Ngày 08-10-2016
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Bài giảng của ĐTC Ngày Năm Thánh dành cho các Hội đoàn và phong trào Thánh Mẫu.: Kinh Mân Côi là sự tổng hợp của lịch sử lòng thương xót của Thiên Chúa
J.B. Đặng Minh An dịch
20:50 08/10/2016
Lúc 5 giờ rưỡi chiều thứ Bẩy, 8 tháng 10 tại Quảng trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha đã chủ sự buổi canh thức, và đọc kinh Mân Côi, nhân dịp Ngày Năm Thánh dành cho các Hội đoàn và phong trào Thánh Mẫu.

Trong bài suy niệm, Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu noi gương Mẹ Maria, lắng nghe Lời Chúa, và đưa vào hành động cụ thể. Đức Thánh Cha nói:

Anh Chị Em thân mến,

Trong đêm canh thức này, chúng ta đã suy nghĩ về những khoảnh khắc quan trọng trong cuộc đời của Chúa Giêsu với sự đồng hành của Mẹ Maria. Lòng trí chúng ta quay trở lại thời điểm hoàn thành sứ vụ của Chúa Kitô trong thế giới này. Biến cố Phục Sinh, như một dấu chỉ của tình yêu tột cùng của Chúa Cha, là Đấng đã phục hồi sự sống của tất cả mọi loài. Biến cố Phục sinh cũng là một điềm báo về vận mệnh tương lai của chúng ta. Việc Đức Mẹ Hồn Xác lên trời, như một sự chia sẻ vinh quang của Chúa Cha, nơi mà cả phàm nhân chúng ta cũng tìm thấy một vị thế đặc biệt. Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, là biểu hiện cho sứ vụ của Giáo Hội trong lịch sử cho đến ngày sau hết, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Trong hai mầu nhiệm sau cùng này, chúng ta cũng được chiêm ngắm Đức Trinh Nữ Maria trong vinh quang thiên quốc. Từ những thế kỷ đầu, Đức Mẹ đã được kêu cầu như là Mẹ của Lòng Thương Xót.

Dưới nhiều khía cạnh, lời kinh Kinh Mân Côi là sự tổng hợp lịch sử của lòng thương xót của Thiên Chúa, đã trở thành lịch sử cứu độ cho tất cả những ai để cho bản thân mình được định hình bởi ân sủng. Những mầu nhiệm mà chúng ta chiêm ngắm là những sự kiện cụ thể qua đó sự can thiệp của Thiên Chúa nhân danh chúng ta phát triển. Qua cầu nguyện và suy tư về cuộc đời của Chúa Giêsu Kitô, chúng ta thấy một lần nữa diện mạo thương xót của Ngài, là dung nhan mà Ngài thể hiện ra cho tất cả những ai trong nhiều nhu cầu của cuộc đời. Đức Mẹ đồng hành với chúng ta trong hành trình này, hướng chúng ta đến Con Mẹ là Đấng tỏa sáng rạng ngời chính Lòng Thương Xót của Chúa Cha. Mẹ thật sự là Đấng Chỉ Bảo Đàng Lành – Hodegetria- là người Mẹ chỉ cho chúng ta thấy con đường mà chúng ta được mời gọi phải đi qua để trở thành môn đệ đích thực của Chúa Giêsu. Trong mỗi mầu nhiệm Mân Côi, chúng ta cảm thấy sự gần gũi của Mẹ và chúng ta chiêm ngắm Mẹ như là người môn đệ đầu tiên của Con Mẹ, vì Mẹ thực thi Thánh Ý Chúa Cha (Lc 8: 19-21).

Lời kinh Mân Côi không loại bỏ khỏi chúng ta những vấn đề của cuộc sống. Ngược lại, nó đòi hỏi đó chúng ta đắm mình trong lịch sử của mỗi ngày, để nắm bắt những dấu chỉ sự hiện diện của Chúa Kitô ở giữa chúng ta. Bất cứ khi nào chúng ta suy tư về một sự kiện, một mầu nhiệm của cuộc đời Chúa Kitô, chúng ta được yêu cầu phản ánh cách thức Thiên Chúa đi vào đời sống riêng của chúng ta, để chúng ta chào đón Ngài và đi theo Ngài. Như thế, chúng ta khám phá ra cách thức chúng ta có thể theo Đức Kitô qua việc phục vụ anh chị em của chúng ta. Khi chúng ta đón nhận và biến một sự kiện nổi bật trong cuộc đời của Chúa Giêsu thành một sự kiện trong đời ta, chúng ta chia sẻ sứ vụ loan báo Tin Mừng của Ngài, để nhờ đó Nước Thiên Chúa có thể được kiện cường và lan rộng trên thế giới. Chúng ta là những môn đệ của Ngài, nhưng cũng là các nhà truyền giáo đưa Chúa Kitô đến bất cứ nơi nào Ngài đòi hỏi chúng ta phải có mặt. Chúng ta không thể giữ riêng cho chúng ta ân sủng cao quý là sự hiện diện của Ngài. Ngược lại, chúng ta được kêu gọi để chia sẻ với tất cả mọi người tình yêu của Ngài, sự dịu dàng của Ngài, lòng nhân lành và Lòng Thương Xót của Ngài. Thật là một niềm vui được chia sẻ đến cùng, vì nó mang lại một thông điệp của tự do và ơn cứu rỗi.

Đức Maria giúp chúng ta hiểu là một môn đệ của Chúa Kitô có nghĩa là những gì. Khi được tiền định từ đời đời làm Mẹ Ngài, Mẹ đã học để trở thành môn đệ của Ngài. Hành động đầu tiên của Mẹ là lắng nghe Thiên Chúa. Mẹ xin vâng với lời Thánh Thiên Thần truyền và mở lòng mình đón nhận mầu nhiệm là Mẹ Thiên Chúa. Mẹ theo Chúa Giêsu, lắng nghe từng lời phát ra từ đôi môi của Ngài (Mc 3: 31-35). Tất cả những điều ấy Mẹ giữ trong trái tim mình (Lc 2:19) và trở thành những ký ức sống động được thực hiện bởi Con Thiên Chúa để đánh thức đức tin của chúng ta. Nhưng lắng nghe mà thôi thì không đủ. Đó chắc chắn là bước đầu tiên, nhưng việc lắg nghe sau đó cần phải được chuyển thành những hành động cụ thể. Người môn đệ thực sự cần phải đặt cuộc sống mình nơi sứ vụ phục vụ Tin Mừng.

Đức Trinh Nữ Maria đã lập tức lên đường đến với bà Elizabeth để giúp bà trong thời kỳ sinh nở (Lc 1: 39-56). Tại Bêlem Mẹ đã hạ sinh Con Thiên Chúa (Lc 2: 1-7). Tại Cana Mẹ đã cho thấy mối quan tâm dành cho đôi vợ chồng trẻ (Ga 2: 1-11). Tại Golgotha, Mẹ không chạy trốn nỗi đau nhưng đứng dưới chân thập giá của Chúa Giêsu và, theo thánh ý của Ngài, Mẹ đã trở thành Mẹ của Giáo Hội (x Jn 19: 25-27). Sau khi Chúa sống lại, Mẹ khích lệ các tông đồ tụ họp trong nhà Tiệc Ly khi họ chờ đợi Chúa Thánh Thần, là Đấng sẽ làm cho họ trở thành những sứ giả không chút sợ hãi của của Tin Mừng (Cv 1:14). Suốt cuộc đời mình, Đức Maria đã làm mọi điều mà Giáo Hội được yêu cầu thực hiện để lưu truyền muôn đời ký ức về Đức Kitô. Nơi đức tin của Mẹ, chúng ta học được cách mở lòng mình ra vâng theo thánh ý Chúa; nơi sự từ bỏ mình của Mẹ, chúng ta thấy được tầm quan trọng của việc chăm sóc các nhu cầu của tha nhân; nơi những giọt lệ của Mẹ, chúng ta tìm thấy sức mạnh để ủi an những ai đang đau khổ. Trong mỗi khoảnh khắc này, Đức Maria bày tỏ sự dư dật của Lòng Thương Xót Chúa đang vươn đến với tất cả những ai túng quẫn trong cuộc sống hàng ngày của họ.

Tối nay chúng ta hãy cầu khẩn cùng Mẹ chí ái trên trời của chúng ta với một lời nguyện cổ kính nhất mà các Kitô hữu đã dâng lên cùng Mẹ, đặc biệt là vào những lúc khó khăn và tử đạo. Chúng ta hãy kêu cầu Mẹ, trong niềm xác tín sẽ được trợ giúp bởi lòng thương xót từ mẫu của Mẹ, để Mẹ, “đầy vinh quang và đầy ơn phúc”, có thể là một sự bảo vệ, giúp đỡ và chúc lành cho tất cả chúng ta trong cuộc sống của chúng ta.

“Chúng con trông cậy rất thánh Đức Mẹ Chúa Trời, xin chớ chê chớ bỏ lời chúng con nguyện trong cơn gian nan thiếu thốn, Đức Nữ đồng trinh, hiển vinh sáng láng. Hằng chữa chúng con cho khỏi mọi sự dữ. Amen”
 
Đức Thánh Cha chủ sự canh thức Thánh Mẫu nhân dịp Năm Thánh
Lm. Trần Đức Anh OP
22:26 08/10/2016
VATICAN. ĐTC mời gọi các tín hữu noi gương Mẹ Maria, lắng nghe Lời Chúa, và đưa vào hành động cụ thể.

Đây là lời kêu gọi của ĐTC trong bài giảng tại buổi canh thức, đọc kinh Mân Côi, nhân dịp Ngày Năm Thánh dành cho các Hội đoàn và phong trào Thánh Mẫu, cử hành lúc 5 giờ rưỡi chiều thứ bẩy, 8-10-2016, tại Quảng trường Thánh Phêrô.

Đầu buổi canh thức, bức ảnh Đức Maria là phần rỗi của dân Roma đã được rước lên lễ đài, trên thềm Đền thờ Thánh Phêrô. Sau đó ĐTC và mọi người đã đọc và suy niệm mầu nhiệm mùa Mừng của kinh Mân Côi.

Trong bài suy niệm kết thúc, ĐTC đề cao ”Kinh Mân Côi, dưới nhiều khía cạnh, là một tổng hợp lịch sử lòng thương xót của Thiên Chúa được biến thành lịch sử ơn cứu độ cho tất cả những ai để cho mình được ơn thánh biến đổi. Các mầu nhiệm diễn ra trước chúng ta là những cử chỉ cụ thể trong đó hoạt động của Thiên Chúa được triển khai đói với chúng ta. Qua kinh nguyện và sự suy niệm cuộc đời sống Chúa Giêsu Kitô, chúng ta thấy lại khuôn mặt từ bi thương xót của Chúa đến gặp chúng ta trong những nhu cầu khác nhau của cuộc sống. Mẹ Maria đồng đành với chúng ta trong hành trình này, chỉ cho chúng ta thấy Con của Mẹ chiếu tỏa chính lòng thương xót của Chúa Cha”.

ĐTC cũng nhận xét rằng ”Kinh Mân Côi không đưa chúng ta ra xa những bận tâm hằng ngày; trái lại, kinh này đòi chúng ta hãy hội nhập vào trong lịch sử hằng ngày để biến đón nhận những dấu chỉ sự hiện diện của Chúa Kitô giữa chúng ta. Mỗi lần chúng ta chiêm ngắm trong một lúc một mầu nhiệm trong đời sống của Chúa Kitô, chúng ta được mời gọi nhìn nhận cách thức Thiên Chúa đi vào cuộc sống của chúng ta, để rồi đón nhận và theo Chúa. Như thế chúng ta khám phá ra con đường đưa chúng ta đi theo Chúa Kitô trong việc phục vụ anh chị em.”

ĐTC cũng khẳng định rằng: ”Mẹ Maria giúp chúng ta hiểu thế nào là môn đệ của Chúa Kitô. Tuy được chọn từ đời đời để làm Mẹ, Mẹ Maria đã học cách trở nên môn đệ của Chúa. Hành động đầu tiên của Mẹ là đặt mình trong tư thế lắng nghe. Mẹ đã vâng phục khi được Sứ thần truyền tin và đã mở rộng tâm hồn đón nhận mầu nhiệm làm Mẹ Thiên Chúa...

”Nhưng lắng nghe mà thôi thì vẫn chưa đủ. - ĐTC nóii - Đó là bước đầu tiên, nhưng sau đó sự lắng nghe cần phải được diễn tả qua hành động cụ thể. Thực vậy, người môn đệ dành cuộc sống của mình để phục vụ Tin Mừng. Và vì thế, Mẹ Maria đã lên đường ngay đến nhà bà Elisabeth để giúp bà trong cảnh thai nghén (Xc Lc 1,39-56).. Trong mỗi giai đoạn của cuộc sống, Mẹ Maria đã diễn tả sự phong phú của lòng Chúa thương xót, đến gặp mỗi người trong những nhu cầu thường nhật.” (SD 8-10-2016)
 
Một vị Tổng Giám Mục Mỹ quả quyết: Tông Huấn Niềm Vui Yêu Thương không thay đổi thực hành Rước Lễ
Vũ Văn An
23:36 08/10/2016
Theo Ed Langlois của tờ Catholic Sentinel, ngày 7 tháng Mười vừa qua, Đức Tổng Giám Mục Alexander K. Sample, Tổng Giáo Phận Portland ở Oregon, đã ra một thư mục vụ lên án một số giải thích sai lầm về tông huấn 'Niềm Vui Yêu Thương' (Amoris Laetitia) của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, mà giải thích đáng lưu ý nhất cho rằng có thể có ngoại lệ đối với các lệnh cấm tuyệt đối của Thiên Chúa.

Dù ngài không trực tiếp đề cập tới cuộc tranh luận về việc Đức Giáo Hoàng có thực sự mở cửa để người Công Giáo ly dị tái hôn phần đời được rước lễ hay không, nhưng trọng điểm các suy tư của ngài cho thấy câu trả lời là “không”.

Thư mục vụ trên có tựa đề là “A True and Living Icon: Reading of ‘Amoris Laetitia’ in Light of Church Teaching” (Hình Ảnh Đích Thực và Sống Động: Đọc ‘Niềm Vui Yêu Thương’ dưới Ánh Sáng Giáo Huấn Giáo Hội).

Trong thư trên, Đức Tổng Giám Mục Sample cho rằng Tông Huấn của Đức Giáo Hoàng Phanxicô xứng đáng được cả người Công Giáo và không Công Giáo ca ngợi vì phương thức mục vụ của nó.

Vì hình ảnh Giáo Hội như một “bệnh viện Dã Chiến” có nhiều tiềm năng nhắc ta nhớ tới việc phục vụ của các linh mục, phó tế và nhân viên giáo xứ cũng như các người bị chấn thương được họ chăm sóc.

Nhưng, Đức Tổng Giám Mục Sample cho rằng truyền thông đã rút ra nhiều kết luận sai lầm từ tông huấn này. Ngài viết: “trong khi tông huấn không chứa đựng bất cứ thay đổi nào về giáo huấn của Giáo Hội liên quan tới hôn nhân và cuộc sống gia đình, một số người vẫn dùng ‘Niềm Vui Yêu Thương’ một cách không tương hợp với truyền thống giảng dậy của Giáo Hội”.

Ngài nhấn mạnh điều ngài cho là 3 cách thông thường nhất trong các kết luận sai lầm về tông huấn này.

Thứ nhất, ngài cho rằng truyền thông và nhiều người khác sử dụng ‘Niềm Vui Yêu Thương’ để lý luận rằng lương tâm hợp pháp hóa các hành động đi ngược lại các giới răn của Thiên Chúa. Ngài viết rằng “lương tâm không phải tự nó là một lề luật, mà lương tâm cũng không thể coi thường hay thay thế các mệnh lệnh của Thiên Chúa do Giáo Hội giảng dậy”.

Trong khi Giáo Hội không tìm cách thay thế lương tâm người ta, thì điều quan trọng cần phải biết là lương tâm có thể sai lầm và cần được huấn luyện.

Đức Tổng Giám Mục viết thêm: “khuyến khích hay im lặng chấp nhận một phán đoán sai lầm của lương tâm không hề là thương xót mà cũng không phải là bác ái”.

Thứ hai, Đức Tổng Giám Mục Sample bác bỏ ý niệm cho rằng trong một số điều kiện, có thể có luật trừ đối với các lệnh cấm tuyệt đối của Thiên Chúa. Trong khi Giáo Hội tuân theo gương sáng của Chúa Giêsu và tỏ lòng thương xót cũng như sẵn sàng đồng hành với những người đang rơi vào các hoàn cảnh và các cuộc kết hợp “bất hợp lệ”, Giáo Hội vẫn không phải là trọng tài của các qui luật luân lý do Thiên Chúa thiết lập.

Ngài viết: “tính bất khả tiêu của hôn nhân là giáo huấn quí gía và chủ chốt của Giáo Hội, do Chúa Giêsu mạc khải và được truyền thống liên tục của chúng ta trân quí”. Ngài cho hay: giáo huấn này không phải chỉ là một qui định, mà là “một thực tại đẹp đẽ, có tính bí tích và thiêng liêng”.

Thứ ba, Đức Tổng Giám Mục Sample nói rằng sự mỏng dòn yếu đuối của con người không miễn trừ ta khỏi thi hành mệnh lệnh của Thiên Chúa, một ý nghĩ mà ngài cho là một số người đã lầm lẫn rút ra từ ‘Niềm Vui Yêu Thương’.

Ngài viết: “trong khi việc chăm sóc mục vụ chân chính luôn đồng hành với người ta trong nỗi đau khổ và yếu đuối của họ, thì một số người lại lạm dụng việc tông huấn này nhấn mạnh tới luận lý học thương xót để chủ trương rằng các hành vi xấu một cách khách quan có thể được chấp nhận, thậm chí còn được thánh hóa, nếu người ta tin rằng mình không thể làm khác đi”.

Ngài viết thêm: cho rằng các cá nhân không thể nào thay đổi là bác bỏ sức mạnh của ơn thánh.

Thư mục vụ gửi cho giáo dân miền Tây Oregon này trích dẫn Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI và Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.

Đức Tổng Giám Mục Sample cho biết thêm: thư mục vụ này chưa phải là những lời cuối cùng của ngài về Tông Huấn ‘Niềm Vui Yêu Thương’, vì nay mai ngài sẽ ban hành các chỉ dẫn cụ thể để thi hành tông huấn này.

Ngài cho rằng không nên coi giáo huấn luân lý của Giáo Hội về hôn nhân chỉ là những chính sách và qui định, nó luôn nói tới ơn cứu độ trong Chúa Giêsu Kitô.

Tựa đề của thư mục vụ phát xuất từ niềm tin của ngài rằng gia đình là “hình ảnh hiệp thông và nhân lành của chính Thiên Chúa”.

Ngài kết thúc thư mục vụ bằng cách nhắc tới câu truyện trong Tin Mừng nói tới người đàn bà bị bắt quả tang ngoại tình. Dù Chúa Giêsu không kết án nàng, nhưng rõ ràng Người ra lệnh cho nàng đừng phạm tội nữa. Đức Tổng Giám Mục kết luận: “Lòng thương xót mở cửa dẫn vào sự thật và sự thật về sự sống mới trong Chúa Kitô sẽ giải phóng nàng”.

Theo nhà luật học J.D. Flynn, mặc nhiên trong thư mục vụ này là việc Đức Tổng Giám Mục Sample nhấn mạnh rằng ta phải đọc hiện tại dưới ánh sáng của quá khứ, vì giáo huấn Công Giáo chân chính không thể mâu thuẫn với quá khứ. Cách tiếp cận của Đức Tổng Giám Mục Sample có thể bao hàm việc đình chỉ phán đoán, tức không kết luận gì về ý nghĩa trong đầu óc Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Theo ngài, ở một số chỗ, ‘Niềm Vui Yêu Thương’ cần được minh xác nhiều hơn. Ở những chỗ này, tốt nhất ta đình chỉ phán đoán hơn là dùng Đức Giáo Hoàng để bác bỏ huấn quyền chân chính của Giáo Hội. Trong những hoàn cảnh như thế, đình chỉ phán đoán trở thành một hành vi đức tin.

Nhiệm vụ các nhà thần học là đọc ‘Niềm Vui Yêu Thương’, hiểu nói trong sự liên tục của giáo huấn Giáo Hội, và đưa ra các gợi ý để thi hành nó. Còn nhiệm vụ của các giám mục, mà Đức Tổng Giám Mục Sample nghĩ rất đúng, là hướng dẫn diễn trình này, bằng cách dựa vào giáo huấn có tính lịch sử và huấn quyền của Giáo Hội, vạch rõ các biên giới của tính chính thống.

Theo Flynn, Đức Giáo Hoàng Phanxicô viết ‘Niềm Vui Yêu Thương’ như một “lời mời các gia đình Kitô hữu đánh giá các hồng phúc của hôn nhân và gia đình, và kiên vững trong một tình yêu được các nhân đức đại lượng, dấn thân, trung thành và kiên nhẫn củng cố”. Lạm dụng tông huấn không mang lại bao nhiêu ơn ích cho các gia đình đổ vỡ. Khai thác sự hàm hồ của nó chỉ tạo nên đau khổ thực sự mà thôi.

Theo ông, Đức Tổng Giám Mục Sample không được biết đến nhiều, ngoài Portland, nhưng ngài không nên như vậy. Thư mục vụ của ngài quả là lời mời gọi vươn cánh tay thương xót ra, bắt nguồn từ sự thật, để đem Chúa Kitô đến với các cuộc hôn nhân và các gia đình cần đến Người. Nó bước chân theo các công trình trước đây của ngài về chức phó tế và phụng vụ. Cách tiếp cận của ngài biết tự chế, đầy suy tư, và bác ái. Các nhân đức này đang rất cần trong các cuộc trao đổi hiện nay trong Giáo Hội.

Ngày mai: nguyên văn thư mục vụ của Đức Tổng Giám Mục Sample.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Thánh Lễ Mân Côi tại cộng đoàn Brunswick,Melbourne, Australia
Khắc Thái
05:51 08/10/2016
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Nước trong ngôi nhà thiên nhiên
Lm. Đaminh Nguyễn Ngọc long
08:18 08/10/2016
Nước trong ngôi nhà thiên nhiên

Kinh Thánh thuật lại công trình tạo dựng thiên nhiên, trong đó nước là yếu tố tiên khởi cho ngôi nhà chung thiên nhiên:

„ Ngày đức Chúa là Thiên Chúa làm ra đất và trời, chưa có bụi cây ngoài đồng nào trên mặt đất, chưa có đám cỏ ngoài đồng nào mọc lên, vì Đức Chúa là Thiên Chúa chưa cho mưa xuống đất và không có người để canh tác đất đai.6 Nhưng có một dòng nước từ đất trào lên và tưới khắp mặt đất“. ( Sách Sáng Thế 2, 5-6)

Qua đó Thiên Chúa ngay từ khởi đầu vũ trụ đã muốn khắc ghi sứ điệp nơi hoàn vũ: nước cần thiết cho sự sống phát triển tăng trưởng của mọi thụ tạo trong ngôi nhà thiên nhiên cho mọi thế hệ.

Ngày nay các nhà khoa học phóng phi thuyền hay vệ tinh lên những hành tinh trong không gian họ đều khảo sát muốn khám phá tìm hiểu xem có dấu vết của nước trên đó không. Vì có nước là có sự sống nơi.

Nguồn nước cho nhu cầu đời sống con người ở khắp mọi luôn là vấn đề gây chú ý thảo luận khảo dát làm sao cho phầm chất nước được tốt hơn, nhất là ở những nơi nạn hạn hán kéo dài gây nên trình trạng thiếu khan hiếm nước, nước bị làm ra cho dơ bẩn cùng ô nhiễm.

“ Nước sạch là một vấn đề mang ý nghĩa hàng đầu, vì đó là điều tất yếu cho đời sống con người và gìn giữ hệ sinh thái của trái đất và nước. „ ( Thông điệp Laudato Si Nr. 28)

Nước là thành phần yếu tố căn bản cho sự sống tự nhiên mọi sinh vật và cho cả sự sống đức tin nữa.

Làn nước đức tin Bí Tích Rửa tội

Nước là yếu tố căn bản cho sự sống tự nhien và cả tinh thần đức tin nữa. Vì thế trong phép Rửa, Nước là thành tố quan trọng. Không có nước, không thể có phép Rửa được ( xx Mk 1,9-11; Didache - Traditio Apostolica, chương 7.1.- 7.3. bản Griechisch Lateinisch Deutsch; Herder Freiburg - Wien-New York 1991, tr. 118-119).

Trong nhiều Tôn giáo Nước là dấu chỉ cho khát vọng căn bản của con người. Qua làn nước, con người có những cảm nghiệm như sau:

1. Họ khám phá ra dòng nước chảy có khác chi những cách thế sống khác nhau, tìm lối hướng về tự do.

2. Nước mang đến nguồn sống tươi mát, đổi mới, gột bỏ những gì là cũ, là gìa nua vì bị tiêu dùng hao mòn.

3. Được tắm rửa trong nước, chính là giũ sạch những vẩn bụi đè nặng tâm hồn và thân xác, vướng trở cho đời sống.

4. Qua làn nước chảy, họ cảm nghiệm được đời sống cũng trôi đi như dòng nước, để tìm đến một đời sống thật.

5. Đời con người cũng như dòng nước chảy. Họ cảm thấy mình không đứng vững trên một nền tảng. Bởi vì thấy mình bị những bóng tối sự dữ đe dọa. Thấy mình là người bất lực trước những sức mạnh đang bao trùm xung quanh. Và vì thế họ đi tìm sức trợ giúp, như điểm tựa cho đời sống.(xx Dieter Emeis, Sakramentenkatechese, Herder Verlag, Freiburg i. Br. 1991, tr. 69)

Qua phép Rửa bằng nước, người chịu phép Rửa lãnh nhận sự sống Thiên Chúa. Đó là Ân Đức của Ngài. Nước Rửa có sức tẩy sạch những gì là cũ, dơ bẩn do tội lỗi gây ra, mang đến sự chết, và đem vào đời sống mới. Nước Rửa có sức chữa lành, thánh hóa và đem lại sự tươi mát cho tâm hồn ( W. Hoffsuemmer, Geschichten zur Taufe, chương Das Wasser der Taufe, Mainz 1991, 1. Auflage, S. 41).

Đời sống mới nhận lãnh qua phép Rửa làm con Chúa là qùa tặng, là ân đức do Chúa ban cho. Đời sống này không thể hiểu là một kho tàng, để từ đấy lấy ra mà tiêu dùng. Trái lại đời sống này phải được phát triển.

Đời sống đó là nhân chứng cho sự sống Thiên Chúa giữa trần gian. Là niềm hy vọng cho chính mình và cho người khác.

Trong đêm phục sinh mừng Chúa Giêsu sống lại, nghi lễ về nước rửa tội được diễn tả nổi bật trong tương quan với sự chết và sống lại của Chúa Giêsu. Như trong Kinh thánh thuật lại, nước biển khơi là sức mạnh đe dọa chống lại sự sống, nên Thiên Chúa đã vẽ rạch ranh giới cho biển cả tụ tập vào nơi chốn rõ ràng.

Trong sách Khải Huyền của Thánh Gioan nói đến thị kiến về một thế giới mới của Thiên Chúa, nơi không còn biển nữa. ( KH 21,1). Biển là hình ảnh diễn tả về sự đe doạ chết chóc. Vì thế biển trở thành hình ảnh biểu tượng nói về Chúa Giêsu chết trên thập gía: Chúa Gêsu Kitô đi xuống lòng nước sự chết, như ngày xưa dân Israel đã đi qua lòng nước biển đỏ trở về sống trên quê hương đất Thiên Chúa hứa cho. Qua sự chết Chúa Giêsu trao tặng con người chúng ta sự sống. Nước rửa tội không phải chỉ là sự rửa cho sạch, nhưng còn có ý nghĩa là sự sinh ra mới.

Khi tiếp xúc với nước, con người cảm nhận ra nguồn tươi mát đem lại sức sống, dòng tuôn chảy, từ nơi đó sự sống tuôn tràn lan tỏa ra. Theo trật tự lễ nghi phụng vụ của Hội Thánh, nước rửa tội phải là nước nơi dòng chảy thiên nhiên tươi mát.

Giếng nước như trong thánh kinh diễn tả là nơi có nguồn nước sự sống. Chúa Giêsu bên bờ giếng nước Giacóp đã nói chuyện với người phụ nữ Samarita về giếng nước mới mang đến nước sự sống ( Ga 4,5-15). Khi Chúa Giêsu bị đóng đinh trên thập gía, một người lính lấy chiếc đòng đâm vào cạnh sườn Chúa Giêu, nước và máu chảy tuôn ra từ thân xác ngài ( Ga 19,34). Hội Thánh thuở sơ khai đã nhìn đó là hình ảnh nói về bí tích Rửa tội và Thánh Thể. Chúa Giêsu qua sự chết đã trở nên nguồn mạch sự sống.

Ngôn sứ Ezechiel trong thị kiến về đền thờ mới đã nhìn thấy nguồn dòng nước chuyên chở mang sức sống chảy tuôn tràn đến vùng miền đất bị khô chồi hạn hán thiếu nước, một thị kiến lớn diễn tả niềm hy vọng. ( Ez 47,1-12). Hội Thánh lúc ban đầu hiểu thị kiến này trở thành hiện thực nơi Chúa Giêsu Kitô. Ngài là ngôi đền thờ sống động của Thiên Chúa, và là nguồn của nguồn nước sự sống. Từ nơi ngài tuôn trào ra dòng nước sự sống mới trong Bí tích Rửa tội.

Trong bí tích rửa tội Thiên Chúa không chỉ biến chúng ta trở nên con người đến với ánh sáng, nhưng cũng là con người đến với nguồn dòng nước thiên nhiên chuyên chở sự sống nữa.

Nước cho nhu cầu đời sống

Từ khi mở mắt chào đời đến ngày tận cùng đời sống trên trần gian, hằng ngày con người luôn cần đến nước để đời sống được duy trì phát triển cho chính mình cùng cho thiên nhiên và súc vật, cho hôm qua, hôm nay, và ngày mai.

Nước là yếu tố trong lành mang sức sống từ trời cao mưa tuôn đổ xuống, nước lưu chảy ngoài biển khơi, trong dòng sông, nơi suối nguồn.

Nhưng trong dòng thời gian lịch sử, càng có nhiều tiếng kêu than trách nước bị cướp lấy đi cùng làm cho ra dơ bẩn, độc hại ô nhiễm gây nguy hiểm không còn trong lành cho cây cỏ, súc vật và con người nữa.

"Trong khi phẩm chất nước được sử dụng ngày càng thêm dơ bẩn, nhiều nơi có xu hướng tư hữu hóa nguồn nước có hạn này; đến độ nước trở thành nguồn hàng hóa và phải chịu luật thị trường. Trong thực tế, tiếp cận nước uống được bảo đảm là quyền nền tảng và phổ quát của con người, vì nó giúp cho con người được tồn tại và đó là điều tất yếu cho việc thực hiện quyền con người. Thế giới này mang một tội lớn lao đối với người nghèo vì không cho họ tiếp cận nguồn nước uống, điều này có nghĩa là họ bị cướp đi quyền sống, đó là quyền nền tảng cho phẩm giá bất biến của họ. Lỗi lầm này phần lớn là do việc sử dụng tài chính quá ít để chăm sóc đám dân nghèo khổ nhất đủ nước uống và vệ sinh..." ( Laudato Si Nr. 30)

Vì thế luôn có những phương án lời báo động, kêu gọi hãy bảo vệ gìn giữ nguồn nước thiên nhiên.

Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa Bình cũng đưa ra một vài đề nghị cụ thể như:

- Giáo dục giới trẻ có tinh thần liên đới, vị tha và trách nhiệm. Sau này những nhân đức đó sẽ giúp họ trở thành những người quản trị và chính trị gia lương thiện.

- Kinh thánh và các truyền thống linh đạo cho thấy nước là điều quí giá và cũng là một yếu tố thần thiêng. Nước được dùng nhiều trong phụng vụ. Điều này phải gợi hứng để chúng ta sử dụng nước với lòng tông trọng và biết ơn, bài trừ những nguồn nước ô nhiễm và hiểu rằng nước không phải chỉ là một tiện ích thuần tuý.

- Nên tổ chức những chiến dịch liên tôn để làm sạch các sông ngòi và hồ nước để thăng tiến sự tôn trọng lẫn nhau, hòa bình và tình thân hữu giữa các nhóm khác nhau.

- Tái khẳng định phẩm giá con người và công ích của toàn thể gia đình nhân loại để thăng tiến một phẩm trật khôn ngoan về các ưu tiên trong việc sử dụng nước, nhất là tại những nơi có nhiều nhu cầu cạnh tranh nhau về nước” (29-8-2016)

”Chúng ta hãy dùng lòng thương xót đối với căn nhà chung của chúng ta” (Đức Thánh Cha Phanxico, 01.09.2016)

Năm thánh lòng thương xót 2016

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
 
Văn Hóa
Những khuôn mặt văn hóa Việt Nam Paris 1995-2015
Trần Văn Cảnh
15:00 08/10/2016
« NHỮNG KHUÔN MẶT VĂN HÓA VIỆT NAM PARIS, 1995-2015 »

Thay mặt Câu lạc bộ Văn hóa Việt Nam Paris, chúng tôi xin gởi đến qúy bạn đọc lời chào quí mến.

Từ biến cố 75 đến nay đã hơn 41 năm ; Đối với dòng lịch sử dân tộc là quá ngắn ngủi, nhưng đối với đời người quả là một thời gian dài ! Sau biến cố đau thương ấy, người Việt như đàn chim vỡ tổ, bất chấp mọi hiểm nguy, ào ạt bỏ nước ra đi theo dòng sử mệnh, mang theo cả tâm tình quê hương đến xứ người. Cùng một hoàn cảnh, chúng tôi những người mang tâm hồn nghệ sĩ luôn hướng về Chân Thiện Mỹ, và ca ngợi những gì tạo hóa đã ban cho con người nên đã chọn con đường phục vụ văn hóa. Đây là một hành trình rất gian nan ! Trong dòng lịch sử cận đại tiếp nối đến nay, người cộng sản đã nhiều lần tận diệt văn hóa qua những vụ án Nhân Văn Giai Phẩm cầm tù nhà văn, đốt sách báo, cấm văn hóa "đồi trụy", cấm nghe nhạc vàng ..vvv.. Chọn con đường văn hóa là chúng tôi muốn góp chút sức nhỏ mọn để bảo tồn những cái hay cái đẹp mà con người đã nhân danh chủ nghĩa cấm những văn hóa khác với quan điểm của họ mà họ cho là 'văn hóa đồi trụy', và cố tìm cách hủy diệt'. Suốt mấy chục năm qua chúng tôi cùng bằng hữu khắp nơi đã cố gắng cho in lại một số sách cũ và giới thiệu những sáng tác mới. Nhiều khuôn mặt tác giả, nhiều tác phẩm đã trình làng tại Paris.

Là những người chủ trương và trách nhiệm việc thực hiện, chúng tôi xin giới thiệu tác phẩm « Những Khuôn Mặt Văn Hóa Việt Nam Paris, 1995-2015 ». Nhưng trước đó, chúng tôi xin có đôi lời giới thiệu Câu Lạc Bộ Văn Hóa Việt Nam Paris của chúng tôi.

1. « CÂU LẠC BỘ VĂN HÓA VIỆT NAM PARIS » đã được thành lập vào năm 1994 do một số nhân sĩ trí thức ở Paris, mà những vị sau đây đã tích cực góp công sức cho câu lạc bộ lúc ban đầu : nhà thơ GS bác sĩ Bằng Vân Trần Văn Bảng, nhà thơ Đỗ Bình, nữ sĩ giáo sư Minh Châu Thái Hạc Oanh, nữ sĩ giáo sư Phạm Thị Nhung, nhà thơ bác sĩ Phương Du Nguyễn Bá Hậu và họa sĩ Nguyễn Đức Tăng.

Thành viên câu lạc bộ đa số thuộc giới trí thức văn nghệ sĩ, trong đó có một số người thuộc Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại, hội thơ Ba Lê Thi Xã, văn nghệ sĩ tự do Paris… Xin trích lời phát biểu của nhà thơ Phương Du về Ba Lê Thi Xã đăng trên nguyệt san Á Châu và Việt Nam Forum : «Ba Lê Thi Xã, một hội thơ có khuynh hướng Đường Thi do hai cố thi sĩ Hương Bình Gs Cao Văn Chiểu và Hàm Thạch Gs Nguyễn Xuân Nhẫn sáng lập vào năm 1981... Thời gian sau, Nữ sĩ Minh Châu Gs Thái Hạc Oanh cùng với nhà thơ Phương Du là những cột trụ của Ba Lê Thi Xã. Hội quy tụ nhiều trí thức khoa bảng, như giáo sư đại học, bác sĩ, luật gia, học giả, dịch giả…vv…nhưng có tâm hồn thơ, nên có nhiều nguời đã thành danh trong làng thơ trước 75 và hiện nay. Thời gian trôi đi, nhiều nguời trong nhóm đã khuất như : nhà thơ Đào Trọng Đủ, nhà thơ Hương Bình Cao Văn Chiểu, nhà thơ Hàm Thạch Nguyễn Xuân Nhẫn, nhà thơ Bằng Vân Trần Văn Bảng, nhà thơ Đàn Đức Nhân, nhà thơ Huỳnh Khắc Dụng, nhà thơ Lương Giang Phạm Trọng Nhân, nhà thơ Phuợng Linh Đỗ Quang Trị, nhà thơ Nguyễn Thường Xuân, nhà thơ Việt Hoài, nữ sĩ Liên Trang Phạm Thị Ngoạn (Ái nữ cụ Phạm Quỳnh), nữ sĩ Thanh Liên, Nhà thơ Song Thái Phạm Công Huyền, nữ sĩ Minh Châu Thái Hạc Oanh, nhà thơ Vân Uyên Nguyễn Văn Ái, nhà thơ Hương Giang Thái Văn Kiểm. Những nguời còn sống như: nữ sĩ Quỳnh Liên Công Tằng Tôn Nữ Quỳnh Liên, nữ sĩ Phạm Thị Nhung, nhà thơ Khuê Trai Vũ Quốc Thúc, nhà thơ Phương Du Nguyễn Bá Hậu, nhà thơ Hoài Việt Nguyễn Văn Hướng, nhà thơ Hồ Trọng Khôi, nhà thơ Đỗ Bình …vv… Nhà thơ Đỗ Bình là người trẻ tuổi nhất đã bỏ ra nhiều công sức giúp ích rất đắc lực cho Ba Lê Thi Xã quy tụ những nhà văn nhà thơ hải ngoại….».

Do uy tín và với trách nhiệm bảo tồn, phát huy Văn Hóa Việt của những người chủ trương, nên CLB đã được sự hưởng ứng của nhiều tài năng không chỉ riêng ở Paris, mà cả thêm nhiều người ở nước Pháp, Châu Âu và Hoa Kỳ. Xin được kể tên những vị đã giúp cho vườn hoa văn hóa Việt nơi xứ người thêm rực rỡ, và làm cho câu lạc bộ có nhiều màu sắc và kéo dài sinh hoạt trên hai mươi năm : Nữ sĩ Phạm Thị Nhung, Nữ sĩ Thái Hạc Oanh, Nữ sĩ Vân Nương Trần Thị Vân Chung, Nữ sĩ Liên Trang Phạm Thị Ngoạn (ái nữ của cụ Phạm Quỳnh) Nữ sĩ Chân Phương Lê Mỹ, Nữ sĩ Quỳnh Liên Công Tằng Tôn Nữ Quỳnh Liên, Nhà thơ nữ Thiên Định, Nhà thơ nữ Hoàng Minh Tâm, Nhà thơ nữ Hoàng Bích Đào, Nhà thơ nữ Bạch Vân, Nhà thơ nữ Thụy Khanh, Nhà thơ nữ Bích Xuân, Nhà thơ nữ Huyền Mi, Nhà thơ nữ Dã Thảo, Nhà thơ nữ Thụy Hương, Nhà thơ nữ Hà Lan Phương, Nhà thơ nữ Từ Thạch, Nhà văn nữ Nguyễn Mây Thu, Nhà văn nữ Vân Hải,.. Nhà thơ Phương Du, Nhà thơ Song Thái Phạm Công Huyền, Nhà thơ Vân Uyên Nguyễn Văn Ái, Nhà thơ Hoài Việt Nguyễn Văn Hướng, Nhà thơ Hồ Trọng Khôi, Nhà thơ Thanh Tuệ, Nhà thơ, nhà biên khảo Hương Giang TS Thái Văn Kiểm, Nhà thơ Gs Đoàn Đức Nhân, Nhà thơ Khuê Trai GS Vũ Quốc Thúc, Nhà thơ nhà biên khảo Lương Giang Phạm Trọng Nhân, Nhà thơ BS Văn Bá Nguyễn Văn Ba, Nhà thơ, nhà biên khảo Phượng Linh Đỗ Quang Trị, Nhà thơ Âu Dương Trọng Lễ, Nhà biên khảo Gs Võ Thu Tịnh, Nhà biên khảo Mỹ Phước Nguyễn Thanh, Nhà thơ Ngân Đoài, Nhà thơ BS Kim Thành Xuân, Nhà thơ Hoa Tiên Phan Thế Nghiệp, Quyện Tâm Nguyễn Xuân Lang, Nhà thơ Hồ Minh Đào,

Nhà văn An Khê Nguyễn Bỉnh Thinh, Nhà văn Hồ Trường An, Nhà văn Nguyễn Thùy, Nhà văn Trần Đại Sỹ, Nhà văn Tô Vũ, Nhà văn Từ Trì, Nhà văn Mạnh Bích, Nhà văn Võ Đức Trung, Nhà văn Tiểu Tử, Nhà văn Trần Trung Quân, Nhà văn Từ thức, Nhà Văn Trần Tam Nguyên, Nhạc sĩ Xuân Lôi, Nhạc sĩ Trịnh Hưng, Nhạc sĩ Trần Văn Trạch, Nhạc sĩ Anh Việt Thanh, Nhạc sĩ Xuân Vinh, Nhạc sĩ Anh Huy, Nhạc sĩ Đào Tuấn Ngọc, Nhạc sĩ Lê Khắc Thanh Hoài, Nhạc sĩ Nguyễn Thanh Vân, Nhạc sĩ JulesTambicannou, Nhạc sĩ Nguyễn Minh Châu, Nhạc sĩ Phạm Đăng, Nhạc sĩ Hoàng Hoa, Nhạc sĩ Đoàn Văn Linh, Nhạc sĩ Nguyễn Minh Mạch, Nhạc sĩ Quách Vĩnh Thiện, Nhạc sĩ Minh Nhật, Nhạc sĩ Nguyễn Phúc Bửu Phôi, nhạc sĩ Nhạc Lê Phương, Nhạc sĩ Nguyễn Đình Tuấn, Nhạc sĩ Phạm Ngọc Lân, Nhạc sĩ Quốc Kỳ Vũ Quốc Hùng, Nhạc sĩ Minh Sơn, Nhạc sĩ Nguyễn Linh Chi, Nhạc sĩ Lê Như Quốc Khánh, Nhạc sĩ Xuân Giao, Nhạc sĩ Đình Đại, Nhạc sĩ Michel Tùng, Nhạc sĩ Bảo Đức, Nhạc sĩ Châu Quốc Hùng, Nhạc sĩ Đan Thanh,…..

GSTS Lê Mộng Nguyên, GSTS Phạm Đình Liên, GSTS Nguyễn Đăng Trúc, GSTS Trần Văn Cảnh, GSTS Âm nhạc Quỳnh Hạnh, GSTS Thomas LARGER, TS Từ Thu Hương, TS Võ Hùng Anh, Nhà thần học TS Nguyễn Tấn Phước, Nhà phê bình văn học TS Liễu Trương, Nhà văn hóa Phượng Anh, GS Bùi Sỹ Thành, GS Trịnh Khải, GS Hoàng Đức Phương, GS Nguyễn Thị Hoàng, Nhà báo Nguyễn Bảo Hưng, Nhà báo Phạm Hữu, Nhà báo Kim Long, Nhà báo Liều Phong, KS Nguyễn Qúy Toàn, KS Lê Minh Triết, DS Đặng Quốc Cơ, BS Nguyễn Bá Linh, BS Phan Khắc Tường, LS Nguyễn Đăng Trình, LS Trần Thanh Hiệp, LS Nguyễn Văn Hoàng, Họa sĩ Lê Tài Điển, Họa sĩ Vũ Thái Hòa, Họa sĩ Nguyễn Đức Tăng, Họa sĩ Ngọc Tuyết, Họa sĩ Trúc Tiên, Điêu khắc gia Anh Trần, Điêu khắc gia Vương Thu Thủy, Đạo diễn Trần Song Thu, Nhà quay phim Võ Anh Tuấn, Nhiếp ảnh gia Huỳnh Tâm, Danh ca Thanh Hùng, Danh ca Cao Thái, Danh ca Thanh Phong, Nghệ sĩ Hữu Phước, Ca sĩ Mạnh Cường, Ca sĩ Kim Nga, Ca sĩ Bạch Yến, Ca sĩ Thiên Nga, Ca sĩ Thu Hương, Ca sĩ Mỹ Hòa, Ca sĩ Họa Mi, Ca sĩ Minh cầm, Ca sĩ Đỗ Quyên, Ca sĩ Kim Thu, Ca sĩ Tuyết Mai, Ca sĩ Hải Yến, Ca sĩ Ngọc Châu, Ca sĩ Ngọc Xuân, Ca sĩ Tuyết Dung, GS nghệ sĩ Bích Thuận, Nghệ sĩ Mộng Tuyền, Nghệ sĩ Diệu Khánh, Nghệ sĩ Thúy Hằng, Nghệ sĩ Thụy Hương, Nghệ sĩ Linh Chi….Phan Thu Thủy, Bạch Sương, Châu Văn Lộc, Bà Nguyễn Bích Lộc….

Mỗi năm CLB sinh hoạt ít nhất 4 lần, về các chuyên đề : đạo lý, triết lý, văn chương, khoa học, hội họa, điêu khắc. Những khuôn mặt trong giới văn học nghệ thuật ở khắp nơi đã từng sinh hoạt với CLB :

Á châu : Nhật Bản :Nhà nghiên cứu văn học Đỗ Thông Minh. Úc châu : Nhạc sĩ Lệ Mai & Phạm QuangTuấn, Nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc.

Âu Châu : Na Uy : Nữ sĩ NguyễnThị Vinh, Nhà văn Nguyễn Hữu Nhật. Đan Mạch : Nhà báo Đặng Văn Nhâm. Anh Quốc : Nhà báo Mạc Kinh. Đức Quốc : Nhà văn Bùi Hạnh Nghi, Nhà văn Trần Phong Lưu, Nhà văn Vũ Nam, Nhà thơ Tùy Anh, Nhà thơ Mai Vi Phúc, Nhà thơ Võ Thị Trúc Giang, Nhà báo Phạm Văn Kiểm, Nhà biên khảo Nguyễn Văn Nhiệm…Thụy Sĩ : Nhà văn Nguyễn Thùy.

Gia Nã Đại : GS Lê Hữu Mục, GS Võ Long Tê, Nhà văn Trà Lũ, Nhà văn Tiểu Thu, Nhà văn Hải Triều, Nhạc sĩ Lê Dinh, Nhạc sĩ Trường Sa, Nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương, Nhạc sĩ Nguyễn Hữu Nghĩa, Nhiếp ảnh gia Nguyễn Đăng Trình.

Mỹ Quốc : Nhà văn Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh, Nhà nghiên cứu văn học GS Nguyễn Ngọc Bích, Nhà văn Phan Nhật Nam, Nhà văn Nguyên Vũ, Nhà văn Dương Huệ Anh, Nhà văn Song Nhị, Nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng, Nhà văn Trần Phong Vũ, Nhà văn Chu Tất Tiến, Nhà văn Trà Nguyễn, Nhà văn Hoành Nguyễn, Nữ sĩ Vi Khuê, Nữ sĩ Trương Anh Thụy, Nhà văn Phong Thu, Nhà văn Tôn Nữ Mạc Giao, Nhà văn Linh Linh Ngọc.

Nhà thơ Cung Trầm Tưởng , Nhà thơ Hà Huyền Chi, Du Tử Lê, Nhà thơ Hà Bỉnh Trung, Nhà thơTrần Thiện Hiệp, Thi Họa sĩ Vũ Hối, Nhà thơ Ngô Đức Diễm, Nhà thơ Lê Mai Lĩnh, Nhà thơ Nguyễn Chí Thiện, Nhà thơ Như Hoa Lê Quang Sinh, Nhà thơ Lưu Nguyễn Đạt, Nhà thơ Phan Khâm, Nhà thơ Hà Trung Yên, Nhà thơ Hoàng Trùng Dương, Nhà thơ Cao Nguyên, Nhà Thơ Lê Trọng Nghĩa, Nhà thơ Duy An Đông, Nhà thơ Phạm Ngọc, Nhà thơ Dư Thị Diễm Buồn, Nhà thơ Phan Ngọc An, Nhà thơ Hoàng Xuyên Anh, Nhà thơ Ngọc Bích, Nhà thơ Huỳnh Mai Hoa, Nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Dung, Nhà thơ Lưu Hồng Phúc, Nhà thơ Chúc Anh, Nhà báo Trùng Dương, Nhà báo Chu Kim Oanh, Nhà báo Hoài Thanh, Nhà báo Nguyễn Gia Bảo.

Nhạc sĩ Từ Công Phụng, Nhạc sĩ Vũ Thành An, Nhạc sĩ Đào Trường Phúc, Nhạc sĩ Việt Dũng , Nhạc sĩ Nguyệt Ánh, Nhạc sĩ Trần Quang Long, Nhạc sĩ Hồ Văn Sinh, Nhạc sĩ Miên Du Đà Lạt….

« Câu Lạc Bộ Văn Hóa Việt Nam Paris làm văn hóa ».

Trong buổi sinh hoạt văn học nghệ thuật « Hương Mùa Hạ 29.06.2014 », một cuộc thảo luận phong phú và hào hứng hiếm có về ý nghĩa của từ « Văn hóa » [ ] đã được mọi thành phần tham dự, giúp cho Câu Lạc Bộ Văn Hóa Việt Nam ý thức rõ rệt ý nghĩa của từ văn hóa mà xác định được mục tiêu và đường hướng văn hóa của mình. Ba ý nghĩa về văn hóa đã được rõ rệt nêu ra và ba sứ mệnh văn hóa đã được nhìn thấy : 1. Văn hóa theo nghĩa văn hiến, văn vật của Nguyễn Trãi mà góp phần bảo vệ, xây dựng đất nước, quốc gia như là một kẻ sĩ. 2. Văn hóa theo nghĩa văn hiến, văn chương, văn học của Lê Quí Đôn, Phan Huy Chú, mà góp phần bảo trì và phát triển văn hóa dân tộc, như là người biên soạn sách vở. 3. Và Văn hóa theo nghĩa cuộc sống con người hằng ngày của Đào Duy Anh mà biên soạn sách vở về mọi vấn đề liên hệ đến cuộc sống thường ngày của con người Việt Nam, có biến chuyển và mạnh yếu, theo thời gian và không gian.

Từ việc xác định ba mục tiêu này, các hội thảo viên đã đưa ra một « Quyết định về đường hướng văn hóa của Câu Lạc Bộ Văn Hóa Việt Nam Paris » là : « Góp phần xây dựng Văn hóa Việt Nam và lưu tâm gìn giữ phát triển sự trong sáng tiếng Việt ». Đường hướng này cho thấy rõ “Mục tiêu thuần túy văn hóa của Câu Lạc Bộ Văn Hóa Việt Nam Paris nhằm giới thiệu và phổ biến những tác phẩm giá trị, dựa trên tiêu chuẩn cách viết có lưu tâm gìn giữ và phát triển sự trong sáng tiếng Việt. Các tác phẩm được phổ biến gồm nhiều loại : Sáng tác, phê bình văn học, biên khảo, dịch thuật do các thành viên của Câu Lạc Bộ hay do các văn nghệ sĩ của các Cộng Đoàn Việt Nam khác. Và tác phẩm của những tác giả xuất sắc có giá trị lâu dài ». Quyết định này là chặng đường quan trọng tiên quyết.

2. Tác phẩm « NHỮNG KHUÔN MẶT VĂN HÓA VIỆT NAM PARIS, 1995-2015 » là một dự án văn học đưa ra một nhận thức về thân phận của mình, đồng thời ghi dấu và kỷ niệm 20 năm thành lập của « Câu Lạc Bộ Văn Hóa Việt Nam Paris » vào năm 2014. Dự án này đã được trình bày và các tham dự viên chấp thuận trong buổi sinh hoạt văn học nghệ thuật « Paris, Chiều tưởng nhớ, ngày 26.10.2014 » [ ].

Thiết kế dự án này là chặng đường thứ nhất, sau khi đường hướng đã được xác định. Nó nhằm áp dụng những mục tiêu và đường hướng văn hóa của CLBVHVNP vào việc thực hiện một tác phẩm, hầu ghi nhận, phổ biến và lưu trữ những tác phẩm và tác giả có phẩm chất cao. Công việc hướng tới việc nhận định về môi trường, động lực, mà thiết kế đầu đề, mục đích, nội dung và cấu trúc tổng quát. Nội dung hướng về những tác giả văn nghệ sĩ Việt Nam tại Pháp, trong 20 năm, 1995-2015. Cấu trúc có thể xoay quanh những khía cạnh : sáng tác văn chương, luận khảo văn học, nghiên cứu văn hóa,…

Tổ chức thực hiện, là chặng đường thứ hai, đã được bàn thảo và quyết định trong hai ngày : ngày 05.11.2014 tại tư gia Thi sĩ Đỗ Bình và ngày 14.03.2015 tại tư gia Bác Sĩ Phương Du Nguyễn Bá Hậu. Ba ban làm việc đã được đề nghị và thành lập[ ].

Ban Điều Hành Chung có sứ mệnh góp ý, xác định đường hướng, chủ trương và thực hiện tổng quát gồm những vị sau đây : Nhà văn Hồ Trường An, TS Võ Hùng Anh, Nhà văn nhà thơ Đỗ Bình, Nhà văn hóa GSTS Trần Văn Cảnh, Bs Nguyễn Bá Hậu, Nhà báo Nguyễn Bảo Hưng GS Trịnh Khải, Nhà biên khảo Nguyễn Thanh, Nhà văn Mây Thu, Nhà văn GS Nguyễn Thùy, Nhà văn hóa Phượng Anh Nguyễn Quý Toàn, Họa sĩ Trúc Tiên. Chủ Nhiệm là Nhà văn nhà thơ Đỗ Bình.

Ban Biên Tập với sứ mệnh thành lập một ban biên tập, đề nghị nội dung và bố cục, liên lạc với các tác giả, và thông tin cho họ để họ xác nhận sự tham gia và góp ý về các nguyên tắc tổng quát biên soạn, về cấu trúc tổng quát và chi tiết của nội dung cuốn sách, về phân chia công việc, phân chia bài cho mỗi người và chọn lựa bài vở.

Ban Biên Tập của tuyển tập « Những Khuôn Mặt Văn Hóa Việt Nam Paris gồm những vị sau đây : Nhà văn Hồ Trường An, GSTS Hà Ngọc Bích, Nhà Văn Nhà Thơ Đỗ Bình, nhà thơ Hương Bình, GSTS Trần Văn Cảnh, TS Phạm Trọng Chánh, GSBS Phạm Tu Chính, Thi sĩ BS Phương Du Nguyễn Bá Hậu, LS Trần Thanh Hiệp, Nhà báo Nguyễn Bảo Hưng, GS Trịnh Khải, GSTS Phạm Đình Liên, Nữ sĩ Quỳnh Liên, GSTS Lê Mộng Nguyên, Nhà văn Trần Tam Nguyên, GS Phạm Thị Nhung, Thi sĩ GS Hàm Thạch, Nhà biên khảo Nguyễn Thanh, GSTS Vũ Quốc Thúc, Nhà văn GS Nguyễn Thùy, Nhà văn Từ Thức, Nhà báo Lê Trân, GSTS Từ Trì, GSTS Nguyễn Đăng Trúc, Nhà phê bình TS Liễu Trương, GS Phan Thị Trọng Tuyến. Chủ Biên là GSTS Trần Văn Cảnh.

Ban Thực Hiện gồm những công việc và người trách nhiệm sau đây : Trình bầy bìa 1&4 : Họa sĩ Trúc Tiên ; Lên khuôn : GSTS Trần Văn Cảnh, TS Võ Hùng Anh ; Đọc lại : Nhà văn hóa Phượng Anh Nguyễn Quý Toàn, TS Võ Hùng Anh, Nhà Văn Trần Tam Nguyên, Nhà văn Nguyễn Mây Thu, BS Nguyễn Bá Linh, và tác giả liên hệ ; In ấn : GSTS Trần Văn Cảnh ; Phát hành, Giao thương, Tài chánh : Nhà văn nhà thơ Đỗ Bình, Nhà văn hóa Phượng Anh Nguyễn Quí Toàn, Họa sĩ Nguyễn Đức Tăng, KS Lê Minh Triết.

Nội dung « Những Khuôn Mặt Văn Hóa Việt Nam Paris ». Nội dung của tác phẩm đã được xây dựng và thực hiện theo một đường hướng Văn Hóa có trao đổi, thảo luận và quyết định chung.

Một thời gian đã được kéo dài ra, sau chiều hội thảo về dự án văn học ngày 26.10.2014, để các tác giả sáng tác, hai thư ngỏ đã được gởi đi, ngày 18.07.2015 và ngày 09.11.2015, xin các thi, văn, nghệ sĩ, các nhà nghiên cứu, giáo sư gửi bài đóng góp.

Năm tháng sau ngày thư ngỏ thứ hai được gửi đi, trong « Chiều Sinh Hoạt Văn Học Nghệ Thuật » tổ chức vào ngày thứ bảy 02 tháng 04 năm 2016, kết quả về nội dung cuốn sách đã được công bố với 37 bài được chọn đăng [ ] và trình bày trong hai phần theo mục lục sau đây :

LỜI CÁM ƠN / Trần Văn Cảnh, Chủ biên 7

LỜI GIỚI THIỆU / Nhà thơ Đỗ Bình, Chủ tịch Câu Lạc Bộ Văn Hóa Việt Nam Paris 8

MỤC LỤC 19

LỜÏ MỞ CHUNG / Trần Văn Cảnh, Chủ biên

23

PHẦN I. TÁC GIẢ VÀ TÁC PHẨM

29

1. Thơ thiền với Thân Thị Ngọc Quế / Hồ Trường An 31

2. Paris, một tâm hồn chân quê / Đỗ Bình 49

3. Con đường không mỏi / Đỗ Bình 63

4. Kẻ đi tìm lẽ đạo / Đỗ Bình 83

5. GS Võ Thu Tịnh, một tâm hồn thanh cao / Đỗ Bình 95

6. « Thơ Tình » của thi sĩ Vân Uyên Nguyễn Văn Ái / Trần Văn Cảnh 102

7. Đọc thơ « Tha Hương » của thi sĩ Phương Du Nguyễn Bá Hậu / Trần Văn Cảnh 122

8. Đọc « Tuyển Tập Tiểu Tử » của nhà văn Tiểu Tử / Trần Văn Cảnh 157

9. Giáo Sư Trần Văn Bảng, Y sĩ, Thi sĩ / Phạm Tu Chính 170

10. Vinh danh và thương tiếc Tiến sĩ Thái Văn Kiểm / Lê Mộng Nguyên 189

11. Vân Nương Lê Ngọc Chấn - Nhớ một người đi / Nguyễn Thùy 200

12. Tinh thần Nguyễn Trường Tộ / Lê Trân phỏng vấn GS Nguyễn Đăng Trúc 238

13. Lê Mộng Nguyên vọng về lời hẹn ước từ bờ suối xưa / Nguyễn Đăng Trúc 254

14. Đọc “Em điên xoã tóc” của Kiệt Tấn / Liễu Trương 264

15. Các nhà văn nữ Việt Nam ở Pháp / Liễu Trương 278

16. Võ Phiến và tâm trạng kẻ lưu đầy / Liễu Trương 296

PHẦN II. SÁNG TÁC VĂN CHƯƠNG NGHIÊN CỨU VĂN HỌC, VĂN HÓA

303

17. Mấy rặng trâm bầu / Hà Ngọc Bích 305

18. Kiếp tằm tơ (thơ) / Hương Bình 317

19. Tiểu sử Nguyễn Du qua những phát hiện mới / TS Phạm Trọng Chánh 319

20. Những nét đẹp trong Đoạn Trường Tân Thanh / Phương Du Nguyễn Bá Hậu 331

21. Ghi chú về « Đức Lý » của người luật sư / Trần Thanh Hiệp 344

22. Có nên đặt vấn đề về khả năng diễn đạt của tiếng Việt / Nguyễn Bảo Hưng 361

23. Đạo Phật và Truyện Kiều / Trịnh Khải 381

24. Albert Einstein, nhà bác học danh tiếng nhất của thế kỷ thứ 20 / GSTS Phạm Đình Liên 401

25. Cô Liêu - Nhớ quê (thơ) / Quỳnh Liên 409

26. Người phụ nữ Việt Nam qua trào lưu Tự Lực Văn Đoàn / Lê Mộng Nguyên 411

27. Ba bài tùy bút trích trong tác phẩm « Dòng đời trôi » / Trần Tam Nguyên 424

28. Trống đồng Ngọc Lũ nói gì về Tết Nguyên Đán và Tết Trung Thu / Phạm Thị Nhung 454

29. Ngọc Lan Cố Quốc / Phạm Thị Nhung 470

30. Vọng cố hương (thơ) / Hàm Thạch 481

31. Ngày du ngoạn Giverny và Auvers-sur-Oise/ Nguyễn Thanh 482

32. Gió đưa cành trúc la đà / Vũ Quốc Thúc 488

33. Giảng luận bài Dân ca « Đố ai nằm ngủ không mơ » / Nguyễn Thùy 496

34. Người đưa tin / Từ Thức 511

35. Bà Mẹ Quê / Từ Trì 523

36. Đại Học Hè Việt-Nam Hải Ngoại, một đóng góp cho cuộc phục hưng văn hóa / Nguyễn Đăng Trúc 534

37. Chút gì còn lại / Phan Thị Trọng Tuyến 546

LỜI KẾT CHUNG / Trần Văn Cảnh, Chủ Biên

568

PHỤ LỤC

573

PL 1- Đường hướng Văn hóa của Câu Lạc Bộ Văn Hóa Việt Nam Paris / Trần Văn Cảnh, Chủ biên 575

PL 2- Dự án « Những Khuôn Mặt Văn Hóa Việt Nam Paris » / Trần Văn Cảnh, Chủ biên 593

PL 3- Điều hành và tổ chức « Những Khuôn Mặt Văn Hóa Việt Nam Paris » / Trần Văn Cảnh, Chủ biên 598

PL 4- Nội dung cuốn sách « Những Khuôn Mặt Văn Hóa Việt Nam Paris » / Trần Văn Cảnh, Chủ biên 601

PL 5- Bảng bài viết, Hình-tiểu sử-tác phẩm của các tác giả « Những Khuôn Mặt Văn Hóa Việt Nam Paris » 608

« Những Khuôn Mặt Văn Hóa Việt Nam Paris » ghi nhận những ai?

Trong phần đầu buổi chiều Văn Học Nghệ Thuật ra mắt tác phẩm « Những Khuôn Mặt Văn Hóa Việt Nam Paris » ngày 19.08.2016, các tham dự viên đã được nghe những giới thiệu chi tiết và cá biệt về từng tác giả đã đóng góp vào tuyển tập « Những Khuôn Mặt Văn Hóa Việt Nam Paris, 1995-2015 ».

Trong phần giới thiệu chung này, chúng tôi xin giới thiệu một cách tổng quát về chân dung tập thể của « Những Khuôn Mặt Văn Hóa Việt Nam Paris, 1995-2015 ».

Tuyển Tập « Những Khuôn Mặt Văn Hóa Việt Nam Paris, 1995-2015 » là một tác phẩm, sau hai năm chuẩn bị, đã ghi nhận chân dung của những nhà thơ, nhà văn, nhà nghiên cứu văn học và văn hóa Việt Nam thuộc Câu Lạc Bộ Văn Hóa Việt Nam tại Paris, trong những năm từ 1995 đến 2015. Không phải là chân dung kinh tế xã hội, theo kiểu « Chân dung kinh tế và xã hội của những tác giả viết sách ở Pháp », như bản phúc trình của Bộ Văn Hóa và Truyền Thông Pháp đã cho phổ biến ngày 16 tháng 03 năm 2016 [ ]. Nhưng là chân dung văn hóa.

Họ là ai ?

Nhóm thứ nhất, họ là những thành viên đã hay đang sinh hoạt trong Câu Lạc Bộ Văn Hóa Việt Nam Paris ; họ đáp lời mời của Chủ Nhiệm và Chủ Biên ; họ là những tác giả gửi những sáng tác góp phần thực hiện tác phẩm « Những Khuôn Mặt Văn Hóa Việt Nam Paris, 1995-2015 » này. Đó là 26 tác giả sau đây : Nhà văn Hồ Trường An, GSTS Hà Ngọc Bích, Nhà Văn Nhà Thơ Đỗ Bình, nhà thơ Hương Bình, GSTS Trần Văn Cảnh, TS Phạm Trọng Chánh, BSGS Phạm Tu Chính, Thi sĩ BS Phương Du Nguyễn Bá Hậu, LS Trần Thanh Hiệp, Nhà báo Nguyễn Bảo Hưng, GS Trịnh Khải, GSTS Phạm Đình Liên, Nữ sĩ Quỳnh Liên, GSTS Lê Mộng Nguyên, Nhà văn Trần Tam Nguyên, GS Phạm Thị Nhung, Thi sĩ GS Hàm Thạch, Nhà biên khảo Nguyễn Thanh, GSTS Vũ Quốc Thúc, Nhà văn GS Nguyễn Thùy, Nhà văn Từ Thức, Nhà báo Lê Trân, GSTS Từ Trì, GSTS Nguyễn Đăng Trúc, Nhà phê bình TS Liễu Trương, GS Phan Thị Trọng Tuyến.

Nhóm thứ hai, họ là những người đã hoặc đang ở Paris và đã hay đang biên soạn sách vở, mà nay, được những thành viên Câu Lạc Bộ Văn Hóa Việt Nam Paris tìm hiểu và nhắc nhớ đến. Họ được vinh danh và tên tuổi được ghi khắc vào lịch sử văn học. Đó là những vị sau đây : bác sĩ giáo sư thi sĩ Vân Uyên Nguyễn Văn Ái, nhà văn Văn Bá bác sĩ Nguyễn Văn Ba, giáo sư thi sĩ bác sĩ Bằng Vân Trần Văn Bảng, bác sĩ thi sĩ Phương Du Nguyễn Bá Hậu, học giả tiến sĩ Thái Văn Kiểm, nhạc sĩ giáo sư Lê Mộng Nguyên, nữ sĩ Vân Nương, nữ sĩ Minh Châu Thái Thị Hạc Oanh, nhà văn học Võ Phiến ở Mỹ, nhà thơ Thân Thị Ngọc Quế, nhà văn Kiệt Tấn, nhà văn học Nguyễn Thùy, GS Võ Thu Tịnh, học giả Nguyễn Trường Tộ, nhà văn Tiểu Tử ; Những nhà văn nữ Paris hiện nay, như Mạch Nha, Miêng, Phạm Thị Trọng Tuyến, Trần Diệu Tâm, Đỗ Quỳnh Giao, Đặng Mai Lan, Mai Ninh.

Chân dung chung và chính yếu của Những Khuôn Mặt VHVN Paris ?

Đọc xong những bài trong tác phẩm « Những Khuôn Mặt Văn Hóa Việt Nam Paris, 1995-2015 », không những một nội dung tổng quát của Văn Hóa Việt Nam đã được tỏ lộ về tinh thần kẻ sĩ, về công việc nghiên cứu và biên soạn sách vở và biên soạn về cuộc sống hằng ngày hiện nay của người Việt Nam, đặc biệt là người Việt Nam hải ngoại. Nhưng còn một nội dung chủ yếu cụ thể và đặc trưng mà người đọc chăm chú sẽ dễ dàng khám phá và nhận ra, đó là «chân dung chung của người làm văn hoá trong Những Khuôn Mặt Văn Hóa Việt Nam Paris».

Nhiều đề tài và nhiều tiếp cận khác nhau, nhưng tất cả mọi tác giả đều đã đề cập, nhiều ít, xa gần, đến chủ đề « Tha Hương », là nét chân dung đặc trưng chính yếu chung, với ba mầu rất đậm và rõ nét. Một cái tha hương hiện thực của tâm tình hoài nhớ, thương mến, mong chờ quê hương tươi sáng và của cảnh sống giữ thơm quê mẹ, bảo trì và phát triển văn hóa dân tộc, hội nhập quê người. Một cái tha hương vươn lên của tình thương, đi từ tình thương gia đình, đến tình thương Nước Việt, Người Việt, Tiếng Việt, tiến lên tình thương nhân loại. Và một cái tha hương thăng tiến về tâm linh, tìm về chân, thiện, mỹ, hướng lên tâm linh và thiêng liêng.

Rõ rệt « Những khuôn mặt Văn Hóa Việt Nam Paris, 1995-2015 » đã hoà nhập với những tác phẩm văn, thơ, nghiên cứu về văn học và văn hóa Việt Nam khác trên thế giới, mà khai phá ra một nội dung mới trên diễn đàn văn học Việt Nam cho thời hậu chiến, 1975-2015.

Khác với văn thơ thời tiền chiến 1930-1945 và văn thơ thời chiến 1945-1975, văn thơ thời hậu chiến 1975-2015 nở rộ ra ở hải ngoại, trong đó có Paris, với dòng văn thơ THA HƯƠNG và TÌNH THƯƠNG Nước Việt, Người Việt, Tiếng Việt.

Đó là nét chân dung chính yếu cũa các tác giả, là nội dung của tác phẩm và là sứ điệp gửi đến quí độc giả Việt Nam.

Những dự án khác cho tương lai sau « Những khuôn mặt Văn Hóa Việt Nam Paris » ?

Từ « Những Khuôn Mặt Văn Hóa Việt Nam Paris, 1995-2015 », những viễn tượng tương lai như đã được mở ra cho những công trình văn học, văn hóa tương lai.

Trước nhất là những viễn tượng không gian địa lý, với những vấn nạn đã được gợi ra : Có cần phải nhìn ra « Những khuôn mặt Văn Hóa Việt Nam Hải Ngoại, 1975-2016 » ? Có cần phải nhận rõ « Những Khuôn Mặt Văn Hóa Việt Nam trên toàn thế giới hiện nay, 1975-2017 » ?

Thứ đến là những viễn tượng thời gian lịch sử và những viễn tượng biến chuyển về nội dung, chủ đề và kỹ thuật, hình thức văn hóa, văn học, mà những vấn nạn sẽ từ từ được ý thức, nhận ra và đặt thành vấn đề.

Vui mừng vì tác phẩm « Những Khuôn Mặt Văn Hóa Việt Nam Paris » đã được thực hiện, mà qua đó một chân dung độc đáo của khuôn mặt văn hóa đã lộ hình rõ rệt, qua nhiều nét đậm khác nhau. Nét đậm của hành động kẻ sĩ hào kiệt, có nhân nghĩa, góp phần yên dân, trừ bạo, của hết các tác giả, mà nổi bật nhất có lẽ là « hình ảnh Nguyễn Tường Tộ như một kẻ sĩ dấn thân, can đảm, một nhà canh tân xã hội ». Nét đậm biên soạn sách vở, hầu sáng tác, đóng góp vào việc giữ gìn, bảo quản và phát triển kho tàng văn hóa quốc dân Việt Nam, của toàn thể mọi tác giả. Nét đậm sáng tác về đủ mọi vấn đề của cuộc sống người Việt Nam, nhất là của những người Việt Nam tha hương ở hải ngoại.

Chúng tôi vui mừng và hãnh diện thấy lòng thương nước yêu dân, thấy tình gắn bó với quê cha đất tổ, thấy ý chí muốn giữ gìn sự trong sáng tiếng Việt, muốn tìm hiểu văn học, văn hóa nước nhà, muốn hướng về tình thương, muốn vươn lên, tìm về chân, thiện, mỹ, muốn thăng tiến đi tìm lẽ đạo, của những tác giả đã góp phần trong tập sách này.

Chúng tôi xin cám ơn các tác giả đã dầy công suy nghĩ, ghi nhận, tìm tòi và biên soạn.

Chúng tôi hân hạnh giới thiệu những trang sách này và hy vọng tuyển tập « Những Khuôn Mặt Văn Hóa Việt Nam Paris, 1995-2015 » sẽ được phổ biến rộng rãi và được nhiều độc giả đón nhận.

Paris, ngày 08 tháng 10 năm 2016

Đỗ Bình, Chủ Tịch Câu Lạc Bộ Văn Hóa Việt Nam Paris

Trần Văn Cảnh, Chủ Biên tuyển tập « Những khuôn mặt Văn hóa Việt nam Paris »