Ngày 11-09-2016
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Suy niệm lễ Suy Tôn Thánh Giá
Lm. Anthony Trung Thành
08:13 11/09/2016
Suy Niệm LỄ SUY TÔN THÁNH GIÁ

Ngày 14/9

Đau khổ hay Thập giá là một sự thật luôn theo đuổi con người dưới nhiều hình thức khác nhau. Đau khổ do bệnh tật; đau khổ do sự nghèo đói; đau khổ do những thất bại trong cuộc sống ; đau khổ do sự bách hại vì đạo; đau khổ do chiến tranh, mất mùa, lụt bão; đau khổ do sự chia ly; đau khổ do sự hiểu nhầm nhau...Đau khổ đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau: do tội nguyên tổi; do con người gây nên cho mình; do con người gây nên cho nhau; do vũ trụ bất toàn; do Thiên Chúa gửi đến để thử thách và thanh luyện con người.

Khi đối diện với đau khổ, có nhiều thái độ khác nhau:

Thứ nhất, có những người đón nhận đau khổ một cách tự nguyện. Đó là thái độ của Đức Giêsu. Ngài chấp nhận đau khổ để vâng lời Thiên Chúa Cha và để cứu độ nhân loại. Thật thế, Ngài sinh ra trong cảnh thiếu thốn, sống trong một gia đình nghèo đói, đi rao giảng Tin mừng trong sự thiếu thốn, bị nhiều người chống đối, bị bỏ vạ, bị cáo gian, bị coi như là một tội nhân. Cuối cùng, Ngài bị bắt, bị đánh đập, chịu vác thập giá và đóng đinh trên thập giá như một tội nhân. Thánh Phaolô cho chúng ta biết: “Người đã tự hạ mình mà vâng lời cho đến chết, và chết trên thập giá” (Pl 2,8). Nhờ thế, “Thiên Chúa đã tôn vinh Người, và ban cho Người một danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu, để khi nghe tên Giêsu, mọi loài trên trời dưới đất và trong địa ngục phải quỳ gối xuống, và mọi miệng lưỡi phải tuyên xưng Đức Giêsu Kitô là Chúa, để Thiên Chúa Cha được vinh quang” (Pl 2,9-11). Như vậy, Đức Giêsu đã biến đau khổ thành nguồn ơn cứu chuộc, đã biến Thập giá thành Thánh giá. Từ đó tới nay, biết bao nhiêu người cũng đón nhận thập giá như Đức Giêsu. Đó là trường hợp của các Thánh Tử Đạo, đón nhận thập giá một cách tự nguyện vì yêu mến Chúa, chấp nhận thập giá để trung thành với Chúa. Đó là những người cha người mẹ đã chấp nhận thập giá vì yêu thương con cái. Đó là những người chồng, người vợ sẵn sàng chấp nhận thập giá vì yêu thương nhau. Đó là những người tự nguyện chấp nhận thập giá, kể cả cái chết vì yêu thương tha nhân, như trường hợp của Thánh Maximilian Kolbe (1894-1941), đã chết thay cho một tử tù vì anh ta còn vợ trẻ con thơ. Đó là những người chấp nhận hy sinh cả cuộc đời vì những người nghèo khổ, những người bị bỏ rơi trong xã hội như gương của Mẹ Thánh Têrêxa Calculta.

Thứ hai, có những người đón nhận đau khổ để đền bù tội lỗi của mình. Đó là thái độ của kẻ trộm lành: theo Phúc Âm, Đức Giêsu chịu đóng đinh trên Thánh giá với hai kẻ trộm: một người bên phải và một người bên tả. Người bên phải được gọi là kẻ trộm lành. Bởi vì, ông đã nhận ra Đức Giêsu là Thiên Chúa và ông cũng nhận ra tội lỗi của mình. Ông đã vui lòng chấp nhận đau khổ để đền bù tội lỗi của ông. Trong lịch sử Giáo Hội, biết bao nhiêu người cũng đã chấp nhận đau khổ để đền bù tội lỗi của mình. Chúng ta cũng có thể hy sinh hãm mình, ăn chay cầu nguyện, làm việc bác ái...để đền bù tội lỗi của chúng ta.

Thứ ba, có những người đứng trước đau khổ thì phàn nàn kêu trách Chúa và tha nhân. Đó là thái độ của kẻ trộm bị đóng đinh bên tả Đức Giêsu. Ông không chấp nhận đau khổ. Ông phàn nàn kêu trách Chúa và oán trách mọi người. Đó cũng là thái độ của rất nhiều người trong chúng ta, nhất là những người không có niềm tin. Họ không chấp nhận đau khổ. Họ oán trách Trời. Họ oán trách người. Họ chán nản, thất vọng. Vì vậy, họ thường tìm đến cái chết như là con đường để giải thoát đau khổ.

Chúng ta thì sao? Chúng ta không thể trốn tránh đau khổ. Vì, đau khổ như là một thành phần của cuộc sống. Chỉ còn cách là chúng ta phải đón nhận đau khổ. Nhưng chúng ta phải đón nhận với thái độ như thế nào? Đón nhận đau khổ vì lòng mến Chúa; đón nhận đau khổ vì yêu mến tha nhân; đón nhận đau khổ để đền bù tội lỗi của chúng ta. Ông Gióp nói: “Chúng ta đón nhận điều lành từ Thiên Chúa, còn điều dữ, lại không biết đón nhận sao?”(Gb 2,10). Hơn nữa, chấp nhận đau khổ, vác thập giá là điều kiện để theo Đức Giêsu. Chính Ngài đã nói: “Ai muốn theo Ta, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Lc 9,23).

Nói thì dễ, nhưng để chấp nhận và vượt qua đau khổ không dễ chút nào, nhất là những đau khổ đó lại do chính người thân gây ra, những đau khổ kéo dài trong cuộc sống của chúng ta. Nên chấp nhận và vượt qua đau khổ, chúng ta cần phải cố gắng, cần phải cầu nguyện xin Chúa ban ơn giúp sức, cần phải noi gương các Thánh Tử Đạo, cần phải suy ngắm Thánh Giá Chúa mỗi ngày.

Lần kia, tôi đi xức dầu cho một bệnh nhân. Đó là một cụ bà 80 tuổi, bị bệnh bất toại đã gần 9 năm nay. Mặc dầu mang chứng bệnh nan y, nhưng tôi thấy gương mặt cụ rất bình thản. Sau khi lãnh nhận các Bí tích, cụ cầm lấy cây Thánh Giá ở đầu giường và nói với tôi: “Xin Cha cầu nguyện cho con để con tiếp tục có sức chịu đựng và vượt qua đau khổ để trung thành với Chúa cho đến chết. Trong suốt thời gian gần 9 năm qua, bệnh tật làm con đau đớn lắm, nhưng nhờ suy ngắm sự đau khổ của Đức Giêsu trên cây Thánh giá này mà con có sức để vượt qua những đau khổ đó.”

Chúng ta hãy noi gương bà cụ trong câu chuyện trên đây, luôn suy ngắm Thánh Giá Chúa để có động lực giúp chúng ta chấp nhận và vượt qua những đau khổ trong cuộc sống hằng ngày.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa không từ chối thập giá, nhưng đã biến thập giá thành nguồn ơn cứu độ nhân loại. Xin cho mỗi người chúng con biết đón nhận thập giá trong cuộc sống để nên giống Chúa mỗi ngày. Amen.

Lm. Anthony Trung Thành
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:25 11/09/2016
17. MẶT NHƯ DA ỦNG.
Năm đầu của bắc Tống, Điền Nguyên nhậm chức tam vụ sứ, làm chủ quản tài phú, do đó đệ tử quyền quý và người thân quen biết đến nhờ ông ta rất nhiều chuyện.
Ông ta rất chán, nhưng cũng không muốn bôi mặt để nghiêm mặt từ chối, nên thường là giả vờ làm bộ vui vẻ để đối đãi với mọi người.
Một hôm, ông ta nói với một người nọ:
- “Đảm nhiệm tam vụ sứ đã mấy năm, cái cảnh gượng gạo làm bộ mặt vui vẻ quá nhiều, cho nên khi tôi cười thì quả thật các vết nhăn trên mặt đã làm cho mặt của tôi giống như da của đôi giày ủng.”
(Quy Điền lục)

Suy tư 17:
Ở đời có người hay lợi dụng lòng thương người của người khác để làm lợi cho mình, thấy người ta có lòng tốt với mình thì cứ “giả nai” để lợi dụng họ.
Ở đời cũng có những người vì nể nang mà mang “mặt dày” vô ra nơi công sở, nhưng trong lòng thì thật chán ngán cái sự đời.
Ở đời cũng có những người chỉ biết quyền lợi của cá nhân, của gia đình mà làm bộ mặt chai lì trước những lời phê phán của mọi người.
Ở đời có những người chỉ biết chỉ trích và phê phán người khác, mà không bao giờ nhìn thấy những sai trái của mình đang làm cho người khác phải tử đạo trong lòng.
Đức Chúa Giê-su rất yêu thương chúng ta, Ngài chỉ muốn chúng ta mỗi người phải trở nên những môn đồ đích thực của Ngài, đó chính là học với Ngài cách ứng xử khôn ngoan: “Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta, vì Luật Môi-sê và lời các ngôn sứ là thế đó.”

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

---------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:28 11/09/2016

4. Dù cho Đức Chúa Giê-su chỉ vì yêu chúng ta mà đem mình trao cho chúng ta, như vậy khi rước lễ, thì chúng ta cũng phải vì yêu mà rước lễ. (Thánh Francis de Sales)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức"

---------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Tích trữ của cải thiêng liêng
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
21:33 11/09/2016
Chúa Nhật XXV THƯỜNG NIÊN, năm C
Lc 16, 1-13

TÍCH TRỮ CỦA CẢI THIÊNG LIÊNG

Con người sinh ra phải đấu tranh để sinh tồn.Của cải vật chất : cơm, áo, gạo, tiền luôn là vấn đề nhức nhối đối với con người.Tuy nhiên, khi làm ăn để sinh sống, không phải bất cứ cách làm nào con người cũng được làm, nhưng nó đòi hỏi con người phải làm ăn lương thiện, xứng với phẩm giá con người, đúng theo tiếng gọi của lương tâm, chứ không phải bất cứ phương thế nào cũng được dùng, cũng được thực hiện bất chấp đạo đức, bất chấp lương tâm.

Đọc Tin Mừng của Chúa Giêsu, chúng ta nhận ra điều này :” Chúa Giêsu là Đấng giầu lòng thương xót luôn yêu thương, cứu vớt con người. Ngài đến để cứu sống, chứ không phải để hủy diệt, để giết chết, Ngài đã ban cho con người nhiều ơn phần hồn phần xác, để ở đời này con người làm lợi cho đời sau, làm lợi cho mình và cho nhiều người được hưởng sự sống đời đời “. Thường Chúa Giêsu dùng các dụ ngôn để dạy con người, để dạy chúng ta.Các dụ ngôn là những câu chuyện thực tế, gây ấn tượng, Chúa dùng giáo huấn con người, thức tỉnh lòng người để con người được sống tốt hơn, đẹp hơn, biết dùng cơ hội, dịp thuận tiện, sám hối ăn năn, thay đổi cuộc sống để sẵn sàng đón Chúa như năm cô trinh nữ khôn ngoan mang đèn mà lại mang cả dầu dự trữ theo. Câu chuyện Chúa Giêsu đưa ra để dạy nhân loại, dạy chúng ta là dụ ngôn về người quản lý bất lương, người này đã khôn khéo theo ý trần gian, để bớt nợ cho những người đã nợ ông chủ của y, hầu khi y bị thôi việc thì họ sẽ giúp đỡ y. Chúa bảo người quản lý đó bất lương thật, nhưng rất khôn khéo, biết lo cho tương lai của mình…Người đời thường khôn lỏi, khôn ranh, khôn mãnh, biết dồn toàn ý, toàn lực để lo cho cuộc sống chóng qua này, còn chúng ta là con cái Thiên Chúa lại không biết dùng ơn Chúa ban để làm lợi cho phần rỗi linh hồn của mình sao ? Chúa không bao giờ đồng lõa với tội, bởi Chúa là Đấng tuyệt đối thánh, Chúa luôn yêu thương con người tội lỗi và mong chờ họ quay trở lại…Chúa không bảo chúng ta bắt chước tính liên lẹo của tên quản lý bất lương, gian tham, ham tiền, ham của, nhưng Ngài khuyên chúng ta khôn khéo dùng ơn Chúa ban ở đời này để làm lợi cho phần rỗi ngày sau…Chúa dạy các môn đệ, dạy nhân loại, dạy chúng ta phải biết dùng tiền của mau qua để lo cho phần rỗi của mình. Tiền của nay còn mai mất, nhưng Chúa nói không được phung phí, không được dùng nó để làm những việc bất chính, dùng nó để làm những việc không tốt để thỏa mãn tính hư, nết xấu của chúng ta, nhưng phải khôn khéo dùng nó, để nó giúp chúng ta khôn khéo quản lý tốt những ơn huệ thiêng liêng Thiên Chúa trao ban. Chúa dạy không được để tiền của sai khiến con người, làm cho con người làm việc tội việc ác, đi vào những tệ nạn xã hội, xa cách Chúa, làm cho con người mất linh hồn, mất Thiên Đàng vv…bởi vì chúng ta không thể làm tôi tiền của và làm tôi Thiên Chúa được.

Hạng Biệt phái, Pharisiêu, Kinh sư vốn ham tiền, ham của, nên nghe Chúa nói như thế thì họ cười nhạo Chúa, Ngài liền nói cho họ biết họ là những hạng giả hình, ham tiền bạc, của cải, địa vị, danh vọng mau qua ở đời này. Tiền của, địa vị, danh vọng đối với Chúa không là gì, nhưng đối với biệt phái, Pharisiêu lại ham mê quý trọng, do đó, họ không thể vào được Nước trời vì họ bám víu lấy vật chất đời này hơn sẵn sàng đón nhận, mau mắn bước qua cửa hẹp…Vâng, tiền của quí thật nhưng nó không phải là mục đích, là cứu cánh của con người. Nó chỉ là phương tiện giúp con người đạt được cùng đích, đạt được cứu cánh của đời mình là hạnh phúc Nước trời, đạt được Thiên Đàng.Tiền bạc, của cải là những phương tiện Chúa ban để con người quản lý chúng đúng theo ý Chúa muốn, như người quản lý luôn làm theo ý chủ của mình. Đầy tớ nào làm theo ý chủ sẽ được khen thưởng, kẻ nào làm ngược lại sẽ bị quở trách, sẽ bị phạt vv…

Người quản lý, quản gia khôn ngoan và trung tín phải là người biết nhạy cảm, bén nhạy ,làm lợi, sinh lời những giá trị vĩnh cửu, sự sống mới, sự sống đời đời để mai sau chính những giá trị ấy sẽ giúp người quản lý khôn ngoan và trung thành vào Nước Thiên Chúa hưởng sự sống đời đời.

Lạy Chúa Giêsu, tiền tài, địa vị, danh vọng nhiều lần, nhiều lúc đã làm cho chúng con mê muội chạy theo. Xin Chúa ban cho chúng con ơn khôn ngoan và trung tin để chúng con nhất quyết chọn Chúa, là hạnh phúc đời đời cho phần rỗi chúng con.Amen.

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :

1.Người quản lý bất lương đã làm gì ?
2.Chúa dạy chúng ta điều gì qua câu chuyện người quản lý bất lương ?
3.Người quản lý theo ý Chúa phải là người thế nào ?
4.Người Biệt phái khi nghe Chúa nói về dụ ngôn này đã có thái độ nào ?
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Video Đức Thánh Cha tiếp kiến chung nhân dịp Năm Thánh: 10-9-2016
VietCatholic Network
07:01 11/09/2016

Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây

Hôm nay thứ Tư Bảy lúc 9 giờ sáng ngày 10 /9, rong buổi tiếp kiến 30 ngàn tín hữu hành hương sáng ngày 10-9-2016, ĐTC phê bình ảo tưởng của nhiều người ngày nay, tưởng rằng mình có thể được giải thoát nhờ sức riêng của mình. Đây là buổi tiếp kiến chung đặc biệt trong Năm Thánh mỗi tháng một lần vào một buổi sáng thứ bẩy. Trong bài huấn giáo, ĐTC đã nói về đề tài ”Lòng thương xót và ơn cứu chuộc, dựa trên thư thứ I của thánh Phêrô, đoạn 1 (1,18-21): Thiên Chúa cứu chuộc chúng ta trong máu của Chúa Giêsu Con của Ngài.

Dường như con người ngày nay không thích nghĩ mình được giải thoát và cứu độ nhờ sự can thiệp của Thiên Chúa; họ có ảo tưởng về tự do của mình như sức mạnh để đạt được mọi sự. Nhưng thực tế không phải như vậy. Bao nhiêu ảo tưởng đã được bán đi dưới danh nghĩa tự do và bao nhiêu thứ nô lệ mới người ta tạo nên ngày nay nhân danh một thứ tự do giả tạo! Chúng ta cần Thiên Chúa Đấng giải thoát chúng ta khỏi mọi hình thức dửng dưng, ích kỷ và tự mãn”.

ĐTC xác quyết rằng: “Nhờ sự chết và phục sinh của Ngài, Chúa Giêsu Kitô, Con Chiên không vết tỳ ố, đã chiến thắng sự chết và tội lỗi để giải thoát chúng ta khỏi sự thống trị của chúng. Người là Con Chiên đã bị sát tế vì chúng ta, để chúng ta có thể đươc một cuộc sống mới với ơn tha thứ, yêu thương và vui mừng”.

ĐTC cũng nhận xét rằng ”Chắc hẳn cuộc sống đặt chúng ta trước thử thách và nhiều khi chúng ta đau khổ vì những thử thách ấy. Nhưng trong những lúc đó, chúng ta được mời gọi hướng nhìn Chúa Giêsu chịu đóng đanh, Người đang chịu đau khổ vì chúng ta và với chúng ta, như bằng chứng chắc chắn Thiên Chúa không bỏ rơi chúng ta. Dầu sao chúng ta không bao giờ được quên rằng trong lo âu và bách hại, cũng như trong những đau khổ hằng ngày, chúng ta luôn được giải thoát nhờ bàn tay thương xót của Thiên Chúa, Đấng nâng chúng ta lên cùng Người và dẫn chúng ta đến một đời sống mới”.

ĐTC cũng nhắc nhở rằng: ”Tình thương của Thiên Chúa thật là vô biên: chúng ta có thể khám phá những dấu hiệu luôn mới mẻ chỉ cho chúng ta thấy sự quan tâm của Chúa đối với chúng ta, và nhất là ý Chúa muốn đến với chúng ta và đi trước chúng ta. Toàn thể cuộc sống của chúng ta, tuy bị mong manh vì tội lỗi, vẫn được đặt dưới cái nhìn của Thiên Chúa, Đấng yêu thương chúng ta”
 
Mẹ Têrêsa: về ơn gọi, tôi thuộc thế giới
Vũ Văn An
18:52 11/09/2016

Mẹ Têrêsa thành Calcutta là ai? Chính Mẹ đã cho biết lý lịch của Mẹ như sau: “về dòng máu, tôi là người Albani. Về tư cách công dân, tôi là người Ấn Độ. Về đức tin, tôi là một nữ tu Công Giáo. Còn về ơn gọi, tôi thuộc thế giới. Về trái tim tôi, tôi hoàn toàn thuộc về Trái Tim Chúa Giêsu”. Trước khi được Đức Giáo Hoàng Phanxicô phong thánh vào ngày 4 tháng 9 vừa qua, Mẹ đã được hoan hô như một vị thánh không chỉ bởi các Kitô hữu mà còn bởi nhiều người thuộc các tôn giáo khác.

Sinh ngày 26 tháng 8, năm 1910, tại Spokje thuộc Macedonia hiện nay, được cha mẹ người Albani đặt tên là Agnes Gonxha Bojaxhiu‎, Mẹ Têrêsa tới thành phố Kolkata, miền tây Ấn Độ, trước đây gọi là Calcutta, năm 1929, như một nhà truyền giáo của Dòng Loreto. Sau đó, năm 1950, với điều được Mẹ mô tả là “ơn gọi trong một ơn gọi”, Mẹ sáng lập ra Dòng Truyền Giáo Bác Ái để phục vụ Chúa Giêsu “ngụy trang” dưới “lốt” những con người nghèo nhất trong số các người nghèo. Một năm sau, Mẹ được nhập quốc tịch Ấn Độ. Tổng cộng, Mẹ nhận lãnh 124 bằng danh dự cả quốc gia lẫn quốc tế vì các việc thương người của Mẹ, trong đó, có giải Nobel Hòa Bình năm 1979. Mẹ qua đời ngày 5 tháng 9 năm 1997, thượng thọ 87 tuổi và được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phong chân phước ngày 19 tháng 10 năm 2003.

Mẹ Têrêsa thường nhận lời mời nói chuyện để lôi cuốn chú ý của thế giới đối với số phận người nghèo và người thiếu thốn. Sau đây là cuộc phỏng vấn Mẹ của Anto Akkara, một nhà tranh đấu nhân quyền người Ấn Độ và là một ký giả quốc tế. Cuộc phỏng vấn này diễn ra ngày 17 tháng 11 năm 1995 tại Trung Tâm Nirmala Sishu Bhavan của Dòng Truyền Giáo Bác Ái tại New Delhi.

Anto Akkara: Thưa Mẹ, Mẹ nói ngôn ngữ nào?

Mother Teresa: Tiếng Albani. Nhưng, tôi cũng thông thạo tiếng Bengan (ngôn ngữ của Calcutta) và tiếng Anh.

AA: Ngay bây giờ, Mẹ cảm nhận ra sao: Mẹ là người Ấn hay người Albani?

MT: Tôi là tất cả. Mọi quốc gia tôi đều yêu mến và tôi là một đứa con của Thiên Chúa để yêu thương mọi con người.

AA: Thành thử, Mẹ không có quốc tịch nào?

MT: Tôi có thông hành ngoại giao của Ấn Độ, tôi có thông hành ngoại giao của Albani. Tôi có thông hành Vatican và Hoa Kỳ, tôi có thể tới bất cứ khi nào. Mỗi lần tôi xin chiếu khán, họ (Hoa Kỳ) đều cấp cho tôi 5 năm. Tôi chưa bao giờ gặp vấn đề xin chiếu khán tới bất cứ quốc gia nào.

AA: Khi Mẹ khởi đầu Hội Dòng của Mẹ, mẹ có bao giờ nghĩ nó sẽ lớn mạnh như hôm nay không?

MT: ‎À, như mọi người đều biết. Hiện nay chúng tôi có mặt tại 126 quốc gia. Chúng tôi có 561 nhà, người ta gọi là nhà tạm, và hơn 4,600 nữ tu. Chỉ để phục vụ những người nghèo nhất của người nghèo. Chúng tôi được chờ mong và chúng tôi bênh vực cho những người không có gì cả, những con cái thiếu thốn của Thiên Chúa.

(Ngày nay, Dòng Truyền Giáo Bác Ái có mặt ở 139 quốc gia với 758 “nhà tạm” và 5,160 nữ tu).

AA: Đâu là động lực mọi việc làm của Mẹ? Nó có phải là động lực tôn giáo cực đoan như các nhà phê bình nói hay không?

MT: ‎Chúa Giêsu nói rất rõ trong Tin Mừng: “bất cứ các con làm gì, các con hãy làm cho những người bé nhỏ nhất trong các anh em của Ta”. Rõ chứ? Đây là việc làm của Chúa Giêsu. Rồi Chúa Giêsu còn nói “Hãy đến, hỡi những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy nhận chỗ ngồi đã dọn sẵn cho các con trong Nước Chúa, vì khi Ta đói, các con đã cho Ta ăn, Ta khát các con đã cho Ta uống, Ta trần truồng các con đã mặc cho Ta, Ta không nhà các con đã cho ta ở nhờ và Ta bệnh hoạn, các con đã thăm viếng Ta”. Và chúng tôi chỉ làm các việc đó. Các thầy, các cha, các chị dòng, mọi người chúng tôi trong Dòng Truyền Giáo Bác Ái đều cùng làm những việc y hệt. Mọi người chúng ta đều được Thiên Chúa dựng nên để yêu thương và được yêu thương. Chúng tôi can dự vào việc làm này. Khi ông làm chuyện này, niềm vui, sự hợp nhất và tình yêu sẽ hiện diện.

AA: Đang có những lời tố cáo cho rằng Mẹ đã nhận ngân khoản cũng như giải thưởng từ những nhân vật có tư cách đáng hoài nghi. Mẹ có kiểm chứng tư cách của người tặng dữ trước khi tiếp nhận bất cứ điều gì không?

MT: ‎Không nên nghi vấn gì cả. Chúng tôi đã khấn hứa sẽ toàn tâm toàn trí cho người nghèo mọi sự. Nhận được của chính phủ hay người khác bất cứ điều gì, dù là một đồng Ấn Độ, chúng tôi cũng trao nó cho người nghèo. Phục vụ hoàn toàn miễn phí. Chúng tôi không lấy lương. Khi ai đó nói họ xuất thân từ một gia đình Công Giáo tốt và cho hay họ muốn giúp đỡ chúng tôi, tại sao chúng tôi phải bác bỏ thiện chí của họ?...

AA: Gần đây, một trưởng tu viện Ấn Độ Giáo lên tiếng tố cáo rằng mục đích tối hậu việc "manav seva" (phục vụ nhân loại) của Mẹ là cải đạo. Mẹ trả lời việc tố cáo này ra sao?

MT: ‎Câu trả lời của tôi là: Xin Chúa tha thứ cho họ tất cả. Vì họ không biết họ nói gì. Tôi vốn nói với mọi người rằng điều chúng tôi đang làm là vì tình yêu Thiên Chúa và các việc làm của tình yêu là luôn biết tiếp nhận và kính trọng người khác. Các việc làm của tình yêu đều là việc làm của hòa bình. Trong nhà của chúng tôi (cho người hấp hối tại Kali Ghat) ở Calcutta, có một sự bình an, hợp nhất và thương yêu lớn lao. Nhiều gia đình Ấn Giáo liên tục mang thực phẩm, quần áo tới nhà chúng tôi cho người sắp qua đời. Đây là một nghĩa cử yêu thương. Tôi không yêu cầu họ làm thế. Họ chỉ mới nghe nói về điều tôi đang làm và đã tới (để giúp đỡ). Chắc hẳn họ đã thấy công việc đẹp đẽ đang được thực hiện ở đây. Rất nhiều người (đến với Mẹ làm thiện nguyện viên) đã tìm thấy bình an, niềm vui và hợp nhất trong gia đình họ qua việc giúp đỡ người nghèo. Bất cứ ai giúp đỡ người nghèo đều được hân hoan. Thành thử, lẽ dĩ nhiên, các nhà phê phán không được vui lòng lắm đối với chúng tôi.

AA: Thế còn lời tố cáo cải đạo?

MT: ‎Không ai có thể làm cho ông trở lại, ngoại trừ Thiên Chúa. Cho dù tôi có muốn, tôi cũng không thể làm cho ông tạ lỗi với Thiên Chúa. Càng không thể nói tôi có thể tạo nên một người Công Giáo hay một người Thệ Phản. Không ai có thể thay đổi tôn giáo của ông trừ khi chính ông muốn và Thiên Chúa ban ơn cho ông. Đây là việc giữa ông và Thiên Chúa mà thôi. Không ai có thể thúc bách ông. Chúng tôi lượm những người hấp hối thân xác đầy giòi bọ từ đường phố. Chúng tôi đã lượm hơn 40,000 người như thế. Nếu tôi nâng những người như thế lên, lau lọt cho họ, thương yêu họ và phục vụ họ, điều ấy là cải đạo sao? Họ từng sống như một con vật ở đường phố còn tôi thì cho họ tình thương và họ chết bình an. Bình an này xuất phát từ trái tim họ. Điều này diễn ra giữa họ và Thiên Chúa. Không ai can thiệp vào đó cả. Dù tôi có muốn chăng nữa, tôi cũng chẳng thể làm được gì. Khi họ chết, chúng tôi luôn cho mời người đồng đạo của họ tới. Người Hồi Giáo nhận xác người Hồi Giáo, mang đi chôn, người Ấn Giáo đến và lãnh người chết mang đi hỏa táng và người Kitô hữu đến và chôn cất người chết của họ. Tôi quả có thực hiện những cuộc trở lại, nếu trở lại có nghĩa thực sự quay đầu lại với Thiên Chúa, để có một trái tim trong sạch và yêu mến Thiên Chúa. Đó là việc trở lại thực sự.

AA: Các nhà phê bình tố cáo các vụ rửa tội bí mật tại các nhà của Mẹ. Có đúng không?

MT: ‎Không, không hề có. Đối với những người kể những câu truyện không đúng sự thật đó, tôi chỉ nói xin Thiên Chúa tha thứ cho tất cả những người này. Tôi thấy thương hại cho họ vì họ tự gây hại cho họ rất nhiều. Nếu một người Ấn Giáo muốn tìm thấy đường lối Thiên Chúa, ông ta có quyền tới với bất cứ linh mục, nữ tu hay bất cứ ai khác. Nếu ông là người Công Giáo, và một ai khác đến với ông xin hướng dẫn, lẽ dĩ nhiên ông sẽ lập tức dẫn họ tới với một người nào đó có khả năng chỉ cho họ thấy tình yêu của Thiên Chúa. Trở lại đạo không phải chỉ là việc thay đổi đức tin. Trở lại là thay đổi trái tim và cộng tác với ơn thánh Thiên Chúa. Chỉ sau đó, mới có chuyện thay đổi niềm tin. Không ai có thể thúc bách ông, dù là các tiên tri thánh thiện.

AA: Mẹ có lãnh vực nào mới để Hội Dòng của Mẹ đi vào không?

MT: ‎Tôi không nghĩ chúng tôi có thể làm bất cứ điều gì hơn là những điều chúng tôi hiện đang làm. Chúng tôi từng lượm những người đầy giòi bọ từ đường phố, chăm sóc họ và giúp họ chết trong bình an và yêu thương. Khi họ được đưa về nhà chúng tôi, họ cảm thấy như họ ở nhà mình, với gia đình mình. Bây giờ, tôi đang cố gắng mở một nhà cho các nạn nhân AIDS ở đây (New Delhi). Người ta đang chết vì nó.

AA: Tôi nghe hồi tháng 9, Mẹ nói với các giáo sĩ Công Giáo đặc trách mục vụ nhà tù rằng “săn sóc các người đàn ông và đàn bà trong tù là một điều đẹp đẽ đối với Thiên Chúa”. Mẹ có đang dự tính sẽ đi vào thừa tác vụ nhà tù hay không?

MT: ‎Chúng tôi vốn đang chăm sóc những người trong nhà tù. Một trăm mười nữ tù nhân thường phạm hiện ở với chúng tôi tại Shantidhan (nhà bình an). Và không lâu sau, 22 trẻ trai cũng từ nhà tù đến ở với chúng tôi. Các nam tu sĩ của chúng tôi sẽ chăm sóc họ. Chính Phủ Tây Bengan đã quyết định không nên để các tù thường phạm ở trong những nơi như thế và đã yêu cầu chúng tôi chăm sóc họ. Họ nên được ở trong một bầu khí yêu thương. Họ cần được yêu thương.

AA: Mẹ đặt trụ sở ở Calcutta là nơi do người Mácxít cai trị gần hai thập niên qua. Mẹ có gặp bất cứ khó khăn nào với chính quyền Mácxít của Tây Bengan do thủ hiến Jyoti Basu điều hành không?

MT: ‎Chúng tôi không gặp bất cứ trục trặc nào từ phía họ. Jyoti Basu rất tốt đối với chúng tôi. Ông ta là người từng nói với tôi “thưa Mẹ, xin Mẹ làm một điều gì đó cho các nữ tù nhân này. Ông hay giúp đỡ và luôn luôn có đó cho chúng tôi trên điện thoại. Chúng tôi cũng không gặp bất cứ khó khăn nào khi muốn gặp ông ta.

AA: Có đúng là Mẹ sẽ mở một nhà ở Bắc Kinh không?

MT: ‎Đúng, tôi đã tới Bắc Kinh và chúng tôi sẽ mở một nhà ở đó khoảng Lễ Phục Sinh. (Giấc mơ này của Mẹ vẫn chưa được thực hiện).

AA: Chủ trương của Mẹ ra sao về phá thai?

MT: Tôi luôn luôn nói rằng “Nếu qúy bà sợ chúng (các trẻ chưa sinh) thì hãy trao chúng cho tôi. Làm ơn, đừng giết chúng”. Chúng tôi đang chống phá thai bằng cách nhận con nuôi. Riêng ở Calcutta mà thôi, chúng tôi đã cho hơn 1,000 trẻ em làm con nuôi. Tôi không thể tính chúng tôi nhận được bao nhiêu trẻ sơ sinh mỗi năm. Nhưng chúng tôi chưa bao giờ từ chối em nào. Em nào cũng được chào đón tận tình.

AA: Các nhà tranh đấu trong Giáo Hội nói rằng Mẹ gây ra cảnh nghèo bằng các hành vi bác ái của mình, chứ không chấm dứt nó. Mẹ nghĩ gì về việc thử nghiệm phương thức giải phóng để cải thiện các hệ thống bóc lột?

MT: ‎Làm thế nào tôi có thể hành động một cách phi bản vị được?Khi một người đàn ông chết ở ngoài phố vì thiếu ăn, làm thế nào tôi làm ngơ ông ta được? Khi tôi thấy một người đói lả hay trần truồng ở ngoài phố, tôi không thể bước qua khỏi ông. Tôi nghĩ không một con người nhân bản nào có thể làm được điều đó. Có nhiều người khác đảm nhiệm vai trò giải phóng. Tôi không có thì giờ dành cho phương thức ấy. Tôi bận bịu với công việc của mình. Con đường tôi đi khá rõ ràng. Tôi thấy một ai đó hấp hối, tôi phải nâng họ dậy. Tôi thấy ai đói, tôi phải cho họ thức ăn. Họ có thể yêu thương và được yêu thương. Tôi không nhìn mầu da của họ, tôi không nhìn tôn giáo của họ. Tôi không nhìn điều gì cả. Mọi người, bất kể theo Ấn Giáo, Hồi Giáo hay Phật Giáo, đều là anh em tôi, đều là chị em tôi. Tôi nghĩ tất cả chúng ta đều làm vậy.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Tết Trung Thu: cho niềm vui tuổi thơ được trọn vẹn
Tô Tịnh
06:00 11/09/2016
Tết Trung Thu: cho niềm vui tuổi thơ được trọn vẹn (Tô Tịnh)
Xem hinh do Thanh Hùng chụp
Hàng năm Lễ hội Trung Thu tại St Margaret Mary’s Brunswick đã trở thành “Ngày Giới Trẻ” cho toàn giáo xứ, nơi có những cộng đoàn người Úc, Ý và Việt Nam. Vào ngày Trung Thu, giáo xứ và Trường Thiên Ân cũng như đoàn Thanh Thiếu Niên Salesian cùng nhau tổ chức lễ hội này vào ngày cuối của học kỳ thứ ba hàng năm…
Năm nay lễ hội rơi vào Chúa Nhật 11/9/2016. Cả tháng trước phụ huynh đã gây quỹ bằng bán bánh Trung Thu; còn các huynh trưởng SYC (Saleisan Youth Club) cũng như học sinh trường Thiên Ân thì tập văn nghệ…
Ngày lễ hội được bắt đầu với thánh lễ trẻ do các em thiếu nhi hát và phục vụ Thánh lễ… Sau thánh lễ là Múa Lân, một đoàn múa của Phật tử được thuê tới múa cho trẻ em và người lớn thưởng lãm… Sau đó đoàn Lân đã dẫn đầu vào hội trường, nơi đây một chương trình văn nghệ với nhiều tiết mục ca múa do chính các em trình diễn... Sau một giờ trình diễn tất cả cùng chia sẻ bánh mì thịt và nước uống trước khi các em được phát lồng đèn… Cha mẹ giúp các em sửa soạn đèn nến và thu dẹp ghế trong hội trường rồi cùng các em vui hát rước đèn Trung thu trước khi các em ra về với một gói bánh kẹo làm quà…
Hàng năm mọi thành phần trong giáo xứ cố gắng tổ chức lễ hội này với ước mong tạo cho tâm hồn trẻ thơ và thiếu nhi một niềm vui trọn vẹn về lễ hội Trung Thu…
 
5 Giám Mục Việt Nam tham dự khóa bồi dưỡng ở Roma
Lm. Trần Đức Anh OP
07:27 11/09/2016
ROMA. 5 Giám Mục Việt Nam thuộc vào số 94 GM thuộc các xứ truyền giáo, được bổ nhiệm trong vòng 2 năm gần đây, tham dự khóa bồi dưỡng 2 tuần lễ do Bộ truyền giáo tổ chức từ ngày 4-9-2016.

Trong số các tham dự viên, có 42 GM thuộc 19 nước Phi châu, 36 GM thuộc 9 nước Á châu, kể cả 5 GM Việt Nam; 12 GM đến từ 9 nước Mỹ châu sau cùng có 4 GM thuộc 2 nước Úc Châu. 5 GM Việt Nam tham dự khóa này là Đức Cha Nguyễn Văn Hai, GM Vĩnh Long, Đức Cha Trần Văn Toản, Phụ tá Long Xuyên, , Đức Cha Nguyễn Văn Viên, Phụ Tá Vinh, và Đức Cha Nguyễn Hồng Sơn, Phụ tá Bà Rịa. Đức Cha Đỗ Mạnh Hùng, Phụ tá Sàigòn.

Các khóa bồi dưỡng này, khởi sự từ năm 1994, có mục đích giúp các GM mới tìm hiểu thêm về các khía cạnh trong đời sống và sứ vụ GM, đối thoại và cầu nguyện.

Mỗi ngày các GM có 3 bài thuyết trình sau đó là phần trao đổi và hội thảo nhóm.

Chương trình

Thứ hai 5-9, sẽ có thánh lễ khai mạc do ĐHY Fernando Filoni, Tổng trưởng Bộ truyền giáo chủ sự. Tiếp đến là bài thuyết trình đầu tiên do Đức TGM Savia Hàn Đại Huy (Hon Tai Fai), Tổng thư ký Bộ truyền giáo, trình bày về đề tài ”GM như người phục vụ Tin Mừng”. Ban chiều cùng ngày 5-9, ĐHY Robert Sarah, Tổng trưởng Bộ Phụng tự và kỷ luật bí tích, nguyên là Tổng thư ký Bộ truyền giáo, nói về ”Thời sự của sứ mạng truyền giáo cho dân ngoại trong thực tại thế giới”.

Ngày thứ ba, 6-9, Đức TGM Protase Rugambwa, người Tanzania, Đồng Tổng thư ký Bộ truyền giáo, Chủ tịch Các Hội Giáo Hoàng truyền giáo, sẽ trình bày về bản chất, thẩm quyền và hoạt động của các Hội ngày.

Khóa bồi dưỡng được tiếp tục với các bài thuyết trình do các HY, TGM phụ trách các cơ quan trung ương Tòa Thánh đảm trách, như đối thoại đạt kết Kitô (Koch), Giáo huấn xã hội Công Giáo (Turkson), Thượng HĐGM (Baldisseri), Linh đạo GM (Angelo Amato), Tình phụ tử của GM đối với các LM và việc đào tạo giáo sĩ (Stella), ĐGH và các GM (Ouellet), việc phục vụ quản trị của GM (Pell), tương quan giữa Tòa Thánh với các quốc gia (Gallagher), Các chương trình mục vụ và các cơ cấu cộng tác trong giáo phận; Tự sắc Mitis judex về việc cải tổ tòa án hôn phối, huấn luyện giáo dân (Paglia), Chăm sóc đời sống thánh hiến (Carballo), Sự độc thân giáo sĩ và các giáo sĩ bị cáo lạm dụng tính dục (Scicluna), thi hành sứ vụ giáo huấn (Ladaria), Phụng vụ và sự thánh hóa của Giáo Hội (Roche), sau cùng là đối thoại liên tôn tại các xứ truyền giáo (Guixot).

Ngoài ra có một số chuyên gia khác cũng được mời đến nói chuyện với các GM về những vấn đề khác như bảo vệ trẻ vị thành niên, sử dụng các phương tiện truyền thông trong việc loan báo Tin Mừng, Dịch vụ bác ái, Cẩm nang cho các GM, thi hành công lý..

Thứ sáu 9-9, ĐTC sẽ tiếp kiến các GM và Chúa Nhật 11-9 các vị sẽ hành hương tại Assisi. Khóa bồi dưỡng sẽ kết thúc vào thứ bẩy, 17-9 với thánh lễ đồng tế tại mộ thánh Phêrô Tông Đồ (Fides 2-9-2016)
 
Curia Củ Chi mừng 10 năm thành lập
Tôma Đỗ Lộc Sơn
08:22 11/09/2016
CURIA CỦ CHI MỪNG10 NĂM THÀNH LẬP

Trong tâm tình mừng sinh nhật Đức Mẹ, kỷ niệm 10 năm thành lập Curia, vào lúc 9 giờ sáng ngày 10/9/2016, gần 200 anh chị em hội viên Lêgio đã quy tụ về nhà thờ Tân Thạnh Đông, hạt Củ Chi, Giáo phận Phú Cường để tham dự Thánh lễ mừng kính cho sự kiện này. Cùng tham dự còn có các đại diện của các Curia Phú Cường, Bến Sắn, Hóc Môn và Tha La.

Xem Hình

Sau khi đọc kinh khai mạc, anh chị em lần chuỗi Mân côi năm sự thương với tâm tình thống hối, anh chi em kêu xin Mẹ Maria cầu bầu cho mọi người bây giờ và trong giờ sau hết.

Cha Gioan Baotixita Nguyễn Minh Hùng - linh giám Curia Củ Chi, đã có lời chia sẻ: “10 năm chưa là chặng đường dài, nhưng là chặng dừng cần thiết để mỗi chúng ta nhìn lại chính mình. Chúng ta cảm nhận hồng ân Thiên Chúa qua lời cầu bầu và công nghiệp của Mẹ Maria ban cho Curia và từng hội viên chúng ta”.

Trong 10 năm qua, số hội viên đã được tăng lên, anh chị em đã sốt sáng nhiệt thành hơn, biết yêu thương, bao bọc giúp đỡ lẫn nhau, cùng hướng về Mẹ Maria là điểm đích tiến về nhà Chúa, đó là những tín hiệu vui. Bên cạnh đó, dù là nhỏ, chúng ta cũng có những thiếu xót, tính ganh đua, tự cao tự đại, ngại khó ngại khổ, để không hoàn thành trách nhiệm của một hội viên.

Chúng ta cần bổ sung thêm hội viên mới, trẻ, khỏe hơn và nhất là có nhiều quý anh tham gia hơn. Tất cả chúng ta xin Mẹ thương giúp đỡ để chúng ta có được đội binh mạnh mẽ dưới lá cờ Đức Maria.

Curia Củ Chi đã chọn ngày sinh nhật Đức Mẹ là ngày thành lập và Thánh lễ hôm nay được Đức Cha Phêrô Trần Đình Tứ - Nguyên Giám mục giáo phận về dâng lễ.

Cùng hiệp dâng có: Cha Simon Nguyễn Văn Thu - Quản hạt Củ Chi, cha Phêrô Trương Huy Hoàng - Linh giám Curia giáo phận, và quý cha trong giáo phận.

Trong bài giảng mừng sinh nhật Đức Mẹ, Đức Cha Phêrô đã nêu bật những nhân đức của Mẹ và với anh chị em Curia Củ Chi, Đức Cha rất quan tâm đến các Curia. Đứng trong hàng ngũ của Đức Maria, chúng ta phải có được lời nói đi đôi với việc làm. Một cách cụ thể: ân cần, yêu thương giúp đỡ lẫn nhau và nhất là cầu nguyện cho nhau. Đừng để người ngoài đánh giá là tham gia hội viên Legiô để cho vui. Tất cả chúng ta hãy xin Mẹ điều khiển để chúng ta nên như ngay hàng thăng lối tiến về nhà Cha trên trời.

Trước khi kết thúc Thánh lễ với phép lành ơn Toàn xá, anh trưởng đã thay mặt anh chị em Curia cảm ơn Đức Cha, cha quản hạt cùng quý cha đã dâng lễ cầu nguyện cho chúng con.

Được biết thành phần Ban Quản trị Curia Củ Chi:

1 – Cha Linh giám Gioan Baotixita Nguyễn Minh Hùng.

2 – Trưởng: Anh Martinô Nguyễn Anh Tuấn.

3 – Phó: Chị Anna Đặng Thị Gương.

4 – Thư ký: Chị Anê Đỗ Bích Hoa.

5 – Thủ quỹ: Chị Maria Lê Thị Thanh.

Tôma Đỗ Lộc Sơn – Truyền thông Phú Cường
 
Đại lễ trao ban sứ vụ linh mục và phó tế Việt Nam tại Tổng Giáo phận Melbourne
Trần Văn Minh
15:34 11/09/2016
Melbourne lúc 10 giờ sáng Thứ Bảy, 10-09-2016. Tại Nhà thờ Chánh tòa Saint Partrick của Tổng Giáo phận Melbourne Úc châu. Một Thánh lễ truyền chức linh mục và phó tế cho các chủng sinh của Đại Chủng viện Corpus Christi, do Đức Tổng Giám mục Denis J Hart chủ phong, cùng với quý giám mục, linh mục ban giám đốc Đại chủng viện, linh mục đoàn Tổng giáo phận Melbourne, quý linh mục khách đồng tế.

Hình lễ phong chức phó tế và linh mục

Hình Thánh lễ tạ ơn của LM Phạm Xuân Tạo

Với một buổi sáng cuối tuần thời tiết mùa Xuân, trời trong, gió nhẹ thật đẹp. Mọi thành phần Dân Chúa đủ mọi sắc tộc từ khắp nơi trong Tổng Giáo phận đổ về ngôi Nhà Thờ Chánh tòa to lớn và cổ kính thật đông. Mọi người hân hoan chào đón quý tiến chức sắp được thụ phong bao gồm quý thầy lãnh nhận chức phó tế:
Marcus Goulding
Anil Mascarenhas
Toàn Nguyễn, và đặc biêt thầy phó tế nhận sứ vụ linh mục là:
La Da Rô An Tôn Phạm Xuân Tạo.

Trước giờ cử hành Thánh lễ, đoàn chủng sinh của Đại Chủng viện Corpus Christi trong đồng phục chủng sinh tiến vào nhà thờ, sau đó đến linh mục đoàn từ khắp các giáo xứ, dòng tu, trong Tổng Giáo phận trong phẩm phục trắng. Đoàn chủ tế gồm quý Đức Giám Mục và quý cha đi trước vị chủ tế là Đức Tổng giám mục bước lên khu cung thánh cử hành Thánh lễ và ban nghi thức phong chức cho các ứng viên.

Trong nghi thức trao ban sứ vụ linh mục cho thầy La Da Rô An Tôn Phạm Xuân Tạo. Một đặc ân của Năm Lòng Thương xót, vì Thầy Phạm Xuân Tạo đáng lẽ đã nhận sứ vụ linh mục hơn năm năm về trước. Năm 2011, do một tai nạn, thầy đã không thể nhận sứ vụ linh mục vì những biến chứng khi nhiễm trùng “phong đòn gánh.” Tưởng thầy không thể qua khỏi, đã phải điều trị tổng cộng 688 ngày với 74 ngày bất tỉnh, và người ta đã đi đến quyết định rút ống các máy trợ giúp để thầy ra đi bình an. Nhưng tất cả những lần rút ống trợ sinh cho thầy đều ngoài sự tính toán của các y bác sĩ, giáo sư. Vì sau khi rút ống, họ tưởng thầy sẽ chết ngay, nhưng sau hai giờ chờ đợi, tim thầy vẫn cón đập, người vẫn nóng và sự sống vẫn còn hiện diện trong thầy trước sự ngỡ ngàng của y học. Cuối cùng, các y bác sỹ quyết định phải nối các máy vào cơ thể và tiếp tục điều trị. Và một cái tên mà các y, bác sỹ, giáo sư đã đặt tên cho Thầy là “Người của Chúa.”

Hôm nay, thầy bước lên đón nhận sứ vụ linh mục với cơ thể chưa bình phục hoàn toàn, đi lại vẫn còn khó khăn, phải nhờ vào chiếc nạng chống sau những cố gắng bản thân luyện tập và lòng khao khát được phục vụ Giáo Hội qua sứ vụ linh mục. Với một đặc ân của vị mục tử nhân lành và đầy lòng thương xót. Thầy Phạm Xuân Tạo đã được phép đứng để nhận lãnh thiên chức linh mục, và cũng được Đức Tổng Giám mục Denis J Hart đứng dậy để đặt tay trao ban sứ vụ linh mục cho thầy.

Sau khi Thánh lễ trao ban sứ vụ linh mục cho phó tế La Da Rô An Tôn Phạm Xuân Tạo kết thúc. Đoàn đồng tế trên đường trở lại phòng áo. Tất cả đã đứng lại từ cuối nhà thờ dài tới khu phòng áo phía bên phải nhà thờ. Quý linh mục đã đứng thành hai hàng dài dành lối giữa cho Đức Tổng và quý Đức Giám Mục, cùng với tân linh mục đi qua với tràng pháo tay thật dài cùng toàn thể cộng đoàn để chào mừng tân chức, một con người đã tưởng như không bao giờ trở thành linh mục trong tấm thân con người bệnh tật.

Chiều Chúa Nhật 11/9/16 Tại Nguyện đường Trung tâm Công Giáo Việt Nam Thánh Vinh Sơn Liêm. Thánh lễ mở tay và tạ ơn của Tân Linh mục đã được cử hành đồng tế trọng thể với đông đảo quý linh mục và giáo dân Việt Nam trong TGP về hiệp dâng. Linh mục quản nhiêm Trần Ngọc Tân đã hướng dẫn cộng đoàn đọc kinh cầu cho tân linh mục trước khi dâng thánh lễ tạ ơn.

Mở đầu, Tân linh mục đã cảm động dâng lời cảm tạ. Với suốt 33 năm trong đời sống tu trì, qua mọi đau thương, bệnh tật. Tưởng với thân xác mỏng dòn, yếu hèn của thân phận con người đã không thể vượt qua. Nhưng với một lòng trông cậy và phó thác trong bàn tay Chúa, và hôm nay qua lòng Chúa Thương xót, Ngài đã chọn Tân Linh mục để sai đi, như lời kinh thánh ghi trên tấm bánh mừng: “Không phải con đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn con, và cắt cử con ra đi để sinh được hoa trái, và hoa trái của con sẽ tồn tại (John 15:16.”

Trong bài chia sẻ. Linh mục Nguyễn Hồng Ánh đã kể lại về Tân chức thời 5 năm về trước. Cha đã ngỡ ngàng khi nhận hung tin từ Tòa Giám mục Sale, thông báo và nhờ linh mục liên lạc với người nhà tại Việt Nam, giúp họ sang để “nhận xác” Thầy Phạm Xuân Tạo về để lo hậu sự, vì các y, bác sỹ, và ngành y học hiện đại của Úc đã không thể cứu chữa được. Linh mục cũng kể thêm, trong tình cảnh đó, đã có những ân nhân hứa tặng “hòm” để tẩm niệm. Nhà quàn cũng đã đồng ý giảm giá 50% và nhiều thứ khác. Nhưng mọi tính toán của con người không qua được Thánh ý Thiên Chúa nhiệm mầu. Ngài đã chọn Tân linh mục Phạm Xuân Tạo và cho được sống để làm chứng tá cho Ngài. Và hôm nay, cũng chính Chúa chọn và trao ban sứ vụ cho Tân Linh mục Phạm Xuân Tạo, mà mọi người chúng ta đang hiện diện để cùng Tân Linh mục dâng lễ tạ ơn Thiên Chúa nhân từ. Xin cộng đoàn thêm lời cầu nguyện để Chúa ban cho tân chức ơn bền đỗ.

Với lòng yêu mến tân chức, ngôi nhà nguyện đã chật cứng vì số người đến dâng lễ và mọi người hiện diện đã được chứng kiến một nhân chứng đức tin và quyền năng của Thiên Chúa. Tên Thánh La Da Rô mà tân linh mục đã chọn để thêm vào tên thánh của mình tự nó đã nói được biết bao điều về một hồng ân bao la, vì thế mà tất cả các bài hát trong Thánh lễ, do Ca Đoàn Cecillia đã chọn hát lên để tôn vinh, cảm tạ hồng ân Chúa trong ngày trọng đại.

Thánh lễ kết thúc với phép lành đại xá được Đức Giáo Hoàng ban cho những tân linh mục được hưởng và trao lại cho những ai hiện diện đón nhận kèm theo các quy định của Giáo Hội.

Một buổi tiệc mừng được tổ chức tại hội trường trung tâm, với đông đủ mọi thành phần dân Chúa hân hoan tham dự. Tân linh mục đã cắt bánh mừng và đi chào hỏi, cùng đặt tay chúc lành và cám ơn đến mọi người trong bầu không khí vui tươi, thưởng thức những món ăn và nghe một chương trình ca nhạc thật đặc sắc do ca đoàn phụ trách. Tiệc tan, mọi người ra về mang theo dư âm vui mừng của buổi lễ.

 
Khai Giảng Năm Học Giáo Lý 2016-2017 tại Giáo Xứ Nhượng Nghĩa – Giáo Phận Đà Nẵng
Toma Trương Văn Ân
18:41 11/09/2016
Khai Giảng Năm Học Giáo Lý 2016-2017 tại Giáo Xứ Nhượng Nghĩa – Giáo Phận Đà Nẵng

Chiều Chúa Nhật 11.9.2016, Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể ( TNTT)- Xứ đoàn Thánh Linh- Giáo xứ Nhượng Nghĩa và Giáo xứ, đã khai giảng năm học Giáo lý 2016-2017 cho con em trong Giáo xứ.

Xem Hình

Tại Giáo xứ, có 34 Giáo lý viên, dạy Giáo lý và nhân bản cho các em; các anh chị vừa là Huynh trưởng Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể, huấn luyện các kỷ năng sinh hoạt đoàn thể, tinh thần đồng đội, làm việc nhóm, tính kỷ luật ….. cho các em, theo tiêu chí của Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể Việt Nam.

Hơn 200 em theo học trong 9 lớp, từ lớp Chiên Non ( 5 - 6 tuổi ) đến lớp Dự Trưởng ( 20-21 tuổi)

Sau Nghi lễ chào cờ Đoàn, Cha Phê-rô Lê Hưng – Quản xứ- Tuyên Úy xứ đoàn huấn từ khai giảng năm học Giáo lý, Ngài huấn dụ các em học theo gương Chúa Giê-su, học hỏi Kinh Thánh – Giáo lý, lợi ích cho đời sống Đức tin và càng lớn, càng thêm khôn ngoan nhân đức trước mặt Thiên Chúa.

Tiếp đó, các em nhận phòng học, sách Giáo lý mới và Giáo lý viên phụ trách lớp.

Trong Thánh lễ lúc 17 giờ, sau phần Phụng vụ Lời Chúa, Cha Quản xứ đã làm phép khăn quàng. Xin Chúa chúc lành và thánh hóa khăn, để những ai mang khăn này, thì được Chúa ban ơn Thánh ở đời này và vĩnh cửu của đời sau.

Có 3 lớp được thay đổi màu khăn quàng: Lớp Chiên non lên lớp Ấu; Lớp Ấu lên lớp Thiếu; Lớp Thiếu lên lớp Nghĩa.

Tại đây, anh Đaminh Phạm Quang Tùng, Đại diện Liên Đoàn Thánh Tâm – Đoàn TNTT Giáo phận Đà Nẵng, đọc quyết định của Cha Marcello Đoàn Minh- Tuyên Úy Liên Đoàn ấn ký, thăng cấp cho các Trưởng đã qua các khóa Sa Mạc huấn luyện, được Đoàn giới thiệu, Liên đoàn chấp thuận, có 10 Dự Trường – thăng lên Trưởng cấp I và 1 Trưởng cấp I – thăng lên Trưởng cấp II.

Sau khi nhận quyết định, các Tân Trưởng đã tuyên hứa, nhờ Ơn Chúa giúp, có đời sống nội tâm biết kết hợp với Chúa Giê-su Thánh Thể, trong Mầu nhiệm Nhập Thể và Phục Sinh của Chúa, xây dựng Nước Chúa với toàn thể Giáo Hội, vâng phục Bề trên và cộng tác với các đoàn thể khác trong Giáo xứ cách quảng đại và hăng hái. Các Trưởng cũng ý thức được sứ mệnh cao cả là giáo dục tuổi trẻ, vì vậy cần: rén luyện và trao dồi kiến thức và khả năng của mình, để phục vụ hữu hiệu cho tuổi trẻ…..Với tâm tình tận hiến mình cho Chúa, để trở nên Tông đồ cho giới trẻ, công cụ của Chúa giữa cuộc đời.

Trong năm học mới, xin Chúa cho các anh chị Trưởng và các em: yêu mến Chúa nhiều hơn, nhiều niềm vui và bình an, biết sống cầu nguyện, hy sinh, làm tròn bổn phận và biết kết hiệp với Chúa Giê-su Thánh Thể…. Để mỗi người, ngày càng thêm nhân đức trong tâm hồn và nhân cách con người.

Toma Trương Văn Ân
 
Tân Linh Mục dâng lễ tạ ơn tai giáo xứ Sơn Lộc, Củ Chi
Tôma Đỗ Lộc Sơn
20:58 11/09/2016
TÂN LINH MỤC GIOAN NGUYỄN CHÍNH HUY KHANG CỬ HÀNH THÁNH LỄ TẠ ƠN

Vào lúc 9 giờ sáng ngày 09/9/2016, tân linh mục Gioan Nguyễn Chính Huy Khang - Hội Thừa Sai Việt Nam, đã về dâng Thánh lễ Tạ Ơn tại Giáo xứ Sơn Lộc, hạt Củ Chi, Giáo phận Phú Cường. Cùng hiệp dâng Thánh lễ có cha xứ Simon Nguyễn Văn Thu, cũng là cha quản hạt; quý cha trong Hội Thừa Sai Việt Nam; quý cha bạn; cùng đông đảo thân nhân, bà con thuộc Giáo xứ Sơn Lộc và Lộc Thạnh (Giáo xứ Lộc Thạnh có bà con tín hữu là dân tộc Stiêng; đây là nơi mà tân linh mục từng giúp xứ) tham dự.

Xem Hình

Mở đầu Thánh lễ, cha Gioan mời cộng đoàn cùng dâng lời tạ ơn Thiên Chúa đã ban cho chúng ta nhiều ơn lành phần hồn, phần xác. Xin cho linh hồn người thân của chúng ta đã qua đời mau được hưởng ánh sáng vinh quang Chúa.

Trong bài giảng, cha Đa Minh Đồng Anh Vương – chánh xứ Lộc Thạnh, đã chia sẻ: mọi việc chúng ta làm đều được Thiên Chúa sắp xếp, an bài. Cha mới của chúng ta đây đã được Thiên Chúa tuyển chọn, ngài và cả chúng tôi đây là những người tài hèn sức yếu được chọn lên làm linh mục của Chúa, để thay mặt Chúa ban phát ơn thánh cho nhiều người. Chúng tôi cũng chỉ là những bình sành dễ vỡ, bởi thế, chúng tôi càng phải ra sức giữ gìn. Xin cộng đoàn nhớ đến chúng tôi bằng cách cầu nguyện để chúng tôi luôn là công cụ tốt nhất của Chúa.

Chúc mừng cha Gioan và xin Thiên Chúa ban muôn ơn lành cho cha, để cha luôn là môn đệ kiên vững, mang thông điệp yêu thương của Chúa đến cho muôn người.

Được biết Giáo xứ Sơn Lộc đa phần là người gốc Giáo phận Hưng Hóa - Giáo xứ Sơn Lộc là bản sao của Nhà thờ Chánh Tòa Sơn Lộc, Hưng Hóa, đặc biệt là họ đạo Bến Thôn, sống quây quần bên nhau từ nhiều năm nay. Cha Gioan gốc thuộc họ đạo Bến Thôn, gia đình cha đã chuyển cư về Giáo phận Cần Thơ nhưng thân nhân và bạn bè của cha còn ở đây rất nhiều, nên cha về dâng Thánh lễ Tạ Ơn là để cho có nhiều người hiệp ý.

Giáo xứ Sơn Lộc có nhà tập của Hội Thừa Sai Việt Nam. Hàng ngày, quý cha, quý thầy về dâng lễ, cầu nguyện, nên việc hiệp thông giữa giáo xứ và Hội Thừa Sai được gắn bó từ nhiều năm nay. Cha Gioan là một trường hợp điển hình.

Tôma Đỗ Lộc Sơn – Truyền thông Phú Cường
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Thu Về Trước Ngõ
Nguyễn Ngọc Liên
20:58 11/09/2016
THU VỀ TRƯỚC NGÕ
Ảnh của Nguyễn Ngọc Liên
Lạc vào phố cũ nhà xưa
Dường như ngày ấy thu vừa ghé qua
Góc này tình dõi theo hoa
Cây kia ríu rít mách ta với mình..
(Trích thơ của Song Thu)