Ngày 19-09-2013
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Quản Gia
Lm Vũđình Tường
06:38 19/09/2013
Quản gia là người coi sóc tài sản cho chủ mình. Đức Kitô là chủ vũ trụ và làm chủ cuộc sống mỗi người. Ngài tin tưởng giao phó trách nhiệm của người quản gia, kêu gọi ta trông coi vũ trụ và bảo quản tài năng của chính mình. Khi trao phó trách nhiệm quản gia Đức Kitô không đòi hỏi ta phải qua cuộc phỏng vấn hay khảo hạch nhưng hoàn toàn tin tưởng ban cho ta những tài năng khác nhau. Điều căn bản trong việc thi hành trách nhiệm là chữ TÍN. Đức Kitô tin tưởng trao cho ta coi sóc, bảo quản, làm giầu và phân phát tài năng đó cho mọi người. Người quản gia trung tín là người làm việc theo lương tâm. Họ đặt í của Chủ trên í kiến cá nhân. Họ tôn trọng í Chủ và luôn trung tín trong công việc. Chủ khen những quản gia đó và trao cho nhiều tài năng khác để trông coi và ban phát.

Thực hành trách nhiệm quản gia thể hiện chữ tín và lòng yêu mến người đó dành cho Chủ. Có quản gia tài nhưng không giỏi, lại có quản gia giỏi nhưng không tài. Có quản gia vừa giỏi vừa tài lại cũng có quản gia vừa không tài vừa không giỏi. Chủ yêu mến mọi người quản gia nhưng đặc biệt thích quản gia giỏi. Quản gia giỏi là người nhận biết Chủ là chủ mọi tài năng, mình chỉ là quản gia. Nhận thức này giúp ta rộng lượng trong việc đối xử với tha nhân,yêu mến và chăm sóc họ tận tình. Quản gia dùng tài năng cho riêng mình là quản gia tài nhưng không giỏi vì không quan tâm đến tha nhân. Thiếu độ lượng và lòng xót thương tạo nên tình trạng tôn sùng tài năng, sủng ái sắc đẹp, khát khao vật chất và hoài bão danh vọng. Điều này hoàn toàn trái với mục đích Chủ. Mục đích Chủ là muốn trải dài tình thương cho mọi người. Chủ yêu cầu quản gia thực hành xót thương tha nhân. Như thế công việc quản gia bao gồm: bảo quản, phát triển và chia sẻ. Quản gia làm tròn chữ tín là người biết tín nhiệm người khác, phân chia tài năng mình đang coi sóc cho tha nhân. Làm như thế người quản gia gây thêm được lòng tin nơi Chủ.

Đức Kitô phân biệt hai loại quản gia. Một loại ưu tiên lo nước trời còn loại kia chuyên tâm việc trần thế. Nhìn vào mức độ thời gian người quản gia dành cho bên nào nhiều đủ biết tâm trí họ ở đâu. Chuyên lo việc trần thế sẽ ít giờ cho nước trời. Rành rẽ việc trần thế vì dành nhiều giờ cho việc đó. Quản gia bất trung thiếu ơn thống hối. Trước khi bị phát giác ông có thể lầm làm hại Chủ. Sau khi phát giác ông tiếp tục làm hại chủ như thế không còn lầm mà là sai. Làm bạn với con nợ của Chủ, kêu gọi chúng viết giảm nợ với hy vọng khi bị đuổi họ sẽ đón tiếp. Trong cả hai trường hợp trước và sau khi bị phát giác ông phục vụ chính mình mà không phục vụ Chủ. Đức Kitô kêu gọi chúng ta trở thành những quản gia trung tín từ việc nhỏ đến việc lớn. Quản gia trung tín không phải trung tín vì phần thưởng dành cho mà trung tín vì Chủ thương yêu nên họ trung tín đáp trả lại tình thương đó. Phần thưởng họ nhận được không đến ngay nhưng phải nhìn bằng con mắt đức tin. Người quản gia bất trung trong Giáo Hội làm hại Giáo Hội nhiều hơn là làm tốt cho Giáo Hội. Chúng ta đặt trọn niềm tin vào Chúa như chính Chúa đặt trọn niềm tin nơi ta.

Lm Vũđình Tường
TiengChuong.org
 
Người quản lý bất lương
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
06:52 19/09/2013
Chúa Nhật XXV THƯỜNG NIÊN, năm C
Lc 16, 1-13

NGƯỜI QUẢN LÝ BẤT LƯƠNG

Đọc Tin Mừng Chúa Giêsu, chúng ta luôn bị cuốn hút bởi những câu chuyện dạy dỗ rất thâm thúy, nhưng lại đầy tính nhân văn của các dụ ngôn. Có những câu chuyện thật dí dóm, bất ngờ và đầy thú vị. Chúa Giêsu thường dùng dụ ngôn để giáo huấn nhân loại, dạy dỗ chúng ta. Do đó, những bài học Chúa Giêsu đem ra để giới thiệu Nước Trời, những ví dụ, những câu chuyện thực tế xảy ra trong xã hội Do Thái xưa, thời Chúa Giêsu, vẫn là những bài học tồn tại mãi mãi, khiến con người học hoài, tìm hoài. Bài Tin Mừng hôm nay là dụ ngôn người quản gia bất lương.

Ngôn sứ Amos đã chứng kiến cảnh những người chỉ ham tiền, bon chen vật chất, tranh dành địa vị, đàn áp, bóc lột kẻ nghèo. Ngôn sứ đã lên tiếng cảnh tỉnh họ.Ngài đã viết :” Giavê đã lấy kiêu uy Giacóp mà thề rằng Ta sẽ không bao giờ quên những việc làm của chúng…” ( Am 8, 7 …). Thiên Chúa là Cha tình thương, Ngài luôn quan tâm, xót thương những người nghèo, nhưng cũng không ghét, bỏ rơi những người giầu có thiện chí, biết chia sẻ, cảm thông.

Bài Tin Mừng của thánh Luca có thể nói được là dụ ngôn về ơn cứu rỗi của người giàu. Người giàu phải làm gì để có thể vào được Nước Thiên Chúa. Chúng ta còn nhớ đến đoạn Tin Mừng nói về người thanh niên giàu có, anh này đã làm tất cả mọi sự tốt đẹp như giữ các luật lệ của Chúa từ khi còn tấm bé, nhưng khi Chúa đề nghị anh ta hãy về bán hết cả tài sản anh đang có, rồi đem phân chia cho người nghèo khó…Anh giàu này đã không làm được việc đó. Người giàu nếu cứ bo bo, giữ của, bo bo như Người giàu và Lazarô thì chắc chắn họ sẽ không vào được Nước Thiên Chúa. Chính vì thế, Chúa đòi hỏi con người phải biết chia sẻ, phải biết quan tâm đến người khác.

Người quản lý trong đoạn Tin Mừng hôm nay là người quản lý khôn ranh, ranh mãnh, biết tiên liệu, trước khi biết mình bị bãi chức, anh đã gọi các con nợ của chủ đến và bớt cho các con nợ tùy sự định đoạt khôn ngoan của anh ta. Anh ta đã dùng tài sản của chủ nợ để làm lợi nghĩa là để thêm bạn cho chính mình.Chúa khen anh ta đã hành động khôn khéo theo cách ranh mãnh của người đời. Quả thực, Chúa không khuyên chúng ta hành động như người quản gia bất lương này. Chúa dạy chúng ta phải bắt chước con cái sự sáng biết lợi dụng vật chất để thêm bạn cho mình.Dụ ngôn muốn dạy chúng ta rằng chúng ta phải biết chia sẻ, biết giúp đỡ người nghèo, để rồi khi chúng ta trở vể cát bụi, họ sẽ cầu nguyện lại chúng ta.

Đàng khác dụ ngôn cũng dạy chúng ta: giầu của cải vật chất mà không biết chia sẻ, quan tâm đến người nghèo, chỉ biết tích trữ của cải, bo bo giữ tiền không biết tìm kiếm của cải thiêng liêng, nghĩa là sự sống vĩnh cửu thì cuộc đời cũng chẳng có ích lợi gì.

Ở đời, của cải rất cần thiết, rất quan trọng nhưng nó chỉ tạm bợ, chỉ mau qua.Nó chỉ là phương tiện chứ không phải là mục đích. Nếu coi của cải, tiền tài là mục đích, có một đồng lại muốn có hai đồng và cứ muốn liên tục tích lũy, quên đi tất cả mọi sự, quên đi mục đích chính là sự sống đời đời, sự sống vĩnh cửu.

Do đó, Chúa căn dặn mọi người, dặn dò con người :” Không đầy tớ nào có thể làm tôi hai chủ, và hoặc nó ghét chủ này mà mến chủ kia, hoặc phục chủ này và khinh chủ nọ. Các con không thể làm tôi Thiên Chúa mà lại làm tôi tiền của được “.

Bài học Chúa Giêsu dạy nhân loại, dạy con người thật quá rõ ràng :” Người giàu có đích thực là người biết chia sẻ, biết quan tâm đến người nghèo, biết tích trữ của cải thiêng liêng : “ dòi bọ, mối mọt không đục khoét được “.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho mỗi người chúng con khi theo Chúa, luôn biết trung thành với sứ mạng Chúa trao phó. Xin Chúa cho chúng con luôn biết chia sẻ, vì khi cho đi là khi lãnh nhận…Xin cho chúng con luôn biết quan tâm đến những người nghèo, người đau khổ và những người bị bỏ rơi, tất bạt. Xin Chúa ban cho chúng con luôn sẵn sàng phục vụ người nghèo và những người bị ruồng bỏ. Amen.


GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :

1.Mục đích của người Kitô hữu là gì ?
2.Tiền của, vật chất có phải là cứu cánh của con người không ?
3.Phải làm gì để vào được Nước Thiên Chúa ?
4.Người khôn ngoan là người thế nào ?
 
Của cải hay thần tài?
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
08:24 19/09/2013
CỦA CẢI HAY THẦN TÀI?

(Chúa Nhật XXV TN C)

“Ta sẽ chẳng bao giờ quên một hành vi nào của chúng”(Am 8,7). Vì sao Thiên Chúa lấy danh mình mà thề những lời đanh thép như thế? Ngôn sứ Amos đã cho chúng ta biết cái lý do. Đó là vì sự gian ác bất công của một số người giàu có trong xã hội nước Israel thời bấy giờ. Tính chất gian ác của sự bất công mà họ gây ra thật đáng lên án vì nạn nhân chính là những người nghèo khổ, cô thân, kém phận. Số phận của các nạn nhân này được ví không hơn gì đôi dép. “Ta sẽ lấy tiền bạc mua đứa cơ bần, đem đôi dép đổi lấy đứa cùng khổ”(Am 8,6).

Đọc Thánh Kinh, đặc biệt những lời từ miệng của Con Thiên Chúa làm người, chúng ta nhận ra chân lý này: hình như Thiên Chúa dễ khoan dung về những lầm lỗi mà con người xúc phạm đến Người, nhưng Người có vẻ rất bất bình trước những điều gian ác mà con người gây ra cho nhau, nhất là cho những người nghèo hèn, thấp cổ bé phận. Nhân chuyện ông Phêrô hỏi rằng khi có người anh em xúc pham đến mình thì phải tha thứ cho họ mấy lần thì Chúa Giêsu đã kể câu chuyện dụ ngôn về “một người mắc nợ mà không có lòng thương xót (x.Mt 18,23-35).

Anh “không có lòng thương xót này” mắc nợ đức vua những mười ngàn yến vàng thế mà chỉ với hành vi sấp mình bái lạy và xin khất nợ một kỳ hạn thì đã được đức vua tha bỗng tất cả số nợ khổng lồ. Mức nặng nhẹ của một lỗi hay tội có thể tăng hay giảm tùy vào đối tượng mà hành vi lỗi tội ấy xúc phạm. Theo góc nhìn này thì quả thật mọi hành vi lỗi tội của con người xúc phạm đến Thiên Chúa, Đấng là Chúa Tể càn khôn, thì đều “to lớn và nặng nề” khó bề đền trả được như món nợ “mười ngàn yến vàng” minh họa. Thế mà ông vua trong câu chuyện dụ ngôn xem ra hào phóng cách khác thường. Tuy nhiên khi nghe biết chuyện cái anh “trúng số” này lại thiếu lòng thương xót với người bạn vốn mắc nợ anh ta vỏn vẹn chỉ trăm đồng, thì đức vua đã đổi ngược thái độ cách dứt khoát với anh ta và sai gia nhân bắt tống giam anh này vào ngục cho đến khi trả hết món nợ kếch xù kia.

Tình yêu thật có nhiều điều như nghịch lý. Nhiều đấng bậc mẹ cha dễ dàng bỏ qua nhưng lầm lỗi mà con cái xúc phạm đến bản thân mình nhưng dường như không thể chịu nỗi cái cảnh chúng hành khổ, đày đọa những đứa anh em, chị em kém may mắn. Sau khi xác định giới luật tình yêu là mến Chúa hết lòng hết sức hết linh hồn và yêu thương tha nhân như chính mình, thì Chúa Giêsu đã không lấy việc cầu nguyện hay dâng lễ vật vào Đền Thờ để minh họa, nhưng đã đưa ra hình ảnh người Samaritanô nhân hậu, người đã có lòng thương xót một nạn nhân đi từ Giêrusalem về Giêricô bị bọn cướp trấn lột và đánh nguy kịch, bằng cách chăm sóc giúp đỡ nạn nhân cách tận tình mà không chút tính toán thiệt hơn (x.Lc 10,25-37).

Khi nghe câu chuyện dụ ngôn về người quản gia bất lương, chắc chắn ít ai ngây thơ đến độ nghĩ rằng Chúa Giêsu dạy chúng ta bắt chước sự ranh ma của anh quản gia ăn gian tiền bạc của ông chủ. Chắc chắn sau khi biết được kế ma mãnh của anh này thì dù có chép miệng khen, nhưng rồi thế nào ông chủ cũng sẽ trừng trị anh ta đích đáng. Nội dung chính của câu chuyện dụ ngôn nằm ở câu kết luận: “Phần Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: Hãy dùng Tiền Của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu”(Lc 16,9).

Chúng ta cần phải xác định rõ hạn từ “Tiền Của bất chính”. Chắc chắn Chúa Giêsu không bao giờ dạy chúng ta sử dụng những thứ tiền của kiếm được cách bất chính, bất lương hay phi pháp. Thế thì phải hiểu như thế nào đây. Không ngại ngần để khẳng định rằng “Tiền Của bất chính” ở đây phải được hiểu là một mãnh lực xấu. Hầu hết các bản dịch Kinh Thánh đều ghi là “the Mammon of unrighteousness” hay nghĩa tương đương. Nhưng cũng có một vài bản dịch dùng hạn từ “Worldly Wealth” hay “Base Wealth”. Hạn từ “Mammon” nhắc nhớ chúng ta sự thật này: Khi của tiền được tôn phong lên hàng thần thánh thì chắc chắn trở thành một thế lực bất chính. Chúa Kitô đã cảnh báo: “Không gia nhân nào có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi Tiền Của được”(Lc 16,13). “Vai mang bị bạc kè kè, nói quấy nói quá chúng nghe rầm rầm”. Khi đã đặt niềm tin vào sức mạnh của tiền bạc thì người ta dễ bị cám dỗ không chỉ lao mình vào những hành vi bất nhân thất đức mà còn bị cám dỗ tự phong thần phong thánh cho bản thân mình.

Thánh Phaolô khẳng định rằng mọi sự thuộc về chúng ta. Chúng ta thuộc về Đức Kitô và Đức Kitô thuộc về Thiên Chúa. Không gì hơn là hãy trả của cải vật chất về đúng vị trí của nó. Nó là của cải chứ không phải là thần tài. Biết dùng của cải, tiền bạc để làm phát triển tình tương thân tương ái là một trong những phương thế sử dụng của tiền cách hữu ích cho hạnh phúc của chúng ta hôm nay và ngày sau. Nhiều tín hữu phân trần với các vị mục tử rằng: Với chúng con, vấn đề không phải là ở chỗ sử dụng mà là ở khâu tìm kiếm tiền bạc. Đây là một vấn nạn mang tính hiện sinh. Khi của tiền đi vào bằng con đường bất chính thì sự thường nó sẽ đi ra bằng con đường bất nghĩa, bất lương. Chính vì thế sẽ không thừa nếu chúng ta tự đặt câu hỏi: Tôi tìm kiếm của tiền vì mục đích gì? (để làm gì?) và tôi đang kiếm tìm của tiền theo cách thế nào? có chính đáng, hợp pháp, công minh không? Cũng xin đừng quên xem xét cách thế sử dụng tiền bạc của chúng ta. Dù thuộc quyền sở hữu của mình nhưng nếu chúng ta sử dụng của cải cách hoang phí thì cũng lỗi đức công bình và dĩ nhiên đáng bị kết án cách nghiêm minh.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
ĐTC Phanxicô kêu gọi sự hiểu biết lẫn nhau giữa các Kitô hữu và người Hồi giáo
Anthony Đông Thái
08:20 19/09/2013
ĐTC Phanxicô kêu gọi sự hiểu biết lẫn nhau giữa các Kitô hữu và người Hồi giáo

Sứ thần Tòa Thánh tại Cairo - Đức Tổng giám mục Gobel đã trao bức thư cho Đại giáo chủ của Đại học Al –Azhar ở Cairo kêu gọi sự đối thoại ổn định.

Đại học Al-Azhar ở Cairo - một trong những trung tâm giảng dạy chính của người Hồi giáo Sunni - thông báo rằng Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi thông điệp riêng đến Đại giáo chủ Ahmed Al Tayyeb của Al-Azhar. Website Công Giáo tiếng Ả Rập lớn nhất www.abouna.org đưa tin về một thông cáo do Al-Azhar ban hành, trong đó đề cập đến cuộc họp đã diễn ra vào hôm qua giữa Al Tayyeb và Sứ thần Toà Thánh tại Ai Cập - Đức TGM Jean-Paul Gobel. Trong cuộc họp mặt, Sứ thần đọc lời chúc của Giáo hoàng Phanxicô gửi tới thế giới Hồi giáo nhân dịp kết thúc tháng Ramadan, cùng với một tin nhắn riêng tư Đức Giáo Hoàng gửi đến Al Tayyeb.

Theo Al-Azhar, trong thông điệp, Đức Thánh Cha nhấn mạnh sự tôn trọng của Vatican đối với Hồi giáo và nói ngài hy vọng mọi nỗ lực sẽ được thực hiện để đạt được “sự hiểu biết lẫn nhau giữa các Kitô hữu và người Hồi giáo trên thế giới để xây dựng hòa bình và công lý”. Al Tayyeb đã trả lời rằng một trong những thông điệp mà Al-Azhar mong muốn gửi đi là “tôn trọng con người của mọi tôn giáo và việc bảo vệ phẩm giá con người và các giá trị cao nhất được mô tả trong Kinh Qur'an và Sunnah”. Ông cũng nói rằng người Hồi giáo sẵn sàng “hợp tác để giúp công lý và gia tăng tiến bộ cho con người trên Trái Đất”.

Thông cáo do Đại học Al-Azhar đưa ra rất quan trọng trong bối cảnh những căng thẳng giữa trung tâm giảng dạy của người Sunni với Vatican nổ ra vào tháng Giêng năm 2011 khi Đức Bênêđictô XVI mạnh mẽ lên án Giáo Hội Chính thống Coptic Alexandria. Điều này khiến trường đại học công bố đình chỉ đối thoại với Tòa Thánh. Trước đó, đoàn đại biểu trường đại học sẽ tổ chức các cuộc họp với Hội đồng Giáo hoàng về Đối thoại Liên tôn vào mỗi hai năm. Thông cáo hôm nay ám chỉ vụ việc này, nói Al Tayyeb đã nói với Sứ thần rằng nhìn Hồi giáo theo phương diện tiêu cực là “lằn ranh đỏ” không được vượt qua.

Thông cáo không có tham chiếu rõ ràng về việc nối lại các cuộc đối thoại. Nhưng điều quan trọng là vào tháng Sáu, Al-Azhar nói rằng họ đang chờ đợi một phản hồi về tin nhắn chúc mừng mà Al Tayyeb đã gửi đến Đức Giáo Hoàng Phanxicô sau cuộc bầu cử của ngài. Và bày tỏ hy vọng rằng sẽ có “một minh chứng rõ ràng cho sự tôn trọng Hồi giáo và người Hồi giáo”. Điều này đã được thể hiện rõ ràng trong thông điệp ngày hôm nay. Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Đối thoại Liên tôn Đức Hồng Y Jean Louis Tauran đã trả lời rằng đó là Al-Azhar đã bị gián đoạn đối thoại với Tòa Thánh. Tòa Thánh luôn rộng mở cho đối thoại.

Các sự kiện dường như cho thấy sự rạn nứt này đang hồi phục nhanh: Al Tayyeb và Đại học Al-Azhar đã chứng tỏ là điểm tham khảo quan trọng cho các Kitô hữu trong những tháng khó khăn vừa qua ở Ai Cập. Ngay cả trong nhiệm kỳ tổng thống Mohammed Morsi, Đại giáo chủ đã cố gắng nhiều lần hành động như một trung gian hòa giải với các Kitô hữu, lôi cuốn các cơn thịnh nộ của Huynh đệ Hồi giáo.

Sau đó, sau các cuộc biểu tình ngày 30 tháng 6, ông đã công khai ủng hộ việc lật đổ của Tổng thống Hồi giáo của quân đội. Quan trọng hơn, khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan công kích ông vì điều này, thì cha Bishoy Helmy - Tổng thư ký của Hội đồng các Giáo Hội ở Ai Cập đã bảo vệ ông. Đại Diện Tông Tòa của Alexandria , Đức Giám Mục Adel Zaki nói với hãng thông tấn Fides rằng “một thỏa thuận hợp tác mạnh mẽ giữa Al Azhar và Hội đồng các Giáo Hội Kitô giáo đang được ký kết”.

Anthony Đông Thái
 
Đức Thánh Cha tiếp kiến 120 Giám Mục mới
Lm. Trần Đức Anh OP
13:48 19/09/2013
VATICAN. ĐTC Phanxicô nhắn nhủ các GM quảng đại tiếp đón mọi người, đồng hành với và trong đoàn chiên của mình như người phục vụ.

Đây là nội dung bài huấn dụ của ngài trong buổi tiếp kiến 120 GM mới, trong số này có 26 GM thuộc Bộ các Giáo Hội Công Giáo Đông phương và phần còn lại thuộc Bộ Giám Mục. Các vị vừa kết thúc khóa bồi dưỡng tại Roma do các vị lãnh đạo nhiều cơ quan trung ương Tòa Thánh hướng dẫn.

ĐTC khai triển 3 điểm thiết yếu trong việc chăm sóc đoàn chiên, đó là quảng đại đón tiếp, đồng hành với đoàn chiên và ở lại với đoàn chiên.

Ngài nói: ”Anh em hãy có con tim rộng mở đến độ biết đón tiếp tất cả mọi người nam nữ anh em gặp trong ngày.. Ngay từ bây giờ anh em hãy tự hỏi: “Những người đến gõ cửa nhà tôi, họ thấy thế nào? Họ có thấy cánh cửa mở rộng qua lòng từ nhận, thái độ sẵn sàng của tôi hay không? Họ có cảm nhận tình phụ tử của Thiên Chúa và hiểu Giáo Hội là một người mẹ tốt lành luôn đón tiếp và yêu thương hay không?”

ĐTC nhắn nhủ các GM hãy đồng hành với và trong đoàn chiên, chia sẻ vui mừng và hy vọng, khó khăn và đau khổ của họ, như người anh, người bạn và nhất là như người cha, có khả năng lắng nghe, cảm thông, giúp đỡ và hướng dẫn. Ngài đặc biệt khích lệ các GM yêu thương các LM của mình: ”Thời gian mà GM trải qua với các LM của mình không bao giờ là thời giờ bị mất đi. Anh em hãy tiếp các LM khi họ xin, đừng để bao giờ để cho cú điện thoại của LM không được trả lời, hãy luôn gần gũi và tiếp xúc với các LM của mình”.

ĐTC khuyến khích các GM sống giữa đoàn chiên: ”Chính dân chúng muốn thấy GM đồng hành với mình, gần gũi với họ. Anh em đừng khép kín, hãy xuống giữa các tín hữu của anh em, cả trong những khu ngoại biên trong giáo phận anh em và mọi biên cương của cuộc sống.”

Tiếp đến GM phải có tinh thần phục vụ đoàn chiên, trong thái độ khiêm tốn, sống khổ hạnh và chú ý tới điều thiết yếu. Các mục tử chúng ta không phải là những người có ”tâm lý như những ông hoàng”, những người tham vọng, đang làm GM giáo phận này mà lại mong ước, chờ đợi một giáo phận đẹp hơn, quan trọng hoặc giầu hơn. Anh em hãy chú ý đừng rơi vào thái độ tìm kiếm sự thăng quan tiến chức! Không phải bằng lời nói nhưng nhất là bằng chứng tá cụ thể của cuộc sống, chúng tá là thầy dạy và là nhà giáo dục dân.

Sau cùng, ĐTC nhắc nhở các GM hãy ở lại với đoàn chiên: ở lại trong giáo phận và ở lại ”trong giáo phận này”, không tìm cách thay đổi hoặc thăng chức. Ngài nói: ”Ta không thể thực sự biết đoàn chiên của mình trong tư cách là mục tử, không thể đi đằng trước, ở giữa và đi sau đoàn chiên, chăm sóc họ bằng giáo huấn, ban các bí tích và chứng tá cuộc sống, nếu không ở lại trong giáo phận... Luật xưa kia buộc các LM ở lại trong giáo phận không phải là điều lỗi thời”

ĐTC cũng nói rằng: Tôi xin anh em hãy ở lại với dân.. Hãy tránh gương mù là ”những GM phi trường!”.
Trong số các vị hiện diện, cũng có các GM Siria. ĐTC tái kêu gọi mọi người hãy cầu nguyện cho hòa bình tại nước này cũng như tại Trung Đông và trên thế giới (SD 19-9-2013)
 
Top Stories
Pope Francis gives personal interview to Jesuit magazines
VIS
15:07 19/09/2013
In a lengthy personal interview, published in Jesuit magazines around the world on Thursday, Pope Francis talks frankly about himself, his Jesuit background and his vision for a more open, inclusive and welcoming Church.

The publication is the result of three private meetings that the Pope held with the head of the Italian Jesuit magazine La Civiltà Cattolica, Fr Antonio Spadaro, in August at the Santa Martha guesthouse in the Vatican.

In the first part of the interview, the Pope shares personal insights and difficult moments from his past, including a fear of being seen as ‘ultraconservative’ on account of his ‘authoritarian way’ of making quick decisions. Recalling problems he encountered as a Church leader in Argentina, the Pope speaks of lessons learnt, especially the importance of consultation and a more effective form of Synodal governance. This, he says, will also bring a breath of fresh air to the ecumenical movement.

Pope Francis also discusses the importance of his Jesuit training for the challenges he faces today, especially the process of discernment and the belief that grand principles must always be ‘incarnated’ in specific times, places and people.Speaking of his favourite image of the Church, the Pope chooses the expression found in the Vatican II document Lumen Gentium, ‘Sentire cum Ecclesia’ or ‘feeling with the Church’ – not just the hierarchy, he stresses, but the whole people of God.

Asked what the Church needs most at the moment, Pope Francis focuses on the importance of healing wounds, warming hearts and sharing the dark nights of pain that people suffer. The first reform we need, he says, is that of attitudes, to learn how to become ministers of mercy.Even regarding the complex moral questions of homosexuality and remarriage for divorcees, the Pope says it’s vital to find a new balance between pastoral attention to the individual and the transmission of the moral teachings of the Church.

Finally the Pope returns to one of his favourite ideas – that of a constant journey towards a God of surprises. Rather than closing ourselves in to a paralysing past, we must walk with trust, confidence and courage to find new spaces of encounter with God.

The full text of the interview with Pope Francis can be found in the U.S. publication American Magazine (www.americamagazine.org) and in the UK based online journal Thnking Faith (www.thinkingfaith.org)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo phận KonTum hiệp thông với Giáo phận Vinh và Giáo xứ Mỹ Yên
+ Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh
01:01 19/09/2013
 
Tâm tình hiệp thông với giáo phận Vinh của Đức Cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Long
VietCatholic Network
08:30 19/09/2013
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
 
Thiếu nhi xứ Nghĩa Thành có một đêm Trung Thu tràn ngập niềm vui.
Pet. Vĩnh Yên
08:42 19/09/2013
Tối 14 tháng Tám, áp ngày rằm Trung Thu năm Quý Tỵ (18.9.2013), thiếu nhi giáo xứ Nghĩa Thành đã có một đêm Trung Thu tràn ngập niềm vui.

Xem Hình

Trước hết, vào lúc 18h, có Thánh lễ Trung Thu. Trong Thánh Lễ, cha quản xứ Antôn Hoàng Trung Hoa đã chúc mừng ngày tết của các em. Cha cũng mời gọi cộng đoàn quan tâm hơn đến thiếu nhi, đến những trẻ nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, và cha cũng nhắc nhở các em thiếu nhi phải nhận ra được hồng ân của Thiên Chúa ngang qua giáo xứ, gia đình, các vị ân nhân. Cách riêng, trong phần chia sẻ Lời Chúa, cha Antôn mời gọi các em nhìn vào vũ trụ, nhìn vào bầu trời vào những đêm trời quang trăng sáng, cụ thể như tối hôm qua, để khám phá ra quyền năng của Thiên Chúa, hầu từ đó biết ngợi khen, cảm tạ Người, cùng sống sao cho xứng đáng với đáng với tâm tình tri ân, ca khen đó.

Sau Thành Lễ, các em rước đèn lồng một vòng quanh nhà thờ, rồi bước vào chương trình văn nghệ Trung Thu, với chủ đề: Ánh Trăng Cho Bé.

Chương trình văn nghệ do các lớp giáo lý thực hiện, với sự giúp đỡ của các bạn giới trẻ. Vì có thi đua, nên các lớp đều tập luyện chu đáo.

Bên cạnh chương trình văn nghệ, các em thiếu nhi còn được vui thỏa, khoái chí với những điệu nhảy của các chú lân và ông địa.

Trước khi kết thúc chương trình hoan ca Trung Thu, Cha quản xứ phát phần thưởng cho các tiết mục văn nghệ đạt giải nhất, nhì, ba. Cũng trong đêm hoan ca Trung Thu, Cha quản xứ trao phần thưởng thi đua “Yêu Mến Chúa Trong Hội Trăng Rằm” – phần thưởng cho những em siêng năng tham dự Thánh lễ, tham dự giờ cầu nguyện trong tháng vừa qua.

Bên cạnh trao phần thưởng, Cha quản xứ cũng đã phát bánh Trung Thu cho khoảng 250 cả lương lẫn giáo. Cha Antôn cho biết, những chiếc bánh đó là tấm lòng ngọt ngào của quý vị ân nhân trong dịp Trung Thu này mà họ muốn cha gửi tới các em. Nên cha cũng mời gọi các em cầu nguyện cho các vị ân nhân.

Pet. Vĩnh Yên
 
Trung Thu tại Giáo xứ Tân Quang, Giáo phận Hưng Hóa
Lm. Giuse Nguyễn Văn Thành
10:06 19/09/2013
Tối ngày 19 tháng 9 năm 2013 (tức ngày 14. 8 âm lịch), tại giáo xứ Tân Quang đã tổ chức Thánh lễ cầu nguyện cho các em thiếu nhi. Tham dự Thánh lễ ngoài các em thiếu nhi và các bậc phụ huynh, còn có Ban hành giáo xứ Tân Quang cùng toàn thể bà con trong giáo xứ.

Xem hình ảnh

Trong Thánh lễ, cha quản xứ Gioakim Đinh Văn Hợp đã nói về ý nghĩa của Ngày Tết Thiếu Nhi. Ai cũng vui và hi vọng vào tương lai lớp trẻ. Xin Chúa thánh hóa và gìn giữ các em trong tình thương của Chúa để các em phát triển không chỉ về mặt thể xác mà còn cả mặt tinh thần.

Thánh lễ kết thúc, các em đi rước đèn dọc theo đường quốc lộ II. Hòa chung niềm vui của các em thiếu nhi, đội trống của giáo xứ và các em thiếu nhi của 5 tổ dân phố Tân Quang cũng góp vui.

Sau cuộc rước đèn, giáo xứ còn mở tiệc bánh ngọt cho các em tại sân nhà xứ. Trước khi vào dự tiệc ngọt, em Maria Nguyễn Thị Bích đã giới thiệu thành phần tham dự. Vì là ngày Tết của các em nên các em thiếu nhi đã rất tích cực tham gia góp vui văn nghệ. Chính sự nhiệt tình và hồn nhiên của các em làm cho buổi văn nghệ “bỏ túi” thêm phần sinh động và hấp dẫn.

Tất cả những ai tham dự đều vui và hài lòng về những tiết mục do các em biểu diễn. Một ngày trôi qua thật bổ ích cho các em thiếu nhi trong giáo xứ. Hi vọng qua buổi Trung Thu này những ai tham dự dù theo tôn giáo nào tại mảnh đất Tân Quang – tỉnh Hà Giang hiểu rằng người theo Đạo Công Giáo đóng vai trò quan trọng việc giữ gìn bản sắc văn hóa.
 
Giáo xứ Quy Chính, Vạn Lộc tổ chức thánh lễ và thắp nến cầu nguyện cho giáo dân Mỹ Yên
Giáo Xứ Quy Chính
20:47 19/09/2013
Hiệp thông cùng nỗi đau với anh chị em giáo xứ Mỹ Yên, giáo xứ Quy Chính giáo hạt Vạn Lộc, giáo phận Vinh, đã tổ chức thánh lễ, chầu Thánh Thể và thắp nến cầu nguyện cho anh chị em Mỹ Yên bị chính quyền Nghệ An đàn áp dã man.

Xem Hình
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Dân Oan
Hà Tĩnh
14:44 19/09/2013
Dân Oan

Báo Người Lao Động ngày 19/9/2013 đăng bài “Tự xử” của tác giả Cao Tuấn có đoạn viết: “Trước tình hình tội phạm diễn biến phức tạp, niềm tin nhân dân giảm sút, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cho rằng có nguyên nhân từ đạo đức xã hội xuống cấp một cách đáng báo động, trong đó có một bộ phận cán bộ đảng viên kém phẩm chất đạo đức”. Cũng trong bài báo này, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Ksor Phước cho rằng: “Người dân dễ dàng đi đến chỗ phạm tội bất chấp pháp luật có phần do việc phát hiện, điều tra, xét xử tội phạm chưa đạt yêu cầu khiến lòng tin của họ bị thách thức”. Những điều này làm tôi nhớ lại vụ xảy ra tại Trại gáo-xứ Mỹ yên xã Nghi phương-Nghi lộc-Nghệ an. Nguyên do bắt nguồn từ mấy ông công an không mặc sắc phục lục soát đồ đạc của người dân đi lễ vào ngày 22/5/2013. Mấy vị này bị người dân đánh. Mọi chuyện 2 bên đã được giải quyết ổn thoả. Nhưng không hiểu vì sao, ngày 27/6/2013 công an lại bắt 2 người có tên là Nguyễn Văn Hải và Ngô Văn Khởi, với tội danh “gây rối trật tự công cộng”. Bất bình với cách bắt người như trên, người dân đã đòi công an phải thả 2 người này vô điều kiện.

Liệu những gì mà Phó Chủ Tịch nước Nguyễn Thị Doan nói “ …một bộ phận cán bộ, đảng viên kém phẩm chất đạo đức”. Lời nói này có được áp dụng cho những cán bộ địa phương ở đây “ ông đánh tôi, bây giờ tôi bắt ông” hay không?

Kiên vững với lập trường công an bắt giữ người vô cớ, ngày23/9/2013 người dân tập trung trước UBDN xã Nghi phương yêu cầu thả người, và ông chủ tịch xã Nghi phương đã có bản cam kết với họ. Nhưng kết quả của bản cam kết này chỉ là lời hứa suông.

Ngạc nhiên hơn, khi có một vài luật sư trả lời trên đài VTV3 về bản cam kết là “không có cơ sở pháp lý và không đủ thẩm quyền”. Khi nghe giải thích như vậy, người ta không khỏi không thắc mắc: nếu không có cơ sở pháp lý và không đủ thẩm quyền, tại sao ông chủ tịch xã Nghi phương lại tuỳ tiện cam kết (dù trong hoàn cảnh điều kiện nào thì điều này cũng không thể chấp nhận được).

Liệu những gì mà Chủ Tịch Ksor Phước nói:.... “chưa đạt yêu cầu khiến lòng tin của họ bị thách thức”. Lời nói này có được áp dụng cho những cán bộ địa phương ở đây “nói một đàng làm một nẽo” hay không?

Trả lời phỏng vấn BBC của giáo sư Tương Lai trong bài: “Đằng sau vụ nổ súng ở Thái Bình”, giáo sư đã nhắc lại lời của ông Phạm Văn Đồng: “Đây là mâu thuẫn giữa một bên là những nhà cầm quyền hư hỏng, thoái hoá, biến chất, đè nén, áp bức dân, khiến dân không chịu được; và bên kia là vì dân không chịu được nên đã nổi dậy đấu tranh”.

Vậy qua vụ này, công an không mặc sắc phục ngăn cản người đi dự lễ; bắt giữ người vô căn cớ; thất hứa với dân, chẳng lẽ những cán bộ này không bị xử lý hay sao?

Hà Tĩnh.
 
Thông Báo
Cáo phó: Thân mẫu LM Nguyễn Tất Ứng đã từ trần tại Như Tân, Phát Diệm
Tang gia
17:24 19/09/2013
CÁO PHÓ
“Ta là sự sống lại và sự sống” (Ga 11, 25a)

Trong niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô Phục sinh, gia đình chúng con xin kính báo:
Thân mẫu chúng con:
Bà Cố: Maria Nguyễn Thị Được
Nhũ danh: Maria Đào Trần Thị Khuyên
Sinh năm 1927 tại giáo họ Nam Cường, xứ Văn Hải, Xã Văn Hải, Kim Sơn, Ninh Bình.
Đã được Chúa gọi về hồi 15h16 ngày 19 tháng 09 năm 2013 tại giáo họ Tân Định, xứ Như Tân.
(Nhằm ngày 15 tháng 8 năm Quý Tỵ), hưởng thọ 87 tuổi.

Nghi thức Nhập quan: 9h00 ngày 20 tháng 09 năm 2013
Phúng viếng: Từ 9h30 ngày 20 tháng 09 năm 2013 đến 21h00 cùng ngày
Thánh lễ An táng: 7h15 ngày 21 tháng 09 năm 2013 tại nhà thờ họ Tân Định,
xứ Như Tân, giáo phận Phát Diệm, do Đức Cha Giuse Nguyễn Năng Chủ sự.
An táng tại đất thánh xứ Như Tân.

Kính xin Quí Đức Cha, cha Tổng Đại diện, Quí Bề trên, Quí Cha, Quí Thày, Quí Sơ,
cùng toàn thể quí vị thêm lời cầu nguyện cho linh hồn Maria sớm được hưởng Tôn Nhan Thiên Chúa.

Chúng con xin chân thành cảm tạ.
Tân Định, ngày 19 tháng 09 năm 2013

T/M gia đình
Linh mục Phaolô Nguyễn Tất Ứng
Trưởng nam: Gioan B. Nguyễn Đức Hảo
 
Văn Hóa
Bao giờ cho đến Tháng Mười
Lê Đình Bảng
17:48 19/09/2013
BAO GIỜ CHO ĐẾN THÁNG MƯỜI

Tôi từ phố Hiến xa xôi
Cây rau, ngọn cỏ, suốt đời long đong
Hôm vô tới xứ Đàng Trong
Chờ em ở mãi Ba Giồng mới lên

Đò theo sông Hậu, sông Tiền
Những mông mênh nước, những mênh mang trời
Nửa khuya, cập bến Chùa Dơi
Thoảng nghe kinh kệ nhịp vơi, nhịp đầy

Hạt mừng em giấu trong tay
Hạt thương, tôi dỗ dành cây hoa hường
Đường nào xuôi ngả Thơm Rơm
Qua Hàm Luông, ghé Cái Mơn mấy hồi


Đền vàng, quỳ trước song đôi
Khấn dâng, một mảnh gương soi trước tòa
Đây là Phép Ngắm Rosa
Và đây, tràng chuỗi Đức Bà Môi Khôi

Bao giờ cho đến tháng mười
Chim quyên xuống đất, thuyền tôi lên bờ
Nắng vàng ngoài dậu ô rô
Hôm nay lễ trọng, nhà thờ đông ken

Dập dìu trai gái đua chen
Cho tôi theo kiệu về bên xứ nhà
Lạy trời, đừng nổi phong ba
Để tôi neo một bến phà – quê em

Ơi người Rạch Giá, Long Xuyên
Đêm nay canh thức, chong đèn đợi ai

Lê Đình Bảng
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Sống Lời Chúa
Diệp Hải Dung
21:12 19/09/2013
SỐNG LỜI CHÚA
Ảnh của Diệp Hải Dung (Australia)
Khi chúng ta cầu nguyện
thì chúng ta nói chuyện với Thiên Chúa
Nhưng khi chúng ta đọc Thánh Kinh
thì Thiên Chúa nói chuyện với chúng ta.
(Thánh Isidore)
 
VietCatholic TV
Thế Giới Nhìn Từ Vatican 13/9 - 19/9/2013 - Các Giám Mục Cuba: Dân chúng đã quá chán ngán chế độ
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:09 19/09/2013
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Buổi triều yết chung sáng thứ Tư 18 tháng 9

Trong buổi triều kiến chung hôm thứ Tư, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã so sánh Giáo Hội với một người mẹ. Trước hàng ngàn người tại quảng trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha giải thích rằng thông qua 10 điều răn, Giáo Hội, giống như bất kỳ người mẹ nào, cũng cố gắng ghi khắc các giá trị nơi con cái mình. Ngài cũng nói thêm rằng Giáo Hội luôn luôn ở bên cạnh con cái mình, hứa cầu nguyện và bảo vệ chúng trong suốt cuộc đời.

Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến,

Hôm nay tôi muốn trở lại hình ảnh của Giáo Hội như là người Mẹ của chúng ta, bằng cách suy tư về những gì các bà mẹ trần thế của chúng ta thực hiện, sống và chịu đau khổ cho con cái của họ. Trước hết, những bà mẹ của chúng ta chỉ ra cho chúng ta thấy thông qua sự dịu dàng và tình yêu của họ, đâu là đường ngay nẻo chính phải theo trong cuộc sống, để chúng ta có thể trưởng thành. Cũng thế, Giáo Hội định hướng cho chúng ta trên cuộc lữ hành trần thế, chỉ ra con đường dẫn đến sự trưởng thành trong đức tin. Thứ hai, các bà mẹ của chúng ta biết cách thế và thời điểm phải tháp tùng với chúng ta trong tiến trình nhận thức thông qua cuộc sống và giúp đưa chúng ta trở lại khi chúng ta lạc lối khỏi đường ngay nẻo chính. Giáo Hội cũng đi kèm với chúng ta với lòng thương xót, trong sự hiểu biết, không bao giờ xét đoán chúng ta hoặc đóng cửa quay lưng lại, nhưng đưa ra sự tha thứ để giúp chúng ta trở lại đường lối đúng đắn. Thứ ba, nếu như bà mẹ của chúng ta không bao giờ mệt mỏi cầu thay cho chúng ta trong những thất bại của chúng ta, thì Giáo Hội cũng ở với chúng ta luôn luôn và, qua lời cầu nguyện, đặt vào tay Chúa tất cả các tình huống của chúng ta, những khó khăn và nhu cầu. Và vì thế, chúng ta thấy nơi Giáo Hội một người mẹ hiền, là người chỉ ra con đường để chúng ta tiến bước trong cuộc sống, là người luôn đồng hành cùng chúng ta trong sự kiên nhẫn, lòng thương xót và sự hiểu biết, và đã đặt chúng ta trong bàn tay của Thiên Chúa. "

2. Đức Giáo Hoàng nói về niềm vui, và thử thách trong thiên chức linh mục với các linh mục Rôma

Sáng thứ Hai 16 tháng 9, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến Đền Thờ Thánh Gioan Laterano là Vương Cung Thánh Đường của Rôma, để gặp gỡ hàng linh mục Rôma. Ngài được chào đón với một tràng pháo tay nồng nhiệt, trước khi tiến vào đền thờ, nơi các linh mục địa phương đang chờ đợi ngài.

Trong phát biểu của ngài, Đức Thánh Cha đã nói về những niềm vui và những thử thách của chức linh mục trong khi trình bày những suy tư về thời gian Thánh Gioan Tẩy Giả bị tống giam.

Đức Thánh Cha nói:

"Thánh nhân bị bao quanh bởi bóng tối của sự ngờ vực. Đây chính là con người đã từng nói: ‘Đây là Con Thiên Chúa Đấng xóa tội trần gian. Tôi thấy Thánh Thần Chúa ngự xuống trên Ngài’. Ngài xác tín về điều này vào lúc đó, nhưng vào thời điểm này ngài không hiểu gì cả. Ngài sống trong bối cảnh tăm tối của ngục tù, trong đêm đen của con tim và linh hồn mình. "

Trong cuộc gặp gỡ, Đức Giáo Hoàng đã đồng ý trả lời một số câu hỏi của các linh mục. Đức Giáo Hoàng cũng đã đưa ra một cảm nghiệm cá nhân. Đức Thánh Cha nói rằng ngài rất xúc động bởi lá thư một linh mục lớn tuổi gửi cho ngài trong đó vị linh mục chia sẻ cảm xúc mệt mỏi của mình. Đức Giáo Hoàng cho biết thư đã nhắc lại một thông điệp của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II có tựa đề Redemptoris Mater hay Mẹ Đấng Cứu Chuộc. Đức Giáo Hoàng nói, Đức Mẹ cũng cảm thấy mệt mỏi.

Đức Thánh Cha giải thích rằng:

"Mệt mỏi đó đến khi Mẹ chứng kiến tất cả mọi thứ Chúa Giêsu đã phải đương đầu. Mẹ đã cố gắng hiểu ý nghĩa của những điều này thông qua Lời Chúa. Nhưng tất cả mọi thứ dường như trái ngược với những gì đã hứa. "

Cuộc gặp gỡ tại Vương Cung Thánh Đường rất biểu tượng, vì được diễn ra tại Vương Cung Thánh Đường của giáo phận Roma. Là Đức Giám Mục Roma, Đức Giáo Hoàng Phanxicô là người đứng đầu của đền thờ này.

3. Các Giám Mục Cuba kêu gọi thay đổi hệ thống chính trị đất nước.

Trong một lá thư với những lời lẽ rất quyết liệt, các Giám Mục Cuba đã yêu cầu giới lãnh đạo hãy thay đổi hệ thống chính trị đất nước.

Một số nới rộng về quyền tự do kinh tế mà thôi là không đủ. Các Giám mục Cuba đã bày tỏ những lời chỉ trích của các ngài trong một bức thư gởi cho ông Raul Castro để đòi hỏi những thay đổi sâu rộng hơn tại đảo quốc này. Bức thư có tiêu đề, "Hy vọng không thể lụi tàn" của các Giám Mục Cuba khẳng định rằng "cần phải có quyền đa dạng và sự nhìn nhận những cách nghĩ khác nhau. Hy vọng cho một tương lai tốt đẹp hơn đòi hỏi nhất thiết phải có một trật tự chính trị mới", bởi vì Cuba được mời gọi để trở nên một "xã hội đa nguyên"

Bức thư kết thúc với nhận định rằng "một nhà nước hợp tác dứt khoát phải được thành hình để thay thế cho thứ nhà nước hành xử như bố mẹ dân chúng."

Tất cả các giáo xứ trên toàn đảo quốc Cuba đã đọc thư này cho anh chị em giáo dân vào hôm Chúa Nhật 15 tháng 9 vừa qua.

Lá thư cũng chỉ trích tình cảnh nghèo nàn mà người dân Cuba phải chịu trong hơn nửa thế kỷ qua, do thiếu cơ hội, và tiền lương chết đói, "không đủ để nuôi sống một gia đình."

Để đạt được những thay đổi này, các giám mục đã đề xuất việc tạo ra các cuộc đối thoại giữa người dân Cuba trong nước và những người Cuba lưu vong trên thế giới, đặc biệt là tại Hoa Kỳ.

20 năm trước các Giám mục Cuba đã ban hành thư chung với tựa đề "Tình yêu có thể chinh phục tất cả" để đòi hỏi Fidel Castro phải cải cách kinh tế và tự do ở Cuba.

4. Thư của Đức Thánh Cha về lễ phong chân phước cho cha Brochero

Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi các linh mục và tín hữu noi gương tân chân phước José Gabriel Brochero ra khỏi chính mình, tìm đến các “ngoại ô” của cuộc sống, gặp gỡ và nói với tha nhân về Chúa.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong thư gửi các tín hữu Công Giáo Á Căn Đình nhân dịp lễ Phong Chân Phước sáng thứ Bẩy 14 tháng 9 cho cha Brochero. Thánh lễ do Đức Hồng Y Angelo Amato, Tổng trưởng Bộ Phong Thánh, đại diện Đức Thánh Cha chủ sự, tại làng Villa Cura Brochero, có gần 5 ngàn 100 dân cư, thuộc tỉnh Córdoba, Á Căn Đình.

Trong thư gửi đến Đức Cha José Maria Arancedo, Tổng Giám Mục Santa Fe, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Á Căn Đình, và được công bố trong buổi lễ, Đức Thánh Cha gợi lại tấm gương của Chân Phước Brocero như mục tử nhiệt thành, tận tụy tìm đến và săn sóc đoàn chiên, kể cả tại nhưng gia cư hẻo lánh trên lãnh thổ giáo xứ rộng 200 cây số vuông. Cha đặt công việc mục vụ trên việc cầu nguyện. Vừa khi đến giáo xứ, cha đã bắt đầu mang các tín hữu nam nữ đến Córdoba để tham dự cuộc tính tâm với các cha dòng Tên.

Đức Thánh Cha đề cao tầm quan trọng và tính chất thời sự của lễ phong chân phước cho cha Brochero và viết: Cha là một người tiên phong trong việc đi tới các khu ngoại ô về địa lý và của cuộc sống để mang đến cho mọi người tình thương, lòng từ bi của Thiên Chúa. Cha không ngồi yên trong văn phòng nhà xứ, nhưng cười lừa, lặn lội tìm đến với dân chúng. Ngày nay Chúa Giêsu cũng muốn các môn đệ của Ngài trở thành những thừa sai, những người rao giảng đức tin... Cha Brochero là một con người bình thường, mảnh khảnh, nhưng đã biết cách ra khỏi cái tôi và lòng ích kỷ hẹp hòi, khắc phục bản thân. Cha đã nghe tiếng gọi của Chúa, đã chọn lựa hy vọng để làm việc cho Nước Chúa, cho công ích mà phẩm giá vô biên của mỗi người đáng được hưởng như con Thiên Chúa, và cha đã trung thành đến cùng, tiếp tục cầu nguyện và cử hành thánh lễ, dù bị mù vì bệnh phong cùi”.

Và Đức Thánh Cha kết luận rằng: “Ngày hôm nay, anh chị em hãy để cho cha Brochero cưỡi lừa với tất cả hành trang của cha vào trong căn nhà tâm hồn của anh chị em, mời gọi anh chị em cầu nguyện và gặp gỡ Chúa Giêsu, Đấng giải thoát chúng ta khỏi ách nô lệ và đi ra bên ngoài, tìm kiếm người anh em mình, động chạm đến mình Chúa Kitô đang chịu đau khổ và cần tình thương của Thiên Chúa. Chỉ như thế chúng ta mới có thể nếm hưởng niềm vui mà Cha Brochero đã cảm nghiệm, nếm hưởng trước niềm vui trên trời”.

Cha Brochero (1840-1914) sinh năm 1840, gia nhập chủng viện năm 16 tuổi và thụ phong linh mục năm 1826 khi được 26 tuổi. Cha nổi bật về lòng bác ái giúp đỡ các bệnh nhân và những người sắp chết, nhất là trong trận dịch tả tàn phá thành Cordoba năm 1867. Cha góp phần phát triển quê hương về mặt kinh tế và xã hội, cũng như kiến thiết các thành đường, nhà nguyện, trường học và mở đường xuyên qua miền núi. Cha Brochero rong ruổi mọi nơi trong giáo phận, mang Lời Chúa cho dân chúng.

Vào cuối đời, cha bị mù và điếc, vì bệnh phong cùi, và những lời cuối cùng của cha là: “Giờ đây tôi hoàn toàn sẵn sàng để du hành”. Cha qua đời năm 1914, thọ 74 tuổi.

5. Giáo Hội là Mẹ phải bảo vệ và cầu nguyện cho con cái mình

Trong Thánh lễ buổi sáng thứ Ba 17 tháng 9 tại Vatican, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã so sánh Giáo Hội với một người mẹ góa bụa là người bảo vệ con cái của mình. Suy tư về bài Tin Mừng, Đức Thánh Cha đã nói vai trò quan trọng và đầy thử thách của những bà góa được đề cập đến trong Kinh Thánh. Đức Thánh Cha thậm chí còn so sánh những vai trò này với sứ mệnh của Giáo Hội.

Đức Thánh Cha nói:

"Hòa giải chúng ta với Chúa không kết thúc nơi cuộc đối thoại 'Giữa bạn, giữa tôi và với linh mục là người đã tha thứ cho tôi. Không! Nó kết thúc khi Chúa dẫn chúng ta đến Mẹ của chúng ta. Đó là một sự hòa giải thực sự, bởi vì không có con đường dẫn đến sự sống, không có sự tha thứ, không có hòa giải bên ngoài Mẹ Giáo Hội. Vì thế, khi suy nghĩ về bà góa nghèo này, dù những ý tưởng này đến với tôi hơi ngẫu nhiên - Nhưng tôi thấy nơi bà góa này hình ảnh biểu tượng cho sự góa bụa của Giáo Hội, là người đang trong cuộc lữ hành trình tìm kiếm phu quân của mình. Tôi cảm nhận được sự thúc bách phải cầu xin Chúa cho ơn luôn luôn vững tin nơi mẹ chúng ta, người bảo vệ chúng ta, dạy bảo chúng ta, giúp chúng ta phát triển và dạy chúng ta nói tiếng mẹ đẻ của mình. "

Đức Thánh Cha sau đó nói thêm rằng Giáo Hội, như những người mẹ khác, phải sống cả trong những niềm vui và những thử thách của con cái mình.

6. Buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 15 tháng 9

Mặc dù mưa lớn, hàng ngàn người đã tập trung tại Quảng trường Thánh Phêrô hôm Chúa Nhật 15 tháng 9 để đọc kinh Truyền Tin với Đức Giáo Hoàng Phanxicô . Đức Thánh Cha đã giải thích lý do tại sao lòng thương xót của Thiên Chúa là rất quan trọng với các Kitô hữu.

Trình bày về dụ ngôn người con hoang đàng, Đức Thánh Cha nói rằng hạnh phúc thật sự được tìm thấy trong sự tha thứ, chứ không phải nơi việc khoe khoang về những việc làm tốt đã làm cho người khác.

Đức Thánh Cha nói:

“Đó là tất cả Tin Mừng, là trọn Kitô giáo! Nhưng anh chị em hãy chú ý, đây không phải là tình cảm, là thái độ “xuề xòa, cái gì cũng chấp nhận”! Trái lại, lòng từ bi là một sức mạnh thực sự có thể cứu vớt con người và thế giới khỏi bệnh ”ung thư” là tội lỗi, là sự ác luân lý và tinh thần.”

Đức Thánh Cha cũng cảnh báo về sự nguy hiểm của việc đánh giá người khác, như đã được giải thích trong dụ ngôn người con hoang đàng.

Ngài nói:

“Nếu chúng ta sống theo luật ‘mắt đền mắt, răng đền răng’, thì chúng ta không ra khỏi cái vòng sự ác. Ma quỷ là kẻ tinh ranh, hắn đánh lừa làm cho chúng ta tưởng rằng sự công chính phàm nhân của chúng ta có thể cứu thoát chúng ta và thế giới. Trong thực tế, chỉ có sự công chính của Thiên Chúa mới có thể cứu thoát chúng ta! Và sự công chính của Thiên Chúa được biểu lộ trong Thập Giá: Thập Giá là sự phán xét của Thiên Chúa trên tất cả chúng ta và trên thế giới này.”

Đức Giáo Hoàng kêu gọi tất cả các khách hành hương ngay lập tức thực hành những gì Chúa Giêsu rao giảng về sự tha thứ, bất chấp cam go đến mức nào.

“Tôi mời gọi tất cả mọi người, trong thinh lặng, hãy nghĩ đến người mà mình không có quan hệ tốt, những người mà chúng ta giận dữ họ, chúng ta không yêu thương họ. Chúng ta hãy nghĩ đến người ấy và trong thinh lặng, trong lúc này đây, cầu nguyện cho họ, và chúng ta trở nên từ bi đối với họ”.

Sau kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha cũng nói rằng vào ngày trước đó một linh mục người Á Căn Đình là cha José Gabriel Brochero đã được phong chân phước. Ngài cũng cảm ơn tất cả những người tham dự buổi đọc kinh Truyền Tin, mặc dù thời tiết xấu.

7. Chiến dịch khích lệ Đức Thánh Cha danh dự Bênêđíctô thứ 16 đừng ngưng viết

Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 luôn sử dụng một cây bút chì để viết ra các suy tư của mình. Hiện đang có một chiến dịch trực tuyến được gọi là gởi tặng bút chì cho Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 trong đó thu thập những chứng tá về tầm ảnh hưởng của các huấn đức của ngài với mọi người trên toàn thế giới.

Những tác giả của chiến dịch này giải thích họ đã nghĩ ra ý tưởng này khi nghe câu trả lời của Đức Thánh Cha Phanxicô với các nhà báo trên chuyến bay trở về Rôma từ Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã so sánh việc sống chung với Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 như "có ông nội ở nhà", nghĩa là có một người cố vấn thân cận. Và vì vậy họ đã nghĩ đến việc hình thành một cuốn sách với những chứng của nhiều người trên toàn thế giới.

Chứng từ có thể gửi qua e-mail trước ngày 30 tháng 9 đến địa chỉ info@georgganswein.com

Những người đề xướng chiến dịch này muốn tặng cho Đức Thánh Cha Benedict cuốn sách này cùng với một hộp bút chì. Món quà mang tính biểu tượng này được hiểu như là một dấu hiệu của sự yêu mến, tôn trọng và biết ơn đối với Đức Giáo Hoàng danh dự và cũng là một lời cầu xin ngài đừng ngưng sáng tác.

8. Sáng kiến phò sinh tại châu Âu đã thu thập đủ chữ ký

Trong hơn sáu tháng, qua sáng kiến của các công dân châu Âu mang tên "Là một trong chúng ta" đã làm việc không ngừng để thu thập một triệu chữ ký trình lên Nghị viện châu Âu hầu có thể yêu cầu một cuộc tranh luận chống lại những chính sách phò phá thai. Hôm thứ Thứ Sáu 13 tháng 9, nhóm này đã thông báo là họ đã đạt được mục tiêu. Những người ủng hộ cho sáng kiến này của họ bao gồm Đức Thánh Cha Phanxicô, là người hồi tháng Năm vừa qua đã chúc họ thành công.

Hôm 12 tháng 5, Đức Thánh Cha nói:

"Tôi rất vui mừng khi thấy rất nhiều giáo xứ Ý đã tham gia vào chiến dịch thu thập chữ ký ủng hộ sự sống. Sáng kiến này có tiêu đề 'Là một trong chúng ta, nhằm bảo đảm sự bảo vệ pháp lý cho phôi thai, tức là bảo vệ cuộc sống của con người từ khi bắt đầu."

Mặc dù họ đã vượt quá số lượng chữ ký yêu cầu, tổ chức cho biết họ sẽ tiếp tục thu thập chữ ký cho đến 31 tháng 10. Họ cũng sẽ ăn mừng thành công của mình vào ngày 22, với một bữa tiệc tại mỗi nước tham gia.

Cho đến nay, "Là một trong chúng ta" là sáng kiến thứ hai của các công dân châu Âu đã thu thập đủ một triệu chữ ký. Sáng kiến thứ nhất chủ trương rằng “quyền có nước uống sạch sẽ” phải là một nhân quyền cơ bản, đã được trình lên Nghị Viện Châu Âu một vài tháng trước. Sáng kiến này đã thu thập tất cả các chữ ký chỉ trong phạm vi nước Đức.

"Là một trong chúng ta" được sự hỗ trợ của nhiều nhóm ở các nước châu Âu. Số lượng lớn nhất các chữ ký đã thu được từ Ý là hơn 350.000.

9. Phép lạ bánh Trung Thu tại Hương Cảng

Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân, 81 tuổi, giám mục về hưu cuả Hương Cảng, từ 4 năm nay vẫn làm việc mục vụ để chăm sóc tù nhân, những người cải huấn, cai nghiện, phục hồi chức năng của Hương Cảng.

Ngài thường mua bánh trung thu mỗi năm cho nơi Ngài tới thăm, vì phong tục ở đây là tìm về gia đình trong ngày tết trung thu để có thể chia sẻ những tấm bánh với những người có mặt và không quên để dành những lát bánh cho những người vắng mặt cũng như những người quá cố.

Cho nên, theo Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân, thì tấm bánh trung thu mang một ý nghĩa rất đặt biệt về niềm vui gia đình, về đoàn tụ và hạnh phúc. Tặng bánh trung thu cho tù nhân là một nghiã cử đem lại nguồn an ủi và hy vọng cho họ.

Năm nay, Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân ước vọng có được 10.500 chiếc bánh để tặng cho tất cả mọi tù nhân vào dịp Tết Trung Thu, ngày 19 tháng 9 tới đây. Biết rằng Đức Phanxicô là một người đầy lòng thương xót, Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân nói với AsiaNews, "Tôi đoán rằng Ngài cũng sẽ quan tâm đến việc tặng bánh trung thu cho các tù nhân ở đây". Ngài đã viết thư cho Đức Giáo Hoàng.

Đức Hồng Y đã đoán đúng. Ngài nhận được hồi âm vào ngày 7 tháng 8 cuả Đức Giáo Hoàng như sau: " Thưa Đức Hồng Y quí mến, tôi sẵn sàng tham gia việc tặng bánh trung thu cho các anh chị em của chúng ta trong các nhà tù của Hồng Kông, Chúa Giêsu sẽ nhận ra chúng ta ở ngưỡng cửa Thiên Đàng. Chúc mừng Tết Trung Thu! Thân ái ban phép lành, PP Phanxicô. "

Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân đã nắm bắt lấy cơ hội, Ngài đã in nhiều tấm thiệp với lời hồi âm cuả ĐGH (dịch ra hán văn) và gửi cho những giáo hữu ở Hương Cảng xin họ hãy noi gương Đức Thánh Cha.

Chỉ khoảng 2 tuẩn lễ, tiền quyên góp aò ạt đổ về, lên tới 170,000 đôla Hương Cảng (tức là 22,000 Mỹ Kim), đủ để mua bánh cho mọi tù nhân.

Vào đầu tháng Chín, Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân cho biết, "Tôi đã gửi cho Đức Thánh Cha một hộp bánh Trung Thu và chúc lễ hội đến Ngài. " Đó là một hộp bánh nhân hạt sen có 2 lòng đỏ trứng muối.

Ngài cho biết thêm " Khi tôi đến thăm các tù nhân vào cuối tháng Tám, họ nhắc nhở tôi về bánh trung thu," Ngài mỉm cười. "Tôi chắc chắn rằng họ đã biết việc Đức Thánh Cha Phanxicô hổ trợ sự kiện này, vì họ thường theo dõi tin tức trên các báo. "

Câu chuyện vui đã không ngừng ở đây, nhiều nhà thờ và tổ chức dân sự cũng đã noi gương Đức Thánh Cha, quyên góp bánh trung thu và phân phối đến những người cao tuổi sống một mình và đến các gia đình có thu nhập thấp.

Niềm vui lễ hội đang lan rộng tới tất cả mọi người.

10. Đức Giáo Hoàng nói rằng không có tin đồn nào là vô hại

Trong Thánh lễ sáng hôm 13/09/2013 tại Vatican, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói về những ảnh hưởng của tin đồn. Ngài giải thích rằng không có những tin đồn vô hại và nói thêm rằng khi các Kitô hữu nói xấu người khác, nó gây ra những tác động tàn phá tai hại.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói: "Một Kitô hữu giết người... Không phải tôi nói điều này, mà là Chúa nói. Và không có khác biệt gì cả. Nếu anh nói xấu anh em mình, thì anh em giết chết anh em mình. Và mỗi lần chúng ta nói xấu người khác là chúng ta đang bắt chước cử chỉ của Cain, kẻ giết người đầu tiên trong lịch sử".

Khi bắt gặp người khác có những thiếu sót nghiêm trọng, Đức Thánh Cha nói rằng ta nên cầu nguyện và tìm cách giúp đỡ họ, thay vì đồn đãi công khai về những khuyết điểm của họ.

11. Đức Thánh Cha tiếp kiến Chủ tịch Phong trào Focolare, Maria Voce

Hôm 13/09/2013, lần đầu tiên trong triều đại giáo hoàng của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp đón Chủ tịch của Phong trào Focolare, bà Maria Voce và Giancarlo Falleti, đồng chủ tịch của phong trào Công Giáo được chị Chiara Lubich thành lập năm 1944 tại Ý.

Phong trào Focolare đã lan rộng trên toàn thế giới, và hiện có khoảng hai triệu thành viên. Đặc sủng của họ là thúc đẩy sự hiệp nhất giữa tất cả mọi người. Họ cũng tìm cách tăng cường đối thoại đại kết, và giúp đỡ bất kỳ người nào đã bỏ đạo nhưng mong muốn trở lại với đức tin Công Giáo.

12. Đức Giáo Hoàng Phanxicô tiếp Tân Đại sứ Brazil

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nồng nhiệt tiếp Tân Đại sứ Brazil cạnh Tòa Thánh, ông Denis Fontes, vào sáng thứ Sáu 13/09 tại Vatican. Tân Đại sứ của quốc gia Công Giáo lớn nhất thế giới đã trình quốc thư lên Đức Giáo Hoàng.

Đức Thánh Cha: "Chào mừng ngài!".

Tân Đại sứ Brazil: "Nếu ngài muốn, ngài có thể trò chuyện với tôi bằng tiếng Bồ Đào Nha".

Đức Thánh Cha: "Nhưng ngài nói với tôi bằng tiếng Brazil!"

Là một nhà ngoại giao giàu kinh nghiệm, ông Fontes đến Vatican sau khi đã làm việc tại các đại sứ quán ở Đức, Ecuador, Trung Quốc, Pháp, Nam Phi và Bỉ.

Sau cuộc trò chuyện ngắn, nhà ngoại giao giới thiệu phu nhân và một trong hai con trai của ông, cũng như các nhân viên Đại sứ quán. Chính phủ Brazil đã bổ nhiệm ông tới Vatican ngay trước chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Brazil nhân dịp Đại hội Giới trẻ Thế giới.

Đức Thánh Cha: "Thưa ngài, xin cầu nguyện cho tôi".

Tân Đại sứ Brazil: "Vâng, tất nhiên rồi"

Sau khi trao tặng phái đoàn huy hiệu giáo hoàng, Đức Thánh Cha yêu cầu họ cầu nguyện cho ngài. Ngài kết thúc cuộc hội kiến bằng cách yêu cầu ông đại sứ gửi lời chào của ngài đến Tổng thống Brazil Dilma Rousseff.

Đức Giáo Hoàng đã thể hiện sự yêu mến tuyệt vời dành cho rằng quốc gia Nam Mỹ này. Một trong những cuộc tiếp kiến đầu tiên của ngài dành cho các vị nguyên thủ quốc gia là tiếp bà Rousseff, trong khi chuyến tông du quốc tế đầu tiên của ngài là đến Rio de Janeiro vào tháng Bảy vừa qua.

13. Một nhân chứng mô tả vụ sát hại người Công Giáo ở một làng Kitô giáo Syria

Một người phụ nữ chứng kiến vụ sát hại ba người Công Giáo ở Ma'loula, một ngôi làng Kitô giáo ở Syria bị quân nổi dậy thánh chiến Syria tấn công, đã cung cấp những chi tiết về cái chết của họ cho Thông tấn xã Công Giáo Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng cho các Dân Tộc.

Đức Thượng Phụ Grégoire III (Loutfi) Laham, người đứng đầu Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Melkite Hy Lạp, đã chủ sự tang lễ của họ tại Damascus.

Theo tường thuật của Fides thì quân nổi dậy xông vào "nhiều gia đình thường dân hôm 07 Tháng Chín, phá hủy nhà cửa và khủng bố người dân, phá hoại tất cả những ảnh tượng thánh. Tại một ngôi nhà, có ba người đàn ông Công Giáo Hy Lạp: Mikhael Taalab, người anh em họ của ông là Antoun Taalab, Sarkis el Zakhm, cháu trai của Mikhael, và một người phụ nữ, người thân của họ, người đã thuật lại những gì đã xảy ra".

Bài báo cho biết thêm: "Những người Hồi giáo đã yêu cầu mọi người có mặt phải cải đạo sang Hồi giáo. Sarkis trả lời dứt khoát: ‘Tôi là một Kitô hữu, và nếu muốn giết tôi bởi vì tôi là một Kitô hữu, thì hãy cứ giết’. Người đàn ông trẻ tuổi cùng với hai người kia đã bị những kẻ máu lạnh sát hại. Người phụ nữ bị thương và được cứu sống một cách lạ lùng, sau đó bà được đưa đến một bệnh viện ở Damascus".

14. Đức Giáo Hoàng: Tất cả mọi người có trách nhiệm đối với các Kitô hữu tại Thánh Địa

Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp đón phái đoàn của Hội Hiệp sĩ Thánh Mộ, là nhữg người chịu trách nhiệm hỗ trợ về kinh tế cho các Kitô hữu tại Thánh Địa.

Trong diễn từ của mình, Đức Giáo Hoàng nói rằng ngài cầu nguyện hằng ngày cho tất cả các Kitô hữu sống trong khu vực. Ngài cũng cám ơn Tu hội về sự phục vụ của họ. Đức Thánh Cha nói thêm rằng vùng đất của Chúa Giêsu có nhiều người túng thiếu, nhưng cảnh báo rằng đức tin không loại trừ bất cứ một ai khỏi trách nhiệm ra sức xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn.

15. Đức Giáo Hoàng ra bài tập về nhà cho các tín hữu tham dự buổi triều yết chung: Anh chị em hãy tìm ngày mình được Rửa Tội!

Một điều khá rõ ràng là Đức Thánh Cha thích ở giữa mọi người, chào thăm họ, nhận thư và những món quà tượng trưng của họ. Phải mất khoảng 40 phút để ngài đi khắp Quảng trường Thánh Phêrô theo cách của mình khi ngài dừng lại dọc đường để chào mọi người trong buổi triều yết chung hàng tuần của ngài. Không muốn bỏ sót bất cứ ai, ngài đã chào thăm hơn 100 người.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói: "Tôi đã bỏ lỡ một người ở đó".

Trong buổi triều yết chung hôm nay, Đức Thánh Cha đã nói về mối quan hệ giữa những người mẹ và con cái họ. Ngài giải thích rằng Giáo Hội cũng giống như một Người Mẹ, bởi vì qua Bí tích Rửa Tội, Giáo Hội mang đến một đời sống – đời sống đức tin.

Đức Thánh Cha Phanxicô đặt câu hỏi: "Có bao nhiêu người trong anh chị em nhớ ngày Rửa Tội của mình? Có một vài cánh tay giơ lên ở đó... Nhưng nhiều người không biết! Họ nói rằng: Tôi nghĩ nó rơi vào Lễ Phục Sinh hay Giáng Sinh. Ngày Rửa Tội của chúng ta là ngày sinh của chúng ta trong Giáo Hội, ngày Giáo Hội Mẹ sinh ra chúng ta, thật đẹp làm sao".

Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh tầm quan trọng của Bí tích này, thậm chí ngài đã cho những người hành hương một số bài tập về nhà. Ngài hỏi họ tìm xem khi nào mình được Rửa Tội.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói: "Để mừng nó, để dâng lên Chúa lời cảm tạ vì một món quà như thế. Anh chị em sẽ làm điều đó chứ? Đúng vậy, đó là bài tập về nhà, được chứ?".

Đức Thánh Cha Phanxicô nói thêm rằng Giáo Hội chăm sóc đứa con mình trong suốt cuộc đời của họ, giống như bất kỳ người mẹ nào. Đó là lý do tại sao tất cả mọi người được rửa tội là một phần của Giáo Hội.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói: "Giáo Hội không chỉ dành cho các linh mục. Tất cả chúng ta là thành phần của Giáo Hội. Nếu anh chị em nói mình tin vào Thiên Chúa, mà không nằm trong Giáo Hội, là anh chị em nói rằng anh chị em không tin vào chính mình, và đó là sự mâu thuẫn. Tất cả chúng ta là Giáo Hội, tất cả chúng ta. Từ đứa trẻ mới Rửa Tội cho đến các giám mục và Giáo Hoàng, tất cả chúng ta".

Đức Thánh Cha cũng chỉ ra rằng con cái Giáo Hội cần phải nắm lấy tình huynh đệ, rao giảng Tin Mừng và giúp đỡ những người nghèo khó.

16. Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp Tổng Thư ký Tổ chức Các Quốc gia Mỹ Châu

Hôm 12/09/2013, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp Tổng thư ký Tổ chức Các Quốc gia Mỹ Châu (OSA), là ông José Miguel Insulza. Ông Insulza cho rằng việc bầu chọn Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã là một sự công nhận sự lớn mạnh của Giáo Hội Công Giáo tại Mỹ Châu Latin.

Đức Thánh Cha nói: "Hân hạnh được gặp ngài".

Tổng thư ký José Miguel Insulza đáp: "Tôi cũng vậy"

Đức Thánh Cha: "Cảm ơn ngài rất nhiều vì đã thăm hỏi tôi".

Sau kết quả cuộc bầu chọn Giáo hoàng, ông Insulza thấy được tầm quan trọng của việc báo cáo với Đức Giáo Hoàng về các dự án ở OAS.

Tổ chức của ông cố gắng để tăng cường đối thoại giữa tất cả các quốc gia ở Mỹ châu về nhiều vấn đề, đặc biệt là các vấn đề về nhân quyền.

Cuộc hội kiến diễn ra trong bầu khí thân thiện. Như thường lệ, kết thúc cuộc gặp hai vị đã tặng quà lưu niệm cho nhau.

17. Đức Giáo Hoàng tiếp Thủ tướng Thái Lan: "Xin cầu nguyện cho tôi"

Hôm 12/09/2013, Đức Giáo Hoàng Phanxicô và Thủ tướng Thái Lan, bà Yingluck Shinawatra, đã có cuộc gặp gỡ tại Vatican. Trong cuộc hội kiến, họ trao đổi về mối quan hệ giữa Nhà Nước và Giáo Hội Á Châu, nhấn mạnh đến việc cùng nhau làm việc đã chứng minh cho sự thành công vượt bật trong các chương trình trợ giúp xã hội và giáo dục của đất nước này.

Thủ tướng Thái Lan đã tặng Đức Giáo Hoàng một bộ chân nến nạm đá quý. Đức Thánh Cha Phanxicô đã tặng Nữ Thủ tướng một cây viết tương tự như thiết kế của chiếc cột bàn thờ Thánh Phêrô.

Khi họ nói lời chào tạm biệt, Đức Giáo Hoàng nói một vài từ bằng tiếng Anh, yêu cầu Thủ tướng dành cho một đặc ân:

"Xin cầu nguyện cho tôi. Xin Chúa ban phép lành cho bà".

Sau cuộc hội kiến, phái đoàn Thái Lan đã có cuộc gặp gỡ Quốc Vụ khanh Toà Thánh, Đức Hồng Y Tarcisio Bertone.