Ngày 19-09-2008
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ly dị và tái hôn trong các phúc âm nhất lãm (2)
Vũ Văn An
00:26 19/09/2008
Ly dị và tái hôn trong các phúc âm nhất lãm

2. Giáo Huấn Của Chúa Giêsu trong Máccô 10:1-12 (4)

Phiên bản của Máccô được lồng trong một bối cảnh có tính đời thực, thuật lại cuộc tranh luận giữa Chúa Giêsu và một nhóm Biệt Phái. Liệu đây là một tường trình thực sự hay là một hư cấu hữu ích, ta không có cách chi biết chắc (5). Đi trước chính cuộc tranh luận về ly dị, ta thấy có lời giới thiệu các nhân vật liên hệ đó là Chúa Giêsu và các Biệt Phái. Trước đó, khi còn ở nhà tại Capernaum (9:33) (6), Chúa Giêsu đã dạy Nhóm Mười Hai về trẻ em và những người bé mọn: việc đối xử với họ được coi là việc đối xử với chính Ngài. Nhưng nay Ngài lên đường rời Capernaum để du hành 80 dặm về hướng nam để vào lãnh thổ Judea và vượt qua Sông Jordan. Một lần nữa, đám đông lại đến với Ngài và cùng Ngài di chuyển đó đây. Và một lần nữa, Ngài lại dạy dỗ họ, như Ngài thường làm. Vì Chúa Giêsu vốn là một rabbi - một thầy dạy. Ta cần nhớ tước hiệu này trong bối cảnh rất nhiều đoạn văn khác trong đó Máccô miêu tả Ngài như một thầy dạy ngoại hạng của Do Thái Giáo. Cả bằng hữu lẫn kẻ thù đều gọi Ngài là “rabbi” - Thầy (7). Ngài dạy trong hội đường (1:2 và 6:2), và trong đền thờ (11:17; 12:35; và 14:49), và ở các nơi Ngài du hành (6:7).

Và đây là điểm các người Biệt Phái đến để thử Chúa Giêsu – xem Ngài có là một người thầy đúng nghĩa hay không, nghĩa là có giảng dạy theo luật Môsen hay không. Cũng như tại 8:11f và 12:13f, những trường hợp trước và sau trường hợp này trong đó Biệt Phái đến tiếp xúc với Ngài, và đó là những trường hợp duy nhất trong đó Máccô sử dụng kiểu nói “để thử Người”, ở đây, Máccô trình bầy người Biệt Phái như là đối thủ của Ngài đến với ý đồ cho Ngài vào bẫy. Có lẽ họ đã nghe người khác nói rằng về vấn đề các ông chồng Do Thái rẫy vợ, Chúa Giêsu có quan điểm ngược lại luật lệ. Bởi thế họ đối chất Ngài để tự tay tìm ra quan điểm bất đồng ấy (8). Và họ tin tưởng rằng khi họ làm thế, họ có thể chứng minh được rằng Ngài đi ngược lại Môsen. Một khi làm được điều ấy, họ có thể hạ giá Ngài trước mặt công chúng là những người vốn nhìn nhận Ngài là một bậc thầy, không giống như họ, nhưng đã ‘giảng dạy những điều mới lạ - với uy lực và thẩm quyền” (1:27). Nhưng Chúa Giêsu sẽ cho họ thấy điều ngược lại mới đúng, nghĩa là lệnh truyền của Môsen về việc chồng rẫy vợ đi ngược lại điều Thiên Chúa đã ra lệnh ngay từ buổi đầu dựng nên vũ trụ về mối tương quan giữa chồng và vợ.

Trong phiên bản Máccô, đối với truyền thống Nhất Lãm này, lời của Chúa Giêsu trước hết ngỏ với một cử tọa kép và đa dạng, sau đó mới ngỏ với một cử tọa đơn nhất và đồng bộ. Nói cách khác, trong Máccô, Chúa Giêsu thoạt đầu đưa ra quan điểm của mình về cuộc tranh chấp với người Biệt Phái trong khi các môn đệ Ngài thì lắng nghe. Sau đó, khi còn lại một mình với các môn đệ, và có lẽ do lời yêu cầu bối rối của họ, Ngài trình bầy chính xác hơn giáo huấn của Ngài: “Khi về đến nhà, các môn đệ lại hỏi Người về điều ấy. Người nói…” (10:10-11). Như thế, nếu nói về ý định của Chúa Giêsu mà thôi, nghĩa là một ý định tách biệt khỏi những điểm khác trong ngôn từ của Ngài, thì Máccô quả đã hướng nó trước nhất vào người Biệt Phái và qua họ vào dân Do Thái nói chung. Sau đó, trong cuộc đàm thoại thứ hai, ông mới hướng ý định của Chúa Giêsu vào các môn đệ của Ngài (và qua họ vào cả dân Do Thái nữa chăng?). Và vì Máccô nhắc lại lời Chúa Giêsu 35 năm sau khi chúng được nói ra, nên ông cho rằng có thể áp dụng chúng cho cộng đoàn Kitô Giáo mà ông đang soạn phúc âm này cho, tức cộng đoàn tín hữu Rôma. Dù cho ta không biết loại cử tọa ông muốn nhắn gửi phúc âm này, hẳn ta vẫn có thể đoán được họ không phải là những người Do Thái vùng Palestine đang sống dưới luật Môsen, nhưng là một cộng đoàn bên ngoài Palestine thuộc đủ cả hai nguồn sắc tộc Do Thái và Ngoại Đạo đang sống dưới luật Rôma và không biết chắc mình buộc phải theo luật Môsen đến mức nào, cái luật chứa đựng trong Thánh Kinh mà chính họ đã coi là của riêng. Trong câu 12, Máccô cho hay Chúa Giêsu ngăn cấm người vợ không được bỏ chồng, một lệnh cấm vô nghĩa đối với cử toạ Do Thái sống tại Palestine, vì luật Môsen không có điều khoản nào cho phép người vợ làm điều ấy, kể cả nền tư pháp tư tế vào thời Chúa Giêsu cũng vậy. (Như thế, hiển nhiên, Máccô, cũng như Luca, và cả Mátthêu lẫn Phaolô trong 1 Cor 7, như ta sẽ thấy, đã tự ý duyệt lại lời Chúa Giêsu và thêm thắt vào đó. Câu 12 được coi như một thêm thắt hiển nhiên nhất trong Máccô).

Người Biệt Phái khởi đầu cuộc thách thức của họ bằng một câu chất vấn khá đột ngột trong câu 2: "Thưa Thầy, chồng có được phép rẫy vợ không? " (thể vô định trong nguyên bản Hy Lạp của Máccô là apolúein giống như trong Luca (9). Nó được dùng mô tả cách đơn giản và chính xác thủ tục ly dị của người Do Thái thời Chúa Giêsu).

Trong câu 3, câu trả lời của Chúa Giêsu cũng thẳng thừng như câu hỏi của người Biệt Phái, nhưng bằng một câu hỏi ngược lại: " Thế ông Môsen đã truyền dạy các ông điều gì?". Sự giả thiết trong cách sử dụng động từ của Chúa Giêsu ở đây hiển nhiên đã chọc giận người Biệt Phái vì nó thách thức chính giả thiết riêng của họ. Phản ứng của họ trước thách thức này thấy rõ trong câu họ trả lời câu hỏi của Chúa Giêsu trong câu 4. Họ chỉnh lại Ngài, vì họ nhấn mạnh rằng Môsen không truyền dạy họ nhưng " đã cho phép viết giấy ly dị mà rẫy vợ".

Nhưng trong câu 5, Chúa Giêsu vẫn một mực dùng động từ ấy "Chính vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Môsen mới viết điều răn đó cho các ông”. Luận lý tôn giáo của Chúa Giêsu ở đây, dù rất quen thuộc đối với người Do Thái thời Ngài và trước đó nữa, nhưng khá xa lạ đối với tâm trí tôn giáo của người Phương Tây. Dưới con mắt Chúa Giêsu, việc cho phép hợp lệ để người chồng bỏ vợ là một lệnh truyền do Môsen đưa ra khiến người chồng bó buộc phải bất tuân lề luật của Chúa, nhưng chỉ bó buộc vì cái lòng dạ chai đá của họ mà thôi. Đây là lời giải thích có tính tiên tri tương hợp với nhiều thời điểm có ý nghĩa trong lịch sử dân Do Thái. Họ đã bao lần bất trung với các lệnh truyền của Thiên Chúa. Một trong các hậu quả của sự bất trung này là Ngài đã ban cho họ ‘những luật lệ không tốt”, không hẳn để trừng phạt cho bằng để họ nhận ra Ngài vẫn còn là Chúa Tể của họ. Đây chính là tư tưởng của Ezekiel trong sách tiên tri của ông (20:25) trong đó, ông nói thay lời Giavê, Đấng đang nhắc họ nhớ lại lịch sử bất tuân của họ: “Ta ban cho chúng những luật lệ không tốt, những lệnh truyền chúng chịu không nổi…để chúng nhận ra rằng Ta là Giavê”. Sự bất trung này tệ hại nhất khi Môsen, từ trên Sinai đi xuống với hai tấm bia giới luật, chứng kiến dân đang thờ con bò vàng. Ở đây, Chúa Giêsu muốn hàm ý rằng cái tục đã thành lệ cho phép đuổi những người vợ mình không thích kia chính là việc tiếp diễn cái tinh thần bất trung ấy, và chính vì vậy mà dân đã được ban cho “những luật lệ không tốt”. Lòng chai dạ đá của họ đã mang đến cho họ lệnh truyền của Môsen phải xua đuổi vợ. Nếu họ không cứng lòng như thế, họ đâu có tiếp nhận lệnh truyền và phép tắc như thế.

Người Biệt Phái thách thức giáo huấn của Chúa Giêsu về lòng thủy chung đối với luật Môsen, và một cách kém hơn đối với ý Thiên Chúa. Chúa Giêsu không kết thúc việc phản thách thức của Ngài bằng cách chỉ cho họ thấy họ đã hiểu lầm lệnh truyền của Môsen về việc khoan nhượng đối với lòng dạ cứng cỏi của họ, và cũng chỉ cho họ thấy lệnh truyền ấy không phải là lệnh truyền của Chúa, mà là lệnh truyền của Môsen buộc họ tiếp tục bất tuân ý Thiên Chúa y như cha ông họ trước đây từng bướng bỉnh làm như thế.

Chúa Giêsu còn đi xa hơn thế. Ngài đẩy việc phản thách thức của Ngài vượt quá Môsen trở về với chính ý Thiên Chúa. Trong câu 6, Ngài cho họ thấy điều đáng lý ra họ đã phải biết từ lâu do việc trích dẫn các lời của Sách Sáng Thế mà đáng lý ra họ không nên hiểu lầm. Từ bài ca sáng tạo (St 1:27b), Ngài nhắc họ: “Còn lúc khởi đầu công trình tạo dựng, Thiên Chúa đã làm nên con người có nam có nữ…”. “Từ lúc khởi đầu” gợi cho người Biệt Phái điều này: việc họ giải thích mối liên hệ vợ chồng không phải là điều được Thiên Chúa dự kiến từ thuở đầu, và giải thích ấy chỉ là sáng chế mới mẻ của chính họ, một sáng chế đi ngược lại ý định của Chúa dành cho hôn nhân.

“…con người có nam có nữ”: kế sách của Thiên Chúa là phải có hai giới tính bổ túc cho nhau; do đó, hôn nhân là kế sách của Ngài và Ngài có quyền đòi nó phải hành xử theo ý muốn của Ngài (10).

Một khi Chúa Giêsu đã đẩy luận chứng của Ngài trở lại với các trích đoạn Sáng Thế, trí nhớ các thính giả của Ngài hẳn đã lược lại đầy đủ điều những câu này muốn nói về mối liên hệ đàn ông đàn bà mà Thiên Chúa đã vẽ ra. Động lực khiến Ngài đem người đàn bà vào cuộc hiện hữu là chính nhu cầu của người đàn ông: “Thiên Chúa phán: ‘đàn ông ở một mình không tốt’” (2:18a). Trước đó, người đàn ông đã được đặt để trong vườn đầy vui khoái để trông coi và quản trị mọi cư dân của nó. Nhưng cuộc sống anh có cái gì đó chưa đầy đủ, bất hạnh là đàng khác. Nên Thiên Chúa là Chúa Tể bèn quyết định: “Ta sẽ làm cho hắn một người hùn hạp xứng hợp” (2:18a). (Phần lớn các bản tiếng Anh thường dịch là người trợ lực – helpmate. Lối dịch này làm nghèo nghĩa chữ đi nhiều lắm vì danh từ tiếng Hibri nghĩa đen vốn chỉ “một ai đó song hành với hắn” [someone alongside him] hay “một ai đó xứng hợp với hắn” [someone suited to him]. Hữu thể Thiên Chúa là Chúa Tể cung cấp cho nhu cầu người đàn ông lúc ấy đang cô độc lẻ loi phải là một ai đó cùng dự phần hùn hạp [partner] với anh ta hơn là người trợ lực).

Theo dụ ngôn trên, khi việc tạo hình mọi giống vật khác đã không sản sinh được người dự phần hùn hạp xứng hợp, Thiên Chúa là Chúa Tể bèn “làm cho người đàn ông mê mệt ngủ, rồi trong khi anh ta ngủ mê ngủ mệt như thế, Ngài lấy một trong những chiếc xương sườn của anh ta rồi lấy thịt đắp lại chỗ trống ấy. Đoạn Thiên Chúa là Chúa Tể dùng chiếc xương sườn Ngài đã lấy ra từ người đàn ông mà làm thành một người đàn bà” (2:21-22). Như thế, Thiên Chúa đã ban cho anh ta một hữu thể cùng một loài với anh ta vì để anh ở một mình là điều không tốt chút nào. Nhưng hữu thể ấy cũng lại khác biệt rõ nét đối với anh, và sự khác biệt đó chính là khác biệt giới tính. Nàng là một người đàn bà.

Lời anh chào đón nàng, lời anh phán định đối với người dự phần hùn hạp mới mẻ này của anh, hết sức phong phú về ý nghĩa: “có thế chứ, đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi” (2:23). Để hiểu được những lời này có nghĩa nhiều hơn việc người đàn ông nhìn nhận người đàn bà có cùng chất liệu vật thể như mình, hay cả việc nàng được rút ra từ chính thịt và xương của mình, ta cần xem sét cái nghĩa thấp hèn nhất của các từ ngữ này. “Thịt và xương” tạo thành một chữ cặp xuất hiện nhiều lần trong Cựu Ước. “Thịt” tự nó không những có nghĩa là thành tố của cơ thể, mà trong một số bối cảnh còn có thể chỉ tính chất nhục thân và ngay cả yếu đuối nhân bản nữa. Tóm lại, nó chỉ “xác thịt-mềm yếu”. Xương trái lại có nghĩa cứng cáp và sức mạnh, “xương-mạnh”. Nhưng nếu phối hợp cả hai chữ lại với nhau, thì chúng có ý nghĩa hơn hẳn hai thực tại đứng gần nhau. Cùng với nhau, chúng tạo ra một ý nghĩa mới hẳn, và ý nghĩa này vượt quá sức mạnh và sự yếu đuối thể lý. Xác thịt-mềm yếu và xương-mạnh là hai phản đề trong thế phối hợp (two antitheses in combination), hai phản đề bao hàm không những hai cực đoan mà là mọi mức độ giữa chúng với nhau. Chúng bao hàm trọn bộ hết mọi nét độc đáo trong cá tính con người, từ điểm yếu nhất đến điểm mạnh nhất.

Như thế, khi người đàn ông nói với người đàn bà rằng nàng là “xương bởi xương tôi và thịt bởi thịt tôi”, anh ta có ý muốn nói nàng sẽ chia sẻ cái mạnh, cái yếu và tất cả những gì nằm giữa hai điểm ấy của anh ta. Nàng sẽ là người dự phần hùn hạp với anh ta trong mọi bất ngờ của cuộc đời. Liên hệ của họ sẽ là liên hệ đồng hành (companionship) không một hoàn cảnh đổi thay nào có thể phân rẽ được. Nó phải là một liên hệ của bất biến, của thủy chung như nhất (11).

Ta có thể đo lường sức mạnh trong luận điểm của Chúa Giêsu bằng cách trích dẫn kiểu nói ‘Ngài dựng nên họ có nam có nữ’ của Sách Sáng Thế với điều kiện phải chú ý phân biệt được hai loại lời truyền dạy về tác phong thường được dùng trong các sách thánh của Do Thái. Một là halakha, hay luật tất yếu (apodictic law) nghĩa là lệnh truyền nói chính xác điều phải làm hay không được làm. Bộ Luật Về Sự Thánh Thiện Hợp Luật trong sách Lêvi 17-26 chính là loại lệnh truyền halakha này. Loại lệnh truyền kia gọi là haggadha, tức tấm gương làm điều đúng được nêu ra như một lý tưởng, một mục tiêu cần phải ráng vươn tới. Câu truyện tả lại sự kiên nhẫn của Ông Gióp trong cơn thử thách là một haggadha mở rộng.

Những người Biệt Phái đang tranh luận với Chúa Giêsu ở đây là những thầy thông luật. Họ hết sức quen thuộc với những điều được đặt thành luật hay được truyền dạy một cách chuyên biệt. Cho nên họ có thể chỉ nhận câu trích của Chúa Giêsu về quyết định của Thiên Chúa tạo ra con người đầu tiên có nam có nữ, một chồng một vợ như là một haggadha, một việc cặp đôi nguyên sơ và đầy lý tưởng, chứ không có gì khác. Họ không bao giờ nhìn ra trong đó có cái sức mạnh trói buộc của một lệnh truyền không hàm hồ của Thiên Chúa, một điều hết sức hiển nhiên trong bài ca tạo dựng (1:28): “hãy phong phú sinh nở đầy tràn mặt đất và hãy thống trị nó”. (Để vâng theo lệnh truyền này, họ đã sẵn sàng rẫy bỏ những người vợ son sẻ của họ, hay không cùng họ ‘thống trị được mặt đất’) (12). Lệnh truyền trên vì thế không có sức trói buộc đối với họ ngoại trừ Chúa Giêsu mở rộng ý nghĩa của nó để liên kết nó với halakha. Điều ấy, Chúa Giêsu đang làm lúc này và Ngài làm thế bằng cách lại nại tới cái phần của Torah mà người Biệt Phái cố tình làm ngơ, đó là dụ ngôn Vườn Địa Đàng trong Sáng Thế 2.

Ngài trích dẫn: “vì lý do đó, người đàn ông sẽ lìa bỏ cha mẹ mình mà gắn bó với vợ; và cả hai sẽ nên một thân xác” (2:24). Đây rõ ràng là halakha, luật và lệnh truyền từ kế hoạch Thiên Chúa mà ra. Có lý để suy luận rằng ở điểm này, Chúa Giêsu có cùng chung một ý định như tác giả dụ ngôn. Điều này là để làm sáng tỏ tình thân mật và tính toàn bộ (totality) của liên hệ tính dục đầu hết, một mẫu mực hôn nhân do Thiên Chúa thiết dựng. Hai động từ trong lệnh truyền này thuộc ngôn ngữ giao ước. Trước nhất, chúng muốn nói rằng người đàn ông sẽ ‘lìa bỏ’ cha mẹ mình (động từ tiếng Hibri là asav). Anh ta thực hiện điều đó để bước vào một giao ước mới, giao ước này chính là giao ước với người đàn bà vợ anh ta. Anh ta kết hiệp với nàng; anh ta gắn bó với nàng (động từ tiếng Hibri là davaq, cũng là một từ có tính giao ước).

Như thế, Chúa Giêsu chỉ cho người Biệt Phái điều rõ ràng họ đã quên khuấy. Để là chồng là vợ, người đàn ông và người đàn bà phải bước vào và sống mối cam kết giao ước đối với nhau. Và đó là mối cam kết qúy giá nhất, qúy hơn cả tình quyến luyến và yêu thương người đàn ông dành cho cha mẹ. Vì nó đòi hỏi anh phải “lìa bỏ” họ.

Trong lệnh truyền này, Chúa Giêsu cho vào những lời cuối cùng trong bình luận của tác giả theo khuynh hướng Giavê về dụ ngôn này: “…và cả hai nên một thân xác”. Tham chiếu ở đây không hẳn trước nhất nhằm vào kết hiệp tính dục, mặc dầu điều ấy được hàm ý và có ý định. “Thân xác” ở đây chỉ bản chất của một người trong cái mau chết và mỏng dòn của nó. Mở rộng ra, nó cũng chỉ căn tính nhân bản của người ấy. Như thế, khi nhắc lại điều trên, tức lời bình luận sau cùng theo khuynh hướng Giavê về sự kết hiệp đàn ông đàn bà, Chúa Giêsu muốn nhắc nhở người Biệt Phái rằng theo ý muốn Thiên Chúa, trong hôn nhân, người đàn ông kết hiệp với vợ mình đến nỗi họ trở thành một con người theo luật và trước mặt người ta. Với nhắc nhở ấy, Chúa Giêsu muốn hàm ý ít nhất hai điều. Nếu người đàn ông không nghĩ tới việc hủy hoại mối liên hệ ít qúy giá hơn với cha mẹ anh ta, thì làm sao anh ta có thể nghĩ đến việc hủy hoại mối liên hệ qúy giá hơn của mình với vợ? Và nếu khi kết hôn, người đàn ông trở nên “một thân xác” với vợ mình, nghĩa là một con người theo luật và trước mặt người ta, thì làm thế nào anh ta lại có thể hủy bỏ chính con người của mình? (Thánh Phaolô sau đó cũng đã nói lên cùng một tư tưởng ấy trong thư Êphêsô 5:28-29 khi dạy các ông chồng Kitô hữu của cộng đoàn ấy phải yêu thương vợ mình ra sao: “Cũng cách đó, các ông chồng phải thương yêu vợ mình như yêu thương chính thân xác mình; vì người đàn ông yêu vợ là yêu chính mình. Người đàn ông không bao giờ ghét thân xác mình, nhưng nuôi sống và chăm sóc thân xác ấy…”).

Trong câu 9, Chúa Giêsu kết thúc luận chứng của mình với người Biệt Phái bằng cách thêm chính halakha của riêng Ngài. Đó là một lệnh truyền không hàm hồ và được nhấn mạnh hơn cả: “Do đó, sự gì Thiên Chúa đã kết hiệp, con người không được phân ly”. Động từ trong bản văn Hy Lạp của Tân Ước mang theo một ý nghĩa rất mạnh mẽ “…sự gì Thiên Chúa đã kết hiệp” đã được viết là synzeugnúein, và “…không được phân ly” được viết là chorízein. Ở đây, thể chủ động của hai động từ ngoại động (transitive verbs) này nguyên tuyền diễn tả điều bản tiếng Việt dịch là “kết hiệp” và “phân ly”. Việc sử dụng chúng càng có nghĩa mạnh hơn nhờ mối quan hệ gần gũi của chúng với nghĩa mà trong ngữ vựng văn hóa của Máccô chúng có được khi dùng chúng ở thể giữa (middle voice): synzeugnýthai lúc ấy có nghĩa là “kết hôn”; chorízethai lúc ấy có nghĩa là “ly thân” khỏi chồng hay vợ. (Đây cũng là một thí dụ trong đó các động từ Hibri lấy gốc từ tiếng Hy Lạp. Để nói “kết hiệp với nhau”, các rabbis thời ấy dùng chữ ziwwegh hay zawweg, lấy từ chữ zeugnúein của Hy lạp. Dù các động từ này vốn có nghĩa là “kết hiệp với nhau” đã đành, nhưng chúng cũng được dùng để chỉ việc Thiên Chúa kết hiệp người chồng và người vợ (13). Còn hình thức izdawwagh thì nghĩa là “lấy nhau”). Thành thử ra, điều Chúa Giêsu nói với người Biệt Phái cũng tương tự như nói “Điều Thiên Chúa đã kết duyên nên một, con người không được ly dị”. Nói cách khác, chủ nhân ông của hôn nhân không phải là người chồng, mà là Chúa. Chính thẩm quyền Thiên Chúa đã kết hiệp anh ta với vợ. Cho nên, không một người nào, kể cả người chồng, có thẩm quyền phân ly họ, và bất cứ mưu toan nào làm như thế là một mưu toan tiếm đoạt thẩm quyền Thiên Chúa. Do đó, cũng không phải ý chí của người chồng đã duy trì việc kết hiệp giữa anh ta và người vợ, mà là ý chí của Thiên Chúa. Người chồng luôn luôn nằm dưới phán xét của Thiên Chúa về việc đối xử với vợ mình.

3. Cuộc ĐàmThoại Sau Đó Với Các Môn Đệ, Máccô 10:10-12

Cuộc tranh luận với nhóm Biệt Phái được tiếp diễn và kết thúc trong cuộc đàm thoại giữa Chúa Giêsu và riêng các môn đệ (các câu 10-12): “Khi về đến nhà, các môn đệ lại hỏi Ngài về điều ấy”. Những môn đệ từng nghe cuộc trao đổi với người Biệt Phái hình như cho rằng điều Ngài nói với nhóm này cũng có hậu quả đối với họ. Cho nên họ muốn biết chi tiết về các hậu quả này.

Rất có thể cuộc đàm thoại thứ hai này chỉ là một hư cấu có ích mà một số nhà chú giải cho là Máccô đã sử dụng. Vì Máccô vốn có trách vụ đặc biệt làm thầy dạy cho cộng đoàn Kitô hữu thuộc thế hệ thứ hai, một cộng đoàn được ngài viết phúc âm này cho. Trong khi giáo huấn và lệnh truyền của Chúa Giêsu được ngỏ riêng với cử tọa Do Thái sống dưới một lề luật chỉ cho phép người chồng được ly dị bằng cách rẫy bỏ vợ, thì cử tọa của Máccô (ít nhất cũng là thành phần dân ngoại của cử tọa này) lại sống dưới lề luật Rôma, một lề luật cho phép cả người vợ được quyền “rẫy bỏ” chồng và còn cho phép cả hai được hủy tiêu hôn nhân của họ bằng cách bỏ bê nó, rút lại ý muốn kết hôn với nhau.

Nếu cuộc đàm thoại này là một hư cấu (14), thì điều Máccô muốn thực hiện là nhân cơ hội các môn đệ đặt câu hỏi, ngài để Chúa Giêsu cặn kẽ giáo huấn chính cử tọa Rôma của ngài về các hậu quả thực tiễn đối với họ do việc Chúa đặt để lề luật cho người Biệt Phái. Một trong các hậu quả này là một thứ phó sản bất ngờ từ đó mà ra, tức điều Chúa giải thích trong câu 11, rằng bất cứ ai rẫy vợ và cưới người khác là phạm tội ngoại tình đối với nàng. (Ở đây, động từ trong câu thứ nhất cũng là động từ đã được dùng trong bản tiếng Hy Lạp nói về cuộc đàm thoại thứ nhất, tức cuộc tranh luận với người Biệt Phái. Đó là động từ apolúein, một động từ đã được các dịch giả Sách Torah của Bản Bẩy Mươi chọn trước đó gần hai thế kỷ để chỉ việc người chồng rẫy bỏ vợ mình). Như thế, Máccô đã để Chúa Giêsu thay đổi câu định nghĩa về ngoại tình đối với các thính giả Do Thái của mình. Cho đến lúc ấy, người đàn ông, dù đã lập gia đình hay không, chỉ phạm tội ngoại tình khi giao hợp với vợ hay vị hôn thê của một người đàn ông khác. Và nếu một người đàn ông phạm tội ngoại tình như thế, thì đó không phải là một vi phạm chống lại vợ mình nhưng là chống lại người chồng hay người vị hôn phu kia. Tội ngoại tình của anh ta không phải là tội bất trung đối với vợ mình mà là một vi phạm chống lại quyền độc hữu của người đàn ông kia trong việc làm tình với người vợ hay người hôn thê của họ, nghĩa là vi phạm đến quyền tư hữu của họ. (Nếu người chồng giao hợp bên ngoài hôn nhân với một người đàn bà chưa có chồng hay chưa đính hôn thì đó không phải là ngoại tình. Nhưng khi người vợ giao hợp với bất cứ người đàn ông nào khác không phải là chồng mình, dù người ấy có gia đình hay không, thì đó vẫn là ngoại tình, một vi phạm chống lại quyền độc hữu của chồng được làm tình với nàng). Nhưng giờ đây, theo Chúa Giêsu, việc người chồng rẫy bỏ vợ và cưới người đàn bà khác chính là tội ngoại tình, tội bất trung chống lại vợ mình, một vi phạm chống lại mối liên hệ giao ước giữa họ với nhau (15).

Các lời kết luận của Chúa Giêsu trong câu 12 gần như chắc chắn là do Máccô thêm vào. Ngài để Chúa Giêsu phán: “và ai bỏ chồng để lấy chồng khác, thì cũng phạm tội ngoại tình." Động từ apolúein trong câu điều kiện cách này cũng y hệt như động từ trong câu 11 nói về hành vi của người chồng, nghĩa là việc anh ta đơn phương rẫy bỏ vợ. Một giáo huấn như thế nhằm vào người Do Thái đang sống dưới một lề luật chưa bao giờ quan niệm được việc người vợ, ít nhất trong thời Chúa Giêsu, có quyền rẫy bỏ chồng quả là điều không thực tiễn chút nào. Ấy thế nhưng nó lại không bất thực tiễn chút nào trong bối cảnh lịch sử xã hội tức trong cộng đoàn Kitô giáo tại Rôma lúc ấy, mà theo truyền thống thì đó là cộng đoàn chính Máccô soạn phúc âm của mình cho.

Ta có thể lý giải luật Rôma về ly dị theo hai cách tuy khác biệt nhưng có liên hệ mật thiết với nhau. Ngoài việc tiêu hôn do hai vợ chồng tự ý cùng nhau rút lui ra, luật còn cho phép bất cứ bên nào được quyền chấm dứt cuộc hôn nhân của mình bằng cách rẫy bỏ người kia. Hay ta có thể nói rằng dù không ai được rẫy bỏ người kia đi chăng nữa, thì bất cứ ai trong họ cũng có quyền đơn phương rút lui khỏi cuộc hôn nhân ấy.

Việc Máccô chọn động từ apolúein để chỉ thứ ly dị mà Chúa Giêsu ngăn cấm cả chồng lẫn vợ cho thấy nếu ngài thích ứng giáo huấn của Chúa Giêsu vào các Kitô hữu đang sống dưới luật Rôma, hẳn nhiên ngài đã lý giải luật ấy như đã cho phép bất cứ người phối ngẫu cũng được quyền ly dị người kia. Dù thế nào, xem ra Máccô cũng cảm thấy thư thái trong việc viết ra những dòng này để Chúa Giêsu nói, vì tin tưởng rằng mình biết chắc Ngài sẽ nói như thế nếu gặp hoàn cảnh phải nói với các môn đệ hiện sống dưới luật Rôma.

Dù vậy, vẫn tồn đọng một vấn đề nữa cũng quan trọng chẳng kém. Nếu Máccô để Chúa Giêsu ngăn cấm việc chấm dứt hôn nhân bằng việc vợ chồng rẫy bỏ nhau (hay chấm dứt hôn nhân bằng đơn phương bỏ rơi người phối ngẫu), liệu ngài có để Chúa Giêsu ngăn cấm cả hình thức tiêu hôn khác mà luật Rôma cho phép hay không, thí dụ việc hai bên tự ý cùng thỏa thuận rút chân ra không kết hôn với nhau nữa? Điều lạ là xem ra ngài không để ý đến vấn đề ấy trong giáo huấn đầy ngụ ý của Chúa Giêsu mà chính ngài đã thêm vào với mục đích rõ ràng là muốn áp dụng giáo huấn ấy vào các cuộc hôn nhân của các Kitô hữu hiện sống dưới luật Rôma. Hay Máccô nghĩ rằng hình thức tiêu hôn ấy đã bị ngăn cấm đủ bằng lệnh truyền Chúa Giêsu dùng để kết thúc cuộc đàm thoại thứ nhất, “Sự gì Thiên Chúa đã phối hiệp, loài người không được phân ly”? Và sở dĩ nghĩ như thế là bởi vì ngài tin tưởng rằng việc mình sử dụng một động từ từng được luật Rôma quen dùng để chỉ việc tiêu hôn này, tức chorízein, đã đủ sáng tỏ vấn đề rồi? Quả không vô lý đối với chúng ta hiện nay, là những người sống hơn mười chín thế kỷ sau, đã có chung một tính tò mò, có lẽ cả bối rối nữa, như các Kitô hữu Rôma (16).

(còn tiếp)
 
Tư duy của Thiên Chúa và tư duy của phàm nhân
Lm Nguyễn Hữu Thy
03:00 19/09/2008
Chúa Nhật XXV Mùa Thường Niên/A

Tư duy của Thiên Chúa và tư duy của phàm nhân!


(Is 55,6-9; Mt 20,1-16a)

Có lẽ đa số chúng ta không đồng ý với ông chủ vườn nho được đề cập tới trong dụ ngôn hôm nay. Dĩ nhiên, nếu dựa theo bài tường trình thì ông chủ vườn nho đã hành động đúng với hợp đồng. Ðàng khác ông cũng có toàn quyền sử dụng tài sản của mình theo ý muốn. Tuy nhiên cách hành xử của ông làm cho chúng ta có cảm giác không được công bằng, bởi vì dựa theo khuynh hướng so đo tự nhiên của con người, thì nó có vẻ kiêu kỳ và thiếu quan tâm đến người khác. Ðúng vậy, giữa loài người chúng ta luôn có sự ganh đua và so đo: Ai được nhiều, ai được ít! Ai phải làm việc nhiều hơn, ai được làm việc ít hơn! Anh chị em trong gia đình cãi cọ nhau, ai trong họ đã làm lợi nhiều cho gia đình và ai làm được ít hơn! Cả đến những cặp vợ chồng cũng không luôn nhất trí với nhau trong việc phân chia gánh nặng gia đình sao cho đồng đều! Trong nghề nghiệp người ta tìm cách trút gánh nặng lên người khác, để phần rách nhiệm của mình được bớt căng thẳng nặng nhọc hơn.

Tình trạng đó ở trong lãnh vực cá nhân nhỏ bé thế nào, thì ở lãnh vực xã hội to lớn cũng như vậy. Những đoàn thể xã hội chê trách ganh tị lẫn nhau, là người này người nọ hành động quá ít cho nhiệm vụ chung; giới thợ thuyền chỉ trích giới chủ nhân và ngược lại; về chính trị: đảng này kê tội và đả kích đảng khác. Do đó, điều quan trọng ở đây là ai làm gì có liên quan đến con người, ai giữ trách nhiệm nào trong xã hội, thì đòi hỏi phải có sự trưởng thành tâm lý, biết tự chủ và nhất là biết dẹp bỏ tính ganh tị và hờn dỗi nhỏ nhoi tự nhiên.

Còn trong Giáo Hội: tình hình như thế nào?

Không có gì khác lắm. Trong mỗi cộng đoàn giáo xứ luôn có những người rất hoạt động và dấn thân giúp đỡ bất cứ lúc nào, khi có ai nhờ tới, và rồi quanh đi quẩn lại cũng chỉ có những người đó mà thôi.

Vậy, còn những người khác ở đâu?

Kinh nghiệm cuộc sống cụ thể cho chúng ta thấy rằng, dù ở bất cứ xã hội hay thời đại nào, con người ta vẫn rất khác nhau: Người thì hăng hái bắt tay hành động, còn kẻ khác lại chỉ biết nói, chỉ biết đưa đủ thứ lý thuyết suông, chứ không muốn động tay động chân. Có nhiều vị Linh mục, nhiều bậc nam nữ Tu sĩ và nhiều giáo dân năng động và dấn thân hơn những người khác, và bên cạnh đó cũng có những người ít dấn thân hơn. Trong khi nhiều kẻ luôn mong đợi công việc của họ được mọi người biết đến và được ngưỡng mộ, được ca tụng, lại có người chỉ âm thầm hy vọng vào phần thưởng trọng đại hơn «ở đời sau». Trong Giáo Hội tiên khởi, tình trạng cũng đã xảy ra cách tương tự: Người hy sinh cho cộng đoàn nhiều, kẻ lại hy sinh ít. Từ đó phát sinh ra những ý kiến bất đồng, những giận hờn và tranh giành giai cấp thứ vị giữa các môn đệ. Những người hăng hái và có công hơn thì muốn mình phải nằm trong thành phần lãnh đạo. Vì thế, các môn đệ đã đưa vấn đề trình cả cho Ðức Giêsu hầu mong một sự giải quyết ổn thỏa nào đó: Ai là người lớn nhất trong Nước Trời? Trong thâm tâm chắc chắn các môn đệ đã dự đoán là những ai đã đi theo Thầy trước những người khác, thì đương nhiên có quyền được ưu tiên hơn. Trong một tình trạng như thế, dụ ngôn của bài Tin Mừng hôm nay là một sự sửa sai lối tư duy chủ quan và nhắc nhủ chúng ta phải suy nghĩ.

Câu trả lời của Tin Mừng là: Ai có được Nước Trời là có được tất cả! Nước Trời không thể bị chia năm xẻ bảy ra từng mảnh, từng phần được, hầu kẻ này lãnh được nhiều, người khác nhận được ít.

Chúng ta thử tìm hiểu câu chuyện dụ ngôn của bài Tin Mừng. Vị chủ nhà hay chủ vườn nho là Thiên Chúa. Quan tiền là Nước Trời. Thiên Chúa hứa ban cho tất cả những ai được Người gọi vào làm vườn nho cho Người, mỗi người một quan tiền, là Nước Trời. Ðó là tất cả điều Thiên Chúa có thể hứa ban. Ai có được quan tiền, tức Nước Trời, thì có được tất cả. Người đó không thể và không cần nhận được gì hơn nữa. Và Nước Trời có nghĩa là sự kết hợp thân thiết với Thiên Chúa, là sống tâm giao với Cha trên trời. Người ta có được sự liên kết và tâm giao với Thiên Chúa hay không, chứ không có vấn đề: Có nhiều hay có ít. Ai có được sự liên kết nghĩa thiết với Thiên Chúa, người đó sẽ được hạnh phúc và đồng thời cũng mong muốn cho người khác đạt tới được sự liên kết đó với Thiên Chúa! Hạnh phúc Nước Trời và các ơn thánh Thiên Chúa ban không thể đưa ra so đo hoặc mặc cả theo tiêu chuẩn nhiều ít như của cải vật chất đời này được!

Do đó, nếu ai trong Giáo Hội mà nghĩ rằng, nhiều hay ít, mình cũng sẽ được phẩm định, được đánh giá cao, được kể công, v.v…, người đó chưa hiểu được Nước Trời là gì cả, chưa chiếm hữu được Nước Trời. Rất có thể người đó đã dấn thân nhiều, đã có công trạng hơn những người khác, nhưng người đó hành động chỉ vì ham muốn danh vọng, vì muốn được kể công hay vì một lý do trần tục nào đó, chứ không phải vì Nước Trời. Trái lại, nếu ai một khi đã hiểu được Nước Trời là gì, thì không còn thắc mắc ai làm nhiều ai làm ít, ai được hưởng nhiều ai được hưởng ít. Người đó chỉ lo thi hành thánh ý Thiên Chúa, với hết khả năng của mình mà thôi. Người đó không còn cần phải so sánh, ai làm tròn thánh ý Thiên Chúa tốt hơn, ai làm ít hơn và ai được thưởng công nhiều hơn, ai được thưởng ít hơn. Nước Trời là kho báu được giấu trong ruộng và vì kho báu đó người ta đem đổi hết mọi sự khác; Nước Trời là viên ngọc quý mà người ta sẵn sàng bán hết mọi sự để mua viên ngọc đó.

Câu trả lời của ông chủ vườn nho luôn có giá trị như một lời nhắc nhủ hay một lời kêu mời dành cho mỗi người trong chúng ta. Vì thế, có lẽ chúng ta cần phải hiểu lời kêu mời đó đúng đắn hơn. Nó có nghĩa là: Các ngươi hãy sám hối ăn năn, Nước Trời đã đến gần! Tuy nhiên, sám hối ăn năn không chỉ có nghĩa là từ nay các ngươi phải suy tư khác đi, các ngươi không được phép suy nghĩ cách trần thế nữa; không phải thế, chúng ta suy nghĩ cách trần thế, vì chúng ta vẫn là những con người trần thế, những con người bằng xương bằng thịt. Nhưng trước hết, sám hối ăn năn có nghĩa là: Các ngươi hãy quay trở về cùng Thiên Chúa, hãy hướng lòng trí về cùng Người. Hướng lòng trí về cùng Thiên Chúa có nghĩa là học biết Thiên Chúa, là tôn thờ Người và sống liên kết với Người. Bấy giờ quan điểm sống của chúng ta sẽ tự thay đổi. Vì ai sống kết hiệp với Thiên Chúa, người đó sẽ có được chuẩn độ mới.

Chúng ta tất cả là những người đang chờ đợi được Thiên Chúa kêu gọi vào làm vườn nho cho Người. Còn tiền lương, Người hứa trả cho một quan tiền, một cuộc sống kết hiệp với Người. Nhưng theo chuẩn độ nhân loại thì chúng ta từ khi được sinh ra và nhờ phép rửa tội, đã thực sự được mời gọi vào vườn nho của Thiên Chúa rồi. Vâng, ý nghĩa dụ ngôn về những người thợ trong vườn nho Thiên Chúa, đòi hỏi chúng ta phải có một sự đổi mới tư duy hoàn toàn. Nó đòi hỏi chúng ta phải chấp nhận tư tưởng của Thiên Chúa và phải đem tư tưởng của chúng ta thuần phục tư tưởng của Người. Bởi vậy, lời tiên tri I-sai-a là một lời nhắc nhủ khẩn thiết đối với chúng ta: “Hãy tìm kiếm Ðức Chúa khi Người còn cho gặp, kêu cầu Người khi Người còn ở kề bên” (Is 55,6).

Và ai tìm gặp được Ðức Chúa, người đó tìm gặp được cuộc sống. Cuối cùng Thiên Chúa đã dùng miệng vị tiên tri để nhắc bảo chúng ta cần phải ý thức rằng: “Tư tưởng của Ta thì không phải là tư tưởng của các ngươi, và đường lối của các ngươi thì không phải là đường lối của Ta. Trời cao hơn đất chừng nào thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối của các ngươi, và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng của các ngươi chừng ấy” (Is 55, 8-9).

“Lạy Chúa, xin dạy cho chúng con biết thi hành thánh ý Chúa!”
 
Bệnh Quên
Thanh Thanh
16:42 19/09/2008
BỆNH QUÊN
[Lc 7,31-35]

Câu truyện đời thường

Có một gia đình nghèo, thất nghiệp. May thay lại có một chủ xưởng cưa chịu nhận cả gia đình vào làm. Ông lo cho cơm ăn, áo mặc, chỗ ở, và có việc làm mỗi ngày. Mọi chuyện tốt đẹp.
Nhưng ít sau, đến giờ đi làm thì:

- Người thì nói: trời hôm nay nắng quá, khi nào trời mát rồi tính.
- Kẻ thì lên tiếng: khúc cây còn tươi, nên dai, khó cưa.
- Người thì nói: lưỡi cưa không sắc, khi nào có lưỡi tốt thì làm.
- Người khác kêu ca: loại gỗ này già tuổi, gỗ cứng chắc làm sao mà cưa.
- Một người lớn tiếng: khúc gỗ hôm nay cong quá, làm sao bây giờ.
- Người thì than rằng hôm nay mình chán nản, mệt mỏi quá.

Và thế là cả gia đình nghỉ việc.

Câu truyện Lời Chúa

Cựu ước. Dân Israel trong thời nô lệ Ai cập thì quả thật là khổ cực, bất hạnh. Bị hành hạ, ngược đãi và đối xử bất công. Làm những việc nặng nhọc, dù thời tiết có mưa bão hay nắng cháy, dù người khoẻ hay yếu đều phải làm việc. Còn ăn uống thì chỉ được ăn cho khỏi chết mà thôi. Còn h ọc hành, gi ải trí… quần áo, nhà cửa, thuốc men ư? Bị đối xử như là súc vật thì làm gì có những thứ tốt và làm gì có quyền đòi hỏi quyền lợi.
Thế rồi, họ được Đức Chúa thương cứu họ cho khỏi cái nhục nhằn của đói khổ và công việc. Họ thoát được cái cảnh bất công giữa chủ nô và nô lệ. Họ được Maisen dẫn qua sa mạc đến vùng đất hứa, vùng đất đầy sữa và mật ong, vùng đất đầy hứa hẹn cho cả dòng dõi họ và con cháu.

Thế nhưng, họ đâu có nhớ. Họ kêu ca than phiền và đưa ra mọi thứ yêu sách. Tại sao chúng tôi phải như vậy. Nào là trời nắng, khó chịu, bực bội quá. Rồi đến ăn bánh manna nhạt nhẽo không bổ béo gì. Nào là muốn nước trong, nước sạch nước mát rồi đến đòi ăn thịt chim. Chưa hết, họ còn chê trách Thiên Chúa, bỏ rơi Ngài để thờ thần khác, thờ bò vàng.
Tân ước. Trình thuật của Luca cho biết đến cái thế hệ khó hiểu là: “thổi sáo vui mừng thì không nhảy múa. Hát bài đưa đám thì không khóc than” (Lc 7,31). Chúa Giêsu còn dẫn chứng: Gioan tẩy giả sống đơn sơ nghiệm nhặt; sống chay tịnh, không ăn bánh mà là châu chấu và mật ong, không uống rượu mà là nước lã. Thì họ cho là đồ ngốc đồ khùng, người bị quỷ ám. Còn Con Người đến cũng ăn cũng uống như ai thì lại kêu là tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi.

Đúng là con người, lưỡi không xương nhiều đường lắt léo.

Chúa Giêsu nói đến thế hệ này, để giúp cho thấy con người có một lịch sử không tốt lành, ít là thời gian dân Itraen thoát khỏi ách nô lệ Ai cập trên con đường qua sa mạc về đất hứa, dưới hướng dẫn của Maisen. Và cũng là lời cảnh báo cho những người nghe Ngài phải đặt lại vấn đề về sự cứng lòng không nhìn nhận, không chịu nghe Ngài hướng dẫn để có thể đi qua sa mạc đời mình mà về được đất hứa thật là Nước Trời.

Câu truyện của chúng ta

Vậy nguyên nhân bởi đâu? Bởi con người bị mắc một thứ bệnh khó trị, bệnh di truyền. Ấy là bệnh Quên.

Những người trong câu truyện trên, họ đã đưa ra đủ lý do để nghỉ việc. Họ quên hẳn thân phận của mình rằng, nếu không được ông chủ giúp đỡ thì còn bi đát khốn khổ hơn. Nhờ ông chủ mà gia đình họ nhìn thấy mặt trời, nhìn thấy tương lai tươi sáng và nhiều hy vọng. Đáng lẽ họ hăng say, nhiệt tình và chịu khó làm việc để đền ơn đáp nghĩa, thì họ lại đòi hỏi, ra điều kiện với ông chủ, rồi nghỉ việc.

Những người Itraen, đã được Đức Chúa cứu giúp, họ thoát khỏi ách thống trị áp bức của Ai cập. Họ được trả tự do, được phục hồi nhân phẩm. Giờ đây, mỗi người có quyền xây dựng cuộc đời mới tốt hơn trong tin yêu và hy vọng.
Đáng lẽ họ phải hết lòng biết ơn và một mực trung thành với hướng dẫn của Đức Chúa qua Maisen trên con đường trở về với vùng đất phì nhiêu, vùng đất của hạnh phúc mà Người đã hứa. Thế nhưng họ lại quên. Quên đi thân phận hẩm hiu bọt bèo của mình. Hành trình ở sa mạc cho biết rõ con người thật mau quên của họ. Họ dần quên Đức Chúa. Họ bắt đầu càm ràm về thời tiết nắng cháy, về ăn không ngon, uống không ngọt, ngủ không yên. Họ nghĩ mình là người phải được phục vụ mọi thứ tốt lành. Họ chê trách Maisen, oán hờn Đức Chúa. Rồi bỏ Người mà theo các thần khác, đúc bò vàng để thờ.

Những người đương thời với Chúa Giêsu cũng vậy, đáng lẽ họ phải vui mừng phấn khởi hân hoan vì điều họ hy vọng về Đấng Cứu Thế đến, giờ đã thành hiện thực. Đáng lẽ họ phải lắng nghe, chiêm ngắm và cộng tác, phải vui mừng và vỗ tay, kính trọng và biết ơn, tôn kính và thờ phượng. Thế nhưng họ lại thờ ơ dửng dưng, hiểu lầm coi thường, chê bai trách móc, hãm hại chống đối, vu khống giết chết. Cái nghịch lý là chính họ muốn Đấng Tốt lành đến, nhưng khi Ngài đến thì họ lại không chấp nhận, và muốn trở về với truyền thống tổ tiên.

Quên quả thật rất tai hại. Quên sẽ đánh mất chính mình, đánh mất Thiên Chúa và là cửa đưa tới đau khổ.

Nhìn vào Ađam và Eva, nhìn vào nhân loại xưa cũng như nay, đời cũng như đạo, biết bao thứ trục trặc xảy ra cũng bởi vì quên.

Quên làm cho ta thành kẻ vô ơn bạc nghĩa.
Quên làm cho ta thành người bất hiếu bất trung.
Quên làm cho ta thành loại bạc nghĩa bất lương.
Quên làm cho ta thành kiêu căng tự phụ.
Quên làm cho ta thành căng thẳng khó tính.
Quên làm cho ta thành lo âu bất ổn.
Quên làm cho ta thành đau khổ bất hạnh.
Quên làm cho ta xao xuyến lao đao.
Quên làm cho ta xa rời ân sủng Chúa, cắt đứt liên lạc với Ngài. Và ta sẽ bị cô lập khỏi ân sủng Chúa. Dù ân sủng Ngài nhiều như mưa, như nắng, như không khí.

Xin Chúa cho ta biết khiêm nhường nhìn nhận sự thật về mình và về Thiên Chúa để bày tỏ lòng thành kính tri ân về mọi ân lộc Chúa đã ban cho ta.
 
Thiếu Tự Tin và Lòng Quảng Đại
Tuyết Mai
16:43 19/09/2008
Thiếu Tự Tin Và Lòng Quảng Đại

Đang khi lãnh tiền, họ lẩm bẩm trách chủ nhà rằng: "Những người đến sau hết chỉ làm có một giờ, chúng tôi chịu nắng nôi khó nhọc suốt ngày mà ông kể họ bằng chúng tôi sao"? Chủ nhà trả lời với một kẻ trong nhóm họ rằng: "Này bạn, tôi không làm thiệt hại bạn đâu, chớ thì bạn đã không thoả thuận với tôi một đồng sao?" Bạn hãy lấy phần bạn mà đi về, tôi muốn trả cho người đến sau hết bằng bạn, nào tôi chẳng được phép làm như ý tôi muốn sao? Hay mắt bạn ganh tị, vì tôi nhân lành chăng? (Mt 20, 1-16a).

Có phải đời thường những người có tánh hay ghen tỵ là người đó có một cái bệnh gọi là thiếu tự tin và thiếu lòng quảng đại không!? Chẳng chỉ ở đâu cho xa mà chính tôi đây là con người có mang cái bệnh xấu ấy! Suy bụng ta mà xét cái bụng người là thế!

Cái người mà có mang chứng bệnh như tôi thì ôi thôi anh chị em cứ nghe chúng tôi ta thán cả ngày sáng đêm. Lúc nào chúng tôi cũng cảm thấy bất an vì cả đời chẳng thấy cái gì là đủ và an phận cả! Vì tôi cứ mải nhìn quanh và so sánh mình cùng những anh chị em khác. Sao họ có cái này mà tôi chẳng có được? Sao họ có cái kia mà tôi không có? Rồi từ cái tâm bất an tôi chẳng cảm thấy cái gì tôi có, mang lại cho tôi hạnh phúc, vì luôn ao ước là phải như tôi được có cái đó giống như anh chị em thì tôi mới hả dạ chăng!? Để tôi thí dụ như thế này cho dễ hiểu hơn nhé, xem bạn nằm trong hoàn cảnh nào trong ba giới!? Hay như tôi là thuộc loại ba phải!?

Thông thường những giai cấp nghèo trong xã hội thì ít ai nhìn đến nhà của ai và hình như chẳng ai thèm để ý những gì bạn có vì từ cái ăn cái ở đều giống nhau hết thảy! Nghèo thì vấn nạn kiếm cho được ngày ba bữa cơm đã gọi là khó khăn lắm rồi! Vất vả lắm rồi! Tốn bao nhiêu mồ hôi và nước mắt. Giăng nắng vì phải chèo ghe vác lúa. Tốn hao rất nhiều năng lực nhưng tiền kiếm được thì chẳng được bao nhiêu. Một người đi làm vất vả nuôi biết bao nhiêu là miệng ăn, thì làm sao mà không nghèo cho được cơ chứ! Trong nhà thì tất cả mọi thứ đều rất hỗn tạp chẳng có một thứ gì nó đi với thứ gì!? Có phải tất cả mọi thứ trong nhà đều có được là do đi xin về từ mấy cái hội từ thiện (nếu có), hoặc tìm mua và mang về từ chợ trời, garage sale, hay yard sale? Từ cái bàn, cho đến cái ghế, cái tủ, nồi, niu, soong, chảo, dụng cụ, quần áo, ôi thôi đủ thứ cả! Chẳng cái nào nó đi với cái nào. Ngay cả đũa ăn cơm mà cũng không chiếc nào nó giống được với chiếc nào. Có được để dùng là mừng và hạnh phúc lắm rồi! Chứ còn dám mà đòi hỏi nữa à!? Vào cái nhà thì nhức cho cái con mắt lắm quý vị ạ! Vì tất cả mầu sắc bày biện trong nhà không có mầu nào nó đi với mầu nào cả! Có thể chẳng ai thèm vào nhà của chúng tôi mà làm gì, vì sợ lây bệnh cũng có. Sợ phải dùng chung ly chén cũng có, hay vì ghê sợ khi nhìn thấy cái cảnh quá nghèo nàn này của chúng tôi mà thấy e ngại hay phải xót thương dùm!?

Chúng tôi là những thành phần nghèo trong xã hội nhưng rất hãnh diện là chúng tôi biết thương yêu và luôn giúp đỡ cho nhau và cái vấn nạn ghen tỵ lẫn nhau thì thiết tưởng hình như chúng tôi không có và nếu có thì cũng rất ít!? Hầu như chúng tôi không thấy ai ghen tỵ với ai cả!? Vì tất cả đều giống nhau trong cái lối sống, cái ăn cái ở, cái tay lấm chân bùn!? Nhà mà nếu như có con trai hay con gái thật đẹp cũng trở thành xấu xí. Vì đẹp làm sao được khi nước da cứ đen ngòm ngòm và quần áo thì luôn xốc xếch vì bận lo việc ruộng nương và đồng áng, phải ở ngoài đồng suốt từ sáng sớm cho đến xế chiều mới được về nhà. Nhất là nhà ở miền quê thì hình như nhà nào cũng có cái chuồng, ít nhất thì cũng được cái chuồng gà. Ống quần tay áo thì lúc nào cũng phải vén lên cho thật cao thì làm sao mà đẹp cho nổi!? Nghèo vậy chứ mà chúng tôi cũng được tiếng rất thơm tho là nghèo nhưng rất hiền lành và chất phát.

Bây giờ chúng ta thử bước lên một cấp cao hơn nữa xem cách sống của giới trung lưu như thế nào nhé! Bạn bè của tôi và tôi ở trong cái cấp này cũng nhiều lắm! Bên Mỹ này thì thường chúng ta hay nghe rất quen cái câu nói này là thà nghèo thì nghèo cho hẳn để được chính phủ giúp đỡ từ tiền chu cấp cho cả một gia đình là sức khoẻ, tiền ăn, và tiền ở, có con cái nhỏ thì được nhà trường nuôi ăn sáng ăn trưa; Lớn lên vào đại học thì được chính phủ nuôi ăn nuôi học, sướng lắm! Chưa kể có rất nhiều anh chị em đã dùng thời giờ rảnh của mình mà kiếm thêm tiền bỏ túi, cuộc sống kể rất ung dung thoải mái không một lo lắng trên đời!? Cứ cuối tháng hết tiền thì lại chờ chờ đến đầu tháng lại ra nhà băng lấy tiền. Quả sống nghèo bên cái xứ cờ huê này thì cuộc đời cứ như đang ở trên cung trăng vậy! Ấy vậy mà cái bệnh than thì vẫn cứ than. ... phải không các bạn? Chứ giở giở ương ương, trung lưu bên cái xứ cờ huê này thì thật là xui hết sức là xui? Là tất cả mọi thứ nhất nhất đều là tiền túi của mình bỏ ra mà không được chính phủ giúp cho một thứ gì! Đi làm thì cả hai vợ chồng đều đi cầy đầu tắt mặt tối, làm quên cả tháng cả ngày thì mới gọi là vừa đủ để lo ăn, lo ở, lo đóng tiền mua bảo hiểm sức khoẻ cho cả gia đình. Có thể vì là chúng tôi có một mức sống chỉ vừa đủ nếu đi làm trong mức giờ ấn định, nên chúng tôi phải rất cố gắng tranh thủ đi làm giờ thêm dù là ngày thứ bẩy hay chúa nhật, cho những gì chúng tôi ao ước muốn có được? Có phải vì chúng tôi làm việc quá vất vả, nên số tiền chúng tôi làm thêm là để mua cho được chiếc xe thật tốt thật có tên hiệu để làm oai với mọi người những khi cần thiết ra ngoài xã giao như đi chơi cuối tuần (nếu có vì bận đi cầy thêm), sắm quần áo cho thật theo mode để không thua bạn thua bè? Nhà cửa phải trang hoàng cho thật sang để năm thì mười họa nhỡ có ai lại nhà (vì bận đi cầy thêm)?

Theo kinh nghiệm của tôi thì trong giới trung lưu này mới thật sự có nhiều anh chị em nẩy sinh ra vấn đề ghen tỵ vì từ cái vấn đề mưu sinh quá khó khăn để quân bình cả hai tinh thần và thể xác. Thể xác làm việc vất vả quá nên phải cho thân xác được hưởng thụ và cho tinh thần được thoải mái. Phải như sự quân bình có được sự hướng dẫn thì chúng tôi không có những vấn nạn xẩy ra cho nhiều gia đình. Phải như sự quân bình của chúng tôi nếu để Chúa làm trung tâm điểm của cuộc sống và cuộc đời thì chúng tôi đã không có những vấn nạn xẩy ra. Từ cái thoạt đầu tiên là mong muốn để cho sự quân bình của cuộc sống không bị nghiêng lệch, thì càng ngày chúng tôi lại như bị rơi vào một thế giới của sai lầm, mất định hướng, nghiện ngập, ảo tưởng, một thế giới hoàn toàn như mê ngủ mà ta không còn là người chủ động được nữa! Cuộc sống của chúng tôi rồi như ai đó đang làm chủ mình và đã làm thay đổi hẵn con người xưa của chúng tôi. Tánh nết thay đổi hẳn là từ một con người hiền lành đã biến chúng tôi thành những con người khó thương và rất khó chịu. Chúng tôi trở thành những người bệnh hoạn của thời đại là hay ghen ghét, ích kỷ, tranh dành, bạo lực, thù hận, tỵ hiềm, độc ác, độc tài, không bao giờ muốn ai hơn mình, nhất là giầu có và giỏi hơn mình là không được. Đây là những kinh nghiệm từng trải và sống đời của tôi, nếu anh chị em không có giống như tôi thì tôi phải cảm tạ Thiên Chúa dùm cho anh chị em là đã luôn có Chúa làm đích điểm cho mình và cho gia đình.

Còn những anh chị em trong giới giầu có từng có những biệt thự, khách sạn 5 sao cho thuê, làm chủ bao nhiêu cây xăng, bao nhiêu tiệm rượu và nhà hàng, thì thiết tưởng họ cũng có những mộng ước cao xa lắm lắm mà vốn liếng và vốn dĩ tôi chẳng biết một tí ti gì về giới giầu này cả! Hay những anh chị em này lại có những tên bệnh còn siêu việt hơn giới trung lưu và giới nghèo như chúng tôi!? Có thể lắm anh chị em nhỉ!? Nhưng tôi biết và có nghe như thế này là nếu nước Mỹ này mà không ủy lạo nhiều nhất so với thế giới thì Thiên Chúa cũng đã phạt nước Mỹ này từ lâu rồi!? Vì sự thật thì rành rành không thể nào nói khác cho được là tuy nước Mỹ gây nhiều tội lỗi nhưng số người nghèo trên khắp cùng thế giới cũng rất đang trông đợi từ lòng quảng đại của những dân nhà giầu của nước Mỹ này!?

Để được tóm tắt bài Phúc Âm của Chúa dậy tuần này là chúng ta hãy nên từ bỏ tánh ghen tỵ và ghen ghét, vì ghen ghét thứ nhất chúng ta chẳng được một mối lợi nào mà ngược lại làm cho tâm hồn của chúng ta luôn ra bất an và không một ngày bình thản. Nếu lỡ chúng ta có cái tánh xấu này thì hãy tập bỏ từ từ mà thay vào đó là sự quan tâm và thông cảm cho người. Vì ít nhất chúng ta cũng được Chúa thay đổi là biết quan tâm tới sức khoẻ của mình và gia đình được hạnh phúc. Có được hạnh phúc từ nơi chính mình thì ta mới có thể đem hạnh phúc cho mọi người sống chung quanh ta.

Lậy Chúa! Ước gì cuộc sống phức tạp mà chúng con phải đối diện với từng ngày, đã làm chúng con ra mệt mỏi, thì nguyện xin Chúa ban cho chúng con tình yêu, bình an, và sức mạnh của Chúa để chúng con sống được trọn hảo và cho nên theo thánh ý Chúa và cùng đích của cuộc đời là chỉ mong được nghỉ yên bên Chúa mãi mãi muôn thuở muôn đời. Amen.
 
Tin vào tình Chúa
Mi Trầm
16:44 19/09/2008
Tin vào tình Chúa

1. Người đời dạy con phải sống khôn ngoan,
nhưng Chúa dạy con phải sống điên dại.
Ôi kỳ dị thay đời sống con Chúa.
Người đời dạy con tin vào quyền lực,
nhưng Chúa dạy con tin vào tình thương.
Ôi kỳ dị thay, đời con Chúa trời.

ĐK: Xin cho con tin vào tình Chúa, mà dấn bước đời con.
Xin cho con tin vào tình Chúa, mà đánh liều đời con.

2. Người đời dạy con nắm giữ thật chặt,
nhưng Chúa dạy con phát hết cho người.
Ôi kỳ dị thay đời sống con Chúa.
Người đời dạy con sẵn sàng dừng lại,
nhưng Chúa dạy con sẵn sàng mà đi.
Ôi kỳ dị thay, đời con Chúa trời.

3. Người đời dạy con hãy tin tưởng mình,
nhưng Chúa dạy con phó thác nơi ngài.
Ôi kỳ dị thay đời sống con Chúa.
Người đời dạy con sống vì hiện tại,
nhưng Chúa dạy con sống vì ngày mai.
Ôi kỳ dị thay, đời con Chúa trời.
 
Ganh ty, căn bệnh mãnh tính của con người
Anmai, CSsR
16:46 19/09/2008
GANH TỴ, CĂN BỆNH MÃN TÍNH CỦA CON NGƯỜI.

Is 55,6-9; Ph 1,20c-24.27a; Mt20,1-16a

Nếu có giờ, mỗi người chúng ta mở lại trình thuật ông bà nguyên tổ trong sách Sáng Thế Ký xem, thật là hay. Trong trình thuật đấy, tác giả Sáng Thế Ký cho chúng thấy một mối tình thật tuyệt vời, thật đẹp, thật nên thơ giữa Thiên Chúa và hai ông bà nguyên tổ. Trình thuật ấy kể lại rằng: “Chiều chiều gió hiu hiu thổi, Thiên Chúa cùng đi dạo với hai ông bà trong vườn địa đàng !”. Thế đấy ! Cứ mỗi buổi chiều, thì mối tình thắm thiết giữa Thiên Chúa và hai ông bà cứ tái diễn. Thiên Chúa cho hai ông bà được thừa hưởng tất cả những cây trái trong vườn nhưng chỉ trừ một cây biết lành biết dữ.

Một ngày kia, khi Thiên Chúa chưa đến, vì tò mò, người đàn bà nguyên tổ của chúng sinh, đã mon men đến cái cây biết lành biết dữ đấy để tìm hiểu. Cay đắng thay khi bước đến, bỗng dưng con rắn trên cái cây biết lành biết dữ đã ngon ngọt dụ dỗ bà rằng: “Nếu bà ăn vào thì bà sẽ ngang bằng Thiên Chúa !”. Chắc có lẽ, bà cảm thấy được hưởng trái cây trong vườn địa đàng là chưa thoả mãn, chưa bình an và phải tìm mọi cách sao cho ngang bằng Thiên Chúa. Không chỉ ăn một mình, bà còn rủ rê thêm ông chồng của mình ăn nữa. Ăn xong rồi thì quả thật quá cay đắng cho cuộc đời. Kết quả, không phải như lòng mong ước là bằng Thiên Chúa nhưng bi đát thay là bất tuân lệnh Chúa truyền. Kể từ ngày đó, hai ông bà đã vi phạm “hợp đồng” tình cảm, tương quan giữa Thiên Chúa và hai ông bà nên hai ông bà đã phải bị phạt !

Tội căn bản của sự vi phạm hợp đồng ấy chính là do tính kiêu căng, lòng ganh tỵ, ghen ghét muốn làm sao mình phải bằng Thiên Chúa mới chịu. Nếu như không bằng Thiên Chúa thì tìm đủ mọi cách cho bằng Thiên Chúa, nhưng làm sao mà bằng Thiên Chúa được khi Thiên Chúa là Đấng Tạo Hoá còn mình chỉ là thụ tạo nhỏ nhoi trong lòng bàn tay của Ngài.

Lòng ganh tỵ ấy như là chứng bệnh di truyền, ăn vào máu của con người mỗi khi con người cất tiếng khóc chào đời. Bằng chứng là: cái tội bất tuân, cái tội ganh tỵ, cái tội kiêu ngạo ấy tưởng là bài học kinh nghiệm xương máu cho thế hệ mai sau, nhưng cứ đặt chân bước vào trần gian thì con người lại nhiễm trong mình dòng máu của ông bà nguyên tổ.

Lòng ganh tỵ nổi lên khi một người ý thức được rằng mình không có được những điều mà người khác có. Tại sao chúng ta ganh ghét một người nào đó? Nó không dính dáng gì đến người đó cả. Tại sao người đó phải chịu khiển trách vì cuộc sống chúng ta không được như ta mong muốn, hay sự không vừa lòng hay sự không biết ơn của chúng ta ? Đâu có phải là lỗi của họ đâu, tuy nhiên họ phải gánh chịu những bức xúc, áp lực vì sự không vừa ý, hay bực bội của chúng ta gây ra bởi lòng ích kỷ về lợi ích cá nhân hay lòng tham lam của mình.

Lòng ganh tỵ phát sinh khi chúng ta không bằng lòng cái tính chất đặc biệt mà mỗi chúng ta có được, vì không có một ai giống một ai về hành động hay suy nghĩ cả. Lòng ganh tỵ phát sinh khi chúng ta từ chối, không chấp nhận sự thật rằng mỗi một cá nhân, có hoàn cảnh khác nhau, phản ảnh đúng với những ơn lành mà Chúa ban cho chúng ta. Vì thế hoàn cảnh của chúng ta sẽ có cái gì đó không bằng người khác. Lẽ ra, chúng ta nên vui vẻ đón nhận nhưng chúng ta lại ganh tỵ.

Mỗi lần lòng ganh tỵ nổi lên, chúng ta nên tự nhìn vào chính mình và nhắc nhở chúng ta về những gì mà mỗi một chúng ta có được, và bằng lòng với những thứ đó thay vì ganh tỵ với người khác về những điều mà mình không có.

Tâm trạng ganh tỵ ấy ngày hôm nay bộc lỗ rõ nét nhất ở trang Tin Mừng, mà chúng ta vừa nghe thánh Matthêu thuật lại cho chúng ta đậm nét về lòng ganh tỵ mà Chúa Giêsu muốn dạy mỗi người chúng ta. Nói quá một chút là sự vô duyên và vô lý ! Đã thoả thuận với nhau mức lương từ ban đầu khi vào nhận việc. Đến trưa, đến chiều thấy có người vào làm việc thì đó là chuyện giữa ông chủ và người làm thuê chứ mắc mớ gì đến anh mà anh phải bận tâm ?

Tưởng chừng như dụ ngôn này quá quen thuộc, quá cũ với chúng ta nhưng thật sự ra nó vẫn cứ mới và cứ mãi mới trong cuộc đời chúng ta. Chẳng hiểu sao trong chúng ta đa phần mang trong mình cái tâm trạng của người làm công vào giờ thứ ba vậy ! Thử nhìn lại thấy nó lộ lên làm sao ấy cái tính xấu, cái tính ganh tỵ ấy trong lòng chúng ta.

Nhìn vào người xung quanh chúng ta, thấy họ hơn chúng ta một chút về tri thức là chúng ta điên tiết lên, chúng ta tìm đủ mọi cách để nói này nói nọ để hạ danh dự của họ nhưng rồi có hạ được đâu ? Tại sao không cố gắng học hành, nghiên cứu, nghiền ngẫm để có kiến thức bằng họ mà chúng ta cứ loanh quanh, luẩn quẩn trong sự ganh tỵ, hơn thua !

Đời sống vật chất cũng thế. Ngày nay hơn lúc nào hết, con người ta cứ mãi bận tâm vào chuyện vật chất. Người ta thành công trong cuộc đời, người ta làm lụng vất vả thì người ta được hưởng là chuyện đương nhiên. Ấy thế mà khi chúng ta nhìn vào những người ấy chúng ta lại lườm, lại nguýt họ vì họ sang trọng hơn chúng ta.

Bi hài nhất mà chúng ta không bao giờ nói ra cho người khác biết đó là chúng ta không bao giờ muốn ai bằng chúng ta cả. Chúng ta là nhất ! Còn thiên hạ chẳng là gì cả. Thật lòng mà hỏi tận đáy lòng, tận đáy lương tâm của ta thử xem một người nào đó trong gia đình, họ hàng, dòng tộc hay cộng đoàn tu của chúng ta đang sống xem. Mấy ai chung vui thật lòng với người thành công trong gia đình hay trong cộng đoàn tu ? Có chăng là những lời đầu môi chót lưỡi chúc mừng cho sự thành công của thành viên trong gia đình, trong cộng đoàn nhưng bên dưới lời chúc mừng ấy là cả một sự ganh tỵ, hơn thua với người ấy. Sự ganh tỵ, hơn thua này khó mà kiểm chứng được.

Thử hỏi trong một vụ kiện nào đó, nếu nó thất bại thì mọi người quay lưng lại trách nhau rằng do người này người kia đã gây cho sự thất bại đó. Còn nếu như thành công thì lại mỗi người, chẳng ai bảo ai cứ cố tranh cho được một phần danh dự là do công lao của tôi.

Chúng ta quên rằng, tất cả những danh dự, những thành công đấy trong cuộc sống rồi cũng sẽ qua đi. Tại sao chúng ta lại cứ mãi đi tìm hư danh để mà cắn xé, để mà ghen ghét, để mà giận hờn, để mà ganh tỵ anh chị em đồng loại. Tại sao chúng ta không cố tìm một chỗ đứng trong lòng Thiên Chúa mà chúng ta cứ mãi miết đi tìm chỗ đứng phù vân trong lòng người đời.

Thánh Phaolô trong thư gửi giáo đoàn Philipphê vừa nói với chúng ta: “Và tôi biết chắc rằng tôi sẽ lưu lại và ở bên mà giúp anh em hết thảy tiến tới và được sự vui mừng của lòng tin, ngõ hầu anh em được tràn đầy vinh quang trong Đức Kitô Yêsu, vì cớ tôi, nhân dịp tôi được tái ngộ với. Chỉ có điều này là anh em hãy cư xử sao cho xứng với Tin Mừng của Đức Kitô, ngõ hầu - hoặc tôi đến và được thấy, hoặc tôi vắng mặt mà được nghe biết - anh em cứ đứng vững trong một Thần khí, cùng nhau chiến đấu, với một tâm hồn, vì đức tin do Tin Mừng đem đến” (Pl 1, 25-27). Ngài dặn chúng ta là hãy cư xử sao cho xứng Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô chứ không phải chúng ta cư xử theo cảm nghĩ, tình cảm xác phàm của chúng ta. Ngôn sứ Isaia trong bài đọc thứ nhất đã khẳng định cho chúng ta điều ấy: “Tư tưởng của Ta không phải tư tưởng của các ngươi !”.

Thế đấy ! Chúng ta vẫn cứ cư xử với nhau theo cái thói của người đời, những người không biết Chúa.

Đoạn cuối trang Tin Mừng mà chúng ta nghe: “Há tôi lại không được phép làm như tôi muốn về của cải của tôi sao? Hay mắt bạn lườm nguýt vì tôi tốt lành?" Đau đớn lắm nếu như Chúa Giêsu nói với chúng ta như vậy. Chúng ta vẫn thường lườm nguýt sự tốt lành, sự nhân hậu của người khác để rồi chúng ta chúng ta đi nói hành nói xấu và lên án họ. Con mắt thể xác chúng ta vẫn nhìn thẳng nhưng con mắt lòng của chúng ta luôn luôn bị cái chứng bệnh là lườm nguýt khi người khác hơn chúng ta. Chúng ta phải xin Chúa để Chúa chữa con mắt lòng chúng ta bớt đi cái thói xấu là lườm nguýt, là ganh tỵ với anh chị em đồng loại.

Hôm nay, nhân dịp Chúa nhắc nhớ cho chúng ta về thái độ sống của những người ganh tỵ, chúng ta bỏ chút thời gian để lòng nhủ lòng, dạ hỏi dạ trước mặt Chúa thái độ sống của chúng ta. Chúng ta có vui với người vui, có khóc với người khóc hay không ? Hay là chúng ta bực bội, ganh tức với người vui còn với người hoạn nạn, đau đớn khóc than ta lại mỉm cười ?

Chuyện căn cốt như Thánh Phaolô mời gọi chúng ta đó là thái độ sống hợp với Tin mừng, hợp với những gì Chúa dạy và chúng ta nên nhớ rằng tư tưởng của chúng ta khác Chúa nhiều lắm. Chúa thì yêu thương, bao dung, rộng rãi còn chúng ta thì ghen ghét và ganh tỵ.

Nguyện xin Chúa Giêsu là ông chủ tốt bụng trong câu chuyện mà Chúa Giêsu kể hôm nay, luôn yêu thương và thông chuyển lòng tốt bụng của Chúa đến với mỗi người chúng ta, để lòng chúng ta bớt đi một chút ganh tỵ, bớt đi một chút hơn thua và tăng thêm một chút lòng mến, tăng thêm một chút tình yêu, tăng thêm một chút lòng bao dung với anh chị em đồng loại. Amen.
 
Mười truyện đơn sơ về Giáo lý và Giáo dục
LM Nguyễn Vinh Gioang
16:49 19/09/2008
Mười truyện đơn sơ về Giáo lý và Giáo dục (52)

521. Bổn phận của những người thợ được gọi vào làm vườn nho (Mt 20,1-16)

Ông chủ kia ra đường mướn thợ vào làm việc trong vườn nho của mình.
Đối với ông, điều quan trọng không phải là lúc nào ông kêu thợ vào làm việc, nhưng điều quan trọng đối với ông là lúc nào ông kêu thợ vào làm vịêc, thì thợ đó phải làm việc bổn phân hết sức mình
Bổn phận là ý Chúa trong giây phút hiện tại.
Ai chu toàn bổn phận hiện tại của mình, người đó được Chúa thưởng, người đó được tấm vé đi vào Nước Trời.

522. Gương bổn phận của Chúa Giêsu

Kiệt lực và tàn sức rồi, Chúa Giêsu vẫn xê vai vác lấy thập giá nặng nề, trèo lên Đồi Sọ, và trước khi tắt thở trên hai miếng gỗ lạnh lùng, đã thốt ra hai tiếng bổn phận: “Đã hoàn tất rồi!”

523. “Chớ gì suốt đời tôi được giống như đời của Thầy.”

Đức Hồng Y d’Amboise rất quyền thế về mặt đạo cũng như mặt đời dưới thời vua Lu-y XII của nước Pháp (1462-1515).
Khi hấp hối sắp chết, thấy Thầy Gioan, y tá, hết lòng tận tâm săn sóc cho mình, Đức Hồng Y nầy liền ao ước:
- “Thầy Gioan ơi, Thầy Gioan ơi! Chớ gì suốt đời tôi được giống như đời của Thầy!”
Thầy y tá Gioan luôn luôn thi hành bổn phận y tá của mình một các hết sức tử tế và đạo đức, đó là sự ao ước của một hồng y được trở nên giống như thầy khi nằm hấp hối trên giường bệnh, sắp lìa cõi đời nầy.

524. Người tông đồ của Chúa chu toàn bổn phận của mình hết sức tử tế

Người tông đồ của Chúa là người, như lời nhận xét của thánh Giuse Calasanz: “nói ít, làm nhiều và không bao giờ than van.”
Trong khi nhiều người khác cho rằng họ sống trên đời để hưởng sự sung sướng khoái lạc, thì người tông đồ của Chúa nói rằng họ sống trên đời nầy là để yêu mến Chúa Giêsu và để cứu rỗi các linh hồn. Đó là bổn phận của họ mà họ chu toàn một cách hết sức tử tế.

525. Không vâng lời để thi hành bổn phận thì sẽ bị phạt

Năm 1910, Đức Giáo Hoàng Piô X phong chức giám mục cho một linh mục và chỉ định cho vị giám mục mới nầy lo địa phận Bovino.
Vị giám mục mới nầy từ chối đi nhậm chức tại địa phận Bovino vì cho rằng mình đang gặp nhiều khó khăn, trở ngại.
Được tin như vậy, Đức Giáo Hoàng Piô X ngạc nhiên. Ngài khuyên vị giám mục mới nầy hãy vâng lời. Vị gám mục mới nầy cứ đưa ra những lý do để trì hoãn sự vâng lời.
Cuối cùng, Đức Giáo Hoàng Puiô X dùng biện pháp mạnh: nếu không vâng lời đi nhậm chức giám mục tại địa phận Bovino, thì sẽ bị treo chức giám mục và bị xem như một linh mục thường.
Đứng trước sự cương quyết của Đức Giáo Hoàng Piô X, vị gám mục mới nầy sợ. Ngài liền lên đường đi nhậm chức tại địa phận Bovino.

526. Đoàn kết là sức mạnh

Sói là loài thú sống theo bầy đàn. Sói có móng sắc răng nhọn, nhưng vẫn là con vật nhỏ yếu trong thiên nhiên hoang dã…
Để có thê sinh tồn, loài sói chỉ có thể dựa vào tinh thần và biện pháp đoàn kết hợp tác…
Trên thảo nguyên rộng mênh mông, không một bóng người qua lại, bầy sói là chúa tể thực sự. Ngay đến hổ, được coi là chúa tể của rừng xanh, nếu gặp bầy sói, cũng phải nhường bước vì loài sói hung dữ, hoạt động theo bầy đàn.
Sói dũng cảm, sống theo bầy đàn có kỷ luật, đã ngang dọc trên thảo nguyên.
Các loài vật nhỏ bé như con ong, cái kiến, cũng nhờ vào sức mạnh của bầy đàn để duy trì sự sống….
Sức của cá nhân thì có hạn. Nhiều người hợp lại thành tập thể, tổ chức thành đoàn đội, có thể đào núi lấp biển…
Sức mạnh của đoàn kết có thể làm nên các thành tích diệu kỳ. (Trí Tuệ và Kiên Nhẫn)

527. Coi chừng báo chí. . và báo chí!

Có thể nói cái gọi là thế lực của văn tự mà ảnh hưởng mạnh ở quần chúng, nằm trong tay của báo chí.
Adolf Hitler nói đúng: “Nhật báo để dành cho đại chúng.”…
Ở Việt Nam, sau chính biến 1-11-63, mấy tờ báo của mấy đạo lớn chiếm quán quân độc giả.
Báo chí được quần chúng dùng như cặp kính màu để nhìn các vấn đề thời cuộc.
Còn nói báo chí mà cổ vũ chế độ nầy, mạt sát chế độ nọ, đưa nhân vật nầy lên trời xanh, hạ nhân vật kia xuống đất đen, thì thôi, khỏi bàn.
Vua Farouk của Ai Cập, hồi bị hạ bệ, lúc vừa tới Ý Đại Lợi, đã van nài nhà cầm quyền sở tại bằng một câu nói lên tâm trạng khiếp đảm của mình đối với báo chí: “Yêu cầu quý vị bảo trợ cho tôi khỏi các ký giả.”
Rồi bạn tưởng tượng cho tôi cái rừng báo chí sau các năm cách mạng 1789, 1917, 1920, coi dư luận thay đen đổi trắng thế nào.
Cút Xếp đã dùng cái gì hạ bệ Xích Ta Linh và cái gì đã bôi lọ Cút Xếp.
Jouvenel nói báo chí là “đệ tứ quyền”. Phải. Phải lắm và có khi nó khuyn đảo cả ba quyền đứng trước nó, là các quyền lập, hành và tư pháp nữa. (Thuật Gây Ảnh Hưởng hay là Truyền Bá Tư Tưởng)

528. Luôn vươn lên trước mọi thử thách

Trong cuộc đời, bất kể phải trải qua bao nhiêu nghèo khó, bao nhiêu khổ đau, bao nhiêu thất bại, chỉ cần cuối cùng đạt được thành công, thì tất cả những cái đó có đáng gì?
Nghèo túng, chính là khổ đau và cay đắng, nhưng có thể biến thành liều thuốc kích thích, thúc đẩy bạn hướng tới phía trước, có thể chuyển hoá thành nguồn năng lượng to lớn cần có để tiến lên.
Nhà văn lớn người Pháp Ban-Dắc đã từng phải vay tiền để sống cuộc sống vô cùng quãn bách.
Khi còn trẻ, ông làm bất cứ cái gì cũng đều thất bại. gần như không thành công được việc gì cả. Có một độ, nợ nần chồng chất.
Nhưng điều nầy không làm ông nản lòng, ngược lại, nó đã trở thành chất xúc tác khiến ông phấn đấu vươn lên.
Ông miệt mài sáng tác. Những tác phẩm bán chạy của ông lần lượt ra đời …
Đời người chỉ sống một lần, cho nên chúng ta cần phải có những lý tưởng càng cao xa càng tốt, và đừng do dự đón nhận thách thức. (10 Suy Nghĩ Không Bằng 1 Hành Động)

529. Chỉ có toàn tâm, toàn ý, mới làm việc tốt

Hai thanh niên đang nói chuyện thì đi tới ngã ba.
Ở một hướng khác, có một người khiếm thị đi tới, tay cầm một chiếc gậy lộc cộc dò đường.
Ba người đi cùng một hướng.
Hai thanh niên vừa đi vừa trò chuyện, dốc bầu tâm sự về những khó khăn và không hài lòng.
- “Ôi, người khiếm thị đi đâu mất rồi? ” Một thanh niên bỗng phát hiện.
Cậu thanh niên kia nói: “Ông ấy đã đi vào đường bên kia từ lâu rồi.”
Cậu thanh niên vừa hỏi, ngạc nhiên nói:
- “Không thể như thế được! Một người khiếm thị làm sao có thể đi nhanh hơn người bình thường?”
Cậu thanh niên kia chợt hiểu ra, nói:
- “Làm sao mà không thể? Chúng ta vừa đí, vừa nhìn đông nhìn tây, dềnh dàng, vừa đi vừa nói chuyện thì đi chậm, còn ông ấy lại chỉ chăm chú đi, nên nhanh hơn chúng ta.”
Một đạo lý đơn giản, lại sâu sắc: chỉ có một lòng, một dạ, mới làm việc được tốt. (Những đạo Lý Mà Thanh Thiếu Niên Cần Phải Có)

530. Cười là liều thuốc tốt

Hơxtơ là người phụ trách của một bệnh viện.
Bệnh viện nầy, trên thực tế, là một viện nghiên cứu y học thông qua hài hước để phục hồi sức khoẻ. Ở đây, khi bệnh nhân ăn mỗi bữa cơm, đều có thể nhận được một mãnh giấy trên đó, ghi một câu chuyện cười hoặc ghi một bức tranh hài hước.
Bác sĩ và nhân viên công tác ở đây cũng được khuyến khịch thường xuyên cười đùa với bệnh nhân hoặc kể cho bệnh nhân nghe những câu truyện hài hước.
“Cười chính là một liều thuốc quý,” Hơxtơ viết về điều cảm nhận cuỉa mình trong khi chữa trị: “Lấy cười làm một phần của quá trình điều trị, có thể làm cho con người có cảm giác tốt, có khi còn có thể làm cho họ hồi phục sức khoẻ nhanh hơn.”
Theo các nhân viên ở đây nói, nhiều bệnh nhân, sau khi hồi phục rồi, vẫn thường quay lại viện nghiên cứu y học nầy, mục đích chỉ là để cảm nhận lại niềm vui. (Đơn Giản Cuộc Sống)
 
Ước mơ của con
Sa Mạc Hồng
16:50 19/09/2008
Ước mơ của con

Con có một tâm tình ước nguyện
Trong tình Chúa phục vụ tha nhân
Bao năm qua nỗi niềm nguyên vẹn
Con hứa với lòng sẽ trao dâng

Quả tim con dạt dào nồng ấm
Luôn chân tình đón nhận mọi người
Dù người quay lưng không nhìn đến
Con vẫn mong dâng hiến cho đời

Con có đôi bàn tay nhỏ bé
Với ước mơ xoa dịu nỗi lòng
Của những người cô đơn nghèo khổ
Bàn tay con từng ngón vẫn mong

Con có đôi bàn chân vững mạnh
Muốn một ngày ruổi bước đường xa
Đem tin vui với nguồn ân thánh
Đến những người mòn mỏi thiết tha

Con có niềm tin không bờ bến
Trong Đức Ky Tô, Chúa đất trời
Ngài là tình yêu, niềm cảm mến
Của lòng con và của mọi người

Con có nhiều và còn nhiều nữa
Những ước mơ nung nấu tâm hồn
Con mong sống mãi trong tình Chúa
Rồi mai đây ước nguyện sẽ tròn!
 
Rộng Lượng
Lm Vũđình Tường
17:12 19/09/2008
Không thể có một định nghĩa chung cho công bằng. Nếu có cũng không được mọi người chấp thuận và thực thi. Kẻ mạnh, nhiều tiền, lắm quyền thế thường có nhiều công bằng hơn đại đa số quần chúng thấp cổ, bé miệng. Có nhiều lí do dẫn đến giải thích khác nhau về công bằng. Phong tục, tập quán, niềm tin tôn giáo, giáo dục, nơi chốn, xu hướng chính trị và xã hội chiếm một vị trí khá quan trọng trong việc hiểu và giải thích công bằng. Đại đa số quan niệm có vay tất có trả, đánh mất phải bồi thường. Mất răng đền răng, mắt đền mắt. Mất mạng trả mạng và nợ máu trả bằng máu.

Vỏ không phải là ruột

Thoáng nghe bề ngoài có vẻ công bằng. Thực tế bên trong sự việc không đơn giản nhưng phức tạp, khó khăn hơn nhiều.

Công bằng sao được một người gây thương tích cần năm bảy bác sĩ mổ, xẻ, chữa trị. Trong phút giây đủ tạo vết thương nhưng cần tháng, năm cho vết thương lành.

Một thoáng tàn phá khu vườn nhưng chủ nó mất công chăm sóc hàng năm.

Vài ba phút hăng máu, bạo động có hậu quả ngồi tù nhiều năm.

Đứa trẻ cũng tàn phá được công trình kiến trúc của người lớn.

Phái tính, tuổi tác ảnh hưởng nhiều đến đối xử công bằng. Đui què, thui chột lúc trẻ đau khổ kéo dài hơn cao tuổi. Sắc đẹp bị tàn phá thường phái nam ít đau khổ hơn phái nữ. Mức độ chịu đựng đau khổ cũng khác nhau. Người chấp nhận, kẻ đầu hàng. Cùng câu nói, kẻ đau nhiều, người đau ít. Cùng vết thương, kẻ nhịn được nhục, kẻ không thể bỏ qua.

Đối xử công bằng khó hơn khi bất công liên quan đến tự do ngôn luận. Thay vì khuyến khích, nâng đỡ lại phê phán, chê bai khiến tài năng trẻ bị thui chột. Lời bình phẩm vô trách nhiệm làm nản lòng kẻ nhiệt tâm phục vụ tha nhân. Những trường hợp như thế thiệt thòi nhất là kẻ cùng khổ, người nghèo, lớp người cần nâng đỡ hơn cả.

Không giải pháp

Công bằng là vấn đề phức tạp, nan giải, không thể đền bù. Một khi đã đối xử bất công thành bất công vĩnh viễn. Không thể đền đáp thoả đáng so với những gì đã mất. Thiệt hại còn lan rộng ảnh hưởng trên cộng đoàn hoặc dân tộc nếu người đó là một nhân tài.

Trên căn bản mạng người ngang nhau. Tài nghệ trời ban khác nhau. Giết hại một nhà lãnh đạo yêu dân, yêu nước làm hại một dân tộc. Giết hại người giầu óc sáng tạo ảnh hưởng trên tập thể. Một tu sĩ hướng dẫn sai lầm làm hại đức tin. Kết quả chia bè phái trong đạo đưa đến cảnh trước là bạn nay biến thành thù, làm hại đức tin, gây tiếng xấu cho tôn giáo. Tu sĩ này xây; tu sĩ kia phá bỏ giáo dân nai lưng đóng góp. Làm sao đền bù bất công này cho giáo hội, cho cộng đoàn.

Hình phạt

Tù và tiền là hai cách thường được dùng nhiều nhất để nói lên công lí của con người. Tù tội coi như hình phạt đền bù tội lỗi và tiền bạc được dùng như là cách an ủi phần nào thiệt hại cho nạn nhân. Đền bù phần nào có nghĩa là phần mất kia không thể đền bù như thế sao gọi là công bằng vì vẫn còn phần không thể đền bù. Làm sai chịu trách nhiệm trước cộng đoàn. Đơn giản thôi, định cư vùng khác. Tuyên bố chịu trách nhiệm trước lịch sử. Bao mạng người chết oan, đau khổ, lầm than, tang tóc bủa xuống trên đầu hàng vạn sinh linh làm sao một người có thể trả công bằng cho hàng vạn ngoài những trang sách lịch sử phê phán.

Đường lối Chúa

Công bằng trong Kitô giáo xem ra còn khó giải thích hơn nữa bởi vì công bằng của Thiên Chúa đặt nền tảng trên tình yêu.

Chúa là Đấng giầu lòng từ bi, nhân hậu. Chậm bất bình và hay tha thứ.

Tất cả những yếu tố trên đến từ tình yêu vô biên của Thiên Chúa. Một tình yêu vượt lên trên mọi hiểu biết của con người. Đường lối Chúa là dùng tình yêu mà đối xử với nhau. Tình yêu ban sức sống và sống cho tình yêu là điều Thiên Chúa mời gọi. Dấu chỉ chúng ta là anh em chung một Cha là hãy yêu thương nhau như Chúa yêu chúng ta.

Đường lối Chúa mời gọi sống hoà thuận, rộng lượng và khoan dung. Đường lối này nghịch với một số phong tục, tập quán địa phương. Vì bất toàn nên sáng kiến có mục đích tốt mấy cũng có kẽ hở. Có kẽ hở sẽ có kẻ lợi dụng để thủ lợi. Phong tục, tập quán và danh tiếng là nguyên nhân chính gây hiểu lầm, tạo rắc rối cho cuộc sống.

Ghen tương

Một trong những hiểu lầm, rắc rối đó là ghen tương. Ghen vì nghĩ về mình, quên người. Cái tôi ích kỉ vùng lên ghen với người tài, giỏi, may mắn hơn mình.

Ghen ghét là thiếu yêu thương. Đây là một cám dỗ lớn khó nhận ra. Thiếu yêu thương lời nói và hành động đều là giả tạo. Trong tình yêu không có chỗ cho ghen ghét, trái lại có nhiều hy sinh và tha thứ. Ghen ghét người chính là ghen ghét Chúa. Tình yêu thường là nghĩ cho người, hy sinh cho người, sống cho người, thấy người hạnh phúc thì vui, thấy người gặp nạn thì đau buồn. Vui cùng người vui, khóc với người khóc đó là dấu chỉ chia sẻ yêu thương. Càng nghĩ về mình nhiều lòng ghen càng cao.

‘chẳng lẽ tôi không có quyền tuỳ ý định đoạt về những gì là của tôi sao? Hay vì thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tức? Mt 20,16a

TÌM BÀI CŨ:

Suy Niệm: http://www.stmarksinala.net.au/suyniem.html

Truyện ngắn: http://www.stmarksinala.net.au/truyen.html

Hình ảnh: http://www.stmarksinala.net.au/Photos.html
 
Tình Yêu, tiêu chuẩn của Thiên Chúa
LM Phêrô Nguyễn Hương
17:16 19/09/2008
Tình Yêu, tiêu chuẩn của Thiên Chúa

Chúa nhật 25 thường niên

Theo quan niệm thông thường, thì ai làm nhiều sẽ hưởng tiền lương nhiều, ai làm ít thì hưởng ít. Thế nhưng câu chuyện trong Tin mừng hôm nay không như vậy. Người làm suốt ngày chỉ nhận được một đồng và người làm chỉ một giờ thôi cũng nhận được một đồng. Xem ra có vẻ bất công! Chủ vườn nho đó lại là chính Thiên Chúa. Điều này làm cho chúng ta ngạc nhiên. Ngay cả những người thợ làm từ giờ thứ nhất cũng đã lẩm bẩm trách chủ như thế là không đúng. Nhưng đó là cách thức hành động của Thiên Chúa. Thiên Chúa hành động khác với con người. Nói như ở bài đọc I là: “Vì tư tưởng của ta không phải là tư tưởng của các ngươi, và đường lối của các ngươi không phải là đường lối của ta”.

Vậy thì dụ ngôn chủ vườn nho nói với chúng ta điều gì?

Trước hết dụ ngôn muốn nói với chúng ta rằng: - Thiên Chúa hành xử với chúng ta phải dựa trên sự công bằng nhưng là dựa trên tình yêu. Những người làm giờ thứ nhất được trả một đồng là theo tiêu chuẩn công bằng mà họ đã thỏa thuận. Nhưng những người làm giờ cuối cũng nhận được một đồng là theo tiêu chuẩn tình yêu.

- Dụ ngôn còn muốn nhận mạnh rằng: Nước Trời, Ơn cứu độ và ân sủng không phải là phần thưởng, là công trạng do công sức chúng ta làm nên, nhưng là quà tặng, là hồng ân của Thiên Chúa cho tất cả không có loại trừ ai.

Những người do thái thời Chúa Giêsu nghĩ rằng họ là những người thợ đầu tiên đáng hưởng một đồng, nghĩa là ơn cứu độ, còn những người khác thì không xứng đáng. Chúa Giêsu mang đến một sự mới mẽ qua dụ ngôn này là: Nước Trời, ơn cứu độ được ban tặng cho tất cả, kể cả những kẻ đến sau cùng, những kẻ tội lỗi và cả những người nhỏ mọn nhất nếu họ biết lắng nghe lời mời gọi trở về và cộng tác với Thiên Chúa.

Sự “vô lý” của Thiên Chúa là cơ hội cho chúng ta

Như thế, cách thức hành động của Thiên Chúa có vẽ là ngược đời, là vô lý, khác với lí luận của chúng ta. Hay như Đức Hồng Y Thuận nói cách dí dõm là: Thiên Chúa không biết tính toán! Nhưng chính sự “vô lý” của Thiên Chúa lại là cơ hội, là lối vào đưa chúng ta tới Thiên Chúa.

Nếu Thiên Chúa chỉ xét xử chúng ta theo sự công bằng thì chắc chắn chúng ta phải chết rồi vì chúng ta đã đắc tội với Ngài, chúng ta chẳng được quyền hưởng gì, vì chúng ta chẳng có công trạng gì với Ngài.

Nhưng nếu Thiên Chúa hành xử với chúng ta theo tiêu chuẩn tình yêu và lòng từ bi của Người, thì đó lại là hy vọng, là cơ hội cho chúng ta được cứu độ.

Vì thế, bất kỳ lúc nào, dù là giờ cuối cùng, bất kỳ hoàn cảnh nào, Thiên Chúa cũng mời gọi chúng ta trở về, cộng tác với Ngài trong vườn nho của Ngài, và dù làm nhiều hay làm ít Thiên Chúa cũng ban ơn cứu độ, ân sủng cách dồi dào cho chúng ta theo lượng từ bi nhân hậu của Ngài.

Tất cả chúng ta cũng được mời gọi đi vào logic của Thiên Chúa, logic của Tinh Yêu, của lòng quảng đại. Nghĩa là hãy vươn tới tầm nhìn của Thiên Chúa, hãy mặc lấy tâm tình và cách cư xử của Đức Kitô, như thánh Phaolô hôm nay nói: “Vì đối với tôi, sống là Đức Kitô”, để lượng giá cuộc đời, để nhìn đời và để đối xử với nhau cách lạc quan và vui tươi, hơn là dựa theo tiêu chuẩn tính toán, hẹp hòi ích kỷ, như những người thợ đầu tiên, thấy người khác thành công, được ưu đãi, may mắn là sinh ra ghanh tị và tìm cách đạp đổ. Vì bác ái là biết vui với người vui và khóc với người khóc.
 
Chúa công minh trong mọi đường lối của Chúa
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
18:18 19/09/2008
CHÚA CÔNG MINH TRONG MỌI ĐƯỜNG LỐI CHÚA

(Chúa Nhật XXV TN A)

Sao tôi lại làm người trong thân phận này ? Vóc dáng không cao, khuôn mặt không dễ nhìn, sắc tộc vào hàng thiểu số, gia cảnh thì nghèo hèn, hoàn cảnh xã hội quá khó khăn…Rất nhiều nổi băn khoăn, đúng hơn là nổi bất bình cho số phận mình, số phận bị chiếu bởi ngôi sao xấu nào đó. Chập chửng vào tuổi thanh niên, nhiều bạn trẻ không ít lần phiền trách số phận bản thân với hiện trạng đang là của họ. Nhiều giấc mơ xuất hiện như một sự giải tỏa khát mong thầm kín: giá như tôi là thế này, giá như tôi được như kia…Trời xanh có công mình chăng khi có kẻ sinh ra đã là con vua, còn rất nhiều kẻ lại mang kiếp con nhà chùa ?

Cùng với những người làm vườn nho từ sáng sớm hay gần cả ngày, chúng con lắm khi tự hỏi rằng chúng con cum cúp giữ đạo, chịu nhiều thua thiệt ở đời này so với rất nhiều bà con khác đạo và bà con không tôn giáo để rồi lại cũng sẽ lãnh mỗi người một đồng tiền lương sao ? Nói gì đến bà con lương dân hay bà con khác đạo sống ngay lành, người thu thuế Chúa kể chuyện chỉ đấm ngực và xin: Lạy Chúa xin thương xót con là kẻ có tội, chưa hết, cái anh tử tội năm nào bị treo trên thập giá cạnh Chúa, chỉ với lời cầu xin: “lạy Ngài khi nào về Nước Ngài, xin nhớ đến tôi” thì đều được công chính hóa, được phúc thiên đàng. Thế thì sự công bình ở đâu ?

“Tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi và đường lối của các ngươi không phải là đường lối của Ta. Trời cao hơn đất chừng nào thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối của các ngươi và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng của các ngươi chừng ấy.” ( Is 55,8-9 ).

Tư tưởng của Ta: Mọi người đều là hình ảnh của Ta, đều là con cái của Ta. Tất cả mọi người, ngươi và người khác đạo hay người chưa biết Ta, thậm chí người đang không nhận Ta, hết thảy không phải là cái gì xa lạ nhưng chính là hình ảnh của Ta, hết thảy không phải là là người nô lệ, kẻ làm thuê nhưng là con cái của Ta. Ta là người Cha nhân hậu, thiện toàn, cho mưa rơi đều xuống trên người con lành thánh lẫn đứa con bất lương, cho mặt trời mọc lên soi người con công chính lẫn đứa con tội lỗi. Ta chẳng hề muốn một đứa con nào phải hư mất. Ta kiên nhẫn và tạo dịp thuận lợi để những đứa con hư hỏng biết ăn năn sám hối và được sống. Đã là con cái, thì với Ta, đứa nào cũng là quý giá và không có gì sánh được, thậm chí Ta vui mừng vì tìm được đứa con lạc đường, xa nhà, hơn là chín mươi chín đứa con đang ở trong gia đình.

Vấn đề là ngươi cố tìm hiểu tư tưởng của Ta, tấm lòng của Ta. Hiểu được lòng trí của Ta thì ngươi sẽ nhận ra người đồng loại, dù đó là người tội lỗi, người khác niềm tin, người khác chính kiến…họ thảy đều là anh chị em của ngươi. “Anh em như thể tay chân”. Ước gì ngươi cảm nhận được chân lý này.

Đường lối của Ta: Ta xử với con cái không như chúng đã làm, mà như chúng đang là. Ông chủ vườn nho đã đối xử với với đám nhân công không như họ đã làm được những gì, mà như họ là công nhân của ông ta. Có thế thôi. Vậy, Ta vốn là người Cha giàu lòng thương xót lại không đối xử với đàn con như chúng là con của Ta, những đứa con mà ta đã nhận làm dưỡng tử qua chính Con Một Ta hay sao ?

Chính các ngươi là người cha, người mẹ trần gia,n còn vương nhiều điều gian ác mà còn biết lấy của tốt mà trao cho con cái, còn biết lo lắng cho đứa con trong nôi chưa làm được sự gì, một lẽ tất yếu là vì chúng là con cái các ngươi. Thế thì sao các ngươi lại bực mình khi Ta tỏ lòng nhân hậu với những người hèn kém, những người tội lỗi…vì chúng nó là con cái của Ta, cũng như các ngươi.

Tư tưởng của các ngươi và đường lối của các ngươi tuy có bị tội lỗi làm sai lệch nhưng tiên vàn vẫn là do Ta đặt để ngay từ đầu buổi tạo dựng. Chính vì thế, tư tưởng của Ta và đường lối của Ta tuy có cao xa hơn tưởng và đường lối các ngươi nhưng vẫn có nét nào đó nơi tư tưởng và đường lối các ngươi, dĩ nhiên là chúng cần phải được chỉnh hướng.

Một vài cách thế chỉnh hướng tư tưởng và đường lối của các ngươi: Hãy mở lòng đế lắng nghe lời Con Một của Ta, Giêsu Kitô:

1. Lạy Cha chúng con ở trên trời ( Mt 6,9 ): Lời kinh nguyện duy nhất mà Con Một của Ta chỉ dạy các ngươi khi cầu nguyện, nhắc nhở các ngươi hãy xác định đúng vị thế các ngươi trước mặt Ta và trước tha nhân, bất kể họ là người thế nào. Ta là người Cha duy nhất và tất cả các ngươi đều là anh chị em với nhau cùng với người anh cả là Con Một của ta nhập thể làm người, Giêsu Kitô. Các người đừng quên rằng sự thường trong các buổi cử hành Phụng vụ, các người đều có cất lên lời kinh nguyện này: Lạy Cha chúng con ở trên trời…

2. Những gì các ngươi muốn người ta làm cho mình thì hãy làm những điều ấy cho người ta ( Mt 7,12 ). Không dừng lại ở thái độ tiêu cực là đừng làm cho tha nhân những gì mình không muốn tha nhân làm cho mình mà cần phải tích cực làm những điều tốt đẹp cho tha nhân. Vì tất cả lề luật và lời Ngôn sứ đều quy về đó. Điều này sẽ thành hiện thực khi các ngươi chân nhận tha nhân là huynh đệ nghĩa thiết của các ngươi.

Đã là huynh đệ nghĩa thiết, tình như thủ túc, như chân tay mình, như chính bản thân mình thì chuyện ganh tị, đố kỵ sẽ chẳng còn lý do gì để tồn tại.

Trở lại với sự băn khoăn hay nổi bất bình về số phận xem ra chẳng may của nhiều người thì thú thật sẽ khó có lời giải thích thỏa lòng. Cùng tốt nghiệp cử nhân hạng ưu như nhau, nhưng một bạn trẻ xuất thân từ gia đình nghèo hèn, thiếu điều kiện, sẽ có niềm vui khác xa một bạn trẻ con nhà giàu có, đủ đầy điều kiện. Một thực tế của cuộc sống, hy vọng có thể giúp nhiều người thoạt sinh ra đã ở trong hoàn cảnh thiếu may mắn, xét dưới nhãn quan nhân loại. Dù Hy Lạp hay Do Thái, dù nô lệ hay tự do thì cái đích đến là được làm con cái Chúa, được hưởng hạnh phúc Nước Trời, thì đều ở trong tầm tay của mọi người. Hơn nữa dưới nhãn quan Tin Mừng thì những người xem ra kém may mắn, lại có nhiều thuận lợi để đạt đến hạnh phúc Nước Trời hơn. Chúa Kitô đã khẳng định chân lý này qua các mối phúc, cũng như các mối họa ( x. Lc 6,20-26 ).

Dù ta ở trong hoàn cảnh thuận lợi hay không thuận lợi theo nhãn quan nhân loại hay theo nhãn quan Tin Mừng thì mọi sự tốt đẹp đều là có thể, nếu như chúng ta xem nhau như anh chị em. Xin được kết thúc những dòng chia sẻ này bằng câu chuyện sau: Trong một cuộc thi điền kinh môn chạy đường dài ( Maraton ), có hai anh em ruột cùng tham gia thi chạy với nhiều người khác. Còn khoảng một trăm mét là đến đích, về nhất. người anh ngoái đằng sau thấy em mình cũng bỏ đoàn chạy phía sau khá xa, nhưng dường như đạng bị chấn thương nào đó nên phải khập khểnh trên đoạn đường cuối. Người anh dừng lại chờ người em đến và dìu người em chạy nốt đoạn ngắn còn lại. Đứng trước vạch đích, hai anh em cùng hô một hai ba: chạm đích. Ban tổ chức hôm ấy đã phải trao hai huy chương vàng, dù không thể tiên liệu. Mọi sự đều là có thể trong tình yêu, vì “Thiên Chúa là Tình Yêu” ( 1 Ga 4,8 ).
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:45 19/09/2008
NƠI THẲM SÂU NHẤT

N2T


Đại sư nói với một thương nhân: “Cá không thể sống được nơi chỗ đất khô cạn, ngài cũng không thể sống được trong sự trói buộc của thế gian; giống như cá cần phải trở về với biển lớn, ngài cũng cần phải trở về với yên lặng.”

Thương nhân cảm thấy sợ hãi: “Lẽ nào tôi cần phải vứt bỏ sự nghiệp, vào dòng kín để tu ?”

- “Không, không phải, ngài có thể tiếp tục sự nghiệp của ngài, nhưng đồng thời quay trở về nơi thẳm sâu nhất của tâm hồn của ngài.”

(Trích: Huệ nhãn thiền tâm)

Suy tư:

Ai cũng có một tâm hồn, nơi sâu thẳm nhất của tâm hồn chính là nơi Thiên Chúa ngự trị, bởi vì khi chúng ta thinh lặng, hồi tâm suy niệm thì chúng ta sẽ tìm gặp được Chúa.

Có nhiều giáo dân trở nên vị thánh, bởi vì khi sống giữa đời, các ngài thường thinh thặng đi vào nơi thẳm sâu nhất của tâm hồn để gặp Chúa, cho nên dù làm bất cứ việc gì thì các ngài cũng có thể kết hợp được với Thiên Chúa đang ngự trong chốn thẳm sâu tâm hồn của mình.

Không nhất thiết phải vào dòng tu để thấy Chúa, vì có những vị tu trì không tìm thấy Chúa trong đời tu nên trở thành gương mù gương xấu; không nhất thiết phải vào dòng kín khổ tu để gặp Chúa, bởi vì lòng không tĩnh thì dù ở trên thiên đàng cũng không gặp được Ngài.

Ai có tai thì nghe, ai hiểu được thì hiểu, bởi vì chốn thẳm sâu nhất của tâm hồn mình, thì không người nào biết cả, chỉ có Chúa và chỉ có bản thân mình mới hiểu mà thôi...
 
Mỗi tuần SỐNG một câu Lời Chúa
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:46 19/09/2008
CHỦ NHẬT 25 THƯỜNG NIÊN

Tin mừng: Mt 20, 1-16a.

“Phải chăng vì thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tức ?”


Bạn thân mến,

Đã có lần bạn đi làm công, những nỗi vất vả nhọc nhằn bạn đều có trãi qua, nhưng có lẽ bạn chưa hề ganh tị với ông chủ của mình khi ông ta rộng tay hào phóng với những người mới đến làm việc, bởi vì bạn biết ông chủ của mình rất “chịu chơi”, nhưng tự tâm mình, bạn cũng cảm thấy là ông chủ của mình có thiên vị...

Thiên Chúa tốt bụng hơn ông chủ của bạn nhiều, bởi vì Ngài chính là Thiên Chúa của tình yêu, và bởi vì yêu thương mà Ngài không hề keo kiệt với người làm công cho Ngài vào giờ cuối cùng trong ngày, Ngài hào phóng với tất cả mọi người, không so đo hơn thiệt khi sử dụng tài sản của mình, nhưng Ngài sẽ ban thêm cho những người –dù làm giờ thứ năm- tận tâm tận lực làm tròn trách nhiệm của mình trong cuộc sống, dù thời gian còn rất ít.

Những người làm công vào giờ thứ nhất trong ngày –đại diện cho bạn và tôi- đã ghen tị với ông chủ của mình, bởi vì họ làm trọn cả ngày mà tiền công thì cũng chỉ bằng người làm giờ cuối cùng, họ ghen tị cũng đúng thôi vì đó là thói đời của thế gian, nhưng họ đâu có nghĩ rằng họ đã giao kèo với ông chủ tiền công trong ngày là một đồng.

Bạn và tôi đã được rửa tội từ rất sớm để gia nhập Giáo Hội của Chúa, tức là được Chúa mời gọi vào làm trong vườn nho của Ngài, với tiền công là hưởng hạnh phúc thiên đàng mai sau. Nhưng có lúc nào bạn nghĩ rằng, dù mình được rửa tội đến nay đã được năm mươi năm, sáu mươi năm, hoặc tám mươi năm, nhưng trong khoảng thời gian này bạn đã tận tâm làm vườn nho cho Chúa chưa, hay bạn và tôi chỉ là những người sợ mưa sợ nắng, trốn tránh trách nhiệm, và có khi kiêu ngạo vỗ ngực nói với những người mới theo đạo rằng: tớ là người đạo gốc, đạo dòng chính hiệu, giáo lý tớ hiểu rất nhiều, kinh sách tớ thuộc làu làu.v.v...nhưng cuộc sống của bạn và tôi chưa xứng đáng để nhận tiền công của Chúa, vậy mà chúng ta còn ghen tị với Chúa là thiên vị khi Ngài thưởng công cho người suốt đời sống tội lỗi, đến phút cuối đời mới nhận biết Chúa và chịu bí tích Rửa Tội làm con Chúa...

Bạn thân mến,

Chúng ta không có quyền ghen tị khi người anh em chị em được ơn của Chúa ban cho: người thì giàu có, người thì tài giỏi, người thì thánh thiện, người thì hiền hòa dễ thương.v.v...nhưng chúng ta cần phải cám ơn Chúa với họ, và bằng lòng với tiền công mà Chúa đã hứa ban cho mình, đó chính là một hạnh phúc lớn lao mà những người có tâm hồn khiêm tốn biết nhận ra trong cuộc sống của mình.

Ghen tị là mầm mống phát sinh ra những thói xấu khác như: vu khống, nói xấu, phỉ báng...

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

----------------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://360.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:49 19/09/2008
N2T


36. Sự tiến triển của thánh đức là hoàn toàn do sự cầu nguyện.

(Thánh Augustinus)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Hai ứng cử viên TT Mỹ sẽ tham dự bữa tiệc do ĐHY New York chiêu đãi
Peter Nguyễn Minh Trung
08:12 19/09/2008
NEW YORK (CNA) - Hai ứng cử viên tổng thống Mỹ là John McCain và Barack Obama sẽ gặp một cơ hội có một không hai vào tháng tới để thể hiện sự hóm hỉnh và tính cách của mình. Hai vị thượng nghị sĩ này dự kiến sẽ là diễn giả khách mời của bữa tiệc chiêu đãi hằng năm nhân dịp kỷ niệm 63 năm thành lập Tổ chức Alfred E. Smith tại New York.

Hai năm sau cái chết của Alfred E. Smith năm 1944, Đức cố Hồng Y Francis Spellman của New York lúc bấy giờ đã tổ chức bữa tiệc đầu tiên để vinh danh ông, một người công giáo tiên phong được đảng chính trị lớn của nước này chọn ra ứng cử tổng thống. Ông Smith từng là thống đốc bang New York trong các nhiệm kỳ 1919-1920 và 1923-1928, ông được xem là vị bảo trợ nâng đỡ những người dân nhỏ bé.

Bữa tiệc thường niên lần thứ 63 sẽ được tổ chức vào ngày 16 tháng 10 tới và do ĐHY Edward Egan đương nhiệm của New York chiêu đãi. Đây là cơ hội để hai diễn giả khách mời và cũng là hai ứng cử viên tổng thống Hoa Kỳ thể hiện họ sẽ ăn nói ra sao khi không phát biểu trên sân khấu chính trị.

Như đã thành truyền thống từ lâu, các ứng cử viên tổng thống Mỹ đều được mời đến nói chuyện tại bữa tiệc.

Những diễn giả khách mời trong những năm gần đây gồm có: thủ tướng Anh Tony Blair, tổng thống Mỹ cha George H.W. Bush, Brian Williams, thống đốc bang New York Hugh L. Carey, tổng tư lệnh quân đội Tommy R. Franks và bộ trưởng ngoại giao Colin L. Powell.

Đây sẽ là lần thứ hai thượng nghị sĩ McCain là diễn giả khách mời tại buổi chiêu đãi Tổ chức Smith, nhưng lại là lần đầu tiên của ông Obama.

Tiền quyên góp được từ bữa tiệc sẽ được dành để giúp đỡ những người nghèo khổ, bệnh tật tại tổng giáo phận New York.
 
BÁc sĩ người Brazil nói: Trẻ em sơ sinh bị thiếu một phần não cũng là những cơ thể sống
Peter Nguyễn Minh Trung
08:14 19/09/2008
BRASILIA (CNA) - Bác sĩ phụ khoa đồng thời cũng là bác sỹ khoa sản bà Elizabeth Kipman Cerqueira đã lên tiếng bảo vệ sự sống trước khi Tòa án Tối cao Brazil đem vấn đề các trẻ sơ sinh bị khuyết não sẽ sống được một quãng thời gian rất ngắn ra bàn thảo vào tuần này, bà nói "chúng là những cơ thể sống" có quyền được sinh ra.

Bác sĩ Cerqueira nói với quan tòa rằng: Mỗi bào thai chưa sinh là "một cơ thể sống, [bé trai hoặc bé gái ấy] sẽ bị tổn tương nghiêm trọng về não khi được sinh ra và chỉ có thể sống trong một thời gian rất ngắn, tuy nhiên, đó vẫn là sự sống". Tòa án Tối cao đang ra sức hợp pháp hóa phá thai đối với những bào thai mắc bệnh khuyết não bẩm sinh.

Theo Phong trào Bảo vệ Sự sống, bà Cerqueira cũng đề cập đến những hội chứng mà sau khi phá thai sẽ gặp phải trong bài tranh luận của mình. Bà nói: "Chắc chắn rằng một người mẹ đi phá thai sẽ cảm thấy hối hận hơn là một người mẹ mang thai và để cho bào thai của mình được sinh ra cho đến lúc chết tự nhiên." Vị chuyên gia này cũng lưu ý thêm rằng phụ nữ phải chịu nhiều rủi ro khi mang thai, nhưng những rủi ro ấy còn lớn hơn gấp bội khi đi phá thai vì phá thai có thể dẫn đến những tổn thương vĩnh viễn bên trong cơ thể hoặc nhiễm trùng.

Phong trào Bảo vệ Sự sống cho biết thuật ngữ "phá thai" được sử sụng thường xuyên trong suốt thời gian tranh luận trước tòa án, tuy nhiên những kẻ ủng hộ phá thai thì lại dùng từ khác nhẹ nhàng hơn để tránh đi tội ác mà hành động đó gây ra. Những người phò sinh thì lại dùng từ: "cái chết của bào thai trong dạ mẹ".

Để biết thêm thông tin chi tiết, xin truy cập: www.defesadavida.com.br
 
Microsoft và Google cùng các quảng cáo sản phẩm hỗ trợ chọn lựa giới tính bị chỉ trích tại Ấn Độ
Peter Nguyễn Minh Trung
08:17 19/09/2008
NEW DEHLI (CNA) - Hai gã khổng lồ trong lĩnh vực tìm kiếm là Microsoft và Google đã có những quảng cáo về các sản phẩm chọn lựa giới tính cùng những dịch vụ khác bất hợp pháp tại Ấn Độ. Đơn giản vì truyền thống văn hóa của nước này khác so với Tây phương, nhiều người Ấn Độ thích con trai hơn con gái và chọn phá đi những trẻ chưa sinh nếu chúng là con gái.

Theo hãng thông tấn Pháp AFP, tháng trước, Tòa án Tối cao Ấn Độ đã yêu cầu hai công ty này và cả công ty Yahoo phải trả lời về những cáo buộc mà nhà hoạt động xã hội Sabu George cho rằng các công ty đó đang quảng cáo những bộ sản phẩm tự-bạn-chọn-lựa kèm theo những thiết bị kiểm tra di truyền đắt đỏ để xác định giới tính của đứa trẻ chưa sinh. Những sản phẩm đó không chứng minh được tính xác thực và an toàn.

Các nhà hoạt động xã hội buộc tội những sản phẩm ấy làm thương tổn các nỗ lực của xã hội nhằm giảm bớt sự phá thai quy mô lớn của phụ nữ.

Những cáo buộc của họ rõ ràng là có hiệu quả.

Nhà hoạt động xã hội Sabu George nói với AFP rằng: "Những liên kết từ Google giảm xuống một cách đáng kể. Chúng cũng biến mất khỏi công cụ tìm kiếm trên Live Search và MSN của Microsoft tại Ấn Độ.

Google cho biết họ sẽ "xem xét lại yêu cầu ấy thật nghiêm túc." Họ nói: "Ở Ấn Độ, chúng tôi không được phép để những quảng cáo tiếp thị ấy thúc đẩy việc xác định giới tính và phổ biến quan niệm về chọn lựa giới tính. Và chúng tôi hoàn toàn tuân thủ nghiêm ngặt luật lệ của quốc gia các bạn."

Hiện các từ khóa tìm kiếm như "chọn lựa giới tính" và "chọn lựa phái tính" trên trang Yahoo tại Ấn Độ không dẫn đến một liên kết nào như thế.

Hầu hết người dân Ấn Độ đều thích con trai vì con trai là những người làm ra của cải, còn phụ nữ bị xem như gánh nặng kinh tế vì của hồi môn và mọi khoản tiền kiếm được đều phải giao cho chồng.

Do có sự phá thai theo chọn lựa giới tính ở quốc gia này nên hiện nay tỉ lệ trẻ sơ sinh nam là 1,000 còn nữ chỉ ở mức 927, so sánh với tỉ lệ trung bình của thế giới 1,050 nữ trên 1,000 nam.

Khi làm các kiểm tra siêu âm ở Ấn Độ chỉ mất một khoản tiền nhỏ là 5 đôla, đây là phương pháp phổ biến để xác định giới tính của bào thai. Luật pháp Ấn Độ cấm sử dụng các thiết bị siêu âm cho mục đích đó, nhưng trong thực tế thì rất khó kiểm soát điều này.

Nhà hoạt động Sabu George phát biểu với AFP: "Những gì mà siêu âm đã gây ra khiến hàng loạt các bé gái bị sát hại trong thập niên 1990 thì nay lại có thể sẽ tiếp diễn với những sản phẩm mới này sau một thập niên. Chúng ta phải đi trước chúng một bước."

Ông Steve Mosher, chủ tịch Học viện Nghiên cứu Dân số Virginia cho thông tấn xã CNA một cuộc phỏng vấn hôm thứ năm vừa qua đã nói về sự chọn lựa giới tính ở Ấn Độ.

Ông nói: "Những luật lệ chống lại việc phá thai để chọn lựa giới tính tại Ấn Độ là bất khả thi vì trong xã hội Ấn, con trai được ưa thích vô cùng. Nhiều trẻ em gái đã bị giết chết từ trong tử cung của mẹ bằng hình thức phá thai chọn lựa giới tính để cha mẹ chúng không phải trả của hồi môn cho nhà trai khi cưới theo tập tục của đạo Hindu."

Ông Mosher nói phá thai chọn lựa giới tính là "gần như không được biết đến" tại Goa (thuộc địa trước đây của Bồ Đào Nha) và ở bang Kerala, những khu vực này theo ông Mosher là "đậm chất Công giáo." Ông giải thích rằng Kerala theo Công giáo vì những nỗ lực truyền giảng Phúc Âm của Thánh Phanxicô Xaviê xưa kia.

Ông cũng nói thêm rằng tại Madras, nơi Thánh Tôma Tông Đồ đã từng sống, giảng dạy và tử đạo, việc phá thai chọn lựa giới tính cũng chẳng hề phổ biến.

"Vấn đề đó rất nghiêm trọng ở mọi tầng lớp thuộc đạo Hindu. Người Hindu càng giàu có và có nhiều của cải thì lại càng không muốn trả bất cứ khoản hồi môn nào huống chi những người nghèo làm sao có khả năng ấy."

Ông nói tiếp: "Một mẫu gương tiêu biểu mà người ta nghĩ ngay đến là Indira Gandhi, vị nữ thủ tướng trước đây của quốc gia này, bà luôn thuyết phục nhân dân Ân Độ tôn trọng các giá trị của phụ nữ, thế nhưng nạn phân biệt đối xử với các trẻ em gái và phụ nữ vẫn tồn tại mạnh mẽ cho tới tận ngày nay."
 
ĐTC Benedictô XVI ca ngợi Hội nghị về sự thật lịch sử bao quanh đức Pius XII
Peter Nguyễn Minh Trung
08:20 19/09/2008
VATICAN (CNA) - Đức Thánh Cha Pius XII đã tạo nên sự quan tâm và xem xét tỉ mỉ của rất nhiều người trong suốt nhiều thập niên qua. Đức Giáo hoàng Benedict XVI hôm nay trong bài phát biểu trước Tổ chức Dọn Đường (Pave the Way Foundation) tại Castel Gandolfo đã nhấn mạnh đến những nghiên cứu về các nỗ lực của Đức cố Giáo hoàng Pius XII trong việc cứu người Do Thái khỏi chế độ phát xít đế quốc xã.

Trưa nay tại dinh thự mùa hè Giáo hoàng, ông Gary Krupp, chủ tịch Tổ chức Dọn Đường và các thành viên của tổ chức này đã được Đức Thánh Cha Benedict XVI tiếp kiến.

Ông Krupp và vợ ông là người Do Thái, cũng là người sáng lập Tổ chức Dọn Đường để chống lại việc bất khoan dung và kỳ thị tôn giáo bằng các phương tiện kỹ thuật, văn hóa, giáo dục. Như là một phần của nỗ lực trên, Pave the Way đã tổ chức một cuộc hội thảo khoa học nhằm nghiên cứu chuyên sâu và kỹ lưỡng những tài liệu về cuộc đời, những công việc mục vụ và những việc làm nhân đạo của Đức Pius XII.

Đã 50 năm trôi qua kể từ ngày Đức Pius XII qua đời (09/10/1958), ĐTC Benedict XVI ghi nhận rằng mặc dù "rất nhiều điều được viết về Đức Pius XII trong 5 thập niên qua...thế nhưng không phải tất cả những khía cạnh chân thực trong hoạt động mục vụ ấy của ngài đã được nghiên cứu dưới ánh sáng đúng đắn."

Mục đích của cuộc hội thảo chính là duyệt xét những thiếu sót đó qua việc "thực hiện một cuộc nghiên cứu kỹ lưỡng và đầy đủ tài liệu dẫn chứng về những can thiệp của Đức Pius XII, đặc biệt là những hành động giúp đỡ người Do Thái đã bao năm là mục tiêu săn tìm trên khắp châu Âu bởi kế hoạch dã man của những kẻ muốn tiêu diệt họ khỏi mặt đất."

Đức Giáo hoàng nhận xét: "Khi người ta đến gần với vị Giáo hoàng khả kính này, bỏ qua mọi thành kiến về ý thức hệ và để chính bản thân được đánh động bởi những đức tính thiêng liêng và nhân bản cao quý của ngài, người ta sẽ bị thu hút bởi gương sống của ngài và sự phong phú trong những giáo huấn của ngài. Người ta cũng có thể ngưỡng mộ sự khôn ngoan và tính kiên trì trong công việc mục vụ của ngài, chính những đức tính ấy đã hướng dẫn ngài trong suốt nhiều năm trên cương vị của mình, nhất là trong việc cung cấp những trợ giúp cho người Do Thái.”

ĐTC Benedict XVI cảm ơn Tổ chức đã "trưng dẫn ra hàng loạt những văn kiện và tài liệu xác thực mà họ tập họp được từ các học giả nghiên cứu và những nhân vật lỗi lạc đáng tin cậy," Ngài nói tiếp: "Hội thảo của các bạn đặc biệt cung ứng cho quần chúng dư luận khả năng nhận thức đầy đủ những hoạt động và thành quả mà Đức Pius XII đã làm cho người Do Thái để cứu họ khỏi bị bách hại bởi chế độ Nazi, phát xít."

ĐTC nhắc lại sự kiện ngày 29-11-1945, Đức Piô 12 đã gặp 80 đại biểu của những người đã sống sót trong các trại tập trung của Đức quốc xã, trong một buổi tiếp kiến đặc biệt dành cho họ tại Vatican. Họ muốn đến để đích thân cám ơn Đức Cố Giáo Hoàng vì lòng quảng đại đối với họ trong thời kỳ bách hại kinh khủng của chế độ quốc xã - phát xít”.

Một trong nhiều khía cạnh của cuộc hội thảo mà ĐTC Benedict XVI muốn cảm ơn đó là hội thảo đã "chú ý đến những can thiệp của Đức Pius XII cách thầm lặng và bí mật vì những khó khăn mà hoàn cảnh lịch sử lúc ấy đòi buộc, chỉ bằng cách ấy ngài mới có thể tránh cho người Do Thái khỏi nạn diệt chủng và cứu thoát một số đông họ khỏi những điều tồi tệ nhất đã xảy ra. Sự cống hiến đáng trân trọng ấy của ngài đã được công nhận và đánh giá cao trong suốt và sau khi nhiều cá nhân cũng như các cộng đồng Do Thái đích thân đến cảm ơn ngài vì những gì ngài đã làm cho họ."

Một biến cố đáng ghi nhớ đã được ĐTC Benedict XVI gợi lại: "Vào ngày 29/11/1945, Đức Pius XII đã gặp 80 đại biểu còn sống sót trong các trại tập trung Đức Quốc Xã với một cuộc tiếp kiến đặc biệt dành cho họ tại Vatican, họ muốn đến để cảm ơn ngài cách riêng vì lòng quảng đại của ngài dành cho họ trong thời kỳ đen tối mà họ bị bách hại dưới chế độ đế quốc xã phát xít."

Đức Thánh Cha cảm ơn Tổ chức Dọn Đường "vì các hoạt động hiện nay trong việc tăng tiến các mối quan hệ và đối thoại giữa các tôn giáo như những chứng nhân của hòa bình, bác ái và hòa giải."

Ngài kết thúc: "Hy vọng lớn của tôi rằng năm nay, năm đánh dấu 50 năm vị tiền nhiệm đáng kính của tôi qua đời cũng sẽ là năm mở ra những cơ hội để mọi người có thể nghiên cứu chuyên sâu về nhiều khía cạnh khác nhau của cuộc đời và sự nghiệp Đức Pius XII, từ đó đi đến hiểu biết sự thật lịch sử bao trùm những thành kiến hiện tại còn đang lưu truyền."
 
Vatican gửi thông điệp đến người Hồi giáo và kêu gọi bảo vệ phẩm giá gia đình
Peter Nguyễn Minh Trung
17:12 19/09/2008
VATICAN (CNA) - Người Hồi giáo trên khắp thế giới sắp kết thúc tháng chay Ramadan, tháng của chay tịnh, bác ái và thờ phượng cao độ. Như thông lệ hằng năm, Hội Đồng Tòa Thánh về Đối thoại Liên tôn đã gửi đi một thông điệp thúc giục các tín đồ Hồi giáo cùng hợp tác với các Kitô hữu trong việc bảo vệ các gia đình.

Tiêu đề của bức thông điệp là: "Người Kitô giáo và Hồi giáo: Cùng nhau bảo vệ phẩm giá của gia đình." Thông điệp được gửi đến toàn thể các tín đồ Hồi giáo ký bởi Đức Hồng y chủ tịch Jean-Louis Tauran và Đức Tổng Giám Mục Pier Luigi Celata, thư ký Hội đồng.

Thông điệp bắt đầu bằng đoạn viết: "Cảm tạ Thiên Chúa vì trong suốt tháng qua, người Kitô hữu gần gũi các bạn để sẻ chia cùng các bạn những suy ngẫm và những nghi lễ gia đình; để đối thoại và tình bạn được tăng cường."

"Cuộc gặp gỡ thân tình này đưa chúng ta đến cơ hội cùng suy ngẫm về các giá trị tương trợ lẫn nhau, những giá trị ấy sẽ giúp tăng cường các giao đổi giữa chúng ta và giúp chúng ta hiểu biết nhau hơn, trong những giá trị chung mà chúng ta cùng chia sẻ cũng như những khác biệt còn tồn đọng trong chúng ta: đó là chủ đề về gia đình."

Thông điệp đã viện dẫn Hiến chế Vui mừng và Hy vọng (Gaudium et Spes) của Công Đồng Vatican II để khẳng định rằng một xã hội tốt đẹp phụ thuộc vào những "giá trị lành mạnh" về hôn nhân và gia đình.

Hội Đồng Tòa Thánh về Đối thoại Liên tôn tiếp tục kêu gọi: "Có biết bao nhiêu người hiện đang cưu mang trong mình, thậm chí là suốt cả cuộc đời, những gánh nặng của tổn thương và hoàn cảnh gia đình khó khăn? Có biết bao nhiêu đàn ông, phụ nữ đang đắm chìm trong ma túy, bạo lực nhưng vẫn muốn tìm kiếm lại những mơ ước tuổi thơ?"

Thông điệp viết tiếp: không thể phụ nhận rằng "người Kitô giáo và Hồi giáo có thể và phải cùng nhau hợp tác để bảo vệ những giá trị cao quý của gia đình cho hôm nay và tương lai mai sau."

"Người Hồi giáo và Kitô giáo không chỉ không được chần chừ do dự đến ngay với các gia đình khó khăn cần trợ giúp mà còn phải cùng hợp tác với tất cả những ai ủng hộ giá trị gia đình bền vững như một mối quan tâm và trách nhiệm của bậc làm cha mẹ, đặc biệt là trong lãnh vực giáo dục. Tôi cũng cần lưu ý với các bạn rằng gia đình là trường dạy đầu tiên về sự biết kính trọng kẻ khác, quan tâm đến những điểm tương đồng và dị biệt nơi người khác. Đạt được điều ấy, lợi ích sẽ đến với công cuộc đối thoại liên tôn và trách nhiệm của mỗi công dân."

Đoạn cuối thông điệp, ĐHY Tauran và Đức TGM Celata viết: tháng chay Ramadan sẽ kết thúc vào tuần trăng mới, và khi biến cố ấy đến thì: "Hỡi các bạn thân mến, giờ đây khi tháng chay tịnh đã sắp hết, tôi hy vọng rằng các bạn cùng gia đình và những người thân của các bạn gột sạch, tái sinh lại những thực hành tôn giáo của các bạn, điều ấy sẽ mang lại sự thanh bình và phong phú thêm trong cuộc sống các bạn ! Xin Thiên Chúa Toàn Năng tuôn đổ Hồng ân và Bình an xuống trên các bạn !"
 
Top Stories
Vietnamese Catholics protest government land clearing - Summary
The Earth Times (DPA)
06:41 19/09/2008
Posted: Fri, 19 Sep 2008 09:33:23 GMT

Hanoi - Hundreds of Catholics massed Friday in downtown Hanoi, singing and praying, after the government sent police and earthmovers to clear a disputed piece of property and turn it into a public park. Priests said construction crews arrived at 4 am Friday to break down walls and clear structures on the site of Hanoi's former papal nunciature, next to St Joseph's Cathedral in central Hanoi.

Parishioners and priests staged a months-long vigil on the site last winter to demand the land be returned to the church.

"At 4 in the morning, about 200 police and two construction machines appeared at the site," said Father Nguyen Van Khai, a priest from nearby Thai Ha parish who is staying at the cathedral. "At about 4:30, they destroyed the wall and the other monuments on the site. They are blocking the whole neighbourhood. We cannot go out."

"We are clearing the land to build a library and a park, to serve the whole community," said Nguyen Thinh Thanh, chief of the secretariat of Hanoi's People's Committee. "We did not have to ask for the parish's permission, because that land belongs to the state."

Since 8 am, several hundred parishioners have gathered in the street in front of the site, watched by dozens of uniformed and plainclothes police.

"We are fighting for peace and justice," said Father Khai. "We are ready to die."

Police have closed streets to traffic in a one-block radius around the nunciature, but parishioners and students at the adjacent Catholic seminary were entering and exiting the area on foot.

Thanh said no punishment would be sought against Catholics who had gathered to pray at the site unless they took "extremist actions," in which case police would be asked to deal with them.

Last December the city's archbishop led hundreds of parishioners in a vigil on the site that lasted several months. Parishioners built a shrine to the Virgin Mary and for a time erected a cross on the site, and parishioners camped there every night.

The site, enclosed by a high fence, contains a grassy field and an elegant colonial building, the former nunciature, which housed the Vatican's representative in Hanoi before Vietnam became independent from France in 1954. The Communist government later took over the property, but the church says it still owns it.

The vigil ended with an agreement between the Hanoi city government and the parish to negotiate a settlement. Thanh said the government had informed the parish in advance of Friday morning's moves, but priests said they had no warning.

The conflict over the nunciature is one of two land disputes in Hanoi between the local government and the Catholic Church. The other is at Thai Ha church, where Khai is a pastor.

At Thai Ha, parishioners last November began breaking down walls and occupying a plot of land adjacent to the church which was expropriated by the government in the early 1960s. The land was assigned to three state-owned companies.

After one of those companies, the Chien Thang garment company, was privatized and moved to sell the land for a profit, the church objected. Prayer marches and vigils beginning August 14 led to the arrest of three parishioners on August 28 for destroying property and to an open conflict between a crowd of parishioners and police.

Police announced Wednesday they had arrested a Thai Ha parishioner, Pham Chi Nang, 50, accused of destroying property on the site. They issued an arrest warrant for another protestor, Nguyen Dac Hung, 31.

At a government press conference on August 29, Hanoi's People's Committee explained that a 2003 decree rules out reconsidering land disputes from before 1991 involving the old "socialist land management policies."

Catholicism is entrenched in Vietnam, having arrived in the 1600s, and at least 6 million Vietnamese (in a population of 85 million) identify themselves as Catholics. Hundreds of churches around the country had property confiscated by the government between 1954 and the country's turn to a free-market economy in the 1990s.

If the government accommodates the demands of the churches in Hanoi, other churches around the country could take it as a signal to reopen their old property claims.

The land disputes have soured the mood between the Vietnamese government and the Vatican, which had discussed normalizing relations in recent years. Vietnamese Prime Minister Nguyen Tan Dung visited Pope Benedict in January 2007.
 
Vietnam: Coup de force de la police sur la propriété de l’ancienne Délégation apostolique à Hanoi
Eglises d'Asie
06:44 19/09/2008
Vietnam: Coup de force de la police sur la propriété de l’ancienne Délégation apostolique à Hanoi

Des événements graves se sont produits ce matin 19 septembre à l’intérieur de la propriété de l’ancienne Délégation apostolique à Hanoi. Les forces de police y ont fait pénétrer de gros engins de chantier, qui, pour le moment, ont détruit le mur de clôture et certaines constructions à l’intérieur de la propriété. Prêtres et fidèles sont accourus sur les lieux. Dans l’après-midi, heure locale, Mgr Ngô Qiang Kiêt a solennellement protesté contre cette intrusion brutale dans une interview accordée à VietCatholic News.

Ce matin, de très bonne heure, au sortir de la première messe de la cathédrale de Hanoi, les fidèles se dirigeaient vers l’ancienne Délégation apostolique pour y prier devant la statue de la Pietà, comme ils en ont repris l’habitude depuis quelques jours. Ils en ont été empêchés par des forces de police, nombreuses, armées de matraques et de fusils, qui ont cerné le quartier de l’archevêché et bloqué les deux extrémités de la rue qui y mène (Phô nhà chung). C’est le général Nhanh, directeur de la police de la capitale, qui dirige directement les opérations. Les écoles du quartier n’ont pas ouvert leurs portes. Une série de gros engins ont été amenés dans la propriété de la Délégation apostolique, qui s’est alors transformée en chantier. A 9 h, le mur de clôture était totalement détruit sous les yeux des journalistes des médias officiels, rapidement averti l’opération.

La police empêche toute personne de s’approcher. Cependant, les fidèles ont commencé à affluer et à prier au bout de la rue menant à la Délégation apostolique. A 9 h 30, les fidèles étaient déjà nombreux. Avec l’ensemble des élèves du grand séminaire qui se sont joint à eux, ils chantaient la prière pour la paix, attribuée à saint François d’Assise. Beaucoup de prêtres de Hanoi sont également venus participer à la prière. Des appels au catholique de Hanoi et du pays ont été lancés.

Dans l’après-midi, les bulldozers semblaient avoir terminé leur tâche. Prêtres et laïcs ont continué leurs prières dans la rue. L’archevêque de Hanoi, Mgr Ngô Qiang Kiet, vient d’accorder une interview dans laquelle il qualifie la situation actuelle d’« extrêmement tendue ». Il a déclaré qu’il a refusé de se rendre, la veille, à une convocation des autorités qui devait lui annoncer leur décision irréversible concernant la Délégation apostolique. Le sentiment qui l’habite, a-t-il déclaré, est la tristesse de voir les autorités mettre un terme au dialogue par cet acte brutal. Il a affirmé une fois de plus que la Délégation apostolique était propriété de l’Eglise, et que celle-ci possédait les documents en faisant foi.

Les raisons de cette soudaine initiative de la police vietnamienne ne sont pas encore connues. Les premières manifestations de prière avaient commencé au mois de décembre 2007, après une lettre pastorale de l’archevêque de Hanoi invitant ses fidèles à prier pour la restitution de ce bien de l’Eglise. Les rassemblements de prières s’étaient achevés le 31 janvier, après une intervention du Vatican et la promesse faite par un représentant des autorités. Samedi dernier, 13 septembre, après une très longue interruption, une procession de prière de la cathédrale à la Délégation apostolique avait été organisée à l’issue de la messe. Celle-ci avait surpris la police qui était alors surtout occupée par les affaires de la paroisse de Thai Ha (1).

(1) Voir EDA 491.
 
Vietnam: le bras de fer se poursuit entre Hanoï et les catholiques
AFP
06:47 19/09/2008
HANOI, 19 sept 2008 (AFP) - Le bras de fer se poursuit au Vietnam entre les catholiques et le régime communiste de Hanoï, où les autorités ont commencé à construire vendredi un parc public sur le site de l'ancien siège de la délégation apostolique, revendiqué par l'église.

Vendredi matin, la rue qui longe le site, au coeur de la capitale, était bloquée par la police. La grille donnant sur la voie publique avait été abattue et les pelleteuses étaient à l'oeuvre, a constaté une journaliste de l'AFP.

Des dizaines, voire quelque centaines de prêtres, soeurs et séminaristes regardaient faire les ouvriers.

Selon l'archevêque de Hanoï, le bruit circulait depuis quelque temps qu'un parc et une bibliothèque allaient être installés sur le terrain que l'église avait perdu au profit du régime communiste quelques années après le départ des colonisateurs français en 1954.

Mais, jusqu'à jeudi, "cela n'était pas officiel", a poursuivi Mgr Ngo Quang Kiet. Vendredi, le quotidien du Parti communiste, Nhan Dan, confirmait le projet.

Les catholiques, a indiqué l'archevêque à l'AFP, vont "continuer de protester", auprès du "comité populaire (mairie, NDLR) de la capitale" et aussi peut-être des "leaders" du pays -- le président, Nguyen Minh Triet, le Premier ministre, Nguyen Tan Dung, et le secrétaire général du Parti, Nong Duc Manh.

La restitution des terrains pris par les communistes, au pouvoir sur l'ensemble du Vietnam depuis la fin de la guerre en 1975 et la réunification du pays, fait partie des grandes revendications de l'Eglise catholique. Une Eglise encore sous l'étroit contrôle du régime.

L'hiver dernier, les catholiques avaient déjà multiplié les manifestations à Hanoï. Les rassemblements avaient cessé avant le nouvel an lunaire du Têt, quand les autorités avaient promis de résoudre le problème. Depuis, rien n'avait bougé, selon les catholiques.

Depuis plusieurs semaines, les protestations avaient déjà repris dans un autre quartier de Hanoï, à la paroisse dite de "Thai Ha", où là-aussi un site est revendiqué. Ces manifestations ont donné lieu à de tendus face-à-face avec la police et plusieurs arrestations selon les catholiques.
 
Hanoi to demolish the nunciature, not to return to the Church
J.B. An Dang
07:04 19/09/2008
Bulldozers digging out the lawn
Anti-riot police besiege the archbishop palace
Priests and faithful protest
After a long wait of more than 8 months for the requisition of the nunciature, today Hanoi Catholics have been told the government would not honor its promise. Hundreds of police have been deployed to protect building workers demolishing the building.

At 3:30 am local time today, hundreds of police besieged Hanoi archbishop palace, St. Joseph Cathedral, and blocked all the roads leading to the nunciature. Dozens of bulldozers moved into the area and started digging out the lawn. At 6 am, Hanoi television and radio announced that the government decided to demolish the building to convert it and the land around into a public playground park.

Priests in St. Joseph Cathedral rung bells continously to ask for help. Hundreds of Catholics hearing the bells rushed to site to protest. At a point a woman and a priest pushed through police cordon, got inside to stop the workers. But soon they were arrested.

At the meantime, thousands of priests and faithful protest at the site.

The incident at Hanoi nunciature is one in a series of provocations from the government. At 1:00 am, a group of gangs attacked an altar at Thai Ha where Redemptorists celebrate open Mass for protestors. The altar was ransacked, and statues of Our Lady were sprayed with vehicle used oil.

Another group of gangs verbally attacked priests and protestors with cursing and foul languages during a procession last night.

In addition, yesterday, police started a new wave of arrests. Hanoi Redemptorists confirmed that at least one protestor, Mr. Pham Tri Nang of Thuong Le, Dai Thinh, Me Linh, Vinh Phuc, was arrested.

Hanoi Redemptorists also disclosed on Wednesday the People’s Committee of Hanoi “invited them” to have a talk on the dispute. But, the talk turned out to be a chance for officials to ridicule them.

During the meeting, Hanoi Redemptorists stated that they had received 4 different documents from the Committee. All of them were supposed to be the evidence to support the state theory that Fr. Vu Ngoc Bich donated the land. However, two of them stated that Fr. Vu donated the land on Oct. 24, 1961, another on Nov. 24, 1961, and the other on Jan. 30, 1961. Also, the papers showed characters in a Unicode font that could not be available in 1961, as simply computer did not exist at that time.

Vu Hong Khanh, the vice chairman of Hanoi reacted angrily. “I will sort them out and among them, choose the best,” he said challenging that the priests would have no way to challenge the ownership of the land. He even went further teach them how to preach their flock. Found himself being ridiculed harshly, a priest stood up asking Khanh not to teach him how to be a priest.
 
A Hanoi sembra ormai vincente la linea della repressione contro i cattolici
Asia-News
07:53 19/09/2008
Malgrado gli impegni presi, operai hanno cominciato a lavorare nel complesso della ex nunziatura, mentre è stato arrestato un altro dei manifestanti di Thai Ha ed il Comitato popolare ingiunge ai parrocchiani di “liberare” il terreno del quale la parrocchia chiede la restituzione.

Hanoi (AsiaNews) – Dopo le minacce, i fatti. Sembra che ad Hanoi abbiano vinto i fautori della repressione contro i cattolici, anche violando impegni già presi. Protetto da un imponente schieramento di polizia, un gruppo di operai è improvvisamente arrivato all’alba nel complesso della ex nunziatura, ha abbattuto la cancellata che lo circonda ed ha cominciato a lavorare (nella foto). Secondo un annuncio della televisione, si vuole abbattere l’edificio e creare un parco pubblico.

Bloccati sacerdoti e fedeli che dalla vicina cattedrale di San Giuseppe sono accorsi sul luogo, chiamati dalle campane. Si parla di due arresti.

Sempre oggi, il quotidiano del Partito comunista, Nhan Dan, riporta la notizia che in una riunione, svoltasi il 17, il Comitato polare (l’amministrazione comunale) di Hanoi “vuole tener conto delle legittime necessità dei fedeli per ampliare i luoghi di culto”, secondo le leggi. La stessa fonte parla di un incontro del vicecapo del Comitato, Vu Hong Khanh, con una rappresentanza della parrocchia di Thai Ha e delle petizioni avanzate “da alcuni sacerdoti” riguardo al terreno, del quale i Redentoristi chiedono la restituzione.

Al tempo stesso, però, l’esponente comunista afferma che “lo Stato” fin dal 1961 ha concesso il terreno ad una ditta di abbigliamento, la Chien Thang Garment Joint Stock Company. Proprio i lavori che tale società ha cominciato ad inizio anno sono all’origine delle manifestazioni dei parrocchiani, che chiedono la restituzione del terreno, proprietà dei Redentoristi fin dal 1928 e nazionalizzato “per utilità pubblica”.

Non basta. “Perché siano esaminate necessità e petizioni della parrocchia” il Comitato popolare chiede la rimozione delle croci e degli altri simboli religiosi posti sul terreno in questione e di restituirlo alle autorità del distretto di Dong Da, in modo che queste possano “procedere alla formulazione di un progetto di costruzione di pubblica utilità”.

Non basta ancora. Khanh ha ordinato ispezioni e controlli per vedere se ci sono violazioni della legge ed ha avvertito i sacerdoti di mettere in guardia i parrocchiani dal tenere “comportamenti aggressivi”. E, con riferimento alle “violazioni della legge” da parte dei fedeli c’è anche una non tanto velata minaccia verso i religiosi: “chiunque siano, prima di tutto sono cittadini e debbono rispettare la legge”.

E non è ancora tutto. Lo stesso quotidiano dà notizia dell’arresto di “una persona per il suo coinvolgimento nel recente caso di disturbo dell’ordine pubblico” a Thai Ha. Si tratta di Pham Chi Nang, 50 anni, che “ha ammesso agli investigatori che si è unito ad altre persone per distruggere i muro che circonda il terreno” e “ha disturbato l’ordine pubblico”.

Tutto ciò accade a soli tre mesi dalla visita in Vietnam di una delegazione vaticana guidata da mons. Pietro Parolin, sottosegretario per i rapporti con gli Stati, che sembrava segnare una scelta di dialogo ed un andamento positivo nei rapporti. In tale occasione si era parlato tra l’altro dell’inizio “al più presto” dei lavori del Gruppo di lavoro, incaricato di definire tempi e modalità della normalizzazione dei rapporti diplomatici tra Santa Sede e Vietnam” ed anche di “graduale restituzione all’uso ecclesiastico delle proprietà a suo tempo nazionalizzate”.

Il tutto dopo che il 2 febbraio l’arcivescovo di Hanoi, mons. Joseph Ngô Quang Kiệt, aveva annunciato la promessa del governo di restituire alla Chiesa il complesso della ex nunziatura e che il 27 febbraio, pur non facendo cenno del precedente impegno, Trân Dinh Phung, membro permanente del Fronte patriottico ed incaricato degli Affari religiosi ed etnici, esprimendo il punto di vista del primo ministro sulla vicenda aveva definito “del tutto legittima” la richiesta della Chiesa di poter utilizzare il complesso per le attività della Conferenza episcopale. “Il governo non potrà ignorare”, aveva detto, la richiesta della massima espressione dei sette milioni di cattolici vietnamiti che da 27 anni, cioè dalla creazione della Conferenza episcopale, collabora con la nazione.
 
In Hanoi, stance of repression against Catholics seems to have won
Asia-News
08:49 19/09/2008
In spite of the commitments made, laborers have begun work on the building of the former nunciature, while another demonstrator has been arrested in Thai Ha, and the people's committee has ordered parishioners to "liberate" the land that the parish is asking to have restored.

Bulldozers digging out the lawn
Anti-riot police besiege the archbishop palace
Priests and faithful protest
Hanoi (AsiaNews) - After threats, action. It seems that the proponents of repression against Catholics have won in Hanoi, partly by violating previous commitments. Protected by an imposing police deployment, a group of laborers unexpectedly arrived at dawn at the building of the former nunciature, knocked down the railing around it, and began work (in the photo). According to a television report, the building will be demolished to create a public park.

Priests and faithful who came from the nearby cathedral of St Joseph, summoned by the bells, were stopped. Two arrests have been reported.

Also today, the newspaper of the communist party, Nhan Dan, reports that in a meeting on September 17, the people's committee (the municipal administration) of Hanoi said that it "is willing to consider priests and religious followers’ legitimate needs for expanding worship places", in keeping with the law. The same source says that the deputy head of the committee, Vu Hong Khanh, met with a representative of the parish of Thai Ha and of the petitions advanced "by some priests" regarding the land, which the Redemptorists are asking be returned.

At the same time, however, the communist representative asserts that since 1961, "the state" has granted the land to a clothing company, the Chien Thang Garment Joint Stock Company. The work that this company began at the start of the year was at the origin of the demonstrations by the parishioners, who are asking that the land, the property of the Redemptorists since 1928, be given back and nationalized "for public use".

But that's not enough. "To handle the parish’s needs and petitions", the people's committee is asking for the removal of the crosses and other religious symbols placed on the land in question, and that it be given back to the authorities of the district of Dong Da, so that they can proceed with "the management and formulation of a public work construction project".

And even that's not enough. Khanh has ordered inspections and controls to see whether there have been violations of the law, and has warned the priests to caution the parishioners to avoid "aggressive behavior". And with reference to the "violations of the law" on the part of the faithful, there is also a thinly veiled threat toward the religious: "whoever they may be, they are citizens first, and must respect the law".

And that's still not all. The same newspaper reports the arrest of "a person for his involvement in the recent case of the disturbance of public order" in Thai Ha. This is Pham Chi Nang, 50, who "admitted to investigators that he joined other people to destroy the wall surrounding the land" and "disturbed public order".

All of this is taking place only three months after the visit to Vietnam by a Vatican delegation headed by Monsignor Pietro Parolin, undersecretary for relations with states, which seemed to signal the choice of dialogue good relations. On that occasion, there was talk about beginning "as soon as possible" the activity of the working group, charged with establishing the timetable and means for the normalization of diplomatic relations between the Holy See and Vietnam, and also of the "gradual restoration to ecclesiastical use of properties previously nationalized".

All of this comes after, on February 2, the archbishop of Hanoi, Joseph Ngô Quang Kiệt, announced the government's promise to give the building of the former nunciature back to the Church. On February 27, making no reference to the previous commitment, Trân Dinh Phung, a permanent member of the patriotic front and the head of religious and ethnic affairs, expressing the point of view of the prime minister on the affair, described as "completely legitimate" the Church's requests to be able to use the building for the activities of the bishops' conference. " The government cannot ignore", he had said, the request from the leaders of 7 million Vietnamese Catholics, who for 27 years, since the creation of the episcopal conference, have worked together with the nation.
 
Bulldozers stoke Hanoi land clash
Nga Pham-BBC
10:18 19/09/2008
Bulldozers stoke Hanoi land clash

Tensions are high in the Vietnamese capital Hanoi, after the authorities began construction work on land claimed by the Catholic church.

Shortly after dawn workers moved bulldozers past a police guard onto the disputed site at Nha Chung street.

Crowds of priests and believers soon gathered outside.

The site, which once served as the Vatican ambassador's residence, was at the centre of a month-long protest by Hanoi Catholics earlier this year.

They only learned that their claim to the land had been turned down the previous afternoon, when the authorities announced via the state media that it would become a park.

A witness told BBC that the police had sealed off the whole area to prevent people getting in.

"But we could see from outside that they have started digging the ground and clearing the front of the residence," she said.

Another witness said scores of riot policemen and sniffer dogs were mobilised and the whole scene looked "very chaotic".

January protest

Thousands of Catholics held prayers at the site for the whole of January as they pressed their claim to the land. They say the land was borrowed from the Apostolic delegation of the Hanoi Diocese and it is time to give it back.

The crowds only dispersed after the Archbishop of Hanoi told them that the government had promised to return the land.

However, eight months on and the authorities have decided to transform the former residence into "a green tree park with flower beds and grass lawns", reports the Ha Noi Moi newspaper.

"The event today caught us totally off-guard," said Father Nguyen Van Khai, spokesman for Archbishop Ngo Quang Kiet, adding that a protest has been quickly formed to "ask for justice".

The Archbishop himself has sent an urgent petition to the Vietnamese prime minister and president, asking them to intervene to stop "activities damaging to the Hanoi Diocese's assets".

Luu Van Dat, an official from the state-sponsored Fatherland Front, acknowledged that the ongoing dispute has escalated to a "serious" level.

He said: "The authorities should look into this matter. We have to be very careful in order to protect the rights [of citizens] but also to follow the law."

Meanwhile, the church has called on all believers to join in protests, as well as pray for the Catholic claim to more disputed land in Hanoi, this time at Thai Ha. This second land grievance has been going on for more than a month, attracting hundreds of believers for prayer and protest every day.

The Vietnamese government maintains that all land belongs to the state and land claims should be submitted to the law courts for consideration.
 
AP reporter detained, beaten by police in Vietnam
Jocelyn Gecker - AP
10:25 19/09/2008
BANGKOK, Thailand (AP) — An Associated Press reporter in Vietnam was punched, choked and hit over the head with a camera by police who detained him Friday while he covered a Catholic prayer vigil in the communist country.

Ben Stocking, the Hanoi bureau chief for The Associated Press, was released from police custody after about 2 1/2 hours and required four stitches on the back of his head. His camera was confiscated by police.

"They told me I was taking pictures in a place that I was not allowed to be taking pictures. But it was news, and I went in," Stocking said by telephone from Hanoi.

Stocking, 49, was covering a demonstration by Catholic priests and church members at the site of the former Vatican Embassy in Hanoi, which is currently the subject of a land dispute between the church and city authorities.

The city had started to clear the site Friday after announcing a day earlier that it planned to use the land for a public library and park — a significant development in an already tense relationship between the church and state in Hanoi.

After Vietnam's communist government took power in 1954, it confiscated property from many landowners, including the Catholic Church. The church says it has documents showing it has title to the land.

Within minutes of arriving at the prayer vigil, Stocking said, he was escorted away by plainclothes police who took his camera and punched and kicked him when he asked for it back.

Taken to a police station for questioning, Stocking tried to reach for his camera and an officer "banged me on the head with the camera and another police officer punched me in the face, straight on." The blow from the camera opened a gash at the back of his head.

Transferred to another police station to give a written statement, Stocking was permitted to leave with a U.S. Embassy official to be taken to a medical clinic.

The AP is protesting the incident, seeking an apology from Vietnamese authorities involved and insisting on the return of Stocking's property.

"It is an egregious incident of police abuse and unacceptable treatment of a journalist by any civilized government authority," said John Daniszewski, the AP's managing editor for international news. "Ben Stocking was doing his job in a calm, reasonable and professional manner when he was escorted away and violently assaulted."

U.S. Embassy spokeswoman Angela Aggeler said a formal statement of protest was filed with the Foreign Ministry.

The Foreign Ministry did not immediately respond to e-mail and telephone requests by the AP seeking comment.

Violence is rare against international journalists in Vietnam, which has strict controls that govern press activities and travel. Foreign media have to register with the Foreign Ministry and get permission to go to remote provinces.

The first portion of Stocking's arrest was captured by an anonymous cameraman and posted on YouTube.
 
URGENT PROTEST LETTER OF HANOI ARCHBISHOP
+ Archbishop Joseph Ngo Quang Kiet
10:33 19/09/2008
Archbishop's Office of Hanoi
Hanoi, 19 September 2008

Urgent protest letter

To: Mr. Nguyễn Minh Triết, President of Social Republic of Vietnam
Mr. Nguyễn Tấn Dũng, Prime Minister of Socialist Republic of Vietnam

Cc: The Committee for Religious Affairs
The People’s Committee of Hanoi City
The Department of Public Safety of Hanoi City
Relevant agencies

On Sep. 19, 2008 morning, at the piece of land of the nunciature at 42 Pho Nha Chung, which belongs to Archbishop's Office of Hanoi, a great mass of police and security forces, militiamen, and police dogs has besieged Hanoi archbishop's residence and blocked Nha Chung street. Another team in huge numbers has demolished the fence, some other construction; and digged out the lawn in the front door of our nunciature.

Archbishop's Office of Hanoi has repeatedly requested the building and its land to be returned to the Church but so far our aspiration has not been met. All in a sudden, on Sep. 18 evening and Sep. 19 morning, state television reported the demolition plan with distortional information to prepare public opinion for this illegal deed.

This development is going against the policy of dialogue that the government and the Archbishop's office are conducting. This act is a deed that smears the legitimate aspiration of the Hanoi Catholic community, ridicules the law, and disrespects the Catholic Church in Vietnam. It is also an act of trembling morality, and mocking society’s conscience.

The discuss on the ownership of the nunciature is still on the way but the authorities of Hanoi City and Hoan Kiem district have employed their armed forces to back the destruction of our property.

Hence, Archbishop's Office of Hanoi strongly protests and requests

1) The government to stop besieging Hanoi archbishop's residence, and end the demolition our property.
2) The government to restore the property to its original status, and return it to us so that it can be used for religious and community welfare purposes.
3) Relevant agencies and Hanoi City must accept responsibilities for all potential consequences born of this property appropriation. We have our rights to use all of our capabilities to protect our property.
4) The President, the Prime Minister of Social Republic of Vietnam, the authorities of Hanoi City, and relevant agencies to immediate interfere to put an end for this act.

+ Archbishop of Hanoi
Joseph Ngo Quang Kiet

(signed and sealed)
 
Letter of urgent appeal of Hanoi Archbishop to Catholics and people of goodwill
Fr. John Le Trong Cung
12:01 19/09/2008
Archbishop's Office of Hanoi

Hanoi, September 19, 2008

Letter of urgent appeal

To:
Priests, religious, faithful,
peace lovers and fellow justice supporters.


Since Sep. 19, 2008 morning, at the piece of land of the nunciature at 42 Nha Chung St., which belongs to Archbishop's Office of Hanoi, a great mass of police and security forces, militiamen, and police dogs has besieged Hanoi archbishop's residence and blocked Nha Chung street. Another team in huge numbers has demolished the fence, some other construction; and digged out the lawn in the front door of our nunciature.

Archbishop's Office of Hanoi has repeatedly requested the building and its land to be returned to the Church but so far our aspiration has not been met. All in a sudden, on Sep. 18 evening and Sep. 19 morning, state television reported the demolition plan with distortional information to prepare public opinion for this illegal deed.

This development is going against the policy of dialogue that the government and the Archbishop's office are conducting. This act is a deed that smears the legitimate aspiration of the Hanoi Catholic community, ridicules the law, and disrespects the Catholic Church in Vietnam. It is also an act of trembling morality, and mocking society’s conscience.

The discuss on the ownership of the nunciature is still on the way but the authorities of Hanoi City and Hoan Kiem district have employed their armed forces to back the destruction of our property.

The archbishop's residence and the convent of Hanoi Adorers of the Holy Cross congregation have been besieged. All normal activities have been delayed.

Hence, Archbishop's Office of Hanoi strongly protests and requests

1) The government to stop besieging Hanoi archbishop's residence, and end the demolition our property.
2) The government to restore the property to its original status, and return it to us so that it can be used for religious and community welfare purposes.
3) Relevant agencies and Hanoi City must accept responsibilities for all potential consequences born of this property appropriation. We have our rights to use all of our capabilities to protect our property.
4) The President, the Prime Minister of Social Republic of Vietnam, the authorities of Hanoi City, and relevant agencies to immediate interfere to put an end for this act.

Facing this crisis, the archbishop’s office of Hanoi informs everyone asking for your communion and solidarity in this difficult time.

Throughout the diocese, in churches, chapels and anywhere Catholics live, please hold vigil prayers simultaneously, or come to pray at the archbishop’s office.

In this period of ordeal, please monitor all developments at the archbishop’s office, and be in high vigilance against one-way and distortional information from state newspapers and television.

This letter and the urgent protest letter of archbishop’s office are to be read at all churches and handed out to everyone.

Be united in Christ.

Vice Chancellor of Hanoi Archbishop’s office
Rev. John Le Trong Cung

(signed and sealed)


 
Tensions boil over in Hanoi as government betrays promise, destroys nunciature
Catholic World News
12:05 19/09/2008
Hanoi, Sep. 19, 2008 (CWNews.com) - Eight months after promising to restore Church ownership of a building that once housed the office of the apostolic nuncio in Hanoi, Vietnamese authorities have suddenly begun demolishing the building, provoking the outrage of Catholic protestors and drawing a heated protest from the city's archbishop.

Very early on Friday morning, September 19, hundreds of police assembled in front of the archbishop's residence in Hanoi, blocking access to the residence, the cathedral, and all roads leading to the nearby nunciature. Dozens of bulldozers moved into the area and began digging out the lawn of the nunciature. At 6 am, after police and demolition workers were in place, state-controlled television and radio broadcasts announced that the government had decided to demolish the building, to convert the land into a public playground.

Priests at St. Joseph's cathedral rang the steeple bells, summoning local Catholics to the site to join in a public protest. But those who managed to find a way through police lines were arrested on the site.

An American reporter, Ben Stocking, the Hanoi bureau chief for Associated Press, was beaten by police when he tried to take photos of the confrontations at the nunciature. He was arrested and released, but his camera was confiscated. The US embassy lodged a formal protest of the incident.

In a strong letter of protest delivered to Vietnamese authorities, Archbishop Joseph Ngo Quang Kiet of Hanoi said that the sudden demolition of the building "smears the legitimate aspirations of the Hanoi Catholic community." He charged that the government's decision to renege on the earlier commitment to restore the building was an act "mocking society's conscience."

"This development is going against the policy of dialogue that the government and the archbishop's office are conducting," the archbishop pointed out. In February the government had agreed to restore Church control of the property, which had been seized by the Communist government 45 years ago.

The government made that concession after thousands of local Catholics engaged in daily prayer vigils at the site, pleading for the return of the building. As the demonstrators began to clash with police, the Vatican intervened to broker a diplomatic deal, in which the protests were ended in exchange for the government's promise that the building would be restored.

The government's reversal of that promise came as tensions between Catholics and local officials rose in Hanoi-- both at the nunciature and at the Thai Ha parish, where a similar protest has been taking place involving the confiscated property of a Redemptorist monastery.

In a separate incident in the early-morning hours of September 19, a gang broke into the Thai Ha parish church and ransacked the sanctuary, spraying oil on statues.

Yesterday the Redemptorist priests at Thai Ha confirmed reports that they had been "invited" to speak with local officials about their property dispute. The officials showed the priests documents purporting to confirm a legal sale of the property in 1961. But the sales document was written in a computer format that did not exist at that time.
 
Appeal to Vatican on Vietnam Land
Asia-News
12:15 19/09/2008
A Catholic father in Vietnam asks the Vatican to intervene in a land dispute between the Church and the Hanoi government.

HANOI, Vietnam: Thousands of Vietnamese Catholics protest following news that talks with government officials have failed to resolve a heated property dispute.

BANGKOK—A prominent member of a Catholic missionary order in Vietnam has called on the Vatican to intervene in a land dispute between the Church and communist government that has sparked months of protests and detentions.

"I really wish that the Vatican could intervene with the resolution of the dispute to avoid regrettable incidents," Father Pham Trung Thanh, whose Redemptorist order was founded in the 18th century to work with the urban poor, said in a telephone interview from Hanoi.

Vietnam's Catholics have staged months of mass rallies at several churches demanding the return of property confiscated during the 1950s land reform era.

Witnesses say dozens of Catholics have been detained, with some beaten, for taking part.

The focus of the dispute has been on a plot of land claimed by the parish of Thai Ha, in Hanoi, which was seized by the communists when they drove out the French in the mid-1950s.

The government has used most of the six-hectare (15-acre) property to build a hospital, a now-demolished textile factory, and other structures.

Documentary evidence

Father Pham Trung Thanh said the Catholic Church and his order had documents to show the land was theirs.

“We have plenty of documents to prove that, despite various events over the years, the land has never been placed under state management," he said.

"On the contrary, the Order and the Thai Ha Parish community have always been entitled to the ownership and use of the land,” Pham Trung Thanh said.

Pham Trung Thanh said he had filed a report on the protest to the Vatican, including an update regarding the office of the Vietnamese Church's envoy to the Vatican, the Apostolic Delegate.

"I'd hope for an intervention leading to a just and satisfactory resolution," he said. "Clearly, we will not seek an intervention that would [turn to nothing]."

"I haven’t received any response from the Vatican," he said.

Vatican 'watching'

The Vatican declined to comment. "The situation is being carefully watched," an employee who answered the phone at the Holy See press office said.

Hanoi's communist government has no diplomatic ties with the Vatican, although relations with the Holy See were seen as thawing with the visit to the city-state by Vietnamese prime minister Nguyen Tan Dung last year.

Government officials have slammed the Catholic prayer vigils as a form of political opposition to the state, calling on Vietnamese clergy to break up the protests.

Instead, several high-profile clergymen including Hanoi archbishop Ngo Quang Kiet and the bishop of the Thai Ha diocese, have voiced their support for the peaceful protests.

"We have no intention to challenge or provoke anyone, nor do we create chaos in the country and society," Pham Trung Thanh said.

"We simply want to express our beliefs. We just ask for justice peacefully. We just pray. We do not know what else we can do."

Top-level meetings

Catholicism, like all religion in Vietnam, remains under state control.

Pham Trung Thanh said he had held meetings with leaders of the government's religious affairs committee and public security bureau in Hanoi, where he called for the release of all detained Catholics and for an end to critical editorials in state-owned media.

The officials had promised to tone down media commentary, but no changes had been made, he said.

"I asked for their release. They all made promises. However, immediately following our meetings all state newspapers and radio stations continued to attack us more harshly while the detainees continued to be locked up," Pham Trung Thanh said.

"I think that it’s a matter of not keeping their promises. It’s very difficult for us to maintain a dialogue," he added.

"When I telephoned them with regard to their promises they cited so many reasons as to why they couldn’t deliver the goods."

Original reporting by Tra Mi for RFA's Vietnamese service. Vietnamese service director: Diem Nguyen. Executive producer: Susan Lavery. Written for the Web in English by Luisetta Mudie and Joshua Lipes. Edited by Sarah Jackson-Han.
 
Communiqué de l’archevêché de Hanoi après le coup de force de la police
Rédaction d’Eglises d’Asie
12:42 19/09/2008
Communiqué de l’archevêché de Hanoi après le coup de force de la police
contre l’ancienne Délégation apostolique (19 septembre 2008)


[NDLR – Après le coup de force opéré par la police sur la propriété de l’ancienne Délégation apostolique, l’archevêché de Hanoi a publié un communiqué destiné à être lu dans toutes les églises et diffusée dans tout le diocèse. Il contient non seulement une protestation publique contre l’opération policière, mais aussi les indications sur la conduite à tenir face à la campagne de désinformation menée par la presse officielle. Le texte vietnamien, paru sur VietCatholic News, a été traduit en français par la rédaction d’Eglises d’Asie.]

Hanoi, le 19 septembre 2008

Communiqué urgent envoyé aux prêtres, religieux, religieuses
et à l’ensemble des fidèles qui sont des personnes de bonne volonté, éprises de justice et de paix


Dans la matinée du 19 septembre, sur le terrain de la Délégation apostolique, au 42 de la rue Nhà Chung, devant l’archevêché de Hanoi, une importantes troupe, composée de gendarmes mobiles, de gardiens de l’ordre, d’agents de la Sûreté et de la garde civile, de chiens policiers, a été rassemblée pour cerner l’archevêché de Hanoi et la rue Nhà Chung, tandis que d’autres forces procédaient à la destruction de la clôture, de diverses constructions et d’éléments de la façade de la Délégation apostolique.

Ce terrain a fait l’objet de nombreuses réclamations de la part de l’archevêché, réclamations pour lesquelles il n’y a pas eu de réponse. Dans la soirée du 18 et la matinée du 19 septembre 2008, la télévision a fait état d’un projet dans lequel étaient déformés le contenu et la forme de ces plaintes, dans le but de préparer l’opinion à cet acte accompli au mépris de la loi.

C’est une action qui va à rebours de la ligne du dialogue que le gouvernement et l’archevêché étaient en train de suivre. C’est une action qui méprise les aspirations de la communauté catholique, tient la loi pour inexistante et se moque de la présence de l’Eglise catholique au Vietnam. C’est aussi une action qui foule aux pieds la morale, la conscience de tous les hommes à l’égard d’une religion reconnue par l’Etat.

Alors que l’affaire n’était pas encore réglée, les autorités de la ville de Hanoi et de l’arrondissement de Hoan Kiem ont utilisé des troupes armées pour accompagner la destruction de la propriété de l’archevêché de Hanoi.

A l’heure actuelle, l’ensemble du quartier de l’archevêché et le couvent des Amantes de la Croix sont bloqués et toutes nos activités sont suspendues.

L’archevêché de Hanoi proteste de toutes ses forces et prie les autorités à tous les niveaux de:
1.) mettre immédiatement un terme au siège de l’archevêché et à la destruction de ses biens;
2.) restituer le terrain dans son intégralité afin que nous puissions l’utiliser à des fins religieuses au service de la communauté.

Il déclare également que:
1.) Les services concernés et la ville de Hanoi supporteront l’entière responsabilité de ce qui peut se produire lors de la spoliation de nos biens. Nous avons le droit d’utiliser nos possibilités pour protéger nos biens.
2.) Nous sollicitons une intervention urgente de M. le chef de l’Etat, de M. le Premier ministre, des autorités de la ville et de tous les organes concernés directement par cette affaire.

Face à l’urgence de la situation, afin que chacun connaisse la situation difficile de l’archevêché et puisse communier avec lui, l’archevêché de Hanoi déclare:
- Dans l’ensemble du diocèse, dans les églises, dans les chapelles, partout où se trouvent les catholiques, on organisera des prières communes ou l’on viendra s’unir à la prière de l’archevêché de Hanoi.
- Dans la période actuelle, chacun, dans le diocèse, doit suivre attentivement l’évolution de la situation de l’archevêché et d’être vigilant devant les fausses nouvelles et les déformations de la vérité telles qu’on a pu les retrouver, ces temps derniers, dans la presse et à la télévision.

Nous proposons que ce communiqué ainsi que la plainte urgente de l’archevêché soient lus dans les églises et largement diffusés à tous.

Dans la communion de notre Seigneur Jésus.

Le secrétariat de l’archevêché de Hanoi
Le secrétaire, le P. Le Trong Cung
 
Wietnam: kolejna odsłona konfliktu (tiếng Ba Lan)
Radio Vaticana
12:49 19/09/2008
Wietnam: kolejna odsłona konfliktu (tiếng Ba Lan)
(Việt Nam: Màn mới của những xung đột)

19/09/2008 17.25.24 - Zaostrza się konflikt między wietnamskimi katolikami i komunistycznymi władzami w Hanoi. Jak podaje Nhan Dan, wietnamski odpowiednik peerelowskiej Trybuny Ludu, w piątek rozpoczęte zostały prace budowlane na terenach należących do dawnej delegatury apostolskiej. Od samego rana na miejscu budowy protestuje kilkuset katolików. Jak powiedział metropolita stolicy, abp Ngo Quang Kiet, Kościół będzie dalej protestował i złoży zażalenie do władz miejskich, prezydenta, rządu i partii. Dzisiejszy protest to kolejny już rozdział konfliktu między państwem i Kościołem w Wietnamie. Od kilku tygodni trwają manifestacje katolików w dzielnicy Thai Ha. Sprzeciwiają się oni rozporządzaniu przez państwo terenami należącymi do ich parafii.
 
Arcivescovo di Hanoi protesta contro il governo per l’esproprio e distruzione della ex nunziatura
Asia-News
17:27 19/09/2008
Hanoi (AsiaNews) - L’arcivescovo di Hanoi, mons. Joseph Ngô Quang Kiệt, ha scritto oggi una lettera di protesta al presidente al primo ministro vietnamiti denunciando l’invasione di polizia e la distruzione degli edifici della ex nunziatura avvenuta stamane all’alba (v.: AsiaNews.it, 19/09/2008 A Hanoi sembra ormai vincente la linea della repressione contro i cattolici ). Il prelato ricorda che le promesse del governo di restituire il terreno alla diocesi (promesse fatte anche al Vaticano) e domanda che si fermino tutti i lavori. Egli denuncia anche la campagna di disinformazione in atto le violenze contro la Chiesa. In precedenza la sede della nunziatura doveva essere utilizzata per costruire bar e night club. Voci non ufficiali dicono oggi che il governo vuole costruirvi un parco pubblico.

Ecco il testo completo della lettera dell’arcivescovo di Hanoi:

Segreteria dell’Arcivescovo di Hanoi

Hanoi, 19 settembre 2008

Lettera urgente di protesta

A:
Mr. Nguyen Minh Triet, Presidente della Repubblica Socialista del Vietnam
Mr. Nguyen Tan Dung, Primo Ministro della Repubblica Socialista del Vietnam

Per conoscenza:
Il Comitato per gli affari religiosi
Il Comitato del popolo della città di Hanoi
Il Dipartimento di pubblica sicurezza della città di Hanoi
Le principali agenzie

La mattina del 19 settembre 2008, nei terreni della ex-nunziatura, che appartengono all’Ufficio arcivescovile di Hanoi, una grande massa di poliziotti e forze della sicurezza, milizie e cani poliziotto ha assediato la residenza dell’arcivescovo di Hanoi e ha bloccato l’accesso a Nha Chung street.

Un altro enorme reparto dell’esercito ha demolito la cancellata e una parte della costruzione; essi hanno anche scavato il prato antistante alla porta di ingresso della nostra nunziatura.

La Segreteria dell’arcivescovo di Hanoi ha più volte chiesto la restituzione dell’edificio e del terreno circostante, ma finora la nostra aspirazione è rimasta inascoltata. All’improvviso, la sera del 18 settembre e la mattina del 19, la televisione di Stato ha trasmesso la notizia relativa al piano di demolizione dell’edificio mistificando la realtà dei fatti, per preparare l’opinione pubblica a questo atto illegale.

Gli sviluppi della vicenda sono in aperto contrasto con la politica del dialogo intrapresa dal governo e dalla Segreteria dell’Arcivescovo. Questo è un atto che soffoca le legittime aspirazioni della comunità cattolica di Hanoi, ridicolizza la legge e manca di rispetto alla Chiesa cattolica del Vietnam. È anche un atto di dubbia moralità, che si fa beffe della coscienza della società civile.

Il dibattito sul possesso della nunziatura è ancora in atto ma [resta il fatto che] le autorità della città di Hanoi e del distretto di Hoan Kiem hanno fatto ricorso all’uso dell’esercito per portare avanti la distruzione della nostra proprietà.

Per questo, la Segreteria dell’Arcivescovo di Hanoi protesta con forza e chiede che:

1) Il governo interrompa l’assedio della sede arcivescovile di Hanoi e cessi di demolire la nostra proprietà.
2) Il governo ripristini la proprietà al suo status originario, ce la restituisca in modo che possa essere utilizzata a scopo di culto e per il benessere di tutta la comunità.
3) Le principali agenzie [gruppi] e la città di Hanoi devono accettare le responsabilità derivanti dalle possibili conseguenze derivanti da questa appropriazione indebita. Abbiamo il diritto di usare tutto quanto è in nostro potere per proteggere la nostra proprietà.
4) Il Presidente, il Primo Ministro della Repubblica Socialista del Vietnam, le autorità cittadine, e le principali agenzie si adoperino per porre fine a questo sopruso.

+ Arcivescovo di Hanoi
Joseph Ngo Quang Kiet

(firmato e sigillato)
 
Vietnam row deepens as building starts on church-claimed land
AFP
17:34 19/09/2008
HANOI (AFP) — A row between Vietnam's communist regime and the country's Catholic community deepened Friday when authorities began building a public park on land claimed by the Church.

The prime site in the heart of the capital Hanoi was the Vatican's embassy before it was taken over by the city's communist rulers following the departure of the French in the 1950s.

Police blocked the street next to the site Friday and dozens of priests, nuns and monks looked on as work began. Bulldozers occupied the land and a fence had been knocked down, an AFP journalist saw.

The Archbishop of Hanoi said there had for some time been speculation that a park and a library would be built on the site -- a plan confirmed Thursday in the communist party daily, Nhan Dan.

Archbishop Ngo Quang Kiet told AFP Catholics would "continue to protest" against the project.

Catholic clergy and parishioners began holding mass rallies at the end of last year demanding back the property near Hanoi's St Joseph's Cathedral.

The protests ended earlier this year when the government agreed to resolve the problem, but Catholics say nothing has changed since then.

Vietnam, a unified communist country since the war ended in 1975, has Southeast Asia's largest Catholic community after the Philippines -- at least six million out of a population of 86 million.

All religion remains under state control, but Hanoi's relations with the Catholic church have improved in recent years, leading to Prime Minister Nguyen Tan Dung making a landmark visit to the Vatican in 2007.
 
Arcivescovo di Hanoi chiede: Il governo interrompa l’assedio della sede arcivescovile di Hanoi e cessi di demolire la nostra proprietà
+ Arcivescovo Ngô Quang Kiệt
17:38 19/09/2008
Segreteria dell’Arcivescovo di Hanoi

Hanoi, 19 settembre 2008

Lettera urgente di protesta

A:
Mr. Nguyen Minh Triet, Presidente della Repubblica Socialista del Vietnam
Mr. Nguyen Tan Dung, Primo Ministro della Repubblica Socialista del Vietnam

Per conoscenza:
Il Comitato per gli affari religiosi
Il Comitato del popolo della città di Hanoi
Il Dipartimento di pubblica sicurezza della città di Hanoi
Le principali agenzie

La mattina del 19 settembre 2008, nei terreni della ex-nunziatura, che appartengono all’Ufficio arcivescovile di Hanoi, una grande massa di poliziotti e forze della sicurezza, milizie e cani poliziotto ha assediato la residenza dell’arcivescovo di Hanoi e ha bloccato l’accesso a Nha Chung street.

Un altro enorme reparto dell’esercito ha demolito la cancellata e una parte della costruzione; essi hanno anche scavato il prato antistante alla porta di ingresso della nostra nunziatura.

La Segreteria dell’arcivescovo di Hanoi ha più volte chiesto la restituzione dell’edificio e del terreno circostante, ma finora la nostra aspirazione è rimasta inascoltata. All’improvviso, la sera del 18 settembre e la mattina del 19, la televisione di Stato ha trasmesso la notizia relativa al piano di demolizione dell’edificio mistificando la realtà dei fatti, per preparare l’opinione pubblica a questo atto illegale.

Gli sviluppi della vicenda sono in aperto contrasto con la politica del dialogo intrapresa dal governo e dalla Segreteria dell’Arcivescovo. Questo è un atto che soffoca le legittime aspirazioni della comunità cattolica di Hanoi, ridicolizza la legge e manca di rispetto alla Chiesa cattolica del Vietnam. È anche un atto di dubbia moralità, che si fa beffe della coscienza della società civile.

Il dibattito sul possesso della nunziatura è ancora in atto ma [resta il fatto che] le autorità della città di Hanoi e del distretto di Hoan Kiem hanno fatto ricorso all’uso dell’esercito per portare avanti la distruzione della nostra proprietà.

Per questo, la Segreteria dell’Arcivescovo di Hanoi protesta con forza e chiede che:

1) Il governo interrompa l’assedio della sede arcivescovile di Hanoi e cessi di demolire la nostra proprietà.
2) Il governo ripristini la proprietà al suo status originario, ce la restituisca in modo che possa essere utilizzata a scopo di culto e per il benessere di tutta la comunità.
3) Le principali agenzie [gruppi] e la città di Hanoi devono accettare le responsabilità derivanti dalle possibili conseguenze derivanti da questa appropriazione indebita. Abbiamo il diritto di usare tutto quanto è in nostro potere per proteggere la nostra proprietà.
4) Il Presidente, il Primo Ministro della Repubblica Socialista del Vietnam, le autorità cittadine, e le principali agenzie si adoperino per porre fine a questo sopruso.

+ Arcivescovo di Hanoi
Joseph Ngo Quang Kiet
(firmato e sigillato)
 
Letter to President George W. Bush
Asia-News
18:10 19/09/2008
Letter to President George W. Bush

September 19th, 2008

The Honorable George W. Bush
President
United States of America
The White House
1600 Pennsylvania Ave NW
Washington DC 20500

Dear President Bush:

We were frightened and anguished to learn that in Hanoi, Vietnam, early this morning, Friday September 19th, 2008 hundreds of police blocked access to and from the residence, the cathedral, and all roads leading to the nearby Toa Kham Su Nunciature.

While the Vietnamese people were protesting for their religious freedom in Thai Ha, the secret police's bulldozers were moved into the Toa Kham Su area and workers began to dig out the lawn and yards of the Nunciature. State controlled television and radios announced that the state had decided to demolish the church building. People who tried to come near the Nunciatre were arrested on sight.

An American reporter and Hanoi bureau chief for Associated Press, Mr. Ben Stocking, was arrested and beaten today by the police when he tried to take photos of the confrontations at the Nunciature. His camera and belongings were confiscated.

We strongly condemn all of these religious freedom violations, including that of Hoa Hao, Cao Dai, Christian, and Budhist faiths.

We strongly support all Vietnamese people who stand up for their rights and to fight for their religious freedom...

The United States of America has had a long history of protecting religious freedom and promoting democracy throughout the world. We respectfully urge you to use your influence to ensure that the Hanoi regime desists from all sorts of violent repression of religious freedom, specifically:

1) The State of Vietnam must stop besieging Hanoi archbishop residence, and end the demolition of religious properties.
2) The State of Vietnam must immediately release all innocent people who have been arrested while peacefully assembled outside the church property.

The Vietnam communist regime must respect its people's human rights and international laws that it has signed. It must immediately take firm and concrete actions to prevent further religious and human rights violations against followers of religious groups, recognizing their rights to practice their faiths free of harassment and oppression.

Sincerely,

Dr. Hai Van Ha,President
Southeast Asia Democracy Coalition
 
Letter to Secretary General Ban Ki-Moon of the United Nations
Asia-News
18:11 19/09/2008
Letter to Secretary General Ban Ki-Moon of the United Nations

September 19th, 2008

The Honorable Ban Ki-Moon
Secretary General
United Nations
U.N Headquarters
First Avenue - 46th, Street
New York, NY 10017

Dear Mr. Secretary General Moon

It is with much shock, anguishes and deep concerns, we are writing to bring to your attention the latest development in the ongoing religious and human rights violations by the Vietnam communist regime.

In Hanoi, Vietnam, early this morning, Friday September 19th, 2008, hundreds of police blocked access to and from the residence, the cathedral, and all roads leading to the nearby Toa Kham Su Nunciature.

At the same time, the secret police's bulldozers were moved into the area and workers began digging out the lawn and yards of Toa Kham Su Nunciature. State controlled television and radios announced that the state had decided to demolish the church building. People who tried to come near the Nunciatre were arrested on sight.

Ben Stocking, an American reporter, and Hanoi bureau chief for Associated Press, was also arrested and beaten by the police when he tried to take photos of the confrontations at the Nunciature, his camera, belongings confiscated.

We strongly condemn all of these religious freedom violations, including that of Hoa Hao, Cao Dai, Christian, and Budhist faiths.

We strongly support all Vietnamese people who stand up for their rights and to fight for their freedom...

The United Nations has a long tradition of being a protector of religious and human rights throughout the world. We respectfully urge you do everything you can to ensure that the Hanoi regime desists from all sorts of violent repression of religions, specifically:

1) The State of Vietnam must stop besieging Hanoi archbishop residence, and end the demolition of religious properties.

2) The State of Vietnam must immediately release all innocent people who have been arrested while peacefully assembled outside church property.

The Vietnam communist regime must respect its people's human rights and international laws that it has signed. It must immediately take concrete actions to prevent further religious and human rights violations against followers of religious groups, recognizing their rights to practice their faiths free of harassment and oppression.


Sincerely,

Dr. Hai Van HaPresident
Southeast Asia Democracy Coalition
 
Shame on the communist regime in Vietnam
J.B. An Dang
20:56 19/09/2008
Bells of the St. Joseph Cathedral Hanoi rang continuously on Friday morning to ask for help when hundreds of police besieged archbishop’s residence of Hanoi, and the convent of Adorers of the Holy Cross congregation.

Thousands of Catholics protest
Police dog
Catholics protest all night
Most of priests and seminarians in St. Joseph Major Seminary, and nuns in the convent thought that police came to arrest their archbishop as state media had repeatedly warned these days. They tried to contact with the archbishop’s office, but all in vain. The telephone line was cut and even mobiles did not work. Looking down on the road, they could see several police vehicles with technology installed to block mobile signal so that no phone could make or receive calls.

Soon, they figured out that their archbishop was not detained and taken to jail. But he, and themselves, were virtually arrested in big jails. “No one get out, no one get in”, a policeman yelled.

The only thing they could do was ringing the bells, a traditional method of, perhaps, hundreds years ago to alert their faithful. Hearing the bells, Catholics in nearby areas rushed to the site where hundreds of police armed to the teeth, and a herd of public order enforcement dogs had been waiting for them. Some cried out in chaos when they saw a dog jumped over an elderly woman, knocked her down, and at the same time, a bulldozer knocked down the fence of their nunciature. The communist regime knocked down an innocent civilian, and at the same time a symbol of Vatican.

So, eight months after promising to restore Church ownership of a building that once housed the office of the apostolic nuncio in Hanoi, authorities betrayed their promise. Vietnamese people are so familiar with the dishonesty, and trickeries of the government. It has betrayed its promises so frequently that no one surprises when it does not keep its words. But this time they surprised to see even the Vatican was also among its victims.

Very early on Friday morning, Sep. 19, the symbol of Vatican was knocked down with the support of hundreds of police assembling in front of the archbishop's residence in Hanoi, blocking access to the residence, the cathedral, and all roads leading to the nunciature.

The Voice of Vietnam, and Hanoi television repeatedly read the announcement of the government to build a public playground park. Many wondered why a public park had to be built under the protection of a great mass of police and security forces, militiamen, and police dogs; and to build it Hanoi archbishop’s residence and the whole Nha Chung street had to be besieged.

Mingling in line with hundreds of Catholics who were praying and crying out for justice were journalists who tried to record into their cameras as many as possible pictures of the historic event. Ben Stocking, an American reporter, the Hanoi bureau chief for Associated Press, was among them. He soon was discovered by police and taken away. A video clip on YouTube showed that he was dragged out of the protestors, and when he was just 50m away from them, a herd of policemen punched, choked and hit over his head.

In a strong letter of protest delivered to Vietnamese authorities, Archbishop Joseph Ngo Quang Kiet of Hanoi said that the sudden demolition of the building "smears the legitimate aspirations of the Hanoi Catholic community." He charged that the government's decision to renege on the earlier commitment to restore the building was an act "mocking society's conscience."

It is exactly right that “the herd of authorities” in Hanoi communist regime is mocking the world’s conscience, smearing the legitimate aspiration of the Hanoi Catholic community, and ridiculing their own law.
 
Hanoi Archbishop protests government's expropriation and destruction of former nunciature
Asia-News
21:40 19/09/2008
Hanoi (AsiaNews) – Mgr Joseph Ngô Quang Kiệt, archbishop of Hanoi, has written a letter of protest to the president and to the prime minister of Vietnam, slamming today’s dawn invasion and destruction by police of the buildings of the former nunciature (see In Hanoi, stance of repression against Catholics seems to have won, 19 September 2008, AsiaNews).

In the letter the prelate reminds his interlocutors that in the past the government had promised to return the land to the diocese (a promise also made to the Vatican), demanding that all activities at the work site be stopped.

Equally he slams the violence and the disinformation campaign that is being carried out against the Church.

The old nunciature, which was once slated to become a bar and night club, is now expected to be turned into a public park, this according to unofficial sources.

Here is the full text of the letter sent by the archbishop of Hanoi:

Archbishop's Office of Hanoi
Hanoi, 19 September 2008

Urgent protest letter

To: Mr. Nguyễn Minh Triết, President of Social Republic of Vietnam
Mr. Nguyễn Tấn Dũng, Prime Minister of Socialist Republic of Vietnam

Cc: The Committee for Religious Affairs
The People’s Committee of Hanoi City
The Department of Public Safety of Hanoi City
Relevant agencies

On Sep. 19, 2008 morning, at the piece of land of the nunciature at 42 Pho Nha Chung, which belongs to Archbishop's Office of Hanoi, a great mass of police and security forces, militiamen, and police dogs has besieged Hanoi archbishop's residence and blocked Nha Chung street. Another team in huge numbers has demolished the fence, some other construction; and digged out the lawn in the front door of our nunciature.

Archbishop's Office of Hanoi has repeatedly requested the building and its land to be returned to the Church but so far our aspiration has not been met. All in a sudden, on Sep. 18 evening and Sep. 19 morning, state television reported the demolition plan with distortional information to prepare public opinion for this illegal deed.

This development is going against the policy of dialogue that the government and the Archbishop's office are conducting. This act is a deed that smears the legitimate aspiration of the Hanoi Catholic community, ridicules the law, and disrespects the Catholic Church in Vietnam. It is also an act of trembling morality, and mocking society’s conscience.

The discuss on the ownership of the nunciature is still on the way but the authorities of Hanoi City and Hoan Kiem district have employed their armed forces to back the destruction of our property.

Hence, Archbishop's Office of Hanoi strongly protests and requests

1) The government to stop besieging Hanoi archbishop's residence, and end the demolition our property.
2) The government to restore the property to its original status, and return it to us so that it can be used for religious and community welfare purposes.
3) Relevant agencies and Hanoi City must accept responsibilities for all potential consequences born of this property appropriation. We have our rights to use all of our capabilities to protect our property.
4) The President, the Prime Minister of Social Republic of Vietnam, the authorities of Hanoi City, and relevant agencies to immediate interfere to put an end for this act.

+ Archbishop of Hanoi
Joseph Ngo Quang Kiet

(signed and sealed)
 
VIETNAM Government Suddenly Starts Public Project At Former Apostolic Nunciature
UCA News
21:48 19/09/2008
September 19, 2008

http://www.ucanews.com/2008/09/19/government-suddenly-starts-public-project-at-former-apostolic-nunciature/

BANGKOK (UCAN) - Government authorities have started a construction project for a park and library at the controversial former apostolic nunciature in Ha Noi.

Local Church sources told UCA News that since the early morning of Sept. 19 hundreds of local policemen, mobile units and plainclothes security officials have erected iron barriers blocking the street off which the former nunciature stands from both ends. Security officials also stood guard along the street.

Signboards saying "Construction site, taking photos banned" were put up by the barriers, they added.

Two trucks and a crane were brought into the compound, which has been plowed, the sources said. Workers toppled the iron fence in front of the building in the morning and moved some furniture out of it.

The building is in the capital's Dong Da district.

With the street blocked, many parents could not carry their children to the day-care center Lovers of the Holy Cross nuns run in their convent.

According to the sources, warning bells rang out from nearby St. Joseph Cathedral and other churches in the capital.

They also said that an old woman managed to go and pray in front of the Pieta replica local Catholics put in the compound early this year, but police carried her off.

Hundreds of major seminarians from nearby St. Joseph Major Seminary, Lovers of the Holy Cross nuns, local priests and lay Catholics gathered at the gate of the nearby Ha Noi archbishop's house to protest the construction by singing hymns and reciting the rosary, the sources reported.

They said the sudden government move caught the local Church by surprise, and it has written the president, premier and Ha Noi authorities to protest the project.

In his petition to government leaders, Archbishop Joseph Ngo Quang Kiet of Ha Noi said the local Church protests the project, and he asked the government to stop besieging the archbishop's residence and damaging the nunciature site. They should return the site to the local Church to use for religious purposes and the community, he wrote.

State-run media reported that district government authorities announced their construction plan at the nunciature on Sept. 18, saying they would develop a flower garden on the 6,845-square-meter compound. The nunciature building will be repaired and renovated for use as a library, the media report said.

Last year, Archbishop Kiet petitioned the government to return the nunciature, which had housed a restaurant and gym club, to the local Church, which lacks facilities to meet increasing spiritual needs of local Catholics. Thousands of Catholics occupied the compound early this year but left after the government promised to return the property after the Feb. 7-9 Tet festival for the Vietnamese Lunar New year.

Authorities confiscated the building in 1959, after which the Holy See's delegate to Vietnam shifted to Saigon, now Ho Chi Minh City, in what was then South Vietnam. The post of apostolic delegate to Vietnam has been vacant since 1975, the year communists reunified Vietnam. The first delegate was appointed in 1925.

END
 
Vietnamese police beat AP reporter, begin to bulldoze former nunciature
Catholic News Agency
21:51 19/09/2008
Hanoi, Sep 19, 2008 / 04:24 pm (CNA).- Vietnamese Catholic demonstrators seeking the return of land confiscated by the communist government were the target of a forceful government response early Friday morning as hundreds of police surrounded the Archbishop of Hanoi’s residence, St. Joseph’s Cathedral, and the former papal nunciature.

Vietnamese police stand guard as bulldozers work to demolish nunciature
As bulldozers drove in to destroy the nunciature, several protestors were arrested and an Associated Press reporter covering the event was detained and beaten.

Meanwhile at Thai Ha Church, a Redemptorist monastery which is also the center of a longstanding property dispute, a gang of vandals attacked the altar used to celebrate open air Mass for the protestors. At about 1 am local time on Friday, the gang ransacked the altar and sprayed statues of the Virgin Mary with used motor oil.

On Thursday the Vietnamese government announced the nunciature would be demolished for a library and a park. By 3:30 am on Friday morning, two bulldozers had moved into the area and had started digging out the lawn, Father An Dang told CNA.

Priests at St. Joseph’s Cathedral rang bells continuously to ask for help from local Catholics. Hundreds of Catholics, hearing the bells, came to the nunciature to protest. At one point a woman and a priest pushed through the police cordon to try to stop the workers, but they were arrested.

Thousands of priests and Catholic faithful are presently protesting at the site.

Archbishop of Hanoi Joseph Ngo Quang Kiet strongly protested the government’s actions in a Friday letter to the Vietnamese President Nguyen Minh Triet and Vietnamese Prime Minister Nguyen Tan Dung asking them to “immediately intervene.”

Saying a “great mass” of police and security forces, militiamen, and police dogs had “besieged” the archbishop’s residence, the archbishop charged that the action is “going against the policy of dialogue that the government and the Archbishop's office are conducting.”

He claimed that state television had reported the demolition plan with “distorted information” and severely rebuked the government action, which he said “smears the legitimate aspirations of the Hanoi Catholic community, ridicules the law, and disrespects the Catholic Church in Vietnam. It is also an act of trembling morality, and a mocking of society’s conscience.”

The archbishop called for a halt to the besieging of his residence and the demolition of the nunciature, asking the government to restore the property to the Catholic Church so it can be used for “religious and community welfare purposes.”

He added that the relevant government agencies and political authorities must accept responsibility for the consequences of their actions.

“We have our rights to use all of our capabilities to protect our property,” he wrote.

Ben Stocking, the Hanoi bureau chief for The Associated Press, was covering the demonstration and prayer vigil at the nunciature when he was detained and beaten by police. The 49-year-old was punched, choked, and hit over the head with a camera by police, the Associated Press reports.

"They told me I was taking pictures in a place that I was not allowed to be taking pictures. But it was news, and I went in," he told the AP.

Taken to the police station, he said when he reached for his camera a policeman “banged me on the head with the camera and another police officer punched me in the face, straight on.”

Stocking was released from police custody after about two and a half hours, requiring four stitches on the back of his head for a gash caused by the assault.

John Daniszewski, the AP's managing editor for international news, protested Stocking’s treatment, saying "It is an egregious incident of police abuse and unacceptable treatment of a journalist by any civilized government authority."

The U.S. Embassy has also reportedly filed a formal statement of protest with Vietnam’s Foreign Ministry.

The police and government have started ratcheting up their use of aggressive techniques over the past two days.

On Wednesday the Redemptorists reported that the People’s Committee of Hanoi had invited them to discuss the dispute. At the meeting, the Redemptorists stated they had received four documents from the committee purporting to prove that the disputed land at Thai Ha Church had been donated to the government by Father Vu Ngoc Bich in 1961.

However, the documents were contradictory and of questionable authenticity. Two documents said that the priest had donated the land on Oct. 24, 1961, while one reported the date as Nov. 24, 1961 and another as Jan. 30, 1961.

“Also,” Fr. An Dang told CNA, “the papers showed characters in a Unicode font that could not have been available in 1961, as computers simply did not exist at that time.”

During the meeting between the Redemptorists and the People’s Committee of Hanoi, committee vice chairman Vu Hong Khanh addressed the differences by saying “I will sort them out and among them, choose the best.”

He reportedly claimed that the clergy would have no way to challenge the ownership of the land and also told the clergy how to preach to their flock.

Finding himself being harshly ridiculed, one priest stood up and asked Khanh not to teach him how to be a priest.
 
河内总主教抗议政府占据并摧毁前宗座大使馆旧址
Asia-News
22:01 19/09/2008
河内(亚洲新闻)—今天,越南首都河内总主教区总主教吴光杰正式向越南国家主席、越南政府总理递交了抗议书,强烈谴责警方于今天清晨冲击并捣毁前宗座大使馆旧址。总主教在抗议书中指出,政府承诺要将前宗座大使馆旧址归还给河内总主教区;并要求停止一切工作。吴总主教谴责了针对教会的暴力诬陷行径。此前,当局计划在这座宗座大使馆旧址内开设酒吧和夜总会。非官方消息来源表示,今天,政府打算将这里建成一座公园。

以下为河内总主教区吴光杰总主教致函越南国家主席和政府总理的抗议书全文:

河内总主教区秘书处

二OO八年九月十九日,河内

紧急抗议信

致:

越南社会主义共和国主席阮明哲先生

越南社会主义共和国总理阮晋勇先生

转发:

宗教事务局

河内市人大常委会

河内市公安局

各大机构

二OO八年九月十九日清晨,在隶属于河内总主教区办公室的前宗座大使馆旧址内,大批警察、公安、武装人员和警犬包围了河内总主教区公署、封锁了街道。

另一支规模庞大的队伍拆除了大门和部分建筑。他们在我们宗座大使馆门前的草地上进行挖掘。

河内总主教区秘书处曾经多次要求归还这座建筑和周围的土地。但是,迄今,我们的愿望都无人过问。可是,九月十八日晚和十九日清晨,国家电视台却突然报道了一条有关将拆穿相关建筑的消息,并混淆视听,为这一非法行径作出舆论准备。

这一事件的发展进程完全违背了政府与总主教区秘书处达成的对话政策。这一压制天主教会合法愿望的行动,愚弄了法律、不尊重越南天主教会。同时,也是存在严重伦理道德质疑的行为,嘲弄了文明社会的良知。

有关宗座大使馆的归属问题仍在讨论中,但是,河内当局和区政府却动用军队摧毁了我们的财产。

为此,河内总主教区秘书处严正抗议,并要求:

1)政府停止包围河内总主教区公署、停止拆除我们的财产。

2)政府恢复这一财产的原状,从而将其用做宗教活动场所、造福整个团体。

3)各主要机构和河内市应对此占据财产问题所造成的一切后果承担责任。我们有权利用我们手中的力量保护我们自己的财产。

4)越南社会主义共和国主席、总理、市政当局、各主要机构,应努力采取行动制止此类滥用职权的行径。

河内总主教区总主教

吴光杰(约瑟夫)

(签字和印章)
 
Vietnam : Protestation de l’archevêché de Hanoi
Zenit
22:06 19/09/2008
Coup de force policier contre l’ancienne Délégation apostolique

ROME, Vendredi 19 septembre 2008 (ZENIT.org) - Après le coup de force de la police contre l'ancienne Délégation apostolique, ce 19 septembre 2008, l'archevêché de Hanoi a publié le communiqué ci-dessous, destiné à être lu dans toutes les églises et diffusée dans tout le diocèse.

Il contient non seulement une protestation publique contre l'opération policière, mais aussi les indications sur la conduite à tenir face à la campagne de désinformation menée par la presse officielle. Le texte vietnamien, paru sur VietCatholic News, a été traduit en français par la rédaction d'Eglises d'Asie.

Hanoi, le 19 septembre 2008

Communiqué urgent
envoyé aux prêtres, religieux, religieuses
et à l'ensemble des fidèles qui sont des personnes de bonne volonté, éprises de justice et de paix.

Dans la matinée du 19 septembre, sur le terrain de la Délégation apostolique, au 42 de la rue Nhà Chung, devant l'archevêché de Hanoi, une importantes troupe, composée de gendarmes mobiles, de gardiens de l'ordre, d'agents de la Sûreté et de la garde civile, de chiens policiers, a été rassemblée pour cerner l'archevêché de Hanoi et la rue Nhà Chung, tandis que d'autres forces procédaient à la destruction de la clôture, de diverses constructions et d'éléments de la façade de la Délégation apostolique.

Ce terrain a fait l'objet de nombreuses réclamations de la part de l'archevêché, réclamations pour lesquelles il n'y a pas eu de réponse. Dans la soirée du 18 et la matinée du 19 septembre 2008, la télévision a fait état d'un projet dans lequel étaient déformés le contenu et la forme de ces plaintes, dans le but de préparer l'opinion à cet acte accompli au mépris de la loi.

C'est une action qui va à rebours de la ligne du dialogue que le gouvernement et l'archevêché étaient en train de suivre. C'est une action qui méprise les aspirations de la communauté catholique, tient la loi pour inexistante et se moque de la présence de l'Eglise catholique au Vietnam. C'est aussi une action qui foule aux pieds la morale, la conscience de tous les hommes à l'égard d'une religion reconnue par l'Etat.

Alors que l'affaire n'était pas encore réglée, les autorités de la ville de Hanoi et de l'arrondissement de Hoan Kiem ont utilisé des troupes armées pour accompagner la destruction de la propriété de l'archevêché de Hanoi.

A l'heure actuelle, l'ensemble du quartier de l'archevêché et le couvent des Amantes de la Croix sont bloqués et toutes nos activités sont suspendues.

L'archevêché de Hanoi proteste de toutes ses forces et prie les autorités à tous les niveaux de:

1.) mettre immédiatement un terme au siège de l'archevêché et à la destruction de ses biens;
2.) restituer le terrain dans son intégralité afin que nous puissions l'utiliser à des fins religieuses au service de la communauté.

Il déclare également que:

1.) Les services concernés et la ville de Hanoi supporteront l'entière responsabilité de ce qui peut se produire lors de la spoliation de nos biens. Nous avons le droit d'utiliser nos possibilités pour protéger nos biens.
2.) Nous sollicitons une intervention urgente de M. le chef de l'Etat, de M. le Premier ministre, des autorités de la ville et de tous les organes concernés directement par cette affaire.

Face à l'urgence de la situation, afin que chacun connaisse la situation difficile de l'archevêché et puisse communier avec lui, l'archevêché de Hanoi déclare:

- Dans l'ensemble du diocèse, dans les églises, dans les chapelles, partout où se trouvent les catholiques, on organisera des prières communes ou l'on viendra s'unir à la prière de l'archevêché de Hanoi.

- Dans la période actuelle, chacun, dans le diocèse, doit suivre attentivement l'évolution de la situation de l'archevêché et d'être vigilant devant les fausses nouvelles et les déformations de la vérité telles qu'on a pu les retrouver, ces temps derniers, dans la presse et à la télévision.

Nous proposons que ce communiqué ainsi que la plainte urgente de l'archevêché soient lus dans les églises et largement diffusés à tous.

Dans la communion de notre Seigneur Jésus.

Le secrétariat de l'archevêché de Hanoi

Le secrétaire, le P. Le Trong Cung

 
Vietnam: Nuntiatur-Gebäude in Hanoi wird abgerissen
Zenit
22:08 19/09/2008
Die Unterdrückung der Katholiken scheint zu obsiegen

ROM, 19. September 2008 (ZENIT.org).- Nach den Drohungen in der jüngsten Vergangenheit scheint es nun, dass in Hanoi (Vietnam) diejenigen die Oberhand gewinnen, die die Unterdrückung der katholischen Kirche vorantreiben wollen – auch gegen die bereits getroffenen Vereinbarungen.

Bei Morgengrauen kam heute eine Gruppe von Arbeitern unter Polizeischutz zum Gebäude der ehemaligen Nuntiatur, riss das Umfassungsgitter nieder und begann mit den Bauarbeiten. Nach einem Bericht des staatlichen Fernsehens soll auf dem Gelände der Nuntiatur ein öffentlicher Park entstehen. Am 23. Dezember 2007 hatten die Katholiken für die Rückerstattung des Gebäudes demonstriert, das vom Staat beschlagnahmt und unter anderem Nachtclub benutzt worden war.

Priester und Gläubige, die aus der nahe gelegenen Kathedrale des heiligen Josef herbeieilten, wurden aufgehalten. Zwei Personen sollen verhaftet worden sein.

Die kommunistische Partei erklärte, dass der Staat das betroffene Gelände seit dem Jahr 1961 einer Kleiderfabrik zur Verfügung gestellt habe. Die zu Beginn dieses Jahres begonnenen Bauarbeiten der Firma hatten die Katholiken veranlasst, auf die Straße zu gehen. Sie forderten die Rückerstattung, da es sich seit dem Jahr 1928 um ein Eigentum der Redemptoristen handle, das „im öffentlichen Interesse“ nationalisiert worden sei.

Das Volkskomitee forderte, dass Kreuze und andere religiöse Symbole entfernt würden und das Gelände dem Staat erstattet werde, damit es öffentlichem Nutzen zugeführt werden könne.

Zu diesen Problemen in Hanoi kommt es drei Monate nach dem Besuch einer vatikanischen Delegation, durch die es an sich zu einer Entspannung in den beidseitigen Beziehungen gekommen war. Bei jener Gelegenheit war bekräftigt worden, dass eine Arbeitsgruppe eingerichtet werde, die sich um eine Normalisierung der Beziehungen kümmern solle. Die schrittweise Rückerstattung des kirchlichen Eigentums zu Kultzwecken war in Aussicht gestellt worden.
 
二OO八年九月十九日,河内
签字和印章
22:09 19/09/2008
二OO八年九月十九日,河内

紧急抗议信

致:

越南社会主义共和国主席阮明哲先生

越南社会主义共和国总理阮晋勇先生

转发:

宗教事务局

河内市人大常委会

河内市公安局

各大机构

二OO八年九月十九日清晨,在隶属于河内总主教区办公室的前宗座大使馆旧址内,大批警察、公安、武装人员和警犬包围了河内总主教区公署、封锁了街道。

另一支规模庞大的队伍拆除了大门和部分建筑。他们在我们宗座大使馆门前的草地上进行挖掘。

河内总主教区秘书处曾经多次要求归还这座建筑和周围的土地。但是,迄今,我们的愿望都无人过问。可是,九月十八日晚和十九日清晨,国家电视台却突然报道了一条有关将拆穿相关建筑的消息,并混淆视听,为这一非法行径作出舆论准备。

这一事件的发展进程完全违背了政府与总主教区秘书处达成的对话政策。这一压制天主教会合法愿望的行动,愚弄了法律、不尊重越南天主教会。同时,也是存在严重伦理道德质疑的行为,嘲弄了文明社会的良知。

有关宗座大使馆的归属问题仍在讨论中,但是,河内当局和区政府却动用军队摧毁了我们的财产。

为此,河内总主教区秘书处严正抗议,并要求:

1)政府停止包围河内总主教区公署、停止拆除我们的财产。

2)政府恢复这一财产的原状,从而将其用做宗教活动场所、造福整个团体。

3)各主要机构和河内市应对此占据财产问题所造成的一切后果承担责任。我们有权利用我们手中的力量保护我们自己的财产。

4)越南社会主义共和国主席、总理、市政当局、各主要机构,应努力采取行动制止此类滥用职权的行径。

河内总主教区总主教

吴光杰(约瑟夫)

(签字和印章
 
In Vietnam bulldozer contro le proprietà cattoliche
Zenit
22:12 19/09/2008
Il complesso della ex Nunziatura a rischio di abbattimento

HANOI, venerdì, 19 settembre 2008 (ZENIT.org).- Centinaia di cattolici si sono riuniti questo venerdì nel centro di Hanoi (Vietnam) cantando e pregando dopo che il Governo ha inviato polizia e bulldozer per trasformare la zona su cui sorge l'ex Nunziatura, accanto alla Cattedrale di St. Joseph, in un parco pubblico.

“Alle 4 del mattino, circa 200 poliziotti e due bulldozer sono apparsi sul luogo”, ha detto padre Nguyen Van Khai, sacerdote della vicina parrocchia di Thai Há, l'altra proprietà, oltre alla ex Nunziatura, ad essere disputata tra la Chiesa cattolica e il Governo di Hanoi. “Alle 4.30 hanno abbattuto il muro e altre strutture. Stanno bloccando l'intero vicinato. Non possiamo uscire”.

I sacerdoti della Cattedrale hanno suonato le campane per chiedere aiuto. I fedeli sono accorsi sul luogo per protestare, e una donna e un presbitero, che avevano forzato il blocco dei militari per cercare di fermare i lavori, sono stati arrestati.

Nguyen Thinh Thanh, responsabile del segretariato del Comitato Popolare (amministrazione comunale) di Hanoi, ha affermato che sul luogo si intende “costruire una biblioteca e un parco per servire tutta la comunità”. “Non dovevamo chiedere il permesso alla parrocchia perché la terra appartiene allo Stato”, ha dichiarato.

Thanh sostiene anche che la parrocchia fosse stata avvertita dei lavori che stavano per iniziare, ma i sacerdoti affermano di non aver ricevuto alcuna notifica.

Di fronte a questa situazione, padre Khai ha affermato: “Stiamo combattendo per la pace e la giustizia. Siamo pronti a morire”.

Nel dicembre scorso, l'Arcivescovo di Hanoi, monsignor Ngô Qiang Kiet, ha guidato centinaia di parrocchiani in una veglia che si è poi protratta per mesi. I fedeli hanno costruito una cappella per la Madonna e si sono accampati lì ogni notte, chiedendo la restituzione del terreno alla Chiesa.

I cristiani sono ultimamente bersaglio di numerosi attacchi a Hanoi (cfr. ZENIT, 3 settembre 2008). Tra questi, figura la distruzione dell'altare di Thai Há, dove i sacerdoti redentoristi celebrano la Messa per i manifestanti.

Secondo i membri di questa Congregazione, almeno un manifestante è stato arrestato. I sacerdoti hanno anche confessato che il Comitato Popolare di Hanoi li ha “invitati” a parlare della questione, ma il tutto si è rivelato un'occasione per prendersi gioco di loro.

Nel corso dell'incontro, infatti, sostengono di aver ricevuto dal Comitato 4 documenti che dovevano essere la prova per sostenere la teoria statale per cui p. Vu Ngoc Bich aveva donato quel terreno. Due testi, tuttavia, affermavano che p. Vu lo aveva donato il 24 ottobre 1961, un altro parlava del 24 novembre 1961 e il quarto del 30 gennaio dello stesso anno.

I documenti, tra l'altro, mostravano caratteri in fonte Unicode che non poteva essere disponibile nel 1961, visto che a quell'epoca i computer non esistevano.

Secondo quanto ha affermato questo venerdì il quotidiano del Partito comunista, Nhan Dan, il vicecapo del Comitato Popolare, Vu Hong Khanh, avrebbe incontrato una rappresentanza della parrocchia di Thai Há parlando delle richieste di restituzione del terreno, proprietà dei Redentoristi fin dal 1928 e nazionalizzato “per utilità pubblica”, ricorda “AsiaNews”.

L’esponente comunista ha tuttavia osservato che “lo Stato” fin dal 1961 ha concesso il terreno ad una ditta di abbigliamento, la Chien Thang Garment Joint Stock Company, che ha iniziato i lavori all'inizio del 2008 provocando le manifestazioni dei parrocchiani.

“Perché siano esaminate necessità e petizioni della parrocchia”, si legge sul quotidiano, il Comitato Popolare chiede la rimozione delle croci e degli altri simboli religiosi posti sul terreno in questione e la sua restituzione alle autorità del distretto di Dong Da perché possano “procedere alla formulazione di un progetto di costruzione di pubblica utilità”.

La crisi attuale si è scatenata ad appena tre mesi dalla visita in Vietnam di una delegazione vaticana guidata da monsignor Pietro Parolin, sottosegretario per i rapporti con gli Stati, che sembrava aprire spiragli per un rapporto più positivo tra le due entità (cfr. ZENIT, 17 giugno 2008).

In quell'occasione si è parlato anche di rendere “al più presto” operativo il Gruppo di lavoro incaricato di definire tempi e modalità della normalizzazione dei rapporti diplomatici tra Santa Sede e Vietnam ed anche di “graduale restituzione all’uso ecclesiastico delle proprietà a suo tempo nazionalizzate”.

Il Vietnam ha circa 85 milioni abitanti, 7 dei quali cattolici.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Bà cụ già một mình xông vào cầu nguyện trước tượng Mẹ Sầu Bi - Bà là ai?
Minh Hiển
01:10 19/09/2008
TÒA KHÂM SỨ - Một chủng sinh thuộc Đại Chủng viện Hà Nội vừa đưa tin cho chúng tôi như sau: Sáng hôm nay sau khi tham dự Thánh lễ sáng sớm tại nhà nguyện Tòa Tổng Giám Mục, chúng tôi được một Thầy nhắc là sau Thánh lễ sẽ tập chung ra Tòa Khâm sứ cầu nguyện. Chúng tôi không hiểu chuyện gì xảy ra.

Khi ra tới đến nơi thì tất cả đã rõ. Công an các loại đã tập chung giải tỏa khu vực Tòa Khâm sứ từ khi nào rồi. Và sáng nay tôi được nghe một anh Taxi làm đêm cho biết là Công an bắt đầu tập chung về đây từ 3h sáng. Phải chăng đây cũng là bản chất của Đảng cộng sản, chúng ăn cướp ban ngày

không đủ giờ con tranh thủ ăn cướp ban đêm nữa.

Lúc khoảng gần 7h thì có một bà Cụ đã nhanh chân chạy vào chỗ đặt tượng Đức Mẹ sầu bi cầu nguyện, mọi người ở bên ngoài đều phải thán phục Bà cụ, dù bị Công an dọa nạt nhưng Bà vẫn không sợ. Nhưng rồi với chân yếu tay mềm, và với bản chất hung tàn của ĐCS thì đến 9h30 chúng đã áp giải bà ra khỏi khu vực này.



 
Phóng viên người ngoại quốc bị công an bắt đi khi chụp hình ở Tòa Khâm Sứ
PV VietCatholic
01:16 19/09/2008
TÒA KHÂM SỨ - Sáng nay đang khi các chủng sinh và các linh mục đứng gần bên Tòa Khâm Sứ đọc kinh và hát thánh ca, chung quanh là cảnh sát và công an bao bọc. Phía bên kia đường có một phóng viên người ngoại quốc chụp hình lia lịa. Được một lúc thì có anh cảnh sát và một công an chìm đến bắt anh ta đi... Anh ta đi theo họ, được ít bước, anh phóng viên này lại quay lại chụp hình, họ ngăn cản anh, va lôi anh ta đi, anh ta còn cố tình chụp ngay vào mặt anh công an.

Không biết số phận anh phóng viên người ngoại quốc này sẽ ra sao.

Đây là một Nước Xã Hội Chủ Nghĩa luôn rêu rao "tự do ngôn luận, tự do báo chí" nhưng họ muốn bưng bí những việc họ làm. Nếu là những việc ngay chính thì làm chi phải sợ!
 
TGM Hà nội gửi đơn Khiếu nại khẩn cấp lên Chủ tịch và Thủ tướng Nước CHXHCN Việt Nam
+ TGM Giuse Ngô Quang Kiệt
04:16 19/09/2008




Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội cực lực phản đối và yêu cầu:

1. Chấm dứt ngay hành động phong tỏa Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội và việc phá hủy tài sản trên.

2. Trả lại nguyện trạng khu đất cho chúng tôi sử dụng vào mục đích tôn giáo, phục vụ cộng đồng.
 
Tình hình Tòa Khâm Sứ vẫn rất căng thẳng
PV VietCatholic
04:31 19/09/2008
Tình hình Tòa Khâm Sứ vẫn rất căng thẳng

Lúc này là 13 h 30 trưa này 19/09/2008:

Các máy móc thi công đang tạm nghỉ trưa. Các xe ô tô chở đồ đạc của mấy cơ quan và tư nhân bên trong vân đang họat động. Khỏang 20 dân phòng cầm dùi cui ra triển khai đội hình thay thế cho các cảnh sát cơ động nghỉ trưa.

Các công nhân vẫn đang đào lỗ ở sân Tòa Khâm Sứ. Có lẽ là lỗ trồng cây. Các công trình nhỏ xung quanh khu vực đang bị máy ủi tháo dỡ. Cảnh sát cơ động, cảnh sát trật tự và các nhân viên an ninh dày đặc. Mấy con chó đói bị bịt mõm vẫn đang xục xạo khắp khu vực.

Người phụ nữa quả cảm ngồi cầu nguyện trước tượng Đức Mẹ Sầu Bi đã bị cảnh sát lôi ra ngòai. Các linh mục, tu sĩ và giáo dân vẫn đang ngồi trong long phố Nhà Chung, chỗ cổng Tòa TGM đọc kinh va hát thánh ca. Giáo dân các nơi đang luc tục kéo về Tòa Khâm Sứ. Hầu hết đi bộ và đi xe máy.

Hai người cho biết anh phóng viên ngọai quốc bị công an áp giải đi về phía Đồn Công an quận Hòan Kiếm đã bị thu máy ảnh và đã bị đánh chảy máu mặt trước khi được thả ra. Giáo dân, tu sĩ linh mục vấn không làm gì khác hơn là phản đối bất bạo động và hết sức cao đẹp là hát thánh ca và đọc kinh.

Tiếng chó sủa và tiếng máy thi công cũng như tiếng quát tháo của cảnh sát cơ động không làm át được âm vang của những lời kinh thánh thiện. Thêm mấy hàng rào giây thép gai đã được dựng lên dọc bức tường Tòa Tổng Giám Mục và hai đầu phố Nhà Chung, đọan trước Tòa Khâm Sứ. Các nữ tu Dòng Mến Thánh Giá đã không thể về nhà mình. Cảnh sát chặn và ngăn cản các nữ tu này bằng mọi cách.

Linh mục, tu sĩ và giáo dân dường như đọc kinh quên cơm trưa. Các phóng viên quốc tế và nhân viên sứ quán một số nước đã đến xem xét hiện trường.

Một giáo dân nói với một linh mục: “Mình phải làm gì bây giờ hả cha? Chẳng lẽ cứ ngồi đọc kinh để Đất Thánh bị heo rừng phá phách dã thú gặm tan hoang?" Thật là một vụ cướp đất trắng trợ và man rợ. Thương thay cho người Công giáo TGP Hà Nội. Cũng đẹp thay cho người Công giáo TGP Hà Nội.

Bây giờ là 14h30 tại Tòa Khâm sứ Hà Nội.

Những chiếc xe ủi tiếp tục hoạt động. Mặt bằng Tòa Khâm Sứ được cầy xới tứ tung. Lực lượng cảnh sát cơ động vẫn dầy đặc. Họ canh chừng cho những người đang đào bới khu đất Tòa Khâm Sứ. Hàng rào thép gai được giăng khắp bờ tường dọc theo Tòa Giám mục. Cũng có một lớp hàng rào thép gai giăng ngang phố Nhà Chung.

Khá đông các linh mục, tu sĩ nam nữ và giáo dân vẫn tiếp tục cầu nguyện ôn hòa trên phố Nhà Chung. Trước mặt và phía sau họ là nhân viên an ninh và cảnh sát cơ động. Cũng có hàng rào sắt hai tầng và hàng rào thép gai vây bủa trước mặt họ.

Các phóng viên và những người quay phim chụp hình đều bị đe dọa và bị dựt máy quay. Thậm chí một số phóng viên nước ngoài phỏng vấn giáo dân ở trong khu vực Tòa Giám mục cũng bị lực lượng cảnh sát xông vào đe dọa, phá rối cuộc phỏng vấn. Một số phóng viên nước ngoài cũng bị truy đuổi gắt gao sau khi có được những hình ảnh chụp tại Tòa Khâm Sứ.

Giáo dân xung quanh khu vực Hà Nội đang kéo về Tòa Khâm Sứ để cầu nguyện cùng với vị cha chung là Đức Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt. Tuy nhiên, hầu hết các con đường dẫn tới Tòa Khâm sứ vẫn bị phong tỏa. Lực lượng cảnh sát đứng canh giữ rất đông ở các đường dẫn vào phố Nhà Chung. Hiện tại chỉ có một số người biết lách qua nhà thờ Chính Tòa để vào khu Tòa Giám Mục.

Khi chúng tôi viết những dòng tin này, thì trời Hà Nội đang tối sầm vì những đám mây đen ở đâu kéo đến. Nhưng cơn gió mạnh bắt đầu nổi lên. Trời hình như sắp mưa đến nơi.
 
Thế giới sẽ nhìn rõ mặt thật CSVN: Đàn áp ngay cả với các phóng viên nước ngoài
PV VietCatholic
04:42 19/09/2008
TÒA KHÂM SỨ - Ngày 19-8-2008, khu vực Nhà Chung, Toà TGM Hà Nội, Dòng Mến Thánh giá Hà Nội đã bị lực luợng công an, cảnh sát các loại vây chặt nhằm thực hiện ý đồ cưỡng chiếm hoàn toàn Toà Khâm sứ của Tổng Giáo phận Hà Nội.

Từ sáng sớm, lực luợng Công an đã tập trung đông đủ, dữ tợn, bao gồm các lực lượng và cả chó nghiệp vụ. Hành động này của nhà cầm quyền Hà Nội đã môt lần nữa cho thấy dã tâm của chính quyền Cộng sản Hà Nội trong việc cướp đoạt đất đai và tài sản, đàn áp tôn giáo.

Chuông Nhà thờ lớn Hà Nội đổ từng hồi dài, báo hiệu sự nguy khốn của Giáo hội. Trong giây phút nguy nan, hàng loạt các linh mục, giáo dân thuộc Tổng Giáo phận Hà Nội đã về Toà Khâm sứ. Đoạn đường phố Nhà Chung đã bị phong toả hai đầu. Tất cả truờng học bị đóng cửa, Dòng Mến Thánh Giá và Toà TGM không có lối đi ra vào

Các hãng thông tấn Quốc tế đã nhanh chóng vào cuộc. Các cảnh sát đã ngăn chặn các phóng viên vào chụp hình và đưa tin. Một cảnh sát mặc thuờng phục, mặt mày bặm trợn vào tận cửa phòng Tổng Giám mục để bắt một phóng viên người nước ngoài, các giáo dân đã phản đối quyết liệt để bảo vệ nữ phóng viên đó. Hõ cũng khám máy và lấy phim ra luôn! Sau đó, Công an đã bắt một phóng viên nước ngoài khi người này vào chụp ảnh giáo dân và các tu sĩ đang cầu nguyện. Họ đã bắt nguời phóng viên này trước mặt ông Phạm Quang Nghị - Bí Thư Thành uỷ đang có mặt ở đó.

Hành động này của nhà cầm quyền Hà Nội một lần nữa đã tự lột mặt nạ nhân nghĩa của họ truớc cộng đồng thế giới. Một lần nữa những trái tim nhân ái, yêu chuộng chân lý và hoà bình đang bị đặt truớc thách thức và thử thách mới.

Hành động này của nhà cầm quyền Hà Nội là buớc cuối cùng lột bỏ những lời dối trá, thể hiện rõ ràng bản chất cuớp bóc của họ bất chấp lẽ phải, bất chấp luật pháp do chính họ đặt ra.

Tòa TGM Hà Nội đã có đơn khiếu nại khẩn cấp tới Chủ tịch nuớc, Thủ tuớng Chính phủ. Đồng thời có lời hiêụ triệu các tu sĩ, giáo dân hiệp thông với Tổng Giáo Phận trong những giờ phút đầy gian nan thử thách này.

Tất cả mọi nguời có lương tri trên toàn thế giới hãy cảnh giác truớc những hành động ngày càng gia tăng của Hà Nội nhằm đàn áp tôn giáo này.

Chúng ta kịch liệt lên án hành động tội ác này của nhà cầm quyền Hà Nội đối với Tổng Giáo phận Hà Nội và hiệp thông với tổng Giáo phận Hà Nội bằng những phương cách có thể.

Hiện nay, tuợng Đức Mẹ sầu bi đặt duới gốc cây đa Toà Khâm sứ đã bị đổ đất sắp ngập, hàng rào và mặt đất đã bi cày xới nát. Xe phá sóng của công an đã đựoc huy động đến hiện trường nhằm cắt đứt liên lạc với bên ngoài.

Toà TGM Hà Nội đang bị bao vây bốn phía và cất lên những tiếng kêu nghẹn lời, cầu mong đuợc sự đáp trả của cộng đồng nhân loại.

Toà Khâm Sứ Hà Nội, 13 h ngày 19-8-2008
 
Chúng ta phải sử dụng đối sách nào trước hành động bất nhân của chính quyền Hà Nội?
Phan Dũng
05:25 19/09/2008
CHÚNG TA PHẢI SỬ DỤNG ĐỐI SÁCH NÀO TRƯỚC
HÀNH ĐỘNG BẤT NHÂN CỦA CHÍNH QUYỀN


Kính thưa quý cộng đoàn Dân Chúa:

Đứng trước những hành động vô đạo của chính quyền Hà nội hiện nay tại Thái hà và đặc biệt là đối với Toà khâm sứ sáng nay: 19/09/2008. Chúng ta có thể thấy rằng, chúng ta hoàn toàn mất hẳn niềm tin vào chính quyền cộng sản. Ngay cả với Vatican họ cũng không tôn trọng những thoả ước để giải quyết trong ôn hoà. Hành động phá toà khâm sứ và đăng các bản mô hình quy hoạch trên đất của Toà Khâm sứ rất vội vã (Thậm chí rất vội vã vì trên mô hình đăng trên báo Hà nội mới gần như không quy hoạch gì cả, chỉ thêm vào các cây xanh và vài chi tiết cho giống với công viên, nếu để ý sẽ thấy ngôi nhà vẫn là toà Khâm sứ cũ được chỉnh sửa đôi chút. Tất cả những ai rành về autocad hoặc các phần mềm 3D (có thể chỉ mất 1 giờ là làm xong). Cách thức làm việc của chính quyền chứng tỏ rằng Đảng không hợp tác với tôn giáo để giải quyết các vụ việc. Điểm này càng chứng minh cho một sự thật đã rõ mười mươi rằng, các cấp lãnh đạo cao nhất của Hà nội đã nhúng tay kiếm chác trên những mảnh đất này, vì thế, bằng mọi cách, bằng mọi giá họ sẽ giải quyết bằng các biện pháp không cần pháp luật để bao che cho các hành động tham nhũng không thể đổ bể.

Dù sự kiện Thái hà gần đây đã gây nên những làn sóng đấu tranh cho công lý và hoà bình đã làm cho các quan tham nhũng run sợ, dẫn đến việc làm bậy để có thể Việt nam sẽ lại một lần nữa liệt vào danh sách những đất nước cần phải chú trọng về tự do tôn giáo trên thế giới, tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa thấy những vị lãnh đạo cao nhất đất nước như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết hay Chủ tịch quốc hội Trương Phú Trọng lên tiếng. Bởi đây sẽ là những cái phao cuối cùng để cứu Đảng cộng sản, nếu các cấp của Hà nội không làm sao che đậy được những hành vi vi phạm.

Nếu Giáo hội Công giáo trong nước cũng như quốc tế hoặc các uỷ ban nhân quyền và tôn giáo quốc tế không có trạng thái động tĩnh thì ba vị lãnh đạo này cũng sẽ lặng im để đàn em muốn làm gì thì làm. Thấy cách đàn áp điên cuồng đối với nhân dân của tướng Nhanh và các cấp UBND Hà nội, chúng ta dễ dàng nhận thấy các vị này đang lo lắng và sợ hãi đến mức nào. Chắc chắn ngày tàn của các vị này đã điểm nên các biện pháp cuối cùng có thể sẽ cứng rắn hơn và gây tổn thất. Do vậy, để đối phó với tình hình hiện nay và để tránh thiệt hại: Xin đóng góp vài ý kiến sau:

1. Cầu nguyện,cầu nguyện và cầu nguyện là vũ khí tối thượng.
2. Bất bạo động, tuyệt đối bất bạo động trong cả lời nói và hành động, dù có bị khiêu khích, cần biểu lộ của phong thái thánh thiện hiền hoà.
3. Tuyệt đối vâng theo lời hướng dẫn của vị Cha chung là Đức TGM Giáo phận Hà nội, các linh mục tu sĩ DCCT, các linh mục quảnh nhiệm về cách hành xử để tuân theo luật đời, luật đạo.
4. Tuyệt đối không mang theo vũ khí, giữ gìn vệ sinh và an toàn giao thông.
5. Chú ý tài sản cá nhân, tránh bị kẻ xấu lợi dụng.

Một vài ý kiến, nhưng nếu chúng ta thấy cần phải thực thi các ý kiến dưới đây, sẽ càng hiệu quả hơn.

6. Phát động chiến dịch trên quy mô toàn quốc, mỗi nhà thờ sẽ cử hành thánh lễ cầu nguyện cho công lý và hoà bình, có thể làm lễ ngoài trời với cờ thánh giá.
7. Nên chia nhỏ các cuộc tuần hành với quy mô từng giáo hạt trên toàn quốc, không cần mang biểu ngữ chống đối, chỉ cần Thánh giá nến cao, tượng chịu nạn, hình Đức Mẹ và thật nhiều cờ thánh giá, một biểu ngữ vì công lý và hoà bình là đủ. Các cuộc tuần hành phải trùng một giờ nhất định trong ngày, tổ chức hàng ngày hoặc hàng tuần tuỳ nơi có thể.
8. Những ai có kiến thức, hãy lập những Blog riêng về Thái hà, về toà khâm sứ. Những ai có khả năng viết bài, hãy viết để gửi cho các trang mạng cộng đồng nói lên ý nguyện cho công lý và hoà bình.

Vài nhận định hiệp thông và chia sẻ.
 
Ý kiến độc giả: Gây tị hiềm chia rẽ tôn giáo, CSVN đang đẩy quốc gia dân tộc vào bờ thẳm diệt vong
Chí Tâm
05:52 19/09/2008
HÀ NỘI - Lợi dụng dư luận còn đang chú ý đến Thái Hà, đêm 18.09.2008 công an tiếp tục tung hoả mù bằng cách cho "đặc tình cơ sở" đổ chất bẩn lên bàn thờ tượng Thánh tại khu đất DCCT – Thái Hà nhằm thu hút hết giáo dân, tu sĩ hướng về Thái Hà. Khoảng 3h30 sáng ngày 19.09.2008 công an cho triển khai khoảng 1000 quân bao gồm trung đoàn cảnh sát cơ động, công an quận Hoàn kiếm, các phòng nghiệp vụ công an Hà Nội cùng đám nhân viên giao thông công chính, dân phòng. Vây chặt đoạn phố Nhà Chung gồm Tòa Khâm Sứ, Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội, Dòng nữ tu Mến Thánh Giá Hà Nội.

Đến khoảng 4h sáng, công an chở đến một kẻ tay sai, ăn mặc như một vị sư – Theo tin của tôi biết được, người này không phải sư, chưa chính thức thọ giới, chưa có bằng tì kheo (bằng tối thiểu để có thể đứng vào hàng ngũ sư sãi theo hệ thống đạo Phật Giáo) Tuy nhiên người ta thấy người này thường xuất hiện trong các đám hiếu hỉ của quan chức cộng sản Hà Nội. Giới tăng ni Phật tử chính nghĩa cho rằng ông này là một thầy bùa, chuyên xem bói, phán phong thuỷ, xem ngày giờ kị hợp ma chay hiếu hỉ cho quan chức cộng sản. Tay "Sư" này một mình chui vào chòi bảo vệ trước cổng chính Tòa Khâm mới đựơc dựng lên sau sự kiện Tòa Khâm đầu năm 2008. Gõ mõ khấn vái, đốt vàng đốt hương, rắc bùa rắc ngải. Tụng kinh hơn 1 giờ đồng hồ, rồi ra đi trong sự hộ tống của công an. Chính quyền CSVN lợi dụng tôn giáo này để phá tôn giáo khác. Một trò bỉ ổi!

Đến khoảng 6h sáng, công an cho tập kết xong xe máy công trình, xe tải chuyên chở vật liệu xây dựng trong khuôn viên Tòa Khâm. Chúng phá dỡ hàng rào Tòa Khâm thì toàn thể các linh mục, tu sĩ, giáo dân ùa ra. Công an dùng rào chắn sắt chặn các lối đi, dùng chó Bécgiê ngăn cản bước tiến của tu sĩ giáo dân Công Giáo. Được tin, các tu sĩ, giáo dân khắp miền Giáo Phận Hà Nội ùa về. Công an tạm dừng việc phá dỡ tại Tòa Khâm.

Đến trưa họ tăng thêm quân số, cho cảnh sát giao thông bố trí hầu khắp các nút giao thông trong thành phố giữ liên lạc bằng bộ đàm, họ gọi việc này là "phân luồng cảnh giới từ xa". Các cửa ngõ Thủ Đô, Khu vực quận Hoàn Kiếm xuất hiện nhiều điểm ùn tắc. Không thể đoán định được hành vi tiếp theo của kẻ cướp nhân danh công lý.

Cộng sản mồm nói vô thần, nay cầu đến thầy bùa chú, thực hành ma thuật là dấu hiệu của một cuộc bách hại Tôn Giáo khốc liệt và cuối cùng. Sẽ không có một tôn giáo nào được an toàn trong cơn bách hại này. Xin các vị chức sắc các tôn giáo hãy tỉnh thức, hãy ngộ giác để tránh cho quốc gia, dân tộc một cuộc chiến đau thương, mà chỉ có cộng sản hưởng lợi.

Tướng Nguyễn văn Nhanh, xưng là vô thần, tuyên thệ trung thành với chủ nghĩa cộng sản, mà lại là người tin ma quái dị đoan. Những người thân cận cho biết ông tướng này không biết bao nhiêu lần nửa lén lút, nửa công khai cùng vợ con đi cầu cơ gọi hồn tại nhà Nguyễn Thị Phương Chân ở cầu Hàm Rồng Thanh Hoá, đi xem bói của "Thầy Chín" "Thầy An" "Thầy Ngân Sơn". Không biết ông tướng này còn nhớ đến câu này thầy nào cũng nói: "Hữu tâm vô tướng, tướng tự tâm sinh - Hữu tướng vô tâm, tướng tòng tâm diệt".

Kẻ võ biền đánh canh bạc cuối cùng cho chức quyền cá nhân, nhưng lại lôi kéo cả dân tộc vào hoạ chia rẽ người dân, chia rẽ tôn giáo. Từng người dân Việt có lương tâm, hãy lên tiếng để "tâm sáng, phá tướng ngụy". Cầu an cho dân tộc.

Chỉ vì thế giới làm ngơ trước học thuyết Phát-Xít, trước đảng quốc xã của Hít-Le đầu năm 1930 mà cả thế giới phải hứng chịu cuộc chiến tranh Thế giới thứ II với hàng trăm triệu nạn nhân. Chỉ vì thế giới bỏ mặc các quốc gia nghèo cho con mồi cộng sản với lập luận "vì nhân dân ở đó lựa chọn". Vì tin vào lời hứa hão của cộng sản mà mà cả thế giới phải hứng chịu cuộc chiến cộng sản tiếm quyền, gây chiến tranh lạnh. Làm chết hàng trăm triệu nhân mạng, gây ra oan khuất đến bây giờ còn chưa khám phá hết nói gì đến khắc phục hậu quả ???

Chuông đổ, súng nổ, máu đổ. Dân tộc Việt Nam đang trên miệng vực diệt vong, với chiến tranh thôn tính từ phương Bắc và chiến tranh tôn giáo mà người CSVN đang muốn khơi dậy. Chia để trị. Người ta chợt nhớ tới việc tình báo Trung Quốc quan tâm đến vụ Việc Thái Hà cử người theo sát. Ai thờ ơ với lịch sử hôm nay, sẽ thành kẻ nô lệ cho Hán tộc phương bắc ngay ngày mai.

Chúng tôi tin rằng người Công Giáo chỉ có thể sẵn sàng hy sinh vì công lý vĩnh cữu của Chúa mà thôi.

(Một độc giả Hà Nội, ngày 19.09.2008)
 
Đức TGM Hà Nội cực lực phản đối việc phong tỏa và đập phá tài sản
Tòa TGM Hà Nội
07:03 19/09/2008


 
Nghe lời ĐTGM Hà Nội nhận định rằng: "chính Nhà nước đã vi phạm những quy luật mà nhà nước đã đưa ra"
+ Đức TGM Ngô Quang Kiệt
07:20 19/09/2008
Trong bài phỏng vấn Đức TGM Hà Nội nhận định: "Thế thì chính nhà nước đã vi phạm những quy luật mà nhà nước đã đưa ra là không có niêm yết cái dự án quy hoạch trước và chúng tôi không hề biết cái dự án đó như thế nào, chỉ có chiều hôm qua mới thấy xuất hiện một cái bảng nhỏ nhỏ, sau khi họp người ta mới treo cái bảng nhỏ nhỏ trước Tòa Khâm Sứ và nói đây là dự án quy hoạch niêm yết cho dân chúng xem thì chỉ được vài tiếng đồng hồ, đó là khía cạnh thứ nhất.

Khía cạnh thứ hai, đó là quyền sở hữu, việc quy hoạch khuôn viên cây xanh ở trên đất số 42 Nhà Chung gọi là đất của tòa Khâm sứ thì nó cũng hoàn toàn là sai vì nó không tôn trọng quyền sở hữu hiện tại đó là thuộc về tòa Tòa Giám mục Hà Nội.

Quyền sở hữu này chúng ta biết rằng nó phải được chứng minh bằng giấy tờ hợp pháp chứ không phải cứ ai mạnh chiếm là được, tòa Tòa Giám mục có đầy đủ văn bản, có chứng khoán điền thổ những năm từ thời Pháp thuộc.

Còn phía nhà nước thì không biết ai quản lý đất này thì không biết, nhưng không có một cái văn bản nào cả.
 
Diễn biến Tòa Khâm Sứ: Tu sĩ cầu nguyện, quân lực giăng kẽm gai và chó săn
PV VietCatholic
08:34 19/09/2008
TÒA KHÂM SỨ - Chuông Nhà thờ lớn Hà Nội đổ từng hồi dài, báo hiệu sự nguy khốn của Giáo hội. Trong giây phút nguy nan, hàng loạt các linh mục, giáo dân thuộc Tổng Giáo phận Hà Nội đã về Toà Khâm sứ. Đoạn đường phố Nhà Chung đã bị phong toả hai đầu. Tất cả truờng học bị đóng cửa, Dòng Mến Thánh Giá và Toà TGM không có lối đi ra vào. Đang khi đó, mấy trăm công an, cảnh sát, chó săn, xe ủi, ngăn chặn không cho tu sĩ, linh mục và giáo dân tiến tới trước Tòa Khâm Sứ để cầu nguyện. Cảnh sát đã dây giăng thép gai hầu chắn mọi lối độp nhật vào Tòa Khâm Sứ... Video này nói lên tính cách bạo tàn của chế độ CSVN khi dùng quyền lực áp đảo của súng ống mà đàn áp dân chúng... Nhưg kết cuộc chắc chắn Đức Tin sẽ mạnh hơn.
 
Đức TGM Ngô Quang Kiệt trà lời phỏng vấn về lập trường liên quan tới Tòa Khâm Sứ
VietCatholic
11:55 19/09/2008
Cuộc phỏng vấn Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt về diễn biến tại Tòa Khâm Sứ

LOS ANGELES - Tối ngày ngày hôm 18/9/2008 qua lúc 10:30PM (giờ Los Angeles) tức là 1:30 trưa ngày 19/9/2008 (giờ Hà Nội), đang lúc diễn ra thảm cảnh công an, quân đội, cảnh sát đã phá đổ hàng rào trước Tòa Khâm Sứ Hà Nội và đưa xe ủi trong khu vực này. LM Trần Công Nghị đã gọi về Hà Nội để thăm hỏi và phỏng vấn Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt vè hiện tình. Sau đây là bài phỏng vấn:

LM Nghị: Kính thưa các vị thính giả và độc giả của chương trình VietVatholic, tôi là linh mục Trần Công Nghị và giờ đây tôi đang trực tiếp gọi điện thoại về để nói chuyện với đức Tổng Giám mục Tổng giáo phận Hà Nội. Ngày hôm nay, vào ban sáng thì cảnh sát rất là đông cũng như là công an đã kéo đến Tòa Khâm Sứ và đã đánh đổ cổng vào và đã đưa xe tới để mà định sang bằng tòa Khâm Sứ. Trước những hành vi như vậy thì chủng sinh đã ra cầu nguyện ngoài cổng.

Vậy xin thưa đức Tổng tình hình hiện nay như thế nào, đức Tổng có thể tả cho chúng con về biết cảnh tượng bây giờ như thế nào, thưa đức Tổng ?


ĐTGM Kiệt: Thưa cha, bây giờ bên trong Tòa Khâm Sứ thì các xe ủi đang làm việc. Ccác xe ủi đã …trước hết các xe ủi đã làm ủi đổ hết tường rào, tường sắt ở phía đằng trước Tòa Khâm Sứ và bây giờ đang ủi trong sân và đưa đất vào trong đó. Đằng trước sân Tòa Khâm Sứ cũng như bên trong thì dày đặt công an, đã làm hàng rào, dây kẽm gai để phong tỏa từ đầu đường lối vào tòa giám mục, cũng như là phong tỏa dòng Mến Thánh Giá. Trong các công an thì cũng có lực lượng phản ứng nhanh, cảnh sát 113, công an mặc sắc phục và công an mặc thường phục cùng với các máy quay phim chụp ảnh và có cả chó nghiệp vụ nữa.

Họ túc trực ở đó và lúc nào cũng khẩn trương để ngăn chận không cho giáo dân đi qua lại và kể cả các nữ tu ở bên tòa Giám mục muốn về nhà cũng về không được vì đã bị phong tỏa kín hết rồi.

Trong khi đó thì phía bên ngoài những khu vực phong tỏa và ngay trong sân tòa Tổng Giám Mục thì giáo dân đang càng ngày càng tập trung đến đông, các nữ tu cũng như các chủng sinh đang thay phiên nhau đọc kinh cầu nguyện trong sự canh chừng của các công an

Ngoài ra cũng có phóng viên các báo nước ngoài đã làm sao biết được đã đến quay phim và chụp hình. Có những phóng viên đến tác nghiệp thì bị đuổi vào trong sân tòa Giám mục nhưng được dân chúng bảo vệ nên thoát được, tuy nhiên cũng có phóng viên nước ngoài bị lấy máy ảnh hay là bị hành hung. Đó là một vài nét tả lại cảnh hiện nay đang diễn ra trước mắt chúng tôi.

Vâng, cám ơn đức Tổng. Kính thưa đức Tổng chúng con được biết tin rằng sau khi biết được tin họ đến phá cổng Tòa Khâm Sứ và đã tràn vào đó thì có rất nhiều các linh mục, tuy dù hàng rào đã bị chắn ở trước đường phố Nhà Chung để vào Tòa Khâm Sứ như vậy thì chúng con cũng nghe biết rằng có rất nhiều người như đức Tổng cũng vừa nói các linh mục cũng như giáo dân đã tụ tập về, bằng cách nào mà họ có thể vào đấy được thưa đức Tổng ?

ĐTGM Kiệt: Họ đi lối nhà thờ, rất may là phía nhà thờ chính tòa vẫn phải mở cửa để cho giáo dân vào đi lễ, cho nên những người giáo dân cũng như các linh mục lấy lí do vào đi lễ, thì từ phía nhà thờ chính tòa có thể đi sang tòa Tổng Giám Mục được.

Trước đây thì chính đức Tổng cũng như là Tòa thánh thì cũng đã đồng ý cái giải pháp là sẽ đối thoại để chính quyền đồng ý trả lại Tòa Khâm Sứ trong tinh thần hòa giải và tinh thần đối thoại. Nhưng mà trước hành động này thì sáng hôm nay báo Hà Nội Mới đã đưa một tin rằng "sẽ biến đổi khu vực Tòa Khâm Sứ thành một công viên”. Thế thì như vậy tức là họ đã đi đến một kết luận là không đối thoại nữa. Và như vậy họ chận đường, và tự ý họ làm và không cần ý kiến của tòa Giám mục cũng như là của đức Tổng nữa thì trước sự kiện này thì đức Tổng Giám mục cho chúng con biết nhận định như thế nào?

Về sự việc này, chúng tôi rất lấy làm buồn bởi vì theo văn thư của đức hồng y Quốc Vụ Khanh hồi đầu năm nay nói rằng sẽ phải đi vào việc đối thoại và ở đây tất cả mọi người từ giáo sĩ đến giáo dân đã tuân theo lệnh của Tòa thánh đi vào cuộc đối thoại, nhưng mà chúng ta thấy đấy cuộc đối thoại đó không phải chỉ có của Giám mục còn có giáo dân, giáo sĩ và cả Hội đồng Giám mục nữa. Thế nhưng mà cuộc đối thoại đang tiến hành nhưng Nhà nước lại có quyết định đơn phương như thế, nên chúng tôi thấy rằng nhà nước đã tự ý phá vỡ cuộc đối thoại này, không tôn trọng ý kiến của Hội đồng Giám mục cũng như là của Tòa thánh, và nhất là của giáo dân Hà Nội. Đó là điều rất là đáng buồn.

Trước khi họ đến phá cổng để vào Tòa Khâm Sứ bằng một quyết định là “lập một công viên” như báo Hà Nội Mới đã nói. Vậy đức Tổng Giám mục không được tham khảo ý kiến trong tuần này? Không bao giờ được ai tham khảo về công việc họ làm như thế này?

ĐTGM Kiệt: Vâng, chúng tôi không hề được tham khảo, chiều hôm qua vào lúc 3 giờ chiều thì chúng tôi mới nhận được cái văn thư của quận Hoàn Kiếm mời đến để nghe "công bố về dự án quy hoạch đất 42 Nhà Chung thành công viên cây xanh” thì chúng tôi đã không đến họp. Nghe nói cuộc họp đó có khoảng 10 người, họ đã tự động công bố thế rồi sáng nay họ quyết định làm ngay thành ra không có một ý kiến nào của tòa Giám mục.

Báo, Đài Truyền hình Hà Nội sáng nay cũng đưa tin là “đã có đại diện của tòa Tòa Giám mục đến tham dự và đã đồng ý” thì điều đó là hoàn toàn sai sự thật.

Thưa đức Tổng, trước hành động đơn phương của chính quyền đã cắt bỏ sự đối thoại, sự hợp tác của Tòa thánh cũng như của tòa Giám mục Hà Nội, cũng như Hội đồng Giám mục Việt Nam. Trước sự kiện này thì thưa đức Tổng phân tích cho chúng con biết về khía cạnh pháp luật để dự án quy hoạch và về quyền sở hữu của Tòa Khâm Sứ như thế nào, thưa đức Tổng ?

ĐTGM Kiệt: Có thể nói là chính nhà nước đã làm sai luật pháp.

Trước hết theo những quy định chung và hướng dẫn chung của nhà nước về vấn đề quy hoạch một khu dân cư hay một công trình công cộng. Theo quy định này, trước hết thì quy hoạch đó phải được niêm yết cho toàn dân xem và góp ý kiến rất nhiều tháng trước khi được thi hành và để xem nếu có sự đồng thuận của tất cả mọi người dân trong khu xóm đó thì mới có thể thi hành được.

Còn nếu người dân trong khu xóm, khu vực đó người ta không đồng ý thì phải thuyết minh, còn nếu không thuyết minh được thì phải bỏ dự án đó, và cái này chúng ta thấy xảy ra ở nhiều nơi.

Thế rồi nếu có muốn quy hoạch thành hình thì phải bồi thường cho những đất đai của những người chủ trên đó.

Thế thì chính nhà nước đã vi phạm những quy luật mà nhà nước đã đưa ra là không có niêm yết cái dự án quy hoạch trước và chúng tôi không hề biết cái dự án đó như thế nào, chỉ có chiều hôm qua mới thấy xuất hiện một cái bảng nhỏ nhỏ, sau khi họp người ta mới treo cái bảng nhỏ nhỏ trước Tòa Khâm Sứ và nói đây là dự án quy hoạch niêm yết cho dân chúng xem thì chỉ được vài tiếng đồng hồ, đó là khía cạnh thứ nhất.

Khía cạnh thứ hai, đó là quyền sở hữu, việc quy hoạch khuôn viên cây xanh ở trên đất số 42 Nhà Chung gọi là đất của tòa Khâm sứ thì nó cũng hoàn toàn là sai vì nó không tôn trọng quyền sở hữu hiện tại đó là thuộc về tòa Tòa Giám mục Hà Nội.

Quyền sở hữu này chúng ta biết rằng nó phải được chứng minh bằng giấy tờ hợp pháp chứ không phải cứ ai mạnh chiếm là được, tòa Tòa Giám mục có đầy đủ văn bản, có chứng khoán điền thổ những năm từ thời Pháp thuộc.

Còn phía nhà nước thì không biết ai quản lý đất này thì không biết, nhưng không có một cái văn bản nào cả.

Thế nên tôi xin nhắc lại lịch sử đó là Đức Khâm Sứ Dooley đã ở đó đến năm 1959 thì ngài bị trục xuất, rồi thì đến năm 1960 cha thư kí của ngài cũng bị trục xuất nhưng mà ông tài xế và một vài người làm công cho Tòa Khâm Sứ vẫn ở trong tòa nhà đó. Cho đến nhiều năm sau thì có nhân viên nhà nước đến đuổi hai người này ra và cũng không có theo một chính sách và cũng không có một cái văn bản nào cả.

Tuy nhiên hai nhà vẫn thông nhau, rồi đến một ngày kia nhà nước mời tất cả: Đức Cha Căn, rồi các cha trong tòa Giám mục và các nhân viên đi họp hết. Và khi họp trở về thì thấy bức tường đã được xây lên rồi. Cho nên có thể nói bức tường đó cũng được xây một cách lén lút không có minh bạch.

Thế rồi cũng không có một cái văn bản nào hiến tặng, cũng không có văn bản nào tịch thu, thế cho nên có thể nói Tòa Khâm Sứ đó vẫn thuộc về quyền sở hữu của tòa Tòa Giám mục.

Trong một nước văn minh thì chúng ta phải tuân theo luật pháp. Quyền sở hữu phải có giấy tờ hợp pháp, còn nếu căn cứ vào luật mạnh được yếu thua thì có lẽ điều đó không được văn minh lắm.

Dạ vâng, kính thưa đức Tổng, như vậy như đức Tổng đã nhấn mạnh hai lần là tính cách thi hành của chính quyền Việt Nam đối với Tòa Khâm Sứ thì có vẻ lén lút và không được công đạo, đồng thời có tính cách trấn áp, đang khi đó thì chính phủ luôn nói rằng phải thi hành luật lệ cho nghiêm chỉnh. Vậy thì trước sự kiện như thế này thì đức Tổng cho chúng con một lời nhận định về chính nghĩa công lý và đạo lý như thế nào, thưa đức Tổng?

ĐTGM Kiệt: Cái chính thể nó phải có chính nghĩa của nó, mà cái chính nghĩa đó tôi có thể nói là nó được đặt trước hết là trên sự công lý.

Chính nghĩa phải có công lý, công lý trước hết là sự công bằng, sự công bằng đơn sơ nhất là của ai trả lại cho người ấy và nhất là về mặt nhân quyền, về mặt pháp luật tự nhiên thì phải công nhận mọi công dân đều có được quyền bình đẳng trước pháp luật, để được như thế nhà nước phải có một sự công tâm, nhìn cái lợi ích chung của toàn thể chứ không có được nhìn lợi ích riêng của một cá nhân nào hay một cái tập thể nào một cách riêng biệt.

Thế thì trong việc Tòa Khâm Sứ này chúng ta đã thấy là vừa không công bằng vừa không có công tâm.

Chúng ta thấy Giáo hội, riêng Tổng giám mục Tổng giáo phận Hà Nội đã mất rất là nhiều cơ sở. Thế nhưng những cơ sở mà Nhà nước dùng vào lợi ích chung như là trường học, như là bệnh viện thì chúng tôi không bao giờ nói đến. Và ngay cả đến Tòa Khâm Sứ mấy mươi năm nhà nước lấy chúng tôi cũng không nói đến. Nhà nước bỏ không, không làm gì chúng tôi cũng không nói đến.

Tuy nhiên vào năm 2000 khi nó đã có dấu hiệu của những cái tham những, nó có những dấu hiệu là người ta biến thành đất tư, buôn bán như là mở vũ trường kinh doanh, mở quán phở, nhà băng, thì lúc bấy giờ Đức Hồng Y Tụng cùng các linh mục Hà Nội mới bắt đầu lên tiếng đòi lại. Thế nhưng mà nhà nước thì lại bênh vực những người đó, những người đó chắc chắn buôn bán đất đai tiền bạc rơi vào túi tư nhân chứ không vào công quỹ của nhà nước. Nhưng mà nhà nước lại bênh vực cái nhóm người đó mà chèn ép phía Giáo hội cho nên nó không có sự công bằng, thiếu sự công tâm.

Ý kiến thứ hai nói về việc chính nghĩa của một chính thể là phải có đạo lý, đạo lý này trước hết là phải dựa trên những sự thật.

Thế thì trong các vấn đề về đất đai thì chúng ta thấy có nhiều cái nó không được sự thật, trước hết là có những văn bản giả nói rằng như ở Thái Hà nói rằng cha già Bích đã hiến nhưng mà lại có tới 3, 4 văn bản khác nhau thì không biết là thế nào. Thế rồi trong tòa tổng Giám mục thì người ta cũng nói rằng đức cha Cương đã hiến nhưng mà đức cha Cương không bao giờ hiến cả, thế là trong những ngày vừa qua có những tin tức giả mà chúng ta đã thấy rồi đó, những lời hứa giả.

Thế thì cái sự nó không có thành thực, nó giả dối thì tự nó, nó đã thiếu chính nghĩa rồi.

Ta không tin vào mình, không tin vào chính nghĩa của mình thì cho nên có thể nói về công lý, về đạo lý thì nếu nó không có, thì nó không thể có chính nghĩa được.

Vâng, nhân tiện đức Tổng Giám mục nói về chính nghĩa, với vấn đề đạo lý thì cũng cái chuyện xảy ra mới đêm hôm qua, có chàng thanh niên đến chỗ bàn thờ của Thái Hà đổ nhớt, mắm tôm rồi đồng thời cũng đưa giấy vệ sinh sang đổ ở đó mà đang khi đó thì công an cảnh sát không có làm gì, ngồi đánh cờ như vậy thì trước vấn đề xúc phạm đến sự thánh thiêng của sự thờ phượng công giáo như vậy thì đức Tổng Giám mục nhận định như thế nào?

ĐTGM Kiệt: Đó thì chúng ta thấy đó, lại một bằng chứng nữa cho thấy công lý, công bằng không có và một số người xúc phạm đến người khác thì được bênh vực trong khi những người khác thì bị răn đe rồi thì bị bắt bớ, vân vân… chúng ta thấy công lý, đạo lý nó thật sự chưa có.

Chính quyền Việt nam luôn luôn rêu rao rằng một Xã hội chủ nghĩa tức là vì dân do dân và chính quyền chỉ là đầy tớ của dân. Vậy thì trước những hiện tượng như thế này thì đức Tổng Giám mục nhận định thế nào về chính trị, về thiên thời, địa lợi và nhân hòa đang khi mà chính quyền Việt nam đang bị đối diện với rất nhiều vấn đề mà lại gây một sự thù hằn căm tức như thế này đối với tập thể người Vông giáo -- phá đi hình ảnh cũng như biểu tượng hợp nhất của người công giáo Việt nam đối với Vatican -- thì đức Tổng nhận định như thế nào?

ĐTGM Kiệt: Chúng ta vẫn nghe người xưa nói là “một nền chính trị thành công đó là nền chính trị có thiên thời địa lợi và nhân hòa”. Tất nhiên xưa thì người ta tin vào cái mệnh Trời nhưng mà ngày nay chúng ta có thể nói thiên thời đó là những hoàn cảnh chung quanh, hoàn cảnh xã hội cũng như hoàn cảnh quốc tế.

Thì có thể nói về phương diện quốc tế, hiện nay Việt nam cũng không ở trong thiên thời lắm. Chúng ta thấy chúng ta đang bị một nước đàn anh bên cạnh là ông Trung quốc đang chèn ép rất là mạnh.

Thế rồi kinh tế trong nước cũng đang bị suy thoái, hiện nay có nhiều hãng đầu tư của nước ngoài đang xem xét lại việc đầu tư vào Việt nam.

Chúng ta thấy như vậy thì cái thiên thời cũng không có lắm. Trong khi đó cái nhân hòa cũng cũng rất là kém bởi vì nhìn qua vụ Tòa Khâm Sứ và đất ở Thái hà.

Chúng ta thiếu cái nhân hòa đó thì làm sao mà lòng người được hài hòa, lòng dân nó được thuận thảo? mọi người đồng tâm nhất trí với nhau?

Nếu có cái gì chưa nhất trí thì có thể đối thoại, có sức thuyết phục để tạo nên cái sự đồng cảm được.

Chúng ta thấy điển hình qua cái vụ Tòa Khâm Sứ này thôi, chính Hội đồng Giám mục đã nhiều lần làm đơn và nói rằng chúng tôi chưa có sẵn sàng nhận đất khác chúng tôi vẫn chỉ muốn nhận cái đất ở Tòa Khâm Sứ này thôi, giáo dân Hà nội thì lại càng tha thiết gắn bó với mảnh đất này nữa. Ngoài ra chúng ta nhìn rộng ra hơn nữa, hiện nay không biết là: Ở trong đất nước có hàng bao nhiêu ngàn người đang bị oan ức đang khiếu kiện mà chẳng được cứu xét gì cả.

Thế cho nên chúng ta thấy về cái nhân tâm nhân hòa rất là thiếu và theo ý tôi.

Một miếng đất nó chả đáng giá gì đâu, mất một miếng đất không có quan trọng bởi vì mất miếng đất này mình có thể mua được miếng đất khác hay tìm được miếng đất khác nhưng mất niềm tin rồi thì sẽ không bao giờ lấy lại được.

Và cái niềm tin thì không có tiền nào có thể mua được cái niềm tin đó cho nên nếu thiên thời đã không có thuận lợi và không để ý đến nhân tâm, nhân hòa nữa thì chúng tôi thấy cũng là một cái thiệt thòi lớn cho đất nước.

Kính thưa đức Tổng, theo những thư từ mà chúng con được nhận được từ lúc 7 giờ sáng cho đến bây giờ là 1 giờ trưa, thì rất nhiều người viết thư và email về cho chúng con nói rằng họ rất là phẫn uất trước hình ảnh mà chính quyền Việt nam đã phá Tòa Khâm Sứ, đến một hình ảnh mà làm cho rất nhiều người đau thương và tất cả các nơi thì đều muốn hiệp nhất với lại Tổng giáo phận Hà nội để mà bênh vực cho cái công lý đó. Trước tình trạng như vậy, thưa đức Tổng Giám mục, thì Đức cha Chủ tịch Hội đồng Giám mục chắc chắn kỳ này sẽ phải lên tiếng; bởi vì đây không những chỉ động đến vấn đề của Tòa Giám mục ở Hà nội nhưng mà còn động đến Hội đồng Giám mục Việt Nam và nhất là Đức cha Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam cũng có liên lạc với Tòa thánh và chính ngài cũng đã từng liên lạc với Chính quyền Việt Nam để mà giải quyết vụ này. Vậy thì trước cao trào mà người Công giáo khắp nơi cảm thấy bị khống chế, như vậy và họ cảm thấy phẫn uất trước những sự kiện như thế này, thì đức Tổng nhận định như thế nào, thưa đức Tổng ?

ĐTGM Kiệt: Xin cám ơn cha và tôi tin chắc rằng Đức cha chủ tịch cũng như là Hội đồng Giám mục cũng đều đồng với quan điểm của tất cả các giáo dân Hà Nội cũng như tất cả các Đức cha ở miền Bắc này đều hiệp thông là chúng ta phải làm sao lên tiếng cho công lý.

Đó chính là một cái bổn phận không phải là bổn phận riêng tư mà đó bổn phận của Tin Mừng, bổn phận của cái lý thuyết, về giáo lý về xã hội của giáo hội thì phải bênh vực lên tiếng vì công lý.

Thế thì một miếng đất nó cũng là một vấn đề nhỏ thôi nhưng mà vấn đề về công lý đó là một vấn đề lớn lao và nó phải như là Đức Thánh Cha Phaolô VI đã nói đó: “Phải có công lý thì mới có hòa bình được, nếu không có công lý thì không thể có hòa bình được”. Thế cho nên muốn có hòa bình, có nhân tâm nhân hòa phải tạo sự phát triển lâu dài thì cần phải có công lý và đó chính là điều mà mọi người trong GH đều có nhiệm vụ là phải bảo vệ.

Thế cho nên qua VietCatholic cũng xin nhắn quý cha, quý tu sĩ nam nữ và tất cả anh chị em trên khắp thế giới, chúng ta hãy tích cực làm chứng cho công lý, bênh vực bảo vệ công lý và chúng ta hãy hiệp thông và nhất là cầu nguyện thật tha thiết, chắc chắn với lời cầu nguyện tha thiết của chúng ta thì chúa sẽ ban sức mạnh và đồng thời Chúa sẽ ban cho chúng ta được điều mà chúng ta mong ước, đó là một nền công lý thật sự.

Vâng, khi đức Tổng nói về đức tin của người Công giáo thì sáng hôm nay khi mà hàng rào công an cả từng trăm người canh giữ như vậy cũng có một bà cụ già đã được lọt vào trong, và bà đã quỳ cầu nguyện suốt từ sáng cho đến 9 giờ rưỡi, bà cầu nguyện một cách âm thầm. Cuối cùng thì 9 giờ rưỡi công an cũng đã lôi bà đi. Thì đó là cái hình ảnh đức tin rất là trung kiên. Và cũng như các thầy, các linh mục ra cầu nguyện hát kinh rất là ôn hòa, đang khi đó thì cảnh sát đưa chó đến và vũ trang rất là mạnh mẽ như vậy thì khi đức Tòa Giám mục đứng ở trên của sổ của đức Tòa Giám mục nhìn xuống một bà cụ già rất là yếu ớt như vậy mà cái đức tin sắt son đến với đức mẹ không sợ bạo quyền, không sợ gì cả -- thì thưa đức Tổng, đức Tổng cảm nhận như thế nào hình ành một con người yếu thế, một con người không có tiếng nói, một con người mà không có một cái gì tự có thể bênh hộ mình được; thì đó cũng nhìn xa ra một Giáo hội Việt nam bây giờ cũng chỉ có công lý và niềm tin thôi, thế thì lấy cái gì để làm bênh đỡ trước cao trào mà chính quyền cộng sản đang đàn áp như thế này, thưa đức Tổng?

ĐTGM Kiệt: Thế trước hết đó là một cái niềm tin và chúng ta thấy mọi người trên thế giới cũng đều phải công nhận là Việt nam tuy là nghèo khổ, tuy đơn sơ, dù những cụ già ít học nhưng đức tin rất là vững mạnh, chính đức tin là điểm tựa vững chắc làm cho chúng ta không sợ hãi gì cả, thế thì chúng ta thấy biết bao nhiêu người bị bắt, bao nhiêu người bị hành hạ đánh đập nhưng không có ai sợ một chút nào hết.

Thật sự là ở đây chúng tôi đã hết sức kềm chế để cho giáo dân người ta bình tĩnh chứ còn người ta không sợ hãi gì hết, rất là tin tưởng. Cái đức tin rất là mạnh mẽ, cái đó là điều đáng cảm phục và làm cho mọi người phải noi theo.

Điểm thứ hai là cái điều tuy là người ta cầu nguyện một mình thế nhưng mà người ta biết rằng người ta không có một mình, có Chúa và có anh chị em luôn luôn ở bên cạnh. Tất cả mọi người, trong nước, ngoài nước đều hiệp thông. Cho nên không có ai sợ hãi gì cả, đó, đó chính là cái lí do làm cho người ta rất là vững mạnh.

Vâng, sáng nay cũng có một vài nhà báo (chúng con có video), người nhà báo ngoại quốc đã bị bắt, ức là họ đang muốn dẹp yên tiếng nói công chính của những người đang tranh đấu, đang cầu nguyện cho công lý và hòa bình, nhất là khi cái biểu tượng của người Công giáo, Tòa Khâm Sứ cái nơi để mà nối kết tình hiệp thông giữa Giáo hội Công giáo Việt Nam với Giáo hội hoàn vũ, nhất là tòa thánh Vatican thì khi mà người cộng sản định đè bẹp định phá vỡ cái đó, cũng là một cái làm cho mọi người Công giáo Việt Nam hiểu rằng đây là họ muốn trấn áp, muốn đè bẹp Công giáo. Thì cái tâm tình đó, Đức Tổng có nghĩ rằng trong tương lai sẽ có những biến cố mới xảy ra khi mà người Công giáo không kiềm chế dược nữa thì lúc bấy giờ, sự gì sẽ xảy ra?

ĐTGM Kiệt: Thì cái hình ảnh mà đàn áp người khác tức là báo giới là một hình ảnh rất tồi tệ thật sự đó là một cái điều sỉ nhục. Một cái điều xấu hổ khi mà người ta không có tôn trọng tự do ngôn luận lại dùng những biện pháp nó bạo lực như thế thì thật sự nó không xứng đáng với lại một cái đất nước văn minh.

Chúng tôi cũng mong muốn làm sao mọi người biết đối xử với nhau theo đúng cái lịch sự, cái văn minh, cái tôn trọng, tất cả những cái quyền tự do mà đất nước đã cam kết trong bản hiến chương Liên Hiệp Quốc.

Vâng, chúng con xin cám ơn đức Tổng rất nhiều đã dành cho chúng con cuộc phỏng vấn này để chúng con hiểu thêm về đường lối của Giáo hội cũng như diễn tiến đang xảy ra rất là khó khăn cho Tổng giáo phận Hà Nội cũng như đặc biệt cho Đức Tổng. Chúng con luôn luôn ở bên sát đức Tổng trong lời kinh, lời nguyện và nhất là mọi tín hữu ở khắp nơi luôn luôn hướng lòng về Hà nội nơi mà hiện nay đang có những biến cố đau thương và làm cho người Công giáo mất đi niềm tin tưởng vào chính quyền không có công bình, không có công lý đối xử với người Công giáo.

Chúng con cầu chúc rằng đức Tổng Giám mục luôn luôn vững tin và nhất là chúng con cầu nguyện để cho Giáo hội vẫn luôn được hợp nhất trong yêu thương và chúng con xin kính chúc đức Tổng được bình yên và cũng xin đức Tổng cũng nhớ đến chúng con trong lời cầu nguyện.


ĐTGM Kiệt: Vâng, xin cám ơn cha, chúng ta cùng hiệp thông trong lời cầu nguyện luôn luôn …

Lời ghi ơn đặc biệt: Đáp ứng lại lời kêu gọi của chúng tôi nhờ transcript bài phỏng vấn này, lập tức vài giờ sau đã có 12 anh chị em từ khắp nơi đã dịch một phần hay toàn bài phỏng vấn đó về cho chúng tôi. Nhiều anh chị nói đã thức suốt đêm để làm việc. Khi nhận được sự đáp ứng nồng nhiệt như vậy, chúng tôi rất cảm động. Có vài vị chúng tôi đã trả lời rằng "rất tiếc đã có người chuyễn dịch xong". Nhưng anh chị em rất vui vẻ nói "không hề chi, lần sau có cần gì xin cứ kêu gọi". Sau đây là bút hiệu những anh chị đã nhiệt tình tự nguyện dịch phiên âm cuọc phỏng vấn dài này: Helen Vũ, Hoàng Thương, Hoàng Quốc, Ngọc Tú, Kim Thanh, Tuyệt Vời, DiJi, Y Vân, Mark Yao, Từ Duyên, Muon Song, Nguyễn Diệu, Nguyễn David, Lê Khánh Ly, và vài vị dấu tên khác.... Xin chân thành đạ tạ.
 
Nhà báo AP 'bị đánh' vì vụ tòa Khâm sứ
BBC
12:46 19/09/2008
Nhà báo AP 'bị đánh' vì vụ tòa Khâm sứ

Phóng viên hãng tin AP ở Hà Nội bị ‘cảnh sát đánh và tịch thu máy ảnh’ khi đến chụp hình cảnh nhà chức trách cho xây công viên ở khu đất tranh chấp với Công giáo.

Bản tin của AP từ Bangkok tối 19/9 cho hay ký giả Ben Stocking, trưởng đại diện của họ tại Hà Nội đã bị ‘đấm, bóp cổ và đập vào đầu’ khi đưa tin về cuộc cầu nguyện của giáo dân.

Cảnh sát cũng tịch thu máy ảnh của nhà báo kỳ cựu 49 tuổi này.

Trả lời văn phòng Bangkok của AP qua điện thoại từ Hà Nội, Ben Stocking nói: “Họ bảo tôi chụp hình ở chỗ không được phép, nhưng ̣để lấy tin, tôi vẫn vào”.

Sau đó, nhân viên an ninh mặc thường yêu cầu nhà báo ra khỏi hiện trường và về đồn công an.

Bạo lực với nhà báo

Tại đó, vẫn theo Ben Stocking, đã diễn ra cảnh ông bị đánh khi muốn lấy lại chiếc máy ảnh.

“Một người công an đập chiếc máy ảnh vào đầu tôi và một người khác đấm thẳng vào mặt tôi.”

Theo bài viết của Joycelyn Gecker của AP, cú đánh từ đằng sau bằng chính chiếc máy ảnh đã “làm rách một đường trên đầu” của nhà báo.

Ben Stocking đã phải khâu bốn mũi trên đầu và hiện đã được thả về sau hai tiếng rưỡi bắt giữ.

Phát ngôn viên cho đại sứ quán Hoa Kỳ ở Hà Nội, bà Angela Aggeler cho hay đã gửi lời phản đối chính thức lên chính quyền Việt Nam.

Cho đến tối thứ Sáu theo giờ Việt Nam, hãng AP cho hay họ cũng yêu cầu nhà chức trách xin lỗi và trả lại tài sản riêng của Ben Stocking nhưng “Bộ Ngoại giao Việt Nam không trả lời”.

AP cũng nói rằng bạo lực nhắm vào phóng viên quốc tế tại Việt Nam là chuyện hiếm xảy ra dù chính quyền kiểm soát chặt chẽ việc đến và đi của phóng viên.

Sáng sớm 19/09, chính quyền Hà Nội bất ngờ thực hiện 'dự án xây dựng công viên cây xanh' tại khu đất Tòa Khâm sứ cũ ở Hà Nội vốn tranh chấp với Giáo hội Công giáo từ tám tháng qua.

Sau khi chính quyền huy động cả xe tải và cần trục cùng đông đảo công an, cảnh sát đến phong tỏa khu vực này, nhiều giáo dân và linh mục đã đến tiếp tục cầu nguyện.
 
Mười bình luận về sự kiện Tòa Khâm Sứ ngày 19-09-08
Lý Hành Giả
12:51 19/09/2008

MƯỜI BÌNH LUẬN SỰ KIỆN TÒA KHÂM SỨ NGÀY 19-09-2008



Bình luận 1: Đã rơi xuống chiếc lá nho che đậy nền pháp luật không có công lý!

Bình luận 2: Ngày 19-09-2008, tại phố Nhà Chung, lời ông Nguyễn Văn Thiệu, nguyên tổng thống miền Nam, một lần nữa được ứng nghiệm!

Bình luận 3: Đừng nghe những gì ông Mạnh, ông Dũng, ông Triết nói! Hãy nhìn những gì ba ông làm trong ngày 19-9-2008 tại 40-42 phố Nhà Chung!

Bình luận 4: Kể từ ngày 19-09-2008, phố Nhà Chung được đổi tên: phố Thiên An Môn 2!

Bình luận 5: Kể từ ngày 19-09-2008, phố Nhà Chung được đổi tên: phố Cấm Chỉ 2!

(Đòi công lý ư? Cấm chỉ!- Đòi sự thật ư? Cấm chỉ! – Đòi dân chủ ư? Cấm chỉ!).

Bình luận 6: Phố Thiên An Môn/ Cấm Chỉ (tức phố Nhà Chung cũ) đang chờ đưa tượng Ceaucescu từ Rumani về dựng!

Bình luận 7: Kẻ nào dùng gươm sẽ phải chết vì gươm!

Bình luận 8: Kẻ nào hôm nay đem xe máy xúc, máy ủi đến phá tài sản của nhân dân, ngày mai sẽ bị nhân dân xúc đổ vào nấm mồ của lịch sử!

Bình luận 9: Hãy đưa học sinh đến 42 phố Nhà Chung, ngày 19-09-2008, để học trực quan môn lịch sử: “Thế nào là một nền độc tài?”.

Bình luận 10: Hãy đưa học sinh đến 42 phố Nhà Chung, ngày 19-09-2008, để học trực quan môn sinh vật: “Loài ăn thịt người là gì?”.
 
Nhật ký Thái Hà và Tòa Khâm Sứ ngày 19/9/2008
Xuân Văn
12:56 19/09/2008
Nhật ký Thái Hà và Tòa Khâm Sứ: 19.9.2008

HÀ NỘI - Cả đêm qua, dường như chúng tôi không được chợp mắt. Cú điện thoại từ Thái Hà lúc 1h đêm làm chúng tôi phải mau chóng đến ngay hiện trường. Dầu mỡ và mùi mắm tôm xông lên làm cho mũi cay xè. Trở về, chưa kịp chợp mắt, thì chúng tôi lại nhận được cú điện thoại từ mấy người bạn ở xứ Nhà Thờ Lớn. Họ cho biết, hiện tại Tòa Khâm Sứ (lúc 3h30 ngày 19/9/2008) có nhiều người lạ mặt xuất hiện. Nghĩ rằng chắc không có chuyện gì nghiêm trọng lắm, nên chúng tôi không đến hiện trường ngay.

6h, những cú điện thoại từ Tòa Khâm Sứ cấp báo chuyện hệ trọng. Chúng tôi cấp tốc đến nơi, thì mọi chuyện đã xong rồi. Hàng rào phía trước đã bị hạ xuống. Lực lượng công an và cảnh sát cơ động đứng chật kín phố Nhà Chung. Hàng rào thép gai và hàng rào song sắt được vây bủa khắp hai đầu đường dẫn vào Tòa Khâm Sứ. Duy nhất một bà cụ quỳ dưới chân tượng Đức Mẹ sâu bi. Xung quanh bà là lực lượng công an chìm, công an nổi vây bủa.

Các linh mục, chủng sinh và các nữ tu Mến Thánh Giá đổ ra phố Nhà Chung, khẩn thiết trong những lời kinh nguyện.

11h, chúng tôi đảo về Thái Hà. Thánh lễ dành cho khách hành hương từ các tỉnh vẫn đông đúc như mọi ngày. Linh mục chủ tế mời gọi mọi người khẩn thiết cầu nguyện cho Tổng Giáo phận đang phải đứng trước những sự chèn ép, chà đạp dã man. Vị linh mục cũng thông báo cho giáo dân tình hình căng thẳng đang diễn ra tại Tòa Khâm Sứ.

14h, chúng tôi trở về lại Tòa Khâm Sứ. Sự thể đang diễn ra ở đây càng trở nên phức tạp.

Các phóng viên nước ngoài cũng bị trấn áp, không được quay phim, chụp hình. Một số vẫn cố gắng đứng trong Tòa Giám mục, hướng máy quay qua hàng rào ngăn cách. Bất kỳ người nào, dù là phóng viên hay không phải phóng viên đứng ở phố Nhà Chung quay phim, chụp hình, thì ngay tức khắc sẽ bị gây sự hoặc bị dựt mất máy quay.

Các linh mục, chủng sinh, nữ tu và giáo dân vẫn kiên trì cầu nguyện trong ôn hòa dưới trời mưa. Khuôn mặt họ vẫn tỏ ra thanh thản, nhẹ nhàng. Ngược lại, khuôn mặt các nhân viên an ninh và cảnh sát cơ động thì lúc nào cũng đằng đằng sát khí như muốn ăn tươi nuốt sống người khác. Các bà, các cô ngồi trong khuôn viên Tòa Giám mục cất lên những lời kinh nguyện tha thiết.

19h chúng tôi gọi điện về Thái Hà, nhưng không được. Tín hiệu sóng bị mất. Có lẽ xe phá sóng của nhà nước được đặt đâu đó trên phố Nhà Chung. Chúng tôi đành cấp tốc phóng xe đến linh địa xem có chuyện gì bất ổn chăng. Đoàn người đông đảo đang cầu nguyện xung quanh đài Đức Mẹ Ban Ơn, đài Chúa Kitô Vua và đài Đức Mẹ Mân Côi. Dầu mỡ và mắm tôm đêm qua đã được dọn sách. Các kẻ xấu vẫn tiếp tục tìm cách gây rối, phá đám buổi cầu nguyện của giáo dân.

Buổi cầu nguyện tại linh địa kết thúc, khá đông giáo dân lấy xe phóng lên Tòa Khâm Sứ. Đêm nay có lẽ giáo dân Hà Nội sẽ không ngủ.
 
Đêm không ngủ: giáo dân Hà Nội canh thức bên Tòa Khâm Sứ
Trần Ngọc Huấn
13:36 19/09/2008
TÒA KHÂM SỨ - Chiều và tối ngày 19/9, trong sân Tòa Khâm, các máy xúc, máy phá bê tông và rất đông công nhân vẫn đang làm việc với một nhịp độ rất cao. Công an, cảnh sát cơ động, an ninh, chó nghiệp vụ vẫn rất đông và bảo vệ nghiêm ngặt khu đất.

Những hình ảnh về buổi cầu nguyện của đông đảo quý linh mục, tu sĩ, chủng sinh và giáo dân cạnh khu Tòa khâm sứ vào buổi tối/đêm ngày 19/9/2008.

Được biết, hiện nay, đặc biệt khu vực Nhà Dòng Mến thánh giá đã hoàn toàn bị cô lập, phong tỏa, nội bất xuất ngoại bất nhập. Các nữ tu không thể về nhà dòng nên vẫn tiếp tục cùng với bà con giáo dân cầu nguyện, nhiều nữ tu cho biết chưa thể tìm được nơi ăn uống, thiếu thốn đồ dung, nhất là một số đệ tử của Dòng đang đi học, sáng nay họ đến trường, đến trưa về nhưng giờ này vẫn chưa thể vào được trong nhà mình...



Hàng rào thép gai được tăng cường dày đặc hơn và được gia cố bằng nhưng barie mới được chuyển tới.

Xin mọi người hiệp lời cầu nguyện cùng với chúng con trong hoàn cảnh nguy khó này!
 
Bài RFA phỏng vấn Đức TGM Ngô Quang Kiệt lúc 7g30 tối VN
Trần Ngọc Huấn
15:27 19/09/2008
Trà Mi: Thưa Đức Tổng, chúng tôi được biết là hàng trăm cảnh sát đã bao vây toà Tổng Giám Mục cũng như Toà Khâm Sứ sáng nay. Xin hỏi thăm Đức Tổng thì tình hình ở VN cho đến bây giờ 7h30 tối thì như thế nào rồi, thưa Đức Tổng

Đức Tổng: Tình hình rất căng thẳng, cảnh sát đã phong toả Toà Tổng Giám Mục và Dòng Mến Thánh Giá Hà Nội, hai đầu có barie chặn rồi có hàng thép gai vây quanh, rất nhiều lực lượng cảnh sát, công an cũng như “CHÓ NGHIỆP VỤ” canh ở đầu đường cũng như khu vực phía đông của Toà Khâm Sứ còn bên trong Toà Tổng Giám Mục thì giáo dân tụ tập cùng với các tu sĩ cầu nguyện

Vụ việc bắt đầu từ 4h sáng nay ( giờ VN) phải không, thưa Đức Tổng?

Đức Tổng: Đúng thế, khoảng 4h sáng nay thì các lực lượng bắt đầu triển khai, thi công công việc trong đó, trước hết là họ phá đổ tường rào phía ngoài, họ chở vật dụng trong này ra, họ đổ đất vào trồng cây trong đó. Từ sáng đến giờ họ vấn tiếp tục thi công, cảnh sát. lực lượng công an vẫn làm nhiệm vụ còn giáo dân thì cứ cầu nguyện

Thế rồi từ sáng đến nay, khu vực Toà Giám Mục VN vẫn bị bao vây ạ?

Đức Tổng: Ah, vẫn bị bao vây, khó có người đi vào được.

Tức là “ngoại bất xuất, nội bất nhập” thưa Đức Tổng?

Đức Tổng: Vâng, Hai đầu đều ngăn chặn hết

Thưa Đức Tổng, khi lực lượng an ninh đến bao vây Toà Tổng Giám Mục thì họ có trình bày nguyên nhân vì sao họ bao vây Toà Tổng Giám Mục không ạ?

Đức Tổng: Họ không hề nói, họ chỉ làm việc của họ thôi và không vào trong chúng tôi và không hề báo cho chúng tôi việc gì hết

Vậy chúng tôi muốn hỏi thăm, trước những sự việc xảy ra như vậy thì quan điểm của Toà Tổng Giám Mục như thế nào ạ?

Đức Tổng: Toà tổng giám mục chúng tôi cảm thấy rất buồn vì cảm thấy chúng tôi không được tôn trọng, TKS diễn ra cũng 8,9 tháng rồi, trước đây cũng đã đối thoại giữa Toà Tổng Giám Mục với nhà nước cũng như giữa HĐGM VN với nhà nước, cái nhà nước làm mà chúng tôi không hề biết trước, hơn nữa luật pháp về việc xây dựng dân cư công cộng hay việc xây dựng đều được loan báo trước cho người dân hoặc niêm yết trước cho người dân để người dân họ góp ý trong khi việc lớn lao như thế này không hề báo cho chúng tôi biết trước, nên chúng tôi rất buồn vì nhà nước đơn phương bẻ gãy cuộc đối thoại và cũng đơn phương làm cái việc đó mà không hề tham khảo ý kiến của chúng tôi. Chúng tôi đã lên tiếng phản đối và gửi những đơn thư đến các cấp chính quyền từ cấp cao nhất đến cấp thấp nhất, từ chủ tịch nước, thủ tưởng, ubnd thành phố, quận..

Trong các đơn thư mà Đức Tổng gửi đi đó, thì Ngài đề đạt những nguyện vọng như thế nào ạ?

Đức Tổng: Trước hết chúng tôi yêu cầu đừng có phong toả Toà Tổng Giám Mục nữa, đừng huỷ hoại tài sản trong TKS vì đó là tài sản của chúng tôi và đồng thời phải trả lại cho chúng tôi nguyên trạng, phải trả lại tài sản là chủ quyền của chúng tôi. Những ai tham gia vào đó phải chịu trách nhiệm và chúng tôi có thể sử dụng tất cả phương tiên chúng tôi có được để đòi lại tài sản đó

Nếu như những lời kêu gọi khẩn thiết đó không được đáp ứng thì Ngài dự liệu những ngày sắp tới sẽ ra sao ạ?

Chúng tôi sẽ tiếp tục cầu nguyện cho Công Lý được tôn trọng, những cái việc vi phạm pháp luật khi được nêu lên là khi có dự án quy hoạch công cộng thì phải niêm yết cho người dân biết và có sự thoả thuận thì mới được xây dưng nhưng đằng này dự án này không được niêm yết cho người dân biết nên chính công việc này đã vi phạm những quy luật mà nhà nước đưa ra

Về phía giáo dân, phản ứng của họ ra sao thưa Đức Tổng?

Giáo dân rất phẫn nỗ,và chúng tôi luôn phải trấn an và kiềm chế họ để họ chỉ có thể cầu nguyện trong an bình mà thôi.

Dạ Vâng, hướng tới, Toà Giám Mục có nghĩ đến đề nghị mở ra một cuộc đối thoại thẳng thắn với chính quyền về vụ việc ngày hôm nay hay không ạ?

Đức Tổng: Cái đó, tuỳ theo thái độ của chính quyền vì chúng tôi làm đơn đi thì chúng tôi cũng mong chính quyền trả lời cho chúng tôi. Tôi nghĩ rằng chính quyền đã đơn phương thi hành điều đó và không hề thông báo cho chúng tôi thì chúng tôi nghĩ một cuộc đối thoại rất là khó có thể

Chúng tôi xin chân thành cảm ơn Đức Tổng đã dành cho buổi trao đổi này.
 
Mẹ Thái Hà Ơi!
Domicico Lê Minh
17:05 19/09/2008
Mẹ Thái Hà Ơi!

Mẹ Thái Hà bên nửa vòng trái đất,
Nhưng Mẹ gần trong tim mỗi đứa con,
Cơn nguy biến miếng đất Mẹ có còn?
Cho con Mẹ hướng lòng về khẩn nguyện?

Đêm hôm nay một đêm dài xao xuyến!
Kẻ hung đồ phạm sự thánh Mẹ ơi!
Chúng cả gan đem ô uế sự đời…
Bêu xấu Mẹ trước bọn người phi lý!

Mẹ lặng im vì con người ích kỷ,
Cướp đất Mẹ từ năm tháng xa xưa?
Mấy mươi năm sâu mọt chúng chẳng chừa….
Vẫn mặc nhiên cố tình không trả lại….

Nhìn thấy Mẹ nỗi đau sầu bi ải…
Dấu gai nào lại đâm nát tim can,
Đám vô lương tung rác rưới làm càn…
Làm dơ bẩn thánh thần nơi linh địa…

Ôi bạo quyền và công an tứ phía,
Chỉ đứng nhìn trơ đá với ác ôn,
Dân hỏi ai chữ công lý bảo tồn?
Ôi thảm họa một cơ đồ nước Việt!

Mẹ hỡi Mẹ chúng con không sợ chết!
Gương sáng ngời cùng tử đạo mà thôi,
Triệu tấm lòng hướng về Mẹ Mân Côi,
Kinh cầu nguyện giữ yên miền đất Thánh!
 
Ôi chính quyền, không còn chi công lý
Lê Dân Việt
17:09 19/09/2008
Ôi chính quyền, không còn chi công lý

Có ai về Hà Nội mà đến xem
Lũ quỉ vương ra tay dẹp Khâm Sứ
Bằng răn đe, và hành động thô bạo
Đánh luôn cả, nhà báo của nước ngoài

Ôi chính quyền, không còn chi công lý
Cả lòng người cũng chẳng còn đạo lý
Với dã tâm, lấp liếm và gian mãnh
Trấn áp dân, bằng tất cả bạo hành

Phá Khâm Sứ, cho tan hoang, tan tành
Để thể hiện chuyên chính của tàn bạo
Một chế độ, bản chất không chính nghĩa
Và hành vi lỗ mãng vô nhân đạo…

Và xin bạn ghé Thái Hà quê hương
Dòng Cứu Thế ở giữa những phố phường
Cộng đàn áp, trăn trở lên tiếng nói
Cứ roi điện…cộng quất chiên đau nhói

Cả hơi cay, mắt không còn thấy đường
Nhìn thảm cảnh, mà đau buốt thấu xương
Nhìn giáo oan, nước mắt rơi lặng lẽ
Thương bày chiên, vì ai ra quạnh quẽ

Cả đoàn chiên với dáng mặt hiền từ
Đang cầu nguyện, để đòi lại mảnh đất
Mười hai năm, cứ đòi hoài đất mất
Cả Tòa Khâm, đòi công lý trước sau

Và cả hai, chung số phận khổ đau
Vì chế độ, bản chất đã bất nhân
Đâu còn thấy, những đau khổ người dân
Giáo dân oan, chỉ biết có cầu nguyện

Đòi công lý, cộng khất lần, kiếm chuyện
Giấy tờ giả, bày biện trò gian dối
Giữa công đường, mưu gian chúng đôi chối
Ỷ cậy quyền, còn lên mặt lớn lối

Cả cha con không sợ cứ tâm đòi
Kệ tiếng loa, inh ỏi như tiếng còi
Kệ báo đài vu khống, không bực bội
Chỉ thương là, thương dân oan vô tội

Cả giáo dân chỉ quì gối dâng hương
Cầu Chúa, Mẹ hãy đoái nhận lời thương
Cho Tòa Khâm sẽ về với khổ chủ
Cho đất dòng mau chóng được bàn giao

Cho cả hai không còn cảnh lao đao
Dù thế nào, cha con đồng nhất thể
Dù có chết, hay máu đổ tuôn trào
Cũng một lòng, chịu đựng những thương đau

Vì công lý, cầu xin Chúa thiết tha
Cho công bằng đến tất cả mọi nhà
Đòi lẽ phải, cho dù bị đạp chà
Bị roi vọt, hay bị tù khốn nạn

Chiên cam chịu, chấp nhận những đắng cay
Để chân lý, qua Thái Hà vang dội
Và Tòa Khâm sẽ bừng sáng công lý

Cầu Chúa, Mẹ hãy mau mau ra tay
Để Thiên Chúa thức tỉnh lũ cuồng say
Chúa ra tay, quỉ bay sẽ tơi bời
Hãy nhìn kìa, Đức Mẹ làm phép lạ

Muôn cặp mắt, hướng lên trời đa tạ
Cho trời Nam, mau chóng được đổi thay
Qua tháng năm, bị cộng đày dai dẳng
Bị quân thù, tứ phía cứ bủa vây

Cầu Chúa, Mẹ, cho công lý chiến thắng
Cả nước Nam hết cay đắng sum vầy
Nhờ Chúa, Mẹ nên đời sẽ đổi thay
Vì công lý sẽ lên ngôi nay mai

Dân giáo oan, sẽ lấy lại đất đai
Để dân Nam, tâm hồn sẽ bình lặng
Trong trấn áp, dân nhẫn nhục câm lặng
Sau những ngày, bị quỉ phá đong đầy

Nhờ Chúa thương, nước Việt hết khốn khó
Không còn cảnh, đời bó ró tái tê
Nay vui hưởng, an bình trong chia sẻ
Cả thế giới, dân Việt quay trở về

Chuyển nước Nam, một ngày thêm tươi sáng
Nhờ ơn Chúa, xã hội sẽ đổi thay
Và dân tộc, nhờ Mẹ hết đắng cay
Chúa Cứu Thế, trị tội lũ chúng bay!!!

Ơn Thánh Thần sẽ đơm hoa, trổ lộc
Cho tình người triển nở cứ đong đầy

XIN CHẾT CHO CÔNG LÝ

Tòa Khâm Sứ, đã làm tôi bừng tỉnh
Chúa Cứu Thế, đã mở mắt tôi ra
Nhận diện ra, lũ xảo trá, quỉ ma
Chuyên lật lọng, sống tráo trở điêu ngoa

Đày dân tôi, đau khổ quá đi mà
Nhìn dân oan, khốn khổ đến tàn tạ
Nhìn giáo oan, cộng ra tay khiếp quá
Trước nỗi đau của đạo giáo, dân tộc

Lòng tôi đau, uất ức, nghẹn dâng trào
Chỉ thương cho, tám sáu triệu đồng bào
Phải khốn cùng, trong chế độ phi nhân
Vì tổ quốc, tôi nguyện sẽ dấn thân

Vì tôn giáo, tôi nguyện sẽ hy sinh
Trong đấu tranh, chịu đau khổ quên mình
Tôi thề chết, tất cả cho công lý
Muốn cùng người, đứng lên cứu nước Nam

Nguyện một lòng, cùng dân trị gian tham
Cho tổ quốc, chân lý được chiếu sáng
Cho công bằng, trổi dậy trong hân hoan
Cho tình người, bừng sáng khắp không gian.
 
Khi chính quyền đã mất niềm tin của dân chúng
Jos Chính Tâm
17:29 19/09/2008
Khi chính quyền đã mất niềm tin của dân chúng

Bất cứ ai hôm nay có dịp ghé qua khu vực Tòa khâm sứ và Tòa Tổng Giám mục Hà Nội, nhìn những cảnh mà Đảng cộng sản Việt Nam dựng nên để đối phó với những người Công giáo an hòa. Tất cả đều không thể tưởng tượng nổi ở một Thế giới văn minh của chúng ta như ngày hôm nay lại vẫn còn những hình ảnh này. Đó là hình ảnh Đảng cộng sản Việt Nam dựng hàng rào chắn, hàng rào thép gai để ngăn chặn người công giáo cầu nguyện.

Ngày nay với công nghệ thông tin đại chúng, hàng ngày chúng ta được coi trên truyền hình những hình ảnh của các nước đang còn chiến tranh, nhưng ngay tại những nước đó cũng không hề có những hình ảnh này. Thế mà ở Việt Nam đây, ngay giữa Thủ đô mà chế độ cộng sản luôn tự hào nói với Thế giới rằng: “Việt Nam văn mình, tự do, tôn trọng nhân quyền,…” lại đang diễn ra cảnh đàn áp dân lành một cách trắng trợn. Đảng cộng sản Việt Nam cứ nghĩ rằng ai cũng hung dữ và tàn ác như họ, nên khi họ đi ăn cướp đất của người khác họ đã phải huy động một lực lượng hùng hậu đi theo để nhằm chống đối lại đối phương.

Nhưng họ đã nhầm, bởi vì người Công giáo có đức tin và được đọc Kinh Thánh hằng ngày nên họ không bao giờ nghĩ ra và làm những việc bất nhân như họ. Hay cho đến lúc này đây, mọi người vẫn cầu nguyện thanh thản và hát thánh ca ngan nga: “đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi năng nhục….”

Đường đường là một chính quyền lãnh đạo đất nước và nhân dân, thế mà thừa cơ lúc mọi người đang yên giấc rồi đem quân chiếm đóng tài sản của người khác. Thật là không còn gì nhục nhã hơn cho chế độ cộng sản thối nát của Việt Nam.

Còn như chúng ta đã biết, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã từng đến thị sát khu vực Tòa Khâm sứ, và sau đó thì Nhà nước và Tòa Tổng Giám mục Hà Nội thống nhất là sẽ giải quyết vụ việc bằng đối thoại.

Đối thoại có nghĩa là khi quyết định một vấn đề gì về khu đất đang tranh chấp này thì hai bên đều có sự thỏa thuận và được thông qua. Nhưng sự việc xảy ra tại Tòa Khâm sứ bắt đầu từ sáng ngày 19 tháng 9 năm 2008, Tòa Tổng Giám mục Hà Nội không hề được thông báo từ bất cứ cơ quan chính quyền nào.

Trái lại trên báo Hà Nội hôm nay lại đưa tin là thực hiện chỉ đạo của Thủ tường chính phủ để làm cái việc thất đức này. Chính vì thế mà chính quyền đã phải hành động một cách nén nút, ăn cướp. thật là buồn cho một Thủ tướng khi thất hứa và nói dối người dân.

Không điều gì mất mát mà đáng tiếc cho bằng mất niền tin. Đúng như trong một bài trả lời phóng vấn của Đức tổng Ngô Quang Kiệt: “Một mảnh đất chẳng là gì, nhưng mất niềm tin thì thật là buồn, bởi vì dù có bao nhiêu tiền cũng không thể mua được niềm tin”.

Chúng ta thử tưởng tượng thời gian còn lại trên cương vị thủ tướng của ông Nguyễn Tấn Dũng sẽ thế nào khi đã không còn niềm tin ở người dân.

Xin cầu nguyện cho công lý và cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo biết làm những việc vì lợi ích của nhân dân
 
Khóc thương cho số phận người con dân Đất Việt và Tổ Quốc Việt Nam
Quốc Bình
17:34 19/09/2008
Khóc thương cho số phận người con dân Đất Việt và Tổ Quốc Việt Nam

Người Việt nam đang sống tại các quốc gia tiên tiến trên thế giới không hề thua kém người bản xứ. Những thế hệ ban đầu mới đặt chân đến đây không hề biết một từ một chữ, không được đào tào chính quy tại một trường nào thế mà họ có được tất cả như những người dân khác: học hành, nghề nghiệp, tự do tôn giáo, nhân phẩm được tôn trọng, nhà ở, phương tiện đi lại, tiện nghi trong nhà… Có được điều ấy âu cũng là nhờ chúng ta được kế thừa những phẩm chất tốt đẹp của các Bậc Tiền Bối. Những đức tính ấy bao gồm sự chịu thương chịu khó, cần mẫn trong lao động, và biết "lựa cơm gắp mắm" trong việc chi tiêu.

Trên quê hương Việt Nam, tiếc thay những phẩm chất cao quý ấy không được yếu tố hoàn cảnh tiếp hỗ trợ để phát huy lợi thế này trong việc xây vun đắp một quốc gia phồn thịnh đúng nghĩa. Người dân vẫn vất vưởng lam lũ lầm than trong mưu kế sinh nhai. Gánh nặng đó vẫn cứ đè nặng trên đôi vai vốn quen chịu cảnh vác nặng. Khuôn mặt nhuốm bùn vẫn ngày ngày cắm cúi mà chưa có cơ hội để ngẩng cao đầu. Người dân vẫn nặng trĩu ưu tư trong việc "cơm áo gạo tiền", mà chưa hề được hít thở bầu khí của kiếp người tự do và được nếm hưởng hương vị của quyền công dân một cách chính đáng.

Câu hỏi được đặt ra liệu đây có phải là lỗi của người dân vô tội không? Câu trả lời chí công vô tư là không phải lỗi của họ. Đúng hơn, họ là nạn nhân của một chính quyền nặng về ý thức hệ quá kinh điển. Nhìn lại hơn 60 năm cầm quyền, chính quyền Việt Nam đã làm được những gì cho đất nước và người dân? Thương cho những người dân bị sống trong cảnh bị lường gạt và trong một ảo ảnh hão huyền. Trong thế giới văn minh hiện đại, người dân vẫn sống trong cảnh: "con trâu đi trước cái cày theo sau", vẫn hoàn "kéo cày thay trâu", hay là "cơ giới hóa toàn quốc".

Trước hết, dân lành là nạn nhân trực tiếp của cuộc chiến tranh phi nghĩa Bắc Nam huynh đệ tương tàn và đã quá mệt mỏi với hậu quả của nó để lại như những vết thương lòng khó có thể được chữa lành. Người ở lại, phải sống trong khuôn khổ o ép và ức chế, lại bị nhồi sọ bằng những từ ngữ mĩ miều nhưng hoàn toàn rỗng tuyếch. Kẻ ra đi tìm chân trời tự do khiến không ít gia đình biệt ly, gặp những nghịch cảnh bi thương: bị cướp, hiếp và giết. Người ra đi sống sót thì phải trả cái giá quá nặng cho hai chữ tự do. Người ở lại đã nếm quá nhiều đau khổ.

Tuy nhiên phẩm chất cao quý của người dân Đất Việt không hề cúi đầu trước hoàn cảnh khắc nghiệt. Tư tưởng cầu tiến và giầu nghị lực đã giúp họ vượt qua tất cả. Người dân ở lại vẫn một nắng hai sương gắn bó với quê hương đất nước qua việc cống hiến hết sức lực mình cho Tổ Quốc.

Việt Kiều tại đất khách quê người dù bận rộn với công việc làm ăn vẫn hướng về Tổ Quốc và những người thân yêu của mình qua việc cung cấp nguồn tài chánh không hề khiêm tốn chút nào. Tiếc thay, những công sức của họ bỏ ra không hề làm thỏa mãn cho những quan tham như thùng không đáy. Trong khi, Việt Kiều yêu nước chắt chiu từng đồng để gửi về giúp đỡ cho người thân và người dân trong nước "làm ngày không đủ tranh thủ làm đêm", thì con cháu các quan tham lại đem tiền ra nước ngoài để phung phí. "Miệng ăn núi lở" huống chi "ném tiền qua cửa sổ" thì cho dẫu toàn bộ lãnh thổ của quốc gia thì cũng sẽ đến lúc chảy ra Biển Đông.

Do đó, không khó lý giải về tình trạng các vụ "cướp ngày" diễn ra nhan nhản như cơm bữa được sự bảo hộ của chính quyền chuyên chính. Điển hình là vụ của giáo xứ Thái Hà và Tu Viện Dòng Chúa Cứu Thế và những gì đang diễn ra tại Tòa Khâm Sứ hiện nay. Trò phù phép được giải mã đó là: "mượn" vô thời hạn trên danh nghĩa cho công việc chung; rồi chẳng mấy chốc đến màn chia chác hóa cho danh lợi cá nhân. Công bằng và sự thật bây giờ ở đâu? Có thật sự tồn tại một Nhà Nước pháp quyền? Có phải là chính quyền hoàn toàn do dân vì dân và cho dân?

Chẳng phải hỏi chúng ta cũng đủ lý trí để phán đoán rằng một chính quyền nặng về ý thức hệ, xa rời với việc phục vụ đời sống người dân, thì chính quyền ấy không phải là một chính quyền chân chính đích thực. Đối tượng được hưởng tự do hạnh phúc phải là người dân, chứ không phải là người dân hy sinh tất cả cho việc tôn thờ một lý tưởng được các quan tham rêu rao nhằm đắc lợi riêng cho một bộ phận nhỏ trong xã hội.
 
Một thoáng tâm tình trong đêm Vượt Qua trước Tòa Khâm Sứ
Lạc Việt
17:43 19/09/2008
MỘT THOÁNG TÂM TÌNH TRONG ĐÊM VƯỢT QUA TRƯỚC TOÀ KHÂM SỨ

Lại một đêm canh thức vượt qua đối với các tín hữu Tổng Giáo Phận Hà Nội. “Lạy Cha, nếu có thể được xin cất cho con khỏi chén đắng này, nhưng xin đừng cứ ý Con...”. Quả thực đây là một cuộc canh thức không mong chờ, song với niềm tin và tình yêu mà các tín hữu dành cho Chúa và cho Giáo Hội họ đã sẵn sàng bước vào cuộc thương khó cùng Chúa Giêsu để làm chứng cho công lý và sự thật.

Đã 21 giờ đêm người vẫn nườm nượp kéo về Toà TGM từ các ngả, bất chấp sự phong toả hai đầu phố Nhà Chung và khu vực cổng chính Toà TGM. Họ đến đây bất chấp đường xá xa xôi, bất chấp bị cấm cản từ mọi ngõ ngách của làng quê hay thành phố, bất chấp hiểm nguy gian khó đang đe doạ công ăn việc làm, tính mạng.

Hàng hàng lớp lớp những hàng rào sắt và dây kẽm gai vô hình được dựng lên ở khắp các vùng quê Miền Bắc mấy tuần nay không ngăn cản được khát vọng đi tìm công lý và sự thật của những con người khốn khổ này thì làm sao 4 hàng rào sắt cũng với những vòng kẽm gai di động ỏ một đoạn phố Nhà Chung có thể khiến cho các tín hữu chùn bước trên con đường hành hương tìm công lý?

Đoàn người đông đảo đã lọt vào phố Nhà Chung. Trước mặt họ, sau lưng họ, giữa họ là cảnh sát, là chó nghiệp vụ, là hàng rào kẽm gai. Họ đang ở trong một trại tập trung đúng nghĩa. Tôi lấy làm tiếc cho một chính quyền thiếu tự tin trước một nhóm nhỏ người công giáo đến độ phải lén lút hành động trong bạo lực giữa một thủ Đô ngàn năm văn hiến và có tiếng là hoà bình này! Thật là đẹp mặt cho một chế độ lúc nào cũng xưng mình là yêu hoà bình và công lý, lúc nào cũng buộc mọi người phải xưng tụng là ‘độc lập-tự do-hạnh phúc”!

Các tín hữu hướng về thánh giá nến cao đặt giữa lòng đường thẳng cổng chính Toà TGM nơi bắt đầu khu vực Toà Khâm Sứ đang bị xâm phạm; ánh mắt, lời kinh cùng những ngọn nến hồng của họ đang rực cháy một khát vọng công lý trong một đất nước quá thiếu vắng công lý, đang rực cháy một niềm tin trong một xã hội đã đổ vỡ niềm tin, đang rực cháy một niềm hy vọng trong hoàn cảnh tuyệt vọng vì công lý bị chà đạp và thiện chí đối thoại bị dập vùi.

Chuông Nhà Thờ Chính Toà cứ mỗi tiếng lại đố một hồi dài nửa như tiếng than não nuột của một người Mẹ bị tổn thương, nửa nghe như tiếng thúc giục con cái hãy mau trở về chia sẻ nỗi bi thương của một người Mẹ can trường không bao giờ chịu khuất phục trước bạo quyền bất công.

Sau những bài thánh ca và những lời kinh thánh thiện là những bài tố cáo sự bất công xã hội. Giọng ai đó sang sảng đọc nội dung đơn khiếu nại khấn cấp của Toà TGM gửi ngài Chủ tịch nước và ngài Thủ tướng bằng các thứ tiếng Việt-Anh-Pháp. Mỗi lời mỗi tiếng cất lên nghe như tiếng âm vang mạnh mẽ của công lý và sự thật đang kết án bất công và dối trá.

Tôi cũng nghe tiếng của một số Đức Giám Mục qua thư hiệp thông mà các ngài đã gửi về chia sẻ với Đức TGM và các tín hữu Hà Nội. Những tiếng nói ấy lúc này thật là quý báu và thiêng thánh, cũng là biểu hiện của một lòng bác ái cao độ đối với những anh em đồng bào và đồng đạo của mình. Tôi bỗng nhớ đến lời của Đức Giám Mục Vĩnh Long nói trong một bức thư nào đó của ngài rằng: “Im lặng lúc này là thoả hiệp, là đồng loã với bất công”.

Tôi không nghi ngờ gì nữa, tôi xác tín rằng có một bước lùi lớn lao trong lịch sử nước Việt Nam này qua kiểu cách hành xử man rợ của một chính quyền bạo tàn đang muốn đưa Giáo Hội trở về thời của những năm 1960-1970 khi mà chế độ chuyên chính vô sản đi lên đến đỉnh cao của sự cực đoan huỷ diệt. Tôi cảm thấy đau đớn cho dân tộc Việt Nam cho Giáo Hội đang phải chịu sự thống trị của một chính quyền phản động tột cùng khi nó đang quay lưng lại với chính đồng bào mình mà lại hướng mặt, bắt tay với những kẻ thù của dân tộc.

Tôi hạnh phúc vì được đến Toà Khâm Sứ để cùng chia sẻ lời kinh tiếng hát vơi anh em mình trong tiếng còi xe cảnh sát hú liên tục từng hồi dài, trước sự hung hăng sục xạo từng bấy chó nghiệp vụ, trong ánh mắt và những cái cười đắc thắng của từng đoàn cảnh sát các loại chung quanh chúng tôi. Tôi thấy bên mình tái hiện hình ảnh buổi chiều nao Chúa Trời bị xử tử trên thập giá quạnh hiu trên Núi Sọ gần 2000 năm trước.

Tôi hạnh phúc vì được cùng trẻ già lớn bé nam phụ lão ấu nức nở nghẹn ngào trong những hàng nước mắt mà môi miệng vẫn cố giữ lấy âm vang thánh thót của niềm tin, tình yêu và niềm hy vọng qua những bài thánh ca du dương thánh thót cũng những lời kinh hiền hoà.

Nhìn cả một rừng người trong ánh nến rực hồng đối diện với hàng trăm cảnh sát trang bị tận răng đang hung hăng trước mặt như sư tử gầm théo rảo quanh tìm ồi cắn xé, tôi thầm nhủ rằng: “Chúa ơi! Đẹp quá! Mẹ ơi! Đẹp quá! Có bao giờ Giáo Hội của con đẹp thế này chăng? Có bao giờ những con người nhỏ bé nghèo hèn là chúng con đây lại toả sáng một tình yêu và một sức mạnh như thế này chăng? Sức mạnh của lời nguyện cầu của bất bạo động. Có bao giờ tư cách chứng nhân cho công lý và sự thật của anh chị em con lại trở nên tỏ tường như thế này chăng? Có khi nào “chính quyền” lại lộ rõ tính chất “tà quyền” gian trá và độc ác như lúc này chăng?

Nghe nói chiều nay chính quyền lại vẫn tiếp tục cho cấp phường vào áp lực buộc chấm dứt cầu nguyện ở khu vực Toà Tổng Giám Mục. Chính quyền có thể thi hành nhiều điều thất đức bằng vũ lực trong mầu áo loè loẹt của con hát phường chèo, nhưng làm sao có thể dập tắt được ngọn lửa nguyện cầu mà Thiên Chúa đã thắp lên trong tim mỗi tín hữu? Làm sao có thể che dấu được bản chất dã man tham tàn trong con mắt lương tri nhân loại soi chiếu trong chiều sài lịch sử?

Tôi tính rút khỏi đoàn người cầu nguyện lúc 23 giờ giữa lời kinh hoà bính vẫn tha thiết trong đêm. Nhưng làm sao tôi có thể cất bước trở về khi hàng đoàn người từ các vùng quê và thành thị vẫn đang tấp nập vượt qua các trạm gác tiến về Toà TGM. Họ từ xứ họ nào và tỉnh thành nào tôi không biết, nhưng như thánh Gioan tôi biết “họ từ đau khổ mà đến”. Đêm này sẽ là đêm vượt qua của họ. Đêm cuối cùng hay đêm đầu tiên, cả họ và tôi đều không biết, vì kinh nghiệm sống trong chế độ này cho tôi biết chẳng có gì là an toàn cả một khi anh đã có can đảm nói sự thật, sống theo sự thật và nhất là đòi hỏi sự thật trước một thế lực cao ngạo, dối trá mà lại cứ muốn thiên hạ tôn phong cho mình là bậc cứu tinh. Hơn lúc nào hết, lúc này tôi mới cảm thấy thấm thía cái giá của sự thật là gì và khi Chúa Giêsu không chịu nghe theo ba cám dỗ ngọt ngào của Satan khi khởi đầu sứ vụ là lúc Ngài đã bước vào con đường chông chênh đầy bất trắc và hiểm nguy thế nào!.
 
Thư Hiệp thông của Dòng Chúa Cứu Thế với TGM Hà Nội
LM Phạm Trung Thành, CSsR
17:46 19/09/2008
 
Tòa Khâm Sứ, nỗi đau trong một đất nước hòa bình
J.B Nguyễn Hữu Vinh
17:52 19/09/2008
TÒA KHÂM SỨ, NỖI ĐAU TRONG MỘT ĐẤT NƯỚC HÒA BÌNH

Những tháng ngày mong đợi một sự thiện tâm

Đã hơn 9 tháng kể từ ngày 15/12/2007, sự kiện Tòa Khâm sứ luôn là một nỗi nhức nhối trong tim người tín hữu Giáo phận Hà Nội nói riêng và người Công giáo Việt Nam nói chung.

Ở đó, người dân không mong một điều gì hơn, là sống trong một nhà nước pháp quyền, thì tất cả mọi người, cơ quan, tổ chức đều phải “sống theo hiến pháp và pháp luật” như những câu khẩu hiệu được bày ra khắp nơi khắp chốn, nhất là giữa Thủ đô.

Ở đó, người tín hữu cầu mong ở nhà nước tôn trọng những nhu cầu của chính đáng của người dân, để những giá trị tinh thần được nâng cao, để thể hiện lòng người tín hữu là biết uống nước nhớ nguồn.

Ở đó, người ta chờ đợi ở nhà nước sự thể hiện sự thành tâm của mình, là một nhà nước thật sự là của dân, do dân, vì dân không chỉ là ở những bài học và những câu nói. Và điều quan trọng nhất, người tín hữu đã vâng lời chủ chăn, để kết thúc những tháng ngày căng thẳng, cho đất nước được yên bình và chờ đợi những lời hứa tin tưởng sẽ được thực hiện.

Nhưng, tất cả đã sụp đổ sáng 19/9, khi mà đoạn phố Nhà Chung bất ngờ bị bao vây bởi hàng rào sắt nhọn và trùng điệp dây thép gai, cảnh sát các loại và chó nghiệp vụ. Tiếng cầu nguyện cất lên bị át đi bởi tiếng gầm rú của xe máy và tiếng loa trong một ngôi trường học, dù hôm nay trường đã đóng cửa, không một bóng học sinh.

Trong khu vực Tòa Khâm sứ, hàng loạt xe, máy đã ầm ầm cày xới khu đất, những đống đất đầy lên che gần hết bức tượng Đức Mẹ Sầu bi vẫn dưới gốc đa ngày nào, nhẫn nhục, đau khổ và chịu đựng.

Những giáo dân của Tổng Giáo phận Hà Nội đứng bên này bờ rào nhìn sang, mắt ngấn lệ khi bức tượng Mẹ Sầu bi chỉ còn là một mảng trắng sau khu đất.

Những phóng viên nước ngoài chạy đi chạy lại nhằm những góc hình đẹp và thi nhau bấm máy, công an đuổi phóng viên nước ngoài vào tận Nhà ở của Tòa Tổng Giám mục đòi bắt.

Tiếng chuông Nhà thờ Lớn đổ từng hồi dài như báo đến mỗi con dân, mỗi lương tâm người những cơn nguy biến của Giáo hội đang đến.

Như vậy là điều người ta đồn đoán đã có phần được thực hiện, hãy nhìn những gì người ta đang làm, để đừng bao giờ viễn vông những điều không có thực.

Dự án vườn hoa, có bao nhiêu dự án và bao nhiêu cách làm

Dự án - trên đất nước này có bao nhiêu dự án, và bao nhiêu cái đã đươc làm ì ạch, nhiều khi ách tắc chỉ vì một ngõ phố, một góc nhà. Những ai đến Cầu Giấy, khi làm dự án nút giao thông này, có một ngôi nhà chênh vênh đứng một mình, dự án phải vòng qua, vì họ không chấp nhận đi khỏi đó. Ai ở Đống Đa, chắc hẳn đã có những thời gian kêu trời vì nút cổ chai Thái Hà đã không tốn biết bao giấy mực báo chí kêu gào. Và gần đây nhất, là dự án đường Khuất Duy Tiến đã bao năm dãi gió dầm sương không thấy động tĩnh mấy chút.

Nhưng, dự án vườn hoa trên đất Tòa Khâm sứ được ưu tiên và nhanh chóng đáng ngờ. Tại sao người ta phải bí mật, bất ngờ và không minh bạch như thế? Hẳn có điều gì phía sau? Những câu hỏi đó, chắc phải dành cho những người chủ trương thực hiện.

Nếu tất cả dự án được triển khai nhanh như dự án này, chắc đất nước này đến nay đã đã phát triển vượt bậc vì đã có biết bao nhiêu công trình phát huy tác dụng. Người dân tự hỏi, nếu những dự án trọng điểm tiền rừng bạc biển như Dung Quất cũng được thực hiện với cách làm này, thì bây giờ đất nước đâu đến nỗi cứ mỗi lần giá xăng dầu thế giới nhích lên thì người dân lại run bần bật.

Quả là nhiều điều khó hiểu và khó thấy ở các dự án của nhà nước. Nhưng có lẽ dự án này là dư án lạ nhất từ xưa đến nay. Ngoài chuyện nhanh, bất ngờ, nhiều quan chức cấp cao tham gia “khởi công”, nhiều cảnh sát và các dụng cụ hỗ trợ, cấm đường, cấm chụp ảnh (Nhưng chỉ cấm người dân và các phóng viên nước ngoài thôi, còn báo chí nhà nước và những người làm công tác an ninh, thì vô tư). Có một điều lạ nữa là khu đất rõ ràng là đang tranh chấp, ai cấp phép mà nhanh thế?

Tự những người dân, họ cũng có thể giải thích được cho mình những lý do, mà ngoài chuyện tiền bạc, vướng mắc, thì chỉ vì nó là Tòa Khâm sứ.

Điều dễ thấy nhất ở dự án này, là những hi vọng của giáo dân Hà Nội vào sự thiện chí, đã tan như bong bóng xà phòng.

Thiện chí - đó là điều không tưởng.

Người ta thấy lạ, bắt đầu từ vụ Tòa Khâm sứ, rồi đến vụ Thái Hà, bao nhiêu cuộc họp, gặp gỡ và bàn bạc từ thấp đến cao để đảm bảo được cái gọi là hợp tình, đạt lý, nhưng kết cục là những việc làm khó hiểu.

Những nơi người Công giáo Hà Nội cho rằng đã bị chiếm đoạt phi pháp, có nguy cơ bị nạn tham nhũng và xà xẻo, biến công thành tư nên đã nhất định đòi lại, thì nhà nước sẽ biến thành vườn hoa và công viên.

Người ta đang hỏi, cứ tất cả đều theo cách này, thì sẽ có bao nhiêu công viên được thành lập mới, nếu người Công giáo không có thiện chí mà cứ đất mình thì mình đòi?

Dù sao, đây cũng là một nỗi đau

Ở những vụ việc này, người Công giáo không hi vọng chỉ ở một khu đất có trị giá là bao nhiêu. Nhưng ở đó, người công giáo hi vọng được nhà nước này, một lần xem mình như những người dân đáng được tôn trọng. Ở đó, họ hi vọng đến một giá trị của chân lý, của sự thật dù ít ỏi thì cũng một lần được lóe lên khi đất nước đã vào thời kỳ hội nhập. Ở đó người dân đang hi vọng đến một nhà nước dù có những sai lầm nhưng đã biết phục thiện.

Nhưng, tất cả là không. Những đơn khiếu nại, những việc làm nói lên nguyện vọng của mình. Đã được nhà nước đáp lại bằng những cái nhìn vô cảm của cảnh sát và chó nghiệp vụ. Những ánh mắt của họ, dù buồn rầu, đau đớn cũng không làm mủi lòng những cỗ máy xúc chỉ biết vục đầu xuống khu đất Tòa Khâm sứ.

Vụ Tòa Khâm sứ, tất cả đang là một cơn ác mộng, không chỉ cho giáo dân bị áp đặt, mà cho cả chính quyền đang cố gắng bằng mọi cách để hợp lý việc gỡ khu đất này khỏi tay của cộng đồng tôn giáo cách đây mấy chục năm thành việc đã rồi.

Đó là nỗi đau, nỗi đau của những chuyện không nên có trong một đất nước hòa bình, một thủ đô được mệnh danh là “Thành phố Hòa Bình”.

Việc dùng vũ lực cưỡng đoạt bằng được khu đất này, có phải vì nhu cầu vui chơi công cộng quá lớn chăng? Chắc là không, nếu không có những ý kiến phản đối của giáo dân cách đây tám năm, thì chắc khu đất này đã là khu ăn chơi có tiếng như vụ vũ trường gần đó. Cũng như khu đất Thái Hà, nếu không bị giáo dân phản đối, thì chắc công ty Phú Điển đã tạo nên những ngôi nhà đẹp, đâu phải là dự án công viên.

Chính vì vậy, mà nó mang theo nỗi đau của một cộng đồng nhân dân theo tôn giáo đang sống trong một nhà nước mà cái câu “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng, tạo hóa đã tạo cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong đó quyền sống, quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc” đã được long trọng đọc cách đây 63 năm để khai sinh ra đất nước này.

Ở đây, việc thừa hưởng khu đất thánh thiêng để tưởng nhớ cha ông và phục vụ người nghèo là hạnh phúc đối với họ đã bị tước bỏ.

Có thể là với những lực lượng bảo vệ hùng hậu, được sự quan tâm nhiệt liệt của các cấp, các ngành ở Hà Nội, dự án công viên, cây xanh và thư viện kia sẽ sớm hoàn thành hơn dự định.

Nhưng dù có hoàn thành dự án mà lòng dân không yên, thì hòa bình có thật sự ở trong thành phố và trong lòng mọi người hay không? Đó là điều các quan chức cầm quyền cần phải tính đến.

Hòa bình, phải xuất phát từ lòng dân. Cha ông ta từng nói “chèo thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân” xin chớ có coi thường điều này.

Dù dự án có hoàn thành đẹp đẽ như bản báo cáo cuối năm của các quan chức, nhưng lòng người vẫn còn mang nặng những ưu tư, thì đó có là hòa bình thực sự?

Biết đâu là khi đó, đây lại chính là nơi gây nên những nỗi đau mới mà không dễ gì xóa bỏ?! Nỗi đau của lương tâm mỗi con người, nỗi bất an của tâm hồn những kẻ đã gây ra tội lỗi.

Và người công giáo Việt Nam nói chung, giáo dân Hà Nội nói riêng lại phải hát tiếp bài kinh Hòa Bình trên bước đường đi tìm công lý và sự thật.

Hà Nội, Đêm 19/9/2008
 
Tòa Giám Mục Komtum gởi kiến nghị lên Chủ Tịch và Thủ Tướng Việt Nam
† Giám Mục Hoàng Đức Oanh
19:09 19/09/2008
Toà Giám Mục Kontum
56 Trần Hưng Đạo - Kontum - Email abrahamvn@yahoo.ca
Số 95 /VT/’08/Tgmkt

Kontum, ngày 11 tháng 09 năm 2008

Kính gửi
Ông NGUYỄN MINH TRIẾT,
Chủ Tịch Nước CHXHCN Việt Nam.
Ông NGUYỄN PHÚ TRỌNG,
Chủ Tịch Quốc Hội Nước CHXHCN Việt Nam.
Ông NGUYỄN TẤN DŨNG,
Thủ Tướng Nước CHXHCN Việt Nam.

Kính thưa Quý Ngài,

Từ nhiều năm nay, vấn đề đòi lại tài sản đất đai của người dân cũng như của các tôn giáo đã trở thành điểm nóng bỏng trong xã hội.. Vấn đề này đã hút mất nhiều công sức, nhiều thời gian của cán bộ cũng như người dân. Nó đã và đang xói mòn niềm tin của nhiều người. Cụ thể như vụ Đất Thái Hà và Tòa Khâm Sứ hiện nay. Với tư cách người công dân, chúng tôi xin gửi tới Quý Ngài bức thư này vào chính lúc Đất nước đang phải lo giải quyết những việc trọng đại như vấn đề các tệ nạn xã hội, vấn đề tham nhũng, vấn đề y tế giáo dục cũng như nhiều chương trình phát triển lớn của Đất Nước.

Chỉ có “Sự thật sẽ giải phóng” con người, mới đem lại tự do hạnh phúc cho con người. Con người vốn có tinh thần hiền lành, dễ gặp nhau, dễ tha thứ, nhưng một khi biết mình bị lừa, bị gạt, bị dồn ép.... thì họ có thể chấp nhận cả cái chết, nhất là “cái chết vì đạo”. Lịch sử cho thấy “quan nhất thời, dân vạn đại”, nhưng có được bao nhiêu vị hữu trách ý thức và nhạy bén trước những ý kiến, những khát vọng chính đáng của người dân. Trong bối cảnh cụ thể như thế, lòng yêu nước thôi thúc chúng tôi gửi lên Quý Ngài những đóng góp sau đây.

1. Vụ đất đai, tài sản của dân, của các đoàn thể đã và đang là điểm nóng bỏng.

Khắp nơi đều có người dân đi kiện đòi đất đai, tài sản. Chính quyền cần xem xét và nhận ra cái “bất cập, bất công” và mau chóng tìm cách giải quyết thỏa đáng. Đã đến lúc không chỉ dựa trên 1,2 nghị định để “đá qua đá lại” hay “chụp đủ thứ mũ” cho người dân lành trong khi quá nhiều vụ tai tiếng “vi phạm” của các cán bộ thì lại “bỏ qua quá dễ dàng”. Càng không thể dùng vũ lực hay hệ thống thông tin “như hiện nay” để bịt miệng người dân. Vụ Thái Hà chỉ là một trong muôn vàn các vụ tranh chấp. Có biết bao nhiêu người dân thấp cổ bé miệng đi khiếu kiện đòi tài sản suốt bao năm tháng mà chẳng được lắng nghe giải quyết, lại còn bị trù dập!? Xem xét và giải quyết thỏa đáng các quyền lợi của người dân là cách thể hiện lòng yêu nước thương dân cụ thể nhất, hữu hiệu nhất.

2. Đây không chỉ là chuyện đất đai

Vâng, đây không chỉ là chuyện đất đai. Cái chính là lòng người, là hạnh phúc, là tự do được làm người và làm người dân trong một đất nứơc tự do, bình đẳng. Nhiều người dân, trong đó có người dân Thái Hà, đang đòi hỏi công lý, công bằng, sự thật. Họ dám chấp nhận được chết cho một lý tưởng cao cả hơn mấy mảnh đất. Súng đạn đã đến lúc không giải quyết được vấn đề, nhất là đối với những người có một niềm tin tôn giáo như người Công giáo. Vì thế, Chính quyền không nên đem vũ lực ra để giải quyết những tranh chấp hiện nay.

3. Với tâm tình biết ơn

Nhưng, dưới ánh sáng niềm tin vào “Thiên Chúa là Chủ lịch sử”, chúng tôi xác tín, chính Ngài đang dùng Nhà Nước Việt Nam thực hiện công cuộc “loan báo Tin Mừng sự thật, công bằng, yêu thương” qua vụ đất Thái Hà. Vụ phong thánh cho 117 vị tử đạo tại Việt Nam vào năm 1988 là một minh chứng hùng hồn. Qua các buổi học tập do các cấp Chính Quyền tổ chức, nhiều người ngoài hiểu biết và cảm thông với Giáo Hội Công Giáo hơn và đã tìm đến với Giáo Hội. Chúng tôi thiển nghĩ, một cách nào đó, người Công giáo phải biết ơn chính quyền Việt Nam hôm nay.

Kính thưa Quý Ngài,

Trên đây là những dòng tâm tình mong góp được chút gì vào công cuộc xây dựng Đất Nước. Đất Nước này được ví như một con tàu. Chỉ cần điều chỉnh cái “bánh lái” nhỏ xíu, Đất Nước sẽ tiến đến vinh quang hoặc ngược lại. Chúng tôi cầu xin Ơn Trên ban cho mọi người dân, cách riêng các nhà hữu trách có được sự khôn ngoan sáng suốt, lòng khiêm tốn và tính can đảm để cùng nhau điều chỉnh kịp thời cái bánh lái nhỏ xíu đó ngõ hầu mọi khó khăn đều được giải quyết cách thoả đáng trong tinh thần tôn trọng con người, tôn trọng sự thật, tôn trọng lẽ công bằng.

Xin kính chúc Quý Ngài an bình và sức khoẻ.

Trân trọng,


HOÀNG ĐỨC OANH
Giám Mục Giáo Phận Kontum.
NB. Bản sao kính gửi
* Hội Đồng Giám Mục Việt Nam “để kính từơng”.
* Báo Hiệp Thông của HĐGMVN
.
 
Trò hề phản chứng của Nhà nước
Phan Dũng
21:53 19/09/2008
TRÒ HỀ PHẢN CHỨNG CỦA NHÀ NƯỚC

Một tấn tuồng lại được chính quyền vội vã trình diễn cho người dân Hà nội thưởng thức sáng nay. Đó là việc đích thân Ngài Giám đốc công an TP Hà nội, Thiếu Tướng Nguyễn Đức Nhanh đích thân chỉ huy cuộc Động thổ khời công xây dựng một công viên cây xanh tại khu đất của Toà Khâm Sứ Hà nội. Cùng trình diễn với Ngài Thiếu tướng còn có cả hàng ngàn công an các loại, dân phòng, có cả chó nữa chứ, theo sau là một đám phóng viên báo chí nhà nước cho đủ bộ sậu làm cho tấn tuồng càng trở nên hài hước. Báo Hà nội mới vội vã tung ra bài viết “Đây là một quyết định rất tuyệt vời”. Đúng là mèo khen mèo dài đuôi. Một quyết định tuyệt vời hợp ý người dân mà phải có cả một lực lượng hùng hậu đến thế với đủ các thành phần tham gia, trang bị như đánh trận để bảo vệ ư. Bấy nhiêu thôi cũng cho ta thấy là chẳng một người dân nào có lương tri ủng hộ cái kiểu ăn cướp nuốt không trôi, đem đồ ăn cướp đi phát chuẩn để xoá tội ăn cướp. Đó là trò hề thứ nhất.

Trò hề thứ hai là chưa bao giờ có một dự án xây dựng công cộng nào mà nhà nước lại sốt sắng làm nhanh đến thế là cùng, chiều hôm trước rục rịch, 3 giờ sáng hôm sau, làm lễ ra quân, trời chưa sáng đã động thổ. 7 giờ sáng công bố quy hoạch và dự án… Ôi thật là, làm thế thì phải đưa vào kỷ lục guinness và không một cường quốc nào trên thế giới có thể phá nổi kỷ lục này. Với tốc độ như vậy có lẽ nên mời anh bạn Hòa Anh Thái mà báo HNM vừa đăng về ý kiến quyết định rất tuyệt này sáng mai phải về Hà nội để dự lễ khánh thành như anh mong ước nhé. Nếu để sang tuần chắc không có cơ hội dự lễ khánh thành.

Giá như các công trình khác mà ông nhà nước cũng quan tâm sốt sắng như vậy có phải làm cho người dân hồ hởi lắm không! Sông đâu bị ô nhiễm, đường đâu bị ngập, đâu có màn tắc nghẽn giao thông, đặc biệt là chương trình chống tham nhũng là sao mà ì ạch, tấn trò hề này không dễ gì xem được bởi ngàn năm có một. Ai có thể xem thì xin đừng bỏ qua, tiếc lắm.

Trò hề thứ ba là nhà nước diễn tuồng nhưng không cho khán giả vào xem, lệnh nội bất xuất ngoại bất nhập dẫn đến khu vực toà khâm sứ. Được bảo vệ chặt chẽ, bảo vệ bằng những hàng rào chông sắt nhọn hoắc, bằng súng ống và dùi cui, bằng chó becgiê, cấm quay phim chụp hình, cấm đi lại, mặc kệ cho những nhà dân chung quanh khốn đốn, mặc xác các em nhỏ mầm non vẫn phải đến tự túc trường không có Cha mẹ dẫn đường kêu la gào khóc.

Xây dựng công viên cây xanh mà sao ghê gớm quá nhỉ, xây dựng công trình công cộng mà cứ như là xây công trình bí mật quốc phòng. Tại sao lại hề đến vậy? Chính quyền Hà nội có lẽ hết việc làm nên nhận bảo kê cho công trình này chăng, không biết Ông Khanh và tướng Nhanh thấy sao? Nhưng người dân thì thấy, tấn trò hề này là câu trả lời cho những ai dám đi đòi công lý với chính quyền cộng sản, là câu trả lời sau tám tháng chờ đợi mệt mỏi từ khi đích thân các cấp lãnh đạo cao nhất Hà nội thoả thuận với Vatican giải quyết vụ Toà Khâm sứ bằng con đường đối thoại.

Trò hề thứ tư là Ông nhà nước lúc nào cũng ra rả mọi người dân phải làm việc theo hiến pháp và pháp luật, nhưng nhớ kỹ nhé mọi người trừ Đảng cộng sản Việt nam. Vì tất cả các hoạt động của quốc gia đều phải nằm dưới sự chỉ đạo “sáng suốt” của Đảng. Cứ kế hoạch 5 năm phải thay đổi một lần, kể cả việc thay đổi hiến pháp. Do đó Đảng có quyền phạm luật, điều này không phải lôi thôi bàn cãi. Hành động tại Toà Khâm Sứ và Giáo xứ Thái hà hiện nay đã chứng minh cho điều này. Chắc chẳng cần phải nói ra những vi phạm trắng trợn cho thừa thãi nữa.

Trò hề thứ năm là chưa thấy một công trường xây dựng công cộng nào lại nằm dưới sự chỉ huy của Ngài Giám đốc Công an và bộ máy quyền lực. Có lẽ đầu tiên trên thế giới Bộ Công an kiêm luôn trách nhiệm đơn vị thi công.

Cùng diễn với Ngài giám đốc công an là hàng loạt các bài báo ca ngợi đường “trốn thoát” cực kỳ sáng suốt của Đảng trong quyết định tại TKS và Thái hà.

Cảnh của trò hề cứ như trong phim thần thoại, các quan hô biến một cái, lập tức các mảnh đất được biến từ tôn giáo thành Nhà nước, hô biến cái nữa là trở thành của tư nhân tính xây dựng các chốn hưởng lạc ăn chơi. Hô biến cái nữa là trở thành chốn vui chơi công cộng.

Hậu thuẫn cho lý lẽ đó luôn miệng rao rảo là “Tao cướp của mày đó mày làm được gì tao thì làm”. Nếu muốn thì xin lại theo luật của tao, còn chuyện tao cho hay không là chuyện của tao. Trò hề này bản quyền chỉ có ở Việt nam, các khách ngoại quốc không dễ gì được chứng kiến, có thể là một chiêu thức mới trong Marketing để thu hút khách du lịch nước ngoài chăng?

Trò hề thứ sáu là rêu rao là Việt nam là nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Có lẽ cho rằng nhân dân thế giới đặc biệt là Mỹ là Vatican là Nga là Pháp… ngu si không hiểu biết pháp quyền xã hội chủ nghĩa là gì nên dùng TKS và Thái hà để chỉ dậy cho thế giới chăng? Nói trắng trợn ra là Pháp quyền XHCN = Bạo quyền Cộng sản.

Chắc chắn rằng qua việc này Thế giới sẽ ghi vào lịch sử bằng chứng hùng hồn về một loại pháp quyền mới dùng để cai trị nhân dân rất hiệu quả. Các nhà chính trị thế giới nếu không mau chân đến TKS thì có thể bài học sẽ mau mắn kết thúc khó có dịp học lại.

Tuy nhiên để phản chứng một chút cho tấn trò hề này, chúng ta hãy quay lại với vụ án phá đổ 6m tường rào của vụ Thái hà. Với giá trị chỉ hơn 3 triệu đã có 7 giáo dân bị còng tay áp giải đến nay chưa biết số phận ra sao. Thì trong Vụ TKS này, cái hàng rào của TKS ít cũng phải vài trăm triệu, không biết phải khởi tố bắt giam Ngài thiếu tướng ra sao? Hình thức nào vì rõ ràng là Ngài chỉ huy bảo kê cho cái đám phá hoại tài sản công dân ấy. Mấy anh đang lái xe đào xe ủi kia nếu không dừng tay cũng phải bị bắt giam luôn chứ nhỉ, vì cố tình phá hoại tài sản công dân.

Vụ này thì rõ ràng mười mươi là có tổ chức rồi nhé, không thể chối cãi đi đâu được. Nhưng thật tội nghiệp cho những nạn nhân của TKS và Thái hà nói riêng cũng như nhân dân cả nước. Cái quyền chuyên chính vô sản chuyên dùng bạo lực nếu có dãy chết thì máu của đồng bào sẽ phải tưới cả non sông như lịch sử thế giới và Việt nam đã từng chứng kiến trong mấy chục năm qua.

Chỉ còn biết nguyện xin Thiên Chúa và Mẹ Maria cứu giúp cho Việt nam tai qua nạn khỏi trong cuộc chiến bất nhân vô đạo đang hoành hành trên khắp quê hương do Cộng sản vô thần khởi xướng.
 
Thư hiệp thông của Giáo Phận Kontum với TGM Hà Nội
+GM Micae Hoàng Đức Oanh
21:59 19/09/2008
 
Tuyên cáo Hiệp thông của Liên Đoàn CGVN Đức
Vincenz Nguyễn-văn-Rị
22:05 19/09/2008


Mönchengladbach, ngày 19-09-2008

Kính gửi: Cha Đại Diện Hội Đồng Tuyên Úy
Qúy Cha Hội Đồng Tuyên Úy
Qúy Vị Ban Tư Vấn,
Qúy Vị Đại Biểu
Quý Vị Trưởng Vùng
Quý Vị Cộng Đoàn Trưởng
Quý Ông Bà và Anh Chị Em

Kính thưa Quý Cha và Quý Vị

Qua sự hiện diện của hàng Giáo Phẩm và Giáo Dân Việt Nam tại Toà Khâm Sứ và giáo xứ Thái Hà đã và đang thắp nến cầu nguyện cho Công Lý và Hoà Bình, để các quyền Tự Do căn bản sớm thể hiện trên quê hương Việt Nam, vì Tự Do và Công Lý là món quà quý giá nhất Thiên Chúa đã trao ban cho con người.

Liên Đoàn CGVN tại Đức với tâm tình con cái luôn thao thức hướng lòng về Việt Nam và Giáo Hội Mẹ, luôn hiệp ý cầu nguyện cho Tự Do và Dân Chủ được tôn trọng tại Việt Nam.

Liên Đoàn CGVN tại Đức trân trọng tuyên cáo:

* Hiệp nhất với toàn thể Giáo Hội Công Giáo Việt Nam và các cộng đồng CGVN hải ngoại chúng ta luôn đồng hành với Chúa Giêsu Kitô.
* Hiệp thông với Giáo Hội tại quê nhà, đặc biệt với các linh mục, tu sĩ nam nữ và giáo dân giáo xứ Thái Hà, dòng Chúa Cứu Thế tại Việt Nam và hải ngoại, tổng giáo phận Hà Nội đang đòi hỏi Công Bằng và Tự Do
qua việc đòi lại cơ sở và đất đai đã bị cưỡng chiếm.
* Cầu nguyện cho giáo dân tổng giáo phận Hà Nội và giáo xứ Thái Hà luôn khiêm tốn, bao dung, kiên nhẫn và vững tin sống Niềm Tin vào Thập Giá, sống chứng tá Đức Tin cho mọi người, chứng tá cho Công Lý và
Sự Thật.
* Cầu nguyện đặc biệt và chia sẻ tin yêu với các nạn nhân và thân nhân đang gặp khó khăn thử thách, đang bị khởi tố và bắt giam vì làm chứng cho Đức Tin của người Kitô Giáo.
* Chia sẻ đồng cảnh ngộ với các Tôn Giáo bạn đang bị đàn áp.
* Chia sẻ đau khổ với Đồng Bào và Dân Oan đã bị CSVN chiếm đoạt, tịch thu cơ sở đất đai, tài sản…

Để thể hiện tinh thần hiệp thông với Giáo Hội Mẹ tại quê nhà, Ban Chấp Hành Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Đức kính xin Qúy Cha, Qúy Tu Sĩ nam nữ, các Trưởng Vùng, Trưởng Cộng Đoàn, các đoàn thể công giáo tiến hành, Quý Ông bà, Anh Chị Em và các cháu Thiếu Nhi trong các Thánh Lễ, những giờ kinh nguyện hàng ngày, mỗi người thắp lên một ngọn nến tin yêu cùng nhau dâng lời khấn xin lên Thiên Chúa, qua lời cầu bầu của Mẹ La Vang và các Thánh Tử Đạo Việt Nam, ban cho tổng giáo phận Hà Nội, giáo xứ Thái Hà nói riêng và cho Giáo hội CGVN nói chung luôn kiên vững trong đức tin và bền tâm sắt son, để vượt qua những thử thách trong việc đòi thực thi công bằng, sự thật, đấu tranh cho công lý và hòa bình.

Cầu xin cho nhà cầm quyền CSVN sớm nhận thấy ánh sáng siêu nhiên, biết tôn trọng Sự Thật, hoàn trả lại mảnh đất Tâm Linh cho Toà Khâm Sứ và Giáo xứ Thái Hà, mảnh đất tượng trưng cho công bằng xã hội, công lý, hòa bình và yêu thương. Đặc biệt nhà cầm quyền CSVN phải biết thực thi Nhân Quyền, tôn trọng quyền Tự Do Tôn Giáo của mọi người.

Trân trọng kính chào với tinh thần Hiệp Nhất trong Chúa Kitô.

Thay mặt Ban Chấp Hành Liên Đoàn
Phó Chủ Tịch Nội Vụ
 
Tập hợp những ý kiến của người dân sau khi đọc bài ''đất TKS biến thành vườn hoa'' của đài BBC
Jos Trần Tiến
22:24 19/09/2008
P. Hoang: Họ chơi trò lừa đảo đó. Họ thử một lối thoát liều lĩnh trong các vấn đề đất đai tôn giáo. Làm công viên cái gì mà cấm phóng viên vào ghi hình? Làm công viên sao không làm từ bốn mươi năm trước? Rõ là một kiểu đối phó kém suy nghĩ. Nhưng mà quả thực, nếu quyết không trả lại đất cho Giáo Hội, thì chính quyền không có một cách nào khác khả dĩ hơn.

Nguyen hieu Het, Sóc Trăng: Đã đến lúc cần phải nghiêm túc giải quyết vấn đề đất toà khâm sứ. Không phải riêng giáo dân mà cả những người lương cũng quan tâm đến vấn đề nầy. Đừng phóng, rồi phải theo lao, quần chúng nhân dân bây giờ có cái nhìn rất sâu đấy !

Phodem: Chưa đọc bài báo, chỉ cần nhìn tấm hình nho nhỏ góc bên trên, ai cũng cảm thấy phản cảm với tấm bảng cấm QUAY PHIM CHỤP HÌNH.

Pham Tam Quang, Phat Diem: Hoan hô nhà nước, chính quyền! Giá mà dự án nào cũng làm nhanh được như vậy thì tốt quá. Từ khi thông báo quy hoạch đến khi thực hiện chưa đầy 24h. Có ai biết phải làm thế nào để đăng ký ghi vào kỷ lục Guiness thì mách giùm với.

Maida, Hoa Kỳ: Động thái nhà nước lụp chụp, vội vàng biến khu đất tòa Khâm sứ cũ thành công viên tự nó đã nói lên vấn đề! Đã là người cầm cân nẩy mực thi hành luật pháp mà hành động bất minh như vậy chứng tỏ nhà nước đang ở thế bị động và họ muốn tạo "một sự đã rồi"! Từ nay nếu giáo dân tiếp tục cầu nguyện phản đối chắc chắn nhà nước "có đủ bằng cớ" kết án giáo dân là không biết tùng phục vì lợi ích chung! Nhà nước muốn dùng dư luận để cô lập sự đòi hỏi hợp lý của giáo dân. Hành động như vậy chỉ tạo thêm mâu thuẫn trong xã hội mà thôi!

Dân Việt: Nếu quang minh chính đại thì không việc gì phải làm việc gấp gáp như thế. Vụ việc Thái Hà bỏ vào túi riêng không xong nên trở thành công viên trong vòng một ngày. Nếu các việc khác mà người thực thi pháp luật Việt Nam làm nhanh như thế thì tốt biết bao cho dân lành, và người dân nước Việt đã không còn đói nghèo tới bây giờ.

Dan Viet HN: Cảm ơn BBC đã cung cấp thông tin cập nhật. Tôi vô cùng buồn vì sự cố chấp của chính quyền trong vấn đề giải quyết các tranh chấp dân sự. Người Công giáo họ cũng là con dân đất Việt, chỉ có điều họ có thêm một niềm tin vào Thiên Chúa với mục đích duy nhất là kính Chúa và yêu người (căn bản của 10 điều răn). Với một nhu cầu nho nhỏ là xin được mở rộng cơ sở thờ tự trên cơ sở mảnh đất cũ (nhà nước đã thu nhưng chưa sử dụng) thế mà cũng không được đáp ứng.

Vậy thử hỏi mỗi người dân Việt chúng ta hy vọng điều gì vào cái nhà nước này? Thật buồn cho người Công giáo vì sự đấu tranh ôn hoà đã không làm thay đổi được quan điểm của nhà nước đối với nguyện vọng của Dân Việt nói chung và người Công giáo riêng.

Thanh Gia : Không bị mang tiếng là cướp, không bị mang tiếng là đàn áp, lại được tiếng là chăm sóc tới không gian cho người dân!!!

Có thật thế khi giờ dân trí người Việt đã có nhiều đổi thay, với những người hiểu biết họ luôn có cái nhìn riêng nhìn thẳng vào vấn đề, nhà nước đang làm gì,liệu rằng các khu đất tranh chấp mà không giải quyết được thì quy hoạch làm vườn hoa cây xanh, trong khi ngay cạnh đó, nhà nước đã làm gì để bảo vệ không gian hồ Gươm? Là kiến trúc sư tôi hổ thẹn cho quyết định của nhà nước!

Người HN: Nghe ra nhà nước đang dẹp các đạo rồi. Trước mắt dẹp đạo công giáo trước, bằng chứng họ đang lấy đất nhà thờ Thái Hà. Hôm nay lại lấy đất của Nhà Thờ Lớn. Sau đó chắc là nhà thờ Phát Diệm, Bùi Chu, rồi tiến vào SG. Họ quyết tâm Nước Việt Nam sẽ không cho phép tồn tại một đạo nào. Nhưng họ vẫn nói tự do tín ngưỡng (đó là nhà nước đang cho các đạo ăn kẹo ngọt)sau đó họ sẽ dẹp một cách hợp lý.

Dinh Thai Binh, Hà Nội: Người Công giáo Hà Nội thật bất khuất. Ai có thể bảo rằng ngày mai khi cái công viên làm vọi vàng này đã xong thì người công giáo không còn đấu tranh cho công lý? Sức mạnh của họ ở chỗ không có gì ngoài lời cầu nguyện ôn hoà và thiện chí đối thoại. Họ có thể bị cường quyền cướp đọat đất đai hiện tại nhưng niềm tin và công lý và sự thật sẽ không bao giờ mất. Khát vọng công lý sẽ càng cháy bỏng nơi những con người quả cảm kia.

Tôi cảm thấy mình đớn hèn vì không gióng lên được một tiếng nói để bảo vệ chính mình và đòi hỏi cho quyền lợi chính đáng của mình và người xung quanh mình như các giáo dân kia.

Augustin Nguyen, Sài Gòn: Tôi đã im lặng như bao nhiêu người. Thực sự chúng ta có biết hết được sự thật không? Thậm chí với chính thứ chúng ta nhìn thấy con chưa chưa chắc đã là sự thật. Tôi chỉ xin chia sẻ những gì tôi nhìn thấy. Một vũ trường để loa hương sang khu tu trì nhiều năm... Một quán phở nhoe nhoét trên nền thánh địa.

Một thực tế là nếu bạn thờ của nhà bạn hay tôi mà bị vứt rác vào thì lòng tự trọng của chúng ta sẽ xử trí ra sao? Tại sao những bậc tu trì ấy lại chịu đựng lâu đến vậy? Hy vọng là họ đừng chịu đựng quá lâu. Trước khi UBND hợp thức hóa bằng cách lập dự án và bán đất cho ngân hàng... nếu không hành động, mãi mãi chủ quyền của mảnh đất ấy bị hợp thức hóa.

Một câu chuyện đang diễn ra mỗi ngày tại VN. Nếu như bạn không tin, hay đến mà xem. Chúng ta có nên ngồi đó đoán mò, rồi đưa nhận định linh tinh, tự biếm họa mình với chính sự thiển cận của bản thân.

Bach Loc, Hà Nội: Nếu chính quyền làm việc công minh, đàng hoàng thì các phóng viên quốc tệ hiện đang theo dõi phụ phá khu Toà Khâm Sứ đã không bị đàn áp. Công an cấm không cho quay chụp hình, thu máy quay của phóng viên và dùng bạo lực với phóng viên. Ôi, chính quyền ơi!!!

Phu Vo, HCMC: Các linh mục nên dùng tiền (quyên góp trong giáo dân hay hải ngoại chẳng hạn) rồi đi đêm với các cán bộ cấp cao, họ sẽ chỉ cho biết làm thế nào để hợp thức hóa êm đẹp khu đất này về tay giáo hội. Chúc mọi công dân VN ta hạnh phúc.

Mai Ninh, SG: Đất của người ta mà đem lấy làm vườn hoa! Vậy mà nhà nước pháp quyền lại có thể làm được? Lại còn có một số người ủng hộ nữa. Sao giống như "cướp của người giàu chia cho người nghèo" quá, "lấy đất địa chủ chia cho nông dân nghèo không có ruộng". Qua việc này chứng tỏ chính quyền quyết tâm lấy đất thờ tự, sinh hoạt của người Công giáo rồi.

Hoang Nguyen, SG: Phải nhìn vào hành động của nhà nước này chứ không bao giờ được tin vào lời nói. Còn nếu trả lại khu đất ấy thì hoá ra nhà nước này công nhận mình sai à. Nhưng nếu những người lãnh đạo vẫn áp đặt suy nghĩ cuả mình như mấy chục năm cuối của thế kỉ trước thì biết đâu chuyện này sẽ tạo nên sự mới mẻ ở Việt Nam

Thang, Hanoi: Từ những hứa hẹn xem xét trả lại phần đất trên cho Nhà Thờ của chính quyền tới bí mật quy hoạch, thậm chí dùng cả vũ lực để thực hiện qui hoạch như ngày hôm nay thì không còn gì để nói. Một chính thể đàng hoàng không bao giờ phải tiến hành làm những chuyện mờ ám như vậy cả. Những hành động của giáo dân đã phần nào tạo một luồng gió mới cho bầu chính trị vốn u ám của chế độ. Ở đâu có đàn áp, có bất công xã hội là ở đó có đấu tranh. Chân lý đó luôn luôn đúng cho dù ở đâu đi nữa.

Henry, Saigon: Hà Nội sợ nếu trả lại Tòa Khâm sẽ tạo thành tiền lệ "nguy hiểm". Vì họ đang là con nợ lớn khi đã “vay” nhiều khu đất của các tôn giáo, đặc biệt là sau 30/04/1975. Vào thời điểm đó thì quỹ đất ở VN đâu có thiếu nhưng họ lại lấy nhà thờ Tin Lành làm UBND phường, Thánh thất Cao Đài làm bệnh viện thị xã, đất đai của nhà thờ thì làm thư viện, trường học, cung thiếu nhi… đến nỗi không còn nhà thờ để cầu nguyện, các giáo dân Tin Lành phải tập hợp ở nhà một giáo dân nào đó để cầu nguyện thì cũng bị họ xua đuổi và bắt bớ. Nếu Tòa Khâm được trả thì sẽ có rất nhiều khu đất khác cũng sẽ phải được trả.

Linh SG: Một đòn tránh né khôn khéo của nhà nước. Nhưng như thế nhà nước cũng cho dân đen thấy đừng bao giờ tin vào lời hứa hão "đối thoại". Giáo dân tuy không lấy lại được đất nhưng nhờ họ đấu tranh mà TP có thêm 1 công viên chứ không phải vũ trường, nhà hàng. Xin cám ơn giáo dân công giáo.

Ẩn danh: Đúng là bất ngờ, quy hoạch mà không ai biết. Botay.com

Wombat, Sydney: Nếu biến toà Khâm Sứ thành thư viện và miếng đất trống thành vườn hoa cho tất cả mọi người ở Hà Nội thưởng thức thì cũng tốt thôi. Chỉ sợ nhà nước không làm được chuyện đó bởi vì lòng tham không đáy của vô số đảng viên CSVN.
 
Thơ Hiệp Thông của Đức Giám Mục Lạng Sơn
+ ĐGM Giuse Đặng Đức Ngân
22:25 19/09/2008
Lạng sơn, ngày 19 tháng 09 năm 2008

THƠ HIỆP THÔNG

Kính gửi : Đức Cha Giuse NGÔ QUANG KIỆT

Tổng Giám Mục Hà-Nội.

Trọng kính Đức Tổng Giuse,

Chúng con thật sửng sốt và bồn chồn trước những tin tức được xem, và thông báo khẩn cấp của Tòa Tổng Giám Mục Hà-Nội, về khu đất Tòa Khâm sứ 42 phố Nhà Chung Hà-Nội: nơi đã từng in dấu ấn của Đức Tin, Tình yêu mến và Hiệp nhất của Giáo hội Công Giáo, của Cộng đồng Dân Chúa với mọi tầng lớp xã hội qua dòng lịch sử. Hiện nay, mảnh đất đó đang thuộc dạng tranh chấp về quyền sở hữu mà Tòa Tổng Giám mục Hà-Nội đã yêu cầu trả lại và đang chờ được giải quyết thỏa đáng.

Những diễn biến từ sáng tới giờ tại khu đất Tòa Khâm sứ 42 phố Nhà Chung, Hà-Nội, làm cho cộng đồng giáo dân Công giáo Việt-Nam lo lắng, và mong chờ một hướng giải quyết tích cực trong tinh thần Phúc Âm.

Với tư cách là Chủ chăn Giáo phận Lạng Sơn-Cao Bằng (cũng là con cái của Giáo phận Hà-Nội, nơi con đã sinh ra, lớn lên và trưởng thành), con xin thay mặt Linh mục đoàn, Nam nữ Tu sĩ, và toàn thể Cộng đồng Dân Chúa Giáo phận Lạng sơn-Cao Bằng xin được bày tỏ tinh thần hiệp thông với Đức Tổng, quý Cha, quý Tu sĩ Nam nữ, quý Chủng sinh và toàn thể quý Ông bà Anh chị em Tổng Giáo phận Hà-Nội. Trong tinh thần Phúc Âm và Đức Ái Kitô giáo, chúng con xin đồng hành với Tổng Giáo phận Hà-Nội, để Hiệp thông trong Nguyện cầu.

Xin tình thương của Thiên Chúa qua lời cầu của Mẹ Maria, luôn ban trên Đức Tổng, quý Cha, quý Tu sĩ Nam nữ, quý Chủng sinh, quý Ông Bà Anh chị em Tổng Giáo phận Hà-Nội ơn Khôn ngoan, Sức mạnh, Can đảm, Nhẫn nại và Bình an.

Hiệp nhất trong Chúa Giêu Kitô,

+ Giuse Đặng Đức Ngân

Giám mục Giáo phận Lạng Sơn
 
Đêm Canh Thức bên Tòa Khâm Sứ: Lời cầu kinh giữa tiếng gào thét của cơ giới phá tan hoang...
Thăng Long
22:54 19/09/2008
TÒA KHÂM SỨ - Đêm canh thức vang lên lời nguyện cầu giữa những tiếng gào thét của xe cơ giới...

Hình ảnh Đêm Canh Thức

Cả đêm các xe cơ giới vẫn tiếp tục phá khu vực Tòa Khâm Sứ dêm 19/9:

Các loại xe cơ giới gào théo quần đảo trong khu vực Tòa Khâm Sứ. Tới nửa đêm là họ đã phá xong tòa nhà vốn là quán phở ở mặt phố Nhà Chung.

Sau đấy họ bắt đầu phá tòa nhà 5 tầng. Mấy cái máy khổng lồ lớn tiếng gầm rú. Chúng vươn những cần trục to lớn ngoạn lấy từng mảng bê tông cốt thép của tòa nhà 5 tầng khiến cho bụi bay mù mịt khu vực Tòa Tổng giám mục.

Phóng viên ngoại quốc đến săn tin nóng:

Tối hôm qua, các phóng viên nhà báo ngoại quốc bị bắt, 1 người bị đánh và mấy người bị đe dọa, nhưng không làm cho họ chùn bước. Lúc gần 19 h chúng tôi còn thấy một phóng viên ngoại quốc đứng ở sân nhà thờ lớn, nơi không cấm quay phim chụp hình, tường thuật trực tiếp diễn tiến sự kiện qua mạng vệ tinh. Anh nói say mê khiến người Việt Nam thấy mà khâm phục về thái độ đưa tin nghiêm túc của anh.

Giáo dân tiếp tục về cầu nguyện bên Tòa Khâm Sứ:

Giáo dân các giáo xứ trong Tổng giáo phận Hà nội kéo về khá đông, dù bị chặn đường. Họ thay nhau đọc kinh cầu nguyện. Dù tiếng động cơ của các loại máy móc phá nhà rất ầm ĩ, nhưng không làm át đi được lời kinh tiếng hát của cộng đoàn. Giáo dân thay nhau đọc kinh. Nhiều người nằm ngủ ngay tại hành lang Tòa Tổng giám mục và trong các nhà bạt mới được dựng ở sân.

Mấy bà đạo đức nào mang ra mấy rổ bánh mình ngọt đã sớm bán không hết trước nửa đêm.

Các thầy chủng sinh là những người mang thánh giá nến cao lặng đứng uy nghiêm lặng thinh giữa lòng phố trước nhiều hàng thép gai rực cháy những ngọn nến của niềm tin và tình yêu công lý và sự thật. Các thầy cũng thay nhau cất lên những bài thánh ca hòa bình, thánh thiện, đầy niềm tin tưởng, hy vọng và phó thác vào tình yêu và sự quan phòng của Thiên Chúa. Tôi nghĩ đấy là tin mừng cho chính những người đối diện đang sử dụng bạo quyền để trấn áp và cướp đoạt.

Gần nửa đêm mà các nữ tu Mến Thánh Giá đi học và đi làm về mà vẫn chưa thể qua mấy lớp hàng rào kẽm gai và hàng rào sắt di động để về nhà mình. Đêm nay các dì có lẽ sẽ ở ngoài phố suốt đêm cùng cộng đoàn thôi. Còn các dì mang tu phục ở bên 31 Nhà Chung, vì không thể sang bên này hàng rào kẽm gai và cảnh sát cơ động thì các dì cũng bắc ghế ngồi vỉa hè suốt đêm hướng ra Tòa Khâm Sứ hát thánh ca cầu nguyện cùng cộng đoàn bên này.

Sáng ngày 20/9:

Tiếp tục phong tỏa ngày thứ hai thế này không biết các dì sẽ ăn gì uống gì đây? Gần sáng cộng đoàn dâng những lời nguyện tự phát cực kỳ cảm động. Khoảng hon 6 giờ lễ ở nhà thờ xong, cộng đoàn đông đảo lại đang tới, các bà giáo dân ở nơi xa về đang quét dọn khu vực Tòa TGM. Các nữ tu nam tu của các dòng tu đều đã có mặt cả ở đây. dù chẳng làm được gì thì cũng có mặt để hiệp thông và cầu nguyện.

Từ sáng sớm hôm qua đến nay, toàn bộ khu vực Tòa TGM và 31 Nhà Chung, cùng nhiều nhà dân trong khu vực bị hoàn toàn đảo lộn nếp sinh hoạt thường ngày. Không ai có thể tiến hành các sinh hoạt của mình một cách bình thường. Ngay cả chuyện gọi điện thoại bây giờ cũng không được. Chuyện còn dài mà chúng tôi xin tường thuật tiếp trong những giờ tới...

Các mạng điện thoại trong khu vực đã bị cắt hết sóng.

Tòa Khâm Sứ lúc 5giờ sáng 20/9:

Sáng nay Cha Laurenso Chu Văn Minh, Giám Đốc Đại Chủng Viện Thánh Giuse Hà Nội, theo lịch thường lệ, cha dâng lễ cho các nữ tu Dòng Mến Thánh Giá Hà vào lúc 5 giờ sáng.

Nhưng hôm nay quãng đường từ Toà Tổng Giám Mục sang dòng Mến Thánh Giá tuy rất ngắn (20m), nhưng Ngài đã gặp không biết bao nhiêu cản trở bởi những hàng rào thép gai, hàng rào đội ngũ công an, cảnh sát cơ động đã ngăn cản không cho Ngài sang.

Mặc dù Cha, các thầy giúp lễ và các nữ tu dòng Mến Thánh Giá đã nói hết lời với các cán bộ có trách nhiệm nhưng thái độ của họ lì lợm không thèm đáp lại một lời nào.

Sau một hồi chờ đợi các cán bộ giải quyết mà không thấy động tĩnh gì cả, cha đã quay về trong thái độ đầy bức xúc vì quyền tự do tôn giáo, quyền hành lễ bị cấm. Thế là các nữ tu Mến Thánh Giá hôm nay bị 'Đói', không phải đói cơm bánh mà là "đói lương thực thiêng liêng".
 
Video hình ảnh phá Tòa Khâm Sứ- Nhưng niềm tin vẫn bất diệt... Hãy Thắp Sáng Lên
VietCatholic
23:43 19/09/2008
Hàng hàng lớp lớp những hàng rào sắt và dây kẽm gai vô hình được dựng lên ở khắp các vùng quê Miền Bắc mấy tuần nay không ngăn cản được khát vọng đi tìm công lý và sự thật của những con người khốn khổ này thì làm sao 4 hàng rào sắt cũng với những vòng kẽm gai di động ỏ một đoạn phố Nhà Chung có thể khiến cho các tín hữu chùn bước trên con đường hành hương tìm công lý? Giáo dân các giáo xứ trong Tổng giáo phận Hà nội kéo về khá đông, dù bị chặn đường. Họ thay nhau đọc kinh cầu nguyện. Dù tiếng động cơ của các loại máy móc phá nhà rất ầm ĩ, nhưng không làm át đi được lời kinh tiếng hát của cộng đoàn. Giáo dân thay nhau đọc kinh.

Hình ảnh sống động Chính quyền CSVN đã dùng xe cơ giới cả lực lượng công an cảnh sát muốn đè nát Niềm Tin của của người Công giáo Việt Nam, nhưng họ không thể làm gì được đâu! Nến sáng trong tay và bài hát câu kinh "Cho con Vững Tin" và "Thắp Sáng Lên" sẽ cho chúng ta cảm nghiệm được sức mạnh vô hình linh thiêng ấy.
 
Liên Đoàn CGVN tại Hoa Kỳ hiệp thông với Giáo Hội Việt Nam
LM. Giuse Nguyễn Thanh Liêm
23:55 19/09/2008

Ngày 19 tháng 9, 2008

Hiệp Thông với Giáo Hội Việt Nam

Kính gởi:

- Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam
- Đức Cha Giuse Ngô Quang Kiệt, Tổng Giám Mục Hà Nội
- Đức Cha Dominic Mai Thanh Lương, giáo phận Orange
- Quý Đức Ông, Linh Mục, Phó Tế, Tu Sĩ và cộng đồng dân Chúa tại Hoa Kỳ

Trong những tháng ngày vừa qua, Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ và cộng đồng dân Chúa tại Hoa Kỳ theo dõi và đồng hành với Đức Tổng Hà Nội, với quý Cha và Tu Sĩ Dòng Chúa Cứu Thế, cùng với Giáo Dân tại Thái Hà, Giáo Phận Hà Nội, trong việc yêu cầu chính quyền địa phương giải quyết và giao hoàn tài sản của giáo xứ để dùng trong việc phục vụ các nhu cầu sinh hoạt tâm linh của giáo dân.

Hiện tại, chính quyền địa phương đối với sự việc Thái Hà, vẫn chưa chứng tỏ thiện chí đưa ra những đề xuất cụ thể với hướng giải quyết tích cực. Ngược lại còn có những động thái quá đáng như liên tục lên tiếng kết án, hăm dọa, khủng bố, bắt bớ, đánh đập các tu sĩ, giáo dân tham gia cầu nguyện, lại còn chế tác giấy tờ, bằng chứng giả mạo, thông tin một chiều trên truyền hình, truyền thông và báo chí trong nước, do đó đang gây ra rất nhiều hoang mang, bất bình và phản đối không những ngay ở Việt Nam, mà còn ở các quốc gia yêu chuộng Tự Do, Hòa Bình, Công Lý và Dân Chủ.

Hậu quả của những hành động không cần thiết này đang làm thay đổi cách nhìn, niềm tin, và lòng thiện cảm của rất nhiều người đang có đối với một Việt Nam đang trên đường đổi mới để có thể hòa nhập vào sự thịnh vượng chung của cộng đồng thế giới, và cũng ảnh hưởng trầm trọng đến những quyền lợi chính trị, ngoại giao, kinh tế và thương mại cho đất nước nữa.

Hôm nay Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ lại được tin Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội đã phải gởi một Thư Khiếu Nại Khẩn Cấp đến Chủ Tịch Nước, Thủ Tướng và các cấp chính quyền Việt Nam liên hệ, cho biết chính quyền địa phương Hà Nội đã dùng 'một lực lượng hùng hậu gồm cảnh sát cơ động, cảnh sát trật tự, nhân viên an ninh, dân phòng, chó nghiệp vụ, đã tập trung phong tỏa Tòa Giám Mục Hà Nội', cũng như song song tiến hành việc 'phá rỡ hàng rào và một số hạng mục, cày xới mặt tiền' của Tòa Khâm Sứ, đi ngược lại với những lời cam kết tích cực, uy tín và đầy trách nhiệm của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng hồi đầu năm 2008 là sẽ giao hoàn tài sản này cho Giáo Hội Việt Nam, qua Giáo Phận Hà Nội. Hành động đơn phương của chính quyền địa phương Hà Nội nói trên, cũng đang phá hủy trầm trọng đến những thành quả khả quan đang đạt được từ trước đến nay, qua đường lối Ngoại Giao và Đối Thoại, do Tòa Thánh Roma và Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội chủ trương và cùng tiến hành với những vị trách nhiệm cấp chính quyền trung ương.

Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ xác định việc ủng hộ - trong tinh thần Cầu Nguyện ôn hòa và Hiệp Thông - những yêu cầu hoàn toàn chính đáng của Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội, trong lá Thư Khiếu Nại Khẩn Cấp nói trên, và cũng hy vọng những yêu cầu này sớm được giải quyết trong chiều hướng tích cực và trách nhiệm, có lợi cho đất nước và người dân.

Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ mời gọi quý Linh Mục, Tu Sĩ và Giáo Dân trên Hoa Kỳ tiếp tục một lòng một ý cùng hướng về Việt Nam, về Hà Nội, về Tòa Khâm Sứ, về Giáo Xứ Thái Hà. Xin hãy tiếp tục cầu nguyện cho hàng Giáo Phẩm Việt Nam, đặc biệt cho Đức Tổng Hà Nội, cho tất cả giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân của giáo phận Hà Nội trong tình hình hết sức căng thẳng như hiện nay, cũng như cố gắng tranh thủ ảnh hưởng của các cấp Chính Quyền và Giáo Quyền địa phương và trung ương Hoa Kỳ, sao cho những nỗ lực đòi hỏi công bằng và chân lý của Giáo Hội Việt Nam nói chung, và của giáo phận Hà Nội nói riêng, sớm có kết quả. Chúng ta cũng không quên cầu nguyện cho những vị có trách nhiệm được ơn khôn ngoan, can đảm và sáng suốt để sẽ giải quyết vấn đề tốt đẹp.

Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ đánh giá cao những thiện chí, những đóng góp và hy sinh của hàng Giám Phẩm Việt Nam, của nhiều Linh Mục, nam nữ Tu Sĩ, và nhiều người Công Giáo Việt Nam trong bao nhiêu năm qua, trong công cuộc xây dựng đất nước và xã hội Việt Nam giàu mạnh, văn minh, công bình và bác ái.
Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ đáng tiếc cũng nhìn thấy những giới hạn do chủ quan đặt ra cản trở các công việc bác ái và phục vụ công ích của Giáo Hội Việt Nam ở trên toàn cõi Việt Nam, do một thiểu số thuộc chính quyền địa phương vẫn còn có những thành kiến, nghi kị, hay thiếu thông tin và hiểu biết đứng đắn về đường lối và tôn chỉ của Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ nói chung, và của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam nói riêng.

Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ hy vọng rằng, chính phủ Việt Nam sẽ hết sức lưu ý đến những nhận định khách quan, trung thực và rất có lợi cho tương lai Việt Nam của ông John D. Negroponte, Thứ Trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ, vừa tuyên bố với các Doanh Nhân và Thương Gia Hoa Kỳ, vào ngày 17 tháng 9, 2008 tại Hồng Kông sau chuyến thăm viếng Việt Nam mới đây, rằng 'Mối quan hệ với Việt Nam hiện đã bước vào chương mới, biểu tượng là chuyến thăm viếng Việt Nam của Tổng Thống Bush trong năm 2006 và chuyến đi của Thủ Tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đến Washington vào tháng Sáu vừa qua. Tuần vừa qua, tôi đã đến Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh và chứng kiến tận mắt những sự chuyển đổi của đất nước này kể từ khi tôi làm việc ở Sài Gòn vào thập niên 1960. Hoa Kỳ và Việt Nam hiện tại cùng thưởng thức những sự trao đổi mậu dịch đáng kể; một sự hợp tác kinh tế chặt chẽ; sự liên hệ chung về quân sự-với-quân sự; hợp tác thành công về sức khoẻ và những vấn đề về phát triển; có mối liên hệ mật thiết và phát triển về văn hóa và giáo dục. Cố gắng của Việt Nam để hội nhập vào nền kinh tế chung của thế giới đã trở thành một thành tố quan trọng với sự tăng trưởng đáng kể trong 15 năm vừa qua. Chúng tôi đã khuyến khích các nhà lãnh đạo Việt Nam tiếp tục những cố gắng đó, sẽ giúp nâng cao đời sống của hàng triệu người dân đang đối mặt với nghèo khổ và mở ra nhữn cơ hội cho việc kinh doanh giữa người Việt Nam và Hoa Kỳ. Việt Nam đã và đang theo đuổi một đường lối phát triển tương tự như các nước láng giềng thành công: Khuyến khích kinh doanh tư, thành lập những cơ quan pháp lý và Việt Nam tự mở ra sự trao đổi toàn cầu qua việc trở thành Hội Viên của những tổ chức như APEC và WTO. Chúng tôi mừng cho những thành đạt của người Việt Nam. Đồng thời, chính phủ Hoa Kỳ vẫn tiếp tục lưu ý Việt Nam nỗ lực hơn trong việc tôn trọng Tự Do Nhân Quyền và Tự Do Tôn Giáo'.

TM. Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ
Chủ Tịch
 
Niềm tin của tôi đã mất
JB Nhật Anh
23:57 19/09/2008
Niềm tin của tôi đã mất

Ngày hôm nay chính quyền cs Hà Nội đã sử dụng các lực lượng vũ trang phong toả toà Khâm sứ và Toà Tổng giáo phận Hà Nội để thực hiện môt dự án “siêu tốc” (diễn ra trong vòng chưa đầy 24 tiếng sau khi công khai dự án) nhằm biến khu vực này thành một vườn hoa công cộng. Điều này thể hiện sự quyết tâm không nhượng bộ của chính quyền cs Hà Nội trước những đòi hỏi chính đáng của toà TGM Hà Nội và cộng đồng dân Chúa trong suốt thời gian qua. Những người không tìm hiểu nguồn gốc và quá trình sử dụng khu đất này của chính quyền Hà Nội sẽ cho đây là một giải pháp hợp lý, bởi dự án này được “cấp tốc” lập nên phục vụ cộng đồng. Phải chăng việc làm này của đảng cs thể hiện sự quan tâm của họ với cộng đồng chăng? Xin thưa sự thật KHÔNG phải như vậy!

Giáo hội Công giáo Việt Nam và những người am hiểu lịch sử của toà Khâm sứ và quá trình khiếu nại yêu cầu chính quyền cs trao trả lại khu đất Thánh thiêng này coi đây là sự xâm phạm tài sản Giáo hội và sự xúc phạm nghiêm trọng của chính quyền cs đối với tình cảm tôn giáo của cộng đồng tín hữu Công giáo Việt Nam trong cũng như ngoài nước. Quyết định này cũng đi ngược lại tiến trình cải thiện quan hệ giữa Việt Nam và toà Thánh Va-ti-căng.

Câu hỏi là: Tại sao chính quyền lại hành động một cách thô bạo và trái pháp luật như vậy? Người ta lý giải đơn giản là chính quyền csvn không muốn chấp nhận sự thật và tôn trọng công lý. Họ cũng không thành tâm công nhận và sửa chữa những việc làm sai trái của mình trước những người yếu thế.

Trong khi nhiều người hy vọng vấn đề được giải quyết sau chuyến thăm khu Toà Khâm sứ một cách đột xuất của ông thủ tướng Nguyên Tấn Dũng trong thời gian giáo dân Hà Nội cầu nguyện hồi đầu năm nay, thì cũng có người hồ nghi về thẩm quyền của giải quyết của ông. Tuy nhiên sự thật là kể cả khi ông có thành tâm giải quyết vấn đề này thì ở Việt Nam, thủ tướng cũng không phải là người quyết định. Ông chỉ có thể thực hiện những nghị quyết của bộ chính trị đảng cs VN mà người đứng đầu là tổng bí thư. Vì vậy việc không cứu xét nguyện vọng và yêu cầu chính đáng trả lại toà Khâm sứ cho giáo hội được xem là sự chỉ đạo của bộ chính trị đảng cs VN. Và tất nhiên đây cũng sẽ là kịch bản mà đảng cs sẽ áp dụng đối với khu đất tại Thái Hà. (Người ta đã thấy nhiều hàng rào sắt đã được đưa tới khu đất của Dòng Chúa Cứu Thế vài ngày nay).

Chính quyền cs đã kết hợp nhuần nhiễn giữa những chiêu thức bịp bợm nhằm đánh lừa dư luận bằng hệ thống truyền thông một chiều với những chiêu thức như nguỵ tạo thông tin, sử dụng nhân chứng giả, giả mạo giấy tờ…(như trong trường hợp Thái Hà) với công cụ chuyên chính vô sản là bạo lực cách mạng để áp đặt những quyết định bất công trước những đòi hỏi chính đáng của người dân. Và đấy là cách mà họ cho là để ổn định xã hội, nhưng thực chất là nhằm duy trì sự thống trị của đảng cs trên đất nước Việt Nam. Tuy nhiên những việc làm này đã bị lật tẩy.

Hôm nay sau khi nhận được tin dữ và tận mắt chứng kiến cảnh tượng khu vực Toà Khâm sứ đang bị bạo quyền xâm phạm bằng vũ lực, như đang chuẩn bị “ăn tươi nuốt sống” những ai dám đòi lại tài sản của mình và sẵn sàng cho một cuộc đàn áp bằng bạo lực quy mô lớn trước sự chứng kiến của hàng trăm người cả tu sỹ, giáo dân và lương dân thì bức màn nhung che đậy của đảng cs cho những cái gọi là Chính sách về tự do tôn giáo, Quyền khiếu nại tố cáo của công dân, Công cụ chuyên chính của những người cộng sản, Nhà nước pháp quyền xhcn cuả dân, do dân, vì dân và Xây dựng một xã hội Việt Nam dân chủ văn minh đã bị xé toạt để lộ ra bộ mặt thật gớm ghiết của chế độ với dùi cui, súng đạn, dây thép gai, các phương tiện phá huỷ, thiết bị phá sóng điện thoại, biển cấm quay phim chụp ảnh, cảnh bắt và đánh phóng viên quốc tế, những bộ mặt sắc lạnh của cảnh sát cơ động và công an cùng với sự xuất hiện của cả chó nghiệp vụ.

Chính quyền cs Hà Nội đã đặt ra một hàng rào ngăn không cho giáo dân vào khu đất toà Khâm sứ để che đậy những việc làm khuất tất và sự gian manh của họ. Chính họ đã và đang tạo ra những hàng rào hữu hình và vô hình chia rẽ mối đoàn kết dân tộc, giữa giáo hội công giáo với chính quyền cs Việt Nam, giữa kẻ yếu thế và kẻ mạnh, giữa những dân lành và giai cấp thống trị, giữa người bị áp bức và bè lũ áp bức, giữa chính nghĩa và bất công, giữa ôn hoà và bạo lực, quyền lực của sự dữ và niềm tin vào Thiên Chúa.

Giờ đây niềm tin trong tôi và trong rất nhiều người công giáo trên đất nước Việt Nam này vào sự tuyên truyền và vai trò lãnh đạo của đảng cs đã chết. Tôi đã mất niềm tin vào chế độ cs luôn tự cho mình là tiến bộ và văn minh bởi vì tôi thấy đảng cs đang hành động trái ngược với những gì họ tuyên bố với nhân dân và quốc tế. Những biểu hiện cụ thể là việc đảng cs Việt Nam đang:

- cố tình không chịu nhận ra những sai lầm của mình để sửa chữa và tự cho mình luôn đúng;
- không chịu lắng nghe tiếng nói và đáp ứng nguyện vọng của người dân trong khi luôn tuyên truyền về triết lý “lấy dân làm gốc”;
- dùng những thông tin xuyên tạc sự thật nhằm tạo “dư luận lên án” và đổ lỗi cho người dân;
- sẵn sàng dùng bạo lực cách mạng trước nhân dân nhằm bắt dân phải tuân theo những quyết định sai trái của mình;
- và còn nhiều những trò gian manh khác mà nhiều người đã nhận ra.

Lạy Chúa, hôm nay tình cảm tôn giáo của chúng con đang bị thử thách bởi bạo quyền ngay trên quê hương mình, xin Chúa cho chúng con biết dũng cảm bảo vệ công lý và sự thật và thực hành lời Chúa nói với chúng con qua các tông đồ “Các con đừng sợ những kẻ giết được thân xác nhưng không giết được linh hồn” (Mt 10, 26-33)!

Đêm 19 tháng 9 2008
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Tắm Sông
Josephhoa Phạm
08:08 19/09/2008

TẮM SÔNG



Ảnh của Josephhoa Phạm.

Quê hương hai chữ dễ thương

Ở xa càng nhớ càng vương nổi buồn

Nhớ khi còn bé tắm truồng

Dầm mưa đùa giỡn chèo xuồng qua sông.

(Trích thơ của Trần Phong)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền