Ngày 25-09-2023
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 26/09: Tin yêu để sống đời với nhau – Lm. Phêrô Trần Ngọc Đức, SDB
Giáo Hội Năm Châu
02:17 25/09/2023

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Luca

Khi ấy, mẹ và anh em Đức Giê-su đến gặp Người, mà không làm sao lại gần được, vì dân chúng quá đông. Người ta báo cho Người biết: “Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, muốn gặp Thầy.” Người đáp lại: “Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành.”

Đó là lời Chúa
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
04:58 25/09/2023

9. Cùng đi với tà dục của xác thịt, mà mong được những khoái cảm ấy có thể đem lại cho con thoát khỏi sự trừng phạt nặng nề, thì thật là hảo huyền.

(sách Gương Đức Chúa Giê-su)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
05:07 25/09/2023
58. THAM Ô THÂU NHẬN

Giữa năm Chính Đức đời nhà Minh, lúc Trần Dân Vọng làm bộ thú Hoàng Châu, thì sửa lại toàn bộ gác treo trống (1) , và viết nổi lên trên hai chữ “hùng tráng.”

Cùng phòng thủ Hoàng Châu có Vương Khanh là người Thiểm Tây, lâu nay có tiếng rất là thanh liêm, sau khi nhìn thấy đề viết, thì nói với một người tên là Quách Chấn Khanh:

- “Cái gì gọi là ‘hùng tráng’ (2). hử?” phát âm theo tiếng của quê tôi thì là ‘tham ô’ (3) đấy chứ !”

Quách Chấn Khanh cười ha ha.

Lại có một lần, phía trên phủ Thiệu Hưng có treo một bức hoành, viết hai chữ “mục ái” (4), Thiết Biên Tu nói với các thủ lệnh rằng:

- “Bức hoành này nên đem bỏ đi, từ phía dưới mà nhìn lên thì không phải là chữ ‘thu nhận’ sao?”

(Cổ kim tiếu sử)

Suy tư 58:

Chữ nghĩa tự nó đã nói lên nhiều ý nghĩa, nhưng ý nghĩa sẽ trở nên tệ hại hơn khi người có tâm hồn tệ hại muốn “chơi” người khác.

Có những người thành thật hiền từ đã bị người dùng chữ nghĩa để hại mình vào vòng lao lý; có những người lợi dụng chữ nghĩa để chửi bới bôi nhọ người khác; lại có người đem cái học thức của mình đặt vào trong chữ nghĩa để vu khống người này và buộc tội người kia…

Chữ là nghĩa, nhưng con người ta đã dùng tâm hồn ích kỷ của mình làm cho nó trở thành con dao hai lưỡi, một lưỡi đâm người này và một lưỡi nịnh người kia; một lưỡi chửi người này và một lưỡi khen người kia, làm cho thiên hạ tán loạn vì chữ nghĩa tối đen do ảnh hưởng tâm hồn đen tối của mình.

Người Ki-tô hữu có một loại chữ nghĩa sắt bén hơn con dao hai lưỡi, đó là chữ nghĩa của Thánh Kinh, chữ nghĩa này sẽ là quan tòa nghiêm khắc cho những ai dùng nó để bôi nhọ, chửi bới và nhục mạ tha nhân; nó cũng làm cho những ai yêu thích nó được sự sống đời đời.

Chữ và nghĩa phải đi đôi với nhau, cũng vậy, hiểu và thực hành Lời Chúa phải trở nên như cơm ăn nước uống hằng ngày của chúng ta –người Ki-tô hữu- vậy.

(1) Gác treo trống để đánh cầm canh.

(2) 壯觀 phát âm là “zhuang quan” nghĩa là hùng tráng.

(3) 贓官phát âm là “zang quan” nghĩa là quan tham ô, “zang quan” và “zhang quan” phát âm hơi giống nhau nên nghĩa khác nhau.

(4) Chữ 牧愛 đứng phía dưới nhìn lên thì hơi giống chữ 收受 nghĩa là thu nhận, hai câu trên ghép lại nghĩa là: quan tham ô thu nhận...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mong gặp
Lm. Minh Anh
14:05 25/09/2023

MONG GẶP
Có mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, muốn gặp Thầy!”.

G. K. Chesterton nói, “Địa ngục là lời khen tặng tuyệt vời của Thiên Chúa đối với ‘thực tế tự do’ của con người!”. Với câu nói đó, Leighton Ford nhận xét, “Chết tiệt, đó là một lời khen?”. Vâng, bởi lẽ Chúa đang nói, “Bạn thật quan trọng. Tôi coi trọng bạn, Tôi mong gặp bạn. Hãy chọn từ chối Tôi, hãy chọn địa ngục nếu bạn muốn. Tôi sẽ để bạn đi!”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Tôi coi trọng bạn, Tôi mong gặp bạn!”. Lời Chúa hôm nay cho thấy không chỉ Thiên Chúa ‘mong gặp’ con người; nhưng con người mọi thời, cách đây hơn hai ngàn năm cũng như ngày nay, bạn và tôi, ai cũng đều ‘mong gặp’ Ngài, mong gặp Giêsu!

Toàn bộ Tin Mừng cho thấy, qua Chúa Giêsu, Thiên Chúa đi tìm con người! Và ngược lại, rất nhiều người muốn tìm gặp Ngài với nhiều lý do riêng! Một số cần được chữa lành như anh mù Bartimê, người đã la hét và đuổi theo Ngài cho đến khi được Ngài xót thương; một số vì tò mò như Giakêu trèo lên cây để có thể thấy Ngài; số khác được nghe lời Ngài như đám đông chen lấn bên hồ Gênêzareth; một số vì yêu thương, muốn chăm sóc Ngài như Đức Maria hoặc Maria Mađalêna. Vậy tại sao bạn và tôi ‘mong gặp’ Ngài?

Chinh phục Chúa Giêsu, một điều không dễ! “Vì dân chúng quá đông”. Dẫu tìm Ngài với những ý định trong sáng nhất, nhưng không phải lúc nào chúng ta cũng dễ đạt được mục tiêu. Chắc chắn sẽ có những trở ngại và bạn phải chuẩn bị cho chúng! Satan luôn cố tách bạn xa Ngài qua tội lỗi, thậm chí gieo vào lòng chúng ta nỗi sợ đi xưng tội khiến ân sủng chữa lành của Ngài tắc nghẽn. Thế giới cũng tìm cách giữ bạn xa Chúa, nó chào mời hàng vạn thú vui khiến bạn rời xa việc cầu nguyện, suy tư và hoán cải. Và tất nhiên, bản thân bạn và tôi rất ít có khuynh hướng đạo đức, phục vụ người khác và sống đức hạnh. Sự lười biếng và nuông chiều thân xác có thể vượt thắng cả những người giỏi nhất. Vì thế, điều cần làm là hãy cho Chúa Giêsu biết bạn và tôi ‘mong gặp’ Ngài!

Nhưng tại sao Chúa Giêsu lại có vẻ như từ chối những ai ‘mong gặp’ Ngài? Không đâu! Điều đáng kể đối với Ngài là những “Ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành”; và điều này không miễn trừ cho cả mẹ Ngài và những người thân yêu của Ngài. Chúa Giêsu không hạ thấp họ, nhưng nâng họ, nâng chúng ta lên một mức độ thân mật hơn cả thân mật của quan hệ huyết thống. Đây là vẻ đẹp của tình yêu Thiên Chúa!

Anh Chị em,

“Vẻ đẹp của tình yêu Thiên Chúa!”. Vẻ đẹp đó còn phản ánh một điều đáng kinh ngạc hơn! Rằng, Thiên Chúa ‘mong gặp’ con người! Ngài khao khát quan hệ mật thiết với mỗi người từ trái tim, khối óc và tinh thần; bởi lẽ, Ngài là tác giả và cội nguồn của tình yêu - một tình yêu không bao giờ thất bại, không bao giờ lãng quên, không bao giờ thoả hiệp, không bao giờ dối trá, không bao giờ khiến ai thất vọng. Tình yêu Ngài không lay chuyển, vô điều kiện, không ngừng nghỉ, không thể cản ngăn và không có kết thúc. Không gì có thể khiến Ngài rời bỏ chúng ta, hoặc rút lại tình yêu và sự chăm sóc. Ngài yêu chúng ta, ‘mong gặp’ chúng ta, dù chúng ta thế nào. Bản chất của Ngài là yêu. Đó là lý do tại sao Ngài tạo dựng chúng ta - để được kết hợp và chia sẻ tình yêu của Ngài!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, con thật quan trọng đối với Chúa. Cho con biết chọn Chúa, ‘mong gặp’ Chúa từng giây phút. Đừng để con chọn ‘tự do’ địa ngục và thế gian mời mọc mỗi ngày!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Vâng trong hành động
Lm Phêrô Phan Văn Lợi
21:16 25/09/2023

CHÚA NHẬT 26 THƯỜNG NIÊN NĂM A
Mt 21:28-32

Khi ấy, Đức Giê-su nói với các thượng tế và kỳ mục trong dân rằng: “Các ông nghĩ sao? Một người kia có hai con trai. Ông ta đến nói với người thứ nhất: “Này con, hôm nay con hãy đi làm vườn nho”. Nó đáp: “Con không muốn!” Nhưng sau đó, nó hối hận, nên lại đi. Ông đến gặp người thứ hai, và cũng bảo như vậy. Nó đáp: “Thưa ngài, con đây!” nhưng rồi lại không đi. Trong hai người con đó, ai đã thi hành ý muốn của người cha?”. Họ trả lời: “Người thứ nhất”.

Đức Giê-su nói với họ: “Tôi bảo thật các ông: những người thu thuế, những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông. Vì ông Gio-an đã đến chỉ đường công chính cho các ông, mà các ông không tin ông ấy; còn những người thu thuế và những cô gái điếm lại tin. Phần các ông, khi đã thấy vậy rồi, các ông vẫn không chịu hối hận mà tin ông ấy”.



VÂNG TRONG HÀNH ĐỘNG

Thomas Merton (1915-1968) là một thanh niên người Mỹ mồ côi cha mẹ năm 16 tuổi. Chàng gia nhập đảng CS năm 20 tuổi và gặp được Đức Ki-tô năm 23 tuổi. Đến năm 24 tuổi, chàng trở thành phóng viên tờ Nữu Ước Thời báo (New York Times). Năm 26 tuổi, thu gom toàn bộ tài sản vào một chiếc túi vải, Thomas đến sống ở Kentucky và sau đó trở thành một linh mục tu sĩ chiêm niệm dòng Trappe rất nổi tiếng với nhiều tác phẩm tu đức thời danh như “Đêm không sao”, “Hạt giống chiêm niệm”, “Không ai là một hòn đảo”, “Ngọn núi bảy tầng” (đã được dịch ra tiếng Việt). Trong quyển sách tự thuật về cuộc sống tâm linh rất ăn khách nhan đề “Ngọn núi bảy tầng”, cha Thomas Merton đã mô tả lại bước đầu tiên trong quá trình hối cải của mình như sau: Ngay khi vừa tốt nghiệp trung học, Thomas đã đi du lịch một mình qua Âu châu và sống một cuộc sống khá buông thả. Một đêm nọ, chính trong căn phòng khách sạn, Thomas bỗng nhiên ý thức được tội lỗi của mình: “Toàn bộ sự việc xảy ra nhanh như chớp… Bỗng dưng một nhận thức sâu xa về nỗi bất hạnh và sự hư hỏng của linh hồn mình xâm chiếm toàn thân tôi… Tôi vô cùng ghê tởm những gì tôi trông thấy… và linh hồn tôi ao ước trốn thoát khỏi tất cả các điều ấy một cách mãnh liệt và cấp bách. Trước đó tôi chưa hề cảm thấy như thế và lần đầu tiên tôi cầu nguyện, xin Thiên Chúa giải thoát tôi khỏi quyền lực xấu xa đã cầm giữ tâm hồn tôi trong vòng nô lệ bao nhiêu năm tháng”. Câu chuyện đổi đời này minh họa cho dụ ngôn Tin Mừng về hai người con hôm nay.

1. Làm và không làm.

Dụ ngôn muốn ngỏ trước tiên với giai cấp lãnh đạo thời Đức Giê-su, “các thượng tế và kỳ mục”. Văn mạch đầy tính cách luận chiến: Đức Giê-su vừa đuổi quân buôn bán ra khỏi Đền thờ (x. Mt 21,12-17)… rồi như một hành vi biểu tượng, Người đã khiến cây vả không trái héo khô (x. Mt 21,18-22). Phẫn nộ, “giới chức” Giê-ru-sa-lem đã hỏi Người lấy quyền đâu mà làm những hành vi khiêu khích ấy. Chính lúc đó, theo biên soạn của Mt, Đức Giê-su trả lời bằng ba dụ ngôn ý vị: hai đứa con… thợ vườn nho giết người… khách mời tiệc cưới… (x. Mt 21,28-22,14). Cuộc Khổ nạn gần kề. Đức Giê-su thật sự ám ảnh ý tưởng mình sắp bị chối bỏ bởi chính những kẻ lẽ ra phải đón tiếp mình. Nhưng không nên dừng lại ở lối giải thích “lịch sử” đó. Sẽ trơ tráo nếu áp dụng các dụ ngôn Tin Mừng chỉ cho “những kẻ khác”, cho “các thượng tế và kỳ mục” chẳng hạn. Chúng ngỏ với mỗi một người chúng ta hôm nay.

Trước dụ ngôn thứ nhất, phản ứng đầu tiên của chúng ta là thấy đứa con thật thô lỗ khi nói với cha cách thẳng thừng. Nhưng rồi lại cảm thấy nó dễ thương tệ khi nó chân thành thay đổi ý kiến và đi làm theo ý cha. Kể câu chuyện giản đơn này, Đức Giê-su không đưa ra một giải thích tâm lý học nào cả. Người chỉ muốn cho thấy một con người “đổi thay”, “hoán cải”. Và đó đã là một mạc khải khiến chúng ta vững lòng. Thế giới hiện đại, các trào lưu tư tưởng thời nay, các phương tiện truyền thông xã hội, đều cố sức bắt chúng ta tin rằng mình bị “điều kiện hóa” và như thể bị nhốt kín mãi mãi trong những quy luật tất định khiến chúng ta mất hết trách nhiệm và tự do. Rất có lợi khi đổ lỗi cho xã hội, cho tính khí, tựu trung là cho… người khác các thất bại, các thiếu sót của mình! Đức Giê-su thì ngược lại, Người đưa ta trở về với trách nhiệm của ta bằng cách lặp đi lặp lại với ta rằng mọi sự chẳng bao giờ được an bài trước. Dẫu quá khứ ta thế nào, dẫu trước đó đã chối từ ra sao… luôn luôn vẫn có thể thay đổi. Đức Giê-su là Đấng chẳng bao giờ nhốt ai trong quá khứ, đặt dấu chấm hết cho một kẻ còn trên cõi dương gian. Người là Đấng ban cơ hội cho mỗi con người, dầu là kẻ tội lỗi nhất.

Như thế ta được mạc khải rằng Thiên Chúa không nhìn ta như bị “đông cứng”, “cố định” nhưng như đang “biến đổi”. Trong các nỗi khó khăn hiện thời của chúng ta, Người nhìn thấy con người mới có lẽ sắp được sinh hạ. Lạy Chúa, cảm tạ Chúa vì niềm hy vọng Chúa đặt trong chúng con. Xin giúp chúng con đừng làm đông cứng tha nhân… chụp mũ hay dán nhãn hiệu lên họ vĩnh viễn… nhưng cho họ những cơ hội canh tân đổi mới. Dẫu sao, chúng ta đã đoán biết Đức Giê-su có một ý tưởng khác trong đầu. Người mô tả “đứa con thứ nhất nói không rồi vâng” hiển nhiên để nêu bật đứa con thứ hai. Và trong bối cảnh luận chiến giữa Đức Giê-su với giáo quyền Giê-ru-sa-lem, chính họ, các thượng tế và kỳ mục, là đích nhắm của Người. Nhưng câu hỏi: “Trong hai đứa con đó, ai đã làm theo ý muốn cha mình?” cũng được đặt cho chúng ta hôm nay.

Hiển nhiên thính giả trả lời: đứa con thứ nhất. Chúng ta cũng không thể trả lời khác. Từ hoa mỹ và ý hướng tốt có đủ đâu, chính hành vi mới quan trọng. “Nền hỏa ngục lát bằng thiện chí”, người Pháp đã nói thế. Dưới khía cạnh này, Đức Giê-su rất hiện đại: thế giới ngày nay ca ngợi hiệu năng, người ta nghi ngờ những tay khéo nói chỉ biết làm ngây ngất thiên hạ bằng những lời tuyên bố rỗng tuếch. Các ý thức hệ lý thuyết đều giảm giá rất nhanh. Người ta đánh giá các lời hứa dựa trên kết quả thực sự của chúng. Nhưng chớ phê phán anh em mình. Đứa con thứ hai thường giống chúng ta. Chúng ta nói mình tin đạo, nhưng chẳng mấy khi sống đạo. Chúng ta “vâng” với Thiên Chúa trên môi mép, nhưng “không” trong hành vi! Chúng ta sẵn sàng hát kinh Tin kính ở nhà thờ, nhưng làm ngược lại suốt tuần lễ. Biết bao lần chúng ta thưa với Thiên Chúa: “Xin cho Nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện…” mà thái độ thực sự của chúng ta có tương ứng với các tuyên bố đẹp đẽ đó chăng? Nhưng chúng ta đã được cảnh giác rồi: làm quan trọng hơn là nói. Đâu có lừa Thiên Chúa nổi: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: Lạy Chúa, lạy Chúa… là được vào Nước Trời cả, nhưng chỉ những ai thi hành ý muốn của Cha Thầy Đấng ngự trên trời, mới được vào thôi” (Mt 7,21). Và thánh Gio-an sẽ diễn thành: “Chúng ta đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thật” (1Ga 3,18).

2. Tin và không tin.

Để dẫn vào câu kết, Đức Giê-su dùng một công thức long trọng: “Tôi bảo thật các ông”. Khi sử dụng công thức này, bao giờ Người cũng cốt loan báo một điều gì đó quan trọng hết sức. Thế mà ở đây lập trường Người rất lạ lùng và suýt gây công phẫn. Sao? Đem các “tội nhân chuyên nghiệp”, các tội nhân do kiểu sống, các tội nhân công khai, các tên thu thuế thỏa hiệp với tiền bạc, các ả giang hồ thỏa hiệp với xác thịt làm gương mẫu cho chúng ta à? Đâu có như thế được! Thật đáng trách nếu tưởng tượng rằng Đức Giê-su đã biện hộ cho “lợi nhuận” lẫn “dục tính” lệch lạc. Câu tuyên bố ngược đời của Người, y như dụ ngôn trước, chỉ muốn nêu bật “lòng hoán cải”.

Vì tội xấu xa nhất là tự mãn, bỏ qua Thiên Chúa, bất cần đến Người! Và chúng ta biết vào thời Đức Giê-su, những kẻ tưởng mình “công chính”, thực tế đã bất cần ơn cứu rỗi Đức Giê-su cống hiến cho họ. Nhưng lắm tội nhân nam nữ đã chạy đến với Người như đến với một vị cứu tinh. Thi sĩ Charles Péguy từng miêu tả thật tuyệt khía cạnh này của tội lỗi. Vốn tự nó là một sự ác, tội lỗi đã trở nên một điểm cho ân sủng thấm vào: “Người ta đã thấy ân sủng xuyên qua một tâm hồn đồi bại, và đã thấy cái bị hư mất nay được cứu thoát. Nhưng khó mà xuyên qua cái ‘không thẩm thấu’ được… Những kẻ lương thiện, hay rốt cục những kẻ người ta gọi như thế, không có một kẽ hở nào trong áo giáp của họ… Vì họ chẳng thiếu gì, nên người ta không mang cho họ cái gì nữa”.

Như các tội nhân Đức Giê-su nói tới, phải chăng tôi đã biết biến tội lỗi bản thân thành cơ hội ao ước ân sủng cứu tôi khỏi những giới hạn của mình? Phải chăng tôi phê phán tự bên ngoài những con người sa đọa nhất, thay vì cho họ một dịp may để hoán cải? “Các tội nhân công khai sẽ vào Nước Thiên Chúa trước các ông”. “Các ông” mà Đức Giê-su nói tới đây là ai? Đâu là những ai tưởng mình công chính nhưng sẽ bị loại khỏi Nước Trời? Phải chăng tôi cũng đôi khi thuộc vào số đó?

Đang khi dụ ngôn “hai người con” nhấn mạnh đến tương phản giữa “nói” và “làm”… giữa “vâng” trên môi mép và “không” trong hành động… thì câu kết luận “Vì ông Gio-an đã đến chỉ đường công chính cho các ông, mà các ông lại không chịu tin; còn những người thu thuế, những cô gái điếm lại tin” nêu bật sự tương phản giữa “tin” và “không tin”. Một lần nữa, xuyên qua kẻ đương thời với Đức Giê-su, chính chúng ta bị chất vấn. Dẫu qua lời rao giảng của Gio-an Tẩy giả hay của Đức Giê-su, luôn luôn vẫn là Thiên Chúa đòi chúng ta thốt lên với Người tiếng “vâng” của đức tin “sống động”. Và tiếng “vâng” của đức tin ấy thường là một sự hoán cải, đổi đời. Bởi lẽ trong Tin Mừng, đức tin trước tiên không phải là sự gắn bó của trí tuệ vào các chân lý phải tin. Đúng hơn, đó là sự gắn bó của ý chí bản thân vào một ý chí thần linh mời gọi mình: “Con hãy đi làm vườn nho cho Cha hôm nay!” Và ta đáp ứng hay không đáp ứng lời kêu gọi ấy của Thiên Chúa trong những sự kiện cụ thể.

Có một từ nhỏ nhưng chủ yếu trong đức tin Ki-tô giáo, không được dịch trong bất cứ ngôn ngữ phụng vụ nào và chung cho mọi tín hữu, đó là từ “Amen”. Từ này là tiếng “vâng trong hành động” mà chúng ta phải nói với Thiên Chúa: “Amen… Vâng… đúng thế, con tin chắc, con quy phục, con chấp nhận cho cuộc sống hằng ngày của con…”. Mỗi Chúa nhật, chúng ta đọc bao nhiêu tiếng Amen trên môi miệng mình? Chúng ta đem thực hành bao nhiêu trong tuần kế đó? “Đức Ki-tô Giê-su, Con Thiên Chúa, đã không vừa là “có” vừa là “không”, nhưng nơi Người chỉ toàn là “có”… Vì thế, cũng nhờ Người mà chúng ta hô lên “Amen” để Thiên Chúa được tôn vinh” (2Cr 1,19-20).
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Nội dung cuộc họp báo của Đức Phanxicô trên chuyến bay từ Marseille trở lại Rôma
Vũ Văn An
15:19 25/09/2023

Theo Vatican News, khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô trở về Rome từ Marseille, ngài trả lời các câu hỏi của các nhà báo trên máy bay, về các vấn đề di cư, an tử, thực dân hóa ý thức hệ và nỗi đau khổ của người dân Ukraine.



Thực vậy, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã trở lại Rôma vào tối thứ Bảy khi kết thúc chuyến Tông du kéo dài hai ngày tới Marseille.

Ngài tổ chức cuộc họp báo theo thông lệ với các nhà báo trên máy bay, trả lời ba câu hỏi.

Dưới đây là bản phiên âm và dịch thuật tiếng Anh của cuộc họp báo:

Matteo Bruni – Giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa Thánh

Thưa Đức Thánh Cha, xin chào Đức Thánh Cha buổi tối, chào buổi tối mọi người. Cảm ơn Đức Thánh Cha đã dành thời gian này trên chuyến bay trở về của chúng con. Đó là một cuộc hành trình đặc biệt mà trong đó Đức Thánh Cha cũng có thể cảm nhận được, như Đức Hồng Y đã nói, tất cả tình cảm của người dân Pháp đã đến cầu nguyện với Đức Thánh Cha. Nhưng con nghĩ vẫn còn một số câu hỏi hoặc vấn đề mà các nhà báo muốn hỏi Đức Thánh Cha. Có lẽ Đức Thánh Cha muốn nói vài lời với chúng con.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô

Chào buổi tối và cảm ơn anh chị em rất nhiều vì công việc của anh chị em. Trước khi quên, tôi muốn nói hai điều. Hôm nay tôi nghĩ đây là chuyến bay cuối cùng của Roberto Bellino [Kỹ sư âm thanh của Bộ Truyền thông], vì ông sắp nghỉ hưu (vỗ tay). Cảm ơn ông, cảm ơn ông, cảm ơn ông! Điều thứ hai là hôm nay là sinh nhật của Rino, Rino khôn tả [Anastasio, điều phối viên của ITA Airways cho các chuyến tông du của Đức Giáo Hoàng] (vỗ tay). Bây giờ anh chị em có thể đặt câu hỏi của anh chị em.

Raphaële Schapira (truyền hình Pháp)

Thưa Đức Thánh Cha, xin chào Đức Thánh Cha buổi tối. Đức Thánh Cha bắt đầu triều đại giáo hoàng của mình ở Lam-pedusa, tố cáo sự thờ ơ. Mười năm sau Đức Thánh Cha yêu cầu châu Âu thể hiện tình liên đới. Đức Thánh Cha đã lặp lại cùng một thông điệp trong mười năm. Điều đó có nghĩa là Đức Thánh Cha đã thất bại?

Tôi dám nói không. Tôi dám nói rằng việc gia tăng có chậm lại. Ngày nay người ta đã nhận thức được vấn đề di cư. Có ý thức. Ngoài ra, còn có ý thức về việc nó đã đạt đến mức nào... giống như một củ khoai tây nóng hổi mà bạn không biết cách xử lý.

Angela Merkel từng nói rằng vấn đề được giải quyết bằng cách tới Châu Phi và giải quyết nó ở Châu Phi, bằng cách nâng cao trình độ của các dân tộc Châu Phi. Nhưng cũng có những trường hợp tồi tệ. Những trường hợp rất tồi tệ, khi những người di cư, giống như trong môn bóng bàn, đã bị đưa trở lại. Và người ta biết rằng nhiều khi họ kết thúc bằng rượu bia; cuối cùng họ còn tệ hơn trước.

Tôi đã theo dõi cuộc đời của một cậu bé, Mahmoud, người đang cố gắng trốn thoát... và cuối cùng cậu ấy đã treo cổ tự tử. Cậu không qua khỏi vì không thể chịu đựng được sự hành khổ này. Tôi từng nói với anh chị em đọc cuốn “Brother” - “Herman-ito”. Người đến trước nhất bị bán đứng. Rồi người ta lấy hết tiền của họ. Rồi, người ta bắt họ gọi điện cho gia đình để gửi thêm tiền. Nhưng họ là những người nghèo. Đó là một cuộc sống khủng khiếp.

Tôi nghe có người ban đêm lên thuyền thấy tàu vắng lặng, không an ninh nên không muốn lên. Và, bùm bùm. Kết thúc câu chuyện. Đó là triều đại của khủng bố. Họ đau khổ không chỉ vì cần phải thoát ra ngoài mà vì ở đó đang ngự trị nỗi kinh hoàng. Họ là nô lệ. Và chúng ta không thể - nếu không nhìn thấy mọi thứ - ném họtrở lại như một quả bóng bàn. KHÔNG.

Đó là lý do tại sao tôi nhắc lại rằng trên nguyên tắc, những người di cư phải được chào đón, đồng hành, cổ vũ và hội nhập. Nếu anh chị em không thể hòa nhập họ vào đất nước của mình, hãy đồng hành và hòa nhập họ ở các quốc gia khác, nhưng đừng để họ rơi vào tay những kẻ buôn người tàn ác này.

Vấn đề với những người di cư là thế này: chúng ta gửi họ trở lại và họ rơi vào tay những tên rác rưởi đã làm quá nhiều điều ác. Chúng bán họ; chúng bóc lột họ. Mọi người cố gắng chạy trốn. Có một số nhóm người tận tâm cứu người bằng thuyền. Tôi đã mời một người trong số họ, người đứng đầu tổ chức “Cứu người Địa Trung Hải” tới Thượng hội đồng. Họ sẽ kể cho anh chị em nghe những câu chuyện khủng khiếp.

Trong chuyến đi đầu tiên của tôi, cô đã nhắc lại, tôi đã tới Lampedusa. Mọi sự đã tốt hơn. Thực sự như vậy. Có nhiều nhận thức hơn. Hồi đó chúng ta không biết. Hồi đó họ đã không nói cho chúng ta biết sự thật. Tôi nhớ có một nhân viên tiếp tân ở Santa Marta, một người Ethiopia, con gái của những người Ethiopia. Cô nói được ngôn ngữ và đang theo dõi hành trình của tôi trên TV. Cô thấy có một người giải thích, một người Ethiopia đáng thương, người đã trình bầy về sự tra tấn và những điều tương tự. Nhưng người phiên dịch – người phụ nữ này nói với tôi – anh ta không nói hết mọi điều; anh ta đã làm dịu tình hình. Thật khó tin. Quá nhiều kịch tính.

Ngày hôm đó tôi đã ở đó. Một bác sĩ nói với tôi: “Hãy nhìn người phụ nữ đó. Bà đi giữa những xác chết để tìm kiếm một khuôn mặt vì bà đang tìm kiếm con gái mình. Bà không tìm thấy em.” Những bi kịch này... thật tốt cho chúng ta khi có được chúng trong tầm tay. Chúng sẽ làm cho chúng ta trở nên nhân bản hơn và do đó cũng thiêng liêng hơn. Đó là một tiếng kêu gọi. Tôi ước nó giống như một tiếng khóc than. Chúng ta hãy lưu ý. Chúng ta hãy làm một điều gì đó.

Nhận thức đã thay đổi. Thực sự như thế. Ngày nay có ý thức hơn. Không phải vì tôi đã lên tiếng mà vì mọi người đã nhận thức được vấn đề. Rất nhiều người đang nói về nó. Đó là chuyến đi đầu tiên của tôi.

Tôi muốn nói một điều nữa. Thậm chí, tôi không biết Lampedusa ở đâu, nhưng tôi đã nghe những câu chuyện: Tôi đọc được điều gì đó, và trong khi cầu nguyện tôi nghe thấy “con phải đi” Như thể Chúa đang gửi tôi đến đó, trong chuyến hành trình đầu tiên của tôi.

Clément Melki – Agence France-Presse (AFP)

Sáng nay ngài đã gặp Emmanuel Macron sau khi bày tỏ sự không đồng tình với việc an tử. Chính phủ Pháp đang chuẩn bị thông qua luật cuối đời gây tranh cãi.

Ngài có thể vui lòng cho chúng tôi biết ngài đã nói gì với tổng thống Pháp về việc này và liệu ngài có nghĩ rằng ngài có thể thay đổi quyết định của ông ấy không.


Chúng tôi đã không nói về vấn đề này ngày hôm nay, nhưng chúng tôi đã nói về nó trong chuyến thăm lần trước khi chúng tôi gặp nhau. Tôi đã nói rõ ràng khi ông ấy đến Vatican và tôi đã nói rõ quan điểm của mình: cuộc sống không phải để đùa giỡn, cả lúc đầu lẫn lúc cuối. Chúng ta không thể chơi đùa được. Đây là ý kiến của tôi: để bảo vệ sự sống, phải không? Bởi vì sau đó chúng ta kết thúc với một chính sách “không đau đớn”, một cái chết êm dịu duy nhân bản.

Về điểm này, tôi muốn trích dẫn một cuốn sách một lần nữa. Xin vui lòng đọc nó. Nó có từ năm 1907. Đó là cuốn tiểu thuyết có tên Lord of the World [Chúa tể thế giới], được viết bởi [Robert Hugh] Benson. Đó là một cuốn tiểu thuyết về ngày tận thế cho thấy mọi thứ cuối cùng sẽ diễn ra như thế nào. Mọi khác biệt đều bị lấy đi, kể cả mọi nỗi đau. An tử là một trong những điều đó – một cái chết nhẹ nhàng, một sự chọn lọc trước khi sinh ra. Nó cho chúng ta thấy người đàn ông này đã thấy trước một số xung đột hiện tại như thế nào.

Ngày nay chúng ta nên cẩn thận với sự thực dân hóa ý thức hệ chuyên hủy hoại đời sống con người và đi ngược lại đời sống con người. Chẳng hạn, ngày nay, cuộc sống của ông bà bị xóa bỏ, và khi sự giàu có nhân bản xuất hiện trong cuộc đối thoại với con cháu, họ cũng bị xóa bỏ. ‘Họ đã già rồi nên vô dụng.’ Chúng ta không thể chơi đùa với cuộc sống.

Lần này tôi không nói chuyện với tổng thống [về chủ đề này], nhưng lần trước thì tôi có nói chuyện. Khi ông ấy đến, tôi đã cho ông ấy quan điểm của mình rằng cuộc sống không phải là thứ để đùa giỡn. Dù là luật không để đứa bé lớn lên trong bụng mẹ hay luật an tử khi bệnh tật hay tuổi già, tôi không nói đó là một vấn đề đức tin. Đó là vấn đề con người, vấn đề con người. Có một ‘lòng trắc ẩn xấu xí’. Khoa học đã biến một số căn bệnh đau đớn thành những sự kiện ít đau đớn hơn, kèm theo nhiều loại thuốc. Nhưng cuộc sống không được đùa giỡn.

Javier Martínez-Brocal – ABC

Thưa Đức Thánh Cha, cảm ơn ngài đã dành thời gian trả lời các câu hỏi của chúng tôi cho chuyến đi rất căng thẳng và dày đặc này. Cho đến phút cuối cùng ngài đã nói về Ukraine và Đức Hồng Y Zuppi vừa đến Bắc Kinh. Có tiến triển gì trong sứ mệnh này không? Ít nhất là về vấn đề nhân đạo của viẹc hồi hương trẻ em? Sau đó, một câu hỏi có phần gay gắt: cá nhân ngài trải nghiệm thế nào khi sứ mệnh này cho đến nay vẫn chưa đạt được bất cứ kết quả cụ thể nào. Trong một buổi tọa đàm, ngài đã nói về sự thất vọng. Ngài có cảm thấy thất vọng không? Cảm ơn.

Đó là sự thật, người ta cảm thấy có chút thất vọng, bởi vì Bộ Ngoại giao đang làm mọi cách để giúp đỡ việc này, và ngay cả "sứ mệnh Zuppi" cũng đã đến đó. Có điều gì đó với các trẻ em đang diễn ra tốt đẹp, nhưng cuộc chiến này khiến tôi nghĩ rằng nó cũng phần nào bị ảnh hưởng không chỉ bởi vấn đề Nga/Ukraine, mà còn bởi việc bán vũ khí, buôn bán vũ khí. Tờ The Econ-omist cách đây vài tháng đã nói rằng ngày nay khoản đầu tư mang lại nhiều thu nhập nhất là các nhà máy sản xuất vũ khí, chắc chắn [vốn] là những nhà máy chết chóc!

Nhân dân Ukraine là một dân tộc tử đạo; họ có một lịch sử rất tử đạo, một lịch sử khiến họ đau khổ. Đây không phải là lần đầu tiên: vào thời Stalin, họ đã phải chịu đựng rất nhiều, rất nhiều; họ là những người tử vì đạo. Nhưng chúng ta không được đùa giỡn với sự tử đạo của dân tộc này; chúng ta phải giúp họ giải quyết mọi việc theo cách thực tiễn nhất có thể.

Trong chiến tranh, điều thực tiễn là điều có thể, không ảo tưởng: như thể ngày mai hai nhà lãnh đạo đang gây chiến sẽ cùng nhau đi ăn. Nhưng trong chừng mực có thể, chúng ta sẽ đạt đến mức làm được những gì có thể. Bây giờ tôi thấy rằng một số quốc gia đang quay lưng lại, không cung cấp vũ khí và đang bắt đầu một diễn trình [nếu không] người tử vì đạo chắc chắn sẽ là người dân Ukraine. Và đó là một điều xấu!

Anh chị em đã thay đổi chủ đề, đó là lý do tại sao tôi muốn quay lại chủ đề đầu tiên, Hành trình. Marseille là nền văn minh của nhiều nền văn hóa, nhiều nền văn hóa, nó là bến cảng của những người di cư.

Có một thời, có những người di cư đến Cayenne, những người bị kết án tù bị bỏ lại đó – Đức Tổng Giám Mục [của Marseille] đã đưa cho tôi cuốn Manon Lescaut để nhắc nhở tôi về lịch sử đó. Nhưng Marseille là một nền văn hóa gặp gỡ!

Hôm qua, trong cuộc gặp gỡ với các đại diện của nhiều hệ phái khác nhau – họ cùng hiện hữu: Hồi giáo, Do Thái giáo, Kitô giáo, nhưng có sự chung sống, đó là một nền văn hóa hỗ trợ; Marseille là một bức tranh khảm sáng tạo; đó là văn hóa sáng tạo. Một bến cảng vốn là một thông điệp ở châu Âu: Marseille đang chào đón. Nó chào đón và tạo ra một sự tổng hợp mà không phủ nhận căn tính của các dân tộc. Chúng ta phải suy nghĩ lại vấn đề này ở những phần khác: khả năng đón nhận.

Trở lại với người di cư, có 5 quốc gia đang phải chịu thiệt hại vì quá nhiều người di cư, nhưng ở một số quốc gia này lại có những thị trấn trống rỗng. Tôi nghĩ về một trường hợp cụ thể mà tôi biết, có một thị trấn chỉ có ít hơn 20 người già và không nhiều hơn. Xin hãy để những thị trấn này thực hiện nỗ lực hội nhập.

Chúng ta cần lao động; Châu Âu cần lao động. Di cư được tiến hành tốt là một sự phong phú; nó là sự giàu có. Chúng ta hãy xem xét chính sách di cư này để nó có hiệu quả hơn và vì nó giúp ích cho chúng ta rất nhiều.

Bây giờ đến bữa tiệc tối để chia tay Rino và Roberto. Hãy dừng lại ở đây; cảm ơn anh chị em rất nhiều vì công việc và câu hỏi của anh chị em.
 
Không có 'biển chết': Đức Thánh Cha kêu gọi hành động toàn Âu Châu về vấn đề di cư
Đặng Tự Do
16:48 25/09/2023


Đức Thánh Cha Phanxicô hôm thứ Bảy đã lên án “chủ nghĩa dân tộc hiếu chiến” và kêu gọi phản ứng toàn Âu Châu đối với vấn đề di cư để ngăn chặn Địa Trung Hải, nơi hàng ngàn người đã chết đuối, đang trở thành “nghĩa địa của nhân phẩm”.

Vấn đề nhập cư đã chi phối chuyến đi kéo dài 27 giờ của ngài tới Marseilles, một cảng của Pháp trong nhiều thế kỷ đã là nơi giao thoa của các nền văn hóa và tôn giáo.

Hôm thứ Sáu, ngài nói những người di cư có nguy cơ chết đuối trên biển “phải được giải cứu” vì làm như vậy là “nghĩa vụ của nhân loại” và những người cản trở việc giải cứu là đưa ra các “cử chỉ thù hận”.

Đức Phanxicô đã nhấn mạnh thêm trong bài phát biểu dài vào sáng thứ Bảy khi ngài kết thúc một hội nghị của Giáo hội về các vấn đề Địa Trung Hải.

“Có một tiếng kêu đau đớn vang vọng hơn hết, và nó đang biến Địa Trung Hải, 'mare nostrum', từ cái nôi của nền văn minh thành 'mare mortuum', nghĩa địa của phẩm giá: đó là tiếng kêu nghẹn ngào của người di cư, thưa các anh chị em”, ngài nói, sử dụng các thuật ngữ Latinh 'mare nostrum' có nghĩa là “biển của chúng ta” và 'mare mortuum' là “biển chết”.

Trên chuyến bay đến Marseilles hôm thứ Sáu, Đức Phanxicô đã rất xúc động khi được nhiếp ảnh gia Yara Nardi của Reuters cho xem bức ảnh một đứa trẻ di cư. Bức ảnh là ảnh chụp cận cảnh đôi mắt của Hoàng tử 18 tháng tuổi, cậu bé cùng mẹ là Claudine Nsoe, đã đến hòn đảo nhỏ bé Lampedusa của Ý từ Bắc Phi bằng đường biển.

Tổng thống Emmanuel Macron, các quan chức chính phủ khác và Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Âu Châu Christine Lagarde đã tham dự Thánh lễ của Đức Giáo Hoàng vào chiều thứ Bảy cho 50.000 người đang chật kín sân vận động Velodrome của thành phố. Nhà chức trách cho biết có 100.000 người khác xếp hàng trên đường đến sân vận động.


Source:Reuters
 
Giáo phận Mễ Tây Cơ tố cáo việc hack một số tài khoản mạng xã hội của giáo phận
Đặng Tự Do
16:50 25/09/2023


Các tài khoản truyền thông xã hội khác nhau liên quan đến Giáo phận Irapuato ở bang Guanajuato của Mễ Tây Cơ đã bị tấn công và nội dung khiêu dâm đã được đăng trên các tài khoản đó.

“Chúng tôi muốn thông báo với bạn rằng trong những ngày gần đây, sáu tài khoản Facebook liên quan đến Giáo phận Irapuato và Giáo xứ Đức Mẹ Cô Đơn đã bị hack. Chúng tôi lên án cuộc tấn công này trên phương tiện truyền thông xã hội của chúng tôi,” Cha Efrén Silva Plasencia, phát ngôn viên của giáo phận, viết trong một tuyên bố đăng trên Facebook ngày 16 tháng 9.

Các trang bị tấn công là: trang web của giáo phận Irapuato, của Nhà thờ chính tòa Irapuato, Ủy ban Phụng Vụ Irapuato, Học viện María Goretti, Đền thờ Đức Mẹ Cô tịch của Giáo phận và Giáo xứ Tổng lãnh thiên thần Michael-San Miguelito.

Plasencia giải thích rằng “chúng tôi đã cố gắng khôi phục chúng nhưng không thể. Trong những ngày gần đây, nội dung không phù hợp đã được tải lên một số trang này.”

Giám mục của Irapuato, Đức Cha Enrique Díaz Díaz, cho biết trong cuộc họp báo hôm Chúa Nhật được đăng trên Facebook rằng giáo phận vẫn chưa tìm ra người chịu trách nhiệm về vụ tấn công hoặc động cơ của vụ hack.

“Tôi không biết điều này có thể đến từ đâu hoặc nó đến từ ai đó có thể gây hại cho chúng ta. Rõ ràng là việc tải lên nội dung tục tĩu, khủng khiếp như vậy thật quá đau lòng nhưng tôi không biết từ ai,” ngài nói.

Trong khi các trang của Giáo phận Irapuato và Học viện María Goretti vẫn hoạt động và cũng tiếp tục chia sẻ nội dung không phù hợp, các tài khoản của Đền thờ Đức Mẹ Cô tịch của Giáo phận và Thánh Michael Tổng lãnh thiên thần-San Miguelito đã bị gỡ xuống khỏi Facebook sau nhiều lần khiếu nại.

Tài khoản của Nhà thờ chính tòa Irapuato và Ủy ban Phụng vụ của Giáo phận Irapuato đã được khôi phục.

Do không thể khôi phục một số tài khoản, giáo phận kêu gọi những người theo dõi và người dùng “giúp đỡ bằng cách báo cáo các trang này cho Facebook để nền tảng nói trên có thể vô hiệu hóa chúng”.


Source:Catholic News Agency
 
Các giám mục Trung Quốc tham dự Thượng Hội đồng về tính đồng nghị là những ai?
Đặng Tự Do
16:51 25/09/2023


Vatican hôm thứ Năm thông báo rằng hai giám mục từ Trung Quốc đại lục đã được bổ sung làm đại biểu chính thức trong Thượng Hội đồng sắp tới về hội đồng.

Giám mục Antonio Nghiêu Thuấn (Yao Shun, 尧舜) của Tế Ninh và Giám mục Giuse Dương Vĩnh Cường (Yang Yongqiang, 杨永强) của Chu Thôn sẽ đi từ Trung Quốc đến Rôma để tham gia với tư cách là thành viên chính thức của Thượng hội đồng Giám mục từ ngày 4 đến ngày 28 tháng 10 về chủ đề “Vì một Giáo hội có tính đồng nghị: Hiệp thông, Dự phần, và Truyền giáo.”

Các giám mục tham gia cùng với Giám mục Đài Loan Norbert Bồ Anh Hùng ( Pu Yingxiong, 蒲英雄) Địa phận Khải Y (Kiayi, 凯伊) và Đức Hồng Y tân cử Stêphanô Châu Thủ Nhân, giám mục Hương Cảng, là những vị đã được công bố là đại biểu Thượng Hội đồng vào tháng Bảy.

Vatican đã công khai việc bổ sung hai giám mục Trung Quốc đại lục trong cuộc họp báo trước lễ kỷ niệm 5 năm ngày ký kết thỏa thuận Vatican-Trung Quốc, thỏa thuận tạm thời về việc bổ nhiệm các giám mục giữa Tòa thánh và Bắc Kinh vào ngày 22 tháng 9, 2018.

Đây không phải là lần đầu tiên Bắc Kinh chấp thuận cho các giám mục đại lục tham gia Thượng Hội đồng Giám mục. Hai Giám Mục Gioan Baotixita Dương Hiểu Đình (Yang Xiaoting -楊曉亭)của Diên An, và Giám mục Giuse Quách Kim Tài (Guo Jincai - 郭金才) của Thừa Đức đã tham dự nửa đầu Thượng hội đồng giới trẻ năm 2018 trước khi đột ngột rời Thượng hội đồng sớm mà không giải thích. Cả hai giám mục đều có mối quan hệ chặt chẽ với Hiệp hội Công giáo Yêu nước Trung Quốc được chính phủ phê duyệt và ở tại nhà khách Santa Marta của Thành phố Vatican, nơi Đức Thánh Cha Phanxicô cư trú.

Một trong những giám mục tham dự hội nghị năm nay là vị giám mục đầu tiên được tấn phong ở Trung Quốc theo các điều khoản của thỏa thuận Vatican-Trung Quốc.

Đây là những gì chúng ta biết về hai giám mục Trung Quốc sẽ đến Vatican để tham dự Thượng Hội đồng Giám mục năm 2023:

Giám mục Giuse Dương Vĩnh Cường (Yang Yongqiang, 杨永强) của Chu Thôn được tấn phong giám mục với sự chấp thuận của Vatican vào năm 2010 và đã phục vụ với tư cách là giám mục của Chu Thôn thuộc tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc đại lục kể từ tháng 8 năm 2013.

Giám mục Giuse Dương Vĩnh Cường, 53 tuổi, đã tham gia Ủy ban Quốc gia của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc năm 2023, một cơ quan cố vấn chính trị thuộc hệ thống mặt trận thống nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc, nơi đã quyết định rằng Giáo hội Công giáo nên tích hợp tư tưởng của mình với đảng và đoàn kết chặt chẽ hơn với Tập Cận Bình, theo trang web chính thức của Hiệp hội Công giáo Yêu nước.

Ông là phó chủ tịch hội đồng giám mục Công giáo được chính phủ Trung Quốc công nhận và được bầu làm lãnh đạo Hiệp hội Công giáo Yêu nước Trung Quốc vào tháng 12 năm 2016. Tại lễ tấn phong giám mục, Giám Mục Dương Vĩnh Cường nói với UCA News rằng ông nhìn thấy tiềm năng tăng cường đối thoại với cộng đồng Công giáo hầm trú.

Năm ngoái, Giám Mục Dương Vĩnh Cường đã chủ trì một cuộc họp trình bày cách người Công giáo phải nghiên cứu tinh thần của Đại hội toàn quốc lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Giám Mục Dương Vĩnh Cường sinh ra trong một gia tấn Công Giáo ở quận Quyền Kích, tỉnh Sơn Đông vào năm 1970 và theo học tại chủng viện Xà Sơn ở Thượng Hải trước khi thụ phong linh mục vào năm 1995.

Ông làm việc cho Hiệp hội Công giáo Yêu nước cấp tỉnh và Ủy ban Công tác Giáo hội Trung Quốc vào năm 2005 trong khi giảng dạy tại Đại Chủng viện Chúa Thánh Thần ở Tế Nam.

Đầu tháng này, ông đã tham dự một buổi nghiên cứu về cách thực hiện “Các biện pháp quản lý các địa điểm hoạt động tôn giáo” mới, với những hạn chế của chính phủ như cấm trưng bày các biểu tượng tôn giáo ngoài trời, yêu cầu rao giảng để “phản ánh các giá trị xã hội chủ nghĩa cốt lõi” và hạn chế tất cả các giá trị tôn giáo và hoạt động tôn giáo trong các địa điểm tôn giáo được chính phủ phê duyệt, theo China Aid.

Giám mục Antonio Nghiêu Thuấn (Yao Shun, 尧舜) của Tế Ninh là giám mục đầu tiên được tấn phong ở Trung Quốc theo các điều khoản của thỏa thuận Trung Quốc-Vatican, vào ngày 26 tháng 8 năm 2019. Ngài hiện nay là giám mục của Tế Ninh thuộc Khu tự trị Nội Mông của Trung Quốc.

Trước khi được bổ nhiệm, Đức Cha Thuấn, hiện 58 tuổi, từng giữ chức vụ thư ký và sau đó là phó giám đốc ủy ban phụng vụ do Hiệp hội Công giáo Yêu nước Trung Quốc và Hội đồng Giám mục Trung Quốc giám sát từ năm 1998. Ngài trở lại Giáo phận Tế Ninh vào năm 2010 để phục vụ với tư cách là tổng đại diện.

Sinh ra ở Ô Lan Ca Bố (Ulanqab, 乌兰卡布) năm 1965, ngài là người gốc Nội Mông và đã từng vừa học vừa giảng dạy tại chủng viện quốc gia ở Bắc Kinh. Sau khi được thụ phong linh mục vào năm 1991, ngài đã hoàn thành bằng cử nhân phụng vụ tại Hoa Kỳ tại Đại học St. John's ở Minnesota từ năm 1994 đến năm 1998. Ngài cũng dành một thời gian theo đuổi việc nghiên cứu Kinh Thánh ở Giêrusalem.

Tờ New York Times đưa tin rằng Vatican đã chấp thuận Đức Cha Thuấn làm người kế vị Giám mục Gioan Lưu Thế Công (Liu Shigong, 刘世功) tại Giáo phận Tế Ninh vào năm 2010, nhưng chính phủ Trung Quốc đã từ chối chấp thuận ngài, ngay cả sau khi Đức Giám mục Lưu qua đời vào năm 2017 ở tuổi 89.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã chỉ ra rằng Đức Cha Thuấn không phải là người lên tiếng chỉ trích chính phủ Trung Quốc.

Francesco Sisci, một nhà nghiên cứu về Công giáo Trung Quốc có trụ sở tại Bắc Kinh, nói với New York Times vào năm 2019: “Đảng Cộng sản cảm thấy thoải mái với ông ấy”. “Họ không muốn ai đó thực hiện hành động chống lại họ”.


Source:Catholic News Agency
 
VietCatholic TV
Lữ Đoàn 810 TQLC Nga bị xoá sổ. Moscow nổ lớn, FSB bị tấn công. Lý do hàng phòng không Putin vô dụng
VietCatholic Media
02:47 25/09/2023


1. Tại sao hệ thống phòng không tiên tiến của Nga được mệnh danh bất khả chiến bại lại tỏ ra thúc thủ trước các cuộc tấn công của quân Ukraine?

Người Ukraine đã đánh bại được các hệ thống phòng không tiên tiến của Nga, từng được Putin mệnh danh là bất khả chiến bại. Việc họ làm được như vậy là một sự thật không thể chối cãi. Tất cả các tàu chiến và trụ sở quan trọng của Nga hết cái này đến cái khác lần lượt nổ tung là bằng chứng cho điều đó. Họ làm được như thế bằng cách nào là một đề tài đang được thảo luận sôi nổi.

Ký giả David Axe của tờ Forbes có trụ sở ở New Jersey, Hoa Kỳ có bài tường trình nhan đề “To Blow Up Warships And Headquarters In Crimea, Ukraine First Had To Roll Back Russia’s Air-Defenses”, nghĩa là “Để cho nổ tung tàu chiến và các trụ sở ở Crimea, Ukraine trước tiên phải đẩy lùi hệ thống phòng không của Nga.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Máy bay ném bom Sukhoi Su-24M của Ukraine bắn hỏa tiễn hành trình Storm Shadow do Anh sản xuất đã làm nổ tung trụ sở Hạm đội Hắc Hải của Nga ở Sevastopol, vùng Crimea bị tạm chiếm, vào hôm thứ Sáu.

Cuộc tấn công diễn ra chỉ 9 ngày sau khi cùng một đơn vị máy bay ném bom Ukraine -là Lữ đoàn không quân chiến thuật số 7, đã bay từ miền Tây Ukraine - tấn công khu neo đậu của Hạm đội Hắc Hải ở Sevastopol, phá hủy một tàu tấn công đổ bộ và một tàu ngầm chạy bằng diesel và điện trong ụ tàu chung của họ.

Sức mạnh hủy diệt của hỏa tiễn nặng 2.900 pound rất dễ giải thích: nó chứa hai đầu đạn giúp nó xuyên thủng các mục tiêu bê tông và thép và làm nổ tung chúng từ bên trong. Đầu đạn thứ nhất khi nổ sẽ tạo ra một lỗ lớn ở bên ngoài mục tiêu, dọn đường cho đầu đạn thứ hai và lớn hơn lọt vào bên trong và phát nổ công phá từ trong ra ngoài.

Tuy nhiên, điều đó không giải thích được làm thế nào Lữ đoàn không quân chiến thuật thứ 7 có thể phóng hỏa tiễn xuyên qua một trong những mạng lưới phòng không nguy hiểm nhất thế giới. Tom Cooper, một tác giả và là chuyên gia về quân đội Nga, đưa ra lý thuyết sau đây.

Có thể lực lượng Ukraine đã gây nhiễu và áp chế các radar và bệ phóng của Nga. Cũng có thể là họ đã phóng mồi nhử để thu hút hỏa lực của hỏa tiễn Nga và làm cạn kiệt băng đạn của các khẩu đội SAM. Hoặc cũng có thể là các mồi nhử đang thu hút sự chú ý của các nhà điều hành phòng không Nga về một hướng... trong khi Storm Shadows lại lao tới từ một hướng khác.

Có lẽ đó là sự kết hợp của cả ba chiến thuật. Bằng cách nào đó, “Người Ukraine đang áp đảo lực lượng phòng không của Nga đến mức cơ hội thực sự đánh chặn một trong những hỏa tiễn Storm Shadow của họ là gần như bằng 0,” Cooper viết trong bản tin của mình.

Trong những năm trước khi mở rộng cuộc chiến với Ukraine bắt đầu từ tháng 2 năm 2022, Nga đã triển khai nhiều radar, hỏa tiễn đất đối không và súng phòng không tốt nhất tới Crimea, nơi Nga đã xâm chiếm và sáp nhập vào năm 2014.

Hệ thống phòng không Crimea từng bao gồm ít nhất 4 khẩu đội S-400 SAM có tầm bắn 400km với khoảng 40 bệ phóng, cùng với gần 50 hệ thống phòng không Pantsir, Buk và Tor tầm ngắn hơn. Các radar Podlet-U đã giúp điều khiển súng và bệ phóng ở Crimea, còn một khẩu đội S-300 tầm xa ở miền nam Kherson, ngay phía bắc Crimea, đóng vai trò phòng không cho lực lượng phòng không này.

Đó là một hệ thống phòng thủ chồng chéo, nhiều lớp đáng sợ. Nhưng “cuối cùng, ý tưởng này đã không thành công,” Cooper nhấn mạnh.

Bắt đầu từ đầu tháng 8, các lực lượng Ukraine lần lượt tấn công các khẩu đội Kherson S-300 cùng với hai khẩu đội S-400 ở Crimea cùng với radar Podlet-U gần đó. Họ cũng chiếm lại hai giàn khoan dầu của Ukraine ở phía tây Hắc Hải mà lực lượng Nga đang sử dụng làm bệ cảm biến.

Nhưng chỉ những cuộc tấn công này thôi thì không đủ để tạo ra một làn đường an toàn cho những chiếc Storm Shadows bay với tốc độ cận âm, tức là gần bằng tốc độ âm thanh, có phạm vi 320 km; và được phóng từ những máy bay ném bom cổ điển của những năm 1970.

Có thể Ukraine đã triển khai một số thiết bị gây nhiễu radar mạnh mẽ ở phía bắc Kherson và đã khiến các nhà điều hành radar của Nga nhầm lẫn với một loạt tiếng ồn điện tử.

Cooper viết: “Đột nhiên, có một khoảng trống lớn trong phạm vi phủ sóng của radar và SAM của Nga”. “Vấn đề là kết hợp nhiều loại vũ khí khác nhau để mở rộng và bảo đảm khoảng cách đó – thông qua việc tấn công các hệ thống phòng không của Nga được lựa chọn”.

Người Ukraine có nhiều lựa chọn: Su-24, Sukhoi Su-27 và Mikoyan MiG-29 của không quân bắn hỏa tiễn dẫn đường bằng radar AGM-88 do Mỹ sản xuất và thả bom lượn dẫn đường bằng GPS, cũng do Mỹ sản xuất; hoặc các bệ phóng của quân đội bắn hỏa tiễn dẫn đường bằng GPS có thể đoán là cũng được sản xuất tại Mỹ.

Cooper giải thích: “Hành lang” xuyên qua hệ thống phòng thủ của Nga đang “mở đường” cho Storm Shadows và các hỏa tiễn SCALP-EG tương tự của Pháp bay “sâu vào các khu vực bị Nga xâm lược”.

Ngoài ra, người Ukraine có thể đang làm cạn kiệt các hệ thống phòng không của Nga thay vì gây nhầm lẫn rồi trấn áp chúng. Để làm được điều đó, họ có thể sử dụng mồi nhử phóng từ trên không được gọi là ADM-160 của Mỹ.

ADM-160 về cơ bản là hỏa tiễn hành trình nặng 136kg nhưng không có đầu đạn. Hoa Kỳ đã lặng lẽ cung cấp một số lượng mồi nhử không được tiết lộ cho Ukraine không muộn hơn mùa xuân này. Chúng tôi biết điều này vì mảnh vỡ của chiếc ADM-160 đã xuất hiện ở miền đông Ukraine vào tháng 5.

Có khả năng lực lượng không quân Ukraine sẽ phóng ADM-160 ngay trước khi phóng Storm Shadows hoặc SCALP-EG. Bay ngay phía trước hỏa tiễn hành trình, mồi nhử thu hút hỏa lực của quân Nga. Cooper giải thích: “Vào thời điểm Storm Shadows/SCALP-EG tiếp cận mục tiêu của họ, người Nga sẽ hết hỏa tiễn để bắn vào chúng”.

Chiến thuật khả thi thứ ba mà Cooper đề xuất là một biến thể của chiến thuật thứ hai. Có thể, thay vì tung mồi nhử nhằm làm cạn kiệt các khẩu đội Nga, người Ukraine lại tung ra các mồi nhử nhằm đánh lạc hướng các khẩu đội. Có thể các mồi nhử tiếp cận Crimea từ phía bắc, trong khi các máy bay ném bom tấn công từ phía tây.

Nếu Ukraine cạn kiệt mồi nhử, nước này có thể bổ sung bằng máy bay không người lái. “Do đó, người ta có thể sử dụng kết hợp ADM và UAV để đối đầu với hệ thống phòng không của Nga trước khi sử dụng Storm Shadow/SCALP-EG thực sự.”

Cũng có thể người Ukraine đã nghĩ ra một số chiến thuật tấn công khác mà Cooper và các nhà quan sát khác thậm chí chưa từng tưởng tượng ra. Làm thế nào các lực lượng Ukraine đẩy lùi hệ thống phòng không của Nga ở Crimea vẫn còn là vấn đề phỏng đoán. Việc họ làm được như vậy là một sự thật không thể chối cãi. Tất cả các tàu chiến và trụ sở quan trọng của Nga hết cái này lại đến cái khác lần lượt nổ tung là bằng chứng cho điều đó.

2. Sáng Chúa Nhật, Ukraine đã tấn công thành công vào tòa nhà của Cơ quan mật vụ Nga.

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Ukrainian Drone Strikes Russian Security Building in Kursk: Report”, nghĩa là “Báo cáo cho thấy máy bay không người lái Ukraine tấn công tòa nhà an ninh Nga ở Kursk.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Theo Ukrainska Pravda, lực lượng Ukraine đã đánh dấu buổi sáng Chúa Nhật bằng cuộc tấn công thành công vào một tòa nhà an ninh của Nga.

Báo cáo của Ukrainska Pravda cho biết một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái thành công đã được thực hiện nhằm vào một tòa nhà được Cơ quan An ninh Liên bang Nga, gọi tắt là FSB, sử dụng ở thành phố Kursk, nằm cách Kharkiv, Ukraine khoảng 220 km về phía bắc. Báo cáo cũng lưu ý rằng hoạt động này được thực hiện bởi “tình báo quân sự Ukraine”.

Hiện chưa rõ quy mô thiệt hại của tòa nhà và số lượng thương vong có thể xảy ra. Roman Starovoyt, thống đốc khu vực Kursk, tuyên bố rằng “mái nhà bị hư hại nhẹ” sau cuộc tấn công, mâu thuẫn với tuyên bố của tình báo Ukraine rằng cuộc tấn công là một đòn tấn công trực tiếp gây ra thiệt hại nặng.

“Tại Kursk, một máy bay không người lái của Ukraine đã tấn công một tòa nhà hành chính ở Quận Trung tâm,” tuyên bố của thống đốc viết. “Mái nhà bị hư hỏng nhẹ. Các nhân viên dịch vụ khẩn cấp đã tới hiện trường.”

Ngoài vị trí gần biên giới Nga với Ukraine, Kursk còn là mục tiêu được quan tâm do sự hiện diện của một nhà máy hạt nhân gần đó. Các cuộc tấn công nhằm vào thành phố và khu vực xung quanh trở nên phổ biến hơn, đặc biệt là khi lực lượng Ukraine tăng cường tấn công tầm xa nhằm vào Mạc Tư Khoa trong cuộc phản công đang diễn ra.

Vào ngày 1 tháng 9, Starovoit đã sử dụng tài khoản Telegram chính thức của mình để báo cáo rằng một máy bay không người lái bị nghi ngờ của Ukraine đã thực hiện một “cuộc đột kích bằng máy bay không người lái vào buổi sáng” tại thị trấn Kurchatov, nằm cách Kursk 40km về phía tây và là nơi có nhà máy hạt nhân của khu vực.

Ông cho biết: “Một máy bay không người lái đã đâm vào một tòa nhà phi dân cư, điều đó đã được xác nhận, mặt tiền bị hư hại nhẹ.” Ông cũng tỏ ra hoài nghi đối với các báo cáo trước đó cho rằng có đến hai máy bay không người lái có liên quan đến vụ việc. “Không có thương vong. Việc chiếc máy bay không người lái thứ hai rơi vẫn chưa được xác nhận – chuyến bay của chiếc máy bay không người lái đầu tiên đã bị nhầm lẫn với một chiếc khác.”

Mặc dù nằm gần nhà máy hạt nhân nhưng mục tiêu cụ thể của cuộc tấn công vẫn chưa rõ ràng.

Trước đó, vào tháng 8, Lực lượng vũ trang Ukraine tuyên bố trong một tuyên bố rằng Nga đang lên kế hoạch thực hiện một cuộc tấn công “cờ giả” nhằm vào nhà máy hạt nhân của chính họ ở Kursk, trích dẫn thông tin từ Trung tâm Kháng chiến Quốc gia của nước này dựa trên các tài liệu Điện Cẩm Linh bị rò rỉ.

Phát ngôn nhân Lực lượng vũ trang Ukraine Sarah Ashton-Cirillo cho biết: “Chúng tôi đang có thông tin cho rằng Trung tâm Kháng chiến Quốc gia Ukraine đã thu được các tài liệu cho thấy Nga lên kế hoạch tấn công giả vào Nhà máy điện hạt nhân Kursk”. “Ngoài ra, họ chỉ có kế hoạch di tản một số lượng cư dân nhất định ở Kursk - Điện Cẩm Linh đang lựa chọn những người sẽ di tản, trước cuộc tấn công vào nhà máy điện hạt nhân.”

Những cáo buộc này không thể được Newsweek xác minh độc lập và dường như chưa có cuộc tấn công nào được thực hiện nhằm vào nhà máy Kursk.

3. Phe ly khai được Nga hậu thuẫn áp đặt lệnh giới nghiêm và kiểm duyệt thông tin liên lạc

Theo truyền thông nhà nước Nga, lệnh giới nghiêm và kiểm duyệt thông tin liên lạc đã có hiệu lực vào hôm Chúa Nhật tại Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng ở miền đông Ukraine. Diễn biến này xảy ra sau khi quân Ukraine chỉ còn cách phi trường quốc tế có 2 km và có thể bất ngờ đánh chiếm phi trường này. Nó cũng xảy ra sau các cuộc tấn công thành công vào Hạm Đội Hắc Hải khiến hệ thống chỉ huy của quân xâm lược rơi vào một cuộc khủng hoảng cao độ.

Lệnh giới nghiêm sẽ kéo dài từ 23h đến 4h sáng theo giờ địa phương các ngày trong tuần, bắt đầu từ thứ Hai, theo sắc lệnh được ký bởi lãnh đạo khu vực được Nga hậu thuẫn, Denis Pushilin, hãng thông tấn nhà nước TASS đưa tin.

Một số quan chức và công chức sẽ được miễn lệnh, bao gồm công nhân sửa chữa và những người giám sát việc cung cấp thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu khác. Cảnh sát, nhân viên an ninh và những người có thẻ đặc biệt cũng sẽ được phép di chuyển trong giờ giới nghiêm.

Pushilin đã ký sắc lệnh vào ngày 18 tháng 9, nhưng nó có hiệu lực vào Chúa Nhật khi nó được công bố, theo TASS.

Một nghị định bổ sung áp đặt kiểm duyệt quân sự đối với thư, thông tin liên lạc trên internet và các cuộc trò chuyện qua điện thoại.

Theo lệnh này, Cơ quan An ninh Liên bang Nga và cái gọi là “Bộ Thông tin” của Cộng hòa Nhân Dân Donetsk sẽ phát triển và thực thi các biện pháp kiểm duyệt.

Theo hãng thông tấn nhà nước RIA Novosti, các quan chức địa phương mô tả động thái này là một nỗ lực nhằm chống lại những kẻ phá hoại và các trinh sát của quân Ukraine.

Bối cảnh chính: Chiến tranh nổ ra vào năm 2014 sau khi phiến quân được Nga hậu thuẫn chiếm giữ các tòa nhà chính phủ tại các thị trấn và thành phố trên khắp miền đông Ukraine. Giao tranh ác liệt đã khiến một phần khu vực Luhansk và Donetsk của Ukraine rơi vào tay phe ly khai được Nga hậu thuẫn.

Các khu vực do phe ly khai kiểm soát được gọi là Cộng hòa Nhân Dân Luhansk và Cộng hòa Nhân dân Donetsk. Chính phủ Ukraine ở Kyiv khẳng định hai khu vực này trên thực tế là các vùng tạm thời bị Nga xâm lược. Họ chưa được bất kỳ chính phủ nào khác ngoài Nga và các đồng minh thân cận của họ là Syria và Triều Tiên công nhận.

Chính phủ Ukraine đã kiên quyết từ chối nói chuyện trực tiếp với các nhà lãnh đạo của chính quyền tự xưng và đặt mục tiêu giành lại quyền kiểm soát các vùng lãnh thổ trong cuộc chiến chống lại cuộc xâm lược toàn diện của Nga.

4. Nổ lớn ở Mạc Tư Khoa và Kaluga

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Hai 25 tháng Chín, phát ngôn nhân Cục Tình Báo Quân Đội Ukraine, Thượng Úy Andriy Yusov, cho biết đã có những vụ nổ xảy ra vào hôm Chúa Nhật nhằm vào các thiết bị quân sự của Nga tại Mạc Tư Khoa và Kaluga.

Ông nói: “Vào đêm ngày 24 tháng 9, những kẻ phá hoại không rõ danh tính đã mở rộng địa lý của 'bavovna' ở đất nước xâm lược, nổi bật bằng những hành động thành công ở khu vực Mạc Tư Khoa và Kaluga.” Bavovna nghĩa là tiếng nổ. Thành ngữ “những kẻ phá hoại không rõ danh tính” thường được các phát ngôn nhân của Ukraine dùng để gián tiếp xác nhận họ đứng sau các vụ tấn công.

“Đặc biệt, một xe tải chở nhiên liệu đã bị phá hủy tại căn cứ quân sự của Sư đoàn súng trường cơ giới cận vệ số 2 thuộc Tập đoàn quân xe tăng số 1 (đơn vị quân đội 23626, Kalininets, quận Naro-Fominsk)”.

Bốn chiếc xe đã bị phá hủy tại thị trấn quân sự của kho vũ khí số 60 (đơn vị quân đội 42702, Kaluga).

5. Viện Nghiên Cứu Chiến Tranh Hoa Kỳ nhận định rằng Lữ Đoàn Thủy Quân Lục Chiến số 810 của Nga đã bị tiêu diệt

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Ukraine Map Reveals Counteroffensive Progress Amid Verbove Breakthrough”, nghĩa là “Bản đồ Ukraine tiết lộ tiến trình phản công trong bối cảnh đột phá Verbove.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Bốn tháng sau cuộc phản công, các lực lượng Ukraine đang đạt được tiến bộ ở mặt trận phía Nam sau khi đột phá ở Verbove hồi đầu tuần này, thể hiện qua các bản đồ mới nhất được Viện Nghiên cứu Chiến tranh, gọi tắt là ISW, chia sẻ.

Verbove là một thị trấn ở tỉnh Zaporizhzhia, cách Robotyne vài dặm về phía đông, đã bị quân đội Ukraine tái chiếm vào ngày 28 tháng 8. Nó nằm trên con đường hướng tới Tokmak, nơi mà Tướng Ukraine Oleksandr Tarnavsky—người đang chỉ huy quân đội của Kyiv ở tiền tuyến phía nam —được CNN mô tả là “mục tiêu tối thiểu” của chiến dịch phản công của đất nước.

Trong bản cập nhật mới nhất về tình hình tiền tuyến, ISW xác nhận rằng quân đội Ukraine “đã chọc thủng các công sự dã chiến của Nga ở phía tây Verbove”, mặc dù ISW xác định rằng đây không phải là “tuyến phòng thủ cuối cùng trong chiều sâu phòng thủ của Nga ở phía tây Zaporizhzhia”.

ISW cho biết các hình ảnh vệ tinh thương mại ủng hộ tuyên bố của Tarnavsky, cho thấy lực lượng Ukraine đã đưa thiết bị hạng nặng đến gần Verbove trong vài ngày qua.

Tổ chức cố vấn có trụ sở tại Washington DC, đang theo dõi cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine kể từ khi Nga bắt đầu cuộc xâm lược vào ngày 22 tháng 2 năm 2022, cho biết quân đội Kyiv đang “tăng cường” sự hiện diện của họ ở khu vực Zaporizhzhia, nhưng tỷ lệ bước tiến của họ gần Verbove “vẫn chưa rõ ràng”.

Theo ISW, quân đội Mạc Tư Khoa vẫn kiểm soát các phần của tuyến chiến hào dài giữa Robotyne và Verbove, nơi bộ binh Ukraine đang chiến đấu “chậm rãi và có hệ thống” xuyên qua các vị trí chiến đấu của Nga. Cơ quan cố vấn xác nhận rằng lực lượng của Điện Cẩm Linh có nhiều công sự dã chiến hơn ở Verbove.

“ISW tiếp tục đánh giá rằng quân đội Nga không có đủ lực lượng được triển khai tới khu vực này của mặt trận để hoàn thiện hệ thống phòng thủ theo chiều sâu và các lực lượng Ukraine sẽ có thể hoạt động thông qua các công sự dã chiến của Nga nhanh hơn nếu họ không được bố trí đủ nhân sự,” tổ chức nghiên cứu viết.

Viện này xác nhận Ukraine đã đạt được tiến bộ trong tuần này và cho biết họ “có khả năng đã tiêu diệt Lữ Đoàn Thủy Quân Lục Chiến số 810 của Nga – là một phần của Hạm đội Hắc Hải – ở phía tây Zaporizhzhia.”

Theo tổ chức tư vấn này, các cuộc phản công đồng thời ở Bakhmut ở phía đông đất nước và miền nam Ukraine đang làm suy yếu quân đội Nga và ngăn cản Mạc Tư Khoa bổ sung quân số, “khi Nga triển khai lại lực lượng dự bị mới của mình để bảo vệ trước những bước tiến của Ukraine”.

Chuẩn Tướng Tarnavsky cho biết cuộc phản công của Ukraine sẽ tiếp tục vào mùa đông.

Ông nói: “Chúng tôi có một mục tiêu - giải phóng lãnh thổ của mình. Dù khó khăn đến mấy chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục làm việc. Và tôi muốn cảm ơn ngay cả những người hoài nghi, những lời chỉ trích của họ cũng ảnh hưởng đến sự thành công trong nhiệm vụ của chúng tôi.”

6. Nhà chức trách cho biết thêm nhiều người bị thương trong vụ tấn công thứ hai của Nga vào vùng Kherson

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Hai 25 tháng Chín, phát ngôn nhân cảnh sát quốc gia Ukraine, Đại Úy Alyona Lyutnytska, cho biết các cuộc tấn công của Nga đã giết chết hai người và làm bị thương ít nhất bảy người khác ở khu vực Kherson phía nam Ukraine vào hôm Chúa Nhật.

Lực lượng Mạc Tư Khoa đã tiến hành các cuộc không kích vào sáng thứ Hai tại một số khu định cư ở quận Beryslav của Kherson, giáp sông Dnipro ở phía đông nam Ukraine. Trước đó, vào hôm Chúa Nhật, các viên chức địa phương cho biết vụ tấn công đã khiến ít nhất hai người thiệt mạng.

Khoảng 12 giờ trưa theo giờ địa phương, các lực lượng Nga đã tiến hành một cuộc tấn công khác vào khu vực bằng pháo binh.

Cô cho biết 4 thường dân bị thương trong vụ tấn công thứ hai và 2 người trong số họ phải vào bệnh viện. Một số nhà riêng và trường mẫu giáo bị hư hại.

7. Bộ trưởng Quốc phòng Anh cam kết tiếp tục hỗ trợ Ukraine bất kể đảng nào thắng trong cuộc bầu cử Hoa Kỳ năm 2024

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “UK Pledges to Continue Ukraine Support No Matter Who Wins 2024 US Election”, nghĩa là “Vương quốc Anh cam kết tiếp tục hỗ trợ Ukraine bất kể ai thắng cuộc bầu cử Hoa Kỳ năm 2024.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Grant Shapps, Bộ trưởng Quốc phòng Vương quốc Anh, hôm Chúa Nhật tuyên bố rằng Vương quốc Anh sẽ tiếp tục hỗ trợ cuộc chiến của Ukraine chống lại Nga cho dù cuộc bầu cử tổng thống năm 2024 ở Hoa Kỳ có diễn ra như thế nào.

Ukraine vẫn đang trong cuộc xung đột gay gắt với Nga, hơn một năm rưỡi kể từ khi Mạc Tư Khoa phát động cuộc xâm lược, với lý do dựng đứng lên rằng Kyiv đàn áp người dân tộc Nga ở Ukraine và tuyên bố sai lầm rằng chính phủ Kyiv được điều hành bởi những người theo chủ nghĩa tân phát xít. Theo Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, gọi tắt là CFR, trong suốt cuộc xung đột, Mỹ đã cung cấp gần 77 tỷ Mỹ Kim viện trợ, trong đó khoảng 46 tỷ Mỹ Kim đặc biệt là viện trợ quân sự.

Trong cuộc phỏng vấn với BBC, Shapps nhấn mạnh Anh sẽ tiếp tục sát cánh cùng Ukraine, bất kể kết quả cuối cùng của cuộc bầu cử tổng thống năm 2024 ra sao.

“Còn một thời gian nữa chúng ta mới biết được điều gì sẽ xảy ra trong cuộc bầu cử nội bộ của Đảng Cộng hòa, nhưng chúng ta sẽ tiếp tục kề vai sát cánh với những người bạn của mình ở Ukraine”.

Ông nói tiếp: “Chúng tôi biết điều gì sẽ xảy ra khi chúng tôi cho phép một tên bạo chúa xâm chiếm hàng xóm và sau đó tiếp tục tiến về phía tây. Và điều hết sức cần thiết là Putin không thể bước vào một nước láng giềng dân chủ mà không chịu hậu quả. Và đó là lý do tại sao nước Anh rất kiên định lập trường và chúng tôi sẽ tiếp tục làm như vậy.”

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Anh qua email để yêu cầu bình luận.

Cựu Tổng thống Trump hiện là ứng cử viên hàng đầu được đề cử ra tranh cử tổng thống của đảng Cộng hòa năm 2024. Ông vượt xa các ứng viên khác về tỷ lệ ủng hộ với một khoảng cách rất xa. Theo mức trung bình thăm dò toàn quốc của FiveThirtyEight, Cựu Tổng thống Trump có thể tự hào nhận được sự ủng hộ của khoảng 55% cử tri Đảng Cộng hòa, trong khi đối thủ cạnh tranh gần nhất của ông, Thống đốc bang Florida Ron DeSantis chỉ nhận được 13%.

Trong trường hợp rất có thể xảy ra cuộc tái đấu giữa Cựu Tổng thống Trump và Tổng thống Joe Biden trong cuộc tổng tuyển cử năm 2024, hầu hết các cuộc thăm dò đều cho thấy hai người này ngang ngửa với cử tri. Tuy nhiên, các cuộc thăm dò quá xa cuộc tổng tuyển cử thường không đáng tin cậy và có khuynh hướng thay đổi đáng kể khi mùa vận động tranh cử tiếp tục.

8. Nhà hoạt động đối lập Nga bị chuyển đến Siberia giam giữ

Một nhân vật đối lập Nga đang bị cầm tù đã được chuyển đến một nhà tù an ninh tối đa ở Siberia, hãng tin AP đưa tin.

Vladimir Kara-Murza Jr, 42 tuổi, đã đến IK-6 vào tuần trước, khu giam giữ hình sự có an ninh tối đa ở thành phố Omsk, Siberia, nơi anh ta bị đưa vào một “phòng giam trừng phạt” nhỏ, luật sư Vadim Prokhorov của anh ta cho biết hôm nay.

Kara-Murza, một nhà báo và nhà hoạt động đối lập, đã bị kết án hồi đầu năm nay về tội phản quốc vì công khai tố cáo cuộc chiến của Nga ở Ukraine và bị kết án 25 năm tù.

Việc chuyển nhà tù ở Nga, thường được thực hiện bằng tàu hỏa, nổi tiếng là mất nhiều thời gian và thông tin về nơi ở của tù nhân rất hạn chế. Nhưng Prokhorov cho biết lần này việc di chuyển từ một trung tâm giam giữ ở Mạc Tư Khoa, nơi Kara-Murza đang bị giam chờ xét xử và kháng cáo, chỉ mất chưa đầy ba tuần; và tin tức được quảng bá rộng rãi trên các phương tiện truyền thông xã hội như một hình thức dằn mặt những ai dám chống lại cuộc chiến của Putin.

Các cáo buộc chống lại Kara-Murza bắt nguồn từ bài phát biểu của ông trước Hạ viện Arizona, trong đó ông tố cáo việc Nga xâm lược Ukraine.

Kara-Murza, người sống sót sau vụ đầu độc năm 2015 và 2017 mà ông đổ lỗi cho Điện Cẩm Linh, bác bỏ các cáo buộc chống lại ông và gọi đó là hình phạt vì đã đứng lên chống lại Vladimir Putin.

“Phòng giam trừng phạt” là một phòng giam nhỏ bằng bê tông, nơi những người bị kết án bị giam giữ vì vi phạm nội quy nhà tù. Nó được thiết kế chật chội như một chiếc quan tài dựng đứng.

9. Các quan chức Nga cáo buộc quân Ukraine tấn công vào các lãnh thổ Nga

Thống đốc khu vực Vyacheslav Gladkov cho biết lực lượng Ukraine đã bắn 11 quả đạn pháo vào làng Shchetinovka ở tỉnh Belgorod của Nga vào hôm Chúa Nhật.

Hệ thống phòng không đã bắn hạ một máy bay không người lái ở làng Krutoy Log và Toplinka. Và mặc dù lực lượng Ukraine đã thả hai quả bom nhỏ bằng máy bay không người lái xuống làng Naumovka nhưng không có thương vong hay tàn phá ở bất kỳ khu định cư nào trong khu vực.

Lực lượng Ukraine cũng pháo kích vào làng Dolgoye ở quận Valuysky và bắn 5 quả đạn súng cối vào làng Stary ở quận Volokonovsky. Ngoài ra còn có hỏa lực súng cối ở quận đô thị Grayvoronsky nhưng không có thương vong hay thiệt hại.

“Mái nhà xưởng sản xuất bị hư hại sau khi bị pháo kích ở thành phố Shebekino. Không có thương vong hoặc thiệt hại tại các làng Murom, Novaya Tavolzhanka hoặc Krasnoye sau các cuộc tấn công của lực lượng Ukraine,” Gladkov nói.

Máy bay không người lái Ukraine cũng đã tấn công tòa nhà hành chính ở thành phố Kursk của Nga

“Một máy bay không người lái của Ukraine đã tấn công một tòa nhà hành chính ở Kursk,” thống đốc khu vực Roman Starovoyt cho biết trên Telegram – vào đúng Ngày Thành phố Kursk.

Starovoyt đưa tin mái tòa nhà bị hư hỏng nhẹ và ông không đề cập đến thương vong.

Vụ tấn công xảy ra sau khi các quan chức thành phố đã phải hủy bỏ lễ kỷ niệm Ngày Thành phố do lo ngại bị tấn công vì thành phố nằm gần biên giới với Ukraine.

10. Ba người đã thiệt mạng trong các cuộc tấn công mới nhất của Nga vào các khu vực Zaporizhzhia và Kherson phía nam Ukraine

Thống Đốc Miền Zaporizhzhia, Yuri Malashko, cho biết một người đàn ông 53 tuổi đã chết do một cuộc tấn công bằng pháo binh của quân Nga vào Zaporizhzhia.

Malashko cho biết Nga đã bắn vào 25 địa điểm trên khắp Zaporizhzhia, làm hư hại nhà cửa và cơ sở hạ tầng.

Trong khi đó, tại vùng Kherson, hai thường dân đã thiệt mạng do pháo kích của Nga ngày hôm qua, theo chính quyền quân sự thành phố Kherson.

Ở những nơi khác ở miền nam Ukraine: Nga đã tiến hành một số cuộc tấn công bằng pháo binh vào vùng Nikopol, làm bị thương một người đàn ông 25 tuổi, người này phải vào bệnh viện vì vết thương do mảnh đạn và đang trong tình trạng nghiêm trọng, Serhii Lysak, nhà lãnh đạo cơ quan quản lý quân sự vùng Dnipropetrovsk, cho biết trên Telegram Chúa Nhật..

Lysak cho biết một tòa nhà bách hóa và một trường mẫu giáo ở Nikopol đã bị hư hại.

Ở đông bắc Ukraine: Một người 67 tuổi bị thương trong các cuộc tấn công của Nga vào Kharkiv, Oleh Syniehubov, Thống đốc khu vực Kharkiv, cho biết hôm Chúa Nhật.

Chính quyền quân sự khu vực cho biết, Nga cũng tấn công khu vực Sumy trong đêm, bắn ba phát vào hai cộng đồng. Không có báo cáo về thương tích.
 
ĐTC: Ngưng cấp vũ khí là biến Ukraine thành các vị tử đạo. FBI: Nga sang Mỹ tống tiền hàng giáo sĩ
VietCatholic Media
04:51 25/09/2023


1. Đức Thánh Cha nói việc từ chối vũ khí đang biến người Ukraine thành những vị tử đạo

Hôm thứ Bảy, Đức Thánh Cha Phanxicô nói với các nhà báo rằng việc từ chối cung cấp vũ khí cho Ukraine đang biến người dân Ukraine thành “những vị tử đạo”.

Đức Thánh Cha đã đưa ra những nhận xét này trong cuộc họp báo trên chuyến bay trở về phi trường Fiumicino của Rôma sau chuyến đi hai ngày tới Marseille.

Đức Thánh Cha nói với các nhà báo: “Bây giờ chúng ta đang thấy rằng một số quốc gia đang rút lui, họ không cung cấp vũ khí nữa. Một quá trình đang bắt đầu trong đó những người tử vì đạo sẽ là người dân Ukraine và đây là một điều thật tệ hại.”

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng nói về “nghịch lý” của việc các quốc gia cung cấp vũ khí cho Ukraine rồi sau đó lại không làm thế nữa, khiến người Ukraine trở thành “dân tộc tử đạo”.

Ngài nói: “Những người buôn bán vũ khí không bao giờ phải trả giá cho những hậu quả do lựa chọn của họ mà họ để phần việc ấy cho những người tử vì đạo, chẳng hạn như người dân Ukraine”.

Đức Thánh Cha có thể đang đề cập đến quyết định gần đây của Ba Lan về việc ngừng cung cấp vũ khí cho Ukraine, trong bối cảnh tranh chấp ngày càng gia tăng giữa hai nước về lệnh cấm tạm thời nhập khẩu ngũ cốc của Ukraine.

2. Nga đang cố gắng tuyển mộ gián điệp từ các nhà thờ Chính Thống Giáo ở Mỹ

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia's Trying to Recruit Spies From U.S. Churches: Report”, nghĩa là “Báo cáo cho thấy Nga đang cố gắng tuyển mộ gián điệp từ các nhà thờ ở Mỹ.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Theo một câu chuyện gần đây, các nhân viên tình báo Nga đã cố gắng tuyển dụng các nguồn tin từ các nhà thờ ở Hoa Kỳ, dẫn đến sự can thiệp của FBI.

Câu chuyện ngày 14 tháng 9 trên tạp chí Ngoại giao trình bày chi tiết cách FBI cảnh báo các giáo xứ Chính thống giáo Nga và Chính thống giáo Đông Phương về những nỗ lực có thể có của các điệp viên Nga trong việc sử dụng nhà thờ của họ để tuyển dụng. Một điệp viên bị tình nghi là người Nga được cho là sẵn sàng tống tiền các thành viên nhà thờ.

Chính Thống Giáo phổ biến ở Nga và Ukraine, nhưng đặc biệt là ở Nga. Chi nhánh Giáo hội ở Nga cũng đã công khai ủng hộ việc Tổng thống Nga Vladimir Putin xâm chiếm Ukraine, điều này đã gây ra xích mích với các giáo xứ trên toàn thế giới. Lãnh đạo Giáo hội Chính thống Nga, Thượng phụ Kirill, cũng đã gây tranh cãi về mối quan hệ của ông với Putin, cũng như các bài giảng kêu gọi quân đội được huy động “dũng cảm đi thực hiện nghĩa vụ quân sự của mình”.

Andrei Soldatov và Irina Borogan viết rằng họ đã xem xét các tài liệu của FBI “xác định và nêu bật các hoạt động của một thành viên cao cấp trong bộ phận quan hệ đối ngoại của Giáo hội Chính thống Nga mà FBI nghi ngờ có quan hệ với tình báo Nga”.

Họ viết: “Cảnh báo của FBI cho thấy rằng Chính Thống Giáo Nga thậm chí có thể có mối liên hệ chặt chẽ hơn với chế độ Putin so với mức mà nhiều nhà quan sát nghĩ, với những tác động tiềm tàng đáng kể đối với ảnh hưởng ở nước ngoài của Điện Cẩm Linh”.

“Đã có các tài liệu xác định và nêu bật các hoạt động của một thành viên cao cấp trong bộ phận đối ngoại của Giáo hội Chính thống Nga mà FBI nghi ngờ có quan hệ với tình báo Nga.”

Newsweek không thể xác minh nội dung các tài liệu của FBI và cơ quan này cũng không trực tiếp đưa ra cảnh báo khi được liên hệ để bình luận.

FBI nói với Newsweek trong một tuyên bố: “ Mặc dù chúng tôi không có bình luận nào về chi tiết cụ thể trong cuộc điều tra của bạn, nhưng FBI thường xuyên gặp gỡ và tương tác với các thành viên trong cộng đồng”. “Chúng tôi làm điều này để nâng cao niềm tin của công chúng vào FBI, tranh thủ sự hợp tác của công chúng để chống lại hoạt động tội phạm, cung cấp thông tin hỗ trợ các nỗ lực phòng chống tội phạm và mở các đường dây liên lạc để giúp FBI phản ứng nhanh hơn với các mối quan tâm của cộng đồng.”

Theo Bộ Ngoại giao, cảnh báo của FBI cho biết có nhiều lý do để nghi ngờ rằng một quan chức cao cấp của Ủy ban Quan hệ Giáo hội Đối ngoại của Nga, người gần đây đã tới Mỹ là “Sĩ quan Tình báo Nga hoạt động dưới vỏ bọc tôn giáo”.

Soldatov và Borogan viết: “Mục tiêu của ông ấy ở Hoa Kỳ, theo cảnh báo, là tuyển mộ các giáo sĩ của Giáo Hội Chính thống Nga và các Giáo Hội Chính thống khác”.

Quan chức này được cho là đã bị các nhân viên Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ chặn lại và khám xét khi ông ta đến Hoa Kỳ vào năm 2021. Ông ta được cho là đang sở hữu các tài liệu liên quan đến cơ quan tình báo nước ngoài của Nga và cơ quan tình báo quân sự của nước này.

Câu chuyện lưu ý rằng quan chức này bị cáo buộc có hồ sơ về các thành viên Chính Thống Giáo Nga nhằm mục đích tống tiền buộc họ làm việc cho Điện Cẩm Linh.

“Theo thông báo của FBI, công dân Nga cũng mang theo 'hồ sơ liên quan đến quy trình tuyển dụng các nguồn tin và đặc vụ' cũng như hồ sơ về nhân viên Giáo Hội, bao gồm thông tin tiểu sử chi tiết về họ và các thành viên trong gia đình họ—thông tin mà cảnh báo gợi ý có thể bị rò rỉ.” dùng để tống tiền các nhân viên của Giáo Hội tham gia vào các hoạt động gián điệp”, câu chuyện cho biết.

Soldatov đã xuất hiện trên CNN vào tuần trước để thảo luận về báo cáo của ông về mối liên hệ của Điện Cẩm Linh với Giáo hội Chính thống ở Hoa Kỳ.

Ông nói với người dẫn chương trình Erin Burnett rằng không chỉ các cơ quan ở Mạc Tư Khoa “đã tìm ra cách để sử dụng Chính Thống Giáo Nga, mà Giáo Hội này dường như cũng khá vui khi được sử dụng”.

Khi được hỏi về quy mô mạng lưới tình báo của Nga trong các nhà thờ Chính thống giáo ở Mỹ, Soldatov nói rằng “đó là một nền tảng lớn vì Giáo hội Chính thống Nga hiện diện rất nhiều ở Hoa Kỳ và thực sự ngày càng lớn mạnh hơn”.

Theo usreligioncensus.org, có hơn 2.000 giáo xứ Chính thống ở Hoa Kỳ tính đến năm 2020.

3. Huấn đức của Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 24 Tháng Chín

Chúa Nhật 24 Tháng Chín, Giáo Hội trên toàn thế giới cử hành Chúa Nhật thứ 25 Mùa Quanh Năm.

Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Mátthêu.

Khi ấy, Đức Giêsu kể cho các môn đệ nghe dụ ngôn này:

“Nước Trời giống như chuyện chủ nhà kia, vừa tảng sáng đã ra mướn thợ vào làm việc trong vườn nho của mình. Sau khi đã thoả thuận với thợ là mỗi ngày một quan tiền, ông sai họ vào vườn nho làm việc. Khoảng giờ thứ ba, ông lại trở ra, thấy có những người khác ở không, đang đứng ngoài chợ. Ông cũng bảo họ: ‘Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho, tôi sẽ trả cho các anh hợp lẽ công bằng.’ Họ liền đi. Khoảng giờ thứ sáu, rồi giờ thứ chín, ông lại trở ra và cũng làm y như vậy. Khoảng giờ mười một, ông trở ra và thấy còn có những người khác đứng đó, ông nói với họ: ‘Sao các anh đứng đây suốt ngày không làm gì hết?’ Họ đáp: ‘Vì không ai mướn chúng tôi.’ Ông bảo họ: ‘Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho!’ Chiều đến, ông chủ vườn nho bảo người quản lý: ‘Anh gọi thợ lại mà trả công cho họ, bắt đầu từ những người vào làm sau chót tới những người vào làm trước nhất.’ Vậy những người mới vào làm lúc giờ mười một tiến lại, và lãnh được mỗi người một quan tiền. Khi đến lượt những người vào làm trước nhất, họ tưởng sẽ được lãnh nhiều hơn, thế nhưng cũng chỉ lãnh được mỗi người một quan tiền. Họ vừa lãnh vừa cằn nhằn chủ nhà: ‘Mấy người sau chót này chỉ làm có một giờ, thế mà ông lại coi họ ngang hàng với chúng tôi là những người đã phải làm việc nặng nhọc cả ngày, lại còn bị nắng nôi thiêu đốt.’ Ông chủ trả lời cho một người trong bọn họ: ‘Này bạn, tôi đâu có xử bất công với bạn. Bạn đã chẳng thoả thuận với tôi là một quan tiền sao? Cầm lấy phần của bạn mà đi đi. Còn tôi, tôi muốn cho người vào làm sau chót này cũng được bằng bạn đó. Chẳng lẽ tôi lại không có quyền tuỳ ý định đoạt về những gì là của tôi sao? Hay vì thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tức?’ Thế là những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu, còn những kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót.”

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em,

Bài Tin Mừng hôm nay trình bày cho chúng ta một dụ ngôn đáng ngạc nhiên: người chủ vườn nho đi ra từ sáng sớm cho đến tối để gọi một số người làm công, nhưng cuối cùng, ông trả công cho mọi người một cách đồng đều, kể cả những người chỉ làm việc một giờ (x. Mt 20). : 1-16). Có vẻ như là một sự bất công, nhưng dụ ngôn không được đọc qua các tiêu chí về tiền lương; đúng hơn, nó có ý cho chúng ta thấy những tiêu chuẩn của Thiên Chúa, Đấng không tính toán công trạng của chúng ta, nhưng yêu thương chúng ta như những đứa con.

Chúng ta hãy xem xét kỹ hơn hai hành động thiêng liêng xuất hiện trong câu chuyện. Đầu tiên, Thiên Chúa luôn đi ra ngoài để kêu gọi chúng ta; thứ hai, Ngài trả ơn cho mọi người bằng cùng một “đồng xu”.

Trước hết, Thiên Chúa là Đấng luôn luôn đi ra để kêu gọi chúng ta. Dụ ngôn kể rằng người chủ “ra ngoài từ sáng sớm để thuê người làm vườn nho mình” (c. 1), nhưng sau đó lại ra ngoài vào nhiều thời điểm khác nhau trong ngày cho đến khi mặt trời lặn, để tìm những người chưa có việc làm. Như vậy, chúng ta hiểu rằng trong dụ ngôn, những người làm việc không chỉ là con người mà thôi, nhưng trên hết là Thiên Chúa, Đấng làm việc cả ngày không biết mệt mỏi. Thiên Chúa là như thế: Ngài không chờ đợi những nỗ lực của chúng ta, nhưng Ngài đến với chúng ta, Ngài không kiểm tra để đánh giá công trạng của chúng ta trước khi tìm kiếm chúng ta, Ngài không bỏ cuộc nếu chúng ta chậm đáp lại Ngài; trái lại, chính Ngài đã chủ động và nơi Chúa Giêsu chúng ta thấy Thiên Chúa đã “đi ra” – đến với chúng ta, để tỏ cho chúng ta thấy tình yêu của Ngài. Và Ngài tìm kiếm chúng ta vào mọi thời điểm trong ngày, như Thánh Grêgôriô Cả nói, mọi thời điểm trong ngày tượng trưng cho các giai đoạn và mùa khác nhau của cuộc đời chúng ta cho đến tuổi già (x. Homilies on the Gospel, 19). Đối với tấm lòng Ngài, không bao giờ là quá muộn; Ngài luôn tìm kiếm và chờ đợi chúng ta. Chúng ta đừng quên điều này: Chúa luôn tìm kiếm chúng ta và luôn chờ đợi chúng ta!

Và đây là hành động thứ hai: Chính vì Người quá quảng đại nên Thiên Chúa trả công cho mọi người bằng cùng một “đồng xu”, đó là tình yêu của Người. Đây là ý nghĩa sâu xa nhất của dụ ngôn: những người làm công vào giờ cuối cùng được trả lương như người đầu tiên bởi vì, trên thực tế, Chúa là công lý cao cả hơn. Công lý của Thiên Chúa đi xa hơn công lý của con người. Công lý của con người nói rằng “hãy trả cho mỗi người tùy theo điều họ xứng đáng”, trong khi công lý của Thiên Chúa không đo lường tình yêu theo thang điểm thành quả, bất kể thành quả hay thất bại của chúng ta: Thiên Chúa yêu chúng ta, Ngài yêu chúng ta vì chúng ta là con cái Ngài, và Ngài làm như vậy với một tình yêu vô điều kiện, một tình yêu cho đi một cách tự do.

Anh chị em thân mến, đôi khi có nguy cơ rằng chúng ta có mối quan hệ “thương mại” với Thiên Chúa, tập trung nhiều vào năng lực của chúng ta hơn là vào lòng quảng đại của ân sủng Ngài. Đôi khi, ngay cả với tư cách là Giáo hội, thay vì đi ra ngoài mọi lúc trong ngày và dang rộng vòng tay với mọi người, chúng ta có thể cảm thấy mình là người đầu tiên trong lớp, phán xét người khác ở xa mà không nghĩ rằng Thiên Chúa cũng yêu thương họ với cùng một tình yêu như Ngài dành cho chúng ta. Và ngay cả trong các mối quan hệ của chúng ta, vốn là cơ cấu của xã hội, công lý mà chúng ta thực hành đôi khi không thoát ra khỏi khuôn khổ những tính toán, và chúng ta hạn chế cho đi theo những gì chúng ta nhận được, không dám đi xa hơn, không dám không tính toán về hiệu quả của việc tốt được thực hiện một cách tự do và tình yêu thương được trao đi với tấm lòng rộng mở. Anh chị em thân mến, chúng ta hãy tự hỏi: tôi, một Kitô hữu, có biết cách hướng tới người khác không? Tôi có quảng đại với mọi người không, tôi có biết cách cho đi sự hiểu biết và tha thứ, như Chúa Giêsu đã và đang làm với tôi mỗi ngày không?

Xin Đức Mẹ giúp chúng ta hoán cải theo thước đo của Thiên Chúa: thước đo của tình yêu không tính toán.

Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói thêm như sau:

Anh chị em thân mến!

Hôm nay là Ngày Thế giới Di dân và Tị nạn, với chủ đề: “Tự do lựa chọn di cư hay ở lại”, để nhắc nhở rằng di cư phải là một lựa chọn tự do, và không bao giờ là lựa chọn duy nhất có thể thực hiện được. Thật vậy, quyền di cư giờ đây đã trở thành một nhu cầu đối với nhiều người, trong khi đó phải có quyền không di cư, quyền ở lại quê hương của mình. Điều cần thiết là mọi người nam nữ phải được bảo đảm quyền được sống một cuộc sống xứng đáng trong xã hội mà họ đang sống. Thật không may, nghèo đói, chiến tranh và khủng hoảng khí hậu đã buộc rất nhiều người phải chạy trốn. Vì vậy, tất cả chúng ta đều được yêu cầu tạo ra những cộng đồng sẵn sàng và cởi mở để chào đón, thăng tiến, đồng hành và hội nhập những người đến gõ cửa nhà chúng ta.

Thử thách này là trọng tâm của cuộc gặp gỡ Địa Trung Hải, diễn ra trong những ngày gần đây ở Marseille, và tôi đã tham dự phiên kết luận hôm qua, khi đi đến thành phố, nơi giao nhau của các dân tộc và văn hóa.

Tôi đặc biệt cảm ơn các giám mục của Hội đồng Giám mục Ý, những người đã làm mọi điều có thể để giúp đỡ anh chị em di dân của chúng ta. Chúng ta vừa nghe Đức Tổng Giám Mục Baturi trên truyền hình, trong chương trình “A Sua Immagine” giải thích điều này.

Tôi chào tất cả anh chị em, người Rôma và khách hành hương từ Ý và nhiều quốc gia, đặc biệt chủng viện giáo phận quốc tế Redemptoris Mater ở Köln, bên Đức. Tương tự như vậy, tôi xin chào nhóm người bị ảnh hưởng bởi căn bệnh hiếm gặp được gọi là mất điều hòa, cùng với các thành viên trong gia đình họ.

Tôi nhắc lại lời mời tham gia buổi cầu nguyện đại kết mang tên “Cùng nhau”, sẽ diễn ra vào Thứ Bảy ngày 30 tháng 9 sắp tới tại Quảng trường Thánh Phêrô, để chuẩn bị cho Thượng Hội đồng sẽ bắt đầu vào ngày 4 tháng 10.

Chúng ta hãy nhớ đến Ukraine bị bao vây và cầu nguyện cho dân tộc đang phải chịu nhiều đau khổ này.

Tôi chúc tất cả anh chị em một ngày Chúa Nhật tốt lành. Xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và xin chào tạm biệt.
 
Tư Lệnh Hạm Đội Hắc Hải đã đền tội cùng 33 sĩ quan. Zelenskiy đấu lý với Kissinger. Ba Lan làm hòa
VietCatholic Media
16:00 25/09/2023


1. Đô Đốc Hạm Đội Hắc Hải đêm đêm pháo kích dân lành đã đền tội. Tuyên bố của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Ukraine

Sau khi đã phối kiểm chắc chắn, trưa thứ Hai 25 Tháng Chín, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Ukraine đã chính thức loan báo Đô đốc Viktor Sokolov, Tư Lệnh Hạm đội Hắc Hải, người hàng đêm tung ra các đợt pháo kích giết oan dân lành Ukraine đã đền tội, cùng với 33 sĩ quan khác, là những người đang tham dự một cuộc họp tại Bộ Tư Lệnh Hạm Đội Hắc Hải vào trưa ngày thứ Sáu 22 Tháng 9 vừa qua.

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Commander of Russian Black Sea Fleet Killed in Crimea Navy HeadQuarters Strike: Kyiv”, nghĩa là “Kyiv loan báo: Tư lệnh Hạm đội Hắc Hải của Nga tử trận trong cuộc tấn công vào Bộ Tư Lệnh Hải quân ở Crimea.”

Hôm thứ Hai, Kyiv chính thức cho biết, một cuộc tấn công của Ukraine vào trụ sở hạm đội Hắc Hải của Nga ở Crimea đã giết chết 34 sĩ quan Nga, bao gồm cả chỉ huy hạm đội.

Lực lượng đặc biệt Ukraine cho biết ngoài số người chết còn có 105 người Nga khác bị thương trong tuyên bố đưa ra hôm thứ Hai.

Hôm thứ Sáu, Ukraine đã tấn công căn cứ Hạm đội Hắc Hải của Nga ở Sevastopol, được cho là sử dụng hỏa tiễn tầm xa Storm Shadow do Anh cung cấp. Những vũ khí này cũng được cho là đã được sử dụng trong cuộc tấn công của Ukraine nhằm hạ gục hai tàu Hắc Hải của Nga ở Sevastopol hồi đầu tháng này.

Bộ Quốc phòng Nga hôm thứ Sáu cho biết lực lượng phòng không của nước này đã bắn hạ 5 hỏa tiễn trên bầu trời Sevastopol, nhưng cuộc tấn công đã làm hư hại trụ sở của Hạm đội Hắc Hải. Mạc Tư Khoa ban đầu cho biết một binh sĩ đã thiệt mạng, nhưng sau đó rút lại tuyên bố và nói rằng người này mất tích trong chiến đấu.

Sau vụ tấn công, nhà lãnh đạo cơ quan tình báo quân sự Ukraine, Trung Tướng Kyrylo Budanov, cho biết một số quan chức quân sự cao cấp của Nga đã bị thương trong các cuộc tấn công, mặc dù ông không xác nhận các báo cáo xung quanh cái chết của Đô đốc Viktor Sokolov, Tư Lệnh Hạm đội Hắc Hải.

Crimea ngày càng trở thành tâm điểm của các cuộc tấn công của Ukraine trong những tháng gần đây. Nga sáp nhập bán đảo này vào năm 2014 và Kyiv đã nhiều lần tuyên bố sẽ giành lại quyền kiểm soát Crimea.

2. Truyền thông Nga đưa ra 6 điều liên quan đến vụ tấn công.

Cơ quan truyền thông độc lập Meduza có trụ sở ở Riga, Latvia đã đưa ra một bản tóm tắt những gì họ biết chung quanh cuộc tấn công của không quân Ukraine vào trụ sở của Hạm Đội Hắc Hải vào lúc 12 giờ trưa ngày thứ Sáu 22 Tháng Chín.

Thứ nhất: Ít nhất 9 người thiệt mạng và 16 người bị thương trong vụ tấn công hỏa tiễn vào trụ sở Hạm đội Hắc Hải của Nga ở Sevastopol, vùng Crimea bị sáp nhập vào ngày 22/9, giám đốc tình báo quân sự Ukraine Kyrylo Budanov nói với Đài Tiếng nói Hoa Kỳ. Budanov nhấn mạnh rằng dữ liệu được trình bày không tính đến thông tin về các quân nhân bị thương không làm việc tại trụ sở Hạm đội Hắc Hải.

Thứ hai: Ít nhất hai tướng Nga bị thương trong vụ tấn công, Budanov, nhà lãnh đạo cơ quan tình báo quân đội Ukraine cho biết: “Trong số những người bị thương có chỉ huy nhóm quân Zaporizhzhia, Thượng Tướng Alexander Romanchuk, người đang trong tình trạng rất nghiêm trọng. Tham mưu trưởng, Trung tướng Oleg Tsokov, đã hôn mê”. Ông không xác nhận thông tin về cái chết có thể xảy ra của Đô đốc Viktor Sokolov, chỉ huy Hạm đội Hắc Hải của Nga. Cơ quan tình báo Ukraine cho biết họ không có thông tin về tình trạng của Sokolov là người chủ tọa cuộc họp, và được ghi nhận là mất tích kể từ đó.

Thứ ba: Bộ tổng tham mưu quân đội Ukraine báo cáo rằng cuộc tấn công được thực hiện trong khi lãnh đạo Hạm đội Hắc Hải của Nga đang họp. Quân đội Ukraine báo cáo rằng hoạt động mang tên “Bẫy cua” được thực hiện bởi Lực lượng Không quân và Lực lượng đặc biệt của Ukraine. Bộ tham mưu báo cáo: “Các chi tiết về việc tiến hành chiến dịch sẽ được biết khi có thể”. “Kết quả là hàng chục quân xâm lược chết và bị thương, trong số đó có lãnh đạo cao nhất của hạm đội.”

Thứ tư: Kênh truyền hình Sky News của Anh đưa tin, dẫn lời đại diện Không quân Ukraine, rằng cuộc tấn công vào trụ sở Hạm đội Hắc Hải của Nga được thực hiện bằng hỏa tiễn hành trình Storm Shadow. Giám đốc tình báo quân sự Ukraine Budanov không cho biết liệu hỏa tiễn được sử dụng trong vụ tấn công có được sản xuất ở các nước phương Tây hay không. “Tôi phải kiềm chế không trả lời ở đây, tôi nghĩ bạn phải hiểu,” ông nói. Vương Quốc Anh đã cung cấp cho Ukraine hỏa tiễn Storm Shadow vào tháng 5. Pháp đã cung cấp cho Ukraine hỏa tiễn SCALP (là tên tiếng Pháp của Storm Shadow) vào tháng 7. Trước đó, Sky News đưa tin những hỏa tiễn này đã được Lực lượng vũ trang Ukraine sử dụng để tấn công một xưởng đóng tàu ở Sevastopol bị sáp nhập vào đêm 13/9.

Thứ năm: Các kênh truyền thông và Telegram của Ukraine đăng tải hình ảnh, video về vụ tấn công hỏa tiễn vào trụ sở Hạm đội Hắc Hải cho thấy khi tòa nhà đã chìm trong ngọn lửa các hỏa tiễn vẫn tiếp tục lao vào. Kênh Telegram Insider UA đã đăng một đoạn video cho thấy vào thời điểm xảy ra vụ tấn công hỏa tiễn, một hỏa tiễn bắn trúng trụ sở đang cháy của Hạm đội Hắc Hải. Tờ Krym Realii cũng đăng một bức ảnh cho thấy một hỏa tiễn đang bay vào tòa nhà đang cháy.

Thứ sáu: Atesh, một phong trào du kích quân sự bao gồm người Ukraine và người Tatars ở Crimea trên các vùng lãnh thổ bị tạm chiếm của Ukraine, nói rằng các phe phái và cư dân Sevastopol đã giúp hỗ trợ cuộc tấn công hỏa tiễn của Ukraine vào trụ sở chính. Đại diện của phong trào cho biết họ đã bảo đảm có được sự hợp tác của các sĩ quan Hạm đội Hắc Hải. Quân Ukraine thường tấn công vào khoảng 3 giờ sáng là thời điểm mệt mỏi của đối phương. Việc tấn công vào lúc 12 giờ trưa cho thấy họ đã được mật báo. Cơ quan An ninh Liên bang Nga, gọi tắt là FSB, đang truy nã ráo riết các thành viên của Atest; trong khi đó các tuyên truyền viên trên TV của Nga lại đổ thừa cho tình báo Mỹ cung cấp thông tin cho quân Ukraine.

3. Tổng thống Zelenskiy chinh phục được Henry Kissinger

Khi bắt đầu cuộc chiến bảo vệ tổ quốc, người Ukraine ghét cay đắng cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger, 98 tuổi, vì ông ta tuyên bố tại trong hội nghị kinh tế toàn cầu ở Davao, Thụy Sĩ vào ngày 25 tháng 5, 2022 rằng Hoa Kỳ không nên viện trợ quân sự cho Ukraine, nhưng phải ép Ukraine nhượng lại các lãnh thổ cho Nga để có hòa bình. Henry Kissinger cũng khét tiếng chống lại việc Ukraine gia nhập NATO.

Tuy nhiên, trong chuyến công du Hoa Kỳ vừa qua, Tổng thống Zelenskiy và phái đoàn của ông đã có một cuộc gặp gỡ với Henry Kissinger.

Hôm Chúa Nhật, Andriy Yermak, Chánh văn phòng Tổng thống, đã tiết lộ rằng “Henry Kissinger hiện là một trong những nhà vận động hành lang cho Ukraine ở NATO.”

Ông nói: “Trong chuyến thăm Hoa Kỳ cùng với Tổng thống Volodymyr Zelenskiy, chúng tôi đã gặp nhà ngoại giao, nhà khoa học và chính trị gia nổi tiếng Henry Kissinger. Tôi rất vui khi được gặp ông ấy, chúng tôi đã có một cuộc trò chuyện thực sự sâu sắc”

Theo ông, Kissinger có nhiều câu trích dẫn thích hợp mô tả tình hình hiện tại trong cuộc chiến với Nga.

Kissinger nói: “Trước cuộc chiến này, tôi đã phản đối việc Ukraine trở thành thành viên NATO vì tôi sợ nó sẽ bắt đầu chính xác quá trình mà chúng ta đang thấy hiện nay. Nhưng bây giờ, ý tưởng về một Ukraine trung lập trong những điều kiện này không còn ý nghĩa nữa”.

Andriy Yermak nói thêm: “Nga đang cố gắng phá hủy trật tự thế giới, vi phạm và thay thế luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hiệp Quốc, áp đặt thuyết âm mưu và cách giải thích các quy tắc của riêng mình.”

Yermak nhấn mạnh: “Thành ra, tư cách thành viên của Ukraine trong Liên minh là khoản đầu tư tốt nhất cho an ninh Âu Châu trong nhiều năm tới”.

4. Tổng thống Ba Lan cho biết một hành lang đang được thiết lập để giải quyết vấn đề ngũ cốc Ukraine trong tình anh em

Tổng thống Andrzej Duda cho biết Ba Lan đã chuẩn bị các hành lang quá cảnh cho phép các chuyến hàng ngũ cốc của Ukraine di chuyển qua lãnh thổ của mình và đến các quốc gia có nhu cầu nhất.

Những bình luận này rất đáng chú ý vì chính phủ Ba Lan đã cùng với Hung Gia Lợi và Slovakia mở rộng lệnh cấm nhập khẩu ngũ cốc giá rẻ từ Ukraine, là điều mà họ cho rằng đã làm giảm giá của nông dân địa phương. Tuy nhiên, với phát biểu mới nhất này, Tổng thống Duda cho biết Ba Lan vẫn sẽ giúp các chuyến hàng của Ukraine đến được đích cuối cùng.

Trước đó, trong bài phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh phục hồi Ukraine hôm thứ Sáu, Tổng thống Duda cho biết tranh chấp ngũ cốc với Ukraine sẽ không ảnh hưởng nghiêm trọng đến mối quan hệ giữa hai nước, vì các mối quan hệ này có “khía cạnh lịch sử” bền chặt.

“Chúng tôi đang cố gắng giúp đỡ Ukraine và những quốc gia cần sự giúp đỡ này. Tôi tin rằng việc chính phủ Ba Lan duy trì lệnh cấm bán ngũ cốc Ukraine trên thị trường Ba Lan là quyết định đúng đắn”, Tổng thống Duda nói trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Ba Lan TVP1 hôm Chúa Nhật. Theo một tuyên bố từ văn phòng của ông, Duda nói thêm: “Tuy nhiên, chúng tôi phải làm mọi thứ để bảo đảm rằng quá trình vận chuyển diễn ra tốt nhất có thể”.

Một số bối cảnh: Kyiv và Warsaw đã công khai xung đột trong tuần này về vấn đề ngũ cốc.

Trong bài phát biểu hôm thứ Năm, Tổng thống Duda cũng cố gắng làm rõ các tuyên bố của Thủ tướng Mateusz Morawiecki, là người đã nói rằng Ba Lan sẽ ngừng chuyển giao vũ khí cho Ukraine, sau khi Tổng thống Volodymyr Zelenskiy phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc hôm thứ Ba rằng “một số bạn bè của chúng tôi ở Âu Châu, thể hiện tình đoàn kết trong một sân khấu chính trị.”

Tổng thống Duda nhận xét rằng với hành lang ngũ cốc này, Ba Lan tiếp tục giúp đỡ Ba Lan xuất khẩu ngũ cốc, đồng thời bảo vệ được quyền lợi của người nông dân Ba Lan.

5. Viện Nghiên Cứu Chiến Tranh Hoa Kỳ nhận định rằng Wagner đã trở lại chiến đấu ở Ukraine, nhưng khó có thể thay đổi cục diện tiền tuyến

Một số chiến binh của Tập đoàn Wagner có khả năng đã quay trở lại chiến đấu trong hàng ngũ quân đội xâm lược của Nga ở Ukraine. Tuy nhiên, những người lính đánh thuê sẽ không thể giúp quân xâm lược thay đổi tình thế có lợi cho họ ở tiền tuyến.Viện Nghiên cứu Chiến tranh cho biết điều này trong một báo cáo mới.

Báo cáo cho biết: “Các lực lượng rời rạc của Nhóm Wagner được cho là đã và đang quay trở lại chiến đấu ở Ukraine. Tuy nhiên, họ khó có thể mang lại một tác động đáng kể nào đến khả năng chiến đấu của Nga”.

Theo các nhà phân tích ISW, lính đánh thuê Wagner khó có thể tác động đến khả năng chiến đấu của Nga nếu không mang lại hiệu quả đầy đủ mà Wagner đã có với tư cách là một tổ chức thống nhất dưới sự lãnh đạo của nhà tài chính Yevgeniy Prigozhin và người sáng lập Dmitry Utkin.

ISW trích dẫn tuyên bố của cựu Thống Đốc khu vực Luhansk, Serhii Haidai, vào ngày 23 tháng 9, rằng binh sĩ của Wagner đang hoạt động ở khu vực Luhansk và trên các khu vực khác nhau của tiền tuyến.

Haidai cũng tuyên bố rằng ông không biết số lượng binh sĩ Wagner cũng như tổ chức mà những nhân viên Wagner này đang hoạt động ở Ukraine.

Một nguồn tin thân cận với Wagner cho biết khoảng 500 binh sĩ của Wagner bao gồm cả những người từ chối tham gia cuộc nổi dậy Wagner ngày 24/6 đã gia nhập một tổ chức mới chưa xác định do cựu trưởng phòng nhân sự Wagner tổ chức và có thể sẽ quay trở lại Ukraine để chiến đấu ở sườn phía nam của Bakhmut.

ISW trước đây đã quan sát thấy các báo cáo rằng nhà lãnh đạo bộ phận nhân sự của Wagner (trước đây gọi là Vadim V. “Khrustal”) đang cố gắng tuyển dụng các chiến binh Wagner cho một công ty quân sự tư nhân mới để hoạt động ở Phi Châu.

Báo cáo cho biết: “Những báo cáo này chỉ ra rằng lực lượng Wagner bị phân mảnh và khó có thể tổ chức thành một lực lượng chiến đấu gắn kết hoặc có tác động đến khả năng chiến đấu của Nga nếu họ quay trở lại chiến đấu ở Ukraine”.

6. Ukraine, Ba Lan thành lập trung tâm quân y lớn

Kyiv và Warsaw đang nỗ lực thành lập một trung tâm quân y lớn để trao đổi kinh nghiệm và cung cấp hỗ trợ thiết thực, điều này rất quan trọng trong điều kiện thời chiến.

Tướng Grzegorz Gielerak, đã cho biết như trên.

Quyết định thành lập một trung tâm quy mô lớn trong lĩnh vực quân y được đưa ra trong cuộc họp giữa các quan chức quân sự Ukraine và Ba Lan, bao gồm cả nhà lãnh đạo cơ quan y tế của cả hai quân đội, diễn ra tại Kyiv vào tháng 5 này. Ông lưu ý rằng lịch trình và kế hoạch hợp tác chung đã được xác định tại cuộc gặp gỡ đó.

Gielerak cho biết sự hợp tác một mặt sẽ dựa trên việc thu thập và phân tích thông tin liên quan đến tính chất, loại hình và quy mô thiệt hại trong bối cảnh cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine.

“Mặt khác, chúng tôi sẽ cung cấp quyền truy cập vào kiến thức và khả năng của mình mà chúng tôi có được nhờ thực hiện một số dự án nghiên cứu liên quan, chẳng hạn như các nền tảng di tản người bị thương, các phương pháp điều trị các loại vết thương khác nhau trên chiến trường. Chúng tôi sẵn sàng hợp tác để dựa trên kinh nghiệm và cơ hội của Ukraine và Ba Lan, trong vòng 3 đến 5 năm tới, chúng tôi sẽ cùng nhau tạo ra một trung tâm quân y lớn dành cho quân đội hai nước”

Theo ông, việc triển khai dự án từ phía Ba Lan đang ở giai đoạn được Bộ Quốc phòng xem xét.

Vị tướng nói: “Chúng tôi hy vọng rằng trong vài tuần tới, chúng tôi sẽ chuyển sang giai đoạn thực hiện.

Gielerak cho biết Ba Lan sẵn sàng cung cấp hỗ trợ y tế cho Ukraine ở nhiều khía cạnh.

“Trước hết, chúng tôi muốn chữa trị cho các binh sĩ Ukraine bị thương, đặc biệt là trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, vốn rất phức tạp đối với Ukraine hiện nay. Ví dụ, phẫu thuật là một thách thức không nhỏ đối với bạn hiện nay. Song song với việc trị liệu cho quân đội Ukraine, chúng tôi muốn đào tạo nhân viên của các bạn để các bạn trở nên tự chủ trong lĩnh vực này”, vị tướng nhấn mạnh.

Tướng Ba Lan nhấn mạnh, dựa trên nghiên cứu kinh nghiệm về chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương, gọi tắt là PTSD, ở những người lính Ba Lan từng được triển khai ở Iraq và Afghanistan, kiến thức mà các bác sĩ Ba Lan có được trong lĩnh vực này là ở mức cao nhất. Vì vậy, các bác sĩ Ba Lan đã chia sẻ kinh nghiệm của họ về vấn đề này với các đồng nghiệp Ukraine từ năm 2014 và sẵn sàng làm điều đó trong tương lai. Ông lưu ý rằng kể từ năm 2014, khoảng 10 nhóm bác sĩ Ukraine đã được đào tạo tại Viện Quân y ở Warsaw về vấn đề chống PTSD. Ngoài ra, các buổi đào tạo với sự tham gia của các chuyên gia Ba Lan cũng diễn ra tại Ukraine, đặc biệt là tại Rivne.

Tướng Gielerak nhấn mạnh rằng đối với Ba Lan, kinh nghiệm về khía cạnh y tế từ cuộc chiến ở Ukraine đã trở thành một sự thay đổi căn bản về quan điểm, và thúc đẩy những thay đổi nghiêm trọng.

“Đối với chúng tôi, hiểu biết về cuộc chiến ở Ukraine giống như một cuộc cách mạng của Copernicus. Chúng tôi đang thay đổi hoàn toàn đường lối của mình đối với việc cung cấp dịch vụ y tế sẽ như thế nào trong bối cảnh xung đột đang diễn ra”, vị Tướng bác sĩ người Ba Lan nhấn mạnh.

Đặc biệt, ông nêu rõ vấn đề về loại hình chăm sóc y tế cần cung cấp cho thương binh ở các giai đoạn khác nhau cần phải được xem xét sâu sắc.

Warsaw nhận ra rằng trong trường hợp có khả năng xảy ra xâm lược, Ba Lan cũng có thể phải đối mặt với những thách thức tương tự, vị tướng này thừa nhận, và do đó, sử dụng kinh nghiệm của Ukraine, Ba Lan tìm cách nâng cấp học thuyết của riêng mình.

Kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện của Nga, Ba Lan đã cung cấp cho Ukraine viện trợ quân sự trị giá gần 3 tỷ Mỹ Kim. Ba Lan tiếp nhận các binh sĩ Ukraine bị thương để điều trị và một trung tâm y tế đã được triển khai tại phi trường Jasionka gần Rzeszów vào năm ngoái, qua đó các binh sĩ và dân thường Ukraine bị thương sẽ được trực thăng đưa đến các nước khác để điều trị thêm.

7. Tổng thống Zelenskiy cho biết Canada sẽ giúp khôi phục thủy điện Kakhovka

Canada sẽ giúp Ukraine khôi phục thủy điện Kakhovka và tái thiết đập thủy điện Kaniv.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã nói điều này trong bài phát biểu buổi tối gởi quốc dân đồng bào sau khi trở về từ Canada qua ngã Ba Lan.

Ông lưu ý: “Chúng tôi đã đạt được các thỏa thuận kinh tế với cả chính phủ và các doanh nghiệp.”

Zelenskiy nói thêm rằng quyết định về khu vực thương mại tự do với Canada đã được đưa ra và bản ghi nhớ về hợp tác năng lượng đã được ký kết tại Washington.

Nguyên thủ quốc gia cho biết: “Một thỏa thuận đã đạt được ở Ottawa để xây dựng lại thủy điện Kakhovka và xây dựng lại thủy điện Kaniv”.

Ông chỉ ra mối quan tâm rõ ràng của các công ty lớn ở Mỹ và Canada muốn đến làm việc tại Ukraine.

Đồng thời, có sự hiểu biết lẫn nhau với các công ty quốc phòng ở cấp Bộ Công nghiệp Chiến lược.

Zelenskiy cũng cảm ơn Chính phủ Canada đã sẵn sàng phân bổ kinh phí để Bảo tàng Diệt chủng Holodomor hoàn thành việc xây dựng.

“Việc Canada sẽ là bên hỗ trợ Ukraine bảo tồn ký ức lịch sử của mình mang tính biểu tượng. Cảm ơn Canada!” Tổng thống nói.

8. Ukraine đang bủa lưới Hạm đội Hắc Hải của Nga

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Ukraine Is Closing the Net on Russia's Black Sea Fleet”, nghĩa là “Ukraine đang bủa lưới Hạm đội Hắc Hải của Nga.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh

Hắc Hải đã trở thành nơi nguy hiểm đối với tàu chiến Nga.

Vùng biển chiến lược này đã trở thành sân khấu nóng bỏng cho cuộc xâm lược toàn diện của Mạc Tư Khoa vào Ukraine kể từ khi nó bắt đầu vào ngày 24 tháng 2 năm 2022. Bất chấp ưu thế hải quân áp đảo, các tàu chiến của Mạc Tư Khoa đã không thể bình định được khu vực. Và giờ đây, trong bối cảnh chiến tranh hàng hải bất đối xứng của Ukraine ngày càng gia tăng, Hạm đội Hắc Hải nổi tiếng của Nga đang bị buộc phải rút lui.

Ukraine đang bắt tay vào một chiến lược có phương pháp nhằm “phi quân sự hóa” Hạm đội Hắc Hải, các chuyên gia Ukraine thân cận với Bộ Quốc phòng đã nói với Newsweek, rằng họ muốn làm xói mòn dần các cơ sở hạ tầng hỗ trợ cần thiết để giữ cho các tàu của Mạc Tư Khoa hoạt động và thu giữ các tài sản hải quân có giá trị nếu có thể. Khi Kyiv tìm cách cô lập—và cuối cùng giải phóng—Crimea, không gian an toàn của Hạm đội Hắc Hải dường như đang bị thu hẹp lại.

Andriy Zagorodnyuk, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine và hiện là cố vấn của Bộ Quốc phòng, nói với Newsweek: “Mục tiêu của người Nga về cơ bản là bóp nghẹt chúng tôi về mặt kinh tế”. “Cách duy nhất để thoát khỏi tình trạng này là tiêu diệt Hạm đội Hắc Hải, phá hủy khả năng theo đuổi việc xâm lược Hắc Hải và khôi phục tự do hàng hải của chúng tôi”.

Zagorodnyuk - hiện là chủ tịch của Trung tâm Chiến lược Quốc phòng ở Kyiv - nói thêm: “Điều duy nhất chúng tôi có thể làm là tiêu diệt Hạm đội Hắc Hải và nói rằng bất kỳ tàu mới nào trong khu vực sẽ đi theo những chiếc trước đó”.

“Không có lựa chọn nào khác. Và chúng ta nên theo đuổi lựa chọn đó cho đến khi nó được thực hiện.”

Kiểm soát Hắc Hải từ lâu đã là tham vọng của Nga. Việc chiếm giữ Bán đảo Crimea vào năm 2014 và việc phong tỏa Biển Azov sau đó đều phục vụ mục tiêu lớn hơn này, là hạn chế khả năng tiếp cận của hải quân Ukraine và bóp nghẹt hoạt động xuất khẩu hàng hải của nước này.

Găng tay của Mạc Tư Khoa đã lộ diện khi bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện vào tháng 2 năm 2022, với việc xâm lược đảo Rắn chiến lược và các tàu Nga rình rập bờ biển phía nam Ukraine và đe dọa một cuộc xâm lược đổ bộ vào Odesa. Sự hồi sinh của sự thống trị thời Liên Xô đối với toàn bộ phía bắc, phía tây và phía đông Hắc Hải dường như đã nằm trong tầm tay.

Rất ít yếu tố trong cuộc chiến của Tổng thống Vladimir Putin với Ukraine đã được lên kế hoạch trong 18 tháng qua. Theo trang web phân tích quốc phòng nguồn mở Oryx của Hà Lan, điều này đặc biệt đúng ở Hắc Hải, nơi 16 tàu Nga đã bị hư hại hoặc phá hủy bởi một đối phương không hề có lực lượng hải quân thông thường; và chỉ có một sức mạnh không quân rất hạn chế. Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga qua email để yêu cầu bình luận.

Mỗi tổn thất đều đặt ra một thách thức dài hạn mới đối với ngành đóng tàu của Nga vốn đang bị hạn chế bởi căng thẳng kinh tế, các lệnh trừng phạt quốc tế và vốn là cái bóng của nền kinh tế tiền nhiệm Liên Xô vốn phụ thuộc nhiều vào các nhà máy đóng tàu của Ukraine.

“Tất cả họ đều có thiết bị cũ”, Zagorodnyuk nói về các tàu Hắc Hải còn sót lại của Nga. “Tất cả đều được xây dựng từ lâu rồi. Họ gặp một số vấn đề nghiêm trọng về vũ khí, thiết bị, v.v.”

Zagorodnyuk nói: “Chiếc tốt nhất là tàu tuần dương Moskva,” đề cập đến soái hạm của Hạm đội Hắc Hải bị hỏa tiễn chống hạm Ukraine đánh chìm vào tháng 4 năm 2022. Việc thay thế các tàu bị phá hủy hoặc hư hỏng nặng sẽ mất nhiều năm chứ không phải vài tháng.

Mọi thứ dường như đang trở nên tồi tệ hơn đối với Điện Cẩm Linh. Vào ngày 13 tháng 9, hỏa tiễn hành trình của Ukraine đã phá hủy một tàu đổ bộ và một tàu ngầm tấn công tại một ụ tàu ở Sevastopol – là trung tâm của Hạm đội Hắc Hải và là nền tảng cho sự kiểm soát của Nga đối với bán đảo. Và vào thứ Tư, một cuộc tấn công khác nhắm vào trung tâm chỉ huy hạm đội.

Các cuộc tấn công quy mô lớn như vậy diễn ra trong bối cảnh các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái, hỏa tiễn và biệt kích gần như hàng ngày nhằm vào các mục tiêu ở Crimea. Các cuộc đột kích của Ukraine đã phá hủy các hệ thống radar, khẩu đội phòng không và các địa điểm hỏa tiễn, cùng nhiều nơi khác.

Andriy Ryzhenko, một thuyền trưởng hải quân Ukraine đã nghỉ hưu và hiện là chuyên gia chiến lược tại công ty tư vấn quốc phòng và hậu cần Sonata, nói với Newsweek: “Ukraine đang xác định và phát triển những lỗ hổng an ninh trong hệ thống phòng thủ của Nga ở Crimea”. Ryzhenko cho biết, việc phá hủy các cơ sở phòng không nói riêng “sẽ làm tăng cường độ giao tranh”.

Ngay cả khi không có yếu tố bất ngờ, Ukraine vẫn đang xuyên thủng mạng lưới phòng thủ Crimea. Một số tàu ngầm lớp Kilo của Mạc Tư Khoa được cho là đã được di chuyển từ Sevastopol đến cảng Novorossiysk của Nga sau một loạt các cuộc tấn công trên bán đảo. Sau vụ bắn phá Sevastopol vào tuần trước, Nga được tường trình là đã điều động một số tàu đổ bộ tới Biển Azov.

Cuộc tấn công gần đây nhất ở Sevastopol dường như cũng đã phá hủy hoặc ít nhất là hư hỏng nặng các cơ sở ụ tàu quan trọng, được sử dụng để bảo trì và sửa chữa các tàu của Hạm đội Hắc Hải của Nga. Không có cơ sở nào khác ở Hắc Hải đủ lớn và tinh vi để phục vụ mục đích này.

Ryzhenko cho biết, cuộc tấn công sẽ là “một lời cảnh báo rất lớn đối với họ về tính dễ bị tổn thương của các cơ sở sửa chữa này và sẽ hạn chế khả năng duy trì. Đơn giản là họ không thể sửa chữa tàu của mình và nhiều chiếc trong số đó đã rất cũ”.

Cuộc chiến diễn ra từ năm 2014 và chưa có dấu hiệu giảm bớt hay kết thúc. Cả Kyiv và Mạc Tư Khoa đều không nghiêm chỉnh xem xét các cuộc đàm phán hòa bình và cả hai đều tin rằng họ vẫn có thể đạt được mục tiêu trên chiến trường. Giấc mơ của Putin về một Ukraine bị chư hầu hóa giờ đây có vẻ ngoài tầm với, nhưng nhà độc tài Nga dường như vẫn tin rằng ông có thể tồn tại lâu hơn các quốc gia phương Tây đang giúp Kyiv tồn tại.

Hắc Hải, vốn là nơi diễn ra cuộc chiến tranh nóng bỏng của Nga với Ukraine, cũng đang nổi lên như một điểm nóng nguy hiểm giữa NATO và Nga và là điểm tắc nghẽn về nguồn cung cấp thực phẩm toàn cầu. Rải rác với mìn hải quân và được tuần tra bởi các tàu chiến và máy bay Nga, “vùng biển khắc nghiệt” - như người Đông Phương cổ đại lần đầu tiên biết đến - sẽ vẫn căng thẳng trong tương lai gần.

Mạc Tư Khoa không cho thấy dấu hiệu nào chứng tỏ họ sẽ giảm bớt việc phong tỏa liên tục đối với tàu bè Ukraine, cũng như sẽ ngừng phóng hỏa tiễn hành trình vào các thành phố Ukraine từ các tàu Hắc Hải. Khu vực này vẫn là một trong những câu hỏi hóc búa chiến lược cấp bách nhất của Kyiv.

Zagorodnyuk nói: “Không ai có thể thay đổi quan điểm của Nga. Họ làm điều này vì không ai có thể ngăn cản họ…Về cơ bản, đó là cách họ hành xử nói chung, ở mọi nơi.”

Cựu bộ trưởng quốc phòng nói: “Chúng tôi là những người duy nhất sẽ giải quyết tình trạng lộn xộn này” khi được hỏi liệu các quốc gia NATO có sẵn sàng bước vào vùng vịnh an ninh đang phát triển ở đó hay không. “Chúng tôi sẽ tấn công các tàu Nga cho đến khi tất cả chúng chịu chung số phận với chiếc soái hạm Moskva, hoặc chúng bỏ chạy về phía đông Hắc Hải và ở lại đó”.

Ukraine vẫn đang kêu gọi các loại vũ khí tiên tiến của phương Tây bao gồm cả chiến đấu cơ F-16—mà các phi công Ukraine hiện đang huấn luyện—và Hệ thống hỏa tiễn chiến thuật quân đội tầm xa MGM-140, được gọi là ATACMS, có khả năng sẽ tấn công toàn bộ Crimea trong tầm ngắm của Ukraine.

Zagorodnyuk nói: “Nga cũng đang theo đuổi ưu thế trên không ở Hắc Hải. Ông gợi ý rằng các máy bay F-16 hoạt động trong khu vực “sẽ cho phép chúng tôi giữ các tàu Nga ở bên ngoài” vùng biển Ukraine và cách xa các cảng quan trọng của Ukraine.

Tuy nhiên, về lâu dài, Ukraine cần nhiều thứ hơn ngoài chiến binh, hỏa tiễn chống hạm và thuyền không người lái của hải quân để bảo vệ Hắc Hải. Ryzhenko nói: “Sau này, chúng tôi cần thiết lập quyền kiểm soát lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế hàng hải của mình”. “Để làm được điều này, chúng ta cần một hạm đội mặt nước.”

Kyiv từ lâu đã hợp tác với Mỹ để mua các tàu tuần tra Mark VI và với Anh để mua tàu tấn công P50-U cho các mục đích như vậy. Ryzhenko cho biết Ukraine cần một “hạm đội muỗi” - một thuật ngữ thường được dùng để chỉ một hạm đội lớn được tạo thành từ các tàu tương đối nhỏ - có khả năng hoạt động cách bờ biển khoảng 100 km trong nhiều ngày.

Ryzhenko nói: “Chúng ta cần duy trì an ninh lãnh thổ chứ không chỉ giải phóng mà thôi”.

9. Tổng thống Zelenskiy cho biết Mỹ có quyết định lịch sử về việc chung sản xuất vũ khí với Ukraine

Một quyết định lịch sử đã được đưa ra về việc Ukraine và Mỹ cùng sản xuất vũ khí, đặc biệt là các hệ thống phòng không.

“Có một quyết định lịch sử của Hoa Kỳ về việc cùng sản xuất vũ khí và hệ thống phòng thủ. Đặc biệt là phòng không”, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy nói trong bài phát biểu buổi tối.

Theo Nguyên thủ quốc gia, điều mà cho đến gần đây chỉ là tưởng tượng sẽ trở thành hiện thực.

“Chúng tôi sẽ biến nó thành hiện thực. Và đây là phẩm chất mới của ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine – mạnh mẽ hơn nhiều”, Tổng thống nhấn mạnh.

Ông gọi quyết định này là một đóng góp đáng kể cho nền kinh tế vì nó có nghĩa là “sẽ có các doanh nghiệp, công ăn việc làm mới cho cả hai dân tộc chúng ta – cho người Ukraine và người Mỹ.”

Zelenskiy cảm ơn Tổng thống Mỹ Biden, toàn bộ đội ngũ của ông, “và tất cả những người ở Mỹ coi trọng tự do và ủng hộ Ukraine”.

Tổng thống tóm tắt: “Chúng tôi có quan điểm rõ ràng về khả năng phục hồi mới của Ukraine sẽ ngăn chặn sự tái diễn hành động xâm lược của Nga”.

Như đã đưa tin, Ukraine và Mỹ đã ký bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng.
 
Các giám mục TQ tham dự Thượng Hội đồng về tính đồng nghị là những ai? Giáo phận Mễ Tây Cơ bị hack
VietCatholic Media
16:46 25/09/2023


1. Không có 'biển chết': Đức Thánh Cha kêu gọi hành động toàn Âu Châu về vấn đề di cư

Đức Thánh Cha Phanxicô hôm thứ Bảy đã lên án “chủ nghĩa dân tộc hiếu chiến” và kêu gọi phản ứng toàn Âu Châu đối với vấn đề di cư để ngăn chặn Địa Trung Hải, nơi hàng ngàn người đã chết đuối, đang trở thành “nghĩa địa của nhân phẩm”.

Vấn đề nhập cư đã chi phối chuyến đi kéo dài 27 giờ của ngài tới Marseilles, một cảng của Pháp trong nhiều thế kỷ đã là nơi giao thoa của các nền văn hóa và tôn giáo.

Hôm thứ Sáu, ngài nói những người di cư có nguy cơ chết đuối trên biển “phải được giải cứu” vì làm như vậy là “nghĩa vụ của nhân loại” và những người cản trở việc giải cứu là đưa ra các “cử chỉ thù hận”.

Đức Phanxicô đã nhấn mạnh thêm trong bài phát biểu dài vào sáng thứ Bảy khi ngài kết thúc một hội nghị của Giáo hội về các vấn đề Địa Trung Hải.

“Có một tiếng kêu đau đớn vang vọng hơn hết, và nó đang biến Địa Trung Hải, 'mare nostrum', từ cái nôi của nền văn minh thành 'mare mortuum', nghĩa địa của phẩm giá: đó là tiếng kêu nghẹn ngào của người di cư, thưa các anh chị em”, ngài nói, sử dụng các thuật ngữ Latinh 'mare nostrum' có nghĩa là “biển của chúng ta” và 'mare mortuum' là “biển chết”.

Trên chuyến bay đến Marseilles hôm thứ Sáu, Đức Phanxicô đã rất xúc động khi được nhiếp ảnh gia Yara Nardi của Reuters cho xem bức ảnh một đứa trẻ di cư. Bức ảnh là ảnh chụp cận cảnh đôi mắt của Hoàng tử 18 tháng tuổi, cậu bé cùng mẹ là Claudine Nsoe, đã đến hòn đảo nhỏ bé Lampedusa của Ý từ Bắc Phi bằng đường biển.

Tổng thống Emmanuel Macron, các quan chức chính phủ khác và Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Âu Châu Christine Lagarde đã tham dự Thánh lễ của Đức Giáo Hoàng vào chiều thứ Bảy cho 50.000 người đang chật kín sân vận động Velodrome của thành phố. Nhà chức trách cho biết có 100.000 người khác xếp hàng trên đường đến sân vận động.


Source:Reuters

2. Giáo phận Mễ Tây Cơ tố cáo việc hack một số tài khoản mạng xã hội của giáo phận

Các tài khoản truyền thông xã hội khác nhau liên quan đến Giáo phận Irapuato ở bang Guanajuato của Mễ Tây Cơ đã bị tấn công và nội dung khiêu dâm đã được đăng trên các tài khoản đó.

“Chúng tôi muốn thông báo với bạn rằng trong những ngày gần đây, sáu tài khoản Facebook liên quan đến Giáo phận Irapuato và Giáo xứ Đức Mẹ Cô Đơn đã bị hack. Chúng tôi lên án cuộc tấn công này trên phương tiện truyền thông xã hội của chúng tôi,” Cha Efrén Silva Plasencia, phát ngôn viên của giáo phận, viết trong một tuyên bố đăng trên Facebook ngày 16 tháng 9.

Các trang bị tấn công là: trang web của giáo phận Irapuato, của Nhà thờ chính tòa Irapuato, Ủy ban Phụng Vụ Irapuato, Học viện María Goretti, Đền thờ Đức Mẹ Cô tịch của Giáo phận và Giáo xứ Tổng lãnh thiên thần Michael-San Miguelito.

Plasencia giải thích rằng “chúng tôi đã cố gắng khôi phục chúng nhưng không thể. Trong những ngày gần đây, nội dung không phù hợp đã được tải lên một số trang này.”

Giám mục của Irapuato, Đức Cha Enrique Díaz Díaz, cho biết trong cuộc họp báo hôm Chúa Nhật được đăng trên Facebook rằng giáo phận vẫn chưa tìm ra người chịu trách nhiệm về vụ tấn công hoặc động cơ của vụ hack.

“Tôi không biết điều này có thể đến từ đâu hoặc nó đến từ ai đó có thể gây hại cho chúng ta. Rõ ràng là việc tải lên nội dung tục tĩu, khủng khiếp như vậy thật quá đau lòng nhưng tôi không biết từ ai,” ngài nói.

Trong khi các trang của Giáo phận Irapuato và Học viện María Goretti vẫn hoạt động và cũng tiếp tục chia sẻ nội dung không phù hợp, các tài khoản của Đền thờ Đức Mẹ Cô tịch của Giáo phận và Thánh Michael Tổng lãnh thiên thần-San Miguelito đã bị gỡ xuống khỏi Facebook sau nhiều lần khiếu nại.

Tài khoản của Nhà thờ chính tòa Irapuato và Ủy ban Phụng vụ của Giáo phận Irapuato đã được khôi phục.

Do không thể khôi phục một số tài khoản, giáo phận kêu gọi những người theo dõi và người dùng “giúp đỡ bằng cách báo cáo các trang này cho Facebook để nền tảng nói trên có thể vô hiệu hóa chúng”.


Source:Catholic News Agency

3. Các giám mục Trung Quốc tham dự Thượng Hội đồng về tính đồng nghị là những ai?

Vatican hôm thứ Năm thông báo rằng hai giám mục từ Trung Quốc đại lục đã được bổ sung làm đại biểu chính thức trong Thượng Hội đồng sắp tới về hội đồng.

Giám mục Antonio Nghiêu Thuấn (Yao Shun, 尧舜) của Tế Ninh và Giám mục Giuse Dương Vĩnh Cường (Yang Yongqiang, 杨永强) của Chu Thôn sẽ đi từ Trung Quốc đến Rôma để tham gia với tư cách là thành viên chính thức của Thượng hội đồng Giám mục từ ngày 4 đến ngày 28 tháng 10 về chủ đề “Vì một Giáo hội có tính đồng nghị: Hiệp thông, Dự phần, và Truyền giáo.”

Các giám mục tham gia cùng với Giám mục Đài Loan Norbert Bồ Anh Hùng ( Pu Yingxiong, 蒲英雄) Địa phận Khải Y (Kiayi, 凯伊) và Đức Hồng Y tân cử Stêphanô Châu Thủ Nhân, giám mục Hương Cảng, là những vị đã được công bố là đại biểu Thượng Hội đồng vào tháng Bảy.

Vatican đã công khai việc bổ sung hai giám mục Trung Quốc đại lục trong cuộc họp báo trước lễ kỷ niệm 5 năm ngày ký kết thỏa thuận Vatican-Trung Quốc, thỏa thuận tạm thời về việc bổ nhiệm các giám mục giữa Tòa thánh và Bắc Kinh vào ngày 22 tháng 9, 2018.

Đây không phải là lần đầu tiên Bắc Kinh chấp thuận cho các giám mục đại lục tham gia Thượng Hội đồng Giám mục. Hai Giám Mục Gioan Baotixita Dương Hiểu Đình (Yang Xiaoting -楊曉亭)của Diên An, và Giám mục Giuse Quách Kim Tài (Guo Jincai - 郭金才) của Thừa Đức đã tham dự nửa đầu Thượng hội đồng giới trẻ năm 2018 trước khi đột ngột rời Thượng hội đồng sớm mà không giải thích. Cả hai giám mục đều có mối quan hệ chặt chẽ với Hiệp hội Công Giáo Yêu nước Trung Quốc được chính phủ phê duyệt và ở tại nhà khách Santa Marta của Thành phố Vatican, nơi Đức Thánh Cha Phanxicô cư trú.

Một trong những giám mục tham dự hội nghị năm nay là vị giám mục đầu tiên được tấn phong ở Trung Quốc theo các điều khoản của thỏa thuận Vatican-Trung Quốc.

Đây là những gì chúng ta biết về hai giám mục Trung Quốc sẽ đến Vatican để tham dự Thượng Hội đồng Giám mục năm 2023:

Giám mục Giuse Dương Vĩnh Cường (Yang Yongqiang, 杨永强) của Chu Thôn được tấn phong giám mục với sự chấp thuận của Vatican vào năm 2010 và đã phục vụ với tư cách là giám mục của Chu Thôn thuộc tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc đại lục kể từ tháng 8 năm 2013.

Giám mục Giuse Dương Vĩnh Cường, 53 tuổi, đã tham gia Ủy ban Quốc gia của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc năm 2023, một cơ quan cố vấn chính trị thuộc hệ thống mặt trận thống nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc, nơi đã quyết định rằng Giáo Hội Công Giáo nên tích hợp tư tưởng của mình với đảng và đoàn kết chặt chẽ hơn với Tập Cận Bình, theo trang web chính thức của Hiệp hội Công Giáo Yêu nước.

Ông là phó chủ tịch hội đồng giám mục Công Giáo được chính phủ Trung Quốc công nhận và được bầu làm lãnh đạo Hiệp hội Công Giáo Yêu nước Trung Quốc vào tháng 12 năm 2016. Tại lễ tấn phong giám mục, Giám Mục Dương Vĩnh Cường nói với UCA News rằng ông nhìn thấy tiềm năng tăng cường đối thoại với cộng đồng Công Giáo hầm trú.

Năm ngoái, Giám Mục Dương Vĩnh Cường đã chủ trì một cuộc họp trình bày cách người Công Giáo phải nghiên cứu tinh thần của Đại hội toàn quốc lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Giám Mục Dương Vĩnh Cường sinh ra trong một gia tấn Công Giáo ở quận Quyền Kích, tỉnh Sơn Đông vào năm 1970 và theo học tại chủng viện Xà Sơn ở Thượng Hải trước khi thụ phong linh mục vào năm 1995.

Ông làm việc cho Hiệp hội Công Giáo Yêu nước cấp tỉnh và Ủy ban Công tác Giáo hội Trung Quốc vào năm 2005 trong khi giảng dạy tại Đại Chủng viện Chúa Thánh Thần ở Tế Nam.

Đầu tháng này, ông đã tham dự một buổi nghiên cứu về cách thực hiện “Các biện pháp quản lý các địa điểm hoạt động tôn giáo” mới, với những hạn chế của chính phủ như cấm trưng bày các biểu tượng tôn giáo ngoài trời, yêu cầu rao giảng để “phản ánh các giá trị xã hội chủ nghĩa cốt lõi” và hạn chế tất cả các giá trị tôn giáo và hoạt động tôn giáo trong các địa điểm tôn giáo được chính phủ phê duyệt, theo China Aid.

Giám mục Antonio Nghiêu Thuấn (Yao Shun, 尧舜) của Tế Ninh là giám mục đầu tiên được tấn phong ở Trung Quốc theo các điều khoản của thỏa thuận Trung Quốc-Vatican, vào ngày 26 tháng 8 năm 2019. Ngài hiện nay là giám mục của Tế Ninh thuộc Khu tự trị Nội Mông của Trung Quốc.

Trước khi được bổ nhiệm, Đức Cha Thuấn, hiện 58 tuổi, từng giữ chức vụ thư ký và sau đó là phó giám đốc ủy ban phụng vụ do Hiệp hội Công Giáo Yêu nước Trung Quốc và Hội đồng Giám mục Trung Quốc giám sát từ năm 1998. Ngài trở lại Giáo phận Tế Ninh vào năm 2010 để phục vụ với tư cách là tổng đại diện.

Sinh ra ở Ô Lan Ca Bố (Ulanqab, 乌兰卡布) năm 1965, ngài là người gốc Nội Mông và đã từng vừa học vừa giảng dạy tại chủng viện quốc gia ở Bắc Kinh. Sau khi được thụ phong linh mục vào năm 1991, ngài đã hoàn thành bằng cử nhân phụng vụ tại Hoa Kỳ tại Đại học St. John's ở Minnesota từ năm 1994 đến năm 1998. Ngài cũng dành một thời gian theo đuổi việc nghiên cứu Kinh Thánh ở Giêrusalem.

Tờ New York Times đưa tin rằng Vatican đã chấp thuận Đức Cha Thuấn làm người kế vị Giám mục Gioan Lưu Thế Công (Liu Shigong, 刘世功) tại Giáo phận Tế Ninh vào năm 2010, nhưng chính phủ Trung Quốc đã từ chối chấp thuận ngài, ngay cả sau khi Đức Giám Mục Lưu qua đời vào năm 2017 ở tuổi 89.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã chỉ ra rằng Đức Cha Thuấn không phải là người lên tiếng chỉ trích chính phủ Trung Quốc.

Francesco Sisci, một nhà nghiên cứu về Công Giáo Trung Quốc có trụ sở tại Bắc Kinh, nói với New York Times vào năm 2019: “Đảng Cộng sản cảm thấy thoải mái với ông ấy”. “Họ không muốn ai đó thực hiện hành động chống lại họ”.


Source:Catholic News Agency
 
Thánh Ca
Lc 1, 46-55
Lm. Thái Nguyên
02:58 25/09/2023
 
Cùng Mẹ dâng hiến
Lm. Thái Nguyên
02:59 25/09/2023
 
Tâm tình Xin vâng
Lm. Thái Nguyên
03:00 25/09/2023

 
Nhờ Mẹ Maria đến với Chúa Giêsu
Lm. Thái Nguyên
03:01 25/09/2023
 
Lời Kinh Mân Côi
Lm. Thái Nguyên
03:01 25/09/2023