Ngày 06-09-2017
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Nghệ thuật sửa lỗi
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
04:25 06/09/2017
Chúa Nhật XXIII Thường Niên A


Tuân Tử, một hiền triết Trung hoa đã nói rằng: Kẻ khen ta mà khen thật mới chỉ là bạn ta, kẻ chê ta mà chê thật là thầy ta, còn kẻ nịnh hót tâng bốc ta là những kẻ chỉ làm hại ta mà thôi.

Chê mà chê thật là sửa lỗi cho nhau trong tình huynh đệ. Là con người ai mà chẳng lầm lỗi. Không ai trên trần thế có thể tự hào mình vô tội. Chính Thánh Gioan đã quả quyết: “Nếu chúng ta nói là chúng ta không có tội, chúng ta tự lừa dối mình và sự thật không ở trong chúng ta” (1Ga 1,8). Thú nhận mình tội lỗi không có nghĩa là chấp nhận thất vọng. Ngược lại, ý thức được sự yếu đuối của mình sẽ giúp con người mạnh tin hơn. Thánh Gioan cũng viết: “Nếu ai phạm tội thì chúng ta có một Đấng Bảo Trợ trước mặt Chúa Cha: đó là Đức Giêsu Kitô, Đấng Công Chính” (1Ga 2,1b). Sửa lỗi huynh đệ là cần thiết để giúp nhau thăng tiến và trưởng thành. Vì thế sửa lỗi cho nhau là một nghệ thuật đòi hỏi người ta phải tuân theo một số kỹ thuật.

Trang Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu dạy nghệ thuật từng bước sửa lỗi cho anh em và mời gọi hãy cùng nhau cầu nguyện.

1. Sửa lỗi cho nhau:

- Bước 1: “Nếu anh em ngươi phạm tội hãy đi sửa lỗi một mình ngươi với nó”. Một mình với anh em là rất kín đáo. Sửa lỗi cá nhân, tôn trọng và giữ thể diện, biểu lộ sự tin tưởng giữa hai người không để người thứ ba đựoc biết. Đây là cuộc nói chuyện riêng tư, không phải hạ nhục người có lỗi nhưng là giúp người ấy nhận ra lỗi lầm của mình. Phải nói sự thật, nhưng có những sự thật không nên nói hết.

Sự góp ý huynh đệ này đòi hỏi phải tế nhị, xây dựng:

+ Người góp ý: Nhẹ nhàng, nói đúng lúc, đúng chỗ, khôn khéo, thiện chí, nếu không sẽ phản tác dụng, khi đó góp ý chỉ là chỉ trích, phê phán.

+ Người được góp ý: Khiêm nhường nhận lời khuyên, không nóng nảy tự ái, sẵn sàng đón nhận, nhận ra sai lầm, không cố chấp cứng đầu, can đảm sửa đổi. Có như thế việc sửa đổi cho nhau mới có kết quả.

- Bước 2: “Nếu nó không chịu nghe thì hãy đem theo một hay hai người nữa để mọi công việc được giải quyết, căn cứ vào lời hai hoặc ba nhân chứng”. Như thế, nếu bước một không đem lại kết quả mong đợi, sẽ đến bước hai là gặp gỡ có hai hoặc ba nhân chứng. Đây không phải là gây áp lực. Sự hiện diện của các chứng nhân bảo đảm cho tính khách quan và cộng đoàn. Luật Môsê dạy: “Một nhân chứng duy nhất không thể đứng lên buộc tội một người về bất cứ tội lỗi nào, phải căn cứ vào lời của hai hay ba nhân chứng, sự việc mới được cứu xét” (Đnl 19,15). Tuy nhiên chỉ thị của Chúa Giêsu nói đây không phải là nhân chứng buộc tội nhưng là những người trợ lực có uy tín để giúp tội nhân dễ dàng sữa lỗi. Cần kiên nhẫn đối vơi người cố chấp.

+ Người sửa lỗi chú ý hình thức xây dựng và bác ái. Có nhiều khuyết điểm có thể tự nhiên được sửa chữa qua tính trung gian, nhất là những khuyết điểm nhỏ.

+ Người được sửa lỗi chú ý nội dung được góp ý.

- Bước 3: “Nếu nó không chịu nghe họ thì hãy đi thưa Hội Thánh”. Hai bước không đạt kết quả, đưa ra trước cộng đoàn Hội Thánh địa phương vì Hội Thánh được Chúa ban cho quyền cầm buộc tháo cởi (x. Mt 18,18). Đưa ra Hội Thánh không phải để bị xét xử nhưng để tỏ lòng sám hối và sẽ được ân xá. Nhưng nếu kẻ đó vẫn cố chấp không chịu sữa lỗi thì tự loại mình ra khỏi Hội Thánh không còn thuộc về cộng đoàn.

- Bước 4: “Nếu Hội Thánh mà nó cũng chẳng nghe thì hãy kể nó như một người ngoại”. Cộng đoàn mà không chịu nghe thì phải chấp nhận thái độ tự cô lập của họ. Họ cố chấp không muốn ở trong Hội Thánh thì họ sống trong lầm lạc về đức tin và luân lý. Hội Thánh không còn trách nhiệm trực tiếp phải lo cho họ nữa, chỉ còn phó thác họ cho lòng nhân từ của Chúa mà thôi.

2. Hiệp lời cầu nguyện:

Nếu nhìn cách sửa lỗi anh em của Chúa Giêsu là một cách diễn tả tình yêu thì hiệp thông trong lời cầu nguyện lại là một diễn tả khác của tình yêu “Khi hai hoặc ba người họp lại nhân danh Thầy thì có Thầy ở giữa họ”.

Khi yêu ai, chúng ta không dửng dưng để mặc người ấy lún sâu vào sự dữ. Ta sẽ tìm dịp cảnh tỉnh, nhắc nhở, khuyên bảo, không “makeno”, không “đèn nhà ai nấy sáng”. Tương quan bác ái huynh đệ này rất cần trong cộng đoàn, trong Giáo xứ. Chúa Giêsu nhấn mạnh đến mục đích của việc sửa lỗi. Đó là chinh phục, cứu lấy anh em để nó đừng hư mất, liên đới trách nhiệm sữa lỗi cho nhau để nhờ đó cộng đoàn “lợi thêm một người anh em”. Thánh Giacôbê nhấn mạnh tới tình bác ái đáng khen của việc sửa sai huynh đệ “Ai đưa một người tội lỗi ra khỏi sai lầm của họ là đã cứu được linh hồn người ấy khỏi chết và đã bù đắp được vô số tội lỗi”.

Chúa Giêsu còn xác định rằng: “Thầy bảo thật các con: nếu ở dưới đất hai người trong anh em hiệp ý cầu xin bất cứ sự gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời sẽ ban cho họ”. Đây không đơn thuần là một giải quyết giữa anh em loài người, nhưng là cùng nhau đến trước tình yêu Thiên Chúa. Sự hiện diện của Chúa sẽ xóa giải mọi bất hòa giữa anh em. Chúng ta tin và can đảm sống điều đó “Vì ở đâu có có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ”.

Trong Đạo Phật người ta thường nói “Phật tại tâm”. Trong Đạo Thiền, người ta sống cuộc sống con người cách đơn sơ thanh thản, không chấp mê, sống tự nhiên như bông hoa nở, như dòng suối chảy, như áng mây bay, như làn gió thổi. Sống an bình với chính mình an hoà với tha nhân, là “phá chấp ngã” nghĩa là không chấp, không chấp cả cái không chấp.

Đạo lý Chúa Kitô tự bản chất sâu xa là Đạo nhân, Đạo của lòng nhân ái, Đạo của tình thương. Tình thương không phải là một tư tưởng, cũng chẳng phải là một học thuyết. Tình thương là con đường ta phải đi, một tình yêu để ta sống, để chia sẻ với người khác. Không yêu thương chân thật thì mọi cách sửa lỗi đều vô hiệu. Không có tấm lòng sẽ gây nên phản kháng và chống báng. Càng yêu thương nhau thì việc sửa lỗi cho nhau càng hữu hiệu.

Đức Kitô đã làm người để chia sẻ tình yêu của Chúa Cha cho chúng ta. Người mời gọi chúng ta chia sẻ lại tình yêu ấy cho anh em. Tất cả đạo lý của Chúa Kitô hàm chứa trong điều răn mới: “Anh em hãy yêu thương như Thầy đã yêu thương anh em”, và lời mời gọi nên thánh: “Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện”. Sự hoàn thiện nào cũng đòi hỏi phải sửa đổi và điều chỉnh liên tục mới đạt đến nhân đức và sự thánh thiện.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban ơn can đảm để con nhận sự sửa lỗi của anh em, và ban cho con ơn khôn ngoan để con biết chân thành sửa lỗi cho nhau, nhờ đó con xứng đáng nhận được lòng nhân từ Chúa xót thương.

Lạy Chúa Giêsu, trước khi sửa lỗi ai, xin Chúa nhắc con nhớ rằng con cũng là tội nhân, cũng yếu đuối và hay lầm lỗi, có khi còn nặng nề hơn họ. Nếu vì bổn phận, con phải sưả lỗi cho người khác, xin cho con biết lấy tinh thần bác ái và tôn trọng nhân vị mà cư xử, nâng đỡ hơn là chỉ trích thoá mạ anh em. Xin cho con luôn biết rộng lượng, bao dung với người khác vì con biết chắc rằng Chúa vẫn tha thứ cho con từng ngày
. Amen

 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:42 06/09/2017
2. QUAN SỨ THAM LAM GIỮ NHÀ XÍ
Có một tên quan sứ tham lam, thấy gì cũng vơ, không ai là không bị hắn ta hại.
Có một người bạn vừa đùa vừa giỡn nói với hắn ta:
- “Tôi xem, chỉ có cách là để anh coi nhà xí, anh mới không có cớ để lấy đồ vật của người khác”.
Tên quan sứ tham lam ấy bèn nói:
- “Nếu để tôi đi coi nhà xí, người muốn đi nhà xí thì tôi không cho họ đi, người không muốn đi nhà xí thì tôi bèn bức bách họ đi, cứ như vậy mà làm thì lo gì mà không có người đưa tiền cho tôi chứ ?”
(Giải Uẩn thiên)

Suy tư 2:
Người có ý định ăn cắp thì chỗ nào cũng có thể ăn cắp được, người có ý định phạm tội thì nơi nào cũng có thể phạm tội được, bởi vì lòng dạ họ lúc nào cũng nghĩ đến chuyện ăn cắp, phạm tội. Coi nhà xí là công việc bần cùng của một vị quan, nhưng không vì thế mà ông ta hồi tâm suy nghĩ, trái lại ông ta cũng có cách để lấy tiền của người ta.
Cũng vậy, người có lòng ganh ghét đố kỵ anh em chị em, thì bất kì ở đâu, dù giữ chức vụ nào cũng đều bày tỏ tâm hồn ích kỷ của họ, những người này nếu có được quyền lực trong tay thì không làm gì để đem lại sự đoàn kết cho cộng đoàn, bởi vì chính tâm hồn họ luôn có những âm mưu tính toán để lợi mình hại người.
Nếu người Ki-tô hữu luôn có tâm hồn ghen ghét thì họ không phản chiếu lại ánh sáng của tinh thần Phúc Âm trong cuộc sống, và do đó họ rất dễ dàng trở thành miếng mồi ngon cho ma quỷ lợi dụng; nếu người luôn có lòng ghen ghét và tị hiềm anh em là một linh mục hay tu sĩ, thì ma quỷ sẽ ăn mừng lớn, bởi vì chúng nó đã có những vị tướng làm “nội công” đánh phá Giáo Hội và gây chia rẽ trong cộng đoàn dân Chúa...
Nguy hiểm thay !

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

-------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Thi ca suy niệm Chúa nhật tuần 23 thường niên
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
10:20 06/09/2017
Chúa Nhật 23 THƯỜNG NIÊN. A
(Mt. 18:15-20)
SỬA LỖI


Con người yếu đuối lầm than,
Mê say sắc dục, dối gian ở đời.
Xét mình tội lỗi trong đời,
Tội trong tư tưởng, nói lời gian ngoa.
Làm sao kết nối giao hòa?
Bao nhiêu hành động, mù lòa lạc sai.
Ghen tương thù hận chê bai,
Nói hành nói xấu, công khai hại người.
Chúa khuyên sửa dậy từng lời,
Trước là kín đáo, mở lời khuyên răn.
Âm thầm chỉ dậy can ngăn,
Không nghe từ chối, tận căn giúp người.
Hai người góp ý gọi mời,
Sửa sai giải quyết, đẹp đời biết bao.
Cứng lòng bất chấp ra sao,
Cộng đoàn giúp đỡ, ngọt ngào bảo ban.
Lắng nghe hối cải hiền ngoan.
Trở về xum họp, hân hoan cả nhà.
Nơi nào tụ họp hai, ba,
Có Thầy ở giữa, mưa sa phúc lành.

Chúng ta là con người yếu đuối và tội lỗi. Ai trong chúng ta cũng là người có lỗi lầm. Có nhiều cách để sửa lỗi. Chúng ta có thể xét mình dựa vào các giới răn, luật lệ và những lời khuyên bảo và góp ý xây dựng

Khi tự biết mình sai, chúng ta có thể sửa sai. Tự chúng ta nhận biết lỗi và sửa lỗi mình thì dễ hơn. Nhưng để người khác sửa lỗi, đôi khi chúng ta khó chấp nhận. Chúng ta là con cháu của Adong và Evà mà. Nhớ khi xưa, Thiên Chúa hỏi tội Adong, ông đã đổ tội cho bà Evà và Chúa hỏi tội bà Evà, bà lại đổ tội cho con rắn. Đổ lỗi cho người khác đó là yếu điểm của con người. phản ứng tự nhiên, trước hết để bảo vệ thanh danh và tiếng tốt của mình, chúng ta từ chối. Ít khi chúng ta muốn nhận sự sai trái về phía mình.

Muốn sửa lỗi anh em, trước hết hãy tìm hiểu nguyên do trước khi quy lỗi. Chúng ta cần có sự hiểu biết rõ ràng với lòng thành và sự tôn trọng. Rồi gặp gỡ riêng tư để đối thoại và góp ý. Anh em sửa lỗi nhau trong âm thầm và kín đáo. Người có lỗi dễ dàng nghe và sửa mình. Đôi trường hợp, với ý không ngay lành, chúng ta lại muốn bêu diễu, hạ thấp uy tín, gây tổn thương và xúc phạm. Đừng khi nào đem truyện của anh em làm quà cho người khác nói là yêu thương xây dựng. Điều này khó thuyết phục người anh em nhận và sửa lỗi.

Để sự sửa lỗi có sức thuyết phục, chúng ta cần cầu nguyện. Chúa phán: Nơi đâu có hai ba người tụ họp nhau cầu nguyện nhân danh Chúa, Chúa sẽ ở giữa họ. Góp ý và sửa lỗi luôn luôn đi với sự cầu nguyện. Nghĩa là, có Chúa hiện diện giữa chúng ta. Trong gia đình, vợ chồng và con cái hay trong nhóm nhỏ tụ họp cầu nguyện, Chúa sẽ ở giữa họ và họ có thể hòa giải dễ dàng. Xin Chúa chiếu dọi vào tâm trí của chúng con sự hoàn thiện của Chúa.

Lạy Chúa, chúng con đều là tội nhân, nhưng lại muốn người khác xem là công chính. Xin cho chúng con biết can đảm nhìn nhận lỗi lầm của chính mình để biết sửa sai và hòan thiện hơn mỗi ngày. Xin Chúa thương nâng đỡ tâm hồn yếu đuối của chúng con.

THỨ HAI, TUẦN 23 THƯỜNG NIÊN
(Lc 6, 6-11).
KHÔ BẠI


Bàn tay khô bại liệt lào,
Hội đường giảng dậy, Chúa vào bên trong.
Những người Luật Sĩ quanh vòng,
Các thầy Biệt Phái, đồng lòng dõi theo.
Số người bệnh hoạn đói nghèo,
Đến xin Chúa chữa, tin gieo trong lòng.
Vào ngày Sa-bát hằng mong,
Cầu xin ân phước, theo dòng thời gian.
Các thầy cấm cản lời van,
Tỏ lòng thương xót, Chúa ban ơn lành.
Việc làm phúc đức thi hành,
Giúp người cứu chữa, việc lành thực thi.
Rộng lòng Chúa rất từ bi,
Người tay khô bại, ai bì tình thương.
Những ai khó chịu vô phương,
Chúa thương ban phúc, tựa nương bên Ngài

THỨ BA, TUẦN 23 THƯỜNG NIÊN
(Lc 6, 12-19).
CHỌN GỌI


Suốt đêm cầu nguyện cùng Cha,
Tìm người nhiệt huyết, đi ra rao truyền.
Chọn mười hai vị thành viên,
Trở thành nồng cốt, lo chuyên vào đời.
Truyền rao chân lý ngàn đời,
Si-mon anh cả, gọi mời dấn thân.
Vì yêu Chúa chọn thế nhân,
Những người khiêm nhượng, canh tân cuộc đời.
Có người yếu đuối rụng rơi,
Giu-đa phản bội, đã rời Chúa đi.
Đám đông dân chúng phụ tùy,
Từ xa muôn lối, cùng quy tụ về.
Chữa lành bệnh hoạn bến mê,
Xua trừ ma quỷ, đưa về sống chung.
Tạ ơn Thiên Chúa vô cùng,
Yêu thương cứu chữa, bao dung tấm lòng.

THỨ TƯ, TUẦN 23 THƯỜNG NIÊN
(Lc 6, 20-26).
CHÚC PHÚC


Phúc thay nghèo khó ở đời,
Nước Trời chiếm đoạt, cho người tin yêu.
Phúc ai đói khát thiên triều,
No đầy hoan hỉ, lãnh nhiều ân thiêng.
Phúc người khóc lóc tội khiên,
Vui cười hớn hở, cõi thiên tìm về.
Người đời thù ghét tư bề,
Loại trừ phỉ báng, lời thề tín trung.
Reo mừng đón nhận bao dung
Chúa ban phần thưởng, thiên cung rạng ngời.
Khốn thay giầu có ở đời,
No nê đầy đủ, mọi thời vui say.
Vui tươi sảng khoái chốn này,
Mọi người ca tụng, hằng ngày thỏa thuê.
Công bình phân xử đuề huề,
Sáng danh Thiên Chúa, hưởng quê Nước Trời.

THỨ NĂM, TUẦN 23 THƯỜNG NIÊN
(Lc 6, 27-38).
THƯƠNG XÓT


Thi hành giới luật tình thương,
Làm ơn kẻ ghét, yêu thương kẻ thù.
Nguyện cầu chúc phúc đền bù,
Còn ai vu khống, xin tu, đừng phiền.
Ai mà vả má luân phiên,
Đưa thêm má trái, chịu liền thiệt thân.
Áo ngoài họ lột từng phần,
Áo trong đừng cản, ở trần hy sinh.
Ai đòi lấy của riêng mình,
Xin đừng đòi lại, giữ tình bà con.
Thực hành yêu mến vẹn tròn,
Điều gì con muốn, sắt son cho người.
Chúa thương mưa xuống cho đời,
Người hiền kẻ ác, gọi mời yêu thương.
Đừng nên xét đoán vô thường,
Thứ tha lỗi phạm, mở đường tội nhân.

THỨ SÁU, TUẦN 23 THƯỜNG NIÊN
(Lc 6, 39-42).
MÙ QUÁNG


Kẻ mù dẫn dắt người đui.
Cả hai rơi hố, biết lui đường nào.
Môn đồ kính trọng kẻ cao,
Tín trung hiếu nghĩa, tự hào trò ngoan.
Tông đồ học hỏi lo toan,
Tu thân hoàn hảo, chu toàn bản thân.
Mắt nhìn cái rác cận lân,
Cái đà không thấy, ở gần bên ta.
Để tôi lấy rác này ra,
Cái đà to tướng, trong xa mắt mình.
Giả hình giấu diếm vô tình,
Lỗi mình vấp phạm, chớ khinh tội người.
Xét mình đấm ngực mọi thời,
Ăn năn sám hối, từng lời dối gian.
Chúa thương giáo dục bảo ban,
Thứ tha tội lỗi, bình an tâm hồn.

THỨ BẢY, TUẦN 23 THƯỜNG NIÊN
(Lc 6, 43-49).
HOA TRÁI


Trồng cây mong trái trổ sinh,
Cây nào tươi tốt, hoa xinh trái vàng.
Loại cây trái xấu trong hàng,
Sinh ra đèo đọt, bẽ bàng đừng lo.
Trái thơm chín ngọt thơm tho,
Bỏ công vun tưới, vườn nho xanh rì.
Lòng người nhân đức từ bi,
Sinh hoa kết qủa, thực thi giới điều.
Ngước nhìn thượng giới cao siêu,
Thành tâm tu luyện, thiên triều ước mong.
Thực hành đức ái tinh trong,
Nghe lời Chúa dậy, giữ lòng kiên trung.
Xây nhà trên đá nền khung,
Mưa to gió lớn, vững cùng thời gian.
Lắng nghe lời dạy khôn ngoan,
Hoàn thành sứ mệnh, trao ban trong đời.
 
Suy niệm Chúa Nhật XXIII Thường Niên – Năm A
Lm. Anthony Trung Thành
10:46 06/09/2017
Thánh Phaolô đã thú nhận: “Tôi ăn ở như một người ngu, còn sự lầm lạc của tôi thì vô kể” (Ep 4,11). Đúng như người ta thường nói: “nhân vô thập toàn”. Thực tế là như vậy, nhưng để nhận ra sự bất toàn của mình, chấp nhận mình có tội không phải là chuyện dễ dàng. Câu chuyện Vua Đa-vít là một ví dụ. Ông đã phạm tội ngoại tình, gian dối, giết người. Vậy mà ông vẫn che dấu và không nhận ra tội lỗi của mình. Bằng chứng là sau khi nghe tiên tri Na-than kể câu chuyện “người giàu cướp chiên của người nghèo” (x. 2Sm 12,1-4), ông còn “bừng bừng nổi giận với người ấy và nói với ông Na-than: Có ĐỨC CHÚA hằng sống! Kẻ nào làm điều ấy, thật đáng chết! Nó phải đền gấp bốn con chiên cái, bởi vì nó đã làm chuyện ấy và đã không có lòng thương xót”(x. 2 Sm 12, 5-6). Cho đến khi Na-than nói thẳng: “kẻ đó chính là Ngài…”(x. 2 Sm 12, 7). Bấy giờ vua Đa-vít mới chấp nhận tội lỗi của mình và ăn năn thống hối.

Qua câu chuyện trên cho chúng ta thấy, vai trò của tiên tri Na-than hết sức quan trọng, đã giúp Đa-vít nhận ra tội lỗi của ông. Vì thế, trong cuộc sống chung, sửa lỗi cho nhau là một điều cần thiết và cũng là một trách nhiệm: Trách nhiệm của Cha mẹ đối với con cái; trách nhiệm của cha xứ đối với con chiên; trách nhiệm bề trên đối với bề dưới; trách nhiệm của thầy cô đối với học trò; trách nhiệm của mỗi người khi sống chung với nhau. Hơn nữa, là người kitô hữu, khi lãnh nhận bí tích Rửa tội, chúng ta lãnh nhận sứ mạng tiên tri. Vai trò của tiên tri là phải rao giảng Lời Chúa, phải lên tiếng để kẻ tội lỗi thay đổi đời sống của họ. Nếu tiên tri mà không lên tiếng để cho kẻ tội lỗi phải chết thì tiên tri phải chịu trách nhiệm về cái chết đó. Bài đọc I, tiên tri Ezêkiel đã nói rất rõ ràng rằng: “Nếu ngươi không chịu nói để kẻ gian ác bỏ đường lối mình, thì chính kẻ gian ác sẽ chết trong sự gian ác của nó, nhưng Ta đòi máu nó bởi tay ngươi. Còn khi ngươi loan báo cho kẻ gian ác bỏ đường lối nó, nếu nó không chịu bỏ đường lối nó, thì nó sẽ chết trong sự gian ác của nó, nhưng ngươi cứu được mạng sống ngươi” (Ed 33,8-9). Qua bài Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu cũng mời gọi chúng ta: “khi thấy anh em lỗi phạm thì hãy đi sửa dạy nó…” (x. Mt 18,15).

Nhưng phải sửa dạy như thế nào? Nhìn vào cuộc sống, người ta thường dùng nhiều phương cách khác nhau để sửa lỗi kẻ khác. Những nhà cầm quyền thường sửa lỗi kẻ khác theo khung hình phạt qua một tòa án: án treo, tù có thời hạn, tù chung thân, tử hình. Họ cũng có thể sử dụng hình phạt như tra tấn, phạt kinh tế hay tịch thu tài sản.

Còn trong sinh hoạt đời thường của các gia đình hay cộng đoàn, tùy vào hoàn cảnh và phong tục người ta có thể dùng những hình thức khác nhau để sửa lỗi: Chẳng hạn, cha mẹ có thể dùng lời nói để dạy con cái, nhưng cũng có khi phải dùng roi để dạy con cái với châm ngôn “yêu con cho roi cho vọt”. Cũng vậy, bề trên có thể sửa dạy bề dưới một cách âm thầm hay công khai tùy vào sự khôn ngoan và tùy vào từng trường hợp cụ thể. Nhưng không phải người nào cũng biết sửa dạy kẻ khác một cách khôn khéo. Với danh nghĩa sửa dạy, người ta có thể tố cáo nhau, phơi bày tội lỗi của nhau nhằm mục đích bêu xấu, trù dập, hạ uy tín…

Đối với chúng ta là những người kitô hữu, là môn đệ của Đức Giêsu thì sao? Chúng ta phải sửa dạy nhau theo phương cách mà Đức Giêsu đưa ra qua bài Tin mừng hôm nay. Phương cách đó mang tính tiệm tiến, đi từ kín đáo đến công khai. Cụ thể có ba bước sau: Bước thứ nhất, giữa ta với người sai lỗi (x. Mt 18,15). Bước này phải hết sức kín đáo và tế nhị. Phải lựa lời mà nói: “lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.” Phải khôn khéo giúp người anh em nhận ra sai lỗi của mình. Bước thứ nhất này hết sức quan trọng, nếu thành công thì quá tốt, ta được lợi người anh em. Nếu người anh em không nghe, lúc đó chúng ta mới dùng bước thứ hai: “Đem theo một hoặc hai người nữa, để mọi việc được giải quyết nhờ lời hai hoặc ba nhân chứng” (x. Mt 18,16). Thông thường để dễ thuyết phục, một hoặc hai nhân chứng này cần phải là người có uy tín trong cộng đoàn. Bởi vì, khi họ có uy tín thì tiếng nói, lời khuyên của họ mới dễ thuyết phục. Hy vọng bước thứ hai này, người sai lỗi sẽ chấp nhận sửa sai. Nhưng nếu người anh em không nghe thì chúng ta dùng bước thứ ba, tức là đưa ra cộng đoàn, nhằm mục đích gây áp lực cho người sai lỗi, để mong muốn người anh em chấp nhận sửa lỗi. Cuối cùng, nếu người anh em vẫn ngoan cố không chịu nghe thì hãy “kể nó như người ngoại giáo và như người thu thuế” (x. Mt 18, 17). Khi kể nó như người ngoại giáo hay như người thu thuế không có nghĩa là cắt đứt hay loại trừ nó một cách hoàn toàn. Nhưng còn một cách thế khác để chúng ta liên hệ và hy vọng nó sẽ thay đổi, đó chính là cầu nguyện. Chúng ta tiếp tục cầu nguyện cho người anh em đó, nhất là cầu nguyện chung trong cộng đoàn. Bởi vì, lời cầu nguyện chung của cộng đoàn dễ dàng được Chúa chấp nhận. Chính Đức Giêsu đã khẳng định: “Thầy lại bảo các con, nếu hai người trong các con, ở dưới đất, mà hiệp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Ðấng ngự trên trời, sẽ ban cho họ điều đó. Vì ở đâu có hai hoặc ba người tụ họp nhân danh Thầy, thì Thầy ở giữa những người ấy” (Mt 18, 19-20).

Trong thực tế chúng ta thường mắc phải hai sai lầm này: Sai lầm thứ nhất, chúng ta “công khai hóa” lỗi lầm của anh em với cộng đoàn, bỏ qua bước thứ nhất và bước thứ hai. Vì thế, người sai lỗi cảm thấy bẽ mặt, hậu quả là có nhiều người con phải bỏ nhà ra đi, nhiều thành viên phải bỏ cộng đoàn, nhiều giáo dân không dám đến nhà thờ nữa. Sai lầm thứ hai, sau khi xong bước thứ ba, chúng ta thường không còn quan tâm gì đến người sai lỗi nữa: Có những bậc cha mẹ loại trừ con cái một cách dứt điểm; Có nhiều bề trên không còn liên lạc gì với người bề dưới. Vì thế, người sai lỗi không còn có cơ hội để làm lại cuộc đời.

Tóm lại, sửa lỗi cho nhau đó là bổn phận của mỗi người chúng ta, và khi sửa lỗi cần theo sự chỉ dẫn của Đức Giêsu. Mặt khác, trong tất cả những bước sửa lỗi trên đây phải thực hiện trong tinh thần yêu thương và kính trọng. Nghĩa là mong muốn cho người có lỗi sửa sai, thay đổi đời sống để trở thành con người tốt hơn. Người sửa lỗi không bao giờ được phép có những hình thức nào đó mang tính trù dập hay loại trừ người anh em sai lỗi.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho mỗi người chúng con luôn có trách nhiệm sửa lỗi cho anh em theo phương cách của Chúa chỉ dạy. Đồng thời, xin cho chúng con luôn biết nhận ra sự sai lỗi của mình, nhờ đó mỗi người chúng con ngày càng trở nên tốt hơn. Amen.

Lm. Anthony Trung Thành
 
Rất Cần Tình Bác Ái Huynh Đệ
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
18:37 06/09/2017
Rất Cần Tình Bác Ái Huynh Đệ

Chúa Nhật XXIII thường niên năm - A

(Mt 18, 15 - 20)

"Bác ái huynh đệ trong cộng đoàn tín hữu" là chủ để nổi bật hơn cả của Chúa Nhật tuân này. Quả thật, "hiệp nhất nhân danh Chúa Giêsu", bác ái, tha thứ cho nhau và giúp nhau thăng tiến là điều ai cũng muốn và cần làm. Đây không đơn giản chỉ là tương quan xã hội trong cuộc sống hàng ngày. Việc sửa lỗi huynh đệ đã có trong sách Lêvi : "Ngươi không được để lòng ghét người anh em, nhưng phải mạnh dạn quở trách người đồng bào, như thế, ngươi sẽ khỏi mang tội vì nó " (Lv 19, 17). Vì bác ái với dân Israel, Chúa đã làm cho Êdêkiel "trở nên người lính canh nhà Israel", và truyền ông phải nói cho "kẻ gian ác bỏ đường lối mình", để được sống, nếu không "thì chính kẻ gian ác sẽ chết" (x. Ed 33, 7-9).

Thánh Phaolô nói : "Anh em chớ mắc nợ ai ngoài việc phải yêu mến nhau" (Rm 13, 8). Thì ra chúng ta phải mắc nợ nhau về tình mến. Cùng một thân thể mầu nhiệm Đức Kitô, thánh Phaolô mời gọi ta mặc lấy tâm tình của Đức Kitô, sống hiền lành, khiêm nhường và liên đới với nhau. Bởi tất cả đều do Thiên Chúa tạo dựng, được Đức Giêsu Kitô cứu chuộc, chúng ta là anh em với nhau trong Chúa, nên hãy đối xử với nhau bằng tình yêu và lòng mến, vì toàn bộ luật của Thiên Chúa được nên trọn trong tình yêu, kể cả Mười Điều Răn "và nếu có điều luật nào khác, thì cũng tóm lại trong lời này là: Ngươi hãy yêu mến kẻ khác như chính mình" (x. Rm 13, 8-10).

Lời thánh Phaolô trong bài ca đức ái: " Lòng yêu thương không làm hại kẻ khác " (1Cr, 9), cho thấy Giáo hội được qui tụ làm thành Thân Thể Chúa Kitô, lãnh nhận sứ mạng bày tỏ Thân Thể này theo ý muốn của Thiên Chúa. Chúng ta là những chi thể của cùng một Thân Thể, tuy khác nhau, nhưng cùng qui về Giáo hội, liên đới với nhau như một bản giao hưởng tình bác ái. Nên ai phạm lỗi, người ấy thiếu tình bác ái không chỉ với một người, mà con đối với toàn thân thể.

Cứ sự thường ai xúc phạm đến ta, ta không can thiệp gì hết. Viện cớ : nó đã xúc phạm đến tôi ! Tôi sẽ không nói gì hết, dứt khoát là không. Vậy làm gì bây giờ ? Nó đã xúc phạm đến tôi : Mắt đền mắt, răng đền răng ư ? Đây không phải là giải pháp, làm thế sự xấu sẽ xấu hơn. Tôi sẽ đi gặp anh em và nói: Anh đã làm tổn thương tôi, không được ! Anh được Thiên Chúa tạo dựng, vì tình bác ái, tôi phải kéo anh về. Chúng ta không loại trừ vì lỗi cá nhân họ, nhưng giúp họ sửa mình để trở nên xứng đáng trong cộng đoàn mà họ là thành viên.

Sửa lỗi, cụ thể hơn là phê bình hiệu quả hay góp ý xây dựng là những cụm từ đã từ lâu trở nên quen thuộc trong nghệ thuật giao tiếp. Bị người khác phê bình, cho dù đó là góp ý hay chỉ trích, cũng đều cho chúng ta thấy bản thân mình có khiếm khuyết. Đã là con người thì chắng mấy ai muốn thật lòng thừa nhận điều đó. Cho dù ta thuộc tuýp người nào đi chăng nữa thì lời phê bình cũng là thứ mà không ai mong muốn được nghe. Làm được điều đó không phải là chuyện dễ bởi chúng ta cần có cả sự tự tin lẫn đức khiêm tốn để thừa nhận chúng ta đã lầm lỗi. Đồng thời, phải nhìn nhận mặt sáng trong mỗi người. Phê bình là vì chính lợi ích của chúng ta, chứng tỏ tình yêu huynh đệ chất chứa trách nhiệm hỗ tương.

Chúa Giêsu đưa ra các cấp độ hành xử với anh em trong cộng đoàn, dựa trên sự tôn trọng và yêu thương lẫn nhau miễn sao lợi được người anh em. Tin Mừng (Mt 18, 15-20) cho thấynếu anh em có lỗi, tôi phải thể hiện tình yêu với họ, trước hết, nói chuyện riêng với anh về sai lầm mà anh đã nói hay làm là không tốt. Hành vi này được gọi là sửa lỗi huynh đệ: đây không phải là phản ứng đối với hành vi người phạm lỗi, nhưng là cử chỉ yêu thương dành cho người anh em.

Và nếu nó không chịu nghe ngươi? Cấp tiếp theo, hãy nói chuyện về anh ta với hai hoặc ba người để giúp anh ý thức hơn về những gì anh đã làm; nếu anh ta vẫn bỏ ngoài tai, bất chấp điều này, phải nói cho cộng đoàn; và nếu anh ta không nghe cộng đoàn, thì phải làm cho anh ta nhận ra rằng chính anh tự tách biệt khỏi cộng đoàn Hội Thánh. Đặt ra khỏi cộng đoàn thành viên không chịu hối cải, không có nghĩa là lên án. Chúng ta cần phải giữ liên hệ với nhau, vì đây là mối liên hệ do Thánh Thần thêu dệt. Chúng ta bước vào trong cộng đoàn và xây đắp bình an để mang lại cho sức sống cho cộng đoàn. Dù giới hạn cũng như khuyết điểm cá nhân ta, chúng ta vẫn được mời gọi đón nhận sửa lỗi nhau trong tình huynh đệ và giúp đỡ người khác qua việc sự tế nhị này. Đây trách nhiệm sống của chúng ta với nhau.

Khi áp dụng hết mọi cách, vẫn không có hiệu quả, chúng ta hãy phó thác người anh em cho lòng nhân hậu của Thiên Chúa : "Lòng yêu thương không làm hại kẻ khác. Vậy yêu thương là chu toàn cả lề luật " (Rm 13, 10).

Hoa quả của đức ái trong cộng đoàn là cầu nguyện : " Ở đâu có hai hoặc ba người tụ họp nhân danh Thầy, thì Thầy ở giữa những người ấy "(Mt 18, 19-20). Chúng ta quả quyết : Ở đâu có tình yêu, ở đó có Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần ngự trị. Cầu nguyện cá nhân chắc chắn là quan trọng, cần thiết, nhưng Chúa bảo đảm sự hiện diện của mình trong cộng đoàn ngay cả cộng đoàn nhỏ, vì nó qui chiếu vào sự hiệp thông hoàn hảo của Thiên Chúa Ba Ngôi. Origen nói rằng "chúng ta phải thực hiện bản giao hưởng này" nghĩa là sự hòa hợp trong cộng đoàn tín hữu.

Nhờ sự chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa và là Mẹ chúng ta, xin Chúa liên kết chúng ta trong tình yêu Chúa. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Các Hiệp Sĩ Columbus tích cự giúp nạn nhân bão Harvey ở texas
Giuse Thẩm Nguyễn
07:47 06/09/2017
(EWTN News/CNA) Houston, Texas. Các Tiểu Ban Hiệp Sĩ Columbus địa phương đã tích cực hành động sau cơn bão Harvey bằng cách giải cứu những người sống sót bằng thuyền và giúp ổn định chỗ ở cũng như thức ăn và nước uống cho những người khác.

Hiện nay Hội đã vận động gây quỹ cứu trợ thiên tai được trên nửa triệu dollars qua tổ chức Quỹ Cứu Trợ Thiên Tai (Disaster Relief Fund).

Các Hiệp sĩ Columbus cho biết trên trang nhà của họ rằng từ khi cơn bão Harvey đánh vào vùng duyên hải Texas ngày 25 tháng Tám, các Hiệp Sĩ địa phương đã là những người tuyến đầu giúp các nạn nhân, đặc biệt những người phải di dời vì cuồng phong và nước lụt.

Ở Dickinson, Texas, các Hiệp Sĩ Columbus Tiểu Ban 3217 của Cha Roach đã dùng thuyền để giúp di dời nhiều người ra khỏi nhà. Họ cũng giúp di tản một linh mục ra khỏi Đền Thánh Giá.

Tiểu Ban Richmond 7445 đã giúp di tản người dân tại giáo xứ địa phương, cung cấp thức ăn và nước uống cho đến khi lũ lụt rút khỏi. Ở Sealy, Tiểu Ban 3313 của cha Crann cũng đã giúp gần 100 người chỗ ở và phục vụ thức ăn và nước sạch.

Tiểu Ban 3793 của cha Nemec cũng cung cấp thức ăn và chỗ ở cho các nạn nhân ở Wallis, Texas. Ở Carrizo Spring thì có Tiểu Ban 8142 của Cha Arthus N. Kaler đã giúp khoảng 300 gia đình.

Tiểu Ban 11343 của cha John T. Weyer ở Sugar Land, Texas đã giúp sửa những mái nhà bị phá hủy bởi gió lốc.

Hội Hiệp Sĩ Columbus là chi nhánh của hội cứu trợ thiên tai Công Giáo thế giới. Tổ chức này cho biết rằng 100 phần trăm tiền quyên góp sẽ trực tiếp tới tay các nạn nhân.

Trong năm 2005, Hội Hiệp Sĩ đã nỗ lực trợ giúp nạn nhân bão Katrina ở Louisiana với nhiều triệu dollars. Hội Hiệp Sĩ Columbus trung ương đã đóng góp $860,000 cho quỹ trợ giúp nhân đạo cho các nạn nhân của cơn bão năm 2013 Haiyan ở Philiphine, nơi có khoảng hằng chục ngàn hội viên của Hội. Vào cuối năm 2016, sau cơn bão Matthew, Hội Hiệp Sĩ Columbus đã gây quỹ được trên $100,000.

Trên toàn thế giới, Hội Hiệp Sĩ Columbus có khoảng 1.9 triệu hội viên hoạt động trong 15,000 tiểu ban. Muốn đóng góp cho quỹ phục hồi thiên tai, xin vào trang nhà của hội tại www.kofc.org.

Giuse Thẩm Nguyễn
 
Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ lên án quyết định ngưng chương trình DACA và kêu gọi Quốc Hội khẩn cấp tìm một giải pháp khác.
Giuse Thẩm Nguyễn
17:24 06/09/2017
(DACA = Deferred Action for Childhood Arrivals, là chính sách di trú cho phép các di dân vị thành niên bất hợp pháp được vào Hoa Kỳ, gia hạn tình trạng lưu trú cứ 2 năm, được phép làm việc và không bị trục xuất)

(USCCB.ORG) Tin từ Washington. Đức Hồng Y Daniel N. DiNard của Galveston- Houston, Chủ Tịch HĐGM Hoa Kỳ và các thành viên gồm ĐTGM Jose H. Gomez của Los Angeles, Phó Chủ Tịch; ĐGM Joe S.Vasquez của Austin, Chủ tịch Ủy Ban Di Dân và ĐGM Joseph. J Tyson của Yakima, Chủ Tịch Ủy Ban Mục Vụ đặc trách di dân, tỵ nạn và du lịch vừa ra một tuyên ngôn lên án việc ngưng chương trình DACA của chính phủ trong vòng sáu tháng tới và nhấn mạnh rằng “Việc ngưng chương trình DACA là việc làm đáng khiển trách.”

Có trên 780,000 trẻ em được hưởng quyền lợi của chương trình DACA này từ khi được thành lập bởi Bộ An Ninh Quốc Gia (DHS) vào năm 2012. Chương trình DACA không cho các em được hợp thức hóa tình trạng trú ngụ hay những lợi ích khác của chính phủ nhưng cho các em tạm thời được phép làm việc ở Hoa Kỳ và không bị trục xuất.

Bản tuyên ngôn viết rằng:

“Việc chấm dứt chương trình DACA là không thể chấp nhận được. Nó gây ra nỗi sợ hãi không cần thiết cho các thanh thiếu niên hưởng chương trình DACA và gia đình các em. Khi nhập vào Hoa Kỳ lúc còn là thiếu niên, các em thường nghĩ Hoa Kỳ là quê hương duy nhất của mình. Giáo Hội Hoa Kỳ hằng rất hãnh diện và thán phục khi những thanh thiếu niên trong chương trình DACA đã sống từng ngày với hy vọng và một quyết tâm đóng góp cho xã hội: tiếp tục làm việc để phụ giúp gia đình, tham gia phục vụ trong quân đội cũng như tiếp tục theo đuổi việc học. Bây giờ, bỗng dưng họ trở thành hụt hẫng, lo sợ về tương lai của mình vì họ phải đối diện với nguy cơ trục xuất. Quyết định này là không thể chấp nhận được và không phản ánh cung cách hành động của người Hoa Kỳ.

Giáo Hội nhận ra và cổ vũ nhu cầu đón nhận những người trẻ: “Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy, thì không phải là tiếp đón Thầy, nhưng là tiếp đón Đấng đã sai Thầy.” (Mark 9:37). Hôm nay quốc gia chúng ta đã làm ngược lại những điều dạy trong Thánh Kinh. Đó là một bước lùi của đất nước chúng ta. Những hành động ngày hôm nay là khoảng khắc đau lòng trong lịch sử của chúng ta, nó chứng tỏ sự thiếu vắng lòng thương xót và thiện chí và một cái nhìn thiển cận vào tương lai. Những thanh thiếu niên hưởng chương trình DACA cũng như thanh thiếu niên Hoa Kỳ được đan dệt thành cấu trúc trong mọi lãnh vực xã hội và nhân bản của đất nước và của Giáo Hội chúng ta.

Chúng tôi khẩn thiết kêu gọi Quốc Hội hãy hành động và ngay lập tức kiếm tìm ra cách giải quyết hợp pháp. Chúng tôi cam kết ủng hộ việc kiếm tìm những biện pháp hữu hiệu để bảo vệ các thanh thiếu niên DACA.

Là những người có đức tin, chúng tôi muốn nói với các thanh thiếu niên DACA rằng dù tình trạng di trú của các em thế nào, các em là con của Thiên Chúa và các em luôn được Giáo Hội Công Giáo tiếp đón. Giáo Hội Công Giáo ủng hộ các em và sẽ bênh vực cho các em.”

Giuse Thẩm Nguyễn
 
Ngày đầu tiên của Đức Phanxicô tại Colombia
Vũ Văn An
18:36 06/09/2017
Đức Thánh Cha đã rời Vatican trưa ngày 6 tháng 7 trên chuyến máy bay thuê của Hãng Italia. Vì cơn bão Irma đang hoành hành tại vùng biển Caribbeans, máy bay của ngài phải thay đổi lộ trình, thay vì bay qua Puerto Rico của Hoa Kỳ, nó phải bay qua Trinidad; tuy nhiên nó vẫn bay qua Venezuela như lộ trình ban đầu.

Chính vì thế, trong cuộc chuyện trò với báo chí trên chuyến bay, ngài nhắc đến Venezuela trước nhất và xin mọi người cầu nguyện để đất nước này tìm được “sự ổn định và đối thọai tốt đẹp với mọi người”.

Theo hãng A.P., cổ vũ hoà giải là mục tiêu chủ yếu của triều giáo hoàng Phanxicô; và triển vọng hòa bình cho Colombia đã sáng sủa hơn vào tuần này khi một cuộc ngưng bắn đã được ký kết giữa chính phủ và nhóm Quân Đội Giải Phóng Quốc Gia.

Cũng theo hãng tin trên triển vọng hòa giải cũng đã được thăng tiến nhờ trùm ma túy hàng đầu của Colombia, đang bị lùng bắt, tự trình diễn khuôn mặt của mình lần đầu tiên nhân dịp chuyến viếng thăm Colombia của Đức Phanxicô. Anh ta công bố một cuốn video xin Đức Giáo Hoàng cầu nguyện để nhóm anh ta được phép hạ vũ khí như là một phần trong diễn trình hòa bình của đất nước.

Hoa Kỳ từng hứa thưởng 5 triệu Mỹ Kim cho ai giúp bắt được Dairo Usuga. Nhưng trong cuốn Video, anh ta tự mô tả mình là một nông dân yêu chuộng hòa bình, kính sợ Thiên Chúa, nhưng “buộc phải mang vũ khí trong 30 năm qua là để tự vệ”. Anh ta hy vọng Giáo Hội giúp “chúng con từ bỏ vũ khí”.

Khoảng 2 giờ 45 giờ Bogota, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã gửi 1 thông điệp cho Tổng Thống Venezuela Nicolas Maduro khi máy bay của ngài bay qua không phận nước này. Trong bức điện văn, Đức Phanxicô nói rằng ngài cầu xin để mọi người ở Venezuela “cổ vũ mọi nẻo đường liên đới, công bình và hoà hợp”.

Một phát ngôn viên của Tòa Thánh cho hay: Đức Giáo Hoàng sẽ tiếp một phái đoàn giám mục Venezuela vào cuối Thánh Lễ hôm thứ Năm tại Bogota. Hiện đang có áp lực để ngài lên tiếng chống lại chính phủ Maduro.

Khoảng hơn 4 giờ chiều, giờ địa phương, máy bay của Đức Giáo Hoàng đã đáp xuống một căn cứ quân sự tại Bogota, tại đây ngài được nghinh đón bởi Tổng Thống Juan Manuel Santos.

Chuyến viếng thăm này đã được dự trù từ ít năm nay nhưng bị trì hoãn vì các cuộc thương thuyết của chính phủ Colombia với các nhóm phản loạn.

Đức Phanxicô vốn là người cổ vũ lớn cho hòa ước năm ngoái nhưng khi thăm Colombia, ngài sẽ phải tế nhị trước quan điểm của số đông các người Công Giáo bảo thủ là những người đã bỏ phiếu chống lại hòa ước này.

Tại buổi nghinh đón, Emmanuel con trai của nữ chính trị gia Colombia, Bà Clara Rojas, sinh ra trong cảnh bị giam giữ khi bà bị Các Lực Lượng Vũ Trang Cách Mạng Colombia (FARC) bắt cóc năm 2002, đã dâng lên Đức Giáo Hoàng một bức điêu khắc hình con chim bồ câu trắng. Emmanuel sinh ra năm 2004 lúc mẹ bị giam trong rừng. Em bị lấy đi khỏi mẹ lúc còn sơ sinh. Mãi năm 2008, em mới được gặp lại mẹ.

Đức Phanxicô vỗ nhẹ lên trán Emmanuel sau khi tiếp nhận bức điêu khắc, rồi bắt tay em.

Ngài được nghinh đón chân tình bởi các vũ công múa nhạc nhân gian và các nghệ sĩ trình diễn cả nhạc cổ điển lẫn nhạc vũ cumbia. Giàn giao hưởng quốc gia Colombia trình tấu các bản nhạc của Ludwig van Beethoven và Antonio Vivaldi khi Đức Giáo Hoàng xuất hiện từ cửa máy bay. Tổng Thống Juan Manuel Santos, các nhà thương thuyết hòa bình, các nhóm thổ dân và nhiều đoàn nghệ sĩ, thể tháo gia và chính trị gia đã tới nghinh đón ngài. Đức Phanxicô mỉm cười khi ngắm các vũ công và bắt tay mấy người khuyết tật nam nữ mà đài truyền hình quốc gia mô tả là các nạn nhân của cuộc tranh chấp.

A.P. mô tả rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicọ thực tế bị bao vây bởi các người ái mộ; họ tràn ngập lộ trình dẫn ngài vượt 15 kilômét từ phi trường vào tòa khâm sứ Tòa Thánh tại Bogota.

Vì không thấy một rào cản an ninh nào cả, nên các người ái mộ đã tới sát đến có thể đụng vào giáo hoàng xa của ngài, khiến các nhân viên an ninh vất vả để hãm đà xúc cảm của công chúng.

Nhưng thay vì lo âu, vị giáo hoàng người Á Căn Đình, tỏ ra thích thú khi thấy quá nhiều người tới quàng hoa lên ngài, vẫy cờ đỏ vàng xanh của Colombia và hô "Viva Francisco". Thậm chí, ngài còn “high-five” một số thiếu niên tới sát xe ngài.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Thiên tai vùi lấp Nhà nguyện họ đạo Nậm Lúc, giáo xứ Phố Lú, Hưng Hóa
LM Giuse Nguyễn Văn Thành
10:12 06/09/2017
HƯNG HÓA – Mỗi khi đến mùa mưa bão, các thôn bản vùng cao lại thu mình trước giông tố bão bùng. Năm nay cũng vậy, có quá nhiều cơn bão đi qua và kéo theo nhiều mưa bão cũng như lũ cuốn. Phải làm sao đây?

Đêm ngày 03, rạng sáng 4.9.2017, trận mưa kinh hoàng đã đổ xuống đất Lào Cai, cách riêng xã Nâm Lúc, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai, đã gây ra lũ cuốn và lở đất nhiều nơi, làm ách tắc nhiều đoạn đường.

Ngôi nhà nguyện Nâm Lúc, giáo xứ Phố Lu, cách xa nhà xứ Lào Cai khoảng 70 cây số, cũng bị sập do sạt lở đất đồi quá lớn. Hậu quả là nhà nguyện bị hư hại nặng nề và các đồ dùng thánh như tượng thờ, các đồ dùng trong phụng vụ, bàn ghế… bị chôn vùi dưới đống đất.

Khi biết tin như vậy, linh mục quản xứ Giuse Nguyễn Văn Thành và quý cha phó đã rất vất vả mới đến được hiện trường để xem xét sự việc thì thấy nhà nguyện đã bị sập: đất đồi đã tàn phá ghê gớm và làm cho nhà nguyện bị tàn phá; giáo dân kêu khóc và thương tiếc nơi thờ tự.

Để khắc phục được như cũ và có nơi dâng lễ hàng tuần vào Chúa Nhật, giáo họ Nâm Lúc cần hai trăm triệu đồng, nhưng giáo dân chỉ có khoảng 100 người và hoàn toàn làm ghề nương rãy nên khó có thể làm được. Ai muốn giúp đỡ xin liên lạc LM Giuse Nguyễn Văn Thành, email: laocaichurch@gmail.com - ĐT: 0915.020.834
 
Tâm Tình Con Gởi Mẹ: Một cuộc hành hương không bao giờ quên
Vọng Sinh
16:41 06/09/2017
Hàng năm cứ vào cuối tuần Lễ Lao-động tại Hoa Kỳ (Labor Day weekend), toàn thể Giáo dân, Linh mục, Tu sỹ thuộc 21 Cộng Đoàn và Giáo Xứ Miền Trung Đông Hoa Kỳ lại cùng nhau tề tựu dưới chân Mẹ tại Grotto of Our Lady of Lourdes, Emmitsburg MD, hành hương kính viếng Mẹ. Năm nay là Thứ Bảy vừa qua, mồng 02 tháng 9 năm 2017. Cùng với kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra tại Fatima, Hành Hương Miền năm nay lại mang thêm một ý nghĩa rất đặc biệt, nhắc nhở mỗi người thực thi 3 mệnh lệnh của Mẹ: -Cải thiện đời sống-Tôn sùng Mẫu Tâm- Lần hạt Mân Côi.

Mọi việc đã được chuẩn bị từ nhiều tháng qua. Đặc biệt với sự khuyến khích của Cha Tân Chủ Tịch Miền Trịnh Minh Quân, đã có trên 10 Ca đoàn từ khắp nơi trong Miền cùng về tham gia. Tổng số Ca viên và nhạc công cùng các em Orchestra lên tới 170. Mọi người hăm hở chờ đợi tới ngày Hành Hương để được cất cao tiếng hát tiếng đàn Ngợi Khen Thiên Chúa, Chúc Tụng Mẹ Thánh Maria.

Ít ngày trước Hành Hương, dự báo thời tiết Emmitsburg MD, và các vùng phụ cận VA, DC, MD, PA cho biết 70% trời sẽ mưa ngày Thứ Bảy. Nhưng Lòng Yêu Mến Mẹ của Đoàn Con Miền Trung Đông còn cao hơn gấp bội nỗi lo sợ trời mưa ướt áo. Sáng sớm Thứ Bảy, nhiều chuyến xe bus từ khắp nơi, rất nhiều người lái xe riêng đã ồ ạt tuốn đến Trung Tâm Hành Hương, bất kể trời đổ mưa !

Khoảng sau 10:00 sáng, trời vẫn tiếp tục đổ mưa, lúc nặng hạt hơn, lúc nhẹ hơn đôi chút. Thánh Lễ tưởng chừng phải cử hành trong Nhà Nguyện nhỏ phía bên ngoài. Nếu vậy chỉ Ca đoàn không thôi đã chiếm hết gần một phần ba Nhà Nguyện, và đa số Giáo dân vẫn phải đứng ngoài trời mưa tham dự Thánh Lễ!

Qủa thật Mẹ đã ưu ái gởi tới chút thử thách, nhưng Đoàn Con Mẹ đã can đảm nói lên lòng hiếu thảo đối với Mẹ. Chút "mưa rào" kia đã không "làm ướt" được lòng con yêu mến Mẹ! Bao nhiêu hạt mưa rơi, có phải chăng là bao nhiêu hạt Mân Côi dâng lên Mẹ! Mẹ đã động lòng thương…! Và chợt những hạt mưa kia...như đã dịu lại, ngừng rơi, và quả là trời đã sáng ra, thỉnh thoảng chỉ còn đôi hạt lấm tấm như Ơn mưa móc phảng phất trên đoàn con. Và Thánh Lễ đã được cử hành ngoài trời bên hang đá Mẹ.

Hành Hương Miền Trung Đông Emmitsburg MD 02.9.2017

Xem Video

Một trăm bó Hoa Lòng của Đoàn Con Cái Miền Trung Đông đã được Cha Tân Chủ Tịch Miền Phêrô Trịnh Minh Quân cùng đại diện Cộng đoàn Dân Chúa tha thiết dâng lên Mẹ để kỷ niệm 100 Năm Mẹ đã yêu thương hiện ra ở Fatima để cứu vớt nhân loại. Điệu Thánh Vũ thật cảm động của Các em Thiếu Nhi Cộng đoàn Thánh Thomas Aquinas đã đưa mọi người trở về làng Fatima 100 năm trước, với 3 trẻ giơ cao Tràng Chuỗi Mân Côi, làm cõi lòng mỗi người bỗng như cảm thấy bâng khuâng thiếu xót...có khi đã quên đi lời Mẹ tha thiết nài van : -Hãy cải thiện đời sống - Hãy lần Hạt Mân Côi - Hãy Tôn Sùng Mẫu Tâm.

Thánh Vũ Hành Hương Miền Emmitsburg MD 02.9.17-Tiếng Gọi Fatima

Xem Video

Đây là lần đầu tiên Các Ca Đoàn trong Miền Trung Đông hội ngộ, cùng nhau hát ca Ngợi Khen Thiên Chúa và Ca tụng Mẹ Thánh Maria. Mặc dù thời tiết không như lòng mong ước, nhưng con số 170 Ca viên và Nhạc công đã là con số vượt trội chưa từng có trong những buổi Hành Hương Miền.

Cho dù trời mưa gía lạnh, nhưng trong lòng mỗi người lại cảm nhận được một sự ấm áp lạ lùng của tình thân ái liên kết phục vụ giữa Anh Chị Em các Ca đoàn.

Dù cho phải che dù, đội áo mưa, tiếng hát dưới mưa như càng thấm sâu hơn vào lòng người...và chắc chắn Mẹ Thánh Maria đã nhận lấy lòng thành của đoàn con, Mẹ đang mỉm cười, bao bọc chở che...như trong bài giảng của Cha Tân Phó Chủ Tịch Miền Giuse Trần Trung Liêm:

Bài Giảng Hành Hương Miền 02.9.17- Cha Giuse Trần Trung Liêm

Xem Hình

Thánh Lễ kết thúc khoảng 2:30 chiều cùng ngày, giữa bầu trời quang đãng khô ráo. Mọi người ra về trong an bình, lòng dạt dào một niềm vui ấm áp như vừa được sưởi ấm từ Tình Mẹ trên trời, mong ước được trở lại bên Mẹ năm tới trong Ngày Hành Hương Miền mồng 01 tháng 9 năm 2018.

Vọng Sinh.

Emmitsburg MD, 02.9.17

Lời Cảm Tạ của Cha Tân Chủ Tịch Miền:

Với tất cả tâm tình, chúng con xin cúi đầu tạ ơn Chúa và Mẹ, vì mọi việc tưởng chừng như đã không thực hiện được, nhưng cuối cùng đã thực hiện được. Không những thế, mà mỗi lời ca tiếng hát, hòa với những Giỏ Hoa Lòng Dâng Lên Mẹ, thấm vào Những Vũ khúc diễn tả lòng sùng kính, đã diễn ra một cách sốt sắng chưa từng thấy, dưới những hạt mưa rơi tí tách như tiếng nhạc ru hồn, ướt và lạnh, nhưng đã tỏa ra một sự thánh thiện làm thơm ngát cả một khung trời. Dường như tất cả các trái tim đều ngưng đập trong khoảnh khắc ấy, để ngợi khen Thiên Chúa Ba Ngôi và cung kính Mẹ rất yêu dấu của chúng con.

Chúng con xin thành tâm, vô vàn cám ơn Đức Ông, Quý Cha, Quý Thầy, Quý Sơ, Quý Chức Sắc Miền, Quý Cụ Ông Cụ Bà, Các Giáo Xứ, Các Cộng Đoàn, Ca Đoàn Tổng Hợp, tất cả các Ban Ngành, và Toàn Thể Quý Ông Bà và Anh Chị Em đã hy sinh rất nhiều, không ngại thời tiết báo mưa, đã đến Tôn Vinh Mẹ và tham dự Đại Lễ Hành Hương Miền năm nay.

Chúng con cũng xin cám ơn Quý Anh Chị Em đã viết những bài phóng sự, chia sẽ những hình ảnh đã chụp được trong gió mưa, để sưởi ấm lòng nhau sau một ngày Hành Hương ướt lạnh, nhưng không vì thế mà chán nản hoặc thờ ơ trong việc Phụng Vụ. Ngược lại, Nghi Thức Tôn Vinh Mẹ và Thánh Lễ năm nay được cử hành với lòng sốt mến lạ thường, rạng ngời một niềm tin sắt son, và một sư hy sinh bền bỉ, xứng đáng là con cháu của dòng máu anh hùng, dòng máu của Các Thánh Tử Đạo Việt Nam.

Nguyện xin Đức Mẹ Lavang và các Thánh Tử Đạo VN hằng luôn cầu bầu cho chúng con, con cái Mẹ nơi Miền Trung Đông Hoa Kỳ.

LM. Phêrô Trịnh Minh Quân

Lời Tâm Tình Của Cha Tân Chủ Tịch Miền:

Kính thưa Đức Ông, Quý Cha, Quý Thầy Sáu, Quý Tu Sĩ Nam Nữ, Quý Chức Sắc, Quý Cụ Ông Cụ Bà và Toàn Thể Anh Chị Em Miền Trung Đông,

Hôm nay con xin chia sẽ câu chuyện lý do tại sao con có mặt ở đây hôm nay.

Khi còn là chủng sinh, con không có lòng sùng kính đối với Đức Mẹ. Con xem thường, cho rằng Đức Mẹ cũng là một người phàm xác thịt như chúng ta.

Nhưng khi con chịu chức LM, Có một người trao cho con một bức tượng Đức Mẹ Fatima, và dặn dò con:“Đây là Quà của một người tặng cho Cộng Đoàn nơi Cha sắp đến.” Con mang tượng đó đến Cộng Đoàn, thì thấy Cộng Đoàn cũng có một tượng Đức Mẹ Fatima giống y như đúc, kích thước cũng bằng nhau. Con hỏi Cộng Đoàn có ai muốn lấy tượng này về nhà không? Tất cả đều im lặng. Cuối cùng một vài người lên tiếng, “Không ai lấy, vậy Tượng này là của Cha đó.”

Con âm thầm ôm tượng Đức Mẹ ra xe để, trong đầu suy nghĩ không biết mang tượng về thì để ở đâu?

Hai tháng sau, Cha Chủ Tịch Miền gọi điên thoại cho con và nói, “Theo quy cũ của Miền, Linh Mục mới chịu chức của Miền Chủ Tế và Giảng Lễ Hành Hương Miền. Năm nay Miền có 2 Linh Mục chịu chức: Cha Đoàn và Cha. Cha Đoàn đã nhận phần Chủ Tế, vậy thì phần của Cha là Giảng.”

Nhìn vào tượng Đức Mẹ, con tự hỏi, “Tại sao trùng hợp quá vậy, một bức tượng không mời mà đến, và giờ đây lại phải giảng nói về bức tượng ấy?

Sau ngày Hành Hương Miền năm đó, Cha Chủ Tịch Miền gọi cho con, lúc đầu con nghĩ là Cha CT gọi để cám ơn, nhưng sự thật hoàn toàn khác hẳn, chẳng những không 1 lời cám ơn, mà còn nhờ vả thêm. Cha CT nói với con, “Miền hiện nay đang cần một Cha làm Thủ Quỹ. Cha còn trẻ thì nên gánh vác chuyện này, các Cha già có khi lẫm cẫm cộng trừ sai lung tung.” Con nghĩ rằng làm Thủ Quỹ thì dể thôi, coi sổ sách, thỉnh thoảng ký 1 tấm check gời đi thì dễ như ăn cơm sườn. Cho nên con đã vui vẽ nhận lời làm Thủ Quỹ Miền.

Đời vẫn đẹp như mơ, cho đến 1 năm sau. Cha Chủ Tịch lại gọi điện thoại cho con và nói, “Cha Thủ Quỹ ơi, Cha đi Hành Hương Miền nhé.” Con trả lời, “Ủa phải đi Hành Hương nữa sao? Trách nhiệm của con là giữ sổ sách và ký check thôi mà.” Cha CT trả lời, “Cha không đi thì ai mang tiền về để đếm và bỏ vào trong nhà Bank?” Con trả lời, “Có vụ này nữa sao? Tại sao lúc Cha nhờ con làm Thủ Quỹ, Cha không đề cập chuyện này?”

Sau 4 năm làm Thủ Quỹ, nhiệm kỳ đã mãn, con nghĩ mình đã có thể thoát thân không làm nữa. Nhưng không ngờ Cha Chủ Tịch mới lại chính là ĐÔ Giuse Trịnh Minh Trí, anh ruột của con, đã nhờ con tiếp tục làm Thủ Quỹ. Lần này thì con đã hết đường lựa chọn.

Tính đến nay con đã làm TQ 15 năm. 15 năm Linh Mục là 15 TQ. Các Cha trong Miền gọi con là Cha TQ muôn năm.

Kính Thưa Đức Ông, Quý Cha, Quý Thầy, Quý Sơ, và toàn thể Quý Ông Bà ACE, qua câu chuyện này, con đã cãm nhận được một niềm vui rất thiêng liêng, hôm nay con xin hân hoan chia sẽ.

Ngày xưa trên Thánh Giá Chúa đã giao phó Mẹ cho Thánh Gioan, “Này là con Mẹ, này là Mẹ con.” Ngày nay Chúa giao phó Mẹ cho mỗi người chúng ta, không trực tiếp, nhưng qua những người chung quanh.

Người đã mang bức tượng Fatima đến cho con, chính là hiện thân của Chúa Giesu trên thập giá trao Mẹ cho con, “Này là Mẹ con, này là con Mẹ.” Các giáo dân đã yêu cầu con mang tượng Đức Mẹ về, khi họ nói “Tượng này là của Cha đó”, họ cũng chính là hiện thân của Chúa Gie su trên thập giá nói với con, “Này là Mẹ con, con hãy đưa Mẹ về nhà mình mà cung phụng.” Quý Cha trong Miền mời con đi Hành Hương hằng năm cũng là hiện than của Chúa Gie su trên thập giá nói với con, “Hãy đến tôn vinh Mẹ của con.”

Con khẩn xin, mỗi người hiện ở đây hôm nay, sang năm, cố gắng mời thêm một người nữa đi Hành Hương vào Thứ Bảy Ngày 1 Tháng 9, 2018. Đây là 1 sứ mạng rất thiêng liêng, bởi vì Chúng ta, thay mặt Chúa Giesu giao phó Mẹ cho họ chăm nom, “Này là con Mẹ, Này là Mẹ con.”

NHỮNG SINH HOẠT SẮP TỚI:

1. TĨNH HUẤN MIỀN. Sinh hoạt kế tiếp của Miền là Tỉnh Huấn cho các Giới Chức vào Thứ Bảy Ngày 11 Tháng 11, 2017 tại Giáo Xứ Các Thánh Tử Đạo VN, Arlington VA.

2. ĐẠI HỘI TÌM HIỂU ƠN GỌI. Thứ Bảy ngày 18 tháng 11, 2017: Đại Hội Tìm Hiểu Các Ơn Gọi, mục đích hướng dẫn các em thanh thiếu niên nam nữ tuổi 16 trở lên, tìm xem Thánh Ý Chúa muốn các em lập gia đình hay đi tu làm LM, Thầy Dòng, Sơ, hay sống độc thân. Xin xem Flyer Quãng Cáo và Đơn Ghi Danh tham dự.

 
Giới thiệu sách : Lịch sử biên niên giáo xứ Việt Nam Paris 1787-2017
Trần Văn Cảnh
17:35 06/09/2017
TẬP 2 : 2014 – 2017, ĐẶC BIỆT VỀ DỰ ÁN CƠ SỞ »

Xin giới thiệu cùng cộng đoàn cuốn sách thứ 60, vừa được in xong ngày thứ ba, 22.08.2017 vừa qua. Tập sách có tên là « LỊCH SỬ BIÊN NIÊN GIÁO XỨ VIỆT NAM PARIS, 1787-2017, TẬP 2, 2014-2017, ĐẶC BIỆT VỀ DỰ ÁN CƠ SỞ » dầy 532 trang, do Lm Mai Đức Vinh và Gs Trần Văn Cảnh biên soạn. Gọi là tập 2, vì tập 1 đã được in năm 2014, với nội dung bao gồm từ năm 1787 đến hết năm 2013.

NỘI DUNG

Nội dung của tập sách là sứ điệp mục vụ cuối cùng của Đức Ông Giuse Mai Đức Vinh trước khi đi nghỉ hưu, xoay quanh chủ đề « DỰ ÁN CƠ SỞ, 2014-2017 » qua 4 phần.

Phần I : Biên niên Mục Vụ Dự Án Cơ Sở 2014-2017, Gồm 4 chương, mỗi chương biên chép những dữ kiện lịch sử (đặc biệt là những dữ kiện về dự án cơ sở) của mỗi năm : 2014, 2015, 2016 và 2017

Phần II : Tài liệu Kỹ Thuật Dự Án Cơ Sở 2014-2017, Gồm 3 chương, trình bày việc thiết kế chuẩn bị, việc thực hiện và việc ngưng dự án.

Phần III : Tài liệu Truyền thông với các mạng xã hội cho Dự Án Cơ Sở, gồm 3 chương động viên sự đồng hành của Tòa Tổng Giám Mục ; nhập cuộc giao thương với các chủ nhà đất ; Và phát động giao hảo với những cơ quan hành chánh, đạo như Tòa Giám Mục Meaux, đời như thị xã Emerainville, tỉnh Seine-et–Marne, vv…

Phần IV : Tài liệu Tài chánh của ba Dự Án Cơ Sở : 1984-1997, 1998-2004 và 2014-2017, gồm 3 chương, mỗi chương ghi nhận những nét chính của mỗi dự án : sự cho phép hay tổ chức ; bảng liệt kê những người và số tiền đóng góp ; Những chia sẻ tâm tình và góp ý về sổ vàng.

GIÁ TRỊ

Không kể một tiếp cận thực tế, một phương pháp khách quan, một cái nhìn toàn diện và một tổ chức phân định có cấu trúc thuần lý, giá trị của tập sách đặc biệt sẽ được các độc giả nhìn ra qua những mục tiêu mà các tác giả đã kín đáo xác định cho mình và cho người đọc.

1. Mục tiêu thứ nhất là ghi chép, vắn tắt và theo năm, những công việc trọng yếu trong các sinh hoạt mục vụ của giáo xứ, hầu nhận ra, ý thức được những nét đặc sắc của cộng đoàn trong toàn thể lịch sử của nó, cũng như trong mỗi thời kỳ, trong mỗi giai đoạn nhỏ hơn và trong mỗi năm.

2. Mục tiêu thứ hai là sơ lược và vắn tắt gợi ra một phân tích nhỏ, diễn tả cái gốc ngọn, cái căn nguyên của những công việc đã được ghi chép và sự liên quan giữa những công việc ấy với nhau và có lẽ cả với những công việc khác, không được ghi chép. Cái phân tích nhỏ này được gợi ra ở lời mở và lời kết của biên khảo và của mổi thời kỳ liên hệ.

3. Mục tiêu thứ ba là để các thế hệ hậu sinh thấy được những công việc, những sinh hoạt của các thế hệ tiền bối, cha ông đã lao tâm, lao lực, hy sinh, dấn thân thực hiện mà giúp cho giáo xứ được bền vững, phát triển và trưởng thành như ngày hôm nay.

4. Mục tiêu thứ tư là để mọi thành phần trong giáo xứ, giáo sĩ cũng như giáo dân, hiểu biết về Giáo xứ Việt nam Paris của mình, thấy được những cái hay, cái đẹp và cả những cái bất toàn, thiếu sót, mà chấp nhận, yêu thương, quí mến nó, như nó là, hầu cố gắng vun đắp thêm, làm cho Giáo xứ Việt nam Paris của mình được trường tồn mãi, được càng ngày càng rõ là một cộng đoàn đức tin, hiệp nhất, liên đới, tương thân tương trợ, hội nhập vào Giáo hội, gần với linh đạo của các Thánh Tiền Nhân Tử Đạo Việt Nam, với Phúc Âm, với Đức Kitô, với Thiên Chúa Tình yêu.

5. Đặc biệt mục tiêu thứ năm, lời tường trình cuối cùng của Đức Ông Giuse Mai Đức Vinh nói trong Đại Hội Mục Vụ ngày 11.06.2017, được dùng làm lời kết (trang 500), như một lời trối, rất đáng được mọi người đọc để chia sẻ về hiện tình của Giáo Xứ, hầu tiên liệu hành động thích hợp cho tương lai.

ƯỚC MONG CỦA BAN GIÁM ĐỐC VÀ BAN TU THƯ

Từ 1980 đến nay, Giáo Xứ Việt Nam Paris đã thực hiện 3 dự án cơ sở. Dẫu không đạt được một kết quả hoàn hảo như mong muốn. Nhưng những kết quả đạt được về tinh thần dân tộc, liên đới và đoàn kết cộng đoàn, nhất là dưới khía cạnh tài chánh, từ một tài khoản zéro vào năm 1980, hôm nay, 2017, ba dự án cơ sở 1984-1997, 1998-2004 và 2014-2017, đã để lại cho Giáo Xứ Việt Nam Paris một tài khoản là 2.125.515,00€. Riêng năm 2016, số tiền lời là 55.080,00€. Đó là công lao của mọi người, nhưng nhất là của Ban Giám Đốc và Ban Thường Vụ liên hệ. Mong sao mọi người nhận ra công lao và cộng tác nhiều hơn với Ban Giám Đốc và Ban Thường Vụ.

Mong sao mỗi gia đình sẽ tìm mua cho được cuốn sách « LỊCH SỬ BIÊN NIÊN GIÁO XỨ VIỆT NAM PARIS 1787-2017, TẬP 2 : 2014 – 2017, ĐẶC BIỆT VỀ DỰ ÁN CƠ SỞ » này và giữ trong gia đình, lưu truyền lại cho con cháu về sự tận tâm, sự cố gắng đến tột bậc của những thế hê 2014-2017.

Bốn năm 2014, 2015, 2016 và 2017 là 4 năm mà không chỉ những bậc trưởng thành, mà cả những thanh niên trẻ trung đã đóng góp vào giáo xứ nhiều thời giờ, nhiều công sức, nhiều tiền bạc nhất. Chưa bao giờ giáo xứ đã có nhiều buổi họp chung và được nhiều người tham dự và đóng góp nhiều như vậy ! Xin Chúa trả công cho hết mọi người ! Xin mỗi người chúng ta cùng mua sách « LỊCH SỬ BIÊN NIÊN GIÁO XỨ VIỆT NAM PARIS 1787-2017, TẬP 2 : 2014 – 2017, ĐẶC BIỆT VỀ DỰ ÁN CƠ SỞ ».

Paris, ngày 03.09.2017

Trần Văn Cảnh
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Sự thật về đầu tư tại Việt Nam
Hà Minh Thảo
17:21 06/09/2017
Nhờ sự tiếp tay của bọn phản chiến Mỹ, những người bị cộng sản tuyên truyền cùng sự dã man của chúng, xâm lược Bắc Việt đã chiếm được Miền Nam ngày 30.04.1975. Thi hành ngay lời cảnh cáo của cố Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ‘Ðừng tin gì cộng sản nói, hãy nhìn những gì cộng sản làm’. Miệng chúng nói ‘Khoan hồng’, nhưng đã trả thù dã man. Các sĩ quan Quân lực Việt Nam Cộng hòa, công chức Chuyên môn được hứa đi học tập cải tạo một tuần đến một tháng. Nhưng, thật sự, thời gian ‘dây thun’ độc địa đó đã kéo dài đến trên chục năm hay đến chết.

I.- MỘT NỀN KINH TẾ KỲ QUÁI.

Sau khi chiếm Miền Nam, ngày 16.05.1975, Bí thư thứ nhất Đảng Lao động Việt Nam Lê Duẩn đã trực tiếp vào miền này để nắm tình hình, kể cả về tình hình kinh tế. Ông thừa nhận những yếu tố tích cực của kinh tế tư nhân và của thị trường tự do ở vùng này của Ðất Nước. Khi dự cuộc họp trù bị của Hội nghị lần thứ 24 Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam khóa III, ông đã nói: « Ở miền Bắc trước đây phải hợp tác hóa ngay lập tức. Nhưng miền Nam bây giờ không thể làm như vậy... Phải có tư sản, phải cho nó phát triển phần nào đã... Bộ Chính trị sau khi nghiên cứu thấy rằng cần phải để mấy thành phần kinh tế là quy luật cần thiết trong giai đoạn bước đầu này... Xưa nay ở miền Bắc chúng ta có một số sai lầm, là vì chúng ta đã đi sai quy luật. Nếu chúng ta đi sai quy luật mà đưa vào miền Nam thì càng sai lầm’.

Nhưng, đa số Ban chấp hành Trung ương Đảng lúc ấy vẫn muốn ‘cướp’ bằng áp dụng mô hình kinh tế của miền Bắc cho miền Nam. Vì thế, chúng đã quyết nghị: xóa bỏ tư sản mại bản, cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với tư sản dân tộc, thí điểm xây dựng hợp tác xã, cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với thủ công nghiệp và thương nghiệp nhỏ. Kết quả, Đại hội Đại biểu Toàn quốc Đảng được tổ chức vào tháng 12/1976. Chúng quyết nghị đổi tên nước thành Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đổi tên Đảng thành Đảng Cộng sản Việt Nam, khẳng định đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội trên cả nước. Ðó là Nội dung chính của đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội và cái thứ chủ nghĩa mà Tổng Bí thư cộng đảng Nguyễn Phú Trọng nói tiên tri là chưa chắc chúng ta sẽ thấy vào cuối thế kỷ này.

Ðể áp dụng mô hình kinh tế của miền Bắc cho miền Nam, đồng chí Ðỗ Mười, thợ thiến heo, Phó Thủ tướng kiêm nhiệm Trưởng ban Cải tạo Công thương nghiệp xã hội chủ nghĩa, phụ trách vấn đề cải tạo Công thương nghiệp tại miền Nam. Với tài đức như vậy, ông tàn sát đồng bào Miền Nam : doanh nghiệp bị chiếm đoạt phương tiện sản xuất và tài sản, người dân thì bị cướp qua các trò ‘đổi tiền’.

Từng là nhân viên ngân hàng vào thời điểm 30.04.1975, bản thân tôi bị Ngân hàng Thành Hồ đuổi việc, lý do ‘sức khỏe kém’, sau hai lần nghỉ bịnh đúng vào ngày Chúa Nhật mà ngày Ngân hàng Quận 5 tổ chức học tập. Sau đó, vì tìm được một chân kế toán trong một ‘tổ sản xuất’, nên có dịp đi họp tổng kết cấp Quận. Mặt dù vẫn biết ‘không nói láo không phải là cộng sản’, nhưng khi đi họp lần đầu tiên, tôi thấy ch úng cũng biết rút các khuyết điểm rất đúng… Nhưng sau phiên hôp, thời gian cứ trôi qua, không một khuyết điểm nào được khắc phục hay sửa chữa… vì nếu xóa bỏ các khó khăn thì làm sao chúng nhận được hối lộ.

Nền kinh tế Việt Nam xuống thấp nhất khi chỉ số giá bán lẻ của thị trường xã hội năm 1986 tăng 587,2% so với năm 1985. Do đồng tiền mất giá, người ta quay sang lấy vàng làm bản vị, khiến giá vàng tăng vọt, còn nhanh hơn cả tăng giá hàng hóa.

Giai đoạn 1986-2000 gọi là thời kỳ chuyển tiếp của nền kinh tế Việt Nam (transitional economy), từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang vận hành theo cơ chế thị trường, nhưng không là thị trường hoàn toàn tự do mà ‘có sự quản lý, điều khiển bởi nhà nước’, theo chính phủ cộng sản Việt là để nhằm hạn chế những khuyết tật của kinh tế thị trường, để đẻ ra cái gọi là ‘kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa’, chỉ thấy áp dụng tại Tàu cộng. Trong nền kinh tế này, hầu hết những công việc ‘xin-cho’ đều cần ‘thủ tục đầu tiên’ để bôi trơn.

II. DOANH NHÂN TRỊNH VĨNH BÌNH KIỆN NHÀ NƯỚC VIỆT NAM.

A.- Từ ‘Vua chả giò’ trở thành Việt kiều yêu nước.

Oâng Trịnh Vĩnh Bình sinh năm 1947, tại Bạc Liêu. Ðúng vào ngày 30.04.1975, ông có một cửa hàng bán sỉ vải ở Thương xá Châu Hải Thành, quận 6, Sài Gòn. Gia đình ông còn làm thêm nghề nuôi tằm và dệt vải. Năm 1976, ông cùng vợ, 3 con vượt biên và tạm cư tại Songkhla (Thái Lan) và chỉ hơn 4 tháng sau thì gia đình tốt phước được chính phủ Hòa Lan cho đi định cư theo diện tị nạn tại đây.

Lúc đầu, ông có ý định sẽ làm giàu với nghề vải sợi đã từng có nhiều kinh nghiệm từ Việt Nam. Tuy nhiên, sau khi đi khảo sát và phát hiện thị trường vải sợi Âu châu, đầu thập niên 1980, đã xuống dốc trầm trọng. Trái lại, ngành thực phẩm lại có nhiều cơ hội phát triển, nên ông chuyển ý định sang kinh doanh xuất cảng thực phẩm.

Nhập quốc tịch Hòa Lan năm 1985, ông tốt nghiệp bằng Quản trị Kinh doanh năm 1986. Sau đó, ông mở thêm hai tiệm thực phẩm (mini market) và bắt đầu nghiên cứu sản xuất chả giò, món ăn khai vị Việt Nam rất được ưa thích, theo công nghệ tự động. Năm 1989, sau khi xây dựng nhà máy sản xuất chả giò, ông bắt đầu cung cấp mặt hàng này cho các hệ thống siêu thị tại Hòa Lan, Bỉ và Anh quốc. Do đó, ông thủ đắc biệt danh ‘Vua chả giò’ triệu phú tại Hòa Lan.

Ý định về Việt Nam đầu tư xuất phát từ một lần ông đến Tòa đại sứ Việt Nam tại Pháp, vì Việt Nam chưa có Tòa đại sứ quán tại Hòa Lan) để xin chiếu khán về nước thăm gia đình. Khi biết ông có kinh doanh ở Hòa Lan, họ bắt chuyện và tìm cách ‘dụ’ ông về Việt Nam nghiên cứu đầu tư’. Chưa hài lòng là ‘triệu phú mỹ kim’, tháng 2/1990, ông Bình quyết định về ‘khảo sát thị trường’ Việt Nam cộng sản, một nước có ‘một rừng luật, nhưng thích xài luật rừng’. Ðại học Hòa Lan không ngờ ‘chân lý đó’, nên đã không dạy.

Trở lại Quê hương sau 10 năm xa cách, ông Bình thấy rõ ràng: Việt Nam đã thay đổi quá nhiều và quá tệ. Là một người kinh doanh, ông thấy là ông có sự chọn lựa: tiếp tục kinh doanh ở xứ người hay là về đầu tư thử ở Việt Nam. Khi thảo luận với gia đình, các thành viên gia đình chia làm hai phe : ‘rất nguy hiểm’ và ‘có nguy hiểm, nhưng cũng là cơ hội’. Châm ngôn vàng ngọc trong kinh doanh ‘Có gan, làm giàu’. Cuối cùng, ông Trịnh Vĩnh Bình nói với đài VOA: ‘Lá rụng về cội, thâm tâm tôi cũng đã nghĩ một ngày nào đó sẽ về Việt Nam đầu tư’. Sau đó, ông bán cơ sở kinh doanh tại Hòa Lan, tháng 6/1990, ông bắt đầu chuyển những đồng mỹ kim đầu tiên trong số 2.328.250 mỹ kim và 96 ký vàng, với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Việt Nam tại Hòa Lan, Tổng cục hải quan Việt Nam và Hải quan sân bay Tân Sơn Nhất.

B.- Doanh nhân thành công vượt bực.

Sau khi về đến Quê hương, nhà đầu tư ‘yêu nước’ nhìn thấy bao nhiêu cơ hội để kinh doanh và kiếm tiền. Đặt chân tới ‘thành phố mang tên Bác’, ông nhận thấy ngay thành phố từng là ‘Hòn ngọc Viễn Đông’ này rất thiếu khách sạn, nhất là khách sạn cao cấp dành cho khách phương xa. Về đến Hậu Giang, với kinh nghiệm làm thủy sản và xuất cảng, nhà đầu tư Hòa Lan thuê một xí nghiệp đông lạnh và thu mua thủy sản về gia công xuất cảng. Tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, ông Bình mua lại xí nghiệp Liên doanh Nuôi trồng Thủy sản ở Phước Cơ. Chỉ trong vòng hai năm (1993 – 1995), sản lượng xí nghiệp từ 80-100 tấn/năm đã tăng lên thành 1.500 tấn/năm, trong khi tổng sản lượng cả tỉnh này lúc đó chỉ 6.675 tấn (năm 1995). Những năm từ 1987 đến 1996, ông đã mua hơn 284 ha đất, 2 cơ sở sản xuất và 11 căn nhà ở Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai và Thành phố Hồ Chí Minh, nâng số tài sản đầu tư lên gấp gần 8 lần số vốn, tổng số khoảng 30 triệu mỹ kim.

C.- Hình sự hóa các quan hệ kinh tế.

Ông Trịnh Vĩnh Bình kinh doanh trên nhiều lãnh vực, nhưng chiến lược nhất, nguy khốn nhất có lẽ là lãnh vực đất đai vì ‘Ðất đai thuộc về toàn dân, do nhà nước quản lý’. Ông đã mua nhiều mặt bằng sát nơi được quy hoạch sau này xây phi trường Long Thành, để làm trụ sở công ty và xây nhà kho. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, Chính phủ Việt Nam chưa cho phép Việt kiều mua nhà đất, do đó, ông Bình đã phải nhờ người thân sống ở trong nước đứng tên giúp. Việc đứng tên hộ được xác nhận qua giấy ủy quyền và giấy giới thiệu có chứng nhận của Lãnh sự quán Việt Nam tại Pháp. Thế nhưng trong một nước cộng sản, ‘Lãnh sự quán Việt Nam tại Pháp’ không có quyền hành nào ở Bà Rịa-Vũng Tàu, do đó, công an địa phương đã dựng lên vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam ông Bình về tội ‘vi phạm các quy định về quản lý và bảo vệ đất đai’ và tội ‘đưa hối lộ’. Bây giờ, nhà đầu tư yêu nước mới biết trò hề ‘Hình sự hĩa các quan hệ kinh tế’ để hợp pháp cướp tài sản của ông và tự kết luận là mình ‘ngu’. Từ đây, con đường lao lý bắt đầu mở ra, đưa đến ‘vụ án Trịnh Vĩnh Bình’ mà việc giải quyết phải ‘theo ý kiến chỉ đạo và báo cáo kết quả với Thường vụ Bộ Chính trị’.

Năm 1996, phát sinh từ chuyện trong công ty, những người làm trong đó, có cả người trong gia đình ông, đã ăn cắp một số tiền khá lớn, mấy trăm ngàn mỹ kim. Câu chuyện đổ bể, Ban giám đốc cũ bị sa thải. Ban giám đốc mới Công ty Bình Châu muốn đem vụ việc giải quyết rõ ràng nên trình báo công an.

Nhóm bị sa thải gồm 3 người, trong đó có người ông Bình đã nhờ đứng tên doanh nghiệp và tài sản. Sau đó, lo sợ bị bắt và phải trả lại tiền, nhóm này đút lót cho phía an ninh để tìm sự che chở bằng chụp mũ ông đầu tiên về tội trốn thuế để bắt ông.

Khi công an đến khám xét và tịch thu đồ đạc trong Công ty, ông đang ở Hòa Lan và được luật sư khuyên ‘Đừng về, bên an ninh đang chờ bắt anh’. Nhưng ông tin ‘đâu có làm gì sai đâu mà sợ’ và vẫn về. Thiếu tá Ngô Chí Đan mời tôi lên văn phòng. Vì ở Hòa Lan làm ăn theo kiểu minh bạch, không biết đút lót. Nếu lúc đó mà tôi biết đưa cho họ một số tiền, đưa cho họ một bì thư lớn thì họ đã dẹp vụ này rồi. Nhưng tôi không biết’. Rất tiếc, làm ăn với Việt côäng mà ông Bình đã không biết ‘thủ tục đầu tiên’ (tức ‘tiền đâu’, theo nói lái) để bôi trơn ‘áp phe’ như các nhà đầu tư khác, nhất là Việt kiều và để tránh việc ‘Hình sự hóa các quan hệ kinh tế’ thật khủng khiếp.

Sau này, ông mới biết Ngô Chí Đan và anh rể là Phạm Văn Phương (còn được gọi là ‘Phương Xoăn’), tham gia đến nhiều vụ khác trong những năm 2003 và 2004. Báo chí tường thuật lời khai của các nhân chứng, bị can, bị hại… trong vụ án Phương Vicarrent cho biết thế lực của bọn này lớn đến nỗi có thể thay cả Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, khiến hầu hết doanh nghiệp, kể cả nhiều quan chức địa phương, đều phải khiếp sợ và tự động nộp tiền để được yên thân, theo báo Người Lao Động ngày 09.04.2004.

Ngày 05.12.1996, ông Trịnh Vĩnh Bình chính thức bị bắt với cáo buộc tội ‘trốn thuế’. Nhưng, sau đó, được chuyển nhanh thành ‘vi phạm các quy định về quản lý đất đai’ và tội ‘hối lộ’ vì thiếu căn cứ. Sau khi cơ quan chức năng đọc lệnh bắt, ông phản đối ‘Tôi vô tội’ và yêu cầu thông báo vụ việc cho Đại sứ quán Hòa Lan. Ông bị tạm giam hơn 18 tháng trước khi được đưa ra xét xử.

Ông cho biết ông không được phép tự ý chọn luật sư, mà chúng đã chỉ định luật sư cho ông và buộc ông phải trả 50 triệu đồng cho luật sư này. ÔÂng Bình cho biết rằng điều kiện giam giữ khắc nghiệt trong thời gian này đã khiến ông suy sụp hoàn toàn và từng nghĩ đến chuyện tự tử.

Trong cuộc họp ngày 03.05.1998 tại trụ sở Tổng cục I-Bộ Nội vụ TP.HCM của Ban chỉ đạo liên ngành bao gồm Bộ Nội vụ và các cấp Tòa án Nhân dân đưa ra cáo trạng : « Hoạt động của ông Trịnh Vĩnh Bình từ năm 1990 đến khi bị bắt là vi phạm pháp luật Việt Nam rất nghiêm trọng và việc xử lý ông đúng pháp luật vừa đảm bảo được sự nghiêm minh của pháp luật, vừa bảo vệ chủ quyền Việt Nam và giải quyết được vấn đề đối ngoại ». Văn bản ghi rõ ‘hành vi phạm tội cụ thể của Bình là: « Vi phạm các quy định về quản lý và bảo vệ đất đai (điều 180 BLHS) và tội hối lộ cho Nguyễn Văn Huề 100 triệu đồng thông qua trung gian là các tên Thanh và Luyện (điều 227 BLH) ».{BLHS = Bộ Luật Hình sự}.

D. Bản án tuyên cho một cựu tị nạn ham làm ăn với cộng sản.

Thời các quốc gia Ðông Âu còn nằm dưới sự cai trị độc tài của các đảng cộng sản, người dân tị nạn của những nước này tại các quốc gia tạm dung đã không về nước họ chỉ để du lịch, chứ nói chi đến việc đầu tư làm ăn. Báo chí tại các nước nhận người tị nạn Việt Nam đã từng kể những trường hợp mà họ cho là dối trá (mensonge). Thật vậy, bao nhiêu người đã lên tiếng cho là Việt cộng tàn ác với gia đình họ (một sự thật) để xin tị nạn tại các nước tạm gọi là tự do, nhất là Hoa kỳ. {Cố Tổng thống Ngô Ðình Diệm, trước khi bị đảo chính, đã tâm sự ‘nếu ông không còn, lính Mỹ sẽ vào Miền Nam và khi thua trận, chúng (những kẻ làm đảo chính) sẽ bỏ nước chạy theo Mỹ.}. Thế rồi, sau vài năm nhận trợ cấp, tiền đóng thuế của người Mỹ, một thiểu số trong họ đã ‘áo gấm về làng’ coi mình là Việt kiều (một danh xưng sai) để lường gạt tình lẫn tiền đồng bào nghèo khổ. Nhiều người trong chúng, bao gồm những kẻ khoa bảng, được nhà nước mời về nước ‘du hí’ bằng tiền ngân sách.

Ngày 11.12.1998, Tòa án Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tuyên án 13 năm tù đối với ông Trịnh Vĩnh Bình về tội vị phạm các quy định về quản lý và bảo vệ đất đai và tội đưa hối lộ, phạt 400 triệu đồng, tịch thu tài sản được cho là ‘sang nhượng bất hợp pháp’.

Luật sư Lê Mai Anh, nguyên cán bộ Viện Kiểm sát Tối cao, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Đảng Hội Luật gia, sau khi xem hồ sơ vụ án, nhận định ‘hồ sơ không có chứng cớ cụ thể, chính xác’, chỉ dựa chủ yếu vào lời cung của các nhân chứng: « Toà óông Trịnh Vĩnh Bình cũng gây nhiều tranh cãi trong dư luận vào thời điểm đó.

Ông Lê Mai Anh khẳng định với VOA rằng vụ án Trịnh Vĩnh Bình không có chứng cứ rõ ràng : « Không thể làm ăn vô lý như thế được. Anh phải có chứng cứ cụ thể, chính xác, khoa học. Anh đặt [mình] vào địa vị người ta về nước như thế, đóng góp cho anh tiền và mua bán chính đáng như vậy, mua những đồ không làm được của các anh, người ta cải tạo lại, bổ sung để làm ăn, thuế má người ta đóng đầy đủ, thậm chí người ta làm từ thiện rất tích cực, thì tại sao các anh lại làm ăn quá đáng như thế?». Sau khi trình bày ý kiến, ông cho biết cấp trên khuyên ông rằng ‘họ có quyền’ và ‘cấp trên đã có ý kiến như thế rồi thì thôi’ nhưng ông Anh nói : « Tôi có thể ‘thôi’ theo quan điểm của tổ chức, nhưng cá nhân tôi vẫn giữ quan điểm của tôi ».

Cựu Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm khẳng định ‘vụ việc không chỉ liên quan đến các cơ quan chức năng ở Vũng Tàu, mà còn liên quan đến một số cơ quan trung ương khác. Đặc biệt hồi đó, theo anh em báo cáo lại, liên quan đến cả một số bộ phận bên an ninh’. Cái hay của chế độ công an trị là các cơ quan an ninh ‘được’ điều khiển bởi những đảng viên tham nhũng và phạm luật. Do ‘nội vụ phức tạp’ của vụ án, tất cả những nỗ lực giải quyết êm thắm vụ việc đều như ‘đánh vào bị bông’, như nhận xét của Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng, Đại sứ Việt cộng tại Hòa Lan.

[Trong một xã hội nhiễu loạn như tại Việt Nam XHCN, nơi lạm phát Tiến sĩ giả và thật. Họ là những tiến sĩ ‘hồng hơn chuyên’ thành ra họ có bằng thật nhưng chuyên môn thì không đáng tin cậy lắm. Một tiến sĩ kinh tế vô cùng nổi tiếng và đang được Liên hiệp quốc trọng dụng, dù đã quá tuổi về hưu. Thời Võ Văn Kiệt làm Thủ tướng, vị tiến sĩ này có trao đổi với ông Lý Quang Diệu, Thủ tướng Tân Gia Ba, người mà thời Tổng thống Ngô Ðình Diệm, ước ao muốn nước mình được như Việt Nam Cộng hòa lúc đó. Nhưng, thật đáng tiếc, nền kinh tế Việt Nam, hiện nay, chỉ lo ‘kéo cày’ để trả tiền lời nợ công ngày càng gia tăng. Trong trường hợp bạn trẻ Nguyễn Phương Uyên bị cấm học Ðại học, các tiến sĩ ‘đỏ’ đã im tiếng. Trong vụ Trịnh Vĩnh Bình, Nguyễn Mạnh Cầm và Đinh Hoàng Thắng chỉ là những nhà ngoại giao bất tài trước bọn công an tham nhũng trước mắt ông Joris Voorhoeve, Tổng trưởng Quốc phòng Hòa Lan.]

Báo Pháp Luật TP.Hồ Chí Minh, ngày 29.12.1998 đặt câu hỏi: Bản án Trịnh Vĩnh Bình – ‘Liệu có phù hợp với chủ trương khuyến khích Việt kiều về nước đầu tư?’. Trong mục ‘Đầu tư chui cũng không có tội’, bài báo khẳng định tình trạng phổ biến ‘có hàng ngàn nhà đầu tư nước ngoài đang đầu tư chui’ tại Việt Nam vào lúc này và ‘Nếu việc này là sai trái thì liệu có đến mức xử lý hình sự không?’. Bài báo ghi nhận vào thời điểm xử vụ án, việc đầu tư chui này đã được ‘hợp pháp hóa’ bởi Quyết định 767/TTg do Thủ tướng Việt Nam ban hành ngày 17.09.1997.

Ð. Nhờ tòa quốc tế phân xử.

Vì tất cả những nỗ lực can thiệp từ cả phía Chính phủ Hòa Lan và các giới chức cấp cao Việt Nam đều thất bại, ông Trịnh Vĩnh Bình quyết định đưa vụ án ra Trung tâm Trọng tài Quốc tế tại Stockholm (Thụy Ðiển). Tháng 10/2003, ông Bình nhờ tổ hợp luật sư nổi tiếng Mỹ, Covington& Burlington, đứng ra kiện Chính phủ Việt Nam trước Tòa trọng tài Quốc tế. Chính phủ Việt Nam thuê một tổ hợp luật sư nổi tiếng Pháp, Glyde Loyrette Rouel, đại diện. Ông Bình đòi Chính phủ Việt Nam bồi thường 100 triệu mỹ kim vì không tôn trọng các cam kết trong Hợp đồng Kinh doanh.

Trong thư gửi cho Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Văn Hiện, Luật sư của Covington & Burlington cho biết họ « xác định được rất nhiều quyền lợi của ông Trịnh Vĩnh Bình, nhà đầu tư vào Việt Nam, bị vi phạm nghiêm trọng. Ông đã bị tước đoạt quyền được ‘đối xử bình đẳng và công bằng’ theo điều khoản 3 của Hiệp ước quy định ». Trước khi diễn ra phiên xử đầu tiên vào ngày 04.12.2006, Việt Nam cộng sản đã gửi nhiều đoàn đàm phán đến làm việc với ông Bình. Theo ông này thì Thủ tướng Phan Văn Khải muốn làm một bộ Luật hoàn chỉnh. Ngoài việc viết thư cho ông Lê Minh Hương, Bộ trưởng Công an, ông Khải cũng đã thấy vụ này sai, nên đã cử một người làm con thoi cố gắng thương lượng vụ này. Sau nhiều lần đàm phán, ông Bình cho biết hai bên đã đạt được một ‘Thỏa thuận ngoài tòa’ vào tháng 11/2006 và họ ghi rõ ‘Chính phủ Việt Nam cam kết’ trên văn bản đàng hoàng nên ông Bình đinh ninh rằng họ sẽ giải quyết cho ông và nghĩ thôi thì phải cố gắng để gầy dựng lại. Thỏa thuận được ký kết tại Singapore vào tháng 11/2006, bao gồm 3 điều khoản :

Điều 1: Ông Trịnh Vĩnh Bình cam kết chấm dứt hoàn toàn vụ kiện tại Tòa trọng tài ở Stockholm và sẽ không có phiên tòa đã được ấn định trước đó.

Điều 2: Phía Chính phủ Việt Nam hỗ trợ cho ông Bình 15 triệu mỹ kim; miễn thi hành án tù và tạo điều kiện cho ông Trịnh Vĩnh Bình về nước thực hiện các dự án đầu tư. Khi ông Bình có đơn kiến nghị, Chính phủ Việt Nam xem xét trả lại những tài sản ‘hợp lý’ của ông Bình.

Điều 3: Chính phủ Việt Nam bảo đảm quyền cư trú, đi lại và làm ăn cho ông Trịnh Vĩnh Bình.

(Còn tiếp)

Hà Minh Thảo
 
Chỗ đứng nào cho Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam ?
Phạm Trần
21:11 06/09/2017
Trong một bài viết trên báo Gíao dục Việt Nam (GDVN) ngày 31/08/2017, Nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ Cộng sản Việt Nam (CSVN), Tiến sĩ Trần Công Trục viết rằng:”Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam là chính phủ hợp pháp được ra đời từ thắng lợi của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng nhân dân Cách mạnh niền Nam Việt Nam và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.

Thắng lợi của đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân miền Nam Việt Nam là đã lật đổ chính thể Việt Nam Cộng hòa, và lập ra một cách hợp pháp Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

Tính chính danh của chính thể Việt Nam Cộng hòa về mặt đối nội và đối ngoại đã bị xóa bỏ hoàn toàn ngay sau khi Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh đọc tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, ngày 30/4/1975.”

Nhưng điều được gọi là “thắng lợi” ấy từ đâu mà có ? Chính phủ và quân độị của nhà nước Cộng sản đội lốt “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” ở miền Bắc đã đóng vai trò gì trong “thắng lợi” này. Và liệu tổ chức gọi là “Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam” và “Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam” có thể làm nên cơm cháo gì nếu không có quân miền Bắc xâm lược miền Nam ?

Vì vậy nếu chỉ nói mà không nói cho hết ngọn nguồn của những Tổ chức hữu danh vô thực như : Đảng nhân dân Cách mạnh niền Nam Việt Nam; Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (và) Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam thì lịch sử sẽ thành ngụy sử.

THẾ NÀO LÀ BÙ NHÌN, TAY SAI ?

Vậy trước hết hãy thử tìm hiểu thế nào là bù nhìn, là tay sai ?

Ta hãy cùng nghe ông Phó Giáo sư Tiến sĩ Trần Đức Cường, nguyên Viện trưởng Viện sử học, hiện là Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, đồng thời là tổng chủ biên bộ sách Lịch sử Việt Nam mới phát hành ngày 18-8-2017, giải thích tại sao “các nhà sử học “ của đảng CSVN đã “thống nhất bỏ tên gọi ngụy quyền đối với chế độ Việt Nam Cộng Hòa”

Ông nói:”Bản chất chính quyền Sài Gòn và quân đội Sài Gòn theo chúng tôi không có gì thay đổi cả. Đấy là một chính quyền được dựng lên từ đô la và vũ khí, thực hiện chiến lược toàn cầu của Mỹ, ngăn chặn chủ nghĩa Cộng Sản lan xuống vùng Đông Nam Á, đồng thời chia cắt đất nước Việt Nam một cách lâu dài, biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của Mỹ. Điều đó không có gì nghi ngờ cả".

"Thứ hai, quân đội Sài Gòn thực chất được Mỹ trang bị hoàn toàn và quan trọng hơn là thực hiện mưu đồ của Mỹ. Đó cũng là một đội quân đi đánh thuê. Thực chất các nhà sử học không có một đánh giá nào khác so với thời gian trước đây".

"Nhưng về cách gọi, chúng tôi nghĩ rằng trong một văn bản khoa học, mình gọi trung tính vẫn hơn là ngụy quân, ngụy quyền. Bởi vì cách gọi này mang tính biểu cảm, miệt thị cho nên chúng tôi gọi là quân đội Sài Gòn và chính quyền Sài Gòn". (Lan Hương, RFA, 21/08/2017)

Lời nói sặc mùi kỳ thị, chủ quan và xuyên tạc của ông Cường đã lột mặt gỉa tạo được gọi là “trung tính” khi bỏ lối gọi xách mé, thù hận và mặc cảm “ngụy quân, ngụy quyền” bằng “quân đội Sài Gòn và chính quyền Sài Gòn”.

Ông Cường cũng đã trắng trợn xuyên tạc vì Mỹ không biến miền Nam thành một “thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của Mỹ”.

Và Quân đội Việt Nam Cộng hòa chưa hề là “một đội quân đi đánh thuê” cho bất cứ ai. Có chăng là khi VNCH bị miền Bắc xâm lược thì được Hoa Kỳ và các nước Đồng mình giúp để chiến đấu tự vệ chống lại cuộc xâm lăng không thể chối cãi được của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Nếu vẫn còn nghi ngờ thì ông Phó Giáo sư Tiến sĩ Trần Đức Cường và các nhà viết sử Cộng sản hãy đến khấn vái trước di ảnh nguyên Tổng Bí thư Lê Duẩn để nghe ông nói:”Ta đánh Mỹ là đánh cả cho Liên Xô, đánh cho Trung Quốc, cho các nước xã hội chủ nghĩa và cho cả nhân loại, đánh cho cả bọn xét lại đang đâm vào lưng ta.” (Vũ Thư Hiên, Đêm giữa ban ngày, Nhà xuất bản. Văn Nghệ, 1997, tr. 422)

Như vậy thì lịch sử đã nói rõ “ai là kẻ đánh thuê”, phải không ?

Tại sao như thế ? Bởi vì tất cả những tổ chức mang tên “miền Nam Việt Nam” không hòan toàn do người miền Nam chủ động mà lại do những người Cộng sản nằm trong đảng Lao Động Việt Nam (Cộng sản) , công khai thành lập và chỉ huy.

Tên gọi đảng Lao Động Việt Nam, được sử dụng từ tháng 2 năm 1951 tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II ở Tuyên Quang, vì nhu cầu chính trị để sửa sai những lỗi lầm khi còn mang tên Cộng sản Việt Nam do Hồ Chí Minh thành lập ngày 3 tháng 2 năm 1930.

Sau đó tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV, được tổ chức vào năm 1976 sau khi chấm dứt Chiến tranh , tên Đảng lại được đổi lại thành Đảng Cộng sản Việt Nam.

NGUÔN GỐC KHUẤY PHÁ TRONG NAM

Để chứng minh cho tham vọng gây chiến, phá hoại Việt Nam Cộng hòa của ông Hồ và đảng CSVN, tài liệu Bách kha toàn thư mở viết:”Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III được tổ chức tại Hà Nội vào năm 1960 chính thức hóa công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa tại miền Bắc, tức Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lúc đó và đồng thời tiến hành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân tại miền Nam. Tại miền Nam, đảng bộ Miền Nam năm 1962 công khai lấy tên Đảng Nhân dân cách mạng Miền Nam, là thành viên và lãnh đạo Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam , tuyên truyền chủ nghĩa Marx - Lenin (thành phần Mặt trận còn có Đảng Dân chủ, và Đảng Xã hội cấp tiến và các tổ chức,... do những người cộng sản chủ trương thành lập).”

Nghị quyết của Đại hội III của Đảng Lao động Việt Nam,từ ngày 5 - 10/9/1960 đã viết :”Cách mạng Việt Nam trong giai đoạn hiện tại có hai nhiệm vụ chiến lược:

“Một là, tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc.

Hai là, giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc Mỹ và bọn tay sai, thực hiện thống nhất nước nhà, hoàn thành độc lập và dân chủ trong cả nước.

Hai nhiệm vụ chiến lược ấy có quan hệ mật thiết với nhau và có tác dụng thúc đẩy lẫn nhau.

Đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội là một nhiệm vụ tất yếu sau khi đã hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội, làm cho miền Bắc được ngày càng vững mạnh về mọi mặt thì càng có lợi cho cách mạng giải phóng miền Nam, cho sự phát triển của cách mạng trong cả nước, cho việc gìn giữ và củng cố hòa bình ở Đông Dương, Đông - Nam á và thế giới.

Vì vậy, tiến hành cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc là nhiệm vụ quyết định nhất đối với sự phát triển của toàn bộ cách mạng Việt Nam, đối với sự nghiệp thống nhất nước nhà. Cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc tiến hành trong khi ở miền Nam phải ra sức tập hợp mọi lực lượng dân tộc và dân chủ, mở rộng và củng cố khối đoàn kết dân tộc, cô lập đế quốc Mỹ và bọn tay sai của chúng, thúc đẩy sự nghiệp đấu tranh củng cố hòa bình, thống nhất Tổ quốc. Vì vậy phương châm tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc là: xây dựng miền Bắc, chiếu cố miền Nam.”

Sau Đại hội đảng III, theo tài liệu Bách khoa toàn thư mở thì:”

Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam được chính thức thành lập vào ngày 20 tháng 12 năm 1960 tại xã Tân Lập, huyện Châu Thành (nay là Tân Biên) trong vùng căn cứ của mình ở tỉnh Tây Ninh, với thành phần chủ chốt là lực lượng Việt Minh (Việt Nam độc lập đồng minh (tên chính thức trong nghị quyết Hội nghị lần thứ VIII Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương ) hoạt động bí mật ở miền Nam. Lãnh đạo ban đầu là Võ Chí Công, Phùng Văn Cung, Huỳnh Tấn Phát. Huỳnh Tấn Phát giữ chức vụ Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban Trung ương.”

Sau đó, tại tại Đại hội lần thứ nhất khai mạc ngày 16 tháng 2 năm 1962 tại Tân Biên (Tây Ninh) chính thức bầu Nguyễn Hữu Thọ làm Chủ tịch.

Tuy nhiên ai cũng biết Tổ chức này được thành lập dưới sự hậu thuẫn của chính phủ và quân đội Cộng sản Việt Nam.

Vì vậy, các tài liệu phổ biến trên Internet đã viết:”Mặt trận đặt dưới sự lãnh đạo của Bộ Chính trị Đảng Lao động Việt Nam và Trung ương Cục miền Nam. Những người Cộng sản miền Nam hoạt động dưới danh nghĩa Đảng Nhân dân cách mạng Việt Nam, hoạt động công khai và là thành viên tham gia Mặt trận. Trung ương Cục Miền Nam là tổ chức đại diện Đảng Lao động trong Nam, hoạt động bí mật (đến 1969 công khai), thời kỳ chiến tranh không công khai về vai trò chỉ đạo (trong khi Đảng Nhân dân Cách mạng là đảng hoạt động công khai), trực tiếp chỉ đạo hay phối hợp với Trung ương Mặt trận - Chính phủ, với Ban dân vận Trung ương Cục (phụ trách dân vận - mặt trận - chính quyền) là cầu nối. Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đặt đại diện tại căn cứ địa của Mặt trận (và Chính phủ cách mạng sau này), và Mặt trận (Chính phủ cách mạng lâm thời) đặt đại diện tại Hà Nội.”

Tài liệu viết tiếp:”Từ ngày 6 đến ngày 8 tháng 6 năm 1969, Đại hội Đại biểu Quốc dân miền Nam Việt Nam, mà Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam là nòng cốt, cùng với Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam do Luật sư Trịnh Đình Thảo làm chủ tịch, đã bầu ra Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam do kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát làm Chủ tịch, và Hội đồng Cố vấn Chính phủ do Luật sư Nguyễn Hữu Thọ làm Chủ tịch.”

Vậy cái chính phủ này quan hệ với miền Bắc như thế nào ?

Bách khoa toàn thư mở viết:”Trong quan hệ với Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Cộng hòa Miền Nam Việt Nam khẳng định chủ quyền ở miền nam Việt Nam, nhưng không từ chối các tuyên bố về chủ quyền cả nước của Việt Nam Dân chủ cộng hòa (tình trạng một quốc gia nhiều nhà nước-mô hình liên bang). Hai miền lập đại diện. Về phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, công nhận Cộng hòa Miền Nam Việt Nam là chính quyền hợp pháp ở Miền Nam Việt Nam, do đó các văn kiện của nhà nước này có lúc khẳng định có hai chính thể độc lập nhau, nhưng có lúc vẫn khẳng định Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là của cả nước, Cộng hòa Miền Nam Việt Nam có chủ quyền tại Miền Nam.”

Tài liệu cũng viết rõ:”Ngày nay Nhà nước Việt Nam khẳng định Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, cũng như các mặt trận trước đó và sau này là các tổ chức chính trị - xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, thực hiện các nhiệm vụ đoàn kết toàn dân dưới lá cờ của Đảng Cộng sản Việt Nam để đạt mục tiêu chính trị do Đảng đề ra.”

Về những nhân vật Mặt trận GPMN được miền Bắc dựng lên, đáng kể hơn là là Luật sư Nguyễn Hữu Thọ (1910-1996), Chủ tịch Mặt trận Giải phóng miền Nam. Trước khi qua đời, ông được đảng CSVN cho giữ chức Phó Chủ tịch nước rồi Chủ tịch Quốc hội.

Người thứ hai là Kỹ sư Huỳnh Tấn Phát (1913-1989), nguyên Chủ tịch Chính phủ gọi là Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã được bí mật kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương ngày 5 tháng 3 năm 1945.

Người thứ ba là bà nguyên Bộ trưởng Ngọai giao của Chính phủ Việt Cộng Nguyễn Thị Bình (sinh năm 1927), được kết nạp Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1948 vì vậy bà được trao Huy chương 70 năm tuổi đàng ngày 31/08/2017.

Ngoài ba nhân vật chóp bu này, nhiều trí thức miền Nam theo Việt Cộng đã quay ra chống đảng CSVN sau khi chiến tranh kết thúc. Nổi bật nhất là Luật sư Trương Như Tảng , nguyên Bộ trưởng Tư pháp trong Chính phủ Huỳnh Tấn Phát.

Nhưng về sau, ông Tảng (sinh ngày 19/05/1923) công khai bất đồng với Chính quyền Cộng sản vì không thi hành chính sách hòa giải hòa hợp dân tộc sau 1975.

Ngày 25 tháng 8 năm 1978, Trương Như Tảng xuống thuyền vượt biển và hơn một tuần sau thì được một tàu hàng Singapore chở tới đảo Galang, thuộc Indonesia. Sau này ông sinh sống ở Pháp.

Trong hồi ký viết bằng tiếng Pháp, Mémoire d'un Vietcong (Hồi ký của một Việt Cộng), ông đã tố cáo chính sách cai tri hà khắc của đảng CSVN đối với “những người miền Nam thua trận”.

Người thứ hai phải kể là cựu chiến binh Nguyễn Hộ (1916-2009) trong Mặt trận Giải phóng miền Nam.

Theo Bách khoa Tòan thư mở thì:”Ông là một trong số lãnh đạo hàng đầu của “Câu lạc bộ Những người Kháng chiến cũ” cùng với các ông La Văn Lâm, Đỗ Trung Hiếu, Trần Văn Giàu, Trần Bạch Đằng, Tạ Bá Tòng và thượng tướng Trần Nam Trung. Tờ báo Truyền thống Kháng chiến của nhóm này ra mắt số đầu tiên vào tháng 9 năm 1988 nhưng sau đó vì quan điểm bị cho là chỉ trích chính quyền nên báo buộc phải đình bản. Tổ chức này năm 1989 cũng bị chính quyền giải tán.

Bất bình, ông từ bỏ Đảng năm 1991 sau hơn 53 năm trong đảng. Sau đó ông bị bắt và quản thúc tại gia vì tội "chống Đảng".

Từ đó ông càng phản đối mãnh liệt hơn qua những văn bản như bài luận "Giải pháp Hòa hợp Hòa giải" và cuốn sách “Quan điểm và cuộc sống”. Sách của ông kêu gọi Đảng Cộng sản Việt Nam hãy từ bỏ Chủ nghĩa Marx-Lenin. Cũng vì quan điểm của ông mà ông bị nhà chức trách bắt lần thứ hai năm 1994. Theo ông Việt Nam ở thời điểm năm 2008 chỉ có độc lập chứ không có tự do.”

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) đã trao ông giải thưởng Hammett-Hellman (Giải Tự do Phát biểu).

Ông mất ngày 2 tháng 7 năm 2009, thọ 93 tuổi.

Cũng không nên quên, khi giao chiến ở miền Nam, các đơn vị quân miền Bắc đều treo cờ Mặt Trận Giái Phóng miền Nam ở những vùng đất tạm chiếm để tuyên truyền bịp bợm, hay trên cây ăng ten của xe Tăng để diễu hành phô trương. Tiêu biểu cho hình ảnh này là chiếc xe tăng của quân đội miền Bắc húc đổ cổng Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975.

Như vậy rõ ràng những gì mà sách báo của nhà nước CSVN viết về Tổ chức MTGPMN, hay Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (CMLTCHMNVN) cũng cần phải “giảo nghiệm” xem chúng đã phản ảnh được bao nhiêu phần trăm “bù nhìn” và “tay sai” cho đảng và quân đội CSVN.

Nếu cứ nhắm mắt nói bừa cho cái chính danh gỉa tạo thì lịch sử sẽ thành “nát sử”. -/-

Phạm Trần

(09/017)
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Giải đáp phụng vụ: Giờ Kinh Sáng và Kinh Lạy Cha
Nguyễn Trọng Đa
07:54 06/09/2017
Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Trong giờ Kinh Sáng, giờ Kinh Sách, sau ba bài Thánh Vịnh (thánh vịnh và điệp ca) là đến bài đọc vắn. Liệu người ta có phải bắt đầu đọc với câu như trước các bài đọc Thánh lễ: “Bài trích sách [tên cuốn sách Kinh Thánh]", hoặc người ta đọc ngay bài mà không đọc: "Bài trích sách..." không? Thứ hai, khi kết thúc bài đọc, liệu người ta phải đọc "Đó là Lời Chúa" và sau đó đọc xướng đáp, hoặc người ta đọc ngay xướng đáp mà không đọc "Đó là Lời Chúa" không? Ngoài ra, khi đọc giờ Kinh trưa, liệu người ta đọc Kinh Lạy Cha sau các Thánh vịnh và bài đọc vắn, hoặc không đọc, vì trong cấu trúc cùa giờ Kinh trưa không nói gì đến Kinh Lạy Cha chăng? - J. V., Giáo phận Poona, Ấn Độ.


Đáp: Tập tục của các bài đọc vắn trong giờ kinh là rằng chúng được đọc hoặc hát, mà không có dẫn nhập hay kết thúc nào cả. Do đó người đọc hoặc ca viên đi đến giảng đài (hoặc thậm chí từ nơi người ấy đang đứng trong nhà nguyện), và chỉ đơn giản là hát hay đọc bài đọc vắn. Khi người ấy đọc xong, mọi người giữ một chút thinh lặng hay nghe một bài giảng, và sau đó đọc xướng đáp.

Kinh Lạy Cha chỉ đọc trong giờ Kinh Sáng, Kinh Chiều, và trong Thánh lễ, như thế mỗi ngày có ba lần đọc Kinh Lạy Cha trong phụng vụ. Không đọc Kinh Lạy Cha trong các giờ Kinh khác.

Về các vấn đề này, Văn kiện trình bày và quy định Các Giờ Kinh Phụng vụ nói:

"45. Bài đọc vắn được chọn theo ngày trong tuần, theo mùa hay theo ngày lễ. Phải đọc và nghe bài này như đích thực là một bản công bố Lời Chúa. Bài đó nhấn mạnh đến vài ý tưởng của Kinh Thánh, và làm sáng tỏ một vài lời vắn tắt, mà nhiều khi nghe đọc trong những bài dài liên tục người ta không để ý mấy. Bài đọc vắn này thay đổi mỗi ngày theo chu kỳ các thánh vịnh.

"46. Tuy nhiên, tùy ý chủ tọa và nhất là khi có giáo dân tham dự, có thể chọn một bài Sách Thánh dài hơn, lấy trong Kinh Sách hoặc các bài đọc trong lễ, đặc biệt các bài vì lý do riêng không đọc được hôm đó. Cũng được phép thỉnh thoảng chọn một bài đọc khác thích hợp hơn, nhưng phải lưu ý điều nói trong các số 248-249 và 251.

"52. Sau khi đọc những lời cầu, mọi người đọc Kinh Lạy Cha.

"Các bài đọc vắn

"156. Các bài đọc vắn (capitula) cũng có tầm quan trọng trong Các Giờ Kinh Phụng Vụ, như đã nói ở trên, số 45. Vì thế, đã chọn những bài này để trình bày một ý tưởng hay nhắn nhủ đôi lời một cách vắn tắt rõ ràng. Ngoài ra, người ta cũng đã liệu sao cho có sự thay đổi.

"157. Vì thế, đã soạn các bài đọc vắn cho bốn tuần lễ mùa Thường Niên, rồi điền vào phần Thánh Vịnh, để mỗi ngày trong bốn tuần đều có bài đọc thay đổi. Mùa Vọng, Mùa Giáng sinh, Mùa Chay và Mùa Phục Sinh đều có các loạt bài riêng cho mỗi tuần. Những ngày lễ trọng, lễ kính và một số lễ nhớ cũng có những bài đọc riêng. Các ngày trong tuần vào giờ Kinh Tối cũng vậy.

"158. Khi chọn các bài đọc vắn, đã căn cứ vào những điểm sau đây:

"a) theo truyền thống, không lấy trong Tin Mừng;

"b) hết sức giữ các đặc tính của ngày Chúa Nhật, hay cả ngày thứ sáu, cũng như chính các giờ kinh;

"c) vì các bài đọc vắn thuộc Kinh Chiều đặt ngay sau Thánh ca Tân Ước, nên đã chỉ lựa chọn trong Tân Ước mà thôi.

"Kinh Lạy Cha

"194. Kinh Sáng, Kinh Chiều là những giờ có tính cách đại chúng hơn, nên sau các lời cầu bầu có đọc Kinh Lạy Cha, vì địa vị đặc biệt của Kinh này trong truyền thống cổ kính.

"195. Từ nay trở đi, mỗi ngày sẽ long trọng đọc Kinh Lạy Cha ba lần: trong Thánh lễ, Kinh Sáng và Kinh Chiều.

"196. Cả cộng đoàn cùng đọc Kinh Lạy Cha. Trước khi đọc, có thể tùy tiện thêm một vài lời nhắn nhủ vắn tắt” (Bản dịch Việt ngữ của nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ). (Zenit.org 5-9-2017)

Nguyễn Trọng Đa
 
Tháng 10 Đỏ trong năm 2017 tại Hoa Thịnh Đốn?
Antoine Trần
23:19 06/09/2017
Tháng 10 Đỏ trong năm 2017 tại Hoa Thịnh Đốn?

("Red October In Washington In 2017?" của Iben Thronholm trong ValuBit ngày 4 tháng 9 năm 2017)

Mới đây tôi đã xem một video trên YouTube được trình bầy bởi chuyên gia tuyên truyền của tình báo KGB là Yuri Bezmenov, tên khác cúa ông là Tomas Schuman, người từng làm việc cho thông tấn xã Novosti trong thời Sô viết cho đến khi đào thoát vào năm 1970. Yuri Bezmenov đưa ra một cảnh báo mạnh mẽ cho nước Mỹ, là hiện tại không phải đang sống trong một thời kỳ an bình thương yêu như nhiều người vẫn tin. Ông bảo thật sự thì trái ngược hẳn lại. Nước Mỹ đang từ từ lộn mình vào chủ nghĩa xã hội (Marxism). Ông tiên đoán là từ chuyện đó, mai này sẽ dẫn đến một cuộc cách mạng tại Hiệp Chủng Quốc và thế giới tự do sẽ chấm dứt. Câu hỏi được đặt ra là nếu như cách mạng tại nước Mỹ mà ông cảnh báo có phải sắp xảy ra không.

Video năm 1983 chiếu bài diễn thuyết ông đọc tại Los Angeles trên phương pháp luận về " Sự lật đổ tư duy ý niệm", một hình thái chiến tranh KGB đã dùng chống lại nước Mỹ.

Bezmenov giải thích rằng nỗ lực chính yếu của KGB không phải là ngành gián điệp quy ước. Chỉ khoảng 15% nguyên lực được dùng cho điệp vụ loại James Bond, trong khi 85% được cống hiến cho tiến trình tiệm tiến gọi là "sự lật đổ tư duy ý niệm" hoặc " trắc lượng hành động" mà Bezmenov giải thích: là thay đổi từ duy người Mỹ về thực trạng đến mức không người Mỹ nào còn có thể đưa ra kết luận đúng nghĩa trong nhiệm vụ bảo vệ chính mình, gia đình mình, cộng đồng và quê hương mình nữa, mặc dù họ được cập nhật dư đầy thông tin. Đó là tiến otrình tẩy não khổng lồ đã được thực hiện từng bước nhỏ một.

Tiến trình này được chia thành bốn giai đoạn: 1) bại hoại phong hoá. 2) tạo bất ổn định. 3) ghi cơn khủng hoảng. 4) bình thường hoá.

Trong quyển "Lá thư tình gửi nước Mỹ" viết năm 1984, Bezmenov giải thích thế nào là nguyên tắc chính yếu cho việc lật đổ tư duy ý niệm, đó là làm sao tạo cho lực mạnh hơn tự chống lại nó, và 'bại hoại phong hóa' đóng vai trò quyết định trong tiến trình này.

Ông viết "phải mất khoảng 15 đến 20 năm để hủ hóa một quốc gia. Tại sao lại nhiều (hoặc ít) thế? Rất đơn giản: đây là thời gian cần thiết tối thiểu để giáo dục MỘT THẾ HỆ sinh viên học sinh của một nước nằm trong tầm ngắm (nước Mỹ chẳng hạn) mà trưng ra trước mắt họ ý niệm về việc lật đổ. Điều thiết yếu là bất cứ một đối kháng khả lực nào, hoặc một đối nghịch cân bằng nào phát sinh từ giá trị luân lý và khái niệm lí tưởng của quốc gia đó đều phải bị tiêu trừ."

Bezmenov giải thích rằng những phương thức chính yếu được nhóm Marxist dùng tại Phương Tây là: "hủ hóa giới trẻ, khiến chúng chỉ quan tâm tới tính dục, tách chúng khỏi đạo giáo. Biến chúng thành hời hợt và suy nhược (...), phá vỡ niềm tin vào các vị lãnh đạo quốc gia nơi quần chúng bằng cách sỉ nhục, diễu cợt và làm ô danh (...), tạo cớ đánh sập những giá trị luân lí cổ truyền như: chính trực, tỉnh táo, tự kiềm chế, tin vào lời đã hứa"

Mục tiêu chính của phong trào hippie ngày xưa là niềm tin tôn giáo, ngành giáo dục, giới truyền thông và nền văn hoá. Cho dù bề ngoài xem ra tất cả dân Mỹ cương quyết chối bỏ chủ nghĩa cộng sản Sô viết trong thời chiến tranh lạnh, nhưng Bezmenov rất đúng khi nhận xét rằng có một nguồn nước ngầm vĩ đại của giáo điều Marxist-Leninist nằm sâu trong nhiều, nếu không nói là hầu hết, các đại học và các trung tâm học vấn, trong giới truyền thông và trong các cộng đồng thuộc ngành nghệ thuật Tây Phương, xuyên suốt thời kỳ 1960 và 1970, mà không bao giờ bị đối kháng hoặc được cân bằng với những giá trị căn bản ái quốc của người Mỹ. Điều này đặc biệt đúng với giới nghệ thuật giải trí. Theo Bezmenov thì chỉ một nhóm ca nhạc sĩ "rock" hay "pop" với một sứ điệp "công lý xã hội" được bọc đường trong giai điệu thánh thiêng đang phổ biến thì thật sự đã giúp KGB hơn một người nào đó đứng trên bục giảng để truyền bá lý thuyết Marx Lenin rất nhiều.

Video năm 1983 cho thấy Bezmenov giải thích tiến trình bại hoại phong hóa tại nước Mỹ đã hoàn tất tốt đẹp đến mức trên cả ước mơ tột cùng của giới lãnh đạo điện Cẩm Linh.

Bezmenov vạch rõ ra: "tiến trình này do người Mỹ làm cho người Mỹ được là vì vắng bóng luân lí. Hầu hết những người được giáo dục thời 1960, là những nhà trí thức hiện đang nắm giữ các chức vụ quyền lực trong chính phủ, hoặc lo công việc chính phủ, trong ngành truyền thông và trong hệ thống giáo dục. Các bạn bị dính vào với họ rồi"

Kết quả của ý niệm văn hóa chủ nghĩa Marxist nhấn mạnh đến việc soi mòn mọi giá trị và truyền thống, để rồi phá hủy những nền tảng của văn hóa Do Thái - Ki Tô. Màn khởi đầu cho chủ nghĩa Marxist được định chế năm 1917 tại nước Nga, thực chất chỉ nhắm vào những cải cách kinh tế và sự phân phối những của cải tài chánh mà thôi. ( Nhưng) Khuôn mẫu này đã sụp đổ khi liên bang Sô viết tan rã. Không ai còn tranh đấu cho chủ nghĩa xã hội quốc gia nữa. Thay vào đó là những công ti liên quốc. Tuy nhiên, tinh thần chủ nghĩa cộng sản vẫn sống tại Tây Phương, là cái nôi của chủ nghĩa Marxist, dưới dạng thức cảm thông giả hiệu, tự do và bình đẳng theo tiêu chuẩn phi lý. Sự trở lại của chủ nghĩa Marxist hiện đang tỏ hiện ở Tây Phương, tự mang cho mình hình thức nhất dạng chính trị với mục đích xóa đi mọi dị biệt về chủng tộc, giới tính, văn hóa và tôn giáo, và đang xử dụng việc mở cửa biên cương cũng như vấn đề di dân ồ ạt làm khí giới. Mục tiêu đặc biệt chính là nếp sống gia đình truyền thống, hiện đang bị tấn công liên tục và dã man, để cố tạo nên một nền văn hóa mà mọi liên hệ cá biệt và căn bản bị giải trừ.

Chủ thuyết xuyên giới tính (transgenderism) là một hình thức khác để tước đoạt căn tính căn bản nam nữ của con người. Tất cả được thực hiện với mục đích để các đại công ti quốc gia hay quốc tế kiềm chế những cá nhân đã không còn biết mình thực sự là ai nữa. Giống như cộng sản Sô viết tháo bỏ mọi khác biệt giữa các tầng lớp kinh tế, nền văn hóa Marxist và chủ nghĩa văn hóa toàn cầu cũng sẽ xóa bỏ mọi căn tính và mọi khác biệt quốc gia để tạo nên việc kiểm soát toàn cầu hàng loạt. Da trắng, đàn ông Ki tô giáo được đóng ấn là "kẻ thượng tôn" (supremacist), là tư bản mới, trưởng giả mới, phải bị đưa lên đoạn đầu đài như Nga hoàng và triều thần của ông. Tố cáo "bài nói gây hận thù" (hate speech) là hình thức kiểm duyệt mới mà nhóm tả phái cực đoan đang xử dụng để kiểm soát tất cả mọi luận bàn. Truyền thông đã lũng đoạn ý niệm sự thật vượt ra ngoài mọi nhận diện để có thể thấy được sự thật và sự dối trá. Sự thật là điều mà quyền lực muốn áp dụng.

Chúng ta đang chứng kiến diễn biến hiện thời tại nước Mỹ, đặc biệt sau cuộc đụng độ dữ dội tại Charlottesville và Những quậy phá đầy bạo động do những phong trào Antifa và Black Lives Matter chủ xướng thì thật thích đáng để hỏi - theo phân tích của Bezmenov- có phải giai đoạn 3, 'gây nên khủng hoảng', trong tiến trình 'lật đổ tư duy ý niệm', đang diễn ra ngay trước mắt chúng ta tại nước Mỹ này chăng. Theo Bezmenov, chỉ cần sáu tuần lễ để mang một quốc gia đến bờ khủng hoảng (như chúng ta thấy tại miền Trung châu Mỹ những năm 1970) và sau khủng hoảng là một cuộc thay đổi bạo lực về quyền bính, về cấu trúc và kinh tế, rồi thời gian "bình thường hóa " bắt đầu và nó sẽ dẫn mời vào một chính thể mới. Chúng ta cũng thấy cùng một phương thức được áp dụng tại Trung Đông với Sức Bật Ả Rập (Arab Spring) và cuộc đảo chánh Maiden tại Ukraine năm 2014. Xã hội Tây Phương hôm nay đang trải nghiệm cùng một tiến trình "tạo bất ổn định" do những phong trào tả phái cực đoan và sự thống trị của những 'chiến sĩ công lý xã hội'.

Ngay bây giờ, những người thuộc phe chống đối đang tổ chức cuộc hành trình "công dân bất phục", trong 10 ngày từ 28 tháng tám, sẽ đi từ Charlottesville đến Washington DC để đánh lại chủ nghĩa thượng tôn da trắng và đòi buộc tổng thống Trump phải rời khỏi chức vị. Nhóm "diễn hành chống thượng tôn da trắng"nói là họ sẽ đến thủ đô quốc gia và chiếm lấy bằng những buổi biểu tình ôn hoà.

Trang mạng của tổ chức biến cố viết: "qua nhiều năm, bạo lực, ngụy biện và chính sách của chủ nghĩa thượng tôn da trắng đã thăng hoa, cô động và nổ tung trong khi Donald Trump tranh cử chức tổng thống, và đã tới giai đoạn sôi bỏng ở Charlottesville".

Những người tổ chức cuộc diễn hành viết: "chúng tôi đòi buộc tổng thống Trump phải bị giải nhiệm khỏi chức vụ vì đã tự đặt mình làm đồng minh với ý niệm của căm hờn, và chúng tôi đòi hỏi một nghị trình để sửa lại các thiệt hại mà ý niệm đó đã mang lại cho quê hương và dân chúng".

Giáo sư Marc Bray, sử gia kiêm giảng sư đại học Dartmouth, tác giả quyển sách mới, tựa đề "Antifa: sổ tay chống Fascist" mới đây định nghĩa phong trào Antifa trong buổi phỏng vấn trên đài NBC mục tin tức:

Nó (Antifa) căn bản thuộc thành phần chính trị, hoặc là phong trào hoạt động để tự lo bảo vệ cuộc cách mạng xã hội. Chính nhóm chính trị thiên tả cực đoan đã nối kết các nhóm Cộng sản, Xã hội, Vô chính phủ, và các nhóm thiên tả cực đoan khác nhau lại để chia sẻ cùng mục tiêu là đánh phá nhóm thiên hữu.

Trong cuộc phỏng vấn, Bray cắt nghĩa là chống Fascist tức là chống chủ nghĩa quốc gia cực đoan (fascism) và thảo luận xem nếu họ đúng lý là một tập hợp tự bảo vệ chống lại chủ nghĩa quốc gia cực đoan (fascism) lẫn quốc gia độc tôn (nazism) hay không.

(Nhưng) Sự chống lại "nước Mỹ cổ hủ và bảo thủ " cũng thấy rõ nét trong việc đập phá các tượng đài mạnh mẽ đến mức, bây giờ, cả người chống đối Trump cũng nghĩ là thật hợp lý để thảo luận xem những phong trào thiên tả cực đoan có thực sự đang phải là tự vệ trong việc đấu tranh chống lại điều họ gọi là fascist và những chính sách họ cho là được đại diện bởi Trump không.

Như tôi thấy, thì chuyện này mang dấu ấn tương đồng kỳ lạ với những biến cố chính trị dẫn tới cách mạng Tháng 10 tại Nga vào năm 1917. Antifa và chuyện lôi các tượng đài xuống cũng như cuộc diễn hành về Washington DC bây giờ giống hệt cuộc nổi dậy cách mạng Bolshevik đã kéo sập chính quyền năm 1917 và sau đó, hạ bệ Nga hoàng Nicolas Đệ Nhị vào tháng hai năm 1918. Mặc dù những người chống đối hôm nay tham gia vào cuộc "diễn hành chống thượng tôn da trắng" từ Charlottesville đến Washington DC tuyên bố họ không bạo động, nhưng mục đích họ nhắm tới lại là hạ bệ Trump và ngôi vị tổng thống của ông - dù có xảy ra bạo động hay không. Nếu họ thành công, dù sớm hay muộn, trong việc hạ bệ tổng thống như phe Dân chủ và nhóm thiên tả cực đoan đã cùng nhau cố gắng liên tục từ ngày Trump nhậm chức, thì thực sự nó sẽ chồng chất lên mà biến thành "cuộc đảo chính" như cuộc cách mạng Bolshevik ở Nga.

Lúc đó, sự lật đổ tư duy lý luận mà Yuri Bezmenov cảnh báo được hoàn tất và bước sang giai đoạn cuối cùng là "bình thường hoá". Nếu điều này xảy ra thì tất cả những gì chúng ta hiểu về thực thể văn hóa nước Mỹ sẽ bị thay thế bằng văn hóa của chủ nghĩa Marxist tuần túy, nghĩa là một chế độ Sô viết mới, mà chủ thuyết đa văn hóa là ý niệm tư duy của nó.

Điều nghịch thường là chính những phong trào chính trị lại giáo kích sự cuồng tín khi tố cáo Nga tham dự vào những cuộc bầu cử dân chủ ở Mỹ và sự thông đồng của Trump với Nga. Phe thiên tả cực đoan căm ghét Nga vì họ không thể tha thứ khi Nga bỏ chủ nghĩa Marxist mà ôm lấy những giá trị bảo thủ Ki Tô như những nền móng của một nước Nga thời đại mới.

Thế thì phong trào thiên hữu đứng sau lưng Trump sẽ phản ứng thế nào nếu phe thiên tả cực đoan vẫn tấn công Trump hết sức tận tình? Cựu cố vấn của Trump là Rodger Stone tin rằng một cuộc nội chiến sẽ bùng phát nếu Quốc Hội đàn hạch tổng thống Donald Trump.

Trong trường hợp Rodger Stone đúng, câu hỏi sẽ là liệu phe cánh hữu có thể thắng được cuộc nội chiến hay không.

Tử huyệt (Achilles' heel) của họ nằm ở chỗ là họ bị nhuộm đậm màu văn hóa Marxist cả luân lý lẫn tinh thần trong khi tư duy ý niệm của họ đã bị lật đổ rồi. Cũng có một số ít người bảo thủ chân chính, nhưng phần đông, họ xét cách rất tương đối về luân lý nên họ sống theo tín điều văn hóa Marxist. Thí dụ rõ nhất là nhân vật truyền thông đồng tính người Anh tên là Milo Yiannopoulos lại thường đi ngược lại phe cánh tả. Trong bài diễn văn tựa đề "10 điều về Hồi giáo mà Milo ghét", anh ta tuyên bố mình ghét cánh tả đồng thời lại thề tuân phục chúng. Anh ta nói:

"Một mặt, chúng ta bảo vệ nước Mỹ khỏi sự quá trớn của phe tả và mối nguy họ biểu lộ về tự do diễn tả và tự do hiệp hội. Mặt khác, chúng ta phải bảo vệ những việc tốt do phe ta đã đạt được - nữ quyền, quyền người đồng tính và sự khoan dung.

Đó chính là tiền đề cơ bản mà phe hữu Tây Phương đang vướng vào. Họ chống chỗ đứng của phe tả về di dân ồ ạt, nhưng luân lý văn hóa và tinh thần của họ lại cùng một giuộc. Không phải phe bảo thủ chống lại sự kính trọng hay chống lại lòng khoan dung, nhưng niềm đam mê phe hữu dành cho nhân quyền thường dựa trên thuyết luân lý tương đối, mà thuyết này lại là cốt lỗi của chủ nghĩa Marxist.

'Bại hoại phong hóa' cũng ảnh hưởng tới phe thiên hữu, và vì thế, họ không có thượng lực luân lý để thắng được cuộc chiến. (Họ) Không có sự khác biệt căn bản nào với phe thiên tả về tính dục và gia đình. Tây Phương hiện thời không có một sự hoán đổi đích thực nào đối với văn hóa Marxist, trừ phi một phong trảo hoàn toàn mới nổi lên, để tái lập những giá trị luân lý đời đời như niềm tin, bác ái tự do, lương tâm, gia đình, đất mẹ và quốc gia.

Cuối bài diễn thuyết khi kết luận, Bezmenov cũng nhấn mạnh điểm này khi ông kêu gọi : "toàn quốc phải cố gắng hết sức để giáo dục dân chúng trong tinh thần yêu nước đích thực và để giải đáp mối nguy thực tại của chủ nghĩa xã hội cộng sản trong một quốc gia chỉ lo bao nuôi (welfare state) và một quốc gia chỉ biết bao bọc (big brother state). Nếu dân chúng thất bại trong chuyện nắm bắt mối nguy đang đong đưa trên đầu, thì không bao giờ có gì có thể giúp được nước Mỹ. Thế là vĩnh biệt tự do".
 
Văn Hóa
Tản mạn chuyện nhà đạo: Xin chào Tháng 9
Giuse Nguyễn Bình An
10:16 06/09/2017
Đầu tháng 9, có chút thời gian rảnh lướt qua Phây của nhiều bạn trẻ, tôi đọc được những câu đại loại như: “Xin chào tháng chín”, “Hello September”s”

Trong lúc đang suy nghĩ không biết lấy tựa đề gì cho bài tản mạn đầu tháng, xin mượn câu chào của các bạn trẻ làm tựa đề cho bài viết này, xin phép được “sống ảo” chút xíu!

“Xin chào tháng 9”Tháng chín có gì vui ? Tháng 9, mùa khai giảng năm học mới, ngày 5. 9 ngày “toàn dân đưa trẻ đến trường” hay còn gọi “ngày hội đưa bé đến trường”. Mùa tựu trường làm chúng tôi nhớ lại “những năm tháng kỷ niệm xưa” dưới mái trường nhiều cảm xúc tuyệt vời, hồ hởi, vui tươi, nhất là các với cậu bé mẫu giáo bước vào lớp 1, đi học là vượt qua những thử thách đầu đời xót xa, phải tạm rời xa gia đình và cha mẹ đến trường học.

Tôi còn nhớ bài hát “đi học” hồi nhỏ, mà các cô giáo dạy chúng tôi.

“Hôm qua em tới trường, mẹ dắt tay từng bước. . .
Hôm nay mẹ lên nương, một mình em tới lớp
Hương rừng thơm đồi vắng, nước suối trong thầm thì
Cọ xoè ô che nắng, râm mát đường em đi”


Không biết đường đi học có râm mát không, có “cọ xỏa ô che nắng”, nhưng điều tôi biết chắc, đó là tình thương của mẹ cha là bóng mát che chở cho cuộc đời tôi. Ánh mắt của mẹ cha bao giờ cũng dõi theo con, không những ở bước chân chập chững của đứa trẻ đến trường, nhưng cha mẹ còn dõi theo con cái suốt những năm tháng dài của cuộc đời người con. Tình thương của mẹ cha là như thế. Mãi Mãi !

Nói đến chuyện đi học, mùa khai giảng, tôi lại miên man nghĩ đến nền giáo dục nước nhà. Ai trong chúng ta cũng nhận thấy những khiếm khuyết của nền giáo dục Việt Nam, học hành nhồi nhét kiến thức, học vẹt học tủ, nền giáo dục thiên về thành tích, không đào tạo trở thành con người một cách toàn diện, nhưng chỉ là những con người“thần đồng”, có thể giỏi về kiến thức chuyên môn, nhưng vô cảm, thiếu nhân bản lễ nghĩa trí tín, học sinh học ngày học đêm, học cả ngày Chúa Nhật và cả mùa hè. Nếu nói mùa hè đã qua nhường chỗ cho năm học mới, nhưng thực ra, trong suốt hè vừa qua, có bao nhiêu bạn trẻ được nghỉ trọn vẹn 3 tháng hè…Các bạn phải đi học thêm trong hè, học thêm ngang với học chính thức.

Nhân mùa khai giảng năm học mới, người viết xin bàn chuyện học giáo lý, đây quả thật là chuyện nhà đạo. Chúa Nhật vừa qua, các giáo xứ bắt đầu khai giảng năm học giáo lý. Nhiều chủ đề năm học, như những câu slogan nhắc nhở các em học theo Chúa Giêsu là người mẫu lý tưởng. Các chủ đề năm học như: Em học với Giêsu, Em học trường Giêsu, Sống yêu thương như Chúa Giêsu, Sống hiền lành như Chúa Giêsu…

Chuyện học giáo lý của nhà đạo mình, cũng nhiều vấn đề phải nói, “lắm chuyện” như chuyện giáo dục tại Việt Nam vậy.

Trong tình hình hiện nay, các giáo xứ ở Sài gòn đều có những chương trình giáo lý dành cho thiếu nhi thiếu niên, bắt đầu từ 6 tuổi cho đến 18 tuổi. Các lớp giáo lý phù hợp theo từng lứa tuổi của các em. Thường thì, các gia đình Công Giáo gởi gắm chuyện dạy giáo lý các em cho giáo xứ, ở đó có quý Soeur, các anh chị giáo lý viên, Huynh Trưởng, có cha xứ cha phó chăm lo. Nội dung giảng dạy khai triển theo Thánh Kinh, các em học hỏi cuộc đời Chúa Giêsu, các bí tích, giáo huấn của Giáo hội đời sống cầu nguyện, các phần được chia theo sách Giáo lý Hội Thánh Công Giáo ban hành năm 1992.

Trên địa bàn Tổng giáo phận Sài Gòn, đa số các giáo xứ áp dụng sinh hoạt Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể cho việc học giáo lý, tức là ngoài việc học giáo lý, các em được đi vào nề nếp đoàn ngũ hóa, được hướng dẫn về phong trào, kỹ năng chuyên môn, nhân bản, kỹ năng sinh hoạt lều trại. Phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể vừa truyền đạt giáo lý, vừa cung cấp cho các em những nội dung nhân bản và kỹ năng chuyên môn, giúp cho các em nhanh nhẹn, tháo vác, bén nhạy và có trái tim yêu thương, nhưng cũng sống đạo tốt qua mối liên hệ thân tình với người Anh Cả Giêsu. Nhiều người cho rằng, Phong trào TNTT như là hình thức“rượu cũ được chứa trong cái bình mới” mà thôi.

Nhìn chung, việc học giáo lý tại các giáo xứ diễn ra tốt đẹp, có phòng học, chia theo các khối lớp, các ngành, sinh hoạt đều đặn vào mỗi CN, có sân chơi cho các em sinh hoạt nơi khuôn viên nhà xứ. Các lớp giáo lý bây giờ mô phỏng gần giống ngoài trường học, có kiểm tra bài viết 15 phút, kiểm tra 1 tiết, có thi học kỳ… Các anh chị Huynh Trưởng-Giáo lý viên là những người trẻ, cũng là những sinh viên học sinh năng động nên phương pháp dạy và cách tổ chức lớp học theo mô hình ngoài trường lớp ngoài xã hội.

Chia sẻ đến đây, người viết xin kể chuyện học giáo lý “ngày xưa”, nhưng không xa lắm, chỉ khoảng thập niên 80, 90 trước đây. Lúc đó tại Việt Nam phong trào TNTT chưa được tái lập tại giáo phận Sài Gòn. Sau năm 1975, các giáo xứ chỉ là dạy giáo lý mỗi tuần vào ngày CN cho các em thiếu nhi mà thôi.

Tôi lớn lên ở một giáo xứ vùng ven ngoại ô Sài Gòn. Bởi vậy, việc học giáo lý rất đơn giản, không có trường lớp, phòng học, cũng không có giáo lý viên như bây giờ. Giảng viên giáo lý của tôi là một cha cố, ngài cũng là linh mục quản xứ. Cứ mỗi buổi trưa thứ 5, Chúa Nhật khoảng 3 giờ, bọn trẻ chúng tôi lại tung tăng đi học giáo lý, trên tay có một cuốn sách giáo lý bé tí khoảng 7 ich, thêm một quyển sách kinh nhỏ. Nôi dung sách giáo lý là những câu hỏi thưa, ngoài ra còn có những bài hát giáo lý đơn sơ cha cố tập cho chúng tôi hát, kiểu như “Con kiến đen nằm trong hòn đá đen, mặt trời tối đep, nhưng Đức Chúa Trời cũng thấy”.

Bọn trẻ chúng ta, ai cũng vui thích mỗi tuần được đi học giáo lý hai buổi. Hơn nữa, chúng tôi rất thương cha cố, người giảng viên giáo lý hiền lành chân chất, người giảng viên giáo lý rất đáng kính của chúng tôi. Sau mỗi buổi học giáo lý chúng tôi lại được chạy nhảy vui đùa trong khu vườn nhà xứ. Chúng tôi được tiếp cận những bài giáo lý vỡ lòng, những chân lý đức tin từ những buổi giáo lý sinh động của ngày xưa đó.

Cha cố “lên lớp” khoảng hơn 1 tiếng đồng hồ. Mỗi lần lên lớp dạy cho chúng tôi, cha mang theo môt cây roi mây, cuốn sách giáo lý nhỏ, một ít tranh ảnh Chúa và minh họa Tin Mừng. Ngài dạy giáo lý cho chúng tôi bằng việc kể chuyện. Cụng giọng ngài nói rất rõ ràng, chắc chắn, nhưng cũng hiền từ dễ nghe vô cùng. Ngài lúc nào cũng mang cây roi bên cạnh, song chẳng bao giờ ngài đánh phạt chúng tôi.

Trước tiên, ngài kể chuyện cho chúng tôi nghe những câu chuyện Thánh Kinh. Xong phần kể chuyện ngài mở sách giáo lý cho cả lớp đọc thuộc những câu hỏi thưa. Cả nhà thờ, bọn trẻ chúng tôi chia làm hai phe, bên này hỏi bên kia thưa, tí lại đảo ngược lại, bên này thưa bên kia hỏi. Đọc phần hỏi thưa trong sách xong, cha lại cho chúng tôi hát, sau đó ngài mở từng tấm hình Tin Mừng cho chúng tôi xem, cùng với lời giải thích cho những câu chuyện Thánh Kinh thú vị. Tôi đã lớn lên từ những câu giáo lý đơn sơ ấy, rồi lãnh nhận các bí tích Khai tâm, rước lễ lần đầu và Thêm sức.

Bên cạnh cha cố còn có những ông bà quản phụ trách khảo kinh cho bọn trẻ chúng tôi, phụ giúp cha cố những việc lặt vặt như mở cửa, đóng cửa nhà thờ.

Có lẽ “ác mông” của bọn trẻ chúng tôi khi đi học giáo lý là những ông bà quản. Các ông bà mặt “dữ dằn” sẵn sàng “ban” cho chúng tôi những cây roi mây thật đau điếng, những đứa không chăm chú đọc, không chịu mở miệng hát, cứ mải lo ra “suy nghĩ về nước Mỹ”, đùa giỡn nhau khi dự lễ hay học giáo lý.

Dường như trong cái thời của bọn trẻ chúng tôi, không có gì để chơi ngoài đá banh, nhảy giây, trốn tìm… nên chúng tôi cỏn có một thú vui nữa, lên nhà thờ chơi với cha xứ, ngoài những buổi chúng tôi phải đến trường học. Cha nhớ tên từng đứa một, con nhà ai, đứa nào vắng mặt một buổi học giáo lý thôi, vào buổi chiều dâng lễ xong cha lại hỏi thăm phụ huynh.

Ngày nay, các lớp giáo lý đã đầy đủ hơn, có các phương tiện máy móc hỗ trợ giảng dạy, nội dung giáo trình được cập nhật liên tục, nhiều giáo xứ có đầy đủ đội ngũ giảng viên giáo lý, được bồi dưỡng huấn luyện bài bản. Cha xứ không còn phải đứng lớp nữa. Xem ra thời buổi này tuy hoàn cảnh có khác, nhưng nội dung Giáo lý vẫn vậy. Học Giáo lý là nghe kể chuyện về Chúa Giêsu, người giáo lý viên truyền lại kinh nghiệm đời sống đạo cho người học viên, trao cho người học ngọn lửa yêu mến Chúa. Giáo lý viên trước hết phải có lòng say mê yêu mến Chúa, nói về Chúa Giêsu cho người khác với cả niềm vui, sự hứng khởi, đồng thời người GLV cũng yêu mến và đồng cảm với Giáo hội, hiểu biết Giáo hội. Người GLV phải tập luyện hằng ngày, làm sao cho lời nói và việc làm luôn đi đôi với nhau, nhờ đó lời giảng của mình sẽ chinh phục được người nghe. Đó là dạy Giáo lý bằng cả cuộc sống gương mẫu, chu toàn bổn phận của người Kitô hữu.

Trong thời đại truyền thông quá tải như ngày nay, người GLV có tâm huyết với nghề sẽ dễ dàng tìm kiếm những tài liệu, những câu chuyện và chứng từ làm phong phú hơn cho bài giáo án. Người GLV chịu khó đọc những văn kiện chính thức của Hội Thánh, hiểu được ý muốn của Hội Thánh, muốn dạy con cái điều gì, nhất là về giáo huấn xã hội của Hội Thánh.

Chúng ta thấy mỗi năm Mẹ Hội Thánh luôn có những chủ đề mục vụ cho người giáo dân thực hành, sống giá trị Tin Mừng trong hoàn cảnh xã hội đương đại. Thiết nghĩ, người GLV phải nắm bắt thật rõ những đề tài mục vụ đó, để hướng dẫn và chia sẻ với học viên.

Xin kết bài này bằng một câu chuyện cụ thể:Trong một bài giảng thánh lễ dành cho thiếu nhi. Cha giảng lễ đặt những câu hỏi cho các em, rồi phát quà là cây bút, quyển tập, tràng hạt…Vị linh mục đặt câu hỏi thứ nhất. : “Cha đố chúng con, năm nay (2017), Giáo hội mừng biến cố gì về Đức Mẹ”. Cả nhà thờ im phăng phắc , các em thiếu nhi và anh chị Huynh trưởng, không một cánh tay dơ tay lên trả lời. Thế là cha tự trả lời một câu hỏi quá dễ. “100 năm Đức Mẹ hiện ra tại Fatima 1917”. Cha lại kiên nhẫn đặt câu hỏi thứ hai. “Sứ điệp của Đức Mẹ Fatima là gì vậy các con ?”. Cả nhà thờ cũng không ai trả lời. Lần này, vị linh mục nhìn đến các anh chị GLV- HT. “Các anh chị HT trả lời được không ?”. Môt lần nữa cả nhà thờ im lặng, chỉ có một vài tiếng xì xào nhưng không rõ ràng. Vị linh mục giảng lễ trả lời tiếp câu hỏi thứ hai. Sau đó, cha nhắn nhủ với các anh chị GLV- HT: “Chúng con những GLV, chúng con dạy giáo lý cho các em, phải tự trang bị cho mình những hiểu biết đầy đủ về Giáo hội. Việc trang bị kiến thức về Giáo hội làm cho đời sống đạo, giờ lên lớp của chúng con thêm phong phú sinh động. Chúng ta đừng học giáo lý như nhồi nhét kiến thức ngoài đời. Như vậy mệt mỏi lắm, chúng con hãy học và dạy giáo lý với niềm đam mê và hết lòng yêu mến Chúa”.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Ánh Tà Dương/Sunset On The Sea
Robert Helfman
08:45 06/09/2017
ÁNH TÀ DƯƠNG/SUNSET ON THE SEA
Ảnh của Robert Helfman
Bình minh cho đến chiều tà
Vinh danh Thiên Chúa một ngày đã qua
(nđc phóng ngữ)
From the rising of the sun
to the going down of the same
The Lord’s name is to be praised
(Palm 113:3)
 
VietCatholic TV
Thế Giới Nhìn Từ Vatican 07/09/2017: Chuyến tông du Colombia của Đức Thánh Cha
VietCatholic Network
21:47 06/09/2017
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Chương trình chuyến tông du của Đức Thánh Cha tại Colombia

Chuyến tông du của Đức Thánh Cha tại Colombia đã được trình bày với giới báo chí vào ngày thứ Sáu mùng 1 tháng Chín tại phòng báo chí Tòa thánh.

Trong chuyến viếng thăm 5 ngày này, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ thăm bốn thành phố là thủ đô Bogotà, Villavicencio, Medellin và Cartagena.

Như thường lệ, Đức Thánh Cha sẽ gặp gỡ các nhà lãnh đạo chính trị và với các nhà lãnh đạo Giáo Hội. Bên cạnh đó, ngài cũng sẽ gặp các nhóm nạn nhân chiến tranh, các gia đình, những người tàn tật, những người nghèo, và cả với các du kích quân trước đây, cùng với các giám mục Colombia anh em, các Giám Mục trong tổ chức CELAM cũng như các linh mục, nữ tu, và anh chị em giáo dân.

Tại Villavicencio, Đức Thánh Cha sẽ phong chân phước cho hai linh mục Công giáo bị giết trong cuộc xung đột và tại Cartagena, ngài sẽ cầu nguyện tại nhà thờ Thánh Peter Claver.

Thánh Phanxicô sẽ chủ tọa Thánh Lễ ở cả bốn thành phố và sẽ có các bài thuyết giảng liên hệ đến những vấn đề đặc biệt quan trọng đối với người Colombia như chăm sóc thiên nhiên, hoà giải, bảo vệ sự sống và duy trì phẩm giá và quyền con người .

2. Những lưu ý của Phòng Báo Chí Tòa Thánh chung quanh chuyến tông du Colombia của Đức Thánh Cha

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Với chuyến tông du bắt đầu từ ngày 6 và kết thúc vào ngày 11 tháng 9, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ tiếp bước Đức Giáo Hoàng Phaolô VI và Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, là các vị Giáo Hoàng đã đến Colombia vào năm 1964 và năm 1986. Đây sẽ là chuyến tông du thứ 20 của Đức Thánh Cha Phanxicô bên ngoài nước Ý.

Đây không phải là lần đầu tiên Đức Thánh Cha thăm Colombia vì ngài đã có mặt tại quốc gia này trong tư cách một linh mục vào những năm 1970 và hai lần trong tư cách một Giám mục thành viên của Hội đồng Giám mục Châu Mỹ Latinh – gọi tắt là CELAM.

Trong cuộc họp báo ông Greg Burke, giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh, ghi nhận rằng không thể tránh khỏi đôi mắt của thế giới nhìn chuyến viếng thăm này theo một quan điểm chính trị khi người Colombia cam kết đẩy nhanh tiến trình hòa bình. Thực tế, chính phủ đã ký một thỏa thuận với nhóm phiến quân FARC hồi tháng 11 năm ngoái sau 52 năm xung đột khiến 260,000 người thiệt mạng, 60,000 người mất tích, và hơn 7 triệu người phải di dời.

Chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha diễn ra vào một thời điểm quan trọng trong tiến trình hòa bình đã được Giáo hội Công giáo và chính Đức Giáo Hoàng ủng hộ mạnh mẽ.

Tuy nhiên, ông Greg Burke nhấn mạnh rằng như thường lệ, chuyến tông du của Đức Thánh Cha chỉ mang tính chất mục vụ thuần túy, và ngài đến với đất nước có đông đảo người Công giáo này để mang sứ điệp Phúc Âm đến với đàn chiên của mình và khuyến khích người Colombia tiến bước trên hành trình đức tin và hòa giải.

3. Thượng viện Pakistan thông qua luật cưỡng bách học môn Hồi Giáo tứ lớp 1 đến lớp 12

Trong tuần qua, Thượng viện Pakistan đã thông qua dự luật bó buộc việc dạy và học kinh Qur'an ở các trường công lập. Văn bản bắt buộc tất cả các cơ sở giáo dục truyền đạt giáo lý kinh Qur'an cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 12, bất kể học sinh ấy có theo Hồi Giáo hay không.

Dự luật này nhấn mạnh rằng “cần phải hiểu sứ điệp của Thiên Chúa, để bảo đảm sự lan rộng của Hồi Giáo trong xã hội, để khuyến khích hòa bình và ổn định, để thúc đẩy các giá trị tối cao của con người về chân lý, sự trung thực, toàn vẹn, khoan dung và những hiểu biết khác”. Thêm vào đó, một bản ghi nhớ của chính phủ lưu ý rằng dự luật sẽ giúp Nhà nước hoàn thành trách nhiệm theo hiến pháp, như Điều 31 triệt 2 của Hiến pháp nói rằng “Nhà nước sẽ cố gắng thực hiện các giáo lý của kinh Qur'an”.

Các trường thuộc Giáo Hội Công Giáo và Tin lành ở Pakistan cũng bắt buộc phải dạy môn Hồi Giáo cho học sinh Hồi giáo, trong khi chưa có quy định cụ thể nào đối với các học sinh không phải Hồi giáo.

Luật sư Nasir Saeed, là một tín hữu Công Giáo và là giám đốc của “Trung tâm Hỗ trợ Pháp lý dành cho các tín hữu Kitô” nói với thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc rằng: “Biện pháp này nhằm tăng cường Hồi giáo hóa trong xã hội Pakistan, và điều này có thể thúc đẩy sự không dung nạp tôn giáo. Quyền tự do tín ngưỡng có thể sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi chính phủ buộc trẻ em phải học Kinh Koran, ngoài ra, luật này có thể có ảnh hưởng tiêu cực đối với các học sinh không theo đạo Hồi, vì họ bị buộc phải tuân theo những bài học đó”.

4. Thiên thần hộ thủ của người tị nạn sắp phải đi tù

Đối với hàng chục ngàn người nhập cư tuyệt vọng, khi những chiếc tàu thuyền mỏng manh của họ đang gặp nguy hiểm bị nhận chìm trong sóng nước Địa Trung Hải, số điện thoại di động của cha Mussie Zerai có nghĩa là sự khác biệt giữa sự sống và cái chết.

Không biết bao nhiêu lần trong 14 năm qua, những người tị nạn tìm kiếm một cuộc sống mới ở Châu Âu đã đặt niềm tin của họ vào cha Mussie Zerai, và gọi cho ngài đang khi gặp khó khăn. Ngài đã thông báo với cảnh sát biển Italia về những trường hợp khẩn cấp để họ cứu các thuyền nhân.

Cha Zerai, một linh mục Công giáo người Eritrea, có biệt danh là “thiên thần hộ thủ của những người tị nạn”. Ngài được đề cử giải Nobel Hoà bình năm 2015. Nhưng bây giờ, khi dư luận chung ở Ý quay ngược lại với những người nhập cư từ Châu Phi và Trung Đông , ngài đang bị điều tra bởi một công tố viên quyết liệt quy cho ngài tội đưa người vào Ý bất hợp pháp. Một số báo chí ở Italia không ngần ngại mô tả ngài như một thứ “ma quỷ”.

Trong một chương trình truyền hình, cha Zerai, cười phá lên trước định mệnh oái oăm này. Ngài nói: “Trước đây, tôi đã không hề xem bản thân mình như một thiên thần và bây giờ tôi không chấp nhận ai đó gọi tôi là ma quỷ. Tôi chỉ là một người bình thường. Khi tôi biết cuộc sống của một người đang gặp nguy hiểm, nghĩa vụ của tôi là cứu họ.”

5. Cuộc khủng hoảng đức tin tại Đức

Đức Cha Rudolf Voderholzer của Regensburg nói với tờ Register rằng chỉ khi chúng ta đặt Chúa Kitô ở trung tâm và chấm dứt việc chạy theo một “não trạng tâm linh tương đối”, chúng ta mới có thể hiệp nhất Giáo Hội và chấm dứt cuộc khủng hoảng trong Giáo Hội tại Đức nơi Giáo Hội rất giàu có về vật chất nhưng đang tiếp tục mất đi rất nhiều các tín hữu.

Tháng Bẩy vừa qua, tổng giáo phận Munich và Freising của Đức đã công bố chi tiết tài chính cho thấy tài sản của giáo phận đã tăng gần 92 triệu Euro (tương đương với 110 triệu Mỹ Kim) trong năm tài chính 2015-2016. Tài sản của tổng giáo phận đã lên đến 2.8 tỷ Euro (tức là 3.3 tỷ Mỹ Kim).

Tuy nhiên, trong cùng thời gian này, trên toàn quốc, có 162,093 người Đức rời khỏi Giáo hội Công giáo vào năm ngoái 2016. Chỉ riêng trong tổng giáo phận Munich và Freising, gần 18,000 người Công giáo đã rời khỏi Giáo hội vào năm ngoái và chỉ có 173,000 trong tổng số 1.7 triệu người Công giáo của tổng giáo phận tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật.

Đức Hồng y Reinhard Marx, Tổng giám mục của Munich và Freising, và chủ tịch hội đồng giám mục Đức, nhấn mạnh rằng Giáo hội Công giáo ở Đức là “một lực lượng mạnh mẽ, thông điệp được lắng nghe và chấp nhận.” Theo những số liệu mới nhất, có rất ít người đồng ý với ngài.

6. Liên Hiệp Quốc cảnh báo Kitô hữu có nguy cơ bị diệt chủng tại mỏ Kim Cương Bria

Ít nhất 8 người, bao gồm cả thường dân, đã thiệt mạng và 29 người bị thương trong vụ tấn công mới nhất ở Cộng hòa Trung Phi. Văn phòng điều phối các hoạt động nhân đạo của Liên Hiệp Quốc cho biết: “Trong tuần vừa qua, có nhiều báo cáo về các xung đột xung quanh thị trấn Bria, cách thủ đô Bangui khoảng 450 km về phía đông bắc.”

“Có ít nhất 8 người chết, bao gồm cả thường dân, và 29 người bị thương trong cuộc chiến gần đây” trên đoạn đường từ Bria tới Yalinga.

Bria đã là một trong những chiến trường chủ yếu giữa các nhóm phiến quân Hồi giáo và nhóm dân quân bảo vệ các tín hữu Kitô, gọi tắt là anti-Balaka.

Một báo cáo của Liên Hợp Quốc hồi năm ngoái cho biết Bria nằm ở “trung tâm của mỏ Kim Cương ở phía đông Cộng hòa Trung Phi “ và là nơi thường diễn ra các hoạt động buôn lậu kim cương bất hợp pháp. Các nhóm phiến quân Hồi Giáo muốn chiếm vùng này để kiểm soát các nguồn tài nguyên thiên nhiên và khống chế khu vực Đông Bắc Cộng hòa Trung Phi.

7. Quân đội Phi Luật Tân tái chiếm được nhà thờ chính tòa Marawi

Tại một cuộc họp báo nhằm thông báo về việc tái chiếm Nhà Thờ Chính Tòa Marawi, Thiếu tướng Carlito Galvez, chỉ huy lực lượng chính phủ ở Marawi, đã bác bỏ các báo cáo của các phương tiện truyền thông Phi Luật Tân nói rằng quân khủng bố Hồi Giáo IS đã đưa Cha Teresito Soganub ra khỏi thành phố này. Ông khẳng định rằng Cha Teresito là Tổng Đại Diện của giáo phận Marawi và một số các tín hữu Công giáo khác bị quân khủng bố Hồi Giáo IS bắt làm con tin vẫn còn sống sau hơn ba tháng bị giam cầm.

Quân đội đã trưng bày các vật phẩm tôn giáo mạ vàng bao gồm chén thánh và thánh giá mà bọn khủng bố đã bỏ lại khi tháo chạy hôm 25 tháng 8.

Một số vật dụng bị hư hỏng khi bọn khủng bố tấn công nhà thờ vào ngày 23 tháng 5, là ngày đầu tiên của cuộc xung đột.

Cô Marilyn Suganob-Ginnivan, em gái của cha Teresito, cho biết gia đình rất vui mừng khi biết tin ngài vẫn còn sống.

“Chúng tôi đang liên tục cầu nguyện cho sự an toàn của ngài và các con tin khác. Xin Chúa cứu họ khỏi cái chết”, cô nói với ucanews.com.

Galevez cho hay, quân đội hy vọng thành phố sẽ trở lại bình thường, vì vùng chiến trận đã thu hẹp xuống chỉ còn “400 đến 600 mét vuông”.

Quân đội cũng cho biết hôm 25 tháng Tám họ đã chiếm lại Nhà thờ Hồi giáo Marawi và Trung tâm Hồi giáo vài tiếng đồng hồ trước khi Tổng thống Rodrigo Duterte đến thăm các quân nhân.

Những người lính đã tìm thấy một đường hầm bên trong nhà thờ Hồi giáo, nơi quân nổi dậy có thể đã từng sử dụng để cất giữ đạn dược.

8. Nhà nước Trung Quốc phá nhà thờ Công Giáo tại tỉnh Sơn Tây

Nhiều Linh Mục và giáo dân Công Giáo tại Trung Quốc bị thương vì bị các nhân viên công an và côn đồ đánh đập tàn nhẫn khi họ cố gắng bảo vệ một nhà thờ Công Giáo tại tỉnh Sơn Tây.

Nhà cầm quyền tỉnh Sơn Tây ở miền bắc Trung Quốc đã cho xe ủi đến phá nhà thờ có từ 100 năm nay ở làng Vương Thôn thuộc giáo phận Trường Trị để làm quảng trường. Thánh đường này đã bị tịch thu thời Cách Mạng Văn Hóa và được nhà nước trả lại cho Giáo Phận cách đây 10 năm cùng với khu đất chung quanh.

Hàng trăm giáo dân đã bảo vệ thánh đường, họ ngồi trước nhà thờ để ngăn cản việc phá hủy. Họ chia nhau canh nhà thờ ban đêm. Sau một ngày tạm ngưng chính quyền lại cho xe ủi đất tiến hành việc phá hủy nhà thờ.

Ngày 29 tháng 8 năm 2017, khi các công nhân tiến hành công việc, công an nhà nước cho bọn côn đồ tấn công và đánh đập các linh mục và tín hữu ngồi lỳ ở khu vực thánh đường, rồi công an cũng can thiệp. Một số giáo dân bị thương cùng với các Linh Mục Trần Tuấn, Cao Bính Long, Mã Ninh và Thẩm Học Trung. Bọn côn đồ kêu: “Hãy giết mấy ông cha trước!”. Chúng phá hoại nhiều xe của các tín hữu.

9. Phản ứng của giáo quyền địa phương trong vụ phá nhà thờ tại tỉnh Sơn Tây

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Trong lúc xảy ra vụ hành hung tại nhà thờ Vương Thôn, Ðức Cha Phêrô Ðinh Lệnh Bân Giám Mục giáo phận Trường Trị sở tại đã liên tục nói chuyện với chính quyền địa phương, xin họ ngăn chặn các vụ bạo hành và giải quyết vấn đề. Ðức Cha nhấn mạnh rằng đây không phải chỉ là một vấn đề kinh tế, nhưng còn là một cuộc đàn áp tôn giáo và kỳ thị các tín hữu Công Giáo, chà đạp nhân quyền.

Sáng ngày 30 tháng 8 năm 2017, Ðức Cha Phêrô Ðinh Lệnh Bân Giám Mục giáo phận Trường Trị sở tại đã kêu gọi công lý và tố giác sự trở mặt của chính quyền địa phương, phá nhà thờ và lấy lại khu đất của thánh đường. Ngài kêu gọi nhà nước bồi thường cho các Linh Mục và giáo dân, trả tiền sửa chữa các xe bị phá hư, đồng thời trừng trị những kẻ gây ra bạo lực.

Nếu việc phá hủy nhà thờ tiếp tục, các tín hữu ở địa phương không có nơi nào khác để làm việc thờ phượng.

Một linh mục chua chát nhận xét rằng: “vụ đàn áp và kỳ thị này xảy ra giữa lúc người ta nói Trung Quốc và Tòa Thánh đang đối thoại với nhau!”.

10. Sứ điệp chung của Công Giáo và Chính Thống Giáo nhân Ngày Thế giới Cầu nguyện cho việc Chăm sóc Thiên nhiên năm 2017

Cuối buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư 30 tháng 08 năm 2017 tại Quảng trường Thánh Phêrô, Ðức Thánh Cha Phanxicô đã mời gọi mọi người hiệp thông cầu nguyện trong “Ngày Thế giới Cầu nguyện cho việc Chăm sóc Thiên nhiên” - được cử hành vào ngày 1 tháng Chín hằng năm.

Ðức Thánh Cha ngài đã cùng với Ðức Thượng phụ Chính thống Bácthôlômêô soạn thảo một sứ điệp chung.

Ðức Thánh Cha nói: “Chúng tôi mời gọi tất cả mọi người hãy chứng tỏ thái độ tôn trọng và có trách nhiệm đối với Thiên nhiên. Chúng tôi cũng kêu gọi những người đang ở những vị trí có ảnh hưởng hãy lắng nghe tiếng kêu cứu của trái đất và tiếng khóc của người nghèo, là những người phải gánh chịu nhiều nhất do tình trạng mất cân bằng sinh thái”.

Sứ điệp chung “Ngày Thế giới Cầu nguyện cho việc Chăm sóc Thiên nhiên” năm 2017 đã được công bố vào thứ Năm, 31 tháng Tám, vừa qua.

11. Nội dung Sứ điệp của Ðức Thánh Cha nhân Ngày cầu nguyện cho việc bảo tồn thiên nhiên.

Ðức Thánh Cha Phanxicô và Ðức Thượng Phụ Chính Thống Constantinople kêu gọi các tín hữu thay đổi quan niệm về thế giới và lối sống để dấn thân bảo tồn thiên nhiên.

Hai vị Giáo Chủ đưa ra lời kêu gọi trên đây trong sứ điệp chung nhân ngày Thế Giới cầu nguyện cho việc bảo tồn thiên nhiên, lần thứ 3 cử hành hôm mùng 1 tháng 9 năm 2017.

Sau khi nhắc đến việc Thiên Chúa mời gọi nhân loại cộng tác với Chúa trong việc gìn giữ và bảo tồn môi trường thiên nhiên (Xc St 2,5), ÐTC và Ðức Thượng Phụ Bácthôlômêô tố giác xu hướng của con người ngày nay phá vỡ hệ thống môi sinh tế nhị và quân bình của thế giới, ước muốn vô độ lèo lái và kiểm soát tài nguyên có giới hạn của trái đất, lòng ham hố thủ lợi vô hạn từ thị trường: tất cả những điều đó đã làm cho chúng ta xa lạ với ý định nguyên thủy của Thiên Chúa khi sáng tạo thế giới.

Sứ điệp có đoạn viết:

“Chúng ta không còn tôn trọng thiên nhiên như hồng ân được ban cho mọi người; trái lại chúng ta coi nó như một sở hữu riêng. Chúng ta không còn tương quan với thiên nhiên để nâng đỡ nó; trái lại chúng ta thống trị trên thiên nhiên để nuôi dưỡng các cơ cấu của chúng ta”.

“Hậu quả của những thái độ trên đây thực là bi thảm và kéo dài. Môi trường con người và thiên nhiên đang cùng nhau suy thoái, và sự suy thoái của trái đất đè nặng trên những người dễ bị tổn thương nhất. Ảnh hưởng của những thay đổi khí hậu tác động nhiều nhất trên những người sống nghèo nàn ở mọi góc trời”.

Trước tình trạng trên đây, Ðức Thánh Cha và Ðức Thượng Phụ Bácthôlômêô mời gọi mọi người trong ngày 1 tháng 9 này dành thời gian để cầu nguyện cho môi trường, cảm tạ Thiên Chúa vì hồng ân thiên nhiên tuyệt vời và dấn thân bảo tồn nó để mưu ích cho các thế hệ tương lai.. Một mục tiêu của ngày cầu nguyện này là thay đổi quan niệm và tương quan của chúng ta về thế giới... can đảm chấp nhận một lối sống đơn sơ và có tinh thần liên đới nhiều hơn”.

Hai vị Giáo Chủ tha thiết kêu gọi những người đang giữ vị trí quan trọng trong lãnh vực xã hội, kinh tế, chính trị và văn hóa hãy lắng nghe tiếng kêu của trái đất và chú ý đến nhu cầu của những người bị gạt ra ngoài lề, và nhất là đáp lại tiếng khẩn xin của bao nhiêu người, hỗ trợ sự đồng thuận chung, để chữa lành thiên nhiên bị tổn thương.

Hai vị nói: “Chúng tôi xác tín rằng không thể có giải pháp chân thực và lâu bền cho thách đố khủng hoảng môi trường và những thay đổi khí hậu nếu không có một câu trả lời có phối hợp và tập thể, nếu không có một trách nhiệm chung và có thể ý thức về những điều đã làm, và nếu không dành ưu tiên cho tình liên đới và phục vụ”.

12. Ý nghĩa đại kết của “Ngày Thế giới Cầu nguyện cho việc Chăm sóc Thiên nhiên”

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Từ năm 1989, Toà Thượng phụ thành Constantinople đã cử hành một ngày dành cho Thiên nhiên vào ngày 1 tháng Chín, để kỷ niệm một cách tượng trưng công trình Sáng tạo thế giới và để bắt đầu năm phụng vụ Chính Thống Giáo.

Tiếp nối sáng kiến của Giáo hội Chính thống, vào năm 2015, vài tuần sau khi công bố thông điệp Laudato Si', Ðức Thánh Cha Phanxicô đã thiết lập “Ngày Thế giới Cầu nguyện cho việc Chăm sóc Thiên nhiên” trong Giáo hội Công giáo, cũng được cử hành vào ngày 1 tháng Chín hằng năm.

“Ngày Thế giới Cầu nguyện cho việc Chăm sóc Thiên nhiên” được Ðức Thánh Cha công bố qua bức thư gửi Ðức hồng y Peter Turkson, khi ấy là Chủ tịch Hội đồng Toà Thánh Công lý và Hoà bình, và Ðức hồng y Kurt Koch, Chủ tịch Hội đồng Toà Thánh Cổ võ sự Hiệp nhất các Kitô hữu; trong đó Ðức Thánh Cha giải thích rằng “Ðây là một đóng góp vào việc giải quyết cuộc khủng hoảng sinh thái mà nhân loại đang phải đối mặt”.

Ngoài ra, “Ngày Thế giới Cầu nguyện cho việc Chăm sóc Thiên nhiên” còn mang ý nghĩa đại kết; Ðức Thánh Cha viết: “Việc cử hành Ngày này vào cùng thời gian với Giáo hội Chính Thống, sẽ là một cơ hội quý báu để làm chứng cho sự hiệp thông đang tăng triển giữa các anh chị em Chính Thống và chúng ta”.

“Ngày Thế giới Cầu nguyện cho việc Chăm sóc Thiên nhiên” chính là cơ hội để tái khẳng định ơn gọi của người Kitô hữu là quản lý thiên nhiên mà Chúa đã tạo dựng, để tỏ lòng biết ơn về những món quà Chúa đã ban tặng, cầu nguyện cho việc bảo vệ môi trường và xin ơn tha thứ vì tội đã huỷ hoại môi trường.

13. Đức Thánh Cha tiếp phái đoàn các vị lãnh đạo tôn giáo Nam Hàn.

Trong buổi tiếp kiến sáng 2 tháng 9 năm 2017, dành cho 20 vị lãnh đạo tôn giáo Hàn Quốc, Ðức Thánh Cha Phanxicô đã đề cao tầm quan trọng của đối thoại liên tôn và cổ võ các tôn giáo cộng tác với nhau trước nhiều thách đố xã hội.

Ðức Cha Kim Hỷ Trung, Tổng Giám Mục giáo phận Quang Châu, Chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Hàn Quốc, đã đại diện mọi người chào mừng Ðức Thánh Cha.

Lên tiếng trong dịp này, Ðức Thánh Cha nhắc đến tuyên ngôn Nostra Aetate của Công Ðồng chung Vatican 2, qua đó “Giáo hội khuyến khích các con cái mình, với sự thận trọng và bác ái ..] nhìn nhận, bảo tồn và làm thăng tiến các giá trị tinh thần, luân lý và xã hội nơi họ” (n.2). Thực vậy, đối thoại liên tôn gồm những tiếp xúc, gặp gỡ và cộng tác, đó là một công tác quí giá và làm đẹp lòng Thiên Chúa, một thác đố nhắm thiện ích chung và hòa bình”.

Ðức Thánh Cha nhắc đến hai điều kiện để thực thi đối thoại liên tôn là cởi mở và tôn trọng nhau. Cởi mở là nồng nhiệt và chân thành; tôn trọng nhau vừa là điều kiện và củng là mục đích của đối thoại liên tôn: thực vậy, chính khi tôn trọng quyền sống, sự toàn vẹn thể lý và các quyền tự do căn bản như tự do lương tâm, tự do tôn giáo, tự do tư tưởng và ngôn luận mà người ta đặt nền tảng cho việc xây dựng hòa bình mà mỗi ngừơi chúng ta đều được kêu gọi cầu nguyện và hành động”.

Ðức Thánh Cha cũng nói với các vị lãnh đạo tôn giáo Hàn Quốc rằng “Thế giới đang nhìn chúng ta, và khuyến khích chúng ta cộng tác với nhau và với mọi người thiện chí. Họ yêu cầu chúng ta những câu trả lời và dấn thân chung về những vấn đề khác nhau như phẩm giá thánh thiêng của con người, nạn nghèo đói mà quá nhiều dân tộc phải chịu, sự từ khước bạo lực, đặc biệt là bạo lực người ta phạm xúc phạm đến danh Thiên Chúa và lòng đạo đức của con ngươi, nạn tham ô nuôi dưỡng bất công, sự suy thoái luân lý, khủng hoảng gia đình, kinh tế, môi sinh và sau cùng là làm băng hoại cả niềm hy vọng”.

Sau cùng, Ðức Thánh Cha khích lệ các vị lãnh đạo tôn giáo Hàn Quốc hoạt động, đồng hành với những tiến trình mang lại sự thiện và hòa giải cho tất cả mọi người. Ngài nói: Chúng ta được kêu gọi trở thanh những người công bố hòa bình, loan báo và thể hiện một lối sống bất bạo động, bằng những lời nói tránh gây sợ hãi và bằng những cử chỉ chống lại những lời cổ võ oán thù”.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho hãng tin Sir của Hội Ðồng Giám Mục Ý trước khi lên đường về Roma, Ðức Tổng Giám Mục Kim Hỷ Trung cho biết phái đoàn các vị lãnh đạo tôn giáo xin Ðức Giáo Hoàng cầu nguyện cho dân tộc Hàn quốc và trợ giúp để đạt tới sự thống nhất hai miền Bán đảo Triều Tiên.

Ðức Giáo Hoàng Phanxicô đã từng gặp các vị lãnh đạo tôn giáo của Hàn Quốc trong cuộc viếng thăm của ngài tại đây hồi trung tuần tháng 8 năm 2014.

14. Linh mục Mỹ đã đến Bắc Hàn 52 lần e rằng không thể đến được quốc gia này nữa

Cha Gerard Hammond đã đến Bắc Hàn 52 lần, hoặc có thể là 53 lần, nhiều lần quá đến nỗi ngài không thể nhớ chính xác được. Nhưng bây giờ, vị linh mục 84 tuổi của tổng giáo phận Philadelphia sợ rằng ngài sẽ không thể trở lại Bắc Hàn được vì những hạn chế mới có hiệu lực vào thứ Sáu mùng 1 tháng 9.

Cha Gerard Hammond là giám đốc chương trình bác ái dành cho Bắc Hàn của dòng Mary Knoll từ năm 1995 đến nay.

Những hạn chế mới đang tạo ra các khó khăn nghiêm trọng cho các tổ chức viện trợ, các nhà giáo dục và các chuyên viên thể thao.

Đại học Khoa học và Công nghệ Bình Nhưỡng là một tổ chức tư nhân do Mỹ điều hành, có 10 người mang hộ chiếu Hoa Kỳ đang hoạt động trong khuôn viên nhà trường. Những nhà giáo dục này đang cố gắng tìm cách trở lại Bắc Hàn để tiếp tục giảng dạy trong niên khóa mới, bắt đầu từ thứ Hai 4 tháng 9.

“Công dân Hoa Kỳ làm việc tại Đại học Khoa học và Công nghệ Bình Nhưỡng đang sốt sắng cầu nguyện và chờ đợi sự chấp thuận của Bộ Ngoại giao để có thể quay trở lại trường”. Ông Park Chan-mo, là Hiệu trưởng trường đại học này nói. Ông Chan-mo là người Triều Tiên có quốc tịch Mỹ.

Các giới hạn đã được áp đặt sau cái chết của Otto Warmbier, một du khách người Mỹ, hôm tháng Sáu vừa qua sau 17 tháng bị giam cầm ở Bắc Triều Tiên. Hai người Mỹ gốc Triều Tiên hoạt động tại Đại học Khoa học và Công nghệ Bình Nhưỡng, cũng như một doanh nhân, hiện đang bị giam tại Triều Tiên.

15. Sứ điệp của Ðức Thánh Cha nhân ngày Tòa Thánh tại Expo 2017 ở Astana.

Ðức Thánh Cha Phanxicô đã cổ võ việc sử dụng năng lượng trong tinh thần liên đới và trách nhiệm, và ngài mời gọi các tôn giáo cộng tác vào công cuộc này.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong Sứ điệp gửi các tham dự viên Ngày Tòa Thánh cử hành lúc 3 giờ chiều ngày 2 tháng 9 năm 2017, tại Căn nhà của Tòa Thánh ở cuộc triển lãm Expo 2017 tại Astana thủ đô Kazachstan, về chủ đề “Năng lượng tương lai”, trước sự hiện diện của Ông Kassym-Jomart Tokayev, Chủ tịch Thượng viện Kazachstan, Ðức Hồng Y Peter Turkson, Bộ trưởng Bộ phục vụ phát triển nhân bản toàn diện, Ðức Cha Tomasz Peta, Tổng Giám Mục giáo phận Astana sở tại, cùng với nhiều quan khách quốc tế.

Trong sứ điệp trong dịp này, Ðức Thánh Cha khẳng định rằng “Chúng ta phải làm sao để năng lượng phục vụ điều làm cho chúng ta tốt đẹp hơn, những gì làm cho nhân loại chúng ta triển nở và mang lại thành quả. Nhân loại, tự bản chất hướng về tương quan với tha nhân, hướng về tình liên đới và tình thương”.

Ðức Thánh Cha cũng cảnh giác rằng “Không được bỏ mặc các nguồn năng lượng cho những kẻ đầu cơ, và không trở thành nguồn tạo ra xung đột. Ðể đạt tới mục đích đó, cần có đối thoại chân thành và rộng rãi, ở mọi cấp độ, giữa các tầng lớp khác nhau trong các xã hội chúng ta. “Năng lượng tương lai” không phải chỉ là công việc của các nhà nghiên cứu, các kỹ thuật gia hoặc các nhà đầu tư, nhưng còn là công tác của giới văn hóa, chính trị, giáo dục và tôn giáo. Trong mục đích này, ÐTC đặc biệt cổ võ sự đối thoại và cộng tác giữa các tôn giáo.. Ðiều quan trọng là mỗi người khám phá trong tín ngưỡng của mình, những động lực và các nguyên tắc làm cho sự dân của tín hữu có thể thực hiện được và có can đảm cải tiến, kiên trì và sống với nhau, sống tình huynh đệ”.

Căn nhà của Tòa Thánh ở Expo 2017 mang chủ đề “Năng lượng phục vụ công ích: chăm sóc căn nhà chung của chúng ta”.

Ðức Hồng Y Turkson là Ủy viên về Căn nhà của Tòa Thánh tại cuộc triển lãm này. Ngài hướng dẫn phái đoàn Tòa Thánh đến Astana từ ngày 31 tháng 8 đến 4 tháng 9 năm 2017. Cùng thuộc phái đoàn Tòa Thánh Ðức Tổng Giám Mục Francis Chullikatt, người Ấn độ, sứ thần Tòa Thánh tại Kazachstan, các vị lãnh đạo Giáo Hội địa phương, và như một số nhân viên của Bộ Phát triển nhân bản toàn diện.