Đây là một vùng đất trũng phì nhiêu nằm dọc bên bờ sông Luộc thơ mộng, hàng năm được phù sa bồi đắp nên đất đai màu mỡ, thích hợp trồng các loại cây lương thực và hoa màu, đặc biệt là nhãn lồng nổi tiếng. Không những thế, Thụy Lôi còn được dòng sông Luộc cung cấp lượng nước dồi dào cho nông nghiệp, và là nơi có nhiều tàu thuyền qua lại nhộn nhịp suốt ngày đêm, ‘trên bến dưới thuyền’ rất thuận lợi trong việc vận chuyển, giao lưu thương mại. Cũng giống như hầu hết các vùng nông thôn Miền Bắc, cuộc sống con người Thuỵ Lôi in đậm dấu ấn nếp sống văn hoá làng xã. Các gia đình thường sống quần tụ bên nhau rất gần gũi thân thương ‘tứ đại đồng đường’. Mối tương quan họ hàng thân thuộc trải rộng từ làng này đến làng khác. Đặc biệt, trong giáo xứ, ước chừng 90% bà con tín hữu có họ hàng với nhau. Cũng chính nhờ nếp sống mang đậm tinh thần gia đình, mà trải qua những thăng trầm và thử thách của cuộc sống, Đức Tin của người tín hữu vẫn luôn được hun đúc. Tính đến năm 2009, toàn xã có khoảng 6.000 nhân khẩu. Trong đó, số tín hữu Công giáo là 870 nhân khẩu, chiếm 14,5%. Đây là một tỷ lệ cao so vơí tỷ lệ chung của cả giáo phận Thái Bình (khoảng 3,48%).

Hành trình Đức Tin

a. Đón nhận Tin Mừng: Nói đến Thụy Lôi, không thể không nói đến giáo xứ Tiên Chu thuộc xã Hồng Nam, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên. Đây là một trong những xứ đạo kỳ cựu của giáo phận Thái Bình; bởi lẽ Tiên Chu nằm ở Phố Hiến, nơi các đấng thừa sai ngoại quốc thường lui tới để rao giảng Tin Mừng vào hậu bán thế kỷ 17 và được nhiều người đón nhận Đức Tin. Năm 1730, Tiên Chu trở thành một xứ đạo độc lập.

Những năm 1860, các thừa sai từ Tiên Chu đã mang hạt giống Tin Mừng gieo vào vùng Thụy Lôi và được nhiều người đón nhận. Năm 1870, sau thời kỳ bách hại đạo của vua Tự Đức, Hội Thánh tương đối được yên ổn, nhiều gia đình Công giáo của họ Vân Tiêu (Viên Tiêu) từ xứ Tiên Chu đến định cư tại xã Thụy Lôi. Họ hiệp thông với các tín hữu đã đón nhận đức tin từ các thừa sai, xây dựng một ngôi nhà nguyện nhỏ lợp bằng lá để thờ phượng Chúa, lấy tên là họ Xuôi (còn gọi là họ Thụy Lôi) và trở thành một họ lẻ của xứ Tiên Chu. Mặc dù là họ lẻ, nhưng ngay từ những ngày đầu đón nhận Tin Mừng, các tín hữu đã thể hiện sức sống Tin Mừng một cách mãnh liệt. Bằng chứng là trong thời kỳ bách đạo của vua Tự Đức (1847-1883), họ Xuôi (còn gọi là họ Thụy Lôi) đã có hai chứng nhân Đức Tin, chấp nhận đổ máu đào để minh chứng tình yêu Chúa Kitô, đó là hiền phúc tử đạo Gioan Liên và Phêrô Uyên cùng chịu xử trảm ngày 01 tháng 6 năm 1862, tại Hưng Yên. Cũng vào thời gian đó, họ Lệ Chi cũng có một nhành lá tử đạo, là hiền phúc Đaminh Lãnh trước khi chịu xử chém ngài đã lớn tiếng phó mình cho Chúa mà chịu trảm quyết. Năm 1902, Giám mục Tông tòa giáo phận Trung Kỳ ban sắc lệnh chia 6 họ lẻ thuộc xứ Tiên Chu là Thụy Lôi, Lệ Chi, Điềm Xá, Mai Xá, An Cầu, Võng Phan lập thành giáo xứ Võng Phan. Từ đó, Thụy Lôi trở thành họ lẻ của giáo xứ Võng Phan và được các vị chủ chăn chăm sóc trải qua các giai đoạn: Từ 1902 - 1929: cha Chi từ 1929 - 1944: cha Vinhsơn Nguyễn Hữu Thụy từ 1944 -: cha Giuse Nguyễn Ngọc Linh từ 1944 - 1945: cha Đaminh Đinh Đức Trụ (sau làm Giám mục Giáo phận Thái Bình) từ 1948 - 1949: cha Hiralio Aragon Đức (thừa sai Tây Ban Nha) từ 1949 - 1954: cha Tôma Trần Lê Vinh từ 1954 - 1969: cha Tôma Nguyễn Tình từ 1969 - 1973: cha Tôma Trần Công Tính từ 1973 - 1994: cha Vinhsơn Phạm Văn Tuyên từ 1994 - 2003: cha Vinhsơn Mai Thành Sơn từ 2004 - 2007: cha Đaminh Bùi Ngọc Hải từ 2007 - 2009: cha Giuse Trịnh Tiến Thành từ 2009 - đến nay: cha Giuse Nguyễn Thanh Ngư.

b. Xây dựng thánh đường: Trước năm 1910, họ Xuôi đã có một ngôi nhà thờ lợp lá, nằm tại ngã ba giữa thôn Lệ Chi và thôn Thụy Lôi. Do số tín hữu ngày càng tăng, năm 1910 nhà thờ cũ được tháo dỡ để xây dựng lại ngôi nhà thờ mới kiên cố và rộng lớn hơn trên một khu đất diện tích chừng 8000 m2 (78m x 103m), cách nhà thờ cũ khoảng 300 m về hướng đông nam, nhận thánh quan thầy là Phêrô Tông đồ. Theo lời kể của một số cụ am hiểu về nguồn gốc nhà thờ, thì nhà thờ này được xây dựng do hai vị tín hữu thông gia, có tinh thần yêu mến Chúa và lòng nhiệt thành tông đồ: một người thuộc họ Thụy Lôi là cụ Hậu Sen và một người thuộc họ Lệ Chi là cụ Phó Phủ. Toàn bộ giàn khung chính của nhà thờ hiện nay được hai cụ mua lại của nhà thờ Phú Lạc (thuộc giáo xứ Phú Lạc), rồi thả bè ngược dòng sông Hồng khoảng 10 km đến cửa sông Luộc rồi xuôi theo dòng sông Luộc đến Thụy Lôi; sau đó được thiết kế lại thành ngôi nhà thờ họ Xuôi. Còn tháp chuông nhà thờ thì đến năm 1977 mới được xây dựng. Nhà thờ được xây dựng theo lối kiến trúc Phương Tây, dạng hình chữ nhật dài 37 m, rộng 13,5 m; chiều cao tháp chuông 29,5 m. Nếu ai có dịp đến thăm giáo xứ Thụy Lôi, bước vào bên trong nhà thờ, điều gây ấn tượng đầu tiên là gian cung thánh, bởi sự trang trí đầy tính thiêng liêng diễn tả những hình ảnh thật sống động của vương quốc thiên đàng. Trên cùng là Đức Chúa Cha đang dang tay chúc lành cho mọi loài thụ tạo, bao quanh có các thiên thần đang hoan ca thờ lạy, bên dưới có Tòa Đức Mẹ Mân Côi (Tòa Rôsa) được bài trí theo truyền thống các cha dòng Đaminh thừa sai Tây Ban Nha: Tay trái Đức Mẹ bồng ẵm Chúa Con để giới thiệu cho nhân loại, tay phải Mẹ cầm tràng chuỗi Mân Côi trao cho cha thánh Đaminh và thánh nữ Catarina Siêna đang cung kính quỳ dưới chân Mẹ và hân hoan đón nhận. Chiếc cột hai bên Tòa Đức Mẹ được chạm khắc hai thánh tử đạo thật sinh động: một tay cầm Thánh Giá, tay còn lại cầm nhành lá thiên tuế, mắt ngước lên trời như đang khát mong sớm được về nhà Cha. Bên dưới Tòa Mức Mẹ là Nhà Tạm được chạm khắc công phu và được sơn son thiếp vàng, trên đỉnh Nhà Tạm là tượng Chúa Giêsu chịu nạn, v.v. Sự bài trí đầy tính thiêng liêng của cung thánh khiến cho những ai bước vào cũng phải hướng lòng lên Chúa để cầu nguyện và gẫm suy về nước thiên đàng.

c. Thời kỳ khủng hoảng: Biến cố 1954 có thể nói là thời kỳ khủng hoảng của người Công giáo tại miền Bắc, Việt Nam. Hiệp định Genève chia đôi đất nước thành hai miền Nam - Bắc từ vĩ tuyến 17, có hơn 90% giáo dân rời bỏ quê hương, xứ đạo để di cư vào Miền Nam. Giáo họ Thụy Lôi cũng nằm trong bối cảnh chia ly đó, chỉ còn một số rất ít ở lại trong tâm trạng âu lo và sợ hãi. Giáo dân không có linh mục như đàn chiên bơ vơ không người chăn dắt, đời sống Đức Tin chỉ còn được duy trì nhờ kinh nguyện trong gia đình; nhà thờ gần như bị bỏ hoang vì không có người ở để trông nom coi sóc. Khi hoàn cảnh ly tán đang làm cho những người ở lại không ít hoang mang, thì vào năm 1962, bà con tín hữu lại phải chứng kiến một thực trạng đáng buồn: một con đường liên thôn đã cắt chéo sát ngôi thánh đường, khuôn viên nhà Chúa bị biến dạng và diện tích dần dần bị thu hẹp lại chỉ còn 1/4 so với diện tích ban đầu (2000m2 trên 8000m2). Thật xót xa hơn, vào những năm 1964 - 1965, nhà nước đã dùng bốn gian cuối nhà thờ để đựng thóc. Giáo dân sao cầm được nước mắt, sao không đau đớn khi mà nhà thờ là nơi thiêng liêng để thờ phượng Thiên Chúa, là nơi để lãnh nhận thần lương nuôi sống linh hồn là bàn tiệc Lời Chúa và bàn tiệc Thánh Thể, là trung tâm sinh hoạt tôn giáo của cộng đoàn tín hữu, lại trở thành một nhà kho để đựng lúa! Mặc dù sống trong những hoàn cảnh vô cùng khó khăn do hoàn cảnh lịch sử, nhưng giáo dân vẫn kiên tâm chịu đựng và một lòng một dạ trung thành với Chúa, với Giáo Hội. Ngày đêm họ âm thầm cầu nguyện cho dân tộc được sống trong hòa bình, cho con cái Giáo Hội được thờ phượng Chúa mà không sợ hãi điều gì, v.v. Từ một số ít tín hữu còn lại sau năm 1954, như hạt giống âm thầm chờ ngày được sinh sôi nảy nở và phát triển.

Hiện tại và hướng đến tương lai

Không ai ngờ rằng, họ lẻ Thụy Lôi đã trải qua những giai đoạn vô cùng khó khăn, họa hiếm mới có linh mục về dâng thánh lễ, thì hôm nay lại được Thiên Chúa ưu ái cách đặc biệt, như là một sự bù đắp những thiệt thòi trong quá khứ và là sự khích lệ cho sự tín trung của các tín hữu. Thật vậy, ngày 02/12/2006, một trang sử mới đến với giáo họ Thụy Lôi: Đức cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Sang, nguyên Giám mục giáo phận Thái Bình đã nâng giáo họ Thụy Lôi lên thành giáo xứ Thụy Lôi, gồm họ Thụy Lôi và họ Lệ Chi. Đức cha đã nhìn thấy nhu cầu tâm linh và tiềm năng phát triển của cộng đoàn tín hữu tại đây. Và để anh chị em giáo dân được thường xuyên có vị chủ chăn hướng dẫn và ban các bí tích, ngài đã trao giáo xứ Thuỵ Lôi cho tỉnh dòng Thừa Sai Đức Tin Việt Nam coi sóc. Mặc dù được nâng lên thành giáo xứ tháng 12/2006, nhưng đến ngày 23/5/2009, giáo xứ Thụy Lôi mới có linh mục đặc trách là cha Giuse Nguyễn Thanh Ngư, dòng Thừa Sai Đức Tin; đến tháng 3/2010, cha Giuse trở thành linh mục chánh xứ tiên khởi của giáo xứ Thụy Lôi, theo văn thư bổ nhiệm của Đức giám mục Phêrô Nguyễn Văn Đệ, Giám mục giáo phận Thái Bình. Hiện tại, giáo xứ có hai giáo họ. Họ Phêrô có 450 nhân khẩu, họ Phaolô 420 nhân khẩu. Khi được trao nhiệm vụ coi sóc giáo xứ, cha Giuse đã quan tâm trước hết đến đời sống Đức Tin của tín hữu: cử hành thánh lễ mỗi ngày để giáo dân tham dự; cử hành các bí tích, thành lập các ca đoàn (giới trẻ, thiếu nhi), mở dạy các lớp giáo lý, lập ban lễ sinh, thành lập lớp ơn gọi (25 em), dạy nhạc lý căn bản cho ca đoàn, lập hội con Đức Mẹ (các bà mẹ Công Giáo), v.v. Cha cũng đặc biệt quan tâm đến 20% số tín hữu đã bỏ nhà thờ từ rất lâu (9 đến 35 năm) và đã giúp họ trở lại nhà thờ được 90%. Ngoài ra, cha cũng chú tâm đến việc đem ánh sáng Tin Mừng cho người ngoại giáo và đã giúp đưa 4 gia đình trở về với Chúa và trở thành con cái của Giáo Hội với tổng cộng 18 người vào đêm Phục Sinh 2009. Cha còn khuyến khích các bạn trẻ tham gia công tác truyền giáo: gặp gỡ, làm quen, khéo léo và tế nhị nói về Chúa và về Giáo Hội cho họ, mời họ đến nhà thờ tham quan nhất là các dịp lễ lớn.Ngoài ra, cha Giuse đã và đang giúp cho anh chị em giáo dân hoà nhập vào sinh hoạt chung của giáo hạt và giáo phận: tạo điều kiện cho các bạn trẻ tham dự lớp đào tạo giáo lý viên, sinh hoạt giới trẻ; cử hành Năm Thánh về gia đình thay mặt giáo phận tại giáo xứ (hơn 1000 người tham dự), tham dự Năm Thánh các bà mẹ Công Giáo (15/8/2010), tham dự ngày hội các lễ sinh tại giáo phận, v.v. Những nỗ lực của cha Giuse cùng với sự cộng tác của anh chị em tín hữu mà đặc biệt là hội đồng mục vụ của giáo xứ không những giúp cho đời sống đạo được khởi sắc hơn, mà còn nâng cao ý thức về bổn phận làm cha làm mẹ, làm con làm cháu trong gia đình và ngoài xã hội; mối tương quan giữa người Công giáo với anh chị em lương dân ngày càng tốt đẹp hơn. Đặc biệt, trong khi tệ nạn ma tuý lan tràn trong xã hội đến mức báo động, thì trong cả giáo xứ Thụy lôi không có bất kỳ một trường hợp nghiện hút nào xảy ra. Về mặt học tập, năm 2009, giáo xứ có 45 học sinh tiên tiến, một em học sinh giỏi cấp huyện, một em thi đậu đại học cùng lúc ba trường với số điểm rất cao. Năm 2010 có 67 học sinh giỏi, trong đó có một em học sinh giỏi cấp huyện và một em đạt học sinh giỏi cấp tỉnh. Nhận thấy nhu cầu sinh hoạt tôn giáo ngày càng tăng, bên cạnh nâng cao đời sống tâm linh, cần phải có cơ sở vật chất là những phương tiện để phục vụ tín hữu và công việc truyền giáo tốt hơn. Cha Giuse đã quyên góp và sửa chữa lại hơn 400 m2 nhà thờ, làm đường thoát nước hơn 200 mét, sửa và làm mới nhà xứ thêm 50 m2, mua hơn 1500 m2 đất nhằm mở rộng khuôn viên nhà thờ và xây dựng các công trình để phục vụ tín hữu. Tuy cha Giuse đã nỗ lực cố gắng rất nhiều, nhưng hiện tại, cơ sở vật chất của giáo xứ vẫn còn nhiều thiếu thốn, chưa có nhà giáo lý, chưa có nhà sinh hoạt mục vụ, khuôn viên nhà thờ quá chật hẹp: từ hơn 8000 m2 lúc ban đầu, nay chỉ còn khoảng 2000 m2. Nhà thờ đã xuống cấp trầm trọng, chỉ cần một cơn mưa vừa là nền nhà thờ đã lai láng nước. Nhà thờ cũng trở nên nhỏ bé trước sự gia tăng của tín hữu, đặc biệt là những ngày lễ trọng và Chúa Nhật, giáo dân phải đứng ngoài nhà thờ để tham dự thánh lễ. Đó không chỉ là nỗi ưu tư của cha xứ, mà là nỗi ưu tư của tất cả những ai đang thao thức lo lắng cho tương lai của cộng đồng tín hữu cũng như công cuộc loan báo Tin Mừng. Trải qua 100 năm lịch sử, với bao biến cố thăng trầm, giáo xứ Thụy Lôi vẫn luôn được Thiên Chúa ân cần chăm sóc và dẫn dắt. Nhìn lại 100 năm cũng có nghĩa là nhận ra bàn tay quan phòng đầy yêu thương của Thiên Chúa đối với họ Xuôi và nay là giáo xứ Thụy Lôi nhỏ bé nhưng đầy tình Chúa tình người. Nhìn lại 100 năm để mỗi người trong giáo xứ biết cảm tạ hồng ân Thiên Chúa và tri ân những người đã góp công góp sức xây dựng ngôi thánh đường tuy đã rêu phong nhưng vẫn hiên ngang trước bao sóng gió của thời gian. Máu các vị tử đạo là hạt giống sinh ra các Kitô hữu ! (Tertullianus). Nhìn lại 100 năm để mọi người cảm ơn các vị hiền phúc tử đạo của giáo xứ đã âm thầm cầu thay nguyện giúp, nhờ đó mà hạt giống Đức Tin ngày càng sinh sôi nảy nở như hôm nay. Và để đền đáp hồng ân Chúa ban và tri ân tất cả những ai đã và đang giúp đỡ giáo xứ bằng cách này hay cách khác, có lẽ không gì thiết thực hơn bằng sự nỗ lực sống chứng nhân như người con cái của Chúa và của Hội Thánh ngay trong cuộc sống hàng ngày của mỗi Kitô hữu.
 
Ca đoàn Nữ Vương Giáo Xứ Đức Mẹ HCG. Maidstone mừng bổn mạng.
FX. Trần Văn Minh
07:13 10/10/2010
Melbourne, Chuá nhật 10 Tháng 10 Năm 2010. Vào lúc 3 giờ chiều một Thánh lễ cuả Cộng đoàn Công giáo Việt Nam Giáo xứ Our Lady do Linh mục Gioan Baotixita Nguyễn Thanh Toàn, Phó xứ nhà thờ Chánh toà Nha Trang đang du học tại Melbourne cử hành thay cho linh mục Phillip Lê Văn Sơn Tuyên úy Cộng đồng Công giáo Việt Nam vùng Miền tây TGP Melbourne, để mừng kính Đức Mẹ Nữ Vương và cũng là bổn mạng Ca đoàn Nữ Vương Việt Nam thuộc Giáo xứ Đức Mẹ Hằng cứu giúp.

Xem hình ảnh

Với một ngày nắng đẹp, nhiệt độ thật lý tưởng. Các ca viên trong bộ đồng phục áo dài màu vàng nhạt, rất hân hoan tập trung từ rất sớm, để ôn luyện các bài hát chọn lọc để cùng cất cao lời hát dâng kính Nữ Vương mà ca đoàn đã rất vinh dự chọn làm bổn mạng. Để mỗi khi Tháng mười, Tháng Đức Mẹ, Ca đoàn lại vui mừng, tổ chức lễ bổn mạng thật trọng thể.

Được biết, Giáo xứ Our Lady là một giáo xứ cuả người Úc chính mạch, và là một giáo xứ đa văn hoá, vì có nhiều sắc dân như Tonga, Phi Luật Tân, Ý Đại Lợi vv. sinh hoạt chung, trong đó có Cộng đoàn Công giáo Việt Nam. Đặc biệt, mỗi cộng đoàn đều có một ca đoàn riêng để phục vụ trong các thánh lễ đặc biệt mừng kính bổn mạng riêng cuả cộng đoàn mình. Đây là năm Thứ 6. Ca đoàn Nữ Vương tổ chức mừng kính Bổn mạng Nữ Vương cuả ca đoàn. Từ ngày thành lập đến nay, số ca viên mỗi ngày một tăng.

Trong bài chia sẽ lời Chuá. Linh mục Nguyễn Thanh Toàn đã gửi đến cộng đoàn bài tin mừng nói về Chuá Giêsu chưã bệnh cho người phong hủi, khi mọi người đều được chưã lành, thì chỉ có một người trở lại cảm tạ ơn Chuá, còn chín người bệnh khác đã vui mừng đi nhập cùng cộng đồng mà đã quên đi lời cảm tạ ơn cứu chưã cuả Chuá Giêsu.

Nhờ có Ca đoàn Nữ Vương mà trong những nghi thức phụng vụ những Thánh lễ tiếng Việt đã trở nên long trọng hơn, vì ngoài phần thánh ca, ca đoàn còn đảm nhiệm các phần phục vụ cuả các thưà tác viên đọc lời Chuá và đọc lời nguyện, giúp giáo dân, nhất là các vị cao tuổi tham dự thấy gần gũi với Giáo hội Việt Nam hơn.

Sau Thánh lễ, ông Lê Văn Thanh đại diện ca đoàn đã lên cám ơn linh mục chủ tế cùng cộng đoàn Dân Chuá trong giáo xứ đã luôn là nguồn cảm kích, khích lệ ca đoàn và luôn mong ước ca đoàn ngày thêm vững tiến, để dùng lời ca tiếng hát vang vọng ca tụng Thiên Chuá, và cảm tạ Chuá như bài Phúc âm ngày Chuá nhật 27 thường niên. Những người phong cùi đã được chưã lành do lòng tin đã được Chuá Giêsu chưã lành đã quay lại cảm tạ lòng thương xót cuả Chuá.

Thánh lễ kết thúc với bài ca mừng kính Nữ Vương. Sau đó mọi người được mời qua hội trường giáo xứ để tham dự bưã tiệc liên hoan nhẹ, cùng phần văn nghệ đặc sắc do các ca viên cuả hai ca đoàn Nữ Vương và Martinô phụ trách, buổi văn nghệ kéo dài hơn 3 tiếng đồng hồ, rất hào hứng trong sự cổ võ nồng nhiệt cuả mọi thành viên ca đoàn.
 
Nam Úc, Mừng Kính Mẹ Fatima
Jos. Vĩnh SA
16:54 10/10/2010
Nam Úc, Mừng Kính Mẹ Fatima

Lúc 12 giờ 30’ trưa Chúa Nhật ngày 10/10/10. Họ đạo Fatima thuộc CĐCGVN - Nam Úc đã tổ chức Thánh Lễ long trọng mừng kính Mẹ Fatima, bổn mạng của giáo họ.

Thánh Lễ đồng tế được cử hành tại nhà thờ Holy Family, vùng Parafield Gardens do Đức Ông Phaolô Nguyễn Minh Tâm quản nhiệm Cộng Đồng chủ tế, cùng đồng tế có Cha Thịnh giáo xứ Hòa Mỹ, Sóc Trăng và Cha Mười giáo xứ Hải Yến, Năm Căn, Cà Mau thuộc giáo phận Cần Thơ, từ Việt Nam sang thăm Nam Úc.

Bài giảng trong Thánh Lễ Đ/ô. Minh Tâm đã quảng diễn về bài Phúc Âm 10 người Samari đã được chữa lành khỏi bệnh phong cùi, nhưng chỉ có một người trở lại cảm ơn Thiên Chúa và ý nghĩa sự kiện Đức Mẹ Maria hiện ra tại Fatima 93 năm trước đây, khuyên bảo trần thế hãy năng lần chuỗi Mân Côi. Giáo họ Fatima đã nhận ngày này làm Bổn Mạng.

Đáng lẽ giáo họ sẽ mừng lễ Bổn Mạng vào Chúa Nhật 17 tháng 10 tuần tới, nhưng Chúa Nhật ngày 17 tuần tới lại trùng với ngày đại lễ phong thánh, nữ tu Mary Mackillop vị hiển thánh đầu tiên của Úc Châu và Tân Tây Lan, nên Tổng Giáo Phận Adelaide và toàn Úc Châu có cuộc rước vĩ đại đón mừng vị Thánh tiên khởi của Úc Châu, nên BCH giáo họ đã quyết định tổ chức mừng lễ Bổn Mạng sớm hơn một tuần.

Trước khi kết thúc Thánh Lễ, ông Chủ Tịch Cộng Đồng lên chúc mừng Ban Chấp Hành và tòan giáo dân trong giáo họ. Sau đó ông Trưởng Họ lên cảm ơn Chủ Tế Đoàn, Ban Mục Vụ, Hội Đồng Mục Vụ và mọi người đã cùng hiệp dâng Thánh Lễ cầu nguyện cách riêng cho giáo họ, những người còn sống cũng như đã qua đời.

Sau khi kế thúc Thánh Lễ là bữa tiệc liên hoan ngoài trời do Ban Chấp Hành giáo họ quyên góp và khoản đãi toàn thể các thành viên trong giáo họ. Lồng trong bữa tiệc là một chương trình văn nghệ giúp vui gồm có: Nhạc sống và nhạc hát Karaoke do các ca sĩ "Cây nhà là lá vườn" trình diễn, keó dài cho đến hơn 3 giờ chiều mới chấm dứt.

Xem Hình Click Nơi Đây

Được biết giáo họ Fatima là một giáo họ có sĩ số giáo dân đông nhất của Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam tại Nam Úc. Địa hạt của giáo họ bao quanh khu vực vùng phía cực bắc của thành phố Adelaide, thủ phủ tiểu bang Nam Úc.

Hàng tuần, các linh mục tuyên úy thay nhau đến đây dâng Thánh Lễ lúc 12 giờ 30’ mỗi trưa Chúa Nhật, cho giáo dân trong giáo họ tại nhà thờ Holy Family, vùng Parafield Gardens, nơi có đông người Việt định cư.

Ứơc chừng, mỗi Thánh Lễ trưa Chúa Nhật, có khoảng trên 300 giáo dân đến tham dự.

Nhân dịp này hai Cha Thịnh và Mười thuộc giáo phận Cần Thơ đã ngỏ lời xin giáo dân trong Cộng Đồng giúp đỡ, hỗ trợ công tác mục vụ của hai Cha tại VN.
 
Giáo Đoàn Đức Mẹ Fatima Miller Sydney Mừng Bổn Mạng
Diệp Hải Dung
21:50 10/10/2010
SYDNEY - Sáng Chúa Nhật 10/10/2010 các Hội đoàn Đoàn thể của Giáo đoàn và quý quan khách Úc Việt đã đến nhà thờ St. Therese Miller Sydney tham dự Lễ mừng kính Đức Mẹ Fatima Quan Thầy của Giáo đoàn, Ca đoàn, Xứ đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể, Chi Hội Các Bà Mẹ Công Giáo. Mọi người tập trung tại khuôn viên nhà thờ Cha Chính xứ Paulino Kolio xông hương kiệu Thánh tưọng Đức Mẹ Fatima và cùng với quý Cha cung nghinh rước kiệu Thánh tượng Đức Mẹ vào Thánh đường, tất cả mọi Giáo dân sốt sắng và nghiêm trang trong cuộc kiệu dâng lên Đức Mẹ chuỗi kinh Mân Côi Mùa Mừng để nguyện xin Mẹ chúc lành cho Gia Đình, cho Giáo đoàn và Cộng Đồng.

Xem hình ảnh

Sau khi kiệu Thánh tượng Đức Mẹ tiến vào Thánh đường và an vị trên cung thánh, Cha Paul Văn Chi Đặc trách Giáo đoàn ngỏ lời chúc mừng Bổn Mạng Giáo Đoàn và giới thiệu quý Cha Chính xứ Paulino Kolio, Cha Phó xứ Jude Nicholas, Tuyên uý Trưởng Nguyễn Khoa Toàn, Nguyễn Văn Tuyết, Cha Mai Đào Hiền, Cha Dương Thanh Liêm và Cha Đỗ Trọng Năng từ VN tham dự và cùng hiệp dâng Thánh lễ mừng Bổn Mạng.

Trong bài giảng Cha Dương Thanh Liêm đã nói tháng Mân Côi dâng kính Đức Mẹ bằng tràng chuỗi Mân Côi đặc biệt là lời Kinh Kính Mừng chúc tụng ngợi khen Mẹ, Cha khuyến khích mọi người hãy siêng năng lần chuỗi Mân Côi để cảm tạ ơn Mẹ. Như bài Phúc Âm hôm nay nói về 10 người bị bệnh phong cùi được Chúa Giêsu chữa lành, mà chỉ có 1 ngưòi Samaria trở lại cảm tạ ơn Chúa mà thôi, còn 9 ngưòi kia đâu ? Sự biết ơn và vong ơn đã thể hiện rõ ràng. Chúng ta phải biết ơn và cảm tạ.

Trước khi kết thúc Thánh lễ, Đoàn diễn nguyện do các em Thiếu Nhi với những y phục của các Dòng Tu dâng lên Đức Mẹ với tâm tình tạ ơn và chúc tụng rất long trọng và trang nghiêm, đồng thời quý Cha và tất cả mọi ngưòi cùng quỳ hướng về kiệu Thánh tượng Đức Mẹ dâng lời Kinh cảm tạ. Sau đó Cha Paulino Kolio Chính xứ Miller lên ngỏ lời chúc mừng Lễ bổn mạng của Giáo đoàn và Cha cám ơn sự đóng góp của mọi người trong Giáo đoàn những năm tháng qua, đặc biệt Cha khen ngợi Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam có Đức Tin mạnh và tiến triển trong Giáo Hội. Kế tiếp Anh Trần Anh Vũ Phó Chủ tịch CĐCGVN TGP Sydney lên ngỏ lời chúc mừng Lể Quan Thầy của Giáo đoàn và sau cùng ông Nguyễn Văn Đáng Trưởng Ban Mục Vụ Giáo đoàn Miller lên ngỏ lời cám ơn quý Cha, quý Sơ, quý Quan Khách và tất cả mọi người đã đến tham dự Lễ mừng kính Bổn Mạng, đặc biệt là quý vị ân nhân đã góp công góp của trợ giúp cho Giáo đoàn tổ chức ngày Lễ bổn mạng hôm nay được mọi sự tốt đẹp hoàn mỹ.

Sau khi kết thúc Thánh lễ mọi người ở lại tham dự buổi liên hoan trong Hội Trường của nhà thờ và thưởng thức văn nghệ giúp vui do Ca đoàn và Thiếu Nhi trình diễn với những tiết mục Ca, Múa rất đậm tình quê hương và xổ số may mắn.
 
Văn Hóa
Phiếm chính trị: Chuộc lỗi cha ông
Tạ Dzu
07:22 10/10/2010
Từ nghìn xưa, những người có chí cả đều nhìn nhận rằng: Lấy được thiên hạ đã khó, giữ được thiên hạ còn vạn lần khó hơn. Cái khó ở đây là khi đã ngồi ở ngôi cao, thời phải dùng chước nào, mẹo nào mà vỗ về muôn dân, để muôn dân chấp nhận mình ở ngôi thiên tử lâu dài? Đấy là cả một nghệ thuật lãnh đạo chứ chẳng chơi, không thể cứ coi trăm họ như con như cháu trong nhà, la mắng thế nào chúng cũng chẳng dám sai lời. Thời buổi a còng, chấm com, chuột điện, có la mắng cũng phải thuận lý, bằng không, chúng chẳng kiêng dè, cãi lại như điên ấy chứ. Thế nên, phàm ở ngôi thiên tử phải xét mình luôn luôn, chớ nên ngạo mạn và vọng động, léng phéng bị dân cho về vườn ngồi chơi xơi nước, đuổi gà giúp vợ. Ấy là dân còn hiền lành tử tế, chứ nếu dữ tợn như bọn hàng tôm hàng cá, đến cái mạng rẻ rúng bảo toàn còn chửa xong, lấy gì mà xua gà qué?

Tiên đế có chí cả, đã thâu gồm thiên hạ, thời mình phải làm sao cho xứng với ngôi cao. Cha ông ngày xưa đã lỡ lầm, hận này đem theo xuống tuyền đài chưa tan, nơi yên nghỉ còn bị động mả, hỏi sao ta làm ăn khấm khá và đất nước an vui, đến những muốn đưa quý tử vào bộ sậu lãnh đạo cũng không dễ dàng gì?!

Thế đấy. Cha ông ta đã dạy rằng nghĩa tử là nghĩa tận, cần chôn cất hoặc hỏa táng cho đúng với ước nguyện tiên đế, ai lại kích lên hạ xuống mỗi ngày làm vậy? Lại còn cho nằm giường hộp lạnh lẽo như giam lỏng, đã tốn tiền, mất vệ sinh mà thân thể tứ chi nhức buốt ngủ không yên giấc, rối loạn từ trường khiến đất nước tang thương và dân tình oán thán!

Mà này, ca dao tục ngữ ta vẫn nói: Con không chê cha mẹ khó, chó chẳng chê chủ nhà nghèo. Mình là phận con, lẽ nào không nhận cha nhận mẹ? Đằng này, đường đường người là chủ tịch một nước, mang chí lớn đưa nhân loại đến đại đồng, tạo lập thiên đường ngay tại trần thế, sao ta không ưng lại chối bai bải? Kẻ chối từ cha mẹ, hẳn có còn là người, hay muốn lộn trở lại kiếp khỉ, trốn về rừng sinh sống? Xưa nay, đảng ta vẫn hô hào trung thực, minh bạch, bày tỏ lòng dạ thành kính ra trước nhân dân, mà ta lại dấu diếm tông tích, phỏng cha mẹ có an lòng nơi chín suối? Vậy thì, hãy mau mắn tuyên xưng mình là con cái nhà ai, đừng nghe lời xúi bẩy linh tinh của đảng nọ mà bưng bít thông tin, quần chúng ngờ vực, còn tạo lý do cho bọn tay sai ngoại bang, thế lực phản động có cớ tuyên truyền chống phá nhà nước? Thật muôn vàn bất lợi, mình có trông thấu đáo? Nhìn nhận và tôn kính cha mẹ chẳng những là một đức tính hiếu thảo, còn là theo đúng đạo lý dân tộc, rồi phải nhang khói thờ phụng hẳn hoi. Nhân dân sẽ cảm phục người đầu đảng có hiếu, nêu gương sáng cho toàn dân, mà cha mẹ cũng nhẹ nhàng ra đi, còn có thể lấy lại được uy tín cho cụ. Toàn những việc nhân nghĩa bình thường ở đời, cớ sao không làm? Bảo sao mình nói gì, ra lệnh gì, bọn sai nha và quần chúng chẳng thèm nghe. Thượng đã bất chính, hạ tắc loạn quyết chẳng sai.

Cha ông đã biết sai lầm, dù là trễ nải, di chúc dăm bẩy cái cặm cụi tẩy đi sửa lại nhiều lần nhằm giải nỗi oan khiên (?) mong bàn dân lượng thứ mà vẫn bị bộ hạ không tha, cố tình đè nén. Phải chăng ông cha quyết chơi khăm đảng ta và đồng bọn, bứt dây thuốc bổ trợ, tử đúng ngày thành lập cái tổ quốc xã hội chủ nghĩa phải gió kia do người lập ra, ngụ ý rằng tiên đế đã tạo được ra nó tất cũng có thể xử tử, cho nó đi theo cha ông về lòng đất, muôn dân nhờ cậy? Nhưng bầy tôi thuộc bọn giá áo túi cơm, đám hàng thần lơ láo này nào biết hậu ý của ông, còn cố rèn lại cái thây ma rữa mục làm bình phong giữ ghế, không đem hỏa táng cho hợp vệ sinh như lời ước nguyện? Phỏng vong linh tiên đế có an lòng nơi chín suối? Đã vậy, bọn sai nha còn đem di chúc cũ bày ra, sửa sửa đổi đổi, giờ giấc tuyệt tử không dám loan, cố làm sai đi một ngày vì sợ dây hủi vào đảng ta, bọn chúng sẽ hết đường ăn bám tổ quốc? Ngày nay, ta phải vì tiên đế làm cách mạng giải nỗi oan cừu, biến người ra tro rồi rải xuống ba sông của ba miền đất nước cho cha ông an giấc nghìn thu. Vừa hợp vệ sinh thủ đô, đỡ tốn kém công quỹ lại ích lợi nhường bao.

Phải thấy được chí cả cha ông ngày xưa mà noi gương. Hãy nghe ngài nói với tổ tiên Đại Vương Hưng Đạo: Bác đưa nước Nam qua nô lệ/Tôi dẫn năm châu đến đại đồng. Tuy rằng lời lẽ có ngông cuồng kiêu ngạo xúc phạm tiên tổ, bác bác tôi tôi ngang hàng, nhưng chí cả đã rõ. Vậy ta cũng phải theo gương làm việc lớn, ai lại đi ki cóp, chắt mót tẹp nhẹp mà chi, còn bị thiên hạ rủa xả quốc họa tham nhũng. Hãy nhìn chí cả tiên đế mà dùng chước hay mẹo khéo, vỗ về muôn dân, trăm họ hài lòng, giải oan cho ông cha, lấy lại tình hoà hiếu dân tộc. Phỏng có nên chăng?

Xưa kia, vì lỡ đường lầm bước, tiên đế mê hoặc tơ hào tin tưởng tình nghĩa quốc tế, mà nào họ có thèm mình quốc tế với họ đâu, chỉ mong ta tế quốc cho họ. Chúng vẫn khư khư Hán tộc chủ nghĩa, vẫn muốn là cái rốn vũ trụ, xem mình là đám man di, hỏi rằng trăm họ Hồng Bàng có khứng làm mọi rợ cho nòi Hán lạ lùng kia không, hay chỉ muốn băm vằm chặt nhỏ? Đảng ta khờ khạo tin lời mật ngọt, nào tứ tốt bung xung, nào thập lục lời hay vàng đỏ, tựa hồ bùa ngải, lung lay đầu óc, mắt hoa chân rủn, cứ như đồng nhập, đi đứng liêu xiêu. Ấy đấy, tứ tốt thập lục ngôn là thế. Chớ để lạc vào mê hồn trận họ bày ra mà muôn dân cơ khổ, đất nước tan hoang.

Trước đây, tiên đế chỉ muốn làm tiên, chẳng mong xưng đế, vì người hô hào bài phong đả thực. Tại sao ta lại phản bội, tùng năm tụ bẩy kết bè lập phái, đem thân nhân họ hàng cùng hưởng miếng đỉnh chung, làm nhòa chí khí cha ông mà nhân dân phẫn hận? Nào một … Chiến - Hồ Sĩ, con ông nội Hồ Sĩ Tạo, vai chú bác mình; rồi Vịnh - Nguyễn Chí, người cháu họ con bác cả Khiêm (?) rủ nhau chui hết vào chính trị bộ chia nhau quyền bính cai trị muôn dân. Phỏng có đúng ý nguyện bài trừ phong kiến của người?

Hôm nay mồng 2 tháng 9, sanh nhựt nước ta mà cũng là ngày tử tiên đế, hãy tâm thành thắp hương, khẩn trương mở mắt quay về, bỏ Mác bỏ Lê, bỏ búa bỏ liềm lăm le đe dọa, khỏi phải xuống hố cả nước, dựa vào trăm họ mà sống, còn hy vọng chuộc được lỗi lầm cha ông. Dân ta vốn hiền hòa nhân hậu, có lỗi biết chuộc, lầm lẫn xin tha, ai nỡ câu chấp? Nay mai mồng 1 tháng 10, kỷ niệm Thăng Long nghìn năm, kết thúc mồng 10 tháng 10, sao lại ngớ ngẩn tổ chức vào dịp Quốc Khánh nước lạ, dẫu tình ngay thời lý vẫn gian, không khỏi nhân dân đàm tiếu?

Phải thấy được ý trời thể hiện bởi lòng người mà khôn khéo hành động, thời lộc nước còn được hưởng lâu dài mà nhân dân vui mừng, trăm họ hồ hởi.

Còn nữa, máu chảy ruột mềm, giọt đào quý hơn ao nước, phải chăm nom đến chứ? Chú Tờ-rung nó đấy. Liệu việc mình làm có ảnh hưởng đến gia tộc anh em? Liệu người anh em cùng cốt khác đồng có cơ ngẩng mặt với đời, không bị muôn dân nhiếc mắng, một phần cũng do công đức mình gây dựng hiện tại. Mà nào chỉ gia tộc chú em, gia tộc ta nữa đó. Liệu rằng sau ngày thác đi, đàn con cháu có còn hồ hởi hy vọng ngước mặt nhìn đời, hay cúi gằm chịu nhục chẳng dám ho he? Hãy động não suy tư để đức mai hậu, anh em con cháu khả nhờ mà tội vạ tiên đế cũng được rửa đi. Quý báu lắm thay. Rồi lo đi tìm mà nhận họ hàng anh em những giọt máu khác, tiên đế bình sinh đã rải khắp chốn dương gian trên đàng người bôn ba cứu nước, ba bốn mạng, Nga-Tây-Tàu quốc tế gồm đủ, cả cu lẫn hĩm chớ ít chi? Đã xong đâu, còn phải phục hồi tên tuổi, nhang khói các hoàng hậu, thứ phi tiên đế mà đảng đã nhẫn tâm chà đạp bỉ thử, những mong biến người thành thánh sống - tiên đế có mong chi - để các bà ra đi thanh thản nhẹ nhàng, mà lòng tiên đế cũng bớt băn khoăn dằn vặt nơi chín suối.

Ngài Tể tướng đất nước cũng vậy. Đã xây nhà thờ họ hoành tráng uy nghi bậc nhất nước Nam, tất phải nghĩ đến sự tồn vong lâu dài của dòng tộc. Thế nên, trái núi phụ-tử có ngã xuống cũng phải ráng nâng lên, cột néo cho chắc chắn mong được truyền thừa ngôi cao trong họ. Muốn thế, phép nước phải uy nghiêm, thưởng phạt công minh chớ đâu lại đi noi gương cựu thừa tướng, chẳng hề sửa phạt một ai! Nói thế sao lọt lỗ nhĩ muôn dân, an lòng trăm họ? Nhân dân đã không an lòng, phỏng có còn cơ hội truyền thừa ngôi báu? Rồi càng làm to càng phải y lời, đã hứa lúc lên ngôi nếu không khử trừ tham nhũng, thời từ chức rút lui. Ngày nay tham nhũng như rươi, nhân dân ta thán, cớ sao ngồi mãi, hỏi sao gây nổi lòng tin muôn họ?

Phải thấy được cục diện đổi thay, gió đã xoay chiều, không còn theo ý đảng ta đâu nữa. Việc gì đảng làm đúng, có công hay có tội, trăm họ đều biết tất. Phải âu yếm vỗ về muôn dân, sửa đổi phép nước, giữ mối cương thường, cầm cân nảy mực phân minh, há chẳng phải việc lao động thường ngày của tể tướng ru?

Hãy noi gương bậc sanh thành trước đây đã từng tả xung hữu đột, đánh Đông dẹp Bắc. Ta cũng hãy nối gót đánh bọn giá áo túi cơm, đám loạn thần xu nịnh, chỉ biết có phong bì dày cộm mà chẳng hề biết viết thư từ, a-còng chấm com mù tịt, còn khoe khoang tiến sĩ dỏm rởm. Phỏng chúng có đáng làm bầy tôi cùng mình hưởng miếng đỉnh chung? Ta còn phải dẹp bọn đầu têu đang tiếp tay kẻ lạ bán nước, xúi bẩy liều lĩnh ký kết cho khai mỏ bôxít Tây nguyên, nuôi khỉ dòm nhà? Sao lại để bầy tôi hợp đồng rừng rẫy đầu nguồn khơi khơi dăm chục năm dài, kẻ lạ sẽ thực hiện kế tằm ăn dâu rất khó đối phó mà đức Quốc phụ Hưng Đạo đã nhắc nhở cháu con. Chúng cứ nằng nặc xí phần tổ quốc, nay đòi chỗ này, mai hỏi chỗ nọ, loang từ nội địa loang ra. Một ngày xấu giời nào đấy, thừa cơ mình bất ý, nó đem phi cơ tàu hỏa dập vào, phỏng có chống nổi, nhất là lòng dân đang ngao ngán chẳng còn chầu phục đảng ta, thời lấy gì đối phó? Phải thấy rõ mưu mô bá quyền mà phòng thủ bất trắc. Muốn thủ phòng hữu hiệu, thời phải lấy thương dân làm đầu, hòa vào lòng dân mới mong trăm họ nhiệt tình hưởng ứng. Phải cho mọi người cất to tiếng lên, xem muôn dân ước mong những gì mà mau mắn đáp ứng, chẳng cần kêu gọi mà mọi người trong ngoài nhất loạt đi theo, được cả thiên hạ về mình. Chẳng phải đảng mong muốn lắm ru?

Riêng ngài Chủ nước Nguyễn quân, lúc sang Huê kỳ diện kiến Tổng quốc nước người, đã không lo ngoại giao giành lợi phần mình, còn mang thù oán xưa cũ đòi đi phân hóa nội bộ nước bạn. Phỏng phải là khôn ngoan đáng có? Rồi sang viếng Cuba Cubố, đã không bảo nhau bỏ đường lầm lỗi, còn nhởn nhơ nói cười, muốn thay ca đổi khắc, canh giữ nền hoà bình thế giới gì nổi mà ham? Sao chẳng lo bảo vệ ngư dân, canh giữ ba cái đảo bé tí hạt tiêu trăm đời cha ông truyền lại, chừ kẻ lạ láo lếu nhận vơ bảo của các chú?

Đã xong đâu, còn khúc ruột vạn dặm nữa chứ. Ai ra đi lòng chẳng nhớ về quê cũ, những mong đất nước hết nạn can qua thời hòa bình sẽ đến, góp công góp của, góp sức cho nước nhà tiến lên, nở mày nở mặt cùng thiên hạ, mà nào nhà nước chiếu cố, tạo điều kiện dễ dàng cho đâu? Sao cứ như ma ám, sợ hãi diễn biến hòa bình thế kia? Hòa bình thời tốt chớ ai lại cản ngăn? Sau hai mươi năm chiến tranh ý hệ, ủy nhiệm, nội chiến tương tàn, đủ mọi thứ tên, há chẳng phải để tìm hòa bình ru? Sao chừ ăn nói lạ đời, muôn dân nghe chẳng lọt tai?

Thiên triều muôn trước nghìn sau sẽ vẫn là kẻ lạ, ruột rà vạn dặm sơn khê sao chẳng thành người quen chí cốt? Muốn thế, đối với dân ta, nghĩa tử là nghĩa tận, tạo cơ hội cho quần chúng Nam bộ và đồng bào vạn dặm kia được trùng tu mồ mả thân nhân, khói hương thờ phụng nơi Nghĩa trang Quân sĩ, thời lòng người sẽ nguôi ngoai bớt oán. Tiếp đó, các thương binh tàn tật của Sàigòn ngày trước phải chăm sóc cho chu đáo tựa thương binh mình, những người thua thiệt của một thời xuẩn ngốc đôi bên giết chóc, từ chối xua đuổi nhau. Ấy là sự mở đường ngay chính, bước đầu anh em nhìn nhận lẫn nhau. Phỏng có là đường hướng đảng ta nhắm tới?

Mới đây, nghe báo chí loan tin trong dịp thống nhất đất nước đau thương tháng Tư vừa qua, cựu Tổng trưởng Quốc phòng Sàigòn, Tướng Có Nguyễn-Hữu, đã gặp Đại tướng Giáp Võ-Nguyên, người hùng Điện Biên năm nào. Đại tướng hồ hởi cầm tay Tổng trưởng mà rằng: “Chào mi, ta với mi lúc trước hai đứa hai chiến tuyến, nhưng nay ta đã là hai anh em.” Đúng là lời chí tình Đại tướng đã ngôn ra khiến binh lính đôi bên ai cũng mát ruột. Đấy phải là xu hướng chung của đất nước, thật tâm hòa giải, chìa tay cho nhau bắt, xóa hết hận thù, cởi hết oán ân rồi âu yếm gạt lệ nhoè nhoẹt trên mi, chung tay dựng xây đất nước. Phỏng có nên chăng?

Sau hết, một trong tứ trụ trào đình, ngài cầm đầu quốc vụ nhân dân hãy sắp xếp nhân sự cho hợp lý, đòi hỏi được trao quyền tự lực nhằm ban hành luật lệ đúng đắn, tách dần nhà nước độc lập với đảng, giao hẹn rõ ràng giấy trắng mực đen, được trăm họ đồng thuận: quyền lợi đảng ta ở đâu, có đồng đẳng với các đảng phái khác không hay tiếp tục ngồi xổm dưới đất mà bàn chuyện thượng tầng trên cao, xổm lên cả hiến pháp lẫn luật pháp, nguy cơ của chuyên quyền độc đoán gây oán thù trong nhân dân. Phỏng có ích nước lợi dân?

Ngày 19 tháng 6 vừa rồi, quốc hội của ngài đã anh dũng bác bỏ dự luật tốn kém, tàu cao tốc thấp tốc gì đấy, là một hành động rất đáng tuyên dương, tạo nên hứng khởi trong nhân dân. Mọi người khắp chốn, cả trong lẫn ngoài nước, được lời như cởi tấm lòng, giải tỏa biết bao uẩn ức. Có thế chứ. Cũng cần biết lắc chớ ai đâu mãi gật, mất hết nhuệ khí đại diện quần chúng? Hành động như vậy là phù hợp lòng dân, xóa nạn thành tích, thùng rỗng kêu to, bỏ hẳn kiểu tư duy nhiệm kỳ, chỉ thích danh hão. Nếu muốn có danh với đời, cứ việc thực hiện những điều ích quốc lợi dân, chẳng cần xây dựng cái gì to lớn nhưng chưa cần, nhân dân vẫn nhớ ơn. Cứ xem tổ tiên mình kìa, có xây được gì vĩ đại đâu, mà muôn dân đời đời nhang khói phụng thờ. Các ngài chỉ có cái chùa một cột cỏn con, nhưng chứa đựng triết lý Việt yêu nước thương nòi nồng thắm. Này nhé. Nước dưới hồ có thể len lỏi vào mọi ngõ ngách đời sống, hòa vào lòng nhân dân, ôm trọn cả điều tốt đẹp lẫn rác rưởi trong nhân dân, rửa sạch rồi vỗ về cải hóa, bốc hơi thăng hoa rồi lại đổ xuống những giọt trong lành nuôi dưỡng muôn loài, là con đường duy nhất (một cột) đúng đắn lãnh đạo, tức là đạt đạo của người hiền kẻ sĩ, biểu hiện bằng ngôi chùa bên trên. Phỏng những người làm việc nước như các ngài có cần ghi nhớ?

Nếu những người cầm trào định mệnh chính trị muôn dân, quyết tâm cùng nhân dân xoay chuyển thời cục, trăm họ sẽ mừng reo, tiếng oán sẽ nhạt dần, chỉ còn đọng lại những lời thương yêu tha thứ, lo gì đất nước chẳng tiến nhanh, dứt đẹp tụt hậu, thoát cơn bĩ cực đến hồi thới lai? Con tàu đất nước hết còn kẹt bùn, sừng sững hiên ngang tiến ra bể lớn, rộng chỗ mà vẫy vùng tranh đua cùng hào kiệt năm châu. Phỏng chẳng khoái chí lắm ru?

Có thế mới được tiếng thức thời, rửa nhục cho cha ông, trăm họ vui mừng hoan hỉ, mà mình còn mãi được thừa hưởng lộc nước. Chẳng thống khoái lắm ru?

Thế đấy. Được thiên hạ đã khó, giữ thiên hạ còn khó gấp vạn lần.

Lời ít ý nhiều, mong tứ trụ triều đình hiểu ra.

Dịp Quốc Khánh và Lễ Hội Nghìn Năm năm nay, hãy dặn bảo đồng đảng mà khắc cốt ghi tâm cho nhau.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Đáy Giếng Ngồi Thiền
Lm. Tâm Duy
21:29 10/10/2010
ĐÁY GIẾNG NGỒI THIỀN

Ảnh của Lm. Tâm Duy


Ếch ngồi đáy giếng nhai kinh

Chim đâu nhỏ xuống vô hình hạt tâm

(Trích thơ của Lưu Văn Vịnh)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng ?nh Ngh? Thu?t và Chiêm/Ni?m/Thi?n