Ngày 29-09-2010
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Lễ Mân Côi
Lm. Giuse Nguyễn Hữu An
08:25 29/09/2010
LỄ MÂN CÔI

Tôi là nữ tỳ của Chúa (Lc 1, 26-38)

Trong lịch phụng vụ, tháng 10 có tên là tháng Mân côi. Suốt tháng này, Hội Thánh khắp nơi hướng về Đức Mẹ một cách đặc biệt. Lòng sùng kính của dân Chúa đối với Đức Mẹ trong thời gian này mang một đặc điểm riêng. Đó là cầu nguyện bằng chuỗi Mân côi. Mân côi chính là hoa hồng. Mân côi là bông hồng đẹp, viên ngọc quí. Như thể, bằng chuỗi Mân côi, Hội Thánh trở thành một vườn hồng mênh mông, hương thơm sắc đẹp, dâng lên Mẹ hiền. Nói đến lễ Mân côi là nói đến hoa. Những bông hoa muôn màu muôn sắc dâng trước toà Mẹ. Những bông hoa kinh nguyện sốt sắng kết dệt nên những lời ca tụng Mẹ. Những bông hoa hi sinh, bác ái muốn toả hương dưới chân Mẹ.

Những bông hoa nói lên lòng yêu mến của con cái đối với Mẹ hiền. Những bông hoa cũng cố gắng diễn tả phần nào nét đẹp của Mẹ.

Thật vậy, giữa ngàn hoa, Đức Maria nổi bật như bông hoa cao quí xinh đẹp nhất. Đẹp đến độ "đẹp lòng Thiên chúa". Trình thuật Truyền tin cho ta thoáng thấy vài nét đẹp của Người.

Mẹ có nét đẹp đơn sơ. Đơn sơ trong khung cảnh làng quê Naazareth. Đơn sơ trong nếp sống thôn nữ đạm bạc. Nhất là đơn sơn trong tâm hồn giản dị. Sự đơn sơ trong tâm hồn được bộc lộ qua những suy nghĩ trong sáng, những phát biểu thật thà, thẳng thắn trình bày với thiên sứ hoàn cảnh cụ thể của bản thân. Đơn sơ trong vâng phục. Khi đã hiểu rõ ý định của Thiên chúa chỉ đơn sơ thưa: "Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời thiên thần truyền". Tâm hồn đơn sơ của Người chiếu toả như viên ngọc trong suốt không một tì ố.

Mẹ có nét đẹp khiêm nhường. Khiêm nhường trong nếp sống ẩn dật nơi làng quê nhỏ bé. Khiêm nhường trong nhận thức về bản thân. Thật vậy, khi nghe thiên thần chúc tụng ”Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy Ơn Phúc", Đức Maria thật sự ngạc nhiên. Bản thân Mẹ không dám nhận danh hiệu cao đẹp ấy. Khiêm nhường trong tâm hồn biểu lộ trong lời nói. Khi đã chấp nhận chương trình của Thiên chúa, Đức Maria vẫn khiêm tốn xưng mình là "Nữ tỳ của Thiên Chúa". Thật khiêm nhường. Chính sự khiêm nhường càng tô thêm vẻ đẹp tuyệt vời nơi Mẹ.

Mẹ có nét đẹp từ bỏ. Từ bỏ là vượt lên trên. Từ bỏ khiến con người trở nên cao đẹp, thanh thoát. Từ bỏ của cải đã khó. Từ bỏ bản thân khó hơn. Từ bỏ ý riêng mới thật cam go khốc liệt.

Đức Maria đã có chương trình riêng: sống đời trinh nữ. Đó là một chương trình đẹp. Nhưng khi biết chương trình của Thiên Chúa, Mẹ đã sẵn sàng từ bỏ chương trình riêng. Nhờ từ bỏ chương trình riêng mà chương trình của Chúa được thực hiện. Nhờ từ bỏ bản thân mà Mẹ đón nhận được chính Thiên chúa.

Khi trút bỏ chính mình, Đức Maria được đầy tràn Thiên Chúa. Không còn thuộc về mình, Mẹ trọn vẹn thuộc về Thiên Chúa. Mẹ là chiếc bình rỗng không nên Mẹ đón nhận được "đầy ơn phúc"của Chúa.

Đức Maria là bông hoa thanh khiết diễn tả được nét đẹp của Thiên Chúa vì Mẹ là tác phẩm của Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần "rợp bóng trên Mẹ" nên Mẹ sống dưới sự che chở của Thánh Thần, theo ơn hướng dẫn của Thánh Thần và sống trong tình yêu của Thánh Thần.

Thiên Chúa muốn Con của Ngài vào đời làm người, nên đã chuẩn bị cho Con một người mẹ tuyệt hảo.Maria là người được Thiên Chúa đặc biệt mến thương.Thiên Thần gọi Mẹ là “Đấng đầy ân sủng”, là người được “Đức Chúa ở cùng”, là người “đẹp lòng Thiên Chúa”. Maria đã là một thụ tạo tuyệt vời ngay từ trước khi làm Mẹ Đức Giêsu. Nhưng Thiên Chúa vẫn tôn trọng tự do của Mẹ. Ngài cần sự ưng thuận của một thụ tạo nhỏ bé trước khi trao cho Maria chức vụ làm Mẹ Đấng Cứu Thế. Tiếng “xin vâng” khởi đầu cho một chuỗi xin vâng làm nên cuộc đời người nữ tỳ của Chúa.

Kinh Mân Côi là một chuỗi “xin vâng” của người tín hữu dâng Thiên Chúa, theo mẫu gương đáp trả của Mẹ Maria.

Tràng chuỗi Mân Côi là một phương thế giúp chúng ta gần gũi thiết thân với Mẹ Maria.

Đức Thánh Cha Piô X đã nhắn nhủ các gia đình Công giáo: “ Khi gia đình được an vui hoà thuận, hãy lần chuỗi Mân Côi để xin Mẹ ban cho sự an vui hoà thuận yêu thương. Khi gặp người chồng thiếu trách nhiệm, hãy chạy đến với Mẹ nhờ tràng chỗi Mân Côi, để xin Mẹ cảm hoá mình. Khi vợ chồng xung khắc nhau, hãy lần chuỗi Mân Côi, xin Mẹ tạo sự cảm thông “.

Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, ngay trong tuần lễ sau khi đắc cử Giáo Hoàng, đã nói với tất cả các tín hữu hiện diện tại quảng trường Thánh Phêrô khi đọc kinh Truyền Tin: “ Chuỗi Mân Côi là lời cầu nguyện mà tôi yêu thích nhất. Đó là lời kinh tuyệt vời. Tuyệt vời trong sự đơn giản và sâu sắc. Với lời kinh này chúng ta lập lại nhiều lần những lời mà Đức Trinh Nữ đã nghe sứ thần Gabriel và người chị họ Êlisabeth nói với Mẹ. Toàn thể Giáo Hội cùng liên kết với những lời kinh ấy”.

150 Thánh vịnh đã được thay thế bằng 150 Kinh Kính Mừng. Miệng đọc lòng suy ngắm 15 Mầu Nhiệm Mân Côi: Năm Sự Vui, Năm Sự Thương và Năm Sự Mừng. Đó chính là bản tóm tắt cuộc đời của Chúa Giêsu Kitô và cũng là của Đức Maria. Vì hơn ai hết, Đức Mẹ đã cùng với Con bước các chặng đường Vui-Thương-Mừng ấy với tinh thần của lời “xin vâng” mà Mẹ đã tuyên xưng trước khi Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể làm người trong cung lòng Mẹ.

Khi đọc sự tích về các cuộc Đức Mẹ hiện ra, dù ở Lộ Đức hay ở Fatima, dù ở Guadalupe hay ở Mễ Du, hay ở La Vang…. chúng ta đều thấy Đức Mẹ nhắn nhủ người tín hữu hãy canh tân đời sống và siêng năng lần hạt Mân Côi để làm đẹp lòng Thiên Chúa: “Ta là Đức Mẹ Mân Côi, ta đã đến để cảnh báo các tín hữu canh tân đời sống và xin ơn tha thứ tội lỗi của họ. Họ không được xúc phạm đến Thiên Chúa nữa, vì Ngài đã quá phiền muộn vì tội nhân loại. Loài người hãy lần chuỗi Mân Côi. Họ hãy tiếp tục lần chuỗi hàng ngày.” (Thông điệp Đức Mẹ gởi cho chị Lucia 13/10/1917). Thánh Đaminh là người có công rất lớn trong việc quảng bá việc đọc kinh Mân Côi trong Giáo hội, để cầu xin Chúa bảo vệ Giáo hội trước sự tấn công của kẻ thù. Thánh Piô Năm Dấu Thánh chia sẻ: “Vũ khí của tôi là tràng hạt Mân Côi. Đức Mẹ không từ chối tôi điều gì khi tôi xin với Mẹ qua chuỗi Mân Côi. Muốn làm Đức Mẹ vui lòng và muốn được Đức Mẹ thương yêu hãy lần chuỗi Mân Côi”. Còn cha Stefano Gobbi viết: “Chuỗi Mân Côi mang lại hòa bình cho bạn. Với lời Kinh Mân Côi, bạn sẽ có thể nhận được từ Thiên Chúa hồng ân vĩ đại nhất là canh tân đời sống, thu phục các linh hồn về với Chúa trong sự ăn năn tội, tình yêu và thánh ân”. Và “Chuỗi Mân Côi là lời kinh của tôi. Những lời kinh này dù khiêm nhường và mong manh cũng sẽ nên như xích sắt để khóa lại quyền lực tối tăm của thế giới, kẻ thù của thế giới và của các tín hữu”.

Trong tông huấn “Marialis cultus” Đức Phaolô VI đã vạch ra những giá trị của kinh Mân côi như sau: đó là một kinh nguyên dựa trên Phúc âm; giúp cho việc chiêm niệm; sát với kinh nguyện phụng vụ.

Ta có thể tóm tắt những điểm chính của kinh Mân côi như sau:

1) Kinh nguyện đơn giản. Kết cấu của nó là những kinh Lạy Cha, Kính mừng, Sáng Danh mà người Kitô hữu nào cũng thuộc lòng. Kinh Mân côi thích hợp cho những người đơn sơ bình dân, và dành cho những tâm hồn mang tinh thần khó nghèo của Phúc âm.

2) Kinh nguyện chiêm niệm. Tuy đơn giản, nhưng kinh Mân côi mang một nội dung phong phú, bởi vì đi đôi với việc đọc kinh, người tín hữu được mời chiêm ngắm những mầu nhiệm căn bản của Đức tin Kitô giáo: Mầu nhiệm Nhập thể và Mầu nhiệm Vượt qua. Việc lập đi lặp lại những câu kinh tạo ra sự than thản nội tâm để có thể nhìn ngắm những cảnh tượng của cuộc đời Chúa Cứu thế.

3) Kinh nguyện huấn giáo. Chính vì chú trọng vào những mầu nhiệm căn bản của Kitô giáo, nên việc xướng lên các mầu nhiệm hoặc giải thích chúng là cơ hội để học hỏi và đào sâu thêm nhưng chân lý căn bản của Đức tin, và đáp lại cũng với tâm tình thuận nhận tin yêu

4) Kinh nguyện đi sát với cuộc đời. Khi cùng với Đức Maria rảo qua cuộc sống của Chúa Giêsu và của Đức Mẹ qua những chặng đường từ Nazareth, Bêlem, Giêrusalem, qua biến cố vui thương buồn, người tín hữu gặp thấy những bài học cho cuộc sống thường nhật của mình, trộn lẫn vui buồn âu lo hy vọng.

5) Kinh nguyện thanh luyện tu đức. Nhờ việc chiêm ngắm cuộc đời của Đức Kitô và Đức Maria, người tín hữu học đòi những nhân đức của các vị, cố gắng hoạ cuộc đời của mình theo gương các vị.

6) Kinh nguyện dẫn vào phụng vụ. Những mầu nhiệm Mân côi, dựa vào Phúc âm, đặc biệt là về mầu nhiệm Nhập thể và Vượt qua, chuẩn bị tâm hồn tín hữu cử hành sốt sắng các bí tích, đặc biệt là Thánh thể, tưởng niệm cuộc tử nạn và sống lại của Đức Kitô.

Ngày nay nhiều người phàn nàn không có giờ đọc kinh vì phải lo học hành, lo làm ăn vất vả. Chuỗi hạt Mân Côi sẽ giúp khó khăn ấy để nuôi dưỡng đời sống nội tâm phong phú. Điều thuận lợi của chuỗi Mân Côi là lần hạt ở đâu cũng được. Ta không buộc phải đọc 50 Kinh Mân Côi một lần mà có thể đọc bao nhiêu tuỳ vào thời gian ta có. Ta cũng có thể vừa làm việc vừa đọc Kinh Mân Côi, không nhất thiết phải có tràng hạt trên tay. Ta cũng có thể thì thầm bất cứ lúc nào: khi chờ xe bên đường, lúc đi học, khi giải trí, khi đau bệnh … thay vì đưa mắt nhìn chung quanh, thay vì nghe những chuyện không đâu, ta cũng có thể lần hạt. Dù bận bịu đến đâu ta cũng có thể lần hạt. Đó là cách cầu nguyện mà nhà triết học Jacques Maritain gọi là chiêm niệm bên vệ đường. Kinh Mân Côi là một kinh quý báu của Giáo hội và của mọi người, đó là kinh phổ biến, vừa dễ đọc vừa dễ cầu nguyện mà lại mang lại nhiều ích lợi cho linh hồn. Lạy Mẹ Mân Côi, xin dạy con biết yêu mến tràng chuỗi Mân Côi, siêng năng lần hạt trong mỗi ngày sống và xin Mẹ khẩn cầu cho con bên tòa Chúa. Amen.
 
Thánh Têrêxa bậc thầy trong nghệ thuật truyền giáo
Lm. Giuse Nguyễn Hữu An
09:01 29/09/2010
THÁNH TÊRÊXA BẬC THẦY TRONG NGHỆ THUẬT TRUYỀN GIÁO

Têrêxa Hài Đồng Giêsu đã được phong thánh năm 1925, tức 28 năm sau khi từ trần. Ngài được chọn làm bổn mạng các xứ truyền giáo cùng với thánh Phanxicô Xaviê năm 1927 và được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nâng lên hàng Tiến Sĩ Hội Thánh ngày 19 tháng 10 năm 1997. Khi tuyên bố thánh Têrêxa là tiến sĩ Hội Thánh, là bậc thầy trong đời sống đức tin, điều đó cũng có nghĩa Ðức Giáo Hoàng muốn nói với các tín hữu toàn cầu rằng: Têrêxa là bậc thầy trong nghệ thuật truyền giáo.

Khi chiêm ngắm thánh nữ Têrêxa như là bậc thầy nghệ thuật truyền giáo chúng ta sẽ thấy xuất hiện một nghịch lý. Nghịch lý ở chỗ tại sao một nữ tu nhà kín suốt đời sống trong bốn bức tường mà lại được chọn làm bổn mạng cho các xứ truyền giáo?

Nói đến truyền giáo là nói đến hai động từ Đi và Nói. Chúa Giêsu nói với các môn đệ: "Anh em hãy đi rao giảng Tin Mừng cho muôn dân". Sách Ngôn sứ Isaia viết: "Vinh quang thay, những bước chân đi truyền rao Tin Mừng ơn cứu độ". Phải đi, nhưng Têrêsa không đi đâu cả, 15 tuổi đã vào dòng kín. Người nữ tu trẻ tuổi qua đời lúc mới 24 tuổi, sau 9 năm vào dòng Cát minh.

Thánh Phaolô bảo rằng: "Làm sao người ta tin nếu không nghe nói. Làm sao người ta nghe nói nếu không có người đi rao giảng. Làm sao có người rao giảng nếu không có ai được sai đi". Nhưng Têrêsa lại không nói gì với ai. Đời sống của các Nữ Tu Dòng Kín thì rất nghiêm ngặt.

Như thế xem ra rất nghịch lý. Một Nữ Tu Dòng Kín chẳng đi đâu, chẳng nói với ai mà lại được chọn làm bổn mạng các xứ truyền giáo.

Chính từ cái nghịch lý ấy mà chúng ta khám phá ra điều này: Giáo Hội mời gọi hãy thay thế câu hỏi truyền giáo làm gì? bằng câu hỏi là gì? Nếu nói làm gì với Têrêxa thì không đúng, vì thánh nữ Têrêxa chẳng làm gì cả. Nếu đặt câu hỏi Têrêxa là ai thì lập tức ta sẽ khám phá ra chiều sâu trong đời sống của thánh nữ. Ngài trở thành bậc thầy trong nghệ thuật truyền giáo nhờ sống trọn vẹn tình yêu và đi bằng con đường nhỏ.



1. Tình yêu là tất cả


Khi đọc thư thánh Phaolô, Têrêxa khám phá ra điều này: Giữa lòng Giáo Hội có một trái tim rực cháy tình yêu. Nếu không có tình yêu các tông đồ sẽ không ra đi loan báo Tin Mừng. Nếu không có tình yêu các vị tử đạo đã chối từ đổ máu. Cho nên tình yêu là tất cả. Tôi cảm thấy tình yêu thấm vào trái tim tôi. Tôi cảm thấy cần phải quên mình để làm đẹp lòng tha nhân. Và kể từ đó, tôi sống hạnh phúc. Và Ngài nói thêm: Giữa lòng Hội Thánh tôi sẽ là tình yêu. Vì thế tôi sẽ là tất cả. Têrêxa đã sống và âm thầm loan truyền sứ điệp của mình là yêu và chấp nhận được yêu. Càng ngày càng trở nên nhỏ bé để được Thiên Chúa bồng bế trên tay Người. Đời sống tận hiến làm hy lễ tình yêu lân tuất của Thiên Chúa. Tận tụy làm vinh danh Giáo Hội bằng cách cứu vớt các linh hồn. Nghệ thuật truyền giáo của Têrêsa chính là tình yêu. Không đi đến đâu, không nói với ai, nhưng chỉ yêu thôi. Chính Têrêxa đã sống một tình yêu mãnh liệt đối với Thiên Chúa, đối với tất cả mọi người. Têrêxa cầu nguyện: "Lạy Chúa Giêsu, con mong ước được yêu mến Chúa như chưa từng bao giờ Chúa được yêu mến như thế. Con ước mong làm cho mọi người cũng yêu mến Chúa như thế ". Biết mình nhỏ bé, Ngài luyện tập những nhân đức bé nhỏ. Thích âm thầm chuyên lo làm vui lòng Chúa bằng những hy sinh nhỏ mọn mà chỉ một mình Chúa biết. Ngài không bỏ qua một dịp hy sinh nào có được và cố gắng làm cho đời mình thành một cuộc tử đạo vì tình yêu Chúa. Chẳng hạn: uống thuốc đắng từng giọt để "kéo dài một việc hãm mình nhỏ mọn"; trong công việc chung, chọn những phần khó nhọc hơn, hay khi trời nóng, chọn nơi ngồi bất tiện hơn cho mình để dành chỗ mát mẻ cho chị em; chấp nhận cho kẻ khác đến quấy rầy mình; tránh tìm kiếm tiện nghi... Có tình yêu thì việc nhỏ sẽ trở thành việc có giá trị lớn. Thánh nữ gọi làm những việc như thế là "tung hoa" cho Chúa: "Vâng lạy Đấng lòng con yêu mến, cuộc đời con sẽ tiêu hao như vậy đó. .. Con không có phương pháp nào khác để minh chứng với Chúa tình yêu của con ngoài việc tung hoa, nghĩa là không để mất một hy sinh nhỏ nào, một cái nhìn nào, một lời nói nào; con sẽ lợi dụng tất cả mọi việc nhỏ nhặt nhất và làm chúng với cả một tâm tình yêu mến... Con muốn chịu đau khổ vì yêu mến, như vậy con sẽ tung hoa trước ngai Chúa; hễ gặp bất cứ bông hoa nào là con cũng rứt cánh dâng cho Chúa. .. rồi tay thì tung hoa, miệng thì ca hát (làm sao có thể khóc được khi làm một việc vui như thế), và con sẽ hát ngay cả khi phải hái những bông hoa giữa gai góc, mà gai góc càng dài càng đâm đau bao nhiêu, tiếng hát của con càng du dương bấy nhiêu.... Ôi Giêsu của con, con mến Chúa, con yêu Giáo Hội Mẹ con; con nhớ rằng "hành động nhỏ bé nhất mà do tình yêu tinh tuyền sẽ có ích hơn là tất cả những công trình khác hợp lại với nhau' (Thủ bản Tự Thuật).

Khi Têrêxa chọn một lối sống như thế thì chính tình yêu đã chắp cánh cho Ngài đi khắp nơi và nói chuyện với mọi người. Tình yêu làm nên như thế, không đi bằng bước chân nhưng đi bằng trái tim. Không nói bằng lời nhưng nói bằng cầu nguyện. Thiên Chúa đã ban cho Têrêxa một huyền nhiệm về tình yêu. Têrêxa đã đến với mọi người, đến với mọi trái tim. Têrêxa đã sống nghệ thuật truyền giáo theo nghĩa như thế.

2. Con đường nhỏ

Chẳng bao lâu, sau khi Têrêxa qua đời, tiếng tăm của Ngài đã vang lừng khắp Giáo Hội làm dấy lên một phong trào rầm rộ những người đi theo "con đường thơ ấu thiêng liêng" của Ngài. Đó là một trong những "trường tu đức" (linh đạo) quan trọng nhất của Giáo Hội thời hiện đại. Theo thánh nữ, làm thánh không phải là những chuyện phi thường mà đơn giản chỉ là chấp nhận để Thiên Chúa yêu thương mình. "Con đường thơ ấu thiêng liêng" là một sứ điệp phù hợp với thời đại, nhất là với giới trẻ.

Thánh Têrêxa đã khám phá lại chân lý trọng tâm của Phúc Âm, đó là: trong Đức Giêsu Kitô, chúng ta được làm con cái Thiên Chúa, và chúng ta phải yêu mến Cha chúng ta trên trời như những đứa con thảo đầy tin tưởng và phó thác. Thánh Têrêxa bám chắc vào giáo lý này với tất cả sức lực của Ngài và cố gắng thực hành nó gần như sát mặt chữ. Sống thật sự như trẻ thơ là cách chắc chắn nhất, đơn giản nhất để làm đẹp lòng Chúa Cha. Ngài vui mừng vì mình bé nhỏ bởi vì Chúa Giêsu đã dạy chỉ các trẻ em và những ai giống như chúng mới được vào Nước Trời. Đứa bé càng nhỏ, càng yếu đuối thì lại càng phải và có thể cậy dựa vào lòng thương xót, sự giúp đỡ và chăm sóc tận tình của cha mẹ và những người khác chung quanh.

Têrêxa viết trong Thủ Bản gởi Mẹ bề trên Mari Gôngdaga năm 1897: "Thưa Mẹ, như Mẹ biết, con hằng ước ao được nên thánh, nhưng than ôi, mỗi lần sánh mình với các thánh, con đều nhận thấy giữa các ngài và con có một khoảng cách như giữa một ngọn núi cao chót vót và một hột cát ti tiện dưới chân khách bộ hành. Nhưng thay vì thối chí, con lại tự nhủ: Chúa không khơi dậy những ước muốn không thể thực hiện được; dù thấp hèn, con cũng vẫn có thể khao khát nên thánh. Tự làm cho mình lớn lên thì không được, nên con có thế nào thì đành phải chịu như vậy với tất cả những khuyết điểm của con. Nhưng con muốn tìm ra một phương pháp lên trời bằng một con đường nhỏ vừa thẳng lại vừa ngắn, một con đường nhỏ hoàn toàn mới. Chúng ta đang ở trong thế kỷ phát minh, bây giờ không phải leo từng bậc thang nữa; những nhà giàu có đã thay những thang cổ điểm bằng thang máy, thật là tiện lợi. Phần con, con cũng muốn kiếm một cái thang máy để nâng con lên tới Chúa Giêsu, vì con bé nhỏ quá, chả sao lên được cái thang trọn lành dốc dác. Thế rồi con đi tìm trong Sách Thánh. .. và con đã đọc những lời sau đây phát xuất từ miệng Đấng Khôn Ngoan muôn đời: 'Ai thật bé nhỏ thì hãy đến với Ta' (Cn 9,4).... Thế rồi con đã đến vì con đoán con đã gặp được điều con đang tìm kiếm. .. Chiếc thang máy đưa con lên tận trời là chính đôi cánh tay Chúa đấy, Chúa Giêsu ôi! Vì thế mà con chả cần phải lớn lên, trái lại con cần phải cứ bé hoài và càng ngày sẽ càng bé dần đi mãi. Ôi lạy Chúa, Chúa đã ban cho con hơn sự con mong đợi, và con, con muốn ca ngợi lòng thương xót của Chúa..." (Thủ bản Tự Thuật).

Áp dụng "phương pháp lên trời" hay sử dụng "chiếc thang máy" này, thánh Têrêxa không cần phải tìm kiếm những việc cao siêu, to tát, nổi bật, chỉ cần rèn luyện cho mình thái độ làm con, và làm con bé nhỏ của Cha trên trời, ấy là hết lòng yêu mến, tin tưởng, phó thác. Mọi sự đều để mặc Cha lo, dù đầy khuyết điểm hay tội lỗi cũng không sợ! Càng tiến sâu vào con đường này, Ngài càng được tình yêu Chúa chiếm đoạt trọn vẹn hơn. Thánh nhân đưa tình yêu đó thấm nhuần mọi việc làm, mọi khó khăn thử thách gặp phải, mọi sự khó chịu của cuộc sống chung. Biến tất cả thành những lễ vật dâng lên Chúa. Thánh Têrêxa đã đưa lý tưởng nên thánh đến gần và vừa tầm với mọi người.

Nghệ thuật truyền giáo của Thánh Têrêxa là tình yêu và con đường nhỏ.Tình yêu là tâm điểm, là nguyên tắc, là tận cùng của con đường thơ ấu thiêng liêng. Sống tâm tình con thảo với tất cả tình yêu, người Kitô hữu thực thi sứ vụ truyền giáo của mình theo Gương Thánh Têrêxa.

Đức Giáo Hoàng Piô XII, hồi còn là Hồng y Pacelli, năm 1925 là đại diện Tòa Thánh sang Pháp nhân dịp phong Thánh cho Têrêxa và làm phép đền thờ Lisieur được xây cất kính Thánh nữ, đã nói: “Hỡi Thánh nhỏ, Người lớn lắm, ngay lúc này đây, từ đầu thế giới này sang đầu thế giới kia, con cái của Người nhiều như cát biển sao trời. Bốn vị Giáo hoàng đã quỳ cầu khẩn dưới chân Người, các nhà tiến sĩ luật học đã trở lại thiếu thời vì học với Người... Xin Người hãy mưa hoa hồng xuống nữa, xuống thế giới chúng tôi... Hỡi Thánh nhỏ, Người lớn lắm”.

Đức Giáo Hoàng Piô X đã chỉ vào chân dung Têrêxa và nói: Đây là vị Thánh lớn nhất hiện đại.

Con đường nên thánh của Têrêxa khởi đi từ Phúc Âm. Con đường nhỏ của một vị Thánh lớn. Nhiều người đã đi và đã nên hoàn thiện đời mình. Nhiều người đã sống và trở nên những nhà truyền giáo cho muôn dân.
 
Đáp trả tiếng gọi tình yêu
Lm. Giuse Vũ Tiến Tặng
09:05 29/09/2010
ĐÁP TRẢ TIẾNG GỌI TÌNH YÊU

Trước Thiên Chúa là Đấng sáng tạo trời đất vũ trụ và muôn loài, con người cảm thấy mình nhỏ bé, tầm thường và bất xứng (x. Tv 8, 4-5). Tuy nhiên, Thiên Chúa đã thu hẹp khoảng cách ấy. Ngài đi bước trước để đến với nhân loại và dành cho con người chúng ta một Tình Yêu vô biên. Đặc biệt, Ngài đã gọi riêng một số người dâng hiến trọn vẹn cuộc đời cho Ngài để phục vụ Tin Mừng và tha nhân.

Tiếng Gọi Yêu Thương

Vào một ngày đẹp trời gió lặng sóng êm, các ngư phủ bắt đầu ngày mới với công việc quăng chài bắt cá quen thuộc. Chắc hẳn, tâm trí các ông lúc ấy chỉ nghĩ sao cho có được những mẻ cá thật ngon và thật nhiều. Tất cả các thành viên trong gia đình đang trông ngóng thành quả lao động của các ông. Những con cá bắt được sẽ mang lại tràn trề niềm vui và niềm hy vọng cho gia đình. Nếu có ai hỏi họ đâu là những ước mơ đẹp nhất, có lẽ các ngư phủ sẽ trả lời rằng họ mong cho mình có được sức khỏe dồi dào để tiếp tục hành nghề truyền thống, muốn trời lúc nào cũng đẹp để giúp cho việc đánh bắt được thuận lợi, và mong cho nguồn cá nơi biển hồ mãi mãi nhiều vô tận để cho kế sinh nhai của họ luôn luôn được ổn định…Thế nhưng hôm ấy một ai đó đã đến và làm đảo lộn nếp sống thường nhật của họ. Người đề nghị các ông bỏ nghề chài lưới quen thuộc để đi theo Người. Ngay lập tức, các ông đã bỏ lại tất cả sau lưng để bước đi theo Người (x. Mt 4, 18-22).

Chắc hẳn trước khi Người đến ngay bên, tôi đang say mê dệt đời mộng ước và cũng có những dự phóng cho tương lai. Những ước mơ đẹp đang được con tim nhiệt huyết ấp ủ chờ bàn tay và khối óc nhào nắn để ngày mai trở thành hiện thực. Và rồi tiếng gọi của Ngài đã làm thay đổi cục diện cuộc sống của tôi. Tôi nói lời giã biệt với những công trình đang thực hiện dang dở để bước đi theo Ngài. Đời mình lật sang một trang mới.

Tại sao Đức Giêsu đã gọi và chọn tôi? Tại sao Ngài lại muốn tôi trở nên bạn hữu của Ngài? Tôi có là chi mà Ngài để ý đến?

Từ muôn thuở, Thiên Chúa đã yêu thương tôi bằng một tình yêu vô vị lợi. Ngài muốn tôi sống hạnh phúc và trao phó cho tôi sứ mệnh đem niềm vui đến cho muôn người. Ngài mời gọi tôi bước vào thiên tình sử với Ngài, ở đó ngày qua ngày tôi khám phá ra tình yêu vô biên của Ngài và dõng dạc cất lên lời đáp trả qua từng nhịp sống tiếng gọi tình yêu của Ngài. Tất cả năm tháng ngày đời tôi đều đã được khắc ghi trong kế hoạch yêu thương của Ngài:

« Tạng phủ con, chính Ngài đã cấu tạo,

dệt tấm hình hài trong dạ mẫu thân con.

Con mới là bào thai, mắt Ngài đã thấy;

mọi ngày đời được dành sẵn cho con

đều thấy ghi trong sổ sách Ngài,

trước khi ngày đầu của đời con khởi sự » (Tv 139, 13.16).

Tình Yêu Đáp Lại Tình Yêu

Đức Giêsu gọi ai thì đều với mục đích là để bản thân người ấy khám phá ra Tình Yêu vô biên của Thiên Chúa dành cho mình và để họ cộng tác với sứ mệnh loan báo và sống chứng nhân Tin Mừng, ngõ hầu trở nên ánh sáng cho trần gian (x. Mt 5, 14).

Trong một xã hội thực dụng vốn đề cao giá trị vật chất và những thực tại mau qua ở đời này, Ngài gọi tôi để trở nên dấu chỉ của Nước Trời (x. Mt 19, 12). Ngài muốn tôi không bị ràng buộc với những bận tâm nơi trần thế để tôi sống trọn vẹn cho Ngài. Để từ nay, tôi trở nên sứ giả phục vụ Tin Mừng nhằm chứng tỏ cho con người của thời đại thấy rằng hạnh phúc đích thực là được kết hiệp với Thiên Chúa, Đấng là Tình Yêu; là được nếm hưởng phần thưởng vĩnh hằng Nước Trời, Vương Quốc của bình an, hoan lạc vô biên vô tận.

Trong một xã hội mà các giá trị truyền thống của gia đình bị đe dọa, đặc tính chung thủy của tình yêu vợ chồng bị lung lay, tôi được mời gọi đáp trả tiếng gọi của Đấng đã yêu thương tôi bằng một tình yêu triệt để và không thể san sẻ với bất kỳ thụ tạo nào khác ngoài Ngài ra. Tôi trọn vẹn thuộc về Ngài và từ nay tôi sống nhưng không còn là tôi sống mà chính Ngài sống trong tôi (x. Gl 2, 20). Đời thánh hiến trở nên chứng nhân tình yêu một cách thiết thực cho các cặp vợ chồng và giúp họ thấy được căn tính ơn gọi của đời sống hôn nhân là phản chiếu lại tình yêu của Đức Giêsu đối với Hội Thánh đến nỗi dám hy sinh tính mạng mình cho người mình yêu (x. Ga 15, 13).

Trong một xã hội mang nặng tính thế tục đầy nghi nan và ở đó các giá trị thánh thiêng bị coi nhẹ, tôi được mời gọi trở nên người tông đồ của đức tin và hy vọng để nói cho trần gian biết có một Thiên Chúa là Đấng hay thương xót, chậm bất bình và giầu lòng thành tín. Ngài luôn luôn yêu thương con người, cho dù họ ở trong bất kỳ tình trạng nào. Thiên Chúa tín trung luôn chờ đợi nhân loại bất trung ăn năn hoán cải để quay về nẻo ngay đường chính.

Lời Kết

Ý thức được thân phận mỏng giòn của mình, chúng ta được mời gọi sống khiêm tốn hơn và cần mở lòng ra để đón nhận ơn Chúa. Ngài có thể thực hiện những công trình vĩ đại của mình ngay chính nơi những con người yếu đuối và dễ bị tổn thương (x. 2 Cr 4, 7). Đồng thời, trước đại dương tình yêu vô biên của Thiên Chúa, chúng ta hãy hướng về Mẹ Maria để xin Mẹ dạy cho biết cách đáp trả và có được tâm hồn khiêm cung ca tụng ngợi khen Thiên Chúa: « Phận nữ tì hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới » (Lc 1, 48).
 
“Con đường nhỏ” của Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu với người trẻ hôm nay.
Chủng sinh JB. Nguyễn Quốc Tuấn
09:20 29/09/2010
“Con đường nhỏ” của Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu với người trẻ hôm nay.

Ngày 1 – 10, Giáo hội long trọng mừng kính Thánh Nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu. Việc kính nhớ Thánh Têrêxa không chỉ có ý nghĩa vinh danh “con đường nhỏ” (hay “con đường thơ ấu”) của Ngài, mà còn nhằm khơi dậy nơi mọi người nói chung và cách riêng là những người trẻ, tinh thần truyền giáo theo linh đạo của Thánh Nữ.

Đứng trước bối cảnh xã hội hôm nay, “con đường thơ ấu” mà Thánh Têrêxa đã mở ra vẫn có một sức hút và nguồn khích lệ lạ kỳ với đông đảo những người trẻ. Điều này cho thấy giá trị của linh đạo Têrêxa, không chỉ gần gũi với các bạn trẻ, mà còn thúc đẩy nơi họ tinh thần dấn thân triệt để dựa vào tâm huyết và năng lực của bản thân.

Trước hết, “con đường nhỏ” của Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu giúp người trẻ chúng ta ý thức thân phận hữu hạn của mình trong tương quan với Thiên Chúa và tha nhân. Dẫu biết lý tưởng phục vụ luôn là định hướng cao đẹp, nhưng nếu chúng ta hành động trong ảo tưởng và ngoài khả năng của mình thì thật khó lòng vươn tới kết quả mong muốn. Trong trường hợp này, sẽ khả quan, nếu chúng ta biết đặt mục tiêu cho lý tưởng dấn thân theo gương Thánh nữ Têrêxa; thì chính Thiên Chúa sẽ mở đường và phú ban cho ta sức mạnh để vượt lên những bất toàn.

Thánh nhân đã khởi đi “con đường nhỏ” của mình bằng việc chiêm niệm để nhận ra, “ơn hoàn hảo nhất chẳng là gì cả, nếu không có tình yêu… và Đức ái là con đường tuyệt hảo chắn chắn dẫn tới Thiên Chúa”. Như vậy, con người nhỏ bé Têrêxa tưởng chừng như bất lực trước lý tưởng sống, đã khám phá ra ơn gọi của mình; như lời Thánh nhân tâm sự: “…Đức ái đã cho em chìa khóa để tìm ra ơn gọi của em… Em hiểu rằng, tình yêu bao trùm mọi ơn gọi, và tình yêu là tất cả…” (Truyện Một Tâm Hồn).

Người trẻ hôm nay phải đối diện với nhiều thách đố có nguy cơ đánh mất lý tưởng phục vụ chân chính nơi họ. Chủ nghĩa hình thức và nhu cầu chạy đua để dành lấy những nấc thang địa vị trong xã hội rất dễ làm cho người trẻ không còn nghĩ đến việc dấn thân cho hạnh phúc tha nhân. Chính trong bối cảnh đó, một bộ phận đông đảo bạn trẻ có tâm huyết phục vụ đã cảm thấy hụt hẫng trước sự bất lực của mình. Họ sợ bị cô lập trước một xã hội đang đòi hỏi họ phải cống hiến những thành quả hữu hình; và họ sợ những thiện chí và thao thức nơi mình sẽ đổ vỡ khi nhân loại cố ý hay vô tình không nhận ra…

Nhưng các bạn đừng buồn ! “Con đường nhỏ” của Thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu đã và đang mở ra cho chúng ta lối bước thênh thang, được khởi điểm bởi Đức ái Kitô giáo. Như Thánh Têrêxa, chúng ta hãy khôn ngoan để nhận ra, “nếu Hội Thánh có một phần thân thể gồm nhiều chi thể khác nhau thì hẳn Hội Thánh không thể thiếu chi thể cần thiết nhất và cao quý nhất… chỉ có tình yêu mới làm cho Hội Thánh hoạt động” (Một Tâm Hồn). Vậy tại sao các bạn phải bi quan khi chính chúng ta là phần “chi thể cần thiết” ấy trong đại gia đình Hội Thánh. Điều chúng ta cần lúc này là biết đáp trả bằng một tình yêu hoàn toàn tự hiến.

Tất nhiên, khi chọn “con đường nhỏ” cho mình, chúng ta sẽ gặp phải những chật hẹp, gai góc của đời sống tâm linh. Gương sống của Thánh nữ Têrêxa mời gọi ta hãy “đơn sơ bước đi trên con đường phó thác” trong âm thầm và tin tưởng tuyệt đối nơi tình thương của Chúa; vì:

“… nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời” (Mt 18, 3).

Có thể những thành quả do mồ hôi nước mắt của chúng ta dù không được xã hội để ý tới, nhưng chính Thiên Chúa là Đấng thấu suốt đang nhìn nhận. Có thể do hoàn cảnh sống và năng lực bản thân, chúng ta bị liệt vào hàng địa vị thấp hèn trong xã hội. Nhưng sẽ rất tuyệt vời nếu chúng ta biết cống hiến vốn quý giá nhất là tinh thần phục vụ hết mình cho hạnh phúc tha nhân.

Hiện nay ở Việt Nam, linh đạo Têrêxa đang được áp dụng rộng rãi tại nhiều Giáo phận với với nhiều chi hội. Các hội viên đa số là các em ở độ tuổi thiếu niên đã thể hiện là những “Têrêxa nhỏ” giữa đời thường, qua việc phục vụ những người cùng khổ, phục vụ lợi ích các linh hồn. Động lực để các em dám “chấp nhận tất cả”, đó là Tình yêu.

Điều làm nên sự vĩ đại nơi Thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu là đời sống chiêm niệm sâu xa được kết hợp chặt chẽ với Đức ái. Với tuổi đời ngắn ngủi chỉ vỏn vẹn 24 mùa xuân, nhưng Thánh nhân đã xứng đáng được nâng lên hàng Tiến sĩ Hội Thánh, vì công trình thiêng liêng của Ngài đã tạo nên luồng sinh khí tu đức mới cho Giáo hội, nhất là giúp nuôi dưỡng những tâm hồn đơn thành có thể vươn tới đỉnh cao thánh thiện.

Biết bao người trẻ hôm nay cũng đang mơ ước “làm nên những công trình vĩ đại” trước xã hội để chứng tỏ mình. Nhưng chúng ta quên mất rằng, những điều vĩ đại có thể ở ngay bên cạnh ta, ẩn tàng trong con người ta. Kinh nghiệm của Thánh Têrêxa đã cho thấy điều đó. Vốn chỉ là thiếu nữ mọn hèn, chưa làm điều gì trổi vượt dưới con mắt người đời. Nhưng đàng sau những việc tưởng chừng vô nghĩa của nữ nhi thấp hèn ấy lại ẩn tàng một tình yêu cao cả. Như Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã xác quyết:

“Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu là vị thánh trẻ nhất được tôn vinh danh hiệu Tiến sỹ Hội Thánh. Song con đường thiêng liêng của Thánh nhân chứng tỏ sự trưởng thành sung mãn nơi Ngài. Cảm nhận Đức tin còn lưu lại trên bút tích của Thánh nhân quả thực sâu rộng khiến Ngài xứng đáng chen vai thích cánh cùng các bậc thầy lừng danh về tu đức của Giáo hội Công Giáo”.

Cùng với Thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu, người trẻ hôm nay hãy bắt đầu từ những “con đường nhỏ” của riêng mình. Con đường ấy phải được hội tụ niềm say mê “vì phần rỗi mọi người”. Có như thế, chúng ta mới hy vọng tìm kiếm và chinh phục sự thiện hảo. Và chỉ có Đức ái là điểm tựa duy nhất cho chúng ta trên hành trình thiêng liêng này.

J.B. Nguyễn Quốc Tuấn

(Đại Chủng viện Vinh Thanh)
 
Bài nhạc: Huệ Trắng
Nhạc: Lê Hà, thơ: Dzuy Sơn Tuyền
09:42 29/09/2010
--> Nhấn vào đây xem bản nhạc: Huệ Trắng