Ngày 09-10-2023
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 10/10: Tự Do Nội Tâm – Lm. Phêrô Trần Ngọc Đức, SDB
Giáo Hội Năm Châu
02:19 09/10/2023

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Luca

Khi ấy, Đức Giê-su vào một làng kia. Có một người phụ nữ tên là Mác-ta đón Người vào nhà. Cô có người em gái tên là Ma-ri-a. Cô này cứ ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người dạy. Còn cô Mác-ta thì tất bật lo việc phục vụ. Cô tiến lại mà nói: “Thưa Thầy, em con để mình con phục vụ, mà Thầy không để ý tới sao? Xin Thầy bảo nó giúp con một tay!” Chúa đáp: “Mác-ta! Mác-ta ơi! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Ma-ri-a đã chọn phần tốt nhất, và sẽ không bị lấy đi.”


Đó là lời Chúa
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài. csjb.
07:00 09/10/2023

21. Nếu con muốn bảo toàn đức khiết tịnh thì phải chắc chắn đúng dắn, phải đoan trang, phải tự chế.

(Thánh Leonard of Maurice)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài. csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức"


------------

http://www.vietcatholicnews.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài. csjb.
07:04 09/10/2023
70. ĐỐI ĐỊCH PHẢI TRÁI

Trịnh Giới Phu tên Hiệp, tự gọi là “Nhất Phật cư sĩ”, thích phô trương đánh cờ vây, mỗi khi có khách đến, thì nhất định ép họ đánh cờ vây với mình.

Có một người khách không biết đánh cờ, ông ta cũng kéo người này đến bên cạnh để coi, dùng tay phải và tay trái của mình làm thành hai phe cục diện đối đầu, trắng bên trái và đen bên phải, cũng tận tình suy nghĩ như đánh thật với địch vậy, giả sử bên trắng mà thắng, thì dùng tay trái rót rượu và uống, còn nếu như bên đen mà thắng thì làm ngược lại.

(Cổ kim tiếu sử)

Suy tư 70:

Cái tội nghiệp nhất của người hay khoe khoang là không biết mình là ai, họ là những người không chịu “ngồi yên” một chổ nhưng làm việc gì cũng muốn người khác biết đến…

Người thích khoe khoang thì cũng thích tự mình thưởng cho mình, chứ không thích mình thưởng cho ai cả, bởi vì người khoe khoang thì luôn coi cái gì của mình cũng đẹp, cũng tốt và cũng hay, cho nên mọi người phải “biết” và tán dương mình mới phải đạo !!!

Có người khoe nhà cửa mình đẹp hơn người ta, có người khoe chiếc xe môtô của mình loại “xịn” hơn người khác, lại có người khoe mình tiền bạc bỏ đầy trong ngân hàng… những thứ mà họ đem ra khoe khoang ấy không làm cho họ sống thêm được một phút, trái lại càng làm cho mạng sống của họ ngắn thêm một chút, vì khoe của là mời gọi và khêu gợi lòng tham của mọi người…

Người khoe khoang thì lôi kéo người khác đến để coi cái khoe khoangg của mình, cho nên mặt họ càng ngày càng dày ra và không đẹp; người khiêm tốn thì họ giấu tài của mình trong lòng, chỉ khi có cơ hội giúp đỡ cho người khác thì họ mới phải thi thố tài năng của mình và luôn cảm tạ ơn Thiên Chúa mà thôi…

Lm. Giuse Maria Nhân Tài. csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


-------------

http://www.vietcatholicnews.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Chọn phần tốt nhất
Lm Minh Anh
14:55 09/10/2023

CHỌN PHẦN TỐT NHẤT
“Maria đã chọn phần tốt nhất!”.

“Khu rừng sẽ rất im ắng nếu không có con chim nào hót ở đó, ngoại trừ những con chim hót hay nhất!” - Henry Van Dyke.

Kính thưa Anh Chị em,

Như “những con chim hót hay nhất” không làm cho khu rừng mất im ắng, thì Giôna đã cất ‘tiếng hót ăn năn’; Matta cất tiếng hót ‘nhiệt thành’; và Maria, cất tiếng hót ‘chiêm ngắm’ hay nhất… nhưng vẫn giữ cho khu rừng Lời Chúa hôm nay linh thiêng im ắng! Đặc biệt Maria, người được Chúa Giêsu khen ngợi, “Maria đã chọn phần tốt nhất!”.

Giôna, không chỉ là con người của bất tuân, nhưng còn là con người của sám hối; Matta, con người của bận rộn, nhưng là con người làm Chúa vui lòng; và nhất là, Maria, con người của chiêm ngắm, còn là con người đã ‘chọn phần tốt nhất’. Mọi Kitô hữu được gọi để sống ba nhân đức này. Cả khi cuộc sống tràn ngập đủ thứ công việc, bạn và tôi vẫn thường xuyên được mời gọi để ‘trở về’, ‘làm Chúa vui lòng’ và ‘chọn phần tốt nhất!’.

Trước hết, Giôna! Chúa gọi ông lần thứ hai sau khi cá ‘hóc’ ông lên bờ. Từ vực thẳm tanh tưởi như một quãng lặng trong bụng cá, Giôna bất động, nhầy nhụa, tối tăm; ở đó, ông trải nghiệm tình yêu của Thiên Chúa. Kẻ nổi loạn được cứu; thân xác được chữa lành; và linh hồn được thứ tha. Giôna không chỉ bị ném cho thuỷ thần nhưng còn được quăng vào đại dương từ ái của Thiên Chúa. Quờ quạng trên bờ cát, ông hiểu thế nào bất tuân, trốn chạy! Vì vậy, dẫu đang loi ngoi, nhơ nhớp, Giôna vẫn nghe rõ tiếng Ngài. Lần này, ông mềm mỏng; đứng dậy và làm theo. Nhờ ông, Ninivê sám hối, được thứ tha. Như vậy, trước khi Ninivê ăn năn, Giôna đã hết lòng sám hối. Thánh Vịnh đáp ca thật sâu lắng, “Ôi lạy Chúa, nếu như Ngài chấp tội, nào có ai đứng vững được chăng?”.

Thứ đến, Matta! Ngày sống của chúng ta đan quyện bởi những công việc; làm ăn, dạy dỗ, giải trí và chăm sóc người khác… Chúng ta được tạo dựng để làm việc cho đến suốt đời; nhưng làm gì và làm thế nào để Thiên Chúa vui lòng mới là điều quan trọng! Làm sao bạn và tôi luôn ‘chọn phần tốt nhất’ hầu làm vinh danh Ngài nhất!

Sau cùng, tuyệt vời hơn cả, Maria! Trước khi là con người chiêm ngắm, Maria là con người lắng nghe. Lắng nghe và chiêm ngắm là điều cần làm trước nhất nếu chúng ta muốn hoàn thành tốt đẹp bất cứ điều gì. Trong cuốn Tennyson’s Morte d’Arthur, vua Arthur nói với Sir Bedivere rằng, “Nhiều điều được tạo ra bởi lời cầu nguyện hơn là tất cả những gì mà thế giới mơ ước!”. Người chiêm ngắm là người đã ‘chọn phần tốt nhất!’.

Anh Chị em,

“Maria đã chọn phần tốt nhất!”. Lắng nghe, chiêm ngắm là phần quý nhất! Chỉ khi cầu nguyện, chiêm ngắm, con người mới thực sự vĩ đại trước mặt Thiên Chúa; và cũng chỉ khi chiêm ngắm, cầu nguyện con người thực sự là những con chim hót hay nhất, ngợi ca Thiên Chúa thay cho cả thế giới vốn là một khu rừng không bao giờ im ắng. Chúa Giêsu đã sống gắn bó với Chúa Cha, làm vui lòng Cha, và hoàn toàn vâng phục ý Cha. Hãy chiêm ngắm Ngài, hãy đến với Chúa Giêsu Thánh Thể mỗi ngày, bạn và tôi sẽ làm mọi việc hết tình và hết mình cho vinh quang Chúa!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, cho con biết sám hối như Giôna, nhiệt tâm như Matta và biết ở lại với Chúa như Maria. Và như thế, con có thể là một trong những con chim hót hay nhất!’”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Những lời nhắn gửi Thượng Hội Đồng về tính đồng nghị
Vũ Văn An
14:20 09/10/2023
Trong Thượng Hội Đồng Giám Mục năm 2014, tức phiên họp thứ nhất trong hai phiên họp để thảo luận về đáp ứng của Giáo Hội Công Giáo đối với cuộc khủng hoảng gia đình, Đức cố Hồng Y George Pell vì lo ngại về cách thông tin của Phòng Báo Chí Tòa Thánh, nên đã gợi ý nên có cơ quan thông tin thay thế nó cho phiên họp tiếp theo vào năm 2015. Do đó Letters from the Synod đã ra đời vào dịp Thượng Hội Đồng năm 2015 và tiếp diễn từ đó mỗi khi có Thượng Hội Đồng. Mục đích là cung cấp cho độc giả hoàn cầu một điển hình của điều người tiền nhiệm của họ, “Xavier Rynne” nguyên thủy, người từng viết trong thời gian diễn ra Vatican II, mô tả như là nền báo chí thần học. Người biên tập của Letters from the Synod là Xavier Rynne II, một bút hiệu mà có người đoán là chính George Weigel.

Chủ đích của Letters from the Synod là cung cấp diễn đàn để người Công Giáo xuất thân từ các bậc sống khác nhau trong Giáo Hội có cơ hội ngỏ lời với những người tụ tập ở Rôma rằng đây là Giáo Hội của Chúa Kitô, không phải của chúng ta và Chúa Giêsu phục sinh phải luôn ở tâm điểm của lời công bố và chứng tá của Giáo Hội.



Phải hiểu tính đồng nghị ra sao?

Trong Letters from the Synod số 1 (https://www.firstthings.com/web-exclusives/2023/10/letters-from-the-synod---2023-1), Tiến sĩ Đức Ông Michael Nazir-Ali, người Pakistan, 1 Giám Mục Anh Giáo trở lại Công Giáo, sau đó thụ phong linh mục trong Đạo Công Giáo và được Đức Phanxicô phong chức Đức Ông, có lời nhắn gửi các tham dự viên Thượng Hội Đồng đang nhóm họp ở Vatican, về ý nghĩa thực sự của tính đồng nghị:

“…Bây giờ nói đến tính đồng nghị: Thừa tác vụ thánh thiêng phải xử lý ra sao kho tàng thánh thiêng trong một thế giới đang thay đổi khi liên hệ tới toàn thể dân Chúa? Trong vấn đề đồng nghị, hay cùng nhau bước đi, yêu cầu đầu tiên phải là cùng nhau thờ phượng, cùng nhau cầu nguyện. Nếu Giáo hội không phải là một Giáo hội cầu nguyện, thì đó sẽ không phải là một Giáo hội đồng nghị đích thực. Đặc biệt, chúng ta có thể cùng nhau cử hành Bí tích Thánh Thể, trong việc tưởng nhớ, nhắc lại, công bố và nuôi ăn. Tính đồng nghị không chỉ là hoạt động. Đó là việc thông phần vào Mình và Máu Chúa Kitô, đã được ban cho ngay từ đầu và là điều tạo nên và đổi mới Giáo hội. Ở đây, một cách nổi bật, thừa tác vụ thánh thiêng có liên quan đến kho tàng thánh thiêng (đức tin), vì điều trước làm điều sau có sẵn.

Tính đồng nghị cũng là về việc tư vấn. Nhưng trong việc tư vấn này, chúng ta phải khá cẩn thận về những gì mình đang làm. Những người đang được tư vấn cũng cần được dạy giáo lý, thậm chí được truyền giảng Tin Mừng. Nếu không, cuộc tư vấn sẽ chỉ phản ảnh nền văn hóa xung quanh. Chiều kích giáo hội của cuộc tham vấn phải được duy trì, tính giáo hội của nó phải được tôn trọng. Vì thế, việc tham vấn phải ưu tiên hóa những biểu hiện tự nhiên của Giáo hội trong gia đình, giáo xứ, giáo phận và các hội đồng giám mục. Tham vấn người dân khác với việc chịu áp lực từ các nhóm “tranh đấu”. Chúng ta phải bảo đảm rằng cuộc tham vấn là của một hàng linh mục được đào tạo về thần học và hàng giáo dân được dạy giáo lý.

Thứ ba, sensus fidelium [cảm thức tín hữu] không chỉ là điều mà hàng giáo dân và hàng linh mục có thể nghĩ ở bất cứ thời nào. Nó phải được thấm nhuần những gì Truyền thống Tông đồ luôn dạy và nó phải nói lên tâm trí của Giáo hội qua các thời đại, cũng như tâm trí của Giáo hội trên toàn thế giới ngày nay. Cảm thức tín hữu phải có cả khía cạnh đồng đại (thời đại chúng ta đang sống) và lịch đại (qua các thời đại). Cả hai cần phải được duy trì cùng nhau nếu chúng ta muốn có một cảm thức tròn trịa về cảm thức tín hữu. Cuối cùng, dưới hình thức dứt khoát của nó, cảm thức tín hữu phải được thể hiện rõ ràng bởi những người có thẩm quyền giảng dạy.

Tính đồng nghị cũng liên quan đến kỷ luật trong Giáo hội: cuối cùng, đến việc nói ra điều gì được chấp nhận và điều gì không được chấp nhận. Việc loại trừ, dù khỏi đời sống Thánh Thể của Giáo hội, hay khỏi việc thực thi thừa tác vụ, không thể chỉ mang tính trừng phạt; nó luôn luôn như vậy và phải như vậy vì mục đích phục hồi và bồi hoàn.

Còn đối với việc ra quyết định, chúng ta không thể chỉ tham khảo ý kiến. Đến lúc phải đưa ra quyết định. Cuối cùng cần phải nói một điều gì đó về nhiều vấn đề: chức linh mục, hôn nhân, gia đình, phẩm giá con người, việc quản lý thiên nhiên, v.v.”

Trọng tâm là Chúa Kitô

Cha Imbelli, một linh mục thuộc tổng giáo phận New York, từng sống qua Vatican II như một chủng sinh tại Cao đẳng Capranica (trường mẹ của Đức Bênêđíctô XV và Đức Piô XII) và vốn là một nhà bình luận có tiếng về giáo huấn của Công Đồng này nhiều thập niên qua. Trong số các tác phẩm khác, ngài là tác giả cuốn sách năm 2014, Rekindling the Christic Imagination: Theological Meditations for the New Evangelization (Liturgical Press), và công trình thần học của ngài đã được tôn vinh năm 2021 bởi một số thần học gia nổi tiếng trong cuốn The Center Is Jesus Christ Himself: Essays on Revelation, Salvation, and Evangelization in Honor of Robert P. Imbelli (Catholic University of America Press).

Trong Letters from the Synod số 2, ngài cho rằng qui Kitô phải là tập chú của Thượng Hội Đồng Giám Mục về tính đồng nghị, một điều, ngài cho là suy nghĩ nòng cốt của chính Đức Phanxicô, nhất là trong Niềm Vui Tin Mừng (Evangelii Gaudium).

"Tôi cho rằng ý nghĩa cuối cùng của Thượng Hội đồng đối với đời sống của Giáo hội sẽ phụ thuộc vào việc nó tiếp nhận một cách trung thực ra sao sứ điệp sơ truyền (kerygma) hàng đầu đó mà trọng tâm vốn mang tính Kitô học, và nó can đảm làm chứng ra sao cho Chúa Kitô giữa một thế giới đau khổ và đang tìm kiếm. Như thế, tính sinh hoa trái của nó sẽ tùy thuộc việc tính đồng nghị của nó, 'cuộc hành trình với' của nó có rõ ràng là cuộc hành trình với Chúa Giêsu Kitô hay không. Trong nỗ lực này, Thượng Hội đồng không thể tìm thấy sự hướng dẫn nào chắc chắn hơn các văn kiện của Vatican II với sự phong phú Kitô học tuyệt vời của chúng.

Tôi xin vắn tắt gợi lại một vài điểm nhấn mạnh Kitô học, một điểm nhấn mạnh trong hiến chế của Công đồng, có thể chỉ đường cho việc khai mở Mầu nhiệm Chúa Giêsu Kitô một cách trung thành và sáng tạo hơn nữa.

Lumen Gentium [LG], Hiến chế Tín lý về Giáo hội, chỉ có thể nói một cách chân thực về Giáo hội vì trước hết nó nói về Chúa Kitô. Vì vậy, danh hiệu 'Ánh sáng của các dân tộc' tất nhiên ám chỉ đến chính Chúa Giêsu. Trong một cụm từ giáo phụ được Đức Giáo Hoàng Phanxicô yêu quý, câu: Chúa Giêsu là mặt trời, trong khi Giáo hội là mặt trăng, phản ảnh ánh sáng của Chúa Kitô theo mức độ trung thành.

Cũng trong đoạn đầu tiên của hiến chế ấy, Công đồng tiếp tục dạy rằng Giáo hội 'ở trong Chúa Kitô như một bí tích, dấu chỉ và khí cụ của sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa và của sự hiệp nhất toàn thể nhân loại' (LG, 1). Hiển nhiên, trong thế giới phân mảnh của chúng ta, nhiều người vui mừng trước viễn cảnh đoàn kết giữa các dân tộc thuộc mọi chủng tộc và ngôn ngữ. Vì thế giáo huấn của Công đồng thường được trích dẫn.

Tuy nhiên, điều đáng chú ý là nó thường được trích dẫn một cách cắt xén—phần quan trọng “trong Chúa Kitô” thường bị bỏ qua. Ngay cả Tài liệu Làm việc của Thượng Hội đồng, mặc dù có chỗ trích dẫn chính xác câu nói của Công đồng, vẫn bỏ cụm từ 'trong Chúa Kitô' trong các tham chiếu khác đến khi nói đến sự hiệp nhất của nhân loại. Vì vậy, trong chính 'Mục lục' chúng ta đọc thấy: 'B 1. Làm thế nào chúng ta có thể trở thành dấu chỉ và công cụ đầy đủ hơn của sự kết hợp với Thiên Chúa và của sự hiệp nhất toàn thể nhân loại?'

Tuy nhiên, trừ khi sự kết hợp và hiệp nhất đó được tuyên xưng là chỉ được thể hiện trong Chúa Kitô (theo nghĩa phong phú của Thánh Phaolô và công đồng của cụm từ này), thì nó sẽ không đạt được 'sứ điệp sơ truyền chính yếu' mà mọi nỗ lực canh tân Giáo hội đều phụ thuộc vào. Thượng Hội đồng không thể thỏa mãn với những lời cổ vũ mơ hồ và khái quát về sự hiệp nhất của nhân loại nhưng phải đảm nhận nhiệm vụ khó khăn là suy gẫm tại sao sự hiệp nhất đó chỉ có thể đạt được 'trong Chúa Kitô'.

Dei Verbum [DV], Hiến chế Tín lý về Mặc khải của Thiên Chúa, có thể cung cấp cho Thượng hội đồng thêm sức bẩy về ý nghĩa của cụm từ 'trong Chúa Kitô'. Người ta khẳng định một cách đúng đắn rằng Dei Verbum đã trình bày một cách tiếp cận mạc khải mang tính ngôi vị và tương quan hơn so với các sách hướng dẫn của thế kỷ trước. Vì mặc khải tìm thấy trung tâm của nó nơi con người Chúa Kitô 'vừa là trung gian vừa là sự viên mãn của mặc khải' (DV, 2). Tuy nhiên, điều ít được bình luận hơn là sự mặc khải của Chúa Kitô này là vì mục đích cứu rỗi. Vì trong Chúa Kitô, Thiên Chúa đến gần 'để giải thoát chúng ta khỏi bóng tối tội lỗi và sự chết, và nâng chúng ta lên sự sống đời đời' (DV, 4).

Tuy nhiên, Thượng Hội đồng họp trong một bối cảnh văn hóa nơi mà chính những quan niệm về ơn cứu độ và sự cứu chuộc đã trở thành nghi vấn. Không chỉ bởi vì các khái niệm luôn cần được giải thích và làm sáng tỏ thêm, mà còn bởi vì niềm xác tín của khá nhiều người cho rằng không có gì cần phải cứu chuộc. 'Khung nội tại' của tính thế tục và việc nuôi dưỡng một 'cái tôi đệm' [buffered self] (sử dụng thuật ngữ của Charles Taylor) cản trở việc nhận ra một sự kiện cứu rỗi đến “từ trên cao” và được trung gian bởi một Đấng Cứu Thế, càng không phải là một Đấng Cứu Thế bị đóng đinh.

Thượng hội đồng không thể làm ngơ thách thức văn hóa này đối với kerygma phong phú vốn củng cố và sinh động tầm nhìn đức tin của nó. Vì chỉ có sự chuộc tội được thực hiện trong sự chuộc tội của Chúa Kitô mới có thể tạo thành nền tảng cho một 'sự bao gồm' vốn thể hiện sự hiệp thông thực sự của Công Giáo và tông truyền. Thượng Hội Đồng phải thúc đẩy một nền tín lý dựa trên sứ điệp sơ truyền và khai tâm vào mầu nhiệm nhằm tuyên xưng và sống theo mầu nhiệm đức tin - không phải chỉ là một lời tung hô thuộc lòng, mà là một nhận thức mang lại sự sống rằng chúng ta chỉ là một trong Chúa Kitô.

Ở đây, Sacrosanctum Concilium [SC], Hiến chế của Công đồng về Phụng vụ Thánh, cung cấp những nguồn lực không thể thiếu. Vì 'mầu nhiệm đức tin' là mầu nhiệm vượt qua của Chúa Giêsu Kitô: cái chết cứu độ, sự phục sinh và thăng thiên của Người. Như Sacrosanctum Concilium chứng thực: qua mầu nhiệm vượt qua của Người “bằng cái chết của Chúa Kitô, Chúa đã tiêu diệt cái chết của chúng ta và bằng cách sống lại, Người đã phục hồi sự sống của chúng ta” (SC, 5). Do đó, 'việc tham gia đầy đủ, có ý thức và tích cực vào các cử hành phụng vụ' (SC, 14) được Công đồng cổ vũ chủ yếu là việc tham gia vào mầu nhiệm vượt qua. Đó là lời mời gọi đích thân trải nghiệm hành động cứu độ của Chúa Kitô trong cuộc đời chúng ta.

Tất nhiên, điều cần thiết về mặt thần học và mục vụ là phải nhấn mạnh rằng nhờ phép rửa, tất cả mọi người đều được kêu gọi đạt đến cuộc sống sung mãn trong Chúa Kitô và tham gia tích cực vào sứ mạng của Giáo hội. Tuy nhiên, điều bắt buộc là bí tích rửa tội không được coi là một giấy chứng nhận xã hội học về quyền công dân với một số quyền công dân nhất định, mà là dấu ấn bí tích của một người chuyển đổi triệt để đời sống. Như Sacrosanctum Concilium nhấn mạnh, 'qua phép rửa, người ta được dìm vào mầu nhiệm vượt qua của Chúa Kitô: họ chết với Người, được chôn với Người và sống lại với Người'. Qua bí tích rửa tội 'họ nhận được Thần Khí được nhận làm con nuôi, Thần Khí mà trong đó chúng ta kêu lên ‘Abba, Cha ơi’, và do đó trở thành những người tôn thờ đích thực mà Chúa Cha tìm kiếm' (SC, 6). Từ sự hoán cải của bí tích rửa tội phát sinh 'lời mời gọi phổ quát nên thánh' cho mọi thành viên của Giáo hội: một ân sủng miễn phí nhưng không hề rẻ tiền. Như các vị tử đạo ở mọi thời đại đã chứng minh: nó đắt giá không kém mọi sự.

Một giáo huấn cuối cùng của Công đồng đáng được Thượng Hội đồng tiếp thu đầy đủ hơn phát xuất từ Gaudium et Spes [GS], Hiến chế Mục vụ về Giáo hội trong Thế giới Hiện đại. Quả thực, mang tính mục vụ nhưng không kém phần tín lý trong lời tuyên xưng Kitô học của nó. Ở đây, phần kết thúc phần 'Giới thiệu' và dùng làm nền tảng và cơ sở cho tất cả những phần tiếp theo có tầm quan trọng đặc biệt. Nó liệt kê một số 'câu hỏi sâu sắc hơn' đang khuấy động con người: tính ngẫu nhiên, cái chết, sự bất hòa cả cá nhân lẫn xã hội, việc tìm kiếm ý nghĩa. Và nó mạnh dạn tuyên xưng rằng 'Chúa Kitô, Đấng đã chết và sống lại cho tất cả mọi người, nhờ Thánh Thần của Người ban cho con người ánh sáng và sức mạnh để đáp lại lời kêu gọi cao cả nhất của họ'. Vì Chúa Kitô là 'chìa khóa, trung tâm và mục tiêu của lịch sử nhân loại'. Hơn nữa, nó nhấn mạnh rằng, giữa dòng chẩy và những thay đổi của lịch sử 'có nhiều thực tại không thay đổi vì nền tảng tối hậu của chúng được tìm thấy nơi Chúa Kitô, Đấng không hề thay đổi, hôm qua, hôm nay và mãi mãi' (GS, 10).

Do đó, Thượng Hội đồng phải làm rõ rằng sự phát triển đích thực chỉ có thể hệ ở việc chiếm hữu cho mình đầy đủ hơn mầu nhiệm Chúa Giêsu Kitô. Thần Khí chân lý mà nó kêu cầu luôn dẫn sâu hơn vào chân lý là Chúa Giêsu Kitô. Thật vậy, sự phân định và giải thích có thẩm quyền về 'các dấu chỉ thời đại dưới ánh sáng Tin Mừng' (GS, 4) là đặc sủng được ban cho những người được biến đổi trong Chúa Kitô".

Lắng nghe ai?

Letters from the Synod số 2 cũng yêu cầu một nhà thần học Anh Giáo, Hans Boersma, hiện là giáo sư về Thần học Khổ hạnh tại Chủng viện Thần học Nashotah ở Wisconsin, góp ý cho Thượng Hội Đồng về tính đồng nghị:

“Bản thân tiến trình đồng nghị đã có sai sót ngay từ đầu. Dựa trên xác tín cho rằng dấu hiệu chính của Giáo hội là 'lắng nghe', quá trình này bắt đầu bằng một 'giai đoạn lắng nghe', trong đó tiếng nói của tất cả mọi người (kể cả những người thường bị bỏ qua) có thể được lắng nghe và do đó có thể giúp quyết định điều gì có thể tạo nên một Giáo hội thực sự 'lắng nghe'.

Chắc chắn đây không phải là cách Giáo Hội tiếp nhận hay truyền lại giáo huấn của Chúa chúng ta. Chúa Giêsu khẳng định: 'Mọi sự Cha Ta đã giao cho Ta. Và không ai biết Con trừ ra Cha; chẳng ai biết Cha ngoại trừ Con, và người mà Con mặc khải cho' (Mt 11:27). Chúa Cha giao (hoặc “truyền lại”, nếu được phép dùng các từ ngữ mới) mọi sự cho Chúa Con, và Chúa Con mạc khải Chúa Cha cho các tông đồ và do đó cho Giáo hội. Thánh Phaolô khẳng định rằng ngài giao (hoặc truyền lại) cho các tín hữu Côrintô những gì ngài đã nhận được từ Chúa (1 Cr 11:23).

Chúng ta đạt đến sự thật không phải bằng cách bảo đảm rằng mọi người đều được lắng nghe nhưng bằng cách trung thành lắng nghe Lời từ đời đời phát sinh từ Chúa Cha. Một lần nữa, không phải Tài liệu Làm việc chỉ đơn giản loại bỏ ngôn ngữ cũ. Nhiều lần nó đề cập đến việc 'lắng nghe' hoặc 'suy niệm' Lời Chúa. Vấn đề là những cụm từ này có thể uốn cong được. Bắt đầu từ tà giáo Ariô, sola scriptura thường được sử dụng để thay đổi và phá hoại kho tàng đức tin thánh thiêng.

Kho tàng này không phải là kết quả của việc thăm dò ý kiến các khu vực bầu cử khác nhau của Giáo hội. Những người được giao phó chức vụ giảng dạy của Giáo hội (huấn quyền) có nhiệm vụ thánh thiêng là giảng dạy Lời Chúa khi thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện (x. 2 Tm 4:2)—nói cách khác, bất kể 'khả thể tiếp cận' hay 'khả thể hấp dẫn'. Thánh Tông đồ vốn cảnh cáo rằng sẽ đến một thời kỳ người ta không còn chịu đựng giáo lý chân chính nữa: 'theo những dục vọng của mình, họ kiếm hết thầy này đến thầy nọ, bởi ngứa tai muốn nghe. Họ sẽ ngoảnh tai đi không nghe chân lý, nhưng hướng về những chuyện hoang đường' (2 Tm 4:3–4). Vì việc chấp nhận và tán dương sự trụy lạc tình dục đã thu hút được sự chú ý ngay cả trong Giáo hội, nên chiến lược bắt đầu bằng việc lắng nghe (thay vì giảng dạy) không thể không đưa chúng ta vào con đường cụt.”



Không phải tác giả, nhưng là người canh giữ, không phải người sáng lập nhưng là người tuân theo

Trong Letters from the Synod số 3, linh mục Anthony Akinwale, Dòng Đa Minh, hiện là giáo sư Thần học Hệ thống và Triết học Tôma tại Đại Học Đa Minh ở Ibadan, Nigeria, nhắn gửi các tham dự viên Thượng Hội Đồng Giám Mục về Tính đồng nghị lời của Thánh Vincent thành Lérin thế kỷ thứ 5 rằng 'anh em không phải là tác giả mà là người canh giữ, không phải thầy dạy mà là học trò, không phải người sáng lập mà là người tuân theo'.

Ngài có ý nói đến việc phát triển tín lý đúng và phát triển tín lý sai theo quan điểm của Thánh Henry Newman và Thánh Vincent thành Lérin.

Theo ngài, để nắm bắt được sự khác biệt trên, Thánh Newman trình bày bảy điều đáng lưu ý hoặc bẩy đặc điểm của sự phát triển tín lý đích thực, trong đó điểm đầu tiên là điều mà ngài gọi là 'bảo tồn kiểu loại [type] của nó' [*].

Thánh Newman giải thích đặc điểm này như sau:

Điều này dễ dàng được gợi ý bằng tính loại suy của việc phát triển thể chất, tức là các bộ phận và tỷ lệ của hình thức đã phát triển, dù có thay đổi đến đâu, vẫn tương ứng với những phần và tỷ lệ thuộc về những phần cơ bản của nó. Con vật trưởng thành có cùng một cấu thành [make] giống như khi mới sinh ra; chim non không lớn lên thành cá, đứa trẻ cũng không thoái hóa thành dã thú, hoang dã hay nuôi dưỡng, mà nó là chúa tể thừa kế. (xem Tiểu luận về sự phát triển tín lý Kitô giáo, ch. 5, phần 1.1)

Người ta đã nói đi nói lại rằng Thượng Hội đồng này không nhằm mục đích thay đổi tín lý. Đồng thời, cần phải nói rằng bất cứ điều gì được nói hoặc đề xuất tại Thượng Hội đồng này đều phải đáp ứng yêu cầu duy trì kiểu loại này. Không được xem xét các thiên hướng và hành động mục vụ nào không đồng bộ với tín lý. Chúng ta không thể dựa vào Newman nếu không có Qui điển Vincent mà chính Newman đã dựa vào.

Tính đồng nghị không được rời xa tín lý tông truyền. Nó buộc chúng ta phải bước đi trong truyền thống tông đồ. Để ngăn cản chúng ta cùng bước đi mà lại tránh xa truyền thống tông đồ, Thánh Vincent thành Lérins đã đưa ra Qui điển nổi tiếng của mình, tiết lộ rằng tín lý tông truyền là 'quod semper, quod ubique, quod ab omnibus.' Tín lý được mặc khải là những gì đã được luôn luôn tuân giữ, ở mọi nơi và bởi mọi người. Khi giải quyết từng vấn đề được gọi là vấn đề nóng bỏng của Thượng Hội đồng này, câu hỏi mấu chốt là: Liệu nó có phù hợp với mô tả về những gì được coi là tín lý tông truyền luôn luôn, ở mọi nơi và bởi mọi người không? Câu trả lời chỉ có thể là 'có' hoặc 'không'. Đây là những câu hỏi đòi hỏi câu trả lời rõ ràng.

Các mục tử là những người dạy giáo lý tông đồ, không phải là người dạy những giáo lý do họ phát minh ra, cũng không phải là người đề xướng hay phát ngôn viên của những hệ tư tưởng trái ngược với tín lý tông truyền. Việc thi hành chức vụ mục vụ của họ bao gồm việc tiếp nhận, bảo tồn và truyền bá giáo lý tông truyền mà không bóp méo nó. Sự khôn ngoan của Thánh Vincent thành Lérins đưa ra một lời khuyên nhủ về vấn đề này. Ngài viết:

'Hãy bảo vệ kho tàng [đức tin] này. Những gì đã được giao phó cho anh em chứ không phải những gì anh em phát minh ra: không phải là vấn đề trí thông minh mà là vấn đề học tập; không phải là vấn đề tiếp nhận riêng tư mà là vấn đề truyền thừa công cộng; những gì anh em đã nhận được chứ không phải những gì anh em nghĩ tưởng. Anh em không phải là tác giả mà là người canh giữ, không phải là người thầy mà là người học, không phải là người sáng lập mà là người tuân theo. Hãy bảo vệ kho tàng này. Hãy bảo tồn hồng ân đức tin Công Giáo. Hãy giữ nó khỏi vi phạm hoặc giả mạo. Những gì đã được giao phó cho anh em hãy giữ trong quyền sở hữu của anh em và để nó được truyền lại. Anh em đã nhận được vàng, hãy trả lại vàng. Đừng thay thế cái này bằng cái khác.... Hãy dạy điều đó giống như nó đã được dạy cho anh em. Và khi anh em phát biểu một cách mới, đừng thốt ra những điều mới mẻ' (Commonitorium, số 53).

Nhưng theo cha, trong quá trình chuẩn bị cho Thượng Hội đồng về Tính đồng nghị, người ta đang lắng nghe tiếng nói của những người muốn thay đổi cả vấn đề lẫn cách thức – hoặc thay đổi vấn đề bằng cách thay đổi cách thức. Đó là một nỗ lực để chấp nhận lý thuyết phát triển tín lý của Newman trong khi bác bỏ qui điển của Thánh Vincent. Hậu quả chỉ có thể là sự chối bỏ cả hai. Vì không thể có Newman nếu không có Vincent, không thể có Vincent nếu không có Newman.

Thượng Hội đồng này phải cùng nhau đồng hành trong truyền thống chứ không rời xa truyền thống. Nếu các mục tử là thầy dạy, họ không được làm công việc mục vụ mà không có tín lý, họ không được thực thi ý chí mà không có trí hiểu. Chúng ta không thể yêu thực sự nếu không thành thật trong tình yêu. Có vẻ như bầu không khí ác cảm hiện nay đối với trí hiểu đã tạo ra chủ nghĩa bao gồm 'tất cả đều được chào đón'. Tất cả đều được chào đón vào Giáo Hội. Nhưng không phải tất cả những người được mời đều chấp nhận lời mời. Một số người, giống như người thanh niên giàu có, 'buồn bã ra đi' (Mt 19:22). Mệnh lệnh sám hối và lời mời gọi làm môn đệ đi đôi với nhau. Trên thực tế, nếu chúng ta đi theo trình tự thời gian của Tin Mừng Máccô, mệnh lệnh 'sám hối' đã được Chúa Giêsu nói trước mệnh lệnh 'hãy theo Ta' (Mc 1:14–17). Làm môn đệ đi kèm với một cái giá phải trả. Giáo hội, giống như Chúa của mình, phải thành thật với những người được mời, những người mà Giáo hội muốn mời vào, bằng cách cho họ biết rằng việc làm môn đệ phải trả giá. Đó là sự bắt buộc của sự trung thực theo Tin Mừng.

Trung thành

Cũng trong Letters from the Synod số 3, Đức cha Charles J. Chaput, từng giữ Tổng Giám Mục Philadelphia, Hoa Kỳ, từ năm 2011 cho tới khi nghỉ hưu năm 2020, mời gọi các tham dự viện Thượng Hội Đồng Giám Mục về tính đồng nghị “trung thành, trung thành với Chúa Giêsu Kitô, trung thành với Giáo Hội và trung thành với Đức Thánh Cha, trong thứ tự ưu tiên này. Trung thành với Chúa Giêsu Kitô hàm nghĩa vâng theo chứng tá và Lời Người. Trung thành với Giáo Hội hàm nghĩa hết lòng hỗ trợ giáo huấn của Giáo Hội. Trung thành với Đức Thánh Cha hàm nghĩa nói sự thật trong yêu thương lẫn nhau và yêu thương ngài (Eph. 4:11-16), trong mọi cuộc thảo luận Thượng Hội Đồng của qúi vị. Đối với Kitô hữu, không có tình yêu chân chính nào mà lại không đặt cơ sở trong sự thật của Lời Thiên Chúa như đã được ghi lại trong Tân Ước và bảo tồn bởi Giáo Hội qua thời gian”. Ngài viết thêm:

“Thượng Hội đồng này có các chủ đề phụ đáng ngưỡng mộ là sự hiệp thông, sự tham gia và sứ mệnh. Tuy nhiên, mọi Thượng Hội đồng đều phải chịu gánh nặng với những sai sót về thủ tục và áp lực nội bộ đối với những mục đích đôi khi vô ích và được xác định trước. Nhiệm vụ của người được ủy quyền là phải nhớ rằng Giáo hội thuộc về Chúa Giêsu Kitô; trước hết Giáo Hội là Giáo hội của Người và - theo lời của Thánh Gioan XXIII - là 'mẹ và thầy' của chúng ta. Chúng ta là con cái của Giáo Hội, không phải kiến trúc sư của Giáo Hội. Trong ánh sáng như vậy, 'sự hiệp thông' không phải là vấn đề chia sẻ ý kiến mà là việc cùng chung thủy với chân lý đã nhận được. 'Tham gia' là nhiệm vụ uốn cong ý chí của chúng ta theo sự thật đó. Và 'sứ mệnh' là việc theo đuổi Đại Mệnh Lệnh của Chúa chúng ta (Mt 28:16–20): không chỉ đơn giản là men trong thế gian, bất kể quan trọng bao nhiêu, mà là làm cho muôn dân thành môn đệ.

Thế giới ngày nay khuyến khích việc tập trung vào các vấn đề xã hội và các mối quan hệ mà loại trừ bất cứ mối quan hệ nào với Thiên Chúa. Giáo Hội mời gọi chúng ta tránh lỗi lầm đó và khơi dậy cảm thức hiệp thông với Thiên Chúa, tham gia vào sự sống của Chúa Ba Ngôi và sứ mệnh cứu chuộc, rao giảng Tin Mừng mà Thiên Chúa Cha đã trao ban cho Con của Người. Toàn bộ đời sống Kitô hữu đều bắt đầu và kết thúc trong Thiên Chúa; đó là về Chúa Ba Ngôi chứ không phải về chúng ta. Chúng ta cần học hỏi từ kinh nghiệm nhưng không bao giờ bắt đầu từ nó. Chúng ta bắt đầu với chứng tá và Lời mà Chúa Giêsu Kitô đã ban cho chúng ta, rồi tiến về phía trước, được Người dẫn dắt trong bối cảnh sứ mệnh của Người.

Về lâu dài, sự thỏa hiệp chưa bao giờ có tác dụng đối với Giáo hội. Nó không hoạt động ở châu Âu. Nó không hoạt động ở đất nước của tôi. Nó sẽ không hoạt động ở Trung Quốc. Cuối cùng, Giáo hội hướng tới sự hoán cải; sự kiên nhẫn và hiểu biết trong công việc đó, vâng, nhưng không phải thỏa hiệp. Và khi chúng ta bắt đầu bước đi cùng thế giới, chắc chắn chúng ta sẽ bị cám dỗ để tuân theo nó hơn là nỗ lực để biến đổi nó. Chúa Giêsu bị đóng đinh chính xác vì Người không tuân theo hay thích ứng, nhưng làm chứng cho Chúa Cha. Chúng ta cần phải khẩn trương nhớ rằng Chúa Giêsu đã dẫn dắt chúng ta như Người đã đồng hành với chúng ta. Khi đồng hành cùng các môn đệ trên đường Emmau, Người đã hướng dẫn họ đến Kinh thánh và sự thật... và chỉ đến lúc đó họ mới nhận ra Người.

Bài học nào cho Thượng Hội đồng về Tính đồng nghị này?

Những vấn đề khó khăn nhất mà Giáo hội ngày nay phải đối mặt không phải là vấn đề cơ cấu và tiến trình của Giáo hội. Chúng gắn liền mật thiết với Thánh vịnh 8 và câu hỏi con người thực sự là ai và là gì. Con người có một bản tính được tạo ra không? Có phải cơ thể chúng ta chỉ là công cụ dùng một lần rồi bỏ của ham muốn và ý chí của chúng ta không? Tính đồng nghị nào bỏ qua những vấn đề này, đặt đức tin Kitô giáo dưới khoa học xã hội mơ hồ và “những thay đổi mô hình” xa khỏi sứ mạng cứu chuộc, siêu nhiên của Giáo hội, thì không thể phục vụ nhu cầu của Giáo hội hoặc Chúa của Giáo hội. Ở mức tối thiểu, tính đồng nghị không bao giờ được chia rẽ các tín hữu của mình hơn nữa vào thời điểm nội bộ đang rối loạn và áp lực nghiêm trọng từ bên ngoài”.

___________________________________________________________________________________________________

[*] Thực ra, đây là giải thích của chính Thánh Vincent thành Lérins, chúng ta đọc được điều này trong Trích đoạn Kinh Sách, thứ sáu Tuần XXVII - Mùa Thường Niên: Bài đọc 2 (Bản dịch của Nhóm Phụng vụ Các Giờ Kinh):

Sự tiến bộ về đạo lý của Ki-tô giáo

Trích bài huấn dụ thứ nhất của thánh Vinh-sơn Lê-ranh, linh mục.

Phải chăng trong Hội Thánh của Đức Ki-tô không có tiến bộ nào về đạo? Hẳn là có và có rất nhiều

Thật vậy, ai là kẻ ghen với loài người và nghịch với Thiên Chúa mà dám ra sức ngăn cản điều ấy? Thật sự đó phải là một tiến bộ về đức tin, chứ không phải là một biến đổi. Quả thế, đặc tính của tiến bộ là mỗi vật phát triển mà vẫn là chính mình, còn đặc tính của biến đổi là một vật nào đó thay hình đổi dạng từ cái này sang cái khác.

Vậy, sự hiểu biết, thông hiểu và khôn ngoan của mỗi người cũng như mọi người, của cá nhân cũng như toàn thể Hội Thánh phải lớn lên, phải tiến triển rộng rãi và mạnh mẽ trải qua các giai đoạn tuổi tác và thời đại, nhưng mỗi thứ chỉ trong loại của mình, tức là theo cùng một đạo lý, cùng một ý nghĩa và cùng một tư tưởng.

Đạo của tâm hồn phải phỏng theo quy luật của thể xác: mặc dù trải qua năm tháng, các yếu tố của thể xác có biến đổi và phát triển, nhưng chúng vẫn tồn tại y nguyên như trước. Có sự khác biệt lớn giữa tuổi hoa niên và tuổi lão thành, nhưng chính những người bây giờ là lão thành thì trước kia đã là thiếu niên. Tuy vóc dáng và tác phong của cùng một người cũng có thay đổi, nhưng bản tính và nhân vị vẫn chỉ là một.

Các bộ phận của trẻ thơ măng sữa thì nhỏ, của thanh niên thì lớn, nhưng chính những bộ phận ấy vẫn là một. Trẻ nhỏ có bao nhiêu đốt xương, thì người lớn cũng có bấy nhiêu. Nếu có bộ phận nào được hình thành trong tuổi già, thì chúng đã tiềm ẩn nơi bào thai rồi, khiến cho không có gì mới mẻ sau này xuất hiện nơi người già mà trước đó đã không tiềm tàng nơi con trẻ.

Bởi đó, không còn hồ nghi gì nữa là quy luật tiến bộ này thật chính đáng và ngay thẳng, quy tắc tăng trưởng này thật hoàn hảo và tuyệt mỹ, nếu các bộ phận và hình thể mà Đấng Hoá Công khôn ngoan đã phác hoạ trước nơi con trẻ, luôn được kiện toàn cùng với số tuổi nơi người lớn.

Nếu có người nào biến đổi thành một hình tượng khác với loại của mình, hoặc tăng thêm hay giảm bớt số bộ phận, thì tất nhiên toàn thân phải chết hoặc ra kỳ dị hay yếu đi; cũng vậy, đạo lý Ki-tô giáo phải theo những quy luật tiến bộ này là với năm tháng, đạo lý được củng cố, với thời gian được lan rộng, với tuổi tác nên thâm thuý.

Thuở xưa, cha ông chúng ta đã gieo hạt giống đức tin trong thửa đất này của Hội Thánh: thật là vô cùng bất công và không xứng hợp, nếu chúng ta là con cháu các ngài, thay vì gặt lúa miến là chân lý đích thực, lại lượm cỏ lùng là sai lầm tai hại.

Trái lại, nếu đầu và đuôi không khác nhau thì chúng ta cũng gặt được mùa lúa miến là đạo lý từ hạt lúa miến lớn lên nhờ việc tổ chức dạy đạo; ngoài ra, có một cái gì đó từ những hạt giống đầu tiên phát triển theo dòng thời gian, nay được chăm sóc và mọc lên tươi tốt. Cả hai điều đó thật là đúng và hợp lý.
 
Người đàn ông Madawaska bị buộc tội phá hoại nhà thờ Công Giáo gây ra thiệt hại hàng trăm ngàn đô la
Đặng Tự Do
17:15 09/10/2023


Một người đàn ông Madawaska đã bị bắt hôm thứ Hai vì bị cáo buộc gây thiệt hại hàng trăm ngàn đô la tại Nhà thờ Công Giáo St. Thomas Aquinas.

Cảnh sát cho biết Randy Lavoie, 47 tuổi, hiện đang ở Nhà tù Quận Aroostook ở Houlton, chờ ra hầu tòa về tội trộm cắp và tội ác nghiêm trọng.

Cảnh sát đã phản hồi vào khoảng 3 giờ sáng thứ Hai 2 Tháng Mười sau khi nhận được báo cáo về hoạt động đáng ngờ tại nhà thờ, Cảnh sát trưởng Madawaska Jamie Pelletier cho biết.

Pelletier cho biết cảnh sát đã tìm thấy Lavoie ở đó và giam giữ anh ta trong khi điều tra, sau đó chính thức bắt giữ anh ta.

Cả hai tội danh đều là trọng tội loại C, có thể bị phạt tới 5 năm tù và phạt tiền 5.000 Mỹ Kim.

Theo Pelletier, các viên chức của Giáo hội nói với cảnh sát rằng thiệt hại ước tính lên tới hàng trăm nghìn đô la.

Mặc dù không thể nói về thiệt hại vì cuộc điều tra đang diễn ra, nhưng Linh mục Kent Ouellette, cha sở của St. Thomas, cho biết cộng đồng giáo xứ đã hỗ trợ lẫn nhau trong lời cầu nguyện.

Ngài nói: “Chúng ta phải đối mặt với những thách thức. Chúng ta cầu nguyện cho những người liên quan. Chúng ta cầu xin lòng thương xót, sự tha thứ và sự chữa lành của Chúa, và đó là tất cả những gì chúng ta có thể làm với tư cách là những người có đức tin.”


Source:Catholic News Agency

 
Thượng phụ Giêrusalem kêu gọi ngay lập tức xoa dịu căng thẳng. Đừng khơi dậy hận thù, hãy giữ nguyên hiện trạng thánh địa
Đặng Tự Do
17:17 09/10/2023


Sáng Thứ Bẩy, quân Hamas đã phóng 2.200 quả hỏa tiễn vào các lãnh thổ Israel khiến hơn 250 mất mạng ngay lập tức và khoảng 1.500 người bị thương.

Trước diễn biến này, Đức Hồng Y Pierbattista Pizzaballa, Thượng Phụ Giêrusalem đã đưa ra tuyên bố sau:

“Chúng tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế, các nhà lãnh đạo tôn giáo trong khu vực và trên thế giới, nỗ lực hết sức để giúp giảm leo thang, khôi phục bình tĩnh và nỗ lực bảo đảm các quyền cơ bản của người dân trong khu vực.

Tuyên bố đơn phương về tình trạng của các địa điểm tôn giáo và nơi thờ phượng làm lung lay tình cảm tôn giáo và thậm chí còn gây ra nhiều hận thù và chủ nghĩa cực đoan hơn. Do đó, điều quan trọng là phải bảo tồn Nguyên trạng tại tất cả các Thánh địa của Thánh địa và đặc biệt là ở Giêrusalem.

Vòng bạo lực đã giết chết nhiều người Palestine và Israel trong những tháng gần đây đã bùng nổ vào sáng nay, thứ Bảy, ngày 7 tháng 10 năm 2023.

Chúng tôi đã chứng kiến sự bùng nổ bạo lực bất ngờ, rất đáng lo ngại về quy mô và cường độ của nó. Chiến dịch được phát động từ Gaza và phản ứng của quân đội Israel đang đưa chúng ta quay trở lại thời kỳ tồi tệ nhất trong lịch sử gần đây của chúng ta. Quá nhiều nạn nhân và bi kịch mà cả người Palestine và các gia đình Israel phải đối mặt sẽ tạo ra thêm hận thù và chia rẽ, đồng thời sẽ ngày càng phá hủy mọi triển vọng ổn định.”

Đức Hồng Y Pierbattista Pizzaballa đặc biệt nhấn mạnh rằng “Sự đổ máu liên tục và những lời tuyên chiến nhắc nhở chúng ta một lần nữa về nhu cầu cấp thiết phải tìm ra một giải pháp lâu dài và toàn cầu cho cuộc xung đột Palestine-Israel ở vùng đất này, vốn được kêu gọi trở thành vùng đất công lý, hòa bình và hòa giải giữa các dân tộc”.

Ngài kết luận: “Chúng tôi cầu xin Thiên Chúa truyền cảm hứng cho các nhà lãnh đạo thế giới trong những can thiệp của họ nhằm thực hiện hòa bình và hòa hợp để Giêrusalem có thể trở thành nhà cầu nguyện cho mọi dân tộc”.
 
Các Giáo hội kêu gọi giảm leo thang ở Thánh địa sau cuộc tấn công của Hamas
Thanh Quảng sdb
17:28 09/10/2023
Các Giáo hội kêu gọi giảm leo thang ở Thánh địa sau cuộc tấn công của Hamas

Sau cuộc tấn công quy mô lớn vào Israel của các chiến binh Hamas người Palestine, các Thượng phụ và những người đứng đầu các Giáo hội ở Jerusalem kêu gọi hãy chấm dứt ngay lập tức mọi bạo lực và các hoạt động quân sự, đồng thời nhắc lại rằng mọi sự đều sẽ bị hủy diệt vì chiến tranh.

(Tin Vatican - Lisa Zengarini)

Lời kêu gọi hết lòng của Đức Thánh Cha Phanxicô về hòa bình cho Thánh địa trong giờ Truyền tin vào Chúa nhật (8/10/2023) là một trong nhiều tiếng nói từ các Giáo hội trên khắp thế giới kêu gọi giảm leo thang ngay lập tức bạo lực gây ra vào ngày 7 tháng 10 bởi một cuộc tấn công của Hamas khiến Israel phải công bố lệnh chiến tranh chính thức (“Chiến dịch Swords of Iron”).

Số người chết tăng cao

Chiến dịch quân sự trên bộ, trên biển và trên không chưa từng có của tổ chức Hồi giáo Palestine (“Bão Al-Aqsa”), được coi là cuộc tấn công khủng bố nguy hiểm nhất nhằm vào Israel trong lịch sử hiện đại của nước này, đã giết chết khoảng 700 người Israel, trong đó có nhiều dân thường, trong khi khoảng 100 người bị bắt làm con tin.

Số người Palestine thiệt mạng trong các cuộc tấn công trả đũa của Israel đã tăng lên hơn 400 người và hơn 2.750 người bị thương. Hàng chục nghìn người (70.000 theo UNRWA, cơ quan của Liên Hợp Quốc cung cấp các dịch vụ thiết yếu cho người Palestine) ở Dải Gaza do Hamas kiểm soát đã phải rời bỏ nhà cửa của họ.

Các hoạt động quân sự gây tổn hại cho cả dân thường Palestine và Israel

Cùng với Tòa Thượng phụ Latinh tại Giêrusalem, đã kêu gọi duy trì Nguyên trạng tại tất cả các nơi Thánh ở Thánh địa, và đặc biệt là ở Giêrusalem, các Thượng phụ và Người đứng đầu các Giáo hội ở đất thánh đã cùng nhau kêu gọi “chấm dứt ngay lập tức” mọi hoạt động bạo lực và quân sự gây tổn hại cho cả thường dân Palestine và Israel”.

Các nhà lãnh đạo các Giáo hội cũng bày tỏ tình liên đới với người dân trong khu vực, “những người đang phải chịu đựng những hậu quả tàn khốc của cuộc xung đột”.

Trong một tuyên bố được đưa ra sau chiến dịch “Bão Al-Aqsa”, các Giáo hội đã “lên án dứt khoát bất kỳ hành động nào nhắm vào dân thường, bất kể quốc tịch, sắc tộc hay tín ngưỡng của họ”, vì rằng “những hành động như vậy đi ngược lại các nguyên tắc cơ bản của nhân loại và lời dạy của Chúa Kitô, người đã kêu gọi chúng ta 'yêu người lân cận như chính mình'."

Những giải pháp lâu dài cho hòa bình ở Thánh Địa

Các nhà lãnh đạo Giáo hội ở Jerusalem tiếp tục kêu gọi các nhà lãnh đạo chính trị và chính quyền “tham gia vào cuộc đối thoại chân thành, tìm kiếm các giải pháp lâu dài nhằm thúc đẩy công lý, hòa bình và hòa giải cho người dân trong vùng, những người đã phải chịu đựng gánh nặng xung đột quá lâu”.

Họ cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế “tăng gấp đôi nỗ lực để hòa giải tìm ra một giải đáp hòa bình công bằng và lâu dài ở Thánh địa, dựa trên quyền bình đẳng cho tất cả mọi người và tính hợp pháp quốc tế”.

Hội đồng Giáo hội Thế giới (WCC) cho hay: Bạo lực không thể mang lại hòa bình và công lý

Những lời này được lặp lại bởi Hội đồng Giáo hội Thế giới (WCC), tổ chức đã khẩn trương kêu gọi “chấm dứt ngay lập tức bạo lực chết người này, phiến quân Hamas hãy ngừng các cuộc tấn công và yêu cầu cả đôi bên giảm leo thang chiến tranh!”

Linh mục Giáo sư Tiến sĩ Jerry Pillay, tổng thư ký WCC cho biết trong một tuyên bố: “Chúng tôi quan ngại sâu sắc về nguy cơ xung đột leo thang giữa Israel và các nhóm vũ trang Palestine, cũng như những hậu quả thảm khốc khôn lường cho người dân trong khu vực – cả Israel lẫn Palestine – sau một thời kỳ căng thẳng và bạo lực leo thang ở Bờ Tây ngạn và Jerusalem.”

“Các cuộc tấn công hiện nay làm tăng thêm bạo lực; chứ không thể cung cấp một con đường nào dẫn đến hòa bình và công lý”, Pillay nói thêm, đồng thời kêu gọi tất cả các Giáo hội, thành viên của WCC tham gia cầu nguyện cho một nền hòa bình công bằng ở Thánh địa và “đoàn kết với tất cả những người bị ảnh hưởng và bị đe dọa bởi bạo lực”.

Đức Hồng Y Nichols: Bạo lực không bao giờ là giải pháp

Về phần mình, Đức Hồng Y Vincent Nichols, Tổng Giám mục Westminster và là chủ tịch Hội đồng Giám mục Anh và xứ Wales (CBCEW), đã nhắc lại rằng “Bạo lực không bao giờ là một giải pháp. Sự trừng phạt lẫn nhau không bao giờ là một sự đóng góp cho hòa bình."

Ngài mời gọi các tín hữu cầu nguyện hãy “để Chúa Thánh Thần mang lại hòa bình cho Thánh địa, cho tất cả những người đã thiệt mạng và trả tự do ngay lập tức cho những người bị bắt làm con tin, đặc biệt là cho cộng đồng Công Giáo nhỏ bé nhưng đầy năng động ở Thành phố Gaza, những người mà vào thời điểm này đang can đảm mở rộng nhà cửa tiếp đón những người xóm giềng của họ, cố gắng cung cấp nơi trú ẩn và hỗ trợ họ.”

Cha Romanelli (Gaza) cho hay: mọi thứ có thể mất vì chiến tranh

Cha Gabriel Romanelli, linh mục quản xứ của xứ Holy Family, giáo xứ Công Giáo duy nhất ở Gaza phục vụ cho khoảng 1.000 người Công Giáo, nói với cơ quan Fides rằng tâm lý phổ biến của người dân Gazawi là cảm giác không chắc chắn về những gì sắp xảy ra... về những gì đã xảy ra trong quá khứ, trong hoàn cảnh tương tự nhưng nghiêm trọng hơn.

Vị linh mục gốc Argentina cho hay: “Đối diện với tất cả những điều này, lời kêu gọi của Đức Giáo Hoàng Piô XII trước khi Thế chiến thứ hai bùng liên nỉ ẩn hiện trong tâm trí chúng tôi: không có gì bị mất trong hòa bình, nhưng mọi thứ có thể bị mất trong chiến tranh”.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Đại Hội Đức Mẹ La Vang - CĐ CG St.Louis The King - Gp Phoenix, Arizona
Phan Hoàng Phú Quý
14:05 09/10/2023
Cộng Đoàn Công Giáo St.Louis The King Giáo Phận Phoenix, Arizona Tổ Chức Đại Hội Đức Mẹ La Vang. (Glendale-Arizona)

Trong tâm tình hiệp nhất và lòng sùng kính Đức Mẹ La Vang, Cộng đoàn Công Giáo Việt Nam tại giáo xứ St.Louis The King thuộc Địa phận Phoenix, Arizona đã long trọng tổ chức Đại Hội Đức Mẹ La Vang kỳ IV trong 3 ngày Thứ Sáu, Thứ Bảy và Chúa Nhật 6,7 & 8 tháng 10 năm 2023.

Với Chủ Đề: “ Đức Maria Nữ Vương Hòa Bình” Để mọi người có cơ hội chạy đến với Đức Mẹ La Vang để xin ơn bình an, và cầu nguyện cho hòa bình thế giới, nhất là sống tâm tình tạ ơn Chúa và tri ân Mẹ đã chúc lành cho mỗi người chúng ta vượt qua những thời khắc khó khăn trong thời gian qua.

Chương trình trong 3 ngày Đại Hội gồm có các Thánh Lễ, Chầu Mình Thánh Chúa, Xức dầu bệnh nhân, suy niệm Mầu Nhiệm Mân Côi, Xin Ơn Hòa Giải, Rước Kiệu Đức Mẹ, Thánh ca, văn nghệ và xổ số may mắn.

Riêng về phần Hội Thảo gồm có 3 đề tài chính:

Đề Tài 1: Maria Mẹ Các Kẻ Tin. Do linh mục Matthew Nguyễn Khắc Hy thuyết giảng

Đề Tài 2: Maria Phù Hộ Các Giáo Hữu. Do linh mục Matthew Nguyễn Khắc Hy thuyết giảng.

Đề Tài 3 : Maria, Nữ Vương Ban Bình An. Do linh mục Matthew Nguyễn Khắc Hy thuyết giảng

Mỗi đề tài là một bài học tỏ rõ uy quyền và lòng yêu thương của Đức Mẹ đối với nhân loại, để chúng ta cùng nhau học hỏi, suy niệm, cầu xin, và nhất là chúng ta biết phó thác và cậy trông vào bàn tay quan phòng của Chúa và Mẹ, để rồi cuộc đời của chúng ta được nhiều hạnh phúc hơn, nhiều may lành và nhiều hồng ân hơn.

Đặc biệt Đại Hội Đức Mẹ La Vang năm nay có Thánh tượng Đức Mẹ Fatima Thánh Du Quốc Tế đến thăm giáo xứ Thánh Louis The King từ ngày 29/9/23 đến ngày 08/10/23.

Tưởng cũng cần xin ghi thêm ở đây: Thánh Tượng Đức Mẹ Fatima Thánh Du đã được Đức Cố Giáo Hoàng Gioan XXIII làm phép Thánh Tượng này với mục đích để Thánh Tượng Đức Mẹ đi thăm viếng, an ủi các bệnh nhân trên khắp thế giới.

Thời gian từ tháng 5 năm 1965 đến năm 1967, Đức Khâm Sứ Tòa Thánh tại Việt Nam, Đức Cha Angelos Palmas đã tổ chức nghinh đón Thánh Tượng Đức Mẹ và phát động chiến dịch "Toàn Quốc Hiến Dâng Đau Khổ" làm bó hoa thiêng dâng kính Trái Tim Vẹn Sạch Đức Mẹ trong thời gian Đức Mẹ công du Việt Nam. Suốt thời gian gần ba năm ngự tại miền nam Việt Nam, Thánh Tượng Đức Mẹ đã lần lượt được rước đi thăm hết giải đất quê hương đau khổ, từ dòng sông Bến Hải đến mũi Cà Mau: Các tỉnh lỵ, các giáo phận, các giáo xứ, chủng viện, dòng tu, bệnh viện...Thánh Tượng Đức Mẹ đã đích thân chứng kiến những năm tháng dài đau thương vì chiến tranh và những khắc khoải đau buồn của bao nhiêu con cái Việt Nam yêu dấu của Mẹ.

Quả thật, Thánh Tượng Đức Mẹ đi tới đâu, Đức Mẹ cũng trào đổ muôn phúc lành xuống trên con cái Mẹ tại đó. Đức Mẹ đã làm cho những ai thành tâm chào mừng và đón tiếp Thánh Tượng Đức Mẹ, đều cảm nhận được niềm an vui tràn ngập tâm hồn, nhiều tội nhân được ơn cải thiện đời sống, trở lại làm hòa với Chúa, nhiều người đau khổ phần hồn phần xác được niềm an ủi, nhiều anh chị em các tôn giáo bạn được chung hưởng niềm hân hoan, vui mừng hãnh diện khi nghinh đón Thánh Tượng Đức Mẹ.



Trong Thánh lễ bế mạc Đức Giám Mục Phụ Tá Eduardo Nevares đã chia sẽ về bài Tin Mừng, Ngài dùng Lời Chúa trong thư Thánh Phaolo gữi cho tín hữu Philipphe. Làm thế nào để vườn nho của Thiên Chúa được sinh hoa kết quả?

Hoa quả của thần khí đó là: Thương yêu, khiêm nhường, hiền hòa, nhịn nhục, nhân hậu, bác ái, vị tha, và chính trực.

Rồi Ngài đặt câu hỏi, tại sao nhân loại không nghe Lời Chúa?

Hôm nay mọi người chúng ta quy tụ về đây tham dự Đại Hội là những người lắng nghe Lời Chúa và con cái Mẹ Maria, và ngài dùng danh hiệu Nữ Vương Hòa Bình, Nữ Vương Bình An (Queen of Peace) mà chúng ta mừng kính hôm nay, để chúng ta đến với Mẹ Maria và cầu xin Mẹ là Nữ Vương Bình An đem lại bình an cho thế giới, trong đó chính chúng ta là những công cụ trong tay Chúa, để qua lời cầu bàu của Đức Mẹ và qua việc làm của chúng ta đem lại bình an cho tất cả mọi người.

Linh mục Bùi Lam Sơn chánh xứ giáo xứ St Louis The King đã ngỏ lời cám ơn Đức Cha phụ tá, quý linh mục, quý tu sĩ nam nữ và quý cộng đoàn dân Chúa đã không quản ngại thời tiết khắc nghiệt, và hy sinh thời gian quý báu cuối tuần để về tham dự Đại Hội Đức Mẹ La Vang. Đặc biệt cha giảng phòng Nguyển Khắc Hy, linh mục Vũ Văn Triệu, linh mục Trần Quốc Toản, và 3 Ca Đoàn: ca đoàn Thánh Linh, ca đoàn Thánh Tâm, ca đoàn La Vang thuộc các cộng đoàn Thánh Linh, cộng đoàn Tucson, cộng đoàn St.Louis the King.

Nguyện xin Thiên Chúa qua lời chuyển cầu của Thánh Mẫu La Vang chúc lành và trả công bội hậu cho quý vị.

Kính chúc quý vị thượng lộ bình an và xin hẹn gặp lại quý vị vào Đại Hội Đức Mẹ La Vang Kỳ V với chủ đề: Đức Maria Mẹ Của Lòng Chúa Thương Xót.

Tường thuật từ Glendale Arizona

Hình ảnh đính kèm
 
VietCatholic TV
Âm mưu ám sát Putin từ chính FSB. Ukraine thắng lớn, may gấp áo tàng hình. Ba Lan cảnh báo vụ Hamas
VietCatholic Media
02:25 09/10/2023


1. Ukraine đã sẵn sàng sản xuất hàng loạt 'Áo tàng hình' cho quân đội.

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Ukraine Army's 'Invisibility Cloak' Ready for Mass Production: Developers”, nghĩa là “Các nhà phát triển cho biết 'Áo tàng hình' của Quân đội Ukraine đã sẵn sàng để sản xuất hàng loạt.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Một thành viên của nhóm phát triển đã nói với Newsweek rằng quần áo quân sự mới được thiết kế để che giấu binh lính Ukraine khỏi hệ thống quang học và máy ảnh nhiệt của Nga đã sẵn sàng để sản xuất hàng loạt. Nhóm đứng đằng sau công nghệ này đã có thể sản xuất 150 chiếc “áo choàng tàng hình” hoàn thiện mỗi tháng.

Maxim Boryak, thành viên nhóm phát triển áo choàng trong chương trình nghiên cứu Brave1 do chính phủ Ukraine tổ chức, cho biết hôm thứ Tư rằng các nhà phát triển đang tiến hành cung cấp cho chiến trường để chống lại các thiết bị chụp ảnh quang nhiệt.

Boryak cho biết: “Chúng tôi đã nhận được phản hồi tích cực từ quân đội, những người đã thử nghiệm chiếc áo choàng cùng với những khuyến nghị và mong muốn”, đồng thời cho biết thêm ông và các đồng nghiệp “hy vọng rằng nghiên cứu khoa học của chúng tôi sẽ đạt được thành công trong tương lai gần nhờ một mẫu áo choàng cập nhật. “

Brave1 đã phát hành một video về chiếc áo choàng đang được thử nghiệm trong tuần này, khiến Mykhailo Fedorov – phó thủ tướng phụ trách công nghệ mới và bộ trưởng chuyển đổi kỹ thuật số của Ukraine – ca ngợi thứ mà ông so sánh với “áo choàng tàng hình trong truyện cổ tích”.

Boryak cho biết công nghệ này hoàn thiện hơn những gì được thể hiện trong video. “Trong video, bạn có thể thấy khuôn mặt của một người không được che bởi một chiếc mặt nạ đặc biệt; một mặt nạ bảo vệ được bao gồm trong bộ áo choàng,” anh giải thích. “Nếu bạn đeo mặt nạ bảo vệ và kính đặc biệt, nó sẽ làm 'mù' thiết bị chụp ảnh nhiệt.”

Boryak cho biết: “Năng lực sản xuất của chúng tôi hiện bị giới hạn ở 150 chiếc mỗi tháng, nhưng nếu cần, chúng tôi có thể tăng khối lượng sản xuất”. Không rõ liệu quân đội Ukraine có thể áp dụng công nghệ này hay không và khi nào. Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Ukraine qua email để yêu cầu bình luận.

“Mẫu được trình bày đã sẵn sàng để sản xuất hàng loạt và ứng dụng rộng rãi trong khu vực có thảm thực vật tự nhiên, khi một người ở bất kỳ tư thế nào: đứng, ngồi hoặc nằm. Chỉ được phép sử dụng áo choàng ở nơi thoáng đãng trong tư thế nằm “.

Boryak cho biết công nghệ này được thiết kế dành cho nhiều đơn vị chuyên môn, tập trung vào các đội quân cần hoạt động bí mật. Ông nói, các đội đặc nhiệm, trinh sát, phá hoại, đặc công và bắn tỉa đặc biệt phù hợp, cũng như những người lính đứng gác tại các trạm quan sát chiến hào và những người tiến hành tuần tra tại các địa điểm quân sự.

Tuy nhiên, việc sử dụng áo choàng của binh lính Ukraine sẽ bị hạn chế. “Các đặc tính che phủ của áo choàng được bảo tồn vô thời hạn miễn là người mặc áo choàng di chuyển rất chậm, để cơ thể con người không giải phóng thêm nhiệt lượng quá mức, như khi di chuyển nhanh trên địa hình.”

Cuộc xâm lược toàn diện của Nga đã thúc đẩy sự đổi mới nhanh chóng về công nghệ và chiến thuật trên chiến trường, càng được thúc đẩy bởi sự ra đời ngày càng tăng của các thiết bị quân sự tiên tiến của phương Tây. Công nghệ chống nhiệt mới có thể mang lại cho quân đội Ukraine lợi thế ban đêm trên các chiến trường hiện gần như được giám sát liên tục bởi nhiều loại máy bay không người lái, một số trong đó có camera tiên tiến.

Boryak nói: “Sẽ luôn có ‘thiện’ và ‘ác’ cạnh nhau, giống như cuộc chiến đối lập giữa một loại vũ khí mới với phương tiện đánh bại và vô hiệu hóa nó. Đó là lý do tại sao chúng tôi không dừng lại ở những gì chúng tôi đã đạt được.”

Ông cho biết kế hoạch hiện nay là “cải tiến sản phẩm của chúng tôi để có thể sử dụng nó trong khi di chuyển nhanh trên địa hình rộng mở. Nghiên cứu đang được tiến hành theo hướng này với sự hợp tác của các nhà khoa học khác. Dự kiến, họ sẽ tiến hành thử nghiệm toàn diện mẫu áo choàng mới với đặc tính ngụy trang được cải thiện vào cuối năm nay.”

“Cần phải đợi một chút cho đến khi kết thúc quá trình thử nghiệm vật liệu mới, vật liệu này sẽ được thêm vào mẫu áo choàng mới, để mở rộng các đặc tính che phủ của sản phẩm.”

2. Âm mưu ám sát Putin từ chính cơ quan đặc vụ FSB

Ký giả Ellie Doughty và Will Stewart của tờ The Sun có trụ sở ở London có bài tường trình nhan đề “THREAT WITHIN - Russian ‘plot to ASSASSINATE Putin uncovered’ as secret services ‘hunt agent within their own ranks’”, nghĩa là “MỐI ĐE DỌA TỪ BÊN TRONG- 'âm mưu ám sát Putin' của Nga bị phát hiện' khi các cơ quan mật vụ 'săn lùng điệp viên trong hàng ngũ của chính họ'“. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Cơ quan mật vụ Nga đang điều tra một âm mưu được cho là do “trong hàng ngũ của họ” thực hiện nhằm ám sát Vladimir Putin.

Cuộc truy lùng một điệp viên được cho là của FSB đang được tiến hành, người được cho là đã khoe khoang về việc hạ bệ nhà độc tài tại một câu lạc bộ karaoke ở Mạc Tư Khoa.

Một người cung cấp thông tin, tên là Mikhail Yurchenko, nói với kênh Telegram VChK-OGPU – là kênh có liên kết chặt chẽ với các cơ quan an ninh của Putin – về một “đặc vụ” vô tình khoe được giao “nhiệm vụ” “loại bỏ” nhà độc tài.

Tuyên bố kỳ lạ này xuất phát từ một cuộc họp tại Honey, một câu lạc bộ ở Mạc Tư Khoa và là nơi lui tới nổi tiếng của các nhân viên dịch vụ an ninh Nga.

Rõ ràng ông ta đã cho người cung cấp thông tin thẻ ID công vụ của mình trong một “cuộc trò chuyện chân thành dài lâu về chiến tranh và cuộc sống tương lai ở Nga”.

Người cung cấp thông tin được cho là đã nói với kênh này rằng anh ta “không tranh cãi và không thay đổi chủ đề” trong suốt cuộc trao đổi được tường trình.

Yurchenko bị “ám ảnh” bởi lời đe dọa dành cho Putin và đã báo cảnh sát.

Kênh này sau đó cho biết các cơ quan đặc biệt của Nga “đã tìm kiếm trong nhiều ngày để tìm ra kẻ chưa rõ danh tính đã lên kế hoạch 'loại bỏ' Putin”.

“Dựa trên lời khuyên của Yurchenko, các đặc vụ đã đến nghiên cứu tình hình ở câu lạc bộ Honey, nơi… bạn có thể thường xuyên gặp nhân viên của nhiều bộ phận bí mật khác nhau.

Nhà độc tài người Nga nổi tiếng là người cực kỳ coi trọng vấn đề an ninh và luôn sống trong nỗi sợ hãi bị ám sát.

Khi chiến tranh ở Ukraine tiếp diễn, Vladimir Putin ngày càng trở nên cô lập và hoang tưởng khi những người trong vòng thân cận của ông mô tả ông như đang sống trong một “cái kén”.

Một người đào tẩu người Nga tên Gleb Karakulov nói với Trung tâm Hồ sơ hồi đầu năm nay: “Ông ta lo sợ cho tính mạng của mình một cách bệnh hoạn. Ông ta bao quanh mình bằng một hàng rào cách ly không thể xuyên thủng và không có khoảng trống thông tin “.

Putin được cho là bị ám ảnh bởi cái chết của chính mình - do bệnh tật hoặc do bàn tay của đối phương.

Nỗi sợ hãi về cái chết dường như đã leo thang thành chứng sợ vi trùng trong bối cảnh ngày càng có nhiều tin đồn về sức khỏe yếu kém của ông.

Nhà lãnh đạo Nga nổi tiếngtiếp các vị khách của mình tại một chiếc bàn dài 13 feet và yêu cầu nhân viên cách ly trong hai tuần trước khi gặp mặt.

Bạo chúa Nga cũng được cho là rất lo sợ về khả năng mình có thể bị lật đổ và giết chết bởi vòng trong của mình.

Ông được tường trình đã sống sót sau sáu vụ ám sát kể từ khi còn đương chức.

Năm ngoái, chiếc xe limousine của ông ta được tường trình đã bị tấn công nhằm ám sát ông ta.

Ông ta sống sót sau một vụ ám sát tiếp theo vào đầu năm 2022, khi bắt đầu cuộc xâm lược Ukraine của Nga.

Giám đốc Tình báo Quốc phòng Kyrylo Budanov cho biết vào thời điểm đó đã có một “âm mưu bất thành” nhằm ám sát Tổng thống Nga.

Nhà độc tài hoang tưởng được cho là đang di chuyển từ hầm này sang hầm khác, khi những bức ảnh bị rò rỉ tiết lộ nội thất của con tàu “ma” bọc thép sang trọng của ông ta - được lắp đặt một bệnh viện di động trên tàu.

Một cựu sĩ quan Nga tuyên bố rằng những người bạn thân của Putin được mệnh danh là “The Ozeros” có kế hoạch phá hoại các hoạt động quân sự của Nga nhằm chấm dứt cuộc chiến thảm khốc của Mạc Tư Khoa ở Ukraine.

Igor Girkin tin rằng họ sẽ tấn công vào Bộ Quốc phòng Nga, FSB và các cơ quan chính phủ quan trọng khác - và thay thế Putin.

Nỗi ám ảnh của Vladimir Putin về cái chết của chính mình đồng nghĩa với việc ít xuất hiện trước công chúng; và thường xuyên thay đổi địa điểm và lộ trình di chuyển.

Cơ quan an ninh Nga bị cáo buộc đề cập đến nhiều âm mưu khủng bố không có thật để biện minh cho tính hiệu quả của họ trong việc bảo vệ ông ta.

Diễn biến này xảy ra khi Putin được tường trình sẽ thông báo rằng ông sẽ tìm kiếm một nhiệm kỳ mới kéo dài 6 năm ở Điện Cẩm Linh.

Cuộc bầu cử dự kiến diễn ra vào tháng 3 năm 2024.

Gần đây, Vladimir Putin nói với các sinh viên ở Sochi rằng ông ta có nhiều người ngưỡng mộ ở Âu Châu, những người có chung các giá trị truyền thống với ông ta.

“Tôi muốn bảo vệ bạn bè của chúng ta. Chúng ta có rất nhiều bạn bè ở Âu Châu…

“Những người tin vào các giá trị truyền thống, bao gồm cả gia đình, mà giờ đây đã lụi tàn.”

Sau đó, ông tấn công phương Tây, nói rằng họ “hành xử rất hung hãn, đặc biệt là ở Bắc Mỹ và Âu Châu”.

3. Bản đồ chiến tranh Ukraine cho thấy tiến trình phản công trong tuần này

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Ukraine War Maps Show Counteroffensive Progress This Week”, nghĩa là “Bản đồ chiến tranh Ukraine cho thấy tiến trình phản công trong tuần này.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Phương Thảo.

Ukraine cho biết lực lượng của họ đã đạt được những tiến bộ đáng kể trên tiền tuyến khi các bản đồ từ Viện Nghiên cứu Chiến tranh, gọi tắt là ISW, cho thấy tốc độ tiến bộ của Kyiv trong cuộc phản công.

Hơn bốn tháng trước, Ukraine đã phát động một cuộc phản công với mục đích chiếm lại lãnh thổ bị Nga tạm chiếm, nhưng Kyiv và các nước ủng hộ phương Tây cho rằng đang diễn ra chậm hơn dự đoán.

ISW hôm thứ Sáu lưu ý rằng, ngày hôm trước, đoạn phim được định vị địa lý cho thấy quân đội Ukraine đã tiến về phía một khu rừng ở phía tây tỉnh Zaporizhzhia, giữa Robotyne mà Ukraine đã chiếm được vào tháng 8 và Verbove, khu định cư được cho là nằm trong tầm ngắm tiếp theo của Kyiv.

Một bản đồ của ISW cho thấy cuộc tiến công này về phía Verbove và vào ngày 4 tháng 10, quân đội Ukraine đã di chuyển về phía đông khu định cư Novoprokopivka.

Bản đồ cũng cho thấy tình hình ở Zaporizhzhia đã diễn biến như thế nào trong vài ngày qua. Đoạn phim được định vị địa lý cho thấy quân Kyiv đã kiểm soát ba hệ thống chiến hào ở phía nam Robotyne như thế nào.

ISW cho biết lực lượng Ukraine tiếp tục các hoạt động tấn công “thành công” gần Andriivka, cách Bakhmut khoảng 5 dặm về phía đông nam, thành phố Donetsk đã phải chiến đấu ác liệt trong nhiều tháng. Một bản đồ khác của ISW phác thảo cách thức cuộc chiến này tiếp diễn, và lưu ý rằng lực lượng Nga đã lùi dần tới đường cao tốc E-50.

Đánh giá của tổ chức tư vấn độc lập Hoa Kỳ được đưa ra khi Illia Yevlash, phát ngôn nhân của Nhóm Lực lượng phía Đông, nói rằng lực lượng của ông đang chuẩn bị các hoạt động tấn công trong suốt mùa thu và mùa đông, ngay cả khi mưa và sương mù có thể làm phức tạp việc sử dụng máy bay không người lái cũng như Không Quân chiến thuật..

ISW trước đây đã nói rằng sự thay đổi về thời tiết sẽ không ngăn cản hai bên tiến hành các hoạt động tấn công trong suốt mùa đông nếu họ vẫn được cung cấp đầy đủ. Viện nghiên cứu cho biết thêm, việc Ukraine tiếp tục cuộc phản công như thế nào cũng sẽ được xác định bởi việc phương Tây tiếp tục cung cấp vũ khí nhỏ và đạn dược.

Diễn biến này xảy ra trong bối cảnh Nga đang nã pháo vào thứ Sáu với tổng cộng 51 vụ nổ được ghi nhận trong ngày, Cơ quan quản lý quân sự tỉnh Sumy đưa tin trên Telegram.

Qua đêm ngày thứ Sáu, các lực lượng Nga đã phóng một số hỏa tiễn hành trình chống hạm siêu âm Onyx từ Crimea nhắm vào Odesa, Lực lượng phòng vệ miền Nam Ukraine đưa tin trên Telegram. Hỏa tiễn đã tấn công một cơ sở giải trí và một kho chứa ngũ cốc ở thành phố cảng với các mảnh vỡ và một đợt nổ khiến các nhà để xe bốc cháy và làm hư hại các khu chung cư.

Thống đốc khu vực Yury Malashko đưa tin hôm thứ Bảy cũng cho biết đã xảy ra một vụ tấn công bằng bom chùm ở tỉnh Zaporizhzhia, khiến một phụ nữ thiệt mạng và hai người bị thương.

Diễn biến này xảy ra sau làn sóng phản đối kịch liệt của quốc tế về vụ tấn công hỏa tiễn vào một thị trấn ở khu vực Kharkiv hôm thứ Năm, mà các quan chức địa phương cho biết đã giết chết 52 người. Các quan chức cho biết, một cuộc tấn công hỏa tiễn khác vào ngày hôm sau ở thành phố Kharkiv đã giết chết một cậu bé 10 tuổi và bà của cậu.

4. Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda cảnh báo bạo lực tại Israel có lợi cho Nga và kêu gọi đoàn kết với Ukraine

Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda nói rằng bạo lực hiện nay giữa Hamas và Israel rất hữu ích cho Nga trong việc chuyển hướng sự chú ý của thế giới và các nguồm lực viện trợ cho Ukraine.

Duda lập luận trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình tư nhân Polsat News hôm Chúa Nhật rằng xung đột ở Trung Đông khiến quốc tế mất tập trung khỏi sự chú ý của Mạc Tư Khoa đối với cuộc xâm lược vào Ukraine và có thể dẫn đến áp lực di cư mới đối với Âu Châu.

“Nó chắc chắn có lợi cho Nga và việc Nga gây hấn với Ukraine. Nó làm phân tán sự chú ý của thế giới... Nhưng trên hết, tôi sợ rằng nó sẽ không may gây thêm áp lực di cư lên Âu Châu,” Duda nói.

“Chúng ta có thể sẽ có một làn sóng người di cư khác từ Trung Đông, sẽ tấn công Âu Châu… An ninh của chúng ta, việc bảo vệ biên giới Ba Lan, tất nhiên, cũng là biên giới của Liên minh Âu Châu và khu vực Schengen, càng trở nên quan trọng hơn.”

Ba Lan là nước ủng hộ trung thành cho Kyiv kể từ khi Nga xâm chiếm vào đầu năm 2022 và đã che chở cho hơn một triệu người tị nạn Ukraine.

Duda e ngại rằng cuộc tấn công của Hamas đang khơi lại làn sóng cực đoan trong thế giới Hồi Giáo vốn đã lắng dịu sau khi Nhà nước Hồi Giáo bị đánh đuổi khỏi Iraq và Syria. Các cuộc tấn công trả thù của Do Thái càng thêm dầu vào lửa.

5. Giao thông đường sắt 'chưa từng có' giữa Triều Tiên và Nga cho thấy sự chuyển giao quân sự

Ký giả MATHIEU POLLET của tờ Politico có trụ sở ở Washington DC có bài tường trình nhan đề “‘Unprecedented’ rail traffic between North Korea and Russia suggests military transfers”, nghĩa là “Giao thông đường sắt 'chưa từng có' giữa Triều Tiên và Nga cho thấy sự chuyển giao quân sự”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Viện nghiên cứu Beyond Parallel của Mỹ đã quan sát thấy sự gia tăng các toa tàu chở hàng dọc biên giới Triều Tiên-Nga, cho thấy khả năng cung cấp vũ khí và đạn dược cho Mạc Tư Khoa.

Bình Nhưỡng rất có thể đang giúp Mạc Tư Khoa trong cuộc chiến với Ukraine, theo hình ảnh vệ tinh về cơ sở đường sắt Tumangang ở biên giới với Nga được tổ chức cố vấn Beyond Parallel của Mỹ ghi lại và công bố hôm thứ Sáu.

Mặc dù “việc sử dụng rộng rãi các tấm bạt” khiến không thể xác nhận liệu đây có thực sự là pháo binh được chuyển đi hay không, “số lượng toa tàu chở hàng chưa từng có” và mức độ giao thông đường sắt, cùng với các cuộc thảo luận gần đây giữa hai nước, dường như cho thấy điều đó, tổ chức cho biết.

Giao thông gần đây đã “lớn hơn nhiều” so với những gì đã được quan sát trong 5 năm qua, bao gồm cả mức trước COVID-19, khi có nhiều nhất 20 toa tàu tại cơ sở này.

Tháng trước, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Chính Ân cam kết ủng hộ hoàn toàn Tổng thống Nga Vladimir Putin và “cuộc chiến thiêng liêng” của ông tại hội nghị thượng đỉnh nơi cả hai người thảo luận về khả năng hợp tác quân sự.

Năm ngày sau cuộc họp cao cấp, hình ảnh vệ tinh cho thấy số lượng toa chở hàng “tăng dần nhưng ổn định”, lên đến đỉnh điểm là con số “chưa từng có” là 73 toa tàu vào ngày 5 tháng 10, theo Beyond Parallel.

Một quan chức Mỹ xác nhận với CBS News hồi đầu tuần rằng Triều Tiên đã bắt đầu chuyển pháo sang Nga.

Viện nghiên cứu cho biết những chuyến hàng quân sự như vậy sẽ vi phạm nhiều nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.

6. Ukraine dự kiến sẽ phải gánh chịu 'con số kỷ lục' các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Nga vào mùa đông này

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng hôm Thứ Hai mùng 9 Tháng Mười, Phát ngôn nhân của lực lượng không quân Ukraine, Đại Tá Yurii Ihnat cho biết Ukraine đang chuẩn bị cho mùa đông thứ hai của các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái:

“Lực lượng không quân Ukraine dự kiến sẽ phải đối phó với số lượng kỷ lục các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Nga trong mùa đông này, khi chúng ta chuẩn bị cho mùa đông thứ hai,” ông nói và nhấn mạnh rằng “Nga sẽ ném bom hàng loạt vào các cơ sở năng lượng của chúng ta.”

Ihnat cho biết dữ liệu trong tháng 9 cho thấy việc Nga sử dụng máy bay không người lái cảm tử Shahed do Iran thiết kế sẽ phá vỡ kỷ lục của năm ngoái.

“Mùa thu đông năm nay… đã là kỷ lục về số lượng máy bay không người lái Shahed. Hơn 500 chiếc đã được sử dụng vào tháng 9”, Ihnat cho biết.

Ông so sánh con số này với chiến dịch không kích của Nga vào Ukraine vào mùa đông năm ngoái, khi ông cho biết khoảng 1.000 máy bay không người lái Shahed đã được sử dụng trong sáu tháng.

Các cuộc tấn công vào các cơ sở năng lượng vào mùa đông năm ngoái đã làm hư hỏng một phần đáng kể hệ thống điện của Ukraine và buộc hầu hết các thành phố phải hạn chế điện và nước nóng.

Bất chấp việc Ukraine tăng cường phòng không, các quan chức vẫn cảnh báo nguy cơ tái diễn vào mùa đông năm nay, khi mạng lưới điện vẫn chưa được xây dựng lại sau chiến dịch ném bom vừa qua.

7. Điều này sẽ lớn đến mức nào? Những điều cần chú ý trong trận chiến Israel-Hamas.

Ký giả NAHAL TOOSI của tờ Politico có trụ sở ở Washington DC có bài tường trình nhan đề “How big is this going to get? What to watch for in the Israel-Hamas battle.”, nghĩa là “Điều này sẽ lớn đến mức nào? Những điều cần chú ý trong trận chiến Israel-Hamas.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Phương Thảo.

Cuộc chiến hiện nay giữa Israel và Hamas có khả năng trở thành một cuộc chiến tranh rộng lớn hơn, làm rung chuyển một khu vực có nhiều đối thủ - và nhiều quân đội Mỹ.

Hamas có thể mong mỏi những người ủng hộ Iran và những người có cảm tình với các chính phủ Ả Rập sẽ hỗ trợ trực tiếp cho họ. Các nhóm vũ trang khác, bao gồm Hezbollah có trụ sở tại Li Băng, có thể cung cấp nhân lực hoặc nắm bắt thời cơ để kích động bạo lực ở nơi khác. Có báo cáo hôm Chúa Nhật rằng Hezbollah đã bắn đạn súng cối vào các vị trí của Israel.

Cuộc giao tranh cũng có thể lan rộng ra ngoài Dải Gaza do Hamas kiểm soát và tới Bờ Tây. Ở đó, căng thẳng giữa người Palestine và người Israel đã gia tăng khi Israel xây dựng thêm nhiều khu định cư trên vùng đất mà người Palestine tuyên bố chủ quyền.

Nhưng mỗi chính phủ hoặc nhóm cũng có động cơ để tránh xung đột, bao gồm cả việc không muốn gây nguy hiểm cho mối quan hệ với Washington hoặc đổ máu và tài sản vào một cuộc chiến không có hồi kết rõ ràng.

Các quan chức Mỹ đang nỗ lực ngăn chặn cuộc giao tranh. Biden hôm thứ Bảy đã cảnh báo “chống lại bất kỳ bên nào thù địch với Israel đang tìm kiếm lợi thế trong tình huống này”. Trong khi đó, các trợ lý của ông đang gọi điện thoại rối rít trấn an các quốc gia trong khu vực.

Một quan chức Mỹ quen thuộc với vấn đề này, giống như những người khác, yêu cầu được giấu tên để thảo luận về một vấn đề nhạy cảm cho biết: “Bất kỳ ai có ảnh hưởng theo cách này hay cách khác đều đã được nói chuyện”.

Israel cảnh báo các thế lực thù địch khác không được tham gia. Một quan chức Israel cho biết: “Việc mở rộng chiến trường chống lại Israel sẽ gặp phải phản ứng đặc biệt gay gắt, bao gồm cả những hành động quyết liệt và gây chết người của Israel”.

Một số quan điểm diều hâu ở Washington và xa hơn nữa đã nhanh chóng gán cho Tehran là thủ phạm thực sự đằng sau vụ tấn công của Hamas. Iran từ lâu đã hỗ trợ tài chính và quân sự cho Hamas.

Một phát ngôn viên của Hamas cho biết Iran ủng hộ cuộc tấn công cuối tuần và các quan chức Iran đã cổ vũ điều đó. Một báo cáo của Wall Street Journal hôm Chúa Nhật, dẫn lời các thành viên cao cấp của Hamas và Hezbollah, cho biết các quan chức an ninh Iran đã giúp lên kế hoạch cho cuộc tấn công.

Nhưng các nhóm như Hamas vẫn giữ được mức độ độc lập nhất định khỏi Tehran và các quan chức Mỹ vẫn chưa chính thức đổ lỗi cho Iran.

Ngoại trưởng Antony Blinken nói: “Tại thời điểm này, chúng tôi không có bất cứ điều gì cho thấy Iran trực tiếp tham gia vào cuộc tấn công này, lên kế hoạch hoặc thực hiện nó, nhưng đó là điều chúng tôi đang xem xét rất cẩn thận”.

Điều này không có nghĩa là Iran sẽ không gánh chịu hậu quả. Chẳng hạn, Hoa Kỳ có thể áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Tehran vì sự ủng hộ chung của nước này đối với Hamas.

8. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã bày tỏ “tình đoàn kết” với Israel trong cuộc gọi với Thủ tướng Benjamin Netanyahu hôm Chúa Nhật.

Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelenskiy, đã nói chuyện với Thủ tướng Israel, Benjamin Netanyahu, vào hôm Chúa Nhật để nhắc lại sự ủng hộ của Kyiv đối với Israel, khi nước này trả đũa một cuộc tấn công lớn của nhóm Hamas của Palestine.

“Tôi đã nói chuyện với ông Netanyahu để khẳng định tình đoàn kết của Ukraine với Israel, quốc gia hứng chịu một cuộc tấn công quy mô lớn táo bạo và bày tỏ lời chia buồn với nhiều nạn nhân”, Tổng thống Zelenskiy nói trên mạng xã hội.

“Thủ tướng đã thông báo cho tôi về tình hình hiện tại cũng như hành động của lực lượng quốc phòng và cơ quan thực thi pháp luật Israel nhằm đẩy lùi cuộc tấn công”, ông Zelenskiy nói thêm.

“Chúng tôi cũng thảo luận về ảnh hưởng của cuộc tấn công đối với tình hình an ninh trong khu vực và hơn thế nữa.”

Tổng thống Ukraine cũng cho biết các nhà ngoại giao đang hợp tác với cảnh sát Israel để bảo đảm an toàn cho công dân Ukraine.

9. Trận chiến Israel-Hamas có ảnh hưởng tới viện trợ dành cho Ukraine không?

Theo một đánh giá mới, Nga đã tận dụng các cuộc tấn công của phiến quân Palestine vào Israel như một vũ khí nhằm cố gắng làm xói mòn sự ủng hộ của phương Tây dành cho Kyiv và đánh lạc hướng sự chú ý của phương Tây khỏi cuộc chiến của Mạc Tư Khoa ở Ukraine.

Viện Nghiên cứu Chiến tranh, gọi tắt là ISW, có trụ sở tại Washington cho biết: “Điện Cẩm Linh đã và có thể sẽ tiếp tục khai thác các cuộc tấn công vào hôm Thứ Bẩy của Hamas ở Israel để thúc đẩy một số hoạt động thông tin nhằm giảm sự hỗ trợ cũng như sự chú ý của Mỹ và phương Tây đối với Ukraine”.

Tác động sững sờ như cuộc tấn công 11 tháng 9 khi quân Hamas có thể phóng 2.200 quả đạn pháo vào Israel trong vài giờ, tấn công cả trên bộ và trên biển, bắt sống binh sĩ và thường dân Do Thái, chắc chắn là một món quà cho Putin.

Hoa Kỳ hiện đang tăng cường cung cấp thiết bị quân sự, đạn dược và các nguồn lực khác cho Israel. Họ cũng đang triển khai tàu và máy bay gần Israel để thể hiện sự hỗ trợ.

Động thái này diễn ra trong bối cảnh các đảng phái đang tranh cãi về việc liệu Washington có nên tiếp tục cung cấp viện trợ quân sự và kinh tế cho Ukraine khi nước này chống lại cuộc xâm lược của Nga hay không.

Các thành viên Quốc Hội bày tỏ sự nghi ngờ ngày càng tăng về việc hỗ trợ liên tục cho Ukraine đã nhanh chóng lên tiếng ủng hộ việc hỗ trợ Israel.

Hiện tại, các quan chức Mỹ khẳng định rằng việc hỗ trợ Israel trên mặt trận quân sự sẽ không ảnh hưởng đến viện trợ cho Ukraine. Các hệ thống khác nhau có liên quan đến nhiều trường hợp khác nhau.

Người Ukraine có thể thất vọng về cách Mỹ đối xử với họ so với Israel, một quốc gia có sức mạnh quân sự mà họ hy vọng cũng sẽ được như thế. Việc Israel không hỗ trợ Ukraine nhiều nhất có thể cũng khiến mối quan hệ của Israel và Ukraine trở nên lạnh nhạt.

Tưởng cũng nên nhắc lại là Israel đã từ chối gửi Iron Dome, một hệ thống phòng không, tới Ukraine để giúp bảo vệ dân thường và các vị trí quân sự khỏi các cuộc tấn công của Nga.

10. Hai phụ nữ Ukraine thiệt mạng trong cuộc tấn công của Hamas

Hai phụ nữ Ukraine nằm trong số những người thiệt mạng ở Israel hôm thứ Bảy sau khi Hamas phát động cuộc tấn công nguy hiểm nhất vào nước này, Phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Ukraine, Oleg Nikolenko, cho biết như trên.

Danh tính của những người phụ nữ này vẫn chưa được xác nhận nhưng các quan chức cho biết họ đã sống ở Israel từ lâu.

Nikolenko cho biết trong một tuyên bố hôm Chúa Nhật: “Đại sứ quán Ukraine đã nhận được xác nhận từ cảnh sát Israel về cái chết của hai công dân Ukraine. Các biện pháp đang được thực hiện để tổ chức hồi hương thi thể những người đã khuất. Hiện tại không có thông tin về sự hiện diện của công dân Ukraine trong số những người bị thương hoặc mất tích. “

Theo Bộ Ngoại giao Ukraine, có một cộng đồng người Ukraine nước ngoài đáng kể ở Israel, ước tính khoảng 500.000 người.

Một con số “đáng kể” các công dân Israel, bao gồm cả binh lính Do Thái, và người nước ngoài đã bị quân Hamas bắt làm tù binh và có lẽ đã bị giải về Gaza. Nikolenko nói “Chúng tôi không có thông tin nào về những người Ukraine bị bắt làm con tin. Hy vọng là không có ai”
 
Một ngày đen tối của Nga. Nỗ lực bắt sống lính Nga ở nhà máy điện hạt nhân. Israel thất bại tình báo
VietCatholic Media
17:08 09/10/2023


1. Tướng Mỹ nhận định Ukraine đang thắng thế với các chiến thắng ở Crimea

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Ukraine 'Running Rings' Around Russia Amid Crimea Wins: Ex-General”, nghĩa là “Cựu Tướng nhận định rằng Ukraine chiếm ưu thế so với Nga trong bối cảnh các chiến thắng ở Crimea.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Theo một cựu chỉ huy của Quân đội Hoa Kỳ ở Âu Châu, quân đội đã suy yếu của Nga dường như không thể đối phó với nỗ lực tấn công đa mặt trận của Ukraine, khi các cuộc tấn công đa dạng của Kyiv đang tàn phá quân đội Nga ở miền nam Ukraine, Crimea và thậm chí cả biên giới Nga.

Trung tướng về hưu Ben Hodges nói với Newsweek trong một cuộc phỏng vấn rằng “Bộ Tổng tham mưu Ukraine đang trên cơ Bộ Tổng tham mưu Nga” khi cả hai bên đều tìm cách chiếm ưu thế trước khi tình trạng bùn lầy và băng giá của mùa thu và mùa đông ập đến.

Những tháng gần đây đã chứng kiến sự gia tăng các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái nhỏ trên khắp miền Tây nước Nga, một số thậm chí còn tấn công Mạc Tư Khoa và gây thiệt hại ở thủ đô. Trong khi đó, các cuộc tấn công lớn vào Crimea bị tạm chiếm đã trở nên phổ biến, khi thuyền không người lái của hải quân và hỏa tiễn hành trình tiên tiến nhắm vào các cơ sở hải quân và các hệ thống phòng thủ quan trọng.

Trong suốt thời gian đó, quân đội Ukraine ở đông nam Ukraine vẫn tiếp tục đẩy mạnh cuộc phản công đã được tiến hành từ đầu tháng 6. Lực lượng bộ binh của Kyiv vẫn chưa chọc thủng được lỗ hổng quyết định trong tuyến phòng thủ của Nga khi họ tìm cách đánh sập cái gọi là “hành lang trên bộ” của vùng lãnh thổ bị tạm chiếm nối Crimea với miền Tây nước Nga.

Sự thành công hay thất bại của chiến dịch có thể mang tính quyết định trong việc định hình cuộc chiến, với những nhà quan sát hoài nghi hơn cho rằng tiến triển chậm chạp của cuộc tấn công là tín hiệu cho thấy xung đột đang kết thúc, có lẽ cần phải có các cuộc đàm phán hòa bình mới với Điện Cẩm Linh.

Ít nhất ở Crimea và Hắc Hải, Kyiv đang phấn chấn vì những thành công liên tiếp. Lực lượng biệt kích Ukraine đã tấn công bán đảo và tấn công quân đội cũng như các cơ sở của Nga ở đó, trong khi các lực lượng khác của Ukraine tìm kiếm và phá hủy các cơ sở radar và phòng không có giá trị bảo vệ những viên ngọc chiến lược của Crimea.

Trong số đó có Sevastopol, nơi đóng quân của Hạm đội Hắc Hải đang bị bao vây và là điểm mấu chốt quyền lực của Nga trên bán đảo. Trong những tuần qua, Ukraine – quốc gia không có lực lượng hải quân thông thường và chỉ có một lực lượng không quân rất hạn chế – đã gây thiệt hại nặng nề thêm cho hai tàu Nga, trong đó có một tàu ngầm lớp Kilo, và phá hủy trụ sở Hạm đội Hắc Hải.

Các hình ảnh vệ tinh gần đây cho thấy phần lớn hạm đội và các tàu chở hỏa tiễn hành trình Kalibr quý giá của Mạc Tư Khoa đã di dời khỏi Sevastopol. Đây là sự thừa nhận rõ ràng rằng Crimea bị Nga tạm chiếm – đôi khi được gọi là “Hàng Không Mẫu Hạm” của Mạc Tư Khoa ở Hắc Hải – không ghê gớm như người ta từng nghĩ.

“Điều đó vẫn chưa được xác nhận, nhưng nếu Hạm đội Hắc Hải phải rời Sevastopol ngay bây giờ vì họ nhận ra rằng họ rất dễ bị tấn công bởi vũ khí chính xác tầm xa đến mức không thể ở lại đó, thì điều này thực sự gây ấn tượng,” Tướng Hodges nói. Ông được đánh giá là một người luôn ủng hộ việc Ukraine giải phóng Crimea bất chấp sự hoài nghi của phương Tây.

“Điều đó cũng cho thấy lợi ích của việc sở hữu vũ khí chính xác tầm xa có thể tấn công các cơ sở ở Sevastopol, căn cứ không quân ở Saki, trung tâm hậu cần ở Dzhankoy.”

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga qua email để yêu cầu bình luận.

Mạc Tư Khoa cũng có những vấn đề trong phạm vi biên giới được quốc tế công nhận của mình. Tướng Hodges nói: “Bạn có những chiếc máy bay không người lái này đã tấn công các mục tiêu trên khắp nước Nga. Mỗi điều như thế đều khiến các phi trường thương mại của Nga phải ngừng hoạt động, gây ảnh hưởng đến kinh tế cũng như tâm lý.”

“Và sau đó chúng ta đọc về các cuộc tấn công mạng đang làm đóng cửa các phi trường trên khắp nước Nga. Những gì bạn thấy là áp lực rất lớn đối với Bộ Tổng tham mưu Nga và các hệ thống phòng không của họ”.

Crimea dường như là mục tiêu chiến lược cuối cùng của Kyiv. Tổng thống Volodymyr Zelenskiy đã tuyên bố rằng chiến tranh sẽ kết thúc ở Crimea, nơi mà nó bắt đầu với sự xuất hiện của “những người đàn ông trong đồng phục xanh nhỏ bé” của Mạc Tư Khoa vào năm 2014.

Các đối tác phương Tây đã bày tỏ sự nghi ngờ trước những thách thức chiến thuật do việc giải phóng Crimea đặt ra. Một số người thậm chí còn cảnh báo rằng một cuộc tấn công của Ukraine vào bán đảo có thể thúc đẩy sự leo thang hạt nhân của Nga do tầm quan trọng của nó trong việc tạo ra huyền thoại về chủ nghĩa sa hoàng mới của Tổng thống Vladimir Putin.

Nhưng Kyiv tỏ ra không hề nao núng. Mykhailo Podolyak – cố vấn cho nhà lãnh đạo văn phòng của Zelenskiy – đã viết trên mạng xã hội vào tháng trước: “Không có 'lãnh thổ mới của Nga' hay 'lãnh thổ bị sáp nhập' và không có cơ hội để Nga có thể giữ quyền kiểm soát chúng”.. “Chỉ có lãnh thổ của Ukraine, bao gồm cả Crimea.”

Tướng Hodges từ lâu đã thúc đẩy các đối tác phương Tây – đặc biệt là Tòa Bạch Ốc – cam kết rõ ràng về việc giải phóng Crimea. Ông nói: “Một phần của vấn đề là mọi người không thể tưởng tượng được rằng Nga thực sự có thể mất Crimea”.

“Nếu cầm bản đồ lên và nhìn vào, bạn sẽ thấy ngay tại sao Crimea lại là địa hình quyết định của cuộc chiến. Ukraine sẽ không bao giờ có thể xây dựng lại nền kinh tế của mình chừng nào Nga còn chiếm Crimea, bởi vì tất cả các cảng của họ trên Hắc Hải sẽ bị phong tỏa hoặc dễ dàng bị gián đoạn. Đó là điều không thể chấp nhận được đối với người Ukraine.”

“Họ không cố gắng đẩy lùi toàn bộ chiến tuyến. Họ không cần phải làm vậy. Một khi Crimea được giải phóng, người Nga không còn quan tâm đến Donbas ngoại trừ phần 'cầu đất liền'. Họ đã không làm được gì trong 10 năm để cải thiện dù chỉ một trang trại ở cái nơi chết tiệt đó.”

Nhiều cuộc tấn công nghiêm trọng nhất của Ukraine kể từ giữa tháng 6, bao gồm cả những cuộc đuổi Hạm đội Hắc Hải ra khỏi Sevastopol, đều dựa vào công nghệ nước ngoài. Đặc biệt, hỏa tiễn hành trình Storm Shadow/SCALP của Anh và Pháp đã chứng tỏ là một thách thức nghiêm trọng đối với người Nga.

Kyiv sẽ cần công nghệ phương Tây tiên tiến hơn để theo kịp nhịp độ tấn công của mình. Tuy nhiên, những diễn biến chính trị gần đây ở Mỹ và Liên minh Âu Châu làm tăng nguy cơ nguồn vốn và vũ khí có thể cạn kiệt nếu chiến tranh tiếp tục. Phần lớn sẽ xoay quanh cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào năm tới và khả năng của các quốc gia Liên Hiệp Âu Châu trong việc thúc đẩy các ngành công nghiệp quân sự có vẻ yếu ớt khi đối mặt với xung đột toàn diện.

“Tôi cố gắng tập trung vào khả năng thay vì các nền tảng cụ thể, bởi vì nếu bạn nói về các nền tảng cụ thể, bạn có thể đưa ra đủ loại lý do,” Tướng Hodges nói khi đề cập đến việc tiếp tục từ chối cung cấp Hệ thống hỏa tiễn chiến thuật lục quân MGM-140 và hỏa tiễn hành trình Taurus.

Tướng Hodges nói: “Tôi không quan tâm đến những lý do phản đối, vấn đề là nếu người Ukraine có khả năng chính xác tầm xa, họ có thể tấn công mọi tuyến hậu cần, bảo trì, tiếp nhiên liệu, đạn dược ở Sevastopol”. “Đó là những gì người Ukraine đang làm với sự kết hợp giữa máy bay không người lái và giờ là Storm Shadow. Tất nhiên, bạn cần rất nhiều thứ này.”

“Bất cứ khi nào tôi nghe ai đó từ Ngũ Giác Đài nói: 'Người Ukraine không cần những thứ đó, chúng không phải là một phần của cuộc tấn công', đây là những người không biết họ đang nói về điều gì. Họ không hiểu người Ukraine đang cố gắng làm gì. Họ đang suy nghĩ rất thiển cận. Điều đó thật đáng kinh ngạc đối với tôi.”

2. Cựu Tư lệnh NATO cho rằng tình báo Israel và Hoa Kỳ đã thất bại dẫn đến cuộc tấn công có tầm vóc của sự kiện 11/9.

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Hamas Attack on Israel 'Truly a 9/11 Level Event': Former NATO Commander”, nghĩa là “Cựu Tư lệnh NATO cho rằng cuộc tấn công của Hamas vào Israel 'thực sự là một sự kiện cấp 11/9'“.

James Stavridis, cựu lãnh đạo cao cấp của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, gọi tắt là NATO, đã so sánh cuộc tấn công gần đây của Hamas ở Israel với một “sự kiện cấp độ 11/9”, đồng thời coi tình hình này là một thất bại lớn về mặt tình báo.

Hôm thứ Bảy, nhóm chiến binh Palestine Hamas đã phát động một cuộc tấn công bất ngờ chống lại Israel, với các tay súng xâm nhập vào biên giới quốc gia và hàng chục quả hỏa tiễn được phóng vào nước này. Thông tấn xã AP đưa tin cho đến nay, cuộc tấn công đã khiến khoảng 40 người thương vong và con số này dự kiến sẽ tăng lên khi tình hình tiếp diễn. Đáp lại, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết trong một tuyên bố rằng nước này đang có chiến tranh với Hamas.

Ông nói: “Chúng ta đang có chiến tranh, không phải một hoạt động, không phải leo thang, đó là một cuộc chiến tranh”.

Stavridis là cựu đô đốc Hải quân Hoa Kỳ, người nổi tiếng từng giữ chức vụ Tư lệnh Đồng minh Tối cao cho các hoạt động ở Âu Châu của NATO từ năm 2009 đến năm 2013, trong thời gian đó, ông đã có nhiều tương tác với các quan chức Israel. Hiện ông làm nhà phân tích cho một số cơ quan báo chí, phát biểu về nhiều chủ đề quốc phòng toàn cầu khác nhau. Vào thứ bảy, anh ta xuất hiện trên chương trình The Katie Phang Show của MSNBC để thảo luận về tình hình đang phát triển ở Israel.

“Trước hết, đó là một thất bại tình báo…Tôi bị sốc khi thấy điều này từ phía người Israel, những người có một trong những cơ quan tình báo được ca ngợi nhất trên thế giới, một cách xứng đáng,” Stavridis nói. “Khi tôi còn là chỉ huy Bộ chỉ huy Mỹ-Âu Châu, Israel là một phần trách nhiệm của tôi, giữa quân đội với quân đội, vì vậy tôi biết rất rõ về Israel...Điều này thực sự gợi nhớ đến Chiến tranh Yom Kippur 50 năm trước, gần như chính xác, khi một lần nữa người Israel lại bị sốc vì cuộc chiến đó.”

Ông nói tiếp: “Vì vậy, điểm thứ nhất, sự thất bại về mặt tình báo, phải phân tích vấn đề đó một cách rất nghiêm chỉnh. Cũng phải hỏi: tình báo Mỹ ở đâu về chuyện này? Tôi nghĩ bạn sẽ sớm được nghe nhiều hơn về cả hai mặt trận đó.”

Stavridis cũng so sánh với vụ tấn công khủng bố 11/9 ở thành phố New York xảy ra cách đây 22 năm, gọi cuộc tấn công gần đây nhất này của Hamas ở Israel là có thể so sánh được về quy mô, khi tính đến sự khác biệt về dân số chỉ dưới 10 triệu người. Năm 2001, khi vụ tấn công 11/9 cướp đi sinh mạng của hơn 3.000 người, trong tổng dân số Mỹ lúc đó là khoảng 285 triệu người.

Stavridis nói: “Đối với chúng tôi, những người Mỹ, theo một cách nào đó, những con số này nghe có vẻ nhỏ bé, chẳng hạn như 20 người thiệt mạng hoặc 40 người thiệt mạng”. “Tôi muốn người nghe thừa nhận rằng chỉ có 7 triệu người Do Thái ở quốc gia Israel, vì vậy, trên cơ sở tỷ lệ dân số, khi 20 người Israel bị giết hoặc 20 con tin bị bắt, thì tương đương với 1.000 người Mỹ. Vì vậy, nếu chúng ta có 60 người Israel thiệt mạng, chúng ta đang xem xét một sự kiện thực sự ở cấp độ 11/9 và tôi nghĩ con số đó sẽ cao hơn 60.”

Newsweek đã liên hệ với các chuyên gia quốc phòng nước ngoài qua email để bình luận.

Để đối phó với cuộc tấn công, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cam kết hỗ trợ để bảo đảm Israel “có những gì cần thiết để tự vệ”.

Ông nói trong một tuyên bố: “Trong những ngày tới, Bộ Quốc phòng sẽ làm việc để bảo đảm rằng Israel có những gì cần thiết để tự vệ và bảo vệ dân thường khỏi bạo lực bừa bãi và khủng bố”.

Trả lời câu hỏi từ Newsweek, Rajan Menon, chuyên gia về xung đột toàn cầu của Defense Priorities, đã nhấn mạnh mức độ nghiêm trọng của cuộc tấn công và sự không chắc chắn về tương lai.

“ Đây là cuộc tấn công nghiêm trọng nhất mà Israel phải đối mặt bên trong biên giới của mình kể từ năm 1948 và IDF, Shin Bet và Mossad chắc chắn sẽ bị giám sát chặt chẽ vì đã bị che mắt”. “Thêm vào đó, các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ chống lại liên minh của Netanyahu sẽ bị gạt sang một bên - ít nhất là trong một thời gian. Nhưng khi tiếng súng ngừng bắn, chúng ta sẽ còn lại một câu hỏi lớn hơn: Nếu giải pháp một nhà nước không khả thi vì người Israel thiếu sự ủng hộ, thì giải pháp hai nhà nước giờ đây chỉ là ảo ảnh khi xét đến số lượng và địa điểm của các khu định cư Do Thái trên Bờ Tây, điều đó để lại gì cho tương lai ngoài những chu kỳ bạo lực tái diễn?”

3. Giám đốc tình báo Ukraine xác nhận ba nỗ lực bắt sống người Nga để giải phóng nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia

Nhà lãnh đạo Tổng cục Tình báo, gọi tắt là GUR, Kyrylo Budanov, xác nhận rằng các đội hoạt động đặc biệt của Tổng cục đã ba lần cố gắng đổ bộ vào tả ngạn sông Dnipro nhằm tạo đầu cầu giải phóng Enerhodar bị tạm chiếm và nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. Ông cho biết như trên trong cuộc phỏng vấn với radio New Voice Of Ukraine, gọi tắt là NV.

Năm ngoái, vào tháng 8, binh lính GUR đã vượt qua Hồ chứa nước Kakhovka lúc đó vẫn còn đầy nước ở khu vực Enerhodar. Mục tiêu của họ là tạo ra một đầu cầu ở tả ngạn phù hợp cho việc giải phóng thành phố hơn nữa. Volodymyr, một người tham gia hoạt động đó, trước đó đã nói với NV về hoạt động đó với điều kiện giấu tên.

Vào thời điểm đó, người Nga đã tìm cách kết nối nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia với mạng lưới năng lượng của họ, điều này sẽ giúp Nga đánh cắp được nguồn điện của Ukraine.

Các chiến binh đổ bộ gần Enerhodar, nhưng không đạt được mục tiêu. Theo Volodymyr, họ thiếu pháo binh yểm trợ. Dưới áp lực của lực lượng xâm lược vượt trội, quân Ukraine đã rút lui. Trước khi thực hiện nỗ lực đó, các đơn vị tình báo quốc phòng không có kinh nghiệm thực hiện các hoạt động như vậy.

Nhưng, Tướng Budanov và người của ông không từ bỏ ý định giải phóng Enerhodar và nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. Lực lượng GUR đã cố gắng đổ bộ vào tả ngạn Dnipro hai lần nữa. Hàng trăm người đã tham gia vào nỗ lực mới nhất này.

“Nhưng khi GUR có được kinh nghiệm trong các hoạt động đổ bộ, người Nga trong khu vực ngày càng chuẩn bị kỹ càng hơn. Và vào thời điểm diễn ra chiến dịch đổ bộ thứ ba, họ đã triển khai các khí tài quân sự hạng nặng, bao gồm cả xe tăng, tới tận bờ sông”

Vì vậy, các chiến binh GUR không giành được chỗ đứng nữa, buộc phải rút lui. Budanov thừa nhận rằng sự thành công của ba cuộc hành quân bị cản trở bởi những thiếu sót trong cả chỉ huy và điều hành. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo cơ quan tình báo nhấn mạnh, người Nga không dám kết nối nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia với hệ thống năng lượng của họ.

“Ngoài ra, các hoạt động này còn đóng một vai trò khác: nó cung cấp các kỹ năng thực tế cho mọi người – từ ban chỉ huy đến các chiến binh – cách hoạt động trên mặt nước. Kinh nghiệm này đã được áp dụng rất tốt và được sử dụng sau này. Ví dụ như trong cuộc đổ bộ ở Crimea”, Budanov lưu ý.

Tướng Budanov cho biết khó khăn là làm sao bắt sống được bọn chỉ huy Nga và lính canh. 822 nhân viên nhà máy điện hạt nhân Ukraine vẫn ở bên trong nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. Quân xâm lược sử dụng họ như con tin. Cả nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia cũng là con tin cho quân Nga. Nếu có gì bất trắc, chúng sẽ bắn chết các con tin hay làm nổ tung nhà máy.

4. Nga vừa trải qua một ngày vô cùng đen tối với 21 xe tăng, 17 hệ thống pháo bị phá hủy trong 24 giờ

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia Loses 21 Tanks, 17 Artillery Systems in a Day: Ukraine”, nghĩa là “Ukraine cho biết Nga mất 21 xe tăng, 17 hệ thống pháo binh trong một ngày.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Theo thông tin cập nhật từ Bộ Tổng tham mưu Lực lượng Vũ trang Ukraine, Nga đã mất 21 xe tăng và 17 hệ thống pháo binh chỉ trong một ngày.

Bộ Tổng tham mưu cho biết ngày 8/10 rằng lực lượng Nga cũng đã mất 580 nhân sự và 38 xe chuyển quân và nhiên liệu trong cuộc giao tranh mới nhất.

Theo Bộ Tổng tham mưu, quân đội Nga đã mất tổng cộng 4.821 xe tăng, 6.705 hệ thống pháo binh, 282.280 quân nhân cũng như 9.111 xe chuyển quân và nhiên liệu kể từ khi xung đột bắt đầu.

Phát ngôn nhân Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine, Chuẩn tướng Oleksiy Hromov cũng tuyên bố Nga mất 9.123 xe thiết giáp, 315 máy bay, 316 máy bay trực thăng cũng như 20 tàu chiến và thuyền đã bị phá hủy kể từ khi Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động cuộc xâm lược vào tháng 2 năm 2022.

Newsweek chưa thể xác minh độc lập số liệu của Ukraine và ước tính thương vong trong chiến tranh rất khác nhau.

Nga hiếm khi công bố số liệu về tổn thất quân đội của mình và khi công bố, chúng thấp hơn đáng kể so với con số mà Ukraine chia sẻ.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga để yêu cầu bình luận qua email.

Cả Ukraine và Nga đều chịu tổn thất đáng kể kể từ khi chiến tranh bùng nổ khi hai bên đều nhằm mục đích bảo đảm các mục tiêu quân sự của mình.

Trung tướng về hưu Ben Hodges trước đây đã nói với Newsweek rằng Ukraine có lợi thế trong cuộc phản công và đang tàn phá quân đội Nga ở bán đảo Crimea bị tạm chiếm.

Tướng Hodges, người ủng hộ việc Ukraine giải phóng Crimea bất chấp một số hoài nghi của phương Tây, trước đó đã nói với Newsweek:

“Nếu Hạm đội Hắc Hải phải rời Sevastopol ngay bây giờ vì họ nhận ra rằng họ rất dễ bị tấn công bởi vũ khí chính xác tầm xa đến mức không thể ở lại đó, thì điều này thực sự gây ấn tượng. Điều đó cũng cho thấy lợi ích của việc sở hữu vũ khí chính xác tầm xa có thể tấn công các cơ sở ở Sevastopol, căn cứ không quân ở Saki, trung tâm hậu cần ở Dzhankoy.”

Chiến tranh đã dẫn đến việc tăng cường sử dụng máy bay không người lái trong các cuộc tấn công khắp miền Tây nước Nga và một số đã tới được thủ đô Mạc Tư Khoa.

Các cuộc tấn công lớn ở Crimea hiện đã trở nên phổ biến khi Ukraine nhắm vào các cơ sở phòng thủ và hải quân.

Nhưng Nga đã cố gắng giữ quyền kiểm soát hành lang đất liền nối Crimea với các vùng lãnh thổ bị sáp nhập khác mà Ukraine cho biết họ sẽ chiến đấu để giải phóng.

Hơn bốn tháng trước, Ukraine đã phát động một cuộc phản công với mục đích chiếm lại lãnh thổ bị Nga tạm chiếm, nhưng Kyiv và các nước ủng hộ phương Tây cho biết tiến độ diễn ra chậm hơn dự kiến.

Viện Nghiên cứu Chiến tranh cho biết, trong cuộc giao tranh mới nhất, lực lượng Ukraine đã tiến hành các hành động tấn công rất “thành công” gần Andriivka

5. Zelenskiyy đến thăm Rumani trong bối cảnh các cuộc tấn công biên giới đang diễn ra của Nga

Ký giả PIERRE NGENDAKUMANA của tờ Politico có trụ sở ở Washington DC có bài tường trình nhan đề “Zelenskyy to visit Romania amid Russia’s ongoing border attacks”, nghĩa là “Zelenskiyy đến thăm Rumani trong bối cảnh các cuộc tấn công biên giới đang diễn ra của Nga”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Phượng.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiyy sẽ thăm Rumani vào tuần tới lần đầu tiên kể từ khi Nga bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine.

Theo hãng truyền thông Rumani Digi24, Tổng thống Ukraine sẽ gặp Tổng thống Rumani Klaus Iohannis cũng như các quan chức cao cấp khác ở nước này.

Nga đã tấn công các cảng sông Danube của Ukraine trong nhiều tháng ở biên giới với Rumani. Các mảnh vỡ từ máy bay không người lái của Mạc Tư Khoa được tìm thấy trên đất Rumani sau một cuộc tấn công chớp nhoáng của lực lượng Điện Cẩm Linh.

Chuyến thăm tới Rumani lần đầu tiên được Thủ tướng Ukraine Denis Shmyhal công bố trong một cuộc phỏng vấn độc quyền mà ông dành cho cùng thông tấn xã này vào tháng 8 nhưng không tiết lộ ngày chính xác của chuyến thăm.

Rumani là nước ủng hộ nhiệt thành cho Ukraine trong việc chống lại sự xâm lược của Nga.

Hơn một nửa hàng xuất khẩu của Ukraine sử dụng các làn đường đoàn kết của Liên Hiệp Âu Châu - các hành lang được thiết lập để tạo thuận lợi cho việc vận chuyển bằng đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa - đi qua Rumani.

Trong những ngày đầu xâm lược của Putin, Rumani đã ghi nhận sự gia tăng số lượng các cuộc tấn công mạng nhằm vào cơ sở hạ tầng của nước này và chính quyền Bucharest phát hiện ra rằng phần lớn địa chỉ IP nơi các cuộc tấn công bắt nguồn đều có trụ sở tại Nga.

Trong những tuần đầu tiên của cuộc xâm lược do Putin gây ra, Rumani đã cho phép các phi công của Không Quân Ukraine bay vào không phận của mình và tá túc ở các phi trường để bảo tồn các chiến đấu cơ của họ.

6. Hội đồng Duma của Nga thảo luận về Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện

Sau khi Điện Cẩm Linh tuần trước cho biết Nga có thể xem xét việc hủy bỏ phê chuẩn Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện, gọi tắt là CBCT, hội đồng Duma của Nga đã họp vào hôm Thứ Hai mùng 9 tháng 10 để thảo luận về vấn đề này.

Tuần trước, Mạc Tư Khoa ra hiệu rằng họ có thể thu hồi hiệp ước - và lưu ý rằng Mỹ đã ký hiệp ước nhưng chưa phê chuẩn - làm dấy lên lo ngại rằng Mạc Tư Khoa có thể tiếp tục các vụ thử hạt nhân.

Mỹ cho biết, bằng cách hủy bỏ phê chuẩn, Mạc Tư Khoa muốn tăng áp lực lên Washington và các đồng minh để ngừng cung cấp vũ khí và viện trợ cho Ukraine.

CTBT đã được 187 quốc gia ký kết và được 178 quốc gia phê chuẩn nhưng nó không thể có hiệu lực cho đến khi có 8 quốc gia nắm giữ cụ thể đã ký và phê chuẩn. Trung Quốc, Ai Cập, Iran và Israel đã ký nhưng chưa phê chuẩn. Bắc Triều Tiên, Ấn Độ và Pakistan chưa ký.

Mặc dù Mỹ đã ký nhưng không phê chuẩn hiệp ước, nhưng Hoa Kỳ đã tuân giữ lệnh cấm thử nghiệm vũ khí hạt nhân kể từ năm 1992 và nói rằng họ không có kế hoạch từ bỏ.

Hôm thứ Năm, Vladimir Putin đã đưa ra khả năng nối lại thử nghiệm hạt nhân, làm dấy lên lo ngại về một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân mới giữa Nga, Mỹ và Trung Quốc.

7. Hội đồng các quốc hội NATO họp ở Copenhagen.

Hội đồng các quốc hội NATO đã họp ở Copenhagen vào hôm Thứ Hai mùng 9 tháng 10. Chủ đề Ukraine đã chiếm vị trí cao trong chương trình nghị sự, với phiên họp do Volodymyr Zelenskiy trình bày. Cùng với tổng thống Ukraine, chủ tịch quốc hội Ukraine, Ruslan Stefanchuk, đã phát biểu và vấn đề này cũng sẽ được phát biểu bởi Mette Frederiksen, thủ tướng Đan Mạch.

Volodymyr Zelenskiy đã kêu gọi tại hội đồng quốc hội Nato các nỗ lực để luật pháp quốc tế được đề cao, tình đoàn kết và nỗ lực chung nhằmđối phó với chủ nghĩa khủng bố, so sánh cuộc tấn công khủng bố vào Israel với các chiến thuật tương tự mà Nga sử dụng, mà ông nói là “ nhà nước khủng bố”.

Phát biểu qua liên kết video, ông cho biết thế giới có thể thống nhất về một loạt định nghĩa về khủng bố, nói rằng rõ ràng là: “Đừng cưỡng hiếp phụ nữ. Đừng giết. Đừng coi trẻ em là chiến lợi phẩm. Đừng đổ máu vào làng mạc và thị trấn. Đừng bắn thường dân trên xe hơi, những điều như thế lẽ ra phải là cơ sở.”

Ông nói rằng Hamas và Nga đã sử dụng chiến thuật tương tự, và các nhà báo Israel từng đến Ukraine và chứng kiến hậu quả của hành động tàn bạo ở đó giờ cũng chứng kiến điều tương tự xảy ra ở quê nhà của họ.

Zelenskiy nói: “Đây không phải là lúc rút lui khỏi trường quốc tế để lao vào tranh chấp nội bộ. Đây không phải là lúc để giữ im lặng”, đồng thời nói thêm rằng mọi người không nên giả vờ rằng khủng bố ở một lục địa sẽ không ảnh hưởng đến phần còn lại của thế giới.

Tổng thống Ukraine liên kết Iran với cuộc xâm lược Ukraine và cuộc tấn công vào Israel, nói rằng Iran “không thể nói rằng họ không liên quan gì đến những gì đang diễn ra ở Ukraine” nếu họ bán máy bay không người lái Shahed cho Nga. Cũng thế, họ không thể tuyên bố “không liên quan đến những gì đang diễn ra ở Israel nếu các quan chức của nước này tuyên bố ủng hộ Hamas.”

8. Mette Frederiksen, thủ tướng Đan Mạch, đã đưa ra lời kêu gọi phương Tây đừng “mệt mỏi vì chiến tranh” ở Ukraine.

Phát biểu tại phiên họp quốc hội NATO ở Copenhagen, cô nói: “Những người đàn ông và phụ nữ Ukraine dũng cảm đang chiến đấu trên chiến trường. Họ là gương mặt của cái đúng chống lại cái sai, cái thiện chống lại cái ác. Cuộc xâm lược này là mối đe dọa đối với các ý tưởng mà liên minh của chúng ta được xây dựng trên – đó là tự do, dân chủ, pháp quyền.”

Cô nói tiếp “Chúng ta phải sát cánh cùng Ukraine cho đến tận cùng cay đắng. Không ai trong chúng ta có thể tuyên bố mệt mỏi vì chiến tranh trong khi Ukraine vẫn tiếp tục cuộc chiến không mệt mỏi. Chúng ta phải quyết định rằng sự mệt mỏi vì chiến tranh sẽ không diễn ra trong cộng đồng xuyên Đại Tây Dương của chúng ta.”

Trong bài phát biểu của mình, Frederiksen cho rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tính toán sai lầm khi cho rằng những lời ủng hộ của NATO đối với Ukraine sẽ “chỉ là lời nói gió thoảng mây bay”.

Thay vào đó, cô nói: “Các binh sĩ Ukraine đang chiến đấu bằng vũ khí, xe tăng, hỏa tiễn của chúng ta và chẳng bao lâu nữa Ukraine cũng sẽ sử dụng máy bay F-16 của chúng ta”.

Frederiksen cũng kêu gọi đại diện của các quốc gia NATO khác mở rộng liên minh cung cấp chiến binh và đào tạo phi công cần thiết.

9. Bản tin tình báo của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh

Trong bản tin tình báo mới nhất, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh đã đưa ra các nhận định về quan hệ đối tác giữa Nga và Iran trong bối cảnh Hamas tấn công vào Israel. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Phương Thảo.

Quan hệ đối tác của Nga với Iran đã được tăng cường trong những năm gần đây, gần như chắc chắn được tăng tốc sau cuộc xâm lược Ukraine của Nga.

Sự cô lập quốc tế đã buộc Nga phải chuyển hướng các nỗ lực chính sách đối ngoại của mình sang các mối quan hệ đối tác ít được mong muốn trước đây để giành được sự hỗ trợ về ngoại giao, kinh tế và quân sự.

Viện trợ quân sự của Iran cho chiến dịch của Nga ở Ukraine bao gồm hàng trăm phương tiện không người lái tấn công một chiều và đạn pháo. Các máy bay không người lái tấn công một chiều của Iran là thành phần cốt lõi trong chiến dịch tấn công tầm xa của Nga vào Ukraine.

Thỏa thuận này hiện đã được mở rộng để bao gồm việc lắp ráp và sản xuất các máy bay không người lái này, theo giấy phép, tại một cơ sở ở Nga.

Quan hệ ngoại giao và kinh tế Nga-Iran cũng được tăng cường.

Sự tham gia của Nga với Iran thông qua các diễn đàn đa quốc gia gần như chắc chắn sẽ tăng lên sau khi Iran gần đây được gia nhập Tổ chức Hợp tác Thượng Hải và nhận được lời mời tham gia diễn đàn kinh tế BRICS.

Iran gần đây tuyên bố rằng Nga đã đầu tư 2,76 tỷ Mỹ Kim vào Iran trong năm tài khóa 2022-2023. Mối quan hệ kinh tế rất có thể sẽ sâu sắc hơn khi Nga tìm cách giảm nhẹ ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt.
 
ĐGH có đồng ý chúc lành kết hiệp đồng giới không? Bắt được kẻ phá nhà thờ thiệt hại cả trăm ngàn USD
VietCatholic Media
17:14 09/10/2023


1. Người đàn ông Madawaska bị buộc tội phá hoại nhà thờ Công Giáo gây ra thiệt hại hàng trăm ngàn đô la

Một người đàn ông Madawaska đã bị bắt hôm thứ Hai vì bị cáo buộc gây thiệt hại hàng trăm ngàn đô la tại Nhà thờ Công Giáo St. Thomas Aquinas.

Cảnh sát cho biết Randy Lavoie, 47 tuổi, hiện đang ở Nhà tù Quận Aroostook ở Houlton, chờ ra hầu tòa về tội trộm cắp và tội ác nghiêm trọng.

Cảnh sát đã phản hồi vào khoảng 3 giờ sáng thứ Hai 2 Tháng Mười sau khi nhận được báo cáo về hoạt động đáng ngờ tại nhà thờ, Cảnh sát trưởng Madawaska Jamie Pelletier cho biết.

Pelletier cho biết cảnh sát đã tìm thấy Lavoie ở đó và giam giữ anh ta trong khi điều tra, sau đó chính thức bắt giữ anh ta.

Cả hai tội danh đều là trọng tội loại C, có thể bị phạt tới 5 năm tù và phạt tiền 5.000 Mỹ Kim.

Theo Pelletier, các viên chức của Giáo hội nói với cảnh sát rằng thiệt hại ước tính lên tới hàng trăm nghìn đô la.

Mặc dù không thể nói về thiệt hại vì cuộc điều tra đang diễn ra, nhưng Linh mục Kent Ouellette, cha sở của St. Thomas, cho biết cộng đồng giáo xứ đã hỗ trợ lẫn nhau trong lời cầu nguyện.

Ngài nói: “Chúng ta phải đối mặt với những thách thức. Chúng ta cầu nguyện cho những người liên quan. Chúng ta cầu xin lòng thương xót, sự tha thứ và sự chữa lành của Chúa, và đó là tất cả những gì chúng ta có thể làm với tư cách là những người có đức tin.”


Source:Catholic News Agency

2. Thượng phụ Giêrusalem kêu gọi “ngay lập tức xoa dịu căng thẳng. Đừng khơi dậy hận thù, hãy giữ nguyên hiện trạng thánh địa”

Sáng Thứ Bẩy, quân Hamas đã phóng 2.200 quả hỏa tiễn vào các lãnh thổ Israel khiến hơn 250 mất mạng ngay lập tức và khoảng 1.500 người bị thương.

Trước diễn biến này, Đức Hồng Y Pierbattista Pizzaballa, Thượng Phụ Giêrusalem đã đưa ra tuyên bố sau:

“Chúng tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế, các nhà lãnh đạo tôn giáo trong khu vực và trên thế giới, nỗ lực hết sức để giúp giảm leo thang, khôi phục bình tĩnh và nỗ lực bảo đảm các quyền cơ bản của người dân trong khu vực.

Tuyên bố đơn phương về tình trạng của các địa điểm tôn giáo và nơi thờ phượng làm lung lay tình cảm tôn giáo và thậm chí còn gây ra nhiều hận thù và chủ nghĩa cực đoan hơn. Do đó, điều quan trọng là phải bảo tồn Nguyên trạng tại tất cả các Thánh địa của Thánh địa và đặc biệt là ở Giêrusalem.

Vòng bạo lực đã giết chết nhiều người Palestine và Israel trong những tháng gần đây đã bùng nổ vào sáng nay, thứ Bảy, ngày 7 tháng 10 năm 2023.

Chúng tôi đã chứng kiến sự bùng nổ bạo lực bất ngờ, rất đáng lo ngại về quy mô và cường độ của nó. Chiến dịch được phát động từ Gaza và phản ứng của quân đội Israel đang đưa chúng ta quay trở lại thời kỳ tồi tệ nhất trong lịch sử gần đây của chúng ta. Quá nhiều nạn nhân và bi kịch mà cả người Palestine và các gia đình Israel phải đối mặt sẽ tạo ra thêm hận thù và chia rẽ, đồng thời sẽ ngày càng phá hủy mọi triển vọng ổn định.”

Đức Hồng Y Pierbattista Pizzaballa đặc biệt nhấn mạnh rằng “Sự đổ máu liên tục và những lời tuyên chiến nhắc nhở chúng ta một lần nữa về nhu cầu cấp thiết phải tìm ra một giải pháp lâu dài và toàn cầu cho cuộc xung đột Palestine-Israel ở vùng đất này, vốn được kêu gọi trở thành vùng đất công lý, hòa bình và hòa giải giữa các dân tộc”.

Ngài kết luận: “Chúng tôi cầu xin Thiên Chúa truyền cảm hứng cho các nhà lãnh đạo thế giới trong những can thiệp của họ nhằm thực hiện hòa bình và hòa hợp để Giêrusalem có thể trở thành nhà cầu nguyện cho mọi dân tộc”.

3. Đức Hồng Y Quân bày tỏ sự băn khoăn về chiến thuật và chương trình nghị sự của Thượng Hội đồng

Cảm nghĩ cho rằng có những lèo lái tại Thượng Hội Đồng được chia sẻ rộng rãi, đến mức Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân, giám mục danh dự của Hương Cảng, đã gửi một lá thư dài bày tỏ quan ngại và cáo buộc những người tổ chức là có kỹ năng trong “nghệ thuật thao túng”.

Đức Hồng Y Quân chỉ trích phương pháp luận của Thượng Hội đồng, nhấn mạnh rằng việc khởi xướng với các vòng tròn nhỏ hơn đặt ra những thách thức, vì đại hội đồng là nơi xuất hiện những tranh cãi quan trọng và cần được giải quyết. Thượng Hội đồng về Tính đồng nghị không nên tránh các cuộc thảo luận trung thực, đầy tinh thần, Đức Hồng Y Quân viết, vì cuộc đối thoại cởi mở, mạnh mẽ - giống như trong Công đồng Vatican II - là cần thiết để Chúa Thánh Thần thực sự hoạt động tại cuộc họp.

Cuối cùng, dubia mới nhất và bức thư của Đức Hồng Y Quân đã trở thành một phần cuộc sống của thượng hội đồng. Dưới thời Đức Thánh Cha Phanxicô, cuộc tụ họp đã chuyển từ sự kiện diễn ra một lần sang một quá trình liên tục. Bây giờ, thách thức đối với các giám mục là quyết định xem họ có nên thảo luận ý kiến của mình một cách công khai trong phòng họp hay không. Một số sẽ làm điều đó một cách tự do, mang lại ánh sáng cho một quá trình gây tranh cãi. Những người khác sẽ thích duy trì tính bảo mật tuyệt đối, khiến không thể hiểu được tâm trạng thực sự của thượng hội đồng.

Truyền thông đóng vai trò đặc biệt trong Thượng Hội đồng. Mặc dù có quy định giữ bí mật mọi việc, nhưng điều này có thể phản tác dụng đối với Tổng Thư ký của Thượng Hội đồng. Thượng hội đồng là về các cuộc thảo luận riêng tư, không phải bí mật - đó là một cuộc tụ họp dành cho tất cả mọi người, trong đó Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ làm rõ những gì ngài muốn thấy được thực hiện.


Source:Catholic News Agency
 
Thánh Ca
Thánh Vịnh 22
Lm. Thái Nguyên
06:42 09/10/2023
 
Chúa đã mời gọi
Lm. Thái Nguyên
06:43 09/10/2023