Ngày 01-10-2011
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Lời kinh tuyệt diệu lễ Mân Côi
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
12:19 01/10/2011
LỜI KINH TUYỆT DIỆU LỄ MÂN CÔI

Phụng vụ bước vào tháng Mân côi. Suốt tháng này, lòng sùng kính của dân Chúa đối với Đức Mẹ mang một đặc điểm riêng. Đó là cầu nguyện bằng chuỗi Mân côi. Mọi tín hữu được cùng với Đức Mẹ trên từng cây số cuộc đời Chúa Giêsu và theo phong cách của Đức Mẹ là “lưu giữ và suy niệm trong lòng” qua từng lời kinh chuỗi hạt Mân côi. Tràng hạt Mân côi là một hành trang và là phương tiện “bỏ túi”, “đeo tay” “đeo cổ” gọn nhẹ. Lời kinh kỳ diệu này giúp thánh hóa bản thân, gia đình và xã hội. Kinh Mân côi không khác gì điện thoại di động hòa đời người vào mạng lưới sự sống thiêng liêng.

Chuỗi Mân Côi trong tiếng Latinh là “rosarium” nghĩa là “vườn hoa hồng”. Tháng 10, lần hạt Mân côi, đoàn con cái hiếu thảo dâng biết bao hoa hồng lên Đức Mẹ. Bằng chuỗi Mân côi, Giáo hội trở thành một vườn hồng mênh mông, hương thơm sắc đẹp tiến dâng Mẹ hiền.

1. Kinh Mân côi đem lại nhiều ơn ích thiêng liêng

Chuỗi Mân côi thật cao quí, ai biết siêng năng lần hạt sẽ nhận được hiệu quả phi thường.

Vào thế kỷ 13, bè rối Albigeois nổi lên ở miền Nam nước Pháp. Với Chuỗi Mân côi do Đức Mẹ truyền dạy, chỉ trong một thời gian ngắn, thánh Đaminh đã cảm hóa được 150.000 người theo bè rối trở về cùng Giáo Hội.

Thế kỷ 16, ảnh hưởng của Tin lành mạnh mẽ và đe dọa toàn cõi Âu Châu. Dân thành Luxembourg vẫn trung thành với Giáo Hội. Hôm ấy toàn thể dân phố được mời tới nhà thờ để nghe giảng thuyết. Khi vị mục sư bước lên tòa giảng, một người giáo dân xướng kinh và tất cả nhà thờ đều lần hạt to tiếng cho đến lúc vị mục sư phải bước xuống tòa giảng và ra khỏi nhà thờ. Nhờ kinh Mân côi, dân thành Luxembourg giữ vững niềm tin và trung thành với Giáo Hội.

Năm 1511, lịch sử được chứng kiến một thành quả vĩ đại của Kinh Mân côi mang lại. Chính biến cố lịch sử này là nguồn gốc lễ kính Thánh Mẫu Mân côi. Khi ấy quân Hồi xâm lăng Âu Châu, tàn phá những nơi họ đi qua, tiêu diệt dân Công giáo. Cùng với việc triệu tập đạo quân thánh giá từ hai nước Ý và Tây Ban Nha, Đức Giáo hoàng Piô V kêu gọi mọi người siêng năng lần chuỗi Mân côi. Cuộc chiến quá chênh lệch đã diễn ra tại vịnh Lepante, nhưng với quân số ít ỏi và khí giới thô sơ, người Công giáo đã thắng trận vẻ vang trước đoàn quân Hồi giáo đông đảo và trang bị hùng hậu. Từ Roma, Đức Giáo hoàng nghe tin chiến thắng và nói với các vị trong giáo triều hãy tạ ơn Chúa. Hôm đó là ngày 07 tháng 10. Đức Giáo hoàng đã thiết lập lễ Mân côi để tạ ơn Đức Mẹ và ghi nhớ cuộc chiến thắng lịch sử này.

Trước năm 1917, Bồ Đào Nha ở vào một tình trạng suy thoái một cách trầm trọng về phương diện tôn giáo. Gần hai thế kỷ, óc bè phái đã gây nên những chia rẽ và những cuộc nội chiến. Giáo Hội bị bách hại bởi những kẻ theo nhóm tam điểm. Nhà thờ bị phá hủy, các linh mục và tu sĩ bị bắt bớ, khắp nơi người ta tổ chức những đoàn hội chống lại Giáo Hội. Thế nhưng kể từ năm 1917, năm Đức Mẹ hiện ra tại Fatima, Bồ Đào Nha đã đi vào một khúc quanh mới của lịch sử. Người ta tổ chức những đoàn hội chuyên lo lần hạt Mân côi để xin Mẹ chấm dứt những xáo trộn và ban mọi ơn lành xuống cho đất nước. Bồ Đào Nha đã xứng đáng với tước hiệu quê hương của kinh Mân côi.

Lịch sử còn ghi lại nhiều thành quả kỳ diệu khác nữa của Kinh Mân côi. Chẳng hạn Kinh Mân côi đã mang lại chiến thắng tại Vienna ngày 12 tháng 9 năm1683, hay đã chấm dứt bệnh dịch tại Milan... Chuỗi Mân côi vẫn còn là một phương thế cứu rỗi hữu hiệu của mỗi tín hữu. Khi hiện ra tại Lộ Đức hay tại Fatima, Đức Mẹ đều kêu gọi chúng ta hãy siêng năng lần chuỗi Mân côi.

Tạp chí Reader’s Digest số ra tháng 4 năm 1991 có kể lại cuộc gặp gỡ kỳ thú giữa Mẹ Têrêxa Calcutta và một thương gia người Mỹ như sau:

Trên chuyến máy bay từ Chritiamy về Thanasity, thương gia trẻ tên là Jim Caiso ngồi kề bên Mẹ Têrêsa và một nữ tu khác. Jim Caiso nhận ra ngay khuôn mặt của người nữ tu thường được báo chí nhắc đến. Khi những người khách cuối cùng ngồi vào yên vị trên máy bay thì Jim thấy hai người nữ tu từ từ rút chuỗi ra khỏi áo và lâm râm cầu kinh. Tuy không phải là một người công giáo sùng đạo nhưng Jim cũng cảm thấy bị lôi cuốn bởi sự cầu kinh của hai người nữ tu. Khi máy bay đã lên cao, Mẹ Têrêsa quay nhìn người thanh niên và hỏi:

- Anh có thường lần chuỗi không?
Anh trả lời:
- Thưa không.
Anh vừa trả lời thì Mẹ cầm tay anh, trao cho anh tràng chuỗi rồi mỉm cười nói:
- Vậy thì hãy bắt đầu lần chuỗi đi.

Ra khỏi phi trường Jim vẫn còn cầm trên tay tràng chuỗi của Mẹ Têrêsa Calcutta. Anh kể lại cho vợ nghe cuộc gặp gỡ với Mẹ Têrêsa và kết luận như sau: “Anh có cảm tưởng như mình đã gặp một nữ tu đích thực của Chúa”.

Chín tháng sau, Jim và vợ anh đến thăm một người đàn bà đã từng là bạn của hai người từ nhiều năm qua. Người đàn bà này bác sĩ cho biết bà đã bị ung thư tử cung. Theo các bác sĩ, đây là trường hợp đáng lo ngại. Nghe thế, Jim đưa tay vào túi quần, rút ra tràng chuỗi của Mẹ Têrêsa Calcutta và trao cho người bạn. Anh nói như sau:

- Chị cầm lấy cái này, nó sẽ giúp chị.Mặc dù không phải là người Công giáo, người bạn này vẫn mở rộng bàn tay ra và trân trọng đón nhận món quà quí giá ấy. Một năm sau gặp lại vợ chồng Jim, người đàn bà vui vẻ cho biết bà đã mang trong mình tràng chuỗi trong suốt năm qua và giờ đây trao lại cho Jim để may ra có thể còn giúp đỡ cho người khác. Trong thời gian đó, người chị vợ của Jim đang bị khủng hoảng sau cuộc ly dị, bà cũng muốn được mượn tràng chuỗi của Jim. Sau này bà kể lại rằng:

- Hằng đêm, tôi đeo chuỗi vào người. Tôi rất cô đơn và sợ hãi, nhưng khi mang chuỗi vào người, tôi cảm thấy như đang cầm lấy một bàn tay thân yêu.Tràng chuỗi mầu nhiệm ấy không mấy chốc đã được trao từ tay người này đến người khác. Mỗi khi gặp khủng hoảng hay bệnh tật, người ta thường gọi điện thoại đến Jim để mượn cho bằng được tràng chuỗi ấy.

Jim suy nghĩ: phải chăng tràng chuỗi có một sức mạnh lạ lùng, hay đúng hơn, sức mạnh tinh thần được canh tân nơi tất cả những ai mượn tràng chuỗi ấy. Jim chỉ biết rằng, hễ có ai ngỏ ý mượn tràng chuỗi, anh luôn đáp trả một cách vui vẻ, và lần nào anh cũng căn dặn: “Khi nào không cần nữa cho tôi xin lại. Có thể sẽ có người khác cần đến”.

Cuộc sống của Jim cũng thay đổi kể từ cuộc gặp gõ đó với Mẹ Têrêsa Calcutta. Khi Jim nhớ lại rằng: Mẹ Têrêsa mang tất cả hành lý của Mẹ trong cái xách tay nhỏ, anh cũng cảm thấy được thôi thúc để làm cho cuộc sống của anh được đơn giản hơn. Anh nói như sau:

- Tôi luôn cố gắng nhớ rằng: điều quan trọng trong cuộc sống không phải là tiền bạc, danh vọng mà chính là tình yêu chúng ta dành cho người khác.

2. Kinh Mân côi, một kho tàng quý giá của Giáo hội.

Chuỗi hạt Mân côi 200 hạt, 150 hạt, 50 hạt hay 10 hạt được dùng để đếm số Kinh Kính mừng là “…lời ca tụng Đức kitô không ngừng. Đức Kitô được nhắc đến trong mỗi Kinh Kính Mừng cũng là Đấng được trình bày trong chuỗi các mầu nhiệm: Người là Con Thiên Chúa và là Con Đức Trinh Nữ…” (ĐGH Phaolô VI, Rosamrum Virginis Mariae, số 18).

Chuỗi Mân côi lần lượt diễn tả:

- Mầu nhiệm Vui: đồng hành với mầu nhiệm Nhập thể và đời sống âm thầm của Chúa Giêsu.
- Mầu nhiệm Sáng: đồng hành với những mốc thời gian hoạt động đặc biệt có ý nghĩa trong cuộc đời công khai của Chúa Giêsu.
- Mầu nhiệm Thương: đồng hành với những đau khổ của cuộc khổ nạn Chúa Giêsu.
- Mầu nhiệm Mừng: đồng hành với vinh quang phục sinh của Đức Kitô.

Vì thế, Chuỗi Mân côi là kho tàng thiêng liêng quý giá của Giáo hội.

Đức Chân Phước Gioan Phaolô II nói: “ Chuỗi Mân côi là lời kinh tuyệt diệu, tuyệt diệu trong đơn sơ và trong sâu thẳm của nó...”.

Đức Thánh Cha Lêô XIII là vị Giáo Hoàng của kinh Mân côi. Ngài đã ban hành 12 thông điệp nói về Kinh Mân côi. Ngài đã thiết lập tháng Mân côi và thêm vào kinh cầu Đức Bà câu: Nữ vương rất thánh Mân côi, cầu cho chúng con.

Đức Thánh Cha Piô X đã nhắn nhủ các gia đình Công giáo: “Khi gia đình được an vui hoà thuận, hãy lần chuỗi Mân côi để xin Mẹ ban cho sự an vui hoà thuận yêu thương. Khi gặp người chồng thiếu trách nhiệm, hãy chạy đến với Mẹ nhờ tràng chỗi Mân côi, để xin Mẹ cảm hoá. Khi vợ chồng xung khắc nhau, hãy lần chuỗi Mân côi, xin Mẹ tạo sự cảm thông”.

Thánh Piô Năm Dấu Thánh chia sẻ: “Vũ khí của tôi là tràng hạt Mân côi. Đức Mẹ không từ chối tôi điều gì khi tôi xin với Mẹ qua chuỗi Mân côi. Muốn làm Đức Mẹ vui lòng và muốn được Đức Mẹ thương yêu hãy lần chuỗi Mân côi”.

Cha Stefano Gobbi viết: “Chuỗi Mân côi mang lại hòa bình cho bạn. Với lời Kinh Mân côi, bạn sẽ có thể nhận được từ Thiên Chúa hồng ân vĩ đại nhất là canh tân đời sống, thu phục các linh hồn về với Chúa trong sự ăn năn tội, tình yêu và thánh ân”. Và “Chuỗi Mân côi là lời kinh của tôi. Những lời kinh này dù khiêm nhường và mong manh cũng sẽ nên như xích sắt để khóa lại quyền lực tối tăm của thế giới, kẻ thù của thế giới và của các tín hữu”.

Đức Thánh Cha Piô IX đã khuyên nhủ: hãy lần chuỗi mỗi buổi tối trong gia đình.

Đức Thánh Cha Piô X cũng nhắc bảo: Nếu các con muốn cho gia đình được bình an, thì hãy lần hạt mỗi buổi tối.

Đức Thánh Cha Piô XI viết:Chúng tôi khuyên các bậc làm cha làm mẹ hãy tập cho con cái mình thói quen lần chuỗi. Mỗi lần tiếp kiến các đôi vợ chồng trẻ, chúng tôi đều khuyên nhủ họ hãy siêng năng lần chuỗi. Ngay cả chúng tôi nữa, không ngày nào mà chúng tôi không lần chuỗi.

Đức Thánh Cha Piô XII khuyên nhủ các bạn trẻ : Hãy yêu mến Mẹ qua việc lần chuỗi Mân côi. Năm 1951 ngài đã ra thông điệp về Kinh Mân côi, và xin các tín hữu hãy lần chuỗi gấp đôi trong tháng Mân côi. Trong một lần tiếp kiến, ngài nói với một vị Giám mục :

- Hãy yêu cầu các linh mục của ngài cầu nguyện và hãy nói cho họ biết : Đức Thánh Cha vẫn lần chuỗi mỗi ngày.

Khi về già, trước lúc đi ngủ, dù là nửa đêm, ngài cũng vẫn lần chuỗi.

Đức Thánh Cha Gioan XXIII, ngay trong năm đầu của triều đại cũng đã ra một thông điệp về Kinh Mân côi.

Đức Chân Phước Gioan Phaolô II, ngay trong tuần lễ sau khi đắc cử Giáo Hoàng, đã nói với tất cả các tín hữu hiện diện tại quảng trường Thánh Phêrô khi đọc kinh Truyền Tin: “Chuỗi Mân côi là lời cầu nguyện mà tôi yêu thích nhất. Đó là lời kinh tuyệt vời. Tuyệt vời trong sự đơn giản và sâu sắc. Với lời kinh này chúng ta lập lại nhiều lần những lời mà Đức Trinh Nữ đã nghe sứ thần Gabriel và người chị họ Êlisabeth nói với Mẹ. Toàn thể Giáo Hội cùng liên kết với những lời kinh ấy”.

Các Đức Thánh Cha đều khẳng định về sự tuyệt diệu của Kinh Mân côi và mong muốn mọi tín hữu hãy siêng năng lần chuỗi. Các tín hữu đã đáp trả lời mời gọi tha thiết ấy.

Đức Mẹ rất yêu mến những ai siêng năng đọc Kinh Kính Mừng. Qua kinh Mân côi, chúng ta lặp đi lặp lại không những một hai lần Kinh Kính Mừng, nhưng là đọc đi đọc lại cả một trăm năm mươi lần, như một trăm năm mươi đóa hoa hồng dâng kính Mẹ, như lời Đức Giáo Hoàng Piô V đã nói: “Đây là việc tôn kính Đức Trinh Nữ Maria bằng cách đọc một trăm năm mươi Kinh Kính Mừng, theo con số các thánh vịnh của Đavít, chia thành từng chục kinh một với một Kinh Lạy Cha, đồng thơi suy ngắm các mầu nhiệm về toàn thể cuộc đời của Chúa Giêsu Kitô.”.

3. Kinh Mân côi, lời kinh gần gũi cuộc sống

Sau hai mươi lăm năm, tức là vào dịp mừng Ngân khánh Giáo Hoàng, trong Tông thư “Kinh Mân côi”, một lần nữa, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II ân cần nhắc lại kỷ niệm xưa mà nay đã trở thành xác tín: Kinh Mân côi là lời kinh kỳ diệu. Đơn giản trong hình thức, đơn sơ trong nội dung, nhưng không đơn thuần là một kinh dành cho giới bình dân như có thời người ta nghĩ, nhất là sau Vatican II khi Phụng Vụ tìm lại được vị thế đỉnh cao và trung tâm.

Kinh Mân côi là kinh hạt phổ quát cho hết mọi người, phổ cập cho mọi trình độ và phổ biến trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Ngày nay nhiều người phàn nàn không có giờ đọc kinh vì phải lo học hành, lo làm ăn xuôi ngược. Chuỗi hạt Mân côi sẽ nuôi dưỡng đời sống nội tâm phong phú. Con người hôm nay mệt mỏi, lo âu, căng thẳng, vội vã. Chuỗi Mân côi làm lòng người lắng dịu, thanh thản bình an để chiêm ngắm cuộc đời Chúa Giêsu và ca ngợi Mẹ.

Đức Giáo hoàng Phaolô VI khích lệ: “Bản chất việc đọc kinh Mân côi đòi hỏi nhịp điệu phải chậm rãi và có thời gian thư thả, để người ta có thời gian suy gẫm sâu xa về các mầu nhiệm cuộc đời Chúa Giêsu được nhìn qua Trái Tim của Đấng gần gũi nhất với Chúa.”.

Điều thuận lợi của chuỗi Mân côi là lần hạt ở đâu cũng được. Ta không buộc phải đọc 50 Kinh Mân côi một lần mà có thể đọc bao nhiêu tuỳ vào thời gian ta có. Ta cũng có thể vừa làm việc vừa đọc Kinh Mân côi, không nhất thiết phải có tràng hạt trên tay. Ta cũng có thể thì thầm bất cứ lúc nào : khi chờ xe bên đường, lúc đi học, khi giải trí, khi đau bệnh … thay vì đưa mắt nhìn chung quanh, thay vì nghe những chuyện không đâu, ta cũng có thể lần hạt. Dù bận bịu đến đâu ta cũng có thể lần hạt. Đó là cách cầu nguyện mà triết gia Jacques Maritain gọi là “chiêm niệm bên vệ đường”.

Kinh Mân côi là một vũ khí, nhưng là vũ khí hòa bình luôn đem lại hiệu quả tích cực. Ai yếu đuối, Kinh Mân côi đem cho sức mạnh; ai tội lỗi, Kinh Mân côi dắt về ơn thánh; ai bất hạnh, Kinh Mân côi giúp bình tĩnh tìm ra hướng lối vươn lên; ai khô khan, Kinh Mân côi giúp khám phá ra những ánh lửa vẫn còn ẩn giấu trong những đám tro tưởng như nguội lạnh.

Kinh Mân côi là một kinh quý báu của Giáo hội và của mọi người, đó là kinh phổ biến, vừa dễ đọc vừa dễ cầu nguyện mà lại mang lại nhiều ích lợi cho linh hồn.

Lạy Mẹ Maria, xin dạy con biết yêu mến tràng Chuỗi Mân côi, siêng năng lần hạt trong mỗi ngày sống và xin Mẹ khẩn cầu cho con bên tòa Chúa. Amen.
 
Sứ Điệp Của Tình Yêu
Lm. Phêrô Nguyễn Hồng Phúc
20:09 01/10/2011
SỨ ĐIỆP CỦA TÌNH YÊU

Vẫn là chủ đề vườn nho mà Chúa Giêsu đã đề cập đến trong hai chương 20 và 21, Tin Mừng theo thánh Mát-thêu. Từ việc thuê người đi làm vườn nho, thể hiện lòng thương xót của ông chủ, đến việc người kia có hai người con trai, ông bố hỏi ý của hai người con xem có đi làm vườn nho không? kết quả, trong hai người con ấy chỉ có một người làm theo ý cha. Đó là người biết hối hận và bỏ ý riêng của mình. Còn dụ ngôn trong Chúa nhật hôm nay (x. Mt 21, 33-43) được Chúa Giê su nói rõ hơn nữa. Vườn nho này có một xuất xứ lên tới tận trời cao, bởi vì những tá điền hung ác kia đã từng giết các tiên tri và đánh đập người này, ném đá người kia. Họ là những sứ giả, được Thiên Chúa – chủ vườn nho – sai đến để thu hoa lợi. Sau cùng, người Con Một là chính Đức Giê su Ki tô đã đến trong trần gian. Nhưng những người tá điền hung ác kia đã giết người con trai hung ác đó, lôi ra khỏi vườn nho là thành Giêrusalem để đóng đinh Ngài vào Thập Giá.

Chúng ta sẽ hiểu hơn, tại sao Chúa Giê su lại dùng hình ảnh của vườn nho nhiều đến thế? Bởi Chúa xưng mình “Thầy là cây nho, các con là nhành nho. Nhành nào kết hợp với cây thì sinh hoa trái, nhành nào lìa cây thì sẽ khô héo” (x.Ga 15,5-6). Còn chính cây nho đó thì sao? Cây nho đó, quả nho đó sẽ biến thành Máu Chúa Ki tô, hành vi thánh thiện mà Giáo Hội được thừa hưởng lời Chúa dạy: “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” (Lc 22, 19). Vì vậy, vườn nho, trái nho, rượu nho đều là những cách trình bày về tình Thiên Chúa trao ban cho con người một tình yêu, một hiến tế và là một gia sản đời đời quan trọng nhất. Nhưng những người tá điền làm vườn nho này đã không nhận ra điều đó, trái lại, lòng tham của họ cứ lớn lên. Bắt đầu là đánh người này, đuổi người kia. Rồi kế đến là lòng tham chiếm hữu cả vườn nho, cho đến khi họ đã dám giết cả người con thừa tự để thụ hưởng toàn thể vườn nho. Rõ ràng tội ác của họ đã khiến cho họ bị tru diệt và chủ vườn nho đã sai người khác để cứ đến mùa thì nộp phần hoa lợi. Như vậy, những người tá điền hung ác này đã bị loại khỏi vườn nho bởi chính tội tham lam của họ. Và lòng tham đó cứ nhân lên, mỗi lúc mỗi cao; mỗi lúc mỗi nhiều, tỉ lệ với tình thương của ông chủ. Ông chủ sai sứ giả thì họ đánh đập, ông chủ sai người con thì họ giết chết. Càng thương nhiều thì họ càng độc ác hơn. Cuối cùng, tình yêu thể hiện trọn hảo nơi người con thì những người tá điền cũng đi đến cực độ của lòng tham. Kết thúc ra sao? Chúng ta đã biết. Tình yêu thì đi đến hiến tế và khổ nạn của Đức Ki tô thì dẫn đến Phục Sinh. Nhưng lòng tham kia sẽ đi đến sự chết. Và sự tiêu diệt ấy xứng đáng với những gì họ đã phạm. Thế giới của chúng ta hôm nay cũng giống như trong dụ ngôn về những người tá điền làm vườn nho kể trên. Cũng lớn lên với lòng tham và cũng chết trong sự tham lam của mình.

Những ngày ở Mỹ, chúng tôi được đi dự một show diễn. Phải nói rằng, về kỹ thuật điện tử không nước nào có thể sánh được với Mỹ. Và vì thế, những màn trình diễn của họ, xét về mặt nghệ thuật, kỹ thuật điện tử cũng như việc sử dụng ánh sáng laser thì không còn điểm nào để bình luận. Nhưng nội dung của diễn xuất thì tố cáo nỗi đau của nhân loại. Đó là câu chuyện về con tàu Titanic. Đây là con tàu khổng lồ, là niềm vinh dự và tự hào của ngành hàng hải trên thế giới thời bấy giờ. Con tàu Titanic được đóng vào năm 1909 và hạ thủy vào năm 1913. Chuyến đi của nó có tới 2.223 người bao gồm hành khách và thủy thủ trên tàu. Chúng tôi theo dõi qua show diễn như là được xem lại những hình ảnh quí phái của quí ông, quí bà trong giới thượng lưu lần lượt xuống tàu. Con tàu to lớn và đầy đủ mọi văn minh, vật chất để hưởng thụ. Nhưng có lẽ, sau này báo chí đã phanh phui ra, rằng ở dưới mạn tàu, dưới mực nước biển, người ta đã ngạo mạn đề một dòng chữ: “Thượng Đế cũng không thể đánh chìm”. Nó là sự cao ngạo của ngành hàng hải lúc đó. Con người vỗ ngực khi thấy một con tàu khổng lồ Titanic đã băng băng trên biển khơi. Thế nhưng thảm họa đã xảy đến, khi tàu Titanic đã đi được xấp xỉ hai phần ba quãng đường qua Đại Tây Dương tới New York, sau khi rời Queenstown, Ireland thì nó đã xô vào một tảng băng lớn và núi băng đã phá vỡ các tấm vỏ tàu, làm thủng một lỗ lớn, nước băng lạnh giá tràn vào trong Titanic làm1517 người thiệt mạng. Thảm họa đắm tàu Titanic mãi mãi là một nỗi nhục và là một cái tát mạnh mẽ của thiên nhiên vào lòng cao ngạo của con người. Thượng Đế không thèm đánh chìm, nhưng tảng băng đã quật nó chìm sâu xuống đáy biển. Bởi vì con người chế ngự sóng biển, chế ngự được không trung là để tiếp nối chương trình sáng tạo của Thiên Chúa, không phải để tự mãn và để chết trong tự kiêu

Con người được Thiên Chúa thông ban quyền sáng tạo để như những tá điền làm sinh hoa lợi cho ông chủ. Nhưng khi người ta dừng lại để vỗ ngực, người ta ngẩng cao đầu để kiêu căng. Lúc đó không còn là ý nghĩa của việc kết hợp, sáng tạo và làm chủ theo nghĩa được Thiên Chúa thông quyền nữa. Con người muốn tự mình giành lấy cái vinh dự cao nhất, muốn chiếm hữu độc quyền trong vũ trụ vật chất. Thế giới ngày nay, chúng ta có thể kể trên đầu ngón tay những cách chiếm hữu trắng trợn bản quyền của Thiên Chúa. Nào là chiếm hữu sự sống, con người phá thai, giết thai từ trong lòng mẹ một cách vô ý thức như đó là quyền của mình; con người sống hôn nhân thử, đồng tính luyến ái... họ cũng vi phạm vào bản quyền tình yêu của Thiên Chúa mà một số quốc gia đã công nhận đồng tính luyến ái là hợp pháp. Rồi đến việc nhân bản vô tính. Nếu Giáo hội và thế giới không lên án thì ngày nay có thể người ta đã nhân bản vô tính cách phổ thông và con người đã chính thức vi phạm bản quyền sáng tạo của Thiên Chúa trong việc tạo dựng con người.

Rõ ràng là khi con người đã đạt tới một đỉnh cao thì họ cũng giống như những ta điền kia, muốn chiếm luôn cả vườn nho. Cho nên những hậu quả khốc hại xảy đến khiến con người phải chấp nhận. Chấp nhận như Adam và Eva đã xâm phạm cây cấm. Mắt họ mở ra nhìn thấy sự lành sự dữ thật. Nhưng sự lành thì biến mất, chỉ còn sự dữ trên trái đất này. Mắt họ mở ra, họ lên bằng với Đức Chúa Trời, bởi vì họ đã tự làm Đức Chúa Trời rồi. Họ đã muốn tạo dựng một Đức Chúa Trời giống hình ảnh của mình. Thiên Chúa không còn tản bộ, không còn chuyện vãn thân mật với họ nữa. Cửa thiên đàng đóng lại và nếu không có công nghiệp của Chúa Cứu Thế Giê su thì vĩnh viễn con người sẽ đi vào trong vực thẳm của sự chết.

Ngày hôm nay, với dụ ngôn những người tá điền hung ác kia, mỗi người chúng ta phải giật mình xét lại để san bằng lòng tham, hạ hỏa những tính kiêu căng và chặn đứng những thác của tự mãn. Hãy là những người làm vườn nho cho Chúa để đúng mùa nộp hoa lợi; là những người biết thực hành lời Chúa; là những người như Chúa Giê su dạy: "Hãy giãi ánh sáng của các con ra để mọi người nhìn thấy sự sáng của các con mà ngợi khen Cha các con ở trên trời" (Mt 5, 16); là những nhành nho liền với thân nho để sinh hoa trái. Và đó chính là một sứ điệp tình yêu tối hậu mà Cha trên trời gửi cho mỗi người chúng ta hôm nay.

Lạy Chúa Giêsu,

Xin đừng để ai trong chúng con
trở nên những tá điền hung ác.
Nhưng xin cho chúng con
trở thành những người thợ làm vườn nho cho Chúa,
luôn biết khiêm tốn và vâng lời.
Cứ đúng mùa thì nộp hoa lợi cho Chúa.
Hoa lợi của bác ái,
hoa lợi của yêu thương,
hoa lợi của tha thứ,
hoa lợi của việc ý thức Cha chúng con ở trên trời,
còn dưới đất chúng con là anh em với nhau
để yêu thương,
để đón nhận và cùng cộng đồng trách nhiệm.
Ngày sau chúng con được về nhà Cha
hưởng phúc đời đời trong vườn nho hằng sống. Amen.


Lm. Phêrô Nguyễn Hồng Phúc
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
ĐTC Biển Đức XVI chuẩn bị về lại Vatican
Nguyễn Trọng Đa
09:10 01/10/2011
ĐTC Biển Đức XVI chuẩn bị về lại Vatican

Ngài cám ơn các ban ngành và tín hữu ở Castel Gandolfo

Castel Gandolfo, Ý - ĐTC Biển Đức XVI chào từ giã các tín hữu của Castel Gandolfo, là những người hỗ trợ Ngài trong ba tháng Ngài cư trú tại Dinh Giáo hoàng mùa hè ở đó. Ngài trở về Vatican vào buổi chiều thứ bảy 1-10.

Trong hai ngày 28 và 29-9, ĐTC Biển Đức XVI đã gặp gỡ chính quyền dân sự và tôn giáo của khu vực, cũng như các nhân viên coi sóc Dinh Giáo hoàng và hỗ trợ nhiều cho Ngài và các du khách đến thăm Ngài.

ĐTC Biển Đức XVI nói với họ: "Về phần tôi, tôi đảm bảo với anh chị em rằng tôi sẽ không quên cầu nguyện cho mỗi người của anh chị em, và cho mọi ý định của anh chị em, và tôi xin anh chị em cũng nhớ đến tôi trong kinh nguyện nữa”.

Ngày 29-9, Ngài nhắc nhở họ rằng Chúa “vô cùng nhân từ và giàu lòng thương xót", và Chúa không bao giờ bỏ rơi những người tin tưởng Chúa.

ĐTC Biển Đức XVI nói tiếp: “Tôi cầu xin Chúa luôn hỗ trợ mạnh cho anh chị em. Nguyện xin Đức Trinh Nữ Maria, Người mà trong tháng Mười này chúng ta sẽ cầu xin cách đặc biệt với chuỗi Mân Côi, che chở anh chị em trong tình mẫu tử của Mẹ. Nguyện xin Mẹ đồng hành với anh chị em và gia đình anh chị em trong mọi lúc mọi nơi”. (Zenit.org 29-9-2011)

Nguyễn Trọng Đa
 
Trung Quốc: Cái chết đáng ngờ của một nhà truyền giáo Hàn Quốc làm việc bên người tị nạn Bắc Triều Tiên
Phạm Kim An
09:12 01/10/2011
Trung Quốc: Cái chết đáng ngờ của một nhà truyền giáo Hàn Quốc làm việc bên người tị nạn Bắc Triều Tiên

Trung Quốc - Ngày 21-8, một nhà truyền giáo Tin Lành Hàn Quốc làm việc bên cạnh người tị nạn Bắc Triều Tiên tại các tỉnh Trung Quốc giáp biên giới với Bắc Triều Tiên, đã đột ngột qua đời, dường như do bị chích thuốc độc. Thông tin này đã được tiết lộ bởi tờ JoongAng Ilbo, một trong các nhật báo hàng đầu của Hàn Quốc, ...

... và phiên bản tiếng Anh của nó là Korea JoongAng Daily, ngày 9-9-2011, nói rằng người ta nghi ngờ có sự dính líu của các điệp viên Bắc Triều Tiên trong vụ ám sát nhắm mục tiêu.

Nạn nhân, chỉ được xác định bởi tên họ là "Cô Kim", 47 tuổi. Ngày 21-8, trong khi cô đã chờ taxi trước một cửa hàng lớn ở Đan Đông, một thành phố bên bờ sông Áp Lục, ranh giới giữa Trung Quốc và Bắc Triều Tiên, cô ngã sụp xuống, bất tỉnh. Ngay lập tức được đưa tới bệnh viện, cô Kim đã chết sau đó. Ít lâu sau, chính quyền Trung Quốc cho biết nguyên nhân cái chết là tự tử.

Tuy nhiên, một theo nguồn tin thân cận với vụ việc, và được nhật báo Hàn Quốc trích dẫn, “bệnh viện đã xác định rằng nạn nhân đã chết do thuốc độc, nhưng chính quyền muốn trình bày cái chết của cô như là một vụ tự tử". Gia đình nạn nhân cũng đã thông báo với cảnh sát Trung Quốc rằng cô Kim đã không đau khổ vì tình cảm, hoặc mắc bất kỳ bệnh nào, và với tư cách là một tín hữu có đức tin sâu đậm, cô không có lý do gì để kết liễu đời mình.

Chưa đầy 24 giờ sau, một công dân Hàn Quốc khác, mà danh tánh cũng không được tiết lộ, cũng bị đầu độc, nhưng may mắn thoát chết. Người nầy 59 tuổi, cũng tham gia giúp đỡ người tị nạn Bắc Triều Tiên ở Trung Quốc, đã bị chích ở hông bằng ống tiêm trong khi người ấy đi ra khỏi một nhà tắm công cộng ở Yanji, thành phố gần biên giới với Bắc Triều Tiên, thuộc tỉnh Cát Lâm. Sau khi bị ngã xuống trên đường phố, người đàn ông này được đưa tới bệnh viện chăm sóc.

Theo chuyện kể của ông về vụ tấn công với lãnh sự quán Hàn Quốc, có ai đó đến sau lưng ông, khi ông cúi xuống mở cửa xe, và đâm kim tiêm vào hông của ông. Các bác sĩ đã xác nhận rằng người này là nạn nhân của một âm mưu chích thuốc độc.

Không có dụng cụ hữu hình nào bị tịch thu, để có bằng chứng buộc tội cho các điệp viên của Bắc Triều Tiên triển khai trên lãnh thổ Trung Quốc, nhưng, theo tờ nhật báo Hàn Quốc, chính quyền Hàn Quốc nghi ngờ mạnh việc này. Một nguồn tin thân cận với các nhà điều tra Hàn Quốc nói: “Rất có thể đây là một cuộc tấn công có chủ ý, nhằm cho các nhà truyền giáo giúp đỡ người dân Bắc Triều Tiên phải im lặng".

Tại Bộ ngoại giao Hàn Quốc, người ta kín tiếng về cả hai trường hợp trên, nhưng đã có lệnh cho lãnh sự quán Hàn Quốc tại Thẩm Dương, thủ phủ của tỉnh Liêu Ninh, "hãy mạnh mẽ yêu cầu chính quyền của chính phủ Trung Quốc phải bảo đảm an ninh cho công dân Hàn Quốc tại các tỉnh biên giới (với Bắc Triều Tiên), và áp dụng mọi biện pháp cần thiết để ngăn chặn sự cố mới như thế xảy ra nữa”.

Trong trường hợp cái chết của "cô Kim", các bác sĩ bệnh viện đã đề nghị với gia đình của nạn nhân để tiến hành mổ tử thi lần thứ hai, nhưng gia đình đã từ chối, khi nói rằng vụ việc đã xong, và yêu cầu cho hồi hương nhanh chóng tử thi để hỏa táng không chậm trễ. Theo một thành viên lãnh sự quán Hàn Quốc tại Thẩm Dương, "gia đình không muốn làm to chuyện về việc này, vì sợ các người khác bị đặt trong tình trạng nguy hiểm nữa”.

Về phía lãnh thổ Trung Quốc ở biên giới giữa Bắc Triều Tiên và Trung Quốc, trong hai tỉnh Cát Lâm và Liêu Ninh, nơi mà một nhóm thiểu số người gốc Triều Tiên định cư, sự hiện diện của các người tị nạn Bắc Triều Tiên tạo ra việc buôn bán mạnh. Một phần lớn trong số họ, đặc biệt là phụ nữ, bị bóc lột. Để giúp họ, các mạng lưới đã được thiết lập tại chỗ, trong đó các Giáo hội Kitô giáo Hàn Quốc hoạt động tích cực, chủ yếu là người Tin lành, nhưng cũng có người Công Giáo.

Hoạt động của họ là giúp người tị nạn đến một nước thứ ba trước khi di cư vĩnh viễn tới Hàn Quốc, hoặc để ngăn chặn họ khỏi rơi vào các mạng buôn người, nơi họ sẽ bị khai thác bóc lột, trước khi trở về Bắc Triều Tiên với hàng hóa hoặc tiền bạc, vốn là khan hiếm ở Bắc Triều Tiên. Đối với một số các giáo hội Tin lành tham gia vào các mạng này, họ chỉ làm việc để trợ giúp nhân đạo. Còn đối với một số giáo hội Tin lành khác, họ nhằm góp phần vào việc rao giảng Tin mừng ở Bắc Triều Tiên, nơi không có tự do tôn giáo, nên việc rao giảng không phải không có rủi ro.

Tháng 11-2010, một người Mỹ gốc Triều Tiên, Jun Young-su, 60 tuổi, bị bắt giữ ở Bắc Triều Tiên, và bị giam cầm vì đã tìm cách rao giảng Kitô giáo ở đất nước này. Ông đã được trả tự do và bị trục xuất về nước hồi tháng Năm, "vì lý do nhân đạo." Ngày 24 -12-2009, một người Mỹ gốc Triều Tiên khác, Robert Park, 28 tuổi, đã bị bắt ở Bắc Triều Tiên sau khi đi bộ vượt qua sông Tumen, bị đóng băng vào thời điểm ấy, tay cầm một cuốn Kinh thánh. Nhà truyền giáo trẻ phái Phúc âm đã bị trục xuất ít lâu sau. Các trường hợp khác là bi thảm hơn.

Tháng 1-2000, mục sư Kim Dong-shik, người Hàn Quốc, đã bị bắt cóc ở Yanji và chuyển về Bắc Triều Tiên. Từ đó người ta không biết tin tức về mục sư, và tin là ông đã qua đời. Về những gì liên quan công dân Bắc Triều Tiên, các tổ chức bảo vệ nhân quyền và tự do tôn giáo có trụ sở tại Hàn Quốc, hoặc các nơi khác trên thế giới, thường xuyên báo cáo các trường hợp xử tử: trong năm 2009, một Kitô hữu 33 tuổi, Ri Hyon-ok, đã bị xử tử nơi công cộng vì đã phân phát sách Kinh Thánh; năm ngoái, ba vị phụ trách một công đoàn Kitô bí mật cũng đã bị xử bắn.

Không có số liệu thống kê đáng tin cậy về mức độ tồn tại của các cộng đồng Kitô giáo ở Bắc Triều Tiên. (Eglises d'Asie 30-9-2011)

Phạm Kim An
 
Đức Hồng Y Levada: Giáo hạt tòng nhân là dự án của ĐTC Biển Đức XVI
Nguyễn Trọng Đa
09:14 01/10/2011
Đức Hồng Y Levada: Giáo hạt tòng nhân là dự án của ĐTC Biển Đức XVI

LONDON - Giáo hạt tòng nhân được thành lập cho các tín hữu Anh giáo muốn trở thành Công Giáo, trong khi vẫn duy trì các yếu tố truyền thống của họ, là một trong các dự án cá nhân của ĐTC Biển Đức XVI, theo Đức Hồng Y William Levada, Tổng trưởng Thánh Bộ Giáo lý Đức tin.

Ngày 28-9, Đức Hồng Y nói như thế khi Ngài phát biểu tại một sự kiện gây quỹ cho Giáo hạt tòng nhân Đức Mẹ Walsingham, Anh. Đây là lần đầu tiên một Giáo hạt tòng nhân thành lập cho các tín hữu Anh giáo cũ và có trụ sở tại Anh. Các Giáo hạt tòng nhân khác đang trong quá trình được phát triển tại Mỹ và các nước khác.

Theo tờ Catholic Herald ở Anh, Đức Hồng Y Levada cho biết Vatican xem Giáo hạt tòng nhân một cách tương tự như nghi lễ Ambrôsiô, một hình thức cổ xưa của phụng vụ được khoảng 5 triệu người Công giáo sử dụng.

Tờ Catholic Herald đưa tin, Đức Hồng Y cho biết Giáo hạt tòng nhân "thực sự là dự án của Đức Giáo Hoàng", và mô tả Giáo hạt như là “một cấu trúc quan trọng mới trong Giáo Hội. Chúng tôi đều muốn cung cấp sự hỗ trợ bằng lời cầu nguyện cho Giáo hạt tòng nhân này". (Zenit.org 30-9-2011)

Nguyễn Trọng Đa
 
Đức Thánh Cha thay đổi nhiệm vụ của Bộ Phụng Tự
Bùi Hữu Thư
16:56 01/10/2011
Vatican
Ngài kêu gọi một động lực mới để thúc đẩy cho Phụng Vụ Thánh

VATICAN, ngày 30 tháng 9, 2011 (Zenit.org).- Trong một văn kiện được phổ biến ngày thứ tư, Đức Thánh Cha Benedict XVI đã thay đổi trách nhiệm của giáo triều Rôma để giúp cho Bộ Phụng Tự và Bí Tích có thể chú trọng nhiều hơn về việc phụng vụ.

Với một tông thư được công bố là "motu proprio" (do chính ngài khởi xướng), Đức Thánh Cha thiết lập một văn phòng mới bên trong Tòa Án Roman Rota.

Văn kiện "Quaerit Semper," trao cho văn phòng mới này các thể thức để tiêu trừ các hôn nhân chưa hoàn hợp và các lý do để tước bỏ chức thánh của một linh mục.

Đức Thánh Cha giải thích là khi lấy đi các trách vụ này của bộ phụng tự, ngài tìm cách giải tỏa cho Thánh Bộ Phụng Tự này bớt bận rộn.

Văn kiện ghi nhận, "Trong các hoàn cảnh hiện đại, dường như thích hợp hơn là để cho Thánh Bộ Phụng Tự và Bí Tích chỉ chú trọng chính yếu đến việc làm sao cho có một động lực mới để cổ võ cho phụng vụ thánh trong Giáo Hội, và để theo kịp với việc cải tổ được Công Đồng Vatican II thúc đẩy qua tông hiến 'Sacrosanctum Concilium.'"

Đức Thánh Cha Benedict XVI cũng nhắc rằng việc gia tăng và điều chỉnh các trách nhiệm của giáo triều Rôma là bình thường.

Ngài ghi nhận "Tòa Thánh đã luôn luôn mong muốn điều chỉnh cấu trúc hành chánh cho phù hợp với các nhu cầu mục vụ của các giai đoạn lịch sử kế tiếp nhau trong đời sống của Giáo Hội, bằng cách thay đổi tổ chức và nhiệm vụ của các Thánh Bộ của giáo triều Rôma."

Các tiêu chuẩn mới sẽ có hiệu lực ngày Thứ Bẩy này.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Sinh viên Công giáo Vinh mừng Lễ Khai giảng năm học 2011-2012: Chặng đường mới
Peter Dũng
16:42 01/10/2011
VINH - Bước vào năm học 2011-2012 trong dư âm của Đại hội giới trẻ thế giới mới diễn ra vào trung tuần tháng Tám vừa rồi tại Madrid, Tây Ban Nha. Chủ đề của ĐHGT lần 26 vừa rồi mà Đức thánh cha Benedicto XVI đưa ra cho giới trẻ là: "Hãy bén rễ sâu và xây dựng đời mình trên nền tảng là Đức Kitô, vững mạnh trong đức tin" (x.Cl 2,7).” Hoà trong tâm tình đó chiều ngày 25.09 gần 1000 anh chị em SVCG đang học tập và sinh hoạt tại Vinh đã long trọng mừng lễ khai giảng năm học mới 2011-2012.

Hiện diện trong lễ khai giảng có Lm. FX Hoàng Sỹ Hướng, Trưởng Ban Mục vụ Giới trẻ Giáo phận; Lm. Antôn Hoàng Trung Hoa, Đặc trách Sinh viên; HĐMV giáo xứ Cầu Rầm; Quý vị ân nhân đồng hành và giúp đỡ snh viên; Anh chị cựu sinh viên; Cùng đông dảo các bạn trẻ và giáo dân giáo xứ Cầu Rầm.

Mở đầu chương trình linh mục An tôn Hoàng Trung Hoa gửi lời cảm ơn đến Đức cha, Quý cha trong ban mục vụ giới trẻ, Quý ân nhân, Anh chị cựu sv “…dù Đức giám mục giáo phận không hiện diện nơi đây, nhưng con cũng xin tỏ bày lòng tri ân sâu sắc đến Ngài. Vì với tình thương hiền phụ, trách nhiệm của vị mục tử trong Giáo phận, ngài đã dành cho chúng ta, cách riêng các bạn sinh viên nhiều quan tâm, lo lắng. Ngài bày tỏ sự quan tâm đó bằng sự chỉ dạy, lời cầu nguyện và những hỗ trợ vật chất cho các sinh hoạt của sinh viên.

Liền sau lời tri ân đến Đức cha Phaolô, trong tư cách là linh mục đặc trách sinh viên Công giáo trên địa bàn tỉnh Nghệ An, con xin bày tỏ lòng tri ân lớn lao đến cha Trưởng Ban giới trẻ giáo phận Vinh và là cha xứ Cầu Rầm, địa bàn có số sinh viên lưu trú và sinh hoạt nhiều nhất, và là nơi mà sinh viên Công giáo trên địa bàn thành phố Vinh lấy làm đại bản danh của mình. Lời tỏ bày cùng cha Trưởng Ban giới trẻ cũng là lời mở lối cho tâm tình tri ân đến HĐMV giáo xứ Cầu Rầm cùng với toàn thể bà con trong giáo xứ. Hẳn là cha nào con nấy. Quý vị cùng với cha quản xứ đã dành cho anh em sinh viên nhiều sự hỗ trợ. Quý cha trong Ban giới trẻ dù hôm nay do bận công tác không hiện diện trong lễ khai mạc này, nhưng con cũng xin cảm ơn quý ngài. Quý cha đã cùng với cha trưởng ban giới trẻ dành cho chúng con nhiều sự quan tâm, giúp đỡ. Quý cha nhiều lúc như những người phải “bỏ miếng mà ít không có tiếng”. Âm thầm ở tuyến sau hay bước đi bên cạnh để giúp chúng con trong học tập và sinh hoạt, nhất là chăm lo cho nhu cầu tâm linh qua việc cầu nguyện, ban bí tích Giải tội, cử hành thánh lễ trong những dịp sinh viên tập trung hay trong những lúc các tổ mừng quan thầy.

Thưa quý ân nhân! Cảm ơn quý vị, những người đã mang tinh thần của Đức Kitô trong mình: tinh thần đón nhận những người xa quê, tinh thần đón nhận nhưng người thiếu chỗ ở, thiếu nơi nương tựa, thiếu người chia sẻ, tâm sự. Quý vị đã rộng vòng tay, nới tấm lòng đón nhận các bạn sinh viên lưu trú trong gia đình, hay tạo chỗ sinh hoạt cho các tổ, cùng luôn quảng đại hỗ trợ mỗi lần các bạn sinh viên tổ chức sinh hoạt hay đi thăm viếng trẻ em khuyết tật mồ côi, người già cả neo đơn, bà con trong vùng lũ lụt thiên tai, những bệnh nhân nơi các trung tâm chữa trị, những người thiếu chăn ấm mùa đông, thiếu cơm bánh ngày tết... Chính nhờ sự trợ giúp của quý vị mà tinh thần dấn thân vốn có của người trẻ nơi sinh viên Công giáo giáo phận Vinh được phát huy mạnh mẽ. Nhân đức là một thói quen tốt. Muốn có thói quen tốt người ta phải thực tập. Quý vị hãy tạo cơ hội cho các bạn trẻ Công giáo nơi các mái trường đại học, cao đẳng nơi đây biết tập luyện những thói quen tốt: thói quen biết chia sẽ với người bất hạnh, thói quen biết nghĩ đến những người có hoàn cảnh thua kém mình, để từ đó tình người được tỏa lan, và ánh sáng Tin Mừng được tỏ rạng!

Thưa các anh chị cựu sinh viên! Con người chúng ta sẽ nhạy cảm với hoàn cảnh của người khác khi mình trải qua kinh nghiệm giống như họ. Các anh chị đã đi qua chặng đường sinh viên hẳn là các anh chị cảm nghiệm được những vui buồn, những nhu cầu cần thiết của những người dưới mái trường đại học. Hy vọng kinh nghiệm đó sẽ làm cho các anh chị biết phải giúp đỡ các em như thế nào để các em có thêm niềm vui và có kết quả tốt hơn trong học tập.”

Tiếp theo đó ngài cũng gửi lời đến các ban sinh viên, nêu ra nhưng định hướng cho sinh viên trong năm học mới “Các bạn thân mến! Các bạn bước vào năm học 2011-2012 trong dư âm của Đại hội giới trẻ thế giới mới diễn ra vào trung tuần tháng Tám vừa rồi tại Madrid, Tây Ban Nha. Chủ đề của ĐHGT lần 26 vừa rồi mà Đức thánh cha Benedicto XVI đưa ra cho giới trẻ là: "Hãy bén rễ sâu và xây dựng đời mình trên nền tảng là Đức Kitô, vững mạnh trong đức tin" (x.Cl 2,7).”. Với tư cách là thụ tạo được tạo dựng có lý trí nơi mặt đất này, chúng ta có trách nhiệm phát huy khả năng suy tư và tìm kiếm chân lý và ý nghĩa cho cuộc sống, để xây dựng xã hội ngày một tốt đẹp và mưu tìm bình an, hạnh phúc cho chính mình. Trong thế giới kỹ nghệ thời đỉnh cao này, chúng ta dễ dàng được tiếp cận với nhiều nguồn tư tưởng. Trong sự đa phức của tư tưởng, nếu chúng ta không biết chắt lọc, chọn lựa, thì rồi có lúc chúng ta sẽ bị chao đảo trong các quan niệm, có nguy cơ sẽ đi vào trong sự sai lạc mà chúng ta cứ tưởng là mình đang vững bước trên chân lý. Thưa các bạn! Chỉ có “Ðức Giêsu Kitô vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay, và như vậy mãi đến muôn đời” (x. Dt 13,8). Ngài là con người tín trung trước sau; chân lý của Ngài là chân lý trường tồn, vĩnh cửu, và sự thật của Ngài là sự thật của tình yêu và sự sống.

Do đó, trong sự tiếp cận với thế giới đa phức của quan niệm, các bạn hãy biết đối chiếu với tư tưởng của Đức Kitô. Nếu quan niệm nào không đồng thuận với giáo huấn của Đức Kitô và Giáo Hội của Ngài thì đó là sự đối nghịch, đó là con đường đưa đến bất an, bạo loạn và hủy hoại. Các bạn hãy tỉnh táo và can đảm loại trừ những tư tưởng đó! Để hiểu rõ quan niệm của Đức Kitô, không có cách nào hơn là mỗi ngày các bạn hãy dành ra một chút thời gian gặp gỡ Đức Kitô nơi Kinh Thánh, nơi sự tĩnh mịch của trái tim, và nếu được hãy đến thỉnh vấn, học hỏi cùng Ngài nơi bí tích Thánh Thể.

Và để hỗ trợ cho các bạn trong việc gặp gỡ Đức Kitô, hiểu được giáo huấn của Ngài, của Giáo Hội Công giáo, năm nay, bên cạnh những sinh hoạt như mọi năm, theo ý của Đức giám mục giáo phận, Ban giới trẻ sẽ có chương trình học hỏi về Học thuyết Xã Hội của Giáo Hội Công giáo cho các bạn. Cụ thể như sau: Khu vực Cầu Rầm sẽ do cha Trưởng ban giới trẻ phụ trách Khu vực Yên Đại sẽ do cha Antôn Nguyễn Quang Trung phụ trách. Và khu vực Ân Hậu, Lập Thạch, Cửa Lò sẽ do tôi phụ trách. Hy vọng rằng, trong sự miệt mài trau dồi kiến thức, và bận rộn với chat, với talk cùng bạn bè, các bạn sẽ không quên có vài phút đối thoại với Đức Kitô mỗi ngày.

Cầu xin Chúa Kitô là ánh sáng thế gian soi chiếu cho các bạn trong giai đoạn đỉnh cao tìm tòi, tích lũy kiến thức gặp được những kiến thức thật sự hữu ích cho mình và cho đời; và xin ánh sáng của Đức Kitô chiếu tỏ chân lý tình yêu và sự sống của trời cao, để suốt cuộc đời các bạn vững bước trên nẻo đường chân lý, hầu các bạn thực sự được bình an, hạnh phúc trên mặt đất này, đóng góp nhiều điều hữu ích cho đất nước Việt Nam và thế giới, và những đóng góp đó đưa các bạn đi dần vào vương quốc tình yêu và sự sống vĩnh cửu của Đức Kitô.”

Sau lời phát biểu của cha đặc trách đại diện quý vị ân nhân anh Phaolô Nguyễn Văn Luyến, Giám đốc công ty Antôn Xuân Phúc & nhà hàng Luyến Béo, đã có đôi lời bày tỏ dặn dò cho anh chị em sinh viên “Kính thưa Quý Cha, các bạn sinh viên thân mến. Vậy là một năm học cũ đã trôi qua, một mùa hè đầy sôi động cũng đã khép lại nhường chỗ cho một năm học mới với đầy hứa hẹn và những thành công mới. Các bạn sinh viên lại bước vào cuộc hành trình tìm kiếm tri thức với rất nhiều những khó khăn, thử thách và cả những cố gắng nỗ lực không ngừng. Để đến được thành công thì đòi hỏi mỗi sinh viên phải đặt ra cho mình một mục tiêu, một động cơ học tập và phải tìm cách để thực hiện tốt được mục tiêu đó.. Là một trong số những người đã và đang bước trên con đường đó, con luôn hiểu được và con cũng luôn đặt niềm tin, sự kỳ vọng vào khả năng có thể vươn tới của các bạn sinh viên chúng ta. Các bạn hãy cố gắng lên, chúng tôi- những người anh, người chị, những bậc ân nhân sẽ luôn đồng hành cùng các bạn để đựơc sẻ chia và được tự hào về các bạn. Chúng tôi thiết nghĩ rằng đã đến lúc các bạn phải từ bỏ những suy ngẫm để tiếp thêm cho mình những kỹ năng, những kinh nghiệm và những kiến thúc mới. Chúc các bạn hội tụ năm điều cần của một người sinh viên: học tập tốt, đạo đức tốt, sức khoẻ tốt, kĩ năng tốt, hội nhập tốt.”

Cảm nhận được những lời huấn thị rất sâu sắc đó của Cha đặc trách và quý vị ân nhân, đại diện BĐH SVCG Vinh anh Phêrô Nguyễn Văn Ba đã nêu lên quyết tâm của anh chị em sinh viên và cũng vạch rõ những hoạt động chính của sinh viên trong năm học mới. Theo đó Các buổi sinh hoạt thuần chất tôn giáo không mang màu sắc chính trị. Đẩy mạnh việc học tập giáo lý, kiến thức xã hội. Tham gia các hoạt động bác ái, từ thiện giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Phát triển CLB giáo dục đến các giáo xứ, định hướng cho các bạn trẻ trong học tập. Tổ chức các cuộc thi về kiến thức giáo lý, xã hội, phát triển mang lưới truyền thông…

Buổi lễ khai giảng kết thúc bằng thánh lễ tạ ơn đầy ý nghĩa. Hy vọng rằng qua buổi lễ khai giảng, qua những bài phát biếu, qua những lời tuyên hứa… các bạn sinh viên sẽ phần nào nhận thức đúng đắn về vai trò của mình trên con đường học tập, con đường dấn thân với sứ vụ tông đồ thể hiện được vị trí của người trẻ Kitô hữu trong giáo hội và xã hội hôm nay. Một chặng đường mới mở ra, nhưng người trẻ hiên ngang bước tới.
 
Đức Giám mục Nguyễn Văn Thuận: Cam kết cho sự lãnh đạo Kitô giáo can đảm
Phạm Kim An
09:30 01/10/2011
Đức Giám mục Nguyễn Văn Thuận: Cam kết cho sự lãnh đạo Kitô giáo can đảm

Bài của Đức Giám mục James D. Conley, Giám quản tông tòa của Tổng Giáo Phận Denver

Ngày 15-8-1975, Đức Giám mục Phanxicô Xavier Nguyễn Văn Thuận đã bị bắt tại Sài Gòn. Ngài bị cầm tù 13 năm – trong đó có 9 năm biệt giam.

Tội của ngài là gì? Ngài được bổ nhiệm làm Tổng giám mục phó Tổng giáo phận Sài Gòn với quyền kế vị.

Chính phủ Cộng sản tin rằng việc bổ nhiệm Đức Giám mục Nguyễn Văn Thuận là một âm mưu giữa Vatican và các chính phủ phương Tây, và họ tin rằng Ngài là trung tâm của âm mưu này.

Trong suốt các năm ở trại giam, Đức Giám mục Nguyễn Văn Thuận làm mục vụ cho hàng ngàn tù nhân Việt Nam. Ngài chăm sóc mục vụ cho người Công giáo, và truyền giáo cho các bảo vệ và tù nhân ngoài Kitô giáo. Ngài chạm khắc một cây thánh giá để mang từ gỗ phế liệu gắn với dây điện. Ngài dâng Thánh Lễ với các bánh thánh được giấu kín và vài giọt rượu. Ngài giải tội, rao giảng và làm chứng cho sự thật.

Đối mặt với việc giam tù mình cách bất công, Đức Giám mục Nguyễn Văn Thuận đã tìm thấy một cơ hội để làm chứng cho Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô.

Sau khi được trả tự do, Đức Giám mục Nguyễn Văn Thuận được ca ngợi vì sự lãnh đạo anh hùng của mình. Tuy nhiên, Ngài nhìn cuộc sống của mình như là cuộc đời của một nhà lãnh đạo Kitô giáo bình thường đáp trả cho sự bất công.

Ngài nói: “Sự thất bại lớn nhất trong lãnh đạo là nhà lãnh đạo sợ nói và hành động với tư cách một nhà lãnh đạo".

Ngày nay, hơn bao giờ hết, Thiên Chúa giáo cần các nhà lãnh đạo cam kết với sự thật khi đối mặt với bất công.

Hãy hành động HÔM NAY!

Đầu tháng 9, Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân Sinh Mỹ (HHS) đã công bố một luật, vốn đòi hỏi gần như tất cả bảo hiểm y tế tư nhân có kế hoạch cung cấp các dịch vụ tránh thai và triệt sản cho phụ nữ. Các tổ chức Công giáo và các nhóm tôn giáo khác, vốn chống đối biện pháp tránh thai, không được miễn.

Luật này là không công bằng ở hai cấp độ. Thứ nhất, nó xử lý việc mang thai và khả năng sinh sản như là các bệnh thay vì các ân ban. Thứ hai, nó đặt sự tập chú lớn về bảo hiểm bắt buộc cho sự triệt sản bằng giải phẫu, và tất cả các biện pháp tránh thai, đã được phê duyệt bởi Cục Quản lý Thực phẩm và Thuốc của Mỹ (FDA), trong có có thuốc “viên tránh thai sáng hôm sau”, vốn gây ra sự phá thai trong các tuần đầu của thai kỳ, bằng cách ngăn chặn việc làm tổ của phôi thai con người.

Luật cũng qui định "việc giáo dục và tư vấn" để cổ vũ các biện pháp này nơi các phụ nữ có khả năng sinh sản. Bằng cách qui định sự chăm sóc phá thai được cung cấp trong bảo hiểm y tế, Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân Sinh Mỹ (HHS) gửi một thông điệp rằng việc tránh mang thai là một quyền và sự kỳ vọng cho tất cả người Mỹ.

Luật này của Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân Sinh Mỹ (HHS) gần như buộc mọi người sử dụng lao động phải cung cấp bảo hiểm tránh thai cho người lao động. Người Công giáo trong thế giới kinh doanh, những người tìm cách đề cao phẩm giá của nhân viên mình, bị buộc phải cung cấp các loại thuốc làm cản trở khả năng sinh sản, và trong một số trường hợp, thực hiện việc phá thai.

Bởi vì việc miễn cho tôn giáo được giải thích quá hạn hẹp, luật không cho phép hầu hết các cơ sở Công Giáo được miễn, và luật không có sự bảo vệ lương tâm thực sự cho những người phản đối về luân lý cho việc tham gia, hoặc trả tiền, cho các kế hoạch và thủ tục như vậy.

Nếu Giáo Hội Công Giáo bị buộc phải thực hiện theo luật này, Giáo hội bị buộc phải thỏa hiệp với các nguyên tắc cốt lõi của căn tính Kitô giáo. Đây là sự vi phạm nghiêm trọng quyền tự do tôn giáo và là không thể chấp nhận được. Chúng ta có thể chống lại sự bất công này.

Cho đến ngày 30-9, Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân Sinh Mỹ (HHS) tiến hành một "khoảng thời gian lắng nghe" về các luật mới của mình. Khi tiếp xúc với họ, bạn có thể cung cấp chứng tá quan trọng cho Tin Mừng. Người Công giáo buộc phải làm chứng cho sự thật. Xin vui lòng tham gia cùng tôi trong việc yêu cầu Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân Sinh Mỹ (HHS) tôn trọng phẩm giá con người và tự do tôn giáo.

Thật là không đủ khi chỉ bày tỏ sự chống đối luật, vốn vi phạm sự tự do tôn giáo của chúng ta. Còn hơn thế nữa, như Giám mục Nguyễn Văn Thuận, chúng ta phải tham gia vào sự lãnh đạo Kitô giáo khi đối mặt với bất công.

Nếu luật này được thực hiện, có thể sẽ có sự bách hại trước cho các tổ chức Công Giáo. Tuy nhiên, như Thánh Phaolô tuyên bố "chết trong Chúa Kitô là sống”. Chúng ta, người Công giáo, có thể sử dụng luật không công bằng này như là một cơ hội để rao giảng Tin Mừng.

Trong khi phản đối luật không công bằng, chúng ta có thể tích cực nói lên sự thật, mà chúng ta đã được ban cho. Trong các tuần lễ và các tháng sắp tới, chúng ta có thể làm chứng cho niềm tin Công giáo rằng sự quan hệ tính dục là một phần thật đẹp và trọn vẹn của hôn nhân, và rằng các biện pháp tránh thai cướp đi ý nghĩa thực sự và đầy đủ của quan hệ tính dục.

Đầu tháng này, Đại học Regis xác nhận rằng đại học này sẽ không thực hiện một luật của bang, vốn yêu cầu cung cấp bảo hiểm tránh thai trong kế hoạch y tế của sinh viên. Trường đại học này có thể phải đối mặt với một trận chiến pháp lý tốn kém, các hạn chế về quản lý và sự chống đối quan trọng từ những người chống đối giáo huấn của Giáo Hội về ngừa thai.

Đại học Regis đã nắm một cơ hội để dẫn dắt – diễn tả những điều người Công Giáo chúng ta tin và tại sao tin. Đây là điều mà một Đại học Công giáo nên làm. Cơ hội này là một hồng ân lớn lao và tôi ngợi khen chứng tá của trường Đại học.

Hãy nắm lấy cơ hội để phản đối luật bất công của Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân Sinh Mỹ (HHS). Hãy bắt chước lòng can đảm của Đức Giám Mục Nguyễn Văn Thuận. Hãy cam kết cho sự lãnh đạo Kitô giáo. Chúng ta hãy cùng nhau làm chứng cho sự thật Tin Mừng, và phẩm giá của con người.

Nguồn: (http://www.archden.org/index.cfm/ID/6892?CFID=31498784&CFTOKEN=15313840)

28-9-2011

Phạm Kim An
 
Thánh lễ ban Bí tích Thêm sức tại giáo xứ Cồn Thoi,Phát Diệm
BBT Gp. Phát Diệm
17:42 01/10/2011
Thánh lễ ban Bí tích Thêm sức tại giáo xứ Cồn Thoi,Phát Diệm

Ngày 25/9/2011, Đức Cha Giuse đã kinh lược giáo xứ Cồn Thoi, dâng lễ và ban Bí tích Thêm Sức cho 152 em thiếu nhi.

9 giờ 30 các em thiếu nhi xếp thành hai hàng dài cùng với đội kèn đồng rước đoàn đồng tế từ nhà xứ vào Nhà thờ trong sự đan xen được phối hợp nhịp nhàng giữa ca đoàn và hội kèn làm cho ngày lễ vừa trang trọng vừa sốt sắng.

Tham dự thánh lễ hôm nay không chỉ có 152 em cùng với gia đình và người đỡ đầu, mà còn có rất đông các em thiếu nhi và các bậc phụ huynh. Tất cả đã tạo nên một cộng đoàn phụng vụ đông đảo, trật tự và nền nếp.

Để được lãnh nhận bí tích, các em đã phải trải qua hai năm học giáo lý, dưới sự tổ chức và hướng dẫn của cha xứ kết hợp với Ban Chấp hành giáo xứ, giáo họ, các giáo lý viên và ban quản giáo. Cũng nhờ được huấn luyện thường xuyên mà các em có thể đảm nhận được mọi phận vụ phục vụ thánh lễ.

Trong bài giảng, Đức Cha khởi đi từ cuộc sống tự nhiên của con người để diễn tả cuộc sống siêu nhiên: Ai cũng được sinh ra, lớn lên và trưởng thành. Trong đời sống thiêng liêng cũng thế, người Kitô hữu được sinh ra trong Bí tích Rửa tội, được lớn lên và trưởng thành trong ơn Chúa Thánh Thần. Việc 152 em thiếu nhi hôm nay lãnh nhận Bí tích Thêm sức cũng đánh dấu bước trưởng thành của các em trong đời sống thiêng liêng. Đức Cha cũng nêu lên ba khía cạnh của người Kitô hữu trưởng thành trong ơn Chúa Thánh Thần:

1) đọc, hiểu và yêu mến Lời Chúa;

2) yêu mến Chúa và Giáo hội;

3) mang trong mình thao thức của Giáo hội, và làm chứng nhân cho cho Chúa.

Xem hình

Sau bài giảng của Đức Cha, cha chính xứ đã thỉnh xin Đức Cha ban Bí tích Thêm sức cho 152 em thiếu nhi. Chấp nhận lời thỉnh nguyện của cha xứ, trước khi ban Bí tích, Đức Cha khuyến dụ các em tiếp tục nỗ lực học giáo lý để hiểu biết về Chúa nhiều hơn, yêu mến Chúa hơn, và sống đạo tốt hơn. Sau đó ngài cũng ngỏ lời với các bậc phụ huynh: Từ thực tế cuộc sống, nhiều thanh niên sau thời gian đi tìm công ăn việc làm ở nơi xa, họ về nhà với con người hoàn toàn khác: đức tin sa sút, luân lý xuống cấp, làm cho gia đình bất ổn. Muốn khắc phục tình trạng ấy, các gia đình cần phải cộng tác với cha xứ khuyến khích, động viên, thúc đẩy con em mình tích cực học giáo lý.

Trước khi ban phép lành cuối lễ, Đức Cha mời gọi mọi thành phần trong giáo xứ phát huy truyền thống và sức mạnh vốn có, xây dựng giáo xứ thành cộng đoàn hiệp nhất, yêu thương và thăng tiến về mọi mặt.

Sau thánh lễ, Đức Cha đi thăm cơ sở vật chất của giáo xứ, thăm phòng Bảo vệ sự sống – nơi đây có một tủ lạnh để lưu giữ các thai nhi – với sự cộng tác của bốn tình nguyện viên.

Giáo xứ Cồn Thoi được thành lập ngày 07-10-1947. Năm 2006 phân chia và thành lập giáo xứ Kim Trung, năm 2007 thành lập giáo xứ Hợp Thành. Hiện nay giáo xứ Cồn Thoi có bảy họ lẻ, số Kitô hữu hơn sáu ngàn, là một trong hai giáo xứ lớn và nhiều Kitô hữu nhất miền duyên hải của giáo phận.

Sự hiện diện của vị Cha Chung đem lại niềm vui không chỉ cho các em thiếu nhi được nhận Bí tích Thêm sức, mà còn cho mọi thành phần trong giáo xứ. Niềm vui này sẽ không qua đi và thực sự có ý nghĩa khi mỗi người biến nó thành một thái độ sống cụ thể, làm cho đời sống đổi mới nhờ thực hành Lời Chúa, và ghi tạc lời chỉ dạy của vị Cha Chung.

BTT

 
Văn Hóa
Nhân Tháng Mân Côi: Giải Thích Từ Mân Côi - Mai Khôi - Môi Khôi - Văn Côi Trong Kinh Sách Công Giáo
Nguyễn Long Thao
17:26 01/10/2011
NHÂN THÁNG MÂN CÔI: GIẢI THÍCH TỪ MÂN CÔI - MAI KHÔI - MÔI KHÔI - VĂN CÔI TRONG KINH SÁCH CÔNG GIÁO

Mỗi tôn giáo có những đặc ngữ riêng. Người thuộc tôn giáo này khó hiểu được những đặc ngữ của tôn giáo khác. Ví dụ đa số người người Công Giáo Việt Nam không hiểu rõ nghĩa các từ của Phật Giáo như Chánh Quả, Bát Nhã, Huệ, Tuệ. Người Phật Giáo cũng không hiểu rõ ý nghiã các từ của người Công Giáo như Mân Côi, Chầu Lượt, Mùa Át. Ngoài ra, các tín hữu trong một tôn giáo cũng không hiểu hết các từ ngữ trong tôn giáo của mình, nhất là các từ về thần học..

Đối với người Công Giáo Việt Nam, một trong các từ khó hiểu và gây nhiều thắc mắc là Từ Mân Côi – Văn Côi – Mai Khôi – Môi Khôi. Người ta thường nói: Kinh Mân Côi, Tháng Mân Côi, Mầu Nhiệm Mân Côi, Chuỗi Môi Khôi, và ai cũng hiểu đại khái đó là kinh Kính Mừng và tháng Mân Côi là tháng 10, tháng kính Đức Mẹ Maria. Nhưng nếu có hỏi: từ Mân Côi có ý nghĩa gì để được gọi là Kinh Kính Mừng thì không mấy ai trả lời được. Ngoài ra tại sao Mân Côi lại gọi là Văn Khôi, Mai Khôi, Môi Khôi và tại sao người Công Giáo Việt Nam lại không hiểu rõ ý nghiã các từ này. Vấn nạn đặt ra như vậy nên bài nghiên cứu sẽ đề cập đến 3 vấn đề sau: (1) Kinh Mân Côi là gì ?. (2) Tai sao gọi là Kinh Mân Côi?. (3) Mân Côi, Mai Khôi, Môi Khôi, Văn Côi từ nào đúng?

1. KINH MÂN CÔI LÀ GÌ:

Theo định nghiã của các từ điển thần học Công Giáo, Kinh Mân Côi, tiếng La Tinh gọi là Rosarium, Anh ngữ là Rosary, Hán tự là 玫 瑰 涇, phát âm là [méiguijing], giọng Hán Việt đọc là Mai Côi Kinh. Đây là bộ kinh nguyện kính Đức Mẹ gồm 200 kinh chia làm từng chục. Mỗi chục gồm một kinh Lậy Cha,10 kinh Kính Mừng và một kinh Sáng Danh. Đồng thời mỗi chục kinh để tưởng nhớ một mầu nhiệm liên hệ đến Chúa Giêsu hay Đức Mẹ Maria. Như vậy kinh Mân Côi là kinh suy niệm 20 Mầu Nhiệm, được chia làm 4 Mầu Nhiệm chính mà đặc ngữ Công Giáo gọi là Mùa như Mầu Nhiệm Mùa Vui, Mầu Nhiệm Mùa Thương, Mầu Nhiệm Mùa Mừng, và Mầu Nhiệm Sự Sáng.

Mùa Vui suy tư sự kiện Chúa Giáng Sinh. Mùa Thương tưởng nhớ đến việc Chúa chịu chết trên Thập Giá. Mùa Mừng tưởng nhớ đến việc Chúa Phục Sinh. Mùa Sáng hay Mầu Nhiệm Sự Sáng mới có từ năm 2002 dưới thời ĐGH Gioan Phaolô II, dành để suy niệm cuộc đời Chúa Giêsu khi ra đi giảng đạo từ lúc chịu phép rửa trên sông Jordan tới khi Chúa lập phép bí tích Thánh Thể. Theo tài liệu thì Kinh Mân Côi do Đức Mẹ truyền dậy cho thánh Đa Minh và Giáo Hội cho chính thức phổ biến từ năm 1214.

2. TẠI SAO GỌI LÀ KINH MÂN CÔI.

Như chúng tôi đã nói, kinh mà giáo dân Việt Nam gọi là Kinh Mân Côi thì La ngữ gọi là Rosarium, Anh ngữ: Rosary, Hán ngữ là 玫 瑰 涇, phát âm là [méiguijing]. Tất cả những từ ngữ trên, dù là La ngữ, Anh ngữ, Hán tự hay Hán Việt đều có nghĩa là Kinh Hoa Hồng. Theo Công Giáo Báck Khoa Từ Điển, ấn bản Anh ngữ, sở dĩ gọi là Kinh Hoa Hồng là do tích truyện một thầy tu khi đọc kinh Kinh Mừng, Đức Mẹ đã lấy những nụ hoa hồng trên môi của thầy tu ấy kết thành vòng hoa đội lên đầu mình. Tiếng Anh gọi là Corona, Chaplet, Garland là Vòng Hoa Hồng hay Chuỗi Hạt, tương đương với ý nghĩa từ Rosarium của Latinh. Trong tiếng Anh cổ, từ BEAD có nghiã là Hạt, Hột và cũng có nghĩa là Kinh (Prayers). Do vậy tràng hạt tượng trưng cho tràng hoa hồng Đức Mẹ đội trên đầu nên được gọi là Tràng Mân Côi, Chuỗi Mân Côi, hay Chuỗi Môi Khôi. Thần Học Từ Điển của người Công Giáo Tàu gọi kinh này là 玫 瑰 涇 [méiguijing] tức Mai Côi Kinh có nghĩa là Kinh Hoa Hồng. Tóm lại, người Công Giáo Việt Nam dùng từ Mân Côi là do bắt chước người Tàu nhưng đọc theo giọng Hán Việt.

3. MÂN CÔI, MAI KHÔI, MÔI KHÔI, VĂN CÔI - TỪ NÀO ĐÚNG.

Trong số các từ Mân Côi, Mai Khôi, Môi Khôi, Văn Côi, người Công Giáo dùng nhiều nhất là từ Mân Côi. Như thế Mân Côi có phải là từ đúng nhất không? Chúng ta hãy xét các từ này qua từ điển của người không phải là Công Giáo và các từ điển hoặc sách vở của người Công Giáo.

3.1 Từ điển không phải của người Công Giáo:

3.1.1 - Việt Nam Từ Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức không có từ Mân Côi hay Mai Côi

3.1.2 - Đại Từ Điển Tiếng Việt của Bộ Giáo Dục Và Đào Tạo xuất bản năm 1999 tại Hà Nội không có từ Mân Côi, Mai Côi, Văn Côi

3.1.3 - Hán Việt Từ Điển của Đào Duy Anh định nghĩa: Mai Khôi 玫 瑰: Một thứ ngọc tốt và Mai Khôi Hoa 玫 瑰 花: hoa hồng. Ông không liệt kê từ Mân Côi hay Văn Côi.

3.1.4-Hán Vệt Từ Điển của cụ Thiều Chửu đinh nghiã Mai Côi 玫 瑰: (1) cây hoa Hồng. (2) thứ ngọc mầu đỏ.

3.1.5 - Từ Điển Hán Việt Hiện Đại của Tô Cẩm Duy do Văn Hóa Thông Tin xuất bản năm 2006 viết 玫 瑰 [méigui]: Hoa hồng, cây hoa hồng.

3.1.6 - Từ Điển Hán Việt của Ban Tu Thư Nghĩa Thục in năm 1999 định nghiã Mai Côi hay Mai Khôi 玫 瑰: hoa hồng. Từ điển này không có từ Mân Côi hay Văn Côi.

Tóm lại các từ điển trên đây chỉ giải thích từ Mai Khôi là hoa hồng chứ không giải thích Mai Khôi là chục kinh Kính Mừng.

3. 2. Từ điển hay kinh sách của người Công Giáo:

3.2.1 Cuốn sách Giáo Lý Công Giáo đầu tiên của Việt Nam là Thiên Chúa Thánh Giáo Khải Mông do nhà thừa sai Giêrônimo Mayorica soạn vào năm 1623 chưa biết tới từ Mân Côi hay Hay Tràng Hạt nên Ngài đã phiên âm tiếng Bồ Đào Nha Rô Sa Riô (Rosario) để chỉ kinh Mân Côi và Cô Rô Na (Corona) là tràng hạt

3.2.2. Tác phẩm Thánh Giáo Kinh Nguyện có kinh cầu Đức Bà bằng Hán Văn mà ta quen gọi là Kinh Cầu Chữ có 2 câu sau đây: (1) Huyền Nghiã Văn Côi. (2) Chí Thánh Văn Côi Chi Hậu. Đến năm 1924, các giáo sĩ san định lại kinh sách Công Giáo và dịch hai câu trên ra việt ngữ như sau:

- Huyền Nghĩa Văn Côi: Đức Bà Như Hoa Hường Mầu Nhiệm Vậy

- Chí Thánh Văn Côi Chi Hậu: Nữ Vương Truyền Phép Rất Thánh Mân Côi.

3.2.3 Dictionarium Anamitico Latinum của Đức Cha AJ. L. Taberd xuất bản năm 1838 không có từ Mân Côi, Văn Côi, Mai Khôi.

3. 2.4 Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của Huình Tịnh Paulus Của, ấn bản 1895-1896 có từ Môi Khôi và được định nghiã là (1) hoa hồng. (2) loài ngọc qúy. Ông ghi chú thêm phải đọc là Mai, không nên đọc là Môi. Tác giả là người Công Giáo nhưng không ghi thêm Môi Khôi hay Mai Côi là tên một kinh của Công Giáo.

3. 2.5 Thuật Ngữ Thần Học Anh Việt của Học Viện Đa Minh xuất bản năm 2002 định nghĩa Rosary là Chuỗi Mân Côi do tiếng Latin Rosarium: tràng hoa hồng

3. 2.6 Từ Điển Công Giáo Anh Việt của Nguyễn Đình Diễn định nghiã Rosay là Kinh Mân Côi. Tác giả chú thích thêm trong Việt ngữ, nguyên tự tiếng Hán, chính xác là Môi Côi: Hoa hồng, sau bị đọc nhầm (sic) ra nhiều biến thái khác thành quen như Vân Côi, Văn Côi, Môi Khôi, Mai Khôi.

3. 2.7 Từ Điển Văn Học Việt Nam của Lm Trần Văn Kiệm in năm 2007 định nghiã các từ Môi Khôi, Mân Côi, Môi Côi, Mai Khôi: Hoa Hồng.

3.3. Từ Nào Đúng?

3.3.1 Mai, Mân, Môi hay Văn từ nào đúng? Từ 玫 trong Hán tự phát âm là [mei]: Hán Việt đọc là Mai hay Mân nhưng Mai là từ đúng nhất. Từ điển của Đào Duy Anh, của Ban Tu Thư Nghiã Thục, của Huình Tịnh Paulus Của đều chỉ ghi từ Mai. Còn Mân hay Môi chỉ là cách phát âm khác, của Mai. Từ điển của LM Trần Văn Kiệm đều viết Mai hay Mân là 玫. Bô Khang Hy Tự Điển ghi Mai và Môi đồng âm. Ngoài ra theo Hán Việt Từ Điển Trích Dẫn thì thì Mân Côi hay Văn Côi được viết như nhau 玫瑰. Có nghiã là hoa hồng và đá ngọc. Từ điển này cũng viết dùng Văn Côi để chỉ sợi vân của ngọc.

Tóm lại theo các từ điển, từ Mai Côi là đúng nhất, các từ khác Mân, Môi, Văn chỉ là âm khác của Mai.

3.3.2 Côi và Khôi từ nào đúng? Theo nhiều từ điển như Hán Việt Từ Điển Trích Dẫn, Từ Điển Hán Việt của Ban Tu Thư Nghiã Thục, Từ Điển Văn Học của LM Trần Văn Kiệm từ 瑰 [gui] Hán Việt đọc là Côi có nghiã là ngọc, là đá qúy và Côi cũng được phát âm là Khôi

4. Kết Luận

Dựa trên các từ điển Hán Việt được trích dẫn trên, từ Mai Côi là đúng nhất. Các từ khác Mân Côi, Môi Côi, Môi Khôi hay Văn Khôi chỉ là âm khác của Mai và Côi. Hiện nay, đa số người Công Giáo Việt Nam dùng từ Mân Côi. Như vậy không thể nói như tác giả Nguyễn Đình Diễn rằng chỉ có một từ Môi Côi là đúng, còn các từ khác là đọc nhầm. Kinh sách Công Giáo lấy từ Mai Côi hay Mân Côi có nghiã là hoa hồng, không phải là ngọc qúy, để chỉ chục kinh Kính Mừng và một kinh Sáng Danh vì theo tích truyện nói ở trên, Đức Mẹ đã lấy những đoá hoa hồng trên miệng của một tu sĩ đang đọc kinh kính mừng kính Đức Mẹ để kết thành tràng hoa hay triều thiên đội trên đầu. Sở dĩ ít người hiểu được từ Mân Côi vì không ai nói hoa hồng là hoa mân côi. Chỉ có người Công Giáo dùng từ Mân Côi hay tràng hoa Mân Côi với ý nghiã bóng chỉ kinh kính Đức Mẹ.

Tác giả: Nguyễn Long Thao