Ngày 27-09-2015
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:46 27/09/2015
30. SAU KHI BỊ BỎNG.
N2T

Có một người ăn canh thịt đang nóng, nóng đến yết hầu và bao tử, từ đó trong lòng luôn có ý thức cảnh giác, nên khi nhìn thấy rau ngâm muối để nguội thái nhỏ cũng sợ nóng, kê miệng vào thổi mãi không ngừng !
(Sở Từ chương mục)

Suy tư 30:
Bị tai nạn lật xe, lần sau không dám ngồi xe; bị rắn cắn rồi thì thấy cành trúc nhỏ cũng tưởng là rắn, đó là chuyện thường tình của những người…nhát gan.
Đối với tội lỗi, đề cao cảnh giác là một công việc rất quan trọng như người lính tiền đồn gác đêm, anh ta phải căng mắt lên mà nhìn, đầu óc thật tỉnh táo, đôi tai thật thính, tóm lại là cảnh giác 100% không thể lơ là. Tội lỗi là do ma quỷ, ở đâu có ma quỷ là ở đó có tội lỗi, ma quỷ ở khắp nơi, ngay trong tu viện, trong nhà thờ, nơi công cộng, và ma quỷ ở ngay trong chúng ta nếu chúng ta không đề cao cảnh giác với nó.
Bị sa ngã lần thứ nhất thì phải đứng dậy, đề cao cảnh giác, không biện minh, không tìm lý do; bị sa ngã lần thứ hai, lần thứ ba.v.v...thì cũng phải đứng dậy và làm như lần đứng dậy lần trước: cầu nguyện, cảnh giác, không biện minh, không đổ lỗi cho người này người nọ, hoàn cảnh này hoàn cảnh nọ, nhưng tìm phương pháp chống trả, đó là sự khôn ngoan của người cảnh giác.
Phương pháp hay nhất để đề cao cảnh giác với tội lỗi, đó là bí tích Giải Tội, bí tích Thánh Thể, cầu nguyện và làm việc hy sinh hãm mình.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

-------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:49 27/09/2015
N2T

15. Để được tất cả, thì trước tiên phải từ bỏ tất cả.

(Thánh John of Cross)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức"

--------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Ghi nhanh ngày Đức Phanxicô tại Philadelphia, 26 tháng Chín, 2015 của Associated Press
Vũ Van An
06:25 27/09/2015
2:30 sáng: Sau các bài diễn thuyết trước Quốc Hội Hoa Kỳ và Liên Hiệp Quốc nhắm vào các nhà lãnh đạo thế giới, Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ lên đường đi tham dự phần tông du Hoa Kỳ được nhiều người coi là chú tâm nhiều nhất vào người Công Giáo bình dân: đó là cuộc gặp gỡ do Tòa Thánh tổ chức cho các gia đình thế giới, mà đỉnh cao sẽ là Thánh Lễ ngoài trời cho cả một triệu người.

Ngài sẽ lên đường đi Philadelphia vào sáng Thứ Bẩy.

Ở đó, ngài sẽ nói chuyện tại Cung Độc Lập, nơi các Nhà Lập Quốc ký bản Tuyên Ngôn Độc Lập và Hiến Pháp.

Như đã làm tại New York và Washington, ngài sẽ chú ý tới cả thành phần ưu tú lẫn những người kém thế, bằng cách lần này thăm viếng các tù nhân tại nhà tù lớn nhất của Philadelphia. Đêm Thứ Bẩy, ngài sẽ được nghe Aretha Franklin và nhiều nghệ sĩ khác trình diễn tại Benjamin Franklin Parkway trong một lễ hội mừng các gia đình. Ngài sẽ trở lại đó vào Chúa Nhật để cử hành Thánh Lễ, biến cố lớn cuối cùng trước khi lên đường trở lại Rôma.

7:30 sáng: Hai trực thăng của Thủy Quân Lục Chiến đã cất cánh từ phi trường Kennedy ở New York để rước Đức Giáo Hoàng Phanxicô tại Manhattan và đưa ngài ra phi trường.

Theo dự tính, Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ rời New York đi Philadelphia sáng Thứ Bẩy.

Các tín hữu Công Giáo và các giới chức Giáo Hội đã tụ tập để dự nghi thức tạm biệt ngắn tại sân phi trường Kennedy.

Trong số trên, có các nữ tu dòng kín từ Chủng Viện Máu Thánh ở Brooklyn. Bốn vị trong số này xuất thân từ quê hương Argentina của Đức Giáo Hoàng.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô từ Washington tới New York chiều tối Thứ Năm. Chương trình bận rộn của ngài tại New York gồm bài diễn văn trước Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, thăm viếng Đài Kỷ Niệm và Bảo Tàng Viện Trung Tâm Thương Mãi Quốc Tế và Thánh Lễ tại Madison Square Garden.

8:30 sáng: Đức Giáo Hoàng Phanxicô bắt đầu hành trình tới Philadelphia, chặng cuối chuyến tông du Hoa Kỳ của ngài.

Đức Giáo Hoàng rời Manhattan sáng Thứ Bẩy, bay ra Phi Trường Kennedy bằng trực thăng. Ngài sẽ bay tới Philadelphia sau một buổi lễ tạm biệt ngắn của các tín hữu đang đứng chờ tạm biệt ngài.

Nhóm nhóm giáo dân của các giáo xứ Công Giáo cùng cầu nguyện với nhau trong khi chờ Đức Giáo Hoàng tại Phi Trường Kennedy.

Người ta nghe thấy mấy tiếng “Lạy Cha chúng con…” giữa những tiếng gầm thét phát ra từ những cỗ máy phi cơ phản lực của hãng American Airlines, đang khởi động để bay đi Philadelphia.

Phù hợp với các cố gắng của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong việc làm các tôn giáo xích lại gần nhau hơn, trong số những người New York ra tiễn ngài có cả một người Sikh đội khăn quấn mầu trắng và đại diện các tôn giáo khác.

9:05 sáng: Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã rời Thành Phố New York đi Philadelphia, chặng chót trong chuyến thăm 3 thành phố Hoa Kỳ của ngài.

Trước khi máy bay cất cánh, Đức Giáo Hoàng thăm hỏi các nữ tu tại Phi Trường Kennedy. Trong cơn gió mạnh, ngài hơi bị lảo đảo khi bước lên bậc thang máy bay. Ngài vẫy tay chào đám đông khi máy bay lăn bánh.

Tại Philadelphia, lịch trình của ngài bao gồm các Thánh Lễ, các buổi canh thức cầu nguyện và viếng một nhà tù. Hôm Chúa Nhật, ngài sẽ cử hành Thánh Lễ bế mạc Cuộc Gặp Gỡ Các Gia Đình Thế Giới, mà người ta mong đợi sẽ lôi cuốn hàng trăm ngàn người tham dự.

Tại Thành Phố New York, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói chuyện với Liên Hiệp Quốc và cử hành Thánh Lễ tại Madison Square Garden.

Chặng đầu tiên của ngài là Washington, nơi ngài được Tổng Thống Barack Obama tiếp đón và ngài đã nói chuyện với Quốc Hội. Ngài sẽ trở lại Rôma đêm Chúa Nhật.

9:40 sáng: Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tới Philadelphia để bắt đầu cuộc thăm viếng bao gồm việc cử hành một Thánh Lễ mà các nhà tổ chức ước tính sẽ có khoảng 1 triệu người tham dự.

Chiếc máy bay thuê của ngài từ hãng American Airlines đã hạ cánh vào sáng Thứ Bẩy sau khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô qua 4 ngày ở Thành Phố New York và Washington.

Ngài đang được ban nhạc của một trung học Công Giáo và nhiều giới chức địa phương nghinh đón.

Trước nhất, Đức Giáo Hoàng Phanxicô tới Vương Cung Thánh Đường Chính Tòa Các Thánh Phêrô và Phaolô, nơi ngài cử hành Thánh Lễ cho khoảng 1,600 người. Sau đó, ngài sẽ đọc một bài diễn văn về tự do tôn giáo và di dân tại mặt tiền Cung Độc Lập, rồi sau đó tham dự đêm cuối cùng của Cuộc Gặp Gỡ Các Gia Đình Thế Giới.

Ngài cũng sẽ viếng một nhà tù ở Philadelphia, trước khi cử hành Thánh Lễ Chúa Nhật tại Benjamin Franklin Parkway.

10.00 sáng: Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã rời phi trường Philadelphia và tới nhà thờ chính tòa Công Giáo để cử hành Thánh Lễ cho khoảng 1,600 người.

Trong số những người nghinh đón Đức Giáo Hoàng Phanxicô hôm Thứ Bẩy là cựu cảnh sát viên của Philadelphia bị thương trong lúc thi hành nhiệm vụ 7 năm trước đây, và gia đình ông. Các con gái của Richard Bowes dâng hoa lên Đức Giáo Hoàng Phanxicô và ngài ôm hôn hai con gái và người con trai của ông.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng ra khỏi chiếc Fiat mầu đen của ngài để chúc lành cho bé trai 10 tuổi ngồi xe lăn trên sân bay, rồi hôn trán em.

Ban nhạc một trung học Công Giáo địa phương trình diễn, trong đó có ca khúc chủ đề lấy từ một cuộn phim dàn dựng tại Philadelphia.

10:20 sáng: Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ cử hành Thánh Lễ trước mặt 1,600 người ở nhà thờ chính tòa Công Giáo tại Philadelphia.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã dừng lại trước Vương Cung Thánh Đường Chính Tòa Các Thánh Phêrô và Phaolô vào sáng Thứ Bẩy trong chiếc Fiat mầu đen sau khi đặt chân lên Philadelphia từ New York.

Ngài được cựu thống đốc Pennsylvania là Tom Corbett và phu nhân nghinh đón ở bậc thềm. Corbett là người mời Đức Giáo Hoàng Phanxicô tới Philadelphia.

Trước khi vào trong, Đức Phanxicô hai lần xoay quanh để vẫy tay chào hàng trăm người chào mừng đứng ở bên ngoài nhà thờ chính tòa.
Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nói chuyện tại nhà thờ chính tòa này năm 1979, ngài là vị giáo hoàng đầu tiên viếng Philadelphia.

10:45 sáng: Đức Giáo Hoàng đang cử hành Thánh Lễ trước mặt 1,600 người tại Nhà Thờ Chính Tòa. Ngài bước dọc lòng nhà thờ, tay cầm gậy có tượng chịu nạn trên đầu trong khi ca đoàn ca hát.

11:10 sáng: Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói rằng tương lai Giáo Hội tùy thuộc vào vai trò gia tăng của hàng ngũ giáo dân và vào việc trân qúi “sự đóng góp mênh mông” của phụ nữ.

Đức Phanxicô đang giảng bằng tiếng Tây Ban Nha khi cử hành Thánh Lễ trước mặt 1,600 người tại nhà thờ chính tòa Philadelphia.

Ngài vừa nhắc đi nhắc lại rằng phụ nữ nên có vai trò lớn hơn trong việc lãnh đạo Giáo Hội, dù ngài bác bỏ ý tưởng phong chức cho họ.
Đề cập tới vấn đề này, xem ra Đức Giáo Hoàng Phanxicô muốn hàn gắn một trong các rạn nứt lớn trong Giáo Hội Công Giáo Hoa Kỳ từng làm nhiều người rời bỏ Giáo Hội.

12.00 trưa: Cựu Tổng Giám Mục Philadelphia, người đã về hưu năm 2011 giữa tai tiếng giáo sĩ lạm dụng tính dục, cũng đồng tế với Đức Giáo Hoàng Phanxicô.

Đức Hồng Y Justin Rigali đồng tế với Đức Phanxicô và các vị giám mục khác trong Thánh Lễ này. Người kế vị của ngài, tức Đức Tổng Giám Mục Charles Chaput, cũng đồng tế với Đức Giáo Hoàng.

Đức Hồng Y Rigali về hưu tại Giáo Phận Knoxville, Tennessee, mấy tháng sau khi bồi thẩm đoàn lên án tổng giáo phận Philadelphia bao che hơn một tá linh mục bị tố cáo một cách đáng tin và nói dối điều này với các nạn nhân.

12:15 trưa: Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã kết thúc việc cử hành Thánh Lễ, dừng lại để chúc lành cho các trẻ em ngồi xe lăn trước khi rời nhà thờ chính tòa.

Đức Phanxicô bước xuyên qua ngôi nhà nguyện kế cận căn phòng chính trong nhà thờ chính tòa để thăm hỏi các giáo dân đau yếu và khuyết tật trong xứ, cùng với các khách viếng thăm khác. Ngài chúc lành cho các trẻ em và hôn trán các em.

Ngài sẽ dành ít giờ tại một chủng viện bên ngoài thành phố trước khi đọc diễn văn về tự do tôn giáo và di dân.

12:35 chiều: Năm mươi thành viên của Dòng Nữ Tu Bác Ái Mỹ Châu từng hiện diện để nghe Đức Giáo Hoàng Phanxicô kêu gọi Giáo Hội trân qúi sự đóng góp của phụ nữ.

Các nữ tu nhận được vé dự Thánh Lễ Thứ Bẩy tại nhà thờ chính tòa Philadelphia, do Đức Giáo Hoàng cử hành trước mặt 1,600 người.

Hồi tháng Tư, Ngài đã giải quyết một cuộc tranh cãi liên quan tới cuộc điều tra kéo dài 3 năm của Vatican đối với Hội Đồng Lãnh Đạo Các Dòng Nữ, mà các nữ tu này là thành phần.

Nhóm các Dòng Nữ này từng bị tố cáo là đi lạc ra ngoài giáo huấn của Giáo Hội.

Nghị trình cấp tiến của Đức Giáo Hoàng Phanxicô song hành với các quan điểm của họ về việc gúp đỡ người nghèo và di dân, duy trì sự sống và chấm dứt án tử hình.

Nữ tu Catherine Darcy, ở Merion, Pennsylvania, cho rằng đây là giờ phút đặc biệt đối với Giáo Hội Công Giáo và các nữ tu cảm thấy một sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Đức Giáo Hoàng Phanxicô.

12:55 chiều: Đức Giáo Hoàng Phanxicô đang được chừng 150 chủng sinh trình diễn các ca khúc sau khi tới một chủng viện ở ngoại ô nơi ngài cư ngụ lúc ở Philadelphia.

Các chủng sinh cũng hát bài "Happy Birthday" tặng Đức Tổng Giám Mục Charles Chaput của Philadelphia vừa 71 tuổi vào hôm nay.

Đức Phanxicô sẽ dành chút thì giờ để nghỉ ngơi tại Chủng Viện Thánh Charles Borromeo ở Lower Merion trước khi đọc diễn văn về tự do tôn giáo và di dân trước Cung Độc Lập.

Sau đó, ngài sẽ tham dự cuộc diễn hành dọc đường công viên nơi một lễ hội được tổ chức mừng đêm cuối cùng của Cuộc Gặp Gỡ Các Gia Đình Thế Giới.

Biến cố vừa kể trên được điều khiển bởi tài tử Mark Wahlberg và bao gồm sự trình diễn của Andrea Bocelli, Aretha Franklin, Dàn Giao Hưởng Philadelphia và nhiều người khác.

2:25 chiều: Đức Giáo Hoàng Phanxicô đang nghỉ ngơi tại chủng viện ở ngoại ô nơi ngài cư ngụ trước khi tái tục chương trình dầy đặc của ngài trong ngày thứ nhất ở Philadelphia.

Ngài sẽ trở lại nhà thờ chính tòa nơi ngài đã cử hành Thánh Lễ vào buổi sáng để lên giáo hoàng xa dự cuộc diễn hành dài một dặm rưỡi ở trung tâm thành phố.

Xế chiều, ngài sẽ đọc một bài diễn văn tập chú vào tự do tôn giáo và di dân tại Cung Độc Lập, nơi Bản Tuyên Ngôn Độc Lập và Hiến Pháp đã được ký.

Sau đó sẽ là đêm lễ hội với buổi trình diễn âm nhạc của Aretha Franklin, Andrea Bocelli, Dàn Giao Hưởng Philadelphia và nhiều người khác. Biến cố này do Mark Wahlberg điều khiển, nhân Cuộc Gặp Gỡ Các Gia Đình Thế Giới, biến cố khiến Đức Giáo Hoàng Phanxicô tới Hoa Kỳ lần đầu tiên.

3:30 chiều: Các cơ quan quá cảnh Pennsylvania và New Jersey cho hay: con số người đáp xe lửa đi gặp Đức Giáo Hoàng không đông như dự đoán. Thành thử thời khóa biểu đã được điều chỉnh.

Cầu bẩy đường xe Benjamin Franklin giữa New Jersey và Philadelphia cấm xe qua lại, dành riêng cho người đi bộ và xe cộ khẩn cấp. Nhưng số lượng người đi bộ không đông lắm.

Sinh viên cao đẳng Christina Carabaho ở Williamstown, New Jersey, và gia đình cô cuốc bộ gần 2 dặm đường cầu để tiết kiệm tiền đậu xe và phải qua phà. Cô chỉ than phiền là đi ủng thay vì đi giầy đế mềm.

Đi gặp Đức Giáo Hoàng, người ta chỉ sợ hàng rào an ninh và các hạn chế đi lại.

3:55 chiều: Đức Giáo Hoàng Phanxicô và đoàn xe hộ tống đã rời chủng viện ở ngoại ô nơi ngài cư ngụ và đang chạy qua các đường phố Philadelphia hướng về Cung Độc Lập, nơi ngài sẽ đọc bài diễn văn về tự do tôn giáo và di dân và là nơi bản Hiến Pháp và bản Tuyên Ngôn Độc Lập đã được ký. Người ta ước lượng sẽ có khoảng 40,000 người tham dự biến cố cần có vé trước này.

Nhưng trước nhất, ngài phải trở lại nhà thờ chính tòa, nơi ngài đã cử hành Thánh Lễ ban sáng để chuyển qua giáo hoàng xa và từ đó, tiếp tục khoảng đường 1 dặm rưỡi nữa để tới khu lịch sử.

4:25 chiều: Đám đông náo động hẳn lên khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô tới Cung Độc Lập trên chiếc Jeep Wrangler mui trần cải tiến.

Ngài vẫy tay khi được lái dọc đường Market Street ở Philadelphia. Các cận vệ trình hết bé thơ này đến bé thơ khác lên Đức Giáo Hoàng Phanxicô để ngài có thể hôn lên trán chúng. Một cảnh sát viên trao cho Đức Giáo Hoàng một bé trai mặc áo thung có hình Batman; một bé thơ khác đội chiếc mũ nhọn tí hon tương tự như mũ tế (mitre) của Đức Giáo Hoàng.

Ngài sẽ đọc diễn văn trên một bục giảng vốn được Tổng Thống Abraham Lincoln sử dụng khi ông đọc bài Diễn Văn Gettysburg.

Trong diễn văn trước Quốc Hội tại Washington, Đức Giáo Hoàng Phanxicô kêu gọi các nhà làm luật tỏ lòng cảm thương đối với các di dân.

4:35 chiều: Đức Giáo Hoàng Phanxicô vừa làm phép cây thánh giá bằng gỗ cao 5 bộ Anh rất quan trọng đối với các di dân nói tiếng Tây Ban Nha lúc ngài đang chuẩn bị đọc bài diễn văn về tự do tôn giáo và di dân.

Cây Thánh Giá trên gọi là Cây Thánh Giá Encuentros do một gia đình bẩy người đến Hoa Kỳ từ Mễ Tây Cơ dâng cho Đức Phanxicô.

Trong tiếng Tây Ban Nha, Encuentros nghĩa là gặp gỡ. Các giới chức Công Giáo cho biết cây thánh giá này sẽ được đưa tới các giáo xứ khắp nước như một biểu tượng của phong trào mục vụ toàn quốc tên Encuentro, từng khuyến khích thừa tác vụ người nói tiếng Tây Bán Nhà tại đất nước này.

Phong trào trên bao gồm một diễn trình hoạt động truyền giáo, tham khảo, phát triển lãnh đạo và biện phân mục vụ kéo dài ba năm.

4:45 chiều: Sau khi xuất hiện tại Cung Độc Lập để nghe ban kèn trống cử bài "Fanfare for the Common Man", Đức Giáo Hoàng Phanxicô đọc bài diễn văn về tự do tôn giáo và di dân từ bục giảng từng được Tổng Thống Abraham Lincoln sử dụng khi ông đọc bài diễn văn Gettysburg.

Khoảng 40,000 người ở Cung Độc Lập theo dõi bài diễn văn của ngài, nhiều người chờ từ sáng sớm.

Các tiếng hô “il papa” (thưa Đức Thánh Cha) phát ra từ đám đông. Hàng ngàn người khác theo dõi bài diễn văn trên các màn hình rộng chung quanh thành phố.

4:50 chiều: Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói rằng người Hoa Kỳ cần nhớ lịch sử để tránh lặp lại các lỗi lầm quá khứ và người thuộc mọi tín ngưỡng nên kết hợp với nhau để kêu gọi việc tôn trọng người khác và phẩm giá họ.

Ngài nói như thế với khoảng 40,000 người trước Cung Độc Lập. Ngài cho biết được thăm khu vực nơi xứ sở được hạ sinh là một trong các trọng điểm của chuyến viếng thăm của ngài.

Ngài cũng cho hay tự do tôn giáo có nghĩa người ta không phải để các niềm tin tôn giáo của mình lại nhà mới có thể tham dự sinh hoạt công cộng.

5:15 chiều: Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói rằng cộng đồng di dân Hoa Kỳ không nên ngã lòng bởi thử thách gian nan và nên trở thành các công dân có trách nhiệm.

Ngài thúc giục họ tự hào với các di sản của mình và đừng bao giờ xấu hổ vì các truyền thống của mình.

Lúc ngài chấm dứt bài diễn văn, nhiều người di dân hiện diện hô to “Phanxicô! Phanxicô! Phanxicô!”

6:10 tối: Các đám đông dọc Benjamin Franklin Parkway bắt đầu tăng nhanh trước khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô xuất hiện tại “Lễ Hội Gia Đình” do Vatican tổ chức.

Các khách hành hương chờ tới 45 phút mới qua được hàng rào kiểm soát an ninh, nhưng họ mô tả diễn trình này như là có trật tự. Các đám đông sâu tới 5 hàng người xếp hàng dọc theo lộ trình Đức Giáo Hoàng đi qua.

6:45 tối: Theo chương trình, Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ du hành dọc hết Parkway từ Bảo Tàng Viện Nghệ Thuật Philadelphia và Tòa Thị Chính rồi trở lui bằng chiếc giáo hoàng xa không cửa, một vòng dài 2 dặm. Một lễ hội với giọng nam cao người Ý Andrea Bocelli, "Nữ Hoàng Nhạc Soul" Aretha Franklin và nhiều giải trí viên khác sẽ bắt đầu lúc 7 giờ 30 tối.

Hai bé trai tung một trái túc cầu nhỏ mầu xanh và đen. Một nhóm 4 trẻ em khác đập một trái banh căng, gần đụng một nữ tu; vị này đã liệng trái banh lại cho các em.

Jay Berryman thuộc nhóm 160 người từ North Little Rock, Arkansas. Anh thấy có sự thay đổi sắc khí lúc Đức Giáo Hoàng sắp tới. Anh bảo: “ai cũng nôn nóng”.

6:25 chiều: Các chủ quán ăn khắp Philadelphia than phiền rằng các biện pháp an ninh chặt chẽ trong chuyến viếng thăm của Đức Phanxicô khiến họ hết cả khách hàng.

Stephen Starr, điều hành hơn 20 quán ăn trong thành phố, nói với Philadelphia Inquirer rằng việc hạn chế này ảnh hưởng tới việc buôn bán còn tệ hơn cả trận bão Sandy. Trang mạng Open Table cho hấy còn nhiều chỗ trống có thể đặt ngay vào thời điểm thường được coi là đông khách nhất vào tối Thứ Bẩy, ngay tại các địa điểm thời thượng nhất.

Các nhà tổ chức, từ lâu, vốn cho rằng Cuộc Gặp Gỡ Các Gia Đình Thế Giới sẽ đem nhiều lợi ích kinh tế cho thành phố. Nhưng khi biến cố này gần kết thúc, người ta phê phán các giới chức thành phố đã ban hành những cảnh báo quá đáng khiến gây trở ngại cho việc đi lại và đóng cửa nhiều dịch vụ.

Các trường học và nhiều tiệm buôn đóng cửa và nhiều cư dân rời thành phố trong các ngày trước khi Đức Phanxicô tới.

Tuy thế, các nhà tổ chức vẫn hy vọng buổi hòa nhạc đêm Thứ Bẩy với Aretha Franklin sẽ lôi cuốn hàng trăm ngàn người, và theo họ, Thánh Lễ Chúa Nhật của Đức Phanxicô sẽ lôi cuốn hơn 1 triệu người.

7:10 tối: Xe díp Wrangler chở Đức Phanxicô đang chạy quanh Tòa Thị Chính Philadelphia và Benjamin Franklin Parkway, trên đường tới lễ hội Gặp Gỡ Các Gia Đình Thế Giới.

Hàng ngàn người xếp hàng dọc lộ trình của Đức Giáo Hoàng với những đám đông sâu tới từ 5 đến 10 người, hy vọng được thoáng nhìn thấy Đức Giáo Hoàng.

8:00 tối: An tọa trên khán đài, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đang lắng nghe các gia đình khắp thế giới và thưởng thức các cuộc trình diễn âm nhạc trong một lễ hội của một cuộc tụ tập Công Giáo có tính thế giới từng đem ngài tới Philadelphia.

Các gia đình nói trên đến từ Hoa Kỳ, Úc, Ukraine, Jordan, Nigeria và quê hương Á Căn Đình của ngài.

Một cặp đính hôn người Úc, tên Camillus O'Kane và Kelly Walsh, thưa với Đức Giáo Hoàng rằng họ lo lắng về nạn ly dị và áp lực đòi thay đổi định nghĩa hợp pháp về hôn nhân.

Lễ hội thì bao gồm các cuộc trình diễn của Andrea Bocelli, Aretha Franklin và nhiều người khác. Tài tử Mark Wahlberg điều khiển chương trình.

8:45 tối: Các giới chức Giáo Hội cho hay họ không ước tính xem có bao nhiêu người tới dự lễ hội kết thúc Cuộc Gặp Gỡ Các Gia Đình Thế Giới. Trước đây, ngành công an chìm (Secret Service) đã ước tính con số 1 phần tư triệu người vì sức chứa của Benjamin Franklin Parkway chỉ có chừng ấy. Tuy nhiên, một số người đứng ở các phố bên cạnh và bên ngoài khu vực an ninh.

9:30 đêm: Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói rằng các gia đình là một “xưởng máy tạo hy vọng” sau khi lắng nghe truyện kể của các gia đình trên thế giới tại lễ hội ở Philadelphia.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói ứng khẩu bằng tiếng Tây Ban Nha sau khi nghe truyện kể của các gia đình từ Hoa Kỳ, Úc, Ukraine, Jordan, Nigeria, và quê hương Argentina của ngài.

Ngài kêu gọi phải chăm sóc và bảo vệ các gia đình, nhất là trẻ em và người cao niên.

Các gia đình nói với Đức Phanxicô về các niềm vui và đấu tranh của họ, xen kẽ với các cuộc trình diễn âm nhạc.

Ngày mai, Chúa Nhật, ngài sẽ cử hành Thánh Lễ ngoài trời, nói chuyện với một nhóm giáo sĩ và thăm một nhà tù trước khi chấm dứt chuyến viếng thăm Hoa Kỳ trong sáu ngày.
 
Thánh lễ đại trào tại Madison Square Garden
VietCatholic Network
07:12 27/09/2015
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Sáng thứ Sáu, 25 tháng 9, vào lúc 8 giờ rưỡi, Đức Thánh Cha đã viếng thăm và đọc diễn văn tại trụ sở Liên Hiệp Quốc tại New York, rồi dự cuộc gặp gỡ liên tôn lúc 11 giờ rưỡi tại nơi tưởng niệm các nạn nhân vụ khủng bố tại tòa tháp đôi của World Trade Centre, gọi là Ground Zero ở New York. Lúc 4h chiều, Đức Thánh Cha đã đến thăm các gia đình nghèo trong khu Harlem của New York.

Những hình ảnh quý vị và anh chị em đang thấy đây là thánh lễ tại Madison Square Garden. Madison Square Garden là một vận động trường có thể dùng cho nhiều mục đích khác nhau, nhiều môn thể thao khác nhau của thành phố New York. Tọa lạc tại Midtown Manhattan giữa 7th Avenue và 8th Avenue từ 31st Street đến 33rd Street, phía trên ga Pennsylvania.

Được khánh thành từ ngày 11 tháng Hai năm 1968, Madison Square Garden được coi là vận động trường xưa nhất trong thành phố New York vẫn còn tiếp tục hoạt động tích cực. Với diện tích 76,000 mét vuông, Madison Square Garden chứa được khoảng 20,000 người trong các buổi hoà nhạc.

Trong bài giảng thánh lễ, Đức Thánh Cha nói:

Chúng ta đang ở trong sân vận động Madison Square Garden, là nơi biểu tượng của thành phố này, là trụ sở của các cuộc gặp gỡ thể thao, nghệ thuật, âm nhạc, tụ họp người của nhiều nơi, không phải chỉ là của thành phố mà của toàn thế giới. Dân bước đi giữa các sinh hoạt, các lo lắng thường nhật của mình, dân bước đi mang nặng các thành công và các lầm lỗi, các sợ hãi và các cơ may, các niềm vui và niềm hy vọng, cũng như các thất vọng và cay đắng của mình đã trông thấy một ánh sáng lớn.

Trong mọi thời đại dân Thiên Chúa đưọc mời gọi chiêm ngưỡng ánh sáng đó, ánh sáng muốn chiếu soi mọi quốc gia, muốn đến trong mọi góc của thành phố này, với mọi công dân, mọi không gian của cuộc sống. Một trong các đặc thái của Dân có niềm tin là khả năng trông thấy, chiêm ngưỡng giữa các tối tăm của mình, ánh sáng mà Chúa Kitô đem đến. Dân có niềm tin biết nhìn, phân định và chiêm ngắm sự hiện diện sống động của Thiên Chúa giữa cuộc đời mình, giữa thành phố của mình. Sống trong một thành phố lớn có nhiều phức tạp, với một môi trường đa văn hóa và các thách đố lớn không đễ giải quyết. Các thành phố lớn nhắc cho chúng ta biết sự phong phú ẩn dấu trong thế giới chúng ta là các nền văn hóa, các truyền thống và lịch sử khác nhau, các tiếng nói, cách ăn mặc khác nhau. Các thành phố lớn diễn tả sự da diện của các cung cách sống và hành xử của chúng ta. Nhưng các thành phố lớn cũng che dấu gương mặt của biết bao nhiêu người bị coi như công dân hạng hai. Giữa các tiếng di chuyển ồn ào, trong tiết nhịp các thay đổi cũng bị che dấu các tiếng nói của biết bao nhiêu gương mặt không có quyền công dân, không có quyền là thành phần của thành phố - các người nước ngoài, con cái họ không được học hành, các người không đuợc săn sóc sức khỏe, các người vô gia cư, các người già cô đơn, bị ở bên lề các đường đi của chúng ta, trong một sự vô danh ầm ĩ. Họ bưóc vào trong một cảnh tượng thành thị từ từ trở thành tự nhiên trước mắt và đặc biệt là trong tim chúng ta. Tuy nhiên, trong mọi trạng huống đó vẫn có Chúa đồng hành với chúng ta. Đức Thánh Cha nói :

Biết rằng Chúa Giêsu tiếp tục bước đi trên các con đường của anh chị em, trà trộn với dân Ngài môt cách sống động, để cho mình bị liện lụy và lôi cuốn con người vào trong một lịch sử cứu độ duy nhất khiến cho chúng ta tràn đầy hy vọng, một niềm hy vọng giải thoát chúng ta khỏi sức mạnh thúc dẩy chúng ta cô lập hóa mình và không biết đến cuộc sống của người khác, cuộc sống của thành phố. Một niềm hy vọng giải thoát chúng ta khỏi các liên lạc trống rỗng, các phân tích trừu tượng, hay nhu cầu có các cảm xúc mạnh. Một niềm hy vọng không sợ hãi tháp nhập vào và hành động như men trong những nơi bạn phải chung đụng và sống. Một niềm hy vọng mời gọi chúng ta nhìn giữa « khói mù ô nhiễm » sự hiện diện của Thiên Chúa là Đấng tiếp tục bước đi trong các thành phố của chúng ta.

Ngôn sứ Isaia giới thiệu Chúa Giêsu với chúng ta như « Cố vấn kỳ diệu, Thiên Chúa quyền năng, Cha muôn thuở, Hoàng tử của hoà bình » (Is 9,5). Với những nguời hỏi cho biết họ phải làm gì, câu trả lời đầu tiên của Chúa Giêsu là đề nghị, khích lệ và động viên. Ngài luôn luôn đề nghị các môn đệ ra đi, và thúc đầy họ ra đi gặp gỡ những người khác tại những nơi họ sống, ra đi không sợ hãi, không nhờm gớm, ra đi loan báo niềm vui cho mọi dân tộc. Và nơi Chúa Giêsu, Thiên Chúa trở thành Emmamuel luôn đi bên cạnh chúng ta, trà trộn với chúng ta trong nhà của chúng ta. Không ai và không có gì có thể tách rời chúng ta khỏi Ngài. Ra đi loan báo Thiên Chúa là Cha luôn chờ đón chúng ta để ôm chúng ta vào lòng. Đi tới với những người khác để chia sẻ tin vui Thiên Chuá là Cha, đồng hành với chúng ta và giải thoát chúng ta khỏi cảnh vô danh, khỏi chiến tranh thi đua, tự quy hướng về mình, để mở ra con đường hoà bình cho chúng ta. Thiên Chúa sống trong các thành phố của chúng ta, Giáo Hội sống trong các thành phố của chúng ta và muốn là men trong đám đông trà trộn với tất cả mọi nguời đồng hành với tất cả mọi người để loan báo các điều kỳ diệu của Đấng là « Cố vấn kỳ diệu, Thiên Chúa quyền năng, Cha muôn thuở và Hoàng Tử hòa bình.

Sau thánh lễ Đức Thánh Cha đã trở về trụ sở Quan sát viên thường trực của Toà Thánh để dùng bữa tối và nghỉ đêm.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Thánh lễ tại sân vận động Madison Square Garden là thánh lễ cầu nguyện cho hoà bình và công lý, đã được cử hành bằng ba thứ tiếng Latinh, Anh và Tây Ban Nha. Các lời nguyện giáo dân được đọc bằng các thứ tiếng Gaelico, Ba Lan, Đức, Tigrino và Ý.

Bài giảng thánh lễ của Đức Thánh Cha đã tập trung quảng diễn ý nghĩa các bài đọc trích từ chương 9 sách ngôn sứ Isaia “Dân tộc bước đi trong tối tăm đã nhìn thấy một ánh sáng lớn” (Is 9,1)

Sau thánh lễ Đức Thánh Cha đã trở về trụ sở Quan sát viên thường trực của Toà Thánh để dùng bữa tối và nghỉ đêm.

Sáng thứ Bẩy 26 tháng 9, Đức Thánh Cha đã bắt đầu chặng thứ ba trong chuyến tông du Hoa Kỳ.

Lúc 7 giờ rưỡi Đức Thánh Cha đã đi xe ra tới sân trực thăng cách đó 12 cây số để tới phi trường Kennedy lấy máy bay đi Philadelphia. Máy bay đã tới phi trường quốc tế Philadelphia sau 50 phút bay. Từ phi trường Đức Thánh Cha đã đi xe tới nhà thờ chính tòa cách đó 16 cây số để chủ sự thánh lễ với các Giám Mục và linh mục với sự tham dự của các tu sĩ nam nữ Phialadelphia và toàn bang Pensylvania. Chúng tôi sẽ tường thuật trong các chương trình sau.
 
Chặng thứ Ba trong chuyến tông du Hoa Kỳ: Đức Thánh Cha đến Philadelphia
VietCatholic Network
12:54 27/09/2015
Như chúng tôi đã đưa tin, chiều thứ Sáu, 25 tháng 9, vào lúc 8 giờ rưỡi, Đức Thánh Cha viếng thăm và đọc diễn văn tại trụ sở Liên Hiệp Quốc tại New York. Sau đó, lúc 11:30 sáng Đức Thánh Cha đã tham dự một buổi cầu nguyện liên tôn tại Ground Zero cho những nạn nhân của vụ khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001. Sau buổi lễ, Đức Thánh Cha đã vào thăm viện bảo tàng, nơi trưng bầy các hình ảnh và nhiều chứng tích của cuộc khủng bố.

Lúc 4 giờ chiều, Đức Thánh Cha đã đến thăm trường “Đức Bà Nữ Vương các thánh Thiên Thần” . Lúc 5 giờ 15 phút chiều 25 tháng 9 Đức Thánh Cha đến Madison Square Garden cách đó 9 cây số để chủ sự thánh lễ cho tín hữu tổng giáo phận New York

Sáng thứ Bẩy 26 tháng 9, Đức Thánh Cha đã bắt đầu chặng thứ ba trong chuyến tông du Hoa Kỳ.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Lúc 7 giờ rưỡi sáng Đức Thánh Cha đã đi xe ra tới sân trực thăng cách đó 12 cây số để tới phi trường Kennedy lấy máy bay đi Philadelphia. Máy bay đã tới phi trường quốc tế Philadelphia sau 50 phút bay.

Philadephia là thành phố đông dân hàng thứ 5 của Hoa Kỳ và là thành phố quan trọng nhất của tiểu bang Pensylvania. Các người thuộc địa âu châu đã tới đây năm 1646. Vài chục năm sau vùng này nằm dưới quyền kiểm soát của Anh quốc. Năm 1682 ông William Pen thành lập thành phố Philadelphia có nghĩa là « tinh yêu huynh đệ ». Vào hậu bán thể kỷ 18 thành phố trở thành một trong những trung tâm quan trọng nhất của cuộc Cách Mạng Mỹ và là nơi Hoa Kỳ tuyên bố độc lập ngày mùng 4 tháng 7 năm 1776, rồi Hiến pháp quốc gia năm 1787. Thành phố hiện có hơn 1,5 triệu dân 45% da trắng, 43% mỹ gốc phi châu, 8% nguời nói tiếng Tây Ban Nha, 4% gốc Á châu.

Tổng giáo phận đưọc thành lập năm 1808 có 1.5 triệu tín hữu trên tổng số hơn 4 triệu dân cư. Giáo phận có 235 giáo xứ, 18 cứ điểm truyền giáo, 564 linh mục giáo phận, 344 linh mục dòng, 447 tu huynh, 2,543 nữ tu, 281 phó tễ vĩnh viễn 49 đại chủng sinh. Giáo phận điều khiển 329 cơ sỏ giáo dục và 58 trung tâm bác ái.

Ra đón Đức Thánh Cha tại phi trường có Đức Tổng Giám Mục Charles Joseph Chaput và một số giới chức đạo đời khác.
 
Đức Thánh Cha đến thăm trường Đức Bà Nữ Vương các thánh Thiên Thần trong khu Harlem
VietCatholic Network
17:52 27/09/2015
Như chúng tôi đã đưa tin, sáng thứ Sáu, 25 tháng 9, vào lúc 8 giờ rưỡi, Đức Thánh Cha viếng thăm và đọc diễn văn tại trụ sở Liên Hiệp Quốc tại New York. Sau đó, lúc 11:30 sáng Đức Thánh Cha đã tham dự một buổi cầu nguyện liên tôn tại Ground Zero cho những nạn nhân của vụ khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001. Sau buổi lễ, Đức Thánh Cha đã vào thăm viện bảo tàng, nơi trưng bầy các hình ảnh và nhiều chứng tích của cuộc khủng bố.

Lúc 12 giờ 30, Đức Thánh Cha đã trở về khu vực dành cho Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh cạnh Liên Hiệp Quốc cách đó 2 cây số để dùng bữa trưa và nghỉ ngơi chốc lát, trưóc khi tiếp tục các sinh hoạt khác vào ban chiều.

Lúc 4 giờ chiều, Đức Thánh Cha đã đến thăm trường “Đức Bà Nữ Vương các thánh Thiên Thần” cách đó 4 cây số rưỡi, gặp gỡ các trẻ em và gia đình các người di cư. Trường học này tọa lạc trong khu phố Brooklyn. Tên gọi Brooklyn đến từ tiếng Hoà Lan “Breuckelen” là tên ngôi làng người di dân gốc Hoà Lan đã thành lập năm 1624. Với 2,5 triệu người Brooklyn là khu phố đông dân cư nhất trong 4 khu phố tại New York. Năm 1898 nó được gắn liền với New York nhưng vẫn tiếp tục duy trì căn tính riêng. Là nơi cập bến của người di cư, nó gồm các cộng đoàn thuần nhất theo chủng tộc và tôn giáo. Tại Brooklym có cây cầu nổi tiếng nối liền Brooklyn với Manhattan xây năm 1883, và Viện bảo tàng xây năm 1897, là một trong các viện bảo tàng lớn nhất Hoa Kỳ với hơn 1,5 triệu tác phẩm nghệ thuật thuộc các nưóc từ Ai cập cho tới các tác phẩm ngày nay.

Giáo phận Brooklyn được thành lập năm 1853 có hơn 1,4 triệu tín hữu Công Giáo trên gần 4,9 triệu dân, gồm 187 giáo xứ, 437 linh mục giáo phận, 167 linh mục dòng, 284 tu huynh, 769 nữ tu, 225 phó tế vĩnh viễn, 57 đại chủng sinh. Giáo phận điều khiển 203 cơ cấu giáo dục và 277 trung tâm bác ái.

Trường Đức Bà Nữ Vương các thánh Thiên Thần là một trường tiểu học có 282 học sinh tuổi từ 5 tới 14, trong đó 69% có học bổng. Các trẻ em là con các gia đình di cư có lợi tức thấp 69% đến từ châu Mỹ Latinh, các gia đình khác đến từ Phi châu và Trung Đông, 22% là người Mỹ gốc Phi châu. Trường này là một trong số 6 trường do tổng giáo phận New York điều hành với tổng cộng 2,100 học sinh, trong đó có một phần tư đến từ các quốc gia không nói tiếng Anh.

Đức Thánh Cha đã được bà giám đốc trường tiếp đón và đã tháp tùng Đức Thánh Cha vào trong phòng thể thao thể dục nơi diễn ra cuộc gặp gỡ.

Ngỏ lời với các em, Đức Thánh Cha bầy tỏ sự hài lòng được ở với các em như trong một gia đình. Ngài đặc biệt xin lỗi các giáo chức vì đã lấy ít phút giờ học. Các em thuộc các gia đình đến từ các nước khác. Cả khi không dễ mà tìm được nhà mới, các bạn bè và láng giềng mới và cuộc sống bắt đầu với nhiều vất vả : học tiếng mới, thích hợp với một nền văn hóa mới, khí hậu mới. Phải học biết bao nhiêu điều chứ không phải chỉ có bài tập của trường học. Nhưng có điều đẹp đó là các em cũng gặp các bạn mới, các người mở rộng cửa tiếp đón và cho thấy sự dịu hiền, tình bạn, sự cảm thông, và họ tìm giúp đỡ chúng ta để chúng ta không cảm thấy xa lạ. Trong cách thế đó trường học trở thành một đại gia đình cho tất cả mọi người, nơi chúng ta học giúp đỡ nhau cùng với cha me, ông bà, các nhà giáo dục, thầy dậy và bạn bè, học chia sẻ những gì là tốt lành nơi từng người, cho đi cái tốt nhất của mình, làm việc theo nhóm và kiên trì trong các mục đích. Đức Thánh Cha nhắc đến một nhân vật có ảnh hưởng lớn trên xã hội Hoa Kỳ như sau :

Bên cạnh đây có một con đường rất quan trọng với tên của một người đã làm biết bao điều tốt lành cho tha nhân, mà cha muốn cùng tưởng niệm với các con. Cha muốn nói đến Mục sư Martin Luther King. Một ngày kia ngài đã nói : « Tôi có một giấc mơ » Ngài đã mơ rằng biết bao nhiêu trẻ em, biết bao nhiêu người có được sự bình đẳng và cơ may. Ngài đã mơ rằng biết bao trẻ em như các con được giáo dục. Thật là đẹp có các giấc mơ và chiến đấu cho các giấc mơ đó.

Hôm nay chúng ta muốn tiếp tục mơ và chúng ta mừng tất cả các cơ may cho phép các con cũng như người lớn không đánh mất đi niềm hy vong vào một thế giới tốt đẹp hơn với nhiều khả thể hơn. Cha biết rằng một trong các giấc mơ của cha mẹ các con là các con có thể lớn lên trong tươi vui. Thật luôn luôn là điều đẹp, trông thấy một trẻ em cười. Ở đây người ta thấy là các con tươi cười : hãy tiếp tục như thế, và hãy giúp làm cho niềm vui lây lan tới mọi người sống chúng quanh các con.

Các trẻ em thân mến, các con có quyền mơ, và cha rất vui mừng vì các con có thể tìm thấy trong ngôi trường này, nơi các bạn bè và các thầy dậy của các con sự nâng đỡ cần thiết để làm điều ấy. Nơi đâu có các giấc mơ, nơi đó có niềm vui, nơi đó luôn có Chúa Giêsu. Bởi vì Chúa Giêsu là niềm vui, và muốn giúp chúng ta để cho niềm vui ấy kéo dài mọi ngày.

Trước khi từ biệt các con cha muốn cho các con một bài tập về làm ở nhà, có được không ? Đó là một lời xin đơn sơ nhưng rất quan trọng : các con đừng quên cầu nguyện cho cha, để cha có thể chia sẻ với biết bao nhiêu người khác niềm vui của Chúa Giêsu. Và chúng ta cũng cầu nguyện để nhiều người có thể nếm hưởng niềm vui mà các con có.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho các con và xin Đức Trinh Nữ che chở các con.

Đức Thánh Cha dã tặng cho trường Đức Bà Nữ Vương các thánh Thiên Thần Harlem một bức tượng bằng gỗ Đức Mẹ bồng Chúa Hài Nhi, do các điêu khắc gia vùng Trentino đông bắc Italia tạc. Sau đó ngài đi ra phiá trước trưòng để chào giới phụ huynh và dân chúng trong khu phố.
 
ĐGH gặp những nạn nhân bị lạm dụng tình dục và hứa trách nhiệm.
Giuse Thẩm Nguyễn
20:16 27/09/2015
Đức Giáo Hoàng gặp những nạn nhân bị lạm dụng dục và hứa trách nhiệm.

Theo tin AP, Đức Giáo Hoàng đã gặp các nạn nhân bị lạm dụng tình dục vào ngày Chúa Nhật, ngày cuối trong chuyến thăm Hoa Kỳ của Ngài và hứa cùng trách nhiệm giải quyết những vụ việc bê bối trong Giáo Hội, đưa ra cảnh báo mạnh mẽ tới các Giám Mục Hoa Kỳ đã bao che cho các linh mục thoái hóa thay vì báo cho cảnh sát.

Đức Giáo Hoàng đã biểu lộ cử chỉ hòa giải vào lúc bắt đầu cuộc họp với các Giám Mục Hoa Kỳ trong đại hội các gia đình Công Giáo tại Philadelphia.

Không phải tất cả những nạn nhân bị lạm dụng tình dục đểu bị lạm dụng bởi các giáo sĩ mà trong số ấy ba người nữ và hai người nam đã là nạn nhân của các thành viên trong gia đình và các thày cô giáo.

Đức Giáo Hoàng ca ngợi các nạn nhân đã trải qua đau khổ là “những sứ giả của lòng thương xót”, những người được Giáo Hội ghi ơn vì đã giúp mang sự thật ra ánh sáng.

Đức Giáo Hoàng đã tuyên bố bằng tiếng Tân Ban Nha rằng “ Thiên Chúa khóc thương, vì thế việc lạm dụng tình dục trẻ em không thể mãi được giữ trong bí mật, và tôi cam kết một sự giám sát chặt chẽ để bảo đảm rằng trẻ em được bảo vệ và những người có trách nhiệm phải chịu trách nhiệm giải quyết”

Đức Giáo Hoàng đã đồng ý để lập ra tòa án Vatican đặc biệt để truy tố các Giám Mục đã không bảo vệ được đoàn chiên của mình và Ngài chấp nhận sự từ chức của ba giám Mục Hoa Kỳ bị cáo buộc đã không xử đúng những vụ lạm dụng tình dục vừa qua.

Trước đây Đức Giáo Hoàng đã tuyên bố nhận trách nhiệm chủ chăn trong lần đầu tiên gặp gỡ các nạn nhân được tổ chức tại Vatican mùa hè năm ngoái.

Tuy nhiên, Đức Giáo Hoàng và các Giám Mục Hoa Kỳ cũng nhận định rằng việc làm dụng tình dục nơi trẻ em không chỉ trong Giáo Hội, mà nó đã xảy ra cả trong phạm vi gia đình và học đường. Cuộc gặp các nạn nhân bị lạm dụng tình dục đã nhấn mạnh đến vấn đề này.

Buổi chiều ngày Chúa Nhật Đức Giáo Hoàng đã đến thăm nhà tù Philadelphia đem lại hy vọng và khuyến khích cho khoảng 100 tù nhân ở đó, gồm những nghi phạm giết người, hiếp dâm và cướp của. Vào chiều tối Đức Giáo Hoàng đã cử hành Thánh Lễ bế mạc chuyến viếng thăm Hoa Kỳ của Ngài trên đại lộ Benjamin Franklin Parkway, Philadelphia với ước đoán khoảng trên một triệu người dự.

Tổng Giáo Phận Philadelphi đã bị tai tiếng nhiều bởi những vụ bê bối lạm dụng tình dục và việc này đã bị điều tra nhiều lần, bao gồm cả vụ tố cáo trên ba mươi linh mục đang phải đối diện với những cáo buộc nghiêm trọng. Một Đức Ông đã bị kết tội gây nguy hiểm cho trẻ em vì không phạt các linh mục thoái hóa dưới quyền, đã trở thành vụ án đầu tiên ở Giáo Hội Hoa Kỳ bị kết án về sự vi phạm này.

Vào đầu tuần này, các nhóm nạn nhân đã phàn nàn rằng Đức Giáo Hoàng đã làm ngơ giải quyết việc của họ khi Ngài khen ngợi các Giám Mục là đã can đảm và rộng lượng giải quyết những vụ bê bối. Đức Giáo Hoàng đã gặp các nạn nhân sau khi Ngài dâng lễ với Đức Hồng Y Justin Rigali, trước là Tổng Giám Mục Philadelphi khi tòa Giám Mục bị cáo buộc là đã bao che cho các linh mục thoái hóa.

Cha Tom Doyle, linh mục giáo luật đang làm việc tại Đại Sứ Tòa Thánh Vatican ở Wahsington và cha là người bênh vực cho các nạn nhân. Ngài nói rằng “ Chúng tôi không nghĩ rằng chúng tôi sẽ có được bất cứ sự trợ giúp nào cụ thể để có thể thay đổi việc này từ giới lãnh đạo Vatican. Giáo Hội đang có đại hội về gia đình, nhưng sẽ không có chỗ nào cho các gia đình nạn nhân mà các giáo sĩ trong Giáo Hội Công Giáo đã phá vỡ qua lạm dụng tình dục.”

Phát ngôn viên Tòa Thánh, cha Federico Lambardi, nói rằng Đức Giáo Hoàng đã gặp các nạn nhân trong nửa giờ tại chủng viện San Carlo Borromeo. Cha nói rằng Đức Giáo Hoàng đã cùng cầu nguyện với họ, lắng nghe những câu chuyện của họ và chia sẻ sự gần gũi của Ngài với những đau khổ của họ và Ngài đã “đau đớn và xấu hổ” về những vụ lạm dụng bởi các linh mục.
 
Hãy can đảm lên! Không có những gia đình toàn hảo đâu!
Bùi Hữu Thư
20:00 27/09/2015
Bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô đêm vọng ngày Đại Hội Gia Đình Thế Giới lần thứ VIII tại Philadelphia

Rome, 27 tháng 9, 2015 (ZENIT.org)
Đức Thánh Cha Phanxicô tuyên bố: “Không có những gia đình toàn hảo đâu. Điều này không được làm cho chúng ta thất vọng, nhưng ngược lại.

Đức Thánh Cha đã khuyến khích các gia đình trong buổi tối ngày 26 tháng 9 tại Benjamin Franklin Parkway, Philadelphia trước mấy chục ngàn người hiện diện.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Tình yêu là một điều chúng ta phải học hỏi; một điều chúng ta phải sống và trải qua ; tình yêu lớn mạnh ở những nơi bị “tôi luyện” bởi những hoàn cảnh cụ thể mỗi gia đình gặp phải.”

Ngài nhấn mạnh: “Tình yêu nẩy sinh và thường xuyên phát triển giữa những bóng tối và ánh sáng. Tình yêu có thể nẩy nở giữa những người chồng và vợ khi họ cố gắng không để cho những tranh cãi trở thành lời nói cuối cùng, mà phải là một cơ hội mới. Một cơ hội để tìm kiếm sự giúp đỡ, một cơ hội để tự hỏi xem chúng ta có nhu cầu phải cải tiến, một cơ hội để khám phá rằng Thiên Chúa đang ở với chúng ta và không bao giờ bỏ rơi chúng ta. Không bao giờ giận nhau qua đêm mà phải làm hòa trước khi trời tối.”

Ngài khuyến khích phải chuyển tiếp cho giới trẻ kinh nghiệm này: là tình yêu, nhờ Thiên Chúa có thể vượt qua được các khó khăn: “Đây là di sản lớn lao nhất các bạn cho thể trao ban cho con cái, một bài học quý giá: phải, chúng ta có lầm lỗi; phải, chúng ta có nhiều vấn đề khó khăn. Nhưng chúng ta biết rằng những lỗi lầm và khó khăn này thực ra không phải là điều quan trọng. Chúng ta biết rằng những lỗi lầm, những khó khăn, những tranh cãi lại là dịp để chúng ta lại gần nhau hơn và đến gần Chúa hơn.”

Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “Thiên Chúa không đến với một cơ sở, hay một chỗ nào khác, mà đến với một gia đình. Tối nay, chúng ta đến đây để cùng nhau cầu nguyện, cầu nguyện như một gia đình, để làm cho tổ ấm chúng ta trở thành hình ảnh hạnh phúc của Giáo Hội. Để gặp gỡ Thiên Chúa, Đấng đã không muốn đến với thế gian bằng một cách nào khác hơn là qua một gia đình. Để gặp gỡ “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”, một Thiên Chúa luôn luôn ở giữa chúng ta.”
 
Diễn từ của Đức Phanxicô tại trung tâm cải huấn Philadelphia
Vũ Van An
22:13 27/09/2015
Anh chị em thân mến
Cám ơn anh chị em đã đón tiếp tôi và cho tôi dịp may được ở đây với anh chị em và chia sẻ khoảng thời gian này trong đời sống anh chị em. Đây quả là khoảng thời gian khó khăn, một khoảng thời gian đầy cam go. Tôi biết đây là khoảng thời gian đau lòng không những cho anh chị em, mà còn cho cả gia đình anh chị em và cho xã hội nữa. Bất cứ xã hội nào, bất cứ gia đình nào không biết chia sẻ hay coi trọng nỗi đau của con cái mình, và coi nỗi đau này như một điều bình thường hay có thể hiểu được, là một xã hội “bị kết án” phải tự làm con tin cho chính mình, làm mồi cho những gì gây ra nỗi đau này.

Tôi ở đây như một mục tử, nhưng trên hết, như một người anh em, để chia sẻ tình huống của anh chị em và để biến nó thành của riêng mình. Tôi đến đây để chúng ta có thể cầu nguyện chung với nhau và để dâng lên Thiên Chúa chúng ta mọi điều gây đau đớn cho chúng ta, nhưng cả mọi điều đem lại hy vọng cho chúng ta nữa, để chúng ta nhận được từ Người sức mạnh phục sinh.

Tôi nghĩ tới cảnh trong Tin Mừng trong đó, Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ trong Bữa Tiệc Ly. Đây là điều các môn đệ thấy khó chấp nhận. Ngay Thánh Phêrô cũng từ khước, và nói với Người “Thầy sẽ không bao giờ rửa chân cho con” (Ga 13:8).

Thời ấy, người ta có thói quen rửa chân cho những người tới nhà mình. Đó là cách họ đón tiếp người ta. Đường xá không được lát, toàn những bụi bặm, nhiều khi giầy dép họ còn bị dính những viên sỏi nhỏ nữa. Mọi người đều phải đi những con đường như thế, thành thử chân ai cũng dơ, bầm tím hoặc bị những viên sỏi này làm sứt sát. Đó là lý do khiến Chúa Giêsu rửa chân, chân ta, chân các môn đệ của Người, lúc ấy và bây giờ.

Đời sống là một cuộc hành trình, dọc theo những con đường khác nhau, vốn để lại nhiều vết tích trong ta.

Nhờ đức tin, ta biết rằng Chúa Giêsu luôn đi tìm ta. Người muốn chữa lành các vết thương của ta, xoa dịu bàn chân bị thương tích vì đi xa một mình của ta, rửa mỗi người chúng ta sạch mọi bụi bặm tích lũy từ cuộc hành trình. Người không hỏi ta đã ở đâu, người không tra vấn ta đã làm gì. Thay vào đó, Người bảo ta: “Thầy mà không rửa chân cho con, con sẽ không được dự phần với Thầy” (Ga 13:8). Thầy mà không rửa chân cho con, Thầy sẽ không thể ban cho con cuộc sống mà Chúa Cha luôn mơ ước, cuộc sống mà Người đã dựng nên anh chị em để hưởng. Chúa Giêsu đến gặp chúng ta để chúng ta phục hồi được phẩm giá làm con cái Chúa của chúng ta. Người muốn giúp chúng ta lên đường một lần nữa, tái tục cuộc hành trình, phục hồi hy vọng, phục hồi niềm tin, niềm tín thác của chúng ta. Người muốn chúng ta tiếp tục tiến trên đường sống, tiếp tục hiểu ra rằng chúng ta có một sứ mệnh, và việc bị giam không đồng nghĩa với việc bị loại trừ.

Sống có nghĩa “làm chân chúng ta ra dơ dáy” bởi những con đường đầy bụi của cuộc đời và của lịch sử. Tất cả chúng ta cần được thanh tẩy, cần được rửa ráy. Tất cả chúng ta đều được Thầy tìm kiếm, vị Thầy muốn giúp chúng ta tái tục cuộc hành trình của chúng ta. Chúa đi tìm chúng ta; Người mở rộng bàn tay giúp đỡ cho mọi người chúng ta.

Thật là đau lòng khi chúng ta thấy những hệ thống nhà tù không biết quan tâm tới việc săn sóc các vết thương, xoa dịu các nỗi đau, cung cấp các khả thể mới mẻ. Thật là đau lòng khi chúng ta thấy người ta nghĩ: chỉ có người khác mới cần rửa ráy, thanh tẩy, mà không nhận ra rằng sự mệt mỏi của họ, nỗi đau và các vết thương của họ cũng là sự mệt mỏi, nỗi đau và các vết thương của xã hội. Chúa dạy ta điều này cách rõ ràng bằng một dấu hiệu: Người rửa chân ta để ta có thể trở lại bàn tiệc. Bàn tiệc mà Người không muốn ai bị loại khỏi. Bàn tiệc được dọn sẵn cho mọi người và mọi người chúng ta đều được mời dự.

Khoảng thời gian này đời sống anh chị em chỉ có thể có một mục đích: giúp anh chị em một tay để trở lại con đường ngay ngắn, giúp anh chị em một tay để tái tham gia vào xã hội. Tất cả chúng ta đều là thành phần của cố gắng này, tất cả mọi người chúng ta đều được mời gọi trong việc khuyến khích, giúp đỡ và tạo khả thể cho việc cải tạo. Việc cải tạo mà mọi người: các người bị giam giữ và gia đình họ, các thẩm quyền cải huấn, các chương trình xã hội và giáo dục, đều tìm kiếm và ước ao. Việc cải tạo sinh ích lợi và nâng cao tinh thần của toàn thể cộng đồng.

Chúa Giêsu mời gọi ta chia sẻ số phận của Người, lối sống và hành động của Người. Người dạy ta nhìn thế giới bằng đôi mắt của Người. Đôi mắt không thấy chướng vì các bụi bặm bám dọc đường. nhưng muốn thanh tẩy, chữa lành và phục hồi. Người yêu cầu chúng ta tạo ra các cơ may mới: cho người bị giam, cho gia đình họ, cho các giới chức cải huấn, và cho xã hội như một toàn thể.

Tôi khuyến khích anh chị em có thái độ trên đối với nhau và đối với tất cả những ai là thành phần của định chế này, cách này hay các khác. Ước chi anh chị em tạo ra được nhiều cơ may khả hữu mới mẻ, nhiều hành trình mới mẻ, nhiều nẻo đường mới mẻ.

Tất cả chúng ta đều có điều gì đó cần được tẩy rửa, thanh tẩy khỏi. Ước chi việc biết được sự kiện này sẽ gây hứng để chúng ta sống liên đới, để chúng ta hỗ trợ nhau và tìm những điều tốt nhất cho người khác.

Chúng ta hãy hướng nhìn lên Chúa Giêsu, Đấng đang rửa chân chúng ta. Người là “đường, là sự thật và là sự sống”. Người đến để cứu chúng ta khỏi sự dối trá cho rằng không ai có thể thay đổi. Người giúp chúng ta bước theo các nẻo đường sống và thành toàn. Ước chi sức mạnh tình yêu và sự phục sinh của Người luôn là đường dẫn anh chị em tới cuộc sống mới.
 
Đêm Canh Thức Ngày Quốc Tế Gia Đình Philadelphia
VietCatholic Network
23:00 27/09/2015
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Lúc 7h chiều thứ Bẩy 26 tháng 9, Đức Thánh Cha đã tới Benjamin Franklin Parkway để tham dự Đêm Canh Thức Ngày Quốc Tế Gia Đình. Tại đây Đức Thánh Cha đã lên xe díp để chào tín hữu tụ tập dọc đại lộ mang tên Benjamin Franklin là một trong những người cha thành lập Hoa Kỳ. Ông là người sinh trưởng tại Philadelphia, văn sĩ, nhà vật lý nghĩ ra cột thu lôi và kính hai tròng, chuyên viên chính trị và là chính trị gia dấn thân. Ông đã là thống đốc tiểu bang Pensylvania và là người đã phóng thích các nô lệ của mình. Hình của ông được in trên tờ 100 mỹ kim và có nhiều thành phố, học viện văn hóa và cả tầu chiến cũng mang tên ông.

Cuộc gặp gỡ quốc tế các gia đình đã do thánh Gioan Phaolô II thành lập ngày mùng 9 tháng 5 năm 1981. Đại hội này do Hội Đồng Toà Thánh về Gia Đình tổ chức ba năm một lần tại nhiều nơi trên thế giới: lần thứ nhất tại Roma năm 1994, lần thứ hai tại Rio de Janeiro năm 1997, lần thứ ba tại Roma năm 2000, lần thứ tư tại Manila năm 2003, lần thứ năm tại Valencia năm 2006, lần thứ sáu tại thành Phố Mêxicô năm 2009, lần thứ bẩy tại Milano năm 2012. Đã có 1 triệu người tham dự thánh lễ bế mạc đại hội tại Milano do Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 chủ sự tại phi trường Brescia.

Đại hội quốc tế các gia đình lần thứ tám đã diễn ra tại Philadelphia trong các ngày 22-25 và có khẩu hiệu là “Tình yêu là sứ vụ của chúng ta: gia đình sống động tràn đầy”. Mỗi ngày đều có thánh lễ, các buổi thuyết trình và các buổi học giáo lý do nhiều Hồng Y và Giám Mục cũng như các chuyên viên đảm trách. Đồng thời cũng có các chứng từ và nhiều sinh hoạt khác cho nhiều lứa tuổi khác nhau.

Buổi canh thức đã là một lễ hội gia đình với ca nhạc, mầu sắc, vũ điệu và các chứng tử. Hơi ấm, tình yêu và niềm vui của các gia đình toàn thế giới đã được phản ánh trong sự xúc dộng và nụ cuời của Đức Thánh Cha lắng nghe các chứng từ cuộc sống của nhiều người. Chị Amy Wall được khỏi bệnh điếc nhờ lời bầu cử của thánh nữ Catarina Mary Drexel; các nỗi sợ hãi và và lời hứa trong các lời nói xúc động của Camillus và Kelly sẽ cưới nhau vào tháng 11 tới đây; Mario và Rosa người Argentina trái lại vừa mới mừng lễ Ngọc 60 năm lấy nhau. Gianna Emanuela Molla con gái của thánh Gianna Beretta Molla cũng hiện diện. Thế rồi còn có ông Herb Lusk cầu thủ bóng đá đầu tiên của Hoa Kỳ. Trong các hoạt cảnh cũng có các nốt nhạc của Aretha Franklin. Rồi còn có biết bao chứng từ niềm vui, các khó khăn và tái sinh từ Ucraina cho tới Nigeria, từ Hoa Kỳ cho tới Giordania.

Lên tiếng ứng khẩu sau các chứng từ của các gia đình, Đức Thánh Cha mời gọi mọi người săn sóc và bênh vực gia đình, bởi vì gia đình chính là tương lai của chúng ta. Ngài chân thành cám ơn các gia đình đã can đảm chia sẻ với mọi người cuộc sống của họ, và các trình diễn nghệ thuật là các con đường đưa tới Thiên Chúa. Thiên Chúa là Chân, Thiện Mỹ. Gia đình là do ý muốn của Thiên Chúa. Một xã hội lớn lên mạnh mẽ, xinh dẹp và chân thật được xây dựng trên nền tảng gia đình. Đức Thánh Cha đã chia sẻ một câu hỏi mà một trẻ em hỏi ngài:”Thiên Chúa làm gì trước khi tạo dựng thế giới?” Trước khi tạo dựng thế giới Thiên Chúa đã yêu thương, bỏi vì Thiên Chúa là Tình Yêu… Một tình yêu thương to lớn và lôi cuốn tạo dựng thế giới. Thế giới là một tuyệt tác mà chúng ta đang tàn phá. Thiên Chúa đã cho con người tất cả. Tất cả tình yêu Thiên Chúa có nơi Ngài, tất cả vẻ đẹp Thiên Chúa có trong Ngài, tất cả sự thật Thiên Chúa có trong Ngài Ngài đã trao ban cho gia đình. Thiên Chúa đã gửi Con Ngài tới trong một gia đình, để đồng hành với chúng ta trong gia đình.

Đức Thánh Cha giải thích rằng một gia đình thực sự là gia đình khi có khả năng mở rộng đôi tay và tiếp nhận tất cả tình yêu. Vì ghen tức với con người nên ma quỷ khiến cho con người phạm tội và chia rẽ nhau. Và con người đánh mất đi tình yêu của Thiên Chúa. Hậu qủa là cảnh anh em giết nhau, các chiến tranh và mọi tan vỡ khổ đau khác. Nhưng chúng ta có thể quyết định lựa chọn con đường phải đi. Thiên Chúa không bỏ rơi chúng ta cả sau khi Adam và Evà phản bội Ngài, Thiên Chúa đồng hành với con người tới độ trao ban Con của Ngài cho nhân loại. Chúng ta hãy học nơi Đức Maria và Cha Thánh Giuse biết rộng mở con tim cho Thiên Chúa và chương trình cứu độ của Chúa và hãy là một gia đình có con tim rộng mở cho tình yêu. Đức Thánh Cha nói thêm trong bài giảng:

Thiên Chúa luôn luôn gõ cửa các con tim. Ngài thích làm như thế. Ngài muốn vào trong đó. Nhưng anh chị em có biết ngài thích gì nhất không? Ngài thích gõ cửa các gia đình, và gặp các gia đình hiệp nhất và ước muốn tìm các gia đình khác: như thế chúng ta tạo dựng một xã hội của “chân, thiện, mỹ”. Đối với Đức Thánh Cha gia đình có một bức thư của công dân thiên linh và được xây dựng trên tình yêu, vẻ đẹp và sự thật.

Dĩ nhiên trong gia đình có các khó khăn, các cãi cọ, mệt mỏi và vấn đề, nhưng gia đình luôn luôn là lò sản xuất hy vọng, sự sống lại và sự sống, bởi vì Thiên Chúa muốn như vậy. Tiếp đến Đức Thánh Cha đề cập tới trẻ em và người trẻ là tương lai cuả nhân loại, và tới các ông bà là ký ức của nhân loại Chính các ngài đã trao ban và thông truyền cho chúng ta đức tin. Săn sóc các ông bà và trẻ em là giấc mơ của tình yêu. Một dân tộc không biết lo lắng cho trẻ em và ông bà thì không có tương lai, không có sức mạnh và không có ký ức. Chúng ta hãy bênh vực gia đình bởi vì tương lai của chúng ta là ở đó. Sau cùng Đức Thánh Cha khuyên các gia đình: “Đừng bao giờ kết thúc một ngày với cãi cọ, nhưng với sự tha thứ và làm hoà.”

Sau bài giảng ứng khẩu của Đức Thánh Cha Đức Tổng Giám Mục Chaput đã giới thiệu một tác phẩm và ba mảnh lớn của một bức tường mà tín hữu đã làm trong suốt mùa hè có các hình vẽ và chữ ký của họ. Chúng sẽ được dựng trước trường Thánh Malakia. Đức Thánh Cha cũng ký tên trên bức tường này. Tiếp theo đó là phần trình diễn của danh ca Tenor Andrea Boccelli. Trước khi ban phép lành Đức Thánh Cha đa xin Đức Mẹ và Cha Thánh Giuse bầu cử cho các gia đình để các gia đình tin rằng chiến đâu cho gia đình là điều đáng công.

Sau khi từ gĩa tín hữu Đức Thánh Cha đã về đại chủng viện thánh Carlo Boromeo dùng bữa tối và nghỉ qua đêm.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Thiếu nhi Gx. Thượng Lộc, GP. Vinh đón Tết Trung Thu
Đức Sáng
03:15 27/09/2015
Thiếu nhi Thượng Lộc thi Giáo lý “Rung Chuông Vàng” đón Tết Trung Thu
Theo phong tục của người Việt Nam, Tết Trung Thu được dành cách đặc biệt cho các em thiếu nhi và được tổ chức vào giữa mùa thu, tức là trung tuần tháng 8 Âm lịch. Nó gắn liền với hình ảnh rước đèn, múa lân và nhất là những nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt của các em thiếu nhi. Trong bầu khí đó, vào tối ngày 25.9.2015 (tức 13.08.2015 âm lịch), giáo xứ Thượng Lộc đã tổ chức thi Giáo lý “Rung Chuông Vàng” đón Tết Trung Thu nhằm động viên các em trong việc học tập, chia sẻ niềm vui với các em trong dịp này.Buổi tối đặc biệt dành cho các em thiếu nhi trong giáo xứ được bắt đầu bằng giờ Chầu Thánh thể. Trong giờ chầu với đông đủ cộng đoàn trong giáo xứ cùng với bầu khí trang nghiêm và sốt sắng. Tất cả mọi người và đặc biệt là các em nhỏ đã cảm nhận được tình cảm của Chúa Giêsu Thánh Thể kêu gọi các em thường xuyên đến với Người bằng một tâm hồn đơn sơ, chân thật và trong sáng.
Chương trình thi Giáo lý “Rung Chuông Vàng” trong đêm Trung thu được khai mạc vào lúc 20h và được truyền hình trực tiếp trên youtobe để cho mọi người trong giáo xứ đang đi làm ăn xa cũng được xem và hướng về quê hương của mình. Mở đầu chương trình cha quản xứ Phêrô Lưu Văn Thành đã gửi lời chúc mừng đến các em và Cha cũng kêu gọi các em với tinh thần yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể các em phải cố gắng học tập tốt để trưởng thành hơn.
Tiếp đến là phần thi, với đông đảo cộng đoàn hiện diện cùng với những thí sinh với khuôn mặt rạng ngời và niềm vui khi trả lời, các em đã làm nên bầu khí vui tươi cho cộng đoàn giáo xứ. Xen kẻ với cuộc thi là những màn cứu trợ của các thầy cô giáo lý viên, những khúc hoan ca, những điệu múa của các bạn giới trẻ và những màn múa lân vui nhộn làm cho cuộc thi trở nên náo nhiệt hơn. Kết thúc cuộc thi, tuy không có bạn trẻ nào được Rung chuông vàng nhưng đã tìm ra được người giải nhất – nhì – ba. Với những phần thưởng được Cha xứ và ban hành giáo xứ trao tặng. Kết thúc đêm Trung thu, tất cả các em cùng nhận quà, trên tay mỗi em là những gói bánh kẹo.

XEM HÌNH

Sự ưu ái của Cha quản xứ, sự giúp đỡ của quý ân nhân, sự nhiệt tình cộng tác và tinh thần phục vụ của các bạn giới trẻ đã mang lại cho các em thiếu nhi có những khoảnh khắc tuyệt vời nhất. Đây là dịp để các bạn trẻ trong giáo xứ thể hiện một tinh thần liên đới với Chúa Giêsu, vầng trăng rằm sáng đẹp trong gia đình Na-da-rét để trở thành một vầng trăng sáng trong cuộc đời. Tết trung thu còn là phong tục chứa đựng nhiều ý nghĩa của sự biết ơn, sự đoàn tụ, sự yêu thương. Do đó, đêm Trung thu đặc biệt này vừa và sự chia sẻ, là nguồn động viên lớn lao giúp các em thiếu nhi trong giáo xứ được lớn lên trong tình yêu Chúa và trong tình yêu anh chị em.

 
Hội Đồng hương Bình Giả Melbourne mừng bổn mạng
Trần Văn Minh
03:42 27/09/2015
Melbourne, vào lúc 2 giờ chiều Chúa Nhật 27/9/2015. Tại Nguyện đường Holy Family Centre vùng Meadow Heights. Hội Đồng hương Bình Giả đã cùng nhau về đây hiệp dâng Thánh lễ mừng Bổn mạng hội, nhân Tháng Mân Côi. Tượng Thánh Mẫu Mân Côi được trang trọng đặt bên cạnh bàn Thánh, hoa đèn với lòng thành kính của đoàn con thảo dâng lên Mẹ trong ngày lễ bổn mạng của hội. Ông Trần Đức Hạnh chào mừng quý cha và đồng hương cùng về hiệp Thánh lễ.

Mời bấm vào đây để coi hình

Thánh lễ đồng tế do Linh mục Gioan Baotixita Phan Kế Sự, Chánh xứ Hoàn Quân, GP. Xuân Lộc chủ tế, cùng Linh mục Giuse Phạm Đình Lĩnh đồng tế và đặc biệt có Ca đoàn Bình Giả, đã dùng lời ca tiếng hát Cảm tạ Thiên Chúa và ngợi khen Mẹ Maria rất Thánh là bổn mạng của hội, nâng buổi lễ thêm sốt sắng và long trọng hơn.

Trước khi cử hành Thánh lễ, Linh mục chủ tế ngỏ lời vui được gặp lại những người đồng hương tại Melbourne, vì chính ngài cũng là con dân Bình Giả, và nhân dịp mừng bổn mạng của Hội. Linh mục nhắc lại những ân sủng mà Chúa và Đức Mẹ đã ban phát, chở che cho con dân Bình Giả trong mấy chục năm qua, nhất là qua những biến cố chiến tranh mà dù thời gian có qua đi rất lâu, nhưng mãi còn in đậm trong lòng người Bình Giả, cụ thể là những trận giao tranh ngay tại Bình Giả với gần trăm trái đạn bắn thẳng vào khu dân cư đã không có trái nào nổ, như một phép lạ mà Đức Mẹ đã cứu dân Bình Giả ở giữa thập niên 1960.

Trong phần chia sẻ lời chúa, Linh mục Phạm Đình Lĩnh hân hạnh được hội mời dâng lễ, nhờ vào dịp này, mà linh mục có dịp tìm hiểu về Bình Giả, một vùng đất quê hương mà linh mục chỉ biết qua tìm hiểu trên mạng Internet về những sự kiện mà chỉ có phép lạ mới có thể chứng minh qua niềm tin.

Dịp này, cũng là dịp để người con dân Bình Giả dâng lên Thiên Chúa lời cảm tạ và nguyên xin cho Giáo Hội, cho thế giơi, cho đất nước, quê hương, cho Giáo phận Vinh, cho Bình Giả được Chuá Thương ban cho tất cả trong ơn bình an. Kết thúc Thánh Lễ, Cha chủ tế nhắc nhở mọi người sốt sắng lần chuỗi Mân Côi để cảm tạ và xin Đức Mẹ gìn giữ chúng ta.

Sau lời cám ơn của vị đại diện hội, và sau Thánh lễ, hội có tổ chức bữa ăn nhẹ để mọi người bên nhau hàn huyên tâm sự, thắt chặt thêm tình đồng hương. Hát cho nhau nghe và tổ chức vui cho các em thiếu nhi nhân dịp Trung Thu. Chúng tôi xin có mấy dòng giới thiệu đến quý độc giả về vùng đất nổi tiếng trong chiến tranh Việt Nam do Hội Đồng Hương Bình Giả gửi cho như sau:

Vài Nét về Hội Đồng Hương Bình Giả Úc Châu

Vào đầu năm 2008, nhằm mục đích tương trợ lẫn nhau về tinh thần cũng như vật chất, những người gốc Bình Giả hiện định cư tại Úc đã thành lập Hội Đồng Hương Bình Giả tại Úc.

Bình Giả là một Trại Định Cư thuộc Tỉnh Bà-Rịa (Phước Tuy), được Chính Phủ của cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm ký sắc lệnh thành lập vào cuối năm 1955, để định cư 6,445 giáo dân tiên khởi từ hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh thuộc Địa Phận Vinh, chạy trốn cộng sản từ Bắc vào Nam năm 1955 sau Hiệp Định Geneve 1954.

Con dân của Giáo Phận Vinh, đặc biệt những giáo dân Vinh định cư ở Bình Giả, ai ai cũng cảm nghiệm một cách sâu đậm tình yêu thương và sự ân cần che chở Đức Mẹ đã dành cho từng người, từng gia đình, từ những ngày phải sống dưới ách toàn trị của Cộng Sản vô thần tại Liên Khu Tư, đến những ngày tìm sự sống trong cái chết qua cuộc di cư từ Bắc vào Nam; và đặc biệt những ngày ly loạn tại Xã Bình Giả từ ngày Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm bị lật đổ năm 1963.

Không ai có thể quên việc Mẹ Maria đã gìn giữ làng Bình Giả như thế nào từ giữa thập niên 1960 đến nay.

Vào cuối năm 1963, bọn Việt cộng xua quân mưu toan đánh chiếm Xã Bình Giả, nhưng đã thảm bại trước sự chống trả quyết liệt của Quân đội Việt Nam Cộng Hoà và dân chúng Bình Giả, những người dân quê mùa chân chất, nhưng bất cộng đái thiên với bọn cộng sản vô thần. Điạ danh Bình Giả từ đó đã đi vào lịch sử của cuộc chiến chống Công Sản Bắc Việt xâm lược miền Nam.

Đặc biệt giữa đêm mùng 2 Tết Mậu Thân (Chúa Nhật ngày 18-02-1968), Việt Cộng pháo kích Bình Giả bằng súng cối 75 ly. Nhờ Mẹ Maria che chở và ra tay cứu vớt, nên 51 quả pháo chúng rót vào vào vòng đai Xã Bình Giả không một viên nào nổ, và không một ai bị chết hay bị thương; trong khi 1 quả rớt vào một căn nhà trống tại hàng 4 khóm Yên Đại (Làng 3) và những loạt pháo rớt ngoài vòng đai thì nổ tung kinh hoàng...

Vì sự chở che đặc biệt nầy của Mẹ Maria, Giáo dân Bình Giả càng vững niềm tin vào Chúa, và gia tăng lòng nhiệt thành mến yêu Mẹ.

Để cảm tạ Mẹ, và để nhắc nhở nhau thi hành Mệnh Lệnh Fatima của Me (Hãy năng lần hạt Mân Côi), Hội Đồng Hương Bình Giả tại Úc nhận Đức Mẹ Mân Côi làm Bổn Mạng.

Từ đó, hàng năm cứ đến dịp Lễ Mừng Kính Đức Mẹ Mân Côi, họ lại họp mặt để dâng lễ tạ ơn Chúa và Mẹ; để cầu nguyện cho nhau; và để cùng nhau ôn lại kỷ niệm quê hương Bình Giả thân yêu hiện đang đắm chìm trong màn đêm âm u của chủ nghĩa Cộng Sản
 
Tuần chầu lượt giáo xứ Tân Lộc & Tổng kết giáo lý hạt Cửa Lò năm học 2014 - 2015
GX Tân Lộc
12:04 27/09/2015
Tuần chầu lượt giáo xứ Tân Lộc & Tổng kết giáo lý hạt Cửa Lò năm học 2014 - 2015

Chúa Nhật 26 thường niên năm nay nằm vào tuần chầu lượt giáo xứ Tân Lộc. Trong suốt cả tuần này, từ thứ hai ngày 21/9 đến ngày cao điểm Chúa Nhật 26 TN, giáo xứ bước vào tuần chầu. Sáng thánh lễ, tối thánh lễ, cha quản xứ Giuse Phan Sỹ Phương luôn ngồi tòa giải tội vào các buổi sáng sau lễ và vào lúc 2h30’ chiều hang ngày, vì vậy đã tạo điều kiện cho giáo dân của mình có điều kiện để dọn tâm hồn bước vào tuần chầu một cách kỹ càng hơn. Hơn nữa tuần chầu lượt của giáo xứ nằm trong năm “Tân Phúc Âm Hóa Đời Sống Giáo Xứ và Các Cộng Đoàn Sống Đời Sống Thánh Hiến” và năm thánh của giáo phận “Kỷ Niệm 170 Năm Thành Lập”. Một cơ hội thúc đẩy mọi người, mỗi tầng lớp đến với Chúa Giêsu Thánh Thể để đền tạ, tri ân và thống hối trở về bên tình yêu thương của Ngài.

Xem Hình

Tuy thời gian kéo dài một tuần chầu, nhưng các ngày thứ sáu, thứ bảy là trọng tâm và đặc biệt ngày Chúa Nhật là ngày cao điểm của tuần chầu, vì vậy mà Quý cha trong và ngoài giáo hạt đã về tham dự tuần chầu đông đủ, giúp bà con giáo dân xưng tội và dâng lễ cầu nguyện. Những thánh lễ đồng tế sáng chiều, các ngày thứ sáu, thứ bảy lúc nào cũng đông các cha dâng lễ cầu nguyện cho giáo dân. Thật là hồng phúc cho giáo xứ năm nay; từ các ngày thứ năm đến Chúa Nhật, đã có khoảng 100 linh mục và Đức Cha già Phaolô Maria Cao Đình Thuyên về dâng thánh lễ cầu nguyện cho giáo xứ.

Tuần chầu giáo xứ Tân Lộc năm nay được Quý cha và Ban giáo lý giáo hạt Cửa Lò chọn làm địa điểm tổng kết giáo lý và phát phần thưởng năm học 2014 – 2015, trước thánh lễ Chúa Nhật ngày cao điểm cuả tuần chầu, đã làm tăng thêm tinh thần giáo lý trong toàn giáo hạt được khích lệ hơn lên.

Thánh lễ bế mạc vào lúc 16h ngày Chúa Nhật, trong tâm tình tạ ơn Chúa đã thương ban “ Thiên thời, địa lợi, nhân hòa” trong suốt cả tuần chầu. Tin rằng với ơn Chúa, mỗi người đều múc nguồn ơn thánh nơi Thánh Tâm Chúa Giêsu tình yêu, để sống một đời sống đức tin và đức ái trong cuộc sống đạo trên mọi nẻo đường, trong mọi hoàn cảnh, làm tô điểm hơn lên bộ mặt của Giáo Hội, cách riêng là khuôn mặt của giáo xứ ngày một tươi đẹp hơn, để đáp lại tình yêu thương của Chúa Giêsu Thánh Thể và được tiếp nạp ơn Chúa, thêm sức mạnh trên con đường lữ hành trần thế về nhà Cha.
 
Giáo xứ Hà Đông, TGP. Sàigòn- Đêm hội Trăng Rằm
An Duy – Hồng Ân
12:19 27/09/2015
Giáo xứ Hà Đông - Đêm hội Trăng Rằm

HÀ ĐÔNG - Tết Trung Thu của các em Thiếu Nhi Thánh Thể Giáo xứ Hà Đông năm 2015 năm nay diễn ra trong không khí giáo xứ vui mừng kỷ niệm 60 năm thành lập giáo xứ, cũng là dịp các em vừa bước vào khai giảng năm học “Trường Chúa Dạy”. Với những chiếc lồng đèn, trong những ngày qua thật háo hức vì các em đã được thoải mái vui chơi và múa lân bên ánh trăng rằm tháng tám.

Xem Hình

Tùng dinh dinh cắc tùng dinh dinh

Chị Hằng Nga cung trăng xuống chơi

Tùng dinh dinh cắc tùng dinh dinh

Chú Cuội ơi! cùng em múa ca…

Niềm vui Trung thu tràn ngập trên mọi miền của đất nước, hòa với niềm vui chung, Giáo xứ Hà Đông TGP. Sài Gòn tổ chức “Đêm hội Trăng Rằm” cho các em Thiếu Nhi Thánh Thể trong giáo xứ vào ngày 26/9/2015 (14/8 ÂL) vừa qua. Không khí Trung Thu đến với giáo xứ cách nay cả tuần lễ, các lớp Giáo lý tổ chức làm múa lân, làm lồng đèn, Hội chợ, ẩm thực…

Chiều thứ Bảy hôm nay, thiên nhiên ưu đãi cho các em Thiếu Nhi, trời không mưa như mấy ngày trước, có thể nói thời tiết rất đẹp. Thánh lễ mừng Tết Trung Thu do Cha Sở Gioan Bt. Vũ Mạnh Hùng cử hành, để cầu nguyện cho các em Thiếu Nhi Thánh Thể và cho Cộng đoàn giáo xứ. Ngài đã ngỏ lời và chúc mừng các em có một ngày vui thật trọn vẹn, ngài nói: “Hôm nay Chúa Giêsu rất vui thích, vì trong lễ hội Tết Trung Thu các em rước đèn và múa lân, các em đến với Chúa thật đông đảo thì chắc chắn Chúa yêu thương các em, và qua các em Chúa cũng yêu thương ông bà, ba mẹ và các anh chị em trong gia đình. Hết thảy chúng ta hãy tỏ bày niềm vui mừng “Ngày Tết Nhi đồng” bằng một tràng pháo tay thật lớn để chúc mừng tất các em thiếu nhi hôm nay. Xin Chúa biến đổi các em để luôn luôn giữ được tâm hồn trẻ thơ trước mặt Chúa..”

Chương trình Đêm Trung Thu bắt đầu bằng cuộc rước đèn qua bài ca Nhập lễ lúc 19g00. Thánh lễ diễn ra một cách trang nghiêm và sốt sắng. Qua Thánh lễ, các em Thiếu Nhi và Cộng đoàn kín múc được nhiều hồng ân của Thiên Chúa.

Trong phần chia sẻ Tin mừng trong Thánh lễ, Cha Sở chúc mừng và ngỏ lời với các em và cộng đoàn:

“…Thật là ý nghĩa khi cộng đoàn giáo xứ chúng ta mừng Tết Trung Thu năm nay hòa với Đại hội Gia đình thế giới có sự hiện diện của Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Với Thông điệp của ngài, “LAUDATO SÍ, mi' Signore – Lạy CHÚA của con, chúc tụng CHÚA” được ấn ký ngày 24/5/2015 và ban hành vào ngày thứ Năm 18/6/2015. Thế giới nào mà chúng ta muốn chuyển lại cho những người đến sau chúng ta, cho các trẻ em đang lớn lên? Thưa, thế giới đó chính là các em thiếu nhi đây, các là tương lai của Giáo Hội, là tương lai của xã hội, một thế giới chan chứa đầy hy vọng và tràn ngập niềm vui vầng trăng sáng qua biểu tượng của Tết Trung Thu được trên gắn trên ban công nhà thờ Hà Đông của chúng ta, vầng trăng rất tròn đầy, rất xinh đẹp. Xin cho tâm hồn của các em cũng luôn luôn được tươi đẹp như vậy qua việc sống ngoan hiền, học giỏi để tỏ lòng biết ơn ông bà, ba mẹ, thầy cô, các anh chị Huynh trưởng và tất cả mọi người đã dành cho các em tình thương yêu cao quý này”.

Sau Thánh lễ là chương trình: “Vui hội Trăng Rằm” của các em Thiếu nhi qua màn Múa Lân và các tiết mục Hội chợ và ẩm thực. Có thể nói, các tiết mục mà các em Thiếu Nhi và các anh chị Huynh trưởng trình bày hôm nay qua sự trợ giúp rất tích cực của HĐMVGX, quý Ân nhân và Đoàn thể rất phong phú và hấp dẫn làm thỏa thích các em Thiếu Nhi và quý vị khán giả, mặc dầu vẫn còn một vài hạn chế. Các anh chị Huynh trưởng đã dày công tập luyện cho các em để làm nên một chương trình Đêm Trung Thu rất đáng khích lệ. Tết Trung Thu, người ta thường tặng quà cho nhau. Quà thường là các hộp bánh, lồng đèn, áo quần, tiền… Và đêm nay, tất cả các em thiếu nhi tham dự “Đêm hội Trung Thu” đều nhận được quà của Cha Sở, Cha phụ tá và của Giáo xứ. Lòng vui sướng với đèn trong tay Em múa ca trong ánh trăng rằm. Nói đến đồ chơi Tết Trung Thu là phải nói đến Lồng đèn, thứ không thể thiếu để các em đi rước Trăng.

Kết thúc Đêm Hội Trăng Rằm, Cha Sở thay lời Ban Tổ chức cảm ơn các Đoàn thể và Ân nhân đã Tài trợ, quý tu sĩ nam nữ Trợ úy, HĐMVGX, Ban Giáo Lý, Ca đoàn Thiên Thần, và tất cả mọi người cách này hay cách khác đã quảng đại giúp đỡ và khích lệ các em thiếu nhi trong giáo xứ có được đêm hội này. Sau đó, tất cả các em cùng nhận quà và xem múa lân, trên tay mỗi em đều có những chiếc lồng đèn và gói bánh kẹo.

Ngày Hội Trăng Rằm của các em Thiếu nhi nơi giáo xứ Hà Đông đã khép lại, nhưng đây là dịp để lại ấn tượng sâu đậm đối với các em cũng như mọi người trong giáo xứ. Vì mọi người đều nói lên cảm nhận của mình rằng: suốt bao nhiêu năm nay, chưa bao giờ các em Thiếu nhi của giáo xứ được họp mặt đông đủ tại Nhà thờ để đón Tết Trung Thu xem múa lân vui vẻ và đầy ý nghĩa như thế này bao giờ.

Tạ ơn Thiên Chúa đã ban cho các em Thiếu nhi Thánh Thể giáo xứ Hà Đông một buổi đón Tết Trung Thu thật vui nhộn, trời tạnh ráo không mưa. Đó là sự chúc lành của Thiên Chúa dành cho các em. “Hãy để trẻ nhỏ đến với Thầy, đừng ngăn cản chúng vì Nước Trời là của những ai có tâm hồn như chúng”. Ước mong cho tuổi thơ của các em được sáng mãi như ánh trăng rằm, để các em luôn sống tươi vui trong sự yêu thương của Thiên Chúa và mọi người như chủ đề năm học giáo lý 2015 - 2016 mà các em Thiếu nhi Thánh Thể giáo xứ Hà Đông vừa khai giảng vào Thánh lễ sáng Chúa Nhật ngày 20/9/2015 vừa qua.

Bài và ảnh: An Duy – Hồng Ân
 
Giáo xứ Nhà Thờ Chính Tòa Thái Bình khai giảng năm học Giáo lý và tổ chức đón Tết Trung Thu cho Thiếu nhi
Huy Kiếm
13:01 27/09/2015
Giáo xứ Nhà Thờ Chính Tòa Thái Bình khai giảng năm học Giáo lý và tổ chức đón Tết Trung Thu cho Thiếu nhi

Chúa Nhật thứ XXVI mùa Thường niên, cũng là ngày Tết Trung Thu, cha xứ cũng là cha Tổng Đại diện F. Ass. Nguyễn Tiến Tám cùng với cha Giuse Trịnh Tiến Thành và Ban Giáo lý Giáo xứ Nhà Thờ Chính tòa (GXNTCT) Thái Bình đã tổ chức lễ Khai giảng năm học Giáo lý 2015 - 2016 và đón Tết Trung Thu cho các em Thiếu nhi.

Xem Hình

Hôm nay thật là một ngày đặc biệt đối với các em Thiếu nhi GXNTCT Thái Bình. Một ngày Chúa Nhật thời tiết rất đẹp, ngày bước vào năm học Giáo lý mới với bao háo hức mong chờ, nhưng niềm vui còn được nhân lên gấp bội bởi nhằm đúng ngày rằm tháng Tám - Tết Trung Thu của các em Thiếu nhi. Để chuẩn bị cho cuộc lễ trang trọng này, Ban Giáo lý đã có một cuộc họp cùng với cha Tổng Đại diện (cha xứ), cha Giuse Trịnh Tiến Thành - đặc trách Giáo lý GXNTCT, và quý viên chức Hội đồng Giáo xứ từ cách đó ít ngày.

Những khó khăn tưởng khó tháo gỡ, nhưng thật không ngờ, chỉ trong vỏn vẹn có một tuần lễ phát động, có biết bao tấm lòng quảng đại hy sinh đã ủng hộ, đóng góp cho các em vì tình yêu thương, muốn "dành cho các em những gì tốt đẹp nhất".

Đúng 14g30, chương trình buổi lễ Khai giảng được bắt đầu. Mở đầu là nghi thức chào cờ của các em Thiếu nhi Thánh Thể mang tên Xứ đoàn Giuse Nguyễn Duy Khang – Giáo xứ Nhà Thờ Chính Tòa. Tiếp theo, cha Giuse Trịnh Tiến Thành báo cáo tổng kết năm học 2014 - 2015. Trong bản tổng kết, cha đã nêu lên những thành quả đáng khích lệ mà Xứ đoàn đã thu lượm được trong năm học vừa qua; từ sự trưởng thành trong đức tin; nhân bản; đến những hồng ân cao cả của lớp xưng tội rước lễ lần đầu và lãnh nhận Bí tích Thêm sức. Đồng thời, cha cũng thẳng thắn chỉ ra những khuyết điểm, những vấn đề chưa làm được của Ban Giáo lý, của Thiếu nhi và của quý phụ huynh, để từ đó, rút ra những bài học, đưa ra những hướng đi và chủ đề cho năm học mới.

Tiếp đến là phần trao thưởng cho những em có thành tích xuất sắc và giỏi trong năm học Giáo lý vừa qua. Sau cùng là lời tuyên bố khai giảng năm học mới của cha Tổng Đại diện F. Ass. Nguyễn Tiến Tám. Đồng thời ngài gióng lên hồi trống thật rộn rã báo hiệu năm học mới được bắt đầu, xen vào đó là tiếng vỗ tay hân hoan của ngày khai trường.

Trên hai trăm gương mặt rạng rỡ, ánh mắt hân hoan dõi theo và lắng nghe tiếng trống khai giảng, cả nhà thờ ngập tràn trong niềm vui. Những tiết mục văn nghệ xen giữa các chương trình càng làm cho không khí của buổi khai giảng thêm phần phấn khởi vui tươi và đầm ấm.

Buổi lễ Khai giảng kết thúc, sau thời gian giải lao, các em thiếu nhi và cộng đoàn cùng bước vào thánh lễ thật trang nghiêm và sốt sắng.

Trong bài giảng, cha Giuse Trịnh Tiến Thành đã nhấn mạnh đến những hồng ân cao cả mà Chúa ban cho mỗi người, cũng như mỗi thiếu nhi. Chúng ta có mắt sáng để nhìn, có tai tinh để nghe, có chân tay khỏe mạnh, lành lặn, có đầu óc minh mẫn để nhận biết…chúng ta may mắn hơn rất nhiều người phải đang chịu những khiếm khuyết. Chúng ta phải biết cảm tạ hồng ân Chúa. Phải biết công lao cha mẹ, thầy cô đã vất vả nuôi dưỡng, chăm sóc và dạy ta nên người. Bên cạnh đó, cha cũng nêu rõ vai trò của cha mẹ, của gia đình trong việc giáo dục con cái. Gia đình là trường học đầu tiên và cha mẹ là những người thầy đầu tiên trong cuộc đời của con cái. Cha mẹ không chỉ cần để đáp ứng cho con những nhu cầu vật chất mà quan trọng và cần thiết hơn là phải biết kiên nhẫn lắng nghe, phải biết thấu hiểu tâm tư, tình cảm của con mình… Cuối cùng, cha phát động chủ đề năm học mới: "Em học cùng Chúa Giê-su". Mong rằng trong năm học mới, các em Thiếu nhi siêng năng học hỏi để các em được lớn khôn về thể xác cũng được lớn khôn về đời sống tinh thần, đời sống đức tin hơn những năm qua.

Kết thúc lời nguyện hiệp lễ, một em Thiếu nhi đại diện nói lời cảm ơn cha Tổng Đại diện, cha Đặc trách Giáo lý, quý viên chức Hội đồng Giáo xứ, quý thầy cô GLV và những tấm lòng quảng đại đã hy sinh để các em có ngày lễ Khai giảng và Trung thu thật vui và ý nghĩa.

Sau Thánh lễ, các em thiếu nhi được vui Trung Thu với chị Hằng, chú Cuội qua nhiều tiết mục văn nghệ vui nhộn tại sân cuối Nhà thờ. Cuộc vui chơi lúc này không còn phân biệt về niềm tin tôn giáo, nên còn có sự góp mặt của các em nhỏ lương dân và quý phụ huynh. Những quả bóng bay đủ sắc màu, những tấm bánh trung thu, những món ăn hấp dẫn cùng sự quan tâm của mọi người làm niềm vui của em thật trọn vẹn trong dịp đón Tết Trung Thu 2015.

Huy kiếm
 
Phóng sự Trung Thu vui nhộn tại GX DMHCG Garland TX
Trần Mạnh Trác
15:38 27/09/2015
Xem hình ảnh

Mặc dù bận theo dõi cuộc tông du Hoa Kỳ cuả DTC Phanxicô, chúng tôi cũng không thể bỏ qua buổi văn nghệ mừng Trung Thu vào tối thứ Bảy tại Gx DMHCG được. Năm ngoái chúng tôi đã có phóng sự cuả hầu hết các Gx trong vùng, ngoại trừ Gx DMHCG là giáo xứ nhà, bởi vì năm ngoái Gx không tổ chức Trung Thu. Năm nay có dịp, chúng tôi đã bỏ hết mọi công chuyện mà vác máy tới hội trường...

Lúc 6g chiều thì còn hơi sớm, hội trường vắng, có một vài phụ huynh dẫn con em tới sớm để giành chỗ, và mua đồ ăn thoải mái.

Đúng 7g, tết Trung Thu bắt đầu với một màn muá lân và sau đó là văn nghệ.

Bà con kéo tới mỗi lúc mỗi đông và chẳng mấy lúc hội trường đã chật.

Đoàn TNTT đã có một chương trình văn nghệ rất công phu với nhiều tiết mục 'dân tộc' như sự tích thằng bờm, cây khế vàng v.v. Những vở kịch thì là chuyện VN nhưng lại diễn bằng tiếng Anh cho nên các em bé lớn đều hiểu cả, và có vẻ thích thú lắm, hoan hô vang dội và nhiều khi còn rú lên nữa !

Nhưng hồi hộp nhất vẫn là pha 'thi' đèn Trung Thu. Nhiều bộ đã đèn được đem ra, cầu kỳ có, mà đơn sơ cũng có.

"Đèn này ai làm vậy?" Cha phó hỏi một em dự thí mang chiếc đèn có hình chiếc áo TNTT.

"Thưa Cha, mẹ con làm" em trả lời, em khoảng 7,8 tuổi gì đó, không dám nói giối Cha.

"Thế thì con phải làm cái gì chứ?"

Không biết em lí nhí trả lời ra sao, nhưng sau đó tôi nghe cha Phó hô lên :"Hãy cho em...một tràng pháo tay vì em đã giúp mẹ làm đèn"...

Một chiếc lồng đèn khác có hình chiếc thuyền, DGH Phanxicô đứng ở mũi thuyền và cha xứ đứng dưới tháp chuông giữa thuyền.

"Đây là GX DMHCG đấy !" em hãnh diện nói.

Gx DMHCG, ở Garland, ở cách xa bờ biển 400 dặm lận, nhưng em mô tả giáo xứ đang ở trên một chiếc thuyền đi biển...thôi cứ xem đó là hình bóng cuả con thuyền Giáo Hội.

Có hình DGH và cha xứ ở trên thuyền, "khéo nhỉ? chắc có ý 'đút lót' gì đây?" Có người nói đuà. Cũng may là cha xứ không làm giám khảo.

"Ai làm vậy con?" Cha Phó hỏi. "Thưa ông con làm..."
...
"Cho một tràng pháo tay...." Cha phó lại nói.

Và cứ như thế... hai chiếc thuyền và chiếc áo được trúng giải nhất và nhì...

Kết luận, các em đã có một buổi chiều Trung Thu với nhiều ý nghiã và vui nhộn, được phát lồng đèn và bánh kẹo dư thừa và .. các bậc phụ huynh cũng có một buổi chiều thỏai mái, bấm máy lia chia và quay video loạn cào cào.
 
Kỷ Niệm 5 Năm Hoạt Động Của Caritas Giáo Phận Hưng Hóa
BTT GP. Hưng Hóa
17:36 27/09/2015
Kỷ Niệm 5 Năm Hoạt Động Của Caritas Giáo Phận Hưng Hóa

WGPHH: kỷ niệm 5 năm hoạt động của Caritas Giáo phận Hưng Hóa được tổ chức từ ngày 23 – 24.09.2015 tại giáo xứ Ro Lục, thuộc xã Hương Lung, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ.

Ngay từ sáng ngày 23.09.2015, khuôn viên Nhà thờ giáo xứ Ro Lục đã rộn ràng tưng bừng không khí của ngày lễ. Bắt đầu từ lúc 13g00, Ban tổ chức và các cộng tác viên tất bật với công việc đón tiếp các đại biểu và khách mời đến từ khắp các giáo xứ trong giáo phận. Về tham dự lễ kỷ niệm có:

Xem Hình

1. Đức Cha Gioan Maria Vũ Tất – Giám mục Giáo phận Hưng Hóa.

2. Cha Vinhsơn Vũ Ngọc Đồng – Giám đốc Caritas Việt Nam.

3. Cha Gioan Baotixita Vũ Văn Kiện – Giám đốc Caritas Hải Phòng cũng là đại diện cho Caritas Giáo tỉnh Hà Nội.

4. Quý cha thuộc Caritas Giáo phận Bùi Chu.

5. Quý cha thuộc Caritas Giáo phận Vinh.

6. Cha Giám đốc Caritas Phaolô Nguyễn Quốc Anh cùng Quý cha trong Giáo phận Hưng Hóa.

7. Quý nữ tu Dòng Mến Thánh Giá Hưng Hóa, Dòng Con Đức Mẹ Phù Hộ, Dòng Thánh Phaolô, Dòng Mến Thánh Giá Hà Nội, Dòng Đaminh và Mân Côi Bùi Chu cùng đông đảo các thành viên Caritas đến từ các giáo xứ trong khắp giáo phận.

Đúng 14g30 ngày 23.09.2015, tại hội trường giáo xứ Ro Lục, chương trình hội thảo tập huấn dành riêng cho các thành viên của Ủy ban Bác ái Xã hội Caritas trong toàn giáo phận được bắt đầu với bài cử điệu sôi động do các em giới trẻ giáo xứ Ro Lục thể hiện. Dưới sự hướng dẫn của Cha cố Piô Ngô Phúc Hậu và cha Phaolô Nguyễn Quốc Anh – Giám đốc Caritas Hưng Hóa, các thành viên tích cực lắng nghe và học hỏi để trau dồi kiến thức cũng như kinh nghiệm trong công tác bác ái xã hội.

Sau giờ hội thảo sôi nổi và ý nghĩa, tất cả các thành phần tham dự cùng gặp gỡ, giao lưu với nhau trong bữa cơm thân mật và ấm cúng tại phòng hội của giáo xứ Ro Lục. Trong bữa cơm này còn có sự hiện diện của quý dì và các em Tân đệ tử Dòng Mến Thánh Giá Hưng Hóa cũng như các bạn trẻ giáo xứ Phượng Vĩ và các ca sĩ chuyên nghiệp như: Duy Quyết, Hải Nam, Vĩ Cầm. Đây cũng chính là các diễn viên sẽ góp mặt trong đêm văn nghệ hôm nay. Các diễn viên này đã gửi tặng cộng đoàn những bài hát rất hay và ý nghĩa, đặc biệt là tiết mục hát xoan mời rượu của cha Giuse Nguyễn Văn Hạnh và các bạn trẻ Giáo xứ Phượng Vĩ.

Sau bữa cơm chiều thân mật, cộng đoàn cùng tham dự Thánh lễ do cha Vinhsơn Vũ Ngọc Đồng – Giám đốc Caritas Việt Nam chủ tế và quý cha trong giáo phận đồng tế. Thánh lễ được cử hành cách sốt sáng với sự tham dự của đông đảo các thành viên Caritas trong toàn giáo phận cũng như bà con giáo xứ Ro Lục.

Tiếp sau Thánh lễ sốt sáng, cha Giuse Nguyễn Gia Huấn khai mạc chương trình văn nghệ chúc mừng chặng đường 5 năm hoạt động của Caritas Giáo phận Hưng Hóa. Với sự tham gia nhiệt tình và giọng hát vô cùng truyền cảm của ba ca sĩ trẻ: Duy Quyết, Hải Nam và Vĩ Cầm; cộng đoàn đã được thưởng thức những bài thánh ca tuyệt vời cùng tình cảm dạt dào của những người con Giáo phận Hưng Hóa thân yêu. Các em thiếu nhi và giới trẻ giáo xứ Ro Lục đã làm nóng không khí của đêm văn nghệ với những vũ điệu trẻ trung, sôi động và một vở kịch ngắn sâu sắc, đầy tính nhân văn. Các em Tân đệ tử Dòng Mến Thánh Giá Hưng Hóa đưa cộng đoàn đến với một thực trạng đau lòng trước nạn phá thai của xã hội hôm nay, qua tiết mục múa “Khát vọng sống” vô cùng xúc động. Trên nền nhạc da diết của bài hát “Thoát thai”, tiết mục “Khát vọng sống” như một tiếng chuông vang lên đánh thức lòng người đang ngủ quên trong vô cảm và hư danh: Hãy chỗi dậy! Hãy cùng nhau chung sức “bảo vệ sự sống”, bảo vệ quyền làm người của các thai nhi bé nhỏ, vô tội. Qua giai điệu sâu lắng của bài hát “You raise me up”, “Khát vọng sống” cũng thể hiện những công việc mà Caritas Hưng Hóa đã và đang làm trong những năm qua; đồng thời gửi tới cộng đoàn một thông điệp: Hãy tích cực cộng tác với Caritas và chung tay nâng đỡ những anh em bé nhỏ, bất hạnh đang bị lãng quên, bị gạt ra lề xã hội. Mỗi người hãy trở thành cánh tay nối dài của Thiên Chúa để xoa dịu đau khổ, sẻ chia và nâng đỡ anh chị em đồng loại của mình bằng tình yêu và sự dịu hiền của Thiên Chúa là Cha đầy lòng nhân ái. Gần cuối chương trình văn nghệ, các bạn trẻ Giáo xứ Phượng Vĩ mời cộng đoàn đến với một di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO công nhận, đó chính là điệu hát xoan truyền thống vô cùng độc đáo của quê hương Phú Thọ. Đêm văn nghệ kết thúc trong niềm vui rộn ràng với những ấn tượng rất tốt đẹp.

Ngày 24.09.2015, các chương trình mừng kỷ niệm 5 năm hoạt động của Caritas Hưng Hóa tiếp tục được diễn ra cách tốt đẹp. Cụ thể, vào lúc 8g00, tại hội trường giáo xứ Ro Lục đã diễn ra Hội nghị tổng kết và nhìn lại chặng đường 5 năm hoạt động của Caritas Hưng Hóa. Mở đầu, cha Phêrô Nguyễn Đình Đền – MC của chương trình đã mời toàn thể Hội nghị thưởng thức các vũ điệu và màn nhảy sạp sôi động do các em giới trẻ Giáo xứ Ro Lục thể hiện.

Tiếp đến, cha Phaolô Nguyễn Quốc Anh – Giám đốc Caritas Hưng Hóa đã lên đọc diễn văn và tuyên bố khai mạc “Kỷ Niệm 5 Năm Hoạt Động Của Caritas Giáo Phận Hưng Hóa” trong tiếng vỗ tay vang dội của các tham dự viên. Niềm vui như được nhân lên cùng những lẵng hoa chúc mừng Caritas đón nhận từ các giáo phận bạn và Hội Doanh Trí Giáo phận Hưng Hóa.

Sau đó, cha Vinhsơn Vũ Ngọc Đồng – Giám đốc Caritas Việt Nam đã có bài phát biểu và chia sẻ rất sâu sắc với Hội nghị, giúp các tham dự viên hiểu rõ hơn về Caritas và những hoạt động mà Caritas Việt Nam đã nỗ lực thực hiện trong nhiều năm qua. Tiếp theo, cha Gioan Baotixita Vũ Văn Kiện – Giám đốc Caritas Hải Phòng, cũng là đại diện của Caritas Giáo tỉnh Hà Nội đã phát biểu trước Hội nghị với những suy tư qua ba từ: Vui mừng, Lo âu và Hi vọng. Cha thấy vui mừng trước sự lớn mạnh và những thành quả mà Caritas Hưng Hóa đã đạt được trong 5 năm qua; song cha cũng thấy lo âu vì những nhu cầu rất lớn và những khó khăn, thách đố với Caritas Hưng Hóa trong bối cảnh của một giáo phận nghèo có diện tích rộng lớn nhất Việt Nam; nhưng cha vẫn hi vọng một chặng đường tương lai tốt đẹp cùng sự phát triển không ngừng về nhân sự, tài lực của Caritas Hưng Hóa trong những năm tới. Tiếp đến, cha Phaolô Nguyễn Quốc Anh – Giám đốc Caritas Hưng Hóa đã giới thiệu một cách tổng quan về Giáo phận Hưng Hóa và tổng kết hoạt động trong 5 năm qua của Caritas giáo phận nhà, bằng những phần mềm trình chiếu sinh động trên màn hình lớn, giúp các tham dự viên theo dõi dễ dàng hơn. Qua bản tổng kết, toàn thể Hội nghị đã thấy được những hoạt động và những thành quả mà Caritas giáo phận đã cố gắng nỗ lực làm được trong suốt chặng đường 5 năm vất vả, gian lao. Dù phải đối mặt với biết bao khó khăn, thách đố từ nhiều phía nhưng các thành viên Caritas Hưng Hóa không nản chí, sờn lòng mà luôn kiên trì, vững bước tiến về phía trước. Cùng với ơn Chúa và lòng quyết tâm thực thi đức bác ái Kitô giáo, đem tình yêu và sự nâng đỡ của Chúa đến với những người bất hạnh; Caritas Hưng Hóa đã dấn thân phục vụ tận tình và trở thành cầu nối tuyệt vời giữa anh chị em kém may mắn trong xã hội và các tổ chức, cá nhân có tấm lòng bác ái trong và ngoài nước. Qua 5 năm hoạt động, Caritas Hưng Hóa đã giúp cho hàng trăm gia đình nghèo ổn định cuộc sống, hàng ngàn học sinh nghèo được tiếp tục đến trường và rất nhiều bệnh nhân, người già neo đơn, người khuyết tật, người cơ nhỡ được sẻ chia, nâng đỡ về cả tinh thần lẫn vật chất.

Sau bản tổng kết của Caritas, Đức Cha Gioan Maria Vũ Tất – Giám mục Giáo phận Hưng Hóa đã chia sẻ tâm tình với Hội nghị. Ngài nhấn mạnh và nhắn nhủ với Caritas Hưng Hóa, ngoài việc nhận sự trợ giúp từ bên ngoài, cũng cần chú ý vận động nguồn nội lực bên trong giáo phận và chuẩn bị nhân sự sẵn sàng đáp ứng nhu cầu phục vụ trong tương lai. Ngài cũng kêu mời và ước mong mỗi người kitô hữu đều là một ủy viên của Caritas, để cùng nhau thực thi đức ái Kitô giáo đúng như bản chất của Giáo Hội đòi hỏi. Hội nghị tổng kết khép lại trong tâm tình tạ ơn Thiên Chúa, tri ân quý ân nhân và quý khách đã tham dự.

Thánh lễ đồng tế

Sau Hội nghị tổng kết là Thánh lễ tạ ơn do Đức Cha Gioan Maria Vũ Tất chủ tế, được cử hành lúc 10g35, với khoảng 30 cha trong và ngoài giáo phận đồng tế cùng sự tham dự của Quý nữ tu và đông đảo cộng đoàn dân Chúa. Trong bài giảng lễ, cha cố Pio Ngô Phúc Hậu nhấn mạnh đến chứng từ của tình yêu và lòng bác ái. Qua bài Tin mừng, cha chỉ rõ cho cộng đoàn thấy tiêu chuẩn duy nhất để Thiên Chúa phán xét một con người chính là lòng bác ái “mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25, 40) và “mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy” (Mt 25, 45). Công việc Caritas đã và đang làm là những công việc không chỉ làm cho người nghèo mà chính là làm cho Thiên Chúa vì Thiên Chúa yêu người nghèo, Thiên Chúa hiện diện nơi người nghèo. Thánh lễ kết thúc trong lời tạ ơn chúc tụng Thiên Chúa và ước nguyện cho Caritas Hưng Hóa ngày càng lớn mạnh và phát triển không ngừng để tôn vinh Thiên Chúa và giúp ích cho anh chị em đồng loại, đặc biệt là những người bé nhỏ, những người kém may mắn trong xã hội.

“Lễ Kỷ Niệm 5 Năm Hoạt Động Của Caritas Giáo Phận Hưng Hóa” đã diễn ra cách tốt đẹp, để lại nhiều ấn tượng trong lòng người tham dự. Chặng đường 5 năm hoạt động tuy chưa dài nhưng cũng đủ để đánh dấu một bước tiến quan trọng của Caritas Hưng Hóa và cũng là một chặng dừng đầy ý nghĩa để Caritas Hưng Hóa nhìn lại quãng đường đã qua với tâm tình tạ ơn Thiên Chúa, cám ơn các tổ chức, cá nhân đã, đang và sẽ tiếp tục quảng đại giúp đỡ, chung tay với Caritas. Chúc Caritas Hưng Hóa ngày càng lớn mạnh và gặt gái được nhiều thành quả trong chặng đường tiếp theo.
 
Gia đình Phạt tạ Thánh Tâm TGP Sàigòn: Khóa thường huấn đợt II 2015
Văn Minh
17:49 27/09/2015
Gia đình Phạt tạ Thánh Tâm TGP Sàigòn: Khóa thường huấn đợt II 2015

Nhằm nâng cao và trang bị những kỹ năng căn bản cần thiết cho Ban Chấp hành (BCH) các cấp, cũng như các đoàn viên trong Gia đình Phạt tạ Thánh Tâm (GĐPTTT) đi đúng hướng và sinh hoạt theo nội qui của đoàn thể, vào lúc 8g30 sáng thứ Bảy, ngày 26.09.2015, BCH GĐPTTT TGP TPHCM đã tổ chức buổi thường huấn đợt 2, tại hội trường giáo xứ Hòa Hưng, giáo hạt Phú Thọ: số 104 Tô Hiến Thành, phường 15, quận 10, TPHCM.

Xem Hình

Đến tham dự buổi thường huấn có sự hiện diện của cha Giuse Phạm Bá Lãm, hạt trưởng hạt Phú Thọ, cha Giuse Nguyễn Quốc Thắng, linh hướng GĐPTTT giáo hạt Bình An, quý ông cố, cùng trên 400 đoàn viên đến từ các giáo hạt: Phú Thọ, Chí Hòa, Bình An, Sài Gòn - Chợ Quán, Tân Định, Thủ Thiêm, Tân Sơn Nhì và Xóm Chiếu.

Mở đầu buổi thường huấn, các đoàn viên đã cùng nhau đọc kinh khai mạc và cầu xin ơn “Chúa Thánh Thần”. Sau đó, cha Giuse Phạm Bá Lãm lên ngỏ lời chào mừng quý đoàn thể. Đồng thời, chúc cho buổi thường huấn của TGP đạt được kết quả tốt đẹp.

Tiếp theo, cha Giuse Nguyễn Quốc Thắng giảng huấn với chủ đề: Sự đồng hành của hàng Giáo phẩm đối với đoàn thể.

Theo Giáo Hội, hàng Giáo phẩm gồm có: Đức Giáo Hoàng, Đức Hồng Y và các Đức Giám Mục, hàng giáo sĩ là các linh mục và phó tế, cùng những người sống đời tu trì, nhưng chưa có chức thánh, còn lại là giáo dân.

1. Đoàn thể Công Giáo Tiến hành là gì? Đối với mỗi người giáo dân, họ có vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng và phát triển Giáo Hội. Một đoàn thể Công Giáo Tiến hành gồm có 4 yếu tố:

- Là các hội đoàn mà trong đó các hội viên đều là người Công Giáo.

- Được Giáo Hội phê chuẩn.

- Sinh hoạt với mục đích thánh hóa hội viên đoàn sủng cá biệt trong hội đoàn.

- Hoạt động tông đồ loan báo Tin Mừng dưới sự lãnh đạo của giáo quyền địa phương.

2. Sự đồng hành của hàng Giáo phẩm với các đoàn thể. Giúp cho các đoàn viên đi đúng hướng, đồng thời giúp họ thánh hóa bản thân và gia đình, biết yêu thương và giúp đỡ những người nghèo khổ, người bất hạnh. Sống theo linh đạo trong đoàn thể chính là con đường đưa các đoàn viên đi đến chân – thiện – mỹ và thắp sáng lên ngọn lửa yêu mến Thánh Tâm trong lòng mọi người. Đồng thời, truyền nhiệt huyết, hăng say cho đoàn thể trong sứ vụ tông đồ.

3. Bổn phận các đoàn viên GĐPTTT đối với hàng Giáo phẩm. Tất cả các đoàn viên trong GĐPTTT phải vâng phục giáo quyền; cụ thể như: tham gia các buổi họp hằng tháng của xứ đoàn, những giờ tôn vương tại các gia đình và tham gia các khóa huấn luyện do BCH Giáo phận tổ chức. Bên cạnh đó, chúng ta cũng phải biết quan tâm và giúp đỡ mọi người. Ngoài ra, các đoàn viên cũng phải thường xuyên cầu nguyện cho hàng Giáo phẩm, Giám mục giáo phận của chúng ta, để các ngài đồng hành với chúng ta và cùng với chúng ta xây dựng và mở rộng Nước Chúa.

Sau bài giảng huấn, Ban Tổ chức dành 30 phút để trả lời các câu hỏi xoay quanh trong Nội Quy, cách tổ chức sinh hoạt trong đoàn thể; những thuận lợi, khó khăn, đang vướng mắc thực tế trong các xứ đoàn; làm thế nào để duy trì và phát triển xứ đoàn… Dựa theo đường lối của Giáo Hội, tôn chỉ-mục đích-linh đạo của GĐPTTTVN, Cha Giuse Nguyễn Quốc Thắng đã giải đáp và giải thích từng trường hợp cụ thể mọi câu hỏi được đưa ra.

Sau giờ giải lao, lúc 10g00, anh Giuse Huỳnh Bá Song, Trưởng ban Chấp hành GĐPTTT chia sẻ về kỹ năng và cách điều hành buổi họp, làm sao đem lại buổi họp sinh động và hiệu quả. Nhân đây, anh Trưởng ban chia sẻ thêm: nhân chuyến đi hành hương xuyên Đông Dương, đoàn đi qua nước bạn Lào. Tại Tòa Giám mục, đoàn được quý Đức Cha, quý soeur tiếp đón rất thân tình. Qua đây, quý soeur cũng chia sẻ về những khó khăn đang gặp phải. Trong giờ phụng vụ, cuốn sách kinh quý soeur cầm trên tay dầy khoảng 30 phân và rất nặng. Trong khi đó, nguồn tài chính thì rất eo hẹp, số giáo dân bên nước Lào theo Kitô giáo rất ít, đa phần là người lương dân. Đời sống người Công Giáo còn gặp nhiều khó khăn. Qua đây, anh Trưởng ban mời gọi tất cả quý đoàn viên GĐPTTT TGP, của ít lòng nhiều tùy theo khả năng mỗi người hiệp cùng BCH in lại cuốn sách kinh sao cho nhỏ gọn để gởi qua cho quý soeur trong thời gian sớm nhất, dự kiến kinh phí để in lại những cuốn sách đó khoảng trên một trăm triệu đồng.

Tiếp theo, anh Đaminh Phan Văn Hùng, Trưởng ban tuyên huấn lên hướng dẫn cách cầm cờ đoàn trong khi đi rước, cũng như trong nghi thức tuyên hứa cho đúng cách và cùng được thống nhất trong đoàn thể.

Buổi thường huấn kết thúc bằng 30 phút chầu Thánh Thể tại giáo xứ Hòa Hưng, và ra về lúc 11g30 cùng ngày. Mọi thành viên và BCH GĐPTTT thầm lặng tạ ơn Chúa đã cho chúng ta được tham dự khóa thường huấn này. Đồng thời, cũng là dịp để chúng ta gặp lại nhau và khám phá tình yêu huyền nhiệm tận hiến của Đức Kitô nơi bí tích Thánh Thể, cùng được nghe những lời giáo huấn và đường lối của Chúa. Để từ đây, những người tông đồ nhiệt thành yêu mến Thánh Tâm Chúa Giêsu tiếp tục lên đường đi loan báo Tin Mừng.
 
Văn Hóa
Thăm kinh thành Venice nổi danh với nhiều cái Nhất Thế Giới
Lm Trần Công Nghị
07:06 27/09/2015
Tầu du lịch Zuiderdam bắt đầu vào vịnh Venice lúc 9:30 sáng ngày 25/9/2015, Captain mời du khách lên tầng 10 đứng ở lan-can hay vào phòng quan sát để nghe thuyền trưởng bình luận và giải thích cảnh vật xung quanh khi con tầu đang tiến vào Venice. Tuy đã hơn 9:30 sáng, nhưng bầu trời có mây và sương mù bao phủ nên cảnh vật chung quanh xem không được tốt lắm. Tuy nhiên đứng ở lầu 10 trên tầu du lịch quan sát được mọi thứ trong toàn cảnh thành Venice. Phải nói là cuộc "vào thành vinh quang hoành tráng"!.



Hình ảnh

Tầu đi chậm chậm nên phải mất hơn 1 giờ mới cập bến Venice, đang khi đó các canô nhỏ, thuyền buồm và những ghe máy được các bạn Í-tả-lồ lái rất bay bướm vuợt qua lướt lại dưới bóng tầu du lịch.

Khi tầu du lịch cập bến xong, chúng tôi nghỉ ngơi, ăn trưa xong, rồi lấy tầu nhỏ hơn đi chu du qua các con kênh và chu vi thành phố cho biết. Trên trời vẫn còn nặng trĩu mây, nhưng đường chân trời thành phố Venice vẫn hiện rõ nét với cả trăm ngọn tháp cao, lớn nhỏ khác nhau... Tôi đã từng đi thăm nhiều thành phố, nhưng có lẽ chưa có thành phố nào có nhiều tháp chuông và nhà thờ chi chít như ở Venice.

Tầu nhỏ chở chúng tôi một vòng quanh qua các đảo chính của thành phố... Tha hồ mà chụp hình... Tất cả các nhà thờ và tháp chuông, cũng như những dinh thự nguy nga đều hiện ra bên hai bờ sông cho khách chiêm ngưỡng. Vì quá nhiều nhà thờ, nên không thể nhớ hết các tên các nhà thờ được. Tuy nhiên khi nói về Venice không thể không nói tới nhà thờ thánh Marcô, tháp chuông và công trường nhà thờ chính tòa này. Từ tầu nhỏ nhìn vào công trường thấy từng tốp ngưòi đông đúc, nhóm này nối đuôi theo nhóm khác.

Một ngày thăm viếng Venice với cảnh quan toàn diện, tôi nói với mình "nhất định ngày mai sẽ cuốc bộ đi chu du một vòng nữa cho biết và hy vọng trời sẽ đẹp hơn".

Hôm sau, ăn điểm tâm xong, tôi sửa soạn hành tranh tiến vào thành phố. Dù có bản đồ chi tiết về đường xá và các dinh thự của thành phố, nhưng khi vào thực tế thì khó mà nhận định ra các con đường. Tất cả các đường hay kênh trong thành đều xem ra có vẻ quanh co vòng vèo, do vậy tôi quyết định, cứ nhìn xem khi nào thấy tháp cao nhà thờ thì mình theo hướng đó tiến tới. Do vậy tôi đã đi thăm được nhiều nhà thờ.

Khi ra khỏi nhà thờ mốn biết hướng nào mình sẽ đi tới thì chỉ cần nhìn các góc đường thế nào cũng có chữ "per San Marco" với mũi tên, và cứ vậy mà đi.

Qua các con đường tiến về công trường San Marco, người đi như nước chảy, tuy đường hẹp, nhưng các cửa hàng dù nhỏ cũng luôn được trang trí rất nghệ thuật và bắt mắt. Đa phần là các tiệm bán quần áo thời trang, đồ bằng da, giầy, các tiệm bán sản phẩm thủy tinh, vải vóc và nhất là vải trang trí mắc tiền, các tiệm bán đồ kỉ niệm.

Nói đến Venice không thể không nói đến các Hotel sang trọng và các quán ăn đắt tiền. Đi trên bờ Grand Canal (Kênh Lớn) du khách sẽ thấy nhiều nhà hàng với các bàn ăn được trang trí hoa tươi, tiếp viên lịch sự, đặc sản cá vùng Venice được trình bầy bắt mắt với miệng cá còn mở toang ra chào khách, những con cua to bằng bàn tay, những con tôm hùm càng còn bị trói chặt... cho khách tự lựa chọn.

Một trong những đặc sản rất gần gũi với người Việt mà tôi chưa từng thấy ở nơi khác là cả một khe hoa bí và hoa mướp được trưng rất mời gọi ngay trước bàn ăn... Hoa bí xào với "đùi ếch" hay với "ba ba" hoặc là "mực non với tỏi thêm chút rượu vang vàng" đưa lên chiếc "gondola" vừa lai rai vừa ngắm cảnh thì hết xẩy!

Vừa bước đi và vừa suy nghĩ miên man như vậy rồi tôi đã tới công trường thánh Marcô lúc nào không biết! Trước mặt cả là một rừng người... Tuy nhiên vì nhiều nơi trên bề mặt công trường có nước bao phủ, nên du khách tránh những vùng nước đọng này. Một vài tiệm ăn lớn có nhạc công đang thi thố tài năng cho khách thưởng thức, đang khi đó các nhóm du lịch khác nhau đang được các hướng dẫn viên giải thích... qua đây là nhóm tiếng Ý, tới kia là tiếng Đức, tiếng Anh, rồi chỗ kia là nhóm Tầu, nhóm Nhật,... và nhiều thứ tiếng nghe mà chẳng hiểu, nhìn mà không biết, có lẽ là Ả rập?

Nói về Venice, về những kỳ công kiệt tác ở đây, những nghệ thuật và truyền thống, nói về ăn uống và đồ làm kính hay chai mầu... các đặc sản thì không bao giờ đủ...

Venice là một trong những điểm du lịch quan trọng nhất trên thế giới về nghệ thuật nổi tiếng của mình và kiến trúc. Thành phố có trung bình 70.000 khách du lịch mỗi ngày và mỗi năm có tới trên 3 triệu lượt Nó được coi là một trong những thành phố đẹp nhất thế giới.

Tuy nhiên, Venice vì là điểm đến du lịch lớn trên toàn thế giới cũng đã gây ra một số vấn đề, bao gồm cả thực tế là thành phố có thể rất đông đúc tại một số điểm trong năm. Sự cần thiết để cân bằng thu du lịch tàu biển với bảo vệ kênh đào mỏng manh của thành phố Venice đã là bài toán nhức đầu cho chính quyền sở tại. Bộ Giao thông vận tải Ý đề nghị lệnh cấm trên tàu du lịch lớn đến thăm thành phố, nhưng điều này sẽ gây khó khắn cho kinh tế của thành phố. Thành phố cũng đang xem xét một lệnh cấm những vali có bánh xe, khi lội trên các con đường sẽ làm rung chuyển nền tảng của Venice, nhưng giải quyết về việc cấm vali có bánh xe sẽ làm khó khăn cho việc vận chuyển đồ đạc và hàng hóa...

Nói về Venice không thề không nói về yếu tố quan trọng là nước, các kênh và thuyền gondola.

Venice được xây dựng trên một quần đảo gồm 117 hòn đảo được hình thành bởi 177 kênh nước, được kết nối bởi 409 cây cầu. Trong các trung tâm cũ, những kênh đào nhằm phục vụ cho việc giao thông, và gần như tất cả các hình thức vận chuyển đều ở trên mặt nước hoặc là đi bộ.

Trong thế kỷ 19, một đường đắp cao nối đại lục từ nhà ga Venezia Santa Lucia đến Venice, và con đường đắp cao có tên Ponte della Libertà dẫn đến chỗ đỗ xe tại đảo Tronchetto và ở Piazzale Roma được xây dựng trong thế kỷ 20. Vượt ra ngoài đường và đất đường sắt lối vào ở rìa phía bắc của thành phố, giao thông vận tải trong phần còn lại của thành phố hoàn toàn bằng đường nước hoặc đi bộ. Venice là thành phố hoạt động duy nhất trong thế kỷ 21 hoàn toàn không có ôtô hay xe tải.

Các thuyền người Venetian cổ điển có tên là gondola, (số nhiều: Gondole) ngày nay chủ yếu sử dụng cho các khách du lịch, hoặc cho đám cưới, đám tang, các nghi lễ khác, hoặc là 'traghetti' (hát chèo thuyền traghetto khi qua các kênh.

Nhiều gondola được trang bị ghế nhung và và thảm Ba Tư cho khách du lịch thưởng ngoạn. Ít được biết đến là thuyền nhỏ hơn được gọi là "sandolo". Ở phía trước của mỗi thuyền gondola có một biểu tượng của thành phố, đó là một mảnh kim loại lớn làm bằng cốt thép hoặc sắt. Hình dạng của nó đã phát triển qua nhiều thế kỷ, như tài liệu trong nhiều bức tranh nổi tiếng. Hình thù của nó, biến đổi qua thời gian, nhưng dần dần đã được tiêu chuẩn hóa: tượng trưng bằng hình chiếu mũ của "Duce - thủ lãnh". Nó bao gồm sáu thanh hướng về phía trước đại diện khu Sestieri của thành phố, và một trong thanh đại diện cho khu Giudecca.

Vài dòng lịch sử thành Venice

Tôi đã cố gằng thu thập những dữ kiện từ nhiều nguồn và muốn trình bày cho anh chị em độc giả VietCatholic những nét chính về kinh thành nổi tiếng này như sau.

Thành Venice (tiếng Ý là Venezia, và tiếng Latin gọi là Venetiae) là một thành phố ở đông bắc Italy, gồm một nhóm 117 hòn đảo nhỏ cách nhau bởi kênh rạch và được liên kết bằng cầu, nó nằm ở giữa các cửa sông Po và sông Piave. Venice nổi tiếng là thành phố trên nước với vẻ đẹp thơ mộng với các kiến trúc tinh xảo và nhiều tác phẩm nghệ thuật, và một thời là đế chế hùng mạnh nhờ lực lượng thủy quân và những đội chiến thuyền trội vượt nên đã bá chủ một miền rộng lớn khắp vùng Andriatic sang tận miền Trung Đông và Merritarenian. Trở thành đế chế hùng mạnh và là thành phố giầu có nhất thiên hạ vào thời Trung cổ, trước khi nhường chỗ cho các đế chế tân lập của Tây ban nha, Pháp và Anh quốc. Toàn bộ thành phố Venice được liệt kê như là một di sản thế giới.

Venice đã được biết đến như là "La Dominante - Thống trị", "Queen of the Adriatic - Nữ hoàng của vùng Adriatic", "Thành phố của nước", và nhiều danh xưng khác như: "Thành phố của mặt nạ", "Thành phố của Cầu", "Thành phố nổi", và "Thành phố của kênh rạch ".

Ông Luigi Barzini từng mô tả Venice trên tờ The New York Times là "chắc chắn đây là thành phố đẹp nhất được xây dựng bởi tay loài người". Và thành Venice cũng thường được mô tả là một trong những thành phố lãng mạn nhất của Châu Âu.

Venice là thủ phủ của vùng Veneto với dân số chừng 270.000 người sống trong đô thị của Venice (dân số của toàn bộ quận hạt của Venezia) riêng tại thành phố lịch sử của Venice (Centro Storico) dân số ước lượng khoảng 60.000 người.

Nguồn gốc tên Venezia có nguồn từ những người cổ đại Veneti, đó là những người dân sống ở khu vực này vào thế kỷ thứ 10 trước Công nguyên.

Trước đây Cộng hòa Venice từng là đế chế với sức mạnh lớn lao trên biển khơi thời Trung cổ và Phục hưng. Chính từ Venice như một bàn đạp cho các cuộc Thập tự chinh. Venice cũng từng là trung tâm quan trọng của thương mại về lụa, ngũ cốc, và gia vị. Điều này đã làm Venice trở thành một thành phố giàu có nhất trong suốt lịch sử hiện diện của mình. Venice cũng là trung tâm nghệ thuật từ thế kỷ 13 đến cuối thế kỷ 17, đặc biệt là thời kỳ Phục hưng. Venice đã đóng một vai trò quan trọng trong lịch sử của âm nhạc giao hưởng và opera, và chính tại đây nhạc sĩ trứ danh Antonio Vivaldi đã chào đời.

Người Veneti cự ngụ ở đây rất sớm từ khoảng 150 trước Công nguyên đã ghi lại là họ sống trong khu vực Quadi và Marcomanni và nay là khu Oderzo hiện hành.

Venice bị của những người Visigoth lật đổ vào đầu thế kỷ thứ 5, và khoảng 50 năm sau, bởi người Hung do Attila cầm đầu.

Rồi đến người Lombardi cư ngụ ở đây trong thời gian dài nhất từ năm 568 trở đi.

Tiếp đến được sát nhập vào lãnh thổ của đế chế Byzantine và được coi là thành phần của Tổng giáo phận Công Giáo mà ngai tòa đặt ở Ravenna, được giám sát bởi một vị phó vương (các thống đốc) do Hoàng đế ở Constantinople bổ nhiệm, nhưng Ravenna và Venice chỉ được nối với nhau bằng đường biển; và với vị trí cô lập, nên Venice hầu như phần nào được tự chủ.

Các vị tổng trấn đầu tiên của Venice là Paolo Lucio Anafesto và Marcello Tegalliano, được gọi là Magister militum (nghĩa đen là "Chủ tể binh lính").

Sau này có ông Ursus là người đầu tiên của 117 "Dux" (thủ lãnh) của Venice được ban chức như vậy. Tiếng Ý là "Duce" và tiếng Anh là "doges" nguyên ngữ Latin là "Dux". Dux Ursus hỗ trợ Hoàng đế Leo III trong cuộc viễn chinh quân sự thành công để phục hồi Ravenna. Để ghi nhận công ơn này, Venice đã được "cấp nhiều đặc quyền" và Ursus, người đã đích thân ủng hộ hoàng đế Leo được ban thêm tước "Hypatus Dux" (tiếng Hy Lạp là "Tổng thủ lãnh".

Trong thời Hoàng đế Charlemagne và Hoàng đế Nicephorus Byzantine vào đầu thế kỷ thứ 9 đã đồng ý với Các Đức Giáo Hoàng công nhận Venice là lãnh thổ của Byzantine và được cấp quyền kinh doanh thành phố dọc bờ biển Adriatic.

Trong năm 828 uy tín của thành phố Venice được tăng lên với việc mua lại các di tích thánh được cho là của thánh Marcô thánh sử từ thành Alexandria bên Ai cập. Di tích thánh được đặt trong nhà thờ mới. Ngày nay ở mặt tiền nhà thờ chúng ta nhìn thấy tượng Sư tử với cánh bằng vàng đó là tượng trưgn cho thánh Marco, và trên cờ của Thành phố Venice cũng là hình sư tử mầu vàng. Tại mặt tiền của nhà thờ du khách cũng thấy có 4 con ngựa của Thánh Marcô, đây là bản sao những con ngựa nguyên thủy có tên Triumphal Quadriga "tứ ngọ bách thắng", những con ngựa bị lấy đi từ thành Constantinople và được đưa về Venice vào năm 1204 khi Venice thắng trận ở đó.

Từ ngày 9 đến thế kỷ thứ 12, Venice phát triển thành một Nhà nước thành phố (một thalassocracy Ý hoặc Repubblica Marinara). Vị trí chiến lược ở điểm đầu của Adriatic với sức mạnh hải quân và thương mại Venice gần như bất khả xâm phạm.

Venice đã loại bỏ được những tên cướp biển dọc theo bờ biển Dalmatian, thành phố trở thành một trung tâm thương mại hưng thịnh giữa Tây Âu và phần còn lại của thế giới (đặc biệt là Đế chế Byzantine và châu Á) với một lực lượng hải quân bảo vệ các tuyến đường biển mà không bị quân Hồi giáo xâm phạm.

Venice trở thành một đế quốc sau Thập Tự Chinh lần thứ 4, khi đó lên đến đỉnh điểm trong năm 1204 qua việc chiến thắng và loại trừ đế chế Constantinople và thiết lập đế chế Latin.

Sau sự sụp đổ của đế chế Constantinople, cựu đế chế La Mã đã được phân phối lại và trọng tâm ở cả Roma và cả ở Venice.

Việc chiến thắng Constantinople đã là một yếu tố quyết định trong việc chấm dứt đế quốc Byzantine và ảnh hưởng từ Anatolia.

Nằm trên bờ biển Adriatic, Venice luôn luôn giao dịch rộng rãi với Đế quốc Byzantine và thế giới Hồi giáo. Vào cuối thế kỷ thứ 13, Venice là thành phố thịnh vượng nhất ở châu Âu. Ở đỉnh cao của quyền lực và sự giàu có, Venice lúc đó có đến 36.000 thủy thủ vận hành 3.300 tàu, thống trị thương mại Địa Trung Hải.

Các gia đình hàng đầu của Venice tranh nhau xây dựng các cung điện vĩ đại nhất và hỗ trợ công trình của các nghệ sĩ vĩ đại nhất và tài năng nhất. Thành phố được điều hành bởi Đại Hội đồng chỉ đạo, mà các thành viên là từ các gia đình quý tộc của Venice. Đại Hội đồng bổ nhiệm tất cả các công chức và bầu các thành phần trong Thượng viện gồm từ 200 đến 300 cá nhân. Tuy nhiên thành phần Thượng viện quá lớn không thể điều hành chính quyền hiệu quả, nên vì thế một Hội Đồng Mười (còn gọi là Hội đồng Ducal hoặc Signoria) được đặt ra để điều hành và kiểm soát chính quyền của thành phố. Một thành viên của Hội đồng Mười này được bầu làm "Duce" (thủ lãnh) vị này thường giữ danh hiệu "Duce" cho đến khi ông qua đời; mặc dù một số Duce buộc phải từ chức và nghỉ hưu vào sống ẩn dật tu viện khi họ bị mất uy tín bởi sự thất bại chính trị của họ.

Các cơ cấu chính phủ Venice thời ấy tương tự như hệ thống cộng hòa La Mã cổ đại, với một thủ lãnhđược bầu điều hành (các Duce), một hội nghị viện như của quý tộc, và một số thành phần công dân với quyền lực chính trị hạn chế.

Giáo Hội và các đại gia có tài khác nhau ở Venice thường được gắn liền với nghĩa vụ quân sự, mặc dù không quy định nhiệm kỳ của Hiệp sĩ tại thành phố Venice, nhưng các Hiệp sĩ thánh Marcô (Cavalieri di San Marco) là Đoàn các Hiệp sĩ duy nhất được thiết lập ở Venice, và không ai hay một công dân Venice nào có thể nhận hoặc gia nhập tước Hiệp sĩ nào khác mà không có sự đồng ý của chính phủ thành phố.

Khi máy in mới được phát minh ở Đức, nó đã lan rộng khắp châu Âu trong thế kỷ 15, và Venice đã nhanh chóng chấp nhận nó và vào năm 1482, Venice trở thành thủ đô in ấn của thế giới, và các máy in hàng đầu do Aldus Manutius, người có công in ấn các cuốn sách bìa mềm có thể đem đi du lịch và đọc ở bất cứ nơi đâu. Các ấn bản Aldine của ông bao gồm các bản dịch của gần như tất cả các kiệt tác cổ đại của Hy Lạp được biết đến trong thời đói.

Sự suy giảm ảnh hưởng của Venice bắt đầu vào thế kỷ 15, khi nỗ lực của Venice không thành công giữ thành Thessalonica chống lại Đế quốc Ottoman (1423-1430). Venice cũng gửi tàu giúp bảo vệ chống lại quân Thổ Nhĩ Kỳ bao vây Constantinople vào năm 1453. Sau khi Constantinople thất thù vào tay Sultan Mehmet II, vị thủ lãnh này lập tức tuyên chiến với Venice. Cuộc chiến kéo dài 30 năm và làm kiệt kinh phí của Venice.

Tiếp theo, Christopher Columbus khám phá ra thế giới mới America vào năm 1492. Sau đó, Vasco da Gama của Bồ Đào Nha tìm thấy một tuyến đường biển đến Ấn Độ bằng cáchđi vòng qua Cape of Good Hope trong chuyến đi đầu tiên của mình kéo dài từ 1497 đến 1499. Những sự kiện này đã phá hủy đường đất độc quyền của đế chế Venice. Tiếp theo các quốc gia như Pháp, Anh và Cộng hòa Hà Lan đi tìm tiếp thu thuộc địa. Đoàn tầu của Venice với mái chèo, tuy dù mạnh, nhưng so với sức mạnh thủy quân mới của các quốc gia mới tân trang tỏ ra bất lợi khi phải vượt qua các đại dương lớn, và do đó Venice đã bị bỏ lại phía sau trong cuộc chạy đua đi chiếm các thuộc địa.

Dịch Chết Đen tàn phá Venice vào năm 1348 và một lần nữa giữa năm 1575 và 1577. Trong ba năm, các bệnh dịch hạch giết chết khoảng 50.000 người. Năm 1630, bệnh dịch hạch giết chết một phần ba số 150.000 dân của Venice nữa. Từ đó Venice bắt đầu để mất vị trí là một trung tâm thương mại quốc tế trong giai đoạn sau của thời kỳ Phục hưng, khi Bồ Đào Nha trở thành trung gian chính của châu Âu trong việc buôn bán với phương Đông. Điều này tấn công chính vào nền tảng sự giàu và sức mạnh tuyệt vời của Venice trước đây. Dù vậy Venie vẫn được coi là một nước xuất khẩu chính các sản phẩm nông nghiệp, và cho tới giữa thế kỷ 18, một trung tâm sản xuất đáng kể.

Trong suốt thế kỷ 18, Venice được coi là thành phố thanh lịch và tinh tế nhất ở châu Âu, ảnh hưởng rất lớn về nghệ thuật, kiến trúc và văn học. Nhưng Cộng hòa Venice mất sự độc lập của mình khi Napoleon Bonaparte chinh phục Venice vào ngày 12 tháng 5 năm 1797. Napoleon được coi như người giả phóng khu Ghetto của người Do Thái trong thành phố, mặc dù người Do thái từng sống ở đây mà không bị hạn chế gì nhiều.

Venice lại trở thành lãnh thổ của Áo khi Napoleon đã ký Hiệp ước Campo Formio vào ngày 12 tháng 10 năm 1797. Người Áo nắm quyền kiểm soát thành phố vào ngày 18 tháng 1 năm 1798. Tuy nhiên, sau Hiệp ước Pressburg vào năm 1805, Venice lại trở thành một phần của Vương quốc Napoleon của Ý.

Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, phần lớn các di tích lịch sử của thành phố không bị tấn công, tuy nhiên với các khu công nghiệp ở Mestre và Marghera và các tuyến đường sắt đến Padua, Trieste và Trento đã nhiều lần bị đánh bom. Vào ngày 29 tháng tư năm 1945, quân đội New Zealand theo tướng Freyberg của Đạo quân 8 đã tới giải vây thành phố.

Những cái nhất của thành Venice

Du lịch là một ngành quan trọng của ngành công nghiệp Venetian kể từ thế kỷ thứ 18, khi đó là một trung tâm lớn cho Grand Tour, với cảnh quan đô thị đẹp, độc đáo, và di sản văn hóa âm nhạc và nghệ thuật phong phú.

Có rất nhiều điểm tham quan ở Venice, như nhà thờ St Mark, Grand Canal, Piazza San Marco, và Lido di Venezia là một điểm đến sang trọng quốc tế nổi tiếng, thu hút hàng nghìn diễn viên, nhà phê bình, người nổi tiếng, và chủ yếu là người trong ngành công nghiệp điện ảnh.

The Carnival of Venice được tổ chức hàng năm ở thành phố, Nó kéo dài khoảng hai tuần. trong lễ hội này dân chúng đeo những mặt nạ Venetian rất quyến rũ và cầu kỳ.

Trong những năm 1980, các Carnival of Venice đã được hồi sinh và thành phố đã trở thành một trung tâm lớn của các hội nghị quốc tế và các lễ hội, chẳng hạn như Venice Biennale và uy tín của Liên hoan phim Venice, nơi thu hút du khách từ khắp nơi trên thế giới cho sân khấu, văn hóa, điện ảnh của họ, nghệ thuật, âm nhạc và các tác phẩm.

Liên hoan phim Venice (Mostra Internazionale d'Arte Cinematografica di Venezia) là liên hoan phim lâu đời nhất trên thế giới. Được thành lập bởi Count Giuseppe Volpi di Misurata vào năm 1932 như là Esposizione Internazionale d'Arte Cinematografica, lễ hội có từ diễn ra hàng năm vào cuối tháng Tám hoặc đầu tháng Chín trên đảo Lido. Nó là một trong những liên hoan phim uy tín của thế giới và là một phần của Venice Biennale.

Trong thế kỷ 19, nó đã trở thành một trung tâm thời trang dành cho những người giàu có và nổi tiếng, thường trú hoặc ăn uống tại các cơ sở sang trọng như Danieli Hotel và Caffè Florian. Nó tiếp tục là một thành phố thời trang thịnh hành ngay vào đầu thế kỷ 20.

Venice từ lâu đã là nguồn cảm hứng cho các tác giả, nhà thơ và nhà soạn kịch cũng như đang đi đầu trong việc phát triển kỹ thuật in ấn và xuất bản. Hai trong số các nhà văn Venetian nổi tiếng nhất là Marco Polo trong thời Trung cổ và sau Giacomo Casanova.

Marco Polo (1254-1324) là một thương gia người Venice hành trình đến phương Đông. Ông để lại nhiều tác phẩm và những cuốn sách cung cấp kiến thức quan trọng của các vùng đất phía đông của châu Âu, từ Trung Đông đến Trung Quốc, Nhật Bản và Nga. Cuốn sách có tiêu đề "Il Milione" đồng sáng tác với Rustichello thành Pisa là cuốn sách tổng lược về hành trình của ông.

Giacomo Casanova (1725-1798) là một nhà văn sung mãn và thám hiểm nổi tiếng viết cuốn tự truyện của mình, cuốn Histoire De Ma Vie, trong đó liên kết lối sống đầy màu sắc của mình tới thành phố Venice.

Nhà viết kịch Venetian theo truyền thống cũ của nhà hát Ý Commedia dell'arte. Ruzante (1502-1542), Carlo Goldoni (1707-1793) và Carlo Gozzi (1720-1806) sử dụng các phương ngữ Venetian rộng rãi trong phim hài của họ.

Venice, đặc biệt là trong thời Trung cổ và Phục hưng và thời kỳ Baroque, là một trung tâm lớn của nghệ thuật và phát triển một phong cách độc đáo được gọi là Trường Venetian. Trong thời Trung cổ và Phục hưng, Venice, cùng với Florence và Rome, đã trở thành một trong những trung tâm quan trọng nhất của nghệ thuật ở châu Âu, và nhiều Venice giàu có đã trở thành khách hàng quen của nghệ thuật. Venice tại thời điểm đó là một nước Cộng hòa hàng hải giàu có và thịnh vượng, mà kiểm soát biển và thương mại đế quốc rộng lớn.

Đến cuối thế kỷ 15, Venice đã trở thành thủ đô của châu Âu in ấn, là một trong những thành phố đầu tiên tại Ý (sau Subiaco và Rome) có máy in sau khi có phát minh ngành in tại Đức. Vào năm 1500 đã có tới 417 máy in tại đây. Nhà in quan trọng thời đó là Aldine của nhà báo Aldus Manutius, và vào năm 1499 ông đã cho in loạt sách của Hypnerotomachia Poliphili, được coi là cuốn sách đẹp nhất của thời Phục hưng, và thành lập cách chấm câu hiện đại, định dạng trang và kiểu chữ nghiêng, và cho in các tác phẩm dịch đầu tiên của Aristotle.

Trong thế kỷ 16, bức tranh Venetian được phát triển thông qua ảnh hưởng từ các trường Paduan và Antonello da Messina, người đã giới thiệu các kỹ thuật sơn dầu của anh em Van Eyck. Loại tranh này được biểu thị bằng một thang màu ấm áp và sử dụng màu sắc rực rỡ. Các nghệ sĩ nổi bật là Bellini và Vivarini, tiếp theo Giorgione và Titian, sau đó Tintoretto và Veronese.

Venice nổi tiếng với nghệ thuật thổi thủy tinh cho công trình trang trí công phu của mình, được gọi là thủy tinh Venetian. Nó là nổi tiếng thế giới vì màu sắc, tỉ mỉ, và nghệ thuật tài tình khéo léo. Trung tâm của ngành công nghiệp thủy tinh Venetian chuyển đến Murano, một hòn đảo ngoài khơi ở Venice. Kính sản xuất tại đây được biết đến như kính Murano.

Thợ thủ công Byzantine đã đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của thủy tinh Venetian, một hình thức nghệ thuật mà thành phố nổi tiếng. Một số thương hiệu quan trọng nhất của thủy tinh trong thế giới ngày nay vẫn còn được sản xuất tại các nhà máy thủy tinh lịch sử trên Murano. Đó là: Venini, Barovier & Toso, Pauly, Millevetri, Seguso, Barovier & Toso được xem là một trong 100 công ty lâu đời nhất trên thế giới, thành lập năm 1295..

Venice là vị trí được chọn làm bối cảnh cho nhiều bộ phim, tiểu thuyết, thơ và tài liệu tham khảo văn hóa khác. Thành phố này phổ biến đối với tiểu thuyết, tiểu luận, và các công trình khác của văn học hư cấu hay không hư cấu. Lấy tỉ dụ như tác phẩm Merchant của Shakespeare, Venice của Othello, Volpone của Ben Jonson, Candide của Voltaire, My Life của Casanova, Cry to Heaven của Anne Rice, Death in Venice của Thomas Mann được coi là cơ sở cho vở oper và bộ phim Death in Venice của Visconti.

Thành phố cũng là bối cảnh cho nhiều bộ phim khác, trong đó có ba loạt phim về James Bond: From Russia with Love, Moonraker và Casino Royale; và nhiều phim danh tiếng khác như: năm 2010 về phim The Tourist, phim Summertime với diễn viên Katharine Hepburn, Casanova của Fellini, Do not Look Now của Nicolas Roeg, The Wings of the Dove, Indiana Jones và the Last Crusade, A Little Romance, Lara Croft với Tomb Raider, v.v...

Thành phố cũng là bối cảnh cho các video âm nhạc như Siouxsie và Dear Prudence của Banshee và Like a Virgin của Madonna, cũng như trong các trò chơi video Tomb Raider II và Assassin Creed II.

Venice đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển âm nhạc của Italy. Venice - thuộc Cộng hòa Maritime thời trung cổ của Venice - thường được gọi là "Republic of Music". Trong thế kỷ thứ 16, Venice trở thành một trong những trung tâm âm nhạc quan trọng nhất của châu Âu, được đánh dấu bằng một phong cách đặc trưng thuộc trường phái Venetian. Sự phát triển của phong cách polychoral Venetian với nhà soạn nhạc như nhạc sỹ Adrian Willaert, người điều khiển nhạc của nhà thờ St Mark.

Venice là trung tâm đầu về in ấn các bản nhạc; Ottaviano Petrucci bắt đầu xuất bản âm nhạc gần như ngay sau khi công nghệ này ra đời, và các doanh nghiệp xuất bản của ông đã giúp thu hút các nhà soạn nhạc từ khắp châu Âu, đặc biệt là từ Pháp và Flanders. Đến cuối thế kỷ này, Venice nổi tiếng một cách uy hoàng của nền âm nhạc của mình, như đã được minh họa trong tác phẩm "phong cách khổng lồ" của Andrea và Giovanni Gabrieli, sử dụng nhiều hợp xướng và nhóm nhạc cụ. Venice cũng là quê hương của nhiều nhà soạn nhạc nổi tiếng trong thời kỳ Baroque, như Antonio Vivaldi, Ippolito Ciera, Giovanni Picchi, và Girolamo Dalla Casa...

Venice có một phong cách kiến trúc phong phú và đa dạng, nổi tiếng nhất trong số đó là phong cách Gothic. Kiến trúc Gothic Venetian là một thuật ngữ được đặt cho một phong cách xây dựng kết hợp sử dụng kiểu Venetian theo mũi thương Gothic và chịu ảnh hưởng theo lối Byzantine và Ottoman. Các kiểu này có nguồn gốc từ thế kỷ 14 khi thành Venice, nơi hợp lưu của phong cách của Byzantine từ Constantinople gặp ảnh hưởng Ả Rập từ Moorish ở Tây Ban Nha. Bằng chứng là nhìn cào cung điện Doge và tòa nhà Vàng Ca'd'Oro trong thành phố. Thành phố cũng có một số những tòa nhà theo phong cách thời phục hưng Renaissance và Baroque, bao gồm cả nhà Ca 'Pesaro và Ca' Rezzonico.

Có thể lập luận rằng Venice sản xuất các mẫu thiết kế kiểu rococo rất đẹp và tinh tế nhất. Rococo Venetian nổi tiếng là giàu có và sang trọng, với thiết kế thường rất ngông cuồng. Mảnh đồ nội thất độc đáo bao gồm các ghế Venetian Divani da portego, và ghế dài và rococo pozzetti. Phòng ngủ kiểu Venice giàu thường là xa hoa và lớn, với nhung, lụa xếp nếp và rèm cửa, và giường rococo đẹp chạm khắc với những bức tượng của putti, hoa và thiên thần.

Venice là đặc biệt nổi tiếng với gương kính có pháo bông tuyệt đẹp, và có thể nói là tốt nhất ở châu Âu. Đèn chùm thường là có rất nhiều màu sắc, sử dụng kính Murano để làm cho chúng trông sống động hơn và nổi bật so với những đèn khác, thêm vào còn cài đá quý và các vật liệu từ nước ngoài được sử dụng.

Sơn mài là sản phẩm cũng rất phổ biến ở Venice, và nhiều mặt hàng đồ nội thất được bao phủ với sơn mài. Các tủ, đồ trang trí phòng khách các povera chạm lacca nổi tiếng nhất, trong đó biểu tượng và hình ảnh của đời sống xã hội được vẽ mầu và khắc sơn mài. Nghệ thuật sơn mài Lacquerwork và kiểu sơn mài Tầu Chinoiserie đặc biệt phổ biến trong các trang trí tủ văn phòng.

Ngày nay, Venice là một trung tâm thời trang và trung tâm mua sắm lớn, không quan trọng như Milan, Florence và Rome, nhưng ngang bằng với Turin, Vicenza, Napoli và Genoa. Roberta di Camerino là thương hiệu thời trang Ý lớn có trụ sở tại Venice mà thôi. Được thành lập vào năm 1945, nổi tiếng với túi xách sáng tạo bởi nghệ nhân Venetian và thường được bao phủ trong nhung dệt tại địa phương. Nhiều trong số các cửa hàng thời trang và đồ trang sức nằm gần Cầu Rialto và ở Piazza San Marco. Có Louis Vuitton và Ermenegildo Zegna là những cửa hàng hàng đầu trong thành phố.

Ẩm thực Venetian được đặc trưng bởi hải sản, nhưng cũng bao gồm các sản phẩm vườn từ các đảo của vùng đầm, gạo từ đất liền, và Polenta... Món ăn Venice kết hợp truyền thống địa phương với những ảnh hưởng kinh nghiệm ngàn năm từ các cuộc giao thoa viễn chinh hải ngoại.

Sarde trong saor, cá mòi ướp lâu dài; Risi e Bisi, gạo, đậu Hà Lan và ham; fegato alla veneziana, Gan kiểu Venetian; gạo risotto với mực đen; cicchetti giống như tapas; antipasti, món khai vị; và prosecco với rượu nhẹ ngọt ngào.

Ngoài ra, Venice nổi tiếng với bisàto (lươn ướp), cookies hình bầu dục gọi là baicoli, và với nhiều loại đồ ngọt như: pan del Pescatore (bánh mì của ngư dân); cookie với hạnh nhân và hạt hồ trăn; cookie với kem chiên Venetian hoặc bussolai (bánh quy bơ và bánh bơ giòn thực hiện trong hình dạng của một chữ "S" hoặc vòng) từ đảo Burano; các fregolotta (một loại bánh vụn với hạnh nhân); sữa bánh gọi là Rosada; và cookie mầu vàng gọi là zaléti.

 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Cánh Đồng Hoa Vàng
Dominic Đức Nguyễn
22:28 27/09/2015
CÁNH ĐỒNG HOA VÀNG
Ảnh của Dominic Đức Nguyễn
Dù cho bóng xế chiều tà
Hướng dương hoa vẫn mượt mà vàng ương.
(bt)