Ngày 05-10-2018
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Lễ Mân Côi : Một cách thế lần chuỗi có hiệu quả hiệu quả.
LM. Alf. Nguyễn Công Minh. OFM
09:05 05/10/2018
Lễ Mân Côi: Một cách thế lần chuỗi có hiệu quả hiệu quả.

Có một vị Giám mục nay đã là Hồng Y, kể lại mẩu chuyện này: Một hôm đang ở trong nhà thờ, thì một bà gần tứ tuần đến nói: “Xin Đức cha đọc cho con một kinh Kính Mừng. Con và chồng con ao ước có một đứa con mà mãi chưa được”. Bẵng đi một thời gian, lại chính người phụ nữ đó quay lại, mặt hớn hở: Cám ơn Đức cha, với một kinh của Đức cha, con đã có một đứa bé. Nghe tin này, vị giám mục nói thầm: Cũng may mà ta chưa lần đủ một chuỗi !

Câu kết có vẻ hài hước này: Cũng may mà ta chưa lần đủ một chuỗi ! tức 50 kinh Kính Mừng, thì có 50 em bé, tha hồ mà lập nhà trẻ !

Gạt bỏ tính hài hước của câu chuyện, ta sẽ có lời kết: giá trị hiệu quả cao của kinh Kính Mừng … Hôm nay chúng ta mừng lễ Đức Mẹ Mai Khôi. Mai-Khôi, từ Hán-Việt nghĩa là hoa hồng. Mai Khôi được phiên âm bằng những từ khác thông dụng hơn như Mân Côi, có khi là Văn Côi, Môi Khôi. Tất cả đều muốn nói: Hoa hồng. Có 2 lý lẽ để nói chuỗi Mai Khôi là chuối kinh Kính Mừng. (1) Nếu cả chuỗi Mai Khôi gồm 3 kinh: Lạy Cha, Kính Mừng, Sáng Danh – thì chính kinh Kính Mừng xứng danh nhất để gọi là kinh Mai Khôi, vì kinh Lạy Cha và kinh Sáng Danh không nhắc gì đến Đức Mẹ là người nữ – mà nữ thì mới là Hoa (hoa hậu – hoa khôi…) và Đức Maria đích thị là Hoa, hoa hồng: Đức Mẹ như hoa hồng mầu nhiệm vậy. (2) Lại nữa, kinh Kính Mừng được lập đi lập lại nhiều nhất để xứng đáng là một chuỗi – chuỗi kinh Kính mừng. Hai lý do trên đây cho ta thấy kinh Mai Khôi chính là kinh Kính mừng, chuỗi Mai Khôi là chuỗi kinh Kính mừng.

Đề tài hôm nay không phải về ý nghĩa của lời kinh, nhưng là cách thức đọc kinh Kính Mừng. Sở dĩ phải đặt ra vì các kinh khác chỉ đọc một lần, còn kinh Kính Mừng được lập đi lập lại từng 10 lần một, dễ có nguy cơ như một chiếc máy- máy cassette.

Có nhiều cách để lần chuỗi Mai Khôi, ở đây không trực tiếp nói đến cách lần chuỗi, nhưng qua cách đọc kinh Kính Mừng thì cũng gián tiếp nói đến một trong các cách lần chuỗi.

Vậy phải đọc kinh Kính Mừng như thế nào cho có hiệu quả, hay nói nhẹ hơn, cho có ý thức. Nếu mỗi người tự nghĩ ra một cách thì có lẽ cách thức đó giá trị hơn, vì do mình sáng nghĩ ra. Nếu anh chị không hoặc chưa nghĩ ra một cách nào khác, thì xin giới thiệu một cách thế đọc kinh Kính Mừng hiệu quả.

Kinh Kính Mừng có 2 vế: một vế là Kinh Thánh (lời chào của thiên thần), một vế là lời xin của Giáo Hội.

Mỗi một vế ta sẽ để ý đến 1 chữ. Vế đầu: Hãy để ý đến chữ quan trọng nhất: GIÊSU. Khi đọc tới chữ này, tôi cúi đầu thờ lạy.

Vế sau: tôi để ý đến chữ thấp hèn nhất: tội. Khi đọc đến chữ này tôi đấm ngực ăn năn.

Tôi nghĩ ra cách đọc kinh Kính Mừng theo lối này cách đây khoảng ba mươi năm. Tôi nghĩ ra trong hoàn cảnh bó buộc – dạy cho các em lớp giáo lý về cách thức lần hạt. Tôi nghĩ ra và áp dụng thì thấy đọc kinh trở nên ý thức hơn, sốt sắng hơn.

Để hiểu rõ thêm, có lẽ cũng cần vài lời giải thích tại sao lại nhấn 2 điểm trên kia: Giêsu và tội.

1) Giêsu: đọc đến đây ta phải cung kính thờ lạy, thật là xứng hợp, vì:

• Thư Philiphê 2, 6-11: Danh Giêsu trổi vượt mọi danh hiệu. Khi nghe danh hiệu Giêsu, muôn vật phải bái quì, cả trên trời dưới đất, và trong cõi âm ty. Cha Ngô Duy Linh dệt thành lời hát: khi nghe danh thánh Chúa Giêsu các tầng trời bừng sáng, các tà thần chạy trốn, khắp trái đất khiếp run.

• Danh Giêsu đầy sức mạnh: chính vì nghe danh Giêsu mà người què này được chữa lành. (x. Cv 3,6)

• Giêsu: Tên hiệu tóm tắt toàn bộ lịch sử. Người ta nói: Hãy tóm tắt toàn bộ Kinh Thánh trong 1 trang thôi. 1 trang vẫn còn nhiều. 1 hàng thôi. Thôi, một hàng còn nhiều, 1 chữ nhé. Chữ đó không gì khác là chữ Giêsu. Vì thế khi đọc kinh Kính Mừng đến chữ Giêsu làm sao chúng ta không cà lăm được – Giê…su, yê- su… Không đọc tiếp được nữa ! Không đọc được cũng là một cách thức đọc kinh Kính Mừng có ý thức đó.

2) Tội: đọc đến đây thì đấm ngực. Thật là đích đáng.

*Không ít thì nhiều, không nhiều thì ít, chúng ta là kẻ có tội… bằng cách này hay cách khác, như chúng ta đọc kinh Cáo mình: lỗi tại tôi, lỗi tại tôi, mọi đàng… Tội trong tư tưởng, trong lời nói, việc làm. Nếu giữ thật kỹ để không vi phạm: không nghĩ gì xấu, không nói gì bậy, không làm gì ác thì ta vẫn còn vi phạm về tội thiếu sót: tội không làm điều phải làm. Không tránh đâu được là không có tội…

Đức Maria trong lần hiện ra tại Fatima vào ngày 13 tháng 5 năm 1917 cũng yêu cầu ba trẻ Lucia, Phanxicô và Jacinta lần hạt để cầu cho kẻ có tội.

Đọc kinh Kính Mừng để cầu cho mình là kẻ có tội và cầu cho kẻ có tội ăn năn trở lại quả là việc công đức. Amen.

(có thể thêm):

Kính thưa ÔBACE,

Mới hôm kia 4/10, là lễ thánh Phanxicô, tổ phụ chiếc áo dòng nâu của chúng tôi. Tôi xin phép được nhắc đến 2 ý liên quan đến 2 điểm nhấn trong kinh Kính Mừng mà chúng ta vừa gợi ý.

Danh Yêsu: Phanxicô có lòng yêu cách riêng danh thánh này. Ngài xếp cùng hàng Mình, Máu, Lời, Tên. Phanxicô viết trong Thư gửi giáo sĩ: Ở đời này chúng ta không có gì và không thấy gì cụ thể về Thiên Chúa tối cao ngoài Mình, Máu, ngoài Tên và Lời Chúa, nhờ đó ta được dựng nên, được cứu chuộc và được sống đời đời.

Cho tới cuối đời, trong di chúc Phanxicô còn căn dặn: Tên rất thánh và Lời của Chúa được ghi lại, tôi thấy để ở nơi nào bất xứng, tôi cũng muốn thu gom lại để vào nơi xứng hợp. Người ta còn kể Phanxicô nhiều khi xem ra lẩm cẩm đến độ bất cứ mẩu giấy nào có ghi chữ thôi, bất cứ chữ gì, ngài cũng lượm lại (giống như người lượm ve chai, giấy vụn) để đặt vào nơi cung kính. Tại sao? Vì các mẫu tự rời rạc đó ghép lại cũng thành danh cực thánh Giêsu, thành Lời của Giêsu cực thánh

Tội: Phanxicô trong 1L 17,8 ghi: điều mà chúng ta thật sự có, là của riêng mình, đó là tội.

Để kết thúc, tôi lại xin phép để trích một câu trong Luật Dòng Phanxicô: “Vì chúng con là kẻ có tội, không đáng gọi danh thánh Chúa”... sau đó ít dòng, Phanxicô nói: Vì thế chúng con khiêm hạ cúi xin Mẹ Maria cầu bầu, che chở…

Lẽ ra chúng ta phải đọc Thánh Maria trước, rồi mới đọc Kính Mừng Maria. Nhưng dầu trước dầu sau, chúng ta hãy nhớ một điều Đức Mẹ luôn là “Đấng bầu chữa kẻ có tội” miễn là chúng ta trung thành với việc làm tôi, làm con Đức Mẹ bằng cách đọc vài ba kinh Kính Mừng;

Và để cho sốt sắng, chúng ta tạo ra 2 dấu nhấn trong 2 vế của lời kinh: Giêsu: cúi đầu thờ lạy – Tội: đấm ngực thống hối.

Đọc như thế, thì kinh Kính Mừng có sức vạn năng, không chỉ là có một đứa con như trong câu chuyện mở đầu, mà quan trọng là có những dứa con mới, đứa con được cứu chuộc. Amen.

Lm. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Thượng Hội Đồng ngày 2: Ưu Tiên Chọn Người Nghèo
Vũ Văn An
17:57 05/10/2018
Theo ký giả Gerard O’Connell của Tạp Chí Dòng Tên America, một số tham dự viên cho biết quan tâm tới di dân và người tị nạn đã chiếm vị trí trung tâm tại Thượng Hội Đồng Giám Mục về người trẻ.



Thực vậy, ba quan tâm chuyên biệt đã được các nghị phụ thuộc 3 tình huống khác nhau phát biểu trong 2 ngày đầu tiên của Thượng Hội Đồng về người trẻ. Tất cả liên quan đến số phận của hàng triệu di dân và người tị nạn, mà đa số là người trẻ, điều được Đức Phanxicô gọi là “cuôc khủng hoảng nhân đạo lớn nhất thời ta”.

Quan tâm đầu tiên được phát biểu bởi các nghị phụ Thượng Hội Đồng thuộc các nước nơi các di dân trẻ tuổi phát xuất ở Trung Đông, Châu Phi, Châu Mỹ Latinh và một số khu vực châu Á, lên đường tới các vùng đất lạ và rời khỏi đất nước của họ đang mất dần người trẻ. Ông Paolo Ruffini, người đứng đầu các cơ quan truyền thông của Vatican, đã nhắc nhở các nhà báo trong một cuộc họp báo sau phiên họp thứ ba vào ngày 5 tháng 10 rằng “2/3 người trẻ trên thế giới sống ở Châu Phi, Châu Á, Châu Đại Dương và Châu Mỹ La Tinh.”

Ông nói “nhiều diễn giả” đã nhận diện nhiều lý do đáng kể cho sự di dân ồ ạt này: nghèo đói cùng cực, chiến tranh, nạn khủng bố và việc thiếu cơ hội giáo dục và việc làm. Họ thường bị thu hút bởi "các dối trá" về cuộc đời đang đợi họ ở cuối cuộc hành trình, và một số đã trở thành nạn nhân của nạn buôn người, mãi dâm hoặc buôn bán ma túy.

Quan tâm thứ hai được phát biểu bởi các nghị phụ Thượng Hội Đồng thuộc các nước quá cảnh, như Hy Lạp và Ý, nơi các di dân và người tị nạn đến trước nhất, ở lại một thời gian và cần được chăm sóc trong các nhu cầu căn bản của họ, trước khi nhiều người tiếp tục di chuyển tới các quốc gia khác ở châu Âu.

Mối quan tâm thứ ba phát khởi từ các nghị phụ Thượng Hội Đồng thuộc các quốc gia nơi các di dân và người tị nạn định cư và là nơi không những có thách thức lớn trong việc hội nhập họ và giúp họ khả năng tìm được một cuộc sống mới trong vùng đất mới mà còn là một thách thức phải trợ giúp con cái nam nữ của thế hệ di dân thứ nhất.

Ông Ruffini nói rằng có sự đồng thuận chung giữa những người nói rằng “Giáo Hội phải gần gũi với các di dân trẻ trong mọi tình huống này, kể cả những người thuộc thế hệ thứ hai, đôi khi ít có cơ hội hơn các di dân thuộc đợt đầu tiên. Cần phải đồng hành và giúp họ trong các tình huống khác nhau của họ”.

Một số diễn giả không được ông Ruffini nêu tên, đã nhấn mạnh tới tầm quan trọng của phụng vụ đối với các người trẻ và việc giúp họ “khám phá lại lời cầu nguyện”. Ông nói: các diễn giả khác nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc phát triển phụng vụ phù hợp với giới trẻ nói chung, chứ không chỉ phù hợp với các di dân và người tị nạn - những nghi thức phụng vụ trong đó, giới trẻ có thể tham gia đầy đủ, những phụng vụ với âm nhạc có thể làm phong phú lời cầu nguyện và các bài giảng có ý nghĩa dựa trên Sách Thánh.

Ông Greg Burke, giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa thánh, chủ trì buổi họp báo và sau đó đã trao diễn đàn cho hai vị giám mục: Manuel Ochogavia 'Barahona, một tu sĩ Dòng Thánh Augustinô thuộc Giáo phận Colon-Kuna Yala ở Panama, nơi sẽ tổ chức Ngày Giới trẻ Thế giới kế tiếp vào tháng 1 năm 2019, và Anthony Colin Fisher, Dòng Đa Minh và là người kế vị Đức Hồng Y George Pell làm tổng giám mục Sydney, Australia, người đã phối hợp Ngày Giới trẻ Thế giới ở Úc 10 năm trước đây. Các vị là hai trong số rất nhiều giám mục tham dự thượng hội đồng lần đầu tiên.

Đức Cha Panamian nhấn mạnh rằng người trẻ là thành phần của Giáo Hội, nhưng toàn bộ Giáo Hội phải giúp họ để họ không bị thao túng bởi các lực lượng không tìm kiếm điều tốt đẹp của họ. Ngài bày tỏ niềm vui rằng đất nước ngài sẽ chào đón hàng trăm ngàn người trẻ từ châu Mỹ Latinh và các nước khác trên toàn thế giới vào tháng Giêng tới và cho biết họ đã làm việc chăm chỉ để chuẩn bị cho biến cố này. Ngài nói về sự cần thiết phải dành cho phụ nữ trẻ cơ hội tham gia đầy đủ vào đời sống của Giáo Hội và của xã hội và lưu ý rằng ngày nay phụ nữ không nhận được mức lương tương tự như nam giới, nhiều phụ nữ trẻ không có cơ hội được giáo dục và nhiều người bị bóc lột.

Đức Cha Barahona nói rằng “Giáo hội có nhiều việc phải làm để bảo đảm sự tham gia đầy đủ của phụ nữ trong xã hội và trong Giáo Hội”. Ngài nhắc lại rằng các giám mục châu Mỹ Latinh cũng đã đưa ra chính sách "ưu tiên chọn người trẻ" cùng với chính sách ưu ưu tiên chọn người nghèo – mà trong số này có rất nhiều người trẻ.



Như đã làm hôm qua, lúc ngài đọc một bài phát biểu, sau đó được đăng tải trên trang web của Tổng Giáo Phận Sydney, tại buổi họp báo hôm nay, Đức Tổng Giám Mục Fisher cũng nói về “sự xấu hổ” của Giáo Hội Úc vì đã gây ra “rất nhiều tổn thương” cho giới trẻ ở đất nước của họ và việc các giám mục thường "đáp ứng rất tồi" đối với các lời tố cáo về việc các vị không ngăn chặn được việc giáo sĩ lạm dụng tình dục. Ngài cho biết các vị đã xin và tiếp tục xin sự tha thứ của các nạn nhân bị lạm dụng (nhiều người trong số họ bây giờ là những người đã lớn tuổi) vì "những tổn thương lớn lao" gây ra cho họ. Ngài nói rằng Giáo Hội ở Úc đang trải qua một giai đoạn “xấu hổ và thanh tẩy”.

Ngài thừa nhận rằng mối quan tâm lớn của các nghị phụ Thượng Hội Đồng thuộc các nơi khác trên thế giới là mối quan tâm "di dân" như đã đề cập ở trên và "tước đoạt của những xã hội này" các người trẻ của họ. Ngài bày tỏ sự đánh giá cao của mình đối với “chủ nghĩa hiện thực” mà thượng hội đồng đang dùng để thảo luận các vấn đề này và những vấn đề khác và “cách mọi người nói rất thẳng thắn” và “khảo sát các khả thể” trong việc đồng hành và gặp gỡ người trẻ. Ngài hy vọng thượng hội đồng sẽ giúp người trẻ nhận ra rằng Giáo Hội đang mang đến cho họ “hồng phúc Chúa Giêsu Kitô, ĐấngThiên Chúa đã trở thành một thanh niên cho chúng ta”. Ngài có những lời hết sức ca ngợi Đức Giáo Hoàng Phanxicô, người tuy là “một ông già, nhưng ngài có mặt vào đầu mỗi ngày để chào đón mỗi người chúng tôi, ngài hiện diện và lắng nghe tất cả các can thiệp và tham gia với chúng tôi tại giờ uống cà phê”. Ngài "rõ ràng dấn thân vào chủ đề này" và cho thấy, bằng nhiều cách, người trẻ rất gần gũi với trái tim ngài. Ngài gặp họ mỗi ngày và "luôn quan tâm để Giáo Hội lắng nghe họ."

Vị chủ tọa thứ ba tại cuộc họp báo hôm nay là một phụ nữ trẻ của Madagascar, đó là Tahiry Malala Marion Sophie Rakotoroalahy, một trong 49 dự thính viên tại thượng hội đồng và là chủ tịch của nhóm sinh viên Công Giáo quốc gia ở nước cô, nước mà Đức Phanxicô rất có thể đến thăm vào năm 2019 khi ngài viếng thăm Mozambique. Cô nói về cuộc khủng hoảng chính trị tại đảo quốc của cô đang gây ra nhiều vấn đề cho các sinh viên và toàn dân. Cô nhấn mạnh rằng các sinh viên Công Giáo phải làm việc chăm chỉ để bảo đảm có được một nền giáo dục tốt hơn cho những người trẻ cảm thấy "mất phương hướng" trong tình hình khủng hoảng hiện nay. Cô nhấn mạnh tầm quan trọng của người trẻ trong việc truyền giảng Tin Mừng cho những người trẻ khác và nói rằng “các người trẻ nên trở thành tông đồ cho những người trẻ khác để tất cả chúng ta cùng tiến lên.” Cô coi thượng hội đồng như “điểm khởi đầu” cho sứ mệnh của Hội thánh đối với người trẻ. Cô nhiệt liệt cảm ơn Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã triệu tập thượng hội đồng giám mục, một thượng hội đồng mà theo cô “là một phước lành đặc biệt cho giới trẻ.”

Trong số các diễn giả chiều hôm qua có Đức Tổng Giám Mục Charles Chaput của Philadelphia. Giống như người đồng cấp Úc của mình, ngài đã đăng tải nội dung bài phát biểu của ngài lên trang web tổng giáo phận của ngài.

Một người tham gia, khi nói với tạp chí America, đã có một nhận xét đáng lưu ý: "Không có sự hùng hổ tại thượng hội đồng này. Cứ cách này, nó rất khác với hai Thượng Hội Đồng trong quá khứ, nơi có khá nhiều hùng hổ cả bên trong lẫn bên ngoài thượng hội đồng. Lần này không có sự chia rẽ nào, và từ khía cạnh này, người ta dám cho là nhàm chán. Tuy nhiên, trọng tâm là nội dung”.

Chiều nay, các tham dự viên thượng hội đồng đã gặp nhau lần đầu tiên trong 14 nhóm làm việc, chia theo ngôn ngữ. Có bốn nhóm tiếng Anh, ba nhóm tiếng Ý, ba nhóm tiếng Pháp, hai nhóm tiếng Tây Ban Nha, một nhóm tiếng Bồ Đào Nha và một nhóm tiếng Đức. Chính trong các nhóm này, công việc thực sự sẽ được thực hiện, và từ cuộc thảo luận ở đây, các đề xuất cho một phương thức mục vụ mới của giáo hội dành cho người trẻ tuổi dự kiến sẽ xuất hiện.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Tháng kinh mân côi
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
08:15 05/10/2018
Tháng kinh mân côi

Trong nếp sống đức tin Công Giáo việc lần chuỗi mân côi là một cung cách cầu nguyện sống động hướng tâm hồn cùng cả cơ quan thân xác trí khôn, môi miệng, hơi thở, đôi con mắt, đôi bàn tay, đôi chân qùi gối hay đứng hướng về Thiên Chúa qua 4 mùa: Vui, Thương, Mừng và Sự sáng gợi nhớ suy niệm những chặng đường đời sống của Chúa Giêu Kitô xưa kia trên trần gian.

Đức Mẹ Maria đóng giữ vai trò quan trọng chính yếu trong chương trình cuộc đời Chúa Giêsu trên trần gian khi xưa. Vì thế, 50 chục lời kinh Kính mừng Ave Mria ca ngợi cùng cầu xin Đức Mẹ phù hộ cho mang tâm tình lòng vui mừng biết ơn, lòng thương cảm với cuộc Đức Mẹ đã sống khiêm nhượng chịu đựng những đau khổ, để cho chương trình của Thiên Chúa được thực hiện nơi con người trần gian.

Kinh mân côi đã có từ thời Trung Cổ ở các nhà Dòng, và từ thế kỷ 12. sang 13. chuỗi kinh mân côi được gọi là chuỗi kinh lạy Cha.

Theo truyền thuyết thuật kể lại Thánh Dominicus, người lập Dòng Thuyết giảng Dominicus, được Đức Mẹ Maria hiện ra năm 1208 đã trao cho ngài sứ mạng cổ vũ lòng sùng kính lần hạt mân côi như vũ khí chống lại lạc thuyết Albigenser đang hoành hành chống đạo thời đó.

Tháng Năm 1479 Đức Giáo Hoàng Sixtus IV. ấn định việc đọc kinh mân côi cầu nguyện hằng ngày.

Tháng Chín 1569 Đức Giáo Hoàng Pius V. ấn định công thức đọc kinh lần chuỗi mân côi như ngày hôm nay trong toàn thể Giáo hội: sau mỗi ngắm đọc một kinh lạy Cha và 10 kinh kính mừng, cùng Kinh Sánh danh sau mỗi 10 kinh Kính mừng.

Đức Giáo Hoàng Pio V. đã thành lập lễ kính Đức Mẹ chiến thắng để tưởng nhớ đến trận hải chiến năm 1571 ở Lepanto. Vì trước đó trước Đức Giáo Hoàng đã kêu gọi mọi người tín hữu Chúa Kitô cầu nguyện xin Đức Mẹ Maria phù giúp ngăn cản để khỏi bị quân đội phía Hồi giáo bên Thổ nhĩ Kỳ tiến đánh xâm chiếm.

Từ năm 1573 ngày lễ tạ ơn này được đổi thành lễ mân côi. Và từ 1913 được ấn định mừng vào ngày 07. Tháng Mười hằng năm. Như thế tháng Mười dành riêng việc đọc kinh mân côi trong niềm tin tưởng cầu nguyện cho những hoàn cảnh khủng hoảng khó khăn của Giáo hội và thế giới, của bản thân riêng mỗi người và của các gia đình, cùng cho các người bệnh nạn yếu đau.

Ngoài chuỗi đọc kinh mân côi với 50 chục kinh Kính mừng Maria, kinh Lạy Cha và kinh Sáng danh phổ biến trong Giáo Hội xưa nay, ngày nay còn có thêm kinh chuỗi kinh mân côi khác nữa:

1. Kinh mân côi suy ngắm bảy sự thương khó Đức Mẹ

1. Khi nghe Simêon nói tiên tri (Lc 2,34-35).
2. Khi trốn sang Ai Cập (Mt 2,13-21).
3 Khi lạc mất Đức Giêsu ở Jesusalem trong ba ngày (Lc 2,41-50).
4. Khi Đức Mẹ gặp Đức Giêsu trên đường đến núi Sọ.
5. Khi Đức Giêsu bị đóng đinh.
6. Khi Xác Đức Giêsu được tháo xuống khỏi Thánh Giá.
7. Khi chôn xác Đức Giêsu trong mồ.

Sau mỗi ngắm suy niệm đọc một kinh Lạy Cha, bảy kinh kính mừng.

Hằng năm vào ngày 15.Tháng Chín trong toàn thể Giáo hội có lễ kính nhớ bảy sự thương khó Đức Mẹ, hay còn gọi lễ Đức Mẹ sầu bi. Lễ mừng kính bảy sự thương khó Đức Mẹ có nguổn gốc từ năm 1668 trong Dòng Tôi tớ Đức Mẹ, và sau được phổ biến rộng rãi trong Giáo hội

2. Kinh mân côi kính lòng Chúa thương xót

Chuỗi kinh này cũng có năm chục và không đọc kinh Kính mừng. Nhưng thay vào đó chú trọng vào lòng Chúa thương xót. Vì thế câu kinh cầu nguyện: Vì cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, với câu thưa: Xin cha thương xót chúng con và toàn thế giới, ở mỗi chục kinh được đọc lên thay cho 50 kinh Kính mừng Maria.

Kinh mân côi này đật nền tảng trên thị kiến của nữ tu Faustyna Kowalska (1905-1938) bên Polen.

Qua các triều đại Giáo hoàng xưa nay trong Giáo hội, các ngài luôn đều cổ võ việc lần chuỗi đọc kinh mân côi theo cung cách truyền thống xưa nay với bốn mừa ngắm về cuộc đời Chúa Giêsu gắn liền với Đức Mẹ và 50 chục kinh Kính mừng Ave Maria là lời Thiên Thần Gabriel chào mừng Đức Mẹ, cùng kinh lạy Cha do chính Chúa Giêsu dậy.

Năm 1917 khi hiện ra với ba trẻ chăn chiên bên Fatima, Đức Mẹ đã trao cho sứ điệp: Mọi người hãy siêng năng lần hạt mân côi!

Việc lần hạt mân côi kính Đức Mẹ cầu xin ơn phù giúp kéo ân đức chúc lành an ủi của Chúa cho con người, cùng cho thế giới luôn thời sự sống động trong đời sống đức tin người Công Giáo, nhất là những khi gặp cảnh ngộ khó khăn về mọi khía cạnh.

„ Chuỗi mân côi là lời cầu nguyện chiêm niệm cho hết mọi người: lớn, bé, giáo dân , giáo sỹ, mọi thành phần địa vị trong xã hội.

Chuỗi mân côi là mối liên hệ tinh thần với Đức Mẹ Maria, để cùng kết hiệp ở lại với Chúa Giêsu Kitô.

Chuỗi mân côi là thứ vũ khí tinh thần chống lại sự dữ, chống lại thế lực sức mạnh cường quyền, để xây dựng bình an trong tâm hồn, trong gia đình, trong đời sống xã hội và trên thế giới.“ ( Đức Giáo Hoàng Benedickt XVI. , 19.10.2008).

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
 
Văn Hóa
Lá thư Canada : Kinh Lễ Tạ Ơn
Trà Lũ
08:53 05/10/2018
Chưa bao giờ tôi thấy thời gian đi nhanh như năm nay. Mới ngày nào vui mừng thấy hoa xuyên tuyết mong manh trước nhà báo hiệu mùa xuân, rồi mùa hè nắng ấm chan hòa, rồi mùa thu lá vàng lá đỏ rực rỡ, mà nay đã cuối thu, hình như đang chớm vào đông. Thời gian đi nhanh có lẽ tôi già mất rồi. Mỗi lần cầm bút viết lá thư này thì bao nhiêu chuyện hiện ra, chuyện này chồng lên chuyện kia, nhiều chuyện qúa. Vì Canada là nước lớn bậc thứ hai trên thế giới, có cơ man nào là chuyện, vậy tôi nhớ chuyện thời sự nào thì kể các cụ nghe chuyện đó nha.

Chuyện thứ nhất tôi cho là buồn cười, đó là chuyện các phi công Canada được phép để râu. Trước đây thì mỗi lần ngồi lên ghế lái thì các nam phi công phải mày râu nhẵn nhụi. Phải nhẵn nhụi để đề phòng khi có biến phải đeo mặt nạ dưỡng khí thì mặt nạ sẽ ép sát mặt. Nay thì có biến đổi chút xíu, nam phi công được phép để râu dài hơn 1 cm. Theo các bà thì liền ông phải lún phún chút râu mép mới đúng là nam nhi anh hùng. Nhiều người bảo chắc đây lại là sự nhượng bộ vì đòi hỏi của mấy anh phi công gốc Sikh hay da đen. Các bà thấy thế nào cơ, có lý không cơ?

Chuyện thứ hai cũng rất độc đáo, đó là chuyện các nữ ngoại trưởng thế giới mới họp nhau lần đầu tiên ở Canada. Toàn là các bà bộ trưởng. Cuộc họp này do bà Chrystia Freeland nữ ngoại trưởng Canada đứng tổ chức ngày 21 tháng Chín vừa qua tại Montréal. Bà tuyên bố : Đây là lần đầu tiên các nữ ngoại trưởng gặp nhau. Chúng tôi họp bàn để tìm cách nâng cao vai trò của nữ giới trên chính trường. Chúng tôi sẽ họp thường niên, ít nhất mỗi năm một lần. Nhiều người cho rằng đây là những bước đầu để nữ giới lên làm vua. Phải thay đổi. Đã đến lúc phải thay đổi. Hiện nay thế giới loạn xà ngầu vì toàn do nam giới làm vua.

Tiếp theo là chuyện bầu cử ở tỉnh bang Quebec trong tháng vừa qua. Đảng Tự Do đang nắm chính quyền đã bị một đảng mới lập lật đổ. Đảng này có tên là ‘Liên Minh Tương Lai cho Quebec, viết tắt là CAQ. Dân chúng thấy an lòng, vì rũ bỏ được cái đảng luôn làm xáo trộn lòng dân, đó là đảng Parti Quebecois. Các cụ còn nhớ cái đảng này không ? Đảng này đã tổ chức 2 lần trưng cầu dân ý để tách Quebec khỏi Canada và lập ra một tân quốc gia Quebec, vào những năm 1980 và 1995. Sau 2 lần thất bại, đảng này thấy nếu lập một nước mới thì yếu quá nên đã đổi ý, họ chủ trương tách Quebec khỏi Canada rồi xin nhập vào nước Mỹ, làm tiểu bang thứ 51 của Hoa Kỳ. May quá. Nay thì chuyện này đã thuộc quá khứ. Kỳ bầu cử vừa qua, Đảng tân lập CAQ được 74 ghế, đảng Parti Quebecois chủ trương ly khai chỉ được 9 ghế. Ai cũng thở phào.

Chuyện thời sự tiếp theo là Hiệp Định NAFTA giữa 3 nước Mỹ-Canada-Mexico đã được đổi mới và viết lại, do Cụ Trump chủ trương. Xém nữa thì Cụ Trump đá Canada ra ngoài. Hiệp định này nói về việc buôn bán giữa 3 nước. Xưa nay hàng hóa của Canada xuất sang Mỹ biết bao nhiêu và thuế nhẹ hều, nay thì cụ Trump đổi chính sách, vì cụ chủ trương ‘Make America great again’ nên Canada ở vai đàn em đành chịu lép. Tên hiệp định không còn là NAFTA mà mang tên mới USMCA. Đúng y như lời cụ thủ thướng Pierre Trudeau nói ngày xưa : Canada mình là nước yếu nằm bên một anh khổng lồ, anh mới chỉ hắt hơi một cái là mình đã ốm nặng ngay rồi.

Riêng thành phố Tổ Rồng Toronto của tôi vẫn rực rỡ cờ vàng, nhưng hình như đang được con cháu Bác Hồ đem người và của sang đây sinh sống, vì đây là miền đất lạnh nhưng tình nồng và bằng an miên viễn. Riêng hội đồng đô thành Toronto đang có việc tranh cãi về số ghế nghị viên. Toronto là thủ đô của tỉnh bang Ontario, xưa thì có 47 ghế nghị viên, nay ông thủ hiến muốn giảm xuống còn 25 ghế. Việc này còn đang tranh cãi.

Riêng cộng đồng Việt nam, khoảng 300 ngàn người ở Canada, tuy sống ở xứ người nhưng lúc nào cũng nghĩ tới quê hương nguồn cội. Mấy tháng nay, ở đây nói rất nhiều về 4 cái chết.

Tháng Tám thì Ông Bùi Tín, mất ngày 11.8.2018, thọ 91 tuổi. Ông là một chứng nhân lịch sử. Thời đầu ông sống gần các quan chức gạo cội của CSVN, được tiếp xúc thường xuyên với Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp và các chức sắc cao cấp, làm tới chức đại tá trong quân đội nhân dân, phó tổng biên tập báo Nhân Dân. Ông thấy nhiều, nghe nhiều, hiểu nhiều và nhớ nhiều. Ông đã vỡ mộng, đã mở mắt. Năm 1990 nhân cơ hội đi Paris họp với báo chí thân cộng l’Humanité, ông đã đào ngũ, ông đã xin tỵ nạn chính trị ở Pháp. Rồi ông đã can trường phơi bầy các sự thực bỉ ổi về CSVN. Cuốn sách đầu tiên ông viết từ Paris là cuốn ‘Hoa Xuyên Tuyết’ đã như một quả bom, đã gây sôi nổi một thời. Chắc ông ví mình là một cây hoa xuyên tuyết, pierce-neige, một cây hoa mong manh nhưng có sức mạnh kỳ diệu, xuyên được lớp tuyết phủ, mọc mạnh mẽ hướng về mặt trời. Từ 1990 đến nay, sống ở Paris, ông viết không mệt mỏi, và ông cũng xuất hiện trước công chúng và trên đài tryền thanh và truyền hình, ông luôn tố giác những gian trá của CSVN. Tôi chỉ xin sơ sài vài nét về nhân vật lịch sử này như trên, vì tôi nghĩ rằng các cụ cũng đã đọc và biết nhiều về con người kiệt xuất này.

Nhân vật thứ hai cũng là một nhân vật kiệt xuất, cùng năm sinh và cùng chết một ngày với ông Bùi Tín, đó là nhạc sĩ và nhà văn Tô Hải. Điều kỳ lạ là 2 ông cùng mất ngày 11-8-2018, ông Bùi Tín ở Paris, ông Tô Hải ở Saigon. Ông là một nhạc sĩ đa phong cách nổi tiếng ai cũng biết, Ông đã sống lâu năm với nhiều lãnh tụ CS, ông đã thấy tất cả những gian trá của lớp lãnh đạo này, cuối đời ông viết cuốn phản tỉnh ‘ Hồi Ký của một thắng hèn’, ông cho mình là hèn vì đã không dám công khai chống lại bọn gian ác sớm hơn. Ông đã tiếc là đã theo VM ngay hồi 18 tuổi, lúc đó với lòng yêu nước mạnh mẽ như các bạn trẻ thời đó. Ông đâu có ngờ về sau ông mới nhìn ra cái gian dối của CS. Báo chí còn kể việc ông tham gia biểu tình ở Saigon ngày 16-12-2017 chống dự luật an ninh mạng và 3 đặc khu, ông đã chỉ mặt một mụ đàn bà rồi hét lên : ‘Con này là chỉ điểm cho công an bắt người đây’. Con này là Nguyễn Thị Quyết Tâm, đảng viên, dân biểu quốc hội.

Thật đáng phục thay 2 vị cao niên họ Bùi và họ Tô trên đây. Hai vị là chứng nhân hùng hồn đã tố giác những gian dối và tội ác của CSVN.

Và sau đây là 2 cái chết vừa xảy ra trong tháng Chín, đang gây xôn xao cả trong và ngoài nước. Thứ nhất là chủ tịch Trần Đại Quang nằm xuống vào ngày 21, thọ có 62 tuổi. Ông là đại tướng công an rồi chủ tịch nước. Ông được mai táng theo nghi lễ quốc táng, và chôn cất ở quê nhà, lăng mộ của ông rộng hơn 2 hecta. Việc ông chết trẻ như vậy làm người ta nghĩ tới lời sấm Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm :

Bỉnh chúc vô minh quang tận diệt
Trọng ngân bạc phúc sản tiêu vong

( ngọn đèn mà tối tăm thì ánh sáng sẽ mất hết. Xem nặng tiền bạc mà nhẹ phúc đức thì tài sản sẽ mất hết)

Các cụ có thấy tên 4 tứ trụ triều đình (Quang. Trọng, Ngân, Phúc) trong 2 câu thơ trên đây không? Cụ Trạng Trình nói rõ ràng là tận diệt và tiêu vong đấy nha.

Ngoài ra dân gian xì xào rất nhiều về điềm gở là trong khi TBT Nguyễn Phú Trọng ghi sổ tang lễ thì chữ G trong biểu ngữ ‘Vô cùng thương tiếc’ rơi xuống, có nghiã rằng nhóm của ông chẳng vô cùng thương tiếc gì ráo trọi. Nhóm ông đã ngầm giết vua Quang để ông Trọng lên ngôi vua.

Và sau cái chết của Vua Quang là tin bạo chúa Đỗ Mười nhắm mắt. Theo nhiều nguồn tin đáng tin cậy thì Đỗ Mười đã chết cùng ngày với Trần Đại Quang. CSVN cho như vậy là điềm xui nên sau khi mai táng xong Ông Quang thì mới đưa tin ông Mười chết. Theo sách vở thì Đỗ Mười tên trên khai sinh là Nguyễn Duy Cống, sinh ở huyện Thanh Trì, gần Hà Nội. Ông nhập đảng cộng sản rất sớm, đã bị Pháp bắt và giam tù, nhưng sau 4 năm ở tù, ông đã trốn tù thành công. Sau khi trốn thoát, ông đã cải trang và cải danh, đổi tên thành Đỗ Mười, làm nghề hoạn lợn. Ông đã sống với các lãnh tụ CSVN và đã thăng tiến lên tới chóp bu của đảng. Ông đã chém giết không biết bao nhiêu người, ban đầu là ở miền Bắc, sau này là miền Nam. Sử sách còn ghi câu nói để đời về việc tàn sát miền Nam. Đây là lệnh của ông nói với các cấp, còn ghi trong sách :

...Giải phóng Miền Nam, chúng ta có quyền tịch thu tài sản, trưng dụng nhà cửa hãng xưởng, ruộng đất chúng nó. Xe chúng nó ta đi, vợ chúng nó ta lấy, con chúng nó ta bắt làm nô lệ, còn chúng nó thì ta đày đi lao động khổ sai vùng kinh tết mới vào nơi rừng sâu nước độc. Chúng nó sẽ chết lần chết mòn...

Tôi có người bạn già mới về chơi Hà Nội, ông cho biết là báo chí Hà Nội bị cấm 2 điều khi viết về lãnh tụ Đỗ Mười : Không được nhắc tới nghề hoạn lợn, và không được viết tắt tên Đỗ Mười là Đ.M.

Các cụ nhớ bảo con cháu nha, rằng trong tháng Tám có 2 người hùng qua đời, Bùi Tín và Tô Hải, ai cũng quý mến và thương tiếc. Và trong tháng Chín cũng có 2 người qua đời đó là Nguyễn Đại Quang và Đỗ Mười, đây là 2 hung thần, nghe tin họ chết thì ai cũng vui cười hả hê và trào lộng diễu cợt.

Thôi, tôi viết chuyện thời sự như vậy đủ rồi, xin mời các cụ về làng An Lạc của tôi để mừng lễ Tạ Ơn. Lễ vào thượng tuần tháng Mười.

Theo đúng truyền thống hàng năm thì Cụ Chánh đã nấu một mâm xôi gấc với một mâm chả giò làm của lễ biếu giáo xứ Cha Paolo. Năm xưa giáo xứ của cha đã đứng ra bảo lãnh gia đình cụ từ trại tỵ nạn Thái Lan sang Canada. Trong phần phát biểu cuối lễ, bao giờ Cụ Chánh cũng khóc. Cụ bảo lúc đó khi tới Canada thì hoàn toàn tay trắng, bây giờ thì nhà cửa khang trang, có của ăn của để. Thấy cụ Chánh nức nở như vậy nên Cha Paolo chạy tới ôm lấy cụ , vỗ vai cụ rồi nói đây là phép lạ Chúa làm.

Dân làng tôi bao giờ cũng có mặt đầy đủ trong ngày lễ trọng này. Sau lễ thì kéo nhau về nhà cụ Chánh ăn trưa. Ôi chao, mâm cỗ Lễ Tạ Ơn sao mà ngon thế này. Con cháu cụ làm. Bao nhiêu rau thơm gốc VN như kinh giới, tía tô, húng quế, ngò gai, rau diếp, được hái trực tiếp từ vườn rau của cụ, để đầy bàn. Các thứ lá thơm này, vừa hái xong rửa xong, cuốn với chả giò rồi chấm với nước mắm pha chanh tỏi ớt , sao mà nó ngon đến thế. Nếu thêm được một tớp bia lạnh nữa thì ôi thôi, món ngon ở trên thiên đàng chắc cũng chỉ ngon như thế này là cùng.

Trong bữa ăn, ông bồ chữ ODP của chúng tôi đã nói với anh John là con rể da trắng trong làng thế này : Theo sử, lễ Tạ Ơn ở Canada ghi dấu lòng biết ơn của nhóm người da trắng từ Âu Châu sang miền đất bắc Mỹ này đã được người Da Đỏ tiếp đón và cung cấp thực phẩm như bí đỏ, gà tây...Anh có biết những người Da Đỏ này chính là những ông tổ có gốc Việt Nam không ? Anh cứ đọc sử Việt Nam thì thấy rõ ràng nguồn gốc. Ban đầu Mẹ Âu Cơ với Cha Lạc Long đẻ ra một bọc 100 trứng, sinh ra 100 con, do đó người Việt Nam mới gọi nhau là đồng bào, đồng bào là cùng một bọc nguyên thủy. Dân các nước khác không thể gọi nhau là đồng bào được, tiếng ‘đồng bào’ là tiếng chỉ dành riêng cho người Việt Nam mà thôi. Rồi đàn con lớn lên phải tìm đất sinh nhai, mẹ Âu Cơ dẫn 50 con lên núi, cha Lạc Long dẫn 50 con xuống biển. Lên núi đây là lên hướng bắc, tới cực bắc thì rẽ về hướng tây, rồi tới eo biển Berin là một miền đất tốt, Mẹ Âu Cơ đã theo miền đất này đi xuống và đã gặp miền đất mà sau này gọi là Canada. Đi xuống nữa thì gặp một miền đất gọi là Toronto. Toronto là do tiếng ‘tổ rồng to’ mà ra. Con cháu Việt nam ai cũng có máu rồng của Cha trong người... Bởi vậy, kết luận là người Việt Nam đang ở Canada là đang ở trên đất nguyên thủy của người anh em có máu Da Đỏ ngày xưa. Anh có thấy người Việt Nam giống người Da Đỏ không. Người Da Đỏ da vàng, không giống Tàu, Nhật, Cao Ly, Mên, Lào, mà giống người VN mọi đàng!

Nghe đến đây xong, anh John thấy mình không cãi được cái lập luận này, bèn chắp tay vái ông ODP một cái thật sâu, rồi nói : Con biết cái tổ của làng ta rồi.

Cụ Chánh thấy dân làng cười ngất. Ông ODP hay kể chuyện này lắm, tuy đã quen nhưng mỗi lần nghe lại vẫn thấy có duyên chi lạ nên vẫn cười khà. Để cho dân làng cười xong thì Cụ Chánh quay vào Chị Ba Biên Hoà : Ngày lễ Tạ Ơn thì Chị cầu nguyện tạ ơn Chúa thế nào ?

Chị Ba đáp ngay : Cháu có một bà bạn đang ở Ý. Ngày xưa bà này làm cho đài BBC. Bà này mới đọc cho cháu một câu kinh mà cháu thấy đúng và hay thấm thía. Bà bạn cháu tạ ơn Chúa thế này :

Con xin tạ ơn Chúa Trời
Đã cho con hưởng một đời ấm no
Bệnh tật không có khỏi lo
Ăn ngon ngủ kỹ khò khò suốt đêm.


Các cụ thấy lời kinh này tuy đơn sơ mà có hay và đúng không cơ ?

TRÀ LŨ
 
Truyền giáo
Lm. Phêrô Hồng Phúc
09:02 05/10/2018
TRUYỀN GIÁO

Cảm hứng bài kết giảng tĩnh tâm cho linh mục đoàn Phát Diệm của Đức cha Giuse Nguyễn Năng

Giáo hội ưu tiên chọn người nghèo
Gương Thầy Chí Thánh quyết noi theo.
"Ngài bỏ giàu sang nên nghèo khó
Để ta nghèo khó lại phong nhiêu"(2Cor 8,9)

Người nghèo quanh ta vốn có nhiều
Nhưng ta giúp đỡ chẳng bao nhiêu
Họ cần thương yêu hơn thương hại
Chia sẻ hơn bố thí tự kiêu!

"Tình yêu đích thực thúc đẩy ta
Chẳng vì nhu cầu, phô trương ra.
Đúng hơn họ đẹp trên dáng vẻ...
Giải phóng, đồng hành mới tiến xa"(NVTM s. 199).

Truyền giáo mở ra tới mọi nhà
Tinh thần phải mới, lòng thiết tha.
Lửa cháy trong tim người truyền giáo
Xây dựng Nước Trời phải "Đi Ra"!

Lm. Phêrô Hồng Phúc
 
VietCatholic TV
Đức Thánh Cha khai mạc Thượng Hội Đồng Giám Mục về Thanh Niên
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
03:30 05/10/2018
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
 
Thế Giới Nhìn Từ Vatican 05/10/2018: Thánh Lễ Khai Mạc Đại Hội Thánh Mẫu Australia
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
05:32 05/10/2018
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Giám Mục quốc doanh Trung Quốc tham dự Thượng Hội Đồng

Tổng Giám Mục Tin Lành Luther của Riga nói tầm quan trọng của chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô

Nữ Giáo Sư Raffaella Perin ra mắt sách về tầm quan trọng của Radio Vatican trong Thế chiến thứ Hai

Ngôi nhà thờ lớn nhất miền Bắc Trung Quốc

Bước ngoặc trong cuộc chiến chống ma tuý tại Mễ Tây Cơ: Quân đội bắt giữ cảnh sát thành phố Acapulco

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Trong chương trình đặc biệt này sau các bản tin vừa nêu, chúng tôi sẽ có bài tường thuật về ngày thứ nhất của Đại Hội Thánh Mẫu Liên Bang lần đầu tiên tại Úc Châu đang diễn ra tại Sydney.

Giám Mục quốc doanh Trung Quốc tham dự Thượng Hội Đồng. Nhận định của Sandro Magister

Sandro Magister, ký giả kỳ cựu chuyên về Vatican của tờ L’Espresso, hôm 30 tháng 9 có bài nhận định sau về việc hai Giám Mục quốc doanh Trung Quốc tham dự Thượng Hội Đồng Giám Mục về Thanh Niên diễn ra từ 3 đến 28 tháng 10.

Đức Thánh Cha Phanxicô vào cùng ngày ký kết thỏa thuận với Trung Quốc đã tha vạ tuyệt thông cho các giám mục được tấn phong trái phép. Đáp lại cử chỉ này, chính quyền Trung Quốc đã cử hai giám mục sang Rôma tham dự Thượng Hội Đồng Giám Mục sắp tới.

Đây là lần đầu tiên điều này xảy ra, và quyết định này có vẻ là một hương vị của những gì sẽ xảy ra với những bổ nhiệm giám mục trong tương lai, trên cơ sở thỏa thuận được quy định bởi hai bên. Một thỏa thuận có nội dung chưa được biết, nhưng rõ ràng là không công bằng.

Trong quá khứ, lần đầu tiên là vào năm 1998 và sau đó lần thứ hai vào năm 2005, các giám mục Trung Quốc đã được Đức Gioan Phaolô II và Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI lần lượt mời tham dự Thượng Hội Đồng Giám Mục nhưng các ngài không bao giờ được phép sang Rôma, ngày hôm nay điều ngược lại đã xảy ra. Chính quyền Bắc Kinh đã là những người chỉ định các giám mục tham dự Thượng Hội Đồng, và Rôma đã không đưa ra bất kỳ phản đối nào. Chính quan chức cao cấp của Trung Quốc, ông Vương Tác An (Wang Zuo’an), Vụ Trưởng Tôn giáo vụ Trung Quốc, là người đã công bố việc chỉ định này.

Hai người được chọn là Giám mục Gioan Baotixita Dương Hiểu Đình (Yang Xiaoting -楊曉亭)của Diên An, và Giám mục Giuse Quách Kim Tài (Guo Jincai - 郭金才) của Thừa Đức. Cả hai người từ lâu đã là những người thực thi ngoan ngoãn các mệnh lệnh của chính quyền Trung Quốc, và người thứ hai là một trong bảy người còn sống được tha vạ tuyệt thông – và cũng là tổng thư ký của cái gọi là Hội Đồng Giám Mục Trung Quốc, do Hội Công Giáo Yêu Nước dựng lên, không bao gồm các giám mục hầm trú hiệp thông với Rôma nhưng không được chế độ công nhận. Quách Kim Tài còn là Phó Chủ Tịch Hội Công Giáo Yêu Nước của “giáo hoàng đen” Lưu Bách Niên.

Ngày nay, số các giám mục “hầm trú” là 17 vị, 7 vị trong số các ngài trên 75 tuổi. Và hai trong số các vị giờ đây thấy mình bị gạt ra khỏi hai giáo phận các ngài đã dày công chăm sóc để nhường chỗ cho hai giám mục do chính phủ bổ nhiệm vừa được Đức Giáo Hoàng tha vạ tuyệt thông trong những ngày gần đây. Tại giáo phận Sán Đầu, vị giám mục “hầm trú” năm nay đã 87 tuổi và việc ngài bị thay thế xem ra có thể hiểu được. Nhưng tại giáo phận Phúc Ninh, vị giám mục “thầm lặng” Vinh Sơn Quách Hy Cẩm (Guo Xijin - 郭希錦), mới 56 tuổi, đã phải cúi đầu nhường bước tránh sang một bên cho đối thủ cạnh tranh Vinh Sơn Chiêm Tư Lộc (Zhan Silu, 詹思祿) trước sự hy sinh của Vatican vào mùa đông năm ngoái. Trường hợp này cũng xác nhận chế độ Trung Quốc đang trên cơ so với đối tác của nó như thế nào.

Niên Giám Tòa Thánh cho đến nay vẫn giữ yên lặng về danh tính các Giám Mục đang sống trên lãnh thổ Trung Quốc trừ ra các vị tại Hương Cảng và Macao. Tờ Settimo Cielo (Bẩy Tầng Trời) đã cung cấp một biểu đồ tổ chức chi tiết vào tháng 2 năm ngoái, trên cơ sở của cuốn sách rất phong phú về thông tin của Gianni Cardinale xuất hiện vào đầu năm nay từ các ấn phẩm của Libreria Editrice Vaticana.

Nhưng cũng cần phải nói thêm rằng tại giáo phận Ninh Ba, nơi vị giám mục “thầm lặng” cuối cùng được biết đến, là Đức Cha Mátthêu Hồ Hiền Đức (Hu Xiande - 胡賢德), đã qua đời vào ngày 25 tháng 9 năm 2017, Toà Thánh cho biết vắn tắt rằng “vị thừa kế đã đảm nhận giáo phận”: Một dấu chỉ cho thấy phải có một giám mục mới ở đó nhưng không được chính phủ Trung Quốc công nhận, thành ra, danh tính của ngài vẫn chưa được tiết lộ.

Một quan sát nữa liên quan đến trường hợp khá kỳ lạ của vị giám mục thứ tám được Đức Giáo Hoàng Phanxicô giải vạ tuyệt thông hôm 22 tháng 9, nhưng không phải khi ông còn sống, nhưng sau khi ông đã qua đời.

Trong thông báo tha vạ tuyệt thông này, giám mục Antôn Đồ Thế Hoa (Tu Shihua - 涂世華), dòng Phanxicô, đã qua đời vào ngày 4 tháng Giêng năm 2017 được tường trình là “trước khi chết đã bày tỏ mong muốn được hòa giải với Tông Tòa.”

Tờ Quan Sát Viên Rôma đã không đăng cáo phó cho vị giám mục này, cũng giống như cho tất cả các giám mục bất hợp pháp đã qua đời mà chưa hòa giải với Giáo Hội, một cách công khai hoặc thầm lặng.

Do đó, có thể có hai cách giải thích cho việc giải vạ tuyệt thông “sau khi chết” do Đức Giáo Hoàng Phanxicô đưa ra trong những ngày gần đây.

Hoặc Toà Thánh chỉ mới phát hiện gần đây ý muốn hòa giải của vị này sau khi đương sự đã chết. Hoặc chính phủ Trung Quốc yêu cầu Rôma phải làm như thế bất kể đương sự đã chết. Và họ đã đạt được điều đó.

[Thảo Ly]

Tổng Giám Mục Tin Lành Luther của Riga nói tầm quan trọng của chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô

Giáo hội Tin Lành Luther ở Latvia chiếm tới 35% tổng dân số. Đó là cộng đồng tôn giáo đông đảo nhất, hoạt động trong ba giáo phận và sở hữu khoảng 300 nhà thờ. Tổng giám mục Tin Lành Luther của Riga đã nói về tầm quan trọng của chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng đối với quốc gia này.

Trong chuyến tông du Latvia, sáng thứ Ba 24 tháng 9, lúc 10g40 Đức Thánh Cha đã có cuộc gặp gỡ đại kết tại Cung Văn Hóa Riga. Đức Tổng Giám Mục Jānis Vanags đã tham dự cuộc gặp gỡ này. Phát biểu với Vatican News, Đức Tổng Giám Mục Jānis Vanags cho biết ngài cảm thấy cuộc gặp gỡ đại kết tại Cung Văn Hóa Riga có những thành quả rất lớn, nhưng ngài không che giấu những bở ngỡ của mình đối với một cuộc gặp gỡ đại kết như vậy.

Ngài giải thích rằng người Tin Lành Luther ở Latvia không có quan hệ đại kết chính thức với Công Giáo và các hệ phái Kitô khác vì họ không trực tiếp tham gia vào các cuộc đối thoại thần học.

Tại Latvia, các Giáo hội Kitô khác nhau thúc đẩy hợp tác và gặp gỡ, tình bạn và hỗ trợ lẫn nhau. Tuy nhiên, người Luther ở Latvia không chú ý lắm đến những gì đang xảy ra giữa Liên đoàn Luther và Hội đồng Giáo hoàng cổ vũ đại kết Kitô giáo.

Về tầm quan trọng của chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô, Đức Tổng Giám Mục Vanags nói trước hết đó là “một ngày hội và một sự kiện lớn cho những người Công Giáo khi được đón tiếp người mục tử của mình, và vì thế chúng tôi mừng cho họ và chia vui với họ”.

Nhưng, Đức Tổng Giám Mục Vanags nói, chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng không chỉ giới hạn trong Giáo Hội Công Giáo nhưng còn vượt xa hơn nữa.

“Chúng tôi có thể quan sát cách thế chuẩn bị cho chuyến viếng thăm này, không chỉ trên các phương tiện truyền thông mà còn trong giới chính trị và tôi nghĩ rằng đó là quan trọng đối với đất nước của chúng tôi”

Thật không may, Đức Tổng Giám Mục Vanags nói: “sau khi được giải phóng, cách nào đó người ta đã bớt chú ý đối với tôn giáo, sự công nhận tầm quan trọng của tôn giáo đã giảm ở Latvia”.

Đức Tổng Giám Mục nói thêm rằng việc dạy tôn giáo trong các trường học ngày càng khó khăn. “Trong bối cảnh đó, chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng là rất hữu ích vì đã tập trung được sự chú ý của công luận xã hội vào đức tin Kitô, các giá trị Kitô và tôn giáo nói chung.”

Ngài kết luận rằng “Tất nhiên, đức tin Kitô đã là một yếu tố cấu thành lịch sử của đất nước chúng tôi vì vậy chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng là một sự kiện lớn”.[Lan Vy]

Nữ Giáo Sư Raffaella Perin ra mắt sách về tầm quan trọng của Radio Vatican trong Thế chiến thứ Hai

Đài phát thanh của Đức Giáo Hoàng, thường được biết đến với tên gọi Radio Vatican hay Đài Phát Thanh Vatican, đã hoạt động hơn 87 năm. Lần phát sóng đầu tiên của đài là vào ngày 12 tháng 2 năm 1931. Giờ đây, nữ Giáo Sư Raffaella Perin của Đại học Công Giáo Venice, vừa công bố một cuốn sách mới cho thấy tầm quan trọng của đài này trong suốt chặng đường từ ngày thành lập cho đến khi kết thúc thế chiến thứ hai với nhiều chi tiết có thể quý vị và anh chị em chưa từng nghe nói.

Trong cuốn “Đài Phát thanh của Đức Giáo Hoàng, Tuyên truyền và Ngoại giao trong Thế chiến II”, Raffaella Perin cho biết:

“Đài phát thanh Vatican rất đặc biệt, vì đài này được xây dựng bởi chính người đã phát minh ra đài phát thanh, là ông Guillermo Marconi. Từ khi bắt đầu cho đến cuối những năm 30, đài phát thanh này phát sóng bằng nhiều ngôn ngữ ở nhiều quốc gia trên thế giới.”

Đài phát thanh Vatican đã được khánh thành bởi Đức Piô XI và từ buổi đầu, Radio Vatican đã đóng một vai trò quan trọng. Trong Thế chiến thứ Hai, Radio Vatican là một phương tiện để công bố danh tính những người sống sót trong nhà tù, trong vụ đánh bom.

Raffaella Perin cho biết thêm:

“Trong Thế chiến thứ Hai, Radio Vatican đóng một vai trò rất quan trọng, bởi vì nó là một khí cụ ngoại giao và tuyên truyền cho Vatican.”

Radio Vatican còn đóng một vai trò căn bản cho hòa bình. Trong khi Hitler mô tả người Do Thái như một mối đe dọa đối với thế giới, Đức Giáo Hoàng đã gửi đi một thông điệp truyền thanh, trong đó ngài bày tỏ cảm tình với những người bị bách hại vì lý do chủng tộc.

Bà Raffaella Perin nhấn mạnh rằng:

“Giờ đây, tôi nghĩ Giáo hội đã hiểu được tầm quan trọng của các phương tiện truyền thông và tôi tin rằng tất cả những cải tiến được đưa vào trong những năm qua là đúng lúc.”

Đài phát thanh Vatican hiện đang truyền những tin tức mới nhất về Đức Giáo Hoàng và Tòa Thánh đến thế giới bằng 36 ngôn ngữ. Đây là một trong những điểm tham chiếu quan trọng nhất của giới truyền thông về Giáo Hội Công Giáo, như một đài phát thanh vẫn phát sóng trong gần một thế kỷ.

Ngôi nhà thờ lớn nhất miền Bắc Trung Quốc

Một khu phức hợp trị giá 11 triệu Mỹ Kim bao gồm nhà thờ, nhà xứ và có thể có cả một tu viện đang được hoạch định xây dựng bởi một Giám Mục bất hợp lệ của Trung Quốc nhưng nay vừa mới được công nhận.

Tỉnh Hà Bắc có một triệu người Công Giáo, trong đó có khoảng 25,000 người thuộc giáo phận Thừa Đức.

Việc xây dựng khu phức hợp rộng 15,000 mét vuông này trị giá đến 70 triệu nhân dân tệ. Nhà cầm quyền tỉnh Hà Bắc nói một phần trong số tiền này được Hiệp hội Công Giáo Yêu nước Trung Quốc ở tỉnh Hà Bắc và Ủy ban Quản lý Công Giáo Hà Bắc tài trợ. Gần một nửa là do chính “giám mục” Giuse Quách Kim Tài quyên góp.

Sau khi thỏa thuận giữa Trung Quốc và Vatican được ký kết, tám giám mục bất hợp lệ và bị vạ tuyệt thông của Trung Quốc trong đó có Quách Kim Tài đã được Tòa Thánh công nhận.

Thánh lễ khởi công xây dựng nhà thờ đã được tổ chức vào ngày 15 tháng 5 vừa qua bởi “giám mục” Giuse Quách Kim Tài và chín giám mục khác thuộc Hiệp hội Công Giáo Yêu nước Trung Quốc.

Tuy nhiên, người Công Giáo ở Thừa Đức chủ yếu là nông dân sống rất khó khăn. Một nguồn tin cho UCANews biết thu nhập của họ không có cách nào để tài trợ cho một dự án lớn như vậy. Nhiều người âu lo rằng dự án này có lẽ chỉ là một dự án ma để vơ vét tiền của dân.

Bước ngoặc trong cuộc chiến chống ma tuý tại Mễ Tây Cơ: Quân đội bắt giữ cảnh sát thành phố Acapulco

Toàn bộ lực lượng cảnh sát của thành phố nghỉ mát Acapulco vang danh quốc tế đã bị giải giới và đang bị bắt giữ để điều tra vì những dính líu đến các băng đảng ma túy.

Hành động quyết liệt này đã được đưa ra theo sau việc phát hiện một ngôi mộ tập thể chôn cất 174 người gồm cả phụ nữ và trẻ em.

Ba sĩ quan cảnh sát cao cấp bị bắt trước khi Thủy quân lục chiến giải giới toàn bộ lực lượng cảnh sát của thành phố, tịch thu toàn bộ súng ống, radar, áo giáp chống đạn, và tất cả các loại xe cộ. Đã có những bằng chứng cho thấy các băng đảng mua bán ma tuý đã lũng đoạn được lực lượng cảnh sát của Acapulco khiến cuộc chiến chống ma túy không mang lại kết quả nào.

Cảnh sát liên bang, bộ binh và Thủy quân lục chiến hiện đang điều hành luật lệ và trật tự, cũng như tuần tra trên đường phố.

Acapulco là viên ngọc trong vương miện du lịch Mễ Tây Cơ, nổi tiếng thế giới với những vách đá từ đó người thích cảm giác mạnh có thể lao từ đó xuống biển. Đây là địa điểm yêu thích của các ngôi sao điện ảnh và là nơi tổ chức các Hội nghị Du lịch quốc gia hàng năm, Acapulco hiện đang bị ba nhóm ma túy hoành hành. Chúng bắn nhau ngay trên bãi biển và cả các khu vực khách sạn. Thiên đường du lịch biến mất khiến các nhà chức trách liên bang phải can thiệp.

Và giờ đây, Đức Cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Long, Giám Mục Paramatta đang làm dấu thánh giá khai mạc Đại Hội Thánh Mẫu Liên Bang Úc Châu.
 
Đại Hội Thánh Mẫu Australia: Đức Cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản Chủ Sự Cung Nghinh Thánh Thể
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
14:44 05/10/2018
 
Đại Hội Thánh Mẫu toàn Australia: Phóng viên Vũ Nhuận phỏng vấn Nha sĩ Mai Phước Thành
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
18:13 05/10/2018