Ngày 09-09-2021
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 10/9: Hiền lành và khiêm nhường. Suy Niệm: Linh mục Giuse Vũ Ngọc Tuyển, CSsR
Giáo Hội Năm Châu
04:02 09/09/2021

PHÚC ÂM: Lc 6, 39-42

“Người mù có thể dẫn người mù được chăng?”

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ dụ ngôn này: “Người mù có thể dẫn người mù được chăng? Cả hai lại không sa xuống hố ư? Môn đệ không trọng hơn Thầy; nếu môn đệ được giống như Thầy, thì kể là hoàn hảo rồi. “Sao ngươi nhìn cái rác trong mắt anh em, còn cái đà trong chính mắt ngươi thì lại không thấy? Sao ngươi có thể nói với người anh em: “Này anh, hãy để tôi lấy cái rác trong con mắt anh”, trong khi chính ngươi không nhìn thấy cái đà trong mắt ngươi. Hỡi kẻ giả hình, hãy lấy cái đà ra khỏi mắt mình trước đã, rồi bấy giờ ngươi sẽ trông rõ để lấy cái rác khỏi mắt anh em ngươi”.

Ðó là lời Chúa.
 
Bỏ mình và vác thập giá:Điều kiện để theo làm môn đệ Chúa
Lm. Đan Vinh
06:42 09/09/2021

CHÚA NHẬT 24 THƯỜNG NIÊN B
Is 50,5-9a; Gc 2,14-18; Mc 8,27-35
BỎ MÌNH VÀ VÁC THẬP GIÁ: ĐIỀU KIỆN ĐỂ THEO LÀM MÔN ĐỆ CHÚA

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Mc 8,27-35

(27) Đức Giê-su và các môn đệ của người đi tới các làng xã vùng Xê-da-rê Phi-líp-phê. Dọc đường, Người hỏi các môn đệ: “Người ta nói Thầy là ai? (28) Các ông đáp: “Họ bảo Thầy là ông Gio-an Tẩy Giả, có kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, kẻ khác lại cho là một ngôn sứ nào đó”. (29) Người lại hỏi các ông: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai? Ông Phê-rô trả lời: “Thầy là Đấng Ki-tô”. (30) Đức Giê-su liền cấm ngặt các ông không được nói với ai về Người. (31) Rồi Người bắt đầu dạy cho các ông biết: Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày sống lại. (32) Người nói điều đó, không úp mở. Ông Phê-rô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người. (33) Nhưng khi Đức Giê-su quay lại, nhìn thấy các môn đệ, Người trách ông Phê-rô: “Sa-tan! Lui lại đằng sau Thầy ! Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người. (34) Rồi Đức Giê-su gọi đám đông cùng các môn đệ lại. Người nói với họ rằng: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. (35) Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất. Còn ai liều mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng thì sẽ cứu được mạng sống ấy”.

2. Ý CHÍNH:

Sau khi lắng nghe dư luận quần chúng, Đức Giê-su đòi các môn đệ phải xác định niềm tin vào Người: “Anh em bảo Thầy là ai?” Phê-rô đã đại diện Nhóm Mười Hai tuyên xưng đức tin: “Thầy là Đấng Ki-tô”. Từ đây Đức Giê-su bắt đầu cho các ông biết con đường Người sắp trải qua là: “Qua đau khổ để vào trong vinh quang”. Người trách Phê-rô khi ông cản Người theo con đường này. Người đòi môn đệ phải chấp nhận “Bỏ mình và vác thập giá mình mà đi theo Người”.

3. CHÚ THÍCH:

- C 27-28: + “Người ta nói Thầy là ai?”: Qua các môn đệ, Đức Giê-su muốn biết người ta nghĩ gì về Người. + Là Gio-an Tẩy Giả tái sinh: Đây là ý nghĩ của đảng Hê-rô-đê (x. Mt 14,2). + Là Ê-li-a: Ngôn sứ Ma-la-ki-a đã từng tuyên sấm về sứ mệnh của ngôn sứ Ê-li-a là đi trước dọn đường cho Đấng Thiên Sai: “Này Ta sai ngôn sứ Ê-li-a đến với các ngươi, trước khi ngày của Đức Chúa đến, ngày trọng đại và kinh hoàng” (Ml 3,23). + Là một trong các vị ngôn sứ: Dân chúng tin Đức Giê-su ít ra là Đấng được Thiên Chúa tuyển chọn và sai đến để giáo huấn dân Người.
- C 29-30: + Người lại hỏi các ông: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?: Đức Giê-su đặt câu hỏi này với các môn đệ để xem nhận thức của các ông về Người ra sao. + Ông Phê-rô trả lời: “Thầy là Đấng Ki-tô”: Phê-rô tuyên xưng Đức Giê-su là Ki-tô hay Đấng Cứu Thế. Đây là lời tuyên xưng chính xác về sứ mệnh của Đức Giê-su. Do lời tuyên xưng này mà Phê-rô đã được khen có phúc (x. Mt 16,16-17). Về sau, chính Đức Giê-su cũng thừa nhận Người là Đấng Ki-tô khi đứng trước tòa án tôn giáo (x Mc 14,61-62). Lời tuyên xưng của Phê-rô tuy đúng, nhưng chưa rõ ràng, vì người nghe có thể hiểu sai về sứ mệnh cứu thế của Người và gán cho Người sứ mệnh Thiên Sai trần tục, là đến để giải phóng dân Do thái thoát khỏi ách thống trị của Đế quốc Rô-ma bằng bạo lực. + Đức Giê-su liền cấm ngặt các ông không được nói với ai về Người: Đức Giê-su cấm nói ra không phải để phủ nhận lời tuyên tín của Phê-rô, nhưng vì muốn tránh sự cuồng nhiệt của dân Do Thái đang muốn lật đổ nhà cầm quyền Rô-ma bằng bạo lực. Người cấm các môn đệ nói ra Người là Đấng Ki-tô vì Người cần có thêm thời gian rao giảng cho dân Do thái về sứ mệnh cứu thế cách thiêng liêng theo thánh ý Thiên Chúa. Cuối cùng, Người cấm nói ra vì “Giờ của Người chưa đến”, vì chỉ khi được Thần Khí tác động, thì người ta mới có thể đón nhận được chân lý này.
- C 31-33: + Người bắt đầu dạy các ông biết...: Đây là lúc Đức Giê-su loan báo về cuộc Tử Nạn và Phục Sinh mà Người sắp trải qua. + Con Người: Khi tự nhận là Con Người, Đức Giê-su vừa khiêm tốn xưng mình là: “kẻ hèn này”, lại vừa theo ý nghĩa biểu tượng của văn chương khải huyền Do Thái về Con Người là Đấng ngự bên hữu Thiên Chúa (x. Tv 110,1) và sẽ đến trên mây trời (x. Đn 7,13-14). Đức Giê-su đã dùng tước hiệu Con Người nhiều hơn tước hiệu Mê-si-a, là tước hiệu đã bị người Do Thái tục hóa khi hiểu theo nghĩa quyền lực thống trị. Trong Tân Ước, từ ngữ Con Người được lặp đi lặp lại tới 70 lần. Con Người có nghĩa là “Người Tôi tớ Đức Gia-vê, bị loại bỏ và bị giết chết và sau đó mới được tôn vinh và sẽ ban ơn cứu rỗi cho muôn người” (x. Mc 8,31). Trước khi xuất hiện trong vinh quang vào ngày sau hết, Con Người phải tự hạ, sống cuộc đời trần thế, bị nghèo khó (x. Mt 8,20), bị khinh dể (x. Mt 11,19), bị xúc phạm (x. Mt 12,32), bị tử hình thập giá (x. Ga 3,14), rồi mới vào vinh quang Phục Sinh (x. Dt 2,6-9). Cuối cùng trong ngày tận thế, Con Người sẽ lại đến ngự trên ngai uy quyền mà xét xử muôn dân (x. Mt 25,31-46). + Ông Phê-rô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người: Tuy vừa tuyên xưng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, nhưng Phê-rô vẫn chưa hiểu hết ý nghĩa của tước hiệu Ki-tô này. Ông chưa hiểu rằng theo thánh ý Thiên Chúa thì “Đấng Ki-tô phải chịu đau khổ rồi mới vào trong vinh quang” (x Lc 24,26). Ông đã thay mặt anh em can trách Thầy Giê-su đừng chấp nhận bị thất bại trước rồi mới chiến thắng. Các môn đệ bấy giờ đều hy vọng Thầy lên làm vua Mê-si-a để các ông được chia sẻ quyền hành (x. Lc 22,24), được ngồi bên tả bên hữu Thầy (x. Mt 20,21). + Người trách Phê-rô: “Xa-tan ! Lui lại đằng sau Thầy !: Khi kéo riêng Đức Giê-su ra mà can trách, ông phê-rô đang làm công việc của Xa-tan, là cám dỗ Đức Giê-su đi theo con đường khác với thánh ý Chúa Cha. Nhưng Đức Giê-su đã ra lệnh cho Phê-rô quay về chỗ của môn đệ ở phía sau và phải đi theo đường lối của Thầy (x. Mc 1,17.20; 8,34). + Vì tư tưởng của anh không phải tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người”: Ngôn sứ I-sai-a đã tuyên sấm: ”Trời cao hơn đất chừng nào, thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi, và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng các ngươi chừng ấy” (Is 55,9). Ông Phê-rô đã không hiểu thánh ý Thiên Chúa muốn Đức Giê-su cứu thế bằng con đường “Qua đau khổ vào vinh quang” và mời gọi mọi người theo con đường này (x. Mt 16,21-23).
- C 34-35: + “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo”: Đức Giê-su đòi người ta tự nguyện đi theo con đường này. + Từ bỏ chính mình: “Từ bỏ” ở đây đồng nghĩa với “ghét” hay “yêu ít hơn” hoặc “coi thường” bản thân mình (x. Lc 14,26; Ga 12,25). + Vác thập giá mình: Thành ngữ “vác thập giá mình” gợi lên thói tục quân lính bắt tử tội phải tự vác cây thập giá của mình đi đến nơi hành hình. Ai muốn làm môn đệ Đức Giê-su, cũng phải vác thập giá mình hằng ngày mà đi theo Người. + “Cứu mạng sống mình thì sẽ mất. Liều mạng sống mình vì Đức Giê-su và vì Tin Mừng thì cứu được mạng sống ấy”: Câu nói nghịch lý này mời gọi người nghe quan tâm đến giá trị đích thực của cuộc sống ở đời sau. Một người sống ích kỷ đời này, thì sẽ mất đời sống vĩnh hằng đời sau. Nhưng nếu ai sẵn sàng chịu thiệt, chịu chết vì đức tin ở đời này, thì sẽ được sống đời đời do Chúa ban ở đời sau.

4. CÂU HỎI:

1) Khi được hỏi, các môn đệ đã thuật lại cho Đức Giê-su nghe dư luận quần chúng nói gì về Người?
2) Phê-rô tuyên xưng Đức Giê-su là ai? Lời tuyên xưng ấy đúng hay sai? Người Do thái thời đó có hiểu tước hiệu ấy đúng như ý Thiên Chúa muốn Đức Giê-su thi hành không?
3) Tại sao Đức Giê-su cấm nói ra tước hiệu Ki-tô mà Phê-rô vừa tuyên xưng?
4) Khi xưng mình là “Con Người”, Đức Giê-su ngầm dạy điều gì về vai trò và sứ mệnh của Người?
5) Tại sao Đức Giê-su thích xưng mình bằng tước hiệu “Con Người” hơn tước hiệu “Mê-si-a” hay “Ki-tô” nghĩa là “Đấng Thiên Sai”?
6) Trong Tân Ước, từ “Con Người” được nói tới bao nhiêu lần và mang ý nghĩa gì?
7) Tại sao Phê-rô can Đức Giê-su đừng đi đường “qua đau khổ vào trong vinh quang”?
8) Đức Giê-su đã mắng Phê-rô thế nào và đòi ông phải lui lại vị trí nào?
9) Ý Thiên Chúa muốn Đức Giê-su phải cứu độ thế gian bằng con đường nào?
10) Đức Giê-su đòi kẻ muốn theo làm môn đệ của Người phải làm gì?
11) “Từ bỏ mình” có ý nghĩa gì?
12) “vác thập giá mình mà theo Thầy” nghĩa là gì?

II. SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: Chúa phán: “Ai muốn theo tôi phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mc 8,34):

2. CÂU CHUYỆN:

1) "QUO VADIS?" - THẦY ĐI ĐÂU?:
Thời hoàng đế NÊ-RON của Đế quốc Rô-ma, theo thông lệ, các nước chư hầu đều phải gửi một người trong hoàng tộc sang Rô-ma làm con tin. Đây là một cách để bảo đảm sự tùng phục của các nước chư hầu. Trong số các con tin ấy có một nàng con gái đẹp tuyệt vời, làm cho người cháu của hoàng đế Néron si mê. Anh chàng này vừa có địa vị thế lực trong triều đình, lại vừa giàu có và thông thái. Anh tin mình sẽ chinh phục được trái tim của người đẹp theo đạo Công Giáo. Lúc đó bạo chúa Nê-ron đang ra tay giết hại các tín hữu theo đạo Ki-tô. Tông đồ Phê-rô đang ở trong thành Rô-ma lãnh đạo một cộng đoàn tín hữu. Trước cơn bách hại ngày thêm tàn khốc. Phê-rô đã phải nghe lời góp ý của các tín hữu là chạy trốn khỏi cơn bách hại, để Hội Thánh không bị tiêu diệt hoàn toàn. Nhưng sau khi trốn được ra ngoài thành, Phê-rô đã gặp Thầy Giê-su vác thập giá từ ngoài đi vào thành. Ông hỏi "Quo vadis?", tiếng La tinh nghĩa là "Thầy đi đâu?" Đức Giê-su trả lời: “Ta vào thành Rô-ma để chịu đóng đinh một lần nữa” rồi Người biến mất. Phê-rô hiểu được ý Chúa nên đã quay lại thành Rô-ma. Sau đó ông đã bị bắt và cuối cùng bị kết án đóng đinh thập giá. Ông yêu cầu được đóng đinh ngược đầu và đã nêu gương can đảm chết vì đức tin cho các tín hữu. Tấm gương anh dũng chết vì danh Chúa của tông đồ Phê-rô và của các tín hữu Công Giáo đã khiến anh chàng thuộc hoàng gia nói trên cảm phục và cuối cùng anh đã quyết định theo Chúa Giê-su để nên giống cô gái người yêu đã tin Chúa.

Hôm nay mỗi tín hữu chúng ta sẽ trả lời thế nào trước câu hỏi của Chúa: “Còn anh em bảo Thầy là ai?”.

2) GIÁ TRỊ CỦA ĐAU KHỔ THỬ THÁCH:

Bà GÔN-ĐA MÊ (Golda Meir), nữ Thủ tướng đầu tiên của nước Ít-ra-en, khi còn là thiếu nữ đã cảm thấy thất vọng về nhan sắc của mình. Bà đã thuật lại giai đoạn thiếu thời ấy như sau: “Mỗi lần nhìn vào khuôn mặt của mình trong gương, tôi lại thầm trách sao Ông Trời quá bất công, khi ban cho tôi một khuôn mặt thô ráp chứ không thanh tú duyên dáng như các bạn gái đồng trang lứa. Mãi về sau tôi mới nhận ra rằng: Chính khuôn mặt không mấy đẹp đẽ của tôi lại là điều may mắn và mang lại sự thành công cho tôi sau này. Bởi vì điều ấy buộc tôi luôn phải cố gắng khám phá ra các tài năng ẩn giấu nơi bản thân và phát triển chúng ngày một tốt hơn. Cuối cùng tôi rút ra được bài học này là: Một phụ nữ đáng quí trọng không phải do sắc đẹp trời cho, vì sắc đẹp đó sẽ mau phai tàn theo năm tháng. Giá trị đích thực của một phụ nữ là ở chỗ cố gắng phấn đấu làm việc, để khám phá ra tài năng Chúa ban, rồi tìm cách phát huy, biến tài năng đó nên phương tiện giúp ích cho bản thân, gia đình và xã hội…”.

GÔN-ĐA MÊ đã không còn than khóc phản kháng hay chán nản, nhưng vui vẻ chấp nhận thập giá đời mình, vác nó lên vai để tiến bước và trở thành nữ Thủ tướng đầu tiên của nước It-ra-en.

3) VUI LÒNG VÁC THẬP GIÁ ĐỜI MÌNH MÀ THEO CHÚA:

Có một anh chàng thanh niên kia đã kêu trách Chúa về cây thập giá anh đang vác quá nặng vượt quá sức anh. Nghe vậy, Chúa liền cho phép anh ta đi vào trong một khu vườn chứa rất nhiều cây thập giá dài ngắn nặng nhẹ khác nhau. Người cho phép anh ta được chọn một cây thập giá khác theo sở thích và vừa với sức anh để thay thế cậy thập giá anh đang phải vác. Sau khi đi một vòng để quan sát lựa chọn, cuối cùng anh ta rất vui khi chọn được một cây thập giá phù hợp với sở thích và khả năng của mình. Nhưng anh thật bất ngờ khi nghe Chúa cho biết: cây thập giá anh vừa chọn chính là cây mà anh đã từng vác và muốn được thay thế.

Câu chuyện cho thấy Chúa không bao giờ để chúng ta vác thập giá nặng quá sức của chúng ta. Hãy nhớ lời Chúa phán: “Ơn của Thầy đã đủ cho anh, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối” (2 Cr 12,9).

4) GIÁ TRỊ CỦA ĐAU KHỔ TRONG CUỘC SỐNG:

Thi sĩ RÔ-BỚT BAO-NING HA-MINH-TƠN (Robert Browning Hamilton) trong bài thơ “Dọc đường” (Along the Road), đã tóm lược nội dung Tin Mừng hôm nay về giá trị của đau khổ bằng những lời thơ đầy ý nghĩa như sau: “Tôi đã cùng bước đi một quãng đường với Nữ Thần Hoan Lạc. Dọc đường, nàng đã cho tôi được sung sướng bằng những lời ve vuốt tự ái của tôi. Nhưng rồi cuối cùng tôi chẳng thấy khôn ngoan hơn bao nhiêu. Sau đó, tôi lại bước đi với Nữ Thần Đau Khổ. Dọc đàng, nàng chẳng nói một lời. Nhưng cuối cùng tôi lại thấy mình lớn lên về kinh nghiệm sống, về sự khôn ngoan, nhờ trải qua các đau khổ trong suốt thời gian bước đi bên nàng…”.

5) ĐỨC KI-TÔ LUÔN BỊ NGƯỜI ĐỜI CHỐI BỎ:

Vào năm 1904, Hàn lâm viện Hoàng gia Anh đã tổ chức một cuộc triển lãm, trong đó họa sĩ Cô-xê (Smith Kosse) đã trưng bày một bức ảnh mang tựa đề: "Người bị khinh chê chối bỏ". Họa sĩ vẽ Đức Giê-su đang đứng trước nhà thờ chính tòa Thánh Phaolô, trong một khu phố đông đúc tại trung tâm thành phố Luân đôn, nhưng không một ai quan tâm tới Người:
Một ông nọ vừa đi vừa đọc báo, suýt đụng phải Người.
Một khoa học gia bận bịu với những chiếc ống nghiệm, nên không nhìn thấy Chúa.
Một vị chức sắc thuộc hàng giáo phẩm đang hiên ngang tiến bước mà không thấy Đức Ki-tô.
Có một nhà thần học đang hăng say thuyết minh về Đức Ki-tô nhưng không nhìn biết Người.
Duy chỉ có một nữ tu là nhìn về Chúa, nhưng vẫn tiếp tục đi con đường riêng của mình.

Ông WILLIAM BARCLAY, một học giả Kinh Thánh nổi tiếng đã bình luận về bức họa như sau: "Những điều này vẫn luôn xảy ra trong cuộc sống hôm nay. Nếu Đức Ki-tô tái xuất hiện, sẽ chẳng có ai chú ý tới Người. Người ta còn phải bận tâm về đủ thứ chuyện họ coi là quan trọng khác, hơn là quan tâm tới Chúa hoặc lắng nghe Lời Chúa dạy”. Còn chúng ta hôm nay cần có thái độ thế nào khi gặp gỡ Chúa?

3. THẢO LUẬN:

Mỗi khi gặp được những điều may lành như ý, chúng ta thường dâng lời tạ ơn Chúa. Nhưng khi gặp rủi ro trái ý, chúng ta nên làm gì để thực hành lời Chúa dạy: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo”?

4. SUY NIỆM:

1) “Thầy là Đức Ki-tô”:
- Dư luận dân Do thái coi Đức Giê-su là Gio-an Tẩy giả tái sinh, là ngôn sứ Ê-li-a hay một vị ngôn sứ thời xưa. Còn ông Phê-rô khi được hỏi đã đại diện anh em tuyên xưng đức tin: “Thầy là Đức Ki-tô Thiên Sai”. Sau đó Đức Giê-su đã mặc khải cho ông sứ mệnh của Người là cứu độ nhân loại bằng con đường thập giá: “Qua đau khổ vào trong vinh quang” (x Mt 16,21).
- Sau đó, lời Đức Giê-su cho Phê-rô biết về việc Người sẽ phải trải qua cuộc tử nạn rồi mới vào trong vinh quang đã làm cho ông ngỡ ngàng vì trái với ước mong của ông khi đi theo làm môn đệ Chúa. Ông đã kéo Người lại mà can trách Người. Nhưng Đức Giê-su đã mắng Phê-rô: "Xa-tan, hãy lui lại đằng sau Thầy. Vì anh không nghĩ những điều của Thiên Chúa, mà chỉ nghĩ những điều của loài người". Về sau, tông đồ Phao-lô đã giải thích thêm về điều này: "Bởi vì sự điên rồ của Thiên Chúa thì khôn ngoan hơn loài người, và sự yếu đuối của Thiên Chúa thì mạnh mẽ hơn loài người" (1 C 1,25).

2) “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16,24):
Trong thời gian giảng đạo, khi chọn gọi môn đệ, Đức Giê-su đã đòi các ông phải từ bỏ mọi sự: Bỏ nghề chài lưới cá để làm nghề chài lưới các linh hồn; Bỏ tình cảm gia đình người thân như cha già, vợ con; Bỏ tài sản nhà cửa, ruộng nương… và Chúa hứa sẽ bù đắp nhiều lần. Hôm nay Người còn đòi môn đệ phải từ bỏ chính mình và vác thập giá mình mà đi theo Người. Vậy bỏ mình và vác thập giá nghĩa là gì?:
- Bỏ mình là bỏ đi “cái tôi” tự ái, ích kỷ; bỏ lòng ham mê tiền bạc, danh vọng, quyền hành và các đam mê bất chính khác, để trở nên “đồng hình đồng dạng” với Đức Giê-su Con Thiên Chúa (x Rm 8,29).
- Vác thập giá là phải vượt lên những đòi hỏi bản năng, nỗ lực để nên hoàn thiện, lọai bỏ con người “thuộc thể”, để mặc lấy con người “thuộc linh” được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa (x Stk 1,26). Nói cách khác: “Vác thập giá mình” là sẵn lòng chấp nhận những đau khổ và rủi ro thất bại không tránh khỏi trong cuộc sống, noi gương Đức Giê-su đã sẵn sàng vâng theo ý Chúa Cha là uống chén đắng, đi con đường hẹp: qua đau khổ thập giá để vào trong vinh quang phục sinh.
- Cũng vậy, mỗi tín hữu chúng ta phải nhờ Thần Khí thanh luyện mình khỏi các thói hư thuộc xác thịt như: “Dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hòa, ghen tương, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tỵ, say sưa, chè chén, và những điều khác giống như vậy… để đón nhận hoa quả của Thần Khí là: Bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ... Những ai thuộc về Đức Ki-tô Giê-su thì đã đóng đinh tính xác thịt vào thập giá cùng với các dục vọng và đam mê” (Gl 5,19-24).
3) Vui lòng đón nhận những đau khổ trái ý gặp phải:
- Từ xưa đến nay, một vấn đề nan giải khiến nhiều người khó lòng chấp nhận được là đau khổ: Người ta sinh ra trong tiếng khóc, trải qua cuộc đời đầy nước mắt, rồi âm thầm nằm xuống giữa sự tiếc thương của người thân. Vì thế trần gian được gọi là thung lũng đầy nước mắt. Tại sao loài người phải chịu đau khổ như vậy? Hôm nay Lời Chúa đã cho chúng ta đáp án: nguyên nhân gây đau khổ cho con người chính là tội lỗi, như lời Thiên Chúa phán với nguyên tổ A-đam sau khi phạm tội: "Vì ngươi đã nghe lời vợ mà ăn trái Ta cấm, nên đất bị nguyền rủa vì tội của ngươi. Trọn đời, ngươi phải làm lụng vất vả mới có mà ăn. Ðất sẽ mọc cho ngươi đủ thứ gai góc, và ngươi sẽ ăn rau cỏ ngoài đồng. Ngươi phải đổ mồ hôi trán mới có bánh ăn, cho đến khi ngươi trở về đất, vì ngươi từ đó mà ra. Ngươi là bụi đất, nên ngươi sẽ trở về bụi đất" (St 3,17-19).
- Chúa Giê-su được sai đến trần gian gánh lấy tội lỗi nhân loại. Nhờ sự chết và sống lại, Người cứu chúng ta khỏi tội lỗi và sự chết. Người dùng đau khổ làm phương thế để cứu độ chúng ta và dạy chúng ta phải bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo Người. Chúa cũng dạy chúng ta khi gặp những đau khổ trái ý cũng đừng thất vọng, đừng than trời trách đất, nhưng hãy đến với Người để được Người nâng đỡ: “Hãy đến với tôi, hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng, tôi sẽ nâng đỡ bổ sức cho". Cần chấp nhận bỏ ý riêng mình để vâng theo thánh ý Thiên Chúa noi gương Chúa Giê-su xưa đã cầu nguyện với Chúa Cha: “Xin đừng theo ý con, một xin vâng ý Cha” (Mc 14,36).

4) Đau khổ giúp thanh luyện để nên thánh:
- Thiên Chúa thường sử dụng khổ đau để rèn luyện con người nên tốt hơn. Các vĩ nhân trên thế giới, các thánh nhân trong Giáo hội, đều đã trải qua muôn ngàn khó khăn trong cuộc sống... Nhưng các ngài không nản chí buông xuôi, mà luôn quyết tâm vượt qua để trở nên vĩ đại, như Chúa Phục Sinh đã nói với hai môn đệ khi đồng hành với họ về làng Em-mau: “Đức Ki-tô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao?” (Lc 24,26).
- Người tín hữu chúng ta hôm nay cũng phải chấp nhân thử thách thập giá để được thành công. Từ đây thập giá đối với chúng ta không còn là hình khổ đáng sợ, nhưng là phương tiện giúp chúng ta vào trong vinh quang. Con người ngày nay thường không thích hãm mình, không muốn từ bỏ và chán ngại hy sinh… Nhưng nếu ai muốn cuộc sống của mình có ý nghĩa thì phải chấp nhận bị thử thách như người đời thường nói: “Lửa thử vàng gian nan thử đức”. Một khi hiểu được ý nghĩa cao cả của đau khổ thập giá, chúng ta sẽ nói được như thánh Phao-lô: ”Vinh dự của tôi là thập giá Đức Ki-tô” (Gl 6,14). Từ đây thập giá trở thành chiếc cầu nối liền giữa đất với trời, là phương tiện duy nhất dẫn đưa chúng ta về tới quê trời bình an.

5. NGUYỆN CẦU:

LẠY CHÚA GIÊ-SU. Hôm nay nếu được Chúa hỏi: “Về phần con, con bảo Thầy là ai?” Xin đừng để con chỉ biết tuyên xưng đức tin theo thói quen ngoài môi miệng, nhưng biết tuyên xưng với sự xác tín kèm theo hành động cụ thể: Năng cầu nguyện để kết hiệp với Chúa; Luôn chu toàn công việc bổn phận hằng ngày; Biết cậy trông phó thác mọi sự xảy đến trong tay Chúa quan phòng; Luôn tạ ơn Chúa khi vui cũng như lúc buồn, khi thành công cũng như lúc thất bại... Vì biết rằng tất cả những gì Chúa để xảy đến cho con, đều là hồng ân của Chúa, và đều mang lại ích lợi cho phần rỗi đời đời của con. Xin giúp con năng nhìn lên thánh giá của Chúa, để học sống tình thương tột đỉnh, hiến thân phục vụ Chúa trong anh em như lời Chúa dạy: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu mình” (Ga 15,13).
X. HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A. - Đ. XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.

 
Chúa Nhật 24 Mùa Thường Niên : Thầy Là Ai?
Lm. Giuse Trần Việt Hùng..
08:22 09/09/2021
Chúa Nhật 24 Mùa Thường Niên : Thầy Là Ai?

(Is 50, 5-9a; Gc 2, 14-18; Mc 8, 27-35).

Nhiều người đã gặp Chúa, nghe Chúa giảng và chứng kiến các phép lạ Chúa đã thực hiện nhưng vẫn chưa biết Chúa là ai. Cho dù nhiều người đã được thánh Gioan Tẩy Giả giới thiệu: "Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá bỏ tội trần gian (Ga 1, 29). Ngay cả những người thân tín nhất là các tông đồ, cũng không biết căn tính thật của Chúa. Người ta đi hết ngạc nhiên ngày tới ngạc nhiên khác, tò mò nhìn xem phép lạ, muốn thưởng thức bánh miễn phí và chứng kiến nhiều sự lạ nhưng nhiều người chỉ nghĩ Chúa Giêsu là một tiên tri nào đó. Hôm nay Chúa Giêsu hỏi các môn đệ: "Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai? " Ông Phêrô trả lời: "Thầy là Đấng Kitô" (Mc 8, 29).

Thầy là ai? Chúng ta thử tìm hiểu qua chính lời mạc khải của Chúa Giêsu. Chúa phán: "Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy (Ga 14, 6). Chúa Giêsu là đường dẫn chúng ta đến sự sống muôn đời. Chúa chính là ánh sáng soi dẫn đưa chúng ta đến sự thật viên mãn. Ngài là nguồn và là trung gian ban phát sự sống. Có có uy quyền tạo dựng, biến đổi và thánh hóa cả hồn lẫn xác.

Thầy là ai? Chúa Giêsu giới thiệu: Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên (Ga 10, 11). Thầy đã hy sinh mạng sống để đền bù và chuộc tội cho nhân loại. Ngài là Đấng trung gian giao hòa giữa trời và đất, giữa Thiên Chúa và con người. Ngài đã mang lại niềm hy vọng cho những ai đang trong cơn lầm than sầu khổ. Ngài phán: Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ (Ga 10, 9). Chúa Giêsu mở lối cho mọi người tìm đến ơn cứu độ. Muốn vào nước trời, chúng ta phải đi qua cửa chính là Chúa Kitô. Chịu Phép Rửa trong Chúa, tuyên xưng niềm tin, sống và thực hành lời Chúa. Chúng ta không chỉ nói: Lạy Chúa, lạy Chúa là được vào nước trời nhưng là thực hành ý Chúa.

Thầy là ai? Chúa Giêsu phán: "Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ! (Ga 6, 35). Thầy là bánh có đủ mọi mùi thơm ngon và là bánh trường sinh. Hãy đến và đặt niềm tin vào Chúa Giêsu, chúng ta sẽ được nuôi dưỡng thỏa thuê bằng chính nguồn ân sủng của Ngài. Lãnh nhận bánh hằng sống là nguồn sự sống và là sự sống viên mãn. Chúa Giêsu đã mạc khải cho chúng ta biết: "Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống (Ga 11, 25). Thầy là ai? Khi Chúa Giêsu biến hình trên núi đã có tiếng phán từ trời cao: "Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người "(Mc 9, 7).

Đối với các Kitô hữu, chúng ta xưng tụng Chúa Giêsu là Chúa và là Đấng Cứu Độ. Chúng ta cần lắng nghe của lời Ngài chỉ dạy. Vâng nghe theo lời của Chúa Giêsu là bước theo con đường của Ngài đã đi qua. Đường của Chúa là con đường khiêm hạ, con đường sự thật và con đường khổ giá. Khổ giá sẽ tôi luyện niềm tin. Niềm tin vào Chúa Kitô không phải là học hiểu một số kiến thức, tỏ lòng sùng mộ hay việc cử hành một số nghi lễ, mà chính là sống niềm tin của mình trong cuộc lữ hành trần thế. Chúng ta phải sống đức tin trưởng thành mà chúng ta đã được lãnh nhận qua các Bí Tích trong Hội Thánh. Đức tin là ánh sáng soi đường dẫn chúng ta bước theo gót Chúa Kitô. Thánh Giacôbê tông đồ đã phát biểu rằng: Cũng vậy, đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết (Gc 2, 17). Lời nói đi đôi với việc làm. Đời sống đức tin được thể hiện qua cách sống đạo hằng ngày trong ý tưởng, lời nói và việc làm.

Dấu chỉ để nhận ra sự hiện diện của Chúa giữa anh chị em là chúng ta hãy yêu thương nhau. Yêu thương là cốt lõi của mọi sinh hoạt sống đạo và là giới răn trọng nhất. Thiếu sự yêu thương, cuộc sống trở thành trống rỗng và vô nghĩa. Không có tình yêu, ngôn từ trở thành sáo ngữ. Vắng bóng tình yêu, các công việc bác ái trở thành sự khoe khoang. Không có lòng yêu thương, mọi cách đối xử giao tế nhân sự trở thành hình thức và giả hình. Yêu thương là chất keo gắn kết tinh thần của mọi người chung hợp với nhau. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, muốn trở thành môn đệ của Chúa Giêsu, chúng ta phải yêu thương nhau.

Lạy Chúa, chúng con tuyên xưng Chúa là Con Thiên Chúa, là Đức Kitô, là Thầy, là người chỉ đạo, là nguyên khởi và là cùng đích của cuộc đời chúng con. Xin cho chúng con biết đặt niềm tin tưởng nơi Chúa và bước theo con đường Chúa đã đi xưa, để chúng con cùng được chia sẻ đau khổ thập giá và vinh quang sống lại. Lạy Chúa Giêsu, chúng con tín thác vào Chúa.

Lm. Giuse Trần Việt Hùng
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:26 09/09/2021

7. Phàm những người yêu mến thế gian mà không yêu mến Thiên Chúa là người ngu xuẩn.

(Thánh Philip Neri)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:32 09/09/2021
54. DẰN CƠN GIẬN MÀ ĂN TRỨNG

Có một người phương nam không thích ăn trứng gà.

Khi còn ở miền bắc, có một lần anh ta vào quán cơm hỏi có món gì ngon không, người hầu bàn nói:

- “Có trứng hấp thịt.”

Khi bưng lên thì quả là trứng gà mà anh ta không thích ăn, nhưng anh ta sợ người ta cười thì hỏi lại:

- “Còn món gì khác ngon nữa không?”

Người hầu bàn nói:

- “Có món trứng rán, ông dùng không?”

Anh ta kêu bưng lên, vừa thấy, thì đúng là món mà anh ta không thích ăn, đành phải nói:

- “Tôi chưa đói, tôi chưa đói”.

Bạn đồng hành khuyên:

- “Đường đi có rất dài, không ăn thì chút nữa sẽ đói đấy”.

Anh ta nói:

- “Vậy thì thức ăn sắp bưng lên là món gì?”

Người hầu bàn đáp:

- “Là ổ bánh rán”.

Người phương nam nói:

- “Được, đem lên vài cái”.

Thấy bánh đem lên, vẫn toàn là trứng mà mình không thích ăn nên anh ta rất tức giận, nhưng sợ người ta cười cho, đành buộc lòng phải dằn cơn giận xuống trong bụng mà ăn.

(Tiếu tiếu lục)

Suy tư 54:

Ở đời, ai cũng có ít là một lần làm sai, người khôn ngoan làm sai thì biết sửa lại để khỏi bị sai, người kiêu ngạo làm sai thì ít khi hạ mình để sửa chữa lại. Biết mình không thể ăn được mà vẫn cứ gọi món đem lên món ăn mà mình không thích ăn, thì đúng là...dại.

Cũng có nhiều người Ki-tô hữu biết mình không thể chống trả với cám dỗ nhưng vẫn cứ đi đến nơi có cám dỗ, biết mình bị cám dỗ mà không chịu bỏ đi lại còn biện minh tôi không bị cám dỗ, tôi không bị cám dỗ, thế là cám dỗ tới tấp bằng những món cám dỗ hấp dẫn hơn...

Đừng giận dữ trách Thiên Chúa sao cứ để mình bị cám dỗ mà không ra tay cứu giúp, nhưng hãy đấm ngực mình mà ăn năn; đừng oán trách bạn bè sao cứ dẫn mình đi đến nhưng nơi dễ bị cám dỗ, nhưng hãy trách mình đã biết mà không chịu từ chối lời mời mọc của bạn bè...

Tội và không tội là ở đó, khôn ngoan và khờ dại cũng ở đó mà ra...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Nhận thức và không nhận thức
Lm. Minh Anh
23:25 09/09/2021

NHẬN THỨC VÀ KHÔNG NHẬN THỨC
“Sao anh thấy cái rác trong mắt người anh em, mà cái xà trong mắt mình lại không để ý tới?”.


Một số tội nhân có thể lầm tưởng khi nói, “Tôi nhận thức rõ và không cảm thấy trong mình một trọng lượng nào, tôi có tội gì đâu!”. John Fisher trả lời, “Nếu con chó bị buộc một hòn đá lớn ở cổ, ném xuống từ một ngọn tháp, nó cũng sẽ không nhận thức trọng lượng của hòn đá chừng nào nó đang rơi; nhưng một khi nó xuống tới đất, nó sẽ tan ra từng mảnh bởi lý do của trọng lượng đó!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Lời Chúa hôm nay không nói đến trọng lượng của tội, nhưng nói đến sự ‘nhận thức và không nhận thức’ của một con người. Phaolô biết tội mình, từng bắt bớ đạo Chúa, ngài khiêm tốn cậy vào lòng Chúa xót thương; kẻ giả hình không biết tội mình, kiêu căng xét đoán đồng loại. Chúa Giêsu bảo, “Sao anh thấy cái rác trong mắt người anh em, mà cái xà trong mắt mình lại không để ý tới?”.

Trong kiệt tác “Lâu Đài Nội Tâm” của mình, chị thánh Têrêxa Avila giải thích, “Một trong những bước đầu tiên của hành trình nên thánh là nhận thức bản thân!”. Nhận thức bản thân phát sinh lòng khiêm tốn; vì khiêm tốn chỉ đơn giản là nhìn nhận đúng đắn bản thân mình. Một người không nhìn thấy chính mình dưới ánh sáng đích thực của Thiên Chúa, sẽ sai lầm khi nhìn người khác; họ dễ dàng đưa ra những phán xét lệch lạc, khi sai lầm chỉ nhìn thấy tội lỗi của người anh em.

Điều Têrêxa Avila nói được tìm thấy nơi Phaolô, một người đã ‘nhận thức và không nhận thức’. Trong thư Timôtê hôm nay, Phaolô nhận thức, “Trước kia, cha là kẻ nói phạm thượng, bắt đạo và kiêu căng”. Nhờ hiểu biết đúng đắn, Phaolô cùng lúc, nhận thức được lòng Chúa nhân từ, “Nhưng cha đã được Thiên Chúa xót thương”; “Ngài đã kể cha là người trung tín”. Để từ đó, Phaolô quên đi chặng đường đã qua, chặng đường không nhận thức, lao mình về phía trước và có thể cất lên, “Lạy Chúa, Chúa là phần sản nghiệp con được hưởng!” như tâm tình của Thánh Vịnh đáp ca.

Với bài Tin Mừng, Chúa Giêsu mô tả sự lầm lạc nghiêm trọng nơi một người thiếu nhận thức về bản thân mình. Đó là người không thấy “cái xà trong mắt mình”, nghĩa là không nhìn thấy tội lỗi của chính bản thân; kết quả, họ chỉ thấy “cái rác trong mắt người anh em”, thấy tội lỗi người khác. Như thế, nếu mỗi người biết nhìn vào nội tâm lòng mình, xét xem những suy nghĩ của mình một cách trung thực, chắc chắn người ấy sẽ biết chính mình như Thiên Chúa biết; đồng thời, sẽ nhìn người anh em như Thiên Chúa nhìn. Bấy giờ, chúng ta sẽ không dành quá nhiều thời gian để nghĩ về tội lỗi người khác, phân tích và đánh giá hành động của họ.

Cách tốt nhất để biết chính mình là nhìn vào Chúa Giêsu. Một khi Chúa Giêsu trở thành tâm điểm của sự chú ý trong suốt cả ngày sống, chúng ta sẽ không chỉ biết Ngài mà còn biết rõ về bản thân mình một cách trung thực nhất. Ngắm nhìn vẻ đẹp và sự hoàn hảo thiên linh nơi Chúa Giêsu, cái nhìn của chúng ta sẽ có ‘tác dụng kép’ là biết Ngài và biết chính mình qua đôi mắt của Ngài. Nó còn giúp chúng ta biết được cách thức mà Chúa Giêsu thường nhìn những người khác; Ngài nhìn họ với lòng thương xót vĩnh viễn. Đúng vậy, cuối mỗi cuộc đời, khi từ giã cõi trần để sang thế giới bên kia, chúng ta sẽ gặp phải sự phán xét đặc biệt của Thiên Chúa; nhưng bao lâu còn ở chốn dương gian, Thiên Chúa vẫn liên tục nhìn chúng ta với ánh mắt từ ái của Ngài. Vì lý do đó, thương xót phải là ‘môi trường và sứ mệnh’ thường nhật của chúng ta, và chúng ta phải xây dựng thói quen nhìn mọi người bằng con mắt của lòng thương xót Chúa.

Anh Chị em,

Chúa Giêsu đang nhìn chúng ta với đôi mắt từ ái của Ngài mỗi ngày qua Thánh Thể, qua Lời Ngài. Cũng thế, chúng ta hãy nhìn vào Chúa Giêsu, tìm cách biết Ngài và làm cho Ngài trở thành tâm điểm của sự chú ý! Khi làm vậy, chúng ta tìm cách loại bỏ những suy nghĩ, đánh giá và nhận thức về người khác. Hãy để cho ánh mắt của mình nhìn vào Chúa Giêsu, chúng ta không chỉ nhìn thấy Ngài mà còn nhìn thấy những người khác qua mắt Ngài. Biết cách xây dựng thói quen này, việc chúng ta ‘nhận thức và không nhận thức’ sẽ rất hữu ích; đó là nhận thức mình tội lỗi, yếu hèn và biết rằng, đã từ lâu, dường như chúng ta không nhận thức rằng, Thiên Chúa yêu thương chúng ta nhiều đến thế! Và điều này sẽ giúp chúng ta tiến nhanh trên con đường nên thánh.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin giúp con nhìn thấy chính mình qua đôi mắt của Chúa, hầu con có thể nhìn anh chị em con qua chính ánh mắt ấy. Xin giúp con biết và yêu mọi người như Chúa biết và yêu họ”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
2200 học sinh của 6 trường Công Giáo đã chào đón Đại hội Thánh Thể Quốc tế lần thứ 52
Đặng Tự Do
04:46 09/09/2021


Ngày trọng đại đã đến, đó là một lý do tuyệt vời để 2200 học sinh tham gia vào một đám rước, được tổ chức trước nhà thờ lớn nhất của Hung Gia Lợi, Vương cung thánh đường Esztergom. Cuộc tuần hành của họ không chỉ được người dân địa phương tán thưởng mà nhiều người tham gia Hội nghị chuyên đề thần học quốc tế, được tổ chức tại thành phố, cũng trầm trồ.

Các em đã hát bài ca của Đại hội Thánh Thể năm 1938, khi tiếp cận địa điểm mang tính biểu tượng từ năm hướng, cuối cùng tạo thành một cây thánh giá lớn trước cầu thang của Vương cung thánh đường. Đáng ngạc nhiên là người đầu tiên bước ra khỏi Vương cung thánh đường không phải là cha xứ Csaba Török, mà chính là Đức Hồng Y Péter Erdő. Đức Tổng Giám Mục Esztergom-Budapest đã nói về giới trẻ, là một phần không thể thiếu của Sự kiện Thế giới. Tuổi trẻ là dấu hiệu của niềm vui và hy vọng, mà thế giới đang rất cần. Sau đó, ngài chúc phúc cho các tình nguyện viên của Đại hội và tất cả những người đã tận tụy với công việc và lời cầu nguyện để hỗ trợ tổ chức Đại hội.

Các ca sĩ nổi danh của Budapest như Csaba Pindroch, Bogi Nagy, Gabi Tóth, Máté Czinke và Gergő Dánielfy đã cùng đi bộ với các học sinh và hát các bài thánh ca.
Source:IEC 2020
 
Giáo hội sẽ không tồn tại nếu không có Bí tích Thánh Thể
Đặng Tự Do
04:47 09/09/2021


12 diễn giả đến từ chín quốc gia của ba lục địa đã nghiên cứu nhiều khía cạnh khác nhau chug quanh mầu nhiệm Thánh Thể tại Hội nghị chuyên đề tổ chức tại Esztergom, Hung Gia Lợi từ ngày 2 đến ngày 4 tháng 9 năm 2021, như một chương trình trước Đại hội Thánh Thể Quốc tế lần thứ 52.

Ba trăm người tham gia cuộc họp đồng thanh nhất trí với nhau rằng một cuộc Tân Phúc Âm Hóa, trong đó không đặt trọng tâm nơi Thánh Thể là không đủ. Rao giảng giáo lý thôi cũng không đủ. Chúng ta cần theo đuổi đức tin sống động, bao gồm cả việc thực hành phụng vụ, để Thánh Thể trở thành trung tâm trong đời sống đức tin của chúng ta.

Mặt khác, hội nghị chuyên đề cũng tập trung vào suy nghĩ cho rằng thần học về Thánh Thể và phụng vụ Thánh Thể không thể tách rời nhau, thần học và phụng vụ cùng tồn tại và bổ sung cho nhau.

Các diễn giả đã chỉ ra rằng nếu chúng ta muốn phụng vụ Giáo hội được duy trì trong tương lai, chúng ta nên nhìn nhận nó như một sự kiện thiêng liêng theo những thể thức nghiêm ngặt, thay vì chấp nhận sự hoang hóa và dị dạng của nó.

Đứng trước trào lưu loãng hoá các đòi buộc của Tin Mừng cho phù hợp với các yêu sách của xã hội tục hóa, thể hiện rõ nét nhất tại Đức, mọi người nhận thấy rằng Tin Mừng, đã thấm nhuần và tái tạo lịch sử của nhân loại, phải được tiếp tục theo một cách thức không thay đổi trong khi tỏa ra ánh sáng và sức mạnh của nó trong thế giới tục hóa hiện tại của chúng ta. Tất cả những điều trên được đặt lên hàng đầu với sứ điệp chính là lời mời gọi đến bàn tiệc Thánh Thể dẫn đến trung tâm của mầu nhiệm Kitô giáo.
Source:IEC 2020
 
Được đằng chân lân đàng đầu, Đức Giáo Hoàng chỉ còn quyền ký tên và đóng dấu trong việc bổ nhiệm Giám Mục Vũ Hán
Đặng Tự Do
04:47 09/09/2021


Linh mục Thôi Khánh Kỳ (Cui Qingqi, 崔庆琪), đã trở thành Tân Giám Mục Vũ Hán (Wuhan, 武汉). Asia-News, cơ quan thông tin của Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại cho biết giáo phận địa phương đã ra một tuyên bố chính thức cho biết lễ tấn phong đã diễn ra vào lúc 8 giờ sáng ngày 8 tháng 9, ngày lễ Sinh Nhật Đức Mẹ, tại nhà thờ Thánh Giuse.

Trong hơn một năm rưỡi qua, Vũ Hán đã là đầu đề của các tin tức trên toàn thế giới vì là tâm chấn của đại dịch COVID-19.

Vũ Hán là thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc là một tòa giám mục lớn. Vào ngày 13 tháng 4 năm 1958, đây đã là nơi diễn ra lễ tấn phong đầu tiên của hai giám mục mà không có sự chấp thuận của Tòa Thánh: đó là Giám mục Bernardin Đổng Quang Thanh (Dong Guangqing, 董光清) của Hán Khẩu (Hankou, 汉口) và Giám mục Máccô Viên Văn Hoa (Yuan Wenhua, 袁文华) của Vũ Xương (Wuchang, 武昌).

Việc bổ nhiệm giám mục Vũ Hán từ lâu đã được Đảng Cộng sản Trung Quốc kỳ vọng như là bằng chứng và biểu tượng cho quyền tự trị của Giáo hội quốc doanh được bọn cầm quyền công nhận và kiểm soát.

Năm 2007, bọn cầm quyền đã chọn Cha Giuse Thẩm Quốc An (Shen Guo'an, 沈国安) làm lãnh đạo giáo phận và đã ủng hộ ông làm ứng viên giám mục, ấn định ngày tấn phong cho ông ta là ngày 9 tháng 6 năm 2011.

Giờ chót lễ tấn phong cho vị linh mục này bị hủy bỏ mà không có bất kỳ lời giải thích nào. Ông ta tiếp tục giữ vai trò lãnh đạo giáo phận, nhưng vào tháng 12 năm 2012, khi ông đồng ý với việc thuyên chuyển giáo sĩ trong giáo phận theo yêu cầu của Hội Công Giáo Yêu Nước, bọn cầm quyền đã ngừng hỗ trợ ông ta và thay thế ông bằng linh mục Thôi Khánh Kỳ.

Linh mục Thôi Khánh Kỳ là một tu sĩ dòng Phanxicô. Ông sinh năm 1964 tại huyện Trường Chí (Changzhi, 长治) tỉnh Sơn Tây (Shanxi, 长治) và được thụ phong linh mục năm 1991.

Với tư cách là một ứng viên giám mục, cuộc bầu cử “dân chủ” của ông đã diễn ra vào ngày 27 tháng 9 năm 2020. Hội Công Giáo Yêu Nước đã đưa ra một danh sách chỉ có duy nhất một tên ông cho Tòa Thánh.

Rõ ràng, Vatican không thể từ chối việc bổ nhiệm này, ngay cả khi khả năng đánh giá sự phù hợp một cách cụ thể là rất hạn chế. Thẩm quyền của Đức Giáo Hoàng trong trường hợp này chỉ giới hạn trong việc ký tên và đóng dấu cho một văn bản đã được Đảng Cộng sản Trung Quốc soạn thảo.

Việc tấn phong linh mục Thôi Khánh Kỳ sẽ là lần tấn phong thứ tư sau khi thỏa thuận Trung Quốc-Vatican được gia hạn vào tháng 10 năm ngoái liên quan đến việc bổ nhiệm giám mục ở Trung Quốc.

Lần tấn phong đầu tiên liên quan đến linh mục Tôma Trần Thiên Hào (Chen Tianhao, 陈天豪) 58 tuổi, được tấn phong giám mục cho giáo phận Thanh Đảo (Qingdao,青岛), Sơn Đông (Shandong, 山东) vào ngày 23 tháng 11 năm ngoái, 2020. Lần tấn phong thứ hai liên quan đến linh mục Phêrô Lưu Căn Châu (Liu Genzhu, 刘根珠) được tấn phong làm giám mục giáo phận Hồng Đông – Lâm Phần (Hongdong-Linfen, 洪东-临汾) thuộc tỉnh Sơn Tây hôm thứ Ba 22 tháng 12 năm ngoái, 2020.

Việc bổ nhiệm linh mục Thôi Khánh Kỳ làm Giám Mục Vũ Hán còn đặt ra một vấn đề khác. Bọn cầm quyền Trung Quốc đã gom 3 giáo phận Hán Khẩu, Vũ Hán và Vũ Xương thành một giáo phận là giáo phận Vũ Hán, trong khi Tòa Thánh vẫn coi các giáo phận Hán Khẩu, và Vũ Xương là các giáo phận khác biệt lập với Vũ Hán.

Asia News thắc mắc rằng không biết chính xác dựa trên cơ sở pháp lý nào mà Tòa thánh chấp thuận việc bổ nhiệm tân giám mục này vì vấn đề biên giới giáo phận vẫn chưa chính thức được giải quyết.
Source:Asia News
 
ĐTGM Hilarion nhấn mạnh rằng người Công Giáo, Chính thống giáo Đông phương thống nhất với nhau trong niềm tin vào sự hiện diện thực sự của Chúa Kitô
Đặng Tự Do
04:48 09/09/2021


Phát biểu tại Đại hội Thánh Thể Quốc tế ở Budapest, một nhà lãnh đạo Chính thống giáo Nga cho biết rằng niềm tin vào sự hiện diện thực sự của Chúa Kitô trong Bí tích Thánh Thể hợp nhất người Công Giáo và các tín hữu Chính thống giáo Đông phương bất chấp những chia rẽ của họ.

Giảng bài giáo lý khai mạc tại Đại hội Thánh Thể Quốc tế lần thứ 52 ở Budapest, Hung Gia Lợi, vào ngày 6 tháng 9, Đức Tổng Giám Mục Hilarion đã phác thảo cách hiểu của Chính thống giáo Đông phương về Bí tích Thánh Thể.

Đức Tổng Giám Mục chủ tịch Ủy Ban Đối ngoại của Thánh Công Đồng Chính Thống Giáo Nga nói:

“Những người Công Giáo và Chính Thống chưa được hiệp nhất trong Thánh Thể, nhưng họ được hiệp nhất trong xác tín rằng trong bánh Thánh Thể và rượu sau khi được thánh hiến, chúng ta không chỉ có sự hiện diện mang tính biểu tượng của Chúa Kitô, nhưng là một sự hiện diện đầy đủ và thật sự của Người”.

“Chúng ta tin rằng bánh và rượu trong Bí tích Thánh Thể là Mình và Máu thật của Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Việc cử hành Thánh Thể không chỉ là một kỷ niệm của Bữa Tiệc Ly, mà còn là sự hiện thực hóa của bữa tiệc ấy đối với mỗi tín hữu tham dự”.

“Và chủ tế không cử hành Bí tích Thánh Thể nhân danh mình. Nhân danh chính Chúa Giêsu, ngài phát âm những lời ban đầu do Chúa Kitô thốt ra trong Bữa Tiệc Ly của Ngài. Và chính Chúa Kitô là người ban Tiệc Thánh cho những người theo Ngài, chứ không phải một linh mục hay một giám mục”.

Đại hội Thánh Thể Quốc tế lần thứ 52 đã khai mạc vào ngày 5 tháng 9 với một dàn hợp xướng gồm 1,000 người và trong Thánh lễ nhiều trẻ em và người lớn đã được rước lễ lần đầu.
Source:Catholic News Agency
 
Đức Thánh Cha gặp gỡ những người Afghanistan trong buổi chiếu phim Francesco
Đặng Tự Do
16:30 09/09/2021


Hôm 6 tháng 9, Ông Matteo Bruni, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh, đã đưa ra một thông báo cho biết như sau:

“Tối nay, sau buổi chiếu phim tài liệu ‘Francesco’, do vị đạo diễn và Tổ chức Laudato si tổ chức, Đức Thánh Cha đã đến cổng vào của Hội trường Phaolô Đệ Lục và gặp khoảng 100 người. Họ là những người vô gia cư và người tị nạn, được mời đến xem bộ phim. Trong số họ có khoảng hai mươi người đã đến từ Afghanistan trong những tuần gần đây. Đức Thánh Cha đã nói những lời yêu thương và an ủi họ. Sau đó, Đức Thánh Cha Phanxicô trở lại Casa Santa Marta và ban tổ chức đã phân phát một gói thực phẩm cho mọi người”

Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 5 tháng 9, Đức Thánh Cha đã nhắc đến người dân Afghanistan như sau:

“Trong những thời điểm khó khăn khi chứng kiến những người Afghanistan tìm kiếm nơi ẩn náu, tôi cầu nguyện cho những người dễ bị tổn thương nhất trong số họ. Tôi cầu nguyện rằng nhiều quốc gia sẽ chào đón và bảo vệ những người đang tìm kiếm một cuộc sống mới. Tôi cũng cầu nguyện cho những người phải di dời trong nước, cầu mong họ có thể nhận được sự trợ giúp và sự bảo vệ cần thiết. Mong những người trẻ Afghanistan được giáo dục. Giáo dục là một điều tối cần thiết cho sự phát triển của con người. Và mong tất cả người Afghanistan, dù ở quê nhà, đang quá cảnh, hay ở các nước sở tại, có thể sống đàng hoàng, hòa bình và huynh đệ với những người láng giềng của họ”.
Source:Sismografo
 
Các Giám Mục 5 nước Bắc Âu họp chung ở Praha.
Đặng Tự Do
16:31 09/09/2021


Các giám mục của năm nước Bắc Âu là Thụy Điển, Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan, và Băng Đảo thuộc cùng một Hội đồng Giám mục. Các ngài đang họp ở Praha, thủ đô Tiệp. Đại hội khoáng đại mùa thu của các vị đã khai mạc hôm 6 tháng 9 tại tu viện Premonstratensian trong quận Strahov, của thủ đô Tiệp, và sẽ kết thúc vào ngày 10 tháng 9.

Giải thích về việc chọn địa điểm này, Hội Đồng Giám Mục Bắc Âu cho biết các ngài đã được Tu viện trưởng Daniel Peter Janáček mời.

Trong phiên khoáng đại, các ngài sẽ thảo luận về tiến trình thượng hội đồng do Đức Thánh Cha Phanxicô triệu tập. Trong số các chủ đề được nêu trong chương trình nghị sự cũng có ba chủ đề liên quan đến các Tự Sắc được ban hành trong những tháng gần đây về Thánh lễ Latinh Truyền thống, về chức vụ giáo lý viên và về việc thu nhận phụ nữ vào chức đọc sách và giúp lễ.
Source:SIR
 
Đức Cha Broderick Pabillo tố cáo tổng thống Duterte và đồng bọn làm giàu bằng vắc xin trong đại dịch.
Đặng Tự Do
16:32 09/09/2021


Đức Cha Broderick Pabillo đã chỉ trích Tổng thống Rodrigo Duterte, và đồng minh trung thành của ông ta là Thượng nghị sĩ Christopher “Bong” Go, và nhóm của họ. Ngài cáo buộc các quan chức này “giết người” qua các giao dịch tham nhũng và các mua sắm dược phẩm và các thiết bị y tế trong thời gian qua, đặc biệt là vắc xin.

“Họ thực sự tàn phá đất nước chúng ta qua các giao dịch tham nhũng này. Khi người Phi Luật Tân chết và những người khác bị ốm, Duterte và đồng bọn của hắn đang hả hê cười nhạo trước khả năng nắm chính quyền thêm sau năm 2022 với số tiền bầu cử khổng lồ để mua phiếu bầu của những người dân Phi Luật Tân nghèo khổ và đau khổ”.

“Không có gì nói lên một cách hùng hồn hơn tình trạng tham nhũng trong chính quyền hiện tại cho bằng chiếc khẩu trang và khăn che mặt mà người dân Phi Luật Tân chúng ta bắt buộc phải đeo. Các thiết bị bảo vệ này đã được mua bởi các mối quan hệ từ Trung Quốc của họ với số tiền quá lớn, tổng cộng lên tới hàng tỷ peso”.

Đức Cha Pabillo, Giám Quản Tông Tòa của Taytay, đã than thở về việc Duterte cướp bóc công quỹ “kinh hoàng và tàn nhẫn” ngay khi đất nước đang phải vất vả đối mặt với đại dịch kinh hoàng.

“Đó là một hành động tham nhũng trắng trợn, một cách vô tội vạ và không đoái hoài gì đối với mạng sống con người.”

“Giao dịch mờ ám này đã phơi bày thói đạo đức giả của Duterte, người đã thề chống tham nhũng và loại bỏ các quan chức ngay cả khi chỉ có 'mùi tham nhũng' trong bất kỳ cơ quan chính phủ nào”.

Đức Cha Pabillo cũng kêu gọi công chúng tước bỏ mọi quyền lực của tổng thống Duterte.

“Hãy vạch mặt hắn ta ngay bây giờ và loại bỏ mọi lá chắn bảo vệ quyền lực mà hắn ta vẫn tiếp tục bám víu vào lúc này. Nếu không, vi rút tự hài lòng và thái độ tà tà của hầu hết đồng bào chúng ta sẽ tiếp tục lây nhiễm tràn lan, đó là một loại vi rút mạnh hơn và độc hại hơn, phá hủy không chỉ cuộc sống cá nhân, mà trên tất cả, nó phá huỷ nền tảng của đất nước Phi Luật Tân thân yêu của chúng tôi.”

Pharmally Pharmaceutical Corp do Duterte và đồng bọn lập ra đã nhận được hợp đồng cung ứng vắc xin, các loại dược phẩm và thiết bị y tế phòng dịch, tất cả từ Trung Quốc, trị giá 8.6 tỷ USD từ chính phủ, mặc dù nó mới được thành lập với mức vốn rất nhỏ.

Đức Cha Broderick Pabillo, nguyên Giám Mục Phụ Tá của Tổng giáo phận Manila, đã được báo chí tiên đoán sẽ giữ các chức vụ quan trọng hơn trong Giáo Hội tại Phi Luật Tân, cụ thể, ngài sẽ trở thành Tổng Giám Mục Manila. Tuy nhiên, xem ra các đồn đoán đã diễn ra theo hướng ngược lại.

Ngài đã rời Palawan vào hôm thứ Năm, 5 tháng 8, để đến Palawan trước khi được bổ nhiệm vào ngày 19 tháng 8 với tư cách là Giám Quản Tông Tòa của Taytay. Ở miền đèo heo hút gió này ngài dám chỉ trích tên Duterte cho thấy ngài là một Giám Mục rất can đảm.
Source:Rev News
 
Slovakia nới lỏng các hạn chế liên quan đến COVID. Nhiều người Công Giáo có thể gặp Đức Thánh Cha Phanxicô
Đặng Tự Do
16:32 09/09/2021


Các nhà chức trách ở Slovakia đang nới lỏng các quy tắc COVID để cho phép nhiều người Công Giáo hơn được gặp Đức Thánh Cha Phanxicô trong chuyến tông du của ngài từ ngày 12 đến 15 tháng 9 của ông tới đất nước này.

Việc tiếp cận các sự kiện của Giáo hoàng sẽ không còn giới hạn đối với những người đã được tiêm chủng đầy đủ, mà sẽ mở rộng cho những người có kết quả xét nghiệm âm tính gần đây hoặc có bằng chứng về sự hồi phục trong vòng 180 ngày qua, trang web của Hội đồng Giám mục Slovakia thông báo hôm mùng 4 tháng 9.

Các giám mục địa phương đã phải miễn cưỡng đồng ý hạn chế các cuộc tụ họp trong chuyến tông du của Đức Thánh Cha trong phạm vi những người đã được tiêm chủng đầy đủ hai lần trong bối cảnh có những lo ngại rằng chuyến đi sẽ góp phần tạo ra một làn sóng vi rút thứ ba.

Nhưng một phát ngôn viên của Giáo hội cho biết vào tháng trước rằng yêu cầu này đang làm đau đầu những người tổ chức chuyến đi của Đức Thánh Cha đến bốn thành phố.

Cha Martin Kramara, phát ngôn viên của Hội đồng Giám mục Slovakia, nói rằng các giám mục đã đồng ý với điều kiện vì nếu không đồng ý như thế chính quyền sẽ giới hạn các sự kiện của Đức Giáo Hoàng trong phạm vi không quá 1,000 người.

Cha Kramara cũng lưu ý vào tháng trước rằng theo truyền thông địa phương, sự quan tâm đến chuyến tông du có vẻ thấp hơn dự kiến.

Các báo cáo cho rằng các sự kiện chỉ ở mức 13% dự kiến ban đầu. Tính đến ngày 2 tháng 9, chỉ có 57,000 người ghi danh gặp gỡ Đức Giáo Hoàng. Slovakia có 5.5 triệu dân, 62% là người Công Giáo.

Theo Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Châu Âu, Slovakia là một trong những nước có tỷ lệ tiêm chủng COVID-19 thấp nhất ở Âu Châu, với chỉ 51.3% dân số đã được tiêm ít nhất một liều vắc xin tính đến ngày 6 tháng 9.

Một cuộc thăm dò của Viện Hàn lâm Khoa học Slovakia vào tháng 7 cho thấy 36% người Slovakia nói rằng họ không muốn tiêm vắc-xin COVID, tăng so với mức 30.9% vào tháng Năm.

Cùng tháng, hàng trăm người đã tụ tập bên ngoài quốc hội Slovakia để phản đối các quy định mới về vắc xin.

Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 5 tháng 9, Đức Thánh Cha nói:

“Chúa Nhật tới, tôi sẽ đến Budapest để kết thúc Đại hội Thánh Thể Quốc tế. Cuộc hành hương của tôi sẽ tiếp tục sau Thánh lễ với vài ngày ở Slovakia, và sẽ kết thúc vào thứ Tư tuần sau đó với lễ kỷ niệm rất lớn và nổi tiếng, là lễ Đức Mẹ Sầu Bi, Đấng Bảo Trợ của đất nước đó. Đây sẽ là những ngày được đánh dấu bằng sự tôn thờ và cầu nguyện ở trung tâm của Âu Châu. Trong khi chào đón một cách trìu mến những người chuẩn bị cuộc hành trình này - tôi cảm ơn các bạn - và những người đang chờ đợi tôi và những người mà bản thân tôi hết lòng mong muốn được gặp, tôi xin mọi người đồng hành với tôi trong lời cầu nguyện, và tôi giao phó những chuyến viếng thăm mà tôi sẽ thực hiện cho sự chuyển cầu của rất nhiều vị đã tuyên xưng đức tin một cách anh hùng, những người ở những nơi đó đã làm chứng cho Tin Mừng giữa sự thù địch và bắt bớ. Xin các ngài cũng giúp Âu Châu đưa ra các chứng tá hôm nay, không phải bằng lời nói mà trên hết bằng việc làm, với những việc làm của lòng thương xót và lòng hiếu khách, theo tin mừng của Chúa, Đấng yêu thương chúng ta và cứu độ chúng ta. Cảm ơn các bạn!”
Source:Catholic News Agency
 
Tài liệu chuẩn bị cho Đại hội đồng thường lệ lần thứ 16 của Thượng Hội đồng Giám mục
Vũ Văn An
22:23 09/09/2021

Tài liệu chuẩn bị cho Đại hội đồng thường lệ lần thứ 16 của Thượng Hội đồng Giám mục



Vì một Giáo hội Đồng nghị:
Hiệp thông, Tham gia và Sứ mệnh


NỘI DUNG

I. Lời kêu gọi cùng nhau hành trình
II. Một Giáo hội Đồng nghị trong hiến chế
III. Lắng nghe Kinh thánh
Chúa Giêsu, Đám đông, Các Tông đồ
Động lực kép của hoán cải: Thánh Phêrô và Ông Cornêliô (Công vụ 10)
IV. Tính Đồng nghị trong hành động: Các nẻo đường để hỏi ý kiến dân Chúa
Câu hỏi cơ bản
Các khía cạnh khác nhau về tính đồng nghị
Mười chủ đề cốt lõi cần được khám phá
Đóng góp vào cuộc tham khảo

*************************


1.Giáo Hội của Thiên Chúa được triệu tập trong Thượng hội đồng. Nẻo đường có tên “Vì một Giáo hội Đồng nghị: Hiệp thông, Tham gia và Sứ mệnh” sẽ long trọng khai mạc vào ngày 9 - 10 tháng 10 năm 2021 tại Rôma và vào ngày 17 tháng 10 sau đó tại mỗi Giáo hội đặc thù. Giai đoạn căn bản sẽ là việc cử hành Đại hội đồng Thường lệ lần thứ XVI của Thượng Hội đồng Giám mục, vào tháng 10 năm 2023, [1] sẽ được tiếp nối bằng giai đoạn thi hành liên quan đến các Giáo hội đặc thù (xem EC, điều 19- 21). Với việc triệu tập này, Đức Giáo Hoàng Phanxicô mời gọi toàn thể Giáo hội suy tư về một chủ đề có tính cách quyết định đối với đời sống và sứ mệnh của mình:

“Chính con đường đồng nghị này được Thiên Chúa mong đợi ở Giáo hội của thiên niên kỷ thứ ba” [2]. Cuộc hành trình này, diễn ra sau công cuộc “canh tân” Giáo hội do Công đồng Vatican II đề xuất, vừa là một ơn phúc vừa là một nhiệm vụ: bằng cách đồng hành và cùng nhau suy gẫm về cuộc hành trình đã được thực hiện, Giáo hội sẽ có thể học hỏi qua kinh nghiệm của mình những diễn trình nào có thể giúp Giáo Hội sống hiệp thông, đạt được sự tham gia, mở cửa để Giáo Hội thi hành sứ mệnh sai đi. Thực thế, việc chúng ta “cùng nhau hành trình” là điều thể hiện và biểu lộ một cách hữu hiệu nhất bản chất của Giáo hội như là dân Chúa đang lữ hành và truyền giáo.

2. Một câu hỏi căn bản gợi mở và hướng dẫn chúng ta: Làm thế nào để việc “cùng nhau hành trình”, diễn ra ngày nay trên các bình diện khác nhau (từ bình diện địa phương đến bình diện hoàn vũ), cho phép Giáo hội công bố Tin Mừng phù hợp với sứ mạng đã trao phó cho Giáo Hội; và Chúa Thánh Thần mời gọi chúng ta thực hiện những bước nào để lớn lên như một Giáo Hội đồng nghị?

Cùng nhau giải đáp câu hỏi trên đòi hỏi phải lắng nghe Chúa Thánh Thần, Đấng như gió “thổi nơi nào nó muốn; bạn có thể nghe âm thanh nó tạo ra, nhưng bạn không biết nó đến từ đâu hay nó đi về đâu ”(Ga 3: 8), vẫn mở ngỏ cho những điều ngạc nhiên mà Chúa Thánh Thần chắc chắn sẽ chuẩn bị cho chúng ta trên đường đi. Do đó, một sự năng động được kích hoạt giúp chúng ta bắt đầu gặt hái một số thành quả của một cuộc hoán cải đồng nghị, sẽ dần dần chín mùi. Đây là những mục tiêu có tầm quan trọng lớn đối với phẩm chất của đời sống Giáo hội và đối với việc hoàn thành sứ mệnh loan báo Tin Mừng, trong đó tất cả chúng ta đều tham gia nhờ Bí tích Rửa tội và Thêm sức. Ở đây, chúng ta sẽ chỉ ra những mục tiêu chính vốn biến cách (decline) tính đồng nghị thành hình thức, phong cách và cấu trúc của Giáo hội:

* nhắc nhớ việc Chúa Thánh Thần hướng dẫn cuộc hành trình của Giáo Hội trong suốt lịch sử và ngày nay, kêu gọi chúng ta cùng nhau phải làm sao trở thành các chứng nhân của tình yêu thương Thiên Chúa;

* sống diễn trình giáo hội một cách có tham gia và bao gồm, cung cấp cho mọi người – nhất là những người, vì nhiều lý do khác nhau, thấy mình ở bên lề - cơ hội để tự phát biểu và được lắng nghe ngõ hầu góp phần vào việc gầy dựng dân Chúa;

* thừa nhận và đánh giá cao sự phong phú và tính đa dạng của các ơn phúc và đặc sủng mà Chúa Thánh Thần tự ý ân ban vì lợi ích của cộng đồng và lợi ích của toàn thể gia đình nhân loại;

* khám phá những cách thức tham gia để thực thi trách nhiệm trong việc công bố Tin Mừng và trong cố gắng xây dựng một thế giới tươi đẹp hơn và đáng sống hơn;

* kiểm tra xem trách nhiệm và quyền hành được thực hiện ra sao trong Giáo hội cũng như các cơ cấu nhờ đó chúng được quản lý, đem ra ánh sáng và cố gắng hoán cải các định kiến và thực hành méo mó không bắt nguồn từ Tin Mừng;

* thừa nhận cộng đồng Kitô giáo như một chủ thể khả tín và là đối tác đáng tin cậy trong các nẻo đường đối thoại xã hội, hàn gắn, hòa giải, hòa nhập và tham gia, tái thiết nền dân chủ, cổ vũ tình huynh đệ và tình bạn xã hội;

* tái tạo mối liên hệ giữa các thành viên của các cộng đồng Kitô giáo cũng như giữa các cộng đồng và các nhóm xã hội khác, thí dụ, các cộng đồng tín hữu của các hệ phái và tôn giáo khác, các tổ chức xã hội dân sự, các phong trào quần chúng, v.v.;

* cổ vũ việc đánh giá cao và bản thân hóa thành quả của các kinh nghiệm Thượng hội đồng gần đây trên bình diện hoàn vũ, khu vực, quốc gia và địa phương.

3. Tài liệu Chuẩn bị này nhằm phục vụ cho cuộc hành trình đồng nghị, đặc biệt như là một công cụ để tạo điều kiện cho giai đoạn đầu tiên của việc lắng nghe và tham khảo ý kiến dân Chúa trong các Giáo hội đặc thù (tháng 10 năm 2021 - tháng 4 năm 2022), với hy vọng sẽ giúp khởi động ý nghĩ, năng lực và óc sáng tạo của tất cả những ai tham gia vào cuộc hành trình và làm cho việc chia sẻ thành quả của các cố gắng của họ trở thành dễ dàng hơn. Với mục đích này: 1) nó bắt đầu bằng cách phác thảo một số đặc điểm nổi bật của bối cảnh đương thời; 2) nó minh họa một cách tổng hợp các tài liệu tham khảo thần học căn bản để có sự hiểu biết và thực hành đúng đắn về tính đồng nghị; 3) nó cung cấp một số tư tưởng Kinh thánh có thể nuôi dưỡng việc suy niệm và suy tư cầu nguyện dọc đường hành trình; 4) nó minh họa một số viễn ảnh để từ đó đọc lại các kinh nghiệm về tính đồng nghị từng được mang ra sống; 5) nó cho thấy một số cách trình bày rõ ràng công việc đọc lại này trong cầu nguyện và chia sẻ. Kèm theo một cách cụ thể việc tổ chức công việc, một Cẩm nang phương pháp luận, đính kèm Tài liệu Chuẩn bị này và có sẵn trên trang mạng lưu trữ chuyên dụng, đã được đề xuất [3]. Trang mạng cung cấp một số nguồn tài liệu để đào sâu chủ đề tính đồng nghị, như một trợ cụ cho Tài liệu Chuẩn bị này; trong số những tài liệu nguồn này, chúng tôi muốn nhấn mạnh hai điều được đề cập nhiều lần dưới đây: Diễn văn tại Lễ Kỷ niệm 50 năm thiết lập Thượng Hội đồng Giám mục, do Đức Giáo Hoàng Phanxicô trình bầy vào ngày 17 tháng 10 năm 2015, và văn kiện Tính Đồng nghị trong Đời sống và Sứ mệnh của Giáo hội, do Ủy ban Thần học Quốc tế soạn và xuất bản năm 2018.

I. Lời kêu gọi cùng nhau hành trình

4. Cuộc hành trình đồng nghị triển khai trong một bối cảnh lịch sử được đánh dấu bằng những thay đổi mang tính thời đại trong xã hội và bằng một sự chuyển tiếp quan yếu trong đời sống Giáo Hội, một điều không thể làm ngơ: nó nằm trong những nếp gấp phức tạp của bối cảnh này, trong các căng thẳng và mâu thuẫn của nó, các căng thẳng và mâu thuẫn mà chúng ta được mời gọi “xem xét kỹ lưỡng các dấu chỉ của thời đại và giải thích chúng dưới ánh sáng Tin Mừng” (GS, số 4). Một số yếu tố của khung cảnh hoàn cầu có liên hệ chặt chẽ nhất với chủ đề của Thượng Hội đồng được phác họa ở đây; nhưng bức tranh cần được phong phú hóa và hoàn tất ở bình diện địa phương.

5. Thảm kịch hoàn cầu như đại dịch COVID-19 “trong giây lát đã làm sống lại cảm thức này: chúng ta là một cộng đồng hoàn cầu, tất cả đang ở trong cùng một con thuyền, nơi vấn đề của một người là vấn đề của mọi người. Một lần nữa chúng ta nhận ra rằng không ai được cứu một mình; chúng ta chỉ có thể được cứu cùng với nhau ”(FT, số 32). Đồng thời, đại dịch cũng làm cho các bất bình đẳng và bất công vốn hiện hữu hiện lên rõ mồn một: nhân loại dường như ngày càng lung lay bởi các quá trình quần chúng hóa và phân mảnh; tình trạng bi đát mà những người di cư phải đối đầu ở tất cả các khu vực trên thế giới cho thấy rào cản phân chia gia đình nhân loại đơn nhất vẫn còn cao và mạnh mẽ ra sao. Thông điệp Laudato si' Fratelli Tutti ghi lại độ sâu các đường đứt gãy chạy qua nhân loại, và chúng ta có thể tham khảo những phân tích này để bắt đầu lắng nghe tiếng kêu của người nghèo và của trái đất, đồng thời nhận ra những hạt giống hy vọng và tương lai mà Chúa Thánh Thần tiếp tục gieo vào thời đại chúng ta: “Đấng Tạo Hóa không bỏ rơi chúng ta; Người không bao giờ từ bỏ kế hoạch yêu thương của mình hoặc hối hận vì đã tạo ra chúng ta. Nhân loại vẫn còn khả năng chung sức xây dựng ngôi nhà chung của chúng ta ”(LS, số 13).

6. Tình trạng trên, bất chấp các khác biệt lớn, vẫn hợp nhất toàn thể gia đình nhân loại, thách thức khả năng của Giáo hội trong việc đồng hành với các cá nhân và cộng đồng để đọc lại những kinh nghiệm tang tóc và đau khổ đã vạch mặt nhiều điều chắc chắn giả tạo, và nuôi dưỡng hy vọng và niềm tin vào sự tốt lành của Đấng Tạo Dựng và sự sáng tạo của Người. Tuy nhiên, chúng ta không thể che giấu sự kiện này: chính Giáo hội phải đối đầu với việc thiếu đức tin và sự băng hoại ngay trong chính mình. Đặc biệt, chúng ta không thể quên những đau khổ mà các vị thành niên và những người dễ bị tổn thương phải trải qua “do lạm dụng tình dục, lạm dụng quyền lực và lạm dụng lương tâm của một số đáng kể các giáo sĩ và những người thánh hiến” [4]. Chúng ta liên tục bị thách thức “trong tư cách Dân Thiên Chúa, phải gánh lấy nỗi đau của các anh chị em mình từng bị thương trong xác thịt và tinh thần của họ” [5]. Đã quá lâu tiếng kêu than của các nạn nhân là tiếng kêu than mà Giáo hội không thể nghe đủ. Đây là những vết thương sâu khó chữa lành, mà ơn tha thứ cho nó không bao giờ có thể xin cho đủ và là điều đang tạo nên nhiều trở ngại, đôi khi áp đặt chúng, trên đường tiến lên theo hướng “cùng nhau hành trình”. Toàn thể Giáo hội được kêu gọi xử lý sức nặng của một nền văn hóa thấm nhuần chủ nghĩa giáo sĩ trị mà Giáo hội vốn thừa hưởng từ lịch sử của mình, và thấm nhuần các hình thức thực thi quyền hành mà trên đó các loại lạm dụng khác nhau (quyền lực, kinh tế, lương tâm, tình dục) được cấy ghép vào. Không thể nghĩ đến “một cuộc hoán cải hoạt động của chúng ta trong tư cách là một Giáo hội mà không có sự tham gia tích cực của mọi thành phần dân Chúa” [6] cùng nhau chúng ta hãy cầu xin Chúa ban cho “ơn hoán cải và xức dầu bên trong cần để bày tỏ trước những tội ác lạm dụng này sự hối hận và quyết tâm của chúng ta can đảm chống lại chúng" [7].

7. Bất chấp các bất trung của chúng ta, Chúa Thánh Thần vẫn tiếp tục hành động trong lịch sử và biểu lộ quyền năng ban sự sống của Người. Chính trong những luống cày được đào xới bởi những đau khổ đủ loại được gia đình nhân loại và dân Chúa chịu đựng, mà các ngôn ngữ mới của đức tin và những nẻo đường mới đang bừng nở: không những có khả năng giải thích các biến cố theo quan điểm thần học mà trong những thử thách còn tìm ra các lý do để tái lập con đường sống Kitô giáo và Giáo hội. Quả là lý do để hy vọng lớn lao khi hơn một số ít Giáo hội đã bắt đầu ít nhiều các cuộc họp và diễn trình tham khảo có cấu trúc với dân Chúa. Nơi nào họ nổi bật nhờ phong cách đồng nghị, cảm thức về Giáo hội đều phát triển mạnh mẽ và sự tham gia của mọi người đã đem lại một thúc đẩy mới cho đời sống giáo hội. Mong ước của giới trẻ muốn trở thành những nhân vật chủ đạo trong Giáo hội và yêu cầu đánh giá phụ nữ cao hơn và dành không gian để họ tham gia vào sứ mệnh của Giáo hội, từng được các Thượng Hội đồng năm 2018 và 2019 báo hiệu, cũng đã được xác nhận. Việc thiết lập gần đây thừa tác vụ vụ Giáo lý viên giáo dân và việc mở cửa cho phụ nữ gia nhập các thừa tác vụ Đọc sách và Giúp lễ cũng đi theo hướng này.

8. Chúng ta không thể bỏ qua những điều kiện đa dạng của các cộng đồng Kitô giáo sống ở các khu vực khác nhau trên thế giới. Song song với những quốc gia nơi Giáo hội chiếm phần lớn dân số và là điểm tham chiếu văn hóa cho toàn xã hội, có những quốc gia khác mà người Công Giáo là thiểu số; ở một số quốc gia này, người Công Giáo, cùng với những Kitô hữu khác, phải kinh qua các hình thức bách hại, bao gồm một số hình thức rất bạo lực, và thường xuyên phải chết vì đạo. Mặt khác, nếu não trạng thế tục hóa có xu hướng trục xuất tôn giáo ra khỏi các nơi công cộng, thì mặt khác, chủ nghĩa cực đoan tôn giáo, vốn không tôn trọng quyền tự do của người khác, đang nuôi dưỡng các hình thức bất khoan dung và bạo lực; các hình thức này cũng được phản ảnh trong cộng đồng Kitô giáo và trong liên hệ của nó với xã hội. Các Kitô hữu thường áp dụng những thái độ y như thế, thậm chí gây chia rẽ và chống đối, kể cả trong Giáo hội. Cũng cần phải xem xét các âm vang, trong Giáo hội và trong các mối liên hệ của Giáo hội với xã hội, của những rạn nứt gây ra bởi các lý do sắc tộc, chủng tộc, đẳng cấp, hoặc các hình thức phân tầng xã hội khác hoặc bạo lực văn hóa và cơ cấu, đang diễn ra trong xã hội. Những tình huống này có tác động sâu xa đến ý nghĩa của biểu thức “cùng nhau hành trình” và đến các khả thể cụ thể của việc làm như thế.

9. Trong bối cảnh đó, tính đồng nghị nói lên con đường chính cho Giáo hội, được kêu gọi đổi mới chính mình dưới tác động của Chúa Thánh Thần và bằng cách lắng nghe Lời Chúa. Khả năng hình dung một tương lai khác cho Giáo hội và các định chế của Giáo hội, phù hợp với sứ mệnh mà Giáo hội đã lãnh nhận, tùy thuộc phần lớn vào quyết định khởi xướng các diễn trình lắng nghe, đối thoại và biện phân cộng đồng, trong đó mỗi người và mọi người đều có thể tham gia và đóng góp. Đồng thời, quyết định “cùng nhau hành trình” là một dấu hiệu tiên tri cho gia đình nhân loại, vốn cần một dự án chung có khả năng theo đuổi lợi ích của mọi người. Một Giáo hội có khả năng hiệp thông và huynh đệ, tham gia và phụ đới, trung thành với điều mình công bố, sẽ có thể đứng bên cạnh những người nghèo và những người bé nhỏ nhất và cho họ mượn tiếng nói của chính mình. Để “cùng nhau hành trình”, chúng ta cần để cho mình được Chúa Thánh Thần giáo dục cho có một não trạng đồng nghị thực sự, với lòng can đảm và tự do bước vào một diễn trình hoán cải không thể thiếu cho việc “cải tổ liên tục mà [Giáo Hội] luôn luôn cần đến, bao lâu Giáo Hội vẫn còn là một định chế của con người ”(UR, số 6; xem EG, số 26).

II. Một Giáo Hội từ căn bản có tính đồng nghị

10. “Chính con đường đồng nghị này được Thiên Chúa mong đợi ở Giáo hội của thiên niên kỷ thứ ba. Điều Chúa yêu cầu chúng ta theo một nghĩa nào đó đã hiện diện trong chính hạn từ 'thượng hội đồng' [synod]"[8], vốn là" một hạn từ cổ xưa và đáng kính trong Truyền thống Giáo hội, mà ý nghĩa của nó dựa trên những chủ đề sâu xa nhất của Mạc Khải” [9]. Chính “Chúa Giêsu, Đấng tự giới thiệu Người là 'đường, là sự thật và là sự sống '(Ga 14: 6),” và “Các Kitô hữu, những môn đệ của Người, khởi đầu được gọi là ‘ những người theo Đường” (x. Cv 9: 2; 19:9.23; 22:4; 24:14.22)" [10]. Theo quan điểm này, tính đồng nghị không những chỉ là việc cử hành các cuộc gặp gỡ trong Giáo hội và các hội họp của Giám mục, hay một vấn đề quản trị nội bộ đơn giản trong Giáo hội; nó là “phương thức sống và hành động chuyên biệt của Giáo hội, Dân Thiên Chúa, biểu lộ và mang lại bản thể cho hữu thể Giáo hội như là sự hiệp thông khi tất cả các chi thể của Giáo hội cùng nhau hành trình, tụ họp trong các phiên họp và tích cực dự phần vào sứ mệnh truyền bá Tin Mừng của Giáo Hội” [11]. Do đó, đan kết qua lại là các trục chính của một Giáo hội đồng nghị mà tiêu đề của Thượng hội đồng đã đề ra: hiệp thông, tham gia và sứ mệnh. Trong chương này, chúng ta sẽ minh họa ngắn gọn một số tài liệu tham khảo thần học căn bản dựa trên quan điểm này.

11. Trong thiên niên kỷ thứ nhất, “cùng nhau hành trình” - nghĩa là thực hành tính đồng nghị - là cách thức bình thường mà Giáo hội, được hiểu như “Mọi người hợp nhất trong sự hợp nhất của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” [ 12], luôn hành động. Đối với những người gây chia rẽ trong cơ thể Giáo hội, các Giáo phụ tương phản bằng sự hiệp thông của các Giáo hội rải rác trên khắp thế giới, được Thánh Augustinô mô tả là “concordissima fidei conspiratio” [13] nghĩa là sự nhất trí hòa điệu nhất trong đức tin của mọi người đã chịu phép rửa. Đó là các gốc rễ của việc phát triển rộng rãi một thực hành đồng nghị ở mọi bình diện của đời sống Giáo hội — địa phương, cấp tỉnh và hoàn vũ — từng đạt đến biểu hiện cao nhất trong Công đồng Chung. Trong chân trời giáo hội này, được gợi hứng bởi nguyên tắc tham gia của mọi người vào đời sống của Giáo hội, Thánh Gioan Chrysostom đã có thể nói rằng “Giáo hội và Thượng hội đồng đồng nghĩa với nhau” [14]. Ngay cả trong thiên niên kỷ thứ hai, khi Giáo hội nhấn mạnh hơn đến chức năng phẩm trật, cách thức tiến hành này vẫn không mất đi: nếu, cùng với việc cử hành các công đồng chung, việc cử hành các thượng hội đồng giáo phận và giáo tỉnh đã được chứng thực rõ ràng, thì lúc cần phải xác định các chân lý tín điều, các vị Giáo hoàng đều muốn tham khảo ý kiến của các Giám mục để biết đức tin của toàn thể Giáo hội, như thế là đã nại tới thế giá của sensus fidei [cảm thức đức tin] của toàn thể dân Chúa, vốn “không thể sai lầm” ‘trong khi tin'”(EG, số 119).

12. Công đồng Vatican II đã dựa vào động lực của Truyền thống này. Nó nhấn mạnh rằng “Tuy nhiên, Thiên Chúa không làm cho con người trở nên thánh thiện và cứu vớt họ chỉ như các cá nhân, không có sự ràng buộc hay liên kết giữa họ với nhau. Đúng hơn, điều làm Người vui lòng là quy tụ mọi người lại với nhau như một dân tộc, một dân tộc biết nhìn nhận Người trong sự thật và phụng sự Người trong sự thánh thiện" (LG, số 9). Các thành viên của Dân Thiên Chúa được hợp nhất với nhau bằng Bí tích Rửa tội, và “nếu theo ý muốn của Chúa Kitô, một số được làm thầy dạy, mục tử và phân phát các mầu nhiệm thay cho những người khác, nhưng tất cả đều chia sẻ sự bình đẳng thực sự về phẩm giá và hoạt động chung vì mọi tín hữu để xây dựng Thân thể Chúa Kitô ”(LG, số 32). Do đó, tất cả những người đã chịu phép Rửa, những người tham dự vào các chức năng tư tế, tiên tri và vương đế của Chúa Kitô bằng cách “thực thi tính đa dạng và phong phú có trật tự của các đặc sủng, ơn gọi và thừa tác vụ của họ,” [15] đều là những chủ thể tích cực của việc rao giảng Tin Mừng, cả trong tư cách cá nhân lẫn trong tư cách toàn thể dân Chúa.

13. Công Đồng nhấn mạnh nhờ sự xức dầu của Chúa Thánh Thần nhận được trong Bí tích Rửa tội, toàn bộ các Tín hữu “không thể sai lầm trong các vấn đề niềm tin” ra sao. Họ biểu lộ sở hữu đặc biệt này qua việc biện phân siêu nhiên của toàn thể dân Chúa trong các vấn đề đức tin khi 'từ các Giám mục xuống tới người tín hữu cuối cùng’, họ biểu lộ sự đồng thuận phổ quát trong các vấn đề đức tin và luân lý”(LG, số 12). Chính Chúa Thánh Thần hướng dẫn tín hữu “đến mọi sự thật” (Ga 16:13). Nhờ tác động của Chúa Thánh Thần, “truyền thống phát xuất từ các Tông đồ này phát triển trong Giáo hội” để dân Chúa có thể lớn lên “trong sự hiểu biết các thực tại và lời lẽ đã được lưu truyền. Điều này xảy ra qua việc các tín hữu chiêm niệm và học hỏi; họ luôn trân trọng những điều này trong lòng (x. Lc 2,19, 51) nhờ sự hiểu biết thấu đáo các thực tại thiêng liêng được họ trải nghiệm, và qua lời rao giảng của những người, nhờ việc kế nhiệm giám mục, đã nhận được hồng ân sự thật chắc chắn”(DV, số 8). Thực thế, Dân tộc này, được các vị Chủ chăn tập hợp lại với nhau, gắn bó với kho tàng thánh thiêng của Lời Chúa được trao phó cho Giáo hội, kiên trì không ngừng trong giáo huấn của các Tông đồ, trong tình hiệp thông huynh đệ, trong việc bẻ bánh và trong lời cầu nguyện, “Để việc nắm giữ, thực hành và tuyên xưng di sản đức tin, nó trở thành một nỗ lực chung của các Giám mục và các Tín hữu” (DV, số 10).

14. Các Mục tử, được Thiên Chúa thiết lập như “những người bảo quản, giải thích và nhân chứng đích thực cho đức tin của toàn thể Giáo Hội” [16], không nên sợ hãi lắng nghe Đoàn chiên được giao phó cho họ. Việc tham khảo ý kiến dân Chúa không bao hàm việc tiếp nhận vào Giáo hội các động lực của nền dân chủ dựa trên nguyên tắc đa số, bởi vì, trên cơ sở tham gia vào mọi diễn trình đồng nghị, có một niềm đam mê chung đối với sứ mệnh chung là loan báo Tin Mừng, chứ không phải đại diện cho các lợi ích xung đột nhau. Nói cách khác, đây là một diễn trình mang tính giáo hội chỉ có thể diễn ra ở “trung tâm của một cộng đồng có cấu trúc phẩm trật” [17]. Chính trong mối dây hữu hiệu liên kết cảm thức đức tin của dân Chúa với chức năng huấn quyền của các Mục tử mà sự đồng tâm nhất trí của toàn thể Giáo hội trong cùng một đức tin được thể hiện. Mọi diễn trình đồng nghị, trong đó các Giám mục được kêu gọi biện phân những gì Chúa Thánh Thần đang nói với Giáo hội, không phải bởi chính họ mà bằng cách lắng nghe dân Chúa, vốn “cũng dự phần vào chức vụ ngôn sứ của Chúa Kitô” (LG, số 12), đều là một hình thức hiển nhiên của việc “cùng nhau hành trình” làm cho Giáo hội phát triển ấy. Thánh Biển Đức nhấn mạnh “Chúa thường mạc khải đường lối khôn ngoan nhất cần phải tuân theo” [18] cho những người không nắm giữ các vị trí quan trọng trong cộng đồng (trong trường hợp đó là người trẻ nhất); như thế, các Giám mục nên quan tâm đến việc tiếp cận với tất cả mọi người, để, trong lúc triển khai hành trình đồng nghị một cách có trật tự, điều được Thánh Tông đồ Phaolô khuyến cáo các cộng đồng được thể hiện: “Đừng dập tắt Thần khí. Đừng khinh thường những lời tiên tri. Hãy thử nghiệm mọi sự; hãy giữ lại những gì tốt lành ”(1 Tx 5: 19-21).

15. Ý nghĩa của cuộc hành trình mà tất cả chúng ta được kêu gọi trên hết là cuộc hành trình khám phá khuôn mặt và hình thức của một Giáo hội đồng nghị, trong đó “mọi người đều có điều gì đó để học hỏi. Các tín hữu giáo dân, hợp đoàn giám mục, Giám mục Rôma: tất cả lắng nghe nhau, và tất cả lắng nghe Chúa Thánh Thần, 'Thần khí chân lý' (Ga 14:17), để biết Người ‘nói gì với các Giáo hội '(Kh 2: 7)” [19]. Giám mục Roma, với tư cách là nguyên tắc và nền tảng của sự hợp nhất Giáo hội, yêu cầu tất cả các Giám mục và tất cả các Giáo hội đặc thù, trong đó và từ đó Giáo Hội Công Giáo duy nhất hiện hữu (xem LG, số 23), tự tin và can đảm bước vào con đường đồng nghị. Trong “cuộc cùng nhau hành trình” này, chúng ta cầu xin Chúa Thánh Thần giúp chúng ta khám phá ra việc hiệp thông, vốn kết hợp với nhau trong sự hợp nhất đa dạng các ân sủng, đặc sủng và thừa tác vụ, vì sứ mệnh như thế nào: một Giáo hội đồng nghị là một Giáo hội “ra đi”, một Giáo hội truyền giáo “cửa luôn rộng mở” (EG, số 46). Điều này bao gồm ơn gọi làm sâu sắc thêm các mối liên hệ với các Giáo hội và các cộng đồng Kitô giáo khác, mà chúng ta kết hợp với qua cùng một Phép Rửa. Khi đó, viễn ảnh “cùng nhau hành trình” thậm chí còn rộng lớn hơn và bao trùm tất cả nhân loại, những người mà chúng ta chia sẻ “niềm vui và hy vọng, đau buồn và lo lắng” với (GS, số 1). Một Giáo hội đồng nghị là một dấu chỉ tiên tri, trước hết, cho một cộng đồng các quốc gia không có khả năng đề xuất một dự án chung, qua đó theo đuổi lợi ích cho mọi người: ngày nay, thực hành tính đồng nghị đối với Giáo hội là cách rõ ràng nhất để trở thành “bí tích cứu rỗi phổ quát”(LG, số 48), “một dấu chỉ và công cụ của sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa và sự hợp nhất của toàn thể nhân loại” (LG, số 1).

III. Lắng nghe Kinh thánh

16. Thần khí Thiên Chúa, Đấng soi sáng và làm sống động cuộc “cùng nhau hành trình” này của các Giáo Hội, cũng chính là Thần Khí hoạt động trong sứ mệnh của Chúa Giêsu, đã được hứa ban cho các Tông đồ và các thế hệ môn đệ biết lắng nghe và đem Lời Thiên Chúa vào thực hành. Theo lời Chúa hứa, Thần Khí không tự giới hạn mình trong việc xác nhận tính liên tục của Tin Mừng Chúa Giêsu, nhưng sẽ soi sáng những chiều sâu luôn mới mẻ trong Mặc khải của Người và linh hứng các quyết định cần thiết để duy trì cuộc hành trình của Giáo hội (x. Ga 14: 25–26; 15: 26–27; 16: 12–15). Do đó, điều thích đáng là việc chúng ta hành trình xây dựng một Giáo hội đồng nghị được linh hứng bởi hai “hình ảnh” trong Kinh thánh. Một hình ảnh xuất hiện trong việc trình bầy “khung cảnh cộng đồng” luôn đồng hành với hành trình loan báo Tin Mừng; hình ảnh kia đề cập đến việc trải nghiệm Chúa Thánh Thần, trong đó Thánh Phêrô và cộng đồng sơ khai nhận ra nguy cơ áp đặt các giới hạn phi lý trong việc chia sẻ đức tin. Kinh nghiệm đồng nghị về cuộc hành trình với nhau, theo chân Chúa và vâng phục Chúa Thánh Thần, sẽ có thể nhận được nguồn linh hứng quyết định từ việc suy gẫm hai đặc điểm này của mặc khải.

Chúa Giêsu, Đám đông, Các Tông đồ

17. Trong cấu trúc nền tảng của nó, khung cảnh nguyên thủy xuất hiện như hằng số của cách thức trong đó Chúa Giêsu tỏ mình ra trong suốt Tin Mừng, khi Người loan báo Nước Thiên Chúa sắp đến. Trong yếu tính, ba tác nhân (hơn một) có liên quan. Tất nhiên, người đầu tiên là Chúa Giêsu, nhân vật chủ đạo tuyệt đối, Đấng đưa ra sáng kiến, gieo rắc lời nói và dấu hiệu về việc xuất hiện của Nước Trời mà không “cho thấy sự thiên vị” (xem Cv 10:34). Bằng nhiều cách khác nhau, Chúa Giêsu đặc biệt chú ý đến những người bị “tách biệt” khỏi Thiên Chúa và những người bị cộng đồng “bỏ rơi” (người tội lỗi và người nghèo, theo ngôn ngữ Tin Mừng). Qua lời nói và hành động của mình, Người đem đến sự giải thoát khỏi sự dữ và hoán cải thành hy vọng, nhân danh Thiên Chúa Cha và trong quyền năng của Chúa Thánh Thần. Ngay trong tính đa dạng của các lời kêu gọi của Chúa, những lời đáp trả dễ lĩnh hội của họ, đặc điểm chung là đức tin luôn xuất hiện như một việc trân quí con người: lời cầu xin của họ được lắng nghe, sự khó khăn của họ được giúp đỡ, sự sẵn sàng của họ được đánh giá cao, phẩm giá của họ được xác nhận bởi cái nhìn của Thiên Chúa và được phục hồi để được cộng đồng công nhận.

18. Thực vậy, công việc truyền bá Tin Mừng và sứ điệp cứu rỗi sẽ không thể hiểu được nếu không có sự cởi mở liên tục của Chúa Giêsu đối với lượng thính giả rộng lớn nhất, mà các sách Tin Mừng gọi là đám đông, tức là, tất cả những người theo Người dọc đường, và thậm chí đôi khi theo Người với hy vọng được một dấu lạ và một lời cứu rỗi: đây là tác nhân thứ hai trong khung cảnh Mặc Khải. Việc loan báo Tin Mừng không chỉ dành cho một số ít người được soi sáng hoặc được chọn lựa. Người đối thoại của Chúa Giêsu là “những người” có cuộc sống bình thường, là “mọi người” có thân phận con người, những con người mà Người đặt tiếp xúc trực tiếp với ơn phúc Thiên Chúa và ơn gọi cứu rỗi. Bằng cách gây ngạc nhiên và đôi khi gây bối rối cho các nhân chứng này, Chúa Giêsu chấp nhận như người đối thoại tất cả những ai xuất hiện từ đám đông: Người lắng nghe những lời phản bác đầy xúc động của người phụ nữ Canaan (x. Mt 15: 21–28), người không chấp nhận bị loại khỏi phước lành mà Người mang lại; Người cho phép mình đối thoại với người phụ nữ Samaria (x. Ga 4: 1–42), bất chấp tình huống của nàng như một phụ nữ bị coi là xấu xa về mặt xã hội và tôn giáo; Người kích thích hành vi đức tin tự do và biết ơn của người mù bẩm sinh (x. Ga 9), người mà tôn giáo chính thức đã bác bỏ như nằm ngoài phạm vi ân sủng.

19. Một số đi theo Chúa Giêsu một cách minh nhiên hơn, cảm nghiệm được lòng trung thành của tư cách môn đệ, trong khi những người khác được mời gọi trở về cuộc sống bình thường của họ: nhưng tất cả đều làm chứng cho sức mạnh của đức tin đã cứu vớt họ (x. Mt 15:28). Trong số những người đi theo Chúa Giêsu, hình ảnh các tông đồ, những người được chính Người kêu gọi ngay từ đầu, sau khi giao cho họ nhiệm vụ làm trung gian có thẩm quyền cho mối liên hệ của đám đông với Mặc Khải và với việc xuất hiện của Nước Thiên Chúa, rõ ràng trở nên nổi bật. Việc nhập cuộc của tác nhân thứ ba xảy ra không phải nhờ vào một cuộc chữa trị hay hoán cải, mà vì nó trùng hợp với lời kêu gọi của Chúa Giêsu. Việc chọn lựa các tông đồ không phải là đặc ân của một chức vụ quyền lực và tách biệt độc quyền, nhưng là ân sủng của một thừa tác vụ phước lành và hiệp thông có tính bao gồm. Nhờ hồng phúc Chúa Thánh Thần của Chúa Phục Sinh, họ có nhiệm vụ canh giữ nơi ở của Chúa Giêsu, mà không thay thế Người: không đặt các gạn lọc trước nhan Người, nhưng để ai cũng dễ dàng gặp được Người.

20. Chúa Giêsu, đám đông trong tính đa dạng của nó, các tông đồ: đây là hình ảnh và là mầu nhiệm phải thường xuyên được chiêm niệm và khám phá sâu xa để Giáo hội ngày càng trở nên như chính mình. Không ai trong ba tác nhân có thể rời khỏi hiện trường. Nếu Chúa Giêsu vắng mặt và người khác thế chỗ, thì Giáo hội sẽ trở thành một khế ước giữa các tông đồ và đám đông và cuộc đối thoại của họ sẽ kết thúc theo cốt truyện của trò chơi chính trị. Nếu không có các tông đồ, được Chúa Giêsu ban quyền và được Chúa Thánh Thần hướng dẫn, mối liên hệ với sự thật Tin Mừng sẽ bị cắt đứt, và đám đông, bất chấp tiếp nhận hay bác bỏ Chúa Giêsu, vẫn bị đối diện với một huyền thoại hoặc một ý thức hệ về Người. Nếu không có đám đông, mối liên hệ của các tông đồ với Chúa Giêsu sẽ trở nên biến chất thành một hình thức tôn giáo bè phái và tự quy chiếu vào chính mình, và việc truyền bá Tin Mừng, vốn phát xuất từ sự tự tỏ mình ra cách trực tiếp mà Thiên Chúa đích thân ngỏ với tất cả mọi người, trong khi đề nghị ơn cứu rỗi của Người, sẽ mất hết ánh sáng của nó.

21. Rồi, còn có một tác nhân “phụ”, kẻ đối lập, kẻ mang vào khung cảnh việc tách biệt đầy tính ma quái ba tác nhân kia. Đối đầu với viễn ảnh đầy biến động của thập giá, có những môn đệ bỏ đi và những đám đông thay đổi tâm trạng. Sự xảo quyệt gây chia rẽ — và do đó, phá vỡ con đường chung — tự biểu lộ một cách hờ hững dưới các hình thức của một tôn giáo nghiêm khắc, của mệnh lệnh luân lý tự trình bầy như nhiều đòi hỏi hơn mệnh lệnh của Chúa Giêsu, và của sự quyến rũ của khôn ngoan chính trị thế gian tự cho là hữu hiệu hơn sự biện phân các tinh thần. Để thoát khỏi sự lừa dối của “tác nhân thứ tư”, việc hoán cải liên tục là điều cần thiết. Về mặt này, vấn nạn là tình tiết về viên bách quản Cornêliô (xem Cv 10), tiền thân của “Công đồng” Giêrusalem kia (xem Cv 15), vốn tạo thành điểm tham chiếu chủ yếu cho một Giáo hội đồng nghị.

Còn 1 kỳ
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Mù Chưa Đáng Sợ
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
08:18 09/09/2021
Mù Chưa Đáng Sợ

Đức Giêsu còn kể cho môn đệ dụ ngôn này: “Mù mà lại dắt mù được sao? Lẽ nào cả hai lại không sa xuống hố?”(Lc 6,39) (Tin Mừng Thứ Sáu sau CN XXIII TN). Khi nghe câu chuyện dụ ngôn vắn vỏi này chúng ta thường chú ý đến chiều kích luân lý cá nhân đó là chớ vội xét đoán mà tiên vàn hãy tự sửa mình trước khi sửa lỗi tha nhân. Tuy nhiên nếu để ý đến động từ dắt (dẫn) thì chúng ta không thể nghĩ đến những người trong vai vế lãnh đạo, ngoài xã hội cũng như trong các tập thể tôn giáo. Và đây là chiều kích luân lý xã hội. Xin được mạn bàn đôi điều về tình trạng mù theo chiều kích này.

Một người hay một số người trong vai vị lãnh đạo mà mù thực sự thì dường như tác hại và di hại không quá lớn và lâu dài. Một lẽ thường tình vì những người dưới quyền lãnh đạo của họ ắt hẳn dễ nhận ra. Khi đã mù thực sự thì dù người lãnh đạo có độc ác đến đâu cũng còn thiếu cái tài nên khó có thể trở thành nhà độc tài. Lịch sử cho thấy những người lãnh đạo gây tại họa cho xã hội nhiều điều đáng ghê sợ và khó khắc phục đều là những người không thực sự mù mà chỉ là “quáng” một cách nào đó mà theo lối nói dân gian là “quáng gà”. Thấy không rõ, không đúng mà luôn cho mình là không sai lầm, là đỉnh cao trí tuệ thì đúng là mù quáng.

“Quáng gà” hay mù quáng mà có trong tay đủ đầy chức quyền thì sự tai hại là khó lường và dĩ nhiên hậu quả gây ra cho xã hội thật không xiết. Một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng này đó là sự độc quyền. Dẫu biết rằng nhân vô thập toàn nhưng chính sự độc quyền đã biến sự “vô thập toàn” của người lãnh đạo, của tập thể lãnh đạo trở thành nguyên cớ phát sinh nhiều điều tai hại đáng trách cho xã hội, cho những người thuộc quyền.

Chúng ta mong muốn có những vị lãnh đạo biết lắng nghe. Tuy nhiên sự thật cho thấy sự khiêm nhu biết lắng nghe các góp ý chân thành dường như dần biến mất khi chức quyền trở thành độc nhất, bất khả thay thế. Lịch sử các triều đại phong kiến cho thấy hiện thực này. Quả là ít có vị vua nào khi đã ở bậc chí tôn lại biết lắng nghe lời của các trung thần. Và như thế để tránh tình trạng “mù dẫn mù” thì không gì hơn cần phải có những thể chế, luật lệ hạn chế bớt sự độc tôn trong quyền lực lãnh đạo, không chỉ ở lãnh vực xã hội mà cả trong các tập thể tôn giáo. Nỗ lực cải tổ thể chế hiện nay trong việc tản quyền, phân quyền của Đức Giáo Hoàng Phanxicô là một đan cử. Từ chỗ độc tôn, độc quyền rồi ắt sẽ dẫn đến chỗ độc tài. Đã là độc tài thì cách này thể khác dù vô tình hay hữu ý cũng nảy sinh các hành vi độc ác thật đáng sợ thay.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
 
Văn Hóa
Nỗi Đau Nhân Loại
Nữ tu: Maria Trần Bảo Xuyên
08:25 09/09/2021
Nỗi Đau Nhân Loại

Chút cảm nhận về những nỗi đau chết chóc thời Covid

Uyên ương liền cánh thuở hàn vi,
Bây giờ kẻ ở kẻ ra đi.
Dẫu phận người sinh ly tử biệt,
Nghĩa tào khang quặn khúc phân kỳ !

Người khóc cho người, tôi hỏi tôi,
Cao sang, quyền quý ở đâu rồi?
Bấy lâu đầu ấp cùng tay gối,
Đường nay quạnh quẽ bước đơn côi !

Tiếng khóc còn vương tuổi dại khờ,
Mây buồn giăng kín khoảng trời thơ.
Nhìn cha lịm dần nguồn sinh khí,
Quặn thắt tâm can lệ hoen mờ.

Muối xát trong lòng tiếng “Mẹ ơi!”
Còn thơ tay mẹ ẵm không rời
Kẻ ở người đi dòng huyết lệ
Xé gan đứt ruột buổi lìa đời !

Đau đớn nhìn con tuổi nằm nôi,
Khuôn mặt thiên thần thắm làn môi.
Tương lai mộng đẹp giờ bỏ lại,
Lá vàng thương khóc lá xanh rơi !

Chập chùng nối tiếp những họa tai,
Thế giới chìm trong những đêm dài.
Chiến tranh, hận thù, gieo tang tóc,
Huynh đệ tương tàn biết khóc ai?

Bức họa nhân gian đổi gam màu,
Trăm vạn con người nhuốm thương đau.
Cung trầm dệt khúc sầu ly biệt,
Khăn tang nhuộm trắng bức hoạ sầu…

Đoản khúc tương phùng chốn dương gian,
Trường ca não nuột khúc ly tan.
Lễ đẫm thương đau rừng thi thể,
Sinh ly tử biệt cách đôi đàng.

Kiếp người một thoáng vệt khói bay,
Phù du hoa cỏ kiếp lưu đày.
Trần trụi vào đời đôi tay trắng,
Cô đơn lìa thế vẫn trắng tay !

Thảm họa kinh hoàng khắp Đông- Tây
Người ơi nhớ Đấng dựng muôn loài.
Sốt sắng nguyện cầu trong hy vọng,
Mùa xuân rạng rỡ nẻo tương lai.

Nữ tu: Maria Trần Bảo Xuyên







 
VietCatholic TV
Quá đáng: TQ thao túng từ A đến Z việc bổ nhiệm Giám Mục Vũ Hán. Đại hội Thánh Thể Quốc tế Budapest
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
04:45 09/09/2021


1. 2200 học sinh của 6 trường Công Giáo đã chào đón Đại hội Thánh Thể Quốc tế lần thứ 52

Ngày trọng đại đã đến, đó là một lý do tuyệt vời để 2200 học sinh tham gia vào một đám rước, được tổ chức trước nhà thờ lớn nhất của Hung Gia Lợi, Vương cung thánh đường Esztergom. Cuộc tuần hành của họ không chỉ được người dân địa phương tán thưởng mà nhiều người tham gia Hội nghị chuyên đề thần học quốc tế, được tổ chức tại thành phố, cũng trầm trồ.

Các em đã hát bài ca của Đại hội Thánh Thể năm 1938, khi tiếp cận địa điểm mang tính biểu tượng từ năm hướng, cuối cùng tạo thành một cây thánh giá lớn trước cầu thang của Vương cung thánh đường. Đáng ngạc nhiên là người đầu tiên bước ra khỏi Vương cung thánh đường không phải là cha xứ Csaba Török, mà chính là Đức Hồng Y Péter Erdő. Đức Tổng Giám Mục Esztergom-Budapest đã nói về giới trẻ, là một phần không thể thiếu của Sự kiện Thế giới. Tuổi trẻ là dấu hiệu của niềm vui và hy vọng, mà thế giới đang rất cần. Sau đó, ngài chúc phúc cho các tình nguyện viên của Đại hội và tất cả những người đã tận tụy với công việc và lời cầu nguyện để hỗ trợ tổ chức Đại hội.

Các ca sĩ nổi danh của Budapest như Csaba Pindroch, Bogi Nagy, Gabi Tóth, Máté Czinke và Gergő Dánielfy đã cùng đi bộ với các học sinh và hát các bài thánh ca.
Source:IEC 2020

2. Giáo hội sẽ không tồn tại nếu không có Bí tích Thánh Thể

12 diễn giả đến từ chín quốc gia của ba lục địa đã nghiên cứu nhiều khía cạnh khác nhau chug quanh mầu nhiệm Thánh Thể tại Hội nghị chuyên đề tổ chức tại Esztergom, Hung Gia Lợi từ ngày 2 đến ngày 4 tháng 9 năm 2021, như một chương trình trước Đại hội Thánh Thể Quốc tế lần thứ 52.

Ba trăm người tham gia cuộc họp đồng thanh nhất trí với nhau rằng một cuộc Tân Phúc Âm Hóa, trong đó không đặt trọng tâm nơi Thánh Thể là không đủ. Rao giảng giáo lý thôi cũng không đủ. Chúng ta cần theo đuổi đức tin sống động, bao gồm cả việc thực hành phụng vụ, để Thánh Thể trở thành trung tâm trong đời sống đức tin của chúng ta.

Mặt khác, hội nghị chuyên đề cũng tập trung vào suy nghĩ cho rằng thần học về Thánh Thể và phụng vụ Thánh Thể không thể tách rời nhau, thần học và phụng vụ cùng tồn tại và bổ sung cho nhau.

Các diễn giả đã chỉ ra rằng nếu chúng ta muốn phụng vụ Giáo hội được duy trì trong tương lai, chúng ta nên nhìn nhận nó như một sự kiện thiêng liêng theo những thể thức nghiêm ngặt, thay vì chấp nhận sự hoang hóa và dị dạng của nó.

Đứng trước trào lưu loãng hoá các đòi buộc của Tin Mừng cho phù hợp với các yêu sách của xã hội tục hóa, thể hiện rõ nét nhất tại Đức, mọi người nhận thấy rằng Tin Mừng, đã thấm nhuần và tái tạo lịch sử của nhân loại, phải được tiếp tục theo một cách thức không thay đổi trong khi tỏa ra ánh sáng và sức mạnh của nó trong thế giới tục hóa hiện tại của chúng ta. Tất cả những điều trên được đặt lên hàng đầu với sứ điệp chính là lời mời gọi đến bàn tiệc Thánh Thể dẫn đến trung tâm của mầu nhiệm Kitô giáo.
Source:IEC 2020

3. Được đằng chân lân đàng đầu, Đức Giáo Hoàng chỉ còn quyền ký tên và đóng dấu trong việc bổ nhiệm Giám Mục Vũ Hán

Linh mục Thôi Khánh Kỳ (Cui Qingqi, 崔庆琪), đã trở thành Tân Giám Mục Vũ Hán (Wuhan, 武汉). Asia-News, cơ quan thông tin của Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại cho biết giáo phận địa phương đã ra một tuyên bố chính thức cho biết lễ tấn phong đã diễn ra vào lúc 8 giờ sáng ngày 8 tháng 9, ngày lễ Sinh Nhật Đức Mẹ, tại nhà thờ Thánh Giuse.

Trong hơn một năm rưỡi qua, Vũ Hán đã là đầu đề của các tin tức trên toàn thế giới vì là tâm chấn của đại dịch COVID-19.

Vũ Hán là thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc là một tòa giám mục lớn. Vào ngày 13 tháng 4 năm 1958, đây đã là nơi diễn ra lễ tấn phong đầu tiên của hai giám mục mà không có sự chấp thuận của Tòa Thánh: đó là Giám mục Bernardin Đổng Quang Thanh (Dong Guangqing, 董光清) của Hán Khẩu (Hankou, 汉口) và Giám mục Máccô Viên Văn Hoa (Yuan Wenhua, 袁文华) của Vũ Xương (Wuchang, 武昌).

Việc bổ nhiệm giám mục Vũ Hán từ lâu đã được Đảng Cộng sản Trung Quốc kỳ vọng như là bằng chứng và biểu tượng cho quyền tự trị của Giáo hội quốc doanh được bọn cầm quyền công nhận và kiểm soát.

Năm 2007, bọn cầm quyền đã chọn Cha Giuse Thẩm Quốc An (Shen Guo'an, 沈国安) làm lãnh đạo giáo phận và đã ủng hộ ông làm ứng viên giám mục, ấn định ngày tấn phong cho ông ta là ngày 9 tháng 6 năm 2011.

Giờ chót lễ tấn phong cho vị linh mục này bị hủy bỏ mà không có bất kỳ lời giải thích nào. Ông ta tiếp tục giữ vai trò lãnh đạo giáo phận, nhưng vào tháng 12 năm 2012, khi ông đồng ý với việc thuyên chuyển giáo sĩ trong giáo phận theo yêu cầu của Hội Công Giáo Yêu Nước, bọn cầm quyền đã ngừng hỗ trợ ông ta và thay thế ông bằng linh mục Thôi Khánh Kỳ.

Linh mục Thôi Khánh Kỳ là một tu sĩ dòng Phanxicô. Ông sinh năm 1964 tại huyện Trường Chí (Changzhi, 长治) tỉnh Sơn Tây (Shanxi, 长治) và được thụ phong linh mục năm 1991.

Với tư cách là một ứng viên giám mục, cuộc bầu cử “dân chủ” của ông đã diễn ra vào ngày 27 tháng 9 năm 2020. Hội Công Giáo Yêu Nước đã đưa ra một danh sách chỉ có duy nhất một tên ông cho Tòa Thánh.

Rõ ràng, Vatican không thể từ chối việc bổ nhiệm này, ngay cả khi khả năng đánh giá sự phù hợp một cách cụ thể là rất hạn chế. Thẩm quyền của Đức Giáo Hoàng trong trường hợp này chỉ giới hạn trong việc ký tên và đóng dấu cho một văn bản đã được Đảng Cộng sản Trung Quốc soạn thảo.

Việc tấn phong linh mục Thôi Khánh Kỳ sẽ là lần tấn phong thứ tư sau khi thỏa thuận Trung Quốc-Vatican được gia hạn vào tháng 10 năm ngoái liên quan đến việc bổ nhiệm giám mục ở Trung Quốc.

Lần tấn phong đầu tiên liên quan đến linh mục Tôma Trần Thiên Hào (Chen Tianhao, 陈天豪) 58 tuổi, được tấn phong giám mục cho giáo phận Thanh Đảo (Qingdao,青岛), Sơn Đông (Shandong, 山东) vào ngày 23 tháng 11 năm ngoái, 2020. Lần tấn phong thứ hai liên quan đến linh mục Phêrô Lưu Căn Châu (Liu Genzhu, 刘根珠) được tấn phong làm giám mục giáo phận Hồng Đông – Lâm Phần (Hongdong-Linfen, 洪东-临汾) thuộc tỉnh Sơn Tây hôm thứ Ba 22 tháng 12 năm ngoái, 2020.

Việc bổ nhiệm linh mục Thôi Khánh Kỳ làm Giám Mục Vũ Hán còn đặt ra một vấn đề khác. Bọn cầm quyền Trung Quốc đã gom 3 giáo phận Hán Khẩu, Vũ Hán và Vũ Xương thành một giáo phận là giáo phận Vũ Hán, trong khi Tòa Thánh vẫn coi các giáo phận Hán Khẩu, và Vũ Xương là các giáo phận khác biệt lập với Vũ Hán.

Asia News thắc mắc rằng không biết chính xác dựa trên cơ sở pháp lý nào mà Tòa thánh chấp thuận việc bổ nhiệm tân giám mục này vì vấn đề biên giới giáo phận vẫn chưa chính thức được giải quyết.
Source:Asia News

4. Đức Tổng Giám Mục Hilarion nhấn mạnh rằng người Công Giáo, Chính thống giáo Đông phương thống nhất với nhau trong niềm tin vào sự hiện diện thực sự của Chúa Kitô

Phát biểu tại Đại hội Thánh Thể Quốc tế ở Budapest, một nhà lãnh đạo Chính thống giáo Nga cho biết rằng niềm tin vào sự hiện diện thực sự của Chúa Kitô trong Bí tích Thánh Thể hợp nhất người Công Giáo và các tín hữu Chính thống giáo Đông phương bất chấp những chia rẽ của họ.

Giảng bài giáo lý khai mạc tại Đại hội Thánh Thể Quốc tế lần thứ 52 ở Budapest, Hung Gia Lợi, vào ngày 6 tháng 9, Đức Tổng Giám Mục Hilarion đã phác thảo cách hiểu của Chính thống giáo Đông phương về Bí tích Thánh Thể.

Đức Tổng Giám Mục chủ tịch Ủy Ban Đối ngoại của Thánh Công Đồng Chính Thống Giáo Nga nói:

“Những người Công Giáo và Chính Thống chưa được hiệp nhất trong Thánh Thể, nhưng họ được hiệp nhất trong xác tín rằng trong bánh Thánh Thể và rượu sau khi được thánh hiến, chúng ta không chỉ có sự hiện diện mang tính biểu tượng của Chúa Kitô, nhưng là một sự hiện diện đầy đủ và thật sự của Người”.

“Chúng ta tin rằng bánh và rượu trong Bí tích Thánh Thể là Mình và Máu thật của Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Việc cử hành Thánh Thể không chỉ là một kỷ niệm của Bữa Tiệc Ly, mà còn là sự hiện thực hóa của bữa tiệc ấy đối với mỗi tín hữu tham dự”.

“Và chủ tế không cử hành Bí tích Thánh Thể nhân danh mình. Nhân danh chính Chúa Giêsu, ngài phát âm những lời ban đầu do Chúa Kitô thốt ra trong Bữa Tiệc Ly của Ngài. Và chính Chúa Kitô là người ban Tiệc Thánh cho những người theo Ngài, chứ không phải một linh mục hay một giám mục”.

Đại hội Thánh Thể Quốc tế lần thứ 52 đã khai mạc vào ngày 5 tháng 9 với một dàn hợp xướng gồm 1,000 người và trong Thánh lễ nhiều trẻ em và người lớn đã được rước lễ lần đầu.
Source:Catholic News Agency
 
Mục tử anh hùng: GM tố cáo tổng thống ăn trên xương máu dân lành, nhập toàn vắcxin TQ với giá cắt cổ
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:27 09/09/2021


1. Đức Thánh Cha gặp gỡ những người Afghanistan trong buổi chiếu phim Francesco

Hôm 6 tháng 9, Ông Matteo Bruni, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh, đã đưa ra một thông báo cho biết như sau:

“Tối nay, sau buổi chiếu phim tài liệu ‘Francesco’, do vị đạo diễn và Tổ chức Laudato si tổ chức, Đức Thánh Cha đã đến cổng vào của Hội trường Phaolô Đệ Lục và gặp khoảng 100 người. Họ là những người vô gia cư và người tị nạn, được mời đến xem bộ phim. Trong số họ có khoảng hai mươi người đã đến từ Afghanistan trong những tuần gần đây. Đức Thánh Cha đã nói những lời yêu thương và an ủi họ. Sau đó, Đức Thánh Cha Phanxicô trở lại Casa Santa Marta và ban tổ chức đã phân phát một gói thực phẩm cho mọi người”

Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 5 tháng 9, Đức Thánh Cha đã nhắc đến người dân Afghanistan như sau:

“Trong những thời điểm khó khăn khi chứng kiến những người Afghanistan tìm kiếm nơi ẩn náu, tôi cầu nguyện cho những người dễ bị tổn thương nhất trong số họ. Tôi cầu nguyện rằng nhiều quốc gia sẽ chào đón và bảo vệ những người đang tìm kiếm một cuộc sống mới. Tôi cũng cầu nguyện cho những người phải di dời trong nước, cầu mong họ có thể nhận được sự trợ giúp và sự bảo vệ cần thiết. Mong những người trẻ Afghanistan được giáo dục. Giáo dục là một điều tối cần thiết cho sự phát triển của con người. Và mong tất cả người Afghanistan, dù ở quê nhà, đang quá cảnh, hay ở các nước sở tại, có thể sống đàng hoàng, hòa bình và huynh đệ với những người láng giềng của họ”.


Source:Sismografo

2. Các Giám Mục 5 nước Bắc Âu họp chung ở Praha.

Các giám mục của năm nước Bắc Âu là Thụy Điển, Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan, và Băng Đảo thuộc cùng một Hội đồng Giám mục. Các ngài đang họp ở Praha, thủ đô Tiệp. Đại hội khoáng đại mùa thu của các vị đã khai mạc hôm 6 tháng 9 tại tu viện Premonstratensian trong quận Strahov, của thủ đô Tiệp, và sẽ kết thúc vào ngày 10 tháng 9.

Giải thích về việc chọn địa điểm này, Hội Đồng Giám Mục Bắc Âu cho biết các ngài đã được Tu viện trưởng Daniel Peter Janáček mời.

Trong phiên khoáng đại, các ngài sẽ thảo luận về tiến trình thượng hội đồng do Đức Thánh Cha Phanxicô triệu tập. Trong số các chủ đề được nêu trong chương trình nghị sự cũng có ba chủ đề liên quan đến các Tự Sắc được ban hành trong những tháng gần đây về Thánh lễ Latinh Truyền thống, về chức vụ giáo lý viên và về việc thu nhận phụ nữ vào chức đọc sách và giúp lễ.


Source:SIR

3. Đức Cha Broderick Pabillo tố cáo tổng thống Duterte và đồng bọn làm giàu bằng vắc xin trong đại dịch.

Đức Cha Broderick Pabillo đã chỉ trích Tổng thống Rodrigo Duterte, và đồng minh trung thành của ông ta là Thượng nghị sĩ Christopher “Bong” Go, và nhóm của họ. Ngài cáo buộc các quan chức này “giết người” qua các giao dịch tham nhũng và các mua sắm dược phẩm và các thiết bị y tế trong thời gian qua, đặc biệt là vắc xin.

“Họ thực sự tàn phá đất nước chúng ta qua các giao dịch tham nhũng này. Khi người Phi Luật Tân chết và những người khác bị ốm, Duterte và đồng bọn của hắn đang hả hê cười nhạo trước khả năng nắm chính quyền thêm sau năm 2022 với số tiền bầu cử khổng lồ để mua phiếu bầu của những người dân Phi Luật Tân nghèo khổ và đau khổ”.

“Không có gì nói lên một cách hùng hồn hơn tình trạng tham nhũng trong chính quyền hiện tại cho bằng chiếc khẩu trang và khăn che mặt mà người dân Phi Luật Tân chúng ta bắt buộc phải đeo. Các thiết bị bảo vệ này đã được mua bởi các mối quan hệ từ Trung Quốc của họ với số tiền quá lớn, tổng cộng lên tới hàng tỷ peso”.

Đức Cha Pabillo, Giám Quản Tông Tòa của Taytay, đã than thở về việc Duterte cướp bóc công quỹ “kinh hoàng và tàn nhẫn” ngay khi đất nước đang phải vất vả đối mặt với đại dịch kinh hoàng.

“Đó là một hành động tham nhũng trắng trợn, một cách vô tội vạ và không đoái hoài gì đối với mạng sống con người.”

“Giao dịch mờ ám này đã phơi bày thói đạo đức giả của Duterte, người đã thề chống tham nhũng và loại bỏ các quan chức ngay cả khi chỉ có 'mùi tham nhũng' trong bất kỳ cơ quan chính phủ nào”.

Đức Cha Pabillo cũng kêu gọi công chúng tước bỏ mọi quyền lực của tổng thống Duterte.

“Hãy vạch mặt hắn ta ngay bây giờ và loại bỏ mọi lá chắn bảo vệ quyền lực mà hắn ta vẫn tiếp tục bám víu vào lúc này. Nếu không, vi rút tự hài lòng và thái độ tà tà của hầu hết đồng bào chúng ta sẽ tiếp tục lây nhiễm tràn lan, đó là một loại vi rút mạnh hơn và độc hại hơn, phá hủy không chỉ cuộc sống cá nhân, mà trên tất cả, nó phá huỷ nền tảng của đất nước Phi Luật Tân thân yêu của chúng tôi.”

Pharmally Pharmaceutical Corp do Duterte và đồng bọn lập ra đã nhận được hợp đồng cung ứng vắc xin, các loại dược phẩm và thiết bị y tế phòng dịch, tất cả từ Trung Quốc, trị giá 8.6 tỷ USD từ chính phủ, mặc dù nó mới được thành lập với mức vốn rất nhỏ.

Đức Cha Broderick Pabillo, nguyên Giám Mục Phụ Tá của Tổng giáo phận Manila, đã được báo chí tiên đoán sẽ giữ các chức vụ quan trọng hơn trong Giáo Hội tại Phi Luật Tân, cụ thể, ngài sẽ trở thành Tổng Giám Mục Manila. Tuy nhiên, xem ra các đồn đoán đã diễn ra theo hướng ngược lại.

Ngài đã rời Palawan vào hôm thứ Năm, 5 tháng 8, để đến Palawan trước khi được bổ nhiệm vào ngày 19 tháng 8 với tư cách là Giám Quản Tông Tòa của Taytay. Ở miền đèo heo hút gió này ngài dám chỉ trích tên Duterte cho thấy ngài là một Giám Mục rất can đảm.
Source:Rev News

4. Slovakia nới lỏng các hạn chế liên quan đến COVID. Nhiều người Công Giáo có thể gặp Đức Thánh Cha Phanxicô

Các nhà chức trách ở Slovakia đang nới lỏng các quy tắc COVID để cho phép nhiều người Công Giáo hơn được gặp Đức Thánh Cha Phanxicô trong chuyến tông du của ngài từ ngày 12 đến 15 tháng 9 của ông tới đất nước này.

Việc tiếp cận các sự kiện của Giáo hoàng sẽ không còn giới hạn đối với những người đã được tiêm chủng đầy đủ, mà sẽ mở rộng cho những người có kết quả xét nghiệm âm tính gần đây hoặc có bằng chứng về sự hồi phục trong vòng 180 ngày qua, trang web của Hội đồng Giám mục Slovakia thông báo hôm mùng 4 tháng 9.

Các giám mục địa phương đã phải miễn cưỡng đồng ý hạn chế các cuộc tụ họp trong chuyến tông du của Đức Thánh Cha trong phạm vi những người đã được tiêm chủng đầy đủ hai lần trong bối cảnh có những lo ngại rằng chuyến đi sẽ góp phần tạo ra một làn sóng vi rút thứ ba.

Nhưng một phát ngôn viên của Giáo hội cho biết vào tháng trước rằng yêu cầu này đang làm đau đầu những người tổ chức chuyến đi của Đức Thánh Cha đến bốn thành phố.

Cha Martin Kramara, phát ngôn viên của Hội đồng Giám mục Slovakia, nói rằng các giám mục đã đồng ý với điều kiện vì nếu không đồng ý như thế chính quyền sẽ giới hạn các sự kiện của Đức Giáo Hoàng trong phạm vi không quá 1,000 người.

Cha Kramara cũng lưu ý vào tháng trước rằng theo truyền thông địa phương, sự quan tâm đến chuyến tông du có vẻ thấp hơn dự kiến.

Các báo cáo cho rằng các sự kiện chỉ ở mức 13% dự kiến ban đầu. Tính đến ngày 2 tháng 9, chỉ có 57,000 người ghi danh gặp gỡ Đức Giáo Hoàng. Slovakia có 5.5 triệu dân, 62% là người Công Giáo.

Theo Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Châu Âu, Slovakia là một trong những nước có tỷ lệ tiêm chủng COVID-19 thấp nhất ở Âu Châu, với chỉ 51.3% dân số đã được tiêm ít nhất một liều vắc xin tính đến ngày 6 tháng 9.

Một cuộc thăm dò của Viện Hàn lâm Khoa học Slovakia vào tháng 7 cho thấy 36% người Slovakia nói rằng họ không muốn tiêm vắc-xin COVID, tăng so với mức 30.9% vào tháng Năm.

Cùng tháng, hàng trăm người đã tụ tập bên ngoài quốc hội Slovakia để phản đối các quy định mới về vắc xin.

Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 5 tháng 9, Đức Thánh Cha nói:

“Chúa Nhật tới, tôi sẽ đến Budapest để kết thúc Đại hội Thánh Thể Quốc tế. Cuộc hành hương của tôi sẽ tiếp tục sau Thánh lễ với vài ngày ở Slovakia, và sẽ kết thúc vào thứ Tư tuần sau đó với lễ kỷ niệm rất lớn và nổi tiếng, là lễ Đức Mẹ Sầu Bi, Đấng Bảo Trợ của đất nước đó. Đây sẽ là những ngày được đánh dấu bằng sự tôn thờ và cầu nguyện ở trung tâm của Âu Châu. Trong khi chào đón một cách trìu mến những người chuẩn bị cuộc hành trình này - tôi cảm ơn các bạn - và những người đang chờ đợi tôi và những người mà bản thân tôi hết lòng mong muốn được gặp, tôi xin mọi người đồng hành với tôi trong lời cầu nguyện, và tôi giao phó những chuyến viếng thăm mà tôi sẽ thực hiện cho sự chuyển cầu của rất nhiều vị đã tuyên xưng đức tin một cách anh hùng, những người ở những nơi đó đã làm chứng cho Tin Mừng giữa sự thù địch và bắt bớ. Xin các ngài cũng giúp Âu Châu đưa ra các chứng tá hôm nay, không phải bằng lời nói mà trên hết bằng việc làm, với những việc làm của lòng thương xót và lòng hiếu khách, theo tin mừng của Chúa, Đấng yêu thương chúng ta và cứu độ chúng ta. Cảm ơn các bạn!”
Source:Catholic News Agency