Ngày 03-10-2017
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thi ca suy niệm Chúa Nhật tuần 27 thường niên
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
13:27 03/10/2017
Chúa Nhật 27 THƯỜNG NIÊN. A
(Mt. 21:33-43)
SỨ MỆNH


Vườn nho ông chủ mới trồng,
Chung quanh rào dậu, ra công xây tường.
Đào hầm ép rượu đo lường,
Tháp canh kiểm soát, ngõ đường lối đi.
Tá điền thuê mướn lo chi,
Tới mùa thu lợi, thực thi công bình.
Chủ sai đầy tớ về trình,
Thu phần lợi tức, phân minh rõ ràng.
Lòng tham dạ ác bẽ bàng,
Bắt giam đánh đập, chẳng màng quản cai.
Số đông thân cận được sai,
Tệ hơn ứng xử, họa tai từng người.
Con trai yêu quí trong đời,
Cha sai con đến, gọi mời nghĩ suy.
Tá điền lòng dạ vong suy,
Đứa con thừa tự, gây nguy gia tài.
Lôi ra giết bỏ bên ngoài,
Vườn nho chiếm lấy, lỗi sai phạt bù.
Chủ nhà tru diệt bỏ tù,
Tìm người công chính, trùng tu xóm làng.

Trước khi về trời, Chúa Giêsu đã trao sứ vụ và quyền năng cho các tông đồ, để các ngài tiếp tục mở mang Giáo Hội. Chúa dùng dụ ngôn để nói lên hiện trạng của Nước Chúa ở trần gian.

Để chuẩn bị thiết lập Giáo Hội, Chúa đã chọn một dân tộc và đã chuẩn bị họ để đón nhận Đấng Cứu Thế. Trải qua lịch sử Cứu Độ, dân tộc được Chúa chọn làm dân riêng đã quay lưng lại với Chúa. Họ từ khước các tiên tri và chối bỏ chính người con yêu được sai đến với họ. Họ muốn được tự lập và muốn chiếm đoạt gia sản của Chủ.

Xã hội nơi chúng ta đang sinh sống cũng có những chiếm đoạt như thế. Nhiều người muốn loại trừ Chúa ra khỏi xã hội và cuộc sống. Họ tìm mọi cách để thoát ra khỏi ràng buộc của các luật lệ và giới răn. Con người muốn làm chủ sự sống và muốn được quyết định cho sự sống mình. Họ coi mạng sống con người chỉ là những con số. Hàng năm, với mức độ phá thai trên khắp thế giới đã đến mức kỷ lục.

Truyền thông lên tiếng bảo vệ con người, nhưng cùng lúc tìm cách hạn chế và giết chết thai nhi khi còn trong cung lòng người mẹ. Họ không muốn chia xẻ niềm vui với người khác để được làm con người và con Chúa. Họ muốn ôm đồm mọi cái là của riêng. Họ muốn tẩy chay các huấn lệnh của Chúa và Giáo Hội, rồi hủy bỏ niềm hy vọng của tin mừng sự sống.

Qua các thời đại, Chúa vẫn tiếp tục gởi các ngôn sứ để mời gọi con người ý thức sứ mệnh của mình. Mỗi người chúng ta có bổn phận bảo vệ sự sống và xây dựng một xã hội tốt đẹp, một Giáo Hội thánh thiện và mong ngày sau cùng chung hưởng hạnh phúc thiên đàng.

THỨ HAI, TUẦN 27 THƯỜNG NIÊN
(Lc 10, 25-37).
LUẬT YÊU THƯƠNG


Một người thông luật hỏi rằng:
Làm sao được sống vĩnh hằng, Thầy ơi.
Ghi trong sách luật bao lời,
Trả lời thông suốt, một thời trông mong.
Mến yêu Thiên Chúa hết lòng,
Linh hồn hết sức, theo dòng thời gian.
Thứ hai yêu mến tỏa lan,
Bà con bạn hữu, chứa chan ân tình.
Điều răn ghi nhớ hết mình,
Chúa thương ưu ái, dủ tình ủi an.
Yêu người mến Chúa liên can,
Dụ ngôn Chúa dậy, sẻ san thực hành.
Một người bị đánh tan tành,
Kẻ thương giúp đỡ, thi hành ái nhân.
Yêu người đã dám xả thân,
Hy sinh nâng đỡ, khi cần cứu nguy.

THỨ BA, TUẦN 27 THƯỜNG NIÊN
(Lc 10, 38-42).
LẮNG NGHE


Đi vào làng nhỏ ghé thăm,
Hai người phụ nữ, chuyên chăm việc nhà.
Mar-tha vồn vã mặn mà,
Tâm tình hiếu khách, thật thà đáng khen.
Dọn nhà dọn cửa chưng đèn,
Nấu cơm dọn bữa, sang hèn quý thay.
Ma-ry tiếp Chúa nơi này,
Ngồi nghe Chúa giảng, cả ngày bên chân.
Chọn phần tốt nhất tinh thần,
Lắng nghe lời Chúa, ân cần xét suy.
Mar-tha bận bịu phụ tùy,
Long đong lận đận, phát huy bên ngoài.
Tay chân lao động mệt nhoài,
Lắng lo nhiều chuyện, cũng hoài công thôi.
Cuộc đời như áng mây trôi,
Ma-ry nghe Chúa, chọn ngồi ngay bên.

THỨ TƯ, TUẦN 27 THƯỜNG NIÊN
(Lc 11, 1-4).
CẦU NGUYỆN


Chúa lên cầu nguyện sườn đồi,
Cha Con kết hợp, một hồi đã lâu.
Môn đồ đứng đợi vội tâu,
Xin Thầy chỉ dậy, lời cầu dâng Cha.
Tình yêu Thiên Chúa bao la,
Nguyện cầu dâng tiến, ngợi ca danh Người.
Lạy Cha, Đấng ngự trên trời,
Nguyện danh cả sáng, cao vời thiên cung.
Nước Cha trị đến tôn sùng,
Ban cho lương thực, đủ dùng thế nhân.
Xin thương tha nợ gian trần,
Chúng con đền đáp, cũng cần tha nhau.
Đừng xa cám dỗ, tránh mau,
Không rơi sự dữ, thương đau chất chồng.
Sáng danh Thượng Đế Hóa Công,
Con người thụ tạo, ngước trông kính thờ.

THỨ NĂM, TUẦN 27 THƯỜNG NIÊN
(Lc 11, 5-13).
CẦU XIN


Đêm khuya bạn hữu đến gần,
Trước nhà gõ cửa, tôi cần giúp ngay.
Bạn tôi ghé lại đêm nay,
Không gì thiết đãi, tới vay bạn hiền.
Anh ơi, trời tối đừng phiền,
Con tôi đã ngủ, mặt tiền cài then.
Tôi không chỗi dậy thắp đèn,
Cho vay chiếc bánh, bon chen quấy rầy.
Kiên tâm năn nỉ nơi đây,
Chủ nhà nao núng, sợ gây bất bình.
Ông ta không dậy vì tình,
Nhưng vì quấy rối, bực mình cho vay.
Ai xin thì được có ngay,
Ai tìm thì gặp, cơ may trong đời.
Chúa Cha, Đấng ngự trên trời,
Rộng ban ân phúc, cho người cầu xin.

THỨ SÁU, TUẦN 27 THƯỜNG NIÊN
(Lc 11, 15-26).
ĐOÀN KẾT


Đám đông dân chúng xầm xì:
Thầy nhờ tướng quỷ, mà đì quỉ con.
Nghi ngờ quyền phép Chúa Con,
Họ đòi dấu lạ, lại còn sinh nghi.
Chúa rành biết ý muốn gì,
Trong lòng nghi vấn, chỉ vì tà tâm.
Nước nào chia rẽ khơi mầm,
Cửa nhà sụp đổ, nguy lầm phá tan.
Bê-el-giê-bút Sa-tan,
Nước nào chia rẽ, hoang tàn ngay thôi.
Uy quyền trừ quỷ tinh khôi,
Ngón tay Thiên Chúa, trừ nôi quỷ thần.
Ai không thu quén góp phần,
Là người phân tán, xa dần lối ngay.
Chúa thương cứu giúp đời này,
Xua trừ ma quỷ, bàn tay Chúa Trời.

THỨ BẢY, TUẦN 27 THƯỜNG NIÊN
(Lc 11, 27-28).
THỰC HÀNH


Ba năm giảng dậy truyền rao,
Nước Trời mạc khải, biết bao sự lành.
Ngôi Lời Thiên Chúa ẩn danh,
Hạ thân giáng thế, thi hành lệnh Cha.
Nhiệm mầu ẩn dấu bao la,
Quyền năng tuyệt đối, hải hà hồng ân.
Ơn ban cứu độ nhân trần,
Mở lòng mở trí, tinh thần phát huy.
Đám đông dân chúng so bì,
Phúc thay lòng dạ, đại bi sinh Thầy.
Dưỡng nuôi chăm sóc đong đầy,
Đền ơn đáp nghĩa, dựng xây Nước Trời.
Yêu thương tình Chúa cao vời.
Mở lòng đón nhận, mọi người thế gian.
Lắng nghe Lời Chúa trao ban,
Thực hành tuân giữ, vạn ngàn phúc vinh.
 
Chúa nhật XXVII thường niên năm – A
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
15:14 03/10/2017
Chúa Là Đấng Trung Tín

(Mt 21, 33-43)

Hôm nay chúng ta quan sát điều gọi là mầu nhiệm khước từ Thiên Chúa nói chung và cụ thể là Chúa Giêsu Kitô . Ngạc nhiên thay cho sự cứng đầu cứng cổ của con người trước tình yêu bao dung của Thiên Chúa.

Điều ấy ngụ ý nói, dụ ngôn này liên quan đến việc người Do Thái khước từ Chúa Giêsu: “Sau cùng chủ sai chính con trai mình đến với họ, vì nghĩ rằng: Họ sẽ kính nể con trai mình. Nhưng bọn làm vườn vừa thấy con trai ông chủ liền bảo nhau: 'Đứa con thừa tự kia rồi, nào anh em! Chúng ta hãy giết nó đi và chiếm lấy gia tài của nó'. Rồi họ bắt cậu, lôi ra khỏi vườn nho mà giết.” (Mt 21, 37-39) Thật không thể hiểu nổi : Chúa Giêsu Kitô “Đấng Mêsia”, Đấng mà người Do thái mong đợi đến cứu dộ trần gian. Vậy mà khi Người đến, họ lại khước từ.

Khi tôi ở Đất Thánh, người ta có phát cho tôi một tờ hướng dẫn du lịch, trong đó có in thông tin về những người Do Thái nổi tiếng nhất trong lịch sử Do thái: từ Maisen, Giêđêôn và Giôsuê đến Ben Guriôn, người sáng lập Nhà nước Israel. Tuy nhiên, lại không có một chút thông tin nào về Chúa Giêsu. Dù Chúa Giêsu là người nổi tiếng nhất trong lịch sử Do thái : dầu đã chết cách đây gần 2000 năm, nhưng hôm nay cả thế giới biết đến.

Theo dòng thời gian những bậc vĩ nhân ấy luôn được tôn trọng nhưng không còn được yêu nữa. Ngày nay, người ta không thích Cervantê hay Michel Angelô. Trái lại, Chúa Giêsu là người được yêu thích nhất trong lịch sử. Trên thế giới có hàng ngàn người nam cũng như nữ đã hiến dâng mình cho Chúa. Có những người đã đổ máu đào vì Chúa, một số khác sống từng ngày cho Chúa.

Chúa Giêsu là người có ảnh hưởng nhất trong lịch sử. Các giá trị đạo đức có hiệu lực ở mọi nơi đều có nguồn gốc Kitô giáo. Không chỉ vậy, mà còn hơn thế nữa, ngày nay Chúa Giêsu rất gần với thời đại chúng ta, ngay cả những người Do Thái, (“người anh cả của chúng ta trong đức tin”, nói theo kiểu Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II). Chúng ta hãy cầu xin Chúa cách riêng cho người Do Thái đã hoán cải theo Chúa Kitô, những nhân vật vĩ đại này sẽ có lợi cho toàn thể thế giới.

Qua dụ ngôn, Chúa Giêsu diễn tả tương quan giữa Thiên Chúa với người Do thái, đồng thời phác họa lịch sử tương quan của Thiên Chúa với toàn thể nhân loại chúng ta. Chúng ta có thể trách cứ dân Israel hay cha ông họ là những tá điền sát nhân, vì chẳng những từ chối tình yêu thương của Thiên Chúa mà còn giết hại chính Con Một Ngài. Coi chừng câu nói : “Đứa con thừa tự kia rồi, nào anh em! Chúng ta hãy giết nó đi và chiếm lấy gia tài của nó” (Mt 21,38) lại là của chính chúng ta. Bởi lẽ, ngày hôm nay chúng ta phải nói rằng Chúa Giêsu đã “bị quăng ra ngoài vườn nho,” bị quăng ra ngoài bởi những người xưng mình là Kitô hữu, hay là có khi phản Kitô hữu. Những lời nói của những tá điền vườn nho dội lên không bằng lời thì cũng ít nhất bằng những việc làm trong xã hội tục hóa ngày nay. Nhân loại tục hóa muốn làm người thừa tự, làm ông chủ.

Chúng ta tự hỏi: Tôi đã chuẩn bị thế nào để Chúa Kitô sống trong tôi? Tôi đáp trả tình yêu vô biên của Chúa dành cho tôi bằng cách nào? Tôi đã tình cờ quăng Người ra ngoài nhà tôi, ngoài sự sống của tôi; nghĩa là tôi đã quên và không biết Chúa Kitô chăng?

Thiên Chúa vẫn một lòng trung tín. Tình yêu của Ngài mạnh hơn tội lỗi và sự bất trung của con người. Ngài tiếp tục sai chính Con Một Ngài đến trao nộp vì chúng ta để bảo đảm cho tới cùng tình yêu trao ban cứu độ thế gian.

Lịch sử nhân loại được hoàn tất nhờ cái chết trên Thập giá. Nhờ cái chết, Chúa Giêsu đã tiêu diệt sự dữ. Nhờ phục sinh, Thiên Chúa đã nâng con người lên bằng sức mạnh của tình yêu, Người đã tiêu diệt hận thù. “Chính viên đá bọn thợ loại ra, đã trở nên viên đá góc ” (Mt 21, 42), đền thờ Thiên Chúa được phục hồi. Vườn nho trở nên Vương Quốc của Giao Ước Mới, vì Nước Trời không bị phá hủy, từ nay “ Nước Thiên Chúa sẽ cất khỏi các ông để trao cho dân tộc khác biết làm cho trổ sinh hoa trái” (Mt 21, 43).

Ông chủ vườn nho nói : “Chúng sẽ nễ con Ta” (Mt 21, 37). Giờ đây, Cha trên trời sắp sai Con của Người đến với chúng ta trong Bí tích Mình và Máu Người. Ta có hiểu sự cao trọng lúc này không? Ta có sẵn sàng đón tiếp Người với sự sùng kính mà Chúa Cha mong đợi không?

Hôm nay chúng ta đọc lại lịch sử dân Chúa chọn để lên án sự loại bỏ Đức Kitô do Chúa Cha sai đến. Nhưng cũng ý thức về sự khốn cùng của chúng ta khi loại bỏ “viên đá góc”, lúc chúng ta có ý xây dựng thế giới này theo tiêu chí của chúng ta, tự coi mình là những ông chủ vườn nho của Chúa.

“Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, tình thương Chúa thật là cao cả, vượt xa mọi công trạng và ước muốn của con người, xin rộng tình tha thứ những lỗi lầm cắt rứt lương tâm chúng con, và thương ban những ơn trọng đại, lòng chúng con chẳng dám mơ tưởng bao giờ” (Lời nguyện Nhập lễ). Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Phóng sự đặc biệt: Ðức Thánh Cha gặp gỡ hàng ngàn giới trí thức và đại học Bologna
Vietcatholic Network
01:29 03/10/2017
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Ðức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi giới trí thức và đại học Bologna thăng tiến quyền văn hóa, quyền hy vọng và quyền hòa bình.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong cuộc gặp gỡ hàng ngàn giới trí thức và sinh viên Ðại học Bologna, bắc Italia, chiều Chúa Nhật mùng 1 tháng 10 năm 2017 trong khuôn khổ chuyến viếng thăm mục vụ dài 13 tiếng đồng hồ tại hai giáo phận Cesena và Bologna.

Lúc 4 giờ rưỡi chiều, Ðức Thánh Cha từ nhà thờ chính tòa thánh Phêrô của Bologna đến quảng trường trước Vương cung thánh đường Thánh Ðaminh. Ngài tiến vào Vương cung Thánh Ðường thánh Ða Minh, chào thăm hàng chục tu sĩ Ða Minh trong nhà thờ, rồi đến cầu nguyện trước mộ của thánh Ða Minh.

Tại đây, ngài cũng ghi vào sổ vàng lưu niệm những hàng chữ bằng tiếng Tây Ban Nha:

"Trước mộ Thánh Ða Minh, tôi đã cầu nguyện cho dòng Anh em Thuyết Giáo. Tôi đã cầu xin cho các phần tử của Dòng ơn trung thành với gia sản đã lãnh nhận. Tôi đã cám ơn Chúa vì tất cả những điều tốt lành mà các con cái Chúa đã làm cho Giáo Hội và tôi đã cầu xin như một món quà là sự gia tăng nhiều ơn gọi. Anh em Ða Minh thân mến: xin Chúa chúc lành cho anh em, và xin Ðức Trinh Nữ Thánh bảo vệ anh em, và xin anh em vui lòng đừng quên cầu nguyện cho tôi".

Sau đó, Ðức Thánh Cha mới tiến ra quảng trường bên ngoài, để gặp gỡ hàng ngàn người gồm các giáo sư, sinh viên, đại diện cho 85 ngàn sinh viên các ngành thuộc đại học kỳ cựu này.

Lên tiếng sau lời chào mừng của giáo sư viện trưởng, Ðức Thánh Cha nói:

"Từ gần 1 ngàn năm nay, Ðại Học Bologna là "một phòng thí nghiệm thuyết nhân bản: tại đây cuộc đối thoại với các khoa học đã mở ra một thời đại và hình thành thành phố này. Vì thế Bologna được gọi là "thông thái": thông thái nhưng không kiêu hãnh, chính nhờ Ðại học luôn cởi mở, giáo dục các công dân của thế giới và nhắc nhớ rằng căn tính của đại học này là căn tính căn nhà chung, universitas.

Ðức Thánh Cha cũng nhận xét rằng Ðại học Bologna cũng nổi tiếng vì sự tiếp đón dành cho các sinh viên đến từ những môi trường xa xăm và khó khăn, và đó là một dấu chỉ tốt đẹp: "ước gì Bologna là ngã tư ngàn đời của các cuộc gặp gỡ, đối chiếu và tương quan, và gần đây là chiếc nôi của dự án Erasmus, luôn luôn có thể vun trồng ơn gọi này!"

Ngài nhắc đến sự kiện Ðại học Bologna hình thành với việc nghiên cứu luật, và nói: điều này chứng tỏ Ðại học ở Âu Châu có những căn cội sâu xa nhất trong chủ thuyết nhân bản, mà các tổ chức dân sự và Giáo Hội, qua những vai trò khác nhau, đã góp phần vào. Chính Thánh Ða Minh cũng ngưỡng mộ sức sinh động của thành Bologna, với số sinh viên đông đảo đến đây để học dân luật và giáo luật. Bologna với Ðại học ở đây đã biết đáp ứng những nhu cầu của xã hội mới, thu hút những sinh viên muốn tìm hiểu. Thánh Ða Minh thường gặp gỡ họ. Theo một tường thuật, một học giả, ngạc nghiên về kiến thức của thánh nhân về Kinh Thánh, đã hỏi Người xem đã học từ những sách nào. Câu trả lời thời danh của Thánh Ða Minh là: "Tôi đã học trong cuốn sách bác ái hơn là trong những cuốn sách khác; cuốn sách này dạy mọi sự".

Ðức Thánh Cha đã đề nghị với mọi người 3 thứ quyền mà ngài thấy rất thời sự.

- Trước hết là: Quyền được văn hóa. Ðây không phải chỉ là quyền được học hành, nhưng còn là bảo vệ sự khôn ngoan, nghĩa là một kiến thức nhân bản và nhân bản hóa. Quá nhiều khi người ta bị ảnh hưởng của những lối sống tầm thường và phù du, thúc đẩy con người theo đuổi thành công rẻ tiền, coi rẻ hy sinh, nuôi dưỡng ý tưởng cho rằng việc học hành nghiên cứu là vô ích nếu không mang lại ngay những gì cụ thể. Không phải vậy, việc học giúp đặt những câu hỏi, nó giúp ta không bị tê liệt vì sự tầm thường, và giúp tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống.

Ðức Thánh Cha cũng nhắc nhở giới sinh viên và trí thức đại học đừng chiều theo khán thính giả, không theo những kịch bản gây phẫn nộ, thường che đậy những ích kỷ lớn, trái lại cần tận tụy hăng say với công tác giáo dục, nghĩa là rút ra những điều tốt đẹp nhất của mỗi người để mưu ích cho tất cả. Cần chống lại thứ ngụy văn hóa biến con người thành đồ phế thải, biến việc nghiên cứu thành lợi lộc và biến khoa học thành kỹ thuật. Cùng nhau chúng ta khẳng định một nền văn hóa xứng với con người, một nghiên cứu nhìn nhận những công lao, tưởng thưởng hy sinh, và một kỹ thuật không tùng phục những mục tiêu thương mại, một sự phát triển trong đó không phải tất cả những gì tiện dụng đều là điều hợp pháp".

- Thứ hai là: Quyền được hy vọng. Bao nhiêu người ngày nay đang cảm thấy cô đơn, bất an, cái vẻ nặng nề của sự bỏ rơi. Vì thế cần dành chỗ cho quyền hy vọng: đó là quyền không bị xâm chiếm hằng ngày vì những lời tuyên bố gây sợ hãi và oán ghét. Ðó là quyền không bị tràn ngập vì những lời mị dân hoặc phổ biến những tin tức giả dối gây lo âu và nhắm thủ lợi. Ðó cũng là quyền được thấy có những giới hạn hợp lý được đề ra cho những thứ tin tức đen, làm sao để để cả những tin tức tốt đẹp cũng được nói tới. Ðó là quyền của người trẻ được tăng trưởng, không phải sợ hãi về tương lai, được biết rằng trong cuộc sống có những thực tại đẹp đẽ và lâu bền, đáng được chúng ta dấn thân. Ðó là quyền tin rằng tinh yêu chân thực không phải là "dùng rồi vứt bỏ" và công ăn việc làm không phải là một ảo tưởng không đạt tới được, nhưng là một lời hứa cho mỗi người, cần phải được duy trì.

Thật là đẹp dường nào nếu các phòng học của các đại học trở thành những công xưởng hy vọng, nơi làm việc cho một tương lai tốt đẹp hơn, nơi mà người ta học để trở thành những người trách nhiệm về bản thân và thế giới!

- Sau cùng là: Quyền hòa bình. Ðây là một quyền và nghĩa vụ được ghi khắc trong tâm hồn của nhân loại, vì "sự hiệp nhất trổi vượt hơn xung đột)) (E.G. 226).

Ðức Thánh Cha khẳng định rằng: Ðứng trước hòa bình, chúng ta không thể dửng dưng hoặc trung lập. Ðức Hồng Y Lercaro ở đây đã từng nói rằng: "Giáo Hội không thể trung lập đứng trước sự ác, bất kỳ từ đâu tới: sự sống của Giáo Hội không phải là trung lập, nhưng là lời ngôn sứ (Bài giảng 1-1-1968), không trung lập, nhưng là đứng vào hàng ngũ bênh vực hòa bình!

Vì thế, chúng ta kêu gọi quyền hòa bình như quyền của tất cả mọi người được giải quyết các cuộc xung đột mà không bạo lực. Ðể được vậy, chúng ta lập lại: không bao giờ chiến tranh nữa, không bao chống lại người khác, không bao giờ không có người khác! Hãy đưa ra ánh sáng những lợi lộc và âm mưu, thường là tối tăm, của những kẻ gây ra bạo lực, nuôi dưỡng sự chạy đua võ trang, chà đạp hòa bình bằng những nghiệp vụ. Ðại học được nảy sinh ở đây để học luật, để tìm kiếm những gì bảo vệ con người, điều hành cuộc sống chung và bảo vệ chống lại những lý lẽ của kẻ mạnh hơn, của bạo lực và độc đoán. Một thách đố rất thời sự là khẳng định các quyền con người và các dân tộc, các quyền của những người yếu thế hơn, người bị gạt bỏ, quyền của thiên nhiên, căn nhà chung của chúng ta.

Và Ðức Thánh Cha kết luận rằng:

"Anh chị em đừng tin những kẻ nói với anh chị em rằng chiến đấu cho những điều ấy là vô ích và chẳng có gì thay đổi! Ðừng hài lòng với những giấc mơ bé nhỏ, nhưng hãy mơ ước những điều vĩ đại... Cùng với anh chị em, tôi mơ ước "một thuyết nhân bản mới của Âu Châu, để được vậy cần có ký ức, can đảm, một ước mong lành mạnh và nhân bản", tôi mơ ước một Âu Châu là người mẹ tôn trọng sự sống và cống hiến hy vọng sự sống, một Âu Châu trong đó người trẻ hô hấp không khí trong lành của sự lương thiện, yêu vẻ đẹp của văn hóa và một đời sống đơn giản, không bị ô nhiễm vì những nhu cầu tiêu thụ vô cùng.

Hoạt động sau cùng của Ðức Thánh Cha trong ngày 1 tháng 10 năm 2017 tại Bologna là thánh lễ ngài cử hành lúc 5 giờ chiều tại sân vận động Dall'Ara, ở khu ngoại ô, cách trung tâm thành này hơn 2 cây số. 40 ngàn tín hữu đã ngồi chật thao trường này để tham dự thánh lễ với Ðức Thánh Cha.

Ðồng tế với Ðức Thánh Cha có 24 Giám Mục thuộc 15 giáo phận ở miền Emilia Romagna và hàng trăm Linh Mục.

Trong bài giảng thánh lễ chiều ngày 1 tháng 10, Ðức Thánh Cha Phanxicô phê bình lối sống giả hình, và nhắn nhủ các tín hữu đừng quên 3 yếu tố quan trọng của đời sống Kitô: Lời Chúa, Thánh Thể và người nghèo.

Ðức Thánh Cha đã diễn giải ý nghĩa bài Tin Mừng của Chúa Nhật thứ 26 thường niên năm A, kể lại dụ ngôn 2 người con được cha yêu cầu đi làm việc trong vườn nho của ông: người thứ I từ chối, nhưng rồi đã nghĩ lại và đi làm; người con thứ hai nhận lời, nhưng rồi lại không đi làm.

Ngài nói:

"Qua dụ ngôn này, Chúa Giêsu đặt trước chúng ta hai con đường mà chúng ta cảm nghiệm, nhưng không luôn sẵn sàng xin vâng bằng lời nói và việc làm, vì chúng ta là người tội lỗi. Nhưng chúng ta có thể chọn lựa giữa một bên là người tội lỗi đang tiến bước, tiếp tục lắng nghe Chúa, và khi sa ngã, thì thống hối và trỗi dậy, như người con thứ I; hoặc chúng ta là những ngừơi tội lỗi ngồi lỳ, luôn sẵn sàng biện minh cho mình và chỉ có những lời nói xu thời.

Chúa Giêsu dạy dụ ngôn này và áp dụng cho một số lãnh tụ tôn giáo thời ấy, họ giống như người con có đời sống hai mặt, trong khi dân thường thì cư xử như người con thứ I. Các thủ lãnh tôn giáo ấy biết và giải thích mọi sự, không chê được, như những nhà trí thực tôn giáo đích thực. Nhưng họ không khiêm tốn lắng nghe, không có can đảm tự hỏi mình, không có sức để thống hối. Và Chúa Giêsu rất nghiêm khắc: ngài nói cả những người thu thuế cũng đi trước họ vào Nước Chúa. Ðó là một lời trách cứ nặng nề, vì những người thu thế thời ấy là những người thối nát, phản bội tổ quốc. Vậy đâu là vấn đề của các thủ lãnh tôn giáo ấy? Họ không sai lầm về điều gì, nhưng sai lầm trong lối sống và suy tư trước mặt Chúa: qua lời nói và với những người khác, họ là những người quyết liệt gìn giữ các truyền thống của con người, nhưng không có khả năng hiểu rằng cuộc sống theo Thiên Chúa là một hành trình và đòi phải có sự khiêm tốn cởi mở, thống hối và bắt đầu lại.

Ðức Thánh Cha đặt câu hỏi:

"Vậy điều ấy nói gì với chúng ta? Thưa rằng không có một đời sống Kitô ở bàn giấy, ở bàn học, được kiến tạo một cách khoa học, trong đó chỉ cần chu toàn vài giới luật là được an tâm: đời sống Kitô là một hành trình khiêm tốn của một lương tâm không bao giờ cứng nhắc và tín thác nơi Chúa trong sự thanh bần, không bao giờ tự phụ, tự mãn cho bản thân. Nhờ đó, chúng ta vượt thắng những điều đã xảy ra và tái diễn sự ác xưa kia, như Chúa Giêsu tố giác trong dụ ngôn: đó là sự giả hình, lối sống hai mặt, óc duy giáo sĩ, có kèm theo thái độ vụ luật, xa cách dân chúng. Chìa khóa chủ yếu ở đây là thống hối: sự thống hối giúp ta không cứng nhắc, biến thái độ từ khước Thiên Chúa thành vâng phục, và biến sự chấp nhận thành sự phủ nhận tội lỗi vì tình yêu đối với Chúa. Thánh ý Chúa Cha, Ðấng hằng ngày nói với lương tâm chúng ta, chỉ được thể hiện trong hình thức thống hối và hoán cải liên tục. Xét cho cùng, trong hành trình của mỗi người có hai con đường: một là người tội lỗi thống hối hay là những người tội lỗi giả hình. Nhưng điều đáng kể không phải là những lý luận biện minh và toan tính cứu vãn thanh danh, cái vẻ bề ngoài của mình, nhưng là một con tim hằng ngày tiến bước với Chúa, chiến đấu mỗi ngày, thống hối và trở về cùng Ngài. Vì Chúa tìm kiếm những con tim thanh khiết, chứ không tìm những kẻ thanh sạch "bề ngoài".

Tiếp tục bài giảng thánh lễ chiều Chúa Nhật mùng 1 tháng 10 năm 2017 ở Bologna, Ðức Thánh Cha nói:

"Anh chị em thân mến, chúng ta thấy rằng Lời Chúa đào sâu, "phân định những tâm tình và tư tưởng của tâm hồn" (Dt 4,12). Nhưng Lời Chúa cũng thời sự: dụ ngôn này cũng nhắc nhở chúng ta về những tương quan không luôn dễ dàng giữa những người cha và người con. Ngày nay, giữa những thay đổi nhanh chóng giữa các thế hệ, chúng ta nhận thấy rõ hơn nhu cầu độc lập với quá khứ, nhiều khi đến độ nổi loạn. Nhưng sau những khép kín và im lặng dài của phía này đối với phía kia, nên phục hồi cuộc gặp gỡ, cho dù còn những xung đột, có thể kích thích một sự quân bình mới. Giống như trong gia đình, trong Giáo Hội và xã hội cũng vậy: đừng bao giờ từ chối gặp gỡ, đối thoại, tìm những con đường mới để đồng hành với nhau.

Và Ðức Thánh Cha để lại cho các tín hữu 3 điểm tham chiếu, bắt đầu bằng 3 chữ P theo tiếng Ý:

- Trước tiên là "Parola", Lời Chúa, là địa bàn để tiến bước trong khiêm tốn, để không bị lạc mất con đường của Thiên Chúa và rơi vào thái độ trần trục.

- Thứ hai là "Pane", Bánh, Bánh Thánh Thể, vì từ Thánh Thể mọi sự bắt đầu. Chính trong Thánh Thể chúng ta gặp Giáo Hội, chứ không phải trong những chuyện tầm phào hoặc trong những tin tức thời sự, nhưng là tại đây, trong Mình Chúa Kitô được những người tội lỗi và túng thiếu chia sẻ, nhưng họ cảm thấy được yêu thương và ước muốn yêu mến.

- Thứ ba là "Poveri", những người nghèo. Ngày nay vẫn còn bao nhiêu người thiếu những điều cần thiết. Nhưng cũng có bao nhiêu người nghèo tình thương, những người neo đơn, và nghèo Thiên Chúa. Nơi tất cả những người ấy chúng ta tìm thấy Chúa Giêsu, vì Chúa Giêsu trong thế giới đã đi theo con đường nghèo khó, tự hạ, như thánh Phaolô đã nói trong bài đọc thứ hai ngày lễ hôm nay... Từ Thánh Thể đến người nghèo, chúng ta đi gặp Chúa Giêsu. Anh chị em đã ghi lại câu nói mà Ðức Hồng Y Lecaro thích thấy được khắc trên bàn thờ: "Nếu chúng ta chia sẻ bánh thiên quốc, làm sao chúng ta không chia sẻ bánh trần thế?". Chúng ta luôn nhớ đến điều ấy. Lời Chúa, Thánh Thể và người nghèo. Chúng ta hãy xin ơn không bao giờ quên những yếu tố cơ bản này, những yếu tố nâng đỡ hành trình của chúng ta".

Kết thúc thánh lễ vào lúc gần 7 giờ chiều, Ðức Thánh Cha đã đáp trực thăng trở về Vatican.
 
Nữ tu Iraq: Cầu nguyện cho khủng bố Hồi Giáo ISIS giúp chúng ta biết tha thứ.
Giuse Thẩm Nguyễn
15:12 03/10/2017
(EWTN News/CNA) Tin từ Rome. Cách đây ba năm, có 73 nữ tu dòng Đa-Minh (Thánh Catarina thành Siena) sống ở Kurdistan, nhưng vào năm 2014 khi quân khủng bố Hồi Giáo chiếm đóng đồng bằng Nineveh thì đã có một phần ba số nữ tu bị chết.

Nữ tu Silvia là một trong những người còn sống sót, khi đứng trước sự hoang tàn, đã nói rằng nữ tu đang cầu nguyện cho những kẻ đã bách hại nhà dòng và từ đó học biết cách tha thứ.

Nữ tu đã nói với hệ thống thông tin EWTN rằng, “Là những nữ tu, chúng tôi cầu nguyện cho họ mỗi ngày. Chúng tôi cầu cho quân khủng bố, cầu cho những người mang lại hòa bình, cầu cho các chiến sĩ, cầu cho những người đã giúp chúng tôi có một cuộc sống khá hơn.

“Lời cầu nguyện này giúp chúng tôi tha thứ - chứ không quên, bởi vì chúng tôi không thể quên, nhưng chúng tôi không oán hận người khác. Nếu chúng tôi oán hận người khác có nghĩa là chúng tôi đang làm theo ý của ma quỷ, không phải ý muốn của Thiên Chúa.”

Nữ tu Silvia đang sống với 35 nữ tu khác tại một tu viện ở Qaraqosh, một thành phố lớn nhất của người Công Giáo Iraq.

“Khi chúng tôi biết được là quân khủng bố Hồi Giáo đã tới, thì việc đầu tiên là chúng tôi sợ hãi, sợ bị họ bắt đi tù, sợ bị đánh đập, sợ bị chết.”

Thế rồi các nữ tu, các cộng đoàn đã từng có mặt hơn 120 năm ở những vùng đồng bằng Nineveh và Kurdistan của Iraq, đã buộc lòng phải bỏ trốn vào năm 2015.

Trong thời gian quân khủng bố chiếm đóng đồng bằng Nineveh, có hơn 100 nơi thờ tự bị phá hủy mà hầu hết là các nhà thờ Công Giáo.

Bây giờ nhờ sự nâng đỡ của tổ chức giáo hoàng Cứu Trợ Giáo Hội Khi Cần, có khoảng 1000 gia đình Công Giáo đã trở về quê hương của họ. Từ năm 2014, tổ chức này đã giúp $36.6 triệu Mỹ Kim dành cho thực phẩm và nhà ở cho các tín hữu đã phải di tản ở miền bắc Iraq. Ngân quỹ dự trù cho việc tái thiết cho những thành phố của người Công Giáo là $250 triệu Mỹ Kim.

Nhìn về tương lại, nữ tu Silvia hy vọng sẽ được tiếp tục công việc phục vụ của một nữ tu mà mình đã dâng hiến trọn đời cho lý tưởng ấy.

“Giấc mơ của tôi là được sống trong hòa bình, cả hòa bình của tôi và trong chính tôi, bởi vì chúng ta cũng có cuộc chiến nơi chính nội tâm của chúng ta, và hòa bình trong đời sống vật chất. Tôi mong được sống trong yên tĩnh, trong yêu thương và giúp cho người khác nhận ra Chúa Giêsu vì Chúa là tình yêu.

“Tôi muốn nói với tất cả tín hữu rằng nếu chúng ta là người Công Giáo thật, được chịu phép rửa nhân danh Chúa Giêsu, thì chúng ta phải luôn tin thật rằng Chúa Giêsu ở với chúng ta. Chúa Giêsu đang ở với chúng ta. Ngài không bao giờ lìa bỏ chúng ta. Ngay cả khi chúng ta quay gót với Ngài thì Ngài vẫn đợi chờ chúng ta ăn năn quay về.”

Những người Công Giáo đang lần lượt trở về đồng bằng Nineveh, nhưng vẫn còn có nhiều việc cần phải làm.

Nữ tu Silvia nói rằng, “Chúng tôi kêu cầu Tổ Chức Giáo Hội Khi Cần giúp chúng tôi xây dựng lại tu viện và giúp người dân trở lại càng sớm càng tốt.

“Có khoảng 30 nữ tu sẽ trở lại. Chúng tôi sẽ mang hy vọng cho người dân. Chúng tôi sẽ giáo dục con em họ vì chúng tôi có trường học. Chúng tôi sẽ tiếp tục mở các lớp giáo lý nơi các nhà thờ và trường học.”

Giuse Thẩm Nguyễn
 
Đức Thánh Cha ca ngợi dòng Tiểu Muội Chúa Giêsu
Lm. Trần Đức Anh OP
15:54 03/10/2017
VATICAN. ĐTC ca ngợi và nhắn nhủ các nữ tu dòng Tiểu Muội Chúa Giêsu giữ cho đời sống thiêng liêng nhiệt thành và tăng cường đời sống huynh đệ cộng đoàn.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng ngày 2-10-2017 dành cho 53 thành viên Tổng tu nghị thứ 11 của dòng Tiểu Muội Chúa Giêsu.

Trong bài huấn dụ, ĐTC nhắc đến nguồn gốc của dòng, phát xuất từ cảm nghiệm của Chị Sáng Lập Madeleine Chúa Giêsu về sự dịu dàng của Thiên Chúa.

Ngài nói: ”Theo gương chân phước Charles de Foucault, chị đã trực giác Thiên Chúa Toàn Năng, Đấng Tạo Hóa và là Chúa Tể Vũ Trụ, đã không sợ trở nên hài nhi bé nhỏ, đầy tín thác trong vòng tay của Mẹ Maria, vì yêu thương chúng ta, và ngày nay Chúa còn tiếp tục hiến mình cho mỗi người chúng ta, một cách khiêm tốn, vì yêu thương. Hiện nay hơn 1 ngàn Tiểu Muội, rải rác trên thế giới, sống trong những hoàn cảnh khó khăn, với những người bé nhỏ và nghèo nhất. Các chị ở những nơi ấy chủ yếu không phải để chữa trị, giáo dục, dạy giáo lý, dù các chị làm những điều đó rất tốt, nhưng các chị ở đó để yêu mến, để gần gũi những người bé nhỏ nhất như Chúa Giêsu đã làm, để loan báo Tin Mừng bằng cuộc sống đơn sơ, lao động, hiện diện, thân hữu, đón tiếp vô điều kiện”.

ĐTC mời gọi các Tiểu Muội liên tục trở lại kinh nghiệm nguyên thủy ấy về sự gần gũi Thiên Chúa, Đấng hiền từ và khiêm nhường hiến mình cho chúng ta để cứu vớt và làm cho chúng ta tràn đầy tình thương của Ngài.

ĐTC nói: ”Chị em thân mến, nhất là chị em hãy làm sao để giữ cho đời sống thiêng liêng của chị em được nồng nhiệt, vì chính từ tình yêu ấy, được nhận lãnh từ Thiên Chúa một cách liên lỷ và luôn mới mẻ, mà tình thương của chị em đối với anh chị em khác được trào dâng.. Và người trẻ ngày nay khao khát đời sống thiêng liêng như thế, nhờ đó họ được giúp đỡ đáp lại tiếng gọi của Chúa. Chính từ đời sống thiêng liêng ấy nảy sinh chứng tá Tin Mừng mà người nghèo đang mong đợi”.

Ngày 27-9-2017, Tổng tu nghị họp tại Trefontane, Roma, đã bầu chị Dolors-Francesca làm Bề trên Tổng quyền của dòng Tiểu Muội với nhiệm kỳ 6 năm. Chị năm nay 61 tuổi, gốc miền Catalugna bên Tây Ban Nha, và sống phần lớn đời tiểu muội tại Brazil. Chị là người điều hợp các huynh đoàn của dòng ở Mỹ châu (Nam và Bắc), và không thuộc số các thành viên của Tổng tu nghị hiện nay khi được bầu. Vì thế, ngày 29-9, chị mới từ Brazil tới và chính thức gia nhập Tổng tu nghị.

Chị Dolors-Francesca kế nhiệm chỉ Maria Chiara người Ý, cai quan dòng từ năm 2011.

Tổng tu nghị cũng bầu 5 thành viên của Hội đồng Tổng Cố vấn. Đứng đầu là chị Anitha, người Ấn độ, điều hợp viên các huynh đoàn của dòng Tiểu Muội ở Á châu. 4 chị còn lại người Liban-Pháp, Ruanda, Áo và Irak. (Rei 2-10, Web Tiểu Muội)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo xứ Tân Lộc tổ chức tuần chầu Thánh Thể thay cho toàn Giáo phận
GX Tân Lộc
08:39 03/10/2017
Giáo xứ Tân Lộc tổ chức tuần chầu Thánh Thể thay cho toàn Giáo phận

Trời Miền Trung, cách riêng vùng biển Giáo hạt Cửa Lò, mấy hôm nay trời khi mưa khi nắng. Thế mà con cái Giáo xứ Tân Lộc, đã chuẩn bị cho tuần Chầu lượt từ CN 25 Tn, ngày 24/09. Mọi công việc chuẩn bị cho công tác tổ chức tuần chầu sang ngày thứ hai đều đã ổn định xong, từ khâu vệ sinh môi trường, trang trí, âm thanh, ánh sáng, hậu cần v.v đến các vấn đề phụng vụ như: thánh ca, nhạc đoàn v.v. Các ngày phục vụ trong tuần chầu đều được phân chia, niêm yết và được các đoàn thể đón nhận và làm chu đáo. Đặc biệt là sự chuẩn bị tâm hồn cho con cái trong toàn Giáo xứ để được đến với bí tích hòa giải một cách thuận tiện nhất. Cha quản xứ Giuse Phan Sỹ Phương kêu gọi con cái nhiều ngày từ trước đó, ngài đã ngồi tòa giải tội sau thánh lễ buổi sáng, trong giờ kinh nguyện của cộng đoàn buổi chiều tối, suốt từ thứ hai cho tới thứ sáu, sau đó từ thứ sáu đã có Quý cha trong Giáo hạt về và tiếp tục các ngài ngồi tòa giải tội, có những anh chị em đi làm ăn xa mãi thứ bảy mới về hoặc có những người vì lý do nào đó chưa đi xưng tội các ngày trước đó được, thì sáng và chiều thứ bảy các cha vẫn còn ngồi tòa giải tội.

Xem Hình

Ngày thứ sáu, buổi sáng cha Martinô Nguyễn Xuân Hoàng quản Giáo hạt Bảo Nham cùng 33 linh mục đoàn về dâng lễ và giải tội cho cộng đoàn. Buổi chiều cha Antôn Hoàng Đức Luyến bề trên coi sóc dòng Antôn cùng 25 linh mục hiệp dâng thánh lễ khai mạc tuần tam nhật cao điểm của tuần chầu.

Sáng thứ bảy Đức Giám Mục Giáo phận Phaolô Nguyễn Thái Hợp cùng 33 linh mục đoàn đồng tế hiệp dâng thánh lễ tạ ơn cầu nguyện cho Giáo phận và tất cả con cái mình. Chiều thứ bảy cha Phêrô Trần Phúc Chính, thuộc tỉnh Hà Tĩnh cùng với 8 linh mục hiệp dâng thánh lễ tạ ơn.

Sáng Chúa Nhật ngày 01/10, ngày cao điểm của tuần chầu lượt, toàn thể Giáo hạt, nhất là các em học sinh tập trung về thánh đường trị sở Giáo hạt để dự lễ tổng kết giáo lý năm học 2016-2017 và khai giảng năm học mới 2017-2018. Kết quả năm học 2016-2017 có 82 em đạt Giải ba, 18 em đạt Giải nhì và 04 em đạt Giải nhất. Về phía tập thể Giáo xứ Lập Thạch đạt Giải nhất, Trang Cảnh Giải nhì, Lộc Mỹ Giải ba và Giáo xứ Tân Lộc giải khuyến khích. Sau phần tổng kết cha Giuse Phan Sỹ Phương Trưởng Ban Giáo lý Đức tin Giáo hạt cũng là cha quản hạt đánh tiếng trống khai giảng năm học mới, sau đó bước vào thánh lễ tạ ơn.

Sáng hôm nay, ngày cao điểm có Đức cha Già Phaolô Maria Cao Đình Thuyên và 21 linh mục đoàn cùng đông đảo bà con giáo dân về hiệp dâng thánh lễ tạ ơn. Buổi chiều 16h, thánh lễ bế mạc, cha quản xứ đã đúc kết mọi công việc trong tuần và cám tạ Chúa đã thương ban cho một tuần chầu lượt được bình an, cám ơn quý ban ngành, các tổ chức tập thể và cá nhận đã chung tay góp phần vào tuần chầu để chúng ta có được thành quả như hôm nay, đặc biệt đạt gần 90% con số giáo dân trong độ tuổi xưng tội rước lễ đến hòa giải và đón nhận Thánh Thể Chúa, làm lương thực và hành trang trên con đường về nhà Cha đầy rẫy chông gai thử thách cám dỗ của ba thù.

Nguyễn xin Thiên Chúa tình yêu luôn cùng chúng con trong mọi lúc và giúp chúng con trên con đường dương thế Amen.

Ban TT Giáo xứ.
 
Đồng Hương Bình Giả tại Victoria họp trại mừng bổn mạng
Trần Đức Danh
22:44 03/10/2017
Hơn 200 đồng hương Bình Giả đã tham dự ba ngày cắm trại tại Dromana (từ 29 tháng Chín đến 1 tháng 10 năm 2017) để kỷ niệm 10 năm thành lập Hội Đồng Hương Bình Giả Victoria, và Mừng 100 năm Đức Mẹ Fatima, còn được gọi là Đức Mẹ Mân Côi, Bổn Mạng của Hội.

Hình ảnh Phan Huy, Nguyễn Quân và Trần Danh

Một cổng trại đơn sơ nhưng đầy mỹ thuật chào đón đoàn con từ khắp 4 vùng của thành phố Melbourne tụ về. Sau khi ổn định nơi ăn chốn ở, tất cả tham dự viên dùng bữa cơm tối thật thịnh soạn và ngon miệng. Nhiều người đã không ngớt lời ca ngợi những người phụ trách ẩm thực, mà đa phần là những con dâu của Bình Giả: nấu nướng hợp khẩu vị, bếp núc tươm tất, gọn gàng, vệ sinh, tinh thần phục vụ cao vời, và nụ cười luôn nở trên môi.

Sau bữa tối, trại viên chia thành nhiều nhóm sinh hoạt tự do, người thì ca hát, tụm năm tụ ba hàn huyên; phần lớn giới trẻ thì quay quần bên lửa trại sáng rực, nướng thịt, lai rai ly rượu hay chai bia, tay đàn miệng hát… vang rân bầu trời. Phần còn lại tụ năm tụ bảy thăm hỏi nhau, tâm tình hàn huyên sau những ngày tháng xa cách vì mưu sinh, hoặc trao đổi, thăm hỏi những người mình mới quen biết.

Sang ngày thứ hai của kỳ trại, sau bữa ăn sáng thịnh soạn và Thánh Lễ ngày thứ Bảy trong tuần, các trại viên được chia thành 4 đội để tham dự trò chơi lớn: tìm kho báu… Từ giây phút nhận được mật lệnh, mọi người trong từng đội trổ hết tài năng hiểu biết về ẩn ngữ (morse), địa hình địa vật, và mọi mưu trí tính toán để tìm cho ra kho tàng… là những vũ khi mà trong các lần hiện ra tại Fatima năm 1917, Đức Mẹ đã ban cho nhân loại … Một điều không thể nghi ngờ là sau trò chơi lớn nầy, rất nhiều người – không chỉ thanh thiếu niên, mà ngay cả những người đã trưởng thành – sẽ hiểu biết tường tận hơn, thâm sâu hơn, về Ba Mệnh Lệnh của Đức Mẹ Fatima!

Sau bữa trưa, các trại viên hào hứng tham gia nhiều trò chơi thật vui và lành mạnh. Tiếng cười, tiếng la hét cổ vũ, tiếng reo hò chiến thắng, và tiếng than thở vì bị người khác giật mất phần thắng vang ngập vùng biển Safety Beach… Phải công nhận giới trẻ có sức thật: dù đã đổ không biết bao mồ hôi và sức lực sau một loạt các trò chơi, họ không ngần ngại tham gia các môn thể thao như bóng chuyền, bóng đá, bóng bàn, bi-da… cho đến giờ chuông gọi tập trung dùng cơm tối mới ngừng.

Các món ăn tuyệt vời của bữa ăn tối chưa kịp xuống tới dạ dầy, mọi người đã tập trung vào hội trường để tham gia một số trò chơi cộng đồng và thưởng thức các tiết mục văn nghệ tự biên tự diễn. Hội trường như muốn nổ tung với tiếng cười, tiếng cổ vũ, và những tràng pháo tay kéo dài vô tận…Trời về khuya, âm vang của muôn vàn tiếng ngáy, tiếng nghiến răng và tiếng cười trong mơ bao trùm các dãy nhà ngủ, khiến bầu khí trở nên ma quái kinh dị.

Từ sáng sớm ngày thứ ba của kỳ trại – ngày Chúa Nhật 1-10-2017 – có thêm khá nhiều đồng hương (có những người từ hải ngoại đang du lịch Úc) và thân hữu vì bận rộn nên không thể tham dự trại, đã đổ về tham dự Thánh Lễ Đức Mẹ Mân Côi, Bổn Mạng của Hội.

Thánh Lễ do Linh mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Thanh Huy (gốc Nghi Lộc, Bình Giả) từ Perth qua chủ tế, với Ca đoàn Mân Côi Bình Giả dùng lời ca tiếng hát cảm tạ Thiên Chúa và ngợi khen Mẹ Maria rất sốt sắng và long trọng.

Mở đầu bài chia sẻ Lời Chúa sau Phúc Âm, Linh mục chủ tế chia sẻ niềm vui được gặp lại đồng hương tại Melbourne, vì chính ngài cũng là con dân Bình Giả.

Theo cha Chủ Tế, Chúa nói rất rõ với từng cá nhân chúng ta qua dụ ngôn hai người con trong bài Phúc Âm hôm nay (Chúa Nhật 26 Mùa Thường Niên năm A), đừng kính Chúa bằng môi bằng miệng, mà hãy thực thi Thánh Ý Ngài. Dù đã từng làm mất lòng lòng Chúa, trở mặt với Chúa, thì cũng hãy “hối hận mà đi làm” như người con thứ nhất; đừng xảo ngọt “vâng vâng dạ dạ”, nhưng không thực hành Lời Chúa như người con thứ hai!

Linh mục đặc biệt nói với giới trẻ về những ân sủng mà Chúa và Đức Mẹ đã ban phát cho người dân Bình Giả trong mấy chục năm qua, nhất là qua các biến cố chiến tranh mà dù thời gian có qua đi rất lâu, nhưng mãi mãi còn in đậm trong lòng những người Bình Giả thế hệ ông bà cha mẹ và anh chị. Cụ thể như vào đầu năm 1968, Việt Cộng nã hàng trăm quả súng cối vào khu dân cư Bình Giả, nhưng, như một phép lạ Đức Mẹ ra tay cứu dân, không một trái nào nổ. Mọi con dân Bình Giả được Chúa Mẹ chở che an bình trong trận Mậu Thân 1968 nầy.

Cha chủ tế cũng không quên nhắc nhở mọi người về ba Mệnh Lệnh Fatima mà Đức Mẹ đã gửi đến mọi Con Cái Chúa như những món quà để nhờ đó, nếu mọi người thực tâm và sốt sắng thi hành, chủ nghĩa Cộng Sản sẽ tiêu vong, thế giới sẽ có hòa bình thực sự, và nhân loại được cứu rỗi. Ba mệnh lệnh đó là (1) Ăn năn tội, cải thiện đời sống; (2) Tôn sùng Trái Tim vẹn sạch Đức Mẹ, và (3) Lần hạt Mân Côi. Kết thúc bài giảng, Cha chủ tế thiết tha kêu gọi mọi người sốt sắng và siêng năng lần chuỗi Mân Côi để cảm tạ Đức Mẹ, và cầu xin Đức Mẹ gìn giữ chúng ta.

Sau lời cám ơn của vị đại diện Hội cuối Thánh Lễ, Hội tổ chức cuộc Bầu Cử Ban Chấp Hành cho Nhiệm Kỳ kế tiếp, 2018-2020. Với tinh thần dấn thân phục vụ cao độ sẵn có trong huyết quản con dân Bình Giả, một Ban Chấp Hành mới đã mau chóng được bầu lên và ra mắt ngay sau đó giữa tiếng vỗ tay vui mừng của mọi người tham dự.

Xế trưa, sau bữa ăn “hương khói tỏa mù trời”, người người chung tay thu vén dọn dẹp, hàng ngang hàng dọc lượm rác, trả trại trường về nguyên trạng như khi mới tới: gọn gàng, tươm tất.

Mặt trời dần ngả hướng tây,
Đồng hương chào vẫy, chia tay bùi ngùi.
Buồn sao? Năm tới gặp rồi!
Sống sao cho Chúa vui lòng bạn ơi!

Tường trình: Trần Đức Danh
Hình ảnh: Phan Huy, Nguyễn Quân & Trần Danh


 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Giải đáp phụng vụ: Lời nguyện tín hữu là không nên quá mơ hồ và quá cá nhân.
Nguyễn Trọng Đa
08:41 03/10/2017
Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Trong lời nguyện tín hữu (lời nguyện chung, lời nguyện phổ quát, lời nguyện cho mọi người), liệu các giáo dân nên duy trì lời nguyện của họ một cách rộng mở (nghĩa là cầu Giáo Hội) hơn là cầu cho cá nhân không? - L. P., Victoria, British Columbia, Canada.


Đáp: Các quy chế liên quan đến lời nguyện tín hữu được tìm thấy trong Phần Giới thiệu sách Bài đọc (Introduction to the Lectionary, số 30-31), và Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma (GIRM). Các quy chế này áp dụng cho giáo sĩ và giáo dân, tức các tín hữu nói chung, chứ không chỉ cho “tín hữu giáo dân”.

Số 30 của Phần Giới thiệu sách Bài đọc nói: "Trong ánh sáng của Lời Chúa và trong một ý nghĩa để đáp lại Lời Chúa, cộng đoàn các tín hữu cầu nguyện trong lời nguyện phổ quát, như một quy luật cho các nhu cầu của Giáo Hội phổ quát và cộng đoàn địa phương, cho sự cứu độ của thế giới và cho các người bị áp bức bởi bất cứ gánh nặng nào, và cho các hạng người đặc biệt.

"Chủ tế mời tín hữu cầu nguyện; một phó tế, một thừa tác viên khác, hoặc một vài tín hữu có thể đề xuất các ý nguyện ngắn gọn và được diễn đạt bằng biện pháp tự do. Trong các lời nguyện này "dân chúng, thực hiện chức năng tư tế, cầu bầu cho tất cả mọi người nam và nữ", với kết quả là, do phụng vụ Lời Chúa có các tác động đầy đủ trên tín hữu, họ được chuẩn bị tốt hơn để đi vào phụng vụ Thánh Thể".

Số 31 tiếp tục: "Về phần lời nguyện tín hữu, chủ tế điều khiển tại ghế chủ tọa và các ý nguyện được đọc tại giảng đài. Cộng đoàn tham gia vào lời nguyện tín hữu trong khi đứng, và nói hoặc hát một lời kêu cầu chung sau mỗi ý nguyện, hoặc cầu nguyện trong thinh lặng”.

Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma, trong các số 69-71, nói:

"[69] Trong lời nguyện cho mọi người, cũng gọi là lời nguyện tín hữu, chính dân Chúa, sau khi tiếp nhận trong đức tin, đáp lại Lời Chúa và thực thi chức tư tế do phép rửa của mình mà cầu cho hết mọi người. Lời nguyện này thường nên thực hiện trong các Thánh Lễ có giáo dân tham dự, để họ cầu cho Hội Thánh, cho các nhà cầm quyền, cho những người đang gặp đủ thứ khó khăn, cho hết mọi người và cho toàn thế giới được ơn cứu độ. [67]

"[70] Thứ tự những ý nguyện thường là:

a. Cho các nhu cầu của Hội Thánh;

b. Cho các người trong chính quyền và cho toàn thế giới được an bình;

c. Cho các người đang gặp bất cứ khó khăn nào;

d. Cho cộng đoàn địa phương.

“Nhưng trong một buổi lễ cử hành đặc biệt nào đó, như là Thêm Sức, Hôn Phối, An Táng, thì thứ tự ý nguyện có thể dành ưu tiên cho trường hợp đặc biệt đó.

"[71] Chính vị chủ tế điều khiển việc cầu nguyện từ ghế. Ngài vắn tắt mời tín hữu cầu nguyện và đọc lời nguyện để kết thúc. Các ý nguyện nêu ra cần phải chừng mực, được soạn thảo với sự tự do khôn ngoan và ngắn gọn, diễn tả lời nguyện của toàn thể cộng đoàn.

“Thầy phó tế, hoặc một ca viên, hay độc viên hay một giáo dân khác xướng các ý nguyện từ giảng đài hay một nơi nào khác xứng hợp.

“Còn toàn thể cộng đoàn đứng biểu lộ lời nguyện của mình, hoặc bằng những lời kêu cầu chung sau mỗi ý nguyện được xướng lên, hoặc bằng cách cầu nguyện trong thinh lặng” (Bản dịch Việt ngữ của linh mục Phanxicô Xavier Nguyễn Chí Cần, Giáo phận Nha Trang)

Như có thể được nhìn thấy từ các quy chế này, một sự cân bằng nhất định cần phải được thực hiện giữa điều quá tổng quát và điều quá riêng tư, bởi vì các lời nguyện này phải phản ánh nhu cầu của cộng đoàn.

Việc thể hiện lời nguyện của toàn thể cộng đoàn có nghĩa là họ không nên quá cá nhân hoá, bằng cách phản ánh quá chặt chẽ các lợi ích thiêng liêng của một cá nhân, hoặc một nhóm trong cộng đoàn, hoặc đề cập đến các nhu cầu rất cụ thể của cá nhân.

Bên cạnh đó, nên tránh các ý nguyện trừu tượng. Thí dụ, thay vì cầu xin một cách tổng quát cho "nhân quyền", họ nên cầu nguyện cho các người bị bức hại hoặc chịu sự bất công.

Để đạt được sự cân bằng đúng đắn, nhiều giáo xứ đã điều chỉnh các ý nguyện thông thường như đã đề cập ở trên, bằng một vài ý nguyện đặc biệt hơn. Do đó, thí dụ, lời cầu cho Đức Giáo Hoàng, Giám mục và Hội Thánh có thể nhắc đến một hoạt động hoặc sự kiện gần đây, để làm cho lời cầu đặc biệt hơn. Chẳng hạn: "cầu cho Đức Thánh Cha, Giáo Hoàng Phanxicô, khi ngài đang thực hiện một cuộc hành hương tông truyền đến Giáo hội ở quốc gia X ...".

Tương tự như vậy, một số cộng đoàn đưa vào lời nguyện tín hữu một lời xin chung cho người bị bệnh, hoặc cho người mới qua đời, mà trong đó họ nêu tên của một số thành viên trong cộng đoàn.

Các ý nguyện cho người gặp khó khăn khốn khổ cần nêu ra các nhu cầu đặc biệt mới đây, chẳng hạn các nạn nhân của thiên tai gần đây hoặc thảm kịch khác.

Để đảm bảo sự cân bằng này, đặc biệt là vào ngày Chúa Nhật, các ý nguyện phải luôn được chuẩn bị trước và được cha sở hoặc chủ tế chấp thuận. Thật đáng khen là nên tuân theo thứ tự chung, vốn được chỉ ra trong số 30: cầu cho Hội Thánh phổ quát, cộng đoàn địa phương, v.v ...

Ngoài ra còn có rất nhiều sách có giá trị với các công thức cho các lời cầu xin tổng quát, thậm chí một số sách còn có lời nguyện cho mỗi ngày trong năm nữa. Các quyển sách này có thể được sử dụng cho chính các lời cầu tổng quát, hoặc như các nguồn để soạn ra các lời cầu phù hợp với nhu cầu của một cộng đoàn đặc biệt.

Nếu linh mục muốn tạo cơ hội cho giáo dân để họ đưa thêm ý nguyện cá nhân của họ, ngài có thể giới thiệu một khoảnh khắc thinh lặng bằng cách nói "Mỗi người chúng ta có thể thêm ý nguyện cá nhân trong thinh lặng". Sau giây phút im lặng, ngài dang tay đọc lời cầu nguyện kết thúc.

Một điểm quan trọng cần lưu ý ở đây là rằng "việc thực hiện chức năng tư tế" của giáo dân trong lời nguyện tín hữu không giới hạn cho chỉ các người đọc ý nguyện.

Thật vậy, khía cạnh quan trọng nhất của các ý nguyện này không phải là cách thức chúng được trình bày trong các công thức.

"Lời cầu nguyện" của lời nguyện tín hữu bao gồm trước tiên trong lời đáp trả hoặc lời cầu nguyện thinh lặng của người dân, sau lời mời "Chúng ta cùng cầu xin Chúa".

Như vậy, việc thực thi chức tư tế phổ quát nằm trong sự việc rằng mỗi thành viên của cộng đoàn tham gia vào việc dâng lời cầu nguyện cho mọi người nam nữ. Việc cầu bầu trước mặt Chúa cho mọi người là một chức năng tư tế cao cả, mà trong đó mọi người Công Giáo đã rửa tội có thể tham gia, mặc dù đã luôn hiệp thông với chức linh mục thánh. (Zenit.org 3-10-2017)

Nguyễn Trọng Đa
 
Văn Hóa
Từ văn hóa Playboy qua Đức Tin Công Giáo
Vũ Văn An
20:50 03/10/2017
Giống bất cứ người nổi tiếng nào, Hugh Hefner, người sáng lập tập đoàn Playboy, chết đã hơn 1 tuần nay, vẫn được báo chí nhắc đến dài dài, trong đó, có cả báo chí Công Giáo hoặc ký giả Công Giáo làm việc cho các cơ sở truyền thông thế tục, như Ross Douthat của New York Times.

Phản chứng tôn giáo

Phản ứng đầu tiên của các báo chí hay ký giả tôn giáo phần lớn là “cầu nguyện cho linh hồn” Hefner. Và sau đó là môt loạt các ảnh hưởng xấu được Hefner để lại. Như việc cổ vũ “các tương quan không cần cam kết, ngừa thai và sống chung đều là các hậu quả tự nhiên của một quan điểm coi phụ nữ như các trò chơi tạm bợ có thể vứt bỏ được. Phá thai tăng nhanh như hoả tiễn, cùng với ly dị, các bất ổn về ăn uống và những đứa trẻ bỏ lại sau cơn đắm tầu”.

Nhưng cũng có ký giả tôn giáo như Terry Mattingly tìm ra gốc rễ “phản chứng” tôn giáo của Hefner. Gốc rễ này chính là giáo phái Giám Lý (Methodist), giáo phái của cha mẹ Hefner.

Theo Associated Press, cha mẹ Hefner là những người Giám Lý sùng đạo nhưng chưa bao giờ biểu lộ “tình yêu theo kiểu thể lý và xúc cảm”. Bởi thế, trong một cuộc phỏng vấn năm 1974, Hefner nói rằng “Lúc còn rất trẻ, tôi đã bắt đầu tra vấn cái thứ điên khùng tôn giáo ấy khá nhiều về cuộc tranh chấp giữa tinh thần và thể xác con người, với Thiên Chúa chủ yếu đứng về phía tinh thần con người còn thằng Qủy thì ngụ cư trong xác thịt”.

Tờ Los Angeles Times cũng bàn đến cuộc trốn chạy Kitô Giáo của Hefner và việc này đã lên khuôn cuộc sống và việc làm của ông ta như thế nào. Bà Grace Hefner, mẹ của chủ nhân ông Playboy, một cô giáo và chồng Glenn, một kế toán viên, nghiêm ngặt về luân lý và khép kín về xúc cảm, cả hai đều là thành viên của giáo phái Giám Lý. Cái triết lý sống này, theo Hugh, đã ăn sâu vào dòng máu của họ.

Thực vậy, Glenn vốn là hậu duệ trực tiếp của William Bradford, một trong Những Người Thanh Giáo Ly Khai Anh trên tầu Mayflower vượt đại dương qua Tân Thế Giới đầu thập niên 1600. Hefner không quên dòng dõi này. Năm 2004, ông ta nói với tờ Chicago Sun Times: “Gia đình tôi theo phái Cấm Chế (Prohibitionists), Thanh Giáo theo nghĩa hết sức thực chất của nó. Không bao giờ hút thuốc, chửi thề, uống rượu, khiêu vũ. Hay ôm hôn nhau. Ồ, chuyện đó không hề có. Trong gia đình tôi, tuyệt đối không có chuyên ôm nhau hay hôn hít nhau”.

Hefner kể lại rằng: lúc về già, mẹ ông có xin lỗi ông về việc thiếu khả năng biểu lộ tình âu yếm. Không những thông cảm với mẹ, Hefner còn cho rằng nhờ bà thiếu khả năng như thế “mà con đã bước vào diễn trình thay đổi đời con và cả thế giới”!

Theo tờ New York Times, ngày 27 tháng 9, 2017, trong bài xã luận của số Playboy đầu tiên với hình Marilyn Monroe ngoài bìa, Hefner viết rằng: ông có ác cảm kịch liệt đối với các khe khắt về tình dục của thời ông, một thứ khe khắt làm tuổi trẻ ông chết ngạt.

Linh mục cựu mục sư Anh Giáo, Dwight Longenecker, thì đặt câu hỏi "Is Hugh Hefner in Hell?" (Hugh Hefner có ở hỏa ngục không?). Câu trả lời lẽ dĩ nhiên là: chúng ta không thể biết. Biết đâu vào phút chót, như người trộm lành, ông ta hối lỗi và cửa thiên đàng rộng mở cho ông khiến những người "con cả trong dụ ngôn" ngẩn tò te bực mình.

Cái nhìn hoàn toàn tiêu cực về Hefner

Ross Douthat thì không ngần ngại “nói xấu Hugh Hefner” (Speaking ill of Hugh Hefner, New York Times, Sept. 30, 2017). Ký giả này không tìm cách bào chữa chi cả, thuần túy là “nói xấu”. Đây là các “tước hiệu” Douthat dành cho Hefner: khiêu dâm và sô-vanh, làm giầu nhờ thủ dâm, duy tiêu thụ và khai thác đàn bà, già đi thành người kệch cỡm chuyên liếc mắt dâm dật trong chiếc nón thuyền trưởng, và chết đi như một người thu tích những điều vô dụng (a pack rat) trong một căn nhà mục nát nơi văn hóa khiêu dâm lóe lên trong những cuộc truy hoan bệnh hoạn của ông ta.

Chưa hết: Hef là tên ma cô toe toét của cách mạng tình dục, với thuốc ngủ dành cho các bà và Viagara dành cho ông ta, người cha của cơn ghiền dâm ô và bất ổn ăn uống, phá thai và ly dị cũng như giang mai, anh chàng chạy hàng xách đầy tham vọng chuyên xuất bản những câu truyện kiểu Updike không ai đọc trong khi cung cấp xác thịt cho những người nổi tiếng, một nhà cách mạng mà cuộc cách mạng chỉ phục vụ những người đàn ông như ông ta…

Kinsey và Playboy

Riêng Sue Ellen Browder là có cái nhìn tích cực trước cái chết của Hefner: Từ dâm dật tới bụi đất: di sản của Hugh Hefner” (From Lust to Dust: The Legacy of Hugh Hefner). Bà này cho rằng: Niềm vui Phục Sinh và Thăng Thiên triệt để thách thức giả thuyết nằm bên dưới “nền triết lý Kinsey-Playboy-Cosmo”.

Thiết nghĩ Sue đủ tư cách để viết về nền triết lý trên. Vì suốt trong 2 thập niên, bà từng là một biên tập viên của tờ Playboy dành cho phụ nữ, tức tờ Cosmopolitan.

Chủ bút của Cosmopolitan, Helen Gurley Brown, là người ngưỡng mộ Playboy đến chỗ điên dại và cho rằng Hefner là một thiên tài chính hiệu. Lúc Brown biến Cosmo thành tạp chí của cách mạng tình dục giữa thập niên 1960, Hefner giúp bà này thuê những người đúng điệu cũng như tiếp xúc với các đại lý của chính ông ta. Brown rập khuôn “nền triết lý Cosmo” và lối sống “thiếu nữ Cosmo” theo “triết lý” và lối sống Playboy. Trong hai thập niên 1960 và 1970, cả hai tạp chí này rao bán cho người Mỹ cái óc tưởng tượng cho rằng “tình dục không con cái sẽ giải phóng bạn” và Sue là một trong những thuộc hạ của Helen.

Sue cho hay số đầu tiên của Playboy xuất hiện cùng thời gian với tác phẩm của nhà sinh vật học của Đại Học Indiana, Alfred Kinsey, tựa là Sexual Behavior in the Human Female (Tác Phong Tính Dục nơi Người Nữ). Khoa học của Kinsey trở thành nền tảng cho cách mạng tình dục.

Thực vậy, nếu không có tìm tòi của Kinsey dọn đường, khó có thể nghĩ những bản rập khuôn như Playboy và Cosmopolitan lại ra đời được. Khoa học của Kinsey và Playboy tương quan qua lại với nhau một cách mật thiết đến độ người ta rất đúng khi gọi Hefner là là người quảng cáo và tuyên truyền cho Kinsey.

Khi Kinsey xuất bản cuốn Sexual Behavior in the Human Male (Tác Phong Tính Dục nơi Người Nam) vào năm 1948 và cuốn của ông ta về phụ nữ 5 năm sau, ông ta đã đảo lộn các giá trị tính dục truyền thống của giai cấp trung lưu Mỹ. Trong số các điều được coi như “sự kiện”, Kinsey cho rằng 69% đàn ông Mỹ từng làm tình với gái điếm, 10% đồng tính luyến ái ít nhất trong 3 năm, và 17% con trai ở nông trại làm tình với thú vật. Sau đó, sau khi thu lượm hàng đống thống kê, Kinsey còn cho rằng 95% đàn ông Mỹ phạm các tội tình dục có thể dẫn họ vào nhà tù.

Hiện nay, có nhiều bắng chứng cho thấy cuộc nghiên cứu của Kinsey phạm nhiều sai lạc và dựa vào những con số thống kê thiên vị. Thí dụ, ông ta cho rằng các khám phá của ông ta đúng cho các người Mỹ “trung bình”, nhưng thực tế, chúng dựa vào “lịch sử tính dục” của 1,400 phạm nhân tính dục bị cầm tù. Ông ta chưa bao giờ cho biết ông ta đã bao gồm bao nhiêu người trong số này vào tổng số mẫu thống kê gồm 5,300 người đàn ông da trắng. Nhưng ông ta thừa nhận có bao gồm vào đó “vài trăm” tên điếm đàn ông. Nhà nhân học nổi tiếng người Anh, Geoffrey Gorer, gọi các tường trình của Kinsey là các bản tuyên truyền đội lốt khoa học.

Hefner và Brown không nghĩ thế, họ ca tụng Kinsey tới tầng mây. Thành thử trên cái nền ọp ẹp của khoa học thiếu căn cứ của Kinsey, Hefner đã xây dựng một lối sống tính dục đầy tưởng tượng cho đàn ông, trong khi Brown xây dựng một lối sống tình dục đầy tưởng tượng cho các phụ nữ độc thân. Khiến đưa tới thật nhiều hậu quả thảm hại.

Con người chỉ là thú vật

Thảm hại bậc nhất là coi con người không hơn không kém chỉ là một con vật. Điều này dễ hiểu vì trước khi nghiên cứu về tính dục, Kinsey là chuyên gia hàng đầu thế giới về ong vò vẽ gây mụn ở cây (gall wasp). Vốn là nhà sinh vật học, nên Kinsey coi con người chỉ như “một con vật”. Bỏ ra ngoài bất cứ cái hiểu nào về các khía cạnh tâm linh của tính dục con người, ông ta coi tính dục chỉ là một phản ứng sinh lý của “loài vật”.

Trong cuốn dành cho phụ nữ, Kinsey ví sự cực khoái của con người với việc “hắt hơi”. Nhà nhân học tại Cao Đẳng Brooklyn, George Simpson, nói về công trình của Kinsey “đây quả là lý thuyết khỉ về cực khoái”. Còn theo nhà nhân học Margaret Mead, trong quan điểm của Kinsey, không có sự khác nhau về tinh thần nào giữa việc người đàn ông làm tình với một người đàn bà, hay một con cừu.

Đó là hậu quả khi một nhà sinh học chỉ được huấn luyện để nghiên cứu về thế giới động vật đã cả gan vượt quá bình diện chuyên môn để cố gắng nghiên cứu các hữu thể nhân bản vốn được tạo dựng cho Nước Thiên Chúa.

Đó cũng là lý do tại sao Hefner biến các phụ nữ thành “những con thỏ Playboy”. Trong một cuộc phỏng vấn năm 1967, ông ta giải thích: “thỏ có một ý nghĩa tính dục, vì nó là con vật tươi mát, hay mắc cỡ, sinh động, hay nhẩy - gợi dục. Trước nhất nó ngửi bạn, ròi trốn chạy, sau đó trở lại, và bạn cảm thấy muốn mơn trớn nó, chơi với nó. Một cô gái cũng giống một con thỏ. Vui tươi, đùa nghịch”. Nói cách khác, người đàn bà chỉ là một con vật dùng để tạo khoái lạc cho đàn ông.

Thứ văn hóa trên bây giờ nhan nhản, mở đường cho hàng triệu vụ phá thai, các đứa trẻ không cha, ly dị bừa bãi, một kỹ nghệ khiêu dâm hàng tỷ đôla, “hôn nhân” đồng tính và man vàn cơn bệnh xã hội khác.

Tìm ra chân lý: Con người không mãi mãi bị giam hãm trong bản năng thú vật

Năm 2003, nhờ lòng thương xót của Thiên Chúa, Sue đọc Sách Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo và tìm ra chân lý. Đối với bà, con đường duy nhất đánh bại thế giới ảo vọng là thực tại cụ thể của Chúa Giêsu.

Khi Đức Kitô gia nhập hàng ngũ nhân loại bằng xương bằng thịt trong một hài nhi nhỏ bé nơi máng cỏ, tự ý chịu đóng đinh, sống lại vào ngày thứ ba và sau đó lên trời, Người đã nâng toàn thể nhân loại lên với Người và đánh đổ vĩnh viễn sự dối trá cho rằng con người mãi mãi bị giam hãm trong nhà tù bản năng thú vật của họ.

Niềm vui Phục Sinh và Thăng Thiên triệt để thách thức giả thuyết nằm dưới “nền triết lý Kinsey-Playboy-Cosmo” ở tận gốc rễ của nó. Niềm vui được sống đời đời của Kitô Giáo, một nềm vui đã bắt đầu ngay bây giờ (chứ không đợi tới lúc “chết và về trời”) vượt quá bất cứ hạnh phúc hời hợt nào của các ngẫu tượng giả dối của thế gian như quyền lực, khoái lạc, vinh dự và giầu có.

Tưởng cũng nên biết Sue Ellen Browder vốn là tác giả của cuốn Subverted: How I Helped the Sexual Revolution Hijack the Women’s Movement do Nhà Ignatius xuất bản năm 2015.

Xuất thân từ Trường Báo Chí của Đại Học Missouri, Sue đã vô tình phản bội ơn gọi đích thực của mình như một nhà báo điều tra tìm hiểu để trở thành một kẻ tuyên truyền rẻ tiền cho kỹ nghệ khiêu dâm, hiện thân nơi tạp chí Cosmopolitan.

Thực vậy, Cosmopolitan hết lòng cổ vũ nghị trình của cuộc cách mạng tình dục: ngủ với đàn ông có vợ là điều tốt; dùng thuốc viên ngừa thai là điều tốt; phá thai để tiến thân là điều tốt… Theo chủ bút của nó, Helen Brown, một trong các trở ngại chính của thành công là việc làm mẹ, chứ không phải thiếu giáo dục hoặc cơ hội kinh tế.

Ở Cosmopolitan, nhiệm vụ của Sue là viết những vấn đề như phải làm gì “khi chàng không muốn làm tình” hoặc phải xử lý ra sao với “những vụ nhiễm trùng âm đạo thường gặp”…

Tuy nhiên, đầu óc điều tra tìm hiểu học ở trường làm báo giúp Sue vẫn còn tỉnh táo đến có thể bước vào ơn gọi làm mẹ, ngược với chủ trương của Cosmopolitan. Rồi, nhờ rời bỏ Đông chạy qua Tây kiếm cơ hội, mà hai vợ chồng Sue tình cờ gặp “thực tại Thiên Chúa” tại một thị trấn nhỏ vùng quê Redwood, California. Vị nữ linh mục của ngôi nhà thờ Episcopal ở đó nói với Sue rằng bà không cần tin vào phép lạ, khiến Sue đặt câu hỏi: Nếu Người không có khả năng làm phép lạ, thì làm sao Người làm tôi sống lại từ cõi chết? Chồng bà khuyên bà “thử Giáo Hội Công Giáo”. Ý nghĩ này làm bà buồn nôn vì đó là thứ giáo hội già nua tộc trưởng. Điều oái oăm là bà đã đi lục lọi lịch sử giáo hội này, mục đích để phản bác ông chồng. Kết quả ngược lại: “việc lục lọi lịch sử này cho tôi thấy rõ Thệ Phản, ngay tận gốc, khó có thể là nơi tìm kiếm việc giải phóng phụ nữ”.

Và thế là bà trở thành người Công Giáo.