Ngày 08-09-2008
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thánh Thể, Hiệp Thông và Liên Đới (2)
Vũ Văn An
03:09 08/09/2008
Thánh Thể, Hiệp Thông và Liên Đới(tiếp theo)

3. Liên đới

Hạn từ thứ ba là “liên đới”. Trong khi hai hạn từ trên do Thánh Kinh và Thánh Truyền mà có, thì hạn từ thứ ba này do bên ngoài mà có. Như đức Tổng Giám Mục Paul Cordes từng phát biểu, quan niệm “liên đới” khởi đầu được những nhà xã hội chủ nghĩa đầu tiên như P. Lerou (chết năm 1871) khai triển như một giải đáp mới, hữu lý và hữu hiệu đối với các vấn đề xã hội, ngược lại ý niệm yêu thương của Kitô giáo.

Không có Chúa Kitô, sẽ không có giải pháp nào cả

Karl Marx chủ trương rằng Kitô giáo có đến một thiên niên kỷ rưỡi để chứng tỏ khả năng giải quyết các vấn đề nghèo đói, bất bình đẳng và bất công của mình, nhưng chỉ thành công trong việc chứng tỏ mình không có khả năng làm việc đó.

Bởi thế, Marx cho rằng cần phải dùng các đường lối mới. Trong nhiều thập niên qua, nhiều người vẫn xác tín rằng hệ thống xã hội chủ nghĩa Mácxít, dựa trên ý niệm “liên đới”, phải là con đường cuối cùng để thực hiện bình đẳng nhân bản, loại trừ nghèo đói và đem hòa bình lại cho thế giới. Ngày nay, ta thấy rõ cái lý thuyết và chính sách xã hội bất cần tới Thiên Chúa ấy đã để lại sau lưng biết bao khủng khiếp và tàn sát.

Không ai chối cãi rằng mô thức tự do của nền kinh tế thị trường, nhất là nền kinh tế thị trường được các ý niệm xã hội của Kitô Giáo điều hoà và chỉnh đốn, đã có những thành công lớn lao tại một số miền trên thế giới. Nhưng điều buồn là người ta cũng thấy các hiệu quả tai hại của nó, nhất là ở những miền như Phi Châu, nơi có đang có sự tranh chấp giữa các thế lực và quyền lợi kinh tế. Đàng sau những mô thức phát triển mà bề ngoài có vẻ mang lại lợi ích ấy, người ta thấy đôi khi chỉ là những tham vọng dấu mặt nhằm khuếch trương các quyền lực hay ý thức hệ đặc thù hòng thống trị thị trường. Trong hoàn cảnh ấy, các cơ cấu xã hội cũng như các lực lượng tâm linh và luân lý xưa đã và đang bị hủy hoại nặng nề, đem lại không biết bao nhiêu các hậu quả đang vang vọng bên tai ta như những tiếng kêu thống khổ.

Thực ra, không có Thiên Chúa, không có sự việc nào tiến triển được. Và vì Thiên Chúa chỉ mạc khải khuôn mặt cũng như Danh Thánh của Người cho ta và bước vào hiệp thông với ta, trong một mình Chúa Kitô mà thôi, nên nếu không có Chúa Kitô, sẽ không bao giờ có niềm hy vọng tối hậu.

Kitô hữu nêu gương giải pháp, bất chấp các thất bại khủng khiếp

Rõ ràng là trong các thế kỷ qua, người Kitô hữu mắc nhiều tội lỗi nghiêm trọng. Nạn nô lệ và buôn bán nô lệ vẫn còn là một chương đen tối chứng tỏ người Kitô hữu ít là Kitô hữu thực sự xiết bao và nhiều Kitô hữu đã xa rời đức tin và sứ điệp Phúc Âm, xa rời sự hiệp thông chân thực với Chúa Giêsu Kitô biết chừng nào.

Tuy thế, nhìn từ góc độ khác, ta lại thấy thật nhiều gương sáng đầy đức tin và yêu thương, nơi nhiều linh mục và nữ tu, tận tụy sống hy sinh và khiêm nhường. Những cuộc đời ấy đã mang lại những cán cân quân bằng tích cực và để lại một gia sản yêu thương. Gia sản ấy nếu không loại bỏ được cảnh bóc lột khủng khiếp, thì ít nhất cũng đã làm nó giảm bớt khá nhiều. Ta có thể tiếp tục xây dựng trên các chứng tá ấy; ta có thể tiến xa hơn trên nẻo đường của họ.

Trong mấy thập niên qua, nhờ các gương sáng ấy, và nhất là nhờ các nghiên cứu đạo đức học của Đức Gioan Phaolô II, cái hiểu về liên đới dần dần đã được biến đổi và được Kitô hóa, đến độ ngày nay ta có quyền đặt nó cạnh hai hạn từ chủ yếu của Kitô giáo tức hạn từ Thánh Thể và Hiệp Thông. Liên đới, trong bối cảnh mới này, có nghĩa là cảm thấy có trách nhiệm đối với nhau, người khỏe mạnh có trách nhiệm với người đau yếu, người giầu có trách nhiệm với người nghèo, các nước Bắc Bán Cầu có trách nhiệm với các nước Nam Bán Cầu. Liên đới là ý thức cá nhân về trách nhiệm hỗ tương; nó có ý nhắc nhở ta nên ý thức rằng lúc cho đi chính là lúc nhận lãnh. Liên đới có nghĩa: ta chỉ cho đi điều mình đã nhận lãnh và điều cho đi không bao giờ là của riêng một mình mình.

Linh đạo phải đi đôi với đào luyện khoa học và kỹ thuật

Ngày nay ta thấy rõ: chuyển giao kỹ năng, kiến thức, lý thuyếr khoa học và kỹ thuật mà thôi không đủ, cả tập tục trong một số cơ cấu chính trị nữa cũng thế, không đủ. Những điều ấy không những không giúp được chi mà kết cục còn phá hoại nữa, nếu không phục hồi các sức mạnh tâm linh, vốn là những sức mạnh mang lại ý nghĩa cho các kỹ thuật và cơ cấu ấy, làm cho việc sử dụng chúng trở thành có trách nhiệm. Tiêu diệt các tôn giáo truyền thống bằng tính thuần lý là điều dễ dàng. Những tôn giáo này nay bị coi như những nền văn hóa phụ thuộc (subcultures), những tàn dư của mê tín, bị tước hết các yếu tố tốt đẹp và hiện bị coi như những thực hành chỉ làm hại tâm trí và thân xác con người. Tốt hơn, đáng lẽ người ta nên phơi bầy cái cốt lõi lành mạnh của các tôn giáo này ra dưới ánh sáng Chúa Kitô để nhờ đó, cái cốt lõi này thể hiện được đầy đủ các hoài mong nội tại của chúng. Qua diễn trình thanh lọc và khai triển như thế, liên tục tính và sự tiến bộ sẽ được kết hợp một cách có hiệu quả. Việc truyền giáo chỉ thành công tại những nơi người ta biết đi theo con đường như trên trên và nhờ thế, khai triển được các sức mạnh của đức tin, là điều ngày nay hết sức cần.

Trong cuộc khủng hoảng của hai thập niên 1960 và 1970, nhiều nhà truyền giáo bi quan đi đến kết luận này là công việc truyền giáo hay công bố Phúc Âm của Chúa Giêsu Kitô ngày nay không còn thích hợp nữa.

Họ nghĩ điều duy nhất có ý nghĩa là giúp phát triển xã hội. Nhưng làm thế nào tiến hành được việc phát triển tích cực về xã hội, nếu ta dốt nát không hiểu gì về Thiên Chúa?

Phúc âm và tiến bộ xã hội đi đôi với nhau

Ý niệm căn bản được nhiều người lẳng lặng nhất trí hiện là ý niệm cho rằng: nên để các dân tộc hay bộ lạc duy trì tôn giáo riêng của họ, không nên bắt họ phải quan tâm tới tôn giáo của ta,. Ý niệm ấy chỉ chứng tỏ một điều: đức tin trong tâm hồn những người chủ trương như thế đã ra nguội lạnh, dù thiện ý của họ vẫn cao; nó chứng tỏ rằng hiệp thông với Chúa Giêsu không còn là điều sinh tử nữa. Nếu không, tại sao họ lại cho rằng loại bỏ người khác khỏi sự hiệp thông ấy là một điều tốt?

Về căn bản, đây quả là một cách suy nghĩ nghèo nàn về các tôn giáo nói chung và không biết qúy trọng các tôn giáo ấy. Ở đây, xem ra người ta coi tôn giáo của người khác như một thứ tàn dư cổ lỗ cần phải để yên đấy, vì tôn giáo ấy chẳng có gì can hệ tới tiến bộ cả. Những điều các tôn giáo ấy nói và làm xem ra chẳng ăn nhằm gì tới ta; các tôn giáo này vốn không thuộc thế giới hữu lý; xét tới cùng, nội dung của chúng xét chỉ là con số không, không đáng kể.

Đã tới lúc ta phải loại bỏ lối suy nghĩ lầm lẫn ấy. Sở dĩ ta cần lòng tin vào Chúa Giêsu Kitô chính là vì lòng tin ấy đem lại cho ta cả lý trí lẫn tôn giáo. Nhờ thế, ta nhận ra trách nhiệm chia sẻ của mình. Chia sẻ trên mọi bình diện, tâm linh, đạo đức và tôn giáo, là một phần trong tình liên đới giữa các dân tộc và quốc gia.

Hoàn cầu hóa là phải tìm phúc lợi cho mọi lục địa

Rõ ràng ta phải phát triển kinh tế, không phải chỉ để mang lợi lại cho một quốc gia hay một nhóm quốc gia nào đó, mà là vì phúc lợi của mọi lục địa. Điều ấy là điều khó và chưa bao giờ được thể hiện hoàn toàn. Nó đòi ta phải hy sinh. Nhưng nếu có tinh thần liên đới được đức tin nuôi dưỡng, thì điều đó có thể thực hiện được, dù chỉ là bất toàn.

Chủ đề hoàn cầu hóa xuất hiện trong bối cảnh này. Ngày nay, điều rõ ràng là tất cả chúng ta đều lệ thuộc lẫn nhau. Nhưng hiện đang có thứ hoàn cầu hóa một chiều, nhằm phục vụ quyền lợi bản thân. Cần phải có thứ hoàn cầu hóa đòi buộc các quốc gia phải chịu trách nhiệm đối với nhau và cùng nhau chia sẻ gánh nặng của nhau. Tất cả những điều ấy không thể thực hiện được theo phương cách trung lập, tức là chỉ quan tâm tới các then máy của thị trường. Các quyết định về giá trị thị trường cần được ấn định bởi nhiều yếu tố, trong đó, chân trời tôn giáo và luân lý của ta luôn có tính quyết định. Nếu việc hoàn cầu hóa về kỹ thuật và kinh tế không đi đôi với việc mở lương tâm mình ra cho Thiên Chúa, là Đấng tất cả chúng ta sẽ phải tính sổ trách nhiệm, thì chắc chắn thảm họa sẽ xẩy ra. Đây là một trách nhiệm lớn lao đang đè nặng lên Kitô hữu ngày nay.

Kitô giáo, một tôn giáo vốn từ một Chúa, một tấm bánh mà ra, một tôn giáo tìm cách biến chúng ta thành một cơ thể, ngay từ lúc đầu, đã nhằm mục đích thống nhất nhân loại. Ngay trong lúc này, lúc mà việc thống nhất bề ngoài toàn thể nhân loại đang trở thành một khả thể, một khả thể mà trước đây không ai dám nghĩ tới, nếu ta, trong tư cách Kitô hữu, lại rút chân ra, vì tin rằng mình không thể hay không nên cho đi bất cứ điều gì nữa, thì chắc ta sẽ đặt nặng lên mình một thứ tội trọng khác. Đúng thế, sự thống nhất mà không có Thiên Chúa hay chống lại Thiên Chúa kết cục sẽ giống như cuộc thí nghiệm của Babylon: hoàn toàn hỗn loạn và hủy diệt tan tành, trong hận thù và hỗn mang, mọi người chống chọi lẫn nhau.

Kết luận

Thánh Thể như Bí tích biến đổi

Ta hãy trở lại với Bí Tích Thánh Thể. Điều gì thực sự đã xẩy ra trong đêm Chúa Giêsu bị phản bội? Ta hãy nghe Lễ Quy Rôma, vốn được coi là tâm điểm “Phép Thánh Thể” của Giáo Hội Rôma: “Hôm trước ngày chịu khổ hình, Người cầm bánh trong tay thánh thiện khả kính, ngước mắt lên trời, hướng về Chúa là Cha toàn năng của Người, tạ ơn Chúa, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các môn đệ mà nói: ‘Tất cả các con hãy nhận lấy mà ăn: vì này là mình Thầy sẽ bị nộp vì các con’. Cùng một thể thức ấy, sau bữa ăn tối, Người cầm chén qúy trọng này trong tay thánh thiện khả kính, cũng tạ ơn Chúa, dâng lời chúc tụng, và trao cho các môn đệ mà nói: ‘Tất cả các con hãy nhận lấy mà uống: vì này là chén máu Thầy, máu Giao Ước mới và vĩnh cửu, sẽ đổ ra cho các con và nhiều người được tha tội. Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy’”.

Biến thể

Với những lời trên, điều gì sẽ xẩy ra?

Trước nhất, ta gặp hạn từ “biến thể” (transubstantiation). Bánh trở nên thân thể, thân thể của chính Người. Bánh trần gian trở nên bánh Thiên Chúa, “manna” trên trời, được Thiên Chúa dùng nuôi sống con người, không những ở đời này mà còn trong viễn ảnh phục sinh nữa, nghĩa là của nuôi chuẩn bị cho phục sinh hay đúng hơn, của nuôi làm cho phục sinh khởi đầu rồi. Chúa chúng ta, Đấng có thể biến đá thành cơm bánh, Đấng có thể khiến con cái Abraham chỗi dậy từ đất đá, muốn biến đổi bánh thành thân thể, thân thể của chính Người. Điều này có thể thực hiện được chăng? Thực hiện cách nào?

Mình cho đi, Máu đổ ra

Ta không thể không đặt câu hỏi như dân chúng tại hội đường Capernaum. Người ở đó trước mặt các môn đệ, với đầy đủ thân xác; thế thì làm thế nào Người lại đọc trên bánh rằng: này là mình Thầy? Điều quan trọng cần chú ý kỹ ở đây là lời nói thực sự của Chúa Giêsu. Người không nói ngắn ngủi: “Này là mình Thầy”, nhưng nói đầy đủ: “Này là mình Thầy sẽ bị nộp vì các con”. Thân xác ấy trở thành một tặng phẩm, vì nó được cho đi. Qua hành vi cho đi, thân xác ấy trở nên “có khả năng hiệp thông”, đã tự biến mình thành quà phúc. Ta cũng nên lưu ý đến cùng một điều ấy trong các lời Người nói trên chén thánh. Chúa Kitô không nói: “Này là máu Thầy” nhưng Người nói: “này là máu Thầy, sẽ đổ ra cho các con”. Vì chẩy ra, đến mức nó chẩy ra, nên nó có thể được cho đi.

Biến đổi bạo lực thành hành vi yêu thương

Nhưng giờ đây, một câu hỏi khác được đặt ra: “bị nộp” và “chẩy ra” có nghĩa gì? Thật sự ra, Chúa Giêsu bị giết; Người bị đóng đinh vào thánh giá và chết vì cực hình. Máu Người đổ ra thật, trước nhất trong Vườn Cây Dầu vì nỗi thống khổ nội tâm đối với sứ mệnh của mình, rồi lúc chịu đánh đòn, chịu đội mão gai, chịu đóng đinh vào thánh giá và sau khi qua đời còn bị đâm thấu Trái Tim. Việc xẩy ra đầu hết là một hành vi bạo lực, hận thù, tra tấn và hủy hoại.

Ở điểm này, ta thấy bình diện biến đổi thứ hai, sâu sắc hơn nhiều: biến đổi từ bên trong, Người biến đổi hành vi của những người bạo hành chống lại Người thành hành vi hiến mình vì chính những người ấy, nghĩa là thành hành vi yêu thương. Điều ấy có thể nhận ra rõ ràng trong hoạt cảnh ở Vườn Cây Dầu. Điều Người dạy trong Bài Giảng Trên Núi, nay Người đem ra thực hành: Người không đề nghị lấy bạo lực chống lại bạo lực, mà đáng lý ra Người có thể làm, nhưng kết liễu bạo lực bằng cách biến đổi nó thành yêu thương. Hành vi giết chóc, chết chóc, được biến đổi thành hành vi yêu thương; bạo lực bị tình yêu đánh bại. Đây là sự biến đổi nền tảng trên đó mọi biến đổi khác phải dựa vào. Đó là sự biến đổi thực sự mà thế giới cần đến, sự biến đổi chỉ một mình nó đủ để cứu chuộc thế gian. Vì qua một hành vi yêu thương, Chúa Kitô đã biến đổi và đánh bại bạo lực từ bên trong, chính cái chết cũng đã được biến đổi: yêu thương mạnh hơn sự chết. Nó tồn tại mãi mãi.

Biến đổi sự chết thành sự sống

Và thế là trong sự biến đổi này, ta thấy có sự biến đổi rộng lớn hơn, tức sự biến đổi từ cái chết đến phục sinh, từ thân xác chết bằm đến thân xác sống lại. Nếu người đầu hết là một hữu thể sống, thì như Thánh Phaolô từng nói, Ađam mới, tức Chúa Kitô, qua biến cố thiêng liêng kia, đã trở thành người ban sự sống (1Cor 15:45). Đấng sống lại là quà phúc cho đi, là thần khí ban chính sự sống mình, đấng “hiệp thông” mà chính lại là chính sự hiệp thông. Điều ấy có nghĩa: ở đây, không có chuyện từ biệt hiện hữu vật chất; đúng hơn, bằng cách ấy, hiện hữu vật chất đã hoàn thành mục tiêu của nó: không có biến cố chết thực sự (với tính siêu việt nội tại của nó) thì trọn bộ việc biến đổi vật chất đầy phức tạp này sẽ không thể có được. Và do đó, trong việc biến đổi phục sinh, trọn sự viên mãn của Chúa Kitô tiếp tục hiện tồn, nhưng giờ đây hiện tồn dưới hình thức biển đổi; giờ đây, việc vừa là thân xác vừa là quà phúc cho đi không còn loại trừ nhau nữa, nhưng mặc nhiên hiện diện trong nhau.

Trước khi tiếp tục, ta hãy tóm tắt một lần nữa để hiểu toàn bộ thực tại phức tạp này. Trong Bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu đã dự ứng trước biến cố Canvariô. Người chấp nhận cái chết trên thánh giá và qua việc chấp nhận ấy, Người đã biến đổi hành vi bạo lực thành hành vi cho đi, hành vi hiến đổ mình ra. Thánh Phaolô dựa vào điều trên và trước viễn tượng chính Ngài sắp chịu tử đạo, đã viết như sau trong Thư gửi tín hữu Philíphê (2:17): “Nếu tôi phải đổ máu ra hợp làm một với hy lễ mà anh em lấy đức tin dâng lên Chúa, thì tôi vui mừng và cùng chia sẻ niềm vui với tất cả anh em”. Trong Bữa Tiệc Ly, thánh giá đã có mặt rồi, đã được Chúa Giêsu chấp nhận và biến đổi rồi. Sự biến đổi đầu hết và nền tảng này kéo theo nó mọi biến đổi khác: thân xác hay chết được biến đổi thành thân xác phục sinh: đó là “thần khí ban sự sống”.

Biến đổi bánh và rượu

Dựa trên sự biến đổi ấy, sự biến đổi thứ ba có thể thực hiện được: của lễ bánh và rượu, vốn là của lễ trong thiên nhiên và đồng thời là kết quả lao động của con người và là một “biến đổi” thiên nhiên, đã được biến đổi để trong chúng chính Chúa Kitô, Đấng hiến mình đi, trở nên hiện diện, trong chính việc hiến mình ấy. Việc hiến mình của Người, hay chính Người, vì Người vốn là quà phúc cho đi, nên hành vi hiến mình không phải là cái gì của Người, nhưng là chính mình Người.

Và trên căn bản ấy, ta thấy có triển vọng xem sét tới hai biến đổi xa hơn, hai biến đổi rất chủ yếu đối với Phép Thánh Thể, từ giây phúc nó được thiết lập: bánh và rượu được biến đổi.

Qua chúng, chính Chúa Kitô hiến mình như thần khí ban sự sống để biến đổi con người chúng ta trở nên một tấm bánh với Người và sau đó một thân thể với Người. Việc biến đổi của lễ này, vốn chỉ là việc tiếp diễn cuộc biến đổi nền tảng trên thánh giá và cuộc biến đổi phục sinh, không phải là điểm tận cùng mà đến lượt nó chỉ là một bắt đầu.

Biến đổi người hiệp lễ thành một cơ thể

Mục đích của Phép Thánh Thể là biến đổi những ai tiếp nhận nó thành một hiệp thông đúng nghĩa. Và như thế, mục đích là hợp nhất, là thứ bình an mà chúng ta, trong tư cách các cá thể tách biệt sống cạnh nhau hay sống kình chống nhau, trở nên một cơ thể biết cùng Chúa Kitô và trong Chúa Kitô tự cho đi, biết sống chờ ngày phục sinh và chờ một tân thế giới.

Biến đổi tạo dựng thành nơi Thiên Chúa cư ngụ

Biến đổi thứ năm và là biến đổi sau cùng, một biến đổi vốn là đặc điểm của bí tích này, nhờ thế đã trở nên rõ rệt: nhờ chúng ta, những con người đã được biến đổi, đã trở thành một cơ thể, một tinh thần ban sự sống, toàn bộ tạo dựng cũng sẽ phải được biến đổi. Nó phải được biến đổi thành “đô thị mới”, vườn địa đàng mới, nơi cư ngụ sống động của Thiên Chúa: “Thiên Chúa có toàn quyền trên muôn loài” (1 Cor 15:28), như lời Thánh Phaolô mô tả ngày chung cục của tạo dựng, một miêu tả phải phù hợp với Phép Thánh Thể.

Như thế, Phép Thánh Thể là một diễn trình biến đổi, rút tỉa quyền lực từ Thiên Chúa để biến cải hận thù và bạo lực, dựa vào quyền lực của Người mà biến đổi thế giới. Cho nên ta phải cầu nguyện để Chúa Kitô giúp ta cử hành và sống Phép Thánh Thể cách ấy. Ta cầu xin Người biến cải ta và cùng với ta biến cải thế giới thành một Giêrusalem mới.
 
Phải tha thứ mãi mãi
Lm. Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
09:07 08/09/2008
CHÚA NHẬT 24 THƯỜNG NIÊN, năm A

Mt 18,21 – 35

Chúa nhật 24 thường niên, năm A dạy người môn đệ Chúa: Thiên Chúa không tha thứ cho người không biết tha thứ cho anh em mình. Cốt lõi để Thiên Chúa tha thứ cho chúng ta là nếu chúng ta biết quảng đại tha thứ cho người khác. Chúa bảo Phêrô: ” Phải tha thứ cho anh em không chỉ bảy lần mà thôi, nhưng phải tha thứ cho anh em đến bảy mươi lần bảy, nghĩa là tha thứ mãi mãi và tha thứ luôn luôn, tha thứ không ngừng “. Sở dĩ, chúng ta phải tha thứ mãi mãi, tha thứ không ngừng cho anh em chúng ta, bởi vì Thiên Chúa luôn yêu thương chúng ta và Ngài luôn tha thứ cho chúng ta dù chúng ta luôn lỗi phạm, luôn sai lỗi, luôn khuyết điểm, vô ơn, phản bội Chúa. Ngài luôn đòi hỏi người môn đệ Chúa phải tha thứ như Chúa đã tha thứ cho chúng ta.

THA THỨ MÃI MÃI VÀ THA THỨ KHÔNG NGỪNG :

Sau khi Chúa dạy chúng ta sửa lỗi nhau vì tình thương, vì muốn anh em vươn tiến, muốn anh em trở nên tốt. Hôm nay, Chúa đi thẳng vào việc tha thứ. Dân Do Thái được các kinh sư dạy phải tha thứ cho anh em, nhưng họ không thống nhất với nhau phải tha bao nhiêu lần mới đủ. Có ý kiến cho rằng chỉ có thể tha thứ cho người khác bốn lần mà thôi. Người Việt Nam ta có câu:” Quá tam ba bận “ là cùng. Do đó, Phêrô mới thắc mắc hỏi Chúa Giêsu: ” Thưa Thầy,nếu anh em con xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần ? Có phải bảy lần không ? “ ( Mt 18, 21 ). Chúa Giêsu trả lời Phêrô: ” Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy “ ( Mt 18, 22 ). Chúa Giêsu nhắc nhở Phêrô là tha thứ mãi mãi và tha thứ không giới hạn, tha thứ cho anh em không ngừng khi họ xúc phạm đến mình. Và để dẫn chứng cho việc phải tha thứ, Chúa Giêsu đã dùng một dụ ngôn. Dụ ngôn ở đây muốn nói lên một bằng chứng thật rõ nét, thật rõ ràng: “ Con người lỗi phạm, mắc nợ với Chúa rất nhiều, tội lỗi và việc xúc phạm, nợ nần của con người đối với Chúa thì rất nhiều và không sao kể siết, dường như không thể nào có thể tha thứ được, nhưng Chúa đã tha thứ cho con người. Còn anh em khác xúc phạm, thiếu sót đối với con người đâu có nhằm gì so với tội con người sai phạm đối với Chúa, nhưng con người lại nhỏ nhen, ti tiện, hẹp hòi không tha thứ cho anh em. Chính vì thái độ nhỏ nhen đó, con người đừng trông mong Chúa tha thứ, đừng trách Chúa. Bởi vì, đạo công giáo đòi con người phải tha thứ như Chúa đã tha thứ cho con người: phải yêu thương người khác như Chúa đã yêu thương. Tha thứ và yêu thương như Chúa. Lời này, chúng ta vẫn đọc hằng ngày trên môi miệng: ” Xin Cha tha nợ chúng con như chúng con tha kẻ có nợ chúng con “. Chúa dạy chúng ta một bài học để đời: Hãy tha thứ cho người khác như Chúa đã tha thứ cho chúng ta. Chúa tha thứ cho chúng ta theo mức độ chúng ta tha thứ cho người khác. Ta tha cho người khác nhiều, Chúa cũng tha cho ta nhiều. Ta tha cho người khác ít, Chúa cũng tha cho ta ít. Quả thực sống ở trần gian này, ai cũng có khiếm khuyết, ai cũng lỗi phạm, nếu chúng ta biết cảm thông, tha thứ cho người khác thì chắc chắn Chúa cũng cảm thông, tha thứ cho chúng ta. Tùy thái độ của chúng ta đối xử với người khác, Chúa cũng sẽ đối xử với chúng ta như chúng ta đã quảng đại tha thứ cho anh em.

ÁP DỤNG VÀO ĐỜI SỐNG THỰC TẾ:

Cứ thường tình người ta dễ ăn miếng trả miếng với nhau. Anh chửi tôi, tôi cũng sẽ chửi lại anh. Anh đánh tôi, tôi cũng sẽ tìm cách đánh anh. Anh thù hằn tôi, tôi cũng thù hằn lại anh. Đó là lẽ thường ở đời. Người ta ít khi nhường nhịn nhau lắm. Anh to tiếng với tôi, thì tôi cũng sẽ to tiếng với anh.Tuy nhiên đã là con cái Chúa, người môn đệ của Chúa luôn phải hiểu lời này: ” Nếu khi sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hòa với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình “ ( Mt 5, 23-24 ). Cái nghịch lý của Tin Mừng vẫn là: “ Nếu người ta vả má bên phải thì hãy đưa cả má bên trái cho họ vả “. Chúa luôn khuyên nhủ môn đệ Chúa: ” Hãy yêu thương kẻ thù “. Đó là nét đẹp của Tin Mừng. Điều trần gian cho là khôn ngoan, đối với Chúa là dại khờ. Điều thế gian cho là khờ dại, đối với Chúa lại là khôn ngoan. Thực tế, cuộc đời của con người trần gian này thường luôn thích ăn thua. Anh khôn hơn tôi thì có người lại còn khôn hơn anh. Nhưng, đã là môn đệ Chúa, người Kitô hữu thì: ” Nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em “ ( Mt 6, 24 ). Chúng ta dễ cho nhau tiền của, thời giờ. Nhưng tha thứ cho kẻ thù, cho kẻ làm hại, ngược đãi chúng ta xem ra rất khó thực hiện. Chúa luôn dạy chúng ta: ” Hãy yêu như Chúa, hãy thứ tha như Chúa “.

Đời của mỗi người vẫn là cái gì đó thật linh thiêng, thật mầu nhiệm. Thực hiện được điều Chúa dạy quả phải có ơn của Chúa thật nhiều. Người môn đệ Chúa chắc chắn sẽ thực hiện được sự tha thứ khi họ yêu Chúa và noi gương Chúa.

VÀ CHÚA MUỐN GÌ NƠI NGƯỜI MÔN ĐỆ:

Cái cốt lõi của Tin Mừng vẫn là yêu thương. Sống hời hợt không đi vào cốt lõi của Tin Mừng là chưa hiểu gì về Chúa. Suốt cuộc đời của Chúa là lời cầu:” Xin cho mọi người hiệp nhất nên một “. Bởi vì, khi nên một sẽ không còn chia rẽ, không còn thù hận, không còn tị hiềm, nhỏ nhen nữa, lúc đó con người chỉ sống yêu thương mà thôi. Chính sự tha thứ sẽ đem lại sự an bình cho tâm hồn, và cũng chính sự tha thứ sẽ đem lại mùa xuân cho con người kẻ được tha cũng như người tha thứ. Đó là cái kỳ diệu của sự thứ tha. Đó cũng là mầu nhiệm của đạo Kitô giáo. Chúa muốn mọi người thấm nhuần kinh lạy cha và sống như Chúa dạy trong kinh lạy cha:” Xin tha tội cho chúng con như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con “ ( Mt 6, 12 ).

Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con một quả tim mới, một đôi mắt của Chúa để chúng con luôn biết quảng đại, cảm thông và tha thứ cho những người xúc phạm đến chúng con. Amen.

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ:

1) Tha thứ có cần thiết không ?

2) Chúa nói với thánh Phêrô như thế nào về việc tha thứ ?

3) Người tha thứ và người được thứ tha cần phải có thái độ nào ?

4) Tha thứ sẽ đem lại cho con người điều gì ?

5) Sống hận thù có tốt không ? Tại sao ?
 
Thập giá - Huyền nhiệm của ơn hoà giải
Lm. Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
09:12 08/09/2008
LỄ SUY TÔN THÁNH GIÁ

Ga 3, 13-17

Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Roma đã viết: ” Chúng ta được hòa giải với Thiên Chúa nhờ Con của Người “ ( Rm 5, 10 ). Đức Kitô qua cái chết và sự phục sinh của Người đã trở nên trung tâm điểm của sự hòa giải và chỉ nơi thập của Đức Kitô: ” Ơn cứu độ mới chứa chan “. Chúa chịu chết trên thập giá là để thực hiện ý định của Thiên Chúa Cha cứu độ con người, cứu vớt nhân loại khỏi ách tội lỗi. Bởi vì, chỉ có cái chết của Đức Kitô trên thập giá mới qui tụ được muôn người, nhiều người. Đó là việc Đức Kitô nhờ sự đau khổ, nhờ cái chết tự nguyện, nhờ sự vâng lời của Người đối với Chúa Cha mà Người đã giao hòa nhân loại với Chúa Cha và với mọi người. Chiêm ngắm thập giá để thấy được Chúa Giêsu đã cho chúng ta hiểu thế nào là ơn hòa giải giữa chúng ta với Thiên Chúa.

THẬP GIÁ NGUỒN ƠN CỨU ĐỘ :

Thập giá chỉ là một cây gỗ do con người ác độc bầy ra để đóng đinh Chúa vô tội. Nhưng chính nhờ cây thập giá, nhân loại, con người với con mắt đức tin sẽ hiểu rõ rằng Chúa Giêsu chịu đóng đinh là để hoàn tất sự vâng lời tuyệt đối Thiên Chúa Cha, gánh tội cho thế gian và chịu chết bằng cái chết tủi nhục trên thập giá do con người nham hiểm, ác độc tạo nên. Chính trong cuộc thương khó, Chúa Giêsu đã gặp biết bao thử thách,chông gai, đã gặp những khó khăn biết bao khi các môn đệ, những người thân tín của Người bỏ rơi, khi Chúa cảm thấy hầu như cô đơn hoàn toàn vì xem ra Thiên Chúa, Cha của Người cũng bỏ rơi Người nữa:” Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Người bỏ rơi con “ ( Mt 27, 46 ). Tuy nhiên, trong mầu nhiệm của cuộc thương khó và cái chết, Chúa Giêsu đã hoàn toàn làm theo ý Thiên Chúa Cha và Người đã trung thành cho tới cùng sứ mạng Thiên Chúa Cha đã trao phó cho Người. Nơi thập giá: ” sự giao hòa và ơn cứu độ” được Chúa Giêsu trao ban cho những con người thành tâm thiện chí, vâng nghe lời Chúa và thực thi thi lời Chúa trong đời sống của mình. Sứ điệp của Chúa Giêsu nơi thập giá là sứ điệp tình thương dành cho những ai biết mở lòng đón nhận và hoàn toàn để Chúa dẫn dắt đời sống của mình.

LỄ SUY TÔN THÁNH GIÁ MUỐN NÓI GÌ ? :

Cái chết trên thập giá của Chúa Giêsu là cái chết tự nguyện, cái chết tỏ tình con thảo của Chúa Giêsu và để nói lên sự vâng phục, lòng trung thành cho tới cùng của Chúa Giêsu đối với Chúa Cha:” Không tình yêu nào cao vời bằng tình yêu của người hiến mạng sống mình vì người mình yêu”(Ga 15, 13 ). Đây là cái chết tự hiến. Cái chết đánh bại tử thần: ” Nhờ cái chết của mình, Chúa Giêsu đã hủy diệt cái chết của chúng ta, nhờ sự sống lại của Người, Người đã phục hồi sự sống cho chúng ta “ ( Lời tiền tụng trong Kinh Nguyện Thánh Thể mùa Phục Sinh ). Nhờ cái chết của Chúa Giêsu, cái chết của con người đã bị khuất phục và từ nay, chúng ta sẽ không còn sợ cái chết bởi vì cuộc sống thay đổi chứ không mất đi ( Lời kinh tiền tụng lễ an táng ). Do đó, thập giá mang một ý nghĩa cao vời, chứ không còn là một cây gỗ tầm thường do con người độc ác nghĩ ra nữa.

Lễ suy tôn thánh giá có nguồn gốc từ câu chuyện thật xẩy ra dưới thời Hoàng đế Hérachius I, dân Ba Tư chiếm Giêrusalem và đã lấy mất phần chính của thánh giá thật mà thánh Hélène, mẹ của Hoàng đế Constantin để lại. Hérachius nhất định phải lấy lại bằng được phần thánh giá đã bị quân Ba Tư lấy. Hoàng đế Hérachius cầu nguyện, đặt hết lòng tin tưởng vào Chúa, xin Chúa giúp đỡ và ban thêm ơn can đảm. Lời cầu nguyện chân thành của Hoàng đế đã được Chúa nhậm lời, Ngài đã đánh bại được quân Ba Tư và chiếm lại được phần thánh giá thật đã bị người Ba Tư chiếm, Hérachius trở về Constantinople trong sự reo hò vui sướng của dân chúng. Thánh giá thật đã được tôn vinh trong bầu khí khải hoàn. Từ đó, lễ kính thánh giá đã được lập ra để nhắc các thế hệ kỷ niệm này ( xem Phụng vụ chư thánh của Châu Kiên Long ). Thập giá của Chúa luôn nhắc nhớ nhân loại, loài người và chúng ta: ” Chúa đã giải thoát tội lỗi cho chúng ta, cho nhân loại bằng chính cái chết trên thập giá “ và lễ tôn kính thánh giá là để mọi người tôn vinh thập giá khải hoàn, cái chết của Chúa đánh bại tử thần. Đồng thời đối với người Kitô hữu, thập giá luôn mở ra một con đường mới, con đường dẫn tới sự sống trường sinh. Bởi vậy, sự phục sinh của Chúa giúp người Kitô hữu không còn sợ sự chết nữa vì chính cây thập giá đã cứu con người khỏi sự chết đời đời và ban cho con người sự sống mới, sự sống vĩnh cửu, sự sống luôn có Chúa ở bên.

ÁP DỤNG VÀO ĐỜI SỐNG:

Thường người Kitô hữu vẫn sợ thập giá vì đó là biểu tượng của cái chết của Chúa Giêsu. Tuy nhiên, càng hiểu sâu về Đạo Công Giáo, càng hiểu sâu về giáo lý, người Kitô hữu sẽ hãnh diện vì mình được che chở bởi thập giá Chúa. Thánh giá chúng ta làm hằng ngày, thánh giá chúng ta đeo, thánh giá chúng ta dựng nơi bàn thờ, trong nhà thờ, nơi nghĩa địa là biểu hiệu của sự chiến thắng tử thần. Chúa đã đánh bại tử thần qua cái chết của Người trên thập giá. Mặc dù, thời nay có nhiều người đã dùng thập giá như một đồ trang sức, làm đẹp. Nhưng đó chỉ là một số người không hiểu và không có lòng tin. Còn chúng ta những Kitô hữu luôn hãnh diện, tuyên xưng với tất cả lòng tin khi làm dấu: ” Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần “. Thập giá là niềm tin và niềm hy vọng của mọi người. Dưới ánh sáng của mầu nhiệm phục sinh thập giá hướng chúng ta tới sự sống đời đời bởi khi cuộc sống trần gian này qua đi, Chúa đã dọn sẵn cho chúng ta một chỗ ở vĩnh viễn trên trời (Kinh tiền tụng I lễ an táng ).

Lạy Chúa, xin ban cho chúng con một đức tin sắt đá để chúng con luôn hiên ngang tuyên xưng đức tin: ” Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Amen.
 
Nguyên nhân nào ông Simon vác thánh giá?
Lm Fx Nguyễn hùng Oánh
12:20 08/09/2008
NGUYÊN NHÂN NÀO ÔNG SIMON VÁC THÁNH GIÁ ?

Nhân dịp ngày lễ Suy tôn Thánh Giá (14 tháng tám) sắp đến, xin giúp bạn trẻ đào sâu câu truyện có thật việc ông Simon vác Thánh giá Chúa và xin góp ý kiến (xaydungchurch @ yahoo.com ).

Kinh Đàng Thánh gía, nơi thứ năm viết: ” Ông Simon vác Thánh giá đỡ Đức Chúa Giêsu”( Smon de Cyrène aide Jésus à porter sa croix) đã ghi vào tâm trí rất nhiều ngưới: ông Simon là người tốt dầu bị lính Roma bắt ép ông vác thập giá, nhưng ông đã bằng lòng vác Thánh giá để giúp Chúa Giêsu đang bị kiệt sức.

Đức Hồng y Joseph Ratzinger (nay là Giáo hoàng Benedicto 16) đã được Đức Giáo hoàng Gioan Phaolo II uỷ thác viết bài suy ngắm các Chẳng đàng Thánh giá tại Cổ Trường Colosseum vào tối thứ Sáu Tuần Thánh (24-3-2005), đã viết về Chẳng thứ năm (suy ngắm): ’Ông Simon người Kyrênê trên con đường trở về nhà ông từ công sở, khi ông bắt chợt thấy đoàn diễu hành buồn rầu của những người bị lên án, đối với ông có lẽ đó là một cảnh tượng thông thường. Quân lính bức hiếp một người lao nhọc này từ vùng nông thôn để vác cây Thập giá trên chính vai của mình. Ông phải nghĩ tới khó chịu như thế nào khi chợt bắt gặp số phận những người bị lên án ! Ông làm những gì ông phải làm nhưng một cách miễn cưỡng. Đáng chú ý thay tác giả Tin Mừng Marcô không những nói tên của ông mà còn nói tên đến hai con của ông nữa, được biết họ là những người Kytô hữu và là thành viên trong cộng đoàn (x Mc 15,21). Từ lúc bất chợt nầy đức tin được sinh ra. Đi bên cạnh Chúa Giêsu và chia sẻ gánh nặng của cây thánh giá, người Kyrênê đến để thấy rằng đó là một hồng ân để đồng hành với Chúa chịu đóng đinh và giúp đỡ Người. Mầu nhiệm của Chúa Giêsu, thầm lặng và chịu đau khổ đã đánh động tâm hồn ông. Chúa Giêsu là Đấng mà một mình tình yêu Thiên Chúa có thể cứu độ tất cả nhân loại, muốn chúng ta chia sẻ Thánh giá Người để chúng ta có thể hoàn tất những gì còn thiếu sót trong sự đau khổ của Người (x Cl 1,24)…
(Lời nguyện): Lạy Chúa, Chúa đã mở đôi mắt tâm hồn ông Simon người Kyrênê và Chúa đã cho ông ân sủng Đức tin qua việc chia sẻ vác cây Thánh giá của Chúa …(bản dịch của Vietcathoclic ngày 22-3-2008).

Trong Đại Hội Giới trẻ thế giới tại Sysney (15-7 dến 20-7-2008), Chẳng đàng Thánh gía nầy được giới thiệu và suy ngắm:
Hướng dẫn: Khi điệu Đức Giêsu đi, họ bắt một người từ miền quê lên, tên là Simon, gốc Kyrênê, đặt thập giá lên vai cho ông vác theo sau Đức Giêsu (Luke 23,16).
Suy niệm: Ông Simon thực ra đã không được quyền từ chối vác thánh giá. Simon cũng như Chúa Giêsu là một nạn nhân. Ông Simon bị buộc phải góp phần nào vào việc vác thánh giá và đóng đanh một cách bất chính và tủi nhục được thi hành nhân danh những ngưới La mã đang chiếm đóng. Có thể sau nầy ông không muốn nhắc tới câu truyện nầy nữa. Nhưng dầu muốn hay không, ông cũng bị lôi cuốn vào “công trình cứu độ của chúng ta”.
Vì vậy, ông cũng đã góp phần trong việc hiến tế cuối cùng của Chúa Giêsu lên cho Chúa Cha, món quà cứu rỗi của Chúa Giêsu cho nhân loại. Có nhiều cơ hội để giúp đỡ anh chị em chúng ta đã qua đi “trái ngược với ý muốn mình “. Những cơ hội đó đôi lúc đã đến với những cách mà chúng ta không thích chọn lựa, nhưng những cơ hội đó không đợi chúng ta đâu. Xin cho triển vọng vào quyền năng của Chúa Kytô phục sinh là sự an ủi và là niềm hy vọng của chúng ta. (bản dịch của Vietcatholic 28-7-2008).

Như vậy, có hai cách giải thích:
- Ông Simon bị bắt buộc vác Thánh gía, nhưng rồi ông được ơn Đức tin, ông vui lòng vác Thánh gía đỡ Chúa Giêsu.
- Ông Simon bị bắt buộc vác Thánh giá, là một tủi nhục vì tiếp tay cho quân Roma làm khổ Chúa Giêsu đến nỗi ông không muốc nhắc lại việc nầy, nhưng dù không muốn, ông vẫn tham dự vào Hiến tế của Chúa vì hành động bác ái nầy.

Chúng ta xem bốn Tin Mừng nói như thế nào:

Mathêu 27,32: Khi đi ra, lính hành hình gặp một người Kyrênê tên là Simon, và họ bắt ông vác thập giá của Người.
Những tình tiết trên đường thập giá dài khoảng 500 mét đến 600 mét có khá nhiều, nhưng thánh Mathêu chỉ giữ lại kỷ niệm ông Simon, người Kyrênê, bị đội lính Roma bắt vác thập giá, vì chúng sợ Chúa chết do những làn roi chúng đánh thúc giục Chúa đi. Ông là người Do thái có gốc Do thái kiều ở Kyrêne, một thành phố thuộc miền duyên hải Bắc Phi châu (nước Lybia ngày nay), có lẽ gia đình ông ở Giêrusalem, công việc làm ăn ở ngoại thành, trở vào thành nên ông có dịp vác thập giá của Chúa. Có lẽ cây thập giá nầy theo hình thức Roma: thanh dọc dài hơn vươn cao thanh ngang, tất cả nặng khoảng 100 kylô. Nhờ Thanh dọc rề sát dất, người vác còn phải nâng một trọng lượng khoảng 70 kylô, ông Simon vác chẳng phải là điều dễ chịu, nhưng ông giúp ta hiểu được mức độ đau khổ, kiệt sức của Chúa Kytô, còn ông, ông biết mình là nạn nhân cùng với Chúa là nạn nhân của dân tộc bị trị bị ách thống trị của đế quốc Roma.
Chắc Chúa Kytô giúp ông hiểu xa hơn khi Chúa “yêu thương” cây thập giá bằng cách yên lặng, bám chặt, không rời xa nó và ông có thiện cảm với Chúa, ông vượt khỏi số phận bị trị, chỉ để ý đến Chúa.

Marcô 15,21-22: Và lính hành hình bắt một người qua đường, ông Simon, người Kyrênê, từ ngoài đồng về, thân phụ của Alexandrô và Ruphô, họ bắt ông vác thập giá của Chúa.

Thánh Marcô cho ta biết rõ hơn lý lịch của ông Simon: ông có hai người con tên là Alexandrô và Ruphô. Có lẽ hai người nầy là Kytô hữu của Cộng đoàn thánh Marcô. Phải chăng ông Simon nhờ vác giùm thập giá cho Chúa, ông đã nhận ra con người của Chúa và nhận được ơn Đức tin và rồi ông truyền niềm tin nầy cho hai con ? Hoặc vì gia đình ông ở Giêrusalem đã nghe biết Chúa và họ đã trở thành môn đệ của Chúa cách nào đó hoặc ít ra là có thiện cảm với Chúa và sau nầy họ trở thành Kytô hữu trong Cộng đoàn thánh Marcô ? Dầu lý do nào nữa, Ông Simon chắc có thiện cảm với Chúa khi vác thập giá của Chúa và hai con ông sau nầy trở thành Kytô hữu.

Luca 23,26: Và khi lính hành hình điệu Chúa đi, họ bắt được ông Simon, người Kyrênê, từ ngoài đồng về và họ đặt thập giá cho ông vác đi đàng sau Đức Giêsu.
Thánh Luca nêu ra một chi tiết rất có ý nghĩa: ông vác thập giá đi đàng sau Đức Giêsu. Mộn đệ đi đàng sau Thầy. Cách nói nầy của thánh Luca muốn cho ta biết ông Simon là môn đệ của Đức Giêsu. Hai người con của ông được thánh Marcô nêu tên là Kytô hữu của Cộng đoàn thánh Marcô nhờ ông bố là điêù dễ hiểu.

Gioan 19,17: Ngài tự vác lấy thập giá cho mình, Ngài đi dến nơi gọi là Núi Sọ, tiếng Do thái gọi là Golgotha.

Thánh Gioan bỏ một số chi tiết trên con đường khổ giá và trên thánh giá của Chúa Giêsu vì Nhất lãm đã viết rõ:
- Ông Simon vác đỡ thánh giá Chúa (Mt 27,32; Mc 15,20-21; Lc 23, 26),
- Phụ nữ Giêrusalem than khóc (Lc 23,27-31),
- Lính cho Chúa uống rượu pha mật đắng (Mt 27,34)
-Nhục mạ Chúa (Mt 27,39 -43; Mc 15,29-32; Lc 23,35-37)

Và thánh nhân đã thêm vào những dữ kiện đặc biệt:
- Danh hiệu của Thánh giá (Vua Do thái, Gioan 19,19-22)
- Chúa Kytô thưa với Đức Mẹ (Gioan 19,25-27)
- Lính chia nhau áo Chúa (Gioan 19,23-24)
- Lưỡi đòng đâm vào tim Chúa (Gioan 19,31-37)

Có lẽ phải đặt mình trong toàn diện quang cảnh Chúa vác thập giá mới hiểu được con người ông Simon vác thập giá của Chúa. Ông dã thấy được cảnh đó: lính Roma thẳng tay nhục mạ, làm khổ dân bị trị khi có dịp để dương oai sức mạnh của đế quốc Roma, các thầy Biệt phái, Tư tế đang hùa bè với lính Roma làm khổ một đồng chủng
của mình mà theo lời tố tội của các nhà chức trách của mình lên quan trấn thủ thì vị nầy là nhà ái quốc (xúi dân không nộp thuế cho đế quốc, xưng mình la vua Do thái),
các bà than khóc, thương mến Chúa, Chúa thì yên lặng vác thập giá với vẻ trìu mến
cây đang làm khổ mình. Là người Do thái ở hải ngoại (Kyrênê) về, dĩ nhiên ông Simon có một tầm hiểu biết rộng hơn về xã hội và ngay cả lãnh vực Kinh Thánh mà các ngôn sứ đã loan báo về Đấng Kytô, bây giờ, ông đích thực thấy rõ con người mà
các nhà chức trách mình nộp cho quan trấn thủ và lính Roma đang thi hành quyền lực của đế quốc thống trị, ông hiểu được con người Chúa Kytô một phần nào, ông sẵn sàng vác thập giá của Chúa, ơn Chúa giúp ông trở thành môn đệ của Chúa.
 
Chào Mừng Sinh Nhật Mẹ Maria
Tuyết Mai
12:37 08/09/2008
Chào Mừng Sinh Nhật Mẹ Maria

Sinh Nhật của Mẹ đến nơi rồi!
Mẹ có thể cho chúng con được biết!?
Mẹ ao ước được chúng con dâng cho Mẹ những gì?
Ngoài những đóa hoa muôn sắc thắm!?

Mẹ Maria ơi, Mẹ ngàn đời yêu dấu ơi!
Hoa dương trần so sánh sao cho bằng hoa Thiên Quốc,
Nhưng có phải Mẹ yêu thương chúng con dẫu cho,
Hoa có chóng tàn chóng úa của nơi trần gian?

Hoa muôn mầu sắc thắm chúng con dâng chỉ là biểu tượng,
Tấm lòng yêu Mẹ chẳng lúc nào nguôi,
Hoa cũng cho Mẹ bao nhiêu hương thơm ngào ngạt,
Nhất là hoa hồng được Mẹ luôn yêu thích,
Có Phải thế không thưa Mẹ Maria yêu dấu của chúng con ơi!

Chúng con rất biết hoa dâng cho Mẹ chỉ là hình thức,
Những điều Mẹ mong ước nơi chúng con mới thật,
Là những gì, thật sâu kín trong tâm hồn tan nát của chúng con,
Là những gì tham, sân, si, chúng con cần phải từ bỏ.

Có phải Mẹ đêm ngày ao ước cho toàn khắp thế giới,
Con cái của Mẹ có được cuộc sống an vui trong hòa bình?
Có phải Mẹ tháng ngày mong sao cho Giáo Hội Mẹ,
Được trưởng thành, chu toàn những chức vụ,
Của các phẩm trật Mẹ trao ban?

Có phải Mẹ rất đau lòng và trái tim Mẹ luôn tan nát,
Chiến tranh do chúng con gây ra trên toàn khắp địa cầu?
Có phải Mẹ luôn ưu phiền vì con cái Mẹ,
Không nghe lời dậy dỗ bảo ban của Mẹ hay không?

Mẹ sẽ phải làm gì khi thấy chúng con tất cả đều bất trị?
Mẹ sẽ phải làm gì khi thấy đàn con của Mẹ,
Luôn chia rẽ, quá khích, gây sự, thách thức,
Dành đất, dành quyền, dành danh, và dành lợi?

Mẹ Maria ơi! Đâu có phải hết cả thảy chúng con,
Đều là những con ngựa bất kham?
Đâu có phải hết cả thảy chúng con đều là vô dụng!?
Đâu có phải hết cả thảy chúng con đều không nghe lời!?
Vì có phải những lời ca câu kinh Mân Côi của Mẹ truyền dậy,
Vẫn còn nghe văng vẳng ở khắp cả mọi nơi!?

Sinh Nhật năm nay không biết đã là năm thứ mấy của Mẹ?
Lâu rồi tuổi của Mẹ cũng được nhân lên theo thời gian?
Tuổi của Mẹ trên Quê Trời hẳn cũng còn non trẻ?
Vì Mẹ vẫn hoài là Nữ Vương xinh đẹp của đất trời ngợi khen?

Nếu ai trong chúng con có diễm phúc hiểu được tình của Mẹ,
Chắc hẳn sẽ một đời hạnh phúc không buồn sầu lo,
Vì có phải có Mẹ chúng con có tất cả!
Cả tình yêu Thiên Chúa vì đã có Mẹ luôn khuyên dậy và bảo ban.

Mẹ dậy dỗ chúng con hằng ngày nhớ luôn Kính Yêu,
Thờ phượng Ba Ngôi Thiên Chúa sáng láng ngự trên Trời,
Hằng luôn chờ đợi ngày chúng con được trở về,
Hưởng phúc lộc muôn ngàn đời trên Thiên Quốc.

Muốn được như thế các con cần phải hiểu,
Điều răn Thiên Chúa chúng con buộc phải theo,
Kính Chúa yêu người là hai điều rất căn bản,
Yêu Chúa là phải tuân theo luật và biết kính sợ Ngài.

Yêu Chúa có phải các con có thể làm và giữ được!?
Nhưng yêu người như yêu chính mình mới là thật khó,
Thật không dễ mà làm được trong suốt cuộc đời của chúng con,
Có phải chính vì vậy mà Mẹ đã đau buồn hằng suốt bao thế kỷ!?

Chính vì Mẹ quá thương cho đàn con của Mẹ,
Sợ án phạt của Chúa Cha giáng xuống cho chúng con,
Mà Mẹ đã bao lần bao bận,
Hiện ra cùng con Mẹ ở khắp mọi chỗ mọi nơi!?

Mẹ hiện ra và cho chúng con bao nhiêu dấu hiệu,
Cho cả lương dân cũng thấy mà lo đền tội và ăn năn,
Mẹ cho cả loài người biết là Mẹ hiện hữu,
Ngay cả khi Mẹ đã được Thiên Chúa cho về Trời,
Trong vinh hiển, vinh quang, và được đội Triều Thiên,
Trong Tước Hiệu Nữ Vương của Trời và Đất,

Mà chỉ có Mẹ mới được Chúa yêu thương duy nhất mà thôi!
Vì có phải đối với Thiên Chúa Cha thì Mẹ được gọi là Ái Nữ!?
Vì Chúa Cha đã tạo dựng Mẹ cách riêng nên Mẹ đẹp tuyệt trần,
Trong quyền năng trong thiên ý của Thiên Chúa?

Và có phải Ngài đã rất hài lòng khi tác tạo Mẹ hay không?
Quả thật trên đời ai đã được thiên chức làm cha làm mẹ,
Sẽ hiểu thế nào là tình yêu thương vô bờ vô bến,
Của Ba Ngôi Thiên Chúa và của Đức Mẹ Vô Nhiễm Maria,
Dành cho con cái một tình yêu vô điều kiện.

Các Ngài chỉ một lòng mong muốn một ngày rất gần,
Đàn con muôn hướng khắp nơi khắp nẻo kéo tuôn trở về,
Diện kiến Tôn Nhan rất sáng láng rất nhân lành và rất trìu mến,
Trao ban cho đàn con hạnh phúc muôn đời và vĩnh viễn,
Hưởng sống an vui miên viễn trên Thiên Đàng,
Là Nhà của tất cả. ... !!!!
Con cái Chúa được tuyển chọn từ muôn thuở muôn đời.

Có phải tình yêu đôi khi cần phải có được răn dậy!?
Phải có được tấm gương để con cái noi theo?
Cho nên Chúa Cha Ngài đã cho con Chúa duy nhất xuống trần?
Ngài đã chọn Đức Mẹ Maria làm Mẹ của Chúa Con,
Giêsu Ngôi Hai Thiên Chúa nơi thế trần?

Có tình yêu nào cao vời vợi bằng tình yêu của Thiên Chúa,
Luôn dạt dào và độ lượng với đàn con đốn hư,
Ngài vẫn luôn kiên nhẫn, kiên trì, và chờ đợi,
Ngày cuối đời của toàn thể nhân loại chúng con.

Được chứng kiến cảnh giá lâm con một Thiên Chúa,
Cùng toàn thể các Thiên Thần sáng láng từ trời cao,
Đem tất cả chúng con trở về chốn Thiên Đàng,
Được sống mãi mãi hạnh phúc dưới một mái nhà,
Trong tình yêu tột đỉnh của Thiên Chúa Cha.

Chúng con toàn thể nhân loại khắp nơi trên thế trần!
Cảm tạ Mẹ Maria muôn đời chúng con yêu dấu!
Cảm tạ Mẹ luôn soi đường chỉ lối cho chúng con!
Luôn ủi an luôn nhắc nhở.

Luôn yêu thương và luôn nhậm lời,
Luôn cầu bầu cho đàn con sớm nhận biết,
Tình yêu đích thực và cùng đích,
Cuộc sống mai hậu của chúng con là ở trên Quê trời.

Chớ dính bén những của chóng qua nơi dương thế,
Chớ thiết tha những thú vui của tục trần,
Mà khổ lụy đời đời nơi hỏa ngục,
Muôn đời kiếp kiếp chẳng có ngày được ra.

Chúc Mừng Ngày Sinh Nhật Của Mẹ,
Xin Mẹ nhận những bó hoa thiêng của chúng con dâng,
Là tấm lòng đơn sơ nhưng rất chân thật,
Dâng lên Mẹ là những điều ao ước Mẹ trông mong.

Happy Birthday Mẹ Maria!!!
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:19 08/09/2008
TÔI NGHĨ LÀ TÔI ĐÃ TRÚNG ĐỘC

N2T


Một đoàn khách tham quan, không biết làm sao mà bị lưu lạc vào trong một thôn làng, có người đưa cho họ phần ăn đã quá hạn. Trước khi ăn thì mọi người lấy chút ít cho chó ăn thử, con chó ăn thì hình như cũng rất thích, và cũng không có phản ứng gì.

Buổi trưa ngày hôm sau mọi người nghe tin con chó đã chết, mỗi người khách tham quan đều sợ hãi, có một vài người bắt đầu bị ói, có người cảm thấy bị nóng sốt và đau bụng.

Họ liền mời đến một bác sĩ giỏi, trước tiên ông ta muốn kiểm tra xác của con chó, một người trong thôn đến nói: “Con chó ấy đã quăng vào ống cống rồi, bởi vì nó bị xe tải cán chết.”

(Trích: Bài ca của loài ếch, "Tính người")

Suy tư:

Khi người ta đã có ấn tượng thì phản ứng không nhanh thì chậm sẽ xảy ra, bởi vì ấn tượng đã ăn sâu vào tiềm thức và nằm đó, đợi khi có dấu hiệu thì vùng dậy...

Thức ăn đã quá hạn, đó là một ấn tượng nên cho chó ăn trước, con chó “vui vẻ” ăn và thấy thích, mọi người cảm thấy yên tâm và ăn thức ăn quá hạn ấy, khi nghe con chó chết thì ấn tượng “thức ăn quá hạn” nằm ở tiềm thức vùng dậy với nhiều lý do: thức ăn có độc, thức ăn thừa nguy hiểm, thế là “phản ứng dây chuyền” ai cũng cảm thấy mình bị ngộ độc thức ăn, rồi ói, rồi đau bụng.v.v...

Ấn tượng tốt thì suy nghĩ tích cực, ấn tượng xấu thì suy nghĩ tiêu cực.

Có một vài người Ki-tô hữu có ấn tượng không tốt về một vài linh mục, rồi cho rằng mọi linh mục đều như thế, cho nên không muốn hợp tác, không muốn đi lễ do linh mục ấy chủ tế, và nhất là có thái độ và lời lẽ phê bình người mình có ấn tượng xấu khi “trà dư tửu hậu” với bạn bè...

Tính cách của con người thì không ai giống ai, khi mình có ấn tượng không tốt đẹp với người khác vì tính cách của họ, thì người khác ũng có ấn tượng không tốt đẹp với mình vì một vài tính cách của mình.

Thông cảm và chấp nhận tính cách khác nhau của người khác, để luôn có ấn tượng tốt với nhau, đó chính là tinh thần của Phúc Âm vậy.
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:20 08/09/2008
N2T


25. Chúng ta phải cần suy gẫm cầu nguyện để bồi dưỡng linh hồn, bởi vì suy gẫm cầu nguyện là lương thực của linh hồn.

(Thánh Jerome)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Lịch trình của Đức Thánh Cha có dự trù việc tham dự Thượng Hội Đồng Giám Mục về Lời Chúa
Bùi Hữu Thư
03:34 08/09/2008

Lịch trình của Đức Thánh Cha có dự trù việc tham dự Thượng Hội Đồng Giám Mục về Lời Chúa.



Tòa Thánh phổ biến lịch trình cho ba tháng 9, 10 và 11.

VATICAN 5 tháng 9, 2008 (Zenit.org).- Ba chuyến viếng thăm mục vụ và Thượng Hội Đồng Giám Mục về Lời Chúa là hai tiết mục được ghi trong lịch trình của Đức Thánh Cha Benedict XVI trong các tháng sắp tới.

Hôm nay Tòa Thánh Vatican phổ biến lịch trình các sinh hoạt Đức Thánh Cha sẽ chủ tọa trong ba tháng 9, 10, và 11.

Chủ Nhật này, Đức Thánh Cha sẽ viếng thăm mục vụ Cagliari, Ý. Rồi ngài sẽ đi Pháp ngày Thứ Sáu, 12 tháng 9 để tham dự lễ kỷ niệm 150 năm Đức Mẹ hiện ra tại Lộ Đức, và trở về ngày Thứ Hai, 15 tháng 9.

Đức Giáo Hoàng Benedict XVI sẽ cử hành Thánh Lễ và cung hiến bàn thờ tại Nhà Thờ Chánh Tòa Albano, Ý, ngày 25 tháng 9.

Ngài sẽ khai mạc phiên họp khoáng đại thường lệ lần thứ 12 của Thượng Hội Đồng Giám Mục ngày 5 tháng 10 trong một nghi lễ tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phaolô Ngoại Thành. Bồn tuần sau, ngày 26 tháng 10, Đức Thánh Cha sẽ chủ tọa lễ bế mạc Thượng Hội Đồng Giám Mục tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô.

Ngày 9 tháng 10, Đức Thánh Cha sẽ cử hành Thánh Lễ Kỷ Niệm 50 năm của vị tiền nhiệm của ngài là Đức Giáo Hoàng Piô XII.

Ngày 12 tháng 10, ngài sẽ chủ tọa việc phong thánh cho bốn người.

Tuần sau, ngày 19 tháng 10, ngài sẽ thăm viếng mục vụ, lần này đến Pompei, Ý, nơi Đức Thánh Cha sẽ cử hành Thánh Lễ và hướng dẫn việc lần hạt Mân Côi.

Cuối cùng, ngày 3 tháng 11, Đức Thánh Cha sẽ chủ tế trong Thánh Lễ tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô để cầu nguyện cho linh hồn của các Hồng Y và Giám Mục đã qua đời trong năm qua.
 
Một biến cố độc nhất vô nhị trong lịch sử Giáo Hội
Lm Nguyễn Hữu Thy
08:16 08/09/2008
Một biến cố độc nhất vô nhị trong lịch sử Giáo Hội:

Trong một năm: 3 vị Giáo Hoàng, 2 lần triệu tập Cơ Mật Viện, 1 cái chết gây nghi vấn


Cách đây đúng 30 năm về trước, vào năm 1978 đã xảy ra trong Giáo Hội Công Giáo một biến cố độc nhất vô nhị, đó là:

• ba vị Giáo Hoàng liên tiếp kế vị nhau,

• hai lần các ĐHY trên khắp thế giới đã được triệu tập về Roma tham dự Cơ Mật Viện để bầu Tân Giáo Hoàng,

• và sự kiện băng hà quá đột ngột của ĐGH Gioan Phaolô I đã tạo cơ hội cho các dư luận thế giới đặt nghi vấn.

ĐGH Phaolô VI. ĐGH Gioan Phao I. ĐGH Gioan Phaolô II


1) Đức Phaolô VI

Vào giữa tháng 7 năm 1978, khi ĐGH Phaolô VI lên đường đi nghỉ hè tại Castelgandolfo, có lẽ ngài đã biết trước được cuộc hành trình trần thế của mình đã sắp sửa kết thúc khi ngài tâm sự với bộ trưởng Nội Vụ của ngài là ĐHY Giuseppe Capriô: «Ta không biết có trở lại nữa hay không … và Ta sẽ trở lại bằng cách nào.» Ngày 2.08.1978, ngài còn xuất hiện trong cuộc yến kiến chung ngay trong sân nội của dinh Castelgandolfo. Sau đó là ngài bị lên cơn sốt dữ dội trong suốt hai ngày liên tiếp. Vì thế Kinh Truyền Tin vào trưa Chúa Nhật bị bãi bỏ và dư luận càng xôn xao. Trong khi đó cơn sốt càng lên cao, còn huyết áp lại hạ xuống quá thấp, và với tuổi 80, Đức Phaolô VI không còn sức để cầm cự với cơn bệnh nữa. Và Vatican đã thông báo cho toàn thế giới: «Vào lúc 21g40 ngày Chúa Nhật, 6.08.1978, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã an nghỉ trong Chúa.»

Trong lịch sử Giáo Hội Công Giáo, Đức Phaolô VI được mệnh danh là vị «Giáo Hoàng của Công Đồng». Thực ra Đức Gioan XXIII đã triệu tập và khai mạc Công Đồng chung Vatican II. Nhưng chính Đức Phaolô VI mới là người điều khiển và kết thúc tốt đẹp Công Đồng quan trọng này. Trước khi được bầu làm Giáo Hoàng với tước hiệu Phaolô VI vào ngày 21.6.1963, ĐHY Giovanni Battista Montini giữ chức bộ trưởng Bộ Nội Vụ của Vatican.

Đức Phaolô VI hướng dẫn hướng đi của Công Đồng là mở cửa Giáo Hội thông ra với thế giới. Là vị Giáo Hoàng đầu tiên của thời đại mới hậu Công Đồng, Đức Phaolô VI đã khởi đầu các cuộc tông du đến với các Giáo Hội Công Giáo địa phương ở khắp nơi trên thế giới. Ở Giê-ru-sa-lem, ngài đã cùng với Đức Thương Phụ Athenagoras thành Constantinople khởi động công cuộc xích lại gần nhau giữa các Giáo Hội Kitô giáo đang bị phân ly từ hàng thế kỷ qua. Chính ngài cũng tìm cách mở rộng mối quan hệ với các tôn giáo khác. Về lãnh vực chính trị, khi thế giới được chia ra làm khai khối liên kết chống đối nhau rõ rệt bằng một cuộc chiến tranh lạnh đầy đe dọa, Đức Phaolô VI đã nổ lực đưa ra một đường lối ngoại khôn khéo mềm dẽo với mục đích nhằm mang lại cho các Kitô hữu đang sống bên kia bức màn sắt dưới chế độ cộng sản vô thần một chút không khí nhẹ nhàng dễ thở hơn. Dĩ nhiên, đường lối ngoại giao mềm dẽo cần thiết như thế với các chế độ cộng sản ở Đông Âu đã không tránh khỏi những phê bình chỉ trích của một số nhà chính trị phía khuynh hữu.

Còn việc áp dụng các quyết định của Công Đồng vào đời sống cụ thể của Giáo Hội, người ta có thể nói là đầy vất vả. Là người vốn có bản tính hay do dự, Đức Phaolô VI thường đã rơi vào tình trạng «tiến thoái lưỡng nan» giữa các khuynh hướng đối kháng nhau trong Giáo Hội vào lúc bấy giờ của những người chủ trương canh tân cải tổ và của những người chủ trương duy trì bảo thủ. Nhưng bầu không khí phê bình chống đối mạnh mẽ trong cũng như ngoài Giáo Hội thực sự bùng nổ vào năm 1968 khi Đức Phaolô VI cho công bố thông điệp «Humanae Vitae» đề cập đến phẩm giá đời sống con người. Trong bức thông điệp, Đức Phaolô đã minh định rằng các phương tiện hạn chế sinh sản một cách giả tạo là hoàn toàn đi ngược lại chương trình sáng tạo của Thiên Chúa, một điều Người đã khắc ghi vào trong thiên nhiên như một định luật bất khả thay đổi. Và đó là sự thật.

Thi hài Đức Phaolô VI đã được di chuyển từ Castelgandolfo về quàn tại đền thờ Thánh Phêrô. Sau đó sáu ngày thì ngài được an táng trong một ngôi mộ đất đơn sơ ngay dưới đền thờ Thánh Phêrô.

2) Đức Gioan Phaolô I

Mười chín ngày sau khi Đức Phaolô băng hà, 111 vị Hồng Y trên khắp thế giới đã được triệu tập về Roma tham dự Cơ Mật Viện để bầu Tân Giáo Hoàng. Các tiêu chuẩn được đưa ra để bầu vị Tân Giáo Hoàng vào thời hậu Công Đồng phải là:

• người có tinh thần hoà giải, biết can đảm bênh vực những người nghèo khổ và những người bị đàn áp trên khắp thế giới,

• người vừa biết mở rộng cửa ra với thế giới và vừa biết tôn trọng các truyền thống và quá khứ cao đẹp và thánh thiêng của Giáo Hội,

• người có uy quyền cá nhân, cụ thể và dứt khoát trong hành động cũng như có đặc sủng chuyên biệt,

• người có tinh thần hợp tác với các Giám Mục và các thành phần Dân Chúa trên phắp thế giới.

Vào lúc bấy giờ, ở bên ngoài tuy khí trời mùa hè đã hạ nhiệt, nhưng trong Cơ Mật Viện, các Đức Hồng Y hiện diện đã phải tuân thủ những điều kiện bầu cử hết sức chặt chẽ và nghiêm khắc. Và cuộc họp của Cơ Mật Viện lần này là một cuộc họp ngắn nhất trong lịch sử, chỉ sau ba vòng bầu trong ngày đầu tiên các Đức Hồng Y đã dồn phiếu cho ĐHY Albino Luciani, Thượng Phụ thành Venise/Ý. ĐHY Albino Luciani đã vâng theo thánh ý Chúa chấp nhận kết quả cuộc bầu cử Giáo Hoàng và lên ngôi kế vị Đức Phaolô VI với tước hiệu Gioan Phaolô I. Đây là một tước hiệu mang ý nghĩa sâu xa: trước hết muốn nói lên ngài là vị Giáo Hoàng của Công Đồng Vatican II với tinh thần canh tân và mở cửa Giáo Hội của hai vị Tiền Nhiệm thánh thiện khả kính của ngài là Đức Gioan XXIII và Đức Phaolô VI, những vị Giáo Hoàng đã triệu tập, khai mạc, điều khiển và kết thúc tốt đẹp thánh Công Đồng chung Vatican II. Đức Gioan Phaolô I đã thu phục được cảm tình của dư luận thế giới bằng những bài thuyết giảng đơn sơ, phù hợp với đại chúng và bằng thái độ cử chỉ thân thiện gần gũi của ngài. Vì thế, người ta đã đặt cho ngài biệt danh: «Vị Giáo Hoàng mỉm cười.»

Nhưng tiếc thay, Đức Gioan Phaolô I đã đi vào lịch sử Giáo Hội như là vị «Giáo Hoàng 33 ngày». Vâng, vừa lên ngôi Giáo Hoàng mới 33 ngày, chưa kịp thi hành sứ vụ của mình thì Đức Gioan Phaolô I đã đột ngột qua đời. Có lẽ bộ máy hành chánh vĩ đại và vô cùng khó khăn phức tạp của giáo triều Vatican xem ra vượt sức một vị Mục Tử với tâm hồn đơn sơ, dễ thương và nhân hậu như Đức Gioan Phaolô I; thêm vào đó cả mặc cảm bị lẻ loi lạc lõng cũng hằng ám ảnh ngài.

Đứng trước cái chết như thế, các nhà văn viết tiểu thuyết với đầu óc tưởng tượng phong phú của họ đã đưa ra những giả thuyết đầy nghi vấn về cái chết đột ngột của Đức Gioan Phaolô I, như ông David Yallup trong cuốn tiểu thuyết của ông với nhan đề là «Im Namen Gottes» - (Nhân danh Thiên Chúa), một cuốn tiểu thuyết đã bán được hàng triệu ấn bản, cho rằng cái chết của Đức Gioan Phaolô I là do bị bỏ thuốc độc. Nhưng đây chỉ là một nghi vấn thiếu kiểm chứng, vì các bác sĩ y khoa đã chứng thực một cách khoa học và khách quan rằng đó cái chết tự nhiên, hậu quả của chứng đau tim.

3) Đức Gioan Phaolô II

Sau khi Đưc Gioan Phaolô I băng hà, dư luận bắt đầu nói đến hiện tượng «trong một năm: hai cơ mật viện, ba vị giáo Hoàng» và cũng vì cái chết đột ngột của Đức Gioan Phaolô I, nên vị Giáo Hoàng kế vị phải là:

• người trẻ trung, khoẽ mạnh,

• người có khả năng nắm vững được bộ máy hành chánh vô cùng nặng nề phức tạp của giáo triều cũng như các ĐHY làm việc trong đó.

Nhưng vì vào lúc bấy giờ không một vị Hồng Y người Ý nào hội đủ được các tiêu chuẩn trên để có thể chiếm được đa số phiếu, các Đức Hồng Y đã nghĩ ngay đến ĐHY Karol Wojtyla mới 58 tuổi, Tổng Giám Mục Krakau/Ba Lan và đã dồn phiếu cho ngài. Vào ngày 16.10.1978, sau 455 năm, lần đầu tiên một vị Hồng Y không phải người Ý đã lên ngôi Giáo Hoàng với tước hiệu Gioan Phaolô II.

«Anh chị em đừng sợ! Hãy mở rộng, vâng, hãy tháo bỏ mọi cửa ngõ cho Đức Kitô. Anh chị em hãy dẹp bỏ mọi ranh giới phân chia giữa các quốc gia!» đó là những lời đầy xác tín của Đức Gioan Phaolô II trong bài giảng đầu tiên bằng tiếng Ý của ngài, và qua đó Đức Tân Giáo Hoàng đến từ Ba Lan đã chiếm được con tim của dân chúng Roma.

Mặc dù về phương diện tôn giáo và luân lý, Đức Gioan Phaolô II được đánh giá là bảo thủ, nhưng về phương diện ngoại giao, chính trị và xã hội, v.v… ngài lại được đề cao là người thức thời, cởi mở, thông thoáng, hòa đồng và bình dân. Vì thế, ngài đã trở thành «ngôi sao của các phương diện truyền thông». Ngài tổ chức các cuộc tông du trên khắp thế giới, đến với mọi thành phần Dân Chúa ở từng góc cùng ngõ hẻm sang trọng hay bần cùng của các quốc gia. Chính Đức Gioan Phaolô II đã gây nên những tác động quyết định trong sự sụp đổ và giải thể của chế độ độc tài cộng sản ở Liên Sô và các nước Đông Âu.

Vào lúc 21g37 ngày 2.4.2005, sau gần 27 năm trên ngôi Giáo Hoàng điều khiển Giáo Hội hoàn vũ một cách quả quyết và xác tín giữa một thời đại đầy thách đố khó khăn với những trào lưu tục hóa, vô thần, bạo động, khủng bố, v.v… không ngừng đe dọa, Đức Gioan Phaolô II đã ra đi vào chốn vĩnh cửu như một kẻ chiến thắng giữa sự thuơng tiếc không nguôi của tất cả mọi người thiện tâm trên khắp thế giới, bất kể tôn giáo, chính trị, màu da, chủng tộc. Và tất cả đều đã nâng cao khẩu hiệu đầy ấn tượng trong ngày an táng của ngài: «Santo sibito!» - Hãy phong thánh cho ngài ngay!
 
Sách của Tổng giám mục Chaput nằm trong danh sách ấn phẩm bán chạy nhất của New York Times
Phụng Nghi
10:30 08/09/2008
New York (CNA) – Chỉ ba tuần lễ sau khi phát hành, cuốn sách mới “Render Unto Caesar” của tổng giám mục Charles Chaput đã nằm trong danh sách ấn phẩm Bán Chạy Nhất (Best Seller list) của báo New York Times. Tác phẩm của ngài chiếm hạng trên cuốn sách “Promises to Keep” của Thượng nghị sĩ Joe Biden, ứng cử viên phó tổng thống đảng Dân chủ.

“Render Unto Caesar” hiện được xếp hạng 27 trong danh sách các ấn phẩm bán chạy nhất không phải tiểu thuyết của báo New York Times tuần lễ kết thúc vào ngày 14 tháng 9, vượt trên cuốn sách của Thượng nghị sĩ Joe Biden một cấp. Về phía nhà xuất bản Random House, website của nhà xuất bản này cho biết trong tuần lễ kết thúc vào ngày 29 tháng 8, “Render Unto Caesar” đứng hạng thứ 24 trong danh sách sách bán chạy nhất, và đứng hạng 5 trong thể loại bìa cứng.

Nơi cuốn “Render Unto Caesar: Serving the Nation by Living Our Catholic Beliefs in Political Life (Trả lại cho Xê-gia: Phục vụ Tổ quốc bằng lối sống Đức tin Công giáo trong Sinh hoạt Chính trị)”, đức tổng giám mục Chaput giáo phận Denver giải thích rằng người Công giáo phải đem đức tin theo với họ vào phòng đầu phiếu. Ngài lý luận rằng quyền công dân của người Công giáo phải được đặt trên niềm tin tôn giáo, coi đó như là một nghĩa vụ luân lý, một quà tặng trong đời sống của người dân Mỹ.

Các vấn đề được tổng giám mục thúc giục người Công giáo củng cố tiếng nói của mình gồm có: phá thai, án tử hình, di dân, nghèo đói và các vấn đề công lý xã hội khác.

Cuốn sách của ngài khẳng định mối liên hệ chặt chẽ giữa đức tin Công giáo của một cá nhân với các hoạt động công cộng. Ngài cũng bênh vực quyền của người tín hữu một tôn giáo được thách đố nhà cầm quyền thế tục nhân danh phẩm giá con người: “Theo ý nghĩa này, giáo hội Công giáo không thể đứng, đã chưa bao giờ đứng, và sẽ không bao giờ đứng ngoài vòng chính trị.”
 
Top Stories
Vietnam: La cause de la paroisse de Thai Ha, de plus en plus populaire chez les laïcs, le clergé et la hiérarchie, est soutenue publiquement par l’archevêque de Hanoi
Eglises d'Asie
09:19 08/09/2008
Vietnam: La cause de la paroisse de Thai Ha, de plus en plus populaire chez les laïcs, le clergé et la hiérarchie, est soutenue publiquement par l’archevêque de Hanoi

La répression policière, une campagne de désinformation orchestrée au plus haut niveau n’empêchent pas la cause des paroissiens de Thai Ha de devenir de plus en plus populaire au sein de l’Eglise catholique. Elle a notamment recueilli l’approbation publique de l’archevêque de Hanoi et de plusieurs évêques de la moitié nord du pays, ainsi que de l’ensemble du clergé de Hanoi. Elle attire des foules de plus en plus nombreuses de toutes les parties du territoire du Vietnam, qui viennent prier au sanctuaire marial établi sur le terrain contesté.

A son retour des Etats-Unis, le 3 août dernier, Mgr Joseph Ngô Quang Kiêt n’aura attendu que peu de temps pour faire connaître son avis. Quelques heures après son arrivée, l’archevêque de Hanoi a accordé au P. Trân Công Nghị, de l’agence VietCatholic News, une interview téléphonique (1) dans laquelle il fait le point sur les événements survenus dans la paroisse de Thai Ha durant son absence. Il s’est montré parfaitement au courant de la situation. Il est vrai que, comme il l’a souligné, il avait déjà entendu le rapport des prêtres de son diocèse, même si aucun contact n’avait encore eu lieu entre lui et les autorités civiles. Une première partie de l’entretien est consacrée à ses rencontres avec la diaspora vietnamienne aux Etats-Unis. C’est dans la seconde partie qu’il s’est exprimé sur le conflit entre la communauté paroissiale de Hanoi et les autorités locales.

D’emblée, le responsable de l’Eglise à Hanoï relève que la situation est préoccupante. Une campagne de presse malveillante se développe contre la communauté catholique. L’archevêque constate avec regret que les autorités ont usé de violence contre les fidèles catholiques. Mgr Kiet tient aussi à faire remarquer que, dans ces circonstances, les fidèles ont adopté une attitude remarquable. Bien que ne cachant pas leur enthousiasme pour la cause qu’ils défendent et malgré les provocations, ils se sont contentés de prier dans l’ordre et la paix. Le plus haut responsable de l’Eglise à Hanoi ne ménage pas ses éloges à leur égard et souligne à plusieurs reprises le caractère pacifique de leurs manifestations de prière. Il a également affirmé sa conviction que seul le dialogue permettra d’aboutir à une solution. La répression et la violence ne pourront qu’envenimer la situation.

Il a exhorté le gouvernement à sortir des sentiers battus et à faire preuve de créativité et d’initiatives dans la recherche d’une solution acceptable. L’archevêque pense que la solution capable de dénouer le conflit devrait être tout à fait nouvelle. Il a lui-même associé l’affaire de Thai Ha à celle de la Délégation apostolique (2), pour laquelle, à l’initiative du Saint-Siège, les deux parties cherchent à trouver une solution par le dialogue. Aucun résultat n’ayant été enregistré au bout de huit mois, les fidèles ont perdu confiance dans une solution de ce type; ce qui n’a pas manqué d’influencer les esprits dans l’affaire de Tha Ha. Par ailleurs, l’archevêque a affirmé que l’ensemble de l’Eglise du Vietnam était en communion avec les aspirations de cette paroisse.

L’un des soutiens les plus appuyés au mouvement de Thai Ha a été celui de l’ensemble du clergé de l’archidiocèse de Hanoi, qui, le 31 septembre, a rédigé une lettre commune. Les prêtres y expriment leur communion avec les aspirations des paroissiens de Thai Ha. Ils affirmant que la propriété réclamée a été illégalement accaparée par les autorités; ils demandent au gouvernement de ne pas politiser cette affaire et de mettre un terme à la campagne de désinformation menée par les médias.

Loin de décourager les foules, les dernières actions violentes de la police (3) ont favorisé l’affluence des chrétiens sur le lieu de culte marial qui est désormais installé sur le terrain contesté. Leur nombre ne cesse d’augmenter. Venus de tous les diocèses du Nord, près de 6 000 fidèles se sont rassemblés à Thai Ha le samedi 6 septembre, pour une messe présidée par deux évêques. Pourtant, en certains endroits comme à Phat Diêm, la police locale avait empêché des groupes de chrétiens d’accomplir ce pèlerinage.

Depuis le 31 aout, on n’a pas eu connaissance d’actions violentes des autorités. Cependant, des manœuvres ont été entreprises tendant à faire croire que certains catholiques s’opposaient au mouvement. C’est ainsi que le journal de la Sûreté, le Công An Nhân Dân, du 7 septembre, rapportait que la veille, le général Nguyên Duc Nhan, directeur de la Sûreté de Hanoi, avait rencontré, la veille, onze paroissiens de Thai Ha, dont huit avaient rédigé un procès-verbal contestant les thèses mises en avant par la paroisse. Le jour même, un communiqué des responsables rédemptoristes mettait en garde les paroissiens contre le caractère manœuvrier de cette rencontre et affirmait que les paroissiens choisis n’étaient en rien représentatifs de la communauté paroissiale.

(1) L’enregistrement oral en vietnamien de l’interview a été mis en ligne le 3 septembre sur VietCatholic News. La plupart des informations exploitées dans cette dépêche viennent de la même agence.

(2) Des manifestations de prière avaient eu lieu, du mois de décembre 2007 au début février 2008, pour obtenir la récupération de l’ancienne Délégation apostolique à Hanoi. Voir EDA 479, 482, 487, 488

(3) Voir EDA 490

(Source: Eglises d'Asie, 8 septembre 2008)
 
Viet Catholics mount largest-ever public protest in Hanoi
Catholic World News
17:05 08/09/2008
Hanoi, Sep. 8, 2008 (CWNews.com) - Public protests by Vietnamese Catholics continued this weekend, with two more bishops joining on September 6 in the largest public demonstration since the Communist regime took power.

Archbishop Joseph Ngo Quang Kiet of Hanoi issued a public statement in support of the demonstrations, in which Catholics have gathered to pray at the site of properties that were seized by the government from Church ownership. The archbishop said that all petitions for the restoration of the land have fallen on deaf ears, and Catholics in their desperation have been left wth no choice other than peaceful protests.

In the September 6 demonstration at Thai Ha parish in Hanoi, more than 6,000 people braved a cold rain to attend a prayer vigil. The demonstration might have been still larger, but authorities blocked many would-be participants who were traveling from the neighboring provinces of Phat Diem and Thai Nguyen.

“We are here from many regions of the country to pray with our Mother of Perpetual Help,” said Bishop Joseph Nguyen Van Yen, “to be in communion and in solidarity with you in this difficult time. We are here to pray for the truth and justice.”

Hanoi's Archbishop Ngo Quang Kiet rejected the charges of the state-owned media that the public prayer vigils were illegal. He told Radio Free Asia that "the situation will get more complicated" if government officials continue to ignore demands for the restoration of Church properties.
 
Vietnam : L’évêque de Hanoi soutient la cause de la paroisse de Thai Ha
Zenit
17:08 08/09/2008
Une cause « de plus en plus populaire » au sein de l’Eglise catholique

ROME, Lundi 8 septembre 2008 (ZENIT.org) - La cause de la paroisse de Thai Ha, de plus en plus populaire chez les laïcs, le clergé et la hiérarchie, est soutenue publiquement par l'archevêque de Hanoi, au Vietnam, annonce « Eglises d'Asie » (EDA), l'agence des Missions étrangères de Paris.

La répression policière, une campagne de désinformation orchestrée au plus haut niveau n'empêchent pas la cause des paroissiens de Thai Ha de devenir de plus en plus populaire au sein de l'Eglise catholique. Elle a notamment recueilli l'approbation publique de l'archevêque de Hanoi et de plusieurs évêques de la moitié nord du pays, ainsi que de l'ensemble du clergé de Hanoi. Elle attire des foules de plus en plus nombreuses de toutes les parties du territoire du Vietnam, qui viennent prier au sanctuaire marial établi sur le terrain contesté.

A son retour des Etats-Unis, le 3 août dernier, Mgr Joseph Ngô Quang Kiêt n'aura attendu que peu de temps pour faire connaître son avis. Quelques heures après son arrivée, l'archevêque de Hanoi a accordé au P. Trân Công Nghị, de l'agence VietCatholic News, une interview téléphonique (1) dans laquelle il fait le point sur les événements survenus dans la paroisse de Thai Ha durant son absence. Il s'est montré parfaitement au courant de la situation. Il est vrai que, comme il l'a souligné, il avait déjà entendu le rapport des prêtres de son diocèse, même si aucun contact n'avait encore eu lieu entre lui et les autorités civiles. Une première partie de l'entretien est consacrée à ses rencontres avec la diaspora vietnamienne aux Etats-Unis. C'est dans la seconde partie qu'il s'est exprimé sur le conflit entre la communauté paroissiale de Hanoi et les autorités locales.

D'emblée, le responsable de l'Eglise à Hanoï relève que la situation est préoccupante. Une campagne de presse malveillante se développe contre la communauté catholique. L'archevêque constate avec regret que les autorités ont usé de violence contre les fidèles catholiques. Mgr Kiet tient aussi à faire remarquer que, dans ces circonstances, les fidèles ont adopté une attitude remarquable. Bien que ne cachant pas leur enthousiasme pour la cause qu'ils défendent et malgré les provocations, ils se sont contentés de prier dans l'ordre et la paix. Le plus haut responsable de l'Eglise à Hanoi ne ménage pas ses éloges à leur égard et souligne à plusieurs reprises le caractère pacifique de leurs manifestations de prière. Il a également affirmé sa conviction que seul le dialogue permettra d'aboutir à une solution. La répression et la violence ne pourront qu'envenimer la situation.

Il a exhorté le gouvernement à sortir des sentiers battus et à faire preuve de créativité et d'initiatives dans la recherche d'une solution acceptable. L'archevêque pense que la solution capable de dénouer le conflit devrait être tout à fait nouvelle. Il a lui-même associé l'affaire de Thai Ha à celle de la Délégation apostolique (2), pour laquelle, à l'initiative du Saint-Siège, les deux parties cherchent à trouver une solution par le dialogue. Aucun résultat n'ayant été enregistré au bout de huit mois, les fidèles ont perdu confiance dans une solution de ce type; ce qui n'a pas manqué d'influencer les esprits dans l'affaire de Tha Ha. Par ailleurs, l'archevêque a affirmé que l'ensemble de l'Eglise du Vietnam était en communion avec les aspirations de cette paroisse.

L'un des soutiens les plus appuyés au mouvement de Thai Ha a été celui de l'ensemble du clergé de l'archidiocèse de Hanoi, qui, le 31 septembre, a rédigé une lettre commune. Les prêtres y expriment leur communion avec les aspirations des paroissiens de Thai Ha. Ils affirmant que la propriété réclamée a été illégalement accaparée par les autorités; ils demandent au gouvernement de ne pas politiser cette affaire et de mettre un terme à la campagne de désinformation menée par les médias.

Loin de décourager les foules, les dernières actions violentes de la police (3) ont favorisé l'affluence des chrétiens sur le lieu de culte marial qui est désormais installé sur le terrain contesté. Leur nombre ne cesse d'augmenter. Venus de tous les diocèses du Nord, près de 6 000 fidèles se sont rassemblés à Thai Ha le samedi 6 septembre, pour une messe présidée par deux évêques. Pourtant, en certains endroits comme à Phat Diêm, la police locale avait empêché des groupes de chrétiens d'accomplir ce pèlerinage.

Depuis le 31 aout, on n'a pas eu connaissance d'actions violentes des autorités. Cependant, des manœuvres ont été entreprises tendant à faire croire que certains catholiques s'opposaient au mouvement. C'est ainsi que le journal de la Sûreté, le Công An Nhân Dân, du 7 septembre, rapportait que la veille, le général Nguyên Duc Nhan, directeur de la Sûreté de Hanoi, avait rencontré, la veille, onze paroissiens de Thai Ha, dont huit avaient rédigé un procès-verbal contestant les thèses mises en avant par la paroisse. Le jour même, un communiqué des responsables rédemptoristes mettait en garde les paroissiens contre le caractère manœuvrier de cette rencontre et affirmait que les paroissiens choisis n'étaient en rien représentatifs de la communauté paroissiale.

(1) L'enregistrement oral en vietnamien de l'interview a été mis en ligne le 3 septembre sur VietCatholic News. La plupart des informations exploitées dans cette dépêche viennent de la même agence.

(2) Des manifestations de prière avaient eu lieu, du mois de décembre 2007 au début février 2008, pour obtenir la récupération de l'ancienne Délégation apostolique à Hanoi. Voir EDA 479, 482, 487, 488

(3) Voir EDA 490
 
Bishop denounces the lying of state-run media
J.B. An Dang
18:36 08/09/2008
Bishop of Hung Hoa urges everyone to pray more intensely for Thai Ha and the Church in Vietnam at this difficult time accusing the state-run media of lying.

Thousands of Catholics at Thai Ha every day
In a Letter of Communion sent to the Provincial Superior of the Redemptorists in Vietnam and the Superior of Thai Ha Monastery, dated Sep. 9, Bishop Anthony Vu Huy Chuong of Hung Hoa gives his full support for Vietnamese Redemptorists in their effort to regain their land in Thai Ha – Hanoi.

“I have prayed,” writes Bishop Anthony Vu, “for justice and the truth may be honored not only in Thai Ha but also in anywhere that people still have to suffer injustice and dishonesty,” complaining that his diocese is not an exception.

“Recently,” Bishop Anthony Vu illustrates, “the pastor of Can Kiem parish confirmed with me that the man who spoke on state television against Thai Ha on behalf of Can Kiem parishioners is in fact a local government official – not a Catholic at all.”

The tidal waves of falsely accusations and distortions against Catholics by state run television, radio, and newspaper are “extremely sad and wearisome”, he added asking Catholics to pray more intensely on the Birth of the Virgin Mary feast “for the Church in Vietnam and the nation.”

In another incident, state newspapers on Sep. 7 introduced two men Pham Huy Ba and Nguyen Van Nhat as Catholic priests who spoke against protestors at Thai Ha. However, archdiocese of Hanoi confirmed immediately that they are not Catholic priests – “They are never ever priests. It is the government who ‘ordained’ them,” the report said.

Meanwhile, thousands of Catholics keep protesting at Thai Ha every day.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Phóng Sự Lễ Đặt Viên Đá Đầu Tiên tại Giáo Xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam
Như Mai
21:23 08/09/2008

Phóng Sự Lễ Đặt Viên Đá Đầu Tiên tại Giáo Xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam



Arlington, VA. ngày 7 tháng 9, 2008: Đức Giám Mục Giáo Phận Arlington, Virginia đã đến chủ tọa Thánh Lễ Tạ Ơn và Nghi Lễ Đặt Viên Đá Đầu Tiên cho việc khởi công xây cất Thánh Đường mới cho Giáo Xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam lúc 5 giờ chiều ngày Chúa Nhật 7 tháng 9, năm 2008.

Đức Giám Mục đã chọn ngày Thứ Hai 8 tháng 9 là ngày Sinh Nhật Đức Maria để tới giáo xứ, nhưng sau đó ngài đổi ý. Việc thay đổi này rất tốt đẹp cho giáo xứ, vì ngày thứ hai đa số giáo dân đi làm và sẽ không có đủ nhân công để phục vụ cũng như không có nhiều người tham dự các nghi thức.

Ngay từ đầu tuần trước các thiện nguyện viên, đặc biệt là anh Châu Thanh, bố con anh Tám, Anh Kiều Bi, anh Hiền, hai cháu Trung và Phúc đã tích cực xây dựng khán đài, và ông Nguyễn Văn Sự đã dựng cả một rừng cờ ngũ sắc khắp nơi. Bác sĩ Phương ở Philadelphia đã vẽ cho bức hình nhà thờ mới để làm phông cho sân khấu, và thứ sáu vừa qua cha xứ anh Châu Thanh và anh Mã Gia Trí đã đi Phila từ 4 giờ sáng để chở bức hình này về. Tất cả các ban ngành đoàn thể và ca đoàn ghi danh đóng góp các món ăn cùng các nhà hảo tâm khác trong giáo xứ. Liên Minh Thánh Tâm phụ trách nướng barbecue và chiên khoai tây, Hiệp Sĩ Đoàn cung cấp toán dàn chào cũng như tất cả các chén điã ly, muỗng nĩa, khăn bàn, khăn ăn và nước uống. Ngoài ra ông Nguyễn Văn Huấn đã cung cấp khăn bàn, khăn ăn, rượu vang và liqueur cho bữa tiệc khoản đãi Đức Cha. Hội Cao Niên làm trên 1.800 cái chả giò. Cộng Đoàn Reston cung cấp hotdog, và còn nhiều nhiều nữa không kể xiết..... Về phần Hội Đồng Mục Vụ: anh Phan Hậu làm MC, làm dê với anh em LMTT; anh Tăng Tâm: mua xẻng, rút nước ngập trong basement vì trận bão Hanna, lo gắn lò chiên khoai tây; anh Nguyễn Văn Thành cùng phu nhân thì lo cả ngàn chiếc áo polo để tặng quan khách và phân phối cho giáo dân; anh Lê Văn Thảo lo việc tiếp nhận và phân phối thức ăn. Còn Ủy Ban Tài Chánh có ông Trần Khoa Học lo việc tiếp tân quan khách Mỹ; anh Trần Duy Toàn cộng tác với các anh em LMTT lo xếp bàn thức ăn nước uống; cô Nguyễn Dung Thanh lo việc thù tiếp Đức Cha và các quan khách.

Sách lễ đã được anh Nguyễn Duy An trình bầy để đem in. Anh Hùng Karaoke được trao phó nhiệm vụ trang trí âm thanh. Thiếu Nhi Thánh Thể lo tập múa lân, và các màn trình diễn khác. Các em gái được sơ Thiên Ân tập cho màn múa phụng vụ. Thanh Sinh Công cũng có các màn trình diễn khác. Ca đoàn tổng hợp tập dượt các bài hát Mỹ Việt cho buổi lễ. Chương trình phụng vụ được trình lên Đức Cha, và chương trình rước kiệu Các Thánh Tử Đạo cũng được cha Phó Phó Quốc Luân phác họa với sự chấp thuận của cha xứ. Bữa tiệc khoản đãi Đức Cha và các quý khách cũng được đặt tại Nhà Hàng Phú Ky. Một ban tiếp tân các quan khách cũng được tổ chức chu đáo. Cha Phó Ngô Văn Thích đồng tế trong Thánh Lễ Tạ Ơn nhưng ngài phải vắng mặt trong phần nghi thức Đặt Viên Đá vì phải đi làm lễ 7 giờ tối tại Cộng Đoàn Đức Mẹ La Vang tại Reston.

Sân khấu vừa dựng xong thì bão Hanna thổi tới. Ngày thứ bẩy lúc 10 giờ sáng, mưa tầm tã và gió lớn. Nước mưa đọng trên mái vải bạt chùng xuống và làm xập khung mái. May thay 4 giờ chiều cơn bão qua đi, trời tạnh ráo, anh em lại ra công sửa sang và dựng lại.

Chúa thương ngày Chúa Nhật trời nắng đẹp. Đúng là một sự may mắn vô cùng, vì thứ ba sẽ lại mưa lớn vì bão Ike sẽ kéo tới. Các em Thanh Sinh Công đã cả ngàn cái ghế từ hầm nhà thờ và các lớp học bên Hội Trường Giáo Dục và Nhà Khách sang bên bãi đậu xe nhỏ. Ghế đủ mầu khiến cho quang cảnh của bãi đậu xe nhỏ nổi bật như một rạp hát lộ thiên.

Thánh lễ có sự đồng tế của 12 linh mục Việt Mỹ, hai thầy sáu và Thầy David tháp tùng Đức Cha Loverde. Ngoài ra còn có khoảng 20 thầy và sơ hai Dòng Đa Minh và Mến Thánh Giá Đà Lạt. Ngoài ba cha Mỹ Tom Fergusson, Kevin Walsh và Richard Mullins, còn có ông Reid Herlihy, Giám Đốc Văn Phòng Xây Cất của Địa Phận, Kiến Trúc Sư Giang Trần của Công Ty Geier Brown & Renfrow (người phác họa họa đồ nhà hờ mới), bà Elizabeth Staunton và gia đình ông Jose Miranda (hai láng giềng của giáo xứ). Cha xứ đã giới thiệu tất cả các nhân vật trên cung thánh vào đầu lễ. Thánh lễ song ngữ được luân phiên uyển chuyển giữa tiếng Anh và tiếng Việt.

Trong bài giảng Đức Cha Loverde đã nói nhiều về "Tình Yêu", về "Tình Yêu có Trách Nhiệm" mới có thể xây dựng, duy trì và nuôi dưỡng sự "Hiệp Thông" trong giáo hội. Đức Cha cũng nhấn mạnh về việc lấy các quyết định sáng suốt về luân lý để bảo vệ các thai nhi.

Các em thiếu nhi trong ban phụng vũ đã múa bài dâng lễ "Ca Khúc Trầm Hương" rất đẹp mắt. Sau phần rước lễ, ông Bùi Hữu Thư đã thay mặt Hội Đồng Mục vụ để cám ơn Thiên Chúa, Đức Cha Loverde, quý cha, quý thầy quý sơ đã đến dâng thánh lễ. Đặc biệt cám ơn Đức Cha đã chấp thuận dự án chỉnh trang giáo xứ hơn hai năm trước đây. Ông cũng cám ơn sự đóng góp, hy sinh và lòng quảng đại của tất cả các ban ngành đoàn thể và nhà hảo tâm đã đóng góp công của, tài lực, thời giờ trong hai năm qua. Nhờ vậy giáo xứ đã có đủ ngân khoản để khởi công. Kế hoạch này được chuẩn bị và thai nghén trong một thời gian dài, giờ đây giấc mơ có một thánh đường khang trang đẹp đẽ, có đủ chỗ cho giáo dân tham dự mà không phải ngồi ngoài hành lang hay dưới Câu Lạc Bộ xem lễ trên màn ảnh đã hiện thực. Đây là bước khởi đầu, như Đức Cha nói, còn nhiều thách đố, vì giáo xứ còn thiếu chỗ đậu xe. Do đó chương trình gây quỹ vẫn được xúc tiến với phiếu cam kết dâng cúng trong 15 tháng sắp tới, trong thời gian xây cất để chuẩn bị tạo mãi các căn nhà kế cận.

Sau Thánh Lễ, Đức Cha Loverde đã chủ toạ cuộc ruớc kiệu Xương Các Thánh Tử Đạo từ nhà thờ ra bãi đậu xe lớn và tiến sang bên khán đài bên bãi đậu xe nhỏ. Chương trình tại đây được khởi đầu bằng màn múa lân của đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể. Các em đã tập dượt công phu và làm cho hai con lân có những pha nhào lộn như trong các phim chưởng, khiến cho Đức Cha và toàn thể cử tọa thích thú. Sau màn múa lân là màn chiếu Video hình ảnh Ba Chiều của nhà thờ tương lai. Rất tiếc lúc đó đã gần 8 giờ tối mà mặt trời còn cao khiến cho màn ảnh bị lu mờ. Kế tiếp, Đức Cha lên sân khấu làm phép viên đá đầu tiên, xúc cát cùng với cha xứ và ông Thư, và cắt bánh kỷ niệm 3 tầng do chị Mary Mai Bùi làm.

Trước khi ban phép lành cho cử tọa, ngài đã ngỏ lời ngợi khen cha xứ và giáo dân trong giáo xứ, về sự kiên trì hy sinh đóng góp, về tinh thần hiệp nhất. Ngài cho hay ngài rất thương mến giáo xứ Việt Nam và ngài cũng nói đến truyền thống tốt đẹp của Dòng Đa Minh cũng như khuyến khích các thanh niên thiếu nữ dâng mình tận hiến cho Chúa.

Chương trình nghi lễ đặt viên đá kết thúc bằng bản nhạc “Giáo Xứ là nhà của Ta” do cha xứ Vượng và Phạm Dương Hãn cùng Phạm Phượng Tiên sáng tác. Cha xứ cũng điều khiển ca đoàn tổng hợp trình diễn bài này.

Đức Cha và quan khách được mời sang Hội Trường Giáo Dục để dùng bữa tối. Trong khi giáo dân ăn tiệc ngoài trời và thưởng thức các màn văn nghệ do MC Như La và Phan Hậu điều khiển, họ cũng được mời lên lãnh quà là một chiếc áo polo mầu xanh có hình Đức Mẹ La Vang và huy hiệu của giáo xứ. Họ cũng được mời bỏ phiếu cam kết đóng góp trong thời gian 15 tháng vào thùng tiền trên sân khấu. Được biết thức ăn dư thừa và mọi người đã có một đêm thật vui vẻ. Trong bữa tiệc, cha xứ đã công bố ước tính kinh phí cho dự án xây cất do nhà thầu Whitener & Jackson Construction Co. đề nghị và được lựa chọn trong cuộc đấu thầu ngày 4 tháng 8, 2008, là 4 triệu 6. Hiện nay, nhờ vào lòng quảng đại và sự hy sinh của toàn thể giáo dân, giáo xứ đã quyên góp được 4.750.000 Mỹ Kim. Toàn thể cử tọa đã vỗ tay hoan hô và đồng thanh cảm tạ Chúa.

Xin bấm vào mũi tên để xem mô hình không gian 3 chiều của họa đồ nhà thờ mới do KTS Giang Trần thực hiện:



Đức Cha và quan khách đã ở lại dùng bữa cho tới 9 giờ tối. Ngài khen là giáo xứ đã khoản đãi ngài một bữa ăn không phải là 5 sao mà là 10 sao, ý ngài muốn so sánh với các khách sạn hạng nhất ở khắp nơi. Ông Nguyễn Văn Huấn, anh Bùi Hữu Tuấn và cô Nguyễn Dung Thanh đã hầu rượu và thức ăn rất thiện nghệ, và Đức Cha cùng mọi người không chê một món nào kể cả món tráng miệng trái cây và bánh ngọt.

Tạ ơn Chúa, qua lời cầu bầu của Mẹ La Vang và các Thánh Tử Đạo quan thầy giáo xứ vì đã đoái thương nhận lời cầu xin của toàn thể giáo dân trong giáo xứ và đã cho chúng con có một Thánh Lễ, một cuộc rước kiệu, một nghi thức Đặt Viên Đá Đầu Tiên và một bữa ăn toàn hảo trên mức độ ước mong.

Đức Cha Loverde Chủ Tế
Cha Xứ giới thiệu các quan khách
Cha xứ hôn nhẫn Đức Giám Mục
Đức Cha Loverde giảng thuyết
Ông Bùi Hữu Thư cám ơn Đức Cha và mọi người
Ông Cố Phục dẫn đầu cuộc rước kiệu
Các Em Thiếu Nhi khiêng Kiệu Các Thánh Tử Đạo Việt Nam
Quang cảnh bãi đậu xe trước khán đài
Hai con lân Thiếu Nhi
Ông Bùi Hữu Thư tặng qùa Đức Cha
Đức Cha xúc cát
Cha xứ xúc cát
Đức Cha làm phép viên đá đầu tiên
Cha xứ điều khiển Ca Đoàn tổng hợp
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Sự thật nơi bằng chứng do chính quyền Hà nội đưa ra
Môn Đệ
12:43 08/09/2008
SỰ THẬT NƠI BẰNG CHỨNG

Kể từ ngày 28/8/2008, căng thẳng ở Thái Hà bị đẩy lên cao điểm khi chính quyền áp dụng biện pháp mạnh: hình sự hóa vụ việc, bắt giam một số người, đàn áp đoàn người cầu nguyện bằng dùi cui điện và hơi cay. Vụ việc xem chừng còn lâu mới đến hồi kết thúc, nếu đôi bên không khiêm tốn nhìn nhận sự thật.

Sự thật mà tôi muốn nói ở đây dựa trên chính những chứng cứ là các văn bản mà UBND thành phố Hà Nội trưng dẫn và cung cấp. Bấy nhiêu cũng đủ cho người thiện chí truy tìm sự thật thấy được sự thật.

Khi nhìn nhận các văn bản ấy là hợp lý và hợp pháp như UBND thành phố và các cơ quan chức năng thừa nhận, tôi ngộ ra những điểm sau:

1. Ở đây tôi không bàn đến vấn đề tại sao linh mục Bích phải ký 5 giấy trong 5 thời điểm khác nhau? trong hoàn cảnh nào? Nhưng, người có một chút luận lý, logic, đều thừa nhận điều này: nếu trên cùng một mảnh đất (60.000m2) của Dòng Chúa Cứu Thế và giáo xứ Thái Hà, mà linh mục Bích đã phải ký giấy “bàn giao” tới 4 lần, thì chỉ có văn bản cuối cùng có giá trị, nó mặc nhiên phủ nhận các văn bản trước đó.

Như vậy, trong số 4 văn bản “bàn giao” được ký ngày 24/10/1961, ngày 9/11/1961, ngày 10/11/1961,và ngày 24/11/1961, chỉ có văn bản ký ngày 24/11/1961 là có giá trị.

2. Người ta không khỏi thắc mắc: Tại sao đã ký “văn bản bàn giao” tới 4 lần rồi, mà 2 năm sau, ngày 27/5/1963 linh mục Bích còn phải làm đơn xin giao lại đất cho Nhà Nước quản lý? Rõ ràng, văn bản này lại phủ nhận các văn bản trước đó, và mặc nhiên khẳng định rằng: chưa hề có chuyển quyền sở hữu đất. Hay nói cách khác, 60.000m2 đất ấy vẫn thuộc quyền sở hữu của Dòng Chúa Cứu Thế và giáo xứ Thái Hà (ít là cho đến ngày 27/5/1963).

3. Sự kiện không dừng lại ở đây, UBND thành phố Hà Nội còn cung cấp thêm một văn bản nữa, theo tôi, đó là văn bản vô cùng quan trọng, nó nói lên toàn bộ sự thật. Ấy là bức thư ngắn, linh mục Bích gửi Ban Chủ Nhiệm HTX Dệt Thảm Đống Đa, ký ngày 24/12/1991. Nếu đây là bức thư thật, đáng tin cậy, và thửa đất nói trong bức thư nằm trong diện tích 60.000m2 của Thái Hà, thì cả hai bên: chính quyền thành phố Hà Nội và giáo xứ Thái Hà không phải tốn thời gian, tiền của, giấy mực, công sức để tranh cãi, vì sự thật đã được phơi bày.

Phải thừa nhận với nhau rằng: Nếu văn bản ký ngày 27/5/1963 có giá trị, nghĩa là linh mục Bích đã “bàn giao” toàn bộ diện tích đất 60.000m2(trừ Nhà Thờ) “sang Nhà Nước quản lý” thì ngài chẳng còn quyền gì trên mảnh đất ấy. Việc xây dựng, phân lô, giao cho công ty hay HTX, xí nghiệp quản lý, xử dụng … là do Nhà Nước. Ấy vậy mà, 28 năm sau (27/5/1963 – 24/12/1991), khi mà HTX Dệt Thảm Đống Đa đứng trước bờ vực phá sản, muốn chuyển đổi cho đơn vị khác (Công ty may Chiến Thắng?) phải “xin phép chủ sở hữu” bằng món quà 40.000.000đ. Theo tôi được biết, món quà này nếu có, cũng chỉ là một nghĩa cử của quy luật “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” trong dịp giáo xứ Thái Hà tu sửa khu vực Nhà xứ, và xây thêm nhà cho khách hành hương. Số tiền này không hề có ý nghĩa mua-bán, sang- nhượng. Đáp lại, linh mục Bích đã đồng ý để một đơn vị khác (Công ty may Chiến Thắng?) đến “mượn” cơ sở này.

Một lần nữa, chúng ta lại thấy quy luật phủ định xuất hiện, nghĩa là bức thư do linh mục Bích ký ngày 24/12/1991 đã phủ định tất cả giá trị của các văn bản trước đó.

Nói cách khác, cho tới ngày 24/12/1991, thửa đất 60.000m2 vẫn thuộc quyền sở hữu của Dòng Chúa Cứu Thế và giáo xứ Thái Hà, nghĩa là trước đó không hề có việc bàn giao quyền sở hữu cho Nhà Nước.

4. Từ năm 1991 đến nay thế nào? Câu trả lời cũng nằm ngay trong nội dung của bức thư. Đó là “điều kiện” linh mục Bích đưa ra ở 3 dòng cuối cùng:

“Khi đơn vị khác vào ở trên phần đất của Nhà Thờ,
phải có trách nhiệm bảo vệ đất của nhà thờ không được
phép nhượng bán, hoặc với mọi hình thức có tính chất mua
bán.”
(trích đúng nguyên văn).

Ở đây, chỉ có một câu văn, nhưng có tới 2 lần linh mục Bích khẳng định thửa đất ấy vẫn là “của Nhà Thờ” , vì vậy dù là đơn vị nào vào ở trên phần đất ấy đều phải tôn trọng chủ sở hữu của nó, có trách nhiệm bảo vệ nó, và đương nhiên cũng không được phép nhượng bán

Như vậy, không chỉ là tới năm 1991, hay tới bây giờ (2008), mà cho tới tận thế, thửa đất 60.000m2 ấy vẫn hoàn toàn thuộc quyền sở hữu của Dòng Chúa Cứu Thế và giáo xứ Thái Hà.

5. Thời gian qua đi chưa lâu, mới chỉ 5 năm (1991 – 1996), “đơn vị vào ở trên phần đất ấy” đã mau chóng quên đi những điều kiện được khẳng định trong bức thư, họ bắt đầu chia lô, sang nhượng, mua bán …Thấy rõ sự vi phạm này, chủ sở hữu của nó đã lên tiếng yêu cầu chính quyền và các cơ quan chức năng can thiệp, nhưng đã 12 năm qua đi mà họ không nhận được bất cứ một sự trợ giúp nào.

6. Nguy cơ thửa đất bị chiếm đoạt rất lớn, trong khi quyền sở hữu của mình vẫn còn đó, không còn cách nào khác để giữ thửa đất – gia sản tổ tiên để lại, giáo xứ Thái Hà buộc phải tổ chức cầu nguyện trên chính thửa đất ấy, mong sao công lý, sự thật, công bằng được thực hiện. Đó là việc làm tất yếu, trách họ làm sao được.

Bằng chứng đã phơi bày sự thật, không còn gì để tranh cãi, nếu có, chỉ là cãi cùn, cãi chày, cãi cối.

Vấn đề bây giờ là hai bên hãy khiêm tốn trở về xuất phát điểm, tôn trọng sự thật, và giải quyết cách công bằng: “của Xê-da, trả lại cho Xê-da”. Có như vậy mới hy vọng trả lại lòng tin cho người dân Việt.

Hà nội, ngày 8-9-2008
 
Thái Hà ơi, vui lên!
Gioan Lê Quang Vinh
12:50 08/09/2008
Thái Hà ơi, vui lên!

Mấy hôm nay tâm trí tôi tràn ngập Thái Hà. Chẳng đọc tin tức gì khác nhiều. Thái hà là chính. Nói chuyện: Thái hà. Gửi mail cho bạn bè: Thái hà. Nhận tin nhắn: Thái hà. Vô trang web Sân Trường của myfamily.com: Thái hà. Nhưng chưa hết.

Trong nỗi lo lắng và lời cầu nguyện cho Thái hà, mấy hôm nay tôi thật cảm động vì thấy rõ ràng “tin tưởng vào Chúa, chắc chắn Chúa sẽ ra tay” (cf.Tv.37,5). Thời gian gần đây, khi thấy báo chí truyền hình hè nhau đánh các Cha các thầy, thú thật tôi cũng lo lo. Thấy Chúa Giêsu bị đánh đòn, các Tông đồ mạnh tin vậy mà cũng lo nữa huống là kẻ yếu tin như tôi. Một trong những nỗi lo ấy là sợ mọi người coi TV đọc báo, chẳng hiểu mô tê gì lại tin TV, tin báo mà hỏng việc.

Nhưng, “quyết định của Chúa ai dò cho thấu ! Đường lối của Người, ai theo dõi được “ ( Rm 11, 33 ). Nhờ TV, báo chí của nhà nuớc nói lung tung vậy mà hoá ra lại hay.

Tuần rồi, tôi gặp lại Cẩm Tú, một học sinh giáo lý xứ Tân Thành, mới đậu đại học. Em cho biết: “Cả nhà em coi TV nên mới biết có vụ tranh chấp đất đai ở xứ Thái hà, Hà nội. Từ trước đến giờ em đâu có biết giáo xứ ấy”.

Tôi hỏi: “Em coi thấy vậy có ghét các Cha các thầy và giáo dân ở Thái hà không?”

Tú cười: “Ba em nói các Cha mình tốt lắm. Chắc người ta lấy đất không được nên nói xấu”.

Tự dưng tôi muốn cám ơn ông TV. Ông TV tự hạ mình cho các Cha lớn lên.

Hôm qua một cô sinh viên hỏi tôi biết vụ Thái hà không. Tôi chưa trả lời, mà hỏi lại: “Em theo đạo Công giáo à?”.

Cô ấy bảo: “Em theo đạo Phật. Nhưng thấy TV nói dữ quá, nên dì em nói là chắc có gì bí ẩn đây. Mấy ông cha đạo đâu có vậy”.

Tôi đùa: “Chứ mấy ông cha đạo thế nào?” Cô ta cười: “Mấy vị ấy giỏi giang nên không làm gì bậy”.

Nhận được mail và bài viết của một người bạn thân làm linh mục ở Mỹ, thêm xác tín cả thế giới hướng về Thái hà. Vui quá.

Chiều đi lễ Chúa Nhật. Vừa vào nhà thờ, thấy có một vị HĐGX lên đọc Thư Mục Tử của Đức Hồng Y Tổng Giám Mục Sàigòn. Mọi người chăm chú lắng nghe, và chắc chắn trong lòng đều nghĩ: vậy là TV ba xạo. Ra khỏi nhà thờ, thấy trên bảng tin có dán thư Mục Tử phóng to. Thiên hạ xúm lại đọc. Tôi nghĩ: “Một ông cán bộ nói và một ông cha nói, thì dù người không có đạo cũng tin ông cha hơn. Vậy sao ông cán bộ không nói giống ông cha để người ta tin?”

Ôi, tôi thấy lòng mình vui và cảm động quá. Chắc cũng chẳng cần chửi mấy ông loa phóng thanh ba xạo làm chi. Họ đã mang lấy tội trên đời họ rồi. Nhưng rõ ràng Thiên Chúa dùng cái xấu của TV, báo chí để biến nên điều tốt, để nói cho dân Người về Thái hà.

Lạy Mẹ Maria, Mẹ vẫn lặng lẽ, nhưng Mẹ nói về Chúa Giêsu nhiều hơn bất cứ ai, dù là các ngôn sứ vĩ đại nhất của Cựu Ước. Xin Mẹ giúp Thái hà, để tiếng Công lý và Chân lý từ nơi Thái hà dù lặng lẽ vẫn vang lên nơi tâm hồn muôn dân.
 
Thái Hà ngày 8.9.2008: Mừng sinh nhật Mẹ
Xuân Văn
15:02 08/09/2008
Thái Hà ngày 8.9.2008: Mừng sinh nhật Mẹ

Lúc 6h: Mới sáng sớm, các đoàn xe ô tô, xe máy đã đậu chật kín khu đền thánh Giêrađô và đoạn đường bên cạnh nhà thờ. Đông đảo giáo dân lại đổ về Thái Hà như trảy hội. Sau lễ sáng, bà con ùn ùn kéo nhau ra linh địa để mừng sinh nhật Đức Mẹ. Những bó hoa tươi thắm được trưng bày dày đặc trước linh đài. Giờ cầu nguyện kết thúc, các linh mục trở về tu viện, nhưng giáo dân vẫn đứng trước limh đài, chứng kiến những dấu lạ xuất hiện trên bầu trời và nơi bức tượng Đức Mẹ Ban Ơn.

Lúc 7h30: Đoàn người từ các tỉnh vẫn tấp nập kéo về Thái Hà. Bà con tập trung cả ở linh địa lẫn trong khuôn viên nhà thờ. Bất ngờ, trong phòng khách của tu viện có những lời qua tiếng lại khiến nhiều người không khỏi ngạc nhiên. Một tu sĩ nhẹ nhàng nói với mấy ông đang đứng vây quanh trước mặt:

- Nếu đến đây quấy rối, thì tôi mời các ông ra khỏi chỗ này.
- Tôi đố ông đuổi được tôi! Ông không có quyền đuổi tôi, chính tôi mới có quyền đuổi ông ra khỏi đây, nhà có nóc! – Một ông trông đậm người, tóc xoăn, vừa vung tay vừa quát tháo vị linh mục.
- Đúng, nhà có nóc chứ không thể để người ngoài vào phá được! Ông xét lại lời của ông. Không thể nào giáo dân vào đuổi linh mục được! – vị linh mục bình tĩnh trả lời.

Sau mấy lời nặng nhẹ qua lại, tình hình bớt căng thẳng và trở nên nhẹ nhàng. Hóa ra là mấy người hôm trước được một ông cán bộ cấp cao phong cho là “giáo dân cốt cán”, hôm nay kéo đến tu viện để thanh minh thanh nga với các linh mục về việc làm của mình. Nghe nói ông ăn nói bốp chát với vị linh mục lúc nãy chính là người đã được đảng phong chức linh mục cho từ 2001 cơ đấy! Bây giờ ông đến tu viện để to tiếng phân trần về việc ông được vị lãnh đạo cấp cao của thành phố Hà Nội coi là “giáo dân cốt cán đại diện cho bà con giáo dân Thái Hà” chứ ông không tự cho mình có được “cái danh hiệu cao quý ấy”. Nghe thấy ông trình bày như vậy, mấy người giáo dân đứng ngoài cửa chép miệng: “Không thể tin được cái lão này!”.

Lúc 10h30: Linh mục đoàn thuộc tỉnh Hà Nam cùng với giáo dân, dẫn đầu là linh mục quản hạt, đến Thái Hà dâng lễ để tỏ sự hiệp thông với anh chị em giáo xứ Thái Hà trong việc tìm kiếm công lý, sự thật, nhất là để cầu nguyện cho những anh chị em bị tù tội vì dám nói lên quyền tự do tín ngưỡng của mình và dám bảo vệ cho lẽ phải trong vụ việc Thái Hà.

Một linh mục của đoàn cho biết, lẽ ra sáng nay còn có đông giáo dân của ngài trở về đây hiệp thông với giáo xứ Thái Hà, nhưng lực lượng công an địa phương đã ngăn chặn họ. Có nơi công an nhảy cả lên xe, dựt chìa khóa, ép tài xế và đuổi giáo dân xuống khỏi xe.

Lúc 18h30: Khách hành hương tiếp tục đổ về. Họ đi theo nhóm chừng 10-15 người một. Đến giờ này khách hành hương chủ yếu là giáo dân trong thành phố Hà Nội. Bây giờ dường như đã trở thành thông lệ là cứ đến lễ tối, giáo dân thuộc các giáo xứ trong thành phố đều đổ về Thái Hà. Cả trong lẫn ngoài nhà thờ lúc này xem chừng không còn chỗ nào dư. Từ người lớn đến trẻ nhỏ đều tỏ ra phấn khởi được đến Đền Đức Bà. Ngay cả con số các linh mục cũng tăng từng ngày. Tối nay có tới 27 linh mục đồng tế, trong số đó có các linh mục vừa mới ở Sài Gòn ra.

Cả đoàn đồng tế và toàn thể giáo dân phấn khởi tiến ra linh địa sau thánh lễ để mừng sinh nhật Đức Bà. Một lẵng hoa trắng rất đẹp và rất nhiều bó hoa nhỏ được dâng kính trước linh đài. Vài tay quay phim chụp hình của nhà nước tiếp tục tác nghiệp. Nhiều người giáo dân tỏ ra khó chịu trước những kiểu quay chụp khiếm nhã của phóng viên các đài báo cũng như của các cảnh sát chìm. Tìm mọi cách khiêu khích, nhưng họ vẫn không làm sao cho giáo dân nổi đóa, qua đó cảnh sát có cớ để giải tán những buổi cầu nguyện tại linh địa.
 
Thư Hiệp thông của Đức Giám mục Giáo phận Hưng Hóa với Thái Hà
+ GM Antôn Vũ Huy Chương
15:06 08/09/2008
 
Giáo xứ Thái Hà dưới con mắt của báo Hà Nội Mới
Hà Long
16:59 08/09/2008
Thái Hà – Báo Hà Nội Mới được mệnh danh là con bạch tuột nối dài của UBND TP Hà Nội và nhóm phóng viên nội chính cung phụng ngòi viết phục vụ cho quyền lợi của UBND TP. Không lạ gì khi vùng đất Thái Hà được khoanh vùng biến dạng thành các miếng đất tư nhân và bị Giáo xứ Thái Hà tố cáo trước công luận đã làm cho những bàn tay bí mật dính vào việc cướp đất này giận dữ phản công mãnh liệt. Giữa trời thủ đô Hà Nội có nhiều tờ báo khác nhau, không hiểu HNM có lý do gì luôn bám sát giáo dân và giáo sĩ Thái Hà như đỉa đói. Họ rêu rao việc trắng thay đen và coi thường công luận bán luôn liêm sỉ của người viết báo.
Vào chiều 4-9-2008 có cuộc họp báo thường kỳ của chính phủ, các cán bộ có dịp nói về sự cố thi hoa hậu Việt Nam với tân hoa hậu Trần Thị Thùy Dung, người Đà Nẵng chưa có bằng tốt nghiệp THPT và có thể đã dùng giấy tờ giả mạo nộp thi. Bộ trưởng, chủ nhiệm văn phòng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu: „Những thông tin xung quanh người đẹp, hoa hậu thì bao giờ cũng đa chiều, nhưng khi đưa thông tin đến công chúng, cần có đủ bằng cớ xác thực.“ Ông phúc cũng nhắn nhủ thêm các nhà báo: „Báo chí cần chú trọng đến tính nhân văn.“
Câu nói còn nóng hổi của ông Phúc còn đấy, chúng ta thiển nghĩ cũng dành riêng cho báo HNM và nhóm phóng viên nội chính về sự kiện Thái Hà: cần có đủ bằng cớ xác thực khi viết báo tường thuật cho người dân đọc.
Tuy nhiên sự dễ dãi toàn diện về thông tin một chiều đang có trong tay của báo HNM: từ vu khống, bêu xấu, cộng với việc làm ngơ vô lương tâm của nhà báo chân chính, ắt kéo đến một loạt „xảo trá, đổi đen thành trắng“, rồi cứ tưởng đó là một tờ báo nêu lên đúng các thực trạng của xã hội, nhất là vấn đề nóng bỏng đất đai của Hà Nội.

Chúng tôi biết HNM chỉ cho đăng bài vở với chủ đích đấu tố, vu cáo, lật lọng…, đại khái như:

1. Giáo dân thực sự không làm những việc hồ đồ như thế
2. Tôn trọng pháp luật chính là tôn trọng mình
3. Đã đến lúc phải xử lý dứt điểm
4. Sống phúc âm trong lòng dân tộc
5. Quốc pháp là tối thượng
6. Không ai có thể cho mình quyền đứng trên luật pháp
7. Đừng để kẻ xấu lợi dụng như những chiêu bài!
8. Có phải họ muốn thách thức pháp luật ?
9. Bóc trần mưu đồ thâm độc
10. Giáo xứ Thái Hà nên giáo dục con chiên sống theo pháp luật và ứng xử có văn hóa!
11. Khẩn trương làm rõ và xử lý kẻ chủ mưu gây ra vụ việc!
12. Trừng trị thích đáng những kẻ mượn danh Chúa để gây bất ổn xã hội
13. Khẳng định việc giáo xứ Thái Hà coi thường pháp luật, cố tình chiếm đất
14. Tòa Tổng Giám mục Hà Nội cần sớm yêu cầu giáo sỹ và giáo dân chấm dứt hành vi sai trái
15. Luật pháp cần phải được thực thi nghiêm minh
16. Chánh xứ Thái Hà cần hợp tác với chính quyền

Thật sự, những bài viết phảng bác nói về sự thật tại Thái Hà được gửi trực tiếp đến HNM hình như làm cho các phóng viên nội chính kinh khiếp, sợ bị lộ tẩy nên luôn được dấu đi và không có phản ứng.

Nếu HNM nói đúng hết tại sao các báo chí quốc tế không trích dẫn một lời nào của các phóng viên nội chính? HNM có thể đọc được các đề tài của các phóng viên quốc tế đang có mặt tại Hà Nội như sau:

1. Vietnamese Bishops join mass prayer protests (Independent Catholic News)
2. Vietnam Archbishop Defends Land Protesters (RFA )
3. Catholics assert themselves in Hanoi land dispute (Washington Post và Malaysia News)
4. Vietnam: Redemptorists, Thai Ha Parishioners Enjoy Broad Support From Clergy (UCAN)
5. Vescovi portano solidarietà ai fedeli di Thai Ha (tiếng Ý) - (Asia-News)
6. Vietnamese Christians plea to Bush for aid (Spero News)
7. Los Redentoristas piden al Gobierno de Vietnam que libere a fieles arrestados (tiếng Tây Ban Nha) – (Zenit)
8. Vietnam denies use of stun gun to break protest (Las Vegas Sun)
9. Catholics rally at Vietnam police station, three detained (Macau Daily Times)
10. Vietnamese Catholics complain of police violence (International Herald Tribune)
11. Hanoi: Police disrupt Catholic procession, 20 hospitalized (Catholic World News)
12. Vietnam's Religious Repression (The Wall Street Journal) - Đàn áp Thái Hà - Việt Nam phải bị đưa vào danh sách CPC
13. Prayers and protests in Vietnam (BBC)
14. Vietnam arrests four in Catholic land dispute, say protesters (AFP)
15. Vietnamese Catholics Say Police Uses Excessive Force to Break up Peaceful Protest (AP - Associated Press)
16. Vietnam: i redentoristi chiedono la liberazione dei prigionieri (tiếng Ý) - (Zenit)
17. Catholics rally at Vietnam police station, three detained (AFP)
18. Grootste protest van katholieken in Vietnam sinds 1975 (tiếng Hòa Lan) - Cuộc biểu tình lớn nhất của người Công giáo ở Việt Nam từ 1975 (RKnieuws.net)
19. Vietnamese Catholics complain of police violence (Taiwan News)
20. Hanoi: de nouveaux incidents durant un rassemblement de prières à la paroisse de Thai Ha ont entraîné une réaction de l’archevêque de Hanoi (Eglises d'Asie)
21. Brutalne ataki na katolików w Wietnamie (tiếng Ba Lan) - Cuộc tấn công tàn bạo vào người Công giáo ở Việt Nam - (www.naszdziennik.pl)

Bao nhiêu danh mục của khoảng hơn 50 bài báo quốc tế viết về Thái Hà trong 2 tuần lễ qua (xem vietcatholic.net), nếu HNM hiểu được đôi chút về ngoại ngữ thì có thể nhận ra các ngòi bút của mình đang viết chính là một thứ “bồi bút” rẻ tiền và hèn nhát.
Phải chăng, vì sợ lo nồi cơm manh áo cho cuộc sống cá nhân và gia đình, HNM đã bẻ cong ngòi bút, bán lương tâm và nhân phẩm của mình. Ai chả biết, nhà báo không chỉ viết văn chau chuốt, viết chữ đẹp mà còn phải tả được nét đẹp về tâm hồn, về đạo đức, về trí tuệ…
Nhìn hàng ngàn giáo hữu dầm mưa cầu nguyện, hát thánh ca cầu nguyện ôn hòa tại Thái Hà thì HNM có thấy được nét đẹp và niềm tin sắt đá của người hành hương hay không? Nên, thật kinh ngạc khi báo HNM đưa tin hoàn toàn trái ngược về sự kiện. Tòa giám mục Hưng Hóa mới viết thư thông báo ngày 08-9-2008, dịp mừng Lễ Sinh Nhật Đức Mẹ về sự lừa đảo của một giáo dân thuộc xứ Cần Kiệm (GP Hưng Hóa) trả lời phỏng vấn trên đài truyền hình Hà Nội nói về sự kiện Thái Hà, nhưng tất cả giáo dân Cần Kiệm đều biết người đó không phải là người Công Giáo và hắn ta còn là một cán bộ của địa phương.
Ối dào! Xảo trá như thế mà HNM luôn to tiếng tiếng dạy “Giáo xứ Thái Hà nên giáo dục con chiên sống theo pháp luật và ứng xử có văn hóa!”

Thật xấu hổ cho HNM và đài truyền hình Hà Nội khi thế giới đọc được trong các báo chí quốc tế luôn nhắc đến báo đài nhà nước Việt Nam cúi đầu vâng lệnh chỉ đạo của đảng cộng sản Việt Nam mà sẵn sàng viết trái ngược với những gì đang và đã xảy ra tại hiện trường Thái Hà.

HNM nên đóng cửa dạy bảo nhau sao có chút đạo đức, lương tâm và văn hóa, chứ không khéo những gì mình đang viết, y như bôi lọ thêm vào khuôn mặt HNM.
 
Khổ thân cha già Giuse Vũ Ngọc Bích
GM. F.X. Nguyễn Văn Sang
18:13 08/09/2008
KHỔ THÂN CHA GIÀ GIUSE VŨ NGỌC BÍCH

nguyên bề trên Tu viện DCCT Thái Hà, kiêm chính xứ Đền thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Thái Hà

Mấy tháng trước đây tôi đã có bài “Khổ thân Đức Cha Giuse Nguyễn Tùng Cương” trong vụ việc đất đai Toà Khâm Sứ cũ, nay lại đến “Khổ thân Cha già Giuse Vũ Ngọc Bích...”. Ngài cũng bị đào bới lên sau khi tạ thế được gần chục năm. Mồ chẳng được yên, mả chẳng được ấm, vì danh nghĩa của ngài đã bị lạm dụng trên các văn bản và truyền thông đại chúng.

Về thân thế và sự ngiệp của vị Bề trên cao cả đó đã có nhiều người và sách vở đã, đang và sau này còn phải nói đến rất nhiều. Tôi chỉ muốn đóng góp một vài chi tiết về một con người để qua đó đánh giá trong việc đất đai của giáo xứ Thái Hà.

Nếu có thể được thì nên chia giai đoạn đời sống của cha già Giuse Vũ Ngọc Bích làm hai giai đoạn: giai đoạn tiêu cực bất mãn với cơ quan đoàn thể lúc đó (1954-1991); giai đoạn về thái độ của cha già đối với xã hội mềm dẻo, êm ái hơn.

1. Giai đoạn I: Năm 1954-1991: Lúc đó chính quyền của chúng ta mới được thành lập trên mảnh đất của thủ đô. Và trong thời kỳ bao cấp, các chính sách chỉ đạo ở trong xã hội ở nhiều lĩnh vực còn khắt khe cứng nhắc, chưa kể đến đã phạm những sai lầm đáng tiếc, nhất là các đối với các tôn giáo nói chung và đạo Công Giáo nói riêng: nào là cải cách ruộng đất, chính sách công thương, hạn chế việc tự do đi lại, giấy tờ sổ sách chồng chéo lằng nhằng, công việc trật tự trị an đẩy mạnh quá chặt chẽ làm ảnh hưởng đến sinh hoạt tự do của dân chúng cũng như các tôn giáo.

Đứng trước tình hình xã hội và vị thế của tôn giáo nói chung và Công Giáo nói riêng, phản ứng của mỗi người, nhất là những người Công Giáo, các chức sắc trong đạo...tất nhiên cũng có sự dè dặt nếu không phải là tiêu cực.

Chính trong hoàn cảnh xã hội như vậy, cha già Giuse Vũ Ngọc Bích với cương vị là một cha xứ không khỏi băn khoăn e dè trong cuộc dấn thân của mình vào xã hội: không đi họp hành, không tham gia mặt trận và các cơ quan đoàn thể khác. Vậy chúng ta hãy đặt những giấy tờ gọi là “Biên bản hiến dâng đất đai” của nhà thờ Thái Hà vào giai đoạn này (năm 1961) có hợp tình hợp lý không? Bởi vì đã gọi là “Hiến dâng” thì phải có thoả thuận dù dưới một chức vị nào cũng phải có tấm lòng hân hoan, ủng hộ, tình nguyện... Đó là về phương diện tâm lý, chắc ai ai cũng có thể cảm nghiệm được.

Đứng về mặt xã hội lúc đó cũng đối xử nghiêm ngặt với cha già bằng nhiều thể nhiều cách: ngài luôn luôn được triệu tập ra cơ quan “làm việc” tối ngày; bị hạn chế đi lại, hoặc có lúc được cấp giấy thông hành nhưng đi tới các địa phương cũng bị cản trở. Có lần giữa đường bị thu hồi giấy phép, mời về tự do đi lại trong khu xứ hoặc nội thành Hà Nội. Riêng tôi, một lần khi đã làm Giám mục, tôi xin giấy tờ đi sang Rôma để chào thăm Đức Thánh Cha và cảm tạ ngài, đã bị từ chối bằng một câu: “Chưa được đi NGOẠI Ô đã đòi đi NGOẠI QUỐC”. Hai bên không đối thoại được với nhau, nhìn nhau (ít là về phía xã hội) với những con mắt và danh từ đặt cho các chức sắc là lạc hậu, mê tín, dị đoan...thì làm sao cha già Giuse Vũ Ngọc Bích và một người thuộc Dòng CCT vốn là Dòng bị đặt dưới sự nghi ngờ của nhà nước lúc đó lại có thể hân hoan, hớn hở, vui mừng, sung sướng, tình nguyện hiến dâng mảnh đất vốn không thuộc về mình sở hữu mà chỉ là người quản lý cho xã hội khó ngặt lúc đó được.

Vậy tại sao lại có những văn bản với những lời lẽ và chữ ký mà người ta cho rrằng chính linh mục Vũ Ngọc Bích đã hiến dâng mảnh đất cha ông tiên tổ mình để lại cho nhà nước quản lý? Tôi không được rành rẽ lắm trong việc phân tích các văn bản kể trên, nào là môn phân tích ký tự, cách hành văn, giọng văn...mà Dòng CCT hiện nay bảo đảm có sự chính xác ở trong tay và đề nghị các nhà khoa học vào cuộc. Tôi cũng không rành lắm về các văn bản đánh máy hoặc đánh vi tính cướp thời gian đến hàng chục năm với những phông chữ thế này thế khác. Tôi chỉ đứng về mặt tâm lý mà nhận xét:

A - Có thể linh mục Vũ Ngọc Bích cũng như Đức Cha Giuse Nguyễn Tùng Cương đã phải trải qua những ngày đêm tra tấn tinh thần đưa tới sự sợ sệt ký bừa bãi cho xong để bảo toàn tính mệnh, cuộc sống bình thường... Vậy thì những văn bản được ký trong những hoàn cảnh đó mà nhiều người đã có kinh nghiệm như Kim Trọng nghe Thuý Kiều gảy đàn như sau:

Trong như tiếng hạc bay qua,
Đục như tiếng suối mới xa nửa vời.
Tiếng khoan như gió thoảng ngoài,
Tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa.
Ngọn đèn khi tỏ khi mờ,
Khiến người ngòi đó cũng ngơ ngẩn sầu.
Khi tựa gối, khi cúi đầu.
Khi gò uốn khúc, khi chau đôi mày.


Ai đã có kinh nghiệm về những cuộc “Hội kiến” giữa các vị có trách nhiệm và người dân lúc đó bị triệu tập ra làm việc để đưa tới các kết quả hay như là các văn bản của cụ Bích ở dưới Thái Hà xưa kia thì mới hiểu được trạng thái tâm lý của các ngài lúc đó: lúc thì bị mơn man dụ dỗ “Trong như tiếng hạc bay qua”, khi thì quát tháo doạ nạt “sầm sập như trời đổ mưa”. Cho nên:

Rằng hay thì thật là hay,
Nghe ra ngậm đắng nuốt cay thé nào.

Những văn bản được ký trong hoàn cảnh đó có giá trị pháp lý để đem chứng minh trong những vụ việc như ở Toà Khâm Sứ, Thái Hà...đến mức nào! Xin các nhà luật học, luân lý học, kể cả các Bao Công thời đại cũ và mới chỉ giáo cho.

B - Không chừng mà lại là một âm mưu ly kỳ bí nhiệm của chính linh mục Vũ Ngọc Bích đưa ra để đánh lừa những người sử dụng nó trong các thế hệ sau vì ngài tự xưng là người quản lý các mảnh đất thuộc dòng CCT và xứ Thái Hà chứ không nói là người sở hữu đầy đủ pháp lý của những mảnh đất trên. Mà quản lý thì chỉ có quyền giữ của và làm cho những của cải đó thêm lên chứ không có quyền hiến tặng, chuyển nhượng, trao ban một cách hớn hở, tự nguyện như linh mục đã làm trong dĩ vãng. Thế là các vị có trách nhiệm ở phường, quận ngày nay bám vào văn bản đánh lừa của chính linh mục Vũ Ngọc Bích trưng ra trên các phương tiện truyền thông, báo chí, hội họp... Chắc linh mục Vũ Ngọc Bích có thể được, sẽ đội mồ đứng lên cười khành khạch và nói rằng “Đúng ý ta mọi đàng”.

2. Giai đoạn II: Từ năm 1990 trở đi cho đến khi ngài qua đời, cuộc sống xã hội bắt đầu được cởi mở trên chính trường quốc tế, khối Liên Xô (cũ) bị sụp đổ. Về mặt nông nghiệp, chính sách khoán mười cởi trói cho nông dân, phong trào đổi mới cởi mở lan rộng. Người dân trong xã hội mới hồ hởi bước vào thời kỳ xây dựng đất nước. Tôi thấy cha già Giuse Vũ Ngọc Bích tươi cười, vui vẻ hẳn lên. Ngài được đi đây đó khắp cả nước để rao giảng Tin Mừng trong các xứ đạo và các Giáo phận, nhất là Hưng Hoá và Phát Diệm. Ngài vào tận miền nam tiếp xúc với các anh em đồng dòng, gặp gỡ các linh mục tiến bộ như linh mục xuất Nguyễn Ngọc Lan, nhất là cha già Chân tín – đấng đã “Trở cờ” nhanh chóng. Ngài còn đi ngoại quốc, sang Rôma gặp gỡ Đức Thánh Cha, chữa mắt để thăm viếng Paris – thủ đô ánh sáng. Trở về nhà, ngài hoạt động tích cực trong lĩnh vực văn học, sáng tác nhiều thơ ca...như ngài đã từng làm “con sáo” trong tạp chí Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp xưa kia. Nhiều lần ngài tỏ ra mềm mỏng, tiến bộ hơn anh em chúng tôi: đi họp mặt trận, dự các cuộc hội họp ở khu phố, xóm phường...và hoạt động mục vụ rất có kết quả. Ngài được nhà nước khen tặng là có nhiều tiến bộ và được nêu danh ở nhiều cuộc họp. Với một người đã có công như các bản văn về đất đai Thái Hà trưng ra dâng hiến một cách vui vẻ, tình nguyện cho nhà nước quản lý hàng 60.000 m2 đất, gấp mấy chục lần so với người có công như hai ông bà ở phố Hàng Ngang – Hàng Đào đã dâng ngôi nhà cho Hồ chủ tịch và các vị lãnh đạo làm trụ sở đầu tiên của chính phủ, rồi lại được nhà nước nêu danh kính trọng trong những năm cuối đời... thế mà khi Toà Thánh đăng ký cho ngài làm Giám Mục ĐP Phát Diệm và Hưng Hoá thì đã bị từ chối vì lý do “Không xứng đáng”. Thực ra ngài là người có tài cao đức rộng, xứng đáng làm Giám Mục hơn chúng tôi. Ngài nói thông thạo tiếng Anh, tiếng Pháp, biết tiếng Ý và Tây Ban Nha, thông thạo văn chương kim cổ, nhân đức trổi vượt, được sự quý mến của toàn thể mọi người. Vậy tại sao ngài không được nhà nước công nhận làm Giám Mục? Phải chăng ngài chưa đủ tiến bộ? Hoặc như trên đã nói, việc hiến đất dâng tặng là bịa đặt lại có tội làm đơn xin và mua lại đất đai nhà dòng đã bị tịch thu từ 22 năm đến nay chưa được trả lời nên cha già Giuse Vũ Ngọc Bích của chúng ta chẳng có công trạng gì? Vậy ngài có công trong việc hiến đất chỉ là bịa đặt hay tưởng tượng trong dĩ vãng? Chưa cần phải nói đến việc làm sáng tỏ sự thực hư của các văn bản đó mà ngày nay các khoa học thừa sức để giải quyết nếu Dòng CCT hay chính quyền địa phương thật sự muốn giải quyết. Sự thật thì không sợ ánh sáng, và chính Chúa Giêsu đã nói: “Chân lý sẽ giải phóng anh em”.

Để kết luận, tôi xin được nhắc lại lời quen thuộc trong Toà cáo giải: “ấy là bấy nhiêu sự tôi nhớ được, còn các sự khác tôi quên hay chẳng biết”, vì một Giám Mục đã bước sang tuổi 78, mới học bốn năm thần học tại Đại chủng viện Xuân Bích nhưng đã cả gan dạy Lý đoán trong Đại chủng viện Hà Nội gần 30 năm. Trong số các học trò của tôi chừng hơn 100 tại miền bắc ngày nay cũng có 4 Giám Mục coi sóc các Địa phận. Vậy Lý đoán của tôi cũng không được xuất sắc lắm chăng để đánh giá sự hư thực của các văn bản hiến đất tặng nhà do linh mục Giuse Vũ Ngọc Bích đã làm trong dĩ vãng? Xin các vị trong đạo ngoài đời miễn thứ cho tôi.

Thái Bình, ngày 8 tháng 9 năm 2008
F.X Nguyễn Văn Sang
Giám Mục GP Thái Bình
 
Tình hình Thái Hà vẫn tiếp tục căng thẳng
RFA
18:26 08/09/2008
Tình hình Thái Hà vẫn tiếp tục căng thẳng

Theo tin từ hãng thông tấn AP, trong ngày hôm nay số giáo dân tập trung cầu nguyện tại khuôn viên khu đất đang tranh chấp vẫn tiếp tục diễn ra.

Hàng trăm giáo dân vẫn tổ chức cầu nguyện hàng ngày bất kể nhà cầm quyền Hà Nội đưa ra nhiều biện pháp trong đó có việc bắt giữ các giáo dân cũng như xịt khói cay giải tán.

Tổng Giám Mục Hà Nội, Đức cha Ngô Quang Kiệt đã lên tiếng cho rằng nhà nước cần phải xem xét lại cách giải quyết các vụ tranh chấp.

Đức Tổng giám mục Ngô Quang Kiệt cho rằng những bất đồng còn tồn tại phần lớn phát sinh từ những trì trệ và thiếu quyết tâm của chính quyền.

Giáo xứ Thái Hà cho rằng chính quyền đã xử dụng một khuôn đất có diện tích hơn 14 ngàn mét vuông thuộc tài sản của Giáo xứ trong nhiều chục năm qua và nay thì dự định bán lại khu đất này cho doanh nghiệp.

Trong khi đó chính quyền Hà Nội cho rằng khu đất này đã được một linh mục của Giáo xứ Thái Hà ký giấy hiến cho nhà nước trong thời gian trước đây.

Đưa tin về vụ cầu nguyện của đông đảo giáo dân tại Giáo Xứ Thái Hà, hãng AP cho biết đây là lần thứ nhì trong năm nay, giáo dân Hà Nội có những động thái mạnh liên quan đến đất đai từng thuộc về Giáo Hội.

Bản tin của hãng thông tấn AP ngày 6 tháng 9, trích dẫn phát biểu của Tổng Giám Mục Giáo Phận Hà Nội, Ngô Quang Kiệt, rằng “các cuộc đối thoại [với chính quyền về vấn đề đất đai] diễn tiến rất chậm và không tiến triển.”

Mảnh đất tranh chấp tại giáo xứ Thái Hà có diện tích hơn 14 ngàn mét vuông, mà theo cách mô tả của bản tin AP là rộng khoảng gấp 2 lần một sân football của Mỹ.

Các cuộc cầu nguyện bắt đầu khi giáo dân biết tin rằng có một số doanh gia, có thể là người sẽ mua lại miếng đất này, đến để xem mảnh đất. Đồng thời, giáo dân cũng nghe tin đồn là thành phố cũng có kế hoạch để bán miếng đất ấy, mà theo ước tính trị giá lên đến nhiều triệu Mỹ kim, cho một công ty phát triển địa ốc để xây 28 khu dân cư và thương mại.

Cùng thời điểm giáo dân bắt đầu cầu nguyện, Nhà Nước Việt Nam cũng bắt đầu chiến dịch truyền thông, đưa tin lên án giáo dân và các linh mục tại Thái Hà.

Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt nói với AP, rằng Ngài “rất bực mình khi công an sử dụng bạo lực để can thiệp vào các cuộc cầu nguyện của giáo dân,” và rằng “giáo dân chỉ cầu nguyện trong hoà bình, họ không muốn lật đổ nhà cầm quyền.”

Tổng Giám Mục Tổng Giáo Phận Hà Nội cũng khẳng định là các cuộc cầu nguyện hoàn toàn mang tính tự phát, chứ không phải do giáo phận Hà Nội tổ chức. Tuy nhiên, ngài cũng nói là giáo xứ Thái Hà là sở hữu chủ hợp pháp của miếng đất đang tranh chấp.

Bản tin AP cũng viết, là tổng giám mục Ngô Quang Kiệt thừa nhận rằng Hà Nội đã và đang gia tăng tự do tôn giáo trong vài năm qua, nhưng vẫn còn ít hơn ở mức mà ngài chờ đợi
 
S.O.S: Nhà nước đe đọa trừng phạt giáo dân Thái Hà
RFA
22:29 08/09/2008
S.O.S: Nhà nước đe đọa trừng phạt giáo dân Thái Hà

Các viên chức lãnh đạo ngành công an Việt Nam doạ sẽ nghiêm trị những linh mục có mặt tại các địa điểm có đông giáo dân tụ tập cầu nguyện mà Nhà nước cho là trái phép.

Báo Hà Nội Mới ra ngày thứ hai loan tin, nói về sự kiện bất ổn ở giáo xứ Thái Hà, Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng, thứ trưởng bộ Công An Việt Nam, tuyên bố sẽ xứ lý nghiêm khắc những ai cố tình vi phạm, cố tình kích động, xúi giục, gây rối hoặc có hành vi vi phạm pháp luật khác.

Cũng về vấn đề này, Thiếu tướng Nguyễn Đức Nhanh, Giám đốc công an Hà Nội, cho rằng riêng việc linh mục có mặt tại các địa điểm có đông giáo dân tụ tập cầu nguyện trái phép, hoặc các địa điểm có hành vi gây rối, huỷ hoại tài sản, thì sự có mặt dó đã là hành vi xúi giục, kích động.

Thiếu tướng Nhanh cũng tuyên bố Công An Hà Nội sẽ tích cực điều tra để xử lý theo pháp luật một số đối tượng tung tin, có bài viết vu cáo, bịa đặt sự việc xảy ra ở khu đất tại số 178, đường Nguyễn Lương Bằng.

Bài báo của tờ Hà Nội Mới còn viết rằng, gần đây, Tổng giám mục Ngộ Quang Kiệt đã chỉ đạo linh mục đoàn giáo phận Hà Nội ra thư hiệp thông với dòng Chúa Cứu thế xứ Thái hà, có nội dung lập lờ, kích động, và còn gắn vụ việc ở Thái Hà với vụ việc tại số 42 đường Nhà Chung, Hà Nội, tức khu vực Tòa Khâm Sứ cũ.
 
Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ: Giám mục nhiều giáo phận tới giáo xứ Thái Hà tham dự cầu nguyện
VOA
22:36 08/09/2008
Giám mục nhiều giáo phận tới giáo xứ Thái Hà tham dự cầu nguyện

Trong một hành động để biểu lộ tình đoàn kết, giám mục của các giáo phận Hải Phòng và Thái Bình đã tới viếng thăm giáo xứ Thái Hà và hôm thứ Sáu đã tham gia vào các cuộc tụ họp của 6,000 giáo dân để đòi trả lại những tài sản của giáo hội bị nhà nước tịch thâu.

Giám mục của các giáo phận Lạng Sơn và Phát Diệm cũng đã tới giáo xứ Thái Hà để tham dự các buổi cầu nguyện tập thể hôm thứ Bảy.

Tin của thông tấn xã Independent Catholic News và AP cho hay hôm thứ Sáu, giám mục Giu Se Vũ Văn Thiện của giáo phận Hải Phòng đã di chuyển trên quãng đường dài 100 kilômét tới Hà Nội để bày tỏ thái độ hậu thuẫn cho các giáo dân đang cầu nguyện để phản kháng. Cùng đi với giám mục còn có hàng trăm giáo dân cùng với hàng chục linh mục và các bậc tu hành trong giáo xứ.

Tin của Independent Catholic News cho hay trong buổi lễ cầu nguyện tại giáo xứ Thái Hà, giám mục Giu Se Vũ Văn Thiện than phiền về những tin tức xuyên tạc, làm ô uế thanh danh của Giáo Hội và xin mọi người cầu nguyện để sự thật được tôn trọng và công lý được bênh vực.

Tin nói rằng cũng trong ngày này, hơn 3,000 giáo dân đã đội mưa để chào đón giám mục Nguyễn Văn Sang từ giáo phận Thái Bình tới tham gia các buổi cầu nguyện. Tin cho biết hôm thứ Bảy, hơn 6,000 tín đồ Thiên Chúa Giáo cũng đã đội mưa để tham dự buổi cầu nguyện phản kháng đông đảo nhất tại Thái Hà từ trước tới nay.

Tin nói rằng số người tham dự sẽ còn đông hơn thế nhiều nếu cảnh sát không ngăn chặn giáo dân từ các tỉnh Phát Diệm và Thái Nguyên đổ về. Thêm hai giám mục khác nữa là Giám Mục Giu Se Đặng Đức Ngân thuộc giáo phận Lạng Sơn và giám mục Giu Se Nguyễn Văn Yến thuộc giáo phận Phát Diệm về Thái Hà tham dự các buổi cầu nguyện.

Theo tin Independent Catholic News, giữa lúc làn sóng người phản kháng tại giáo xứ Thái Hà ngày càng dâng cao, Đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt của địa phận Hà Nội cảnh cáo là tình hình đang mỗi lúc một thêm phức tạp.

Thông Tín Viên Ben Stocking của thông tấn Xã AP cho biết trong một cuộc phỏng vấn dành cho thông tấn xã này, Đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt tỏ vẻ bất bình trước sự kiện cảnh sát đã dùng bạo lực để can thiệp vào các buổi cầu nguyện ôn hòa của giáo dân.

Bản tin của AP cũng nhắc lại sự kiện giáo dân giáo xứ Thái Hà thực hiện những buổi cầu nguyện từ ngày 15 tháng 8 để đòi chính quyền trả lại miếng đất trước kia thuộc giáo hội và bị nhà nước tịch thâu sau khi phe cộng sản lên nắm quyền năm 1954.

Tin cũng nhắc lại chuyện giáo dân hồi đầu năm nay cũng đã cầu nguyện tại nhà thờ lớn Hà Nội, đòi chính phủ trả lại miếng đất thuộc Tòa Khâm Sứ cũ.
 
Ông Chủ tịch Cộng Đồng CGVN giáo phận Orange và giáo dân phát biểu về Thái Hà
VietCatholic
23:20 08/09/2008
ORANGE - Trong cuộc phỏng vấn với Ông Chủ tịch Ban Cháp Hành Cộng Đồng Công giáo Việt Nam tại giáo phận Orange, ông Phạm văn Tạc, Ông đã diễn tả nhận định của mình như sau: “Giáo phận Hà nội và giáo phận Orange giờ đã kết nghĩa, như vậy có ngĩa là những gì đang xẩy ra cho anh em của chúng ta ở Thái hà cũng có nhĩa là xẩy ra cho anh chị em Công giáo ở đây… Cộng đồng CGVN ở Orange đã tổ chức các buổi cầu nguyện để tỏ tình hiệp thông trong Giáo Hội. Và những gì xẩy ra ở Thái Hà bên Việt nam cũng chứng tỏ rằng Giáo hội Việt nam vẫn còn đang bị bách hại, giáo hội thực sự chưa có tự do tôn giáo…

Bà Đặng Tuyết Hoa, người nguyên gốc Hà nội và hiện nay sống ỡ Burbank, Los Angeles cũng đã phát biểu rằng Bà rất quan tâm tới những sự việc xẩy ra ở Thái Hà và ngày nào bà cũng theo dõi vì những sự việc đang xẩy ra ở đó… Bà thấy đồng bào giáo dân của mình bị công an đáng chảy máu ra … thì rất đau buồn vì tình trạng như vậy… Chỉ biết xin Chúa thương cho những giáo dân còn đang bi bắt giữ không biết đã được về chưa!...
 
Thông Báo
Cáo phó: Nữ tu Terêsa Trần thị Dung, dòng Mến Thánh giá Phát diệm đã qua đời tại Ninh Bình
Dòng MTG Phát Diệm
15:45 08/09/2008
 
Văn Hóa
Thơ: Thời địa đàng
Nguyễn Trung Tây, SVD
06:52 08/09/2008

Thơ: Thời địa đàng!

Xin vâng, Ảnh Nguyễn Trung Tây


Ngày Mẹ chào đời, tinh tú xôn xao
mặt trời mặt trăng kể chuyện thì thào,
Một thời khờ dại nghe lời rắn độc,
trần gian cực khổ sông núi lao đao!
cỏ xanh mọc gai lấn che phước lộc.
cây trái địa đàng, búa chặt đứt gốc!

Cho nên có một thời, lửa đỏ đốt cháy thiêu...
Bà ngồi trong chòi lá, miệng nhai miếng cơm thiu.
Ông ngồi trên nền đất, liếc nhìn đời quạnh hiu.
Bà khóc nhìn táo thối, ông hận ngó rắn hôi.
Một thời phúc lộc xanh tươi bỗng dưng bốc khói.

Cho nên nẩy sinh một thời
Điạ đàng, quỷ ma đóng lối.
Trần gian ngợi ca bóng đêm
Tội ác hớn hở đâm chồi.

Ca-in giết chết A-bên!
Máu đỏ loang lổ đất đen.
Trời đổ nước lụt dâng lên,
Xác người xác thú nổi trôi bồng bềnh.
Trần gian tay búa tay kềm,
trời xanh vươn cao chênh vênh ngọn tháp.
Che tối nhân gian.

Nhìn cây tội ác vươn cao
Adam Eva khóc thương cho lòng kiêu ngạo.
Không hẹn, cả hai giơ tay ngóng nhìn nơi đường chân trời.

Ngày rồi cũng tới,
Phút Mẹ chào đời,
Tinh tú xôn xao,
Mặt trời chuyển động,
Mặt trăng cúi đầu.
Chớp giật xôn xao,
Rắn đen từng bầy
bò ra khỏi ổ,
Chết thối tanh hôi.

Trần gian trở lại xanh tươi, phúc lộc thời địa đàng.

Chiều ngang qua giáo đường,
Ngừng trước tòa Nữ Vương,
Đốt mừng sinh nhật Mẹ
Ngàn vạn nến yêu thương.


www.nguyentrungtay.com
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Giữa Trời Hư Không
Đặng Đức Cương
00:13 08/09/2008

GIỮA TRỜI HƯ KHÔNG



Ảnh của Đặng Đức Cương

..Bâng khuâng ảo mộng, mênh mông biển trời

Vô thường huyễn hóa cuộc đời

Trăm năm phút chốc cũng rồi hư không.

(Trích thơ của Nguyên Trung)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền