Ngày 17-09-2008
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Lòng tốt của Thiên Chúa
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
11:17 17/09/2008
LÒNG TỐT CỦA THIÊN CHÚA

(Chúa Nhật 25 A)

1. Hai sự kiện.

Báo Người Lao Động số 23.1993 có đăng bài: Chợ Người Hà nội. Người Hà nội bấy lâu nay đua nhau xây nhà. Nếu thiếu nhân công lặt vặt là có thể ra ngay chợ người mua sức lao động. Đội quân từ các tỉnh về Hà nội thường xuyên có đến hai ba chục ngàn người. Rỗi việc nhà nông, ở quê không có người phụ...không việc làm, họ ra Hà nội, tụ tập nhiều nhất là dọc đường đôi Giảng võ, trục đường dài theo đê Đại la, xuống Láng. ..đến chợ Mộc...Công việc có nhiều giá. Việc lặt vặt như dọn đất đá, khuân gạch tô vôi, quét vôi lóc thì khoán từ A đến Z, hoặc là cơm chủ hai bữa cộng tiền công ba, bốn ngàn, hoặc là tự lo bữa ăn. .thì 5,6 ngàn một ngày. Tiền công như vậy là rẻ mạt. Cũng đành vậy thôi. Họ chỉ có đôi tay. Và còn hơn là không có việc. Người thuê cũng có ít. Vì ngại, vì sợ người làm công quen cửa quen nhà mình rồi, làm xong biết đâu người ta “xin đểu”,”trộm cắp, nhờ vả”. ..rách việc thêm.

Báo Tuổi trẻ ngày 4.4.1996 có đăng bài: Chợ Người Ơ Định Quán. Nếu như ở Hà nội, dòng người xuất phát từ nông thôn đổ xô về thành thị “nhóm chợ’ tìm việc làm thì tại Định Quán (Đồng nai), một khu chợ mới đã hình thành trên quốc lộ 20 với những đặc trưng của nó. Đó là những người lao động hình thành từ những làn sóng “di dân tự do’ it đất, không có tư liệu sản xuất, đành phải bán sức lao động kiếm sống...Vùng này là vùng có nhiều đất, có nhiều đá lộ đầu nên việc dùng cơ giới trong nông nghiệp bị hạn chế. Do đó nhu cầu về lao động rất cao.Từ tháng tư đến tháng mười hai, thời gian diễn ra vụ trồng, ngày ngày có hàng trăm lao động tụ tập ở “chợ” chờ đợi. Những ngày cao điểm, vào vụ lên đến bốn năm trăm người. Những chiếc xe cải tiến, xe máy xới chạy ì ạch, chở đầy những lao động từ “chợ người” đi về các vườn cây, các nương rẫy. Mỗi lao động được từ 15.000 – 20.000đ /ngày. Những ngày cao điểm có thể đến 30.000 – 40.000đ. Hôm sau, mờ mờ sáng chợ lại đông.

2. Trọng tâm dụ ngôn

“ Quả thế, về Nước Trời thì cũng như một gia chủ kia, ngay vừa tảng sáng, đã ra thuê thợ cho vườn nho của ông. ..” Giữa một “chợ người” thời Chúa Giêsu ở đất nước Do Thái, tương tự như “Chợ người Hà nội” hay “Chợ người Định quán” bây giờ, một xã hội ít việc nhiều người, các ông chủ ra thuê thợ làm việc và trả công nhật. Chúa Giêsu đã quan sát và lấy hình ảnh cụ thể này ở Do thái để mạc khải mầu nhiệm Nước Trời. Người kể dụ ngôn ông chủ vườn nho với các thợ làm việc các giờ khác nhau trong ngày. Tiền công nhật là 1 đồng, giá thỏa thuận như một ngày công lao động 15.000đ – 20.000đ Gia chủ thuê thợ làm vườn nho vào các giờ giấc khác nhau. Ở Do thái một ngày bắt đầu từ lúc 6 giờ chiều: - 3 giờ là 9 giờ sáng - 6 giờ là 12 giờ trưa - 9 giờ là 3 giờ chiều - 11 giờ là 5 giờ chiều

Theo lệ thường công nhật sẽ chấm dứt lúc 12 giờ tức là 6 giờ chiều. 5 giờ chiều ông chủ còn ra thuê nhân công. Những người làm từ giờ 11, họ chỉ làm việc 1 giờ là nghĩ. Trong khi đó người làm từ sáng, lao động 12 giờ. Vậy mà cuối ngày khi trả lương, ông chủ lại trả bắt đầu từ người sau hết là 1 đồng. Những người làm trước tưởng là được nhiều hơn, nhưng cũng chỉ 1 đồng mà thôi. Họ phản đối, họ trách móc vì họ bị hai thiệt thòi: kẻ khác làm 1 giờ mà họ 12 giờ, kẻ khác làm lúc trời đã mát mẻ, họ làm cả ngày dưới trời nắng gió nóng của miền Địa Trung Hải. Họ hụt hẫng và khó chịu với chủ. Nếu ông chủ trả lương cho người làm sau ít hơn, chắc họ chẳng hề tỏ vẻ khó chịu. Nếu họ không hay biết số tiền mà ông chủ trả cho người làm sau chắc là họ vui vẻ và biết ơn khi trở về nhà. Nhưng vì biết được nên họ giận dữ và ghen tị. Rõ ràng người ghen tị không vui được với người vui, vì họ không biết yêu thương. Họ coi người kia là kẻ thù, chứ không là bạn. Vì vậy, sự thành công của ai đó đã trở thành nổi đe dọa, ghen tức. Vậy thì ông chủ có bất công không? Chắc chắn là không. Vì ông trả đủ số tiền đã thỏa thuận tức là 1 đồng. Chính ông chủ trả lời: Này bạn, tôi đâu có xử bất công với bạn, bạn chẳng thỏa thuận với tôi là 1 đồng hay sao? Cầm lấy phần bạn mà về đi, còn tôi, tôi muốn cho ai là tùy tôi, chẳng lẽ tôi không có quyền tùy ý định đoạt là những gì của tôi sao? Hay vì tôi tốt bụng mà bạn ghen tức ? Đây là điểm chính của dụ ngôn. Hành động của ông chủ không phải là do ông ta bất thường, bất công, nhưng do ông chủ tốt lành.Tốt ở chỗ là không muốn ai phải thua thiệt sút kém. Ông muốn ai cũng may mắn, ai cũng có tiền về nuôi gia đình. 1 đồng ông phát cho người làm giờ 11 không phải là do công bình. Đồng bạc ấy là do lòng tốt của ông ban tặng. Trọng tâm của dụ ngôn là việc phân phát lương bổng lúc cuối ngày. 3. Ý nghĩa dụ ngôn

Gia chủ là Thiên Chúa. Các tay thợ là loài ngươì nhận ra Thiên Chúa qua nhiều thời kỳ khác nhau. Thợ làm giờ thứ 11 là người tội lỗi. Làm vườn nho là vào Nước Trời và thực thi luật pháp nước Trời. Các thợ cằn nhằn là nhóm Pharisiêu, Luật sĩ. Họ ghen tương vì Chúa Giêsu đối xử khoan dung với người tội lỗi, yêu thương dân ngoại. Các thợ làm ít lãnh nhiều là các người ngày hôm qua sống trong tội lỗi, ngày hôm nay là công dân Nước Trời. 1 đồng là vé vào Nước Trời. Kẻ làm trước người làm sau, tất cả đều được Thiên Chúa ban cho Nước Trời. Thiên Chúa ban cho ai là do lòng tốt của Ngài. Yếu tố chính Đức Giêsu nhấn mạnh là Thiên Chúa rộng rãi vô cùng. Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót đối xử rất nhân từ với mọi người. Đặc biệt đối với dân ngoại là những người được gọi vào Giáo hội qua những giờ sau hết. Đối với những người này Thiên Chúa cũng ban cho mọi quyền lợi và đặc ân như người Do thái là những kẻ được gọi từ đầu. Thiên Chúa thì nhìn nhận sự việc theo lòng lân tuất của Ngài. Con người thì nhìn theo quyền lợi, tính toán hơn thiệt. Thiên Chúa ân thưởng, trả công cho ai tùy theo lòng tốt của Ngài. Sự trả công của Ngài không làm thiệt hại ai, vẫn luôn bảo đảm tính công bằng.

Qua dụ ngôn này Chúa Giêsu muốn minh chứng rằng: trong cách thức hành động của mình, Thiên Chúa không đi theo những qui tắc lề luật của sự công bình hạn hẹp, khô cứng, Ngài chỉ thực thi theo sự tốt lành của mình, theo thúc đẩy bởi tình yêu của mình. Ngài hào phóng trong tình thương xót và hoàn toàn tự do trong các việc thiện hảo. 4. Sứ điệp Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta đối xử nhân hậu với người khác. Hãy tránh xa lối nhìn thiển cận theo cảm tính, theo tính vị kỷ, theo quyền lợi cá nhân. Không nên ghen tị khi người khác có tài đức hơn, giàu có hơn, xinh đẹp hơn. Hãy bằng lòng với cái mình đang có và cố gắng phát triển nó lên. Ai cũng được Chúa ban cho những khả năng khác nhau. Người 5 nén, người 2 nén, người 1 nén. Ngày ra trước mặt Chúa, Chúa không hỏi: con đã làm những gì, ông này hay bà nọ. Chúa chỉ hỏi về lòng mến, mến Chúa và yêu thương tha nhân. Con đã yêu mến Thầy và tha nhân không ? Chính tình yêu trong công việc là thước đo mà Chúa Giêsu đòi hỏi nơi mỗi người chúng ta. Những người thợ được thuê làm vườn nho vào những giờ khác nhau, đó là hình ảnh những người được mời vào Giáo hội qua Bí Tích Rửa Tội vào những tuổi đời khác nhau. Sống trong Giáo hội mọi người đều là con cái của Chúa, không phân biệt giàu nghèo sang hèn. Ai cũng được Thiên Chúa thương xót. Đã là thương xót thì không còn đứng trong ranh giới công bình.Thiên Chúa thưởng công cho ai là tùy lòng tốt của Ngài. Cùng nhau làm việc Tông Đồ Truyền Giáo là bổn phận mỗi người Kitô hữu. Phần thưởng là do lòng tốt Chúa ban. Như thế chúng ta sẽ xây dựng được Nước Trời giữa trần gian.
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:07 17/09/2008
GIÁC NGỘ

N2T


- “Con phải làm như thế nào mới có được cái tâm sáng và nhìn được tính của mình ?”

- “Thì giống như con không thể khiến cho mặt trời mọc lên ở phương đông, đối với biên giới giác ngộ cao nhất thì con cũng không thể làm được.”

- “Vậy thì phương pháp tu trì mà thầy dạy đó dùng như thế nào ?”

- “Chỉ là để con trong khoảnh khắc mặt trời mọc lên ở phương đông: đừng có ngủ.”


(Trích: Huệ nhãn thiền tâm)

Suy tư:

Có nhiều phương pháp để đạt đến mức độ tâm sáng để nhìn được chính mình, các phương pháp ấy gọi là tu đức, chẳng hạn như phương pháp linh thao của thánh I-nha-xi-ô, hoặc phương pháp linh thao của các thánh Đa-minh, thánh Phan-xi-cô.v.v...

Nhưng tất cả phương pháp linh thao ấy đều là giúp chúng ta không ngủ mê trong khi chờ Chúa đến, chứ chúng ta không thể ra lệnh cho Chúa đến vì phương pháp linh thao của chúng ta.

Ai cũng muốn tâm mình sáng để thấy được tâm tính của người khác, và rất ít người muốn tâm mình sáng để thấy được chính mình, cho nên cộng đoàn sản sinh ra nhiều người ghen tị, sản sinh ra nhiều người kiêu ngạo, sản sinh ra nhiều người thích phê bình khuyết điểm của anh chị em, mà không nhìn thấy cái lỗi to lớn của mình.

Phương pháp tu đức làm cho chúng ta giác ngộ được chân lý chính là Thiên Chúa, để đồng thời chúng ta cũng thấy được đức ái chính là sợi giây liên kết giữa con người với nhau, và giữa con người với Thiên Chúa.
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:08 17/09/2008
N2T


34. Cầu nguyện là con đường điều khiển của thánh đức, là con sông của thánh sủng, là kho của thần ân.

(Thánh nữ Teresa of Avila)
 
Chiến thắng lòng ghen tị
LM Inhaxiô Trần Ngà
19:54 17/09/2008
Chiến thắng lòng ghen tị

(Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật 25 thường niên. Matthêu 20, 1-16)

Cuối ngày, những người thợ vườn nho đi làm từ sáng sớm, đã được lãnh tiền công đúng như đã thoả thuận với chủ từ đầu, thế nhưng họ vẫn không hài lòng, lại còn lẩm bẩm kêu trách chủ vườn đã cho những người đến làm sau được hưởng đồng lương bằng họ. Họ tỏ ra bất bình và ghen tị với các đồng nghiệp chỉ vì những người nầy ít tốn mồ hôi hơn mà cũng được hưởng tiền lương bằng mình.

Lòng ghen tị đã xuất hiện từ khởi thuỷ loài người. Cain ghen tị với Aben là người em yêu quý của anh chỉ vì lễ vật của Aben được Chúa thương chấp nhận, còn lễ vật của anh thì bị Thiên Chúa khước từ. Lòng ghen tị đã xui khiến Ca-in đánh chết em. Theo sách Samuen, Đa-vít là vị anh hùng tài hoa trẻ tuổi đã lập được chiến công oanh liệt, cứu nguy cho dân quân Ít-ra-en bằng cách giao chiến một-chọi-một với tên Gô-li-át khổng lồ thuộc phe Phi-li-tinh, hạ gục y chỉ bằng một phát ná bắn đá và dùng chính thanh gươm của y mà chặt đầu y. Thế rồi quân Ít-ra-en thừa thắng xông lên như nước vỡ bờ, tràn lên giết hại rất nhiều quân Phi-li-tinh thù nghịch. "Khi Đa-vít thắng trận trở về, phụ nữ từ hết mọi thành của Ít-ra-en kéo ra, ca hát múa nhảy, đón vua Sa-un, với trống con, với tiếng reo mừng và tiếng não bạt. Họ ca hát rằng: "Vua Sa-un hạ được hàng ngàn, ông Đa-vít hàng vạn". Thế là từ lúc ấy, lòng ghen tị sục sôi trong lòng vua Sa-un, khiến nhà vua phóng giáo vào Đa-vít đang khi Đa-vít gảy đàn cho vua nghe. May thay Đa-vít kịp né mình thoát chết trong gang tấc. Rồi sau đó, vua lùng sục Đa-vít tận thâm sơn cùng cốc, quyết hạ sát cho bằng được vị anh hùng kiệt xuất nầy. (Samuen I, chương 17-18)

Qua trang Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su ám chỉ đến lòng ghen tị của những người biệt phái đối với những người thu thuế và tội lỗi vì những người nầy được Chúa Giê-su yêu thương và tiếp đón. Người ta không muốn cho người khác trội hơn mình và thậm chí không muốn cho người khác được bằng mình. Ai cũng muốn mình nổi bật hơn, chói sáng hơn, vinh quang hơn người khác. Khi khát vọng nầy không được thoả mãn, và nhất là khi thấy người khác thành công, thắng lợi hơn mình, thì lòng ghen tị phát sinh. Lòng ghen tị làm xấu đi những tương quan tốt đẹp vốn có giữa anh em bạn bè. Lòng ghen tị còn xui khiến người ta làm hại nhau, làm cho xã hội chậm tiến và kém phát triển. Làm sao dập tắt được lòng ghen tị? Nó vẫn chế ngự và tiếp tục khống chế con người cho tới khi nhắm mắt tắt hơi.

Muốn thoát ra khỏi sự khống chế của lòng ghen tị, chúng ta cần sáng suốt nhận thức hai điều nầy:

1. Sự may lành của người, sự thành công của người khác luôn mang lại lợi ích cho chúng ta.

Thế giới nầy cần phải có nhiều người tài giỏi hơn bạn và tôi, càng nhiều càng tốt. Nếu ai cũng chỉ có khả năng bằng bạn và tôi thôi thì làm gì có máy bay, có TV, có điện thoại di động và máy tính!... Xã hội nầy cần phải có nhiều người giàu có hơn bạn và tôi. Nếu ai cũng nghèo như bạn và tôi thì lấy đâu ra vốn để đầu tư và phát triển và thế là quốc gia còn lâu mới thoát cảnh lạc hậu nghèo nàn. Đất nước nầy cần có nhiều người trí thức hơn, thông thái hơn, khôn ngoan hơn bạn và tôi. Nếu ai cũng nông cạn và thiển cận như tôi thì làm gì có văn minh và tiến bộ. Vậy thì hãy cầu mong cho có nhiều người trỗi vượt hơn ta về nhiều phương diện chứ đừng cầu mong người khác thua ta hoặc bằng ta, bởi vì: "con hơn cha thì nhà có phúc; sau hơn trước thì nước văn minh".

2. Tất cả mọi người làm nên một thân thể.

Qua Thánh Phao-lô, Thiên Chúa bày tỏ cho nhân loại biết rằng muôn người trên thế gian cũng chỉ là một:

"Thật vậy, ví như thân thể người ta chỉ là một, nhưng lại có nhiều bộ phận, mà các bộ phận của thân thể tuy nhiều, nhưng vẫn là một thân thể, thì Đức Ki-tô cũng vậy. Thật thế, tất cả chúng ta, dầu là Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể" I Cor 12, 12-13)

"Bởi vì chỉ có một tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể" (I Cor 10, 17)

"Mầu nhiệm này, Thiên Chúa đã không cho những người thuộc các thế hệ trước được biết, nhưng nay Người đã dùng Thần Khí mà mặc khải cho các thánh Tông Đồ và ngôn sứ của Người biết mầu nhiệm đó là: trong Đức Ki-tô Giê-su và nhờ Tin Mừng, các dân ngoại được cùng thừa kế gia nghiệp với người Do-thái, cùng làm thành một thân thể và cùng chia sẻ điều Thiên Chúa hứa." (Ep 3, 5-6)

Xin cho mọi người hiểu rằng mỗi người là một tế bào trong cùng một thân thể lớn lao là nhân loại. Nói khác đi, mỗi người chúng ta là một bộ phận trong thân mình nhân loại. Người nầy là tim, người khác là gan, người kia là phổi… Nếu trong thân thể nầy, quả tim mạnh lên thì các bộ phận khác phải mừng cho tim và mừng cho toàn thân, hà cớ gì phải buồn, vì nhờ tim mạnh mà toàn thân được khoẻ. Tim suy yếu hay ngừng đập thì toàn thân còn gì? Tương tự, nếu như phổi mạnh lên thì toàn thân phải mừng cho phổi, sao lại ghét ghen, vì nhờ thế mà cả cơ thể khoẻ mạnh an lành; chứ nếu phổi lủng, phổi nám thì toàn thân cũng phải liên quan.

Vì thế, thay vì ghen tị trước những thành công của người khác, ta hãy vui mừng hân hoan, vì sự thành công của họ đem lại nhiều lợi ích cho ta và cho toàn thể mọi người; Vì thế, thay vì buồn phiền khi có nhiều anh chị em bè bạn chung quanh vượt lên khỏi ta mà tiến tới, ta hãy thành thật chúc mừng vì nhờ thế đất nước nầy sẽ được tiến bộ, văn minh hơn.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Các nhà truyền giáo và kỹ nghệ tình dục (2)
Vũ Văn An
00:32 17/09/2008
Các nhà truyền giáo và kỹ nghệ tình dục (tiếp theo)

‘Con bạch tuộc’ độc hại và tởm gớm

Ngày 4 tháng Tư năm 2003, tại hội nghị Âu Châu về Bảo Vệ Trẻ Em Bị Lạm Dụng, Đức Ông Piero Monni, lúc ấy là Đại diện thường trực của Tòa Thánh tại Tổ Chức Du Lịch Thế Giới, đã có bài tham luận trong đó, Ngài ví ngành du lịch tình dục như con ‘bạch tuộc’ độc hại và tởm gớm. Đức Ông Monni nhắc lại rằng trong Phúc Trình năm 1993 của Cơ Quan Y Tế Thế Giới (WHO) về Các Bệnh Quốc Tế, ấu dâm (paedophilia), một đề tài được bàn tới trong chương nói về các sở thích tình dục, được định nghĩa là “một sở thích đối với trẻ em, thường ở tuổi dậy thì hay tiền dậy thì”. Tài liệu này giải thích thêm: để phạm một hành vi có thể gọi là ấu dâm, người phạm phải trên 16 tuổi và phải lớn hơn vị thành niên ít nhất 5 tuổi (WHO). Các hành vi này có thể là đồng tính, dị tính hay lưỡng tính. Các hành vi ấy có thể thực hiện qua quyến rũ, đe doạ hay tưởng thưởng. Chúng cũng có thể phát sinh từ sự thuận tình bề ngoài của vị thành niên nhất là khi vị thành niên đó vốn là người thiếu vắng âu yếm và do đó tìm được thoả mãn nơi người đã trưởng thành (WHO).

Đức Ông Monni cho rằng: Du khách tìm tình dục là người muốn làm tình với các vị thành niên và thường tổ chức các kỳ nghỉ hè vui chơi tại các quốc gia không những làm ngơ việc mãi dâm trẻ em mà còn quảng cáo để lôi cuốn du khách để kiếm ngoại tệ nữa. Tuy nhiên, nguy hiểm hơn nữa là có những quốc gia, vì các phong tục truyền thống và tôn giáo vốn lỏng lẻo hơn đối với tác phong này, đang có khuynh hướng muốn hợp pháp hóa nó. Ngành du lịch tình dục nuôi sống thị trường mãi dâm vị thành niên và đem lại lợi nhuận khổng lồ cho các hãng du lịch, là các hãng chuyên lo cho các du khác đặc biệt này, từ quảng cáo (thường là ngụy trang, nhưng đôi khi cũng rõ ràng, hụych toẹt không che đậy), tới các ‘dịch vụ’ đưa đón, nơi đến, nơi ở khách sạn hay các cơ sở nhỏ hơn nhưng đầy đủ các ‘dịch vụ đặc biệt’”.

Trong bài tham luận trên, Đức Ông Monni có liệt kê các nơi đến chính của ngành du lịch tình dục (được định nghĩa như một “ngành kinh doanh”): tại Á Châu, là Phi Luật Tân, Đài Loan, Thái Lan, Ấn Độ và Tích Lan; tại Châu Mỹ La Tinh, là Mễ Tây Cơ, Ba Tây, Venezuela; tại Phi Châu, là Kenya. Đức Ông cho hay: “Các chính sách vô lương tâm, sự tham lam kinh tế của giai cấp được ưu đãi tại địa phương, sự nghèo khổ của một số quốc gia và nỗi gian lao để sinh tồn của dân chúng đã tạo nên cái tủy, cái nền để hình thức nô dịch hóa mới mẻ này phát triển. Thêm vào đó, ta phải kể tới áp lực kinh tế về phía các nhà đầu tư ngoại quốc đối với khu vực du lịch tại các quốc gia đang mở mang và sự lôi cuốn của hàng tiêu dùng từng kích thích các nước đã kỹ nghệ hóa cao”.

Đức Ông Monni nói thêm: “Nếu Thái Lan, Căm Bốt và Miến Điện đang đầy rẫy các du khách thèm khát tình dục với vị thành niên, thì Phi Luật Tân cũng đang phải trả giá cho tính vô luân, phần lớn do gia tài nhận được từ người Nhật thời chiếm đóng trong thập niên 1940 và sau đó là người Mỹ. Các căn cứ quân sự hiện diện trên đất Phi trong Thế Chiến II đã trở thành các trung tâm phát triển ấu dâm nơi một dân tộc bị khốn khổ vì thiếu phát triển. Thái Lan cũng thế, trong thời chiến tranh Việt Nam, cũng đã đón tiếp hàng ngàn binh lính Bắc Mỹ, là những người đã để lại một ký ức đáng buồn về sở thích tình dục đối với các vị thành niên.

“Cần phải nói rằng ngày nay, bất hạnh thay, trong các khu vực có chiến tranh tại nhiều lục địa khác nhau, kể cả Âu Châu, không ít binh sĩ vô trách nhiệm đang góp phần mở rộng kỹ nghệ làm tình với vị thành niên. Tại Olangopo, một thị trấn thuộc Phi Luật Tân, dân số chỉ hơn 4,000 người một chút, không xa Manila bao nhiêu, nhưng việc mãi dâm vị thành niên hiện đạt đến mức hết sức bệnh hoạn. Không thể nào dạo quanh một đường phố nào đó mà lại không bị một vị thành niên cản đường để chào mời làm tình. Nếu tới Ba Tây, ta sẽ thấy Fortaleza, một thành phố lớn, một trung tâm lôi cuốn ấu dâm. Các nhóm ấu dâm cũng phát sinh từ Ý, có thể chỉ hoạ huần thôi, nhưng nhất định cũng có ý định gây hại cho sự trong trắng ngây thơ của trẻ em. Tại Mễ Tây Cơ, những anh chàng Mỹ giầu (gringos) kéo đến hàng lũ và tại các khu vực biên giới với Hoa Kỳ, các băng video diễn tả các hành vi bạo loạn tình dục với vị thành niên được sản xuất với mức kỹ nghệ tại nhiều trung tâm sản xuất phim ảnh địa phương”.

“Kỹ nghệ mua vui”

Cơ quan Du lịch Thế giới định nghĩa du lịch tình dục là “ngành du lịch được tổ chức do các người điều hành các chuyến du lịch cho người khác. Họ dùng các cơ cấu và hệ thống của mình với ý định

chủ yếu là giúp đỡ các du khách kia có được các liên hệ tình dục với người địa phương” (Quy luật Đạo đức trong Ngành Du lịch Thế giới). Theo Liên Hiệp Quốc, loại du lịch này đưa lại các hậu quả xã hội và văn hóa cho cả nước đi lẫn nước tới, nhất là trong các hoàn cảnh trong đó sự bất bình đẳng về giới tính, tuổi tác, điều kiện xã hội và kinh tế của cư dân thuộc các trung tâm du lịch bị khai thác.

Ở một số nơi trên thế giới, ngành du lịch tình dục trở thành một hiện tượng tiêu thụ hàng loạt (mass consumption). Á Châu, Đông Âu và Châu Mỹ La Tinh là một số khu vực trong đó việc mua và bán thân xác con người cho mục tiêu tình dục đã trở thành ngành kinh doanh to lớn. Ở tâm điểm việc mua bán này chính là phụ nữ và trẻ em, phần lớn là các bé gái, những người yếu đuối, không ai che chở, nghèo khổ, trở thành mồi ngon cho thú tính một số đàn ông tây phương. Ngành du lịch tình dục là một lạm dụng tình dục của những du khách đàn ông hay đàn bà đối với những con người kém thế hơn mình về xã hội và kinh tế, những con người hầu hết là vị thành niên, sẵn sàng trao đổi thân xác mình, không nhất thiết để lấy tiền mà là để nhận được chút hàng hóa nào đó hay một lối sống nào đó mà nếu không dùng phương tiện này họ không bao giờ với tới được.

Việc thực hành ngành du lịch tình dục này dựa trên quan điểm lệch lạc coi một số quốc gia nghèo nàn như những nơi người ta được tự do tuyệt đối và được hoàn toàn miễn chuẩn khi thực hành những điều như làm tình với vị thành niên hay sử dụng bạo lực trong các liên hệ tình dục với đàn bà, đàn ông, người đổi phái tính, trẻ em và thiếu niên, vốn là những hành vi khó có thể thực hành tại các xứ giầu có hơn. Với cái nhìn lệch lạc như thế, những người đàn ông và đàn bà tây phương lên đường đi tìm những nơi họ nghĩ họ có thể phạm các hành vi tội ác nghiêm trọng mà hoàn toàn bảo đảm không bị truy tố, và là những nơi họ có thể kiếm được hàng trăm ngàn con gái, con trai, thiếu niên, người đổi phái tính, đàn ông và đàn bà thiếu thốn hay đang lao đao về xúc cảm sẵn sàng thoả mãn thú tính của họ.

Vì dựa trên việc khai thác những con người yếu đuối nhất, không thể tự quyết định được chính số phận mình, nên du lịch tình dục hiện là một tội ác và phải bị coi như thế trong luật lệ của nhiều quốc gia kể cả Ý và Ba tây.

Một yếu tố khác từng góp phần làm tăng gia hiện tượng du lịch tình dục và phát triển việc mãi dâm trẻ em là Chiến tranh Việt Nam, một cuộc chiến đã tạo ra khá nhiều căn cứ quân sự tại một số quốc gia Á Châu như Việt Nam, Đại Hàn, Thái Lan, Phi Luật Tân và Okinawa; lúc kết thúc cuộc chiến ấy, người ta ước lượng Sài Gòn có đến 500,000 người mãi dâm. Các căn cứ quân sự kia đã làm nhiều thành phố Á Châu lớn mạnh và còn tạo ra nhiều thành phố mới cũng như những nơi công cộng để cung cấp người bán dâm. Các bé gái và thiếu niên cũng có thể trở thành nạn nhân của thị trường tình dục cho các lực lượng gìn giữ hòa bình nữa. Như ở Mozambique chẳng hạn, sau khi ký thỏa ước hòa bình năm 1992, việc mãi dâm các cô gái từ 12 tới 18 tuổi đã được chính bộ chỉ huy lực lượng LHQ tại Mozambique (ONUMOZ) đứng ra tổ chức. Việc ấy đã bị tố cáo trong một phúc trình tựa là “Các Hậu Quả của Cuộc Tranh Chấp Vũ Trang đối với Trẻ Em và Thiếu Niên” do Graca Machel soạn thảo theo lời yêu cầu của ông Boutros Ghali, lúc ấy là Tổng Thư Ký LHQ. Phúc trình này được đệ trình cho Phiên Họp Khoáng Đại của LHQ vào tháng Tám năm 1996. Để chuẩn bị cho phúc trình Machel, 12 cuộc nghiên cứu về việc lạm dụng tình dục vị thành niên trong các tranh chấp vũ trang đã được thực hiện tại 12 quốc gia; kết quả cho thấy tại 6 trong các quốc gia được nghiên cứu này, sự hiện diện của các lực lượng gìn giữ hòa bình có liên hệ tới việc gia tăng nạn mãi dâm các vị thành niên.

Theo một Phúc trình Graca Machel mới được cập nhật hóa gần đây, được trình bầy ở New York vào tháng Mười Hai năm 2007, người ta thấy tác động của chiến tranh đối với trẻ em trong thập niên qua tàn bạo hơn bao giờ hết: chúng là nạn nhân các vụ tấn công vào trường học, bị bắt cóc và bị cưỡng bức phải đi lính, hay làm nô lệ tình dục, hoặc sống trong các điều kiện tôi đòi. Trong các vùng chiến tranh, các đe dọa đối với trẻ em càng gia tăng hơn nữa do sự kiện bạo lực giờ đây đánh thẳng vào nguồn che chở các em, đó là các bậc phụ huynh. Ann Veneman, tổng giám đốc UNICEF cho hay: “Nỗi nguy hiểm của trẻ em bị vây khốn trong chiến tranh tiếp tục gia tăng mỗi ngày. Chúng không còn phải là nạn nhân của lửa đạn nữa, nhưng càng ngày càng trở thành mục tiêu tiền định cho bạo lực, cho lạm dụng và khai thác, mặc tình để hàng trăm các nhóm vũ trang hành khổ, những nhóm chuyên xách nhiễu thường dân”. Phúc trình mới này cũng cho thấy nhiều tiến bộ thực hiện được trong lãnh vực ngăn ngừa việc tuyển dụng các binh lính trẻ em, tổ chức việc giải ngũ và tái hội nhập các em vào xã hội. Các can thiệp phối hợp của cộng đồng quốc tế cũng đem lại nhiều thành quả trong cuộc chiến đấu chống lại bạo lực tình dục. Trong lãnh vực này, ta có thể kể một số thành quả quan trọng như sau: phía các toà án quốc tế đã đưa ra các biện pháp tài phán sơ khởi, Hội đồng Bảo an LHQ đã cam kết theo dõi việc ban hành cũng như chấp nhận các đạo luật và các tiêu chuẩn quốc tế mới. Trong số ấy, phải kể tới Nghị Định Thư Nhiệm Ý đối với Công Ước Quyền Trẻ Em và Việc Can Dự của Trẻ Em vào Các Cuộc Tranh Chấp Vũ Trang, và việc chấp nhận Các Nguyên Tắc Paris để Ngăn Ngừa Việc Tuyển Dụng và Sử Dụng Trái Phép Trẻ Em vào Chiến Tranh. Phúc trình mới cũng đưa ra một số đề nghị cụ thể cho mười năm sắp tới, bao gồm việc kêu gọi các nước hội viên và xã hội dân sự nói chung hãy che chở các trẻ em hiện đang sống tại ít nhất 50 vùng có chiến tranh trên khắp thế giới, và các trẻ em đang gặp khó khăn để sinh tồn tại các xứ vừa chấm dứt chiến tranh.

Các trẻ em gái trai trong thị trường tình dục

Theo bản phúc trình Chấm Dứt Nạn Mãi Dâm, Nạn Khiêu Dâm và Buôn Bán Trẻ Em (ECPAT) do ba trường đại học Ý là Parma, Modena và Reggio Emilia phối hợp soạn thảo, thì hiện tượng trên khá phổ biến và đặc biệt có liên hệ tới các nước sau đây: Bangladesh, Lào, Căm Bốt, Việt Nam, Thái Lan, Sri Lanka, Đài Loan, Ân Độ, Ba Tây, Colombia, Phi Luật Tân, Cộng Hòa Dominique, Ukraine, Bảo Gia Lợi và một số quốc gia Châu Phi. Một số vùng hay thành phố trở thành các địa điểm nổi tiếng cho ngành du lịch tình dục và nhiều vùng hay thành phố đó trùng hợp với các vùng mãi dâm ở Amsterdam, Hòa Lan, ở Băng Cốc và Phủ Kiệt, Thái Lan và Angeles, thuộc tỉnh Pampanga của Phi Luật Tân, địa điểm đặt căn cứ quân sự đầu tiên của Mỹ tại nước này.

Tuy nhiên, phổ biến hơn cả nạn mãi dâm trẻ em là hiện tượng buôn bán người, bất chấp sự kiện này: trên phương diện luật lệ, chính phủ nào cũng bắt buộc phải che chở trẻ em khỏi bị khai thác và lạm dụng tình dục. Nguyên tắc này đã được công bố trong mọi công ước và khuyến cáo quốc tế. Như Công Ước Quyền Trẻ Em, điều 24, nói rằng: “Trách nhiệm các chính phủ là bảo vệ trẻ em khỏi bất cứ hình thức khai thác và lạm dụng tình dục nào”. Điều 35 dự liệu rằng trách nhiệm các chính phủ bao gồm việc ngăn ngừa nạn bắt cóc, bán hay trao đổi trẻ em vì bất cứ lý do nào hay dưới bất cứ hình thức nào. Cùng những cam kết ấy đã được lặp lại trong Nghị định Thư Nhiệm Ý đối với Công Ước về Buôn Bán Trẻ Em và Mãi Dâm và Khiêu Dâm Trẻ Em ban hành tháng Sáu năm 2000. Chúng tôi cũng xin nhắc tới một số chương trình của LHQ: Chương Trình Hành Động năm 1992 để Ngăn Ngừa Việc Buôn Bán Trẻ Em cũng như Việc Mãi Dâm và Khiêu Dâm Trẻ Em, và Chương Trình Hành Động năm 1996 để Ngăn Ngừa Việc Buôn Bán, Khai Thác Người và Việc Mãi Dâm.

Theo các tín liệu do ECPAT và các trường đại học Ý đã nhắc trên đây thu thập, 90-95% các du khách tình dục là đàn ông trong hạn tuổi từ 20 tới 40, thuộc đủ mọi giai cấp xã hội khác nhau.

Một trong các nơi được du khách tình dục thăm viếng nhất là thành phố Fortaleza, thuộc đông nam Ba Tây. Trong khoảng thời gian từ tháng Mười Hai năm 2004 tới tháng Giêng năm 2005, số du khách Ba Tây cũng như ngoại quốc tại thành phố này cao hơn năm trước tới 13.5%. Phần lớn việc gia tăng này là do 40% gia tăng con số du khách ngoại quốc đến từ Bồ Đào Nha, Ý, Đức và Mỹ. Phân tích các yếu tố lôi cuốn du khách tới Fortaleza, người ta thấy trong nhiều năm qua, thành phố này sở dĩ phát triển được là nhờ các chào mời làm tình rẻ tiền dành cho du khách của nó, vé máy bay hạ, khách sạn rẻ và những gói nghỉ hè “bao hàm mọi sự”. Hiện tượng này cũng đã được nhắc tới trong các cuộc điều tra của một ủy ban quốc hội và nhiều tổ chức nghiên cứu khác. Những cuộc điều tra này cho thấy nguyên nhân gây ra hiện tượng này chính là việc bị xã hội cho ra rìa, kinh tế khó khăn, nạn đói và các sáng kiến vô lương tâm của giới kinh doanh nước ngoài, các khách sạn, các làng du lịch, các quán ăn…Tại Ba Tây, người ta thấy hiện tượng này trong các khu vực du lịch chính như Rio, Salvador, Recife, Foz do Iguacu, Natal, Manaus nhưng đặc biệt là Fortaleza. Theo Văn Phòng Đặc Biệt của Tổng Thống về Nhân Quyền, 22 thị trấn thuộc Rio Grande do Norte được liệt kê trong danh sách 937 thị trấn của cả nước có nạn khai thác vị thành niên về phương diện tình dục để kiếm lời. Kiểu nói này có ý chỉ việc buôn bán trên thị trường quốc tế các vị thành niên để đẩy họ vào các hệ thống mãi dâm; khai thác các thiếu niên trong các câu lạc bộ tư nhân; sử dụng vị thành niên vào việc sản xuất phim ảnh khiêu dâm. Tại Rio Grande do Norte, tội ác liệt kê sau cùng như trên đã xẩy ra hầu như duy nhất ngay chính hay chung quanh khu vực Natal và ở một số địa điểm duyên hải khác. Tuy nhiên, nhiều thiếu niên dính dáng vào ngành du lịch tình dục này xuất thân từ các vùng xâu hơn trong nội địa nơi các em bị khai thác trong các câu lạc bộ địa phương hay trong các xuất phẩm khiêu dâm.

Năm 2005, tại Bảo Gia Lợi, tờ tuần san cả nước tên là Politika từng tố giác rằng thành phố Petrich, vốn nổi tiếng về ngành du lịch tình dục, nay có được đồng nghiệp nữa là thành phố Sandaski, một thành phố chỉ có khoảng 30,000 dân nhưng ít nhất chứa đến 2 ngàn người bán dâm.

Theo Cơ Quan Quyền Trẻ Em ở Ấn Độ, hàng trăm trẻ em bị khai thác để thoả mãn thú tính của những anh chàng ấu dâm mà chủ yếu đều là du khách nước ngoài đến Goa du lịch. Những tên ấu dâm này một là trực tiếp liên hệ với đứa trẻ hai là sử dụng các trung gian tại địa phương. Ở Châu Phi, Kenya là một trong những địa điểm được ngành du lịch tình dục lui tới nhiều nhất. Theo một cuộc thăm dò của UNICEF và chính phủ Kenya, tiến hành tại quận Diani, đông nam Malindi vào tháng Mười năm 2005, ở Kilifi và Mombasa giữa tháng Mười Một và tại Kwale vào tháng Ba năm 2006, thì khoảng 50% khách hàng lạm dụng trẻ em là đàn ông Âu Châu. Đàng khác, cuộc thăm dò này cũng cho thấy tại các thị trấn duyên hải như Mombasa, Kilifi, Malindi và Kwale, khoảng 15,000 hay 30% con gái cỡ tuổi từ 12 tới 18 thỉnh thoảng có hành nghề mãi dâm. Các khách hàng sộp của họ là Ý (18%), Đức (14%) và Thụy Sĩ (12%), sau đó là các du khách Uganda, Tanzania, Anh, Saudi Arabia và chính Kenya. Đối với UNICEF, một trong các khía cạnh nghiêm trọng hơn cả là nói chung, hiện tượng này được công luận chấp nhận. Điều ấy có nghĩa đứa trẻ nào ở Kenya cũng gặp nguy hiểm cả. Hơn 75% những người chủ yếu được hỏi để cung cấp tín liệu (phần lớn là các công nhân ngành du lịch và các đại diện kinh doanh) đều coi ngành du lịch tình dục với trẻ em một là chuyện bình thường hai là có thể khoan dung được, thậm chí còn có thể chấp nhận hoàn toàn được; chỉ khoảng 20% coi điều ấy là vô luân mà thôi.

Theo các phúc trình, việc buôn bán tình dục hiện đang liên can tới 80,000 người Ý (tuổi trung bình là 27). Sau Kenya, các nước nổi tiếng nhất là Cộng Hòa Dominique và Colombia. Các bé gái bị khai thác thường thuộc lớp tuổi từ 11 tới 15 trong khi các bé trai thuộc cỡ tuổi từ 13 tới 18. Những vụ làm tình này thường được quay phim và tải lên Internet. Các khách hàng của ngành du lịch tình dục dành cho phụ nữ thường tới Kenya, Gambia, Senegal, Cuba, Ba Tây và Colombia.

Phỏng vấn Marco Scarpati, chủ tịch ECPAT của Ý

Chấm dứt Mãi dâm, Khiêu dâm và Buôn bán Trẻ em

Về phần mình, ECPAT không hề thụ động: tại các nước có vấn đề, cơ quan này có những chương trình hợp tác và nhiều trung tâm phục hồi, trung tâm mới nhất vừa được mở tại Bảo Gia Lợi, nơi “có những em được đem tới cho chúng tôi trước đây từng tiếp cả hơn 6,000 khách hàng một năm”, chương trình huấn luyện hỗn hợp cho cảnh sát Ý và cảnh sát của nhiều nước khác, chiến dịch ngăn ngừa “vì tuổi cho du khách làm tình đã giảm đi cách đáng kể, nên ở đây ngăn ngừa phải bắt đầu với tuổi thiếu niên”. Nhưng tại sao lại là Ý? Là vì Ý vốn là xứ nguyên gốc của nhiều kẻ săn tình dục, và đồng thời cũng là nước đứng hàng đầu trong chiến dịch chống lại tội ác này. Scarpati cho hay: “Về tài trợ của chính phủ, chúng tôi đứng đầu danh sách Âu Châu và thế giới. Từ năm 2000, chúng tôi đã đưa ra nhiều cam kết như thế”. Dự tính sắp tới sẽ là Đại Hội Thế Giới Lần Thứ Ba Chống Khai Thác Tình Dục Trẻ Em và Thiếu Niên được ECPAT, UNICEF và Các Tổ Chức Phi Chính Phủ đứng ra tổ chức trước ngày Kỷ Niệm lần thứ 20 Công Ước Quyền Trẻ Em, địa điểm: Rio de Janeiro.

ECPAT là một hệ thống quốc tế gồm nhiều tổ chức cùng hợp tác với nhau để hủy diệt tận gốc việc mãi dâm, khiêu dâm và buôn bán vị thành niên cho mục đích tình dục. Hệ thống này khởi đầu tại Thái Lan năm 1991 để chống lại hiện tượng gia tăng đầy lo ngại trong việc mãi dâm trẻ em và trong việc dùng du lịch để khuếch trương tệ nạn trên. Hệ thống này làm việc mật thiết với các tổ chức phi chính phủ, cơ quan UNICEF và cơ quan ILO. Nó cộng tác với lực lượng cảnh sát tại các nước nguyên gốc của trẻ em và với cảnh sát quốc tế Interpol. Nó cũng làm việc với kỹ nghệ du lịch để chiến đấu chống lại ngành du lịch tình dục vốn bóc lột trẻ em. Nó gây áp lực với nhà cầm quyền địa phương để họ chấp nhận các biện pháp bảo vệ trẻ em khỏi bất cứ hình thức lạm dụng tình dục nào. Nó nhận diện và tố cáo hoạt động của những người bóc lột tại Ý và tại các nơi khác. Nó tham gia vận động (lobbying) để các đạo luật được thông qua hay cải thiện các đạo luật hiện hữu nhằm bảo vệ trẻ em hữu hiệu hơn. Nó làm việc với các thầy cô và học sinh để họ chịu học hỏi về nhân quyền; về sự bất quân bình giữa bắc và nam; về du lịch có trách nhiệm, tức biết tôn trọng nhân phẩm người khác. Nó theo dõi truyền thông và Internet để chống lại việc dùng trẻ em trong việc sản xuất các sản phẩm khiêu dâm. Ngày nay, ECPAT là hệ thống quốc tế rộng rãi nhất trong cuộc chiến chống lại việc khai thác tình dục vị thành niên: trong ngành du lịch tình dục sử dụng trẻ em; trong việc mãi dâm và buôn bán trẻ em cho mục tiêu khai thác tình dục; trong báo chí phim ảnh khiêu dâm trẻ nhỏ.

Thưa ông Scarpati, nếu ông phải ước lượng, thì hiện nay trên thế giới đang có bao nhiêu trẻ em bị khai thác cho ngành du lịch tình dục?

Trước nhất, tôi phải nói ngay tôi không thích ước lượng. Ước lượng không làm tôi mấy thích. Tôi không có ý niệm về con số. Tôi coi sự ước lượng của Liên Hiệp Quốc về con số 2.5 triệu là quá đáng. Tuy nhiên, cần phải nói rằng hiện tượng này hiện không thuyên giảm chút nào, ngược lại nó đã và đang tiếp tục lớn mạnh trong mấy năm gần đây. Rất nhiều người du hành thế giới chỉ để tìm kiếm các vị thành niên… Khai thác tình dục các vị thành niên là vô luân, vì những người giầu có phương tây lạm dụng trẻ em để phục vụ cho khoái cảm tình dục của mình, nhưng ta nên nói rằng những người đi tìm trẻ em để lạm dụng ấy đã đi tới những nơi mà trẻ em vốn đã bị những tay anh chị địa phương khai thác rồi. Có những nơi được tạo ra cách chuyên biệt. Tôi nghĩ tới những khu mãi dâm tại nhiều thành phố Á Châu nơi các ‘đối tượng’ để thoả mãn tình dục bị đem ra bán, nơi thân xác và những con người bị đem ra bán, bất cứ điều gì người Âu Châu muốn cũng đều bị đem ra bán cả.

Xin trở lại với các ước lượng. Tổ chức của ông từng đưa ra các con số liên quan tới những người Ý đi du lịch thế giới để thoả mãn tình dục, họ ước lượng là 80,000 người, con số cao nhất ở Âu Châu, một con số gây kinh hãi. Ông nghĩ có nên tin con số ấy không?

Tôi sợ là có.

Đây là một việc kinh doanh lớn lao.

Và đó là vấn đề. Mục đích hoạt động của chúng tôi là làm mọi người ý thức được rằng con số người tham dự ấy hết sức lớn lao. Chúng ta đang nói tới ngành kinh doanh to lớn với lợi nhuận thật cao. Nếu thị trường trẻ em không hấp dẫn về phương diện lợi nhuận đến thế thì nó đã không hiện hữu. Cho nên chìa khóa để chấm dứt nó phải là chấm dứt yêu cầu.

Những người đó dùng phương tiện nào, họ tổ chức hoạt động của họ ra sao?

Họ có Internet, một phương tiện vô địch. Trên Internet, họ thấy đủ mọi chuyện được tổ chức đâu ra đấy kể cả giá cả và hợp đồng mua bán.

Có thể làm gì để chống lại sự ác này?

Một cách có lẽ là không cho các khách hàng lên đường, ngăn cản không cho họ tới các nước đang thực hành hành ngành du lịch tình dục. Cách nữa có lẽ là can thiệp để cải thiện nền kinh tế của những nước có ngành du lịch ấy và đưa ra các phương tiện nghiêm chỉnh để ngăn ngừa, để dạy trẻ em và huấn luyện các lực lượng cảnh sát địa phương để họ canh chừng hiện tượng và dẹp bỏ các tội ác do nó gây ra. Có lẽ cũng nên nhậy cảm hóa và nhờ các công nhân trong các ngành du lịch khác canh chừng như các tài xế taxi, các hướng dẫn viên du lịch, các khách sạn v.v…và cố gắng bảo đảm để các du khách không bị chào mời loại sinh hoạt ấy.

Những nước nào can dự vào hiện tượng này?

Nhanh hơn có lẽ tôi nên liệt kê các nước không can dự vào hiện tượng này vì hiện tượng này nay đã trở nên một hiện tượng hoàn cầu. Tuy nhiên, theo hiểu biết của chúng tôi, các nước can dự là Thái Lan,Việt Nam, Căm Bốt, Phi Luật Tân, Ấn Độ, Nepal, Pakistan, A Phú Hãn, Ai Cập, Senegal, Nam Phi, Kenya (nơi người Ý rất ưa thích), Cuba (nước đang cố gắng che dấu vấn đề), Ba Tây, Peru. Cũng còn những nơi ít ai có ghể tưởng tượng được. Cách nay không lâu, ECPAT Ý đã được thông báo có những tay tổ chức các chuyến du lịch tình dục dưới danh nghĩa “Vui Chơi Câu Cá và Săn Bắn” tại Mông Cổ.
 
Đại học Công giáo dự trù khảo sát thuyết tiến hóa dưới nhãn quan khoa học
Phụng Nghi
10:43 17/09/2008
Vatican (CNA) – Hai trường đại học tọa lạc ở hai bên bờ Đại tây dương hôm 16 tháng 9 đã loan báo kế hoạch tổ chức một hội nghị quốc tế để thảo luận về công trình của Charles Darwin: cuốn sách “The Origin of the Species” (Nguồn gốc các chủng loại). Theo lời của một vị trong ban tổ chức thì Hội nghị sẽ xem xét thuyết tiến hóa của Darwin theo nhãn quan khoa học, chứ không nhìn từ quan điểm ý thức hệ.

Hội nghị có chủ đề "Biological Evolution: Facts and Theories. A Critical Appraisal 150 years after 'The Origin of Species'" (Tiến hóa xét theo Sinh học: Sự kiện và Lý thuyết. Phê bình Định giá 150 năm sau ngày ‘Nguồn gốc Muôn loài’ xuất bản) dự trù sẽ được tổ chức từ ngày 3 đến 7 tháng 3 năm 2009 tại Rome, do các trường Đại học Notre Dame (Hoa kỳ) và Học viện Giáo hoàng Gregorian.
Charles Darwin


Lm. Marc Leclerk, thuộc Dòng Tên, giải thích: Hội nghị được Hội đồng Giáo hoàng về Văn hóa bảo trợ, sẽ là “một hội nghị học thuật, được hai trường đại học Công giáo tổ chức, đó là Học viện Giáo hoàng Gregorian ở Rome và trường Notre Dame ở Hoa kỳ, và như thế hội nghị này không phải là một sự vụ có tính cách lễ lạc của giáo hội. Tuy nhiên sự bảo trợ của Hội đồng Giáo hoàng về Văn hóa có mục đích nhấn mạnh đến mối quan tâm của Giáo hội về những vấn đề như thế.”

Giáo sư Gennaro Aluetta dạy triết học tại Học viện Giáo hoàng Gregorian cũng nói thêm rằng trong các vị được mời tham dự hội nghị có “Werner Arber (đoạt giải Nobel về Sinh lý học), Michael Heller (đoạt giải Templeton), John Barrow (giáo sư Đại học Cambridge), Marc Jeannerod (nhà thần kinh học nổi tiếng) và nhiều vị khác.”

Lm. Leclerk giải thích lý do tại sao hội nghị được tổ chức. Ngài nói: “Những cuộc tranh luận về thuyết tiến hóa nay càng được hâm nóng lên, cả nơi người theo Kitô giáo lẫn trong giới những người đặc biệt theo thuyết tiến hoá. Đặc biệt là, gần đến ngày kỷ niệm 150 năm xuất bản cuốn “The Origin of Species”, công trình của Charles Darwin vẫn rất thường được thảo luận trong phạm vi ý thức hệ hơn là phạm vi khoa học; phạm trù khoa học mới đúng là ý định của ông.”

Linh mục nói: “Trong hoàn cảnh như thế -- là những nhà khoa học, triết gia và nhà thần học Kitô giáo liên quan trực tiếp vào các cuộc tranh luận cùng những đồng nghiệp thuộc các tôn giáo khác, hoặc không theo tôn giáo nào hết – chúng tôi cảm thấy có nhiệm vụ phải đưa ra một số lời minh giải. Mục đích là tạo ra một cuộc thảo luận rộng rãi và hợp lý nhằm đi tới một cuộc đối thoại có kết quả giữa các học giả thuộc nhiều lãnh vực và môi trường chuyên môn. Giáo hội quan tâm sâu xa đến một cuộc đối thoại như thế, và hoàn toàn tôn trọng khả năng của mỗi vị cũng như của toàn thể.”

Hội nghị này cũng là một phần trong sáng kiến lớn lao hơn do Hội đồng Giáo hoàng về Văn hóa chỉ đạo, gọi là Science, Technology, and the Ontological Quest hay là STOQ (Khoa học, Kỹ thuật và sự Kiếm tìm Bản thể học). Sáng kiến này có mục đích tìm kiếm sự liên hệ giữa khoa học, triết học và thần học.
 
Đức hồng y Tây Ban Nha nói: Xã hội phải cổ võ cho gia đình dựa trên nềng tảng hôn nhân
Peter Nguyễn Minh Trung
11:23 17/09/2008
MADRID (CNA) - Đức Hồng Y Antonio Canizares, TGM giáo phận Toledo - Tây Ban Nha, huấn dụ rằng mỗi cá nhân của xã hội phải có trách nhiệm "cổ võ và củng cố nền tảng gia đình." Điều này phải được thực hiện bằng việc phổ biến sự thật về giá trị hôn nhân như là "một sự kết hợp trọn đời không thể phân ly giữa một người nam và một người nữ, hôn nhân phải được bén rễ trong tình yêu và mở ra sự sống."

Trong Thánh lễ kỷ niệm lần thứ XIX ngày lễ Đức Maria Gia đình tại Đền thánh Torreciudad, Đức Hồng Y Canizares nhấn mạnh rằng, "mọi người, không trừ một ai, phải đẩy mạnh việc thăng tiến các giá trị và nhu cầu của gia đình. Các gia đình phải được giúp đỡ và bảo vệ bằng những phương thức xã hội thích hợp."

ĐHY Canizares giải thích sự thăng tiến và bảo vệ gia đình "là yếu tố căn bản của một nền văn hóa, là trung tâm điểm của nền văn minh tình thương."

Ngài nói thêm rằng: "Chỉ có gia đình mới là niềm hy vọng cho nhân loại, các tín hữu Công giáo còn phải đặc biệt có trách nhiệm truyền giảng Tin Mừng."
 
Tìm kiếm Thiên Chúa là nền tảng của mọi nền văn hóa
Linh Tiến Khải
17:37 17/09/2008
Tìm kiếm Thiên Chúa là nền tảng của mọi nền văn hóa

Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã khẳng định như trên trong buổi tiếp kiến 9000 tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi gặp gỡ hàng tuần với ngài trong đại thính đường Phaolô VI sáng thứ tư 17-9-2008. Trong số các đoàn hành hương cũng có một nhóm 50 tín hữu Việt Nam thuộc tổng giáo phận Los Angeles Hoa Kỳ, do cha Phạm Trọng Phúc hướng dẫn.

Như qúy vị và các bạn đã biết, Đức Thánh Cha mới công du nước Pháp về hôm thứ hai 15-9-2008 nhân dịp mừng kỷ niệm 150 Đức Mẹ hện ra tại Lộ Đức, nên trong buổi tiếp kiến sáng thứ tư 17-9-2008 ngài đã chia sẻ một số cảm tưởng và kinh nghiệm với tín hữu. Đức Thánh Cha nói:

Cuộc viếng thăm đã bắt đầu tại Paris nơi tôi đã gặp gỡ trong tinh thần toàn dân Pháp và bầy tỏ lòng ngưỡng mộ đối với quốc gia yêu dấu này, trong đó ngay từ thế kỷ thứ II Giáo Hội đã nắm giữ vai trò nền tảng trong việc văn minh hóa xã hội. Chính trong bối cảnh này đã chín mùi sự cần thiết phải phân biệt giữa lãnh vực chính trị và lãnh vực tôn giáo theo câu nói thời danh của Chúa Giêsu: ”Hãy trả cho Cesar những gì thuộc về Cesar, và hãy trả cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa” (Mc 12,17). Nếu trên các đồng tiền roma có in hình Cesar và vì thế chúng thuộc về Cesar, thì trong trái tim con người có dấu ấn của Đấng Tạo Hóa, là Chúa duy nhất của cuộc sống chúng ta. Vì thế tính cách đời thực sự không tách rời khỏi chiều kích tinh thần, mà thừa nhận rằng chính nó bảo đảm một cách triệt để cho sự tự do của chúng ta và sự độc lập của các thực tại trần thế, nhờ các giáo huấn của sự Khôn Ngoan tạo dựng, mà lương tâm con người biết tiếp đón và thực thi.

Trong viễn tượng đó suy tư rộng rãi về đề tài ”Các nguồn gốc của nền thần học tây phương và các gốc rễ của nền văn hóa âu châu” mà tôi đã khai triển trong cuộc gặp gỡ thế giới văn hóa, trong một nơi được lựa chọn vì giá trị biểu tượng của nó. Đó là Collège des Bernardins, mà Đức cố Hồng Y Jean Marie Lustiger đã muốn biến thành trung tâm đối thoại văn hóa. Đây là một ngôi nhà do các tu sĩ Xitô xây hồi thế kỷ XII làm trường học cho giới trẻ. Do đó chính sự hiện diện của nền thần học viện tu làm phát sinh ra nền văn hóa tây phương của chúng ta.

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói: Điểm khởi hành trong diễn văn của tôi là một suy tư về phong trào viện tu có mục đích kiếm tìm Thiên Chúa. Trong thời kỳ khủng hoảng nặng nề của nền văn minh cổ, các đan sĩ được lòng tin hướng dẫn đã lựa chọn con đường chính: con đường lắng nghe Lời Chúa. Vì thế các vị là những người nghiên cứu Kinh Thánh sâu xa, và các đan viện đã trở thành các trường dậy khôn ngoan và đào tạo các người phục vụ Chúa, như thánh Bênađô đã nói. Tự bản chất của nó việc tìm kiếm Thiên Chúa dẫn đưa các đan sĩ tới một nền văn hóa của lời nói. Các vị tìm kiếm Thiên Chúa theo Lời của Người, và vì thế ngày càng phải hiểu biết Lời đó sâu xa hơn. Cần phải bước sâu vào trong bí mật của ngôn ngữ, và hiểu nó trong cấu trúc của nó. Để tìm kiếm Thiên Chúa được mặc khải cho chúng ta trong Kinh Thánh, các khoa học đời giúp đào sâu các bí mật của ngôn ngữ trở thành quan trọng. Kết qủa là tại các đan viện người ta phát triển sự hiểu biết sâu rộng cho phép văn hóa thành hình. Chính vì thế tìm kiếm Thiên Chúa, lên đường tiến đến với Thiên Chúa, ngày hôm nay cũng như hôm qua, là con đường chính và là nền tảng của mọi nền văn hóa.

Việc tìm kiếm Thiên Chúa cũng được diễn tả ra trong nghệ thuật kiến trúc. Và chắc chắn nhà thờ Đức Bà Paris là một thí dụ của giá trị đại đồng này. Chính trong nhà thờ này tôi đã vui sướng chủ sự buổi hát kinh chiều kính Đức Trinh Nữ Maria và khích lệ các linh mục, phó tế, tu sĩ nam nữ và chủng sinh đến từ khắp nơi trong nước Pháp, dành chỗ ưu tiên cho việc lắng nghe Lời Chúa, hướng nhìn lên Đức Trinh Nữ Maria như mẫu gương cao cả nhất. Trước thềm đền thờ Đức Bà tôi đã ngỏ lời chào các bạn trẻ đông đảo hăng say tề tựu về đây để tham dư buổi canh thức dài. Tôi đã trao cho họ hai kho tàng của lòng tin Kitô: đó là Chúa Thánh Thần và Thánh Giá. Chúa Thánh Thần rộng mở trí thông minh của con người cho các chân trời vượt cao hơn nó và làm cho nó hiểu vẻ đẹp và sự thật tình yêu của Thiên Chúa được mặc khải nơi Thập Giá. Một tình yêu, mà không có gì có thể tách rời khỏi chúng ta và được kinh nghiệm hằng ngày, khi chúng ta noi gương Chúa trao ban sự sống của chính mình. Thế rồi tôi cũng ghé thăm Học Viện Pháp, là trụ sở của 5 Hàn Lâm Viện quốc gia, vì tôi cũng là thành viên của một trong các Hàn Lâm Viện này. Tôi đã sung sướng gặp gỡ các thành viên khác tại đây. Chuyến viếng thăm Paris đạt cao điểm với thánh lễ cử hành tại khu đất trống trước Điện Les Invalides. Lặp lại các lời thánh Phaolô nói với tín hữu Corintô tôi đã kêu gọi tín hữu Paris và toàn nước Pháp kiếm tìm Thiên Chúa hằng sống, là Đấng đã tỏ lộ gương mặt đích thật của Người nơi Đức Giêsu, hiện diện trong bí tích Thánh Thể bằng cách thúc đẩy chúng ta yêu thương các anh chị em khác như Người đã yêu thương chúng ta.

Tiếp tục chia sẻ các kinh nghiệm của chuyến viếng thăm mục vụ Pháp tuần vừa qua Đức Thánh Cha nói: Sau đó tôi đã đi Lộ Đức và đã chứng kiến cảnh hàng ngàn tín hữu đến hành hương theo ”Lộ trình Năm Thánh” qua các nơi ghi dấu cuộc đời thánh nữ Bernadette: nhà thờ giáo xứ với giếng nơi chị đã được rửa tội; nhà tù nơi chị đã sống trong cảnh khó nghèo; hang đá Massabielle nơi Đức Trinh Nữ đã hiện ra với chị 18 lần. Ban chiều tôi đã tham dự buổi rước đuốc truyền thống, diễn tả niềm tin nơi Thiên Chúa và lòng sùng kính Mẹ chúng ta. Lộ Đức thật là một nơi của ánh sáng, lời cầu nguyện, niềm hy vọng và hoán cải, dựa trên đá tảng tình yêu của Thiên Chúa, được mặc khải tột đỉnh nơi Thập Giá vinh quang của Chúa Kitô. Đức Thánh Cha nói thêm trong bài huấn dụ:

Bởi một sự trùng hợp hạnh phúc Chúa Nhật vừa qua phụng vụ kính lễ Suy tôn Thánh Giá, dấu chỉ tuyệt diệu của niềm hy vọng, vì là chứng tá cao cả nhất của tình yêu. Tại Lộ Đức theo trường của Mẹ Maria, là môn đệ đầu tiên và toàn vẹn nhất của Đấng Chịu Đóng Đanh, tín hữu hành hương học lượng định các thập giá trong cuộc sống của mình dưới ánh sáng Thập Giá vinh quang của Chúa Kitô. Khi hiện ra với Bernadette tại hang đá Massabielle, cử chỉ đầu tiên của Đức Mẹ là thinh lặng làm Dấu Thánh Giá mà không nói. Và Bernadette cũng bắt đầu làm Dấu Thánh Giá với bàn tay run rẩy. Như thế Đức Mẹ đã đưa ra yếu tố khai mào cho nòng cốt của Kitô giáo: Dấu Thánh Giá là tuyệt đỉnh lòng tin của chúng ta. Khi làm dấu thánh giá với con tim chú ý, chúng ta bước vào mầu nhiệm ơn cứu độ. Trong cử chỉ đó của Đức Mẹ có tất cả sứ điệp của Lộ đức! Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta đến độ trao ban chính Người cho chúng ta. Đó là sứ điệp của Thập Giá ”mầu nhiệm cái chết và vinh quang của Người”. Thập Giá nhắc cho chúng ta biết rằng không có tình yêu đích thật nào mà không có đau khổ, không có ơn sự sống nếu không có khổ đau. Tại Lộ Đức nhiều người học biết được sự thật này. Lộ Đức là trường học của lòng tin và niềm hy vọng, đồng thời cũng là trường học của tình bác ái và phục vụ các anh chi em khác. Chính trong bối cảnh đó mà tôi đã gặp Hội Đồng Giám Mục Pháp. Đó đã là một lúc hiệp thông tinh thần sâu xa, trong đó chúng tôi đã cùng nhau phó thác cho Đức Trinh Nữ các chờ mong và các âu lo mục vụ của Giáo Hội Pháp.

Đức Thánh Cha nói thêm rằng: Chặng tiếp theo là buổi kiệu Thánh Thể với hàng ngàn tín hữu, trong đó có rất nhiều người bệnh. Trước Thánh Thể Rất Thánh, sự hiệp thông tinh thần của chúng ta với Mẹ Maria lại càng sâu đậm hơn, vì Mẹ ban cho con tim và đôi mắt của chúng ta có khả năng chiêm ngưỡng Con Thiên Chúa trong Thánh Thể. Sự thinh lặng của hàng ngàn tín hữu trước sự hiện diện Chúa thật là cảm động: một sự thinh lặng không trống rỗng, nhưng tràn đầy lời cầu và ý thức được sự hiện diện của Chúa, Đấng đã yêu thương chúng ta cho đến chết trên thập giá vì chúng ta. Thứ hai 15 tháng 9 lễ nhớ Đức Mẹ Sầu Bi, đã được đặc biệt dành cho các anh chị em đau yếu bệnh tật. Sau khi thăm nhà nguyện của nhà thương, nơi Bernadette chịu lễ lần đầu, tôi đã chủ sự thánh Lẽ trước thềm đền thánh, trong đó có lễ nghi xức dầu cho các bệnh nhân. Cùng với họ và các anh chị em trợ giúp họ tôi đã muốn suy niệm về các giọt nước mắt Mẹ Maria đã đổ ra dưới chân Thập Giá và về nụ cười chiếu tỏa sáng ngày Phục Sinh.

Đức Thánh Cha đã mời gọi mọi người cùng ngài cảm tạ Chúa vì biết bao ơn lành Chúa đã ban trong chuyến công du nước Pháp vừa qua, một cách đặc biệt vì khi hiện ra với chị Bernadette Đức Mẹ đã mở ra cho thế giới một khoảng không gian đặc sủng để gặp gỡ tình yêu chữa lành và cứu rỗi của Chúa. Tại Lộ Đức Đức Mẹ mời gọi mọi người coi trái đất như nơi hành hương hướng về quê hương vĩnh cửu là Nước Trời. Thật vậy chúng ta tất cả là khách lữ hành, chúng ta cần Mẹ hướng dẫn chúng ta. Và tại Lộ Đức nụ cười của Mẹ mời gọi chúng ta tiến tới với niềm tin cậy lớn lao, trong ý thức Thiên Chúa tốt lành, Thiên Chúa là tình yêu.

Trước đó Đức Thánh Cha đã không quên cám ơn các giới chức đạo đời và tất cả những ai góp phần cộng tác để chuyến viếng thăm nước Pháp diễn ra tốt đẹp. Sau khi chào tín hữu bằng nhiều thứ tiếng khac nhau Đức Thánh Cha đã cất kinh Lậy Cha và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.
 
Đức Thánh Cha khuyến khích Liên Hiệp Quốc trước những “trọng trách khẩn cấp”
Bùi Hữu Thư
22:43 17/09/2008

Đức Thánh Cha khuyến khích Liên Hiệp Quốc trước những “trọng trách khẩn cấp”



Ngài gửi điện văn cho buổi họp cầu nguyện trước Phiên Họp thứ 63.

VATICAN CITY, ngày 17, tháng 9, 2008
(Zenit.org).- Đức Thánh Cha Benedict XVI nói Liên Hiệp Quốc đang phải đối phó với các trọng trách khẩn cấp trong các tháng tới, kể cả nỗ lực thi hành các mục tiêu phát triển, nhất là cho Phi Châu.

Đức Thánh Cha khẳng định điều này trong một điện văn được bộ trưởng Thánh Bộ Ngoại Giao, Hồng Y Tarcisio Bertone chuyển tiếp. Điện văn này được gửi đến cho một buổi cầu nguyện hôm Thứ Hai, vào buổi tối trước phiên họp của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc lần thứ 63.

Buổi cầu nguyện được tổ chức tại Nữu Ước và được hướng dẫn bởi Đức Hồng Y Edward Egan, tổng giám mục Nữu Ước, và Tổng Giám Celestino Migliore, quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc.

Điện văn nói Đức Thánh Cha cầu xin sự hướng dẫn và sức mạnh của Thiên Chúa “cần thiết để thi hành các trọng trách khẩn cấp Liên Hiệp Quốc phải đối phó trong các tháng tới, kể cả việc tiếp tục thực hiện các Mục Tiêu Phát Triển của Thiên Niên Kỷ, chương trình Hợp Tác Mới để Phát Triển Phi Châu, và các sáng kiến khác nhằm bảo đảm rằng toàn thể nhân loại đều được chia sẻ và hưởng lợi nhuận trong hiện tượng toàn cầu hóa.”

Đức Thánh Cha kêu gọi một lần nữa “các vị lãnh đạo thế giới hãy tái thiết viễn tượng luân lý cao cả và các nguyên tắc siêu nghiệm về công lý được bao gồm trong các tài liệu sáng lập Liên Hiệp Quốc.”

Điện văn kết thúc như sau, "Trong tâm tình này, Đức Thánh Cha cầu xin cho tất cả mọi thành phần tham dự được ban tràn đầy hồng ân Thiên Chúa, và tin tưởng rằng những giây phút suy niệm và cầu nguyện sẽ tăng cường thêm sự cam kết của họ trong việc bảo vệ phẩm giá của mỗi con người và xây dựng một thế giới ngày càng hợp quần, tự do và bình an hơn.”
Sảnh Đường Liên Hiệp Quốc
Tòa Nhà Liên Hiệp Quốc tại Nữu Ước
 
Top Stories
Australian Redemptorists support beleaguered confreres in Vietnam
Independent Catholic News
05:11 17/09/2008
The Australian Redemptorists have sent the following letter of support To Fr Vincent Pham T Thanh, Provincial Superior of Redemptorists in Vietnam, and Fr Matthew Vu K Phung, Rector, Redemptorists in Thai Ha, Hanoi, and Thai Ha parishioners,

Dear Fr Vincent and Fr Matthew,

We in Australia have been very concerned to hear about the difficulties you have experienced with some sections of your government refusing to return property belonging to the Redemptorists in Thai Ha. This dispute has been widely publicised in Australia, and people here are very disturbed that some officials in Vietnam appear to be failing to observe fundamental legal rights and due process.

This has come as a great surprise to us, as we had believed Vietnam had made great advances in promoting its people's prosperity and welfare, and ensuring social justice with greater freedom.

We know too that the Catholic Church energetically promotes the wellbeing of the Vietnamese people, especially through its health care and education, and working to ensure social harmony and a prosperous economy for all. Our church values honesty, hard work, fidelity in relationships, care for the young, the elderly and the sick, along with justice for all and freedom in society. These are precisely the values that will continue to make Vietnam a strong and secure society.

We Redemptorists in Melbourne, Australia, pray in communion with you and will follow closely how this trouble might be resolved. We express our solidarity with you in this effort to bring about a peaceful and lasting reconciliation among the differing groups.

Not only is this dispute harming the reputation of Vietnam in our country, which has developed such strong ties with the people of Vietnam in recent years, but the conflict must be damaging and dividing your society instead of promoting cooperation and a commitment to further developing your culture and society.

We pray earnestly that people of good sense will soon bring this trouble to an end.

From your confreres in Australia

Bruce Duncan CSsR
 
Local Redemptorists in solidarity with Hanoi's Thai Ha parish
CathNews
05:15 17/09/2008
Australia's Redemptorist community have written to their Vietnamese counterparts expressing concern over the failure by local authorities to observe fundamental legal rights and due process in the ongoing property dispute at Hanoi's Thai Ha parish.

"We in Australia have been very concerned to hear about the difficulties you have experienced with some sections of your government refusing to return property belonging to the Redemptorists in Thai Ha," Australian Redemptorist Fr Bruce Duncan CSsR writes.

"This dispute has been widely publicised in Australia, and people here are very disturbed that some officials in Vietnam appear to be failing to observe fundamental legal rights and due process.

"This has come as a great surprise to us, as we had believed Vietnam had made great advances in promoting its people's prosperity and welfare, and ensuring social justice with greater freedom.

"We know too that the Catholic Church energetically promotes the wellbeing of the Vietnamese people, especially through its health care and education, and working to ensure social harmony and a prosperous economy for all.

"Our Church values honesty, hard work, fidelity in relationships, care for the young, the elderly and the sick, along with justice for all and freedom in society. These are precisely the values that will continue to make Vietnam a strong and secure society.

"Not only is this dispute harming the reputation of Vietnam in our country, which has developed such strong ties with the people of Vietnam in recent years, but the conflict must be damaging and dividing your society instead of promoting cooperation and a commitment to further developing your culture and society.

"We pray earnestly that people of good sense will soon bring this trouble to an end," Fr Duncan wrote.

Meanwhile, French Bishop Jean-Marie-Henri Legrez, took part in a prayer vigil at the Thai Hai parish on Sunday, AsiaNews reports.

Under the command of Hanoi police chief hundreds of police officers were deployed in the area; some filmed the faithful. Security forces became nervous when a procession to the former nunciature suddenly came into being.

Bishop Legrez's presence helped reassure many protestors who had been taken aback by the heavy police operation with hundreds of officers in and around Thai Ha, AsiaNews says.

"I don't think they [police] dare to attack us in front of a foreigner, especially a bishop," a student told AsiaNews. "I feel safe and [can] concentrate better on my prayers," she added.
 
Attaccando i cattolici per Thai Ha, i media statali rischiano di dividere i vietnamiti
Asia-News
06:55 17/09/2008
I giornali deridono le donne della minoranza Hmong che hanno preso parte alle veglie di preghiera. Ma così si rischia di creare un contrasto tra cattolici e non cattolici. Voci di prossimi nuovi arresti.

Hanoi (AsiaNews) – Rischia di creare profonde divisioni nel Paese la campagna di derisione che la stampa governativa vietnamita sta conducendo contro i cattolici Hmong - una minoranza etnica di circa 800mila persone, residenti nelle regioni settentrionali - descrivendoli come superstiziosi, ingenui, docili e infantili.

All’origine degli attacchi che i media stanno conducendo da lunedì, la partecipazione i 16 donne Hmong (nella foto), che hanno percorso 38 miglia da Van Nghia, nella provincia di Hoa Binh, per unirsi alle veglie di preghiera che si tengono davanti ai terreni della parrocchia di Thai Ha, dei quali I cattolici chiedono la restituzione. Le donne hanno portato i grandi gong d’ottone e gli altri strumenti musicali che i Hmong usano in particolari occasioni e soprattutto quando vogliono catturare attenzione per far ascoltare le loro lamentele. I cattolici Hmong - numerosi in questa come in altre minoranze etniche – hanno avuto parte attiva nelle manifestazioni di Hanoi, a partire da quelle per la restituzione del complesso della ex nunziatura.

Il People’s Police lunedì ha scritto che le 16 donne Hmong sono state abbindolate da Nguyen Thi Nhi, una 46enne di Son Ha per prendere parte ad “attività illegali ed antirivoluzionarie”. Nhi faceva parte di coloro che erano regolarmente presenti a Thai Ha: arrestata il primo settembre, di lei non si sa nulla, neppure dove è imprigionata. Sabato l’arcivescovo della capitale, mons. Joseph Ngô Quang Kiệt è andato a visitare la sua famiglia, come quelle di altri detenuti.

Da parte loro i media governativi chiedono “severe punizioni” contro le donne Hmong e “accurate indagini su chi è attualmente dietro il turbamento dell’ordine pubblico a Thai Ha”.

Contro tale atteggiamento, padre John Nguyen Ngoc Nam Phong, dei Redentoristi – anch’essi parte della vicenda di Thai Ha – durante un incontro con le autorità del distretto di Dong Da – ove sorge la parrocchia – ha messo in guardia contro il rischio che tale comportamento dei media “produca una profonda divisione tra cattolici e non cattolici vietnamiti, mettendo a rischio la sicurezza nazionale”. Il religioso ha chiesto invece al governo di rispettare le sue stesse leggi e mostrare buona volontà. Riferendosi infine alle voci di prossimi nuovi arresti ha messo in guardia che essi “potrebbero solo peggiorare le cose, creando nuove tensioni e portando il problema ad una situazione insolubile”.
 
Vietnam: State media make dead people speak
J.B. An Dang
09:47 17/09/2008
After the reveal by Bishop Anthony Vu Huy Chuong of Hung Hoa on cases in which people masquerading as priests and lay Catholics were employed in state media to discredit the Church, other dioceses have launched counter-attacks on state media’s dishonesty.

A beggar or a super star of Hanoi Television?
A church bulletin board full of articles on Thai Ha
A Catholic prosecutor in Phat Diem diocese has condemned an article on the People’s Police newspaper of distorting his opinion. “I confirmed that I never said anything relating to Thai Ha, I never asked for the punishment [against the protestors], I did not mention God in my answers,” said Judge Vu Kim My of Kim Son, Ninh Binh who has immediately spoken out against a report carried on the paper on Sep. 15. He stated that the reporter asked him only two questions relating to general law’s knowledge. “The rest of the report was added by themselves”, said Judge Vu.

The case of Judge Vu is a further evidence of what Mgr Vu Huy Chuong denounced on Sep. 8 of a campaign of falsehoods and disinformation by state media.

In an article on New Hanoi newspaper dated Aug. 20, Nguyen Quoc Cuong of Dai On parish in Chuong My, Ha Tay accused Thai Ha protestors of “not following Catholic Catechism”. But, Hanoi archdiocese quickly found out that the man only existed in the imagination of his inventors. “He simply does not exist in our parish,” said a parish council member of Dai On.

Even more miracously, the same paper could make a dead person speak out against their brothers and sisters in faith. Nguyen Duc Thang was introduced as a parishioner of Thach Bich, and further, a Church dissident who strongly opposed protests at Thai Ha. This time, the archdiocese discovered that the person did exist. “Yes, he was a Catholic in my parish”, said Fr. Nguyen Khac Que, the vicar of Thach Bich. But, “he already died a few years ago. I have no idea how a dead person could answer an interview of the paper,” he scathed.

Right in front of Thai Ha monastery, a group of cameramen from Hanoi Television interviewed an elderly person on Sep. 4. He was introduced as a Catholic. But when protestors asked him his Christian name, he did not know and admitted that he was a beggar. “They [the television cameramen] had given me some money to act and speak as instructed,” he disclosed.

On The Voice of Vietnam, the state’s official radio network, Fr. Nguyen Van Khanh, vicar of Gia Nghia in Lam Dong province, was reported to oppose protests in Thai Ha, and to praise the land policy of the government stating that “all the parish’s land problems with the government were solved completely in fairness.” However, when contacted by Church authorities of Dalat diocese, he insisted that no one had interviewed him. Furthermore, he lamented that his parish’s land “was confiscated without any compensation.” The parish was forced to move deep inside the mountainous area of Dak Nut. After all petitions had gone into deaf ears, “we had to buy a new piece of land to build a new church. We strongly disagree with the government on the way it handles land disputes,” Fr Nguyen added.

In a communiqué read at every Sunday Mass, Fr. Anthony Pham Anh Dung, the vice chancellor of the Archdiocese of Hanoi, warned priests and faithful of the archdiocese on tricks of state media “in order to make up fake scenarios to distort and deceit public opinion.”

It listed cases in Can Kiem and Nam Du as particular examples before calling “all priests and faithful to be smart and vigilant could they be contacted by state media.”

“We also not to forget to pray for penmen and other media personnels. May they know how to respect every one, and have the courage to act according to their conscience,” Fr. Anthony suggested requesting the communiqué to be read at every Sunday Mass throughout the archdiocese.

In many dioceses, faithful have gathered around display cases, where the church bulletins are posted, to see the images and articles on the events in Hanoi, of which the highly controlled national media have falsely reported.

People have been warned not to read articles from Catholic News Agencies. However, nowadays, these articles are on high demand. They have been translated into Vietnamese, then printed to post on the church bulletins, or photocopied to send around.
 
By attacking Catholics over Thai Ha, state media risk dividing Vietnamese
Asia-News
10:41 17/09/2008
The newspapers deride the Hmong minority women who have taken part in the prayer vigils. But this risks creating opposition between Catholics and non-Catholics. Rumors of more arrests to come.

Hanoi (AsiaNews) - There is a risk of creating deep divisions in the country with the campaign of mockery that the Vietnamese government press is conducting toward the Hmong Catholics - an ethnic minority of about 800,000, who live in the northern part of the country - describing them as superstitious, naive, docile, and childish.

At the origin of the attacks that the media have been making since Monday are the 16 Hmong women (in the photo) who traveled 38 miles from Van Nghia, in the province of Hoa Binh, to take part in the prayer vigils being held on the land of the parish of Thai Ha, which the Catholics are asking be given back. The women brought with them the large brass gongs and other musical instruments that the Hmong use on special occasions, and especially when they want to draw attention to their complaints. The Catholic Hmong - who are numerous, like in other ethnic minorities - have actively taken part in the demonstrations in Hanoi, beginning with the ones for the restitution of the building of the former nunciature.

On Monday, the People's Police wrote that the 16 Hmong women have been tricked by Nguyen Thi Nhi, a 46-year-old woman from Son Ha, into taking part in "illegal and anti-revolutionary activities". Nhi was one of the people who came regularly to Thai Ha: arrested on September 1, there is no word on her condition, not even where she is jailed. On Saturday, the archbishop of the capital, Joseph Ngô Quang Kiệt, went to visit her family, and those of other detainees.

For their part, the government media are calling for "severe punishment" of the Hmong women, and for "detailed investigations on those who are actually behind the disturbance of public order in Thai Ha".

Against this attitude, Redemptorist Fr John Nguyen Ngoc Nam Phong - also taking part in the demonstrations in Thai Ha - during a meeting with authorities of the district of Dong Da, where the parish stands, warned against the risk that the stance of the media "could produce a deep division between the Vietnamese Catholics and non-Catholics, putting national security at risk". The priest asked the government to respect its own laws, and to demonstrate goodwill. Referring, finally, to the rumors of new arrests, he warned that these would "only make things worse, build up more tensions, and throw the problem into an unsolvable situation".
 
Ha Noi Archbishop Visits, Consoles Catholic Detainees' Relatives
UCA News
10:49 17/09/2008
BANGKOK, Thailand, September 17, 2008--Church leaders have visited and comforted family members of Catholics police have arrested or interrogated for involvement in a land dispute between a Ha Noi parish and the government.

Redemptorist Father Pierre Nguyen Van Khai told UCA News that Archbishop Joseph Ngo Quang Kiet of Ha Noi and Auxiliary Bishop Pierre Nguyen Van De of Bui Chu visited family members of Le Thi Hoi, Le Van Kien and Nguyen Van Lan at their homes.

Redemptorist Father Matthew Vu Khoi Phung, pastor of Thai Ha parish, other Redemptorists and priests from the archdiocese, and some lay Catholics from Ha Noi parishes accompanied the bishops, added Father Khai, who was with the group.

A message Thai Ha parish released on Sept. 11 said seven Catholics have been accused of damaging public property or causing social disturbance. Among them three had been detained, two had gone into hiding and two were under house arrest.

Father Khai, stationed at the Redemptorist-run parish, said Hoi, from Thai Ha, and Kien, who belongs to neighboring Hang Bot parish, are two of the three detainees. Local police have questioned Lan, another Thai Ha parishioner, many times, he added.

The 38-year-old priest said Archbishop Kiet, Bishop De and the visitors had asked family members about the detainees' health and situation. They were told relatives have not been allowed to meet the detainees.

Antoine Nguyen Dinh Loc, a lay leader at a parish in the capital, told UCA News Archbishop Kiet and Bishop De appreciated the three Catholics' bravery and consoled family members. They asked them to trust in faith, knowing the local Church is in communion with them. The Church leaders also prayed and blessed their hosts, Loc added.

On the previous afternoon, Archbishop Kiet and Bishop De had visited and prayed at the contested property, near the Thai Ha church.

In a letter dated Sept. 14 that Father Vincent Pham Trung Thanh sent to Redemptorist communities in Vietnam, the Redemptorist provincial superior urged all his confreres to pray especially for lay Catholics who "have been detained or questioned continuously for their praying for justice." He also asked them to pray for the people who were beaten or sprayed with tear gas.

Father Thanh, 53, voiced Redemptorists' great gratitude to all people who bravely voice the truth and vouch for justice. He said they also thanked local bishops, priests, Religious and laypeople who visited, celebrated Mass and prayed at the contested site or sent messages of support.

The provincial asked his confreres to continue conducting novenas, nine days of special prayers, to Our Lady of Perpetual Help for the peaceful resolution of the situation. Heads of Redemptorist communities are continuing to send members to Thai Ha so they can provide pastoral care for people, he added.

"This is an opportunity for us to be salt and yeast in the world," he exhorted.

Loc observed that during recent days, local state-run media have reduced reports vilifying and criticizing local Catholics and Redemptorists.

He also said that 1,000 lay Catholics, 70 priests and 100 nuns walked in procession on Sept. 13 from St. Joseph Cathedral to the gate of the nearby former apostolic nunciature and prayed after attending a special Mass at which 32 Lovers of the Holy Cross nuns took their perpetual vows.

Many Catholics resumed prayer gatherings outside the former local Church property on Aug. 15, the Feast of the Assumption, and on Sept. 2, Vietnam's National Day, when Catholics attended Masses at many churches to pray for national justice, peace and happiness.

The lay leader noted the local government has not yet adopted a "proper" resolution returning the nunciature building to the local Church.

Authorities seized the building in 1959, five years after northern communists defeated French colonial troops. The post of apostolic delegate to Vietnam has been vacant since the last delegate was reassigned elsewhere in 1975, the year communists reunified northern and southern Vietnam. The first delegate was appointed in 1925. (UCAN)
 
官方媒体攻击太河天主教徒的做法可能分裂国民
Asia-News
10:53 17/09/2008
报纸嘲笑参加守夜祈祷的山地族妇女。此类做法,可能在天主教徒和非天主教徒中间造成分裂。传言可能还会有人被捕

河内(亚洲新闻)—越南官方媒体掀起的攻击少数民族天主教徒的宣传战,可能在国内造成极其严重的分裂。越南的天主教徒,多是集中在北部的大约由80万人口组成的山地少数民族。官方媒体将他们描述成迷信、无知、顺从和幼稚的群体。

越南官方媒体从星期一开始掀起的舆论攻击中,着重突出了16名少数民族妇女(见照片)徒步38公里参加在太河堂区前举行的要求收回教产的守夜祈祷。这些少数民族天主教徒,在此次要求收回教产的和平示威中发挥了极其重要的作用。他们身着特殊场合才会穿起的民族服装、带着民族乐器等参加祈祷。

《人民政治报》于星期一撰文,指16名少数民族妇女是在太河堂区事件活跃分子之一,一名四十六岁妇女的唆使下“参加非法反革命活动的”。这名妇女已于九月一日被抓,至今音信皆无。星期六,河内总主教区的吴光杰总主教探访了她的家人以及其他被捕人员的家属。

官方媒体要求对上述少数民族妇女“采取严厉制裁措施”;“展开认真的调查,查明背后扰乱太河公共秩序的指使者”。赎主会会士阮神父明确表示反对政府的这一做法,并警告说,此类做法“可能会造成越南天主教徒和非天主教徒之间的严重分裂,危害国家安全”。教会人士要求政府尊重其自己制定的法律、展示良好的愿望。最后,他指出,有关可能再次逮捕部分人士的消息“只能令事态恶化,造成新的紧张局势、进一步加剧僵局”。
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Hội Dòng Khiết Tâm Đức Mẹ Nha Trang mừng Kim Khánh ngày thành lập Dòng
Hoài Yên
21:25 17/09/2008
HỘI DÒNG KHIẾT TÂM ĐỨC MẸ NHA TRANG MỪNG KIM KHÁNH THÀNH LẬP DÒNG

Ngày 15/09/2008, sinh nhật lần thứ 50, Hội Dòng Khiết Tâm Đức Mẹ Nha Trang hân hoan mừng hồng ân Kim Khánh thành lập trong hai ngày 15 và 16/09/2008, cũng như bế mạc Năm Thánh mà Hội Dòng đã được ân ban trong suốt năm qua.

Sáng sớm, chị em Khiết Tâm đã dàn quân vui mừng chào đón quý khách gần xa đến chung chia niềm vui và cùng cầu nguyện, tạ ơn với gia đình Hội Dòng.

Vào lúc 8 giờ ngày 15/09, sau nghi thức cắt băng khánh thành phòng truyền thống của Hội Dòng, Đức Cha Phaolô Nguyễn Văn Hoà, quý Cha hạt trưởng Giáo phận Nha Trang, quý bề trên tỉnh Dòng Phaolô Đà Nẵng cùng Ban Phụ trách Dòng Khiết Tâm đã niệm hương tưởng niệm và tri ân Đấng Sáng Lập Dòng cùng các bậc tiền nhân.

Tiếp theo là chương trình diễn nguyện lược sử hành trình 50 Hội Dòng được khai sinh và phát triển từ Giáo phận mẹ Nha Trang. Thông qua các tiết mục ca múa, hợp xướng, hoạt diễn, ngâm thơ… kết hợp với ban nhạc ‘cây nhà lá vườn’, chị em diễn viên đã diễn tả sinh động Linh đạo và Sứ mạng Khiết Tâm của mình kinh qua những biến động thăng trầm của đất nước.

Thánh lễ đồng tế bế mạc Năm Thánh hưởng ơn toàn xá do Đức Cha Phaolô (15/09) và Đức Cha Giuse (16/09) cùng đông đảo quý Linh Mục trong và ngoài giáo phận long trọng cử hành lúc 10 giờ 30, với sự tham gia sốt sắng của quý phụ huynh, thân nhân, ân nhân và gia đình Hội Dòng.

Chúa thương chúc phúc, trong hai ngày lễ của Hội Dòng, bầu trời trong xanh dịu mát trong khi trước và sau đó đều có cơn mưa tầm tã làm không ít chị em phải ái ngại, lắng lo…
Biết lấy chi đền đáp Chúa bây giờ
Vì mọi ơn lành Người đã ban cho
(Tv116,12)

Nửa thế kỷ nay, hạt giống Khiết Tâm được gieo trên miền đất mẹ Nha Trang, đã nẩy lộc đâm chồi và triển nở giữa lòng Giáo Hội và xã hội quê hương. Nửa thế kỷ thấm nhuần hồng ân, dừng lại giây lát giữa dòng chảy cuộc đời, mỗi một chị em Khiết Tâm cảm nghiệm lắng sâu tình yêu nhiệm mầu của Thiên Chúa qua đôi tay từ ái Mẹ Khiết Tâm, để cùng Hội Dòng tri ân - cảm tạ tháng ngày ân phúc đã qua, để trung trinh dấn bước trong hiện tại, để hy vọng và tín thác ở tương lai…

Trong niềm vui mừng Kim Khánh thành lập Dòng, chị em Khiết Tâm cùng lật lại trang sử Hội Dòng để cảm tạ bàn tay quan phòng của Chúa Ba Ngôi, tri ân Mẹ Khiết Tâm luôn che chở độ trì, dẫn lối dìu đưa trên hành trình thánh hiến của mình. Từng thành viên Khiết Tâm xin được bày tỏ lòng hiếu kính, biết ơn sâu xa đối với Tổ phụ kính yêu, Giáo phận mẹ Nha Trang, quý Dì MTG Bình Cang, Tỉnh Dòng Phaolô Đà Nẵng, quý phụ huynh và thân nhân, quý ân nhân thân hữu gần xa... đã giúp chị em sống ơn gọi Khiết Tâm của mình giữa lòng Giáo hội và xã hội hôm nay.

50 năm, Tình Chúa hải hà,
50 năm, Lòng Mẹ quá đỗi thiết tha
50 năm, từ lòng Giáo phận nhà,
Kiên vững niềm tin, đoàn con tung lưới khơi xa.
Vượt trùng dương sóng gió trầm kha,
Cõi hồng trần Thập giá nở hoa,
VINH TỤNG CHÚA CHA
BÀI TRƯỜNG CA CẢM TẠ.


SƠ LƯỢC DÒNG KHIẾT TÂM ĐỨC MẸ NHA TRANG

1. CỘI NGUỒN

Để đáp ứng nhu cầu mục vụ trong Giáo Phận Nha Trang vừa được thành lập (05/07/1957), và để đáp ứng nhu cầu ơn gọi của các thiếu nữ đang gia tăng, với lòng sùng kính mến yêu Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ Maria, Đức Cha Raymond Marie Paul Marcel Piquet Lợi, thuộc Hội Thừa Sai Paris (MEP), Giám Mục tiên khởi Giáo Phận Nha Trang, đã quyết định thành lập một Hội Dòng Giáo Phận với tước hiệu “Trái Tim Vẹn Sạch Mẹ Maria”, được gọi là Hội Dòng Khiết Tâm Đức Mẹ.

Ngày 15/09/1958, cùng ngày khai mở Tiểu Chủng Viện Sao Biển Nha Trang cho Giáo Phận, Đức Cha Marcel Piquet Lợi thành lập Thanh Tuyển Viện Dòng Khiết Tâm Đức Mẹ và đặt trụ sở Hội Dòng trên cơ sở của Phước viện Mến Thánh Giá Bình Cang thuộc địa bàn giáo xứ Bình Cang, Giáo Phận Nha Trang.

2. CHÂN TÍNH

Bổn Mạng:
KHIẾT TÂM ĐỨC MẸ, được mừng kính vào ngày lễ Trái Tim Vẹn Sạch Đức Maria ( sau lễ kính Thánh Tâm Chúa Giêsu).

Châm Ngôn Hội Dòng:
Chị Em Khiết Tâm sống châm ngôn của Đấng Sáng Lập: ”Để trong mọi sự, Thiên Chúa được hết lòng yêu mến” (Ut in omnibus maxime ametur Deus)

Căn Tính Khiết Tâm:
Hội Dòng Khiết Tâm Đức Mẹ Nha Trang là một Hội Dòng hoạt động tông đồ, trực thuộc đấng bản quyền Giáo Phận Nha Trang, có lời khấn đơn, tạm và vĩnh viễn.
Là một Hội Dòng Giáo Phận, Chị Em Khiết Tâm trân trọng nền tảng văn hóa dân tộc Việt Nam, lưu tồn và phát huy những truyền thống tốt đẹp trong đường hướng huấn luyện, trong tu phục và nếp sống dân gian.

Đoàn Sủng Khiết Tâm:
Theo tinh thần và ý hướng của Đấng Sáng Lập, và trong tâm tình kết hiệp với Chúa Ba Ngôi, Chị Em Khiết Tâm thực hiện chiều kích đoàn sủng trên môi trường và thời đại đang sống:
- Tôn sùng đặc biệt Trái Tim Vẹn Sạch Đức Mẹ;
- Sống hoạ ảnh Mẹ Khiết Tâm;
- Sống chứng tá và phụng sự Thiên Chúa, Giáo Hội và Dân Tộc Việt Nam, ưu tiên trong Giáo phận NhaTrang.

Linh Đạo Khiết Tâm:
Linh Đạo Khiết Tâm là con đường tình yêu từ Trái Tim Vẹn Sạch Đức Maria đến:
- Tấm lòng hiền phụ của Chúa Cha,
- Trái Tim Rất Thánh của Chúa Giêsu,
- Tình yêu huyền nhiệm của Chúa Thánh Thần,
- Và trái tim nhân loại.
Di chúc Thập Giá của Chúa Kitô (x. Ga 19,25-27) đã đưa Chị Em vào Linh Đạo Khiết Tâm. Chị Em ”rước Mẹ về nhà mình”, để Mẹ đồng hành với mỗi người trong hành trình thánh hiến, nhất là để Mẹï phù hộ và là khuôn vàng thước ngọc cho mỗi người.

Sứ Mạng Thừa Sai Khiết Tâm:
Theo khuôn mẫu của Chúa Giêsu, Đấng đã được Chúa Cha thánh hiến và sai vào trần gian (x. Ga 10,36), đồng thời là người con được cưu mang và sinh ra từ “dòng máu thừa sai” của Đấng Sáng Lập, Chị Em Khiết Tâm sống sứ mạng thừa sai bằng đời sống chứng tá và loan báo Tin Mừng trong việc phục vụ Giáo Hội và xã hội như:
- Giáo dục văn hóa cho giới trẻ,
- Làm công việc bác ái xã hội,
- Thi hành công tác mục vụ được Đức Giám Mục Giáo Phận chấp thuận hoặc giao phó; giáo dục đức tin cho mọi người, đặc biệt các dự tòng và trẻ em.

3. LƯỢC SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

Tình Yêu Quan Phòng kỳ diệu của Thiên Chúa luôn rợp bóng trên giáo phận Nha Trang, trên vị Giám mục tiên khởi để Thánh ý Chúa được thể hiện và Danh Chúa thêm cả sáng trong chương trình và hoạch định của vị mục tử cho giáo phận nhà…

Ngày 15/09/1958, lễ kính bảy sự Thương Khó Đức Maria, Đức Cha Marcel Piquet đã khai sinh Thanh Tuyển Viện Dòng Khiết Tâm nơi Nhà Phước Mến Thánh Giá Bình Cang, trên mảnh đất Bình Cang hiền hoà, còn lưu dấu Chị Anê Dần, một thỉnh sinh thuộc nhà phước Mến Thánh Giá Địa phận Đông ĐàngTrong, đã lãnh phúc tử đạo năm Canh Thân 1860, thời vua Tự Đức.

Một số đệ tử và dì phước trẻ thuộc MTG Bình Cang, MTG Dinh Thuỷ, MTG Quy Nhơn có quê nhà tại Nha Trang và Phan Rang, và thanh tuyển sinh Khiết Tâm mới gia nhập ngày 15/09/1958 làm thành những thế hệ đầu tiên của Hội Dòng Khiết Tâm Đức Mẹ Nha Trang.

Ngày 19/09/1961, Đức Cha Piquet ban Sắc Lệnh Thành Lập Dòng.

Ngày 12/05/1962, Ngài phê chuẩn và ban hành Quy Chế Tiên khởi cho Hội Dòng.

Giữa lòng Giáo Phận Mẹ Nha Trang, Hội Dòng Khiết Tâm Đức Mẹ được Đức Cha Piquet Lợi cưu mang, sinh hạ và tận tình yêu thương dưỡng dục trong giai đoạn tuổi thơ của Hội Dòng (1958 - 1966). Sau khi Đấng Sáng Lập về Nhà Cha, Chị Em Khiết Tâm được các vị kế nhiệm Ngài là Đức Cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận (1967- 1975) và Đức Cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa (1975 – nay…) tiếp tục yêu thương chăm sóc để Hội Dòng thêm trưởng thành và phát triển không ngừng giữa lòng Giáo hội và xã hội.

Theo thỉnh nguyện của Đấng Sáng Lập, Hội Dòng Khiết Tâm Đức Mẹ non trẻ được Tỉnh Dòng Thánh Phaolô thành Charles tại Đà Nẵng chăm sóc giáo dưỡng trong giai đoạn khởi đầu. Mẹ Ange de Saint Paul, Cố Giám Tỉnh Dòng Phaolô, đã gởi các Bà Phaolô đến Dòng Khiết Tâm Nha Trang để đảm trách vai trò điều hành và huấn luyện những thế hệ Khiết Tâm đầu tiên. Trong đó, 11 Lớp khấn Khiết Tâm đầu tiên đã thụ huấn chương trình của Thỉnh sinh và Tập kỳ cùng với chị em Phaolô tại Tập Viện Stella Maris - Đà Nẵng…

Từ sau 5 năm thành lập, Hội Dòng đã có những nữ tu Khiết Tâm trên các nẻo đường phục vụ: cộng tác sinh hoạt mục vụ với các xứ đạo; điều hành và dạy học tại nhiều trường sở của giáo xứ; tham gia công tác y tế tại Dân Y Viện Nha Trang và Phan Thiết; và hoạt động công tác bác ái xã hội như điều hành ký nhi viện, cô nhi viện, trung tâm huấn nghệ, trung tâm văn hoá Thượng – Chàm, cư xá sinh viên…

Từ năm 1972 - 1976, một số chị em Khiết Tâm thực tập vai trò điều hành Hội dòng, dưới quyền bề trên lúc này là Bà Marie Angéline, một nữ tu Phaolô. Biến cố thời cuộc 1975 làm thay đổi bộ mặt xã hội và dung mạo các dòng tu. Với sự khích lệ của Đức Cha Phaolô Nguyễn Văn Hoà, ngày 15/05/1976, Hội Dòng Khiết Tâm chính thức có Ban Phụ Trách Dòng tự lập với chị Marie Ange là tổng phụ trách đầu tiên. Trong khúc quanh lịch sử của đất nước, những chị đầu đàn Khiết Tâm đã hướng dẫn con thuyền Hội Dòng trung kiên vượt qua những sóng gió thăng trầm của thời cuộc…

4. GIỮA LÒNG GIÁO HỘI VÀ XÃ HỘI HÔM NAY

NHÂN SỰ (2008)

• Bề Trên đương nhiệm: Nữ tu Imelda Thanh Bình
• Hội Dòng hiện có 270 nữ tu, 24 tập sinh, 18 tiền tập, và 130 thanh tuyển sinh. Hội Dòng có 46 Cộng Đoàn, hiện diện tại 5 Giáo Phận:
- GP. Nha Trang: 37 Cộng đoàn
- GP. Phan Thiết: 5 Cộng đoàn
- GP. Sài Gòn: 1 Cộng đoàn
- GP. Ban Mê Thuột: 2 Cộng đoàn
- GP. Naha (Nhật Bản): 1 Cộng đoàn

NHỮNG LOẠI HÌNH PHỤC VỤ

Giữa lòng Giáo hội và xã hội hôm nay, chị em Khiết Tâm nguyện mau mắn lên đường với Mẹ, để đem Chúa vào đời và đem đời về với Chúa bằng Sứ Mạng Thừa Sai Khiết Tâm của mình:

Sinh Hoạt Mục Vụ

- Giáo dục đức tin cho thanh thiếu niên và dự tòng;
- Phục vụ trong Ban Giáo lý Giáo phận Nha Trang;
- Điều hành ca đoàn, trợ tá các Hội Đoàn trong giáo xứ;
- Phục vụ Bàn Thánh, đem Mình Thánh Chúa cho bệnh nhân;
- Đảm nhận một số công tác nghệ thuật thánh


Công Tác Giáo Dục - Y Tế - Bác Ái Xã Hội

- Mở trường, lớp chăm sóc giáo dục trẻ mầm non – mẫu giáo; mở nhà nội trú giáo dục trẻ phổ thông cấp I, II, III
- Mở Trung tâm chăm sóc giáo dục trẻ khuyết tật (chậm phát triển và khiếm thính);
- Mở lớp học tình thương cho trẻ em nghèo thất học;
- Tham gia dạy học tại trường Khuyết tật và Tiểu học;
- Làm việc tại Phòng Khám Đa Khoa;
- Mở tủ thuốc bác ái cho người nghèo trong khu vực;
- Cộng tác chương trình y tế Giáo Phận để khám bệnh và phát thuốc miễn phí cho bệnh nhân phong tại Xóm Nhỏ – Núi Sạn, bệnh nhân nghèo tại giáo xứ Mỹ Hoán và Suối Hoà;
- Phục vụ văn phòng Bác Ái Xã Hội của Giáo Phận;
- Giúp học bổng cho học sinh nghèo tại một số giáo xứ;
- Tiếp cận và sinh hoạt hỗ trợ trẻ em đường phố;
- Tham gia công tác “Bảo vệ sự sống”: nâng đỡ thanh nữ lỡ lầm và chăm sóc cô nhi;
- Xây nhà tình thương cho người nghèo;
- Chia sẻ nhu yếu phẩm cho anh em dân tộc thiểu số;
- Thăm viếng và giúp đỡ người già cả neo đơn, bệnh nhân lương giáo.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Lá thư Hiệp thông của Dòng Chúa Cứu Thế tại Melbourne, Úc
LM Bề trên Bruce Duncan, CSsR
02:03 17/09/2008
BẢN CHUYỂN NGỮ LÁ THƯ HIỆP THÔNG
CỦA DÒNG CHÚA CỨU THẾ TẠI MELBOURNE, ÚC


Ngày 15 tháng 9 năm 2008

Kính gởi cha Vincent Phạm Trung Thành,
Bề trên Giám Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam,
cha Matthew Vũ Khởi Phụng,
Bề trên Cộng đoàn Dòng Chúa Cứu Thế Thái Hà, Hà Nội,
và Toàn thể anh chị em giáo dân Giáo xứ Thái Hà,

Cha Vincent và cha Matthew thân mến,

Chúng tôi, Dòng Chúa Cứu Thế tại Úc, đã quan tâm theo dõi và biết được những khó khăn mà Dòng Chúa Cứu Thế tại Việt nam đang phải đương đầu với một số cơ quan trong chính phủ Việt Nam, đang tìm mọi cách từ chối trao trả lại phần đất thuộc về Dòng Chúa Cứu Thế tại Thái Hà. Cuộc tranh chấp này đã được biết đến, được loan tải rộng rãi tại Úc, và dân chúng ở đây rất bức xúc khi biết các quan chức chính phủ Việt Nam không tuân thủ những quyền pháp lý cơ bản và tiến trình tố tụng hợp pháp.

Chúng tôi rất đỗi ngạc nhiên trước sự kiện này, khi chúng tôi nghĩ rằng Việt Nam đã thực hiện và có nhiều tiến bộ trong việc đẩy mạnh hạnh phúc và thịnh vượng cho đời sống của nhân dân, cũng như trong việc bảo đảm công lý xã hội và tự do hơn!

Chúng tôi cũng biết rằng Giáo Hội Công Giáo Việt Nam đang tích cực nâng cao cuộc sống toàn thiện cho cho người dân Việt, đặc biệt về lãnh vực sức khỏe và giáo dục; và tiếp tục nỗ lực tham gia đóng góp nhằm đảm bảo xã hội hài hòa và một nền kinh tế thịnh vượng chung cho tất cả. Giáo Hội của chúng ta đánh giá cao tấm lòng chân thành, tinh thần cần lực, sự trung thành trong các mối quan hệ; vun trồng cho thế hệ trẻ, chăm sóc người già, lo lắng cho kẻ ốm đau bệnh tật, song song với xây dựng nền công lý chung cho tất cả và tự do trong xã hội dân sự. Đó đích thực là những giá trị sẽ tiếp tục tạo dựng Việt Nam thành một xã hội mạnh và ổn định.

Chúng tôi, Linh mục Tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế tại Thành phố Melbourne, Úc Châu, hiệp thông với anh em trong lời cầu nguyện, và sẽ sát sao theo dõi xem vấn đề sẽ được giải quyết ra sao. Trong tình đoàn kết, chúng tôi sẽ cùng với anh em cùng nỗ lực mang lại một sự hòa giải êm thắm và vững bền giữa dân tộc.

Cuộc tranh chấp và mâu thuẫn này không chỉ phương hại đến hình ảnh và ấn tượng tốt về Việt Nam trên đất nước chúng tôi, đã có được những liên đới mạnh mẽ tương quan tốt đẹp với người dân Việt Nam trong những năm gần đây, mà còn hủy hoại và phân rẽ xã hội Việt Nam thay vì thúc đẩy sự hợp tác rộng rãi và đề cao dấn thân cho sự nghiệp phát triển văn hóa và xã hội hơn nữa.

Chúng tôi chân thành nguyện xin cho mọi người có được sự khôn ngoan sáng suốt để vấn đề được sớm giải quyết tận căn.

Anh em Dòng Chúa Cứu Thế Úc
Bruce Duncan, CSsR
Bề trên Dòng Chúa Cứu Thế tại Melbourne - Úc
(Và các thành viên ký tên dưới đây)
 
Đối diện
Thiênhương Vũ
11:28 17/09/2008
Đối Diện

Nếu anh sinh ra trong những ngày giông tố
Nên bình minh không đem lại thi ca
Nếu anh sống không cần ánh mặt trời
Sao lại bắt mọi người nhận anh là chân lý

Nếu đem cái giả anh tráo là sự thật
Kiếp con người anh có đủ lương tri?
Nếu mùa xuân anh bảo là mùa hè
Thì vũ trụ trong anh là hỗn độn

Nếu anh nghĩ rằng anh luôn luôn đúng
Sao con người lại thắp nến dâng hoa
Nếu chai lì trong những nỗi đọa đầy
Tôi sẽ dâng anh lên trong lời ca nguyện ước

Anh hãy đối diện một lần trong Sự Thật
Đặt đời mình trước Thiên Chúa Tối Cao
Cái chết anh không phải là ngọt ngào
Như hùm thiêng mảnh đời anh đã sống
Vì thật ra anh không còn tư tưởng
Nên tâm hồn đã chai cứng hoang sơ
Lý tưởng anh là huyệt mộ vật vờ
Nên thác loạn theo anh từng hơi thở

Cho tôi xin một lần, anh nắm chặt
Đời của anh trong sự thật rõ ràng
Đối diện nhanh với chân lý cao sang
Anh sẽ biết đời thật là qúa đẹp

Vì mùa thu trên quê hương lãng đãng
Tiếng chim chiều trong khói nhẹ mùa sang
Bóng hoàng hôn rực rỡ vẻ dịu dàng
Của nắng quái bỗng tràn qua phố thị

Và anh biết ai là nguồn Chân Lý
Tuôn Hồng Ân qua cách sống diệu kỳ
Ngài tạo anh trong mỗi bước chân đi
Và cảnh sắc Hà Thành nơi anh sống

Hãy nhắm mắt và rồi anh nghiền ngẫm
Trả cho đời những vẻ thanh cao
Chiến công anh là những nỗi ngọt ngào
Của cái “Tôi” hoang sơ biến mất
Đời Cứu Độ giúp anh tràn sữa mật
Nơi Thiên đường anh đã góp công lao.

Thiênhương Vũ
(Tôi muốn tặng bài thơ này cho những người
đang lãnh đạo trong vụ việc tấn côngThái Hà lấy trắng đổi đen)
Dâng tặng Dân tộc tôi, quê hương tôi,
Những tâm hồn chia xẻ.
 
Học sinh Công giáo có dính dáng tới việc cầu nguyện ở Thái Hà cũng bị đe dọa!
Nhân Văn
12:00 17/09/2008
HÀ NỘI - Giáo xứ Thạch Bích nằm ven đô cách giáo xứ Thái Hà khoảng 10 km, là một trong những giáo xứ lớn của Giáo phận Hà Nội, có truyền thống về đạo đức, tổ chức các hội đoàn, cũng như việc bảo vệ Giáo hội.

Giáo xứ Thạch Bích bị công an theo dõi đặc biệt

Giáo dân xứ Thạch Bích không chỉ bây giờ mới biết tới nhà thờ Thái Hà. Từ xa xưa, vào thời buổi cấm cách, không có linh mục coi sóc, bà con giáo dân xứ Thạch Bích đã cùng nhau, người đi bộ, người đi xe, từng tốp, từng tốp đến Thái Hà để tham dự thánh lễ, lãnh các Bí tích và cầu nguyện cùng Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, đã trở thành một nếp sống tâm linh không thể thiếu, đến nay đã ăn sâu vào đời sống đạo của bà con giáo dân xứ Thạch Bích.

Từ khi Thái Hà xẩy ra chuyện công an và chính quyền Hà Nội bắt và đánh người trái phép, thì tại giáo xứ Thạch Bích luôn có khoảng 20-30 công an nằm vùng theo dõi những phản ứng của bà con giáo dân, nghe xem cha xứ giảng cái gì. Tất cả những ai đến linh địa Đức Mẹ cầu nguyện đều bị theo dõi sát sao.

Những trường hợp điển hình chính quyền địa phương Hà nội xách nhiễu các em học sinh Công giáo

Chính quyền Hà Nội đã không không những đã dùng sức mạnh của bạo lực để đàn áp giáo dân đến cầu nguyện, doạ nạt người lớn, mà còn đe dọa và làm rầy rà cả trẻ em.

Cả tháng nay, chính quyền Hà Nội đã thông báo đến tất cả các quận, huyện, xã phường, các trường học nhằm khủng bố học sinh, sinh viên công giáo. Trên giảng đường Đại học Hà nội, sinh viên bị doạ nạt: “nếu ai đến Thái Hà thì sẽ bị đuổi học”, một sinh viên trường CĐ xây dựng (xin dấu tên) cho biết. Chính quyền không biết rằng, học sinh, sinh viên đến Thái Hà là để cầu nguyện, có làm gì? có trộm cắp, móc túi, có những thứ vũ khí gì? mà họ phải lo sợ như vậy.

Ở trường Trung học cơ sở Bích Hòa thầy cô giáo tiếp tục khủng bố học sinh, họ doạ đuổi học những em nào đến Thái Hà cầu nguyện. Cha mẹ các em học sinh ta thán rằng: tại sao chính quyền và nhà trường có đầy quyền lực trong tay, có vũ khí đạn dược mà phải sợ những em học sinh lớp 6, lớp 7.

Ngày 2 tháng 9 vừa qua, chính quyền huyện Thanh Oai đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp, bắt ép thầy Nguyễn Tiến Toan, hiệu trưởng trường trung học cơ sở Bích Hoà phải đến tận Thái Hà để xem có học sinh của trường mình cầu nguyện ở đó không, nếu thấy em nào thì đuổi về, em nào không về sẽ đuổi học ngay, một phụ huynh học sinh nói, đã gặp thầy Toan ở Thái Hà được thầy cho biết.

Trước đó, ngày 30 tháng 8 hai cháu Quỳnh và cháu Hương ở xóm Trên xứ Thạch Bích, (học sinh lớp 7B) đến Thái Hà cầu nguyện, sau khi về đã bị thầy cô giáo gọi đứng trước lớp sỉ nhục, đe nẹt, doạ đuổi học, bắt làm kiểm điểm và phải hứa không đến Thái Hà nữa, phụ huynh của các em cho biết.

Nhiều phụ huynh rất bức xúc trước những hành động như vậy của thầy cô. Họ tự đặt câu hỏi rằng: Khi làm như vậy, các thầy cô giáo có làm theo lương tâm của người thầy hay không? Có phải là các nhà giáo dục hay giáo dở, nghề nhà giáo có còn là cái nghề cao quý nữa hay không? Hay chỉ vì bát cơm, manh áo mà đánh mất lương tri, bỏ đi cái danh hiệu cao quý là “kỹ sư tâm hồn”. Trong khi đó nhà trường luôn đề cao lễ nghĩa “tiên học lễ, hậu học văn” thế mà thầy cô giáo lại sỉ nhục, doạ nạt học sinh trước mặt những học sinh khác, đó có phải là gương sáng hay chỉ vì đồng lương mà họ làm gương mù, hay khẩu hiệu đó đã được thay đổi: “tiên học phí hậu học thêm”.

Thầy cô họ dạy học sinh một kiểu, họ đối sử với học sinh kiểu khác. Hàng ngày chính quyền vẫn rêu rao là chính sách của Nhà nước là cần phải đoàn kết không phân biệt giàu nghèo, không phân biệt tôn giáo. Nhiều người đã và đang lo ngại rồi con em người công giáo số phận sẽ ra sao, có lặp lại lịch sử những năm 70-80? Thời kỳ đó, cộng sản luôn trù dập những con em công giáo và những em này không được nhận vào bất cứ trường đại học nào, không nhận vào công ty, xí nghiệp.

Dầu trước những thử thách và muôn vàn khó khăn, nhưng người công giáo luôn tin tưởng vào Thiên Chúa, không sợ áp bức bóc lột, không sợ bị đè nép, giáo dân tiếp tục và hăng hái bảo vệ chân lý, lẽ phải, đòi lại sự công bằng, để làm cho dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh đem lại hạnh phúc cho mọi người.
 
Giáo xứ Thái Hà thông cáo: thêm một giáo dân bị Công an bắt giam
Lm Phêrô Nguyễn Văn Khải DCCT
12:05 17/09/2008
TỔNG GIÁO PHẬN HÀ NỘI
Giáo xứ Thái Hà-DCCT Hà Nội

180/2 Nguyễn Lương Bằng,
Đống Đa, Hà Nội


Hà Nội, ngày 17 tháng 9 năm 2008

THÔNG CÁO:THÊM MỘT GIÁO DÂN BỊ KHỞI TỐ VÀ BỊ BẮT GIAM
VÌ ĐÃ CAN ĐẢM LÀM CHỨNG CHO CHÂN LÝ VÀ MƯU TÌM CÔNG LÝ


Kính gửi: Quý ông bà anh chị em giáo dân và toàn thể những người yêu công lý

Kính thưa quý ông bà anh chị em và toàn thể quý vị

Trong thời gian vừa qua, đông đảo giáo dân đã tham gia làm chứng cho chân lý và bảo vệ công lý tại khu vực nhà thờ Thái Hà. Ngày 11 tháng 9 vừa qua chúng tôi đã thông cáo danh sách 7 người bị khởi tố và/ hoặc bị bắt giam.
Hôm nay, chúng tôi được biết có thêm một nạn nhân nữa chịu thiệt thân ví sứ mạng làm chứng cho công lý và sự thật. Đấy là ông Giuse Phạm Trí Năng, sinh năm 1959, thường trú tại thôn Thường Lệ, xã Đại Thịnh, huyện Mê Linh, Vĩnh Phúc.

Người con trai ông báo cho chúng tôi biết ông bị công an bắt vào khoảng 16 giờ hôm qua ngày 16 tháng 9 năm 2008. Hôm nay chúng tôi đã gọi điện thoại cho Công An Quận Đống Đa để xin xác nhận. Cán bộ đã thực hiện lệnh bắt cho biết: Công An Quận Đống Đa đã có quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam 2 tháng đối với ông Giuse Phạm Trí Năng và hiện nay ông đang ở Trại Tạm giam Công An TP Hà Nội.

Như vậy, tính đến hôm nay 17.09.2008, liên quan đến việc làm chứng cho chân lý và mưu tìm công lý ở Giáo xứ Thái Hà đã có 8 nạn nhân, trong đó có 4 nam, 4 nữ, ở 4 giáo xứ (Thái Hà, Hàng Bột, Tình Lam và Thường Lệ), thuộc 3 giáo phận (Hà Nội, Hưng Hoá và Bắc Ninh).

Kính xin quý ông bà anh chị em giáo dân và toàn thể quý vị yêu công lý cầu nguyện cho Giáo xứ Thái Hà, đặc biệt cầu nguyện cho ông Giuse Phạm Trí Năng và các nạn nhân vì công lý.
Chúng tôi xin chân thành cám ơn.

Giáo xứ Thái Hà-DCCT Hà Nội
Phát ngôn viên
 
Thánh Lễ Giỗ tưởng nhớ một Nguời Tù đã từng tranh đấu cho Công Lý và Hòa Bình
PV VietCatholic
13:49 17/09/2008
GIANG XÁ, Hà nội - Nhân dịp kỷ niệm 6 năm ngày Đức Hồng Y Phanxico Xavier Nguyễn Văn Thuận được Chúa gọi về, sáng ngày thứ ba, 16 tháng 9 năm 2008, tại thánh đường giáo xứ Giang Xá – giáo Phận Hà nội, Đức Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt – TGM Hà nội cùng đông đảo quý Cha đã cử hành Thánh lễ kính nhớ ĐHY và cầu nguyện với Ngài.

Hình ảnh những kỉ vật của Đức cố Hồng Y được lưu trữ tại giang Xá

Trong Thánh Lễ hôm nay, mọi người cùng hiệp thông cảm tạ hồng ân Chúa đã ban cho giáo hội, cách riêng giáo hội Việt nam có một vị mục tử kiên trung theo gương Thầy Chí Thánh, đồng thời, tất cả cùng cầu nguyện với Ngài, và nhất là cầu nguyện để hồ sơ phong Chân Phước cho Ngài sớm được hoàn tất.

Sau khi bị biệt giam 9 năm, Đức Hồng Y Phanxico Xavier đã được đưa về giáo xứ Giang Xá và bị quản thúc trong một thời gian khá dài tại đây. Tấm gương đạo đức và lòng tín thác vào Chúa cùng với một sự giản dị, gần gũi của ngài đã để lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng mỗi người giáo dân Giang Xá. Tại nhà xứ hiện nay vẫn còn lưu giữ gần như nguyên vẹn căn phòng đơn sơ với những vật dụng hết sức bình dân, nghèo nàn của Đức Hồng Y.

Trong những ngày bị lao từ ở Giang Xá, Đức Cố Hồng Y Nguyễn Văn Thuận đã nhới lại chuỗi ngày và những kỉ niệm như sau

"Năm 1980, lúc bị đưa ra quản thúc ở Giang Xá, Bắc Việt, tôi đã tiếp tục viết mỗi đêm trong bí mật cuốn thứ hai, "Đường Hy Vọng Dưới Anh Sáng Lời Chúa và Công Đồng Vatican II", cuốn thứ ba, "Những Người Lữ Hành Trên Đường Hy Vọng".

Bàn viết nơi Đức cố Hồng Y đã viết "Đường Hy Vọng"
Tôi không chờ đợi. Tôi sống phút hiện tại và làm cho nó đầy yêu thương.

Trong Phúc âm, các Tông đồ muốn chọn con đường dễ nhất, khỏe nhất: "Xin Thầy cho dân chúng về, để họ mua thức ăn"...Nhưng Chúa Giêsu muốn hành động trong phút hiện tại: "Chính các con hãy cho họ ăn đi" (Lc 9, 1). Trên thánh giá, khi người ăn trộm thưa với Chúa Giêsu: "Thưa Ngài, khi về thiên đàng xin Ngài nhớ đến tôi". Chúa Giêsu đáp: "Hôm nay con sẽ ở cùng Ta trên nước thiên đàng" (Lc 23, 42-43). Trong tiếng "hôm nay" của Chúa Giêsu, tôi cảm thấy tất cả sự tha thứ, tất cả tình thương của Ngài.

Cha Maximiliano Kolbe sống tinh thần ấy khi ngài khuyên các tập sinh trong dòng: "Tất cả, tuyệt đối, không điều kiện". Tôi đã nghe Đức Cha Helder Camara nói: "Cả cuộc đời là học yêu thương". Một lần Mẹ Têrêxa Calcutta gửi thư cho tôi, Mẹ viết: "Điều quan trọng không phải là số công tác đã thực hiện nhưng là mức độ tình yêu ta đã để vào mỗi công việc".

Làm sao yêu thương đến cao độ như thế trong mỗi phút hiện tại? Tôi nghĩ rằng tôi phải sống mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi phút như là giờ phút cuối cùng của đời tôi. Dẹp bỏ những gì là phụ thuộc, tập trung cả tâm hồn cho những gì là chính yếu. Mỗi lời nói, mỗi tư tưởng, mỗi cử chỉ, mỗi cú điện thoại, mỗi quyết định phải là "đẹp nhất" của đời tôi. Tôi phải dành cho mỗi người tình yêu của tôi, nụ cười của tôi: tôi phải lo sợ đánh mất một giây phút nào trong đời mình vì đã sống không ý nghĩa...

Tôi đã viết trong sách Đường Hy Vọng: "Con chỉ có một giây phút đẹp nhất: giây phút hiện tại (x Mt 6, 34; Gc 4, 13-15). Sống trong tình yêu Chúa cách trọn vẹn, đời con sẽ tuyệt đẹp nếu kết tinh bằng từng triệu giây phút đẹp nhất. Con thấy đơn sơ, không phải khó (ĐHV 997).

Các bạn trẻ thân mến, trong thời đại này, Chúa Giêsu cần đến các bạn. Đức Gioan Phaolô II tha thiết kêu gọi các bạn hãy đương đầu với những thách đố của thế giới hôm nay:

Chúng ta đang sống trong một giai đoạn đầy biến chuyển kinh khủng. Những lý thuyết được xem là đủ sức thi gan cùng tuế nguyệt nay đã đến lúc xế chiều. Trên hoàn cầu, cần phải phác họa lại ranh giới của nhiều quốc gia. Nhân loại tự cảm thấy mình rất lúng túng, hốt hoảng, lo lắng (Mt 9, 36). Nhưng lời Chúa không bao giờ qua đi; đọc lại lịch sử, chúng ta thấy bao nhiêu biến cố thăng trầm, đang lúc ấy lời Chúa đứng vững và chiếu sáng (Mt 24, 35). Đức tin của Hội thánh được xây dựng trên Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu thế độc nhất: hôm qua hôm nay và mãi mãi (Eb 13, 18). "

(Gioan Phaolô II, Sứ điệp NQTGT XII, số 2)

Cầu Nguyện

Đôi guốc của ĐHY
Lạy Chúa Giêsu,
Chiều hôm qua, Lễ Đức Mẹ Hồn Xác lên trời, con đã bị bắt.
Đưa đi trong đêm, từ Sàigòn đến Nha Trang.
Trên đường dài bốn trăm rưởi cây số,
ngồi trên xe giữa hai công an.
Con bắt đầu kinh nghiệm cuộc đời một tù nhân.

Bao nhiêu tâm tình lẫn lộn trong đầu óc con:
Buồn có, sợ có, căng thẳng có.
Tim con tan nát vì phải xa cách giáo dân của con.
Giữa cơn khổ nhục, con đã nhớ lời Thánh kinh:
"Họ đã liệt con vào giữa người gian ác" (Lc 22, 37).

Tù nhân Nguyễn Văn Thuận
Xe chở con xuyên ba giáo phận đã gắn liền với đời con:
Sàigòn, Phan Thiết, Nha Trang.
Con yêu mến đoàn chiên của con
và sẳn sàng chịu tù đày, chịu chết vì họ.

Họ không biết vị mục tử của họ
đang bước đi giai đoạn đầu của Đàng Thánh Giá;
Giữa đại dương cay đắng cực độ ấy,
con cảm thấy mình tự do hơn bao giờ hết.

Con không có gì hết, dù một xu cũng không,
trừ tràng chuỗi Mân côi, và ý thức Chúa Giêsu,
Mẹ Maria không bao giờ rời con.

Một số đồ dùng khi bị ở tù
Trên đường tù đày con đã cầu nguyện:
Lạy Chúa là Chúa của con, là tất cả mọi sự của con.
Lạy Mẹ Maria, con xin dâng mình cho Mẹ,
toàn thân con thuộc về Mẹ,
mọi người thân yêu và mọi sự của con là của Mẹ.

Lạy Chúa, con không đợi chờ,
con quyết sống phút hiện tại,
và làm cho nó đầy tình thương,
vì chấm này nối tiếp chấm kia,
ngàn vạn chấm thành một đường dài.
Phút này nối tiếp phút kia, muôn triệu phút thành một đời sống.
Chấm mỗi chấm cho đúng, đời sẽ đẹp.

Sống mỗi phút cho tốt, đời sẽ thánh.
Đường hy vọng do mỗi chấm hy vọng.
Đời hy vọng do mỗi phút hy vọng.
Như Chúa Giêsu, trọn đời đã làm những gì đẹp lòng Đức Chúa Cha.

Mỗi phút giây con muốn làm lại với Chúa,
"một giao ước mới,
một giao ước vĩnh cửu".

Con muốn cùng với Hội thánh hát vang:
Vinh danh Chúa Cha và Chúa Con và
Chúa Thánh Thần.
Alleluia! Alleluia! Alleluia!
 
Người không có tương lai
John Chang
14:12 17/09/2008
Người không có tương lai
(Viết tặng các Cán bộ Cộng sản tại Thái Hà)

Tôi có thể phỏng đoán tương lai gần
Một ngày sau tôi vẫn là tôi
Vẫn ăn vẫn ngủ vẫn làm việc
Vẫn hưởng đời như hôm nay.
Một tuần sau tôi vẫn như vậy
Một tháng sau tôi không khác mấy
Nhưng hàm chứa nhiều bất ngờ hơn.
Một năm sau tôi sẽ già hơn 1 tuổi
Trán thêm nhăn, lưng thêm mỏi
Mười năm sau chắc gì tôi còn sống
Người thân quen cũng lần lượt ra đi.

Tôi hoàn toàn biết chắc tương lai xa
Trăm năm sau tôi là người thiên cổ
Ai còn nhớ đến tôi?
Mười tỷ năm nữa mặt trời sẽ chết
Thế giới này cáo chung.
Tôi duy vật vô thần
Nên chẳng có tương lai.

Vì miếng danh lợi cỏn con tạm thời
Tôi điêu ngoa đổi trắng thay đen
Bàn tay tôi đẫm máu người vô tội
Nào ai làm gì được tôi
Chết là hết
Tôi đã thụ hưởng tối đa cuộc đời.

Nhưng trên đỉnh cao danh lợi thú
Lòng tôi khắc khoải không yên
Vì trên đời này lại có một ông Giê-su
Ông chẳng là cái thớ gì cả
Một tội đồ bị chết ô nhục hai ngàn năm trước
Chung quanh chỉ có lèo tèo vài người quan tâm
Nhưng trong lòng hàng tỷ người hôm nay
Ông Giê-su vẫn luôn sống
Chỉ có ông cho họ một tương lai vững bền
Họ không cần phải tranh giành cướp giựt cái chi
Họ lại cho đi tất cả
Sẵn sàng quỳ xuống rửa chân cho người khác.

Ngàn năm nữa chẳng ai còn biết đến tôi
Chủ nghĩa làm bình phong che dấu tội ác
Và tạo nên ảo tưởng tôi trở thành vĩ đại
Cũng đã xuống mồ.
Nhưng đoàn người theo ông Giê-su
Đã từng tồn tại hai ngàn năm sẽ vẫn còn đó vào hai ngàn năm tới.
Sự thật lịch sử sẽ do họ viết lên
Tên tôi sẽ ở đâu trong sự thật lịch sử đó
Một cái đuôi đàng sau Phi-la-tô, Hê-rô-đê, Nê-rô, Xít-ta-lin, Mao Trạch Đông…
Vô số người đã tưởng rằng có thể tiêu diệt được ông Giê-su

Nhưng quan trọng hơn là bản thân tôi sẽ ở đâu vào lúc đó
Chết là hết, tôi hoàn toàn không có tương lai
Những gì tôi cướp bóc trên những xác người
Để thụ hưởng cũng hóa thành vô nghĩa.

Chỉ có những người tin và làm theo lời của ông Giê-su
Không tranh giành danh lợi thú
Từ bỏ mình, hiến thân phục vụ người khác
Cam chịu tù đầy bắt bớ lăng nhục và bị giết chết
Để làm chứng cho sự thật của ông Giê-su
Mới có một tương lai vĩnh cửu
Nơi ngôi nhà đời đời của ông
Có dòng sông mang nước trường sinh, sáng chói như pha lê
Có cây sự sống mỗi tháng ra một lứa trái
Không có nước mắt, không còn sự chết, chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ

Tôi không tin vào những điều nhảm nhí đó
Tôi chỉ tin vào cuộc đời vài chục năm tôi có
Tôi tranh giành cướp giựt để thụ hưởng tối đa
Nhưng sao lòng tôi lại khắc khoải không yên
Có lẽ vì tôi không hề có tương lai.
 
Cộng Đồng Công Giáo VN Giáo Phận Orange tổ chức “Đêm thắp nến cầu nguyện cho Thái Hà”
Vũ Ðình Trọng/Người Việt
14:33 17/09/2008
SANTA ANA, California (NV) - Trước tình hình giáo dân xứ Thái Hà, Hà Nội đang bị nhà cầm quyền CSVN đàn áp mạnh bạo trong thời gian gần đây, Cộng Ðồng Công Giáo Việt Nam Giáo Phận Orange đã tổ chức “Ðêm thắp nến cầu nguyện cho Thái Hà” tại Trung Tâm Công Giáo Việt Nam Giáo Phận Orange vào chiều Thứ Hai, 15 Tháng Chín, 2008, với sự tham dự của hơn 600 giáo dân của 14 cộng đoàn trong vùng và đồng hương.

Trong buổi tiếp xúc với giới truyền thông Việt ngữ trước giờ cử hành lễ, Linh Mục Nguyễn Uy Sỹ, chủ tịch Hội Ðồng Mục Vụ, giám đốc Trung Tâm Công Giáo Việt Nam Giáo Phận Orange, cho biết:

“Những sự việc xảy ra tại quê nhà là những quan tâm chung cho tất cả người Việt hải ngoại. Nhất là những sự việc đó lại liên quan đến người công giáo nên chúng tôi rất quan tâm. Chúng tôi muốn bày tỏ sự hiệp thông của chúng tôi đối với các anh chị em ở quê nhà, những người công giáo đang bị đàn áp. Tuy nhiên qua việc này, chúng tôi muốn lên tiếng tranh đấu cho nhân quyền, cho tự do công chính. Ðịa phận Orange đã kết thông với tổng địa phận Hà Nội, như thế hai địa phận là huynh đệ với nhau. Như vậy có một sự đoàn kết rất chặt chẽ với Ðức Tổng Giám Mục Lê Quang Kiệt và Ðức Giám Mục Tod David Brown của chúng tôi. Chúng tôi chia sẻ với nhau tình thân hữu. Ngày hôm nay, 14 cộng đoàn tập hợp lại đây để bày tỏ sự đoàn kết, hiệp thông, yêu thương, chia sẻ với nhau trong đức tin người công giáo.”

Linh Mục Nguyễn Uy Sỹ cho rằng đây là thời điểm nóng bỏng không chỉ cho riêng người công giáo mà còn cho tất cả những người Việt ở hải ngoại. Ông nói:

“Ðêm thắp nến cầu nguyện cho Thái Hà” 15/9/2008
Chúng ta biết rằng khi chúng ta lên tiếng là gây một tiếng vang ở nước ngoài. Ðây sẽ là một hình thức bảo vệ cho đồng bào trong nước. Vì khi người dân Việt Nam biết khi họ lên tiếng đòi hỏi nhân quyền, họ được cả thế giới chăm chú lắng nghe, nhìn vào. Như vậy có lẽ chính quyền Cộng Sản Việt Nam sẽ không dám làm mạnh hay áp bức người dân oan. Theo tôi nghĩ sự việc chúng ta đang làm ở đây rất hữu ích cho đồng bào trong nước. Chúng ta bắt buộc phải làm và làm thật lớn, thật mạnh trong tầm tay của chúng ta. Các đức giám mục, đức thánh cha bên Vatican rất quan tâm, luôn có sự hiệp thông, đoàn kết và cầu nguyện cho nhau, cho chúng ta.”

Ðược biết, ngoài sự có mặt của Ðức Cha Mai Thanh Lương, giám mục phụ tá Giáo Phận Orange cùng một số linh mục thuộc giáo phận Orange, “Ðêm thắp nến cầu nguyện cho Thái Hà” còn được sự hưởng ứng và hỗ trợ của Hội Ðồng Liên Tôn, rất nhiều các hội đoàn, đoàn thể trong vùng cùng một số vị đại diện chính quyền.

Các cụ cao niên mở đầu buổi lễ bằng nghi thức dâng hương lên bàn thờ tổ quốc trong ba hồi chiêng trống. Mọi người im lặng hướng về bàn thờ, nơi có hình nước Việt Nam cùng là cờ vàng chính nghĩa, để cùng suy ngẫm và tri ân tổ tiên, anh hùng liệt sĩ đã bỏ mình vì nước.

Trong phần tuyên bố ý do khai mạc buổi cầu nguyện cho giáo dân xứ Thái Hà, Linh Mục Nguyễn Uy Sỹ cho rằng trường hợp Thái Hà chỉ là một ví dụ điển hình trong không biết bao nhiêu trường hợp bị đàn áp tương tự. Gần đây, CSVN lại đe dọa sẽ bắt giam không phải người dân mà cả các vị lãnh đạo tinh thần nếu các vị này lên tiếng bênh vực cho giáo dân xứ Thái Hà. Ông nói tiếp:

LM Nguyễn Uy Sỹ, giám đốc TTCGVN Orange
Chúng ta tụ họp nơi đây để thắp nến cầu nguyện cho anh chị em Thái Hà và cho tất cả dân oan ở trong nước. Chúng ta cũng bày tỏ sự hiệp thông để khích lệ anh chị em tiếp tục can đảm tranh đấu cho điều phải, những quyền lợi căn bản của người dân. Chúng ta cầu xin cùng Thiên Chúa ban cho các anh chị em Thái Hà, tất cả dân oan ở Việt Nam và cả chúng ta nữa được tràn đầy ơn Chúa Thánh Thần soi sáng để chúng ta có sự khôn ngoan đối phó với âm mưu xảo quyệt của CSVN trong nước cũng như ngoài nước.”

Tiếp theo là phần slideshow giới thiệu một số hình ảnh tranh đấu của giáo dân Thái Hà trước bạo quyền CSVN trong thời gian qua, với sự diễn đọc của Bác Sĩ Trần Ðình Cường.

Sau đó, tất cả giáo dân có mặt cùng đọc kinh cầu nguyện bắt đầu bằng Kinh Chúa Thánh Thần. Tiếng đọc kinh vang rền như muốn phá vỡ màn đêm để về đến giáo xứ Thái Hà, nơi những người giáo dân khốn khó vẫn tiếp tục bám trụ tại mảnh đất thiêng liêng để cầu nguyện.

Sau phần đọc và chia sẻ lời Chúa, Linh Mục Nguyễn Uy Sỹ tiến lên bàn thờ tổ quốc thực hiện nghi thức thắp nến. Với sự giúp sức của các em thiếu nhi thánh thể, những ngọn đuốc được đưa tới mọi người để thắp sáng lên từng ngọn nến nhỏ. Ánh lửa từ đó lan tỏa, ấm áp tình người. Trong ngọn nến lung linh, ánh mắt mọi người cùng hướng về bàn thờ Tổ Quốc, về hình Ðức Mẹ Maria để cùng dâng lời nguyện cầu cho Thái Hà, cho quê hương Việt Nam.

Trong bài phát biểu cảm tưởng, Ðức Cha Mai Thanh Lương mong rằng cộng đồng người Việt hải ngoại hãy vượt qua mọi tôn giáo, mọi biên cương để cùng hiệp nhất với nhau trong tình tự người Việt xa xứ. Ngài nói:

Ðức Cha Mai Thanh Lương
Tôi kêu gọi chúng ta cùng hiệp thông với giáo dân xứ Thái Hà và hàng giáo phẩm Việt Nam. Chúng ta kiên trì trong cầu nguyện vì cầu nguyện là sức mạnh siêu nhiên như Ðức Mẹ hiện ra ở Fatima đã nói năm 1917 là đảng vô thần cộng sản sẽ sụp đổ. Trong cầu nguyện, chúng ta cùng chung sự đau khổ của Chúa Giêsu, Ðức Mẹ nhưng chúng ta sẽ đạt tới sự vinh quang, đó là sự sống lại và phục sinh của Ngài.”

Ðức Cha Mai Thanh Lương cũng kêu gọi mọi người có mặt nên đóng góp chút tiền cho các sơ dòng Francisco ở Việt Nam, hầu giúp các sơ cung cấp thực phẩm cho người đến giáo xứ Thái Hà cầu nguyện. Hưởng ứng lời kêu gọi trên, hầu như tất cả mọi người đều gởi tới giáo dân xứ Thái Hà một chút tiền như lời hiệp thông và chút tình chia sẻ gian khó.

Như đã nói ở phần trên, “Ðêm thắp nến cầu nguyện cho Thái Hà” không chỉ dành cho giáo dân Giáo Phận Orange, mà còn dành cho tất cả người dân hải ngoại quan tâm đến hiện tình đất nước. Hội Ðồng Liên Tôn Việt Nam tại Hoa Kỳ là một trong rất nhiều hội đoàn có mặt đêm đó để cùng dâng lời cầu nguyện, hỗ trợ tinh thần giáo dân xứ Thái Hà. Trong bài phát biểu cảm tưởng, Mục Sư Trần Thanh Vân, đại diện Hội Ðồng Liên Tôn Việt Nam tại Hoa Kỳ, qua phần nhận định những việc làm của chính quyền CSVN đã đưa ra Bản Tuyên Cáo hiệp thông với giáo dân xứ Thái Hà trong cuộc đấu tranh ôn hòa cho công bằng và công lý tại Việt Nam. Bản tuyên cáo cũng kêu gọi nhà cầm quyền CSVN ngưng ngay các cuộc đàn áp, mở các cuộc đối thoại chân thành với Dòng Chúa Cứu Thế, đồng thời kêu gọi Liên Hiệp Quốc và các quốc gia yêu chuộng hòa bình lên tiếng và có hành động cụ thể hỗ trợ giáo dân Thái Hà.

“Ðêm thắp nến cầu nguyện cho Thái Hà” kết thúc trong tình cảm của mọi người không phân biệt tôn giáo, chính kiến. Tất cả như cùng một lòng cầu nguyện trong đức tin của mình, cùng một lòng hướng về giáo xứ Thái Hà, hướng về quê hương với một niềm tin siêu nhiên: lời cầu nguyện sẽ thắng được cộng sản bạo tàn.

(Nguồn: Bài & hình: Vũ Ðình Trọng/Người Việt, Tuesday, September 16, 2008 )
 
Các linh mục và giáo dân Thái Hà họp với các lãnh đạo thành phố Hà Nội
Xuân Văn
15:36 17/09/2008
HÀ NỘI - Đến Thái Hà lúc 7h30, chúng tôi thấy mười mấy linh mục đang quỳ gối cầu nguyện ở trong nhà thờ cùng với một số giáo dân. Nghe nói các vị chuẩn bị đi họp với các lãnh đạo thành phố Hà Nội.

Hình ảnh thánh lễ, họp với Tp Hà nội

Lãnh đạo thành phố Hà Nội
Linh địa lúc này cũng có khá đông giáo dân đang cầu nguyện trước tượng Đức Mẹ Ban Ơn. Các xe ôtô đỗ trong khuôn viên nhà thờ và Đền thánh Giêrađô, hầu hết đều mang biển số ngoại tỉnh.

Phía giáo xứ Thái Hà: các linh mục và đại diện giáo dân
Biết một số giáo dân đi cùng các linh mục lên UBND thành phố họp, chúng tôi cũng vội vàng bám theo họ. Đến nơi, chỉ có các linh mục và 3-4 giáo dân được vào họp. Những người còn lại không được vào, nhưng họ cũng nhất quyết không về. Họ đứng cầu nguyện trước công ủy ban.

Bên cạnh họ, có một nhóm người khá đông đeo biểu ngữ trước ngực. Thỉnh thoảng nhóm người này lại hô vang: “Đả đảo những tên tham nhũng! Truy tận gốc, diệt tận ngọn bọn tham quan!” Được biết nhóm người này thuộc huyện Sóc Sơn – Hà Nội. Họ đi đòi lại những mảnh đất bị các tham quan “quy hoạch” rồi chia chác cho nhau.

Giáo dân Thái Hà chờ ở ngoài và cầu nguyện
Nhóm giáo dân thì ôn hòa hơn. Họ ngồi cùng một chỗ, miệng lẩm nhẩm đọc kinh, cầu nguyện.

Chúng tôi trở lại linh địa Thái Hà lúc 12h15. Lượng người tuốn về hành hương vẫn đông đúc như mọi khi. Buổi hành hương kính Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp và thánh lễ tạ ơn vừa mới kết thúc.

Một lúc sau chiếc xe ôtô chở các linh mục đi họp về đỗ ngay trước cửa Tu viện. Ngay lập tức giáo dân ùa tới hỏi thăm kết quả cuộc họp. Các linh mục tươi cười vui vẻ. Một vị nói với giáo dân: “Chúng ta vẫn cần cầu nguyện nhiều để xin Chúa soi sáng cho các vị lãnh đạo. Kết quả ra sao, tối chúng tôi sẽ thông báo cụ thể cho bà con”.

Cầu nguyện ban chiều trước linh đài Đức Bà
Vào khoảng 16h một thánh lễ nữa được cử hành. Khách hành hương từ linh địa về nhà thờ dự lễ. Ghế trong nhà thờ chật người. Cuối lễ, họ tự động ra viếng Đức Bà ngoài linh địa, rồi ra về. Các bà, các chị vẫn thường trực giữ linh địa, hôm nay được nhàn nhã đôi chút, vì khách hành hương ý thức hơn trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường.

18h30, một thánh lễ nữa được cử hành. Số linh mục đồng tế là 25, trong đó có những vị mới từ Tây Nguyên lặn lội ra hiệp thông, cầu nguyện với Thái Hà. Cuối thánh lễ, một linh mục đứng lên thông báo cho bà con về nội dung cuộc họp ban sáng.

Vị linh mục cho biết, buổi làm việc chưa có gì là đột phá, mới mẻ; các vị lãnh đạo thành phố vẫn tiếp tục duy trì lối làm việc áp đặt, bất chấp ý kiến của phía nhà thờ.

Vị linh mục cũng cho bà con biết: khi phía nhà thờ đề cập đến tính bất nhất của những giấy tờ mà phía nhà nước cho là cha Vũ Ngọc Bích đã ký (có tới 4 giấy bàn giao đất nhà thờ sang nhà nước quản lý), thì ông Vũ Hồng Khanh, phó chủ tịch UBND thành phố nhắc bảo thuộc cập của mình: “Thôi thì các đồng chí xem xét bốn giấy tờ ấy, rồi thống nhất chọn lấy một thôi”.

Hài hước hơn, khi phía nhà thờ đề cấp đến tính bất hợp pháp của việc bàn giao: nhà nước giao đất của nhà thờ cho công ty dệt thảm len trước thời điểm được cho là cha Bích ký giấy bàn giao cả 10 tháng, và cha Bích ký giấy ban giao năm 1961 để thực hiện thông tư 73/Ttg của chính phủ ban hành năm 1962 (!), thì ông đại diện cho sở tài nguyên môi trường cho biết rằng, ông đã đi tham khảo các cụ thời trước đây và các cụ cho biết là lối làm việc thời bấy giờ là thế: nhà nước có chủ trương, rồi thực hiện, rồi sau đó mới ra thông tư, nghị định…

Sau khi nghe vị linh mục kể một vài chi tiết khôi hài trong cuộc họp, giáo dân cười ồ lên. Họ bảo nhau: “Thế là chúng ta lại phải tiếp tục cầu nguyện nhiều hơn để xin Chúa soi trí, mở lòng các vị lãnh đạo mất rồi!”.

Thánh lễ tối kết thúc, giáo dân lại tiếp tục hát Kinh hòa bình, tiến ra linh địa cầu nguyện.
 
Văn Hóa
Con gà trống
Lm Vũđình Tường
17:54 17/09/2008
Con gà đá của Baláp có thời vô địch. Nhờ con gà này mà Baláp trở thành người giầu có, nổi tiếng trong vùng. Gà của Baláp từ trước đến nay chưa bao giờ thua, chỉ có thắng và thắng. Thắng là Baláp có tiền.

Luật đào thải đâu có trừ gì, kể cả gà của Baláp. Ngày kia nó vươn cổ cao gáy những tiếng dõng dạc mong chiếm ưu thế như nó vẫn gáy trong các trận đấu trước. Gà đối phương nghe tiếng gáy đã nao núng, mất tinh thần, run run chỉ cầm cự được vài ba hiệp ngã gục. Vẫn tiếng gáy đó, thái độ trịnh thượng, chậm chạp, từ tốn. Hôm nay gà Baláp không ngờ đối phương là một tài năng mới, một cao thủ trẻ mới nhập cuộc. Sau vài ba hiệp gà của Baláp biết đối thủ là một kình địch, nó đổi từ thế công sang thế thủ. Thủ mãi, nhảy tới, nhảy lui, rình rập, đảo lòng vòng, thấm mệt, chậm chạp hơn, thỉnh thoảng cũng phóng ra cú đá móc nhưng hụt vào chân không; trong khi đối phương vẫn nhanh nhẹn như mới khởi trận đấu, chưa tỏ vẻ gì mệt mỏi. Đấu càng lâu gà Baláp càng mất ưu thế. Nhờ kinh nghiệm dày dạn chiến trường nó bám sát đối phương dưỡng sức, cầm chừng. Tuy thế sang đến hiệp thứ mười nó ngã gục nằm xụi. Chân đạp phành phạch, rồi chậm dần, chậm dần, xuôi đơ.

Mất con gà Baláp đau khổ vì từ nay cái huy hoàng của những trận đá trở thành dĩ vãng. Quá khứ những ngày oanh liệt ban cho cả chủ lẫn gà nhận được tràng pháo tay dài, hoan hô, cổ võ, câu nói khen thưởng tán dương. Tất cả nay sang tay. Thua cuộc, mất tiền, mất tiếng tăm. Kẻ theo Baláp kiếm chút tiền còm xa lìa, bỏ chàng tâng bốc người khác.

Gà gáy

Tiếng gáy của gà cồ hàng xóm khiến Ba Láp đang ngủ ngồi thốc dậy. Giữa đêm khuya khuắt làm gì mà ngồi thốc như thế. Thưa ám ảnh bởi tiếng gà gáy đêm. Mỗi lần nghe gà cồ gáy Baláp lại nhói tim, tiếc của, tiếc danh vọng, tiếc ngay cả tiếng vỗ tay khen thưởng. Nếu không mua con gà cồ này Baláp vì nó nhói tim chết. Bằng mọi giá phải mua được con gà cồ kia, không để nó làm mình nhói tim ngày đêm.

Càng ngày Baláp càng khổ vì tiếng gáy càng. Bực dọc lắm vì tiếng gáy quấy rầy, trong nhà cũng như ngoài ngõ. Trước khi gáy gà đập cánh lấy đầy hơi buồng phổi rồi vang lên tiếng lanh lảnh. Đã trằn trọc khó ngủ còn bị nó lên tiếng báo sắp nửa đêm, trời gần sáng, sáng rồi, chị gà mái cho trứng mới nó cũng gáy mừng, con mái cục tác, con trống ngậu cả lên.

Baláp sai cô gái lớn hỏi mua gà trống về thịt. Chủ gà lưỡng lự không bán.

Quyết không thua vài ngày sau Baláp sai đi mua lần nữa. Lần này nhắc con trả giá đắt gấp đôi. Người chủ vẫn từ chối.

Càng ngày tiếng gáy càng gây nhức nhối. Baláp đổ quạo trên đầu con. Gần giờ gà gáy đứa nào cũng tìm cách lánh xa vì không may quanh quẩn gần bên dễ mang họa lây, trở thành nạn nhân bất đắc dĩ.

Độ hơn tuần sau Baláp lại sai con sang mua gà với giá gấp đôi giá lần trước hy vọng số tiền lớn này chủ gà ham tiền bán. Người con lấm lét trở về tay không. Baláp mắng mua có con gà cũng không xong.

Biết là bị oan nhưng làm sao.

Mấy chị em ngồi tính toán, bàn mưu tính kế mua cho bằng được con gà. Rình rập chờ cho chủ gà đi vắng hai ba chị em kéo sang năn nỉ, to nhỏ với bà chủ. Lúc đầu bà không bán, nhờ món tiền to, bà suy tính hơn thiệt quyết định bán.

Mấy chị em vui mừng xách con gà về làm thịt. Tối hôm đó cả gia đình được bữa cơm ngon, mọi người vui vẻ thoát nạn dịch gà trống gáy.

Gia đình đang ngon cơm, vui vẻ thì nhà hàng xóm kế bên to tiếng, tiếng ông át tiếng bà, rồi tiếng bà át tiếng ông. Hai bên qua lại mấy chị em nháy mắt ngầm liếc, đoán phỏng hai ông bà cãi nhau vì con gà. Ba bốn lần dò hỏi ông không chịu bán, ông ra khỏi nhà bà bán vì giá hời.

Cuộc chiến nào cũng có lúc tàn. Xóm ngõ yên tĩnh được hơn tuần rồi tiếng gáy lại vang lên. Lần này không phải một tiếng mà hai ba tiếng vang cùng lúc. Gà ghen nhau tiếng gáy nên con này vừa ngưng con kia lên tiếng đáp trả. Mấy chị gà mái cũng cục cục khen thưởng làm các chú trống gáy hăng hơn. Sau trận cãi vã người chồng mua về một lúc ba con gà trống.

Yên ổn được vài tuần nay tiếng gáy rầu rĩ trở vể, phiền toái hơn gấp ba lần. Baláp lời ra, tiếng vào chủ gà vẫn làm ngơ. Nhịn được vài ba tuần Baláp lại sai con sang mua gà, mua hết cả ba con. Người con ngập ngừng lên tiếng.

- Nếu họ bán gà cho mình rồi họ mua nữa thì sao. Không lẽ mình cứ mua lại gà của họ với giá cắt cổ à?

Baláp trầm ngâm giây lát rồi nói.

- Thôi được giá nào cũng mua với điều kiện họ không được mua gà nữa.

Mấy cô gái lại theo chiến thuật cũ, chờ ông chủ ra khỏi nhà sang năn nỉ bà chủ. Các cô thăm dò mua hết cả ba con gà trống với điều kiện không được mua gà khác về nuôi. Sự việc chưa đi đến đâu thì ông chủ về. Các cô đều nhổm lên định chào ra về nhưng trễ quá rồi. Ông chủ vội lên tiếng.

- Các cô sang định mua gà phải không?

Hỏi trúng tim đen nên chưa biết phải đối đáp làm sao. Hai ông bà chủ gà liếc nhìn nhau lưỡng lự. Ông hắng dặng rồi nói xa, nói gần không muốn bán ba con gà trống. Thấy chồng từ chối, chờ cho ông ngắt lời bà đưa ý.

- Nhà tôi thì không đồng ý bán vì thích mấy con gà lắm, chúng nó lớn mơn mởn đẹp mắt, cần gà trống coi sóc mà mái khỏi quạ đen đến bắt.

Nghe vợ nói thế chồng gật gù, đắc ý. Thấy chồng gật gù đồng ý bà tiếp.

- Tuy nhiên vì tình hàng xóm chúng tôi cũng không muốn để ông nhà buồn đến mất ngủ nên thôi thì tôi đồng ý bán cả ba và sẽ không mua thêm con nào khác đúng như ý ông nhà.

Ông chồng lên tiếng can ngăn nhưng bà vợ nhanh miệng hơn.

- Các cô đưa tiền đây có ông nhà tôi đổi ý thì khó đấy.

Như mở cờ trong bụng cô gái vội móc tiền bỏ lên bàn, không dám kèo nài thêm. Thấy số tiền lớn nằm trên bàn ông không nói nhưng hậm hực vì vợ nhanh trí quá làm ông hụt hẫng.

Các cô vừa trả tiền vừa nhớ lại lần trước cũng chỉ vì bán con gà mà hai ông bà cãi nhau một trận kịch liệt. Lần này bán tới ba con cô sợ gia đình cãi nhau đến ba ngày thì khốn. Cô lên tiếng.

- Cháu hy vọng việc trao đổi này không làm hai bác phiền lòng. Thật cháu cũng lo lắm khi sang hỏi mua gà chỉ sợ hai bác từ chối. May mắn quá hai bác thuận giúp cho cháu thật hết lòng cám ơn. Cám ơn hai bác hiểu cho nỗi khổ tâm của gia đình chúng cháu.

Đợi cho cô gái bước ra khỏi cửa ông lên tiếng.

- Mẹ mày tham tiền quá thấy họ trả giá cao là bán ngay. Tao đã nói xa nói gần rồi mà mẹ mày còn quyết định như thế thật là quá sức.

Bà cãi lại.

- Tôi thấy ông gật đầu đồng ý với những gì tôi nói sao giờ ông còn trách.

Ông lên tiếng.

- Lúc đầu mẹ mày nói theo ý tao nên tao gật đầu, ai dè đâu khúc sau này mẹ mày bẻ ngang, bẻ quẹo làm sai ý. Tao liếc ngang liếc dọc mấy lần mà mẹ mày có để ý đâu.

Thực ra, bà nhìn thấy nhưng cứ lơ đi như không biết để bán xong ba con gà rồi tính sau.

Bà không cãi lại, ngồi im lặng nghe. Được thể ông tiếp theo.

- Mẹ mày còn hứa không nuôi gà nữa.

Bà hạ giọng.

- Bố mày hay thật. Tôi hứa là không mua gà về nuôi nữa, còn gà nhà ấp ra thì được nuôi chứ. Tôi có hứa là không nuôi gà nữa đâu.

Như thế cũng là hứa không nuôi chứ còn gì nữa.

- Ông ơi, khổ quá. Tôi định dùng tiền này mua ít quần áo mới vào dịp tết sắp đến, không phải nuôi gà nữa vì ổ gà ấp sắp nở rồi, chỉ vài ba tuần nữa là có đàn gà con. Thế nào cũng có mấy con gà trống con.

Lúc này ông mới nhận biết ý thâm sâu của bà. Thì ra, bà trông vào lũ gà con sắp nở. Ông nhìn bà không nói, bụng nghĩ như vậy.

Mình vẫn có gà gáy mà vẫn giữ được lời hứa không mua gà trống về nuôi nhưng gà nhà ấp ra thì không cấm. Quả là cao kiến. Baláp ngủ yên được mấy tháng, khi đám gà con kia lớn lên nó lại gáy.

Thương gà con

Và ba tuần sau đám gà con xuống ổ. Nhìn gà con Baláp rất thích. Chúng chạy quanh mẹ nó, khi nghe mẹ gọi chúng ào đến chen nhau, có con té lật gọng, lăn cù, rồi vội đứng lên chen lấn tiếp. Tiếng kêu của gà con cũng vui tai. Theo ngày tháng chúng lớn dần, lớn dần. Baláp thích chúng, để ý chúng thay đổi, thay màu lông, mọc cựa, mào gà nhú ra. Ngày ngày Baláp làm quen và mến chúng. Rồi một ngày kia tiếng gà trống gáy, tiếng gáy bập bẹ, đứt quãng, chưa rõ tiếng. Baláp thấy vui tai, thích nghe chúng gáy. Ghiền nghe tiếng gáy của đám gà mới lớn. Baláp nghe chúng gáy ngày, gáy trưa, gáy đêm mà không phiền hà.

Trời vào đông, cơn gió lạnh ào đến giết chết nguyên bầy gà, trống mái, chết sạch sau một đêm. Người biết đầu tiên là Baláp. Đêm rồi không nghe tiếng gà gáy sáng. Chắc hẳn có gì khác lạ. Tự hỏi không lẽ trời lạnh gà không gáy. Sáng sớm ngày hôm sau hung tin đến đàn gà chết sạch vì cơn gió lạnh đầu đông.

Chủ nhà buồn ngây ngất. Bên này vách Baláp cũng đang tiếc đến ngẩn ngơ, nhớ tiếng gà gáy sáng, giấc trưa. Chẳng hay từ ghét đến ghiền từ lúc nào.

Hồi tưởng lại

Kí ức trở về, hồi tưởng lại những trận đá gà nhìn đứa nhỏ biết chửi thề trước khi biết nói. Mẹ bồng trên tay, chân chưa đi sõi, nói chưa rõ tiếng nhưng chửi thề dòn khỏi nói. Nó sống trong gia đình lớn, nhỏ mở miệng ra là chửi thề trước nói sau. Cả làng đều như thế. Cả làng ghiền chửi thề.

Tư Móm nổi tiếng nói ngọng, bập bập mãi mới nói được; lạ thay chửi thề thì không, phát tiếng nào ra cũng rõ ràng, cao vót không thể ngờ là nó ngọng. Lần đầu nói sạo bé Hai khổ sở lắm. Bây giờ trái lại phải vất vả lắm mới nói thật vì lọt vào gia đình ít ai nói thiệt. Nói sạo quen không còn thấy ngượng nữa. Lạ nhỉ? Tật xấu thực hành riết không còn cảm thấy xấu nữa. Đó chính là cách ma quỷ bày trò cho ta phạm tội.

TÌM BÀI CŨ:

Suy Niệm: http://www.stmarksinala.net.au/suyniem.html

Truyện ngắn: http://www.stmarksinala.net.au/truyen.html

Hình ảnh: http://www.stmarksinala.net.au/Photos.html
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Con Thuyền Dưới Trăng
Đặng Đức Cương
00:08 17/09/2008

CON THUYỀN DƯỚI TRĂNG



Ảnh của Đặng Đức Cương

Nhẹ tay búng mái chèo êm

Đợi trăng ghé xuống cùng thuyền rong chơi.

(Trích Thơ Lê Trọng Nghĩa)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền