Ngày 04-10-2017
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Chăm sóc vườn nho
Lm.Giuse Nguyễn Hữu An
06:44 04/10/2017
Chúa Nhật 27 Thường Niên A

Tin Mừng Matthêu chương 21 kể: sau cuộc đối thoại với những kẻ tự bưng tai, che mắt, bịt miệng, Chúa Giêsu lay tỉnh họ bằng ba dụ ngôn: “Hai người con”, “Những tá điền sát nhân” và “Dụ ngôn tiệc cưới” để vạch trần tâm địa của họ và cho họ biết cái gì chờ họ ở cuối con đường họ đang đi.

Tiếp theo dụ ngôn “Hai người con” (Chúa Nhật 26), Chúa Giêsu kể cho thượng tế và kỳ lão nghe dụ ngôn “Những tá điền sát nhân”. Chúa vẫn dùng phương pháp kể chuyện rồi đặt câu hỏi, bắt họ rút ra kết luận, sau đó Chúa dùng chính kết luận ấy áp dụng vào bản thân họ. Chúa nói về những tá điền làm vườn nho, tức là những thành phần lãnh đạo trong lịch sử đã hành hạ, bắt bớ, giết chết các ngôn sứ và giết chính con ông chủ, quăng ra ngoài vườn nho. Chúa hỏi họ xem họ nghĩ ông chủ sẽ xử thế nào với bọn tá điền. Họ trả lời rất thỏa đáng. Chúa quay sang áp dụng vào bản thân họ, đồng thời trích lời TV 118,22-23, vạch cho họ thấy rằng người con ông chủ sai đến chính là Đấng mà họ sắp giết.

Bài Tin Mừng hôm nay là một dụ ngôn và cũng là một ám ngôn, vì vừa hình dung vừa diễn tả sự thật, vừa có tính cách lịch sử vừa có tính cách tiên tri.

Ông chủ vừa trồng xong vườn nho. Ông rất yêu qúy vườn nho của mình. Chung quanh vườn, ông rào cẩn thận. Ở giữa vườn, ông cho đào một bồn ép làm rượu. Ông còn cho xây một cây tháp cao để canh giữ kẻ gian. Ông chăm sóc vườn nho thật chu đáo.

Ông chủ có lòng nhân ái với các tá điền. Họ vốn là những người nghèo khổ, không "một tấc đất cắm dùi" nên ông thương tình và muốn giúp họ sinh sống. Ông chủ thật quảng đại, thay vì chỉ thuê và trả theo lương công nhật, ông lại tin tưởng và giao toàn quyền vườn nho cho họ chăm sóc và trẩy đi phương xa. Các tá điền vui mừng được canh tác theo ý mình. Đến mùa, họ chỉ cần nộp một phần nhỏ hoa lợi cho chủ là xong trách nhiệm. Nhưng con người có lòng tham không đáy "được voi đòi tiên". Dù đã được hưởng phần lớn hoa lợi nhưng họ còn muốn sở hữu luôn cả vườn nho để khỏi phải nộp một phần hoa lợi nào cả! Do đó, khi thấy các đầy tớ ông chủ sai đến để thu hoa lợi như đã hợp đồng, chẳng những họ đã không nộp mà còn hành hạ đánh đập, thậm chí ném đá để giết hại các người đầy tớ đó. Thấy vậy, ông chủ vẫn kiên nhẫn sai thêm một số đầy tớ khác đông hơn trước đến, nhưng số phận của những người này cũng không khá hơn những đầy tớ đến trước. Cuối cùng, ông chủ còn sai người con trai duy nhất đến, với hy vọng bọn tá điền sẽ tôn trọng con trai mình. Nhưng bọn tá điền thấy con trai ông chủ liền bàn nhau giết luôn người thừa tự kia để chiếm đoạt vườn nho cho mình.

Kết thúc dụ ngôn, Chúa Giêsu hỏi về thái độ của ông chủ vườn đối với bọn tá điền bất nhân ác đức kia là gì? Các thính giả nghe dụ ngôn đã đồng thanh trả lời : "Ác giả ác báo, ông chủ sẽ tru diệt bọn chúng, và cho các tá điền khác canh tác vườn nho, để cứ đúng mùa, nộp phần hoa lợi cho ông". Chúa Giêsu kết luận bằng cách áp dụng vào chính họ : "Tôi nói cho các ông hay: Nước Thiên Chúa, Thiên Chúa sẽ lấy đi không cho các ông nữa, mà ban cho một dân biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi".

Dụ ngôn này diễn tả một cách ngắn gọn cả một lịch sử cứu độ dài, một thiên tình sử giữa Đức Chúa và dân Ngài. Dụ ngôn là tóm lược toàn bộ Thánh Kinh về ơn cứu độ của Thiên Chúa. Vườn nho ám chỉ nước Thiên Chúa được trao cho dân Do Thái. Ông chủ vườn nho là Thiên Chúa. Những người thợ làm vườn nho là giới lãnh đạo, đứng đầu trong dân. Các đầy tớ là hàng loạt các ngôn sứ được Thiên Chúa phái đến đều bị ngược đãi hoặc bị giết chết. Trước thái độ bất nhân bất nghĩa đó, nước Thiên Chúa được chuyển sang một quốc gia khác là Hội Thánh, một dân phổ quát và Công Giáo, sẽ lan rộng đến tất cả mọi quốc gia. Qua dụ ngôn nầy, Chúa Giêsu quy trách nhiệm cho giai cấp lãnh đạo Do thái còn cứng rắn hơn dụ ngôn hai con trai trước đó. Đồng thời, Ngài cũng kín đáo và thống thiết muốn cho họ hiểu rằng Ngài là Con Thiên Chúa và sắp bị giết chết bởi lòng dạ gian ác của họ.

Dụ ngôn vừa có tính cách lịch sử vừa có tính cách tiên tri. Dụ ngôn diễn tả những biến cố có thực, là những can thiệp của Thiên Chúa trong lịch sử dân Do Thái, và thái độ của dân Do Thái đối với những ngôn sứ Chúa sai đến với họ. Hơn nữa, dụ ngôn cũng cho thấy rõ thân thế và sứ mạng của Chúa Giêsu. Những người được sai đến trước Ngài, dù nổi tiếng như Êlia, Isaia, Giêrêmia, Gioan Tiền Hô… cũng chỉ là đầy tớ, còn Ngài mới là con trai duy nhất của Chúa Cha.

Dụ ngôn nói tiên tri về Đạo Chúa sẽ lan rộng khắp các dân tộc. Chúa Giêsu giải thích khi trích dẫn Tv 118: “Viên đá người thợ xây loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường. Ấy là Chúa đã làm nên như vậy, trước mắt chúng ta, thật lạ lùng”. Thánh vịnh này ca ngợi việc chấn hưng dân Ítraen tương lai và được giải thích như Thánh vịnh thiên sai. Giáo Hội tiên khởi đã thấy ở đây một lời loan báo về sự Phục Sinh của Đức Kitô (x. Cv 4, 11 và 1Pr 2, 7). Con Thiên Chúa bị giết chết xem ra là một sự thất bại rõ ràng. Nhưng nhờ cái chết của Người Con ấy, một dân mới, được biểu thị không còn qua hình ảnh vườn nho nhưng tòa nhà. Toà nhà này Chúa Giêsu sẽ là viên đá góc tường sẽ được xây dựng trên nền móng vững chắc: “Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá nầy, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi” (Mt 16, 18).

Mỗi người chúng ta là một tá điền, Thiên Chúa trao phó cho một vườn nho. Đó là những ơn phúc. Mỗi người có bổn phận phải đem hoa lợi về cho Chúa. Mỗi người hoàn toàn tự do sắp xếp công việc theo sáng kiến riêng và chịu trách nhiệm về những việc mình làm.

Những ơn phúc Chúa ban như sự sống, tài năng, sức khỏe, của cải vật chất, chúng ta phải biết sử dụng chúng để sinh lợi. Mỗi người được Chúa trao ban cho một vốn liếng khác nhau không ai giống ai, nhưng ai cũng phải làm lợi ra với số vốn liếng đó.

Thiên Chúa trao cho chúng ta công việc chăm sóc vườn nho của Ngài. Thiên Chúa không ngừng sai những sứ giả đến để nhắc nhở hãy tích cực chăm sóc vườn nho. Vì thế mỗi người có bổn phận biết ơn là dâng lại cho Ngài những điều tốt đẹp, những chùm nho ngon ngọt của việc làm tốt mà chúng ta phải thực hiện trong cuộc sống hằng ngày.

Xin Chúa giúp chúng con luôn biết siêng năng làm việc, chu toàn bổn phận hàng ngày. Xin cho chúng con biết sử dụng tài năng, sức lực, thời giờ, của cải Chúa ban để xây dựng sự nghiệp đời này và sự nghiệp đức tin trên Nước Trời. Amen.

Câu chuyện suy gẫm.

Khi giảng về việc giữ ngày Chúa Nhật, một linh mục Trung hoa đã minh họa bằng câu chuyện sau đây : "Một bà kia đi chợ mang theo 7 quan tiền trong túi áo. Khi tới chợ, bà trông thấy một người đàn ông bị què, áo quần rách nát, đang ngồi ăn xin bên vệ đường. Bà thấy tội nghiệp nên đã móc túi ra cho hắn 6 quan tiền và chỉ giữ lại duy một quan đi chợ. Nhưng tên ăn mày này vốn tham lam, thấy bà ân nhân vẫn còn một quan tiền ở trong túi, hắn ta liền bám sát theo và nhân cơ hội bà sơ ý, hắn ta đã ăn cắp nốt quan tiền còn lại. Khi nghe câu chuyện về tên ăn mày tham lam này, có lẽ ai trong chúng ta cũng nghĩ hắn ta đúng là một tên mạt rệp đáng khinh bỉ và trừng phạt !".

Rồi vị linh mục đặt vấn đề với cộng đoàn : Còn chúng ta thì sao ? Trong một tuần lễ, Chúa đã ban cho chúng ta 6 ngày lao động kiếm ăn, thế mà còn duy một ngày Chúa Nhật để ta dành ra mà nhớ đến Chúa, làm các việc thờ phượng kính mến Chúa và các việc bác ái phục vụ tha nhân, nhưng nhiều khi chúng ta đã tiếc xót, vẫn làm việc thêm mong kiếm nhiều tiền cho đầy túi tham ! Như vậy, chúng ta sẽ là hạng người nào ?

 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha nói: Kitô phải là thừa sai của niềm hy vọng
Linh Tiến Khải
08:50 04/10/2017
Nhiệm vụ của kitô hữu trong thế giới này là ttở thành các thừa sai của niềm hy vọng, mở ra các không gian của ơn cứu rỗi, như các tế bào của sự tái sinh, có khả năng tái trao ban nhựa sống cho những gì xem ra đã mất đi vĩnh viễn.

ĐTC Phanxicô đã nói như trên với mấy chục ngàn tín hữu và du khách hanh hương năm châu tham dự buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư hàng tuần hôm qua.

Ngài đã quảng diễn ý nghĩa trình thuật Phúc Âm thánh Luca chương 24 kể lại vụ Chúa Kitô phục sinh hiện ra với các môn đệ, kể rằng: “Trong khi các tông đồ còn đang nói, thì chính Đức Giê-su đứng giữa các ông và bảo: "Bình an cho anh em! " Các ông kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma. Nhưng Người nói: "Sao lại hoảng hốt? Sao lòng anh em còn ngờ vực? Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây? " Nói xong, Người đưa tay chân ra cho các ông xem. Các ông còn chưa tin vì mừng quá, và còn đang ngỡ ngàng, thì Người hỏi: "Ở đây anh em có gì ăn không? “ (Lc 24,36-41). ĐTC nói: hôm nay tôi muốn nói về đề tài “Các thừa sai của niềm hy vọng ngày nay”. Tôi hài lòng làm điều này vào đầu tháng 10 là tháng truyền giáo và cũng là lễ kính thánh Phanxicô thành Assisi đã là vị thừa sai lớn của niềm hy vọng.

Thật thế, kitô hữu không phải là một ngôn sứ của tai ương. Hiểu chưa? Chúng ta không phải là các ngôn sứ cuả tai ương. Nòng cốt lời loan báo của họ ngược lại, ngược lại với tai ương: đó là Chúa Giêsu chết vì yêu thương và Thiên Chúa đã cho Ngài sống lại sáng ngày Phục Sinh. Và đó là nòng cốt của niềm tin kitô. Nếu các Phúc Âm đã chỉ dừng lại trên việc an táng Chúa Giêsu, lịch sử của vị ngôn sứ này sẽ chỉ được thêm vào biết bao nhiêu tiểu sử của các nhân vật anh hùng đã tiêu hao cuộc sống cho một lý tưởng. Phúc Âm khi đó sẽ chỉ là một cuốn sách xây dựng và an ủi, nhưng sẽ không phải là một loan báo của niềm hy vọng.

** Nhưng các Phúc Âm không khép lại với ngày thứ sáu tuần thánh, chúng đi xa hơn. Và chính mảnh cuối cùng này biến đổi cuộc sống chúng ta. Các môn đệ của Chúa Giêsu đã bị đánh quỵ trong ngày thứ bẩy sau vụ Ngài bị đóng đanh; hòn đá đã đuợc lăn lấp cửa mồ cũng đã đóng kín ba năm hăng say sống với vị Thầy làng Nadarét. Xem ra tất cả đã chấm dứt, và vài người thất vọng sợ hãi đã đang rời bỏ Giêrusalem.

Nhưng Chúa Giêsu sống lại! Sự kiện không chờ đợi này lật ngược và đảo lộn tâm trí các môn đệ. Bởi vì Chúa Giêsu không sống lại cho chính mình làm như thể là sự tái sinh của ngài là một đặc ân cần ganh tỵ: nếu Ngài lên với Thiên Chúa Cha là bởi vì Ngài muốn rằng sự sống lại của Ngài được chia sẻ cho mỗi người và lôi cuốn mọi thụ tạo lên cao. Và trong ngày lễ Ngũ Tuần các môn đệ được biến đổi bởi hơi thở của Chúa Thánh Thần. Các vị sẽ không chỉ có một tin đẹp mang đến cho mọi người, mà chính các vị sẽ là những người đầu tiên như được tái sinh vào cuộc sống mới. Sự sống lại của Chúa Giêsu biến đổi chúng ta với sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Chúa Giêsu sống, và sống giữa chúng ta. Ngài sống và có sức mạnh biến đổi chúng ta. ĐTC nói thêm trong bài huấn dụ:

Thật đẹp biết bao nghĩ rằng mình là những người loan báo sự sống lại của Chúa Giêsu không chỉ bằng lời nói, nhưng bằng cả các việc làm và với chứng tá cuộc sống nữa! Chúa Giêsu muốn các môn đệ không chỉ có khả năng lập lại các công thức đã học thuộc lòng. Ngài muốn các chứng nhân: những người loan truyền niềm hy vọng với kiểu tiếp đón, cười và yêu thương của mình. Nhất là yêu thương: bởi vì sức mạnh của sự sống lại khiến cho các kitô hữu có thể yêu thương, cả khi tình yêu xem ra đã lạc mất các lý do của nó. Có một điều “hơn” ở trong sự hiện hữu kitô, và nó không được giải thích một cách đơn sơ với sức mạnh của tâm hồn hay một sự lạc quan lớn hơn. Không, đức tin, niềm hy vọng của chúng ta không chỉ là một sự lạc quan; nó là một cái gì khác, hơn nhiều! Nó như thể các tín hữu là những người có một “mảnh trời” hơn nữa ở trên đầu. Điều này thật đẹp! Chúng ta là những người có một mảnh trời hơn nữa ở trên đầu, được đồng hành bởi một sự hiện diện mà ai đó không thể trực giác được.

Như thế nhiệm vụ của các kitô hữu trong thế giới này là mở ra các không gian của ơn cứu rỗi, như các tế bào của sự tái sinh có khả năng trả lại nhựa sống cho những gì xem ra đã mất luôn mãi. Khi toàn bầu trời âm u, thì thật là một phước lành ai biết nói về mặt trời. ĐTC giải thích thêm như sau:

** Đó, kitô hữu đích thật là như thế: không than van và giận dữ, nhưng xác tín nhờ sức mạnh của sự sống lại, xác tín rằng không có sự dữ nào vô tận, không có đêm đen nào mà không kết thúc, không có người nào sai lầm một cách vĩnh viễn, không có thù hận nào mà không có thể chiến thắng bởi tình yêu thương.

Chắc chắn là đôi khi các môn đệ sẽ trả giá mắc mỏ cho niềm hy vọng mà Chúa Giêsu đã ban cho họ. Chúng ta hãy nghĩ tới biết bao nhiêu kitô hữu đã không từ bỏ dân tộc của họ, khi thời bách hại đến. Họ đã ở lại đó, nơi người ta không chắc chắn với ngày mai, nơi không thể đưa ra các chương trình thuộc bất cứ loại nào, họ ở lại đó hy vọng nơi Thiên Chúa. Và chúng ta hãy nghĩ tới các anh chị em vùng Trung Đông làm chứng cho niềm hy vọng và dâng hiến cuộc sống cho chứng tá ấy. Những người này là các kitô hữu đích thật. Những nguời này mang bầu trời trong tim, họ nhìn xa hơn, luôn luôn xa hơn.

Ai đã được ơn ôm ấp sự sống lại của Chúa Giêsu thì còn có thể hy vọng nơi điều không thể hy vọng. Các vị tử đạo thuộc mọi thời đại, với lòng trung thành của các vị với Chúa Kitô, kể lại rằng sự bất công không phải là tiếng nói cuối cùng trong cuộc sống. Nơi Chúa Kitô phục sinh chúng ta có thể tiếp tục hy vọng. Những người nam nữ có một lý do “tại sao” sống, thì có nhiều sức kháng cự hơn những người khác trong thời gian lao khốn khó. Nhưng ai có Chúa Kitô bên cạnh, thì họ thật không sợ hãi gì hết. Và chính vì vậy các kitô hữu không bao giờ là những người dễ dãi và thoả hiệp, các kitô hữu đích thật. Đúng không? Không được lầm lẫn sự dịu dàng của họ với một ý thức về sự không chắc chắn và nhượng bộ. Thánh Phaolô khích lệ Timôthê chịu đau khổ vì Tin Mừng và nói như thế này : “Vì Thiên Chúa đã chẳng ban cho chúng ta một thần khí làm cho chúng ta trở nên nhút nhát, nhưng là một Thần Khí khiến chúng ta được đầy sức mạnh, tình thương, và biết tự chủ” (2 Tm 1,7). Bị ngã họ luôn luôn đứng dậy.

Anh chị em thân mến, đó là lý do tại sao tín hữu kitô là một thừa sai của niềm hy vọng. Không phải vì công nghiệp của họ, nhưng nhờ ơn của Chúa Giêsu là hạt giống đã rơi vào lòng đất, đã chết và đã sinh nhiều bông hạt (x. Ga 12,24).

** ĐTC đã chào các đoàn hành hương đến từ Pháp và Thụy Sĩ, đặc biệt tín hữu thuộc giáo phận Avignon với ĐTGM Jean Pierre Cattenoz. Ngài cũng chào các đoàn hành hương đến từ các nước Anh, Êcốt, Dan Mạch, Nigeria, Australia, Indonesia, Niu Dilen, Trung Quốc và Hoa Kỳ, cũng như các đoàn hành hương nói tiếng Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, cách riêng tín hữu giáo xứ Chúa Phục Sinh Jardim.

Trong số các nhóm nói tiếng Đức ngài đặc biệt chào tín hữu giáo xứ Thánh Maria Cloppenburg-Bethen và học sinh trường trung học Franziskus Kreuzburg. Chào các đoàn hành hương Ba Lan ĐTC nói mùng 4 tháng 10 là lễ thánh Phanxicô thành Assisi. Ngài khích lệ mọi người để cho Chúa biến họ thành các thừa sai của niềm hy vọng. ĐTC cũng nhắc cho mọi người biết 100 năm Đức Mẹ hiện ra tại Fatima và trong 6 lần hiện ra Đức Mẹ xin chúng ta lần hạt mỗi ngày. Chúng ta hãy đáp lại lời Mẹ xin, cầu nguyện cho Giáo Hội, Ngai toà Thánh Phêrô và cho các ý chỉ của toàn thế giới. Chúng ta hãy xin ơn tha thứ cho kẻ tội lỗi, ơn hoán cải cho những người nghi ngờ, cho những người chối bỏ Thiên Chúa và cho các linh hồn trong luyện ngục.

Tiếp đến ĐTC báo cho mọi người biết trong các ngày từ 19 đến 24 tháng 3 năm 2018 Văn phòng thư ký Thượng Hội Đồng Giám Mục sẽ triệu tập phiên họp tiền THĐGM với sự tham dự của các người trẻ Công Giáo, các giáo hội kitô và các tôn giáo khác cũng như các người trẻ không tín ngưỡng đến từ nhiều vùng trên thế giới. Sáng kiến này ở trên con đường chuẩn bị cho THDGM thế giới về đề tài “Người trẻ, đức tin và việc phân định ơn gọi” vào tháng 10 năm 2018. Với lộ trình này Giáo Hội muốn lắng nghe tiếng nói, sự nhậy cảm, niềm tin và các nghi ngờ cũng như các phê bình của giới trẻ. Chúng ta phải lắng nghe người trẻ. Vì thế các kết luận sẽ được chuyển tới các nghị phụ.

Trong các nhóm tiếng Ý ĐTC chào các tham dự viên Tổng tu nghị dòng Marist và các nữ tử Đức Bà Thánh Tâm. Ngài khích lệ các tu sĩ can đảm thăng tiến đặc sủng của mình với tinh thần phục vụ và trung thành với Giáo Hội. Ngài cũng chào Uỷ ban gia đình vùng Triveneto với ĐC Giuseppe Zenti, GM Verona, người trẻ cộng đoàn Trái tim Vô nhiễm Đức Mẹ tỉnh Pescara, hiệp hội giúp trẻ em tàn tật và phối hợp môi sinh Anagni.

Chào giới trẻ, người đau yếu và các đôi tân hôn ngài nhắc cho mọi người biết ùng 4 tháng 10 là lễ thánh Phanxicô thành Assisi. ĐTC cầu mong gương sống của thánh nhân củng cố người trẻ và giúp họ chú ý tới thụ tạo; trợ giúp các bệnh nhân và thoa dịu các khổ đau của họ; giúp các cặp vợ chồng mới cưới xây dựng gia đình trên tình yêu bác ái.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lậy Cha và phép lành toà thánh ĐTC ban cho mọi người.
 
Công nghị tổng giáo phận Calcutta
Hồng Thủy
09:44 04/10/2017
Calcutta – Công nghị tổng giáo phận Calcutta trong tinh thần gia sản Mẹ Têrêsa đã được tổ chức từ ngày 26-30/09 vừa qua.

Đức cha Thomas D’Souza, tổng giám mục sở tại cho biết là các tín hữu Công Giáo đã chuẩn bị cho sự kiên này trong 4 năm. Đức cha nhấn mạnh về ưu tiên của tổng giáo phận là truyền giảng Tin mừng và sống đời sống Kitô hữu như những chứng tá luôn hướng đến người nghèo. Đức cha nói: “Chúng tôi sống gia sản của Mẹ Têrêsa, do đó sự dấn thân của chúng tôi vì người nghèo mang lại ân phúc cho tổng giáo phận, cho các giáo dân, giáo sĩ, tu sĩ và cho tất cả.”

Chủ đề của công nghị giáo phận là “Tin tưởng vào Thiên Chúa, được Ngài chăm sóc”. Công nghị đã diễn ra tại chủng viện miền “Sao Mai” ở Barrackpore và có 161 đại biểu đến từ tất cả các giáo xứ của giáo phận.

Các yếu tố căn bản của sự kiện này được đưa ra vào năm 2013 khi Giáo hội địa phương quyết định đưa ra hai giai đoạn tham dự vào xã hội: hướng thứ nhất với chương trình mục vụ giáo xứ và hướng thứ hai qua công nghị, trong đó báo cáo và mở rộng các kết quả đạt được trong giai đoạn một.

Các đại biểu đã thảo luận về 12 đề tài được đề nghị trong chương trình giáo xứ, bao gồm: đời sống Kitô hữu, đại kết và đối thoại liên tôn, giáo dục, công bình xã hội, loan báo Tin mừng, gia đình, sức khỏe, giáo dân, các cộng đoàn Kitô nhỏ, truyền thông xã hội, phụ nữ và giới trẻ. Các đề xuất sẽ được tổng hợp trong kế hoạch mà tổng giáo phận sẽ trình bày vào ngày 26/11 tới đây. (Asia News 03/10/2017)
 
Khóa Họp tiền Thượng Hội Đồng Giám Mục về giới trẻ
Lm. Trần Đức Anh OP
09:48 04/10/2017
VATICAN. Những người trẻ Đại diện các HĐGM, các Giáo Hội Công Giáo Đông phương, các dòng tu, và nhiều thành phần khác của Giáo Hội và ngoài Giáo Hội sẽ được tham dự khóa họp Tiền Thượng HĐGM thế giới về giới trẻ, tổ chức tại Roma từ ngày 19 đến 24-3-2018.

Trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư, 4-10-2017 tại Quảng trường Thánh Phêrô, chính ĐTC Phanxicô thông báo về Khóa họp này do Văn Phòng Tổng thư ký Thượng HĐGM triệu tập. Được mời tham dự khóa họp này để chuẩn bị cho Thượng HĐGM về giới trẻ có các bạn trẻ Công Giáo, các bạn trẻ Kitô thuộc các hệ phái khác, các tôn giáo khác và cả những người không tín ngưỡng.

ĐTC nói: ”Sáng kiến này nằm trong hành trình chuẩn bị Thượng HĐGM thế giới về đề tài ”Người trẻ, đức tin và sự phân định ơn gọi”, sẽ nhóm tại Roma vào tháng 10 năm 2018. Với hành trình này, Giáo Hội muốn đặt mình lắng nghe tiếng nói, sự nhạy cảm, đức tin và cả những nghi ngờ và những phê bình của người trẻ. Vì thế, những kết luận của khóa họp vào tháng 3 năm tới sẽ được chuyển đến các nghị phụ”.

Sau thông báo trên đây của ĐTC, ĐHY Lorenzo Baldisseri, Tổng thư ký Thượng HĐGM, đã ra thông cáo cho biết thêm một số chi tiết về việc tổ chức: Bộ giáo dân, gia đình và Sự Sống sẽ cộng tác với Văn phòng Tổng thư ký Thượng HĐGM để tổ chức khóa họp này. Được mời tham dự cũng có đại diện của các chủng sinh và tu sinh chuẩn bị tiến lên chức linh mục, các hiệp hội và phong trào của Giáo Hội, các Giáo Hội và Cộng đoàn Kitô, các tôn giáo khác, cũng như đại diện thế giới học đường, đại học và văn hóa, lao động, thể thao, nghệ thuật, thiện nguyện, và thế giới người trẻ ở trong các môi trường ”ngoại biên của cuộc sống”, cũng như các chuyên gia, các nhà giáo dục, huấn luyện viên dấn thân trong việc giúp người trẻ phân định những chọn lựa trong cuộc sống.

ĐHY Baldisseri nói rằng: ”Khóa họp Tiền Thượng HĐGM vào tháng 3 năm tới sẽ góp phần phong phú hóa giai đoạn tham khảo ý kiến đã được khởi sự qua việc công bố ”Tài liệu chuẩn bị” với bản câu hỏi đính kèm, việc mở một trang mạng trên Internet chứa đựng một bản câu hỏi dành cho ngừơi trẻ, và ngoài ra có một cuộc Hội luận quốc tế về tình trạng thế giới người trẻ nhóm họp hồi tháng 9-2017.

Việc chọn thời điểm nhóm khóa họp tiền Thượng HĐGM, từ 19 đến 24-3-2018 cũng có mục đích để các tham dự viên, sau khóa họp, có thể dự Thánh Lễ do ĐTC Phanxicô cử hành, Chúa Nhật Lễ Lá, tại Quảng trường thánh Phêrô nhân Ngày Quốc Tế giới trẻ lần thứ 33 trong năm 2018 với chủ đề ”Hỡi Maria, đừng sợ, vì Người đã được ơn phúc của Thiên Chúa” (Lc 1,30)
 
Cuộc tông du sắp tới ở Bangladesh và Burma cuả ĐGH: cổ võ cho hoà bình giữa những tranh chấp
Trần Mạnh Trác
16:00 04/10/2017
Vào tháng mười một tới, Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ viếng thăm Bangladesh và Myanma, là hai nước đang phát triển ở Châu Á và ngài sẽ mang theo một thông điệp hòa bình và chung sống giữa những đàn áp đang xảy ra.

Cuộc viếng thăm sẽ diễn ra từ ngày 27 tháng 11 cho tới ngày 2 tháng 12.

Cha Cervellera, một linh mục của giáo hoàng học viện truyền giáo (PIME) và là tổng biên tập của AsiaNews, đã dành nhiều thời gian ở Miến điện và Bangladesh, cho biết:

"Chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng, theo tôi, nhấn mạnh đến sự kiện là việc chung sống sẽ giúp tương lai cho đất nước, chứ không phải là xung đột."

Đức Giáo Hoàng đặc biệt sẽ đề cập đến hoàn cảnh bị ngược đãi lâu dài cuả sắc dân Rohingya mà ngài từng nói ra nhiều lần.

Vài nhóm Phật giáo quá khích cuả Miến điện (xứ đa số là phật giáo) đã không chấp nhận các nhóm theo Hồi giáo và những người này cũng bị quốc gia Hồi giáo lân cận là Bangladesh từ chối khi họ tìm cách đến trú ẩn ở đây.

"Vì vậy, họ không có quốc gia, họ là những người di cư đúng nghiã, nghiã là họ không hề có một nơi nào để gối đầu," Cha Cervellera nói.

"Và vì vậy mà Đức Giáo Hoàng đặc biệt bảo vệ họ, để cho người Thiên Chúa giáo và người Hồi giáo biết rằng chúng ta giúp đỡ người khác thì không phải là dựa trên cơ sở tín ngưỡng, trên cơ sở tài sản, hoặc khả năng của họ, nhưng đơn giản vì họ là con người."

Một cái gì đó cần lưu ý về chuyến viếng thăm, Cha Cervellera nói, số dân Công Giáo trong cả hai nước là rất nhỏ. Ở Bangladesh thì ít hơn 3% và tại Miến điện, ít hơn một phần trăm.

Vì vậy, Giáo Hội chắc chắn là một thiểu số nhỏ, và thêm vào đó, Myanmar và Bangladesh là hai quốc gia đang phát triển, điều đó đặt các quốc gia này vào "vùng ngoại vi của thế giới."

Cha Cervellera nói tiếp: "Đức Giáo Hoàng thường nói: tôi sẽ đi đến các vùng ngoại vi. Tôi thấy Đức Giáo Hoàng đang thực sự đi vào các vùng ngoại vi để gặp gỡ người Công Giáo và nâng đỡ sứ mạng của họ."

Ngoài việc là một tôn giáo thiểu số, Giáo Hội Công Giáo tại hai quốc gia này cũng được tạo thành từ nhiều sắc dân thiểu số với nhiều nguồn gốc khác nhau.

Bên cạnh vấn đề dân Rohingya, ĐGH sẽ có thể lên tiếng mạnh mẽ chống lại việc khủng bố liên tục các dân tộc thiểu số khác, Cha Cervellera nói.

"Có nghĩa là, khi Đức Giáo Hoàng nói về việc bảo vệ dân tộc thiểu số, ngài cũng bảo vệ người Công Giáo."

"Tuy nhiên, trong việc bảo vệ người Công Giáo, hay bảo vệ dân tộc thiểu số, ngài đề cập tới bối cảnh cuả toàn thể xã hội, bởi vì con đường hoà bình là hiệu quả nhất cho tất cả mọi người," Cha Cervellera nhấn mạnh.

Cha Cervellera cũng nhấn mạnh rằng tuy người Công Giáo ở khu vực này là một thiểu số nhỏ, nhưng sự đóng góp vào việc phát triển cuả quốc gia là một phần rất quan trọng. Vì giáo hội "có bệnh viện, chỗ ở, trạm y tế cho người nghèo, trường học, trường chuyên nghiệp, trường cao đẳng, hợp tác xã."

"Giáo hội trợ giúp các xã hội đó phát triển và trưởng thành."

Cha Cervellera nói rằng ngài đã từng ở Bangladesh và Myanma và có thể nói rằng người Công Giáo "là một cộng đồng rất nhiệt tình trong Đức tin." Đức tin của họ là "ý nghĩa cho cuộc sống của họ, những gì mang lại màu sắc và phẩm giá."

Mặc dù đôi khi người Công Giáo phải chịu đựng trước những khủng bố và đàn áp vì tình trạng thiểu số cuả họ, điều này có vẻ cũng làm tăng cường tính Công Giáo của họ, do việc tìm kiếm sự an ủi trong sự đồng hoá với một danh tính phổ quát lớn hơn (danh tính Công Giáo) mà họ là hội viên.

Mặc dù những người Công Giáo tại hai quốc gia này là những người nghèo nhất, sống trong những túp lều tranh, ngủ trên sàn bẩn, "họ vẫn vui mừng," ngài nói, và họ muốn chia sẻ niềm tin cuả họ với người khác.

"Tôi nghĩ rằng chúng ta có thể học hỏi từ họ, sự nhiệt tình này. Và có lẽ chúng ta có thể hỗ trợ họ trong những cách nào đó. Bởi vì sứ vụ của họ cũng là cuả chúng ta," Cha Cervellera chỉ ra như vậy.
 
Hạ Viện Hoa Kỳ thông qua dự luật cấm phá thai sau khi thai nhi đã được 20 tuần
Giuse Thẩm Nguyễn
18:54 04/10/2017
(EWTN News/CNA) Washington D.C. Hạ viện Hoa Kỳ đã thông qua dự luật cấm phá thai sau thai kỳ 20 tuần với cuộc phiếu đa số trong đảng. Dự luật này ưu tiên luật phò sự sống, nhưng có thể sẽ thất bại tại Thượng Viện.

Maureen Ferguson, cố vấn cao cấp của Hiệp Hội Công Giáo nói rằng “Tờ báo Y Khoa New England đã ghi nhận những em bé thời phôi thai vẫn có sự sống, luật pháp của quốc gia chúng ta đã quên xót trong việc bảo vệ các em.”

Hạ viện đã thông qua dự luật Bảo Vệ Trẻ Bị Phá Thai Đau Đớn (The Pain-Capable Unborn Child Protection Act) vào chiều ngày 3 Tháng Mười với số phiếu 237/189, đa phần là phiếu của đảng đa số. Một dự luật tương tự vào năm 2015 cũng được thông qua. Tuy nhiên dự luật này và luật 2015 có thể sẽ thất bại tại Thượng Viện.

Jeanne Mancini, Chủ tịch của phong trào Đi Bộ Vì Sự Sống (March for Life) nói rằng “Nếu dự luật được ký thành luật thì luật ấy không những“cứu được từ 11,000-18,000 mạng người một năm, mà còn sẽ giúp giáo dục cho công chúng về tính nhân bản của trẻ bị phá thai và xác định khoa học về sự đau đớn của phôi thai trong thời kỳ đầu phát triển.”

Luật sẽ cấm phá các bào thai đã có thai kỳ hơn 20 tuần, trừ trường hợp bị hãm hiếp, loạn luân và trường hợp mạng sống của người mẹ bị đe đọa. Các nhà lãnh đạo phò sự sống cho biết rằng những nghiên cứu cho thấy các trẻ em bị phá thai sau thai kỳ 20 tuần đã cảm nhận được sự đau đớn và rằng có một số ít trường hợp các em có thể sống được nếu chăm sóc đúng mức khi sinh ra vào thời kỳ này.

Dân biểu Cộng Hòa tiểu Bang Arizona là Trent Franks, người đã giới thiệu dự luật này tại phiên họp Hạ Viện vào tối Thứ Hai nói rằng“Thực tế là đã có trên 18,000 em bé biết cảm thấy đau, đã bị phá thai bằng cách chọc giết mà không có thuốc tê ở Hoa Kỳ chỉ tính trong năm vừa qua. Đó là sự tàn ác tồi tệ nhất về nhân quyền trong lịch sử của Hoa Kỳ.”

Đức Hồng Y Timothy Dolan của New York, Chủ tịch Ủy Ban Phò Sự Sống của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, vào ngày 29 tháng Chín đã viết thư kêu gọi các dân biểu ủng hộ dự luật này.

Trong lá thư có đoạn “Chúng tôi cho rằng mọi trẻ em, từ lúc thụ thai trở đi, đều đáng được yêu thương và bảo vệ bởi luật pháp. Chúng tôi tin rằng không có người nào hay chính quyền nào lại có quyền lấy đi mạng sống của một con người vô tội, và chúng tôi đề nghị rằng những vấn đề thực sự dẫn đến việc người phụ nữ phá thai nên được giải quyết bằng cách trợ giúp cả người mẹ và đứa trẻ.”

“Nhiều câu chuyện về những đứa trẻ sinh non vào thai kỳ 20 tuần đã trở thành phổ biến và nhiều phụ nữ đã phải chết hay gặp phải nhiều biến chứng nghiêm trọng khi phải trải qua những thủ tục sau thai kỳ sinh non này.”

Dân biểu thuộc đảng Cộng Hòa của Illinois nói tại phiên họp để ủng hộ dự luật rằng “Dự luật Bảo Vệ Trẻ Bị Phá Thai Đau Đớn sẽ điều hòa vị trí quá thiên về một phía của chúng ta và bảo đảm là chúng ta bảo vệ những người dể bị tổn thương nhất, như Micah Pickering, một bé năm tuổi mà tôi mới gặp tuần trước.”

Vị dân biểu kể rằng Micah là một bé bị sinh non vào thai kỳ lẽ ra được bảo vệ bởi dự luật. “Micah có khả năng sống sót và phát triển sau hơn bốn tháng được nuôi trong phòng trẻ sơ sinh chăm sóc đặc biệt. Bây giờ em đã vào mẫu giáo và tôi đã biết về hoàn cảnh của em khi nói chuyện với em và chúng tôi cùng chơi đồ chơi lắp ráp Legos.”

“Vấn đề chính như thế này: 20 tuần là thời gian giữa thai kỳ. Quá trễ để kết thúc cuộc đời của một thai nhi không được sinh ra. Nó vi phạm những giá trí mà người Hoa Kỳ muốn, nó phản khoa học và nó vi phạm giá trị cao quý lâu dài nhất của đất nước chúng ta.”

TT Donald Trump sẽ ký thành luật nếu được thông qua cả hai viện, theo như lời hứa khi ra tranh cử là luật phò sự sống sẽ được ký khi nó được gởi đến bàn làm việc của ông.

Tòa Bạch Ốc cho biết vào hôm thứ Ba rằng “Nếu dự luật được ký thành luật, nó sẽ giúp tạo điều kiện cho nền văn hóa sự sống mà quốc gia chúng ta đang khao khát. Hoa Kỳ hiện đang đứng ngoài dòng chính về vấn đề gia đình trong các quốc gia, trong đó chỉ có 7 trong số 198 quốc gia cho phép phá thai sau thai kỳ 20 tuần. Trong số bẩy quốc gia này có Trung Cộng và Bắc Hàn.”

Marjorie Dannenfelser, Chủ tịch của phong trào phò sự sống Susan B. Anthony List tuyên bố vào hôm thứ Ba rằng “Dự luật này TT Trumg hứa là ký, sẽ giúp chúng ta thoát khỏi sự hổ thẹn và đưa luật lệ của chúng ta phù hợp với căn tính của con người. Bà cũng cho biết hiện đã có 20 tiểu bang đã thông qua dự luật.

Theo hãng tin CNA, nếu dự luật thất bại ở Thượng Viện thì phong trào phò sự sống Susan B. Anthony List sẽ bắt đầu làm việc để bảo đảm rằng sẽ có đủ ứng viên phò sự sống trong cuộc bầu cử năm 2018, tạo khố đa số ở Thượng Viện.

Dannemfelser nói rằng “Chúng ta chuẩn bị cho cuộc bầu cử Thượng Viện năm 2018, và điều chúng ta cần làm là xây dựng một Thượng Viện có trên 60 phiếu bầu.”

Giuse Thẩm Nguyễn
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Trung Thu tại giáo xứ Bình Khánh, GP Xuân Lộc
Khổng hữu Nguồn
08:18 04/10/2017
Hơn 500 trẻ em xã Bình Lộc đã đón quà trung thu sớm vào sáng chúa nhật 1/10/2017 tại giáo xứ Bình Khánh, giáo phận Xuân Lộc với chương trình mang tên “Vui Hội Trăng Rằm”.

Vào buổi sáng, sau thánh lễ thiếu nhi chương trình đã tổ chức phát 200 phần quà gồm: Lồng đèn, bánh và sữa cho các em thiếu nhi trong độ tuổi từ 2 đến 5 tuổi.

Xem Hình

Buổi chiều, các em thiếu nhi (từ 6 đến 15 tuổi) đến sân nhà thờ của giáo xứ từ rất sớm để được xem múa lân, xem các tiết mục văn nghệ, nhận quà trung thu, tham gia rút thăm may mắn, cũng như tham gia biểu diễn văn nghệ cùng các cô chú hoạt náo viên của nhóm thiện nguyện Martino 12C2 tài trợ.

Chương trình đã trao tặng 300 phần quà, lồng đèn và 300 suất ăn nhẹ cho các em thiều nhi.

Ngoài ra, chương trình cũng tặng 20 phần học bổng gồm: Tập, bút, áo cho các em học sinh học giỏi trong xã, và thăm 2 gia đình nghèo có hoàn cảnh khó khăn.

Hòa chung không khí nô nức và phấn khởi của trẻ em khắp nơi, thì mùa trung thu năm nay của các em trong giáo xứ Bình Khánh nói riêng và trong xã Bình Lộc nói chung thì thật vui và hạnh phúc khi luôn nhận được sự quan tâm của các nhà hảo tâm và mạnh thường quân khắp nơi.

Thật hạnh phúc biết bao khi mỗi mùa trung thu về, các em càng nhận ra tình thương của Thiên Chúa được bao phủ và đang hiện diện trong đời thường của mình. Qua đó giúp các em thêm yêu cuộc sống và ra sức học tập để góp phần xây dựng cuộc sống thêm tốt đẹp hơn.

Một lần nữa, thay mặt các em thiếu nhi và phụ huynh trong xã Bình Lộc chúng tôi xin chân thành cảm ơn đến: Nhóm thiện nguyện Martino 12C2 trường trung học Nguyễn Trãi ở Hố Nai – Biên Hoà. Một gia đình ở thị xã Long Khánh. Một gia đình ở Long Thành và một gia đình ở Biên Hòa đã tài trợ cho mùa trung thu năm nay.

Nguyện xin Thiên Chúa tình yêu ban cho các anh chị và gia quyến thật nhiều sức khoẻ; thuận lợi, thành công trong công việc; găp nhiều may mắn trong cuộc sống để luôn mang tình yêu và hạnh phúc cho các em thiêu nhi khắp nơi.

Truyền Thông Giáo Xứ Bình Khánh
 
Gia đình PTTT hạt Phú Thọ: Thực thi bác ái
Văn Minh
08:28 04/10/2017
“Ta bảo thật các ngươi, mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những người anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25, 40).

Thực thi Lời Chúa trên đây, Ban Chấp hành (BCH) và các thành viên Gia đình Phạt tạ Thánh Tâm Chúa Giêsu (GĐPTTTCG) đã tổ chức chuyến ra đi chia sẻ những tấm bánh Trung thu, những chiếc lồng đèn cho các em thiếu nhi kém may mắn không phân biệt tôn giáo tại họ đạo Vị Hưng, giáo phận Cần Thơ, cùng nhau vui đón Tết Trung Thu.

Xem Hình

Thực thi bác ái

Vào lúc 5g00 sáng thứ Hai ngày 02.10.2017, các thành viên GĐPTTTCG giáo hạt Phú Thọ cùng quý vị ân nhân, gồm 45 người trên chuyến xe khởi hành từ giáo xứ Tân Phước đi thực thi bác ái. Khi xe của đoàn ra khỏi TP, đoàn cùng nhau đọc 10 kinh Mân Côi và cầu xin Đức Mẹ ban cho đoàn đi được bình an.

Đúng 10g00, đoàn đến Giáo phận Cần Thơ. Tại đây, đoàn đã trao cho họ đạo Đại Hải - GP Cần Thơ 1.500 hộp bánh, họ đạo Long Mỹ 300 hộp bánh, họ đạo Vĩnh Nhuận, GP Long Xuyên, 200 hộp bánh, họ đạo Rạch Đùng 300 hộp bánh, họ đạo Bình Giang 300 hộp bánh. Ngoài ra, đoàn gởi đến cha Vinh ở Cà Mau, 200 hộp bánh, cha Kha ở Long Xuyên 200 hộp bánh, quý souer Dòng Sait Pual – Pleiku, 100 hộp bánh, và cở sở Bừng Sáng quận 10, TP.HCM, 200 hộp bánh.

Đúng 12g00, đoàn tới thánh đường giáo xứ Tắc Sậy, kính viếng và cầu nguyện cùng cha Phanxicô Trương Bửu Diệp. Sau khi dùng cơm trưa xong, đoàn tiếp tục đi đến họ đạo Vị Hưng lúc 16g30. Khi xe của đoàn tới, được cha sở Anphongsô Lê Kim Thạch, quý vị đại diện HĐMVGX ra đón tất thân tình. Vì họ đạo nằm bên kia sông, nên xe lớn không thể vào được mà phải dùng phà của họ đạo đưa người và hành lý qua con sông Xà No. Sau cái bắt tay thăm hỏi của cha sở Anphongô đến từng người đi trong đoàn, và ngài mời mỗi người một ly nước mát do chính người giáo dân của họ đạo làm, ai nấy đều vui mừng đón nhận và cùng nhau thưởng thức vì sau gần 10 tiếng đồng hồ ngồi trên xe, đối với các cụ lớn tuổi thì đó là cả một sự hy sinh. Tại đây, đoàn đã trao 800 hộp bánh, cùng 500 gói kẹo cho họ đạo.

Đúng18g00, các thành viên GĐPTTTCG cùng hiệp dâng Thánh lễ đồng tế dành cho các em thiếu nhi mừng Tết Trung Thu, do cha sở Anphongsô Lê Kim Thạch và cha phó Đaminh Ngô Hồng Tấn đồng tế.

Sau Thánh lễ, cha sở Anphongsô, cha phó Đaminh, quý soeur, cùng các em rước đèn xung quanh nhà thờ. Kế đó, là cuộc thi lồng đèn do các em thiếu nhi trong các lớp giáo lý trong họ đạo tự thiết kế, được cha sở cùng đại diện GĐPTTT hạt Phú Thọ làm giám khảo chấm điểm. Tiếp đến, là tiết mục văn nghệ được mở màn với màn múa Lân do các em trong Ban Lễ sinh thể hiện đã diễn ra rất sôi động. Trước khi các em ra về, các anh chị huynh trưởng phát cho mỗi em thiếu nhi không phân biệt lương giáo đi tham dự một hộp bánh. Xong công việc, đoàn được cha sở mời dùng cơm tối và nghỉ đêm tại họ đạo.

Sáng hôm sau, vào lúc 5g00, các thành viên tham dự Thánh lễ cùng cộng đoàn do cha phó chủ sự. Sau bữa điểm tâm sáng, lúc 8g00, đoàn lên xe trở về Sài Gòn, kết thúc chuyến đi thật tốt đẹp. Trên đường về, đoàn tới Trung tâm Hành hương Đình Khao - Giáo phận Vĩnh Long, được cha Giuse Trần Ngọc Xưa, chánh sở họ đạo Thiềng Đức, kiêm nhiệm Trung tâm Hành hương Đình Khao đón tiếp, và được ngài chia sẻ về những cuộc bách hại, trảm quyết, của các thánh tử đạo. Đặc biệt, là cha Thánh Philipphê Phan Văn Minh. Tại đây, ông Giuse Phạm Quang Thúy, trao 100 hộp bánh, và 1.000.000đ tiền mặt. Được biết, ngài mới trải qua một vụ tai nạn xe máy khá nặng cách đây ít ngày. Sau bữa cơm trưa bình dân tại Trung tâm Hành hương Đình Khao do quý soeur tiếp đãi, đoàn trở về TP lúc 17g00 cùng ngày trong mọi sự bình an.

Tổng số tiền trong chuyến thực thi bác ái và giúp các em thiếu nhi vui Tết Trung thu là 46.500.000đ. Số tiền này do các thành viên trong các xứ đoàn, cùng quý vị ân nhân trong GĐPTTTCG giáo hạt Phú Thọ đóng góp.

 
Mừng ngân khánh Linh Mục của cha Phaolô Hoàng Kim Tốt
Gioan Lê Quang Vinh
08:44 04/10/2017
Linh mục nhạc sĩ Phaolô Hoàng Kim Tốt, nguyên trưởng ban Thánh Nhạc giáo phận Phan thiết, quản xứ Vinh Lưu, vừa mừng Ngân Khánh Linh mục tại giáo xứ Vinh Lưu, Phan thiết. Mở đầu bài giảng Lễ tạ ơn, Đức Cha Vinh sơn Nguyễn Văn Bản, Giám Mục giáo phận Ban mê thuột, Chủ tịch Ủy Ban Thánh Nhạc của HĐGMVN, nói: “Chúa Giêsu dâng lời tạ ơn lên Thiên Chúa Cha vì Cha đã làm cho những người bé nhỏ hiểu và nhận ra nơi Ngài là Đấng được Thiên Chúa sai đến”.

Xem Hình

Đức Cha Vinh sơn, Đức Cha Tôma giám quản, Cha Tổng Đại diện Giáo phận Phan thiết, Cha Đại diện Giám mục giáo phận Đà nẵng, Cha nghĩa phụ Đa minh Nguyễn Đức Huyên và gần 90 linh mục, đông đảo tu sĩ và giáo dân, ân nhân thân nhân của Cha Phaolô đã đến giáo xứ Vinh Lưu để cùng tạ ơn Chúa và chúc mừng Cha Phaolô.

Đặc biệt là trước ngày dâng Lễ tạ ơn, tại sân nhà thờ Vinh Lưu có đêm ca nhạc gồm 18 bài hát của chính tác giả Phaolô Hoàng Kim Tốt, được trình bày do các ca sĩ và ca viên của các ca đoàn.

Tất cả những ca khúc được đón nhận nồng nhiệt trong đêm nhạc đó, đã diễn tả tâm tình mà ngày hôm sau Cha Phaolô nói lên đầu Lễ: “Suốt 25 năm linh mục, đời con được gắn kết bởi những ân tình : tình Chúa, tình người, tình Hội thánh, tình đồng chí hướng, tình linh tông huyết tộc, tình bằng hữu…; đời con luôn được ấp ủ trong lời cầu nguyện và nâng đỡ của bao tấm lòng đạo đức và quảng đại. Những món ân tình đó không những không làm oằn vai con, mà còn thấm đẫm ngọt ngào, thổi lên ngọn lửa yêu nồng nàn, thiêu hủy đi những nhỏ nhen ích kỷ, mở toang cửa lòng ra đi thực hành bài học ân tình : Hiến dâng cho Thiên Chúa và phục vụ con người”.

Thánh Lễ tạ ơn thật long trọng và sốt sắng. Cha Phaolô nói “con dâng lời tạ ơn Thiên Chúa, đã thương ban thánh chức linh mục cho con cách đây 25 năm; đồng thời gìn giữ con được bình an trong vai trò mục tử của Ngài.” Và Cha đã chân thành cám ơn mọi người, ân nhân, thân nhân và những ai có tương quan cách này cách khác trong cuộc đời linh mục của Cha.

Mỗi lần tham dự Thánh Lễ truyền chức hay Thánh Lễ tạ ơn ngày thụ phong linh mục, dân Chúa cùng với các mục tử của mình tạ ơn Chúa vì chính nhờ Bí tích Truyền Chức Thánh mà Thiên Chúa tuôn đổ hồng ân trên nhân loại này một cách trực tiếp và dễ dàng nhất. dân Chúa cũng nhớ bổn phận cầu nguyện cho các linh mục của Chúa, những người phải đi trong gian khổ và cô đơn để đoàn chiên được hạnh phúc trong cộng đoàn những người được cứu độ.

Cha Phaolô cũng bày tỏ lòng tri ân đặc biệt một vị Giám mục mà sự kiên cường và trung tín của ngài đã làm cho dân Chúa vững tin hơn, hy vọng hơn, nhưng cũng làm cho những kẻ phản bội Giáo Hội phải cay cú. Đó là Đức Cha Nicolas Huỳnh Văn Nghi, giám mục giáo phận Phan thiết, giám quản giáo phận Sàigòn trong thời kỳ rất khó khăn.

Và Cha Phaolô nói: “Con đặc biệt tri ân Đức Cố Giám mục Nicolas Huỳnh Văn Nghi, người đã sinh ra con trong thánh chức linh mục; Đức Cố Giám mục Phaolô Nguyễn Thanh Hoan, và Đức Cố Giám mục Giuse Vũ Duy Thống. Ba Đức Cha, với vai trò là Bề Trên, đã luôn động viên khích lệ, chia sẻ kinh nghiệm và nhất là nâng đỡ con trong suốt hành trình 25 năm, khi con thi hành sứ vụ linh mục của mình. Chính sự thương yêu này đã tạo cho con nguồn cảm hứng, viết nên ca khúc NGƯỜI CÒN MÃI : “Người còn mãi trong tim anh, Người còn mãi trong tim tôi, Người còn mãi trong Giáo phận Phan Thiết. Người còn mãi trong tim người, Người còn mãi trong đất trời, Người còn mãi trong Giáo hội… và chắc chắn quý Đức Cha luôn còn mãi trong tim con”.

Gioan Lê Quang Vinh (ảnh: Ban Truyền Thông Hạt Hàm Thuận Nam)

Bài giảng Lễ Tạ Ơn Ngân Khánh Linh Mục cha Phao-lô Hoàng Kim Tốt

Anh chị em thân mến,

Sau khi trách các thành Khoradin, Betsaiđa, Capharnaum về sự cứng lòng, vì đã chứng kiến nhiều phép lạ của Chúa Giêsu thực hiện giữa họ mà không hề bày tỏ lòng ăn năn sám hối, Chúa Giêsu dâng lời tạ ơn lên Thiên Chúa Cha vì Cha đã làm cho những người bé nhỏ hiểu và nhận ra nơi Ngài là Đấng được Thiên Chúa sai đến.

Nội dung lời tạ ơn của Chúa Giêsu như sau : "Cha đã giấu không cho những bậc thông thái và khôn ngoan biết điều này, nhưng lại mạc khải cho những kẻ bé nhỏ". Người thông thái có một số kiến thức rộng rãi, suy luận dựa trên nền tảng của lý trí, vì thế tính hợp lý của vấn đề là ưu tiên số một; người khôn ngoan, vì có nhiều kinh nghiệm, nên dựa vào sự hiểu biết đến từ suy luận hoặc từ kinh nghiệm, tổng hợp lại rồi rút ra kết luận, vì thế tính hợp lý của vấn đề cũng chiếm vị trí nền tảng. Trong khi đó, đứa trẻ thơ dựa vào uy tín và sức mạnh của người bảo vệ nó; người bé nhỏ khiêm hạ biết đặt mình dưới sự hướng dẫn của Chúa. Thái độ biết đặt niềm tin tưởng tuyệt đối vào tình yêu và sự quan phòng của Thiên Chúa là điều kiện tiên quyết để Thiên Chúa tỏ bày chính mình, và nhờ đó con người có khả năng nhận ra điều Thiên Chúa mạc khải. Chỉ Thiên Chúa là Đấng tạo dựng nên con người, Đấng thấu suốt mọi điều, mới có thể tỏ cho con người biết được những điều kín nhiệm được giấu kín từ trước muôn đời.

Qua cách trình bày của Mt, những kẻ bé nhỏ là các môn đệ (Mt 10, 42) được ơn hiểu biết mầu nhiệm Nước Trời (cf. Mt 13, 11). Nhưng theo cách trình bày của những thánh sử khác, những người bé mọn là ai?

Đó là người biết đặt niềm tin vào Chúa là Đấng có thể hiểu và làm được những điều kỳ diệu. Họ biết cố gắng tìm hiểu ý Chúa và chấp nhận để Ngài dẫn dắt mình bước đi, dẫu cho có những lúc không biết chắc là Ngài đang dắt mình đi đâu. Vì tin tưởng vào Chúa mà người đó bước vào một cuộc phiêu lưu không tính toán, đầy bất ngờ. Ở đây, chúng ta có thể thấy được hình ảnh của Abraham dám tin tưởng vào lời Chúa mà rời bỏ quê cha đất tổ đến nơi Chúa ban cho làm gia nghiệp, dám tin vào Lời Chúa hiến tế người con trai duy nhất là Isaac; chúng ta cũng có thể thấy hình ảnh của Mẹ Maria đón nhận lời của thiên thần truyền tin và thưa lên lời “xin vâng”, trong khi Mẹ chưa biết rõ mình phải làm gì. Hình ảnh của người trẻ, đầy lòng tin tưởng phó thác, tiến lên lãnh chức linh mục : một phần hiểu được sự thánh thiêng của chức linh mục, một phần cảm nhận được sự mỏng dòn yếu đuối của con người; tuy nhiên vẫn can đảm tin tưởng vào ơn Chúa và sự nâng đỡ của cộng đoàn.

“Người bé nhỏ” được nói đến ở đây là người biết mở lòng ra đón nhận sự mạc khải của Thiên Chúa, để cho Chúa chỉ dạy. Lòng tin tưởng vào Chúa là chiếc la bàn hướng dẫn, nên dẫu bước đi trong đêm tối họ vẫn không hoảng sợ, vì biết chắc Chúa là cây gậy dẫn đường, là khiên che thuẩn đỡ. Như trường hợp của các môn đệ trong bài Tin Mừng hôm nay, dẫu cho những người dân ở Khoradin hay capharnaum từ chối, hay nghi ngờ lời rao giảng của Chúa Giê-su, thì các ngài vẫn một lòng tin tưởng vào Chúa. Chính nhờ lòng tin tưởng tuyệt đối này mà các ngài tiếp tục trung thành với Chúa Giê-su sau cuộc tử nạn, đã được gặp gỡ Đức Kitô Phục Sinh, và được chia sẻ vinh quang với Ngài.

Cung cách sống của những người bé nhỏ là “có lòng hiền hậu và khiêm nhường”, như Lời Chúa nói : “Hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường”.

Anh chị em thân mến,

Trong dịp tạ ơn mừng Ngân Khánh của cha Phaolô Hoàng Kim Tốt, một linh mục nhạc sĩ, Lời Chúa hôm nay soi sáng cho chúng ta hiểu đôi chút về tâm tình tạ ơn của người linh mục sau 25 thi hành sứ vụ :

Khác với người linh mục mới lãnh nhận tác vụ, một phần vì niềm vui được lãnh nhận hồng ân vô giá, một phần cảm thấy lo lắng về tương lai đang chờ phía trước, người linh mục sau 25 năm thi hành tác vụ, cảm nhận sâu sắc hơn hồng ân mình đã được lãnh nhận, và những điều mà người mục tử nhân lành đã đem đến cho con người, cho cộng đoàn.

Có niềm vui nào bằng khi đồng hành với những tâm hồn nặng trĩu trong cuộc sống, mất phương hướng, không có cách giải quyết những vấn đề thật đơn giản trong cuộc sống thường ngày. Thái độ lắng nghe với sự trân trọng, sự góp ý đầy trách nhiệm, khôn ngoan, và tình thương của người mục tử dành cho người anh chị em của mình. Những điều đơn giản đó đã giúp cho người tín hữu tìm thấy được động lực để cố gắng hơn, để làm mới lại đời sống mình trong tình yêu mến Chúa.

Những giây phút quỳ trước nhà tạm, trong thinh lặng, để lắng nghe tiếng Chúa nói và để khám phá chính con người mình. Những đoạn Lời Chúa tưởng chừng như khô khan, không có tư tưởng để chia sẻ, bỗng trở nên thật sống động, nhiều ý nghĩa, có chất liệu để chia sẻ cho anh chị em.

Những thái độ đôi khi khó hiểu của anh em linh mục, của anh chị em tín hữu mà mình yêu thương phục vụ, bỗng được nhận ra một cách thật rõ nét và có hệ thống, khi người mục tử cầu nguyện trong thinh lặng, với trái tim của Thầy Giê-su dành cho các môn đệ.

Bầu khí huynh đệ của anh em linh mục trong những dịp gặp gỡ nhau, chia sẻ công việc mục vụ, công việc thiêng liêng, giúp mình đi ra khỏi ốc đảo cá nhân, biết học cách đón nhận con người và cách làm việc của anh em khác, và đồng thời học cách chia sẻ những cảm nghiệm riêng với những anh em đồng chí hướng.

Đời sống tận tụy của người mục tử không làm cho khả năng của người mục tử nghèo đi, nhưng trái lại càng ngày càng trở nên phong phú. Như hạt lúa gieo vào lòng đất, chấp nhận thối đi, sẽ trở thành cây lúa và cho nhiều bông hạt. Như nén vàng được trao cho người đầy tớ trung tín, sẽ tiếp tục sinh lời và làm lợi cho cộng đoàn.

Đặc biệt, sau 25 năm thi hành chức vụ linh mục không mệt mỏi, chúng ta cảm tạ Chúa đã ban cho người anh em của chúng ta ơn trung tín : trung tín với ơn Chúa ban, trung tín với lời hứa khi lãnh nhận tác vụ linh mục, trung tín với những điều mà Giáo Hội và dân Chúa mời gọi các linh mục.

Bên cạnh tình yêu mến Chúa và yêu mến đàn chiên được trao phó, cha Phao-lô Hoàng Kim Tốt còn được nâng đỡ bởi hình ảnh của người Mẹ và niềm đam mê âm nhạc.

Tôi đọc thấy trong tập thơ “Hãy đi và làm như vậy” của ngài, những tâm tình đối với người Mẹ yêu dấu như sau : Từ khi bước chân vào chủng viện, “từ đó gặp ai Mẹ cũng xin cầu nguyện,

trước tiên cha sở rồi đến người thân,

Đạo đức cá nhân Mẹ ra sức chuyên cần,

như cho con thấy lòng mẫu thân ngời sáng”.

Lời hứa với Mẹ trên giường bệnh như một sự quyết tâm :

“Lời hứa với Mẹ hôm xưa con vẫn nhớ :

chương trình thần học con đã hoàn thành xong,

kiên trì tỉnh thức và chờ đợi những tháng năm,

Mẹ cứ an tâm con sẽ là linh mục”.

Và đến khi ý nguyện được thành toàn, hình ảnh vẫn là điểm tựa cho cuộc đời mục tử :

“Con biết trên trời Mẹ mỉm cười vui vẻ,

Hiệp cùng dưới thế Mẹ dâng lễ tạ ơn,

Đức cha sai về làm quản xứ Long Hương,

từ ấy đến nay mười năm trường luôn nhớ Mẹ”.

Bên cạnh hình ảnh người Mẹ thật tuyệt vời, âm nhạc cũng là phương thế giúp cha hướng tâm hồn lên cao để chiêm ngắm vẻ đẹp tuyệt mỹ của Thiên Chúa và công lao của con người. Là một linh mục nhạc sỹ, đã từng dạy lớp ca trưởng cho nhiều hội dòng; nhưng khi nghe cha giáo Kim Long mở lớp “Phác họa tiết tấu” cho các ca trưởng đã có kinh nghiệm, ngài vẫn vào Sài Gòn mỗi tuần để theo học lớp này. Và ngày mãn khóa của lớp, ngài là người điều khiển ca đoàn thật hay và có hồn nhất. Âm nhạc đã giúp ngài biết cách làm cho hài hòa những yếu tố xem ra còn khác biệt, biết cách quy tụ cộng đoàn dân Chúa thành một cộng đoàn hiệp nhất yêu thương, bổ túc cho nhau những điều còn thiếu sót.

Chúng ta cùng tạ ơn Chúa với cha Phao-lô và cũng tiếp tục cầu nguyện cho ngài sống trọn vẹn niềm hạnh phúc của người linh mục thuộc trọn về Chúa và về cộng đoàn. Xin Chúa chúc lành cho tất cả anh chị em.


GM Vinh sơn Nguyễn Văn Bản
 
Caritas hạt Hố Nai mừng bổn mạng
Hoàng Bá Qúy
09:19 04/10/2017
Gp Xuân Lộc: Chiều ngày thứ ba, 03 tháng 10 năm 2017 vào lúc 18g00, ban Caritas Bác Ái Xã Hội và Gia Đình Chăm Sóc Bệnh Nhân của 17 giáo xứ và một giáo họ cùng các hội thiện nguyện, bác ái trong hạt Hố Nai, giáo phận Xuân Lộc đã tề tựu về Nhà thờ giáo xứ Hải Dương để long trọng cử hành lễ bổn mạng Thánh Phanxicô Assisi.

Xem Hình

Để chuẩn bị tâm hồn cho các hội viên, trước đó, thánh lễ tĩnh tâm tại Nhà thờ Hải Dương do cha Đaminh Nguyễn Đình Khanh, chánh xứ Trung Nghĩa chủ tế đã được cử hành vào hồi 19g30 ngày thứ hai, 02 tháng 10 năm 2017.

Bắt đầu kiệu cung nghinh, Cha Quản hạt Giuse Phạm Sơn Lâm đã dâng hương kiệu thánh bổn mạng. Đoàn rước long trọng tiến lên thánh đường trong tiếng ca nhập lễ.

Cùng dâng lễ tạ ơn với Cha Quản hạt , có sự hiện diện của Đức ông Vinh Sơn Đặng Văn Tú, quý Cha đồng tế, quý chức, quý ân nhân, quý hội viên của các nhóm Bác Ái, Gia đình Chăm sóc Bệnh nhân và toàn thể hội viên Caritas của Giáo hạt.

Trước khi thánh lễ được cử hành, Cha Đặc trách Caritas Giáo hạt Giuse Trần Phú Vinh đã giới thiệu Cha Tân Quản hạt với cộng đoàn và giới thiệu với Cha Quản hạt quý vị trong Ban Phục Vụ Caritas Giáo hạt trong nhiệm kỳ đã qua. Đức Ông Vinh Sơn đã trao bằng và Cha Quản hạt đã bắt tay chúc mừng quý vị mãn nhiệm.

Giảng trong thánh lễ, Đức ông Vinh Sơn đã miêu tả cách rõ nét cuộc đời khó nghèo của thánh Phanxicô Assisi. Dù được sinh ra trong một gia đình giàu có nhưng thánh nhân đã hiểu rõ rằng của cải đời này chỉ là thứ yếu còn gia tài Nước Trời ngày sau mới là đích điểm hạnh phúc. Ngài thường xuyên bố thí cho người nghèo, không chỉ bản thân sống hèn mọn mà còn đi xin những người khác để giúp ích cho người nghèo khó. Với anh chị em hội viên Caritas, mỗi người hãy noi gương thánh Phanxico Assisi - yêu thương vạn vật, luôn giúp đỡ người nghèo khó, những người kém may mắn và bệnh tật trong xã hội để vừa khám phá giá trị của lòng bác ái vừa xoa dịu nỗi đau của cộng đồng.

Trước khi kết lễ, vị đại diện Caritas hạt Hố Nai đã có đôi lời cảm ơn đến Cha Quản hạt, Đức ông Vinh Sơn, Cha đặc trách và quý cha đồng tế vì tình yêu thương đã dâng lễ tạ ơn và cầu nguyện cho các hội viên.

Thánh lễ mừng bổn mạng kết thúc thật sốt sắng, mỗi hội viên Caritas hạt Hố Nai ai nấy đều vui mừng dẫu biết rằng trên hành trình phục vụ sẽ gặp nhiều khó khăn và vất vả.

Tất cả là hồng ân Chúa ban cho Caritas hạt Hố Nai.

Xin Chúa qua lời bầu cử của thánh Phanxico Assisi bổn mạng ban ơn cho mỗi hội viên luôn trung thành với sứ mạng phục vụ dấn thân để xoa dịu phần nào nỗi khổ đau của người nghèo, người đau bệnh, và kém may mắn trong xã hội hôm nay.

Ban Truyền Thông Hố Nai
 
Biển thủ tiền của giáo dân Linh Mục Nguyễn Minh Hiền ở San Jose bị ở tù 3 năm thêm 3 năm quản chế, bồi thường gần 1 triệu 9
Nguyễn Long Thao
11:17 04/10/2017
San Jose, Theo tin của nhật báo Mercury News phát hành tại San Jose California, hôm qua Thứ Ba 3 tháng 10 năm 2017, chánh án tòa án liên bang Ở San Jose đã tuyên án Đức Ông Nguyễn Minh Hiền phải ở tù 3 năm và 3 năm quản chế, đồng thời phải hoàn trả tất cả những số tiền linh mục này đã biển thủ. (On Tuesday, a U.S. District Court judge ordered him to serve three years in prison, followed by three years of supervised release. He also was ordered to pay back the embezzled money.)

Tưởng cũng nên nhắc lại Linh mục Nguyễn Minh Hiền đã bị bắt tại Fort Lauderdale, bang Florida vào tháng 4 năm 2015 và văn phòng Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ tháng 8 năm 2016 đã ra thông cáo báo chí cho biết Linh Mục Nguyễn Minh Hiền, nguyên chính xứ Giáo Xứ Việt Nam thuộc giáo phận San Jose đã bi truy tố tội biển thủ, trốn thuế, và gian lận ngân hàng.

Tòa án liên bang khu vực San Jose vào tháng Ba năm 2017 đã kết án Linh Mục Nguyễn Minh Hiền 14 tội danh gian lận ngân hàng và chuyển tiền của giáo dân dâng tặng cho giáo xứ vào trương mục ngân hàng của mình và đã tiêu xài một số tiền cho mục tiêu cá nhân.

Biện lý của tòa án liên bang đề nghị phạt Linh mục Hiền 51 tháng tù ở tức 4 năm ba tháng nhưng chánh án phán quyết LM Hiền ở tù 3 năm, 3 năm quản chế và bồi thường gần 1,900,000.dollars Trong đó 1,450,000 dollars cho giáo phận San Jose và 435,000 cho sở Thuế Vụ. Theo vị luật sư của LM Hiền thì vào năm 2015 linh mục Hiền đã đóng cho toà án 500,000 US Dollars làm tiến thế chân đệ được tại ngoại hầu tra và nay theo vị luật sư, LM Hiền sẽ dùng tiền này để trả cho sở Thuế Vụ. Cũng theo lệnh của án tòa ngày 5 tháng Giêng 2018 Linh Mục Hiền phải trình diện tòa án để bắt đầu thị hành án lệnh

Được biết Linh Mục Nguyễn Minh Hiền là Linh Mục của giáo phận San Jose từ năm 1995, từng được Đức Giám Mục bổ nhiệm làm Chánh Xứ Giáo Xứ St. Patrick’s và bây giờ đổi là giáo xứ Đức Mẹ La Vang San Jose. Từ năm 2001 đến 2011, là Giám Đốc Trung Tâm Công Giáo Việt Nam, được giáo phận thăng chức Đức Ông và bổ nhiệm chức vụ đặc trách mục vụ cho người Công Giáo Việt Nam tại San Jose. Hiện nay người ta không thấy tên Đức Ông Nguyễn Minh Hiền trong danh sách linh mục của giáo phận San Jose.
 
Thiếu nhi Giáo xứ Ngạn Sơn, GP Lạng Sơn Vui Hội Trăng Rằm
Ban truyền thông. GPLSCB
18:34 04/10/2017
Hòa chung bầu khí của hàng triệu em thiếu nhi trên khắp cả nước mừng Tết Trung Thu, Giáo xứ Ngạn Sơn đã tổ chức Đêm Hội Trăng Rằm cho các em thiếu nhi trong giáo xứ và khối phố. Chương trình đã thu hút sự tham gia của hàng trăm em thiếu nhi lớn nhỏ, cùng với đông đảo quý phụ huynh.

Xem Hình

Khởi đầu đêm Trung Thu, các em thiếu nhi trong Giáo xứ đã sốt sắng hiệp dâng Thánh lễ do Cha xứ và quý Cha đồng tế tại thánh đường Giáo xứ. Thánh lễ được cử hành trong bầu khí Phụng vụ trang trọng để cầu nguyện cách riêng cho các em thiếu nhi nhân ngày Tết của các em, đồng thời, các em cũng dâng lên những ý nguyện cầu cho Cha mẹ, người thân, cho thầy cô, bạn bè và mọi người đã luôn yêu thương chăm sóc, dạy dỗ và hướng dẫn các em.

Sau Thánh lễ là phần Hội Trăng Rằm. Được biết, đây là hoạt động thường niên của giáo xứ mỗi dịp trung thu, chương trình có sự cộng tác tham gia tổ chức của bà con nhân dân khối 5 của phường Vĩnh Trại. Sân nhà thờ tràn ngập các em thiếu nhi với đèn ông sao, đèn lồng, đèn kéo quân. Tiếng trống, tiếng nhạc rộn ràng càng làm tăng thêm bầu khí vui tươi. Sân khấu chính được trang trí thủ công khá công phu do các bạn giới trẻ trong Giáo xứ đảm nhiệm từ nhiều ngày qua, nay càng thêm rực rỡ bởi ánh đèn đầy mầu sắc.

Chương trình được bắt đầu với màn múa Lân. Bốn chú Lân tiến ra sân khấu trong sự chào đón hân hoan của mọi người hiện diện. Chính cha xứ Gioan là người chấp hiệu trống lân. Ngoài các đầu lân của giáo xứ, các em thiếu nhi trong khu vực còn mang đến những đầu lân nhỏ xinh xắn góp vui. Lân tiến ra trước cửa chính Nhà thờ để chào Chúa và ra khu vực hang đá chào Đức Mẹ cùng Thánh Giuse.

Đoàn rước mừng Trung thu được diễn ra đầy nhộn nhịp vui tươi, trong sự tham dự hào hứng của hàng trăm bạn thiếu nhi, đông đảo quý phụ huynh và mọi người. Đoàn tiến vòng quanh khu vực khối phố, tiến vào Nhà văn hóa của Khối 5 và trở về khuôn viên Thánh đường. Tại đây, buổi “phá cỗ” dưới trăng chính thức bắt đầu. Các bạn thiếu nhi cùng ngồi “phá cỗ” trước sân khấu, vừa thưởng thức bánh ngon quả ngọt, vừa theo dõi những tiết mục văn nghệ vui tươi do các bạn thiếu nhi Giáo xứ Ngạn Sơn thể hiện.

Tết Trung Thu thực sự trở thành ngày hội đầy tình thân, tình liên đới giữa mọi thành phần trong khu phố Ngạn Sơn, không phân biệt lương giáo. Các em thiếu nhi cùng ngồi quây quần bên nhau dưới ánh trăng, dưới ánh đèn muôn mầu, trong tiếng nhạc rộn rã vui tươi, trong sự quan tâm ân cần của quý Cha, quý phụ huynh và mọi người. Ngày Tết thiếu nhi đã để lại trong các em và những người tham dự nhiều ấn tượng đẹp, tăng thêm tình nghĩa và nối kết mọi người.

Ban truyền thông. GPLSCB
 
Lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng thánh đường giáo xứ Lô 6 Củ Chi
Tôma Đỗ Lộc Sơn
18:47 04/10/2017
Trước hết chúng ta tìm hiểu sơ lược về Giáo xứ Lô 6.

Cuối thập niên 1970, hưởng ứng lời kêu gọi của Đức Tổng Giám Mục Phao Lô Nguyễn Văn Bình, giới tu sĩ Công Giáo Saigon đã đi lao động tại nông trường Củ Chi và được giao cho lô số 6. Từ đó Lô 6 được hiểu là của giới tu sĩ Công Giáo Saigon.

Nhiều năm sau Lô 6 được chuyển giao cho Giáo phận Phú Cường và từ một giáo điểm đã được nâng lên Giáo Họ.

Xem Hình

Ngày 13 tháng 6 năm 2016, Đức cha Giuse Nguyễn Tấn Tước – Giám mục Giáo phận Phú Cường đã chính thức nâng lên hàng Giáo xứ với tên gọi: Giáo xứ Lô 6.

Vào lúc 9 giờ 30 ngày 4/10/2017, Đức cha Giuse Nguyễn Tấn Tước, đã về dâng lễ tạ ơn và đặt viên đá xây dựng ngôi nhà thờ đầu tiên tại Giáo xứ Lô 6. Cùng hiệp dâng có cha Simon Nguyễn Văn Thu – Tổng đại diện Giáo phận. Cha Giuse Phạm Văn Hòa–quản hạt Củ Chi. Cha Anton Hà Văn Minh- quản hạt Phú Cường cùng với 43 cha trong giáo phận. Tham dự có nhiều tu sĩ và bà con giáo dân trong và ngoài xứ ước khoảng 1200 người.

Trước khi cử hành nghi thức làm phép viên đá mới, cha Tadeo Lý Nguyên Anh Thi- Chánh văn phòng đã đọc quyết đình thành lập Giáo xứ Lô 6 của Đức cha Giuse, sau đó Đức cha đã giới thiệu cha xứ tiên khởi của giáo xứ là cha Phaolo Nguyễn Văn Khi.

Trong phần nghi thức, Đức cha đã rảy nước thánh lên toàn bộ khu đất và đọc lời nguyện dâng tiến. Đức cha cũng làm phép viên đá mới có ghi hàng chữ: Kỷ niệm nghi thức làm phép viên đá đầu tiên xây dựng nhà thờ Giáo xứ Lô 6 do Đức cha Giuse Nguyễn Tấn Tước – Giám mục Giáo phận Phú Cường chủ sự thứ tư 4.10.2017. Đức cha đã rảy nước thánh và xông hương lên viên đá mới và cùng với cha xứ tiên khởi đặt vào bệ xây dựng.

Thánh lễ hôm nay mừng kính Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa bổn mạng giáo xứ mới. Đức cha Giuse đã chia sẻ: Đức Maria với tước hiệu là Mẹ Thiên Chúa không phải là Đức Maria có quyền trên Thiên Chúa, nhưng là để mọi người trông lên Mẹ, noi gương Mẹ…, nhờ Mẹ bầu chữa, nhờ Mẹ thông ơn cứu chuộc, ơn bình an của Thiên Chúa xuống cho mọi người.

Giáo xứ Lô 6 nhận Mẹ Thiên Chúa là bổn mang, chắc hẳn là trông mong Mẹ thông ơn bình an của Thiên Chúa xuống cho, bởi vì giáo xứ còn nhiều nỗi lo.

Chúng ta hãy cầu xin Mẹ phù hộ cho giáo xứ càng ngày càng có nhiều người biết ăn năn trở lại, bởi vì điều kiện kinh tế, đường xá xa xôi cũng là những trở ngại mọi người đến với Chúa.

Chuyện kể:

Theo lời kể lại, năm 1976 – 1977, nhiều tu sĩ Công Giáo các dòng ở Saigon đi lao động ở Củ Chi để mong có nguồn lương thực tự cung tự cấp,vùng đất được mang tên Lô 6.

Con đường đất đỏ tỉnh lộ 7 như con rắn uốn lượn, ổ voi ổ gà nhiều vô kể, nắng bụi mưa sình (lầy), vì thế đi từ đầu đường quốc lộ 22 vào đến lô 6, đoạn đường chỉ hơn 10 km nhưng phải mất cả tiếng đồng hồ. Những chiếc công nông, những chiếc xe đò chở người và vật thường quá tải, oằn mình chậm chạp, lắc lư trong bụi, tiến về phía trước cho nhanh cho chóng để tránh cái nắng gay gắt đang làm khát cổ mọi người.

Người đến đây thường trang bị cho mình những bộ quần áo Kaki rộng rãi (dày, bền và hút ẩm). Đường đi là những lối mòn của dày dép và lằn bánh xe đạp thồ. Được phân lô ra nhiều lô nhỏ cho mỗi dòng, nhưng vẫn quy tụ tại nhà nguyện là trung tâm.

Nhà nguyện phải to chắc và đẹp, đó là tiêu chí và đó đích thực là thành quả của lao động cùng vật liệu tại chỗ mà làm nên. Mây tre lá là những vật liệu có sẵn nhưng với bàn tay rắn chắc và khối óc tinh tường của những người lần đầu tiên nhìn thấy chúng đã là một cố gắng nỗ lực.

Công việc khai hoang vỡ đất hoàn toàn bằng sức người, những chiếc cuốc, chiếc liềm… đã trở thành bạn thân thiết với các tu sĩ.

Sau nhiều tháng lao động vất vả rồi cũng có sản phẩm làm ra. Những trái bắp củ khoai, những bó rau hay đậu trái, những con gà con vịt… trước là để nuôi sống người làm ra, sau đó có dư ra đem đi trao đổi mua bán để lấy gạo, nhờ đó cuộc sống thêm tin yêu rất nhiều.

Cầu nguyện là mục đích sống. Vì thế mặt trời vừa lặn, bóng đêm bao phủ cũng là lúc những ngọn đèn dầu được thắp lên. Một điểm sáng chói cùng những lời tuyên xưng ca ngợi Thiên Chúa của các tu sĩ đã vang lên để đốt cháy lên ngọn lửa tin yêu mà không ai có thể cưỡng lại được, không ai có thể xóa nhòa được.

Những lời cầu nguyện suy niệm của thầy Hùng, thầy Long, thầy Trung….đã làm ấm lên con tim nhiệt thành mặc dù ngoài kia có sóng gió bão táp vây bủa.

Toma Đỗ Lộc Sơn
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Biết rồi nói mãi điếc tại
Phạm Trần
19:43 04/10/2017

“Cho đến nay tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, kém hiệu lực, hiệu quả; chức năng, nhiệm vụ của một số tổ chức còn chồng chéo; cơ cấu bên trong chưa hợp lý…”

Tổng Bí thư đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) Nguyễn Phú Trọng đã nhìn nhận như thế nhưng không mới trong Diễn văn khai mạc Hội nghị Trung ương 6/Khoá đảng XII tại Hà Nội ngày 4/10, và dự trù kết thúc ngày 11/10/2017.

Có khác chăng là thêm một lần nữa, người đứng đầu đảng phải tiếp tục gánh lấy thất bại của công tác được gọi là “tinh giảm biên chế”, hay giảm bớt số người có ăn mà không làm, hay làm rất ít vẫn tồn đọng trong hệ thống cai trị năm sau cao hơn năm trước.

Bởi vì công tác này đã được thực hiện từ năm 1999 khi đảng khoá VIII thời Lê Khả Phiêu làm Tổng Bí thư, đưa ra Nghị quyết “Một số vấn đề về tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị và tiền lương, trợ cấp xã hội thuộc ngân sách nhà nước” tại Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương (họp từ ngày 9 đến 16-8-1999 tại Hà Nội).

Thế mà sau 18 năm (1999-2017), qua 3 đời Tổng Bí thư (Lê Khả Phiêu-Nông Đức Mạnh-Nguyễn Phú Trọng), truyện dài biên chế cứ mãi nãi dài thêm vì bớt đầu này lại phình ra đầu kia như quốc nạn tham nhũng càng chống càng đẻ ra thêm con đàn cháu giống để cùng nhau tiếp tục hoan ca “vẫn còn nghiêm trọng và tinh vi”.

Bằng chứng bê bối như ông Trọng đã nói trước các Ủy viên Trung ương và các cựu Lãnh đạo sáng 4/10 (017) rằng:” Tổ chức bộ máy của khối Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể, các đơn vị sự nghiệp công lập chậm được đổi mới; tổ chức và biên chế ngày càng phình to; số lượng cấp phó, số người được hưởng chế độ "hàm" không hợp lý; cơ cấu, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức còn nhiều bất cập; số lao động phục vụ gián tiếp quá nhiều trong khi thiếu nhân lực trực tiếp làm chuyên môn nghiệp vụ. Số người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách nhà nước ở các đơn vị sự nghiệp công và người hoạt động không chuyên trách cấp xã ngày càng nhiều.”

CỨ Ỳ RA ĐẤY

Nhưng nhiều là bao nhiêu ? Không có bất cứ số thống kê nào cho ta biết, chỉ thấy ông Trọng bảo rằng:”Cho đến nay, chưa kể đến tổ chức, biên chế trong công an, quân đội và khu vực doanh nghiệp nhà nước, cả nước đã có khoảng 58 nghìn đơn vị sự nghiệp công lập với 2,5 triệu biên chế; giữ vai trò chủ đạo, cung cấp hầu hết dịch vụ sự nghiệp công, liên quan đến mọi người, mọi nhà và toàn xã hội như: Dịch vụ y tế, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, văn hóa, thể dục thể thao..”

Nhưng 3 nơi gồm Công an, Quân đội và Doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) có bao nhiêu triệu miệng ăn tiền của dân, và họ đã đền đáp công ơn của dân ra sao ? Ai ở Việt Nam cũng thấy Công an ngày nay không còn được coi là bạn của dân, là người bênh vực và bảo vệ dân mà rất nhiều Công an đã biến chất, tự diễn biến và tự chuyển hóa thành kẻ thù của nhân dân vì đã mê say đàn áp dân, tích cực tham gia tham nhũng, móc túi dân giữa ban ngày và ở bất cứ nơi nào có thế làm được.

Vậy Quân đội có khá hơn không ? Rất khó mà lượng định công bằng. Chỉ biết rằng thay vì chỉ rèn luyện để bảo vệ vẹn tòan lãnh thổ và sẵn sàng chiến đấu bảo vệ dân thì bây giớ họ đã được lệnh phải “làm kinh tế” để nuôi và bảo vệ đảng vững tâm mà tiếp tục cai trị độc tài, mặc cho Quân Trung Cộng tự do chiếm đảo và đàn áp ngư dân Việt Nam ở Biển Đông.

Tình hình như vậy mà Quốc Hội do đảng cử dân bầu không biết phải làm sao ư ?

Thật tội nghiệp cho dân, cái Quốc Hội chỉ biết làm theo lệnh của Bộ Chính trị và Tổng Bí thư đảng cũng vô tích sự muôn năm. Hầu hết chỉ biết than theo cho đẹp lòng cử tri và chỉ dám “cho ý kiến với Đảng và Nhà nước” mà không có bất cứ hành động nào để cải thiện tình hình.

Bằng chứng như Nguyễn An đã tường thuật trong báo An Ninh Thủ Đô ngày 22/08/2017 rằng:” Sau 5 năm cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước, nhiều đầu mối đã được thu gọn nhưng tình trạng “bộ trong bộ” lại có xu hướng gia tăng.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa cho ý kiến vào báo cáo Kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước giai đoạn 2011 - 2016. Báo cáo chỉ ra một thực trạng đáng lo ngại, đó là dù đã có nhiều nỗ lực tinh giản song bộ máy Nhà nước vẫn đang phình to.”

Với tựa nhỏ “Bóp ở trên, dưới lại phình ra”, báo này viết tiếp:”Qua làm việc với 15 bộ, ngành Trung ương và trực tiếp giám sát tại 15 tỉnh, thành phố, Đoàn giám sát tối cao của Quốc hội chỉ ra, kết quả thực hiện chính sách tinh giản biên chế còn rất hạn chế. Tổ chức bộ máy các cơ quan hành chính Nhà nước vẫn cồng kềnh, một số cơ quan chức năng quyền hạn còn trùng lặp, chồng chéo, thiếu hợp lý.

Số đầu mối đơn vị hành chính tăng lên, xu hướng nâng cấp vụ lên cục diễn ra ở nhiều bộ. Thậm chí, có tình trạng thu gọn đầu mối trong các bộ nhưng lại tồn tại nhiều “bộ trong bộ”, tổng cục, cục nhiều hơn… Chính vì cơ cấu tổ chức bộ, cơ quan ngang bộ có quá nhiều đầu mối đã làm cho số lượng công chức giữ vị trí lãnh đạo quản lý từ cấp phòng trở lên rất lớn, dẫn đến mất cân đối giữa số lượng người giữ chức danh lãnh đạo, quản lý với số công chức tham mưu.”

Vẫn theo Nguyễn An thì Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cũng thừa nhận:”Bộ máy hành chính Nhà nước hiện vẫn còn cồng kềnh. Thực tế, số đầu mối ở các cơ quan quản lý không tăng nhiều nhưng bên trong lại tăng nhiều cục, chi cục, phòng, dẫn đến tình trạng một việc phải trải qua quá nhiều cấp hành chính cho ý kiến, thẩm định, chỉ đạo giải quyết.

Một trong những nguyên nhân khiến tăng biên chế công chức, tăng số đầu mối trong bộ máy hành chính là do bổ sung chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước về ngành, lĩnh vực theo quy định của pháp luật chuyên ngành và việc chia tách, thành lập mới các đơn vị hành chính cấp huyện, xã.”

Nhưng ai đã vẽ ra để có thể hành dân đến mức chỉ còn cái khố như thế mà “đảng trưởng” Nguyễn Phú Trọng không làm gì được từ 7 năm qua ?

Hay vì toàn là dây mơ rễ má chằng chịt buộc chân nhau để chia chác quyền lực nên Tổng Bí thư Trọng cũng phải đầu hàng. Hoặc là các “lợi ích nhóm” nhiều qúa nên bác Trọng cũng phải gồng mình nói ra cho khỏi hổ danh lãnh đạo với dân chứ ông biết thừa có nói cũng chả ma nào nó nghe ?

Dù sao thì cứ nghe tiếp lời của Chuyên gia Kinh tế, Bà Phạm Chi Lan để biết thêm chuyện của vũng bùn biên chế thặng dư và chia nhau ăn tiền ở Việt Nam nó nghiêm trọng đến mức hại dân như thế nào.

Bà nói:”Hiện nay số người hưởng lương và mang tính chất lương đã lên tới 11 triệu. Không ngân sách nào nuôi nổi bộ máy ăn lương lớn như vậy.”

Trong cuộc phỏng vấn đăng trên báo Điện tử ViệtTimes được VietNamNet đăng lại ngày 09/06/2017, Bà cho biết:”Bộ máy nhà nước của chúng ta hiện nay có khoảng 2,8 triệu cán bộ, công chức (CBCC), viên chức. Nếu cộng cả đối tượng nghỉ hưu, các đối tượng khác hưởng lương, trợ cấp từ ngân sách nhà nước (NSNN), con số này lên tới 7,5 triệu người, chiếm 8,3% dân số cả nước.

Còn nếu cộng toàn bộ số người hưởng lương và mang tính chất lương thì con số này lên tới 11 triệu người. Không ngân sách nào nuôi nổi bộ máy ăn lương lớn như vậy.”

Bà Lan đưa ra một so sánh:” Nước Mỹ có diện tích lớn xấp xỉ 30 lần nước ta, dân số gần gấp 4 lần, nhưng đội ngũ công chức của họ chỉ có 2,1 triệu. Nhìn sang Trung Quốc thì chúng ta thấy đội ngũ công chức của họ cũng chỉ chiếm 2,8% dân số.

Như vậy, chúng ta thấy 160 người dân Mỹ chỉ nuôi một công chức, trong khi đó 40 người dân Việt Nam phải nuôi một công chức. Đó là chưa kể người dân chúng ta phải gánh chịu tình trạng quan liêu, sách nhiễu, vòi vĩnh, tham nhũng của một bộ phận không nhỏ trong số 2,8 triệu công chức này.”

Trả lời câu hỏi:”Đội ngũ công chức, viên chức của chúng ta đông như vậy, nhưng theo nhiều người thì chất lượng lại không cao. Ý kiến của bà về vấn đề này như thế nào?

Chuyên gia Phạm Chi Lan đáp:”Khi còn ở cương vị Phó thủ tướng ông Nguyễn Xuân Phúc nói: “Đội ngũ công chức của chúng ta hiện nay chỉ có khoảng 30% là đáp ứng được nhu cầu công việc”.

Tôi bổ sung thêm là 30% nữa là “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”. Khi còn là Bộ trưởng TT&TT ông Lê Doãn Hợp còn thêm: “30% còn lại không chỉ không làm được việc mà còn vòi vĩnh, nhũng nhiễu, đòi hối lộ”.

CHIA NHAU ĂN THẢ DÀN

Trong cuộc phỏng vấn này, bà Phạm Chi Lan còn tiết lộ nhiều chuyện chia ăn hút mồ hôi nước mắt nhân dân của các Tổ chức do Đàng lập ra, ngoài chuyện biên chế cũng ngập đầu trong các cơ quan này.

Bà nói:”Theo Dự toán chi ngân sách Trung ương năm 2016 được Bộ Tài chính công khai trên website của bộ này thì, tổng chi cho các cơ quan trung ương của 6 tổ chức chính trị - xã hội tới 1.503,740 tỉ đồng, gồm Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam (92,435 tỉ đồng); Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (551,505 tỉ đồng); Trung ương Hội LHPN Việt Nam (158,685 tỉ đồng); Hội Nông dân Việt Nam (346,515 tỉ đồng); Hội CCB Việt Nam (80,830 tỉ đồng); Tổng LĐLĐ Việt Nam (273,770 tỉ đồng). Nếu tính luôn cả dự toán ngân sách cho Liên minh Hợp tác xã Việt Nam thì tổng chi lên đến 1.615,710 tỉ đồng.”

Nhưng không phải chỉ có bấy nhiêu thôi mà Bà Lan còn cho biết:”Tuy nhiên, đây mới là phần thông tin chi cho các hội, đoàn thể được công khai. Còn rất nhiều hội đặc thù, ở cả Trung ương và địa phương cũng được ngân sách tài trợ một phần, nhưng chưa được công khai trong dữ liệu của Bộ Tài chính, từ Liên đoàn Bóng đá Việt Nam đến Hội Đông y, Hội Khuyến học, Hội Người cao tuổi, Hội Người mù và rất nhiều hội đoàn khác.

Một trong những nghiên cứu hiếm hoi về ngân sách cho các hội, đoàn thể của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), ngân sách (ước tính) chi khoảng 14.000 tỉ đồng cho toàn bộ khối này, tức là lớn hơn dự toán ngân sách năm 2016 của Bộ NN&PTNT (Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn) (khoảng 11.000 tỉ đồng), một bộ được coi là siêu bộ, gần gấp đôi ngân sách của Bộ Giáo dục và Bộ Y tế, chỉ thua Bộ LĐTB&XH (Lao động, Thương binh và Xã hội) , và Bộ Tài Chính.

Bà kết luận :”Nghiên cứu này cũng ước tính, nếu tính đủ cả chi phí kinh tế - xã hội, tức là gồm cả đất đai, nhà cửa, xe cộ và các tài sản khác, chi phí toàn hệ thống của các tổ chức hội đoàn này hàng năm dao động từ 45.600 - 68.100 tỷ đồng, tương đương 1-1,7% GDP.

Hầu hết các hệ thống hội đoàn, trong đó đặc biệt là các tổ chức chính trị- xã hội, được tổ chức theo mô hình hành chính, có biên chế, nhà cửa, trụ sở, xe cộ, với hệ thống tổ chức và mô hình hoạt động hầu như không thay đổi từ thời bao cấp đến nay.”

VẼ ĐƯỜNG CHO HƯƠI CHẠY

Nhưng tại sao một đảng cầm quyền vẫn tự khoe có kỷ luật và biết tổ chức nên đã đạt được hết thắng lợi này đền thắng lợi khác mà Lãnh đạo lại qúang gà như vậy ?

Chả ai biết đầu cua đuôi nheo ra sao, nhưng xem ra đã rã ra từng mảnh rồi đấy. Bởi vì, Bộ Nội vụ đã báo cáo Quốc hội:” Từ năm 2015 đến hết 6 tháng đầu năm 2017, tổng số đối tượng được tinh giản biên chế là 22.763 người. Với tốc độ và cách làm như hiện nay, việc tinh giản biên chế “rất khó” đạt mục tiêu đề ra.

Trong tổng số biên chế được tinh giản, các đơn vị sự nghiệp công lập chiếm đa số (14.791 người); tiếp đến là cán bộ, công chức cấp xã (4.086 người); các cơ quan hành chính (2.824 người); các cơ quan của Đảng, đoàn thể (944 người) và cuối cùng là các doanh nghiệp nhà nước (122 người).

Trong đó năm 2015, tổng số đối tượng được giải quyết tinh giản biên chế là 5.778 người; năm 2016 là 11.923 người và 6 tháng đầu năm 2017 là 5.062 người. Tuy nhiên, Bộ Nội vụ cho biết, với tiến độ và cách làm như hiện nay thì “khó có thể thực hiện được mục tiêu Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị”. (theo báo Công an Nhân dân, ngày 18/05/2017)

Nghị quyết 39 ban hành ngày 17/04/2015, Khóa đảng XI của Nguyễn Phú Trọng, đã ra lệnh:” Từng cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập phải xây dựng kế hoạch tinh giản biên chế trong 7 năm (2015 - 2021) và từng năm trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt để tổ chức thực hiện. Trong đó, phải xác định tỉ lệ tinh giản biên chế đến năm 2021 tối thiểu là 10% biên chế của bộ, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.”

Nhưng kết qủa vẫn là chuyện cổ tích “phép Vua thua lệ làng”, là trên bảo dưới không thèm nghe mà Bộ Chính trị cũng cóc làm gì nổi . Vì vậy mà Bộ Nội vụ đã phải méc thêm với Quốc Hội rằng:”Đến nay, vẫn còn nhiều bộ, ngành, địa phương chưa phê duyệt Đề án tinh giản biên chế đến năm 2021, chưa xây dựng kế hoạch tinh giản biên chế từ năm 2015 - 2021 và của từng năm, dẫn đến tình trạng đề xuất giải quyết chính sách tinh giản biên chế không theo quy định (định kỳ 6 tháng/lần).

Việc chưa xây dựng đồng bộ đề án tinh giản biên chế và kế hoạch tinh giản biên chế đến năm 2021 khiến nhiều đơn vị không có phương án cụ thể ngay từ đầu, không xác định rõ được những người trong diện phải tinh giản, dẫn đến tinh giản thụ động, hầu như mới chỉ thực hiện trên cơ sở nguyện vọng của cá nhân cán bộ, công chức, viên chức. Các đơn vị cũng mới chỉ tập trung tinh giản biên chế mà chưa chú trọng cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức theo đề án vị trí việc làm.”

Do đó mới có chuyện trớ trêu hầu hết những con số gỉam người của các Cơ quan, Tổ chức được báo cáo với Bác Trọng lại là những người đã đến tuổi nghỉ hưu hay muốn nghỉ hưu sớm, hoặc chuyển qua chỗ làm ngoài Chính phủ.

Nếu ông Trọng hoan hỷ coi những con số này là “thành công vượt bực” của tài lãnh đạo của mình thì ông cứ yên tâm ngôi yên đấy mà hưởng thụ chứ nhấp nhỏm đứng lên, ngồi xuống làm gì cho tổn thọ ? -/-

Phạm Trần

(10/017)

 
Văn Hóa
Te Deum
Lm. Đỗ Xuân Quế, OP.
08:12 04/10/2017

Chúa là hoan lạc của đời tôi
Chúa dẫn đưa tôi tới cuộc đời
Được phúc sinh ra là tín hữu
Làm người tu sĩ tuổi đôi mươi.

Rồi sau lại được làm linh mục
Rao giảng Tin Mừng khắp đó đây
Tiếp tục mỗi ngày dâng thánh lễ
Cử hành bí tích mãi tới nay.

Trải dài năm tháng trong kinh nguyện
Viết lách suy tư với học hành
Mải miết mỗi ngày bên sách vở
Thời giờ cảm thấy rất qua nhanh.

Niềm vui tìm thấy trong thinh lặng
Ở chốn phòng riêng lúc nguyện cầu
Làm việc âm thầm trong lặng lẽ
Có Chúa bên mình trước lẫn sau.

Chúa đã ban cho mối phúc này
Kéo dài cho tới mãi hôm nay
Hết lòng cảm tạ tri ân Chúa
Mãi mãi không ngừng một phút giây.

Tu Viện Mai Khôi
3.10.2017
Đỗ Xuân Quế o.p.








 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Tần Tảo Thân Cò
Đặng Đức Cương
08:24 04/10/2017
TẦN TẢO THÂN CÒ
Ảnh của Đặng Đức Cương
Xin cảm ơn con cò
Những con cò lặn lội
Những con cò lộn cổ xuống ao
Những con cò thanh cao
Những con cò nỉ non nuôi chồng gánh gạo
Những con cò lo toan đời cơm áo…
Xin cảm ơn
Những con cò làm đẹp ruộng đời.
(Trích thơ của Lê Phú Hải)
 
VietCatholic TV
Thế Giới Nhìn Từ Vatican 05/10/2017: Giáo Hội giữa thời tin thất thiệt
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:04 04/10/2017
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Trùm khủng bố Hồi Giáo Abu Bakr al-Baghdadi vẫn còn sống, kêu gọi tấn công Rôma

Lãnh đạo của bọn khủng bố Hồi Giáo IS là Abu Bakr al-Baghdadi vẫn còn sống, và vừa lên tiếng kêu gọi những người Hồi Giáo quá khích trên thế giới tấn công vào các kẻ thù, và đặc biệt nhắm vào “các trung tâm truyền thông của những kẻ ngoại đạo”.

Abu Bakr al-Baghdadi đã nói như trên trong một băng ghi âm dài 46 phút được al-Furqan, là cơ quan truyền thông do bọn khủng bố IS điều hành, tung ra hôm thứ Năm 28 tháng 9.

Đại tá quân đội Hoa Kỳ Ryan Dillon, phát ngôn viên của Liên Quân tại Baghdad, cho biết giọng nói trong băng ghi âm nghe có vẻ giống như những bản thu âm trước đây của al-Baghdadi. Lần xuất hiện cuối cùng, tên trùm khủng bố đã lên tiếng trong một băng ghi âm được phát hành vào tháng 11, năm ngoái, khi kêu gọi quân khủng bố Hồi Giáo IS chiến đấu tới cùng tại Mosul.

Tháng Sáu vừa qua, các quan chức Nga nói họ tin là al-Baghdadi đã chết trong một cuộc không kích của Nga ở ngoại ô thành phố Raqqa của Syria.

Tuy nhiên, Đại tá Ryan Dillon nói ông không có lý do gì để bác bỏ tính xác thực của băng ghi âm này. Hơn thế nữa, trong băng ghi âm Abu Bakr al-Baghdadi đã nói về những diễn biến mới nhất trên thế giới như những căng thẳng gần đây giữa Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên; trong khi chế giễu tổng thống Trump với một dụng ý rõ ràng là xúi giục Hoa Kỳ lao vào cuộc chiến với Bắc Triều Tiên. al-Baghdadi cũng nhìn nhận các thất bại quân sự gần đây và kêu gọi các thành phố Hồi Giáo cực đoan chiến đấu như “những con sói cô đơn”.

Cho nên, Đại tá Ryan Dillon tin rằng Abu Bakr al-Baghdadi vẫn còn sống, và hoàn toàn có thể gây ra nhiều vụ khủng bố nữa trên thế giới.

Trong băng ghi âm al-Baghdadi kêu gọi: “Các binh lính của nhà nước Hồi giáo, và những người ủng hộ sự cai trị của Hồi Giáo trên toàn cầu, hãy tăng cường các cuộc tấn công của các bạn và phải bao gồm cả các trung tâm truyền thông của những kẻ ngoại đạo và các trụ sở điều hành cuộc chiến tranh tâm lý.”

Tên trùm khủng bố dành một đoạn khích lệ người Hồi Giáo tấn công vào Rôma và không quên nhắc nhở những người theo hắn về những phần thưởng của sự tử đạo, bao gồm cả “72 người vợ” và cơ man “những nàng hầu xinh đẹp trên thiên đường”.

2. Thi hài 21 vị tử đạo Coptic được tìm thấy tại Lybia

Trong một cuộc họp báo được tổ chức vào hôm thứ Năm, 28 tháng 9, Chánh Công Tố Al-Sadiq al Sour của Lybia cho biết thi hài của 21 vị tử đạo Coptic bị khủng bố Hồi Giáo IS thảm sát đã được tìm thấy.

Ông Al-Sadiq cho biết việc khai quật các thi hài đã diễn ra theo sau việc bắt giữ một tên khủng bố IS trực tiếp tham gia vào vụ sát hại này cùng với tên đã quay phim toàn bộ vụ thảm sát.

Ông Al-Sadiq cho biết thêm là vụ thảm sát đã diễn ra ở một bãi biển liền kề với một khách sạn ở thị trấn Sirte.

Tin tức về việc tìm thấy thi hài của 21 vị tử đạo Coptic đã được lan truyền nhanh chóng tại Ai Cập, tạo ra cảm xúc rất mạnh, đặc biệt là trong các cộng đồng Coptic trong khu vực Minya, là quê quán của hầu hết các nạn nhân.

21 Kitô hữu Ai Cập này đã bị bắt cóc ở Libya vào đầu tháng Giêng năm 2015. Đoạn video về việc họ bị chặt đầu đã được đưa lên các trang web của bọn thánh chiến Hồi Giáo vào ngày 15 tháng 2, năm 2015. Chỉ một tuần sau khi họ bị thảm sát, Đức Thượng Phụ Chính thống giáo Tawadros II đã tuyên phong cả 21 vị là các vị tử đạo trong một nghi lễ trọng thể tại Synaxarium.

3. Chủ đề ngày Truyền Thông Xã Hội Thế Giới lần thứ 52 là “Chống tin giả, cổ vũ nền báo chí vì hòa bình”

Trong thông cáo đưa ra hôm thứ Sáu 29 tháng 9, Bộ Truyền Thông Tòa Thánh cho biết Đức Thánh Cha Phanxicô đã chọn chủ đề cho ngày Truyền Thông Xã Hội Thế Giới lần thứ 52 là “Chống tin giả, cổ vũ nền báo chí vì hòa bình”.

“Tin giả”, theo Bộ Truyền Thông Tòa Thánh, “là những thông tin vô căn cứ góp phần tạo ra và nuôi dưỡng một sự phân cực mạnh mẽ các quan điểm dị biệt. Nó liên quan đến sự bóp méo sự thật, dẫn đến những ngộ nhận và hoang mang, với những hậu quả tai hại nơi hành vi cá nhân và tập thể.”

Giải thích lý do Đức Thánh Cha chọn chủ đề này, Bộ Truyền Thông Tòa Thánh viết: “Trong bối cảnh mà các tác nhân chủ chốt của các mạng xã hội, các thể chế và các tần lớp chính trị trong xã hội đã và đang bắt đầu trực diện với hiện tượng này, Giáo hội cũng mong muốn đóng góp, và đề xuất những suy tư về nguyên nhân, luận lý và hậu quả của việc thông tin sai lạc trên các phương tiện truyền thông, nhằm góp phần thúc đẩy một nền báo chí chuyên nghiệp, luôn tìm kiếm sự thật, một nền báo chí vì hòa bình, đem lại thiện ích chung, và sự hiểu biết giữa con người với nhau.”

Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội, là ngày thế giới duy nhất được Công đồng Vatican II thiết lập trong Sắc Lệnh Inter Mirifica vào năm 1963. Theo lời khuyên của các giám mục trên thế giới, Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội được cử hành vào Chúa Nhật trước Lễ Hiện Xuống. Năm tới, Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội là ngày 13 Tháng Năm, 2018.

Văn bản Thông điệp của Đức Thánh Cha cho Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội được công bố vào ngày 24 tháng Giêng hàng năm, nhân lễ Thánh Phanxicô đệ Sales, là bổn mạng các nhà báo.

4. Tổng trưởng Bộ Truyền Thông nói về thời đại tin giả

Hôm thứ Năm 28 tháng 9, Đức Ông Dario Edoardo Viganò, Tổng trưởng Bộ Truyền Thông đã có một bài nói chuyện trong một cuộc hội thảo ở Milan với tựa đề “Báo chí trong thời đại tin giả”.

Đức Ông Viganò bắt đầu bài thuyết trình của mình bằng cách nhấn mạnh tầm quan trọng của sự thật và việc phải kiểm tra kỹ lưỡng các nguồn tin trong thời đại tràn lan các tin giả như hiện nay. Ngài nói rằng “cần ghi nhớ rằng việc xác minh các nguồn tin là một nguyên tắc chủ đạo của báo chí, trong thời buổi đương đại khi mà sự thật thông tin có nguy cơ trở thành một khía cạnh thứ yếu.”

Đức Ông Tổng Trưởng nhận xét rằng “vì sự tiến hóa liên tục của công nghệ thông tin, ngày càng nhiều những nguyên tắc trong quá khứ đang bị bỏ qua”. Những ảnh hưởng tai hại mà kỷ nguyên tin giả đang gây ra trên thế giới nhắc chúng ta nhớ rằng “cần phải khôi phục lại những nền tảng đạo đức và tính chuyên nghiệp của báo chí dựa trên việc xác minh nguồn gốc của tin, cũng như các nguyên tắc khác.”

Đức Ông Tổng Trưởng cũng nhấn mạnh đến nhu cầu cần phải có một tư duy phê phán về phía người sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội, đặc biệt là những người thường chia sẻ các thông tin với người khác mà đôi khi chẳng chú ý gì nhiều đến văn bản.

5. Các Giám Mục Nhật bày tỏ lòng biết ơn đối với chuyến viếng thăm của Đức Hồng Y Filoni

“Một câu hỏi vẫn còn được khắc sâu trong tâm trí chúng tôi và trong con tim chúng tôi. Một câu hỏi mà Đức Hồng Y Fernando Filoni đã thách thức chúng tôi trong chuyến viếng thăm mục vụ của ngài: ‘Tôi hỏi anh chị em Phúc Âm có cần ở Nhật nữa không? Ở đâu và làm thế nào để Phúc Âm hóa?’”

Đức Cha Isao Kikuchi, một nhà truyền giáo Dòng Ngôi Lời, Giám Mục giáo phận Niigata và là Chủ tịch Caritas Nhật Bản, nói với thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc: “Đây là thách đố của Giáo hội chúng ta, đặc biệt đối với các vị giám mục”. Đức Cha Kikuchi đã nói như trên khi được hỏi về những ngày thăm viếng mục vụ từ 17 đến 26 tháng 9 của Đức Hồng Y Fernando Filoni, Tổng trưởng của Bộ Truyền Giáo.

Đức Giám Mục nhớ lại: “Đức Hồng Y đã gặp nhiều tín hữu, linh mục, chủng sinh, tu sĩ, giám mục. Sự hiện diện và lời nói của ngài là một động lực thực sự, và cụ thể cho tất cả chúng tôi. Ngài yêu cầu chúng tôi gieo những hạt giống của Tin Mừng và trở thành những chứng nhân của Tin Mừng trong xã hội ngày nay”.

Đức Cha Kikuchi cũng nhớ lại một khoảnh khắc đặc biệt quan trọng trong chuyến thăm này. Ngài nói: “Đức Hồng Y đã viếng thăm Hiroshima và một phần của thành phố vẫn còn trống rỗng cho đến nay sau 60 năm của thảm hoạ này, vì lúc đó nó bị ô nhiễm nặng nề. Hồng Y Filoni đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng tối cao của hòa bình, vì thế chúng ta cần phải cầu nguyện và hành động. Hôm nay chúng ta phải ngăn chặn cuộc xung đột hạt nhân mới ở châu Á”

6. Ðức Thánh Cha kêu gọi duy trì lòng nhiệt thành Năm Thánh Lòng Thương Xót.

Ðức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi đừng để cho lòng nhiệt thành mà Năm Thánh Lòng Thương Xót gợi lên bị tan loãng và quên lãng.

Ngài đưa ra lời mời gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng hôm 29 tháng 9 dành cho 60 tham dự viên Ðại hội vừa kết thúc của Hội đồng Tòa Thánh tái truyền giảng Tin Mừng, dưới quyền chủ tọa của Ðức Tổng Giám Mục Rino Fisichella. Hội đồng này là cơ quan phối hợp việc tổ chức và cử hành Năm Thánh Lòng Thương Xót. Trong bài huấn dụ, Ðức Thánh Cha nhắc đến thành quả của Năm Thánh như một thời điểm hồng phúc mà toàn Giáo Hội đã trải qua với lòng tin nhiệt thành và tinh thần nồng nhiệt.

Ngài nói:

“Chúng ta không thể để cho lòng hăng say ấy bị tan loãng hoặc lãng quên. dân Chúa đã cảm thấy mạnh mẽ Hồng ân Lòng thương xót và đã sống Năm Thánh đặc biệt qua việc tái khám phá bí tích Hòa Giải, như nơi ưu tiên để cảm nghiệm lòng từ nhân, sự dịu dàng của Thiên Chúa cũng như sự tha thứ vô biên của Chúa. Vì thế, Giáo Hội có một trách nhiệm lớn là phải không ngừng tiếp tục là dụng cụ của Lòng Thương Xót. Nhờ đó, chúng ta có thể dễ dàng cảm thấy sự đón nhận Tin Mừng được nhận thức và sống như một biến cố cứu độ và có thể mang lại một ý nghĩa trọn vẹn và chung kết cho đời sống cá nhân và xã hội”.

Ðức Thánh Cha cũng nhắc nhở rằng “Việc loan báo lòng thương xót phải trở nên cụ thể và hữu hình qua lối sống của các tín hữu, sống dưới ánh sáng của nhiều công việc từ bi bác ái; việc loan báo ấy là điều nòng cốt thuộc về sự dấn thân của mỗi người loan báo Tin Mừng: họ đích thân khám phá ơn gọi làm tông đồ do lòng thương xót đã dành cho họ”.

7. Sứ điệp Ðức Thánh Cha gửi Gia Ðình Vinh Sơn Phaolô.

Ðức Thánh Cha Phanxicô cám ơn và khuyến khích toàn thể Ðại gia đình dòng Thánh Vinh Sơn Phaolô, hay còn gọi là Vincent de Paul, và đề cao giá trị và tính thời sự của Thánh Nhân.

Ðức Thánh Cha bày tỏ lập trường trên đây trong sứ điệp công bố hôm 27 tháng 9, lễ kính Thánh Vinh Sơn Phaolô và cũng là dịp kỷ niệm 400 năm đoàn sủng của thánh nhân, dấn thân phục vụ và săn sóc người nghèo.

Ðức Thánh Cha nhắc đến sự kiện năm 1617, Thánh Vinh Sơn Phaolô bấy giờ 40 tuổi, đã khám phá ơn gọi, đoàn sủng, cứu giúp những người nghèo. Trong tư cách là một cha sở miền quê, ngài chứng kiến tình trạng lầm than trầm trọng về vật chất cũng như tinh thần của các nông dân. Ðược gọi đến bên giường của một người thợ xay bột sắp qua đời, cha xúc động đến tận thẳm sâu trong tâm hồn. Vinh Sơn Phaolô trước đó đã vào hàng giáo sĩ với chủ ý tiến thân trên đường “công danh sự nghiệp”, nay ngài ý thức về sứ mạng đích thực là loan báo Tin Mừng và cứu giúp những người nghèo khổ.

Trong sứ điệp sau khi gợi lại những nét nổi bật trong cuộc đời và hoạt động bác ái của thánh Vinh Sơn Phaolô, Ðức Thánh Cha khẳng định rằng: “Nơi trọng tâm Gia đình Vinh Sơn có sự tìm kiếm “những người lầm than nhất và bị bỏ rơi”, với ý thức quyết liệt rằng mình không xứng đáng cung cấp cho họ những việc phục vụ khiêm tốn nhất của chúng ta”

“Chứng tá bác ái của thánh Vinh Sơn mời gọi chúng ta luôn tiến bước, sẵn sàng để cho mình được cái nhìn và Lời Chúa làm cho ngạc nhiên. Chứng tá ấy yêu cầu chúng ta hãy có tâm hồn bé nhỏ, hoàn toàn sẵn sàng và khiêm tốn ngoan ngãn, thúc đẩy chúng ta sống hiệp thông huynh đệ và can đảm thi hành sứ mạng trên thế giới. Chứng tá của thánh Vinh Sơn cũng yêu cầu chúng ta loại bỏ những ngôn ngữ phức tạp, những thứ hùng biện tự tham chiếu và những gắn bó với an ninh vật chất, có thể trấn an nhất thời, nhưng không phú an bình của Thiên Chúa và thậm chí còn cản trở sứ mạng”.

Ðức Thánh Cha cũng viết rằng: “Ðức bác ái không hài lòng với những tập quán tốt lành quá khứ, nhưng biết biến đổi hiện tại. Ðó là điều càng cần thiết ngày nay, trong những biến chuyển phức tạp của xã hội hoàn cầu hóa, trong đó một số hình thức làm phúc bố thí và trợ giúp, tuy được những ý hướng quảng đại thúc đẩy, nhưng chúng có nguy cơ nuôi dưỡng những hình thức bóc lột và bất hợp pháp, không mang lại những lợi ích thực sự và lâu bền”.

Sau cùng, Ðức Thánh Cha khẳng định rằng “Tấm gương của thánh Vinh Sơn thúc đẩy chúng ta dành chỗ và thời giờ cho người nghèo, những người nghèo mới này nay, quá nhiều người nghèo hiện nay, biến những tư tưởng và cơ cực của họ thành của chúng ta, vì một Kitô giáo không có tiếp xúc với những người đau khổ thì trở thành một Kitô giáo thiếu thực tế, không có khả năng động chạm đến thân mình Chúa Kitô. Gặp gỡ người nghèo, dành ưu tiên cho người nghèo, mang lại tiếng nói cho người nghèo, để sự hiện diện của họ không bị thứ văn hóa phù du bóp nghẹt. Tôi nồng nhiệt hy vọng việc cử hành Ngày Thế giới người nghèo vào Chúa Nhật 19 tháng 11 tới đây sẽ giúp chúng ta “trong ơn gọi theo Chúa Giêsu nghèo”, ngày càng trở thành dấu chỉ cụ thể rõ ràng hơn về tình bác ái của Chúa Kitô đối với những người rốt cùng và túng thiếu nhất, và phản ứng chống lại thứ văn hóa gạt bỏ và phung phí”

8. Đức Hồng Y Oswald Gracias bày tỏ nỗi buồn sau khi nhiều người Ấn chen lấn đạp lên nhau chết tại Mumbai

Ít nhất 22 người đã chết trong một tai nạn bi thảm diễn ra vào buổi sáng thứ Sáu 29 tháng 9 tại một nhà ga ở Mumbai. Mưa lớn đã khiến nhiều người đi làm trễ. Khi 4 chiếc tàu điện đến cùng một lúc tại ga Parel của thành phố Mumbai, đám đông đã chen lấn dữ dội để kịp đón tàu. Bất ngờ, lại có một tiếng nổ lớn khiến đám đông náo loạn. Hậu quả là nhiều người bỏ chạy tán loạn dẫm đạp lên những người khác khiến ít nhất 22 người chết và hàng chục người khác bị thương.

Đức Hồng Y Oswald Gracias nói với tờ Crux rằng người dân của Tổng Giáo phận Bombay đang than khóc những người bị thiệt mạng trong tai nạn.

Ngài nói:

“Tôi đau đớn khôn tả trước bi kịch này. Có rất nhiều mạng sống đã bị cướp đi ngay lập tức.”

“Lời cầu nguyện và lời chia buồn của chúng tôi xin được gởi đến những gia đình đã mất người thân của họ trong bi kịch này. Thành phố của chúng ta đang chịu đau khổ vì sự mất mát những mạng sống. Nguyện xin Thiên Chúa ban cho họ cuộc sống vĩnh cửu. “

Bộ Đường sắt Ấn Độ đang điều tra thảm hoạ, nhưng cơ sở hạ tầng lụn bại của Mumbai từ lâu đã phải vật lộn để đáp ứng nhu cầu dân số ngày càng gia tăng của thành phố này.

Thành phố Mumbai - trước đây gọi là Bombay - hiện có hơn 20 triệu dân, gấp hơn hai lần dân số 20 năm trước đây.

Ước tính trên 6 triệu người đi tàu điện mỗi ngày trong khu vực đô thị, và vào giờ cao điểm, xe lửa thường chiếm ba lần số lượng hành khách theo thiết kế ban đầu.

Hơn 3,000 người chết vì tai nạn trên mạng lưới đường sắt Mumbai mỗi năm.

9. Những diễn biến căng thẳng liên quan đến chuyến tông du Miến Điện cuả Đức Thánh Cha Phanxicô

Trong một cuộc phỏng vấn dành cho Tạp Chí Time, Đức Hồng Y Bo, là Tổng Giám Mục Yangon, tỏ ý hy vọng rằng chuyến viếng thăm sắp tới của Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ “đem lại hàn gắn, chứ không phải hận thù”. Điều quan trọng là tháo ngòi căng thẳng và tức giận trong vùng, và do đó ngài đề nghị Đức Thánh Cha nên tránh các từ “diệt chủng” hay “thanh trừng sắc tộc”.

Riêng về Bà Suu Kyi, ngài cho rằng bà “ở trong một vị thế khá lúng túng về chính trị” vì quân đội vẫn kiểm soát phần lớn guồng máy chính phủ và hiện không có ý chí chính trị nào trong nước hỗ trợ số phận của người Rohingya.

Chính vì vậy, Đức Hồng Y tỏ ra thông cảm với bà Suu Kyi. Ngài hy vọng nếu còn tiếp tục hoạt động trong guồng máy chính trị, bà Suu Kyi có thể từ từ đẩy quân đội qua bên lề.

Đức Hồng Y Bo giải thích thêm về việc sử dụng ngôn từ ở Miến Điện: “Ở Miến Điện, cái tên hết sức quan trọng. Chính đất nước cũng chưa nhất định về cái tên của mình. Myanmar/Burma là tên quốc tế. Myanmar là tên của Hội Đồng Quân Sự. Các nhà tranh đấu dân chủ, trong đó có Aung San Suu Kyi, từ khước không chấp nhận tên này và tiếp tục dùng tên Burma. Nhiều nước Tây Phương cũng tiếp tục dùng tên Burma”.

Ngài cho hay chữ “Rohingya” cũng gây tranh luận như thế. Nó là hạn từ nặc mùi chính trị. Không dùng nó sẽ làm các nhóm ủng hộ người Rohingya nổi sùng. Dùng nó sẽ bị người Miến Điện, quân đội và chính phủ Miến lên án.

Trong một văn thư gửi cho thông tấn Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc, Đức Hồng Y cho biết thêm: vấn đề người Rohingya rất tế nhị. Bất cứ nhận định nào của Đức Giáo Hoàng về người Rohingya cũng có thể gây phẫn nộ cho những người duy quốc gia: đối với họ người Rohingya không phải là người Miến mà là người Bengal, không có quyền sống trên đất nước Miến Điện.

Chính vì thế, theo Đức Hồng Y, để tránh gây căng thẳng, Đức Phanxicô “không nên dùng hạn từ Rohingya” nhưng nên nói tới các quyền nhân đạo của những người Hồi Giáo tại Rakhine đang đau khổ”.

10. Đức Hồng Y Raymond Leo Burke được tái bổ nhiệm vào Tòa Ân Giải Tối Cao

Đức Thánh Cha Phanxicô đã tái bổ nhiệm Đức Hồng Y Raymond Leo Burke vào Tòa Ân Giải Tối Cao, gần ba năm sau khi đã thuyên chuyển ngài khỏi cơ quan này.

Sáng thứ Bẩy ngày 30 tháng 9, Tòa Thánh đã công bố quyết định này. Cùng với Đức Hồng Y Raymond Leo Burke, Đức Hồng Y Agostino Vallini, Đức Hồng Y Edoardo Menichelli, Đức Tổng Giám Mục Frans Daneels, và Đức Cha Johannes Willibrordus Maria Hendriks cũng đã được bổ nhiệm vào các chức vụ khác nhau trong Tòa án cao nhất của Tòa thánh.

Đức Hồng Y Burke đã phục vụ tại Tòa Thánh trong chức vụ Chánh Tòa Ân Giải Tối Cao trong sáu năm trước khi bị thuyên chuyển vào năm 2014 sang làm linh hướng cho Dòng Malta, một chức vụ chỉ có tính cách nghi lễ. Việc loại bỏ một Hồng Y cao cấp mà không trao cho ngài những trách nhiệm tương đương ở nơi khác được nhiều người xem là một điều không bình thường.

Đức Hồng Y Burke đã trở thành một người bảo vệ vững mạnh cho giáo huấn truyền thống của Giáo Hội và là một trong bốn Hồng Y đã ký vào 'dubia' (những điểm hồ nghi) để yêu cầu Đức Thánh Cha Phanxicô làm sáng tỏ về tông huấn Amoris Laetitia.

11. Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh kêu gọi đối thoại về tông huấn Amoris Laetitia

Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, nói rằng điều “quan trọng là phải có đối thoại ngay cả trong Giáo Hội”. Ngài đã đưa ra lập trường trên để đáp lại bản tuyên bố ‘Sửa sai trong tình con thảo’ - ‘filial correction’ – vừa được công bố hôm Chúa Nhật 24 tháng 9, 2017.

Theo hãng tin ANSA của Ý, Đức Hồng Y đã đưa ra nhận xét trên trong khi phát biểu tại một cuộc hội thảo về các tín hữu Kitô Iraq.

Đức Hồng Y nói: “Những người không đồng ý bày tỏ sự bất đồng của họ, nhưng về những điều này, chúng ta phải có lý luận, phải cố gắng để hiểu nhau.”

Với những nhận xét này, Đức Hồng Y Parolin đã trở thành viên chức cao cấp nhất của Vatican bình luận về văn kiện này cho đến nay.

Tuyên bố ‘Sửa sai trong tình con thảo’, ban đầu được ký bởi 62 linh mục và các nhà nghiên cứu, đã cáo buộc Đức Thánh Cha Phanxicô tuyên truyền lạc giáo qua Tông Huấn Amoris Laetitia được ban hành vào năm 2016.

Mặc dù, văn kiện không quy kết chính Đức Thánh Cha là lạc giáo, nhưng tài liệu cho rằng Amoris Laetitia, kết hợp với những hành động và những thiếu sót nhất định có thể dẫn người Công Giáo đến chỗ lầm lạc.

Sau khi tuyên bố được đưa ra, nhiều người khác, bao gồm một giám mục về hưu và giám đốc nghiên cứu của Trung tâm Khoa học và Tôn giáo Ian Ramsey tại Đại học Oxford, cũng đã tham gia cùng những người ký tên ban đầu.

12. Chương trình chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 1 tháng 10, 2017

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Trong phần còn lại của chương trình, chúng tôi xin giới thiệu với quý vị và anh chị em chuyến tông du miền bắc nước Ý của Đức Thánh Cha diễn ra vào hôm Chúa Nhật 1 tháng 10.

Theo lời mời của Đức Cha Matteo Maria Zuppi, là Tổng Giám Mục Bologna; và Đức Cha Douglas Regattieri, là Giám mục Cesena-Sarsina, Đức Thánh Cha Phanxicô đã thăm viếng hai thành phố Cesena và Bologna ở miền bắc Ý vào ngày Chúa Nhật, 1 tháng 10.

Chuyến thăm viếng mục vụ của ngài trùng với lễ kỷ niệm 300 năm ngày sinh Đức Giáo Hoàng Piô VI vào năm 1717. Ngài là vị Giáo Hoàng đã cai quản Giáo Hội từ ngày 15 tháng 2 năm 1775 cho đến khi qua đời vào ngày 29 tháng 8 năm 1799.

Một bản thông cáo của Tổng Giáo phận Bologna cũng cho hay chuyến thăm viếng mục vụ của Đức Thánh Cha diễn ra trong “dịp hội nghị Thánh Thể Giáo phận”, trong đó các tín hữu được mời gọi để canh tân những nỗ lực của họ trong việc truyền bá, và học hỏi Kinh Thánh.

Lúc 07 giờ sáng, Đức Thánh Cha khởi hành từ sân bay trực thăng của Vatican. Sau một giờ bay, vào lúc 8 giờ sáng ngài đáp xuống sân máy bay trực thăng tại Hippodrome thuộc thành phố Cesena. Đức Thánh Cha xe di chuyển bằng xe đến quảng trường Piazza del Popolo nơi ngài gặp gỡ người dân địa phương.

13. Cuộc gặp gỡ với các linh mục, nam nữ tu sĩ giáo phận Cesena.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Tại Nhà thờ chính tòa thánh Gioan Tẩy giả của giáo phận Cesena lúc 9 giờ, Đức Thánh Cha đã gặp hơn 1 ngàn người ngồi chật thánh đường, gồm các linh mục, tu sĩ nam nữ, các phó tế vĩnh viễn cùng với gia đình, 6 chủng sinh, và đại diện Hội đồng mục vụ của 95 giáo xứ trong giáo phận.

Trong bài huấn dụ sau lời chào mừng và giới thiệu của Đức Giám Mục giáo phận, Douglas Regattieri, Đức Thánh Cha cho biết sự hiện diện của ngài tại đây là để bày tỏ sự gần gũi và khích lệ các giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân tại đây trong sứ mạng chính yếu là “loan báo và vui mừng làm chứng cho Tin Mừng”. Ngài nói:

“Việc loan báo Tin Mừng sẽ hiệu quả hơn khi được thực hiệp trong sự tâm đầu ý hiệp và với sự cộng tác chân thành giữa tất cả các thực tại Giáo Hội và các nhân viên mục vụ khác nhau, họ tìm được nơi Đức Giám Mục một điểm tham chiếu chắc chắn và gắn bó hòa hợp. Tinh thần đồng trách nhiệm là ý tưởng chủ yếu để tiến hành công việc chung trong lãnh vực huấn giáo, giáo dục Công Giáo, thăng tiến con người và bác ái, cũng như trong sự can đảm tìm kiếm những hình thức mới để cộng tác và làm cho Giáo Hội hiện diện trên lãnh thổ này, đứng trước những thách đố mục vụ và xã hội. Nguyên sự kiện nhìn thấy một Giáo Hội cố gắng tiến bước trong tình huynh đệ và hiệp nhất, thì đó đã là một chứng tá đức tin hữu hiệu rồi. Khi tình yêu trong Chúa Kitô chiếm chỗ trổi vượt hơn mọi sự, kể cả những đòi hỏi đặc thù hợp pháp, thì khi ấy chúng ta có khả năng ra khỏi mình, không qui trọng tâm vào bản thân và nhóm của mình, nhưng luôn qui hướng về Chúa Kitô, và ra đi gặp gỡ anh chị em.”

Sau khi nói đến đường hướng tổng quát và chủ yếu trên đây, Đức Thánh Cha mời gọi các giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân ở Cesena đặc biệt quan tâm đến những “vết thương” của Chúa Kitô còn hiển hiện nơi nhiều người đau khổ, những người bị thương tổn trong cuộc sống, theo gương thánh Vinh Sơn Phaolô, người đã khởi xướng một cuộc “cách mạng” bác ái thực sự tại Pháp cách đây 400 năm.

Đức Thánh Cha cũng nhắn nhủ mọi người đặc biệt dành chỗ thích hợp cho việc cầu nguyện và suy gẫm Lời Chúa, “đó là sức mạnh sứ mạng của chúng ta, như thánh nữ Têrêsa Calcutta chứng tỏ... Liên lỷ gặp Chúa trong kinh nguyện, đó là điều không thể thiếu được đối với các linh mục và những người thánh hiến, cũng như cho các nhân viên mục vụ, được kêu gọi ra khỏi “mảnh vườn” bé nhỏ của mình để đi tới những môi trường ngoại ô của cuộc sống.”

Sau cùng, Đức Thánh Cha đặc biệt kêu gọi các nhân viên mục vụ của Giáo Hội quan tâm nhiều hơn đến giới trẻ, làm sao để họ trở thành những tông đồ trẻ của người trẻ. Tiếp đến là quan tâm đến các gia đình, hoạt động với họ và cho họ. Và ngài nói:

“Anh chị em thân mến, đừng nản chí trước những khó khăn. Anh chị em hãy kiên trì làm chứng cho Tin Mừng, đồng hành với nhau: linh mục, tu sĩ, phó tế và giáo dân. Trên đường đi, anh chị em luôn cảm thấy được sức mạnh của Chúa Thánh Linh đồng hành và nâng đỡ”.

Sau bài huấn dụ trên đây, Đức Thánh Cha đến Nhà nguyện Đức Mẹ Dân Chúng để chủ sự buổi chầu Mình Thánh Chúa, trước khi đáp trực thăng lúc 10 giờ bay đến trung tâm tiếp đón người di dân và tị nạn ở thành Bologna cách đó gần 100 cây số.

14. Cuộc gặp gỡ với các bạn trẻ di dân

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Sau hai mươi phút di chuyển bằng trực thăng, Đức Thánh Cha đã đến thành phố Bologna.

Đến nơi vào lúc 10 giờ 20 phút, Đức Thánh Cha có cuộc gặp gỡ với những người nhập cư trẻ tuổi đến Ý bằng đường biển. Họ là những người đã trải qua những giờ phút khó khăn và nguy hiểm đến mạng sống khi vượt biển Địa Trung Hải để đến Ý.

Ngỏ lời với 500 người trong cuộc gặp gỡ chung, Đức Thánh Cha cho biết ngài muốn cuộc gặp gỡ tại đây là cuộc gặp gỡ đầu tiên ở thành Bologna này, đồng thời nhận xét rằng:

“Nhiều người không biết anh chị em và họ lo sợ. Thái độ sợ hãi này làm cho họ cảm thấy có quyền xét đoán và họ làm điều này một cách gay gắt, lạnh lùng và tưởng là mình nhìn thấy rõ. Nhưng không phải như vậy. Người ta chỉ nhìn thấy rõ khi ở gần với lòng từ bi. Nếu không có sự gần gũi, từ bi như thế, thì tha nhân chỉ là một người xa lạ, thậm chí là một kẻ thù, không thể trở thành người thân cận của ta được... Nếu chúng ta nhìn tha nhân mà không có lòng từ bi thương xót, thì chúng ta không thể thấy đau khổ và các vấn đề của họ. Ngày hôm nay, tôi chỉ thấy ở đây bao nhiều ước muốn thân thiện và trợ giúp... Nơi anh chị em, cũng như nơi mỗi ngoại kiều gõ cửa nhà chúng ta, Chúa Giêsu Kitô, Đấng đồng hóa với ngoại kiều, trong mọi thời đại và mọi hoàn cảnh, Ngài được đón nhận hoặc phủ nhận (Xc Mt 25,35.43)

Đức Thánh Cha tái cổ võ việc tiếp nhận người di dân và tị nạn, và nói:

“Tôi thực sự tin rằng cần có thêm nhiều quốc gia chấp nhận các chương trình hỗ trợ cá nhân và cộng đồng dành cho việc tiếp đón và mở ra những hành lang nhân đạo cho những người tị nạn ở trong những tình cảnh khó khăn hơn, để tránh những chờ đợi dài dẵng và phí thời giờ, có thể gây ra thất vọng. Sự hội nhập bắt đầu bằng sự nhận biết. Tiếp xúc với tha nhân sẽ giúp khám phá “bí quyết” của mỗi người và cả những năng khiếu của họ, cởi mở để đón nhận những mong đợi hợp pháp của họ, và nhờ đó học cách yêu mến họ hơn, vượt thắng sợ hãi, giúp họ hội nhập vào cộng đồng mới đón tiếp họ.

Đức Thánh Cha cũng nói với những người di dân và tị nạn rằng:

“Trong tâm hồn tôi, tôi muốn mang những lo sợ, khó khăn, rủi ro, và cảm giác bấp bênh của anh chị em.. mang những người anh chị em yêu mến, và vì họ anh chị em lên đường tìm kiếm một tương lai. Mang họ trong đôi mắt và tâm hồn, sẽ giúp anh chị em làm việc hơn nữa để có một thành thị đón tiếp và có khả năng mang lại cơ hội cho tất cả mọi người. Vì thế, tôi khuyên anh chị em hãy cởi mở đối với nền văn hóa tại thành phố này, sẵn sàng tiến bước trên con đường được chỉ rõ qua các luật lệ của đất nước này”.

Giáo Hội là một người Mẹ không phân biệt và yêu thương mỗi người như Con Cái Thiên Chúa là hình ảnh của Chúa. Bologna là một thành phố vẫn luôn nổi tiếng về tinh thần tiếp đón. Sự tiếp đón này được canh tân qua bao nhiêu kinh nghiệm về tình liên đới, đón tiếp trong các giáo xứ và các cơ sở tôn giáo, và cả trong nhiều gia đình và cơ cấu xã hội.

Trong lời kết thúc, Đức Thánh Cha đã gọi những người di dân và tị nạn là “những người chiến đấu cho niềm hy vọng!”.

15. Đức Thánh Cha kêu gọi liên đới với những người thất nghiệp

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Sau cuộc gặp gỡ anh chị em di dân và tị nạn, lúc giữa trưa, Đức Thánh Cha đến Quảng trường trung tâm của Bologna, một thành phố có 390 ngàn dân cư, để gặp gỡ giới lao động và chủ sự buổi đọc Kinh truyền Tin.

Ngỏ lời với hàng ngàn người trong dịp này sau lời chào mừng của Đức Tổng Giám Mục sở tại Matteo Zuppi , Đức Thánh Cha ca ngợi tinh thần đối thoại giữa các thực tại xã hội ở Bologna để ra khỏi những cuộc khủng hoảng và xây dựng tương lai. Và từ lâu tại đây đã có một kinh nghiệm cộng tác, các hợp tác xã, nảy sinh từ kinh nghiệm về tình liên đới. Ngài nói:

“Chúng ta đừng bao giờ đặt tình liên đới phải tùng phục tiêu chuẩn lợi lộc tài chánh, vì nếu làm như thế, tôi có thể nói là chúng ta cướp mất tình liên đới với những người yếu thế đang rất cần nó. Tìm kiếm một xã hội công bằng hơn không phải là một giấc mơ quá khứ nhưng là một sự dấn thân, một công việc mà tất cả mọi người đều cần.

“Tình trạng người trẻ thất nghiệp và của bao nhiêu người khác bị mất công ăn việc làm và không hội nhập được vào thị trường lao động là điều mà không bao giờ chúng ta được trở nên quen thuộc, coi chúng như thể chỉ là những con số thống kê mà thôi.”

Đức Thánh Cha cũng nhận xét rằng: “Cuộc khủng hoảng kinh tế có một chiều kích Âu Châu và hoàn cầu, và như chúng ta biết, nó cũng là một cuộc khủng hoảng luân lý đạo đức, khủng hoảng tinh thần và nhân bản. Nơi căn cội cuộc khủng hoảng này có một sự phản bội công ích từ phía cá nhân cũng như từ phía các nhóm quyền lực. Vì thế, cần phải loại bỏ thái độ coi luật lệ lợi lộc là trọng tâm và đặt con người và công ích ở vị trí trung tâm. Nhưng để cho vị trí trung tâm ấy được thực sự và hữu hiệu, thì không phải chỉ tuyên bố xuông, nhưng còn phải gia tăng những cơ hội kiến tạo công ăn việc làm xứng đáng. Đây chính là một công tác của toàn thể xã hội: đặc biệt trong giai đoạn này, toàn thể xã hội, với những thành phần khác nhau, đều được kêu gọi hết sức cố gắng để công ăn việc làm, vốn là yếu tố đầu tiên của phẩm giá, trở thành một quan tâm chủ yếu.

Sau bài huấn dụ ngắn trên đây, Đức Thánh Cha đã mời mọi người cùng đọc kinh Truyền Tin và ngài ban phép lành cho mọi người. Rồi ngài tiến vào Vương cung thánh đường thánh Petronio ở ngay quảng trường, để dùng bữa trưa với 1 ngàn người nghèo tại đây. Thánh đường hùng vĩ này có 5 ngàn chỗ ngồi.

Đầu bữa ăn, Đức Thánh Cha nói với các thực khách nghèo rằng:

“Anh chị em ở trung tâm của ngôi nhà này. Giáo Hội muốn anh chị em ở giữa. Giáo Hội là của tất cả mọi người, đặc biệt là của những người nghèo. Tất cả chúng ta đều là những người được mời, và chỉ nhờ ơn thánh của Chúa. Đó là một mầu nhiệm tình thương nhưng không của Thiên Chúa, Đấng muốn cho chúng ta trở thành con cái của Ngài ở đây, không phải do công trạng, nhưng là do tình thương của Chúa.”