Ngày 22-09-2016
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
05:04 22/09/2016
25. CHIM NGU KHÔNG BAY.
Có một người khách ở rất lâu trong nhà người ta mà không chịu đi, chủ nhân rất ghét hắn ta.
Một ngày nọ, chủ nhà dẫn người khách đi tham quan trước cổng chùa, đột nhiên thấy trên cây có một con chim lớn như con gà, chủ nhân nói:
- “Tôi đi lấy búa chặt ngã cây này, túm con chim ấy nấu cơm cho ngài ăn.”
Khách nói:
- “Chỉ sợ khi cây ngã thì chim bay mất.”
Chủ nhân trả lời:
- “Ngài không biết đó thôi con chim này rất ngu, dù cây ngã nó cũng không bay !”
(Sự Lâm Quảng ký)

Suy tư 25:
Người ta thường nói “quân tử ư hử thì đau”, để nói lên tính cách thẳng thắn và cương nghị của những người luôn coi trọng danh dự của mình, đã hứa thì phải làm, dù cho lời hứa đó có khi thiệt hại cho mình.
Người Ki-tô hữu là những người quân tử, họ quân tử không phải như Nhạc Bất Quần trong truyện chưởng của Kim Dung, chỉ là ngụy quân tử; họ cũng không phải quân tử theo kiểu anh hùng của những người chỉ coi trọng hình thức bên ngoài, trước mặt đám đông làm bộ tịch quân tử. Nhưng cái quân tử của họ chính là tuân giữ và thực hành những điều mà họ đã hứa với Đấng rất yêu thương và đã chết cho họ, đó chính là Đức Chúa Giê-su.
Người Ki-tô hữu là những người quân tử, bởi vì trong ngày lãnh nhận bí tích Rửa Tội, họ đã thề hứa từ bỏ ma quỷ và những thói hư tật xấu của ma quỷ, cho nên, trong cuộc sống của họ lắm lúc tưởng như là mất đức tin và buông xuôi cho ma quỷ, họ đã cố gắng vươn lên với sức mạnh của Thánh Thần để trở thành người quân tử của Chúa thà chết, thà chịu đau khổ, thà bị hành hạ chứ không đánh mất đức tin và lời hứa Rửa Tội của mình.
Người khách không phải là quân tử cũng không phải là người tế nhị, chủ nhà đã lớn tiếng chê bai bóng gió mà ông ta cũng không hiểu, thật tội nghiệp cho ông ta.
Có những lúc trong cuộc sống, tôi đã trở thành kẻ tiểu nhân khi cố tình quên đi Lời Chúa mà tôi đã từng nghe từng đọc trong thánh lễ, để rồi vẫn cố chấp sống trong đam mê của mình...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

-------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
05:05 22/09/2016

12. Máu của con chiên trong thời cựu ước cứu dân Israel khỏi bị sát hại, mà máu con chiên là hình bóng Mình Máu Thánh Đưc Chúa Giê-su của đạo mới. Hình bóng còn có thể hiệu nghiệm, huống hồ là Mình và Máu thật của Đức Chúa Giê-su ?

(Thánh John Chrysostom)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức"

----------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Nam Hàn: Công Giáo và Phật Giáo gửi viện trợ giúp dân Bắc Hàn bị thiên tai
Chân Phương
09:11 22/09/2016
Nam Hàn: Công Giáo và Phật Giáo gửi viện trợ giúp dân Bắc Hàn bị thiên tai

Theo một nguồn tin Công Giáo ẩn danh cho biết, các nhóm tư nhân bao gồm cả người Công Giáo lẫn Phật Giáo "đã vượt biên giới Nam Hàn (còn gọi là Hàn Quốc), thông qua ngả Trung Quốc, để gửi viện trợ nhân đạo cho người dân Bắc Hàn (còn gọi là Triều Tiên) bị ảnh hưởng bởi lũ lụt tàn phá".

Người cung cấp tin này hiện đang tham gia cuộc đối thoại giữa hai miền Đại Hàn (Korea) nói rằng, vì hành động khiêu khích quân sự của Bình Nhưỡng nên Seoul đã cấm tất cả các kênh viện trợ trực tiếp. Nếu không có sự cho phép của Seoul thì các tổ chức phi chính phủ ở Nam Hàn không thể cung cấp viện trợ cho Bắc Hàn.

Lệnh cấm này không ảnh hưởng đến các tổ chức quốc tế, cho nên ngày hôm qua, họ đã bắt đầu cung cấp lương thực và viện trợ cho hàng chục ngàn người bị mất nhà mất cửa do trận lũ lụt nặng nề xảy ra hồi tháng trước.

Trận lũ lụt này chủ yếu ảnh hưởng đến các tỉnh phía bắc giáp với biên giới Trung Quốc, đây là một trong những nơi nghèo khổ nhất trên bán đảo Đại Hàn, đặc biệt là khu vực gần sông Đồ Môn (Tumen).

Bắc Hàn cho biết đã có 133 người chết và gần 400 người mất tích. Khoảng 35.000 ngôi nhà cũng như 9.000 trường học và các tòa nhà công cộng khác đã bị thiệt hại; 68.000 người đã được di tản. Mặc dù con số này thấp hơn so với ước tính của Liên Hiệp Quốc. Đường bộ, cầu cống và đường sắt cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Chương trình Lương thực Thế giới (World Food Programme) đã tiến hành cung cấp thực phẩm cho hơn 140.000 người. Tuy nhiên, mùa đông chuẩn bị kéo đến khiến cho các cơ quan cứu trợ của Liên Hiệp Quốc trở nên lo ngại bởi vì mùa này thường đi kèm với tình trạng thiếu lương thực trầm trọng.

Tình hình hiện tại là rất nghiêm trọng. Đối với Liên Hiệp Quốc, những người di tản đang cần cấp bách nơi ở, nước sạch và vệ sinh môi trường, cũng như các loại thực phẩm.

Tại Nam Hàn, các nhóm xã hội dân sự - cả thế tục lẫn tôn giáo - đã không thể làm ngơ. Nguồn tin nói trên cho biết: "Chúng tôi đã liên lạc với các nhóm ở Trung Quốc để xin họ chung tay giúp chúng tôi".

"Họ phát hành hoá đơn giả để chúng tôi gửi hàng hóa sang cho họ, sau đó họ mang qua biên giới. Tất nhiên, có một nguy cơ rất lớn là các hàng hóa thiết yếu này có thể rơi vào tay kẻ xấu. Nhưng chúng tôi còn có thể làm gì khác? Chắc chắn là không thể đứng nhìn người dân chết đói". (AsiaNews)

Chân Phương
 
Công bố qui chế mới Bộ Thông Tin của Tòa Thánh
Lm. Trần Đức Anh OP
12:57 22/09/2016
VATICAN. Hôm 22-9-2016, ĐTC đã cho công bố Quy chế Bộ Truyền Thông (Segreteria per le comunicazioni) của Tòa Thánh.

Bộ này được ĐTC thành lập ngày 27-6-2015 qua tự sắc ”Bối cảnh truyền thông hiện nay” (L'attuale contesto comunicativo), bao gồm 9 cơ quan của Tòa Thánh liên quan đến lãnh vực truyền thông, đó là: Hội đồng Tòa Thánh truyền thông xã hội, Phòng báo chí Tòa Thánh, Ban Internet Vatican, Đài Phát thanh Vatican, Trung Tâm truyền hình Vatican, Báo Quan sát viên Roma, Nhà in Vatican, Ban Nhiếp Ảnh và Nhà Sách Nhà Xuất bản Vatican. Việc thành lập Bộ Truyền thông nhắm đáp ứng bối cảnh truyền thông ngày nay, với sự hiện diện và phát triển của các phương tiện truyền thông kỹ thuật số và những yếu tố hội tụ và tương tác.

Bộ truyền thông gồm có 5 phân bộ là: Phân bộ Tổng Vụ, Phân Bộ Biên Tập, Phân Bộ Phòng báo chí Tòa Thánh, Phân Bộ Kỹ thuật, và Phân Bộ thần học mục vụ.

Theo qui chế mới, Bộ Truyền Thông ở dưới sự điều khiển của Vị Bộ trưởng và vị Tổng thư ký, cùng với 5 vị Giám đốc 5 phân Bộ. Vị Bộ trưởng hiện nay là Đức Ông Dario Edoardo Viganò, người Italia, nguyên là Tổng Giám đốc trung tâm truyền hình Vatican, và vị Tổng thư ký là Đức Ông Lucio Adrian Ruiz, người Argentina, nguyên là trưởng ban Internet của Vatican.

Bộ có các thành viên và các vị Cố vấn. Trong số các thành viên này có Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm, GM Mỹ tho. Các thành viên tham dự Đại hội của Bộ truyền thông nhóm hai năm một lần để đề ra hướng đi tổng quát, hoặc bàn về những vấn đề do vị Bộ trưởng đề nghị.

Có một điều khoản (số 19) bàn về sự chuyển tiếp của 9 cơ quan truyền thông trước đây của Tòa Thánh để dần dần hội nhập vào cơ cấu duy nhất của bộ. Qui chế được ban hành thí nghiệm có giá trị 3 năm, bắt đầu từ ngày 1-10 tới đây.

Tổng số các nhân viên thuộc 9 cơ quan truyền thông hiện nay của Tòa thánh vào khoảng 700 người. Với việc gộp tất cả thành một Bộ truyền thông duy nhất, Tòa Thánh sẽ tiết kiệm được ngân sách. (SD 22-9-2016)
 
Đức Thánh Cha kêu gọi ký giả tôn trọng sự thật
Lm. Trần Đức Anh OP
13:31 22/09/2016
VATICAN. ĐTC Phanxicô kêu gọi các ký giả tôn trọng sự thật, phẩm giá con người và góp phần làm tăng trưởng chiều kích xã hội của con người.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng thứ năm, 22-9-2016, dành cho 200 người thuộc Hội đồng toàn quốc ký giả đoàn của Italia.

Lên tiếng trong dịp này, sau khi đề cao tầm quan trọng của các ký giả trong xã hội, với những khó khăn và đòi hỏi của nghề nghiệp, ĐTC mời gọi họ hãy dừng lại để suy nghĩ về điều mình đang làm và cách thức mình làm. Cụ thể, ngài kêu gọi các ký giả suy tư về 3 yếu tố, đó là yêu mến sự thật, sống với tinh thần nghề nghiệp, và tôn trọng phẩm giá con người.

- Yêu mến sự thật không phải chỉ có nghĩa là khẳng định, nhưng còn sống sự thật và làm chứng về sự thật trong công việc của mình. Vấn đề ở đây không phải là tín hữu hay không phải tín hữu, nhưng là mình có thành thật, lương thiện với bản thân và tha nhân hay không. Tương quan là trọng tâm của mọi việc truyền thông.. và không tương quan nào có thể đứng vững lâu dài nếu nó dựa trên sự thiếu lương thiện.

Tiếp đến là sống với tinh thần nghề nghiệp. Điều này đòi người ký giả không đặt nghề nghiệp của mình để phục vụ cho những lợi lộc phe phái, dù đó là lợi lộc kinh tế hoặc chính trị. Nghĩa vụ của ngành ký giả, hay đúng hơn là ơn gọi của ký giả, là qua sự tìm kiếm sự thật, làm gia tăng chiều kích xã hội của con người, tạo điều kiện cho sự sống chung đích thực trong xã hội.

Sau cùng là sự tôn trọng phẩm giá con người, đây là điều quan trọng trong mọi nghề nghiệp, đặc biệt là trong nghề báo chí, vì đàng sau những tường thuật một biến cố có những tìm cảm, cảm xúc, và xét cho cùng là chính cuộc sống của con người.

ĐTC nói: ”Tôi thường phê bình tật nói hành nói xấu như một thứ khủng bố, người ta có thể giết người bằng miệng lưỡi. Nếu điều này có giá trị đối với mỗi cá nhân, trong gia đình hay tại nơi làm việc, thì nó càng được áp dụng cho các ký giả, vì tiếng nói của họ có thể đi tới mọi người, và đây là một khí giới rất mạnh mẽ. Nghề ký giả phải luôn luôn tôn trọng phẩm giá con người. Một bài báo đăng ngày hôm nay, và ngày mai sẽ được thay bằng một bài khác, nhưng sự sống con người bị vu khống bất công, sẽ bị hủy hoại mãi mãi. Dĩ nhiên sự phê bình là điều hợp pháp, như sự tố giác, phê bình sự ác, nhưng điều này luôn phải được thi hành trong sự tôn trọng người khác, cuộc sống và tình cảm của họ. Nghề ký giả không thể trở thành một khí giới tàn phá con người và thậm chí cả các dân tộc.

Và ĐTC cầu chúc cho ngành ký giả ngày càng trở thành một dụng cụ xây dựng, một nhân tố phục vụ công ích và một động cơ đẩy mạnh tiến trình hòa giải, biết chống lại cám dỗ xách động đụng độ, chia rẽ (SD 22-9-2016)
 
Video ĐTC tiếp kiến chung ngày 21-9-2016: Tình yêu thương xót tha thứ diễn tả sự toàn thiện của Thiên Chúa
VietCatholic Network
13:40 22/09/2016
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Sự toàn thiện của Thiên Chúa là ở nơi tình yêu thương xót. Tình yêu thương xót đó được diễn tả ra bằng việc tha thứ và cho đi, là hai cột trụ của Kitô giáo. Không phán xét lên án, nhưng tìm phục hồi phẩm giá là con Thiên Chúa cho người anh em làm lỗi và quảng đại giúp đỡ họ trong mức độ có thể.

Kính thưa quý vị thính giả, ĐTC Phanxicô đã nói như trên với hơn 40 ngàn tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư hôm qua.

Trong bài huấn dụ ngài đã giải thích ý nghĩa đoạn trích chương 6 Phúc Âm thánh Luca: “Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ. Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha. Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy." (Lc 6,36-38).

ĐTC nói: Chúng ta vừa nghe đoạn Phúc Âm thánh Gioan từ đó đuợc rút ra khẩu hiệu của Năm Thánh ngoại thường này: “Hãy thương xót như Thiên Chúa Cha”. Câu đầy đủ là: “Các con hãy thương xót như Cha các con là Đấng xót thương” (c. 36). Đây không phải là một khẩu hiệu quảng cáo nhằm gây hiệu quả, nhưng là một dấn thân của cuộc sống. Để hiểu rõ kiểu nói này chúng ta phải đối chiếu với kiểu nói song song trong Phúc Âm thánh Mátthêu, trong đó Chúa Giêsu nói: “Vì vậy các con hãy toàn thiện như Cha các con ở trên Trời là Đấng toàn thiện” (Mt 5,48). Trong bài giảng trên núi, mở đầu với các Mối Phúc Thật, Chúa dậy chúng ta rằng sự hoàn thiện hệ tại tình yêu, là việc thành toàn mọi điều khoản của Luật Lệ. Trong viễn tượng này thánh sử Luca nói rõ rằng sự toàn thiện là tình yêu thương xót: là hoàn thiện có nghĩa là thương xót. Một người không thương xót có toàn thiện không? Không! Một người không thương xót có tốt không? Không! Lòng tốt và sự toàn thiện đâm rễ nơi lòng thương xót. Dĩ nhiên, Thiên Chúa hoàn thiện. Tuy nhiên, nếu chúng ta coi Ngài như thế, thì đối với con người sẽ không thể nào hướng tới sự hoàn thiện tuyệt đối ấy được. Trái lại, có Thiên Chúa trước mắt như Đấng thương xót cho phép chúng ta hiểu tốt hơn sự hoàn thiện của Thiên Chúa hệ tại điều gì và thúc đẩy chúng ta sống tràn đầy tình yêu, sự thương cảm và lòng thương xót giống như Ngài. Nhưng tôi tự hỏi: các lời của Chúa Giêsu có thực tế không? Có đúng thật là có thể yêu như Thiên Chúa yêu và thương xót như Ngài không? ĐTC trả lời:

Nếu chúng ta nhìn lịch sử cứu độ, chúng ta thấy rằng tất cả sự mạc khải của Thiên Chúa là một tình yêu liên lỉ không mệt mỏi đối với con người; Thiên Chúa như một người cha và như một người mẹ yêu thương bằng một tình yêu không dò thấu được, và Ngài đổ tràn tình yêu ấy trên mọi thụ tạo. Cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá là tột đỉnh lịch sử tình yêu của Thiên Chúa đối với con người. Một tình yêu lớn lao tới độ chỉ Thiên Chúa mới có thể thực hiện được thôi. Đương nhiên là so sánh với tình yêu vô bờ này, tình yêu của chúng tá sẽ luôn luôn thiếu sót. Nhưng khi Chúa Giêsu xin chúng ta thương xót như Thiên Chúa Cha, Ngài không nghĩ tới số lượng đâu! Ngài xin các môn đệ Ngài trở thành dấu chỉ, các con kênh, các chứng nhân lòng thương xót của Ngài.

Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC nói: Và Giáo Hội chỉ có thể là bí tích lòng thương xót của Thiên Chúa trong thế giới, trong mọi thời đại và đối với toàn nhân loại. Vì thế mỗi kitô hữu được mời gọi là chứng nhân lòng thương xót, và điều này xảy ra trên con đường nên thánh. Chúng ta hãy nghĩ tới biết bao nhiêu vị thánh nam nữ đã trở thành những người thương xót, bởi vì các vị đã để cho con tim của mình tràn đầy lòng thương xót. Các vị đã cho tình yêu của Thiên Chúa thân xác, bằng cách đổ tràn đầy nó trong biết bao nhiêu nhu cầu của nhân loại khổ đau. Trong việc nở hoa của biết bao nhiêu hình thức bác ái có thể nhận ra các phản ánh của gương mặt xót thương của Chúa Kitô.

Chúng ta hãy hỏi: đối với các môn đệ thương xót có nghĩa là gì? Điều này đã được Chúa Giêsu giải thích với hai động từ “tha thứ” (c. 37) và “cho đi” (c. 38). ĐTC giải thích như sau:

Trước hết lòng thương xót được diễn tả trong sự tha thứ: “Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha”. Chúa Giêsu không có ý lật đổ công lý của con người, nhưng Ngài nhắc cho các môn đệ biết rằng để có các tương quan huynh đệ cần ngưng các phán xử và kết án. Thật ra sự tha thứ là cột trụ chống đỡ cuộc sống của cộng đoàn kitô, bởi vì trong đó được cho thấy sự nhưng không của tình yêu thương qua đó Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước.

ĐTC nói tiếp trong bài huấn dụ: Kitô hữu phải tha thứ! Tại sao vậy? Bởi vì họ đã được thứ tha. Tất cả chúng ta ở đây hôm nay, tại quảng trường này, tất cả chúng ta, chúng ta đã dược tha thứ. Không có ai trong chúng ta, trong cuộc sống của mình, đã không cần sự tha thứ của Thiên Chúa. Và bởi vì chúng ta đã được thứ tha, nên chúng ta phải tha thứ. Chúng ta đọc Kinh Lậy Cha mỗi ngày: Xin tha tội chúng con. Xin tha tội chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con” Nghĩa là tha thứ biết bao xúc phạm, biết bao tội lỗi. Và như thế tha thứ thì dễ dàng: Nếu Thiên Chúa đã tha thứ cho tôi, tại sao tôi lại không phải tha thứ cho người khác? Tôi cao cả hơn Thiên Chứa sao? Anh chị em hiểu rõ điều này chưa? Cột trụ của sự tha thứ này cho chúng ta thấy sự nhưng không của tình yêu Thiên Chúa, là Đấng đã yêu chúng ta trước.

Phán xét và kết án ngưòi anh em phạm tội là sai lầm. Không phải bởi vì chúng ta không muốn thừa nhận tội lỗi, nhưng bởi vì lên án người có tội là bẻ gẫy mối dây huynh đệ với họ, và khinh rẻ lòng thương xót của Thiên Chúa, là Đấng, trái lại, không muốn từ bỏ ai trong các con cái của Ngài.

Chúng ta không có quyền lên án ngưòi anh em lầm lỗi: Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha, chúng ta không ở bên trên họ: trái lại chúng ta có bổn phận phục hồi cho họ phẩm giá là con Thiên Chúa Cha, và đồng hành với họ trên con đường hoán cải.

Chúa Giêsu cũng chỉ cho Giáo Hội Ngài môt cột trụ thứ hai: là “cho đi” : “Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy” (c. 38). Thiên Chúa cho vượt ngoài các công nghiệp của chúng ta, nhưng Ngài sẽ còn quảng đại hơn với tất cả những ai đã sống quảng đại trên trái đất này. Chúa Giêsu không nói điều sẽ xảy ra cho những người không cho, nhưng hình ảnh “cái đấu” là một lời cảnh cáo: với mức độ tình yêu mà chúng ta cho đi, chính chúng ta là những người quyết định chúng tra sẽ bị phán xử như thế nào, đuợc yêu thương như thế nào. Nếu nhìn kỹ, chúng ta thấy có một luận lý trung thực: trong mức độ chúng ta nhận được từ Thiên Chúa, chúng ta cho người anh em, và trong mức độ chúng ta cho người anh em chúng ta nhận được từ Thiên Chúa” .

ĐTC nói thêm trong bài huấn dụ: Vì thế tình yêu thương xót là con đường duy nhất phải theo. Chúng ta tất cả đều cần sống thương xót hơn một chút biết bao, không nói xấu tha nhân, không xét đoán, không “vặt lông” kẻ khác với các lời chỉ trích của chúng ta, với các ghen tương tỵ hiềm. Không! Tha thứ, thương xót, sống cuộc đời mình trong tình yêu và cho đi. Lòng bác ái và tình yêu thương này cho phép các môn đệ của Chúa Giêsu không đánh mất đi căn tính đã nhận được từ Ngài và được thừa nhận như là con cái của chính Thiên Chúa Cha. Nơi tình yêu mà họ - nghĩa là chúng ta - thực thi trong cuộc sống, vang vọng lên Lòng Thương Xót không bao giờ cùng ấy của Thiên Chúa (x. 1 Cr 13,1-12). Nhưng chúng ta đừng quên điều này: lòng thương xót và việc cho đi; tha thứ và cho đi. Như thế con tim nở rộng, nở rộng trong tình yêu. Trái lại, sự ích kỷ, tức giận, khiến cho con tim nhỏ lại, nhỏ lại, nhỏ lại và cứng như một cục đá. Anh chị em thích điều nào? Một con tim bằng đá hay sao? Tôi xin hỏi anh chị em đó. Hãy trả lời? Tín hữu trả lời “không!”. ĐTC nói: Tôi không nghe rõ. Tín hữu trả lời “không!” Một con tim tràn đầy tình yêu? Tín hữu trả lời “có!” Nếu anh chị em thích một con tim tràn đầy tình yêu, thì hãy sống thương xót! Xin cám ơn anh chị em.

ĐTC đã chào nhiều đoàn hành hương khác nhau, Trước khi ra quảng trưởng ngài đã chào các bệnh nhân tụ tập trong đại thính đuờng Phaolô VI để tránh mưa. ĐTC đã cùng mọi người đọc Kính Mùng và ngài đã ban phép lành cho họ.

Ngài đã chào các nhóm nói tiếng Pháp trong đó có các tín hữu giáo phận Angoulême, do ĐGM sở tại hướng dẫn, các đoàn hành hương đến từ Bỉ, Camerun, Hy Lạp, Côte d’ Ivoire và Canada. Ngài cũng chào các đoàn hành hương đến từ các nước Anh, Êcốt, Ailen, Đan Mạch, Na Uy, Nhật Bản, Trung Quốc, Indonesia, Malyaysia, Việt Nam, Philippines, Nam Phi, Australia và Hoa Kỳ, cũng như các đoàn hành hương Đức, Thuỵ Sĩ, Áo, Ba Lan, Slovac và các nước nói tiếng Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, đặc biệt các tín hữu Brasil. Trong số các đoàn hành hương Slovac có các quân nhân do ĐC Frantisek Rabek hướng dẫn. Cũng có một nhóm tín hữu Thổ Nhĩ Kỳ giáo phận Smirne, do ĐC Lorenzo Piretto hướng dẫn.

Trong số các đoàn hành hương Italia có tín hữu các giáo phận Acqui, Grosetto, Nola, Sessa Aurunca, Tortona; các đại chủng sinh liên giáo phận Udine, Trieste và Gorizia, do ĐTGM Mazzocato hướng dẫn; các tham dự viên khóa hội học do Đại Học Thánh Giá tổ chức; các vị giám đốc các nhà Chúa Quan Phòng Italia, các thừa sai dòng Monfortani mừng 300 năm ngày sinh của thánh lập dòng Luigi Maria Grignion de Monfort. Ngài cũng chào các bạn trẻ các bệnh nhân và các đôi tân hôn. ĐTC cầu chúc chuyến hành hương Roma củng cố đức tin và đức mến của mọi người, và việc bước qua Cửa Thánh ban ơn toàn xá cho họ và các thân nhân của họ đã qua đời. Ước chi thánh sử Mátthêu mà Giáo Hội mừng kính soi sáng cho họ trên con đường theo Chúa.

Sau cùng ĐTC cũng nhắc tới Ngày quốc tế bệnh Alzheimer lần thứ 23 với đề tài “Xin hãy nhớ đến tôi” cử hành hôm qua. Ngài xin mọi người cầu nguyện cho những người sống gần các bệnh nhân biết đáp ứng các nhu cầu của họ với con mắt đầy tình yêu thương.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lậy Cha và phép lành toà thánh ĐTC ban cho mọi người.
 
Ngày 02/10 Dòng Tên họp Tổng Hội bầu Bề trên Tổng quyền mới
Peter Trần Hoàn Chỉnh, S.J.
20:49 22/09/2016
Ngày 02/10 Dòng Tên họp Tổng Hội bầu Bề trên Tổng quyền mới

215 tu sĩ Dòng Tên từ khắp nơi trên thế giới sẽ quy tụ về Rôma vào ngày 02/10 sắp tới để tham dự Tổng Hội lần thứ 36 bàn về những vấn đề quan trọng của Dòng và bầu chọn một vị bề trên tổng quyền mới.

Năm 2014, trong một lá thư gửi toàn Dòng, Cha Adolfo Nicolas, SJ Bề trên Tổng quyền đương nhiệm đã thông báo kế hoạch tổ chức Tổng Hội lần thứ 36 vào cuối năm 2016 và ý định sẽ từ nhiệm sau 8 năm phục vụ trong trách vụ Bề trên Tổng quyền. Bức thư có đoạn: “Đã vài năm trôi qua kể từ khi tôi được bầu làm Bề trên Tổng quyền của Dòng và tôi cũng đã bước qua tuổi 78. Suy tư về những năm sắp tới, tôi đã đi đến một xác tín cá nhân rằng tôi nên tiến hành những bước cần thiết để xin Tổng hội chấp thuận cho từ nhiệm.”

Trong một cuộc phỏng vấn dành cho tờ La Civilta Cattolica, một nhật báo của Dòng Tên tại Ý, cha Nicolas nói rằng ngài hy vọng Tổng Hội không chỉ bầu một vị bề trên tổng quyền xứng đáng mà còn đưa ra những quyết định và thiết lập những đường lối dẫn đến “một đời sống tu trì tốt hơn theo tinh thần của Tin Mừng và một khả năng sáng tạo được đổi mới.” “Dù vẫn tôn trọng đường hướng của tổng hội trước (năm 2008) nhưng thời đại đã thay đổi, chúng tôi cần dũng cảm, sáng tạo và can đảm đối diện với sứ mạng của mình vốn nằm trong sứ mạng lớn hơn của Thiên Chúa giữa lòng thế giới.”

Ngài cũng nói thêm rằng Dòng Tên cũng như các hội dòng khác có một khao khát lớn lao nhằm đáp lại một cách quảng đại đối với những thách đố mà con người đang phải đối diện hôm nay và “một niềm hy vọng mới được khởi phát từ Đức Giáo Hoàng Phanxicô, một người hiểu rõ chúng tôi và biết rõ vai trò và sứ mạng của đời sống tu trì trong Giáo Hội.”

Đức Thánh Cha Phanxicô dâng Lễ với các tu sĩ Dòng Tên tại nhà thờ Giêsu nhân dịp tuyên thánh cho chân phước Peter Faber.

Tổng hội Dòng Tên là cơ cấu quản trị cao nhất của Dòng, quy tụ đại diện từ các tỉnh và miền Dòng khắp nơi trên thế giới để bầu Bề trên Tổng quyền cũng như để nhận định và quyết định những vấn đề hệ trọng liên quan đến sứ mạng của Dòng.

Kể từ khi Dòng Tên chính thức được thành lập năm 1540, đã có 35 kỳ Tổng Hội và cha Nicolas là Bề trên Tổng quyền thứ 30 của Dòng. Theo Hiến Pháp Dòng, Bề trên Tổng quyền Dòng Tên không có nhiệm kỳ và ngài chỉ được từ nhiệm sau khi được Tổng Hội chấp thuận. Trong lịch sử của Dòng đã có 2 lần từ nhiệm của cha Bề trên Tổng quyền. Năm 1983, cha Pedro Arrupe, người Tây Ban Nha, đã từ nhiệm sau một thời gian gánh chịu những hậu quả nặng nề về thể lý cũng như tinh thần từ một cơn tai biến não. Năm 2008, cha Perter-Hans Kolvenbach, người Hà Lan từ nhiệm vì lý do sức khỏe.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô, cũng là một tu sĩ Dòng Tên, khi còn làm linh mục đã tham dự 2 kỳ tổng hội: một lần vào năm 1974-1975 và lần khác vào năm 1983. Đức Thánh Cha sẽ thăm mục vụ Azerbaijan đúng vào dịp Tổng Hội Dòng Tên bắt đầu nhưng hy vọng ngài sẽ tiếp kiến các đại biểu Tổng Hội 36 vào một dịp thích hợp giống như vị tiền nhiệm của ngài là Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã làm.

Trong số 215 đại biểu của Tổng Hội 36, có 10% đến từ Phi Châu, 16% đến từ Châu Mỹ Latinh, 33% đến từ Châu Á và Châu Đại Dương, 15% đến từ Bắc Mỹ và 26% đến từ Âu Châu. Độ tuổi trung bình của các đại biểu là 56. Lần đầu tiên trong lịch sử Dòng, sẽ có 6 tu huynh tham dự Tổng Hội 36 trong tư cách là đại biểu chính thức. Đại biểu cao niên nhất là cha Nicolas và trẻ nhất là thầy James Edema, 39 tuổi thuộc tỉnh Dòng Đông Phi.

Logo của Tổng Hội 36 được thiết kế theo gợi hứng từ thông điệp của Đức Giáo Hoàng Phanxicô gửi đến Dòng Tên nhân dịp kỷ niệm 200 năm Dòng được tái lập. Ngày 27/09/2014, tại nhà thờ Giêsu ở Rôma, Đức Giáo Hoàng đã thúc giục các tu sĩ Dòng Tên phân định trong những hoàn cảnh khó khăn, đón nhận và vâng phục thánh ý Thiên Chúa, cùng chèo với Ngài trong việc phục vụ Giáo Hội như lời mời gọi của Chúa Giêsu dành cho các môn đệ: “Hãy chèo ra chỗ sâu.”

3 ký tự IHS tượng trưng cho con thuyền Dòng Tên trong Giáo Hội. Những làn sóng tượng trưng cho biển, nơi các tu sĩ Dòng Tên được mời gọi bước vào và chèo đến những biên cương. Thánh giá tượng trưng cho cánh buồm đang hứng gió Thần Khí giúp cho con thuyền của Dòng chèo ra chỗ nước sâu. Ngọn lửa bên trên Thánh giá diễn tả “một ngọn lửa làm bùng lên nhiều ngọn lửa”, một kết nối với Sắc lệnh số 2 của Tổng Hội 35 nói về việc tái khám phá đặc sủng Dòng Tên.

Các đại biểu Tổng Hội 35 năm 2008

Tính đến ngày 01/01/2016, tổng số tu sĩ của Dòng Tên trên toàn thế giới là 16,376 trong đó có 11,785 linh mục, 1,192 tu huynh, 2,681 học viên (ứng viên linh mục) và 718 tập sinh.

Chỉnh Trần, SJ

Tổng hợp & chuyển ngữ
 
Giáo Hội tại Trung Quốc thảo luận về khả năng cho truyền chức phó tế vĩnh viễn
Chân Phương
21:15 22/09/2016
Giáo Hội tại Trung Quốc thảo luận về khả năng cho truyền chức phó tế vĩnh viễn

Lần đầu tiên trong lịch sử, Giáo Hội tại Trung Quốc đang thảo luận về khả năng có phó tế vĩnh viễn, đó là việc giáo dân nam giới (đã kết hôn) được chịu chức phó tế để phụ giúp các giám mục và linh mục trong những sứ vụ của Giáo Hội.

Thực ra trong nhiều thập niên qua, chức phó tế vĩnh viễn đã hiện hữu tại một số Giáo Hội trên thế giới bị khan hiếm giáo sĩ và nhân viên mục vụ. Tuy nhiên, đối với Trung Quốc thì đây là lần đầu tiên mà chủ đề này được đem ra thảo luận. Lí do là vì Giáo Hội địa phương này đang bắt đầu cảm thấy sự suy giảm trong ơn gọi linh mục, đây là hệ quả của chính sách chỉ có một con nên nhiều gia đình rất ít con cái, cùng với một lối sống xa rời giá trị Kitô giáo.

Từ ngày 6 đến ngày 9 tháng 9 vừa qua, Hội đồng Giám mục Trung Quốc đã tổ chức một cuộc hội thảo tại chủng viện quốc gia Bắc Kinh để thảo luận về kinh nghiệm của chức phó tế vĩnh viễn. Cuộc hội thảo này có sự tham dự của 50 người, với đại diện đến từ 14 tỉnh thành của Trung Quốc như Hà Bắc, Tứ Xuyên, Sơn Đông và Bắc Kinh. Các vị giám mục đã mời một số giáo chức từ Giáo Hội Hồng Kông sang để tham dự: Đức Ông Dominic Trần Chí Minh (Chan Chi-ming) - Tổng đại diện giáo phận kiêm Chủ tịch Ủy ban về chức phó tế vĩnh viễn của Giáo phận Hồng Kông và hai phó tế Edwin Ngô Vĩnh Hồng (Wu Yonghong) và Louis Vương Triển Thao (Wang Zhantao).

Đức Ông Trần Chí Minh cho biết, trong số những tham dự viên phía Trung Quốc có một số vị nghĩ rằng đã đến lúc phải mở ra chức phó tế vĩnh viễn ở Trung Quốc, nhưng lại có những vị khác thì cho rằng nên chờ thêm 8 hoặc 10 năm nữa thì tốt hơn. Vẫn biết rằng cốt lõi của sứ vụ tông đồ là các giám mục cử hành mục vụ, các linh mục giúp giám mục trong việc cử hành bí tích và giáo dục, nhưng các phó tế vĩnh viễn được mời gọi để sống gần gũi với xã hội. "Cuộc hội thảo ở Bắc Kinh lần này là một hạt giống mới được gieo để phát triển. Giáo phận Hồng Kông có thể cung cấp sự hỗ trợ cho các nỗ lực đó của họ".

Thầy phó tế Edwin Ngô Vĩnh Hồng (người đứng cùng vợ trong ảnh) chia sẻ rằng đây là lần đầu tiên thầy được gặp các vị giám mục và linh mục ở Trung Quốc đại lục. "Quan niệm của họ về chức phó tế vĩnh viễn có lẽ bắt nguồn từ một ý tưởng trước Công đồng Vaticanô II. Rằng nếu chúng ta muốn phát triển công việc này, thì phải tìm ra một số phương pháp giáo dục tốt".

Thầy Ngô đã chịu chức phó tế vĩnh viễn cách đây 10 năm và lời tuyên hứa của thầy là việc đi thăm các tù nhân và những tổ chức cải huấn cho trẻ vị thành niên.

Hồng Kông đã được hưởng quy chế về chức phó tế vĩnh viễn từ năm 1993. Ban đầu, cựu thuộc địa Anh Quốc này cũng phải đối diện một số trở ngại: 80% linh mục phản đối điều đó, nhưng Đức Hồng Y Gioan Hồ Chấn Trung (Wu Cheng-Chung) - giám mục Hồng Kông đương thời vẫn quyết định triển khai, khiến cho Hồng Kông là nơi đầu tiên ở Á Châu có chức phó tế vĩnh viễn. Ấn Độ là nơi thứ hai có phó tế vĩnh viễn, từ năm 2006.

Hiện nay có 26 phó tế vĩnh viễn trên toàn lãnh thổ Hồng Kông. Nói chung, các ứng viên cần phải dành 6 đến 8 năm học tập để được chịu chức phó tế và quá trình lựa chọn này rất nghiêm ngặt. Ứng viên phó tế nào đã kết hôn thì trước hết cần phải có văn bản chấp thuận của người vợ, sau đó họ phải trải qua nhiều cuộc phỏng vấn với các vị giám đốc học vụ rồi bắt đầu một khóa học tại chủng viện và lấy kinh nghiệm mục vụ tại các giáo xứ, được hướng dẫn bởi một vị linh hướng.

Phó tế cao tuổi nhất ở Hồng Kông là Thầy Giuse Dương, năm nay 83 tuổi. Thầy được chịu chức vào năm 2002. Hiện tại, thầy phục vụ tại một giáo xứ. Ngoài nhiệm vụ mục vụ, thầy còn tiếp tục đến thăm các tù nhân ít nhất một tuần một lần, cũng như đưa các đồng sự đi thăm người già trong các nhà dưỡng lão. (AsiaNews)

Chân Phương
 
Đại Hội Thánh Mẫu Học và Thánh Mẫu Quốc Tế lần thứ 24 kết thúc ở Fatima
Vũ Văn An
23:33 22/09/2016
Đại Hội Thánh Mẫu Học và Thánh Mẫu Quốc Tế lần thứ 24 đã được tổ chức tại Trung Tâm Mục Vụ Chân Phúc Giáo Hoàng Phaolô VI ở Fatima từ ngày 6 tới ngày 11 tháng Chín vừa qua, với chủ đề: Fatima, 100 năm sau: Lịch Sử, Sức Điệp và sự Liên Hệ, dưới sự chủ tọa của Đặc Sứ Đức Giáo Hoàng, là Đức Hồng Y Jose Antonio Saraiva Martins, Tổng Trưởng hưu trí của Bộ Phong Thánh. Mục đích của Đại Hội là tổng hợp các sáng kiến do Đền Thánh Fatima khởi xướng nhằm cử hành lễ kỷ niệm đệ nhất bách chu niên Đức Mẹ hiện ra ở Fatima (1917-2017).

Giáo Hoàng Hàn Lâm Viện Thánh Mẫu Quốc Tế (PAMI) cùng với Đền Thánh Fatima đã mời 500 đại biểu gồm các khoa học gia và học giả trên khắp thế giới về Thánh Mẫu Học để nghiên cứu hàng loạt các lần Đức Mẹ hiện ra ở Fatima và xem xét các kết quả nghiên cứu nghiêm ngặt và có tính phê phán đối với các tài liệu đề cập tới các biến cố này.

Giáo Hoàng Hàn Lâm Viện cùng với Đền Thánh Fatima mới đây đã cho công bố một tuyển tập các tài liệu có phê phán về Fatima trong các năm từ 1917 tới 1930.

Qua các diễn giả chính của mình, Đại Hội cố gắng phác thảo một số các dấu chỉ tiếp theo nhằm đào sâu sứ điệp, vì tính cô đọng trong nội dung của nó, và vì nó nói lên một “lời tiên tri” đầy hy vọng đối với Giáo Hội, đối với nhân loại và thế giới hiện nay. Công trình thâm hậu nhằm giải thích, đương đầu và cập nhật hóa này được tiến hành dưới ánh sáng và dựa vào các phúc trình do một số chuyên gia trình bầy trong các buổi họp toàn thể cũng như dựa vào các ý niệm do các nhóm làm việc đề xuất bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau. Đức Cha Antonio Marto, người tham dự Đại Hội, đã tóm tắt diễn trình thảo luận bằng cách cho biết: Mối liên hệ mà Fatima có đối với thế giới, với lịch sử, với Giáo Hội và lịch sử chính trị “cho phép ta nói tới Fatima như một biến cố chính và đầy cảm kích trong Giáo Hội và trên thế giới. Lẽ dĩ nhiên, ta không thể coi các lần Đức Mẹ Fatima hiện ra như là Tin Mừng thứ năm ngang hàng với bốn Tin Mừng… Chúng chỉ là tiếng vang của các Tin Mừng mà thôi, một tiếng vang giúp duy trì đức tin và đức cậy của Giáo Hội và thế giới trong thời buổi bi đát này; có thể coi nó như một phần trong chức năng mạc khải tư. Trên hết, chúng là… một tia sáng chiếu rọi lịch sử thế giới, để chúng ta đừng ngã lòng.

Tổng cộng có tất cả 7 buổi nói chuyện chính. Buổi nói chuyện đầu tiên là của Giáo Sư Marco Daniel Duarte, sử gia và là giám đốc sở nghiên cứu và phổ biến của Đền Thánh Fatima. Ông cố gắng trình bầy một nhận thức luận về Fatima, bằng cách lắng nghe, kể chuyện, đọc và giải thích Fatima trong suốt một thế kỷ qua. Buổi nói chuyện thứ hai là của Cha Luciano Coelho Cristino. Cha trình bầy Ấn Bản Có Phê Phán Các Tài Liệu về Fatima từ năm 1917 tới năm 1930. Buổi nói chuyện thứ ba của Nữ Giáo Sư Cristina Sobral, thuộc Phân Khoa Văn Chương của Đại Học Lisbon: bà trình bầy cuộc nghiên cứu có phê phán của bà về “Các Ký Ức của Chị Lucia”. Buổi nói chuyện thứ tư của Nữ Tu Nhật Bản Luca Maria Ritsuko Oka, về Lòng Sùng Kính Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ, đáp lại lời kêu gọi của ngài ở Fatima năm 1917. Cha Franco Manzi trình bầy bài nói chuyện áp chót về Nội Dung Thần Học của sứ điệp Fatima và việc giải thích chân chính về nó. Cha Antonio Escudero, Giáo Sư Thánh Mẫu Học tại Giáo Hoàng Đại Học Salesian ở Rôma, trình bầy buổi nói chuyện sau cùng về “Các Khía Cạnh Thánh Mẫu Học Phát Sinh từ Các Nguồn Fatima”.

Trọn bộ 117 tham luận nhỏ đã được trình bầy tại các buổi tập huấn vào buổi chiều bằng 10 ngôn ngữ khác nhau. Kết thúc các buổi tập huấn này là một nghị hội bàn tròn đặt dưới sự chủ tọa của Cha Salvatore Perrella OSM, Chủ Tịch Viện Giáo Hoàng Marinum ở Rôma và Cha Vincent Battaglia OFM, Chủ Tịch PAMI.

Mỗi ngày, một thánh lễ đặc biệt được cử hành bởi nhiều vị giám mục và hơn 100 linh mục tham dự Đại Hội. Kết thúc Đại Hội, mọi tham dự viên đã được dâng hiến cho Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ tại Vương Cung Thánh Đường Mân Côi.

Giáo Hoàng Hàn Lâm Viện Thánh Mẫu

Nhân dịp này, thiết nghĩ nên tìm hiểu đôi điều về Giáo Hoàng Hàn Lâm Viện Thánh Mẫu Quốc Tế. Hàn lâm viện này bắt đầu với Dòng Anh Em Hèn Mọn (Phanxicô). Ngày 27 tháng Bẩy năm 1946, Cha Bề trên Cả của Dòng này thiết lập ra Commissio Marialis Franciscana (Ủy Ban Thánh Mẫu Dòng Phanxicô) tại Cao Đẳng Quốc Tế Thánh Antôn ở Rôma. Nhiệm vụ của Ủy Ban này là phối trí và cổ vũ các cuộc nghiên cứu để bênh vực học lý và lòng sùng kính Thánh Mẫu trong Dòng Anh Em Hèn Mọn. Các nghiên cứu này đặc biệt bàn tới Tín Điều Đức Mẹ Vô Nhiễm lúc ấy đang cử hành đệ nhất bách chu niên và Tín Điều Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời lúc ấy sắp được công bố. Vì lý do này, nhiều Đại Hội đã được tổ chức lấy việc Đức Mẹ Hồn Xác lên Trời làm chủ đề.

Chủ Tịch đầu tiên của Ủy Ban là Cha Carlo Balic, người đang giữ chức Giáo Sư Nghiên Cứu Thánh Mẫu tại Giáo Hoàng Học Viện Antonianum. Qui chế đặc biệt của Ủy Ban được chấp thuận ngày 30 tháng Tư năm 1947 và qui chế này đòi thiết lập ra một Hàn Lâm Viện Thánh Mẫu ở Rôma.

Hàn Lâm Viện nói trên được trao nhiệm vụ tổ chức các cuộc tranh luận và hội nghị khoa học cũng như lo trông coi việc ấn hành “Bibliotheca Mariana” (Thư Viện Thánh Mẫu). Hàn Lâm Viện này đã được chính thức khánh thành ngày 29 tháng Tư năm 1947, dưới sự chủ tọa của Cha Bề Trên Cả Dòng Phanxicô, Pacifico Perantoni, trong Đại Hội Thánh Mẫu Đầu Tiên của Dòng Anh Em Hèn Mọn Ý Đại Lợi. Theo Qui Chế Đặc Biệt, Cha Bề Trên Cả, trong tư cách Chủ Tịch Danh Dự, có nhiệm vụ bổ nhiệm giám đốc cho Hàn Lâm Viện để làm việc chung với Ủy Ban.

Các hoạt động của Ủy Ban và của Hàn Lâm Viện giúp Cha Balic cơ hội quen biết nhiều thần học gia và học gỉa về Thánh Mẫu khắp thế giới. Chính trong những cuộc gặp gỡ này để bàn về mầu nhiệm Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời mà cha tiếp xúc được với các học giả Thánh Mẫu nổi tiếng trong thế giới Công Giáo và có cơ hội trao đổi ý tưởng và ý kiến, ghi nhận các điểm khác nhau, các điểm còn mơ hồ và ngay cả các điểm mâu thuẫn nhau. Tất cả những điều này kích thích cha biến Uỷ Ban và Hàn Lâm Viện thành một cơ chế quốc tế, mở ra cho mọi người, để phối trí các cuộc nghiên cứu Thánh Mẫu khắp nơi trên thế giới. Nhờ thế, Các Định Chế Thánh Mẫu Học sẽ có khả năng liên kết các cố gắng của họ cũng như trao đổi các ý nghĩ và nghiên cứu của họ về Thánh Mẫu Học.

Năm 1950, Hàn Lâm Viện Thánh Mẫu Quốc Tế (Academia Mariana Internationalis) được trình bầy với thế giới thần học cùng với việc cử hành Đại Hội Thánh Mẫu Học Quốc Tế lần thứ nhất và Đại Hội Thánh Mẫu Quốc Tế lần thứ tám. Các Đại Hội tiếp theo cho tới năm 1958 đã chứng minh được khả năng của định chế mới này trong việc tổ chức các đại hội quốc tế lớn lao. Vì cứ phải có phép đặc biệt mỗi lần tổ chức một Đại Hội Quốc Tế, nên Tòa Thánh đã được yêu cầu thiết lập một cơ quan thường trực để cổ vũ và điều hòa các Đại Hội Thánh Mẫu và Thánh Mậu Học Quốc Tế. Hàn Lâm Viện Thánh Mẫu đã được đề nghị đảm nhận vai trò này. Ngày 8 tháng Mười Hai năm 1959, Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII, bằng Tự Sắc Maiora in dies đã ban cho Hàn Lâm Viện tước hiệu “giáo hoàng”. Qua đó, ngài đã thiết lập trong Hàn Lâm Viện một Ủy Ban Thường Trực có nhiệm vụ tổ chức các Đại Hội Thánh Mẫu Học và Thánh Mẫu Quốc Tế. Ủy Ban này, với qui chế được Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phê chuẩn, chính là Hội Đồng của Hàn Lâm Viện.

Việc làm của PAMI có hai mục đích: cổ vũ và ủng hộ các cuộc nghiên cứu có tính khoa học về Đức Mẹ, bất kể là suy lý hay có tính phê bình lịch sử, và tổ chức các Hội Nghị Thánh Mẫu định kỳ. Kết quả của các hội nghị này được hiệu đính và công bố trong các Tuyển Tập Thánh Mẫu Học, bất kể có tính chất lịch sử hay thần học.

Tính từ năm 1947 tới nay, 24 Đại Hội Thánh Mẫu Quốc Tế đã được tổ chức, phần lớn ở Âu Châu.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo xứ Bó Tờ Cao Bằng: Thánh lễ ban Bí tích Thêm Sức và đón cha phó xứ mới.
Giuse Trần Ngọc Huấn
09:46 22/09/2016
Giáo xứ Bó Tờ Cao Bằng: Thánh lễ ban Bí tích Thêm Sức và đón cha phó xứ mới.

Vào chiều Chúa Nhật, 18 tháng 9 năm 2016, Đức Cha Giuse Châu Ngọc Tri – Giám mục Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng – đã đến thăm mục vụ Giáo xứ Bó Tờ (thuộc Giáo hạt Cao Bằng) và cử hành Thánh lễ ban Bí tích Thêm Sức, Xưng tội và Rước lễ lần đầu cho các em thiếu nhi trong giáo xứ. Trong Thánh lễ này, ngài cũng giới thiệu với cộng đoàn Giáo xứ Bó Tờ cha tân phó xứ vừa được bổ nhiệm – Cha Tôma Aq. Trần Huy Sản.

Xem Hình

Đức Cha Giuse đến giáo xứ Bó Tờ vào lúc 14 giờ 30, sau ít phút gặp gỡ cha xứ và những người hiện diện, ngài tiến lên Nhà thờ để cùng quý Cha, quý thầy, quý dì cử hành giờ kinh Chiều II của Chúa Nhật XXV mùa Thường niên.

Trong chương trình của chuyến thăm viếng mục vụ, sau khi gặp gỡ riêng Cha xứ Giuse, vào hồi 15 giờ 30, Đức Cha Giuse đã gặp riêng Hội đồng Mục vụ giáo xứ Bó Tờ. Ngài thăm hỏi hoàn cảnh riêng của từng người, về đời sống thường nhật, công việc làm ăn, về đời sống đạo. Đặc biệt, ngài lắng nghe các thành viên trong Hội đồng Mục vụ trình bày về đời sống đạo của giáo xứ Bó Tờ, về các sinh hoạt của giáo xứ cũng như những công việc mà Hội đồng Mục vụ đã và đang thực hiện để góp phần cộng tác với cha xứ Giuse và cha phó để xây dựng giáo xứ.

Trong cương vị Chủ chăn của Giáo phận, Đức Cha cũng có những chỉ dẫn mục vụ cụ thể dành cho giáo xứ Bó Tờ, qua các vị trong Hội đồng mục vụ để làm cho đời sống xứ đạo ngày càng thăng tiến về mọi mặt. Ngài bày tỏ mong muốn nơi giáo xứ Bó Tờ - một xứ đạo với đa phần anh chị em dân tộc Tày – Nùng – sẽ trở nên một điểm nhấn trong việc truyền giáo của Giáo phận cho anh chị em các dân tộc trong vùng, là nơi để các linh mục và tu sỹ học hỏi để hiểu hơn về đời sống của anh chị em dân tộc.

Cao điểm của chuyến thăm viếng mục vụ, Đức Cha Giuse chủ sự Thánh lễ đồng tế trọng thể tại Nhà thờ Giáo xứ Bó Tờ vào hồi 19 giờ 45 cùng ngày. Đặc biệt, trong Thánh lễ này, ngài sẽ ban Bí tích Thêm Sức và cho Rước Lễ lần đầu một số em thiếu nhi trong giáo xứ, là những em đã được chuẩn bị trong một thời gian về giáo lý và các điều kiện cần thiết để lãnh Bí tích.

Bước vào Thánh lễ, Đức Cha ngỏ lời với toàn thể cộng đoàn hiện diện: Hôm nay Đức Giám Mục cùng với quý Cha và anh chị em quy tụ đông đảo nơi thánh đường này nói lên sức mạnh Thánh Thần liên kết và hiệp nhất chúng ta trong một gia đình Giáo Hội của Đức Kitô. Chúa Thánh Thần hoạt động trong Giáo Hội và nơi mỗi người chúng ta, kiến tạo chúng ta nên những chi thể sống động của thân thể mầu nhiệm Đức Kitô trong Bí tích Rửa Tội và cách riêng trong Bí tích Thêm Sức. Chúng ta cầu nguyện cho nhau. Chúng ta chúc mừng nhau. Và, chúng ta cùng nhau tha thiết khẩn cầu Thánh Thần Chúa luôn đổ tràn đầy ơn thiêng trên Giáo Hội, cách riêng nơi cộng đoàn Giáo xứ Bó Tờ của chúng ta và các em thiếu nhi để mỗi ngày chúng ta ngày càng tăng triển trong đức tin, mạnh mẽ trong đức mến và kiên trung trong đức cậy.

Sau bài Tin Mừng, cha phó xứ Giuse Nguyễn Văn Vinh thay mặt cha xứ và cộng đoàn giáo xứ Bó Tờ thỉnh cầu Đức Giám Mục ban phép Thêm Sức cho các em thiếu nhi trong giáo xứ. Ngài bày tỏ sự chấp thuận. Cộng đoàn phụng vụ vui mừng tạ ơn Chúa và sốt sắng tham dự nghi thức.

Trong bài giảng lễ, Đức Cha nhấn mạnh với cộng đoàn về biểu tượng quan trọng của Chúa Thánh Thần, đó là Lửa. Trên bàn thờ hôm nay thắp lên 7 ngọn nến cách trang trọng, là biểu tượng của 7 ơn Chúa Thánh Thần, như ngọn lửa thiêng đốt nóng lên trong tâm hồn mỗi người tín hữu, để ngày một trưởng thành và mạnh mẽ can trường trong đời sống đức tin. Ơn Chúa Thánh Thần như sức nóng của lửa luôn hiện diện và hoạt động mạnh mẽ trong đời sống của Giáo Hội, qua mỗi người tín hữu để xây dựng Giáo Hội.

Mỗi người tín hữu được chính ngọn lửa sốt mến của Thánh Thần Chúa trong lòng thúc đẩy đến tham dự thánh lễ này, đến nhận lãnh ơn phúc thiêng liêng để làm cho đời sống đức tin thêm phong phú và dồi dào. Mỗi người đều mang trong mình ấn tín thiêng liêng của Chúa Thánh Thần, chính là dấu chỉ sức mạnh tác động của Chúa Thánh Thần đang thể hiện trong hành trình đức tin của mình.

Khi lãnh nhận Bí tích Thánh Thần trong Bí tích Thêm Sức, chúng ta xin Người đến đổi mới chúng ta, biến chúng ta nên ngôi đền thờ thánh thiện của Người, trở nên người con cái Chúa, người Công Giáo nhiệt thành.

Kết thúc bài chia sẻ, Đức Cha mời gọi cộng đoàn Phụng vụ: Chúng ta hãy luôn mang lửa Thánh Thần trong cuộc đời mình, yêu mến Chúa, yêu mến Giáo Hội, yêu mến mọi người và xây dựng đời sống chúng ta dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, cùng nhau loan báo Tin Mừng của Chúa và đời sau Thánh Thần Chúa cũng đem chúng ta về nhà Cha chúng ta hưởng hạnh phúc muôn đời.

Sau bài chia sẻ, Đức Cha cử hành nghi thức ban Bí tích Thêm Sức. Cộng đoàn hiệp ý cùng Đức Giám Mục sốt sắng quỳ gối hát kinh xin ơn Chúa Thánh Thần. Ngài đọc lời nguyện, đặt tay và xức dầu Thánh trên trán các thụ nhân. Đây là dấu ấn đặc biệt trong cuộc đời tín hữu của các em thiếu nhi, các em sẽ được ghi ấn tín thiêng liêng và tràn đầy hồng ân của Chúa Thánh Thần.

Thánh lễ bước sang phần Phụng vụ Thánh Thể. Trước khi lãnh Phép lành cuối lễ, các em thiếu nhi lãnh Bí tích Thêm Sức hôm nay đã thưa lời cảm ơn Đức Cha Giuse, cha xứ, cha phó và cộng đoàn đã quan tâm, nâng đỡ và hướng dẫn để các em có ngày hồng phúc hôm nay.

Đức Cha Giuse ngỏ lời với cộng đoàn. Ngài chúc mừng Giáo xứ Bó Tờ trong niềm vui ngày lãnh nhận Chúa Thánh Thần và thánh lễ long trọng này. Ngài mời gọi mọi thành phần Dân Chúa trong giáo xứ tiếp tục hăng hái nhiệt thành trong đời sống đức tin, cộng tác với ơn Chúa và xây dựng đời sống xứ đạo ngày một lớn mạnh hơn, nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần.

Đức Cha long trọng công bố cha mới Tôma Aquinô Trần Huy Sản được đặt làm tân phó xứ của giáo xứ Bó Tờ. Cộng đoàn giáo xứ vui mừng đón nhận vì cha Tôma Aq đã luôn là người đồng hành với giáo xứ trong những năm vừa qua, mỗi kỳ hè và năm thực tập mục vụ.

Trong tâm tình xúc động, cha Giuse Nguyễn Văn Vinh, nguyên phó xứ Bó Tờ, cảm ơn cha xứ và cộng đoàn giáo xứ đã nâng đỡ, đồng hành và cộng tác với ngài trong thời gian vừa qua khi ngài ở và phục vụ tại giáo xứ. Ngài xin cộng đoàn tiếp tục cầu nguyện cho ngài trong giáo vụ mới theo bài sai của Đức Giám Mục Giáo phận.

Cha tân phó xứ Bó Tờ bày tỏ tâm tình tri ân Đức Cha Giuse đã tin tưởng sai ngài đến với giáo xứ Bó Tờ, cảm ơn cha xứ Giuse và cộng đoàn giáo xứ đã đón nhận ngài, như một người anh em trong gia đình trở về phục vụ. Ngài nguyện đem tâm huyết và lòng nhiệt thành để cộng tác giúp đỡ cha xứ Giuse phục vụ giáo xứ Bó Tờ thân thương này.

Thánh lễ kết thúc lúc 21 giờ 20. Cộng đoàn lãnh nhận Phép lành của Đức Cha chủ sự. Mọi người cùng nán lại trong khuôn viên thánh đường để gặp gỡ chào thăm Đức Cha và chia sẻ niềm vui trong ngày có cha phó xứ mới, cũng là ngày con em trong giáo xứ được lãnh nhận Bí tích Thêm Sức.

Giuse Trần Ngọc Huấn – BTT.GPLSB
 
Thông Báo
Thành kính phân ưu cùng ông bà cố Phaolô Vũ Bình
Lm. Paul Chu Văn Chi
18:54 22/09/2016
CÁO PHÓ

Vietcatholic Úc Châu nhận được tin buồn:

Bà Cố Anna PHẠM THỊ LIỄN

Thân Mẫu của Ông Bà Cố Phaolô Vũ Bình
Vừa hoàn tất hành trình đức tin Công Giáo nơi dương thế, nay đã về nhà Cha trên trời lúc
6 giờ 00 sáng Thứ 5, ngày 22 tháng 9 năm 2016, tại Tây Úc,
Hưởng Thọ 97 tuổi.

Vietcatholic Úc Châu xin thành kính phân ưu cùng
Ông Bà Cố Phaolô Vũ Bình và Tang Quyến.
Nguyện xin Thiên Chúa sớm đưa linh hồn Bà Cố Anna sớm về hưởng
hạnh phúc vĩnh cửu trên Thiên Đàng.


THÀNH KÍNH PHÂN ƯU
Vietcatholic Úc Châu
Linh Mục Paul Chu Văn Chi.
 
Văn Hóa
Linh mục : Ngôn sứ thời đại mới
Lm. Phêrô Hồng Phúc
20:30 22/09/2016
LTS: Ngày 22 / 09 / 2016, Đức Cha Giuse Nguyễn Năng, Giám mục giáo phận Phát Diệm, đã cử hành lễ truyền chức cho 6 tân linh mục. Nhân dịp này xin gửi tặng các tân linh mục bài thơ mang tính suy ngẫm về chức vụ linh mục trước thời đại mới.

LINH MỤC – NGÔN SỨ THỜI ĐẠI MỚI

Vâng linh mục thi hành quyền ngôn sứ
Hãy vững vàng trước lịch sử hôm nay.
Vững chân lý trước thế giới đổi thay.
Đời sóng gió hãy vững tay chèo lái.
Giới trẻ hôm nay giữa thời hiện đại
Đông và Tây đã xích lại thân tình.
Internet là khối óc thông minh
Toàn thế giới được lập trình phong phú.
Nhưng mặt trái là trò chơi điện tử
Đã hút hồn nhiều nam nữ sinh viên
Bỏ thực tế trong thế giới tự nhiên
Vào thế giới ảo, trở nên trầm cảm.
Cần thiết biết bao những lời khuyên giảng
Đưa bạn trẻ về điểm sáng thông minh.
Nạn phá thai đã ngập khắp hành tinh
Tạo cơ hội "quỷ rập rình vồ cắn" (1Pr 5,8)
Tính ngôn sứ trải dài theo năm tháng
Biết khuyên lơn, biết "kết án thế gian" ( Ga 16, 11)
Ngăn bàn tay những người mẹ bạo tàn
Giết con mình khi còn đang trong dạ.
Vẫn lời khuyên ngăn cơn nghiện vật vã
Thanh thiếu niên một khi đã sa đà.
HIV bệnh thế kỷ chưa qua,
Lại cá cược, mãi dâm và ma tuý!
Người ngôn sứ trung thực trong nếp nghĩ,
Lời nói việc làm một ý trước sau.
"Chi thể nào yếu ngài cảm thấy đau" (x. 2Cor 11,20)
Là trung gian ngài cầu bàu ơn Chúa.
Ngài lên tiếng bài trừ nạn khủng bố
Dẫu hiểm nguy từng cắt cổ xảy ra.
Ngài ý thức lời của Đức Thánh Cha
Chống vô cảm choán ngôi nhà thế giới.
Ô nhiễm môi trường, vấn đề không mới
Nhưng mức nguy hại đạt tới hãi hùng,
Gọi trái đất này là ngôi nhà chung
Đức Thánh Cha muốn ta cùng gìn giữ.

Đây linh mục, sứ mệnh là ngôn sứ,
Không dễ dàng trong ứng xử thời nay
Bao vấn đề toàn cầu hoá lớn thay
Ngài bé nhỏ sao với tay thực hiện?
Vâng phận ngài "Là bình sành tan biến
Nhưng chứa đựng kho mầu nhiệm Nước trời" (2Cr 4,7).
Ngài không "Đến trong sức mạnh con người
Mà bằng sức mạnh từ trời - Thiên Chúa" (1Sm 17,45 ).
Cần chính ngài trong niềm tin muôn thuở
Nên chứng nhân lời của thánh Phaolô:
"Tôi làm được mọi sự chính là do
Đấng đã ban sức mạnh cho tôi sống" (Pl 4,13).

Lm Phêrô Hồng Phúc
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Chú Ếch Con
Vũ đình Huyến, Lm CMC
19:21 22/09/2016
CHÚ ẾCH CON
Ảnh của Vũ Đình Huyến, Lm. (CMC)
Có chú là chú ếch con
Hai mắt mở tròn nhảy nhót đi chơi
Gặp ai ếch cũng thế thôi
Hai cái mắt lồi cứ ngước trơ trơ.
Em không như thế bao giờ
Vì em ngoan ngoãn biết thưa, biết chào
(Trích thơ của Hồng Trang)
 

© 2024 - VietCatholic News - Designed by VietCatholic News