Ngày 02-09-2018
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Dân chúng Estonia cầu nguyện và mong chờ chuyến viếng thăm sắp tới của Đức Thánh Cha
Thanh Quảng sdb
00:13 02/09/2018
Dân chúng Estonia cầu nguyện và mong chờ chuyến viếng thăm sắp tới của Đức Thánh Cha

Đức Thánh Cha Phanxicô đã lên kế hoạch thăm viếng ba quốc gia vùng Baltic là Lithuania, Latvia và Estonia, từ ngày 22 đến 25 tháng Chín này.
Người Công Giáo Estonia đã dành trọn ngày thứ Bảy 1/9/2018 vừa qua để ăn chay và cầu nguyện chuẩn bị cho chuyến viếng thăm của Đức Phanxicô đến thủ đô Tallin của họ trong vài tuần nữa.
Sáng kiến ăn chay cầu nguyện là một lời mời gọi của Đức Giám Mục Philippe Jourdan, Giám Quản Tông Tòa Estonia, đã gửi cho mọi tín hữu Công Giáo trong giáo phận vào ngày 22/7 vừa qua.

Chuẩn bị tinh thần
“Việc ăn chay và cầu nguyện thường đi đôi với nhau,” Đức Giám Mục Jourdan viết trong bức thư của Ngài, “Vì vậy, tôi tha thiết xin anh chị em dành ít nhất một ngày để ăn chay cho ý chỉ này và ngày này là thứ Bảy mùng 1 tháng 9.
Nhớ lại tháng Tám với nhiều lễ hội về Đức Maria như lễ Đức Mẹ xuống Tuyết ngày 5 tháng 8, Lễ Mẹ Lên trời ngày 15 tháng 8, lễ Mẹ Trinh Nữ vương ngày 22 tháng 8 và chuyến hành hương của toàn dân Estonia về Đền thờ Đức Mẹ ở Viru-Nigula vào ngày 25 tháng Tám, Đức Giám Mục Jourdan nói, “trong những ngày tôn kính Đức Mẹ này, tôi tha thiết xin tất cả hãy dâng lời cầu nguyện qua tràng chuỗi Mân Côi để cầu nguyện cho sự thành công của chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô.”
Đức cha nói tiếp: “Chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô được hiện thực bời mọi người chúng ta và tùy thuộc vào tất cả chúng ta, và sự chuẩn bị tinh thần thì quan trọng hơn là sự chuẩn bị bề ngoài. "
“Những khoảnh khắc cầu nguyện và nhịn ăn này có thể là những cam kết chung của chúng ta trong việc chuẩn bị cho chuyến thăm của Đức Thánh Cha. Tôi chắc chắn rằng Thiên Chúa sẽ chấp nhận lời cầu nguyện của chúng ta và sẽ cho chúng ta thâu gặt được nhiều hoa trái hơn lòng chúng ta mơ ước.” Đức Giám Mục Jourdan nói thế.
Trong tổng số 1,3 triệu người dân Estonia, có khoảng 7.000 người Công Giáo (dưới 1%), và một số tín đồ của Giáo phái Tin lành Lutheran và Chính thống giáo trong một dân số 75% không có tôn giáo.

25 năm kể từ khi Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II thăm viếng
Chuyến đi nước ngoài thứ 25 của Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ là chuyến tông du đầu tiên của Ngài đến với các quốc gia vùng Baltic trong một phần tư thế kỷ qua chưa có chuyến tông du nào của vị cha chung. Ngài sẽ là vị giáo hoàng thứ hai tông du đến ba quốc gia này, chính xác 25 năm sau khi Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II viếng thăm vào tháng 9 năm 1993.
 
Sau một tuần sóng gió, những bằng chứng đang dẫn về đâu?
Anthony Nguyễn
05:29 02/09/2018
Trong bài “Pope Francis and McCarrick: where does the evidence lead?” - "Đức Giáo Hoàng Phanxicô và McCarrick, bằng chứng đang dẫn về đâu?" - Dan Hitchens, phó tổng biên tập tờ Catholic Herald của Công Giáo Anh quốc có bài nhận định sau:

Tổng giám mục Viganò đã đưa ra bốn tuyên bố chủ yếu. Nhưng các bằng chứng có hỗ trợ cho những tuyên bố này không?

Chứng từ của Đức Tổng Giám Mục Carlo Maria Viganò, được công bố hôm thứ Bảy, dài 7,000 từ và nêu tên hơn 30 nhân vật có tiếng tăm, chủ yếu để tố cáo họ. Nhưng ở trung tâm của chứng từ này là một số ít những cáo buộc rất nghiêm trọng về cách hành xử của Đức Thánh Cha Phanxicô đối với Theodore McCarrick. Kể từ khi chứng từ được công bố, một số bằng chứng đã nổi lên để trắc nghiệm các tuyên bố chủ yếu của Đức Tổng Giám Mục. Những bằng chứng ấy ủng hộ hay chống lại các cáo buộc này?

Tuyên bố thứ nhất: Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với McCarrick

Đức Tổng Giám Mục Viganò viết: “Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô đã áp đặt các biện pháp trừng phạt Hồng Y McCarrick tương tự như những gì mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô vừa áp đặt: Vị Hồng Y này phải rời khỏi chủng viện nơi ngài đang sống, bị cấm cử hành thánh lễ trước công chúng, không được tham dự các cuộc họp công cộng, không được thuyết giảng, không được đi du lịch, và có nghĩa vụ dâng mình cho một cuộc sống cầu nguyện và sám hối.” Theo Tổng Giám Mục Viganò, những điều này đã được đưa ra trong năm 2009 hoặc 2010.

Các bằng chứng cho đến nay có hỗ trợ cho những tuyên bố này không? Chủ yếu là như thế - nhưng có những phức tạp. Một số cái nhìn thoáng qua đã được ghi nhận về các biện pháp trừng phạt đối với McCarrick:

Catholic News Agency báo cáo hai nhân chứng mắt thấy tai nghe (chưa muốn nêu danh tính) cho biết McCarrick đã phải rời khỏi chủng viện theo chỉ thị của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô. [Hai viên chức này tùng sự tại Tòa Sứ Thần Tòa Thánh tại Washington cho biết năm 2008 họ đã nghe thấy Đức Tổng Giám Mục Sambi – là Sứ Thần Tòa Thánh tại Hoa Kỳ lúc bấy giờ to tiếng với Hồng Y McCarrick yêu cầu phải dọn ra khỏi chủng viện. Đức Tổng Giám Mục Sambi to tiếng đến độ ở ngoài hành lang cũng nghe thấy]

Hôm thứ Hai, Tổng Giáo Phận Washington đã xác nhận rằng, vào năm 2011, tổng giáo phận đã phải hủy bỏ một cuộc gặp gỡ giữa McCarrick và những người trẻ đang trong thời gian phân định ơn gọi của họ. Yêu cầu này đến từ Đức Tổng Giám Mục Viganò, lúc đó là Sứ Thần Tòa Thánh tại Hoa Kỳ.

Vào tháng Bảy vừa qua, tờ Washington Post đã trích dẫn một người đã từng “làm việc với McCarrick”. Nguồn tin này được diễn giải là “họ nghi ngờ các nhà lãnh đạo Giáo hội ở Rôma đã trừng phạt McCarrick một cách nào đó, khi bảo ngài rút lui khỏi cuộc sống công cộng.”

Hôm thứ Hai, một nhân chứng khác nói rằng Đức Tổng Giám Mục Viganò đã nói đúng sự thật. Đức Ông Jean-François Lantheaume, người từng là tham tán tại Tòa Sứ Thần Tòa Thánh ở Washington DC, đã được hỏi liệu có đúng là các quan chức Vatican đã từng nói McCarrick phải bị xử phạt. Đức Ông Lantheaume trả lời: “Tổng Giám Mục Viganò nói sự thật. Đó là tất cả.”

Một điểm phức tạp là không phải tất cả các nguồn tin đều đã chứng thực câu chuyện của Tổng Giám Mục Viganò. Theo tờ America, một số quan chức Vatican - yêu cầu được dấu tên - nói họ không hay biết gì về các biện pháp trừng phạt hay hạn chế đối với Tổng Giám mục McCarrick.” Điều này thực sự chỉ có thể gây khó khăn trong việc xác nhận các cáo buộc của Tổng Giám Mục Viganò là đúng nhưng không thể bác bỏ được những điều ấy vì ngài luôn tuyên bố rằng các lệnh trừng phạt chỉ được thông truyền qua một vài kênh.

Một điểm phức tạp khác là có vô số các tường thuật về sự xuất hiện của McCarrick trước công chúng: giảng tại nhà thờ chính tòa St Patrick, cử hành lễ phong chức, xuất hiện tại các sự kiện ăn mừng - nói cách khác, hành động như một người không dưới bất kỳ sự hạn chế nào của Vatican. Lời giải thích của Tổng Giám Mục Viganò là McCarrick “không tuân theo” các biện pháp trừng phạt. Thật vậy, nguồn tin của tờ Washington Post cho biết McCarrick đã phớt lờ những lời buộc tội của Vatican: “Ông ta làm bất cứ điều gì ông ta muốn.”

Đôi khi McCarrick thậm chí còn xuất hiện tại các sự kiện cùng với Tổng Giám Mục Viganò hoặc ngay cả với Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô. Một lần nữa, Đức Tổng Giám Mục Viganò có một lời giải thích: là Sứ Thần Tòa Thánh, ngài không có quyền áp đặt lệnh trừng phạt trực tiếp, trong khi Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô quá hiền từ không muốn khiển trách làm mất mặt McCarrick tại một sự kiện công cộng.

Kết luận hợp lý nhất, dựa trên những gì chúng ta biết cho đến nay, là Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô đã thực sự áp đặt các biện pháp trừng phạt, nhưng không muốn và/hay không thể thực hiện các biện pháp này một cách toàn diện.

Tuyên bố thứ hai: Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã được báo cho biết sự suy đồi của McCarrick

Đức Tổng Giám Mục Viganò cáo buộc rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô “đã biết ít nhất là vào ngày 23 tháng 6 năm 2013 rằng McCarrick là một kẻ săn mồi liên hoàn.” Ngày này chính xác vì vào ngày đó, ba tháng sau cuộc bầu cử Đức Phanxicô, vị tân Giáo hoàng đã gặp Tổng Giám Mục Viganò. Tại cuộc họp, vị tổng giám mục cho biết, ngài nói với Đức Giáo Hoàng rằng: “Con không biết Đức Thánh Cha có biết Đức Hồng Y McCarrick không, nhưng nếu ngài hỏi Bộ Giám Mục thì có một hồ sơ dày cui về người ấy. Ông ta đã làm hỏng nhiều thế hệ các chủng sinh và linh mục.” Đức Tổng Giám Mục nhận xét rằng khi nghe những lời nghiêm trọng ấy Đức Thánh Cha Phanxicô không đưa ra lời bình luận nào, cũng chẳng lộ vẻ ngạc nhiên.

Các bằng chứng cho đến nay có hỗ trợ cho những tuyên bố này không? Hiển nhiên thật khó nói - không ai có thể đọc được suy nghĩ của Đức Giáo Hoàng. Đức Thánh Cha Phanxicô nổi tiếng giàu thông tin về những gì đang diễn ra tại Vatican, và một số nhà quan sát thạo tin đã nói rằng “mọi người đều biết” về những cáo buộc chống lại McCarrick. Nhưng điều đó còn tùy trường hợp. Tuy cũng đáng ngạc nhiên khi Đức Thánh Cha Phanxicô đã không bình luận về những nhận xét của Đức Tổng Giám Mục Viagnò, nhưng sự im lặng chưa chắc đã là một sự thừa nhận. Câu hỏi đặt ra là - liệu Tổng Giám Mục Viganò có gan phát minh ra một sự phỉ báng kinh hoàng như vậy không?

Tuyên bố thứ ba: Đức Thánh Cha Phanxicô bãi bỏ lệnh trừng phạt của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô

Theo Đức Tổng Giám Mục Viganò, khi Đức Phanxicô trở thành Giáo hoàng, McCarrick được giải thoát khỏi các biện pháp trừng phạt trước đây: “từ thời điểm bầu cử Đức Giáo Hoàng Phanxicô, McCarrick, giờ đây như chim sổ lồng, cảm thấy tự do bay nhẩy du lịch liên tục, giảng thuyết và trả lời các cuộc phỏng vấn.”

Các bằng chứng cho đến nay có hỗ trợ cho những tuyên bố này không? Sự thật, ít nhất cũng phải nói là, không có mâu thuẫn với những cáo buộc của Tổng Giám Mục Viganò. Người ta quan sát rộng rãi rằng McCarrick đã bước sang một chương mới trong cuộc sống dưới thời Đức Phanxicô. Năm 2014, một tiểu sử đầy những lời lẽ ca tụng McCarrick trên tờ National Catholic Reporter nói rằng:

“Đức Hồng Y McCarrick là một trong số những viên chức cao cấp của Giáo Hội ít nhiều không được trọng dụng trong thời gian tám năm triều Giáo Hoàng Bênêđíctô. Nhưng bây giờ Đức Phanxicô là Giáo Hoàng, và các giáo sĩ như Hồng Y Walter Kasper (một người bạn cố tri của Hồng Y McCarrick) và chính Hồng Y McCarrick đã được hội nhập trở lại và bận rộn hơn bao giờ hết… [Hồng Y McCarrick] cách nào đó quá nhàn rỗi dưới thời Đức Bênêđíctô. Rồi khi Đức Phanxicô được bầu, mọi thứ đều thay đổi.”

Tiểu sử này cũng nói rằng McCarrick đang thực hiện các chuyến đi nước ngoài “theo lệnh của Vatican”, và Đức Giáo Hoàng Phanxicô “biết rằng khi cần một trung gian liên lạc thành thạo, ngài có thể quay sang McCarrick, như ngài đã từng làm trong chuyến tông du Armenia”.

Tại Mỹ, cũng có một số bằng chứng cho thấy McCarrick được tự do hơn. Một trong những phóng viên của Rod Dreher nhận xét rằng từ năm 2001 đến năm 2006, McCarrick đã tham dự mọi dịp “Cardinals Dinner” [1]. Sau đó, từ năm 2007 đến năm 2012 ngài đột ngột không xuất hiện. Nhưng từ năm 2013, sau khi Đức Phanxicô trở thành Giáo hoàng, McCarrick lại trở thành một người tham dự thường xuyên. Điều đó rất khớp với câu chuyện của Tổng Giám Mục Viganò.

Như thế dường như mọi biện pháp trừng phạt đã được đặt ra dưới thời Đức Bênêđíctô đều bốc hơi dưới thời Đức Phanxicô. Nhưng, như đã nêu ở trên, bản chất của những lệnh trừng phạt này rất là mờ nhạt. Những lệnh ấy có tính chất chính thức như thế nào? Có phải Đức Phanxicô đã cố ý dỡ bỏ các lệnh trừng phạt ấy hay không, hay những lệnh ấy đã mất hiệu lực đơn giản chỉ vì Đức Bênêđíctô không còn ở ngôi Giáo Hoàng nữa?

Associated Press, trong một báo cáo chưa bao giờ bị bác bỏ, nói rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã giảm bớt các lệnh trừng phạt chống lại một số linh mục phạm tội. Nhưng điều đó cũng không có nghĩa là ngài đã làm như thế với McCarrick.

Lại một lần nữa, chứng từ của Tổng Giám Mục Viganò rất phù hợp với sự thật. Nhưng chúng ta vẫn phải thừa nhận rằng chưa thể xác định một cách dứt khoát được rằng Tổng Giám Mục Viganò không phải là kẻ nói dối.

Tuyên bố thứ tư: Đức Phanxicô đã trọng dụng McCarrick như một cố vấn quan trọng

Đức Tổng Giám Mục Viganò cáo buộc Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nâng McCarrick lên hàng “cố vấn đáng tin cậy của ngài”. Quan trọng hơn nữa, McCarrick được cho là đã tiến cử một số vị trong việc bổ nhiệm các chức vụ quan trọng: “Việc bổ nhiệm Đức Cha Blase Cupich cho Chicago và Đức Cha Joseph W. Tobin cho Newark đã được dàn xếp bởi McCarrick” và những người khác, Tổng Giám Mục Viganò khẳng định. McCarrick, theo Tổng Giám Mục Viganò, “đã trở thành người tiến cử (kingmaker – nhà tạo vương) cho các chức vụ trong Giáo Triều và tại Hoa Kỳ, và là vị cố vấn được lắng nghe nhất tại Vatican về các mối quan hệ với chính quyền Obama.” Tổng Giám Mục Viganò nói với chúng ta: Vì McCarrick, Đức Hồng Y Burke đã không thể giữ được vị trí của ngài trong Bộ Giám mục – là cơ quan đóng một vai trò quan trọng trong việc chọn các giám mục - và Hồng Y Wuerl và Cupich đã nhảy dù được vào Bộ này. Một phụ tá khác của McCarrick, Đức Tổng Giám Mục Ilson de Jesus Montanari, cũng bị cáo buộc trở thành Tổng Thư Ký của Bộ này nhờ McCarrick.

Các bằng chứng cho đến nay có hỗ trợ cho những tuyên bố này không? Nói chung, là có, mặc dù không phải mọi chi tiết đều có thể xác nhận được. Như đã nói ở trên, McCarrick chắc chắn đã đạt được những ảnh hưởng và địa vị nhất định khi Đức Phanxicô trở thành Giáo Hoàng. Nhà báo Rocco Palmo, một ký giả thông thạo Vatican, của tờ “Whispers in the Loggia”, đã viết vào năm 2016 rằng “Đức Thánh Cha Phanxicô được cho là coi trọng [McCarrick] như là ‘một người hùng’ của ngài.” Palmo cũng đã chứng thực ý tưởng McCarrick là nhà tạo vương, và báo cáo rằng:

“Vào giữa tháng 9 năm 2016, Hồng Y McCarrick đã viết một bức thư cho Đức Giáo Hoàng… xin bổ nhiệm Đức Cha Joseph W. Tobin về Newark; hai nguồn tin hiểu biết trực tiếp về điều này đã nói với Whispers ngay sau đó. Đến thời điểm đó, tên Đức Cha Tobin không hề có trong danh sách các ứng viên.”

Palmo đã kiên trì khẳng định báo cáo của mình bất chấp những nỗ lực mà anh gọi là “nặng nề và gần như không thể tin được” nhằm buộc anh phải cải chính.

Một nhà báo thông thạo về Vatican khác, là Sandro Magister, đã báo cáo tại thời điểm bổ nhiệm Đức Cha Cupich làm Tổng giám mục Chicago rằng: “Việc bổ nhiệm Đức Cha Cupich được cho là đã được đề nghị bởi Đức Hồng Y Óscar Andrés Rodríguez Maradiaga và đặc biệt là Hồng Y Theodore McCarrick, tổng giám mục hiệu tòa của Washington.”

Tuy nhiên, trong tuần qua Đức Hồng Y Cupich nói rằng, dù không biết chính xác việc bổ nhiệm ngài đã được quyết định như thế nào, “Tôi không nghĩ rằng tôi cần một người đỡ đầu cho tôi.”

Những vấn đề như vậy sẽ luôn tương đối bí ẩn. Nhưng tuyên bố của Tổng Giám Mục Viganò, trong trường hợp này, dường như có thể tin được.

Một kết luận tạm thời

Tất cả những điều này gộp lại nói lên điều gì? Mọi người sẽ rút ra kết luận của riêng mình. Kết luận riêng của tôi là, dù một lập trường bất khả tri có thể biện minh được - đặc biệt là ở giai đoạn đầu này - không phải là bất hợp lý khi tin vào những tuyên bố chính của Tổng Giám Mục Viganò.

Tôi nghĩ rằng một lập trường còn khó đạt tới hơn nữa là tìm cách bác bỏ những gì Tổng Giám Mục Viganò nói. Có hai cách để làm điều này.

Cách thứ nhất là nói rằng Viganò là kẻ nói dối, thậm chí là một người hoang tưởng, trên một quy mô quá sức tưởng tượng - một loại Mark Hofmann của Công Giáo [2]. Nói Tổng Giám Mục Viganò là một nhân vật lưỡng diện với một chiếc rìu trong tay cũng chưa nhằm nhòi gì. Phải nói rằng con người này còn dữ dội nhiều hơn như thế nữa: đó là một người có khả năng vừa phỉ báng Đức Thánh Cha, vừa tuyên xưng “có Chúa làm chứng cho tôi”, và làm như thế với một sự tinh ranh quỷ quái đến mức Đức Giáo Hoàng và các đồng minh thân cận của ngài không thể ngay lập tức bác bỏ các cáo buộc của mình. Cách này xem ra khó vì không ít các Giám Mục, có những vị quen biết ngài đến 39 năm, và một số lớn các trí thức Hoa Kỳ quyết liệt cho rằng vị cựu Sứ Thần Tòa Thánh này là một người khiêm tốn, chuyên chăm cầu nguyện, trung thực, liêm chính và có lòng yêu mến Giáo Hội.

Lập luận thứ hai khả thi hơn là trong khi chúng ta không biết đến nơi đến chốn, chúng ta hy vọng rằng, như trong một câu chuyện trinh thám, một số bằng chứng quan trọng có thể biến mọi thứ quay 180 độ. Rằng thì là, nếu các hồ sơ của Vatican và Tòa Sứ Thần Tòa Thánh tại Hoa Kỳ được mở ra, hoặc nếu các giáo sĩ bị cáo buộc bởi Tổng Giám Mục Viganò lên tiếng nói ra sự thật, toàn bộ sự thật và không có gì ngoài sự thật, bức tranh sẽ có những thay đổi đáng kể.

Nhưng mà: người hiện nay đang lớn tiếng nhất kêu gọi kiểm tra các hồ sơ, và hô hào các nhân vật chính cứ mạnh dạn lên tiếng, lại chính là Đức Tổng Giám Mục Carlo Maria Viganò!

[1] Cardinals Dinner: Bữa cơm gây quỹ hàng năm cho Đại học Công Giáo America quy tụ hầu hết các Hồng Y, được tổ chức luân phiên tại các tổng giáo phận Hoa Kỳ, bắt đầu bằng thánh lễ tổ chức tại nhà thờ chánh tòa địa phương

[2]Mark William Hofmann (sinh ngày 7 tháng 12 năm 1954) là một kẻ ngụy tạo được coi là một trong những người ngụy tạo siêu đẳng nhất trong lịch sử, Hofmann đã ngụy tạo các tài liệu liên quan đến phong trào Latter Day Saint - Thánh Nhân Ngày Sau Hết – để kiếm tiền và thao túng. Khi kế hoạch của ông bắt đầu bị bại lộ, ông đã chế tạo bom để giết hai người ở Salt Lake City, Utah]
 
Nỗi lòng Viện Trưởng Viện Đại Học Ave Maria nhân vụ Tổng Giám Mục Viganò yêu cầu Đức Phanxicô từ chức
Vũ Văn An
05:38 02/09/2018
Chỉ cần đọc tên, ai cũng biết Viện Đại Học Ave Maria là một viện đại học Công Giáo, nhưng ít ai biết, nó được thành lập bởi Vua Domino Pizza, Tom Monagan, và hiện nằm trong khuôn viên Thành Phố mang cùng tên Ave Maria, cách đông Naples, Florida, 27 kilômét. Sĩ số hiện nay là 1,072 sinh viên, trong đó, hết 85 phần trăm là sinh viên Công Giáo. Người ta quen xếp Đại Học này vào loại định chế Công Giáo bảo thủ, điều mà nhân vụ Đức Tổng Giám Mục Viganò yêu cầu Đức Giáo Hoàng Phanxicô từ chức, Viện Trưởng Towey hãnh diện xác nhận.



Nhưng theo Viện Trưởng Towey, đa số người Công Giáo bảo thủ Hoa Kỳ, trong đó, có Ave Maria, không ủng hộ quan điểm của Đức Tổng Giám Mục Viganò, một quan điểm bị ông coi là “coi thường” (defiance) Đức Giáo Hoàng.

Sau đây là nguyên văn bài nhận định ngày 29 tháng Tám của Viện Trưởng Towey, đăng trên Trang Mạng của Viện Đại Học Ave Maria:

Tuyên bố của Chủ Tịch Jim Towey Về Sự Rạn Nứt Bên Trong Giáo Hội

Ngày 29 tháng Tám, 2018

Không có gì mới lạ về sự rạn nứt giữa Đức Giáo Hoàng Phanxicô và một số thành viên bảo thủ của phẩm trật Giáo Hội. Các chiến tuyến dường như đã được hình thành cách đây năm năm ngay sau khi Đức Giáo Hoàng lên ngai tòa Thánh Phêrô. Năm 2013 trong ấn phẩm lớn đầu tiên của ngài, tức Niềm Vui Tin Mừng, Đức Giáo Hoàng đã mô tả các đồng huynh đệ “chỉ biết tối hậu tin vào quyền hạn của mình và cảm thấy ưu việt hơn người khác vì đã tuân thủ các quy tắc nào đó hoặc vẫn cố thủ trung thành với một phong cách Công Giáo đặc thù nào đó". Gần đây, ngài trích dẫn cùng những lời lẽ ấy trong một bức thư gửi cho các tín hữu, Hãy Vui Mừng và Hân Hoan, và mô tả “các tiên tri giả chuyên sử dụng tôn giáo cho các mục đích riêng của họ, cổ vũ các lý thuyết tâm lý hay tri thức riêng của họ. Thiên Chúa vượt trên chúng ta vô cùng; Người đầy những điều bất ngờ”.

Đúng, Thiên Chúa đầy bất ngờ. Nhưng lời kêu gọi Đức Giáo Hoàng từ chức của Đức Tổng Giám Mục Carlo Maria Vigano không phải là một trong số các điều bất ngờ này. Và thách thức đối với thẩm quyền của Đức Giáo Hoàng do Đức Hồng Y Raymond Burke đưa ra cũng không phải là một điều bất ngờ nốt; vị giám mục người Mỹ này đã liên tục chống đối đường hướng của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong việc dẫn dắt Giáo Hội về một số vấn đề (và vẫn có thể còn nhức nhối đối với quyết định của Đức Thánh Cha loại ngài ra khỏi chức vụ nổi bật là người đứng đầu tòa án giáo hội cao nhất của Tòa Thánh). Việc công bố bản tuyên ngôn của Đức Tổng Giám Mục dường như nhằm đúng lúc để gây thiệt hại tối đa cho uy tín của Đức Giáo Hoàng, và dàn hợp xướng dàn dựng để lấy sự ủng hộ của những người khác cùng liên minh với họ là điều đáng lo ngại.

Trái với câu chuyện được phổ biến, hầu hết người Công Giáo bảo thủ không nhập cuộc và chấp nhận sự coi thường của họ, và chắc chắn không ở trong khuôn viên của chúng tôi. Đại học Ave Maria nổi tiếng rất đúng về lòng trung thành vô điều kiện của chúng tôi đối với Giáo Hội. Chúng tôi trung thành như vậy không phải vì chúng tôi bảo thủ (chúng tôi quả bảo thủ) nhưng vì đây là yêu cầu của tư cách làm môn đệ. Điều này giải thích lý do tại sao các sinh viên của chúng tôi yêu Đức Giáo Hoàng Phanxicô và ủng hộ ngài hết lòng. Ngài là người kế vị của Thánh Phêrô và là người cha tinh thần của chúng tôi. Ngài mang sự xức dầu của Chúa Thánh Thần. Các người Công Giáo bảo thủ có thể không đồng ý một cách hợp pháp với chủ trương của Đức Giáo Hoàng Phanxicô về mọi điều từ môi trường và chủ nghĩa tư bản, đến hôn nhân và gia đình. Sự bất đồng đó lành mạnh đối với Giáo Hội khi được chuyển tải và truyền đạt một cách đúng đắn. Nhưng khi sự bất đồng đối với Giáo hội trở thành thù địch và nổi loạn, và một số thành viên của phẩm trật khẳng định ý kiến của họ như thể họ là giáo hoàng được bầu thay vì Đức Phanxicô, các tín hữu Công Giáo như các sinh viên của chúng tôi sẽ sát cánh để bảo vệ Vị Giám Mục Tối Cao.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô vốn thừa nhận rằng ngài đã thiếu sót trong đáp ứng của chính ngài đối với vụ tai tiếng lạm dụng tình dục của giáo sĩ và sự che đậy vụ này. Chúng ta tha thứ cho ngài. Ngài không phải là người duy nhất bị mê hoặc bởi Hồng Y Theodore McCarrick nay đã thất sủng; Các Thánh Gioan Phaolô II và Mẹ Têrêsa Calcutta cũng đích thân biết rõ Hồng Y McCarrick và cũng bị vị này lừa dối.
Vào thời điểm khi Giáo hội bị khuấy đục bởi tai tiếng do nhiều vị trong hàng giáo phẩm tạo ra gây hại cho chúng ta, các cuộc tấn công cá nhân chống lại Đấng Đại Diện của Chúa Kitô và kêu gọi ngài từ chức là điều cực kỳ gây chia rẽ và hết sức sai lầm. Những người mệnh danh là người Công Giáo bảo thủ hiện đang thách thức thẩm quyền hợp pháp của Đức Thánh Cha và công khai làm suy yếu triều giáo hoàng của ngài, đang phản bội chính các nguyên tắc của họ và làm tổn thương Giáo hội mà họ cho rằng mình yêu mến. Họ nên dừng lại ngay bây giờ.

***

Viện trưởng Towey hoàn toàn có lý ở lời kêu gọi cuối cùng trên đây: “Họ nên dừng lại ngay bây giờ”. Chỉ có điều “họ” đây là những người đòi Đức Phanxicô từ chức mà trước sau, chỉ là Đức Tổng Giám Mục Viganò và cùng lắm thêm Đức Hồng Y Burke nữa. Chứ không hẳn những người yêu cầu Đức Phanxicô trả lời lời tố cáo của Đức Tổng Giám Mục Viganò và/hoặc mở cuộc điều tra thực hư những gì vị Tổng Giám Mục này nêu ra trong chứng từ của ngài mà ta thấy con số càng ngày càng thêm đông, không những nơi người bảo thủ mà cả cấp tiếp lẫn người ôn hòa. Tuyên bố của Viện Trưởng không nhắc gì tới những người này. Tuyên bố của ông vì thế chỉ để bày tỏ lòng trung thành của ông và Viện Đại Học do ông đứng đầu đối với vị kế nhiệm Thánh Phêrô, được ông tuyên xưng là Đấng Đại Diện Chúa Kitô. Chứ không giúp giải quyết cuộc khủng hoảng che đậy lạm dụng tình dục đang phá hoại uy tín của Giáo Hội Công Giáo một cách hết sức nặng nề vì nó đánh ngay vào đầu não Giáo Hội.

Chắc chắn sau khi cho đăng tải tuyên bố trên, ông nhận được nhiều phản hồi của sinh viên, cựu sinh viên và phụ huynh của Viện, như LifesiteNews cho hay, nên hôm sau, tuyên bố trên đã được gỡ bỏ và thay bằng một tuyên bố khác. Nhưng tuyên bố mới chỉ bỏ 2 điều khỏi tuyên bố cũ: a) Bỏ chữ “bảo thủ” khỏi câu đầu tiên “Không có gì mới lạ về sự rạn nứt giữa Đức Giáo Hoàng Phanxicô và một số thành viên bảo thủ của phẩm trật Giáo Hội”; b) bỏ câu trong ngoặc đơn nói về Đức Hồng Y Burke, tức câu: “(và vẫn có thể còn nhức nhối đối với quyết định của Đức Thánh Cha loại ngài ra khỏi chức vụ nổi bật là người đứng đầu tòa án giáo hội cao nhất của Tòa Thánh)”.
Thành thử nội dung của tuyên bố chủ yếu vẫn không thay đổi, vẫn thiếu sót, và thiết tưởng không góp phần giải quyết chi cuộc khủng hoảng đang làm chấn động toàn thể Giáo Hội, không riêng gì Giáo Hội Hoa Kỳ.

Và do đó, ngày 30 tháng Tám, trong lá thư gửi cho “Các Bằng Hữu Thân Mến của Đại Học Ave Maria”, Viện Trưởng Towey cho hay: sau khi thấy “Lời lẽ của tôi va chạm rất mạnh một số thành viên trong gia đình Đại Học. Các bạn hãy vững tin lòng tôn trọng của tôi đối với cách tiếp cận đức tin của các bạn và sự thành thực trong ý kiến của các bạn”, ông buộc phải nói rõ hơn và đầy đủ hơn quan điểm của ông về việc giải quyết cuộc khủng hoảng che đậy lạm dụng tình dục trong Giáo Hội.

Trong lá thư này, Ông đề cập tới 2 tuyên bố của ông: tuyên bố ngày 24 tháng Tám nói chung về việc lạm dụng tình dục; tuyên bố ngày 29 tháng Tám nói về vụ Đức Tổng Giám Mục Viganò phê bình Đức Phanxicô và yêu cầu ngài từ chức. Chúng tôi lược bỏ những gì ông viết về tuyên bố đầu, chỉ nói tới những điều ông nói đến tuyên bố sau:

Các Bằng Hữu Thân Mến của Đại Học Ave Maria
.....................
Tôi muốn nói rõ những gì tuyên bố ngày 29 tháng 8 của tôi dự tính nói. Mong muốn của tôi là bảo vệ Thánh Phêrô, không chỉ là Đức Phanxicô. Ngai tòa Thánh Phêrô không phải là một văn phòng chính trị. Chúa Giêsu đã ban các chìa khóa của Giáo Hội cho Thánh Phêrô và những người kế vị của ngài. Định chế thần linh này vượt qua các vấn đề trần thế. Nền tảng của Giáo hội phụ thuộc vào sự hợp nhất giữa giáo hoàng và các giám mục. Dù sự hiệp nhất hoàn toàn là điều không thể thực hiện được trong một thế giới của những người tội lỗi, tất cả chúng ta trong Giáo Hội đều phải ao ước điều đó.

Tôi hoàn toàn ý thức được lịch sử đau đớn của những giáo hoàng giả và sự thối nát của giáo triều. Tôi biết sự khác biệt giữa những con người có thể sai lầm và những chức vụ nền tảng mà họ nắm giữ. Người ta có quyền bày tỏ quan điểm của họ về Đức Giáo Hoàng Phanxicô và triều giáo hoàng của ngài. Mối quan tâm của tôi là chúng ta bày tỏ quan điểm của mình và hành động theo chúng cách nào trong cuộc tranh cãi đen tối hiện nay. Dựa vào mọi lối giải thích, Đức Tổng Giám Mục Viganó đã phục vụ Giáo hội rất tốt trong suốt một sự nghiệp lâu dài và nổi bật. Mối quan tâm của tôi là về sự khôn ngoan của việc công bố công khai, có phối hợp "chứng từ" của ngài. Liệu một tổng giám mục có thể là công tố viên, thẩm phán và bồi thẩm đoàn và kêu gọi một vị giáo hoàng từ chức hay không?

Hơn nữa, dường như ta được phép đặt câu hỏi về sự phù hợp của việc nói lên các khiếu nại loại này một cách công khai – há chúng ta không cau mày khi các nhà bất đồng với giáo huấn của Giáo hội nói lên quan điểm của họ trên các phương tiện truyền thông đại chúng đó sao? Bộ Giáo Lý Đức Tin trong huấn thị năm 1990 gọi là Donum Veritatis (Về ơn gọi phục vụ Giáo Hội của nhà thần học), do Đức Hồng Y Joseph Ratzinger ban hành, đã nêu lên những điểm đáng lưu ý. Ngài cảnh cáo, "nhà thần học nên tránh việc quay tìm 'các phương tiện truyền thông đại chúng', nhưng phải nhờ cậy các thẩm quyền có trách nhiệm, vì không phải bằng cách gây áp lực của công luận mà ta đóng góp vào việc làm sáng tỏ các vấn đề tín lý và phục vụ cho sự thật (DV, 30)”

Những gì đã được nói trong bối cảnh bình luận về các tài liệu huấn quyền dường như cũng được áp dụng vào các lời phê bình công khai đối với Đức Thánh Cha và các hành động của ngài. Đức Tổng Giám Mục ở đây công khai cáo buộc Đức Giáo Hoàng phạm “hành vi nghiêm trọng, gây rối rắm và tội lỗi” và kêu gọi ngài từ chức. Theo quan điểm của tôi, hành vi này đã vượt quá ranh giới, và việc bảo vệ Đức Thánh Cha là việc đáng làm.

Điều không đáng làm là nhận xét vô cớ của tôi về những gì có thể đã thúc đẩy hành vi của Đức Hồng Y Burke. Sư suy đoán như vậy là không công bằng và Đức Hồng Y xứng đáng hơn thế. Ngài vốn là một thân hữu của Đại học Ave Maria từ khi thành lập và nổi tiếng về tình yêu chân thành của ngài đối với Giáo hội. Tôi sẽ sửa đổi tuyên bố của tôi trên trang mạng, và tôi xin lỗi.

Sự hợp nhất của Giáo Hội ngày nay quan trọng hơn bao giờ hết. Sách Giáo Lý nói rõ ràng trong các số 880-883, và 936-937, rằng Đức Giáo Hoàng có tính ưu việt, và rằng sự hợp nhất của Đức Giáo Hoàng và các giám mục là nền tảng của Giáo hội. Các bạn và tôi phải làm việc hướng tới sự hợp nhất đó và tránh bất cứ sự ly giáo tiềm tàng nào có thể làm tổn thương nhiệm thể Chúa Kitô.

Vụ của Đức Tổng Giám Mục McCarrick nêu ra những câu hỏi phiền phức đòi phải được trả lời. Theo hồ sơ, tôi ủng hộ sáng kiến phải khảo sát mạnh mẽ các bằng chứng trong Giáo Hội. Những gì Đức Hồng Y DiNardo đề xuất xem ra là điều thích đáng.

Giống như các bạn, tôi yêu Giáo Hội Công Giáo. Đó là mái ấm đối với tôi, với vợ tôi, và năm đứa con và con dâu của chúng tôi. Tôi lớn lên với niềm tin rằng chúng ta nên yêu thương bất cứ ai là Giáo Hoàng của chúng ta và dành cho ngài lợi thế lúc bị hoài nghi (benefit of doubt) bất cứ khi nào có thể làm như vậy một cách hợp lý. Tôi không thấy lý do tại sao Đức Giáo Hoàng Phanxicô không xứng đáng được hưởng lợi ích này ngay bây giờ. Tôi vẫn tin tưởng ngài sẽ bình luận vào một thời điểm thích hợp về những gì đã được công bố, và cũng lãnh đạo nỗ lực mà Giáo Hội cần có để bảo vệ trẻ em và người lớn dễ bị tổn thương khỏi việc lạm dụng tình dục của các giáo sĩ, và buộc những người vi phạm các hành vi như vậy hoặc che đậy chúng trong hàng giáo phẩm, phải chịu trách nhiệm. Chúng ta hãy cầu nguyện cho ngài....”

Như thế đủ thấy tác phong của Đức Tổng Giám Mục Viganò không hẳn hoàn toàn tiêu cực. Các vấn đề ngài tố cáo đáng được điều tra và Đức Phanxicô bề gì cũng nên giải thích chúng. Rất tiếc, Viện Trưởng Towey cần đến phản ứng mạnh của gia đình Ave Maria mới nói rõ như vậy.
 
Tài Liệu Làm Việc của Thượng Hội Đồng năm 2018: Giới Trẻ, Đức Tin và Biện Phân Ơn Gọi, Phần III Chương II
Vũ Văn An
18:33 02/09/2018


Chương II: Vào sâu trong kết cấu cuộc sống hàng ngày của chúng ta

144. Lời mời gọi bước vào niềm vui và sự viên mãn của đời sống luôn được đặt trong bối cảnh văn hóa của các mối liên hệ xã hội. Người trẻ muốn được đồng hành, đào tạo và trở thành những người chủ động khi đối diện với hoàn cảnh trong đời sống hàng ngày của họ. Vì lý do này, Giáo Hội được mời gọi «đi ra ngoài, xem xét, kêu gọi» (DP III, 1.3), tức là đầu tư thời gian để học hỏi - và đương đầu với - những hạn chế và cơ may của nhiều bối cảnh văn hóa và xã hội đa dạng, để lời mời gọi bước vào niềm vui yêu thương có thể vang lên một cách dễ hiểu. Đồng thời, các mối liên hệ xã hội và liên ngã cũng như các động lực của cuộc sống hàng ngày (tình bạn, cảm giới, mối liên hệ với thời gian và tiền bạc, vv) làm thuận lợi cho sự xuất hiện các mong ước, ý nghĩ, cảm xúc và cảm tình mà diễn trình đồng hành sẽ giúp nhận ra và giải thích. Một viễn tượng toàn diện đòi phải nhìn nhận các nối kết giữa các lĩnh vực và bối cảnh nơi cuộc sống của người trẻ diễn ra, điều này đòi phải chuyển hướng các thực hành mục vụ và các cách đào tạo các người đồng hành.

145. Đặc biệt, việc cảm nghiệm và gặp gỡ các mỏng dòn nơi chính bản thân chúng ta, nơi những người khác, nơi các nhóm hội, xã hội hay văn hóa là điều làm ta khiếp đảm nhưng qúy giá. Đối với người trẻ, đây có thể là cơ hội để họ khám phá các tài nguyên tiềm ẩn, và đặt ra các câu hỏi mới cho các mục đích ơn gọi, đẩy họ từ bỏ việc không ngừng tìm kiếm những điều chắc ăn nhỏ mọn. Nhờ đồng hành trên các nẻo đường này, Giáo Hội sẽ khám phá ra nhiều biên giới mới và nhiều tài nguyên mới để hoàn thành sứ mệnh của mình.

Đồng hành tại trường học và đại học

146. Gần như mọi HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC đều nhấn mạnh tầm quan trọng của các trường học, các đại học và các định chế giáo dục khác đủ loại trong việc đồng hành với người trẻ trong việc họ tìm kiếm một kế hoạch cho đời sống bản thân, và cho việc phát triển xã hội. Ở một số vùng, chúng là những nơi chính - nếu không phải là những nơi duy nhất- tuy không minh nhiên có tính cách giáo hội, nhưng là nơi, nhiều người trẻ có dịp tiếp xúc với Giáo Hội. Trong một số trường hợp, thậm chí những nơi này còn trở thành một phương thức thay thế cho giáo xứ, mà nhiều người trẻ không biết cũng như không lui tới. Những người trẻ tham dự cuộc Gặp Mặt Tiền Thượng Hội Đồng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc Giáo Hội dấn thân vào các bối cảnh này: “Các tài nguyên không bị lãng phí khi chúng được đưa vào những lãnh vực này trong đó, nhiều người trẻ sống phần lớn thời gian của họ và họ thường giao tiếp với những người có các bối cảnh kinh tế xã hội đa dạng » (GMTHĐ 13). Đặc biệt, cần phải chú ý nhiều hơn đến số lượng lớn các người trẻ bỏ học hoặc không có quyền hoc hành.

Nhu cầu về một quan điểm toàn diện và việc đào tạo

147. Ở nhiều trường học và đại học, kể cả các định chế Công Giáo, việc giáo dục và đào tạo được qui hướng về các mục tiêu thuần túy thực dụng, nhấn mạnh tới việc áp dụng kiến thức thu lượm được vào thị trường lao động, hơn là việc tăng trưởng bản thân. Thay vào đó, chúng ta cần đặt kiến thức kỹ thuật và khoa học vào một quan điểm toàn diện, mà chân trời tham chiếu là “nền văn hóa sinh thái” (xem LS 111). Chúng ta cũng cần phải hòa giải trí hiểu và ham muốn, lý trí và cảm giới; chúng ta cần đào tạo các công dân có tinh thần trách nhiệm, những người có khả năng đối phó với tính phức tạp của thế giới đương thời của chúng ta và tham gia cuộc đối thoại với tính đa dạng; chúng ta cần giúp họ tích hợp chiều kích tâm linh trong học tập nghiên cứu và việc tham gia văn hóa; chúng ta cần phải gúp họ có năng lực biện phân không những các nẻo đường ý nghĩa bản thân, mà còn các quỹ đạo của ích chung cho các xã hội họ thuộc về.

148. Khái niệm toàn diện này về giáo dục đòi phải có sự hồi hướng có hệ thống, có thể bao gồm mọi thành viên của cộng đồng giáo dục, cũng như các cơ cấu vật chất, kinh tế và định chế mà họ dựa vào. Các nhà giảng huấn, các giáo sư, trợ giảng và mọi chuyên gia nào tham gia vào các nẻo đường giáo dục, nhất là những người đang làm việc tại các khu vực bị bỏ rơi và thiệt thòi, cung cấp một dịch vụ có giá trị được Giáo Hội rất biết ơn. Một sự đầu tư đổi mới trong việc đào tào họ cách toàn diện là điều cần thiết, để tạo điều kiện cho việc tái phát hiện và nắm vững được ý nghĩa thực sự của ơn gọi: họ được mời gọi không những chỉ để truyền đạt nội dung, mà còn là nhân chứng cho sự trưởng thành nhân bản, bằng cách khởi diễn các năng động tính sinh sản của chức phận làm cha và làm mẹ thiêng liêng, những chức phận có khả năng làm cho giới trẻ trở thành chủ thể và người chủ động cuộc phiêu lưu của chính họ.

Tính chuyên biệt và sự phong phú của các trường học và đại học Công Giáo

149. Nhiều HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC khắp thế giới đã bày tỏ việc các ngài đánh giá cao các trường học và đại học Công Giáo. Như Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói, mục tiêu của các định chế này không phải là để cải đạo, nhưng «đem người trẻ và trẻ em thăng tiến các giá trị nhân bản nơi mọi thực tại, và một trong các thực tại này là sự siêu việt» (Diễn văn với các người tham dự Đại hội Thế giới về "Giáo dục ngày nay và ngày mai. Một Niềm đam mê Đổi mới”, ngày 21 tháng 11 năm 2015). Viễn tượng này điều hướng họ làm việc với các cơ quan giáo dục địa phương khác, đồng thời cho thấy trong các xã hội tự do và cởi mở, trong đó các căn tính khác nhau cần cam kết đối thoại, thì các ý thức hệ khép kín không có ý nghĩa chi.

150. Để trung thành với sứ mệnh của mình, các định chế này phải chứng thực việc các sinh viên có thực sự lãnh nhận được các giá trị được trình bày cho họ hay không và họ phải cổ vũ một nền văn hóa liên tục biết đánh giá và tự đánh giá mình. Ngoài các tuyên bố trừu tượng, chúng ta phải tự hỏi mình xem các trường học của chúng ta giúp đến mức nào để các người trẻ biết coi việc học hỏi của họ như một trách nhiệm đối với các vấn đề của thế giới, đối với nhu cầu của những người nghèo nhất và chăm sóc môi trường. Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói với các trường đại học Bồ Đào Nha rằng: Đối với các đại học Công Giáo, chỉ phân tích và mô tả thực tại thì không đủ; họ cần phải tạo ra «các không gian để nghiên cứu thực tế, các cuộc tranh luận tạo ra các giải pháp thay thế cho các vấn đề đương thời» và «bao gồm các chiều kích luân lý, tâm linh và tôn giáo trong nghiên cứu của họ. Các trường học và đại học Công Giáo được mời gọi cho thấy bằng thực hành thế nào là một phương pháp sư phạm bao gồm và toàn diện»(Hội Kiến với Đại học Công Giáo Bồ Đào Nha, 26/10/2017).

151. Đặc biệt, đối với các đại học, phân khoa, học viện trực thuộc giáo hội - và cũng thế, đối với mọi trường học và đại học Công Giáo - điều quan trọng là phải xem xét một số tiêu chuẩn gợi hứng: chiêm niệm tín lý sơ truyền (kerygma) về phương diện thiêng liêng, trí tuệ và hiện sinh; một cuộc đối thoại toàn diện; tính liên khoa (interdisciplinarity) thực hiện với sự khôn ngoan và sáng tạo; nhu cầu cấp thiết phải “kết mạng” (networking)(xem VG 4).

Nền kinh tế, việc làm và căn nhà chung của chúng ta

Tìm kiếm các mô hình phát triển mới

152. Đồng hành nhắm vào diễn trình trưởng thành trọn vẹn của con người bao gồm việc chăm sóc căn nhà chung của chúng ta. Điều này cũng đòi Giáo hội và các định chế của Giáo Hội phải nắm vững viễn tượng lâu bền và cổ vũ các lối sống nhất quán, cộng với việc phản công lại các chủ trương giản lược (reductionisms) hiện hành (mô hình kỹ trị [technocratic], việc thờ ngẫu thần lợi nhuận, v.v.). Laudato Si’mời gọi chúng ta tin tưởng rằng sự chuyển biến sinh thái là điều có thể. Để tạo ra một năng động tính thay đổi lâu dài, điều này không những chỉ liên quan đến các lựa chọn cá nhân, mà cả các lựa chọn cộng đồng và xã hội, kể cả việc vận động hành lang các nhà lãnh đạo chính trị của chúng ta. Đây là lý do tại sao sự đóng góp của người trẻ là điều không thể thiếu, như một HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC đã nói: “một số nhà lãnh đạo Giáo Hội nhìn nhận năng động tính của người trẻ của đất nước chúng ta, sự tham gia có trách nhiệm của họ trong Giáo hội và các chính sách phát triển xã hội”. Để cổ vũ tính lâu bền, người trẻ phải được mời gọi dành các nguồn tài nguyên trí thức của họ vào nó, trong các môn học khác nhau mà họ đang học, và điều hướng các lựa chọn nghề nghiệp tiếp theo của họ một cách phù hợp theo.

153. Sự đóng góp chuyên biệt mà Giáo hội có thể đem đến cho việc khai triển một nền linh đạo có khả năng nhìn nhận giá trị của những cử chỉ nhỏ, và gợi hứng cho các lựa chọn dựa trên một lý lẽ khác với nền văn hóa vứt bỏ, là điều chủ chốt. Như Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhắc nhở chúng ta, «mọi cộng đồng Kitô hữu có một vai trò quan trọng trong giáo dục sinh thái. Tôi hy vọng rằng các chủng viện và viện đào tạo của chúng ta sẽ cung cấp được một nền giáo dục về tính đơn giản có trách nhiệm đối với đời sống, về việc chiêm niệm một cách biết ơn đối với thế giới của Thiên Chúa, và về việc quan tâm đến nhu cầu của người nghèo và việc bảo vệ môi trường »(LS 214).

Việc làm và việc canh tân kỹ thuật

154. Các diễn trình đổi mới kỹ thuật kỹ thuật số và thâm nhập vào thế giới chế tạo đang tạo ra một tình huống mà hoàn cầu gọi là “Kỹ nghệ 4.0”, một kỹ nghệ cũng ảnh hưởng đến thị trường lao động. Các cộng đồng Kitô hữu được mời suy nghĩ nhiều hơn về những vấn đề này trong công trình giáo dục của họ và trong việc đồng hành với người trẻ. Trong một viễn tượng có đặc điểm luôn thay đổi, lúc này không thể nhận diện được các kỹ năng mà ngày mai sẽ cần đến và có nguy cơ những người không thể thích ứng có thể bị bỏ rơi, đào tạo và đồng hành nổi bật thành những lĩnh vực trách nhiệm để bảo đảm rằng mọi người trẻ đều có thể tự phát biểu và không ai bị bỏ lại phía sau hoặc bị coi là vô dụng. Mục đích là để bảo đảm rằng việc phát triển các kỹ năng chuyên nghiệp, và khả năng mang lại ý nghĩa cho việc làm của riêng mình và bảo vệ quyền của mọi người có việc làm đàng hoàng, có thể theo kịp với việc canh tân kỹ thuật. Các thế hệ trẻ là những người mang một cách tiếp cận thực tại có thể đem đến các đóng góp quan trọng cho việc nhân bản hóa thị trường lao động: phong cách cộng tác, văn hóa nơi những khác biệt được tôn trọng và chấp nhận, làm việc theo nhóm, đạt được sự cân bằng giữa việc làm và các chiều kích khác của đời sống.

Làm việc với nhau để tạo việc làm cho mọi người

155. Việc cổ vũ một mô hình kinh tế mới đòi phải làm dễ việc khai triển các giải pháp thay thế, giống như các giải pháp phát sinh tự phát ở các vùng ngoại vi và trong các nhóm vốn chịu hậu quả của văn hóa vứt bỏ, nhưng đang duy trì được các giá trị và thực hành liên đới từng bị mất ở những nơi khác. Để hỗ trợ cho những kinh nghiệm này, giúp tạo công ăn việc làm, nhất là cho giới trẻ, và trong các bối cảnh trong đó nạn thất nghiệp của thanh niên cao hơn, các nguồn tài nguyên phải được tìm ra. Như một số nhận xét do chúng tôi nhận được cho thấy, ở một số quốc gia, người ta đang yêu cầu Giáo hội tìm cách tham gia việc tìm kiếm này bằng cách sử dụng các vốn liếng đáng kể của mình về văn hóa và bất động sản một cách sáng tạo, nâng cao chúng bằng các sáng kiến và dự án kinh doanh do người trẻ quản lý, sao cho chúng có thể trở thành "sinh sản" theo nghĩa xã hội, vượt lên trên lợi nhuận kinh tế.

Kỳ sau: Chương 2 tiếp theo: Bên trong kết cấu văn hóa tuổi trẻ

 
Cộng Sản Trung Quốc : Theo đảng dứt khoát phải bỏ đạo.
Nguyễn Long Thao
18:37 02/09/2018
Bắc Kinh - Đảng Cộng sản Trung Quốc vừa ban hành một luật về hành vi đảng viên , theo đó đảng viên phải từ bỏ mọi niềm tin tôn giáo, không được tuyên truyền "tin đồn chính trị làm tổn hại đến sự đoàn kết của đảng".

Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương của đảng Công Sản Trung Quốc ban hành luật này vào ngày hôm qua 1 tháng 9, nhưng thực ra việc áp dụng luật này đã bắt đầu từ lâu.

Người vi phạm luật này sẽ bị khai trừ khỏi đảng Công Sản và có thể bị truy tố hình sự .

Luật sửa đổi về hành vi đảng viên nói: “Các đảng viên có niềm tin tôn giáo phải được cải tạo bằng giáo dục, nếu tổ chức đảng đã giáo dục họ, mà vẫn không thay đổi, thì khuyến khích họ ra khỏi đảng cộng sản”.

Một điều khoản mới cũng kêu gọi trừng phạt những đảng viên xuyên tạc lịch sử đất nước, lịch sử đảng, và lịch sử quân đội.

Đảng Cộng Sản ban hành khung kỷ luật mới nhằm xiết chặt việc kiểm soát các đảng viên, không cho họ có niềm tin tưởng tôn giáo, cho dù ngay cả khi họ đã về hưu.

Theo số liệu được báo chí nói, gần ¼ số đảng viên đảng Cộng Sản Trung Quốc có niềm tin tôn giáo.

Kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm chính quyền cách đây vài năm, ông mở chiến dịch chống tham nhũng mà chủ yếu là nhắm vào các đối thủ chính trị của ông và ban hành chính sách đàn áp tôn giáo mà cụ thể là mới đây Đảng Cộng sản ban hành một chính sách mới gọi là Hán Hóa Tôn Giáo,theo đó các tôn giáo phải độc lập với ngoại quốc, phải đồng hóa với văn hóa và xã hội Trung Hoa.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
CĐCGVN Sydney Tổ Chức Chức Dạ Tiệc Father’s Day
Diệp Hải Dung
16:02 02/09/2018
Tối Chúa Nhật 02/09/2018 Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam TGP Sydney tổ chức Đêm Dạ Tiệc chủ đề “Nhật Ký Về Cha” nhân ngày Father’s Day tại nhà hàng Crystal Palace Canley Heights Sydney với mục đích bảo tồn nên văn hóa Việt Nam và cũng để gây quỹ tổ chức Đại Hội Thánh Mẫu Liên Bang Úc Châu tại Trung Tâm Hành Hương Thánh Mẫu Bringelly Sydney vào đầu tháng 10/2018

Xem Hình

Trước khi khai mạc đêm dạ tiệc, 2 Mc Bích Ngọc và Mai Phước Thành ngỏ lời chào mừng tất cả mọi người đồng thời giới thiệu bé Bella với vũ khúc Violin khai mạc cho đêm Dạ tiệc Nhật Ký Về Cha đồng thời mời mọi người với nghi thức Chào cờ Úc-Việt.

Sau đó Cha Tuyên úy Trưởng Bùi Sơn Lâm lên ngỏ lời chào mừng quý Cha, quý Sơ, quý Quan Khách và tất cả mọi người, Cha nêu lên ý nghĩa tổ chức đêm Dạ Tiệc hôm nay mừng ngày Father’s Day nhớ ơn người Cha và Cha làm phép của ăn. Chương trình Văn Nghệ bắt đầu với những tiết mục rất ý nghĩa nói về người Cha do 3 Liên Đoàn trẻ Liên Ca Đoàn Lê Bảo Tịnh, Liên Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể và Liên Đoàn Thanh Niên Công Giáo cùng phối hợp trình diễn với những tiết mục Ca, Vũ, Hoạt Cảnh nói về tình người Cha rất ngoạn mục và đặc sắc.

Lồng vào phần văn nghệ qúy Cha phát qùa cho những người Bố và xổ số may mắn lấy hên. Anh Nguyễn Ngọc Khiêm Phó Chủ tịch CĐCGVN Sydney thay mặt Ban Tổ Chức ngỏ lời cám ơn quý Cha, quý Sơ, và tất cả mọi người đã đến tham dự đêm văn nghệ dạ tiệc Nhật Ký Về Cha nhân ngày Father’s Day. Sau cùng quý Cha các anh chị em nghệ sĩ và Ban Tổ Chức cùng đồng ca nhạc phẩm Cầu Xin Thánh Gia nguyện xin gia đình Thánh Gia chúc lành cho mọi gia đình và đêm Dạ tiệc Father’s Day kết thúc vào lúc 11pm

Diệp Hải Dung.
 
Thông Báo
Cáo phó: LM Phanxicô Xaviê Hoàng Đình Mai qua đời tại Long Xuyên
TGM Long Xuyên
11:37 02/09/2018
CÁO PHÓ
Trong niềm tin vào Đức Kitô Phục Sinh, TGM Giáo phận Long Xuyên kính báo:

Cha PHANXICÔ XAVIÊ HOÀNG ĐÌNH MAI
Sinh năm 1947 tại Hà Nội
đã trở về Nhà Cha đêm ngày 01/09/2018, tại Tòa Giám Mục Long Xuyên
Hưởng thọ 71 tuổi.

Thi hài Cha Cố được quàn tạị Tòa Giám Mục Long Xuyên
từ hôm nay đến 9g sáng mai ngày 03/09/201
Thánh lễ tiễn đưa Cha Cố - 9h30 sáng ngày 03/09/2018 tại Nhà thờ Chánh tòa Long Xuyên,
Sau đó di quan về nhà thờ An Tôn Kinh 1a,
Thánh Lễ An táng sẽ được cử hành vào lúc 15g chiều
ngày thứ Ba 04/09/2018 tại nhà thờ Giáo xứ An Tôn K.1a

Tiểu sử Cha Phanxicô Xaviê Hoàng Đình Mai
Sinh ngày 28/07/1947 tại Mỹ Đức, Hà Đông
Vào Tiểu Chủng viện Piô XII năm 1959 (Hà Nội)
Vào ĐCV Thánh Piô X năm 1967
Được thụ phong linh mục ngày 03/12/1975 tại nhà thờ Tân Hiệp
Sau đó, Cha đã từng phục vụ:
1/ Giáo xứ Ngọc Thạch (từ 1976 – 1979)
2/ Giáo xứ An Sơn (1979-2008)
3/ Tòa Giám Mục (2008 - 01/09/2018)

Xin quý Cha trong giáo phận dâng 3 Thánh lễ cầu cho linh hồn Cha Cố Phanxicô Xaviê.
Xin anh chị em cầu nguyện cho Cha Cố Phanxicô Xaviê mau về hưởng Tôn nhan Chúa.

Long Xuyên ngày 02/09/2018
TGM kính báo


 
VietCatholic TV
TV Thời Sự Giáo Hội và Thế Giới Ngày Nay, Thứ Hai 3/9/2018, Mọi phía đều muốn Đức Thánh Cha Phaxicô giải thích lời tố cáo che đậy lạm dụng tình dục
VietCatholic Network
17:44 02/09/2018
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây

Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô. VietCatholic xin kính chào quý vị và anh chị em trong tình yêu thương của Chúa Kitô và Mẹ Maria. Kính thưa quý vị và anh chị em, chương trình Truyền Hình của chúng tôi hôm nay gồm có các tin chính như sau:

1- Tiếp Kiến Chung với Đức Thánh Cha, Chúa Nhật ngày 2 tháng 9, 2018

2- Giám mục và tu sĩ Australia: không thể vi phạm ấn tòa giải tội.

3- Đức TGM Chaput tuyên bố: Thượng Hội Đồng Giám Mục về Thanh Niên nên được hoãn lại, chúng ta không còn đủ uy tín.

4- Mọi phía đều muốn Đức Thánh Cha Phaxicô giải thích lời tố cáo che đậy lạm dụng tình dục.

5- Chín ngàn nữ lưu của Giáo Hội yêu cầu có câu trả lời của Đức Thánh Cha Phanxicô.

6- Đức TGM Auza: Thương thảo hòa bình đòi hỏi một nền “văn hóa gặp gỡ” liên quan đến tất cả các bên.

7. Cần phải thay đổi não trạng văn hóa tại Ấn Độ để chống những lạm dụng tình dục trẻ em.

8. Tám nhà thờ của Chính Thống Giáo Coptic phải đóng cửa vì bị tấn công.

9- Nam Hàn đưa phá thai vào danh sách “các thực hành y khoa vô luân”.

10- Người trẻ Trung quốc hy vọng mang tinh thần Taizé về chia sẻ cho các người trẻ khác.

11- Giới thiệu Thánh Ca: Cùng Mẹ Con Lên Đường.
https://youtu.be/DuqY_dzcivg

Xin mời quý vị theo dõi phần tin chi tiết