Ngày 08-09-2018
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thánh lễ Chúa Nhật 23 Quanh Năm 9/9/2018 dành cho những người không thể đến nhà thờ
VietCatholic Network
03:12 08/09/2018
Bài Ðọc I: Is 35, 4-7a

"Tai người điếc sẽ mở ra và người câm sẽ nói được".

Trích sách Tiên tri Isaia.

Các ngươi hãy nói với những tâm hồn xao xuyến: Can đảm lên, đừng sợ! Này đây Thiên Chúa các ngươi đến để phục thù. Chính Người sẽ đến và cứu thoát các ngươi.

Bấy giờ mắt người mù sẽ sáng lên, và tai người điếc sẽ mở ra. Bấy giờ người què sẽ nhảy nhót như nai, và người câm sẽ nói được, vì nước sẽ chảy lên nơi hoang địa, và suối nước sẽ chảy nơi đồng vắng. Ðất khô cạn sẽ trở thành ao hồ, và hoang địa sẽ trở nên suối nước.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 145, 7. 8-9a. 9bc-10

Ðáp: Linh hồn tôi ơi, hãy ngợi khen Chúa! (c. 2a)

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng:

1) Thiên Chúa trả lại quyền lợi cho người bị ức,

và ban cho những người đói được cơm ăn.

Thiên Chúa cứu gỡ những người tù tội.

2) Thiên Chúa mở mắt những kẻ đui mù,

Thiên Chúa giải thoát những kẻ bị khòm lưng khuất phục,

Thiên Chúa yêu quý các bậc hiền nhân.

Thiên Chúa che chở những khách kiều cư.

3) Thiên Chúa nâng đỡ những người mồ côi quả phụ,

và làm rối loạn đường nẻo đứa ác nhân.

Thiên Chúa sẽ làm vua tới muôn đời,

Sion hỡi, Thiên Chúa của ngươi

sẽ làm vua tự đời này sang đời khác.

Bài Ðọc II: Gc 2, 1-5

"Không phải Thiên Chúa đã chọn người nghèo để hưởng nước Người đó sao?"

Trích thư Thánh Giacôbê Tông đồ.

Anh em thân mến, anh em là những người tin vào Ðức Giêsu Kitô vinh hiển, Chúa chúng ta, anh em đừng thiên vị. Giả sử trong lúc anh em hội họp, có người đi vào, tay đeo nhẫn vàng, mình mặc áo sang trọng; lại cũng có người nghèo khó đi vào, áo xống dơ bẩn, nếu anh em chăm chú nhìn người mặc áo rực rỡ mà nói: "Xin mời ông ngồi chỗ danh dự này". Còn với người nghèo khó thì anh em lại nói rằng: "Còn anh, anh đứng đó", hoặc: "Anh hãy ngồi dưới bệ chân tôi". Ðó không phải là anh em xét xử thiên vị ở giữa anh em và trở nên những quan xét đầy tà tâm đó sao?

Anh em thân mến, xin hãy nghe: Không phải Thiên Chúa chọn người nghèo trước mắt thế gian, để nhờ đức tin, họ trở nên giàu có và được hưởng nước Người đã hứa cho những kẻ yêu mến Người đó sao?

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 1, 14 và 12b

Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, xin hãy nói, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe: Chúa có lời ban sự sống đời đời. - Alleluia.

Phúc Âm: Mc 7, 31-37

"Người làm cho kẻ điếc nghe được và người câm nói được".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu từ địa hạt Tyrô, qua Siđon, đến gần biển Galilêa giữa miền thập tỉnh. Người ta đem một kẻ câm điếc đến cùng Người và xin Người đặt tay trên kẻ ấy. Người đem anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào tai anh và bôi nước miếng vào lưỡi anh ta. Ðoạn ngước mặt lên trời, Người thở dài và bảo: "Effetha!" (nghĩa là "Hãy mở ra!"), tức thì tai anh ta mở ra, và lưỡi anh ta được tháo gỡ, và anh nói được rõ ràng. Chúa Giêsu liền cấm họ đừng nói điều đó với ai. Nhưng Người càng cấm, thì họ càng loan truyền mạnh hơn. Họ đầy lòng thán phục mà rằng: "Người làm mọi sự tốt đẹp, Người làm cho kẻ điếc nghe được và người câm nói được!"

Ðó là lời Chúa.
 
Bài Giảng Lễ Sinh Nhật Đức Mẹ
Lm. Giuse Trương Đình Hiền
10:03 08/09/2018
RA ĐI TỪ “NGÀY SINH CỦA MẸ”

Bài Giảng Lễ Sinh Nhật Đức Mẹ (8/9/2018)

(70 năm Legio tại VN và 10 năm tái lập Comitium Qui Nhơn)

Từ khi cửa địa đàng đóng lại, trần gian, theo ngôn ngữ của Kinh Lạy Nữ Vương, đã trở thành một “chốn lưu đày…một thung lũng đầy nước mắt” : “…Chúng con ở chốn khách đày kêu đến cùng Bà…Chúng con ở nơi khóc lóc than thở kêu khấn Bà thương…”.

Và nếu ngược dòng thời gian, trở về “quê hương Cựu Ước”, khi chiêm ngắm thân phận bi đát của một Thánh Gióp, ta lại nghe chính vị “Thánh Nhân đau khổ” này nguyền rũa chính ngày sinh nhật của mình :

“Phải chi đừng xuất hiện ngày tôi chào đời, cũng như đêm đã báo : “đứa con trong bụng mẹ là một nam nhi”!” Sao tôi không chết đi từ lúc vừa mới chào đời, không tắt thở ngay khi lọt lòng mẹ?...” (G 3,3.11).

Vâng, thân phận con người sinh ra và đi qua cuộc sống dương gian tự cổ chí kim, hình như buồn nhiều vui, nước mắt nhiều hơn nụ cười; và nếu đọc lại cuộc đời của chính Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa làm người, ít ra là trong 3 năm rao giảng Tin Mừng, chúng ta cũng nhận ra rằng : chỉ một lần duy nhất “Ngài hân hoan trong Thánh Thần…” (Lc 10,21), nhưng lại nhiều lần Ngài đã khóc : Khóc thương thành Giêrusalem (Lc 19,41-44), ngài đã hai lần khóc trước cái chết của người bạ La-da-rô (Lc 11,33.38)…

Thế nhưng, ngược lại với tất cả những “giai điệu buồn”, tối tăm, ảm đạm trên, Phụng Vụ lễ Sinh Nhật Đức Mẹ hôm nay, lại chuyển tải một “sứ điệp vui mừng”, một niềm han hoan tươi sáng.

Để diển tả niềm vui đặc biệt nầy, ngay từ bài ca nhập lễ, Phụng Vụ đã hát lên : “Chúng ta hãy hân hoan mừng ngày Sinh Nhật của Đức Trinh Nữ Maria, Đấng sẽ sinh ra Mặt Trời Công Chính là Đức Kitô, Chúa chúng ta”.

Đó chính là tin vui trọng đại mà ngay từ thuở xa xưa trong Cựu ước, sứ ngôn Mikêa đã loan báo cho dân tộc Ít-ra-en : “Hỡi Bêlem-Ephrata, ngươi nhỏ nhất trong trăm ngàn phần đất Giuđa, nhưng nơi ngươi sẽ xuất hiện một Đấng thống trị Ít-ra-en…Vì thế, Người sẽ bỏ dân Người cho đến khi một người nữ phải sinh, sẽ sinh con…”

Và Hội Thánh hôm nay đã mượn lời Thánh vịnh 12 để hát lên cung điệu vui mừng trước Tin Vui cứu độ đó : “TÔI SẼ HỚN HỞ VUI MỪNG TRONG CHÚA.

Xin cho lòng tôi hân hoan vì ơn Ngài cứu độ, tôi sẽ hát mừng Chúa, vì Ngài ban ân huệ cho tôi.”

Nhưng sứ điệp vui mừng của ngày lễ hôm nay được minh hoạ tròn đầy và sâu xa nhất phải chăng đó chính là lời vinh tụng Magnificat của chính nhân vật mà chúng ta mừng “Birthday” hôm nay : “Linh hồn tôi ngợi khen Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng trong Thiên Chúa Đấng Cứu độ tôi…” (Lc 1,46-55).

Quả thật, niềm vui đã tràn ngập tâm hồn của Mẹ Maria và chính niềm vui sâu thẳm đó đã dẫn dắt cuộc đời của Mẹ theo sát bước chân Con cho đến ngày Mẹ hát bài Magnificat khi vinh quang tiến vào thiên quốc với cả xác hồn.

Riêng Thánh Phêrô Đamianô thì đã liên kết dấu chỉ tiên báo là đền thờ Giêrusalem được cung hiến long trọng và mừng vui thời vua Salomon với cung lòng Đức Trinh Nữ Maria chính là đền thờ cực thánh. Ngày sinh nhật của Mẹ chính là ngày cung hiến ngôi đền cực thánh đó nên chúng ta phải hân hoan vui mừng :

“Vua Salomon và dân Chúa mừng ngày cung hiến đền thờ bằng lễ hiến tế uy linh và long trọng thế nào, thì chúng ta cũng vui mừng trong ngày Đức Maria chào đời như vậy. Cung lòng Mẹ là đền thờ cực thánh. Ở đó, Thiên Chúa đã tiếp nhận nhân tính và đi vào thế giới con người một cách hữu hình.”

Vâng, niềm vui chính tiêu đích của công trình cứu độ. Cho dù phải chấp nhận “trở nên hạt lúa mì gieo xuống và mục nát”, chấp nhận “con đường khổ nạn thương đau”…thì điều quan trọng nhất, cần thiết nhất Đức Kitô mang lại cho thế giới chính niềm vui, là Tin Mừng : “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi…để tôi loan Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn, …cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt…” (Lc 4,18-19). Ngài đã đoan chắc với các môn sinh ngay trước ngưỡng cửa của con đường khổ giá : “Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui…” (Ga 16,20-22).

Sở dĩ chúng ta dừng lại “sứ điệp niềm vui” hơi nhiều vì quả thật, thế giới hôm nay, cuộc sống hôm nay quá cần đến điều nầy. Thật vậy, xã hội chúng ta đang sống gần như bị bao vây quá nhiều bởi những lắng lo, xao xuyến, bực dọc và đầy dẫy nỗi buồn : buồn cho đất nước quờ quạng trong một cơ chế chính trị bệnh hoạn thối nát, buồn cho giới trẻ tha hoá, mất định hướng, buồn cho các gia đình gia tăng đổ vỡ, ly tán, buồn cho trong chính Giáo Hội vẫn đầy dẫy gương mù gương xấu, buồn cho tương lai xã hội, Giáo Hội đầy bóng tối hơn là ánh sáng, hy vọng…

Thế nhưng, Lời Chúa hôm nay, sứ điệp ngày Sinh Nhật Mẹ không cho phép chúng ta dừng lại nơi những nỗi buồn cho dù “rất chính đáng” đó. Bởi vì, như Vị tôi tớ Chúa, Đức Cố Hồng Y F.X. Nguyễn Văn Thuận phát biểu : “trong tự điển của người Kitô hữu không có từ buồn”. Riêng Đức Thánh Cha Phanxicô thì Ngài muốn tất cả những ai đang tham dự vào công cuộc rao giảng Tin Mừng phải ngập tràn niềm vui Tin Mừng, chứ không thể là kẻ rầu rĩ chán nản :

“Và chớ gì thế giới của thời đại chúng ta, một thế giới đang kiếm tìm, khi thì trong lo âu, khi thì trong hi vọng, có thể nhận được tin mừng không phải từ những người rao giảng rầu rĩ, chán nản, mất kiên nhẫn hay lo âu, nhưng từ những thừa tác viên Tin Mừng đang sống một cuộc đời đầy nhiệt huyết, những người trước đó đã nhận được niềm vui của Đức Kitô”. (EG 10)

Không những thế, ĐTC trong tông huấn gọi mời nên thánh (Gaudete et Exultate), ngài còn xác tín rằng : một trong những “nét tiêu biểu về sự thánh thiện trong thế giới ngày nay” đó là “VUI VẺ VÀ BIẾT ĐÙA” :

“Các thánh vui tươi và rất biết đùa. Mặc dù không xa rời thực tế, các ngài tỏa ra tinh thần tích cực và đầy hy vọng. Sống đời Kitô hữu là sống “hoan lạc trong Chúa Thánh Thần” (Rm 14,17), vì “tình bác ái nhất thiết sẽ đem lại niềm vui; hễ đã yêu thì bao giờ cũng vui mừng khi được kết hợp với người mình yêu mến... hoa quả của lòng bác ái là niềm vui”. (GE 122)…

“Vẫn có những lúc khó khăn, những thời khắc của thập giá, nhưng không gì có thể huỷ diệt niềm vui siêu nhiên là niềm vui “tự thích ứng và thay đổi, nhưng nó luôn tồn tại, dù chỉ như một ngọn đèn leo lét phát sinh từ niềm xác tín của ta, tin chắc rằng, bất luận thế nào, chúng ta vẫn được Thiên Chúa thương yêu vô cùng”. Niềm vui ấy đem lại một sự vững tâm, một sự thanh thản đầy hy vọng đem lại một sự no thoả tinh thần không thể hiểu được theo tiêu chuẩn thế gian.” (GE 125).

Cộng đoàn dân Chúa Giáo phận chúng ta mới vừa kết thúc Năm Thánh hồng ân trong tâm tình tri ân cảm tạ và cam kết “mở một trang mới” cho cuộc lên đường Tân Phúc Âm hoá.

Trong ngày mừng Sinh Nhật Mẹ hôm nay, cũng là ngày mừng kỷ niệm 2 biến cố cột mốc quan trọng của Legio Mariae : 70 năm tại Việt Nam và 10 năm tái lập Comitium Qui Nhơn, xin Mẹ Maria tiếp tục viếng thăm và đồng hành với anh chị em chúng ta trên con đường phục vụ Chúa và Hội Thánh trong niềm vui và tràn đầy hy vọng.

Đó cũng chính là ước nguyện của cả Hội Thánh trong ngày lễ hôm nay được phản ảnh qua chính lời kinh nguyện Hiệp Lễ :

“Lạy Chúa, ước chi Giáo Hội của Chúa được đổi mới trong Thánh lễ nầy cũng được tràn đầy niềm vui trong ngày sinh của Đức Trinh Nữ Maria, Người đã đem đến bình minh hy vọng và ơn cứu độ cho thế giới”. Amen.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Hoa kỳ sắp công nhận Đài Loan? Vừa triệu hồi đại sứ từ các quốc gia cắt đứt ngoại giao với đảo quốc.
Trần Mạnh Trác
12:59 08/09/2018
Washington (AsiaNews 08/09/2018) - Hoa Kỳ vừa triệu hồi các đại sứ từ ba nước Trung Mỹ và Caribê, là những quốc gia vừa mới cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan để nối bang giao với Trung Quốc.

Trong một tuyên bố hôm thứ Sáu, bộ Ngoại giao Mỹ cho biết đã triệu hồi các đại sứ Hoa Kỳ từ Cộng hòa Dominica và El Salvador và Tham sự ngoại giao ở Panama để tư vấn về quyết định cuả các nước này không còn công nhận Đài Loan nữa.

Trong nhiều năm, Đài Bắc và Bắc Kinh đã tranh giành mãnh liệt trên mặt trân ngoại giao, bằng cách dùng sự hỗ trợ tài chính và viện trợ làm con mồi để thương lượng với các nước vẫn giữ liên hệ ngoại giao với Đài Loan.

Năm ngoái Panama cắt đứt quan hệ với Đài Loan để làm vừa lòng Bắc Kinh, và Cộng hòa Dominica cũng đi theo vào tháng sau đó, và El Salvador cũng cùng nhập bọn vào tháng Tám.

Cuộc chiến chống Bắc Kinh của Đài Bắc ngày càng gay gắt hơn sau khi bà Thái Anh Văn, lãnh đạo Đảng Dân chủ Tiến bộ của Đài Loan (DPP), đã thắng cử tổng thống vào năm 2016.

DPP bị nghi ngờ là có xu hướng mưu tìm độc lập và bà Thái Anh Văn, từ khi nhậm chức đến nay vẫn không tuyên bố sẽ thừa nhận nguyên tắc "Một Trung Quốc".

Hiện tại, chỉ còn 17 nước trên Thế Giới công nhận Đài Loan, so với năm trước là 22. Ở châu Âu, chỉ còn Vatican là giữ quan hệ ngoại giao với đảo quốc. Tuy thế nhiều quốc gia vẫn còn duy trì nhiều mối quan hệ kinh tế và văn hóa với hòn đảo "nổi loạn" này, mà Bắc Kinh đang muốn thu hồi bằng mọi cách.

Hoa Kỳ là đồng minh quan trọng nhất của Đài Loan mặc dù Washington đã thiết lập ngoại giao với Bắc Kinh vào năm 1979.

Hoa Kỳ cũng là nguồn cung cấp vũ khí hàng đầu cho Đài Loan và có hiệp ước cam kết bảo vệ hòn đảo trong trường hợp bị tấn công từ đất liền.

Ba ngày trước, Thượng viện Hoa Kỳ ban hành một bộ luật cho phép Bộ Ngoại giao HK hạn chế các sự viện trợ và quan hệ với bất kỳ chính phủ nào muốn bãi bỏ quan hệ với Đài Loan.

Một tư thế như thế chắc chắn sẽ gia tăng sự căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc trong bối cảnh một cuộc chiến thương mại đang diễn ra .

Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã đe dọa sẽ chính thức công nhận Đài Loan nếu Trung Quốc vẫn còn "thao túng đồng tiền nhân dân tệ" và không chịu điều chỉnh sự bất cân bằng cuả cán cân thương mại với Hoa Kỳ.
 
Các Giám Mục hiệp nhất trong đức tin và ơn gọi.
Giuse Thẩm Nguyễn
13:03 08/09/2018


Có 75 Giám Mục vừa thụ phong trong vòng hai năm trở lại tại các giáo phận từ 34 quốc gia đã cùng về Đại Học San Paolo ở Roma từ ngày 3-15 tháng Chín để tham khóa hội thảo được tổ chức bởi Bộ Truyền Giảng Phúc Âm cho các Dân Tộc.

Đức tin và ơn gọi

Tất cả các Giám Mục đều có hai điểm chung: Đức tin và ơn gọi để các ngài làm Giám Mục trong Giáo Hội Công Giáo Roma. Các ngài đã cùng nhau khám phá các khía cạnh của Giáo Hội nhằm giúp các ngài phục vụ dân Chúa nơi trần thế. Mỗi ngày các ngài tham dự 3 cuộc hội thảo được hướng dẫn bởi các Tổng Trưởng của các Bộ trong giáo triều Roma và rồi có dịp gặp gỡ trong các nhóm ngôn ngữ để so sánh phần nội dung được trình bày

Vào ngày Thứ Bẩy 8 tháng Chín, các Giám Mục sẽ cùng dâng Lễ tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phê-rô và sẽ tham dự buổi tiếp kiến chung của ĐGH Phanxicô. Sau đó theo chương trình, sẽ hành hương tới Assisi vào Chúa Nhật.

Một số Giám Mục tham dự khóa hội thảo đã chia sẻ cảm nghiệm của các ngài với tờ Tin Tức Vatican.

Giáo phận của tôi rất lớn

Giám Mục John Mac William là thành viên của Hội Truyền Giáo Châu Phi. Ngài trở thành Giám Mục của Laghouat tại Algeria vào tháng Năm 2017. Ngài chia sẻ với tờ Tin Tức Vatican rằng giáo phận của ngài bao trùm toàn miền Sahara và một phần miền nam của Algeria. Ngài mô tả diện tích giáo phận của ngài bằng sự so sánh mức rộng lớn “ gấp 10 lần nước Anh hay 4 lần nước Pháp, nó bát ngàn lắm.” Vai trò giám mục của ngài là lo mục vụ cho các linh mục truyền giáo, các thày và các nữ tu làm việc ở đây. Ngài nói rằng “Điều quan trọng là cùng ở đó và tồn tại với những người Hồi Giáo và dĩ nhiên phải là nhân chứng sống động cho tình yêu của Chúa Kitô cho toàn thể nhân loại.” Thay vì rao giảng, nhiệm vụ của Giáo Hội là “từng giọt, từng giọt đụng chạm đến trái tim của người dân.”

Nhiệm vụ của một Giáo Hội non trẻ.

Giám mục Athanasius Rethna Swamy được thụ phong vào tháng Tư năm nay. Ngài nói rằng từ khi trở thành Giám Mục ngài “đã chân thành phản ánh về cách thế mà mình là một dụng cụ của Chúa. Và tôi cho rằng tôi cần được Chúa ban ơn ủy thác cho mỗi ngày. Chỉ có thế thì tôi mới có thể làm điều gì đó đáng giá.” Giáo phận Ahmedabad của ngài ở tiểu bang Gujarat thuộc Ấn Độ, là vùng đất của Mahatma Ghandi. Ngài nói với tờ Tin Tức Vatican rằng người dân ở đó rất hiền hòa, yêu thương, chấp nhận và họ thích khiêu vũ. Là một giám mục của một giáo hội non trẻ mới thành lập cách đây 100 năm, điều quan tâm của ngài là làm sao để giáo dân lớn lên trong nhận thức về đức tin. Bởi có nhiều cuộc hôn nhân tan vỡ và vụ tự tử, ưu tiên công tác mục vụ của ngài là hướng dẫn các linh mục cũng như giáo dân tuân theo giới luật của Chúa Giê-su để yêu Chúa và yêu tha nhân. Ngài nói “Một khi chúng ta lớn lên trong tình yêu, mọi thứ khác sẽ đâu vào đấy.” Ngài tin tưởng rằng nếu người ta trải nghiệm được tình yêu của Chúa Giê-su, thì sẽ dẫn đến kết quả là những đỗ vỡ hôn nhân và tự tử sẽ bớt đi.

Ý nghĩa của Giáo Hội.

Giám Mục Gabriel Menday của Giáo Phận Banjul ở Gambia nói rằng nhiệm vụ của ngài có nhiều thách đố. Ngài nói với tờ Tin Tức Vatican rằng ngài là giám mục Gambia đầu tiên của Giáo Phận. “Tôi phải nâng đỡ các linh mục, giáo dân và tu sĩ. Và tôi cố gắng hết sức mình để tiếp nối những vị tiền nhiệm.” Ngài nói rằng các bài thuyết trình đã làm phong phú kiến thức và ngài mang ra áp dụng để hiểu rằng là một giám mục, nghĩa là ngài không ở trong “cô lập” nhưng “ trong sự hiệp thông với các giám mục khác và với Đức Thánh Cha”, và “ như thế cho bạn sự biết hơn về ý nghĩa của Giáo Hội.”

Nguồn tin cũng cho biết thêm là trong khóa hội thảo này, có 4 giám mục Việt Nam.

.
Source: Vatican News Brothers united in faith and vocation
 
Chuyến tông du thứ 25 của Đức Thánh Cha: Giới thiệu quốc gia Lithuania
Đặng Tự Do
19:51 08/09/2018
Nhận lời mời của các vị đứng đầu nhà nước và các giám mục những quốc gia sở tại, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ tông du đến các quốc gia vùng Baltic từ ngày 22 đến 25 tháng 9 năm 2018. Ngài sẽ thăm các thành phố Vilnius và Kaunas ở Lithuania; Riga và Aglona ở Latvia và Tallinn ở Estonia. Đây sẽ là chuyến tông du thứ 25 của Đức Thánh Cha Phanxicô bên ngoài Italia. Nhân dịp này chúng tôi xin giới thiệu với quý vị và anh chị em vài nét về Lithuania.



1. Địa dư

Lithuania (/ lɪ-θjuˈ-eɪ-niə /), tên chính thức là Cộng hòa Lithuania, là một quốc gia nằm trong vùng Baltic ở Đông Bắc châu Âu. Diện tích lãnh thổ là 65,300 km2, tức chỉ bằng một phần năm của Việt Nam

Lithuania nằm dọc theo bờ biển phía đông nam của biển Baltic, về phía đông của Thụy Điển và Đan Mạch. Lithuania giáp với Latvia (/ˈlæt-vi-ə/) ở phía bắc, Belarus về phía đông và phía nam, Ba Lan ở phía nam. Lithuania có dân số ước tính khoảng 2,8 triệu người vào năm 2017. Thủ đô và cũng là thành phố lớn nhất của Lithuania là Vilnius /vɪl -nɪʊs/. Các thành phố lớn khác là Kaunas /kaʊ-nəs/ và Klaipėda /klei-pɪ̈-dɑ/.

Ngôn ngữ chính thức, tiếng Lithuania, cùng với tiếng Latvia, là một trong hai ngôn ngữ rất cổ còn tồn tại cho đến nay trong số các ngôn ngữ Ấn-Âu.

2. Vài nét về lịch sử Lithuania

Trong nhiều thế kỷ, bờ biển phía đông nam của Biển Baltic là nơi sinh sống của nhiều bộ tộc Baltic. Vào những năm 1230, vùng đất Lithuania được thống nhất bởi Mindaugas, Vua Lithuania, và nước Lithuania thống nhất đầu tiên, gọi là Vương quốc Lithuania, được thành lập vào ngày 6 tháng 7 năm 1253. Theo hiệp ước Liên minh Lublin năm 1569, Lithuania và Ba Lan tự nguyện hiệp nhất thành khối thịnh vượng chung Ba Lan - Lithuania. Khối thịnh vượng chung này kéo dài hơn hai thế kỷ, cho đến khi bị các nước láng giềng đánh bại từ năm 1772 đến 1795. Đế quốc Nga đã thôn tính phần lớn lãnh thổ của Lithuania.

Khi Chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc, Tuyên ngôn độc lập của Lithuania được công bố vào ngày 16 tháng 2 năm 1918, chính thức thành lập nước Cộng hòa Lithuania hiện đại. Chẳng may, trong Chiến tranh thế giới thứ hai, Lithuania lần lượt bị chiếm đóng bởi Liên sô và sau đó là Đức Quốc xã. Khi chiến tranh thế giới thứ II kết thúc và quân Đức rút lui, Liên Sô tái chiếm Lithuania. Vào ngày 11 tháng 3 năm 1990, một năm trước khi Liên Bang Sô Viết chính thức tan rã, Lithuania trở thành quốc gia Baltic đầu tiên tuyên bố độc lập, dẫn đến việc khôi phục một nước Lithuania độc lập sau 50 năm chiếm đóng Liên Sô.

3. Giáo Hội tại Lithuania

Theo thống kê năm 2011, trong tổng số 2.8 triệu dân các tín hữu Công Giáo chiếm 77.2% dân số rồi đến Chính Thống giáo Nga 4.1%, Tin Lành Lutheran 0.6%.

Theo Niên Giám 2016 của Tòa Thánh, trong tổng số 2,824,000 dân, người Công Giáo chiếm 77.2%, sinh hoạt trong 8 giáo phận trong đó có 2 tổng giáo phận và một giáo phận quân đội. Giáo Hội tại Lithuania có 779 linh mục trong đó có 681 linh mục triều và 79 linh mục dòng; 4 phó tế vĩnh viễn, 145 nam tu sĩ, và 773 nữ tu.

Sứ Thần Tòa Thánh hiện nay là Đức Tổng Giám Mục Pedro López Quintana, người Tây Ban Nha. Ngài là Sứ Thần Tòa Thánh tại cả ba quốc gia vùng Baltic.

Theo Đức Cha Gintaras Grušas /gɪ̈'n-tɑ-rɑ grʊ'-tʃɑ/, Tổng Giám Mục thủ đô Vilnius, năm 2018 này cả ba nước Baltic là Lithuania, Latvia và Estonia đều kỷ niệm 100 năm tuyên bố độc lập. Ngài nói:

“Lễ kỷ niệm này cũng là một thời gian để suy tư về ân sủng tự do, cũng như giá phải trả để giành được tự do. Ân sủng này đòi hỏi chúng ta phải hoạt động vì thiện ích chung và hòa bình. 50 năm chiếm đóng của Liên Sô đòi hỏi một sự suy tư sâu sắc về giá phải trả cho tự do - những đau khổ, trục xuất, ngược đãi và hy sinh mạng sống cần phải được nhớ đến không bao giờ lãng quên.

Thế kỷ trước là thời điểm có những thay đổi rất lớn, vì thế, chúng ta cần có một tầm nhìn lịch sử lâu hơn để thấy rằng mối quan hệ lâu đời giữa quốc gia Lithuania và Tòa Thánh bắt đầu với việc truyền giáo và vương miện được Đức Giáo Hoàng Innocent IV gửi đến cho Vua Mindaugas vào năm 1253.

Năm nay, chúng ta cũng kỷ niệm 300 năm ngày Đức Mẹ Trakai, Đấng bảo trợ của Lithuania, được một vị Giáo Hoàng đội vương miện. Tượng Đức Mẹ Trakai là tượng thứ hai của Đức Maria bên ngoài Rôma được một vị Giáo Hoàng đội vương miện. Trong suốt những năm chiếm đóng của Liên Sô, Toà Thánh tiếp tục công nhận các nước Lithuania, Latvia và Estonia như là các quốc gia độc lập. Đó là một dấu hiệu tuyệt vời của hy vọng cho người dân Lithuania ngay cả trong những khoảnh khắc đen tối nhất. Tháng 9 này cũng đánh dấu kỷ niệm lần thứ 25 chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đến các nước vùng Baltic, một chuyến thăm quan trọng đã mang lại can đảm cho ba nước này ngay từ đầu cuộc hành trình mới của họ trong tư cách là các nước cộng hòa độc lập. Ngài đã nói về những thách thức nằm ở phía trước trong những nỗ lực hòa giải và xây dựng lại một xã hội đã phải chịu đựng rất nhiều.”

4. Xã hội Lithuania ngày nay

Lithuania là thành viên của Liên minh châu Âu, Hội đồng Châu Âu, Hiệp định Schengen, OECD và NATO. Lithuania cũng là một thành viên của Ngân hàng Đầu tư Bắc Âu, và là một thành viên trong Liên minh hợp tác Bắc Âu-Baltic của các nước Bắc Âu. Liên Hợp Quốc liệt kê Lithuania là một trong những quốc gia “phát triển nhân bản rất cao”.

Lithuania có cơ sở hạ tầng về truyền thông phát triển rất mạnh. Công ty LTE, là công ty cung cấp dịch vụ điện thoại di động và dịch vụ mạng phủ sóng 97% lãnh thổ của Lithuania, cho biết cả nước có 2.8 triệu công dân nhưng có đến 5 triệu SIM card đang được sử dụng.

5. Tổng thống đai đen Karate

Lithuania theo tổng thống chế, quyền hành tập trung trong tay tổng thống. Tổng thống hiện này là bà Dalia Grybauskaitė / da-lɛ grɪ-bɑʊ̈z-kɑɪ-tʃe /. Bà sinh ngày 1 tháng 3 năm 1956, không có chồng con. Bà nhậm chức tổng thống Lithuania vào ngày 12 tháng 7 năm 2009 và tái đắc cử vào tháng 5 năm 2014. Bà là nữ tổng thống đầu tiên của đất nước và Tổng thống đầu tiên của Lithuania được tái đắc cử nhiệm kỳ thứ hai liên tiếp.

Trước đó, bà là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao và Bộ trưởng Bộ Tài chính, cũng là Ủy viên Châu Âu về Lập trình Tài chính và Ngân sách từ năm 2004 đến năm 2009.

Từ năm 1983 đến tháng 12 năm 1989, bà là thành viên của Đảng Cộng sản Liên Sô (CPSU) cho đến khi Đảng Cộng sản Lithuania (CPL) tách khỏi CPSU vào tháng 12 năm 1989, bà là thành viên của CPL cho đến tháng 6 năm 1990, khi CPL bị đặt ra ngoài vòng pháp luật.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho chương trình Gia đình Kitô của Ái Nhĩ Lan vào ngày 07 tháng 5, 2013, bà Grybauskaitė cho biết bà là người Công Giáo thực hành đạo. Cũng như các trẻ em trong thời kỳ chiếm đóng của Liên Sô, bà được rửa tội bí mật. Việc gia nhập đảng cộng sản là một việc bất khả kháng.

Grybauskaitė chưa kết hôn và không có con. Ngoài tiếng Lithuania bản địa, bà thông thạo tiếng Anh, tiếng Nga và tiếng Ba Lan, và cũng nói tiếng Pháp.

Năm 1988, Grybauskaitė bảo vệ luận án tiến sĩ về Khoa học xã hội tại Mạc Tư Khoa. Hai năm sau đó bà theo học tại Đại Học Công Giáo Georgetown ở Washington DC.

Là một người say mê võ thuật, bà Grybauskaitė có đai đen Karate.

Ngày 20 tháng 10 năm 2015, bà sang Vatican triều yết Đức Thánh Cha Phanxicô. Thông cáo của Phòng Báo Chí Tòa Thánh sau đó cho biết:

“Trong các cuộc thảo luận thân mật hai vị đã bày tỏ sự đánh giá cao với những đóng góp tích cực của Giáo Hội Công Giáo cho xã hội Lithuania. Hai vị cũng đã thảo luận về một số chủ đề quan tâm chung, chẳng hạn như việc hội nhập châu Âu, sự cần thiết phải đoàn kết hơn nữa giữa các quốc gia để đối phó với những thách thức hiện nay, việc tiếp nhận người di cư ở châu Âu, hòa bình và an ninh ở cấp khu vực và quốc tế, các cuộc xung đột ở Ukraine, và tình hình ở Trung Đông, với tham chiếu đặc biệt tới Syria và Thánh Địa.

Sau cuộc tiếp kiến với Đức Thánh Cha, tổng thống đã gặp Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, và Đức Tổng Giám Mục Paul Richard Gallagher, Bộ Trưởng Ngoại Giao Tòa Thánh.”

Dịp này bà đã đưa ra lời mời Đức Thánh Cha sang thăm Lithuania. Đó là những vận động đầu tiên dẫn đến chuyến tông du thứ 25 của Đức Thánh Cha bên ngoài Italia.

6. Chuyến tông du của Đức Thánh Cha tới Lithuania

Theo chương trình đã được Phòng Báo Chí Tòa Thánh công bố, lúc 07g30 sáng thứ Bẩy 22 tháng 9, Đức Thánh Cha sẽ khởi hành bằng đường hàng không từ sân bay Fiumicino của Rôma để bay sang Vilnius, thủ đô của Lithuania.

Đài tưởng niệm các nạn nhân của cộng sản nơi ĐTC sẽ viếng thăm
Lúc 11g30, ngài sẽ đến sân bay quốc tế Vilnius.

Lúc 12g10, sau những nghi lễ chào đón tại phi trường, Đức Thánh Cha sẽ đi xe đến dinh tổng thống nơi sẽ diễn ra cuộc gặp gỡ với tổng thống, chính quyền dân sự và ngoại giao đoàn vào lúc 12g40.

Sau khi nghỉ trưa tại Tòa Sứ thần Tòa Thánh, lúc 16g30, Đức Thánh Cha sẽ viếng thăm Đền Thánh Lòng Thương Xót Chúa và sau đó có cuộc gặp gỡ với giới trẻ ở quảng trường phía trước đền thờ vào lúc 17g30.

Lúc 18g40, ngài sẽ đến thăm nhà thờ chính tòa thành phố.

Lúc 08g15 sáng Chúa Nhật ngày 23 tháng 9, Đức Thánh Cha sẽ di chuyển bằng xe hơi đến Kaunas nơi ngài sẽ cử hành thánh lễ tại công viên Santakos vào lúc 10g sáng.

Lúc 12g, Đức Thánh Cha sẽ chủ sự buổi đọc kinh Truyền Tin.

Sau thánh lễ, Đức Thánh Cha sẽ ăn trưa với các giám mục trong Tòa Giám Mục trước khi có cuộc gặp gỡ với các linh mục, nam nữ tu sĩ và các chủng sinh tại nhà thờ chính tòa Kaunas vào lúc 15g.

Lúc 16g, Đức Thánh Cha cầu nguyện tại một đài tưởng niệm những người Do thái của thành phố này đã chết trong thời kỳ chiếm đóng của Đức Quốc xã trong khu Vilnius Ghetto.

Lúc 17g30, ngài đến thăm Viện Bảo tàng Thời Kỳ Chiếm Đóng và cuộc Chiến đấu dành Tự do.

Sáng thứ Hai 24 tháng 9, Đức Thánh Cha sẽ bay sang Riga, thủ đô của Latvia để viếng thăm quốc gia này. Tuy nhiên, buổi chiều cùng ngày, ngài trở lại Lithuania.

Lúc 8g30 sáng ngày thứ Ba 25 tháng 9, Đức Thánh Cha mới chính thức giã từ Lithuania với nghi thức tiễn biệt tại sân bay quốc tế Vilnius. Sau đó, Đức Thánh Cha khởi hành bằng đường hàng không từ sân bay quốc tế Vilnius đến sân bay quốc tế Tallinn của Estonia.


Source: Europeinfos 100th Year of Independence: The cost of freedom for the Baltic countries

Embassy of the Republic of Lithuania to Ireland Interview With President Dalia GrybauskaitĖ

Wiki - Lithuania

Wiki Dalia Grybauskaitė
 
Âm mưu đảo chánh Đức Giáo Hoàng Phanxicô
Trần Mạnh Trác
21:03 08/09/2018
Trong những ngày qua có nhiều phân tích về biến cố mới đây cuả Giáo Hội Công Giáo, chúng tôi đã đem tới cho quí độc giả nhiều bản dịch từ các nguồn tin chính thức cuả giáo hội, như CNA, NCR (trực thuộc giáo hội điạ phương Hoa Kỳ).



Tuy nhiên, xin nói một cách thẳng thắn, các nguồn tin đó thuộc loại ‘Bảo Thủ’, mà mới đây đã bị tố cáo với nhiều dẫn chứng là có dính dáng đến một âm mưu nhằm triệt hạ uy tín cuả Giáo Triều.

Vậy thì, để cho có sự quân bình, chúng tôi xin trình bày những ý kiến ‘khác chiều’, chọn lọc từ những nhân vật có tiếng, là những học giả từ môi trường đại học hay là các nhà báo được nhiều hãng thông tấn lớn trích dẫn.

Để bắt đầu, chúng tôi xin gửi tới bài ‘The Plot to Bring Down Pope Francis’ (Âm mưu đảo chánh Đức Giáo Hoàng Phanxicô) cuả bà Barbie Latza Nadeau, nữ sĩ Hoa Kỳ sống tại Rome, làm việc cho các báo Newsweek, The Daily Beast và CNN, tác giả cuả nhiều sách nổi tiếng như Face of an Angel (2014), International Desk (2009) và Frontline (1983).

Xin lưu ý đây là một tác giả thuộc loại ‘cấp tiến’ viết trên những tờ báo ‘cấp tiến’ cho giới ‘cấp tiến’, và văn phong thì rõ ràng là ‘cổ động, tranh đấu’.

Xin dịch toàn bộ bài viết như sau:


ROME (07/09/18)- Không lâu sau khi Giáo Hoàng Phanxicô nhậm chức vào tháng 3 năm 2013, ông ta đụng ngay vào một bức tường. Nhưng đó không phải là những viên gạch từ thời La Mã cổ đại được xây dựng xung quanh Vatican. Nó mạnh hơn. Và nó đến từ cái đáy sâu thẳm bên trong chính giáo hội mà ông được bầu lên để lãnh đạo. Mỗi khi ông ta cố gắng đưa ra những cải cách, thì bức tường đều đã ở đó. Những người chống đối của ông ta rất mạnh, gần đây ông ta phải than thở là cải cách Giáo Hội Công Giáo thì ví như là "chải cho sạch bức tượng Sphinx ở Ai Cập bằng một chiếc bàn chải đánh răng."

Tuy nhiên, (GH) Phanxicô đã kiên trì, dựa vào sự nổi tiếng bất ngờ và sức quyến rũ bẩm sinh của mình, và vì thế mà thế giới bên ngoài bắt đầu nhìn vào Giáo Hội Công Giáo dưới một ánh sáng tích cực mới. Đột nhiên, làm một người Công Giáo thì thật là cảm thấy ‘tươi mát’ (cool, tuyệt vời).

Nhưng những người bảo thủ truyền thống trong giáo hội không muốn được tươi mát, và trong khi vị giáo hoàng mới hầu như không tiến bộ đủ theo đúng tiêu chuẩn thế tục (ông vẫn là Công Giáo), họ muốn giáo hội phải lạnh lẽo (cold), tức là một giáo hội bảo vệ họ từ thế giới bên ngoài, đứng đằng sau những bức tường chủ thuyết bất dịch (immovable doctrine).

Trong khi (GH) Phanxicô tiến xa hơn đến những khu lề đường để phục vụ cho người nghèo không có quyền lợi, thì những người bảo thủ thích trừng phạt người tội lỗi bằng những quy tắc cổ xưa không còn chỗ đứng trong thế giới hiện đại, ngay cả khi (việc trừng phạt) đó có nghĩa là hy sinh mất đàn chiên.



(GH) Phanxicô đã thử với việc cho phép những người Công Giáo ly hôn và tái hôn tham gia vào sự hiệp thông, ông ta cho phép tha thứ cho những người phụ nữ phá thai đã biết ăn năn, và ông ta dịu dàng (nice) với người đồng tính. Nhưng những người bảo thủ rùng mình.

Qua được năm năm dài, thì quyền lực bảo thủ của Giáo Hội Công Giáo cuối cùng đã bắt đầu xoay chiều cái con tầu khổng lồ làm hậu thuẫn cho vị giáo hoàng mà họ dường như ghét cay ghét đắng. Và họ đã làm điều đó bằng cách sử dụng một tội lỗi mà toàn thể hội thánh đã phạm phải: Đó là sự gian dâm cuả hàng giáo sĩ.

(GH) Phanxicô không bị đổ lỗi cho việc xử lý sai lầm phần lớn các vụ bê bối lạm dụng tình dục, vốn là đặc sản của giáo hội, mà nhiều vụ trong số đó đã diễn ra ngay ở các giáo phận do những người muốn ông ta từ chức. Đã không có vụ bê bối lạm dụng tình dục lớn ở quê hương Argentina của ông - ít nhất là chưa - vì vậy những người chống đối ông đã phải chọn một mục tiêu mềm hơn.

Những người bảo thủ đã cố gắng tìm điểm yếu của (GH) Phanxicô trong nhiều năm, và cuối cùng họ tìm thấy nó qua Carlo Maria Viganò, cựu khâm sứ của Vatican tại Hoa Kỳ, một người không phải là một ‘fan’ (ngưỡng mộ) của (GH) Phanxicô. Ông ta đã viết một chứng thư thoá mạ dài 11 trang mà ông nói là từ lâu ông đã nói với giáo hoàng về vị Hồng Y người Mỹ Theodore McCarrick, bị cáo buộc nhiều năm về những hành vi không phù hợp với chủng sinh. Những tin đồn đã từng luân lưu trong giới tu sĩ miêu tả ngôi nhà ở bãi biển New Jersey của McCarrick, như một loại Biệt thự cuả các tay chơi Playboy dành cho những người đồng tính trẻ tuổi. Sau đó, có cáo buộc nổi lên trong năm nay của ít nhất một trường hợp lạm dụng tình dục một cậu bé 11 tuổi trong những năm 1960, và các cuộc tấn công tình dục một cậu bé giúp lễ 16 tuổi vào năm 1971.

Những lời cáo buộc của Viganò gợi ý (GH) Phanxicô và những người thân cận nhất trong giáo triều đã biết về những cáo buộc đó, nhưng họ cố tình bảo vệ cho McCarrick bằng cách giữ ông ta làm đại diện cho Vatican với nhiều tư cách chính thức. (Những lời cáo buộc) đã lờ đi việc nhiều người bảo thủ đang chống lại (GH) Phanxicô, trong đó có cả Viganò, đã chắc chắn và được chứng minh là rất thân thiết với McCarrick trong thời hoàng kim của ông ta – rồi bây giờ thì xoay lưng để sử dụng ông ta như một cái gai đâm cào sườn cuả (GH) Phanxicô trong cài âm mưu lật đổ chức giáo hoàng của ông ta.

Bức thư của Viganò đã làm cho (GH) Phanxicô choáng mắt (blindsided), nó được phát hành bởi một chuỗi các cơ quan tin tức Công Giáo bảo thủ ngay lúc GH) Phanxicô đang phải xử lý toàn bộ các vấn đề lạm dụng tình dục cuả giáo sĩ trong chuyến viếng thăm mục vụ đến Ireland, nơi mà ông đã xin lỗi tận mực (profusely) những sự xử lý sai lầm của giáo hội. dài tới một thế kỷ ở đó.



(GH) Phanxicô đã không nói được nên lời trước lá thư cuả Viganò, và vì thế ông ta không nói gì cả. Trong thực tế, ông nói với các phóng viên trên chuyến bay trở lại Rome, ông sẽ không bao giờ nói bất cứ điều gì, " không một lời" về cáo buộc của Viganò, và ông cho đến nay đã giữ lời hứa đó.

Cần lưu ý rằng (GH) Phanxicô đã loại bỏ danh hiệu Hồng Y của McCarrick và ra lệnh cho ông lão 88 tuổi này phải sống đời cầu nguyện vào cuối tháng Bảy, sau khi kết quả điều tra về sự lạm dụng trẻ vị thành niên làm cho hành vi xấu xa của McCarrick khó có thể bỏ qua được, nhưng ông này đã không bị hoàn tục. Hầu hết các cáo buộc là những liên quan đến việc có sự đồng loã cuả người đã lớn, và trong khi những sự việc đó vẫn là sai và có thể liên quan đến sự lạm dụng quyền lực, chúng không đến nỗi tệ như hầu hết các trường hợp lạm dụng tình dục liên quan đến việc hãm hiếp trẻ nhỏ cuả các giáo sĩ khác.

McCarrick là mục tiêu hoàn hảo trong chiến dịch ghi bàn chống lại giáo hoàng. Mặc dù đã quá già để bỏ phiếu, ông là một trong những Hồng Y đã vận động cho cuộc bầu cử (GH) Phanxicô, theo một số nhà sử học. Đã có lúc, ông rêu rao là có công với việc đắc cử cuả nhân vật người Argentina này. "Thật quả là ngọt ngào nếu các người bảo thủ được thấy ông là người đưa (GH) Phanxicô xuống," theo lời cuả một giám mục người Mỹ không muốn được nói tên nói với The Daily Beast như thế. "Nó giống như là xoắn cái lưỡi dao vào."

Mặc dù chiến lược im lặng của (GH) Phanxicô có thể là để tránh né dùng một câu trả lời mà làm cho những lời tuyên bố của Viganò có giá trị lên, nhưng sự yên lặng đó đã bị ‘nổ hậu’ (backfired) bởi vì nó không phải là một sự phủ nhận thẳng thừng những nội dung của lá thư. Những người bảo thủ đã có thể gieo hạt giống nghi ngờ về (GH) Phanxicô, như Robert Moynihan, biên tập viên của tờ Inside the Vatican mô tả trong mục xã luận. “Rõ ràng là sự kiện đã ‘hé mở’ một cuộc đấu tranh sâu sắc trong Giáo Hội Công Giáo giữa các phe phái trong phẩm trật cuả Giáo Hội và cuả Vatican, và cả ở bên ngoài Giáo hội, để 'kiểm soát câu chuyện' về những gì Giáo hội phải là, những gì đức tin phải là, ” ông ta viết. “Chiến thắng trong trận chiến lớn hơn thì đòi hỏi phải chiến thắng trong trận chiến nhỏ này: là kiểm soát được tất cả những lý lẽ tuyên truyền và phản tuyên truyền. Rõ ràng cuộc chiến đang xảy ra trên mọi khiá cạnh liên quan đến vấn đề tranh luận và quan điểm, mà đôi khi rất là hỗn độn.

Xem Bài 2
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Cảm Nhận Sau Hội Thảo Truyền Giáo Tại Trung Tâm Mục Vụ Huế
Gioan Lê Quang Vinh
10:07 08/09/2018
“Tự bản chất, Giáo Hội lữ hành là truyền giáo”. Lời Thánh Công Đồng xác quyết trong phần mở đầu của Sắc Lệnh về Truyền Giáo Ad Gentes, đã thôi thúc Giáo Hội tại Việt Nam quan tâm và dấn thân cho công cuộc truyền giáo mỗi ngày một hơn.

Cuộc Hội Thảo Loan Báo Tin Mừng Toàn Quốc tại Trung Tâm Mục Vụ Huế diễn ra từ ngày 3/9 đến 6/9/2018 vừa qua là một trong những nỗ lực để “giúp cho người tín hữu giáo dân tham gia sứ mạng này kết quả hơn”. Đức Cha Anphong, chủ tịch UBLBTM đã nêu rõ điều này trong bài thuyết trình khai mạc Hội Thảo.

Bài trình bày của Đức Cha Anphong gổm ba phần rõ rệt: Huấn Quyền về vai trò của người tín hữu giáo dân trong sứ mạng Phúc Âm hóa; Nhận định về việc người giáo dân tham gia sứ mạng Phúc Âm hóa tại Việt nam hiện nay; Những đề xuất để việc tham gia này kết quả hơn.

Trong phần I, Đức Cha trưng dẫn các Hiến chế và Sắc lệnh của Thánh Công Đồng chung Vaticanô II, các Tông huấn của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI và Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Từ đó ngài phân tích sứ mạng của người tín hữu giáo dân, việc gắn kết với Chúa trong sứ mạng Phúc Âm hóa, các lãnh vực hoạt động của người giáo dân, việc hợp tác, liên đới trong Giáo Hội để làm chứng tá…

Trình bày một số nhận định về việc người giáo dân tham gia sứ mạng Phúc Âm hóa tại Việt nam hiện nay, Đức Cha nói rõ người giáo dân ngày càng ý thức về sứ mạng loan báo Tin Mừng, nhưng “lực bất tòng tâm” vì có quá nhiều trở ngại. Đức Cha thẳng thắn chỉ ra trở ngại lớn nhất là “Giáo Hội Việt nam ở dưới chế độ cộng sản vô thần”. Khó khăn thứ hai là “nhiều giáo dân Việt nam vẫn có tâm thức giữ đạo cho riêng mình”. Do đó công cuộc Phúc Âm hóa chưa mang lại kết quả khả quan.

Trong phần đề xuất, ngài nhấn mạnh đến sự dấn thân của người tín hữu giáo dân. Phải làm sao để mọi người giáo dân ý thức sứ mạng của mình, “không được thoái thác, ù lì, cầu an, mà phải sẵn sàng nhập cuộc. Đức Cha nhấn mạnh phải làm sao “hun đúc nhiệt huyết Phúc Âm hóa” nơi người tín hữu”. Ngài cũng lưu ý đến việc huấn luyện, đào tạo giáo dân, sự hợp tác giữa các thành phần dân Chúa.

Mong muốn của Đức Cha là “sau cuộc hội thảo, hoa trái của nó sẽ được triển nở”, “mọi người phổ biến và triển khai những suy tư và quyết định của cuộc hội thảo”.

Ngoài các bài thuyết trình trong Hội thảo, việc tham gia thảo luận và đóng góp ý kiến của các tham dự viên (gồm 53 linh mục, 40 tu sĩ và 33 giáo dân) góp phần làm nên thành công của Hội thảo.

Đặc biệt, các tham dự viên đều được nhận các tác phẩm rất quan trọng cho sứ mạng Phúc Âm hóa do chính Cha Đaminh Ngô Quang Tuyên, Tổng Thư Ký UBLBTM dịch ra Việt ngữ, trong đó có Tông huấn Hãy Vui Mừng Hân Hoan (Gaudete et Exultate) của Đức Thánh Cha Phanxicô, Tông thư Maximum Illud về việc truyền bá Đức Tin trên khắp thế giới của Đức Thánh Cha Biển Đức XV, cuốn Loan Báo Tin Mừng Hôm Nay của Pierre Diarra, Ơn Cứu Độ của Đức Kitô, Giáo Hội và các Tôn Giáo khác dưới ánh sáng Công Đồng Vatican II của Cha Fabrizio Meroni. Cha Meroni là Tổng Thư ký của Hội Giáo hoàng Truyền giáo (PMU), là thuyết trình viên trong Hội thảo Truyền giáo này.

Các tác phẩm này sẽ là nền tảng cho suy tư cũng như hoạt động loan báo Tin Mừng, góp phần kéo dài hiệu quả của Hội thảo như Đức Cha Anphong mong ước khi kết thúc bài thuyết trình của ngài.

Trong ba ngày hội thảo, tham dự viên nghe và thảo luận các bài thuyết trình, đồng thời nêu cảm nhận cũng như đề nghị của mình về công cuộc truyền giáo. Tham dự viên cũng được nghe những kinh nghiệm truyền giáo thực tế rất quý giá của Cha Gioan Baotixita Trương Thành Công, giáo phận Cần thơ. Cha đưa ra vài hướng dẫn giúp giáo dân thực thi sứ vụ thừa sai: qua công tác Bác Ái Truyền Giáo và Kết Thân, Thăm Viếng anh em lương dân. Cha cũng chia sẻ kinh nghiệm giúp dạy giáo lý dự tòng hiệu quả, làm sao cho anh chị em dự tòng hăng hái học hỏi giáo lý.

Những ngày Hội thảo Truyền Giáo khép lại, đồng thời mở ra một con đường mới mẻ, thôi thúc người tín hữu giáo dân lên đường thi hành sứ mạng của mình, một sứ mạng cao cả và cấp bách, làm thành bản tính của Hội Thánh Chúa Kitô.

Nguyện xin Chúa Thánh Thần ban cho từng người tín hữu ngọn lửa tin yêu và nhiệt thành truyền giáo, để mọi người đều mở cửa đi vào giữa lòng thế giới “giảng dạy cho muôn dân” như lệnh truyền của Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.

Gioan Lê Quang Vinh

 
Bài giảng Lễ Giỗ lần 16 ĐHY Nguyễn Văn Thuận tại TTCGVN Orange
+GM Giuse Đặng Đức Ngân
17:00 08/09/2018


 
Trường Văn Hóa La Vang thành phố Fresno, California khai giảng niên học Việt ngữ Giáo lý 2018-2019
Magarita Nguyễn Phương Lan
19:57 08/09/2018
Thứ bảy ngày 8 tháng 9 năm 2018 vào lúc 9giờ sáng Trường Văn Hóa La Vang thành phố Fresno thuộc tiểu bang California khai giảng niên học 2018-2019 Việt Ngữ, Giáo Lý và Sinh Hoạt Thiếu Nhi Thánh Thể. Đặc biệt bắt đầu cho niên học này các em sẽ được tụ trường tại nhà trường mới nhưng lại không xa lạ gì với các em đó là trong khuôn viên Giáo Xứ Nhà Thờ Đức Mẹ La Vang, tọa lạc góc đường Ashlan và Millbrook thành phố Fresno.

Xem Hình

Sau khi được Toà Giám Mục Giáo Phận Fresno ra thông báo ngừng sử dụng phòng học Bishop John Steinbock Center sau niên học 2018 và sau hơn 5 năm được dùng để làm nơi dạy Tiếng Việt, Giáo Lý và Sinh Hoạt Thiếu Nhi Thánh Thể mỗi thứ bảy từ 1-5:30 pm. Cha Chánh Xứ Giuse Đinh Toàn Victor, Thầy Phó tế Giuse Nguyễn Phi Hùng cũng là trưởng ban Trường Văn Hóa La Vang cùng mọi thầy cô, trợ tá, anh chị em huynh trưởng trong đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể ai cũng có phần bùi ngùi và lo lắng cho tương lai của trường nói chung và cho các con em Việt Nam của chúng ta nói riêng. Tưởng rằng như đã quên 5 năm trước khi được Giáo Phận cho phép dùng phòng học Bishop John Steinbock Center thì Trường Văn Hóa La Vang đã có một thời gian dài được sử dụng các lớp học của Nhà Thờ Chánh Tòa Giáo Phận.

Vậy là một lần nửa sau 5 năm các con em của chúng ta những người tị nạn tha hương trên xứ người lại không có một nơi để các em tiếp tục được đi học hằng tuần. Vì tương lai và muốn các em giữ gìn tiếng nói và chữ viết tiếng việt và hiểu về nguồn cội quê hương mình cũng như học cách sống đạo của một người Công Giáo và nhận các phép Bí Tích. Sau khi thông báo của Cha Chánh Xứ cũng như tường trình của Thầy Phó tế về sự việc Trường Văn Hóa La Vang sau Thánh Lễ Chúa Nhật. Toàn thể ân nhân xa gần trong giáo xứ đặc biệt phải nói đến các bặc phụ huynh, thầy cô, trợ tá cũng như các anh chị em huynh trưởng thiếu nhi đã và đang sinh hoạt tai Trường Văn Hóa La Vang đã tự nguyện hay ầm thầm đóng góp tiền và không ngại lấy hết những đồng tiền cuối cùng mình có trong bóp để làm sao cho các con em mình có một nơi được tiếp tục đi học.

Sau hơn 4 tuần nhờ lời cầu nguyện và phó thác lên Đức Mẹ La Vang vậy là những căn phòng học di đọng được mua lại và đưa về nhà thờ Đức Mẹ La Vang đằng sau khuôn viên nhà thờ. Nhờ những ban tay sửa chữa chuyên nghiệp của các chú Hoá, Thành và Thủy cộng thêm của mọi thành phần trong giáo xứ bắt đầu từ Cha Chánh Xứ, Thầy Phó tế, phụ huynh, thầy cô, trợ tá, huynh trưởng và các em thiếu nhi thánh thể. Người thì lau chùi phòng học, dọn dẹp, quét rác, hay sơn lại những phòng học đã củ, đến từng ổ điện và máy lạnh điều hòa cho mỗi lớp học. Vậy là với bao nhiều sự thương yêu lo lắng của tất cả mọi người, Trường Văn Hóa La Vang đã được chính thức khai giảng niên học mới 2018-2019 đúng vào thứ bảy ngày 8 tháng 9 năm 2018 từ 9giờ sáng đến 1giờ 30 trưa, trong khuôn viên nhà thờ Giáo Xứ Đức Mẹ La Vang.

Thấy những tấm lòng thương yêu lo lắng của vị Cha chung Giáo Xứ, Thầy Phó tế và lòng quãng đại của mọi ân nhân, phụ huynh, thầy cô, trợ tá và các anh chị em huynh trưởng thiếu nhi ta mới thấy rõ ràng chuyện dạy hoc tiếng Việt, Giáo Lý và Sinh Hoạt Thiếu Nhi Thánh Thể cho các con em người Mỹ gốc Việt nơi xứ người được coi trọng như thế nào đặc biệt là những con em trong cộng đoàn Công Giáo Giáo Xứ Đức Mẹ La Vang thành phố Fresno thuộc tiểu bang California.

Nguyện xin Thiên Chúa và Mẹ La Vang luôn đồng hành, dìu dắt cho Trường Văn Hóa La Vang và Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể Thánh Linh Fresno luôn tiếp tục và ngày càng vững mạnh trên xứ người….

Magarita Nguyễn Phương Lan.
 
Legio Mariae Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, Melbourne mừng Sinh Nhật Đức Mẹ
Trần Văn Minh hình Lê Hải
20:57 08/09/2018
Melbourne, 8/9/2018, trời thật đẹp và cơn lạnh của Mùa Đông Melbourne đã giảm dần. Trong không khí vui mừng giữa những ngày đầu Xuân. Legio Mariae thuộc Comitium Nữ Vương Các Thánh Tử Vì Đạo Việt Nam, đã hân hoan tổ chức để các hội viên về hiệp dâng Thánh lễ mừng Sinh Nhật Đức Mẹ tại Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam Thánh Vinh Sơn Liêm.

Hình Lê Hải

Xem hình

Từ rất sớm, đã thấy các chị em từ khắp các đơn vị Legio trong Comitium, thuộc Tổng Giáo Phận Melbourne kéo về. Với những tà áo dài mầu thiên thanh, hay những bộ âu phục rất đẹp, đẹp hơn nữa là trên nét mặt ai cũng tươi cười, niềm nở chào nhau nhân dịp lễ lớn trong năm của Legio, nhất là lễ Sinh nhật Đức Mẹ.

Đúng 5:30 phút chiều Thứ Bảy Ngày 8/9/2018. Các hội viên Legio cả hội viên hoạt động và hội viên tán trợ cùng gia đình, đã cùng anh trưởng Comitium Lê Văn Miện bắt kinh khai mạc, trước tượng Đức Mẹ Maria, vị nữ tướng của đoàn quân của Mẹ. Đứng trên ngai tòa, được trang trí với hoa đèn tuy đơn sơ nhưng rất trang trọng. Sau khi lần chuỗi kinh Mân Côi. Kinh Tessera và Kinh Catena là bắt đầu thánh lễ mừng sinh nhật Mẹ Maria.

Thánh lễ do Cha Linh Giám Legio Trần Ngọc Tân chủ tế, cùng với Ca đoàn Tin Yêu, gồm các ca viên là các anh chị trong Legio phụ trách Thánh ca. Với các bài Thánh Ca được chọn lọc để ca tụng Đức Maria Mẹ Thiên Chúa, giúp cho buổi lễ thêm sốt sắng và long trọng.

Trong phần chia sẻ lời Chúa qua bài Tin mừng nói về Chúa Giêsu chữa lành cho người vừa điếc vừa ngọng để cho anh ta nghe được và nói được. Nhân dịp có một số sự kiện của kẻ dữ đang muốn làm hại thanh danh của Giáo Hội. Cha chủ tế cũng dựa vào bài phúc âm để nói với mọi người, xin được Chúa cho chúng ta cũng được Chúa mở tai, mở miệng ra, để được nghe thấy những lời Chúa dậy và cũng nói ra những điều tốt lành. Cha cũng nói sơ về lịch sử của ngày Sinh nhật Đức Mẹ và lý do tại sao Giáo Hội chọn Ngày 8/9 thay vì ngày khác.

Sau bài hát cuối lễ, mọi người cùng cất vang lời kinh bế mạc. Sau đó tất cả mọi người được mời xuống hội trường để dự buổi sinh hoạt, thưởng thức bữa ăn tối, do mọi người đóng góp cùng phần văn nghệ đặc sắc của các đơn vị trong Comitium Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo Việt Nam Melbourne cùng trình diễn.

Với đủ các thể loại, ca, vũ, hoạt cảnh nói về cuộc đời Đức Mẹ. Cũng với các diễn viên cũng đủ mọi thành phần, từ cao niên cho tới trung và thiếu niên đã giúp cho ngày lễ Mừng Sinh nhật Đức Mẹ thật vui. Nhất là khi cắt bánh mừng sinh nhật mọi người cùng ca vang bài Happy Birthday vui vẻ mừng vị Nữ Tướng Legio Mariae.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Vai trò của tình yêu và tính dục
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
10:05 08/09/2018
Vai trò của tình yêu và tính dục

Những ngày qua những tin tức tiêu cực về những Scandale trong nội bộ Giáo Hội Công Giáo nơi hàng giáo sĩ cao cấp về vấn đề lạm dụng tình dục, về vấn đề buộc tội tố cáo nhau… được phổ biến trên các phương tiện truyền thông thế giới, đã gây nên làn sóng bất bình giận dữ, hoang mang sâu thẳm nơi mọi người tín hữu Chúa Kitô, cùng làm giảm sâu tận trầm trọng niềm tin vào uy tín của Giáo Hội Công Giáo.

Có nhiều phân tích giải thích khác nhau được phát triển suy diễn, và đưa ra phương cách chữa trị, hầu tìm lấy lại tinh thần giữ vững niềm tin vào Chúa và vào Giáo hội đang trong cơn lung lay chao đảo.

Về vấn đề lạm dụng tình dục, có ý kiến nghĩ cho rằng đó là một lối sống đồng tình luyến ái do hậu qủa của lối sống độc thân. Không biết ý nghĩ này có đúng không, và nếu có thì bao nhiêu phần đúng, bao nhiêu phần không đúng.… Nhưng sự việc Scandale về lạm dụng tình dục có liên quan mật thiết tới khía cạnh tình yêu và tính dục nơi đời sống con người.

Khía cạnh này gắn liền với đời sống con người từ khi sinh ra chào đời cho tới khi đi về bên kia chín suối. Và cũng đã có nhiều suy tư chiết giải phân tích bàn về hai khía cạnh này. Nhưng trước sau khía cạnh này cũng vẫn luôn luôn mới lạ, luôn luôn thời sự vào mọi thời buổi, luôn luôn hấp dẫn kích thích mọi người, và cũng luôn luôn là điều bí ẩn còn có nhiều ẩn số bí nhiệm. Phải, đó cũng là một lãnh vực „Tabu - riêng tư“ hầu như con người ai cũng rất ái ngại không dễ muốn bàn luận đề cập tới.

Nhưng tình yêu và tính dục là gì, cùng đóng vai trò thế nào trong đời sống con người theo khía cạnh đạo đức Kitô giáo?

Đức Giáo Hoàng Benedictô XVI. đã có cái nhìn phân tích suy tư sâu sắc về khía cạnh này:

„…Cũng tương tự như ở các nền văn hoá khác, người Hy Lạp trước tiên nhìn trong eros một sự say đắm, lý trí bị một sự "điên dại thần bí" thống trị, bứt con người ra khỏi hiện thực hạn hẹp của mình và trong tình trạng bị quyền lực thần linh này thống trị, sẽ đưa họ đến cảm nghiệm sự diễm phúc cao độ nhất. Tất cả các quyền lực khác giữa trời và đất đều trở thành thứ yếu : ''Omnia vincit Amor” (tình yêu vượt thắng tất cả), đó là câu nói của thi sĩ Virgile trong tập Bucolica. Và ông còn thêm : ''Et nos cedamus amori” (và cả chúng ta hãy khuất phục trước tình yêu) [2]. Trong các tôn giáo thái độ này ẩn tàng trong các hình thức phụng thờ sự phong phú về mặt sinh sản ; việc "mại dâm thánh" nở rộ trong các đến thờ cũng thuộc về thứ phượng tự này. Eros được cử hành như một sức mạnh thần linh, như một sự kết hợp với thần linh.

Cựu Ước kiên quyết chống lại hình thức tôn giáo này, vì xem đó như một thứ cám dỗ mạnh mẽ chống lại niềm tin độc thần và như một thứ lệch lạc tôn giáo. Dù vậy, Cựu Ước không phủ nhận eros theo đúng ý nghĩa của nó, nhưng chiến đấu chống lại hình thức hủy hoại của nó. Vì sự thần thánh hoá eros cách sai lệch, diễn ra ở đây, làm mất đi phẩm giá của nó yà chà đạp con người.

Các cô gái điếm trong đền thờ, phải đem lại sự say sưa thần thánh, lại không được đối xử như con người và nhân vị, nhưng phục vụ như các đối tượng để đem lại "cơn điên thần bí" : trong thực tế, họ không phải là các nữ thần, nhưng chỉ là những con người bị lạm dụng. Vì thế eros vô luân và điên đảo không phải là sự vươn lên, "ngất trí đến với thần linh", nhưng là sự sa đọa của con người. Rõ ràng, eros cần sự thanh luyện, để nó không chỉ đem lại cho con người chút khoái lạc chóng qua, nhưng là một sự nếm trước đỉnh cao của cuộc sống - một thứ diễm phúc mà cuộc dời chúng ta hướng đến.

5. Từ cái nhìn ngắn ngủi về hình ảnh của eros trong lịch sử và trong hiện tại, chúng ta thấy có hai chiều kích rõ rệt. Chiều kích thứ nhất, tình yêu có liên hệ với Thiên linh : tình yêu hứa ban sự vô hạn, vĩnh cửu - sự cao cả và hoàn toàn khác với thực trạng hằng ngày của chúng ta. Đồng thời cũng cho thấy, con đường để đạt đến đó không phải chỉ đơn thuần là tùng phục bản năng. Sự thanh luyện và trưởng thành rất cần thiết, và các điều này phải kinh qua con đường từ bỏ. Đây không phải là phủ nhận, cũng không phải là ''đầu độc" eros, nhưng là chữa lành để đạt được sự cao cả thực sự của nó.

Kitô giáo trong quá khứ bị kết án là thù ghét thân xác, và ngày nay xu hướng này vẫn còn. Thế nhưng cách tôn vinh thân xác mà chứng ta thấy ngày hôm nay chỉ là dối trá. Eros (tình ái) bị hạ giá xuống thành sex (tình dục), trở thành hàng hoá, thành "vật phẩm” ; người ta có thể mua hay bán nó, thật vậy, chính con người cũng trở thành hàng hoá. Trong thực tế, điều này không phải là tiếng nói đồng ý cao cả của con người đối với thân xác mình.

Ngược lại, họ nhìn thân xác và giới tính chỉ là chất liệu đơn thuần nơi bản thân mình mà họ có thể sử dựng và khai thác tuỳ ý. Phần vật chất này không nằm trong bình diện của sự tự do, nhưng là một cái gì mà con người theo cách thức của mình tìm cách để hưởng thụ mà không có hại.

Trong thực tế, chúng ta đứng trước một sự hạ giá thân xác con người ; thân xác này không còn được hội nhập vào sự trọn vẹn của tự do trong đời sống chúng ta, không còn là dấu chứng sống động của toàn bộ cuộc sống của chúng ta, nhưng bị đẩy lùi vào bình diện sinh lý. Việc tôn vinh giả tạo thân xác có thể mau chóng trở thành thù ghét chính thân xác.

Ngược lại, niềm tin Kitô giáo luôn nhìn con người như là một hữu thể gồm cả hồn lẫn xác, nơi họ, tinh thần và vật chất nối kết chặt chế với nhau và cả hai cảm nghiệm được sự cao quý mới. Vâng eros muốn đưa chúng ta đến bầu khí thần linh, vượt lên khỏi chúng ta, vì thế nó đòi buộc một con đường vươn lên, từ bỏ, thanh luyện và chữa trị“ ( Đức Giáo Hoàng Benedictô XVI., Deus Caritas, số 4. và 5.).

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
 
Văn Hóa
Dẫn nhập vào văn chương tiên tri
Vũ Văn An
00:35 08/09/2018
I. Bản chất của việc nói tiên tri

Mặc dù chúng ta quan tâm tới các tiên tri của Cựu Ước, nhất là các tiên tri có tên tuổi dính liền với các sách tiên tri, chúng ta cũng nên bắt đầu bằng cách trước nhất xét đến việc nói tiên tri một cách tổng quát. Bản Bẩy Mươi không dịch chữ nābî’ của tiếng Hípri, nhưng đã nhất quán dùng chữ prophētēs để chỉ về nó; đây là một từ tương đương, có liên hệ với lịch sử Hy Lạp đáng kính thời đó. Điều ấy đủ cho thấy: mặc dù các dịch giả Do Thái là những người trước tiên nhấn mạnh đến tính đặc thù trong việc nói tiên tri của dân tộc mình, nhưng họ vẫn phải thừa nhận rằng việc nói tiên tri ấy có liên hệ cách nào đó với nền văn hóa lớn hơn của con người mà Israel chỉ là một thành phần.



(I) Hiện tượng nói tiên tri

Phần lớn, nếu không phải là tất cả, các tôn giáo đều sản sinh ra hiện tượng nói tiên tri hoặc liên tục hoặc trong một giai đoạn phát triển nào đó của mình. Điều nhận xét ấy đúng không những đối với các tôn giáo mà người ta thường gọi là nguyên khai mà còn đúng đối với các tôn giáo đã tiến bộ cao độ. Tiên tri không hẳn đặc thù hay cả chủ yếu có nghiã là tiên đoán tương lai, một quan niệm chỉ có sau này về tiên tri, nhưng đúng hơn chỉ việc làm trung gian và giải thích tâm trí và ý chí của Thiên Chúa. Chính theo nghĩa này, mà từ thế kỷ thứ 5 trước CN, người ta đã dùng chữ prophētēs, một chữ có nghĩa đen là “người nói thay người khác” hay “người giải thích”, để chỉ những người giải nghĩa tâm trí Thiên Chúa từng tỏ lộ cho họ hay cho người khác. Chức năng các prophētēs vốn được coi là một chức năng nổi bật trong tôn giáo công cộng; các từ ngữ khác được dùng để chỉ các thày bói tư. Chức năng này cũng thường được liên tưởng với các phát biểu và giải thích hữu lý: người được linh hứng đúng nghĩa, người nhận được sự mạc khải mà cần phải giải thích thường được gọi là mantis. Dĩ nhiên, prophētēsmantis có thể cùng là một người; tuy nhiên, chữ sau thường được dùng để đặc biệt nói tới việc tỏ lộ tương lai (Xem H. Krämer, Theological Dictionary of New Testament 6, 781-96).

Xét một cách tổng quát, phương tiện được tiên tri dùng để thông đạt cũng là các phương tiện được các tiên tri trong Cựu Ước sử dụng: các giấc mơ, các thị kiến, các kinh nghiệm xuất thần hay thần bí và nhiều tập quán bói tóan khác. Lòng tôn kính của ta đối với các tiên tri trong Cựu Ước không buộc ta phải bác bỏ sự kiện này là các tiên tri không phải Do Thái cũng có những kinh nghiệm tôn giáo đúng nghĩa. Trong nhiều thế kỷ, các Kitô hữu vốn không thấy khó khăn gì trong việc nhìn nhận các lời tiên tri chân chính trong Các Lời Sấm Si-bi-la (Sybilline Oracles)(mà ngày nay ai cũng nhận là có nguồn gốc Do Thái và Kitô Giáo) đến nỗi đã du nhập chúng vào phụng vụ của Giáo Hội. Vì việc nói tiên tri là một đặc sủng, tự thân, không nói lên điều gì về tính chính thống hay tư cách đạo đức của vị tiên tri, nên ta không có lý do gì để hạn chế tinh thần tiên tri của Thiên Chúa vào những máng chuyển duy nhất của lịch sử cứu độ (heilsgeschichte). Các lời sấm của Bi-lơ-am trong Dân Số 22-24 vốn được coi là những lời tiên tri từ Thiên Chúa mà có, mặc dù các truyền thống Thánh Kinh vẫn xếp Bi-lơ-am vào hàng địch thù của Thiên Chúa và của Dân Người (Ds 31:8,16; Gs 13:22; 2Pr 2:15; Gđ 11; Kh 2:14). Theo lời giải thích của Thánh Tôma Aquinô, vì việc nói tiên tri là một động thái có tính giai đoạn (transient) hơn là một lề thói (habit), nên cũng một con người ấy vừa có thể nói sự thật vừa có thể nói điều sai (Quodl. 12, q.17, a.26).

Không phải chỉ thời xa xưa, trong Cựu Ước và Tân Ước, bên trong và bên ngoài dân Chúa, mới có các tiên tri thật và các tiên tri giả, nhưng cả các thời sau này, vẫn có các tiên tri như thế. Dù Giáo Hội không chính thức áp dụng hạn từ “tiên tri” cho bất cứ ai không được nêu tên trong Thánh Kinh, nhưng quả Thiên Chúa vẫn nói với dân của Người qua các trung gian như Phanxicô thành Assisi, Vixentê Ferrer, Ca-ta-ri-na thành Xiên-na, Brigitta Thụy Điển, và nhiều người khác, trong các hoàn cảnh giống hệt hoàn cảnh của các tiên tri trong Thánh Kinh.

(II) Việc nói tiên tri tại Cận Đông

Đương nhiên, người ta phải tìm ra các nét tương tự nhất đối với việc nói tiên tri trong Cựu Ước nơi các truyền thống xưa ở Cận Đông, nơi mà Israel chỉ là một phần nhỏ. Trong đó, điều tất yếu là phải xét tới mức độ lệ thuộc, nếu có, của việc nói tiên tri tại Do Thái đối với các định chế tương tự của các dân tộc cao hơn về phương diện văn hóa, chủ yếu là các dân tộc ở Lưỡng Hà và Ai Cập, và cả nền văn minh nguyên khai của Ca-na-an nữa.



Từ những thời xa xăm nhất có ghi chép, người ta đã thấy cả một mẫu mực thầy bói hoặc đoán số mệnh hiện hữu khắp vùng Cận Đông. Họ được sử dụng để đoán chắc về ý muốn bảo bọc của thần minh. “Tôi giơ tay lên với Be‛elshamayn, và Be‛elshamayn nghe lời tôi. Be‛elshamayn (nói) với tôi qua các thầy bói và đoán số. Be‛elshamayn (phán với tôi): đừng sợ, vì ta sẽ làm ngươi thành vua chúa và ta sẽ ở bên ngươi và sẽ giải thoát ngươi…” (Ancient Near Eastern Texts 501). Trong khi A-mốt nói tiên tri ở Israel, thì một ông vua A-ram đã khắc những lời trên vào một phiến đá ở Syria. Việc minh nhiên nhắc tới thầy bói và đoán số đã soi sáng lời tuyên bố của Mesha, vua Mô-áp, vào thế kỷ thứ 9. Viên đá Mô-áp ghi như thế này: “Chemosh phán với tôi, ‘hãy đi, chiếm Nê-bô từ tay Israel’… Chemosh phán với tôi ‘hãy đi đánh lại người Hauronen’…” (Ancient Near Eastern Texts 320-321). Người ta tìm thấy những câu tương tự như thế trong Sách Thánh như câu: “Đa-vít thỉnh ý Gia-vê: ‘Con có nên đi không và có đánh bại được những tên Phi-li-tinh này không?’ Gia-vê phán với Đa-vít: ‘Cứ đi, ngươi sẽ đánh bại người Phi-li-tinh và cứu được Cơ-i-la’” (1Sm 23:2). Đa-vít được tiên tri Gát tháp tùng (1Sm 22:5). Nhiệm vụ của tiên tri này là thỉnh ý như thế với Gia-vê. Mẫu mực này càng minh nhiên hơn ở 1Sm 23:6-12: Ép-gia-tha, vị tư tế từ Nốp tới giúp Đa-vít, có mang theo một dụng cụ gọi là ê-phốt (ephod). Đây là dụng cụ dùng để bói toán. Đa-vít đã nhờ dụng cụ này để được trả lời có hay không cho các câu hỏi như “các thân hào ở Cơ-i-la có nộp con vào tay vua (Sa-un) hay không?” và “Sa-un có xuống đây không?”.

Sự hiện hữu của hình thức tiên tri xuất thần hay chiêu hồn (ecstatic prophecy) tại Phê-ni-xia thế kỷ 11 đã được chứng thực bởi kinh nghiệm của Wen-Amon, một sứ giả Ai Cập tại hải cảng Byblos (Ancient Near Eastern Texts 25-29). Bị quấy rầy, Wen-Amon đã vắn tắt chấp nhận những bất tiện do người thiếu niên bị thần xấu chiếm hữu (possessed) gây ra cho mình: vì đó chỉ là một tai nạn nghề nghiệp thông thường cho việc nói tiên tri kiểu xuất thần hay chiêu hồn. Đó cũng là trường hợp từng gây rắc rối cho Thánh Phaolô cả một nghìn năm sau (Cv 16: 16-18). Câu truyện sinh động trong 1V 18:19-40 đã minh chứng cho đặc tính của lối tiên tri chiêu hồn nơi người Ca-na-an vào thời tiên tri Ê-li-a. Với một ít sửa đổi, nếu có, các biểu hiện bên ngoài của nó hẳn khó có thể phân biệt được với các biểu hiện nơi các tiên tri thuộc dòng Gia-vít được nhắc tới trong 1Sm 10:5-7; 19:18-24 vào thời Vua Sa-un, và chắc chắn không có sửa đổi gì so với các biểu hiện của thời gian sau này trong Da-ca-ri-a 13:4-6 (lần này thì phải xấu hổ).

Ta còn được cung cấp nhiều tín liệu hơn nữa về mẫu nói tiên tri Cận Đông qua các chứng cớ Ba-bi-lon. Việc nói tiên tri cũng không thoát ra ngoài qui luật tổ chức cứng ngắc của xã hội Ba-bi-lon. Trong các đền thờ của xã hội này, các tư tế bārū ban tētu (sứ điệp) cho các khách hàng của mình chủ yếu qua lối bói gan (lối bói được E-dê-ki-en 21:26 coi như đặc trưng của Ba-bi-lon). Chữ tētu có lẽ cùng một gốc với chữ tôrâ của Hípri, một chữ có nghĩa là giáo huấn tiên tri trong Is 1:10 và nhiều nơi khác. Một kiểu tiên tri tư tế khác của Ba-bi-lon là maḫḫū, xuất thần: các sấm ngôn của họ được nói ra trong lúc được thần minh chiếm hữu giống như trường hợp cậu thiếu niên quấy rầy Wen-Amon trên đây. Ta cũng không nên cho rằng các tiên tri Ba-bi-lon kiểu trên chỉ chạy theo quan niệm ma thuật về tôn giáo mà thôi, một điều vốn được coi là đặc tính của lòng đạo hạnh tại Lưỡng Hà. Vì maḫḫū cũng từng đóng vai thẩm phán và y sĩ. Các công thức thần chú của họ, dù có tính ma thuật, đôi khi vẫn cho thấy họ ý thức được mối liên kết giữa tôn giáo và luân lý mà các tiên tri Israel hay nhấn mạnh tới.

Mẫu mực Cận Đông ít có phân biệt giữa giữa tiên tri và tư tế. Tại Israel, mẫu mực ấy xem ra đã bị bẻ gẫy, vì tại đây, sự phân biệt giữa tư tế và tiên tri khá rõ ràng. Chức tư tế tại Israel là cha truyền con nối và có tính phẩm trật, còn chức tiên tri thì có tính đặc sủng; các tiên tri như Ê-dê-ki-en hay Giê-rê-mi-a cũng có thể là tư tế, nhưng không có dấu chỉ gì là những vị như A-mốt cũng là tư tế, trái lại nhiều dấu chỉ nói ngược hẳn lại. Tuy thế, sự ra khác như trên không hẳn tuyệt đối như người ta thoạt nghĩ, ít nhất khi ta xét việc nói tiên tri như một toàn bộ. Bởi thực ra, khó có thể tách biệt các chức năng tư tế và tiên tri của Sa-mu-en trong câu truyện 1Sm 9:11-26. Suốt trong bản văn, ông được gọi là “thầy chiêm” (the seer), và trong 1Sm 19:18-24, ta thấy ông cầm đầu nhóm tiên ri xuất thần; ấy thế nhưng, một số các nhiệm vụ chính của ông là làm phép hy lễ trên các “nơi cao” và chủ tọa các bữa ăn hy tế. Người ta năng gặp các tiên tri trong các đền thánh của Israel, như tại Si-lô (1V 14:1-2), tại Bết-ên (2V 2:3), tại Ghin-gan (2V 4:38), tại Đền Thờ Giê-ru-sa-lem (Gr 23:11; 35:4) v.v… Các tiên tri và tư tế thường được nhắc tới cùng một lúc và thường là được liên kết với đền thánh (coi Ai Ca 2:20). Các dụng cụ bói toán được các tư tế sử dụng (xem 1Sm 14:3) cũng được các tiên tri sử dụng (xem 1Sm 28:6). Nhiều thánh vịnh nói tới hoàn cảnh sống trong việc phụng tự của người Do Thái cũng giả thiết có sự hiện diện của tiên tri trong việc hành xử một chức năng tư tế nào đó (như Tv 95:7b-11). Nơi người Ả Rập, vị tiên tri được gọi là kāhin, một chữ có cùng gốc với chữ kōhēn (tư tế) của Hípri. Điều ấy cho thấy việc nói tiên tri tại Israel vẫn có những tương đồng với truyền thống của nhiều nước khác tại Cận Đông.

Muốn đánh giá đúng mức các tiên tri của Israel, điều quan trọng là tìm ra những nét tương đồng như trên. Thực thế, tại Cận Đông xưa, nơi mà Israel chỉ là một thành phần rất nhỏ và không quan trọng chi về chính trị, vẫn luôn có một mẫu thức nói tiên ri rất nhất quán, tức những người được linh hứng để nói lời của Thiên Chúa cho các đồng đạo của mình bất kể đó là Ba-bi-lon, Ca-na-an hay Israel. Tuy nhiên, việc nhìn nhận mẫu thức chung ấy không làm ta sao lãng, trái lại càng làm ta chú ý tới các nét độc đáo của ơn gọi tiên tri trong Thánh Kinh.

Viết theo Bruce Vawter, C.M. †, "Introduction to Prophetic Literature" trong The New Jerome Biblical Commentary, Student Edition, các trang 186-200

Kỳ sau: (III) Việc nói tiên tri tại Israel
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Sóng
Tấn Đạt
07:30 08/09/2018
SÓNG
Ảnh của Tấn Đạt
Tôi tìm về biển rộng
Băn khoăn một buổi chiều
Ngàn con sóng bạc đầu
Xô lòng tôi ào ạt,
Xoa dịu nỗi buồn
Biển cho làn nước mát
(Trích thơ của Bích Liên)