Ngày 08-10-2023
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 09/10: Ai là người thân cận của tôi – Lm. Vinh-sơn Nguyễn Văn Định, CS
Giáo Hội Năm Châu
02:27 08/10/2023


Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Luca

Khi ấy, có một người thông luật đúng dậy hỏi thử Chúa Giêsu rằng: "Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời?" Người nói với ông: "Trong Lề luật đã chép như thế nào? Ông đọc thấy gì trong đó?" Ông trả lời: "Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết sức và hết trí khôn ngươi, và hãy thương mến anh em như chính mình". Chúa Giêsu nói: "Ông trả lời đúng, hãy làm như vậy và ông sẽ được sống". Nhưng người đó muốn bào chữa mình, nên thưa cùng Chúa Giêsu rằng: "Nhưng ai là anh em của tôi?"

Chúa Giêsu nói tiếp: "Một người đi từ Giêrusalem xuống Giêricô, và rơi vào tay bọn cướp; chúng bóc lột người ấy, đánh nhừ tử rồi bỏ đi, để người ấy nửa sống nửa chết. Tình cờ một tư tế cũng đi qua đường đó, trông thấy nạn nhân, ông liền đi qua. Cũng vậy, một trợ tế khi đi đến đó, trông thấy nạn nhân, cũng đi qua. Nhưng một người xứ Samaria đi đường đến gần người ấy, trông thấy và động lòng thương. Người đó lại gần, băng bó những vết thương, xức dầu và rượu, rồi đỡ nạn nhân lên lừa của mình, đưa về quán trọ săn sóc. Hôm sau, lấy ra hai quan tiền, ông trao cho ông chủ quán mà bảo rằng: 'Ông hãy săn sóc người ấy, và ngoài ra còn tốn phí hơn bao nhiêu, khi trở về tôi sẽ trả lại ông'.

"Theo ông nghĩ, ai trong ba người đó là anh em của người bị rơi vào tay bọn cướp?" Người thông luật trả lời: "Kẻ đã tỏ lòng thương xót với người ấy". Và Chúa Giêsu bảo ông: "Ông cũng hãy đi và làm như vậy".

Đó là lời Chúa
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài. csjb.
06:18 08/10/2023

20. Mỗi khi tà dục xâm chiếm thì chúng ta lập tức nói: “Chúa giúp đỡ con, không để con phải xúc phạm.

(Thánh Hieronymus)
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài. csjb.
06:24 08/10/2023
69. LƯU ÔNG THÍCH RƯỢU

Ở địa phương nọ có Lưu Ông quý rượu như mạng sống.

Năm nọ, cùng với bạn bè ngồi thuyền qua sông, thuyền đang ở giữa giòng sông thì cuồng phong thổi đến, chiếc thuyền nhỏ bị thổi lắc qua lắc lại, những người trên thuyền đều kinh hãi không ngớt, chỉ có Lưu Ông tay ôm bầu rượu ngồi chắc chắn không nói một lời, và cũng bày tỏ sợ hãi.

Sau khi gió lặng thuyền êm và thuyền nhỏ qua bên kia bờ, bạn bè hỏi Lưu Ông sao lại không sợ hãi, Lưu Ông trả lời:

- “Sống chết là ở trong số mệnh, nếu bầu rượu đổ thì còn có gì có thể tiêu sầu vừa ý chứ?

(Cổ kim tiếu sử)

Suy tư 69:

Con người ta ai cũng có cái thích riêng của mình, nhưng không phải tất cả các cái thích đều tốt. Sóng to gió lớn, thuyền lắc lư muốn lật nhào mà không sợ, chỉ sợ bể mất bầu rượu, thì đúng là coi rượu hơn cả mạng sống của mình, cái thích này chắc chắn là không tốt.

Sống chết đúng là có số mệnh, nhưng số mệnh chết lúc nào thì ai mà biết được.

Người Ki-tô hữu tin rằng số mệnh sống chết ở trong tay Thiên Chúa, và giờ chết đến lúc nào thì đố ai mà biết được, cho nên họ tuy vui sống với mọi người nhưng vẫn chuẩn bị chờ ngày Thiên Chúa đến gọi; tuy họ vẫn sống và hăng say tham gia làm đẹp vũ trụ như bao người khác, nhưng họ vẫn luôn tích cực chuẩn bị cuộc sống mai sau trên thiên đàng với Thiên Chúa.

Coi rượu quý hơn mạng sống nhất định là người...có vấn đề, nhưng vì danh Thiên Chúa và vì đức tin của mình mà coi mạng sống nhẹ tựa hồng mao, đó là sự khôn ngoan của người Ki-tô hữu vậy.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài. csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


-------------

Http://www.vietcatholicnews.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Không thể trốn chạy
Lm. Minh Anh
15:15 08/10/2023

KHÔNG THỂ TRỐN CHẠY
“Hãy đi và làm như vậy!”.

Trong cuốn “Facing Loneliness”, “Đối Mặt Với Cô Đơn”, J. O. Sanders viết, “Vòng lẩn quẩn của các thú vui hoặc thu tích của cải đều là ‘những nỗ lực hoài hơi’ nhằm chạy trốn những nỗi đau dai dẳng! Triệu phú thường cô đơn hơn người nghèo; vua hài thường bất hạnh hơn khán giả! Bạn không thể trốn chạy cô đơn, nếu không biết yêu thương!”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Không thể trốn chạy cô đơn, nếu không biết yêu thương!”. Lời Chúa hôm nay chứng thực nhận định của J. O. Sanders! Đó là câu chuyện dài của một Giôna ‘vùng vằng’; đó còn là câu chuyện ngắn của một người Samaria ‘mủi lòng’. Điều thú vị ở đây, là dù vùng vằng hay mủi lòng, hai nhân vật này vẫn ‘không thể trốn chạy’ yêu thương!

Bài đọc thứ nhất mở đầu cho ‘chuyện dài nhiều tập’ của Giôna. Thoạt tiên, Chúa sai Giôna đi Ninivê, một thành thù nghịch của Ngài, “Hô cho dân thành biết rằng sự gian ác của chúng đã lên thấu tới Ta”. Giôna bất tuân lệnh Chúa, ông chạy trốn Ngài! Thay vì lên Ninivê, hướng đông; ông xuống tàu ngược qua Tarshish, hướng tây. Chúa không để yên, Ngài theo Giôna đến cùng! Người ta ném ông xuống biển; một con cá đã chực sẵn, nuốt ông. Cá nhả ông lên bờ, Chúa gọi ông lần hai. Cuối cùng, vì ‘không thể trốn chạy’ và cô đơn mãi, ông đến Ninivê, mang cho họ thông điệp sám hối. Họ ăn năn và được thứ tha.

Nếu Giôna trốn Thiên Chúa để khỏi yêu thương kẻ nghịch, thì người Samaria vô danh kia đã nghe ‘tiếng Trời’ qua lương tâm mà phục vụ kẻ thù. Ông cứu một người Do Thái sống dở, chết dở bên đường. Nếu Giôna là sứ giả ‘bất đắc dĩ’ cho Ninivê, người Samaria là sứ giả ‘tình nguyện’ cho kẻ thù. Câu chuyện của con người tốt lành này là câu trả lời của Chúa Giêsu cho chất vấn của một luật sĩ, “Ai là người thân cận của tôi?”. Và để kết thúc cuộc phỏng vấn, Chúa Giêsu nói với nhà thông luật, “Hãy đi và làm như vậy!”.

“Hãy đi và làm như vậy!”. Chúa Giêsu đã đi và làm như vậy! Và kìa, người Samaria, ‘một người lương’ đại diện cho Ngài; và nạn nhân, đại diện cho cả nhân loại, cho mỗi người chúng ta. Khi con người không thể tự cứu mình, đang trầy trụa, ghẻ lạnh vì tội lỗi; Chúa Giêsu đã rời trời, xuống thế, lưu lại để cứu chúng ta. Chúng ta ‘sống dở, chết dở’ hay đã ‘chết một nửa!’. Ngoài cái chết thể chất, chúng ta có thể ‘chết một nửa’ theo nghĩa tinh thần khi lửa đã tắt trong tim và chỉ còn ‘sống một nửa’ khi đang lây lất ‘sống qua ngày, đợi qua đời’ lúc không còn một chút nhiệt huyết cho bất cứ điều gì! Chính trong tình trạng đó, Chúa Giêsu vực chúng ta lên; đưa chúng ta ra khỏi huyệt. Thánh Vịnh đáp ca thật thâm trầm, “Lạy Chúa, Ngài đã đưa con lên khỏi huyệt để con được sống!”.

Anh Chị em,

“Hãy đi và làm như vậy!”. Có người nói rằng, người có đạo vào nhà thờ để yêu Chúa và ra ngoài để yêu người lân cận. Đức Bênêđictô XVI nhấn mạnh, chương trình của Kitô hữu - chương trình của người Samaritanô nhân hậu, chương trình của Chúa Giêsu - là “một trái tim có thể nhìn thấy”. ‘Không thể trốn chạy’, nhưng là xem và dừng lại! Đây là lý do Chúa Giêsu khiển trách giới biệt phái “Các ông có mắt mà không thấy!”. Người Samaritanô thấy và dừng lại, ông có lòng thương xót và nhờ đó cứu được mạng sống của người bất hạnh và ‘cứu được chính mình’. Bạn và tôi cũng “Hãy đi và làm như vậy!”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, bao lần, con thật cô đơn khi con trốn chạy yêu thương. Dạy con bài học “Hãy đi và làm như vậy!” để con bớt cô đơn mỗi ngày!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Một số nhận định tiêu cực về Thượng Hội Đồng 2021-2024
Vũ Văn An
14:24 08/10/2023

Bây giờ thì ai cũng rõ, trong Giáo Hội, dù muốn dù không, đã có hai xu hướng trái ngược nhau: cấp tiến và bảo thủ. Và dù nói thế nào, thì sự thật vẫn là chính Đức Phanxicô chấp nhận sự kiện ấy, một cách rõ ràng nhất khi ngài cử nhiệm 6 thành viên cấp tiến thuộc Giáo Hội Hoa Kỳ tham gia Thượng Hội Đồng kỳ này để cân bằng, hoặc trổi vượt, ít nhất về số lượng, với 5 thành viên bảo thủ của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ. Phe cấp tiến, dĩ nhiên, nói tích cực về viễn ảnh của Thượng Hội Đồng kỳ này. Phe bảo thủ, tất yếu, nói tiêu cực về nó. Dù cả hai phe đều không công bằng đối với tầm nhìn tổng thể của nó.Trong bài này, chúng tôi xin tường trình một vài tiếng nói tiêu cực đối với Thượng Hội Đồng mà phe cấp tiến không ngần ngại coi là quan trọng nhất kể từ Công đồng Vatican II.



Có thực là quan trọng nhất hay không?

George Weigel, trên First Things (https://www.firstthings.com/web-exclusives/2023/10/the-most-important-catholic-event-since-vatican-ii), trả lời rằng không. Theo ông, thì những biến cố như Humanae Vitae năm 1968, Evangelii Nuntiandi năm 1975, Redemptoris Missio năm 1990, Veritatis Splendor năm 1993, Dominus Jesus năm 2000… cần hướng dẫn Thượng Hội Đồng 2021-2024.

Trong mục “Letters from the Sydnod”, số 2, do Xavier Rynne II chủ biên trên First Things, Weigel cho rằng nếu Thượng Hội đồng 2023 muốn có kết quả trong việc tăng cường tính năng động truyền giảng Tin Mừng của một Giáo hội thường xuyên truyền giáo – một Giáo hội của các môn đệ truyền giáo – thì đó phải là một Thượng hội đồng xuất phát từ giáo huấn thực sự của Công đồng, và đặc biệt là hai văn bản nền tảng của Công đồng: Hiến chế Tín lý về Mặc khải của Thiên Chúa (Dei Verbum) và Hiến chế Tín lý về Giáo hội, Lumen Gentium.

Weigel phê phán câu khẳng định của Tài liệu Làm việc cho rằng “dân Chúa đã chuyển động kể từ khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô triệu tập toàn thể Giáo hội tại Thượng hội đồng vào tháng 10 năm 2021”. Điều đó không đúng, vì “dân Chúa” đã “chuyển động” kể từ Lễ Hiện Xuống đầu tiên của Kitô giáo, khoảng hai thiên niên kỷ trước. Và bất chấp những thách thức mà Đức Hồng Y Müller mô tả là “tinh thần bất khả tri của thời đại”, “dân Chúa” đã chuyển động từ lâu trước khi tiến trình thượng hội đồng hiện tại được Đức Giáo Hoàng Phanxicô triệu tập cách đây hai năm…

Weigel kể ra một số “chuyển động” đáng kể như các thừa tác vụ đang diễn ra tại các khuôn viên Đại học Texas A&M và Đại học Bang North Dakota mà ông vừa viếng thăm, hay trong các chương trình chuẩn bị hôn nhân, lấy thần học thân xác của Thánh Gioan Phaolô II làm cơ sở, hay trong “Courage”, một thừa tác vụ dành cho người bị thu hút đồng tính, hoặc trong lối sống thánh hiến phản văn hóa thời thượng tập chú vào việc tự hiến thay vì tự khẳng định mình và trong vice thành lập, tài trợ và bố trí nhân sự cho các trung tâm hỗ trợ thai sản…

Và trong “Letters from the Synod” số 3, Weigel chỉ trích cách dùng phương pháp “đàm luận trong Chúa Thánh Thần” của Thượng Hội Đồng kỳ này. Theo ông, Chúa Thánh Thần không thể dạy Giáo hội là đúng những gì Chúa Thánh Thần đã từng dạy Giáo hội là sai, như việc chúng ta được tạo dựng như những người nam và người nữ, cũng như việc diễn tả đích thực tình yêu con người (St1:27–28). Thứ hai, Chúa Thánh Thần thúc giục ta cả bằng ý tưởng lẫn xúc cảm vì ta có cả khối óc lẫn trái tim. Trong khi, phương pháp thảo luận của “cuộc đàm luận trong Thánh Thần” chỉ lưu ý tới cảm xúc (feeling), khi người điều phối hỏi: “Bạn cảm thấy thế nào khi A nói ‘B’?” và “bạn cảm thấy thế nào về điều đó?”. Thứ ba, Chúa Thánh Thần vốn đa ngôn ngữ: chủ đề “Hiệp thông, tham gia và truyền giáo” đã bắt đầu cách đây hai nghìn năm, khi Chúa Thánh Thần phán lời rao giảng căn bản của Kitô giáo, “Chúa Giêsu là Chúa”, một cách được người mọi ngôn ngữ nghe hiểu (Cv 2: 9–11). Trái lại, “trong tài liệu được biên soạn để chuẩn bị cho Thượng Hội đồng, Chúa Thánh Thần dường như đã trở thành đơn ngữ, chỉ nói đến những mối quan tâm và trong từ vựng của đạo Công Giáo tiến bộ ở Bắc Đại Tây Dương - và với giọng điệu Giécmanh [teutonic) nào đó. Chẳng phải ở đây có điều gì đó thuộc chủ nghĩa thực dân mới mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nhiều lần chỉ trích gay gắt hay sao?”.

Tuy nhiên, nặng ký hơn cả là 5 vị Hồng Y của “Dubia” mới đây, khi trình với Đức Phanxicô rằng vì “Thượng Hội đồng Giám mục không đại diện cho giám mục đoàn mà chỉ là một cơ quan tư vấn của Đức Giáo Hoàng”… nên nó không thể là “tiêu chuẩn qui định tối cao của việc cai quản Giáo hội thường trực mà không làm sai lệch trật tự cấu thành của Giáo hội do Đấng sáng lập của Giáo hội mong muốn, theo đó, thẩm quyền tối cao và đầy đủ của Giáo hội được thực thi bởi cả giáo hoàng nhân danh chức vụ của ngài và bởi hiệp đoàn giám mục cùng với người đứng đầu của nó là Giám Mục Rôma qui chuẩn”. Hàm ý: nó không thể là biến cố quan trọng nhất sau Vatican II.

Đối với nhận xét của Weigel về “feeling”, để công bằng hơn, tưởng cũng nên nói thêm rằng “feeling” hay trái tim ở đây phải được hiểu trong đồng văn Pascal hay của Thánh Henry Newman, với câu thời danh: “trái tim có những lý lẽ mà lý trí không biết” hay kiểu nói đã thành cổ điển “cor ad cor loquitur” [trái tim nói với trái tim], nghĩa là lý lẽ trực quan, chứ không hẳn là những xúc cảm vu vơ.

Chúc lành đồng tính khơi mào ly giáo

Tiếng nói bảo thủ được lưu ý nhất vì nó được công bố ngay lúc gần kề ngày khai mạc Thượng Hội Đồng là của 5 vị Hồng Y đã gửi 5 “dubia” cho Đức Giáo Hoàng, trong đó, có vấn đề chúc lành cho các cặp đồng tính, một việc bị các ngài coi là trái ngược với Kinh Thánh (St 1:27-28), huấn quyền (Dei Verbum,10) và Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo (số 2357). Thay vì ngắn gọn có/không, Đức Phanxicô trả lời đằng tả, dài hơn “dubium” rất nhiều, nhưng ai cũng hiểu là ngài ủng hộ việc chúc lành này, dù hình thức kết hợp này không phải là hôn nhân. Lý lẽ của việc chúc lành này, theo ngài, là “lòng bác ái mục vụ” được tạo nên “bởi lòng nhân ái, sự kiên nhẫn, sự hiểu biết, sự dịu dàng và sự khích lệ”. Nhiệm vụ của chúng ta không phải là “những quan tòa chỉ phủ nhận, bác bỏ, loại trừ” mà “phải phân định một cách thỏa đáng xem có những hình thức chúc lành nào, được một hoặc nhiều người yêu cầu, không truyền tải một quan niệm sai lầm về hôn nhân hay không. Vì khi cầu xin một phúc lành, người ta bày tỏ lời cầu xin Thiên Chúa giúp đỡ, cầu xin một cuộc sống tốt đẹp hơn, tin tưởng vào một Người Cha có thể giúp chúng ta sống tốt hơn”. Điều cũng quan trọng được Đức Phanxicô nhấn mạnh là không nên qui định việc chúc lành này thành luật lệ. Ngài viết: “Những quyết định, trong một số trường hợp, có thể là một phần của sự khôn ngoan mục vụ, không nên nhất thiết phải trở thành một quy luật” mà tùy thuộc “việc phân định thực tế trong những hoàn cảnh đặc thù”, một việc “không thể được nâng lên bình diện một quy tắc”.

Các vị Hồng Y của “dubia” không hoàn toàn chấp nhận câu trả lời ấy, nên các ngài đã “dubia” thêm rằng chúc lành như thế có thể “gợi ý rằng hành vi đồng tính luyến ái không trái với lề luật của Thiên Chúa và hành trình của con người hướng tới Thiên Chúa”. Đức Phanxicô chưa trả lời “dubium” này.

“Dubium” này hiện đang gây xôn xao trong công luận Công Giáo. Ed. Condon của The Pillar được độc giả hỏi có phải chuyện này đang khởi sự cho một cuộc ly giáo hay không. Ông trả lời là không biết. Nhưng theo ông, cần lưu ý các tiên đề sau: Giáo Hội không thể chúc lành cho tội lỗi. Hoạt động tình dục đồng tính là hoạt động tình dục ngoài hôn nhân, nên là một tội lỗi, Giáo Hội không thể chúc lành được. Nhưng Giáo Hội có thể chúc lành cho kẻ tội lỗi. Và không có gì mâu thuẫn một nộii tại hay nhất thiết gây gương mù gương xấu khi những người tội lỗi xin Giáo Hội chúc lành.

Nói thế rồi Condon cho hay: người xin chúc lành và người ban chúc lành có thể có ý định xấu xa là thánh hóa không phải người tội lỗi mà là tội lỗi của họ. Chúc lành cho cặp đồng tính có thể bị họ giải thích là chúc lành cho cuộc kết hợp của họ, chứ không hẳn là chính họ, và do đó, để họ phát huy lối kết hợp được họ coi là tốt lành này, như đang xẩy ra với Con đường Đồng nghị của Đức. Nên Condon cho rằng người tín hữu, bất kể là giáo dân, linh mục, Giám Mục hay Hồng Y nên khẩn khoản xin Đức Giáo Hoàng trả lời dứt khoát và trực diện điều này, một điều xem ra ngài không chịu làm.

Về ý kiến của Condon, xin nói thêm: thực hành hiện nay của Giáo Hội là chúc lành cho các cá nhân hoạt động tình dục đồng tính, vì chúc lành như thế là chúc lành người tội lỗi; nhưng không chúc lành cho các cặp hoạt động tình dục, nhất là công khai, vì chúc lành như thế là chúc lành tội lỗi. Ở đây, người ta nhớ tới trường hợp Đức Hồng Y George Pell, lúc còn là Tổng Giám Mục Sydney đã từ khước không cho những người mang lá cờ cầu vồng được rước lễ với lập luận ngài sẽ cho bất cứ ai lên rước lễ được rước lễ miễn là không mang lá cờ này, vì cho những người mang lá cờ này muốn ngài “ủng hộ” tội lỗi.

Thao túng

Đức Hồng Y Zen, Tổng Giám Mục hưu trí của Hồng Kông, không kêu gọi chung chung như Condon mà trực tiếp kêu gọi các Giám Mục và Hồng Y tham dự Thượng Hội Đồng kỳ này thỉnh cầu Đức Giáo Hoàng thay đổi các thủ tục của Phiên họp và thách thức chương trình của các nhà tổ chức Thượng Hội Đồng.

Theo tạp chí The Pillar, trong lá thư đề ngày 21 tháng 9 ngài ngỏ lời với các Giám Mục và Hồng Y rằng ngài “‘bối rối’ trước điều mà ngài coi là sự tái sáng chế khái niệm Kinh thánh về tính đồng nghị của những người tổ chức biến cố, nhằm thúc đẩy việc giảng dạy trái với đức tin”. Ít nhất, đây là một “kế hoạch thao túng” hoàn toàn. Trước nhất, những người tổ chức thượng hội đồng “nói rằng chúng ta phải lắng nghe tất cả mọi người…” Nhưng thực ra “trong số ‘tất cả mọi người này’ có những người mà chúng ta đã ‘loại trừ.’ Cuối cùng, chúng ta hiểu ý của họ là những người lựa chọn một nền đạo đức tình dục khác với đạo đức của truyền thống Công Giáo.”

Thứ hai, “Họ thường tuyên bố không có chương trình nghị sự. Đây thực sự là một sự xúc phạm đến trí thông minh của chúng ta. Bất cứ ai cũng có thể biết họ đang hướng tới kết luận nào.”

Điều ngài lo ngại nhất là mưu toan dùng Thượng Hội Đồng để thiết lập nền dân chủ thay cho phẩm trật bí tích như phương tiện thiết lập tín lý. Ngài chỉ trích mạnh mẽ quyết định của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong việc mời giáo dân tham dự Thượng Hội đồng và trao cho họ tư cách thành viên có toàn quyền bỏ phiếu, một động thái mà ngài cho là làm suy yếu Thượng hội đồng Giám mục như nó đã được hình thành sau Công đồng Vatican II.

Đức Hồng Y viết: “Quyết định này thay đổi hoàn toàn bản chất của Thượng Hội đồng, mà Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã dự định như một công cụ của tính hợp đoàn giám mục, ngay cả khi theo tinh thần đồng nghị, các quan sát viên giáo dân được thừa nhận có khả năng lên tiếng. Việc bỏ phiếu cho giáo dân có vẻ có nghĩa là thể hiện sự tôn trọng đối với sensus fidelium [cảm thức tín hữu], nhưng họ có chắc chắn rằng những giáo dân được mời này là những fideles [tín hữu] hay không?”

Lẫn lộn hồ đồ

Robert Royal, chủ bút tập san The Catholic Thing và là chủ tịch của Viện Faith & Reason ở Washington D.C., tác giả của hai cuốn sách mới đây Columbus and the Crisis of the West A Deeper Vision: The Catholic Intellectual Tradition in the Twentieth Century (chúng tôi đã chuyển sang Việt Ngữ và sẽ được đăng tải sắp tới đây), cho rằng “nếu bạn muốn hai chữ để mô tả Thượng Hội Đồng về tính đồng nghị…thì có lẽ là hai chữ hồ đồ sâu xa (deep confusion) thêm chữ cố ý (deliberate) nữa, Vì từ một loạt biện pháp cụ thể, điều rõ ràng là những gì đã được nói ra sẽ không sắp sửa diễn ra. Và những gì sắp sửa diễn ra a không được nói ra. Thế nhưng, có một phương pháp, thuộc một loại nào đó, tiến tới sự điên loạn này”.

Quả là một nhận định hết sức tiêu cực. Theo Royal, “chính khuôn khổ của Thượng Hội Đồng này đã là một hồ đồ rồi, và vì một lý do”. Một mặt các nhà tổ chức Thượng Hội Đồng “cho biết rằng tính đồng nghị là sự phục hồi chiều kích cổ xưa của Giáo hội được bảo tồn ở phương Đông nhưng đã bị mất ở phương Tây…” Mặt khác, một vị giáo phẩm phương Đông lên tiếng cảnh cáo “nếu phương Tây hiểu tính đồng nghị như một địa điểm hoặc một thời điểm mà mọi người, giáo dân và giáo sĩ, cùng nhau hành động để đi đến một số quyết định mang tính giáo hội, giáo lý, giáo luật, kỷ luật, bất kể đó là gì, thì rõ ràng là tính đồng nghị đó thực sự không hiện hữu ở phương Đông”.

Các nhà tổ chức nhấn mạnh nhiều lần rằng Thượng Hội Đồng không phải là một nghị viện, nhưng Royal cho hay: “nó sẽ hành xử như một nghị viện ngoại trừ việc này: cuối cùng, vị quân chủ không do cha truyền con nối mà chúng ta gọi là ‘giáo hoàng’ có thể sử dụng hay làm ngơ cuộc bàn nghị, bất cứ cách nào ngài muốn. Và chúng ta đã có một vài mách nước cho thấy điều này có nghĩa gì, một cách cụ thể, dù người ta cho chúng ta hay tháng này không có nhiều điều quan trọng sẽ được quyết định (tháng Mười năm tới lại là chuyện khác)”.

Hồ đồ lẫn lộn nhất, theo Royal, là chuyện chúc lành cho các cặp đồng tính, một trong các dubia được năm vị Hồng Y, và có thể nhiều hơn nữa như gợi ý của Đức Hồng Y Burke, nêu thẳng với Đức Phanxicô. Theo Royal, điều này chắc chắn sẽ được Đức Phanxicô chấp thuận “tùy thuộc sự thận trọng của Giám Mục và linh mục địa phương, nghĩa là nó sẽ trở thành bắt buộc một khi những nhân vật này bị áp lực bởi các nhà đấu tranh địa phương và các phương tiện truyền thông thế tục”.

Cái nhìn tổng quan của Royal về Thượng Hội Đồng kỳ này là: “Bạn không cần phải là một học giả Công Giáo để thấy, ngoài mọi nghi ngờ, rằng tất cả những điều này là bằng chứng, không chỉ là suy nghĩ của những người có xu hướng lo lắng – “những kẻ lạc hậu” theo quan điểm không khoan nhượng của giáo hoàng – về những thay đổi trong Giáo hội. Chúng ta đang bị dẫn đến chỗ tin rằng những điều không thuộc truyền thống của chúng ta, thậm chí còn bị coi là tội lỗi nghiêm trọng, cho đến khoảng 50 năm qua, là điều cần thiết để trở nên ‘có lòng thương xót’, tức là người Công Giáo trong thời đại chúng ta.

Câu hỏi sâu sắc nhất đằng sau tất cả những câu hỏi cụ thể này vẫn là: Tính đồng nghị là gì? Triết gia Stefano Fontana, phát biểu tại cùng một hội nghị với Đức Hồng Y Burke và Cha Gerald Murray tối hôm qua tại Rome, đã đưa ra luận điểm cho rằng mục tiêu là một Giáo hội vĩnh viễn ở trong tính đồng nghị. Sẽ không có gì sẽ vững chắc; mọi sự sẽ luôn trong quá trình sửa đổi để đáp ứng ‘thời đại’.

Do đó, ‘tính đồng nghị’ không thể được định nghĩa về bản chất, thậm chí cả theo nghĩa mơ hồ. Nó sẽ biến Giáo hội thành một tổ chức không bảo vệ và cổ vũ những lời giảng dạy của Đấng sáng lập là Chúa Giêsu Kitô. Một Giáo hội ‘đồng nghị’, mà Đức Giáo Hoàng hiện tại đang tìm kiếm, sẽ không chỉ hoạt động trong tháng này và năm tới, mà còn là vĩnh viễn. Ngày nay không ai có thể nói nó thực sự có ý nghĩa gì, bởi vì nó sẽ vĩnh viễn tự định nghĩa”.
 
Đức Thánh Cha cầu nguyện cho hòa bình ở Israel và Palestine, ngài cho hay: ‘Mọi cuộc chiến đều là một thảm bại!’
Thanh Quảng sdb
15:35 08/10/2023
Đức Thánh Cha cầu nguyện cho hòa bình ở Israel và Palestine, ngài cho hay: ‘Mọi cuộc chiến đều là một thảm bại!’

Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi chấm dứt các cuộc tấn công lẫn nhau khi ngài cầu nguyện cho hòa bình ở Israel và Palestine.

(Tin Vatican - Christopher Wells)

Trong lời cầu nguyện vào giờ kinh “Truyền Tin” trưa Chúa nhật 8/10, Đức Thánh Cha cầu xin: “Xin hãy dừng các cuộc tấn công và vũ khí, và hãy hiểu cho rằng khủng bố và chiến tranh không đưa đến bất kỳ một giải pháp nào, mà chỉ dẫn đến cái chết và đau khổ cho nhiều người vô tội”.

ĐTC nhấn mạnh: “Chiến tranh luôn là một sự thất bại! Cuộc chiến nào cũng là một thất bại!”

Phát biểu sau giờ Kinh Truyền Tin hôm Chúa nhật, Đức Thánh Cha cho biết ngài theo dõi “với âu lo và đau buồn”, tin tức mới nhất từ Israel, “nơi mà bạo lực đã bùng phát thậm chí còn dữ dội hơn, khiến hàng trăm người chết và bị thương”.

Ngài bày tỏ sự cảm thông với gia đình các nạn nhân và cho biết ngài cầu nguyện cho họ cũng như cho “tất cả những người đang phải trải qua những giờ phút kinh hoàng và đau khổ”. Đức Thánh Cha mời gọi mọi người cầu nguyện cho hòa bình ở Israel và Palestine.

Bạo lực ở Israel và Palestine

Bạo lực mới bất ngờ bùng phát tại Thánh địa hôm thứ Bảy, khi các chiến binh Hamas của Palestine tiến hành một cuộc tấn công bất ngờ vào Israel, bằng hàng trăm quả đạn và thực hiện các cuộc tấn công vũ trang vào Israel.

Israel ngay lập tức đã tiến hành các cuộc không kích trả đũa và thủ tướng nước này tuyên bố đất nước lâm vào cuộc chiến...

Các báo cáo chưa được xác nhận cho thấy hơn 400 người Palestine đã thiệt mạng ở miền nam Israel và giải Gaza và hàng chục người bị bắt. Theo một số nguồn tin của Israel, khoảng 300 người Israel đã bị chết và hàng chục người bị bắt cóc.

Tòa Thượng phụ Latinh kêu gọi giảm leo thang

Trong một tuyên bố được đưa ra hôm thứ Bảy, Tòa Thượng phụ Latinh ở Jerusalem đã kêu lên: “Quá nhiều thương vong và bi kịch mà cả người Palestine và Israel phải đối diện, sẽ tạo thêm nhiều hận thù và chia rẽ hơn, đồng thời sẽ ngày càng phá hủy mọi giao kèo về sự ổn định”.

Tuyên bố kêu gọi cộng đồng quốc tế và các nhà lãnh đạo tôn giáo “thực hiện mọi nỗ lực giúp làm giảm bớt tình hình chiến tranh leo thang, khôi phục lại sự bình an và đảm bảo các quyền cơ bản của người dân được tôn trọng trong khu vực”.

Sự cần thiết phải có một giải pháp cho việc xung đột

Tòa Thượng Phụ nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc duy trì cái gọi là “Nguyên trạng” đối với tất cả các nơi Thánh ở Thánh địa, đặc biệt ở Giêrusalem; và “nhu cầu cấp thiết phải tìm ra một giải pháp lâu dài và toàn diện cho cuộc xung đột Palestine-Israel ở vùng đất này”.

Tuyên bố của Tòa Thượng phụ kết thúc bằng lời cầu nguyện xin Thiên Chúa “hướng dẫn các nhà lãnh đạo thế giới, qua sự can thiệp của họ nhằm thực hiện hòa bình và hòa hợp để Giêrusalem có thể trở thành ngôi nhà cầu nguyện cho mọi dân tộc”.
 
Xe buýt gặp nạn ở Mestre: ít nhất 21 người chết và 18 người bị thương Ngay cả Thượng phụ Moraglia cũng có mặt tại nơi xảy ra thảm kịch.
Đặng Tự Do
17:31 08/10/2023

Hiện tại, 21 người chết, trong đó có hai trẻ em, 18 người bị thương, trong đó có ba trẻ vị thành niên và một số người mất tích là hậu quả của vụ tai nạn rất nghiêm trọng xảy ra vào tối thứ Ba ở Mestre, trong đó một chiếc xe buýt chở một số khách du lịch trên xe, nhiều người nước ngoài thuộc nhiều quốc tịch khác nhau, hướng đến một khu cắm trại ở Marghera, đã xảy ra ngay trước 8 giờ tối từ cầu vượt của đường liên kết dẫn từ Mestre về phía Marghera và đường cao tốc A4, khoảng 30 mét. Vì những lý do chưa được xác định rõ ràng, chiếc xe buýt đã lao qua lan can của cầu vượt Vempa và rơi giữa một nhà kho và đường ray của nhà ga Mestre, bốc cháy. Một số nạn nhân đầu tiên được tìm thấy dường như đã bị thiêu chết.

Đức Thượng Phụ của Venice là Đức Cha Francesco Moraglia, đã liên lạc với thị trưởng Luigi Brugnaro và tỉnh trưởng Michele Di Bari, và đã đến địa điểm xảy ra thảm kịch. “Đức Thượng Phụ cầu nguyện và xin lời cầu nguyện cho các nạn nhân, trong đó có trẻ em, cho những người bị thương và cho tất cả những người liên quan đến vụ tai nạn”. Trong khi đó, Thị trưởng Brugnaro có mặt tại chỗ nói về một “thảm kịch lớn” và một “cảnh tận thế”, đồng thời ra lệnh cho thành phố để tang. Cơ quan Y tế Địa phương số 3 của Venice đã ngay lập tức kích hoạt quy trình cho các trường hợp khẩn cấp lớn nhằm cung cấp tất cả các phòng cấp cứu của các bệnh viện trong khu vực - Mestre, Padua, Treviso, Mirano và Dolo - đồng thời triệu hồi các bác sĩ và nhân viên của bệnh viện bằng mọi phương tiện từ các cơ sở bệnh viện khác nhau.

Theo những gì chúng tôi được biết, Tổng thống Cộng hòa Sergio Mattarella đã gọi điện cho Thị trưởng Brugnaro để bày tỏ lời chia buồn.


Source:SIR
 
Chế độ độc tài ở Nicaragua bắt giữ ba linh mục
Đặng Tự Do
17:33 08/10/2023


Vào đêm Chúa nhật, ngày 1 tháng 10, chế độ độc tài ở Nicaragua đã bắt giữ hai linh mục Công Giáo từ Giáo phận Estelí và một vị khác từ Giáo phận Jinotega, cả hai đều ở phía bắc của quốc gia Trung Mỹ.

Tờ báo El Confidencial xác nhận hôm Chúa Nhật rằng những người bị giam giữ ở Estelí bao gồm vị quản lý giáo phận thay cho Đức Cha Rolando Álvarez đang bị cầm tù, là Cha Julio Ricardo Norori đến từ Giáo xứ Thánh Gioan Truyền giáo ở thị trấn San Juan del Río Coco,, và Cha Iván Centeno từ Giáo xứ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội ở thị trấn Jalapa thuộc Tỉnh Nueva Segovia.

Linh mục thứ ba bị bắt, theo nhiều nguồn tin khác nhau, là Cha Cristóbal Gadea, cha sở của Nhà thờ Đức Mẹ Thương Xót nằm ở khu El Cuá của giáo phận Jinotega.

Vụ bắt giữ linh mục thứ tư, Cha Erick Ramírez Velásquez của Giáo xứ Chúa Kitô Vua ở thị trấn Telpaneca thuộc Sở Madriz, cũng đã được báo cáo. Tuy nhiên, giáo xứ tuyên bố trên trang Facebook của mình vào ngày 2 tháng 10 rằng vị linh mục đang ở trong tình trạng “tốt đẹp”.

Những lý do đằng sau việc bắt giữ các linh mục vẫn chưa được biết.

Một nguồn tin nói với tờ báo La Prensa rằng vụ bắt giữ không phải do cảnh sát thực hiện mà do những cá nhân có vũ trang đi trên xe bán tải Toyota Hilux. Nguồn tin cho biết: “Chúng tôi không có thông tin về nơi ở của họ, nhưng chúng tôi tin rằng họ đã được chuyển đến Managua”.

Nhà nghiên cứu và luật sư người Nicaragua, Martha Patricia Molina, đã cáo buộc trên Facebook vào ngày 2 tháng 10 rằng “quân đội và cảnh sát đã bắt đầu một hoạt động đe dọa và bắt cóc các linh mục và giáo dân”.

“Có ba linh mục bị bắt cóc. Ít nhất năm người đã bị 'thăm viếng', bắt đi, đe dọa và trả lại. Ở Giáo phận León cũng có sự đe dọa từ cảnh sát”, Molina viết.

Theo luật sư, ba linh mục bị bắt “đã trình bày rõ ràng trong các bài giảng của mình”, vì họ liên tục đề cập đến “các chủ đề của Tin Mừng, trên hết là những bất công đang phải trải qua hàng ngày”.

Khi biết tin, vị Giám Mục Phụ Tá lưu vong của Managua, Đức Cha Silvio José Báez, đã tố cáo về “cuộc đàn áp tàn bạo chống lại Giáo Hội Công Giáo” bởi “chế độ độc tài Sandinista của Daniel Ortega”.

Vị Giám Mục đã yêu cầu “Giáo hội trên toàn thế giới cầu nguyện cho Nicaragua và cho Giáo hội đang bị đàn áp của chúng ta”.


Source:Catholic News Agency
 
Huấn đức của Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 8 tháng 10
J.B. Đặng Minh An dịch
18:21 08/10/2023


Chúa Nhật 8 Tháng 10, Giáo Hội trên toàn thế giới cử hành Chúa Nhật thứ 27 Mùa Quanh Năm.

Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Mátthêu.

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các thượng tế và kỳ mục trong dân rằng:

“Các ông hãy nghe một dụ ngôn khác: Có gia chủ kia trồng được một vườn nho; chung quanh vườn, ông rào giậu; trong vườn, ông khoét bồn đạp nho, và xây một tháp canh. Ông cho tá điền canh tác, rồi trẩy đi xa. Gần đến mùa hái nho, ông sai đầy tớ đến gặp các tá điền để thu hoa lợi. Bọn tá điền bắt các đầy tớ ông: chúng đánh người này, giết người kia, ném đá người nọ. Ông lại sai một số đầy tớ khác đông hơn trước; nhưng bọn tá điền cũng xử với họ y như vậy. Sau cùng, ông sai chính con trai mình đến gặp chúng, vì nghĩ rằng: ‘Chúng sẽ nể con ta.’ Nhưng bọn tá điền vừa thấy người con, thì bảo nhau: ‘Đứa thừa tự đây rồi! Nào ta giết quách nó đi, và đoạt lấy gia tài nó!’ Thế là chúng bắt lấy cậu, tống ra khỏi vườn nho và giết đi. Vậy khi ông chủ vườn nho đến, ông sẽ làm gì bọn tá điền kia?”

Họ đáp: “Ác giả ác báo, ông sẽ tru diệt bọn chúng và cho các tá điền khác canh tác vườn nho, để cứ đúng mùa, họ nộp hoa lợi cho ông.”

Đức Giêsu bảo họ: “Kinh Thánh có câu: ‘Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường. Đó chính là công trình của Chúa, công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta.’ Các ônh chưa bao giờ đọc câu này sao?

Bởi đó, tôi nói cho các ông hay: Nước Thiên Chúa, Người sẽ lấy đi không cho các ông nữa, mà ban cho một dân biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi.”

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:

Hôm nay Tin Mừng trình bày cho chúng ta một dụ ngôn đầy bi kịch có một kết thúc buồn (x. Mt 21:33-43). Một người chủ đất trồng một vườn nho và chăm sóc nó rất chu đáo. Sau đó, khi cần phải đi xa, ông giao lại cho một số tá điền. Khi mùa hái nho đến gần, ông sai đầy tớ đi thu hoạch mùa màng. Nhưng bọn tá điền đã ngược đãi và giết chết họ. Vì vậy, người chủ đã gửi con trai của mình đi và những người thuê nhà đó đã giết anh ta. Sao lại thế được? Có chuyện gì? Có một thông điệp của Chúa Giêsu trong dụ ngôn này.

Chủ đất đã làm mọi việc tốt đẹp, bằng tình yêu thương. Chính ông đã làm việc cực nhọc để trồng vườn nho; ông đã bao quanh nó bằng hàng rào để bảo vệ nó; đào một thùng ép rượu và xây một tháp canh (xem câu 33). Sau đó, ông giao vườn nho của mình cho một số tá điền, cho họ thuê tài sản quý giá của mình, đối xử bình đẳng với họ, để vườn nho của ông có thể được chăm sóc tốt và sinh hoa trái. Trong hoàn cảnh này, vụ thu hoạch đáng lẽ phải kết thúc có hậu, trong không khí lễ hội, với sự phân chia sản phẩm công bằng để mọi người hài lòng.

Thay vào đó, những tư tưởng vô ơn và tham lam cứ len lỏi vào tâm trí những người tá điền. Anh chị em thấy đấy, cội nguồn của những mâu thuẫn luôn là sự vô ơn và tình cảm tham lam muốn nhanh chóng chiếm đoạt của cải. Bài diễn văn mà những tá điền này đưa ra là: “Chúng ta không cần phải đưa bất cứ thứ gì cho chủ sở hữu. Sản phẩm công việc của chúng ta chỉ thuộc về chúng ta. Chúng ta không cần phải khai trình cho bất cứ ai!”. Và điều này không đúng: họ nên biết ơn những gì họ đã nhận được và cách họ đã được đối xử. Thay vào đó, sự vô ơn làm nảy sinh lòng tham và ý thức nổi loạn ngày càng lớn dần trong họ, khiến họ nhìn nhận tình thế một cách lệch lạc, cảm thấy rằng người chủ mắc nợ họ chứ không phải họ mắc nợ người chủ đã giao cho họ công việc. Khi nhìn thấy đứa con trai, họ nói: “Đây là người thừa kế. Hãy đến, chúng ta hãy giết hắn và chiếm lấy tài sản thừa kế của hắn!” (câu 38). Và từ chỗ làm tá điền, họ trở thành sát thủ. Đó là cả một quá trình. Và nhiều khi, quá trình này diễn ra trong lòng người, thậm chí trong lòng chúng ta.

Với dụ ngôn này, Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta điều gì sẽ xảy ra khi một người tự lừa dối mình rằng họ tự mình làm được mọi việc và quên mất lòng biết ơn, họ quên mất nền tảng thực sự của cuộc sống: sự tốt lành đó đến từ ân sủng của Chúa, điều tốt đẹp đó đến từ ân sủng nhưng không của Người. Khi ai đó quên đi lòng biết ơn Thiên Chúa này, người đó sẽ không đối diện với hoàn cảnh và giới hạn của mình với niềm vui cảm thấy được yêu thương và được cứu rỗi, nhưng với ảo tưởng buồn bã là không cần đến tình yêu hay sự cứu rỗi. Người đó không còn để mình được yêu thương nữa và thấy mình là tù nhân của lòng tham của chính mình, là tù nhân của nhu cầu có nhiều hơn người khác, của ham muốn nổi bật hơn người khác. Quá trình này thật tồi tệ và nhiều khi nó xảy ra với chúng ta. Chúng ta hãy suy nghĩ nghiêm chỉnh về điều này. Nếu không, điều này sẽ gây ra nhiều bất mãn và khiển trách, rất nhiều hiểu lầm và rất nhiều cảm giác ghen tị; và bị thúc đẩy bởi sự oán giận, con người có thể rơi vào vòng xoáy bạo lực. Vâng, thưa anh chị em thân mến, sự vô ơn tạo ra bạo lực, lấy đi sự bình an, khiến chúng ta cảm thấy và la hét khi nói chuyện, không có sự bình yên, trong khi một lời “cám ơn” đơn giản có thể mang lại hòa bình!

Vì vậy, chúng ta hãy tự hỏi: Tôi có nhận thức được rằng cuộc sống và đức tin là những ân sủng tôi đã nhận được hay không. Tôi có ý thức rằng chính tôi là một món quà cho người khác không? Tôi có tin rằng mọi sự đều đến từ ân sủng của Chúa không? Tôi có hiểu rằng, dù không có công, tôi cũng là người được hưởng những điều này, rằng tôi được yêu thương và cứu độ một cách nhưng không? Và trên hết, để đáp lại ân sủng, tôi có biết nói lời “cám ơn” không? Tôi có biết nói “xin vui lòng” không? Ba cụm từ là bí quyết chung sống của con người là cảm ơn, xin vui lòng, tôi xin lỗi. Tôi có biết nói ba điều này không? Cảm ơn, xin vui lòng, tôi xin lỗi. Tôi có biết cách phát âm ba cụm từ này không? Đó là một từ nhỏ “cám ơn” - “xin vui lòng” là một từ nhỏ, hai từ nhỏ để cầu xin sự tha thứ, “Con xin lỗi” – là điều mà Thiên Chúa và anh chị em chúng ta mong đợi mỗi ngày. Chúng ta hãy tự hỏi liệu những lời nhỏ bé như “cảm ơn”, “xin vui lòng”, “thứ lỗi cho tôi, tôi xin lỗi” có hiện diện trong cuộc sống của chúng ta hay không. Tôi có biết cám ơn, biết nói “xin vui lòng” không? Tôi có biết xin lỗi, cầu xin sự tha thứ không? Tôi có biết cách cư xử nhã nhặn với từ “xin vui lòng” không? Cảm ơn bạn, tôi xin lỗi, xin vui lòng.

Xin Mẹ Maria, tâm hồn tôn vinh Chúa, giúp chúng ta biến “lòng biết ơn” thành ánh sáng chiếu soi tâm hồn chúng ta hàng ngày.

Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói thêm như sau:

Anh chị em thân mến,

Tôi đang theo dõi một cách lo lắng và đau buồn những gì đang xảy ra ở Israel, nơi bạo lực thậm chí đang bùng nổ dữ dội hơn, khiến hàng trăm người thiệt mạng và bị thương. Tôi bày tỏ sự gần gũi của tôi với các gia đình và các nạn nhân. Tôi đang cầu nguyện cho họ và cho tất cả những ai đang phải sống những giờ phút kinh hoàng và thống khổ. Cầu mong các cuộc tấn công và vũ khí chấm dứt. Xin vui lòng! Và hãy hiểu rằng khủng bố và chiến tranh không dẫn đến bất kỳ giải pháp nào mà chỉ dẫn đến cái chết và đau khổ của rất nhiều người vô tội. Chiến tranh là một thất bại! Mỗi cuộc chiến là một thất bại! Chúng ta hãy cầu nguyện để có hòa bình ở Israel và Palestine.

Trong tháng 10 này, ngoài việc cầu nguyện cho sứ vụ truyền giáo, và đọc Kinh Mân Côi, chúng ta đừng mệt mỏi cầu xin nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Maria ban ơn hòa bình cho nhiều quốc gia trên khắp thế giới bị đánh dấu bởi chiến tranh và xung đột. Và chúng ta hãy tiếp tục tưởng nhớ Ukraine thân yêu, đất nước đang phải chịu đựng biết bao đau khổ mỗi ngày, bị vùi dập quá nhiều.

Tôi xin cảm ơn tất cả những ai đang theo dõi, và trên hết là đồng hành với lời cầu nguyện, Thượng Hội đồng đang diễn ra, một biến cố của giáo hội về việc lắng nghe, chia sẻ và hiệp thông huynh đệ trong Thánh Thần. Tôi mời gọi mọi người giao phó công việc này cho Chúa Thánh Thần.

Tôi chào tất cả anh chị em, những người đến từ Rôma và những người hành hương đến từ Ý và từ nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là các sinh viên và giáo viên từ Trung tâm đào tạo Thánh tích ở Verona, và các tu sĩ Dòng Tên từ nhiều quốc gia khác nhau là khách mời của Đại học Thánh Robert Bellarmine của Rôma. Nhiều người Ba Lan: Tôi thấy nhiều lá cờ Ba Lan ở đây, chào tất cả anh chị em… Và chào tất cả những người đến từ Immacolata.

Tôi cầu chúc tất cả anh chị em một Chúa Nhật tốt lành và xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và xin chào tạm biệt.


Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana
 
Church Documents
Cẩm Hạnh - News 09 October 2023
VietCatholic Media
19:47 08/10/2023
1. Ukraine dự kiến sẽ phải gánh chịu 'con số kỷ lục' các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Nga vào mùa đông này

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng hôm Thứ Hai mùng 9 Tháng Mười, Phát ngôn nhân của lực lượng không quân Ukraine, Đại Tá Yurii Ihnat cho biết Ukraine đang chuẩn bị cho mùa đông thứ hai của các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái:

“Lực lượng không quân Ukraine dự kiến sẽ phải đối phó với số lượng kỷ lục các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Nga trong mùa đông này, khi chúng ta chuẩn bị cho mùa đông thứ hai,” ông nói và nhấn mạnh rằng “Nga sẽ ném bom hàng loạt vào các cơ sở năng lượng của chúng ta.”

Ihnat cho biết dữ liệu trong tháng 9 cho thấy việc Nga sử dụng máy bay không người lái cảm tử Shahed do Iran thiết kế sẽ phá vỡ kỷ lục của năm ngoái.

“Mùa thu đông năm nay… đã là kỷ lục về số lượng máy bay không người lái Shahed. Hơn 500 chiếc đã được sử dụng vào tháng 9”, Ihnat cho biết.

Ông so sánh con số này với chiến dịch không kích của Nga vào Ukraine vào mùa đông năm ngoái, khi ông cho biết khoảng 1.000 máy bay không người lái Shahed đã được sử dụng trong sáu tháng.

Các cuộc tấn công vào các cơ sở năng lượng vào mùa đông năm ngoái đã làm hư hỏng một phần đáng kể hệ thống điện của Ukraine và buộc hầu hết các thành phố phải hạn chế điện và nước nóng.

Bất chấp việc Ukraine tăng cường phòng không, các quan chức vẫn cảnh báo nguy cơ tái diễn vào mùa đông năm nay, khi mạng lưới điện vẫn chưa được xây dựng lại sau chiến dịch ném bom vừa qua.

2. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã bày tỏ “tình đoàn kết” với Israel trong cuộc gọi với Thủ tướng Benjamin Netanyahu hôm Chúa Nhật.

Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelenskiy, đã nói chuyện với Thủ tướng Israel, Benjamin Netanyahu, vào hôm Chúa Nhật để nhắc lại sự ủng hộ của Kyiv đối với Israel, khi nước này trả đũa một cuộc tấn công lớn của nhóm Hamas của Palestine.

“Tôi đã nói chuyện với ông Netanyahu để khẳng định tình đoàn kết của Ukraine với Israel, quốc gia hứng chịu một cuộc tấn công quy mô lớn táo bạo và bày tỏ lời chia buồn với nhiều nạn nhân”, Tổng thống Zelenskiy nói trên mạng xã hội.

“Thủ tướng đã thông báo cho tôi về tình hình hiện tại cũng như hành động của lực lượng quốc phòng và cơ quan thực thi pháp luật Israel nhằm đẩy lùi cuộc tấn công”, ông Zelenskiy nói thêm.

“Chúng tôi cũng thảo luận về ảnh hưởng của cuộc tấn công đối với tình hình an ninh trong khu vực và hơn thế nữa.”

Tổng thống Ukraine cũng cho biết các nhà ngoại giao đang hợp tác với cảnh sát Israel để bảo đảm an toàn cho công dân Ukraine.

3. Hai phụ nữ Ukraine thiệt mạng trong cuộc tấn công của Hamas

Hai phụ nữ Ukraine nằm trong số những người thiệt mạng ở Israel hôm thứ Bảy sau khi Hamas phát động cuộc tấn công nguy hiểm nhất vào nước này, Phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Ukraine, Oleg Nikolenko, cho biết như trên.

Danh tính của những người phụ nữ này vẫn chưa được xác nhận nhưng các quan chức cho biết họ đã sống ở Israel từ lâu.

Nikolenko cho biết trong một tuyên bố hôm Chúa Nhật: “Đại sứ quán Ukraine đã nhận được xác nhận từ cảnh sát Israel về cái chết của hai công dân Ukraine. Các biện pháp đang được thực hiện để tổ chức hồi hương thi thể những người đã khuất. Hiện tại không có thông tin về sự hiện diện của công dân Ukraine trong số những người bị thương hoặc mất tích. ”

Theo Bộ Ngoại giao Ukraine, có một cộng đồng người Ukraine nước ngoài đáng kể ở Israel, ước tính khoảng 500.000 người.

Một con số “đáng kể” các công dân Israel, bao gồm cả binh lính Do Thái, và người nước ngoài đã bị quân Hamas bắt làm tù binh và có lẽ đã bị giải về Gaza. Nikolenko nói “Chúng tôi không có thông tin nào về những người Ukraine bị bắt làm con tin. Hy vọng là không có ai”

4. Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda cảnh báo bạo lực tại Israel có lợi cho Nga và kêu gọi đoàn kết với Ukraine

Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda nói rằng bạo lực hiện nay giữa Hamas và Israel rất hữu ích cho Nga trong việc chuyển hướng sự chú ý của thế giới và các nguồm lực viện trợ cho Ukraine.

Duda lập luận trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình tư nhân Polsat News hôm Chúa Nhật rằng xung đột ở Trung Đông khiến quốc tế mất tập trung khỏi sự chú ý của Mạc Tư Khoa đối với cuộc xâm lược vào Ukraine và có thể dẫn đến áp lực di cư mới đối với Âu Châu.

“Nó chắc chắn có lợi cho Nga và việc Nga gây hấn với Ukraine. Nó làm phân tán sự chú ý của thế giới... Nhưng trên hết, tôi sợ rằng nó sẽ không may gây thêm áp lực di cư lên Âu Châu,” Duda nói.

“Chúng ta có thể sẽ có một làn sóng người di cư khác từ Trung Đông, sẽ tấn công Âu Châu… An ninh của chúng ta, việc bảo vệ biên giới Ba Lan, tất nhiên, cũng là biên giới của Liên minh Âu Châu và khu vực Schengen, càng trở nên quan trọng hơn.”

Ba Lan là nước ủng hộ trung thành cho Kyiv kể từ khi Nga xâm chiếm vào đầu năm 2022 và đã che chở cho hơn một triệu người tị nạn Ukraine.

Duda e ngại rằng cuộc tấn công của Hamas đang khơi lại làn sóng cực đoan trong thế giới Hồi Giáo vốn đã lắng dịu sau khi Nhà nước Hồi Giáo bị đánh đuổi khỏi Iraq và Syria. Các cuộc tấn công trả thù của Do Thái càng thêm dầu vào lửa.
 
VietCatholic TV
Bạn thân Putin tử trận. 2.200 hỏa tiễn phóng vào Israel. Wagner dùng công nghệ TQ để làm binh biến
VietCatholic Media
02:57 08/10/2023


1. Đồng minh của Putin vừa bị nổ tung trong vùng bị tạm chiếm ở Ukraine

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Putin Ally's Car Explodes in Occupied Ukraine”, nghĩa là “Xe của đồng minh Putin phát nổ ở Ukraine bị tạm chiếm.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Vladimir Malov, một quan chức Nga ở Ukraine bị tạm chiếm và là đồng minh của Tổng thống Vladimir Putin, đã thiệt mạng hôm thứ Bảy sau khi một chiếc xe hơi chở ông phát nổ, theo xác nhận của các quan chức địa phương khác.

Malov, theo thông tấn xã Ukrainska Pravda, từng giữ chức vụ “bí thư tỉnh bộ” của đảng Nước Nga Thống nhất ở Kherson, một khu vực ở miền Nam Ukraine gần Hắc Hải và sông Dnipro, ngay phía bắc Crimea. Khu vực này đã nằm dưới sự xâm lược của Nga kể từ đầu năm ngoái khi Mạc Tư Khoa xâm chiếm quốc gia Đông Âu này và Ukraine đã chiếm lại một phần lãnh thổ này sau một cuộc phản công vào mùa thu năm ngoái. Nước Nga Thống nhất là một đảng chính trị bảo thủ ở Nga và là đảng lớn nhất trong cả nước với đa số ghế trong Duma.

Hôm thứ Bảy, tài khoản Telegram của cơ quan truyền thông nhà nước Nga, RIA Novosti, ban đầu đưa tin về chiếc xe của Malov phát nổ, trích dẫn tuyên bố từ một quan chức địa phương khác. Vụ việc xảy ra ở thành phố Nova Kakhovka, cách trung tâm hành chính khu vực khoảng 53 dặm về phía đông. Vào thời điểm đó, người ta nói rằng Malov đã được đưa đến bệnh viện địa phương “trong tình trạng cực kỳ nghiêm trọng” và các bác sĩ “đang chiến đấu để cứu sống anh ta”.

Sau đó, Reuters xác nhận rằng Malov đã chết, dẫn lời cộng tác viên người Nga và quyền thống đốc Kherson do Nga sáp nhập, Vladimir Saldo, người đã gọi vụ việc là một “cuộc tấn công khủng bố” và ngụ ý rằng cuộc tấn công là do Ukraine dàn dựng. Các quan chức ở Kyiv đã không trả lời yêu cầu bình luận của Reuters về vấn đề này.

Trong khi nguyên nhân chính xác của cái chết của Malov vẫn chưa được biết, những quan chức như anh ta, những người được coi là cộng tác với lực lượng Nga ở Ukraine thường xuyên trở thành mục tiêu của các vụ ám sát.

Vào tháng 7, các quan chức Nga báo cáo rằng một nỗ lực như vậy nhắm vào Sergei Askyonov, nhà lãnh đạo vùng Crimea bị tạm chiếm được Điện Cẩm Linh hậu thuẫn, đã bị cản trở. Một nghi phạm được cho là đã lên kế hoạch đặt bom trong xe của quan chức này nhưng đã bị bắt giữ vào tháng 6 trước khi anh ta thực hiện được.

“Một âm mưu ám sát nhà lãnh đạo Cộng hòa Crimea, Sergei Aksyonov, do các cơ quan tình báo Ukraine âm mưu, đã bị ngăn chặn”, một tuyên bố của FSB cho biết vào thời điểm đó, theo hãng truyền thông Tass do Điện Cẩm Linh hậu thuẫn. “Kẻ đánh bom đã không thực hiện được kế hoạch phạm tội của mình vì hắn bị giam giữ khi đang tháo một thiết bị nổ ra khỏi bộ đệm.”

Một số chi tiết khác về nghi phạm không được cung cấp, ngoài thực tế rằng anh ta là công dân Nga sinh năm 1988, là người được cho là đã được Cơ quan An ninh Ukraine, gọi tắt là SBU, tuyển dụng cho nhiệm vụ này và được đào tạo về nổ mìn.

2. Prigozhin sử dụng công nghệ Trung Quốc trong cuộc binh biến.

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “China-Made Spy Tech Used by Prigozhin During Mutiny: Report”, nghĩa là “Báo cáo cho thấy Prigozhin đã sử dụng cCông nghệ gián điệp do Trung Quốc sản xuất trong cuộc binh biến.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Yevgeny Prigozhin, cố lãnh đạo của Tập đoàn Wagner, đã sử dụng các vệ tinh thuộc sở hữu của một công ty công nghệ Trung Quốc và hình ảnh của chúng để hỗ trợ cho cuộc binh biến bị hủy bỏ vào tháng 6, hãng thông tấn AFP đưa tin hôm thứ Năm.

Một tài liệu mà AFP thu được cho thấy một hợp đồng trị giá 30 triệu Mỹ Kim giữa công ty Beijing Yunze Technology Co Ltd và Nika-Frut, một công ty khi đó là một phần của đế chế thương mại Prigozhin, được ký kết vào ngày 15 tháng 11 năm 2022, vài tháng sau cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine.

Thỏa thuận này cho thấy Nika-Frut nhận được hai vệ tinh quan sát có độ phân giải cao thuộc về gã khổng lồ vũ trụ Chang Quang Satellite Technology của Trung Quốc, cho phép Tập đoàn Wagner thu được hình ảnh vệ tinh theo yêu cầu.

Một nguồn tin an ninh Âu Châu nói với AFP rằng Prigozhin đã sử dụng một số hình ảnh này để hỗ trợ cho cuộc nổi dậy thất bại của mình và “cuộc tuần hành công lý” hướng tới Mạc Tư Khoa chống lại những nhà lãnh đạo Điện Cẩm Linh trong hai ngày 23 và 24 tháng 6.

Cố lãnh đạo của Tập đoàn Wagner đã thiệt mạng trong một vụ tai nạn máy bay tư nhân hồi tháng 8 và Điện Cẩm Linh cho biết nhóm lính đánh thuê từng đóng vai trò quan trọng trong cuộc tấn công của Mạc Tư Khoa ở Ukraine đã bị Bộ Quốc phòng Nga tiếp quản.

Theo nguồn tin của AFP, vào cuối tháng 5 - vài tuần trước cuộc binh biến - Prigozhin đã yêu cầu chụp ảnh lãnh thổ Nga dọc theo tuyến đường giữa biên giới Ukraine và Mạc Tư Khoa.

Newsweek không thể xác minh độc lập tuyên bố của nguồn tin và đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga để yêu cầu bình luận qua email.

Cuộc binh biến bị hủy bỏ của Prigozhin chứng kiến ông trùm quá cố của Tập đoàn Wagner nắm quyền kiểm soát hai trung tâm quân sự ở miền nam nước Nga và tiến vào phạm vi 120 dặm quanh Mạc Tư Khoa như một phần của “cuộc tuần hành công lý” chống lại giới lãnh đạo quân sự nước này.

Nhà lãnh đạo Wagner cho biết vào ngày 24 tháng 6 rằng lực lượng của ông không gặp phải sự kháng cự nào khi họ tiến từ miền nam nước Nga đến thủ đô. Nhà lãnh đạo Lực lượng Vệ binh Quốc gia Nga, Viktor Zolotov, cho biết vào thời điểm đó rằng Mạc Tư Khoa tập trung toàn bộ lực lượng để bảo vệ thành phố “nếu không họ sẽ lao qua chúng tôi như một con dao xuyên qua bơ”.

Bắc Kinh và Mạc Tư Khoa đã duy trì mối quan hệ ngoại giao, chính trị và kinh tế trong suốt thời gian Nga xâm chiếm Ukraine. Vài tuần trước khi chiến tranh bắt đầu, Vladimir Putin và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tuyên bố nổi tiếng về một “tình bạn không giới hạn”. Bắc Kinh khẳng định họ giữ quan điểm trung lập trong cuộc xung đột.

Prigozhin bị giết vào cuối tháng 8, đúng hai tháng sau cuộc nổi dậy của ông. Hiện chưa rõ nguyên nhân vụ tai nạn, mặc dù một số báo cáo cho rằng máy bay đã bị lực lượng phòng không Nga bắn hạ.

Hôm thứ Năm, tại cuộc họp thường niên của Câu lạc bộ thảo luận Valdai ở Sochi, Putin đã đưa ra lời giải thích kỳ lạ về cái chết của Prigozhin, cho rằng hành khách trên máy bay riêng có thể đã bị ảnh hưởng bởi rượu hoặc ma túy, điều này có thể dẫn đến việc giải quyết cẩu thả lựu đạn.

Điện Cẩm Linh trước đó cho biết suy đoán rằng Prigozhin bị giết theo lệnh của Putin là “hoàn toàn dối trá”.

Sau cái chết của Prigozhin, Putin thừa nhận đã tài trợ toàn bộ cho Tập đoàn Wagner và các hoạt động của tập đoàn này sau nhiều năm tuyên bố rằng lính đánh thuê là bất hợp pháp theo luật pháp Nga.

“ Tôi muốn chỉ ra và muốn mọi người biết về điều đó: Việc bảo trì toàn bộ Tập đoàn Wagner được nhà nước cung cấp đầy đủ,” ông Putin nói vào ngày 27/6. “Từ Bộ Quốc phòng, từ ngân sách nhà nước, chúng tôi đã tài trợ đầy đủ cho nhóm này.”

Tin tức về hợp đồng tháng 11 năm 2022 đặt ra câu hỏi về việc liệu hình ảnh vệ tinh được cho là được Prigozhin sử dụng để hỗ trợ cuộc binh biến của ông ta có phải do chính Putin vô tình tài trợ hay không.

3. Các nước nhỏ hơn đang cam kết đóng góp tỷ trọng GDP lớn hơn để hỗ trợ Ukraine so với Mỹ

Theo dữ liệu của Viện Kiel, Mỹ đã cam kết số tiền lớn thứ hai để giúp Ukraine nói chung - bao gồm hỗ trợ quân sự, tài chính và nhân đạo - sau Liên minh Âu Châu, nơi đã gửi tổng cộng khoảng 85,1 tỷ Mỹ Kim. Con số đó không bao gồm đóng góp của từng quốc gia thành viên Liên Hiệp Âu Châu, được tính riêng.

Nhưng không giống như một số đồng minh nhỏ hơn của Ukraine, đóng góp của Washington chỉ chiếm 0,3% GDP của Hoa Kỳ.

Na Uy và các quốc gia vùng Baltic giáp với Nga - Lithuania, Estonia và Latvia - đang cam kết đóng góp một tỷ lệ tài sản lớn hơn cho chiến tranh, ở mức hơn 1% GDP của họ.

Khi cuộc xâm lược Ukraine của Nga bắt đầu, Kyiv đã có thể duy trì cuộc chiến tiếp diễn phần lớn nhờ vào khoản viện trợ gần 350 tỷ Mỹ Kim được hầu hết các quốc gia phương Tây cam kết kể từ Tháng Giêng năm 2022.

CNN đã phân tích mức độ hỗ trợ quốc tế dành cho Ukraine. Các nước trên thế giới đã cam kết hỗ trợ quân sự trực tiếp gần 100 tỷ Mỹ Kim cho Ukraine. Gần một nửa trong số đó là từ Hoa Kỳ, theo dữ liệu từ Viện Kinh tế Thế giới Kiel cho đến tháng 7 năm 2023.

Tuy nhiên, dữ liệu cho thấy đóng góp của Washington chỉ chiếm 0,3% GDP. Để so sánh, Na Uy và các quốc gia vùng Baltic giáp với Nga - Lithuania, Estonia và Latvia - đang chi một tỷ lệ tài sản lớn hơn cho chiến tranh, ở mức hơn 1% GDP của họ.

4. Những tiếng nổ kinh hồn lại vang lên ở Mạc Tư Khoa

Hãng thông tấn nhà nước Nga Tass đưa tin lực lượng phòng không Nga đã bắn hạ một máy bay không người lái của Ukraine gần Mạc Tư Khoa vào sáng sớm thứ Bảy.

TASS dẫn lời Bộ Quốc phòng Nga cho biết, cuộc tấn công đã bị đẩy lùi ở quận Istra phía tây bắc thủ đô và dường như là một nỗ lực của Ukraine nhằm tấn công các cơ sở của Nga.

Bất kể có các vụ nổ long trời, thị trưởng Mạc Tư Khoa, Sergei Sobyanin, cho biết vụ tấn công dường như không gây thiệt hại hay thương tích.

TASS cho biết vụ tấn công xảy ra khi các hoạt động bay vừa được nối lại tại phi trường Vnukovo và Sheremetyevo ở Mạc Tư Khoa sau khi bị đình chỉ; khiến cho hai phi trường này lại bị đình chỉ thêm một khoảng thời gian chưa xác định.

5. 'Chúng ta đang có chiến tranh': Israel trả đũa sau cuộc tấn công bất ngờ lớn của Hamas. Hơn 2.200 quả rocket bắn vào Israel.

Trong một diễn biến gây quan ngại sâu xa, sáng hôm Thứ Bẩy 7 Tháng Mười, Israel đã bị tấn công bằng một số lượng hỏa tiễn khổng lồ lên đến 2.200 quả. Ít nhất 250 người Do Thái thiệt mạng ngay lập tức, con số tử vong tiếp tục tăng cao vì hàng ngàn người khác được ghi nhận bị thương rất nặng.

Theo tin tưởng chung, Nga và Iran đứng sau vụ này. Mặc dù, Tổng thống Zelenskiy là người Do Thái, chính quyền Israel đã rất thận trọng trong việc giúp đỡ ông vì sợ Nga và Iran trả thù. Dù chính quyền Israel thận trọng đến thế nào, Nga và Iran vẫn chuyển vũ khí cho Hamas thông qua nhóm Hezbollah đang chiến đấu tại Syria.

Người Nga đang theo dõi diễn biến này với niềm phấn khởi tột độ vì vụ này chắc chắn sẽ có tác động sâu xa đến cuộc chiến tại Ukraine. Chiến lược rõ ràng của Putin là cần phải mở nhiều mặt trận để phân tán sự chú ý và nguồn lực của phương Tây.

Hai ký giả Gabriel Gavin và Hans Von Der Burchard của tờ Politico có trụ sở ở Washington DC có bài tường trình nhan đề “‘We are at war’: Israel retaliates after massive surprise attack by Hamas”, nghĩa là “'Chúng ta đang có chiến tranh': Israel trả đũa sau cuộc tấn công bất ngờ lớn của Hamas”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Israel đã phải hứng chịu một cuộc tấn công bất ngờ của Hamas vào sáng sớm thứ Bảy, một trong những đợt leo thang nghiêm trọng nhất trong nhiều năm giữa Israel và nhóm chiến binh Hồi giáo. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố đất nước này đang “có chiến tranh”.

Cuộc tấn công lớn của Hamas do Iran hậu thuẫn kết hợp một loạt hỏa tiễn bắn từ Dải Gaza vào Israel và hàng chục tay súng vũ trang hạng nặng tấn công miền nam đất nước từ Gaza. Sự việc xảy ra một ngày sau khi Israel kỷ niệm 50 năm cuộc xâm lược bất ngờ vào Yom Kippur năm 1973.

Ít nhất 250 người thiệt mạng và 1.100 người bị thương, khiến đây trở thành vụ tấn công đẫm máu nhất ở Israel trong nhiều thập kỷ. Bộ Y tế Palestine cho biết gần 200 người ở Dải Gaza đã thiệt mạng và ít nhất 1.610 người bị thương trong các cuộc tấn công trả đũa của Israel. Số người chết dự kiến sẽ tăng lên.

“Chúng ta đang có chiến tranh và chúng ta sẽ chiến thắng”, ông Netanyahu nói trong thông điệp gửi tới người Israel. “Đối phương sẽ phải trả giá chưa từng có.”

Lực lượng phòng vệ Israel, gọi tắt là IDF, đã tiến hành các cuộc tấn công trả đũa vào các mục tiêu của Hamas ở Gaza. IDF cho biết trong một tuyên bố: “IDF đang bắt đầu một chiến dịch quy mô lớn để bảo vệ thường dân Israel trước cuộc tấn công tổng hợp nhằm vào Israel do Hamas tiến hành sáng nay”.

Truyền thông Israel đưa tin, phát ngôn nhân của IDF, Chuẩn đô đốc Daniel Hagari, nói với các phóng viên rằng hơn 2.200 quả rocket đã được bắn vào Israel vào sáng thứ Bảy. Hagari cho biết các chiến binh Hamas đã xâm nhập từ đất liền, trên biển và trên không.

Iran hoan nghênh cuộc tấn công của Hamas với Yahya Rahim Safavi, cố vấn của Lãnh đạo tối cao Iran, ca ngợi cuộc tấn công là “đáng khen ngợi”. Ông nói với truyền thông nhà nước Iran: “Chúng tôi sẽ sát cánh cùng những người đấu tranh cho tự do của người Palestine.”

Thông tấn xã AP đưa tin Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant cảnh báo rằng Hamas “đã phạm sai lầm nghiêm trọng”. Ông phát biểu sau cuộc họp nội các an ninh tại trụ sở quân đội Israel ở Tel Aviv hôm thứ Bảy.

6. Tổng thống Biden cam kết hỗ trợ Israel sau các cuộc tấn công của Hamas

Hai ký giả ‘Rock solid and unwavering': Biden pledges support for Israel after Hamas attacks của tờ Politico có trụ sở ở Washington DC có bài tường trình nhan đề “‘Rock solid and unwavering': Biden pledges support for Israel after Hamas attacks”, nghĩa là “Tổng thống Biden cam kết hỗ trợ Israel vững chắc và không lay chuyển sau các cuộc tấn công của Hamas”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Tổng thống nói chuyện với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu sau khi leo thang chưa từng có khiến ít nhất 250 người thiệt mạng.

Tổng thống Joe Biden hôm thứ Bảy đã mạnh mẽ tố cáo cuộc tấn công của Hamas nhằm vào dân thường Israel, liên tục tuyên bố rằng Mỹ “sát cánh với Israel” và sẽ không bao giờ “ngừng ủng hộ họ”.

“Israel có quyền bảo vệ chính mình và người dân của mình. Chấm hết. Không bao giờ có lời biện minh nào cho các cuộc tấn công khủng bố. Và sự hỗ trợ của chính quyền tôi đối với an ninh Israel là rất vững chắc và không lay chuyển”, tổng thống nói, phát biểu từ Tòa Bạch Ốc.

Bài phát biểu trực tiếp của tổng thống được đưa ra vài giờ sau khi ông nói chuyện với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu về các cuộc tấn công “khủng khiếp” của Hamas, đồng thời đưa ra “tất cả các phương tiện hỗ trợ thích hợp” cho đồng minh của Mỹ trong bối cảnh cuộc giao tranh đang diễn ra.

“Thủ tướng cảm ơn Tổng thống Mỹ vì sự ủng hộ hết mình của ông và nói rõ rằng cần phải có một chiến dịch kéo dài và mạnh mẽ để Israel giành được chiến thắng”

Ông Netanyahu tuyên bố vào sáng sớm thứ Bảy rằng đồng minh của Hoa Kỳ đang “có chiến tranh” khi còi báo động vang lên ở Giêrusalem và Tel Aviv và Lực lượng Phòng vệ Israel đáp trả bằng cách tấn công các mục tiêu của Hamas ở vùng Gaza lân cận.

Phát ngôn nhân của IDF, Chuẩn Đô đốc Daniel Hagari cho biết, hơn 2.200 quả hỏa tiễn đã được bắn vào Israel vào sáng thứ Bảy. Hagari cho biết các chiến binh Hamas đã xâm nhập từ đất liền, trên biển và trên không.

Israel cho biết ít nhất 250 người đã chết và 1.500 người bị thương, khiến vụ tấn công trở thành vụ tấn công gây chết người nhiều nhất ở nước này trong nhiều thập kỷ qua. Trong các cuộc tấn công của Israel, Bộ Y tế Palestine cho biết ít nhất 232 người ở Dải Gaza đã thiệt mạng và ít nhất 1.700 người bị thương.

Biden cho biết ông cũng đã nói chuyện với Vua Abdullah II của Jordan vào thứ Bảy và đã chỉ đạo nhóm của ông giữ liên lạc với các nhà lãnh đạo trong khu vực. Ông cũng cảnh báo chống lại bất kỳ kẻ xấu nào có thể tìm cách lợi dụng cuộc khủng hoảng, lưu ý rằng “thế giới đang theo dõi”.

“Đó cũng là một thảm kịch khủng khiếp ở cấp độ nhân văn. Nó đang làm tổn thương những người vô tội”, ông Biden nói. “Chứng kiến cuộc sống bị tan vỡ vì điều này, gia đình tan nát, thật đau lòng.”

Phản ứng của Biden đã củng cố tiếng đồng thanh của các quan chức Mỹ, những người đã lên án cuộc tấn công bất ngờ và xâm nhập của Hamas vào khu vực phía nam Israel.

Ngoại trưởng Antony Blinken cho biết Hoa Kỳ “đoàn kết với chính phủ và người dân Israel”.

Theo một quan chức của Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đã triệu tập một cuộc họp vào hôm thứ Bảy với Bộ Tư lệnh Trung ương Hoa Kỳ và các lãnh đạo cao cấp, bao gồm cả Tổng Tham Mưu Trưởng Liên Quân mới, Tướng Charles Brown. Trong một tuyên bố, ông cho biết cam kết của Hoa Kỳ đối với “quyền tự vệ của Israel vẫn không lay chuyển” và bộ phận của ông sẽ làm việc để bảo đảm đất nước có những thứ cần thiết để “tự vệ”.

Năm 2021, Israel và Hamas tham gia vào một cuộc xung đột kéo dài 11 ngày khiến ít nhất 260 người Palestine và ít nhất một chục người Israel thiệt mạng. Chính quyền Biden đã âm thầm làm việc để rút ngắn cuộc chiến đó, đặt ra một số câu hỏi là liệu Israel có đủ thời gian gây thiệt hại cho khả năng quân sự của Hamas hay không.

Các cuộc tấn công mới nhất có thể củng cố về mặt chính trị cho ông Netanyahu và chính phủ cực hữu của ông khi họ đang phải đối mặt với các cuộc biểu tình kéo dài nhiều tháng qua về nỗ lực cải tổ cơ quan tư pháp của Israel. Nhiều người chỉ trích nỗ lực đó tin rằng nó sẽ gây tổn hại nặng nề cho nền dân chủ của Israel.

Cuộc chiến cũng có thể làm xáo trộn sáng kiến hòa bình rộng lớn hơn mà Mỹ đang theo đuổi. Nỗ lực đó sẽ chứng kiến Israel và Ả Rập Saudi bình thường hóa quan hệ ngoại giao, trong số các bước đi khác mà Washington hy vọng sẽ bao gồm việc giúp mở đường cho một nhà nước Palestine.

Cuộc xâm lược làm sống lại ký ức về cuộc chiến tranh Ả Rập-Israel năm 1973 gần 50 năm trước, mà đỉnh điểm là Hiệp định Trại David. Thứ Bảy đánh dấu ngày lễ Simchat Torah của người Do Thái, kết thúc chu kỳ đọc Kinh Torah hàng năm và bắt đầu một chu kỳ mới. Đó là một trong những ngày vui vẻ nhất trong năm của người Do Thái.

Các chính trị gia Mỹ đã nhanh chóng lên án các cuộc tấn công, trong đó nhiều người đổ trách nhiệm cuối cùng cho Nga và Iran. Lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện Mitch McConnell liên hệ cuộc xung đột hôm thứ Bảy với cuộc chiến ở Ukraine, lưu ý rằng Hoa Kỳ và các đồng minh cần phải đoàn kết “khi một nền dân chủ anh em bảo vệ chủ quyền của mình”.

“Những kẻ khủng bố chịu trách nhiệm cho cuộc chiến đang diễn ra chống lại Israel này đã được huấn luyện và trang bị bởi Iran, quốc gia khủng bố cung cấp máy bay không người lái sát thương cho Nga để tấn công Ukraine. Phải có hậu quả đối với những người tiến hành hoặc hỗ trợ khủng bố như vậy”, ông McConnell nói trong một tuyên bố.

Volker Türk, giám đốc nhân quyền của Liên Hiệp Quốc, cho biết ông “bị sốc và kinh hoàng” trước cuộc tấn công cũng như các báo cáo về việc Hamas bắt giữ công dân Israel làm con tin, đồng thời kêu gọi chấm dứt bạo lực ngay lập tức.

Các nhà lãnh đạo Âu Châu lên án vụ tấn công và tuyên bố Israel có quyền tự vệ.

Tổng thống Pháp Emanuel Macron đã lên án các vụ tấn công và bày tỏ “đoàn kết” với các nạn nhân Israel và gia đình họ.

Chủ tịch Ủy ban Âu Châu Ursula von der Leyen cho biết trong một tuyên bố: “Đó là chủ nghĩa khủng bố dưới hình thức đáng khinh bỉ nhất”. “Israel có quyền tự vệ trước những cuộc tấn công tàn ác như vậy”.

7. Dmitry Medvedev kêu gọi nội chiến ở Mỹ cho thấy sách lược thoát hiểm của Nga là gây rối loạn ở nhiều nơi

Dmitry Medvedev, cựu lãnh đạo Nga, hôm Thứ Bẩy đã kêu gọi một cuộc nội chiến ở Mỹ, vì ông nói rằng một cuộc nội chiến sẽ là điều duy nhất có thể ngăn chặn “niềm đam mê điên cuồng của nước Mỹ trong việc châm ngòi cho xung đột ở khắp mọi nơi trên hành tinh”.

Medvedev tuyên bố:

“Sự bùng nổ giao tranh giữa Hamas và Israel nhân dịp kỷ niệm 50 năm bắt đầu Chiến tranh Yom Kippur là một sự kiện có thể được mong đợi. Đây là điều mà Washington và các đồng minh phải làm. Xung đột giữa Israel và Palestine đã diễn ra trong nhiều thập kỷ. Và Mỹ là nhân tố chủ chốt ở đó.

Nhưng thay vì tích cực nỗ lực giải quyết vấn đề Palestine-Israel, những kẻ ngốc này lại tấn công chúng tôi và giúp đỡ những kẻ theo chủ nghĩa Quốc xã mới bằng tất cả sức lực của mình, đẩy hai quốc gia thân thiết vào xung đột.

Điều gì có thể ngăn chặn niềm đam mê cuồng nhiệt của Mỹ trong việc khơi dậy xung đột ở khắp mọi nơi trên hành tinh?

Rõ ràng, chỉ có một cuộc nội chiến ở Hoa Kỳ mới giúp thực hiện điều đó.”

Tổng thống Zelenskiy đã mạnh mẽ lên tiếng ủng hộ Israel sau các cuộc tấn công của Hamas. Đáp lại nhận xét của Medvedev, ông nói rằng các chính trị gia diều hâu của Nga thường có thói quen ngậm máu phun người. Họ tố cáo người khác về chính những hành vi họ đang thực hiện hay đang âm mưu thực hiện.

Các phương tiện truyền thông địa phương ghi nhận rằng các cuộc tấn công của Hamas vào Israel đang gây ra lo ngại sâu xa cho chính quyền Ukraine, đặc biệt là sau khi viện trợ dành cho nước này đã bị bỏ qua trong thỏa thuận chi tiêu tạm thời của Quốc Hội Hoa Kỳ vào cuối tuần trước.

8. Bản đồ chiến tranh Ukraine cho thấy tiến trình phản công trong tuần này

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Ukraine Maps Show Counteroffensive 'Successes' Near Bakhmut”, nghĩa là “Các bản đồ Ukraine cho thấy cuộc phản công 'thành công' gần Bakhmut.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Theo bản đồ mới nhất do Viện Nghiên cứu Chiến tranh, gọi tắt là ISW, công bố, Ukraine đã đạt được một số tiến bộ trong hoạt động phản công gần Bakhmut ở khu vực Donetsk.

Bản cập nhật mới nhất của tổ chức cố vấn Mỹ cho biết lực lượng của Kyiv tiếp tục các hoạt động tấn công gần Bakhmut và phía tây tỉnh Zaporizhia và được cho là đã tiến bộ vào hôm thứ Năm.

Cuộc phản công nhằm giành lại lãnh thổ của Ukraine hiện đã bước sang tháng thứ năm, với các cuộc đụng độ đặc biệt nặng nề diễn ra dọc theo chiến tuyến ở khu vực Donetsk và Zaporizhzhia.

Bakhmut vẫn là tâm điểm của cuộc xung đột trong suốt cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Tháng trước Ukraine tuyên bố đã giành lại được thị trấn Andriivka, cách Bakhmut khoảng 6 dặm về phía nam.

Kyiv nói rằng lực lượng của Mạc Tư Khoa trong khu vực đã “tàn tạ” sau trận chiến. Bakhmut đã chứng kiến một số cuộc đụng độ ác liệt nhất trong cuộc chiến và cuộc phản công của Ukraine đang tiến về phía thành phố công nghiệp.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga để yêu cầu bình luận qua email.

ISW trích dẫn một báo cáo từ Bộ Tổng tham mưu Ukraine cho biết các lực lượng Ukraine hôm thứ Năm đã đạt được “những thành công chưa xác định” ở phía đông Andriivka, trong khi Phát ngôn nhân của Nhóm Lực lượng Tavriisk Ukraine, Đại tá Oleksandr Shtupun báo cáo rằng các lực lượng Ukraine đã đạt được một phần thành công ở phía tây Robotyne, một thị trấn trọng điểm trên mặt trận Zaporizhzhia phía nam Ukraine.

“Các blogger khác của Nga cho rằng lực lượng Ukraine đã tấn công không thành công vào tuyến đường sắt gần Klishchiivka và Andriivka”, tổ chức cố vấn cho biết. “Các nguồn tin của Nga tuyên bố rằng các thành phần của Lữ đoàn súng trường cơ giới số 132 của Nga đã đẩy lùi một cuộc tấn công của Ukraine theo hướng Horlivka, có thể ám chỉ khu vực giữa hướng Bakhmut và Avdiivka.”

Viện nghiên cứu cho biết các lực lượng Nga đã tiến hành các hoạt động tấn công dọc theo tuyến Kupyansk-Svatove-Kreminna, gần Bakhmut, dọc theo tuyến Thành phố Avdiivka-Donetsk, ở khu vực biên giới tỉnh Zaporizhia phía tây Donetsk-đông và ở phía tây tỉnh Zaporizhia, nhưng không tiến thêm được bước nào vào ngày 5 tháng 10

ISW trích dẫn Bộ Tổng tham mưu báo cáo rằng các lực lượng Nga đã không thành công khi cố gắng chiếm lại các vị trí ở phía đông Dyliivka (cách Bakhmut 15 km về phía tây nam) và gần Hryhorivka (cách Bakhmut 9 km về phía tây bắc), Klishchiivka và Andriivka.

Thượng Tướng Oleksandr Syrskyi, chỉ huy lực lượng mặt đất Ukraine, hôm thứ Năm cho biết Nga đã mất 6 xe tăng trong cuộc đụng độ gần Bakhmut.

Syrskyi, người chỉ huy các nỗ lực phản công đang diễn ra của Ukraine ở phía đông nam đất nước, cho biết trên kênh Telegram chính thức của mình: “Trong một ngày, chúng tôi đã tiêu diệt 6 xe tăng Nga theo hướng Bakhmut”.

“Nhóm Asgard, đơn vị Ochi của Lữ đoàn dù biệt lập số 120 đã hợp tác với nhóm Shark của Lữ đoàn số 28, nhóm Klavdich của Lữ đoàn cơ giới biệt lập số 92 và nhóm tác chiến điện tử và tác chiến mạng của Lữ đoàn 28” để tiêu diệt xe tăng Nga gần Bakhmut, chỉ huy cho biết trong một bài đăng trên kênh Telegram chính thức của mình.

Tuyên bố của ông cho biết thêm: “Các binh sĩ của chúng tôi đã hủy bỏ ba xe tăng T-72, một chiếc T-80 và hai chiếc T-90”. “Niềm tự hào cho Ukraine.”

9. Nga tiếp tục tấn công mạnh vào thường dân vô tội ở Ukraine

Oleg Synegubov, nhà lãnh đạo cơ quan quản lý nhà nước khu vực Kharkiv cho biết, hai người đã bị thương trong một cuộc tấn công bằng hỏa tiễn của Nga vào làng Peresichne ở tỉnh Kharkiv.

Một người đàn ông 66 tuổi và một phụ nữ 64 tuổi cần được chăm sóc y tế khi hỏa tiễn đâm vào giữa hai tòa nhà chung cư hai tầng, làm hư hại mái và mặt tiền của các ngôi nhà, làm vỡ kính và gây ra hỏa hoạn.

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng Chúa Nhật mùng 8 Tháng Mười, phát ngôn nhân cảnh sát quốc gia Ukraine, Đại Úy Alyona Lyutnytska, cho biết một phụ nữ đã thiệt mạng và hai người khác bị thương trong vụ pháo kích của Nga vào làng Bilenke ở tỉnh Zaporizhzhia sáng hôm Thứ Bẩy.

Cô cho biết một ngôi nhà riêng và các tòa nhà phụ đã bị hư hại trong vụ tấn công.

Cô cho biết thêm, trong ngày qua, lực lượng Nga đã tiến hành 113 cuộc tấn công vào 20 thị trấn và làng mạc trong tỉnh, với 102 quả đạn pháo đánh vào lãnh thổ Mahdalynivka, Orikhov, Huliaipole, Zaliznychne, Temyrivka và các khu định cư tiền tuyến khác.

Hai cư dân Orikhov, là 2 người đàn ông 35 và 82 tuổi đã bị thương.

Lực lượng Nga cũng thực hiện 4 cuộc tấn công bằng hỏa tiễn phòng không

Quân xâm lược Nga đã thực hiện 4 cuộc tấn công bằng hỏa tiễn phòng không vào Novodanylivka, Robotyny và Mala Tokmachka và 5 cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (5 cuộc tấn công vào Biloghirya và Mali Shcherbaky), cũng như các cuộc không kích vào Mala Tokmachka và Novodanylivka.

Có 17 báo cáo về việc các tòa nhà dân cư và cơ sở hạ tầng bị phá hủy.
 
Bi thảm: Hàng trăm tín hữu Công Giáo Iraq mất mạng trong một lễ cưới. Nga xách mé ĐTP Constantinople
VietCatholic Media
06:42 08/10/2023


1. Các nhà lãnh đạo tôn giáo Kitô giáo Iraq yêu cầu một cuộc điều tra quốc tế về vụ cháy đám cưới khiến hàng trăm người mất mạng

Các nhà lãnh đạo tôn giáo Kitô giáo ở miền bắc Iraq hôm thứ Hai đã kêu gọi một cuộc điều tra quốc tế về vụ cháy đám cưới chết người khiến hơn 100 người thiệt mạng vào tuần trước và bác bỏ cuộc điều tra của chính phủ, trong đó đổ lỗi cho vụ cháy là do sơ suất và thiếu các biện pháp phòng ngừa.

Trong khi đó, một linh mục Công Giáo Syriac người Iraq cho biết tình trạng tham nhũng tràn lan trong nước và ảnh hưởng của lực lượng dân quân có vũ trang đối với chính phủ là một trong những yếu tố gây ra vụ hỏa hoạn.

Cha Boutros Sheeto, đã nói chuyện với thông tấn xã AP qua điện thoại từ thị trấn Qaraqosh, nơi năm thành viên trong gia đình ông, bao gồm cả chị gái người Mỹ gốc Iraq, được chôn cất vào sáng thứ Hai. Ngài khẳng định vụ cháy là “cố ý”

Hàng chục vị khách hoảng loạn đã tràn ra lối thoát hiểm vào tối thứ Ba tại Sảnh cưới Hoàng gia Haitham ở khu vực có đa số người theo Kitô giáo ở Hamdaniya, tỉnh Nineveh sau khi các tấm trần phía trên bốc cháy.

Iraq hôm Chúa Nhật công bố kết quả điều tra cho biết pháo hoa không an toàn là nguyên nhân chính gây ra vụ hỏa hoạn khiến 107 người thiệt mạng và 82 người bị thương. Một số quan chức địa phương ở Nineveh cũng bị áp dụng “các biện pháp hành chính” vì sơ suất.

Cha Sheeto nói: “Chúng tôi bác bỏ ý kiến cho rằng nguyên nhân vụ cháy là do tai nạn. “Chúng tôi tin rằng đó là hành động cố ý và do đó chúng tôi yêu cầu một cuộc điều tra quốc tế.”

Mười người thân của ngài, bao gồm cả chị gái Faten Sheeto, người đã đến Iraq từ nhà cô ở Arizona, Hoa Kỳ để tham dự đám cưới đã thiệt mạng do hỏa hoạn.

Truyền thông Iraq dẫn lời Đức Hồng Y Công Giáo Chaldean Louis Raphael Sako từ Rôma nói rằng ngọn lửa “là hành động của một người đã bán lương tâm và quốc gia của mình cho một chương trình nghị sự cụ thể”.

Vào tháng 7, Đức Hồng Y Sako phải rời trụ sở chính ở Baghdad và quay trở lại khu vực bán tự trị của người Kurd ở miền bắc Iraq sau khi Tổng thống Iraq Abdul Latif Rashid thu hồi sắc lệnh công nhận chức vụ Thượng Phụ Công Giáo Chanđê, là hệ phái Kitô lớn nhất Iraq và là một trong những nghi lễ Đông phương của Giáo Hội Công Giáo.

Một nhà lãnh đạo tôn giáo Kitô giáo Iraq khác, Đức Tổng Giám Mục Công Giáo Syriac của Mosul, Benedictus Younan Hanno, cho biết một cuộc điều tra nên được thực hiện dưới “sự giám sát của các nhà điều tra quốc tế”, và nói thêm rằng ngài và những người khác trong số các Kitô hữu Iraq không chấp nhận kết quả của cuộc điều tra ở Iraq.

Hôm thứ Hai, Sở Y tế Nineveh đã cập nhật số người chết lên 113, trong đó có 41 người chưa được xác định danh tính. Họ cho biết 12 người bị bỏng nặng đã được đưa ra nước ngoài điều trị và 8 người khác sẽ theo sau.

Thảm kịch này là thảm kịch mới nhất xảy ra với cộng đồng Kitô giáo thiểu số ở Iraq, vốn đã giảm xuống chỉ còn một phần nhỏ so với quy mô trước đây trong hai thập kỷ qua.

Sự suy giảm bắt đầu trước khi nhóm chiến binh Nhà nước Hồi giáo đàn áp các nhóm tôn giáo thiểu số sau khi những kẻ cực đoan chiếm được phần lớn lãnh thổ Iraq vào năm 2014. Kitô hữu nằm trong số các nhóm bị phiến quân nhắm tới khi an ninh bị phá vỡ sau cuộc xâm lược do Mỹ dẫn đầu năm 2003 lật đổ Saddam Hussein.

Số Kitô hữu ở Iraq ngày nay ước tính khoảng 150.000 người, so với 1,5 triệu người vào năm 2003. Tổng dân số Iraq là hơn 40 triệu người.


Source:AP

2. Chính Thống Giáo Nga đề cao Tòa Thượng Phụ Giêrusalem để xách mé Tòa Thượng Phụ Đại Kết Chính Thống Giáo Constantinople

Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa ủng hộ Thượng phụ Giêrusalem trong vai trò “Giáo chủ của tất cả các Giáo hội Kitô giáo”

Linh mục trưởng Nikolai Balashov, cố vấn thân cận của Thượng phụ Kirill, Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa đã hoan nghênh sáng kiến của Thượng phụ Theophilos thành Giêrusalem vì hòa bình ở Ukraine và hàn gắn vết thương trong thế giới Chính thống giáo.

Linh mục Nikolai Balashov đã nói trong một tuyên bố, “Giáo hội Chính thống Nga hoan nghênh mọi nỗ lực hòa giải nhằm phát triển đối thoại và thiết lập một nền hòa bình công chính ở Ukraine”.

Đáng chú ý là, giống như hầu hết các thông báo do các Giáo chủ của Giáo hội Nga đưa ra kể từ đầu chiến tranh, Cha Nikolai Balashov trong tuyên bố của mình đề cập đến một “cuộc xung đột quân sự ở Ukraine”, mà không lên án việc Nga xâm lược Ukraine.

Một điều cũng phổ biến là Giáo hội Nga hoan nghênh sáng kiến của một Giáo hội khác vì hòa bình ở Ukraine, đồng thời tiếp tục chúc phúc cho chiến tranh và “cầu nguyện” cho quân đội Nga chiến thắng trước những người Ukraine, vì đó là “nghĩa vụ vị tha của họ”.

Đáng chú ý là Linh mục Nikolai Balashov đã gọi Thượng Phụ Giêrusalem là “Thượng Phụ của Thành Thánh Giêrusalem, Giáo chủ của Giáo hội cổ xưa nhất và là Mẹ của tất cả các Giáo hội Kitô giáo”, và giống như giới lãnh đạo của Giáo hội Nga từ chối chấp nhận vai trò của Tòa Thượng phụ Đại kết là Giáo hội Mẹ.

Ngoài ra, đây là điều mà Thượng phụ Theophilos cũng đã thực hiện cách đây hai ngày trong thông báo về sáng kiến này, trong đó sáng kiến này được viết “bởi Mẹ của tất cả các Giáo hội”, nghĩa là Tòa Thượng Phụ Giêrusalem.

Vị linh mục của Giáo hội Nga nhấn mạnh rằng trong nỗ lực hòa giải trước đây của Thượng Phụ Giêrusalem ở Amman, Jordan, vào năm 2020, ngài đã nhận xét rằng “đó là một bước quan trọng trong lĩnh vực truyền thông liên Chính thống, và bước này phải tìm ra ý nghĩa tiếp tục của nó”.

Điều đáng chú ý là sáng kiến này của Thượng phụ Theophilos được coi là một thất bại, vì mặc dù thực tế là nó được coi là “sự tập hợp của các Thượng Phụ Chính Thống Giáo trên thế giới”, nhưng chỉ có Thượng phụ Mạc Tư Khoa, Thượng phụ Serbia và hầu hết các Thượng Phụ của Giáo hội đều từ chối tham gia.

Trong một nỗ lực mới, lần này là nhằm thách thức vai trò của Tòa Thượng phụ Đại kết, Cha Nikolai Balashov nhấn mạnh trong tuyên bố của mình rằng “vai trò quan trọng trong việc bảo đảm cuộc thảo luận này đã được Giêrusalem thực hiện nhiều lần”, bỏ qua thực tế là chỉ có Thượng phụ Đại kết mới có quyền và thẩm quyền triệu tập Hội đồng Toàn Chính thống.

Cuối cùng, vị linh mục Nga nói rằng Giáo hội Nga sẽ hỗ trợ “những nỗ lực dũng cảm này” và tầm quan trọng của cuộc đối thoại giữa các Giáo hội có giá trị to lớn, “ngay cả khi cuộc đối thoại này gặp nhiều khó khăn trong việc mang lại kết quả, trong khi các vị Thượng Phụ của một số Giáo hội trước đó đã tuyên bố rằng về nguyên tắc họ từ chối thảo luận về các quyết định được đưa ra”.

Lý do từ chối thảo luận, theo Orthodox Times, là vì những đề xuất do Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa đưa ra cho đến nay không thể được coi là một nền hòa bình công chính. Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa chủ trương Ukraine quay lại với Đất Mẹ, tức là Nga. Nói trắng trợn hơn là buông súng đầu hàng, và trở lại là một phần của Liên Bang Nga như trong thời kỳ Liên Xô. Về mặt tôn giáo, điều đó cũng có nghĩa là xóa bỏ Giáo Hội Chính Thống Giáo Ukraine độc lập mà Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô đã cấp quy chế tự trị hay Tomos.


Source:Orthodox Times
 
Quân Wagner phẫn nộ với Putin. Đồng minh của Nga ca ngợi Zelenskiy. Putin đe dọa hạt nhân thế giới
VietCatholic Media
17:27 08/10/2023


1. Putin vạch ra thời điểm khi nào Nga sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân và cảnh báo rằng không nước nào có thể chống lại Nga

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Putin Explains When Russia Would Use Nukes”, nghĩa là “Putin giải thích khi nào Nga sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm đã vạch ra thời điểm nước ông sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân.

Nhà lãnh đạo Nga đã leo thang luận điệu hạt nhân của mình tại cuộc họp thường niên của Câu lạc bộ Thảo luận Valdai ở Sochi, và tuyên bố rằng Mạc Tư Khoa đã thử nghiệm thành công hỏa tiễn hành trình Burevestnik chạy bằng năng lượng hạt nhân, có khả năng mang đầu đạn hạt nhân - một tuyên bố mà các quan chức Điện Cẩm Linh đã phủ nhận chỉ vài ngày trước đó.

Ngày càng có nhiều lo ngại trong suốt cuộc xâm lược toàn diện của Putin vào Ukraine rằng Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân.

Nhiều người lo ngại rằng việc Ukraine chiếm lại Crimea sẽ là ranh giới đỏ đối với Nga và Putin có thể sử dụng khả năng hạt nhân của nước mình để bảo vệ lãnh thổ. Putin sáp nhập trái phép bán đảo Hắc Hải từ Ukraine vào năm 2014.

Putin cảnh báo: “Trong trường hợp Nga bị tấn công, không ai có cơ hội sống sót”.

Trong một bài phát biểu có phạm vi rộng, ông Putin cho biết học thuyết quân sự của Nga đã nêu ra hai lý do khiến nước này có khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân - lý do đầu tiên là phản công nếu quốc gia khác tiến hành tấn công hạt nhân vào Nga trước.

Ông nói rằng không quốc gia nào có thể sống sót sau một cuộc tấn công hạt nhân trả đũa từ Nga.

Ông nói: “Cho đến nay, kẻ xâm lược sẽ không có cơ hội sống sót nếu chúng ta đáp trả”.

Lý do thứ hai, ông Putin nói, là mối đe dọa đối với sự tồn vong của nhà nước Nga, ngay cả khi vũ khí thông thường được sử dụng để chống lại Nga. Putin cho biết ông không thấy có lý do gì để hạ thấp tiêu chuẩn sử dụng vũ khí hạt nhân, như một nhà phân tích Nga đã đề xuất.

“Tôi không thấy cần thiết phải làm điều này. Ngày nay không có tình huống nào có thể đe dọa đến sự tồn tại của nhà nước Nga. Tôi nghĩ không có người tỉnh táo nào lại dám nghĩ đến việc sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại Nga. Và đối phương tiềm năng sẽ biết về khả năng của chúng ta”, ông nói thêm.

Nhà lãnh đạo Nga cho biết vào tháng 9 năm 2022 rằng ông sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân để bảo vệ lãnh thổ Nga.

“Nếu sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước chúng ta bị đe dọa, chúng ta chắc chắn sẽ sử dụng mọi phương tiện sẵn có để bảo vệ nước Nga và người dân của chúng ta - đây không phải là một trò lừa bịp”, ông Putin nói trong bài phát biểu trên truyền hình toàn quốc vào thời điểm đó.

Ông Putin cũng được hãng thông tấn nhà nước Nga RIA Novosti dẫn lời hôm thứ Năm rằng “cuộc thử nghiệm thành công cuối cùng của Burevestnik, một hỏa tiễn hành trình tầm bắn toàn cầu có lắp đặt hạt nhân, và hệ thống đẩy hạt nhân, đã được tiến hành”.

Khi Putin lần đầu tiên công bố chương trình phát triển Burevestnik vào năm 2018, ông đã gọi nó là “một hỏa tiễn tàng hình bay thấp mang đầu đạn hạt nhân, với tầm bắn gần như không giới hạn, quỹ đạo khó đoán và khả năng vượt qua ranh giới đánh chặn”.

Putin không cho biết cuộc thử nghiệm mới nhất diễn ra khi nào.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga để yêu cầu bình luận qua email.

2. Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ lên án Nga tăng cường tống tiền hạt nhân thế giới

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Mỹ, Matthew Miller cảnh báo rằng Nga đang tăng cường tống tiền hạt nhân thế giới khi tuyên bố hủy bỏ việc phê chuẩn Tổ chức Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện. Miller cảnh báo rằng điều này sẽ gây nguy hiểm cho “chuẩn mực toàn cầu” về các vụ nổ thử hạt nhân.

Mặc dù Mikhail Ulyanov, đại diện thường trực của Nga tại các tổ chức quốc tế ở Vienna, cho biết việc thu hồi không đồng nghĩa với ý định nối lại các cuộc thử nghiệm, nhưng Miller cảnh báo rằng Vladimir Putin đã đưa ra một số đề cập đến vũ khí hạt nhân trong tuần này, đặc biệt khi ông ta nói rằng ông ta “chưa sẵn sàng để nói ngay bây giờ liệu chúng ta có thực sự cần tiến hành các cuộc thử vũ khí hạt nhân hay không”.

Miller cho biết: “Chúng tôi cảm thấy khó chịu trước những bình luận của đại sứ Ulyanov tại Vienna ngày hôm nay”. “Một động thái như thế này của bất kỳ quốc gia thành viên nào cũng sẽ gây nguy hiểm cho tiêu chuẩn toàn cầu về chống thử nghiệm vũ khí hạt nhân.”

3. Biden yêu cầu Quốc hội cấp gói viện trợ lớn nhất cho Ukraine

Tổng thống Mỹ Joe Biden được cho là có ý định yêu cầu Quốc hội phê duyệt gói viện trợ quân sự và nhân đạo lớn nhất cho Ukraine với số tiền 100 tỷ Mỹ Kim trong thời gian khoảng hai năm.

Điều này đã được The Telegraph đưa tin.

Tổng thống Biden đang tìm cách giải quyết vấn đề này trước cuộc bầu cử tiếp theo, khi những người hoài nghi trong Quốc Hội tiếp tục tạo ra vấn đề trong việc tài trợ thêm viện trợ cho Ukraine.

Tờ báo đưa tin rằng Tòa Bạch Ốc đang xây dựng kế hoạch yêu cầu Quốc hội cấp gói tài trợ viện trợ nhân đạo và quân sự lớn nhất trong bối cảnh lo ngại rằng tranh chấp chi tiêu đang diễn ra có thể gây tổn hại cho ông Joe Biden trong cuộc bầu cử năm tới.

Quy mô của gói này, theo các quan chức Mỹ, có thể lên tới 100 tỷ Mỹ Kim.

Một số quan chức tin rằng việc thông qua một gói duy nhất, có thể trị giá tới 100 tỷ Mỹ Kim, có thể mang lại cho chính quyền Biden cơ hội tốt nhất để bảo đảm nguồn tài trợ cho viện trợ quân sự cho Ukraine trước cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 tới.

Sau khi Tổng thống Biden tiếp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy tại Tòa Bạch Ốc vào tháng 9 vừa qua, NBC News dẫn ba quan chức chính quyền Mỹ đưa tin rằng nhà lãnh đạo Mỹ hứa sẽ bàn giao cho Ukraine một lô nhỏ hỏa tiễn tầm xa ATACMS.

Các tin tức lạc quan này đã bị phủ một đám mây đen sau khi Hamas tấn công vào Israel và Hoa Kỳ tuyên bố sẽ tài trợ cho nước này.

Dư luận tại Ukraine cho rằng Nga và Iran đứng đằng sau cuộc tấn công lớn nhất trong 50 năm qua vào Israel. Việc mở rộng thêm mặt trận này chắc chắn sẽ phân tán nguồn lực và sự chú ý của phương Tây vào cuộc chiến ở Ukraine.

Trong vài giờ đầu tiên, các quan chức Hamas nói rằng họ đã phóng 5.000 hỏa tiễn vào lãnh thổ Israel. Tuy nhiên, Lực lượng phòng vệ Israel, gọi tắt là IDF, cho rằng chỉ khoảng 2.200 quả hỏa tiễn đã được phóng. Dù thế, con số hàng ngàn quả hỏa tiễn đã khiến người ta kinh ngạc tại sao Hamas có thể có một con số hỏa tiễn lớn như thế.

4. Bất ngờ: Đồng minh chủ chốt của Putin lại nịnh Zelenskiy một phát

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Key Putin Ally Offers Surprising Defense of Zelensky”, nghĩa là “Đồng minh chủ chốt của Putin đưa ra lời biện hộ đáng ngạc nhiên cho Zelenskiy.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko, một đồng minh quan trọng của Tổng thống Nga Vladimir Putin, vừa đưa ra một lời bảo vệ đáng ngạc nhiên dành cho Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy.

Là một nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ, Belarus vẫn là đồng minh trung thành của Nga trong suốt nhiều thập kỷ, là thành viên của liên minh quân sự liên chính phủ, được gọi là Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể, gọi tắt là CSTO, và cung cấp viện trợ rộng rãi cho Nga trong cuộc xâm lược kéo dài vào Ukraine. Trong khi quân đội Belarus chưa được triển khai vào Ukraine, quốc gia này đã cho phép lực lượng Nga sử dụng đất của mình cho mục đích chiến lược.

Hôm thứ Bảy, các clip bắt đầu lan truyền trên mạng xã hội ghi lại cảnh Lukashenko đưa ra lời bào chữa cho Zelenskiy, lập luận rằng, trong bối cảnh xung đột nảy lửa với Nga, ông đã hành động và phản ứng “thích hợp”, trái ngược với khẳng định của một số người. Với mối quan hệ thân thiết của Lukashenko với Putin, nhiều nhà quan sát coi những bình luận như vậy là rất bất thường.

Một trong những người đầu tiên chia sẻ đoạn clip của Lukashenko lên X, trước đây gọi là Twitter, là Anton Gerashchenko, cố vấn của Bộ trưởng Nội vụ Ukraine và là nhà bình luận trực tuyến sôi nổi về các vấn đề xung quanh cuộc xung đột với Nga.

Trong một tham chiếu rõ ràng đến Elon Musk, Lukashenko nói: “Chúng ta, người Nga và các nhà báo nói rằng Zelenskiy là kẻ ăn xin, hành động thiếu tự trọng và không trung thực”, ông Lukashenko nói trong clip. “Và tôi phải nói rằng Zelenskiy đang hành động hoàn toàn phù hợp với một chính nhân quân tử.”

Một đoạn clip mở rộng sau đó cũng được chia sẻ với X, trong đó, đối với một số người, nhà lãnh đạo Belarus dường như gợi ý rằng cuộc xung đột hiện tại đã diễn ra từ năm 2014, năm đánh dấu việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea. Lukashenko cũng cho rằng Zelenskiy được các lực lượng phương Tây khuyến khích chiến đấu để tự vệ.

Newsweek đã liên hệ với các quan chức Ukraine và chuyên gia quốc phòng nước ngoài qua email để bình luận.

Là một trong những đồng minh quan trọng nhất của Putin, những bình luận và địa vị của Lukashenko đã thúc đẩy việc đưa tin và bàn luận rộng rãi kể từ khi bắt đầu cuộc chiến ở Ukraine. Vào tháng 5, các báo cáo bắt đầu lan truyền rằng nhà lãnh đạo Belarus đã lâm bệnh nặng sau cuộc gặp với nhà lãnh đạo Nga, sau khi có nhiều đồn đoán về sự xuất hiện và vắng mặt của ông trong một số sự kiện tại Quảng trường Đỏ ở Mạc Tư Khoa.

Tuy nhiên, các quan chức đã bác bỏ mối lo ngại này và nói rằng Lukashenko chỉ bị bệnh nhẹ.

Konstantin Zatulin, phó chủ tịch thứ nhất Ủy ban Duma Quốc gia Nga về các vấn đề thuộc Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS), nói với một thông tấn xã Nga vào thời điểm đó: “Không có gì bất thường cả”. “Đây không phải là COVID. Anh ấy chỉ vừa bị bệnh.”

5. Lưu lượng tàu hỏa đang gia tăng đáng kể giữa Nga và Triều Tiên

Các nhà phân tích Beyond Parallel có trụ sở tại Washington cho biết, hình ảnh vệ tinh có độ phân giải cao cho thấy ít nhất 70 toa chở hàng tại Cơ sở Đường sắt Tumangang ở biên giới Triều Tiên, một con số được mô tả là “chưa từng có” ngay cả khi so sánh với mức độ trước Covid-19.

Trong 5 năm qua, không quá 20 toa tầu được nhìn thấy trong sân ga.

Báo cáo cho biết sự gia tăng hoạt động “có thể cho thấy Triều Tiên cung cấp vũ khí và đạn dược cho Nga”, đồng thời cho biết thêm rằng các tấm bạt phủ trên các container vận chuyển khiến không thể “xác định chính xác” bên trong là những gì.

Hôm qua, CBS News dẫn lời một quan chức Mỹ giấu tên cho biết Triều Tiên đã bắt đầu chuyển trọng pháo sang Nga để sử dụng trong cuộc chiến ở Ukraine. Mỹ trước đây đã cáo buộc Triều Tiên cung cấp đạn pháo cho Tập đoàn Wagner của Nga.

Cuộc gặp hồi tháng trước giữa Putin và Kim đã làm dấy lên mối lo ngại giữa các đồng minh phương Tây của Kyiv về một thỏa thuận vũ khí tiềm năng - Triều Tiên là nước sản xuất hàng loạt vũ khí thông thường và được biết là đang sở hữu một lượng lớn vật liệu chiến tranh từ thời Liên Xô, mặc dù chưa rõ tình trạng. Trong khi Nga cho biết không có thỏa thuận nào được ký kết trong chuyến thăm của ông Kim, Putin cho biết ông nhìn thấy “khả năng” hợp tác quân sự.

Với việc lực lượng Mạc Tư Khoa bắn khoảng 60.000 viên đạn mỗi ngày, các nhà phân tích cho rằng sản lượng đạn pháo của Nga có thể không đáp ứng đủ nhu cầu trên chiến trường. Phân tích đó được đưa ra ngay cả sau khi Nga tăng cường sản xuất đạn pháo trong năm nay lên mức dự báo 2,5 triệu quả.

Tòa Bạch Ốc cho biết bất kỳ hoạt động xuất khẩu vũ khí nào từ Triều Tiên sang Nga “sẽ vi phạm trực tiếp nhiều nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, bao gồm cả các nghị quyết mà chính Nga đã bỏ phiếu thông qua”.

6. Các đồng minh của Prigozhin tức giận trước các tuyên bố gần đây của Putin, đe dọa tấn công Mạc Tư Khoa

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Prigozhin Allies Warn Putin Makes Things 'Worse,' Float New March on Moscow”, nghĩa là “Các đồng minh của Prigozhin cảnh báo Putin làm mọi thứ trở nên 'tệ hơn', và hô hào một cuộc tuần hành mới về Mạc Tư Khoa.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Phượng.

Các đồng minh của cố lãnh đạo Tập đoàn Wagner Yevgeny Prigozhin gần đây đã lên tiếng chỉ trích Tổng thống Nga Vladimir Putin, kêu gọi tiến hành một cuộc tuần hành thứ hai vào Mạc Tư Khoa và cảnh báo rằng những nhận xét gần đây của ông về cái chết của Prigozhin khiến tình hình “tồi tệ hơn”.

Mối quan hệ giữa Điện Cẩm Linh và Tập đoàn Wagner, một tổ chức bán quân sự đã chiến đấu cùng quân đội của Putin trong cuộc chiến Ukraine trong nhiều tháng, đã xấu đi sau khi tổ chức này phát động một cuộc binh biến chống lại Mạc Tư Khoa vào cuối tháng 6 do tình trạng trì trệ của cuộc xâm lược. Nỗ lực nổi dậy cuối cùng đã thất bại, tổ chức này bị đày sang nước láng giềng Belarus và Prigozhin sau đó chết trong một vụ tai nạn máy bay, khiến quan hệ giữa hai đồng minh cũ trở nên căng thẳng.

Putin đã khiến các đồng minh của Prigozhin tức giận sau khi suy đoán về nguyên nhân vụ tai nạn máy bay khiến người sáng lập Tập đoàn Wagner thiệt mạng hồi tháng 8. Trong cuộc họp báo tại Câu lạc bộ thảo luận Valdai hôm thứ Năm, nhà lãnh đạo Nga đã suy đoán về thi thể các nạn nhân để xác định xem liệu họ có bị ảnh hưởng bởi rượu vào thời điểm xảy ra vụ tai nạn hay không, mặc dù không có bằng chứng nào cho thấy ma túy hoặc rượu có trên máy bay vào lúc đó

“Thật không may, không có cuộc kiểm tra nào được thực hiện để xác định sự hiện diện của rượu hoặc ma túy trong máu của nạn nhân. Mặc dù chúng tôi biết rằng sau sự kiện nổi tiếng ở công ty ở St. Petersburg, Cơ quan An ninh Nga đã phát hiện ra không chỉ 10 tỷ rúp tiền mặt mà còn cả 5 kg cocaine”, ông Putin nói, ám chỉ cuộc đột kích vào dinh thự của Wagner vào tháng 7. “Theo tôi, cuộc kiểm tra này đáng lẽ phải được thực hiện.”

Sau nhận xét của ông, kênh Telegram có liên kết với Wagner là Gray Zone đã lên án Putin, viết rằng việc Tổng thống Nga bình luận về vấn đề này “sẽ chỉ khiến mọi việc trở nên tồi tệ hơn”.

“Họ tự tiêm ma túy và phát nổ trong không khí. Thậm chí còn chưa tính đến thực tế là các gói hàng được phát hiện có chứa bột mô phỏng chất ma tuý, và nó thậm chí còn được các quan chức FSB trả lại sau khi kiểm tra”, bài đăng viết, theo bản dịch từ thông tấn xã độc lập Meduza của Nga.

Bài đăng nói thêm rằng số ma túy được tìm thấy trong dinh thự đã được cơ quan tình báo “bí mật” của Tập đoàn Wagner sử dụng và số tiền mặt đó sẽ được dùng để trả lương.

Trong khi đó, thông tấn xã độc lập của Nga Agentstvo đã đưa tin trên Telegram hôm thứ Năm về một số bài đăng trên mạng xã hội từ người thân của chiến binh Tập đoàn Wagner, trong đó những người này đã phản đối lời giải thích của Putin về cái chết của Prigozhin.

“Chính tôi không hề hay biết những chuyện như thế. Hãy tuần hành một lần nữa và là lần cuối cùng,” một người dùng mạng xã hội giấu tên viết.

“Điều này hoàn toàn vô nghĩa, Vova, tất nhiên, lúc đầu hắn ta không chắc rằng họ có ở trên máy bay hay không. Bây giờ lại chuyển sang cho rằng họ nghiện ma túy,” một bài đăng khác viết.

Một nhà phê bình khác viết: “Hãy để tôi nhắc bạn rằng hai Anh hùng của nước Nga vĩ đại đã chết trong vụ tai nạn máy bay này. Thôi, bao nhiêu người đã quên, chẳng than phiền. Và với vũ khí, họ thậm chí còn không nhắm vào bạn… Phiên bản về sự tự hủy diệt là một trò cười và một trò hề.”

Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga để yêu cầu bình luận qua email.

Sự phẫn nộ xảy ra vào thời điểm quan trọng trong cuộc xâm lược của Putin, khi Ukraine gần đây đã chứng kiến thành công trong nỗ lực phản công nhằm đòi lại lãnh thổ bị tạm chiếm. Mặc dù Nga có lợi thế là có quân đội lớn hơn Ukraine rất nhiều nhưng những nỗ lực phòng thủ mạnh mẽ hơn mong đợi của Kyiv cùng với viện trợ từ phương Tây đã ngăn cản bước tiến của Nga.

Trong khi đó, các chiến binh của Tập đoàn Wagner được gửi đến Belarus theo một thỏa thuận do Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko, một đồng minh của Putin, làm trung gian. Tuy nhiên, một số quân nhân đã quay trở lại Nga và bị cáo buộc phạm nhiều tội ác ở nước này.

7. Vùng Kherson lại trải qua một đêm kinh hoàng khác

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều Chúa Nhật mùng 8 Tháng Mười, phát ngôn nhân cảnh sát quốc gia Ukraine, Đại Úy Alyona Lyutnytska cho biết một phụ nữ 27 tuổi và đứa con 9 tháng tuổi của cô nằm trong số những người bị thương trong một cuộc tấn công khác của Nga.

“Vùng Kherson lại trải qua một đêm khủng khiếp khác”, cô nói.

Người phụ nữ và đứa trẻ sơ sinh phải vào bệnh viện với vết thương vừa phải, cô nói thêm rằng một nhân viên y tế của Hội Hồng Thập Tự 33 tuổi cũng bị thương. Một số ngôi nhà và đường ống dẫn khí đốt bị hư hại trong vụ tấn công.

Trong 24 giờ qua, lực lượng Nga đã thực hiện 59 cuộc tấn công vào Kherson, trong đó có 19 vụ pháo kích vào thành phố Kherson, trung tâm hành chính của khu vực.

Tưởng cũng nên nhắc lại là hôm Thứ Năm quân xâm lược Nga đã tấn công một quán cà phê và một cửa hàng ở Hroza, gần thành phố Kupiansk phía đông Ukraine ở khu vực Kharkiv, bằng thứ mà các quan chức Ukraine nói là một hỏa tiễn đạn đạo Iskander cực mạnh, giết chết ít nhất 52 người, trong đó có một cậu bé 6 tuổi.

Cảnh tượng các nhân viên cấp cứu lội qua đống đổ nát dày đặc sau cuộc tấn công cho thấy quy mô tàn phá chưa từng thấy kể từ cuộc tấn công của Nga vào nhà ga xe lửa ở Kramatorsk vào đầu năm 2022.

Số người chết trong một cộng đồng nhỏ gồm 300 người như vậy có nghĩa là cứ sáu cư dân thì có một người thiệt mạng, và không có gia đình nào mà không có người chết.

Chỉ một ngày sau, hôm Thứ Sáu, Nga lại pháo kích vào thành phố Kharkiv khiến một em bé 10 tuổi thiệt mạng cùng với bà của em.

8. Tổng thống Moldova Sandu cáo buộc trùm Wagner Yevgeny Prigozhin đã muốn lật đổ cô

Ký giả Laura Hülsemann của tờ Politico có trụ sở ở Washington DC có bài tường trình nhan đề “Moldova’s President Sandu: Prigozhin wanted to overthrow me”, nghĩa là “Tổng thống Moldova Sandu nói Prigozhin đã muốn lật đổ tôi”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Phượng.

Tổng thống Moldova Maia Sandu cho biết ông chủ lính đánh thuê Wagner hiện đã qua đời là Yevgeny Prigozhin đã lên kế hoạch đảo chính chống lại cô vào đầu năm nay như một phần trong chiến lược rộng lớn hơn nhằm gây bất ổn cho đất nước.

“Thông tin mà chúng tôi có là đó là một kế hoạch do nhóm Prigozhin chuẩn bị,” Sandu nói, đồng thời nhấn mạnh rằng các nhóm của Wagner muốn châm ngòi cho các cuộc biểu tình “bạo lực” chống chính phủ.

Cô nói thêm: “Tình hình thực sự rất nghiêm trọng và chúng tôi phải tự bảo vệ mình”. Prigozhin, người tổ chức cuộc đảo chính thất bại chống lại Điện Cẩm Linh hồi tháng 6, chết trong một vụ tai nạn máy bay hai tháng sau đó.

Vào tháng 2, Sandu nói với các phóng viên về một cuộc đảo chính đã được lên kế hoạch của Nga ở Moldova. Vào thời điểm đó, cô đã tăng cường các biện pháp an ninh trong bối cảnh lo ngại về các cuộc tấn công bạo lực vào các tòa nhà chính phủ.

Vào tháng 3, Moldova đã ngăn chặn các nỗ lực do Nga dàn dựng nhằm lật đổ chính phủ của Sandu ngay sau khi Mỹ đưa ra cảnh báo rằng Điện Cẩm Linh có thể cố gắng làm suy yếu chính phủ Moldova. Bảy người có quan hệ với Nga đã bị bắt vì cáo buộc kích động tình trạng bất ổn trong các cuộc biểu tình của chính phủ. Vào tháng 5, Liên Hiệp Âu Châu đã trừng phạt các chính trị gia và nhà tài phiệt người Moldova thân Nga Ilan Shor vì kế hoạch gây bất ổn cho Moldova bằng một loạt cuộc biểu tình chống lại chính phủ nước này thân phương Tây.

Sandu nói về Nga như sau: “Và bây giờ họ đang cố gắng can thiệp lớn vào cuộc bầu cử của chúng tôi, sử dụng rất nhiều tiền”.

Nga đã bác bỏ những cáo buộc như vậy vào tháng 2: “Những tuyên bố như vậy hoàn toàn vô nghĩa và không có căn cứ”, Bộ Ngoại giao Nga cho biết khi đó, theo tờ Moscow Times đưa tin.

Moldova, giống như Ukraine, đang mong muốn trở thành thành viên Liên Hiệp Âu Châu. Hôm thứ Năm, đại đa số thành viên Liên Hiệp Âu Châu đã ủng hộ một nghị quyết không mang tính ràng buộc, tập trung vào việc bắt đầu các cuộc đàm phán về tư cách thành viên với Moldova.

9. Theo AFP, nguồn khí đốt tự nhiên duy nhất của Phần Lan đã ngừng hoạt động sau khi nghi ngờ có rò rỉ trong đường ống từ Estonia.

Sau khi Nga xâm lược Ukraine, Phần Lan đã ngừng nhập khẩu từ Nga vào tháng 5 năm 2022, khiến nước này hoàn toàn phụ thuộc vào đường ống Balticconnector tới Estonia để lấy khí đốt tự nhiên.

Gasgrid thuộc sở hữu nhà nước cho biết trong một tuyên bố: “Dựa trên các quan sát, người ta nghi ngờ rằng đường ống ngoài khơi giữa Phần Lan và Estonia đã bị rò rỉ”.

Nga đã ngừng cung cấp khí đốt sau khi Phần Lan từ chối thanh toán bằng đồng rúp, là một điều kiện áp đặt đối với “các nước không thân thiện” như một cách để né tránh các biện pháp trừng phạt tài chính của phương Tây đối với ngân hàng trung ương Nga.

10. Bản tin tình báo của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh

Trong bản tin tình báo hôm Chúa Nhật 8 tháng Mười, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh đã đưa ra các nhận định về tốc độ giải phóng lãnh thổ của quân Ukraine. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Phượng.

Khu vực Velyka Novosilka, phía tây thị trấn Vuhledar của tỉnh Donetsk, đã trở nên tương đối yên tĩnh trong bốn tuần qua, với giao tranh đã bớt dữ dội hơn nhiều kể từ đỉnh điểm trong hai tháng 6 và 7, 2023.

Trong mùa hè, Ukraine gần như chắc chắn đã giải phóng ít nhất 125 km2 lãnh thổ trên trục này.

Các hoạt động của Ukraine trong khu vực này đã trói chân các đơn vị của Tập đoàn quân vũ trang tổng hợp số 36 và số 5 của Quân khu miền Đông Nga, ngăn cản họ tiếp viện cho các khu vực khác. Nó cũng đã thu hút một số đơn vị không quân Nga.

Trong khi trục này đã ổn định, các lực lượng Nga có thể vẫn ở thế phòng thủ để đề phòng các hoạt động tấn công có thể xảy ra trong tương lai của Ukraine. Khó có khả năng xảy ra sự rút quân đáng kể khỏi trục này trong sáu tuần tới.

11. Bản tin tình báo của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh

Trong bản tin tình báo hôm Thứ Bẩy mùng 7 tháng 10, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh đã đưa ra các nhận định về vụ tấn công vào khu vực Sochi của Nga.

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Phượng.

Vào ngày 1 tháng 10 năm 2023, thị trấn nghỉ mát Sochi ở Hắc Hải của Nga đã bị máy bay không người lái tấn công lần thứ hai trong vòng hai tuần. Phương tiện truyền thông đưa tin cho biết một bãi đáp trực thăng tại Phi trường Sochi đã bị hư hại.

Vụ tấn công trước đó vào ngày 20 tháng 9 năm 2023 đã gây ra hỏa hoạn lớn tại cơ sở chứa dầu, gần phi trường. Đây là cuộc tấn công đầu tiên được ghi nhận vào khu vực này kể từ khi Nga công lý Ukraine.

Sochi là một điểm đến nghỉ mát nổi tiếng, gắn liền với Tổng thống Nga Vladimir Putin và là điểm dừng chân mùa hè của nhiều người thuộc giới thượng lưu Nga.

Các cuộc tấn công gần thành phố đánh dấu một ví dụ nữa về cuộc chiến ảnh hưởng trực tiếp đến người dân Nga ở xa biên giới Ukraine.
 
ĐTP Venice đau buồn trước vụ tai nạn xe buýt ở Mestre. George Weigel: Hòa Nhập Và Công Giáo
VietCatholic Media
17:30 08/10/2023


1. Xe buýt gặp nạn ở Mestre: ít nhất 21 người chết và 18 người bị thương Ngay cả Thượng phụ Moraglia cũng có mặt tại nơi xảy ra thảm kịch.

Hiện tại, 21 người chết, trong đó có hai trẻ em, 18 người bị thương, trong đó có ba trẻ vị thành niên và một số người mất tích là hậu quả của vụ tai nạn rất nghiêm trọng xảy ra vào tối thứ Ba ở Mestre, trong đó một chiếc xe buýt chở một số khách du lịch trên xe, nhiều người nước ngoài thuộc nhiều quốc tịch khác nhau, hướng đến một khu cắm trại ở Marghera, đã xảy ra ngay trước 8 giờ tối từ cầu vượt của đường liên kết dẫn từ Mestre về phía Marghera và đường cao tốc A4, khoảng 30 mét. Vì những lý do chưa được xác định rõ ràng, chiếc xe buýt đã lao qua lan can của cầu vượt Vempa và rơi giữa một nhà kho và đường ray của nhà ga Mestre, bốc cháy. Một số nạn nhân đầu tiên được tìm thấy dường như đã bị thiêu chết.

Đức Thượng Phụ của Venice là Đức Cha Francesco Moraglia, đã liên lạc với thị trưởng Luigi Brugnaro và tỉnh trưởng Michele Di Bari, và đã đến địa điểm xảy ra thảm kịch. “Đức Thượng Phụ cầu nguyện và xin lời cầu nguyện cho các nạn nhân, trong đó có trẻ em, cho những người bị thương và cho tất cả những người liên quan đến vụ tai nạn”. Trong khi đó, Thị trưởng Brugnaro có mặt tại chỗ nói về một “thảm kịch lớn” và một “cảnh tận thế”, đồng thời ra lệnh cho thành phố để tang. Cơ quan Y tế Địa phương số 3 của Venice đã ngay lập tức kích hoạt quy trình cho các trường hợp khẩn cấp lớn nhằm cung cấp tất cả các phòng cấp cứu của các bệnh viện trong khu vực - Mestre, Padua, Treviso, Mirano và Dolo - đồng thời triệu hồi các bác sĩ và nhân viên của bệnh viện bằng mọi phương tiện từ các cơ sở bệnh viện khác nhau.

Theo những gì chúng tôi được biết, Tổng thống Cộng hòa Sergio Mattarella đã gọi điện cho Thị trưởng Brugnaro để bày tỏ lời chia buồn.


Source:SIR

2. Chế độ độc tài ở Nicaragua bắt giữ ba linh mục

Vào đêm Chúa nhật, ngày 1 tháng 10, chế độ độc tài ở Nicaragua đã bắt giữ hai linh mục Công Giáo từ Giáo phận Estelí và một vị khác từ Giáo phận Jinotega, cả hai đều ở phía bắc của quốc gia Trung Mỹ.

Tờ báo El Confidencial xác nhận hôm Chúa Nhật rằng những người bị giam giữ ở Estelí bao gồm vị quản lý giáo phận thay cho Đức Cha Rolando Álvarez đang bị cầm tù, là Cha Julio Ricardo Norori đến từ Giáo xứ Thánh Gioan Truyền giáo ở thị trấn San Juan del Río Coco,, và Cha Iván Centeno từ Giáo xứ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội ở thị trấn Jalapa thuộc Tỉnh Nueva Segovia.

Linh mục thứ ba bị bắt, theo nhiều nguồn tin khác nhau, là Cha Cristóbal Gadea, cha sở của Nhà thờ Đức Mẹ Thương Xót nằm ở khu El Cuá của giáo phận Jinotega.

Vụ bắt giữ linh mục thứ tư, Cha Erick Ramírez Velásquez của Giáo xứ Chúa Kitô Vua ở thị trấn Telpaneca thuộc Sở Madriz, cũng đã được báo cáo. Tuy nhiên, giáo xứ tuyên bố trên trang Facebook của mình vào ngày 2 tháng 10 rằng vị linh mục đang ở trong tình trạng “tốt đẹp”.

Những lý do đằng sau việc bắt giữ các linh mục vẫn chưa được biết.

Một nguồn tin nói với tờ báo La Prensa rằng vụ bắt giữ không phải do cảnh sát thực hiện mà do những cá nhân có vũ trang đi trên xe bán tải Toyota Hilux. Nguồn tin cho biết: “Chúng tôi không có thông tin về nơi ở của họ, nhưng chúng tôi tin rằng họ đã được chuyển đến Managua”.

Nhà nghiên cứu và luật sư người Nicaragua, Martha Patricia Molina, đã cáo buộc trên Facebook vào ngày 2 tháng 10 rằng “quân đội và cảnh sát đã bắt đầu một hoạt động đe dọa và bắt cóc các linh mục và giáo dân”.

“Có ba linh mục bị bắt cóc. Ít nhất năm người đã bị 'thăm viếng', bắt đi, đe dọa và trả lại. Ở Giáo phận León cũng có sự đe dọa từ cảnh sát”, Molina viết.

Theo luật sư, ba linh mục bị bắt “đã trình bày rõ ràng trong các bài giảng của mình”, vì họ liên tục đề cập đến “các chủ đề của Tin Mừng, trên hết là những bất công đang phải trải qua hàng ngày”.

Khi biết tin, vị Giám Mục Phụ Tá lưu vong của Managua, Đức Cha Silvio José Báez, đã tố cáo về “cuộc đàn áp tàn bạo chống lại Giáo Hội Công Giáo” bởi “chế độ độc tài Sandinista của Daniel Ortega”.

Vị Giám Mục đã yêu cầu “Giáo hội trên toàn thế giới cầu nguyện cho Nicaragua và cho Giáo hội đang bị đàn áp của chúng ta”.


Source:Catholic News Agency