Ngày 10-10-2009
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Đức Gioan Phaolô II và Đức Mẹ
Vũ Văn An
00:54 10/10/2009
Đối với Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Đức Mẹ là thánh bổn mạng chính của thiên niên kỷ mới. Trong tư cách Mẹ Chúa Kitô, Đức Mẹ trổi vượt là hình ảnh tuyệt vời của mùa vọng: là ngôi sao mai báo hiệu sự xuất hiện của Mặt Trời Công Chính. Giống vành trăng vào hừng đông một ngày mới, ngài hoàn toàn tắm trong vinh quang của mặt trời sắp tới sau ngài. Vẻ đẹp của ngài phản chiếu vẻ đẹp Mặt Trời Công Chính.

Trong gần hai ngàn năm học hỏi và chiêm niệm, Giáo Hội chỉ dần dần mới khám phá ra các vinh quang của Đức Mẹ. Các dòng căn bản trong Thánh Mẫu Học Công Giáo (nền thần học về Đức Mẹ) đến nay đã không còn là đề tài tranh biện nữa, vì đã được lồng trong Thánh Kinh, phụng vụ, kinh nguyện, thi ca, âm nhạc và nghệ thuật cũng như trong rất nhiều trước tác của các thánh, của các thần học gia và cả trong giáo huấn của các vị giáo hoàng và công đồng, như chúng vốn được lồng. Đức Mẹ chiếm vững địa vị cao cả nhất trong số các thánh, được tượng thai và sinh hạ mà không vướng tội nguyên tổ và không hề vuớng bất cứ thứ tội bản thân nào trong bất cứ thời điểm nào của cuộc đời ngài.

Là đấng đầy ơn phúc, Đức Mẹ là mẫu gương về đức tin, đức cậy, đức mến Chúa và lòng đại lượng quan tâm tới người khác. Sau khi mang thai đồng trinh Con Một Thiên Chúa trong lòng, Đức Mẹ mãi mãi đồng trinh suốt đời. Sau cuộc sống dương thế, ngài được đưa cả hồn lẫn xác về thiên đàng, nơi ngài tiếp tục thi hành chức phận làm mẹ thiêng liêng và cầu bầu mọi nhu cầu cho con cái ngài còn trên dương gian. Toàn bộ giáo huấn ấy, từng được bao nhiêu thế kỷ liên tiếp xây dựng, nay đã vĩnh viễn thuộc về gia tài Giáo Hội và khó còn có thể bị thách thức bên trong truyền thống Công Giáo nữa. Khỏi cần nói cũng thấy Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tiếp nhận gia tài này không một lời nghi vấn.

Cái hiểu của Đức Gioan Phaolô II về Đức Mẹ

Karrol Wojtyla, tức Đức Gioan Phaolô II, vốn là người con đầy sùng kính của Đức Mẹ từ lúc thiếu thời, lúc ngài còn tôn kính Đức Mẹ tại các đền thánh ở khu vực Wadowice, nơi sinh quán. Thời Quốc Xã chiếm đóng Ba Lan, trong tư cách người hướng dẫn lần hạt trong “chuỗi mân côi sống”, ngài đã tham gia việc cầu xin Đức Mẹ cho hòa bình và giải phóng. Ngài cũng từng nghiên cứu các trước tác của Thánh Louis Grignion de Montfort (1673-1716). Và chính từ vị Thánh này, ngài đã chọn khẩu hiệu “Totus tuus” (Con hoàn toàn là của Mẹ). Nhưng người ta sẽ lầm lẫn lớn nếu họ nghĩ rằng sự gắn bó của vị giáo hoàng này đối với Đức Mẹ chỉ là chuyện tình cảm ướt át. Thực ra, ngài cực lực bác bỏ ý niệm cho rằng giáo huấn về Đức Mẹ chỉ là một bổ túc có tính tôn sùng cho một hệ thống tín lý vốn dĩ hoàn bị không cần có Đức Mẹ. Ngược lại, ngài cho rằng Đức Mẹ chiếm một vị trí không thể thiếu trong toàn bộ kế hoạch cứu rỗi. Đức Giáo Hoàng viết rằng: “Mầu nhiệm Đức Mẹ là một chân lý mạc khải tự đặt để cho trí hiểu các tín hữu và buộc những ai trong Giáo Hội có nhiệm vụ nghiên cứu và giảng dạy phải tìm cho ra một phương pháp suy tư có phương pháp, cũng nghiêm minh như phương pháp hiện đang được mọi ngành thần học khác sử dụng”.

Trong tư cách một giám mục tại Công Đồng Vatican II, Đức Cha Wojtyla đã nhiều lần lên tiếng phát biểu về Đức Mẹ. Ngài ủng hộ việc lồng Thánh Mẫu Học vào Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội, nhưng khẩn khoản xin đặt chủ đề này ở một chỗ khác trong bản văn, nghĩa là, thay vì là chương sau cùng, sẽ tiếp ngay sau chương 1 nói về Mầu Nhiệm Giáo Hội. Tháng Chín năm 1964, trong một bản lên tiếng, ngài cho rằng Đức Mẹ, trong tư cách là mẹ, sau khi đã bồi đắp thân mình thể lý của Chúa Kitô, đã tiếp tục vai trò bồi đắp đó đối với nhiệm thể của Chúa. Vì là mẹ Chúa Kitô và mẹ các Kitô hữu, Đức Mẹ phải được xem sét ở ngay phần đầu của tài liệu, chứ không nên đẩy chủ đề về Đức Mẹ xuống gần hàng một phụ chương ở cuối tài liệu.

Tuy nhiên, vì các “lý do thực tiễn”, ủy ban thần học thấy rằng vào giai đoạn ấy nên giữ phần nói về Đức Mẹ ở cuối hiến chế, một quyết định không may đã khiến một số nhà bình luận cho rằng Vatican II đã hạ thấp địa vị của Đức Mẹ. Ủy ban này cũng bác bỏ một số đề nghị nhằm chính thức tuyên bố Đức Mẹ là Mẹ Giáo Hội cũng như đề nghị lấy tước hiệu đó làm tựa đề cho chương về Đức Mẹ.

Nhưng trong Hiến Chế Tính Lý về Giáo Hội ấy, Công Đồng quả có tuyên bố rằng “Được Chúa Thánh Thần dạy bảo, Giáo Hội Công Giáo luôn tôn vinh Đức Mẹ bằng tình âu yếm con thảo như người mẹ yêu thương nhất” (số 53). Và Đức Tổng Giám Mục Wojtyla hết sức hân hoan, khi Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, vào cuối khoá ba, tức ngày 21 tháng Mười Một năm 1964, đã minh nhiên công bố Đức Mẹ là Mẹ Giáo Hội.

Thông điệp của Đức Gioan Phaoloô II

Thánh mẫu học của Đức Gioan Phaolô II được cô đọng trong thông điệp “Mẹ Đấng Cứu Chuộc” (Redemptoris Mater) năm 1987. Ngoài ra, nó còn được trình bày rải rác trong một loạt hơn 70 bài giáo lý nhân những buổi triều kiến hàng tuần vào hôm thứ Tư, nói về Đức Mẹ, trong các năm 1995 và 1997. Nói chung, giáo huấn của ngài có thể liệt vào hàng mục vụ hơn là chuyên môn hay có tính thần học suy lý. Đức giáo hoàng quan tâm nhiều hơn tới việc thông truyền đức tin của Giáo Hội và tới việc cổ vũ lòng đạo đức chân chính hơn là đưa ra các họ lý mới. Tuy nhiên, người ta rất hay gặp những thuật ngữ và những lời tuyên bố phản ảnh được cái nhìn thông sáng có tính bản thân của chính ngài.

Thiển nghĩ hạn từ chủ chốt thống nhất hóa nền Thánh mẫu học của Đức Gioan Phaolô II là hạn từ làm mẹ. Đức Mẹ là mẹ Đấng Cứu Chuộc, mẹ ơn thánh Chúa, mẹ Giáo Hội. Công đồng Êphêsô trong thế kỷ thứ 5 đã thiết lập ra tín điều nền tảng cho Thánh mẫu học, tức tín điều Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, mà tiếng Hy Lạp gọi là theotokos (nghĩa đen: "Đấng-mang-Thiên Chúa"). Trong thông điệp “Mẹ Đấng Cứu Chuộc” (các số 30-32), Đức Gioan Phaolô II mời ta chú ý tới giá trị đại kết của tín điều này: vì trên thực tế, nó được mọi Kitô hữu nhìn nhận và đã làm phát sinh ra nhiều ca khúc tuyệt diệu, nhất là trong nền phụng vụ Byzantine, một nền phụng vụ đã gợi hứng cho lời chào mừng trong ca khúc nổi tiếng của Anh Giáo tựa là "Ye Watchers and Ye Holy Ones" với những câu như: "O higher than the cherubim,/More glorious than the seraphim,/Lead their praises,Alleluia!/Thou bearer of th' eternal Word,/Most gracious, magnify the Lord, Alleluia!" (ôi cao hơn thiên thần kêrubim,/vinh hơn thiên thần xêraphim,/Hãy hướng dẫn lời tán dương của các ngài, Alleluia!/Mẹ mang Ngôi Lời vĩnh cửu,/Hỡi Đấng đầy ơn, hãy tán dương Chúa, Alleluia!).

Vốn rất quan tâm tới chủ đề cứu chuộc, Đức Gioan Phaolô II thường hay mời gọi ta chú ý tới việc can dự của Đức Mẹ vào sứ mệnh cứu rỗi của Con Trai mình, bắt đầu với biến cố Truyền Tin, lúc Đức Mẹ thỏa thuận kế hoạch Nhập Thể và tiếp nhận ơn thánh làm mẹ Thiên Chúa. Là người mẹ đồng trinh, Đức Mẹ đã chịu thai nhờ niềm tin và đức vâng lời đối với Lời thần thánh đã nói với ngài từ trên cao (Mẹ Đấng Cứu Chuộc, số 13).

Giống sứ mệnh cứu chuộc của chính Chúa Kitô, vai trò của Đức Mẹ trong lịch sử cứu rỗi không được miễn trừ khỏi sầu bi khổ não. Trong nhiều bản văn, Đức Gioan Phaolô II nhắc ta nhớ lúc dâng hài nhi Giêsu vào Đền Thờ, Simêong đã tiên đoán rằng linh hồn Đức Mẹ sẽ bị một lưỡi gươm đâu thâu qua. Lời tiên đoán ấy đã nên trọn trên đỉnh Canvariô, nơi nỗi cùng đau (compassion) của Đức Mẹ phản chiếu trọn vẹn nỗi đau của Con mình, những nỗi đau vang trội liên hồi trong trái tim Đức Mẹ.Theo đức Gioan Phaolô II, sau khi Chúa Giêsu qua đời, chức phận làm mẹ của Đức Mẹ đảm nhiệm một hình thức khác. Khi nói với Môn Đệ Yêu Dấu “Này là mẹ con”, Chúa Giêsu đã đặt các tông đồ dưới sự chăm sóc từ mẫu của Đức Mẹ (Ga 19:25-27). Trong những ngày tiếp sau biến cố Thăng Thiên, ta thấy Đức Mẹ cầu nguyện bên cạnh các tông đồ và tin tưởng chờ đợi Chúa Thánh Thần đến với Giáo Hội, Đấng từng bao phủ ngài lúc Truyền Tin.

Cho nên, có một tương hợp mầu nhiệm trong các liên hệ mẫu tử của Đức Mẹ với Chúa Giêsu và với Giáo Hội. Qua việc không ngừng cầu bầu, Đức Mẹ dùng tình yêu hiền mẫu cộng tác vào việc hạ sinh thiêng liêng và triển nở của con cái Giáo Hội của mình (Mẹ Đấng Cứu Chuộc, số 44). Ở một chỗ khác, Đức Gioan Phaolô II viết rằng: “Chọn ngài làm Mẹ toàn thể nhân loại…, Cha trên trời muốn mạc khải chiều kích hiền mẫu của lòng trìu mến và chăm sóc thần thánh của mình đối với con người mọi thời đại”.

Chuẩn bị cho Năm Thánh

Trong tông thư “Ngàn Năm Thứ Ba Sắp Tới”, Đức Gioan Phaolô II đã đưa ra một số gợi ý mang lại nhiều hệ luận đối với các thực hành và lòng sùng kính đối với Đức Mẹ. Đức Giáo Hoàng liên kết ba năm cuối cùng của ngàn năm thứ hai với Ba Ngôi Thiên Chúa và ba nhân đức đối thần. Ngài tuyên bố rằng: năm 1997 là năm tập trung vào đức tin, đặc biệt qui về Chúa Giêsu Kitô như Thiên Chúa Ngôi Con. Năm 1998 sẽ là năm để nhấn mạnh tới Chúa Thánh Thần và nhân đức cậy. Và năm 1999 được công bố là thời gian quay về với Chúa Cha và đặc biệt nhắc tới nhân đức bác ái.

Theo Đức Gioan Phaolô II, mỗi một năm trong ba năm này đều có chiều kích Đức Mẹ cả. Ngài là mẹ đồng trinh của Chúa Con, bạn vô nhiễm của Chúa Thánh Thần và là ái nữ yêu qúy nhất của Chúa Cha. Đức Mẹ cũng gương mẫu trong đức tin, đức cậy và đức mến. Bởi thế, trong năm 1997, ta được thúc đẩy chiêm ngắm hành trình đức tin của Đức Mẹ trong tương quan với Con nhập thể của ngài. Lúc Truyền Tin, Đức Mẹ dùng đức tin đáp trả sứ điệp của thiên thần cho biết ngài đã được chọn để trở thành mẹ Đấng Cứu Chuộc. Khi nói lên lời xin vâng (“hãy làm cho tôi như điều ngài nói” Luca 1:38), Đức Mẹ đã bước vào lịch sử cứu rỗi của thế giới qua việc ngài vâng phục đức tin (xem thông điệp Chúa và Đấng Ban Sự Sống [Dominum et Vivificantem] năm 1986). Trong biến cố Thăm Viếng, Đức Mẹ được Thánh Êlisabét ca tụng bằng những lời này: “Phúc cho em là người đã tin rằng điều Chúa phán với em sẽ nên trọn” (Luca 1:45).

Đức tin của Đức Mẹ bị thử thách nặng nề trong chuyến chạy trốn sang Ai Cập, trong chuyến mất Chúa Giêsu trong Đền Thờ, trong biến cố Chúa Giêsu bị ruồng bỏ tại Nadarét, và nhất là trong biến cố Chúa chịu đóng đinh trên Gongôtha, việc được Đức Gioan Phaolô II mô tả “có lẽ là một tỏ bày (kenosis) đức tin sâu sắc nhất trong lịch sử nhân loại” (Mẹ Đấng Cứu Chuộc, số 18). Nhưng càng suy niệm ý nghĩa những điều đã được nói cho ngài, đức tin của Đức Mẹ càng không ngừng lớn hơn lên. Theo kiểu nói của Thánh Irênê, việc Đức Mẹ suy phục đức tin là một hành động đã tháo gỡ được cái nút thắt do việc bất tuân của Evà gây ra, nhờ thế, con người có thể chỗi dậy một lần nữa để hiệp thông với Thiên Chúa. Đức tin của Đức Mẹ được vĩnh cửu hóa trong Giáo Hội cùng nhịp với việc Giáo Hội tiến bước trên hành trình đức tin của mình.

Nhờ suy niệm về đức tin của Đức Mẹ vào Chúa Kitô trong năm 1997, các Kitô hữu có đủ thiên hướng để suy niệm về Chúa Thánh Thần và đức cậy, hai chủ đề được đưa ra cho năm 1998. Vốn là một hồng ân của Chúa Thánh Thần, đức tin của Đức Mẹ đã giúp ngài thụ thai Con Trai của mình nhờ quyền lực của cùng một Chúa Thánh Thần ấy. Đức tin của Đức Mẹ nở hoa thành một đức cậy sốt sắng và không lay chuyển. Như Ápraham từng hy vọng một cách vô hy vọng rằng mình sẽ trở thành cha đẻ của nhiều dân tộc (Rm 4:18), Đức Mẹ cũng bất chấp mọi hoàn cảnh để tin tưởng rằng Chúa sẽ đặt Con Trai mình lên ngai Đavít, nơi Người sẽ ngự trị trong vinh quang không bao giờ tắt (Lc 1:32-33).

Đức cậy của toàn bộ dân Israel xưa đã đạt tới đỉnh cao nơi Đức Mẹ, đấng, qua kinh Ngợi Khen, đã ca tụng lòng trung thành của Thiên Chúa đối với các lời hứa Người đã cam kết với Ápraham và miêu duệ ông đến muôn đời (Lc 1:55). Như thế, Đức Mẹ là mẫu mực ngời sáng cho tất cả những ai biết phó thác vào lời Chúa hứa. Đức Gioan Phaolô II nói rằng: hình ảnh Đức Trinh Nữ cầu nguyện với các tông đồ tại Phòng Tiệc Ly có thể trở thành dấu chỉ của hy vọng cậy trông cho tất cả những ai nài xin Chúa Thánh Thần thâm hậu hóa sự kết hợp của họ với Thiên Chúa.

Sau cùng, như một ái nữ được sủng ái nhất của Chúa Cha, Đức Mẹ có thể được coi như mô thức tối cao của tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân, vốn là chủ đề cho năm 1999. Vì tình âu yếm đối với người chị họ Êlisabét của mình, Đức Mẹ đã vội vã tới vùng đồi núi để giúp đỡ bà và chia sẻ với bà tin vui Truyền Tin. Trong Kinh Ngợi Khen, Đức Mẹ nói lên niềm vui trong Chúa cứu độ của ngài, đấng đã đoái nhìn phận hèn thấp bé của ngài và đã làm những điều cao cả vì ngài.

Trong cùng ca khúc ấy, Đức Mẹ còn nói lên tình liên đới với người nghèo qúy yêu của Giavê, do đó, đã dự phóng trước chính sách ưu tiên chọn người nghèo của Giáo Hội. Tại Cana, ngài biểu lộ lòng bác ái đầy tích cực của mình bằng cách giúp chủ tiệc thoát cảnh bối rối thiếu rượu, và do đó đã đưa tới phép lạ đầu tiên của Chúa Giêsu qua đó, Người tỏ ra quyền lực thiên sai của mình trên thiên nhiên. Tình yêu của Đức Mẹ đối với Thiên Chúa được nên trọn vẹn ở trên trời, nơi ngài tiếp tục âu yếm cầu bầu cho con cái ngài còn trên dương gian. Việc cầu bầu này ngài sẽ tiếp tục làm cho đến lúc mọi sự đều quy phục Chúa Cha, để Thiên Chúa trở nên tất cả trong tất cả.

Giáo Hội bước theo con đường do Đức Mẹ đánh dấu sẵn đó. Giống như Đức Mẹ, Giáo Hội tin bằng cách trung thành tiếp nhận lời Chúa. Giáo Hội duy trì đức tin bằng cách giữ và suy ngắm trong lòng tất cả mọi điều Thiên Chúa phán với mình. Được Chúa Thánh Thần nâng đỡ giữa muôn vàn ưu phiền và khó khăn của thế gian, Giáo Hội không ngừng nhìn về phía trước trong niềm cậy trông vào lời hứa vinh quang trong tương lai. Bắt chước Đức Mẹ, người con gái xinh đẹp của Xion, Giáo Hội liên tục ca tụng lòng từ bi của Chúa Cha và mô phỏng tình yêu của Người đối với mọi người đàn ông và đàn bà thuộc mọi dân tộc, cả người công chính lẫn người bất chính. Lời cầu nguyện của Giáo Hội cho các nhu cầu của toàn thế giới hòa lẫn với những lời cầu xin của Đức Mẹ trước tòa Thiên Chúa. Ngoài việc là mẫu gương cho toàn ghể Giáo Hội, Đức Mẹ còn đặc biệt là mẫu gương cho phụ nữ. Các ơn gọi tương phản nhau của đức đồng trinh và chức phận làm mẹ đều gặp nhau và cùng hiện hữu nơi Đức Mẹ (xem tông thư Mulieris Dignitatem [Phẩm Giá Phụ Nữ] năm 1988 của Đức Gioan Paholô II). Người độc thân, người kết hôn và góa bụa tất cả đều có thể nhìn lên Đức Mẹ để được gợi hứng. Nơi Đức Mẹ, người phụ nữ có thể tìm được một mẫu gương “của những tình cảm cao thượng nhất mà trái tim con người có thể có được: trọn khối tình yêu tự hiến; sức mạnh có thể chịu đựng được những đau đớn lớn lao nhất; lòng trung thành không giới hạn và lòng tận tụy làm việc không biết mỏi mệt; khả năng phối hợp trực giác nhạy bén vói ngôn từ hỗ trợ và khích lệ” (Mẹ Đấng Cứu Chuộc, số 46).

Ý Nghĩa Năm Thánh

Thánh mâu học của Đức Gioan Phaolô II đan kết chặt chẽ với nền thần học của ngài về thời gian. Đức Mẹ sở dĩ nhận được sự viên mãn của ơn thánh vì sự viên mãn của thời gian đã đến (Gl 4:4). Đức Gioan Phaolô II nói rằng: sự viên mãn này “đánh dấu thời điểm lúc vĩnh hằng đi vào thời gian, thì chính thời gian cũng được cứu chuộc”.

Các năm thánh không phải chỉ là các hoài niệm có tính xúc cảm về quá khứ. Chúng được đan kết vào cấu trúc lịch sử của cứu rỗi. Chúa Kitô khởi đầu thừa tác vụ công khai của Người bằng cách công bố năm thánh đã tới, năm hồng ân của Chúa đã được tiên tri Isaia tiên báo (Lc 4:16-30).

Chúng ta tiếp tục sống trong thời đại cứu chuộc ấy, trong mùa năm thánh của ân sủng và giải phóng. Cũng như Thánh Kinh đã nên trọn thế nào trong việc những người tụ tập tại hội đường Nadarét để nghe Chúa Giêsu thế nào, thì nó cũng nên trọn khi được chúng ta nghe thấy như vậy, chỉ cần chúng ta biết lắng nghe. Mọi cử hành năm thánh của Giáo Hội đều nhắc nhớ và phục hoạt ngày tới của thời gian viên mãn.

Năm thánh 2000 nhắc ta nhớ các diệu kỳ của Đức Mẹ trong khi cử hành mừng Con của ngài. Người Con ấy không đi vào trần gian mà không có Đức Mẹ, người mẹ diễm phúc của Người, đấng theotokos . Trong hành trình đức tin, đức cậy và đức mến của mình, Đức Mẹ khai mở đường đi cho Giáo Hội bước theo. Ngài tiếp tục đi trước dân Chúa (Mẹ Đấng Cứu Chuộc, các số 6, 25, 28), luôn tới giúp đỡ những ai muốn chỗi dậy từ những tội lỗi và khốn khổ của mình.

Giống như Đức Mẹ là “sao mai” (stella matutina) trước khi Chúa Kitô xuất hiện thế nào, thì ngài vẫn là “sao biển” (stella maris) như thế đối với những kẻ đang còn lữ thứ trên trần gian như chúng ta. Đức Mẹ hướng dẫn ta qua hành trình tối tăm hướng về thời điểm lúc đức tin biến thành khung cảnh vĩnh hằng trong đó ta được thấy Chúa Cứu Chuộc mặt đối mặt.

Viết theo nội dung bài diễn văn của Đức Hồng Y Avery Dulles, S.J., giáo sư Đại Học Fordham, đọc tại đại học này ngày 19 tháng 11 năm 1997
 
Đời Sống Tâm Linh: Sự khôn ngoan
GB Nguyễn văn Định
10:08 10/10/2009
"Tôi đã ham chuộng Đức Khôn Ngoan hơn sức khoẻ và sắc đẹp, đã qúy Đức Khôn Ngoan hơn ánh sáng, vì vẻ đẹp rực rỡ của Đức Khôn Ngoan chẳng bao giờ tàn lụi" (Khôn Ngoan 7, 10)

Cuộc sống thật bận rộn, mỗi sáng tôi phải vội đến sở làm. Ăn uống trong xe hơi là chuyện thường. Ổ, ở đây chỉ 3 lần đi làm trễ mà không có lý do là bạn sẽ mất việc, đó là chuyện thường đấy!.

Phải đến sở làm sớm hơn một chút…. Hôm đó cũng tất bật như mọi ngày, tôi qua cổng Công ty để đi về phía phân xưởng. Một người cũng hối hả không kém, đang đi ngược về phía tôi, đó là Thompson người bạn cũ làm ở phân xưởng khác. Anh hỏi nhanh: “Vội lắm phải không? Cho mình xin một phút được chứ?” Tôi cười: “Ồ, dĩ nhiên, vội thì vội, nhưng một phút có là bao!” Thompson rút trong túi một quyển sách nhỏ rồi nói: Chúng ta cùng nghe Lời Chúa nhé: “Lời Thiên Chúa là Lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi; xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh, cốt với tủy; Lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người. Vì không có loài thọ tạo nào mà không hiện rõ trước Lời Chúa..(Dt 4,12-13)

Nói xong anh bắt tay tôi: “Chúc một ngày tốt lành” rồi vội vã đi.

Tôi ngẩn ngơ với một cảm giác nhẹ nhàng, dễ chịu. Nhìn đồng hồ tôi nhẩm đọc lại câu Kinh Thánh mà Thompson vừa đọc: 15 giây! Vâng đúng 15 giây cho 2 câu Kinh Thánh !!!

Một phút suy tư: Bạn hãy thử xem, chỉ có 15 giây ! Trong khi anh ấy xin tôi một phút và tôi đã hào phóng cho anh thời gian quý báu của mình. Ngày hôm ấy tôi đã dùng 86,400 giây như mọi ngày khác; nhưng 15 giây với Thompson thật là giá trị. Tôi nghĩ lại, mình đã có bao nhiêu giờ để nói chuyện phiếm và tán gẫu, giải trí bâng quơ. Thompson đã cho tôi 15 giây và bài học vô cùng quí báu.

Nói tới đây, tôi buồn thay cho anh thanh niên giầu có thiếu khôn ngoan, bị Chúa bảo: “Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi. Nghe lời đó, anh ta sầm nét mặt rồi buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải. (Mc 10,21-22)
 
Cuộc gặp gỡ giữa người thanh niên với Chúa Giêsu
Lm Giuse Nguyễn Thành Long
10:13 10/10/2009
Chúa Nhật 28 Thường niên B

Tin mừng thuật lại nhiều cuộc gặp gỡ đặc biệt giữa Chúa Giêsu với một số người; nhưng có lẽ cuộc gặp gỡ với người thanh niên trong Tin Mừng hôm nay để lại nhiều ấn tượng nhất nơi lòng các môn đệ và đám đông dân chúng. Vì gắn liền với lời mời gọi nên hoàn thiện của Chúa Giêsu, lời mời gọi vốn làm nên linh đạo cho nhiều dòng khổ tu và đan tu sau này.

Vậy người thanh niên trong Tin mừng là ai ? Là một người giàu có, nói theo ngôn ngữ ngày hôm nay thì anh ta là một đại gia. Là một đại gia nhưng có lối sống gương mẫu, không bồ bịch lăng nhăng, không đua đòi chưng diện. Anh rất thành tâm thiện chí tuân giữ cả 10 Giới Răn một cách nghiêm túc, không ai chê trách được điều gì. Tắt một lời, anh là người hết sức gương mẫu trong việc chu toàn các đòi hỏi của luân lý Thập Giới. Hơn thế, anh còn là một người nhiệt huyết và cầu tiến, không bằng lòng với cuộc sống hiện tại nên anh thao thức đi tìm kiếm con đường trọn lành, con đường hoàn thiện. Chính vì những đức tính đó mà anh được Chúa Giêsu đem lòng thương mến. Ngài còn muốn mời gọi anh tiến xa thêm một bước nữa trên đường hoàn thiện. Đó là đem bán tất cả của cải và đem bố thí cho người nghèo để được kho tàng trên trời, rồi đến theo Chúa Giêsu làm môn đệ của Ngài. Một lời đề nghị kép.

Thái độ đáp Trả của anh trước lời mời gọi của Chúa Giêsu ra sao ? Tin Mừng cho biết: “Anh sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi”. Nếu Chúa Giêsu chỉ đề nghị anh vế sau, tức là chỉ đi theo Chúa, có lẽ anh dễ dàng quyết định được ngay. Thế nhưng vế trước mới là vấn đề đối với anh, nếu không muốn nói là vấn đề quá khó đối với anh, khó hơn cả việc giữ 10 Giới Răn. Phải chi Chúa bảo bán gia tài đem gởi ngân hàng, hoặc mua cổ phần cổ phiếu hoặc kinh doanh, hoặc là cho Chúa Giêsu mượn, hoặc là bán từ từ; hay chỉ bố thí cho người nghèo 1 phần 10 thôi như những người đạo đức Do thái, hoặc là 1 phần 2 như Giakêu, như ông bà Gioakim và Anna… rất có thể anh ta còn thực hiện được. Đàng này Chúa Giêsu lại bảo anh bán tất cả tài sản mà cha mẹ anh và chính anh đã vất vả tích lũy một đời bằng mồ hôi nước mắt, đã thế còn đem cho người nghèo hết. Một lời mời gọi mới khó làm sao !

Bởi thế, trước lời đề nghị đó, lòng nhiệt huyết và cầu tiến của anh dường như đã hoàn toàn biến mất. Và anh đã bỏ lỡ cơ hội trở thành môn đệ Chúa Giêsu, cơ hội để nên hoàn thiện. Cũng lời mời gọi đó nhưng các Tông Đồ dễ dàng bỏ mọi sự để đi theo Chúa, vì các ông thanh thoát hơn đối với những thực tại đời này. Nguyên nhân khiến anh chấp nhận mãi mãi “thiếu một điều”, đó là do chính của cải, tài sản mà anh đang có. Nói cách khác của cải vật chất đã là cản trở lớn đối với anh trên đường nên hoàn thiện. Sự cậy dựa, bám víu của anh vào của cải đã làm cho anh không dám từ bỏ để đi theo Chúa.

Chàng thanh niên ngày xưa là thế, còn con người ngày hôm nay thì sao ? Giả như ngày hôm nay Chúa Giêsu đi một vòng và ngõ với các nhà tỉ phú, triệu phú, hay các đại gia một lời mời gọi tương tự như lời mà ngài đã ngõ với người thanh niên ngày xưa, có lẽ Chúa Giêsu cũng sẽ phải hát bài “cô đơn một cõi đi về” thôi. Vì chẳng ai dám mạo hiểm làm theo lời đề nghị của Chúa đâu. Bởi lẽ chủ nghĩa hưởng thụ ngày nay còn trói buộc con người ghê gớm hơn ngày xưa nhiều nhiều lần. Từ bỏ là cả một hy sinh vô cùng khó cho con người thời đại ngày hôm nay. Thế mới hay người “giàu có” (giàu có ở đây thiết nghĩ nên hiểu là quá “ham hố”, quá “dính bén” với của cải thì đúng hơn) lọt được vào vòng chung kết trong cuộc đua dành chiếc cúp “sự sống đời đời” thì khó biết bao, như lời quả quyết của Chúa Giêsu.

Chúa biết khó, nhưng Ngài vẫn mời gọi chúng ta từ bỏ, vì Nước Trời có giá trị lớn lao vô cùng, đòi hỏi con người phải trả giá. Ngài muốn chúng ta mỗi ngày hãy sống triệt để hơn đòi hỏi của Tin mừng.

Vì chưng giữ đạo không chỉ dừng lại ở chỗ ăn ngay ở lành, chu toàn các đòi hỏi của luân lý, không làm điều xấu này điều xấu kia…mà quan trọng hơn, đó còn là tin nhận và dấn bước theo một con người, người đó là Đức Giêsu Kitô. Nói khác đi, sự hoàn thiện theo Tin Mừng hệ tại ở điều này: bước theo Chúa Kitô để làm môn đệ của Ngài. Mà để theo Chúa, thì cần phải dứt khoát sống tinh thần từ bỏ, nhất là từ bỏ cái tôi ích kỷ hẹp hòi, cái tôi dính bén của mình.

Vậy câu hỏi đặt ra thay cho lời kết đó là, sự thành tâm thiện chí và lòng nhiệt huyết cầu tiến sống đời hoàn thiện nơi tôi thế nào ? Đâu là những trở ngại chính khiến tôi chưa sống từ bỏ và phó thác hoàn toàn để đi theo Chúa ? Người thanh niên trong Tin mừng chỉ còn thiếu một điều; còn tôi, tôi còn thiếu bao nhiêu điều nữa trên đường hoàn thiện?
 
Tâm Sự Với Chúa Mỗi Ngày - Tuần 28 Thường Niên
Lm Jos Tạ Duy Tuyền
16:35 10/10/2009
Thứ hai sau Chúa nhật 28 thường niên

Lc 11,29-32

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Chúng con thường thích cái mới, ham cái lạ. Chúng con thường ước ao nhìn thấy những dấu lạ của quyền năng Chúa để củng cố niềm tin cho chúng con. Nhưng có lẽ, Chúa sẽ không bao giờ làm dấu lạ để thoả mãn tính hiếu kỳ của chúng con. Xin Chúa giúp chúng con trưởng thành trong đức tin để chúng con không lệ thuộc vào những cái bên ngoài, nhưng biết nhìn nhận quyền năng Chúa qua thiên nhiên, qua vạn vật, qua ơn lành Chúa vẫn ban xuống trên cuộc đời chúng con.

Lạy Chúa Giê-su mến yêu, dân thành Ni-ni-vê xưa đã nhờ dấu lạ ông Gio-na mà sám hối canh tân. Xin cho chúng con biết canh tân đổi mới nhờ được nuôi dưỡng sự sống phục sinh của Chúa qua bí tích Thánh Thể. Xin mở mắt để chúng con thấy những kỳ công của Chúa mà hết lòng tán dương Chúa. Xin giúp chúng con biết sống theo đường lối Chúa để chính chúng con cũng trở thành dấu chỉ cho sự hiện diện của Chúa giữa thế gian.

Lạy Chúa, xin ban Thánh Thần giúp chúng con biết quy phục Chúa và sống theo lề luật của Chúa. Xin giúp chúng con luôn vững tin vào Chúa giữa cuộc đời đầy cám dỗ hôm nay. Amen

Thứ Ba sau Chúa nhật 28 thường niên

Lc 11,37-41

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Chúng con thật hạnh phúc vì được quây quần bên Chúa. Qua bí tích Thánh Thể, Chúa tiếp tục ở lại với chúng con mọi ngày cho đến tận thế. Xin giúp chúng con biết lột bỏ thói giả hình để sống thật chân thành với Chúa. Xin giúp chúng con biết yêu mến Chúa trên hết mọi sự và biết yêu mến nhau với tình yêu chân thành, không khoe khoang, không giả dối. Xin loại trừ nơi chúng con ánh mắt của nghi kỵ, kết án tẩy chay, nhưng luôn có cái nhìn cảm thông và yêu mến.

Lạy Chúa, cuộc sống luôn bon chen, giành giựt lẫn nhau vì miếng cơm manh áo, khiến chúng con dễ có thái độ nghi kỵ, kết án lẫn nhau, đôi khi dẫn đến tẩy chay nhau một cách vô cớ. Xin cho chúng con luôn ý thức rằng, chúng con chỉ được hạnh phúc khi trao ban, khi sống yêu mến tha nhân hết mình. Nhưng Chúa ơi, giữa cuộc sống bận rộn đầy bon chen này, chúng con thật khó dành thời giờ cho anh em, và càng khó kiên nhẫn để cư xử tốt với mọi người. Giữa cuộc sống đầy giả dối này, chúng con thường có khuynh hướng nhìn người bằng ánh mắt hoài nghi xem thường. Xin loại trừ nơi chúng con thói giả dối hay lường gạt lẫn nhau. Xin cho chúng con biết luôn quảng đại và thứ tha cho nhau. Xin giúp chúng con luôn sống liên đới với nhau trong sự cảm thông, nâng đỡ và bác ái với nhau.

Lạy Chúa, Chúa là tình yêu, xin cho chúng con học nơi Chúa luôn yêu thương mọi người, ngay cả khi họ xúc phạm đến chúng con. Amen

Thứ Tư sau Chúa nhật 28 thường niên

Lc 11,42-46

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Chúng con cảm tạ Chúa đã tạo dựng chúng con giống hình ảnh Chúa. Chúng con cảm tạ Chúa đã cho chúng con bánh bởi trời là sự sống thần linh nuôi dưỡng xác hồn chúng con. Xin gìn giữ phẩm giá là hình ảnh của Chúa nơi chúng con. Xin đừng để tội lỗi làm mất vẻ đẹp của tâm hồn chúng con. Xin giúp chúng con đừng dễ dãi chiều theo tính xác thịt mà đánh mất sự hiệp thông với Chúa.

Lạy Chúa Giê-su mến yêu, Chúa hằng tha thiết mời gọi chúng con thanh tẩy mình mỗi ngày nên hoàn hảo hơn. Chúa luôn mời gọi chúng con loại bỏ thói giả hình, đạo đức giả để sống chân thật trước mặt Chúa và tha nhân. Nhưng Chúa ơi! Sao chúng con khó có thể sống thật với lòng mình quá! Chúng con thường đóng kịch trước tha nhân. Chúng con luôn che đậy những ý đồ xấu, những việc làm xấu bằng rất nhiều những hành vi bác ái bên ngoài. Có khi chúng con làm việc lành bác ái nhưng chỉ để che đậy biết bao việc lỗi công bình bác ái với tha nhân. Có khi chúng con tham dự thánh lễ nhưng lòng chúng con thì xa lìa Chúa bởi tội lỗi vẫn nằm sâu trong bản tính loài người chúng con. Xin tha thứ cho những yếu đuối của chúng con. Xin giúp chúng con biết sửa mình mỗi ngày, biết canh tân đời sống cho xứng với tình yêu mà Chúa dành cho chúng con.

Lạy Chúa, Chúa là Đấng chân thật. Xin giúp chúng con luôn yêu mến sự thật, luôn sống theo sự thật để tìm được sự bình an của tâm hồn chân thật. Amen

Thứ Năm sau Chúa nhật 28 TN

Lc 11,47-54

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Chúa là thần lương nuôi dưỡng chúng con. Xin ban cho chúng con sức mạnh để dám sống cho niềm tin của mình giữa một thế giới đang loại trừ Thiên Chúa. Xin cho chúng con luôn là ánh sáng dẫn dắt anh em đi trong chân lý vẹn tuyền, và là muối men cho cuộc sống thắm đượm tình yêu thương bác ái.

Vâng lạy Chúa, thế giới chúng con đang sống luôn phủ nhận những giá trị linh thánh. Người ta luôn quan tấm đến tiền tài, danh vọng. Người ta sống tưởng chừng như chỉ để kiếm tiền và hưởng thụ. Một thế giới đề cao vật chất đến độ cố tình lãng quên tình Chúa. Xin cho chúng con sự tự do đích thực của con người, là không lệ thuộc những đam mê của danh lợi thú trần gian, đề nhở đó chúng con biết chọn lựa những giá trị vĩnh cửu, hơn là những giá trị vật chất mau qua. Xin giúp chúng con dám sống theo sự thiện, hơn là sống gian dối để được bổng lộc trần gian.

Lạy Chúa Giê-su mến yêu, Chúa đã từng khiển trách sự giả dối của nhóm Phariseu. Chúa biết trước họ sẽ để tâm tìm cách làm hại Chúa như cha ông họ đã từng giết hại các ngôn sứ. Xin cho chúng con ơn can đảm để dám nói sự thật, dám bảo vệ sự thật. Xin loại trừ nơi chúng con sự hèn nhát, và ích kỷ để chúng con luôn sống cho công lý và sự thật. Xin cho thế giới chúng con đang sống có nhiều người biết nhận ra lẽ phải và biết quy phục sự thiện, hầu xây dựng một thế giới an bình và thịnh vượng. Amen

Thứ sáu sau Chúa nhật 28 thường niên

Lc 12,1-7

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Chúa là tinh yêu. Chúa yêu thương hết mọi loài chúng con. Từ những bông hoa cỏ dại, đến những loài chim bé bỏng, Chúa đều yêu thương chăm sóc. Riêng con người, Chúa còn yêu thương hơn tất cả vạn vật bội phần, vì chúng con là hình ảnh của Chúa. Xin cho chúng con biết phó thác đời mình cho tình thương vô biên của Chúa. Xin giúp chúng con vượt thắng bản thân mình để can đảm sống cho niềm tin của mình.

Nhưng Chúa ơi, xin tha thứ cho chúng con, vì những lần chúng con làm mất đi vẻ đẹp của hình ảnh Chúa nơi tâm hồn chúng con. Chúng con đã để những tư tưởng lỗi đức trong sạch làm mất đi vẻ đẹp thanh khiết của tâm hồn chúng con. Chúng con đã để những tham lam vô độ làm mất đi phẩm giá thanh cao nơi con người chúng con. Chúng con đã để thói lười biếng, ích kỷ làm mất đi giá trị cuộc đời của chúng con giữa gia đình và xã hội. Xin Chúa giúp chúng con biết sợ những đam mê tội lỗi để biết sống trong sạch, tiết độ và vị tha. Xin đừng để chúng con sống trong tội lỗi mà làm mất đi vẻ đẹp cao quý là hình ảnh Chúa nơi tâm hồn chúng con.

Lạy Chúa Giê-su mến yêu, xin cho chúng con biết yêu mến Chúa trên hết mọi sự, để nhờ đó chúng con hết lòng phụng sự Chúa. Amen

Thứ bảy sau Chúa nhật 28 thường niên

Lc 12,8-12

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Chúa chính là Đường – là Sự Thật – và là Sự sống đời đời. Xin Mình Thánh Chúa ngự trị trong tâm hồn chúng con biến đổi chúng con theo Thần Khí của Chúa. Xin giúp chúng con luôn bước đi trong đường ngay nẻo chính.

Lạy Chúa Giê-su mến yêu, Chúa đã tao dựng chúng con một con người hoàn hảo giống hình ảnh Chúa. Chúa đặt nơi thẳm sâu tâm hồn chúng con nỗi khát khao về chân thiện mỹ. Xin cho chúng ta biết can đảm vượt qua những trói buộc của đam mê, ích kỷ, tội lỗi, để sống theo sự thật, vì chỉ có sự thật mới giải thoát chúng con khỏi những ràng buộc tội lỗi. Xin đừng để thái độ cố chấp của chúng con làm chúng con xa lìa Chúa và đánh mất tình liên đới với mọi người.

Lạy Chúa, chúng con ao ước được nên hoàn thiện như Chúa. Xin cho chúng con luôn can đảm vượt thắng tội lỗi và làm chủ tư tưởng ước muốn của mình đi theo lề luật của Chúa. Xin đừng để những đam mê lầm lạc tách lìa chúng con ra khỏi tình yêu của Chúa. Amen

Lm.Jos Tạ duy Tuyền
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:02 10/10/2009
NGUYÊN NHÂN THOÁNG NỞ THOÁNG TÀN

N2T


Hoa quỳnh, bởi vì đời sống của nó rất ngắn ngủi, nên phàn nàn với Đấng tạo hóa:

- “Ngài tạo dựng con rất là đẹp đẽ, chỉ có điều là: mỗi khi con đắm say trong sự tán thưởng và ngưỡng mộ của chúng nhân, thì Ngài lại lật đật kết thúc cuộc sống của con, phải nói là quá tàn nhẫn đi thôi”.

Đấng tạo hóa bất đắc dĩ nói:

- “Được, Ta để con sống lâu thêm một chút”.

Sau đó không lâu, hoa quỳnh gấp gấp thỉnh cầu với Đấng tạo hóa: “Ngài nên để con hồi phục dáng vẻ trước kia nhé, nhìn mình mỗi lúc một già đi, hồng nhan không trở lại, thực là một chuyện đáng sợ”.

Đấng tạo hóa bắt đầu giáo huấn, nói:

- “Lạ thật, già thì cũng có cái đậm đà của già chứ?”

- “Không, không”- Hoa quỳnh nói: “Thà rằng con nhận sự hoài niệm và tiếc nuối của mọi người”.

Cho đến ngày nay, hoa quỳnh nháy mắt nở, nháy mắt tàn, chính là nguyên nhân “thoáng nở thoáng tàn” vậy.

(Trích "Chuyện ngụ ngôn cho thời hiện nay")

Suy tư:

Tôi đã thấy rất nhiều loại hoa, ở Sài gòn, mỗi năm tết đến, chợ hoa khai mạc thì dù có chết tôi cũng đi coi cho bằng được, mặc dù năm nào cũng chỉ những loại hoa ấy. Ở Đài Loan, tôi cũng được may mắn đi coi những nơi trồng hoa của các nghệ nhân, đẹp không thể tả, đủ màu đủ sắc, có những loại hoa mà tôi chưa bao giờ được thấy, nhưng thú thật, hoa quỳnh thì tôi chưa hề thấy bao giờ cả, chỉ nghe nói và nghe người ta khen nó đẹp, nó thơm mà thôi, nhưng nó quý và hiếm, quý và hiếm là nó vừa nở hoa thì tàn ngay sau đó, đời sống của nó quá ngắn ngủi, nên nó được người ta quý.

Đời sống con người ta cũng như bóng câu qua cửa sổ, nghĩa là cũng vắn vỏi vô cùng.

Hoa quỳnh chóng tàn nhưng để lại cho người thưởng thức sự nuối tiếc.

Cuộc sống ngắn ngủi, nhưng chúng ta đã làm gì để cho đời tiếc thương ? Các thánh tử đạo là những người có cuộc sống đời này rất ngắn, nhưng danh thơm tiếng tốt của các ngài thì ngàn năm sau không phai nhạt.

Thánh Đaminh Saviô, thánh Maria Gorretti, thánh Luy Gonzaga, thánh Tôma Thiện, thánh tiến sĩ Têrêxa Hài đồng Giê-su.v.v… là những vị thánh trẻ nhất, tức là chết sớm nhất, nhưng gương anh hùng trong đức tin, thanh khiết trong cuộc sống, bác ái trong hành động của các ngài, đã lôi kéo biết bao nhiêu tâm hồn sống như các ngài.

Thời giờ qua nhanh như ngựa chạy tên bay, chúng ta còn bao nhiêu thời gian nữa để làm nên anh hùng, lưu lại tiếng thơm cho đời ?

Phải bắt đầu từ hôm nay! Alleluia !

Tạ ơn Chúa! Alleluia.

--------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.myblog.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:03 10/10/2009
N2T


79. Người khiêm tốn bị nhục mạ thì trong lòng vẫn bình an, bởi vì họ không trông cậy người thế gian, nhưng chỉ trông cậy ở Thiên Chúa.

(sách Gương Chúa Giê-su)
 
Mỗi ngày một câu cách ngôn
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:05 10/10/2009
N2T


251. Thiên Chúa ban cho chúng ta sinh mệnh ngắn ngủi, nhưng con người ta đối với những hoài niệm có ý nghĩa của cuộc sống thì thật lâu dài.

 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Kháng Thư của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ gửi Lưỡng Viện Quốc Hội
Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ
05:47 10/10/2009
Ngày 8 tháng 10 năm 2009, ba vị Giám Mục đại diện Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ (HĐGMHK) đã gửi một kháng thư cho lưỡng viện quốc hội Hoa Kỳ bày tỏ lập trường của Giáo Hội Công Giáo Hoa Kỳ vể dự luật cải tổ y tế vừa được Tiểu Ban Tài Chánh Thượng Viện thông qua và sẽ đem ra bàn thảo tại Thượng Viện trong những tuần sắp tới. Dưới đây là bản dịch bức thư của HĐGMHK.

Quý Thành Viên Quốc Hội thân mến

Đại diện cho Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, chúng tôi viết để trình bày sự thất vọng của chúng tôi vì Quốc Hội đã không thỏa mãn ba tiêu chuẩn ưu tiên về việc cải tổ chính sách y tế mà chúng tôi đã đệ trình lên Quốc Hội trước đây. Thực ra, Tiểu Ban Tài Chánh Thượng Viện đã bác bỏ tu chính về quyền làm theo lương tâm mà Tiểu Ban Năng Lượng và Thương Mại của Hạ Viện đã thông qua trước đó. Nếu dự luật cuối cùng không phù hợp với những nguyên tắc của chúng tôi thì chúng tôi không biết phải làm gì khác hơn là chống lại dự luật. Chúng tôi vẫn quyết tâm làm việc với những nhà lãnh đạo Chính Phủ và Quốc Hội cùng những đồng minh của chúng tôi để đi đến một đạo luật về cải tổ y tế sau cùng phản ảnh những nguyên tắc của chúng tôi.

Chúng tôi tiếp tục đề nghị quý vị:

1. Loại ra những điều khoản bắt buộc phải trả chi phí cho việc phá thai và đưa vào những chính sách chống lại việc tài trợ phá thai đã có từ lâu, đồng thời ủng hộ quyền làm theo lương tâm. Không ai bị bắt buộc phải trả tiền cho hoặc phải tham dự vào việc phá thai. Điều thiết yếu là cơ quan lập pháp phải áp dụng một cách rõ rệt vào chương trình mới này những giới hạn có tính cách liên bang đã có từ lâu đời và được ủng hộ một cách rộng rãi về việc tài trợ cho phá thai và luật lệ về phá thai, cùng bảo vệ quyền làm theo lương tâm. Không có một dự luật nào hiện nay đáp ứng lại điều này.

2. Chấp nhận những biện pháp để bảo vệ và cải thiện sức khỏe cho dân chúng. Việc cải tổ phải làm cho việc săn sóc sức khỏe được dễ dàng và hợp với khả năng tài chính của mọi người, đặc biệt là những người yếu thế và những người sống gần hay ở mức độ nghèo khó.

3. Bao gồm những biện pháp hữu hiệu để bảo vệ sức khỏe của những người di dân, con cái của họ và toàn thể xã hội. Phải bảo đảm rằng những người di cư hợp pháp và các phần tử trong gia đình họ có bảo hiểm toàn diện, giá phải chăng và cấp thời về sức khỏe. Duy trì một mạng lưới đầy đủ an toàn cho những người vẫn chưa có bảo hiểm.

Chúng tôi thành khẩn hy vọng rằng cơ quan lập pháp sẽ không làm trái với những tiêu chuẩn của chúng tôi. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn tiếp tục lo ngại khi những tu chính để bảo vệ việc tự do làm theo lương tâm và đảm bảo việc không dùng tiền thuế của dân chúng để tài trợ cho việc phá thai bị đánh bại trong các cuộc bỏ phiếu ở tiểu ban. Nếu chúng tôi không tìm thấy những ngôn từ có thể chấp nhận được trong những lãnh vực này trong dự luật cải tổ y tế thì chúng tôi phải mãnh liệt chống lại nó. Truyền thống luân lý Công Giáo dạy rằng săn sóc sức khỏe là một quyền căn bản của con người, thiết yếu để bảo vệ sự sống và phẩm giá con người. Việc cải tổ rất cần yếu cho hệ thống y tế của chúng ta cũng phải được theo đuổi bằng những phương thức phục vụ sự sống và phẩm giá của mọi người, và không bao giờ được theo đuổi bằng những phương thức phá hủy hay vi phạm những giá trị căn bản này. Chúng tôi sẽ làm việc không biết mệt để sửa lại những vấn đề căn bản này và giúp quý vị thông qua một cuộc cải tổ thật sự, là cuộc cải tổ bảo vệ thật rõ ràng sự sống, phẩm giá và sức khỏe của mọi người.

Trân trọng,

ĐGM William F. Murphy, Giáo Phậm Rockville Centre, Chủ Tịch Ủy Ban Công Lý và Phát Triển Con Người Quốc Nội

ĐHY Justin Rigali, Tổng Giáo Phận Philadelphia, Chủ Tịch Ủy Ban Các Hoạt Động Phò Sự Sống

ĐGM John Wester, Giáo Phận Salt Lake City, Chủ Tịch Ủy Ban Di Dân
 
Đại hội toàn quốc Hội Nhóm Đức Bà tại Paris
LM Giuse Vũ Tiến Tặng
10:10 10/10/2009
Paris, Pháp Quốc - Theo trang tin của Hội Đồng Giám Mục Pháp - Trong hai ngày 10 và 11 tháng 10 năm 2009 diễn ra kỳ Đại Hội Toàn Quốc cứ 6 năm một lần của Phong trào Hội Nhóm Đức Bà (Equipe Notre Dame) với chủ đề: «Sứ mạng của cặp vợ chồng Kitô giáo ». Kỳ Đại Hội lần này, có 1350 cặp vợ chồng là thành viên của phong trào này tham dự.

Chương trình Đại Hội

Đức cha Claude Dagens, giám mục giáo phận Angoulême khai mạc Đại Hội và chủ trì buổi thảo luận đầu tiên. Tiếp theo là buổi tọa đàm bàn tròn về những cái nhìn khác nhau đối với sứ mệnh của Kitô hữu được dẫn dắt bởi Bernard Porte, cựu chủ tịch Nhà Xuất Bản và Báo Chí Bayard-Presse. Ngoài ra còn có sự tham gia trao đổi về chủ đề Đại Hội của Jacques Arènes, nhà văn-nhà phân tích tâm lý, nguyên Chủ tịch Quỹ Tiền Tệ Thế Giới; nữ tu Veronique Margron, dòng nữ Đa Minh, giáo sư Thần Học luân lý và là Trưởng khoa Thần học Đại học công giáo Anger; Marie Genillon thuộc hiệp hội « Phóng thích kẻ bị cầm tù ».

Vào ngày kế tiếp Chúa Nhật 11 tháng 10, cha Paul-Dominique Marcovits, OP, Tuyên úy quốc gia Hội sẽ trình bày về đặc sủng của Vị Sáng lập Hội. Mãn nhiệm kỳ Đại Hội lần này, ngài sẽ cho ra mắt người kế vị, cha Philippe Beitia, linh hướng Đại Chủng Viện Des Carmes Paris.

Một giới thiệu quốc tế về phòng trào Hội được thực hiện bởi cặp vợ chồng Carlo và Maria-Carla Volpini và cha Angelo Epis, là những Phụ trách Quốc Tế của Hội. Hội Nhóm Đức Bà hiện có mặt tại 70 quốc gia với 110.000 thành viên và được phân bố trên khắp năm châu lục, đặc biệt được phát triển tại Châu Phi và Nam Mỹ.

Thánh lễ bế mạc sẽ được đức cha Thierry Brac de la Perrière, Giám mục phụ tá Lyon, Thành viên của Hội Đồng Giám Mục về các phong trào và các hiệp hội giáo dân chủ sự.

Đón nhận sứ mệnh bởi Đức Ki tô và cho Đức Kitô

«Chúng ta được đón nhận sứ mệnh bởi Đức Kitô và cho Đức Kitô. Trong thế giới ở đó những giá trị của đời sống hôn nhân và gia đình đang bị lung lay, chúng ta cần trở về cội nguồn là Lời Chúa. Qua kỳ Đại Hội như lần này, nhờ các buổi cầu nguyện, các bài tham luận, các giờ thiêng liêng mà mỗi người phụ trách nhóm sẽ kín múc được những điều cần kíp để bước đi trong sứ mệnh. Theo cách thức của những Kitô hữu tiên khởi, trong một thế giới còn khó khăn và thù hận, chúng ta cần mang đến cho thời đại sức mạnh, đó chính là những gì chúng ta thao thức thực hiện qua kỳ đại hội lần này », cặp vợ chồng Rémi và Françoise Gaussel, Phụ trách Hội của Pháp, Luxembourg và Thụy sỹ nhấn mạnh.

Vài nét về sự hình thành và phát triển

Hội Nhóm Đức Bà ra đời vào năm 1938, với sự khởi xướng ban đầu của 4 cặp vợ chồng trẻ vốn ước muốn sống tình yêu của họ theo ánh sáng đức tin. Họ đã xin cha Caffarel hướng dẫn và ngài đã đồng hành cùng với phong trào này cho đến tận cuối đời vào năm 1996. Năm 1947 phong trào này được gọi là Hội Nhóm Đức Bà, bao gồm: kinh nguyện hôn phối và gia đình, một buổi cầu nguyện và chia sẻ chung của nhóm mỗi tháng một lần, quy luật cá nhân về đời sống và tĩnh tâm. Sau đó phong trào này nhanh chóng lan rộng khắp các nước Pháp, Bỉ và Thụy Sỹ, rồi cả Châu Âu, Châu Mỹ. Đã có rất nhiều cuộc gặp mặt diễn ra tại nhiều nơi trên thế giới như tại Roma, Lộ Đức, Fatima và Paris.

Một hội nhóm có khoảng từ 4 đến 6 cặp vợ chồng đã lãnh nhận bí tích hôn phối và một vị linh hướng. Mỗi năm một cặp vợ chồng đảm nhiệm vai trò phụ trách hội nhóm về đường hướng thiêng liêng cũng như trong công việc tương trợ. Cuộc gặp gỡ hội nhóm diễn ra trong bầu khí huynh đệ mỗi tháng một lần nhân danh Đức Kitô và dựa trên 6 trục điểm chính: 1. lắng nghe nhau và Lời Chúa, 2. lời cầu nguyện của từng cá nhân, 3. lời cầu nguyện của từng cặp vợ chồng, 4. cùng ngồi lại với nhau, 5. mỗi cặp dành thời gian dừng lại trong tháng qua dưới cái nhìn và sự hiện diện của Thiên Chúa để đào sâu việc đối thoại đời sống vợ chồng và thiêng liêng, 6. quy luật về đời sống và tĩnh tâm hằng năm.
 
Đức Thánh Cha chủ sự buổi đọc kinh Mân Côi với và cho Phi châu
LM Trần Đức Anh, OP
17:59 10/10/2009
VATICAN -. Chiều thứ bẩy 10-10-2009, ĐTC Biển Đức 16 đã chủ sự buổi đọc kinh Mân Côi trọng thể tại Đại thính đường Phaolô 6 ở Nội thành Vatican, ”với Phi châu và cho Phi châu”.

Buổi đọc kinh do Văn phòng Tổng thư ký Thượng HĐGM và Văn phòng mục vụ đại học thuộc Tòa Giám Quản Roma tổ chức, với sự tham dự của các nghị phụ, các dự thính viên và chuyên viên của Thượng HĐGM Phi châu kỳ 2, cùng với gần 7 ngàn sinh viên, tu sĩ nam nữ, trong đó cũng có một số nữ tu Việt Nam.

Cùng đọc kinh với ĐTC còn có hàng chục ngàn sinh viên tại thủ đô của 7 nước Phi châu, được nối qua hệ thống truyền hình vệ tinh, đó là: Cairo Ai Cập, Nairobi Kenya, Khartum Sudan, Johannesburg Nam Phi, Onitsha Nigeria, Ouagadougou Burkina Faso và sau cùng là Maputo Mozambique.

Phần thứ I của buổi đọc kinh bắt đầu lúc 5 giờ chiều, do ĐHY Polycarp Pengo, TGM Dar-es-Salam, Tanzania, Chủ tịch Liên HĐGM Phi châu và Madagascar hướng dẫn. Trước tiên là nghi thức rước Thánh Giá lên lễ đài có cờ của 53 quốc gia Phi châu tháp tùng. Tiếp đến là phần chào thăm các sinh viên và tín hữu tại các nước được nối qua truyền hình, tụ tập tại các thánh đường liên hệ. Các bài suy niệm được xen kẽ các bài thánh ca. Phần II bắt đầu lúc gần 6 giờ, khi ĐTC tiến vào Đại thính đường Phaolô 6 giữa tiếng vỗ tay vui mừng của mọi người và bài ca Tu es Petrus.

2 sinh viên đã đại diện mọi người hiện diện chào mừng ĐTC, đồng thời giới thiệu các thành phần tham dự từ các thành phố ở Phi châu được nối qua truyền hình, dưới sự hướng dẫn của các Giám Mục sở tại.

Buổi đọc kinh mở đầu với nghi thức nhắc nhớ bí tích rửa tội, do các bạn trẻ tại Cairo Ai Cập cử hành. ĐTC và các GM liên hệ rảy nước thánh trên các tham dự viên. Rồi mọi người cùng ĐTC đọc và suy niệm 5 mầu nhiệm mùa Mừng, xen lẫn các bài suy niệm, thánh ca và lời nguyện.

Sau khi đọc kinh, ĐTC đã chào mọi người lần lượt bằng các thứ tiếng chính và chân thành cám ơn ban tổ chức và mọi người đã tham dự buổi đọc kinh này. Ngài nói: ”Sự kiện họp nhau cùng với Người Kế Vị Thánh Phêrô và đông đảo các vị chủ chăn của Giáo Hội tại Phi châu và các chuyên gia, chính là một lý do để vui mừng và hy vọng, diễn tả và nuôi dưỡng sự hiệp thông. Các Giáo Phụ xưa kia đã ví cộng đoàn Kitô như một ban nhạc hoặc một ca đoàn có thứ tự và hòa hợp.”

Bằng tiếng Pháp, ĐTC mời gọi các tín hữu tiếp tục hiệp nhau cầu nguyện cho các GM toàn Phi Châu đang nhóm Thượng HĐGM tại Roma, để Giáo Hội có thể đóng góp hữu hiệu vào sự hòa giải, công lý và hòa bình tại đại lục Phi châu yêu quí và để Giáo Hội trở thành dấu chỉ hy vọng đích thực cho mọi dân tộc Phi châu, ”là muối đất, là ánh sáng thế gian”.

ĐTC cũng nhận định rằng ”Khi suy niệm các mầu nhiệm Mân Côi, một lần nữa chúng ta đã gặp tân nhan đích thực của Thiên Chúa, Đấng mạc khải cho chúng ta trong Đức Giêsu Kitô, sự hiện diện của Ngài trong đời sống của mỗi dân tộc. Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô đồng hành với con người: nhờ Ngài, ta có thể xây dựng nền văn minh tình thương. Hỡi các sinh viên tại Roma và Phi châu, cha xin các con hãy trở thành những người thực thi đức bác ái trí thức, trong Giáo Hội và trong xã hội, đức bác ái này cần thiết để đương đầu với những thách đố lớn của lịch sử hiện đại. Trong các đại học, các con hãy là những người chân thành và hăng say tìm kiếm chân lý, xây dựng cộng đồng đại học trí thức cao độ trong đó có thể thực hành và được hưởng sự hợp lý cởi mở và bao quát, mở đường cho sự gặp gỡ với Thiên CHúa. Các con hãy biết kiến tạo những nhịp cầu cộng tác khoa học và văn hóa giữa các đại học khác nhau, nhất là các đại học Phi châu. Và hỡi các sinh viên Phi châu, cha mời gọi các con hãy sống thời gian học hành như một cuộc chuẩn bị để chu toàn công tác phục vụ linh hoạt văn hóa tại đất nước của con các. Công cuộc truyền giáo mới tại Phi châu hy vọng nơi sự dấn thân quảng đại của các con”.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Nhật ký Hội nghị Thường niên Kỳ II-2009 Hội đồng Giám mục Việt Nam (5)
PV WHĐ
04:56 10/10/2009
WHĐ (10.10.2009) – Sau khi các giám mục thống nhất với nhau về thời gian cho kỳ họp năm tới 2010, Đức cha Chủ tịch HĐGM kêu gọi các giáo phận gửi tin tức và bài vở về cho Văn phòng Thư ký và Ban biên tập trang web HĐGM VN vì đây là kênh thông tin chính thức của HĐGM VN. Sau đó các giám mục dành nhiều thời giờ thảo luận về Thư Công bố Năm Thánh của HĐGM VN. Đức cha Phêrô Khảm nhận nhiệm vụ đúc kết các ý kiến đóng góp và viết lại bản văn cuối cùng. Do nhu cầu của các giáo phận cần được tư vấn về Luật dân sự cũng như Luật Giáo hội, nhất là Luật về đất đai, về tài sản của Giáo hội, Hội nghị thống nhất thành lập Tiểu ban tư vấn về Luật do Đức cha Tôma Nguyễn Văn Trâm đứng đầu, với sự tham gia của một số chuyên gia về Luật dân sự cũng như Luật Giáo hội. Thời gian còn lại các giám mục giáo phận Long Xuyên, Mỹ Tho, Phan Thiết, Phú Cường, Vĩnh Long, Xuân Lộc, báo cáo về tình hình giáo phận mình. Nhìn chung, trong năm qua, trong hoàn cảnh còn khó khăn về nhiều mặt, các giáo phận đều hướng đến việc học hỏi và sống tinh thần của Thư mục vụ về Năm giáo dục Kitô giáo trong Gia đình, Năm thánh Phaolô, Năm Linh mục, đồng thời chuẩn bị cho Năm Thánh 2010 và hướng tới việc loan báo Tin Mừng và tái loan báo Tin Mừng xa hơn nữa.

Buổi chiều, Hội nghị đã bỏ phiếu phê chuẩn bản văn cuối cùng của Thư công bố Năm Thánh của HĐGM gửi Dân Chúa, phê chuẩn các bản dịch Sách Nghi thức Thánh lễ tiếng Jrai, Nghi thức Thánh lễ và các Sách Bài đọc tiếng Bahna. Các giám mục còn đóng góp ý kiến cho việc hoàn chỉnh Ratio (Đào tạo linh mục – định hướng và chỉ dẫn) và lên chương trình tham dự lễ kỷ niệm 100 năm Nhà thờ Chính tòa – 300 năm của giáo phận Chantaburi (Thái Lan). Ngoài ra, Ủy ban Mục vụ Giới trẻ xin HĐGM phê chuẩn cho chương trình Đại hội Giới trẻ trong Năm Thánh dự định tổ chức tại Ba Làng, Thanh Hóa. Các Ủy ban khác như UB Truyền thông, UB Giáo sĩ Chủng sinh, UB Giáo dân, UB Gia đình báo cáo hoạt động của mình trong năm qua, cũng như định hướng tương lai.

Hội nghị dự kiến phiên họp kỳ I/2010 sẽ được tổ chức tại Đền thánh Đức Mẹ Bãi Dâu, từ ngày 5-4-2010 đến ngày 10-4-2010.

Giờ chầu trọng thể lúc 6 giờ chiều kết thúc những ngày làm việc tận tụy của các giám mục trong tâm tình tạ ơn Thiên Chúa.

(Nguồn: www.hdgmvietnam.org)
 
Tôi chỉ là một người lữ hành: chuyến thăm Kontum sau trận bão
Lm Lý Phan Sinh
06:49 10/10/2009
Người ta thuật lại câu chuyện sau đây: Một ngày nọ, có một du khách người Mỹ đến thăm một giáo sĩ Dothái. Vừa bước vào phòng vị giáo sĩ, du khách rất hết sức ngạc nhiên khi thấy trong phòng chỉ có vỏn vẹn một số sách vở xếp trên một chiếc kệ, một bàn làm việc và một cái ghế dài. Người du khách hỏi vị giáo sĩ: "Đồ đạt của ngài đâu hết rồi?" Giáo sĩ trả lời: "Vậy đồ đạt của ông ở đâu?" Người du khách ngỡ ngàng trước câu hỏi đó: "Đồ đạt của tôi hả! Tôi chỉ tạm trú ở đây thôi, vì tôi cũng chỉ là một du khách" Vị giáo sĩ chậm rãi trả lời: "Tôi cũng thế, tôi cũng chỉ là một du khách trên cõi đời nầy mà thôi".

Sáng sớm ngày 29 tháng 9 vừa qua, tôi đã có mặt ở phi trường nội địa Tân Sơn Nhất để kịp đáp chuyến bay đi Pleiku lúc 6.30am… Trước khi bước vào phi trường tôi nhìn thấy một tấm bảng để phía ngoài phòng chờ đợi liệt kê những chuyến bay bị hoãn vì lý do thời tiết và ảnh hưởng cơn bão Ketsana cấp 9, trong số những chuyến bay bị hoãn không có chuyến bay đi Pleiku... Tôi ung dung bước vào phi trường và đến quầy kiểm tra hành lý… vỏn vẹn với chiếc xách tay nhỏ cho cuộc hành trình ‘Tây Nguyên - Ba Ngày’. Sau ít phút chờ đợi, tôi được nhân viên kiểm tra hành lý và soát vé cho biết chuyến bay đi Pleiku của tôi vừa được lệnh hoãn lại vì lý do thời tiết xấu. Lúc đi ra phi trường thì được các nữ tu Hội Dòng MTG. Bà Rịa đưa đi… lúc về lại Bình Lợi thì tôi liên lạc được một gia đình thuộc giáo xứ Ngãi Giao có đứa cháu đang trọ học ở Sài Gòn đến đón tôi bằng xe Honđa… và chờ đợi thời tiết được bình thường để có thể thực hiện chuyến viếng thăm Tây Nguyên như lòng mong ước…

Thành Phố Kontum Sau Trận Bão Ketsana
Tôi nhớ lại… hôm đó là ngày lễ Kính Tổng Lãnh Thiên Thần Micae, Thiên Thần Raphae và Gabrie cho nên Cha Trần Quốc Hải đã phải nhờ các chị Dòng MTG Qui Nhơn đến đón tôi tại phi trường trong lúc cha về TGM Kontum để mừng lễ Quan Thầy Micae của ‘Ông Ngoại’ xong sẽ dự trù xuống Pleiku đón tôi bằng Honđa để cùng ngài vượt những đoạn đường ngoằn ngoèo xuyên rừng vào tận những ‘Bản Làng Thượng Tây Nguyên’ Pleiku-Kontum hơn 30 cây số… Sau thánh lễ sáng hôm đó khi lái chiếc Honđa đến Pleiku thì Cha Hải mới biết được là chuyến bay của tôi bị hoãn vì thời tiết xấu…. vừa về đến Bình Lợi, tôi đã nhận được tin nhắn của Cha Trần Quốc Hải từ Kontum cho biết là cơn bão đã tàn phá Kontum nặng nề.

Qua câu chuyện kể về người Du Khách Mỹ đến thăm một Giáo Sĩ Dothái, tôi đang mường tượng lại hình ảnh của một chuyến đi… Tôi đến phi trường Pleiku sau hơn 1 giờ bay… thời tiết hôm đó ở Sài gòn trời âm u, mưa vẫn nặng hạt… hầu như các chuyến bay của ngày hôm đó đều bị trễ từ khoảng 1 giờ đến 2 giờ vì thời tiết xấu… Cha Trần Quốc Hải và một vài chị nữ tu thuộc Hội Dòng MTG Qui Nhơn đón tôi tại phi trường… Sau bữa ăn trưa tại một cộng đoàn của Hội Dòng MTG.QN ở Gia Lai chúng tôi vượt 1 chặng đường hướng về phía Kontum…

Nhà Xứ Komah, Hà Tây, Kontum
Giờ đây, tôi đang mường tượng lại…căn nhà xứ của Cha Hải… một căn phòng nhỏ bé chật hẹp… trong sự thiếu thốn tiện nghi giữa Anh Chị Em Dân Tộc thuộc giáo xứ Kon Mah, xã Hà Tây, huyện Chupah… với chiếc máy xách tay để tạm trên chiếc bàn dài ngoài mái hiên - đó là phòng khách lộ thiên - với chiếc ghế nhựa tôi ngồi viết bài cảm nghiệm của một du khách để tường thuật những hậu quả của cơn bảo số 9 trong những ngày vừa qua với những hình ảnh tang thương chụp được trên quãng đường đi… và hình như đài truyền hình địa phương đã và còn đang loan tin về một ‘Siêu Bão’ đang sắp sửa thổi vào Quê Hương Miền Trung Việt Nam trong những ngày sắp tới...

Mượn lời của sách Gióp mà chúng ta sẽ nghe trong phần Lời Chúa Chủ Nhật thứ 28 của Mùa Thường Niên để làm Điểm Tựa - Hành Trang cho chuyến đi Tây Nguyên trong những ngày nầy: "Tôi sinh ra từ trong bụng mẹ với một thân xác trần truồng đó, tôi sẽ trở về lòng đất". Nếu chúng ta hiểu được lời nầy của Ông Gióp nói, thì sẽ không có mấy người trong chúng ta rơi vào trạng thái thất vọng như chàng thanh niên trong Bài Tin Mừng của ngày Chủ Nhật. Người thanh niên giàu có nầy, muốn trở thành môn đệ Chúa Kitô. Anh chỉ muốn, nhưng chưa quyết tâm. Lòng muốn của anh chưa đủ đủ để anh phải hy sinh. Anh muốn mang danh xưng là môn đệ Chúa Kitô, nhưng không muốn trả giá đắt đỏ mà người môn đệ phải trải qua. Khi nghe lời Chúa hôm nay,
Quà Trung Thu
chúng ta có dám đương đầu với những thách đố của Chúa Kitô không? Chúa không đòi buộc chúng ta là hãy về bán hết tất cả và theo Ngài như người thanh niên trong bài Tin Mừng, nhưng chúng ta có thể làm gì cho những anh chị em, cho đồng bào, cho những nạrn nhân của cơn bão lụt vừa qua trong hoàn cảnh và điều kiện của mỗi người trong chúng ta? Làm môn đệ Chúa Kitô là chấp nhận thân phận lữ hành với những thử thách và hy sinh trong cuộc sống. Chấp nhận thân phận lữ khách tạm trú ở trần gian, là chấp nhận thái độ khôn ngoan của vị giáo sĩ Dothái nói trên. Cuộc sống lữ hành là cuộc sống luôn từ bỏ những ràng buộc ích kỹ và chia sẻ với tha nhân.
Đường Phố Kontum Sau Cơn Bão
Qua bão lụt thiên tai động đất đã cướp mất đi bao sinh mạng của nhiều người và bao tàn sản, của cải vật chất mà họ đã tích lũy. Nhiều người, nhiều gia đình đã trở nên trắng tay. Nhiều nhà thờ, nhà xứ cũng bị ảnh hưởng của bão lụt tàn phá. Dù giàu hay nghèo, một ngày nào đó tất cả chúng ta đều phải qua ngưỡng cửa sự chết, nhưng có một điều chắc chắn rằng, cho đến những giây phút nầy, đang khi đọc bài viết nầy, chúng ta vẫn ‘chưa chết’ hay nói cách khác, chúng ta vẫn còn ‘may mắn’ hơn những người khác. Đồng ý là tiền bạc đem lại cho con người tiện nghi và thoải mái, nhưng không hẳn là sự thoải mái về tinh thần.

Nếu có dịp theo dõi báo chí, chắc các bạn biết câu chuyện nhà tỷ phú J Paul Getty, ông đã qua đời vào tháng 6 năm 1976, lúc 83 tuổi để lại một gia sản trị giá từ 2 đến 4 tỷ Mỹ kim. Sau lần ly dị với người vợ thứ 5, ông đã trả lời với 1 phóng viên nhà báo như sau: "Tôi muốn đánh đổi tất cả tài sản của tôi để được một cuộc hôn nhân hạnh phúc". Như vậy thì tiền bạc đã không mua được hạnh phúc cho nhà tỷ phú nầy. Có tiền để tiêu dùng là một hồng ân, nhưng làm nô lệ cho tiền bạc lại là một cám dỗ đối với những ai giàu có. Có lẽ vì điểm nầy mà Chúa Giêsu đã nói rằng kẻ giàu có khó vào nước Thiên Đàng. Thế nhưng, không có gì mà Thiên Chúa không làm được. Nếu chúng ta vừa có tiền vừa có Thiên Chúa, thì chúng ta đang là kẻ có hạnh phúc thật. Nhưng đừng quên Chúa nhắc khéo trong Phúc Âm: "Không ai có thể làm tôi hai chủ được". Tiền bạc chỉ đem lại hạnh phúc nếu quyền xử dụng tiền bạc được đặt dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Linh và đươc soi dẫn bởi ánh sáng Phúc Âm.

Hãy tìm niềm vui trong sự cho đi hơn là khăng khăng giữ lấy cho mình. Đừng dùng đồng tiền làm kim chỉ nam cho đời chúng ta, nhưng hãy thay vào đó hình ảnh của cây thập giá, chúng ta sẽ hiểu được đâu là hạnh phúc. Là những Kitô hữu, chúng ta tin chắc rằng: "Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra". Chính trong niềm tin đó, Giáo Hội buộc mỗi tín hữu phải đi tham dự thánh lễ Chủ Nhật khi không có điều gì ngăn trở trầm trọng. Bởi vì trong thánh lễ, ngoài việc rước lễ, chúng ta còn có thể nghe và suy niệm Lời Chúa. Mỗi ngày Chủ Nhật, Giáo Hội thường đề nghị một vài chủ đề để suy tư. Trong Chủ Nhật hôm nay, chúng ta nghe câu chuyện về người thanh niên nọ muốn tìm một lý tưởng để sống... Nhưng khi nghe Chúa đưa ra một lý tưởng để noi theo, thì chàng lại buồn rầu bỏ ra đi không một lời nào...

Qua câu chuyện nầy, chúng ta thấy ở thời đại nào cũng vậy, vấn đề tiền bạc luôn giữ một vai trò quan trọng trong đời sống cá nhân cũng như xã hội. Cổ nhân ta thường nói: "Có tiền mua tiên cũng được", nhưng Chúa Giêsu nói: "Người giàu có khó vào nước Thiên Đàng". Mỗi người trong chúng ta thử tự xét lấy xem lời nói nào đúng nhất? Chúa không bảo chúng ta khinh chê tiền của, Ngài bảo chúng ta dùng tiền của để xây dựng bác ái, hàn gắn những vết thương đồng loại. Ngài đòi hỏi chúng ta lên đường theo Ngài. Vì Ngài là Đường là Đấng dẫn đường, Ngài sẽ dẫn chúng ta đến mạch suối trường sinh, đến đời sống bất diệt.

Hãy đáp lại lời mời gọi của Giáo Hội Mẹ Việt Nam, chúng ta có thể làm gì được cho đồng bào, cho những nạn nhân bão lụt trong những ngày nầy… hãy tiếp tay với Giáo Hõi để chia sẻ-xoa dịu những nỗi thống khổ của Anh Chị Em-Đồng Bào sau cơn bão lụt Miền Trung vừa qua…. Mượn lời kêu gọi của vị Cha Chung là Đức Giáo Hoàng Bênêđictô thứ 16 để kết thúc bài viết với tựa đề: “Tôi Chỉ Là Một Người Lữ Khách Hay Du Khách…” Vâng Tôi chỉ là một ‘Du Khách-Lữ Khách’ dừng chân trên miền đất ‘Tây Nguyên’ và đã chứng kiến một phần nào đó sự tàn phá của cơn bão Ketsana cấp 9 không những trên miền đất Tây Nguyên mà còn những phần đất khác của Miền Trung. Tôi mời gọi Anh Chị Em hãy cùng tôi đáp lại tiếng Chúa kêu mời và lời mời gọi của Giáo Hội Mẹ Thánh của chúng ta… “Hãy Chia Sẻ-Hãy Cho Đi..”

Qua bản tin được đăng trên của Vietcatholic.net ngày 4.10.2009, chúng ta đọc như sau: "Vatican City (AsiaNews - 04/10/2009) - Trong ngày mừng kính thánh Angelus hôm nay, ĐTC Benedict XVI đã nhắc nhớ mọi người về tình cảnh dân chúng nhiều nước đã bị ảnh hưởng bởi thiên tai tại Thái Bình Dương, trong khu vực Đông Nam Á và ở Ý khi mong mỏi "tình đoàn kết và tương trợ quốc tế là không nên thiếu đối với những người anh chị em của chúng ta”. ĐTC nói: “Những suy nghĩ của tôi lúc này đang hướng đến những dân tộc ở vùng Thái Bình Dương và Đông Nam Á vừa bị sự hung hãn bởi các thảm họa thiên nhiên tấn công những ngày qua: sóng thần tại các đảo Samoa và Tonga, các cơn bão ở Philippin mà sau đó cũng đã ảnh hưởng đến Việt Nam, Lào và Campuchia, trận động đất tàn phá ở Indonesia”.

Muốn đóng góp bằng Credit Cards hay Paypal, xin nhấn vào đây

Chúng tôi xin hết lòng đội ơn lòng hảo tâm của qúi vị độc giả đã đóng góp vào Qũy Cứu Trợ cho các nạn nhân bão lụt bão Ketsana. Nếu qúi vị nào muốn đóng góp, xin tiếp tục gửi chi phiếu hoặc chuyển tiền về cho các tổ chức sau đây:

Tại Mỹ Châu:
Ngân phiếu gửi cho: VietCatholic Charity
(Qũi Bác Ái VietCatholic) với chú thích "S.O.S Lũ lụt 2009”
và gửi về: VietCatholic, P.O. Box 1408, Claremont, CA 91711, USA,
Hoặc vào Paypal.com
và trả tiền cho ID: VietCatholic, email: conggiao@gmail.com

Tại Âu Châu:
Dân Chúa Âu Châu, ngân phiếu về: Konto DAN CHUA “SOS lũ lụt 2009”
1) Chuyển tiền ở Đức: BW/ Bank (Germany)
Konto-Nr. 1261910 - BLZ 600 501 01.
(Ở Đức muốn có giấy khai thuế, xin cho tên và địa chỉ để gửi giấy khai thuế).
2) Chuyển tiền từ ngoài vào Đức, xin ghi thêm:
IBAN: DE 28 6005 0101 0001 2619 10, BIC: SOLADEST
info@danchua.de


Tại Úc Châu:
Chuyển thẳng vào Ngân hàng National, chương mục
Dân Chua Magazine, # SBS: 083-373 Account # 66671-1925
Hay gửi ngân phiếu đề Dan Chua "S.O.S Lũ lụt 2009”
715 Sydney Rd. Brunswick, VIC 3056
(Nếu muốn có giấy miễn thuế xin đề Don Bosco Mission)
Và gởi về địa chỉ 715 Sydney Rd. Brunswick,
VIC 3056, AUSTRALIA
quangsdb@yahoo.com
 
Cách thức ''chống''bão: nhìn người nghĩ đến ta!
Thành Long
10:52 10/10/2009
Cơn bão Melor đổ bộ vào nước Nhật với cường độ gió còn lớn hơn cơn bão Kétsana nhiều, nhưng xem ra người dân Nhật chỉ việc đóng cửa ngồi trong nhà và họ không phải lắm vất vả chằng chống nhà cửa, và cũng không lo hụt hơi vắt chân lên cổ mà chạy như ở nước mình. Vì sao vậy? Đơn giản vì các cơ sở vật chất và các công trình dân sự của họ vững chắc. Cứ xem chất lượng các thiết bị hàng điện máy “Made in Japan” sẽ hình dung được chất lượng hạ tầng cơ sở của họ như thế nào.

Hoá ra cung cách phòng chống bão lụt thiên tai của họ khác xa với nước mình. Họ phòng chống bằng cách lo xa: xây dựng các cơ sở hạ tầng thật kiên cố và vững chãi. Và rồi chỉ khắc phục đôi chút khi bão tố đi qua. Còn mình phòng chống chủ yếu chỉ bằng cách thức “cổ truyền”: chằng chống, chống chằng. Chống bằng mấy bao cát trên mái tôn, mái ngói và chằng bằng mấy sợi dây không đủ trói bò. Báo hại một số người làm theo lời kêu gọi của chính quyền, leo lên chằng chống mái nhà ngay cả khi bão đang đến, nên bị bão hất văng xuống đất, chết oan uổng. Vả lại, đối với bão cấp 13, 14 thì phòng chống kiểu này chỉ là gãi ngứa.

Ấy vậy mà có cả một uỷ ban phòng chống bão cỡ bự: cấp trung ương. Rồi xuống cấp dưới thì tỉnh nào, huyện nào, xã nào, phường nào cũng có uỷ ban chỉ đạo phòng chống lụt bão. Nhưng sau cơn bão nào, hậu quả cũng để lại nặng nề. Sau cơn bão nào, người dân cũng phải oằn mình khắc phục thảm hoạ. Sau cơn bão nào, đồng bào khắp nơi cũng phải thắt lưng buộc bụng để quyên góp cứu trợ thiên tai. Tất cả chỉ vì cơ sở hạ tầng và các công trình dân sinh chất lượng quá kém.

Nhà dân thì sơ sài tạm bợ, ngay cả ở những khu vực nằm trong tầm ngắm thường xuyên của bão lụt. Có người bảo rằng giá mà nhà dân đều được xây dựng kiên cố như nhà của các bác cán bộ nhà nước, thì hậu quả của bão đâu đến nỗi thương đau như vừa qua !?

Các bờ kè, con lươn chắn sóng, bảo vệ các cung đường thì được xây cẩu thả bằng gạch, không một cọng sắt; gạch lót lề, bên dưới chỉ có cát với cát; còn trụ điện thì chôn lấp qua loa đại khái không móng trụ, không bêtông. Nên chẳng lạ gì, chỉ 1 đợt gió giật của cơn bão thổi qua, toàn bộ con lươn bị hất tung nằm ngổn ngang như vừa bị kẻ đào người bới, gạch con sâu bị lột phanh lên từng mảng, còn trụ điện thì nằm vật vã ngả nghiêng như đám trẻ con nhảy híp-hốp. Còn nữa, cây xanh ven biển thì trồng quá cạn nên bão đi qua tất cả chổng vó khoe bộ rễ của mình. Xây với dựng kiểu như thế này, sau bão còn nguyên mới lạ! Kinh phí đầu tư thì “trên trời”; chất lượng công trình thì “dưới đất”.

Bão qua rồi, thử hỏi được mấy công trình dân sự ở các vùng ven biển nước ta có chất lượng đủ bảo đảm để chống chọi với các cơn bão dữ. Đối với người Nhật, chất lượng luôn được đặt lên hàng đầu. Các toà nhà của họ có khả năng đứng vững trước các trận động đất, nên có bão cấp mấy cũng không ăn thua. Nhiều người ngạc nhiên khi thấy đất nước họ dường như vẫn bình an vô sự trước cơn cuồng phong Melor vừa qua. Có vẻ như phóng viên báo Thanhnien Online cố tìm cách ghi lại những hình ảnh mất mát (bên cạnh) nhưng không có. Chỉ vài ba người chết, dăm ba chục người bị thương, dăm ba chục ngôi nhà tốc mái, mấy trụ điện xiêu vẹo, mấy chiếc xe đạp…. bị ngã. Thế thôi !

Thiệt hại là rất thấp chỉ vì họ biết phòng chống thiên tai bằng chất lượng các công trình. Đất nước họ đã giàu, và thiên tai bão lụt cũng không làm cho họ bớt giàu đi chút nào. Sau bão, họ vẫn ung dung tự tại. Còn đồng bào Việt Nam chúng ta, thương quá đi thôi, vốn đã nghèo lại càng nghèo hơn sau mỗi cơn bão đi qua !!!

Mong sao cung cách phòng chống bão và tư duy phòng chống bão được cải thiện đôi chút để hằng năm đồng bào ta bớt phải chứng kiến những hình ảnh tang thương vì bão lụt hay những mảnh đời bất hạnh vì thiên tai ! Mong lắm thay !
 
Chuyến đi cứu trợ cũa Caritas TGP Huế tới huyện Triệu Phong - Quảng Trị
Trương Trí
11:23 10/10/2009
QUẢNG TRỊ - Sau những ngày liên tục chuyển hàng cứu trợ ra giúp bà con ở huyện Hải lăng. Ủy ban Bác ái Xã hội Tổng giáo phận Huế do Linh mục Giuse Dương Đức Toại, Giám đốc Trung tâm Caritas, dẫn đầu tiếp tục những ngày cứu trợ tại huyện Triệu Phong tỉnh Quảng trị.

Hình ảnh Chuyến đi cứu trợ tại huyện Triệu Phong - Quảng Trị

Có đi đến tận nơi chúng tôi mới thấu hiểu hết đau khổ và lo lắng của người dân nơi đây: đồng lúa xác xơ một màu bùn gia súc gia cầm trôi sạch sẽ lúa giống cũng không còn. Một điều chắc chắn là bà con phải đối mặt với cái đói ít nhất trong 6 tháng (phải 2 tháng nữa mới có thể cấy lại lúa và sau 4 tháng mới đến vụ gặt). Với chúng tôi những người đã từng trải qua trận lủ kinh hoàng 1999 nên đã từng thấm thía nổi đau và cảm nhận được những điêu tàn sau cơn lũ. Nhưng theo người dân nơi đây và những dấu tích còn lưu lại ở nhà thờ giáo xứ Đại Lộc cha quản xứ F. X. Trần Vương Quốc Minh cho biết: trận lủ này còn cao hơn trận lũ 1999 khoảng 30cm. Linh mục Giuse Trần Đức Diễn quản xứ Bố liêu nói rằng: theo bà con ở đây thì chưa có năm nào nước lũ tràn qua đê bao thế mà năm nay lủ tràn và phá vở một số bờ đê đồng thời mực lên quá nhanh do đó bà con không trở tay kịp. Ngay cả cha F. X. Trần Vương Quốc Minh khi nước dâng lên ngài cùng với một thầy giúp xứ đi cột và chằng néo nhà cửa giúp một số gia đình thì cây cối gảy đổ thầy giúp xứ bị thương.

Cho đến những ngày này sau cơn lũ đã hơn một tuần lễ đường sá và nhà cửa vẫn còn đóng bùn từng lớp rất dày. Khi xe chở hàng cứu trợ đến tại nhà thờ giáo xứ Mỹ Lộc bà con từ các xã Triệu An Triệu Hòa Triệu Trạch đã tuôn đến để nhận hàng mặc dù danh sách đã được cha quản xứ Phêrô Nguyễn Văn Phước lập sẵn nhưng số gia đình khó khăn cần được trợ giúp thì quá đông mỗi gia đình chỉ được phát tạm thời 1 thùng mì tôm. Cha Phaolô Trương minh Tiên quản xứ Phan Xá phải điều giáo dân về Mỹ Lộc để nhận hàng vì đường hư hỏng nặng xe không thể về tận nơi được.

Khi xe chở hàng về giáo xứ Đại lộc thì bị mắc lầy cũng may gần đến nhà thờ nên cha xứ cho bà con ra đẩy mới vào được. Chiếc xe 4 chổ ngồi của cha Giám đốc Caritas bị cạp gầm cầu chúng tôi ngồi trong xe mà như nhảy Rốc chóng cả mặt mày. Nhìn Ngài ai cũng tưởng không có sức khỏe thế mà ơn Chúa Ngài vẫn đi liên tục không biết mệt mỏi trong lúc các cha sở ở đây thì mặt mày hốc hác tóc đã nhuốm bạc dù là các cha trẻ thế mới biết nổi lo lắng cho mọi người sau cơn lủ của các ngài như thế nào.

Đến bất cứ nơi nào nhìn thấy cảnh khổ của bà con lương giáo cha Giuse Dương Đức Toại cũng gởi lời thăm hỏi ân cần của Đức Tổng Giám mục Đức Giám mục phụ tá. Ngài chuyển đến bà con món quà tuy nhỏ nhưng với cả tấm lòng thiết tha mong bà con lương cũng như giáo một lòng yêu thương nhau giúp nhau vượt qua nổi khó khăn. Ngài hứa trong nay mai khi có điều kiện sẽ tiếp tục giúp đở thêm.

Ủy Ban Bác Ái Xã Hội của TGP Huế đón nhận lòng hảo tâm cũa những ai muốn giúp đỡ cho bà con đang gặp khốn khó. Mọi liên lạc xin gởi về:

LM Giuse Dương Đức Toại.

Trung tâm Caritas giáo phận Huế.

69 đường Phan Đình Phùng. Thành phố Huế. VN.

Điện thoại:0913485109, Email: giusetoai@gmail. com

Tài khoản:57434469. Ngân hàng ACB thành phố Huế. Việt Nam
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Hồi ký: Những Câu Chuyện về Một Thời - Địa phận Hà Nội 1859
+GM. Phaolô Lê Đắc Trọng
08:49 10/10/2009
Hồi ký: Những Câu Chuyện về Một Thời - Địa phận Hà Nội 1859

(Trích trong truyện Cố Thánh Vê-na)

Đoạn thứ mười một, về Cố Ven phải tầm nã vây bắt trong nhà dòng nữ Bút Đông và ở làng ấy ba lần. ở miền rừng gần núi thì dễ ẩn cùng chạy trốn, còn ở đồng bằng thì khó lắm. Cho nên trong thời buổi cấm đạo, giáo dân phải làm vách kép và đào hang dưới đất để các Đấng được ẩn núp lúc túng ngặt. Các thày kẻ giảng giúp Cố Ven đã làm một cái vách kép trong nhà mụ Bút Đông, cùng đào bốn cái hang trong nhà người ta ở ngoài làng, để phòng khi quan quân có tầm nã vây bọc thì các Đấng được ẩn trong ấy cho khỏi tay chúng nó.

Ông Xã Ký là người làng Bút Đông đã kể kiểu cách làm hang dưới đất mà rằng: “Thầy Lượng và tôi đã đào một cái hang trong buồng nhà tôi, rộng non một gian nhà, cao vừa bằng một người đứng, dưới lát gạch, trên lát ván. Đoạn đổ một thước đất trên ván ấy. Lại lấy tro, lấy đuốc hơ cho đất ra cũ để khỏi sinh nghi. Chúng tôi đào hang ấy ban đêm kín lắm, chỉ có những người nhà biết mà thôi. Còn trong làng, chẳng ai biết có hang trong nhà tôi sốt”. Chúng tôi cũng lập bàn thờ cho các Đấng làm lễ được. Lại làm tám cái hốc, cùng đặt tám cái ống tre dài thò ra ngoài bờ ao cho nó thông khí, khỏi tức và dễ thở. Lại ở đầu buồng chúng tôi làm tường bằng một cái vách kép.

Chẳng những nhà ông Xã Ký, mà nhà ông Hộ, nhà ông Đinh là bố cụ Nghi, nhà bà Tịnh cũng có hang, cũng có vách kép, lúc động các Đấng hoặc chạy xuống hang, hoặc chạy vào vách kép mà ẩn.

Vậy cuối năm Tự Đức thập nhị niên (1859) có đứa có đạo mật tố với Cai Tổng và Lý Trưởng: Có hai, ba Cố ẩn trong nhà Mụ. Cho nên Cai Tổng và Lý Trưởng đe, đòi chúng con 300 quan. Nếu chẳng nộp thì các ông ấy sẽ khám cùng dỡ nhà đi. Chúng tôi thưa rằng: “Chúng tôi nghèo chẳng làm sao liệu tiền cho các thầy được. Nếu các thầy chẳng thương thì muốn làm gì thì làm !”.

Dù mà chúng con chưa biết chắc hàng Tổng có khám hay không. Song bà Mụ cũng cho chị em còn trẻ tuổi ra ở nhà giáo dân ngoài làng, cùng dạy chị em chúng con dọn các đồ lễ sách vở đem gửi giấu ngoài giáo dân.

Vậy chiều hôm ấy bỗng không thấy hàng Tổng hàng Xã xông vào nhà chúng con. Bấy giờ Cố Ven và Đức Cha Đông đang ở trên nhà nguyện, thì lập tức chạy vào vách kép liền với nhà bếp. Thoạt khi mới vào, thì chúng nó bắt trói bà Mụ và các chị em còn ở nhà mà rằng: “Không nộp tiền thì sẽ giải quan”. Bấy giờ giả vờ không sợ lại nói cứng rằng: “ờ, các ông muốn giải cho đến tỉnh, thì chúng tôi đi. Chúng tôi chỉ muốn chết vì đạo, đến đâu thì chúng tôi cũng không quá khoá bỏ đạo đâu”.

Khi khám nhà nguyện, thì nó xâm nền nhà cho kỹ cho sâu mà bảo nhau rằng: “Vào nhà này độ ba thước thì có hang”. Con nghe vậy biết là có người có đạo trong họ Bút Đông đã trần tố. Nó khám trong nhà nguyện kỹ và lâu giờ thế nào thì chẳng thấy gì, vì chúng con đã dọn các đồ đạo đi giấu cả, mà nền nhà nguyện không có hang nào. Khi soát cả nhà rồi, thì nó xuống bếp ăn thuốc, song không xâm tường vách. Chúng nó chỉ ngờ thùng rác có của giấu ở đấy, cho nên nó kéo rác ra. Con thấy nó làm thế thì sợ lắm, vì cửa vào vách kép thì ở dưới thùng rác. Con kêu van cầu xin Đức Bà cho hết sức, xin đừng để cho nó kéo hết rác, mà thấy cửa vách kép thì Đức Cha Đông và Cố Ven sẽ bị bắt.

Vậy con đánh bạo mà đến bếp, con hỏi chúng nó rằng: “Các anh tìm gì đấy?”. Nó bảo: “ở đấy có vô vàn của thì ta tìm”. Con bảo: “Phải, chỗ ấy thật nhiều của lắm, các anh kéo hết rác thì sẽ được”. Nó thấy con nói nhạo làm vậy thì thôi, không kéo nữa. Con lại hỏi: “Sao các anh không kéo hết cho được của?”. Nó bảo: “Nhiều quá, ta kéo thì nhọc lắm, thôi không kéo nữa”.

Vậy là Cố Ven và Đức Cha Đông không phải bắt, nhưng phải ở trong vách cả đêm, mà chỗ ấy chật chội, tối tăm lắm. Đức Cha, Cố Ven và thầy Đệ phải đứng một bề, không xoay mình được thì mệt lắm!

Nó đã trói hai tay chúng con giật lại sau lưng, song chúng con còn đi lại được trong nhà. Chúng nó khám soát xong thì kéo về nhà Lý Trưởng ăn chè uống rượu và đem chúng con ra đó, dọa nạt cho được kiếm tiền, song nó thấy không được thì cho về. Chúng con về nhà dòng mở cửa vách cho Đức Cha, Cố Ven và thầy Đệ ra và chúng con làm cơm cho các Đấng.

Khi Cố Ven ẩn ở làng Bút Đông trong nhà bổn đạo thì đã phải vây bắt hai ba lần. Chính Ngài kể lại rằng: “Có đứa nội công đi tố với quan huyện rằng: Có trưởng đạo Tây ẩn trong làng Kẻ Bút. Tức thì quan huyện sai Đề lại, Thông lại, Đội lệ, Lính lệ và phu hàng Tổng đi vây làng. Chúng nó đến bất ưng không ai biết”.

Vừa tảng sáng thì chúng nó vây kín bốn mặt làng, canh giữ các đường lối và dịch loa rằng: “Nội bất xuất, ngoại bất nhập”, ở trong không được ra, ở ngoài không được vào. Rồi chúng nó đi khám các xóm các nhà có đạo, chúng nó khám soát rất kỹ cả ngày, chúng phá các tường vách nhà người ta mà chẳng bắt được mẫu ảnh, tràng hạt, sách đạo nào hay là đồ gì quốc cấm sốt. Nó đã phá đến gần vách kép tôi và Đức Cha đang ẩn, chỉ còn độ 4, 5 thước nữa mà thôi. Chúng tôi nghĩ, chắc nó sẽ bắt được. Nhưng mà nó đã phá nhiều tường vách mà uổng công chẳng bắt được ai sốt thì đến đây, nó chán nó nhọc rồi, nó không phá đến vách chúng tôi đang ẩn. Âu là Đức Chúa Trời chưa cho nó bắt, thì nó không bắt được.

Một lần khác, quan sai người nhà cùng lấy phu hàng Tổng đến khám làng Bút Đông, chúng nó phá phách cướp bóc của cải giáo dân như đã quen. Không bắt được đồ gì quốc cấm, nhưng một vài người giáo dân nói năng bất cẩn, thì nó bắt được cái hang đào dưới đất trong nhà người ta. Hang ấy bỏ không chẳng có gì, song chúng nó về trình quan, nó đã bắt được cái hang, và chắc chắn trong làng Bút Đông có Tây dương đạo trưởng ẩn trong ấy. Nó xin quan khám kỹ lần nữa, quan ưng cho.

Cách ba ngày, quan đem lính, đem phu hàng Tổng cầm mai, cuốc để cho được xâm cùng đào nền nhà người ta. May thay, có ông Cai Tổng Tán là người làng Phúc Châu, cũng đem phu và đầy tớ mình đi hộ quan huyện nữa. Ông Cai Tán này vốn có lòng bênh đạo, cùng chứa các Đấng ở làng mình. Khi ông ấy đến làng Bút Đông, thì nhà ông Hộ là nhà có hang, Cố Nhân và tôi đang ẩn. Ông Hộ đến thú với Cai Tán rằng: “Thật có Tây ở hang nhà tôi”. Cai Tán nghe vậy thì đến ngồi giữa nhà ông Hộ. Khi quân cùng đầy tớ quan huyện đến soát, thì ông ấy bảo: “Hãy đi soát nhà khác, nhà này ta đã soát kỹ rồi”. Cho nên chúng nó đi khám nhà khác và không bắt được ai cả. Đến tối ngày hôm ấy, khi quan đã về, ông Cai Tán thấy tôi cùng Cố Nhân cùng Đức Cha Đông ở làng Bút Đông rất cheo leo, thì mời về làng Phúc Châu là chính làng ông ấy, cùng là làng ngoại đạo cả, không có một người có đạo nào.

Cố Ven có lòng thương làng Bút Đông cách riêng, và khen làng ấy có nhân đức tin vững vàng, lòng đạo chắc chắn, có phép tắc, thuần phong mỹ tục, dân làng thượng hoà hạ mục đồng lòng với nhau, không có bè đảng, có công chứa các Đấng, và liều mình phải chịu nhiều sự khốn khó vì các Đấng trong thời buổi cấm đạo.

Vả lại, có nhiều họ đạo về tỉnh Hà Nội như: Bút Sơn, Bút Đông, Kẻ Vồi, Kẻ Trừ và nhiều họ khác đã chứa, đã giấu giếm, giúp đỡ các Đấng cho hết lòng hết sức. Vì chưng, khi các quan về Nam Định phá Vĩnh Trị và bắt đạo ngặt quá, các Đấng không thể ở đất Nam Định, thì chạy lên Hà Nội, cùng ẩn mình khi ở họ nọ lúc ở họ kia, mà bổn đạo hết lòng che chở các Đấng. Chẳng vậy âu là các Đấng đã phải chết hết trong kỳ cấm đạo ấy.

Bổn đạo Hà Nội tốt vậy, cũng có người nói: “Bổn đạo tỉnh Hà Nội chẳng có mấy người chịu Tử Vì Đạo!”. Sự ấy không phải tại bổn đạo Hà Nội, mà nhờ các quan Hà Nội có lòng thương dân, không bắt đạo ngặt quá. Giả như các quan Hà Nội có dữ tợn độc ác và bắt đạo ngặt như các quan Nam Định, ắt là tỉnh Hà Nội đã được nhiều Đấng Tử Vì Đạo. Vì lòng đạo giáo dân Hà Nội chẳng có kém lòng đạo dân Nam Định đâu. Cố Ven nói rằng: “Quan huyện Nam Xương bấy giờ ghét đạo lắm, lại ghét làng Bút Đông cách riêng, vì nghi cho làng ấy chứa các Đấng, cho nên khi thì chính ông ấy đến, khi thì sai đội lệ và lính đến khám soát làng ấy luôn mãi, mà bởi không bắt được cố cụ nào thì càng giận ghét, càng tức mình hơn nữa”.

Có một lần ông ấy đến đình làng, đòi đàn anh ra đình làng cho được bắt xuất giáo. Bấy giờ Đức Cha Đông, Cố Nhân và tôi đang ẩn trong làng, nghe vậy thì đe các đàn anh rằng: “Nếu anh em quá khoá, thì ta sẽ ra mắt”. Các đàn anh nghe chúng tôi nói vậy, thì bàn với nhau một lúc, rồi nam phụ l•o ấu, đàn ông đàn bà già trẻ lớn bé kéo nhau ra đình làng cương quyết với quan, không xuất giáo. Quan giận hết sức, đánh năm, ba người, song không bắt không giam ai, vì mấy ngày trước, quan ấy đã trót bẩm với quan tỉnh rằng: “Giatô tả đạo mọi người trong tỉnh tôi đã phụng mệnh Hoàng Đế mà xuất giáo cả. Cả một làng, đàn ông, đàn bà, già trẻ đều xuất đạo ra trước mặt quan, cùng bất khẳng quá khoá là gương họa hiếm tốt lành nhất trong đời người ta. ấy vậy làng Bút Đông và các nơi khác phải nhớ, phải noi gương ông cha mình đã làm xưa, để mà giục lòng mến cùng giữ đạo thánh Đức Chúa Trời cho lọn”.

Quan huyện thấy mình không thể bắt được người ta quá khoá, thì căm giận lắm, cho nên đồng tình với kẻ ngoại trong hàng xã mà lập mưu làm hại kẻ có đạo thế này: “Thỉnh thoảng, cách năm, sáu ngày, ông ấy sức tờ cho Lý Trưởng rằng: Ngày ấy ngày nọ quan sẽ đến làng Bút Đông, mà Lý Trưởng phải bắt kẻ có đạo đem ra Đình để cho quan bắt nó quá khoá”. Đến ngày quan đã hẹn, sáng sớm, đầu canh năm, kẻ ngoại đã vây các xóm có đạo, canh giữ các đường lối kẻo kẻ có đạo trốn. Đoạn xông vào nhà lấy đồ vật của cải, hiếp tróc đàn bà, bắt trói đàn ông đưa ra Đình và canh giữ ở đấy cho đến chiều hôm, chẳng thấy quan đến thì nó tha về, nhưng mà phải mất tiền quan và kẻ ngoại đạo làm thể ấy nhiều lần.

Những kẻ có đạo sợ phải quá khoá, cho nên khi nào được tin: “Ngày mai quan sẽ đến làng, thì tối hôm nay bỏ nhà mà trốn”. Kẻ thì đi làng khác, người thì ra ngồi ngoài đồng chịu sương, chịu mưa, chịu rét, chịu đói cả đêm cho đến trưa mai.
 
Nói lấy được, nói không biết ngượng!
Tô Oanh
10:28 10/10/2009
Trong khi đất nước đang rối ren (giặc “nội xâm” hoành hành và "chủ quyền" đất nước đang trên bờ vực thẳm) thì nhiều người có chức, quyền lại đưa ra những câu nói, những nhận định không thể hiểu nổi. Xin đưa ra đây vài thí dụ:

1. Sau khi ở Hoa kỳ, ông Nguyễn Minh Triết bị Tổng thống Mỹ từ chối không gặp, ông đã bay sang Cuba. Tại buổi lễ trao cho Cuba vài chục nghìn tấn gạo và 100 dàn máy vi tính cho học sinh, ông Triết đã cao hứng tuyên bố: “Việt Nam và Cuba là hai nước anh em luôn sát cánh bên nhau canh giữ cho hòa bình”. Ôi cảm động và tự hào làm sao! Đến người Mỹ, Nga, Tàu Đỏ còn chả dám nói thế mà ông Triết dám nói lên cái câu đó. VN lấy gì để canh giữ hòa bình đây? Ai là kẻ thù để ta phải canh giữ? canh cho ai?... Hãy xem việc hiện đại hóa quân đội ta hiện nay và viiệc mất đất với anh bạn láng giềng lớn thì sẽ rõ!

2. Tiến sĩ Nguyễn Xuân Kiên (viện trưởng viện chiến lược phát triển kinh tế-xã hội Việt Nam và Đông Nam Á) tuyên bố một câu xanh rờn rằng “20-30 năm nữa, Việt Nam trong Top 20 nước có nền kinh tế hàng đầu thế giới, 40 năm nữa là Top 15 nước có nền kinh tế hàng đầu của thế giới". Ta hãy xem Ngân hàng thế giới nói gì về ta: “Tính đến năm 2009 Việt Nam đã bị tụt hậu về kinh tế tới 51 năm so với Indonesia, 95 năm so với Thái Lan và 158 năm so với Singapore”. Tôi cho rằng người lạc quan thứ nhì trên thế giới (người số một đương nhiên là ông Kiên) này cũng chẳng thể nào tin nổi điều này. Quả ông Kiên là người thích đùa. Một nước mới chỉ làm hoàn chỉnh được 1 cái xe đạp vậy mà 20 năm nữa đã vươn lên hàng dầu về kinh tế cho các nước học tập! Eo ôi...

3.Ông Nông Đức Mạnh cũng có cái nhìn thời cuộc khá kỳ cục: phát biểu tại đại hội Mặt trận Tổ quốc, ông nói “ta phải cảnh giác vì kẻ địch có thể lợi dụng dân chủ để phá hoại ta”. Ôi, cứ cho là ta có kẻ địch thật đi nữa thì Nhà nước hãy chống rtham nhũng thật triệt đẻ đi xem sao! Đảng hãy đặt lợi ích Dân tộc trên lợi ích của Đảng xem sao! Đảng và Nhà nước hãy gương mẫu tuân theo hiến pháp (như các quyền tự do dân chủ, tự do ngôn luận, không có cá nhân nào đứng trên, đứng ngoài pháp luật...) thì chả có “kẻ địch” nào làm gì được ta! Các vị cứ tìm trên mạng xem các tổ chức Nhân quyền, tổ chức Minh bạch thế giới họ nói gì về ta thì sẽ rõ...

4. Câu cửa miệng của các cấp, các ngành là ba chữ “Đồng thuận cao” trong nhiều việc, nhiều lĩnh vực. Nhưng thử hỏi tiếng nói của Nhà nước có cùng tiếng nói với nhân dân không? Mọi công dân có quyền bình đẳng trước pháp luật không? Đồng thuận như kiểu cho “nước quen " Tàu Đỏ khai thác Bauxite ở Tây Nguyên thì hết chuyện để bàn...

5. Ông Tổng biên tập báo điện tử Đảng cộng sản VN nói việc báo của Đảng đăng bài thừa nhận Hoàng Sa, Trường Sa là đất của Trung Quốc chỉ là một "tai nạn nghề nghiệp” thì quả ông là người có lòng yêu nước Tàu rồi còn gì phải thanh minh nữa....

Ôi nghìn lẻ chuyện nghịch lý. Nhưng chớ có dại mà nói nhiều kẻo mang vạ vào thân. Đời con cháu chúng ta sẽ kiềm chứng khi mà nền văn hóa HOA HẠ đã đồng hóa chóng vánh cái xứ sở 4 ngàn năm lịch sử này. Nó nhanh thôi. Xương máu vì nền độc lập của dân tộc mà các thế hệ CHA ÔNG, CỦA TIỀN NHÂN đổ xuống mảnh đất này thật uổng phí.

Tôi thì thấy ngượng mà sao các vị ấy lại không biết ngượng nhỉ!

Giáo viên nghỉ hưu
 
Người đầu tiên ngoảnh mặt
Trần Đoan Hùng
23:53 10/10/2009
NGƯỜI ĐẦU TIÊN NGOẢNH MẶT

“Tình cờ, có thầy tư tế đi xuống trên con đường ấy
Trông thấy người nầy, ông tránh qua bên kia mà đi” (Lc 10,31)


“Trên con đường ấy”

Con đường đất mẹ Việt Nam
Con đường từ ải Nam Quan đến Cà Mau đất mũi…
Đã diễn ra bao nhiêu oan khúc, đoạn trường,
Đã tuôn tràn máu lệ đau thương
Của bao thế hệ dân lành oằn lưng gánh chịu…

“Trên con đường ấy”

Con đường đất mẹ Việt Nam
Với bốn nghìn năm hưng vong khổ ải,
Được viết bằng những chuỗi dài nô lệ, vong quốc, ngoại xâm:
Bắc thuộc giặc Tàu,
Nô lệ giặc Tây,
Cùng với bao năm huynh đệ tương tàn, nồi da xáo thịt, …

“Trên con đường ấy”

Con đường đất mẹ Việt Nam
Quanh lối nhỏ ven sông, bên bờ tre bóng mát…
Còn đâu nữa: à ơi ngọt ngào tiếng mẹ ca dao…
Mà chỉ thấy: biểu ngữ, băng-rôn, khẩu hiệu, loa sắt…
Tình hàng xóm, nghĩa bạn bè, chữ tình, chứ hiếu…
Đã đội nón ra đi
để nhường chỗ cho bài học vỡ lòng “đấu tranh giai cấp”…

“Trên con đường ấy”

Con đường đất mẹ Việt Nam
Con đường của những tháng năm hận thù đấu tố
Anh em một nhà cầm súng bắn nhau.
Kẻ nhân danh bảo vệ tự do,
Người cương quyết nhuộm đỏ non sông với lá cờ cọng sản…

“Trên con đường ấy”

Con đường đất mẹ Việt Nam
Đã mấy nghìn năm được giữ gìn toàn vẹn
Từng bụi cỏ, bờ ao đến biên cương hải đảo.
Nhưng hôm nay cũng lại lũ người phương Bắc,
Sáu tỉnh năm nào điêu linh tàn khốc,
Máu đổ ngập đường, thịt nát, xương tan…
Hết lấn chiếm hải đảo biển Đông,
Lại uy hiếp Tây nguyên với trò kinh doanh “bô-xít”…

Trên con đường ấy”

Con đường đất mẹ Việt Nam
Đáng lẽ ngập tràn: những chiếc áo trắng trinh nguyên
Của tuổi học trò hồn nhiên cắp sác
Thì đâu đó, học đường lại trở thành ổ điếm,
Thầy dụ trò vào con đường mua dục bán dâm…

“Trên con đường ấy”

Con đường đất mẹ Việt Nam
Lũ cầm quyền toàn một phường mua quan bán chức
Vơ vét cho đầy bằng tham nhũng, quỹ quyệt, gian manh,
Mặc kệ đám dân nghèo lầm than đói rách…

“Trên con đường ấy”

Con đường đất mẹ Việt Nam
Thay tình tự anh em, nghĩa đồng bào, chung tay đồng lao cộng khổ…
Thì chỉ thấy, chỉ đọc, chỉ nghe suốt ngày ra rả:
Kết án, loại trừ, ngục tù, bôi nhọ…
Những tiếng nói cương trực, dựng xây,
Những góp ý thật thà chân chất,
Những hành vi xuất phát từ tấm lòng ái quốc, ái dân…
Đã bị bịt miệng, còng tay, ném thẳng vào nhà tù không hề thương tiếc.

“Trên con đường ấy”

Con đường đất mẹ Việt Nam hôm nay, trước mặt
Đã có hàng ngàn, hàng vạn những con người
Mang thương tích, nằm la liệt trên đường
Những thầy, những ni cô hiền từ nơi tu viện Bát Nhã,
Những linh mục trên con đường dẫn đến Tam Tòa,
Những Tiến Trung, Công Nhân,
Thầy giáo Vũ Hùng hay nhà thơ Nguyễn Xuân Nghĩa…
Những nạn nhân bị bọn cướp trên con đường Samari hôm nay
Con đường mang tên “xã hội chủ nghĩa”….

“Trên con đường ấy”

Con đường đất mẹ Việt Nam hôm nay…
Xin đừng phải là tôi: Linh mục, Giám Mục Việt Nam
Là kẻ đầu tiên ngoảnh mặt
Như lời dụ ngôn của chính Thầy Giêsu đã một lần nhắc bảo:
“Tình cờ, có thầy tư tế đi xuống trên con đường ấy
Trông thấy người nầy, ông tránh qua bên kia mà đi” (Lc 10,31)






 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Những sự thật cần biết về Yahoo Mail
Nguyễn Việt Nam
20:23 10/10/2009
“Tôi đã cẩn thận không dùng Outlook Express nhưng vào thẳng trong Yahoo Mail. Tại sao trong buổi làm việc gần đây với công an, họ có những email của tôi gởi cho một số người?”

Dưới đây là thư trả lời của chúng tôi được đăng tải theo chính yêu cầu của tác giả câu hỏi trên.

Internet, với tốc độ quá nhanh, có thể gây ra “ảo ảnh” đối với một số người. Thực tế, không có khái niệm “vào thẳng” trong từ điển của khoa học điện toán. Khi ta “vào” Yahoo Mail, thực tế là Internet Explorer (hay Firefox, hay một loại browser nào đó mà ta dùng) sẽ download xuống máy ta những chỉ thị (scripts), hình ảnh (images), văn bản (texts) … và sắp xếp lại để trình bày trước mắt ta những trang thiết kế bởi Yahoo Mail.

Những trang Yahoo Mail đó ở ngay trên máy ta –tức là ở Sàigòn – không phải ở Singapore, hay Los Angeles, hay New York.

Sau khi ta viết thư xong, có thể là gói ghém thêm một vài cái file document nữa trước khi gởi đi, thì những chi tiết đó được gởi lên server của Yahoo Mail (ở Singapore, hay Los Angeles, hay New York) – trên một con đường thiên lý mà chặng đầu tiên của nó là cái “ông nón cối” cung cấp cho ta cái dịch vụ Internet.

Thư của nhà bác gởi cho người bạn nào đó dù ở ngay tại Sàigòn cũng phải đi lang thang từ Sàigòn sang Singapore, hay Los Angeles, hay New York rồi từ những nơi chốn xa xăm ấy quay về Sàigòn qua ngã ông nón cối trước khi đến tay người nhận.

Việc trao đổi thông tin giữa computer nhà bác và Yahoo Mail server diễn ra theo tiêu chuẩn gọi là HTTP (Hypertext Transfer Protocol), chú trọng đến tốc độ truy xuất, chứ không để ý đến an toàn dữ liệu (data security). Nói cụ thể, văn bản mà nhà bác gởi đi được gởi theo dạng plain text – nghĩa là bác thấy nó như thế nào thì “nón cối” cũng thấy y chang như thế.

Một tiêu chuẩn khác được dùng trong việc trao đổi thông tin giữa computer cá nhân và server là HTTPs (Hyper Text Transfer Protocol Secure). Đó là một phiên bản của HTTP được dùng trong e-Commerce (nghĩa là mua bán, trao đổi tài chính các thứ qua Internet). Dữ liệu trao đổi giữa computer cá nhân và server được mã hóa khi gởi và nhận qua một tầng gọi là Secure Sockets Layer (SSL). Dạng thức HTTPs không thông dụng vì mỗi khi gởi và nhận đều phải qua tiến trình mã hóa với các giải thuật toán học (mathematical algorithms) rất phức tạp khiến cho tốc độ truy xuất bị chậm lại rất đáng kể. Đồng thời, người điều hành server phải trả một số tiền lớn cho những Authenticated Certificates.

Thế cho nên, điều nhà bác cần phải nhớ nằm lòng là: không có khái niệm “vào thẳng” Yahoo Mail, Google Mail hay bất cứ thứ email nào. Tất cả trao đổi giữa computer nhà bác và các mail servers – không có một luật trừ nào (no exceptions) – đều qua tay “nón cối”.

Tuy nhiên, một nửa sự thật không phải là sự thật.

Mỗi giây trên các servers của “nón cối”, có hằng chục ngàn hay hơn thế nữa những email gởi và nhận. Đứng trước làn sóng thông tin lũ lượt như thế, “nón cối” không đủ nhân lực để kiểm soát tất cả. Cách thức thông thường là họ dùng một chương trình để lưu những emails liên quan đến những địa chỉ nhất định. Thí dụ, cứ thấy yeutudo@yahoo.mail là tó ngay bỏ vào hồ sơ để “ngâm cứu”. Thành ra, một trong những cách thức đơn giản nhà bác có thể dùng là làm hàng loạt những emails để dùng vào những mục đích khác nhau.

Tuy nhiên, một nửa sự thật lại cũng không phải là sự thật.

Khi nhà bác đăng ký Internet, người ta có thể cung cấp cho bác một IP address cố định (static address). Nói tiếng Việt cho bác dễ hiểu là thế này: Nhà em muốn gởi thư cho nhà bác thì bác phải có địa chỉ thì thư em mới đến được bác. Đó là cái lẽ tất nhiên trong đời sống hàng ngày. Cái lẽ ấy cũng được dùng ở trong thế giới Internet. Khi bác muốn vào VietCatholic chẳng hạn thì cái server VietCatholic phải biết địa chỉ của computer nhà bác để gởi thông tin đến. Cái địa chỉ ấy gọi là IP address. Nếu người cung cấp Internet cho bác một IP address có thể thay đổi (dynamic IP address) thì mỗi lần bác vào Internet, bác lại có một địa chỉ khác – như thể bác cứ dời nhà liên tục. Còn nếu họ cung cấp cho bác IP address cố định thì mỗi lần vào Internet bác đều dùng một địa chỉ cố định. Trong trường hợp đó, “nón cối” có thể dùng địa chỉ ấy để “tó” mọi thứ emails bất kể là bác dùng bao nhiêu cái địa chỉ emails khác nhau.

Nói đến chuyện tó email của người ta, “tàng kinh các” của khoa an toàn dữ liệu điện toán cũng ghi nhận một hình thức ma giáo khác rất được thịnh hành tại Trung quốc – từ chuyên môn gọi là phising. Khi người dùng vào Yahoo Mail để gởi thư, “nón cối Trung quốc” thay vì gởi tiếp cho họ những data nhận được từ server của Yahoo Mail lại gởi cho họ những data khác để thiết kế những trang giống hệt Yahoo Mail. Sau khi người dùng điền vào những chi tiết để gởi đi thì những thông tin này được gởi cho công an Trung quốc thay vì cho Yahoo.

Nói thế, nhưng nhà bác đừng bó tay nhé vì nhà bác vẫn còn nhiều “options” lắm. Cà phê Internet là một chiêu. Muốn chắc ăn hơn nữa, nhà bác kết hợp Cà phê Internet với việc dùng chương trình VietCatholic Encrypter để che dấu những documents của nhà bác dưới những tấm hình rồi gởi đi. Bác chưa có VietCatholic Encrypter thì download ở đây:

http://vietcatholic.net/PublicSoftware/WareHouse/VietCatholicEncrypter.exe

Một chiêu khác nhà bác không cần đi đâu sốt, cứ ngồi ở nhà vẫn chắc ăn như bắp. Đó là chiêu dùng Skype để nói chuyện qua Internet như nói điện thoại vậy.

Chiêu này như sau:

Bước 1: Nhà bác đi mua một cái micro Internet loại rất xoàng không cần thứ tốt – thứ tốt lại thường không dùng được.

Bước 2: Sau đó nhà bác cắm vào cái lỗ có hình cái micro ở đàng sau máy. Kế tiếp là vào đây http://www.skype.com download cái program Skype xuống. Khi cài đặt chương trình nhà bác nhớ chọn menu Tools/Options/Privacy rồi click vào cái chỗ Only allow people in my Contact list to contact me – Nếu không như thế nay mai lại có đứa bất thình lình gọi cho bác buông ra những lời ong bướm có khi gia đình lại tan nát hay thậm chí mất phần linh hồn thì nguy to.

Bước 3: Quan trọng hơn là nhà bác lại phải “xúi” mấy ông bạn kia cũng install cái Skype như nhà bác thì mới có “đối tác” để mà nói chuyện.

Nói chiêu này chắc ăn như bắp là vì khi nhà bác nói vào micro, âm thanh sẽ được “digitized”, nghĩa là đổi thành số, và được mã hóa trước khi gởi đi. Điện thoại có thể bị nghe lén, nhưng Skype thì không. Đó là ưu điểm khiến cho các ngân hàng, các cơ quan an ninh, các công ty ở nhiều quốc gia trên thế giới cài đặt chương trình này.

Chúc nhà bác may mắn và những ngày khốn khó chóng qua.
 
Văn Hóa
Thơ: Giờ sấm sét
Văn Quảng
11:37 10/10/2009
Bọn bán nước xử Người Yêu Nước
là xử Tiền Nhân, xử Nam Quốc Sơn Hà
tội ác Hán Nô trời không dung đất chẳng tha
đã đến lúc lòng dân ta khối nổ.

Các Anh! Thiêng liêng Việt Sử
khép thân tù là mở cửa tương lai
từ hầm giam hịch cứu nước tung bay
60 năm án, đủ ngòi nổ cho phút giây thần tốc.

Các Anh! Lương tâm Việt Tộc
nhà tù càng đông, lệnh Tổ Quốc càng căng
cả nước kết đoàn, giờ sấm sét đã loan
tất cả cho một mùa Xuân Đại Nghĩa.

Ngày10/10 /2009
 

© 2024 - VietCatholic News - Designed by VietCatholic News