Ngày 27-09-2024
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 28/09: Chúa chết để chúng ta được sống – Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ.
Giáo Hội Năm Châu
01:19 27/09/2024

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Luca,

Khi ấy, đang lúc mọi người còn bỡ ngỡ về tất cả các việc Đức Giê-su làm, thì Người nói với các môn đệ rằng: “Phần anh em, hãy lắng tai nghe cho kỹ những lời sau đây: Con Người sắp bị nộp vào tay người đời.” Nhưng các ông không hiểu lời đó, vì đối với các ông, lời đó còn bí ẩn, đến nỗi các ông không nhận ra ý nghĩa. Nhưng các ông sợ không dám hỏi lại Người về lời ấy.

Đó là lời Chúa
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:35 27/09/2024

46. Khi tôi cầu nguyện, thì tiếng nói trong lòng phải vang động hơn lời nói nơi môi miệng.

(Thánh Bonaventura)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:40 27/09/2024
73. CẮP BÁT MỜI KHÁCH

Nhà nọ mời khách, thức ăn rất ư là đơn giản, xương nhiều thịt ít, khách nói:

- “Bát thức ăn nhà ngài chắc là đi ăn cắp về phải không?”

Chủ nhân ngạc nhiên kinh sợ hỏi:

- “Tại sao anh lại nói như thế?”

Khách trả lời:

- “Tại tôi nghe người hàng xóm khi gây lộn chửi nhau đều nói: ‘Cắp bát của tôi để mà đựng xương ấy mà !”

(Thời Hưng tiếu thoại)

Suy tư 73:

Thời nay, mời khách cũng lắm chuyện đáng nói:

-Có người mời khách để xin xỏ ân huệ.

-Có người mời khách để khoe cái giàu sang của mình.

-Có người mời khách để kết bạn.

-Có người mời khách để trả ơn.

-Có người mời khách vì vui mừng con cái thi đổ...

-Có người mời khách để tiễn biệt.

-Có người mời khách vì đoàn tụ...

Tất cả mọi việc mời khách đều có lý do của nó, mà lý do nào cũng là bày tỏ tình cảm –ít nữa là tình cảm cá nhân của mình- cho nên không lạ gì thường có chuyện mời khách quen khách lạ...

Nhưng cái lạ nhất khi mời khách chính là mời những người nghèo khó đến làm khách quý của mình, khi mà họ không có gì đáng để cho chúng ta nhờ vả, đó cũng là điều mà Đức Chúa Giê-su đã nhắn nhủ chúng ta: khi mời khách thì mời những người không có dịp mời lại mình, mời những người thường mang ơn của mình, đó chính là kiểu mời khách đích thực vậy.

Ai làm được điều đó, thưa những người Ki-tô hữu đều làm được kiểu mời khách lạ lùng ấy, bởi vì họ biết rằng: khách chính là hình ảnh của Đức Chúa Giêsu đến với gia đình của mình, nhất là những vị khách quê mùa, nghèo khó...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Lọai trừ ai hay cái gì
Lm. Nguyễn Xuân Trường
04:22 27/09/2024
LOẠI TRỪ AI HAY CÁI GÌ?

Khi thấy người khác làm điều tốt đẹp, ta có thái độ nào? Khi bản thân mình làm điều xấu xa, ta phải làm gì? Lời Chúa hôm nay cho chúng ta câu trả lời: Đừng loại trừ người khác làm điều tốt, nhưng cần loại trừ tội lỗi nơi bản thân mỗi người chúng ta.

1. Đừng loại trừ người. Con người có tính xã hội nên trong đời sống người ta thường tham gia những hội nhóm để chia sẻ nâng đỡ nhau. Tuy nhiên hội nhóm lại có nguy cơ thành phe nhóm ích kỷ chỉ lo cho mình, nên dễ sinh ganh tị đố kị với nhóm khác, dẫn đến chê bai, loại trừ nhau. Lời Chúa cho thấy Giô-suê muốn ngăn cản người khác làm ngôn sứ, Gio-an cố ngăn cản người khác trừ quỷ vì họ không thuộc nhóm mình. Trong đời sống kinh tế chính trị lại càng thấy rõ các phe nhóm tìm mọi cách loại trừ nhau. Thế gian là vậy. Còn Chúa Giêsu lại bảo rằng: Đừng ngăn cản người ta phát triển ơn Chúa, làm những điều ích lợi cho tha nhân. Chúa muốn loài người mở rộng cộng tác chứ đừng ích kỷ loại trừ nhau. Bất cứ ai làm điều tốt đẹp đều thuộc về Thiên Chúa là Đấng Chân, Thiện, Mỹ.

2. Hãy loại trừ tội. Chúa bảo đừng loại trừ người khác, mà hãy loại trừ cái ác một cách quyết liệt khi Ngài bảo hãy “chặt tay, chặt chân, móc mắt” nếu những thứ đó làm cớ cho ta sa ngã trong tội lỗi. Có người nói vui nếu cứ làm theo Lời Chúa cắt chặt thế này thì chúng ta bị khuyết tật hết, không chỉ cụt tay cụt chân, mà còn cụt nhiều thứ khác! Chúa nói thế để muốn chúng ta phải quyết liệt triệt để loại trừ, cắt bỏ những thứ khiến ta phạm tội sa hỏa ngục đời đời.

Muốn cứu sống bệnh nhân nhiều khi cũng cần phải cắt bỏ những khối u hay phần hoại tử gây nguy hiểm cho thân thể. Cũng vậy, muốn cứu sống linh hồn, con người cũng phải cắt bỏ những thứ sinh tội lỗi gây nguy hiểm cho sự sống đời đời. Cắt bỏ gây đau đớn nhưng đời sẽ đẹp đẽ. Amen.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha nói với chính quyền dân sự Bỉ: Châu Âu cần Bỉ để xây dựng những nhịp cầu hòa bình
Thanh Quảng sdb
04:10 27/09/2024
Đức Thánh Cha nói với chính quyền dân sự Bỉ: Châu Âu cần Bỉ để xây dựng những nhịp cầu hòa bình

Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh vị thế của Bỉ ở trung tâm châu Âu khi ngài gặp gỡ chính quyền dân sự của đất nước này và lên án tình trạng lạm dụng tình dục của giáo sĩ như là "nỗi ô nhục của Giáo hội".

(Tin Vatican - Christopher Wells)

Trong bài phát biểu trước chính quyền dân sự vào ngày đầu tiên ở Bỉ, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ca ngợi Bỉ là cây cầu "giữa lục địa và Quần đảo Anh, giữa các khu vực nói tiếng Đức và tiếng Pháp, giữa Nam và Bắc Âu".

Mặc dù nó có diện tích nhỏ bé, ĐTC nói, Bỉ là "cây cầu giúp lan tỏa sự hòa hợp và hàn gắn các tranh chấp".

ĐTC tiếp tục cho rằng Châu Âu cần Bỉ để nhớ lại lịch sử của các dân tộc và các nền văn hóa, các ngôi thánh đường nguyn nga và các trường đại học lừng danh, nhưng cũng có những giai đoạn đen tối của chiến tranh, chủ nghĩa thực dân và bóc lột.

Đức Thánh Cha nhắc lại rằng "Châu Âu cần Bỉ" "để tiếp tục con đường hòa bình và xây dựng tình huynh đệ giữa các dân tộc".

Đức Thánh Cha nhắc nhở các nhà lãnh đạo dân sự rằng “hòa bình và hòa hợp không bao giờ đạt được một lần và mãi mãi”, mà là “một nhiệm vụ và sứ mệnh cần phải được thực hiện không ngừng, với sự cẩn trọng và kiên nhẫn lớn lao”.

Vai trò của Giáo hội

Trong bài phát biểu trước các cấp lãnh đạo dân sự, Đức Thánh Cha cũng nhấn mạnh vai trò của Giáo hội trong việc “giúp mọi người đối diện với những thách thức và khó khăn, không phải với sự nhiệt tình phù phiếm hay sự bi quan ảm đạm, mà với sự chắc chắn rằng nhân loại, được Thiên Chúa yêu thương, không phải bị tiền định là sụp đổ thành hư vô, mà được kêu gọi vĩnh viễn đến với sự tốt lành và hòa bình”.

Ngài cũng thẳng thắn thừa nhận rằng Giáo hội, khi thực hiện sứ mệnh của mình, phải thừa nhận “sự mong manh và thiếu sót của các thành viên của mình”, và “những phản chứng đau đớn” xuất hiện trong suốt chiều dài lịch sử.

Đức Thánh Cha đặc biệt lưu ý “những vấn đề bi thảm về lạm dụng trẻ em, một tai họa trong Giáo hội”, đồng thời ĐTC nhấn mạnh những cam kết vững chắc của Giáo hội trong việc giải quyết vấn đề này “bằng cách lắng nghe và đồng hành với những người đã bị tổn thương, và bằng cách thực hiện một chương trình phòng ngừa trên toàn thế giới”.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng nhắc lại việc thực hành “bắt buộc nhận con nuôi” phổ biến vào giữa thế kỷ XX, đồng thời thừa nhận việc thực hành này thường được thực hiện với ý định tốt.

Liên quan đến những điều xấu xa lạm dụng và những điều xấu xa khác đã xảy ra trong lịch sử, Đức Thánh Cha cầu xin “để Giáo hội luôn tìm thấy trong chính mình sức mạnh, hầu mang lại sự sáng tỏ và không bao giờ tuân theo nền văn hóa chiếm ưu thế, ngay cả khi nền văn hóa đó xử dụng, theo cách thao túng, các giá trị bắt nguồn từ Phúc âm, rút ra từ đó những kết luận không chân thực gây nên đau khổ và sự loại trừ”.

Học hỏi từ lịch sử

Đức Thánh Cha Phanxicô kết thúc bài phát biểu của mình bằng lời cầu “nguyện xin cho các nhà lãnh đạo của các quốc gia, bằng cách nhìn vào Bỉ và lịch sử của nước này, có thể rút ra bài học từ đó”.

Ngài cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo chính trị sẽ làm việc vì hòa bình và biết cách “tránh nguy hiểm, sự ô nhục và sự phi lý của chiến tranh”.

Đức Thánh Cha kết thúc bài chia sẻ bằng một nốt nhạc hy vọng, nhắc lại phương châm của chuyến tông du, “Trên đường hy vọng, “avec Esperance”. Trong khẩu hiệu “Hy vọng”, Esperance được viết hoa, ngài nói, chính xác là để cho thấy rằng hy vọng không phải là thứ yếu, mà thay vào đó là “món quà của Chúa được ấp ủ trong trái tim chúng ta”.

“Tôi muốn để lại cho anh chị em lời chúc sau đây: cầu chúc cho anh chị em và cho tất cả những người đang sống tại Bỉ, mong anh chị em luôn nhận được món quà này từ Chúa Thánh Thần, và trân quí nó để cùng nhau tiến bước trong hy vọng trên đường của cuộc sống và lịch sử”.
 
Diễn từ của Đức Thánh Cha Phanxicô trước chính quyền dân sự và ngoại giao đoàn Luxembourg
J.B. Đặng Minh An dịch
05:15 27/09/2024
Thưa Đại Công Tước,

Thưa Thủ tướng,

Kính gửi các vị đại diện của xã hội dân sự,

Kính gửi các thành viên của ngoại giao đoàn,

Thưa quý ông, quý bà,

Thưa các Đức Hồng Y!

Tôi rất vui khi được thực hiện chuyến thăm này đến Đại công quốc Luxembourg, và tôi xin chân thành cảm ơn Đại Công Tước và Thủ tướng vì những lời chào nồng nhiệt mà các ngài dành cho tôi. Tôi cũng rất biết ơn vì sự chào đón của các thành viên trong gia đình Đại công tước.

Do vị trí địa lý đặc biệt của mình trên biên giới của các khu vực ngôn ngữ và văn hóa khác nhau, Luxembourg thường thấy mình ở ngã tư của các sự kiện lịch sử quan trọng nhất của Âu Châu. Hai lần, trong nửa đầu thế kỷ trước, nó đã phải chịu đựng sự xâm lược và sự tước đoạt tự do và độc lập của mình.

Kể từ khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, đất nước của các bạn đã dựa vào lịch sử của mình – vì lịch sử là người thầy của cuộc sống – và tự khẳng định mình trong cam kết xây dựng một Âu Châu thống nhất và huynh đệ, trong đó mỗi quốc gia, dù lớn hay nhỏ, đều có thể có vai trò riêng của mình, và nơi mà những chia rẽ, bất hòa và chiến tranh do các hình thức chủ nghĩa dân tộc thái quá và các ý thức hệ nguy hại gây ra cuối cùng có thể bị bỏ lại phía sau. Thật vậy, các ý thức hệ luôn là kẻ thù của nền dân chủ.

Cũng phải thừa nhận rằng khi luận lý đối đầu và phản đối bạo lực chiếm ưu thế, các khu vực trên biên giới giữa các cường quốc xung đột cuối cùng sẽ bị liên lụy nặng nề trái với ý muốn của họ. Tuy nhiên, khi họ cuối cùng khám phá lại các con đường của sự khôn ngoan, và sự phản đối được thay thế bằng sự hợp tác, thì những khu vực đó trên biên giới trở thành nơi tốt nhất - và không chỉ mang tính biểu tượng - để xác định nhu cầu của một kỷ nguyên hòa bình mới và các con đường cần theo đuổi.

Thật vậy, Luxembourg không phải là ngoại lệ đối với nguyên tắc này, vì đây là thành viên sáng lập của Liên minh Âu Châu và các cộng đồng tiền nhiệm của nó. Đây cũng là nơi đặt trụ sở của nhiều tổ chức Âu Châu, bao gồm Tòa án Công lý của Liên minh Âu Châu, Tòa án Kiểm toán Âu Châu và Ngân hàng Đầu tư Âu Châu. Chúng ta có thể làm những điều này khi có hòa bình. Chúng ta đừng quên rằng chiến tranh luôn là một thất bại. Hòa bình là điều cần thiết và Luxembourg có lịch sử là người kiến tạo hòa bình. Thật đáng buồn khi ngày nay có một quốc gia Âu Châu mà những khoản đầu tư mang lại lợi nhuận cao nhất lại đến từ việc sản xuất vũ khí. Điều này rất đáng buồn.

Hơn nữa, cấu trúc dân chủ vững chắc của đất nước các bạn, nơi trân trọng phẩm giá của con người và bảo vệ các quyền tự do cơ bản, là yếu tố thiết yếu giúp Luxembourg đóng vai trò quan trọng như vậy trong bối cảnh lục địa. Thật vậy, không phải quy mô lãnh thổ hay số lượng cư dân là điều kiện tiên quyết để một quốc gia đóng vai trò quan trọng trên trường quốc tế, hay để trở thành trung tâm kinh tế và tài chính. Thay vào đó, đó là việc kiên trì tạo ra các thể chế và luật lệ khôn ngoan, bằng cách điều chỉnh cuộc sống của công dân theo các tiêu chuẩn công bằng và tôn trọng pháp quyền, đặt con người và lợi ích chung vào trung tâm, ngăn ngừa và chống lại các mối nguy hiểm của sự phân biệt đối xử và loại trừ. Luxembourg là một quốc gia có cánh cửa rộng mở, một minh chứng tuyệt đẹp cho sự không phân biệt đối xử và không loại trừ.

Về vấn đề này, những lời mà Thánh Gioan Phaolô II đã nói trong chuyến viếng thăm Luxembourg năm 1985 vẫn còn mang tính thời sự: “Quốc gia của các bạn, tại ngã tư quan trọng của các nền văn hóa này, vẫn trung thành với ơn gọi của mình là trở thành nơi giao lưu và hợp tác sâu sắc giữa một số lượng ngày càng tăng các quốc gia. Tôi tha thiết hy vọng rằng mong muốn đoàn kết này sẽ ngày càng đoàn kết các cộng đồng quốc gia và mở rộng đến tất cả các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là những quốc gia nghèo nhất” (Diễn văn tại Lễ chào đón, ngày 15 tháng 5 năm 1985). Khi đưa những lời khẳng định này thành của riêng mình, tôi đặc biệt nhắc lại lời kêu gọi thiết lập mối quan hệ anh em giữa các dân tộc, để tất cả mọi người có thể trở thành những người tham gia và là nhân vật chính trong một tiến trình phát triển toàn diện có tổ chức.

Học thuyết xã hội của Giáo hội nêu bật những đặc điểm của sự tiến bộ như vậy và những cách thức để đạt được điều đó. Về phần mình, tôi đã đi theo con đường của giáo lý này bằng cách mở rộng thêm hai chủ đề chính: chăm sóc tạo vật và tình huynh đệ. Thật vậy, để phát triển đích thực và toàn diện, chúng ta không được cướp bóc hoặc làm suy thoái ngôi nhà chung của chúng ta. Tương tự như vậy, chúng ta không được bỏ rơi các dân tộc hoặc nhóm xã hội ở bên lề, vì tất cả chúng ta đều là anh chị em. Chúng ta đừng quên rằng có của cải bao gồm trách nhiệm. Vì vậy, tôi yêu cầu sự cảnh giác liên tục để các quốc gia thiệt thòi nhất không bị bỏ rơi và giúp họ thoát khỏi tình trạng nghèo đói của mình. Đây là một cách để bảo đảm giảm số lượng những người buộc phải di cư, thường là trong điều kiện vô nhân đạo và nguy hiểm. Với lịch sử đặc biệt của mình và vị trí địa lý cũng đặc biệt không kém, với gần một nửa cư dân đến từ các nơi khác của Âu Châu và thế giới rộng lớn hơn, Luxembourg có thể là một sự trợ giúp và là tấm gương trong việc chỉ ra con đường phía trước trong việc chào đón và hòa nhập những người di cư và người tị nạn. Bạn thực sự là một hình mẫu về điều này.

Thật không may, chúng ta đang chứng kiến sự tái xuất hiện, ngay cả trên lục địa Âu Châu, của những rạn nứt và thù địch, thay vì được giải quyết trên cơ sở thiện chí, đàm phán và nỗ lực ngoại giao, lại dẫn đến những hành động thù địch công khai, dẫn đến sự hủy diệt và cái chết. Có vẻ như trái tim con người không phải lúc nào cũng nhớ về quá khứ và thỉnh thoảng lại lạc lối và quay trở lại con đường bi thảm của chiến tranh. Chúng ta đã quên mất điều này biết bao. Để chữa lành hội chứng nguy hiểm này, khiến các quốc gia trở nên ốm yếu nghiêm trọng, gia tăng xung đột và có nguy cơ đẩy họ vào những cuộc khai thác mang lại tổn thất to lớn về người và những cuộc thảm sát vô ích hơn nữa, chúng ta cần hướng mắt lên cao. Chúng ta cũng cần cuộc sống hàng ngày của người dân và các nhà lãnh đạo của họ được thúc đẩy bởi các giá trị tinh thần cao quý và sâu sắc. Chính những giá trị này sẽ ngăn chặn lý trí khuất phục trước sự ngu ngốc và sa vào những sai lầm tương tự trong quá khứ, những sai lầm thậm chí còn tồi tệ hơn do sức mạnh công nghệ lớn hơn mà con người hiện sở hữu. Luxembourg có khả năng đặc biệt trong việc thúc đẩy tình hữu nghị và tránh những sai lầm này. Tôi thậm chí còn nói rằng đó là một trong những thiên chức của các bạn.

Với tư cách là Người kế nhiệm Thánh Phêrô Tông đồ, và thay mặt cho Giáo hội, mà – như Thánh Phaolô Đệ Lục đã nói – là một chuyên gia về nhân loại, tôi ở đây để làm chứng rằng Phúc âm là nguồn sống và là sức mạnh luôn tươi mới của sự đổi mới cá nhân và xã hội. Nó mang lại sự hòa hợp giữa mọi quốc gia, giữa mọi dân tộc; sự hòa hợp, và khả năng cùng nhau trải nghiệm và đau khổ. Chỉ có Phúc âm của Chúa Giêsu Kitô mới có khả năng biến đổi sâu sắc tâm hồn con người, khiến nó có khả năng làm điều thiện ngay cả trong những tình huống khó khăn nhất, dập tắt lòng hận thù và hòa giải các bên tham gia vào xung đột. Mong rằng mọi người, mọi người nam và nữ, trong sự tự do hoàn toàn, biết được Phúc âm của Chúa Giêsu, Đấng đã hòa giải Thiên Chúa và nhân loại trong Ngôi vị của Người, và Đấng, biết những gì trong trái tim con người, có thể chữa lành vết thương của nó. Phúc âm luôn luôn tích cực.

Thưa Điện hạ, Thưa Quý ông, Quý bà,

Luxembourg có thể cho mọi người thấy những lợi ích của hòa bình trái ngược với nỗi kinh hoàng của chiến tranh, của sự hòa nhập và thúc đẩy người di cư trái ngược với sự phân biệt đối xử. Về vấn đề này, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc của mình, vì thái độ chào đón người di cư đầy ý nghĩa của các bạn và vì đã cho họ một vị trí trong xã hội của các bạn. Các các bạn cũng cho thấy những lợi ích của sự hợp tác giữa các quốc gia trái ngược với những hậu quả có hại của việc cứng rắn hóa lập trường và theo đuổi lợi ích cá nhân một cách ích kỷ, thiển cận hoặc thậm chí là bạo lực. Cho phép tôi nói thêm một điểm nữa: Tôi đã thấy tỷ lệ sinh ở đây. Làm ơn, hãy sinh thêm con, thêm con! Chúng là tương lai. Tôi sẽ không nói là thêm con và bớt chó con đi – tôi nói thế ở Ý – mà là thêm trẻ em!

Thật vậy, những người có thẩm quyền rất cần phải kiên quyết và kiên nhẫn tham gia vào các cuộc đàm phán trung thực để giải quyết những khác biệt, cùng với thiện chí tìm ra những sự thỏa hiệp danh dự, không làm tổn hại đến bất cứ điều gì và thay vào đó có thể xây dựng an ninh và hòa bình cho tất cả mọi người.

“Người hầu bàn”, “Phục vụ”: đây là phương châm của chuyến viếng thăm của tôi ở đây và nó ám chỉ trực tiếp đến sứ mệnh của Giáo hội, mà Chúa Kitô, Chúa đã trở thành người hầu, đã sai đến thế gian như Chúa Cha đã sai Người. Xin hãy nhớ rằng đối với tất cả chúng ta, lời kêu gọi “phục vụ” này là danh hiệu cao quý nhất. Phục vụ cũng là nhiệm vụ chính của anh chị em, là cách sống cần tuân theo mỗi ngày. Xin Chúa giúp anh chị em luôn phục vụ với một trái tim vui tươi và rộng lượng. Và xin những người không có đức tin hãy làm việc cho anh chị em mình, cho đất nước và cho xã hội. Đây là con đường mà tất cả chúng ta nên đi theo, luôn vì lợi ích chung.

Xin Đức Mẹ Đức Maria Mutter Jesu, Consolatrix Afflictorum, Patrona Civitatis et Patriae Luxemburgensis che chở cho Luxembourg và thế giới và ban cho Chúa Giêsu, Con của Mẹ, sự bình an và mọi điều tốt lành.

Xin Chúa ban phước cho Luxembourg! Cảm ơn các bạn.


Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana
 
VietCatholic TV
TV Nga kêu gọi Putin từ chức. New York: Hội đàm Trump – Zelensky. Kyiv khai hỏa Skynex mới của NATO
VietCatholic Media
03:00 27/09/2024


1. Hoa Kỳ nêu quan ngại về cáo buộc Nga sản xuất máy bay điều khiển từ xa tại Trung Quốc

Theo phát ngôn nhân Tòa Bạch Ốc, Hoa Kỳ bày tỏ quan ngại sâu sắc về báo cáo cho rằng Nga đã thành lập một dự án sản xuất máy bay điều khiển từ xa bí mật tại Trung Quốc.

Một báo cáo của Reuters cho biết một công ty Trung Quốc đang cung cấp hỗ trợ vũ khí sát thương cho một công ty Nga bị Hoa Kỳ trừng phạt, là IEMZ Kupol, công ty đang phát triển máy bay điều khiển từ xa để sử dụng ở Ukraine.

Thiếu tướng John Kirby, điều phối viên truyền thông của Hội đồng An ninh Quốc gia tuyên bố rằng dù chưa có các bằng chứ cụ thể cho thấy chính phủ Trung Quốc biết về các giao dịch này, nhưng Trung Quốc phải có trách nhiệm bảo đảm các công ty của mình không tham gia cung cấp viện trợ vũ khí sát thương cho Nga.

Tướng Kirby nói thêm rằng những nỗ lực của Trung Quốc nhằm ngăn chặn các hoạt động như vậy “rõ ràng là không đạt hiệu quả” và Hoa Kỳ có thể có hành động chống lại các công ty Trung Quốc có liên quan.

Một phát ngôn viên của NATO cũng đã bình luận về vấn đề này qua email, nêu rõ: “Những báo cáo này thực sự đáng lo ngại và các đồng minh đang tham vấn về vấn đề này”.

Báo cáo cũng lưu ý rằng những máy bay điều khiển từ xa này đã được chuyển giao cho Nga, mặc dù Trung Quốc phủ nhận thông tin về dự án này và duy trì kiểm soát chặt chẽ việc xuất khẩu máy bay điều khiển từ xa.

Trung Quốc tự định vị mình là nước trung lập trong cuộc chiến Nga-Ukraine nhưng đồng thời cũng tăng cường quan hệ kinh tế với Mạc Tư Khoa và ủng hộ nước này chống lại các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Bắc Kinh cũng nổi lên như một trong những nguồn cung cấp hàng đầu các loại hàng hóa có mục đích sử dụng kép cho ngành công nghiệp quốc phòng của Nga.

2. HẾT THỜI GIAN. Nhà tuyên truyền hàng đầu của Putin chỉ trích bạo chúa và ám chỉ về việc KẾT THÚC chế độ chuyên chế khi Nga run sợ trước “kế hoạch chiến thắng” của Ukraine

Vladimir Solovyov, nhà tuyên truyền hàng đầu của Putin dường như đã quay lưng lại với tên bạo chúa và ám chỉ đến việc chấm dứt 25 năm cai trị “thảm khốc” của hắn ở Nga.

Người dẫn chương trình truyền hình nổi tiếng của Nga Vladimir Solovyov đã phát sóng trực tiếp khi ông lập luận rằng “cần phải từ chức” khi nhắc đến vụ tấn công xuyên biên giới vào Kursk đáng xấu hổ khiến Putin đỏ mặt.

Nga đã phải chịu đòn tấn công dữ dội ở biên giới phía tây nước này gần Kursk, nơi quân đội Kyiv đã chiếm được đất của Nga lần đầu tiên kể từ Thế chiến thứ hai.

Nói về hậu quả khủng khiếp của cuộc tấn công của Ukraine, Solovyov ám chỉ đến sự thay đổi chế độ bên trong nước Nga, nói rằng việc trừng phạt những người chịu trách nhiệm cho cuộc xâm lược là “chưa đủ”.

Ông nói thêm: “Cần phải bổ nhiệm những người hiểu cách thực hiện hiệu quả, nhanh chóng và rõ ràng.

“Kể cả nếu điều này đòi hỏi Tổng tư lệnh tối cao phải từ chức.”

Vladimir Putin là tổng tư lệnh của quân đội Nga.

Trong khi không rõ Solovyov có ý ám chỉ đến đơn từ chức của Putin hay các quan chức quân sự khác, nhóm khách mời của ông trên sân khấu - bao gồm cả thành viên Duma Quốc gia Andrey Gurulyov - tỏ ra không thoải mái.

Một hãng thông tấn Nga đã cố gắng bác bỏ bình luận này, tuyên bố rằng đó là sự hiểu lầm bắt nguồn từ việc các vị khách nghe Solovyov nói “Otstavka”, có nghĩa là từ chức trong tiếng Nga.

Bài báo cho biết chủ nhà có khả năng muốn nhắc đến Stavka - một tiền đồn quân sự được sử dụng trong Thế chiến thứ hai - và kêu gọi thành lập “trụ sở của Tổng tư lệnh tối cao”.

Tuy nhiên, hôm Thứ Năm, 26 Tháng Chín, Andrey Gurulyov tuyên bố rằng ông ấy không nghe nhầm. Vladimir Solovyov đưa ra yêu sách “Otstavka” đến 3 lần trong chương trình.

Putin đã lãnh đạo nước Nga kể từ năm 1999 - và hiện là nhà lãnh đạo Nga tại vị lâu nhất kể từ Josef Stalin, người lãnh đạo Liên Xô từ năm 1924 đến năm 1953.

Sự nghiệp chính trị của Putin phản ánh những đặc điểm của một bạo chúa mắc chứng hoang tưởng tự cao tự đại: quyền kiểm soát toàn diện đối với nước Nga, đàn áp tàn bạo những người bất đồng chính kiến, bách hại - ngay cả với chính công dân của mình - và tham vọng quyền lực.

Sau tám năm đầu tiên làm tổng thống Nga, Putin đã trở thành thủ tướng - chỉ để tránh vi phạm giới hạn hai nhiệm kỳ liên tiếp tại Điện Cẩm Linh.

Sau đó, ông ta đã trở lại làm tổng thống vào năm 2012 sau cuộc bầu cử bị cáo buộc gian lận và đã sửa đổi hiến pháp để giữ chức vụ này kể từ đó.

Dưới thời ông, thông qua tuyên truyền, ông đã tạo ra hình ảnh sai lệch về nước Nga như một siêu cường thế giới trước chính người dân của mình.

Ông ta đã sử dụng quyền lực tuyệt đối, được cho là đã giết chết một danh sách dài những người chỉ trích và đã phát động một cuộc chiến chống lại ý tưởng dân chủ của phương Tây.

Các chuyên gia lo ngại rằng Putin, người sẽ bước sang tuổi 77 khi nhiệm kỳ tổng thống hiện tại kết thúc, sẽ bám chặt lấy quyền lực và tìm cách cai trị nước Nga lâu nhất có thể.

Năm ngoái, tên bạo chúa này đã thay đổi luật pháp ở Nga để cho phép hắn tiếp tục làm tổng thống cho đến năm 2036 trong nỗ lực tuyệt vọng nhằm bám víu quyền lực lâu nhất có thể.

Và lý do tại sao ông không dễ dàng từ bỏ ngai vàng của mình nằm ở lịch sử nước Nga Xô Viết.

Keir Giles, một chuyên gia về Nga tại Chatham House, nói với The Sun: “Tôi không nghĩ có lý do gì để cho rằng ông ấy sẽ cân nhắc đến việc mình đã quá già không thể nắm giữ quyền lực và phải từ bỏ nó vì đó là truyền thống.

“Trong suốt lịch sử nước Nga, những quyết định như vậy đều mang tính chết người, và ngoại lệ của quy tắc này chỉ xuất hiện trong những trường hợp rất cụ thể, chẳng hạn như khi Yeltsin bàn giao quyền lực cho Putin với sự bảo đảm rằng ông sẽ không bị truy tố vì bất cứ điều gì sau đó.”

Trong một diễn biến có liên quan, các nhân vật đối lập Nga đã nồng nhiệt hoan nghênh bài phát biểu của Ngoại trưởng Anh David Lammy tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc khi ông gọi nhà độc tài Vladimir Putin là tên trùm mafia nguy hiểm cho thế giới.

Ông nói: “Nga có mặt trong Hội đồng này. Nhưng hành động của nước này lại phá vỡ Hiến chương Liên Hiệp Quốc.

Nga có mặt trong Hội đồng này. Nhưng vào cuối tuần, chúng ta thấy họ đưa ra các sửa đổi nhằm phá hoại tương lai của Liên Hiệp Quốc.

Nga tuyên bố ủng hộ Nam Bán cầu. Nhưng họ lại vi phạm luật pháp quốc tế.

Vladimir Putin, khi ông bắn hỏa tiễn vào bệnh viện Ukraine. Chúng tôi biết ông là ai.

Khi ông gửi lính đánh thuê vào các nước Phi Châu. Chúng tôi biết ông là ai.

Khi ông giết các đối thủ ở các thành phố Âu Châu. Chúng tôi biết ông là ai.

Cuộc xâm lược của các người là vì lợi ích của riêng các người. Chỉ của riêng các người. Để mở rộng nhà nước mafia của các người thành một đế chế mafia. Một đế chế được xây dựng trên sự tham nhũng.

Cướp bóc từ người dân Nga cũng như Ukraine. Một đế chế được xây dựng trên sự giết hại những ai bất đồng chính kiến. Những đối thủ dũng cảm như Navalny.

Một đế chế được xây dựng trên sự dối trá. Phát tán thông tin sai lệch trong và ngoài nước để gieo rắc hỗn loạn.

Thưa ngài Tổng thống, tôi phát biểu không chỉ với tư cách là một người Anh, một người Luân Đôn và một Bộ trưởng Ngoại giao.

Nhưng tôi nói với đại diện người Nga, qua điện thoại cũng như khi tôi đang nói chuyện ở đây, rằng tôi đứng đây cũng trong tư cách một người da đen có tổ tiên bị xiềng xích từ Phi Châu, bị họng súng bắt làm nô lệ, có tổ tiên đã vùng lên và chiến đấu trong một cuộc nổi loạn vĩ đại của những người nô lệ.

Chủ nghĩa đế quốc. Tôi nhận ra ngay khi tôi thoạt nhìn thấy nó. Và tôi sẽ gọi đích danh nó như vậy.

Tuần này, khi tôi ở đây để nói chuyện với các đối tác khác trên toàn thế giới về tương lai chung của chúng ta và tương lai của Liên Hiệp Quốc, Nga đang cố gắng đưa chúng ta trở lại thế giới của quá khứ.

Một thế giới của chủ nghĩa đế quốc. Một thế giới của việc vẽ lại biên giới bằng vũ lực. Một thế giới không có Hiến chương Liên Hiệp Quốc.

Chúng ta không thể để điều này xảy ra. Cuộc chiến của Ukraine có ý nghĩa với tất cả chúng ta. Vương quốc Anh sẽ vẫn là nước ủng hộ trung thành nhất của Ukraine.

Bởi vì thưa Tổng thống Zelenskiy, đây là vấn đề then chốt.

Nếu chúng ta để cho chủ nghĩa đế quốc vẽ lại biên giới bằng vũ lực thì đó sẽ không phải là những biên giới cuối cùng được vẽ lại.

Nếu chúng ta để một tên đế quốc phủ nhận con đường của một quốc gia, Ukraine sẽ không phải là quốc gia cuối cùng bị nó khuất phục.”

[The Sun: TIME’S UP Putin’s top propagandist turns on tyrant & hints at ENDING despot’s reign as Russia quivers over Ukraine ‘victory plan’]

3. Cựu Tổng thống Trump cho biết ông sẽ gặp Zelenskiy tại Trump Tower ở New York vào ngày 27 tháng 9

Hôm Thứ Năm, 26 Tháng Chín, ứng cử viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump cho biết ông sẽ gặp Tổng thống Volodymyr Zelenskiy tại Trump Tower ở Thành phố New York vào Thứ Sáu, 27 Tháng Chín.

Ngày hôm trước, AP đưa tin, trích dẫn nguồn tin từ chiến dịch tranh cử của Trump, rằng không có cuộc gặp nào được lên kế hoạch giữa hai người.

Tổng thống Zelenskiy đã ở Hoa Kỳ kể từ ngày 22 tháng 9, nơi ông đã tổ chức một loạt các cuộc họp cao cấp với các nhà lãnh đạo nước ngoài, cũng như chuyến thăm Nhà máy đạn dược quân đội Scranton ở Pennsylvania và có bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc.

Trước đó vào ngày 26 tháng 9, cựu Tổng thống Trump đã chia sẻ ảnh chụp màn hình một tin nhắn được cho là của Tổng thống Zelenskiy trên Truth Social.

Tin nhắn này được cho là có nội dung yêu cầu cá nhân từ Tổng thống Zelenskiy muốn gặp cựu Tổng thống Trump.

“Vài ngày trước, chúng tôi đã yêu cầu gặp ngài, và tôi thực sự muốn nghe trực tiếp suy nghĩ của ngài, và tận mắt chứng kiến. Ngài biết đấy, tôi luôn nói chuyện với sự tôn trọng lớn lao về mọi thứ liên quan đến ngài, và đó là cách nó nên như vậy,” tin nhắn viết.

“Tôi tin rằng điều quan trọng là chúng ta phải có sự tiếp xúc cá nhân và hiểu nhau 100%.”

cựu Tổng thống Trump đã thông báo về cuộc họp ngay sau khi chia sẻ bài đăng.

Trong các bình luận với báo chí, cựu Tổng thống Trump từ chối trả lời liệu ông có nghĩ rằng Ukraine nên nhượng lãnh thổ để đổi lấy hòa bình hay không.

Thượng nghị sĩ JD Vance, người bạn đồng hành của ông, đã nói vào đầu tháng 9 rằng kế hoạch của cựu Tổng thống Trump nhằm chấm dứt chiến tranh với Nga có thể bao gồm việc thành lập một khu phi quân sự đặc biệt giữa Ukraine và Nga. Ukraine sẽ giữ được chủ quyền của mình, nhưng đồng thời, họ sẽ phải bảo đảm với Nga rằng họ sẽ không tham gia NATO hoặc bất kỳ tổ chức đồng minh nào khác, Vance nói thêm.

Ông Trump thường xuyên nhắc lại rằng nếu đắc cử, ông sẽ chấm dứt toàn bộ cuộc chiến trong vòng 24 giờ. Tuy nhiên, khi được các phóng viên hỏi trong thông báo về cuộc gặp với Zelenskiy rằng ông hình dung thế nào về kết thúc của cuộc chiến, ông nói, “Tôi chưa muốn nói cho các bạn biết điều đó trông như thế nào”.

[Kyiv Independent: Trump says he will meet with Zelensky at Trump Tower in New York on Sept. 27]

4. Hơn 30 quốc gia, Liên Hiệp Âu Châu thông qua tuyên bố ủng hộ sự phục hồi của Ukraine

Văn phòng Tổng thống Ukraine cho biết hơn 30 quốc gia và Liên minh Âu Châu đã thông qua Tuyên bố chung hỗ trợ phục hồi và tái thiết Ukraine trong cuộc họp tại New York vào ngày Thứ Năm, 26 Tháng Chín.

Được ủng hộ trong cuộc họp nhóm bẩy cường quốc trên thế giới, thường được gọi là G7, tài liệu này chứa một số điểm bao gồm hỗ trợ tái thiết Ukraine trên con đường gia nhập Liên Hiệp Âu Châu và cung cấp khoảng 50 tỷ đô la vào cuối năm 2024 là tiền lợi nhuận từ các tài sản bị đóng băng của Nga.

“Tôi quyết tâm bảo đảm rằng Ukraine có những gì cần thiết để chiến thắng trong cuộc chiến sinh tồn. Ngày mai, tôi sẽ công bố một loạt các hành động để đẩy nhanh việc hỗ trợ cho quân đội Ukraine”, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden cho biết.

Hoa Kỳ đã phê duyệt một gói viện trợ quân sự mới cho Kyiv trị giá 375 triệu đô la vào ngày 25 tháng 9. Washington cũng được cho là đang lên kế hoạch cho một gói viện trợ quân sự trị giá hơn 8 tỷ đô la, được công bố khi Tổng thống Volodymyr Zelenskiy đến thăm Tòa Bạch Ốc hôm Thứ Năm, 26 Tháng Chín.

Theo Văn phòng Tổng thống, các nước cho biết bằng cách cùng nhau hỗ trợ công cuộc tái thiết Ukraine, họ sẽ bảo đảm rằng Nga không thể đạt được mục tiêu của mình, cũng như góp phần vào sự ổn định của nền kinh tế Ukraine sau chiến tranh.

Zelenskiy cho biết nỗ lực này sẽ được điều phối thông qua Nền tảng tài trợ của Ukraine.

“Hoàn toàn hợp lý khi những người giúp chúng tôi chống chọi lúc này sẽ là những người đầu tiên được hưởng lợi cùng với Ukraine từ quá trình tái thiết quy mô lớn”, ông nói thêm.

Chi phí vật chất cho cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine tiếp tục tăng lên khi lực lượng của Mạc Tư Khoa thường xuyên tấn công các thành phố và cơ sở hạ tầng của nước này bằng hỏa tiễn và máy bay điều khiển từ xa.

Ngân hàng Thế giới cho biết vào tháng 2 rằng chi phí ước tính cho quá trình phục hồi sau chiến tranh của Ukraine đã tăng lên 486 tỷ đô la trong khoảng thời gian 10 năm. Kyiv đã tìm kiếm các nguồn thu nhập mới, cả trong và ngoài nước, để trang trải các nhu cầu này.

[Kyiv Independent: Over 30 nations, EU adopt declaration in support of Ukraine's recovery]

5. Pháp buộc tội cô dâu ISIS về các tội ác bao gồm diệt chủng

Hôm Thứ Năm, 26 Tháng Chín, văn phòng công tố chống khủng bố của Pháp đã mở vụ án diệt chủng đầu tiên đối với một công dân Pháp, là một chiến binh thánh chiến bị cáo buộc đã bắt làm nô lệ và tra tấn một thiếu nữ Yazidi.

Sonia Mejri, 35 tuổi, bị tình nghi đã “gây ra đau khổ về tinh thần nghiêm trọng”, “thiếu thức ăn và nước uống” và bạo lực thể xác đối với một phụ nữ Yazidi bị bắt cóc khi mới 16 tuổi và bị chồng của Mejri - một thủ lĩnh của ISIS - cưỡng hiếp ở Syria.

Các công tố viên chống khủng bố của Pháp nói với POLITICO rằng Mejri bị buộc tội diệt chủng đối với nhóm tôn giáo Yazidi và: “Tội ác chống lại loài người, bao gồm bắt giữ người khác làm nô lệ, giam cầm và thực hiện nhiều hình thức tước đoạt tự do thể chất nghiêm trọng, tra tấn, đàn áp nhóm Yazidi vì lý do tôn giáo và giới tính và các hành vi vô nhân đạo khác.”

Le Monde đưa tin rằng Mejri điều hành một quán ăn nhẹ ở Pháp trước khi rời khỏi đất nước vào năm 2014 để chuyển đến một phần của Syria trong lãnh thổ của nhà nước Hồi giáo. Tại đây, cô kết hôn với Abdelnasser Benyoucef, một người đàn ông Pháp-Algeria được coi là thành viên chủ chốt của nhóm hoạt động cho nhóm Nhà nước Hồi giáo.

Benyoucef, người được cho là đã tử trận trong chiến đấu năm 2016, đã bị kết án vắng mặt tại Pháp vì đã ra lệnh tấn công bất thành vào nhà thờ Villejuif, ngoại ô Paris, năm 2015. Le Monde đưa tin ông ta cũng bị buộc tội diệt chủng vào hôm Thứ Năm, 26 Tháng Chín.

Theo một thẩm phán, người phụ nữ Yazidi bị khủng bố ISIS bắt giữ, hiện nay 25 tuổi, đã bị “bắt cóc, làm nhục và cưỡng hiếp bởi một số chiến binh thánh chiến trong sáu năm”, bao gồm cả Benyoucef, kẻ sau đó đã bán cô cho một “kẻ tra tấn” khác và là một lãnh đạo cao cấp của nhóm Nhà nước Hồi giáo.

[Politico: France charges ISIS bride with crimes including genocide]

6. Trung Quốc có kế hoạch tìm kiếm thêm sự ủng hộ cho kế hoạch hòa bình Ukraine tại Liên Hiệp Quốc như thế nào. Một kế hoạch tai hại cho Ukraine và các nước nhược tiểu.

Theo một tài liệu của chính phủ Ukraine, Trung Quốc muốn hoạt động ngầm tại Liên Hiệp Quốc để tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế cho một thỏa thuận chấm dứt chiến tranh ở Ukraine theo những điều khoản có lợi cho Nga.

Theo tài liệu mà POLITICO có được, chính phủ Trung Quốc đã tham dự Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc tuần này với kế hoạch tìm kiếm sự hỗ trợ từ các quốc gia ở Mỹ Latinh, Á Châu và Phi Châu để đóng băng các tuyến chiến đấu trong cuộc xung đột đẫm máu nhất ở Âu Châu kể từ Thế chiến II.

Hoa Kỳ phản đối thỏa thuận này và các quan chức Ukraine rất lo ngại về nó - đến mức họ đã lưu hành tài liệu này cho các nhà ngoại giao tập trung tại New York để tham dự Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc.

Theo tài liệu, trong đề xuất của mình, Trung Quốc đang cố gắng thuyết phục các nhà ngoại giao ủng hộ các cuộc đàm phán hòa bình tập trung vào việc “xem xét đến lợi ích an ninh của mỗi quốc gia” với mục tiêu “ngăn chặn Nga thua cuộc” trong chiến tranh.

Tài liệu này, do chính phủ Ukraine soạn thảo trước các cuộc họp cao cấp của Liên Hiệp Quốc vào tuần này, không nói rõ Kyiv biết về chiến lược của Trung Quốc như thế nào. Tuần này, Ukraine cũng đang thúc đẩy trên nhiều mặt trận để ngăn cản các đồng minh chấp nhận kế hoạch do Trung Quốc hậu thuẫn. Phái bộ Liên Hiệp Quốc của Ukraine tại New York đã không trả lời yêu cầu bình luận về tài liệu này.

Kế hoạch của Bắc Kinh ở New York bao gồm việc kêu gọi sự ủng hộ của khoảng hai chục quốc gia “để thành lập một loại nhóm ‘cốt cán’ nào đó mà trong tương lai có thể nhanh chóng mở rộng để bao gồm các quốc gia khác ở Phi Châu, Mỹ Châu Latinh và Á Châu”, tài liệu cho biết.

Trung Quốc tìm kiếm sự ủng hộ của họ cho kế hoạch khởi xướng các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine dựa trên đề xuất chung sáu điểm giữa Trung Quốc và Brazil được công bố vào tháng 5. Tài liệu đó kêu gọi “không mở rộng chiến trường, không leo thang chiến sự và không có hành động khiêu khích nào từ bất kỳ bên nào”. Điều đó sẽ cho phép Nga tiếp tục các hành động thù địch ở cường độ hiện tại cũng như việc xâm lược lãnh thổ Ukraine. Đề xuất sáu điểm này xoay quanh “một hội nghị hòa bình quốc tế... được cả Nga và Ukraine công nhận”.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington từ chối bình luận về việc liệu họ có đang nỗ lực tập hợp những người ủng hộ như vậy tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc hay không, nhưng vẫn lặp lại mong muốn về một giải pháp ngoại giao cho cuộc chiến. Trung Quốc … “ủng hộ mọi nỗ lực có lợi cho một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng”, phát ngôn nhân của đại sứ quán Lưu Bằng Vũ (Liu Pengyu, 刘鹏宇) cho biết.

Tài liệu của Ukraine đang được lưu hành giữa các nhà ngoại giao và quan chức tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc tuần này. Một quan chức Âu Châu tại Liên Hiệp Quốc cho biết kế hoạch hòa bình do Trung Quốc đề xuất đang được thảo luận tại cuộc họp, nhưng không nói gì về nỗ lực vận động hành lang có sự phối hợp của Trung Quốc.

Các quan chức Hoa Kỳ tiếp tục nhấn mạnh rằng bất kỳ tiến trình hòa bình nào của Ukraine đều cần có sự ủng hộ hoàn toàn của Kyiv. “Một nền hòa bình công bằng và cuối cùng đòi hỏi sự tham gia và chấp thuận hoàn toàn của Ukraine... với việc Nga phải trả tiền để khắc phục thiệt hại mà họ gây ra”, Ngoại trưởng Antony Blinken phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc về Ukraine vào thứ Ba. Các quan chức Liên Hiệp Âu Châu đã bày tỏ những tình cảm tương tự.

Nhưng Ukraine rõ ràng rất lo ngại về việc kế hoạch của Trung Quốc đang được chú ý. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã sử dụng bài phát biểu của mình trước Đại hội đồng vào thứ Tư để chỉ trích kế hoạch hòa bình Trung Quốc-Brazil là một nỗ lực “thực dân hóa”. Các nhà ngoại giao Ukraine cũng đang thúc giục các nhà lập pháp Hoa Kỳ chính thức bác bỏ kế hoạch của Trung Quốc, Punchbowl News đưa tin hôm thứ Hai

Việc Trung Quốc theo đuổi sự ủng hộ của Ấn Độ có thể tạo ra rắc rối đặc biệt cho Ukraine. Kyiv hy vọng rằng New Delhi có thể giúp làm trung gian cho một hiệp ước hòa bình mà họ có thể chấp nhận. Đại sứ quán Ấn Độ tại Washington từ chối bình luận.

Theo tài liệu, nếu Trung Quốc có thể có được một nhóm lớn các quốc gia ủng hộ đề xuất của mình, họ có thể cho phép Bắc Kinh coi đó là bằng chứng cho thấy “phần lớn thế giới” ủng hộ các điều khoản của Bắc Kinh cho một cuộc đàm phán hòa bình Nga-Ukraine. Một buổi công bố chính thức về kế hoạch đàm phán hòa bình sẽ diễn ra vào tháng tới tại một cuộc họp của nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS - tập trung vào Brazil, Ấn Độ, Nga và Trung Quốc - tại Kazan, Nga, vào tháng tới, tài liệu cho biết.

Đại sứ quán Nga và Brazil tại Washington không trả lời yêu cầu bình luận. Bộ Ngoại giao từ chối bình luận và Tòa Bạch Ốc cũng không trả lời yêu cầu bình luận.

Các động thái ngoại giao của Bắc Kinh trùng hợp với nỗ lực của Zelenskiy trong tuần này nhằm giành được sự ủng hộ tại Liên Hiệp Quốc và Washington cho “kế hoạch chiến thắng” của ông nhằm chấm dứt chiến tranh.

Hiện tại, các đồng minh của Ukraine không coi Trung Quốc là một bên trung gian vô tư. Các quan chức Hoa Kỳ đã cáo buộc Trung Quốc kéo dài chiến tranh bằng cách hỗ trợ quân sự cho Nga, những cáo buộc mà Bắc Kinh đã phủ nhận.

Và tại Liên Hiệp Quốc, Zelenskiy được nhiều người ủng hộ.

“Kế hoạch hòa bình duy nhất mà chúng tôi chấp nhận hiện tại là kế hoạch của Tổng thống Zelenskiy,” Tổng thống Estonia Alar Karis trả lời POLITICO hôm thứ Tư.

[Politico: How China plans to get more backers for its Ukraine peace plan at the UN]

7. Chi tiêu quân sự của Putin cho thấy ông ta không có kế hoạch chấm dứt chiến tranh

Một nhà phân tích kinh tế nói với tờ Newsweek rằng kế hoạch chi tiêu mà Mạc Tư Khoa đề xuất trong ba năm tới cho thấy Vladimir Putin không có ý định chấm dứt cuộc chiến mà ông đã bắt đầu ở Ukraine.

Một báo cáo của Bloomberg tuần này cho thấy Putin muốn đẩy mạnh chi tiêu quốc phòng vào năm 2025, vốn đã ở mức kỷ lục, và được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Ukraine Volodymr Zelenskiy đang ở Hoa Kỳ vận động về “kế hoạch chiến thắng” để chấm dứt chiến tranh.

Hãng tin này cho biết họ đã thấy những dự đoán rằng chính phủ Nga có kế hoạch tăng chi tiêu quân sự thêm hơn một phần tư vào năm tới - từ 10,4 ngàn tỷ rúp, hay 112 tỷ đô la, lên 13,2 ngàn tỷ rúp, hay 142 tỷ đô la, hay 6,2 phần trăm tổng sản phẩm quốc nội, gọi tắt là GDP của Nga.

“Điều chính mà dự thảo ngân sách Nga cho thấy là điều này—Putin không có ý định dừng chiến tranh,” Boris Grozovsky, một chuyên gia về kinh tế Nga từ nhóm nghiên cứu Wilson Center, nói với Newsweek. “Ông ấy quyết tâm tiếp tục và tin rằng mình sẽ chiến thắng trong một cuộc chiến tranh tiêu hao.”

Bloomberg tính toán chi tiêu cho quân đội và lực lượng an ninh sẽ chiếm 40 phần trăm tổng chi tiêu ngân sách. Điều này có nghĩa là sẽ có nhiều tiền hơn cho quân đội Nga so với chi tiêu cho giáo dục, y tế, chính sách xã hội và nền kinh tế.

Gần một phần ba chi tiêu ngân sách được phân loại, đạt 12,9 ngàn tỷ rúp, hay 139 tỷ đô la, vào năm tới, tăng so với mức 11,1 ngàn tỷ rúp, hay 120 tỷ đô la, của năm nay trong khi thâm hụt ngân sách năm 2025 dự kiến chỉ bằng 0,5% GDP.

Grozovsky cho biết có sự khác biệt rõ rệt giữa khả năng tăng sản lượng vũ khí của Nga và sự phụ thuộc của Ukraine vào các đồng minh phương Tây, những nước chỉ cung cấp đủ vũ khí để hệ thống phòng thủ của nước này không bị sụp đổ.

“Putin không có những ràng buộc như vậy”, ông nói. “Bộ Tài chính kỳ vọng ngân sách năm 2025 sẽ gần như không có thâm hụt, mặc dù chi tiêu quân sự tăng 27 phần trăm”.

Ông cho biết điều này sẽ đạt được một phần thông qua sự tăng trưởng doanh thu từ dầu mỏ, khí đốt, thuế GTGT, thuế nhập khẩu và thuế thu nhập cá nhân và doanh nghiệp.

Cũng có những dự báo lạc quan cho nền kinh tế Nga, với ước tính chính thức rằng GDP sẽ tăng 3,9 phần trăm trong năm nay, theo Bộ trưởng Tài chính Anton Siluanov. Những con số này sẽ giảm nhưng sẽ trở lại mức 3 phần trăm vào cuối thập niên mặc dù các nhà dự báo độc lập đã đưa ra những con số thấp hơn.

Bloomberg đưa tin xuất khẩu dầu thô đã giảm xuống mức thấp nhất trong tám tháng và các lệnh trừng phạt đã làm gia tăng thêm sự bất ổn cho doanh số bán mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Nga.

Tuy nhiên, Grozovsky cho biết doanh thu ngân sách của Nga trong 8 tháng đầu năm 2024 đã đạt 23 ngàn tỷ rúp, hay 248 tỷ đô la, - tăng 35,5% so với cùng kỳ năm ngoái và một nửa mức tăng đó sẽ được dùng để tăng chi tiêu quân sự.

“Sau hai năm tăng mạnh chi tiêu quân sự, Nga không chỉ duy trì mà còn tăng thêm nữa”, ông nói.

[Newsweek: Putin's Military Spending Shows He Has No Plans To End War]

8. Ukraine khai hỏa hệ thống pháo phòng không Skynex mới của NATO

Quân đội Ukraine đã lần đầu tiên trình làng hệ thống phòng không tiên tiến do NATO sản xuất, bắn phá mục tiêu trong cuộc tập trận.

Hệ thống pháo phòng không Skynex, do Đức cung cấp cho Ukraine, được nhà sản xuất Rheinmetall mô tả là “giải pháp mới nhất cho phòng không tầm ngắn”. Hệ thống này được trang bị bốn khẩu pháo 35 ly, cũng như một nút điều khiển và hệ thống radar phát hiện mục tiêu trên không.

Bộ Quốc phòng Ukraine viết trên X: “Chúng tôi biết ơn các đồng minh đã giúp tăng cường năng lực phòng không của Ukraine. Tăng cường phòng không cho Ukraine nghĩa là cứu được nhiều sinh mạng vô tội hơn.”

Nhà thầu quốc phòng Đức Rheinmetall lần đầu tiên tung ra hệ thống này vào năm 2021.

Nó có một khẩu súng ổ quay Oerlikon Mk3 Revolver Gun Mk3 với một bộ theo dõi radar tích hợp và một bộ cảm biến quang điện tử. Việc theo dõi và bắn mục tiêu được thực hiện tự động bởi bộ giải quyết điều khiển hỏa lực tích hợp.

Đức đã cung cấp vũ khí và thiết bị quân sự cho Ukraine kể từ khi Nga bắt đầu cuộc xâm lược vào tháng 2 năm 2022 và phá vỡ chính sách sau Thế chiến II là không gửi vũ khí đến các khu vực xung đột.

Vào tháng 5, Đức tuyên bố sẽ cung cấp thêm viện trợ quân sự cho Ukraine, bao gồm hệ thống phòng không cũng như đạn dược và các vật liệu quân sự khác.

Tháng này, chính phủ Đức đã cung cấp danh sách đầy đủ các loại vũ khí và thiết bị mà Đức gửi tới Ukraine và thông báo rằng số tiền đóng góp cho nỗ lực chiến tranh này lên tới 28 tỷ euro.

Chỉ tính riêng năm 2024, nguồn tài trợ của Đức dành cho viện trợ quân sự cho Ukraine đã lên tới 7,1 tỷ euro và nước này đã huấn luyện hơn 10.000 binh sĩ Ukraine kể từ khi chiến tranh bắt đầu.

Vương quốc Anh cũng đã cam kết hỗ trợ Ukraine về thiết bị phòng không. Quốc gia này đã công bố vào đầu tháng này rằng họ sẽ cung cấp cho Ukraine số hỏa tiễn phòng không trị giá 162 triệu bảng Anh.

Tòa Bạch Ốc đã đưa ra lời hứa tương tự vào tháng 7 về việc trang bị cho Ukraine các hệ thống phòng không và máy bay đánh chặn, đạn dược cho hệ thống hỏa tiễn và pháo binh, và vũ khí chống tăng

[Newsweek: Ukraine Fires New NATO Skynex Anti-Aircraft Artillery System]

9. Báo cáo cho biết Nga bí mật chế tạo máy bay điều khiển từ xa chiến tranh ở Trung Quốc

Theo tin độc quyền được Reuters công bố hôm Thứ Năm, 26 Tháng Chín, Nga đang chế tạo máy bay điều khiển từ xa quân sự ở Trung Quốc.

Máy bay điều khiển từ xa đã trở thành trụ cột của cuộc xung đột, bùng phát sau cuộc xâm lược Ukraine của Nga vào tháng 2 năm 2022. Trong những tuần gần đây, Kyiv đã đẩy mạnh các cuộc tấn công bằng UAV của riêng mình, triển khai chúng sâu vào lãnh thổ Nga để nhắm vào cơ sở hạ tầng và kho tiếp tế.

Chính quyền Tổng thống Biden đã trừng phạt một số công ty Trung Quốc mà họ cho là có liên quan đến việc cung cấp cho Nga các thành phần máy bay điều khiển từ xa và các hàng hóa liên quan đến quân sự khác. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên Trung Quốc được báo cáo là cung cấp toàn bộ vũ khí trên không cho Nga.

Reuters đã trích dẫn các tài liệu mà họ đã xem xét, cũng như hai nguồn tin từ một cơ quan tình báo Âu Châu phát biểu với điều kiện giấu tên. Newsweek không thể xác nhận báo cáo một cách độc lập.

Theo một trong những tài liệu, công ty R&D IEMZ Kupol của Nga, một công ty con của Almaz-Antey thuộc sở hữu nhà nước, đã hoạt động tại Trung Quốc. Tài liệu mà Kupol đã chuyển cho Bộ Quốc phòng Nga vào thời điểm không xác định trong năm nay, nêu chi tiết các hoạt động của công ty.

Theo thông tin chi tiết trong tài liệu, Kupol đã phát triển và tiến hành thử nghiệm bay cho mẫu máy bay điều khiển từ xa chiến đấu mới, Garpiya-3 (G3), phiên bản nâng cấp của UAV Garpiya-A1 của Nga kết hợp thiết kế của các chuyên gia Trung Quốc.

Trong một báo cáo sau đó, Kupol nói với bộ rằng một nhà máy ở Trung Quốc có khả năng sản xuất G3 và các mẫu máy bay điều khiển từ xa khác, với mục đích triển khai chúng trong “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga, thuật ngữ mà Điện Cẩm Linh dùng để chỉ cuộc chiến chống lại Ukraine.

Theo hồ sơ Kupol mà Reuters xem xét, G3 có thể bay xa tới 2.000 km, hay 1.240 dặm, với một quả đạn nặng 110 pound. Tầm bay này vượt xa tầm bay của các máy bay điều khiển từ xa mà Nga hiện đang sản xuất, và tải trọng cũng nặng hơn so với các máy bay điều khiển từ xa tầm xa mà Mạc Tư Khoa sử dụng. Những khả năng này khiến G3 có thể so sánh với máy bay điều khiển từ xa tự sát Shahed-136 do Iran cung cấp cho Nga.

Các tài liệu cho biết, một số mẫu máy bay điều khiển từ xa, bao gồm cả G3, đã được gửi đến Nga để tiến hành thêm các thử nghiệm, với sự tham gia của các chuyên gia máy bay điều khiển từ xa giấu tên của Trung Quốc.

Việc giao bảy máy bay điều khiển từ xa chiến đấu, bao gồm hai chiếc G3, đã được xác nhận bằng các hóa đơn không ghi ngày tháng gửi tới Kupol vào mùa hè này từ một công ty Nga đóng vai trò trung gian giữa công ty R&D và các nhà cung cấp giấu tên tại Trung Quốc.

Các nguồn tin tình báo của Reuters cho biết các tài liệu này là bằng chứng thuyết phục nhất kể từ cuộc xâm lược của Nga rằng toàn bộ máy bay điều khiển từ xa đang được chế tạo tại Trung Quốc và chuyển giao cho nước láng giềng phía bắc.

Jan Kallberg, cựu giáo sư West Point và là thành viên cao cấp tại Trung tâm Phân tích Chính sách Âu Châu, chỉ ra rằng, không giống như Hoa Kỳ và các nước phương Tây khác cung cấp vũ khí cho Ukraine, vũ khí từ các đồng minh của Nga không đi kèm với bất kỳ hạn chế nào.

“Không có chút ý nghĩa gì bất kể hỏa lực tầm xa của phương Tây có vượt trội đến đâu, nếu bạn bị cấm sử dụng hỏa tiễn vào các mục tiêu 'béo bở' như đầu mối hỏa xa, kho tiếp tế và các cấu trúc chỉ huy trong nước Nga,” ông nói với Newsweek. “Cho đến nay, cứu tinh của người Ukraine là Nga chỉ có một sản lượng khiêm tốn UAV tầm xa. Bất kỳ sự gia tăng nào về khả năng cung cấp, chẳng hạn như việc sản xuất tại Trung Quốc, đều là mối đe dọa trực tiếp.”

Nhưng Kallberg chỉ ra một bất lợi chiến lược có thể xảy ra đối với sự tham gia của các nhà sản xuất máy bay điều khiển từ xa Trung Quốc. Kinh nghiệm của người Ukraine có thể dẫn đến hiệu quả cao hơn trong việc tiêu diệt chúng, “kiến thức mà người Nam Hàn và Đài Loan có thể đạt được nhờ kinh nghiệm của người Ukraine sẽ mở đường cho các nỗ lực chế tạo máy bay điều khiển từ xa và các biện pháp đối phó của họ.”

Trung Quốc đã phủ nhận việc vận chuyển hàng hóa quân sự đến Nga. Tuy nhiên, người ta tin rằng Trung Quốc là nguồn cung cấp các thành phần sử dụng kép cho các công cụ chiến tranh của Nga như máy bay điều khiển từ xa Orlan-10.

Theo cơ sở dữ liệu do chuyên gia UAV Faine Greenwood biên soạn, máy bay điều khiển từ xa dân sự do nhà sản xuất máy bay điều khiển từ xa Trung Quốc DJI sản xuất đã được lực lượng Nga và Ukraine sử dụng rộng rãi tại quốc gia bị bao vây này. DJI cho biết họ lên án và tích cực ngăn cản việc sử dụng các sản phẩm của mình trong chiến đấu.

[Newsweek: Russia Secretly Building War Drones in China: Report]
 
Thánh Ca
Thánh Ca: Mừng Kính Thánh Têrêsa - Sáng tác: Phan Hùng - Trình bày: Ca sĩ Kim Thúy
Kim Thúy
02:30 27/09/2024