Ngày 26-07-2025
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thánh Lễ Chúa Nhật 17 thường niên dành cho những người không thể đến nhà thờ
Giáo Hội Năm Châu
02:05 26/07/2025


BÀI ĐỌC 1: St 18:20-32

Bài trích sách Sáng thế.

Khi ấy, Đức Chúa phán: “Tiếng kêu trách Xơ-đôm và Gô-mô-ra thật quá lớn! Tội lỗi của chúng quá nặng nề! Ta phải xuống xem thật sự chúng có làm như tiếng kêu trách đã thấu đến Ta không. Có hay không, Ta sẽ biết.” Hai người kia bỏ nơi đó mà đi về phía Xơ-đôm, nhưng Đức Chúa còn đứng lại với ông Áp-ra-ham.

Ông lại gần và thưa: “Chẳng lẽ Ngài tiêu diệt người lành một trật với kẻ dữ sao? Giả như trong thành có năm mươi người lành, chẳng lẽ Ngài tiêu diệt họ thật sao? Chẳng lẽ Ngài không dung thứ cho thành đó, vì năm mươi người lành trong đó sao? Ngài làm như vậy, chắc không được đâu! Giết chết người lành một trật với kẻ dữ, coi người lành cũng như kẻ dữ, chắc không được đâu! Đấng xét xử cả trần gian lại không xét xử công minh sao?” Đức Chúa đáp: “Nếu Ta tìm được trong thành Xơ-đôm năm mươi người lành, thì vì họ, Ta sẽ dung thứ cho tất cả thành đó.”

Ông Áp-ra-ham lại nói: “Mặc dầu con chỉ là thân tro bụi, con cũng xin mạn phép thưa với Chúa: Giả như trong số năm mươi người lành lại thiếu mất năm, vì năm người đó, Ngài sẽ phá huỷ cả thành sao?”

Chúa đáp: “Không! Ta sẽ không phá huỷ, nếu Ta tìm được bốn mươi lăm người.”

Ông lại thưa một lần nữa: “Giả như trong thành tìm được bốn mươi người thì sao?” Chúa đáp: “Vì bốn mươi người đó, Ta sẽ không làm.”

Ông nói: “Xin Chúa đừng giận, cho con nói tiếp: Giả như ở đó có ba mươi người thì sao?” Chúa đáp: “Nếu Ta tìm được ba mươi người, Ta sẽ không làm.”

Ông nói: “Con xin mạn phép thưa với Chúa: Giả như tìm được hai mươi người thì sao?” Chúa đáp: “Vì hai mươi người đó, Ta sẽ không phá huỷ.”

Ông nói: “Xin Chúa đừng giận, cho con nói một lần này nữa thôi: Giả như tìm được mười người thì sao?” Chúa đáp: “Vì mười người đó, Ta sẽ không phá huỷ Xơ-đôm.”

Đó là Lời Chúa.

BÀI ĐỌC 2: Cl 2:12-14

Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Cô-lô-xê.

Thưa anh em, anh em đã cùng được mai táng với Đức Ki-tô khi chịu phép rửa, lại cùng được trỗi dậy với Người, vì tin vào quyền năng của Thiên Chúa, Đấng làm cho Người trỗi dậy từ cõi chết.

Trước kia, anh em là những kẻ chết vì anh em đã sa ngã, và vì thân xác anh em không được cắt bì, nay Thiên Chúa đã cho anh em được cùng sống với Đức Ki-tô: Thiên Chúa đã ban ơn tha thứ mọi sa ngã lỗi lầm của chúng ta.

Người đã xoá sổ nợ bất lợi cho chúng ta, sổ nợ mà các giới luật đã đưa ra chống lại chúng ta. Người đã huỷ bỏ nó đi, bằng cách đóng đinh nó vào thập giá.

Đó là Lời Chúa.

TUNG HÔ TIN MỪNG Mt 5:3

Alleluia. Alleluia. Alleluia.

Anh em đã nhận được Thần Khí làm cho nên nghĩa tử, nhờ đó chúng ta được kêu lên rằng: “Áp-ba! Cha ơi!” Alleluia. Alleluia. Alleluia.

TIN MỪNG: Lc 11:1-13

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Luca.

Một hôm, Đức Giê-su cầu nguyện ở nơi kia. Người cầu nguyện xong, thì có một người trong nhóm môn đệ nói với Người: “Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện, cũng như ông Gio-an đã dạy môn đệ của ông.” Người bảo các ông: “Khi cầu nguyện, anh em hãy nói:

‘Lạy Cha, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển,

Triều Đại Cha mau đến,

xin Cha cho chúng con ngày nào có lương thực ngày ấy;

xin tha tội cho chúng con,

vì chính chúng con cũng tha cho mọi người mắc lỗi với chúng con,

và xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ.’

Người còn nói với các ông: “Ai trong anh em có một người bạn, và nửa đêm đến nhà người bạn ấy mà nói: ‘Bạn ơi, cho tôi vay ba cái bánh, vì tôi có anh bạn lỡ đường ghé lại nhà, và tôi không có gì dọn cho anh ta ăn cả’, mà người kia từ trong nhà lại đáp: ‘Xin anh đừng quấy rầy tôi: cửa đã đóng rồi, các cháu lại ngủ cùng giường với tôi, tôi không thể dậy lấy bánh cho anh được.’? Thầy nói cho anh em biết: dẫu người kia không dậy để cho người này vì tình bạn, thì cũng sẽ dậy để cho người này tất cả những gì anh ta cần, vì anh ta cứ lì ra đó.

Thế nên Thầy bảo anh em: anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho. Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở cho. Ai trong anh em là một người cha, mà khi con xin cá, thì thay vì cá lại lấy rắn mà cho nó? Hoặc nó xin trứng lại cho nó bò cạp? Vậy nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình của tốt của lành, phương chi Cha trên trời lại không ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người sao?”

Đó là Lời Chúa.
 
Tôi đóng vai Chúa
Nguyễn Trung Tây
02:29 26/07/2025
Tôi đóng vai Chúa
Nguyễn Trung Tây


Bạn tôi xuất hiện ngay cánh cửa, bạn tôi nói,

“Hôm nay đánh dấu một năm ngày mất của bà tôi. Tôi đã cầu nguyện cho Bà Nội bình phục, nhưng rõ ràng là Chúa đã không chú tâm đến lời kinh của tôi. Tôi gõ, nhưng cửa không mở. Tôi cầu xin một phép lạ, nhưng Bà Nội vẫn qua đời. Tôi đã xin một con cá, nhưng lại nhận được một con rắn. Tôi đã gõ cửa, xin Chúa chữa bệnh cho bà của tôi, nhưng đám tang Bà Nội là điều mà tôi cuối cùng đã nhận được.”

Giọng bạn tôi cuối cùng trở nên cay đắng,

“Tôi đến đây, xin cha một ý lễ cầu nguyện cho linh hồn Maria của Bà Nội, vào ngày giỗ đầu của Bà.”

Đến lượt tôi, trong đầu hiện lên lại hình ảnh đám tang tôi chủ tế năm ngoái. Tôi nhớ ngày hôm đó, một ngày mùa thu, bao nhiêu chiếc lá vàng lìa cành rơi xuống nắp quan tài Cụ Bà như thể trời xanh cũng muốn nói lời vĩnh biệt một người hiền hậu. Thời gian trôi qua thật nhanh. Một năm rồi. Tôi nói ngay lời chia buồn,

“Tôi xin lỗi vì những gì đã xảy ra với bà của bạn. Thời gian trôi qua nhanh quá!”

Tôi hít một hơi thật sâu để chuyển sang đề tài tiếp theo,

“Tôi xin lỗi. Bà Nội của bạn bao nhiêu tuổi khi mất?”

“Bà Nội đã 84 tuổi.”

“Bà bị ung thư bao lâu rồi nhỉ?”

“Bà cụ đã chiến đấu với căn bệnh hiểm nghèo trong vòng mười năm.”

“Xin lỗi bạn, bạn biết rồi đấy. Bà Nội bị ung thư, căn bệnh ác tính. Bà qua đời ở cái tuổi 84. Và bạn, bạn tin rằng Thiên Chúa đã không đáp lại lời cầu nguyện của bạn.”

Bạn tôi trợn mắt nhìn tôi,

“Cha, cha đang nói điều gì vậy?”

“Bạn biết tôi đang nói về điều gì mà. Nó giống như tôi hướng về Chúa để cầu xin cho một ngày nắng đẹp, khi Nha Khí tượng địa phương đã thông báo bản tin thời tiết, tuần này tuyết rơi, nguyên cả một tuần.

Lời cầu nguyện đó không phải là một lời cầu nguyện đích thực.

Cung cách cầu nguyện như thế không công bằng với Chúa. Trong trường hợp như vậy, tôi thật ra không cầu nguyện, mà đúng hơn là tôi đòi hỏi, bắt buộc Chúa phải làm điều tôi muốn. Thực ra, tôi đang đóng vai Thượng Đế.

Tôi muốn thay đổi những thứ mà tôi không thể thay đổi được nữa.

Tôi muốn hoa nở trên đồi giữa mùa đông.

Tôi muốn bầu trời xanh ngăn ngắt nguyên cả một năm dài, 365 ngày.

Tôi muốn trở thành triệu phú, trong khi tôi không buồn xắn cao tay áo, tôi không thích vướng bẩn bùn lầy đôi tay của chính mình.

Trong những trường hợp như vậy, tôi đang cầu nguyện với Thiên Chúa, ‘Lạy Chúa! Xin hãy cất chén đắng cho con, nhưng không phải theo ý Chúa, mà là ý của con, ý đó phải được thực hiện."

‘Sự thật là chúng ta phải cầu nguyện có được sức mạnh để làm những gì chúng ta phải làm. Chúng ta phải cầu nguyện để có được lòng can đảm để đối phó với những thử thách trong cuộc sống. Chúng ta phải cầu nguyện để có được sự bền bỉ, để tiếp tục ngay cả khi không có gì sẽ thay đổi’ (Joan Chittister, Hơi Thở Của Linh Hồn, trang 25). Hơn thế nữa, hãy sẵn sàng chấp nhận và ôm vào trong lòng danh từ ‘Không,’ như một câu trả lời từ thiên đường.”

Lời nguyện
: Lạy Ngài, xin cho con thấy!
 
Hãy cứ cầu xin
Lm JB Nguyễn Minh Hùng
07:13 26/07/2025
CHÚA NHẬT XVII THƯỜNG NIÊN NĂM C
HÃY CỨ CẦU XIN

Thấu biết cuộc sống hằng ngày của mỗi người với tất cả nhu cầu và khó khăn của nó mà Chúa Giêsu dạy: "Hãy xin thì sẽ được, hãy tìm thì sẽ gặp, hãy gõ thì sẽ mở cho. Vì hễ ai xin thì được, ai tìm thì gặp, ai gõ thì sẽ mở cho".

Nhưng như tổ phụ Abraham, người đứng ra cầu xin Chúa tha thứ cho thành Sôđôma, không chỉ là nói với Chúa về nhu cầu của bản thân, rồi đòi Chúa phải thực hiện bằng được. Việc cầu nguyện, dù là cầu xin, trước hết là gắn bó chính mình với Thiên Chúa, là tạo một "kênh" liện lạc và hiệp thông với Chúa, dần dà biến mình thành kẻ biết phó thác cho Chúa nhiều hơn, mạnh hơn.

Đồng thời, nhờ việc cầu nguyện, dẫu chỉ là cầu xin, ta ngày càng nên bạn hữu của Chúa. Việc cầu nguyện chỉ hoàn tất khi, dù trình bày nhu cầu của mình, của những hoàn cảnh hay của những đối tượng mà mình muốn Chúa ban ơn, thì không bao giờ biến mình thành kẻ trịch thượng, đòi Chúa phải chiều ý, đòi Chúa phải chấp nhận điều mình xin, nhưng là để Chúa quyết định, để Chúa tự do thực hiện ý của Chúa trên mọi người, mọi hoàn cảnh và chính bản thân.

Tổ phụ Abraham, qua những lời cầu xin rất khiêm nhường, cho thấy tâm hồn thánh thiện, cũng là tâm hồn của người gần gũi và là bạn hữu của Chúa. Lời cầu xin thẳng thắn nhưng luôn nhường sự quyết định cho Chúa, chớ không buộc Chúa phải làm theo ý riêng của chính tổ phụ.

Thái độ kính tôn, thờ phượng và khiêm nhường khi cầu nguyện trước mặt Chúa của tổ phụ Abraham đáng chúng ta noi gương, bắt chước:
- "Dù con chỉ là tro bụi, con đã bắt đầu nói, nên con xin thưa cùng Chúa...".
- "Lạy Chúa, nếu con lên tiếng, xin Chúa đừng nổi giận...".
- "Lạy Chúa, xin đừng nổi giận, con chỉ xin thưa lần này nữa thôi".

Và hôm nay, khi môn đệ đề nghị Chúa Giêsu dạy cầu nguyện, Chúa "trình làng" lời cầu nguyện bằng kinh Lạy Cha.

Với dụ ngôn Người bạn gõ cửa trong đêm, Chúa Giêsu khuyến khích: Hãy cứ cầu xin; hãy bền lòng, đừng nản chí, để lưu ý rằng, chúng ta cứ thật thà, cứ đơn sơ trình bày những thiếu thốn, những nhu cầu của bản thân, của bất kỳ ai, bất kỳ hoàn cảnh nào mà lời cầu nguyện của chúng ta muốn hướng đến.

Tuy nhiên, chúng ta phải luôn ý thức, Chúa chỉ ban những gì phù hợp, những gì có lợi cho đời sống đức tin và lòng yêu mến Chúa của chúng ta.

Chúa không là Chúa của sự ác. Chúa không là Chúa của sự vô tâm. Không bao giờ Chúa để ta rơi vào những nguy hiểm cho linh hồn và cho đời sống thiêng liêng của bản thân ta. Chúa khẳng định: "Người cha nào trong các con có đứa con xin bánh mà lại cho nó hòn đá ư? Hay nó xin cá, lại cho nó con rắn thay vì cá sao? Hay nó xin quả trứng, lại cho nó con bọ cạp ư? Vậy, nếu các con là những kẻ gian ác, còn biết cho con cái mình những của tốt...".

Ta cứ cầu xin. Còn Chúa, Chúa sẽ chọn lựa trong lời cầu xin điều Chúa biết là cần thiết, để trao ban, để bù đắp cho ta. Chúa có cách của Chúa để chúng ta mãi thuộc về Chúa, đáng yêu theo ý Chúa muốn, và tràn đầy thánh ân Chúa.

Điều vô cùng quan trọng: Hãy nhớ, Chúa không hứa ban chính điều chúng ta xin, nhưng lại hứa: "Phương chi Cha các con trên trời sẽ ban Thánh Thần cho những kẻ xin Người".

Hãy yên tâm, lời cầu xin của chúng ta sẽ được Chúa lắng nghe. Cứ trình bày những ước muốn, những nhu cầu của mình, của mọi người xung quanh. Nhưng không phải nhu cầu nào Chúa cũng nhận. Chúa chỉ hứa ban Chúa Thánh Thần cho người chạy đến Chúa, tin tưởng cậy trông nơi Chúa, kêu cầu Chúa. Chúa làm cho họ dồi dào Chúa Thánh Thần là điều chắc chắn.

Chúng ta quả quyết, ai càng cầu nguyện nhiều, dù lời cầu nguyện xoay quanh việc cầu xin, nhưng luôn tin tưởng vào Chúa, luôn để Chúa tự do hành động theo ý Chúa, chắc chắn người đó rất hạnh phúc, thánh thiện, được Chúa yêu mến, đẹp lòng Chúa, trở nên bạn hữu và vô cùng thiết thân với Chúa. Người đó ngày càng dồi dào Chúa Thánh Thần, càng được Chúa Thánh Thần chiếm ngự, càng sống siêu thoát, càng trưởng thành trong tình yêu dành cho Chúa.

Chúa Giêsu dạy, khi xin cùng Thiên Chúa, như người cha thấy con đói, dù phải năn nỉ, nài van xin bánh, thậm trí bị từ chối, cũng cứ xin: "Xin đừng quấy rầy tôi, vì cửa đã đóng, các con tôi và tôi đã lên giường nằm rồi".

Hãy cứ cầu xin. Hãy cầu xin liên lỉ, đừng bỏ cuộc.
Hãy tin tưởng tín thác đời ta trong tay Chúa.
Hãy để Chúa tự do hành động. Ơn Chúa Thánh Thần chắc chắn sẽ vô cùng phong phú, vô cùng đồi dào trong linh hồn, suốt cuộc đời chúng ta.
Hãy hy vọng. Hãy vững tin.
 
CN 17C : THAN CHA, PHẬN CON
Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
15:16 26/07/2025
CN 17C : THAN CHA, PHẬN CON

Hôm nay Chúa dạy về cầu nguyện. Nhưng ta không khai triển đề tài cầu nguyện, mà triển khai một góc nhỏ, nhưng là đỉnh lớn của nội dung lời nguyện. Chúa dạy cầu nguyện. Và cầu nguyên bằng kinh Lạy Cha. Ta chỉ dừng lại tiếng xưng hô “Lạy Cha” đó mà thôi.

I. Phận con

1. Chúng ta không phải là anh em mồ côi.

Câu chúng ta thường nghe “tứ hải giai huynh đệ” : khắp bốn bể đều là anh em, câu này thoạt nghe tưởng là hay, nhưng suy nghĩ lại, lại thiếu một yếu tố quan trọng : tất cả là anh em, nhưng lại là anh em … mồ côi, vì không có cha. Quan là “dân chi phụ mẫu,” thì quan đó cũng chỉ là cha mẹ của một góc nhỏ dân: dân Tàu, dân Việt… chứ bốn bể làm gì có ông quan nào làm chủ được để gọi là mẹ là cha của cả và thiên hạ (đúng ra, “phụ mẫu chi dân” thì chính dân mới là cha mẹ). Còn suy ra từ kinh Lạy Cha, thì chúng ta là anh em, và không mồ côi vì có chung một Cha trên trời. Anh cũng đọc Lạy Cha, tôi cũng đọc lạy Cha, chị cũng xướng Lạy Cha… và là một Cha thôi, nên tất cả trở thành anh em. Tứ hải giai huynh đệ nhi đồng nhất phụ. Để có thể bao phủ cả bốn bể, chỉ có bầu trời. Để có thể làm cha anh em trong bốn bể chỉ có Ông Trời. Và chính Ông Trời này là Cha của chúng ta. Lạy Cha, Đấng ngự trên Trời.

2. Ai cho ta quyền này? Quyền gọi Ông Trời, Chúa Trời là Cha chúng ta? Hẳn ai cũng trả lời được. Chính Chúa Giêsu qua Thánh Thần. Không có Ngài chẳng ai dám gọi Chúa Trời là Cha.

Trong Thánh lễ, trước kinh Lạy Cha, chúng ta nghe lời dẫn thế nào? Vâng lệnh Chúa Cứu Thế và theo Lời Người dạy, chúng ta “dám” (cả dám, cả gan, gan cùng mình) nguyện rằng. Một chỗ khác Chúa nói rõ, “Thầy đi về cùng Cha của Thầy và cũng là Cha của anh em.” Không phải Cha của Thầy khác Cha chúng ta, mà Chúa Giêsu và chúng ta có chung một Cha, nên ta là anh em với nhau, và là em (dẫu bảy tám mươi tuổi, dẫu sinh ra trước khi Đức Giêsu xuống thế làm người, thời ông Bành Tổ cổ lai) tất cả đều là em của Đức Giêsu. Ngài là Trưởng Tử, của một đàn em đông đúc (Rm 8,29 : “Vì những ai Người đã biết từ trước, thì Người đã tiền định cho họ nên đồng hình đồng dạng với Con của Người, để Con của Người làm trưởng tử giữa một đàn em đông đúc”).

Và Chúa Giêsu chỉ cho ta quyền này thông qua Chúa Thánh Thần. Chính nhờ nước và Thánh Thần, tức Phép Thánh Tẩy, mà Thánh Thần, tức vị thần thánh hoá, biến ta thành thánh, hoá ta thành thần, để ta dám, cả dám cùng với Thánh Thần trong ta, kêu lên abba, Cha ơi Cha. (Gl 4,6 : Để chứng thực anh em là con cái, Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên : "Áp-ba, Cha ơi !")

Vậy mà chúng ta có thấy chói tai và mâu thuẫn không, khi vào xưng tội, có linh mục nói cách rất tự nhiên: "để đền tội, con hãy đọc 3 kinh Lạy Cha!" Làm như đọc Kinh Lạy Cha là một hình phạt, như 'để đền tội nghịch phá trong lớp, hãy quì gối trên vỏ sầu riêng một giờ' !

Đọc Kinh Lạy Cha, được kêu “Cha ơi Cha” là một ân phúc, đâu phải ai muốn cũng được. Phải những kẻ đã được tái sinh trong Phép Rửa bằng nước và Thánh Thần mới được kêu mà !

Thời nguyên thuỷ Kitô giáo, và nay khi Công Đồng muốn trở về nguồn, đã chia thành nhiều giai đoạn khi cử hành bí tích thánh tẩy, thì, dự tòng chỉ được trao kinh Lạy Cha vào giai đoạn cuối cùng, ngay trước khi lãnh nhận Phép Rửa, để khi được thánh tẩy xong là trở thành em Chúa Giêsu, thành con Chúa Cha, để vinh hạnh đọc kinh Lạy Cha, gọi Chúa Trời là "Cha ơi Cha", "Bố à Bố".

Trong một lớp học về phụng vụ khi còn ở Chicago, tôi có nêu lên lưu ý này : "Tại sao lại nói : để đền tội, hãy đọc kinh Lạy Cha". (đọc Kinh Lạy Cha là ân phúc chứ có phải là hình phạt đâu). Cả lớp thấy có lý và cuối giờ ông thầy vẫn còn tâm đắc cho nên nói với cả lớp, for penalty say Glory to the Father one time (để đền tội hãy đọc Kinh Sáng Danh một lần) !

Chị thánh Têrêxa chẳng bao giờ đọc hết câu đầu của kinh Lạy Cha chứ đừng nói là hết cả kinh. Bởi vì mới đọc được hai chữ Lạy Cha, mà tiếng ngoại quốc thì có thể hiểu thân mật hơn: cha ơi, Bố ơi, Ba ơi… là chị không đọc thêm được nữa, vì nghĩ mình là ai : nhỏ bé, thấp hèn, tội lỗi, mà được phép gọi Chúa Tể đất trời là Ba ơi. Không thể hiểu nổi ! Chị ngất ngây với tiếng kêu Cha ơi, mà không thể đọc thêm được "danh Cha cả sáng nước Cha trị đến" gì nữa…

Các chị nữ và các bà mẹ đừng buồn, khi thấy Chúa chỉ được gọi là Cha. Vậy Ngài không là Mẹ hay sao?

Trong khoá họp THĐGM về gia đình ở Roma, tháng 10-1980, ĐGM Nguyễn văn Hoà có phát biểu: "Khi chúng ta gọi Chúa là Cha, chúng ta mới gọi được 50% phẩm tính, danh xưng của Chúa". Sau buổi họp, một chuyên viên Kinh Thánh, và một chuyên gia về luật đến nói với đức cha : "ngài nói đúng. Nhưng tiếc thay cho đến nay ta chưa tìm được cách nào để vượt ra khỏi, bởi bản văn Kinh Thánh ghi rõ ràng Abba, Cha ơi Cha" (chứ không phải Imma : má à má).

ĐGH Gioan Phaolô I hình như còn đi xa hơn khi vào đầu triều đại của ngài, ngài đã nói: "Chúa là Cha, hơn thế nữa, Chúa là Mẹ". Vậy là “hơn thế nữa” có thể Chúa là Mẹ 60, Chúa là Cha 40 (tứ lục) ! Ta không lạm bàn thêm vì là vấn đề khá nóng bỏng, nhất là tại các nước phương Tây. Họ gọi Chúa là «She or He».

Vậy là ta cứ phải theo truyền thống gọi Chúa là Cha nhưng vẫn ngầm hiểu “hơn thế nữa Ngài là Mẹ,” bởi lẽ để diễn tả tình yêu (chứ không phải uy quyền) thì lòng Mẹ vẫn là biểu tượng vượt trội hơn ý chí của Cha.

II. Thân Cha

Nếu Thiên Chúa tạo dựng nên con người "giống" hình ảnh Ngài, thì ta cũng có thể nhìn vào ta mà 'suy ra' Chúa.

Một người bạn có đứa con đầu lòng tâm sự: “Lần đầu tiên khi nghe đứa con gọi : Bố ơi, tôi bủn rủn cả chân tay, một luồng điện cực mạnh chạy khắp cơ thể, tôi cảm thấy hạnh phúc vô cùng.” Quả thật. Gọi ai là cha tức là nhận người ấy là ân nhân lớn nhất đời mình. Vì nhờ cha, ta nhận được món quà tặng quý giá nhất đó là sự sống.

Tôi có một anh bạn, cùng lớp thời chủng viện, nay anh làm bố đời, tôi làm cha đạo. Anh ở vùng quê Cái Sắn, nhiều nắng lắm sương vất vả nuôi nấng gia đình. Anh nói, “mỗi ngày đi làm ruộng về, mệt muốn chết, nhưng khi về đến nhà nghe đứa nhỏ kêu lên : ba về, bố về… thấy mệt mỏi chạy mất tiêu.”

Vậy khi ta gọi Chúa là “Cha ơi Cha,” ta đã suy xét trong phần I rằng đó là một ân phúc lớn lao, không sao cảm tạ, thì trong phần II này, ta thử “chơi cha” một chút, khi ta gọi Chúa là Cha, Chúa có sung sướng quên đi mệt mỏi, quên đi xúc phạm của ta như hai bố đời, bố trần gian trên đây tâm sự không? Có được phép áp dụng tâm trạng của bố dưới trần cho Cha trên trời không? Hẳn là được. Vì ta được tạo dựng giông giống như Chúa mà.

Bởi đó khi cầu nguyện, xin ơn gì, chỉ cần kêu 'ba ơi ba' là Cha trời sẽ “bủn rủn tay chân, sẽ quên hết lỗi lầm của ta, mà ban cho ta hết ơn này đến ơn kia.” Chính bài Tin Mừng đoạn cuối cho ta biết điều này “Ai trong anh em là một người cha, mà khi con xin cá, lại lấy rắn thay vì cá mà cho nó? Hoặc nó xin trứng, mà lại cho nó con bọ cạp? Vậy nếu anh em là những kẻ xấu, mà còn biết cho con cái mình những của tốt lành, phương chi Cha trên trời, Người sẽ ban Thánh Thần cho những kẻ xin Người?"

Không cần nói nhiều lời, Cha trên trời cũng ban ơn dư dật.

Để minh hoạ cho điều này có rất nhiều mẫu gương. Chuyện kể cũng nhiều mà tiểu sử thánh nhân cũng không thiếu. Nên chỉ nhắc đến một, mà là một chuyện :

Số là chàng tu sinh kia đi sớm, quên mang sách kinh để cầu nguyện. Thế là chàng nảy ra lời nguyện này : “Cha ơi, con quên sách rồi, bây giờ con đọc cho Cha 24 mẫu tự, ba lần. Cha muốn ghép (giống chương trình “chiếc nón kì diệu”) chữ nào vào ô nào cho đúng cho đẹp ý Cha thì Cha cứ ghép."

Chúa Cha trên trời phán với triều thần : 'Từ trước tới nay Ta chưa hề nghe được lời cầu nguyện nào hay như thế'.

Hay ở chỗ phó thác hết cho Cha, cho Bố. Bố muốn làm gì Bố làm.

Tất cả như trong một gia đình. Gia đình lớn, gia đình nhỏ. Gia đình nào cũng có cha có con. Những gia đình nào gặp khó khăn, thử kêu đến Cha trên trời của ta, "Cha ơi Cha," chắc chắn Cha trên trời sẽ ban cho ta Thánh Thần, Đấng hướng dẫn chúng ta sống xứng danh là con ở trần gian này, để mai sau được gặp Cha cũng trong tư cách là con. Amen

Anphong Nguyễn Công Minh, ofm

 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Cử hành 1,700 năm Nixêa, Công đồng chung thứ nhất của thế giới Kitô giáo
Vũ Văn An
15:15 26/07/2025

Công đồng chung đầu tiên của thế giới Kitô giáo khai mạc tại Nixêa, nay là Iznik của Thổ Nhĩ Kỳ, vào ngày 20 tháng 5, và kết thúc vào ngày 25 tháng 7, năm 325. Để kỷ niệm ngày Bế mạc Công đồng này, Tạp Chí Aleteia, ngày 26 tháng 7, 2025, đã cho đăng tải một số bài báo liên quan xa gần tới nó. Cha Nguyễn Hữu Quảng đã cho phổ biến bài “Kỷ niệm 1700 Công đồng Nixêa: Đức Giáo Hoàng Lêô, tìm kiếm sự thống nhất, và từ đây chúng ta sẽ đi về đâu” trên VietcatholicNews ngày 25 tháng 7. Chúng tôi lần lượt trích dịch các bài còn lại để độc giả có cái nhìn tương đối đầy đủ hơn về Công đồng này và tầm quan trọng của nó đối với sự hiệp nhất giáo hội Kitô, ngay lúc này.

Những vấn đề trọng tâm được quyết định tại Công đồng Nixêa

(Biểu tượng đại diện cho Công đồng Nixêa (325). Văn bản được hiển thị là một phần của Kinh Tin Kính Nixêa theo hình thức phụng vụ Hy Lạp. Domaine public)


Bài đầu tiên của Nữ tu Marie-Hélène Robert, đăng ngày 27/02/2025. Nữ tu vốn là một chuyên gia về Công đồng Nixêa. Bà viết:

Công đồng chung đầu tiên trong lịch sử Giáo hội (được tổ chức tại Nixêa năm 325) không được triệu tập vì những vấn đề nhỏ nhặt! Vào thời các tông đồ, Công đồng Giêrusalem (Công vụ 15) đã phải giải quyết vấn đề quyết định liên quan đến việc tiếp nhận Kitô hữu từ thế giới ngoài Do Thái. Công đồng quyết định rằng họ không cần phải chịu phép cắt bì và tuân giữ luật Môsê để trở thành Kitô hữu. Sau đó, nhiều công đồng địa phương đã được triệu tập từ thế kỷ thứ hai trở đi để giải quyết các vấn đề về kỷ luật giáo hội hoặc các điểm tín lý đang bị tranh luận.

Một bất đồng nghiêm trọng về tín lý

Năm ấy là năm 325 và các cuộc bách hại đã kết thúc. Hoàng đế Constantine I đã khôi phục hòa bình chính trị cho đế quốc. Nhưng ông nghe nói về một bất đồng nghiêm trọng về tín lý giữa giám mục Alexandria và một trong những linh mục của ngài, Ariô, đã nổ ra vào năm 318. Một công đồng địa phương đã không thể giải quyết được vấn đề này.

Vấn đề ngày càng leo thang. Hoàng đế dự định thiết lập hòa bình tôn giáo. Ông triệu tập một công đồng chung tại Nixêa, nay là Iznik, ở Thổ Nhĩ Kỳ. Công đồng quy tụ hơn 300 giám mục—phần lớn đến từ đế quốc và 90% trong số họ nói tiếng Hy Lạp—cùng với các phó tế, nhà thần học và triết gia, một số người không phải là Kitô hữu. Hoàng đế chịu trách nhiệm về mọi mặt hậu cần. Các sắc lệnh phải được công bố và áp dụng trên toàn thế giới (oikumene).

20 điều luật mà họ ban hành đều liên quan đến các vấn đề về kỷ luật giáo luật. Cũng có vấn đề về một ngày chung để cử hành Lễ Phục Sinh cho các Kitô hữu: tất cả phải chấm dứt liên hệ với ngày Lễ Vượt Qua của người Do Thái, mà một số cộng đồng vẫn giữ. Vấn đề về bản chất thần linh của Chúa Con, bị Ariô bác bỏ, chiếm phần lớn các cuộc tranh luận.

“Đồng bản thể với Chúa Cha”

Cuộc đối đầu này đặt ra câu hỏi về chính cốt lõi của đức tin Kitô giáo: sự cứu rỗi nhờ Chúa Kitô, Thiên Chúa thật và người thật. Liệu Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, là một tạo vật của Thiên Chúa, như Ariô chủ trương, hay chính Thiên Chúa, Đấng duy nhất có thể cứu rỗi? Ariô phủ nhận tính vĩnh cửu của Chúa Con, và biến Người thành một tạo vật phụ thuộc vào Chúa Cha, để không làm lu mờ duy nhất tính và thần tính của Thiên Chúa. Để diễn tả sự hiệp nhất giữa Chúa Cha và Chúa Con, từ khóa “đồng bản thể” (homoousios trong tiếng Hy Lạp) được dùng để giải thích: từ này không bổ sung bất cứ nội dung nào cho dữ liệu Kinh Thánh. Tuy nhiên, các từ ousiahomoousios sẽ gây ra những cuộc tranh luận kéo dài. Ý nghĩa của từ triết học ousia (bản tính, bản thể) tại Công đồng Nixêa đã tạo ra sự xung đột - chẳng hạn như trong trường hợp của Basil và Gregory thành Nyssa - với việc sử dụng cạnh tranh của từ hypostasis (ngôi vị).

Hơn nữa, tà thuyết Kitô học của Ariô, một tà thuyết bị phản đối tại Công đồng Nixêa, đã nghi vấn quan điểm Kinh Thánh về hữu thể nhân bản, và mở ra một tà thuyết nhân học có thể xảy ra.

Thuật ngữ triết học cho các khái niệm thần học

Việc sử dụng các thuật ngữ triết học hoàn toàn không phải là sự phủ nhận hay thay thế ngôn ngữ Kinh Thánh. Hơn nữa, Kinh Tin Kính chủ yếu sử dụng ngôn ngữ Kinh Thánh, chủ yếu trích từ Tin Mừng Gioan: Chúa Giêsu là Thiên Chúa (Ga 1:1), là ánh sáng (Ga 8:12; 9:1-7), là Thiên Chúa thật (1 Ga 5:20), là Đấng được sinh ra (Ga 1:13), nhờ Người mà muôn vật được tạo thành (Ga 1:3; Cl 1:16 và 1 Cr 8:6).

Và Kinh Tin Kính sử dụng những công thức giải thích ousia chung của Chúa Cha và Chúa Con: với “được sinh ra”, Kinh Tin Kính thêm “không phải được tạo thành”, để đáp lại các luận đề của Ariô. Với cùng ý định đó, Kinh Tin Kính chỉ rõ “ánh sáng bởi ánh sáng” và “Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật”.

Bằng cách tiếp thu các thuật ngữ Kinh Thánh và giải thích chúng bằng các thuật ngữ triết học trong định nghĩa đại kết về đức tin, Công đồng đã mở ra một trang mới. Công đồng đã thánh hiến sự phong phú của nỗ lực thần học trong việc giải thích Kinh Thánh.

Thẩm quyền của Công đồng

Công đồng Nixêa công nhận thẩm quyền của Giáo hội, được tập hợp trong một Công đồng chung, để xác định nội dung đức tin Kitô giáo bằng một định nghĩa mang tính tín điều, thể hiện sự tiến bộ trong việc giải thích những điều đã được mặc khải.

Đức tin là một chân lý cần được tin và hiểu. Những quyết định quan trọng liên quan đến đức tin phải được đưa ra trong Công đồng chung, với sự tham gia của đại diện toàn thể nhân loại, chứ không phải theo cách phân chia theo khu vực. Sự căng thẳng giữa địa phương và hoàn cầu, giữa chủ nghĩa đại kết thống nhất và quyền tự chủ hợp pháp, vẫn là một vấn đề quan trọng trong và giữa các Giáo hội.

Mặc dù chúng ta đang ở một thời đại khác, chúng ta vẫn cần xem xét quyền tự chủ hợp pháp của chính quyền thế tục và vị trí của Giáo hội trong xã hội dân sự.

Di sản Công đồng Nixêa cũng là sự đan xen giữa các quyền lực chính trị và tôn giáo. Điều này có thể thấy rõ qua vai trò của hoàng đế trong việc tổ chức hậu cần cho biến cố và các hậu quả của nó. Trong bối cảnh thời La Mã, sự can thiệp của thế tục vào tôn giáo khá phổ biến. Constantine đã kế thừa điều này.

Mặc dù chúng ta đang ở một thời đại khác, chúng ta vẫn cần xem xét quyền tự chủ hợp pháp của chính quyền thế tục và vị trí của Giáo hội trong xã hội dân sự. Nhưng chúng ta cũng cần phải giải thích lý do tại sao và bằng cách nào các lĩnh vực chính trị và xã hội thường xuyên áp đặt hình ảnh Chúa Kitô, ngay cả bên ngoài bối cảnh tôn giáo, bằng cách biến Người thành một vai trò bắt nguồn từ tín lý của Người (nhà tiên tri, nhà cách mạng). Việc phổ thông hóa Chúa Giêsu này cũng là một cách gián tiếp xóa bỏ bản sắc thần thánh của Người.

Di sản của Công đồng

Công đồng Nixêa đã tuyệt thông Ariô và chính thức hóa sự tách biệt giữa người Do Thái và Kitô hữu. Nhưng nó cũng đặt nền móng cho việc đối thoại với các nền văn hóa đương thời, đặc biệt là trong một thế giới đa văn hóa và đa tôn giáo.

Công đồng Nixêa được trải nghiệm trong bối cảnh Kitô giáo, nhưng nó vẫn có lập trường tôn trọng Do Thái giáo và các tín ngưỡng của thời Cổ đại. Trái với niềm tin phổ biến, Do Thái giáo quan niệm về tính thân xác (hữu hình) của Thiên Chúa theo nhiều cách. Một nền chú giải về Kinh Tin Kính Nixêa làm sáng tỏ việc nó bám chặt Giao Ước Thứ Nhất ra sao. Nếu thần học được phát triển trong sự giao thoa giữa đức tin và văn hóa, điều này không phải là không có ý nghĩa đối với việc công bố Tin mừng trong những bối cảnh mới.

Vào thế kỷ thứ năm, tại Rôma, Công đồng Nixêa có thể được đọc lại để biện minh cho việc phục vụ phổ quát tính hiệp nhất và tính ưu việt của Tông tòa Rôma trong mối quan hệ với các tòa khác. Về phần mình, Đông phương nhấn mạnh rằng Công đồng Nixêa đã tạo điều kiện cho việc phát triển và cấu trúc tính công đồng và tính hiệp đoàn để củng cố sự hiệp nhất Kitô giáo.

Sự tiếp nhận kép này có thể được xem xét từ cả góc nhìn thượng nguồn và hạ nguồn. Thượng nguồn, thực hành này kế thừa các thực hành công đồng của thế kỷ thứ hai, vốn tìm cách xác định đức tin chung theo các tiêu chuẩn vẫn còn phù hợp để suy nghĩ về sự hiệp nhất của Giáo hội. Hạ nguồn, Công đồng Nixêa có thể truyền cảm hứng cho nghiên cứu đại kết ngày nay, ngay cả khi nó cũng là một dấu hiệu của sự mâu thuẫn trong lịch sử giữa Đông và Tây.

Giá trị đại kết

Thật vậy, thẩm quyền của Công đồng Nixêa được công nhận trong đối thoại đại kết, ngay cả khi nó không giải quyết được tất cả các vấn đề tín lý sẽ phát sinh sau này, bao gồm cả vấn đề Filioque (và Chúa Con). Công đồng đã tìm cách kết hợp sự đa dạng và thống nhất trong các cách tiếp cận văn hóa và thần học đối với đức tin Kitô giáo. Con người của Chúa Giêsu là nền tảng, là viên đá góc của Giáo hội và của sự hiệp nhất của các Kitô hữu, những người tuyên xưng Người là Thiên Chúa thật, sinh ra bởi Thiên Chúa và là người thật.

Đâu là sự khác biệt giữa Kinh Tin Kính các Tông Đồ và Kinh Tin Kính Nixêa?

Bài thứ hai của Philip Kosloski, đăng ngày 01/02/18, cập nhật ngày 23/07/25. Ông viết:

Khi tham dự Thánh lễ vào các Chúa Nhật và các ngày lễ buộc, cộng đoàn cùng nhau đọc Kinh Tuyên xưng Đức tin sau bài giảng. Kinh này còn được gọi là Kinh Tin Kính, bắt nguồn từ tiếng Latin credo, có nghĩa là "Tôi tin".

Quy chế Tổng quát Sách Lễ Rôma giải thích mục đích của Kinh Tin Kính được đưa vào Thánh Lễ.

Mục đích của Kinh Tin Kính hay Kinh Tuyên Xưng Đức Tin là để toàn thể giáo dân hiện diện có thể đáp lại Lời Chúa được công bố trong các bài đọc được trích từ Kinh Thánh và được giải thích trong Bài Giảng, đồng thời để họ cũng có thể tôn kính và tuyên xưng các mầu nhiệm lớn của đức tin bằng cách tuyên xưng luật đức tin theo một công thức được chấp thuận để sử dụng trong phụng vụ và trước khi việc cử hành các mầu nhiệm này trong Bí tích Thánh Thể bắt đầu.

Nói cách khác, Kinh Tin Kính là một lời "Amen" dài hơn nhiều cho tất cả những gì đã được nói trong Phụng Vụ Lời Chúa và là một sự khẳng định về những gì sắp diễn ra trong Phụng Vụ Thánh Thể. Đó là một sự đồng thuận bản thân và tập thể, tuyên xưng với tất cả những người hiện diện rằng anh chị em tin vào những niềm tin nền tảng của đức tin Công Giáo.

Hai lựa chọn

Giáo hội, trong sự khôn ngoan của mình, đã chọn hai Kinh Tin Kính khác nhau có thể được đọc trong Thánh Lễ: Kinh Tin Kính các Tông Đồ và Kinh Tin Kính Nixêa. Hướng dẫn trong Sách Lễ ghi rõ: "Thay vì Kinh Tin Kính Nixêa-Constantinopoli, đặc biệt là trong Mùa Chay và Mùa Phục Sinh, có thể sử dụng Kinh Tin Kính lúc rửa tội của Giáo Hội Rôma, được gọi là Kinh Tin Kính các Tông Đồ. Việc sử dụng Kinh Tin Kính nào là tùy thuộc vào linh mục và giám mục địa phương.

Cả hai Kinh Tin Kính đều cổ xưa và có nguồn gốc từ những ngày đầu của Giáo Hội.

Kinh Tin Kính Nixêa

Kinh Tin Kính Nixêa, nói một cách chính xác, là "Kinh Tin Kính Nixêa-Constantinopoli" và được phát triển lần đầu tiên sau Công đồng Nixêa lần thứ nhất năm 325. Nó được cho là để chống lại một sai lầm thần học gọi là tà thuyết Ariô (do người đề xướng chính, một linh mục tên là Ariô) phủ nhận thiên tính của Chúa Kitô. Một Kinh Tin Kính đã được phát triển để khẳng định tín lý của Giáo Hội và được tinh chỉnh thêm tại Công đồng Constantinople lần thứ nhất năm 381. Nó được mở rộng dựa trên các Kinh Tin Kính trước đó để chính xác hơn về những gì Giáo Hội tin.

Trước Kinh Tin Kính Nixêa, đã có nhiều Kinh Tin Kính sơ khai khác, thường được gọi là symbolon trong tiếng Hy Lạp. Theo Edward Sri, một symbolon có ý nghĩa to lớn trong thế giới cổ thời.

Trong Giáo hội sơ khai, các Kitô hữu mô tả Kinh Tin Kính, bản tuyên bố tóm tắt đức tin của họ, là biểu tượng, "dấu ấn" hay "biểu tượng của đức tin". Trong thế giới cổ thời, từ tiếng Hy Lạp "biểu tượng" thường dùng để chỉ một vật như một mảnh giấy da, một con dấu hoặc một đồng xu được cắt làm đôi và trao cho hai bên. Nó đóng vai trò là phương tiện nhận biết và xác nhận mối quan hệ giữa hai bên. Khi hai nửa của biểu tượng được ghép lại, danh tính của chủ sở hữu được xác minh và mối quan hệ được xác nhận. Tương tự như vậy, Kinh Tin Kính đóng vai trò là phương tiện để nhận biết Kitô hữu. Người nào tuyên xưng Kinh Tin Kính có thể được xác định là một Kitô hữu chân chính. Hơn nữa, họ được đảm bảo rằng những gì họ tuyên xưng trong Kinh Tin Kính đã đưa họ đến sự hiệp nhất với đức tin mà các Tông đồ đã công bố ban đầu.

Kinh Tin Kính Các Tông Đồ

Kinh Tin Kính Các Tông Đồ phát triển từ truyền thống cổ xưa đó và theo truyền thuyết, chính các Tông đồ đã viết một phần của Kinh Tin Kính đó vào Lễ Ngũ Tuần. Trong khi các học giả đã tranh luận hàng thế kỷ về tính xác thực của chủ trương này, nhiều người tin rằng ít nhất, một hình thức của Kinh Tin Kính Các Tông Đồ đã được viết vào thế kỷ thứ 2 và dựa trên một phác thảo từ thời các tông đồ.

Về cơ bản, cả hai Kinh Tin Kính đều nói cùng một điều, một Kinh chính xác hơn (Công đồng Nixêa) và Kinh còn lại tóm tắt đức tin bằng ít từ ngữ hơn (Kinh Tin Kính Các Tông Đồ). Mục đích của cả hai đều giống nhau, khẳng định đức tin và công bố trước mọi người những gì chúng ta tin.

Kinh Tin Kính mà bạn nói đến, và vị thánh đã bảo vệ nó

Bài thứ ba của Daniel Esparza – đăng tải ngày 05/02/25. Ông viết:

Mỗi Chúa Nhật trong Thánh Lễ, chúng ta đứng lên và đọc Kinh Tin Kính Nixêa. Kinh này quen thuộc — có lẽ quá quen thuộc. Năm nay, có lẽ chúng ta chú ý hơn thường lệ khi Giáo Hội chuẩn bị ngay trong tháng này cho lễ kỷ niệm 1,700 năm Công đồng Nixêa, nơi đã ban hành Kinh Tin Kính cho chúng ta. (Đức Giáo Hoàng Phanxicô dự định sẽ đến Thổ Nhĩ Kỳ cùng với Đức Thượng Phụ Bartholomew để kỷ niệm ngày kỷ niệm tại địa điểm ban đầu. Có lẽ người kế nhiệm ngài sẽ thực hiện chuyến đi.)

Ngoài những ngày kỷ niệm, chúng ta đã đọc Kinh Tin Kính này mỗi Chúa Nhật trong suốt cuộc đời mình, điều đó có thể có nghĩa là chúng ta chưa chú ý đủ. Bởi vì ẩn sâu trong ngôn ngữ cổ xưa của nó là một chiến trường tư tưởng, và một trong những người bảo vệ chân lý mạnh mẽ nhất của nó là một giám mục trẻ đến từ Ai Cập: Thánh Athanasiô.

Khủng hoảng thế kỷ thứ 4

Vào thế kỷ thứ 4, Giáo hội phải đối diện với một cuộc khủng hoảng thần học. Một linh mục nổi tiếng tên là Ariô đã dạy rằng Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, đã được tạo dựng — thần linh một cách nào đó, nhưng không hoàn toàn là Thiên Chúa. Giáo huấn này lan truyền nhanh chóng, đặc biệt là trong giới giám mục mong muốn duy trì hòa bình với Đế quốc La Mã. Vấn đề không có tính học thuật. Nếu Chúa Kitô không thực sự là Thiên Chúa, Người không thể kết hợp chúng ta với Thiên Chúa. Nếu Người thấp kém hơn Thiên Chúa, thì thập tự giá không thể cứu chuộc thế gian.

Anathaxiô, giám mục thành Alexandria, đã sớm nhận ra mối nguy hiểm này. Ngài khẳng định rằng Chúa Con “đồng bản thể” (homoousios) với Chúa Cha — một tuyên bố mà sau này Giáo hội đã ghi nhận trong Kinh Tin Kính Nixêa. “Người đã trở nên như chúng ta,” Thánh Anathaxiô viết trong tác phẩm Nhập Thể, “để Người có thể làm cho chúng ta nên như Người.” Đây không phải là một ẩn dụ. Để sự cứu rỗi trở nên có thật, Chúa Giêsu phải thực sự là thần linh và thực sự là con người.

Được sinh ra, chứ không phải được tạo thành

Công đồng Nixêa năm 325 - tức 1,700 năm trước, vào đúng tháng này - đã khẳng định lập trường của Thánh Anathaxiô, tuyên bố rằng Chúa Giêsu "được sinh ra, chứ không phải được tạo thành, đồng bản thể với Chúa Cha".

Những câu nói này không chỉ mang tính thi ca - chúng là những đường lối chống lại sự nhầm lẫn và thỏa hiệp. Nhưng rất lâu sau khi công đồng kết thúc, xung đột vẫn tiếp diễn. Những người theo Ariô vẫn nắm giữ quyền lực, đặc biệt là trong triều đình. Thánh Anathaxiô đã bị lưu đày năm lần. Có lúc, gần như toàn bộ hàng giám mục đã quay lưng lại với ngài. Vậy mà ngài vẫn kiên định.

Ngài không bám víu vào một ý tưởng trừu tượng - ngài đang bảo vệ chính khả thể Thiên Chúa bước vào thế gian. Sự sáng suốt và lòng dũng cảm của Thánh Anathaxiô không chỉ bảo tồn tín lý mà còn cả trí tưởng tượng thiêng liêng của Giáo hội. Nếu không có ngài, sự hiểu biết của chúng ta về Nhập thể, Chúa Ba Ngôi và Bí tích Thánh Thể có thể đã bị đe dọa.

Ngày nay, chúng ta vẫn nhắc lại chiến thắng của ngài mỗi khi tuyên xưng Kinh Tin Kính Nixêa. Những lời ấy — quen thuộc đến nỗi đôi khi chúng ta đọc lại một cách máy móc — được tôi luyện trong ngọn lửa tranh luận và lưu đày. Chúng không phải là thánh tích. Chúng là một sợi dây cứu sinh, neo giữ chúng ta vào đức tin đã được truyền lại và đấu tranh cho.

Hoàn toàn độc đáo

Sách Giáo lý đã nói rõ ràng: “Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa thật và là người thật” (GLCG 464), và chân lý này là “biến cố độc nhất và hoàn toàn độc đáo” nằm ở trung tâm đức tin của chúng ta (SGLCG 470).

Nếu đúng như vậy, thì chúng ta mang ơn vị giám mục đã không chịu khuất phục hơn những gì chúng ta biết.

Chúa nhật tới, khi bạn nói “đồng bản thể với Chúa Cha”, hãy nhớ đến Thánh Anathaxiô. Ngài có thể không được nhắc đến tên, nhưng Ngài hiện diện ở đó — trong từng từ, từng cụm từ, từng âm tiết của một kinh Tin Kính đã tồn tại lâu hơn cả các hoàng đế.

Những điều cần biết về sự chia rẽ Chính Thống giáo-Công Giáo và hy vọng tái thống nhất

Bài thứ tư của Alicia Ambrosio, đăng tải ngày 13/09/2017 - cập nhật ngày 17/05/2024. Bà viết:

Năm 1054, Đức Giáo Hoàng Leo IX của Rôma và Thượng phụ Michael I Kiroularious (hay Cerularius) của Constantinople đã rút phép thông công lẫn nhau. Hành động chung này đã dẫn đến một số tranh chấp Đông-Tây, dẫn đến sự ly giáo Đông-Tây trong Giáo hội. Các giáo phận phía Tây vẫn hợp nhất với Rôma được gọi là Công Giáo Rôma, trong khi các giáo phận phía Đông vẫn trung thành với Constantinople tự cho mình là Chính Thống giáo. Gần 1,000 năm đã trôi qua trước khi một ủy ban chung Công Giáo-Chính thống giáo được thành lập để nghiên cứu nguyên nhân của sự chia rẽ và hướng tới khả năng tái thống nhất.

Mặc dù sự chia rẽ chính thức giữa Đông và Tây có thể được xác định là bắt đầu từ năm 1054, nhưng sự chia rẽ này thực sự đã diễn ra từ rất lâu. Qua nhiều thế kỷ, Kitô giáo Đông phương và Tây phương đã phát triển những điểm nhấn thần học và thực hành phụng vụ khác nhau, cũng như những quan niệm khác nhau về quản trị Giáo hội.

Một trong những vấn đề chính khiến Đông và Tây xa cách là quyền tối thượng của Giám mục Rôma. Các Kitô hữu Đông phương không phủ nhận rằng Tòa Rôma nắm giữ quyền tối thượng trên tất cả các Giáo hội khác, kể cả Constantinople, nhưng họ đã tranh luận về những tuyên bố pháp lý mà các giám mục Rôma ngày càng đưa ra liên quan đến quyền tối thượng này.

Một điểm nóng đặc biệt trong cuộc tranh luận có thể được thấy trong điều được gọi là Tranh cãi Filioque (và Chúa Con). Bắt đầu từ thế kỷ thứ 7, một số Kitô hữu phương Tây đã thêm cụm từ "và Chúa Con" (filioque) vào giáo huấn của Kinh Tin Kính Nixêa, tin rằng Chúa Thánh Thần phát xuất "từ Chúa Cha". Mặc dù các Giáo phụ Đông phương và Tây phương khẳng định rằng Chúa Thánh Thần phát xuất từ Chúa Cha và Chúa Con, nhưng các Kitô hữu Đông phương đã phản đối việc Đức Giáo Hoàng áp dụng cụm từ “và Chúa Con” vào phụng vụ Rôma vào đầu thế kỷ 11. Họ lập luận rằng một mình Đức Giáo Hoàng không có thẩm quyền thay đổi những gì một công đồng Giáo hội - trong trường hợp này là Công đồng Nixêa - đã ban hành.

Những vấn đề khác làm gia tăng căng thẳng giữa các Kitô hữu Đông phương và Tây phương là những cách tiếp cận khác nhau đối với kỷ luật bí tích và luật độc thân của giáo sĩ.

Tuy nhiên, nếu Đức Giáo Hoàng Phanxicô có thể nói với một phái đoàn Luther năm ngoái rằng “điều đoàn kết chúng ta lớn hơn nhiều so với điều chia rẽ chúng ta”, thì chúng ta nên áp dụng lời của ngài đặc biệt cho các thành viên của Giáo hội Chính thống giáo. Chính thống giáo duy trì sự kế vị tông truyền thực sự giữa các giám mục của mình, và do đó các giám mục và linh mục của họ cử hành các bí tích một cách hợp lệ. Cũng như Công Giáo Rôma, các Kitô hữu Chính thống giáo tôn kính Đức Mẹ, họ nuôi dưỡng lòng sùng kính các thánh (đặc biệt là các vị tử đạo), và họ ăn chay và mừng lễ theo các mùa trong năm phụng vụ.

Với rất nhiều điểm chung, và với lời cầu nguyện và mong muốn của Chúa Kitô rằng con cái Người “tất cả nên một” (Ga 17:21), các mục tử Công Giáo và Chính thống giáo ngày nay đã chính đáng dấn thân vào cuộc đối thoại mang tính xây dựng, với mục tiêu trở về sự hiệp nhất.

Những nỗ lực hiện đại

Hành trình hướng tới sự thống nhất chính thức bắt đầu vào năm 1964 khi Đức Giáo Hoàng Phaolô VI và Đức Thượng phụ Đại kết Athenagoras I của Constantinople gặp nhau lần đầu tiên tại Jerusalem. Năm sau, các vị đã ký một tuyên bố chung bãi bỏ án vạ tuyệt thông mà những người tiền nhiệm đã trao cho nhau 900 năm trước. Kể từ đó, các giáo hoàng và các thượng phụ Đông phương đã trao đổi các chuyến thăm và ký kết các tuyên bố trong nhiều dịp khác nhau.

Năm 1979, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và Đức Thượng phụ Đại kết Demetrios I chính thức thành lập Ủy ban Quốc tế Chung về Đối thoại Thần học giữa Giáo Hội Công Giáo và Giáo hội Chính thống giáo. Ủy ban bao gồm đại diện từ các Tòa Thượng phụ Chính thống giáo Hy Lạp tại Alexandria, Antioch và Jerusalem, cũng như Tòa Thượng phụ Chính thống giáo Nga tại Moscow và các Tòa Thượng phụ Chính thống giáo Serbia, Romania, Bulgaria, Hy Lạp, Ba Lan, Albania, Phần Lan và Estonia. Kể từ khi thành lập, Ủy ban đã tổ chức 16 phiên họp toàn thể, đưa ra bảy tài liệu có tầm quan trọng đại kết.

Một trong số đó, được ban hành vào năm 2016 sau khi Ủy ban họp tại Chieti, Ý, nghiên cứu vai trò của các giám mục, và đặc biệt là Giám mục Rôma, trong thiên niên kỷ đầu tiên, trước khi xảy ra Đại Ly giáo. Bằng cách ghi nhớ quá khứ chung của Đông và Tây, Ủy ban hy vọng sẽ tạo ra sự hiểu biết chung về hoàn cảnh hiện tại. Với tài liệu năm 2016, một giai đoạn quan trọng trong công việc của Ủy ban chung đã kết thúc.

Trong bài phát biểu trước Đức Thượng phụ Đại kết Bartholomew I của Constantinople nhân Lễ Thánh Anrê năm đó, Đức Giáo Hoàng Phanxicô lưu ý rằng hành trình này sẽ tiếp tục, được hỗ trợ nhiều hơn từ thiên đàng hơn là những nỗ lực trên trái đất.

Ngài nói: "Trong hành trình hướng tới việc khôi phục sự hiệp thông Thánh Thể giữa chúng ta, chúng ta được nâng đỡ không những bởi sự chuyển cầu của các vị thánh bổn mạng mà còn bởi hàng loạt các vị tử đạo từ mọi thời đại, những vị 'bất chấp bi kịch chia rẽ của chúng ta... đã giữ vững sự gắn bó với Chúa Kitô và Chúa Cha một cách triệt để và tuyệt đối đến mức có thể dẫn đến đổ máu' (Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Ut unum sint, 83)."

Còn nữa
 
Một cặp ở Pakistan bị cáo buộc có quan hệ bất hợp pháp. Cộng đồng của họ đã tử hình họ trong vụ giết người vì danh dự
Đặng Tự Do
17:09 26/07/2025


Cảnh sát Pakistan đã tiến hành nhiều vụ bắt giữ sau khi một cặp nam nữ bị giết hại giữa ban ngày theo lệnh của một bô lão bộ lạc vì có mối quan hệ “bất hợp pháp”, trong vụ “giết người vì danh dự” mới nhất ở nước này.

Vụ giết người ở tỉnh Balochistan, phía tây nam, nhấn mạnh bản chất kinh hoàng và dai dẳng của những tội ác như vậy trên khắp Trung và Nam Á, nơi gia đình và cộng đồng tin rằng họ có thể khôi phục “danh dự” thông qua đổ máu.

Bộ trưởng Safraz Bugti của Balochistan cho biết ít nhất 11 người đã bị bắt kể từ khi video ghi lại vụ việc gần đây lan truyền trên mạng xã hội.

Đoạn video mô tả cảnh giết người cho thấy khoảng một chục người đàn ông cùng một số phương tiện trên sa mạc đang bao vây một cặp nam nữ.

Một người phụ nữ, đầu quấn khăn choàng, có thể được nhìn thấy đang từ từ bước đi trước một trong những chiếc xe trong khi một người đàn ông đi theo cô, được cả nhóm theo dõi.

“Các người chỉ được phép bắn tôi, không được bắn ai khác”, cô nói bằng tiếng Brahvi, một ngôn ngữ địa phương, trước khi người đàn ông giơ súng lục lên và bắn cô ở cự ly gần.

Video cho thấy người phụ nữ vẫn đứng vững sau hai phát súng, và chỉ ngã xuống sau phát súng thứ ba. Sau đó, video còn ghi lại thêm nhiều phát súng khác.

Một đoạn video khác cho thấy cảnh thi thể đầy máu của một người đàn ông và một người phụ nữ nằm cạnh nhau.

Theo báo cáo của cảnh sát, người đàn ông và người phụ nữ này bị giết vì bị cáo buộc có mối quan hệ luyến ái. Họ bị một thủ lĩnh bộ lạc địa phương coi là “bất hợp pháp” vì cô gái đã được hứa gả cho một người đàn ông khác mà cô chưa hề biết mặt.

Báo cáo của cảnh sát cho biết, nhà lãnh đạo này được tường trình đã ra phán quyết xử tử họ.

Giết người vì danh dự vẫn còn phổ biến ở Pakistan, với hàng trăm vụ được báo cáo mỗi năm — mặc dù các chuyên gia tin rằng con số thực tế cao hơn nhiều do tình trạng báo cáo không đầy đủ.

Những vụ giết người này thường do các thành viên gia đình hoặc trưởng làng thực hiện vì họ tin rằng một người họ hàng, thường là phụ nữ, đã mang lại “sự xấu hổ” cho gia đình, đôi khi vì những lý do có vẻ vô hại như kết hôn theo sự lựa chọn, muốn ly hôn hoặc thách thức các truyền thống.

Những chuẩn mực gia trưởng ăn sâu vào tiềm thức coi danh dự gia đình cao hơn mạng sống con người, sự khinh miệt phụ nữ, sự chấp nhận về mặt văn hóa và việc thực thi pháp luật yếu kém đã cho phép những kẻ phạm tội hành động gần như vô tội.

Trong những năm gần đây, một loạt vụ giết người vì danh dự gây chấn động dư luận đã gây xôn xao dư luận ở Pakistan, thu hút sự lên án trong nước và quốc tế, đồng thời nhấn mạnh sự tồn tại dai dẳng của hành vi này.

Năm 2016, ngôi sao mạng xã hội Qandeel Baloch đã bị anh trai sát hại trong một vụ được gọi là “giết người vì danh dự”. Baloch nổi tiếng và khét tiếng ở Pakistan, một quốc gia vốn bảo thủ và gia trưởng, do những bài đăng táo bạo, táo bạo và ngày càng mang tính chính trị trên mạng xã hội.

Vụ sát hại cô đã gây ra làn sóng phẫn nộ trên toàn quốc và thúc đẩy những thay đổi trong luật “giết người vì danh dự” của đất nước. Tội giết người vì danh dự hiện bị kết án chung thân, nhưng việc thay đổi luật pháp vẫn chưa làm giảm bớt tội ác này.

Theo dữ liệu từ Ủy ban Nhân quyền Pakistan, gọi tắt là HRCP, chỉ riêng năm ngoái, ít nhất 335 phụ nữ và 119 nam giới đã bị giết trong cái gọi là “vụ giết người vì danh dự”.

Bộ trưởng Bugti của Balochistan gọi vụ giết người gần đây nhất bị cáo buộc là “không thể dung thứ” và là “sự vi phạm trắng trợn các giá trị xã hội và nhân phẩm con người”.


Source:CNN
 
Chính trị gia Thụy Sĩ phải ra tòa sau khi bắn 20 phát súng vào hình ảnh Đức Mẹ Maria và Chúa Giêsu
Đặng Tự Do
17:10 26/07/2025


Các công tố viên Thụy Sĩ đã đệ đơn kiện hình sự đối với một ủy viên hội đồng Zurich và cựu lãnh đạo Đảng Tự do Xanh sau khi bà đăng tải hình ảnh mình bắn khoảng 20 phát súng vào một bức tranh Kitô Giáo mô tả Đức Mẹ Đồng Trinh và Chúa Giêsu hài đồng.

Theo hãng tin Thụy Sĩ 20 Minuten, văn phòng công tố Zurich cáo buộc Sanija Ameti công khai xúc phạm tín ngưỡng tôn giáo và phá hoại hòa bình tôn giáo theo Điều 261 của Bộ luật Hình sự Thụy Sĩ.

Bộ luật này trừng phạt bất kỳ ai “công khai và ác ý xúc phạm hoặc chế giễu niềm tin tôn giáo của người khác, đặc biệt là niềm tin của họ vào Chúa, hoặc cố ý xúc phạm các vật phẩm tôn giáo”.

Vụ việc xảy ra vào tháng 9 năm 2024, khi Ameti dùng súng hơi bắn vào bản sao bức tranh “Đức Mẹ bồng Chúa Hài Đồng bên cạnh Tổng Lãnh Thiên Thần Micae” của họa sĩ Tommaso del Mazza vào thế kỷ 14.

Theo báo cáo, chính trị gia này đã bắn từ khoảng cách khoảng 10 mét, cố tình nhắm vào đầu của Đức Mẹ Maria và Chúa Giêsu.

Ameti, người tự nhận là người vô thần, lúc mới sinh là người Hồi giáo, sau đó đã đăng những bức ảnh về hình ảnh bị báng bổ lên Instagram, chú thích bằng từ “abschalten” - một thuật ngữ tiếng Đức có nghĩa là “tắt” nhưng trong bối cảnh bắn vào mặt Đức Mẹ Maria và Chúa Giêsu, được một số người hiểu là hành động tượng trưng cho việc xóa bỏ hoặc loại bỏ.

Những hình ảnh về sự báng bổ, bao gồm cả hình ảnh cận cảnh các lỗ đạn, đã ngay lập tức gây ra sự phẫn nộ trên quy mô lớn.

Tổng cộng, 31 người đã nộp đơn khiếu nại hình sự. Ameti đã từ chức lãnh đạo Đảng Tự do Xanh Zurich và rời khỏi đảng hoàn toàn vào tháng Giêng. Tuy nhiên, bà vẫn là thành viên độc lập của hội đồng thành phố Zurich.

Vào thời điểm đó, Ameti đã phản ứng lại sự phẫn nộ trên mạng xã hội bằng một bài đăng ngắn trên X.

“Tôi cầu xin sự tha thứ từ những người bị tổn thương vì bài đăng của tôi”, cô viết, khẳng định rằng ban đầu cô không nhận ra ý nghĩa tôn giáo của hình ảnh đó và sau đó đã xóa những hình ảnh đó khi nhận ra điều đó.

Theo cáo trạng, văn phòng công tố Zurich coi hành động này là một “sự dàn dựng công khai” cố ý, cấu thành “sự coi thường không cần thiết và gây tổn thương” đối với niềm tin của các Kitô hữu, có khả năng gây rối loạn hòa bình tôn giáo.

Các công tố viên đang yêu cầu mức phạt có điều kiện là 10.000 franc Thụy Sĩ (khoảng 11.500 đô la) và mức phạt 2.500 franc (khoảng 2.900 đô la), cũng như chi phí pháp lý.

Phong trào công dân Thụy Sĩ Mass-Voll, đơn vị đã nộp một trong những đơn khiếu nại đầu tiên, đã mô tả vụ việc này là “một hành động kích động bạo lực rõ ràng chống lại các Kitô hữu”.

Chủ tịch của tổ chức này, Nicolas Rimoldi, lưu ý rằng trước tình trạng bạo lực gia tăng đối với các Kitô hữu trên khắp Âu Châu, những hành động như vậy “làm giảm ngưỡng cho các cuộc tấn công tiếp theo”, truyền thông Thụy Sĩ đưa tin.

Cựu chính trị gia Đảng Tự do Xanh cho đến nay vẫn chưa đưa ra bình luận công khai nào về bản cáo trạng.

Phản ứng của các giám mục Thụy Sĩ

Hội đồng Giám mục Thụy Sĩ vào thời điểm đó đã lên án hành động này là “không thể chấp nhận được”, tuyên bố rằng nó thể hiện “bạo lực và sự thiếu tôn trọng đối với con người” và gây ra “sự tổn thương sâu sắc trong số các tín hữu Công Giáo”.

Các giám mục nhấn mạnh rằng “ngay cả khi không đề cập đến hình ảnh tôn giáo về Mẹ Thiên Chúa”, hành động này cũng cho thấy “sự thiếu tôn trọng cơ bản đối với phẩm giá con người”, theo CNA Deutsch, đối tác tin tức tiếng Đức của CNA.

Đức Cha Joseph Bonnemain của Chur, Thụy Sĩ, cho biết Ameti đã viết thư riêng cho ngài để bày tỏ sự hối hận.

Để đáp lại, ngài đã công khai bày tỏ sự tha thứ và kêu gọi những người Công Giáo và tín hữu khác làm điều tương tự.

Theo CNA Deutsch, ngài nói: “Làm sao tôi có thể không tha thứ cho cô ấy được?”

Tuy nhiên, bất kể lời tha thứ của Đức Cha Joseph Bonnemain, các công tố viên Thụy Sĩ khẳng định rằng Ameti phải ra tòa.


Source:Catholic News Agency
 
Đức Tổng Giám Mục Broglio kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức ở Gaza và đối thoại hướng tới hòa bình
Đặng Tự Do
17:12 26/07/2025


Phản ứng trước cuộc tấn công bằng xe tăng vào Nhà thờ Thánh Gia ở Gaza, Đức Tổng Giám Mục Timothy P. Broglio, chủ tịch Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ đã cùng Đức Giáo Hoàng Lêô XIV cầu nguyện cho những người thiệt mạng và những người bị thương, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải ngừng bắn ngay lập tức và đối thoại vì hòa bình.

“Cùng với Đức Thánh Cha, các giám mục Công Giáo Hoa Kỳ vô cùng đau buồn khi biết tin về những cái chết và thương tích tại Nhà thờ Thánh Gia ở Gaza do một cuộc tấn công quân sự gây ra. Mối quan tâm đầu tiên của chúng tôi, dĩ nhiên, hướng đến Cha Gabriele Romanelli và toàn thể giáo dân, đặc biệt là gia đình của những người thiệt mạng. Chúng tôi cầu nguyện cho họ trong thời khắc bi thảm này. Cùng với Đức Thánh Cha, chúng tôi cũng tiếp tục cầu nguyện và vận động cho đối thoại và một lệnh ngừng bắn ngay lập tức. Hôm qua là lễ tưởng niệm Đức Mẹ Núi Carmelô, nhờ lời chuyển cầu của Mẹ, xin cho hòa bình được thiết lập tại Gaza.”


Source:USCCB'
 
Đức Hồng Y Vincent Nichols: Đức Giáo Hoàng Lêô XIV sẽ đưa ra những cải cách cho Vatican
Đặng Tự Do
17:13 26/07/2025


Đức Giáo Hoàng Lêô sẽ công bố những cải cách đối với Giáo triều Rôma vào mùa thu, Đức Hồng Y Vincent Nichols, Tổng Giám mục Westminster, đã dự đoán. Đức Hồng Y cho biết một trong những lý do Đức Giáo Hoàng được bầu là vì ngài hiểu rõ công tác quản trị của Giáo hội từ bên trong. Và theo Đức Hồng Y, các cuộc thảo luận giữa các Hồng Y vào thời điểm Đức Giáo Hoàng được bầu vào tháng 5 tập trung vào những vấn đề còn tồn tại của Giáo triều.

Đức Hồng Y Nichols đã đưa ra nhận xét của mình sau bài diễn văn thường niên tại Nhà thờ St George, Windsor. Phát biểu trước khán giả được mời, bao gồm cả Hoàng gia Vương Quốc Anh, ngài đã nói về nhu cầu hy vọng, vị trí của tôn giáo trong một xã hội thế tục, và những dấu hiệu đáng khích lệ cho thấy sự quan tâm ngày càng tăng của giới trẻ đối với đức tin Công Giáo – điều mà ngài gọi là “một phản ứng trước khía cạnh tâm linh trong bản chất con người chúng ta”.

Nhưng chính những câu trả lời của ngài cho các câu hỏi sau bài giảng đã thu hút khán giả, đặc biệt là những nhận xét của Đức Hồng Y về sự tham gia của ngài vào cả Cơ Mật Viện bầu Đức Giáo Hoàng Lêô và bộ phim Conclave được phát hành ngay trước khi Đức Thánh Cha Phanxicô qua đời.

Đức Hồng Y Nichols, một trong 133 Hồng Y cử tri đã chọn Hồng Y Robert Prevost làm Giáo hoàng tiếp theo, cho biết các phiên họp Đại hội đồng được tổ chức với cả các Hồng Y cử tri và cả các Hồng Y không phải là Hồng Y cử tri, đã nêu bật những phẩm chất mà họ tin rằng Giáo hoàng tiếp theo cần có – và Đức Hồng Y Prevost rõ ràng có tất cả những phẩm chất đó.

Các ngài tin rằng người kế vị Thánh Phêrô cần phải có lòng nhiệt thành truyền giáo - và Đức Hồng Y Prevost là thành viên của một dòng truyền giáo; ngài cần có khả năng trí tuệ - và Đức Hồng Y Prevost là một học giả; rằng ngài cần phải nhận thức được nhu cầu của thế giới - và Đức Hồng Y Prevost với tư cách là người lãnh đạo dòng Augustinô của riêng mình đã hai lần đi khắp thế giới; rằng ngài là một nhà lãnh đạo mục vụ - Đức Hồng Y Prevost đã từng là giám mục của một giáo phận nghèo; và ngài có kinh nghiệm làm việc tại giáo triều - ngài đã từng là tổng trưởng Bộ Giám mục từ năm 2023.

“Tôi nghĩ không ai khác có được tất cả kinh nghiệm đó”, ngài nói với cử tọa, “vì vậy việc bỏ phiếu trong Cơ Mật Viện không mất nhiều thời gian”, ám chỉ việc Đức Giáo Hoàng Lêô được bầu vào ngày thứ hai của Cơ Mật Viện và đạt được đa số hai phần ba cần thiết để đắc cử trong vòng bỏ phiếu thứ tư. “Phần lớn cuộc thảo luận của chúng tôi xoay quanh việc giải quyết vấn đề Giáo triều”.

Những người theo dõi Vatican sẽ háo hức chờ xem liệu Đức Lêô, với những cải cách của riêng mình, có đi theo bước chân của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, người được bầu vào năm 2013 với sứ mệnh rõ ràng là cải cách Giáo triều hay không. Chín năm sau khi nhậm chức, ngài đã ban hành tông hiến Praedicate Evangelium, thay thế tông hiến Pastor Bonus năm 1988 của Thánh Gioan Phaolô II, và tái tổ chức Giáo triều để nhấn mạnh vai trò của mình trong việc thúc đẩy Giáo hội như một cộng đồng các tông đồ truyền giáo, chia sẻ Phúc Âm và chăm sóc tất cả những người đang gặp khó khăn.

Những dấu hiệu ban đầu cho thấy Đức Giáo Hoàng Lêô có ý định tiếp tục các cải cách của người tiền nhiệm, người rất muốn đa dạng hóa thành phần của Giáo triều, bảo đảm rằng Giáo hội phản ánh mạnh mẽ hơn bằng cách bổ nhiệm đại diện từ khắp nơi trên thế giới, không chỉ phương Tây, và tăng cường bổ nhiệm phụ nữ.

Vào tháng 6, trong buổi tiếp kiến nhân viên Phủ Quốc Vụ Khanh, Đức Giáo Hoàng Lêô XIII đã nói rằng Phủ Quốc Vụ Khanh “ngày càng mang tính phổ quát và đã phát triển đáng kể”. Với gần một nửa số nhân viên là giáo dân, trong đó hơn 50 người là phụ nữ, “Phủ Quốc Vụ Khanh phản ánh bộ mặt của Giáo hội”, ngài nói, đồng thời cho biết nhiệm vụ của Phủ Quốc Vụ Khanh là truyền bá Phúc Âm qua nhiều nền văn hóa và ngôn ngữ khác nhau, đồng thời duy trì “một tầm nhìn Công Giáo, phổ quát, cho phép chúng ta trân trọng các nền văn hóa và cảm xúc khác nhau”.

Đức Giáo Hoàng Lêô nói: “Bằng cách này, chúng ta có thể trở thành động lực thúc đẩy việc xây dựng sự hiệp thông giữa Giáo hội Rôma và các Giáo hội địa phương, cũng như các mối quan hệ hữu nghị trong cộng đồng quốc tế”.

Theo Đức Hồng Y Nichols, bộ phim Conclave, được phát hành vào cuối cuộc đời của Đức Thánh Cha Phanxicô, dựa trên cuốn tiểu thuyết cùng tên của Robert Harris, đã mô tả rất chính xác các hoạt động thường ngày của một Cơ Mật Viện Hồng Y tại Nhà nguyện Sistina trong khi những xung đột giữa các Hồng Y cử tri được mô tả trong phim lại rất kỳ quặc.

Ngôi sao của bộ phim, Ralph Fiennes, người đóng vai Hồng Y Thomas Lawrence, Niên trưởng Hồng Y Đoàn, và là cháu trai của một nhà thần học Công Giáo lỗi lạc khác, Sebastian Moore, đã đến tìm lời khuyên của Hồng Y Nichols về cách hành xử như một giám mục cao cấp, chẳng hạn như cách sử dụng các nghi thức phụng vụ. Đức Hồng Y Nichols cho biết Fiennes, cháu trai của cố nhà thần học Công Giáo Nicholas Lash, rất ham học hỏi. “Chúng tôi đã dành khoảng ba giờ đồng hồ bên nhau và tôi nói với cậu ấy, 'cậu có muốn thử bộ đồ không?' và cậu ấy đã đồng ý”.


Source:Tablet
 
VietCatholic TV
Kremlin hé lộ lý do Putin không sợ TT Trump. Tướng Zaluzhnyi dự đoán khi nào cuộc xâm lược kết thúc
VietCatholic Media
02:34 26/07/2025


1. Putin không lo lắng về thời hạn ngừng bắn 50 ngày vì theo tờ Guardian ‘Hắn ta thấy Tổng thống Trump là người dễ xúc động và dễ bị ảnh hưởng’ —

Putin không lo lắng về Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hay thời hạn 50 ngày của ông để Nga và Ukraine đạt được lệnh ngừng bắn, tờ Guardian đưa tin ngày 23 tháng 7, trích dẫn lời các quan chức Điện Cẩm Linh giấu tên.

“Đối với Putin, cuộc xâm lược Ukraine mang tính sống còn. Lo lắng về phản ứng của ông Trump cùng lắm chỉ đứng thứ hai”, một cựu quan chức cao cấp của Điện Cẩm Linh cho biết.

Vào ngày 14 tháng 7, Tổng thống Trump tuyên bố Tòa Bạch Ốc sẽ áp đặt “mức thuế quan nghiêm ngặt” đối với Nga trừ khi nước này đồng ý thỏa thuận chấm dứt chiến tranh ở Ukraine trong vòng 50 ngày.

Nhà lãnh đạo Hoa Kỳ cũng tuyên bố rằng Washington sẽ cung cấp cho Ukraine vũ khí mới, bao gồm hệ thống phòng không Patriot, trong bối cảnh Nga tăng cường tấn công bằng hỏa tiễn và máy bay điều khiển từ xa.

“Putin không cố ý làm nhục Tổng thống Trump - nhưng ông ấy chắc chắn đã không giải quyết vấn đề một cách khôn ngoan”, một quan chức Điện Cẩm Linh cho biết.

Một quan chức nói với tờ Guardian rằng việc Nga ném bom các thành phố của Ukraine sau cuộc hội đàm giữa Tổng thống Trump và Putin là một “sai lầm chiến lược” đã hiểu sai về Tổng thống Trump, đồng thời lưu ý rằng Putin “ám ảnh” với việc không tỏ ra yếu đuối.

“Rất nhiều điều có thể xảy ra trong 50 ngày — và Putin biết điều đó. Ông ấy coi Tổng thống Trump là người dễ bị ảnh hưởng và dễ bị tác động... Mạc Tư Khoa sẽ tiếp tục đưa ra những lời đề nghị với Washington. Họ không coi rạn nứt này là không thể đảo ngược”, một nguồn tin trong giới chính sách đối ngoại Nga cho biết.

Trong khi đó, những người hiểu rõ suy nghĩ của nhà lãnh đạo Nga nói với tờ Guardian rằng Putin coi tối hậu thư của Tổng thống Trump là cơ hội để tối đa hóa mục tiêu của mình trong cuộc chiến của Nga chống lại Ukraine.

Nhà phân tích chính trị độc lập người Nga Tatiana Stanovaya cho biết: “Tại Mạc Tư Khoa, người ta đã hy vọng và mong đợi xây dựng mối quan hệ bền chặt với Tổng thống Trump... Nhưng ở Nga về cơ bản họ vẫn luôn nghĩ rằng họ phải đối mặt với các lệnh trừng phạt cứng rắn hơn của Hoa Kỳ và dòng vũ khí ổn định chảy vào Ukraine”.

Reuters ngày 15 tháng 7 đưa tin Putin vẫn quyết tâm tiếp tục cuộc chiến của Nga chống lại Ukraine cho đến khi phương Tây đồng ý hòa bình theo các điều khoản của ông.

Nga vẫn tiếp tục kiên quyết thực hiện các điều khoản của mình, bất chấp lời đe dọa gần đây của Tổng thống Trump về việc áp đặt 100% “thuế quan thứ cấp” đối với Mạc Tư Khoa trừ khi nước này đồng ý ký một thỏa thuận hòa bình trong vòng 50 ngày.

Hạn chót ngừng bắn 50 ngày của Tổng thống Trump vừa được hoan nghênh vừa bị chỉ trích từ các đồng minh của Ukraine, những người cho rằng hạn chót này quá dài.

Trong bài báo đăng ngày 14 tháng 7, Trưởng phòng Đối ngoại Liên Hiệp Âu Châu Kaja Kallas cho biết Liên Hiệp Âu Châu hoan nghênh nỗ lực mới của Tổng thống Trump nhằm đưa Nga vào bàn đàm phán, đồng thời nói thêm rằng mốc thời gian 50 ngày của Washington là “quá dài”.

“Một mặt, việc Tổng thống Trump có lập trường cứng rắn với Nga là rất tích cực... Mặt khác, 50 ngày là một khoảng thời gian rất dài nếu chúng ta thấy họ đang giết hại những thường dân vô tội”, bà nói.

[Kyiv Independent: 'He sees Trump as emotional and susceptible to influence' — Putin not worried about 50-day ceasefire deadline, Guardian reports]

2. Cựu Tổng Tư Lệnh Zaluzhnyi của Ukraine cảnh báo chiến tranh với Nga có thể kéo dài đến năm 2034

Cựu tổng tư lệnh Ukraine và hiện là Đại sứ Ukraine tại Anh, Valerii Zaluzhnyi, đã cảnh báo rằng cuộc xâm lược Ukraine của Nga có thể kéo dài đến năm 2034.

“Nếu chúng ta cố gắng thiết lập lệnh ngừng bắn mà không xây dựng hệ thống phòng thủ trong tương lai, cuộc chiến sẽ còn kéo dài thêm nhiều năm nữa. Nó bắt đầu vào năm 2014 —nó có thể kéo dài đến năm 2034,” Zaluzhnyi nói trong một cuộc phỏng vấn với LB.ua vừa được công bố.

Theo Zaluzhnyi, Ukraine đã bước vào một giai đoạn mới, hoàn toàn khác biệt trong cuộc chiến bảo vệ tổ quốc vào năm 2024.

Ông mô tả sự thay đổi trong chiến thuật chiến trường của Nga, lưu ý rằng Điện Cẩm Linh đã từ bỏ các cuộc tấn công trực tiếp để chuyển sang chiến tranh tiêu hao nhằm vào cả quân đội và dân thường Ukraine.

“Hiện tại, tiền tuyến chủ yếu tồn tại để giết chóc,” Zaluzhnyi nói. “Năm 2022, xe tăng đi trước, còn binh lính đi sau... Giờ đây, xe tăng và binh lính đã đổi chỗ cho nhau.”

Theo ông, Kyiv phải cải tổ chiến lược quốc phòng và đường lối huy động quân sự để ngăn chặn Nga lợi dụng điểm yếu về nhân khẩu học và kinh tế của Ukraine.

Bình luận của ông Zaluzhnyi được đưa ra một ngày sau khi các phái đoàn Ukraine và Nga gặp nhau tại Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 24 tháng 7 cho vòng đàm phán hòa bình thứ ba. Cuộc họp kéo dài chưa đầy một giờ đã kết thúc mà không đạt được đột phá nào.

Nga chỉ đề nghị ngừng bắn tạm thời trong vòng 24–48 giờ để cứu những người bị thương và thiệt mạng, một lần nữa bác bỏ đề xuất của Ukraine về lệnh ngừng bắn hoàn toàn, vô điều kiện.

Putin vẫn quyết tâm tiếp tục chiến tranh cho đến khi phương Tây đồng ý các điều khoản có lợi cho Mạc Tư Khoa, Reuters đưa tin, trích dẫn nguồn tin thân cận với Điện Cẩm Linh.

Phát biểu vào ngày 22 tháng 5, Zaluzhnyi cho biết Ukraine chỉ có thể duy trì một “cuộc chiến sinh tồn công nghệ cao” và con đường khả thi duy nhất dẫn đến chiến thắng là phá hủy năng lực quân sự và kinh tế để tiến hành chiến tranh xâm lược của Nga.

Mikhail Khodorkovsky, một nhà hoạt động đối lập người Nga đồng ý với cựu tổng tư lệnh Ukraine. “Putin phải tiếp tục cuộc xâm lược này bằng mọi giá ngay cả khi thắng lợi quân sự không được bao nhiêu bất kể thương vong cao. Nếu hắn ta dừng lại, hắn ta sẽ chết ngay sau các tổn thất kinh hoàng mà hắn ta gây ra. Tiếc rằng xã hội chúng ta không có một lực lượng nào có khả năng lật nhào tên bạo chúa. Ít nhất là trong một tương lai gần.”

Tưởng cũng nên biết thêm: Mikhail Khodorkovsky, từng là người giàu nhất nước Nga trước khi lên tiếng chống lại Vladimir Putin và thành lập nhóm Open Russia, nghĩa là nước Nga cởi mở, với chủ trương thân phương Tây. Ông bị tịch thu tài sản và bị bỏ tù từ năm 2003 cho đến khi được Putin ân xá vào này 20 Tháng Mười Hai, 2013, sau một thập niên tù tội. Ông hiện đang sống lưu vong ở Luân Đôn và thành lập Trung tâm Dossier nhằm điều tra các nguồn tài sản của Putin, không do Putin trực tiếp đứng tên nhưng do các tình nhân của ông ta đứng tên.

[Kyiv Independent: War with Russia could last until 2034, Ukraine's ex-top general Zaluzhnyi warns]

3. Cựu Tổng thống Barack Obama than thở rằng có sự gia tăng phi mã những người hăm dọa lấy mạng ông sau khi Tổng thống Trump cáo buộc ông phản quốc

Cựu Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã trở thành mục tiêu của những lời đe dọa giết người trực tuyến và kêu gọi bỏ tù sau khi Tổng thống Trump và giám đốc tình báo quốc gia, gọi tắt là DNI Tulsi Gabbard cáo buộc ông phản quốc liên quan đến các tuyên bố của chính quyền ông về ảnh hưởng của Nga trong các cuộc bầu cử tổng thống trước đây.

Theo báo cáo của Dự án Toàn cầu Chống Hận thù và Chủ nghĩa Cực đoan, gọi tắt là GPAHE, các bình luận trên mạng xã hội kêu gọi bỏ tù hoặc hành quyết Obama đã tăng vọt từ ngày 17 tháng 7 đến ngày 20 tháng 7, sau khi chính quyền Tổng thống Trump tuyên bố rằng chính quyền Obama “đã thao túng và che giấu” những thông tin quan trọng về mức độ can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử năm 2016. Cựu Tổng thống Obama đã phủ nhận những cáo buộc này.

Phát ngôn nhân Tòa Bạch Ốc nói: “Tổng thống Trump và toàn bộ chính quyền lên án mạnh mẽ mọi hình thức bạo lực. Chính quyền Tổng thống Trump cũng tin tưởng vào trách nhiệm giải trình và những cá nhân tham gia vào hoạt động tội phạm phải bị truy tố ở mức cao nhất theo luật định.”

Phát ngôn nhân của DNI cho biết: “Giám đốc Gabbard lên án mạnh mẽ mọi hình thức bạo lực. Giám đốc cũng tin tưởng vào việc làm sáng tỏ sự thật, điều tra hành vi sai trái và buộc những kẻ tham gia vào các hoạt động tội phạm phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.”

Các mối đe dọa bắt đầu sau khi Gabbard công bố một báo cáo vào thứ sáu cáo buộc rằng Obama và các thành viên trong chính quyền của ông đã bịa đặt thông tin tình báo về sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử năm 2016 để “đặt nền móng cho cuộc đảo chính kéo dài nhiều năm chống lại Tổng thống Trump”.

Bà cho biết bà sẽ chuyển các quan chức này tới Bộ Tư pháp để truy tố.

Sau đó vào Chúa Nhật, Tổng thống Trump đã lên tiếng và đăng một video do AI tạo ra lên nền tảng mạng xã hội của mình, Truth Social, trong đó có cảnh Obama bị bắt và bị bỏ tù.

Các nhà nghiên cứu phát hiện rằng kể từ đó, từ ngày 17 tháng 7 đến ngày 20 tháng 7, các bình luận nhắm vào Obama đã tăng vọt trên Truth Social, Gab và Telegram.

Trên Truth Social, số bình luận gọi Obama là kẻ phản quốc và đáng bị bỏ tù hoặc tử hình đã tăng 1100 phần trăm.

Trên Gab, số bình luận này tăng 433 phần trăm.

GPAHE nói với Newsweek: “Nghiên cứu của GPAHE tiếp tục cho thấy sự gia tăng đột biến các bài phát biểu mang tính kỳ thị và bạo lực trực tuyến bất cứ khi nào tổng thống tấn công vào người dân bằng các bài đăng trực tuyến. Sự kết hợp giữa các bài đăng mang tính chất thuyết âm mưu và phân biệt chủng tộc của Giám đốc Gabbard và Tổng thống Trump không chỉ kích động những kẻ cực đoan mà còn bình thường hóa hơn nữa ngôn ngữ và tư tưởng hoàn toàn không thể chấp nhận được trong một nền dân chủ đang phát triển. Là một quốc gia, chúng ta không thể đóng góp vào sự bình thường hóa này bằng cách im lặng. “

Kể từ thời điểm các nhà nghiên cứu điều tra, Tổng thống Trump vẫn tiếp tục đưa ra những bình luận về Obama. Hôm thứ Ba, ông gọi cựu tổng thống là “thủ lĩnh của băng đảng” khi nói đến cuộc điều tra về Nga.

Tổng thống Trump nói: “Ông ta có tội. Đây là tội phản quốc. Đây là tất cả những gì bạn có thể nghĩ ra. Họ đã cố gắng đánh cắp cuộc bầu cử. Họ đã cố gắng che giấu cuộc bầu cử. Họ đã làm những điều mà không ai có thể tưởng tượng được.”

Ông nói thêm rằng đã đến lúc “truy đuổi mọi người” và cáo buộc những đối thủ chính trị khác, bao gồm cả cựu giám đốc CIA John Brennan, đã âm mưu bất hợp pháp chống lại ông.

Sau đó trong ngày, văn phòng của Obama đã đưa ra tuyên bố bác bỏ những cáo buộc mà họ gọi là “vô lý”.

“Vì tôn trọng chức vụ tổng thống, văn phòng chúng tôi thường không xem nhẹ những thông tin vô nghĩa và sai lệch liên tục từ Tòa Bạch Ốc. Nhưng những cáo buộc này quá đáng đến mức đáng bị lên án. Những cáo buộc kỳ quặc này thật lố bịch và là một nỗ lực đánh lạc hướng yếu ớt”, tuyên bố cho biết.

“Không có nội dung nào trong tài liệu được công bố tuần trước làm suy yếu kết luận được chấp nhận rộng rãi rằng Nga đã nỗ lực gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 nhưng không thao túng thành công bất kỳ phiếu bầu nào”, phát ngôn nhân của Obama, Patrick Rodenbush, cho biết. “Những phát hiện này đã được khẳng định trong báo cáo năm 2020 của Ủy ban Tình báo Thượng viện lưỡng đảng, do Chủ tịch lúc bấy giờ là Marco Rubio dẫn đầu.”

[Newsweek: Barack Obama Sees Death Threat Surge After Trump's Treason Claims]

4. Sự việc mất điện toàn cầu của Starlink làm gián đoạn tiền tuyến của Ukraine

Starlink, dịch vụ internet vệ tinh thuộc sở hữu của Elon Musk, đã gặp sự việc ngừng hoạt động trên toàn cầu vào ngày 24 tháng 7, công ty này thông báo trên trang web chính thức của mình.

Mức độ và thời gian gián đoạn vẫn chưa rõ ràng và các quan chức vẫn chưa cung cấp thông tin chi tiết về nguyên nhân gây gián đoạn dịch vụ.

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv hôm Thứ Sáu, 25 Tháng Bẩy, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov, cho biết quân đội Ukraine đã xác nhận tình trạng mất điện, nêu rõ rằng các thiết bị đầu cuối Starlink đã ngừng hoạt động và mất kết nối ở tiền tuyến.

Hàng trăm ngàn người dân Ukraine đang phụ thuộc vào vệ tinh Starlink, vốn đã thay thế mạng lưới internet bị hư hại trong chiến tranh. Dân thường ở các bệnh viện, trường học và tiền tuyến đều phụ thuộc vào nó — cũng như quân đội trên toàn bộ mặt trận.

Mặc dù chi tiết về nguyên nhân mất kết nối vẫn chưa được tiết lộ, nhưng việc Ukraine tiếp cận Starlink đã trở thành điểm căng thẳng thường trực trong suốt cuộc xâm lược toàn diện, đặc biệt là trong bối cảnh mối quan hệ giữa Kyiv với Hoa Kỳ và chủ sở hữu Starlink Elon Musk.

[Kyiv Independent: Global Starlink outage disrupts Ukrainian front lines]

5. Liên Hiệp Âu Châu cảnh báo Trung Quốc phải thúc đẩy Putin chấm dứt chiến tranh khi quan hệ đạt đến ‘điểm uốn’

Các nhà lãnh đạo Liên Hiệp Âu Châu kêu gọi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gây áp lực buộc Nga chấm dứt chiến tranh với Ukraine khi họ thừa nhận rằng quan hệ giữa Bắc Kinh và Brussels đã đạt đến “điểm uốn”.

Những nhận xét sâu sắc này, nhấn mạnh đến căng thẳng sâu sắc trong mối quan hệ Liên Hiệp Âu Châu-Trung Quốc, được đưa ra tại lễ khai mạc hội nghị thượng đỉnh kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao giữa hai bên vào Thứ Năm, 24 Tháng Bẩy,.

Chủ tịch Ủy ban Âu Châu Ursula von der Leyen và Chủ tịch Hội đồng Âu Châu António Costa đã tới Bắc Kinh để gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình — sau khi chính ông Tập Cận Bình đã từ chối lời mời tới Brussels để tham dự sự kiện này.

Trong bài phát biểu khai mạc tại Bắc Kinh, bà von der Leyen nói với ông Tập rằng Liên Hiệp Âu Châu và Trung Quốc “đã đạt đến một bước ngoặt” trong quan hệ giữa hai bên. “Khi hợp tác của chúng ta ngày càng sâu sắc, sự mất cân bằng cũng tăng theo.” Bà nói thêm rằng “điều quan trọng là Trung Quốc và Âu Châu phải thừa nhận những lo ngại chung của chúng ta và đưa ra các giải pháp thực sự.”

Trong bài phát biểu khai mạc, Chủ tịch Hội đồng Costa cũng lưu ý đến sự mất cân bằng trong quan hệ kinh tế, nói rằng “chúng ta cần những tiến bộ cụ thể về các vấn đề liên quan đến thương mại và kinh tế. Và cả hai chúng ta đều mong muốn mối quan hệ của mình cân bằng, có đi có lại và cùng có lợi.”

Và ông chỉ trích Bắc Kinh về vai trò của nước này trong cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine.

“Là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, chúng tôi kêu gọi Trung Quốc sử dụng ảnh hưởng của mình đối với Nga để tôn trọng Hiến chương Liên Hiệp Quốc và chấm dứt cuộc chiến xâm lược chống lại Ukraine”, Costa nói.

Tuần trước, Liên Hiệp Âu Châu đã liệt kê hai ngân hàng Trung Quốc vào danh sách trừng phạt mới nhất đối với Nga, khiến Bắc Kinh bày tỏ “sự bất bình mạnh mẽ và phản đối kiên quyết” trước động thái “nghiêm trọng” này.

Trong bài phát biểu của mình, Chủ tịch Tập Cận Bình đồng ý rằng quan hệ Liên Hiệp Âu Châu-Trung Quốc đang ở “thời điểm quan trọng”.

Ông mô tả Trung Quốc và Liên Hiệp Âu Châu là “hai ông lớn” trên trường thế giới, cả hai đều phải “đưa ra những lựa chọn chiến lược đúng đắn đáp ứng được kỳ vọng của người dân và vượt qua được thử thách của lịch sử”.

“Trung Quốc và Âu Châu nên tăng cường giao lưu, củng cố lòng tin lẫn nhau và hợp tác sâu sắc hơn, mang lại cho thế giới sự ổn định và chắc chắn hơn”, ông Tập nói.

Các chủ tịch Liên Hiệp Âu Châu sẽ hội đàm với ông Tập vào thứ năm và cũng sẽ gặp Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường.

[Politico: EU warns China to push Putin to end war as relations hit ‘inflection point’]

6. Đồng minh của Hoa Kỳ chặn tàu tình báo Trung Quốc ở vùng biển ven bờ

Một tàu thu thập thông tin tình báo của Trung Quốc đã di chuyển giữa hai hòn đảo phía tây nam Nhật Bản vào sáng thứ Ba, khiến đồng minh của Hoa Kỳ phải điều động một tàu chiến để theo dõi tàu của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, gọi tắt là PLA, Tokyo cho biết.

Nhật Bản là một phần của cái gọi là Chuỗi đảo thứ nhất, một chuỗi quần đảo bao gồm cả Phi Luật Tân và một phần Indonesia mà Hoa Kỳ coi là chìa khóa để kiềm chế lực lượng Trung Quốc trong trường hợp xảy ra xung đột.

Trong khi tàu Trung Quốc đang hoạt động ở vùng biển quốc tế, việc tàu này gần với tỉnh Okinawa chiến lược, nơi có hàng chục cơ sở quân sự của Hoa Kỳ, diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Tokyo và Bắc Kinh về một loạt vấn đề, bao gồm tranh chấp lãnh thổ đối với quần đảo Senkaku gần đó, việc Trung Quốc tăng cường quân sự và đe dọa đối với nước láng giềng Đài Loan.

Bộ tham mưu liên hợp của Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết tàu giám sát điện tử lớp Đồng Điều (Dongdiao, 东调), có tên là Thiên Lang Tinh (Tianlangxin, 天狼星) được xác nhận đang di chuyển về phía tây, cách đảo Miyako thuộc tỉnh Okinawa khoảng 80 dặm vào khoảng 6 giờ sáng.

Sau đó, con tàu được tường trình đã đi theo hướng tây bắc, qua eo biển Miyako - một điểm nghẽn chiến lược ngăn cách Miyako và đảo chính Okinawa - và hướng tới Biển Hoa Đông.

Để đáp trả, lực lượng hải quân thực tế của nước này, Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản, đã cử tàu khu trục lớp Fubuki là Amagiri đi thu thập thông tin về tàu Trung Quốc.

Lần cuối cùng cơn bão Tianlangxin được báo cáo xuất hiện ở vùng biển gần Nhật Bản là vào ngày 10 tháng 6. Ngày hôm đó, nó di chuyển từ Biển Hoa Đông đến Biển Phi Luật Tân qua eo biển Osumi, nằm ngoài khơi đảo chính cực nam của Nhật Bản là Kyushu.

Trong các thông cáo báo chí riêng biệt vào thứ Ba, Bộ Tham mưu liên quân báo cáo rằng một máy bay điều khiển từ xa đã hai lần được phát hiện ở ngoài khơi bờ biển phía đông Đài Loan.

Ngày hôm trước, một máy bay Y-9 của Không quân PLA đã được phát hiện bay qua Eo biển Miyako từ Biển Hoa Đông, trong khi một máy bay điều khiển từ xa được tường trình của Trung Quốc đã được phát hiện bay từ phía nam lên phía bắc ngoài khơi bờ biển phía đông Đài Loan.

Trong mỗi trường hợp trên, Nhật Bản đều điều động máy bay chiến đấu để theo dõi máy bay nước ngoài.

Nhật Bản ngày càng lo ngại trước nỗ lực của Trung Quốc nhằm thay thế Hoa Kỳ trở thành cường quốc quân sự hàng đầu trong khu vực.

Sách trắng quốc phòng thường niên của Nhật Bản, được trình lên Nội các vào tuần trước, đã nêu ra những lo ngại ngày càng tăng về tần suất điều động lực lượng Hải quân PLA đến Chuỗi đảo thứ nhất và xa hơn nữa.

Theo sách trắng, số lượng tàu chiến Trung Quốc đi qua giữa các đảo ở tỉnh Okinawa nói riêng đã tăng gấp ba lần từ năm 2021 đến năm 2024.

Bắc Kinh chỉ trích tài liệu này, cho rằng nó “truyền bá 'mối đe dọa Trung Quốc' sai sự thật” và chính sách quốc phòng của Trung Quốc “mang tính chất phòng thủ”.

Nhật Bản dự kiến sẽ tiếp tục báo cáo về các hoạt động quân sự của Trung Quốc gần lãnh thổ của mình.

Nỗi lo ngại về sự thay đổi cán cân quyền lực trong khu vực đã thúc đẩy Tokyo tăng cường quan hệ với Hoa Kỳ và các đối tác khác trong khu vực và tiến tới tăng chi tiêu quốc phòng lên 2% GDP của Nhật Bản vào năm 2027.

[Newsweek: US Ally Intercepts Chinese Intelligence Ship in Coastal Waters]

7. Nga điều động thêm hệ thống tác chiến điện tử gần biên giới Estonia

Theo Bloomberg, Bộ trưởng Nội vụ Estonia Igor Taro cho biết hôm Thứ Sáu, 25 Tháng Bẩy, rằng Nga đã di chuyển thêm thiết bị tác chiến điện tử đến gần biên giới với Estonia.

Các hệ thống này được điều động gần thị trấn Kingisepp của Nga — cách biên giới phía đông của Estonia khoảng 20 km — được thiết kế để gây nhiễu thông tin liên lạc, phá vỡ hệ thống radar và khẳng định quyền kiểm soát đối với phổ điện từ.

Taro cho biết cơ quan an ninh nội địa của Estonia đã liên lạc với quân đội Nga về việc điều động này.

Mạc Tư Khoa từ lâu đã bị cáo buộc gây nhiễu tín hiệu GPS ở khu vực Baltic, nhưng năm 2024 đã chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ các vụ việc như vậy, đặc biệt là trên biển Baltic. Các quan chức Phần Lan, Ba Lan và NATO đều bày tỏ lo ngại về hoạt động gây nhiễu ngày càng gia tăng của Nga.

Estonia, một thành viên NATO giáp biên giới với Nga, ngày càng lo ngại về động thái quân sự của Nga. Tổng thống Volodymyr Zelenskiy đã nhiều lần cảnh báo rằng sự xâm lược không được kiểm soát của Nga ở Ukraine cuối cùng có thể lan sang lãnh thổ NATO.

Vào ngày 14 tháng 7, phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov cáo buộc các quốc gia ven biển Âu Châu theo đuổi “chính sách hung hăng” và cho biết Nga sẽ “bảo vệ kiên quyết” các lợi ích của mình trong khu vực.

Bình luận của ông được đưa ra sau cuộc thử nghiệm bắn đạn thật hệ thống HIMARS do Hoa Kỳ cung cấp của Estonia trên Biển Baltic vào đầu tháng này, mà Mạc Tư Khoa coi là hành động khiêu khích.

Các cơ quan tình báo phương Tây đã cảnh báo rằng Nga có thể gây ra mối đe dọa quân sự trực tiếp đối với các đồng minh NATO trong vòng năm năm tới.

[Kyiv Independent: Russia deploys additional electronic warfare systems near Estonian border]

8. Pháp công nhận nhà nước Palestine

Tổng thống Emmanuel Macron cho biết vào thứ năm rằng Pháp sẽ thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Palestine.

“Đúng với cam kết lịch sử về một nền hòa bình công bằng và lâu dài ở Trung Đông, tôi đã quyết định rằng Pháp sẽ công nhận Nhà nước Palestine”, Macron cho biết trong một tuyên bố, cam kết sẽ chính thức công bố động thái này tại cuộc họp của Liên Hiệp Quốc vào tháng 9.

“Điều cấp bách hiện nay là chấm dứt chiến tranh ở Gaza và cung cấp viện trợ cho dân thường,” ông viết. “Người dân Pháp mong muốn hòa bình ở Trung Đông. Chính chúng ta, người Pháp, cùng với người Israel, người Palestine, và các đối tác Âu Châu và quốc tế, phải chứng minh rằng điều đó là khả thi.”

Sau bài đăng của Macron, Thủ tướng Anh Keir Starmer cũng đưa ra một tuyên bố mạnh mẽ rằng “nỗi đau khổ và nạn đói đang diễn ra ở Gaza là không thể diễn tả được và không thể bào chữa”, đồng thời nói thêm rằng “chúng tôi khẳng định rõ ràng rằng quyền lập quốc là quyền bất khả xâm phạm của người dân Palestine” – đây là điều mà Starmer chưa từng phát biểu về vấn đề này.

Starmer cũng cho biết ông sẽ triệu tập một “cuộc gọi khẩn cấp” với các đối tác E3 của đất nước - Pháp, Đức và Ý - vào thứ Sáu để “thảo luận về những gì chúng ta có thể làm ngay lập tức để ngăn chặn việc giết chóc và cung cấp cho người dân thực phẩm mà họ đang rất cần”.

Trong một phản ứng giận dữ trước tuyên bố của tổng thống Pháp, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Israel Katz cho biết: “Việc Macron tuyên bố ý định công nhận nhà nước Palestine là một sự ô nhục và đầu hàng trước chủ nghĩa khủng bố, trao phần thưởng và sự khuyến khích cho những kẻ giết người và hiếp dâm Hamas, những kẻ đã thực hiện vụ thảm sát kinh hoàng nhất đối với người Do Thái kể từ sau cuộc diệt chủng Holocaust.”

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết rằng “một nhà nước Palestine trong những điều kiện này sẽ là bệ phóng để tiêu diệt Israel - chứ không phải là sống hòa bình bên cạnh Israel”.

Mười một trong số 27 quốc gia thành viên Liên Hiệp Âu Châu đã công nhận nhà nước Palestine, bao gồm Tây Ban Nha, Rumani, Thụy Điển, Ireland và Bulgaria.

“Tôi hoan nghênh Pháp cùng Tây Ban Nha và các nước Âu Châu khác công nhận Nhà nước Palestine,” Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sánchez phát biểu. “Chúng ta phải cùng nhau bảo vệ những gì Netanyahu đang cố gắng phá hủy. Giải pháp hai nhà nước là giải pháp duy nhất.”

Liên Hiệp Quốc đã cảnh báo rằng Israel đang ngăn chặn nguồn viện trợ dồi dào đến Gaza, nơi số người chết vì đói ngày càng tăng. “Người dân ở Gaza không còn sống cũng chẳng còn chết, họ chỉ là những xác chết biết đi”, Philippe Lazzarini, nhà lãnh đạo Cơ quan Cứu trợ và Công trình Liên Hiệp Quốc, cho biết.

Israel phủ nhận việc họ đang dàn dựng một cuộc phong tỏa vùng lãnh thổ bị chiến tranh tàn phá. Trong một cuộc phỏng vấn với POLITICO hôm thứ Năm, Ngoại trưởng Gideon Sa'ar khẳng định rằng “vấn đề là Liên Hiệp Quốc không phân phối viện trợ”.

Kaja Kallas, phó chủ tịch Ủy ban Âu Châu, và cũng là Đại diện cấp cao của Liên Hiệp Âu Châu về chính sách đối ngoại và an ninh, đã công bố một thỏa thuận với Israel hồi đầu tháng này để cho phép thêm xe tải cứu trợ vào Gaza. Khối này đang đánh giá các lựa chọn sau khi phát hiện Israel vi phạm các nghĩa vụ nhân quyền theo một thỏa thuận liên kết, và các Ngoại trưởng dự kiến sẽ thảo luận về các hậu quả tiềm tàng trong cuộc họp vào tháng tới.

[Politico: France to recognize Palestinian statehood]

9. Hoa Kỳ chấp thuận bán 330 triệu đô la vũ khí cho Ukraine để hỗ trợ pháo binh và phòng không

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã phê duyệt hai hợp đồng bán vũ khí tiềm năng cho Ukraine trị giá ước tính 330 triệu đô la, cơ quan này thông báo hôm Thứ Sáu, 25 Tháng Bẩy.

Gói đầu tiên, trị giá khoảng 150 triệu đô la, bao gồm thiết bị và dịch vụ giúp Ukraine sửa chữa và bảo dưỡng pháo tự hành M109. Thỏa thuận này cung cấp phụ tùng, công cụ, đào tạo và các hỗ trợ khác, cho phép Ukraine tự thực hiện sửa chữa và duy trì hoạt động của nhiều hệ thống pháo binh hơn.

Đợt bán thứ hai, ước tính trị giá 180 triệu đô la, cung cấp sự hỗ trợ tương tự cho các hệ thống phòng không của Ukraine, bao gồm cả hệ thống Patriot do Hoa Kỳ sản xuất.

Theo Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, gói hỗ trợ này sẽ giúp duy trì, nâng cấp và sửa chữa các hệ thống phòng không hiện có của Hoa Kỳ. Gói hỗ trợ bao gồm các cải tiến lớn, hỗ trợ bảo trì, phụ tùng thay thế, phụ kiện, đào tạo và hỗ trợ kỹ thuật từ cả chính phủ Hoa Kỳ và nhà thầu.

Chỉ một ngày trước đó, vào ngày 23 tháng 7, Hoa Kỳ đã phê duyệt hai gói viện trợ quân sự cho Ukraine, tổng cộng 322 triệu đô la. Một gói bao gồm các hệ thống phòng không HAWK Giai đoạn III, trong khi gói còn lại cung cấp phụ tùng để sửa chữa xe chiến đấu bộ binh Bradley.

Các thỏa thuận này là một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn nhằm tăng cường khả năng của Ukraine trong việc duy trì và bảo dưỡng các hệ thống quân sự quan trọng khi nước này tiếp tục phòng thủ trước cuộc xâm lược đang diễn ra của Nga.

Sự việc này diễn ra sau tuyên bố vào ngày 14 tháng 7 của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump về sáng kiến do NATO và Liên Hiệp Âu Châu hậu thuẫn, theo đó các thành viên liên minh sẽ mua hệ thống vũ khí do Hoa Kỳ sản xuất cho Ukraine.

Các gói bán hàng và viện trợ báo hiệu cam kết mới của Hoa Kỳ trong việc giúp Ukraine xây dựng khả năng tự vệ lâu dài trong bối cảnh chiến tranh vẫn tiếp diễn.

[Kyiv Independent: US approves $330 million in military sales to Ukraine for artillery, air defense support]

10. Bộ trưởng an ninh Anh cho biết, tấn công mạng vào nước Anh sẽ phải đối mặt với hậu quả.

Bộ trưởng An ninh Anh cảnh báo rằng tin tặc và các quốc gia thù địch sẽ phải đối mặt với hậu quả,, chẳng hạn như các cuộc tấn công mạng trả đũa, nếu họ nhắm vào các tổ chức của Anh.

Phát biểu với POLITICO tại Thư viện Anh - nơi vẫn chưa hoàn toàn phục hồi sau cuộc tấn công mạng tàn khốc năm 2023 do nhóm tội phạm tống tiền Rysida thực hiện - Dan Jarvis cho biết sẽ có “hậu quả và tác động” đối với các cuộc tấn công vào các tài sản khác của Vương quốc Anh.

Khi được hỏi trực tiếp rằng Anh sẽ tấn công vào ai với năng lực “tấn công mạng” do nhà nước hậu thuẫn, Bộ trưởng cho biết: “Tôi xin nói thế này: Nếu bạn là tội phạm mạng và nghĩ rằng bạn có thể tấn công một tổ chức có trụ sở tại Anh mà không phải chịu hậu quả gì thì hãy nghĩ lại “.

Ông nói thêm rằng vai trò của ông là “bảo đảm rằng mọi người không nghĩ rằng họ có thể dễ dàng thoát tội khi làm điều này và sẽ có những hậu quả và những tác động đối với họ”.

Sự việc diễn ra sau khi chính phủ tuyên bố sẽ cấm khu vực công trả tiền chuộc cho tội phạm sau khi họ bị tấn công mạng.

Trong nhiều năm, Anh không công khai quảng bá năng lực tấn công mạng của mình, mà giờ đây bao gồm từ việc phá hoại hoạt động trực tuyến đến chủ động phá hủy và chiếm quyền kiểm soát các mạng lưới trực tuyến. Năm 2013, có thông tin cho rằng Anh đã trở thành quốc gia đầu tiên thừa nhận sử dụng các cuộc tấn công mạng nhắm vào các quốc gia khác.

Ngày nay, Vương quốc Anh đang tích cực tăng cường kho vũ khí mạng không chỉ để bảo vệ khu vực công và tư nhân khỏi các cuộc tấn công, mà còn để điều động chúng chống lại các đối thủ. Đánh giá chiến lược quốc phòng của bà May đã nhấn mạnh thêm về năng lực tấn công của Anh, với việc công bố khoản đầu tư 1 tỷ bảng Anh vào Bộ Tư lệnh Điện từ và Mạng mới, đơn vị sẽ phối hợp các cuộc tấn công cùng với Lực lượng An ninh Mạng Quốc gia.

Jarvis nói với POLITICO rằng ông không thể tiết lộ “các khả năng kỹ thuật cụ thể mà chúng tôi sẽ tìm cách sử dụng” nhưng đã nhấn mạnh công việc của Cơ quan Tội phạm Quốc gia, cơ quan đã tiết lộ vai trò của mình vào năm ngoái trong việc xâm nhập toàn bộ hoạt động tội phạm của LockBit — một nhóm ransomware khét tiếng chịu trách nhiệm cho hàng tỷ đô la tiền chuộc và chi phí phục hồi trên toàn thế giới.

Ông nói thêm: “Khi có những nỗ lực, chúng tôi sẽ cố gắng làm mọi thứ có thể để bảo đảm rằng những cá nhân hoặc nhóm đó phải chịu trách nhiệm và hiểu rằng sẽ có hậu quả do hành động của họ gây ra”.

Trí tuệ nhân tạo hiện là công cụ giúp tăng cường quy mô và hiệu quả của tội phạm mạng và các quốc gia thù địch, đồng thời cảnh báo rằng điều này có thể mở rộng sang hoạt động khủng bố trong những năm tới.

Jarvis cho biết chính phủ đang xem xét cách Anh sử dụng công nghệ như AI để “khai thác lợi thế của chúng ta”, thừa nhận một “cuộc chạy đua vũ trang” trong “tốc độ tiến bộ công nghệ phi thường” trong các mối đe dọa hiện đại.

Câu hỏi về Ấn Độ

Phần lớn các mối đe dọa mạng của Anh đến từ Nga, cụ thể là từ năng lực nhà nước của Nga, hoặc từ các băng nhóm tội phạm liên kết với Nga, những kẻ thực hiện các cuộc tấn công nhắm vào các mục tiêu ở nước ngoài. Các mối đe dọa cũng đến từ ba trong số “bốn đối thủ lớn” của Anh trên trường quốc tế: Iran, Trung Quốc và Bắc Hàn.

Tuy nhiên, những năm gần đây, quốc tế đã dấy lên lo ngại về sự xuất hiện của các cá nhân và nhóm tin tặc có trụ sở tại các quốc gia đồng minh của Anh. Những công ty này thường được gọi là các công ty “hack thuê” cung cấp dịch vụ trên phạm vi quốc tế, với những ví dụ đáng chú ý là có trụ sở ở nước ngoài, bao gồm cả Ấn Độ.

Chính phủ của thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi - người đang có chuyến thăm Vương quốc Anh kéo dài bốn ngày - đã bị chỉ trích vào năm 2021 vì những cáo buộc về hoạt động nghe lén và giám sát điện thoại có liên quan đến một công ty nhu liệu gián điệp của Israel.

Khi được hỏi Vương quốc Anh đang làm gì để chống lại hoạt động tấn công mạng có nguồn gốc từ các quốc gia như Ấn Độ, Jarvis nói với POLITICO rằng Vương quốc Anh có “mối quan hệ làm việc rất tốt và chặt chẽ với Ấn Độ” và các bộ trưởng Vương quốc Anh đang hợp tác chặt chẽ với các quan chức, bao gồm cả cố vấn an ninh quốc gia của Ấn Độ, để bảo đảm rằng các phương pháp tiếp cận của hai quốc gia là “phù hợp để trấn áp các hoạt động gian lận xảy ra ở Ấn Độ hoặc Vương quốc Anh”.

Ông cho biết: “Chúng tôi có mối quan hệ an ninh tốt đẹp, mạnh mẽ và mang tính xây dựng với Ấn Độ”, đồng thời nói thêm: “Chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư vào mối quan hệ đó trong dài hạn, vì chúng tôi cho rằng nó phục vụ tốt cho lợi ích quốc gia của chúng tôi và lợi ích quốc gia của họ”.

[Politico: Hack Britain and face the consequences, says UK security minister]

11. Israel đổ lỗi cho Liên Hiệp Quốc về thất bại trong viện trợ cho Gaza

Ngoại trưởng Israel Gideon Sa'ar cáo buộc Liên Hiệp Quốc phải chịu trách nhiệm về những thất bại trong việc phân phối viện trợ tại Dải Gaza, gây ra cuộc khẩu chiến với cơ quan quốc tế này khi nạn đói lan rộng tại vùng lãnh thổ bị chiến tranh tàn phá này.

Phát biểu với POLITICO, Sa'ar cho biết Israel đã mở thêm nhiều cửa khẩu và cho phép nhiều hàng viện trợ hơn vào Gaza theo thỏa thuận đã đạt được với Liên minh Âu Châu.

Vấn đề là Liên Hiệp Quốc đã không phân phối được hơn 900 xe tải chở hàng cứu trợ đang đậu tại một khu vực được rào chắn gần cửa khẩu Kerem Shalom ở Dải Gaza, ông nói. “Vấn đề là Liên Hiệp Quốc không phân phối hàng cứu trợ”, Sa'ar nói trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại từ Ukraine, nơi ông gặp Tổng thống Volodymyr Zelenskiy và khởi động một “cuộc đối thoại chiến lược” về Iran. “Có hơn 900 xe tải đang chờ... bên trong Dải Gaza, và họ không phân phối chúng cho người dân Gaza.”

Lời khẳng định này đã vấp phải sự phủ nhận mạnh mẽ từ Liên Hiệp Quốc, phát ngôn nhân của Liên Hiệp Quốc, Stéphane Dujarric, đổ lỗi hoàn toàn cho Israel về những thất bại này.

“Kerem Shalom, một cửa khẩu hàng viện trợ nhân đạo vào Gaza, đâu phải kiểu lái xe qua McDonald's, nơi chúng tôi chỉ cần dừng lại và lấy những gì đã gọi, đúng không?” Dujarric phát biểu tại một cuộc họp báo ở New York. “Có những trở ngại hành chính to lớn. Có những trở ngại an ninh to lớn. Và, thẳng thắn mà nói, tôi nghĩ rằng họ không sẵn lòng cho phép chúng tôi làm việc.”

Những bình luận của ông Sa'ar - được đưa ra trong chuyến thăm Ukraine đầu tiên của một quan chức cao cấp Israel kể từ năm 2023 - cũng trái ngược với các quan chức Liên Hiệp Âu Châu, những người đã nói với các nhà ngoại giao hôm thứ Tư rằng Israel đang không thực hiện được cam kết cho phép thêm hàng viện trợ vào Gaza, theo hai nhà ngoại giao Liên Hiệp Âu Châu. Một trong số họ cho biết đánh giá của khối dựa trên số lượng xe tải vào Gaza hàng ngày, vẫn thấp hơn ngưỡng đã thỏa thuận.

Trong những bình luận tiếp theo với POLITICO, một phát ngôn viên của Văn phòng Điều phối các vấn đề Nhân đạo Liên Hiệp Quốc, gọi tắt là OCHA cho biết nhân viên của họ đã phải đối mặt với “những thách thức to lớn về thủ tục hành chính” để tiếp cận và phân phối hàng cứu trợ: “Chúng tôi sẵn sàng cung cấp hàng cứu trợ với quy mô lớn, như chúng tôi đã làm trong lệnh ngừng bắn gần đây nhất, khi 600 đến 700 xe tải hàng cứu trợ được chuyển đến mỗi ngày. Nhưng để làm được điều đó, chúng tôi cần các điều kiện hoạt động phù hợp trên thực địa, bao gồm cả sự chấp thuận của chính quyền Israel cho phép Liên Hiệp Quốc và các đối tác của chúng tôi sử dụng các tuyến đường an toàn trong Gaza mà không gây ra mối đe dọa an ninh.”

Philippe Lazzarini, tổng giám đốc cơ quan Liên Hiệp Quốc về người tị nạn Palestine, gọi tắt là UNRWA cho biết vào sáng thứ năm rằng cơ quan này đang có số lượng thực phẩm và thiết bị y tế tương đương với 6.000 xe tải chất đầy đang chờ ở Jordan và Ai Cập.

“Ngay bên ngoài Gaza, trong các nhà kho — và thậm chí ngay bên trong Gaza — hàng tấn thực phẩm, nước sạch, thiết bị y tế, đồ dùng trú ẩn và nhiên liệu vẫn nằm nguyên vẹn, trong khi các tổ chức nhân đạo bị chặn không cho tiếp cận hoặc chuyển giao chúng”, một tuyên bố của tổ chức Bác sĩ không biên giới và hơn 100 tổ chức viện trợ quốc tế khác cho biết hôm thứ Tư.

Khi được hỏi liệu Israel có ngăn cản Liên Hiệp Quốc phân phát viện trợ hay không, Sa'ar bác bỏ những tuyên bố này là “dối trá”. Ông cho biết “Liên Hiệp Quốc hành động không phải với mục đích giúp đỡ người dân ở Gaza, mà là để làm mất tính hợp pháp của Israel”.

Trong bình luận với POLITICO, Sa'ar cho biết chuyến đi của ông tới Ukraine nhằm nhấn mạnh sự ủng hộ của Israel dành cho Kyiv, chủ yếu dưới hình thức viện trợ nhân đạo chứ không phải hỗ trợ quân sự. Cả hai quốc gia đều là mục tiêu của máy bay điều khiển từ xa Shahed của Iran, là loại máy bay mà Iran đã cung cấp cho Nga.

“Chúng tôi luôn đứng về phía Ukraine. Chúng tôi đã bỏ phiếu ủng hộ Ukraine, ngoại trừ một trường hợp ngoại lệ”, Sa'ar nói, ám chỉ đến cuộc bỏ phiếu tại Liên Hiệp Quốc hồi tháng Hai khi Israel đứng về phía Hoa Kỳ và Nga chống lại một nghị quyết ủng hộ Ukraine trong một động thái thể hiện thiện chí với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump. “Cả hai nước [Israel và Ukraine] đều coi Iran là một mối đe dọa, và do đó chúng tôi có rất nhiều thông tin và kiến thức có thể chia sẻ.”

Bộ trưởng, người đã dừng chân tại Moldova sau chuyến thăm Ukraine, cũng cho biết sự can thiệp gần đây của nước này vào Syria là giải pháp cuối cùng để bảo vệ cộng đồng Druze đang bị đe dọa và ngăn chặn các vụ thảm sát tôn giáo và sắc tộc thiểu số do lực lượng “thánh chiến” Syria thực hiện. Israel hiện đang tham gia các cuộc đàm phán hòa bình do Hoa Kỳ làm trung gian với chính quyền Syria tại Damascus.

“Điều quan trọng là cộng đồng quốc tế phải hành động để bảo vệ các nhóm thiểu số ở Syria, bởi vì chỉ trong vài tháng, chúng ta đã chứng kiến một cuộc thảm sát lớn nhắm vào người Alawite,” ông nói. “Rõ ràng Syria là một nơi rất nguy hiểm đối với các nhóm thiểu số.”

“Đây là lý do tại sao chúng tôi can thiệp”, ông nói thêm.

Gần hai năm sau khi Israel xâm lược Palestine, để đáp trả vụ giết hại khoảng 1.200 người Israel do các chiến binh Hamas gây ra, một số nước Âu Châu cũng như các quan chức cao cấp của Liên Hiệp Âu Châu đang tăng cường gây áp lực lên Israel để chấm dứt nạn đói và tăng cường viện trợ.

Bộ Y tế Gaza cho biết tính đến sáng thứ năm, 113 người - trong đó có 81 trẻ em - đã chết vì suy dinh dưỡng kể từ khi chiến tranh bắt đầu.

Đầu tuần này, Chủ tịch Ủy ban Âu Châu Ursula von der Leyen đã gọi những hình ảnh đau khổ và nạn đói ở Gaza là “không thể chịu đựng nổi” và kêu gọi Israel “thực hiện các cam kết” với Liên Hiệp Âu Châu về việc cung cấp thêm viện trợ. Trong khi đó, các cơ quan báo chí bao gồm Agence-France Presse, Associated Press, BBC và Reuters đều kêu gọi Israel cho phép thêm nhà báo vào Gaza và cung cấp thêm lương thực, đồng thời cảnh báo các phóng viên của họ đang phải đối mặt với nạn đói.

Theo Bộ Y tế Gaza, gần 60.000 người đã thiệt mạng ở Gaza kể từ khi cuộc chiến giữa Israel và Hamas bắt đầu, nhưng không phân biệt giữa người tham chiến và người không tham chiến.

Mười hai ngày sau khi ký kết thỏa thuận Liên Hiệp Âu Châu-Israel về phân phối viện trợ, các quan chức Liên Hiệp Âu Châu đã nói với các đại sứ hôm thứ Tư rằng Israel không tuân thủ các điều khoản của thỏa thuận - một cáo buộc mà Sa'ar đã bác bỏ. “Tất cả những điều nằm trong thỏa thuận của chúng tôi với Liên Hiệp Âu Châu, chúng tôi đang thực hiện điều đó”, ông nói. “Chúng tôi mở thêm nhiều cửa khẩu về phía bắc và phía nam. Chúng tôi đang nỗ lực rất nhiều cho các vấn đề nhân đạo khác nhau.”

Tuần này, một nhóm 10 quốc gia, bao gồm Pháp, đã thúc giục Ủy ban đưa ra các đề xuất mới nhằm gia tăng áp lực lên Israel. Tuy nhiên, nỗ lực này khó có thể thành công do vấp phải sự phản đối quyết liệt từ bốn quốc gia — Đức, Ý, Tiệp và Hung Gia Lợi — vốn là nhóm thiểu số cản trở tại Hội đồng Âu Châu, theo một nhà ngoại giao Liên Hiệp Âu Châu.

Do Liên Hiệp Âu Châu không có lập trường thống nhất, một số quốc gia đã thảo luận về việc ban hành các biện pháp trừng phạt riêng, trong khi các chính trị gia hàng đầu của khối lại tập trung vào việc thúc đẩy lệnh ngừng bắn. Đó cũng là đường lối của Tổng thống Trump, người đã cử nhà đàm phán Steve Witkoff đến Rôma hôm thứ Năm để đàm phán về lệnh ngừng bắn với Bộ trưởng Các vấn đề Chiến lược Israel Ron Dermer và một quan chức Qatar.

Khi được hỏi về triển vọng đạt được thỏa thuận, Sa'ar cho biết Israel sẵn sàng tiếp nhận “bất cứ đề xuất mang tính xây dựng nào” — trước khi than phiền về sự vắng mặt của đại diện Hamas tại cuộc họp. “Chúng tôi có mặt. Họ thì không”, ông nói.

[Politico: Israel blames UN for Gaza aid failures]
 
Tổng công kích Hắc Hải: Biển lửa Sochi, quân Putin hỗn loạn lao S-400 vào dân Nga. Biểu tình tạm yên
VietCatholic Media
17:03 26/07/2025


1. Trận chiến Hắc Hải bùng nổ khi Nga và Ukraine tấn công các khu nghỉ dưỡng lớn nhất sau khi các cuộc đàm phán hòa bình không mang lại lệnh ngừng bắn

Một mặt trận MỚI trong cuộc chiến đẫm máu của Vladimir Putin nổ ra khi Ukraine và Nga trao đổi các cuộc tấn công chết người ở Hắc Hải sau khi các cuộc đàm phán hòa bình đổ vỡ.

Các cuộc tấn công trả đũa được ghi nhận là dữ dội nhất trong nhiều tháng và đánh dấu sự leo thang đáng sợ trong một cuộc chiến không có dấu hiệu kết thúc.

Khuya Thứ Sáu, 25 Tháng Bẩy, tại thành phố nghỉ dưỡng Sochi của Nga - nơi phô trương hào nhoáng của Putin với thế giới và là sân chơi cá nhân - những chiếc máy bay điều khiển từ xa khổng lồ của Ukraine đã phá hủy cơ sở hạ tầng quan trọng.

Các vụ nổ làm rung chuyển các kho dầu, đốt cháy các nhà kho hỏa xa và phá hủy các tuyến đường bộ ở Lãnh thổ Liên bang Sirius, nơi có các trường học danh giá, các khu phát triển sang trọng và tiếng xì xào của chính những đứa con của Putin.

Trong một đòn đáng xấu hổ đối với Điện Cẩm Linh, một hệ thống hỏa tiễn S-400 của Nga đã bị trục trặc trong lúc hỗn loạn, đâm vào một khu dân cư và khiến ít nhất hai thường dân thiệt mạng.

Trong số những người thiệt mạng có một phụ nữ và 11 người khác bị thương.

Khách du lịch tại các khách sạn năm sao ven biển ở Sochi đã phải co rúm trong các bãi đậu xe ngầm khi kỳ nghỉ hè xa hoa của họ bị chiến tranh phá vỡ.

Đây là cuộc tấn công lớn đầu tiên của Ukraine vào Sochi trong gần hai năm - và ý nghĩa biểu tượng không thể rõ ràng hơn.

Thành phố này là nơi có học viện thể dục dụng cụ ưu tú nhất của Nga do Alina Kabaeva, người tình bí mật lâu năm của Putin, điều hành.

Nơi này cũng chỉ cách cung điện mà trùm mafia Vladimir Putin đang xây dựng sau khi san bằng cung điện cuối cùng của mình một quãng đường ngắn - và chỉ cách trường Sirius, nơi ông từng có cuộc hội đàm riêng với Donald Trump, một dặm.

Ukraine đã sử dụng máy bay điều khiển từ xa tầm xa Lyutyi‑196 trong cuộc đột kích táo bạo thắp sáng bầu trời đêm bằng những quả cầu lửa.

Kho dầu Lukoil-Yugnefteprodukt đã phát nổ trong biển lửa khi các quan chức địa phương cố gắng kiểm soát tình hình hỗn loạn.

Sân bay Sochi cũng bị đóng cửa, làm chậm trễ hơn 100 chuyến bay.

Trong khi Sochi bốc cháy, trái tim của Odesa lại rỉ máu.

Thành phố cảng lịch sử của Ukraine, thường được mô tả là linh hồn của quốc gia, lại phải chịu thêm một đêm địa ngục dưới làn mưa máy bay điều khiển từ xa của Nga.

Một tòa nhà chung cư chín tầng đã bị xé toạc từ tầng năm lên tầng tám, và Chợ Privoz được yêu mến của thành phố - một di tích văn hóa từ năm 1827 - đã bị nhấn chìm trong biển lửa.

Thống đốc khu vực Oleh Kiper cho biết: “Các di tích kiến trúc ở trung tâm lịch sử của Odesa, nơi được UNESCO bảo vệ, đã bị hư hại.”

Nga cũng đã tiến hành các cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa vào Mykolaiv và một cuộc tấn công bằng hỏa tiễn vào Cherkasy, khiến bảy người và một trẻ em bị thương.

Các đám cháy bùng phát dữ dội tại nhiều khu công nghiệp ở Ukraine trong khi tiếng còi báo động hú vang suốt đêm.

Tất cả những điều này xảy ra chỉ vài giờ sau khi các cuộc đàm phán hòa bình ở Istanbul sụp đổ trong sự chỉ trích gay gắt.

Nhà đàm phán của Điện Cẩm Linh Vladimir Medinsky thừa nhận hai bên “khá xa nhau”.

Rustem Umerov của Ukraine yêu cầu ngừng bắn ngay lập tức và đàm phán trực tiếp.

Ông cảnh báo: “Chúng tôi nhấn mạnh rằng lệnh ngừng bắn phải là thực sự.

“Nó phải bao gồm việc dừng hoàn toàn các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng dân sự và cực kỳ quan trọng.”

Khi tình trạng đổ máu trên thực địa leo thang, cỗ máy tuyên truyền của Putin càng trở nên tàn khốc hơn.

Các cơ quan truyền thông hàng đầu của Nga - hay cơ quan ngôn luận của Điện Cẩm Linh - đã bắt đầu chuẩn bị cho công dân của mình về chiến tranh hạt nhân.

Các tờ báo như Komsomolskaya Pravda đã đăng những bài viết rùng rợn cảnh báo rằng chiến tranh với phương Tây có thể xảy ra trước khi thập niên này kết thúc, được thúc đẩy bởi những gì họ cho là sự xâm lược của NATO.

Cáo buộc phương Tây muốn “chia cắt” nước Nga để tiếp cận các nguồn tài nguyên, tuyên truyền viên của Điện Cẩm Linh trên TV, Vladimir Solovyov, cảnh báo: “Mục đích là khiêu khích Nga... và phát động đối đầu trực tiếp.”

Ông kêu gọi tiến hành thử hạt nhân ở Bắc Cực - lần đầu tiên kể từ Chiến tranh Lạnh - trong một động thái nhằm mục đích gây kinh hoàng cho các cường quốc phương Tây.

Những lời cảnh báo này trùng khớp với lời đe dọa từ Dmitry Medvedev, người bạn thân khét tiếng của Putin, người tuyên bố Thế chiến thứ ba đã bắt đầu và thúc giục Nga ném bom phương Tây.

Medvedev, phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, đã nổi giận khi cho rằng NATO và phương Tây thực tế đã ở trong tình trạng chiến tranh với Nga khi ông thúc đẩy quan điểm của Điện Cẩm Linh rằng đất nước ông là nạn nhân.

Mặc dù Nga là nước đã xâm lược Ukraine và vẫn đang tiếp tục tiến hành một cuộc chiến đẫm máu.

Sự giận dữ của Điện Cẩm Linh càng tăng cao sau khi Tướng Mỹ Christopher Donahue tuyên bố NATO có thể chiếm được Kalinigrad - pháo đài chiến lược mà Nga đang bám víu ở trung tâm Âu Châu - “nhanh hơn bao giờ hết”.

Sự việc xảy ra sau khi Tổng thống Trump tung ra đòn tấn công mạnh mẽ của mình.

Ông cam kết trang bị cho Ukraine các hệ thống phòng thủ tiên tiến và áp thuế 100% lên Nga - trừ khi Putin đạt được thỏa thuận hòa bình trong vòng 50 ngày.

[The Sun: Battle of Black Sea erupts as Russia and Ukraine strike biggest resorts after peace talks fail to deliver ceasefire]

2. Xung đột Thái Lan-Campuchia thử thách Hoa Kỳ trước ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở Á Châu

Cuộc chiến dữ dội ở Đông Nam Á đánh dấu một thử nghiệm về ảnh hưởng đang suy yếu của Washington tại một khu vực được coi là chiến trường quan trọng trong cuộc cạnh tranh địa chính trị giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Sophal Ear, chuyên gia khu vực và phó giáo sư tại Trường Quản lý Thunderbird thuộc Đại học bang Arizona, phát biểu với Newsweek rằng: “Cuộc khủng hoảng này là phép thử quan trọng về ảnh hưởng của Mỹ và Trung Quốc tại Đông Nam Á”.

“Đối với Hoa Kỳ, Thái Lan là một đối tác chiến lược quan trọng, thiết yếu để duy trì sự hiện diện quân sự và ngoại giao của Hoa Kỳ trong khu vực,” Ear nói. “Đối với Trung Quốc, Campuchia là một nhân tố trung tâm trong các tham vọng khu vực của họ theo Sáng kiến Vành đai và Con đường, đóng vai trò là một bàn đạp chiến lược.”

Ông lập luận rằng “cả hai cường quốc đều nhận ra những lợi ích đáng kể: sự bất ổn có thể làm suy yếu các liên minh khu vực và lợi ích kinh tế của họ, trong khi lập trường quá hung hăng có nguy cơ làm gia tăng cạnh tranh địa chính trị”.

Tranh chấp biên giới gần đây nhất giữa Thái Lan và Campuchia bắt nguồn từ năm 1907, khi một bản đồ được vẽ dưới thời Pháp thuộc ở Campuchia đánh dấu một ranh giới mà ngày nay các quan chức Campuchia vẫn còn sử dụng. Các quan chức Thái Lan phản đối việc phân định này và tuyên bố chủ quyền lãnh thổ bên ngoài, bao gồm cả các ngôi đền Hindu cổ thời Khmer, chẳng hạn như Preah Vihear, bất chấp hai phán quyết của Tòa án Công lý Quốc tế ủng hộ yêu sách của Campuchia.

Sự cạnh tranh giữa hai nước diễn ra trong bối cảnh các cuộc xung đột quốc tế rộng lớn hơn giữa các cường quốc, bao gồm Thế chiến II và Chiến tranh Lạnh. Một thập niên trước cuộc chiến tranh Việt Nam của Hoa Kỳ, khi đó bị chia cắt giữa miền Bắc cộng sản và miền Nam dân tộc chủ nghĩa, Thái Lan đã gia nhập Tổ chức Hiệp ước Đông Nam Á, gọi tắt là SEATO do Hoa Kỳ hậu thuẫn, đóng vai trò như một lá chắn chống lại sự lan rộng của chủ nghĩa cộng sản trong khu vực.

Bắc Việt Nam đã giành chiến thắng trước Hoa Kỳ, thống nhất đất nước và nhanh chóng tham chiến với chế độ cộng sản Khmer Đỏ được Trung Quốc hậu thuẫn ở Campuchia, dẫn đến sự sụp đổ của chế độ này. Trong khi đó, Thái Lan vẫn là một đồng minh trung thành của Mỹ trong chính sách chống cộng ở Á Châu. Tuy nhiên, vị thế của Thái Lan trong chính sách đối ngoại của Washington đã suy giảm trong những thập niên gần đây, đặc biệt là khi Mỹ tăng cường quan hệ với cựu thù Việt Nam.

Trong khi đó, Trung Quốc đã đầu tư mạnh mẽ vào quan hệ với tất cả các nước trong khu vực, bao gồm Campuchia, Thái Lan và Việt Nam. Tuy nhiên, khi sự hiện diện toàn cầu ngày càng tăng của Bắc Kinh chiếm một vị trí lớn hơn trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ, một số người cho rằng sự chú ý của Bắc Kinh đối với Thái Lan đã bị gạt sang một bên.

Evan Feigenbaum, phó chủ tịch phụ trách nghiên cứu tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế và cựu phó trợ lý ngoại trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, phát biểu với Newsweek rằng: “Tôi nghĩ Hoa Kỳ đã trượt bài kiểm tra và đó nên là một lời cảnh tỉnh”.

Ông nói: “Bởi vì nếu mục tiêu của Hoa Kỳ đối với Đông Nam Á là đấu tranh giành ảnh hưởng thông qua cuộc chiến ủy nhiệm với Trung Quốc, thì thực tế là Hoa Kỳ hiện không có mặt và thực sự không có đòn bẩy nào để tác động lên bất kỳ bên nào, điều này sẽ nói lên tất cả”.

Cả Hoa Kỳ và Trung Quốc đều kêu gọi hạ nhiệt căng thẳng kể từ khi giao tranh nổ ra lần đầu tiên vào thứ Năm, với ít nhất 15 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương. Quân đội Thái Lan sau đó tuyên bố rằng hơn 100 binh sĩ Campuchia đã thiệt mạng khi giao tranh lan rộng khắp biên giới hiểm trở của họ, trải dài khoảng 800 km.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết trong một tuyên bố đưa ra hôm thứ Năm: “Hoa Kỳ vô cùng quan ngại trước các báo cáo về tình hình giao tranh leo thang dọc biên giới Thái Lan-Campuchia”.

“Chúng tôi đặc biệt lo ngại trước các báo cáo về thương vong đối với thường dân vô tội”, tuyên bố cho biết thêm. “Chúng tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc nhất về sự mất mát sinh mạng này. Chúng tôi mạnh mẽ kêu gọi chấm dứt ngay lập tức các cuộc tấn công, bảo vệ thường dân và giải quyết tranh chấp một cách hòa bình.”

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị gọi tình hình này là “vô cùng đau buồn và đáng lo ngại” và kêu gọi “giải quyết bình tĩnh và cẩn thận”. Đồng thời, ông lập luận rằng “vấn đề nằm ở di sản mà các cường quốc thực dân phương Tây để lại”.

“Là nước láng giềng và bạn bè chung của cả Campuchia và Thái Lan, Trung Quốc cam kết duy trì lập trường khách quan và công bằng, và sẽ tiếp tục đóng vai trò xây dựng trong việc giúp giảm leo thang căng thẳng và xoa dịu tình hình”, ông Vương phát biểu hôm thứ sáu trong cuộc họp với Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, gọi tắt là ASEAN Kao Kim Hourn, người đang tìm cách làm trung gian hòa giải xung đột.

Trong khi Campuchia theo truyền thống được coi là đối tác thân cận của Trung Quốc, sự trung lập của Bắc Kinh cũng được thể hiện qua những nỗ lực duy trì và phát triển mối quan hệ chặt chẽ với Thái Lan.

“Mô hình hợp lý hơn cho Trung Quốc, khi lợi ích của họ bị đe dọa, là chỉ cần âm thầm hành động,” Feigenbaum nói. “Nhưng tôi nghĩ tính toán của họ sẽ là họ sẽ phải trả giá cho cả hai - họ thực sự không muốn đứng về phía nào, bởi vì họ muốn có mối quan hệ tốt đẹp với cả hai.”

“Vì vậy, họ hoặc phải gây áp lực lên cả hai bên cùng lúc, hoặc phải chọn một bên,” ông nói thêm. “Điều sau không phải là lựa chọn của họ.”

Làm phức tạp thêm bất kỳ vai trò bên ngoài nào là chính trị trong nước căng thẳng đã góp phần làm gia tăng căng thẳng đến mức xung đột công khai.

Sau khi căng thẳng leo thang vào tháng 5 khi một cuộc đấu súng xuyên biên giới dẫn đến cái chết của một binh sĩ Campuchia, Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra đã bị phát hiện trong một cuộc điện thoại bị rò rỉ, trong đó bà nói chuyện với Chủ tịch Thượng viện Campuchia kiêm cựu Thủ tướng Hun Sen bằng những lời lẽ âu yếm và chỉ trích giới lãnh đạo quân đội Thái Lan. Vụ việc đã dẫn đến việc bà bị đình chỉ chức vụ và đe dọa liên minh cầm quyền vốn đã mong manh của bà.

Về việc liệu Hoa Kỳ có thể can thiệp vào vấn đề mà Trung Quốc còn do dự hay không, Feigenbaum tỏ ra nghi ngờ, vì ông cho rằng Bắc Kinh hiện đang gần gũi hơn về nhiều mặt với đồng minh lâu đời nhất của Washington ở Á Châu.

“Mỹ thực sự không còn ảnh hưởng gì đến Thái Lan nữa, nên việc cho rằng Thái Lan là một dạng đại diện của Mỹ là vô lý”, ông nói. “Trong khi đó, Trung Quốc lại có mối quan hệ tốt đẹp với hoàng gia Thái Lan, họ là đối tác thương mại số một. Họ cũng là đối tác đầu tư số một.”

Ông cho biết: “Hoa Kỳ vẫn quan trọng về mặt kinh tế, nhưng xét về mặt tương đối, Trung Quốc, theo nhiều cách, đã trở nên quan trọng hơn nhiều”.

Derek Grossman, cựu quan chức tình báo Hoa Kỳ hiện là giáo sư tại Đại học Nam California, cũng tin rằng xung đột Thái Lan-Campuchia vẫn chưa leo thang thành xung đột ủy nhiệm theo kiểu Chiến tranh Lạnh.

Đồng thời, ông cảnh báo rằng tình hình có khả năng sẽ tiếp tục kéo theo sự căng thẳng giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới nếu nó tiếp tục leo thang.

Grossman nói với Newsweek: “Mặc dù đúng là Thái Lan là đồng minh an ninh của Hoa Kỳ và Campuchia là đối tác thân cận của Trung Quốc, cả Washington và Bắc Kinh đều kêu gọi ngừng bắn và giảm leo thang ngay lập tức”, “và do đó, không có cuộc đấu tranh ủy nhiệm nào diễn ra để đạt được lợi thế chiến lược ở Đông Dương—ít nhất là chưa phải bây giờ”.

“Tuy nhiên, nếu xung đột trở nên tồi tệ hơn, rất có thể Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ tăng cường hỗ trợ cho các nước bạn bè của mình,” Grossman nói thêm. “Ví dụ, Bắc Kinh đã nói rằng nguyên nhân của xung đột là do chủ nghĩa thực dân phương Tây – một lời chỉ trích rõ ràng nhắm vào các thế lực bên ngoài khu vực.”

Grossman cũng lưu ý rằng cho đến nay Thái Lan đã từ chối các nỗ lực hòa giải quốc tế để ủng hộ các cuộc đàm phán trực tiếp với Campuchia, một chiến thuật mà ông cho là có thể là do niềm tin rằng nước này “có lợi thế về mặt quân sự và có Washington ủng hộ nếu cuộc khủng hoảng leo thang”.

Trong khi đó, Ear cảnh báo rằng, “nếu những người theo chủ nghĩa diều hâu Trung Quốc coi đây là cuộc chiến giữa Thái Lan, đồng minh của Hoa Kỳ và Campuchia được Trung Quốc hậu thuẫn, thì điều này có thể được coi là một cuộc chiến tranh ủy nhiệm đang âm ỉ mặc dù điều này không liên quan gì đến Trung Quốc”, đồng thời lưu ý rằng con đường khả thi nhất cho cả Bắc Kinh và Washington là “khuyến khích ngoại giao và giảm leo thang”.

“Tôi chắc chắn là các nhà ngoại giao kỳ cựu đang bận rộn viết tuyên bố của họ,” Ear nói. “Tôi chỉ hy vọng các chính trị gia đừng quá bận tâm đến hồ sơ của Epstein mà quên mất xung đột khu vực này.”

[Newsweek: Thailand-Cambodia Clash Tests US Against Growing China Influence in Asia]

3. Reuters đưa tin một công ty Ấn Độ đã gửi chất nổ tới Nga bất chấp cảnh báo của Hoa Kỳ

Một công ty Ấn Độ đã chuyển giao số thuốc nổ quân sự trị giá 1,4 triệu đô la cho Nga vào tháng 12 năm ngoái, bất chấp cảnh báo của Hoa Kỳ về các lệnh trừng phạt tiềm tàng, Reuters đưa tin hôm Thứ Sáu, 25 Tháng Bẩy, trích dẫn dữ liệu từ hải quan Ấn Độ.

New Delhi vẫn giữ lập trường trung lập về cuộc chiến Nga-Ukraine, kêu gọi giải pháp hòa bình trong khi thúc đẩy mối quan hệ kinh tế với Mạc Tư Khoa.

Phát ngôn nhân Cục Tình Báo Quân Đội Ukraine, Đại Úy Andriy Yusov, nói với Reuters rằng trong số các công ty Nga được liệt kê là bên nhận chất nổ octogen, còn gọi là HMX, có Promsintez, một nhà sản xuất chất nổ có quan hệ với quân đội Nga.

Theo Trung tâm thông tin kỹ thuật quốc phòng của Ngũ Giác Đài và các chương trình nghiên cứu quốc phòng liên quan, octogen thường được sử dụng trong đầu đạn hỏa tiễn và ngư lôi, động cơ hỏa tiễn, vỏ đạn nổ và chất nổ dẻo cho các hệ thống quân sự tiên tiến.

Chính phủ Hoa Kỳ đã dán nhãn chất này là “quan trọng đối với nỗ lực quân sự của Nga” và cảnh báo các tổ chức tài chính không được phép bán chất này cho Mạc Tư Khoa.

Ấn Độ đã phản đối áp lực của Hoa Kỳ đòi tách khỏi Mạc Tư Khoa, duy trì mối quan hệ quốc phòng và kinh tế đã kéo dài hàng thập niên. Việc mua dầu thô từ Nga vẫn được duy trì, bất chấp những nỗ lực của phương Tây nhằm cô lập Điện Cẩm Linh bằng các biện pháp trừng phạt sâu rộng.

Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đe dọa sẽ áp thuế 100% đối với các quốc gia tiếp tục mua dầu thô của Nga.

Trong khi đó, Bộ Tài chính Hoa Kỳ có thẩm quyền trừng phạt các thực thể liên quan đến việc bán octogen và các vật liệu tương tự cho Nga, ba luật sư chuyên về lệnh trừng phạt đã xác nhận với hãng thông tấn này.

Tuy nhiên, Reuters không tìm thấy dấu hiệu nào cho thấy các lô hàng octogen vi phạm chính sách của chính phủ Ấn Độ. Một quan chức Ấn Độ am hiểu vấn đề này nói với hãng thông tấn rằng hợp chất này, mặc dù chủ yếu được sử dụng cho mục đích quân sự, cũng có một số ứng dụng dân sự hạn chế.

Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết nước này xuất khẩu hàng hóa có mục đích sử dụng kép “theo nghĩa vụ quốc tế về không phổ biến vũ khí hạt nhân và dựa trên khuôn khổ pháp lý và quy định chặt chẽ, bao gồm đánh giá toàn diện các tiêu chuẩn liên quan đến hoạt động xuất khẩu đó”.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ từ chối bình luận về các lô hàng cụ thể được Reuters xác định nhưng cho biết họ đã nhiều lần cảnh báo Ấn Độ rằng các công ty tham gia vào hoạt động thương mại liên quan đến quân sự với Nga có thể phải đối mặt với lệnh trừng phạt.

[Kyiv Independent: Indian company sent explosives to Russia despite US warnings, Reuters reports]

4. Iran đưa ra cảnh báo gián điệp

Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran, gọi tắt là IRGC đã ban hành cảnh báo trên toàn quốc, kêu gọi người dân chống lại các nỗ lực tuyển dụng gián điệp sau cuộc tấn công quân sự kéo dài 12 ngày của Israel. Cảnh báo này được đưa ra trong bối cảnh Tehran đang tiến hành chiến dịch trấn áp, bắt giữ những nghi phạm gián điệp bị cáo buộc làm việc cho các cơ quan an ninh nước ngoài.

Thông điệp đặc biệt cảnh báo công chúng về các nỗ lực xâm nhập của đối phương thông qua ứng dụng điện thoại di động và tuyên truyền kỹ thuật số. Lời kêu gọi này được đưa ra sau các cuộc tấn công trực tiếp vào lãnh thổ Iran, chiến tranh mạng và phá hoại trong nước được tường trình do cơ quan tình báo Mossad của Israel thực hiện.

Lời cảnh báo công khai của Iran về việc tuyển dụng gián điệp nước ngoài thông qua ứng dụng di động được đưa ra sau chiến dịch không kích dữ dội của Israel bên trong Iran, nơi Mỹ cũng ném bom các cơ sở hạt nhân của Iran. Mối liên hệ này làm nổi bật một mặt trận mới trong cuộc xung đột, hiện đang kết hợp các cuộc tấn công vật lý với chiến tranh mạng và gián điệp nhắm vào dân thường. Khi Iran đang phải đối mặt với cả áp lực quân sự từ bên ngoài và các mối đe dọa kỹ thuật số nội bộ, lời cảnh báo này phản ánh một thách thức rộng lớn hơn mà các quốc gia trên toàn cầu đang phải đối mặt trong kỷ nguyên chiến tranh hỗn hợp.

Thông điệp công khai của IRGC nhấn mạnh đến “những nỗ lực phối hợp của các cơ quan tình báo nước ngoài nhằm tuyển dụng người Iran thông qua các ứng dụng di động và quảng cáo kỹ thuật số”. Tuyên bố kêu gọi người dân không chỉ tránh những thông điệp như vậy mà còn “cảnh báo những người khác về mối đe dọa”. Mặc dù không nêu tên quốc gia cụ thể, nhưng tuyên bố này cho thấy rõ ràng Israel và các đồng minh là mục tiêu dự kiến.

Được đăng bằng tiếng Ba Tư trên X, hãng thông tấn ISNA của Iran đã công bố cảnh báo của IRGC, trong đó cũng nêu rõ rằng “đồng bào nên cảnh giác từ chối những chiến thuật này và thông báo cho những người khác”.

Kể từ cuộc tấn công của Israel vào ngày 13 tháng 6, và tiếp tục sau khi lệnh ngừng bắn được tuyên bố vào ngày 24 tháng 6, chính quyền Iran đã phát động một chiến dịch nhằm củng cố an ninh nội địa. Iran đã bắt giữ hơn 700 cá nhân bị cáo buộc hợp tác với Israel hoặc các chính phủ nước ngoài thù địch khác. Cuộc đàn áp bao gồm các vụ bắt giữ hàng loạt, xét xử nhanh chóng và nhiều vụ hành quyết liên quan đến các điệp viên bị cáo buộc.

Trong khi đó, chính phủ Israel đã phát động chiến dịch truyền thông riêng cảnh báo công dân về việc bị Iran dụ dỗ làm gián điệp. Được công bố bởi Cục Ngoại giao Chính phủ Quốc gia Israel, chiến dịch mang tên “Tiền dễ kiếm, giá đắt” này bao gồm các thông điệp video và âm thanh cảnh báo rằng hậu quả pháp lý của việc làm gián điệp cho Tehran lớn hơn nhiều so với bất kỳ khoản tiền thưởng nhỏ nào. Các quảng cáo này sẽ được phát trên radio, trang web và các nền tảng mạng xã hội lớn.

Trong năm qua, chính quyền Israel cho biết họ đã phát hiện hơn 25 vụ tuyển dụng của Iran và truy tố hơn 35 người Israel về các tội danh nghiêm trọng

[Newsweek: Iran Issues Spy Warning]

5. Tổng thống Zelenskiy tiết lộ các cuộc biểu tình ở Ukraine đã buộc phải đảo ngược dự luật chống tham nhũng

KYIV — Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết ông đã đảo ngược một dự luật gây tranh cãi có thể kìm hãm các cơ quan giám sát chống tham nhũng do các cuộc biểu tình trên toàn quốc và nguy cơ làm Âu Châu bất mãn.

“Điều rất quan trọng là xã hội phải lên tiếng. Tôi tôn trọng ý kiến của xã hội. Tôi tin rằng việc phản ứng khi mọi người không muốn điều gì đó hoặc khi họ không thích điều gì đó là hoàn toàn bình thường.” Tổng thống Zelenskiy nói. “Mọi người có quyền nói lên suy nghĩ của mình. Mọi người đã nói — mọi thứ phải tuân theo luật pháp. Đối với tôi, điều rất quan trọng là chúng ta phải lắng nghe và phản hồi một cách thỏa đáng. Mọi người đã yêu cầu thay đổi. Chúng tôi đã phản hồi.

Chúng tôi muốn là một phần của Âu Châu. Không ai muốn chấp nhận bất kỳ rủi ro nào. Tôi đã trấn an tất cả các đối tác của chúng tôi. Ví dụ, chúng tôi đã thảo luận về Ramstein và nhiều vấn đề khác. Về NABU và SAP, tôi đã nói với các đối tác rằng tôi sẽ tìm ra giải pháp”, Tổng thống Zelenskiy nói với các nhà báo tại một cuộc họp báo ở Kyiv.

Cả Cục Chống tham nhũng Quốc gia, gọi tắt là NABU và Văn phòng Công tố viên Chống tham nhũng Ukraine, gọi tắt là SAP đều cho biết họ hoan nghênh dự luật hoàn toàn mới do Tổng thống Zelenskiy đệ trình vào thứ năm, dự luật này sẽ trả lại quyền độc lập cho các văn phòng của họ.

“Một dự luật đã được soạn thảo dựa trên các nguyên tắc cốt lõi về tính độc lập của các cơ quan chống tham nhũng. Dự luật này bao gồm các điều khoản mới nhằm bảo vệ chống lại sự ảnh hưởng của Liên bang Nga - chủ yếu là để ứng phó với các vụ việc liên quan đến một số đại diện của NABU”, Tổng thống Zelenskiy nói.

Tổng thống Zelenskiy cho biết — mặc dù dự luật mới khôi phục quyền độc lập cho SAP khỏi vị tổng công tố viên được bổ nhiệm chính trị — nhưng nó cũng áp dụng quy định kiểm tra máy phát hiện nói dối đối với tất cả nhân viên của các cơ quan chống tham nhũng và thực thi pháp luật, bao gồm Cảnh sát Quốc gia và Cục Điều tra Nhà nước, những người có người thân đến từ hoặc cư trú tại Nga. NABU cho biết quy định kiểm tra này đã được áp dụng.

Tổng thống cũng cho biết ông đã hành động nhanh chóng để xoa dịu các cuộc biểu tình mà theo các cơ quan tình báo Ukraine, có nguy cơ bị Nga lợi dụng để phá hoại Ukraine từ bên trong.

“Bởi vì thách thức chính là chiến tranh. Và điều quan trọng nhất trong cuộc chiến này là sự thống nhất của đất nước chúng ta. Điều quan trọng là không được đánh mất sự thống nhất. Lắng nghe người dân, đối thoại, v.v.”, Tổng thống Zelenskiy nói.

“Các cơ quan chống tham nhũng phải thực sự độc lập. Đồng thời, họ phải đáp ứng nhu cầu công lý của xã hội. Họ phải hành động hiệu quả và giám sát những gì đang diễn ra trong phạm vi cơ cấu của mình”, Tổng thống Zelenskiy nói thêm.

Giờ đây, những nhà lập pháp Ukraine, những người đã bỏ phiếu bác bỏ tính độc lập của NABU và SAP vào đầu tuần này, sẽ phải họp khẩn cấp và bỏ phiếu cho dự luật mới của Tổng thống Zelenskiy.

Những người biểu tình đã tràn xuống đường phố các thành phố của Ukraine trong tuần này, cho biết họ sẽ không lùi bước cho đến khi các đại biểu quốc hội sửa chữa sai lầm của mình.

Và một số nhà lập pháp đã thừa nhận mình đã mắc lỗi.

“Đúng vậy, tôi đã bỏ phiếu cho luật này. Đó là một quyết định khó khăn, được đưa ra trong thời hạn gấp rút và thông tin hạn chế. Đồng thời, điều này đã được nhiều người lên tiếng và thừa nhận, hiệu quả của hệ thống trong những năm gần đây đã đặt ra nhiều câu hỏi”, Tamila Tasheva, nghị sĩ đảng đối lập Holos, cho biết trong một tuyên bố.

“Giờ đây, rõ ràng là toàn bộ quá trình đã không được phối hợp một cách hợp lý. Dự thảo luật, trong phiên bản được đưa ra bỏ phiếu, đã gây lo ngại không chỉ trong xã hội mà còn cả các đối tác quốc tế. Và đây là một tín hiệu không thể bỏ qua”, bà Tasheva nói thêm.

Các nhà lập pháp cho biết họ sẽ tập trung để bỏ phiếu vào thứ năm tuần tới, ngày 31 tháng 7.

[Politico: Zelenskyy reveals Ukrainian protests forced U-turn on anti-corruption bill]

6. Hơn 23.000 thường dân và 113 trẻ em bị mắc kẹt trong khu vực chiến sự đang diễn ra ở Tỉnh Donetsk, quan chức cho biết

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều Thứ Sáu, 25 Tháng Bẩy, Trung Úy Olga Chikanova, Phát ngôn nhân Ủy Ban Điều Tra của Cảnh Sát Quốc Gia Ukraine cảnh báo rằng vẫn còn khoảng 23.000 thường dân, bao gồm 113 trẻ em, ở các khu vực chiến sự đang diễn ra trên khắp Tỉnh Donetsk, miền đông Ukraine.

Theo Chikanova, hầu hết trẻ em đều sống ở cộng đồng đô thị Lyman, nơi còn lại 108 trẻ, trong khi năm trẻ khác sống ở cộng đồng Toretsk.

Cơ quan quản lý quân sự tỉnh Donetsk đã phân loại 18 cộng đồng là khu vực chiến đấu tích cực. Ukraine phần lớn vẫn duy trì thế phòng thủ ở phía đông khi cuộc tấn công mùa hè của Nga vẫn tiếp tục diễn ra mạnh mẽ.

Các chuyên gia quân sự Ukraine và phương Tây đánh giá Nga có thể sẽ leo thang các hoạt động tấn công trong thời hạn 50 ngày mà Tổng thống Mỹ Donald Trump dành cho Mạc Tư Khoa để đạt được thỏa thuận ngừng bắn. Trong những tuần tới, Nga có thể thực tế tiến gần hơn đến cả Pokrovsk và Kostiantynivka ở phía đông tỉnh Donetsk.

Khoảng 1.380 thường dân vẫn còn mắc kẹt tại Pokrovsk khi quân đội Nga tiếp tục tấn công vào thành phố tiền tuyến ở tỉnh Donetsk, theo Thống đốc Oleh Filashkin. Thị trấn này vẫn là một trong những chiến trường khốc liệt nhất trong cuộc tấn công của Nga ở miền Đông Ukraine. Theo nhóm giám sát chiến trường nguồn mở DeepState và các binh sĩ trên thực địa, quân đội Nga đã tiến vào thị trấn vào ngày 22 tháng 7.

Chikanova cho biết chỉ riêng trong tuần qua, hơn 2.500 cư dân đã được di tản khỏi nhà của họ ở Tỉnh Donetsk đến những khu vực an toàn hơn bên ngoài khu vực.

Kể từ khi bắt đầu lệnh di tản bắt buộc vào đầu tháng 8 năm 2022, chính quyền Ukraine đã di tản hơn 1,23 triệu dân thường khỏi các khu vực do chính phủ kiểm soát ở Tỉnh Donetsk. Con số này bao gồm khoảng 193.000 trẻ em và hơn 46.000 người khuyết tật.

Theo Chikanova, bất chấp những nỗ lực này, vẫn còn khoảng 265.000 thường dân ở các khu vực do Ukraine kiểm soát tại Tỉnh Donetsk.

[Kyiv Independent: Over 23,000 civilians, 113 children trapped in active combat zones in Donetsk Oblast, official says]

7. Mỹ điều tàu ngầm hạt nhân tới Hạm đội Thái Bình Dương giữa mối đe dọa từ Trung Quốc

Hoa Kỳ đã tái điều động tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân thứ hai - có khả năng phóng hỏa tiễn Tomahawk tầm xa - từ Bờ Đông đến Hawaii trong tháng này, trong nỗ lực bố trí các đơn vị có năng lực mạnh nhất của mình tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương để đối phó với sự tăng cường sức mạnh hải quân của Trung Quốc.

Trung Quốc đã mở rộng sự hiện diện quân sự - đặc biệt là hải quân - trên khắp Tây Thái Bình Dương trong những năm gần đây, gây lo ngại cho Hoa Kỳ và các đồng minh trong khu vực. Bắc Kinh cũng đã xây dựng một kho vũ khí hỏa tiễn lớn có khả năng tấn công Nhật Bản, bao gồm cả các căn cứ quân sự của Hoa Kỳ tại đó.

Nhật Bản - một yếu tố quan trọng trong chiến lược chuỗi đảo của Hoa Kỳ nhằm kiềm chế Trung Quốc ở Tây Thái Bình Dương - đã tăng cường phòng thủ trước sự xâm lược tiềm tàng của Trung Quốc bằng cách nâng cấp vũ khí chống hạm và mua tàu chiến tiên tiến có khả năng đánh chặn hỏa tiễn.

Để đối phó với mối đe dọa quân sự ngày càng gia tăng từ Trung Quốc, Ngũ Giác Đài đã tăng cường lực lượng ở Tây Thái Bình Dương. Điều này bao gồm việc điều động một Hàng Không Mẫu Hạm được trang bị máy bay chiến đấu tàng hình và hệ thống hỏa tiễn đất đối đất có khả năng thực hiện các cuộc tấn công tầm xa.

Một số tàu ngầm tấn công nhanh được trang bị vũ khí thông thường, chạy bằng năng lượng hạt nhân của Mỹ phục vụ trong Hạm đội Thái Bình Dương và đồn trú tại Washington, California, Hawaii và Guam - đảo Guam, nơi gần Trung Quốc nhất và là một trung tâm quân sự quan trọng, đã tiếp nhận năm tàu ngầm kể từ tháng 11 năm ngoái.

[Newsweek: US Sends Nuclear Submarine to Pacific Fleet Amid China Threat]

8. Putin trao cho người Belarus đang sinh sống tại Nga quyền bỏ phiếu và ứng cử trong các cuộc bầu cử địa phương

Putin đã ký luật vào ngày 23 tháng 7 trao cho công dân Belarus thường trú tại Nga quyền bỏ phiếu và ứng cử trong các cuộc bầu cử địa phương.

Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko được coi là một trong những đồng minh thân cận nhất của Putin. Hai nhà lãnh đạo đã tăng cường hợp tác trong bối cảnh đất nước họ đang phải đối mặt với sự cô lập từ phương Tây do cuộc chiến của Nga với Ukraine.

Minsk hiện đã cho phép công dân Nga thường trú tại Belarus được bỏ phiếu và tham gia các cuộc bầu cử địa phương.

Belarus và Nga đã ký hiệp ước Nhà nước liên bang vào năm 1999, nhằm mục đích tăng cường quan hệ và hội nhập song phương.

Các nhà chức trách Belarus hoan nghênh động thái này và kêu gọi trao cho công dân Belarus quyền tham gia các cuộc bầu cử khu vực, truyền thông nhà nước Nga đưa tin.

Hai nước hợp tác trong nhiều lĩnh vực, bao gồm cả chính sách quốc phòng.

Vào ngày 23 tháng 7, Belarus đã ra tín hiệu rằng họ có thể đảo ngược quyết định trước đó về việc chuyển cuộc tập trận quân sự Zapad-2025 vào sâu trong đất liền, với lý do là hoạt động quân sự leo thang của Ba Lan và Lithuania gần biên giới nước này.

Thứ trưởng Quốc phòng Belarus Pavel Muraveika cho biết ban đầu Minsk quyết định chuyển cuộc tập trận chung giữa Nga và Belarus ra khỏi biên giới phía tây để giảm bớt căng thẳng, nhưng quyết định đó hiện có thể được xem xét lại.

“Do tình hình quân sự và chính trị khó khăn, cũng như việc Belarus liên tục bị cáo buộc có ý định gây hấn, chúng tôi đã đưa ra quyết định và di dời các khu vực diễn ra sự kiện ra khỏi biên giới,” Muraveika nói. “Nhưng các đồng nghiệp phương Tây của chúng tôi đã bắt đầu suy đoán về quá trình này.”

[Kyiv Independent: Putin grants Belarusians residing in Russia right to vote, run in local elections]

9. Đồng minh NATO mới nổi ra mắt hỏa tiễn siêu thanh

Thổ Nhĩ Kỳ đã công bố hỏa tiễn siêu thanh đầu tiên do nước này tự phát triển, nằm trong số sáu hệ thống vũ khí tiên tiến, tại một hội chợ lớn do Bộ Quốc phòng tổ chức. Hỏa tiễn này đang được phát triển bởi công ty hỏa tiễn và phòng không nhà nước Roketsan.

Thổ Nhĩ Kỳ đang đẩy nhanh nỗ lực hiện đại hóa quân đội khi các cuộc xung đột khu vực gia tăng, kết hợp nỗ lực tự chủ trong sản xuất vũ khí với việc tiếp tục hợp tác thông qua các đồng minh NATO.

Trong bối cảnh căng thẳng với Israel gia tăng, Thổ Nhĩ Kỳ đang mở rộng năng lực phòng không và hải quân — bao gồm máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm và Hàng Không Mẫu Hạm — và đang nhắm đến việc quay trở lại chương trình máy bay chiến đấu F-35 của Mỹ. Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang trở thành một nhà cung cấp vũ khí toàn cầu ngày càng quan trọng.

Theo tờ Daily Sabah, Tayfun Block-4 là phiên bản siêu thanh của hỏa tiễn đạn đạo tầm xa nhất do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất trong nước, Tayfun, và đã được giới thiệu tại Hội chợ Công nghiệp Quốc phòng Quốc tế diễn ra vào tuần này tại Istanbul.

Tayfun là hỏa tiễn đạn đạo phóng từ mặt đất, hoạt động ở tốc độ hành trình siêu thanh. Nó có tầm bắn hơn 175 dặm, chiều dài 21 feet (6,4 mét) và đầu đạn phân mảnh được định hình sẵn. Theo công ty, Tayfun được dẫn đường bởi hệ thống dẫn đường trong không gian và được thiết kế để tấn công các mục tiêu chiến lược như hệ thống phòng không, trung tâm chỉ huy và cơ sở hạ tầng quân sự.

Ngoài hỏa tiễn siêu thanh Tayfun, Roketsan còn tiết lộ năm hệ thống tiên tiến khác bao gồm hỏa tiễn không đối không sử dụng động cơ phản lực, hỏa tiễn hành trình phóng từ tàu ngầm, hỏa tiễn lơ lửng, hỏa tiễn siêu thanh phóng từ UAV và hỏa tiễn phóng vệ tinh.

Năm 2022, Roketsan cũng đã thử nghiệm thành công hỏa tiễn siêu thanh không đối đất đầu tiên do Thổ Nhĩ Kỳ tự sản xuất TRG-230, truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin.

[Newsweek: Rising NATO Ally Unveils Hypersonic Missile]

10. Ukraine và Nga thực hiện thêm một cuộc trao đổi tù nhân khi vòng đàm phán hòa bình thứ ba tại Istanbul kết thúc

Trong diễn từ gởi quốc dân đồng bào tối Thứ Năm, 24 Tháng Bẩy, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết Ukraine đã đưa thêm một nhóm binh lính được Nga trao đổi về nước, đánh dấu một trong những cuộc trao đổi gần đây với Mạc Tư Khoa.

Cuộc trao đổi này diễn ra sau tám cuộc trao đổi khác được thực hiện trong những tuần gần đây theo thỏa thuận đạt được giữa Kyiv và Mạc Tư Khoa tại vòng đàm phán hòa bình thứ hai ở Istanbul vào ngày 2 tháng 6.

“Giai đoạn thứ chín của cuộc trao đổi được đàm phán tại Istanbul đã kết thúc hôm nay, tạo điều kiện cho những người bảo vệ bị thương nặng và nguy kịch được trở về,” Tổng thống Zelenskiy nói. “Giờ đây, chúng tôi có thể công bố rằng, thông qua tất cả các phiên bản của các thỏa thuận Istanbul gần đây, chúng tôi đã bảo đảm sự trở về của hơn 1.000 người. Đối với hàng ngàn gia đình, đây là một cơ hội sâu sắc để họ một lần nữa được đoàn tụ với người thân yêu. Chúng tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành đến tất cả những người đã đóng góp vào thành quả này.”

Trong số những quân nhân Ukraine được thả, một số đã bị bắt trong quá trình bảo vệ Mariupol và bị giam giữ trong hơn ba năm.

Nhóm này cũng bao gồm người bảo vệ cuối cùng còn sót lại của Đảo Zmiinyi (Rắn), một quân nhân thuộc Lực lượng Biên phòng Ukraine. Độ tuổi của những người lính được giải thoát rất đa dạng, từ 27 đến 66 tuổi. Họ đã phục vụ trên nhiều mặt trận, bao gồm các hướng Donetsk, Zaporizhzhia, Luhansk, Kherson, Kharkiv, Sumy và Chernihiv.

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy cho biết vào ngày 23 tháng 7, Ukraine đã tạo điều kiện cho những binh lính bị bệnh nặng và bị thương nặng được hồi hương.

Bước đi này cũng trùng với vòng đàm phán thứ ba tại Istanbul, tập trung vào lệnh ngừng bắn, hồi hương tù nhân và trẻ em bị bắt cóc, cũng như chuẩn bị cho cuộc gặp có thể diễn ra với Putin.

Ukraine mong đợi các cuộc trao đổi tiếp theo dựa trên các thỏa thuận ngày 2 tháng 6, Tổng thống Zelenskiy cho biết vào đầu tuần này.

Vòng đàm phán hòa bình đầu tiên giữa Nga và Ukraine tại Istanbul, được tổ chức vào ngày 16 tháng 5, đánh dấu cuộc đàm phán trực tiếp đầu tiên giữa hai bên kể từ đầu năm 2022. Mặc dù không đạt được đột phá nào hướng tới việc chấm dứt chiến tranh, các bên đã đồng ý trao đổi tù binh “1.000 đổi 1.000”, đây là cuộc trao đổi tù binh lớn nhất trong chiến tranh.

Vòng đàm phán thứ hai sau đó đã dẫn đến một thỏa thuận về các cuộc trao đổi tiếp theo tập trung vào những tù nhân bị bệnh nặng hoặc bị thương và những người dưới 25 tuổi, cũng như một thỏa thuận về việc hồi hương những người lính đã hy sinh.

Ukraine vẫn tiếp tục ủng hộ một cuộc trao đổi “tất cả đổi tất cả” trên quy mô toàn diện, một đề xuất mà cho đến nay Nga vẫn từ chối.

Giống như các vòng trước, phái đoàn Ukraine tại Istanbul do Rustem Umerov, hiện là thư ký Hội đồng An ninh và Quốc phòng Quốc gia, dẫn đầu và bao gồm đại diện từ cơ quan tình báo quân sự Ukraine, Bộ Ngoại giao và Văn phòng Tổng thống.

Phái đoàn Nga một lần nữa do trợ lý của Putin, Vladimir Medinsky, dẫn đầu. Nhà lãnh đạo Nga đã nhiều lần từ chối tham dự trực tiếp, thay vào đó cử các quan chức cấp thấp hơn.

Trong khi Nga và Ukraine vẫn còn bất đồng về các yêu cầu trong các cuộc đàm phán, nỗ lực hòa bình đã có thêm động lực mới sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đe dọa vào ngày 14 tháng 7 rằng ông sẽ áp đặt mức thuế “nghiêm khắc” đối với Nga trừ khi nước này đồng ý chấm dứt chiến tranh trong vòng 50 ngày.

[Kyiv Independent: Ukraine, Russia carry out another prisoner swap as third round of Istanbul peace talks concludes]

11. Iran nêu rõ các điều kiện cho các cuộc đàm phán hạt nhân

Hôm Thứ Sáu, 25 Tháng Bẩy, Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi và là nhà đàm phán hạt nhân hàng đầu đã nêu ra các điều kiện tiên quyết để tham gia đàm phán với Hoa Kỳ.

Nếu các cuộc đàm phán không thể trở lại đúng hướng, nguy cơ xảy ra các hành động quân sự tiếp theo chống lại chương trình hạt nhân của Iran từ Hoa Kỳ cũng như Israel sẽ cao hơn.

Bình luận mới nhất của Araghchi được đưa ra sau lời cảnh báo của ông rằng Iran sẽ cân nhắc việc rút khỏi Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân, gọi tắt là NPT nếu các cường quốc Âu Châu kích hoạt cơ chế tái lập các lệnh trừng phạt quốc tế đối với Cộng hòa Hồi giáo này vào cuối năm nay.

Thỏa thuận ngừng bắn mong manh giữa Iran và Israel vẫn được duy trì nhưng căng thẳng đã gia tăng sau cuộc xung đột kéo dài 12 ngày vào tháng trước, trong đó Hoa Kỳ cũng ném bom các cơ sở hạt nhân của Iran, khiến hoạt động ngoại giao bị đình trệ và các mối đe dọa chiến tranh gia tăng.

Theo Araghchi, Tehran muốn Hoa Kỳ bảo đảm rằng các cuộc đàm phán sẽ không được dùng làm vỏ bọc cho các mối đe dọa quân sự trước khi tham gia lại các cuộc đàm phán.

Ông tuyên bố việc công nhận quyền làm giàu hạt nhân hòa bình của Iran theo NPT và dỡ bỏ hoàn toàn các lệnh trừng phạt là một trong những điều kiện mà nước này đã đặt ra trong bối cảnh cộng đồng quốc tế đang nỗ lực khôi phục đối thoại về chương trình hạt nhân của Iran. Hoa Kỳ đã tuyên bố Iran phải từ bỏ hoàn toàn việc làm giàu uranium, một quá trình cũng có thể dẫn đến việc chế tạo vũ khí hạt nhân. Iran khẳng định chương trình hạt nhân của họ chỉ nhằm mục đích dân sự.

Phát ngôn nhân của Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Iran cho biết hôm thứ Năm rằng ngành công nghiệp hạt nhân của Iran có nguồn gốc trong nước và “sẽ một lần nữa phát triển mạnh mẽ”, Hãng thông tấn Cộng hòa Hồi giáo trích lời ông.

Araghchi nói: “Để bước vào đàm phán, một số nguyên tắc chính là quan trọng: giành được lòng tin của Iran, vì Iran không tin tưởng Hoa Kỳ, không sử dụng đàm phán làm nền tảng cho các chương trình nghị sự ẩn như hành động quân sự - mặc dù Iran sẽ chuẩn bị đầy đủ - tôn trọng và công nhận các quyền của Iran theo Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân, bao gồm cả việc làm giàu theo nhu cầu mong muốn của Iran và dỡ bỏ lệnh trừng phạt.”

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Tammy Bruce phát biểu với các phóng viên hôm thứ Ba: “Mọi việc đang nằm trong tay họ. Giới lãnh đạo Iran có cơ hội để lựa chọn con đường hòa bình và thịnh vượng cho người dân của họ, và chúng tôi cũng sẵn sàng đàm phán trực tiếp với người Iran. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đang phối hợp chặt chẽ với các đối tác E3 của mình. “

Iran sẽ gặp đại diện của Pháp, Đức và Vương quốc Anh tại Thổ Nhĩ Kỳ vào thứ sáu để đàm phán về hạt nhân.

[Newsweek: Iran Spells Out Conditions for Nuclear Talks]
 
Pakistan: Bản án rùng rợn vì Danh Dự Gia Đình. Bắn 20 phát súng vào ảnh Đức Mẹ, chính trị gia ra tòa
VietCatholic Media
17:07 26/07/2025


1. Một cặp ở Pakistan bị cáo buộc có quan hệ “bất hợp pháp”. Cộng đồng của họ bị cáo buộc đã tử hình họ.

Cảnh sát Pakistan đã tiến hành nhiều vụ bắt giữ sau khi một cặp nam nữ bị giết hại giữa ban ngày theo lệnh của một bô lão bộ lạc vì có mối quan hệ “bất hợp pháp”, trong vụ “giết người vì danh dự” mới nhất ở nước này.

Vụ giết người ở tỉnh Balochistan, phía tây nam, nhấn mạnh bản chất kinh hoàng và dai dẳng của những tội ác như vậy trên khắp Trung và Nam Á, nơi gia đình và cộng đồng tin rằng họ có thể khôi phục “danh dự” thông qua đổ máu.

Bộ trưởng Safraz Bugti của Balochistan cho biết ít nhất 11 người đã bị bắt kể từ khi video ghi lại vụ việc gần đây lan truyền trên mạng xã hội.

Đoạn video mô tả cảnh giết người cho thấy khoảng một chục người đàn ông cùng một số phương tiện trên sa mạc đang bao vây một cặp nam nữ.

Một người phụ nữ, đầu quấn khăn choàng, có thể được nhìn thấy đang từ từ bước đi trước một trong những chiếc xe trong khi một người đàn ông đi theo cô, được cả nhóm theo dõi.

“Các người chỉ được phép bắn tôi, không được bắn ai khác”, cô nói bằng tiếng Brahvi, một ngôn ngữ địa phương, trước khi người đàn ông giơ súng lục lên và bắn cô ở cự ly gần.

Video cho thấy người phụ nữ vẫn đứng vững sau hai phát súng, và chỉ ngã xuống sau phát súng thứ ba. Sau đó, video còn ghi lại thêm nhiều phát súng khác.

Một đoạn video khác cho thấy cảnh thi thể đầy máu của một người đàn ông và một người phụ nữ nằm cạnh nhau.

Theo báo cáo của cảnh sát, người đàn ông và người phụ nữ này bị giết vì bị cáo buộc có mối quan hệ luyến ái. Họ bị một thủ lĩnh bộ lạc địa phương coi là “bất hợp pháp” vì cô gái đã được hứa gả cho một người đàn ông khác mà cô chưa hề biết mặt.

Báo cáo của cảnh sát cho biết, nhà lãnh đạo này được tường trình đã ra phán quyết xử tử họ.

Giết người vì danh dự vẫn còn phổ biến ở Pakistan, với hàng trăm vụ được báo cáo mỗi năm — mặc dù các chuyên gia tin rằng con số thực tế cao hơn nhiều do tình trạng báo cáo không đầy đủ.

Những vụ giết người này thường do các thành viên gia đình hoặc trưởng làng thực hiện vì họ tin rằng một người họ hàng, thường là phụ nữ, đã mang lại “sự xấu hổ” cho gia đình, đôi khi vì những lý do có vẻ vô hại như kết hôn theo sự lựa chọn, muốn ly hôn hoặc thách thức các truyền thống.

Những chuẩn mực gia trưởng ăn sâu vào tiềm thức coi danh dự gia đình cao hơn mạng sống con người, sự khinh miệt phụ nữ, sự chấp nhận về mặt văn hóa và việc thực thi pháp luật yếu kém đã cho phép những kẻ phạm tội hành động gần như vô tội.

Trong những năm gần đây, một loạt vụ giết người vì danh dự gây chấn động dư luận đã gây xôn xao dư luận ở Pakistan, thu hút sự lên án trong nước và quốc tế, đồng thời nhấn mạnh sự tồn tại dai dẳng của hành vi này.

Năm 2016, ngôi sao mạng xã hội Qandeel Baloch đã bị anh trai sát hại trong một vụ được gọi là “giết người vì danh dự”. Baloch nổi tiếng và khét tiếng ở Pakistan, một quốc gia vốn bảo thủ và gia trưởng, do những bài đăng táo bạo, táo bạo và ngày càng mang tính chính trị trên mạng xã hội.

Vụ sát hại cô đã gây ra làn sóng phẫn nộ trên toàn quốc và thúc đẩy những thay đổi trong luật “giết người vì danh dự” của đất nước. Tội giết người vì danh dự hiện bị kết án chung thân, nhưng việc thay đổi luật pháp vẫn chưa làm giảm bớt tội ác này.

Theo dữ liệu từ Ủy ban Nhân quyền Pakistan, gọi tắt là HRCP, chỉ riêng năm ngoái, ít nhất 335 phụ nữ và 119 nam giới đã bị giết trong cái gọi là “vụ giết người vì danh dự”.

Bộ trưởng Bugti của Balochistan gọi vụ giết người gần đây nhất bị cáo buộc là “không thể dung thứ” và là “sự vi phạm trắng trợn các giá trị xã hội và nhân phẩm con người”.


Source:CNN

2. Chính trị gia Thụy Sĩ phải ra tòa sau khi bắn 20 phát súng vào hình ảnh Đức Mẹ Maria và Chúa Giêsu

Các công tố viên Thụy Sĩ đã đệ đơn kiện hình sự đối với một ủy viên hội đồng Zurich và cựu lãnh đạo Đảng Tự do Xanh sau khi bà đăng tải hình ảnh mình bắn khoảng 20 phát súng vào một bức tranh Kitô Giáo mô tả Đức Mẹ Đồng Trinh và Chúa Giêsu hài đồng.

Theo hãng tin Thụy Sĩ 20 Minuten, văn phòng công tố Zurich cáo buộc Sanija Ameti công khai xúc phạm tín ngưỡng tôn giáo và phá hoại hòa bình tôn giáo theo Điều 261 của Bộ luật Hình sự Thụy Sĩ.

Bộ luật này trừng phạt bất kỳ ai “công khai và ác ý xúc phạm hoặc chế giễu niềm tin tôn giáo của người khác, đặc biệt là niềm tin của họ vào Chúa, hoặc cố ý xúc phạm các vật phẩm tôn giáo”.

Vụ việc xảy ra vào tháng 9 năm 2024, khi Ameti dùng súng hơi bắn vào bản sao bức tranh “Đức Mẹ bồng Chúa Hài Đồng bên cạnh Tổng Lãnh Thiên Thần Micae” của họa sĩ Tommaso del Mazza vào thế kỷ 14.

Theo báo cáo, chính trị gia này đã bắn từ khoảng cách khoảng 10 mét, cố tình nhắm vào đầu của Đức Mẹ Maria và Chúa Giêsu.

Ameti, người tự nhận là người vô thần, lúc mới sinh là người Hồi giáo, sau đó đã đăng những bức ảnh về hình ảnh bị báng bổ lên Instagram, chú thích bằng từ “abschalten” - một thuật ngữ tiếng Đức có nghĩa là “tắt” nhưng trong bối cảnh bắn vào mặt Đức Mẹ Maria và Chúa Giêsu, được một số người hiểu là hành động tượng trưng cho việc xóa bỏ hoặc loại bỏ.

Những hình ảnh về sự báng bổ, bao gồm cả hình ảnh cận cảnh các lỗ đạn, đã ngay lập tức gây ra sự phẫn nộ trên quy mô lớn.

Tổng cộng, 31 người đã nộp đơn khiếu nại hình sự. Ameti đã từ chức lãnh đạo Đảng Tự do Xanh Zurich và rời khỏi đảng hoàn toàn vào tháng Giêng. Tuy nhiên, bà vẫn là thành viên độc lập của hội đồng thành phố Zurich.

Vào thời điểm đó, Ameti đã phản ứng lại sự phẫn nộ trên mạng xã hội bằng một bài đăng ngắn trên X.

“Tôi cầu xin sự tha thứ từ những người bị tổn thương vì bài đăng của tôi”, cô viết, khẳng định rằng ban đầu cô không nhận ra ý nghĩa tôn giáo của hình ảnh đó và sau đó đã xóa những hình ảnh đó khi nhận ra điều đó.

Theo cáo trạng, văn phòng công tố Zurich coi hành động này là một “sự dàn dựng công khai” cố ý, cấu thành “sự coi thường không cần thiết và gây tổn thương” đối với niềm tin của các Kitô hữu, có khả năng gây rối loạn hòa bình tôn giáo.

Các công tố viên đang yêu cầu mức phạt có điều kiện là 10.000 franc Thụy Sĩ (khoảng 11.500 đô la) và mức phạt 2.500 franc (khoảng 2.900 đô la), cũng như chi phí pháp lý.

Phong trào công dân Thụy Sĩ Mass-Voll, đơn vị đã nộp một trong những đơn khiếu nại đầu tiên, đã mô tả vụ việc này là “một hành động kích động bạo lực rõ ràng chống lại các Kitô hữu”.

Chủ tịch của tổ chức này, Nicolas Rimoldi, lưu ý rằng trước tình trạng bạo lực gia tăng đối với các Kitô hữu trên khắp Âu Châu, những hành động như vậy “làm giảm ngưỡng cho các cuộc tấn công tiếp theo”, truyền thông Thụy Sĩ đưa tin.

Cựu chính trị gia Đảng Tự do Xanh cho đến nay vẫn chưa đưa ra bình luận công khai nào về bản cáo trạng.

Phản ứng của các giám mục Thụy Sĩ

Hội đồng Giám mục Thụy Sĩ vào thời điểm đó đã lên án hành động này là “không thể chấp nhận được”, tuyên bố rằng nó thể hiện “bạo lực và sự thiếu tôn trọng đối với con người” và gây ra “sự tổn thương sâu sắc trong số các tín hữu Công Giáo”.

Các giám mục nhấn mạnh rằng “ngay cả khi không đề cập đến hình ảnh tôn giáo về Mẹ Thiên Chúa”, hành động này cũng cho thấy “sự thiếu tôn trọng cơ bản đối với phẩm giá con người”, theo CNA Deutsch, đối tác tin tức tiếng Đức của CNA.

Đức Cha Joseph Bonnemain của Chur, Thụy Sĩ, cho biết Ameti đã viết thư riêng cho ngài để bày tỏ sự hối hận.

Để đáp lại, ngài đã công khai bày tỏ sự tha thứ và kêu gọi những người Công Giáo và tín hữu khác làm điều tương tự.

Theo CNA Deutsch, ngài nói: “Làm sao tôi có thể không tha thứ cho cô ấy được?”

Tuy nhiên, bất kể lời tha thứ của Đức Cha Joseph Bonnemain, các công tố viên Thụy Sĩ khẳng định rằng Ameti phải ra tòa.


Source:Catholic News Agency

3. Sau vụ tấn công vào nhà thờ ở Gaza, Đức Tổng Giám Mục Broglio kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức và đối thoại hướng tới hòa bình

Phản ứng trước cuộc tấn công bằng xe tăng vào Nhà thờ Thánh Gia ở Gaza, Đức Tổng Giám Mục Timothy P. Broglio, chủ tịch Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ đã cùng Đức Giáo Hoàng Lêô XIV cầu nguyện cho những người thiệt mạng và những người bị thương, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải ngừng bắn ngay lập tức và đối thoại vì hòa bình.

“Cùng với Đức Thánh Cha, các giám mục Công Giáo Hoa Kỳ vô cùng đau buồn khi biết tin về những cái chết và thương tích tại Nhà thờ Thánh Gia ở Gaza do một cuộc tấn công quân sự gây ra. Mối quan tâm đầu tiên của chúng tôi, dĩ nhiên, hướng đến Cha Gabriele Romanelli và toàn thể giáo dân, đặc biệt là gia đình của những người thiệt mạng. Chúng tôi cầu nguyện cho họ trong thời khắc bi thảm này. Cùng với Đức Thánh Cha, chúng tôi cũng tiếp tục cầu nguyện và vận động cho đối thoại và một lệnh ngừng bắn ngay lập tức. Hôm qua là lễ tưởng niệm Đức Mẹ Núi Carmelô, nhờ lời chuyển cầu của Mẹ, xin cho hòa bình được thiết lập tại Gaza.”


Source:USCCB'

4. Đức Hồng Y cho biết Đức Giáo Hoàng Lêô XIV sẽ đưa ra những cải cách cho Vatican

Đức Giáo Hoàng Lêô sẽ công bố những cải cách đối với Giáo triều Rôma vào mùa thu, Đức Hồng Y Vincent Nichols, Tổng Giám mục Westminster, đã dự đoán. Đức Hồng Y cho biết một trong những lý do Đức Giáo Hoàng được bầu là vì ngài hiểu rõ công tác quản trị của Giáo hội từ bên trong. Và theo Đức Hồng Y, các cuộc thảo luận giữa các Hồng Y vào thời điểm Đức Giáo Hoàng được bầu vào tháng 5 tập trung vào những vấn đề còn tồn tại của Giáo triều.

Đức Hồng Y Nichols đã đưa ra nhận xét của mình sau bài diễn văn thường niên tại Nhà thờ St George, Windsor. Phát biểu trước khán giả được mời, bao gồm cả Hoàng gia Vương Quốc Anh, ngài đã nói về nhu cầu hy vọng, vị trí của tôn giáo trong một xã hội thế tục, và những dấu hiệu đáng khích lệ cho thấy sự quan tâm ngày càng tăng của giới trẻ đối với đức tin Công Giáo – điều mà ngài gọi là “một phản ứng trước khía cạnh tâm linh trong bản chất con người chúng ta”.

Nhưng chính những câu trả lời của ngài cho các câu hỏi sau bài giảng đã thu hút khán giả, đặc biệt là những nhận xét của Đức Hồng Y về sự tham gia của ngài vào cả Cơ Mật Viện bầu Đức Giáo Hoàng Lêô và bộ phim Conclave được phát hành ngay trước khi Đức Thánh Cha Phanxicô qua đời.

Đức Hồng Y Nichols, một trong 133 Hồng Y cử tri đã chọn Hồng Y Robert Prevost làm Giáo hoàng tiếp theo, cho biết các phiên họp Đại hội đồng được tổ chức với cả các Hồng Y cử tri và cả các Hồng Y không phải là Hồng Y cử tri, đã nêu bật những phẩm chất mà họ tin rằng Giáo hoàng tiếp theo cần có – và Đức Hồng Y Prevost rõ ràng có tất cả những phẩm chất đó.

Các ngài tin rằng người kế vị Thánh Phêrô cần phải có lòng nhiệt thành truyền giáo - và Đức Hồng Y Prevost là thành viên của một dòng truyền giáo; ngài cần có khả năng trí tuệ - và Đức Hồng Y Prevost là một học giả; rằng ngài cần phải nhận thức được nhu cầu của thế giới - và Đức Hồng Y Prevost với tư cách là người lãnh đạo dòng Augustinô của riêng mình đã hai lần đi khắp thế giới; rằng ngài là một nhà lãnh đạo mục vụ - Đức Hồng Y Prevost đã từng là giám mục của một giáo phận nghèo; và ngài có kinh nghiệm làm việc tại giáo triều - ngài đã từng là tổng trưởng Bộ Giám mục từ năm 2023.

“Tôi nghĩ không ai khác có được tất cả kinh nghiệm đó”, ngài nói với cử tọa, “vì vậy việc bỏ phiếu trong Cơ Mật Viện không mất nhiều thời gian”, ám chỉ việc Đức Giáo Hoàng Lêô được bầu vào ngày thứ hai của Cơ Mật Viện và đạt được đa số hai phần ba cần thiết để đắc cử trong vòng bỏ phiếu thứ tư. “Phần lớn cuộc thảo luận của chúng tôi xoay quanh việc giải quyết vấn đề Giáo triều”.

Những người theo dõi Vatican sẽ háo hức chờ xem liệu Đức Lêô, với những cải cách của riêng mình, có đi theo bước chân của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, người được bầu vào năm 2013 với sứ mệnh rõ ràng là cải cách Giáo triều hay không. Chín năm sau khi nhậm chức, ngài đã ban hành tông hiến Praedicate Evangelium, thay thế tông hiến Pastor Bonus năm 1988 của Thánh Gioan Phaolô II, và tái tổ chức Giáo triều để nhấn mạnh vai trò của mình trong việc thúc đẩy Giáo hội như một cộng đồng các tông đồ truyền giáo, chia sẻ Phúc Âm và chăm sóc tất cả những người đang gặp khó khăn.

Những dấu hiệu ban đầu cho thấy Đức Giáo Hoàng Lêô có ý định tiếp tục các cải cách của người tiền nhiệm, người rất muốn đa dạng hóa thành phần của Giáo triều, bảo đảm rằng Giáo hội phản ánh mạnh mẽ hơn bằng cách bổ nhiệm đại diện từ khắp nơi trên thế giới, không chỉ phương Tây, và tăng cường bổ nhiệm phụ nữ.

Vào tháng 6, trong buổi tiếp kiến nhân viên Phủ Quốc Vụ Khanh, Đức Giáo Hoàng Lêô XIII đã nói rằng Phủ Quốc Vụ Khanh “ngày càng mang tính phổ quát và đã phát triển đáng kể”. Với gần một nửa số nhân viên là giáo dân, trong đó hơn 50 người là phụ nữ, “Phủ Quốc Vụ Khanh phản ánh bộ mặt của Giáo hội”, ngài nói, đồng thời cho biết nhiệm vụ của Phủ Quốc Vụ Khanh là truyền bá Phúc Âm qua nhiều nền văn hóa và ngôn ngữ khác nhau, đồng thời duy trì “một tầm nhìn Công Giáo, phổ quát, cho phép chúng ta trân trọng các nền văn hóa và cảm xúc khác nhau”.

Đức Giáo Hoàng Lêô nói: “Bằng cách này, chúng ta có thể trở thành động lực thúc đẩy việc xây dựng sự hiệp thông giữa Giáo hội Rôma và các Giáo hội địa phương, cũng như các mối quan hệ hữu nghị trong cộng đồng quốc tế”.

Theo Đức Hồng Y Nichols, bộ phim Conclave, được phát hành vào cuối cuộc đời của Đức Thánh Cha Phanxicô, dựa trên cuốn tiểu thuyết cùng tên của Robert Harris, đã mô tả rất chính xác các hoạt động thường ngày của một Cơ Mật Viện Hồng Y tại Nhà nguyện Sistina trong khi những xung đột giữa các Hồng Y cử tri được mô tả trong phim lại rất kỳ quặc.

Ngôi sao của bộ phim, Ralph Fiennes, người đóng vai Hồng Y Thomas Lawrence, Niên trưởng Hồng Y Đoàn, và là cháu trai của một nhà thần học Công Giáo lỗi lạc khác, Sebastian Moore, đã đến tìm lời khuyên của Hồng Y Nichols về cách hành xử như một giám mục cao cấp, chẳng hạn như cách sử dụng các nghi thức phụng vụ. Đức Hồng Y Nichols cho biết Fiennes, cháu trai của cố nhà thần học Công Giáo Nicholas Lash, rất ham học hỏi. “Chúng tôi đã dành khoảng ba giờ đồng hồ bên nhau và tôi nói với cậu ấy, 'cậu có muốn thử bộ đồ không?' và cậu ấy đã đồng ý”.


Source:Tablet