Ngày 07-09-2018
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
CN 23 TN B : Có 3 thứ điếc
LM. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
07:51 07/09/2018
Tạo Hoá đã bố trí trên thân thể con người điều gì, thì điều đó cũng thật diệu kỳ, ý nghĩa. Một trong những điều ý nghĩa trên thân thể con người : đó là con người có một cái lưỡi, nhưng hai cái tai.

Bài Tin Mừng của riêng Mc hôm nay thuật lại việc Chúa chữa người câm điếc – hay đúng hơn – ngọng và điếc. Chúa đặt ngón tay vào hai lỗ tai và xức nước miếng vào lưỡi người tật. Anh liền khỏi sau câu truyền phép Epphata : Hãy mở !

Mở miệng mở lưỡi, chúng ta để dành đó.

Hôm nay chúng ta chỉ nói về mở đôi tai.

Con người có hai tai nhưng chỉ có một lưỡi. Điều đó muốn nói con người cần lắng nghe nhiều hơn là nói. Ấy vậy mà con người, nhất là con người thời nay lại thích nói nhiều hơn nghe. Hay nói mạnh hơn, thời nay vẫn còn nhiều người có đủ 2 tai, nghe được nhưng vẫn điếc vì không biết nghe. Phép lạ ngày xưa Chúa làm cho người điếc được nghe, vẫn cần được xin để Chúa làm lại mãi : xin Chúa cho chúng con biết lắng nghe.

Rochefoucauld liệt kê có 3 thứ dốt ở trên đời, đó là

. không biết những gì mình phải biết

. không biết rành những gì mình biết

. biết những gì mình không nên biết

Mô phỏng ý tưởng Rochefoucauld ở trên đây, ta có thể nói, có 3 thứ điếc :

1. không nghe những gì mình phải nghe (nghe cha mẹ, thầy cô)

2. nghe không rõ những gì mình nghe

3. nghe những điều mà mình không nên nghe.

Chúng ta không nói về cái điếc thứ ba, nghe điều mình không nên nghe. Hứa Do phải đi rửa tai bên suối vì tai nghe nhiều lời phỉnh nịnh. Còn cái điếc 1 và 2, ta gồm chung lại là : không nghe cho rõ điều mình phải nghe. Vậy đâu là điều mình phải nghe ? Đó là điều người ta nói và điều Thiên Chúa nói. Nói đổi lời : phải nghe người, và nghe Chúa. Tục ngữ VN có câu : Học ăn học nói, học gói học mở. Đúng, nhưng thiếu một cái quan trọng không kém : học nghe.

Nghe không phải dễ đâu. Cũng phải học. Nhất là nghe cho rõ, nắm cho vững, càng phải học hơn. Quí ông bà hay phải hội họp chắc có kinh nghiệm này. Trong một buổi hội thảo, kéo dài đã lâu, bỗng có người phát biểu, tôi nghĩ vấn đề phải giải quyết thế này: phá hàng rào, trổ cổng ra đường lấy mặt tiền. Té ra lối giải quyết của anh ta, đã có người đưa ra trước đó rồi, đã bàn cãi, đã bị bác. Anh này ngồi đó mà có nghe gì đâu. Vì thế trong buổi họp tư tưởng trùng lắp cứ gặp đi gặp lại.

Học nghe không phải dễ. Càng không dễ hơn khi học nghe cho rõ những gì mình phải nghe. Trong một khoá huấn luyện về đối thoại, người ta cho một bài tập như sau : khoảng 10 người ngồi vòng tròn, đưa ra một đề tài để cả nhóm tranh luận. Điểm độc đáo của bài tập này là, trước khi mình phát biểu ý kiến thì phải lặp lại ý kiến của người vừa phát biểu trước đó. Kết quả thật bất ngờ : Đa số lập lại ý kiến người khác vừa phát biểu thôi mà vẫn không đủ, không hết ý, nhiều khi sai nữa. Hôm nào chúng ta thử thể nghiệm mà xem.

Nghe và nghe rõ (nắm cho vững) điều người khác nói, không phải là dễ. Cần phải học.

Trong cuộc sống, lắng tai nghe rất quan trọng.

Gia đình sẽ hạnh phúc hơn nhiều, nếu người trong nhà biết lắng nghe và nghe cho rõ. Vợ nghe chồng và chồng lắng nghe vợ : thông cảm sẽ đến. Thông cảm không phải là đường một chiều. Nói và nghe đúng cách : hạnh phúc, cảm thông sẽ tràn đầy.

Đó là vợ - chồng với nhau. Còn cha mẹ - con cái thì sao ?

Dĩ nhiên con cái cần lắng nghe cha mẹ. Trong một bữa tiệc, đứa trẻ được ngồi chung bàn với cha mẹ và khách lớn. Đang ăn, thì nghe tiếng ho của người cha. Nhiều người khách tưởng ông đau. Nhưng chính đứa bé, con ông, mới hiểu. Bé biết mình vừa gắp một món ăn nào đó không đúng cách, hoặc có cử chỉ nào đó bất xứng, nên tiếng ho của ba là một lời cảnh cáo. Trẻ biết lắng nghe cha mẹ là như thế.

Nhưng cha mẹ cũng cần lắng nghe con cái mình. Hãy bình tĩnh nghe con trai con gái mình nghĩ gì, muốn gì. Chúng ta làm được không ? Nếu không, chúng ta lãng tai, chúng ta điếc rồi đó !

Trong cuộc sống, lắng tai nghe rất quan trọng. Càng cao chức trọng càng khó lắng nghe, càng phải học nghe nhiều hơn.

Trong bộ phim “Chuyện tử tế”, đạo diễn Trần Văn Thuỷ đưa lên màn ảnh cảnh một vị vua anh minh ngày xưa để trước phương đình cung điện, một chiếc trống. Dân oan ức, muốn nói gì cứ đến đó gõ một tiếng, vua sẽ ra tiếp và lắng nghe. Các phòng tiếp dân nhan nhản, nếu thực hiện tốt cũng là một mô phỏng quí báu của tiếng trống dân chủ trên đây. Dĩ nhiên Phòng tiếp dân là để nghe dân nói chứ không phải nói cho dân nghe.

Muốn nghe phải lắng. Lắng mới nghe được. Ngôn ngữ Việt ta nói vậy: lắng nghe. Bảo hiểm nhân thọ Prudential có châm ngôn: luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu. Mà lắng, mà lặng, cũng không dễ. Bốn chàng kia trên đường học thiền, tập luyện với nhau là im lặng 7 ngày. Ngày đầu 4 cậu đều im. Điểm lắng đạt 10. Rồi đêm đến khi ngọn nến cạn dần, cạn dần. Một chàng không giữ được cái lưỡi, gọi người giúp việc vào và phán: hãy thay cây nến khác. Chàng thứ hai ngạc nhiên khi thấy chàng thứ nhất “nói,” bèn nhắc: Chúng ta hứa không nói tiếng nào cơ mà ! Chàng thứ ba xen vào: Tại sao chúng mày nói với nhau. Chàng cuối, chàng thứ tư kết luận: Chỉ có tao là người duy nhất không nói. Giá chàng thứ tư không nói gì, chàng thắng. Nhưng chàng nói rằng, “chàng không nói,” nên điểm lặng của chàng hạ ngang bằng 3 bạn kia.

Nghe người còn phải lắng, huống gì là nghe Chúa. Nghe Chúa hay nghe nói về Chúa tương đương nhau. Có một nữ tu đi Lạng Sơn, tuyến đầu phía Bắc nước ta, thăm đức cha Dụ, thời ngài còn sống. Chị nữ tu đó nghe và thấy được nhiều chuyện, có một chuyện liên hệ đến điểm chúng ta đang nói đây, là : Tại một xứ nọ, một hôm cha xứ (già rồi) thấy một đoàn người dân tộc Mèo kéo xuống xin theo đạo. Làm sao họ biết Chúa. Thưa họ nghe đài Veritas, đài Nguồn Sống. Chúa nói qua miệng lưỡi con người, nhập vào tần số cao để qua các phương tiện truyền thông đến với mọi người. Quan trọng là ta có mở Đài ra không. Mở ra rồi có nghe không. Nghe mà có lắng để nghe cho rõ không.

[Cách đây nhiều năm, tôi được đi Saigon, tôi có đi dự thính một lớp giáo lý tại nhà thờ Đức Bà. Năm sau, sau hơn 12 tháng, tôi lại có dịp dự cũng lớp đó. Tôi ngạc nhiên thán phục vì qua thời gian dài thử thách, lớp không giảm đi mà lại tăng số người. Đó là lớp giáo lý lồng vào Thánh lễ do Lm Nguyễn Khảm tổ chức và giảng giải vào chiều thứ tư hàng tuần từ 5 giờ đến 6:30. Dĩ nhiên người giảng là yếu tố thu hút quan trọng, nhưng dẫu sao cũng đáng khen và khâm phục thanh niên thiếu nữ Thành phố bỏ những giờ hẹn hò thân mật để đến nhà thờ lắng nghe Chúa, lắng nghe nói về Chúa.]

Lạy Chúa xin mở tai con, nghe Lời hằng ban sức sống

Lạy Chúa xin mở tai con, nghe người lầm than khó nghèo

Và giờ đây, lạy Chúa, xin mở môi con để con tuyên xưng Chúa trong kinh Tin Kính.

LM. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:50 07/09/2018
1. TRỪNG PHẠT NHƯ THẾ NÀY
Lý Đới Nhân bình thường rất ghét ăn thịt và tóp mỡ.
Một hôm, nhìn thấy hai tên lính tuỳ tùng đột nhiên đánh nhau nên nổi giận sai người chạy mau vào nhà bếp lấy thịt và bánh ra phạt hai tên đánh nhau ăn mau lập tức và cảnh cáo, nói:
- “Lần sau còn đánh nhau, thì nhất định phải thêm tóp mỡ vào trong thịt để phạt chúng mày !”
(Ngũ tạp tổ)

Suy tư 1:
Không phải ai cũng ghét ăn thịt và tóp mỡ như mình để rồi phạt họ ăn, cái đó gọi là suy bụng ta ra bụng người. Hai tên tùy tùng chắc chắn là rất ít khi được ăn thịt hoặc tóp mỡ, bây giờ vì đánh nhau mà được ăn thịt và tóp mỡ thì chắc chắn sẽ vui vẻ mà đánh nhau dài dài...
Ma quỷ chưa bao giờ trừng phạt ai làm việc xấu, ma quỷ cũng chưa bao giờ thưởng công cho những người làm việc lành.
Người Ki-tô hữu là những người được diễm phúc hơn những người khác vì họ đã được nếm trước bánh thiên thần –Mình Máu Thánh Đức Chúa Giê-su- ngay tại trần gian này, họ cũng được diễm phúc nghe Lời hằng sống của Chúa đang khi còn ở thế gian này, bởi vì Mình Máu thánh Chúa thì nuôi dưỡng linh hồn và Lời Chúa thì củng cố đức tin cho chính người Ki-tô hữu, là lương thực nhiệm mầu mà Đức Chúa Giê-su đã vì yêu thương mà để lại cho Giáo Hội của Ngài cho đến ngày tận thế.
Hai tên lính bị phạt nhưng hóa ra là được thưởng vì sự “suy bụng ta ra bụng người” của ông quan; chúng ta cũng là những người tội lỗi đáng bị phạt; Đức Chúa Giê-su đã vì yêu thương mà ban cho chúng ta lương thực hằng sống là chính Mình và Máu của Ngài, để nhờ đó mà chúng ta được sự sống thần thiêng với Ngài ngay tại trần gian này.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)

-----------
http://www.vietcatholicnews.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:52 07/09/2018


50. Toàn Hy Sinh là để bồi dưỡng nhân cách cao thượng của tôi, để thánh sủng đề bạt tôi, để tôi hợp với giáo huấn của Phúc Âm, đó chính là đời sống tu đức.

(Cha Vincent Lebbe)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")

-------------
http://www.vietcatholicnews.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Từ bỏ chính mình
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
21:38 07/09/2018
Chúa Nhật XXIV Thường Niên , năm B
Mc 8, 27 – 35

Từ bỏ là hy sinh. Hy sinh là mất mát. Do đó, lời mời gọi của Chúa Giêsu “ Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình “ ( Mc 8, 34 ) có ý nghĩa cao vời bởi vì đây chính là nét đẹp của tình yêu. Thánh Gioan đã định nghĩa :” Thiên Chúa là Tình Yêu “. Tình yêu phải được nuôi dưỡng bằng hy sinh, bằng máu, bằng chính cả mạng sống của mình. Lời mời gọi của Chúa Giêsu có tính tự do, Người không bắt buộc con người. Con người hoàn toàn tự do khước từ hoặc chọn đi theo Chúa. Người mời gọi con người, chúng ta từ bỏ mình, nghĩa là từ bỏ mọi sự, kể ngay cả mạng sống.

Đức Giêsu hôm nay, sau khi đã nghe các câu trả lời, những điều nhiều người nghĩ về Người, gán ghép cho Người và đặc biệt đã hiểu rõ các môn đệ biết Người là ai qua lời tuyên tín của Phêrô: “Thầy là Đấng Kitô “ ( Mc 8,29 ). Phêrô tuyên xưng một Đức Kitô Cứu thế, nhưng không chấp nhận con đường thập giá của Người. Chúa Giêsu gọi đó là thái độ của Satan bởi vì ngay sau tuyên tín Thầy là Đấng Cứu thế. Chúa đã loan báo con đường đau khổ Ngài phải đi, Phêrô đã cản ngăn Chúa. Phêrô và các môn đệ thực sự giờ phút,lúc đó vẫn chưa hiểu được con đường thập giá của Chúa. Các Ngài chỉ hiểu được sứ mệnh của Chúa Giêsu khi Ngài từ trong cõi chết sống lại.Phêrô và các môn đệ đã cảm nghiệm con đường Thầy mình đã đi qua, các Ngài đã sống đến tận cùng lời tuyên xưng của mình.Nên, tất cả các môn đệ đều chấp nhận cái chết khổ hình của Chúa. Tất cả các Ngài đều hy sinh mạng sống vì tình yêu.Tất cả đều từ khước vinh hoa, địa vị, tiền tài để được lặp lại cái chết của Thầy mình.

Chúa Giêsu nói :” Ai muốn theo Ta, vác thập giá mỗi ngày mà theo Ta “. Lời mời gọi của Chúa được gửi tới tất cả mọi người mang danh Kitô. Chúa mời gọi tất cả tham gia vào cuộc tử nạn của Người. Chúa Giêsu mời gọi con người vác thập giá của mình, mỗi người một thập giá, mỗi ngày một thập giá. Chúa không bảo con người đi tìm thập giá bởi vì nếu tìm thập giá là tìm sự đau khổ, như vậy đạo chúng ta là một đạo chuyên gieo rắc sự đau khổ, làm cho con người chán ngán, rút lui. Đạo của Chúa là đạo tình yêu. Thiên Chúa không bao giờ đặt trên đôi vai, trên con người thánh giá quá sức mỗi người.Làm môn đệ của Chúa là chấp nhận thập giá. Chúa đã biết trước, đã tiên liệu, đã hiểu được giới hạn, sức chịu đựng của mỗi người. Ngài trao thập giá cho mỗi người tùy theo sức vác, sức chịu đựng của mình.

Vâng, môn đệ của Chúa không bao giờ được khước từ thập giá vì mỗi lần chúng ta, mỗi lần con người từ chối sống bác ái, yêu thương là mỗi lần con người chối từ thập giá. Mỗi lần chúng ta không chấp nhận cuộc sống hiện tại Chúa tặng ban là chúng ta minh nhiên từ khước thập giá của Chúa. Mỗi lần chúng ta tự đóng khung trong vỏ sò, không chịu đến với anh em nghèo, chia sẻ với họ lương thực, hay lời động viên là chúng ta chối từ thập giá Chúa trao. Điều Chúa muốn con người, muốn chúng ta hãy hết lòng tín thác, cậy trông vào Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, vào sự quan phòng kỳ diệu của Ngài, chứ đừng sống theo những ảo ảnh, phù vân, những dễ dãi, đam mê, dục vọng, xác thịt, tội lỗi…” Ai liều mạng sống vì Ta sẽ được sống “ ( Mc 8, 35 ). Mất đời này vì Chúa sẽ nhận được sự sống vĩnh cửu.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban thêm đức tin cho chúng con để chúng con luôn can đảm dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, vác thập giá mỗi ngày mà theo Chúa bằng việc từ bỏ những ham muốn, những thói hư, tật xấu, những điều tiêu cực,đam mê, dục vọng.Amen.

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :

1.Đạo của Chúa Giêsu là đạo gì ?
2.Từ bỏ theo ý Chúa là gì ?
3.Đạo của Chúa Giêsu có phải là đạo đi tìm thập giá không ?
4.Vác thập giá hằng ngày là gì ?
5.Liều mất mạng sống vì Chúa là gì ?
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha chia sẻ: Chúng ta hãy nhìn nhận tội lỗi mình, chứ đừng luận tội người khác
Thanh Quảng sdb
01:34 07/09/2018
Đức Thánh Cha chia sẻ: Chúng ta hãy nhìn nhận tội lỗi mình, chứ đừng luận tội người khác.


Sự cứu độ của Đức Giêsu không phải là thứ mỹ phẩm trang sức mà là một lời mời gọi hoán cải. Để nhận được sự cứu rỗi đó, chúng ta phải nhìn nhận mình là một tội nhân - và tự thú chính mình, chứ đừng bắt lỗi người khác. Đó là thông điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ trong Thánh Lễ sáng thứ Năm 6/9/2018 tại nhà nguyện Thánh Mát-ta. Đó là trọng tâm sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô đã chia sẻ.

Tư tưởng của bài chia sẻ của Đức Phanxicô hôm thứ Năm được rút ra từ bài Tin Mừng trong ngày, trích Phúc âm Thánh Luca (Lc 5: 1-11), trong đó Chúa Giêsu rao giảng từ trên thuyền của Phêrô, và sau đó Chúa mời Phêrô thả lưới xuống chỗ nước sâu để bắt cá. Khi các ông làm theo lời Chúa, Tin Mừng cho hay, "họ bắt được một mẻ cá lớn."

Đó là sự kiện nhắc nhở chúng ta về mẻ cá kỳ diệu khác, xảy ra sau khi Chúa Phục Sinh, khi Chúa hỏi các tông đồ, các con có gì để ăn không. Trong cả hai trường hợp, Đức Thánh Cha nói, “Phêrô được xức dầu”: Trước tiên ngài là một ngư phủ, sau đó là một tông đồ. Sau đó, Chúa Giêsu đổi tên ông từ Simôn sang Phêrô; và "như một người Israel tốt", Phêrô ý thức rằng ‘việc đổi tên biểu thị một sự thay đổi với một trách nhiệm mới. "Phêrô" cảm thấy tự hào vì ông thực sự yêu Chúa, "và lãnh nhận chức vụ đại diện các tông đồ trong phần đời còn lại của mình.

Bước đầu tiên: tự nhận mình là tội nhân

Ngay sau khi thấy lưới đầy cá to đến nỗi có thể rách thì Phêrô liền quỳ sụp xuống chân Chúa và thưa: “Xin Thầy hãy xa con, vì con là một người tội lỗi.”

“Đây là bước quyết định đầu tiên của Phêrô trên con đường theo Chúa làm tông đồ cho Ngài, là nhìn nhận chính mình:“là tội nhân.” Đây là bước đầu tiên của Phêrô; và cũng là bước đầu tiên cho mỗi người chúng ta, nếu bạn muốn thăng tiến trong đời sống thiêng liêng, trong đời sống với Chúa, phục vụ Chúa, theo Chúa, bạn phải thực thi điều này là nhìn nhận chính mình là một tội nhân chứ đừng cáo buộc người khác."

Sự cứu rỗi của Chúa Giêsu không phải là một thứ mỹ phẩm để trang sức mà là một lời mời gọi hoán cả đổi đời.

Tuy nhiên, có một rủi ro. Tất cả chúng ta đều “biết rằng chúng ta là tội nhân” một cách tổng quát, nhưng “không dễ dàng “để buộc tội mình là tội nhân một cách cụ thể. “Chúng ta thường nói: 'Tôi là một tội nhân',” nhưng theo cùng một thể cách nói, “Tôi là một con người,” hoặc “Tôi là một công dân Ý.” Nhưng để thực sự nhìn nhận chính mình, thực sự cảm thấy xấu hổ: “cảm thấy đau xót,” đau khổ, trước mặt Chúa. Điều ấy liên quan đến cảm thức xấu hổ. Và đây là một cái gì đó không phát xuất từ lời nói, mà từ con tim. Đó là một kinh nghiệm cụ thể, giống như của Phêrô khi ông nói với Chúa Giêsu: “Xin Thầy hãy tránh xa con vì con là kẻ có tội.” “Ngài thực sự cảm thấy mình là tội nhân”; và rồi Ngài cảm thấy mình được cứu.

Sự cứu rỗi mà “Chúa Giêsu đem đến cho chúng ta” đòi hỏi sự xưng thú lỗi lầm một cách chân thành, “nó không phải là một thứ mỹ phẩm che lấp sự thật”, và thay vào đó vẻ bề ngoài qua lớp “phấn son.”

Không nói về người khác

Bước đầu tiên của sự biến đổi, là nhìn nhận lỗi lầm của mình với cảm thức xấu hổ, để đạt được cảm nghiệm niềm vui bạn được cứu độ. “Chúng ta phải được hoán cải,” “chúng ta cần phải thực hiện những việc thiện,” Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi Giáo hội hãy suy tư về cái hướng chiều hay luận tội người khác:

“Có những người trong cuộc sống hay kết tội người khác, cáo buộc người khác và không bao giờ nghĩ đến tội lỗi của chính mình. Vậy khi tôi đi hòa giải, làm thế nào tôi có thể thú tội? Hay giống như một con vẹt!? chỉ biết “chích chòe!”… Tôi đã từng làm điều này, và có bao giờ lòng tôi xao xuyến với trái tim về điều mình đã làm? Chắc nhiều lần: không. Như vậy mục đích bạn đến tham dự giờ hòa giải là để trang điểm, để tự làm cho mình bớt bị xâu xé. Và nó chẳng chữa lành gì cho trái tim bạn, bởi vì bạn không tự nhận lỗi chính mình. "

Ân điển biết nhìn nhận rằng bạn là một tội nhân

Bước đầu tiên cũng là một ân sủng là hồng ân nhìn nhận chính mình là một tội nhân chứ không phải là tha nhân:

“Dấu hiệu để biết một người không phải là một Tín hữu là cách thấy họ không biết nhìn nhận lỗi lầm của mình, mà chỉ cáo buộc lỗi lầm của người khác, nói xấu người khác, tọc mạch về cuộc sống của người khác. Đó là một dấu hiệu xấu. Tôi có hay sống như vậy không? Đó là một câu hỏi thiết thật cho cuộc đời chúng ta. Hôm nay chúng ta hãy cầu xin Chúa ban cho chúng ta hồng ân để chính mình biết đối diện với Chúa và Chúa sẽ ban cho chúng ta một điều kỳ diệu là “nhìn nhận chính mình là một tội nhân, để có thể thân thưa như thánh Phêrô: 'Lạy Thày xin hãy lánh xa con, vì con là một kẻ tội lỗi'.
 
Điện ảnh Pháp trình chiếu phim : ĐTC Phanxicô - Tri Hành Hiệp Nhất
Lê Đình Thông
11:51 07/09/2018
Trong tuần này, tấm bích chương giới thiệu cuốn phim ‘‘Le Pape François - Un homme de parole’’ được dán khắp nơi ở Kinh thành Ánh sáng, trên các đại lộ, lối vào métro, dọc theo tuyến xe điện, giới thiệu vị giáo chủ, lời nói đi đôi với việc làm.

Cuốn phim do đạo diễn Wim Wenders thực hiện, mời gọi khán giả tìm hiểu hành trình của Đức Thánh Cha Phanxicô với các công việc của ngài, những cải cách, những lời giải đáp của vị giáo chủ về cái chết, về công bằng xã hội, các vấn đề di dân, môi sinh, sự chênh lệch giàu nghèo, về chủ nghĩa duy vật hoặc về vai trò của gia đình.

Khán giả trực diện với Đức Thánh Cha, trong cuộc đối thoại trực tiếp giữa đấng kế vị thánh Phêrô và thế giới hôm nay. Ngài trả lời các công nhân, giới thợ thuyền, ông già bà cả, những người lâm cảnh tù đầy, những người sống chen chúc trong các khu ổ chuột. Tất cả tiêu biểu cho mọi thành phần của nhân loại hôm nay. Ngài gửi thông điệp từ diễn đàn Liên Hiệp Quốc, cạnh đài kỷ niệm Trung tâm Thương mại Thế giới ở New York, đài kỷ niệm người Do Thái bị tàn sát ttrong Đệ Nhị Thế chiến ở Jérusalem. Ngài tới thăm hỏi các tù nhân trong trại giam. Nói chung, ngài nối vòng tay lớn với mọi thành phần xã hội trong cả năm châu lục.

Trong cuốn phim, Đức Thánh Cha Phanxicô cho ta thấy cái nhìn của ngài về Giáo Hội, nỗi ưu tư, trăn trở trước cảnh nghèo khó, túng bẫn, sự dấn thân của ngài về vấn đề môi sinh, lời kêu gọi hòa bình trước các cuộc xung đột vũ trang và trước thù hận của những thành phần khủng bố cực đoan.

Suốt cuốn phim trải dài tư tưởng của thánh Phanxicô. Thánh nhân là tấm gương sáng ngời của tình huynh đệ và lòng nhân ái. Một số hình ảnh đen trắng cực tả ý nguyện của vị giáo chủ muốn trở thành một ‘‘Poverelle’’ trong kiếp sống nghèo, khiêm hạ.

Đức Thánh Cha là một nhân vật tri hành hợp nhất, dẫn ta đến với tha nhân trong một xã hội tràn lan tham nhũng, ngài mời gọi chúng sinh sống theo tinh thần Phúc âm.

Paris, ngày 07/09/2018

Lê Đình Thông
 
Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô khởi động tiến trình ban cấp quy chế tự trị cho Chính Thống Giáo Ukraine
Đặng Tự Do
17:49 07/09/2018
Trong một diễn biến có thể dự đoán trước nhưng vẫn gây sửng sốt vì không ngờ có thể diễn ra nhanh như vậy, hôm thứ Sáu 7 tháng Chín, Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô đã khởi động tiến trình ban cấp quy chế tự trị cho Chính Thống Giáo Ukraine.

Thông cáo của Chánh Thư Ký Thánh Công Đồng Constantinope cho biết:

“Trong khuôn khổ của việc chuẩn bị cho việc ban cấp quy chế tự trị cho Giáo hội Chính thống ở Ukraine, Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô đã bổ nhiệm Đức Tổng Giám Mục Daniel của giáo phận Pamphilon, Hoa Kỳ; và Đức Giám Mục Grace Ilarion của giáo phận Edmonton, Canada, làm Đặc Sứ Toàn Quyền của ngài tại Kiev. Cả hai vị đang coi sóc các tín hữu chính thống Ukraine tại các quốc gia tương ứng của họ dưới quyền của Đức Thượng Phụ Đại Kết.

Tòa Thượng Phụ Đại kết, ngày 7 tháng 9 năm 2018

Chánh Thư Ký Thánh Công Đồng.”

Tưởng cũng nên nhắc lại, các nhà lãnh đạo thân phương Tây của Ukraine đã từng bước tìm cách di chuyển nước cộng hòa Xô Viết cũ này ra khỏi quỹ đạo của Nga, sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ của mình năm 2014 và xúi dục một cuộc nổi loạn ở miền đông Ukraine.

Tại Ukraine hiện nay có đến 3 Giáo Hội Chính Thống Giáo. Nhóm đông nhất là nhóm Chính Thống Giáo Nga trực thuộc tòa thượng phụ Mạc Tư Khoa. Nhóm thứ hai là Chính Thống Giáo Ukraine và nhóm thứ ba là Chính Thống Giáo Ukraine tự trị với đa số là các vị Chính Thống Giáo Ukraine trở về từ hải ngoại sau khi cộng sản sụp đổ.

Nhiệm vụ của hai vị Đặc Sứ Toàn Quyền của Đức Thượng Phụ Đại Kết là hiệp nhất cả 3 nhóm lại thành một Giáo Hội Chính Thống duy nhất, tách hoàn toàn khỏi Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa.

Kiev coi nhóm Chính Thống Giáo Nga trực thuộc tòa thượng phụ Mạc Tư Khoa là một công cụ để điện Kremlin tác động lên nội tình của Ukraine. Cho đến nay, nhóm này là nhóm Chính Thống Giáo duy nhất tại Ukraine được thế giới Chính Thống Giáo nhìn nhận.

Tháng Tư vừa qua, tại Istanbul, tổng thống Poroshenko đã gặp Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô, lãnh đạo tinh thần của các Kitô hữu Chính thống toàn thế giới, để tìm kiếm sự hỗ trợ trong việc nhìn nhận tính cách hợp pháp của Chính Thống Giáo Ukraine.

Ông Poroshenko đã so sánh việc có một Giáo Hội tự trị với nguyện vọng của Kiev được gia nhập Liên minh châu Âu và NATO, “bởi vì điện Kremlin coi Giáo Hội Chính Thống Giáo Nga là một trong những công cụ quan trọng ảnh hưởng đến Ukraine.”


Source: Ecumenical Partriarchate Announcement 07 September 2018
 
Mạc Tư Khoa lên án quyết định ban cấp quy chế tự trị cho Chính Thống Ukraine
Đặng Tự Do
18:10 07/09/2018
Chỉ vài giờ sau khi quyết định ban cấp quy chế tự trị cho Chính Thống Ukraine được công bố vào sáng sớm thứ Sáu 7 tháng Chín, thông tấn xã Interfax của Nga, cho biết Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa đã ra tuyên bố lên án quyết định này.

Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa thấy rằng quyết định của Đức Thượng Phụ thành Constantinople bổ nhiệm hai giám mục làm Đặc Sứ Toàn Quyền ở Ukraine là một sự xâm nhập chưa từng có vào lãnh thổ của mình và cảnh báo rằng diễn biến này không thể không có sự đáp trả.

“Việc Đức Thượng Phụ Constantinople bổ nhiệm các đại diện tại Ukraine, mà không có sự đồng ý của Đức Thượng Phụ Mạc Tư Khoa và toàn Nga cũng như của Đức Tổng Giám Mục Kiev và toàn Ukraine, không gì khác hơn là một cuộc xâm lược chưa từng có vào lãnh thổ giáo luật của Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa,” linh mục Vladimir Legoyda, người đứng đầu Ủy ban Xã hội và Truyền thông của Thánh Công Đồng Chính Thống Nga, tuyên bố như trên vào tối thứ Sáu.

“Những hành động này không thể không có sự đáp trả”, ngài nói.

Tòa Thượng Phụ Đại Kết Constantinope đã công bố trên trang Web của mình vào sáng sớm thứ Sáu 7 tháng Chín việc bổ nhiệm Đức Tổng Giám Mục Daniel của giáo phận Pamphilon, Hoa Kỳ; và Đức Giám Mục Grace Ilarion của giáo phận Edmonton, Canada, làm Đặc Sứ Toàn Quyền của Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô tại Kiev “trong khuôn khổ của việc chuẩn bị cho việc ban cấp quy chế tự trị cho Giáo hội Chính thống ở Ukraine.”

“Cả hai vị đang coi sóc các tín hữu chính thống Ukraine tại các quốc gia tương ứng của họ dưới quyền của Đức Thượng Phụ Đại Kết.” tuyên bố này cho biết thêm.

Trong cố gắng ngăn cản việc ban cấp quy chế tự trị cho Chính Thống Giáo Ukraine, Đức Thượng Phụ Kirill của Mạc Tư Khoa đã tham dự cuộc họp thượng đỉnh ngày 31 tháng 8 với Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô và các Thượng Phụ Chính Thống Giáo trên toàn thế giới. Tuy nhiên, cố gắng này của Đức Thượng Phụ Kirill đã không thành công.


Source: Interfax Religion Russian Orthodox Church warns about response to appointment by Ecumenical Patriarch of his exarchs in Ukraine
 
Điện tặc Nga tấn công vào hộp thư điện tử của Tòa Sứ Thần Tòa Thánh tại Ukraine
Đặng Tự Do
18:38 07/09/2018
Điện tặc Nga đã tấn công vào hộp thư điện tử của nhiều nhà lãnh đạo Công Giáo, và Chính thống có quan hệ với Ukraine trong cuộc xung đột giữa Kiev và Mạc Tư Khoa về việc ban cấp quy chế độc lập cho Chính Thống Giáo Ukraine.

Đức Tổng Giám Mục Claudio Gugerotti, Sứ Thần Tòa Thánh tại Ukraine, nằm trong số 4,700 mục tiêu toàn cầu của nhóm gián điệp mạng “Fancy Bear”. Đó là nhóm tin tặc Nga bị truy tố trong cuộc điều tra của thẩm phán Robert Mueller, nguyên Giám Đốc FBI từ năm 2001 đến 2013, về sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử tổng thống tại Hoa Kỳ vào năm 2016 và các vấn đề khác có liên quan.

Hộp thư điện tử của bà Hillary Clinton đã bị nhóm này thâm nhập và nhiều emails của bà bị tung ra cho giới truyền thông. Nhiều ủng hộ viên của bà Clinton cho rằng đây là một trong những nguyên nhân chính khiến bà bị thất cử trước ông Donald Trump.

Đức Sứ Thần Tòa Thánh Gugerotti và một giáo sĩ Công Giáo nghi lễ Đông phương Ukraine đã bị tấn công bởi nhóm này, cùng với các nhà ngoại giao nước ngoài khác, các nhà báo, cũng như các nhân viên tình báo.

Có lẽ nhóm Fancy Bear muốn tìm hiểu lập trường của Vatican trước việc Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô ban cấp quy chế tự trị cho Chính Thống Giáo Ukraine.

Hôm 28 tháng Tám, Associated Press cũng đã cho biết các điện tặc người Nga này đã cố gắng ăn cắp thư tín của một số nhà lãnh đạo Chính Thống Giáo tại Constantinople. Mục tiêu tấn công bao gồm các phụ tá hàng đầu của Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô, người thường được mô tả là người thứ nhất trong số các Thượng Phụ Chính Thống Giáo.

Các hoạt động tấn công diễn ra mạnh nhất trong những tháng gần đây, sau khi Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô tuyên bố ngài hoàn toàn có thẩm quyền ban cấp cho một Giáo Hội Chính Thống tân lập tại Ukraine tư cách “Tomos of Autocephaly” - một Giáo Hội tự trị hoàn toàn, mà chính phủ Ukraine đang mong đợi.

Giáo hội Chính thống Nga cho biết họ không có thông tin gì về những tấn công của nhóm điện tặc Nga có tên là Fancy Bear và từ chối bình luận. Các quan chức Nga nói với AP rằng điện Kremlin không có liên quan gì đến Fancy Bear, mặc dù ngày càng có nhiều bằng chứng ngược lại.

Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô, 78 tuổi, không sử dụng email, các viên chức trong Tòa Thượng Phụ Constantinope nói với AP. Nhưng các trợ lý của ngài thì dùng nhiều loại tài khoản của Google.


Source: Catholic News Agency Russians hacked Catholic, Orthodox clergy amid Ukrainian push for autocephaly
 
Lãnh đạo nhóm doanh gia Công Giáo Legatus của Hoa Kỳ chặn lại 820,000 Mỹ kim dâng tặng cho Tòa Thánh trong năm nay
Đặng Tự Do
19:21 07/09/2018
Một nhóm các lãnh đạo doanh nghiệp Công Giáo đã tạm thời đình chỉ việc đóng góp hàng năm của mình cho Tòa Thánh.

Nhóm này, có tên là Legatus, gồm khoảng 5,000 doanh nhân người Mỹ. Theo tờ Wall Street Journal, tiền đóng góp hàng năm của nhóm trong năm nay dự kiến là $820,000.

Thomas Monaghan, chủ tịch và giám đốc điều hành của tổ chức, cho biết số tiền đóng góp này đã được “ký quỹ”, trong khi chờ Tòa Thánh giải thích về việc chi tiêu.

Trong một bức thư gửi cho các thành viên, ông nói: “Trong ánh sáng của những tiết lộ và những câu hỏi gần đây, chúng tôi tin rằng cần phải có sự minh bạch tương ứng về việc sử dụng cụ thể của các quỹ này.”

Ông cho biết Legatus đã có các cuộc thảo luận về cách chi tiêu tiền và “đâu là trách nhiệm giải trình tài chính hiện hành trong Vatican đối với những đóng góp từ thiện như thế”.

Legatus được biết đến như “tổ chức hàng đầu thế giới dành cho các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Công Giáo dấn thân học hỏi, sống và truyền bá đức tin Công Giáo”.

Theo National Catholic Register, các thành viên phải là người Công Giáo có hạnh kiểm tốt với doanh thu hàng năm tối thiểu là 6.5 triệu đô la.

Vào đầu những năm 1990, Đức Hồng Y Anthony Bevilacqua gọi Legatus là “tổ chức giáo dân có ảnh hưởng nhất trong Giáo Hội”.

Monaghan, người sáng lập của nó, là chủ của Domino's Pizza, một chuỗi các cửa hàng toàn cầu đã bán Domino's Pizza với giá một tỷ đô la vào năm 1998.


Source: Catholic Herald US business leaders suspend reported $820,000 donation to Vatican
 
Văn Hóa
Sinh Nhật Đức Mẹ : Quà mừng sinh nhật Đức Mẹ của bà mẹ buôn gánh bán bưng.
Sơn Ca Linh
17:28 07/09/2018
Xin lỗi Mẹ dạo nầy con đầu bù tóc rối,
Buôn thua bán ế, con xất bất xang bang.
Vào năm học rồi lũ nhỏ hoang mang,
Tiền sách, tiền trường, tiền may áo mới…

Nhà trọ đòi tiền con xin để đợi,
Nước điện mấy lần họ cúp tối om.
Mỗi bước chiều về mệt mỏi lom khom,
Mấy kinh Kính mừng lộn sau lộn trước !

Mẹ biết con, thân cò bon chen xuôi ngược,
Dốt nát, nghèo hèn buôn gánh bán bưng.
Ngày Sinh Nhật Mẹ mà chẳng có chút quà mừng,
Chỉ xin hẹn Mẹ kịp về dọn mình đi lễ.

Món quà chiều nay con hứa không đi trễ,
Rán thức để nghe hết bài giảng của cha.
Cố gắng cầm lòng không chia trí lo ra,
Thánh lễ con dâng như chút quà mừng sinh nhật.

Hẹn sang năm không còn xang bang xất bất,
Con sẽ tiện tằn dành mua một lẵng hoa.
Gia đình chúng con cùng đến trước ngai toà.
Dâng Mẹ hoa tươi với lời kinh Mân Côi sốt sắng.

Dẫu biết Mẹ chẳng mong gì quà tặng,
Mẹ cho con nhiều gắp trăm vạn lần.
Nhưng chẳng có gì nên con thấy bần thần,
Vâng Mẹ ơi, năm nay con nợ Mẹ món quà sinh nhật !

Sơn Ca Linh
(Sinh Nhật Đức Mẹ 2018)


 
Lá thư Canada: Xin Cho Nụ Cười
Trà Lũ
17:40 07/09/2018
Tháng Tám vừa qua Toronto có rất nhiều lễ hội, như Caribana của các sắc dân Trung Mỹ, như lễ hội Hy Lạp ở đường Danforth phía đông bắc, như lễ hội Ukraine ở đường Bloor phía tây, như lễ hội Mùa hè CNE phía bờ hồ trung tâm. Lễ hội CNE náo nhiệt nhất vì có từng đoàn máy bay của Không Lực Canada biểu diễn. Tiếng máy bay ầm ĩ trong 3 ngày cuối cùng nhắc nhở lớp trẻ ngày tựu trường cho niên khóa mới sắp bắt đầu. Đó là tôi mới nói tới các lễ hội trong thành phố Toronto , vì ngay miền Mississauga phụ cận còn có lễ hội Nhật Bản. Ngoài ra người Sikh của Ấn Độ cũng lăm le mở hội. À, nhân đây tôi xin kể chuyện người Sikh và vài sắc tộc thiểu số ở Toronto nha.

Tôi có một ông bạn gốc người Sikh. Ông nghe tôi nói ‘người Sikh của Ấn Độ’ thì ông không bằng lòng vì dân Sikh sống ở Punjab phía bắc Ấn Độ có vào khoảng 25 triệu người và họ luôn muốn tách miền Punjab này khỏi Ấn Dộ để lập một nước cộng hòa riêng. Người Sikh không bao giờ muốn mình là công dân Ấn Độ. Dân Sikh dễ nhận ra lắm, liền ông xứ này luôn để râu và khăn đội trên đầu. Ở Canada có vào khoảng 600 ngàn. Người Sikh học hành rất giỏi, sinh hoạt đoàn kết, họ luôn cưu mang và nâng đỡ nhau thăng tiến. Hiện nay trong chính trường Canada có 20 dân biểu và 4 tổng trưởng gốc Sikh. Trong quân phục Canada thì người lính gốc Sikh được đội khăn trên đầu thay vì đội mũ lính, các anh Hồi Giáo ghen tị mà không làm gì được. Người Sikh là mẫu mực cho chúng ta và con cháu người Việt chúng ta noi theo.

Rồi chuyện người Tàu. Người Tàu ở Canada đã rất lâu và rất đông, tới 1.5 triệu người, nhưng mới chỉ có 2 dân biểu liên bang. Các cụ có hiểu tại sao người Tàu yếu thế không ? Thưa, họ bị chia rẽ rất nặng. Khối người Tàu ở Canada tiếng là người Trung Hoa nhưng họ thuộc nhiều địa phương gốc khác nhau : đại lục, Hong Kong, Đài loan, Chợ Lớn, và sinh đẻ ở Canada. Năm cái gốc này không chơi với nhau , mà còn đánh nhau nữa là khác.

Còn dân VN ở Canada có vào khoảng 300 ngàn, 99% là gốc thuyền nhân tỵ nạn. Nay con số Việt Kiều mới nhập Canada thì coi bộ có bóng dáng nhiều cán bộ và con cái cán bộ giàu sang, họ đang tìm cách ôm vàng chạy trốn thiên đàng bác Hồ .

Viết đến đây thì tôi chợt nhớ tới buổi ra mắt sách của cô giáo Julie Nguyễn Hoàng Đài Trang ở Toronto. Cô dạy kinh tế ở Centennial College. Cô đã viết 3 cuốn sách ca tụng Hồ Chí Minh. Cuốn thứ 3 ra mắt vào ngày 23/8 vừa qua. Theo chương trình thì buổi lễ sẽ kéo dài từ 5 giờ đến 8 giờ chiều, nhưng nhiều đồng bào phe ta đã đến, phe họ sợ bị chất vấn này kia sẽ vỡ mặt nên đã không cho phe ta vào. Đã có cảnh ồn ào ngoài cửa. Cuối cùng chương trình bị dẹp bỏ lúc 6 giờ. Thế nhưng Thông Tấn Xã VC đã viết một bài dài ca ngợi buổi lễ thành công mọi mặt. Đây là một bằng chứng hùng hồn về sự gian dối trắng trợn của VC. Có người còn mách cho tôi tin này : cô giáo tác giả trên đây là người Huế, là con cháu của Nguyễ Đắc Xuân. Xuân là một trong những hung thần giết người dịp tết Mậu Thân 1968 ở Huế, cùng phe nhóm với Hoàng Phủ Ngọc Tường và Ngọc Phan. Eo ơi, kinh chưa, các cụ?. Hiện nay có một số người định viết thư tố cáo cô giáo gian dối này với Bộ Giáo dục Canada vì làm nghề dạy học thì không thể gian dối, lừa bịp và đầu độc lớp trẻ như vậy được, Hồ Chí Minh là hung thần, không phải là thần tượng...

Thôi, không nói tới VC nữa kẻo nhiều độc giả mất ngủ đêm nay. Xin kể tiếp thời sự Canada. Tin miền tây, thành phố Edmonton sắp xây một cầu trường khổng lồ Edmonton Soccer Dome, rộng 12.542 mét vuông, cao 25 mét. Nó có 4 cầu trường khác nhau, sát bên nhau, có thể chơi banh một lúc. Các cụ đã thấy sợ chưa. Xưa nay môn chơi thể thao quốc gia ở Canada là bóng bầu dục, bóng chày, bóng rổ, hockey, nay môn bóng đá cũng đang bước vào danh sách môn thể thao quốc gia. Cầu trưòng đang xây là một bằng chứng rõ ràng nhất. Công ty xây cất là FieldTurf ở Quebec thuộc Canada, vật liệu cầu trường làm từ tiểu bang Arizona bên Hoa Kỳ. Ngân qũy cho cầu trường là 7 triệu mỹ kim. Cứ đà phát triển này thì người ta tiên đoán Canada sẽ là tổ môn soccer ở Bắc Mỹ.

Và tin tiếp theo là ngày mồng 2 đầu tháng Chín tại Toronto có Ngày Tranh Đấu cho Tự Do- Nhân Quyền tại Việt Nam, gồm Văn Nghệ đấu tranh, tuần hành, và biểu tình. Ban tổ chức gồm Liên Hội Người Việt Canada và các hội đoàn quốc gia tại địa phương.

Và đây là tin thời sự rất Canada : ‘thuyền nhân mới’. Đó là việc hiện nay đang phát triển phong trào bán nhà trên đất rồi mua nhà nổi trên nước, gọi là ‘nhà thuyền’ / house boat. Lý do là nhà cửa trong thành phố bây giớ đắt quá, sống trên thuyền và đậu ở bờ hồ rẻ hơn. ‘Thuyền nhân’ được báo chí nói tới nhiều nhất trong tháng này là Ông bà Gordon Sloane. Ông Bà Sloane sống trên một cái tàu gồm 2 phòng ngủ, tiền thuê bờ hồ để đậu tàu là 850 đồng một tháng. Hiện đã có 150 tàu thuyền nhân Boat People như thế này ở Toronto. Chưa biết vào mùa đông tuyết phủ thì các vị này sẽ sống ra sao. Vào mùa đông, tôi sẽ trình các cụ tin tiếp theo nha.

Bây giờ xin kể chuyện làng An lạc của tôi. Ông tiên chỉ là cụ Chánh. Mùa hè này cụ đã chọn một ngày đẹp nhất để họp làng. Các cụ có đoán ra ngày nào không cơ ? Thưa đó là ngày 18 tháng 8 năm 2018, viết ra giấy thì như thế này : 18.8.18. Chưa hết, chị Ba Biên Hòa xin góp thêm ý để cho khi viết ra sẽ đẹp hơn : bữa ăn của làng sẽ vào lúc 8 giờ 18 phút sáng ngày 18-8-18. Toàn số 8, tiếng Hán là Bát, nghe như Phát, phát đạt, phát huy, phát triển... Bữa ăn sáng này rất Tây vì dân làng được đãi mỗi người một ổ bánh mì nóng dòn bên trong có phết bơ, jambon, ma-di, giò chả, cà chua, dưa leo, hành ngò. Cầm ổ bánh mì nóng dòn này tôi có cảm tưởng mình đang ở trước hiệu bánh Hoà Bình bên hông nhà thờ Đức Bà Saigon và đang sống lại những ngày thanh bình thập niên 1960. Vừa ăn bánh mì dòn vừa nhâm nhi cà phê sữa nóng, ôi sung sướng làm sao.

Rồi Cụ B.95 lên tiếng : Bữa nay có thức ăn kiểu tây thế này thì phải nghe chuyện tây nha, xin bồ chữ ODP cho chúng nghe chuyện tây đi, chuyện rất tây nhá. Ông ODP nói ngay : OK, có liền. Bữa nay chúng ta đang ăn bánh tây, uống cà phê tây, tôi xin kể chuyện rượu tây. Cả làng vỗ tay râm ran. Thế là bồ chữ ODP vào đề . Ông bảo đây không phải là bài của ông mà của một nhà văn uy tín nào đó viết cách đây đã lâu, ông già nên quên hết xuất xứ nhưng vẫn nhớ các ý chính như sau :

...Giữa thế kỷ 19, một hôm tổng cục bưu điện Paris nhận được một bao thư đề : ‘Kính gửi vị đệ nhất thi nhân của nước Pháp’, và chỉ có thế, không có tên đường, không có số nhà. Nhân viên bưu điện họp bàn rồi đồng ý chuyển bức thư ấy cho thi sĩ Alfred de Musset vì ông mới xuất bản tập thơ ‘Đêm’ / Les Nuits, 1838, và đang nổi tiếng vì cuộc tình tay ba giữa nhà thơ, nữ thi sĩ George Sand và nhạc sĩ Chopin. Musset không dám nhận, ông chuyển bức thư tới thi sĩ Lamartine là thi sĩ đang nổi tiếng vô địch của trường phái lãng mạn. Lamartine cũng không dám nhận, ông mang tay tới thi hào Victor Hugo. Dĩ nhiên Hugo cũng không dám nhận... Chuyện này lan ra báo chí, và văn giới được mời tới họp mặt, và cùng mở bức thư. Tờ thư viết như sau : Kính gửi nhà sản xuất rượu Champagne danh tiếng nhất của nước Pháp vì không có thi sĩ nào làm được bài thơ hay, đẹp, cao qúy và ngon hơn một chai champagne...’ Bức thư miên man tán tụng champagne. Champagne được coi là ‘ngon’ hơn bất cứ bài thơ tuyệt bút nào. Champagne là một loại rượu vang có bọt, lấy tên miền Champagne, vùng tây bắc nước Pháp là nơi sản xuất ra rượu này. Ngày nay Champagne trở thành tên chung gọi các loại rượu vang trắng hay hồng, giữ hơi trong chai, sủi bọt khi rót vào ly. Người Ý cũng sản xuất một cách như thế và gọi là Spumante. Người Y Pha Nho cũng vậy, và gọi là Cava. Người Đức cũng vậy và gọi là Sekt. Người Hoa Kỳ cũng sản xuất rượu như thế và cũng gọi là champagne nhưng đi kèm với địa danh sản xuất như California Champagne, New York State Champagne...

Tóm lại, rượu vang đã đẻ ra champagne. Thế rượu vang có từ bao giờ ? Thưa có từ thời Cựu Ước trong Kinh Thánh. Chuyện này dài lắm. Đến cuố thế kỷ 17, tại Dòng Bénédictin giữa trung tâm tỉnh Champagne có thày dòng tên là Dom Pierre Pérignon chế ra được rượu champagne mà ta dùng bây giờ. Thày dòng Dom Pérignon là cha đẻ ra champagne. Ngày nay hãng rượu champagne nổi tiếng nhất nước Pháp là Moetchandon đã lấy tên cha dòng đặt cho loại champagne thượng hạng gọi là ‘Cuvée Dom Pérignon’. Cha Dom Pérignon còn có sáng kiến dùng gỗ cây điên điển Liège làm nút chai để khi nó ngấm rượu thì sẽ nở ra giữ kín cổ chai.

Và ông ODP xin hết chuyện champagne và chuyện tây bên tây. Cụ Chánh xin tiếp lời : Ta nói chuyện champagne thì tưởng rượu này chỉ có bên tây, thực ra thì nó đã theo chân người Pháp sang bên ta từ đầu thế kỷ 19, trong giới cai trị. Ta cứ nghe cụ Tú Xương viết trong bài ‘Chữ Nho’ thì đủ thấy cảnh xã hội ta thời bấy giờ :

Nào có ra gì cái chữ nho

Ông nghè ông cống cũng nằm co

Sao bằng đi học làm thầy phán

Tối rượu sâm banh, sáng sữa bò...

Cụ B.95 xin góp ý : Hôm nay lần đầu lão nghe chuyện bên tây mà cũng chẳng hiểu được bao nhiêu, thôi, bây giờ xin nói chuyện ở Việt Nam cho dễ hiểu. Ông H.O. bèn giơ tay xin nói. Rằng tôi tôi không có chuyện bên tây nhưng có chuyện bên ta, tôi mới đọc được trên mạng nói về những cái SỢ nhất ở Việt Nam bây giờ :

. Người nông dân sợ nhất 3 từ Hợp Tác Xã

. Người thành thị sợ nhất 3 từ Kinh Tế Mới

. Người Miền Bắc sợ nhất 4 từ Cải Cách Ruộng Đất

. Người Miền Nam sợ nhất 4 từ Giải Phóng Miền Nam

. Người Việt sợ nhất 2 từ Việt Cộng

. Nhân loại sợ nhất 2 từ Cộng Sản

. Còn Cộng Sản sợ nhất hai từ ‘Sự Thật’

Đọc xong bài các nỗi sợ ở VN xong, ông H.O. còn nói tiếp : Tôi thấy ở VN hiện nay có biết cơ man nào là luật, và tôi thấy bà Ngô Bá Thành thuộc Phe Thứ Ba ngày xưa nói một câu để đời : Ở VN ta có một rừng luật, nhưng khi xét xử thì lại dùng ‘luật rừng’. Quả là hay. Hiện nay trong nước đang sôi sục về dự luật 3 đặc khu, ngài thủ tướng Madze Cờ Lờ Vờ Nguyễn Xuân Phúc nói rằng quốc hội tạm hoãn thông qua luật này để chờ hỏi ý dân. Nay dân đã xuống đường biểu tình hô to khẩu hiệu đả đảo dự luật này, dân đã cho biết ý, không biết rồi đây quốc hội bù nhìn sẽ ăn nói ra sao... Ông ODP nói ngay : Còn sao nữa! Tiền của Tàu Cộng thì bọn chúng đã chia nhau hết rồi, trước sau gì thì chúng cũng sẽ cho thông qua, sẽ giao nộp 3 miền đất quan trọng này. Bọn Tàu giỏi thật, không tốn một viên đạn mà chiếm trọn vẹn nước ta. Đất đã chiếm, biển đã chiếm, bây giờ ở biên giới miền Bắc, CSVN còn cho xài cả tiền Nhân dân tệ của Tàu cộng.

Cụ Chánh than thở : Chả lẽ không có minh quân xuất hiện sao ? Lão cầu xin cho phe quân đội nổi lên, và tiếp tay với bà tổng thống Thái Anh Văn bên Đài loan, phá cái đập Tam Hiệp vĩ đại... Phá được cái đập này thì sẽ không còn nước Tàu vĩ đại, không còn chiến tranh. Ông ODP xin góp ý : Nếu phá được cái đập này thì coi như phá được nửa nước Tàu, nhưng dã man quá. Hiện nay Cụ Donald Trump đang chơi trò ngày xưa của Cụ Reagan với Nga Xô. Lúc đó, năm 1989 Hoa Kỳ và Nga Xô thi đua vũ trang. Nga Xô đã đứt gân bụng mà chết. Bây giờ cũng vậy, Trung Cộng cũng đang ra sức tranh ngôi bá chủ, Tập Cận Bình đang gồng mình thi sức với Đỗ Năng Trâm tức Cụ Donald Trump. Họ Tập rồi sẽ đứt gân bụng mà chết, thôi để Trung Cộng chết kiểu này thì thế giới sẽ an bình hơn, như Xô Viết năm xưa 1989 và 1990...

Rồi cụ Chánh kết thúc bữa ăn sáng bằng một chuyện đạo đức, cũng với một chuyện tây ‘Un Peu de Soleil Dans l’Eau Froide’ mà cụ đã đọc hồi xưa. Chuyển kể rằng có một ông lão già cô đơn và khó nghèo hết sức, ông sống ở vệ đường. Vì ông rất lương thiện nên một bà tiên đã hiện ra và cho ông một lời ước. Bà tiên cứ nghĩ chắc ông lão sẽ xin tiền bạc với căn nhà. Nhưng không, ông lão nhìn bà tiên và xin bà cho một nụ cười. Thì ra lâu nay bao nhiêu người đi qua, có vất cho ông mấy đồng tiền, nhưng không một ai mỉm cười với ông cả, nên ông chỉ thèm một nụ cười thân ái và chân tình. Cụ Chánh kết luận : Đó cũng là thói quen vô tình của chính chúng ta khi cho tiền người ăn xin ngoài đường. Các bạn cứ quan sát mà xem, trăm người như một, ai cũng như ném đồng tiền vào cái mũ của người ăn mày ngồi bên vệ dường, không ai nhìn họ, không nói với họ một câu, ném tiền xong là quay đi ngay, coi họ như người cùi hủi. Lão xin đề nghị : từ nay khi cho tiền người nghèo khổ, chúng ta nhớ cho tiền và cho cả nụ cười, cả lời thăm hỏi nữa nha, đừng quay đi ngay...

Về việc này, các cụ nghĩ sao cơ ?

TRÀ LŨ