Ngày 01-09-2020
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Lời quyền năng, Lời xót thương
Lm. Minh Anh
02:25 01/09/2020
LỜI QUYỀN NĂNG, LỜI XÓT THƯƠNG
“Lời gì mà lạ lùng thế? ”.

Kính thưa Anh Chị em,

Tin Mừng hôm nay thuật lại việc Chúa Giêsu trừ một thần ô uế trong đền thờ với chỉ một lời, khiến dân chúng kinh ngạc thốt lên, “Lời gì mà lạ lùng thế? ”. Chúng ta cùng tìm xem, tại sao nó lạ lùng.

Với chỉ một lời, người bị quỷ ám vật xuống; đúng hơn, quỷ bị quật ngã và xuất khỏi người ấy. Để trừ quỷ, Chúa Giêsu không cần thị uy, chẳng cần võ lực hay một vũ khí nào; Ngài chỉ phán, “Hãy câm đi và ra khỏi người này”. Sẽ không ngạc nhiên khi dân chúng bàng hoàng, “Lời gì mà lạ lùng thế? ”. Vậy thì điều gì khiến Ngài giảng dạy như Đấng có uy quyền và lời Ngài nên lạ lùng?

Trước hết, Lời của Chúa Giêsu phát xuất từ một con tim đầy lòng xót thương của Chúa Cha, Đấng đã sai Ngài; thứ đến, Lời của Chúa Giêsu được nung nấu bởi quyền năng của Thánh Thần, Đấng xức dầu; thứ ba, Lời của Chúa Giêsu được phát ra từ môi miệng hiền lành và khiêm nhượng của “Người tôi tớ”, một tâm hồn tuyệt đối trong sạch đến từ Thiên Chúa trái ngược với sự ô uế của quỷ ma khiến con người hư hoại như kẻ quỷ ám trong Tin Mừng hôm nay. Thánh Luca đã rất ý tứ ghi lại cuộc trở về quê nhà của Chúa Giêsu ngay trước trình thuật này; Ngài vào hội đường, đọc sách Isaia, “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Ngài xức dầu cho tôi, sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó”. Đó là lý do Lời Chúa Giêsu trở nên Lời quyền năng và lạ lùng.

Lần dở các trang Tin Mừng, chúng ta mục kích bao lần Lời quyền năng của Chúa Giêsu tỏ ra uy phép và gây ngạc nhiên. “Hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh trở thành những ngư phủ lưới người như lưới cá”, Lời quyền năng, những môn đệ tiên khởi nên trụ cột Hội Thánh; “Ta thương xót dân này vì họ tất tưởi bơ vơ như chiên không người chăn”, Lời quyền năng, bánh cá hoá nhiều nuôi hơn năm ngàn người; “Tội anh được tha, hãy chỗi dậy vác chõng mà về”, Lời quyền năng, người bại đứng dậy vác chõng ra về; “Hãy theo tôi”, Lời quyền năng, Matthêu thu thuế nên tông đồ; “Tôi không kết tội chị”, Lời quyền năng, chẳng ai ném đá người phụ nữ, chị về bình an; “Hỡi thanh niên, hãy chỗi dậy”, Lời quyền năng, bà goá Nain được lại con; “Lazarô, hãy ra khỏi mồ!”, Lời quyền năng, người chết bước ra; “Anh là Phêrô, nghĩa là đá. Trên đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy”, Lời quyền năng, Hội Thánh trơ gan cùng tuế nguyệt hơn 2, 000 năm; và “Hôm nay, anh sẽ ở trên thiên đàng với tôi”, Lời quyền năng, anh trộm lành ung dung bước vào cõi vĩnh hằng.

Chúa Giêsu muốn tất cả chúng ta tiếp tục gây ngạc nhiên, nói lời quyền năng, lời yêu thương của Ngài. Để được vậy, trước hết như Ngài, lời của chúng ta cũng phải phát xuất từ một tấm lòng thương xót như lòng của Chúa; được đốt cháy bởi Thánh Thần như Thánh Phaolô nói trong thư Côrintô hôm nay, “Thánh Thần thấu suốt mọi sự, cả những điều thâm sâu của Thiên Chúa”; và lời chúng ta cũng phải được nói từ một tâm hồn trong sạch, hiền lành và khiêm nhượng như tâm hồn Chúa Giêsu. Được như thế, chắc chắn lời của chúng ta cũng nên lời quyền năng, lời yêu thương.

Anh Chị em,

Hôm nay, Lời quyền năng của Chúa Giêsu vẫn đang tiếp tục gây ngạc nhiên qua Hội Thánh, “Cha rửa con, nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”, Lời quyền năng, Dân Chúa ngày thêm tăng số; “Này là Mình Thầy, này là Máu Thầy”, Lời quyền năng, hy tế tạ ơn liên lỉ dâng lên Cha trên trời, Thánh Thể nuôi sống đoàn chiên; “Xin Chúa dùng tác vụ của Hội Thánh mà ban cho con ơn tha thứ và bình an; vậy Cha tha tội cho con, nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”, Lời quyền năng, Thiên Chúa hằng ban ơn để con người được thứ tha, giao hoà với Người.

“Nếu tôi được trở thành một vị thánh, chắc chắn tôi sẽ là vị thánh của “bóng tối”. Tôi sẽ tiếp tục ở xa xa trên thiên đàng để thắp sáng cho những con người đang sống trong bóng tối trên trái đất này”. Đó là lời yêu thương, lời quyền năng của Mẹ Têrêxa. Năm 1997, Mẹ qua đời, số nữ tu của Mẹ đã là 4, 000; hoạt động tại 610 nhà trên 123 quốc gia; các chị em, con cái của Mẹ vẫn đang tiếp tục nói lời yêu thương và gây ngạc nhiên cho thế giới thế kỷ 21.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin cho con một trái tim biết xót thương, được nung nấu bởi lửa mến hầu tâm hồn con nên trong sạch và nhu mì; nhờ đó, lời con cũng nên quyền năng như Lời của Chúa, và con cũng tiếp tục gây ngạc nhiên”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Thi ca suy niệm: Chúa Nhật tuần 23A thường niên
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
09:24 01/09/2020
CHÚA NHẬT 23 THƯỜNG NIÊN. A
(Mt. 18:15-20)
SỬA LỖI


Con người yếu đuối lầm than,
Mê say sắc dục, dối gian ở đời.
Xét mình tội lỗi trong đời,
Tội trong tư tưởng, nói lời gian ngoa.
Làm sao kết nối giao hòa?
Bao nhiêu hành động, mù lòa lạc sai.
Ghen tương thù hận chê bai,
Nói hành nói xấu, công khai hại người.
Chúa khuyên sửa dậy từng lời,
Trước là kín đáo, mở lời khuyên răn.
Âm thầm chỉ dậy can ngăn,
Không nghe từ chối, tận căn giúp người.
Hai người góp ý gọi mời,
Sửa sai giải quyết, đẹp đời biết bao.
Cứng lòng bất chấp ra sao,
Cộng đoàn giúp đỡ, ngọt ngào bảo ban.
Lắng nghe hối cải hiền ngoan.
Trở về xum họp, hân hoan cả nhà.
Nơi nào tụ họp hai, ba,
Có Thầy ở giữa, mưa sa phúc lành.

Chúng ta là con người yếu đuối và tội lỗi. Ai trong chúng ta cũng là người có lỗi lầm. Có nhiều cách để sửa lỗi. Chúng ta có thể xét mình dựa vào các giới răn, luật lệ và những lời khuyên bảo và góp ý xây dựng

Khi tự biết mình sai, chúng ta có thể sửa sai. Tự chúng ta nhận biết lỗi và sửa lỗi mình thì dễ hơn. Nhưng để người khác sửa lỗi, đôi khi chúng ta khó chấp nhận. Chúng ta là con cháu của Adong và Evà mà. Nhớ khi xưa, Thiên Chúa hỏi tội Adong, ông đã đổ tội cho bà Evà và Chúa hỏi tội bà Evà, bà lại đổ tội cho con rắn. Đổ lỗi cho người khác đó là yếu điểm của con người. phản ứng tự nhiên, trước hết để bảo vệ thanh danh và tiếng tốt của mình, chúng ta từ chối. Ít khi chúng ta muốn nhận sự sai trái về phía mình.

Muốn sửa lỗi anh em, trước hết hãy tìm hiểu nguyên do trước khi quy lỗi. Chúng ta cần có sự hiểu biết rõ ràng với lòng thành và sự tôn trọng. Rồi gặp gỡ riêng tư để đối thoại và góp ý. Anh em sửa lỗi nhau trong âm thầm và kín đáo. Người có lỗi dễ dàng nghe và sửa mình. Đôi trường hợp, với ý không ngay lành, chúng ta lại muốn bêu diễu, hạ thấp uy tín, gây tổn thương và xúc phạm. Đừng khi nào đem truyện của anh em làm quà cho người khác nói là yêu thương xây dựng. Điều này khó thuyết phục người anh em nhận và sửa lỗi.

Để sự sửa lỗi có sức thuyết phục, chúng ta cần cầu nguyện. Chúa phán: Nơi đâu có hai ba người tụ họp nhau cầu nguyện nhân danh Chúa, Chúa sẽ ở giữa họ. Góp ý và sửa lỗi luôn luôn đi với sự cầu nguyện. Nghĩa là, có Chúa hiện diện giữa chúng ta. Trong gia đình, vợ chồng và con cái hay trong nhóm nhỏ tụ họp cầu nguyện, Chúa sẽ ở giữa họ và họ có thể hòa giải dễ dàng. Xin Chúa chiếu dọi vào tâm trí của chúng con sự hoàn thiện của Chúa.

Lạy Chúa, chúng con đều là tội nhân, nhưng lại muốn người khác xem là công chính. Xin cho chúng con biết can đảm nhìn nhận lỗi lầm của chính mình để biết sửa sai và hòan thiện hơn mỗi ngày. Xin Chúa thương nâng đỡ tâm hồn yếu đuối của chúng con.

THỨ HAI, TUẦN 23 THƯỜNG NIÊN
(Lc 6, 6-11).
KHÔ BẠI


Bàn tay khô bại liệt lào,
Hội đường giảng dậy, Chúa vào bên trong.
Những người Luật Sĩ quanh vòng,
Các thầy Biệt Phái, đồng lòng dõi theo.
Số người bệnh hoạn đói nghèo,
Đến xin Chúa chữa, tin gieo trong lòng.
Vào ngày Sa-bát hằng mong,
Cầu xin ân phước, theo dòng thời gian.
Các thầy cấm cản lời van,
Tỏ lòng thương xót, Chúa ban ơn lành.
Việc làm phúc đức thi hành,
Giúp người cứu chữa, việc lành thực thi.
Rộng lòng Chúa rất từ bi,
Người tay khô bại, ai bì tình thương.
Những ai khó chịu vô phương,
Chúa thương ban phúc, tựa nương bên Ngài

THỨ BA, TUẦN 23 THƯỜNG NIÊN
(Lc 6, 12-19).
CHỌN GỌI


Suốt đêm cầu nguyện cùng Cha,
Tìm người nhiệt huyết, đi ra rao truyền.
Chọn mười hai vị thành viên,
Trở thành nồng cốt, lo chuyên vào đời.
Truyền rao chân lý ngàn đời,
Si-mon anh cả, gọi mời dấn thân.
Vì yêu Chúa chọn thế nhân,
Những người khiêm nhượng, canh tân cuộc đời.
Có người yếu đuối rụng rơi,
Giu-đa phản bội, đã rời Chúa đi.
Đám đông dân chúng phụ tùy,
Từ xa muôn lối, cùng quy tụ về.
Chữa lành bệnh hoạn bến mê,
Xua trừ ma quỷ, đưa về sống chung.
Tạ ơn Thiên Chúa vô cùng,
Yêu thương cứu chữa, bao dung tấm lòng.

THỨ TƯ, TUẦN 23 THƯỜNG NIÊN
(Lc 6, 20-26).
CHÚC PHÚC


Phúc thay nghèo khó ở đời,
Nước Trời chiếm đoạt, cho người tin yêu.
Phúc ai đói khát thiên triều,
No đầy hoan hỉ, lãnh nhiều ân thiêng.
Phúc người khóc lóc tội khiên,
Vui cười hớn hở, cõi thiên tìm về.
Người đời thù ghét tư bề,
Loại trừ phỉ báng, lời thề tín trung.
Reo mừng đón nhận bao dung
Chúa ban phần thưởng, thiên cung rạng ngời.
Khốn thay giầu có ở đời,
No nê đầy đủ, mọi thời vui say.
Vui tươi sảng khoái chốn này,
Mọi người ca tụng, hằng ngày thỏa thuê.
Công bình phân xử đuề huề,
Sáng danh Thiên Chúa, hưởng quê Nước Trời.

THỨ NĂM, TUẦN 23 THƯỜNG NIÊN
(Lc 6, 27-38).
THƯƠNG XÓT


Thi hành giới luật tình thương,
Làm ơn kẻ ghét, yêu thương kẻ thù.
Nguyện cầu chúc phúc đền bù,
Còn ai vu khống, xin tu, đừng phiền.
Ai mà vả má luân phiên,
Đưa thêm má trái, chịu liền thiệt thân.
Áo ngoài họ lột từng phần,
Áo trong đừng cản, ở trần hy sinh.
Ai đòi lấy của riêng mình,
Xin đừng đòi lại, giữ tình bà con.
Thực hành yêu mến vẹn tròn,
Điều gì con muốn, sắt son cho người.
Chúa thương mưa xuống cho đời,
Người hiền kẻ ác, gọi mời yêu thương.
Đừng nên xét đoán vô thường,
Thứ tha lỗi phạm, mở đường tội nhân.

THỨ SÁU, TUẦN 23 THƯỜNG NIÊN
(Lc 6, 39-42).
MÙ QUÁNG


Kẻ mù dẫn dắt người đui.
Cả hai rơi hố, biết lui đường nào.
Môn đồ kính trọng kẻ cao,
Tín trung hiếu nghĩa, tự hào trò ngoan.
Tông đồ học hỏi lo toan,
Tu thân hoàn hảo, chu toàn bản thân.
Mắt nhìn cái rác cận lân,
Cái đà không thấy, ở gần bên ta.
Để tôi lấy rác này ra,
Cái đà to tướng, trong xa mắt mình.
Giả hình giấu diếm vô tình,
Lỗi mình vấp phạm, chớ khinh tội người.
Xét mình đấm ngực mọi thời,
Ăn năn sám hối, từng lời dối gian.
Chúa thương giáo dục bảo ban,
Thứ tha tội lỗi, bình an tâm hồn.

THỨ BẢY, TUẦN 23 THƯỜNG NIÊN
(Lc 6, 43-49).
HOA TRÁI


Trồng cây mong trái trổ sinh,
Cây nào tươi tốt, hoa xinh trái vàng.
Loại cây trái xấu trong hàng,
Sinh ra đèo đọt, bẽ bàng đừng lo.
Trái thơm chín ngọt thơm tho,
Bỏ công vun tưới, vườn nho xanh rì.
Lòng người nhân đức từ bi,
Sinh hoa kết qủa, thực thi giới điều.
Ngước nhìn thượng giới cao siêu,
Thành tâm tu luyện, thiên triều ước mong.
Thực hành đức ái tinh trong,
Nghe lời Chúa dậy, giữ lòng kiên trung.
Xây nhà trên đá nền khung,
Mưa to gió lớn, vững cùng thời gian.
Lắng nghe lời dạy khôn ngoan,
Hoàn thành sứ mệnh, trao ban trong đời.
 
Nghệ thuật nói
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
21:14 01/09/2020
NGHỆ THUẬT NÓI

Chúa Nhật 23 Thường Niên A

Bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói về người sửa lỗi. Chúa dạy, khi sửa bảo nhau cần có một trình tự theo bác ái qua bốn bước. Bước thứ nhất là “một mình anh với nó thôi”; “nếu nó không chịu nghe” thì qua bước thứ hai là “hãy đem theo một hay hai người nữa”; “nếu nó không nghe họ” thì bước thứ ba là “hãy đi thưa Hội Thánh”. Bước cuối cùng “Nếu Hội Thánh mà nó cũng không nghe, thì hãy kể nó như một người ngoại hay một người thu thuế”. Nhưng nên nhớ Chúa luôn coi trọng người ngoại và thu thuế ! Vì thế ta có thể nói, chỉ còn cách phó thác người đó cho Chúa mà thôi !

Trong những bước ấy, phải ưu tiên bước một: giữa hai người với nhau. Thông thường, chẳng ai thích bị “sửa lưng” hay “sờ gáy”. Thư gởi tín hữu Do thái nhận định như sau: “đã hẳn bị sửa dạy ngay tại trận thì hình như vui chẳng có, chỉ có buồn; nhưng về sau (mới thấy) nó sinh lợi cho những ai nhờ đó mà được luyện tập: tức là hoa quả bình an công chính” (Dt 12, 11).

Để việc sửa lỗi có kết quả, cần phải cho người ấy thấy là mình yêu thương họ, muốn họ nên tốt. Chính Chúa cũng làm như vậy: “vì Chúa thương ai, Người mới sửa dạy, con nào Người nhận, Người mới cho đòn” (Dt 12, 6).

Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót nên Ngài không muốn cho kẻ có tội phải chết, nhưng muốn họ ăn năn sám hối và được sống (x.Ed 18, 23).

Sách Samuel 1 kể rằng: vì ghen tương, vua Saolô quyết tâm giết Đavit, nhưng hoàng từ Gionathan đã tìm cơ hội thuận tiện, rồi khôn khéo và chân thành trình bày với vua cha: “Thưa cha, con trộm nghĩ: Đavit không làm gì chống lại cha. Tất cả những điều anh ta làm đều tốt đẹp và hữu ích cho cha cũng như cho dân Israel… Chính cha đã thấy những việc anh ấy làm và cha đã vui mừng…”. Những lời nói chân thành và hợp tình hợp lý của Gionathan, khiến nhà vua suy nghĩ. Sau đó, nhà vua trả lời: “Vậy, nhân danh Thiên Chúa hằng sống, cha hứa sẽ không tìm giết Đavit nữa”.

Sách Samuel 2 kể câu chuyện hấp dẫn. Một buổi chiều nọ, vua Đavít tản bộ trên sân thượng và chợt thấy một phụ nữ xinh đẹp đang tắm, đó là bà Bat-shêba, vợ của tướng Uria. Vua sai người đưa bà đến với vua. Ít lâu sau, Bat-shêba báo tin cho vua hay là bà đã có thai với nhà vua. Đavít tìm cách ‘bán cái’ cho Uria. Vua cho triệu Uria từ mặt trận trở về, cho ông ăn uống no say rồi truyền cho Uria về nhà thăm vợ. Hai đêm liền, Uria nằm ngủ trong đền vua với những tên lính canh mà không chịu về nhà. Thấy kế hoạch ‘bán cái’ không xong, vua Đavít ra lệnh cho tướng Yôab mượn tay quân giặc giết chết Uria ngoài chiến trường.Sau đó, khi đã mãn tang chồng, Bat-shêba được vua Đavít đón vào cung làm vợ chính thức của nhà vua.(x.2 Sam 11 và 12).

Vua Đavít đã phạm tội đoạt vợ giết chồng, thế mà vẫn ung dung như không có gì xảy ra. Khi người ta không tự thấy được tội lỗi của mình để sám hối thì cần phải có ai đó đến nhắc bảo họ.Thế là Thiên Chúa sai tiên tri Natan đến cảnh tỉnh vua. Khuyên vua thì phải khôn ngoan lựa lời. Natan trình với vua: “Trong thành kia, có một người giàu sang phú quý có cả đến hàng ngàn chiên dê và bò, trong khi đó, một người nghèo bên cạnh chỉ có một con chiên nhỏ mà ông ta rất yêu quý, coi như đứa con gái của ông. Thế rồi khi người giàu có khách, ông tiếc của không dám bắt chiên mình đãi khách mà lại cho tôi tớ đi bắt con chiên độc nhất của người nghèo làm thịt”. Nghe đến đây, vua Đavít bừng bừng nổi giận. Vua quát: “Nó đáng chết, tên ác nhân đó! Nó phải bị trừng phạt và phải bồi thường gấp bốn vì việc nó đã làm”. Tiên tri Natan thưa: “Người ấy chính là vua. Nhà vua đã có nhiều thê thiếp lại còn nhẫn tâm giết chết Uria và cướp vợ của ông ta”. Bấy giờ vua Đavít mới nhận ra tội mình và ăn năn khóc lóc thảm thiết.Nếu không được tiên tri Natan cảnh tỉnh, vua Đavít đã không nhận ra tội lỗi của mình và không thể hối cải (Lm Ignatiô Trần Ngà).

Tiên tri Natan đã thành công khi sửa lỗi cho vua Đavit. Đó là cả một nghệ thuật nói năng khôn ngoan.

Suy niệm bài Tin Mừng hôm nay, Đức cha Bùi Tuần viết: tôi nhận thấy Chúa Giêsu dạy tôi về sự nói năng.

Chúa dạy tôi phải biết nghệ thuật nói với:

Để nói với tha nhân, Chúa dạy tôi phải nói lời xây dựng. Chúa dạy thật rõ ràng: “nếu anh em ngươi lỗi phạm, hãy đi sửa dạy nó”. Sửa dạy chứ không lên án, xây dựng chứ không loại trừ. Điều này đòi phải có lòng yêu thương và coi mọi người là anh chị em thân thiết của mình.

Để nói với tha nhân, Chúa cũng dạy tôi phải nói lời tế nhị. Khi góp ý với ai đó thì cần phải kín đáo “riêng ngươi và nó thôi”, bởi nếu không thì chuyện bé cũng sẽ xé ra to. Điều này cần sự tôn trọng, và tin tưởng lẫn nhau. Tôn trọng cái tốt vẫn luôn còn nơi mỗi người. Tin tưởng rằng ai, dù lỗi lầm đến đâu vẫn có khả năng hoán cải nên tốt hơn.

Để nói với tha nhân, Chúa còn dạy tôi phải nói lời đối thoại. Chỉ nói khi có “riêng ngươi và nó thôi” còn có nghĩa là biết trao đổi, biết đối thoại với nhau. Điều này cần có thái độ kiên nhẫn và biết sẵn sàng lắng nghe, biết chấp nhận khác biệt của nhau.

Chúa cũng dạy tôi phải biết nghệ thuật nói cùng, đúng hơn là phải cùng nhau nói với Chúa.

Khi nói cùng nhau tức là hiệp thông với nhau trong tình huynh đệ. Hiệp thông luôn là một lời mời gọi trong Giáo Hội, là dấu chỉ của Nước Trời. Càng hiệp thông với nhau, chúng ta gắn bó với Chúa và Giáo Hội.

Khi nói cùng nhau trong Chúa tức là cùng nhau cầu nguyện. Chúa Giêsu đã hứa: “Thầy bảo thật các con, nếu hai người trong các con, ở dưới đất mà hiệp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên Trời sẽ ban cho họ điều đó”.

Lời Chúa ngày hôm nay thật thiết thực với cuộc sống con người. Lời Chúa mời gọi tất cả chúng ta biết hoán cải, biết đổi mới trong cung cách nói năng hằng ngày: nếu như xưa kia chúng ta thường nói lời chỉ trích, thì nay Chúa mời chúng ta hãy nói lời xây dựng; nếu như xưa kia chúng ta thích nói lời gắt gỏng, thì nay Chúa mời chúng ta hãy nói lời tế nhị; nếu như xưa kia chúng ta chỉ muốn nói lời ra lệnh, thì nay Chúa mời chúng ta hãy nói lời đối thoại; và nếu ngày xưa chúng ta thường sống khép kín, thì hôm nay Chúa mời chúng ta hãy mở rộng tâm hồn để có thể cùng nhau dâng lên Người những lời nguyện cầu.

Sửa lỗi cho anh em là một hành vi tích cực của đức Bác Ái, mục đích là để cho anh em được nên hoàn thiện hơn. Lời nói góp ý xây dựng phải có nội dung, ý hướng và cung cách.

Nội dung lời nói phải là sự thực. Đã nói thì phải nói sự thực. Nhưng không phải sự thực nào cũng nên nói. Gán cho người điều xấu không có, đó là vu khống. Tiết lộ hay phổ biến điều xấu người ta có, đó là nói hành. Gièm pha, thêm bớt xuyên tạc, đó là những hình thức và mức độ khác nhau của vu khống và nói xấu.

Ý hướng lời nói phải là sự thiện.Nói để thông tri. Nói để xây dựng. Nhưng có khi nói sự thực với chủ ý phô trương, có khi nói đạo đức với thêm ý quảng cáo chính mình, có khi chỉ trích sự tội kẻ khác với thâm ý hại họ và đề cao bản thân, có khi bênh vực chân lý với hậu ý bênh vực tự ái.

Cung cách lời nói phải là lịch sự.Nói là truyền thông tư tưởng, nhưng cũng đã diễn tả chính mình.Có nhiều kiểu nói cộc cằn, biểu lộ tâm hồn thiếu tế nhị. Có những giọng nói hách dịch, tố cáo một khuynh hướng kiêu căng. Có những lời nói cứng cỏi phơi bày một tính tình nghèo thiện cảm.

Chọn lời mà nói. Chọn chữ mà dùng. Ăn phải nhai, nói phải nghĩ. Nói hợp với người nghe. Việc đó không dễ. Chắc không phải vô cớ mà thánh Giacôbê đã quả quyết: “Ai không lỗi trong lời nói, người đó là người hoàn toàn” (Gc 3, 2). (x. Nói với chính mình, Đức cha Bùi Tuần)

Lạy Chúa, xin giúp chúng con học bài học sửa lỗi cho nhau thật tốt đẹp trong mọi mối tương quan. Xin cho chúng con ơn phân định khôn ngoan để biết suy xét, nói năng và hành động khi sửa lỗi cho nhau. Amen.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Các Giám Mục Hoa Kỳ bày tỏ sự thất vọng đối với lập trường quyết liệt phò phá thai của bà Nancy Pelosi
Đặng Tự Do
00:04 01/09/2020


Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đã khẳng định rằng lệnh cấm dùng quỹ liên bang tài trợ cho việc phá thai sẽ bị loại trừ khỏi các dự luật chi tiêu vào năm tới nếu đảng Dân chủ giữ được đa số trong Hạ viện. Tuyên bố của bà ta có ý nghĩa là sự chấm dứt thỏa thuận lưỡng đảng kéo dài trong 44 năm qua về vấn đề phá thai trong các dự luật chi tiêu.

Tờ Los Angeles Times đưa tin hôm thứ Sáu rằng Chủ tịch Hạ Viện Pelosi, Dân biểu Dân Chủ đơn vị California, gần đây đã nói với một số đảng viên Dân chủ Hạ viện rằng các dự luật tài trợ vào năm tới sẽ bãi bỏ Tu chính án Hyde.

Trong chính trị Hoa Kỳ, Tu chính án Hyde là một đạo luật cấm việc sử dụng quỹ liên bang để chi trả cho việc phá thai ngoại trừ để cứu mạng sống của người phụ nữ, hoặc nếu cái thai phát sinh do loạn luân hoặc cưỡng hiếp. Trước khi Tu chính án Hyde có hiệu lực, ước tính có khoảng 300, 000 ca phá thai được thực hiện hàng năm bằng tiền đóng thuế của dân.

Hạ viện thông qua Tu chính án Hyde vào ngày 30 tháng 9 năm 1976 với tỷ lệ bỏ phiếu 312 trên 93. Tu chính án này có tên là Hyde vì do Dân biểu Cộng hòa Henry Hyde của Illinois đề xuất. Tu chính án thể hiện một trong những thành tựu lập pháp lớn nhất và đầu tiên nhất của phong trào ủng hộ sự sống tại Hoa Kỳ, đặc biệt là các phong trào phò sinh của Công Giáo và Ủy ban Quốc gia về Tu chính án Cuộc sống Con người do nhà vận động hành lang Mark Gallagher đứng đầu.

Theo một nghiên cứu do Viện ủng hộ cuộc sống Charlotte Lozier công bố và được cập nhật gần đây, chính sách này ước tính giúp giảm khoảng 60, 000 ca phá thai mỗi năm, hoặc khoảng một trong số chín trường hợp phụ nữ mang thai được hưởng trợ cấp Medicaid. Viện tuyên bố rằng chính sách này đã cứu hơn 2.4 triệu sinh mạng kể từ khi nó được thiết lập vào năm 1976.

Tuy nhiên, nghị quyết của Đảng Dân chủ năm 2016 đã kêu gọi bãi bỏ tu chính án Hyde và tất cả các ứng cử viên tổng thống của đảng này vào năm 2020 đều ủng hộ việc bãi bỏ chính sách này.

Joe Biden đã đảo ngược sự ủng hộ của mình đối với Tu chính án Hyde vào năm ngoái, sau khi ông ta vấp phải sự chỉ trích từ những người ủng hộ phá thai - bao gồm cả ứng cử viên phó tổng thống tương lai Kamala Harris.

Tổng thống Trump đã ủng hộ Tu chính án Hyde, nhưng một dự luật để luật hóa nó - Đạo luật No Taxpayer Funding for Abortion – nghiã là Không Dùng Tiền Thuế Dân Tài Trợ Cho Phá Thai - đã không nhận được 60 phiếu bầu cần thiết tại Thượng viện, vào năm 2019.

Một số thành viên Đảng Dân chủ Hạ viện bao gồm Barbara Lee, Dân biểu Dân Chủ đơn vị California; Jan Schakowsky, Dân biểu Dân Chủ đơn vị Illinois; và Ayanna Pressley, Dân biểu Dân Chủ đơn vị Massachusetts, đã cố gắng bãi bỏ tu chính án này vào năm 2019 và một lần nữa vào năm 2020, thông qua việc ban hành luật để làm như vậy hoặc bằng cách cố gắng gây áp lực vào phút cuối khi thông qua các dự chi ngân sách.

Đức Tổng Giám Mục Joseph Naumann của Kansas City, nói với CNA vào năm ngoái rằng “đã có sự đồng thuận rộng rãi trong lịch sử” về việc ủng hộ tu chính án này từ các thành viên của cả hai đảng chính trị lớn.

Do đó, ngài cho biết “Thật thất vọng khi thấy chủ nghĩa cực đoan hiện đang tấn công điều mà hầu hết người Mỹ coi là nguyên tắc rất quan trọng. Khi người ta hủy hoại cuộc sống của một con người, thì đó không phải là chăm sóc sức khỏe.”

Chúa Giêsu nói với các môn đệ rằng:

“Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: ‘Lạy Chúa! lạy Chúa!’ là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi.” (Mt 7:21).

Bà Nancy Pelosi, một mặt cứ xưng mình là người Công Giáo, nhưng mặt khác lại quá sôi máu phò phá thai! Thật là quá đáng.


Source:Catholic News Agency

 
Cách dịch cho mọi người và cho nhiều người trong bản dịch Sách Lễ vừa được Hội Đồng Giám Mục Ý công bố
Đặng Tự Do
01:33 01/09/2020
Các Giám Mục Ý cuối cùng đã in xong Sách lễ mới cho Giáo Hội tại Ý, và các ngài đã trao bản sao đầu tiên mang tính biểu tượng cho Đức Thánh Cha Phanxicô, vì ngài thường cử hành Thánh lễ bằng tiếng Ý. Đây là ấn bản thứ ba sách lễ Rôma bằng tiếng Ý.

Hội Đồng Giám Mục Ý đã làm việc trong gần 20 năm để dịch các bản văn của tất cả các lời cầu nguyện được các linh mục và các tín hữu sử dụng trong Thánh lễ, sau đó thảo luận về những thay đổi được đề xuất với Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích.

Việc sử dụng Sách lễ mới là bắt buộc trên khắp nước Ý kể từ Lễ Phục sinh, ngày 4 tháng 4 năm 2021, nhưng các linh mục có thể bắt đầu sử dụng bản dịch ngay sau khi họ nhận được Sách lễ mới. Các Giám Mục địa phương có thể ấn định một ngày sớm hơn để sử dụng Sách lễ mới này trong giáo phận của các ngài.

Trong phiên họp khoáng đại của Hội Đồng Giám Mục Ý diễn ra từ 12 đến 15 tháng 11, 2018 tại phòng họp Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới của Vatican, các Giám Mục Ý đã phê chuẩn bản dịch của ấn bản thứ ba sách lễ Rôma, là sách lễ được sử dụng trong các Thánh Lễ, trong đó bao gồm những thay đổi đối với văn bản của Kinh Lạy Cha và Kinh Vinh Danh.

Bản dịch cũ của Kinh Lạy Cha kết thúc với lời cầu “non ci indurre in tentazione”, nghĩa là “xin đừng đưa chúng con vào chước cám dỗ”; nay được đổi lại “non abbandonarci alla tentazione”, hay theo tiếng Việt là “xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ”.

Năm 2002, các Giám Mục Ý đã phê chuẩn cách dịch “xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ” khi các ngài phê duyệt bản dịch Kinh Thánh được đọc trong Phụng Vụ.

Bản dịch cũ của Kinh Vinh Danh bắt đầu với câu “Gloria a Dio nell'alto dei cieli e pace in terra agli uomini di buona volontà”, nghĩa là “Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời và bình an dưới thế cho người thiện tâm”, được sửa thành “Gloria a Dio nell'alto dei cieli e pace in terra agli uomini amati dal Signore.”, tiếng Việt là: “Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời và bình an dưới thế cho người Chúa thương”.

Một điều mà những người nói tiếng Anh nhận thấy là ấn bản mới nhất này của Hội Đồng Giám Mục Ý vẫn duy trì cách dịch cụm từ Latinh “pro multis” là “per tutti” – nghĩa là “cho mọi người” chứ không phải “per molti” - “cho nhiều người”.

Việc dịch cụm từ “pro multis” đã được tranh luận gay gắt khi các Hội Đồng Giám Mục trên khắp thế giới thực hiện bản dịch từ tiếng Latinh ra tiếng địa phương. Các bản dịch tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Pháp của sách lễ Rôma sử dụng cách dịch “cho nhiều người”.

Theo nhiều chuyên gia Phụng Vụ, cách dịch “cho nhiều người” là cách dịch trung thành của cụm từ “pro multis”, trong khi “cho mọi người” là một lời giải thích có tính chất thiên về giáo lý.

Từ ngữ “cho nhiều người”, trong khi vẫn mở cửa cho sự bao gồm mọi người, phản ảnh sự thật rằng ơn cứu độ không được mang lại một cách máy móc, bất kể sự ưng thuận hay không của người ta; thay vào đó người tín hữu được mời gọi chấp nhận trong đức tin của lễ đang được vị chủ tế dâng lên, và tiếp nhận sự sống siêu nhiên, vốn được trao cho các người tham gia trong mầu nhiệm này, và sống mầu nhiệm ấy trong cuộc sống của họ.

Cụm từ “pro multis” xuất hiện trong lời truyền phép “qui pro vobis et pro multis effundetur in remissionem peccatorum” – “được đổ ra cho các con và nhiều người được tha tội”.

Sách Lễ Rôma, năm 2002, Bản dịch Việt Ngữ được Tòa Thánh phê chuẩn ngày 10-05-2005, được Giáo Hội Việt Nam thi hành từ lễ Chúa Phục Sinh ngày 16-04-2006, dịch cụm từ “pro multis” là “cho nhiều người”.

Tất cả các con hãy nhận lấy mà uống:
Vì này là chén Máu Thầy,
Máu giao ước mới và vĩnh cửu,
sẽ đổ ra cho các con
và nhiều người được tha tội.
Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy.


Bản dịch tiếng Anh của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, cũng dịch là “for many” (cho nhiều người)

Take this, all of you, and drink from it,
for this is the chalice of my Blood,
the Blood of the new and eternal covenant,
which will be poured out for you and for many
for the forgiveness of sins.
Do this in memory of me.


Năm 2001, Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích đã xuất bản cuốn “Liturgiam Authenticam” nghiã là “Phụng vụ Chân thực”, trong đó nhấn mạnh đến nhu cầu là các bản dịch sang tiếng địa phương phải càng gần càng tốt theo nghĩa đen của bản Latinh.

Năm 2006, Toà Thánh hướng dẫn rằng tất cả các phiên bản địa phương của Sách Lễ Rôma phải dịch cụm từ “pro multis” là “cho nhiều người”, và chỉ ra rằng đó cũng là bản dịch sát nhất theo đúng nguyên bản tiếng Hy Lạp “περὶ πολλῶν” trong Matthêu 26:28.

Sự thay đổi này đã vấp phải sự phản đối của các Giám Mục Đức. Tuy nhiên, chính Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã viết thư riêng cho các Giám Mục Đức vào năm 2012 giải thích tại sao các vị nên đồng ý với cách dịch “cho nhiều người”.

Hôm 9 tháng 9, năm 2017, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra tự sắc “Magnum Principium” - “Nguyên tắc Chủ đạo”, nhấn mạnh vai trò của các Hội Đồng Giám Mục địa phương trong việc xác định dịch thế nào là tốt nhất. Theo tinh thần của tự sắc này, Hội Đồng Giám Mục Ý đã tiếp tục dùng cách dịch “cho mọi người”.


Source:Crux
 
An bình với Đấng Tạo hóa và Hài hòa với Tạo vật
Thanh Quảng sdb
06:15 01/09/2020
An bình với Đấng Tạo hóa và Hài hòa với Tạo vật

Trong thông điệp Ngày Thế giới Cầu nguyện cho việc Chăm sóc Sáng tạo và Lễ hội Sáng tạo, Đức Thánh Cha Phanxicô đã suy tư về ý nghĩa Kinh thánh nói về Năm Thánh, như chủ đề của Mùa Lễ hội Sáng tạo, "Năm Thánh Trái đất" đã đề ra.

(Tin Vatican)

Ngày Thế giới Cầu nguyện cho Lễ hội Mùa Sáng tạo bắt đầu từ ngày 1 tháng 9 và kéo dài một tháng kết thúc vào ngày 4/10 ngày lễ kính thánh Phanxicô Assisi, Đức Thánh Cha Phanxicô đưa ra một suy tư sâu sắc về sự tôn trọng trái đất, các nguồn tài nguyên của trái đất, những tệ nạn do con người gây ra và nhu cầu về "công bằng phản hồi" chẳng hạn như xóa nợ cho các nước nghèo.

Tiếng kêu của trái đất và của người nghèo

Trong thông điệp, Đức Thánh Cha giải thích rằng “đại dịch đã dồn chúng ta vào ngã ba đường.” ĐTC nói: “Chúng ta phải sử dụng thời điểm quyết định này, để chấm dứt các mục tiêu và hoạt động lãng phí và phá hoại của chúng ta, đồng thời nuôi dưỡng các giá trị, kết nối và hoạt động mang lại sự sống. Chúng ta phải kiểm tra thói quen sử dụng năng lượng, tiêu thụ, vận chuyển và chế độ ăn uống. Chúng ta phải loại bỏ những lãnh vực lãng phí và phá hoại nền kinh tế của chúng ta, và vun góp những phương thức mang lại sự sống để buôn bán, sản xuất và vận chuyển hàng hóa."

Đức Thánh Cha lưu ý “tiếng kêu của trái đất và của người nghèo càng ngày càng lớn và thống thiết hơn trong những năm gần đây”. Nhưng, ĐTC tiếp, thật tuyệt vời khi con người ta biết lắng nghe tiếng Chúa Thánh Thần mời gọi cá nhân, cũng như cộng đoàn trên khắp thế giới hãy cùng nhau để nâng đỡ người nghèo, bảo vệ đất đai và xây dựng lại ngôi nhà chung của chúng ta và bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất ở giữa chúng ta. ĐTC nói tiếp, những người trẻ trong cộng đồng và người dân bản địa đang đi đầu trong việc đối phó với khủng hoảng sinh thái. Họ đang kêu gọi có một Năm Thánh dành cho trái đất và một sự khởi đầu mới, ý thức rằng “mọi sự có thể được thay đổi”.

Tham lam và tiêu xài lạm phát

Đức Thánh Cha nhắc nhở chúng ta rằng “chúng ta không thể sống hài hòa với tạo vật, nếu chúng ta không có an bình với Đấng Tạo Hóa, Đấng là nguồn và là khởi nguyên của mọi vạn vật”. Năm Thánh là thời gian để một lần nữa nghĩ đến đồng loại của chúng ta, đặc biệt những người nghèo và những người dễ bị tổn thương nhất, để chia sẻ di sản chung của sự sáng tạo trong “tinh thần hòa đồng, không tranh giành nhưng trong tình thân chia sẻ vui tươi, hỗ trợ và bảo vệ nhau".

Năm Thánh cũng là thời gian để lắng nghe trái đất, nghe tiếng nói của Đấng tạo hóa và trở về đúng vị trí của chúng ta trong trật tự mà Đấng tạo hóa đã dựng nên. Hãy nhớ rằng chúng ta là một thành phần của vũ hoàn này, chứ không phải là chủ nhân ông của nó.

Đức Thánh Cha nói: “Sự hủy hoại sinh thái, thảm họa biến đổi khí hậu và những thảm họa bất công mà đại dịch hiện nay ảnh hưởng đến người nghèo và dễ bị tổn thương, ” là một “lời cảnh tỉnh trước lòng tham và tiêu xài lãng phí của chúng ta”.

Đức Thánh Cha nói, Năm Thánh là thời gian để giải phóng những người bị áp bức, chẳng hạn như những người bản xứ đang bị đối diện với những bất công và những người đang phải cam chịu dưới nhiều hình thức nô lệ hiện đại, chẳng hạn như nạn buôn người và lạm dụng sức lao công của trẻ em...

Xóa bỏ nợ

Năm Thánh cũng là năm để sống công bằng và công lý, Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến “lời mời gọi xóa bỏ nợ nấn cho các quốc gia nghèo đáng thương, để ghi nhận những hậu quả nghiêm trọng của các cuộc khủng hoảng y tế, xã hội và kinh tế mà các nước nghèo phải đối diện với hậu quả của cơn dịch Covid-19”.

Năm thánh cũng là dịp nhìn lại những đảm bảo cho các nước đang phát triển và các nước phát triển trên bình diện toàn cầu, trong khu vực hoặc bình diện quốc gia… Hầu các chính sách, luật pháp và đầu tư phải được tập trung vào lợi ích chung và đảm bảo được rằng các mục tiêu của xã hội và môi trường toàn cầu được đáp ứng...
 
Đại dịch là một khúc quanh đối với Đức Phanxicô?
Vũ Văn An
21:53 01/09/2020

Đại dịch tác động lên mọi người. Điều này đúng, nhưng đối với bản thân Đức Phanxicô thì sao? Nicole Winfield của hãng tin A.P. đã thắc mắc như thế (https://cruxnow.com/vatican/2020/08/what-happens-when-pandemic-locks-down-a-globe-trotting-pope) và theo cô, dường như nó đánh dấu một bước ngoặt trong triều Giáo Hoàng của ngài.



Theo nữ ký giả trên, trong tháng Ba vừa rồi, vào ngày nước Ý ghi nhận con số thương vong nhẩy vọt cao nhất, Đức Phanxicô đã ra khỏi cảnh cấm cửa để dâng lời cầu nguyện ngoại thường và khẩn khoản xin các tín hữu duyệt lại các ưu tiên của họ bằng cách lập luận rằng coronavirus cho thấy họ cần đến nhau.

Trong cơn mưa rả rích rơi trên quảng trường mênh mông của Nhà Thờ Thánh Phêrô, lời lẽ của Đức Phanxicô tóm gọn các sứ điệp cốt lõi ngài vốn nhấn mạnh trong suốt 7 năm triều Giáo Hoàng của ngài: liên đới, công bằng xã hội và chăm sóc những người dễ bị tổn thương nhất.

Nhưng giờ phút đầy cảm kích trên cũng cho thấy Đức Giáo Hoàng rơi vào tình huống cô đơn biết chừng nào trong thời Covid-19 hoành hành và sự chống đối dai dẳng của những người bảo thủ: “Ngài hoàn toàn chỉ có một mình trước một kẻ thù vô hình, rao giảng ở một quảng trường trống rỗng đến rợn người”.

Winfield cho rằng trong cuộc khủng hoảng virút, Đức Phanxicô “đã trở thành ‘người tù của Vatican’ trong thế kỷ 21, như một trong các vị tiền nhiệm của ngài vốn được mô tả, bị cướp mất quần chúng, các cuộc du hành ra ngoại quốc và các cuộc viếng thăm các vùng ngoại vi vốn xác định và quảng bá triều Giáo Hoàng của ngài rất nhiều”.

Tuy ngài sẽ tái tục các buổi yết kiến chung có tín hữu tham dự vào tuần này, nhưng các buổi yết kiến này chỉ diễn ra ở sân bên trong Điện Vatican trước một đám đông giới hạn chứ không ở quảng trường rộng thênh thang của Nhà Thờ Thánh Phêrô.

Tuy nhiên, sau tin mừng nước Ý đã khuất phục được con coronavirus không lâu, nay nó lại hoành hành trở lại với con số 1, 000 ca nhiễm mới hàng ngày. Viễn ảnh những buổi yết kiến này không có chi sáng sủa.

Cô tự hỏi: tất cả những điều ấy có nghĩa gì đối với vị Giáo Hoàng 83 tuổi trước đây vốn rong ruổi khắp nơi trên thế giới và thừa tác vụ của ngài đối với 1 tỷ 2 người Công Giáo thế giới?

Alberto Melloni, một sử gia Giáo Hội vốn có thiện cảm với Đức Phanxicô, nhận định rằng đại dịch đánh dấu việc bắt đầu kết thúc triều Giáo Hoàng của Đức Phanxicô. Trong một tiểu luận gần đây, ông quả quyết rằng các căng thẳng ngấm ngầm trong suốt triều Giáo Hoàng đã trồi lên trong lúc bị cấm cửa, và sẽ không phai mờ đi một khi Covid-19 được thuần hóa.

Ông viết “trong mỗi triều Giáo Hoàng, có một thời điểm lịch sử sau đó giai đoạn cuối cùng sẽ bắt đầu; giai đoạn này có thể kéo dài trong nhiều năm”. Đối với Đức Phanxicô, “thời điểm đó là đại dịch và sự cô đơn của ngài trước virút”.

Người viết tiểu sử của ngài, Austen Ivereigh, cũng cho rằng đại dịch quả là “giờ phút phân chia trước sau” đối với triều giáo hoàng và cả nhân loại. Nhưng ông không cho rằng Đức Phanxicô bị cô lập; trái lại nhận định rằng cuộc khủng hoảng đem lại cho ngài cơ hội không ngờ để ngài cung ứng hướng dẫn tinh thần cho một thế giới đang cần đến.

Trong một cuộc phỏng vấn, ông cho hay đại dịch tạo ra “một thúc đẩy mới đối với triều Giáo Hoàng” trong việc nhấn mạnh nhiều gấp bội sứ điệp cốt lõi của mình từng được phát biểu trong thông Laudato Si’ năm 2015. Trong văn kiện này, Đức Phanxicô yêu cầu các nhà lãnh đạo chính trị sửa chữa các bất quân bình tai hại trong cơ cấu kinh tế hoàn cầu từng biến Trái Đất thành “một đống rác mênh mông”.

Ivereigh nhận định: “Ngài xác tín rằng đó là điểm ngoặt, và điều Giáo Hội có thể cung ứng cho nhân loại là điều rất hữu ích. Ngài xác tín rằng...trong một cuộc khủng hoảng, và một cuộc khủng hoảng lớn như chiến tranh hay đại dịch, bạn ra khỏi nó một là tốt hơn hai là tệ hơn”.

Hiện có tin đồn Đức Phanxicô đang viết một thông điệp mới cho thế giới hậu Covid-19, nhưng vào lúc này, phần chủ chốt trong sứ điệp của ngài được lồng trong Ủy Ban của Tòa Thánh lo giúp các nhà lãnh đạo Giáo Hội địa phương cách bảo đảm sao cho các nhu cầu của những người nghèo nhất được thoả mãn một khi đại dịch qua đi.

Ủy ban đang cung ứng sự trợ giúp cụ thể: mỗi tháng hay gần như thế, Vatican đều có loan báo việc cung cấp các máy thở mới cho một nước đang mở mang, cũng như các khuyến cáo về chính sách để các chính phủ và định chế suy nghĩ lại việc chăm sóc kinh tế, xã hội, y tế và các cơ cấu khác sao cho công bình và bền vững hơn.

Nữ tu Alessandra Smerilli, một nhà kinh tế và là thành viên chủ chốt của ủy ban cho biết: “Đức Giáo Hoàng không chỉ xem xét tình huống khẩn cấp. Ngài có lẽ là một trong số ít các nhà lãnh đạo thế giới đang nỗ lực bảo đảm rằng chúng ta không lãng phí cuộc khủng hoảng này, mọi nỗi đau mà cuộc khủng hoảng này gây ra đều không vô ích”.

Trong những tuần gần đây, Đức Phanxicô cũng đã phát động một loạt các bài giáo lý mới áp dụng giáo huấn xã hội Công Giáo vào đại dịch, tái khẳng định việc “ưu tiên chọn người nghèo” của Giáo Hội bằng cách yêu cầu người giàu không được ưu tiên chích vắc-xin và các nhà lãnh đạo chính trị giải quyết các bất công xã hội ngày càng trầm trọng hơn do cuộc khủng hoảng gây ra.

Vào tuần trước, Đức Phanxicô đã nói rằng "Một số người có thể làm việc tại nhà, trong khi điều này bất khả đối với nhiều người khác. Một số trẻ em… có thể tiếp tục nhận được một nền giáo dục học thuật, trong khi điều này đã bị gián đoạn đột ngột đối với nhiều em khác. Một số quốc gia hùng mạnh có thể phát hành tiền để đối phó với khủng hoảng, trong khi điều này có nghĩa là thế chấp tương lai đối với các nước khác".

Ngài nói: “Những triệu chứng bất bình đẳng trên cho thấy một căn bệnh xã hội; nó là một loại virút phát xuất từ một nền kinh tế bệnh hoạn”.

Những lời lẽ trên được nói với một máy quay truyền hình đặt tại thư viện của Đức Phanxicô - hầu như không phải là khoảnh khắc nắm được các hàng tít lớn. Đó là cách sắp xếp được Vatican sử dụng từ tháng 3, khi họ đình chỉ mọi hoạt động và tụ tập không chủ yếu.

Đáng kể hơn, đại dịch đã lấy mất một trong những công cụ đắc lực nhất của Đức Phanxicô: du lịch nước ngoài. Kể từ những ngày rong ruổi khắp thế giới theo phong cách người nổi tiếng của Thánh Gioan Phaolô II, Tòa Thánh đã dựa vào các chuyến công du nước ngoài và việc tường trình 24 giờ của truyền thông đi kèm để đưa thông điệp của Đức Giáo Hoàng đến với đông đảo khán giả quốc tế mà nếu không, có lẽ không bao giờ lưu ý tới ngài nhiều.

Đức Phanxicô đã sử dụng những chuyến đi đó để tiếp xúc tại cơ sở với các linh mục và nữ tu ở rất xa ngài, gửi những thông điệp yêu thương nghiêm nghị đến các nhà lãnh đạo thế giới và cung cấp chăm sóc mục vụ, thường ở những ngóc ngách bị lãng quên trên hành tinh.

Những chuyến đi này cũng cho phép ngài cởi mở hơn trong việc đề cập tới những vấn đề vốn thân thiết với trái tim ngài trong các cuộc họp báo thả dàn lúc trở về Rôma.

Việc thiếu các chuyến du hành như vậy trong một thời gian dài có nghĩa gì đối với vị giáo hoàng thì còn cần thời gian mới thấy được. Nhưng Đức Phanxicô đã sẵn lòng tuân theo lệnh cấm của chính phủ Ý, và thậm chí còn phê phán các linh mục phàn nàn về các biện pháp như vậy.

Ivereigh cho biết Đức Phanxicô đã bày tỏ “sự gần gũi về tâm linh” của ngài theo những cách khác, bao gồm các Thánh lễ buổi sáng của ngài được phát hình trực tiếp và được hàng triệu người xem trước khi Vatican bãi bỏ lúc các nhà thờ Ý mở cửa trở lại.

Trong suốt mùa hè đã có các tường trình về các linh mục, nữ tu và dân thường trên khắp thế giới nhận được điện đàm của Đức Phanxicô: một giám mục ở Mozambique đang lao đao với bệnh dịch tả và sốt rét cũng như một cuộc nổi dậy của người Hồi giáo; một nữ tu người Argentina đang chăm sóc những phụ nữ chuyển giới.

Mặc dù những câu chuyện thú vị như vậy thỉnh thoảng bị rò rỉ trong mùa hè thường trì trệ của Vatican, chúng vẫn không át được tiếng trống chỉ trích đều đặn trên các phương tiện truyền thông Công Giáo Hoa Kỳ từ những người chống đối bảo thủ của Đức Phanxicô, một phe nhỏ nhưng lớn tiếng của Giáo Hội.

Họ đã sử dụng sự cô lập tương đối của ngài để tiếp tục các cuộc tấn công và yêu cầu phải giải trình về hai thập niên che đậy các hành động của cựu Hồng Y người Mỹ Theodore McCarrick, người mà Đức Phanxicô đã hồi tục vào năm ngoái sau khi một cuộc điều tra của Vatican kết luận ông lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên và các chủng sinh trưởng thành. Đức Phanxicô vẫn chưa công bố một báo cáo về những gì Vatican biết và biết khi nào về McCarrick, hai năm sau khi hứa sẽ làm như vậy.

Như để làm bằng chứng cho mong muốn của phe bảo thủ muốn nhìn xa hơn triều đại Giáo hoàng của Đức Phanxicô, hai cuốn sách đã được xuất bản vào mùa hè năm nay của các tác giả Công Giáo nổi tiếng. Cả hai đều có tựa đề là Vị Giáo hoàng Sắp Tới (The Next Pope).

Một cuốn phác thảo nhân cách của 19 ứng viên giáo hoàng trong mật nghị hội sắp tới. Cuốn kia thì liệt kê các đặc điểm mà vị giáo hoàng sắp tới cần có.

Mỗi cuốn đều phán về một triều đại giáo hoàng trong tương lai - thường là điều cấm kỵ trong khi vị đương kim giáo hoàng vẫn còn sống khỏe. Nhưng việc xuất bản của họ cho thấy ít nhất một số người đang nghĩ về những gì sắp xảy ra, không những chỉ sau đại dịch, mà còn cả triều giáo hoàng nữa.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Tinh thần độc lập dân tộc của người Công Giáo Việt Nam: một giáo hội đứng trước thực dân và cộng sản
Vũ Ryan
08:20 01/09/2020
Lễ Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1945 được chọn vào mùng 2 tháng 9 nhằm trùng ngày lễ kính các đấng tử đạo Việt Nam. Giám mục Phaolô Lê Đắc Trọng kể lại lý do chủ tịch Hồ Chí Minh chọn ngày này là theo gợi ý của bác sĩ Vũ Đình Tụng, một người Công Giáo. Đương thời, các đấng chân phước tử đạo Việt Nam được mừng kính hằng năm vào Chúa nhật đầu tiên của tháng 9 mà năm đó rơi vào ngày 2 tháng 9. Dự định rằng người Công Giáo tham dự thánh lễ đông đảo và có thể dễ dàng tham gia mít-tinh sau đó.

Chủng sinh Phaolô Trọng khi đó chứng kiến ông Võ Nguyên Giáp được cử tới dự thánh lễ tại Nhà thờ Lớn Hà Nội một cách trang nghiêm: “Lễ trong nhà thờ kết thúc tốt đẹp, quy tụ đạo đời, chính quyền, dân sự, với niềm hân hoan phấn khởi kính mừng Các Đấng Anh hùng Tử đạo, gắn liền vào ngày trọng đại của lịch sử đất nước.” Nhà thờ được treo cờ đỏ sao vàng và sau thánh lễ, đông đảo các đoàn thể Công Giáo với trang phục, đội ngũ chỉnh tề đã kéo về dự mít-tinh tuyên bố độc lập tại Quảng trường Ba Đình.

Tông thư “Maximum illud” năm 1919 của Đức Giáo Hoàng Biển Đức XV nhấn mạnh sứ mạng loan truyền Phúc m của Giáo hội cần độc lập với các thế lực thực dân, đồng thời ủng hộ hàng ngũ giáo sĩ bản địa. Thập niên 1930, chính quyền thực dân Pháp quyết liệt chống đối việc Tòa Thánh Rôma bổ nhiệm các giám mục Việt Nam. Phong trào độc lập dân tộc của người Công Giáo Việt Nam lên cao với sự bênh vực của Vatican trước sự kinh ngạc của Pháp. Các nghiên cứu mới nhất (Claire Thi Lien Tran, Charles Keith, Lan A. Ngo) cho thấy rằng thực tế Tòa Thánh và giới Công Giáo Việt Nam không cộng tác với thực dân Pháp như vẫn được tuyên truyền theo quan niệm “chính thống”.

Cũng như nhiều thành phần người dân Việt Nam, người Công Giáo đón mừng sự tuyên bố độc lập của nước nhà. Cả bốn vị giám mục người Việt lúc đó đều ủng hộ chính quyền mới; giám mục Tađêô Lê Hữu Từ nhận lời mời làm cố vấn tối cao của chính phủ. Thế nhưng năm 1945 cũng lại là chiếc hộp Pandora mở ra một giai đoạn lịch sử đầy biến động của đất nước Việt Nam, trong đó có giáo hội.

Thực dân Pháp quay trở lại Đông Dương khi Việt Minh đang nắm quyền mà chưa bộc lộ bản chất là một tổ chức do cộng sản lãnh đạo. Giám mục Lê Đắc Trọng nhận định: “Họ thay đổi hình dạng luôn luôn, nên họ dễ tồn tại và phát triển. Cái động lực giúp họ mạnh lên, luôn luôn là núp dưới tinh thần ái quốc. Lúc này mà nói đến cộng sản ra lãnh đạo, dân ta chắc không ai theo, trừ mấy người đã là cộng sản, nên họ đổi thành Việt Minh, vẫn ranh ma, vẫn khéo léo xoay chiều, luồn lọt…” Đó là thời kỳ đầy thù ghét, tranh đấu và đổ máu, theo như David G. Marr. Các đảng phái như cộng sản đệ tứ Trốt-kít và Đảng Đại Việt bị đàn áp từ sớm; Việt Quốc, Việt Cách và Việt Minh mạt sát nhau trước khi hai đảng đối lập bị thanh trừng hay buộc phải lánh đi. Việt Minh cũng dần thể hiện xung đột với một số hội nhóm, phong trào tôn giáo trong đó có cả Phật giáo, Nho giáo, Cao Đài, Hòa Hảo, tín ngưỡng dân gian, và Công Giáo.

Giám mục Lê Hữu Từ nhân đường lối chiến tranh nhân dân của chính quyền đã vũ trang và thành lập lực lượng tự vệ ở Địa phận Phát Diệm, sau này mở rộng thêm Bùi Chu, để phòng vệ trước cả thực dân Pháp và cộng sản. Cố vấn tối cao Lê Hữu Từ tỏ rõ quan điểm với chủ tịch Hồ Chí Minh: “Tôi và dân Công Giáo Phát Diệm đoàn kết và triệt để ủng hộ cụ trong công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp giành độc lập tự do cho Tổ quốc nhưng nếu cụ là cộng sản thì tôi chống cụ từ giờ phút này.”

Trong suốt cuối thập niên 1940, khu tự vệ Phát Diệm–Bùi Chu giữ được sự độc lập khỏi cả thực dân Pháp và Việt Minh dù cả hai thế lực này đều cố lôi kéo lực lượng Công Giáo về phía mình. Tòa Thánh luôn cản trở những yêu cầu của giới chức Pháp, còn đối với phong trào cộng sản Việt Nam, từ tháng 6 năm 1948, Tòa Thánh nhận thấy họ không phải là những người yêu nước mà là một đảng chống tôn giáo sẽ tiến hành việc bách hại các tín hữu Việt Nam. Đức Giáo Hoàng Piô XII ra sắc lệnh lên án mọi sự hợp tác với cộng sản, là những người theo thuyết vô thần và duy vật. Cuối năm 1949, Đảng cộng sản Trung Quốc chiếm được toàn bộ Hoa lục, còn quân Pháp thì nhảy dù đòi can thiệp vào khu tự vệ Công Giáo. Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày càng gắn kết với khối cộng sản quốc tế, trong khi Quốc gia Việt Nam phi cộng sản do cựu hoàng Bảo Đại đứng đầu và được Hoa Kỳ hậu thuẫn đang trỗi dậy.

Tháng 4 năm 1951, khu tự vệ Phát Diệm–Bùi Chu phải sáp nhập vào Quốc gia Việt Nam nhưng hai địa phận này vẫn chống Pháp kịch liệt. Giám mục Lê Hữu Từ luôn cứng rắn chống Pháp và là cái gai trong mắt tướng J. Lattre de Tassigny. Giữa thời cuộc chiến tranh, khu vực này là nơi đón nhận người dân thuộc đủ giai cấp, không phân biệt lương, giáo đổ về lánh nạn. Trong hồi ký của mình, nhạc sĩ Phạm Duy xác nhận lý do ông đến ở giữa những người Công Giáo sau khi rời bỏ chiến khu của Việt Minh: “Không theo Pháp, không theo Việt Minh, không chịu sự chỉ huy của Phủ Thủ Hiến, họ có quân đội riêng, có tổ chức hành chính riêng. Đó là một thứ mầm mống của chính thể quốc gia sau này. Đặt bước chân đầu tiên vào vùng Bùi Chu-Phát Diệm này, tôi xác định là tôi về với quốc gia, không phải về với Pháp.”

Riêng Địa phận Công Giáo Hà Nội trải dài từ đô thành nơi chính quyền quốc gia nắm giữ tới những nơi mà chiến sự ác liệt diễn ra hằng ngày. Trước tình hình khó khăn và nhiễu nhương như thế, Giám mục Giuse Maria Trịnh Như Khuê vẫn có thể xử lý quân bình trước cả hai phía và tập hợp quanh ngài nhiều nhân vật trí thức và đạo đức.

Giữa rất nhiều thử thách và bách hại do cả thực dân lẫn cộng sản mang tới, lòng yêu nước của người Công Giáo được biểu hiện theo các cách khác nhau, minh chứng rằng lòng yêu nước và tinh thần tự do đúng nghĩa sẽ không thuộc về một tổ chức nhà nước chuyên chính nào cả. Nhìn lại 75 năm qua có thể thấy rõ người dân đã có được "nhân quyền, tài quyền, dân quyền, " gồm cả tự do tín ngưỡng, tự do tư tưởng, ngôn luận, hội họp như đã được hứa hẹn hay chưa.
 
Văn Hóa
Lá thư Canada: Chuyện Đi Alaska
Trà Lũ
08:35 01/09/2020
Tôi ở Canada đã mấy chục năm mà chưa năm nào giống năm nay. Mở đài thì toàn tin ở Mỹ, tin Cô Vít, tin bầu cử, tin cháy rừng ở Cali và tin mưa bão ở Texas, tin bão lụt ở Tàu Cộng…Ngấy qúa.

Ai cũng bảo nếu không có miền Quebec nói tiếng Pháp thì Canada giống hệt như Hoa Kỳ. Mấy chục năm trước thì Canada sợ Quebec ly khai, nay chuyện này không sợ nữa vì các di dân mới đến đều nhất định không ly khai. Bây giờ dân Quebec gốc Pháp mỗi ngày mỗi nhỏ lại, họ chỉ sợ sẽ có ngày trưng cầu dân ý rồi nhập vào Hoa Kỳ, tức là toàn khối Bắc Mỹ này sẽ là một nước Đại Hoa Kỳ. Việc này làm cho không những dân da trắng Quebecois sợ mà cả anh Trung Cộng cũng sợ luôn. Tôi nghĩ đây là điều Vua Trump đã có trong đầu mà chưa dám nói ra lúc này.Đa số giới truyền thông Canada có vẻ phò Vua Trump. Vua không giống bất cứ 44 tổng thống nào trong gần 300 năm lập quốc. Xưa nay tổng thống nào cũng sợ giới truyền thông, Vua Trump thì không, vua gọi đó là bọn ‘4 T’, bọn truyền thông thổ tả. Đáng nể quá. Vua Tập Cận Bình hiện cũng đang rất lo về việc Vua Trump tái đắc cử, vì Vua Trump sẽ hủy diệt cái mộng chiếm nước Hoa Kỳ của Trung Cộng. Tôi nói như vậy là vì mới được đọc trên mạng lời tuyên bố vừa bị lộ của một nhân viên cao cấp TC. Đó là lời của Tướng Trì Hạo Điền cánh tay mặt của Tập Cận Bình. Ngày15-4-2009 ông ta nói rằng: Ta đánh Mỹ theo quy ước cũ thì sẽ thua, đánh theo nguyên tử thì cũng sẽ thua, chỉ có đánh bằng khí giới hóa học thì sẽ thắng, thắng rồi ta sẽ đưa quân ta sang chiếm nước Mỹ. Thì ra chuyện con Virus Vũ Hán này đã có trong đầu của Tàu Cộng ít là từ 2009. Viết đến đây thì tôi nhận được bài viết của nhân sĩ Bằng Phong Đặng Văn Âu bàn về cuộc bầu cử sắp tới. Ngay lời mở bài ông đã viết rất rõ: Ngày 3 tháng 11 năm 2020 là ngày số phận nhân loại sẽ được quyết định. Hoặc thế giới sẽ trở nên huy hoàng hơn nếu Tổng thống Donald Trump và đảng Công Hòa chiến thắng, hoặc thế giới trở thành địa ngục trần gian nếu Joe Biden và đảng Dân Chủ chiến thắng. Đảng Dân Chủ lãnh đạo nước Mỹ ắt phải quỳ trước sân Tử Cấm Thành để triều kiến Hoàng đế Tập Cận Bình là điều chắc chắn… Nể ông Bằng Phong quá ! Lời ông sao hợp với lời GS Dương Đại Hải, và gần đây sao hợp với lời GS Nguyễn Tiến Hưng. GS Hưng là người được Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu gửi khẩn sang Mỹ cầu cứu đầu năm 1975. GS Hưng cho biết: một trong những người chống việc cứu VNCH và giúp dân tỵ nạn là ngài Bí Đen của Đảng Dân Chủ. Chúng ta phải nhớ việc đại ác này nha.

Làng An Lạc của tôi, mỗi lần họp làng, bao giờ cũng nói chuyện thời sự, mà không phải thời sự Canada mà toàn thời sự Hoa Kỳ, toàn chuyện Vua Trump sẽ chiến thắng và chuyện Ngài Bí Đen sẽ thua. Nghe hoài nên ai cũng ngấy, nên thường chuyển sang chuyện khác vui hơn. Tuần qua chuyện vui là chuyện mánh lới của mấy quan CSVN tham nhũng. Gần đây ở VN có hiện tượng các thành phố đua nhau xây đài, hết đài bác Hồ rồi đến đài chiến sĩ. Đây là cách các cán bộ CSVN thường dùng để ăn cắp tiền bỏ túi dễ nhất, vì xưa nay không hề có ai dám mở miệng chống việc xây đài. Anh mà chống tức là anh không yêu Bác, không yêu đảng. Nếu việc xây chỉ tốn một tỷ thì bao giờ dự án cũng sẽ là 3 tỷ, 2 tỷ còn lại là chạy vào túi các quan, xây cất mà, rõ ràng các quan vừa xây đài vừa cất tiền vào túi. À, lại còn chuyện buồn cười này nữa: Các cụ có quan sát việc các quan VC đọc diễn văn không? Buồn cười lắm các cụ ạ. Quan CSVN vừa đọc xong thì quan ấy tự vỗ tay. Xưa nay tôi chưa từng thấy có diễn giả ở nước nào mà nói xong rồi tự mình vỗ tay ngay như vậy.

Chị Ba Biên Hòa lên tiếng hỏi: Vậy chả lẽ những người theo CS đều đáng chê đáng ghét hết sao? Ông ODP lên tiếng đáp: Tôi không biết nhiều nhưng những nhân vật đã theo CS ban đầu mà cuối đời tỉnh ngộ thì tôi thấy có nhà thơ Nguyễn Bính và nhạc sĩ Tô Hải. Nguyễn Bính với bài thơ ‘Lỡ Bước Sang Ngang’ nổi tiếng ai cũng biết, hai tiếng Lỡ Bước này hình như nó ám ảnh và chi phối cả đời ông

… Năm ấy sang sông lỡ chuyến đò

Đò đầy, sông lớn, nước sông to

Mười hai bến nước, xa lăng lắc

Lầm tự ngày xưa, lỡ đến giờ…

Nguyễn Bính chỉ thọ có 48 tuổi. Bạn với ông thời đó là nhạc sĩ Tô Hải. Hai người giao tiếp với nhau thường xuyên. Ban đầu Tô Hải viết bài Nụ Cười Sơn Cước, sáng tác trong rừng Việt Bắc trước 1945, nổi tiếng ngang với những bài nổi tiếng lúc bấy giờ, như bài Suối Mơ, Thiên Thai, Đêm Đông. Những dòng nhạc này không hề mang tính chất CS. Sau một thời gian dài sống với CS, Tô Hải vỡ mộng, Tô Hải phản tỉnh, thấy mình theo CS là lầm đường, thấy mình chỉ vì để sống sót mà đã ca ngợi đảng, đã viết những gì mình không nghĩ và không tin. Cuối đời ông không còn sợ CS nữa. Ông đã viết cuốn ‘Hồi Ký Của Một Thằng Hèn’, tư nhận mình là một thằng hèn. Ông đã gửi bản thảo cuốn này sang Hoa Kỳ, và tập hồi ký này đã được Nhà Xuất Bản Tiếng Quê Hương ở Virginia in năm 2009. Các nhà sách lớn đều có bán cuốn này. Hiện nay du sinh từ VN sang Mỹ học rất đông. Nhiều em còn rất thơ ngây vì đã bị CSVN bịt mắt. Cụ nào có dịp xin mách cho các em tìm đọc cuốn này nha.

Cụ B.95 nghe chuyện VC thì bao giờ cũng nhức đầu và lên tiếng xin thôi. Hôm nay cụ chưa kịp lên tiếng thì phe các bà đang nấu ăn trong bếp cười rú lên, phe các nhà quân tử chúng tôi tưởng là phe các bà cười chuyện cán bộ diễn thuyết xong rồi tự vỗ tay, nhưng không phải. Ông H.O. chạy xuống bếp điều tra việc cười rộ này, và ông chạy lên bá cáo: các bà cười chuyện khác chứ không phải chuyện diễn giả VC tự vỗ tay. Ông bảo phe các bà phá ra cười khi bàn về mùa bầu cử đang diễn ra bên Mỹ. Chị Ba Biên Hòa kể rằng trong sở chị làm có một ông Nhật Bản. Bữa đó giờ ăn trưa ai cũng nói tới cuộc election bên Mỹ, cứ 4 năm thì dân Mỹ có election một lần. Người Nhật xưa nay thường phát âm chữ R lẫn với chữ L, nên ông Nhật rất ngạc nhiên nên nói: lạ nhỉ, sao người Mỹ yếu thế, những 4 năm cơ à, chứ người Nhật chúng tôi có hằng đêm mà…

Cụ Chánh tiên chỉ làng có cười hà hà về chuyện này nhưng sợ các chuyện sẽ đi về hướng phát âm của người Nhật, election với erection, nên cụ tự động mở đài truyền hình. Các cụ có biết cụ Chánh của chúng tôi xem đài gì không? Thưa đài đấu võ boxing. Cụ bảo mỗi khi bị thần kinh căng thẳng thì cụ mở đài này để xem Mike Tyson và Bruce Lee đấu võ. Ôi hai cái anh Mỹ đa đen và da vàng này tài nghệ thật là siêu đẳng. Đa số các đối thủ đều là vô địch quốc tế, to lớn kềnh càng, thế mà hai cái anh võ sĩ da màu này đã hạ đo ván nhiều đối thủ, Ôi những cú đấm, cú đá sao mà sấm sét làm vậy. Thế là cả làng bị cụ Chánh bỏ bùa, môn boxing này đã thu hút cả làng, không phải một trận mà rất nhiều trận đấu liên tục. Sướng con mắt quá các cụ ơi.

Rồi cả làng được mấy cô Huế đãi món bún bò Huế. Sao mà ngon thế. Đêm đó về nhà ai cũng ngủ rất ngon.

Và chỉ một tuần sau, cả làng lại nhớ nhau quá. Chúng tôi tụ họp nữa, lần này tại nhà cụ Chánh. Cụ giao hẹn ngay từ đầu: bữa nay không ai được nói chuyện thời sự, mà chỉ được nói về những chuyện vui mà thôi. Xin vâng lời ngay. Chúng tôi đã nói bao nhiêu chuyện cười và đặc biệt đã xem lại hình ảnh chuyến đi chơi Alaska năm ngoái trước lúc có nạn dịch. Hình như tôi chưa kể hầu các cụ chuyện này. Vậy bữa nay xin kể lại, coi như mời các cụ cùng chúng tôi đi thăm Alaska, tiểu bang thứ 49 của Hoa Kỳ, sát ngay biên giới Canada nha.

Chúng tôi tới Alaska bằng máy bay. Có tới tận nơi mới thấy cái vĩ đại của tiểu bang thứ 49 này, diện tích bằng 1/5 nước Mỹ, nó lớn hơn nước VN của chúng ta những 5 lần. Alaska có 3.000 con sông và hơn 3 triệu cái hồ lớn nhỏ. Alaska là tiếng Da Đỏ có nghĩa là miền đất vĩ đại. Nơi miền Barrow cực bắc, mỗi năm mặt trời mọc cả ngày cả đêm trong 4 tháng, và 2 tháng mặt trờ ngủ, nghĩa là ta không thấy mặt trời.

Xưa Alaska thuộc Nga. Người Nga tới đây bẫy thú và săn bắn, xây các đồn lũy và các thương điếm. Rồi về sau người Mỹ cũng đến, và Nga Mỹ đã tranh chấp với nhau. Cuối cùng thì năm 1867 Nga đã bán Alaska cho Mỹ với giá 7 triệu đô la, tính ra mỗi mẫu đất giá chỉ có 2 xu. Rồi sau đó Mỹ và Canada cũng tranh chấp với nhau về biên giới. Có một điều đáng ngạc nhiên là thủ đô của Alaska mang tên một người Canada, đó là ông Joseph Juneau, người đầu tiên tìm thấy vàng ở đây. Nhờ ông mà hàng hàng lớp lớp người đã đổ xô lên đây tìm vàng.

Nơi đầu tiên hãng du lịch đưa làng tôi tới là miền Anchorage, thủ đô kinh tế và kỹ nghệ của Alaska. Chúng tôi tới thăm trung tâm người Da Đỏ. Nét mặt của họ giống y như nét mặt người Da Đỏ ở Canada. Họ cũng đội mũ lông chim, cũng đánh trống tùng tùng, cũng vừa ca hát vừa nhảy múa, giống y như hình ảnh trên trống đồng VN. Ông bồ chữ ODP bảo: rõ rang dân Da Đỏ có gốc VN. Theo các nhà nhân chủng học thì người Da Đỏ đã từ Á Châu theo eo biển Bering mà tới đây. Bering ngày xưa nối liền Siberia với Alaska, lúc đó nước biển chưa lấn vào. Bering là tên nhà thám hiểm Vitus Bering đã tới đây năm 1741.

Bering nổi tiếng vì là một con đường di dân lịch sử, nó còn nổi tiếng về cua biển. Cua Bering ngon có tiếng, nhưng trên thị trường thì họ quảng cáo là cua Alaska. Chúng tôi vào chợ và thấy những gian hàng bán cua Bering rất lớn. Chị Ba Biên Hòa đố chúng tôi con cua nào là con đực, cua nào là con cái. Cả làng chịu hết. Chị cười hi hi rồi bảo cái này quá dễ mà. Ta cứ lật ngược con cua lên, con nào mà cái yếm có hình như cái bút, đó là con đực, con nào cái yếm có hình tròn tròn thì đó là con cái. Chị nói với tấm lòng trong trắng, cụ nào nghĩ bậy thì có tội đấy nha.

Cua Alaska này mà làm món xúp nấu với bắp non thì ngon không chịu được. Rồi mấy ngày kế tiếp chúng tôi đi thăm thủ đô Juneau, rồi thị trấn Ketchikan, thủ đô cá hồi của thế giới, Ở đây người ta nuôi cá từ khi nó còn là một cái trứng, nuôi trong nước ngọt. Khi cá lớn thì được đem qua hồ nước mặn. Cứ thế cá lớn lên, sau 18 tháng thì cá lớn và nặng tới 10 ký lô. Ngoài cá hồi, ở đây còn có loại cá Tuna mà ta gọi là cá Ngừ, có loại cá Cod mà ta gọi là cá Thu. Chúng sống gần đáy biển Alaska nên có hương vị rất thơm, và dĩ nhiên là tinh khiết vô cùng…

Và những ngày cuối cùng hãng du lịch đưa chúng tôi lên một cái tàu rất lớn để đi xem mấy thành phố phía nam. Ôi cái tàu nó to như cái núi, mỗi người một phòng, cửa sổ quay ra biển. Trên tàu có đủ mọi thứ. Tôi là dân mê ăn nên thích nhất cái nhà hàng mang tên ‘ Buffet Restaurant’. Nó mở cửa 24/24. Ăn uống đủ thứ và thoải mái qúa sức. Có hôm có cả món cơm chiên lối Tàu. Cụ B.95 hỏi anh John chữ buffet nghĩa là gì. Anh này lây cái máu tiếu lâm của các nhà quân tử chúng tôi nên khi được cụ hỏi, anh liền cười ha ha rồi nói: Đây là chữ tiếng VN đấy cụ ạ, Buffet bởi chữ ‘phủ phê’ mà ra, ăn phủ phê là muốn ăn bao nhiêu cũng được. Trên tàu còn 3 nhà hàng khác nữa, nhưng họ có thực đơn chi tiết và khi tới ăn phải bận quần áo sang trọng, không thoải mái như loại nhà hàng phủ phê này.

Và làng tôi đã sống sung sướng như thế trên tàu gần một tuần lễ, Suốt ngày cơm gà cá gỏi, suốt ngày cơm bưng nước rót, cái gì cũng có người hầu hạ. Sáng dậy, mở mắt ra là đã tụm năm tụm ba, cười nói hể hả suốt ngày, khi phòng ăn, khi rạp hát, khi boong tàu. Một hôm nhân bữa ăn có món khoai chiên, bồ chữ ODP mới đố cả làng tiếng Hán gọi món khoai tây là gì. Cả làng chịu. Cụ Chánh tiên chỉ làng tinh thông hán văn mà cũng không biết. Ông bồ chữ liền giảng: tên nó là Mã Linh Thự. Sở dĩ tôi nhớ cái tên này là bởi Cụ Phan Khôi mà ra. Thời thập niên 1950, cụ Phan Khôi đã chơi các quan cai thầu văn nghệ của VC ngoài Bắc một màn đẹp mắt vô cùng. Thời đó là thời chống Tây rất cao nên có lệnh rằng bao nhiêu tiếng có chữ ‘Tây’ là phải bỏ đi và phải dùng những tiếng khác thay thế, ví dụ thuốc tây thì phải gọi là thuốc u Mỹ, đường tây thì phải gọi là đường trắng…Lần đó các quan nhờ cụ dịch một tài liệu về thực phẩm trong đó có chữ ‘pomme de terre’. Cụ Phan Khôi đã dịch là ‘ khoai nhạc ngựa’. Các quan cai thầu chê Cụ Phan Khôi là lẩm cẩm, sao không dịch là khoai tây cho dễ hiểu. Cụ Phan Khôi bèn cười rồi trả lời: Lâu nay cái gì động tới chữ ‘tây’ là phải đổi, do đó tôi không dám dịch pomme de terre là khoai tây. Vì hiện nay ta đang ở dưới sự lãnh đạo của Trung Quốc, cái gì ta cũng lấy Trung Quốc làm hải đăng. Tôi thấy tự điển Trung quốc dịch pomme de terre là ‘ mã linh thự ‘, mà mã linh thự nghĩa là cái nhạc đeo ở cổ con ngựa, do đó tôi dùng chữ ‘ khoai nhạc ngựa’là thế.

Các quan VC cai thầu văn nghệ đã cúi mặt, nín khe và dấu nhẹm chuyện này.

Làng tôi nghe xong đều vỗ tay ca ngợi sự thông thái của bồ chữ ODP. Riêng bà cụ B.95 thì tuy có vỗ tay chung với cả làng, nhưng mắt vẫn đăm đăm nhìn anh John thần tượng của Cụ. Mấy cô Huế thấy như vậy nên lên tiếng hỏi: Cụ ơi hôm nay chưa thấy Cụ nói gì với anh John hết, xin cụ lên tiếng đi. Được lời như mở tấm lòng, cụ nói ngay: Tôi thấy anh John nói được cả tiếng Bắc, cả tiếng Trung, vậy này anh John, anh tự xưng anh là người Việt nhưng là người miền nào? Anh John đáp ngay: Vợ cháu là người Nam nên cháu là người Nam ạ. Cả làng lại vỗ tay, mặt chị Ba Biên Hòa lại đỏ lên vì sung sướng. Cụ B.95 nói tiếp. Nếu là người Nam thì anh phải biết ca vọng cổ. Anh thử ca một câu coi. Anh John nghĩ một lúc rồi cười sung sướng: Cháu xin ca một câu trong tuồng Lan và Điệp nổi tiếng, và anh ca ngay thế này:

…Em Lan ơi, đời em như đóa hoa hồng thắm,

thân em như tấm lụa Giang Châu,

nhưng em ơi,

tại sao em phải …đọa… à …đầy.

Anh John vừa xuống giọng xề một cái thì cả làng tôi vỗ tay và la hét muốn xập nhà luôn.

Làng tôi vui quá, phải không cơ?

TRÀ LŨ
 
Nỗi lo mùa khai trường
Jos. Hoàng Mạnh Hùng
18:39 01/09/2020
NỖI LO MÙA KHAI TRƯỜNG

Ở Việt Nam, năm nào cũng thế, cứ sắp vào đầu năm học mới. Khi các em học sinh háo hức với niềm vui được cắp sách đến trường gặp lại bạn bè, thầy cô. Nhiều bậc phụ huynh lại không giấu được sự lo lắng, đứng ngồi không yên bởi chưa biết lấy đâu ra tiền để sắm sửa quần áo, sách vở, dụng cụ học tập và nhiều khoản đóng góp đầu năm cho con em mình.

Năm nay tình hình kinh tế càng bi đát hơn vì dịch bệnh Covid – 19 hoành hành trên toàn thế giới khiến sản xuất trì trệ, nạn thất nghiệp gia tăng, vật giá leo thang … như một cái vòng lẩn quẩn càng ngày càng xiết lại khiến cho con người càng thêm lo lắng.

Đối với các gia đình khá giả, khoản tiền này có thể “nhỏ như con thỏ” nhưng lại là vấn đề làm đau đầu những phụ huynh có thu nhập thấp, nhất là những công nhân bị mất việc, người làm thuê làm mướn. Hằng ngày, họ phải đầu tắt mặt tối mới tạm đủ sống, tiền kiếm được thì quá ít, trong khi bảng kê các khoản chi phí thì lại quá nhiều...

Thật ra thì nỗi lo không chỉ xuất hiện trong mùa tựu trường, lễ tết …. Cuộc sống của con người kể từ ngày bị đuổi ra khỏi vườn địa đàng là một chuỗi dài những lo lắng. Bất kỳ lứa tuổi nào, nơi nào, thời điểm nào, chúng ta cũng có những nỗi lo lắng riêng của mình. Vậy chúng ta sẽ phản ứng ra sao, chúng ta sẽ thích nghi thế nào khi phải đối diện với những lo lắng ấy?

Trong bài giảng trên núi, Chúa Giê-su cũng đề cập đến sự lo lắng và đưa ra những lời giáo huấn chí tình. Một trong số những giáo huấn đó là: “Đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy.” (x.Mt 6, 25-34). Đừng lo âu thái quá tìm kiếm của ăn, cái mặc vì “Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó”.

Có bao giờ chúng ta bớt chút thời giờ, thưởng thức cảnh bình minh đang lên với lũ chim sẻ ríu rít đón chào ngày mới. Ngẫm xem chúng không gieo không gặt, không thu tích vào kho mà Thiên Chúa vẫn luôn quan tâm săn sóc, cho của ăn để cho chúng có thể tồn tại.

Hoặc giả như có dịp chúng ta một mình ngoài đồng nội trong cảnh hoàng hôn tĩnh mịch. Nghe tiếng gió reo, chiêm ngắm những bông hoa tự mọc lên, không cần ươm tơ kéo sợi mà vẫn được Cha trên trời khoác cho tấm áo đẹp lộng lẫy hơn áo bào vinh hoa tột bậc của vua Salomon.

Chim trời không có giá trị bao nhiêu, bông hoa ngoài đồng nay còn mai mất mà Thiên Chúa còn nuôi ăn, ban cho mặc đẹp. Con người là con cái Thiên Chúa chả lẽ lại không được Ngài quan tâm chăm sóc đặc biệt hơn những thứ phù vân đó?

Có ai trong chúng ta, nhờ lo lắng, mà “kéo dài đời mình thêm được dù chỉ một gang tay? ” Hơn nữa, dù ta có lo lắng bao nhiêu đi nữa cũng vô ích, vì mọi sự đều do ơn Chúa ban như lời thánh Phao-lô: “Tôi trồng, anh A-pô-lô tưới, nhưng Thiên Chúa mới làm cho lớn lên” (1Cr 3, 6).

Những lo lắng của chúng ta là những cái lo trước mắt để kiếm thêm thu nhập, còn cái lo của Thiên Chúa là con người không quan tâm những điều nằm trong thánh ý của Ngài. Những điều cần cho thân xác như của ăn, áo mặc không đáng giá mảy may nào trước sự tín thác vào tình thương quan phòng của Thiên Chúa.

Tín thác không đồng nghĩa với thái độ thụ động, ỷ nại phó mặc cho Chúa định liệu mọi sự, còn mình thì nằm hưởng nhàn chờ “sung rụng”. Tín thác là an tâm làm việc để kiếm tiền nuôi thân với niềm tin Chúa sẽ ban cho đủ lương thực hằng ngày như lời cầu trong Kinh Lạy Cha: “Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hàng ngày” (Mt 6, 11).

Tín thác vào Chúa quan phòng cũng đồng nghĩa với việc sẵn sàng nhìn nhận những sai lầm, thiếu sót của mình để tu sửa. Khoan dung, chân thành góp ý hướng dẫn trước những khuyết điểm của người dưới. Chấp nhận các sự thất bại như cơ hội giúp mình thêm kinh nghiệm để làm tốt hơn trong tương lai.

Người không nhận biết Thiên Chúa và không tin có đời sau chỉ lo tìm kiếm hạnh phúc vật chất cho đời tạm này. Người Ki-tô hữu chúng ta tin vào Chúa nên đừng lo tìm kiếm những giá trị tương đối mà hãy lo tìm những giá trị vĩnh củu. Đó là ưu tiên làm sáng danh Thiên Chúa như Chúa Giê-su đã dạy cầu nguyện trong Kinh Lạy Cha: danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.

Mỗi tối, hãy dâng lên Thiên Chúa những lời cảm tạ vì những ơn lành Chúa đã ban và phó thác nơi Người những nỗi lo âu, vất vả trong cuộc sống. Hãy tín thác đời mình vào bàn tay Chúa quan phòng và thư thái nghỉ ngơi trong Trái Tim Chúa thay vì nằm vắt tay lên trán trằn trọc suy nghĩ lo lắng thái quá.

Thử nghĩ xem, nếu đêm nay, thần chết đến gọi ta, liệu ta có thể nói với hắn rằng: “Hãy khoan, để tôi lo kiếm thêm ít của ăn cái mặc, để tôi lo kiếm thêm một ít tiền, để tôi lo …” được không? Vì vậy hãy “quẳng gánh lo đi” để sống ung dung trong từng giây phút hiện tại. Bình tâm chu toàn các việc bổn phận với lòng mến Chúa yêu người, và tín thác cậy trông vào tình thương quan phòng của Thiên Chúa.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Bạn Thân
Tấn Đạt
09:20 01/09/2020
BẠN THÂN
Ảnh của Tấn Đạt

Cùng chơi cùng học có đôi
Chơi bi, đánh đáo, cùng ngồi lưng trâu
(bt)
 
VietCatholic TV
Nữ ca sĩ Bette Midler phải xin lỗi vì đã chế nhạo tiếng Anh của bà Melania Trump
Giáo Hội Năm Châu
05:10 01/09/2020


Nữ ca sĩ kiêm diễn viên Bette Midler đã phải xin lỗi vì một loạt các dòng tweet trong đó cô ta xúc phạm tiếng Anh có giọng Slovenia của bà Melania Trump.

Bette Midler đã liên tục viết những dòng tweet chế giễu trong khi bài phát biểu của đệ nhất phu nhân Mỹ tại Hội nghị Quốc gia Đảng Cộng hòa đang được phát trực tuyến vào tối thứ Ba. Một trong các tweet này viết.

“Ôi Chúa ơi. Bà ta vẫn chưa thể nói được tiếng Anh.”

Đó là chưa kể hàng chục tweet khác chê bai nặng mùi phân biệt chủng tộc.

Bette Midler đã gặp phải rắc rối to vì diễn từ của bà Melania Trump đã gây sửng sốt cho người dân Hoa Kỳ. Bà Trump đã không dùng cơ hội này để tấn công phía bên đảng Dân Chủ. Trái lại, bà đã dùng cơ hội này để đề cập đến những đau khổ nhân sinh, kêu gọi sự cảm thông, hiệp nhất và lòng nhân ái.

Vì thế, các tweets của Bette đã vấp phải những chống đối gay gắt của những người ủng hộ Tổng thống Trump và cả những người khách quan không thiên về bên nào.

Sau khi hứng chịu tới tấp với tần suất hàng ngàn những tweets trong một giờ chỉ trích cô ta là người phân biệt chủng tộc, vô giáo dục và đe dọa tẩy chay, hôm thứ Tư, cô thừa nhận rằng cô đã sai khi chế nhạo đệ nhất phu nhân.

“Chà, tất cả đã tan vỡ vì đêm qua tôi đã nói Melania‘ vẫn chưa thể nói tiếng Anh ’. Tôi đã sai khi chế nhạo giọng của cô ấy. Nước Mỹ được tạo nên từ những người nói với đủ loại giọng, và tất cả họ luôn được chào đón, “cô ấy tweet.

Một số nhà phê bình lưu ý Bette rằng bà Melania Trump nói năm thứ tiếng - tiếng Slovenia, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Ý và tiếng Đức và thách thức Bette nói được một thứ tiếng nào khác ngoài tiếng Anh.


Source:New York Post
 
Washington Examiner: Joe Biden từng làm mọi cách ngăn không cho người Việt tị nạn được vào Mỹ
Giáo Hội Năm Châu
16:09 01/09/2020


Biden khét tiếng là người hay thay đổi lập trường. Trước đây, ông ta đã ủng hộ Tu chính án Hyde, bằng cách bỏ phiếu tán thành và công khai viết ra trong tác phẩm của mình và trong các bài phát biểu, trong suốt hơn bốn thập kỷ. Nhưng ông ta đã đảo ngược quan điểm của mình vào tháng 6 năm 2019, chỉ một ngày sau khi tái khẳng định sự ủng hộ của mình đối với Tu chính án Hyde. Chính bà Harris đã nhanh chóng chỉ ra điều này trong các cuộc tranh luận nhằm tranh quyền được đề cử ứng viên tổng thống của đảng Dân Chủ.

Phóng viên Jerry Dunleavy của tờ Washington Examiner, chỉ ra thêm một ví dụ khác về thói thay đổi lập trường như chong chóng của ông Joe Biden. Bài viết này có liên hệ đến người tị nạn Việt Nam nên xin được dịch toàn bộ để rộng đường dư luận.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.


“The US has no obligation”: Biden fought to keep Vietnamese refugees out of the US

Jerry Dunleavy

Washington Examiner


“Mỹ không có nghĩa vụ”: Biden đã đấu tranh để ngăn không cho người Việt tị nạn được vào Mỹ


Joe Biden, ứng viên tổng thống hàng đầu của đảng Dân chủ vào 2020 và là người ủng hộ việc nhập cư quy mô lớn, đã từng cố gắng ngăn chặn cuộc di tản của hàng chục ngàn người tị nạn miền Nam Việt Nam, là những người đã giúp đỡ Hoa Kỳ trong Chiến tranh Việt Nam.

Trong tư cách là một thượng nghị sĩ, và sau này là phó tổng thống, ông Joe Biden hiện 76 tuổi [vào thời điểm 2019], đã nhất mực cho rằng Hoa Kỳ “không có nghĩa vụ, đạo đức hay bất cứ khía cạnh nào khác, phải sơ tán công dân nước ngoài, ” trong khi bác bỏ những lo lắng về sự an toàn của họ khi Quân đội Bắc Việt và Việt Cộng đang tràn về phía nam hướng về Sài Gòn vào năm 1975.

Quan điểm của ông lúc đó hoàn toàn trái ngược với quan điểm của ông hiện nay, gần 30 năm sau, đối với các thông dịch viên người Iraq và Afghanistan, là những người đã từng làm việc với các lực lượng Hoa Kỳ. “Chúng ta nợ những người này, ” cố vấn chính sách đối ngoại hàng đầu của ông lúc đó là Tony Blinken đã nói như trên vào năm 2012. “Chúng ta mắc nợ những người này. Họ liều mạng sống của mình cho Hoa Kỳ.”

Biden đã nói vào năm 2015 rằng việc ngăn cản người tị nạn Syria vào Mỹ sẽ là một chiến thắng cho bọn khủng bố Hồi Giáo IS và đã tweet vào năm 2017 rằng “chúng ta phải bảo vệ, hỗ trợ và chào đón những người tị nạn” để duy trì lời hứa của Mỹ.

Khi miền Nam Việt Nam sụp đổ vào cuối Chiến tranh Việt Nam, tức là vào mùa xuân năm 1975, Tổng thống Gerald Ford và chính phủ Hoa Kỳ đã tiến hành di tản hàng nghìn gia đình Nam Việt Nam là những người đã hỗ trợ Hoa Kỳ trong suốt cuộc chiến. Tiếng nói hàng đầu trong Thượng viện phản đối nỗ lực giải cứu này khi đó là của Thượng nghị sĩ Joe Biden.

Hàng trăm ngàn đồng minh của Nam Việt Nam có nguy cơ bị Cộng sản truy kích, nhưng Biden nhấn mạnh rằng “Hoa Kỳ không có nghĩa vụ phải sơ tán dù một hay 100, 001 người dân Nam Việt Nam.”

Tháng 4 năm 1975, tổng thống Ford lập luận rằng, khi những người lính Mỹ cuối cùng đã rút khỏi Việt Nam, Mỹ cũng nên sơ tán những người miền Nam Việt Nam đã giúp đỡ Mỹ trong cuộc chiến tranh.

“Hoa Kỳ đã có một truyền thống lâu đời là mở cửa cho những người nhập cư của tất cả các nước... Và chúng ta đã luôn luôn là một quốc gia nhân đạo, ” tổng thống Ford nói. “Chúng tôi thấy rằng một số người miền Nam Việt Nam đã rất trung thành với Hoa Kỳ và xứng đáng có cơ hội được sống trong tự do.”

Nhưng Biden phản đối và đòi triệu tập một cuộc họp giữa tổng thống và Ủy ban Đối ngoại Thượng viện để ông ta lên tiếng phản đối yêu cầu tài trợ của tổng thống Ford cho những nỗ lực này. Ngoại trưởng Henry Kissinger, người chủ trì cuộc họp, nói với các thượng nghị sĩ rằng “tổng danh sách những người bị nguy hiểm đến tính mạng ở Việt Nam là hơn một triệu người” và “danh sách không thể giảm bớt hơn được nữa là 174, 000 người”.

Biden nói rằng các đồng minh của Hoa Kỳ không nên được giải cứu: “Chúng ta nên tập trung vào việc rút quân [quân đội Hoa Kỳ]. Đưa người Việt Nam ra ngoài và viện trợ quân sự cho Chính phủ Việt Nam [chính phủ Nam Việt Nam] là hai chuyện hoàn toàn khác nhau.”

Kissinger nói rằng có “những người Việt Nam mà chúng ta có nghĩa vụ đối với họ, ” nhưng Biden bác bỏ: “Tôi sẽ bỏ phiếu cho bất kỳ số tiền nào để rút người Mỹ ra. Tôi không muốn điều này lẫn lộn với việc đưa người Việt Nam ra ngoài.”

Tổng thống Ford rất khó chịu trước phản ứng của Biden, ông tin rằng việc không di tản những người miền Nam Việt Nam sẽ là một sự phản bội các giá trị của Mỹ: “Chúng ta đã từng mở cửa cho người Hung Gia Lợi … Truyền thống của chúng ta là chào đón những người bị áp bức. Tôi không nghĩ những người này phải bị phân biệt đối xử so với những người khác như người Hung Gia Lợi, người Cuba, người Do Thái từ Liên Sô.”

Với tỷ số 14 trên 3, Ủy ban Đối ngoại Thượng viện khuyến nghị rằng dự luật này nên được toàn thể Thượng viện thông qua. Biden là một trong ba thượng nghị sĩ trong ủy ban đã bỏ phiếu chống. Với tỷ số 46-17, các tham dự viên cuộc họp đã đề nghị rằng biên bản của cuộc họp cũng nên được chuyển giao cho Thượng viện. Biden lại bỏ phiếu chống lại điều này.

Sài Gòn thất thủ vào ngày 30 tháng 4 năm 1975, và hàng trăm ngàn người miền Nam Việt Nam không chạy thoát khỏi đất nước cuối cùng đã bị đưa vào các trại cải tạo, nơi họ thường xuyên bị ngược đãi, tra tấn hoặc bị giết hại.

Julia Taft, người đứng đầu Lực lượng Đặc nhiệm Liên Cơ Quan của Hoa Kỳ về Tái định cư Người tị nạn Đông Dương năm 1975, nói với NPR vào năm 2007 rằng những người tị nạn đáng lẽ phải được giúp đỡ. “Ý tôi là, họ đã làm việc với chúng ta, ” cô nói. “Họ đã từng là các thông dịch viên. Họ đã từng là các nhân viên. Họ là một phần của quân đội Nam Việt Nam, là đồng minh, và chỉ là nạn nhân chung của toàn bộ sự hỗn loạn.”

Bất chấp sự phản đối từ Biden và các đảng viên Dân chủ hàng đầu khác vào thời điểm đó, quân đội Hoa Kỳ đã sơ tán hơn 130, 000 người tị nạn Việt Nam ngay sau khi miền Nam Việt Nam sụp đổ, và hàng trăm ngàn người khác đã được tái định cư tại Hoa Kỳ trong những năm tiếp theo.

Một trong những người tị nạn đó là Quang Phạm, người đã viết cuốn tự truyện năm 2010, “A Sense of Duty: Our Journey from Vietnam to America” – “Một Ý Thức Về Nghĩa Vụ: Cuộc Hành Trình Của Chúng Tôi Từ Việt Nam Sang Mỹ”, kể về cuộc vượt ngục sang Mỹ năm 1975 ở tuổi lên 10 cùng mẹ và ba chị em gái, 11 tuổi, 6, và 2 tuổi. Cha anh, một quân nhân trong quân đội miền Nam Việt Nam, đã không thoát được ra ngoài cùng với họ và đã phải trải qua hơn một thập kỷ lao tù trong các trại cải tạo trước khi đến được Hoa Kỳ vào năm 1992.

Phát biểu với Washington Examiner, Phạm ca ngợi tổng thống Ford đã cứu những người tị nạn Việt Nam như gia đình của anh và chỉ trích các đảng viên Dân chủ như Biden vì đã cố gắng ngăn cản họ. Anh nói: “Khi đó chúng tôi cần giúp đỡ, tôi nhớ ai đã giúp chúng tôi - và ai không.”

Phạm, lớn lên ở Hoa Kỳ, gia nhập Thủy quân lục chiến và phục vụ trong Chiến tranh Vùng Vịnh lần thứ nhất, cho biết, “ Những người tị nạn Việt Nam từ năm 1975 đã nhận được rất nhiều sự trợ giúp từ những người Mỹ sống gần các trại tị nạn và từ các cựu chiến binh đã tham chiến tại Việt Nam, những người cảm thấy họ có nghĩa vụ giúp chúng tôi. Và tôi biết ơn vì điều đó.”

“Khi bạn nhìn vào những người ủng hộ lớn nhất cho người tị nạn Việt Nam, đó chắc chắn không phải là Thượng nghị sĩ Biden, ” Phạm nói. “Những người mong muốn chúng tôi không nhất thiết phải là những người anh trông cậy được - sự cởi mở không đến từ các đảng viên Đảng Dân chủ.”

Đề cập đến Biden, Phạm nói, “Anh phải nhìn vào chính sách đối ngoại và lòng nhân đạo. Cuộc khủng hoảng người tị nạn ở Việt Nam là một vấn đề lớn vào năm 1975. Ngay cả khi bạn phản đối chiến tranh, tại sao bạn không ủng hộ người tị nạn? Tại sao bạn không hỗ trợ các gia đình và phụ nữ và trẻ em đang cố gắng trốn thoát? ”

“Nếu chúng ta tham gia vào các cuộc chiến tranh, sẽ có người tị nạn... Vì vậy, chúng ta cần suy nghĩ về nghĩa vụ đạo đức của chúng ta đối với những người không phải là người Mỹ, đặc biệt là đối với các đồng minh của chúng ta, ” Phạm nói.

Khi được hỏi liệu anh có nghĩ là công bằng khi đánh giá Biden dựa trên những hành động của ông ta mãi tận năm 1975 hay không, Phạm trả lời: “Là một ứng cử viên Tổng thống, đó là một phần trong hồ sơ của ông ta, giống như mọi thứ khác.”


Source:Washington Examiner
 
Những dấu chỉ cho thấy kết quả của cuộc bầu cử tại Hoa Kỳ sẽ ra sao?
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
17:24 01/09/2020


1. Số tiền ủng hộ chiến dịch tái tranh cử của Tổng thống Trump đã vượt qua số tiền đóng góp cho ông Joe Biden

Một quan chức cấp cao của chiến dịch tranh cử của Trump nói với Fox News rằng chiến dịch tái tranh cử của đảng Cộng Hòa đã thu được 76 triệu Mỹ Kim từ khi bắt đầu Hội nghị Quốc gia của Đảng Cộng hòa vào thứ Hai cho đến bài phát hiểu chấp nhận đề cử chính thức của Tổng thống Trump vào tối thứ Năm.

Như thế, số tiền quyên góp được trong chiến dịch tranh cử của tổng thống Trump đã vượt quá số tiền Biden-Haris thu được.

Tuần trước, ứng cử viên tranh cử tổng thống của đảng Dân chủ Joe Biden đã thông báo rằng Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ và các ủy ban gây quỹ chung của họ đã gây quỹ được 70 triệu Mỹ Kim trong 4 ngày diễn ra đại hội đảng Dân chủ. Chiến dịch Biden đã tổ chức nhiều sự kiện gây quỹ ở cấp cơ sở và trung ương trong suốt tuần. Số tiền này bao gồm con số 48 triệu Mỹ Kim đóng góp từ các tổ chức phá thai sau khi ông Joe Biden công bố chọn bà Kamala Harris đứng liên danh với mình.

Trong khi đó, Đại hội toàn quốc của đảng Cộng hòa đã mang lại tổng cộng 147.9 triệu lượt xem trên truyền hình và trực tuyến từ thứ Hai đến cuối chương trình tối thứ Năm, theo một quan chức cấp cao của chiến dịch.

Hội nghị Quốc gia của Đảng Dân Chủ, như Fox News đã báo cáo trước đây, có tổng cộng 122 triệu người xem qua truyền hình và trực tuyến.

Giám đốc truyền thông chiến dịch tranh cử của Trump, Tim Murtaugh, nói với Fox News hôm thứ Sáu: “Với việc gây quỹ khổng lồ và lượng người xem kỷ lục, cho thấy hội nghị tái đề cử Tổng thống Trump là một thành công lớn, vượt quá các tiêu chuẩn dự kiến”.

Ông tiếp tục: “Sự nhiệt tình dành cho Tổng thống Trump là điều mà Joe Biden mơ ước.”

Trong khi đó, Chủ tịch Hội nghị Quốc gia của Đảng Cộng hòa Ronna McDaniel đưa ra các con số, nói với Fox News rằng đảng Cộng Hòa tuần này “có thể bỏ qua sự ồn ào của phương tiện truyền thông chính mạch và kể cho cử tri những câu chuyện thực tế từ những người Mỹ thực sự, những người đã được nâng đỡ bởi các chính sách của Tổng thống Trump và điều này rõ ràng đã gây được tiếng vang.”

McDaniel nói với Fox News: “Chưa bao giờ có sự tương phản rõ rệt giữa những gì đang bị đe dọa vào tháng 11 này đối với đất nước chúng ta. Câu chuyện vĩ đại của nước Mỹ mới chỉ bắt đầu dưới thời Tổng thống Trump, và người Mỹ biết rằng điều tốt nhất vẫn chưa đến.”

Các số liệu mới được đưa ra một ngày sau khi Tổng thống Trump chính thức chấp nhận sự đề cử của Đảng Cộng hòa, trong một bài phát biểu kéo dài hơn một giờ, nổi bật với một giọng điệu đầy hy vọng và đầy nhiệt huyết.

Tổng thống Trump đã kết thúc bài nói chuyện đầy hào hứng của mình với những lời này:

Trong bốn năm tới, chúng ta sẽ chứng minh mình xứng đáng với di sản tráng lệ này. Chúng ta sẽ đạt đến những tầm cao mới tuyệt đẹp. Và chúng ta sẽ cho thế giới thấy rằng, đối với nước Mỹ, không có giấc mơ nào nằm ngoài tầm với của chúng ta.

Cùng nhau, chúng ta không thể bị ngăn cản. Cùng nhau, chúng ta bất khả chiến bại. Bởi vì cùng nhau, chúng ta là CÔNG DÂN đáng tự hào của HOA KỲ. Và vào ngày 3 tháng 11, chúng ta sẽ làm cho nước Mỹ an toàn hơn, chúng ta sẽ làm cho nước Mỹ mạnh hơn, chúng ta sẽ làm cho nước Mỹ tự hào hơn, và chúng ta sẽ làm cho nước Mỹ trở nên vĩ đại hơn bao giờ hết!

2. Kamala Harris là một kẻ gian manh lớn của thời đại

James Morrow, bình luận viên của Sky News Australia, nói rằng quyết định của ông Joe Biden chọn Kamala Harris làm bạn tranh cử với mình là một điểm yếu của ông ta vì trong quá khứ Kamala từng gọi ông ta là người phân biệt chủng tộc và không đứng đắn với phụ nữ.

“Tôi nghĩ đó là một điểm yếu rất lớn vì bà ta gọi ông ấy là kẻ phân biệt chủng tộc, bà ta gọi ông ấy là kẻ tấn công tình dục, ” ông Morrow nói với người dẫn chương trình Sky News, Paul Murray.

“Bây giờ bà ấy lại đột ngột thay đổi quyết định, phủ nhận tất cả những gì mình nói trước đó.”

“Nhiều người Mỹ sẽ thấy Kamala Harris là một kẻ gian manh lớn của thời đại.”

Trước khi được chọn để tranh cử với Biden, Harris đã gây chú ý với rất nhiều các cuộc tấn công vào cựu phó tổng thống Biden trong các cuộc tranh luận. Harris đặc biệt chỉ trích sự ủng hộ trong thời gian dài của Biden đối với Tu chính án Hyde, là đạo luật ngăn chặn việc sử dụng quỹ liên bang để phá thai.

Biden đã ủng hộ Tu chính án Hyde, bằng cách bỏ phiếu tán thành và công khai viết ra trong tác phẩm của mình và trong các bài phát biểu, trong suốt hơn bốn thập kỷ. Nhưng ông ta đã đảo ngược quan điểm của mình vào tháng 6 năm 2019, chỉ một ngày sau khi tái khẳng định sự ủng hộ của mình đối với Tu chính án Hyde. Harris đã nhanh chóng chỉ ra điều này trong các cuộc tranh luận.

Bà Harris nói:

“Chỉ cho đến khi ông được chọn ra tranh cử tổng thống lần này, ông mới nói sẽ rút lại sự ủng hộ của mình và không đồng ý với quyết định chính ông đã đưa ra và theo đuổi trong nhiều, rất nhiều năm làm ảnh hưởng trực tiếp đến rất nhiều phụ nữ ở đất nước của chúng ta.”

Không những không tiếc lời mạt sát công khai ông Joe Biden, bà Harris đã làm mọi cách để ông Joe Biden không được đảng Dân Chủ chọn làm ứng viên tổng thống. Tháng Tư năm ngoái trên các phương tiện truyền thông rộ lên tin ông Joe Biden bị một số phụ nữ đã cáo buộc có hành vi sai trái tình dục trong thời gian ông ở Thượng viện và trong thời gian ông là phó tổng thống. Bất kể bản thân ông Biden phủ nhận việc từng có hành động “không thích hợp” với phụ nữ, Harris tuyên bố rằng bà tin rằng những phụ nữ đã cáo buộc ông Biden và thúc giục đảng Dân Chủ chọn người khác.

Bà nói:

“Tôi tin họ và tôi tôn trọng việc họ có thể kể câu chuyện của mình và can đảm làm điều đó, “ cô nói tại một sự kiện ở Nevada.


Source:Sky News Australia